Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 162, Chúa Nhật 15.01.2012


MỤC LỤC 

Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội (tiếp theo)                                                                     Vatican 2

ĐỌC KINH THÁNH như thế nào trong thực hành LECTIO DIVINA?  Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

SUY NIỆM VỀ LỄ BA VUA                                                                     Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

Thư Mục vụ của Tòa Giám mục Nha Trang và Thông báo của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội về tiến trình tuyên phong Á thánh và Hiển thánh cho Vị Tôi tớ Chúa, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

GIÁO HỘI NÀO LÀ GIÁO HỘI THẬT CỦA CHÚA KITÔ ?                             Lm PX. Ngô Tôn Huấn

“NGƯƠI MÀ XÂY NHÀ CHO TA SAO ?”                                                  Lm. VĨNH SANG, DCCT

CHUYẾN XE ĐÒ                                                                                                  Br. Huynhquảng

TÌM HIỂU HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (2)                                  Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

Các dấu hiệu khủng hoảng trong đời sống và sứ vụ của linh mục giáo phận                        Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss

SỰ CAO CẢ CỦA TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG                  Lm. Minh Anh biên tập

VIÊM GAN B                                                                                                Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

KHI VỢ HƠN CHỒNG                                                                        Chuyện phiếm của Gã Siêu


Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội (tiếp theo)

 

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội

Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chương III

Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội

Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục

(tiếp theo)

 

28. Các linh mục trong mối tương quan với Chúa Kitô, với các Giám Mục, với anh em Linh Mục và với dân Chúa. 37* Ðược Chúa Cha thánh hóa và phái đến thế gian (x. Gio 10,36), Chúa Kitô nhờ các Tông Ðồ, đã làm cho các Giám Mục, những vị kế nghiệp các Tông Ðồ, có thể tham dự vào việc cung hiến và vào sứ mạng của mình 62. Các Giám Mục lại giao nhiệm vụ thừa tác của mình một cách hợp pháp cho nhiều phần tử trong Giáo Hội theo từng cấp bậc. Như thế, thừa tác vụ do Thiên Chúa thiết lập trong Giáo Hội được thi hành bởi những người có chức vụ khác nhau mà từ xưa được gọi là Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế 63. Linh Mục, dù không có quyền tư tế tối cao và tùy thuộc Giám Mục khi thi hành quyền bính, cũng hiệp nhất với Giám Mục trong tước vị Linh Mục 64. Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh 65, linh mục được cung hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, thầy cả Thượng Phẩm vĩnh viễn (x. Dth 5,1-10; 7,24; 9,11-28), để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước 66. Theo cấp bậc thừa tác của mình tham dự vào nhiệm vụ Chúa Kitô, Ðấng trung gian duy nhất (x. 1Tm 2,5), các linh mục loan báo lời Thiên Chúa cho mọi người. Nhưng các ngài thực thi thánh vụ mình cách tuyệt hảo nhất là trong Thánh Lễ hoặc cộng đồng tạ ơn, trong đó, các ngài thay thế Chúa Kitô 67 công bố mầu nhiệm của Chúa, kết hợp với ước nguyện của tín hữu vào hy lễ của thủ lãnh và trong hy tế Thánh Lễ, hiện tại hóa và áp dụng hy lễ duy nhất của Tân Ước 68, là của lễ tinh tuyền đã một lần tự dâng hiến lên Chúa Cha (x. Dth 9,11-28), cho tới ngày Chúa trở lại (x. 1Cor 11,26). Linh mục chu toàn cách tuyệt hảo chức vụ giao hòa và an ủi đối với các tín hữu thống hối và bệnh tật. Linh mục dâng lên Chúa Cha các nhu cầu và lời khẩn nguyện của các tín hữu (x. Dth 5,1-3). Trong quyền hạn mình, linh mục thi hành nhiệm vụ Chúa Kitô mục tử và thủ lãnh 69, tụ họp gia đình Thiên Chúa là cộng đoàn huynh đệ có cùng một tâm hồn 70, và nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, dẫn đưa cộng đoàn ấy về với Thiên Chúa Cha. Linh mục thờ lạy Thiên Chúa trong tinh thần và trong chân lý giữa đoàn chiên (x. Gio 4,24). Sau hết, vất vả truyền giáo và dạy dỗ (x. 1Tm 5,17), linh mục tin những gì ngài đã đọc thấy và suy niệm trong lề luật Chúa, dạy dỗ những gì mình tin và thực hành những điều mình dạy 71.

Là cộng sự viên khôn ngoan, là phụ tá và là dụng cụ của hàng Giám Mục 72, linh mục được kêu gọi để phục vụ Dân Thiên Chúa. Các ngài hợp với Giám Mục mình tạo thành linh mục đoàn duy nhất với nhiều chức vụ khác nhau 73. Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục, là hiện thân của Giám Mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, lãnh nhận phần chức vụ cùng chia xẻ nỗi lo lắng của Giám Mục và hằng ngày ân cần thi hành chức vụ ấy. Dưới quyền Giám Mục, linh mục thánh hóa và dẫn dắt một phần đoàn chiên Chúa trao phó cho mình, làm cho người ta thấy được Giáo Hội phổ quát ngay tại địa phương mình, góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng toàn thân thể Chúa Kitô (x. Eph 4,12). Luôn mưu cầu ích lợi cho con cái Thiên Chúa, linh mục phải hăng hái tham gia công cuộc mục vụ của cả giáo phận, hơn nữa của toàn thể Giáo Hội. Vì tham dự vào chức linh mục và vào sứ mệnh của Giám Mục, linh mục phải thực sự xem ngài như cha mình và phải kính cẩn vâng phục ngài. Phần Giám Mục cũng phải coi sóc các linh mục cộng tác với mình như con cái và bạn hữu, như Chúa Kitô không gọi môn đệ là tôi tớ, nhưng là bạn hữu (x. Gio 15,15). Do đó, tất cả các linh mục triều cũng như dòng, bởi chức thánh và thừa tác vụ, được nối kết vào Giám Mục Ðoàn và phục vụ cho lợi ích của toàn thể Giáo Hội tùy theo ơn gọi và ân sủng riêng.

Một tình huynh đệ thắm thiết nối kết tất cả các linh mục với nhau vì cùng tham dự một chức thánh và một sứ mệnh chung. Tình huynh đệ đó phải bộc lộ một cách tự phát tự nguyện qua sự tương trợ cả tinh thần lẫn vật chất, trong phạm vi mục vụ cũng như trong phạm vi cá nhân, trong các buổi hội họp, cũng như trong sự hiệp thông với nhau qua đời sống, việc làm và tình bác ái.

Linh mục phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Kitô, vì đã sinh ra họ cách thiêng liêng nhờ phép Thánh Tẩy và giáo huấn (x. 1Cor 4,15 và 1P 1,23). Nêu gương cho đoàn chiên (1P 5,3), linh mục phải làm sao hướng dẫn và phục vụ cộng đoàn địa phương của mình, để họ xứng đáng mang danh hiệu Giáo Hội Thiên Chúa (x. 1Cor 1,2; 2Cor 1,1) là danh hiệu riêng biệt của toàn thể Dân Thiên Chúa là Dân duy nhất. Linh mục hãy nhớ rằng mình phải tỏ ra cho tín hữu và lương dân, cho người công giáo và ngoài công giáo thấy gương mặt của một thừa tác vụ thực sự tư tế và mục vụ, phải minh chứng cho mọi người thấy chân lý và sự sống. Như mục tử tốt lành, linh mục còn phải đi tìm (x. Lc 15,4-7) những người đã lãnh nhận phép Thánh Tẩy trong Giáo Hội công giáo nhưng đã xao lãng không lãnh nhận các bí tích hay nhất là đã mất đức tin.

Ngày nay, vì nhân loại ngày càng hiệp nhất về dân sự, kinh tế và xã hội, nên các linh mục càng phải loại trừ mọi mầm mống chia rẽ, phải nối kết cố gắng và khả năng mình dưới sự hướng dẫn của các Giám Mục và Giáo Hoàng, để toàn thể nhân loại hiệp nhất trong gia đình Thiên Chúa. 38*

29. Các phó tế. Ở bậc thấp hơn của hàng giáo phẩm, có các phó tế, những người đã được đặt tay "không phải để lãnh nhận chức vụ linh mục, nhưng là để phục vụ" 74. Thực vậy, được ân sủng bí tích bồi bổ, các phó tế, hiệp thông với Giám Mục và Linh Mục Ðoàn, phục vụ Dân Thiên Chúa bằng việc phụng vụ, giảng dạy, và bác ái. Khi được những vị có thẩm quyền chỉ định, các phó tế được cử hành trọng thể phép Thánh Tẩy, giữ và trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội chứng kiến và chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh Kinh cho tín hữu, giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ tọa việc phụng tự và kinh nguyện của tín hữu, cử hành các á bí tích, chủ tọa lễ nghi tang chế và an táng. Ðược phong chức để lo việc bác ái và việc quản trị, phó tế phải nhớ lời nhắn nhủ của Thánh Polycarpô: "Hãy tỏ lòng nhân hậu, nhiệt thành, và hãy bước theo chân lý của Chúa, Ðấng đã làm tôi tớ mọi người" 75.

Thực ra, trong nhiều nơi, vì kỷ luật hiện hành của Giáo Hội La tinh có thể làm trở ngại việc chu toàn những nhiệm vụ đó, những nhiệm vụ rất cần thiết cho đời sống Giáo Hội, nên trong tương lai, chức phó tế có thể được tái lập như một bậc riêng và vĩnh viễn thuộc phẩm trật. Các nhóm Giám Mục địa phương, dưới những hình thức khác nhau, với sự chấp thuận của chính Ðức Giáo Hoàng, có đủ thẩm quyền để xét xem có nên bổ nhiệm các phó tế ấy và bổ nhiệm ở đâu, để họ coi sóc các linh hồn. Với sự đồng ý của Ðức Giáo Hoàng, các Ngài có thể phong chức phó tế cho những người đàn ông đứng tuổi, dù đã kết hôn, cũng như cho các thanh niên có khả năng, nhưng các thanh niên này phải giữ vững luật độc thân. 39*

 


Chú Thích:

39 Xem CÐ Trentô sắc lệnh De Reform., khóa V, ch. 2, số 9, và khóa XXIV, đ.th. 4: Conc. Oec. Decr., trg 645 và 739.

40 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Dei Filius, 3: Dz 1712 (3011). Xem ghi chú kèm theo Lược Ðồ I về De Eccl. (trích từ Thánh Rob. Bellarminô): Mansi 51, 579C, và Lược Ðồ đã được sửa đổi của Hiến Chế II De Eccl. Christi, với phần chú giải củ Kleutgen: Mansi 53, 313 AB. Ðức Piô IX, Thư "tuas libenter": Dz 1683 (2879).

41 Xem CIC các kh. 1322-1323.

42 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Pastor Aeternus: Dz 1839 (3074).

43 Xem giải nghĩa của Gasser trong CÐ Vat. I : Mansi 52. 1212 AC.

44 Xem Gasser n.v.t.: Mansi 1214A.

45 Xem Gasser n.v.t.: Mansi 1215 CD, 1216-1217 A.

46 Xem Gasser n.v.t. : Mansi 1213.

47 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Pastor aeternus, 4: Dz 1836 (3070).

48 Lời nguyện lễ tấn phong Giám Mục theo nghi lễ Bizantinô: Euchologion to mega Roma, 1873, trg 139.

49 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Smyrn. 8,1: x.b. Funk I, trg 282.

50 Xem CvTđ 8,1; 14,22-23; 20,17 và nhiều chỗ khác.

51 Lời nguyện Tây Ban Nha: PL 96, 759B.

52 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Smyrn. 8,1: x.b. Funk, I, trg 282.

53 T. Tôma, Summa Theol. III, q. 73, a. 3.

54 Xem T. Augustinô, C. Faustum, 12, 20: PL 42, 265; Serm. 57, 7: PL 38, 389, v.v...

55 T. Leô Cả, Serm. 63, 7: PL 54, 357C.

56 Xem Traditio Apostolica của Hippolytô, 2-3: x.b. Botte, trg 26-30.

57 Xem đoạn "khảo duyệt" ở đầu lễ tấn phong Giám Mục và kinh nguyện sau lễ tấn phong Giám Mục, sau Te Deum.

58 Xem Benedictô XIV, Br. Romana Ecclesia, 5-10-1752, đoạn 1 Bullarium Benedicti XIV, bộ IV, Roma 1758, 21: "Giám Mục thay mặt Chúa Kitô và chu toàn công cuộc của Ngài". Piô XII, Tđ. Mystici Corporis, n.v.t., trg 211: "mỗi Giám Mục chăn dắt và điều khiển đoàn chiên được giao phó nhân danh Chúa Kitô".

59 Xem Leô XIII, Tđ. Satis cognitum, 29-6-1896: AAS 28 (1895-96), trg 732, n.v.t., thư Officio Sanctissimo, 22-12-1887: AAS 20 (1887), trg 264. Piô IX, Tông thư gửi các Giám Mục Ðức, 12-3-1875 và huấn từ 15-3-1875: Dz 3112-3117 trong lần phát hành mới.

60 Xem CÐ Vat. I: Hiến Chế tín lý Pastor aeternus, 3: Dz 1828 (3061). Xem bài phúc trình của Zinelli: Mansi 52, 1114 D.

61 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Ad Ephes. 5,1 : x.b. Funk, I, trg 216.

37* Tiểu mục 4: Những cộng tác viên của Giám Mục (các số 28-29).

Công Ðồng biên soạn và khai triển đoạn này trong những cuộc bàn cãi vào tháng 9 năm 1964. Về linh mục, số 29 còn được bổ túc và minh định qua Sắc Lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (các số 28-35). Công Ðồng chưa có thời giờ quảng diễn một khoa thần học về chức linh mục thừa tác, nên tạm thời chỉ nói sơ qua khi bàn về chức Giám Mục. Sự liên lạc giữa hai bên khiến Công Ðồng liệt kê được những quả quyết chính yếu trong những số này để kết thúc cho một chương khá dài, đòi nhiều công phu.

62 Xem T. Inhatiô tử đạo, Ad Ephes. 6,1: x.b. Funk I, trg 218.

63 Xem CÐ Trentô, khóa 23, De Sacr. ord., ch. 2: Dz 958 (1765) và đ. th. 6: Dz 966 (1776).

64 Xem Innocentiô I, Epist. ad Decentium: PL 20, 554A; Mansi 3, 1029; Dz 98 (215): "Linh mục tùy thuộc và hàng tư tế bậc thấp, nên không có quyền tư tế tối cao". T. Cyprianô, Epist. 61, 3: x.b. Hartel, trg 696.

65 Xem CÐ Trentô, n.v.t.: Dz 956-968 (1763-1778), và đặc biệt đ.th. 7: Dz 967 (1777). Piô XII, Tông hiến Sacramentum Ordinis: Dz 2301 (3857-61).

66 Xem Innocentiô I, n.v.t. - T. Gregoriô Naz., Apol. II, 22: PG 35, 432 B. Dionysiô Giả, Eccl. Hier., 1,2: PG 3,372 D.

67 Xem CÐ Trentô, khóa 22: Dz 940 (1743). Piô XII, Tđ. Mediator Dei, 20-11-1947: AAS 39 (1947), trg 553; Dz 2300 (3850).

68 Xem CÐ Trentô, khóa 22: Dz 938 (1739-40) - CÐ Vat. II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosancium Concilium số 7 và 47: AAS 56 (1964), trg 100-113.

69 Xem Piô XII, Tđ. Mediator Dei, n.v.t., số 67.

70 Xem T. Cyprianô, Epist. 11,3: PL 4,242B; x.b. Hartel II, 2, trg 497.

71 Xem Pontificate Romanum, lễ truyền chức linh mục: lúc mặc áo lễ.

72 n.v.t.: kinh tiền tụng.

73 Xem T. Inhatiô Tử đạo, Philad. 4: x.b. Funk I, trg 266. T. Corneliô I, trong T. Cyprianô, Epist. 48, 2: Hartel III, 2, trg 610.

38* Số 28: Về Linh Mục.

Công Ðồng không muốn đề cập đến những vấn đề thuộc khoa chú giải do Tân Ước đặt ra, nhưng chỉ muốn xác định điều này: các linh mục, vì là những thừa tác viên cộng tác với Giám Mục, nên được tham dự vào quyền hành và sứ mệnh mà Chúa Kitô đã trao ban cho các Tông Ðồ.

- Tương quan giữa linh mục Chúa Kitô: tùy theo mức độ thừa tác vụ, linh mục tham dự vào nhiệm vụ Chúa Kitô là Vị Trung Gian duy nhất, nhiệm vụ được thi hành trong việc tế tự và trong công hội: thừa tác vụ của ngài là dâng Thánh Lễ, dẫn dắt đoàn chiên, dùng bí tích mà thánh hóa, rao giảng Lời Chúa.

- Tương quan giữa linh mục và Giám Mục: lặp lại hình thức linh mục đoàn ngày xưa, nghĩa là các linh mục tập trung quanh Giám Mục để cùng lãnh trách nhiệm chung là truyền bá Phúc Âm. Giám Mục phải sống tình cha con, còn linh mục phải vâng lời và tuân phục. Chức tư tế của linh mục tùy thuộc và tham dự vào chức tư tế của Giám Mục. Linh mục cộng tác vào công cuộc truyền bá Phúc Âm có tính cách tập đoàn.

- Tương quan giữa linh mục với nhau: Công Ðồng mời gọi các linh mục cộng tác với nhau về mặt thiêng liêng, mục vụ và cả trong những công việc trần thế.

- Tương quan giữa linh mục và tín hữu: linh mục quan tâm đến việc giúp đỡ các tín hữu trong Giáo Hội địa phương, nhưng cũng không quên lo cho những người còn ở ngoài Giáo Hội, và những Kitô hữu không còn sống đạo.

Ðể kết luận, Công Ðồng ước mong mọi linh mục phải nỗ lực duy trì và phát huy sự hiệp nhất với nhau và với Giám Mục, vì Phúc Âm và thế giới hôm nay đòi hỏi như thế.

74 Const. Eccl. Aegyptiacae III, 2: x.b. Funk, Didascalia II, trg 103. - Statuta Eccl. Ant. 37-41: Mansi 3,954.

75 T. Polycarpô, Ad Phil. 5,2: x.b. Funk I, trg 300: "Chúa Kitô tự hạ được gọi là Ðấng Phó Tế mọi người". Xem Didachê 15,1: n.v.t., trg 32. T. Inhatiô Tử đạo, Trall. 2,3: n.v.t., trg 242. Const. Apostolorum, 8,28,4 : x.b. Funk, Didascalia I, trg 530.

39* số 29: Về Phó Tế.

Bản văn công phu được lặp lại hầu như hoàn toàn trong kỳ họp thứ III của Công Ðồng, gồm hai phần:

- Nhiệm vụ của phó tế: Công Ðồng dè dặt khi nói đến bí tích tính của chức phó tế, vì còn một số người phân vân chưa quyết định, nên Công Ðồng không muốn làm cản trở cho công cuộc tìm hiểu thêm. Ðặc điểm của chức phó tế là phục vụ Giám Mục và linh mục đoàn. Phục vụ trong ba lãnh vực: phụng vụ, rao giảng lời Chúa và thực thi bác ái.

- Tái lập phó tế như một chức thường xuyên. Công Ðồng chỉ quả quyết là có thể tái lập ở những nơi mà nhu cầu mục vụ đòi hỏi.

Việc tái lập như thế có tính cách địa phương hơn là cho toàn thế giới, và do quyết định của hội đồng Giám Mục địa phương với sự chấp thuận của Giáo Hoàng. Về luật độc thân, phải phân biệt hai trường hợp: người đứng tuổi có thể đã lập gia đình, còn các thanh niên phải giữ luật độc thân. Bản phúc trình giải thích quyết định này như sau: lược đồ không chủ trương đòi các phó tế phải có gia đình, dù ở nơi nào cũng vậy, nhưng chỉ muốn dễ dãi đối với việc truyền chức phó tế cho người có gia đình khi xét ra cần thiết hay hữu ích.

 

VỀ MỤC LỤC
ĐỌC KINH THÁNH NHƯ THẾ NÀO TRONG THỰC HÀNH LECTIO DIVINA?
  

Đọc Kinh Thánh trong thực hành Lectio divina quả thực là một cuộc chiến bền bỉ. Để đạt được mục đích, người thực hành Lectio divina cần phải có quyết tâm. Truyền thống đan tu cả Đông lẫn Tây Phương trong lãnh vực này đều để lại cho chúng ta những bài học, những lời khuyên chí lý không từ những lý thuyết, nhưng từ những trải nghiệm quý báu. Sau đây là 10 đặc tính mà người thực hành Lectio divina cần phải có:

  1- Hứng khởi (libenter, enthousiasme)

  2- Cẩn trọng (prudenter, prudence)

  3- Khôn ngoan (sapienter, Intelligence)

  4- Kiên trì (constanter, incessanter, constance)

  5- Chú tâm (solliciter, attention)

  6- Nhiệt thành (ardenter, ardeur)

  7- Tôn kính (cum honore et timore, respect)

  8- Trọn vẹn (ex integro, entièrement)

  9- Trong cộng đoàn, trong hiệp thông
      
(in communione, en communauté)

10- Quyết tâm đem ra thực hành

(efficaciter comple, avec la ferme volonté de mettre cette lecture en pratique).

 

Đó là 10 điều tâm niệm cho các môn đệ của LỜI.

Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist


VỀ MỤC LỤC
SUY NIỆM VỀ LỄ BA VUA
 

(Bài đọc: Isaiah 60:1-6; Epheso 3:2-3a; PhúcÂm: Math 2:1-12)

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh  

Lễ BA VUA hay là LỄ HIỂN LINH, tức lễ kỷ niệm ba nhà đạo sĩ đến thờ lạy Chúa Hài Đồng Giêsu, cũng được gọi là lễ Chúa Tỏ Mình Cho Dân Ngoại. Chúa tỏ mình cho dân ngoại thế nào? Làm sao để nhận ra Chúa?

 

CỰU ƯỚC NÓI VỀ CHÚA RA ĐỜI 

Khi nghe các bài đọc về phụng vụ trong lễ Ba Vua ai mà không cảm thấy rúng động với cảnh tráng lệ huy hoàng nơi thị thành, ánh sáng chan hòa chiếu tỏa khắp phố phường, đặc biệt là quang cảnh mà tiên tri Isaiah đã mô tả. “Hỡi Jerusalem, hãy vùng dậy trong huy hoàng; ánh sáng của ngươi đã đến, vinh quang Thiên Chúa chiếu rọi trên ngươi. Hãy trông kìa, bong tối bao phủ tràn lan mặt đất, mây mù bao phủ muôn dân. Nhưng Thiên Chúa chiếu sáng trên ngươi và trên ngươi là vinh quang của Chúa…” (60:1-6). Những dân ngoại đến từ những phương trời xa xôi nhờ ánh sáng chiếu toả trên thành Jerusalem hướng dẫn. Họ mang tặng vật đi theo cùng với con trai và con gái của Thị Trấn Thánh này! Mặc dù bóng tối bao phủ muôn dân, nhưng vinh quang Chúa đã bừng sáng chiếu tỏa như bình minh ban mai. Làm sao chúng ta có thể diễn tả đúng mức và đầy đủ nỗi vui mừng khi chúng ta hân hoan đón chào Chúa Giáng Sinh Ra Đời!

 

TÂN ƯỚC BÁO TIN CHÚA GIÁNG SINH 

Câu chuyện Tin Mừng thánh Mathew kể về Ba Vua được ngôi sao dẫn đường đến thờ lạy Chúa Hài Đồng (2:1-12) cho chúng ta thấy đã lấp ló một cuộc phấn đấu tất nhiên là căm go khi mà Thiên Chúa tỏ mình cho muôn dân qua Chúa Kitô. Nếu đọc câu chuyện thật cẩn thận và để ý một chút, chúng ta sẽ thấy đây không phải đơn thuần là câu chuyện kể về một hài nhi, mà là một câu chuyện khá bi thảm về một người lớn. Làn ranh chiến trận đã được vạch ra và quân đội đã sẵn sàng. Một hài nhi bé nhỏ khi vừa chào đời thì đồng thời cũng là lúc phải đối đầu với chết chóc do quyền lực thế gian. Chúa Giêsu đã là mối đe dọa đối với Herod và mọi thế quyền: một đàng là ngai vàng của ông vua, một đàng là cả một đế quốc tôn giáo của nhiều người khác ….

 

BA VUA NHẬN RA CHÚA VÀ CUỘC HÀNH TRÌNH 

Tại quê hương xa vời, ở những miền đất xa lạ, ba nhà đạo sĩ họ có thể sống bình thản hưởng thụ cảnh vua chúa quan quyền một cách thoải mái, nhưng họ bồn chồn băn khoăn  trong lòng cảm thấy như thiếu thốn một cái gì. Thế là họ chấp nhận khó khăn hiểm nguy làm một cuộc hành trình viễn xứ để tìm cho ra chân lý cuộc đời, môt viễn tượng đầy hứa hẹn. Không như những kẻ chăn chiên nghèo hèn, ba vị đạo sĩ đã phải làm một cuộc hành trình dài, phải đối diện với biết bao nghịch cảnh trên đường tìm kiếm lý tưởng. Những kẻ chăn chiên chúng cũng nhận ra những nghịch cảnh như những phương tiện giúp chúng chuẩn bị tâm hồn để chấp nhận sứ điệp của các thiên thần. Chúng đã vượt qua mọi sợ hãi, và tiến bước đi về Bethlehem để gặp Chúa Kitô Hài Đồng.

Đối với ba vua, cuộc hành trình đi về Bethlehem quả là khó khăn hơn nhiều vì đường xá xa xôi lại hiểm trở. Đây không phải là một cuộc hành hương để vui chơi, hoặc gặp gỡ lãng mạng tình cảm mà chúng ta thường thấy nơi quang cảnh hang đá máng cỏ ngày nay.  Ba vua không phải là những người mộng tưởng hay những nhân vật, những biểu tượng bất thường về tôn giáo; nhưng các ngài là những người thực tâm chấp nhận hy sinh cả tiền bạc, thời giờ, nghị lực và, có lẽ cả mạng sống mình để tìm cho ra được người có thể đem lại hòa bình đích thực.

 

CỰU ƯỚC/JERUSALEM, DẤU CHỈ CHO DÂN NGOẠI NHẬN BIẾT CHÚA 

Ba vua đã hoàn toàn không bị lạc trên đường tới Jerusalem. Thị trấn hoa lệ này cũng không thể làm cho cuộc hành hương của các ông bị ngưng trệ. Trái lại, từ Jerusalem, họ đã đổi hướng để đi Bethlehem. Những nhân vật này từ phương Đông, đúng nghĩa là những người ngoại quốc, họ được hướng dẫn không phải do sự khôn ngoan và hiểu biết về thiên văn qua các vì sao, mà còn được chỉ bảo bởi Kinh Thánh / Cựu Ước. Ý nghĩa của cựu ước rất là quan trọng: Chúa Kitô đã kêu gọi muôn dân của mọi quốc gia, dân ngoại cũng như dân Do Thái là phải theo Ngài. Chúng ta có thể nói rằng Jerusalem và Cựu Ước chính là điểm mốc khởi hành đối với dân ngoại trên đường hành hương đi tìm Niềm Tin vào chúa Giêsu. Dân chúng trong thị trấn vĩ đại này, và ngay cả chính vua Herod cũng đã là dụng cụ chỉ đường cho ba nhà đạo sĩ tìm đến với Chúa Kitô.

 

ĐÂU LÀ ĐIỂM KHỞI HÀNH CỦA CHÚNG TA ĐỂ TÌM VỀ CHÚA 

Việc này có ý nghĩa gì đối với cuộc hành hương đi tìm sự thật của chúng ta ngày nay? Quá hiển nhiên rồi, Cựu Ước phải là trung tâm điểm của cuộc hành trình của chúng ta để đến với chúa Kito; phải chăng những thị trấn của chính chúng ta, tâm hồn chúng ta với những hỗn loạn và nghi hoặc, không thể được dùng làm khởi điểm di hành đi tìm niềm tin của chúng ta? 

Trung tâm điểm của toàn thể câu chuyện Tin Mừng với những tương phản nằm tại Hài Nhi Giêsu ở Bethlehem chính là Niềm Vui. Herod  e ngại, sợ “dân chúng quá vui mừng”. Anh em đừng sợ, tôi báo tin mừng trọng đại cho anh em, cũng là tin mừng cho muôn dân.. (Luc 2:10). Theo Tin Mừng thánh Mathew thì chúng ta không biết cái gì đã xẩy ra cho ba vua khi họ trở về xứ sở của họ, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng họ đã thay đổi. Bởi vì họ đã khám phá ra, thấy rằng ở Jerusalem và Bethlehem không có một Chúa cho nước này hay nước kia nữa, cũng không có một tiên tri phát sinh ra ở một miền xa xôi nào đó, nhưng là đã có một Thiên Chúa là đấng Cứu Chuộc nhân loại đã hiện hình làm người bằng xương bằng thịt. Đó là đấng Cứu Thế, là Niềm Vui cho nhân loại. 

Cuối cùng, ba vua đã đi theo con đường riêng của mình trở về nước, bởi vì họ không còn bị mê hoặc hồ nghi nữa, họ cảm thấy ngỡ ngàng vì nỗi vui mừng quá lớn lao và, ngôi sao dẫn đường cho họ đến đây giờ này lại hiện ra tiếp tục chỉ đường dẫn lối cho họ đi về. Đây không phải chỉ là dấu chỉ của thời đại chúa Giêsu sinh ra, mà còn là dấu chỉ của thời đại ngày nay của chúng ta. Khi chúng ta tìm ra được niềm vui lâu bền giữa vòng tròn quanh quẩn với những buồn rầu, nghi hoặc, thất vọng, dửng dưng và vô nghĩa…thì cách duy nhất phải làm là chúng ta quỳ gối và tôn thờ

Lạy Ba Vua (Gaspar, Melchior và Balthasar), xin hãy chúc bình an và ban lòng khiêm tốn tràn đầy tâm hồn chúng tôi, gia đình chúng tôi! Khi chúng tôi nghe thấy tiếng gọi của tử thần, của sợ hãi và nghi hoặc, chớ gì chúng tôi có được can đảm tiếp tục đi theo con đường của chúng tôi….và vui mừng, bởi vì chúng tôi đã thấy và đã kinh qua sự huy hoàng cao cả của Thiên Chúa.

 

ĐÔI LỜI KẾT 

Để kết thúc , chúng tôi muợn lời thánh  nữ Teresa Benedicta Thánh Giá, viết về mầu nhiệm Giáng Sinh làm lời suy niệm:

“Quì gối chung quanh hang đá là hình ảnh của Ánh Sáng: Những đứa trẻ đơn sơ dịu dàng, những mục đồng đầy tin tưởng, những ông vua khiêm cung, Stephen,  môn đệ nhiệt tình, và Gioan, môn đệ của tình yêu, tất cả những người đã nghe theo tiếng gọi của Chúa. Họ là kẻ thù của đêm tối cố chấp và mù quáng: các thánh sử là những người thực sự biết đấng Cứu Chuộc nhân loại sinh ra ở đâu và lúc nào, nhưng các ngài sẽ không đưa ra kết luận là: ‘Chúng ta hãy về Bethlehem,’ Vua Herod là người muốn giết Chúa. Con đường tỏa đi từ Chúa Hài Đồng nơi máng cỏ…..” 

Có người chọn con đường đi đến Sự Sống, có người chọn con đường đi đến Sự Chết. Ngày nay khi chúng ta rời xa máng cỏ Chúa Hài Đồng là Vua, xin hãy hy sinh hiến mình cho lý tưởng của cuộc sống là trung tâm điểm của niềm vui Giáng Sinh. Nhất quyết đi theo con đường LÝ TƯỞNG, con đường của NIỀM TIN ở Chúa Kitô đã sinh ra làm người và chịu chết trên thập giá, không để cho thế quyền lung lạc hoặc chạy theo thế quyền và bả vinh hoa bội phản Chúa.  

Fleming Island, Florida

Jan.5, 2012

NTC

VỀ MỤC LỤC
Thư Mục vụ của Tòa Giám mục Nha Trang và Thông báo của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội về tiến trình tuyên phong Á thánh và Hiển thánh cho Vị Tôi tớ Chúa, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
 

WHĐ (11.01.2012) – Tiếp theo Thông báo của Tòa Tổng giám mục TP.HCM liên quan đến tiến trình phong Á thánh và Hiển thánh cho Vị Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Tòa Giám mục Nha Trang và Tòa Tổng Giám mục Hà Nội cũng có Thư Mục vụ và Thông báo mời gọi mọi người cầu nguyện cho tiến trình này được sớm hoàn thành cũng như làm chứng về sự thánh thiện và nhân đức của Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê.

Riêng tại giáo phận Nha Trang, Đức giám mục giáo phận đã thành lập một Ban đặc biệt do Đức Ông Tổng đại diện làm Trưởng ban, có nhiệm vụ tìm hiểu, phổ biến những nét chính yếu về cuộc sống thánh thiện và các nhân đức anh hùng của Vị Tôi tớ Chúa. Ngoài ra giáo phận Nha Trang cũng hình thành một phái đoàn nhằm đáp ứng yêu cầu của Toà Thánh trong tiến trình tuyên phong Á thánh và Hiển thánh cho Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê.

Theo thông tin của Tòa Giám mục Nha Trang và Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, trong thời gian ở Việt Nam từ ngày 23 tháng 3 đến ngày 9 tháng 4 năm 2012, Phái đoàn của Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình sẽ đến Nha Trang từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 3 và đến Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 4.

Sau đây là Thư Mục vụ của Tòa Giám mục Nha Trang và Thông báo của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội.

 

Toà Giám Mục Nha Trang

22 Trần Phú

Nha Trang – Việt Nam

Tel. 058. 3523 842

Fax. 058. 3522 494

E-mail: tgmntrang@gmail.com

 

THƯ MỤC VỤ

VỀ TIẾN TRÌNH TUYÊN PHONG Á THÁNH VÀ HIỂN THÁNH

CỦA ĐỨC HỒNG Y TÔI TỚ CHÚA PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN


Kính gửi:

Đức Cha Phaolô,

Đức Ông Tổng đại diện, Quý Đức Ông,

Quý Cha Đại diện Giám mục, Quý Cha Quản Hạt,

Quý Cha, Quý Bề trên các Hội dòng,

Quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh và anh chị em giáo dân trong gia đình Giáo phận Nha Trang,
 

1. Ngày 22 tháng 10 năm 2010, tại Rôma, theo thỉnh nguyện của Hội Đồng Toà Thánh về Công Lý và Hoà Bình, Giáo Phận Roma đã chính thức mở án phong Á thánh và Hiển thánh cho Đức Hồng Y Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài đã là Giám Mục Giáo phận Nha Trang từ năm 1967 đến năm 1975 và cho đến cuối đời, Ngài vẫn luôn nhớ đến và yêu mến Giáo Phận Nha Trang chúng ta. Vì thế, sự kiện Toà Thánh lập án phong thánh cho Ngài là niềm vinh dự lớn lao cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đặc biệt cho Giáo phận Nha Trang.

2. Theo quy định của Giáo Hội, để được tuyên phong Á thánh và Hiển thánh, vị Tôi Tớ Chúa phải được Giáo Hội nhìn nhận là người có danh thơm tiếng tốt về sự thánh thiện và những nhân đức anh hùng. Giáo Hội muốn lắng nghe, tìm hiểu và nghiên cứu những chứng từ của các chứng nhân về Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê.

3. Trong lá thư ngày 13 tháng 12 năm 2011 gửi Giám Mục Giáo phận Nha Trang, Đức Hồng Y Peter K.A.Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh về Công Lý và Hoà Bình cho biết sẽ cử một phái đoàn đến Việt Nam từ ngày 23 tháng 3 đến ngày 9 tháng 4 năm 2012. Phái đoàn dành thời gian từ ngày 29 đến 31 tháng 3 năm 2012, để gặp gỡ và lắng nghe những chứng từ của Giáo phận Nha Trang.

4. Để chuẩn bị cho sự kiện cao cả nầy, tôi quyết định thành lập một Ban của Giáo Phận Nha Trang. Ban nầy có nhiệm vụ tìm hiểu, phổ biến những nét chính yếu về cuộc sống thánh thiện và các nhân đức anh hùng của Vị Tôi tớ Chúa và hình thành một phái đoàn của Giáo phận Nha Trang nhằm đáp ứng yêu cầu của Toà Thánh trong tiến trình tuyên phong Á thánh và Hiển thánh cho Đức Hồng y Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Thành phần của Ban này gồm có:

 

1/ Đức Ông Giuse Nguyễn Thế Thoại, Tổng đại diện, Trưởng Ban.

2/ Linh mục Gioan Baotixita Ngô Đình Tiến, Chưởng ấn Toà Giám Mục, Thư ký.

3/ Linh mục Gioan Baotixita Lê Ngọc Dũng, Thường trực Tư pháp, Thành viên.

4/ Linh mục Giuse Lê Văn Sỹ, Quản Hạt Nha Trang, Quản xứ Chính Toà, Thành viên.

5/ Linh mục Phêrô Phạm Ngọc Lê, Giáo sư Đại Chủng Viện Sao Biển, Quản xứ Ba Làng, Thành viên.

5. Xin tất cả mọi người trong gia đình Giáo phận, sốt sắng cầu nguyện cho tiến trình tuyên phong Á thánh và Hiển thánh cho Đức Cố Hồng Y của chúng ta sớm được hoàn thành. Ngoài ra, những ai muốn làm chứng về sự thánh thiện và nhân đức của ngài, xin vui lòng viết thành văn bản và gửi về địa chỉ sau (hạn chót là ngày 1 tháng 3 năm 2012):

 

Toà Giám Mục Nha Trang

22 Trần Phú - Hộp thư 42 Nha Trang – Việt Nam


 

6. Nguyện xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Vô nhiễm, Bổn mạng Giáo phận, tuôn đổ muôn ơn lành hồn xác trên mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận Nha Trang thân yêu của chúng ta. Nhân dịp đầu năm mới 2012 và Xuân Nhâm Thìn sắp tới, xin kính chúc Đức Cha Phaolô, Đức Ông Tổng Đại diện, quý Đức Ông, quý anh em Linh mục, quý Tu sĩ nam nữ, chủng sinh và toàn thể anh chị em tín hữu giáo dân được Phúc, Lộc, Thọ, An khang và Hạnh phúc.

 

Nha Trang, ngày 1 tháng 1 năm 2012 

+ Giuse Võ Đức Minh

Giám Mục Giáo phận Nha Trang

–––––––––––––––––––––––

 

TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

40 Phố Nhà Chung - Hà Nội

Ngày 06 tháng 01 năm 2012

 

 

 

THÔNG BÁO

Về Tiến Trình Tuyên Phong Á Thánh và Hiển Thánh

Cho Đức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận 

Kính gửi: Các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân trong Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Kính thưa quí cha, tu sĩ và anh chị em,

Như chúng ta đã biết, ngày 22 tháng 10 năm 2010, tại Rôma, theo thỉnh nguyện của Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, Giáo Phận Roma đã chính thức mở án phong á thánh và hiển thánh cho Đức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài đã là Giám Mục Nha Trang (1967-1975), Tổng Giám Mục Phó Sài Gòn (1975-1994), Phó Chủ Tịch (1994) và Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình (1998). Ngài được vinh thăng Hồng Y năm 2001 và qua đời ngày 16 tháng 9 năm 2002 tại Roma.

Giáo Tỉnh Hà Nội có quan hệ đặc biệt với ngài vì ngài đã sống tại miền Bắc từ năm 1976 cho đến khi sang Roma năm 1991. Tổng Giáo Phận Hà Nội có quan hệ mật thiết với ngài vì ngài đã sống tại nhà xứ Giang Xá từ năm 1978 đến năm 1981 và tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội từ năm 1988 đến năm 1991. Nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân miền Bắc và Tổng Giáo Phận Hà Nội đã có vinh hạnh được sống cạnh ngài, gặp gỡ ngài và biết ngài. Vì thế, sự kiện Tòa Thánh lập án phong thánh cho ngài là niềm vinh dự lớn lao cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đặc biệt cho Tổng Giáo Phận Hà Nội chúng ta.

Theo quy định của Giáo Hội, để được tuyên phong á thánh và hiển thánh, vị Tôi Tớ Chúa phải được Giáo Hội nhìn nhận là người có danh thơm tiếng tốt về sự thánh thiện và những nhân đức anh hùng. Giáo Hội muốn lắng nghe, tìm hiểu và nghiên cứu những chứng từ của các chứng nhân về Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê.

Trong thời gian qua, Tòa Án Giáo Phận Roma đã cử phái đoàn đến nhiều nước trên thế giới như Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Úc châu, để gặp gỡ và lắng nghe các chứng nhân. Nay phái đoàn sẽ đến Việt Nam từ ngày 23 tháng 3 đến ngày 9 tháng 4 năm 2012. Phái đoàn sẽ hiện diện ở Hà Nội từ ngày 5 đến 7 tháng 4 năm 2012 để gặp gỡ và lắng nghe những chứng nhân trong Giáo Tỉnh và Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Vì vậy, tôi xin tất cả mọi thành phần Dân Chúa trong Tổng Giáo Phận sốt sắng cầu nguyện để tiến trình tuyên phong á thánh và hiển thánh cho Đức Cố Hồng Y thân yêu của chúng ta sớm được hoàn thành. Ngoài ra, các linh mục, tu sĩ nam nữ, cũng như anh chị em giáo dân nào đã từng biết Đức Cố Hồng Y và muốn làm chứng trước phái đoàn của Tòa Án Giáo Phận Roma về sự thánh thiện và nhân đức của ngài, xin vui lòng viết thành văn bản (có bao gồm số điện thoại và email để liên lạc) và gửi về địa chỉ sau (hạn chót là ngày 15 tháng 3 năm 2012):

Linh mục Tôma Aquinô Nguyễn Xuân Thủy

Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội

40 Phố Nhà Chung, Hà Nội

Email: thomasxuanthuy@yahoo.com

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã ban cho Hội Thánh mẫu gương và chứng tá anh hùng của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài đã liên kết những đau khổ của mình với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô chịu đóng đinh và trở nên một chứng nhân sáng ngời về sự hiệp nhất, yêu thương và tha thứ, cũng như về công lý và hòa bình.

Xin ngài chuyển cầu cho Tổng Giáo Phận chúng ta luôn bình an, hiệp nhất, bác ái và trung thành làm chứng cho Chúa. Ước gì chúng ta thấy ngài sớm được vinh hiển trên bàn thờ.

Trong Chúa Kitô,

+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Tổng Giám Mục Hà Nội

 

Tòa GM Nha Trang & Tòa TGM Hà Nội

 
VỀ MỤC LỤC
GIÁO HỘI NÀO LÀ GIÁO HỘI THẬT CỦA CHÚA KITÔ ?
  

Hỏi : 1- xin cha giải thích Giáo Hội nào là Giáo Hội thật của Chúa Kitô

          2- Người Công giáo có thể bỏ Giáo Hội để  gia nhập Giáo Hội khác được không

Trả lời

I.  Trong một bài viết trước đây tôi đã có dịp nói đến nhiều Giáo Hội, giáo phái khác nhau, mặc dù cùng chia sẽ chung niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng đã thiết lập Giáo Hội duy nhất của Người trên đá tảng Phêrô:

Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16:18).

Nhưng Giáo Hội duy nhất thánh thiện này đã trải qua nhiều sóng gió từ sau ngày Chúa về trời cho đến nay. Chúa Giêsu đã nhìn thấy trước sự phân ly trong Thân Thể  Nhiệm  Mầu  của Người là Giáo Hội, cho nên trước khi chịu khổ hình thập giá, Chúa đã tha thiết cầu xin  Chúa Cha “cho chúng được nên một như chúng ta là một” (Ga 17:22).

Hậu quả của sự  ly giáo  (schism) trên cho đến nay là sự xuất hiện của các Giáo Hội Chính thống Đông Phương (Eastern Orthodox Churches) từ thế kỷ 11, hàng ngàn các giáo phái Tin lành (Protestant Denominations) và Anh Giáo (Anglican Communion) từ thế kỷ 16.

Ngoài ra, trong thời hiện đại, còn có âm mưu của một vài chế độ độc tài, độc đảng,  muốn tách Giáo Hội Công Giáo ở các địa phương dưới quyền thống trị của họ, ra khỏi quyền cai trị và hiệp thông với Rôma để thành lập các Giáo Hội Quốc Doanh như đã xảy ra ở Trung Hoa lục địa. Đáng buồn thay là gần đây,  có một số giáo sĩ đã  cộng tác với chế độ cai trị khi họ tuân lệnh của nhà nước để truyền chức giám mục bất hợp pháp ( không có phép của Đức Thánh Cha) cho vài linh mục quốc doanh, gây khó khăn thêm cho việc hoa lục muốn cải thiện bang giao với Tòa Thánh. Nhưng đây chỉ là khó khăn nhất thời,vì đại đa số giáo dân và giáo sĩ ở Hoa Lục vẫn trung thành với Giáo Hội Mẹ ở Rôma, dù phải đương đầu với bao khó khăn, bách hại của nhà cầm quyền cộng sản muốn thống trị Giáo Hội Công Giáo.Chúng ta cầu xin cho Giáo Hội  ở những quốc gia không tôn trọng tự do tôn giáo và tự do hành Đạo này được thêm kiên cường sống và làm chứng cho Đức Tin KitôGiáo trong khi vẫn trung thành với Giáo Hội duy nhất mà Chúa Kitô đã thiết lập trên nền tảng các Thánh Tông Đồ là Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.

Trở lại với  các nhóm tự nhận là Giáo Hội (Church) hay Giáo phái (Denominations), các nhóm này cho đến nay vẫn chưa muốn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo và nhận quyền cai trị của Đức Giáo Hoàng. Vì thế, con đường tiến đến hiệp nhất trong cùng một  niềm tin, một Phép Rửa, một  phụng vụ thánh, và một quyền bính cai trị vẫn còn quá nhiều trở ngại, khó khăn phải vượt qua.

Nhưng cái khó khắn lớn lao nhất vẫn là làm sao để mọi thành phần trong Giáo Hội-Giáo phẩm, giáo sĩ,  tu sĩ,và giáo dân- được  đồng tâm nhất chí sống trung thực, và làm chứng tá cho Tin Mừng Cứu Độ để thuyết phục các anh  em ly khai mau trở về với Giáo Hộ, cũng như mời gọi thêm nhiều người chưa biết Chúa được nhận biết để cùng nhau tôn thờ một Thiên Chúa, tuyên xưng một đức tin và được dẫn dắt bởi một Mục Tử duy nhất là Đức Thánh Cha.

Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo, qua Hiến Chế tín lý Lumen Gentium của Thánh Công Đồng Vaticanô II,, đã long trọng tuyên bố: “Giáo Hội độc nhất của Chúa Kitô được chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền…  Giáo Hội ấy tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do Đấng kế vị Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với ngài điều khiển.” (x.LG, số 8)

Trung thành với lập trường này, ngày 10 tháng 7, 2007 trước đây, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (Congregation of Doctrine of the faith) đã công bố một văn kiện mới, nói rõ về chân lý và đặc tính duy nhất của Giáo Hội Công Giáo, là Giáo Hội của Chúa Kitô thiết lập như phương tiện hữu hiệu để chuyên chở ơn cứu độ của Người cho muôn dân  đến tận cùng thời gian. Văn kiên này đã được Đức Thánh Cha Bênêđíchtô XVI chấp thuận cho công bố để minh xác điều đã được Thánh Công Đồng Vaticanô II tuyên bố  trên đây, cách nay hơn 40 năm về bản tính và mầu nhiệm của Giáo Hội  Chúa Kitô. Nói rõ hơn, Đức Thánh Cha muốn mọi tín hữu Công giáo hiểu rõ là chỉ có một Giáo Hội duy nhất được Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ và Giáo Hội này tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, dưới quyền cai trị của Đức Giáo Hoàng là người kế vị Thánh Phêrô, Tông Đồ trưởng.(Mt 16:18-19; Ga 21:15-16). Tuyên ngôn trên  chắc đã không làm hài lòng những anh em đang ở trong các “Giáo hội hay Giáo phái” ngoài Công Giáo. Tuy nhiên để bảo vệ chân lý tinh tuyền, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin không có chọn lựa nào khác.

Nhưng mặc dù xác nhận Giáo Hội của Chúa Kitô tồn tại (subsists) trong Giáo Hội Công Giáo, Công Đồng Vaticanô II cũng không loại bỏ sự kiện là “bên ngoài cơ cấu của Giáo Hội, còn có nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý. Những yếu tố ấy là những ơn riêng của Giáo Hội Chúa Kitô, nên cũng thúc đẩy đến sự hiệp nhất công giáo.” ( cf.LG, no.8).

Nói khác đi, Giáo Hội nhìn nhận có ơn thánh hóa và một số yếu tố chân lý nơi các Giáo phái ngoài Công Giáo, nhưng Giáo Hội Công Giáo có đầy đủ phương tiện cứu chuộc của Chúa Kitô đến mức không cần phải được bổ túc thêm yếu tố nào khác từ các giáo hội hay giáo phái đang hoạt động bên ngoài Giáo Hội. Mọi chân lý đức tin đã được Chúa Kitô dạy dỗ và  mặc khải trọn vẹn cho các Tông Đồ là  nền tảng của Giáo Hội duy nhất của Chúa trên trần gian này. Vì thế, chức năng và danh xưng  Giáo Hội ( Church) đúng nghĩa chỉ thuộc về Giáo Hội Công Giáo mà thôi. Riêng với các anh em Chính Thống Đông Phương, Giáo Hội nhìn nhận họ có chung một truyền thống tông đồ ( apostolic succession) cũng như có đủ bí tích hữu hiệu như   Công Giáo, nhưng không vì thế mà họ là Giáo Hội chính danh như  Giáo Hội Công Giáo, hay là một Giáo Hội thứ hai khác mà Chúa Kitô đã thiết lập từ đầu. Sỏ dĩ họ chưa hiệp nhất được với Giáo Hội Công Giáo vì có những bất đồng về tín lý từ năm 1054 cho đế nay, và đặc biết là về quyền bính của Đấng thay mặt Chúa Kitô để lãnh đạo Giáo Hội là Đức Thánh Cha,  Thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.

Trong hoàn cảnh còn phân ly hiện nay, Giáo Hội tha thiết mong tiến đến hiệp nhất với tất cả các anh  em còn ở các “giáo hội” ngoài Công Giáo, đặc biệt là anh  em Chính Thống Đông Phương, vì các anh  em này gần Giáo Hội Công Giáo hơn tất cả mọi giáo phái mang danh Kitô khác.Giáo Hội mong muốn sớm đạt được sự hiệp thông sâu xa và trọn vẹn với tất cả mọi anh  em còn ly khai để cùng nhau tuyên xưng một đức tin, một Phép Rửa và tôn trọng một uy quyền cai trị.

Kết quả  cho đến nay, nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, một số tiến bộ đã đạt được trong nỗ lực hiệp nhất các Kitô hữu. Cụ thể, trong hai năm qua một số đông các giáo sĩ và tín hữu Anh Giáo ( Anglicans)đã xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Và để đón mừng họ và tạo điều kiện thuân lợi cho họ sống đức tin hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, Đức Thánh Cha Bê-nê-đich tô XVI, ngày 9-11-09,  đã ban hánh Tông Thư Anglicanorum,  cho phép thành lập các Giáo hạt  Tòng nhân cũng như cho phép các cựu tín hữu Anh giáo được duy trì một số nghi thức phụng vụ theo truyền thống văn hóa của họ trong khi hiệp thông với Giáo Hội Công giáo về mọi phương diện khác. Giáo hạt tòng nhân có nghĩa là Giáo hạt được thành lập nơi có các cựu tín hữu Anh Giáo sống đạo trong lãnh thổ của một Giáo Phận Công Giáo Anh Quốc. Giáo hạt Tòng nhân đầu tiên là Giáo hạt  Đức Mẹ Washingham dành cho các cựu Anh Giáo ở Anh và xứ  Wales. Giáo Hạt này được trao cho cha  Keith Newwton coi sóc. Ngài là  một trong ba giám mục Anh Giáo được thụ phong Linh mục Công Giáo ngày 15-1-2011.Sở dĩ các cựu giáo sĩ Anh giáo như Giáo mục và linh mục phải được huấn luyện thêm và chịu chức linh mục Công Giáo vì Giáo Hội không công nhận việc truyền chức của Anh Giáo và các giáo phái ngoài Công Giáo.Chỉ có điểm đặc biệt là các cựu giáo sĩ Anh Giáo, sau khi được chịu chức linh mục Công Giáo, vẫn được phép sống với vợ con, như họ đã sẵn có gia đình từ trước khi gia nhập Công Giáo , nên họ được miễn trừ giữ luật độc thân( celibacy)vẫn  áp dụng nghiêm ngặt  cho hàng giáo sĩ tu sĩ Công Giáo.

Về phần các Giáo Hội Chính Thông Đông Phương thì năm 2010, Đức Thánh Cha Bê-nê-đíchtô XVI  đã sang thăm viếng Thổ Nhĩ Kỳ, và đã có cuộc gặp gỡ thân mật với Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống ở Istanbul. Riêng Giáo Hội Chính Thông Nga thì chưa tỏ dấu muốn xích lại gần Rôma vì họ cho rằng Giáo Hội Công Giáo muốn "lôi kéo" tín hữu Chính Thống  Nga vào Công Giáo La Mã.

Chúng ta tiếp tục cầu xin  cho sự hiệp nhất của các giáo phái còn chưa muốn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo duy nhất của Chúa Kitô trên trần thế này.

 

II.  Tín hữu Công giáo có được từ bỏ Giáo Hội để gia nhập các giáo phái khác hay không? 

Thực tế cho thấy là có nhiều tín hữu thuộc các tôn giáo hay giáo hội khác đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Và ngược lại, cũng có nhiều người Công giáo đã bỏ Đạo để theo Tin lành hay các giáo hội khác hoặc trở thành vô thần (atheist).  Dĩ nhiên, không ai có quyền cấm đoán việc này vì con người có lý trí và tự do mà chính Thiên Chúa còn tôn trọng. Tuy nhiên, để bảo vệ chân lý của Chúa và vì muốn chăm lo cho phần rỗi của đoàn chiên được trao phó cho mình coi sóc, Giáo Hội Công Giáo đã tha thiết noi gương Chúa Kitô, Đấng Chăn Chiên lành không muốn mất một con chiên nào, dù phải bỏ 99 con phía sau để đi tìm con chiên bị lạc. Trong tinh thần và mục đích đó, Giáo Hội cố gắng rao giảng giáo lý tinh tuyền của Chúa Giêsu và làm chứng cho những chân lý ấy để củng cố đức tin của mọi tín hữu trong Giáo Hội và mời gọi  người khác tin và gia nhập đoàn chiên duy nhất   của Chúa Kitô dưới quyền chăn dắt của Chủ Chiên duy nhất là Đức Thánh Cha, Người kế vị Thánh Phêrô trong trách nhiệm lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.

Mặt khác, cũng  vì tin tưởng vững chắc rằng Giáo Hội của Chúa Kitô, tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, là phương tiện cứu rỗi cần thiết cho mọi người, nên Giáo Hội cũng dạy  rằng : “Vì thế, những ai biết Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Kitô mà vẫn không muốn gia nhập hoặc kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi.” (LG, số.14.)

Nói khác đi, những tín hữu đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo qua phép rửa và phép thêm sức cũng như đã được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Chúa Kitô qua Phép Thánh Thể, thì được mời gọi và mong đợi kiên trì sống đức tin, đức cậy và nhất là đức ái trong Giáo Hội để được cứu rỗi.  Nhưng được rửa tội và gia nhập Giáo Hội mới chỉ là bước đầu cần thiết tiến đến ơn cứu rỗi mà thôi. Bước kế tiếp quan trọng hơn là phải thực thi và kiên trì sống những đòi hỏi của Phép Rửa: đó là yêu mến Chúa trên hết mọi sự, yêu thương anh chị em như Chúa Giêsu đã dạy và cộng tác với ơn thánh để chừa bỏ mọi tội lỗi, xa lánh mọi gian tà, độc ác và dâm ô đầy rẫy ở mọi môi trường xã hội ngày nay.. Nếu không thực hành tốt bước thứ hai này thì dù có ở trong Giáo Hội cũng vô ích mà thôi, vì “tuy thể xác họ thuộc về Giáo Hội nhưng tâm hồn họ không ở trong Giáo Hội” (LG. số 14).

Đó là tình trạng của những người Công giáo chỉ có tên chứ không có thực hành, đang sống nửa nóng nửa lạnh, một tình trạng mà Chúa Kitô đã nghiêm khắc cảnh cáo như sau trong Sách Khải Huyền:

"Ta biết việc các ngươi làm, biết ngươi được tiếng là đang sống mà thực ra đã chết. Hãy thức tỉnh, Hãy củng cố chút sức còn lại đang suy tàn., vì Ta nhận thấy các việc của ngươi không được hoàn hảo trước mặt Thiên Chúa của Ta..."( Kh 3 : 1-2)

Như vậy đủ cho thấy là nếu không tha thiết sống Đạo trong Giáo Hội Công Giáo mà cứ nửa nóng nửa lạnh  như thực trạng của nhiều tín hữu ngày nay, thì dù đã chịu phép Rửa và gia nhập Giáo Hội cũng không ích gì cho phần rỗi của ai, như Chúa đã cảnh cáo  thêm sau đây:

" Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng nóng mà cũng chẳng lạnh. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta." ( Kh 3: 15-16)

Mặt khác, những ai từ bỏ Giáo Hội để gia nhập các giáo phái khác thì cũng tương tự như trên.  Lý do là, tuy bên ngoài Giáo Hội,  có thể có một số yếu tố thánh hóa và chân lý nơi các tôn giáo khác, nhưng chỉ trong Giáo Hội của Chúa Kitô, ví như con Tàu ông Noe của thời Tân Ước, mới có đầy đủ mọi phương tiện cứu rỗi hữu hiệu là các bí tích mà thôi. Như vậy, không nên vì một bất mãn nào đó với ai, mà người tín hữu Công giáo có thể từ bỏ Giáo Hội, không muốn sống đức tin Công Giáo nữa để đi tìm phương tiện cứu rỗi ở nơi không có phương tiện hữu hiệu này,  thì chắc chắn sẽ không tìm được như Công Đồng đã dạy trên đây.

Tóm lại, chỉ có một Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, là phương tiện  hữu hiệu chuyên chở ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi  người cho đến ngày cánh chung tức ngày  mãn thời gian mà thôi.

Chúng ta cùng cảm tạ Chúa đã thiết lập Giáo Hội như Con Tàu cứu sống chúng ta trong cơn đại hồng thủy mới đang cuồn cuộn nổi lên để cuốn  sâu vào lòng đại dương mọi sinh vật đang trôi dạt bên ngoài Con tầu cứu nguy này.

 

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn


VỀ MỤC LỤC
“NGƯƠI MÀ XÂY NHÀ CHO TA SAO ?”

 

Vào Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng năm B, chúng ta có bài đọc trích trong sách Samuen: “Khi vua Đavít được yên cửa yên nhà, và Đức Chúa đã cho vua được thành thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, thì vua nói với ngôn sứ Nathan: “Ông xem, tôi được ở trong nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải”. Ông Nathan thưa với vua… Nhưng ngay đêm ấy, có lời Đức Chúa phán với Nathan rằng: “Hãy đi nói với tôi tá của Ta là Đavít: Đức Chúa phán thế này: “Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao ?…”

Ở một chỗ khác, chúng ta đọc được một lời của Chúa trong sách Isaia, chương 66: “ĐỨC CHÚA phán thế này: "Trời là ngai của Ta, và đất là bệ dưới chân Ta. Các ngươi sẽ xây cho Ta nhà nào, và nơi nào sẽ là chốn Ta nghỉ ngơi ?”

Chúng ta thấy Đavit rất chân thành trong việc xây Nhà cho Thiên Chúa, ông thao thức vì chưa xây được Đền Thờ, ông trăn trở vì ông đã yên vị nhà cửa mà Hòm Bia vẫn còn ở lều. Nhưng phản ứng của Thiên Chúa khác với điều ông nghĩ, Thiên Chúa không cần những căn nhà xây bằng gạch bằng đá, cho dù những căn nhà ấy sang trọng đến đâu, to lớn đến đâu cũng không sánh bằng trời bằng đất. “Trời là ngai Ta ngự, đất là bệ dưới chân Ta”.

Tin Mừng hôm nay đề cập đến hình ảnh một người nữ, một người nữ tuyệt vời của nhân loại, Thiên Chúa đã chọn người nữ ấy làm Đền Thờ của Ngài, làm nơi ẩn náu của Ngôi Hai giáng trần, làm ngôi nhà của Thiên Chúa. Bài đọc một trong sách Samuen trở nên nền tảng giúp chúng ta hiểu bài Tin Mừng sâu hơn: Thiên Chúa muốn tấm lòng của mỗi người chúng ta, Thiên Chúa cần nơi chúng ta sự thành tín, thủy chung và thuộc về Thiên Chúa, chỉ mình Thiên Chúa mà thôi.

Xây Đền Thờ to lớn sẽ là vô ích nếu chúng ta không xây tâm hồn mình nên Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự, xây Đền Thờ sang trọng sẽ là vô ích nếu lòng ta không thủy chung với Thiên Chúa, không thuộc về Thiên Chúa trọn vẹn.

Ngày nay, nhiều nơi chúng ta chứng kiến việc xây Nhà Thờ quá to lớn, ch ọn kiểu dáng quá lập dị, trang hoàng quá sang trọng, không hiểu Thiên Chúa có chấp nhận như vậy không ? Tình trạng có nhiều nơi, Nhà Thờ to lớn xa xỉ phí phạm trong khi lại có quá nhiều nơi không xây nổi một Nhà Thờ nho nhỏ, nhiều nơi còn không được phép xây Nhà Thờ, cho dù chỉ là xây Nhà Thờ bằng vài khung gỗ và che bằng vài tấm bạt.

Tôi đã đi qua nhiều nơi Thánh Lễ được dâng vội vàng trong một lò gạch, hoặc một góc ẩn phía sau những căn nhà khác và lùi sâu trong một góc vườn, hoặc quây quần giải tội và dâng lễ trong một căn hầm chật chội. Lại có những ngôi Nhà Nguyện hôm nay tập họp để dâng lễ ngày mai bị giật xuống vì đã “phạm tội”… xây dựng trái phép !

Tôi đã đến những nơi anh em kéo nhau ra chặn chúng tôi lại van xin chúng tôi… “cho lễ” vì “quá lâu rồi chúng con không được gặp Linh Mục”.

Tôi đã được xem đoạn video trên mạng về một Nhà Nguyện, bên trong đang dâng lễ, bên ngoài người ta kéo đến rất đông, khủng bố tinh thần Dân Chúa bằng cách cầm loa la hét phản đối việc “tụ tập tôn giáo bất hợp pháp”.

Tôi đã đọc các bài tường thuật về việc cố gắng bảo vệ nền cũ của Nhà Thờ, bảo vệ bức tường cũ kỹ của Nhà Thờ nhỏ bé, không để cho người ta đào mương dưới chân tường, thế mà lại bị đánh đập khổ sở, bị đe dọa, bị “Bề Trên” bịt miệng không cho rên xiết… Vậy thử nghĩ Chúa có vui lòng vào ngự trong những Đền Thờ to lớn hoành tráng kia không ?

Có người “khôn ngoan” dạy chúng tôi cách nào hay nhất để có được đất xây Nhà Thờ, để được “cấp lại” những ngôi nhà cũ của chính mình nay đang bị chiếm lấy, con đường “pháp luật” bề mặt nhưng cần phải “cảm thông” bề trong, muốn có đất có nhà thì cần phải chịu khó “bôi trơn” bộ máy cứu xét, thường thì 50/50, cách ấy nhẹ nhàng, đẹp cả đôi bề, hai bên đều có lợi, cái lợi nhất là ta có được đất để xây Nhà Thờ. Thế nhưng, tôi tự hỏi: đất và nhà có được bằng kiểu cách đó có còn là “đất sạch”, có còn là “nhà sạch” để thờ phượng Thiên Chúa không ? Thiên Chúa có còn vui lòng ngự vào nơi chốn nhiều mánh lới thủ đoạn thế gian như thế không ?

Đavit xưa lòng dạ chân thành, của cải để xây dựng Đền Thờ bằng chính sự đóng góp của toàn dân, đất chính là đất Chúa ban cho như lời đã hứa, thế mà Chúa còn đặt điều kiện trước khi chấp thuận, Chúa còn buộc phải tín trung với Chúa, tay sạch và lòng thanh đã, khi đó Đền Thờ xây dựng mới được chấp thuận, vậy thì chắc gì cái loại đất mua bằng các kiểu “lobby” dối trá, bất công, đen tối, gian giảo xứng đáng để xây Đền Thờ ? Chúa không cần Đền Thờ vì trời là ngai Chúa ngự, đất là bệ dưới chân Chúa, đừng buôn thần bán thánh với quân vô đạo làm nhơ nhớp danh Chúa. Tệ hơn nữa đất đó lại mua bằng sự vô cảm, sự bán đứng chính anh em mình bằng một liên minh với “ngoại bang”, hỏi loại đất đó sẽ nhơ nhớp đến độ nào ?

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 18.12.2011 (Ephata 488)


 

VỀ MỤC LỤC
CHUYẾN XE ĐÒ

  

Dịch giả Hoàng Hưng đã chuyển ngữ câu chuyện thương tâm có thật đã xảy ra tại Trung Quốc như sau.[1] 

Một chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Giữa đường, ba thằng du côn có vũ khí để mắt tới cô lái xe xinh đẹp. Chúng bắt cô dừng xe và muốn “vui vẻ” với cô. Tất nhiên là cô lái xe kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng. Lúc ấy một người đàn ông trung niên nom yếu ớt tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay; nhưng ông đã bị chúng đánh đập. Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai hưởng ứng. Và cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường. Một giờ sau, ba tên du côn và cô lái xe tơi tả trở về xe và cô sẵn sàng cầm lái tiếp tục lên đường…

“Này ông kia, ông xuống xe đi!” Cô lái xe la lên với người đàn ông vừa tìm cách giúp mình.

Người đàn ông sững sờ, nói: “Cô làm sao thế? Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?”

“Cứu tôi ư? Ông đã làm gì để cứu tôi chứ?” Cô lái xe vặn lại, và vài hành khách bình thản cười.

Người đàn ông thật sự tức giận. Dù ông đã không có khả năng cứu cô, nhưng ông không nên bị đối xử như thế chứ. Ông từ chối xuống xe, và nói: “Tôi đã trả tiền đi xe nên tôi có quyền ở lại xe.”

Cô lái xe nhăn mặt nói: “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy.”

Điều bất ngờ là hành khách, vốn lờ lảng hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao đồng lòng yêu cầu người đàn ông xuống xe, họ nói: “Ông ra khỏi xe đi, chúng tôi có nhiều công chuyện đang chờ và không thể trì hoãn thêm chút nào nữa!”

Một vài hành khách khỏe hơn tìm cách lôi người đàn ông xuống xe. Ba tên du côn mỉm cười với nhau một cách ranh mãnh và bình luận: “Chắc tụi mình đã phục vụ cô nàng ra trò đấy nhỉ!”

Sau nhiều lời qua tiếng lại, hành lý của người đàn ông bị ném qua cửa sổ và ông bị đẩy ra khỏi xe. Chiếc xe bus lại khởi tiếp hành trình. Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ. Xe lên đến đỉnh đồi và ngoặt một cái chuẩn bị xuống đồi. Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút. Tốc độ của xe bus tăng dần. Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng. Nước mắt trào ra trong hai mắt cô. Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô lái xe: “Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế hả?” Cô tài xế vẫn không đáp lại lời nào. Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng, nhưng chiếc xe bus lao ra ngoài vực như mũi tên bật khỏi cây cung.

Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng “Phục Hổ Sơn”. Một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng.

Người đàn ông đã bị đuổi xuống xe đọc tờ báo và khóc. Không ai biết ông khóc cái gì và vì sao mà khóc!

* * *

Mời bạn đặt mình vào chuyến hành trình ấy để thử nhìn xem mình phản ứng ra sao trong sự kiện trên.

Quan sát hoàn cảnh, ta có thể nhận thấy có ba giai đoạn xảy ra sự kiện trong câu chuyện. Hoàn cảnh thứ nhất, bạn chứng kiến cảnh cô gái kêu cứu bạn, nhưng bạn không đáp trả lời kêu cứu ấy. Cảnh thứ hai, bạn chứng kiến người đàn ông đã can đảm một mình đứng lên bênh vực cho người yếu thế. Ông cũng kêu gọi sự trợ giúp của bạn, nhưng bạn cũng làm ngơ. Cảnh thứ ba, bạn chứng kiến cảnh cô tài xế đuổi người đàn ông ra khỏi xe (theo suy nghĩ thông thường, cô tài xế đã hành xử bất công, nhẫn tâm), trong cảnh này, bạn cũng lại im lặng, và thậm tệ hơn, có khi bạn lại nằm trong số hùa theo đám đông xô người đàn ông ra khỏi xe để xe chạy cho tới nơi của bạn.

* * *

Người sống đúng với giá trị làm người của mình thường phải lội ngược dòng. Động cơ nào mà người đàn ông trong câu chuyện trên đã sống ngược dòng như vậy? Khi con người trở về với căn tính thật của mình, họ sẽ có khả năng nhận ra ý nghĩa và mục đích của đời họ. Tự trong sâu thẳm lương tâm của mỗi người, tiếng gọi sống vì lý tưởng công bằng luôn luôn mạnh mẽ. Hay nói cách khác, người sống căn tính thật với lòng mình họ sẽ dễ nhạy bén nhận ra sự bất công đang xảy ra xung quanh họ. Khi đã nhận ra tiếng lương tâm này, họ có sức mạnh phi thường để đứng lên bảo vệ cho người bị bất công mà không hề nghĩ tới hậu quả sẽ xảy đến với chính mình. Đây chính là đặc điểm cao quí của loài người mà các loài thú vật không có được (hoặc nếu chúng có, thì chúng cũng chỉ phản ứng theo bản năng của mối liên hệ mẹ-con).

Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta luyện lương tâm chúng ta nhạy bén được như thế? Hằng ngày, nếu bạn tập nghĩ đến người khác, nếu bạn lắng nghe hoàn cảnh người khác với trái tim thông cảm, nếu bạn đặt hoàn cảnh của mình vào những con người đang đau khổ mà chúng ta gặp thấy hằng ngày qua báo chí, truyền hình, một lúc nào đó lương tâm cũa bạn sẽ nhạy bén hơn đối với vấn đề bất công, nghèo đói trong xã hội loài người. Vậy rào cản nào đã làm cho chúng ta ít suy nghĩ tích cực và cảm thông với người khác? Thưa, đó là vì chúng ta tập trung suy nghĩ về chúng ta thái quá; và chúng ta cũng thường xét đoán về người khác. Hoặc quá bận tâm lo cho chính ta, hoặc xét đoán “đúng sai” về người khác là cản trở lớn cho chúng ta vươn ra khỏi cái tôi để học chia sẻ với người khác – đó cũng chính là lối suy nghĩ tiêu cực, nhỏ nhen mà ít khi chúng ta để ý tới.

Mục Sống Sao Cho Đẹp mời bạn ví thử đời mình là một người hành khác trong chuyến xe đò của môi trường mình đang làm việc, của cộng đồng mình đang sinh hoạt, của đất nước mình đang sinh sống. Bạn có thấy hoàn cảnh tương tự như câu chuyện trên không? Nếu bạn không thấy, mời bạn tập suy nghĩ về người khác, tập quan tâm về người khác, tập đặt minh trong hoàn cảnh của những người đang bị bất công, bị đau khổ mà chúng ta gặp được trong cuộc sống. Nhưng nếu bạn đã thấy những cảnh bất công tương tự như trong câu chuyên, bạn sẽ làm gì sau khi đọc câu chuyện này?

Br. Huynhquảng


[1] Từ profiles.google.com, huongvechuagroup@yahoo.com, accessed 11/25/2011. 


VỀ MỤC LỤC
TÌM HIỂU HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (2)

 

NGUYỄN HỌC TẬP

 

Ý thức hệ công giáo ( 1891-1931). 

Năm 1891, Thông Điệp Rerum Novarum của Đức Thánh Cha Leo XIII chính thức mở đầu Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội.

Thông Điệp được viết ra trong bối cảnh chạm trán thẳng thừng giữa Giáo Hội và thế giới hiện trạng lúc đó.

Đó là một thế giới được sinh ra, trong suốt thế kỷ 16 với R. Descartes, G. Gallilei, J. Bodin, P. Bacon, H. Grotius, J. Locke và lớn lên trong thế kỷ 17 với thiên khải chủ nghĩa ( illuminismo).

Đó là một thế giới trần tục, được sinh ra bên ngoài và chống lại Giáo Hội,

   - không phải chỉ nhằm cất bỏ đi những đặc ân cổ truyền mà Giáo Hội được dành cho,

   - mà còn quyết tâm nhằm giảm thiểu các quyền và tự do của Giáo Hội, bằng cách đặt Giáo Hội ra bên lề đời sống công cộng của xã hội, loại trừ đi chính đức tin tôn giáo, nếu có thể, bằng cách dùng những lập luận có tính cách triết lý, lịch sử và khoa học.

Đó là một thể giới hoàn toàn

   - đặt tin tưởng của mình vào lý trí, được coi như " thần tượng "

   - và vào tự do tư tưởng  và tự do lương tâm, như là ngọn cờ biểu hiệu chống lại " tín lý chủ nghĩa Roma " ( dogmatismo romano ).

Trưóc thái độ không có gì thân thiện đó, Giáo Hội phản ứng bằng cách đóng kín lại quanh mình và đoạn giao với thế giới bên ngoài.

Bối cảnh công giáo lúc đó là bối cảnh đang bị bao trùm bởi một bầu không khí của " một thành phố bị bao vây ", cộng đồng Ki Tô giáo là " một pháo đài đóng kín ".

Chúng ta chỉ cần nhắc lại các " vạ tuyệt thông " của Đức Giáo Hoàng Gregorio XVI

   - chống lại " tự do báo chí tệ hại nhứt cũng như chưa bao giờ ghê tởm đủ và nôn mửa đủ "

   - và chống lại " tư tưởng vô lý và sai lầm, hay đúng hơn là cơn hôn mê ( deliberamentum), đứng  ra nhìn nhận và bảo đảm cho mỗi người có tự do lương tâm " ( ĐTC Gregorio XVI, Mirari vos ( 1832), in Tutte le encicliche dei sommi Pontefici raccolte e annotate da E. Momigliano, Dall'Oglio, Milano 1959m 192).

Các vạ tuyệt thông đó, đúng lý hay không, cũng là những biểu tượng cho thấy mối liên hệ rách nát giũa Giáo hội và thế giới tân tiến lúc đó.

   - " Cần phải lên án, tài liệu của ĐTC Pio IX, bất cứ ai cho rằng Giáo Hoàng Roma ( = Giáo Hội ) có thể và phải hoà hợp lại với tân tiến chủ nghĩa ( modernismo) , với tự do chủ nghĩa ( liberalismo) và với văn minh hiện đại " ( ĐTC Pio IX, Sillabo, prop. n. 80, in Denz. Humer, 2980).   

Cơ hội để phá vở đi tình trạng bị vây hảm và bất thông thương nầy, đó là " vấn đề xã hội ", được nổi lớn lên nhân dịp " cách mạng kỷ nghệ ". 

Vào cuối thế kỷ XIX, " vấn đề xã hội " được hiểu đồng nghĩa với " vấn đề lương bổng công nhân ". Biến cố kỷ nghệ hoá, được thực hiện bằng việc hội nhập máy móc vào chu kỳ sản xuất tạo ra tình trạng thảm đạm vô nhân đạo đối với giới vô sản, bị bỏ rơi mặc kệ họ và cho túi tham không đáy của giới tư bản: đông đảo nam nữ công nhân và thợ thuyền, kể cả trẻ vị thành niên bị bắt buộc phải bán sức lao động để sống còn - không có được một sự bảo đảm nào của cơ chế quốc gia. Việc làm bị coi là một món hàng, như bất cứ hàng hoá nào khác, với đồng lương chết đói với mức  đê tiện hoá con người và bốc lột không thể nói được.

Như vậy " vấn đề công nhân " trở thành cơn thử thách, trong đó đối đầu nhau hai ý thức hệ quan trọng của thế kỷ 18: tự do chủ nghĩa ( liberalismo ) và mác xít chủ nghĩa ( marxismo).

Đó là hai nhãn quang toàn diện ( visioni globali ) và toàn trị ( totalizzanti) về cuộc sống con người, xã hội và lịch sử. Đối đầu nhau và không thể nào kết hợp hoà giải với nhau được. Đó là hai loại triết lý đối đầu và chiến đấu tiêu diệt nhau. Cả hai đều thoát xuất từ chính nền văn hoá duy vật của thế giới tiến bộ lúc đó.

   1 - Nảy sinh Huấn Dụ Xã Hôi của Giáo Hội.

Trước nguy cơ xã hội kỷ nghệ mới vừa chớm nở có thể bị thống trị bởi duy vật chủ nghĩa, Giáo Hội cảm thấy mình có cách hiện diện mới trong xã hội con người.

Tuy vậy, Thông Điệp Rerum Novarum không phải đột nhiên được viết ra. Trong Thông Điệp " về vấn đề công nhân " của mình, Đức Thánh Cha Leo XIII thu nhận kết quả chín mùi hơn của một lương tâm xã hội mới. mà một thời gian qua đã được xác nhận khắp đó đây trong Giáo Hội.

Chúng ta không sao qưên được những khuôn mặt cao qúy của các Giám Mục, như von Ketteler ở Đức, Manning ở Anh, Gibbona ở Mỹ, Mermillod ờ Thụy Sĩ, Bonomelli ở Ý. Đồng thời cũng có nhiều tín hữu giáo dân gia nhập trận chiến, đó là những người tích cực dấn thân vào các động tác xã hội, như von Vogelang ở Áo, La Tour du Pin  và L, Harmel ở Pháp, hoặc là vào các việc nghiên cứu khoa học trong các Trung Tâm Nghiên Cứu, như Hiệp Hội Nghiên Cứu ở Fribourg và Liège Thụy Sĩ  và Hiệp Hội Nghiên Cứu ở Ý Quốc.

Như vậy đứng trước duy vật triết lý của tự do chủ nghĩa và mác xít chủ nghĩa, Giáo Hội không còn ngần ngại chần chờ và xác nhận lại vị trí thượng đẳng của nền triết học Ki Tô giáo.

Đây thật là một ý thức hệ công giáo đích thực và chính đáng xuất hiện để đương đầu lại ý thức hệ tự do chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. 

Ngày nay  đề đọc lại Thông Điệp Rerum Novarum chúng ta có thể lấy làm lạ là tại sao để giải quyết   " vấn đề công nhân ", Thông Điệp chỉ đưa ra những nguyên lý triết học và luân lý dưới nhãn quang Ki Tô giáo về xã hội.

Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý là toàn diện tư cưởng công giáo, liền trước và sau Thông Điệp Rerum Novarum, đều mang dấu chứng là đặt nặng vấn đề suy tư triết học và luân lý.

Chính Đức Thánh Cha Leo XIII đã mang theo mình vào triều đại giáo hoàng điều lo lắng tiên phuông về giá trị chủ thuyết, sau khi đã thu nhận được từ các vị thầy như Cha M. Lieratore và ĐHY T.M. Zigliara. Những năm trước đó Cha Taparelli d'Azeglio với bài xã luận Saggio teorico di diritto naturale appogiato sul fatto ( 1843), đã khởi đầu trước một " phong trào về nguồn ", trở lại các " nguyên tắc bất di dịch " của luật tự nhiên, như là phản ứng chống lại tiến trình thế tục hoá của tư tưởng tân tiến lúc đó, chỉ muốn hạn hẹp các nguyên tắc luân lý vào lãnh vực lương tâm riêng tư của mỗi cá nhân. 

Nhưng thái độ chọn lựa " về nguồn ", trở lại nền tảng giáo lý tư tưởng xã hội Ki Tô giáo cũng mang một khía cạnh tiêu cực: đó là không đánh giá đủ giá trị các việc thăm dò định chuẩn xã hội học và những kết quả các khoa học nhân văn tích cực.

Với trào lưu của việc tái phát sinh nền triết học bất diệt ( tân kinh viện, neo-scolastique), quan niệm cổ về các mối liên quan trong xã hội là những gì thuộc về lãnh vực riêng tư được tái phát sinh.

Bởi đó nhiều người công giáo xác tín rằng triết học bất diệt Ki tô giáo một khi được thiết lập lại, sẽ có thừa khả năng để giải quyết tận gốc rễ "vấn đề xã hội " , ngay cả trong các lãnh vực kinh tế và kỷ thuật ( M. Liberatore, Principi di economia politica ( 1889).

Những gì vừa kể có thể giải thích được tại sao Thông Điệp Rerum Novarum đặt nặng vấn đề giáo lý ( dottrinale) là nguyên tắc để giải đáp cho các thách thức của các " vấn đề công nhân " 

Dĩ nhiên trong Thông Điệp cũng không hiếu việc đề cập đến hiện trạng lịch sử hiện thực, nhưng điều vừa kể chỉ xảy ra một đôi khi.

Mấu chốt can thiệp của Thông Điệp của việc đặt nặng " vấn đề công nhân " là vấn đề có đặc tính chính yếu trong lãnh vực triết học và luân lý.

Bởi đó Đức Thánh Cha Leo XIII tuyên bố trong các lời dẫn nhập của Thông Điệp Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội dưới dạng thức là một bản văn được trình bày một cách mạch lạc và có hệ thống, bằng cách diễn dịch từ những nguyên tắc bất di dịch của " quyền tự nhiên " và của mạc khải Ki Tô giáo.

Trên thực tế, Thông Điệp Rerum Novarum không có gì hơn là ý thức hệ công giáo, được viết ra nhằm phản đối lại tự do chủ nghĩa và mác xít chủ nghĩa. 

   2 - Chống lại mác xít chủ nghĩa và tự do chủ nghĩa.

Khai triển tiên khởi Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội, trong nội dung của Thông Điệp Rerum Novarum, được phát sinh nhằm đương đầu và chống lại xã hội chủ nghĩa ( socialismo) và tự do chủ nghĩa ( liberalismo).

Việc chạm trán giữa Giáo Hội và mác xít chủ nghĩa đã khởi đầu từ khá lâu trước đó, cả trước khi Manifesto ( Tuyên Ngôn ) mác xít được phổ biến ( 1848).

Đức Thánh Cha Pio IX, trongThông Điệp Qui Pluribus đã lên án chủ thuyết đó như là

   - " tai họa cái gọi là cộng sản chủ nghĩa " ( ĐTC Pio IX,Qui Pluribus ( 09.11.1846), in Denz. - Huener, 2786).

Đó là năm 1846, cùng năm mà K. Mark viết lên

   - " Tình thương Ki Tô giáo không có khả năng biến đổi thế giới, không cung ứng được cho nghị lực cần thiết để cải tổ xã hội. Tình thương Ki Tô giáo chỉ có khả năng diễn tả tâm tình, là những gì không thể phá vở đi được các mối tương quan thực hữu; ru ngủ con người bằng một bát cháo ấm áp tình càm. Trong khi cần phải trả lại cho con người nghị lực " ( cit. by P. Bartolomeo Sorge, Introduzione alla Dottrina Sociale della Chiesa, id., 35).  

Một vài năm sau khi bản Tuyên Cáo ( Manifesto ) mác xít ra đời, năm 1864, ĐTC Pio IX còn lên tiếng kết án

   - " cộng sản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa là những điều tai hoạ thảm đạm nhứt " ( ĐTC Pio IX, Quanta Cura, n. 5, ( IG).   

Đức Thánh Cha Leo XIII, trong Thông Điệp Rerum Novarum, không chỉ giới hạn vào việc lên án, mà còn giải thích những lý do giáo lý của Giáo Hội, bằng cách chống đối ý thức hệ xã hội chủ nghĩa có ý đồ

   - loại bỏ đi quyền tư hữu

   - và biến quyền tư hữu thành sở hữu tập thể.

Đó không phải là phương thức giải quyết " vấn đề nhân công ". Làm như vậy - ĐTC xác nhận rõ - chỉ đạt được kết quả là

   - " làm cho tình trạng người công nhân càng trở nên trầm trọng hơn, bằng cách tước bỏ đi quyền tự do xử dụng lương bổng của mình và như vậy cất bỏ đi khỏi họ mọi hy vọng và mọi khả năng có thể tăng thêm gia tài của mình và làm cho tình trạng mình trở nên khả quan hơn " ( ĐTC Leo XIII, Rerum Novarum ( 15.05.1891), n.43, in CERAS, 28.).  

Ngày nay, sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, không ai có thể chối bỏ được thực trạng thảm đạm lời phán quyết  của Thông Điệp một trăm năm trước đó.

Tước bỏ đi quyền tư hữu không giải quyết được gì " vấn đề công nhân ", trái lại đó là cách hành xử làm phát sinh ra " chủ nghĩa tư bản Quốc Gia " ( capitalismo di Stato ), làm tái sinh hình thức nghèo khổ còn thảm đạm hơn nữa, nô lệ hoá hơn nữa và đê tiện hoá hơn nữa các khối vô sản, bần cố nông, mà K. Mark muốn giải quyết " một cách khoa học ".

Đó là lý do tại sao, Thông Điệp Rerum Novarum giải thích: đó là những gì bản tính thuộc lãnh vực luân lý và nguyên tắc.

Thật vậy, bởi vì quyền tư hữu tự bản thể là một quyền tự nhiên. Bởi đó, tước bỏ đi là điều bất công và từ đó, dĩ nhiên, phải đưa đến việc xáo trộn cả trật tự xã hội.

Trái lại phương thức giải quyết thực tiển các vấn vô sản rất trầm trọng cần phải được tìm ra trong

   - phổ biến rộng rãi hơn quyền tư hữu giữa các công nhân,

   - làm thể nào để san bằng được khoản cách giữa đại đa số người nghèo tuyệt vọng và mức giàu có không lồ trong tay một ít chủ nhân ông.  

Sau khi bác bỏ xã hội chủ nghĩa trên chính bình diện nguyên tắc tổng quát của nền triết học xã hội Ki tô giáo, Thông Điệp Rerum Novarum xoay qua chạm trán với ý thức hệ tự do chủ nghĩa cũng trên cùng một bình diện.

Thông Điệp không nêu đích danh " tự do chủ nghĩa ", nhưng phá bỏ đi các tiền định giả thiết ( presupposti) triết học và luân lý của học thuyết đó, bằng cách đưa ra những đường nét chính của Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội, nền tảng của ý thức hệ công giáo. 

   3 - Các nguyên tắc của ý thức hệ công giáo.

    a) Nguyên tắc thứ nhứt dẫn đầu cho mọi duyệt xét suy tư khác đó là phẩm giá con người và từ đó là việc làm của con người.

Người giàu và các chủ nhân - ĐTC Leo XIII nói -

   - " không được đối xử với nhân công như là nô lệ, phải kính trọng phẩm giá con người nơi người công nhân ( ...). Dưới cặp mắt của lý trí và đức tin, việc làm không đê tiện hoá con người, trái lại làm cho con người trở nên cao qúy hơn ( ...). Điều không xứng đáng đối với con người, đó là dùng con người như là dụng cụ để sinh lợi lộc, coi con người có giá trị tùy theo năng lực sức lực thân xác của anh ta " ( ĐTC Leo XIII, Rerum Novarum, n. 16,4, id.).

   b) Nguyên tắc thứ hai, đó là kinh tế có tầm vóc luân lý của mình, chính trong đó mà kinh tế được định hướng nhằm phục vụ con người.

Đây cũng là nguyên tắc đứng ra công khai chống lại ý thức hệ tự do chủ nghĩa. Bởi lẽ tự do chủ nghĩa luôn luôn chủ xướng rằng tiến trình kinh tế không có gì liên hệ đến quan niệm luân lý. Bởi lẽ kinh tế chỉ theo lề luật cứng rắn của thị trường, chớ không có gì phải quan tâm  đối với quan niệm " công bình " hay    " bất công ".  

Một cách cá biệt, ĐTC Leo XIII nhấn mạnh đến mức lương bổng phải chính đáng:

   - " Ước gì chủ nhân và công nhân thoả thuận được giao kèo với nhau và, một cách cá biệt, thiết lập được với nhau mức lương bổng. Nhưng tất cả những điều đó không loại bỏ đi cần phải có luật lệ công bằng thiên nhiên ở bên trên ý chí tự do của hai bên ký thoả ước giao kèo và mức lương bổng không thể nào dưới mức cho phép người công nhân đơn sơ và liêm chính có thể sống được. Nếu người công nhân, bị bắt buộc vì nhu cầu hay vì sợ phải tệ hại hơn, chấp nhận các điều kiện khắc khổ hơn, đàng khác vì không thể nào có thể khước từ được, bởi vì đó là các điều kiện mà chủ nhân hay người cung cấp việc cho áp đặt, người công nhân đang bị bạo lực trấn áp, mà chống lại bạo lực đó công lý phản đối " ( ĐTC Leo XIII, Rerum Novarum, n. 34, 4, id.).

Nói một cách tổng quát, mục đích của kinh tế là con người, chớ không phải lợi nhuận. Con người không bao giờ có thể làm tôi tớ cho lợi nhuận.

   c) Nguyên tắc thứ ba , đó là cơ chế Quốc Gia phải can thiệp vào vấn đề xã hội và kinh tế, trợ giúp những ai đang có nhu cầu.

Lý do đó là

   - " bổn phận của Quốc Gia là phải chăm lo cho công ích " ( ĐTC Leo XIII, Rerum Novarum, n. 26, 2, id.).

Nhưng công ích không phải là tổng số của các lợi ích riêng tư - như rất tiếc đó là theo quan niệm của ý thức hệ tự do chủ nghĩa - và như vậy, mỗi người càng thành đạt đươc bao nhiêu lợi nhuận cho chính mình, anh ta càng góp công góp của nhiều hơn cho công đồng Quốc Gia.

Công ích vượt lên trên các lợi thú riêng tư và bảo đảm cho mọi người đều có quyền như nhau, bằng chính việc bảo đảm cho lợi ích chung.

Đó chính là lý do tại sao cơ chế Quốc Gia phải can thiêp trợ giúp kẻ yếu kém hơn. Thật vậy, Thông Điệp Rerum Novarum giải thích,

   - " hạng giàu có, tự mình là thành phần có thế lực, ít cần phải nhờ đến sự bênh vực của quyền lực công cộng. Hạng vô sản, bần cố nông, trái lại, thiếu phương tiện để sống còn, trông cậy nhứt là vào sự bảo vệ của cơ chế Quốc Gia. Như vậy, Quốc Gia hãy là người bênh vực một cách cá biệt đối với công nhân, là những người thuộc về hạng người nghèo khổ " ( ĐTC Leo XIII, Rerum Novarum, n. 29, 2 id.).  

Trong nhãn quang cơ chế Quốc Gia cần phải can thiệp vì lợi ích chung ( cho cả chủ nhân lẫn công nhân), Đức Thánh Cha Leo XIII đặt giải đáp trên bình diện giáo lý cả đối với những phương diện quan trọng khác của " vấn đề công nhân " : đó là tiên liệu cho quyền đình công, thời gian được nghỉ ngơi, công đoàn lao động

Nói tóm lại, Giáo Hội, dưới ánh sáng mạc khải và triết học Ki Tô giáo, trong khi phê phán mác xít chủ nghĩa và tự do chủ nghĩa, đi sâu cả đến một vài điểm thiết yếu, mà sau đó sẽ trở thành " quyền làm việc ".

ĐTC Leo XIII phát thảo ra các đường hướng nền tảng của một tổ chức có hệ thống Huấn Dụ Xã Hội Ki Tô giáo, mà ĐTC Pio XI không  ngần ngại coi đó là " Magna Charta " ( Đại Văn Bản ), trên đó đặt nền tảng cả hoạt dộng Ki Tô giáo trong lãnh vực xã hội ( ĐTC Pio XI, Quadragesimo anno ( 15.05.1891) , n. 42, in CERAS, 78).

( Để có tài liệu nghiên cứu sâu rộng hơn về những gì chúng ta đã ngắn gọn lượt tóm qua, Anh Em có thể tra cứu thêm Tổng Lược Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội, " vấn đề công nhận ", ( Compendio della Dottrina Sociale della Chiesa,  nn. 88. 89. 90 ).



VỀ MỤC LỤC
Các dấu hiệu khủng hoảng trong đời sống và sứ vụ của linh mục giáo phận
 

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://www.chivilongchuathuongtoi.tk/

Tác phẩm: ĐÀO TẠO ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

CHƯƠNG SÁU 

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

HỌC VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ ƠN GỌI LINH MỤC (tiếp theo)


C. 2.  Các dấu hiệu khủng hoảng trong đời sống và sứ vụ của linh mục giáo phận

·        Trốn chạy trong rượu, những hoạt động gây ấn tượng và cảm giác mạnh, thích “xuất hiện” và khẳng định mình…

·        Chuyện phiếm, tán gẫu không dứt, tâm sự…

·        Thiếu khả năng sống trầm tĩnh, cô tịch, thinh lặng.

·        Ham mê giải trí thái quá: suốt ngày lướt mạng xem phim, chơi games… hay đầu tư quá nhiều thời giờ và tiền bạc vào chim, cá, kiểng…

·        Ham hoạt động quá (quá lao lực sẽ kiệt lực)

·        Nhu cầu khẳng định mình thái quá (cố gắng xây dựng những ‘công trình thế kỷ’ để đời mang dấu ấn của mình…)

·        Nhìn đời và nhìn người cách tiêu cực, hay chỉ trích phê bình…

·        Khó ngủ (nhất dạ sinh bá kế, gửi và nhận tin nhắn…)

·        Thiếu tự chủ và làm chủ bản thân, có những bất bình thường về giới tính… 

·        Những khó khăn để thoát khỏi cô độc, sợ hãi…

·        Khả năng hoạt động bị tê liệt (ở nhưng là cội rễ mọi sự dữ)

·        Chỉ thường xuyên liên hệ với một số người nào đó thôi…

 

C.3. Vài phản ứng cần thiết để vượt thắng cơn khủng hoảng 

·        Cần có thời gian cầu nguyện hằng ngày để chia sẻ bản thân với Chúa, hầu sống căn tính linh mục thực sự của mình. 

·        Tìm một đối tác biện phân, như vị linh hướng, có thể là một người bạn thân lâu dài, dẫn tới một căn tính trưởng thành. Các cân nhắc tâm lý về cá tính cũng rất hữu ích. 

·        Sự sống mật thiết với Chúa Giêsu là phương dược chữa lành vạn năng, vì việc không ngừng tìm kiếm kết hợp với Chúa Giêsu khiến linh mục tìm được sự thống nhất đời sống của mình.[1].  

·        Quả thế, trong đời sống độc thân của mình, linh mục cảm nhận sự cô đơn và lắm khi cô đơn thực sự, và đôi khi sự cô đơn đè nặng trên con người của ngài. 

·        Sự nghi ngờ, đố kỵ, ghen ghét hay thiếu thông cảm từ phía anh em linh mục đồng nghiệp của ngài (kể cả từ Giám Mục) có thể làm gia trọng nỗi thất vọng và cô đơn.[2]  

·        Nhung cô đơn của linh mục không phải là sự trống rỗng và ngài cũng không thực sự cô độc vì Đấng Cứu Thế luôn ở với ngài. 

·        Chúa Giêsu cũng vậy, trong những giờ phút bi thảm nhất của cuộc thương khó, Ngài đã cảm nhận cô đơn và bị bỏ rơi, vì Ngài vừa liên đới với thân phận tội nhân phản nghịch, lại vừa luôn sống hiệp thông mật thiết với Chúa Cha và luôn tìm theo ý Chúa Cha. 

Nơi nào có oán ghét hận thù

Xin giúp con xấy dựng tình thương.

Nơi nào có khinh khi nhục mạ,

Xin giúp con mang lại thứ tha.

Nới nào có mâu thuẫn bất đồng,

Xin giúp con nên người hòa giải.

Nơi nào có giả dối sai lầm,

Xin giúp con rao truyền chân lý.

Nơi nào có hoài nghi ngờ vực,

Xin giúp con củng cố đức tin.

Nơi nào có nản chí sờn lòng,

Xin giúp con gieo niềm hy vọng.

Nơi nào có bóng tối mây mù,

Xin giúp con khai nguồn ánh sáng.

Nơi nào có u sầu buồn bã,

Xin giúp con đem lại an vui.

            Lời cầu Kinh Sáng thứ bảy Tuần II.


[1] Sắc lệnh chức vụ và đời sống linh mục số 14,5.

[2] x. Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus số 59.

 

VỀ MỤC LỤC
SỰ CAO CẢ CỦA TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG

 

Tác phẩm: Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

 

B20. SỰ CAO CẢ CỦA TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG

1. Để sống một cách sung mãn trong ơn gọi hôn nhân, thiết tưởng cần phải vượt qua não trạng vị luật hay đúng hơn cái tâm thức mà chúng ta thường gọi là “tâm thức tiêu thụ” đối với các bí tích trong Giáo Hội. Với tâm thức tiêu thụ ấy, nhiều đôi vợ chồng cho rằng: một khi đã chịu bí tích trong nhà thờ thì cuộc sống hôn nhân đương nhiên sẽ xuôi buồm thuận gió.

Thật ra nghi thức cử hành trong nhà thờ mới chỉ là khởi đầu của bí tích Hôn Phối mà thôi. Bí tích Hôn Phối là cả cuộc sống vợ chồng với tất cả những thăng trầm, những chiến đấu, những vui buồn từng ngày. Chính qua những sinh hoạt từng ngày ấy mà tình yêu vợ chồng trở thành bí tích, nghĩa là trở thành dấu chỉ hữu hình của Thiên Chúa. Tất cả những biểu lộ của tình yêu lứa đôi từ những lời nói, ánh mắt, sự âu yếm cho đến tình thương đối với con cái… tất cả đều là dấu chỉ hữu hình của Thiên Chúa tình yêu. Đó là một tình yêu có thể thấy được, cảm nhận được. Con cái hân hoan khi chứng kiến tình yêu ấy, những người xung quanh được thánh hóa khi nhìn thấy tình yêu ấy.

Nhưng tất cả mọi biểu lộ của tình yêu vợ chồng sẽ dẫn tới sự kết hợp nên một thân xác giữa hai người, tức hành động giao hợp. Đó là dấu chứng cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa. Bàn đến một nền tu đức đặc biệt cho các đôi vợ chồng, thiết tưởng chúng ta không thể không nói đến giá trị nội tại của hành động này. Một cái nhìn lành mạnh và thánh thiện về hành động giao hợp là điều mà chúng tôi cố gắng trình bày trong bài này.

2. Để có được cái nhìn lành mạnh và thánh thiện trên đây, thiết tưởng chúng ta cần đọc lại số 49 trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vaticanô II:

“Là một hành động có đặc tính nhân linh cao cả vì từ một nhân vị này hướng tới một nhân vị khác bằng một tình cảm tự ý, tình yêu vợ chồng bao gồm hạnh phúc toàn diện của con người. Vì thế, tình yêu vợ chồng có thể lồng vào những biểu lộ của thân xác và tâm hồn một giá trị đặc biệt khiến chúng trở nên cao quí như những yếu tố và dấu hiệu đặc thù của tình yêu lứa đôi. Một tình yêu kết hợp yếu tố nhân loại với yếu tố thần linh như thế phải thấm nhuần cả đời sống, và hướng dẫn đôi vợ chồng biết tự do trao hiến cho nhau qua những tâm tình và cử chỉ yêu mến. Hơn nữa chính nhờ những hành vi quảng đại của mình mà tình yêu giữa hai người được trọn vẹn và lớn lên. Sự âu yếm trên được biểu lộ và hoàn hảo một cách đặc biệt qua những động tác riêng của bậc hôn nhân.

Bởi vậy, những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng thật là cao quí và chính đáng. Việc thực hiện chúng một cách xứng với con người, những hành vi ấy biểu lộ và khích lệ sự trao hiến cho nhau, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn”.

Những dòng trên đây của Công Đồng thực là một bài ca về hành động giao hợp trong đời sống vợ chồng. Trước kia hành động ấy bị xem như một hành động thấp hèn không xứng với phẩm giá con người, một hành động mà có lẽ Giáo Hội chỉ cho phép làm để xoa dịu cơn đói khát tình dục mà thôi. Với Công Đồng Vaticanô II, động tác ấy không chỉ được khuyến khích mà còn được xem như một nghĩa vụ giúp hoàn thiện hoá hai vợ chồng.

Nói cách khác, việc giao hợp vợ chồng không là một động tác tuỳ tiện mà hai người chỉ thực hiện theo sở thích, nhưng phải được xem như một phương thế để tiến triển trên con đường nên thánh. Nếu đó là một động tác thực sự xứng với con người được thực thi với sự chú ý, cảm thông, tôn trọng, hy sinh, quảng đại thì đó cũng là một hành động thánh thiện và mang tính tôn giáo, bởi vì sống trong tình yêu là sống trong Chúa. Tác động đó cũng là một tác động Kitô giáo bởi nó là hình ảnh của mối tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài.

3. Không thể bàn tới con đường tu đức cho các đôi vợ chồng mà không đề cao tầm quan trọng ý nghĩa và giá trị sinh hoạt tính dục trong đời sống lứa đôi. Ngày nay với cuộc cách mạng tình dục, sách vở, báo chí và nhất là phim ảnh đang cổ võ cho một cuộc sống tính dục buông thả trụy lạc, tính dục được hoàn toàn đồng hóa với tình yêu hoặc hoàn toàn tách biệt khỏi tình yêu. Nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy, khi tính dục không còn là ngôn ngữ của tình yêu thì cuộc sống xã hội cũng bị xáo trộn. Những tệ trạng gia đình như phá thai, ly dị đến bao nhiêu tệ đoan xã hội khác đều bắt nguồn từ chính sự tách biệt tính dục ra khỏi tình yêu. Xét cho cùng, khi con người tách biệt tính dục ra khỏi tình yêu thì nó tự hạ phẩm giá làm người của mình.

Vì là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với con người nên bí tích Hôn Phối luôn nhắc nhở người Kitô hữu về ý nghĩa cao cả của tính dục. Tính dục hay đúng hơn việc giao hợp vợ chồng là bí tích của tình yêu Thiên Chúa qua sự kết hợp nên một thân xác và tâm hồn giữa hai người. Hai vợ chồng cần phải ý thức rằng, họ đang thực thi một sứ mệnh cao cả mà Thiên Chúa đã uỷ thác. Đó là được tham dự vào quyền năng sáng tạo và trở thành nhân chứng cho tình yêu của Ngài.

4. Hành động giao hợp là một động tác cao cả và thánh thiện, đó là cái nhìn mà các đôi vợ chồng luôn có đối với sinh hoạt tính dục trong đời sống lứa đôi. Có lẽ không có mặc khải nào rõ ràng hơn về ý nghĩa và giá trị của sinh hoạt tính dục trong đời sống vợ chồng bằng sách Diễm Tình Ca. Vào khoảng năm 90 sau Công Nguyên, trong một công hội tại Danđia bên Palestin, các giáo trưởng và học giả Do Thái đã tranh luận sôi nổi về việc có nên xem tác phẩm này là Sách Thánh nghĩa là được linh ứng hay không? Cuối cùng, mọi người đã đồng thanh đưa tác phẩm vào qui điển, nghĩa là danh mục các Sách Thánh. Và một giáo trưởng đã phát biểu như sau: “Nếu những quyển Sách Thánh khác là thánh thì Diễm Tình Ca là cực thánh”.

Cuộc tình lãng mạn giữa đôi trai gái mục đồng ấy đã có một thời bị Giáo Hội nhìn với đôi mắt nghi ngờ và sợ hãi. Ngày nay, với giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II, những biểu lộ tình yêu trong tác phẩm này đã tìm được giá trị đúng đắn của nó.

Dưới sự soi sáng của Công Đồng, ngày nay, Kitô hữu chúng ta sẽ không còn xem thân xác hay những biểu lộ của tình yêu là đê hèn hay hạ cấp nữa, nhưng là dấu chỉ của một thực tại cao cả là chính tình yêu của Thiên Chúa. Cái nhìn thánh thiện ấy sẽ giúp các đôi vợ chồng luôn ý thức rằng, họ đang trau dồi một trong những nghệ thuật cao cả nhất trong cuộc sống con người. Đó là nghệ thuật yêu thương.

Nếu nghệ thuật là một cố gắng thể hiện chân thiện mỹ thì tình yêu vợ chồng, mà tột đỉnh là sự kết hợp nên một thân xác, cũng chính là một thể hiện của sự thánh thiện, sự tuyệt mỹ của tình yêu Thiên Chúa. Sự kết hợp đó chỉ thể hiện được tình yêu Thiên Chúa khi nó là tuyệt đỉnh, là điểm hội tụ sự dâng hiến, lòng quảng đại, sự hy sinh mà hai vợ chồng luôn thực thi cho nhau. Chỉ như thế, tình yêu giữa hai người mới trở thành cung thánh cho sự hiện diện của Thiên Chúa và là bí tích tình yêu của Ngài đối với nhân loại.

 

VỀ MỤC LỤC
VIÊM GAN B

 

Theo Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh CDC, người Mỹ gốc Á Châu và Các Đảo Thái Bình Dương chỉ chiếm 5% dân số Hoa Kỳ nhưng tỷ lệ bị bệnh Viêm Gan B mãn tính lên tới hơn 50% trong tổng số người đang sống với bệnh này. Mặc dù có tỷ lệ bệnh cao, nhưng đa số các cư dân này chưa được thử nghiệm coi xem có bị bệnh và không biết là mình bị bệnh. Lý do là đa thiếu hiểu biết hoặc hiểu nhầm về bệnh cũng như do trở ngại ngôn ngữ. Hậu quả là họ thường bị một trong những biến chứng trầm trọng là Ung Thư Gan.  CDC cũng cho hay, 70% sắc dân này sanh ra hoặc có cha mẹ đã sinh sống ở các quốc gia có dịch bệnh Viêm Gan B.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổ Chức Y tế Thế Giới, số người bị Viêm Gan B lên tới 10 triệu và là vấn đề sức khỏe rất quan trọng. Thêm vào đó, việc  chích ngừa Viêm gan B cũng như điều trị tại đây vẫn còn ở mức hết sức giới hạn, cho nên số người bị bệnh gan hoặc ung thư gan gia tăng.

Sau đây là tóm lược một số điểm căn bản về Viêm Gan B, dựa theo tài liệu của CDC. Thể theo lời yêu cầu của một thính giả ở Việt Nam qua chương Trình Hỏi Đáp Sức Khỏe Trực Tiếp mỗi tối thứ Ba trên đài Phát Thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA và một số độc giả ở thành phố Dallas-Fort Worth, Texas..

1- Viêm gan B là bệnh gì.

Đây là bệnh của gan gây ra do loại Virus Hepatitis B. Sau khi xâm nhập cơ thể, các virus này sẽ ị viêm và tổn thương cho tế bào gan, đưa tới rối loạn các chức năng của gan như tiêu hóa thực phẩm, lọc máu và chống nhiễm trùng.

Viêm gan B rất phổ biến tại Hoa Kỳ. Hiện nay có khoảng 1.2 triệu người bị Viêm Gan B mãn tính mà không biết mình có bệnh. Hàng năm có khoảng 40.000 trường hợp bệnh mới được khám phá.

Có 2 giai đoạn bệnh:

a- Cấp tính, kéo dài khoảng 6 tháng. Trong giai đoạn này, một số bệnh nhân có thể chống trả với virus và tiêu diệt chúng. Các dấu hiệu bệnh có thể từ rất nhẹ tới trầm trọng cần được điều trị tại bệnh viện.

b- Mãn tính khi virus tiếp tục hiện diện trong cơ thể, đánh phá tế bào gan và gây ra triệu chứng trầm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe.

2- Bệnh lây lan bằng cách nào?

Virus viêm gan B có nhiều ở máu, tinh dịch và các chất lỏng trong cơ thể người bệnh. Khi các chất chứa virus này xâm nhập người lành, chúng sẽ gây bệnh. Đường lây bệnh thông thường nhất là qua sự giao hợp giữa người lành với người bệnh, dùng chung kim tiêm chích hoặc truyền từ mẹ sang hài nhi khi sanh đẻ. Giao hợp là cách lây lan bệnh thường thấy nhất ở Hoa Kỳ.

Bệnh không truyền qua sữa mẹ, dùng chung vật dụng trong nhà, ôm hôn, cầm tay, ho, hắt hơi hoặc qua thực phẩm, nước uống.

3- Xin cho biết các dấu hiệu bệnh

Cần phân biệt 2 trường hợp:

a- Cấp tính là khi bệnh khởi phát nhanh, các triệu chứng mạnh và kéo dài một thời gian ngắn.

 Với Viêm gan B, thời gian cấp tính dài khoảng 6 tháng. Ba tháng sau khi bị nhiễm thì dấu hiệu xuất hiện với nóng sốt, mệt mỏi, đau bụng, kém ăn, nôn ói, phẩn có mầu nhạt, nước tiểu màu đậm, vàng da. Thường thường sau thời gian này, bệnh nhân bình phục.

b- Mãn tính mô tả sự kéo dài lâu của một bệnh, bệnh tình khởi phát chậm và thay đổi từ từ.

Trong Viêm Gan B, sau 6 tháng, xét nghiệm máu vẫn còn thấy có virus gây bệnh. Nhiều người mang bện mà không thấy có dấu hiệu và không biết là mình bị bệnh. Có khi cả vài ba chục năm sau, dấu hiệu bệnh mới xuất hiện và gan âm thầm bị tổn thương vì virus vẫn còn trong cơ thể. Khi mà dấu hiệu xuất hiện thì bệnh đã ở giai đoạn trầm trọng. Đó là trường hợp của một số đồng hương mình. Sau những năm chiến tranh, đời sống khó khăn, sống trong môi trường kém thuận lợi kèm theo dịch viêm gan, dễ bị bệnh. Nhiều người sang Hoa Kỳ, được xét nghiệm mới biết mình có bệnh. Và bắt đầu vội vàng lo sợ, tìm thầy chữa chạy.

4- Viêm Gan B có nguy hiểm không

Viêm gan B khá nguy hiểm, Trung bình, từ 15-25% bệnh nhân Viêm Gan B bị các rối loạn ở gan như tổn thương gan, suy yếu chức năng gan, xơ cứng gan và ung thư gan. Riêng tại Hoa Kỳ, hàng năm có 3000 tử vong vì viêm gan B và trên thế giới có khoảng 600.000 tử vong.

Điểm đáng lưu ý là nếu 90% người lớn tuổi có thể loại bỏ virus, hồi phục sau khi bị Viêm Gan B thì 90% bệnh nhân nhỏ tuổi trở thành mãn tính và chỉ có 10% hồi phục (Hepatitis B Foundation)

Bình phục là sau khi xét nghiệm, không còn virus trong máu .và cơ thể đã tạo ra tính miễn dịch với bệnh, không bao giờ mắc bệnh nữa.

5- Làm sao biết bị Viêm Gan B

Để xác định Viêm gan B, cần làm một số xét nghiệm máu đặc biệt và siêu âm. Kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ xác định coi nếu một người có bao giờ bị bệnh, đã bị bệnh và đã hồi phục hoặc đang bị bệnh. Bạn tình hoặc thân nhân người bị Viêm Gan B cũng cần làm các thử máu này để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của họ.

Thử máu cũng tìm hiểu xem chức năng gan thay đổi. Nếu có, men gan sẽ lên cao.

6- Xin nói về cách điều tr

Bệnh nhân bị Viêm Gan B cần được bác sĩ có kinh nghiệm về bệnh này như bác sĩ chuyên bệnh Gan hoặc Tiêu Hóa chăm sóc, điều trị. Bác sĩ sẽ lựa các dược phẩm thích hợp cho mỗi bệnh nhân. Có thể là thuốc uống, chích hoặc cả hai. Vì thuốc có một số tác dụng ngoại ý, cho nên cần được thường xuyên theo dõi, thay đổi liều lượng. Các thuốc này có thể làm chậm tác hại do Virus, trì hoãn hoặc lật ngược ảnh hưởng của bệnh đối với gan. Đa số bệnh nhân Viêm Gan B có thể kéo dài cuộc sống gần như bình thường, và nhiều bệnh nhân cũng không cần điều trị.

Cũng nên ghi nhớ là không phải bất cứ bệnh nhân bị Vêm Gan B mãn tính nào cũng cần điều trị. Bác sĩ chuyên môn sẽ cùng bệnh nhân thảo luận phương pháp điều trị thích hợp cho từng người.

7- Có thể phòng ngừa Viêm Gan B được không?

Có chứ. Đó là chích ngừa Viêm Gan B và là phương thức hữu hiệu nhất để tránh bệnh. Vaccin được chích làm 3 lần trong vòng 6 tháng. Lần đâu bất cứ lúc nào; lần 2 sau 1 tháng, lần 3 sáu tháng sau lần đầu. Đôi khi có vaccine tăng cường, chích làm 2 lần, dành riêng cho người trưởng thành. Có thể chích ngừa tại phòng mạch bác sĩ hoặc tại các cơ sở y tế, Phí tổn từ 75-165 mỹ kim. Trẻ em dưới 18 tháng có thể miễn phí tại một số trung tâm y tế công cộng.

8- Những ai cần chích ngừa

- Mọi hài nhi từ lúc lọt lòng và tất cả cháu tới tuổi 18

- Nhân viên y tế, phòng cấp cứu

- Thanh thiếu niên, người lớn có đời sống tình dục mạnh

- Người nam làm tình với người nam

- Bạn tình hoặc thân nhân sống chung với người bệnh

- Những ai muốn nhận con nuôi từ Hoa Kỳ hoặc từ các quốc gia khác

- Du lịch tới các quốc gia thường xuyên có dịch bệnh như ở Á Châu, châu Phi, Nam Mỹ, Đông Âu, Trung Đông và Các Hải Đảo Thái Bình Dương

- Bệnh nhân thận đang lọc máu.

Những ai đã bị Viêm Gan B không cần chích vì đã đựoc miễn dịch với bệnh.

9- Có cần kiêng ăn uống khi bị Viêm Gan B?

Cũng không cần kiêng khem nhiều lắm.

Trước hết là nên ăn uống đầy đủ và cân bằng các loại thực phẩm chính như chất đạm, tinh bột. Riêng chất béo thì giảm chút đỉnh.

Tiêu thụ nhiều rau và trái cây, vừa dễ tiêu, nhiều chất dinh dưỡng mà lại không có cholesterol.

Không tiêu thụ tôm cua sống vì chúng có thể chứa vài loại vi khuẩn gây bệnh.

Tuyệt đối không uống rượu, hút thuốc lá.

Và nhớ hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại dược phẩm nào, kể cả âu dược do bác sĩ biên toa hoặc mua tự do cũng như các loại dược thảo. bộ phận động vật “quý hiếm” hoang dã.

Một lá gan đang bị tổn thương sẽ tổn thương thêm khi người bệnh dùng các chất có hại cho gan.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ

www.bsnguyenyduc.com 

 
VỀ MỤC LỤC
KHI VỢ HƠN CHỒNG Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

 

Mặc dù biết rất rõ mình chẳng có hoa tay và tài khéo, nhưng lại “mê” vẽ, thành thử hồi còn ở trung học nội trú, cứ chiều thứ năm được đi dạo phố, gã và mấy đứa bạn cùng sở thích thường hay la cà ở đường Tự Do, từ bến Bạch Đằng đến nhà thờ Đức Bà, hễ thấy có phòng triển lãm nào là chui vào ngắm nghía. Rồi về nhà cùng nhau đọc sách và “ngâm kíu” thêm về hội hoạ, cho nên gã cũng hiểu lõm bõm được thế nào là luật phối cảnh, thế nào là cách thức pha màu và những tỷ lệ cần phải giữ khi vẽ chân dung…Ngoài ra, gã cũng nhận thấy có những bức tranh đẹp vì tác giả đã diễn tả được cái vẻ cân đối hài hoà, nhưng cũng có những bức tranh đẹp vì ông hoạ sĩ đã sử dụng một cách tài tình những đường nét tương phản.

Cuộc đời mỗi người cũng chính là một bức tranh. Chẳng thế mà trong “Cung Oán Ngâm Khúc”, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết:

- Lò cừ nung nấu sự đời,

  Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

Vân là mây, cẩu là chó. Mây đó, rồi lại chó đó. Xuất phát từ câu “bạch vân biến vi thương cẩu” của thi hào Đỗ Phủ, nghĩa là đám mây trắng bỗng biến thành con chó xanh, để nói lên những đổi thay của đời người, nay còn mai mất.

Đời sống và nhất là đời sống hôn nhân cũng thế. Có những cuộc tình đẹp do vẻ hài hoà cân đối. Chẳng thế mà các cụ ta ngày xưa, khi dựng vợ gả chồng cho con cái, thường tuân thủ định luật về “môn đương hộ đối”, nhà cửa phải ngang bằng với nhau, có ý nói đến sự tương đương về tiền bạc, về địa vị xã hội giữa nhà trai và nhà gái đang lăm le kết tình xui gia.

Thế nhưng, cũng có những cuộc tình đẹp do nét tương phản: So với chị vợ, anh chồng thường phải cao một tí, già hơn một tí và giỏi hơn một tí….Mặc dù không nói ra, nhưng xem ra ai cũng công nhận và coi đó là một định lý thuận, một qui luật chung, chuyện đời phải vậy mà thôi.

Tuy nhiên, nếu tình thế bị lật ngược, có nghĩa là so với anh chồng, chị vợ cao hơn một tí, già hơn một tí và giỏi hơn một tí, lúc đó trời đất sẽ quay cuồng, mọi người sẽ không ngớt bàn ra tán vào, bàn vào tán ra. Thật là rách việc! Cũng chính vì thế, mà hôm nay gã xin trình bày đôi ba nét về cái “định lý đảo” này.

 

Thứ nhất, đó là khi chị vợ…cao hơn anh chồng

 

Chồng cao hơn vợ một cái đầu, đó chỉ chuyện thường ngày ở huyện. Bên cạnh nhà gã có một cô bé, hình dong bên ngoài hơi bị khiêm tốn, nếu không muốn nói là bị thiếu hụt thước tấc một cách trầm trọng. Bù lại, ông trời đã hào phóng ban tặng cho cô bé cái năng khiếu bên trong về ngoại ngữ thật tuyệt vời. Cô bé trở thành giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường đại học.

Thế rồi cô bé và một vài người khác được chọn, thay mặt cho nhà trường, đi trao đổi văn hoá tại Ấn Độ với bạn bè quốc tế của khối nói tiếng Anh. Và trong cuộc giao lưu này, một anh chàng Ăng Lê chính hiệu mắt xanh, tóc vàng hoe đã làm quen với cô bé.

Sau đó, khi trở về nước, tình yêu của họ bắt đầu đâm chồi nảy lộc qua những cái “meo” được trao đổi, cũng như qua những lần nói chuyện đường dài, “nấu cháo điện thoại”.

Cuối cùng, anh chàng Ăng Lê đã chịu đèn, say mê cô bé như điếu đổ, đích thân qua Việt Nam thăm cô bé, rồi lại đưa cả bà mẹ sang xin cưới hỏi đàng hoàng theo đúng thủ tục và nghi lễ của dân tộc ta. Thế nhưng, cô bé chỉ đứng tới ngực anh chàng Ăng Lê mà thôi. Có một lần trong chỗ riêng tư, gã đã hỏi cô bé:

- Khi hai người muốn hôn nhau một phát, thì phải làm sao nhỉ?

Cô bé vô tư trả lời:

- Thì mình kiễng chân lên một tí, còn anh ta thì cúi đầu xuống một tí. Và thế là có ngay một nụ hôn nồng thắm!

Bà con lối xóm chỉ lắc đầu ngao ngán cho cái thói to gan bạo phổi của cô bé. Nhưng dầu sao cho tới lúc này cô bé vẫn luôn hạnh phúc mãi tận xứ sở của sương mù, bên cạnh anh chồng cao khều của mình.

Tuy nhiên, điều không được bình thường cho lắm khi áp dụng định lý đảo này vào chị vợ, nghĩa là chị ta lại cao hơn anh chồng một tí. Có lẽ chính chị vợ cũng đã ngán ngẩm khi nhận ra sự trực trặc ấy, như ca dao đã từng diễn tả:

- Mẹ em tham thúng xôi rền,

  Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.

  Em đã bảo mẹ rằng đừng,

  Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.

  Bây giờ chồng thấp vợ cao,

  Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.

Còn bàn dân thiên hạ thì lại nhìn anh chàng bằng cặp mắt soi mói, cộng thêm một chút thương hại:

- Chồng thấp mà lấy vợ cao,

  Nồi tròn, vung méo úp sao cho vừa.

Viết tới đây, gã bỗng cảm thấy ngao ngán thay cho những cô hoa hậu Việt Nam, bởi vì trong những năm gần đây, người ta thường hay bình chọn những cô cao khoảng một mét bảy đổ lên, để được bằng chị bằng em, lỡ có phải ra nước ngoài thi thố. Nhưng người ta đâu có nghĩ tới tình trạng “lệch pha” của những người đẹp chân dài khi bước vào đời sống vợ chồng.

 

Thứ hai, đó là khi chị vợ…già hơn anh chồng

 

Anh chồng nhiều hơn chị vợ một vài tuổi, đó là chuyện bình thường. Có khi còn hơn cả một hai con giáp, thì cũng chẳng ai nhòm ngó. Thậm chí ngày nay nhiều cô gái trẻ lại thích lấy anh chồng già, vì anh chồng già xem ra chững chạc hơn, và nhất là biết chiều chuộng hơn: Chồng già vợ trẻ là tiên!

Chứ còn lấy anh chồng trẻ, tuổi tác xấp xỉ ngang nhau, cả hai tính khí vẫn như con nít, xoay như chong chóng, chẳng biết đường nào mà mò. Vợ chồng trẻ con, thích đấy rồi lại chán đấy.

Thế nhưng, nếu chị vợ chẳng may già hơn anh chồng một tí, thì lập tức liền bị bàn dân thiên hạ dí mũi, chõ miệng vào mà chê bai và phê phán: Vợ già chồng trẻ là duyên…con bò! Hay như ca dao cũng đã tốn nhiều lời bình luận:

- Chồng lớn vợ bé thì xinh,

  Chồng bé vợ lớn ra tình chị em!

- Chồng già vợ trẻ là tiên,

  Vợ già chồng trẻ như tiền vứt đi.

- Chồng già vợ trẻ là tiên,

  Vợ già chồng trẻ là con điên lấy thằng khùng.

Bạn bè thì khuyên nhủ:

- Bây giờ cậu còn trẻ, giỏi giang, hắn mê cậu thật, nhưng sau mười năm nữa, cậu sẽ trở thành một bà già và hắn sẽ bỏ cậu để chạy theo những đứa con gái trẻ đẹp cho mà xem.

Bản thân chị vợ nhiều lúc cũng bực bội tức tối không ít, như câu chuyện dưới đây:

Vừa về đến nhà, bà M vứt phịch cái túi xuống rồi ngồi thừ trên ghế. Đứa con gái vừa mon men lại gần, bà liền quát um lên. Ông chồng dựng xe xong đi vào. Con gái cười cười hỏi bố:

- Bố lại vừa phạm tội gì à?

- Tao trẻ hơn mẹ mày là tao có tội hử?

Chỉ chờ có thế, bà M liền nổi trận lôi đình. Thì ra hai vợ chồng bà vừa đi ăn cưới về, tiện thể rẽ vào nhà đứa con gái lớn chơi. Mấy người họ hàng nhà thông gia bên ấy không hiểu mắt mũi thế nào mà lại đồng thanh chào:

- Cháu chào bà, cháu chào chú!

Bực nhất là có đứa còn hỏi ông chồng ra vẻ quan tâm:

- Chú đưa mẹ vợ đi chơi đấy à?

Hai vợ chồng bà M mặt…ngắn tũn, sượng sùng! (Diên Vỹ).

Tình trạng “lệch pha” này, được cánh báo chí hiện nay diễn tả một cách cụ thể và chính xác bằng cụm từ “phi công trẻ lái máy bay bà già”!

 

Thứ ba, đó là khi chị vợ…giỏi hơn anh chồng

 

Chị vợ là giảng viên đại học. Anh chồng là tài xế taxi. Những ngày mới cưới, họ còn ngồi xem TV và trò chuyện với nhau. Nhưng rồi công việc của chị vợ mỗi ngày một nhiều. Trong lúc chị vợ bận rộn đọc tài liệu, soạn bài giảng, dịch sách…thì anh chồng lại ngồi đánh bài hay tán dóc với bè bạn. Nhất là khi đứa con trai của họ khôn lớn và bước chân vào ngưỡng cửa đại học, có việc gì nó cũng hỏi mẹ. Thành thử cứ mỗi lần hai mẹ con trao đổi với nhau về chuyện học hành, thì anh chồng lại bỏ ra quán cà phê hay tức tối gây sự. Anh cảm thấy mình chỉ là một kẻ thừa thãi trong căn nhà đầy đủ tiện nghi.

Theo các chuyên gia tâm lý, thì sự chênh lệch về học thức rất dễ tạo nên những mâu thuẫn trong nhiều lãnh vực, chẳng hạn như giáo dục con cái, kế hoạch chi tiêu, quan hệ xã hội và thậm chí cả trong sinh hoạt tình dục.

Những anh chồng học vấn thấp thường cảm thấy ấm ức trước những ý kiến của chị vợ, nhất là khi chị vợ lại tỏ ra áp đặt. Rồi từ đó, anh chồng mang một thái độ tiêu cực và bất cần, không chịu chia sẻ công việc gia đình với chị vợ, và nhiều khi còn tìm cách bạo hành vợ để “bù đắp” những khuyết điểm của mình. (Minh Long).

Tác giả Lâm Thanh trên báo Phụ Nữ, khi phân tích về tình trạng “vợ giỏi”, cũng đã ghi nhận như sau:

Do quan niệm Á Đông đề cao nam giới, nên người vợ giỏi sẽ rất dễ làm nảy sinh mặc cảm và những suy nghĩ tiêu cực nơi anh chồng. Chị vợ thành đạt không còn có nhiều thời gian như trước đây, chị bận bịu hơn, nên thời gian dành cho gia đình cũng ít hơn, khiến anh chồng lại càng mặc cảm. Anh ngộ ra rằng vợ không còn đoái hoài gì đến mình, và mình cũng chẳng còn giá trị gì nữa.

Từ đó, anh chồng thường tỏ ra bất hợp tác với mọi việc làm của vợ, thậm chí còn quát mắng, đánh đập để thể hiện uy quyền của mình… Không thiếu những anh chồng nghĩ rằng: Là phụ nữ, dù có giỏi giang, thành đạt đến đâu chăng nữa, thì cũng vẫn là phụ nữ, nghĩa là vẫn phải nấu cơm, vẫn phải giặt quần áo cho chồng”.

Đúng như ca dao đã diễn tả:

- Khôn ngoan cũng thể đờn bà,

  Dù rằng vụng dại cũng là đờn ông!

Có anh chồng đã quan niệm:

- Phụ nữ sinh ra không được quyền tài giỏi hơn chồng.

Thậm chí có anh chồng còn hung hăng phát biểu:

- Làm đàn ông có thể chịu khổ, chứ không thể chịu nhục được.

 

Sau cùng thứ tư, đó là chị vợ…giàu hơn anh chồng

 

Chữ giàu ở đây được hiểu theo hai nghĩa, đó là gia đình thuộc vào hàng khá giả và bản thân lại kiếm được nhiều tiền.

Người con gái trước khi lấy chồng được sánh ví như một tấm lụa:

- Thân em như tấm lụa đào,

  Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

Nếu lấy được anh chồng giàu, thì mọi người đều trầm trồ khen ngợi, cho đó là một sự may mắn và số phận dường như mỉm cười với chị ta. Trong khi đó, người con trai chẳng may lấy được cô giàu, thì lại bị miệng lưỡi thế gian xỉa xói:

- Đũa mốc mà lại chòi mâm son: nghĩa là con nhà nghèo, học dốt,  xấu trai mà lại đòi lấy vợ đẹp, con nhà giàu!

- Chuột sa chĩnh gạo: mỉa mai sự may mắn được làm rể nhà giàu. Thậm chí còn được phong làm kỹ sư…đào mỏ, như ngôn ngữ thời nay người ta vốn thường dùng.

Một khi đã bước vào cuộc sống lứa đôi, để xây dựng mái ấm gia đình, thì anh chồng và chị vợ phải biết cộng tác với nhau: Chồng như đó vợ như hom, của chồng công vợ. Tiền của ai cũng được, miễn là thu nhập một cách chính đáng.

Tuy nhiên, sự đời lại không đơn giản, nhất là khi chị vợ có thu nhập cao hơn chồng. Đây chính là một con dao hai lưỡi, luôn đe doạ cắt đứt những sợi chỉ mỏng manh dệt nên tấm vải hạnh phúc. Hệ luỵ của nó, nhẹ thì ở mức vợ chồng lục đục, còn nặng thì đổ vỡ hay con cái hư hỏng.

Sở dĩ như vậy là vì trong tư tưởng của người Việt Nam, anh chồng vốn là cột trụ gia đình, có nhiệm vụ kiếm tiền để bảo đảm một cuộc sống ấm no cho mọi người. Chính vì thế, khi chị vợ có thu nhập cao hơn, thì lúc bấy giờ tiền sẽ trở thành nguyên nhân gây nên những xáo trộn và bất ổn. Nhiều anh chồng ngán ngẩm trước chị vợ giỏi kiếm tiền, đã rút ra được những kinh nghiệm quí giá như sau:

1- Với chị vợ kiếm được nhiều tiền, anh chồng dễ dàng bị sai khiến, không còn nở mày nở mặt và khoác lác được với bạn bè nữa.

2- Với chị vợ có thu nhập cao, về đến nhà chị ta sẽ nằm dài trên ghế sofa và truyền: Anh chỉ kiếm được vài đồng thì mệt mỏi cái nỗi gì, mau đi nấu cơn cơm cho em ăn! Mất toi những yêu thương và chăm sóc của bà xã.

3- Với chị vợ kiếm được nhiều tiền, anh chồng không còn là trụ cột của gia đình nữa, mà chỉ là một hạng ký sinh ăn bám mà thôi, thậm chí có khi còn bị đuổi ra khỏi nhà, vất vưởng, bơ vơ. Bằng không thì cũng phải bất đắc dĩ đóng trọn vai trò vừa làm bố, vừa làm mẹ, vừa làm “người chồng mẫu mực”.

4- Với chị vợ có thu nhập cao, anh chồng phải thường xuyên tháp tùng đi mua sắm và làm phu khuân vác đến toát cả mồ hôi hột, mệt nhừ cả người và chân tay bải hoải.

5- Với chị vợ kiếm được nhiều tiền, khi đi lại thì ngồi trên xe con có máy lạnh, ít hoạt động, nên dễ sinh bệnh tật. Khi ăn uống thì dùng những của ngon vật lạ, nếu huyết áp không cao, thì lượng mỡ trong máu cũng sẽ tăng vọt.

6- Với chị vợ có thu nhập cao, tiền bạc của anh chồng chỉ là chuyện nhỏ, không cần quản lý chặt chẽ, nên anh ta khó tránh khỏi những thói hư tật xấu, như rượu chè, cờ bạc và bồ nhí!

Chị vợ kiếm tiền giỏi hơn chồng không có nghĩa là “lên mặt”, trái lại cần phải mềm mỏng và nhẹ nhàng xử lý các tình huống, đồng thời dành quyền quyết định cho anh chồng. Chị vợ nên khéo léo gợi ý, rồi vận dụng khả năng thuyết phục một cách hợp lý, để nhận được sự đồng thuận của anh chồng.

Chị HM là một người phụ nữ xinh đẹp, tháo vát và khéo nuôi con, nhưng lại mắc phải một tật xấu duy nhất là kiếm tiền giỏi hơn chồng. Bản thân chị không bao giờ chê chồng kém, nhưng ngặt một nỗi, cứ bàn đến chuyện gì trong gia có liên quan tới tiền, thì anh chồng lại nói dỗi:

- Tôi làm sao được bằng cô, cô giỏi mà!!!

Thế nhưng, chị vẫn tôn trọng anh và cho biết:

- Một tháng tôi có thể làm thêm được hai ba chục triệu, nhưng nhìn một triệu anh đưa, tôi vẫn cảm thấy sung sướng, vì tôi biết mình đang cầm những đồng tiền do mồ hôi của chồng đổ xuống.

Còn anh chồng, trong những lúc sa cơ thất thế, hay bị sao quả tạ chiếu tướng, thay vì có thái độ tiêu cực, mặc cảm và bất hợp tác hãy khẳng định mình bằng những hành vi giúp đỡ cho chị vợ.

Để kết luận, gã xin ghi lại một hình ảnh đã được đăng tải trên báo Phụ Nữ như sau:

Trong đợt tập huấn về bạo hành gia đình được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, không ít người đã tròn mắt ngạc nhiên trước cảnh sống của một cặp vợ chồng Singapore. Họ sang Việt Nam để thuyết giảng về tâm lý. Người được mời là bà vợ, còn ông chồng đi theo để…bế con và lo cơm nước. Hàng ngày, sau khi đưa vợ đến hội trường, ông lái xe đưa bọn trẻ đi chơi và lo chăm sóc chúng.  Ông chăm sóc một cách tự nhiên và thuần thục. Cuối ngày, ông đi đón vợ, mang cả con cái theo. Gặp vợ, ông lo lắng hỏi han về công việc, không có chút mặc cảm nào, khi phải thực hiện vai trò “nội tướng” của mình. (Lâm Thanh).

Quả là đáng khâm phục lắm vậy thay!

Gã Siêu   gasieu@gmail.com


 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************