Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 163, Chúa Nhật 29.01.2012


MỤC LỤC 

Giáo Dân                                                                                                                       Vatican 2

CHÚNG TA LÀM GÌ VỚI LỜI CHÚA.                                                            Jean-Yves Garneau

THIÊN CHÚA MUỐN ĐỔI MỚI TRONG NĂM MỚI     Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, C.Ss.R.

Hàng Giáo Phẩm là ai và có trách nhiệm gì trong Giáo hội ?                  Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

CÁI GIÁ PHẢI TRẢ ĐỂ LÀ MÔN ĐỆ CHÚA                                   Bác sĩ  Nguyễn Tiến Cảnh, MD

"CÁC CON LÀ NHỮNG TẤM GƯƠNG CHO NGƯỜI LỚN"                           Gioan Lê Quang Vinh

TÊN LỪA ĐẢO                                                                                    Lm Jos.Tuấn Việt, O.Carm

TÌM HIỂU HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (3)                                  Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

Linh mục giáo phận tái định hướng đời sống và sứ vụ của mình     Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

VỢ CHỒNG GIÚP NHAU NÊN THÁNH                                                      Lm. Minh Anh biên tập

ĐỐI PHÓ VỚI DỊ ỨNG                                                                                Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

TỪ CHẾT ĐẾN BỊ THƯƠNG                                                               Chuyện phiếm của Gã Siêu


Giáo Dân

 

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội

Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chương IV: Giáo Dân 40*

 

30. Giáo dân trong Giáo Hội. Sau khi xác định những chức vụ của các phẩm trật, Thánh Công Ðồng sẵn lòng đề cập đến bậc sống của những Kitô hữu được gọi là giáo dân. Mặc dầu tất cả những gì nói về Dân Thiên Chúa đều có liên quan đến giáo dân, tu sĩ cũng như giáo sĩ, nhưng có một số điều đặc biệt thuộc về giáo dân nam nữ, vì địa vị và sứ mệnh của họ; những điều mà hoàn cảnh đặc biệt của thời đại chúng ta đòi hỏi phải tìm hiểu nền tảng chung cách thấu đáo hơn. Thực thế, các chủ chăn của Dân Thánh ấy biết rõ giáo dân giúp ích rất nhiều cho toàn thể Giáo Hội. Các Ngài biết rằng Chúa Kitô không đặt các Ngài lên để một mình lãnh lấy tất cả sứ vụ cứu độ của Giáo Hội đối với thế giới; nhưng nhiệm vụ cao cả của các Ngài là chăn dắt tín hữu và nhận biết các phận sự và đoàn sủng nơi họ, để mọi người cùng góp phần vào công cuộc chung, tùy theo cách thức của mình. Vì thế, mọi người "phải lấy bác ái mà thực hành chân lý, nhờ mọi sự hãy lớn lên trong Ðấng làm đầu là Chúa Kitô; nhờ Người, toàn thân thể được phối hợp và kết tụ bằng sự liên lạc tương trợ nhau, tùy theo công dụng khả năng từng phần tử, khiến thân thể được tiến triển hầu xây dựng trong đức ái" (x. Eph 4,15-16).

31. Bản tính và sứ mạng giáo dân. Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận; nghĩa là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình.

Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thực vậy các phần tử trong hàng giáo sĩ dù đôi khi có thể lo những việc trần thế, hoặc hơn nữa, hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn kêu gọi đặc biệt, sứ mệnh chính yếu và rõ rệt của họ vẫn là sứ vụ thánh. Phần các tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách hùng hồn và cao quí rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến nó cho Thiên Chúa được, nếu không có tinh thần các mối phúc thật. Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Ðó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo Thánh Ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ. 41*

32. Ðịa vị giáo dân trong lòng Dân Thiên Chúa. Giáo Hội do Chúa thiết lập được tổ chức và điều khiển theo nhiều thể thức khác biệt rất lạ lùng. "Vì như trong một thân thể, chúng ta có nhiều chi thể, nhưng mọi chi thể không có cùng một nhiệm vụ; cũng vậy, chúng ta tuy nhiều người song là một thân thể trong Chúa Kitô, nên mỗi người chúng ta là chi thể lẫn nhau" (Rm 12,4-5).

Thế nên chỉ có một Dân Thiên Chúa được Ngài tuyển chọn: "chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một Thánh Tẩy" (Eph 4,5), cùng chung một phẩm giá của những chi thể vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Vì thế, trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội, không còn có sự hơn kém vì nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc vì nam nữ, bởi lẽ "không còn là người Do Thái hoặc Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì anh em hết thảy đều là một trong Chúa Giêsu Kitô" (Gal 3,38, bản Hy Lạp; x. Col 3,11).

Vì thế, tuy trong Giáo Hội, tất cả không cùng đi một đường, nhưng tất cả vẫn cùng được mời gọi nên thánh, và đồng thừa hưởng đức tin trong sự công chính của Thiên Chúa (x. 2P 1,1). Mặc dù theo ý Chúa Kitô, có những người được chọn làm tiến sĩ, làm người phân phát các nhiệm tích hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có sự bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô. Thực vậy, nếu Chúa phân biệt những thừa tác viên có chức thánh với các thành phần khác của Dân Thiên Chúa thì sự phân chia này vẫn hàm chứa một sự hiệp nhất, vì chủ chăn và các tín hữu khác liên kết với nhau do những mối dây liên hệ chung. Các chủ chăn trong Giáo Hội noi gương Chúa phải phục vụ lẫn nhau và phục vụ các tín hữu khác; phần các tín hữu phải sẵn lòng hợp tác với các chủ chăn và những người giảng dạy. Như thế, tuy khác biệt nhau, nhưng tất cả đều làm chứng sự duy nhất kỳ diệu trong Thân Thể Chúa Kitô. Thực vậy, chính sự khác biệt về ân huệ, chức vụ và hoạt động lại là mối dây kết hợp con cái Thiên Chúa làm một, vì "mọi sự ấy là công trình của cùng một Thánh Thần duy nhất" (1Cor 12,11).

Vì thế, nhờ lòng ưu ái của Thiên Chúa, giáo dân được làm em Chúa Kitô, Ðấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ, dù Người là Chúa tể muôn loài (x. Mt 20,28). Cũng vậy, họ làm em những người đã lãnh nhận chức vụ thánh, những kẻ đang lấy quyền Chúa Kitô mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản để chăn dắt gia đình Chúa, hầu mọi người chu toàn giới luật mới là luật bác ái. Thánh Augustinô đã dùng những lời tuyệt diệu này để nói lên điều đó: "Làm Giám Mục cho anh em, tôi rất sợ; là tín hữu với anh em, tôi rất an tâm. Giám Mục là một chức vụ, tín hữu là một ân phúc. Giám Mục là một danh hiệu nguy hiểm, tín hữu là danh hiệu đem ơn cứu độ" 1. 42*

33. Tông đồ giáo dân. Giáo hữu được qui tụ trong Dân Thiên Chúa và cấu tạo thành Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô dưới quyền của một Ðầu duy nhất; dù họ là ai, họ vẫn được kêu gọi dùng hết sức lực đã lãnh nhận do lòng từ ái của Ðấng Tạo Hóa và do ân huệ Ðấng Cứu Thế để như những chi thể sống động, phát triển và thánh hóa Giáo Hội không ngừng.

Vì thế, giáo dân làm tông đồ là thông phần vào chính sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội; nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy và Thêm Sức, mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ; đàng khác các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, thông ban và nuôi dưỡng trong họ đức ái đối với Thiên Chúa và đối với loài người, nhân đức này là linh hồn của mọi hoạt động tông đồ. Nhưng giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian 2. Như thế, vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân vừa là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh Giáo Hội, "tùy theo độ lượng ân sủng Chúa Kitô ban cho" (Eph 4,7).

Ngoài việc tông đồ này, một việc có liên quan đến mọi Kitô hữu không trừ ai, giáo dân có thể còn được mời gọi góp phần trực tiếp hơn và bằng nhiều cách vào công cuộc tông đồ của hàng giáo phẩm 3, giống như những tín hữu nam nữ đã chịu vất vả vì Chúa Kitô để giúp đỡ Tông đồ Phaolô rao giảng Phúc Âm (x. Ph 4,3; Rm 16,3tt). Ðàng khác, họ có những khả năng mà Hàng Giáo Phẩm có thể dùng vào một số phận vụ thuộc hàng giáo sĩ có mục đích thiêng liêng.

Bởi vậy, nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế, khắp nơi phải mở đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội, tùy sức lực họ và tùy nhu cầu của thời đại. 43*

______

Chú thích

40* Vị trí và cơ cấu của chương này cho ta thấy tầm quan trọng của nó. Lần đầu tiên trong lịch sử, Công Ðồng bàn nguyên một chương đặc biệt về giáo dân, và ở đây mới chỉ nhằm tới nền tảng thần học về cơ cấu Giáo Hội dưới khía cạnh ơn gọi của giáo dân. Những khía cạnh thực tiễn như về những hình thức tổ chức chẳng hạn, sẽ được đề cập trong sắc lệnh đặc biệt về Tông Ðồ Giáo Dân. Và những vấn đề trọng đại nói lên mối tương quan giữa Giáo Hội và các giá trị trần thế, sẽ được nghiên cứu tỉ mỉ trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay.

Từ những cuộc tranh luận trong Công Ðồng và từ chính những nghị định, chúng ta có thể kết luận rằng, giáo dân không chỉ được định nghĩa một cách đơn giản như không phải là giáo sĩ, nhưng trước hết phải được công nhận là thuộc về Dân Chúa. Do đó, chúng ta sẽ nghiên cứu chương này dựa trên chương II, bởi vì những đặc điểm của giáo dân mô tả ở đây, có liên quan phần lớn tới phần tử Dân Chúa. (Xem tiếp các chú thích 41* - 49*).

41* Công Ðồng bắt đầu bằng số 31 để trả lời cho câu hỏi đã được đặt ra: giáo dân là gì trong viễn tượng một khoa thần học về Giáo Hội? Công Ðồng đưa ra ánh sáng những yếu tố tích cực biểu thị đặc tính của giáo dân, và yếu tố chính là tính cách trần thế, nghĩa là người đảm nhận qui hướng về Thiên Chúa những sự việc trần thế mà họ dấn thân. Vậy những đặc điểm của một giáo dân là:

- Sống giữa mọi người và trong xã hội nhờ dây liên lạc gia đình và nghề nghiệp.

- Thánh hóa trần gian như men bột qua việc minh chứng bằng đời sống trong khi thi hành nhiệm vụ riêng biệt trong nghề nghiệp của mình.

- Trách vụ làm cho những thực tại trần thế biết ca tụng Ðấng Sáng Tạo và Cứu Thế, những thực tại mà họ được nối kết chặt chẽ như Chúa Kitô muốn.

Ðó là tình trạng tạo nên một giáo dân, khiến họ có thể là chứng nhân tông đồ đích thực giữa trần gian.

1 T. Augustinô, Serm. 340 : PL 38, 1483.

42* Số 32 trình bày ý tưởng giáo dân là phần tử Dân Chúa có địa vị là con cái Chúa, được mời gọi nên thánh và lãnh nhận ơn Chúa. Về vấn đề này Công Ðồng quả quyết hai điểm:

- Phép Thánh Tẩy ban cho mọi người lãnh nhận sự bình đẳng căn bản.

- Mọi người phải liên kết với nhau: mục tử không những là thủ lãnh nhưng còn là người phục vụ Dân Chúa.

2 Xem Piô XI, Tđ. Quadragesimo anno, 15-5-1931 : AAS 23 (1931), trg 212t. Piô XII, diễn từ De quelle consolation, 14-10-1951 : AAS 43 (1951), trg 790t.

3 Xem Piô XII, diễn từ Six ans se sont écoulés, 5-10-1957 : AAS 49 (1957), trg 927.

43* Số 33: Tiếp theo đó, Công Ðồng tuyên bố hoạt động tông đồ giáo dân tham dự vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội vì đặt nền tảng trong phép Thánh Tẩy và phép Thêm Sức. Tính cách đặc biệt của tông đồ giáo dân là làm cho Giáo Hội hiên diện và hoạt động trong mọi hoàn cảnh của thế giới. Vả lại, giáo dân vẫn có thể cộng tác chặt chẽ với hàng giáo phẩm trong việc tông đồ của giáo sĩ đích danh. Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân sẽ lặp lại và quảng diễn ý tưởng đó.

 

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC

CHÚNG TA LÀM GÌ VỚI LỜI CHÚA.

 

(Suy niệm của Jean-Yves Garneau, không rõ dịch giả) 

Không bao giờ chúng ta coi trọng Lời Chúa mà lại không thay đổi gì trong đời sống của mình.

 

Thiên Chúa lên tiếng.

Chúng ta thuộc vào số những kẻ tin rằng Thiên Chúa đã ngỏ lời với nhân loại và Ngài vẫn tiếp tục ngỏ lời bằng nhiều cách. 

Các biến cố xảy đến trên thế giới hoặc trong chính cuộc đời chúng ta thường là Lời Chúa: một thiên tai, một chiến thắng trên bệnh tật, cái chết của một người thân, một đứa con ra đời, một cử chỉ tử tế hoặc thù hằn mà người nào đó làm cho chúng ta. Có bao nhiêu sứ điệp của Thiên Chúa mà ta cần biết nhận ra. 

Cả Thánh Kinh nữa, tức là Lời mà Thiên Chúa đã nói với loài người suốt lịch sử thánh và đã được ghi chép cẩn thận. Luôn luôn mang tính thời sự. Lời này được loan báo và giải thích cho chúng ta mỗi Chúa nhật. Bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể đọc, suy gẫm và đào sâu Lời này. 

Chắc chắn, Lời Chúa luôn luôn ở trong tầm tay chúng ta như một ánh sáng có thể soi sáng chúng ta, như một nguồn suối, mà bao giờ chúng ta cũng có thể đến giải khát.

 

Trân trọng Lời Chúa.

Tuy nhiên, vấn đề là biết được chúng ta đã làm gì với Lời Chúa. Vì, đọc và nghe Lời Chúa chưa đủ, ta cần phải đem ra thực hành nữa. Biết Lời Chúa không đủ, còn phải lấy Lời Chúa mà hướng dẫn đời mình nữa. 

Những gì được nói với chúng ta trong các bài đọc Thánh lễ hôm nay soi sáng và thách thức chúng ta. Ngôn sứ Giona rao giảng khắp thành phố Ninivê loan báo hình phạt của Chúa. Dân chúng trong thành phố lớn này có thể giả điếc làm ngơ và tự nhủ Giona này chỉ là một tiên tri giả thôi hoặc là một kẻ mơ mộng, không bình thường. Nhưng trái lại, họ đã khôn ngoan tin rằng người này nói nhân danh Thiên Chúa và họ đã đáp lại lời giảng của ông: họ ăn chay và thay đổi cuộc sống. như vậy, họ đã khiến Thiên Chúa “từ bỏ hình phạt mà Ngài đe dọa họ”. 

Vậy việc trân trọng Lời Chúa đã khiến dân thành Ninivê thay đổi cuộc sống. Đối với họ, không phải chỉ kính cẩn, chăm chú nghe Lời Chúa, chỉ suy gẫm Lời Chúa mà thôi, còn phải hành động theo những đòi hỏi của Lời ấy nữa. Lời Chúa đòi hỏi gắt gao.

Cũng một sứ điệp như vậy trong Tin Mừng. Trước lời mời gọi của Chúa Giêsu, các tông đồ tương lai đáp trả bằng cách biến đổi hoàn toàn cuộc sống của họ. “Tức khắc, họ bỏ lưới, (Simon và Andrê) để đi theo Chúa Giêsu”. 

Giacôbê và Gioan em ông cũng làm như vậy nữa “bỏ cha và những người làm công lại trong thuyền, họ đi theo Ngài”.

Chúng ta đừng đọc trang Thánh Kinh này như một câu chuyện thần tiên trong đó các anh hùng giải quyết mọi sự mà không cần cố gắng. Đối với Simon và Andrê, đối với Giacôbê và Gioan, đối với dân thành Ninivê, quyết định trân trọng lời mời gọi của Thiên Chúa là điều vất vả. Quyết định ấy đã đòi hỏi thay đổi cuộc sống. 

Ta không thể thật sự trân trọng Lời Chúa mà không bao giờ thay đổi gì cả trong cuộc sống của mình. Đây là sứ điệp của hôm nay. Về điểm này, chúng ta phải tự hỏi: trong cụ thể, chúng ta làm gì với Lời Chúa mà chúng ta đã nghe từ Chúa nhật này đến Chúa nhật khác? Trong bao nhiêu năm nay chúng ta đã đi lễ, chúng ta có thực sự coi trọng Lời Chúa vẫn được loan báo và giải thích cho chúng ta không? Chúng ta hãy chính xác hơn nữa: chúng ta có thể kể ra những lần chúng ta đã thay đổi điều gì đó trong cuộc sống của mình vài Lời Chúa ta đã nghe không?

 

Thời gian thật ngắn ngủi.

Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô: “Thời gian thật ngắn ngủi”. Vậy không phải ngày mai mà ngay hôm nay chúng ta phải tìm cách gạt đi những gì giả tạo hay vô ích trong cuộc sống chúng ta và tập trung vào điều chính yếu. Những gì dân Ninivê đã làm. Những gì các môn đệ sơ khởi đã làm.

Chắc hẳn chúng ta cần một ơn đặc biệt để hành động như vậy. Ơn này không thiếu cho chúng ta đâu. Hôm nay Thiên Chúa không ít quảng đại hơn hôm qua đâu. Vậy chúng ta hãy nài xin Ngài cho chúng ta được ơn không những biết nghe Lời Chúa mà còn biết “đem ra thực hành” nữa. “Không phải những kẻ nói: “Lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào Nước Trời đâu, nhưng những kẻ thực thi ý Cha Ta trên trời” (Mt 7,21).

 

VỀ MỤC LỤC

THIÊN CHÚA MUỐN ĐỔI MỚI TRONG NĂM MỚI

 
 

VRNs (24.01.2012) - Sài Gòn – Gần 50 năm nay, các buổi chiều ngày mùng Một, Hai, và Ba tết âm lịch, DCCT VN tổ chức Hành Hương Minh Niên, quy tụ dân Chúa khắp Sài Gòn và vùng lân cận.

Hôm qua, Mùng Một Tết, cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, giám tỉnh DCCT VN đã chủ sự và giảng thuyết khai mạc cuộc hành hương Đức Mẹ năm nay.

Xin mời anh chị em cùng nghe bài chia sẻ của cha giám tỉnh trong lễ hành hương này:

 

Kính thưa anh chị em,

Chúng ta rất vui mừng khi được cùng nhau tụ họp nơi đây, tụ họp để ca tụng Chúa, để vinh danh Chúa, để cảm tạ Chúa.

Chúng ta đang ở trong những giờ khắc thiêng liêng nhất của dân tộc, của đất nước. Những ngày đầu xuân, mọi sự đều đổi mới, Thiên Chúa làm cho mọi sự được đổi mới, chúng ta cộng tác với Thiên Chúa để làm cho mọi sự đổi mới. Thiên Chúa muốn đổi mới, chúng ta cũng muốn đổi mới, chúng ta sử dụng ơn Chúa để đổi mới.

 

Để làm mới, chúng ta có cách làm mới của chúng ta

Chúng ta thay, chúng ta đổi, chúng ta tìm kiếm, chúng ta trang hoàng, chúng ta hy vọng, chúng ta cầu chúc nhau. Chúc ông chúc bà, chúc anh chúc chị, năm mới thịnh vượng, năm mới phát tài phát lộc, năm mới bình an, năm mới mạnh khỏe, năm mới nhiều may mắn,… tất cả những điều đó đều đúng và cần thiết cho cuộc sống của chúng ta.

Nhà vườn đổ bao công sức để có những sản phẩm tươi đẹp cho năm mới, các bông hoa tươi thắm rực rỡ, tha hồ khoe sắc làm ngây ngất lòng người, hoa không canh không cửi thế mà Chúa lại mượn tay nhà vườn để khoác cho nó bộ áo đẹp tuyệt trần như thế, hoa không chỉ đẹp một mình nhưng hoa mang cái đẹp làm đẹp lòng nhân thế. Lại cũng bàn tay con người sắp đặt để hoa vào đúng vị trí của nó làm tăng thêm vẻ đẹp vốn sẽ kém cỏi nếu đơn độc. Con người với tất cả ý hướng tốt lành cộng tác với Thiên Chúa làm đẹp, làm mới mọi sự.

Có một lần cách đây hơn 2000 năm, Thiên Chúa quyết định một lần dứt khoát làm mới lại mọi sự, Thiên Chúa chọn cách làm mới của Thiên Chúa để có thể thực sự là làm mới lại mọi sự, không làm mới theo kiểu con người vẫn làm, muốn làm, để cái mới đó lại cũ và lại cứ phải ra công làm mới lại mãi, làm mới đi làm mới lại nhiều lần vẫn không kết quả. Cách làm của Thiên Chúa không được mấy người hiểu biết và chấp nhận, đã trở nên cớ vấp phạm cho nhiều người và bị dân ngoại cho là điên rồ và dân Do Thái cho là dại dột.

 

Thiên Chúa chọn cách làm mới lại mọi sự bằng cây thập giá

Trồng cây trái cấm thất bại, trồng bao nhiêu cây cỏ cũng thất bại, Thiên Chúa quyết định trồng cây thập giá. Như chúng ta đã thấy, cách của Thiên Chúa làm không mấy ai hiểu, không mấy ai chấp nhận, nhưng Thiên Chúa vẫn làm, chỉ vì Thiên Chúa muốn giải quyết rốt ráo về thân phận con người, Thiên Chúa muốn đổi thay thật sự toàn diện thân phận con người, một sự đổi mới không ai có thể nghĩ ra. Qua cây thập giá, Thiên Chúa biến con người là thân phận thụ tạo được trở nên con của Thiên Chúa, quá độc đáo và quá sức tưởng tượng.

 

Đức Trinh Nữ Maria đã trở nên Mẹ của ơn đổi mới ngay dưới chân thập giá

Quyết định độc đáo này loài người không thể hiểu nổi nên Thiên Chúa đã ban tặng nhân loại một người mẹ, người mẹ này có cách làm cho loài người hiểu, có cách làm cho loài người chấp nhận thập giá, chấp nhận ơn đổi mới hoàn toàn. Hay có thể nói chức năng làm mẹ của Đức Maria đươc hình thành ngay trong mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm cứu độ, dưới chân thập giá, Mẹ trở nên mẹ của ơn cứu giúp, mẹ của sự đổi mới triệt để, toàn diện, của nhân loại.

Tất cả các cách mà chúng ta cố gắng thực hiện để thay đổi đời mình, để đổi mới đời mình sẽ là vô ích hoặc không đạt đến giá trị đổi mới thực sự cho cuộc đời, cho sự sống đời đời, của chúng ta nếu những nỗ lực ấy không có bóng dáng Đức Trinh Nữ Maria. Sẽ là hời hợt, sẽ là mau qua, sẽ là phù vân nếu không được Đức Maria dìu đến dưới chân thập giá.

Hôm nay ngày đầu năm mới, ngày chúng ta ao ước được đổi mới biết chừng nào, sao chúng ta không đến cùng Đức Mẹ, để trong Mẹ chúng ta được đổi mới thật sự, được lãnh nhận ơn đổi mới thật sự? Từ nay chúng ta không còn bám víu vào chuyện thế trần nữa, thanh thản tấm lòng vì được nhận biết ơn đổi mới, từ nay chúng ta không còn cần cậy dựa vào bất cứ thế lực trần gian nào nữa, cho dù nó là gì, tiền bạc, sắc đẹp, tài năng, sự lượn lẹo, dối trá, miệng lưỡi hay khéo léo khôn ngoan ngoại giao, không “biết điều” theo kiểu người đời nữa… tất cả ra vô ích vì chúng ta có Mẹ, có sự thật, có chân lý, có tình thương và nhất là có tự do trong Chúa.

Chúng ta hãy ngắm nhìn hình dáng Mẹ dưới chân thập giá, chắc chắn có khổ đau, còn khổ đau nào hơn khổ đau nhìn thấy con mình phơi thây trên thập giá, mọi người xa lánh mình, mọi người nguyền rủa mình, mọi người kinh chê mình, bầu khí thù hận bao trùm lên mọi cảnh vật, đẩy con một yêu dấu của mình đến cái chết.

 

Nhưng chúng ta cũng thấy Mẹ thanh thản là dường nào, Mẹ bình an, Mẹ phó thác, Mẹ tin tưởng, Mẹ tự do hoàn toàn

Mẹ thanh thản bởi chính con Mẹ tiến lên thập giá thực hiện thánh ý của Thiên Chúa, đi thực hiện thánh ý của Chúa chứ không của bất cứ ai trên cõi đời này, cho dù họ có chức vụ đạo đời nào đi nữa, cho dù họ có khôn ngoan đến thế nào đi nữa, thì đó cũng không phải là ý Chúa, Con của Mẹ đi thi hành ý của Thiên Chúa, thi hành ý của Thiên Chúa là điều mà Thiên Chúa ưng ý.

Mẹ bình an vì Mẹ có Chúa, ngay cả khi người ta dùng bạo lực để cách ly Chúa với mọi người thì Mẹ vẫn bên Chúa, không chỉ bện Chúa trong không gian, trong thời gian, nhưng bên Chúa trong sự sâu thẳm nhất của tâm hồn Mẹ, nơi đó Mẹ chờ đợi như đã hằng chờ đơi từ lâu lắm rồi và chỉ có Chúa mới lấp đầy tâm hồn Mẹ mà thôi. Không phải thứ bình an mà thế gian ban tặng, nay còn mai mất, nay cho mai tước đoạt, thứ bình an không cứu nổi thân phận con người. Bình an của Mẹ và cũng là bình an Chúa hằng mong ước ban cho chúng ta, bình an có Chúa ở cùng.

Mẹ phó thác vì Mẹ biết rằng quyền năng của Chúa có thể làm được tất cả mọi sự, và mục đích của Chúa là hạnh phúc của mỗi người chúng ta, Chúa không thề làm gì khác ngoài việc làm cho chúng ta hạnh phúc, “cho dù chúng ta có thất tín thì Ngài cũng không thế chối chính mình Ngài”, Ngài là Đấng trung tín. Vì tín vào Chúa là Đấng trung tín nên Mẹ thanh thản, bình an, phó thác.

Mẹ tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, không phải thứ niềm tin vật vờ, hời hợt, chóng tan biến như con người thường gầy tạo cho nhau, Mẹ đặt niềm tin vào Chúa, nghĩa là Mẹ dấn thân cả cuộc đời Mẹ cho Chúa, tùy thuộc vào Chúa hoàn toàn, để Chúa hành xử đời Mẹ, chỉ có Chúa và cho Chúa mà thôi.

Mẹ tự do, giây phút dưới chân thập gía Mẹ tự do hoàn toàn, Mẹ không lo sợ, không khiếp đảm, không tìm cách bao che cho mình được an toàn, không cần phải tránh né, ngoại giao để lấy lòng bất cứ ai, để mưu tìm bất cứ lợi lộc trần gian nào. Mẹ có cái tự do hoàn toàn của một người thuộc về Chúa, do Chúa chọn lựa, phó thác cho Chúa, tuôn theo thánh ý Chúa, không bị áp lực hoặc lèo lái bởi bất cứ thế lực nào, quyền lực trần gian nào.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta có ước vọng một năm mới thanh thản không? Chúng ta có ước vọng một năm mới bình an không? Chúng ta có ước vọng một năm mới sống phó thác và tin tưởng vào Chúa không? Chúng ta có ước vọng một năm mới được tự do hoàn toàn trong Thiên Chúa không? Sao chúng ta không tìm đến cùng Mẹ, Mẹ của chúng ta, Mẹ của bình an, tin yêu, phó thác và tự do. Mẹ xuất hiện ngay trong đỉnh cao của chương trình cứu độ, đỉnh cao của cuộc đổi mới mọi sự, không có sự đổi mới này chúng ta không có sự đổi mới đích thực cho đời chúng ta.

LM. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, C.Ss.R.


VỀ MỤC LỤC

HÀNG GIÁO PHẨM LÀ AI VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM GÌ TRONG GIÁO HỘI?

  

Hỏi: xin cha giải thích

I- Trách nhiệm và quyền hạn của Đức Thánh Cha, Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục chính tòa, Giám mục Phó và Giám mục phụ tá. 

II- Thế nào là những cuộc thăm viếng mục vu của các Giám mục?

 

Trả lời:

I- Hàng Giáo Phẩm:

Nói đến Hàng Giáo Phẩm (Hierachy) trong Giáo Hội Công Giáo là nói đến vai trò và trách nhiệm của Đức Thánh Cha, các Hồng Y , các Tổng Giám mục, Giám mục, Linh mục và Phó tế trong Giáo Hội.

Có hai tiêu chuẩn để nhận rõ vai trò và trách nhiệm của Hàng Giáo Phẩm như sau:

1- Trước hết là  tiêu chuẩn chức thánh (Holy Orders) -Với tiêu chuẩn này,  Hàng Giáo Phẩm gồm có các Giám Mục, Linh mục và Phó Tế. Trong trật tự này, thì chức Giám Mục là chức thánh cao nhất trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo Đông Phương (Eastern Ỏrthodox Churches) chức Phó Tế là chức thấp nhất. Các Hồng Y và chính Đức Thánh Cha cũng chỉ có chức Giám Mục mà thôi nhưng với quyền hạn và trách nhiệm lớn hơn mọi Giám mục khác. Giám mục, linh mục và Phó tế thuộc hàng giáo sĩ (clergy) nhưng chỉ có Giám mục và Linh mục thuộc hàng Tư Tế (sacerdos) để dâng Thánh Lễ Tạ Ơn (Eucharist) mà thôi (x.Lumen Gentium số 28). Đây là hàng Giáo Phẩm xét theo cấp độ chức thánh được lãnh nhận hợp pháp và thành sự ( validly and licitly ) trong Giáo Hội. Thành sự và hợp pháp có nghĩa là chỉ có Giám mục đã được chịu chức hợp pháp và thành sự mới có thể truyền chức hợp pháp và thành sự cho các phó tế, linh mục thuộc quyền mình và truyền chức Giám mục, linh mục hay phó cho người khác khi được yêu cầu. Nhưng muốn truyền chức Giám mục hợp pháp (licitly) cho ai thì phải có phép của Đức Thánh Cha chọn linh mục nào đó lên hàng Giám mục. Nếu không có phép hay ủy nhiệm thư của Đức Giáo Hoàng thì việc truyền chức là bất hợp pháp ( illicitly) mặc dù vẫn thành sự (validly). Trong trường hợp này, thì người truyền chức và người chịu chức đều tức khắc bị vạ tuyệt thông tiền kết. (x. Giáo luật số1382)

2- Tiêu chuẩn thứ hai là  quyền tài phán (Jurisdiction): với quyền tối cao này, đứng đầu  Hàng Giáo Phẩm là Đức Thánh Cha, người kế vị Thánh Phêrô trong sứ mệnh lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ  với sự cộng tác, hiệp thông và vâng phục trọn vẹn của Giám mục Đoàn (College of Bishops) trực thuộc. (x. giáo luật số 331). Thi hành quyền tài phán tối cao này, Đức Thánh Cha bổ nhiệm, thuyên chuyển hay chế tài các giám mục trong toàn Giáo Hội thuộc quyền cai quản của ngài trong nhiệm vụ coi sóc  các Giáo Hội địa phương ( Local Churches) tức các Giáo phận ( Diceses) ở các quốc gia trên thế giới, hay đảm trách những công việc quan trọng trong Giáo Triều Rôma ( Roman Curia). Như thế, các Giám mục trong toàn Giáo Hội chỉ trực tiếp chịu trách nhiệm trước Đức Thánh Cha mà thôi.

Trên hết, Đức Thánh Cha, vị Đại Diện duy nhất ( Vicar) của Chúa Kitô trên trần thế,  không những có trách nhiệm lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ mà còn có quyền công bố với ơn bất khả ngộ những tín điều (dogmas) và những giáo huấn về luân lý ( morals) buộc mọi tín hữu trong Giáo Hội phải tin và thi hành cho  được rỗi linh hồn.

 

II- Trách nhiệm và quyền hạn của các vị trong hàng Giáo Phẩm:

Giám mục là những người kế vị các Thánh Tông Đồ trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng, dạy dỗ chân lý đức tin, thánh hóa và cai quản đoàn chiên được trao phó cho mình. Giám mục phải do chính Đức Thánh Cha bổ nhiệm, thuyên chuyển và chế tài.  Nghĩa là mọi Giám mục đều trực tiếp chịu trách nhiệm với Đức Thánh Cha như đã nói ở trên.

 Với chức thánh cao nhất này, các giám mục được chia sẻ trọn vẹn Chức Linh Mục đời của Chúa Kitô ( cf. LG số 26) trong khi linh mục chỉ được chia sẻ một phần Chức Linh Mục tối cao này. Nhưng " cũng hiệp nhất với Giám mục trong tước vị tư tế" ( cf .LG, số. 28)

Về trách nhiệm và quyền hạn thì Giám mục được phân loại thành Giám mục Giáo phận hay chính tòa, Giám mục hiệu tòa, Giám mục phó và Giám mục phụ tá.

Từ hàng ngũ Giám mục và Linh mục ( xuất sắc) Đức Thánh Cha chọn các Hồng Y ( Cardinals) để thi hành hai nhiêm vụ quan trong sau đây:

        1- Làm cố vấn cho Đức Thánh Cha trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ.

        2- Chỉ có các Hồng Y dưới 80 tuổi mới được đi bầu Giáo Hoàng mới, sau khi Đức Thánh Cha đương kim qua đời. Các Hồng Y  vào Mật Hội (Conclave) để bầu tân Giáo Hoàng thì ai cũng có khả năng được bầu vào chức vụ tối cao này. Nghĩa là các ngài vừa là cử tri (elector) vừa là ứng viên có khả năng được bầu, nhưng không ra ứng cử ( potential candidates). Hồng Y là tước hiệu ( Title) chứ không phải là chức thánh. Nếu Tân Giáo Hoàng được bầu mà không có chức Giám Mục thì Hồng Y Niên Trưởng phải truyền chức Giám Mục cho ngài trước khi đăng quang ( cf. giáo luật số 355& 1) Nhưng cho đến nay, việc này chưa từng xẩy ra vì các Hồng Y không có chức Giám mục ( tức các Linh mục được phong tước Hồng Y, một truyền thống vẫn có cho đến nay) thì thường được tấn phong Giám mục sau khi được phong tước Hồng Y. ( Giáo luật số 351 & 1)

Hồng Y họp lại thành Hồng Y Đoàn (College of Cardinals) do một vị làm niên trưởng (Dean). Các Hồng Y cũng chỉ chịu trách nhiệm trước Đức Thánh Cha mà thôi. Các ngài  thường được cử giữ các chức vụ quan trọng, như đứng đầu các Bộ hay cơ quan trọng yếu trong Giáo Triều Rôma , như Bộ Giáo Lý Đức Tin, Bộ Truyền Giáo, Bộ Giám Mục, Bộ Tu Sĩ.... Các Hồng Y ở ngoài Giáo Triều, thì thường là các Tổng Giám Mục đang coi sóc các Tổng Giáo Phận lớn trên thế giới như  Milan, Paris, Manilla,  New York, Washington, Los Angeles, Houston, Sydney, Hà nội, Saigon... Nhưng khi đến 75 tuổi, thì các Hồng Y đang giữ các trọng trách trong hay ngoài Giáo Triều Rôma đều phải xin từ chức. (x giáo luật số 354)      

a-  Tổng Giám Mục (Archbishops) cũng là Giám mục được bổ nhiệm đứng đầu một Giáo Tỉnh hay Tổng Giáo Phận ( Archdiocese). Ngài cũng là Giám mục chính tòa ( Ordinary) của Giáo Phận mình như các Giám mục Giáo Phận khác. Việt Nam có 3 Tổng Giáo Phận là Hà Nội, Huế và Saigon. Tổng Giáo Phận hay Giáo Tỉnh ( Ecclesial Province) gồm có một số giáo phận trực thuộc, gọi là các Địa phận hạt ( Suffragan Dioceses). Nhưng Tổng Giáo mục không có quyền nào trên các Giám mục trong Giáo Tỉnh của mình, mà chỉ có trách nhiệm " canh chừng để đức tin và kỷ luật Giáo Hội được tuân hành chu đáo, và thông báo cho Đức Thánh Cha về những sai trái hay lạm dụng nếu có,". Ngoài ra, Tổng Giám Mục có thể bổ nhiệm giám quản cho một giáo phận thuộc Giáo Tỉnh của mình đang trống tòa, vì giám mục chính tòa qua đời mà chưa có người lên thay. ( x.giáo luật  số 436 &1,2). Sau nữa, Tổng Giám Mục được phép cử hành nghi lễ đại trào ( Pontifical Mass) với mũ ( mitre) gậy ( crosier) và dây Pallium  trong các Thánh đường ở các  giáo phận thuộc Giáo tỉnh của mình. Nhưng khi ra ngoài giáo tỉnh, thì Tổng Giám Mục không được cử hành lễ đại trào với mũ, gậy và đeo dây Pallium ở địa phận khác.

b-   Giám mục Giáo Phận hay chính tòa (Diocesan Bishop or Ordinary) là Giám Mục được bổ nhiệm để coi sóc một Địa phận (Diocese) tức là Chủ chăn của một Giáo hội địa phương (local church) hiệp thông trọn vẹn với Đức Thánh Cha là Chủ chăn và là Thủ lãnh  Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ (Universal Church) 

c-  Giám Mục hiệu tòa (titular bishop) là giám mục không có nhiệm vụ chính thức coi sóc một Địa phận nào.  

d-  Giám mục Phó (Coadjutor) là Giám mục có quyền kế vị (lên thay thế) Giám mục chính tòa khi vị này từ chức về hưu hay bất ngờ qua đời. 

e-  Giám mục Phụ tá (Auxiliary bishop) là Giám mục được bổ nhiệm để phụ giúp Giám mục chính tòa trong việc điều hành giáo phận. Giám mục phụ tá không có quyền kế vị khi giám mục giáo phận từ chức hay qua đời. (giáo luật số 375-410)

Như thế, Giám mục,  tuy chức thánh bằng nhau, những quyền hạn và trách nhiệm khác nhau từ trên xuống dưới như nói ở trên.

f-  Linh mục; là công sự viên đắc lực của Giám mục trong sứ mệnh rao giảng, dạy dỗ chân lý và coi sóc giáo dân được trao phó cho mình. Linh mục tùy thuộc hoàn toàn Giám mục của mình để thi hành mọi sứ vụ linh mục và mục vụ ( priestly and pastoral ministries). Nghiã là nếu không có phép (năng quyền = faculties) của Giám mục, thì không linh mục nào được thi hành trách nhiệm mục vụ của mình, dù có chức linh mục. Đó là trường hợp các linh mục bị tạm ngưng thi hành tác vụ, hay còn quen gọi là bị "treo chén" ( Suspension of faculties)

g-  Phó tế : được truyền chức để phụ giúp Linh mục trong các thánh vụ như công bố và chia sẻ lời  Chúa ( Phúc Âm) phụ giúp Bàn thánh, chứng hôn, cử hành nghi thức an táng và rửa tội cho trẻ em theo yêu cầu của cha xứ.

 

III-Trách nhiệm mục vụ của Giám mục giáo phận: 

Do thánh chức và năng quyền (order &competence) được lãnh nhận, các giám mục giáo phận hay chính tòa có nhiệm vụ dạy dỗ, thánh hóa và cai quản một Giáo Phân (Địa Phận=Diocese) được trao phó cho mình. Trong nhiệm vụ giảng dạy chân lý, Giám mục phải giảng dạy đúng giáo lý tinh tuyền của Giáo Hội- chứ không phải giáo lý của riêng mình-  trong tinh thần vâng phục và hiệp thông trọn vẹn với Giám mục Rôma, tức Đức Thánh Cha là Thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.

Trong trách nhiệm giảng dạy này " các Giám mục phải cố gắng hết sức để  các công cuộc rao giảng Phúc Âm  và hoạt động tông đồ được các tín hữu nhiệt liệt nâng đỡ và cổ võ... luôn luôn lo lắng cho các Kitô hữu thấu hiểu và sống sâu xa hơn mầu nhiệm Phục Sinh thế nào để, nhờ bí tích Thánh Thể, họ tạo thành một Thân Thể liên kết rất chặt chẽ trong tình bác ái duy nhất của Chúa Kitô ( x.Sắc Lênh về Nhiệm vụ của các Giám Mục, số 6, 14).

Trong nhiệm vụ mục vụ, Giám mục Giáo Phận phải mở những cuộc thăm viếng mục vụ, còn gọi là kinh lược (Pastoral visitations) để viếng thăm các giáo xứ trong toàn Địa Phận của mình để thăm và cử hành các bí tích, đặc biệt là bí tích thêm sức, cho giáo dân được trao phó cho mình coi sóc.  Nếu vì lý do gì không thể đích thân đi kinh lược được, thì giám mục chính tòa có thể ủy thác cho giám mục phó hay giám mục phụ tá làm việc này (nếu có các vị này trong giáo phận) (giáo luật số.396). Như thế có nghĩa là chỉ trong giáo phận của mình, giám mục chính tòa mới có trách nhiệm thăm viếng mục vụ mà thôi. Ngoài phạm vi giáo phận, Giám mục không có trách nhiệm mục vụ nào đối với đoàn chiên không thuộc quyền coi sóc của mình. 

Nói rõ hơn, trong Giáo Hội, cụm từ “thăm viếng mục vụ” chỉ được dùng đúng nghĩa, để chỉ những công vịệc thăm viếng giáo dân  mà một giám mục phải làm vì bổn phận và theo giáo luật (x  giáo luật số 396 & 1) Ngay cả việc cử hành các nghi lễ giáo chủ hay đại trào (Pontifical Mass) với đầy đủ phẩm phục giáo chủ gồm mũ (mitre) và gậy (crozier), giám mục cũng chỉ được phép cử hành trong phạm vi giáo phận của mình mà thôi. Khi ra khỏi giáo phận, nếu muốn cử hành nghi lễ này ở nơi thuộc giáo phận khác, thì giám mục khách cũng cần có sự đồng ý trước, tức là phải xin phép giám mục bản quyền địa phương (local ordinary - giáo luật số 390). Trừ Tổng Giám mục (Archbishop), thì  được phép cử hành nghi lễ đại trào và đeo dây "Pallium" trong bất cứ thánh đường nào thuộc phạm vi Tổng Giáo Phận, hay Giáo Tỉnh thuộc quyền như đã nói ở trên.( giáo luật  số 437 &2)). Hồng Y thì được quyền cử hành nghi lễ đại trào ở bất cứ nơi nào trong toàn Giáo Hội.

Như vậy, không thể gọi bất cứ cuộc viếng thăm nào của một giám mục ở ngoài phạm vi địa phận của mình là thăm viếng mục vụ được, vì không có giám mục nào có trách nhiệm này theo giáo luật.

Chỉ riêng một mình Đức Thánh Cha, với tư cách là Chủ Chăn của Giáo Hội Công Giáo  hoàn vũ, thì  đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới  có giáo dân công giáo,  ngài cũng  đến vì mục đích thăm viếng mục vụ dành cho  đoàn chiên thuộc  quyền chăn dắt tối cao của mình. Trái lại, các giám mục,  dù đến thăm một công đoàn, hay giáo xứ có giáo dân từng thuộc đoàn chiên cũ của mình ở địa phận nhà, thì cuộc viếng thăm này cũng chỉ có tinh chất cá nhân thân hữu (private visitation) mà thôi, chứ không có mục đích mục vụ nào cả, vì các giáo dân đó nay đang thuộc quyền mục vụ của giám mục địa phương rồi. Cụ thể, các giáo dân thuộc nhiều địa phận cũ ở Việt Nam nay đang sinh sống ở Hoa Kỳ thì đều thuộc quyền mục vụ của Giám mục địa phương nơi họ đang sống đạo chung với giáo dân địa phương , nên chỉ phải vâng phục Đấng bản quyền địa phương đó mà thôi. Do đó, phải tuân theo mọi qui luật về phụng vụ ở địa phận mình trực thuộc. Nghĩa là không thể nói tôi là tín hữu Việt Nam nên chỉ theo luật phụng vụ bên Việt Nam về các ngày lễ buộc, hay Tết dân tộc. Nếu muốn cử hành lễ riêng trong dịp Tết Việt Nam, thì phải xin phép giáo quyền địa phương, chứ không được tự tiện áp dụng luật  phụng vụ bên Việt Nam về các ngày Tết dân tộc ở bất cứ quốc gia nào bên ngoài Việt Nam được. 

Vậy xin lưu ý kỹ những điều trên đây, để không lẫn lộn khi dùng những cụm từ chỉ tước vị hay nhiêm vụ thực sự của các giám mục trong Giáo Hội. Nghĩa là không nên gọi giám mục phụ tá là giám mục phó hay ngược lại, cũng như không thể dùng cụm từ “thăm viếng mục vụ” cho bất cứ  cuộc viếng thăm nào của các giám mục từ địa phận này đến địa phương khác. 

Ngay cả đối với các linh mục, thì nhiệm vụ mục vụ và sứ vụ linh mục (pastoral duties and priestly ministries) cũng chỉ được thi hành hợp pháp trong phạm vi giáo phận của  mình, nơi linh mục  đã lãnh nhận năng quyền (faculty) từ giám mục của mình mà thôi. Khi ra khỏi địa phận, nếu muốn thi hành sứ vụ linh mục ở đâu trong một thời gian lâu dài sau một tháng, thì linh mục phải xin năng quyền ấy nơi giáo quyền địa phương. (Có nhiều nơi đòi phải xin sau một hay hai tuần lễ tạm trú, hoặc xuất trình chứng minh thư là linh mục đang có năng quyền ở địa phận khác, muốn xin đồng tế trong một nhà thờ ngoài địa phận mình). Nghĩa là không linh mục nào được đến cử hành thánh lễ, và ban các bí tích ở địa phương khác mà không có phép của Đấng bản quyền sở tại.  Nhưng trong trường hợp nguy tử, thì mọi linh mục đều được phép  rửa tội, xức dầu và giải tội ở bất cứ nơi nào có nhu cầu này trong lúc mình đang có mặt ở đó (giáo luật số.976) 

Đó là những điều giáo dân cần biết để hiểu về vai trò và nhiệm vụ của Hàng Giáo Phẩm trong Giáo Hội Công Giáo.

 

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

 
VỀ MỤC LỤC
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ ĐỂ LÀ MÔN ĐỆ CHÚA

 

(Suy niệm Phúc Âm Chúa Nhật 2 thường niên B)

(1Samuel 3:3b-10; 1Corinthians 6:13c-15a,17-20; John 1:35-42)

Bác sĩ  Nguyễn Tiến Cảnh, MD

Khi suy niệm những bài đọc của Chúa Nhật hôm nay, đặc biệt lời Chúa kêu gọi  Samuel, An Rê và em ông, đã khiến tôi nhớ đến một điều mà Dietrich Bonhoeffer, vị mục sư Tin lành Lutheran người Đức đã viết từ trong nhà tù Đức Quốc Xã: “Chỉ có sống một cách thoải mái, không dè dặt gì cả với những bổn phận, những khó khăn, những thành công hay thất bại, những kinh nghiệm hay những xáo trộn của cuộc đời…mới có thể làm cho người ta trở thành con người thực sự và một Kitô hữu đích thực”. Bonhoeffer đã trải qua những kinh nghiệm về điều mà ông đã gọi một cách cay đắng là “Cái Giá Phải Trả Đề Làm Môn Đệ”. 

 

THÒI ĐẠI MỚI CỦA SAMUEL

Tiên tri Samuel, ông An Rê và Simon Phêro đã trải qua cái giá này trong chính cuộc đời của các ông. Chúng ta thử coi lại câu chuyện Chúa kêu gọi Samuel xem nó thế nào. Đây là câu chuyện khá cảm động, nói lên lời kêu gọi rất sống động của Chúa, đồng thời cũng đưa ra cho chúng ta một mẫu mực phải theo trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Eli thì đã già rồi, mắt thì gần như mù, không còn trông thấy gì nữa. Các con trai ông lúc đó là những thầy cả ở trong đền thờ, thì lại chẳng còn tin vào Chúa gì cả. Thời đại của họ coi như gần tàn, do đó Chúa đã kêu gọi Samuel bắt đầu một thời đại mới.

Samuel cần sự giúp đỡ để ý thức được tiếng Chúa kêu gọi mìnhh. Sự khôn ngoan của Eli và tình bạn nơi một người trẻ lúc đó quả là cần thiết để Samuel có thể thực sự nghe ra tiếng gọi của Chúa. Có lần Samuel nhận ra là Chúa đã gọi ông thực sự, và ông đã trở thành một nhà đại tiên tri, có thể nhận ra được ý Chúa muốn đối với dân Ngài về những vấn đề chính trị, xã hội và tôn giáo. 

 

CHÚA NÓI, TA NGHE hay TA NÓI,  CHÚA NGHE ?

Khi chúng ta đến quì gối trước mặt Chúa để lắng nghe tiếng Chúa nói thì lời cầu khẩn  thắm thiết của chúng ta từ đáy lòng sẽ phải là: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy nói, tôi tớ Chúa đang lắng nghe đây.” Nhưng phải chăng tiếng kêu van đó lại thường đổi thành: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy lắng nghe, tôi tớ Chúa đang nói đây!” 

 

NHỮNG TIẾN TRÌNH LẮNG NGHE

Trong kỳ Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 2008 bàn về “Lời Chúa trong cuộc sống và sứ mạng của Giáo Hội”, Giám mục Luis Antonio Tagle thuộc giáo phận Imus ở Phi Luật Tân, đã đưa ra một tiến trình lắng nghe rất đặc sắc. Giám mục trình bày cách bố cục của sự lắng nghe lời Chúa hầu có thể giúp con người đạt tới đời sống thực. Ngài nói:

-“Lắng nghe là một việc hệ trọng. Giáo Hội cần phải đào tạo ra những người biết nghe lời Chúa. Nhưng việc lắng nghe không thể chỉ chuyển đạt bằng giảng dạy mà còn phải có được môi trường để lắng nghe.”

Giám mục Tagle đề nghị ba điểm để phát triển cách nghe:

1. Lắng nghe trong niềm tin, nghĩa là phải mở rộng lòng mình ra để đón nhận lời Chúa, để lời Chúa thấm nhuần trong ta hầu biến cải chúng ta rồi đem ra thực hành. Cách thức này tương đương với đức vâng lời trong niềm tin. Học tập lắng nghe liên hệ đến tạo lập đức tin

2. Thiếu lắng nghe, những biến cố ở đời sẽ đưa tới những hậu quả thảm hại, sẽ gây ra những sung đột trong gia đình, những khác biệt giữa thế hệ này với thế hệ nọ, quốc gia này với quốc gia kia, giữa bạo động và an bình. Con người bị đóng khung trong môi trường độc thoại, hững hờ, ồn ào, cố chấp và vị kỷ. Do đó, Giáo Hội cần phải cung ứng một môi trường đối thoại, mọi người biết nể trọng, hỗ tương nhau hầu giúp con người thăng tiến khá hơn.

3. Thiên Chúa phán và Giáo Hội là tôi tớ, lấy tiếng nói của mình làm Lời Chúa. Nhưng Thiên Chúa không chỉ nói mà thôi, Ngài cũng lắng nghe, nhất là lắng nghe những người công chính, góa bụa, mồ côi, những kẻ bị áp bức truy nã và nghèo hèn không có tiếng nói. Giáo Hội phải học tập cách lắng nghe của Thiên Chúa và phải dùng tiếng nói của Chúa thay cho tiếng nói của những người không có tiếng nói.

 

TIẾNG CHÚA NÓI:  HÃY ĐẾN MÀ COI

Trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã khởi sự bước đầu tiên. Câu Ngài hỏi các môn đệ hàm chứa một thắc mắc: “Các ông đang tìm kiếm cái gì đó?” (Ga 1: 38). Đây không phải là một câu hỏi đơn giản, mà là cả một vấn nạn thâm sâu về tôn giáo và thần học. Chúa hỏi:

      -“Tại sao các ông quay nhìn về ta để tìm câu trả lời?”

      -“Thưa Thầy –các môn đệ trả lời- Thầy đang ở đâu?” (v 38)

Động từ “sống”, “ở lại”, “trú ngụ”, “trọ”, “ở”, “nghỉ” đếm thấy cả thảy có tới 40 lần trong Tin Mừng thánh Gioan. Đó là một động từ diễn tả rất rõ ràng ý nghĩa thần học của thánh Gioan về sự hiện diện của hai chữ “trú ngụ”.

Các môn đệ không phải chỉ quan tâm đến chuyện đêm nay Chúa sẽ ngủ ở đâu, mà thực ra còn muốn hỏi Chúa là “Chúa sống ở đâu”.  Chúa hiểu ý các ông và đã trả lời:

        -“Hãy đến mà coi.” (v 39).

Hai tiếng “đến” và “coi” đã trải dài xuyên suốt Tin Mừng thánh Gioan. Đối với Chúa Giêsu, tiếng “hãy đến” được dùng để diễn tả niềm tin vào Chúa (cf. Ga 5: 40; 6: 35,37,45; 7:37). Đối với ông Gioan, tiếng “hãy coi” có nghĩa là hãy nhìn kỹ chúa Giêsu để có một nhận thức thực và chính xác mà tin vào Ngài.

 

CÁC MÔN ĐỆ ĐÃ TIN VÀO CHÚA  

Các môn đệ bắt đầu cuộc sống môn đệ khi đi theo Chúa để coi xem Chúa ở lại đâu, và “các ông cũng ở lại với Chúa ngày hôm đó” (Ga 1: 39). Các ông đã đáp ứng lời mời gọi của Chúa và tin, các ông đã khám phá ra cuộc sống của Chúa là gì, và họ đã “ở lại” với Chúa. Các ông bắt đầu sống trong Chúa và Chúa ở trong các ông. Sau khi ông An Rê đã  hiểu biết chín chắn và chính xác Chúa Giêsu là ai thì ông đã “đi kiếm anh mình” là Simon Phêro và “dẫn đến với Chúa”. (v 41, 42). Tất cả những kinh nghiệm này sẽ được hoàn thành khi mà các môn đệ nhìn thấy sự vinh quang khải hoàn của Chúa trên thập giá.

 

CHÚA GỌI CHÚNG TA VÌ LỢI ÍCH CỦA THA NHÂN

 Cái gì có thể giúp chúng ta học hỏi được ở những bài đọc hôm nay nói về lời mời gọi của Chúa? Chúa không bao giờ mời gọi chúng ta vì lợi ích của chúng ta, nhưng là vì lợi ích của tha nhân. Chúa đã kêu gọi dân Israel vì lợi ích của những kẻ chưa nhận biết Chúa ở chung quanh họ. Chúa gọi tất cả những Kitô hữu vì lợi ích của cả thế giới mà chúng ta đang sống.

Để được mời gọi, chúng ta không cần phải là hoàn hảo, nhưng đòi hỏi phải trung thành và biết lắng nghe lời thánh. Samuel và các tiên tri của Israel, dân thuyền chài ở Galilee và ngay cả những người thu thuế mà Chúa Giêsu đã gọi, chắc chắn là họ được gọi không phải vì họ có đủ điều kiện hay đã làm được những việc trọng đại. Thánh Phaolo  chả nói là Chúa Giêsu đã mời gọi những kẻ “điên khùng” làm cho những người khôn ngoan phải xấu hổ. Đó là một kiểu kêu gọi rất linh động có thể thích hợp với tất cả mọi đáp ứng của chúng ta. Chúng ta sẽ hoàn toàn đổi mới, bởi lẽ Chúa đã gọi chúng ta, đã yêu chúng ta, biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giống Chúa. Chúa đã gọi chúng ta, chúng ta không có chọn lựa nào khác ngoài việc kêu gọi mọi người đi theo Chúa.

 

ĐÔI LỜI KẾT

Chúng ta đã được gọi để thoát ra khỏi cuộc sống bình thưòng của chúng ta, khỏi những thất bại trong công việc đời sống hàng ngày của chúng ta thế nào?  Mục đích mới của chúng ta là gì khi chúng ta bước theo con đường Chúa gọi? Qua ai và làm thế nào để chúng ta có thể tiếp nhận được tiếng Chúa gọi? Trong quá khứ hay gần đây chúng ta có kêu gọi được ai trở lại với Chúa không? Hay chúng ta không những đã chẳng gọi được ai theo Chúa mà ngược lại đã làm nhiều người, vì chúng ta mà xa rời Chúa.

Chúa đã gọi tôi, tôi có trách nhiệm kêu gọi mọi người bước theo Chúa, dù có gặp gian nan khổ ải. Đó là cái giá phải trả để là môn đệ Chúa. Thánh Phêro, thánh Phaolo đều chết treo trên thập giá như thày mình là Chúa Giêsu đã chết trên thập giá. Gần 200 thánh tử đạo Việt Nam đã chịu bao nhiêu cực hình, hy sinh mạng sống mình vì lời Chúa gọi; một Tgm Nguyễn Kim Điền, một cha chính Nguyễn văn Vinh của Hanoi và biết bao linh mục, tu sĩ, giáo dân anh hùng khác đã hiên ngang tuyên xưng danh Chúa để rồi phải chết trong những trại tù cực hình khốn khổ của csVN đã thực sự trả cái giá để là môn đệ Chúa.

Gian nan, khốn khổ, cơ cực, thánh giá…

Chắc chắn nó không phải là an thân, nhàn hạ, bổng lộc, chức quyền và hưởng thụ. 

Fleming Island, Florida

Jan. 26, 2012 (4 tháng Giêng, Nhâm Thìn)

NTC

                                 

CA  VỊNH

(Cv 40: 2, 4, 7-10)

 

Rx. Lạy Chúa, tôi đây,…

tôi đến để đón nhận lời Chúa

 

   * Tôi đang đợi chờ…

                    đợi chờ Chúa,

                                          Chúa nghiêng mình trên tôi…

                                                 Và nghe tiếng tôi kêu cầu

                                          Cho tôi bài ca mới…

                                                 để miệng lưỡi tôi ca tụng vinh danh Chúa. Rx.

 

                                       *  Chúa chẳng mong chờ hy sinh hiến tế,

                                          Chúa mở tai tôi để vâng nghe lời Chúa.

                                          Lễ toàn thiêu cùng tạ tội Chúa cũng không màng,

                                          Tôi bèn nói “Lạy Chúa, tôi đến đây”. Rx.

 

 *“Trong sách quí, Người đã chép cho tôi

                                                   lời Chúa dặn tôi phải làm.

                                          Lạy Chúa tôi, đấng làm tôi hoan lạc.

                                          Luật của Chúa nằm trong tim tôi”. Rx.

                                    

                                      *   Sự công chính tôi loan truyền

                                                     giữa hội trường, trước muôn dân…

                                         Miệng lưỡi tôi không khép kín

                                         Lạy Chúa, Chúa biết lòng tôi… Rx.

 

VỀ MỤC LỤC

“CÁC CON LÀ NHỮNG TẤM GƯƠNG CHO NGƯỜI LỚN”

 

Thông thường người ta hay nói người lớn phải là tấm gương cho thanh thiếu niên, và các bạn trẻ phải noi gương người lớn. Thế nhưng trong Sứ điệp ngày Hoà Bình thế giới 01/01/2012, Đức Thánh Cha Benedictô XVI viết cho giới trẻ: “Hãy ý thức rằng chính các con là tấm gương và niềm cảm hứng cho người lớn.” Hẳn là Đức Thánh Cha đã nhìn thấy nhiều thực tế của xã hội trần thế ngày nay.

Khi nói người lớn, Đức Thánh Cha muốn nói đến các bậc cha anh, những người có trách nhiệm trong xã hội và có lẽ cả những bậc thầy ở nhiều lãnh vực khác nhau. Người lớn cũng có thể hiểu là những con người có quyền hành và có cả sức mạnh nữa.

Làm thế nào để giới trẻ làm gương cho người lớn? Đức Thánh Cha viết: “Hễ các con càng cố gắng vượt thắng những bất công và tham ô, càng mong ước một tương lai tốt đẹp hơn và dấn thân xây dựng tương lai ấy, thì các con càng là những tấm gương cho người lớn” trước thực tế xã hội ngày nay.

Thực tế trong xã hội cho thấy người lớn đang thực hành nhiều bất công và bất minh. Bao nhiêu lý thuyết đã sụp đổ. Bao nhiêu màn che đã mở ra. Bao nhiêu ánh sáng giả tạo đã tắt ngúm. Và những lừa lọc, gian trá phơi bày trước người trẻ một cách rõ ràng không còn gì che đậy được nữa.

Dường như sự giả trá lớn lao nhất của thế gian trong thời đại này như quả núi khổng lồ không còn chịu nổi sức mạnh của chính mình, đã gượng cười chua chát và ngã nhào xuống, ồn ào náo động y như lúc nó hăm hở bước vào nhân gian.

Thực tế cũng cho thấy người lớn không biết lên tiếng nói cho Sự Thật, Công Lý, Tình Yêu, Hoà Bình. Người lớn đang trình bày sự thật nào có lợi cho họ. Người lớn đang định nghĩa công lý theo ý riêng của họ.

Và cái định nghĩa lệch lạc về công lý có ảnh hưởng ghê sợ nơi giới trẻ, bằng chứng là mới đây, một bạn trẻ đã bình luận trên Facebook: “Mỗi người có một lý tưởng và mục đích sống khác nhau. nên công lý của mình, hóa ra lại là nghịch lý với người khác.” Cho rằng công lý lệ thuộc vào mục đích sống của từng người thì quả là người ta chưa biết đến Giáo huấn Xã Hội Công giáo.

Người lớn cũng định nghĩa tình yêu một cách phiến diện. Họ cho rằng yêu thương người khác là phải đơn sơ như chim bồ câu, là sẵn sàng đưa má cho người ta vả. Như thế người ta mới thực hành một nửa lời Thầy Chí Thánh đã dạy, và hiển nhiên là chưa đủ và chưa đúng. Chúa Giêsu còn dạy phải khôn ngoan như con rắn, phải chỉ rõ bộ mặt giả hình của Pharisiêu, phải đứng về phía người bị áp bức.

Thực tế cũng cho thấy người lớn đang loan báo một thế giới vắng bóng Thiên Chúa. Trường lớp, các phương tiện truyền thông đại chúng và lối sống thực dụng đang gửi cho giới trẻ một thông điệp kinh hoàng: không có Thiên Chúa là Đấng tạo thành và chăm sóc vũ trụ này.

Thật ra không có con người nào có đủ lương tri mà lại từ chối sự thật hiển nhiên là sự hiện diện của Đấng Tạo Hoá, nhưng tất cả những mưu đồ và lợi lộc trần thế đã làm nhiều người lớn mờ mắt, không nhìn thấy ánh sáng chói loà.

Điều đáng lo ngại hơn là chính những người lớn có trách nhiệm giáo dục lại làm cho giới trẻ xa Thiên Chúa khi các ngài không dám nói lên sự thật hay cố tình cổ vũ cho những giá trị sai lạc và lỗi thời. Các ngài quên mất rằng chính sự e ngại do dự trong sứ vụ mục tử làm cho giới trẻ mất định hướng và dần dần rời xa Thiên Chúa.

Thế thì đến lượt giới trẻ, họ phải làm gương cho người lớn. Như trên đã trình bày, Đức Thánh Cha nói rõ ràng rằng giới trẻ làm gương cho người lớn “khi các con càng cố gắng vượt thắng những bất công và tham ô, càng mong ước một tương lai tốt đẹp hơn và dấn thân xây dựng tương lai ấy”.

Nhiệt huyết của con tim, sự trong sạch của tâm hồn và khát vọng vươn lên mà Chúa Giêsu đã gieo vào lòng bạn trẻ làm cho các bạn có sức phản kháng trước những bất công, tàn nhẫn để vươn đến một tương lai mà Thiên Chúa muốn các bạn cộng tác xây dựng.

Trong thời đại mà Bill Gates gọi là “Generation I” (thế hệ Internet) khi ông đến nói chuyện với giới trẻ Singapore, chúng ta nhìn thấy nhiệt huyết và khát vọng của các bạn trẻ khắp nơi khá dễ dàng. Cứ thử vào các mạng xã hội hay các trang blog, trừ một số những đùa cợt vô bổ hay cố tình khoe khoang chuyện này chuyện nọ, còn đa số các bạn đều hướng đến các giá trị tâm linh và nhân bản.

Những phê bình đầy thiện chí, những lời cầu  nguyện thiết tha và chân thành, những khát vọng được diễn tả rất đơn giản mộc mạc, chắc chắn làm cho nhiều người lớn phải suy tư. Giới trẻ không cần những triết thuyết xa lạ nói đến chuyện ở đâu đâu nếu những triết thuyết ấy phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Giới trẻ dùng thực tế, và cả những câu chuyện nhẹ nhàng để nói cho thế giới vô cảm biết rằng Thiên Chúa là Đấng đang hiện diện và đang âu yếm đặt bàn tay nhân hậu của Người trên mọi loài thọ sinh.

Và đặc biệt, giới trẻ cảm nghiệm được Thiên Chúa qua mọi biến cố của lịch sử, trong thời đại mà thế giới biến chuyển không ngừng, nói đúng hơn là thế giới đang rùng mình để loại bỏ những gì sai lạc và gian dối. Mọi biến cố nói cho người trẻ nhiều hơn những lời giáo huấn của người lớn.

Như thế, giới trẻ đang làm gương cho người lớn. Họ làm gương về nhiệt huyết, về quả tim trong sạch và can đảm. Giới trẻ làm gương cho người lớn trong cách thức đi tìm Thiên Chúa. Giới trẻ cũng làm gương cho người lớn về một đức tin mạnh mẽ, đã được tôi luyện qua những thử thách ngay trong môi trường của họ.

Đức Thánh Cha còn nói rằng giới trẻ là niềm cảm hứng cho người lớn. Ước chi người lớn biết thỉnh thoảng dừng lại khiêm tốn nhìn và lắng nghe giới trẻ, nếu không vì tôn trọng giới trẻ thì cũng vì nghe lời Đấng Đại diện Chúa Kitô.

Sách Ai ca viết: Phúc cho ai biết tự kiềm chế mình từ khi còn trẻ” (Ai ca 3, 27). Giới trẻ ngày nay thật có phúc vì họ đang tự chủ để hướng đến các giá trị thiên linh. Đức Thánh Cha tuy cao tuổi nhưng đã nhận ra giá trị này nơi giới trẻ. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa vì ân huệ này. Và như thế, chúng ta tin vào “một tương lai tốt đẹp hơn” như Đức Thánh Cha nói.

Gioan Lê Quang Vinh

 

VỀ MỤC LỤC
TÊN LỪA ĐẢO

 

Trong cuộc hành trình dương thế của chúng ta, có một kẻ ẩn mặt nguy hiểm mà ta cần để ý đến. Tên hắn là Satan (Lc 10:18). Satan có nghĩa là Tên Cám Dỗ. Một trong những thủ đoạn của hắn là lừa đảo. Vì thế, xin được gọi Satan là “Tên Lừa Đảo” để phân tích một số chiêu thức thâm độc của hắn.

Bạn thân mến, khi ý nghĩ viết xuống những “phát hiện” của mình đối với Satan, có một cảm giác giống như là mình đang tự đi vào một cuộc đối đầu với một thế lực hung dữ. Thế lực đó nằm ẩn khuất đâu đó trong bóng tối còn mình thì ở ngoài ánh sáng. Nó đang giận sôi lên giống như sư tử điên cuồng muốn cắn xé (thư 1 Phê-rô 5:8). Bạn có thể hỏi mình “Sợ không?” và mình trả lời ngay: “Sợ!” Nếu bạn hỏi tiếp “Sợ thì tại sao vẫn viết?”, mình sẽ trả lời “Người chiến thắng luôn là Chúa, nên chọn Chúa là chọn phần thắng dù có thể sẽ phải lao đao.” (Ga 16:33; Kh 12:7-10, 17:13-14)

Tên là “Lừa Đảo” thì việc hắn làm cũng là lừa đảo. Trước khi bàn về một số “chiêu thức” của Satan, mình xin được nói ngay rằng nếu bạn càng gần Chúa thì trong mắt Satan bạn càng nguy hiểm cho kế hoạch của hắn; và vì thế, hắn sẽ ‘đầu tư’ sức tấn công vào bạn nhiều hơn (Kh 12:17). Điều này dễ hiểu vì ánh sáng luôn là đe dọa đối với bóng tối. Ngoài ra, những chiêu thức này được triển khai trước hết nơi cá nhân rồi từ đó lan rộng ra trên bình diện tập thể (gia đình, nhóm, giáo xứ, quốc gia,…) Bây giờ, mời bạn cùng vạch mặt Tên Lừa Đảo.

Chiêu thứ nhất: “ném đá giấu tay”. Đây là chiêu áp dụng thường xuyên của Satan. Điều hắn sợ ở đây là bị ta “phát hiện” ra sự có mặt của hắn vì một khi bị phát hiện thì những kế hoạch công kích không phát huy được nhiều tác dụng nữa. Thỉnh thoảng vẫn có người đùa rằng “quỷ rất đẹp”. Kể ra thì cũng có lý. Mình muốn thêm một câu đùa nữa là “quỷ rất khéo”. Điều tạo nên cái “khéo” ấy chính là chọn tấn công không lộ diện trực tiếp. Thông thường hắn luôn thích là “kẻ thứ ba” đứng đàng sau một hoàn cảnh. Để tạo nên một mâu thuẫn tinh vi, hắn khôn khéo chọn chiêu “núp bóng” sau lưng ta hay tha nhân để gây nhiễu khiến hai bên thấy “ngứa mắt” lẫn nhau mà quên đi Kẻ Xúi Dại (Satan) đứng đàng sau ‘thọc gậy bánh xe’.

Satan tuy độc ác ranh mãnh nhưng cũng có lúc sơ hở. Một trong những sơ hở của nó là: để lộ tên. Ta lấy một ví dụ đơn giản sau: Khi nó phá một gia đình, nó muốn gây chia rẽ, mâu thuẫn, đối kháng bằng cách gây ra hiểu lầm, nhỏ nhen và cố chấp. Chiêu độc ác mà cũng là sơ hở của hắn là: xui khiến các thành viên trong nhà gọi nhau là ma quỷ. Chiêu này thâm độc vì khi ta gọi người khác là ma quỷ thì trong lòng ta đã tự cho mình là công chính hơn họ và từ chối việc xét mình một cách khiêm tốn. Có thể nói rằng Satan muốn ta bị mù con mắt tâm hồn. Trừ những trường hợp bị quỷ ám thực sự và có những biểu hiện rõ ràng đáng khả nghi (ví dụ: điên cuồng, sùi bọt mép, trợn trừng mắt mũi, chống lại Danh Thánh Giêsu, la hét khi thấy Thánh Thể,…), bình thường ta không được phép kết án người khác là ma quỷ, vì làm như vậy nghĩa là chính bản thân ta đang mắc kế của Satan. Thật ra chiêu này không có gì mới lắm vì nó lặp lại câu chuyện các ông Pha-ri-siêu bị trúng kế Satan khi nói Chúa Giêsu bị quỷ ám (Mt 12: 24, 31). Như đã nói ở trên, chiêu này rất độc ác nhưng nó lại dễ bị “phản đòn” khi ta phát hiện ra nó. Satan “ngu” ở chỗ này: nó để lộ tên của nó.

Làm sao để nhận ra và khống chế chiêu độc ác này? Mỗi khi thấy bên trong bất an, lộn xộn, muốn lên án người khác, ta phải chủ động im lặng, im lặng thật sâu và cầu nguyện. Nếu ta càng muốn nói thì càng phải im lặng, cho đến khi lòng đã trở lại bình an thật sự. Chừng nào ta còn muốn gọi người khác là quỷ ám thì chừng ấy ta còn đang bị cám dỗ. Phải chống trả lại nếu không thì nguy hại cho bản thân và người khác. Vì đây là một vấn đề nghiêm trọng nên Chúa Giêsu rất nghiêm khắc đối với cơn cám dỗ này đến nỗi Người coi đó là sự xúc phạm đến Chúa Thánh Thần (Mt 12: 24, 31). Cho nên, phải rất cẩn thận để không mắc mưu của Tên Lừa Đảo.

Xin được đề nghị một cách cầu nguyện trong trường hợp này: chủ động đến trước bàn thờ Chúa, chậm rãi đọc kinh Lạy Cha. Khi đọc “Lạy Cha chúng con…”, ta chủ động đưa người khác và bản thân mình vào lại trong một gia đình duy nhất có chung một người Cha, ta xin cho Nước Tình Yêu ngự trị trong tâm hồn mình bằng việc sống tha thứ và chủ động vạch mặt sự cám dỗ của Satan: “Xin đừng để chúng con sa vào chước cám dỗ [của Satan]”. Khi ta gọi tên hắn là đã phát hiện ra tên “ném đá giấu tay” độc ác này và đã hóa giải được phần lớn âm mưu của hắn.

Chiêu thứ hai: gây ra “nội chiến”. Mũi tên của Tên Lừa Đảo luôn luôn chỉ có một hướng: con người. Nó không thể tấn công Chúa thì đối tượng duy nhất để tấn công là chính chúng ta đây. Âm mưu của hắn là biến ta thành một bãi chiến trường hỗn loạn. Hẳn ta không bao giờ được quên rằng Satan là một chuyên gia về tâm lý chiến. Chiêu tâm lý chiến đem lại thành công nhanh nhất mà ít tốn kém sức lực nhất là tạo ra một cuộc “nội chiến”. Cái nhìn về bản thân ta sẽ bị bóp méo, bị bôi lên những nét tiêu cực rối mù nào đó khiến ta tự thù nghịch với chính mình và dần dần tự xoay mũi tên chĩa vào bản thân và bắn. Khi ấy, kẻ tấn công và người bị tấn công, kẻ gây thương tích và người bị thương sẽ trở thành một: chính bản thân ta. Hắn muốn ta tự huỷ diệt.

Chiêu thứ ba: “tung hoả mù”. Satan luôn cố gắng “che mắt” ta. Một ví dụ cụ thể là hắn tìm cách khiến ta không thấy sự đau khổ của người anh chị em mà mình đang có vấn đề. Rất nguy hiểm! Nhiều lúc Satan dụ ta “nhân danh quyền lợi” cá nhân để lên án tha nhân. Đành rằng quyền lợi cá nhân có thể là điều nên bảo vệ khi nó thật sự chính đáng và công bình bác ái, nhưng Tên Lừa Đảo rất tinh vi ở chỗ hắn bóp méo ý nghĩa chân chính của quyền lợi cá nhân thành “cái tôi ích kỷ”. Ta nhận ra điều này khi suy xét kỹ lưỡng và thấy đâu đó ẩn dưới cái nhãn “quyền lợi cá nhân” một ý hướng muốn kiểm soát, khống chế, điều khiển, thay đổi người khác theo quan điểm của mình. Nói cách khác, ta đánh mất ý thức về quyền tự do của người khác. Ta không muốn họ sống khác quan niệm của ta, mặc dù nếu xét kỹ thì sự khác biệt của họ chỉ là khác ta chứ không xấu xa tự bản chất. Ta bị cám dỗ “quên” đi một chi tiết rất quan trọng cho phẩm giá một con người là: người anh chị em đang đối diện với tôi là một chủ thể riêng biệt có toàn bộ “nhân quyền” như tôi. Âm mưu độc hại ở đây là cướp đi sự nhạy cảm của ta đối với hoàn cảnh của người khác, nhất là người đang trực tiếp “có vấn đề” với mình. Hắn muốn ta chỉ thấy nỗi khổ của bản thân thôi. Ta sẽ bị che mắt để không thấy rằng người anh chị em ấy cũng đang bị cám dỗ, đang đau khổ, đang bị tấn công mà không biết. Rõ ràng Tên Lừa Đảo muốn tạo nên sự đối kháng từ cả hai phía khiến cả hai rơi vào tình trạng tranh chấp rối mù.

Chiêu thứ bốn: chọn mặt trận mập mờ nhất và bất ổn nhất. Mặt trận được Tên Lừa Đảo ưa thích để triển khai các cuộc tấn công là trí tưởng tượng hay tâm trí của ta. Hắn vẽ lên nhiều hình ảnh tiêu cực, trái ngược với hình ảnh tốt lành Thiên Chúa đã ghi dấu trong ta. Các hình ảnh này thường có gam màu tối của giận hờn, hận thù, cố chấp, tự trách, tư lợi, ích kỷ, tham lam, nhỏ mọn,… Hắn cố gắng làm cho tâm trí ta hướng vào chính bản thân mình và cách nào đó trói buộc ta bằng những hình ảnh ấy. Một khi bị cuốn vào vòng xoáy này, ta sẽ bị luẩn quẩn trong lý luận. Ta càng luẩn quẩn thì càng dễ vấp váp. Càng vấp váp thì càng dễ tổn thương. Càng tổn thương thì chiến lược của Satan càng dễ thành công.

Một lưu ý quan trọng: Sự hướng về bản thân có hai phía. Phía thứ nhất dẫn ta về với Thiên Chúa, Đấng ban sức sống. Trường hợp này vẫn được gọi là “tiếng nói lương tâm” hay “tiếng Chúa nói trong tâm hồn” kêu gọi mình trở về với nẻo chính đường ngay để đời mình ngày càng vui hơn, đẹp hơn và hạnh phúc hơn. Nói cách khác, phía này giúp ta sống tình yêu đối với bản thân một cách chân thật và tốt lành, nghĩa là không gây hại cho tâm hồn và nhân phẩm của ta. Còn phía thứ hai, thoạt nhìn thì có vẻ như ta đang “yêu mình” nhưng thật ra là ta đang bị lừa để “hại mình”. Làm sao để nhận ra điều này? Ví dụ có những dấu hiệu sau đây: sự hướng về bản thân làm cho mình thêm tức giận, chán nản, trách móc, bất an, hối tiếc, chết cứng, cố chấp, mất tự tin, sợ hãi tương lai, nghi ngờ tình thương của Chúa, thất vọng,…Sự hướng về bản thân thứ nhất thì kéo ta bay lên cao về phía bình an, còn sự hướng về bản thân thứ hai đẩy ta xuống hố sâu tự diệt vong.

Chiêu thứ năm: tạo “mê hồn trận”. Chiêu này được áp dụng khá nhiều. Tên Lừa Đảo tìm cách tạo ra một ảo giác rằng ta đang ở trong một góc bí, góc bế tắc không có lối ra. Nhưng sự thật là: luôn luôn có hướng giải quyết cho một vấn đề dù khó khăn đến đâu. Trước mặt ta là cả một bầu trời rộng mở với nhiều hướng giải quyết khác nhau. Cái góc bế tắc ấy chỉ là một ảo ảnh chứ không phải là thực tế. Vì là ảo ảnh nên nó sẽ không tồn tại lâu nếu ta không tin vào nó. Ảo ảnh vẽ ra trước mắt ta sẽ tự biến mất nếu ta không dán mắt vào nó. Xin đề nghị một cách hóa giải đối với ảo ảnh: Bình tĩnh để nhìn vấn đề một cách THỰC TẾ. Đưa “mắt” nhìn về một hướng khác. Chủ động điều khiển tâm trí mình thoát khỏi ý nghĩ một chiều. Có thể nhờ người khôn ngoan cùng nhìn vấn đề và phân tích với mình cho có tính khách quan và khoa học.

Chiêu thứ sáu: Gây hốt hoảng. Khi một cảm giác, một biến cố, một kinh nghiệm có vẻ không bình thường hoặc lạ lẫm xảy ra với ta, Tên Lừa Đảo lập tức tìm cách gây hoang mang, khó chịu, sợ hãi, bất an. Tâm trạng của ta giống như con thuyền bồng bềnh trên dòng sông. Tên Lừa Đảo rất khoái chơi trò khuấy nước để làm con thuyền chòng chành. Hắn thích nhìn thấy người trên thuyền cuống lên, chạy tới chạy lui tìm cách khống chế sự bấp bênh. Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện về tâm trạng hoảng loạn của các môn đệ Thầy Giêsu khi đối diện với sóng gió (Mc 4: 35-40). Càng hoảng loạn con thuyền càng chông chênh và họ càng mất định hướng. Điều đáng tiếc nhất là họ quên mất tầm vóc của Thầy Giêsu, Đấng đang hiện diện ngay bên cạnh họ. Họ mất niềm tin vào bản thân và mất niềm tin vào Đấng Làm Chủ đang nằm ngủ ngon lành. Xin được gợi ý một phương thức hóa giải chiêu này: Bình tĩnh! Vì Thầy luôn có đó. Sẽ ổn thôi.

Chiêu thứ bảy: áp dụng “kỹ thuật” võ Aikido. Nguyên tắc chính của môn võ Aikido là lợi dụng sức mạnh của đối phương để quật ngã đối phương. Tên Lừa Đảo xem ra cũng khá về kung-fu vì hắn vẫn tìm mọi cách biến điểm mạnh của ta thành điểm yếu để hạ gục ta. Nói theo dân gian thì là “mượn gió bẻ măng.” Ta có thể lấy một số ví dụ thực tế như sau. Ví dụ thứ nhất: Nếu thế mạnh của tôi là óc tổ chức, thích làm việc rõ ràng ngăn nắp, thì mặt trái của tôi sẽ là óc cầu toàn, luôn muốn mọi sự phải diễn ra đúng kế hoạch một cách hoàn hảo. Ta thừa biết rằng cuộc đời này không bao giờ hoàn hảo, nếu không muốn nói rằng khá nhiều thay đổi. Ở đây, Tên Lừa Đảo sẽ tìm cách để khuấy động mặt trái này làm cho tôi mất bình an, bất mãn, bực tức, tự trách, ân hận, chán nản, mất tự tin, tiếc nuối, đổ thừa, đòi hỏi quá cao,… khi sự việc không xảy ra như tôi dự tính. Ví dụ thứ hai: Nếu thế mạnh của tôi là sống có tình cảm, tình nghĩa thì mặt trái của tôi có thể là dễ xúc động mạnh và nhất là dễ luẩn quẩn trong cảm xúc tiêu cực. Một người khi bị tấn công về phương diện cảm xúc sẽ dễ hao tốn năng lượng, mất sức đề kháng. Lúc ấy sẽ dễ rơi vào tình trạng mất quân bình dẫn đến cố chấp, tủi thân, giận dỗi, uất ức, bất cần, thất vọng, muốn buông xuôi bỏ cuộc. Người ấy có khuynh hướng quên đi vai trò của lý trí trong việc giúp đánh giá tình hình một cách thực tế khách quan và lâu dài. Nói cách khác, tầm nhìn của người đang ở trong tình trạng quá xúc động là khá ngắn. Ví dụ thứ ba: Bố của Việt chia sẻ kinh nghiệm của những năm đi ‘giúp kẻ liệt’ (nghĩa là đến thăm người đau bệnh, thường là giai đoạn cuối đời và không tự mình làm được các việc cơ bản, để động viên tinh thần họ, cầu nguyện chung với họ, đọc sách thiêng liêng cho họ nghe,…). Bố nói có những lúc ma quỷ rất ranh mãnh, cám dỗ ‘kẻ liệt’ phản ứng nóng giận, thậm chí chửi bới, làm cho người đến giúp bực tức không muốn tiếp tục nữa. Lúc ấy, cần phải “dùng nhu chế cương”. Nếu mình cứng lên thì có thể sẽ trúng tà kế và thất bại. Lúc ấy phải tỉnh táo và khôn ngoan đủ bằng cách trở nên thật “mềm”, dẹp bỏ tự ái để tiếp tục yêu thương thì mới hoàn thành được sứ mạng.

Cách đối xử của Satan ở đây rõ ràng là khác hẳn với cách của Chúa, Đấng luôn tìm cách biến đổi điểm yếu, ngay cả tội lỗi, của ta thành điểm mạnh mang lại lợi ích cho ta. Vậy xin gợi ý một cách hóa giải chiêu này của Satan như sau: bám vào Chúa và đặt trọn tất cả những gì mình đang mang, kể cả những khiếm khuyết tội lỗi, vào trong tình yêu vô điều kiện của Chúa. Xin Chúa giúp ta nhớ rằng Chúa, luôn đón nhận ta như ta là, và xin Người giúp ta bắt chước Người mà biết cách đối xử nhân đạo với bản thân.

Chiêu thứ tám: lợi dụng “cơ chế tự vệ” bên trong để tấn công mình và người khác. Chúng ta đều biết rằng ai cũng có một “bản năng sinh tồn” để giúp họ phản ứng trước những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống mà tồn tại. Xét trên phương diện tinh thần, tâm lý và tâm linh, “bản năng sinh tồn” này được chuyển thành dạng “cơ chế tự vệ”. Một biểu hiện của “cơ chế tự vệ” này là khuynh hướng phóng chiếu lên người khác những điều mà ta cảm thấy bất ổn bên trong. Khi ta phóng chiếu là ta đang muốn tạo cảm giác an toàn trong lòng mình bằng cách “tấn công” lên người khác. Tại sao? Vì “tấn công” người khác tạo cho ta cảm giác đang “có sức mạnh” và đang “làm chủ tình thế”. Tên Lừa Đảo lợi dụng những điều này một cách triệt để.

Bây giờ, ta lấy thử một ví dụ cụ thể của việc “tự vệ” bằng cách “phóng chiếu” nhé. Mời bạn cùng phân tích về “óc xét đoán”. Khác với việc phán đoán các dữ liệu mang tính khoa học để xây dựng, xét đoán ở đây mang tính tiêu cực và phá hủy. Vì thế, nó có màu sắc lên án, phê phán, chỉ trích vội vã. Nói cách khác, ta tấn công người khác bằng ý nghĩ và lời nói. Vấn đề đáng nói ở đây là: khi ta tấn công tha nhân thì thực ra ta đang tự làm tổn thương mình. Để ý một chút, ta sẽ nhận ra rằng lúc lên án một người anh em cũng là lúc tinh thần ta bắt đầu bớt đi sự ổn định. Xét đoán dẫn đến bất an. Xét đoán là cám dỗ một dạng gây hại cho cả đôi bên một cách phổ biến và dễ làm. Ngược lại, khi ta đón nhận người anh em mình với lòng bao dung, tha thứ, cảm thông, yêu thương thì ta lại cảm thấy bình an hơn, tự do hơn, thoải mái hơn và thanh cao hơn.

Như đã nói, xét đoán tạo ra cảm giác mạnh mẽ và an toàn, nhưng đó chỉ là giả tạo và đầy nguy hiểm. Thêm nữa, xét đoán thường mang tính chủ quan một chiều đưa ta đến nhiều nguy cơ sai lầm. Chẳng lạ gì khi xét đoán thường gắn liền với các lý luận tự phụ như: tôi mới là người hiểu rõ vấn đề, tôi tốt hơn người khác,…  Nhưng nếu xét kỹ trên thực tế, không biết được bao nhiêu lần ta thật sự hiểu đúng vấn đề của người khác? Những gì ta cho là mình hiểu nhiều có khi lại khá giới hạn và khập khiễng. Có lẽ không ít lần ta đã “hiểu oan” cho anh chị em.

 Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta chọn khía cạnh “xét đoán” để phân tích với nhau. Ta chọn nó vì đây là vấn đề nghiêm túc trong cuộc sống. Chính Chúa Giêsu dạy: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7:1-3, Lc 6:37) Thánh Phaolô khuyên “đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người.” (1Cor 4:5) Tắt một lời, quyền xét đoán thâm tâm người khác thuộc về Thiên Chúa, Đấng “thấu suốt mọi bí ẩn” (Mt 6, 1Sam 16:7) Khi ta bị cám dỗ “xét đoán” người khác là ta đang bị cám dỗ có tham vọng thay thế vị trí của Thiên Chúa. Nói mạnh hơn, nó là một dạng của kiêu ngạo và chống lại vai trò tối thượng của Thiên Chúa. Tên Lừa Đảo cũng muốn ta dính vào tội lỗi mà chính hắn đã phạm ngày xưa.

Chiêu thứ chín: “điệu hổ ly sơn”. Satan cũng xem ra cũng cũng thuộc ca dao của ông bà mình:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Ông bà mình khuyên phải đoàn kết, sống gắn bó với tha nhân thì mới có sức mạnh. Tên Lừa Đảo cũng áp dụng nhưng theo hướng ngược lại: tách cá nhân ra khỏi cộng đoàn để dễ tấn công. Hắn sẽ cố gắng tạo cho ta những lý lẽ sau đây: đây là vấn đề của riêng tôi, chẳng ai có thể chia sẻ với tôi được, tôi không nên làm phiền người khác, một mình tôi mới giải quyết được…. Chừng nào tay ta không nắm lấy anh em, chừng ấy ta dễ bị khuynh đảo. Gia đình, bạn bè, cộng đoàn tích cực,… là những nơi tiếp thêm sức mạnh để ta đứng vững trong cuộc hành trình. Vậy cách hóa giải chiêu này của Satan là: tìm “đồng minh”. Ta luôn có “đồng minh”!

Vì “đồng minh” thường làm giảm thế lực của hắn nên hắn cũng tìm cách phân tán “đồng minh” của ta bằng nhiều cách khác nhau. Nếu ta có đồng minh thì hắn cũng có bè phái (Lc 11:26; Kh 13:1ff). Cuộc chiến bởi thế mà thêm nhiều thú vị gay cấn. Ở đây, ta cần tỉnh táo lưu ý đến những cách mà hắn muốn chia rẽ ta với những đồng minh tốt. Hãy cảnh giác để khỏi trúng kế độc.

Chiêu thứ mười: đánh vào cảm giác để gây hoang mang đức tin. Còn sống trên trần gian, con người còn gắn bó với cảm giác hoặc cảm xúc vì là xương là thịt. Việc cảm giác chi phối lên tâm trí và hành xử của con người là điều hiển nhiên. Đặc biệt, trong thế giới hiện đại hôm nay, con người bị cuốn vào vòng xoáy của cảm giác. Việc hành xử dựa trên cảm giác là rất phổ biến, nhiều khi lệ thuộc vào cảm giác ở mức độ quá mức cần thiết. Chúng ta thử nhìn nhanh qua một vài phương diện sau để thấy vấn đề rõ hơn. Về phương diện vật chất, người thời đại tìm đủ các cách để đạt được sự thỏa mãn và khoái cảm cho cơ thể. Về phương diện tương quan, ngày nay người ta chia tay với nhau khá dễ dàng khi “cảm thấy không thích” nữa. Chán là bỏ. Bực là cắt. Dường như chẳng còn nhiều kiên nhẫn để đối thoại, càng bớt lắng nghe để hàn gắn,….

Tên Lừa Đảo đương nhiên không bỏ qua khía cạnh tâm linh. Như chúng ta biết, đức tin là một chiều kích đặc biệt vượt trên và vượt xa vấn đề cảm giác rất nhiều. Tin gắn với yêu (tin-yêu) và cả hai về bản chất đều là những lựa chọn quyết liệt chứ không chỉ đơn thuần là cảm giác hay cảm xúc. Đức tin và tình yêu đích thực không hời hợt, dễ dãi như nhiều người thường quan niệm “thấy thì tin”. Không, đức tin và tình yêu trưởng thành mang kiểu mẫu của chính Thầy Giêsu: “Phúc cho ai không thấy mà vẫn tin.” (Ga 20:29) Nếu tin-yêu chỉ là cảm xúc vui vẻ thì liệu rằng Giêsu trên thập giá đau đớn tủi nhục ấy có còn yêu nổi những kẻ đang giết mình không? Nếu tin-yêu chỉ là hứng khởi nồng nàn thì nhiều cha mẹ liệu có thể vượt qua bao nhiêu gian nan thách đố trong cuộc sống gia đình mà trung tín đến hôm nay không? Chắc chắn là không! Tắt một lời, đức tin không hạn hẹp và thất thường như cảm giác/xúc. Thậm chí, đi sâu hơn một chút vào đức tin, ta có thể nói rằng: đức tin trưởng thành không cần đến cảm xúc. Một ví dụ cụ thể là Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá chứng kiến cảnh con yêu dấu đang chết đau đớn tủi nhục. Lúc ấy là lúc chết lặng vô cảm giác và cũng là lúc đức tin mạnh mẽ nhất. Nói đến đây, có lẽ ta cũng nên nghiệm lại một chút xem có khi nào bị cám dỗ đánh giá đức tin của mình dựa trên cảm giác chưa. Có khi nào ta nghi ngờ, chán nản, thất vọng về niềm tin của mình vì lý do “chẳng cảm thấy gì” không? Nếu có, ta nên cẩn thận để khỏi tự gây đau khổ. Không cảm thấy nồng nàn mà vẫn tin, vẫn yêu là một chuyện hoàn toàn bình thường, thậm chí cần thiết và tốt lành. Nhiều vị thánh lớn trong Hội Thánh cũng trải qua nhiều năm “không cảm thấy gì” nhưng vẫn tin, vẫn yêu đấy thôi.

Chiêu thứ mười một: có bé xé ra to. Cám dỗ này không ai không từng trải qua. Có những khi vấn đề chỉ bằng con chuột chũi thì ta lại phóng nó to lên bằng quả núi. Lắm lúc chuyện chỉ bé bằng hạt cơm thì lại bị thổi phồng lên bằng cái mâm. Thay vì giải quyết nó trong vòng 5 phút thì lại cố chấp lê thê thành 5 ngày, 5 tháng, thậm chí 5 năm hoặc lâu hơn. Có bé xé ra to là một việc phổ biến. Mời bạn phân tích chiêu tiếp theo vì nó có thể minh họa rõ hơn cho chiêu mười một này.

Chiêu thứ mười hai: ám ảnh bởi quá khứ đau thương. Người lớn tuổi và từng trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống dễ bị tấn công theo chiêu này. Tên Lừa Đảo khó áp dụng chiêu này với trẻ thơ hoặc những người có tinh thần trẻ thơ vì họ có “tật mau quên”!

Ám ảnh với quá khứ đau thương là cứ nhớ, cứ sống hoài chuyện đã qua. Có những chuyện xảy ra từ đời nào và chẳng còn ý nghĩa gì cho cuộc sống hiện tại nhưng vẫn cứ được tua đi tua lại trong lòng như thể mới xảy ra cách đây 5 phút. Ở đây, Tên Lừa Đảo lợi dụng mặt tối của trí nhớ để giam hãm ta. Khi hắn lèo lái, quá khứ tiêu cực có khuynh hướng phát sinh những tiếc nuối, hờn giận, cố chấp, oán trách, bực bội, bất an, hận thù… Nếu ta chấp nhận cám dỗ này, ta sẽ tự khoá mình vào trong những năng lượng tiêu cực, luẩn quẩn dẫn đến tự tê liệt. Satan không thích thấy ta được tự do bằng việc tha thứ, yêu thương, khoan nhân, đại lượng… Bởi nếu ta như thế, ta sẽ giống Thiên Chúa.

Đối với người Công giáo, có một điểm rất tích cực khi đến với bí tích Hoà Giải vì nơi bí tích này họ lãnh nhận lời tha thứ một cách rõ ràng. Một khi lời tha thứ được công bố, những tội đã xưng không bao giờ được nhắc lại. Lời tha thứ ấy giải phóng họ khỏi ám ảnh quá khứ, giúp họ ‘đoạn tuyệt’ với quá khứ để tự tin bước vào tương lai của ân sủng. Cuốn sổ của quá khứ đen tối bị đốt bỏ hoàn toàn và một trang đời mới được mở ra cho tình yêu.

Tiện đây, mời bạn cùng khám phá một nghịch lý thú vị của vấn đề “quá khứ đau thương”. Nếu ta đã trải qua một biến cố khó khăn, ta có một điểm yếu và một điểm mạnh. Điểm yếu, như phân tích ở trên, là ta có nguy cơ bị cám dỗ rơi vào ám ảnh dĩ vãng. Điểm mạnh là: ta đã có kinh nghiệm về sự hiện diện và ‘giải cứu’ của Chúa, có thể là ở…phút 89. Nhờ kinh nghiệm ấy mà ta thêm vững tin, giàu hy vọng. Điều mạnh này rất có lợi cho hành trình tương lai.

Chiêu thứ mười ba: đẩy ta vào tuyệt vọng. Ngày hôm nay thần học nói đến một thứ “tội trọng” là thái độ tuyệt vọng. Tên Lừa Đảo gắng hết sức để kéo tinh thần ta về hướng tuyệt vọng. Tuyệt vọng ở đây mang nhiều mức độ và thể hiện trên nhiều phương diện. Khi bị lôi kéo về hướng tuyệt vọng, ta bị cám dỗ từ chối lối hành xử của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn “cho thêm một cơ hội”. Tên Lừa Đảo không bao giờ muốn thấy bản thân ta hay người khác nghĩ đến cụm từ “thêm một cơ hội” vì đó là chiều hướng của tương lai, của lạc quan, của giải thoát. Chiều hướng này đối ngược với chủ trương của hắn.

Làm sao để hóa giải? Xin được gợi ý hình ảnh của hai môn đệ Thầy Giêsu: Phêrô và Giuđa. Cả hai đều phản bội Thầy nhưng chỉ có Phêrô hiểu Thầy chính xác: Thầy luôn luôn “cho thêm một cơ hội”. Vì thế, Phêrô đã chọn hướng hy vọng của Thiên Chúa trong khi Giuđa chọn theo hướng tuyệt vọng của Satan.

Chiêu thứ mười bốn: thua keo này bày keo khác (Lc 11:26). Tên Lừa Đảo là kẻ không biết mệt mỏi trong khi sức người thì có hạn. Bởi thế, ta cần những đồng minh ánh sáng hỗ trợ trong cuộc vận lộn với hắn. Bạn mến, ta luôn luôn có đồng minh, và Đồng Minh tuyệt vời nhất của ta là Thiên Chúa, Cha toàn năng và yêu thương.

Chúc bạn tỉnh táo trước những quái chiêu khác của Satan. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn có Chúa Thánh Linh hiện diện. Nguyện cho ta luôn bám chặt vào Người. Khi ấy, Tên Lừa Đảo, mặc dù rất bực mình, cũng sẽ đành quay mặt bước đi trong tức tối. Kệ hắn! Hắn tự gây ra thôi. Nếu thương hắn, cầu nguyện cho hắn bớt đi bóng tối hận thù vậy! Nhất là, cầu nguyện cho ta không đi vào con đường của hắn.

Joseph Việt, O.Carm.

 

VỀ MỤC LỤC
TÌM HIỂU HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (3)

 

NGUYỄN HỌC TẬP

Ki Tô giáo trong một giai đoạn mới (1931-1958). 

Năm 1931, khi Đức Thánh Cha Pio XI viết Thông Điệp Quadragesimo Anno, thì " vấn đề xã hội " đã thay đổi rất nhiều.

Dĩ nhiên " vấn đề công nhân " vẫn còn tồn tại, nhưng biên giới các cuộc đụng độ đã lan rộng ra nhiều và mãnh liệt hơn.

Cuộc đối đầu không còn chỉ ở giữa hai hạng " chủ " và " công nhân " và giữa các chủ đề lý thuyết và  trừu tượng của hai ý thức hệ ( xã hội chủ nghĩa và tự do chủ nghĩa), mà giữa những khuôn mẫu tổ chức Quốc Gia, được thoát xuất từ hai chủ thuyết đó.

   1 - Xã hội chủ nghĩa thực hữu (socialismo reale).

Năm 1917, với cuộc Cách Mạng tháng 10, ý thức hệ mác xít không còn chỉ là những gì suy diễn thuyết lý, mà được thể hiện thiết thực thành hệ thống chính trị và kinh tế.

Đã trở thành xã hội chủ nghĩa thiết thực, cộng sản chủ nghĩa. 

Cuộc chạm trán với Giáo Hội liền trở nên dữ dội, bắt đầu từ khi thiết lập trên Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết " chế độ ly khai " ( 23 tháng giêng, năm 1918).

Cộng Sản chủ nghĩa hiện nguyên hình, trên lý thuyết cũng như trên thực tế, là đối thủ của tôn giáo.

Marx cho rằng tôn giáo là một chứng bệnh của tinh thần băng hoại,

    - " một phản ảnh của thế giới thực tại ", sẽ phải tan biến đi khi tư bản chủ nghĩa kết thúc " ( Karl Marx, IL Capitale, libro I, c. I, IV: IL carattere feticcio della merce e il suo segreto,Utet, Torino 1960, 50). 

Về phần mình, Lenin còn khắc khe hơn, dẹp bỏ đi mọi ảo tưởng có thể:

   - " Mác xít chủ nghĩa là duy vật chủ nghĩa. Trong vị trí đó, mác xít chủ nghĩa là kẻ thù không đội trời chung với tôn giáo, không khác gì duy vật chủ nghĩa của các nhà bách khoa trong thế kỷ XVIII hay duy vật chủ nghĩa của Feuerbach. Về vấn đề nầy không có một mãi mai nghi ngờ nào ( ...) Chúng ta phải chống lại tôn giáo. Và đây là thượng đỉnh của tất cả chủ thuyết duy vật và như vậy, cũng của mác xít chủ nghĩa" ( V.I.U., IL partito operaio verso la religione, in Opere Complete, XV ( 03. 1908 - 08 1909), Ed. Riuniti, Roma 1967, 384).

Trong một bản văn thời danh khác, Lenin còn thêm:

   - " Tôn giáo là thuốc phiện đối với dân chúng. Tôn giáo là một loại rượu mạnh thiêng liêng, trong đó các người nô lệ của tư bản chủ nghĩa lặn ngụp chết chìm đi nhân cách của họ và một cách nào đó làm chết chìm đi quyền được sống xứng đáng với con người " ( In Novata Gizn, n. 28 ( 16.12.1905). 

Ở Tây Âu nhiều đảng cộng sản quốc gia là tiếng dội của những gì vừa đề cập. Chỉ cần lấy một ví dụ ở Ý Quốc, Gramsci xác quyết rằng:

   - "Mác xít chủ nghĩa đặt nền tảng trên khung sườn triết lý " nuốt trửng đi tư tưởng về Thiên Chúa ", ai có ước vọng làm cho mác xít chủ nghĩa chấp nhận tư tưởng về tôn giáo " cũng giống như người cho rằng hình vuông có thể trở thành tam giác " ( cit. by A. Pozzolini, Che cosa ha detto veramente Gramsci, Ubaldini, Roma 1968, 128).  

Và tiếp theo lời nói là hành động.

Bất cứ ở đâu cộng sản chủ nghĩa chiếm được chính quyền, ở đó tôn giáo bị ngăn cấm, thường khi cả với những phương thức tàn bạo. Dù sao đi nữa cộng sản cũng dùng các phương thức quyền lực quốc gia, nhứt là hành chánh làm cho tôn giáo khó hay không thể sống được.

Tất cả những điều đó, chúng ta đừng quên, nếu không có cái nguy là ngày nay không hiểu được phản ứng mạnh mẻ và cứng rắn của Giáo Hội.

Trước những cơn khủng bố, tàn sát của Stalin, ngự trị trên chính trường trong suốt 30 năm ( từ năm 1921, khi ông ta được chọn làm Tổng Bí Thư Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Sô Viết, cho đến lúc chết, ngày 05 tháng 3 năm 1933), ĐTC Pio XI và Pio XII đã can thiệp một cách rất cứng rắn. 

Tuy nhiên, Thông Điệp Quadragesimo Anno , trong khi phân tích những biến chuyển đang diễn ra, cũng không quên lưu ý rằng xã hội chủ nghĩa thực tế không phải đều rập khuôn bất cứ ở đâu.

Bên cạnh Cộng Sản Chủ Nghĩa,

   - " ở bất cứ đâu thu tóm được quyền hành, thì ở đó thật là không thể tưởng tượng được luôn luôn thế nào là độc ác, hung bạo và vô nhân đạo " ( ĐTC Pio XI, Quadragesimo Anno ( 15.05.1931), n. 120, in CERAS, 100s),

chúng ta cũng thấy có một xã hội chủ nghĩa chừng mực, dường như

   - " biến chuyển và một cách nào đó tiến gần đến các chân lý, mà truyền thống Ki Tô giáo luôn luôn luôn luôn long trọng giảng dạy ", đến nỗi, như ĐTC xác nhận,

   - " một đôi khi chủ trương của họ đứng rất sát gần với các điều mà các vị Ki Tô hữu canh tân xã hội có lý do để đề ra " ( id., n. 122, in CERAS, 101). 

Dầu vậy, mặc dầu xã hội chủ nghĩa chừng mực ( cũng như tất cả những sai lầm khác), chứa đựng một vài điều xác đáng, chân lý, chúng ta không nên để mình bị lường gạt:

   - " Không ai có thể đồng thời vừa là người công giáo, vừa là thành viên của xã hội chủ nghĩa " ( id. n.130, in CERAS, 104).  

Như vậy, sự đoạn tuyệt giữa Giáo Hội và Cộng Sản Chủ Nghĩa hay Xã Hội Chủ Nghĩa là đoạn tuyệt tuyệt đối.

Không lâu sau đó, Thông Điệp Divini Redemptoris ( 19.03.1937) chụp lấy ngực cộng sản chủ nghĩa và tuyên bố vạ tuyệt thông, nói lên thái độ cứng rắn của Giáo Hội đối với cộng sản chủ nghĩa và cho biết cả lý do:

   - " Cộng Sản Chủ Nghĩa tự bản thể mình là chống tôn giáo, và cho rằng " tôn giáo là thuốc phiện đối với dân chúng " ( ĐTC Pio XI, Divini Redemptoris, n. 22 ( IG).

bởi đó

   - " Cộng Sản Chủ Nghĩa từ trong nội tại của mình là một chủ thuyết gian tà ( perverso) và không ai có thể chấp nhận cộng tác được với chủ thuyết đó, trong bất cứ lãnh vực nào, bất cứ ai muốn giải thoát nền văn minh Ki Tô giáo " ( id. n. 58 ( IG ).  

Đức Thánh ChaPio XII tiếp tục con đường, mà vị Tiền Nhiệm của ngài đã khởi sự.Ngày 1 tháng 7 năm 1949 chuẩn nhận và công bố Nghị Quyết thời danh dứt phép thông công ( anatema sit )  của Văn Phòng Toà Thánh: 

   - " Các tín hữu tuyên xưng giáo điều của cộng sản chủ nghĩa, duy vật và chống Ki tô giáo, và nhứt là những ai bênh vực chủ thuyết đó hay đứng ra tuyên truyền, bởi chính do việc  hành xử của mình ( ipso facto ), bị coi như là kẻ chối bỏ đức tin công giáo, phải chịu phán quyết vạ tuyệt thông một cách đặc biệt, chỉ dành cho quyền của Văn Phòng Toà Thánh " ( Decreto Sant'Uffic 41io  ( 28 06 ( 01.07) 1949. in AAS 41 ( 1949) 334 8 Denz - Huener, 3865). 

Như vậy giữa Giáo Hội và cộng sản chủ nghĩa được xác nhận là có sự rạn nứt tách rời vĩnh viễn và loại trừ hẵn bât cứ một cuộc gặp gỡ, đối thoại nào có thể ( Risposta confermata dal Papa, il 2 .04. 1959: " No, a norma del decreto del Sant'Ufficio del 01.07.1949, n. 1, in AAS, 51 ( 1959) 27s.( Denz-Huener, 3950). 

Nói tóm lại, trong khoản thời kỳ thứ hai của Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội, nhứt là dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Pio XI và Pio XII, mối liên hệ với vô thần cộng sản chủ nghĩa là cuộc đối đầu tuyệt đối và dùng sức mạnh dữ dội.

Cuộc tranh đấu công khai chống lại tôn giáo cản trở làm cho không thể nào có được một cuộc suy nghĩ thanh thoảng về xã hội chủ nghĩa thực tế. Mọi cuộc đối thoại chính đáng phải có hay ngay cả một cuộc phân tích vô tư, đều bị cản trở từ trong trứng nước.

Phía cộng sản muốn tiêu diệt tôn giáo, phiá Giáo Hội không còn có cách nào khác hơn là đóng kín,    " cửa đóng then gài " và phản ứng và với vạ tuyệt thông đối với bất cứ ai ủng hộ, tuyên xưng, loan truyền và gia nhập đảng cộng sản.

   2 - Tân tự do chủ nghĩa.

Cũng trong thời gian đang được đề cập về cộng sản  chủ nghĩa như vừa nói, chủ thuyết tự do theo khuôn mẫu Manchester đi vào khủng hoảng.

Năm 1929 thị trường chứng khoáng Wall Street ( New York ) bị sụp đổ và cuộc tuột hậu kinh tế thể hiện rõ nhược điểm của ý thức hệ tự do cổ điển.

Kinh tê tư bản được chuyển đổi.

Từ cơn khủng hoảng kinh tế nảy sinh ra  một khuôn mẫu kinh tế tư bản mới và Quốc Gia tự do, mà căn nguyên lý thuyết, chúng ta có thể tìm thấy một cách tổng quát trong phiên đúc kết cuộc hợp mặt Lippmann ở Paris ( Colloquio Lipmann ) năm 1938, nơi quy tụ các nhà đại kinh tế gia thời danh của chủ thuyết tân tự do chủ nghĩa kinh tế, như Walter Lipmann, Friedrich von Hayek, Ludwig von Mises, Wilhelm Roepke, Jacques Ruel và nhiều nhân vật khác nữa.

Chủ nghĩa tân tư bản kinh tế vẫn giữ chặt nguyên tắc căn bản của chủ thuyết tự do cổ điển, nghĩa     là

   - quyền tự do hoàn toàn có sáng kiến kinh tế

   - và thị trường tự do, nhưng bác bỏ đi các tư tưởng quá khích về đướng lối " để tự do hoàn toàn hành động " ( laissez faire" , bằng cách mở đường cho " đường lối kinh tế hổn hợp " ( economia mista).

Điều đó có nghĩa là bên cạnh người dân có toàn quyền sáng kiến kinh tế, cơ chế Quốc Gia không những chỉ đóng vai trò trọng tài hay cảnh sát giữ an ninh, mà còn bị bắt buộc phải can thiệp để chỉnh đốn lại các sức mạnh trong kinh tế.

Bổn phận của cơ chế Quốc Gia là

   - bảo toàn tính cách ngay thẳng trong cạnh tranh

   - và ngăn cản hiện tượng độc quyền làm cho thị trường không thể nào hoạt động  được.

Hiểu như vậy, chúng ta thấy được chủ thuyết tân tự do kinh tế chấp nhận đường lối hoạt động kinh tế theo chương trình được cơ chế Quốc Gia can thiệp đề xướng để hướng dẫn, nhưng không phải là thiết đinh chương trình, đường lối có tính cách bắt buộc theo kinh tế chỉ huy.

Hơn nữa khi soạn thảo chương trình, định hướng cho hoạt động kinh tê,

   - không phải chỉ có cơ thế quốc gia ngồi vào bàn giấy, soạn thảo rồi phán xuống phải thi hành,

   - mà là các chỉ thị, nghị quyết đều phải có sự góp ý đồng thuận của các thành phần liên hệ,

     * trung ương cũng như địa phương,

     * chủ nhân cũng như nghiệp đoàn công nhân,

     * cơ sở sản xuất cũng như giới tiêu thụ.

Nói ngắn gọn, Quốc Gia phải can thiệp,

   - nhưng phải giới hạn tối đa các cuộc can thiệp của mình đến đâu có thể, để cho dân chúng được tự do,

   - ngăn cản và loại trừ tập trung độc quyền,

   - giảm thiểu tối đa việc tiêu dùng công qủy và mức thuế vụ, để khuyến khích sản xuất. 

Về vấn đề đối chọi giữa vốn liếng tiền bạc và việc làm, tân tự do chủ nghĩa cho rằng không thể nào có thể tước bỏ đi được, bởi lý do tự bản tính triết học và của việc sinh lợi lộc của vốn liếng.

Tuy nhiên chủ thuyết cũng chấp nhận rằng cơ chế Quốc Gia phải tìm cách giảm bớt các mối bất bình đẳng không thể nào tránh được trong xã hội, nhứt là bằng phương thức tiên liệu, bảo trợ và phụ cấp xã hội. Tuy nhiên động tác đó không thể bắt buộc đối với tất cả mọi người, để tránh việc trách nhiệm cá nhân được thay thế bằng trách nhiệm tập thể, có thể tạo cơ hội cho cá nhân có cách sống vô trách nhiệm:mọi chuyện đã có bộ xã hội, bộ y tế lo cho. Khoẻ re , ta cứ ăn không ngồi rồi ! 

Sau cùng, đối với vấn đề quyền tư sản tân tự do kinh tế chủ nghĩa vẫn tiếp tục quan niệm đó là yếu tố có liên quan đến cá nhân, như trước kia ( tự do chủ nghĩa cỗ).

Quyền tự do kinh tế là quyền căn bản thiết yếu cho mọi quyền tự do khác. Ngay cả tầm quan trọng của các giá trị luân lý , mà không ai có thể chối cải, cũng được quan niệm nhằm phát triển kinh tế phổ quát và tăng trưởng thêm.  

Nói tóm lại, chúng ta có thể nói là tân tự do kinh tế chủ nghĩa vẫn còn tồn giữ thực chất của những đặc tính tự do chủ nghĩa cỗ, mặc dầu có một vài nhượng bộ do tiến trình thời gian.

Từ đó kinh tế tư bản thập niên '30 không có gì ít nguy hiểm hơn chủ trương kinh tế trước đó. Còn đúng hơn là một quan niệm kinh tế đáng sợ, bởi vì là quan niệm làm phát sinh thu tóm, chồng chất quyền lực ( không phải chỉ kinh tế) trong tay của một vài thiểu số.

Bởi đó Đức Thánh Cha Pio XI lên tiếng:

   - " Điều làm cho xốn mắt đó là sự kiện trong thời đại chúng ta, không những chỉ có thu tóm, tập trung của cải giàu sang, mà là tập trung cả một quyền lực khổng lồ, tập trung kinh tế phe phái cha truyền con nối trong tay một số ít, mà rất thường không phải họ là chủ nhân, mà chỉ là những người được ủy thác và quản trị tài nguyên tư bản, nhưng họ có thể hành xử cách nào tùy hỷ (...) Nói một cách nào đó, họ là những người phân phát máu huyết làm cho cơ thể kinh tế sống được, và họ có trong tay , chúng ta có thể nói như vậy, linh hồn của kinh tế. Bởi đó ai chống lại họ, không thể nào có thể còn thở được " ( ĐTC Pio XI, Quadragesimo Anno (15.05.1931), n. 113s, in CERAS, 98s). 

Đâu là lý do tạo nên tình trạng tha hóa đó?

Đức Thánh Cha Pio XI cho biết rằng đó là sự tìm kiếm lợi nhuận trở thành việc tìm kiếm quyền lực. Ngài còn nhấn mạnh, quyền lực không phải chỉ kinh tế, mà cả chính trị, đến nỗi tạo ra  cả một " đế quốc  tài chánh quốc tế " ( id., n. 117, in CERAS, 99s).

Nhưng lời cảnh cáo đó của Đức Thánh Cha trước những bối cảnh thảm đạm xáo trộn thế giới, mà cả hiện nay chúng ta cũng đang có trước mắt.

Đó là lý do tại sao Giáo Hội vẫn tiếp tục cảnh cáo và lên án cả tân tự do kinh tế chủ nghĩa ( neoliberalismo). Bởi vì

   - " việc tập trung tài sản, giàu có và quyền lực trong tay một nhóm người tạo ra ba loại đấu tranh để chiếm phần thượng phong, trước tiên là giành giựt để có thế thượng phong kinh tế, kế đến là đấu tranh quyết liệt để chiếm lấy quyền lực chính trị, để chiếm được sức mạnh của chính trị và ành hưởng của nó trong việc cạnh tranh kinh tế; và sau cùng là đấu tranh giành ảnh hưởng trên cả lãnh vực quốc tế, để nhằm được mục đích. Như vậy cả lãnh vực kinh tế trở nên khó khăn khủng khiếp, bất nhân nhượng và ác độc " ( id., n. 116s, in CERAS, 99s). 

Như vậy, phải làm gì?

ĐTC Pio XI

   - không chỉ giới hạn lên án,

   - mà còn thúc đẩy người công giáo hãy ra tay, dấn thân tác động.

Đó là " con đường thứ ba ", giữa cộng sản chủ nghĩa và tân tự do kinh tế chủ nghĩa, bằng thể thức hành xử ngay cả trên phương diện luật pháp.

Về phía ĐTC Pio XII, ngài không viết ra một Thông Điệp nào, chỉ lấy lại tư tưởng định hướng của Vị Tiền Nhiệm mình và đề nghị dưới hình thức chuyên cần dấn thân thiết thực, để xây dựng " một cách sống Ki Tô giáo mới " hay xây dựng " một nền văn minh tình thương ".   

   3 - Văn minh Ki Tô giáo, con đường thứ ba.

Đứng trước những ý thức hệ đã trở thành khuôn mẫu thực hữu tổ chức xã hội và kinh tế với những đại hoạ đã đem đến cho con người, như đã đề cập, Thông Điệp Quadragesimo Anno khai triển rộng ra vấn đề xã hội  đưa ra một khuôn mẫu thứ ba, giải thích  các nguyên tắc luân lý và các lời giảng dạy của Giáo Hội thành phương thức tổ chức xã hội theo nhãn quang Ki Tô giáo.

ĐTC Pio XI đề nghị tìm ra một " nền văn minh Ki Tô giáo ", con đường thứ ba giữa công sản chủ nghĩa kinh tế tập trung và tân  tự do kinh tế chủ nghĩa với những sai trái phải có, chúng ta vừa kể.  

Tư tưởng vừa kể của ĐTC Pio XI không có gì mới mẻ. Giáo Hội với nhiều hình thức văn hóa và nhiều lần lên tiếng đòi buộc chính thức, chưa bao giờ buông tay đầu hàng cho rằng Ki Tô giáo đã đi đến đường cùng.

Phương thức tổ chức xã hội thời Trung Cổ, trong tâm thức nhiều người, vẫn còn là lý tưởng để tổ chức xã hội.

Trước hết là nhóm công giáo bảo thủ ( với Louis de Bonald), rồi kế đến là nhóm công giáo cực đoan ( với Joseph de Maistre, Félicité  de Lamemmais và Louis  Veuillot) nhấn mạnh rằng chuổi dài các sai trái của thể giới tân tiến đưa đến Cách Mạng Pháp Quốc, thái độ chống đối hàng giáo phẩm của tự do chủ nghĩa và tư tưởng vô thần của xã hội chủ nghĩa, đó là do nền Ki Tô giáo thời Trung Cổ, việc đổ vở giữa ngai vàng và bàn thờ và cũng do việc rách nát do việc Canh Tân Tin Lành đưa đến.

Để có thể đứng thẳng dậy, không có cách nào khác hơn là thiết định lại " nên văn minh Ki Tô giáo " , nghĩa tổ chức xã hội thích đáng với đức tin.  

Những nhà tư tưởng công giáo khác cho rằng phải thiết đinh một khuôn mẫu chung sống văn minh khác, không còn theo phương thức thời Trung Cổ nữa. có khả năng đáp ứng lại những thử thách mới mẻ của thời đại mới. Nhưng có nhiều người cho đó là ý nghĩ không tưởng. 

ĐTC Pio XI lấy lại tư tưởng một nền " văn minh Ki Tô giáo ", được coi như là con đường thứ ba. Tuy nhiên tư tưởng của ngài không phải chỉ là trở lại những gì trong quá khứ, mà là một đề nghị khuôn mẫu mới của " một nền văn minh Ki Tô giáo ". Ngài đề nghị ra những đường nét tổng quát và cả đến hình thức luật định về nghiệp hội.

Trên thực tế, ý định của ĐTC Pio XI là đưa ra định chế cho quốc gia cũng như quốc tế, dựa trên khuynh hướng cộng bình xã hội, có khả năng phối hợp các hoạt động kinh tế nhằm công ích, băng cách tạo nên giữa Quốc Gia và người dân, các tổ chức xã hội trung gian nhằm mục đích kinh tế và nghề nghiệp ( tức là hiệp hội kỷ nghệ, công đoàn lạo động, đảng phái chính trị ...).

Như vậy các cá nhân, cũng như các tổ chức xã hội trung gian có thể hoạt động, mỗi thành phần trong lãnh vực và thẩm quyền của mình, mà khọi bị quyền lực trung ương truất hữu.

Trong tư tưởng đó, đây là lần đầu tiên ĐTC Pio XI tuyên bố nguyên tắc " phụ túc bảo trợ " ( sussidiarietà ) và sau đó nguyên tắc được trở thành gia tài chung cho việc tổ chức xã hội:

   - " Cũng như là điều không chính đáng tước bỏ đi đối với cá nhân điều gì anh ta có thể tự sức lực và sáng kiến của mình có thể thực hiện được, để chuyển giao cho cộng đồng, cũng vậy là điều không chính đáng uy thác cho một tổ chức xã hội lớn hơn hay cao hơn, những gì mà các tổ chức xã hội nhỏ bé hơn và thấp hơn có thể làm được " ( ĐTC Pio XI, Quadragesio Anno 8 15.05.1931), n. 86, in CERAS, 92). 

Trong nhãn quang " con đường thứ ba " đó, được hiểu một cách chính đáng, chúng ta nên hiểu các cập nhật hóa của ĐTC Pio XI đối với những gì đã được tuyên bố trong Thông Điệp Rerum Novarum, để đáp ứng thích hợp với những điều kiện lịch sử của " vấn đề xã hội " :

   - lương bổng chính đáng ,

   - vai trò xã hội của quyền tư hữu,

   - Quốc Gia can thiệp vào kinh tế.  

( Tài liệu nghiên cứu thêm: Tổng lược Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội, n. 91, 92: " ĐTC Pio XI giữa cộng sản chủ nghĩa và tự do chủ nghĩa). 

VỀ MỤC LỤC
LINH MỤC GIÁO PHẬN TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA MÌNH

 

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://www.chivilongchuathuongtoi.tk/

Tác phẩm: ĐÀO TẠO ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

CHƯƠNG SÁU 

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

HỌC VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ ƠN GỌI LINH MỤC (tiếp theo)

 

D. LINH MỤC GIÁO PHẬN TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA MÌNH

 

“Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện. Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau. Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô”[1] 

 

D.1 Định hướng tổng quát

Tuy nhiên, khủng hoảng không nhất thiết là một dấu hiệu tiêu cực, nhưng đúng hơn, nó phải được coi là một thách đố để tái định hướng đời sống và sứ vụ linh mục. Nó mời gọi một đời sống thiêng liêng cá nhân sâu xa hơn, can đảm đối mặt và chấp nhận các thực tại của bản thân, dù có khi đau đớn và xấu hổ (bị sa vào bẫy mỹ nhân kế). Cần phải làm mới lại các liên hệ lành mạnh để được nâng đỡ và cảm thông hơn. 

 

Chúng ta phải có cái nhìn hy vọng ở bên kia những cơn khủng hỏang, nghĩa là ở tình trạng sẽ được biến đổi sau khi tái định hướng được đời sống và sứ vụ ơn gọi dựa vào Chúa Kitô là trung tâm. Thánh Phaolô diễn tả điều đó như sau: “gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí.  Như có lời đã chép: con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng là thần khí ban sự sống. Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó. Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến. Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.”[2]

 

Một trong những yếu tố rất quan trọng trong việc tái định hướng đời sống và sứ vụ là Bí tích Hòa giải. Bí tích Hòa giải không chỉ là một quà tặng của linh mục cho giáo dân, nhưng cũng là một khí cụ quan trọng cho sự thánh hoá và tăng trưởng của chính linh mục, đặc biệt nếu việc xưng tội không chỉ được coi là một nghi thức, mà đúng hơn là một cơ hội không chỉ để xưng tội, mà còn để trao đổi với một cha giải tội và linh hướng có kinh nghiệm, nhờ đó nó trở thành một kinh nghiệm chữa lành và vui sống. Việc linh hướng đều đặn là một bảo đảm khác cho sự tăng trưởng và phát triển đời sống thiêng liêng trưởng thành của linh mục.

 

Tạo lập lối sống và làm việc cộng đồng, sự ràng buộc của tình bạn đích thực, cũng như những thời gian giải trí, hồi tâm và thinh lặng giúp không chỉ chế ngự khủng hoảng mà còn biến nó thành một cơ hội để đẩy xa hơn sự tăng trưởng và tiến bộ trong sự trưởng thành cá nhân, cũng như bác ái mục tử sống động. 

 

Khủng hoảng rất lắm khi là một dấu hiệu tăng trưởng, nhưng cũng tỏ lộ một số vấn đề và yếu đuối nào đó đang được mở ra theo cách này. Trong các tình huống như thế, hãy xử sự như trường hợp hỏa hoạn: hãy bình tĩnh và hành động cách có trách nhiệm… Một tình huống như thế cần trước hết sự thinh lặng và suy nghĩ để trở nên ý thức rõ ràng hơn về các vấn đề thực sự là vấn đề.  

 

Để được vậy, chúng ta cần thời gian và một nơi chốn (ít là nội tâm) có thể ở một mình, suy tư và cầu nguyện. Các cuộc tĩnh tâm và hồi tâm là các cơ hội đó. Thời gian khủng hoảng mời gọi chúng ta xem xét các cội rễ căn nguyên và các tình huống của các việc chúng ta đã trải nghiệm hầu được ý thức hơn về các hậu quả của chúng. Mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai. Phải tin tưởng vào sự biến đổi tốt đẹp trong tương lai, nhờ ơn Chúa, với cố gắng bản thân và sự giúp đỡ của kẻ khác.[3] 

 

Việc tái định hướng được khởi đầu bằng cách trực tiếp đối diện và chấp nhận chính thực tại của chúng ta, đồng thời nhẫn nại hướng mình vào trong ý muốn của Chúa. Một tiến trình như thế thường không hoàn toàn được thực hiện một mình. Bên cạnh Chúa Cứu Thế mà chúng ta gặp gỡ trong cầu nguyện, chúng ta cần một ai đó để nói với, một ai đó hành động như một khuếch âm cho các kinh nghiệm và thấu hiểu của chúng ta, một ai đó có khả năng cho chúng ta những định hướng mới phát ra từ sự biện phân trong thinh lặng và nguyện cầu của chúng ta và nâng đỡ chúng ta.

 

Một vị đồng hành thiêng liêng là một quà tặng tốt nhất mà chúng ta có thể có được. Nhưng một vị hướng dẫn thiêng liêng không chỉ đồng hành với chúng ta trong cơn khủng hoảng và ở một tình huống riêng lẻ. Chúng ta nên đồng hành với nhau trong suốt một thời gian dài, cùng bước đi và cùng lớn lên bên nhau trong một mối quan tâm chung là trở nên gần gủi hơn với Chúa Kitô và với con người thật của chúng ta. 

 

Bí tích Hòa Giải là một bước cụ thể tiến vào một cuộc sống mới sâu sắc hơn và vững chắc hơn nhờ cơn khủng hoảng - hy vọng thế -  Nếu vị hướng dẫn thiêng liêng là một linh mục, thì Bí tích được trao ban trong tất cả tiến trình biện phân và tái định hướng. Thường chỉ xưng tội thôi không đủ, nhưng chúng ta cũng cần được trao đổi giải quyết và như thế thấy được các gốc rễ sâu xa hơn và các viễn ảnh tương lai. 

 

Yếu tố căn bản trong việc tái định hướng đời sống và thừa tác vụ linh mục là bí tích Hòa giải, đặc biệt nếu nó không chỉ được đánh giá và thực hành theo đường lối nghi thức, mà đúng hơn như một cuộc đối thoại trong đó việc xưng tội cùng lúc trở thành một cơ hội để tiến bộ. Lối xưng tội chia sẻ và đối thoại như thế cũng mang lại một sự cởi mở lớn hơn trên chiều kích nhân bản. Mới đây, ĐTC Biển Đức XVI nhấn mạnh tới sự cần thiết phải mở ra một cuộc “đối thoại cứu độ” cho những ai tìm kiếm ơn tha thứ. Nhắc tới cha sở thánh họ Ars Gioan Maria Vianey, người đã thực thi sứ vụ hòa giải một cách anh hùng và hiệu quả phong phú, Ngài nói rằng các linh mục có thể học “không chỉ một niềm tín thác vô tận nơi bí tích sám hối, mà còn một phương pháp đối thoại cứu độ phải được thực hiện trong khi ngồi tòa.”[4]

 

Chính vị linh mục cũng được khích lệ rất nhiều trong một kinh nghiệm như thế, nhờ đó ngài có thêm hiểu biết, kinh nghiệm và khả năng để giúp đỡ người khác trong cùng một đường lối hoặc tương tự. Bí tích hòa giải là một trong những quà tặng đặc biệt của linh mục cho kẻ khác trong thừa tác vụ bí tích của ngài, nhưng đồng thời nó cũng là khí cụ cho linh mục tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng và bác ái mục tử. 

 

D. 2. Giá trị của việc xưng tội cá nhân   

Để là một thừa tác viên tốt và hữu hiệu của Bí tích Hòa giải, linh mục cần khơi nguồn từ nguồn ân sủng và thánh thiện hiện diện trong Bí tích này. Căn cứ vào kinh nghiệm bản thân, linh mục có thể quyết chắc rằng càng năng tiếp cận với tư thái tốt và chu đáo lãnh nhận bí tích sám hối, càng chu toàn tốt hơn thừa tác vụ giải tội của mình và chắc chắn rằng các hối nhân hưởng được lợi ích từ bí tích này. Trái lại, nếu linh mục không là một hối nhân tốt, thừa tác vụ giải tội sẽ mất đi nhiều tính hữu hiệu của nó, (vì linh mục phải là người trước tiên phải trở lại với Chúa và với chính mình). Đó là luận lý toàn diện của bí tích cao cả này. Nó mời gọi tất cả chúng ta, là linh mục của Chúa Kitô, phải luôn làm mới lại chú tâm của chúng ta vào việc xưng tội cá nhân của mình[5]

 

Cuộc đối thoại giữa hối nhân và cha giải tội làm cho việc cử hành bí tích đáp ứng sít sao hơn với tình huống cụ thể của hối nhân, với các lý do khác nhau sau đây của hối nhân:

·        Nhu cầu hòa giải cá nhân và tái nhập vào tình bằng hữu với Chúa nhờ nhận lại được những ơn đã mất do tội;

·        Nhu cầu tìm kiếm sự tiến bộ thiêng liêng;

·        Đôi khi cần một sự biện phân thích đáng hơn về ơn gọi;

·        Trong nhiều trường hợp, không những cần mà còn khao khát thoát khỏi tình trạng hờ hững thiêng liêng và khủng hoảng đời tu.

·         Nhờ những đặc tính cá nhân đó, hình thức cử hành này liên kết với việc linh hướng.[6]

·         Trong cuộc đối thoại này phải tránh đề cập trực tiếp đến đệ tam nhân. Phải rất cẩn thận và tế nhị trong các câu hỏi để làm sáng tỏ hầu có biện pháp và lời khuyên thích ứng, giúp hối nhân thay đổi nên tốt.

·        ĐHY Hummes, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ viết: “Cũng thật buồn là có một số linh mục đôi khi đã bị dính líu vào những vấn đề nghiêm trọng và những hoàn cảnh phạm tội. Cần phải tiếp tục điều tra những vấn đề này, xét xử họ và phạt họ như cần phải.”[7] Vậy chúng ta sử dụng các phương thế tự nhiên và siêu nhiên như thế nào để đứng vững trong các mối quan hệ khác giới, kể cả với các nữ tu?[8]

·        Chúng ta cần lưu ý đặc biệt tránh khỏi ba trường hợp tội với vạ tiền kết dành riêng cho Tòa Thánh: Lỗi ấn tòa giải tội, khuyến dâm trong tòa và giải tội cho đồng phạm; và xét xem có thể vận dụng khỏan GL.1048 và 220 hầu giúp đỡ hối nhân cách nào không.[9]

·        Tương quan linh hướng là một tương quan khép kín tay ba (Chúa Thánh Thần, người thụ hướng và vị linh hướng). Điều mà vị linh hướng khám phá về người thụ hướng thuộc về toà trong sẽ không được tiết lộ ra ở toà ngoài. Dữ kiện này có cùng một qui chế như ấn toà giải tội. Điều này không chỉ để bảo vệ người thụ hướng, mà còn cống hiến cho họ sự tín nhiệm và tin tưởng rằng điều gì họ đã bộc lộ ở tòa trong vẫn được giữ bí mật.


 

[1] Eph 4,22-32.

[2] 1 Cr 15, 42-49.

[3] 1 Cr 6,11: Trước kia, có vài người trong anh em đã là như thế. Nhưng anh em đã được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính nhờ danh Chúa Giê-su Ki-tô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta!

[4] Vatican City, Mar 11, 2010 / 11:32 am (CNA/EWTN News).

[5] Gioan Phaolô II trong Bí tích Hòa Giải và Sám Hối số 31.

[6] Ibid, số 32.

[7] Như vụ TGM Paulin Pomodimo Giáo Phận Bangui bên Trung Phi phải từ chức.

[8] ĐTC Biển Đức hứa sẽ ra một Chỉ Nam cho các cha giải tội và linh hướng.

[9] CNA ngày 5/6/2009, ĐHY Hummes gửi thư ngày 18/4/2009 nói ĐTC đã phê chuẩn luật chưa được quy định trong Bộ Giáo Luật hiện hành cho phép các Giám mục xử lý những trường hợp đoạn tuyệt với Giáo hội của các linh mục, như là rời bỏ thừa tác vụ của mình bởi chủ ý riêng, yêu cầu Giám mục miễn trừ tình trạng giáo sĩ, hay rời khởi chức vụ mà không hề thông báo cho Giám mục bản quyền biết và sau đó kết hôn trong đám cưới dân sự, có con và không còn hứng thú nào để giải quyết tình trạng giáo sĩ của mình. Vì lợi ích của Giáo hội và lợi ích của đương sự, năng quyền miễn trừ tình trạng giáo sĩ đòi hỏi phải được thực hiện như một nghĩa cử bác ái, đặc biệt hơn khi đương sự có con, vì con cái của đương sự có quyền được có một người cha độc lập khỏi Giáo hội. Nhưng các Giám mục không có năng quyền này một cách tự động, mỗi trường hợp phải được xem xét cẩn thận và nghiêm túc rồi mới có thể đưa ra phán quyết. Trong một số trường hợp, Tòa Thánh phải can thiệp để điều chỉnh nhân cách của các vị để khắc phục những vụ bê bối do các vị gây ra, tái thiết lập sự công bằng và giúp đỡ đương sự sám hối tội lỗi.


VỀ MỤC LỤC
VỢ CHỒNG GIÚP NHAU NÊN THÁNH

 

Tác phẩm: Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

B21. VỢ CHỒNG GIÚP NHAU NÊN THÁNH

 

1. Nên thánh là ơn gọi và bổn phận của mỗi người đã nhận lãnh phép rửa, nhưng nên thánh không phải là một ơn gọi giống nhau cho mỗi người. Nói đến tiếng gọi là nói đến những hoàn cảnh cá nhân, một cuộc sống đặc thù.

Nên thánh trong bậc vợ chồng là một ơn gọi dành riêng cho những người sống đời lứa đôi. Nhưng ngay cả trong bậc sống này, mỗi người phối ngẫu cũng sống ơn gọi ấy với tất cả những gì là cá biệt, riêng rẽ nhất trong bản thân mình. Tuy nhiên con đường nên thánh không phải là con đường cô tịch nhưng là con đường rộng mở để ta cùng nắm tay nhau tiến bước.

Tương trợ nhau trong ơn gọi nên thánh là bổn phận của người tín hữu Kitô. Bổn phận này càng bó buộc hơn đối với những người sống đời vợ chồng. Yêu nhau, tận hiến cho nhau chính là muốn mang lại điều tốt đẹp nhất cho người mình yêu. Và điều tốt đẹp nhất cho một Kitô hữu không gì khác hơn là được lớn lên trong sự thánh thiện, giúp nhau thăng tiến trong đường trọn hảo. Đó là điều mà chúng tôi xin chia sẻ trong bài này.

2. Để trở thành những bậc phụ huynh tốt, trước tiên phải là những đôi vợ chồng tốt. Để trở thành những đôi vợ chồng tốt thì mỗi người phối ngẫu cần phải là một tín hữu tốt. Hai người tín hữu không sống đức tin không thể hợp thành một đôi vợ chồng tốt. Một người tàn tật cộng với một người tàn tật không thể trở thành một người khoẻ mạnh được.

Không phải đã nên vợ nên chồng thì đương nhiên nên một thể xác. Không hẳn đã làm phép cưới trong nhà thờ thì đương nhiên trở thành bí tích của tình yêu Thiên Chúa. Nếu mỗi người phối ngẫu không quan tâm đến sự trưởng thành trong nhân cách và đức tin của mình thì mãi mãi cuộc sống lứa đôi có thể chỉ là một cuộc sống chung mà chưa phải là một xác thể và trở thành một bí tích đích thực của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Trước tiên mỗi người phải quan tâm đến sự trưởng thành của mình. Đó là điều kiện tiên quyết để sống đời lứa đôi.

Đức tin đặt mỗi người chúng ta và chỉ mỗi người chúng ta trước mặt Thiên Chúa mà thôi. Chính trước mặt Chúa mà mỗi người đón nhận mệnh lệnh của Ngài: “Các con phải nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”. Nên thánh là bổn phận của mỗi người. Cho nên, không ai có thể biện minh cho sự tầm thường của mình bằng gương xấu của người khác: “Tôi không khá hơn người khác. Tất cả mọi người đều làm như vậy, hoặc chồng tôi, vợ tôi không nghĩ  như thế v.v..”.

Mỗi người, tự trong đáy thẳm tâm hồn mình, cần phải đáp trả lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng Trọn Lành”. Nên thánh là một đòi hỏi và đồng thời là một biểu lộ cao cả nhất của tình yêu. Yêu là trao ban và điều cao cả nhất mà người ta trao ban cho người khác chính là bản thân mình. Nhưng nếu không có làm sao ta có thể trao ban? Càng thánh thiện con người càng muốn trao ban cho người khác.

3. Nên thánh là một đáp trả của từng cá nhân đối với tiếng gọi của Chúa, nhưng chỉ qua cửa ngõ của phép rửa mà con người lắng nghe được tiếng gọi nên thánh ấy. Cho nên, chỉ trong Giáo Hội, ơn gọi nên thánh mới được ngỏ cho con người. Điều đó có nghĩa là không ai có thể nên thánh một mình.

Trong tình liên đới với mọi người đã chịu phép rửa, chúng ta cần có sự trợ giúp của người khác để sống ơn gọi Kitô hữu của mình. Chúng ta cần có sự hướng dẫn của Giáo Hội, chúng ta cần có những nhà chuyên môn về tu đức hướng dẫn, nhất là chúng ta cần có lời cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội để xin ơn trợ giúp của Chúa. Nên thánh không phải chỉ là một cuộc thao dượt và cố gắng của ý chí. Nên thánh trước tiên là một tham dự vào sự thánh thiện của Chúa. Điều đó cũng là công trình của con người cùng với sự trợ giúp của ơn Chúa. Nên thánh là một con đường do chính Chúa khai phá và mở rộng cho nhiều người. Không ai có thể đi về nhà Chúa mà không cùng nắm tay tiến bước với những người khác. Con đường nên thánh không phải là một con đường đơn độc buồn tẻ nhưng là một đại lộ, trong đó, mọi người cùng tiến bước với niềm hân hoan phấn khởi.

Niềm vui nào cũng cần được chia sẻ, càng được chia sẻ, niềm vui càng lớn lên. Sự thánh thiện đích thực được biểu lộ trước tiên bằng niềm vui. Người Tây phương vẫn nói, một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn. Do đó, sự chia sẻ cao quí nhất mà người ta có thể làm cho người khác chính là chia sẻ sự thánh thiện của mình. Nói cách khác, người Kitô hữu không những có bổn phận nên thánh mà còn phải giúp người khác nên thánh nữa.

4. Bổn phận này càng đòi buộc hơn trong đời sống vợ chồng. Với bí tích Hôn Phối, hai người nam nữ tạo thành một cộng đồng tình yêu vốn được ví như một Giáo Hội thu gọn. Thực thế, nếu Giáo Hội là bí tích tức là dấu chỉ và khí cụ biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, thì gia đình là nơi ưu việt nhất để tính cách bí tích ấy của Giáo Hội được thể hiện.

Giáo Hội là thân thể hữu hình của Chúa Kitô. Nhưng thực thể hữu hình ấy chỉ có thể hiện diện nhờ các Kitô hữu mà thôi. Và dĩ nhiên không nơi nào sự hiện diện của Giáo Hội được tỏ bày rõ nét cho bằng gia đình. Nơi đây, mọi người nhất là vợ chồng được liên kết với nhau trong cùng một đức tin, được sinh động bởi cùng một tình yêu và được nâng đỡ, hướng dẫn bởi cùng một niềm hy vọng. Nếu sự hợp nhất là dấu hiệu khả tín nhất của Giáo Hội thì không nơi đâu người ta có thể tìm thấy dấu hiệu ấy một cách rõ nét cho bằng gia đình.

Chính vì là một Giáo Hội thu nhỏ, một Giáo Hội điển hình mà gia đình phải luôn luôn quan tâm đến vai trò bí tích tức vai trò chứng nhân của mình. Vai trò chứng nhân ấy không là trách nhiệm riêng rẽ của mỗi người mà là bổn phận của toàn thể gia đình. Bổn phận ấy chỉ có thể chu toàn với sự cộng tác của mỗi thành phần trong gia đình. Do đó, trong khi chu toàn bổn phận chứng nhân của gia đình mỗi người cũng quan tâm đến người khác để tất cả được liên kết với nhau trong cùng một quyết tâm làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.

Đức tin là giá trị cao cả nhất trong cuộc sống của người tín hữu Kitô. Qua bí tích Hôn Phối, cam kết tiên quyết nhất của hai người nam nữ Kitô hữu chính là giúp nhau vun trồng, bảo vệ và thăng tiến đức tin của mỗi người… Món quà cao quí nhất mà họ trao tặng cho nhau chính là đức tin. Chỉ khi nào đức tin được giữ vững thì tình yêu giữa hai vợ chồng và trong gia đình mới được bảo đảm.

Xây dựng hạnh phúc gia đình, bảo vệ tình yêu hôn nhân, điều đó chỉ có thể thực hiện được đối với người tín hữu Kitô khi nào niềm tin được vững vàng. Không có đức tin, tình yêu hôn nhân và gia đình chỉ như một ngôi nhà xây trên cát. Chỉ trong đức tin, hai người mới thực sự nên một trong thân xác và tâm hồn. Chỉ trong đức tin, tình yêu giữa hai người mới trở thành đức ái, hai người mới thực sự nên thánh thiện như Cha trên trời.

VỀ MỤC LỤC

ĐỐI PHÓ VỚI DỊ ỨNG

 

Kính gửi Bác sĩ,

Cháu là một độc giả thường xuyên theo dõi các bài viết thú vị trên các báo của bác sĩ. Nay cháu xin bác sĩ vui lòng giải đáp giúp về căn bệnh gây phiền phức không ít cho cháu.

Thưa bác sĩ, cháu sang Canada được 5 năm. Thời gian đầu không sao cả, nhưng hai năm gần đây cháu bị dị ứng thời tiết ngày càng nặng. Chứng dị ứng này khiến cháu mệt mỏi, khó chịu vì nhiều khi nước mũi chảy dầm dề, mắt mũi ngứa ngáy... Mỗi khi như vậy, cháu phải uống thuốc dị ứng. Khổ nỗi, triệu chứng dị ứng nhiều khi cũng giống như bị cảm nên cháu không biết có phải đang bị dị ứng không để mà uống thuốc.

Xin hỏi, làm sao để biết đang bị dị ứng hay bị cảm?

Ngoài ra còn điều khiến cháu băn khoăn là có người khuyên rằng đừng để bị như vậy rồi mới uống thuốc, mà vào mùa bị dị ứng nên uống thuốc thường xuyên để tăng sức đề kháng cơ thể, dần dần sẽ dứt hẳn chứng dị ứng. Thưa bác sĩ, điều này có đúng không, uống thuốc dị ứng thường xuyên như vậy có hại gì không?

Chân thành cảm ơn bác sĩ.

Vân Nguyễn, Toronto

 

Chào cô Vân

Không phải chỉ mình cô là khách hàng của Dị Ứng Theo Mùa (thời tiết), mà các nhà chuyên môn y tế cho hay  cứ 5 công dân Canada ( tức là khoảng 8 triệu người) thì một người bị bệnh. Ngoài ra, có tới 80% người hen suyễn cũng rơi vào “bệnh phiền phức “ này.  Tại Hoa Kỳ, cũng có tới 60 triệu nạn nhân như vậy, với 10% dị ứng theo mùa và 10% dị ứng thường xuyên với bụi bậm hoặc lông chó lông mèo.

Câu hỏi của cô tập trung vào mấy điểm là làm sao phân biệt dị ứng với  bệnh Cảm vì 2 bệnh có nhiều dấu hiệu tương tự và uống thuốc dị ứng thường xuyên có hại gì không. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mà nhiều người thắc mắc, cho nên  “thỉnh cầu” cô cho tôi nhắc lại vài chi tiết về bệnh này một chút, rồi trả lời 2 thắc mắc của cô.

Dị Ứng là một phản ứng khác thường của cơ thể đối với một tác nhân nào đó để tự bảo vệ.

Nghiên cứu cho hay khi một chất lạ xâm nhập cơ thể và gây ra các phản ứng, thì khi tái tiếp xúc với chất này, cơ thể cũng có thể lập lại những phản ứng khác thường đó, đôi lúc làm con người rất khó chịu.

Ý kiến khác cho rằng dị ứng là một sự nhận nhầm căn cước. Ở người không bị dị ứng thì khi hít phải phấn hoa, cơ thể coi như vô hại, bỏ qua. Nhưng ở người bị dị ứng thì cơ thể lại coi chúng như kẻ gây hấn, phản ứng lại bằng cách tiết ra histamine. Histamin tác động lên mũi, mắt miệng, gây ra triệu chứng khó chịu. Cũng có ý kiến cho rằng dị ứng là bệnh của nếp sống mới ngày nay, Con người càng văn minh, càng vệ sinh sạch sẽ , ít tiếp xúc với cát bụi, chất gây dị ứng thì càng dễ bị dị ứng. Cứ nhớ lại, ở Việt Nam mình khi xưa, sống dản dị, đâu có mấy ai bị cái bệnh “quái quỷ” này. Ngoài ra, sự thay đổi  khí hậu với hâm nóng toàn cầu do công kỹ nghệ gây ra thì con số những hạt phấn gây dị ứng từ cỏ cây hoa lá cũng nhiều hơn trong không khí.

Năm 1904, bác sĩ nhi khoa Clément Von Pirquet ở nước Áo đã dùng chữ “Allergy” để chỉ hiện tượng này. Allergy là sự kết hợp của hai từ gốc Hy Lạp: allos có nghĩa là khác và ergos là phản ứng. Allergy là một phản ứng khác hay “dị ứng”.

Tác động dị ứng có ba thành phần tham dự:

- Tác nhân gây dị ứng đến từ bên ngoài cơ thể (thí dụ phấn hoa);

- Chất kháng thể (IgE) ở trong người; và

- Hóa chất trung gian Histamin.

Kháng thể hiện diện trong máu như một thành phần của hệ miễn nhiễm để chống lại các tác nhân gây hại cho cơ thể xâm nhập từ bên ngoài.

Histamin  do chính tế bào của cơ thể tiết ra  như một cách để tự bảo vệ  khi có một chất lạ xâm nhập. Việc tạo ra histamin hoàn toàn tự nhiên và trong đa số các trường hợp đều có lợi trong việc bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp mà sự nhạy cảm của cơ thể vượt quá mức cần thiết, chính chất histamin này sẽ gây ra những triệu chứng khó chịu cho con người.

Trong dị ứng theo mùa, tác nhân là phấn hoa của một số cây cối, cỏ dại hoặc mốc meo, bụi bậm trong nhà mà con người có thể hít vào qua mũi.

Tại Canada cũng như Hoa Kỳ, dị ứng xảy ra vào những thời gian đặc biệt.

- Vào mùa Xuân, từ tháng 4 tới tháng 5 thì do phấn của các cây như sồi cổ thụ(oak), liễu thướt tha (willow), thông cao vút;  

- Mùa Hạ, từ cuối tháng 5- giữa tháng 6 thì phấn cỏ dại hoặc cỏ Phấn Hương (ragweed);

- Tới mùa Thu, từ giữa tháng 8- 10 thì do lông chó mèo,  mốc meo trong buồng tắm, dưới chậu rửa chén bát hoặc những con mạt (mite) bám vào màn cửa, thảm nylon.

Coi vậy, ta thấy phấn hoa thay phiên nhau “hành hạ” con người. Thời gian trong ngày mà phấn bay bổng nhiều nhất trong không gian là từ mờ bình minh lúc 5 giờ tới 10 giờ sáng. Thời tiết ẩm với những cơn mưa hoặc tuyết lạnh làm giảm đáng kể số lượng phấn hoa của các thảo mộc này.

Bây giờ xin trả lời mấy câu hỏi của cô Vân.

Đúng như cô nói, Dị ứng thời tiết và Cảm Lạnh có một số dấu hiệu triêu chứng tương tự như nhau. Cũng chảy nước mắt, nước mũi, hắt xì hơi, mệt mỏi, nhưng xét kỹ thì có nhiều điểm khác nhau.

Trước hết dị ứng do những hạt phấn hoa hoặc mốc meo gây ra còn cảm lạnh lại do hàng trăm con virus. Virus có thể lan truyền từ người bệnh sang người lành khi tay bắt mặt mừng, ôm vai mi má hôn môi  nhưng dị ứng thì hầu như những ai mẫn cảm với kháng nguyên là người đó lãnh đủ.

Khi hít phải phấn hoa dấu hiệu xuất hiện tức thì, kéo dài cả nhiều tháng, còn cảm thì vài ba ngày sau mới bắt đầu hành hạ và dăm bữa nửa tháng sau là bye bye tạm biệt, hẹn gặp kỳ sau. Cảm có thể thấy vào bất cứ thời điểm nào nhưng thường xuất hiện vào mùa Đông giá lạnh, người người “giao lưu”, tụ họp.  Còn Dị ứng thì quanh năm hoặc theo mùa nhưng mùa Đông ít hơn vì phấn hoa giảm. Tuy nhiên lúc này lại nên “đề cao cảnh giác” với mấy trự “nội thù” là mốc meo, bụi mạt trong buồng tắm không thoáng khí hoặc tại nhà kho, mặt thảm.

Dấu hiệu cũng có vài điểm khác nhau: Cảm Lạnh ho nhiều, rát họng, đôi khi nóng sốt, nhức mỏi cơ bắp nhưng dị ứng lại ít ho, không bao giờ gây sốt hoặc đau nhức nhưng mi mắt viền vải tây điều, ngứa ngáy, dàn dụa lệ tuôn, còn mũi thì dầm dề sùi sụt nhớt dãi trong veo chứ không vàng khè nhiễm trùng như cảm lạnh.

Bây giờ là chuyện “uống thuốc thường xuyên để tăng sức đề kháng cơ thể”, như cô nghe có người nói.

Thuốc mà bạn cô nói thuộc nhóm chống histamin (antihistamin).

Histamin là chất cơ thể sản xuất khi bị allergy với mục đích bảo vệ thì lại là chất gây ra các dấu hiệu phiền phức cho nạn nhân ở mắt ở da, ở mũi như đã nói ở trên đây.Thành ra uống antihistamin chỉ là để chặn tác dụng của histamin, giảm thiểu các phiền phức này chứ không phải là để chữa bệnh dị ứng cũng như không có khả năng tăng cường tính miễn dịch.

Tại Canada cũng như Hoa Jỳ, thuốc chống histamin như diphenhydramine được bán tự do, không cần toa của ông bà bác sĩ, nhưng cần để ý cách dùng và tác dụng ngoại ý, như ngây ngất buồn ngủ , không tập trung làm việc được hoặc dễ dàng gây ra tai nạn khi lái xe tự động. Thuốc là hóa chất lạ đối với cơ thể. Kẻ lạ ở lâu trong nhà mà lại gia tăng thường xuyên thì cũng gây ra nhiều tác hại, nhất là với người tuổi cao hoặc kém sức khỏe. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nếu bị cao áp nhãn (glaucoma), cao huyết áp, bệnh tim, tiểu tiện khó khăn vì sưng nhiếp tuyến hoặc khó thở, hen suyễn.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho dùng thuốc xịt mũi để giảm nghẹt cũng như bảo vệ màng mũi với các chất gây dị ứng.

Vì chỉ chữa các phiền phức do histamin  gây ra cho nên thuốc chống histamin không được dùng trước khi bị bệnh. Và thuốc này cũng không chữa dứt dị ứng được. Đã bị dị ứng là hầu hết coi như tới mùa là bị bệnh, không ai “lớn lên là hết” ngoại trừ một số nhỏ các cháu bé. Khi tái phát thì dị ứng lại trầm trọng hơn.

Chắc cô Vân cũng có nghe việc chích ngừa dị ứng. Đây cũng là một phương pháp trị liệu đang được áp dụng, nhưng công hiệu khiêm nhường và cần được chích nhiều lần trong tuần, kéo dài cả dăm bẩy năm, khá tốn kém. Bệnh nhân được thử coi xem dị ứng với chất gì, được chích chất đó với số lượng bắt đầu rất ít rồi tăng dần. Mục đích là để cơ thể làm quen với chất đó, đổi thù thành bạn. Ngoài ra, hiện nay các khoa học gia cũng đangthử một loại thuốc chống dị ứng đưa vào lưỡi, thay vì chích. Hy vọng thuốc sớm được sản xuất.

Cô Vân không hỏi đến cách phòng tránh, nhưng tiện đây thì tôi xin mách  vài mẹo vặt cho cô và quý độc giả đang bị dị ứng thời tiết hành hạ:

- Mỗi ngày, theo dõi mức độ phấn hoa trong không khí do sở khí tượng địa phương báo cáo.

- Coi chất gây dị ứng như những phần tử bất hảo, hãy tránh xa và không để chúng tới gần. Cố thủ trong nhà vào thời điểm mức độ phấn hoa cao nhất trong ngày. Nhà ở có máy điều hòa không khí, quạt trần, cửa lớn cửa nhỏ đóng kín.

- Nếu cần ra ngoài làm vườn, mang khẩu trang có lớp lọc phấn, bụi.

- Lái xe hơi, mở máy lạnh, quay các cửa kính lên cao

- Nhà ở thoáng khí, lau chùi buồng tắm nhà bếp, loại trử mốc meo, bụi mạt trên thảm, màn cửa. Thay thảm với sàn gỗ, sàn nylon.

- Chó mèo nuôi trong nhà cần được tắm gội thường xuyên, không cho vào buồng ngủ.

- Lâu lâu rửa mũi với dung dịch nước muối sinh lý, để làm sạch niêm mạc.

- Làm vườn đừng dụi tay lên mắt lên mũi. Rửa tay sạch sẽ trước khi vào trong nhà. Đừng phơi quần áo, mùng mền ngoài trời...

Ngoài ra, xin mách cho cô Vân hay là, hàng năm tại Hoa Kỳ, Hội Asthma & Allergy Foundation cũng đưa ra một danh sách những thị trấn tương đối “thân thiện” hơn vể dị ứng, chẳng hạn Portland, Seatles, San Diego. Vùng cao nguyên tương đối ít bị dị ứng hơn là ở thung lũng đồng bằng, nơi khí hậu ẩm ướt tốt hơn là nơi khô ráo, gần biển cũng vậy. Thành ra mình có thể hành động như dân du mục hoặc bầy chim chốn rét, thay đổi chỗ ở để giảm thiểu hậu quả của dị ứng.

Và, không biết có nên “tư vấn” cô Vân điều này. Số là cách đây ít lâu, có một số nghiên cứu “ báo cáo”  là phụ nữ nhiều con ít rủi do bị dị ứng thời tiết.  Cô Vân thử áp dụng coi xem sao. Có khi lại hết dị ứng mà lại đông con, líu lo ríu rít, vui cửa vui nhà.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ

www.bsnguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
TỪ CHẾT ĐẾN BỊ THƯƠNG Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

“Cặp vợ chồng lý tưởng”, đó là tựa đề của một chương trình truyền hình thật hấp dẫn và ăn khách. Năm cặp vợ chồng bước vào phòng thu hình. Người điều khiển sẽ tách riêng mỗi cặp, chồng đứng một nơi, vợ ngồi một nẻo và hỏi từng người một. Rồi sau đó, cặp vợ chồng nào mà cả hai đều trả lời hoàn toàn giống nhau cho tất cả những vấn đề được đặt ra, mới được chọn làm cặp vợ chồng lý tưởng.

Chẳng hạn người điều khiển hỏi:

- Bạn thích ăn cơm nhão hay ăn cơm khô?

Nếu người vợ trả lời là cơm nhão và người chồng cũng phải trả lời là cơm nhão, thì mới được điểm.

Chẳng hạn người điều khiển hỏi:

- Khi ra riêng, bạn sẽ vay tiền để mua sắm đồ đạc hay cứ chịu khó tiết kiệm để rồi mua sắm sau?

Nếu người vợ trả lời rằng tiết kiệm trước, mua sắm sau, và khi được hỏi, người chồng cũng phải trả lời y chang như vậy, thì mới được điểm.

Từ đó, cặp vợ chồng lý tưởng sẽ phải là cặp vợ chồng hoàn toàn hoà hợp, cả hai cùng nhất trí, cùng đồng ý với nhau trong tư tưởng, trong lời nói, cũng như trong hành động: Mình với ta tuy hai mà một. Họ chỉ còn là một tâm hồn và một ước mơ, một trái tim và một việc làm.

Tuy nhiên, tìm được một người chồng hoàn hảo, hay một người vợ tuyệt vời đã là một chuyện rất khó, còn khó hơn cả việc mò kim dưới đáy biển, đơn giản chỉ vì nhân vô thập toàn, ai cũng có những sai lỗi và khuyết điểm của mình, cho nên người chồng hoàn hảo hay người vợ tuyệt vời chỉ là điều không tưởng, chẳng hề có trong cuộc đời này.

Tìm kiếm một cặp vợ chồng lý tưởng, hoàn toàn ăn ý với nhau, còn khó hơn thế nữa. Dù gã có đốt đuốc đi tìm giữa ban ngày, thì cũng chẳng hề thấy, bởi vì bá nhân bá tánh, mỗi người đều có một tính tình riêng. Ấy là gã chưa nói đến mỗi người còn là một mầu nhiệm, một thế giới biệt lập với những khoảng trời riêng tư. Và kinh nghiệm cũng cho hay: Trong cuộc sống chung, vợ chồng sẽ không thể nào tránh khỏi những va chạm, những bực bội và những buồn phiền. Thậm chí đối với một số cặp vợ chồng, những bất đồng, cãi vã và xô xát vốn chỉ là những chuyện rất bình thường, xảy ra như cơm bữa. Thế nhưng, nếu bình tĩnh ngồi phân tích, gã nhận thấy giận vợ hay làm cho vợ giận, trong cả hai trường hợp, phe ta chỉ toàn thua là thua, từ chết đến bị thường mà thôi.

 

Trước hết là trường hợp vợ giận

 

Bản tính của đờn bà con gái vốn dịu hiền, vì thế đứng trước những tức tối, phản ứng của các chị vợ thường âm ỉ và dai dẳng, khiến cho anh chồng phải một phen ngậm đắng nuốt cay, xất bất xang bang, giống như hiện tượng cháy ngầm trong hoá học, tuy âm thầm nhưng vẫn có thể cưa đứt cả sắt thép.

Bình thường, chị vợ vốn hay nói dài, nói dẻo, nói giai, nhưng khi đã giận rồi, thì bỗng trở thành…”tắt tiếng”. Và một khi chị vợ đã quyết tâm, thì trời có đánh, thánh có vật cũng không can nổi. Từ một người nói nhiều như đài phát thanh, chị có thể câm nín, nhịn nói cả tuần lễ. Bộ mặt lầm lỳ như công an hình sự. Có cậy miệng cũng chẳng thèm phát ngôn lấy được một lời, làm cho anh chồng càng ngày càng bị căng thẳng và khổ sở, bởi vì mỗi khi bước chân vào nhà, đều phải đối mặt với một “pho tượng đá”, để rồi cuối cùng anh chồng đành phải xuống nước, năn nỉ ỉ ôi, chị vợ mới mở lượng khoan hồng mà tha cho. Sau cơn giận nín lặng thuộc vào hàng cao thủ võ lâm của chị vợ, nhiều anh chồng mới sáng mắt và ngộ ra rằng: vợ nói nhiều còn dễ chịu hơn là vợ lầm lì, tắt tiếng.

Thái độ thứ hai là ca tới ca lui cái điệp khúc “trở về mái nhà xưa”. Thực vậy, cứ mỗi lần cãi nhau và khi yêu cầu không được giải quyết một cách thoả đáng, nhiều chị vợ bèn chẳng nói chẳng rằng, tự động gấp quần áo, xếp đồ đạc, khăn gói quả mướp lên đường về với …bu! Để rồi anh chồng phải lí nhí bẩm báo với mẹ vợ:

- Mẹ ơi, con có chuyện muốn thưa với mẹ. Thực ra con và vợ con đều không có lỗi chi cả, chỉ hiểu lầm nhau mà thôi. Mong mẹ khuyên nhủ nhà con giùm.

Thế nhưng, sự đời đâu có đơn giản. Mặc dù được mẹ can gián, nhưng chị vợ vẫn cứ tiếp tục làm reo,  ở thêm ba bốn ngày cho hả giận. Và lần nào cũng vậy, anh chồng phải đích thân sang nhà ngoại, đóng vai “bị can”, xuống nước van xin lượng từ bi hì xả, mới được ân xá và rước chị vợ trở về. Có thể nói được rằng, đối với người đàn ông, không có việc gì khổ sở hơn là việc đó.

Về với bu là còn may phúc bảy mươi đời, vì dù sao anh chồng cũng đã biết được địa chỉ nơi đến, một địa chỉ an toàn tuyệt đối, nên yên chí phần nào. Trong khi đó, có những chị vợ đùng đùng nổi giận đã anh dũng bỏ nhà ra đi cái một, không hề tiếc xót, không hề nhung nhớ và cũng chẳng hề hé môi cho biết là mình đi đâu, làm cho anh chồng một phen băn khoăn lo nghĩ toát cả mồ hôi hột: Bà con họ hàng thì không có, thuê phòng khách sạn thì không đủ tiền, hỏi han bạn bè thì chẳng ai biết, gọi điện thoại thì không trả lời, thậm chí còn tắt cả nguồn, hay chỉ nghe tổng đài léo nhéo tạm thời không liên lạc được, vì ngoài vòng phủ sóng.

Trong khi đó con cái thì nheo nhóc, nhà cửa thì bừa bãi, khiến anh chồng bèn phải xuống thang, rót từng lời mật ngọt để dỗ dành, nhắn tin vào máy chị vợ. Cuối cùng, sau ba ngày thấm đòn, khi bố con hốc hác, bơ phờ vì ngôi nhà không có đờn bà, chị vợ mới chịu trở về với vẻ mặt kênh kiệu của người chiến thắng, kèm theo một thông điệp:

- Tôi về là vì các con mà thôi, không êm thì tôi sẽ đi tiếp cho mà biết. (Phỏng theo Phụ nữ Thứ tư, số 67 ra ngày 28.7.2010).

Như vậy, hẳn mọi anh chồng đều nghiệm ra rằng: Đừng dại dột mà làm cho vợ giận, bởi vì cuối cùng đều phải xuống nước mà năn nỉ đến gãy cả lưỡi, cũng lại từ chết đến bị thương mà thôi.

 

Tiếp đến là trường hợp giận vợ

 

Kinh nghiệm cho hay tính hiếu thắng dường như là một cái gì đã được Tạo Hoá cài đặt sẵn trong máu huyết của phe đờn ông con giai. Vì thế, trong những cuộc “nội chiến”, anh chồng thường phấn đấu dành phần thắng cho bằng được, thậm chí đôi lúc không ngần ngại dùng đến chiến thuật cả vú lấp miệng em, mình sai mà vẫn cứ cãi chày cãi cối.

Hơn thế nữa, bản tính của đờn ông con giai vốn nóng nảy và thẳng thừng, vì thế đứng trước những bực bội, phản ứng của các anh chồng thường bộc phát một cách mãnh liệt bằng những lời chửi bới và bằng những hành động mang tính cách bạo lực, như thương cẳng chân hạ cẳng tay và để lại những đổ vỡ tan hoang, giống như hiện tượng cháy bùng trong hoá học, nổ tung làm tan xác pháo.

Bình thường, anh chồng vốn ít nói, nhưng khi đã điên tiết vì cơn giận bốc lên đầu và bị tẩu hoả nhập ma, thì lại hay nói to và nói tục với những lời lẽ cộc cằn và thô lỗ, để rồi khi hạ nhiệt và cơn giận tan đi, lại phải một phen uốn lưỡi xin lỗi chị vợ.

Ngoài ra, cũng không ít anh chồng còn xử lý bằng bạo lực, như đập vỡ nồi niêu xoong chảo, đánh đập đấm đá chị vợ. Rốt cuộc thì cũng lại từ chết đến bị thường, từ thua đến thua mà thôi.

Suy gẫm về thái độ “vũ phu chi cục mịch” này, gã thấy làm như vậy quả là vô cùng dại dột. Bởi vì khi tỉnh cơn mê, lại phải bỏ tiền ra mua sắm những nồi niêu xoong chảo đã bị đập bể. Nếu chị vợ bị đánh phun máu đầu, lại phải bỏ tiền bạc và thời giờ ra chạy chữa. Còn nếu chẳng may chị vợ…bị đi tàu suốt sang thế giới bên kia, thì chắc chắn ông chồng sẽ được luật pháp sờ vào gáy, cho ngồi nhà đá mà đếm lịch. Rồi tương lai gia đình và con cái sẽ như thế nào? Nheo nhóc và tan hoang là cái chắc.

Chính vì thế, một anh chồng đã thề quyết với bè bạn:

- Tớ hứa từ nay sẽ không bao giờ đánh vợ nữa. Tốn kém lắm!

Mọi người đều ngạc nhiên:

- Sao lại tốn kém?

Anh chồng buồn sầu trả lời:

- Vợ tớ thích làm đẹp, tớ hoàn toàn đồng ý. Nhưng càng ngày cô ấy càng quá đáng. Hôm trước cô ấy hỏi ý kiến để đi xâm môi, tớ không đồng ý, vì từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ môi vợ tớ đã thật dễ thương rồi. Mua son gì tớ cũng chịu, chứ đi xăm nó hâm hâm tái tái, như miếng thịt trâu ôi, nhìn thấy mà ghê. Tớ cương quyết: Em mà xâm môi, anh nhất định sẽ không bao giờ hôn em nữa. Đồ thật còn chẳng ăn, ai lại ăn đồ giả. Yên lặng được một thời gian, lần này cô ấy chẳng thèm hỏi han gì, qua mặt tớ cái vù. Các cậu thấy đấy, cái mũi của vợ tớ trước giờ vốn hênh hếch nhìn có duyên đáo để. Thế mà hôm nay cô ấy đem về trình diện tớ một cái mũi dọc dừa thẳng tưng, chóp mũi còn cao hơn cả cái trán. Tớ mở tủ xem ngân quĩ thì thấy thiếu mất mấy triệu đồng. Khổ quá! Đang dành tiền tính đổi cái xe đạp cà tàng cổ lỗ sắp thành sắt phế thải rồi. Cũng phải lên đời, chuyển hệ thành xe máy chứ. Tức quá, tớ gọi cô ấy lại, xáng cho nguyên một bạt tai. Của đáng tội, tớ đánh nhẹ thôi chứ đâu có mạnh tay. Lần đầu tiên kể từ khi cưới nhau, tớ đánh vợ tớ. Các cậu biết chuyện gì xảy ra không? Cái mũi “mỹ viện” của cô ấy lệch sang một bên, nhìn giống như một cục thịt thừa. Cô ấy soi vào gương mà cứ khóc thút thít khiến tớ ân hận quá chừng. Nắn mãi cũng không làm sao cho mũi ngay ngắn lại được. Đành phải chở vợ tớ tới mỹ viện, tốn thêm mấy triệu đồng nữa để họ chỉnh cái mũi lại như cũ. Tớ chỉ đánh vợ một lần duy nhất mà thôi, tởm tới già. Giận quá mất khôn. Tốn một lần chưa đủ hay sao mà lại muốn tốn thêm một lần nữa.

Kinh nghiệm sống sượng trên đây đáng cho mọi anh chồng vũ phu suy gẫm trong cung cách cư xử với chị vợ của mình. Làm thân đờn ông đã khó, còn làm anh “chồng giỏi chồng ngoan” lại càng khó hơn. Vì vậy, một anh chồng thấm thía sự thua lỗ mỗi khi đôi co với vợ, đã ví von bằng ngôn ngữ bóng đá như sau:

- Các anh chồng nên xác tín rằng cãi nhau với vợ chỉ là “đá giao hữu”, chứ không phải là đá ăn thua, một mất một còn. Phải biết thua trong danh dự mới là cao thủ, và sau đó chỉ sợ không đử sức nhận…”bồi thường chiến tranh” mà thôi.

Một anh chồng khác cũng đã rút tỉa, từ những lần “va chạm, cọ quẹt” với chị vợ, một kinh nghiệm để đời:

- Trong những cuộc “nội chiến” với vợ, không gì dại bằng giành phần thắng về cho mình, bởi lẽ ngay sau đó chắc chắn sẽ bị trừng phạt, sẽ bị trả đũa, sẽ bị dạy cho một bài học để biết thế nào là lễ độ. Cũng giống như dân An Nam ta ngày xưa, dù có anh dũng đánh thắng Trung Quốc, thì khi hoà bình trở lại, vẫn cứ phải triều cống và lệ thuộc, thì mới được yên thân!

Anh chồng này còn bật mí thêm hai điều thật quí giá:

- Một là vợ bao giờ cũng đúng. Hai là nếu vợ sai, thì phải nhẩm đi nhẩm lại cho tới lúc hoàn toàn xác tín vào điều một.

Chẳng thế mà các cụ ta ngày xưa đã từng bảo:

- Lệnh ông không bằng cồng bà. Vợ muốn là trời muốn.

Thậm chí còn xếp ông trời đứng sau lưng chị vợ:

- Nhất vợ, nhì trời.

Sở dĩ như vậy cũng dễ hiểu, bởi vì vợ lúc nào cũng có lý, cho dù là cái lý ngang như cua bò!

Trong một bài viết trên báo Phụ nữ Thứ sáu, số ra ngày 06.8.2010, tác giả Trần Trung Hoà cho biết: Trong một cuộc khảo sát 50 nữ sinh viên sắp ra trường với câu hỏi: Đức tính nào của người chồng mà phụ nữ thích hơn cả? Có đến 87% trả lời là thích tính hài hước. Vì vậy, khi tranh cãi với chị vợ,  các anh chồng không nên dùng lý lẽ sắc bén hay những câu nói gây tổn thương, mà chỉ nên tranh luận bằng thứ ngôn ngữ có tính hài hước. Đôi khi cũng phải miệng lưỡi chút xíu, vì đặc điểm của phụ nữ là ưa nịnh. Người phương Tây đánh giá cao những anh đờn ông giỏi “nịnh đầm”. Nhiều khi chỉ một câu nói pha trò là có thể tránh được cả một cuộc chiến đau đầu. Chẳng hạn khi chị vợ bảo nhất thiết phải có hành ngon để nấu ăn, tại sao anh chồng lại không mở miệng ra mà nói:

- Vợ anh nấu ăn, thì không cần hành vẫn cứ ngon ngất trời!

Hay:

- Anh đã cố đi tìm những năm cái chợ mà vẫn không tìm ra thứ hành ngon nhất. Chỉ toàn hành héo, anh sợ đem về, em lại mắng, nên không dám mua.

Chị vợ biết tỏng anh chồng nói ngoa, nhưng nghe đến câu “anh sợ đem về, em lại mắng”, thì làm sao mà còn giận, còn hờn được nữa. Lắm khi lại anh chồng lại còn được khoẻ re, bởi vì dẻo miệng lưỡi, khoẻ tay chân, vì khéo nói, nên chẳng phải làm chi cả.

Một anh bạn từ bên Mỹ vừa mới gửi về một bài thơ, để gã dùng làm tài liệu…ngâm kiú. Bà thơ mang tựa đề là “Sợ vợ” như sau:

Ngồi buồn kiếm chuyện nói chơi,

Nhất vợ nhì trời... là chuyện tự nhiên.

Đàn ông sợ vợ thì sang,

Đàn ông đánh vợ tan hoang cửa nhà.

Đàn ông không biết thờ bà

Cuộc đời lận đận kể là vứt đi.

Đàn ông sợ vợ ai khi,

Vợ mình, mình sợ xá gì thế gian!!!

Đàn ông khí phách ngang tàng,

Nghe lời vợ dạy là hàng trượng phu.

Đàn ông đánh vợ là ngu,

Tốn tiền cơm nước, ở tù như chơi.

Lấy nàng từ thuở mười nhăm,

Đến khi mười chín tôi đà năm con.

Nàng thì trông hãy còn son,

Tôi thì đinh ốc, bù lon rã rời.

Nắng mưa là chuyện của trời,

Tề gia nội trợ có tôi bao thầu.

Suốt ngày cày cấy như trâu,

Chiều về rửa chén cũng ngầu như ai.

Nấu cơm, đi chợ hàng ngày,

Bồng con, thay tã tôi đây vẹn toàn.

Lau nhà, lau cửa chẳng màng,

Ôi thời oanh liệt ngang tàng còn đâu.

Nhiều khi muốn hộc xì dầu,

Xin nàng nghỉ phép, nàng chau đôi mày.

Nàng đòi thi đấu võ đài,

Tung ra một chưởng, chén bay ào ào.

Nhớ xưa mình mới quen nhau,

Em ăn, em nói ngọt ngào dễ thương.

Cho nên tôi mới bị lường,

Mang thân ngà ngọc cậy nương nơi nàng.

Than ôi thực tế phũ phàng,

Mày râu một kiếp thôi đành đi đoong.

Một lòng thờ vợ sắt son,

Còn non còn nước thì tôi còn...thờ 

Để kết thúc, gã xin ghi lại một mẩu chuyện nho nhỏ “Tuy gần mà xa”, giúp cho bàn dân thiên hạ cùng suy gẫm, hầu bắc được một nhịp cầu cảm thông và tạo được một bàu khí đầm ấm trong gia đình của mình.

Có một nhà hiền triết đã hỏi các đệ tử rằng:

- Tại sao trong cơn giận dữ người ta thường phải hét thật to vào mặt nhau?

Sau một lúc suy nghĩ, một trong những đệ tử đã trả lời:

- Bởi vì người ta mất bình tĩnh, mất tự chủ!

 

Nhà hiền triết không đồng ý với câu trả lời, ngài bảo:

- Nhưng tại sao phải hét lên trong khi cả hai đang ở cạnh nhau, tại sao không thể nói với một âm thanh vừa phải đủ nghe?

Các đệ tử lại phải ngẫm nghĩ để trả lời, nhưng không câu giải thích nào khiến vị thầy của họ hài lòng. Sau cùng ông bảo:

- Khi hai người đang giận nhau, thì trái tim của họ không còn ở gần nhau nữa. Từ trong thâm tâm, họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe, thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật to. Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, họ càng phải nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.

            Ngưng một chút, ngài lại hỏi:

- Còn khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào?  Họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, tại sao?  Bởi vì trái tim của họ cận kề nhau.  Khoảng cách giữa họ rất nhỏ.

Rồi ngài lại tiếp tục:

- Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà, thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ đã đến rất gần nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng ngay cả thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, thế thôi! Và qua ánh mắt đó, họ đã biết đối phương nghĩ gì và muốn gì?

Và nhà hiền triết kết luận:

- Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề, hãy giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận kề. Đừng bao giờ thốt ra điều gì khiến các con cảm thấy xa cách nhau. Nếu không, thì sẽ có một ngày, khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng lúc càng xa và các con sẽ không còn tìm được đường quay trở lại với nhau.

Thật là trên cả tuyệt vời!!!

Gã Siêu   gasieu@gmail.com

 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************