Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 169, Chúa Nhật 22.04.2012


MỤC LỤC 

Việc Tôn Kính Ðức Nữ Trinh Trong Giáo Hội                                                                 Vatican 2

NHỮNG BÓNG MA TƯỞNG TƯỢNG                                                    TGM. Jos Ngô Quang Kiệt

EMMAUS, CON ĐƯỜNG HY VỌNG                                                Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

“SAO BÀ KHÓC ?”                                                                                     Lm. Vĩnh Sang, DCCT

LỄ ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG                                                             Trần Văn Trí

TRÁNH LÃNG PHÍ                                                                             Lm Jos.Tuấn Việt, O.Carm

Hành-trình vô-thần của Karl Marx khi còn thanh-niên ...(tiếp theo)            Gs. Trần Văn Toàn

Gía trị việc làm của Con Người trong Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội (1)       Tiến sĩ Ng Học Tập

Đừng quấy rầy tiếng ồn!                                                                   Lm. Minh Anh chuyển ngữ

MỘT MÔ HÌNH LINH MỤC CHO NGÀY HÔM NAY            Lm. Micae-Phaolô Tần Minh Huy, pss.

VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG VỚI SỨC KHỎE QUẦN CHÚNG                Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.

CON HEO TRONG NẾP SỐNG CỦA NGƯỜI BÌNH DÂN -                   Chuyện phiếm của Gã Siêu


Việc Tôn Kính Ðức Nữ Trinh Trong Giáo Hội

 

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội

Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chương VIII

Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa

Trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô

Và Giáo Hội (tiếp theo)

 

IV. Việc Tôn Kính Ðức Nữ Trinh Trong Giáo Hội 87*

 

66. Bản tính và nền tảng của việc tôn kính Ðức Mẹ. Nhờ hồng ân Thiên Chúa, Ðức Maria được tôn vinh, sau Chúa Con, vượt trên hết các thiên thần và loài người, vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô; do đó Ngài đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính. Thực vậy, từ những thời rất xa xưa, Ðức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa", và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Ngài trong mọi cơn gian nan khốn khó 21. Nhất là từ công đồng Ephêsô, Dân Thiên Chúa đã gia tăng lòng tôn kính Ðức Maria cách lạ lùng: họ sùng kính mến yêu, cầu khẩn và noi gương đúng như lời Ngài đã tiên báo: "Muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những việc trọng đại" (Lc 1,48-49). Sự tôn kính ấy, như vẫn luôn có trong Giáo Hội, tuy hoàn toàn đặc biệt, nhưng tự bản chất vẫn khác biệt với sự thờ phượng dâng lên Ngôi Lời nhập thể và lên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; việc tôn kính Ðức Maria khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo Hội đã chấp nhận nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa, trong giới hạn của giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo hoàn cảnh, thời gian và nơi chốn, hợp với tính khí cùng tinh thần của tín hữu; những hình thức ấy, qua việc tôn vinh Mẹ, cũng làm cho tín hữu nhận biết đúng đắn, yêu mến, làm vinh danh, và tuân giữ giới răn Chúa Con, vì Người mà muôn vật được tạo thành (x. Col 1,15-16) và nơi Người, Chúa Cha hằng hữu "muốn có đầy đủ mọi sự" (Col 1,19). 88*

67. Chiều hướng mục vụ. Thánh Công Ðồng cố ý dạy giáo lý công giáo ấy, đồng thời Giáo Hội cũng khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Ðức Nữ Trinh, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn ngài và đã được quyền Giáo Huấn Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ, cũng như hãy kính cẩn tuân giữ những quyết định của các thời đại trước liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô, Ðức Nữ Trinh và các Thánh 22. Công Ðồng cũng hết lòng khuyến khích các nhà thần học và những người rao giảng lời Chúa, khi xét đến phẩm chức phi thường của Mẹ Thiên Chúa, hãy cẩn thận tránh mọi tư tưởng phóng đại sai lầm cũng như mọi tư tưởng hẹp hòi quá đáng 23. Nhờ học hỏi Thánh Kinh, các Thánh Giáo Phụ, các tiến sĩ và học hỏi các phụng vụ trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của quyền Giáo Huấn, họ hãy làm sáng tỏ đúng mức những chức vụ và đặc ân của Ðức Trinh Nữ; những chức vụ và đặc ân này luôn qui hướng về Chúa Kitô, nguồn mạch toàn thể chân lý, thánh thiện và đạo đức. Họ phải cẩn thận tránh xa mọi lời nói hay việc làm có thể làm cho các anh em ly khai hay bất cứ ai khác hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo Hội. Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Ðức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta. 89*

 

V. Ðức Maria, Dấu Chỉ Lòng Cậy Trông Vững Vàng

Và Niềm An Ủi Cho Dân Chúa Ðang Lữ Hành 90*

 

68. Ðức Maria, dấu chỉ của Dân Thiên Chúa. Ngày nay Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. 2P 3,10), Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành. 91*

69. Ðức Maria chuyển cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Thánh Công Ðồng rất vui mừng và được an ủi khi thấy ngay giữa các anh em ly khai không thiếu những người dâng lên Mẹ Chúa Cứu Thế vinh dự Ngài đáng được, nhất là các anh em Ðông Phương, những người nhiệt thành và hết lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa trọn đời đồng trinh 24. Tất cả mọi Kitô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các Thần Thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các Thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia. 92*.

 

Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Hiến Chế tín lý này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

 

Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 21 tháng 11 năm 1964.

Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.

Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.

 


Chú Thích:

87* Các số 66-67: Phần III - Việc tôn kính Ðức Trinh Nữ trong Giáo Hội.

Phần này trực tiếp nói đến sự áp dụng giáo lý vào công việc giảng thuyết và tôn kính. Mối bận tâm mục vụ của Công Ðồng được biểu lộ rõ rệt. Công Ðồng muốn rằng, trong Giáo Hội, việc tôn kính và sùng mộ Ðức Maria phải chừng mực và chính đáng; không trễ nải vì những ngờ vực vô ích hay sợ sệt; không quá khai thác những tình cảm, tưởng tượng hoặc những điều thần học còn mơ hồ.

21 Xem Sách Nhật Tụng Roma, xướng khúc "Sub tuum..." ở kinh chiều I của Tiểu tụng Ðức Mẹ.

88* Số 66: Bản tính và nền tảng việc tôn kính Ðức Trinh Nữ.

Nền tảng việc tôn kính Ðức Maria là do việc Mẹ Thiên Chúa được gắn liền với mầu nhiệm cứu rỗi của Chúa Kitô. Vì Ðức Maria được dự phần vào mầu nhiệm này hơn bất cứ ai khác, nên Giáo Hội đặc biệt tôn kính Mẹ. Việc tôn kính - bản chất của việc sùng mộ - được gọi là đặc biệt (so sánh với việc tôn kính các Thánh), nhưng xét theo yếu tính thì hoàn toàn khác biệt với việc tôn thờ chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa. Tiêu chuẩn của việc tôn kính là phải phù hợp với giáo lý chính thống. Việc tôn kính chỉ có bảo đảm khi trung thành với ơn linh ứng riêng và phải hoàn toàn hướng về Con duy nhất mà trong Người, Chúa Cha tác thành mọi sự. Việc sùng mộ sẽ trở nên ảo tưởng nếu không đưa đến việc tuân giữ các giới răn Chúa. Giả thiết như thế rồi, cũng còn phải lưu ý đến những hình thức tôn kính khác nhau nhưng vẫn hợp pháp, do hoàn cảnh thời gian và nơi chốn tạo ra, hay do những tâm tình khác nhau của mỗi dân tộc. Vậy phải thận trọng nhưng đừng có đầu óc thiển cận. Việc tôn kính với cùng một hình thức như nhau sẽ trở nên nghèo nàn; phải để quyền cho công giáo tính.

22 CÐ Nicea II, năm 787: Mansi 13, 378-379 ; Dz 302 (600-601). CÐ Trentô, khóa 25: Mansi 33, 171-172.

23 Xem Piô XII, sứ điệp truyền thanh, 24-10-1954: AAS 46 (1954), trg 679. Tđ. Ad caeli Reginam, 11-10-1954: AAS (1954), trg 637.

89* Số 67: Tinh thần giảng thuyết và tôn kính Ðức Trinh Nữ.

Sau cùng, Công Ðồng ban bố một vài qui tắc mục vụ cho việc giảng thuyết và tôn kính Ðức Maria. Công Ðồng giới thiệu đặc biệt việc tôn kính có tính cách phụng vụ, nhưng cũng không quên những hình thức, những việc thực hành đạo đức không đi ngược với những nguyên tắc đã đề ra. Việc tôn kính theo phụng vụ được chú trọng hơn là vì có sự chỉ dẫn trực tiếp của Giáo Hội. Những hình thức tôn sùng cũng như Công Ðồng cổ võ, dù không bàn đến chi tiết. Những tiêu chuẩn để giảng thuyết rất đơn giản: đừng tán tụng thái quá, không hẹp hòi thiển cận, hoàn toàn tuân theo chỉ thị của Giáo Hội, biết dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền. Như vậy Công Ðồng muốn ngay cả việc giảng thuyết về Ðức Mẹ cũng phải qui về Chúa Kitô. Kết luận của số này là vài lời khuyên tổng quát về việc sùng mộ đích thực nhằm gửi tới Dân Chúa (không chỉ bằng tình cảm nhất thời, không phải niềm tin viễn vông, nhưng là sự thực hành sâu xa của một đức tin chính thực, lấy tình yêu hàm chứa lòng biết ơn mà tuyên xưng sự cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và đức tin đó còn làm cho chúng ta biết quảng đại noi theo sự hiệp nhất giữa Mẹ với Thiên Chúa).

90* Các số 68-69: Kết luận.

Hai vấn đề được đặt ra ở Ðức Maria như dấu hiệu cậy trông và như dấu hiệu hiệp nhất.

91* Số 68: Ðức Maria như dấu hiệu cậy trông.

Số này bàn đến một ý tưởng quan trọng: ý nghĩa địa vị được tôn vinh của Mẹ Chúa Giêsu đối với toàn thể Giáo Hội. Ðức Maria là hình ảnh cánh chung của Giáo Hội. Mẹ là dấu hiệu cậy trông. Mẹ cũng đã phải chịu thử thách nên do kinh nghiệm riêng mà biết được gánh nặng của chúng ta. Tình thương Mẹ dành cho chúng ta sẽ khuyến khích chúng ta cố gắng không ngừng.

24 Xem Piô XI, Tđ. Ecclesiam Dei, 12-11-1923: AAS 15 (1923), trg 581. Piô XII, Tđ. Fulgen corona, 8-9-1953: AAS 45 (1953), trg 590-591.

92* Số 69: Ðức Maria và sự hiệp nhất các Kitô hữu.

Ðây là một điểm tế nhị. Nhiều người nghĩ dường như Ðức Maria là một trở ngại trên con đường hiệp nhất các Kitô hữu. Công Ðồng đã đề cập vấn đề theo khía cạnh tích cực: Công Ðồng nhận định một sự kiện không ai chối cãi: trong số những anh em ly khai, cũng có người kêu cầu đến Trinh Nữ hèn mọn thành Nazareth. Như vậy vẫn còn hy vọng. Công Ðồng muốn mọi Kitô hữu cầu xin Ðức Maria cho việc hiệp nhất, vì Mẹ bầu cử cho mọi người tuyên xưng Con Mẹ là Ðấng Cứu Thế, và cho cả những ai chưa biết Mẹ. Mẹ vẫn luôn giữ vai trò làm mẹ. Như thế sẽ có ánh sáng làm rạng ngời vinh quang Ba Ngôi Thiên Chúa.

Hiến Chế tín lý về Giáo Hội khởi đầu và kết thúc bằng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Từ Thiên Chúa, do tình yêu mà có mọi sự, và trong tình yêu mọi sự qui về Ngài. Hiến Chế này là một lời tuyên xưng đức tin không lay chuyển và sẽ không chịu sự hao mòn của thời gian.

 

VỀ MỤC LỤC
NHỮNG BÓNG MA TƯỞNG TƯỢNG
   

VRNs (18.04.2012) – Trước khi dâng mình cho Chúa, thánh An-phong-sô là một luật sư lỗi lạc. Người rất nổi danh vì tài hùng biện và vì lý luận đanh thép sắc bén. Nhờ tài ba, Người đã thành công trong rất nhiều vụ án hiểm hóc. Nhưng một hôm, Chúa đã để cho Người phải thất bại. Trong một vụ án mà Người thấy là đơn giản, dễ dàng, Người đã bị thua một cách thảm hại. Trước thất bại cay đắng đó, Người thấy như cả bầu trời sụp đổ. Danh tiếng phút chốc tan như mây bay. Uy tín bị cuốn đi trong làn gió thoảng. Cả một màn đen tối u ám phủ xuống cuộc đời. Chẳng còn biết tìm an ủi ở nơi nào khác, Người quay về bên Chúa, chìm đắm trong lời kinh cầu nguyện. Nhờ ơn Chúa, Người tìm được niềm bình an. Hơn thế nữa, Người nghe được tiếng Chúa mời gọi đi vào con đường Chúa muốn. Từ đó, Người hiến thân trọn vẹn để phục vụ Chúa, Người đã trở thành linh mục, giám mục và lập ra Dòng Chúa Cứu Thế. Sau này, khi nhìn lại, Người hiểu rằng chính Chúa đã hiện diện trong những thất bại để đưa Người về con đường theo ý Chúa. Chính Chúa đã dùng những đau khổ để huấn luyện Người trong đức khiêm nhường phó thác. Chính bàn tay Chúa đã hạ Người xuống trong danh vọng trần thế để nâng Người lên trong vinh quang Thiên đàng.

Trong sách Tin Mừng ta thấy thuật lại nhiều trường hợp tương tự. Khi thuyền của các môn đệ đang vất vả vượt qua sóng gió, Ðức Giê-su đi trên mặt biển đến với các ông. Các ông tưởng là ma nên càng sợ hãi hơn. Nhưng đó chính là Ðức Giê-su. Người làm cho biển êm sóng lặng và thuyền các ông tới bến bình an.

Có lần Ðức Giê-su cùng ở trên thuyền với các ông, nhưng Người ngủ say đến nỗi sóng gió dữ dội mà vẫn không hay biết gì. Các ông hoảng hốt đánh thức Người dậy. Và Người đã đe sóng gió khiến chúng phải im lặng.

Hôm nay cũng thế. Người đến bất ngờ khiến các môn đệ sợ hãi. Họ đang bị cái chết đau thương của Người ám ảnh. Nên khi Người đến họ tưởng là ma hiện hình. Ðức Giê-su phải trấn an họ. Cho họ xem những vết thương ở tay chân. Cùng ăn uống với họ và giải nghĩa Thánh Kinh cho họ. Nhờ thế, họ được bình an, được vui tươi và tin tưởng.

Trong đời sống chúng ta cũng thế. Rất nhiều lần trong đời ta tưởng Chúa là bóng ma đến đe doạ đời sống ta. Có những biến cố lịch sử làm đảo lộn đời ta, tưởng chừng như đưa cuộc đời ta vào ngõ cụt. Nhưng không ngờ chính Chúa dùng biến cố lịch sử dẫn đưa ta vào một con đường mới theo thánh ý Chúa. Có những khi ta gặp thất bại ê chề tưởng chừng như không còn gượng dậy nổi. Nhưng không ngờ chính Chúa đã dùng thất bại để cảnh tỉnh ta, giúp tâm hồn ta vươn lên trong một đời sống mới cao cả tươi đẹp hơn. Có những khi ta gặp phải những nỗi đau buồn tê tái tưởng như chết đi được. Ta cứ tưởng Chúa đã bỏ rơi ta. Nhưng không ngờ chính Chúa hiện diện trong những đau buồn đó để giúp ta sống trưởng thành, sâu xa, phong phú hơn.

Khi đức tin các Tông đồ còn yếu kém, họ tưởng Chúa là ma. Khi đức tin đã được củng cố, các ngài mới thấy Ðức Giê-su là có thực. Ðức tin của các Tông đồ đã được củng cố nhờ được gặp gỡ tiếp xúc thân mật với Ðức Giê-su và được nghe Người giải nghĩa Thánh Kinh.

Ðức tin của ta còn rất non yếu. Ta hãy biết bắt chước các Tông đồ củng cố đức tin bằng cách năng gặp gỡ Ðức Giê-su. Hãy đến gặp Người trong Thánh Lễ. Hãy đến gặp Người trong giờ kinh tối trong gia đình. Nhất là hãy đến gặp Người trong những giờ cầu nguyện riêng tư, một mình đối diện tâm sự thân mật với Chúa.

Hãy củng cố đức tin bằng cách học hỏi Thánh Kinh. Ðọc Thánh Kinh hằng ngày để hiểu biết Chúa hơn. Suy niệm Thánh Kinh để tìm ra thánh ý Chúa. Và nhất là hãy biết thực hành Lời Chúa dạy trong đời sống hằng ngày.

Khi đã gặp gỡ Chúa và đã thấu hiểu Lời Chúa, ta sẽ chẳng còn bị những bóng ma ám ảnh. Ta sẽ nhìn thấy Chúa trong tất cả các biến cố vui buồn của đời sống. Cuộc sống ta sẽ tràn đầy niềm vui và niềm bình an.

Lạy Ðức Giê-su phục sinh, con tin Chúa đang ở bên con. Con xin phó thác cuộc đời con trong tay Chúa.

TGM. Jos Ngô Quang Kiệt (www.chuacuuthe.com)

VỀ MỤC LỤC
EMMAUS, CON ĐƯỜNG HY VỌNG

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD  

 

Nói đến lễ Phục Sinh Chúa sống lại là phải nghĩ đến con đường Emmaus. Chúng ta thường nghe nói con đường Emmaus, nhưng ít khi suy nghĩ tường tận xem con đường đó ở đâu và có nghĩa lý gì..Dựa vào tông thư Trong Hy Vọng, Chúng Ta Được Cứu Rỗi / Spe Salvi facti summus của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa câu chuyện hai môn đệ của Chúa Kitô trên đường Emmaus. (Luca 24: 13-35).

 

Chuyện kể rằng, sau ngày Sabbath, tức ba ngày sau khi Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá và chịu táng trong mồ, hai môn đệ quá buồn phiền chán nản bèn rời Jerusalem đi về một làng nhỏ gần đó tên là Emmaus.

 

CHÚA GIÊSU HIỆN RA VỚI HAI MÔN ĐỆ

 

Trên đường đi, Chúa sống lại đã hiện ra, cùng đi và trò chuyện với hai ông về đủ mọi vấn đề, về cả kinh thánh và việc Chúa Giêsu chịu chết....nhưng hai ông đã không nhận biết ra được Chúa. Tin Mừng thánh Luca thuật lại rằng, Chúa thấy hai môn đệ buồn nản, chẳng còn lòng dạ nào nữa, than van rằng Chúa Giêsu, thày mình đã chịu cực hình, rồi chết và trở về trời trong vinh quang của Người. Khi tới nơi, Chúa vào nhà cùng với hai môn đệ, ngồi xuống bàn dùng cơm tối với họ. Trước khi ăn Chúa làm phép bánh và bẻ bánh với họ….Lúc đó nhờ cung cách bẻ bánh, các ông mới nhận ra được Chúa chính là người lữ khách đồng hành đã nói chuyện với các ông trên đường Emmaus. Nhưng lúc đó Chúa lại biến hình khỏi tầm nhìn của các ông. Các ông quá ngỡ ngàng kinh ngạc về sự hiện diện của Chúa. Cử chỉ bẻ bánh, một dấu hiệu Chúa hiện diện.

 

Ngay lập tức sau đó, hai ông liền trở về lại Jerusalem và kể tất cả những gì đã xẩy ra,  mắt thấy tai nghe cho các môn đệ và bạn bè…

 

ĐỊA DANH LÀNG EMMAUS

 

Địa danh làng Emmaus thì không được xác định rõ ràng nằm ở đâu. Mặc dù có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng chắc chắn nó cho chúng ta một suy tư chiêm nghiệm rất phong phú đầy ý nghĩa. Emmaus có thể là bất cứ chỗ nào. Con đường dẫn đến Emmaus  là một đoạn đường tượng trưng cho cuộc hành trình đời sống của mỗi người chúng ta nói chung, của mỗi người tín hữu Kitô giáo nói riêng ở dương thế này. Xuyên suốt đoạn đường hành trình này, Chúa Kitô phục sinh luôn luôn là người bạn đường đồng hành với chúng ta. Người đốt lửa tâm hồn chúng ta. Người nung ấm đức TIN, đức CẬY / HY VỌNG của chúng ta và BẺ BÁNH HẰNG SỐNG cùng chúng ta mỗi ngày.

 

EMMAUS, CON ĐƯỜNG HY VỌNG

 

Trong câu chuyện đàm thoại giữa hai tông đồ và người lữ hành xa lạ, thánh Luca đã kể rằng một trong hai môn đệ đã nói: “Lúc đó chúng tôi đă hy vọng….” (Luca 24: 21). Như vậy có nghĩa là lúc đó chúng tôi ĐÃ TIN, chúng tôi ĐÃ THEO, chúng tôi ĐÃ HY VỌNG….nhưng bây giờ, hiện nay thì những hành động, cử chỉ, ý nghĩ đó tất cả đã qua đi rồi, không còn nữa. Ngay cả Đức Giêsu thành Nazaret là một ngôn sứ đầy quyền năng trong hành động cũng như lời nói đối với tất cả mọi người cũng đã thất bại và chúng tôi thất vọng.

 

Thảm trạng này của các môn đệ trên đường Emmaus phản ảnh tình trạng của nhiều người trong chúng ta hiện nay. Đôi khi chúng ta đã đánh mất đức tin của chúng ta. Chúng ta không còn tin tưởng vào Chúa, có cảm tưởng Chúa bỏ rơi chúng ta vì phải trải qua những kinh nghiệm chua chát tiêu cực trong cuộc sống, vì những thất bại trong mưu toan dự tính của chúng ta.

 

Tình trạng buồn nản và thất vọng của hai môn đệ này cũng giống như chúng ta và các môn đệ thời nay khi họ tự mình xa rời Jerusalem, nơi Chúa bị chết treo trên thập giá và sống lại khi mà họ không còn tin tưởng vào quyền năng và sự hiện diện sống động của Chúa bên cạnh họ. Vấn đề ma quỉ, đau khồ, cực hình, vấn đề đàn áp, bất công và lạm dụng, vấn đề sợ hãi người này người kia, những kẻ nội thù, những người anh em trong nội bộ của mình, những kẻ ngoại thù, những người từ ngoài đến, từ những vùng xa xôi xâm nhập nội bộ mình, đe dọa khủng bố mình làm mình phải sợ hãi kinh hoảng.

 

Nhưng con đường dẫn đến Emmaus này chính là con đường HY VỌNG có thể giúp chúng ta lấy lại niềm tin, thanh tẩy tâm hồn, tin tưởng vào Chúa một cách hăng say mạnh mẽ và trưởng thành hơn nhờ có Chúa luôn luôn đồng hành với chúng ta. Cũng như hai môn đệ trên đường Emmaus, đang thất vọng vì Thầy mình chết, vấp ngã vì thập giá (câu 18, 21) nhưng vì được gặp Chúa đồng hành hướng dẫn nên đã từ tình trạng mất niềm tin vào Chúa (câu 18 , 21), các ông tìm lại được niềm tin nhờ thông hiểu lời kinh thánh (câu  25-27 và 32). Chúng ta tin tưởng, hy vọng rằng Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi ác quỉ, tội lỗi, đau khổ, cực hình, sợ hãi và bất công..

 

CẦU NGUYỆN VÀ THAM DỰ THÁNH LỄ LÀ TÁI DIỄN CUỘC HỘI NGỘ VỚI CHÚA TRÊN ĐƯỜNG EMMAUS

 

Ngày nay, mỗi khi chúng ta cầu nguyện, chuyện vãn với Chúa, lắng nghe lời Chúa là lúc chúng ta đang đi trên đường Emmaus. Mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ là Chúa bẻ bánh và ban cho chúng ta bánh thánh tức chính máu và thịt Chúa đã tu sửa con mắt Đức Tin chúng ta để chúng ta nhìn mọi sự và mọi người bằng con mắt của Chúa, dưới ánh sáng Tình Yêu của Chúa.

 

Với hành động đó, qua sự tiếp cận với Chúa Kitô phục sinh, chúng ta ngày nay có thể có được một đức tin thực sự và sâu đậm hơn, có thể nói, được vun trồng bởi lửa phục sinh.  Đức tin này rất vững mạnh, được nuôi dưỡng không phải bởi tâm tư ý nghĩ của con người mà chính bởi Lời Chúa và sự Hiện Diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể.

 

Đoạn Phúc Âm kỳ diệu này đã tóm gọn toàn bộ cấu trúc của thánh lễ Misa:  Phần đầu thánh lễ là phần nghe lời Chúa qua các đoạn sách thánh; phần hai là phần nghi thức Thánh Thể và hiệp lễ / rước mình thánh Chúa với sự hiện diện của chính Chúa Ktô trong bí tích Thịt và Máu thánh Chúa.

 

Được nuôi dưỡng tại bàn tiệc thánh lễ có hai phần như vậy, Giáo Hội luôn luôn được xây dựng bồi đắp và tân trang cải tiến từng ngày một trong đức TIN, đức CẬY / HY VỌNG và đức MẾN. Qua sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria cực thánh, chúng ta mỗi người Kito hữu, mỗi cộng đoàn, cộng đồng hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta làm hồi sinh, tái diễn quang cảnh hai môn đệ đi trên đường Emmaus hầu làm sống lại ân sủng đã được gặp Chúa Kitô phục sinh.

 

ĐÔI LỜI KẾT

 

Chúa đã sống lại, đồng hành với các môn đệ của người, đốt cháy tâm hồn họ bằng lời Chúa đối thoại, biểu hiện ra với họ qua cung cách bẻ bánh.

 

Trong Chúa Giêsu, chúng ta cảm thấy lòng mình can đảm hơn khả dĩ làm cho chính chúng ta và cả những người xung quanh ta mạnh mẽ lên nhờ gương sáng của Chúa Giêsu Kito, môt tặng phẩm cho cả nhân loại

 

Hãy đi và làm chứng tá ân sủng về lòng thương xót của Chúa, nguồn HY VỌNG cho mỗi người chúng ta và cho cả thế giới. Hãy đặt Chúa Kitô vào trung tâm điểm đời sống của chúng ta. Hãy để cho lầu đài thân xác và tâm hồn chúng ta luôn luôn có Chúa hiện diện bên trong.

 

Chúa Giêsu Kitô đã phục sinh. Hy Vọng Sự Sống Đời Đời.

    

 

Fleming Island, Florida

April 9, 2012

NTC

VỀ MỤC LỤC
“SAO BÀ KHÓC ?”
  

Những trang Tin Mừng Phục Sinh mang lại cho chúng ta cảm giác “bội thực”, bội thực vì ý nghĩa quá xúc tích, quá tuyệt vời, quá thẳm sâu, nhiều chi tiết liên tục xuất hiện khiến nhiều khi chúng ta không đủ sức chiêm nghiệm nổi một cách sâu sắc. Những lễ hội, những sinh hoạt tưng bừng tổ chức góp phần làm chúng ta vội vã, thiếu thời gian dừng lại để trải nghiệm từng chi tiết trong toàn văn Tin Mừng. Tôi đã cảm nhận như thế trong cuộc đời làm người Kitô hữu của tôi, vì vậy, kèm theo niềm vui ngày Phục Sinh, tôi luôn có nỗi trăn trở của riêng mình.

Hôm nay tôi đọc lại bài Tin Mừng Phục Sinh trong Tuần Bát Nhật, câu nói của vị thiên thần trong Tin Mừng làm tôi phải dừng chân “Sao bà khóc ?” ( Ga 20, 11 – 18 ).

Là giới nam, chúng tôi rất ngại nước mắt của người nữ, trong quá trình làm Mục Vụ, nỗi dằn vặt lòng tôi nhiều nhất là những giọt nước mắt của phụ nữ, Chúa sinh ra như vậy ! Hôm nay tôi dừng lại nơi cửa mộ, gặp một người nữ đang khổ đau, nước mắt của bà nghe chua xót, nước mắt của nỗi buồn vô hạn, nước mắt của tuyệt vọng, nước mắt của cả nỗi uốt ức trong lòng, về những bất công, những tàn bạo, những sỉ nhục mà người ta đã dành cho người bà thương mến.

Nước mắt của tình thương bất lực trước sự dữ, của sự thấp cổ bé miệng trước quyền lực thế trần, của sự thấp kém bị khinh khi nhục mạ, của nỗi cô đơn trước bè lũ cường quyền, của kẻ bị tước đoạt thô bạo bởi sự hung ác.

Thiên Chúa đã cúi xuống trên nỗi khổ đau của con người, Thiên Chúa ngỏ lời: “Sao bà khóc ?” Thiên Chúa muốn gặp gỡ bà, lắng nghe một lời bà nói, bày tỏ mối quan tâm đến bà, từ đó dẫn bà đến niềm vui, đến những bất ngờ của Tin Mừng Cứu Độ.

Dọc dài trên đất nước ngày hôm nay, có những giọt nước mắt không ? Những giọt nước mắt đó có làm cho con tim của chúng ta phải rung dộng không ? Hay chúng ta vô cảm, ai khóc kệ ai, ai buồn kệ ai, ai nức nở. mặc, ai tuyệt vọng, mặc, ai đớn đau, cũng mặc, không phải chuyện của mình, Thiên Thần còn đang phải bận rộn trăm công nghìn việc khác, “Ông làm vườn” còn phải chu toàn công việc làm vườn, chuyện một người đàn bà ngồi khóc tỉ tê là chuyện thường, không đáng quan tâm, chuyện khóc lóc là chuyện của thế gian, không nằm trong sứ vụ !

Tiếng nức nở ai oán theo chúng ta gần hai ngàn năm nay, một chấm một phết không qua đi cho dù thế gian có qua đi, người đàn bà vẫn ngồi đấy khóc, vẫn chờ một “Thiên Thần” đến hỏi thăm, vẫn chờ một “Ông làm vườn” đến hỏi thăm, đến gặp gỡ, đến cảm thông, đến chỉ dẫn bà tìm một niềm vui khác, niềm vui giải quyết tận căn thân phận con người.

Đêm qua tôi nằm mơ thấy mình đang đứng gần cửa mộ, tiếng khóc ai oán nức nở nghe đắng cay, chung quanh tối đen quá, mặt trời chưa ló rạng, sợ hãi vẫn còn quanh quẩn nơi đây, một màu tang tóc thê lương ! “Thiên Thần” chưa hiện ra, “Ông làm vườn” chưa đến ! Ai sẽ là “Thiên Thần”, ai sẽ là “Ông làm vườn” ?

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 14.4.2012 (Ephata 505)

VỀ MỤC LỤC
LỄ ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
 

Trần Văn Trí

Năm nay 2012, các Giáo Hội Kitô – Tin Lành, Công Giáo, Anh Giáo, theo niên lịch Grêgôriô, mừng Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào Chúa Nhật 27 tháng 5; còn Giáo Hội Kitô Đông Phương – Chính Thống Giáo, Công Giáo Đông Phương, theo niên lịch Julian âm lịch, mừng lễ vào 3 tháng 6. Nhưng, các Kitô-hữu đều hân hoan long trọng mừng lễ trong tinh thần Hiệp Nhất. Vì Chúa Thánh Thần có liên hệ chặt chẽ với ngươi Kitô-hữu, nên nhân dịp Lễ Hiện Xuống, dù với khả năng khiêm tốn và có giới hạn, chúng tôi ước mong được chia sẻ cùng quý giáo hữu đôi điều tìm hiểu về Chúa Thánh Thần, theo giáo huấn của Giáo Hội cũng như Phụng Vụ và Thánh Kinh, hướng đến Chúa Thánh Thần hay Thánh Linh, đặc biệt về hồng ân và hoạt động của Ngài canh tân thời đại chúng ta.

Mở đầu, trước Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, xin có đôi lời về Lễ Chúa Giêsu Lên Trời, vào ngày 17 tháng 5 trong Giáo Hội Kitô Tây Phương và 24 tháng 5 trong Giáo Hội Kitô Đông Phương.

 

Lễ Chúa Giêsu Lên Trời (17-5-2012)

Theo Phụng Vụ, ngày lễ còn gọi là Lễ Thăng Thiên, hay lễ Chúa Giêsu ngự về Trời, bốn mươi ngày sau khi sống lại vinh hiển. Vì thế, Lễ Thăng Thiên vào ngày Thứ Năm, 40 ngày sau Lễ Phục Sinh và thường được dời qua Chúa Nhật kế tiếp. Ví dụ: Năm nay Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên, Thứ Năm 17-5, được mừng chính thức vào Chúa Nhật 20-5-2012. Lễ có nguồn gốc tông truyền, như tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin Chúa Giêsu lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng.”

Theo Thánh Kinh, Chúa Giêsu lên trời theo quyền năng của Ngài, như lời Thánh sử Máccô và Luca:

“Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16: 19)

“Đang khi chúc lành thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời” (Lc 24: 51)

Về Chúa Giêsu lên trời, sách Công vụ Tông đồ nói đến: “Người được rước lên trời” (1: 2 và 1: 6-12).

Tuy không có tài liệu nói rõ nơi Ngài lên trời, nhưng có thể đó là núi O-li- vê-tê hay núi Ô-liu, suy diễn từ sách Công vụ Tông đồ ghi lại các môn đệ sau khi chứng kiến Chúa Giêsu lên trời trở về nhà:

“Bấy giờ các ông từ núi O-liu trở về Giêrusalem. Núi nầy ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Vào tới trong thành, các ông lên lầu trên, là nơi họ  trú ngụ” (Cv 1: 12, 13)

 

Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (27-5-2012)

Theo Thánh Kinh, Lễ mừng từ thế kỷ thứ tư, vào Chúa Nhật thứ 7, hay ngày thứ 50 sau Phục Sinh. Năm mươi ngày sau Lễ Phục Sinh, Giáo Hội mừng Lễ Hiện Xuống, hay Lễ Ngũ Tuần với nghĩa Ngũ là Năm và Tuần là 10 Ngày, từ tiếng Hy-lạp “pentêkostê” hay Pentecost (Anh) hoặc Pentecôte (Pháp), có nghĩa ngày thứ năm mươi sau Phục Sinh. Lễ Ngũ Tuần tương tự Lễ Các Tuần của Do Thái Giáo, trong Sách Xuất Hành (Xh 34:22) hay Sách Đệ Nhị Luật (Dnl 16:10), với Tuần có nghĩa thời gian 10 Ngày.

Thánh Truyền cho biết từ thế kỷ thứ nhất thời Giáo Hội tiên khởi, Thánh Clê- men-tê thành Rôma đã nói về Thánh Thần là tiếng của Đức Kitô nói với chúng ta qua Kinh Thánh. Trong thế kỷ thứ 2 thứ 3, các Thánh Tử đạo đã vinh danh Thánh Thần, như Thánh Polycarp (tử đạo năm 155), khi chịu cực hình đã tuyên xưng đức tin vào “Ba Ngôi Thiên Chúa - Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần.”

Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật Chúa Thánh Thần hiện xuống như biến cố Kitô-Giáo trọng đại:

“Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (CV 2: 1-4) 

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã hứa vói các môn đệ”: “Khi Thầy đi (ngự về trời), thì Đấng Bảo Trợ sẽ đến với anh em.. Thần Khí sự thật sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16: 7; 13).

Thánh Thần ban cho các tông đồ hồng ân “thông biết những gì Chúa Giêsu đã truyền dạy” và ơn “nói các thứ tiếng khác” thường bị lầm lẩn với “ơn nói tiếng lạ” mà ngày nay một thiểu số người trong Phong Trào Thánh Linh, vì không học hỏi thấu đáo về Chúa Thánh Thần nên đã dùng những “tiếng xịp xịp” trong miệng mà họ không hiểu ý nghĩa gì, hoặc không thề giải thích cho kẻ khác, mà chỉ gọi là tiếng lạ. Trong khi những nhân chứng tại chỗ trước kia giải thích về tiếng lạ: “Lúc đó, tại Giêrusalem, có những người Do Thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trổ về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói:

“Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi- a, Mê-đi-a, Ê- lam, Mẻ-sô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Ca-pa-đo-si-a, Pôn-tô và A-si-a, người Li-by-a, Rô-ma, Do- Thái.. Vậy ma chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta màø loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2: 5-12)  

Tín điều về Thánh Thần đã được quảng diễn sâu rộng qua Công Đồng Constantinople (năm 381) lên án lạc giáo Maceđoniô và tuyên bố thiên tính của Chúa Thánh Thần. Về Phụng Vụ Thánh, Lễ Hiện Xuống đã có trong lễ nghi Kitô-giáo vào thế kỷ thứ nhất, gọi là Chúa Nhật Trắng vì, ngày đó, những người dự tòng chưa được rửa tội vào Lễ Thánh Thủy hay Đêm Vọng Phục Sinh trước, đều mặc y phục trắng và chịu Phép Rửa Tội vào Lễ Vọng Hiện Xuống. Ở Roma, Lễ Hiện Xuống gọi là Chúa Nhật đỏ -Pascha rossa- vì lễ phục màu đỏ tượng trưng “lửa yêu mến” của Thánh Thần, hoặc màu đỏ của “những lưỡi như thể lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng môn đệ” khi Chúa Thánh Thần ngự đến (Cv 2: 3). Giáo Lý truyền dạy Thánh Thần là Thiên Chúa hằng hữu từ muôn thuở, hiện diện trong mọi thời đại, đổ xuống trong lòng mọi kẻ chính tâm muôn hồng ân của Đấng ban sự sống và đổi mới mọi sự.

Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, được mạc khải như Thần Khí, với ít ví dụ Thánh Kinh như sau:

“Khởi thủy, Thiên Chúa dựng nên trời và đất.. và thần khí là là trên mặt nước” (Kn 1: 2).

Ông Gióp tuyên xưng tác động của Thánh Thần làm cho tâm hồn được hứng khởi:

“Chính hơi thở của Thiên Chúa đã làm ra tôi và thần khí Chúa cho tôi sự sống” (Yb 33:4).

Theo Sách Xuất Hành, Chúa phán cùng Mô-sê: “Ta ban cho con cái dòng họ Yuđa Thần Khí Thiên Chúa, về khôn ngoan, minh mẫn, tinh thông bách nghệ, để sáng tác mọi thứ xảo kỷ” (Xh 31: 3, 4).

Việc xức dầu, biểu hiệu trao ban Thánh Thần thánh hóa: “Ngươi sẽ lấy dầu tấn phong, sẽ xức dầu Nhà Tạm và tất cả đồ đoàn trong đó. Ngươi sẽ tác thánh và  sẽ xức dầu cho chúng để chúng làm tư tế cho Ta. Người xức dầu tác thánh chức tư tế vĩnh viễn suốt các thế hệ của chúng” (Xh 40: 9,15).

Trong Thánh Vịnh, dầu còn biểu hiệu sự hân hoan từ Thần Khí: “Thiên Chúa của ngài đã xức dầu hoan lạc cho ngài : (Tv 45: 9). Saolô, sau khi trở lại đạo Chúa, là tông đồ nhiệt thành minh chứng cho các giáo đoàn về Thánh Thần thánh hóa các Kitô-hữu, cụ thể qua thư của Tông đồ Phaolô gởi các tín hữu tại Cô-rin-tô (1Co 6-11), Ro-ma (Ro 15-16), Thê-xa-lô-ni-ca (2Tx 2-13).

 

Thánh Thần hiện xuống, khởi đầu Sinh Nhật của Giáo Hội

Khi các Tông đồ và nhiều anh em, trong nhà hội ở Giêrusalem, cùng đồng tâm chờ đợi lời hứa của Đức Kitô ban Đấng Phù Hộ, giúp đỡ, thì một cơn gió mạnh lùa vào và có những lưỡi lửa ngự xuống trên đầu mỗi người. Họ được “ơn nói các thứ tiếng, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho khiến những người nghe “phải kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông, dù là người Ga-li-lê, nói tiếng bản xứ của mình, hay “mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta” (CV 2: 6-8).

Việc đọc sách Công vụ Tông đồ và Phúc Âm Thánh Gioan giúp giáo hữu hiểu thêm về hồng ân và tác động lạ lùng của Thánh Linh.. Đặc biệt qua nhân vật Phêrô, xuất thân làm nghề chài lưới, đã nên tông đồ nhiệt thành, can đảm, sẵn sàng hy sinh mạng sống để rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô phục sinh. Chính Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ về “Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, là Thần Khí sự thật”.

“Thầy xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người vì Người luôn ở giữa anh em và trong anh em” (Ga 14: 16-17).

Khi Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16: 18).

Giáo huấn của Giáo Hội về Chúa Thánh Thần

Về Chúa Thánh Thần, Giáo Lý hướng dẫn: “Hai hiệu quả chính của phép Rửa Tội là rửa sạch các tội lỗi và ban ơn thánh, sinh ra trong sự sống mới, được trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần” (GLý 1279). Trong khi “Phép Thêm Sức hoàn tất ân sủng của Phép Rửa Tội, ban Chúa Thánh Thần, cho chúng ta bén rễ sâu vào hồng ân làm con Thiên Chúa, sáp nhập mật thiết hơn vào Thân Thể Chúa Kitô, liên lạc chặt chẽ với Hội Thánh, ban sức mạnh như người lính chiến của Đức Kitô, để làm chứng đức tin bằng lời nói và việc làm, và in một dấu ấn thiêng liêng vào linh hồn người Kitô-hữu” (GLý 1316-17).

Ngoài ra, hãy nhớ đến các biểu tượng về Thánh Thần, về Bảy Ơn Chúa Thánh Thần và 12 Nhân Đức.

Biểu tượng về Thánh Thần (Giáo Lý 694-701)

Biểu tượng về Thánh Thần: Nước, lửa, sự xức dầu, ánh sáng, dấu ấn, bàn tay, ngón tay và chim bồ câu.

Nước là dấu hiệu của sự sinh ra mới, như Thánh Phaolô nói về người Kitô-hữu “được rửa trong một Thần Khí duy nhất; được uống một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12, 13)

Sự xức dầu làm cho người Kitô-hữu trở nên một Kitô mới như Đức Kitô là Christus - “Đấng được xức dầu bởi Thánh Thần.”

Lửa tượng trưng năng lực biến đổi của các hành vi Thánh Thần, tựa hồ tiên tri Eâlia “đứng lên như một ngọn lửa và lời nói ông bốc cháy như bó đuốc” (Hc 48,1)

Áng mây và ánh sáng mạc khải Thiên Chúa hằng sống và cứu độ, vinh quang siêu việt, như “Thánh Thần xuống trong áng mây che phủ Chúa Giêsu” (Lc 1, 35) .

Dấu ấn như “Thiên Chúa đã đóng ấn trên Đức Kitô và trên chúng ta” (Ga 6, 27).

Bàn tay, như Chúa Giêsu đặt tay trên bệnh nhân để chữa lành (Lc 21,27); hoặc Người giơ tay chúc lành cho trẻ em (Mc 6, 5). Các tông đồ nhân danh Đức Giêsu, đặt tay ban Thánh Thần cho giáo hữu.

Ngón tay, như trong kinh hát Veni Creator, kêu cầu Chúa Thánh Thần như “ngón tay của bàn tay mặt của Chúa Cha” – digitus paternae dexterae.

Chim bồ câu, trong Cựu Ước là hình ảnh trong cuối trận hồng thủy: chim bồ câu trở về “mỏ ngậm một cành ô-liu” (St 8, 8-12), và trong Tân Ước, khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa xong và bước lên khỏi nước, “Chúa Thánh Thần, dưới hình chim bồ câu, đậu xuống trên Ngài” (Mt 3, 16).

 

Bảy Ơn Chúa Thánh Thần và 12 Nhân Đức

Ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa.

Chúa Thánh Thần được nhận biết qua nhân đức ban cho loài người mà Thánh Phaolô Tông đồ gọi là hoa quả của Thần Khí, hay 12 Hoa quả Nhân đức: Bác ái, hân hoan, bình an, khiêm nhường, hiền hòa, nhẫn nhục, từ tâm, quảng đại, trung tín, trong sạch, tiết độ và tự chủ.

Như thế, là người Kitô-hữu, chúng ta phải nhận biết Chúa Thánh Thần ở giữa và trong chúng ta, hầu vinh danh Thánh Linh trong thời đại chúng ta, thể hiện bằng lòng sốt sắng khi tuyên xưng Thánh Thần.

 

Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày của người Kitô-hữu

Hằng ngày người Kitô-hữu tuyên xưng Chúa Thánh Thần Ngôi Ba Thiên Chúa, mỗi khi:

- Làm dấu Thánh Giá: “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”

- Đọc kinh Sáng Danh: “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần ...”

- Đọc kinh Chúa Thánh Thần, khởi đầu kinh nguyện: “Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng ..”

- Đọc kinh Tin Kính: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria..

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống ..”

Xin gợi ý: Cách riêng trong “Tuần 9 Ngày” trước Lễ Hiện Xuống (từ Thứ sáu 18-5 sau lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên đến 26-5); hoặc 9 ngày từ Lễ Hiện Xuống về sau (27-5 đến 4-6), xin giáo hữu quan tâm nhiệt thành khi đọc các kinh nguyện trên, để sốt sắng tôn vinh và cầu xin Chúa Thánh Thần.

Trần Văn Trí (Th. 5-2012)

VỀ MỤC LỤC
TRÁNH LÃNG PHÍ
 

“Nào, con ngồi xuống đây ăn cơm với ngoại trước khi lên đường!”

Ngoại âu yếm, từ tốn mời cháu. Chuyến bay tối nay sẽ đưa Hy đi đến một nơi xa, một nơi Hy chỉ mới nghe nói đến và thêu dệt những ước mơ.

Từ nhỏ, Hy được sống với ngoại. Ngoại giống như người mẹ thứ hai. Bây giờ Hy sắp lên đường để thực hiện những ước mơ ấy.

“Đây là các món ăn con thích nhất bao năm qua. Ngoại nấu cho con. Con ăn thật no để lên đường vì chuyến đi này dài lắm đó con.”

“Dạ.”

“Sau khi lên đường con chỉ có một mình, mọi sự phải dựa vào bản lĩnh của con! Tuy con còn trẻ tuổi nhưng ngoại tin con sẽ thực hiện được những điều con mơ ước.”

“Dạ. Ngoại an tâm vì chỗ con sẽ đến nghe nói cũng tốt lắm ngoại à!”

“Năm nay ngoại cũng đã thất thập cổ lai hi.” Ngoại trầm xuống chút. “Không biết khi con về thăm quê nhà, ngoại có còn sống để đón con và nấu những món này cho con không?” Mắt ngoại rươm rướm.

“Ngoại đừng suy nghĩ nhiều. Con sẽ trở về và ngoại vẫn khỏe mà!” Hy vừa trấn an vừa cảm thấy sợ điều ngoại vừa nói. Thương ngoại quá! Ngoại gạt vội dòng lệ mới chực tuôn trào thêm.

“Ngoại xin lỗi, ngoại không nên như thế trước lúc con đi. Ừa, mình cứ tin tưởng và phó thác cho Trời Cao, con nhỉ! À, nhà mình nghèo, ngoại không có gì nhiều cho con. Chỉ có bữa cơm quen thuộc này. Chết, tí nữa ngoại quên. Ngoại có một món quà nhỏ để gửi con làm hành trang vào đời.” Ngoại vừa nói vừa lấy trong túi áo ra một phong bì.

“Không, ngoại cực khổ bấy lâu mới dành dụm được chút ít, ngoại để chăm lo cho mình khi con không ở bên cạnh. Con không nhận đâu. Con tự lo cho mình được. Ngoại yên tâm nhé ngoại.”

“Con ngoan, đây không phải là tiền. Khi nào con sang đến nơi, con mở ra xem.” Ngoại âu yếm nựng má và vuốt tóc người cháu cưng.

YYYYYYY

Chuyến bay đêm chuẩn bị cất cánh. Hy nhớ ngoại. Khóc.

Không biết bây giờ ngoại đang làm gì? Chắc ngoại cũng đang khóc vì thương nhớ cháu. Nghẹn. Nghe nhói trong tim.

Muốn bóc phong bì kia ra xem trong đó có gì. Nhưng ngoại dặn là qua đến nơi rồi mới mở ra, còn đêm nay thì Hy cần ngủ ngon trong chuyến bay. Nghe lời ngoại, Hy nhắm mắt cầu nguyện rồi thiếp đi vì mấy đêm rồi cũng không ngủ được.

YYYYYYY

Ngày mai, Hy bắt đầu cuộc sống nơi vùng đất mới, có những điều lắng lo trộn lẫn hào hứng. Một chặng đường mới đang mở ra.

Đêm nay, Hy nhớ ngoại thật nhiều. Bây giờ ngoại đang thế nào? Chợt Hy nhớ đến phong bì ngoại đưa. Hy vội vàng tìm trong túi xách và bóc ra. Trong phong bì là một bức thư do chính bàn tay ngoại viết, bàn tay đã bao năm giãi dầu mưa nắng để nuôi nấng dưỡng dục Hy. Những dòng chữ nghiêng ngả chẳng đều hàng như cuộc đời thăng trầm của ngoại, nhưng chúng lại vững chắc đến lạ thường như cây cổ thụ rễ cắm sâu xuống lòng đất mẹ. Bức thư viết thế này:

Cháu yêu của ngoại!

Con đang từng bước đi vào cuộc đời. Bao năm qua, được chăm sóc và chứng kiến con lớn lên rồi trưởng thành, ngoại hạnh phúc và tự hào về con. Ngoại tin con sẽ vững vàng chỉ sau một thời gian. Những điều con đang đọc là đúc kết kinh nghiệm cuộc đời bôn ba của ngoại. Con đọc nó như đang nói chuyện với ngoại nhé con.

Con thương, con sẽ làm việc, xoay sở tích góp cho mình những gì con mong ước để thành công và hạnh phúc. Có những thứ con đạt được và cũng có những thứ con sẽ không đạt được. Điều này là bình thường. Con biết không, ngoại đã bôn ba mấy chục năm mới hiểu được rằng không nhất thiết phải có tất cả những điều mình muốn thì mới hạnh phúc. Quan trọng là biết thế nào là đủ và dừng lại để trân trọng những gì mình đang có trong tay.

Đọc đến đây, Hy thấy thương ngoại ghê! Cũng lạ, mặc dù nhìn ở ngoài vào, ngoại có vẻ là nghèo nàn vật chất nhưng ngoại lại rất bình thản tự tại. Ngoại không để cho hoàn cảnh bên ngoài giật mất hạnh phúc bên trong.

Con ơi, có được thêm điều gì trong cuộc sống thì tạ ơn Trời Cao. Nếu không có được điều gì đó thì cũng tạ ơn Trời Cao vì biết đâu như thế sẽ tốt hơn. Con biết không, mấy năm về trước khi con còn nhỏ, có một lần ngoại nghe con nói một câu nói chứa đựng nhiều khôn ngoan: “Nếu ta không có những gì ta yêu thì hãy yêu những gì ta có.” Con có trí nhớ tốt, hẳn con còn nhớ thời gian ấy ngoại gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng chính nhờ nghe được câu nói từ cháu ngoan mà ngoại hồi tâm và nhận ra những chìa khóa quan trọng của hạnh phúc. Con à, trong thư này ngoại muốn cảm ơn con về câu nói đúng lúc ấy và ngoại cũng muốn chia sẻ với con một vài điều mà ngoại đã khám phá ra để sống đầy câu nói ấy. Khám phá đơn sơ của ngoại chỉ gói trọn trong ba chữ thôi: “tránh lãng phí”.

Hy dừng lại để suy nghĩ. Ngoại viết thư cho Hy như một người bạn. Đây là lần đầu tiên Hy được đọc thư ngoại viết riêng cho mình. Không ngờ ngoại khiêm nhường và trẻ trung thiệt. “Chống lãng phí” gì đây? Hy đang nghèo lắm, có gì để mà lãng phí chứ? Đọc tiếp thư của ngoại.

Con thương, có nhiều loại giàu – nghèo khác nhau. Sự giàu-nghèo vật chất thường dễ biểu hiện ra ngoài trong khi sự giàu-nghèo tinh thần thì ẩn kín hơn, nhưng điều ẩn sâu bên trong mới là cái gốc quyết định cho hạnh phúc. Bình thường mà nói, con người ta khi sinh ra thì đã được Đấng Tạo Hóa phú bẩm cho sự giàu có sung túc về tinh thần để có thể đạt được hạnh phúc. Vấn đề là người ta có biết dành thời gian để chiêm ngắm kho báu trong mình và quý trọng sử dụng nó hiệu quả hay không thôi. Không biết mình đang có kho báu để tận hưởng là một lãng phí đáng tiếc, phải không con?! Bây giờ con cùng ngoại lấy một số ví dụ thực tế nhé. Có những điều cần phải trải qua kinh nghiệm và có một đời sống nội tâm sâu thì mới hiểu hết được.

Ngoại nói đúng lắm. Điều may mắn cho những người trẻ là họ được học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu của người đi trước mà không nhất thiết phải tốn phí thời gian và sức lực. Hy thầm cảm ơn ngoại rồi đọc tiếp.

Khi một ai đó thành công, không chúc mừng họ là lãng phí một cơ hội để sống đẹp.

Gặp một người đau yếu, không thăm hỏi hay chia sẻ một ánh mắt cảm thương là lãng phí khả năng liên đới.

Khi nhận được một tin vui, không hòa mình vào tin vui ấy là lãng phí một nụ cười khoan nhân.

Lúc gặp khó khăn, không biết chủ động dựa vào Đấng Yêu Thương và sống tinh thần phó thác là lãng phí về sức mạnh.

Khi kẹt xe, chỉ nhìn đồng hồ rồi nóng nảy bực bội thay vì hát lên một khúc nhạc yêu thích hay nghĩ về một kỉ niệm thân thương là đang lãng phí thời gian.

Khi buồn sầu nặng trĩu, không chạy đến với Đấng Yêu Thương để tâm sự mà lại ngồi đó ủ rũ, tự ti mặc cảm, tự trách,… là lãng phí cơ hội để giải tỏa áp lực dồn nén bên trong.

Khi ai đó làm một điều gì đó dù rất nhỏ cho mình, không biết cảm ơn là lãng phí phép lịch sự căn bản của nhiều năm ăn học.

Khi làm ai mất lòng mà không xin lỗi là lãng phí nét đẹp khiêm nhường.

Lúc có xích mích bất hòa mà cứ tiếp tục giam hãm mình trong sự khó chịu thay vì chủ động lên tiếng để hòa giải là lãng phí cơ hội được thanh thản nội tâm.

Gặp một dịp đặc biệt (sinh nhật, lễ, tết,…) mà không trao gửi một cử chỉ thân tình (tặng hoa, nhắn tin, gọi điện chúc mừng, …) khi có điều kiện là lãng phí cơ hội thuận tiện của liên đới.

Quyết định trong lúc đang mất cân bằng, đầu óc rối rắm thì dễ mắc sai lầm và lãng phí thêm năng lượng đã hao tổn.

Níu kéo quá khứ tiêu cực là lãng phí cơ hội tự do.

Sống trước tương lai (là điều chưa chắc chắn) là đang ảo tưởng và lãng phí hiện tại.

Khi cần giúp đỡ của người khác mà cứ ngại ngần đơn thương độc mã là dại dột lãng phí nguồn trợ lực tự nhiên mà Đấng Tạo Hóa đã có ý đặt để trong trời đất.

Cố đuổi theo điều ngoài tầm tay là lãng phí thời gian và sức lực.

Để cho mình bực bội vì một lời nói gió thoảng mây bay là lãng phí sự bình an quý giá.

Không chủ động buông xả những ràng buộc, giải tỏa những dồn nén trong lòng một cách tích cực hướng lên sự sống là lãng phí sức lực có hạn của mình và chưa biết thương mình.

Không chủ động sắp xếp công ăn việc làm để có thời gian nghỉ ngơi thư giãn là lãng phí sự cân bằng cần thiết của đời người.

Khi lòng trĩu nặng mà lại để mình tiếp xúc với những thứ kéo tâm trạng mình đi xuống thêm là sai phương pháp và lãng phí kinh nghiệm đã gặt hái được trong cuộc sống.

Làm tốt đủ thứ việc mà thiếu phần cầu nguyện là tự tạo lối sống nông cạn và lãng phí nguồn dưỡng khí ích lợi cho tâm hồn.

Nhớ rất nhiều thứ chóng qua mà quên mất sự hiện diện không bao giờ ngưng nghỉ của Đấng Yêu Thương là lãng phí đáng tiếc nhất của đời người.

Hy yêu của ngoại, ngoại tin rằng con sẽ khôn ngoan dùng những kho báu bên trong mà Đấng Tạo Hóa đã thương ban và sẽ không lãng phí những hồng ân quý giá. Con sẽ còn khám phá thêm những kinh nghiệm mới lạ trong hành trình cuộc sống. Dù ở đâu làm gì, ngoại cầu chúc Hy của ngoại luôn giữ cho lòng đầy yêu thương và trang điểm cho mình bằng chân-thiện-mỹ, con nhé! Con là niềm vui, hạnh phúc và tự hào của ngoại.

Ngoại ôm hôn con!

Ngoại của con

Có giọt nước nóng ấm ở khóe mắt Hy khẽ lăn nhẹ. Là người biết trân quý ân tình của người khác, Hy đọc lại lá thư lần nữa để hiểu rõ và cảm nghiệm sâu hơn. Chắc chắn Hy sẽ còn đọc nhiều lần nữa trong cuộc sống. Ngước mắt lên trời cao, Hy khẽ dâng lời tạ ơn Đấng Yêu Thương, cầu nguyện cho ngoại và đặt một nụ hôn nhẹ lên lá thư. Ngoại tuy xa mà không cách. Trong lòng Hy cảm thấy ngoại thật gần, thật thương. Đúng là khi ở trong Ngài thì không bao giờ có khoảng cách. Ấm áp lạ! Có những điều xem ra rất bình thường nhưng lại vô cùng kì diệu.

“Ngoại ơi, ngoại hãy yên tâm. Con hứa sẽ sống hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào.” Hy thầm thĩ với ngoại trong tim. Đứng lên, Hy cất bước đi tiếp cuộc hành trình trong tự tin và phó thác.

Giuse Việt, O.Carm.

VỀ MỤC LỤC
Hành-trình vô-thần của Karl Marx khi còn thanh-niên qua những sách đọc tham-khảo về tôn-giáo (tiếp theo)

 

Gs. Trần Văn Toàn

Bài đăng ở tập san Định Hướng

 

0. Phần dẫn-nhập 

Muốn biết những điều Marx - không những Marx, mà bất cứ ai cũng thế - chủ-trương về tôn giáo có giá-trị tới mức nào, thì người có chút óc phê-bình không những phải xem ông đã có những lập-luận như thế nào, lấy từ đâu ra, mà hơn nữa còn phải vạch ra cho rõ ông đã biết được những gì về tôn-giáo, về những tôn-giáo nào, biết qua chút kinh-nghiện bản-thàn, hay là biết qua sách vở nào, ít hay nhiều. Sau đó lại còn phải tìm biết ông theo đuổi những mục-đích, những dự-định nào, trong hoàn cảnh văn-hóa, xã hội như thế nào.

Cho đến quãng năm 1975, người ta chưa thấy rõ nguồn-gốc lập-trường vô-thần của Marx. Nhưng chắc một điều là nó không phải từ học-thuyết duy-vật của người Pháp thế-kỷ XVIII mà ra. Chính Marx gọi thứ duy-vật đó là thứ duy-vật quê-mùa, vì nó chưa có tính-cách biện-chứng, cho nên cũng chỉ là một thứ siêu-hình-học, như học-thuyết duy-tâm vậy. Marx nói về thứ duy-vật này rất ít ; trái lại ông hiểu-biết nhiều hơn về các triết-gia duy-vật Hi-lạp thời thượng-cổ, vì đó chính là đề-tài nghiên-cứu trong luận-văn tiến-sĩ triết-học của ông.

Năm 1841 thì trong học-phái Hegel có Feuerbach cho xuất-bản cuốn Bản-chất đạo Thiên-Chúa (Das Wesen des Christentums), gây ra phản-ứng rất hào-hứng trong nhóm đồ-đệ tả-khuynh của Hegel, nhất là Marx và Engels. Marx coi việc phê-bình tôn-giáo của Feuerbach là hoàn-hảo và dứt-khoát. Dứt-khoát là vì, trước đây trong những Khóa-trình Triết-lý về tôn-giáo (Vorlesungen über die Philosophie der Religion) Hegel đã lý-luận minh-chứng rằng đạo Thiên-Chúa là tôn-giáo hoàn-hảo, đã thực-hiện được hoàn-toàn cái ý-niệm tôn-giáo, và là giai-đoạn tiến-bộ tối cao trong lịch-sử tôn-giáo của nhân-loại ; nếu đã nhận lý-luận như thế là đúng, thì dĩ-nhiên bây giờ chỉ cần phê-bình đạo Thiên-Chúa, tức là đã phê-bình được tất cả các tôn-giáo một cách dứt-khoát. Sau đó, Marx thấy không cần lý-luận gì thêm, mà chỉ còn dựa theo Feuerbach để đưa ra một loạt những lời tuyên-ngôn về tôn-giáo mà chúng ta đã quá quen thuộc. Feuerbach hơn Marx 14 tuổi, và có ảnh-hưởng nhiều đến tư-tưởng của ông, cho nên đã có một lần, vào năm 1844, Marx kính-cẩn viết thư cho ngườì niên-trưởng đó để xin cộng-tác về mặt chính-trị. Nhưng Feuerbach không đồng-ý, ông cho rằng về mặt lý-thuyết, việc phê-bình tôn-giáo vẫn chưa hoàn-thành, và vì thế ông tiếp-tục phê-bình tôn-giáo cho đến hết đời.

Nhưng Feuerbach không phải là người duy nhất ảnh-hưởng tới Marx. Thực thế, từ trước Marx đã đi theo một con đường khác, đưa ông đến chỗ tuyên-bố mình vô-thần, trong luận-văn tiến-sĩ triết-học của ông năm 1841. Cho nên tuy rằng Feuerbach đã đem lại cho lập-trường của Marx một cách thức biện-minh và một lối dẫn-chứng độc-đáo và chặt-chẽ hơn, nhưng ông không phải là nguồn gốc quan hệ nhất của lập-trường vô-thần của Marx. Vậy nguồn-gốc đó là ở đâu ?

Năm 1989, nhân dịp đọc những cặp vở ghi-chú của Marx viết trước năm 1841, mới được xuất-bản năm 1975 trong bộ MEGA mới, tập IV, tôi thấy cần phải đặt lại vấn-đề cho nghiêm-chỉnh , vì nếu ta muốn biết những câu ông phán-đoán về tôn-giáo có giá-trị tới mức nào, thì trước hết phải xem ông đã biết được những gì về tôn-giáo, về những tôn-giáo nào, biết đến trình-độ nào, có kinh-nghiệm bản-thân nhiều hay ít, đã đọc được những loại sách vở nào. Có biết như thế mới nhận-định được cho rõ cái lộ-trình đưa Marx từ một nền giáo-dục trong tông-phái Tin lành của đạo Thiên-Chúa, đến lập-trường vô-thần cách-mạng. Có thế mới biết cái vô-thần đó muốn phế bỏ những thứ thần nào.

 

0.1 - Vì sao Marx không viết sách ‘’Phê-bình tôn-giáo’’ ? 

Marx là một nhà phê-bình, trên trời dưới đất, cái gì cũng phê-bình. Các tác-phẩm quan-trọng của ông đều thấy có chữ ‘’phê-bình’’ ở đầu-đề . Rất nhiều người đương-thời, kể cả bạn bè và đồng-chí, đều bị ông phê-bình, nhiều khi còn bị chế-diễu một cách cay nghiệt, ví dụ như Joseph Proudhon . Cho đến nỗi có lẽ trừ Friedrich Engels ra thì Marx không còn đi lại được với mấy ai. Ông viết : ‘’Phê-bình trên trời rồi phải chuyển thành phê-bình dưới đất, phê-bình tôn-giào thành phê-bình pháp-luật, phê-bình thần-học thành phê-bình chính-trị’’. Rồi ông nói tiếp : ‘’Lấy phê-bình làm khí-giới thì không thể thay cho việc lấy khí-giới mà phê-bình’’ .

Marx là nhà phê-bình triệt-để, lại tuyên-bố là mình vô-thần, Cho nên xét lý ra, có thể đoán rằng thế nào ông cũng viết một cuốn sách hay ít ra là một bài quan-trọng để phê-bình tôn-giáo cho đáo-lý. Công việc đó, có làm cũng không khó gì, một là vì tài-liệu ông thu-thập được, nếu không thể nói là đủ, thì cũng phải nhận là đã khá nhiều ; hai là vì làm việc đó cũng không có gì nguy-hiểm như việc phê-bình chính-trị. Thế nhưng Marx lại không làm. Trong những đoạn văn ông viết để công-kính tôn-giáo, đại đa-số chỉ là loại văn tuyên-ngôn, tuyên-bố, bút-chiến . Tôi cố tìm nhưng chỉ thấy có hai đoạn văn, tất cả độ 2, 3 trang có tính cách luận-lý triết-học. Đại khái trong đoạn văn thứ nhất, nằm ở trong phần phụ-lục của luận-văn tiến-sĩ (Bàn về điểm dị-biệt giữa triết-học về thiên-nhiên của Đêmôcrit và của Êpicur, 1841), Marx còn đứng trong lập-trường duy-tâm để phê-bình những chứng-lý biện-minh rằng có Thiên-Chúa : ông cho đó chỉ là những câu nói đi nói lại rỗng tuếch, và tựu chung chỉ chứng-minh được có một điều là có cái tự-kỷ-ý-thức (Selbstbewusstsein, conscience-de-soi). Trong đoạn văn thứ hai nằm ơ phần đầu Bản thảo về kinh-tề và triết-học (1844), Marx bàn luận về chứng-lý căn-cứ vào nguyên-tắc nhân-quả để biện-minh rằng có Thiên-Chúa. Tôi đã có dịp phân-tích kỹ-càng hai trang đó trong bài Karl Marx phê-bình tôn-giáo (1970), vừa nhắc tới trên đây.

Nhưng như thế vẫn chưa hết. Marx đã thu-thập được về tôn-giáo khá nhiều tài-liệu thuộc về những loại khác nhau. Tất cả đều nằm trong những cặp vở ghi-chú trong những năm 1839-1840, khi ông tham-khảo sách vở để soạn luận-văn tiến-sĩ. Ủy-ban cho ấn-hành bộ MEGA mới đã gọi đó là Những cặp vở về triết-học của Êpicur (Hefte zur epikureischen Philosophie) (MEGA IV / 1 / 1, tr 9-152). Những ghi-chú đó chỉ có một phần được Marx dùng đến trong luận-văn của ông. Còn một phần lớn thì Marx không thấy dùng trong những sách vở ông viết về sau này. Thêm vào đó lại còn Những cặp vở viết tại Berlin (Berliner Hefte, 1840-1841), trong đó Marx có chép lại những đoạn văn dài của triết-gia Hòa-lan B. Spinoza (MEGA IV / 1 / 1, tr 158-288) và bảy Cặp vở viết tại Bonn (Bonner Hefte, 1842) (MEGA IV / 1 / 1, tr 289-381), viết sau khi ông đậu tiến-sĩ, trong đó ông trích từ sách nọ sách kia ra nhiều đoạn văn về lịch-sử nghệ-thuật và lịch-sử tôn-giáo. Nhờ có Những cặp vở viết tại Bonn mà ngày nay ta nhớ ra rằng nhà văn và chính-khách Benjamin Constant đã viết một bộ sách 5 cuốn, nhan đề là Bàn về tôn-giáo, xét theo nguồn-gốc, các hình-thái và tiến-triển (De la religion considérée dans sa source, ses formes et ses développements, Paris, 1825-1831).   

Từ năm 1842 trở đi, trong những ghi-chú và trích-dẫn của Marx không thấy có về tôn-giáo nữa, nhưng về lịch-sử, kinh-tế và chính-trị mà thôi. Có thể nói là từ đây Marx có thể để những cặp vở ghi-chú đó cho ‘’loài chuột đến gậm-nhấm phê-bình’’, mà không thiệt hại gì cả. Thực thế, sau khi Feuerbach đã xuất-bản sách Bản-chất đạo Thiên-Chúa (1841), thì Marx coi đó là lời phê-bình dứt-khoát, về mặt lý-thuyết không thể làm hơn được nữa. Cho nên, như đã nói trên đây, sau khi đã phê-bình xong trên trời, thì phải bắt đầu phê-bình dưới đất. Trong dự-định đó, Marx đã mời Feuerbach cộng-tác hoạt-động chính-trị với ông. Feuerbach không hưởng-ứng, và từ đó hai người tuyệt-giao. Feuerbach cho rằng việc phê-bình tôn-giáo vẫn chưa xong hẳn, cho nên ông tiếp-tục suy-nghĩ và xuất bản thêm hai cuốn sách nữa là : Giáo-trình về bản-chất của tôn-giáo (Vorlesungen über das Wesen der Religion, 1851), Nguồn gốc phát-sinh ra thần-linh (Theogonie, 1857).

Nhưng nếu những người đi sau Feuerbach, không thể phê-bình thêm về tôn-giáo nữa, thì ít ra cũng có thể phê-bình hay hơn. Trong phần dẫn-nhập vào tác-phẩm của Marx được dịch ra Pháp-văn, và in trong bộ Tác-phẩm (Oeuvres, tập I, Tủ sách Pléiade, Nxb Gallimard), Maximilien Rubel có cho biết rằng : ‘’Vào năm 1840, trong lúc soạn luận-văn tiến-sĩ, Marx có ý-định viết mấy bài có tính-cách vừa bút-chiến vừa hài-hước, để chống lại khuynh-hướng hòa-giải tôn-giáo và triết-học, đang được một nhóm người ở đại-học chủ-trương’’ (tr LIX-LX). Những bài như thế rõ-ràng là để chống lại các đồ-đệ của Hegel, vì Marx cho rằng hệ-thống triết-học của Hegel đã cho tôn-giáo được một chỗ cuối cùng để tị-nạn.

Cũng vào thời đó, Bruno Bauer đang sửa soạn một bài bút-chiến nhan đề là Cái loa thổi ngày phán-xét chung để chống lại Hegel là vô-thần và là quỉ-sứ, mà phần thứ nhất phải được in ra muộn nhất là vào tháng 11 năm 1841. Còn phần thứ hai thì đã dự-tính là Marx phải viết, mà viết về quan-niệm của Hegel về tôn-giáo. Vấn-đề là giải-thích rằng Hegel coi tôn-giáo là một hiện-tượng riêng của tự-kỷ-ý-thức đang phát-triển. Người ta còn thấy dấu-vết ý-kiến đó trong phần phụ-lục luận-văn của Marx, mà ta đã nhắc tới trên đây  . Thế nhưng sau khi phần thứ nhất bị chính-quyền cấm, thì phần thứ hai cũng phải đình lại. Cuối tháng giêng năm 1842, lại dự-tính để Marx viết phần thứ hai, nhưng gọi tên khác đi là Học-thuyết Hegel về tôn-giáo và nghệ-thuật, được phê-bình theo quan-điểm của người tín-hữu, do b.m. viết. Nhưng bài đó không thể xuất-bản ở Leipzig được vì bị kiểm-duyệt ở nước Sachsen (Saxe). Marx lại tính nhờ Arnold Ruge đem đi xuất bản ở Thụy-sĩ. Nhưng Ruge cho biết là muốn thế phải viết lại tất cả. Rốt cục thì việc đó phải bỏ hẳn, vì Marx vừa được nhận làm chủ bút cho tờ báo Rheinische Zeitung (Nhật-báo miền sông Ranh), cho nên không còn thì-giờ viết lại.

Thế là Marx không bao giờ viết ra được cuốn sách Phê-bình tôn-giáo. Nhưng tài liệu, nếu chưa đủ thì cũng đã sẵn cả rồi.

 

0.2 - Nhìn tổng-quát về các tài-liệu của Marx 

Đọc mấy trăm trang ghi-chú của Marx về tôn-giáo, chúng ta biết rõ hơn về những tài- liệu ông thâu-lượm, về ý-định của ông trong việc chọn tác-giả nào nên đọc, chọn đoạn văn nào nên chép.

Những bản văn mà Marx đã đọc và chép lại bằng chính-văn hay là bằng bản dịch ra tiếng Đức thì bây giờ được in trong MEGA, loại IV, tập 1, cuốn 1. Còn những bản văn tiếng Hi-lạp và tiếng La-tinh, ví dụ như của Spinoza, thì nhà xuất-bản đã cho dịch sang tiếng Đức và in trong tập 1, cuốn 2 ; nghĩa là những bản văn trong cuốn 2. không phải là chính văn, cũng không phải là  văn của Marx, cho nên có thể có chỗ dịch sai, như ta sẽ thấy sau này.

Những đoạn văn được chép lại và những ghi-chú của Marx có thể xếp thành hai loại.

Loại thứ nhất nằm trong bảy cặp vở và gồm những tài-liệu để soạn luận-văn tiến-sĩ. Loại này thì ta đã biết từ lâu, vì đó là phần phụ-lục của luận-văn tiến-sĩ, đã được xuất-bản lần đầu tiên, năm 1927, trong bộ MEGA cũ, loại I, tập 1, cuốn 1, tr 84-144, nhưng không đầy-đủ, vì chỉ in những ghi-chú của Marx, còn những đoạn văn Marx đã chép lại thì không in, mà chỉ đề xuất-xứ mà thôi, Trong bộ MEGA mới thì cho in đầy đủ tất cả và in cả chính-văn nữa. Loại thứ nhất này có liên-quan tới triết-học duy-vật, và cho ta thấy lộ-trình đưa Marx tới lập-trường vô-thần  .

Loại thứ hai gồm những bản văn chép và ghi-chú trong những năm 1839-1842, về triết-học tổng-quát, về lịch-sử nghệ-thuật và về lịch-sử tôn-giáo .

Nói chung thì Marx tham-khảo khá rộng. Có điều đáng chú-ý là Marx không đọc sách các nhà thần-học đạo Thiên-Chúa. Phải chăng là vì ông nghĩ rằng theo học được mấy bài giáo lý ở trung-học cũng là biết quá đủ rồi ? Phải chăng là vì vào thời Marx, nhiều nhà thần-học không phân-biệt được thần-học với triết-lý về tôn-giáo ? Cho đến nỗi Feuerbach chủ-trương thần-học và vô-thần cũng chỉ là một .

Nói cho đúng thì trong những ghi-chú này, Marx chỉ để ý đến triết-lý về tôn-giáo và lịch-sử các tôn-giáo mà các tác-giả viết vào thời thượng-cổ Hi-lạp và La-tinh, vào thời Cận-đại và người đương-thời với ông, và bỏ hẳn ra hơn một nghìn năm thời Trung-cổ.

Sau đây ta sẽ căn-cứ vào các thời-đại, các sách mà Marx đã chọn, đã đọc, đã chép và đã ghi-chú, để xét lộ-trình đã đưa ông đến vô-thần.

(còn tiếp)

VỀ MỤC LỤC
GIÁ TRỊ VIỆC LÀM của CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (1)

 

NGUYỄN HỌC TẬP 

1 - Con người làm việc là hình ảnh của Thiên Chúa. 

Nhãn quang Ki Tô giáo về việc làm của con người thoát xuất từ nguyên cội mạc khải của Thiên Chúa.

Nguồn mạc khải đó chiếu tỏa lên tất cả những gì thuộc về con người và cho thấy ý nghĩa sâu thẩm của con người.

Con người làm việc không phải chỉ là hậu quả của những gì thuộc về hoàn cảnh nhân loại của mình, mà còn có căn nguyên có liên hệ đến mối tương quan tiên khởi giữa Thiên Chúa và con ngưòi, và giữa Thiên Chúa và thế giới.

Ngay từ lúc tạo dựng vũ trụ, khi con người và môi trường của mình đều được Chúa dựng nên thoát xuất từ hư vô, việc làm đã được thể hiện lần đầu tiên như là chiếc cầu gạch nối giữa Thiên Chúa và con người ( M.D. Chenu, Per una teologia del lavoro, trad. it. di G. Bertone, Boria, Torino 1984).

 Những tư tưởng vừa kể, Thánh Kinh ghi lại cho chúng ta:

   - " Thiên Chúa ban phúc lành cho hai ông bà và phán với ông bà: " Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất " ( Gen 1, 28). 

Và khi viết về việc làm của con người, ĐTC Gioan Phaolồ II cũng đã lập lại:

   - " Trong Lời Chúa Mạc Khải đã đươc ghi khắc rất sâu đậm chân lý nền tảng nầy, đó là con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, qua việc làm của mình con người tham dự vào công trình của Đấng Tạo Hoá, và trong tầm mức khả năng của mình, một cách nào đó, con người tiếp tục khai triển và hoàn hảo hóa công trình của Người, luôn luôn tiến thêm lên trong việc khám phá ra các nguồn tài nguyên và các giá trị được chứa đựng trong những gì đã được tạo dựng nên " ( LE, n. 25). 

Đến đây, chúng ta đang đứng trước nguồn gốc và tâm điểm của Mạc Khải.

Đấng Tạo Hoá là Đấng đã dựng nên tất cả mọi vật, là Người Làm Việc Tiên Khởi.

Giữa những sản phẩm công trình tạo dựng của Người, có những tạo vật được dựng nên để cộng tác vào công trình vĩ đại nầy trong việc kiến tạo nên vũ trụ.

Chúng ta đừng nghĩ rằng Công Cuộc Sáng Tạo như là động tác khởi thủy, rồi sau đó Đấng Tạo Hoá rút lui để cho thế giới tự nhiên tiếp theo đường hướng của mình và để giao cho động tác tự lập của con người.

Công Trình Sáng Tạo là một động tác của Chúa vẫn tiếp tục và việc làm của con người luôn luôn là việc cộng tác đang tiếp nối.

Ngày qua ngày Thiên Chúa làm việc bên cạnh con người, Thiên Chúa ở trong con người và con người cộng tác với Thiên Chúa để làm cho công trình sáng tạo luôn luôn hoàn hảo hơn ( M.D. Chenu, id.). 

Căn nguyên nền tảng nầy vệc làm của con người là điều tuyệt đối mới mẻ trong tư tưởng Do Thái - Ki Tô giáo.

Con người thời cỗ không thể đánh giá được việc làm của con người và không thể nhận biết được đặc tính tích cực và cao cả của nó, bởi lẽ con người thời cỗ không biết gì đến công cuộc sáng tạo:

   - " Thiên Chúa chúc lành cho ông bà và phán với ông bà: " Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đày mặt đất, và thông trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất " ( Gen 1, 28). 

   - " Từ cỏi trời thánh thiêng Chúa ngự, xin gởi Đức Khôn Ngoan Ngài tới, xin phái đến từ toà cao vinh hiển, để phù trì và đồng lao cộng khỏ với con, cho con biết điều đẹp ý Chúa " ( Sap 9, 10). 

Con người thời cỗ quan niệm rằng thế giới vĩnh viễn và như là mọi chuyện đã hoàn tất. Bởi đó con người không còn phải làm gì hơn là nhận biết và chiêm ngắm thế giới.

Nhưng thế giới không phải được dựng nên mà  không có dòng lịch sử của mình. Chính vì Thiên Chúa đã muốn mời gọi con người cộng tác vào công trình sáng tạo nầy, bởi đó công cuộc sáng tạo có dòng lịch sử, phát triển và cùng đích.

Làm việc, con người tạo nên dòng lịch sử cho thế giới và làm thành lịch sử.

Con người được kêu gọi làm việc vì lòng yêu mến Chúa: kính yêu Thiên Chúa bằng việc làm là điều kiện, địa vị của con người và làm việc để làm vinh danh Chúa ( M.D.Chenu, id).

Hiểu như vậy, chúng ta không có gì phải ngạc nhiên biết được việc làm là một phần nằm ngay trong bản thể, địa vị và hoàn cảnh của con người.  

Như chúng ta biết quan niệm Ki Tô giáo về con ngưòi có thể gồm tóm vào tín lý hình ảnh Thiên Chúa. Con người là hình ảnh Thiên Chúa.

Ý nghĩa vừa kể gợi ý cho chúng ta những mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa là những gì gần gũi cá biệt, đến nỗi con người mang lấy nơi mình và trong động tác của mình dấu vết của Thiên Chúa.

Con người là hình ảnh Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa, không phải chỉ ở những gì con người là con người trong bản thể của mình - như những gì trong qúa khứ thường đề cập đến - mà còn giống Thiên Chúa cả trong những gì con người hành động:

   - " Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, đàng khác, do bởi sứ mạng nhận được từ Đấng Tạo Hoá mình, để cư ngụ và thống trị mặt đất. Trong khi thực hành sứ mạng đó, con người, mỗi con người, phản ảnh lại chính động tác của Đấng Tạo Hoá vũ trụ. Việc cai quản thống trị trái đất là dấu chứng cho đặc tính giống hình ành nầy, mà ngay cảc tội lỗi, mà từ đó mệt nhọc và mồ hôi được thể hiện trong việc làm, cũng không xoá bỏ đưọc " ( LE, n.9; GS, n.34).  

Nguyên tội không phải là nguyên cớ hay căn nguyên nền tảng khiến cho con người phải làm việc, mà chỉ là căn nguyên của sự mệt nhọc và những khó khăn của việc làm ( Gen 3, 16-19):

   - " Với người đàn bà Chúa phán: " Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai ngén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi ".

     Với người đàn ông , Chúa phán: " Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: " Ngươi đừng ăn nó ", nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi, ngươi phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng: Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có mà ăn " ( Gen 3, 16-19).

Những gì vừa trích dẫn góp nhận một đường lối suy tư, được từ lâu đâm rễ sâu vào truyền thống và cho thấy mối liên hệ giữa việc làm và sự quan phòng của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể nói một cách ngắn gọn là để tiên liệu được những gì tốt đẹp cho mình và cho người khác, đó là mục đích của việc làm. 

Khi Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội (HDXHGH) nhấn mạnh đến phẩm giá của người làm việc, là luôn luôn nghĩ đến hình ảnh Thiên Chúa của con người, khiến cho công việc của tay chân và trí nảo con người mang tính cách thiêng thánh, cần phải được kính trọng và bảo vệ. Làm viêc là một phương thức sống của con người, với tư cách là tạo vật do Chúa dựng nên:


    - "Chính chủ thể việc làm là con người " ( LE, n.5). 

Chúng ta cần nhấn mạnh ở đây, trong HDXHGH, phẩm giá của người làm việc được đặt trổi thượng hơn địa vị của người công dân ( đối với tổ chức xã hội - chính trị ). Con người làm việc là định hướng tiên khơi được Đấng Tạo Hoá khắc ghi vào bản thể con người.  

Con người được Thiên Chúa dựng nên ở bên ngoài vườn đia đàng, kế đến được Thiên Chúa dắt vào vườn địa đàng để " làm việc và canh giữ đất đai ":

   - " Thiên Chúa lấy bụi đất nặn ra con ngưòi, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật...Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để trồng trọt và canh giữ đất đai "      ( Gen 2, 6.15).

Đối với con người làm việc đó, " trồng trọt và canh giữ đất đai ", Thiên Chúa ban các mệnh lệnh của Người liên quan đến Cây sự sống và đến những gì hiểu biết. chỉ khi nào con người đã ở trong vườn địa đàng và thực hiện phận vụ của mình được Chúa giao phó, " trồng trọt và canh giữ đất đai ", con người mới phải chạm trán với Lề Luật, tức là cần phải tôn trọng các sự vật được tạo dựng và nhận biết các sự vật, của mình cũng như của người khác là do công trình sáng tạo của Chúa ( J.M Ibànez Langlois, La dottrina sociale della Chiesa, Ares, Milano 1987, p. 41ss). 

Các HDXHGH ngay từ Thông Điệp Rerum Novarum ( n. 32) đã nhấn mạnh đến mối tương quan giữa việc làm và hinh ảnh Thiên Chúa nơi con người ( ĐTC Pio XII, Radiomessaggio natalizo ( 1955),n. 18.; S. Tommaso d'Aquino, Somma teologia, I-II, q.92, a.2).

Thái độ thường tình hiện nay là tách rời hay gián đoạn mối liên hệ giữa các quyền người công dân và các quyền làm việc hay đúng hơn là đảo ngược phẩm trật giá trị.

HDXHGH trái lại, trong các lời tuyên bố gần đây, đặt nặng vấn đề trong việc bảo vệ phẩm giá người làm việc có cả những đòi buộc trước tiên phải có trước đó nữa, đó là bảo vệ các quyền căn bản của con người.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là coi thường các lãnh vực khác của động tác con người ( xã hội, chính tri, luân lý ) theo kiểu cộng sản chủ nghĩa, nghĩa là động tác của con người chỉ có giá trị nhằm liên hệ đến lãnh vực sản xuất. 

Trái lại, chính vì trong động tác làm việc của con người là động tác chứa đầy kho tàng phong phú của con người và phát sinh từ gốc rễ liên hệ giữa các chủ thể con người với nhau.

Trong động tác làm việc đã thể hiện tất cả con người và qua động tác đó, con người diễn tả ra chính mình.

Và bởi vì là động tác phát xuất từ căn cội con người, từ bản thể con người, tất cả các mục đích của việc làm con người là những mục đích có liên hệ đến lãnh vực luân lý.

Điều đó có nghĩa là một mục đích luân lý được thể hiện nhằm đáp ứng lại các nhu cầu chính yếu của chính mình và của anh em đồng bào và đồng loại mình. Điều đó cũng nói lên mục đích luân lý, việc làm của con người, là điều được nhằm đến " để trồng trọt và canh giữ đất đai ", để quản trị, điều khiển và canh giữ những gì Thiên Chúa dựng nên, theo thánh ý Người.

Ngay trong ý nghĩa vừa kể, quan niệm Ki Tô giáo không phải là quan niệm xa lánh thế tục, mà là quan niệm dấn thân vào trần thế, " để trồng trọt và canh giữ đất đai ", tạo nên lợi ích cho chính mình, đáp ứng lại các nhu cầu của mình và của anh em đồng bào và đồng loại mình, như ý Chúa muốn: canh giữ, quản trị và tác động để tiếp tục công trình sáng tạo của Chúa, làm cho thế giới mỗi ngày một phát triển hơn, tốt đẹp hơn cho chính mình và cho nhân loai, theo đồ án sáng tạo của Chúa.

Bởi đó có những quan niệm thiêng liêng sai lạc nhìn việc làm con người trong động tác " để trồng trọt và canh giữ đất đai " như là động tác chỉ nhằm mục đích thoả mãn các nhu cầu và lợi thú vật chất của mình, hơn là một bổn phận luân lý, đã hàm chứa trong đồ án sáng tạo của Chúa ngay từ lúc khởi đầu ( S. Veca, Cittadinanza. Riflessioni filosofiche sull'idea di emancipazione, Feltrini, Milano 1990).  

Ngoài ra, phải là động tác thống trị, cai quản trên tạo vật được hiểu như là thái độ bắt buộc tạo vật phải tuân phục mình ( assujettir), đặt tay sắp xếp, có uy quyền trên các tạo vật,

Nói cách khác, không phải là con người ở vi thế thượng đẳng hơn các tạo vật khác tùy hỷ theo ý muốn của mình.

Cách hành xử đó không đúng với thái độ chính đáng phải có về phương diện luân lý, nhứt là động tác làm việc của con người trên tạo vật phải được hiểu như là động tác cộng tác với Thiên Chúa để tiếp tục biến chuyển công trình sáng tạo của Người hoàn hảo hơn, tốt đẹp hơn, đáp ứng thích hợp hơn cho mình và cho anh em mình có được cuộc sống xứng đáng với con người, hình ảnh của Thiên Chúa ( Gen 1, 28) và là con Thiên Chúa ( Mt 6, 9).

Bởi đó là cách suy nghĩ bất chính của những người cho rằng kỷ thuật, trong thực thể của mình, là những gì bạo lực đối với tạo vật và từ đó tất cả nền văn minh của con người không có gì khác hơn là bạo lực và lướt bỏ đi, coi thường căn nguyên và nền tảng sáng tạo của Thiên Chúa ( Chúa đã tạo dựng tạo vật như vậy, tại sao con người lại dùng kỷ thuật để thay đổi, áp chế và đôi khi cả loại trừ đi ) ( Girard e J. Tischner, Etica del lavoro, Cseo, Bologna 1982).

Có thể là như vậy, nếu chúng ta nghĩ rằng kỷ thuật khoa học con người không hề bị một lằn mức nào chuẩn định và giới hạn, cũng như không phải tuân phục một lề luật luân lý nào.

Điều đó có nghĩa là khi khoa học kỷ thuật chối bỏ đi công việc sáng tạo của Thiên Chúa và Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá, đã khắc ghi lề luật của Người trong bản tính của các tạo vật và lề luật luân lý phải tuân giữ trong tâm hồn con người.  

Quan niệm Ki Tô giáo về việc làm gặp được trong điều mà có vẻ như chỉ dùng như là phương tiện để kiếm sống, lại là nơi hàm chứa ý nghĩa cai quản thống trị và sáng tạo, ý nghĩa lịch sử và mạo hiểm của nhân loại giữa thế giới đã được Chúa sáng tạo nên:

   -" Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng để tồng trọt va canh giữ đất đai " ( Gen 2, 15),

   -" ...và hãy thống trị mặt đất. hãy làm bá chủ cá biển chim trời và mọi vật bò trên mặt đất " ( Gen 1, 28).   

Việc làm của con người, nhìn thoáng qua có vẻ như nói lên sự mỏng dòn yếu đuối, chóng qua của con người, trái lại nói lên địa vị cao cả của con người và hình ảnh của Thiên Chúa:

   - " Việc làm là động tác của con người nhằm tìm ra được những gì đáp ứng lại các nhu cầu của đời sống, và nhứt là để giữ cho mình được sống còn: " với mồ hôi của con, con sẽ có được bánh để ăn ".( E. Severino, Tecniche. Le radici della violenza, Rusconi, Milano 1979,  4)

Trong tạm thời chúng ta thấy đuợc hai đặc tính trong việc làm:

   - đặc tính thứ nhứt, đó là đặc tính cá nhân, bởi vì việc làm thoát xuất từ sức mạnh năng động liên hệ với chủ thể hành động và chính là của người đang tác động và động tác đó đem lại lợi ích cho người đương cuộc.

   - đặc tính thứ hai, đó là đặc tính cần thiết, bởi vì kết quả của việc làm là những gì cần thiết đáp ứng lại nhu cầu của con người, để con người còn giữ được mạng sống mình:

   -  * " giữ cho mình còn sống được là một bổn phận không thể tách bỏ đi được, do bản tính thiên nhiên của mình đòi buôc " ( RN, n. 36). 

 

Nói tóm lại

Con người, " được dựng nên giống hình ành Thiên Chúa " ( Gen 1, 28), không có nghĩa là giống Chúa nhưng chết cứng bất động như một bức tượng điêu khắc tuyệt vời, như một bức tranh hội hoa tuyệt hảo để treo lên bức tường, như một bức hình chụp đầy màu sắc sặc sỡ, nhưng bỏ đó im lặng không cựa quậy, một tạo vật vô hồn.

   - Con người " giống hình ảnh Thiên Chúa " là con người sống động với bản tính " giống Thiên Chúa " của mình, là tạo vật duy nhứt được Thiên Chúa  " thổi sinh khí vào lỗ mũi " ( Gen 2, 7), ban sức sống của Người cho.

" Sinh khí đó " của Thiên Chúa vẫn tồn tại trong bản thể con người, khiến cho con người sống, năng động đi đứng và " làm việc " với sức sống, trí khôn ngoan, lòng ước muốn tự do, phản ảnh lại Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan và tự do vô hạn,  và lề luật luân lý của Người cũng được khắc ghi vào thâm tâm con người của mình.

Như vậy con người làm việc là làm việc với trí khôn ngoan, lòng ước muốn tự do tôt đẹp hơn và tuân theo lề luật luân lý được khắc ghi vào nội tâm của mình và tuân giữ bản tính của các tạo vât được Chúa ghi khắc vào bàn thể của chúng;  làm việc để tạo cho mình và cho anh em đồng bào và đồng loại mình một thế giới sống tốt đẹp hơn.

Con người làm việc, là tiếp tục công trình sáng tạo của Thiên Chúa cho nhân loại, để sản xuất, kiến tạo, sắp xếp, sữa đổi, thiết định bằng " sinh khí " được Thiên Chúa thổi vào lỗ mũi.

Nói cách khác, Thiên Chúa vẫn ở bên cạnh con người, vẫn ở trong con người khi con người làm việc với phần " sinh khí " mà Chúa ban cho mỗi người, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của mỗi người.

Như vậy, giá trị việc làm của con người không phải chỉ được định giá bằng sản phẩm vật chất có thể tạo được, mà còn bao gồm cả địa vị " hình ảnh Thiên Chúa " và " sinh khí " hay sức sống Thiên Chúa ban cho mà con người có nơi mình.

Dựa trên kết quả vật chất để đánh giá và nhứt là ỷ lại vào quyền thế để đối đãi với con người làm việc như súc vật, lợi dụng, bốc lộ và tha hoá con người , đàn áp, đánh đập, " trấn nước ", " bịt miệng " con người là thái độ  xúc phạm cả đến Thiên Chúa ( cfr. A. M. Baggio, Lavoro e Cristianesimo, Cittanuova, Roma 1988)..

Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

 

VỀ MỤC LỤC
Đừng quấy rầy tiếng ồn!

 

Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

Chỉ dẫn: 

Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.

Lưu ý: 

Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng đời nhân loại. 

Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ.  

LTS. Chỉ dẫn và lưu ý trên đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN chỉ phát hành 2 tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5 đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.

 

Chủ đề: CẦU NGUYỆN

 1. “Đừng quấy rầy tiếng ồn!” 

Một đêm kia, khi thầy Bruno đang cầu nguyện thì tiếng kêu ộp ộp của một con ếch quấy rầy thầy. Những cố gắng của thầy nhằm lờ đi cái âm thanh ồn ào đó xem ra vô hiệu. Từ khung cửa sổ, thầy hét lên, “Im, ta đang cầu nguyện”. 

Vì là một người thánh thiện, nên lệnh của thầy được chấp hành ngay. Mọi sinh vật kìm giữ âm thanh của mình tạo nên một sự im ắng thuận lợi cho việc cầu nguyện. 

Nhưng này đây, một âm thanh khác xen vào việc thờ phượng của thầy Bruno - một tiếng nói ậm ự thốt lên rằng, “Có lẽ Thiên Chúa cũng hài lòng với tiếng kêu ộp ộp của một con ếch như lời thầy hát các Thánh Vịnh”. Thầy Bruno dể duôi biện bạch, “Trong tiếng kêu ồn ào của một con ếch, có cái gì có thể làm vui tai Thiên Chúa?”. Nhưng giọng nói ấy vẫn không chịu thua, “Tại sao thầy không nghĩ đến việc Thiên Chúa cũng đã tạo nên cả những tiếng ồn?”. 

Thầy Bruno quyết định tìm xem lý do. Thầy nhoài người qua cửa sổ và ra lệnh, “Hát!”. Tiếng ộp ộp nhịp nhàng của con ếch toả lan hoà chung với tiếng nhạc nền của tất cả những con ếch vùng lân cận. Và khi thầy Bruno cùng lên tiếng với âm thanh đó, thì chúng ngưng kêu và thầy khám phá ra rằng, nếu chịu dựng được chúng, chúng thật sự làm phong phú cái im ắng của đêm. 

Với khám phá đó, tâm hồn thầy Bruno trở nên hài hoà với vạn vật, và lần đầu tiên trong đời, thầy hiểu ý nghĩa của việc cầu nguyện.  

ڰ 

2. Giải đáp cho mọi vấn nạn  

Chuyện Do Thái: Tại một thành phố nhỏ nước Nga, những người Do Thái đang nóng lòng đợi chờ một Rabbi. Đây là một dịp hiếm có, vì thế họ dành nhiều thời giờ chuẩn bị những câu hỏi được đặt ra cho con người lành thánh này.  

Cuối cùng, ông cũng đến và gặp họ tại sãnh đường thị trấn, ông cảm nhận được sự căng thẳng của bầu khí khi mọi người đang nao nức chờ xem những câu trả lời cho họ từ phía ông. 

Trước tiên, không nói với họ một lời, ông chỉ chăm nhìn vào mắt họ và ngâm lên một giai điệu buồn buồn không thành tiếng. Thế là mọi người ngâm nga theo. Ông bắt đầu hát và mọi người cùng hát. Ông đong đưa thân mình, nhảy múa trang trọng với những bước nhịp nhàng. Cộng đồng cùng nhảy theo. Trong phút chốc, mọi người bị cuốn hút vào điệu nhảy, tập trung hết cả tâm trí vào nhịp chân đến nỗi quên hết mọi sự trên đời. Và như thế mỗi người trong đám đông làm nên một tổng thể, những rạn nứt bên trong được chữa lành và không gì còn ngăn cản họ tìm gặp Chân Lý. 

Gần một giờ sau, vũ điệu mới ngưng dần và dừng lại. Không còn căng thẳng nội tâm, bấy giờ, mọi người ngồi xuống trong an tĩnh, một sự an tĩnh đang ngập tràn căn phòng. Thế rồi, chiều hôm ấy vị kinh sư chỉ nói một câu duy nhất: “Tôi tin rằng, tôi đã giải đáp cho mọi vấn nạn của quý vị”. 

ڰ

3. Kinh nguyện và nhảy múa 

Một tu sĩ Hồi Giáo được hỏi tại sao ông thờ phượng Thiên Chúa qua việc nhảy múa. Ông trả lời, “Vì lẽ thờ phượng Thiên Chúa có nghĩa là chết đi cho chính mình, múa nhảy giết chết cái tôi. Khi cái tôi chết đi, mọi vấn nạn cùng chết với nó. Ở đâu không có cái tôi, ở đó có tình yêu, có Thiên Chúa”. 

Vị Thầy ngồi với các đồ đệ đang chăm chú lắng nghe. Ông nói, “Các bạn đã nghe nhiều kinh và đã đọc nhiều kinh. Chiều nay tôi muốn các bạn chứng kiến một lời kinh khác”. 

Ngay lúc đó, màn mở ra và vũ điệu ba lê bắt đầu. 

ڰ 

4. Ba lời cầu nguyện khôi hài 

Một thầy đồng đạo Hồi trẩy đi hành hương đền Mecca. Kiệt sức vì hành trình dài, ông nằm mọp bên đường tại một vùng ngoại ô. Vừa chợp mắt vì buồn ngủ, ông bị một người hành hương đang giận dữ đánh thức một cách thô bạo. “Đây là lúc mọi tín đồ sụp đầu hướng về Mecca, còn anh lại chỉa chân về đền thánh. Anh thuộc loại Hồi Giáo nào?”. Thầy đồng không nhúc nhích, nhưng chỉ mở mắt và nói, “Này người anh em, anh làm ơn đặt chân tôi theo hướng nào mà chúng sẽ không chỉa vào Thiên Chúa?”.   

Lời cầu của một người mộ đạo dâng Thần Vishnu: 

“Lạy ngài, xin ngài tha ba trọng tội cho con: trước hết, con đã hành hương tại nhiều đền thánh của ngài nhưng lại quên mất ngài ở khắp mọi nơi; thứ đến, con thường cầu xin ngài trợ giúp nhưng lại quên rằng ngài quan tâm đến lợi ích của con hơn chính con; và sau hết, này con đang xin ngài tha thứ cho con khi con biết rằng, mọi tội lỗi của con đều đã được tha trước cả khi con phạm chúng”. 

ڰ

 5. Nhà phát minh lửa 

Sau nhiều năm làm việc, một nhà phát minh khám phá được cách thức làm ra lửa. Ông đem theo dụng cụ trẩy lên vùng tuyết phủ Bắc Cực và dạy cho một bộ lạc ở đó nghệ thuật làm ra lửa cùng những lợi ích của nó. Dân chúng bị cuốn hút bởi phát minh mới mẻ này đến nỗi quên cả việc cám ơn ông. Ngày kia, ông lặng lẽ bỏ đi nơi khác. Là một trong những người cao thượng hiếm có, ông chẳng trông mong được nhớ tới hay được tôn vinh. Những gì ông chờ đợi là sự mãn nguyện khi biết rằng một ai đó đã hưởng được lợi ích từ phát minh của ông. 

Bộ lạc tiếp theo ông đi đến cũng nóng lòng học hỏi như bộ lạc trước. Nhưng các thầy sãi ở đó lại phát ghen vì ảnh hưởng của con người xa lạ này trên dân chúng, họ cho người giết ông. Để tránh mọi nghi ngờ về tội ác này, họ đặt một bức tượng của nhà phát minh vĩ đại ngay trên bàn thờ chính của đền thờ và một nghi lễ được phác thảo, trong đó tên tuổi của nhà phát minh sẽ được tôn kính và lưu truyền. Người ta hết sức quan tâm để không một đề mục nào trong nghi thức này phải thay đổi hay bị bỏ qua. Vật dụng làm ra lửa được đặt trịnh trọng trong một chiếc hộp và mọi người bảo nhau, tất cả những ai có lòng tin đặt tay trên đó đều được chữa lành mọi bệnh tật. 

Chính vị thầy sãi trưởng nhận trách nhiệm biên soạn Tiểu Sử Nhà Phát Minh. Tác phẩm này đã trở thành Sách Thánh, trong đó lòng nhân ái của nhà phát minh được đề cao như một gương mẫu để mọi người noi theo, những công trình hiển hách của ông được tán dương, bản tính siêu phàm của ông làm nên điều phải tin. Các thầy sãi phải liệu làm sao để Sách thánh được lưu truyền cho các thế hệ tương lai trong khi chính họ giải thích một cách có thẩm quyền những gì nhà phát minh dạy và ý nghĩa sự sống cũng như sự chết thánh thiêng của ông. Các vị sẽ trừng phạt đến chết hoặc trục xuất bất cứ ai lạc xa giáo thuyết của họ. Bị chụp lấy bởi những bổn phận mang tính đạo đức đó, dân chúng quên hẳn nghệ thuật làm ra lửa. 

ڰ 

6. Hãy hoàn toàn trở nên lửa 

Thầy Lot đến cùng Cha Đan Phụ Joseph và nói: “Thưa cha, với khả năng của con, con giữ luật, chay tịnh, suy niệm, thinh lặng chiêm ngắm; và trong mức độ có thể, con thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi ý tưởng tà vạy. Giờ đây con còn phải làm gì?”. Cha Đan Phụ đứng tuổi đứng dậy, đưa hai tay lên trời và mười ngón tay của ngài như mười ngọn đèn đang cháy. Thầy nói, “Này đây: Hãy hoàn toàn trở nên lửa. 

ڰ 

7. Kinh sáng của người thợ giày 

Một người thợ giày đến gặp thầy Isaac of Ger và nói, “Xin chỉ cho tôi biết phải đọc kinh sáng làm sao. Khách hàng của tôi là những người nghèo, họ chỉ có một đôi giày. Tôi nhận giày của họ vào chiều tối, sửa cho tới khuya, rạng sáng vẫn chưa xong để họ có giày cho kịp đi làm. Vậy câu hỏi của tôi là làm sao tôi có thể đọc kinh sáng? 

Vị kinh sư hỏi lại: Thế thì từ trước đến giờ anh đọc kinh thế nào? 

Đôi khi tôi đọc kinh vội vã rồi trở lại với công việc - nhưng rồi cảm thấy không ổn. Nhiều lần bỏ đọc kinh và cảm thấy thiếu sót làm sao, thỉnh thoảng trong lúc tay tôi đưa búa lên thì gần như tôi nghe tiếng lòng mình thổn thức, “Tội nghiệp tôi, tôi không đọc kinh sáng được”. 

Vị kinh sư liền nói, “Nếu tôi là Chúa, tôi sẽ thích lời thổn thức đó hơn là kinh sáng của anh”. 

ڰ

(hẹn gặp lại kỳ sau)

VỀ MỤC LỤC
MỘT MÔ HÌNH LINH MỤC CHO NGÀY HÔM NAY

 

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://chivilongchuathuongtoi.blogspot.com/

 

BẢN THẢO

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

GIÁO TRÌNH TU ĐỨC LỚP THẦN II & III

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI 

2011-2012

 

CHƯƠNG MỘT:

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

 

A. MỘT MÔ HÌNH LINH MỤC CHO NGÀY HÔM NAY 

Tây phương có câu ngạn ngữ “trong khi rèn, người ta trở thành thợ rèn.” Cũng thế, càng sống đời chủng sinh càng trở nên chủng sinh hơn, và càng sống đời linh mục càng trở nên linh mục hơn. Nhưng con đường đạt tới lý tưởng linh mục qua công cuộc được đào tạo và tự đào tạo còn nhiều gian nan, cần ơn Chúa và cố gắng bản thân, cùng sự giúp đỡ tận tình của những người có trách nhiệm. Vậy đâu là mẫu người linh mục đích thực như lòng Chúa và Giáo Hội mong muốn.

Trước hết, chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh linh mục nơi thánh Gioan Tông đồ, người môn đệ được Chúa Giêsu yêu. Thánh Gioan đã thể hiện một tình thân thiết đặc biệt với Chúa Giêsu, tiêu biểu nhất là tư thế tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu và mặt hướng ra bên ngoài. Hình ảnh ấn tượng này nói lên tình thân thiết và việc lắng nghe. Khi kề tai vào ngực ai đó, ta có thể nghe thấy nhịp đập trái tim họ. Cũng thế người môn đệ Chúa Giêsu yêu là người đã nghe được nhịp đập trái tim Người và từ hướng nhìn ra ngoài đó, ông hướng lòng ra với thế giới. Như vậy, trở thành môn đệ của Chúa Giêsu là có đôi tai bắt nhịp được với nhịp đập trái tim Ngài, cùng Ngài dõi nhìn ra thế giới bên ngoài để mang ơn cứu độ cho nhân loại. Khi thực hành điều này như thánh Gioan, người linh mục hiện tại cũng như tương lai sẽ luôn đứng về phía tình yêu, có những hướng nhìn đúng đắn, và có dũng khí để hành động theo tình yêu Chúa Giêsu dẫn lối trong đời sống và sứ vụ linh mục của mình ở cả hai chiều kích dưỡng giáo và truyền giáo. 

Nhưng chúng ta phải nói ngay rằng linh mục phải biến tất cả cuộc sống mình thành việc phục vụ Giáo Hội, nghĩa là việc phục vụ Giáo Hội là sứ mạng nền tảng của linh mục, bên kia sự đa dạng của các hình thức thừa tác vụ. Cái nguy hiểm lớn nhất là định nghĩa và giới hạn linh mục trong việc thực thi các nhiệm vụ đặc biệt riêng rẻ. Không, linh mục sống sứ vụ nền tảng phục vụ Giáo Hội của mình bằng những cách thức khác nhau thôi, như cha sở, cha tuyên uý, giáo sư…, thậm chí có người theo một nghề nghiệp nào đó để xích lại gần với người đương thời (linh mục thợ chẳng hạn). Mỗi thời mỗi thế, chúng ta không sao chép quá khứ hay bắt chước cách máy móc, nhưng chúng ta xem xét quá khứ và không để bị cắt đứt khỏi quá khứ, vì nhờ những hình thức đạo đức của những người đi trước mà chúng ta đang là như hôm nay.[1] Quả vậy, thánh chức linh mục không phải là những gì mà chúng ta đang thực hiện; thánh chức linh mục là một Ơn gọi, không phải là một sự nghiệp; không chỉ đơn giản là một thừa tác vụ, nhưng là một Con Đường Sống thiêng liêng; không phải là một phận vụ chức năng, nhưng là một giao ước suốt đời; không phải một vai trò phục vụ tạm thời, nhưng là một căn tính đang hình thành, đang trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Vì thế, hãy luôn ở lại với Chúa, tuân theo ý Chúa, ra đi với Chúa, tỉnh thức cùng với Chúa và bền đỗ với Chúa.[2]

Mới đây, ngày 26/1/2012, tại Rôma, ĐTC Biển Đức XVI dạy: “Bối cảnh văn hóa hiện nay cần một nền đào tạo triết học và thần học vững chắc cho phép hiểu biết cấu trúc nội tại của đức tin trọn vẹn và trả lời cho những vấn nạn của con người hiện đại… Tuy nhiên, việc nghiên cứu thần học phải luôn mật thiết gắn liền với đời sống cầu nguyện... Do đó cần thiết phải hội nhập hài hòa giữa thừa tác vụ, hoạt động mục vụ và đời sống thiêng liêng của linh mục. Điều ấy rất quan trọng đối với linh mục, vì nó sẽ là tất cả cuộc sống của ngài: đặt quân bình con tim và trí óc, lý trí và tình cảm, thân xác và linh hồn, nghĩa là tất cả những gì trọn vẹn là con người… Vì thế, cần phải rất chú ý chiều kích nhân bản của các ứng viên… để linh mục thực sự là người của Thiên Chúa trước mặt mọi người...  Mối tương quan với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô phải là nền tảng trong thời gian đào tạo cũng như suốt cả đời sống linh mục.” Ngài lặp lại lời Đức Gioan XXIII khuyến cáo rằng “trước khi là linh mục học thức, hùng biện, thức thời, thì cần phải là linh mục thánh thiện và là người thánh hóa kẻ khác… Đó là những quyết tâm luôn luôn thời sự vì hơn bao giờ hết Giáo Hội cần những chứng nhân đáng tin cậy chuyển tải sự thánh thiện bằng chính cuộc sống của mình.”[3]

A.1. Linh mục là người được Chúa Thánh Thần tác động, chiếm hữu và hướng dẫn[4]

A.1a Mẹ Maria đầy Chúa Thánh Thần

Mẹ Maria là mẹ và kiểu mẫu mọi thời cho linh mục để mình được Chúa Thánh Thần tác động, chiếm hữu và hướng dẫn. Trình thuật truyền tin tô đậm nét cho xác quyết này:

  • ‘Việc ấy sẽ xảy ra cách nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!’

  • ‘Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa’

  • “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

  • “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, Xin Vâng như lời sứ thần Chúa truyền.” (Lc 1, 34-35,37-38)

            Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria mang thai Chúa Giêsu. Nhờ Mẹ mang Chúa đến thăm, bà Elizabeth được đầy Chúa Thánh Thần: “Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần”[5]

A.1b Một số nhân vật Phúc Âm được đầy Chúa Thánh Thần

  • Gioan Tẩy Giả: “Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa…và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần”[6]

  • Dacaria: “Dacaria, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng…” [7]

  • Thánh Giuse được thiên thần loan báo về Chúa Giêsu sinh ra [8]

  • Simêon: “Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Chúa: được Thánh Thần thúc đẩy, ông lên đền thờ.”[9]

  • Đặc biệt Chúa Giêsu:

-         Được Isaia báo trước: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than…”[10]

-         Chính Chúa Giêsu khẳng định về mình ở Hội đường Nazareth: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa… Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”[11]

A.1c Linh mục với Chúa Thánh Thần

Cũng như mọi người, linh mục đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần và trở nên đền thờ Ngài ngự khi chịu bí tích Rửa tội; và còn nhận lãnh Thánh Thần đầy đủ hơn trong Bí tích Thêm sức và Truyền chức linh mục (với quyền tha tội). Vài đoạn Kinh Thánh nói rõ điều đó:

  • Mc 1,8 “Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”

  • Lc 3,16 “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.”

  • Ga 1,33 “Tôi đã không biết Người,nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần."

  • Ga 3,5 Chúa Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.”

  • Cv 1,5 “Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.”

  • Cv 6,2-4 “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống là điều không phải. Vậy, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.”

 

Hơn ai hết linh mục phải để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, như đã làm với chính Chúa Giêsu:

  • Mt 4,1 Bấy giờ Chúa Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ.

  • Mc 1,12 “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa.”

  • Lc 4,1 “Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về.”

  • Ga 14,26: Chúa Thánh Thần dạy dỗ và nhắc nhở mọi điều Chúa Giêsu đã dạy: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”

  • Lc 12,11-12: Thánh Thần cũng sẽ dạy cho biết phải nói gì: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói”

  • Mt 10,20; Mc 13,11: Thánh Thần còn nói thay cho nữa -“Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” "Khi người ta điệu anh em đi nộp, thì anh em đừng lo trước phải nói gì, nhưng trong giờ đó, Thiên Chúa cho anh em biết điều gì, thì hãy nói điều ấy: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần nói.”

Chúa Thánh Thần giúp kiện toàn đời sống và sứ vụ linh mục bằng 7 ơn của Ngài: Khôn ngoan, tri thức, thấu hiểu, sức mạnh, lo liệu, đạo đức và kính sợ Chúa. Chính Ngài đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình những lưỡi lửa, cho họ nói các thứ tiếng khác nhau, biến đổi họ nên can đảm rao giảng Chúa Kitô Phục Sinh và hôm ấy có khoảng ba ngàn người theo Đạo.[12]

Chúng ta phải trung thành và ngoan ngoãn nghe theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, hầu mang lại hoa trái: Bác ái, vui mừng, bình an, nhẫn nại, tế nhị, tốt bụng, quảng đại, hòa nhã, trung tín, khiêm tốn, tự chủ và thanh khiết.

Xin Chúa Thánh Thần dùng môi miệng của ta mà nói điều Chúa muốn nói; xin Ngài soi sáng trong trí khôn cho ta viết lại; Ngài cũng có thể cầm tay ta giúp ta viết lên điều Ngài muốn; xin Ngài viết ra trên vách cho ta xem mà chép lại, như trường hợp Danien giải thích cho vua Bensatsa:[13] “Thiên Chúa đã cho bàn tay đến viết hàng chữ kia: MƠ-NÊ, TƠ-KÊN, PƠ-RẾT. Và đây là lời giải thích những chữ đã được viết ra:

  • MƠ-NÊ có nghĩa là đếm: Thiên Chúa đã đếm và chấm dứt những ngày của triều đại ngài;

  • TƠ-KÊN có nghĩa là cân: ngài đã bị đặt trên bàn cân và thấy là không đủ;

  • PƠ-RẾT có nghĩa là phân chia: vương quốc của ngài đã bị phân chia và trao cho các dân Mêđi và Batư.”

Và vì tất cả những lẽ đó, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta đừng làm phiền lòng Chúa Thánh Thần,[14] đừng dập tắt Thần Khí.[15] Còn Chúa Giêsu thì khẳng định rằng ai phạm đến Chúa Thánh Thần thì chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau.[16] 

A.1d Bảy ơn Chúa Thánh Thần trong đời sống linh mục

Trong buổi tiếp kiến ngày 12/2/2011, ĐTC Biển Đức XVI nhắc nhở “Cũng như toàn thể Giáo Hội, đời sống linh mục cần được canh tân liên lỉ, để tìm thấy lại trong cuộc sống của Chúa Giêsu những hình thức thiết yếu nhất của con người mình.” Chúng ta chỉ có thể tìm được tác nhân khởi động, tiếp tục và kiện toàn sự canh tân liên lỉ đó ở nơi Chúa Thánh Thần. Chính Ngài giúp chúng ta biến đổi và kiện toàn đời sống và sứ vụ qua bảy ơn của Ngài:

1)  Ơn Kính Sợ là hồng ân giúp chúng ta không dám làm bất cứ điều gì khả dĩ làm mất lòng Chúa. Đây là một sự tế nhị của người đang yêu: tế nhị khác sợ hãi, cậu bé Saviô dóc lòng “thà chết chứ không phạm tội trọng” và mẹ vua thánh Louis luôn nhắc nhở con “thà mẹ nhìn thấy con chết trước mắt mẹ hơn là thấy con phạm tội trọng mất lòng Chúa.” Như thế, điều quan trọng trong đào tạo kitô giáo là gây nên nơi tín hữu một ý thức sợ tội, vì người ngày nay mất dần cảm thức về tội. Chính vì vậy, thành công của công việc đào tạo tín hữu, nhất là đào tạo linh mục và tu sĩ, là biết làm cho người thụ huấn có được lòng kính sợ Thiên Chúa, không dám phạm tội mất lòng Chúa. 

2)  Ơn Đạo Đức giúp chúng ta nhận ra mối tương quan yêu thương giữa chúng ta với Thiên Chúa, và tương quan yêu thương giữa chúng ta với anh chị em, trong tinh thần siêu nhiên và đức tin. 

3)  Ơn Suy Biết giúp chúng ta có thể đánh giá các sự vật ở trên bậc thang giá trị đích thực. Đừng hiểu lầm Lời Chúa, Chúa không bao giờ bảo chúng ta ghét cha mẹ, gia đình hay bản thân, nhưng là biết đặt nó vào đúng vị trí của nó trên bậc thang giá trị, ví dụ chúng ta có bổn phận thảo kính và mến yêu cha mẹ, nhưng cha mẹ lại không thể được đặt cao hơn Chúa và tình yêu đối với Chúa… 

4)  Ơn Sức Mạnh là ơn giúp chúng ta can đảm vượt lên những chướng ngại để chọn lựa như Chúa muốn và sống theo ý Chúa, ví dụ tấm gương của thánh Françoise de Chantal, khi đã góa chồng và đã nuôi dưỡng 4 con trưởng thành, bà gặp thánh Françoise de Salle, biết được lời mời gọi và ý muốn của Chúa rồi muốn đi tu, bốn đứa con ngăn cản nằm dài trên lối đi, bà đã can đảm tay cầm mouchoir vừa gạt nước mắt vừa bước qua từng người con để từ bỏ gia đình ra đi lập dòng Visitadines. 

5)   Ơn Lo Liệu là ơn giúp chúng ta tìm ra những phương thế và cách sống nào thích hợp nhất để thực hiện điều Chúa muốn, tùy theo bậc sống của mình.

6)   Ơn Thông Hiểu giúp đưa chúng ta vào sự thật viên mãn khi đọc Lời Chúa.[17] Nhiều linh mục giáo phận có thói quen xin ơn Chúa Thánh Thần mỗi khi soạn bài và giảng cho giáo dân: Xin Chúa Thánh Thần tiếp tục tác động, biến đổi và thánh hóa con cùng những người sẽ lắng nghe con, xin Chúa dùng môi miệng con mà nói điều Chúa muốn nói. Tông huấn Verbum Domini số 85-87 gợi cho linh mục 3 câu hỏi trước khi dọn và giảng: Sứ điệp Lời Chúa hôm nay là gì? Lời Chúa dạy gì riêng cho tôi hôm nay? Lời Chúa hôm nay dạy gì cho những người sắp nghe tôi? Có thế thì bài giảng mới đưa Lời Chúa vào thực tiễn cuộc sống và biến đổi cuộc sống được.

7)   Ơn Khôn Ngoan mang lại ơn chiêm niệm, ơn thần bí, ơn cảm nếm được sự dịu ngọt và khôn ngoan của Thiên Chúa.[18] Thánh Phaolô trong thư thứ 2 gởi giáo đoàn Corinthô[19] đã kể lại việc ngài đã được ơn này như thế nào: không còn biết đến thế giới vật chất này nữa, không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nữa, “ở trong thân xác hay ngoài thân xác” ngài đều không biết. Cụ già Simêon được ơn này lúc bồng Chúa Hài Nhi trên cánh tay cằn cỗi của mình, nhưng mãn nguyện thốt lên “xin để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an, vì mắt tôi đã nhìn thấy Ơn cứu độ…” Chúng ta cũng hãy cầu xin ơn này trong đời sống kết hiệp nội tâm với Chúa.  

Chúa luôn đổi mới lời mời gọi của Chúa trong từng hoàn cảnh sống của chúng ta, thì chúng ta cũng phải đổi mới luôn lời đáp trả của chúng ta sao cho phù hợp. Chúa Giêsu đã khẳng định rằng người cha trần thế vốn xấu ác mà còn biết lựa của tốt cho con cái, vậy Cha trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những ai kêu xin Người. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần đến sửa lại mọi sự trong ngoài đời sống và sứ vụ của chúng ta, đặc biệt trong việc tìm kiếm và xây dựng tình yêu thương hiệp nhất: Tháp Babel vì ngôn ngữ bất đồng mà thất bại; Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ban cho các tông đồ nói thứ ngôn ngữ mà mọi dân nước đều hiểu được. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại việc Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình những lưỡi lửa, cho họ nói thứ tiếng mà các dân tộc khác nhau đều hiểu được trong tiếng mẹ đẻ của mình, biến đổi các ngài nên can đảm rao giảng Chúa Kitô Phục Sinh và hôm ấy có khoảng ba ngàn người theo Đạo.[20] Đó là ngôn ngữ chung của Tình Yêu? Vì chỉ có tình yêu mới có khả năng biến đổi như thế và Thiên Chúa là Tình Yêu. Lời Ca Tiếp Liên lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là một lời cầu nguyện tuyệt vời cho chúng ta:

 

Muôn lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến trần gian,

Từ trời cao gửi xuống nguồn ánh sáng tỏa lan.

Lạy Cha kẻ bần hàn,

Đấng tặng ban ân điển và soi dẫn nhân tâm,

Cúi xin Ngài ngự đến.

Đấng an ủi tuyệt diệu, thượng khách của tâm hồn

Ôi ngọt ngào êm dịu, dòng suối mát chảy tuôn.

Khi vất vả lao công, Ngài là nơi an nghỉ

Gió mát đuổi cơn nồng, tay hiền lau giọt lệ.

Hỡi hào quang linh diệu, xin chiếu giãi ánh hồng

Vào tâm hồn tín hữu cho rực rỡ trinh trong.

Không thần lực phù trì, kẻ phàm nhân cát bụi

Thật chẳng có chi mà không là tội lỗi.

Hết những gì nhơ bẩn, xin rửa cho sạch trong

Tưới gội nơi khô khan, chữa lành mọi vết thương.

Cứng cỏi uốn cho mềm, lạnh lùng xin sưởi ấm,

Những đường nẻo sai lầm, sửa sang cho ngay thẳng.

Những ai hằng tin tưởng, trông cậy Chúa vững vàng

Dám xin Ngài rộng lượng, bảy ơn thánh rộng ban.

Nguyện xin Chúa thưởng công, cuộc đời dày đức độ,

Ban niềm vui muôn thuở, sau giờ phút lâm chung. Amen

_____

chú thích

[1] Xem cuộc trao đổi của báo La Croix với nhà thần học Henri-Jérôme Gagey tại http://www.la-croix.com/Religion/S-informer/Actualite/Le-pretre-fait-de-toute-sa-vie-un-service-de-l-Eglise-_NG_-2010-06-03-552481

[2] Trích lời phát biểu của TGM Dolan, Hoa Kỳ.

[4] Ac 20,22: Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giê-ru-sa-lem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó.

[5] Lc 1,41

[6] Lc 1,15

[7] Lc 1,67

[8] x. Mt 1,18-24; Lc 2,1-7

[9] Lc 2,25-27

[10] Is 61,1-2

[11] Lc 4,18-21

[12] x. Cv 2,1-41.

[13] Dn 5,24-28.

[14] Eph 4,30: Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc.

[15] 1 Tx 5,19.

[16] Mt 12,31-32: Vì thế, tôi nói cho các ông hay: mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau.

[17] x. Ga 16, 13.

[18] Tv 33.

[19] 2 Cr 12,2-10.

[20] x. Cv 2,1-41.

(còn tiếp nhiều kỳ)

VỀ MỤC LỤC
VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG VỚI SỨC KHỎE QUẦN CHÚNG
 

Trong thế kỷ vừa qua, sự tiến bộ của y khoa học đã vượt quá sức tưởng tượng.

Những khám phá mới về cấu tạo cơ thể đã giúp hiểu rõ hơn về sự mầu nhiệm của tạo hóa khi tạo ra con người với muôn ngàn chức năng thần sầu, ngoạn mục.

Thêm vào đó là rất nhiều phát minh đã làm sáng tỏ về căn nguyên, diễn tiến, cách chẩn đoán cũng như điều trị các loại bệnh.

Tin tức về y khoa trở nên phong phú hơn nhưng cũng phức tạp, khó hiểu với các từ ngữ mới về bệnh tật, các danh từ kỹ thuật về phương thức chẩn đoán khám chữa bệnh cũng như danh tính các tác nhân gây bệnh. Nguồn cung cấp tin tức dữ kiện y khoa học cũng nhiều và dưới các hình thức khác nhau, đặc biệt là kết quả các nghiên cứu đã hoàn tất mỹ mãn cũng như kết quả sơ khởi, cần nhiều nghiên cứu khác để được coi là chung kết.

Trước các kiến thức mới này, một người có sức học trung bình thu lượm được cách đây trên dưới nửa thế kỷ đôi khi cảm thấy mình như lạc lõng không biết phải dùng những tin tức nào để duy trì sức khỏe. Đặc biệt là đối với những người tuổi cao, nhóm dân thiểu số, những người có căn bản giáo dục giới hạn, lợi tức thấp hoặc đang ở trong tình trạng sức khỏe suy kém.

Thống kê cho hay có tới 12% dân chúng thiếu hiểu biết về các vấn đề sức khỏe. Họ sẽ rơi vào các hoàn cảnh như:

- Thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng về cấu tạo cơ thể, diễn tiến và nguyên nhân gây ra bệnh

- Không biết tự chăm sóc cũng như phòng tránh bệnh tật.

- Thường có sức khỏe kém vì bỏ qua các phương thức phòng tránh bệnh mà khoa học đã cống hiến. Chẳng hạn, họ sẽ không làm mammogram để tìm kiếm ung thư nhũ hoa, không làm pap smear để sớm khám phá ung thư cổ tử cung, không chịu chích ngừa cúm…

- Có nhiều bệnh kinh niên và thường hay than phiền đau chỗ này bệnh chỗ kia

- Không chữa trị ổn định bệnh do đó dùng nhiều dịch vụ để chữa các biến chứng của bệnh và ít dùng dịch vụ để giảm thiểu các biến chứng.

- Nhập bệnh viện nhiều hơn

- Thường tới phòng cấp cứu để chữa các bệnh thông thường thay vì tới bác sĩ gia đình, đưa tới gia tăng chi phí y tế.

- Chỉ đi khám bệnh khi bệnh đã trở nên trầm trọng.

Nhìn thấy vấn đề, chính quyền và các tổ chức y tế xã hội công tư đã cố gắng cùng nhau:

- Nâng cao ý thức y tế, giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội

- Nâng cao ý thức y tế giúp mọi người sống lành mạnh hơn

- Nâng cao ý thức y tế cũng giảm thiểu nạn tử vong vì sanh non, tại nạn giao thông, lao động, ảnh hưởng của các chất có hại cho sức khỏe

- Nhờ tập trung vào sự phòng bệnh, nâng cao ý thức y tế giúp cắt giảm chi phí chăm sóc điều trị cho cá nhân cũng như gia đình và ngân sách quốc gia.

Cổ võ y tế dựa trên các kết quả nghiên cứu về sinh học, môi trường, tâm lý, y khoa học để duy trì sức khỏe, tránh bệnh tật, chết yểu…bằng cách thúc đẩy quần chúng tự mình thay đổi nếp sống, áp dụng điều tốt, loại bỏ điều xấu.

Cổ võ y tế cũng giúp quần chúng tạo ra các cơ hội để nâng cao kiến thức, tạo ra hành vi lành mạnh, bảo vệ sức khỏe.

Cổ võ y tế có thể sử dụng các phương tiện liên lạc để chuyển đạt các tin tức có tính cách xây dựng. Bottom of Form 

Một trong những phương tiện để tăng cường sự hiểu biết và cải thiện sức khỏe của quần chúng là truyền-thông-đại-chúng (Mass Communications hoặc Mass Media).

Truyền thông đại chúng có ít nhất 4 vai trò:

- Thu lượm tin tức về sức khỏe bệnh tật

- Lọc lựa phân tich các tin tức

- Phổ biến các tin tức chính xác có ích lợi trong việc bảo vệ sức khỏe tới dân chúng đồng thời cũng tạo điều kiện để mọi người có thể đối thoại với nhau dù ở cách xa.

- Cung cấp giải trí để đời sống quần chúng thoải mái, thư giãn hơn.

Nhờ truyền thông giáo dục, mọi người có thể nghe tận tai, đọc- nhìn tận mắt những gì mà nếu không có truyền thông đều không có được. Thế giới như thu hẹp lại nhờ truyền thông. Đây là kết quả của tiến bộ trong lãnh vực kỹ thuật và công kỹ nghệ điện tử.

Ngày xưa, việc truyền đạt lệnh lạc, ý tưởng trực tiếp giữa con người diễn ra trong phạm vi hết sức hạn hẹp. Thông tin trong xóm làng là các chú “Mõ” lốc cốc gõ sừng trâu, gáo dừa đi từng xóm để loan tin cần thiết. Rộng lớn hơn thì có truyền hịch, chạy ngựa báo tin. Ngày nay nhờ truyền thông đại chúng, sự trao đổi này quy mô rộng lớn hơn, từ địa phương nhỏ bé tới không gian bao la, từ một số giới hạn con người tới cả triệu triệu quần chúng. Một dịch bệnh nguy hiểm ở vùng sa mạc Phi châu chỉ cần vài phút là quần chúng khắp địa cầu biết tới. Một phương thức trị bệnh mới lạ cũng mau chóng được thông báo tới các bác sĩ và bệnh nhân.

Truyền thông cũng mang lại nhiều thay đổi trong các giá trị sẵn có từ lâu và cũng thúc đẩy con người “hiện đại” hóa cuộc sống.

Các phương tiện truyền thông đại chúng gồm có:

1- TV truyền hình

Đây là phương tiện chuyển đạt tin tức rất hữu hiệu tới mọi người, không kế già trẻ, nam nữ.

Lợi điểm của truyền hình là gửi đi cả lời nói lẫn hình ảnh, khiến cho người coi lãnh hội dễ dàng và có ảnh hưởng lâu dài, vì quần chúng sẽ nhớ mãi.

Tuy nhiên, bên cạnh những tin tức tài liệu hữu ích thì TV đôi khi cũng có những màn bạo lực, dâm ô, quảng cáo quá mức, gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.

2- Radio

Rất phổ biến, tới được nhiều thính giả với đầy đủ chi tiết và chi phí cũng ít hơn là với TV. Các vị cao niên đều rất thích nghe các chương trình của radio, từ thời sự thế giới tới cách bảo vệ sức khỏe, phân ưu, chia vui…

3- Báo chí

Theo thống kê, có tới 70% dân chúng thu lượm kiến thức về sức khỏe qua nhật báo. Lợi điểm của báo chí là độc giả có đầy đủ các loại tin tức, đọc lúc nào cũng được chứ không như TV, radio: mất dịp coi nghe một chương trình là mất luôn, không coi nghe lại được.

4- Tạp chí

Với tạp chí, độc giả thường có tính cách chọn lựa, tài liệu tương đối có giá trị hơn và thường được cất giữ để dành hoặc trao đổi với bạn bè. 

5- Internet

Đây là phương tiện truyền thông rất phổ biến hiện nay, ai cũng có thể sử dụng để thu nhận và truyền đạt tin tức. Người sử dụng có thể dùng bất cứ lúc nào, gửi đi bất cứ tin tức gì. Tuy nhiên, các tin tức nhiều khi không được kiểm chứng tính cách xác thực, gây hoang mang, ngộ nhận cũng như làm phiền lòng người nhận.

6- Các trang web, blogger với các bài viết y khoa học đầy đủ chi tiết có tính cách xây dựng, giáo dục.

Đó là chưa kể tới các thông tin qua tờ bướm tờ rơi, bảng quảng cáo, bích chương, bích báo, bản tin luân lưu nội bộ cũng như âm nhạc, hình ảnh, nét vẽ minh thị…

Truyền thông đại chúng cũng được các nhà chuyên môn y tế xã hội sử dụng rất nhiều để cải thiện sức khỏe quần chúng. Nhờ truyền thông mà các phương thức phòng ngừa bệnh, các hiểu biết về nguyên nhân gây bệnh, diễn tiến bệnh cũng như các phương thức điều trị căn bản được phổ biến.

Các nhà chuyên môn có thể dùng truyền thông để gửi tới dân chúng các tin tức y học liên quan tới việc bảo vệ sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Họ cũng có thể dùng truyền thông để mở ra các cuộc thảo luận với dân chúng về y khoa học hoặc góp ý kiến, giải đáp cho dân chúng về các thắc mắc bệnh tật thông thường.

Truyền thông có một số lợi điểm như:

- Truyền thông dễ dàng lôi cuốn sự lưu ý của quần chúng đối với các vấn đề sức khỏe một cách mau chóng

- Truyền thông có thể đưa ra các ý kiến về sức khỏe hết sức hữu hiệu.

- Truyền thông có thể kích thích quần chúng, tạo ra những đáp ứng tình cảm để người nghe-coi thay đổi nếp sống ngõ hầu có một sức khỏe tốt.

- Truyền thông có thể tác động lên dư luận, tạo ra các cơ hội để tranh luận cách thức duy trì sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật qua phượng tiện liên lạc.

- Truyền thông có thể hợp tác với các nhà chuyên môn để tổ chức các buổi gặp gỡ giữa quần chúng với nhau hoặc giữa các nhà chuyên môn với quần chúng để trao đổi kiến thức bảo vệ sức khỏe.

Ngoài ra, truyền thông cũng có:

- Tính cách giáo dục, chia sẻ kiến thức, cổ võ những hành vi có lợi cho công ích

- Giúp cải thiện sự gắn bó các quan hệ công cộng, giúp các tổ chức liên quan tới bảo vệ sức khỏe cùng sát cánh làm việc.

- Góp phần tranh đấu, cổ võ, truyền thông tiếp tay với các nhà lãnh đạo đưa ra các chính sách y tế, dung hòa các tranh luận và tìm ra các hỗ trợ ý kiến có tính cách quyết định đặc biệt.

Tuy vậy, truyền thông cũng có một số bất lợi như:

- Truyền thông gửi ra thông tin nhưng ít khi tiếp nhận được phản ứng của quần chúng.

- Khó mà ước lượng coi xem tin tức đưa ra có đáp ứng nhu cầu dân chúng, có đúng thời điểm và không biết phản ứng của dân chúng ra sao.

- Dân chúng có thề không coi, không đọc hoặc tắt tv, radio giữa chừng vì bất đồng ý kiến.

- Do ảnh hưởng của kinh tế tự do cạnh tranh “khuyến thị”, truyền thông cũng lệ thuộc vào các “thông-tin-thương-mại” để trang trải chi phí điều hành, cơ sở, nhân viên, cho nên nhiều khi phổ biến những dữ kiện có tính cách chủ quan, thỏa mãn lợi nhuận cho giới sản xuất, cung cấp dịch vụ, hàng hóa. Nhưng, “đời là thế”, khán thính giả cũng “sính sái”, thông cảm. Vì “có bột mới gột nên hồ”. Không tiền thì lấy đâu ra đài ra sóng, không cả văn nghệ văn gừng giải trí chứ nói chi tới tuyên truyền cổ võ sức khỏe miễn phí.

- Đôi khi vì tính cách thời sự nóng hổi, “giật gân”, truyền thông cũng loan tải các tin tức chưa được chứng minh tính cách xác thực hoặc chưa có sự đồng thuận của các nhà chuyên môn, gây hoang mang cho người nhận.

Truyền Thông giữ một vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của quần chúng. Đó là điều quan tâm hàng đầu của nhân loại. Bản hiến chương của Tổ Chức Y Tế Liên Hiệp Quốc, WHO, đã công bố “ sức khỏe là một quyền căn bản của con người “

Đối với Phật giáo, sức khỏe được xem là món quà lớn nhất của đời người. Một trạng thái an lạc và khỏe mạnh của thân và tâm là tối cần thiết trong việc tập trung tư tưởng để tu tập.

Mặc dù có vài khuyết điểm có thể điều chỉnh và tránh được, truyền thông đại chúng vẫn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe quần chúng.Điều tiên quyết là các dữ kiện đưa ra phải  rõ ràng, chính xác, có tính cách thuyết phục và có thể giúp người nhận áp dụng được.

 Như Đức Giáo Hoàng John Paul II từng nhắc nhở:

 “Sự phát triển tích cực của truyền thông để phục vụ chính nghĩa chung là trách nhiệm của mỗi người. Vì sự liên quan chặt chẽ giữa truyền thông với kinh tế, chính trị, văn hóa, cần có một hệ thống điều hành có khả năng bảo vệ quyền hạn và nhân cách của con người, bảo vệ tính ưu việt của gia đình như một đơn vị căn bản của xã hội và sự gắn bó đích thực giữa người với người”.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.

Arlington-Texas.

www.bsnguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
CON HEO TRONG NẾP SỐNG CỦA NGƯỜI BÌNH DÂN - Chuyện phiếm của Gã Siêu

  

Heo là một loài gia súc, tức là một loại súc vật được nuôi trong nhà, rất thân thương và gần gũi với chúng ta. Phần lớn các gia đình tại nông thôn, nhà nào cũng nuôi một vài con heo, tựa hồ như tiền bỏ ống. Mỗi ngày chỉ cần cho heo ăn cơm thừa canh cặn, hay  bỏ ra một chút cám bã, để rồi khi bán sẽ có được một món tiền kha khá, chi dùng cho những việc lớn

Người miền Bắc thường nuôi heo trong chuồng, còn người miền Nam cứ để heo đi lông bông, thành thử heo chung sống với người và người chung sống với heo.

Ngày xưa muỗi không đến nỗi nhiều, ban tối người ta hun khói, hay cho heo rúc vào đống lá chuối khô. Ngày nay, do ảnh hưởng của việc trồng lúa thần nông, nên muỗi cứ liên tục phát triển,  nhất là vào những thời điểm bơm nước và vãi phân, thành thử người ta phải làm…mùng cho heo ngủ.

Tuy nhiên, để heo được chóng lớn, thì phải biết chọn những con đầu đàn, nghĩa là những con to, những con lớn, chứ còn nuôi heo còi, heo tẹt, thì chỉ tốn công, mà lời lãi thì chẳng được bao nhiêu.

Vì thế mà người ta đã khuyên :

- Lợn đầu, cau cuối.

Khi nuôi heo, ngán nhất là khi heo đau, heo bệnh. Gã xin nói lên một kinh nghiệm có phần sống sượng và bẽ bàng, nhưng lại là sự thật :

- Vợ con đau không lo cho bằng heo bị bệnh.

Thực vậy, vợ con đau thì mình đưa đi bác sĩ để biết được bệnh mà trị liệu, còn heo đau thì vắt giò lên cổ mà chạy thuốc. May thì khỏi, không may thì chết. Thành thử mỗi khi heo đau, một bầu khí “tang thương ngẫu lục” phủ xuống, làm cho mọi người trong nhà chẳng còn thiết ăn uống gì nữa.

Trong việc cho heo ăn, người ta thường nói :

- Lợn đói một bữa, bằng người đói nửa năm.

Đây là một kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi : Lợn mới bị đói một bữa chưa kịp cho ăn, là nó kêu réo dữ lắm và nhìn thân hình nó dường như đã gầy tóp đi phần nào, nên trước khi đem lợn đi bán, người ta phải cho chúng ăn thật no.

Còn nghề nuôi tằm cũng thế :

- Lợn đói một năm, bằng tằm đói một bữa.

Tằm còn háu ăn hơn cả lợn. Nếu chậm cho tằm ăn một bữa, thì chúng sẽ bò đi hết, việc tăng trưởng bị chậm lại thấy rõ, về sau chúng nhả tơ có phần it đi.

Cùng với cá, thịt heo là một món ăn thông thường của người Việt Nam, đặc biệt vào những dịp hội hè đình đám cũng như tết nhất. Mỗi khi tết đến, gã lại nghe rộn rã :

- Thị mỡ, dưa hành, câu đối  đỏ,

Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh.

Vào những ngày gần tết, người ta thường thấy những ông đồ nho, ngồi viết câu đối trên nên giấy đỏ để bán cho khách qua lại :

- Mỗi năm hoa đào nở,

  Lại thấy ông đồ già,

  Bày mực tàu giấy đỏ,

  Bên phố đông người qua.

  Bao nhiêu người thuê viết,

  Tấm tắc ngợi khen tài.

  Hoa tay thảo những nét,

  Như phượng múa rồng bay.

Nhưng rồi chữ quốc ngữ được phổ biết, và nhất là thời bây giờ với nền văn hóa thực dụng, người ta nghĩ đến những chiếc phong bì, đến những chai rượu tây, đến những món quà…”chất lượng cao”, nên cũng chẳng còn thấy bóng dáng ông đồ nữa :

- Năm nay đào lại nở,

  Không thấy ông đồ xưa.

  Những người muôn năm cũ,

  Hồn ở đâu bây giờ.

Tuy nhiên, những người miền Nam vào dịp tết thường mua những cặp dưa hấu trưng trên bàn thờ. Vì thế, nên người ta đã đổi thành :

- Thịt mỡ dưa hành, dưa hấu đỏ,

  Nêu cao pháo nổ, bánh chưng xanh.

Mấy năm gần đây, nhà nước cấm làm pháo và cấm đốt pháo. Vì thế, trong những đám cưới người ta đã làm cho  những chiếc bong bóng nổ thay vì tiếng pháo. Vậy chẳng lẽ phải đổi thêm một lần nữa :

- Thịt mỡ dưa hành, dưa hấu đỏ,

  Nêu cao…bóng nổ, bánh chưng xanh.

Người Việt Nam ăn tết không thể thiếu món thịt lợn, nhất là đối với những người sống ở nông thôn ngày xưa. Lúc bấy giờ, cuộc sống còn nhiều lam lũ và thiếu thốn, có khi cả năm trời mới được một vài lần ăn thịt mà thôi, thành thử vào dịp tết, người ta thường “đánh đụng” với nhau, để có tí thịt cho gia đình. Vì thế, ông thầy bói đoán chẳng sai :

- Số cô chẳng giàu thì nghèo,

  Ba mươi tết có thịt heo trong nhà.

Một trong những món ăn được coi là “đặc sản” của người Việt Nam, đó là món lòng lợn tiết canh. Muốn có được bộ lòng ngon thì phải biết chọn con lợn mập :

- Trông mặt mà bắt hình dong,

  Con lợn có béo thì lòng mới ngon.

Cổ họng, sườn non băm nhuyễn, rồi xào lên mà đánh tiết canh thì thật tuyệt, ăn vào cứ gọi là ngọt lịm. Ở miền Nam, người ta hay đánh tiết canh bằng dĩa, còn ở miền Bắc người ta hay đáng tiết canh bằng bát. Một người một bát tiết canh nho nhỏ.

Trong bộ lòng, cái mà nhiều người cho là ngon nhất, đó là cái dạ con, người Bắc gọi là…tràng lợn. Tràng lợn có thể luộc, xào hay khìa, chế biến cách nào cũng tuyệt vời, vì vừa ngậy lại vừa dòn.

Hơn thế nữa, hình ảnh con heo cũng đã chiếm một vị trí quan trọng trong mối liên hệ với những người chung quanh suốt dọc cuộc sống thường ngày.

Thực vậy, lời nói chính là một phương tiện để tỏ lộ cho người khác biết được những tư tưởng, những ước muốn của chúng ta, nhờ đó mà bắc được một nhịp cầu cảm thông và xích lại gần nhau hơn. Thế nhưng, có những kẻ mắc phải cái tật nói dài, nói dẻo, nói dai, nhưng lại toàn những lời nói gian, nói dối, nói lươn, nói lẹo để mà luồn, mà lách hay úp úp mở mở, khiến người khác bực bội mà bảo

- Hãy nói toạc móng heo ra đi.

Bàn chân con heo có hai móng, cứ mỗi lần bước đi, thì hai móng ấy lại toạc ra, rẽ ra để bấm chặt vào đất mà leo lên nơi cao, hay dễ dàng bới đất tìm củ mà ăn. Ý nghĩa của cây này là hãy nói thẳng ra, rõ ràng minh bạch, không che dấu sự thật.

Có người lại cắt nghĩa như sau : móng heo là một loại sừng cứng bao bọc kín hết ngón chân. Cái vỏ bên ngoài vừa cứng lại vừa kín như vậy, hẳn là khó lòng biết rõ được cái bên trong. Vậy muốn biết ngón chân heo chỉ còn cách làm toạc móng. Quả nhiên, khi làm toạc móng, một mặt làm mất cái che đậy bên ngoài, mặt khác làm lộ rõ phần bên trong của chân heo.

Trong công việc làm ăn, đôi khi người ta tự mình tạo nên những khó khăn cho bản thân :

- Lợn trong  chuồng thả ra mà bắt.

Hay vì thiếu kinh nghiệm, ít khả năng mà làm hỏng việc, đang tốt mà hóa thành xấu, đang ngon lành trở thành hư hại, đúng  là :

- Lợn lành chữa ra lợn què.

- Lợn lành chữa lợn toi.

Câu này ý nghĩa hơi khác đi một tí : khi dịch bệnh tràn lan, phải bán con heo mạnh khỏe đi để lấy tiền chạy chữa cho những con heo đau.

Đã là người, thì ai cũng đều có máu tham lưu thông trong huyết quản, không nhiều thì ít. Máu tham ấy dường như là một mẫu số chung của tất cả chúng ta :

- Lòng vả cũng như lòng sung,

  Một trăm con lợn cũng chung một lòng.

Máu tham ấy, một khi đã bốc lên bừng bừng, thì chúng ta sẵn sàng đòi hỏi người khác những việc khó khăn, và vô lý, miễn sao mang lại lợi lộc cho chúng ta :

- Mổ lợn đòi bèo,

  Mổ mèo đòi mỡ.

Cám trộn lẫn với bèo, khi heo ăn vào sẽ được tiêu hóa, tới lúc làm thịt thì đâu còn nữa mà đòi. Còn mèo thi có con nào mập đâu mà đòi mỡ.  Rõ thật đòi hỏi những sự trái khoáy và quá quắt.

Còn bản thân mình, thì lại rất sẵn sàng :

- Mượn đầu heo nấu cháo.

Có nghĩa là mượn vốn người khác để mua bán lấy lời, hay nhận ký gửi hàng hóa của nhà sản xuất  để bán lấy tiền, rồi dùng tiền ấy mua hàng hóa khác mà bán, lâu lắm mới tính sổ và thanh toán cho nhà sản xuất. Cũng giống như nấu cháo với cái đầu heo mượn của người khác, cho ra nước ngọt, mà cái đầu heo vẫn còn nguyên để hoàn trả cho…khổ chủ.

Ngoài ra, trong việc diệt trừ tham nhũng, ở nước nào cũng vậy, chỉ những tên tép riu là thiệt, còn các quan lớn, ăn miếng to thì chẳng ma nào dám đụng tới, thành thử cái nạn tham nhũng ấy vẫn cứ tồn tại và liên tục phát triển :

- Mèo tha miếng thịt xôn xao,

  Kễnh tha con lợn thì nào thấy chi.

Nhưng đặc biệt hơn cả phải là chỗ đứng của con heo trong tình yêu, trong mối quan hệ giữa nam và nữ.

Ở đây gã không bàn tới “con lợn lòng”, tức là những ước muốn xấu xa nổi lên trong tâm hồn,  nỗi đam mê về…nhục dục nơi cõi lòng chúng ta, mà chỉ nói đến những con heo cụ thể bằng xương bằng thịt.

Trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, người con trai cũng như người con gái đều trải qua một thời gian tìm hiểu để rồi chọn lựa, bởi vì hôn nhân không phải chỉ ảnh hưởng tới cả hai người trong suốt cuộc đời, mà còn ảnh hưởng tới cả con cái cháu chắt nữa.

Trong việc chọn lựa, phải xét đến yếu tố gia đình, yếu tố dòng tộc. Về mặt sức khỏe, gia đình ấy và dòng tộc ấy có mang những chứng bệnh di truyền hay không ? Về mặt đạo đức, gia đình ấy và dòng tộc ấy có đáng tin cậy hay không ? Thành thử những người giàu kinh nghiệm đã khuyên nhủ :

- Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống.

Nhất là đối với người con trai, cần phải xem xét, tìm hiểu và cân nhắc cho thật thấu đáo, giống như :

- Mua heo lựa nái,

  Cưới gái chọn dòng.

Khi tình yêu đã chín mùi, nhà trai sẽ thương lượng với nhà gái về những chuyện lỉnh kỉnh để tiến hành và tổ chức hôn lễ. Trong những chuyện lỉnh kỉnh ấy có tục “thách cưới”. Tục lệ này không phải chỉ phổ biến ở nông thôn mà còn ở thành phố, không phải chỉ ngày xưa mới có, mà hôm nay cũng có, nhưng xem ra nhẹ nhàng và giản dị hơn.

Thách cưới là việc nhà gái đưa ra những điều kiện về sính lễ để gả con. Theo Việt Nam Văn Hóa Sử Cương :

“Việc gả chồng cho con gái thì từ xưa đã  đã thành một việc bán con gái để lấy tiền, nên nhiều nhà gái thách cưới rất cao”.

Có những kiểu thách cưới như bỡn cợt, hay như một lời chối từ, vì nhà trai không thể nào thực hiện được :

- Em là con gái nhà giàu,

  Mẹ cha thách cưới ra màu xênh xao.

  Cưới em trăm tấm lụa đào,

  Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời.

  Tháp tròn dẫn đủ trăm đôi,

  Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng.

  Sắm xe tứ mã đem sang,

  Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu.

  Ba trăm nón Nghệ đội đầu,

  Mỗi người một cái quạt Tàu thật xinh.

  Anh về sắm nhiễu Nghi Đình,

  May chăn cho rộng, ta mình đắp chung.

Một kiểu thách cưới khác cũng không kém phần viển vông :

- Cưới em chín chĩnh mật ong,

  Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò.

  Cưới em tám vạn xôi vò,

  Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm,

  Lá đa mặt nguyệt hôm rằm,

  Răng nanh thằng Cuội, râu cằm ông Thiên Lôi.

  Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi,

  Cưới em chín chục con dơi góa chồng.

  Thách thế mới thỏa tấm lòng,

  Chàng mà lo được thiếp thời theo chân.

Tác giả Lê Xuân trong một bài viết về chuyện thách cưới, đăng trên báo “Kiến Thức Ngày Nay”, số 588, đã tưởng tượng ra một cuộc đối thọai giữa đôi trai gái nhà nghèo.

Cô gái thách cho   vui :

- Cưới em có cánh con gà,

  Có dăm sợi bún, có vài hạt xôi.

  Cưới em còn nữa anh ơi,

  Có một đũa đậu, hai môi rau cần,

  Có xa dịch lại cho gần,

  Nhà em thách cưới có ngần ấy thôi.

Chàng trai còn đang ngần ngừ đắn đo xem có lo nổi hay không, thì cô gái đã gợi ý hạ giá :

- Hay là nặng lắm anh ơi,

  Để em bớt lại một môi rau cần.

Chàng trai đồng ý với điều kiện là :

- Cưới em có một tiền hai,

  Có dăm sợi bún, có vài hạt xôi.

  Họ hàng ăn uống xong rồi,

  Tôi xin cái chảo tôi lôi nó về.

Hóa ra anh chàng này lém thật, vừa được người lại vừa được của, được cái chảo lôi về!

Còn đây là lời một anh chàng nói dóc có hạng để thoái thác lễ vật thách cưới :

- Cưới nàng anh toan dẫn voi,

  Anh sợ quốc cấm nên thôi không bàn.

  Dẫn trâu sợ họ máu hàn,

  Dẫn bò sợ họ nhà nàng co chân.

  Miễn là có thú bốn chân,

  Dân con chuột béo mời dân, mời làng.

Chàng trai đưa ra lễ vật từ con to nhất là voi, rồi hạ từng mức xuống trâu, bò. Và sau cùng chỉ còn…một con chuột béo để mời quan viên hai họ. Song cô gái chẳng những không trách, không buồn mà còn khen lễ vật như thế là sang, rồi chỉ thách những thứ thiết thực với cuộc sống nghèo của người bình dân :

- Chàng dẫn thế em lấy làm sang,

  Nỡ nào em lại phá ngang như là.

  Người ta thách lợn thách gà,

  Còn em chỉ thách…một nhà khoai lang.

Đem khoai lang ra để thách cưới quả là có một không hai. Thứ lễ vật đặc biệt này rất gắn bó với đời sống con người nông dân, không những mọi người được hưởng mà những con vật nuôi trong nhà cũng rất vui vì được ăn cỗ cưới :

- Củ to thì để mời làng,

  Còn như củ nhỏ họ hàng ăn chơi.

  Bao nhiêu củ mẻ chàng ơi,

  Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà.

  Bao nhiêu củ rím, củ hà.

  Để cho con lợn, con gà nó ăn.

Và tác giả đã kết luận như sau :

“Xưa kia biết bao cô gái, chàng trai như đữa ngọc mâm vàng mà phải xa nhau chỉ vì chuyện thách cưới của cha mẹ bởi chuyện thách cưới của cha mẹ, bởi ham giàu, bởi bác mẹ nói ngang, nhiều khi dẫn tới những bi kịch thật đau thương. Ngày nay vẫn còn một số ít người có chức có quyền, lợi dụng danh nghĩa để thương mại hóa trong chuyện cưới gả con cái, để kinh doanh mà trục lợi…”

Tuy nhiên cũng có những người đưa ra mức độ thách cưới thường thường bậc trung, khả dĩ có thể chấp nhận được :

- Giúp em một thúng xôi vò,

  Một con lợn  béo, một vò rượu tăm.

Người con gái khi sắc đẹp còn tươi thắm, thì đưa ra những tiêu chuẩn cao để chọn lưa, nhưng một khi sắc đẹp đã tàn phai, thì thượng vàng hạ cám cũng không sao, miễn là có được một tấm chồng :

- Còn duyên đóng cửa kén chồng,

  Hết duyên ngồi gốc cây hồng nhặt hoa.

- Còn duyên kén cá chọn canh,

  Hết duyên rốc đực, cua kềnh cũng vơ.

- Còn duyên kén những trai tơ,

  Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng.

Thậm chí có anh chàng còn phũ phàng hơn nữa :

- Còn duyên anh cưới ba heo,

  Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi.

Con heo vốn là biểu tượng của ấm no, hạnh phúc. Vì thế, trước thềm năm Đinh Hợi 2007, xin kính chúc quí vị một năm mới khang an thịnh vượng về đủ mọi mặt.

Gã Siêu   gasieu@gmail.com

 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************