Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 161, Chúa Nhật 01.01.2012


MỤC LỤC 

Nhiệm Vụ của Giám Mục                                                                                                 Vatican 2

TIẾP CẬN VỚI KINH THÁNH                                                          Lm. An-Rê Đỗ Xuân Quế, OP.

Bài giảng LỄ GIÁNG SINH 2011                                                Viện Phụ Tổng Quyền Dòng Xitô

BÊLEM NÀO CHO GIÁNG SINH NĂM NAY ?                                             Lm. VĨNH SANG, DCCT

NƠI GIÁNG SINH ĐI QUA                                                                Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

CÁC BÀ MẸ CÔNG GIÁO CẦN NOI GƯƠNG ĐỨC MẸ             Phó tế: JB. Maria Nguyễn văn Định

CON NGHÈO QUÁ, CHÚA ƠI !                                                               Bút Xuân Trần Đình Ngọc

TÌM HIỂU HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (1)                                   Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

Tình Bằng Hữu chân thật, hoàn hảo và vĩnh viễn             Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

QUAN HỆ TÍNH DỤC TRONG HÔN NHÂN                                                  Lm. Minh Anh biên tập

AN TOÀN ĂN TẾT CON RỒNG                                                               Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, MD

TUỔI XỒN XỒN                                                                                  Chuyện phiếm của Gã Siêu


Nhiệm Vụ của Giám Mục

 

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội

Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chương III

Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội

Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục

(tiếp theo)

 

25. Nhiệm vụ giáo huấn. Việc rao giảng Phúc Âm 39 là một nhiệm vụ trổi vượt trong các nhiệm vụ chính yếu của Giám Mục, Giám Mục là những người rao truyền đức tin, đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô, Giám Mục là những tiến sĩ đích thực, nghĩa là có uy quyền của Chúa Kitô, giảng dạy cho những kẻ được trao phó cho các Ngài, một đức tin phải được xác tín và phải được áp dụng vào các phong tục, và làm sáng tỏ đức tin đó bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Các Ngài rút ra những cái mới cái cũ trong kho tàng Mạc Khải (x. Mt 13,52) để làm cho đức tin trổ sinh hoa trái, và luôn tỉnh thức loại bỏ mọi lầm lạc đang đe dọa đàn chiên mình (x. 2Tm 4,1-4). Mọi người phải kính trọng các Giám Mục như những chứng nhân của chân lý thần linh và công giáo khi các ngài thông hiệp với Giáo Hoàng Roma mà dạy dỗ, các tín hữu phải chấp nhận phán quyết của Giám Mục mình, khi nhân danh Chúa Kitô, công bố những gì về đức tin và phong hóa, cũng như phải tuân theo ngài với một lòng kính cẩn tuân phục. Mọi người phải lấy ý chí và lý trí mà kính cẩn tuân phục một cách đặc biệt những giáo huấn chính thức của Giáo Hoàng Roma, dù khi ngài không tuyên bố từ thượng tòa. Như vậy là kính trọng, nhận biết giáo huấn tối thượng và chân thành chấp nhận các phán quyết của ngài theo đúng tư tưởng và ý muốn ngài trình bày, đặc biệt biểu lộ qua tính chất các tài liệu, hoặc qua việc ngài lập lại nhiều lần đề nghị một giáo thuyết, hay qua cách diễn tả của ngài.

Tuy mỗi Giám Mục riêng rẽ không có đặc quyền bất khả ngộ, nhưng dù tản mác khắp thế giới, nếu thông hiệp với nhau và với đấng kế vị Thánh Phêrô, các ngài cùng đồng ý dạy cách chính thức những điều thuộc đức tin và phong hóa là tuyệt đối buộc phải giữ, thì lúc đó các ngài công bố cách bất khả ngộ giáo thuyết của Chúa Kitô 40. Ðiều đó còn rõ ràng hơn, khi hợp nhau trong Công Ðồng Chung, các ngài là những tiến sĩ và thẩm phán về đức tin và phong hóa cho toàn thể Giáo Hội. Phải tuân theo các định tín của các ngài 41 với một lòng vâng phục và với tinh thần đức tin.

Chúa Cứu Thế đã muốn Giáo Hội Người bất khả ngộ khi xác định giáo thuyết về đức tin và phong hóa; ơn bất khả ngộ đó có phạm vi rộng rãi tùy theo kho tàng Mạc Khải mà Giáo Hội phải bảo toàn cách cẩn trọng và phải trình bày cách trung thực. Giám Mục Roma, vị thủ lãnh của Giám Mục Ðoàn hưởng ơn bất khả ngộ đó do nhiệm vụ của Ngài khi với tư cách là mục tử và tiến sĩ tối cao của mọi Kitô hữu, ngài củng cố anh em mình vững mạnh trong đức tin (x. Lc 22,32), công bố giáo thuyết về đức tin và phong hóa bằng một phán quyết chung thẩm 42. Vì thế, các phán quyết của ngài tự nó, chứ không do sự đồng ý của Giáo Hội, phải được coi là không thể sửa đổi, vì đó là những phán quyết được công bố dưới sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần, mà Chúa đã hứa ban cho ngài qua Thánh Phêrô nên không cần ai khác chấp thuận và không nại tới phán đoán nào khác. Khi đó Giáo Hoàng Roma không phán quyết với tư cách cá nhân, nhưng trình bày và bảo vệ giáo thuyết đức tin công giáo với tư cách là thầy dạy tối cao của toàn thể Giáo Hội; nơi ngài đặc biệt có ơn bất khả ngộ của chính Giáo Hội 43. Ơn bất khả ngộ của chính Giáo Hội cũng hiện hữu nơi Giám Mục Ðoàn khi các ngài xử dụng quyền giáo huấn tối thượng cùng với đấng kế vị Thánh Phêrô. Do tác động của cùng một Chúa Thánh Thần, Giáo Hội không thể không chấp nhận những phán quyết đó, và Chúa Thánh Thần bảo vệ và phát triển toàn thể đàn chiên Chúa Kitô trong sự hợp nhất đức tin 44.

Khi Giáo Hoàng Roma, hoặc Giám Mục Ðoàn cùng với ngài, phán quyết một điều gì, thì các ngài tuyên bố điều ấy theo chính Mạc Khải mà các vị ấy phải trung thành tuân giữ. Mạc Khải trong Kinh Thánh hay trong Thánh Truyền đều được truyền lại trọn vẹn nhờ sự kế vị hợp pháp các Giám Mục và nhất là nhờ sự quan tâm của chính Giáo Hoàng Roma. Nhờ Thánh Thần Chân Lý, Mạc Khải ấy được gìn giữ cách cẩn trọng và trình bày cách trung thực 45. "Ðể có thể khảo sát đứng đắn và trình bày cách thích hợp Mạc Khải này, Ðức Giáo Hoàng và các Giám Mục làm việc cẩn thận bằng phương tiện thích hợp, tùy theo nhiệm vụ và tầm quan trọng của sự việc" 46; nhưng các ngài không nhận được một Mạc Khải công khai mới nào thêm vào kho tàng thần khải của đức tin 47. 34*

 

26. Nhiệm vụ thánh hóa. Giám Mục, bởi nhận lãnh bí tích Truyền Chức Thánh cách viên mãn, là "người quản lý ơn sủng của chức linh mục tối cao" 48, nhất là trong hy lễ tạ ơn do chính ngài dâng hoặc lo liệu cho có lễ dâng 49, nhờ đó Giáo Hội luôn sống động và tăng triển. Giáo Hội Chúa Kitô thực sự hiện diện trong mọi đoàn thể tín hữu địa phương hợp pháp. Những đoàn thể này, vì hợp nhất với các chủ chăn, nên trong Tân Ước cũng được gọi là Giáo Hội 50. Thực vậy, trong phần đất mình, mỗi đoàn thể là Dân Tộc Mới được Thiên Chúa kêu gọi trong Thánh Thần và trong sự viên mãn đầy tràn (x. 1Th 1,5). Nơi các đoàn thể đó, tín hữu được tụ hợp lại nhờ sự rao giảng Phúc Âm Chúa Kitô, và mầu nhiệm Tiệc Ly của Chúa được cử hành "để nhờ Thịt và Máu Chúa, tất cả kết thành huynh đệ và thành một thân thể" 51. Mỗi lần Giám Mục cử hành nhiệm vụ 52 với cộng đoàn tụ hợp quanh bàn thờ, đó là biểu hiệu đức ái và "sự hiệp nhất của nhiệm thể, và nếu thiếu sự hiệp nhất đó, không thể có ơn cứu rỗi" 53. Chúa Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, dù nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác khắp nơi. Và nhờ thần lực Người, Giáo Hội hiệp thành duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền 54. Bởi vì "việc tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không có công hiệu nào khác hơn là biến đổi chúng ta thành Ðấng mà chúng ta lãnh nhận" 55.

Mọi việc cử hành hợp pháp hy lễ tạ ơn đều do Giám Mục điều khiển; ngài là người lãnh nhận nhiệm vụ dâng lên nhan uy linh Chúa sự thờ phượng của Kitô giáo và có phận sự điều hành việc thờ phượng đó theo đúng giới răn Chúa và lề luật Giáo Hội. Ngài dùng phán quyết riêng để xác định những lề luật đó cho giáo phận mình.

Như thế, khi cầu nguyện và làm việc cho dân chúng, các Giám Mục đổ đầy tràn trên họ, dưới nhiều hình thức, những ơn lành do sự thánh thiện sung mãn của Chúa Kitô. Bằng thừa tác vụ lời Chúa, các ngài thông truyền cho tín hữu sức mạnh của Thiên Chúa hầu cứu rỗi họ (x. Rm 1,16). Các ngài thánh hóa giáo hữu bằng các bí tích mà với quyền giám mục, các ngài lo ban phát cách đều đặn và phong phú 56. Các ngài xác định việc cử hành bí tích Thánh Tẩy là bí tích ban quyền tham dự vào chức linh mục vương giả của Chúa Kitô. Chính các ngài là thừa tác viên căn nguyên của bí tích Thêm Sức, là người truyền các chức thánh, ra qui luật về phép Giải Tội và tận tình khuyên bảo, giáo huấn giáo dân để họ kính cẩn và tin tưởng chu toàn phận sự họ trong phụng vụ và nhất là trong Thánh Lễ hy tế. Sau cùng, các ngài phải làm gương cho những kẻ thuộc quyền bằng lời ăn tiếng nói của mình. Trong cách sống, các ngài phải xa tránh mọi điều ác, và với ơn Chúa giúp, cố gắng hoàn thiện theo hết khả năng, để cùng với đoàn chiên Chúa trao phó, đạt tới đời sống vĩnh cửu 57. 35*

 

27. Nhiệm vụ cai quản. Là đại diện và sứ giả Chúa Kitô, các Giám Mục điều khiển Giáo Hội địa phương mà Chúa đã ủy thách cho 58, nhờ lời khuyên bảo, khuyến khích, gương lành, và còn bằng uy thế cùng quyền bính thánh thiện nữa. Thực vậy, các ngài chỉ dùng quyền bính để xây dựng đoàn chiên trong chân lý và thánh thiện, và luôn tâm niệm rằng: kẻ cao trọng hãy nên như kẻ rốt hết, người làm chủ hãy nên như tôi tớ (x. Lc 22,26-27). Quyền bính các ngài đích thân thi hành nhân danh Chúa Kitô, là quyền bính riêng biệt, thông thường và trực tiếp; nhưng việc thi hành cuối cùng còn lệ thuộc vào quyền tối cao của Giáo Hội, và có thể bị giới hạn phần nào vì lợi ích của Giáo Hội hay của các tín hữu. Với quyền bính ấy, các Giám Mục có quyền thiêng liêng và trước mặt Chúa có nhiệm vụ đặt ra các luật lệ cho những người thuộc quyền, xét xử và qui định tất cả những gì liên hệ tới việc thờ phượng và việc tông đồ.

Chính các Giám Mục được trao phó trọn vẹn trách nhiệm mục vụ, tức là thường xuyên và hàng ngày săn sóc con chiên mình. Không được coi các ngài như những đại diện của Giáo Hoàng Roma, vì các ngài thi hành quyền bính riêng của mình và thực sự là thủ lãnh của các dân mà các ngài cai quản 59. Vì thế, quyền bính Giám Mục không bị quyền tối cao và phổ quát làm giảm bớt, nhưng trái lại còn được nâng đỡ, củng cố và bảo đảm 60, vì Chúa Thánh Thần hằng duy trì thể thức cai quản do Chúa Kitô thiết lập trong Giáo Hội.

Ðược Chủ sai đi cai quản gia đình mình, Giám Mục phải chiêm ngắm gương mẫu Chúa Chiên Lành, Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mt 20,28; Mc 10,45) và hiến mạng sống mình vì con chiên (x. Gio 10,11). Ðược chọn giữa loài người và đầy yếu hèn, ngài có thể cảm thông nỗi đau khổ với những ai dốt nát và lầm lạc (x. Dth 5,1-2). Giám Mục không nên từ chối lắng nghe những kẻ thuộc quyền, nhưng hãy ân cần săn sóc họ như những người con đích thực, và khuyên nhủ họ hăng hái cộng tác với mình. Vì phải trả lẽ với Chúa về linh hồn con cái mình (x. Dth 13,17), Giám Mục hãy cầu nguyện, rao giảng và làm mọi việc bác ái săn sóc họ và cả những người chưa thuộc đoàn chiên duy nhất mà ngài cũng phải coi như được trao phó cho mình trong Chúa. Như Tông Ðồ Phaolô, Giám Mục mắc nợ tất cả mọi người, cho nên hãy hăng hái rao giảng Phúc Âm cho mọi người, (x. Rm 1,14-15) và khuyến khích các tín hữu làm việc tông đồ và truyền giáo. Còn tín hữu phải liên kết với Giám Mục như Giáo Hội gắn bó với Chúa Giêsu Kitô, và như Chúa Giêsu Kitô gắn bó với Chúa Cha, hầu nhờ sự hiệp nhất ấy tất cả mọi sự đều hòa hợp 61 và trở nên phong phú cho vinh quang Thiên Chúa (x. 2Cor 4,15). 36*

 

________

 

chú thích:

34* Số 25: Quyền giảng dạy (giáo huấn).

Số này trình bày những tiêu chuẩn định giá trị lời giảng dạy của giáo phẩm, trong khuôn khổ Giám Mục Ðoàn, và trình bày nguyên tắc quyền bính. Nội dung của lời giảng, những đối tượng khác nhau của giáo huấn Giáo Hội được phân tích trong sắc lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (các số 12-14).

Việc soạn thảo bản văn gặp nhiều khó khăn. Công Ðồng muốn giữ y nguyên định nghĩa về quyền giáo huấn bất khả ngộ của Giáo Hoàng, vừa muốn quả quyết quyền giáo huấn của các Giám Mục. Ðiều xác định căn bản như sau: nhiệm vụ đầu tiên của Giám Mục là rao giảng Phúc Âm. Bản văn chia ra bốn phần:

- Giám Mục là tiến sĩ của đức tin nên phải tuân theo lời giảng dạy của các Ngài.

- Bất khả ngộ tính của Giám Mục khi đồng thanh giảng dạy không những trong Công Ðồng Chung mà ngay cả khi các Ngài thông hảo với nhau và với Ðấng kế vị Phêrô để giảng dạy những giáo lý thuộc đức tin và phong hóa. Ðây là đề tài cố hữu trong khoa thần học.

- Bất khả ngộ tính của một mình Giáo Hoàng được xác định khéo léo ở đây, trong khuôn khổ của việc giảng dạy được các Giám Mục thực thi trong tập đoàn.

- Sự tương hợp của giáo thuyết Giáo Hội với Mạc Khải.

35* Số 26: Quyền thánh hóa.

Số này tuy dài nhưng khúc chiết, được sắc lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (số 15) bổ túc. Ý tưởng chính là: Giám Mục là người chủ chốt ban phát các mầu nhiệm của Chúa, là người tổ chức, phát động và bảo trì đời sống phụng vụ. Ngài chủ tọa thánh lễ cộng đồng, có trách vụ loan báo lời Chúa trong công hội phụng vụ. Ngài còn là thừa tác viên chủ yếu của các bí tích. Kết luận của số này là lời ám chỉ đến gương mẫu đời sống mà các mục tử phải nêu ra.

36* Số 27: Quyền cai quản.

Ðoạn này còn được Sắc Lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (số 16) bổ túc. Trong số đó, Công Ðồng xác định chi tiết những bổn phận mục vụ của người tông đồ, đặc biệt đối với linh mục, và cả với những tín hữu ly khai cũng như những người chưa chịu phép Thánh Tẩy. Công Ðồng đã giữ lại và lưu ý lời quả quyết này là: các Giám Mục là đại diện và thừa phái của Chúa Kitô chứ không phải đại diện Giáo Hoàng, vì lẽ các Ngài thi hành quyền năng riêng biệt của các Ngài, và việc gọi các Ngài là thủ lãnh phần dân các Ngài hướng dẫn, quả là điều xác đáng. Ở đây Công Ðồng cũng nhấn mạnh đến ý tưởng phục vụ: quyền bính Giám Mục không để thống trị; ngoài ra còn kín đáo ám chỉ tới trách nhiệm của Giám Mục đối với những người chưa thuộc về đoàn chiên duy nhất. Giám Mục không chỉ bận tâm riêng với tín hữu, nhưng có trách nhiệm đối với mọi người; ngay trong giáo phận, Ngài phải là một vị thừa sai. Câu sau cùng nhắc nhở cho tín hữu phải biết liên kết với Giám Mục của mình như Giáo Hội đã liên kết với Chúa Kitô và Chúa Kitô với Chúa Cha.

 

VỀ MỤC LỤC
TIẾP CẬN VỚI KINH THÁNH

 

LTS. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam hân hạnh giới thiệu (sẽ được chia ra làm nhiều kỳ liên tiếp) Bài viết rất công phu và giá trị thực hành thiết thực của cha Anrê Đỗ Xuân Quế, OP. giới thiệu cách Đọc Kinh Thánh.

 

TIẾP CẬN VỚI KINH THÁNH

L.m. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.

Kinh thánh đáng lẽ ra phải chiếm một địa vị rất quan trọng trong đời người Ki-tô hữu, nhất là từ sau Công đồng Va-ti-ca-nô II, qua hiến chế Dei Verbum (Lời Chúa) và rải rác trong nhiều văn kiện và tài liệu khác.

Tuy nhiên, phải nói rằng cho tới nay, Kinh Thánh vẫn còn xa lạ đối với phần đông tín hữu và các gia đình Việt Nam, dù những năm gần đây đã có nhiều cố gắng phiên dịch và phổ biến Lời Chúa của các dịch giả.

 Gần đây Lời Chúa được phổ biến rộng rãi bằng tiếng bản quốc, trong những cuốn sách to nhỏ dưới nhiều kích cỡ khác nhau.

Nhưng đó mới chỉ là sách, còn đọc hay không lại là chuyện khác. Vì vậy, xin có mấy ý kiến dưới đây về việc đọc Kinh Thánh, nhưng đọc thế nào, để góp phần vào nỗ lực chung của Hội Thánh trên quê hương chúng ta, về một công việc hết sức hệ trọng này. Vậy phải đọc Kinh Thánh thế nào ?

 

1. GỠ bỎ mỘt sỐ đỊnh kiẾn

Trước hết phải gỡ bỏ một số định kiến chung quanh việc đọc các sách Kinh Thánh như :

1.1 Đọc Kinh Thánh là một sáng kiến mới

Nhiều người cho rằng đọc Kinh Thánh là một sáng kiến mới. Trước đây, chẳng những Hội Thánh không khuyên đọc mà lại còn giới hạn nữa. Thực ra, Hội Thánh không bao giờ giới hạn hay cấm đọc một số sách trong đó, mà chỉ đưa ra những điều kiện phải có để đọc cho hữu hiệu mà thôi. Hội Thánh không muốn Kinh Thánh được nghiên cứu và học hỏi ngoài khung cảnh sống là chính Hội Thánh, nơi truyền thông cách liên tục và linh động kinh nghiệm về Lời Chúa từ thời các thánh Tông đồ tới nay.

Hội Thánh cũng không muốn trao sách thánh vào tay giáo dân mà không hướng dẫn. Hội Thánh muốn tín hữu liên hệ với lối giải thích theo truyền thống như do một nguồn suối từ xa xưa để lại.

Thật thế, Lời Chúa là một kho tàng quí giá không nên để cho mỗi người tự ý lãnh hội và giải thích mà không được kiểm soát và hướng dẫn.

1.2 Kinh Thánh là chuyện thánh, chuyện cho trẻ con

Nói đến Kinh Thánh với người lớn tuổi, thường người ta nhớ lại những chuyện trong sách Sấm truyền cũ. Hồi ấy, Kinh Thánh chưa được dịch sang tiếng bản quốc và phổ biến rộng rãi. Thường là mấy cuốn sách kể các tích chuyện trong Kinh Thánh được trình bày với những tranh vẽ ngây ngô nhưng hấp dẫn. Vì vậy, người ta mới đồng hóa những chuyện này với các sách chuyện dành cho trẻ con, như các sách vẽ tranh hoạt hình của Walt Disney dành cho thiếu nhi bây giờ. Nhưng sách thánh không chỉ kể những tích chuyện mà đàng sau còn có ý nghĩa nữa. Đó mới là điều quan trọng vì những chuyện ấy bày tỏ cho chúng ta ý định của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Người.

1.3 Đọc Kinh Thánh có lợi gì ?

Có người vấn nạn khi được khuyên mời đọc Kinh Thánh. Người ấy bảo : “Chúng ta đã có các bí tích và có thể cầu xin cùng các thánh. Vậy đọc Kinh Thánh sẽ mang lại cho ta những ích lợi gì ? Ơn thánh chẳng do bí tích mang lại cho ta ư ?

Quả thật, nhờ các bí tích, chúng ta được ơn thánh, nhưng với điều kiện là phải có lòng tin và sạch tội trọng. Nếu các bí tích ban ơn mà không tùy thuộc ở mức độ thánh thiện của người cử hành thì ngược lại điều ấy phải tùy thuộc ở lòng tin và xu hướng của người lãnh nhận. Còn về các thánh, nếu chúng ta yêu mến và cầu xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta, thì chúng ta đừng quên là các ngài đã hằng yêu mến và tôn sùng Lời Chúa. Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su về cuối đời có bộc lộ rằng các sách tu đức làm cho bà ngao ngán và bà chỉ còn “chịu” được các sách Tin Mừng thôi. Các điều bà viết đều tràn đầy những trích dẫn Kinh Thánh và chủ thuyết về con đường thơ ấu thiêng liêng của bà cũng khởi đầu bằng một câu lấy trong Kinh Thánh : “Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng đuọc vào Nước Trời.” (Mt 18,3)

1.4 Sách Kinh Thánh có nhiều chỗ không xây dựng

Có người cho rằng Kinh Thánh không xây dựng vì nói đến chiến tranh, giết chóc, hận thù, ngoại tình v.v… Thật sinh gương xấu. Đúng là trong Kinh Thánh có những điều đó. Nhưng chúng ta nên hiểu tại sao như vậy. Nếu hiểu, chúng ta sẽ thấy rằng Kinh Thánh là lịch sử một dân tuy được chọn, nhưng có lúc bất trung. Thiên Chúa đã chấp nhận và kén chọn dân đó để huấn luyện và giáo dục họ nay một ít mai một ít. Đáng lẽ chúng ta phải cảm phục Thiên Chúa vì lòng khoan dung nhẫn nại của Người mới phải. Tựu trung, sở dĩ có những chuyện ít xây dựng hay không xây dựng là vì hai lý do :

* Bày tỏ một cách chân thành và trung thực lịch sử một dân tộc mà không tô điểm.

* Minh chứng sức mạnh biến đổi lạ lùng của Thiên Chúa mà không phế bỏ tự do của con người, đi từ chỗ bất toàn đến chỗ hoàn hảo để giúp con người đón nhận ơn cứu độ.

 

2. Thái đỘ phẢi có khi đỌc Kinh Thánh

2.1 Đọc một cách hiểu biết và sáng suốt

Phải đọc Kinh Thánh cách hiểu biết và sáng suốt, nghĩa là cố gắng nhận định và phê bình như khi đọc một cuốn sách. Vậy khi đọc một cuốn sách, chúng ta phê bình và nhận định thế nào ? Trước khi mở sách, chúng ta xem tên sách và tác giả. Nếu là tác giả tên tuổi được ưa chuộng, chúng ta sẽ đọc một cách thích thú. Tên của tác giả thường có tính quyết định trong việc lựa sách và ảnh hưởng nhiều đến sự phê bình và nhận định của chúng ta. Thành ra cố gắng đầu tiên để phê bình nhận định thường hướng về tác giả. Trong Kinh Thánh có hai tác giả : Thiên Chúa và con người. Tác giả người phàm là ai, thuộc xã hội nào và có cái nhìn ra sao ?

2.2 Các tác giả được linh hứng và mặc khải

Người ta thường nói các tác giả Kinh Thánh là những người được linh hứng. Nếu hiểu đúng từ linh hứng, mọi việc sẽ sáng tỏ. Linh hứng không phải là mặc khải. Cần phân biệt rõ hai từ này. Thật vậy, Kinh Thánh không phải là sách được mặc khải mà là được linh hứng. Khi nói về mặc khải trong Kinh Thánh, người ta thường hiểu về nội dung sứ điệp. Nội dung này được mặc khải nhưng không phải bản văn : nội dung được mặc khải còn bản văn được linh hứng. Linh hứng nghĩa là được ơn trên soi sáng, nhưng sách không phải được viết sẵn từ trời đưa xuống, không thiếu một dấu chấm, dấu phẩy, nhưng là do người phàm viết ra với các đặc tính cá nhân của con người ấy. Thiên Chúa linh hứng qua nhân cách, tư tưởng, năng khiếu, tâm tình ý nghĩ của người ấy. Tất cả những thứ này đều không ảnh hưởng đến bản chất của sứ điệp và giá trị nội tại của sứ điệp cũng không bị tiêu hủy vì các đặc tính của tác giả phàm nhân.

Do đấy, toàn bộ Kinh Thánh, nội dung cũng như hình thức, tư tưởng, danh từ phát xuất bởi hai nguồn hoạt động, không phải xếp cạnh nhau mà chồng lên nhau, đó là Thiên Chúa và người phàm. Soạn giả Kinh Thánh, dù khi được linh hứng cũng không phải một cái máy chữ. Tác giả vẫn còn giữ nhân cách của mình, vẫn là mình với tính tình và ý tưởng riêng. Thiên Chúa không xô đẩy mà chỉ dùng những thứ đó để chuyển đạt sứ điệp của Người. Đó là điều rất đáng quí cho loài người chúng ta. Chúng ta chỉ nhìn vào bốn tác giả sách Tin Mừng cũng thấy như thế.

2.2.1 Thánh Mát-thêu là người thu thuế.

Vì thu thuế nên tự nhiên có thói quen kiểm nhận. Tính kiểm nhận này hiện ra rõ rệt nơi ngài nhất. Ngài viết cho người Do thái, đồng bào của mình và mối bận tâm lớn nhất của ngài là tỏ cho thấy Đức Giê-su đã đóng dấu thị thực lên Tin Mừng như thế nào. Ngài không bỏ lỡ một cơ hội nào để lưu ý độc giả về việc Đức Ki-tô được loan báo từ trước và mọi điều Kinh Thánh loan báo về Đấng Mê-si-a đã được thực hiện nơi Người. Tác giả đặc biệt chú ý đến những lời nói của Đức Giê-su thay vì chỉ kể lại những sự việc đã xẩy ra theo thứ tự thời gian. Ngài thu gọn lại và phân chia thành chủ đề, có khi xếp liền vào một chỗ những điều quan trọng Đức Giê-su nói về cùng một chủ đề, nhưng không ngay lúc đó mà là lúc khác (như trong bài giảng trên núi).

2.2.2 Thánh Mát-cô viết cho người Rô-ma.

Ngài không chú ý đến văn thể bao nhiêu mà chỉ thuật lại lời giảng của thánh Phê-rô. Tin Mừng của ngài hơi có vẻ cẩu thả về văn từ, ngữ vựng không được phong phú như thánh Lu-ca, nhưng người đọc nhận thấy nơi ngài sự đơn sơ với những chi tiết cụ thể làm cho Tin Mừng của ngài có một vẻ hấp dẫn riêng. Qua Tin Mừng của ngài, người ta hiểu xưa thánh Phê-rô đã giảng thế nào. Đó là một lối giảng cụ thể, linh động đi thẳng vào vấn đề. Khi tác giả thuật chuyện về Đức Ki-tô, người ta thấy Đức Ki-tô như đang xuất hiện trước mắt vậy.

2.2.3 Thánh Lu-ca

Thánh nhân không hề được xem thấy Đức Giê-su cũng không phải là môn đệ của Người. Có lẽ ngài là một trong số những người Hy-lạp theo đạo rất sớm. Ngài viết cho người ngoại giáo. Nền văn hóa Hy-lạp của ngài đã giúp ngài rất nhiều trong việc hiểu biết và cảm thông với những ai cùng có một nền văn hóa như ngài. Tin Mừng của ngài chịu ảnh hưởng rất nhiều do các bài giảng của thánh Phao-lô mà ngài là bạn đồng hành. Ngài khác xa thánh Mát-cô về tâm tính và văn hóa.Thánh Lu-ca là người có văn hóa cao, tế nhị, lịch thiệp lại có tài viết văn. Nhiều đoạn văn của ngài đạt tới mức gần như toàn mỹ, thí dụ đoạn văn nói về người con “hoang đàng” và hai người lữ khách trên đường Em-mau. Ngoài ra, ngài lại còn rất chú ý đến sự chính xác của lịch sử, địa dư hơn các vị khác. Ngài đã xác định thánh Phao-lô bị bắt vào năm 58-60 ở Césarée (Xê-da-rê), tìm gặp những nhân chứng đích thực và thu thập những dữ liệu cần thiết để viết Tin Mừng. Ngài đã nhắc lại những dữ liệu đó ngay ở đầu Tin Mừng thứ ba.

2.2.4 Thánh Gio-an

Thánh Gio-an viết Tin Mừng rất muộn, vào mãi cuối thế kỷ I. Ngài là người thần bí, cao siêu, muốn bổ túc lời chứng của ba tác giả Tin Mừng đi trước về một số điểm, bằng những kỷ niệm riêng rất cụ thể và chính xác. Từ những kỷ niệm này, ngài nói nhiều về Chúa Giê-su theo khuynh hướng một người chiêm niệm, thành ra ít kể về cuộc đời mà nói nhiều về mầu nhiệm của Chúa Giê-su.

Đó là bốn nhân vật rất khác nhau về tính tình, lối viết cũng như cách nhìn vấn đề. Tuy thế, sứ điệp vẫn là một. Đức Ki-tô được trình bày trong bốn Tin Mừng không phải là bốn Đức Ki-tô khác nhau nhưng chỉ là một, dù mỗi tác giả đã nhìn vấn đề dưới những góc cạnh khác nhau.

Đối với các tác giả khác trong các sách Kinh Thánh cũng vậy. Các ngài không thoát khỏi định luật này : không viết như nhau vì có người là mục đồng như ngôn sứ A-mốt, có người là vua như vua Đa-vít và vua Sa-lô-môn, có người bị lưu đày biệt xứ như ngôn sứ Ê-dê-ki-en, có người được bình an yên ổn như ông Ben Sira.

 

VỀ MỤC LỤC
Bài giảng LỄ GIÁNG SINH tại Đan viện HAUTERIVE, THUỴ SĨ 2011
 

LTS. Đây là bản dịch bài giảng Lễ Giáng Sinh (Lễ Ban Ngày) của Viện Phụ Tổng Quyền Dòng Xitô: Mauro-Giuseppe Lepori. Giảng tại đan viện Hauterive Thụyt Sĩ.

 

(Is 32-7-10, Hr 1, 1-6, Ga 1, 1-18)

P. Mauro-Giuseppe Lepori O. Cist 

"Đẹp thay trên đồi núi
bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an,
người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ
và nói với Xi-on rằng: "Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị
" (Is 52, 7).

"Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài" (Hr 1, 1-2).

"Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người" (Ga 1,9). 

Mỗi bài đọc trong thánh lễ ban ngày của Lễ Giáng Sinh đều nói với chúng ta về một việc loan báo, về một "tin mừng", về một Lời được làm cho nghe thấy trong thế giới. Mỗi bài đọc đều nói với chúng ta về Tin Mừng của Cứu Độ, hay đúng hơn về Cứu Độ như là Tin Mừng, như là loan báo. Một Tin Mừng, một Lời, một Ngôi Lời rất rõ ràng, diễn tả rất đúng, tất cả đều thành "xác thịt", hiện diện như con người, cụ thể, có thể đụng chạm tới được.

Để làm cho nghe được, Ngôi Lời đã thành xác phàm.

Để làm cho thấy được, Ánh Sáng đã thành xác phàm.

Phúc Âm, Tin Mừng, đến tiếp cận chúng ta trong thân xác của một Con Trẻ, trong thịt xương của một Người.

Điều đó muốn nói rằng chúng ta có thể gặp gỡ Người.

.

Ngôi Lời nói với chúng ta, chúng ta có thể nghe Người nói.

Ánh Sáng tỏ hiện, chúng ta có thể thấy Ánh Sáng.

Một Người hiện diện đó, chúng ta có thể gặp, nhìn ngắm, lắng nghe Người nói với chúng ta.

Phúc Âm, Tin Mừng Cứu Độ, chính là Ngôi Lời là Ánh Sáng chúng ta có thể nghe và nhìn ngắm nơi một Người đang nhìn chúng ta, nói với chúng ta.

Chúng ta có thể. Chúng ta không bị ép buộc. Đức Ki-tô, dù hiện diện đó, dù đã đến, vẫn không đánh mất bản tính Ngôi Lời và Ánh Sáng, bản tính Phúc Âm, Loan Báo, Tin Mừng, luôn được tái hiện. Việc loan báo Đức Ki-tô trước hết không  chất vấn trí hiểu của chúng ta, nhưng tự do của chúng ta. Tự do tiếp nhận, tự do khước từ.

"Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
Còn những ai đón nhận ... thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa" (Ga 1, 11-12).

Tự do của bóng tối tiếp nhận hay khước từ ánh sáng. Tự do của thinh lặng, hoặc của ồn ào, tiếp nhận hay khước từ Lời. Tự do của nỗi buồn tiếp nhận hay khước từ niềm vui. Tự do của những con người đã lạc mất tiếp nhận hay khước từ Cứu Độ. Tự do của bất hòa tiếp nhận hay khước từ hòa bình. Tự do của hận thù tiếp nhận hay khước từ tình yêu. Tự do của sự chết tiếp nhận hay khước từ sự sống...

Giáng Sinh đưa chúng ta đối diện với tự do của chúng ta, sự tự do thật của chúng ta, sự tự do của con người được dựng nên, của tội nhân, của những người nam, nhưng người nữ rất ít tự do, rất ít khả năng tự cứu vớt chính mình, rất ít khả năng tự cho mình niềm vui, ánh sáng, sự thật, bình an. Sự tự do thật của những con người "không là gì" cần đến tất cả, cần đến Đấng là Tất Cả.

Giáng Sinh đặt chúng ta trước một chọn lựa, một chọn lựa duy nhất mà chúng ta thực sự có thể làm: tiếp nhận hay khước từ Đấng là tất cả đến tự loan báo Mình để ban Mình cho những người không là gì cả.

"... Ngôi Lời là Thiên Chúa" (...). Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì không có gì được tạo thành" (Ga 1, 1-3).

Như thế Giáng Sinh loan báo cho chúng ta biết là có một sự tự do đích thật thuộc nhân loại, đích thật tự do: sự tự do của những người nghèo, của những người bé nhỏ, của những tội nhân, của những người đã lạc mất, của những người lầm lạc ước mong Cứu Độ, tự do của những người than khóc chờ đợi được an ủi, tự do của những đổ nát chờ đợi được tái thiết: "Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế,
hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem" (Is 52, 9)
.

Giáng Sinh loan báo cho chúng ta sự tự do của người nghèo, sự tự do của những người chẳng có gì để mà chống đối ơn Cứu Độ.

Nhưng Giáng Sinh cũng là và nhất là loan báo cho chúng ta cái nghèo của Thiên Chúa, của một Thiên Chúa đến chấp nhận lệ thuộc vào chúng ta có chấp nhận Người hay khước từ Người, của một Thiên Chúa đến tìm chúng ta như một con người đơn độc đi tìm một người bạn. Cũng là cái nghèo trong sự kiện không cứu độ chúng ta bằng những phương thế của quyền năng, nhưng bằng sự trần trụi dễ bị tổn thương của sự hiện diện của Người. Người cứu độ chúng ta bằng cách chính Người đến cứu độ chúng ta, như thể Người không có một ai, cũng như không có những phương tiện nào khác đễ tỏ bày quyền năng Cứu Rỗi của Người. Thánh Bê-na-đô đã diễn tả rất đúng mầu nhiệm này: "Đấng lẽ ra có thể chỉ cần muốn giúp chúng ta là đủ, nhưng Người đã muốn đến" (Serm. 3, Vigile de Noël).

Thiên Chúa phục vụ chúng ta bằng cách trở thành tôi tớ; Người cứu độ chúng ta bằng cách trở thành Đấng Cứu Độ. Người, vâng chính Người, chỉ có Người, chấp nhận hy sinh, chấp nhận sống trọn cuộc sống vì chúng ta từ Máng Cỏ cho tới Thập Giá.

Chính âm vang này mà chúng ta phải nhận ra được khi nghe thánh Gio-an hô lớn: "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1, 14). 

Giáng Sinh chính là cái nghèo của kiếp người, rất ít ý thức về chính mình được cái nghèo của Thiên Chúa gây bỡ ngỡ và làm thức tỉnh. Và sự tự do của con người được sự tự do của Thiên Chúa gây bỡ ngỡ và làm thức tỉnh, làm cho sống lại.

Chỉ cần một tác động đơn sơ của cái nghèo, một sự rên rỉ đơn sơ nài xin Sự Sống, một "lời vâng" đơn sơ tiếp nhận Đấng Cứu Độ, để cho phép Đức Ki-tô nhập thể trong chúng ta, và giữa chúng ta, hôm nay.

Chúng ta có thực sự là những người nghèo không? Chúng ta có tự do là những kẻ bé mọn không?

(Đan viện Mỹ Ca 29.12.2011)

 
VỀ MỤC LỤC
BÊLEM NÀO CHO GIÁNG SINH NĂM NAY ?
 

Tìn Mừng để lại cho chúng ta đầy đủ hình ảnh về biến cố Chúa Giáng Sinh:

Gương mặt của Thánh Giuse trẻ trung, tận tụy, cẩn thận và rất tỉnh thức trước những lời ngỏ của Thiên Chúa. Đức Maria hiền dịu, thanh thoát, thánh thiện, khiêm nhu, không lời nào tả hết. Cả Gia Đình Thánh tuyệt vời, ngay cả khi lâm vào tình trạng vô cùng khó xử, “Họ” vẫn bình tĩnh, kiên nhẫn, chấp nhận và trung thành với Thiên Chúa. “Họ” rất nghèo, chấp nhận cảnh nghèo, cái nghèo cùng tận cho đến một mái nhà để ẩn trú cũng không. “Họ” đặt tất cả niềm tin vào Thiên Chúa, chỉ có Thiên Chúa là Đấng duy nhất chi phối “Họ”.

Hàng ngũ “bậc thầy trong dân”, thông thái, hiểu biết tất cả, giảng dạy cho người khác rất nghiêm chỉnh, phân tích sự kiện qua Thánh Kinh rất rõ ràng minh bạch, vị trí vai vế được củng cố bởi những liên kết trần thế, thu vén lợi lộc bởi “nghề tôn giáo” của mình, đeo đuổi và luyện tập kỹ năng “khôn ngoan trần thế”, nhưng lại bàng quan với biến cố Giáng Sinh, như người đứng ngoài cuộc, không nhạy bén đủ với ý Chúa.

Còn Nhà vua và triều thần, điều họ quan tâm là quyền lực. Họ ra tay trấn áp, khủng bố, tiêu diệt mọi mầm mống có nguy cơ cho vị trí của họ, bất chấp từ đâu đến và là ai, bất chấp lịch sử và sự công bằng, bất chấp lương tâm và sự lương thiện. Họ lươn lẹo, lắt léo và gian giảo, lập mưu lập kế để ám hại người khác. Họ lo sợ mất quyền lực trong xã hội. Đặc biệt họ được sự cộng tác tích cực của “bậc thầy trong dân” khi họ cần đến.

Hai nhóm người ấy, các kinh sư, biệt phái và nhà cầm quyền, sẽ chẳng bao giờ có thể gặp được Chúa đích thực, họ chỉ toàn gặp những sự chết chóc, tàn ác, đau khổ cho đến chết, dù cả cuộc đời họ đã sống trong nhung lụa phủ phê, tiền bạc đầy ngập, tiệc tùng rước xách xoành xoạch, đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, vênh vang trần thế thừa mứa không để đâu cho hết !

Lại có hai loại người chắc chắn gặp được Chúa, loại thứ nhất không tìm mà được gặp: các mục đồng, và loại thứ hai chân thành tìm kiếm: các đạo sĩ. Có lẽ cái nghèo của các mục đồng đã trở nên cơ hội để được gặp Chúa, họ đơn sơ, không có gì lôi cuốn họ, nên lời loan báo của các Thiên Thần đã được họ đáp ứng một cách nhanh nhẹn, họ đã tận dụng được cơ hội, họ đã biết chuyển mình để thay đổi định mệnh theo ý Chúa. Như vậy, Chúa có phần “thiên vị” người nghèo, chắc tại vì Chúa là Chúa của kẻ nghèo hèn.

Còn các đạo sĩ phương Đông, những con người sẵn sàng rời bỏ sự ổn định của mình, chân thành đi tìm kiếm chân lý, đối diện với mọi tình huống của xã hội, biết vượt qua các thách đố, một lòng chung thủy với điều mình khao khát tìm kiếm. Họ không bị mê hoặc bởi quyền lực, không khiếp sợ quyền lực và dứt khoát không cấu kết với quyền lực.

Biến cố Chúa Giáng Sinh đã đi qua hơn 2000 năm rồi bao nhiêu sinh hoạt, bao nhiêu ngôn từ, bao nhiêu tác phẩm đã diễn đạt biến cố này. Bài Tin Mừng Giáng Sinh được công bố bao nhiêu lần, bao nhiêu bài giảng thuyết đã đề cập đến mọi góc cạnh của biến cố. Nhưng sao biến cố ấy vẫn cứ lạc lõng giữa đời thường hôm nay ? Vừa rất hiện thực, vừa rất xa vời mong manh.

Thánh Phanxicô đã dọn một máng cỏ trong hang đá Greccio để lôi mọi người đến gần hơn, hiểu rõ hơn biến cố Giáng Sinh, tiếc rằng hang đá ấy ngày nay hình như không còn giữ được vai trò này của mình, ngay cả trong nhiều Nhà Thờ Công Giáo, nó sa hoa phù phiếm, diễm lệ hoành tráng, nên cũng hoàn toàn xa lạ lạc lõng với Tin Mừng.

Cuộc sống đạo xem ra cũng lạc lõng không kém, bao nhiêu tiệc tùng sẽ bày ra trong đêm nay, bao nhiêu vũ hội sẽ được tổ chức đêm nay, bao nhiêu lời ca tụng được tung ra, bao nhiêu hứa hẹn liên kết quyền lực được thỏa thuận đêm nay, người ta cứ ăn, cứ uống, cứ say xỉn, cứ rắp tâm làm điều gian ác, mặc kệ Chúa Giáng Sinh.

Chắc chắn vẫn còn các “mục đồng” đang thuộc về Chúa Hài Đồng, họ ở khắp nơi, mọi hang cùng ngõ hẻm, mọi ngóc ngách vùng sâu vùng xa, có khi họ đang khóc, khóc vì cô đơn, khóc vì nghèo, khóc vì bị bỏ rơi, khóc vì bị loại trừ, khóc vì bị bất công, bị chà đạp, bị phản bội, bị bóc lột, bị lừa bịp… Chắc chắn vẫn còn các “nhà đạo sĩ”, chưa chắc họ có đạo, nhưng họ đang chân thành tím kiếm Chân Lý, đang thao thức về thân phận con người và về ơn cứu rỗi từ Trời cao.

Bêlem nào cho chúng ta hôm nay ?

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 24.12.2011 (Ephata 489)

 

VỀ MỤC LỤC
NƠI GIÁNG SINH ĐI QUA

 

Ngày Lễ Giáng Sinh, người người hân hoan vui sướng vì “Tin Mừng trọng đại” đã được loan báo cho muôn dân từ hơn hai ngàn năm nay. Bởi vì Thiên Chúa là Chúa của vũ trụ và Chúa của lịch sử, cho nên mọi con người, mọi nơi chốn, mọi biến cố đều là nơi bàn tay Chúa đặt xuống. Và như vậy, Giáng Sinh cũng đi qua mọi nơi, mọi tâm hồn và qua mọi biến cố trên cuộc đời này.

Có lần tôi hỏi một giảng viên có chức vụ ở trường đại học: “Tại sao các nước văn minh nghỉ lễ Giáng Sinh mà chúng ta không được nghỉ?”. Thầy ấy vốn là trí thức thật nên không trả lời kiểu cù nhây như các vị bằng giả rằng “đó là lễ của Tây phương”, mà thầy lại nói: “Nếu nghỉ lễ Giáng Sinh thì cũng phải nghỉ lễ Phật Đản”. Cũng được chứ sao. Nhưng kiểu lập luận từ chuyện này nhảy qua chuyện kia để tránh vấn đề là cách nói của người có học trong xã hội “văn minh” thì phải (?!)

Giáng Sinh năm nay, nước Cuba cộng sản phóng thích hơn 2,900 tù nhân, đa phần là tù nhân lương tâm. Nhiều người cho rằng đó là món quà mà lãnh tụ cộng sản Cuba dâng tặng Đức Thánh Cha Benedictô XVI nhân chuyến công du sắp tới của ngài. Số tù nhân được phóng thích lần này gấp mười lần số người mà Fidel Castro trả tự do nhân chuyến công du của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1998.

Chuyện nghỉ Lễ khắp nơi, chuyện tù nhân được phóng thích, chuyện người nghèo được quan tâm, chuyện người giàu ăn mừng... tất cả đều là dấu vết cho thấy Giáng Sinh đi qua. Ngôi Lời chọn lấy thân phận con người chỉ vì yêu thương, để từ đó, ai sống yêu thương là sống theo mầu nhiệm Giáng Sinh.

Điều cảm động là ở các trường học, dù ít trường nào cho nghỉ lễ Giáng Sinh (trừ các trung tâm ngoại ngữ có ánh sáng văn hoá Tây Âu), học sinh vẫn ăn mừng, đơn giản thôi, nhưng chan chứa tình thân yêu và sự đồng cảm.

Giáng Sinh năm nay người ta chứng kiến những chuyện bi hài. Chuyện một bài giảng rất vu vơ, lạc điệu, bị phê bình dữ dội. Chuyện những tấm lòng ngay thẳng chịu cảnh gian truân. Chuyện người nghèo vẫn còn bị ngược đãi. Chuyện nhiều Hội Thánh tin Chúa Giêsu không được mừng Sinh Nhật của Người. Gọi là bi vì quá buồn. Gọi là hài vì phải cười cái cảnh khác người, cười ra nước mắt mà vẫn phải cười.

Đành rằng Giáng Sinh đi qua là phủ xuống niềm vui, như mặt trời đi qua là toả nắng ấm. Nhưng trong từng phận đời đau đớn vẫn có dấu vết của Giáng Sinh. Bởi một lẽ đơn giản, Ngôi Lời đến là vì những cảnh đời ấy. Có thể ánh sáng bị chối từ, có thể ánh sáng bị những bàn tay gian hùng muốn che khuất. Nhưng hừng đông đã bừng lên thì dù có núi cũng phải cúi mình. Huống chi những mô đất nhấp nhô làm sao che nổi vầng hào quang chói lọi.

Sàigòn có một nét văn hoá đẹp nhưng đã bị dẹp bỏ nhiều năm nay. Ấy là phố bán thiệp Noel ở góc Hàn Thuyên gần Nhà thờ Đức Bà. Kể cũng tiếc thật, nhưng không phải vì thế mà người ta có thể phá vỡ niềm vui Giáng Sinh. Bây giờ giới trẻ gửi e-card, chia sẻ hình ảnh, âm nhạc và lời chúc mừng trên các trang mạng xã hội. Thành ra, Internet cũng là nơi Giáng Sinh đi qua.

Nếu thời Đức Maria có email, mà Mẹ mệt quá, Mẹ có lẽ sẽ gửi email và ecard cho bà Ysave. Nếu gửi email Mẹ sẽ viết gì nhỉ. Chắc chắn sẽ là lời kinh Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi”. Bây giờ, con cái của Mẹ cũng chung lời ca ngợi Chúa cùng với Mẹ qua mạng lưới điện toán mỗi ngày.

Như thế, Giáng Sinh đang đi qua và sẽ còn đi qua cuộc đời này, đi qua các tâm hồn. Chúa là Thiên Chúa muôn cơ binh và cũng là Chúa của những tâm hồn thơ bé, Chúa đi qua để giãi chiếu ánh quang huy hoàng của ngày Cứu độ cho mọi tâm hồn.

Nhưng thời nào cũng vậy và ở đâu cũng vậy, có những người đau yếu sợ ánh nắng và có những tâm hồn bệnh hoạn sợ ánh sáng công chính của Đấng mà Isaia đã báo trước từ hàng ngàn năm trước. Có những thứ bệnh chữa được khi ra ánh sáng, mà có những thứ bệnh dị ứng với ánh sáng. Kẻ nào sống với bóng tối thì không hiểu được hoa quả sinh ra từ nơi Giáng Sinh đi qua.

Có những thứ bóng tối dễ nhận biết. Như khi điện bị cúp giữa khuya chẳng hạn. Nhưng cũng có những loại bóng tối khó nhận ra. Như việc thiếu kiến thức. Như việc sống với những mưu chước gian hùng. Như việc cướp bóc (dù giữa ban trưa vẫn là hành vi của bóng tối). Sống trong bóng tối mà cứ tưởng mình là ánh sáng trí tuệ thì quả là nghịch cảnh.

Mừng mầu nhiệm Giáng Sinh là mừng kính Ánh Sáng của muôn dân. Đồng thời những ai vui mừng cũng không quên anh em mình, đồng loại mình còn bám lấy đêm đen để làm nơi ẩn náu. Khi Giáng Sinh đi qua, chúng ta cùng nguyện xin Chúa Hài Nhi cho ân sủng của Người đổ xuống trên trần gian tối tăm này, để không ai và không nơi nào còn khước từ hồng ân bao la.

Và dường như, khi Giáng Sinh đã đi qua, trần gian lại phải hát: “Trời cao hãy đổ sương xuống”, bởi vì còn nhiều mảnh đất quá cằn khô.

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

VỀ MỤC LỤC
SOLEMNITY OF MARY, THE HOLY MOTHER OF GOD (CÁC BÀ MẸ CÔNG GIÁO CẦN NOI GƯƠNG ĐỨC MẸ)

 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA

Lễ  Mẹ Thiên Chúa : Ngày 01-01

 

A-    Cảm nghiệm Sống và chia sẻ ba bài đọc: (Reflections/Share)

Bài đọc 2: Gl 4, 4-7=Thiên Chúa đã sai Con Mình tới làm con một người đàn bà, và sống dưới lề luật (câu 4 ). 1/ Vì lòng thương xót của Ngài,  tôi lại được làm Con Thiên Chúa, đó là mầu nhiệm Nhâp Thể Thiên Chúa làm người, là con của một người đàn bà trong một dân tộc, trong một thời gian nhất định. Phaolô nói: Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Ap-ba, Cha ơi !” (câu 6 )

2/ Vì sao Đức Giêsu chấp nhận một thân phận mỏng dòn và chia sẻ với lòai người đang bị giam hãm vì tội, và Đức Maria giữ quan trọng trong nhiệm cục cứu độ giải thóat tôi khỏi ách nô lệ tội lỗi và Lề Luật? – Thưa Vì Lề Luật đã gây ra các sự vi phạm mà Lề Luật đã được đặt thêm.(Gl 3, 19). Trong khi người Do thái coi Luật là cây ban sự sống, chính thánh Phaolô gán cho Luật là dụng cụ, là nguyên cớ cho người ta phạm tội.!

3/ Nhờ đâu mà tôi được gọi Thiên Chúa là Cha ? - ChínhThánh Thần làm cho tôi nhận ơn cứu chuộc ấy và đưa tôi vào gia đình của Chúa.

 

 Bài Tin Mừng: Lc 2, 16-21: Đức Maria đã giữ một tước hiệu quan trọng là Mẹ Chúa Cứu Thế trong công cuộc cứu độ: “Khi ấy các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem. Họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi nằm trong máng cỏ.” (câu 16). Vì trước đó họ đã được sứ thần bào tin là: Anh em đừng sợ, này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại…Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vit, Người là Đấng Kitô, Đức Chúa”. (Lc 2, 10-11). Sau khi nghe những lời do những người chăn chiên kể lại, Đức Mẹ đã ghi nhớ, lo lắng và vui mừng: “Còn Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng (câu 19)

 *  Đức Mẹ đã ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại Lời Chúa trong lòng. Còn bạn và tôi suy niệm Lời Chúa lúc nào? – Thưa là những lúc rảnh rỗi, riêng tư, sáng sớm hoặc trước khi đi ngủ. đọc trong giờ kinh tối gia đình, lắng nghe bằng cái tai  của con tim, để nhai đi nhai lại như khi trâu bò nhai cỏ, để ăn và nuốt lấy Lời Chúa vào lòng như Đức Mẹ, vì Kinh thánh là bức Thư Tình-Tâm Thư Chúa gởi bạn và tôi mọi lúc, hằng ngày.

 

B- Noi gương Đức Mẹ: Tôi quyết noi các mẫu gương Đức Mẹ để sống là Tín hữu trưởng thành trong Gia đình, Giáo xứ… :

1-      Đức bác ái (tay ẵm Chúa đêm ngày)

2-      Đức khiêm nhường: (Khiêm nhường khi truyền tin).

3-      Đức Tin: (nhận Ngôi Lời Nhập Thể ).

4-      Đức Vâng lời (theo Chúa suốt cuộc sống).

5-      Đức Hy vọng (trong chuồng bò/nghèo nàn)

6-      Đức Nhiệt thành (trong tiệc cưới /quan tâm).

7-      Đức Hy sinh (suôt đời / trong 33 năm).

8-      Đức Thăm viếng (đi săn sóc mọi người).

9-      Đức Can đảm (theo Chúa lên đồi Can-vê)

10-  Đức lắng nghe Lời Chúa (suy đi nghĩ lại đêm ngày)

 

C- Câu Kinh Thánh đánh động tôi chọn Sống tuần này:

CÒN MARIA THÌ GHI NHỚ MỌI KỶ NIỆM ẤY, VÀ SUY ĐI NGHĨ LẠI TRONG LÒNG.   (Lc 2, 19)

  * Ngay bây giờ tôi phải làm gì (So what am I doing / For Action)

1/ Tôi chỉ nói khi cần, khiêm tốn lắng nghe người khác, nói it hơn !

2/ Đọc, Sống và Chia sẻ Lời Chúa hàng ngày để có sức sống dồi dào.

3/ Cầu nguyện chung, riêng và gần gũi mọi người trong Gia đình.

4/ Làm việc bác ái, thăm viếng người ốm đau, nghèo khó, bất hạnh.

5/ Chu toàn bổn phận thể chất và tinh thần cho chồng con, cha mẹ.

 

D- Bạn và tôi cầu nguyện để thực hành các điều quyết tâm trên: 

  Lời hay ý đẹp: 

1/ Anh em đã được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi, thì cố gắng hết mình, để làm cho các ơn đó nên vững mạnh. (2 Phêrô 1, 10). 

2/Vai trò người mẹ là cộng tác thiêng liêng với Thiên Chúa.  (Motherhood is a sacred partnership with God.) 

* Hail, Holy Mother ! Hail Holy Mother ! who gave birth to the King who rules heaven and earth for ever .

 

Phó tế: JB. Maria Nguyễn văn Định  johndvn@yahoo.com

Mời vào thăm trang nhà:  www.chiaseloichua.com 


 

VỀ MỤC LỤC
CON NGHÈO QUÁ, CHÚA ƠI !

 

Mùa Vọng 2011 Con cũng muốn mua một đôi Thiên tuế!

  

Chúa Hài Đồng! Giáng Sinh về rộn rã!

Là  chồng, cha, gia trưởng một gia đình

Con đi làm từ sáng sớm, bình minh

Khi trở về là hoàng hôn, bóng tối!

  

Mấy bữa nay lòng con thực bối rối

Quà cho con, cho vợ, lấy đâu tiêu?

Lương tháng con chỉ có đủ, không nhiều

Khi vợ bệnh, con đau là thiếu thốn!

  

Kinh tế xuống, đồng tiền tiêu rất tốn

Vừa quay đi, quay lại, nhẵn lương rồi

Tiền chi cho  gạo, mắm với rau thôi

Đã hết sạch những đồng lương còm cõi!

  

Vợ con nhìn, nàng lặng yên không nói!

Nàng biết con đang bối rối trăm bề

Con chỉ là dân chài lưới làm thuê

Có những ngày bão bùng, đi không nổi!

  

Gia đình con,  nay cần quần áo mới

Cho vợ, con và cho cả riêng con

Mấy cái quần áo cũ vải đã mòn

Nhiều chỗ rách, vợ con khâu vá lại!

  

Chúa Hài Đồng, con lo,  lòng tê tái

Sau lễ đêm, lấy chi đãi vợ, con?

Cả gia đình còn vài bó muống non

Chắc vợ con phải xào cho lũ trẻ!

  

Không cháo gà, không bánh chưng, bánh tẻ

Không có gì ngoài đĩa muối vừng rang

Canh cà chua, nước rau muống, coi sang

Đấy chúng  con sẽ ăn mừng Thánh Lễ!

 

 

Là thứ  cây  con thích để dâng lên

Cuối thánh đường, con quỳ khấn Ơn Trên

Cho chúng con bền gan cùng cảnh khổ!

Như Thánh Gia, cuộc đời xưa nghèo khó

Không giầu sang, không phú quý, lụa là

Cho gia đình con bắt chước Thánh Gia

Sống khó nghèo nhưng tràn đầy ân sủng!

 

Bút Xuân Trần Đình Ngọc

 

VỀ MỤC LỤC

TÌM HIỂU HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI ( 1 )

 

NGUYỄN HỌC TẬP 

(Viết theo tài liệu giảng huấn của Cha Bartolomeo Sorge S.J., Nguyện Viện Trưởng Viện Đào Tạo Chính Trị Pedro Arrupe (Istituto di Formazione Politica Pedro Arrupe S.J.- PA; cfr. Bartolomeo Sorge, Introduzione alla Dpttrina Sociale della Chiesa, Queriniana, Brescia 1996 ). 

 

I - Từ Phúc Âm đến Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội.

Phúc Âm không phải chỉ được viết ra cho một số người hạn hẹp được đăc ân, có được đức tin.

Phúc Âm là sứ điệp cho mọi người được sinh ra trên mặt đất nầy, ở mọi nơi chốn và mọi thời đại.

Thật vậy, qua Lời của mình, Thiên Chúa không những mạc khải cho chúng ta đời sống thần linh của Người, nhưng đồng thời, còn

   - " mạc khải hoàn hảo chính con người cho con người " ( Gaudium et Spes, ( GS) n. 22, in EV 1/1385), trả lời cho những câu hỏi mà tất cả chúng ta đều đặt ra, bởi vì đó là những câu hỏi vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta:

   - tại sao tôi sống?

   - tại sao rồi một lúc nào đó tôi chết đi?

   - tại sao ai cũng phải chịu đau khổ, kẻ ít người nhiều ?

   - sau khi chết, chuyện gì sẽ xảy ra?

   - điều tốt đẹp đích thực cho con người và cho xã hội là những gì ? 

Phúc Âm là quyển sách duy nhứt, mà trong suốt hai ngàn năm không có lời xác nhận nào bị chối bỏ. Và nếu đôi khi, trước những hoàn cảnh lịch sử thực định, một vài người có thể nghi ngờ về chân lý của một lời dạy bảo nào đó của Giáo Hội, được trích ra từ Phúc Âm, trước sau gì luôn luôn chúng ta thấy được ( ví dụ sau 100 ý thức hệ sai lạc Cộng Sản bị Giáo Hội lên án) rằng Phúc Âm, trong khi định hướng cho con người, không bao giờ sai lầm và dối gạt con người.

Các thế kỷ dần dần qua đi, lịch sử luôn luôn xác nhận Phúc Âm có lý, mặc cho những giới hạn, yếu đuối của bao nhiêu con người rao giảng. 

   1 - Sứ mạng chính của Giáo Hội là sứ mạng tôn giao.

Sứ mạng của Giáo Hội là chính yếu rao giảng Phúc Âm, nghĩa là ơn cứu độ được Chúa Ki Tô tác động, bằng cách thông ban đời sống Thiên Chúa cho con người.

Như vậy, đó là sứ mạng chính yếu tôn giáo,

   - " chớ không phải thuộc về lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội " ( GS, 42, in EV 1/1450).

Là một sứ mạng chinh yếu siêu nhiên.  

Bởi vì siêu nhiên chính là căn cội của Giáo Hội:

   - " Giáo Hội khởi nguồn từ tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha, được thể hiện trong thời gian bởi Chúa Ki Tô Cứu Thế, được quy tựu lại trong Chúa Thánh Thần " ( GS, n. 40, in EV 1443),

Siêu nhiên là bản thế của Giáo Hội, nhưng Giáo Hội cũng thể hiện mình cho mọi người thấy được. Thật vậy, Giáo Hội là

   - một cộng đồng đức tin, niềm hy vọng và đức bác ái "(...) mà qua Giáo Hội được phổ biến cho mọi người chân lý và ân sủng " ( Lumen Gentium ( LG), n. 8, in EV 1/ 304),

Siêu nhiên là mục đích cuối cùng mà Giáo Hội hướng dẫn chúng ta: đó là sự cứu rổi vĩnh cửu của con người,

   - " mục đích cuối cùng ngày cánh chung, không ai có thể đạt đến được, nếu không phải trong thế giới tương lai " ( GS, n.40, in EV 1/1443). 

Tuy nhiên, bản chất tôn giáo và siêu nhiên  đó của Giáo Hội và sứ mạng của mình, không những không làm cho Giáo Hội tách rời khỏi lịch sử và các thực tại trần thế, nhưng đúng hơn là luôn luôn hiện diện trong các thực thể đó. Giáo Hội nhập thể thực hiện chính mình:

   - " Nước Chúa được thực hiện trong lịch sử, trong đó sự góp phần của các biến cố không phải chỉ là những gì đơn sơ thêm vào nhãn quang con người, như là một chủ thể tự tại không liên hệ gì với không gian và thờ gian " ( M.D. Chenu, La dottrina sociale della Chiesa. Origine e sviluppo ( 1891-1971), Queriniana, Brescia 1977, 50). 

Điều đó  giải thích tại sao

   - " công trình cứu độ của Chúa Ki Tô, trong khi tự bản thể mình là có mục đích để cứu rổi con người, nhưng đồng thời cũng bao gồm cả việc thiết lập trật tự trần thế. Bởi đó sứ mạng của Giáo Hội không phải chỉ là đem sứ điệp của Chúa Ki Tô và ân sủng của Người đến cho con người, mà còn cả hệ tại ở việc năng động và hoàn hảo hoá trật tự trần thế bằng tinh thần Phúc Âm " ( Apostolicam Actuositatem ( A A ), n.5, in EV 1/ 932). 

Bởi đó sứ điệp Phúc Âm về con người và về xã hội

   - " không phải chỉ là sứ điệp được đem đến cho người tín hữu Chúa Ki Tô, mà còn cho tất cả những ai thành tâm thiện chí, mà trong trái tim của họ ân sủng đang tác động một cách vô hình. Thật vậy, Chúa Ki Tô đã chết cho tất cả, và ơn gọi sau cùng của con người thực sự chỉ là một, đó là ơn gọi của Thiên Chúa " ( GS, n. 22, in EV 1/1386). 

   2 - Phúc Âm giải thoát con người.

Như vậy có một mối liên hệ chặt chẽ giữa loan báo Phúc Âm và giải thoát con người.

Không thể rao giảng Phúc Âm, nếu con người không được thăng tiến trong đời sống dân sự:

   - " Phúc Âm của Chúa Giêsu Ki Tô là một sứ điệp tự do và là một dòng lịch sử giải thoát; trước tiên và chính yếu là giải thoát khỏi nô lệ căn nguyên của tội lỗi; và bởi đó là giải thoát con người toàn vẹn, điều đó đưa đến một cách hợp lý, là giải thoát khỏi ách nô lệ đa dạng trong lãnh vực văn hoá, kinh tế và xã hội. Tất cả những ách nô lệ đó đều là hậu quả của tội lỗi và tạo nên những chướng ngại vật không cho phép con người có được cuộc sống thích hợp với phẩm giá của mình " ( Congregazione Per La Dottrina della Fede, Libertatis nuntius ( 06.08.1984), in EV IX/866). 

Đến đây thì một câu hỏi căn bản được đặt ra, đó là phải loan báo Phúc Âm thế nào để cho mọi người đều có thể hiểu đươc và đón nhân.

Đó là vấn đề liên hệ giữa Phúc Âm và văn hoá.

Thật vậy, nếu sứ điệp giải thoát của Thiên Chúa không được hoán chuyển

   - thành những giá trị,

   - thành phong tục tập quán,

   - thành ngôn ngữ và thành biểu thị trong văn hóa, sứ điệp đó vẫn còn là sứ điệp câm nín và không thể hiểu được cho chủ thể mà sú điệp được chuyển đến.

Làm thế nào có thể được đón nhận và sống theo gương mẫu của sứ điệp?

Đức Thánh Cha Phaolồ VI có lý chứng khi ngài xác quyết:

   - " Nỗi thảm đạm của thời đại chúng ta là sự rạn nứt giữa Phúc Âm và văn hoá " ( ĐTC Phaolồ VI, Evangelii nuntiandi ( 08.12.1975), n.  20, in EV V/ 1612).   

Dĩ nhiên thái đô gia nhập liên kết của con người với những gì Thiên Chúa mạc khải cho ( qua động tác đức tin) là thái độ có đặc tính siêu nhiên và thiêng liêng, bởi vì là thái độ đặt tin tưởng của mình vào Lời Chúa bất thay đổi và tất yếu, với sự sự trợ lực phải có của ơn Chúa.

Trái lại văn hoá là một hiện tượng thoát xuất từ  căn cội nhân loại và có tính cách nội tại nơi con người, thay đổi tùy theo thời gian và nơi chốn.

Tuy nhiên,

   - mặc dầu không thể quy tóm tất cả vào thực thể văn hóa,

   - đức tin không thể nào không diễn tả mình được trong một nền văn hoá, hay đúng hơn trong các nền văn hoá khác nhau.

Mạc khải và Phúc Âm

   - " dĩ nhiên không đồng hoá mình với văn hoá và độc lập đối với mọi nền văn hoá. Tuy nhiên Vương Quốc mà Phúc Âm loan báo là Vương Quốc được các con người sống có liên hệ sâu đậm đối với một nền văn hoá và việc xây dựng Vương Quốc không thể không dùng đến những yếu tố của văn hoá và của các văn hoá con người. Độc lập đối với các nền văn hoá, Phúc Âm và việc loan báo Phúc Âm không nhứt thiết phải đối nghịch lại với văn hoá, trái lại có khả năng thấm thấu vào tất cả mọi văn hoá, mà không phải tùy thuộc vào bất cứ một văn hoá nào " ( ĐTC Phaolồ VI, Evangelii nuntiandi, cit.).

Điều đó giải thích tại sao, sống trong hiện trạng của ngàn năm thứ ba mới  vừa bắt đầu, đòi buộc phải có phương thức loan báo Phúc Âm mới, một cuộc hội nhập văn hoá ( inculturazione) mới của đức tin, để cho Phúc Âm có thể được mọi người biết đến, chấp nhận và trở thành men bột cho thế hệ mới vừa ló dạng. 

   3 - Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội là điều chính đáng.

Hâu quả của những suy nghĩ được đề cập, chúng ta có thể kết luận rằng Giáo Hội có quyền và bổn phận phải can thiệp vào lãnh vực xã hội.

Đó là điều có liên quan đến sứ mạng loan truyền Phúc Âm của mình. Từ đó đưa đến việc huấn dạy về xã hội của Giáo Hội là điều chính đáng, được đặt nền tảng trên hai nguyên cớ chính.

   a ) Nguyên cớ thứ nhứt đó là vì lãnh vực luân lý có liên hệ mật thiết với lãnh vực siêu nhiên. Thật vậy, Công Đồng Vatican II giải thích: 

    * " chính những sự vật trần thế và các cơ cấu tổ chức của con người, trong đồ án của Thiên Chúa, được thiết lập nên để nhằm cho phần rổi của con người " ( Christus Dominus, n. 12, in EV 1/ 597). 

Như vậy Giáo Hội có thẩm quyền can thiệp vào các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị trong các trương độ nào các môi trường vừa kể có liên quan đến lãnh vực luân lý.

Dĩ nhiên là các sự can thiệp đó vẫn còn nằm trên bình diện luân lý và tôn giáo, bởi lẽ Giáo Hội không có thẩm quyền cá biệt đối với những vấn đề kỷ thuật chuyên môn. 

Đức Thánh Cha Pio XI đã viết:

   - " Không có bất cứ trưòng hợp nào, trong đó Giáo Hội có thể khước từ bổn phận được Chúa giao phó cho để can thiệp với uy quyền của mình, không phải vào những sự việc chuyên môn, mà đối với những lãnh vực đó Giáo Hội không có phương tiện thích ứng cũng như không có sứ mạng phải đối xử, nhưng phải can thiệp vào những gì có liên quan đến luân lý " ( ĐTC Pio XI, Quadragesimo Anno ( 15.05.1931), n. 45, in CERAS, 79). 

Như vậy Giáo Hội,

   - trong khi hoàn toàn tôn trọng đăc tính trần thế và tự lập của các thực tại trần thế,

   - vẫn không ngần ngại trình bày mình trước mặt thế giới như là chủ thể

    * " có kinh nghiệm về con người " có khả năng hiến tặng cho thế giới " những gì mình có của chính mình: một nhãn quang toàn diện về con người và về xã hội " ( ĐTC Phaolồ VI, Populorum progressio ( 26.03.1967),n. 13, in EV II / 1058)    

   b)  Nguyên cớ thứ hai làm cho lời huấn dụ xã hội của Giáo Hội có tính cách chính danh, đó là sự kiện sự mạc khải Ki Tô giáo có một chiều hướng lịch sử nội tại trong bản tính của mình.

Chương trình cứu rổi được thực hiện trong lịch sử, vẫn còn đang diễn biến hiện tại. Chúa Ki Tô là Thiên Chúa đi vào lịch sử thế giới, đảm nhận và quy hướng lịch sử đó về với mình ( Gaudium et Spes, n. 18, in EV 1/ 1437).

Biến cố nhập thể được thực hiện đầy đủ trong cả lịch sử nhân loại, qua các thời đại khác nhau, tùy theo sự nối tiếp nhau của các nền văn hoá và trải qua những chuổi giải phóng lịch sử cá biệt, được thể hiện lên trong việc nhân bản hoá thế giới,  

   - " mặc cho tội lỗi của mình, những lần sa ngã trở lại vào thói ăn ở man rợ và những đoạn thời gian lâu dài đi ra bên ngoài con đường cứu rổi, nhân loại đang dần dần, mặc dầu chậm chạp và vô ý thức, hướng về Đấng Tạo Hoá của mình, mặc cho họ có ý thức được hay không " ( ĐTC  Phaolồ VI, Populorum progressio ( 26.03.1967), n. 79, in EV II/ 1124). 

Bởi đó mặc dầu vẫn xác tín tính cách bất di dịch của chân lý về con người, được Chúa mạc khải cho, người tín hữu Chúa Ki Tô không thể không đếm xiả gì đến các hoàn cảnh lịch sử và văn hoá không ngừng thay đổi và chuyển hóa, mà trong đó chân lý Phúc Âm phải được họ trung thành và tuần tự " hội nhập văn hoá " ( inculturazione). 

Điều vừa kể giải thích cho chúng ta tại sao Giáo Hội không thể không can thiệp vào các vấn đề xã hội, và các Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội luôn luôn là những huấn dụ mở rộng.

Lý do đích thực là, trong khi cùng chia xẻ, đảm nhận lấy như là của mình

   - " các nỗi vui mừng và hy vọng, các điều buồn phiền và âu lo của con người " Giáo Hội cảm nhận và thực sự thân tình liên đới với nhân loại và với lịch sử của họ " ( GS,n. 1, in EV 1/ 1319). 

Và như vậy Giáo Hội cùng chia xẻ với nhân loại các vấn đề quan trọng của con người,

   - " cống hiến cho con nguời ánh sáng thoát xuất từ Phúc Âm " , với mục đích " giải thoát con người và canh tân xã hôi con người " ( GS, n. 3, in EV 1/ 1322). 

Dĩ nhiên là Giáo Hội chỉ có thể cống hiến cho, chớ không phải áp đặt, Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội. Nguời ta có thể khước từ, không chấp nhận.

Dầu vậy, Giáo Hội không nản chí và cảm thấy mệt mỏi, vẫn tiếp tục soi sáng các trạng huống thay đổi của lịch sử con người bằng ánh sáng bất di dịch của Phúc Âm, bằng cách tặng cho các tín hữu Chúa Ki Tô và tất cả những ai thành tâm thiện chí

   - các nguyên tắc để suy nghĩ,

   - các tiêu chuẩn để phán đoán

   - và các đinh hướng để hành động.

Tất cả những điều đó được bao gồm trong Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội.

Huấn Dụ đó đã được khởi điểm từ trên một trăm năm qua ( với Thông Điệp Rerum Novarum, 1891, của ĐTC Leo XIII) và hiện nay vẫn còn mở rộng và tiếp tục.

   4 - Chủ Thuyết Xã Hội của Giáo Hội.

Chính Phúc Âm đã là một sứ điệp xã hội. Điều đó đã được chứng minh bởi sự kiện, ngay từ lúc đầu,  

   - chính lời giảng dạy của Chúa Ki Tô,

   - của các Thánh Tông Đồ

   - và của các Đại Giáo Phụ trong Giáo Hội

là những gì hằng đối chiếu và mở rộng đối với những vấn đề của đời sống xã hội ( I. Giordani, IL messaggio sociale del cristianesimo, Città Nuova, Roma 1960).   

Tuy nhiên ngày nay mọi người đều công nhận rằng, khởi đầu từ Thông Điệp Rerum Novarum của ĐTC Leo XIII ( 1891), Giáo Hội chăm lo dấn thân để có một câu trả lời giáo lý và có hệ thống đối với những vấn đề của con người, được phát sinh ra từ " vấn đề xã hội ", được bùng nổ lên trong thế giới hiện đại với cuộc cách mạng kỷ nghệ.

Trên thực tế, đây là một cuộc đối chiếu, không bao giờ gián đoạn, trong đó Giáo Hội dần dần cập nhật hoá các lời huấn dạy của mình đối với những vấn đề mới mà các trạng huống của các " vấn đề xã hội" tiếp tục đưa đến.

Chính việc biến chuyển song song giữa " vấn đề xã hội " và các lời  tuyên bố quyền huấn dạy của Giáo Hội đưa ra những cuộc tranh luận, không phải chỉ là cuộc tranh luận hàn lâm viện: đó là tranh cải đặt câu hỏi  việc can thiệp của Giáo Hội vào lãnh vực xã hội có giá trị nào?

Như vậy cần phải gọi là

   - " chủ thuyết xã hội của Giáo Hội " ( dottrina sociale della Chiesa ) 

   - hay " huấn dạy xã hội của Giáo Hội " ( insegnamento sociale della Chiesa ) ? 

" Chủ thuyết hay giáo lý xã hội của Giáo Hội " ?

Từ ngữ " chủ thuyết , giáo lý " ( dottrina) thường được dùng để ám chỉ nội dung và chất liệu của lời giảng dạy, nghĩa là một tổng hợp phức tạp các nguyên tắc và các lời tuyên bố, kêt quả của công trình diễn dịch thuyết lý, được trình bày có cấu trúc và có hệ thống.

Tỉnh từ " xã hội " trong tên gọi " chủ thuyết, giáo lý xã hội của giáo Hội " xác định rõ đây là một chủ thuyết về việc cấu trúc và thiết lập trật tự xã hội, trên thực tế làm thế nào để hướng dẫn xã hội đạt được công ích.

Bởi đó " chủ thuyết, giáo lý xã hội ", khác biệt với việc khai triển lý thuyết, bởi lẽ là định hướng nhằm thực hiện động tác xã hội và chính trị, được hiểu với ý nghĩa rộng rãi của từ ngữ ( B. Sorge, È superato il concetto tradizionale di dottrina sociale della Chiesa ?,in La Civiltà Cattolica ( 1/1968), 423-436).  

Dĩ nhiên với quan niệm vừa kể, " chủ thuyết,  giáo lý xã hội " , theo ý nghĩa là một khối các lời tuyên bố và chỉ thị, được quyền huấn dạy cua Giáo Hội khai triển và các tín hữu giáo dân bị bắt buộc phải tuân hành - có cùng ý nghĩa với cách phát biểu trong các lần can thiệp vào xã hội, từ ĐTC Leo XIII đến ĐTC Pio XII.

Đó lá " quan niệm công giáo đặc thù " và là " con đường thứ ba ", được khai triển để trả lời cho các giai đoạn khởi đầu của " các vấn đề xã hội ", trước " những con đường " và " những ý thức hệ  đối ngược nhau, đó là ý thức hệ " xã hội chủ nghĩa thực tế " và " tư bản chủ nghĩa ".

   5 - Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội.

Trái lại đề cập đến " Huấn Dụ Xã Hội cua Giáo Hôi " ( Insegnamento Sociale della Chiesa) là chúng ta nhấn mạnh  đến

   - tính cách lịch sử

   - và thực dụng các việc can thiệp vào lãnh vực xã hội của quyền huấn dạy của Giáo Hội,

mặc dầu dĩ nhiên không loại bỏ đặc tính " chủ thuyết, giáo lý " ( dottrinale ).

Dùng từ ngữ "huấn dụ " đang bàn, chúng ta chỉ có ý nhấn mạnh đến phương thức khác hơn của việc Giáo Hội can thiệp vào các vấn đề xã hội. Đó là

   - thay vì khởi đầu từ xác định trên lý thuyết các nguyên tắc để kiểm chứng việc thực hiện điều mình đề xướng trong khuôn mẫu lịch sử ( theo nguyên tắc diễn dịch),  

   - Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội nhằm đặt năng hơn khởi đầu từ việc quan sát " các dấu chỉ thời đại", để từ đó giải thích các dấu chỉ đó dưới ánh sáng và theo các nguyên tắc Phúc Âm và từ đó xác định những lựa chọn phải thực hiện.

Như vậy Huấn Dụ đưa ra một khuôn mẫu lịch sử xác thực trong thời gian và tùy nơi chốn ( theo phương thức quy nạp).

Bởi đó từ ngữ " huấn dụ " có thể diễn tả được tính cách năng động và biến hoá lời dạy bảo của Giáo Hội hơn về vấn đề xã hội, vượt ra khỏi tính cách cố đinh bất động của quan niệm " chủ thuyết ". 

Đó chính là lý do tại sao Công Đồng Vatican II đã muốn tránh dùng từ ngữ " chủ thuyết xã hội " ( dottrina sociale) trong các tài liệu.

Chúng ta có được lý chứng đó trong Ghi Chú ( Nota ), mà các Nghị Phụ đã muốn xác định nổi bật trong Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes. Trong Ghi Chú đó của Hiến Chế, chúng ta đọc được:

   - " cần đặc tâm lưu ý xác thực hơn đến các phương diện khác nhau của đời sống ngày nay và của xã hội nhân loại, là những câu hỏi và những vấn đề có liên quan, mà ngày nay có vẻ khẩn cấp hơn. Bởi đó đề mục được cứu xét dưới ánh sáng các nguyên tắc giáo lý không phải hoàn toàn gồm những yếu tố bất di dịch, nhưng cũng chứa đựng những thay đổi " ( Gaudium et Spes, nota 1, cfr. R. Tucci, La vie de la communauté politique, in Vatican II. Commentaires, Ed. Cerf, Paris 1967, 544, nota 37).  

Cũng chính vì lý do vừa kể mà Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh, nhóm họp tai Puebla năm 1979 trong lần thuyết giảng lần III, đã muốn dùng từ ngữ " huấn dụ xã hội " ( insegnamento sociale) , để tránh dùng " chủ thuyết xã hội " ( dottrina sociale). 

Hay nói đúng hơn bản văn được Ủy Ban VI soạn thảo và được các Nghị Phụ của Hội Đồng chuẩn y đề cập đến " các huấn dụ xã hội ", ở số nhiều, để  nhấn mạnh đến tính cách năng động và khác nhau của các lần Giáo Hội can thiệp về vấn đề xã hội:

   - " Đặc tâm lưu ý đến các dấu chỉ thời đại, được giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm và quyền huấn dạy của Giáo Hội - cả cộng đồng Ki Tô giáo đều được mời gọi hãy đảm nhận trách nhiệm về các lựa chọn thiết thực và về việc thực hiện thực hữu các lựa chọn đó, để đáp ứng lại các đòi hỏi mà các hoàn cảnh thay đổi đang diễn ra. Những huấn dụ xã hội đó kế đến có đặc tính năng động, trong việc khai triển và áp dụng, mà nguơi tín hữu giáo dân không phải chỉ là những kẻ thừa hành thụ động, mà là những công tác viên với các vị chủ chăn, mà cung cấp cho các vị ,họ đem đến kinh nghiệm và thẩm quyền nghề nghiệp của mình " ( Documento finale di Puebla, n. 47. Comunione e partecipazione, AVE, Roma 1979, 595).

Nhưng thời gian sau đó và hiện nay, trong Giáo Hội được dùng cả hai từ ngữ " chủ thuyết, giáo lý " (dottrina) và " huấn dụ " ( insegnamento ), để ám chỉ các tài liệu hưóng dẫn về xã hội của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II đã diễn tả một cách xác thực và dùng từ ngữ " chủ thuyết xã hội " ( dottrina sociale ), nhưng  với ý nghĩa " huấn dụ " ( insegnamento), mà từ sau Đại Hội Đồng Giám Mục Puebla, các tài liệu về xã hội của Giáo Hội đều được gọi là " huấn vụ "  và với ý nghĩa là để huấn dạy: 

   - " Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội không phải là con đường thứ ba giữa tư bản tự do chủ nghĩa và tập thể Mác xít chủ nghĩa, cũng không phải là một giải pháp khác đối với những chủ thuyết kém quá khích hơn.

Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội là một loại sứ điệp huấn dạy đứng tách biệt. 

Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội cũng không phải là một ý thức hệ, mà là sứ điệp được khai triển cẩn thận từ kết quả của những suy tư trên các thực thể phức tạp của con người trong xã hội và trong bối cảnh quốc tế, dựa trên ánh sáng đức tin và truyền thống Giáo Hội. Muc đích chính của Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội là giải thích các thực tại đó, bằng cách duyệt xem thích hợp hay không với những gì Phúc Âm huấn dạy về con người và về ơn gọi trần thế của con người, và cả về mục đích siêu nhiên, mà con người nhắm đến.

Bởi đó Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội không thuộc về lãnh vực ý thức hệ, mà đúng hơn là về lãnh vực thần học, nhứt là thần học luân lý " ( ĐTC Gioan Phaolồ II, Sollecitudo rei socialis ( 30.12.1987), n. 41, in EV x/2669). 

Nói tóm lại, hiện nay mặc dầu chúng ta quen dùng từ ngữ " Huấn Dụ " ( insegnamento ) để chỉ các lời dạy bảo, hướng dẫn về các vấn đề xã hội của Giáo Hội, nhưng theo nguyên bản tên gọi của Toà Thánh bằng La Ngữ là " Doctrina " ( chủ thuyết, giáo lý ) về xã hội mà Giáo Hội muốn lưu ý con cái mình:

   - đó là những gì lời dạy bảo, kết quả từ những suy tư quy nạp, nhận thức từ các thực thể dưới ánh sáng giáo lý Ki Tô giáo. Bởi đó là những lời huấn dạy ( insegnamenti )  bắt buộc đối với con cái mình, khi hành xử trong các lãnh vực xã hội, kinh tế chính trị.

   - Những lời dạy bảo đó, không phải chỉ là những suy tư quy nạp từ các kinh nghiệm hiện thực, mà là các kết quả quy nạp dưới ánh sáng Ki tô giáo, ( doctrina, chủ thuyết, giáo lý ), người tín hữu Chúa Ki Tô không có gì phải lo sợ sai lạc. ( còn tiếp ).

 

 

VỀ MỤC LỤC
Tình Bằng Hữu chân thật, hoàn hảo và vĩnh viễn

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://www.chivilongchuathuongtoi.tk/

Tác phẩm: ĐÀO TẠO ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

CHƯƠNG SÁU 

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

HỌC VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ ƠN GỌI LINH MỤC (tiếp theo)

Bài đọc thêm

 

Tình Bằng Hữu chân thật, hoàn hảo và vĩnh viễn

(trích khảo luận của chân phước En-rê-đi)

Trong các thanh niên, Gionathan trổi vượt hơn cả. Chàng không ham vương tước, cũng chẳng mong quyền bính, nhưng đã kết ước cùng Đavít, và vì tình bạn đã coi bề tôi ngang hàng với chủ. Một kẻ bề tôi đang phải trốn tránh vua cha, đang ẩn náu trong hoang địa, một kẻ đã bị án tử chỉ còn chờ chết, mà chàng lại quí hơn mình. Chàng hạ mình xuống, nâng bạn mình lên, khi chàng nói: chính anh sẽ làm vua, còn tôi sẽ làm phó cho anh.

Ôi tấm gương sáng ngời về tình bằng hữu chân thật! Chuyện lạ biết bao: Vua cha thì nổi cơn thịnh nộ với một kẻ bề tôi, khích động cả nước chống lại hắn như chống lại kẻ muốn tranh ngai vàng; rồi ông buộc cho các tư tế tội phản loạn và tàn sát họ chỉ vì một mối nghi ngờ; ông lục soát rừng rậm, tảo thanh thung lũng, đem quân vây hãm núi đồi; người người quyết chí trả thù cho vua được hả giận. Chỉ có Gionathan, người có lý duy nhất đển ghen thì lại nghĩ là mình phải làm ngược ý vua cha, tìm cách giúp bạn trốn đi, góp ý kiến với bạn trong hoàn cảnh éo le như thế. Coi tình bằng hữu trọng hơn cả ngai vàng khi chàng nói “chính anh sẽ làm vua, còn tôi sẽ làm phó cho anh.” Hãy để ý xem vua cha khích cho chàng thanh niên ghen ghét bạn mình làm sao: ông nguyền rủa, nạt nộ, dọa tước quyền nối ngôi, nhắc cho biết là sẽ mất hết danh dự. Nhưng dầu vua cha đã tuyên án tử cho Đavít, Gioanathan vẫn không bỏ bạn. Chàng nói: Tại sao Đavít lại phải chết? Anh ấy có tội tình chi? Anh ấy đã làm gì? Chính anh ấy đã liều mạng đánh bọn Philitinh và phụ vương đã mừng rỡ. Vậy thì tại sao Đavít lại phải chết?  

Nghe Gionathan nói thế, vua giận điên lên, lấy sức phóng lao định ghim cho Gioanathan dính vào tường, rồi nguyền rủa dọa nạt thêm: Thằng con của người đàn bà hư thân mất nết kia, tao biết là mày thương nó để mày mang nhục và người đàn bà nhơ nhuốc đẻ ra mày cũng phải mang nhục. Và những lời độc địa nhất có thể trút lên người thanh niên, ông mửa ra hết. Ông còn thêm những lời kích thích tham vọng, khơi dậy lòng ghen ghét, thổi bừng lửa ghen tương và gia tăng nỗi cay đắng: Bao lâu thằng con trai lão Giessê còn sống thì vương quyền của mày sẽ không vững đâu!

Nghe những lời trên, ai lại không động lòng, ai chẳng phát ghen lên? Tình nghĩa nào, tình bạn nào lại không tàn phai, không tan vỡ? Thế mà chàng thanh niên dạt dào tình thương mến kia vẫn giữ trọn lời thề kết nghĩa, vẫn mạnh mẽ trước những tiếng dọa nạt, vẫn nhẫn nhục trước những lời nguyền rủa. Vì tình bằng hữu, chàng coi rẻ ngai vàng, chỉ nhớ đến tình thân mà không màng danh lợi. Chàng nói chính anh sẽ làm vua, còn tôi sẽ làm phó cho anh.

Thế mới là tình bằng hữu chân thật, hoàn hảo, vững bền và vĩnh viễn: ghen tương không thể hủy hoại, nghi ngờ không làm suy giảm, tham vọng không hề phá tan. Bị thử thách đến vậy mà vẫn không nao núng, bị xô đẩy đến thế mà vẫn không ngã quỵ, bị nguyền rủa thế nào cũng không lay, bị lăng mạ ra sao cũng không chuyển. Vậy bạn hãy đi và cũng làm như vậy.[1]

            Bầu ơi, thương lấy bí cùng

            Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. 

Trong cơn khủng hoảng của tình huynh đệ, điều ước mong lớn hơn là mối tương quan thân tình giữa linh mục với Giám mục của mình. “Một cách bí tích, linh mục đi vào hiệp thông với Giám mục và các linh mục khác để phục vụ Dân Chúa.”[2] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khuyên các Giám Mục Việt Nam hãy luôn gần gũi hơn với các linh mục, quan tâm tới đời sống hàng ngày của họ để nâng đỡ họ và đồng hành cùng họ, nhất là khi họ gặp thử thách vì thi hành sứ vụ; cung cấp cho họ một sự đào tạo thiêng liêng thích nghi với những thách đố trong việc truyền giáo mà họ phải đối diện.[3] Chương trình đào tạo linh mục của Philippines năm 1972 đưa ra đề nghị rằng các Giám mục nên đi bước trước trong cuộc đối thoại thân hữu và thường xuyên với các linh mục trẻ, để họ có thể cởi mở và chân thành bàn cải cách riêng tư, với sự hướng dẫn từ phụ của Giám Mục, về công việc, thành công và thất bại, kế hoạch và vấn đề, cũng như về đời sống thiêng liêng của họ nữa.[4]  

Với sự hiểu biết đầy yêu thương và sự trợ giúp từ phụ của Giám mục, linh mục sẽ đứng vững trong mọi hoàn cảnh, bởi vì mọi cuộc khủng hoảng đều đến từ cuộc khủng hoảng quyền bính. Thái độ của các linh mục đối với Giám Mục phải là hợp tác, vâng lời, tình bạn, và nhìn thấy nơi ngài một người cha thực sự và vâng phục ngài với tất cả kính trọng. Sự vâng lời càng đến từ con tim (không phải bởi quyền lực hay lý lẽ), thì mối tương quan giữa Giám mục và linh mục càng trở nên gần gũi và rồi mọi sự đều tốt đẹp.[5] 

Một điều tôi rất ấn tượng khi còn là tiểu chủng sinh phục vụ các cha tĩnh tâm năm là việc Giám mục Bản quyền tuần tự gặp riêng từng linh mục thuộc quyền. Không biết nội dung cuộc gặp gỡ là gì, nhưng thấy thái độ và nét mặt của các cha trước và sau khi gặp Đức Cha, nhất là đời sống, công việc và các mối tương quan của các cha có cái gì thay đổi khác trước kia, và thường sau những cuộc gặp gỡ kỳ tĩnh tâm năm như thế lại có một số cha chuyển xứ, thậm chí có cha còn được đi nghỉ một thời gian ở một Dòng chiêm niệm và khi trở về được đi coi sóc một giáo xứ mới, thì tôi nghĩ là có cái gì nghiêm trọng và ích lợi, không chỉ cho đời sống và sứ vụ linh mục của các cha, mà còn cho giáo xứ, giáo phận và Giáo Hội. 

Tôi áp dụng sự gặp gỡ cá nhân đó khi được mời giảng tĩnh tâm. Tôi sẵn sàng, nhưng vì không đủ thời gian và không có quyền yêu cầu gặp mọi người tham dự tĩnh tâm, tôi chỉ được gặp riêng những ai muốn gặp. Tôi và những người đến gặp đều cảm thấy rất ích lợi, sốt sắng, tâm hồn bình an và có những chuyển biến tích cực. Tôi dóc lòng sau này khi được mời giúp tĩnh tâm sẽ yêu cầu có chương trình và thời giờ gặp riêng từng tham dự viên, để có thể đi vào và đụng chạm những vấn đề riêng tư của mỗi người mới hy vọng giúp được cái gì, chứ không chỉ bằng lòng nói chung chung. 

Được sống gần gũi và tham dự nhiều lần cuộc tĩnh tâm năm linh mục ở nhiều nơi, tôi thấy thường chỉ có những cuộc huấn đức chung hoặc họp chung bàn bạc một số công việc, chứ không thấy các Đức Cha gặp riêng các cha trong bối cảnh hồi tâm thuận lợi như thế, để các cha phúc trình về giáo xứ, tình hình giáo xứ và giáo dân, về đời sống riêng tư của cha (thiêng liêng, tình cảm...), kể cả Đức Cha có thể chất vấn và đòi cha giải thích, điều chỉnh một số vấn đề trăn trở mà giáo dân đang xì xèo bán tán. Thiếu sự gặp gỡ riêng tư thân tình, thành thật và tín nhiệm, kể cả đụng chạm chất vấn, định bệnh và chữa bệnh ấy thì mọi sự đâu vẫn đấy, chẳng có gì thay đổi, tiến triển. Dĩ nhiên cũng có một số ít cha gặp riêng Đức Cha, nhưng cũng chỉ vì công việc và vỏn vẹn trong vài ba phút ngắn ngủi (mời ban phép Thêm sức, khánh thành, xin chuẩn Hôn phối khác đạo, xin đi phép, v.v.). Tôi ước mong truyền thống tốt đẹp trên lại được tiếp tục, hoặc các Đức Cha hoặc các cha chủ động đi bước trước


[1] Bài đọc 2 Kinh Sách thứ Tư tuần XII TN.

[2] John Paul II, Pastores Dabo Vobis …, ibid., no. 12

[3] Vatican, January 22, 2002, “The Church is waiting for the Total Respect of its Autonomy”

[4] CBCP, The Philippine Program of Priestly Formation 1972 … ibid, p.99

[5] Synod of Bishops 1971, The Ministerial Priesthood, part two, II: Priests in the communion of the Church: 1. Relations between priests and bishop.

VỀ MỤC LỤC
QUAN HỆ TÍNH DỤC TRONG HÔN NHÂN

 

Tác phẩm: Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

 

B19. QUAN HỆ TÍNH DỤC TRONG HÔN NHÂN

 

1. Một trong những khía cạnh ý nghĩa nhất trong hôn nhân hẳn phải là quan hệ tính dục. Quan hệ ấy có thể là nguyên nhân đưa đến không biết bao nhiêu xáo trộn và đổ vỡ nhưng đồng thời, cũng là nguồn mang lại bao an bình hạnh phúc cho con người. Không thể nói đến một con đường tu đức dành cho các đôi vợ chồng mà không đề cập đến khía cạnh tính dục bởi đó là con đường Thiên Chúa dùng để thông ban ơn thánh cho con người. Đó cũng là phương thế giúp vợ chồng diễn tả và tăng cường tình yêu của họ.

Quan hệ tính dục không phải là việc phụ thuộc trong đời sống vợ chồng, quan hệ ấy cũng không phải là một thứ thuốc cần thiết để xoa dịu tình dục của con người, quan hệ ấy cũng không chỉ là một phương tiện cần thiết để sinh con đẻ cái… chúng tôi xin gợi lên một vài ý nghĩ về vấn đề này để giúp các đôi vợ chồng thấu triệt ý nghĩa và giá trị cao cả của sinh hoạt tính dục trong đời sống hôn nhân.

2. Theo định nghĩa, tính dục hay phái tính là toàn bộ những đặc điểm tâm sinh lý, nhờ đó giống đực và giống cái được phân biệt với nhau. Bởi thế tính dục hay phái tính không đương nhiên ám chỉ đến hành động tính dục tức sự giao ngộ giữa hai thân xác.

Nói đến tính dục hay phái tính là nói đến những đặc điểm phân biệt một người đàn ông với một người đàn bà. Do đó, quan hệ tính dục không hẳn là hành động giao hợp mà trước hết là một cách thế để đi vào tương giao với người khác phái. Quan hệ tính dục có thể là một cái nhìn, một lời nói, một cử chỉ vuốt ve… Tính dục là yếu tố xác định mối tương quan của mỗi người với người khác phái từ giọng nói, cách đi đứng, lối suy nghĩ, dự phóng, cho đến cả việc cầu nguyện; mỗi phái đều có cung cách riêng của mình. Cách thế và tâm tình cầu nguyện của một nữ tu hẳn cũng khác với cách thế và tâm tình cầu nguyện của một nam tu sĩ. Sự khác biệt phái tính giữa người nam và người nữ là yếu tố quyết định trong cách diễn tả của con người.

Nếu vậy thì kiểu nói của Kinh Thánh “hai người nên một xác thể” có ý nghĩa gì? Thưa, có nghĩa là: mặc dầu có những khác biệt về tâm sinh lý, người đàn ông và người đàn bà vẫn có thể hoà hợp với nhau như thể trở thành một quả tim và một tâm hồn. Sự hoà hợp ấy chỉ có thể có được khi hai người đi theo con đường mà chính Chúa Giêsu đã vạch ra. Đó là yêu thương và phục vụ nhau. Phục vụ nhau ở đây là biết đón nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, cũng như giúp nhau hiểu biết sự khác biệt của nhau.

3. Trước khi bước vào đời sống hôn nhân, các bạn trẻ thường tự tìm hiểu về sự khác biệt tâm sinh lý của nhau qua sách vở, phim ảnh cũng như học hỏi về nghệ thuật yêu thương.

Tuy nhiên, không hiểu biết nào có thể giúp cho đôi vợ chồng hơn là những trao đổi giữa hai người với nhau. Nếu họ thành thật trao đổi cho nhau tâm tình của mình thì điều đó sẽ giúp họ hiểu nhau hơn. Người ta không thể hiểu được những tâm tình thầm kín qua những lý thuyết trên sách vở mà chỉ có thể nhờ những trao đổi chân thành với nhau mà thôi.

Thiếu sự trao đổi ấy, hai vợ chồng dễ đi đến chỗ hiểu lầm nhau. Một người chồng có thể chỉ nghĩ đến nhu cầu sinh lý của mình mà không quan tâm đến tình trạng thể lý cũng như sinh lý của người vợ; ngược lại, một người vợ cũng có thể chỉ nghĩ đến nhu cầu riêng của mình mà không chú trọng đến tình trạng tâm sinh lý của người chồng. Từ đó hai người dễ đi đến nghi ngờ và trách cứ nhau.

Thực ra, thảm cảnh gia đình thường phát xuất từ sự thiếu hiểu biết và cảm thông với nhau trong lãnh vực phái tính. Phái tính hay tính dục giống như một tảng băng. Phần nhỏ nhất nổi lên mặt nước là những yếu tố thể lý và sinh lý, phần quan trọng hơn cả chìm sâu trong đại dương chính là những yếu tố tâm linh. Khuynh hướng chung của đa số đàn ông là chỉ để ý đến khía cạnh thể lý và sinh lý. Quan hệ tính dục đối với họ là sự gặp gỡ giữa hai thân xác và cao điểm là sự giao hợp. Ngược lại nhiều người đàn bà chỉ chú trọng đến khía cạnh tâm linh trong quan hệ tính dục mà không màng đến sự giao ngộ trong thân xác. Sống bên nhau mà mỗi người đeo đuổi những mục đích và nhu cầu riêng tư của mình có thể là nguyên nhân dẫn đến những rạn nứt và bất hoà trong gia đình.

Ngày nay, càng lúc người ta càng thấy quan hệ tính dục là một yếu tố quan trọng trong đời sống hôn nhân. Sự đổ vỡ trong hôn nhân bắt nguồn từ chính sự thiếu hiểu biết và thông cảm trong những nhu cầu tính dục của nhau.

4. Bóng ma của bệnh SIDA đang bao phủ khắp nơi. Chính phủ nào cũng hối hả đưa việc giáo dục sinh lý vào cả những cấp thấp nhất trong học đường. Nói đến sinh lý, người ta chỉ nói đến việc giải phẫu sinh lý tức là hình thái học về các cơ quan sinh dục và động tác giao hợp cũng như những phương pháp tránh thai. Đang khi phần quan trọng nhất của tảng băng tính dục tức là những yếu tố tâm linh thì không ai đả động đến. Tựu trung người ta dạy cho các học sinh biết những kỹ thuật trong quan hệ tính dục mà không hề nói đến ý nghĩa của nó.

Tính dục là ngôn ngữ của tình yêu. Tình yêu ở đây không phải là một thứ xúc cảm mù quáng ích kỷ, đòi hỏi con người thoả mãn bằng mọi giá; làm tình không có nghĩa là thoả mãn cơn khát dục vọng mà chính là trao ban, trao ban một cách quảng đại. Chỉ khi nào tính dục trở thành ngôn ngữ của tình yêu trao ban ấy, nó mới thực sự đạt được chức năng và ý nghĩa của nó.

Giáo dục tính dục hay giáo dục sinh lý trước hết là giúp con người hiểu được ý nghĩa ấy của tính dục. Điều đó cũng có nghĩa là giúp con người biết sống tôn trọng, quảng đại và trao ban. Xét cho cùng, giáo dục tính dục hay sinh lý thiết yếu là giáo dục yêu thương. Người biết sống yêu thương trong quan hệ tính dục sẽ luôn tự hỏi: “Tôi có làm cho người khác được hạnh phúc không? Tôi có hành động thế nào để thỏa mãn nhu cầu của người khác không?”. Trái lại người ích kỷ luôn tự nghĩ: “Người khác không làm cho tôi hạnh phúc cho nên tôi cũng sẽ không thoả mãn nhu cầu của họ”.

Trong quan hệ tính dục cũng như trong mọi khía cạnh của đời sống lứa đôi, thiết tưởng vợ chồng nên tâm niệm lời vàng ngọc của Chúa Giêsu được thánh Phaolô ghi lại như sau: “Cho thì có phúc hơn là nhận”. Thật thế, cho là quên mình để chỉ muốn làm cho người khác được hạnh phúc. Nếu hai người phối ngẫu biết đối xử với nhau như thế, họ sẽ tìm gặp lại chính bản thân và nên một với nhau trong thể xác và tinh thần.

 

VỀ MỤC LỤC
AN TOÀN ĂN TẾT CON RỒNG

 

Chúc May Mắn. Chúc Sức Khỏe. Chúc Vui Vẻ. Chúc Hạnh Phúc Tết Con Rồng là những hàng chữ lớn trong bản tin mà Cơ Quan Kiểm Soát Bệnh CDC Hoa Kỳ mới phát hành ngày 12 tháng 12 năm 2011 vừa qua.

Cơ quan lưu ý mọi người, trong đó tất nhiên có bà con người Việt chúng ta, là nếu có đi du lịch về các quốc gia Đông Nam Á Châu vào dịp Tết Con Rồng, nên để ý tới việc bảo vệ sức khỏe để cuộc du Xuân được mọi sự hạnh thông. Theo cơ quan này, các quốc gia đó có một số bệnh thường thấy mà nếu không để ý đề phòng thì dễ dàng vướng phải và cuộc du lịch, thăm viếng quê hương sẽ mất đi phần hào hứng. Họ cũng đặc biệt nhắc nhở bà con về dịch bệnh Tay-Chân-Miệng đang xảy ra tại Việt Nam.

Chúng tôi xin tóm lược các tin tức này gửi tới bà con, gọi là quà tặng đầu Xuân.

Bệnh Tay-Chân-Miệng

Tiếng Anh của bệnh là Hand-Foot-Mouth Disease.

Theo Bộ Y Tế Việt Nam, bệnh đang hoành hành dữ dội tại miền nam VN như thành phố Sài Gòn, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Tiền Giang, Quảng Ngãi.

Cho tới trung tuần tháng 10, 2011 đã có trên 90,000 ca bệnh được báo cáo với 137 tử vong.

Ngoài Việt Nam, bệnh cũng thấy ở các quốc gia khác như Trung Hoa, Hong Kong, Nhật, Nam Hàn và Singapore. Tại Hoa Kỳ cũng có bệnh nhưng ít khi xảy ra.

 

1- Vậy bệnh Tay-Chân-Miệng là gì?

Đây là bệnh nhiễm thường thấy ở trẻ thơ nhưng thiếu niên và người lớn cũng có thể bị bệnh. Bệnh do loại Enterovirus 71 (EV71) gây ra.

Các dấu hiệu của bệnh gồm có cơn sốt nhẹ, người bệnh thấy mệt mỏi, biếng ăn uống. Vài ngày sau, trên da nổi lên những chấm ban đỏ rất nhỏ, chừng vài mm. Các chấm này sẽ lớn lên thành mụn nước hoặc mủ mầu trắng đục, hình bầu dục với viền mầu đỏ. Dấu hiệu trên da tập trung ở:

- Trong lòng bàn tay, ngón tay

- Gan bàn chân, ngón chân

- Hai bên miệng, lưỡi, nướu răng, cuống họng có những vết loét lở rất đau.

- Bóng nước đôi khi có ở hai bên mông hoặc các vùng khác của cơ thể.

Các vết trên da không gây ngứa nhưng hơi đau khì đè ngón tay lên.

Bệnh lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Virus có trong nước miếng, nước mũi, bóng nước, phân của bệnh nhân. Sờ mó vào các vật dụng, mặt bằng có dính virus cũng bị bệnh.

 

2- Du khách phòng bệnh TCM như thế nào?

Du khách có thể tránh bệnh nếu áp dụng các biện pháp như sau:

-Thường xuyên rửa tay với nước ấm và sà bông, nhất là trước khi ăn, sau khi ở nhà vệ sinh ra, sau khi ho hoặc hắt hơi, sau khi thay tã cho trẻ em. Nếu không có nước và xà bông, khử trùng tay với dung dịch cồn. Nhớ mang theo mấy gói dung dịch sát trùng này có bán tại các tiệm thuốc tây, để dùng khi cần.

- Lau chùi dụng cụ mà bệnh nhân mới dùng cũng như bàn ghế mà bệnh nhân mới ngồi.

Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như là ôm hôn, dùng chung chén bát, ly cốc.

Hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa bệnh Tay-Chân-Miệng. Áp dụng các biện pháp kể trên là cách hữu hiệu để tránh bị bệnh.

Không có điều trị đặc biệt cho bệnh. Có thể dùng các thuốc giải nhiệt chống đau thông thường như Advil, Ibuprofen. Nhớ đừng cho trẻ em uống aspirin.

Xúc miệng với nước muối hoặc các dung dịch khử trùng, giảm đau miệng họng.

Cần uống nhiều nước.

Nếu miệng đau không ăn uống được, cần đi bác sĩ để có thể được truyền dịch, tránh khô nước. 

Phòng tránh bệnh khi du lịch Á Châu

Mỗi quốc gia tại vùng Đông Nam Á Châu có một số bệnh thường xuyên xảy ra. Hiểu rõ về các bệnh này có thể giúp du khách phòng tránh bệnh. Các công ty du lịch hoặc bác sĩ gia đình có thể cung cấp cho du khách các tin tức này.

 

3- Các rủi ro gây bệnh

a- Bệnh do muỗi truyền sang như Sốt Rét, Sốt Dengue, Viêm não Nhật Bản có thường xuyên tại châu Á, vì thế tìm mọi cách tránh muỗi đốt. Mặc quần áo dài, ngủ mùng hoặc phòng có máy điều hòa không khí.

Xin bác sĩ gia đình thuốc ngừa Sốt rét để uống trong thời gian du lịch và mấy ngày sau khi trở về.

Cũng xin bác sĩ cho chích ngừa Viêm não Nhật Bản, nếu cần.

b- Thức ăn nước uống nhiều nơi không vệ sinh an toàn, nhất là tại Việt Nam, có thể gây bệnh Viêm Gan loại A, bệnh Thương Hàn, bệnh Tiêu chẩy. Cần nhớ câu “Thức ăn nấu chín, nước uống đun sôi, trái cây gọt vỏ” trong việc ăn uống.

Chích ngừa Viêm Gan A và B khoảng 2 tuần lễ trước khi du lịch.

c- Chích ngừa Flu cho mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên và chích trước khi khởi hành 2 tuần lễ để có tính miễn dịch. Trẻ em từ 6 tháng tới 8 năm tuổi có thể cần chích 2 liều để được bảo vệ hữu hiệu hơn.

 

4. Điều cần làm trước khi khởi hành

- Tổng kiểm soát tình trạng sức khỏe coi xem có đủ sức để bay xa cả 24 giờ cộng với nhiều thay đổi trong đời sống hàng ngày, từ ăn uống, khí hậu, môi trường tới chuyện nghịch lý đời thường thế sự…

- Gặp bác sĩ gia đình từ 4-6 tuần lễ trước ngày khởi hành để có  đủ thuốc men trị bệnh  cho hết thời gian đi xa, dư thêm ít ngày càng tốt, phòng khi trễ máy bay. Cất giữ thuốc trong chai có nhãn hiệu, mang trong túi sách cầm tay. Nếu cần chia đôi: ½ trong va li hành lý, ½  trong túi sách tay.

- Coi xem đã chích ngừa các bệnh thường có tại quốc gia đó, kể cả bệnh Phong Đòn Gánh.

- Coi lại bảo hiểm sức khỏe và dự trù nếu bị bệnh sẽ đi khám chữa ở đâu.

 

5. Trong thời gian du lịch

- Nhớ rửa tay như đã nói ở trên

- Nếu chẳng may bị bệnh, thì nên giới hạn tiếp xúc với người khác để tránh lây lan bệnh

- Đi khám bệnh nếu nóng sốt, ho, đau cuống họng, khó thở hoặc đau nặng

- Tránh tới các nông trại nuôi gà vịt, chim muông; không sờ đụng vào chúng nhất là gà vịt toi

- Tránh tiếp xúc với các mặt bằng có dính phân gà vịt, chim muông

- Ăn thực phẩm nấu chin còn nóng, nước uống đã diệt trùng

 - Không ăn thực phẩm bán ở lề đường, bến xe đò, bến phà

- Tránh uống sữa chưa được đun nóng khử trùng

- Dùng thuốc toan xua đuổi muỗi

- Tôn trọng luật lệ địa phương về vệ sinh cá nhân, công cộng cũng như an toàn lưu thông

- Giới hạn rượu, mang seat belt khi ngồi xe hơi

- Đừng quá phóng túng, “đùa với sức khỏe”.

- Để ý an toàn lưu thông, tránh tai nạn xe cộ, nhất là tại Việt Nam.

 

6. Sau khi đi du lịch về

- Để ý coi xem tình trạng sức khỏe ra sao

- Đi bác sĩ nếu nóng sốt, ho, đau họng, mệt mỏi giống như là bị cúm và có tới vùng có dịch Sốt Rét

- Đi bác sĩ nếu nóng sốt với ban đỏ trên da

- Cho bác sĩ hay những nơi mà mình đã đi qua.

- Nên nhớ là Sốt Rét còn có thể xảy ra trong vòng một năm sau khi du lịch. Cần uống hết thuốc ngừa Sốt Rét như bác sĩ chỉ định.

Chúc quý thân hữu có cuộc du lịch, vui Xuân được nhiều niềm vui.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Arlington-Texas

www.bsnguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
TUỔI XỒN XỒN - Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Nói về tuổi tác, thì mỗi người có một quan niệm riêng. Người thì nhấn mạnh đến cái “hình dong” bên ngoài. Kẻ thì nhấn mạnh đến cái “tâm tính” bên trong:

- Soi gương thì thấy mình già,

  Soi lòng thì thấy vẫn là thanh niên.

Vì vậy mà ca dao đã từng nói:

- Trai ba mươi tuổi đang xoan,

  Gái ba mươi tuổi đã toan về già.

Thế nhưng, cũng chính ca dao lại bảo:

- Trai ba mươi tuổi mà già,

  Gái bốn mươi tám đang ra má hồng.

Có lẽ tuổi thọ của các cụ ta ngày xưa hơi bị ngắn, nên mới phát ngôn như vậy, chứ còn thời nay thì ba mươi hay bốn mươi tám vẫn cứ còn oai phong lẫm liệt, chẳng nhằm nhòi gì. Riêng trường hợp của cụ Nguyễn Công Trứ, thì quả thật là hoạ hiếm. Sách kể lại rằng: Năm 73 tuổi, ông cưới một nàng hầu và tổng cộng ông có tất cả 14 bà vợ. Đêm tân hôn, giai nhân hỏi ông bao nhiêu tuổi – Tân nhân lục vấn lang niên kỷ - ông đã chẳng ngần ngại trả lời: Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam. Có nghĩa là năm mươi năm về trước, anh mới có hăm ba à!

Nhìn giòng đời lặng lẽ, các cụ ta ngày xưa đã ngán ngẩm mà bảo:

  - Âm thầm ngày tháng trôi qua,

    Năm kia nào có đợi ta bao giờ.

Đúng thế, chẳng ai có thể cản được những bước chân âm thầm của thời gian. Cứ nhìn vào xấp nhỏ, lớn lên như thổi, chúng ta mới nghiệm ra gánh nặng tuổi đời đang đè xuống đôi vai còm cõi và dấu ấn thời gian đã in đậm trên khuôn mặt chúng ta.

Cách đây đã lâu, một cô bé Việt kiều hớn hở đến thăm gã. Phối kiểm lại bộ nhớ, gã thấy được rằng: khi khăn gói quả mướp theo thày bu xuống tàu đi vượt biên, cô bé này còn đang ở lứa tuổi “babilắc”, suốt ngày chơi ô quan và nhày cò cò ở sân nhà thờ, thậm chí còn anh dũng mặc quần đùi đi móc cua ngoài đồng về cho chị nấu canh riêu, thế mà giờ đây đang độ đào tơ trổ mã, đẹp như một nàng tiên, giống hệt một bài thơ đã diễn tả:

- Hồng hồng tuyết tuyết,

  Mới ngày nào chửa biết cái chi chi,

  Mười mấy năm thấp thoát có xá gì,

  Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu.

Tất cả những điều vừa trình bày, chỉ có ý muốn nói lên rằng: Chẳng ai mà cứ trẻ mãi, tới một lúc nào đó mình sẽ phải già. Thời gian chính là một vị khách bất đắc dĩ, không mời mà đến, từng bước chân âm thầm, nó đưa chúng ta đi qua những chặng đường đời. Từ ấu nhi đến thiếu nhi, từ thiếu nhi đến thiếu niên, từ thiếu niên đến thanh niên, từ thanh niên đến trung niên, từ trung niên đến lão niên, để rồi cuối cùng đẩy mỗi người chúng ta bước qua khung cửa hẹp, đó là cái chết. Chúng ta giống như cây lúa được gieo trồng, cứ âm thầm nảy mầm, lớn lên, rồi đâm bông kết trái cho tới mùa gặt. Dĩ nhiên, đây chính là qui luật chung của sự phát triển, nhưng vẫn có những luật trừ, bởi vì nhiều người cũng đã chết rất trẻ:

- Lá vàng còn ở trên cây,

  Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời.

Sở dĩ như vậy là vì cái chết ở trước mặt người già, nhưng lại ở sau lưng người trẻ và nó chẳng miễn trừ cho bất kỳ một ai:

- Trăm năm nào có gì đâu,

  Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì.

Hôm nay, gã xin “bàn ra tán vào” về lứa tuổi trung niên. Đó là lứa tuổi từ 35 đến 55. Lứa tuổi này được gọi bằng những tên khác nhau, chẳng hạn lứa tuổi đã “toan về già”, bởi vì trẻ thì không còn, mà già thì lại chưa đến. Lứa tuổi xế trưa hay lứa tuổi ngả bóng về chiều, bởi vì trưa thì đã qua rồi mà chiều thì mới đụng tới tí xíu. Nếu thi vị hoá một chút thì gọi đó là lứa tuổi “thu đông”, bởi vì mùa thu cuộc đời thì đang qua đi và mùa đông cuộc đời thì cũng sắp tới. Còn theo cách nói của giới bình dân, thì đó là lứa tuổi “xồn xồn”. Vậy lứa tuổi này có những đặc điểm nào?

* Đặc điểm thứ nhất mà dường như ai cũng ngán ngẩm nhận ra, đó là sự tụt giảm về sức khoẻ, sự kiệt lực sau những năm dài miệt mài lao động vì cơm áo gạo tiền, hay vất vả kiếm sống vì chén cơm manh áo. Người ta có thể coi bốn mươi lăm tuổi là đỉnh cao cuộc đời, rồi sau đó bắt đầu đi xuống ở triền núi bên kia. Tới cái mốc này, mắt người ta bỗng mơ huyền mờ, phải vội vã ra tiệm cắt ngay một chiếc kính lão, để khỏi trông gà hóa quốc. Rồi từ đó, lục phủ ngũ tạng bắt đầu lỏng lẻo. Nhất là khi đã bước vào tuổi “ngũ tuần”, thì sức kéo bị giảm sút một bậc, làm việc lâu một xíu là cảm thấy mệt mỏi, uể oải ngay tức thời.

Sức kéo giảm sút đã đành, mà tuổi năm mươi còn là khởi điểm cho đủ mọi thứ bệnh hoạn. Nào cao huyết áp, nào nhồi máu cơ tim, nào tai biến mạch máu não, nào loét bao tử, nào đái…đường. Bản án tử hình dường như đã được treo lơ lửng trên đầu quí cụ thượng thọ ngũ tuần. Chúng ta giống như cái máy nổ, sau một thời gian dài sử dụng, thế nào cũng bị rệu rạo. Không hư chỗ này, thì cũng hỏng chỗ kia.

* Cùng với sự sút giảm về sức khoẻ, việc sản xuất các kích thích tố, nhất là các kích thích tố về đường sinh dục cũng cạn kiệt, thành thử nhiều người bỗng dửng dưng với những sinh hoạt vợ chồng, không còn khắng khít mặn nồng như thuở còn trai trẻ. Thậm chí có người, chồng cũng như vợ, còn lảng tránh, như những cô cậu học trò tìm đủ mọi lý do để lẩn trốn, sợ phải trả bài cho thầy cô giáo. Và đây cũng là một trong những lý do làm cho đời sống vợ chồng bị trực trặc và dẫn tới những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà chẳng dám nói ra.

* Tới lúc này thì con cái đều đã khôn lớn. Chúng đều rời xa mái ấm, để xây dựng một cuộc đời riêng, một gia đình riêng, thành thử cuộc sống của phần nào cũng bị đảo lộn.  Người ta rảnh rỗi hơn, những cũng lại cảm thấy trống vắng hơn. Đi ra thì cũng chỉ mình với ta. Đi vào thì cũng chỉ ta với mình. Hơn thế nữa, thời gian phần nào cũng đã làm cho tình yêu của chúng ta bị xói mòn, không còn thắm thiết như cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, thành thử nảy sinh những cái nhìn tiêu cực về tương quan vợ chồng, dần dần đi tới chỗ chán nhau. Nhưng vì con cái và dư luận xã hội, nên đành phải kéo lê những ngày tháng vô vị, nhạt nhẽo.

* Ngoài ra là thái độ bi quan. Bi quan vì cảm thấy cuộc đời mình đã bắt đầu xế bóng và đang đi dần vào cảnh hoàng hôn với những bệnh tật mắc phải. Bi quan vì thấy mất mát, bởi ông bà cha mẹ và ngay cả những bè bạn thân yêu lần lượt ra đi, để lại trong lòng mình một nỗi lo lắng: nay người, mai ta. Lúc nào thì cái chết lên tiếng vẫy gọi, để rồi bản thân cũng sẽ phải cúi đầu vâng nghe.

* Sau cùng là sự khủng hoảng trong đời sống hôn nhân. Theo các nhà tâm lý, thì sự khủng hoảng trong đời sống hôn nhân thường xảy ra vào hai thời kỳ.

Thời kỳ thứ nhất, đó là những năm đầu của đời sống vợ chồng. Nguyên do là vì trước hôn nhân, hai người thiếu chuẩn bị, không được giáo dục đầy đủ về những bổn phận và trách nhiệm của mình, cũng như không được hiểu rõ về những khía cạnh tâm sinh lý của đời sống chung. Tiếp đến là vì sau hôn nhân họ mới khám phá ra những sai lỗi khuyết điểm của nhau. Có ở trong chăn mới biết chăn có rận và đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Sau khi tận hưởng tất cả những cái mới mẻ của hôn nhân, giờ đây cả hai phải đối đầu với cái thực tế tẻ nhạt và đơn điệu được lập đi lặp lại, cộng thêm vào đó là những khó khăn mới trong cuộc sống.

Sau đây là bản kể tội của đôi vợ chồng trẻ mà gã lượm được ở đâu đó, khi lang thang trên mạng:

Vợ kể tội chồng: Ngày mình yêu, anh lúc nào cũng hào hoa phong nhã, dịu dàng tới nỗi em cứ ngỡ mình hạnh phúc nhất đời, vì “vớ” được hoàng tử. Về với nhau một nhà rồi, thì ôi thôi, hoàng tử của em bỗng chốc hóa thân thành chàng… cóc ghẻ. “Ghẻ” theo đúng nghĩa đen thật nhé! Em thực không tài nào chịu nổi khi tối tối anh ôm chân… gảy đàn, trong khi mắt vẫn dán vào màn hình máy tính chơi game. Có giục anh đi tắm, anh lại viện cớ đang bận “công thành”, “việc tắm là việc cỏn con, nay không làm để mai cũng được”. Đành rằng anh chẳng vội gì, nhưng lỗ mũi của em thì sắp… viêm dị ứng, vì mỗi ngày được “hít hà” không ít thứ mùi khó hiểu thoảng ra từ cơ thể của anh…Căn nhà nhỏ xinh của chúng mình, em dọn dẹp mỗi ngày gọn gàng là thế, anh cũng chẳng tiếc thương. Cứ đi làm về, áo quần anh vứt đầy trên ghế, rồi tàn thuốc lá rơi rớt khắp thảm, trên sàn. Thật xấu mặt em mỗi khi nhà bất ngờ có khách. Và còn nhiều nhiều nữa...

Chồng kể tội vợ: Chẳng biết anh có nên gọi em bằng biệt danh dịu dàng “bồ câu bé nhỏ” nữa hay không, vì giờ em đã biến ra… quạ khô khó tính mất rồi. Dường như chẳng ngày nào em thôi phàn nàn cả. Em luôn nghĩ ra lý do để cự nự, bắt lỗi anh. Điển hình là, em lúc nào cũng chê anh… bẩn. Anh đã đọc đâu đó, họ nói, mùi đàn ông là thứ mùi quyến rũ nhất cơ mà. Có thể lý thuyết này không đúng với vợ anh, nhưng em tìm cách khác “góp ý” cho anh chứ. Thái độ rất “thiếu tính xây dựng” của em đôi lúc làm anh tự ái. Bất chấp. Tuy nhiên vẫn có khi anh hý hửng tắm táp sạch sẽ nhằm làm em vui. Thế nhưng niềm hân hoan tắt ngóm khi anh “khều” em mà chỉ nhận được cái nguýt dài, em hỏi: “Thế đã đánh răng chưa đấy?” Em bị chứng sạch sẽ thái quá. Hẳn nhiên, anh vui vì em biết lo cho nhà cửa gọn gàng, nhưng cái gì trở nên thái quá cũng đều có hại. Như hôm rồi nhé: Đám tài liệu rất quan trọng của anh, để chúng trên bàn như thế, anh vơ cái được ngay, rất tiện. Vậy mà em chẳng nói một câu, dọn dẹp tuốt luốt, xếp rất ngay ngắn vào tủ hồ sơ. Báo hại anh ngay ngày hôm sau có thuyết trình ở công ty, toát mồ hôi vì để quên tài liệu. Anh không nói lại vì lo em giận dỗi…(Huyền Anh).

Nhiều người cho rằng sự khủng hoảng này thật cần thiết vì nó giúp cho đôi bạn được trưởng thành và nhờ sự trưởng thành mà cuộc tình của họ sẽ bền vững và hạnh phúc hơn.

Thời kỳ thứ hai đó là tuổi trung niên. Một tác giả nào đó đã viết: Trong thời kỳ này, người đàn ông xem ra đã nếm đủ mùi vị của cuộc sống gia đình; do đó dễ sống hướng nội hơn. Về phía người đàn bà, sau khi đã trải qua mọi khía cạnh của đời sống hôn nhân, nếu không cảm thấy được thỏa mãn, họ dễ bị cám dỗ quay về với những ước mơ của thời niên thiếu. Ở lứa tuổi này người đàn bà dễ rơi vào những cuộc phiêu lưu mà họ không lường trước được. Một người chồng khép kín, một người vợ mộng mơ chính là nguyên nhân đưa đến cơn khủng hoảng trong thời kỳ thứ hai của đời sống hôn nhân.

Theo gã nghĩ, có hai sự kiện đã tạo thành cuộc khủng hoảng của lứa tuổi trung niên.

 

Sự kiện thứ nhất, đó là hội chứng muốn bù lỗ 

Ở vào lứa tuổi trung niên, người ta dường như đang ở trên đỉnh cao của sự ổn định và thành đạt. Sau bao nhiêu năm vất vả để làm ăn và bận rộn để tạo nên sự nghiệp, người ta bỗng cảm thấy tiếc xót, vì cho tới tuổi này mà vẫn chưa biết mùi đời. Người ta muốn hưởng thụ để bù lỗ cho một thời trai trẻ theo kiểu:

- Chơi xuân kẻo hết xuân đi,

  Cái già xồng xộc nó thì đến bên.

Và một trong những cách bù lỗ rất phương hại cho hạnh phúc gia đình, đó là đèo bòng bồ nhí. Sau đây là câu chuyện của một ông tên là Khương:

Hơn 50 tuổi và có mọi thứ trong tay, ông Khương lấy làm tiếc cho cuộc sống chẳng biết gì đời của mình, nên muốn trải nghiệm. Và từ khi ra “trường đời”, được kề cận, được tiếp xúc với những cô gái đẹp, ông đâm ra ngán nhìn vợ. Trước khi lấy được học vị tiến sĩ, ông chỉ là một thầy giáo nghèo với đàn con nheo nhóc. May nhờ vợ ông là người tháo vát, giỏi giang. Bà nghỉ dạy, ngày  ngồi chợ bán hàng, tối may quần áo thuê, tạo điều kiện cho ông học hành. Trước sự hy sinh hết mình của vợ, ông chỉ biết có mỗi việc học và dạy học. Thế rồi sau 20 năm vùi đầu vào đèn sách, ông muối tiếc cho thời trai trẻ của mình. Và thế là ông chấm ngay một cô sinh viên mà ông đang hướng dẫn để làm đề tài cao học, thay thế cho bà xã, khiến cho bà và các con đều té ngửa. (Báo Phụ nữ).

 

Sự kiện thứ hai là thèm tự do 

Ở vào lứa tuổi trung niên, con cái đều đã khôn lớn và ra riêng. Người ta không còn bị ràng buộc vào một chương trình sinh hoạt cứng nhắc: giờ nào đưa con đến trường, giờ nào đón con về nhà, giờ nào đi chợ nấu ăn…và người ta muốn được thảnh thơi và tự do sống cho riêng mình. Hoặc là để làm những việc mà đã từng ước mơ, hoặc là để thư giãn, giải trí như lòng mình mong mỏi. Thế nhưng, đằng sau những ý đồ tốt đẹp ấy, cũng thấy loáng thoáng những nguy cơ đe doạ cho sự vững bền của hôn nhân.

Một vị thẩm phán tại Saigon, chuyên trị những vụ ly hôn của lứa tuổi trung niên cho biết như sau: Hơn 90% những đôi vợ chồng ly hôn ở tuổi này đều có gia đình ổn định, thành đạt và con cái trưởng thành. Họ đã phải trải qua nhiều khó khăn mới tạo dựng được sự nghiệp rạng rỡ và gia đình hạnh phúc. Nhưng khi đã đạt được những điều đó, họ lại lơ là chủ quan, quên không bồi đắp cho tình cảm vợ chồng. Trong khi đó, người đàn ông ở tuổi này lại có nhu cầu được sống cho mình sau bao nhiêu năm vất vả với sự nghiệp và gia đình. Vì vậy, nếu vợ chồng không hiểu nhau, không kịp thời điểu chỉnh và nhắc nhở, sẽ dễ dẫn đến tình trạng hưởng thụ sa đà. Người trong cuộc không nghĩ sự hưởng thụ của mình sẽ gây ảnh hưởng tới gia đình, nhưng khi bị cuốn vào những cuộc vui, họ dần dần mất kiểm soát và sẽ phạm sai lầm. Khi đó vợ con không chấp nhận, xảy ra mâu thuẫn, rồi chia tay là điều khó tránh.

Hai vợ chồng nhà kia, đều là những người có địa vị và danh tiếng trong xã hội. Thời cực khổ, cả hai cùng chung lưng đấu cật, để các con có được một cuộc sống vật chất và tinh thần đầy đủ. Hai người con đầu của họ giành được học bổng du học ở Mỹ, còn cô con út cũng du học tự túc theo hai anh. Các con đi rồi, trong anh bỗng trổi lên khát khao được tự do. Anh chia sẻ: Lúc nhỏ, tôi phải giữ em để ba mẹ đi làm, không được đi chơi. Lớn lên vào đại học, chỉ biết miệt mài với sách vở, ăn ngủ có giờ nên cũng rất gò bó. Đến lúc cưới vợ, sinh con thì phải lo cho gia đình nên tư do cá nhân đúng nghĩa đối với tôi là điều rất xa xỉ. Vì vậy, khi các con đi xa, không còn phải đưa đón, nên hết giờ làm việc là anh ra quán lai ra cùng đồng nghiệp. Thời gian về nhà của anh cứ trễ dần: 7 giờ, 10 giờ và có khi đến tận 3 giờ sáng. Thứ bảy và Chúa nhật, anh không đi đám giỗ hay tân gia, thì cũng cà phê cà pháo với bè bạn. Bị choáng trước sự thay đổi đột ngột của chồng, ngày nào chị cũng đón anh bằng những trận trách móc. Thế là cãi nhau, chiến tranh lạnh cũng nhiều mà chiến tranh nóng cũng lắm…Vậy để vượt qua sự khủng hoảng này, chúng ta cần phải làm gì?

Trước hết chúng ta cần xác tín rằng: khủng hoảng, bất hoà, cãi cọ trong gia đình là chuyện thường ngày ở huyện và tự bản chất nó không phải là dấu hiệu xấu, bởi vì những trở ngại vốn dĩ đã là một phần của cuộc sống và là những biểu lộ qua đó con người thể hiện được ý chí tự do của mình. Nếu vợ chồng sợ đụng chạm, sợ tranh luận, sợ bất cứ một sự bất đồng nào trong gia đình, thì rất có thể đó là dấu chỉ họ chưa thực sự yêu thương nhau. Phải coi những va chạm với nhau là điều không thể tránh khỏi trong đời sống vợ chồng: bát đũa còn có khi xô đẩy huống nữa là vợ chồng với nhau. Thậm chí có người còn cho rằng: Cứ sau 7 năm, hay cùng lắm là sau 10 năm chung sống với nhau, thế nào vợ chồng cững gặp khủng hoảng.

Tiếp đến là dù có bất đồng, bất hoà thì cũng đừng bao giờ to tiếng hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau. Sự to tiếng và đấm đá là dấu chỉ của việc thiếu tôn trọng và yêu thương. Người ta không thể nói sự thật như ném đá vào mặt người khác. Sự thật giống như ánh sáng, chỉ có thể thuyết phục bằng cách đi xuyên qua nhè nhẹ mà thôi. Bởi vì:

- Lời nói chẳng mất tiền mua,

  Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Hay như một câu danh ngôn: Người ta có thể bắt được nhiều ruồi chỉ bằng một giọt mật, hơn là dùng cả một thùng dấm chua.

Thay vì to tiếng và sử dụng bạo lực, chúng ta hãy biết lắng nghe. Thực vậy, biết lắng nghe là biết khiêm tốn, biết tôn trọng người khác và nhất là biết thật sự  yêu thương người bạn của mình. Lắng nghe là cả một nghệ thuật giúp chúng ta có thể trả lời cho sự thật và tránh quan trọng hoá vấn đề hoặc xoá bỏ được những nguyên nhân đưa tới bất hoà.

Sau cùng, là con nhà có đạo, con nhà hai phần, chúng ta còn phải cậy dựa vào ơn Chúa với một đời sống đức tin vững mạnh. Vì đối với Chúa, không gì là không có thể. Có một đời sống đức tin vững mạnh, nghĩa là có lòng tốt, có sự thành thật, có tinh thần hy sinh và nhất là biết tha thứ. Bằng một đời sống như vậy, vợ chồng mới có thể giải quyết êm thắm những bất đồng với nhau, bởi vì chỉ nơi Thiên Chúa, chúng ta mới thực sự tìm thấy lời giải đáp cho những vấn đề xem ra bị bế tắc và không còn lối thoát.

Để kết luận, gã xin đưa ra một vài hình ảnh để bàn dân thiên hạ cùng suy gẫm:

* Tình yêu vợ chồng là như cây nho, càng đâm rễ sâu trong vùng đất có nhiều sỏi đá, thì càng sản xuất được nhiều rượu ngon. Tình yêu vợ chồng là như một thân cây mà rễ của nó có đâm sâu dưới đất đá, thì mới đứng vững được trước những sóng gió và giông bão của cuộc đời. Tình yêu vợ chồng đích thực chỉ có thể được khám phá và lớn lên qua những thử thách và khó khăn trong cuộc sống.

* Đời sống vợ chồng là như một bản nhạc. Hát cho đúng từng nốt không phải là chuyện dễ. Người thì không có tai để nghe cho chính xác, kẻ thì không có giọng hát đúng tiêu chuẩn. Có những chị vợ đánh giá sai về quyền lợi của mình, nhưng cũng không thiếu những anh chồng chẳng biết đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của vợ. Nhiều chị vợ có khuynh hướng phiền muộn, lo lắng hoặc gây hấn, khiến anh chồng chỉ biết đáp trả bằng những lời lẽ cộc cằn thô thiển, thậm chí bằng những cử chỉ bạo lực. Cả hai, chồng cũng như vợ, đều tỏ ra là những người chưa trưởng thành và chưa đóng trọn vai trò phối ngẫu của mình.

* Và sau cùng là hình ảnh Socrate. Ông là một triết gia sống vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, đồng thời cũng là một kẻ bất hạnh vì phải chung sống với một bà vợ khó tính, thuộc vào hàng sư tử hà đông. Sau những kinh nghiệm đắng cay, ông đã phát biểu như sau:

- Nếu có được một người vợ hiền, bạn sẽ được hạnh phúc. Còn nếu chẳng may gặp phải một người vợ không ra gì, bạn sẽ trở thành một triết gia hữu ích cho mọi người.

Một triết gia khác cũng đã nói với các sinh viên trong ngày ra trường như thế này:

- Tôi cầu chúc cho các bạn có được một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Các bạn hãy để sẵn một cuốn sách trong tầm tay của mình. Mỗi khi gặp chuyện bất hoà hay cãi cọ, các bạn lập tức cầm lấy cuốn sách ấy và đọc ngay. Tôi tin các bạn sẽ mau chóng gia tăng kho tàng kiến thức của mình.

Ăn theo vào đó, gã xin cầu chúc bàn dân thiên hạ có được một mái ấm gia đình hạnh phúc, bằng không thì cũng sẽ trở thành những triết gia hữu ích cho đời, hay ít nữa là sẽ tích luỹ cho mình nhiều kiến thức tuyệt vời.

Gã Siêu   gasieu@gmail.com

 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************