Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 160, Chúa Nhật 18.12.2011


MỤC LỤC 

Giám Mục Ðoàn và vị Thủ Lãnh                                                                                    Vatican 2

CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SANG                                                     ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Lá Thư Ngỏ Của Ba Giám Mục Việt Nam Hải Ngoại Gởi Các Linh Mục, Tu Sĩ, Và Cộng Đoàn Dân Chúa Tại Hải Ngoại

SUY NIỆM MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH                                      Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD 

THIÊN CHÚA SẼ TRẢ CHO ANH EM XỨNG VỚI NHỮNG GÌ ANH EM ĐÃ LÀM  
Lm. VĨNH SANG, DCCT

NGHĨ KHÁC                                                                                                        Br. Huynhquảng

ĐÊM GIÁNG SINH CỦA NGƯỜI BẢO DƯỠNG                                  Truyện ngắn của Trần Hiếu

NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN VÀ CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA TRONG HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM (LG, 32).                                                                               Tiến Sĩ Nguyễn Học Tập

CÁC KHỦNG HOẢNG CÓ THỂ XẢY RA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC GIÁO PHẬN  Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

QUAN HỆ VỢ CHỒNG TRONG LINH ĐẠO HÔN NHÂN                             Lm. Minh Anh biên tập

THỞ                                                                                                    Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức, MD.

Tu -                                                                                                   Chuyện phiếm của Gã Siêu


Giám Mục Ðoàn và vị Thủ Lãnh

 

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội

Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chương III

Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội

Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục

(tiếp theo)

 

22. Giám Mục Ðoàn và vị Thủ Lãnh. 29* Thánh Phêrô và các Tông Ðồ khác tạo thành một cộng đoàn Tông Ðồ duy nhất theo như Chúa đã ấn định; tương tự như thế, Giáo Hoàng Roma, Ðấng kế vị Phêrô, cùng với các Giám Mục là những người kế vị các Tông Ðồ đều liên kết với nhau. Ðặc tính và bản chất cộng đoàn của hàng giám mục được biểu lộ qua luật lệ cổ truyền: theo đó Giám Mục trên khắp hoàn cầu thông hiệp với nhau và với Giám Mục Roma bằng mối dây hiệp nhất, bác ái và bình an 23 và qua sự triệu tập các Công Ðồng 24 để cùng nhau quyết định những vấn đề quan trọng đặc biệt 25 sau khi Nghị Phụ đã cân nhắc kỹ lưỡng 26. Bản chất ấy được xác nhận bởi việc triệu tập các Công Ðồng Chung qua bao thời đại. Và bản chất cộng đoàn ấy cũng được một tập truyền xa xưa công nhận, đó là việc nhiều Giám Mục được mời đến tấn phong một người mới được chọn lên nhiệm vụ tối cao của chức linh mục. Người lãnh nhận bí tích truyền chức và hiệp thông giáo phẩm với Thủ Lãnh cùng các phần tử trong Cộng Ðoàn trở thành phần tử của Giám Mục Ðoàn.

 

Nhưng cộng đoàn giám mục hoặc giám mục đoàn chỉ có quyền hành khi hiệp với Giáo Hoàng Roma, đấng kế vị thánh Phêrô, Thủ Lãnh của cộng đoàn giám mục; nhưng quyền tối thượng trên tất cả các Chủ Chăn và tín hữu của Giáo Hoàng Roma vẫn luôn luôn được bảo toàn trọn vẹn. Thực vậy, do nhiệm vụ của mình, là Ðại Diện Chúa Kitô và Chủ Chăn của toàn thể Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng Roma có một quyền bính trọn vẹn, tối cao, phổ quát trên Giáo Hội, và bao giờ Ngài cũng được tự do thi hành quyền bính ấy, Giám Mục Ðoàn kế vị cộng đoàn Tông Ðồ trong việc giáo huấn và chăn dắt, chính trong Giám Mục Ðoàn mà cộng đoàn Tông Ðồ được trường tồn. Hiệp nhất với Thủ Lãnh, tức Giáo Hoàng Roma, và không bao giờ tách rời khỏi Thủ Lãnh ấy, giám mục đoàn cũng có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội 27, nhưng chỉ có thể thi hành quyền này khi có sự ưng thuận của Giáo Hoàng Roma. Chúa đã đặt một mình Phêrô làm đá nền, trao chìa khóa Giáo Hội cho một mình Ngài (x. Mt 16,18-19), cũng đã đặt Ngài là Chủ Chăn của toàn thể đàn chiên Chúa (x. Gio 21,15tt); những quyền tháo gỡ cầm buộc của Người đã ban cho Phêrô (x. Mt 16,19), hẳn cũng đã ban cho cả cộng đoàn Tông Ðồ hiệp nhất với Thủ Lãnh (x. Mt 18,18; 28,16-20) 28. Gồm nhiều phần khác nhau, cộng đoàn giám mục diễn tả đặc tính đa dạng và phổ quát của Dân Thiên Chúa; đồng thời, tụ họp dưới quyền thủ lãnh duy nhất, cộng đoàn giám mục diễn tả sự hiệp nhất của đàn chiên Chúa Kitô. Trong cộng đoàn này, các Giám Mục, khi trung thành tôn trọng quyền tối thượng và quyền điều khiển của vị Thủ Lãnh, các Ngài thi hành quyền bính riêng để mưu ích cho tín hữu mình và cho toàn thể Giáo Hội, nhờ có Chúa Thánh Thần không ngừng củng cố cơ thể và sự thuận hòa trong cơ thể ấy. Quyền bính tối cao của giám mục đoàn trên toàn thể Giáo Hội được thi hành cách trọng thể trong Công Ðồng Chung. Nhưng không bao giờ có Công Ðồng Chung nếu không được Ðấng kế vị Thánh Phêrô phê chuẩn hay ít ra chấp nhận; Ðức Giáo Hoàng Roma có đặc quyền triệu tập, chủ tọa và phê chuẩn các Công Ðồng này 29. Hiệp nhất với Giáo Hoàng, các Giám Mục trên khắp thế giới còn có thể thực hành quyền cộng đoàn ấy, khi vị Thủ Lãnh cộng đoàn mời gọi các ngài cùng hành động cách cộng đoàn, hay ít ra khi ngài ưng thuận hoặc tự do chấp nhận hành động hiệp nhất của các Giám Mục rải rác để làm cho nó trở thành một hành động có tính cách cộng đoàn thực sự. 30*

 

23. Mối liên lạc giữa các Giám Mục trong cộng đoàn. Sự hiệp nhất của Giám Mục Ðoàn còn được biểu lộ qua mối tương giao giữa mỗi Giám Mục với các Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát. Ðức Giáo Hoàng Roma, Ðấng kế vị Phêrô, là nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu 30 của sự hiệp nhất giữa các Giám Mục cũng như giữa các tín hữu. Còn mỗi Giám Mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương 31. Các Giáo Hội này được thành lập theo hình ảnh Giáo Hội phổ quát: chính nhờ và trong các Giáo Hội ấy mà có một Giáo Hội công giáo, duy nhất 32. Vì thế mỗi Giám Mục đại diện cho Giáo Hội mình, và tất cả các Giám Mục cùng với Giáo Hoàng đại diện cho toàn thể Giáo Hội trong mối dây bình an, yêu thương và hiệp nhất.

 

Mỗi Giám Mục được đặt làm Thủ Lãnh một Giáo Hội địa phương, thực hành quyền mục vụ trên phần Dân Thiên Chúa được trao phó cho mình, chứ không thực hành quyền mục vụ trên các Giáo Hội địa phương khác, hoặc Giáo Hội phổ quát. Nhưng với tư cách là phần tử giám mục đoàn, và là người kế vị hợp pháp các Tông Ðồ, mỗi Giám Mục, do sự thành lập và giới lệnh của Chúa Kitô, có bổn phận 33 ân cần săn sóc đến toàn thể Giáo Hội. Sự ân cần săn sóc đó, cho dầu không được thể hiện bằng một hành động thuộc quyền tài thẩm, vẫn mang lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội phổ quát. Thực vậy, tất cả các Giám Mục có nhiệm vụ phát huy và bảo vệ sự hiệp nhất đức tin và kỷ luật chung của cả Giáo Hội, dạy cho tín hữu biết yêu mến toàn Nhiệm Thể Chúa Kitô, nhất là các chi thể nghèo khó, đau khổ và đang chịu bách hại vì sự công chính (x. Mt 5,10), sau cùng các ngài còn có nhiệm vụ phát huy mọi sinh hoạt chung của toàn Giáo Hội, nhất là phát triển đức tin và làm cho ánh sáng chân lý toàn vẹn chiếu soi trên mọi người. Ðàng khác, khi điều khiển khéo léo Giáo Hội địa phương là một phần Giáo Hội phổ quát, dĩ nhiên các Giám Mục đã góp phần hữu hiệu vào công ích của toàn Nhiệm Thể cũng là thân thể của các Giáo Hội 34.

 

Lo lắng rao truyền Phúc Âm cho khắp thế giới là một bổn phận của cộng đoàn các Chủ Chăn. Chúa Kitô đã ra lệnh chung cho tất cả các ngài và giao phó cho các ngài một bổn phận chung, như Ðức Giáo Hoàng Coelestinô đã nhắc nhở các Nghị Phụ Công Ðồng Ephesô 35. Vì thế các Giám Mục, trong phạm vi trách nhiệm riêng của các ngài cho phép, phải cộng tác với nhau và với Ðức Giáo Hoàng là người được đặc biệt ủy thác nhiệm vụ cao cả truyền bá danh hiệu Kitô hữu 36. Do đó, các Giám Mục phải dốc toàn lực đóng góp cho các xứ truyền giáo nhiều thợ gặt, nhiều sự trợ giúp thiêng liêng và vật chất, vừa bằng cách tự mình trực tiếp giúp đỡ, vừa khuyến khích các tín hữu nhiệt thành cộng tác. Sau cùng, trong niềm cảm thông phổ quát của đức ái, theo gương lành đáng kính của các thế kỷ đầu, các Giám Mục hãy sẵn lòng lấy tình huynh đệ trợ giúp các Giáo Hội khác, nhất là những Giáo Hội gần nhất và túng thiếu nhất.

 

Các Giáo Hội khác nhau mà các Tông Ðồ và những đấng kế vị đã thành lập tại nhiều nơi khác nhau theo dòng thời gian, Chúa Quan Phòng đã muốn tụ hợp lại thành nhiều nhóm được liên kết ở tổ chức; các nhóm này có kỷ luật riêng, phụng vụ riêng, thừa hưởng di sản thần học và thiêng liêng riêng mà không phương hại đến sự hiệp nhất đức tin cũng như bản chất duy nhất và thần linh của Giáo Hội phổ quát. Trong các Giáo Hội ấy, một vài Giáo Hội, nhất là những Giáo Hội cổ xưa do các Giáo Chủ lãnh đạo, như các bà mẹ đức tin, đã sinh nhiều Giáo Hội khác như con cái mình, và vẫn còn liên kết với nhau cho đến ngày nay bằng mối dây bác ái mật thiết và bằng đời sống bí tích trong sự tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ lẫn nhau 37. Các Giáo Hội địa phương tuy khác nhau như thế nhưng đều hướng về sự hiệp nhất, nên càng minh chứng đặc tính công giáo của một Giáo Hội không phân chia. Cũng thế, ngày nay các Hội Ðồng Giám Mục có thể góp phần phong phú bằng nhiều thể cách để cụ thể hóa tinh thần cộng đoàn. 31*

 

24. Thừa tác vụ Giám Mục. 32* Chúa Giêsu, Ðấng được ban mọi quyền năng trên trời dưới đất, đã trao cho các Giám Mục, vì là những người kế vị các Tông Ðồ, sứ mệnh dạy dỗ muôn dân và rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật, hầu mọi người được rỗi nhờ lãnh nhận đức tin, phép Thánh Tẩy, và việc chu toàn giới răn Chúa (x. Mt 28,18-20; Mc 16,15-16; CvTđ 26,17t). Ðể hoàn thành sứ mệnh đó, Chúa Kitô đã hứa ban Thánh Thần từ trời xuống, để nhờ sức mạnh của Thánh Thần, các ngài làm chứng cho Chúa Kitô đến tận cùng trái đất, trước mọi dân nước và vua chúa (CvTđ 1,8; 2,1tt.; 9,15). Nhiệm vụ Chúa đã trao phó cho các chủ chăn của dân Người thực là một việc phục vụ, mà Thánh Kinh gọi rõ ràng là "diakonia" nghĩa là thừa tác vụ (x. CvTđ 1,17 và 25; 21,19; Rm 11,13; 1Tm 1,12).

 

Chức vụ bổ nhiệm theo giáo luật được trao cho các Giám Mục hoặc theo tập tục hợp pháp chưa bị quyền tối thượng và phổ quát của Giáo Hội đoạn tiêu, hoặc theo các luật lệ được Giáo Hội ban hành hay thừa nhận, hoặc trực tiếp do chính đấng kế vị Phêrô; nếu Ðức Giáo Hoàng phản đối hoặc từ chối không cho hiệp thông với Tòa Thánh, thì các Giám Mục không thể được lãnh nhận chức vụ 38. 33*

_________

Chú thích

29* Tiểu mục 2: (các số 22-23) Giám Mục Ðoàn.

Tiết này được tranh luận nhiều nhất, có nhiều chú thích và sửa đổi nhất, đặc biệt là số 22: bởi vậy công việc soạn thảo sau cùng rất nặng nề. Người ta biết có hai bản phúc trình ngược hẳn nhau được đệ trình lên Công Ðồng, một của Giám Mục Parente, ủng hộ bản văn, sau cùng được chấp thuận với một ít điều sửa đổi, và một của Giám Mục Franic trình bày những khó khăn chống với bản văn. Cũng nhờ "bản phúc trình" sau này mà có phần chú thích sơ khởi, đến giờ chót được đặt thêm vào bản văn để xoa dịu một vài lập trường quyết liệt. Khó khăn chính là vì người ta sợ Cộng Ðoàn tính của Giám Mục có thể phương hại tới tín điều về quyền tối thượng của Giáo Hoàng. Khó khăn khác nữa là vì từ ngữ Giám Mục Ðoàn, nếu hiểu theo nghĩa pháp lý, sẽ đưa đến sự bình đẳng giữa các phần tử trong đoàn và như vậy, dường như quyền tối thượng bị đe dọa. Sau cùng, từ ngữ đó không có trong Thánh Kinh hay trong Truyền Thống. Công Ðồng vẫn lưu ý đến những vấn nạn đó khi soạn thảo bản văn và cũng vì vậy mà xác nhận một lần nữa về quyền tối thượng của Giáo Hoàng trong một bản văn đề cập đến các Giám Mục.

23 Xem Eusebiô, Hist. Eccl., V, 24,10 : GCS II,1, trg 495; x.b. Bardy, Sources Chr. II, trg 69. Dionysiô, trong Eusebiô, n.v.t. VII, 5,2: GCS II, 2, trg 638t ; Bardy, II trg 168t.

24 Xem về các Công Ðồng thời trước, Eusebiô, Hist. Eccl. V, 23-24: GCS II, 1, trg 488 tt; Bardy, II, trg 66t. và nhiều chỗ khác. CÐ Nicea, đ.th. 5: Conc.Oec. Decr., trg 7.

25 Xem Tertullianô, De Jejunio, 13: PL 2, 972B: CSEL 20, trg. 292, hàng 13-16.

26 Xem T. Cyprianô, Epist. 56, 3 : Hartel, III B, trg 650 ; Bayard, trg 154.

27 Xem phúc trình chính thức của Zinelli, trong CÐ Vat I : Mansi 52, 1109C.

28 Xem CÐ Vat I, lược đồ Hiến chế tín lý, II, De Eccl. Christi, ch. 4: Mansi 53, 310. Xem phúc trình của Kleutgen về lược đồ sửa lại: Mansi 53, 321B-322B và tuyên bố của Zinelli: Mansi 52, 1110. Cũng xem T. Leô Cả, Serm. 4,3 : PL 54, 151A.

29 Xem CIC, các kh. 222 và 227.

30* Trong số 22 này, chúng ta phân biệt bốn đề xướng:

(1) Ðề xướng thứ nhất quả quyết sự hiện hữu của Giám Mục Ðoàn kế vị Tông Ðồ Ðoàn, phác họa một chứng cứ lịch sử, và liệt kê những điều kiện gia nhập đoàn. Ðây là một trong những quả quyết quan trọng nhất của Công Ðồng mà người ta muốn bày tỏ tính cách bổ túc của nó cho Công Ðồng Vaticanô I. Công Ðồng xác nhận nguồn gốc Tông Ðồ Ðoàn là do Chúa, hợp với tinh thần Tân Ước (x. số 19), và Tông Ðồ Ðoàn được các người kế vị là Giám Mục tiếp nối liên tục. Sự liên tục đó là một kết quả hợp lý vì Chúa đã hứa cho Giáo Hội được trường tồn. Nhiều tài liệu của Truyền thống cũng xác nhận sự liên tục này. Ðược phong chức Giám Mục và hiệp thông giáo phẩm với Thủ Lãnh cũng như với các phần tử trong đoàn, là đã gia nhập Giám Mục Ðoàn. Giám Mục Ðoàn luôn đòi phải có Thủ Lãnh.

(2) Giám Mục Ðoàn cũng có quyền bính tối cao và trọn vẹn trên toàn thể Giáo Hội. Ðiều quả quyết này gây ra nhiều vấn đề thần học quan trọng, vì như chúng ta biết, Giáo Hoàng cũng có đặc quyền ấy. Việc soạn thảo đã cố gắng minh giải vấn đề với câu: "Hiệp nhất với Thủ Lãnh (là Giáo Hoàng Roma), Giám Mục Ðoàn cũng có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội, nhưng chỉ có thể thi hành quyền này khi có sự ưng thuận của Giáo Hoàng". Như vậy phải chăng có hai quyền bính tối cao và trọn vẹn trong Giáo Hội? Làm sao có thể thế được? Bản phúc trình chính thức đã trả lời: "Vấn nạn sẽ không còn một khi lưu ý là trong Giáo Hội không phải có hai nhưng chỉ một quyền bính mà Chúa Kitô đã trao ban cho toàn thể Tông Ðồ Ðoàn, cho cả Phêrô lẫn các Tông Ðồ. Chúng ta cũng nhận rằng quyền bính ấy thuộc về một mình Giáo Hoàng, và được thực thi trên các Giám Mục chỉ có trong thường năng; muốn có trong hiện năng phải tùy thuộc vào Giáo Hoàng. Như vậy, Giám Mục Ðoàn không hạn chế quyền tối cao của Giáo Hoàng; nhưng chỉ thừa nhận và chuẩn y cho chức vị Giám Mục theo tư tưởng của Giáo Hội sơ khai: được phong chức Giám Mục là được tham dự thường năng vào quyền hành Chúa Kitô, để khi được Giáo Hoàng mời gọi, các Giám Mục có thể thực thi quyền hành đó ở hiện năng trong cả Giáo Hội.

Ðể lưu ý đến những dự liệu này và những dự liệu của chú thích sơ khởi, chúng ta nên phân biệt:

- Quyền hành (để điều khiển Giáo Hội) nơi Giám Mục Ðoàn hiệp thông với Giáo Hoàng, là một vị trong đoàn với tư cách thủ lãnh.

- Sự thực thi (tối cao, trên toàn thể Giáo Hội) quyền hành đó đòi phải được Giáo Hoàng mời gọi, đòi phải hiệp thông hữu hiệu với Ngài hoặc ít nhất không chống lại Ngài.

- Sự chỉ định pháp lý (theo giáo luật), theo đó Giáo Hoàng trao phó cho một Giám Mục một lãnh thổ hay một nhiệm vụ và ban quyền tham dự vào trách nhiệm tập đoàn trên toàn thể Giáo Hội.

(3) Trong thực tại Giám Mục Ðoàn và trong sự thực thi quyền hành tập đoàn, toàn thể hàng giáo phẩm phải phục vụ cho việc hiệp nhất Dân Chúa. Giáo Hoàng là người gìn giữ việc hiệp nhất đó cả trên bình diện cơ cấu lẫn bình diện pháp lý và cai trị. Với các Giám Mục, thì Giám Mục Ðoàn chính là dấu hiệu của việc hiệp nhất này trong Giáo Hội, được đảm bảo qua sự hiệp thông tập đoàn và qua những mối tương giao huynh đệ trong hàng Giám Mục.

(4) Sự thực thi quyền Giám Mục Ðoàn: quyền hành tối cao của Giám Mục Ðoàn được thực thi bằng hai cách: trong Công Ðồng Chung do Giáo Hoàng triệu tập (hoặc ít nhất được Ngài chấp thuận); ngoài Công Ðồng, do các Giám Mục rải rác khắp hoàn cầu khi được Giáo Hoàng mời gọi thực thi một việc có tính cách tập đoàn.

30 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Pastor aeternus: Dz 1821 (3050t).

31 Xem T. Cyprianô, Epist. 66, 8: Hartel III, 2, trg 733: "Giám Mục trong Giáo Hội và Giáo Hội trong Giám Mục".

32 Xem T. Cypianô, Epist. 55, 24: Hartel, trg 642, hàng 13: "Una Ecclesia per totum mundum in multa membra divisa". Epist. 36,4: Hartel, trg 575, hàng 20-21.

33 Xem Piô XII, Tđ. Fidei Donum, 21-4-1957: AAS 49 (1957), trg 237.

34 Xem T. Hilariô Pict., In Ps. 14,3: PL 9, 206: CSEL 22, trg 86. T. Gregoriô Cả, Moral. IV, 7,12: PL 75, 643 C. Basiliô Cả, In Is. 15, 296: PG 30,637C.

35 T. Coelestinô, Epist. 18, 1-2, gửi đến Công Ðồng Eph.: PL 50, 505AB; Schwartz, Acta Conc. Oec. I, 1,1, trg 22. Xem Benedictô XV, Tông thư Maximum illud: AAS 11 (1919), trg 440. Piô XI, Tđ. Rerum Eccl., 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 69. Piô XII, Tđ. Fidei Donum, n.v.t.

36 Leô XIII, Tđ. Grande munus, 30-9-1880: AAS 13 (1880), trg 145. - Xem CIC, kh. 1327, kh. 1350 đoạn 2.

37 Về những quyền của các Tòa giáo chủ, xem CÐ Nicea đ. th. 6 về Alexandria và Antiochia, và đ. th. 7 về Giêrusalem: Conc. Oec. Decr., trg 8. CÐ Lateranô IV, năm 1215, Hiến chế V: De dignitate Patriarcharum: n.v.t., trg 212. CÐ Ferr. - Flor.: n.v.t., trg 504.

31* Số 23: Trên bình diện liên lạc chiều ngang giữa các Giám Mục, sự thực thi quyền Giám Mục Ðoàn thường được khai triển dưới ba hình thức:

- Giám Mục là dấu hiệu và khí cụ hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương (x. sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của Giám Mục, số 6). Từ đó Giám Mục quan tâm đến trách vụ của toàn thể Giáo Hội.

- Trách nhiệm tập đoàn về việc loan báo Phúc Âm cho cả thế giới: bởi vậy phải hỗ trợ các Giáo Hội tại miền truyền giáo và các Giáo Hội ít được nâng đỡ (x. sắc lệnh về hoạt động Truyền Giáo, số 20).

- Ý nghĩa và giá trị các Giáo Hội có tòa thượng phụ ở Ðông Phương và các Giáo Hội khác phát sinh ra từ đó. Phải tôn trọng các Giáo Hội này vì có truyền thống và kỷ luật riêng.

Số 23 kết thúc bằng vài dòng vắn tắt nói về Hội Ðồng Giám Mục qui tụ các Giám Mục trong một lãnh thổ hay trong một quốc gia.

32* Tiểu mục 3: thừa tác vụ Giám Mục và những quyền năng (các số 24-27).

38 Xem CIC cho Giáo Hội Ðông Phương, các kh. 216-314: về các Giáo Chủ; các kh. 324-339: về các Ðại Tổng Giám Mục; các kh. 362-391: về các vị chức sắc khác; đặc biệt các kh. 238, đoạn 3; 216; 240; 251; 255: về các Giám Mục được các Giáo Chủ đặt lên.

33* Số 24: Nói về thừa tác vụ Giám Mục, tiếp tục cho số 20. Ở đây không bàn về chức vị hay quyền bính, nhưng về thừa tác vụ Giám Mục. Công Ðồng nhấn mạnh tới đặc tính phục vụ của những người được Chúa kêu gọi cai trị Dân Chúa, theo kiểu nói của Thánh Kinh (x. Mt 20, 24-28; Gio 13,1-17). Giám Mục là người phục vụ cho phần dân được trao phó, và phục vụ cho toàn thế giới. Ngài phải nỗ lực rao giảng và làm cho Phúc Âm sống động, và nếu cần, phải hiến mạng sống cho đoàn chiên. Muốn được thế, các Giám Mục nhận lấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ðấng thánh hiến các Ngài để phục vụ. Công Ðồng còn thêm một đoạn nữa bàn đến sứ mệnh theo giáo luật, nghĩa là Giám Mục được quyền cấp trên chỉ định đặc trách một lãnh thổ hay một số dân nhất định. Có ba cách thức chỉ định được coi là có hiệu lực: tập tục chưa bị đoạn tiêu, luật lệ được Tòa Thánh ban hành hay thừa nhận, do chính Giáo Hoàng chỉ định. Với hai cách đầu tiên, phải có sự chấp thuận minh nhiên hay mặc nhiên của Tòa Thánh, nếu không sẽ bất thành sự.

Ba số kế tiếp đề cập đến quyền năng Giám Mục (các số 25-27). Nhiều nhà thần học phân biệt thành hai quyền năng phẩm trật: quyền theo chức vị và quyền theo sứ mệnh. Công Ðồng trái lại đã chọn kiểu nói ba quyền năng: giảng dạy, thánh hóa và cai trị Dân Chúa, và cho như vậy là tiện lợi hơn, vì cách phân chia này cho phép mô tả các quyền năng, và nếu cần, minh xác các quyền năng đó. Có lẽ còn lý do nữa là liên kết quyền năng của giáo phẩm với ba nhiệm vụ của Chúa Kitô (được nhắc tới trong các số 34-36): nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương giả.

 

VỀ MỤC LỤC
CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SANG
 

VRNs (11.12.2011) – Ninh Bình – Suy niệm Lời Chúa của Đức tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt về Chúa nhật III Mùa Vọng, năm B  [Is 61,1-2a.10-11; 1 Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28]

Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng vật lý, ánh sáng văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm linh. Để nhìn ra ánh sáng, cần có một khả năng nào đó. Để thấy ánh sáng vật lý, chỉ cần có đôi mắt bình thường. Nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, phải có một số vốn kiến thức cần thiết. Để thấy ánh sáng văn hoá, cần được khai tâm mở trí. Và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân chiếu dọi. Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta là chứng nhân của Đức Ki-tô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Ki-tô bằng chính cuộc đời trong sáng của ngài. Nhìn vào cuộc đời ngài, ta thấy toả ra các làn ánh sáng sau đây:

Làn ánh sáng thứ nhất mà ta thấy nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự khiêm nhường.

Ngài khước từ mọi vinh quang người ta phủ quanh ngài. Ngài thành thực nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, không phải là Ê-li-a vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả. Ngài tự nhận mình chỉ là một “tiếng kêu trong sa mạc”. Ngài khiêm nhường nói rằng ngài không xứng đáng xách giày cho Đẫng Cứu Thế. Thật là khiêm nhường tự hạ. Đức khiêm nhường ấy chiếu lên dung mạo ngài một làn ánh sáng. ánh sáng ấy khiến cho lời chứng của ngài càng có sức thuyết phục. ánh sáng ấy phản chiếu dung mạo đích thực của Đấng Cứu Thế, Đấng tuyệt đối khiêm nhường.

Làn ánh sáng thứ hai ta thấy nơi cuộc đời của thánh nhân là làn ánh sáng của sự khổ hạnh.

Phần lớn đời ngài ẩn dật trong sa mạc. Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe doạ của thú dữ, thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc. Y phục của ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn của ngài là châu chấu và mật ong rừng. Sự khổ hạnh không chỉ loé sáng lên một ý chí mạnh mẽ biết vượt thắng chính bản thân mình, mà còn chiếu ánh sáng hy vọng vào tương lai. Người lệ thuộc vào vật chất là người bị trói buộc trong hiện tại. Người khổ hạnh là người đặt niểm hy vọng ở tương lai. Niềm hy vọng ấy chiếu sáng vào cuộc đời hiện tại vì làm cho cuộc sống có một ý nghĩa cao đẹp và sâu xa. Tương lai tươi sáng mà thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta chờ đón chính là Đức Giê-su Ki-tô mà ngài loan báo. 

Làn ánh sáng thứ ba nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự trung thực.

Trung thực trong những lời nói về chính mình, nên ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài có. Ngài chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình. Trung thực với lòng mình, nên ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hê-rô-đê không đựơc phép lấy chị dâu. Chính sự trung thực này đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Làn ánh sáng ấy cho ta thoáng thấy ánh sáng đích thực của Đấng là Sự Thật, là chính Đức Giê-su Ki-tô. 

Làn ánh sáng thứ tư nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự quên mình.

Biết mình chỉ là người đưa tin, thánh nhân luôn xoá mình đi, để cho Đấng là chính Tin Mừng được nổi bật. Biết mình chỉ là người mở đường, thánh nhân luôn tự hạ để cho Đấng là Đường được mọi người nhận biết. Làm chứng cho sự thật, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh để cho Đấng là Sự Thật được trân trọng. Khi mọi người tuốn đến với Ngài, Ngài đã không giữ lại cho mình, nhưng đã giới thiệu họ đến với Đức Giê-su, nên ngài nói: “Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dây giầy cho Người” (Ga 1,27). Nhiều môn đệ đã theo Ngài, nhưng Ngài giới thiệu để họ theo làm môn đệ Đức Giê-su. Khi thấy đám đông đã bỏ ngài để đi theo Đức Giê-su, ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ đã hoàn tất, nên ngài nói: “Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”(Ga 3, 30).

Thánh Gioan Baotixita thật là một chứng nhân tuyệt hảo. Ngài đã biết tự hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên. Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng. Ngài đã biết tự huỷ mình đi để Chúa được nhận biết. Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa. Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng.

Mùa Vọng này, mọi người đang chờ đón Chúa đến. Chúa muốn tôi hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn tôi làm chứng cho Chúa. Chúa muốn tôi giới thiệu Chúa cho anh em. Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, tôi chỉ lo mở đường cho tôi. Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, tôi chỉ lo làm chứng cho tôi. Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, tôi chỉ giới thiệu bản thân mình.

Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy soi mình vào tấm gương của thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến. Xin thánh Gio-an Baotixita giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của ánh sáng.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

VỀ MỤC LỤC
Lá Thư Ngỏ Của Ba Giám Mục Việt Nam Hải Ngoại Gởi Các Linh Mục, Tu Sĩ, Và Cộng Đoàn Dân Chúa Tại Hải Ngoại

Kính thưa qúy Đức Ông, Linh Mục, Tu Sĩ và anh chị em tín hữu,

Trong tuần vừa qua từ ngày 28 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12, ba anh em chúng tôi là Dominic Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, Hoa Kỳ, Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Toronto, Canada và Vincent Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne, Australia, đã có dịp gặp gỡ và chia sẻ những kinh nghiệm mục vụ cũng như những thao thức của các Cộng Đồng Dân Chúa nơi chúng tôi đang sống và làm việc. Chúng tôi cũng có dịp lắng nghe những quan tâm, ưu tư của các linh mục, tu sĩ và giáo dân qua những cuộc đối thoại trong tinh thần đoàn kết và xây dựng. Mặc dù đây chỉ là buổi gặp gỡ hữu nghị, chúng tôi nhận thấy cũng cần chia sẻ với anh chị em một số điều như sau:

1. Chúng tôi chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa đã thương dìu dắt khối người Việt Công Giáo hải ngoại. Sau những năm tháng nhiều đau thương, vất vả và khốn khổ, chúng ta đã ổn định và trở thành một trong những phần tử năng động nhất trong các Giáo Hội địa phưong, nơi chúng ta sinh sống. Lực lượng các linh mục, tu sĩ, giáo dân đông đảo và nhất là đời sống đạo nhiệt thành đã làm rạng rỡ cho truyền thống và di sản đức tin mà các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã đổ máu đào minh chứng.

2. Chúng tôi cũng cảm tạ Thiên Chúa vì tấm gương trung kiên anh dũng của Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận. Quá trình phong thánh đã được xúc tiến cho vị “Tôi Tớ Chúa” này với nhiều cuộc lắng nghe các nhân chứng ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng tôi kêu gọi anh chị em tiếp tục cầu nguyện và hợp tác khi có thể, ngõ hầu Ngài sớm được tôn phong vào hàng hiển thánh, làm vinh danh Giáo Hội và dân tộc Việt Nam.

3. Chúng tôi cảm thấy cần phát huy tinh thần đoàn kết và liên đới trong các thành phần Dân Chúa, hầu tạo sức mạnh và hữu hiệu hóa các sinh hoạt của chúng ta từ trong các giáo đoàn đến giáo phận, quốc gia và quốc tế. Chúng tôi rất hoan nghênh và khuyến khích các sinh hoạt nhằm tạo tình liên đới, giúp nhau thăng tiến trong công việc mục vụ và sống đạo.

4. Chúng tôi cũng nhận thấy cần đáp ứng với các nhu cầu mới trong hoàn cảnh mục vụ mới: các anh em linh mục tu sĩ thế hệ trẻ, giới trẻ thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba tại hải ngoại, các cháu thiếu nhi… Nỗi ưu tư chung của chúng ta là làm sao duy trì gia sản đức tin và văn hóa đặc thù Việt Nam cho các thế hệ nối tiếp trong môi trường tục hóa đang đe dọa đến đời sống siêu nhiên của người tín hữu.

5. Sau cùng, chúng tôi biểu lộ sự liên đới với Giáo Hội quê mẹ Việt Nam trong cuộc hành trình tiến về tương lai tươi sáng hơn cho Giáo Hội và cho đất nước. Nhất là, chúng tôi đặc biệt biểu tỏ sự liên đới với giáo xứ Thái Hà hiện đang chịu nhiều thử thách trong khi đòi hỏi những điều chính đáng. Chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền hãy tôn trọng tự do tôn giáo và nhân quyền, để người dân được sống đúng với nhân phẩm theo hiến chư ơng của Liên Hiệp Quốc và có đủ điều kiện để phát huy một đất nước thật sự tự do, độc lập và thịnh vượng.

Chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa đã quan phòng cho chúng tôi có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ và lắng nghe. Chúng tôi cũng nhận ra sự hạn hẹp trong cuộc gặp gỡ lần đầu tiên này trước nhiều kỳ vọng của nhiều tổ chức, đoàn thể cũng như cá nhân trong khối người Việt Công Giáo hải ngoại. Ước mong của chúng tôi là tiếp tục lắng nghe và cầu nguyen để dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần, chúng tôi sẽ phục vụ anh chị em một cách hữu hiệu hơn và mang lại nhiều lợi ích cho Giáo Hội.

Trong Chúa Giêsu Kitô,

 Các Đức Cha đồng ký tên

+ Dominic Mai Thanh Lương

+ Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu

+ Vincent Nguyễn Văn Long
 

Viết tại Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam

Orange County, ngày 2 tháng 12 năm 2011

VỀ MỤC LỤC
SUY NIỆM MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD 

Lễ Giáng Sinh sắp tới, mọi người nói về Chúa hài đồng và Mẹ Maria nơi máng cỏ ở Bethlehem. Đó là nhắc lại một lịch sử và khởi điểm ơn cứu độ loài người của Chúa Kitô. 

Để đào sâu ý nghĩa Đức Mẹ cưu mang Chúa Giêsu và hạ sinh ra Người làm đấng cứu chuộc nhân loại, chúng ta thử tìm hiểu Chúa Giêsu Kito là ai với màu nhiệm nhập thể của Chúa qua hai thánh Phaolo và Gioan. 

Mùa Vọng là mùa chúng ta sửa soạn tâm hồn để đón nhận Chúa Cứu Thế đến với chúng ta.. Mọi người quyết noi gương Đức mẹ và Chúa Giêsu, sống làm sao để ơn phúc và gương đức của các ngài được chiếu sáng lan tỏa trong mọi môi trường, nơi những người anh em huynh đệ và tất cả mọi người, nhất là những người không phải là Kitô hữu. 

 

CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ AI?

MÀU NHIỆM NHẬP THỂ THEO THÁNH  PHAOLO VÀ GIOAN 

Chúng ta thử đọc đoạn thư thánh Phaolo gửi tín hữu Galát: “Khi nghĩa tử (người thừa kế) chưa đến tuổi thì nó không khác gì một tên nô lệ, mặc dù nó vẫn làm chủ tất cả mọi của cải, nhưng ở dưới sự coi sóc của người giám hộ và viên quản lý cho đến khi đủ tuổi do người cha định đoạt. Chúng ta cũng vậy, khi chúng ta còn vị thành niên, chúng ta bị nô lệ bởi những yếu tố quyền lực của vũ trụ. Nhưng khi thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa sai Con mình đến, sinh ra bởi một người đàn bà và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta có thể được ơn nhận làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên “Áp-ba, Cha ơi!”. Thế là anh em không còn là nô lệ nữa, nhưng là con. Và đã là con thì cũng là người thừa kế nhờ Thiên Chúa” (Galatians 4: 4-7)

Đoạn văn trên có ý nghĩa gì?

Chúng ta thường nghe đoạn thánh thư này trong Mùa Giáng sinh, khi bắt đầu sắp sửa long trọng mừng Chúa ra đời. Cứ theo mạch văn, thì đây là lúc chúng ta tiến đến gần nhất tư tưởng hằng hữu / hiện hữu từ trước (preexistence) và nhập thể (incarnation) của Thiên Chúa. Ý nghĩa tiếng “sai đến” (Thiên Chúa sai con mình đến), được đặt song song tương ứng với tiếng “sai Thần Khí của con mình đến” ở câu kế tiếp. Trong Cựu ước sách Khôn Ngoan ta cũng thấy một điệp khúc tương đồng như vậy: “Thiên Chúa sai đấng Khôn Ngoan và Thánh Thần đến thế gian” (Wisdom 9: 10,17). Sự phối hợp liên hoàn này giữa cựu ước và tân ước cho ta thấy tiếng “sai đến” có ý nghĩa không phải từ “dưới đất” như trường hợp sai các tiên tri, mà là từ “trên trời” xuống… 

Tư tưởng về Chúa Kito hằng hữu, theo mạch văn trong thư thánh Phaolo thì Chúa Kito là đấng tạo dựng nên trời đất. “…nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu”(1Corinthians 8:6) hoặc: “..Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, vì trong Người muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dầu là hàng dũng lực thần tiên hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Colossians 1:15-16) Và khi thánh Phaolo nói rằng “tảng đá đi theo dân trong sa mạc thì ngài có ý nói tảng đá là Chúa Kito: “ …tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng ấy vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô” (1Corinthians 10:4). Còn về màu nhiệm nhập thể thì được nêu lên trong bài thánh thư gửi tín hữu Philiphê. “Đức Gêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất thiết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Philippians 2: 6-7). 

Bản văn thì viết như vậy, nhưng chúng ta cũng nhận thấy rằng theo thánh Phaolo, tính hằng hữu và màu nhiệm nhập thể tuy là sự thật, nhưng vẫn còn đang được cưu mang, chưa hoàn toàn hiện hình. Lý do: Đối với thánh Phaolo, điểm quan trọng và là  khởi điểm của hết mọi sự là màu nhiệm Chúa Phục Sinh; nghĩa là thánh Phaolo coi việc làm / hành động của đấng cứu thế đặc biệt hơn là con người đấng cứu thế. Ngược lại với thánh Phaolo, thánh Gioan lấy khởi điểm và trọng tâm của vấn đề là tính hằng hữu và nhập thể của con Thiên Chúa. 

Như vậy rõ ràng chúng ta thấy có hai cách để khám phá ra Chúa Giêsu Kito là ai. Một đằng theo thánh Phaolo, ngài bắt đầu từ loài người vươn tới Thiên Chúa, nghĩa là từ thân xác thực đi đến thần linh Chúa, từ Chúa Kitô lịch sử đi tới sự hằng hữu của Người. Đằng khác, cách của thánh Gioan thì ngược lại, khởi đầu từ “Ngôi Lời” Thiên Chúa đi tới xác định bản tính người của Ngài, nghĩa là từ tính hằng hữu (tức Thiên Chúa) đi tới sự hiện hữu của con người Thiên Chúa trong  không gian và thời gian, tức Chúa Kitô lịch sử. 

Thánh Phaolo chứng minh Chúa Kito bằng sự Chúa Phục Sinh khải hoàn qua hai giai đoạn: Loài người chịu chết và Thiên Chúa phục sinh. Thánh Gioan nhìn Chúa Kito qua màu nhiệm nhập thể

Hai phương cách này cuối cùng đã làm nảy sinh ra hai trường phái Kito học. Phái Antiochene ảnh hưởng bởi thánh Phaolo và phái Alexandria ảnh hưởng bởi thánh Gioan. Nhưng không có phái nào đứng trung dung ở giữa. Trái lại mỗi phái đều dùng luận lý của cả hai thánh Phaolo và Gioan. Điều này chứng tỏ là họ đã chịu ảnh hưởng của cả hai thánh nhân, giống như hai giòng sông phối hợp với nhau thành một để rồi không còn có thể phân biệt, xác định được nước của giòng sông nào nữa. 

Sự khác biệt này đáng cho chúng ta suy nghĩ, chẳng hạn như hai phái đã cắt nghĩa khác nhau về sự hạ mình làm người của Chúa Giêsu ở đoạn 2: 6-9 của thư thánh Phaolo gửi tín hữu Philippians. Từ thế kỷ I và II, và ngay cả hiện nay, hai cách trình bày và đọc sách thánh khác nhau đó vẫn có thể được chấp nhận. Theo phái Alexandria, đề mục khởi đầu của bài ca thánh thư là Con Thiên Chúa hằng hữu hiện diện dưới hình thức Thiên Chúa. Nghĩa là sự hạ mình xuống thế làm người của Chúa  bao hàm trong màu nhiệm nhập thể để trở thành phàm nhân. Theo phái Antiochene, đề mục duy nhất của bài thánh ca, từ đầu cho đến cuối, là Chúa Kito lịch sử, Giêsu thành Nazareth. Nghĩa là Chúa tự hạ mình xuống thế làm người để trở thành nô lệ và tự mình chịu khổ hình và chịu chết

Thực ra sự khác biệt giữa hai trường phái không phải ở chỗ phái này theo thánh Phaolo, phái kia theo thánh Gioan, mà là nhóm này cắt nghĩa ý tưởng của thánh Gioan theo cách suy tư của thánh Phaolo, nhóm kia cắt nghĩa tư tưởng của thánh Phaolo theo suy nghĩ của thánh Gioan.. Có chăng sự khác biệt giữa hai phái là họ đã dùng những chi tiết và cấu trúc luận lý khác nhau để làm sáng tỏ màu nhiệm Chúa Kito. Chúng ta có thể nói rằng những nét chính về tín điều của Giáo Hội cũng như khoa thần học đã được tạo thành từ những tranh luận của hai trường phái này mà cho đến nay vẫn còn ảnh hưởng.

 

ĐƯỢC SINH RA BỞI MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ TUYỆT VỜI. 

Dù sao thì cả hai thánh Phaolo và Gioan đều công nhận màu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô. Nhưng thánh Phaolo rất ít nói tới màu nhiệm nhập thể, còn về Đức Maria, Mẹ Ngôi Lời nhập thể, thì ngài lại hoàn toàn im lặng. Nhưng khi ngài nói “con người kiệt tác được sinh ra bởi một người đàn bà (factus sub muliere) thì rõ ràng người đàn bà đó là Đức Maria. Cũng như trong thư gửi dân Roma, cùng tư tưởng đó nhưng đựoc diễn tả một cách khác: “….Xét như một người phàm, Đức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua David” (Romans 1: 3). 

Tuy ngắn gọn như vậy, nhưng cách tuyên xưng của thánh Phaolo rất quan trọng. Nó là một trong những đề mục nòng cốt của cuộc tranh luận chống lại nguyên tắc ngộ đạo của thuyết vô nhân tính[1][1] về Đức Kito từ thế kỷ II. Thực ra, chúa Giêsu không phải từ thiên đàng hiện xuống; mà Chúa được sinh ra bởi một người đàn bà. Chúa hoàn toàn mặc lấy xác của một con người lịch sử.“giống như mọi người phàm nhân” (Philippians 2: 7). 

Về vấn đề này, Terbullian đã đặt vấn đề: “ Tại sao chúng ta nói rằng Chúa Kitô là người, nếu không phải vì Chúa sinh ra bởi bà Maria là con người thụ tạo?”[2][2]. Một tư tưởng nữa là vì “Chúa Kitô sinh ra do một người đàn bà”. Cách nói này diễn tả nhân tính của Chúa Kitô hay hơn là cách nói “Ngài là con của một người đàn ông”. Nếu hiểu theo nghĩa đen câu nói này thì Chúa Giêsu đâu phải là con một người đàn ông, bởi lẽ không có người đàn ông nào là cha Ngài cả, mà Ngài thực sự là “con một người đàn bà”. 

Bài thánh thư Phaolo gửi tín hữu Galat cũng là trung tâm điểm của cuộc bàn cãi về tước hiệu Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” trong các cuộc tranh luận sau này liên quan đến Kitô học.  Vì lý do đó mà thư thánh Phaolo gửi tín hữu Galat được chọn làm bài đọc II trong lễ kính Đức trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa vào ngày 1 tháng giêng hàng năm. 

Còn một chi tiết nữa chúng ta cần phải để ý. Giả sử thánh Phaolo nói: “Chúa Giêsu sinh ra ‘do bà Maria’” thì cách nói này chỉ đơn giản nhắc đến một sử liệu có tính tiểu sử. Nhưng thánh Phaolo đã nói: “Đức Kitô sinh ra do ‘một người đàn bà’” thì tiếng “người đàn bà” có một nghĩa rất rộng và phổ quát. Và người đàn bà này hay bất cứ người đàn bà nào đã được nâng lên địa vị cao vời tột đỉnh của Đức Maria rồi. Chính Maria này là một người đàn bà tuyệt vời. 

 

ĐỨC  MARIA CÓ Ý NGHĨA GÌ ĐỐI VỚI CHÚNG TA? 

Đọc bài thánh thư của thánh Phaolo khi Giáng Sinh gần kề, chúng ta không thể chỉ để ý đến những lời chú thích nói về những sự kiện, nhưng phải cẩn trọng suy niệm nghiêm túc ý nghĩa thần học chất chứa trong đó hầu rút ra một bài học làm kim chỉ nam cho đời sống thiêng liêng của chúng ta, làm sao để Lời Chúa được chiếu tỏa và sống động nơi mỗi người chúng ta. 

Lời Origen nói, cũng được thánh Augustin, thánh Bernard, thày dòng Luther và nhiều người khác nhắc tới, rất đáng cho ta để ý: “Tôi nghĩ gì khi mà Chúa Kito lại một lần nữa được sinh ra ở Bethlehem bởi bà Maria nhưng niềm tin lại không được phát sinh ra trong tâm hồn tôi?” [3][3].  

Đức Maria Mẹ Thiên Chúa được thể hiện dưới hai thình thức: thể chất và tinh thần. Ngài là Mẹ Thiên Chúa không phải chỉ vì đã cưu mang Chúa trong bụng 9 tháng 10 ngày mà trước tiên còn vì Mẹ đã chấp nhận ấp ủ Chúa trong trái tim mẹ với một niềm tin sắt son. Khi sứ thần Chúa đến với Đức Maria và báo tin bà sẽ mang thai và sinh một con trai  tên là Giêsu, là đấng Cao Cả, là Thiên Chúa thì bà rất bối rối vì bà không hề biết đến việc vợ chồng. Nhưng khi nghe sứ thần xác định là quyền năng đấng tối cao, Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuống trên bà. thì Maria hoàn toàn tin tưởng và trả lời:XinVâng” (Luke1:28-38). Hai tiếng Xin Vâng chứng tỏ một Niềm Tin tuyệt đối của Mẹ Maria nơi Thiên Chúa. Dĩ nhiên chúng ta không thể bắt chước Đức Mẹ tái sinh ra Chúa lần nữa, nhưng ta có thể noi theo niềm tin sắt son đó của Đức Mẹ.  

Chúa Giêsu đã là người đầu tiên đặt cho Giáo Hội  tước hiệu là “Mẹ Chúa Kitô” khi Ngài nói: “Mẹ ta, anh em ta chính là những người biết nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. (Luke 8: 21; Mark 3: 35; Matthew 12: 50). Theo truyền thống, thực tế này đã được áp dụng theo hai phương cách: mục vụ và tu đức. Trong tinh thần mục vụ, chúng ta thấy Giáo Hội đã áp dụng tình Mẫu tử của mình bằng cách ban phép “bí tích phổ quát của ơn cứu độ” thật nhiều, càng nhiều càng tốt.. Vế tu đức thì tất cả mọi người, từng mỗi cá nhân, mỗi tâm hồn hay những ai thành tâm tin cậy nơi Chúa đều có lòng sốt sáng được Chúa yêu thương che chở. 

Thánh Isaac of  Stella, một nhà thần học thời Trung Cổ đã làm một tổng hợp tất cả những yếu tố đó trong một bài giảng huấn nổi danh. Ngài viết: “ Đức Maria và Giáo Hội là một người Mẹ hơn một người mẹ, là một Trinh Nữ hơn một trinh nữ….Do đó những điều được nói trong Kinh Thánh, những điều được nói về Giáo Hội phổ quát, về đức Trinh Nữ, về Thánh Mẫu thì cũng được nói về chính cá nhân Đức Maria. Và những điều đặc biệt nói về Đức Maria thì phải hiểu một cách tổng quát là “Đức Nữ Đồng Trinh Mẹ Giáo Hội”…..Cuối cùng, tất cả những ai có lòng tin nơi Chúa đều là bạn trăm năm của Lời Chúa, là mẹ, là ái nữ và chị em của Chúa Kitô. Tất cả những tâm hồn, những ai tin tưởng nơi Chúa, hiểu theo đúng nghĩa của nó, đều là trinh nữ và đầy ẩn sủng.[4][4] 

Công đồng Vatican II trong viễn kiến đầu tiên đã nói: “Giáo Hội….chính mình đã trở thành hiền mẫu. Nhờ việc rao giảng và ban phép bí tích thánh tẩy, Giáo Hội đã mang lại một đời sống mới bất tử cho con cái mình là kẻ được cưu mang bởi Chúa Thánh Thần và được Chúa sinh ra” [5][5]

Để áp dụng cho từng cá nhân, thánh Ambrose đã viết: “Những ai tin  vào Chúa thì sẽ cưu mang lời Chúa trong lòng và phát khởi, truyền bá ra ngoài trong cuộc sống hàng ngày….Nếu chỉ có một người là Mẹ Chúa Kitô theo nghĩa xác thịt thì tất cả mọi người, theo nghĩa đức tin, có thể phát sinh ra Chúa Kito khi mà họ chấp nhận lời Chúa hằng sống” [6][6]. Một Giáo Phụ Đông phương đã lặp lại ý lời thánh Ambrose như sau: “ Đức Kitô luôn luôn được sinh ra trong tâm hồn mỗi người một cách nhiệm màu, mặc lấy xác thịt của những ai được cứu rỗi và trở thành mẹ đồng trinh, đấng đã sinh ra Chúa Kito”. [7][7] 

Muốn trở thành Mẹ Chúa Giêsu một cách cụ thể thì chúng ta phải làm gì? Hãy đọc lại  Tin Mừng thánh Luca:…Lắng nghe Lời Chúa và thực hành Lời Chúa (Luke 8:21; Mark 3:35; Matthew 12: 50). Để tìm hiểu ý nghĩa lời thánh kinh đó, chúng ta thử nghiệm xem Đức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa như thế nào. Mẹ cưu mang Chúa trong lòng và sinh ra Chúa. Qua đó, chúng ta thấy hai dữ kiện cần để ý:  Lời sách Isaiah “Đúng như lời Chúa phán, trinh nữ sẽ thụ thai và sẽ sinh hạ một con trai”, và lời thiên thần Gabriel nói cùng Maria: “Ngươi sẽ thụ thaisinh con trai đầu lòng”.  

Để có tước hiệu mẹ, người đàn bà phải mang thai và sinh hạ hài nhi. Không hoàn chỉnh hai giai đoạn đó, tư cách hiền mẫu bị gián đoạn hoặc bất toàn. Chúng ta thử tưởng tượng khi người đàn bà mang thai, nhưng vì một lý do nào đó thai bị hư (miscarriage) hoặc vì tội lỗi xui khiến không muốn sinh con nên phá hủy thai (abortion). Đứa trẻ chết không được diễm phúc chào đời. 

Hai hiện tượng thai hư đó đã làm cho tước hiệu Hiền Mẫu của người đàn bà có thai trở nên bất toàn. Nhưng  từ khi có kỹ thuật thụ thai nhân tạo lại nảy ra một loại hiền mẫu đối ngược với loại hiền mẫu bất toàn trên là người đàn bà có sinh hạ ra hài nhi nhưng không thụ thai. Đó là những hài nhi được thụ thai trong ống nơi phòng thí nghiệm rồi đem cấy vào tử cung người đàn bà được thuê mướn. Những đứa con này sinh ra không phải do máu mủ của họ, vì họ không thụ thai, không do trái tim, lòng ao ước của họ và thân xác họ. 

Hai loại hiền mẫu bất toàn này chúng ta cũng thấy xuất hiện trong đời sống thiêng liêng. Những người nghe lời Chúa nhưng không thực hành. Những người có đời sống tâm linh bị hư hoại nhiều lần; họ toan tính hoàn lương trở lại đường ngay chính nhưng chỉ được nửa đường lại gẫy gánh. Họ cưu mang Chúa nhưng không sinh hạ ra Chúa. Họ là những kẻ chỉ đọc lời Chúa nơi cửa miệng nhưng tâm hồn rỗng tuếch, như thoáng coi hình họ trong gương rồi ra đi mà không để ý coi mặt mũi họ thế nào.(James 1:23). Tóm lại họ có đức tin nhưng là đức tin chết. 

Nhưng trái lại, ta thấy có những người sinh hạ ra Chúa Kito nhưng lại không cưu mang Người. Họ sinh hoạt, làm việc đạo rất hăng say, cả những việc tốt lành nhưng không do từ tâm, không vì tình yêu Chúa và ý ngay lành mà chỉ vì thói quen, giả hình nhân đức, với mục đích biểu diễn phô trương vì lợi ích riêng tư cá nhân mình…hoặc đơn giản chỉ để thỏa mãn tự ái mà thôi. Tóm lại, họ là những kẻ hành động nhưng không có niềm tin. 

Thánh Francis thành Assisi đã tóm lược ý nghĩa của hiền mẫu thực một cách tích cực như sau: “Chúng ta là mẹ Chúa Kitô –ngài nói- khi chúng ta ôm ấp Người ở trong tâm, trong lòng chúng ta, nơi thân xác chúng ta bằng một tình yêu Chúa với một lương tâm trong sáng và chân thành. Chúng ta phát sinh, biểu hiện ra Chúa qua những hành động thánh khả dĩ có thể chiếu tỏa, soi sáng làm gương cho mọi người chung quanh chúng ta…. Thánh đức và êm đềm, khiêm tốn, an bình, dễ thương và mong ước thay khi chúng ta có một người anh em huynh đệ, một người con như vậy là Đức Giêsu Kito” [8][8]. Thánh nhân cũng nói cho chúng ta biết là khi chúng ta cưu mang Chúa Kitô là khi chúng ta yêu thương Người với tất cả chân tình và lương tâm ngay chính. Chúng ta sinh ra Chúa Kitô khi chúng ta chu toàn những hành vi thánh khiến Chúa  được chiếu tỏa ra muôn nơi cho muôn dân.  Khi người ngoài nhìn vào ta là nhìn thấy chính Chúa Kitô trong ta.

 

ĐÔI LỜI KẾT:  “XIN VÂNG, FIAT, AMEN” 

Mẹ Maria đã cho chúng ta một tấm gương sáng ngời. Mẹ thụ thai / cưu mang Chúa và sinh hạ ra Chúa cho chúng ta trong ngày Giáng Sinh. Mẹ thực sự là Hiền Mẫu toàn vẹn. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.  Hai tiếng  “Xin Vâng / Fiat / Amen” đã gói gém đầy đủ  ý nghĩa. Mẹ đã thực sự thụ thai Chúa trong bụng và trong trái tim. Rồi 9 tháng 10 ngày sau, Mẹ đã hạ sinh ra Chúa Giêsu tai Bethlehem nơi máng cỏ. Ngay từ giờ phút đó ơn cứu độ của Chúa ban cho loài người, mỗi người chúng ta đã bắt đầu và hoàn chỉnh khi Chúa chịu chết, phục sinh và lên trời. 

Nhưng Chúa đòi hỏi có sự cộng tác của mỗi cá nhân chúng ta thì ơn cứu độ đó mới hoàn chỉnh đối với bản thân chúng ta. Chúng ta phải chấp nhận lời Chúa và thực thi lời Chúa để ơn cứu độ Chúa được vẹn toàn. 

Thánh Phaolo nói: “….Thiên Chúa yêu thương những ai vui vẻ dâng hiến” (2Corinthians 9: 7).  Mẹ Maria trả lời Chúa “Xin Vâng” với tâm hồn vui mừng hớn hở.  Chúng ta hãy cầu xin Mẹ ban ơn phúc cho chúng ta để nói một cách vui vẻ lời hứa Xin Vâng với Chúa để canh tân đời sống, cưu mang và hạ sinh Chúa Giêsu Kito trong mùa Giáng Sinh này và mãi mãi trong cuộc đời chúng ta.

Fleming Island, Florida 15 Dec. 2011

NTC 


[1][1] Gnostic Docetism: Thuyết không chấp nhận nhân tính / tính người của chúa Kitô dựa vào sự hiểu biết của con người

[2][2] Tertullian, “De carne Christi”, 5,6 (CC,2,p.881)

[3][3] Origen, “Commentary on the Gospel of Luke”, 22, 3 (SCh, 87, p.302)

[4][4] Isaac of Stella, “Sermones”, 51 (PL 194, 1863f.)

[5][5] “Lumen Gentium”, 64

[6][6] St. Ambrose, “Expositio Evangelii Secumdum Lucam”, II, 26 (CSEL 32, 4, p.55)

[7][7] St. Maximus the Confessor, “Commentary on the Our Father”, (PG 90, 899)

[8][8]  St. Francis of Assisi, “Lettera ai fedeli”, 1 (Fonti Francescane, n.178).

 
VỀ MỤC LỤC
“THIÊN CHÚA SẼ TRẢ CHO ANH EM XỨNG VỚI NHỮNG GÌ ANH EM ĐÃ LÀM”
 

Hằng năm Tỉnh Dòng chúng tôi tổ chức Tĩnh Tâm Năm chung cho anh em Tu Sĩ trong Tỉnh Dòng, trong chương trình Tĩnh Tâm luôn có một buổi sám hối, thường do một Linh Mục đảm nhiệm, đọc Lời Chúa, giúp anh em xét mình, sám hối, cầu nguyện và tản ra giải tội lẫn cho nhau...

Năm nay ban tổ chức mời cha Tiến Lộc giúp sám hối. Tiến Lộc, một Linh Mục nhiều sáng kiến đã giúp anh em xét mình như những cuộc xét mình khác, nhưng lại khác các cuộc xét mình trước đây, đó là ngài chú trọng đến thứ tội NÓI XẤU NGƯỜI KHÁC. Cha Tiến lộc bắt đầu bằng câu hỏi: “Ai dám giơ tay lên quả quyết rằng mình không hề nói xấu người khác ?” Rồi ngài trưng dẫn lời của Thánh nữ Marie Madeleine de Pazzi, rằng: “Tôi sẽ xin phong Thánh ngay cho người nào trong đời chưa một lần nói xấu kẻ khác !” Dĩ nhiên không ai dám giơ tay lên vì ai cũng kinh nghiệm về việc nói xấu người khác, và cũng kinh nghiệm nỗi đau khi bị người khác nói xấu.

Quả thật, nói xấu người khác là vi phạm đức bác ái, bởi người bị nói xấu không có cơ hội bào chữa cho mình, và thường chúng ta có ác cảm với người bị nói xấu, hoặc ít là có cái nhìn thiếu thiện cảm về họ cho dẫu mình đã cảnh giác. Chúng ta thường bị ảnh hưởng từ câu chuyện đầu tiên về người khác.

Là một bất công và vi phạm đức bác ái trầm trọng hơn nữa nếu câu chuyện nói xấu đó không phải là sự thật, hoặc là chỉ đúng một phần còn một phần do thêm thắt. Càng là bất công hơn nếu đó lại là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt, dựa trên những suy đoán thiếu nền tảng: Tôi nghe một Cha nói…, tôi nghe một Đức Cha nói…, tôi nghe một cán bộ nói... Nhưng Cha nào, Đức Cha nào, cán bộ nào thì lại không nói rõ !

Mức độ bất công và lỗi đức bác ái càng gia tăng trần trọng khi người nói xấu càng có chức vụ và địa vị cao trong xã hội, vì ảnh hưởng của người ấy rộng lớn hơn những người khác, dễ làm cho người ta tin hơn những người khác.

Thiên Chúa nhân từ vô cùng nhưng Thiên Chúa cũng công bằng vô cùng, Ngài sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của chúng ta nhưng Ngài cũng đói buộc chúng ta phải hoàn trả sự công bằng cho những ai chúng ta xúc phạm. Bài đọc một trong Kinh Sách Lễ Thánh Phanxicô Xaviê ( ngày 3 tháng 12 ) trích một đoạn trong thư của Thánh Phaolô gởi ông Timôthê: “Lời tố cáo một kỳ mục, anh đừng chấp nhận, trừ phi có hai hoặc ba nhân chứng” ( 1Tm 5, 19 ), đó là lời răn dạy kẻ làm thầy phải thận trọng đừng vội nghe nói xấu hoặc chính mình đừng có đi nói xấu người khác vô căn cứ.

Năm 2007, sau khi đi Đại Phúc ở Giáo Xứ Quần Cống, Giáo Phận Bùi Chu về, cha Quang Uy có viết trên báo Ephata giai thoại lý thú nghe được ở Quần Cống từ miệng một số cụ già trên 80 tuổi kể lại câu chuyện đến nay đã hơn 50 năm, khi các cha Thừa Sai DCCT dạo ấy về làm Đại Phúc ở Quần Cống.

Trong một bài giảng, cha DCCT Canada đã thuyết về tội nói xấu người khác, rằng tội sẽ được tha ngay trong tòa Giải Tội, nhưng việc đền tội rất thú vị và… bất khả thi ! Đó là hãy bắt một con vịt, nhổ sạch lông, làm thịt, nấu một bữa ăn thật ngon… Đến đây thì cả Nhà Thờ vỗ tay thích thú. Nhưng chưa hết, cha giảng cứ nhẩn nha tiếp tục: Sau đó đừng quên một việc quan trọng là còn phải đem phơi chỗ lông vịt ấy ra trước gió cho khô ngoài sân. Cuối cùng, việc đền tội là hãy đi nhặt lại cho đủ số lông vịt đã bay đi tứ tung khắp làng trên xóm dưới. Dĩ nhiên nhặt chưa đủ thì chưa hoàn thành việc… đền tội ! Mọi người chết lặng !

Là Tu Sĩ, chúng tôi càng phải lưu ý mình hơn ai hết về tội này, tư cách và sứ mạng không cho phép chúng tôi buông tuồng trong việc vi phạm đức công bằng và bác ái, càng không cho phép hơn khi chính chúng tôi được giao sứ mạng rao giảng về công bằng và bác ái, phải nhắc nhau: không phải rao giảng bằng lời nhưng bằng chính cuộc sống cụ thể của mình. “Ngày nay người ta không cần thầy dạy nhưng cần chứng tá”.

Những ngày Tĩnh Tâm đã đi qua, những nóng sốt của cuộc Tĩnh Tâm cũng rất nhanh chóng hạ nhiệt, bao nhiêu người còn giữ được quyết tâm không nói xấu ? Bài chia sẻ này cũng là dịp nhắc nhau về cái cố tật thâm căn cố đế của kiếp người, nó vương vấn ràng buộc không trừ một ai. Chúng ta hãy dừng lại để tỉnh thức như lời kêu gọi đầu Mùa Vọng, vì chỉ có “kẻ tay sạch lòng thanh, mới được nhìn ngắm Thiên Chúa”.

Xin Chúa giữ cho tay con được sạch, lòng con được trong trắng, để con có thể nhìn ngắm Thiên Chúa đang đến gần, rất gần với chúng con.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, Mùa Vọng 2011 (Ephata 486)

 

VỀ MỤC LỤC
NGHĨ KHÁC

 

Một nhà tâm lý học thực hiện một cuộc khảo cứu với những người lính trong trại tập huấn như sau. Mỗi bữa ăn, nhà tâm lý đứng phía trước bàn thức ăn tự chọn, và lần lượt đặt câu hỏi cho từng người lính tới lấy thức ăn. “Anh không muốn ăn quả mơ đúng không?” Với câu hỏi này, chín mươi phần trăm có câu trả lời là “không.”

Cũng những người lính ấy, nhưng lần khác câu hỏi được đặt là, “Anh muốn ăn quả mơ có đúng không?” Với câu hỏi này, số người trả lời “có” chiếm hơn năm mươi phần trăm.

Lần thứ ba, anh đặt câu hỏi với những người lính này như sau. “Anh ăn một đĩa quả mơ hay là hai đĩa?” Kết quả là, bốn mươi phần trăm lấy một đĩa, và năm mươi phần trăm lấy hai đĩa.[i] 

* * *

Câu chuyện trên nói lên điều gì trong mục Sống Sao Cho Đẹp? Đó là “Tính hiệu năng của lời nói tích cực!” Từ ngữ có thể như nhau, nhưng cách diễn đạt khác nhau sẽ sinh ra hiệu quả khác nhau. Câu hỏi thứ nhất, nhà tâm lý học nhấn mạnh đến “không” thì kết quả “không” chiếm chín mươi phần trăm. Câu hỏi thứ hai nhấn mạnh khía cạnh “có,” thì số người đồng ý chiếm trên năm mươi phần trăm. Lần thứ ba, khi sự chọn lựa chỉ còn là “một” hoặc “hai,” thì kết quả là hầu như mọi người đều chấp thuận lấy một hoặc hai, tức là hầu như tất cả mọi người đều đồng ý “có.”

Như thế đã rõ, bày tỏ thái độ tích cực, diễn đạt lời nói tích cực chắc chắn góp phần không nhỏ trong lối ứng xử đẹp với nhau và tôn trọng nhau. Đã biết rằng nói tốt về người khác, và hành xử tích cự sẽ đem lại niềm vui và sự khích lệ cho người khác, thế nhưng con người vẫn có chiều hướng suy nghĩ điều tiêu cực và nói điều tiêu cực về người khác. Vậy những điều tiêu cực này đến từ đâu? Hay nói cách khác, lý do gì mà trong tâm mình đã “sản sinh” ra những điều tiêu cực này? Một trong những nguyên nhân cho sự tiêu cực ấy có lẽ là mình không hài lòng với chính mình về một điểm nào đó trong con người mình. Cũng có thể là mình đang bị thiếu hụt điều gì đó trong tâm hồn mình mà chưa được lấp đầy. Khi không hài lòng với chính mình, khi không được lấp đầy những thiếu hụt ấy, thì luật bù trừ tự nhiên xuất hiện. Hành xử hay nói tiêu cực về người khác, một cách nào đó, nó là sự thể hiện cho sự bù trừ này - “Tôi cảm thấy hơn một chút.”

Trong cuộc hội thảo tại Đại Chủng Viện St. Vicent de Paul, Florida, khi bàn đến nguyên nhân của sự cô đơn, chuyên gia tâm lý Dr. Carlos Gomez đã kết luận rằng, nguyên nhân đầu tiên chính là sự phê bình chỉ trích về người khác. Suy nghĩ thấu đáo, kết luận trên phản ảnh trung thực những biến chuyển nội tâm con người. Khi ta phê bình chỉ trích ai, một cách nào đó, ta đã vô tình xây nên một rào cản giữa mình và đối tượng ấy. Vì là rào cản này, nên mình tự tách mình ra khỏi mối quan hệ với người ấy – mình trở nên cô đơn. Vì là càng thêm cô đơn, nên mình càng muốn bù trừ - nếu không bù trừ được bằng hành động thì bằng lời nói. Như thế, phê bình, nói tiêu cực, hành động tiêu cực cũng là sự phản ảnh của sự cô đơn. Ai có thể giúp ta thấy được nhược điểm này trong con người mình nếu không phải là tự chính ta trong thinh lặng để nhìn lại con người mình?

* * *

Nhiều gia đình Việt Nam định cư tại các nước có nền giáo dục tiến bộ, như Hoa Kỳ và các nước tại Châu Âu, phần nào nhận nhận thấy rằng, sự khích lệ, động viên, và ca ngợi (good job, congratulation) là những câu nói được các nhà giáo dục lập đi lập lại cho học sinh hơn gấp nhiều lần so với những lời trách mắng, phê bình. Chính trong thái độ cư xử khích lệ này đã làm cho các em (kể cả người lớn) cũng cảm thấy tự tin và vươn lên phía trước. Thực tế cho thấy rằng, một em học sinh chơi thể thao trong trường không đạt hạng nhất điều đó đâu có nghĩa là em đó “dỡ” phải không? Khả năng của em chỉ có chừng ấy thì chỉ thế thôi. Sự khích lệ “good job” lúc ấy rất cần thiết vì giúp em ấy khẳng định rằng lời khen “good job” ấy nói lên sự thật là em đã làm tốt những gì em cần phải làm. Lời khích lệ ấy còn mở ra cơ hội để em tự cố gắng vươn lên trong những lần tới. Ngược lại, cũng trong hoàn cảnh tương tự trên, nếu ta thay lời khích lệ bằng việc khiển trách thì hậu quả sẽ như thế nào? Có thay đổi được kết quả không? Có giúp gì cho bản thân em ấy không? Thái độ tích cực trong giáo dục giúp con người lớn lên, ngược lại thái độ quan tòa xét án sẽ đẩy con người vào ức chế, bao che, và mặc cảm.

* * *

Thật phù hợp khi chúng ta xem Steve Jobs, đồng sáng lập viên máy tính Apple, như là hoa trái của lối suy nghĩ và hành động tích cực của một con người. Dù là một đứa bé bị bỏ rơi, một kẻ bỏ học, một doanh nhân thất bại, nhưng Steve Jobs đã trở thành một trong những ngôi sao sáng trong lãnh vực máy tính trong thời đại chúng ta. Nói một cách cụ thế, ông đã góp phần không nhỏ trong sự thay đổi thế giới con người. Theo ông, dù đã từng bị mất một phần tư tỷ Mỹ Kim trong một năm,  nhưng kim chỉ nam cho sự thành đạt của ông chính là, “Think Different” (Nghĩ khác).

Thưa bạn, những hoàn cảnh khó khăn mà bạn đang đối diện, những con người khó tính mà bạn đang gặp hằng ngày, và những khuyết điểm trong người mà bạn đang trăn trở, hôm nay bạn thử “nghĩ khác” xem sao? Chắc chắn một điều, nếu bạn “nghĩ khác” thì những điều tiêu cực trên sẽ “không giống” nữa, nó sẽ “khác.” Thử xem bạn!

Br. Huynhquảng


[i] Dịch từ Galaxie Software, 10,000 Sermon Illustrations (Biblical Studies Press, 2002), 2002.


 
VỀ MỤC LỤC
ĐÊM GIÁNG SINH CỦA NGƯỜI BẢO DƯỠNG

 

Truyện ngắn của Trần Hiếu

 

“Một đêm Giáng Sinh tôi không thể quên được!” Bà Helen, với một giọng hớn hở, nói với tôi. Đã lâu tôi không gặp bà, một người bảo dưỡng nhận nuôi một số em Việt Nam trong chương trình An Sinh Trẻ Em. 

Tôi hỏi bà:

“Chuyện gì vậy?”

“Anh còn nhớ bé Thúy không?”

“Nhớ chứ. Tôi giữ hồ sơ của nó. Nó bây giờ chắc cũng ngoài 20 tuổi rồi!”

“Anh muốn nghe chuyện của nó không?  Tôi bây giờ đã làm bà ngoại, cũng vì nó!”

“Bà kể tôi nghe đi”, tôi giục bà.

*    *      *

 

Bà Helen kể:

“Vào đêm Giáng Sinh đầu thiên niên kỷ, tôi đang buồn rầu vì cô em gái ở Illinois điện thoại cho hay, nó phải hủy chuyến qua thăm vì bão tuyết, thì tôi nhận được cú điện thoại của bé Thúy.”

Thúy là một cô gái mồ côi mẹ, bị bố ngược đãi, nên toà Thiếu Nhi phán quyết trở thành “Đứa con trực thuộc toà án” và được tôi sắp xếp vào ở trong nhà bảo dưỡng của bà Helen. Lúc tiếp xúc lần đầu, bà đã hỏi tôi rất nhiều về nó.  Là một phụ nữ Mỹ da trắng độc thân, làm kỹ sư cho hãng Lockheed, bà thỉnh thoảng phải tham dự các cuộc huấn luyện quân sự vì bà là một trung tá trong Lực Lượng Phòng Vệ.  Nhưng bà cũng muốn làm phúc, nuôi dưỡng các em gặp hoàn cảnh bất hạnh.

Tôi thắc mắc:

“Ủa, nó vẫn ở với bà chứ? Tại sao nó lại gọi?”

Bà tiếp tục kể:

“Không, lúc đó nó đã bỏ nhà đi hoang.  Tôi nhớ nó da diết, và khi tôi cảm thấy cô đơn như trong đêm Noel đó, thì nó gọi. 

“Nó nói: ‘Má có thể cho con ghé thăm nhà không?’

“Tôi mừng hết lớn, nói ngay: ‘Con về đi. Con ở đâu để má đi đón?’

“Thế rồi điện thoại đột ngột cúp.  Tôi hụt hững, tâm trí hoang mang lo lắng vô cùng.  Mở cửa nhìn ra đường, tôi thấy bầu trời trong, nhưng một luồng gío lạnh chợt thổi vào, tôi cảm thấy rùng mình.  Đóng cửa lại, tôi bắt đầu cầu nguyện.  Tôi cầu xin làm sao cho nó được an toàn.

“Anh biết không, tôi chưa bao giờ cầu nguyện sốt sắng đến thế.  Có lẽ vì đó là đêm Chúa Giáng Sinh, nhưng tôi biết tâm trí lúc đó tôi đều nghĩ về bé Thúy.  Tự nhiên, tôi bật khóc ngon lành.

“Tôi nhớ khi anh dẫn nó đến nhà tôi, nó vui vẻ hồn nhiên. Con bé thật dễ thương, người trắng trẻo, khuôn mặt đẹp hiền từ. Tôi thương nó ngay khi mới gặp.  Rồi như anh biết đó, tôi coi nó như con, sau ba năm thì tôi trở thành người giám hộ cho nó, rồi anh đóng hồ sơ.

“Nó thật là một đứa thông minh, điểm học lúc nào cũng A. Tôi thật hãnh diện vì nó.  Mỗi lần đến trường gặp thầy giáo, hoặc nói chuyện với bạn bè, tôi luôn tự hào mình đã góp công nuôi dưỡng nó.

“Thế nhưng, từ khi lên 15 tuổi nó bắt đầu học kém đi. Tôi thấy nó thường hỏi tôi về tin tức hằng ngày trên báo, lúc đầu tôi không để ý nhưng sau đó thì tôi biết, là nó theo dõi phiên toà người ta xử bố nó.

“Bố nó bị bắt trong một vụ trộm có đánh người. Trong mấy năm trời chẳng bao giờ ông đi thăm con. Tôi hỏi nó có muốn thăm bố không thì nó gạt đi. Lâu ngày nó cũng chẳng buồn nhắc đến ông nữa.

“Tôi cũng hiểu, ông đã đối xử tệ với nó. Nhưng mà thôi, chuyện đó anh biết rồi.

“Bố nó bị kết án chung thân, giam tù lớn ở nơi xa.

“Cũng khoảng thời gian đó, bé Thúy hay giở chứng, cãi lại tôi gần như bất cứ điều gì. Tôi tôn trọng sự tư riêng của nó nên cũng không nói chuyện nhiều với nó.

“Thế rồi một hôm nó bỏ nhà đi.

“Tôi đi tìm. Gọi cảnh sát. Tôi cũng gọi cả anh nữa đó. Nhưng mấy hôm sau nó về. Anh có nhắc tôi nên cho nó đi gặp người cố vấn tâm lý để nhờ họ khuyên giải.

“Nó ở nhà được vài tháng, rồi lại bỏ nhà đi. Mỗi lần vài ba ngày. Sau đó thì đi hẳn. Lúc đó nó mới ngoài 16 tuổi.

“Tôi nghe vài đứa bạn của nó nói, nó đã đi xa, ở đâu dưới Los Angeles. Nhưng làm sao mà tìm đây?

“Thế rồi tự nhiên nó gọi tôi vào đêm Noel, đêm Noel…

“Một cú gọi, nói được vài câu thì cúp.

“Tôi chờ nó gọi lại.  Nhưng nó không gọi lại.

“Đáng lẽ tôi đi dự lễ nửa đêm, rồi ghé nhà người bạn ăn tối, nhưng tôi hủy tất cả. Tôi đi làm đồ ăn tối, đủ cho hai người ăn, bật đèn sáng tất cả các phòng, rồi ở nhà chờ, lỡ nó có gọi lại...

“Gần đến nửa đêm, có tiếng bấm chuông gọi cửa…

“Ối trời ơi, nó về, nó về.

“Nó mang một áo khoác rộng, trùm kín cả đầu.  Tôi sung sướng bước đến định ôm choàng nó mà hôn thì nó đẩy tôi ra.  Nó không cho tôi ôm. Tôi tôn trọng ý nó, miệng lắp bắp mời nó ngồi vào bàn ăn.

“Tôi nói: ‘Con ăn đi, đi nghỉ rồi mình nói chuyện sau.’

“Nó ăn ngấu nghiến, uống một ly sữa lớn, nhưng chẳng nói gì.

“Một lúc sau, khuôn mặt nó tái nhợt, rồi ôm bụng la, ‘Đau, đau quá…’

“Tôi hỏi, có sao không? Đi bác sĩ nha? Rồi tôi ôm lấy nó.

“Đặt bàn tay tôi lên tay nó đang để ở trên bụng, thì tôi biết là nó có thai. Có thể nó đang đau đẻ. Tôi bắt đầu hoảng. Nó tiếp tục rên la.

“Tôi gọi 911, xin cấp cứu.

“Khi xe cứu thương đến thì bọng nước nó đã vỡ ra, loang lổ cả sàn nhà. Người ta phải đỡ đẻ ngay nơi phòng ăn của nhà tôi.

“Trời ơi, một bé trai, kháu khỉnh vô cùng.  Rồi họ đem cả hai mẹ con vào nhà thương.”

*   *      *

 

Bà Helen chỉ tay về đứa bé trước mặt tôi và nói:

“Đó, cậu bé đó là con của nó.”

Tôi nhìn đứa bé, thật kháu khỉnh, dễ thương. Tôi nói:

“Thế bà trở thành bà ngoại rồi.  Còn Thúy bây giờ nó làm gì?”

Bà nói:

“Anh không tin được. Từ khi có con, nó thay đổi hoàn toàn. Nó ghi danh vào college rồi chuyển lên university.  Năm vừa rồi nó tốt nghiệp cử nhân tại San Jose State, và đang tiếp tục học chương trình cao học.”

Tôi hỏi:

“Nó học về ngành gì?”

Bà đáp:

“Anh thử đoán coi… Nó học về Social Work, Công Tác Xã Hội. Nó muốn trở thành một chuyên viên tâm lý xã hội.-”


VỀ MỤC LỤC
NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN VÀ CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA TRONG HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM (LG, 32).

 

NGUYỄN HỌC TẬP 

1 - Bình đẳng trong khác biệt.

Động tác mà người giáo dân hành xử giữa trần thế không được làm cho chúng ta quên rằng người tín hữu giáo dân có căn nguyên gốc rễ trong Giáo Hội sống bằng chính đời sống của Chúa.

Con người của họ đã được hoán cải và nhờ sự chuyển đổi đó, sống một cách sống mới trong mối liên hệ đối với thế gian, và họ nhận được những liên hệ mới trong mối tương giao với dân đã được chon, mà mình là thành phần.

Tất cả những điều đó đều được đặt nền tảng trên đời sống mới, mà Chúa Ki Tô đã cho họ tham dự và cũng là nền tảng phẩm giá căn bản của mình. 

Đời sống một cách chính yếu, đều như nhau đối với mọi người, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, bởi vì đời sống của họ đều bắt nguồn từ Chúa Ki Tô, và bởi vì đời sống đó hội nhập vào các tín hữu với cường độ huớng về cùng một mục đích như nhau:

   - " Phẫm giá chung như nhau đối với các thành phần, qua sự tái sinh lại trong Chúa Ki Tô, ân sủng như nhau đối với các đứa con, ơn gọi như nhau về sự thánh thiện, một sự cứu độ duy nhứt, một nièm hy vọng duy nhứt và một lòng ái bất phân chia " ( LG, 32).  

Chính sự thông hiệp vào cùng một đời sống đó tạo nên một sự hiệp nhứt chặt chẽ đối với các tín hữu khác và cũng làm cho họ trở nên anh em với nhau, kính trọng nhau và giúp đỡ nhau thục hiện một cách hoàn hảo phẩm giá mới nầy và trải rộng ra cho những ai chưa có.  

Mỗi tín hữu Chúa Ki Tô đều phải có một nhãn quang mới về con ngưòi và về các sự vật.

Sự khác biệt về chủng tộc, phái giống, hoàn cảnh xã hội, tài năng phẩm chất con người sau khi được đổi mới trong Chúa Ki Tô, vẫn tồn tại.

Nhưng người tín hữu Chúa Ki Tô biết rằng bên dưới các khác biệt đó, còn có đời sống Thiên Chúa trong tất cả mọi người, mà đứng trước đời sống đó, các sự khác biệt nhân loại trở thành lu mờ đi và thứ yếu.

Cả những gì khác biệt trong nội bộ Dân Chúa cũng trở thành thứ yếu.

Các khác biệt vẫn hiện diện:

   - " Thật vậy, Giáo Hội thánh, đuợc cấu trúc thành cơ chế của Chúa, được tổ chức và hướng dẫn trong muôn vàn khác biệt ".

   - " Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều thành phần và không có thành phần cơ quan nào có cùng một phận vụ như cơ quan kia, như vậy tất cả cùng nhau hợp thành một thân thể duy nhứt của Chúa Ki Tô và mỗi cá nhân, chúng ta là thành phần của nhau " ( Rom 12, 4-5). 

Không phải mọi tín hữu Chúa Ki tô đều nhận được đời sống Thiên Chúa cùng một phương thức như nhau. mặc dầu tất cả đều có, không phân biệt, cùng một đời sống ( như các thành phần của một thân thể con người, mỗi thành phần đều có nơi mình cùng một sự sống như nhau ).

Nhưng cùng một sự sống đó hội nhập vào mỗi thành phần với phận vụ ít nhiều khác biệt nhau, vì lợi ích chung của cả thân thể.

Nhưng những gì khác biệt nhau là khác biệt về phận vụ tác động, chớ không phải khác biệt về đời sống, về phẩm giá:

   - " Như vậy, không phải tất cả mọi người đều đi trên một con đường như nhau, nhưng tất cả đều được kêu gọi đến sự thánh thiện và họ cùng có số phận đức tin tốt lành như nhau do lòng công bình của Chúa. Đối với một vài người, do thánh ý Chúa, họ được thiết lập thành những vị tiến sĩ, những vị phân phát các mầu nhiệm và chủ chăn đối với những người khác, nhưng giữa tất cả vẫn hiện diện một sự đồng đẳng đích thực về phẩm giá và về động tác chung cho tất cả mọi tín hữu trong việc xây dựng Thân Thể Chúa Ki Tô " ( LG, id.). 

2 - Phục vụ lẫn nhau.

Sự khác biệt nhau phải được nhằm cho sụ hiệp nhứt, nhằm tạo được sự hiệp nhứt sâu đậm hơn.

Hiến Chế Lumen Gentium nhấn mạnh đến quan niệm về sự khác biệt trong việc phục vụ. Ai càng được tham dự vào quyền năng của Chúa Ki Tô hơn, người đó càng có bổn phận phải phục vụ anh em, theo gương Chúa Ki Tô:

   - " là Đấng, mặc dầu là Chúa của mọi sự, Người đến không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ " ( Mt 20, 28).

Bản văn của Thánh Matthêu nhắc nhớ cho chúng ta ý nghĩa đích thực của uy quyền: uy quyền là để phục vụ.  

Uy quyền không có nghĩa là đặc quyền, càng không phải là phương tiện, dụng cụ để trổi vượt hơn những người khác, mà là chức năng được ban cho, đòi buộc chuyên cần dấn thân để phục vụ.

Rất tiếc tâm thức vừa kể được Chúa Giêsu dạy chúng ta trong Phúc Âm Thánh Matthêu, ngày nay thường bị con người quên đi, nhứt là trong các lãnh vực trần thế.

Quyền lực và uy thế thường trở thành phương tiện hay dụng cụ để bắt buộc kẻ khác phục vụ cho lợi thú của mình và được dùng chúng như là đặc ân của mình để coi mình trổi vưọt, đàn áp,đè bẹp anh em..

Những kẻ thuộc hạ được coi là những kẻ thấp kém, phải cuối đầu vâng phục các mệnh lệnh từ trên ban xuống, và cũng không có quyền được hỏi tại sao những mệnh lệnh đó được ban hành.

Người thời nay quên rằng quyền lực có những lằn mức của mình ngay cả trong chính phận vụ phải được hiểu một cách chính đáng.

Quyền lực được phát sinh, nơi đâu có một thực thể xã hội, tức là một thực tế gồm nhiều người, cùng nhau nhằm một mục đích chung, nhờ vào sự phối hợp tác động giữa nhau.

Một số đông đảo con người tạo thành một xã hội, khi họ phối hợp các hành động của mình để thực hiện công ích.

Uy quyền  là nguyên tắc hiệp nhứt bảo đảm cho sự kết hợp đó. Bởi đó mục đích của uy quyền không phải là đàn áp, cũng không phải là để cho mình đè đầu cởi cổ người khác, mà là để thực hiện phục vụ đối với một cộng đồng, được thành lập bởi những con người tự do và có hiểu biết.

Bởi đó ra lệnh, trong ý nghĩa thiết định một cách chính đáng các sự vật và động tác của những thuộc hạ liên hệ, mà con phải tác động với uy quyền để thực hiện trật tự đã được thiết định.

Và ngay cả trong động tác đưa ra chỉ thị, cần phải lưu ý những người bên dưới mình không phải là những con robots tự động máy móc, mà là những con người tự do và có trí khôn để phán đoán.

Bởi đó họ phải thấy được trong các " sắc lệnh, chỉ thị, nghị quyết ..." nhằm tổ chức và đưa đến trật tự đó là phương thế phát triển con người của mình trong chiều hướng tạo được công ích. 

Những nguyên tắc vừa kể, không những có giá trị trong những lãnh vực trần thế, mà cả và nhứt là đối với xã hội Cộng Đồng Dân Chúa.

Các Vị Mục Tử là những người để phục vụ các tín hữu và với quyền năng nhận được từ Chúa Ki Tô. Các Vị cộng tác để tạo được một sự hiệp nhứt chặt chẽ trong tinh thần kính trọng phẩm giá và ân sủng của mỗi tín hữu.

Nên nhớ rắng, ngay cả trước khi có mối liên hệ uy quyền - thuộc hệ, giữa chủ chăn và tín hữu, trước đó còn có một phương diện quan trọng và nền tảng, đó là  tình huynh đệ trong Chúa Ki Tô:

   - " Về vấn đề nầy, Thánh Augustino nói rất xác đáng: " Nếu tôi hạ thấp xuống đồng hàng với anh em, tôi tự an ủi mình là được ở với anh em. Bởi chính vì anh em, mà tôi trở thành Giám Mục, nhưng với anh em, tôi là tín hữu Chúa Ki Tô. Tước hiệu trước đó là tước hiệu phận vụ, tước hiệu vừa kể là tước hiệu của ân sủng: bởi lẽ tuớc hiệu trước đó là tước hiệu nguy hiểm, danh tánh phía sau là danh tánh cứu rổi " ( AA. VV., La Costituzione  dogmatica sulla Chiesa, Elle Di Ci, II ed., Torino 1965, 782).


VỀ MỤC LỤC
CÁC KHỦNG HOẢNG CÓ THỂ XẢY RA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC GIÁO PHẬN
 

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://www.chivilongchuathuongtoi.tk/

Tác phẩm: ĐÀO TẠO ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

CHƯƠNG SÁU 

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

HỌC VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ ƠN GỌI LINH MỤC (tiếp theo)

C. CÁC KHỦNG HOẢNG CÓ THỂ XẢY RA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC GIÁO PHẬN

 

“Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn tìm thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”[1] 

 

C.1. Các cơn khủng hoảng có thể

Chúng ta có thể nói rằng khủng hoảng là một hiện tượng đặc trưng cho nhân loại qua dòng những thập kỷ này. Ngày nay người ta nói đến khủng hoảng năng lượng (dầu mõ, khí đốt), khủng hoảng chính trị (thay đổi quyền lực đột ngột và cực đoan), khủng hoảng sinh thái (giảm thiểu tầng ozone và quả địa cầu nóng lên), khủng hoảng kinh tế (nạn lạm phát và thất nghiệp), khủng hoảng đạo đức (áp đặt một nền đạo đức là kết quả những cuộc thăm dò đại đa số), khủng hoảng đức tin (những gì che đậy đàng sau sinh hoạt tôn giáo), khủng hoảng lãnh đạo (thiếu năng lực, phẩm chất, nhất là sự thống nhất trong lời nói việc làm và cuộc sống), khủng hoảng ơn gọi (thiếu ơn gọi giáo sĩ và sự không ổn định của giới trẻ), khủng hoảng đời tu (sự tàn lụi của các Dòng lớn và những cộng đoàn đặc sủng cá biệt, và sự phát sinh những phong trào tông đồ mới), khủng hoảng căn tính linh mục (những gương xấu lạm dụng ở nhiều nước)…

 

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng các khủng hoảng cũng là một dữ kiện sinh tồn. Có khủng hoảng tất nhiên đòi hỏi phải có những tiêu chuẩn giải quyết: chúng ta phải mở ra với thế giới đang đổi thay, nhưng phải tránh cơn cám dỗ khuôn đúc theo thế giới này, đồng thời phải chuyển tải cái nhân Phúc Âm đến cho một thế giới đang thực sự cần nó. Cái nhân Phúc Âm này không phải là một giáo thuyết mà là một con người: Đức Giêsu Kitô, linh mục thượng phẩm và là Thầy duy nhất của chúng ta. Đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu, “vẫn là một hôm qua, hôm nay và mãi mãi[2] là cách thế duy nhất để vượt lên khủng hoảng, tái định hướng đời sống và sứ vụ của mình hầu trở nên môn đệ đích thực.

 

Chúng ta nói qua một số khủng hoảng liên quan gần gũi với đời sống và sứ vụ của chúng ta:

C.1a.  Khủng hoảng tự nhiên về thể lý và sinh lý

Thông thường cứ 7 năm một lần, tất cả mọi tế bào trong cơ thể đều được thay thế để tăng trưởng. Vấn đề sinh lý cũng thế qua từng giai đoạn của tuổi đời, các tuyến nội tiết và các loại hooc-môn cũng phát sinh và bị kích thích trong lãnh vực tình cảm tính dục thông thường tự nhiên: Ai dạy cho khỉ biết leo cây? mà người đời hay ví von “trong lòng không có biển mà vẫn có sóng.” 

Và có những lúc không nhận ra những cơn sóng nguy hiểm, mà cứ coi thường đứng xem… (Đường êm quá ta đi mà quên ngó, đến khi hay gai nhọn đã vào thấu xương!) đến khi nhận ra nguy hiểm thật sự, thì sợ chạy trốn cũng không còn kịp nữa !!! Sóng sẽ vùi dập… Vì thế Chúa Giêsu căn dặn “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn…”

C.1b. Khủng hoảng đức tin

Nhiều khi có sự chênh lệch đáng buồn giữa giáo thuyết và đời sống thực hành tôn giáo, chịu ảnh hưởng những tư tưởng thần học cấp tiến, hoặc những trào lưu tư tưởng thế tục và những đợt sống mới đã gây nên những cuộc khủng hoảng đức tin, nhất là nơi giới trẻ.

 

Những thử thách đau khổ có thể kéo con người đến gần Thiên Chúa, vì không còn có thể tin tưởng cậy trông ai ngòai Chúa:

Âu là Thánh Ý Chúa Trời
Giúp con lột bỏ một đời bơ vơ
Còn ai ngoài Chúa mà mơ
Cuối đường Chúa đứng đợi chờ đỡ nâng
Chúa ôi! Thôi thật “xin vâng”
Cạn tàu ráo máng xin dâng cho Ngài.

 

Nhưng những thử thách đau khổ cũng có thể đẩy con người xa Ngài, vì không lý giải được những đau khổ bất công bản thân cũng như những người vô tội phải gánh chịu, những nghịch lý và ngôn hành bất nhất trong Giáo Hội và do người của Giáo Hội, điều mà Chúa Giêsu đã ân cần cảnh báo các môn đệ: “Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm.[3] 

 

Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: “Ma quỉ đòi sàng các con như sàng gạo, và Thầy đã cầu nguyện cho con khỏi vấp ngã; nhưng khi chỗi dậy, con hãy củng cố đức tin của anh em con.” Mỗi người chúng ta có bổn phận làm như vậy cho nhau, và nhất là cho những người sẽ được giao phó cho chúng ta sau này. 

Bức thư ngắn sau đây của ông G. Banner gửi cho một giáo sĩ đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Thưa cha, tôi muốn thấy một bài giảng, hơn là nghe một bài giảng mỗi ngày. Tôi muốn cha cùng đi với tôi, chứ không chỉ đường cho tôi mà thôi. Con mắt là một học trò giỏi và thông minh hơn lỗ tai. Lời khuyên thâm thúy vẫn khó hiểu, nhưng gương mẫu ăn ở bao giờ cũng rõ ràng. Tốt hơn hết là cha thực hành điều cha tin đi, vì ai cũng thấy việc lành cha thực hiện. Nếu tôi thấy cha làm, tôi có thể tập làm theo rất nhanh chóng. Những bài của cha có lẽ rất khôn ngoan, xác đáng và hấp dẫn, nhưng tôi muốn học tập đương lúc xem cha thực hành. Vì tôi có thể hiểu sai lời giảng của cha, nhưng tôi không bao giờ hiểu sai cách làm việc và cách cư xử của cha. Kính chào cha, G. Banner.”[4] 

C.1c. Khủng hoảng trong các tương quan

C.1c.1) Khủng hoảng quyền bính

Khủng hoảng đức tin kèm theo khủng hoảng quyền bính: “Hãy nghe lời họ nói, nhưng đừng bắt chước việc họ làm”; “Họ chất gánh nặng lên vai kẻ khác còn họ không giơ ngón tay lay thử” [Người Việt Nam bị trị thách thức: “Làm quan hãy xét cho dân, không tin ngài xuống ngài mần ngài coi”]; “Họ giết chết các con mà tưởng là làm vinh danh Chúa”… dẫn đến tình trạng vâng mà không phục; bằng mặt mà không bằng lòng. 

 

Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng các tông đồ, được tuyên xưng là công giáo, thánh thiện và tông truyền. Mọi quyền bính đều phát xuất từ Thiên Chúa nên sứ vụ giảng dạy, thánh hóa và điều khiển Dân Chúa của Giáo Hội dựa trên thần quyền. Quyền bính Giáo Hội có tính cách tập trung từ trên xuống dưới và sự vâng phục cũng có tính cách tuyệt đối; nền tư pháp và kỷ luật có tính biện pháp chế tài, nhưng cũng nhằm biến đổi, sửa chữa và đào tạo nên tốt, tin tưởng vào lòng nhân hậu của Chúa rằng mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai, như ĐGH Alexander nói: “Bản chất con người là lầm lỗi và bản chất Thiên Chúa là tha thứ.”

Cuộc canh tân của Công Đồng Vaticanô II mở ra con đường vâng phục đối thoại và trưởng thành, nghĩa là khi truyền xuống mệnh lệnh, Bề trên cho phép và lắng nghe bề dưới đối thoại, trình bày mọi lý do, quan điểm và lập trường, kể cả có khi ngược lại ý Bề trên, Bề trên cũng nhẫn nại giải thích, thuyết phục, và cùng bề dưới cầu nguyện để tìm ý Chúa… Nhưng lời nói cuối cùng vẫn luôn luôn là của Bề trên, dù nghịch lại ước vọng của bề dưới, và bề dưới sẽ vâng phục với tinh thần đức tin và siêu nhiên, cảm thấy thỏa mãn nhu cầu được nói, được trình bày, được giải thích, được biện hộ, được lắng nghe…

Thế nhưng tâm thức con người thời đại vẫn không ngừng tiến hóa và phát triển theo hướng tự do thế tục và chủ nghĩa cá nhân, nên chúng ta thấy trong thế giới, trong Giáo Hội hoàn vũ cũng như tại Việt Nam thời gian qua có những hiểu lầm và thái quá, thể hiện nơi các phát biểu và tranh cãi thiếu kính trọng, gây tổn thương và xúc phạm đau lòng làm suy giảm uy tín và chứng tá Tin Mừng của Giáo Hội. Dĩ nhiên bên nào cũng có cái lý chủ quan của mình, muốn xây dựng và bảo vệ Giáo Hội theo cách nhìn cách nghĩ một chiều của mình, mà không thấy được những thiếu sót khách quan có thể gây nguy hại rất lớn. Chính ĐTC Biển Đức XVI, trong thư gửi Giáo Hội Ái Nhĩ Lan, đã than phiền về “một sự bận tâm không đúng chỗ cho thanh danh của Giáo Hội và một ưu tư mang tính lạm dụng nhằm bảo vệ tiếng tăm của Giáo Hội khỏi những vụ tai tiếng, để tránh những gương xấu,” thậm chí vì vậy mà có những điều nói không đúng sự thật và bất công, khiến có những bức xúc mạo phạm, nhất là trên các trang mạng internet, dễ bị kế hoạch của Thần Dữ lợi dụng, mà không ai chịu cố gắng trả lời nghiêm túc câu hỏi của Chúa Cứu Thế: “Tinh thần nào đang xúi đẩy các con?”

Cha Lombardi, phát ngôn viên của Tòa Thánh đã cho biết Đức Thánh Cha đã nhiều lần nói rằng những nguy hiểm và các cám dỗ nghiêm trọng nhất với Hội Thánh ở ngay trong lòng Hội Thánh. Trong những thời kỳ khó khăn, như những thời kỳ chúng ta đang trải qua, thì những căng thẳng từ bên ngoài đưa vào tạo điều kiện cho những căng thẳng bên trong nổi lên, góp phần vào việc gieo rắc thêm hỗn loạn và bất ổn… Trong giai đoạn xung khắc và ngờ vực nầy, thế giới đang chờ đợi nơi các Kitô hữu một chứng từ sự hoà thuận nẩy sinh từ sự gặp gỡ của họ với Chúa Kitô phục sinh, là căn nguyên sự tương trợ của họ, để xã hội nầy cũng tìm thấy được con đường đúng đắn cho tương lai.[5] 

Khi nói ở Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, cũng như khi trả lời hãng thông tấn “Các Giáo Hội Á châu”, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ tịch HĐGMVN nói rằng ngày nay các Giám Mục đã có thể nghe được tiếng nói của dân Chúa. Nhờ truyền thông thời đại mới và internet, cũng như trình độ văn hóa của giáo dân cao hơn, họ có thể theo dõi thời sự, biết nhiều tin tức về Giáo hội, họ có thể bày tỏ ý kiến một cách dễ dàng hơn, tiếng nói của giáo dân và các lời tuyên bố của họ có thể được nghe thấy, và các nhà lãnh đạo của bất cứ tổ chức nào, xã hội cũng như Giáo hội, phải lắng nghe và lắng nghe một cách chăm chú hơn.[6] Điều đó đúng, nhưng phải nói trong sự kính trọng, đúng sự thật, đúng người, đúng việc và đúng nơi, thì mới có tính cách xây dựng tích cực, chứ ngược lại là tai hại và có thể đắc tội. 

Ai cũng thấy rằng tình trạng này cần phải được thay đổi, thay đổi về phía trên cũng như về phía dưới. Nếu mà trên và dưới có thể xích lại gần nhau, nghe nhau, hiểu nhau, vượt lên được những khác biệt và khó khăn cá nhân để cùng tìm một mẫu số chung là vì Chúa, vì Giáo Hội và vì các linh hồn thì không việc gì mà không giải quyết thỏa đáng được cả. Nhưng nhiều khi việc đối thoại không dễ và thật khó mà thấy được rằng phải bắt đầu thay đổi từ chính bản thân mình, về phía các lãnh đạo cũng như về phía giáo dân và những người cấp dưới. 

Lời tuyên bố của các Giám mục Nam Phi cho chúng ta thêm một chỉ dẫn: “Khi giải thích những dấu chỉ thời đại và phân tích Thánh ý Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, thì những bất đồng có thể nẩy sinh ngay cả giữa các giám mục. Điều nầy đòi hỏi lòng bao dung và sự nhạy bén… Chúng tôi tin tưởng rằng các vị lãnh đạo Giáo Hội, dù là Giáo Triều Rôma hoặc các giám mục địa phương của một quốc gia, là những người liêm chính luôn cố gắng trung thành với Phúc Âm, mặc cho tính yếu đuối mỏng dòn con người và trong một số trường hợp ngoại lệ, còn có cả những sai sót con người lớn lao…Chắc chắn thỉnh thoảng những căng thẳng có thể xảy ra. Trong trường hợp như vậy, chủ yếu phải tiếp tục bàn bạc một cách khiêm nhường… Chúng tôi mời gọi tất cả các tín hữu Công giáo cũng dũng cảm như thế trong việc ủng hộ giáo huấn tín lý, xã hội và luân lý của Giáo Hội. Làm như vậy là một phần cốt yếu của sứ mạng rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội để làm thay đổi xã hội.”[7] 

Chúng ta phải thực sự trở về nguồn Phúc Âm của Chúa Giêsu để có một cái nhìn đúng đắn về quyền bính của Chúa Giêsu, Đấng đã phán “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.”[8] Mới đây, Bộ Tu Sĩ ban hành Huấn thị “Phục Vụ Quyền Bính và Vâng Phục[9] coi đức vâng lời là một hành trình cùng tìm kiếm Chúa và ý Chúa, nghe Lời Chúa và trở nên ý thức đối với ý định tình yêu của Chúa. Văn kiện khuyên vâng lời cách thanh thản và vì đức tin, đồng thời cũng cống hiến và liên kết các chỉ dẫn cho việc thực thi quyền bính như mời người ta lắng nghe, ủng hộ đối thoại, chia sẻ, đồng trách nhiệm, đối xử đầy lòng thương xót… Huấn thị này nói với Bề trên hơn là với bề dưới, khi đề cập đến phẩm chất và các điều kiện để bề trên có thể thi hành tốt nhiệm vụ, như có khả năng tinh thần và khả năng hiểu biết tương ứng với thời đại, đời sống nội tâm sâu xa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nghĩa là mỗi người tham gia vào công cuộc lãnh đạo, dù ở cấp độ nào, đều phải nỗ lực canh tân, điều chỉnh bản thân mình cho phù hợp với các tiêu chí lãnh đạo, khiến bề dưới có thể vâng lời cách dễ dàng hơn. Mỗi người trong chúng ta cũng không quên liên tưởng đến chính mình trong đó. 

C.1c.2) Khủng hoảng tình cảm

Sách Diễm Ca nói rằng: “Tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bùng cháy, một ngọn lửa thần thiêng. Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp[10] 

 

Những hấp dẫn, khao khát tự nhiên của tình yêu con người dễ bộc lộ mãnh liệt hơn nữa như một thứ bù trừ khi gặp đau khổ, buồn phiền, oan ức, chán nản, tuyệt vọng, vì mọi thân xác đều có tính dục và mọi tương quan đều có tính cách phái tính. Chúng ta có thể bị người khác hấp dẫn tính dục như bà Bersabê vợ ông Uria đối với Vua Davít, và chúng ta cũng có thể trở thành hấp dẫn tính dục đối với người khác như Giuse Ai cập đối với bà vợ nhà quan. Bao nhiêu người đã liều mình sa ngã khi gặp phải hoàn cảnh ấy mà không chạy đến với nguồn trợ lực thiêng liêng nơi Chúa (x. Câu chuyện “một nơi nào thật kín không ai nhìn thấy” của thầy Dòng nọ).

 

Thánh Kinh hằng nhắc nhở “Hỡi ai nghĩ mình đang đứng vững, hãy coi chùng kẻo ngã[11]. Anh hùng cũng không tránh khỏi cảnh “ngã đau” vì nhi nữ thường tình. Cây bách cây tùng nhiều khi còn bị đốn ngã, huống là là cây lau cây sậy! Trường hợp Salomon là một điển hình: “Vua Sa-lô-môn nắm quyền trị nước trong thời bình, Thiên Chúa đã cho ông được bốn bề yên ổn để ông dựng một ngôi nhà dâng kính Thánh Danh, và chuẩn bị xây một đền thánh bền vững muôn đời. Ngài khôn ngoan biết bao ngay từ thời niên thiếu, ngài thông minh dường nào tựa dòng sông đầy ngập! Sự hiểu biết của ngài bao trùm mặt đất, dụ ngôn và ẩn ngữ của ngài lan truyền khắp mọi nơi. Danh tiếng ngài vang đến tận các đảo xa vời, vì hiếu hoà, ngài được người người mến chuộng. Các bài ca, châm ngôn và dụ ngôn cũng như các lời giải thích của ngài khiến mọi xứ phải trầm trồ khen ngợi. Nhân danh Đức Chúa là Thiên Chúa, Đấng được gọi là Thiên Chúa của Ít-ra-en, ngài đã gom vàng như đống sắt, đã chất bạc như đống chì. Thế mà ngài đã trao thân cho bọn đàn bà con gái, biến thân xác ngài thành nô lệ. Ngài đã bôi nhọ vinh quang, làm ô danh dòng dõi khiến cơn thịnh nộ giáng xuống trên con cháu và họ phải khổ đau vì sự điên dại của ngài.”[12]

 

Trong lãnh vực này không ai được phép cho rằng mình mạnh cả. Thánh Phaolo đã tâm sự: “Có ai trong anh em yếu đuối mà tôi không cảm thấy yếu đuối; có ai trong anh em sa ngã mà tôi không cảm thấy như thiêu như đốt?” Và chính Chúa Kitô đã biết rõ thân phận con người mỏng dòn chúng ta mà căn dặn: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì nhẹ nhàng chóng vánh nhưng xác thịt thì nặng nề yếu đuối.” ĐHY Carlo Maria Martini nói: “Mọi kitô hữu, mọi Giám mục, mọi linh mục phải xác tín rằng không ai chắc chắn bền đỗ được; mối nguy lớn nhất là tưởng rằng mình đã đạt đến một mức ổn định đến nỗi không cần thận trọng nữa.”[13] Người Viện Nam khuyên “bảy mươi chưa què chớ khoe mình lành” kẻo “cười người hôm trước hôm sau người cười.”

 

Và khi nhỡ yếu đuối mà sa ngã, hãy khiêm tốn cầu xin ơn mau mắn chỗi dậy, sám hối lật sang trang đời mới, đứng về phía Chúa và Giáo Hội.[14] Ngày chuẩn bị ra trường, cha giáo mục vụ nhắc nhở anh em chúng tôi rằng là linh mục triều ở giữa đời, trăm mắt sẽ cùng nhìn và trăm tay sẽ cùng chỉ về phía chúng tôi; chúng tôi phải sống dường như mọi cử chỉ đều được quay phim, mọi lời nói đều được ghi âm. Ngày nay sự kiểm soát càng gia tăng hơn nữa, cái gì cũng phải đăng ký, không những “sức mạnh thế gian” ghi nhận tất cả mọi sơ hở mà còn gài bẫy cho chúng ta có thể mắc phải những yếu đuối để mặc cả, đặt điều kiện ép buộc chúng ta không được làm hay phải làm những điều có lợi cho họ, bất chấp những thiệt hại của Giáo Hội, của các linh hồn và của cả chính chúng ta.

 

Nếu gặp phải trường hợp không may đó, hãy khiêm tốn chân thành trình bày với Bề trên Giáo Hội, chia sẻ với anh em linh mục, và nếu cần thú thật và xin lỗi giáo dân, mọi người sẽ tha thứ, nâng đỡ và yêu thương đùm bọc, nâng đỡ chúng ta đứng lên, sửa chữa làm lại từ đầu, tội thì tha, lỗi thì sửa: “Trước kia, có vài người trong anh em đã là như thế. Nhưng anh em đã được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính nhờ danh Chúa Giê-su Ki-tô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta!”[15]  

 

Một câu chuyện thật xảy ra tại Ba Lan: Mật vụ ép buộc một linh mục kia phải đọc một bản thông cáo ngăn cản cuộc biểu tình của giáo dân. Linh mục đó không chịu, mật vụ liền đưa ra bức ảnh chụp một người phụ nữ bế đứa con, bằng chứng sa ngã của linh mục mà nó đã nắm được. Vị linh mục tái mặt và mật vụ đe dọa sẽ đưa ra công khai nếu không làm theo ý của nó. Sau khi cầu nguyện, linh mục đó nói với giáo dân vào cuối thánh lễ: “Tôi đã sai lầm yếu đuối sa ngã trong quá khứ. Nay mật vụ dựa vào đó để đặt điều kiện ép buộc tôi hợp tác ngăn cản cuộc xuống đường ngày mai. Tôi kêu gọi anh chị em hãy tham gia đông đủ. Hôm nay là thánh lễ cuối cùng của tôi ở đây, xin anh chị em tha thứ lỗi lầm của tôi và cầu nguyện cho tôi.” Sau phút im lặng ngỡ ngàng, cả nhà thờ nhôn nhao xin linh mục ở lại với họ và cương quyết nói “ngày mai tất cả chúng ta cùng xuống đường.”

 

Cương quyết thành thật và khiêm tốn, can đảm nhận lỗi và sám hối sẽ vô hiệu hóa các điều kiện của kẻ nghịch, bù lại sẽ được tâm hồn bằng an và ơn tha thứ cho sự mỏng dòn yếu đuối con người của mình. Càng muốn che đậy càng bị kẹt vì phải chấp nhận hết điều kiện nọ đến điều kiện kia, luôn sống trong bất an và sợ hãi.

 

Biết như vậy, chúng ta hãy luôn chạy đến với Chúa, nỗ lực sống trong sáng và triệt để những đòi hỏi của chức linh mục, thông cảm nâng đỡ anh em và khiêm tốn cầu xin, vì nếu Chúa không thương che chở thì có khi mình đã sa ngã nặng nề hơn, nhớ lời ĐTC Biển Đức XVI dịp lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô tại Rôma: “mối nguy lớn nhất của Giáo Hội không phải là bách hại bên ngoài, mà chính là những ‘thái độ tiêu cực’ có thể gây ô uế và ‘đầu độc cộng đồng Kitô giáo” từ bên trong… những thử thách và bách hại bên ngoài này không phải là mối nguy lớn lao nhất cho Giáo Hội, nhưng Giáo Hội chịu thiệt hại lớn lao nhất từ những gì gây ô uế đức tin và đời sống Kitô giáo của các thành viên và các cộng đoàn của Giáo Hội, xói mòn sự toàn vẹn của Nhiệm Thể, làm Giáo Hội suy yếu khả năng nói tiên tri và làm chứng nhân, làm hoen ố vẻ đẹp của khuôn mặt Giáo Hội.” Và ngài tin tưởng quả quyết: “Thiên Chúa gần gũi với những tôi tớ trung tín và giải thoát họ khỏi mọi sự dữ và giải thoát Giáo Hội khỏi những quyền lực tiêu cực, chống đối[16]

Con trót dại bao lần sa ngã,

Ôi Giêsu lượng cả đoái nhìn.

Con nguyền can đảm đứng lên

Lệ sa rửa sạch tội khiên làu làu.

Xin ánh sáng rọi vào tâm trí,

Tỉnh cơn mê, con sẽ dâng Ngài

Bổng trầm điệu hát vui say

Muôn ngàn khấn nguyện giải bày khúc nôi.

            Thánh Thi Kinh Sáng Chúa Nhật Tuần I

 

C.1c.3) Khủng hoảng tình huynh đệ

Vì ảnh hưởng, vì tình cảm, vì quyền bính và quyền lợi, vì những sự việc tiêu cực phức tạp trong cuộc sống, nhiều người đã đi đến kết luận chua chát này: “Người đối với người là lang sói, nữ tu đối với nữ tu là lang sói hơn, linh mục đối với linh mục là lang sói nhất,” mà Thánh vịnh diễn tả: “Giả như tên địch thù phỉ báng, thì tôi cũng cam lòng, hay kẻ ghét ghen lên mày lên mặt, tôi có thể lánh đi. Nhưng đây lại là bạn, người đồng vai đồng vế, chỗ thân tình tâm phúc với tôi, đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi, trong đền Thiên Chúa, giữa hội vui cùng sánh bước.”[17] Tên phản phúc ra tay hại người thân nghĩa, lại lỗi ước quên thề; miệng nói năng ngọt xớt, lòng chỉ muốn chiến tranh, lời trơn tru hơn mỡ, mà bén nhọn như gươm.[18] “Kẻ đến thăm, miệng nói lời giả dối, nhưng chủ ý thâu tin độc địa, vừa ra khỏi nhà, đã vội rêu rao. Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!”[19] Và cũng chớ gì không có ai là Doerg.[20]

Cha ơi! Cay đắng đã nhiều,  

Bao phen con cũng muốn liều mà thôi!                                                 

Nhưng rồi tấc dạ bồi hồi,                                                                      

Chạnh nhớ Chúa chết trên đồi Canvê,                                              

Vì thương Chúa phải ê chề,                                                                                   

Bị người kết án không hề hở môi.                                                                 

Đời con cũng lắm khúc môi,                                                                     

Bầm gan tím ruột vì người bất công,                                                  

Đôi khi muốn nói hả lòng,                                                                            

Sao con không động mà người động con?

Tình bạn đích thực là một cái gì tuyệt diệu trong đời, nhất là tình huynh đệ bí tích linh mục, nhưng nếu gặp phải kẻ “lừa thầy phản bạn” thì không sao diễn tả hết được nỗi đau! Khi nếu có gặp phải điều không mong đợi đó, chúng ta cũng hãy cố gắng sống cao thượng, như lời thánh Phaolô căn dặn là “lấy điều thiện mà chiến thắng điều ác, chứ đừng để bị điều ác đánh bại mình”; hãy vượt lên những nỗi đau buồn ấy chứ không để chúng đè bẹp và nghiền tán mình. Đừng để mình bị hạ cấp nuôi lòng hận thù tìm cách trả đũa, như thánh Phêrô dạy: “Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc.[21]

 

Một trong bốn cột trụ chống đỡ đời tu, đặc biệt trong việc sống ba lời khuyên Phúc Âm, chính là tình huynh đệ, nhất là tình huynh đệ bí tích đối với anh em linh mục chúng ta. Bốn cột trụ ấy là Chúa Giêsu, Phúc Âm, Tình huynh đệ và việc kiên trì chu toàn Sứ vụ.

 

Kinh nghiệm đã cho chúng ta biết rằng khi người ta phải buồn phiền, cô đơn, thất vọng là lúc người ta dễ bị sa ngã vào tình cảm phái tính nhất. Vậy thì đừng để mình phải sống trong buồn phiền đau khổ, và cũng đừng gây nên đau khổ buồn phiền cho anh em khiến họ có thể phải sa ngã, chúng ta có phần trách nhiệm trong sự sa ngã của anh em. Một khi anh em linh mục thực sự yêu thương nâng đỡ nhau thì không một thứ tình cảm nào có thể chen vào làm hại được họ. Chúng ta hãy nhớ lại, suy nghĩ và nếm cảm về tình huynh đệ ấy:

·         một sự đoàn kết bên nhau để cùng tiến bước,

·         một cuộc đối thoại thường xuyên trong cuộc sống đa nguyên đa diện,

·         một cuộc gặp gỡ cởi mở hơn cho cuộc hành trình đầy gian khó và nguy hiểm,

·         một sự có mặt khích lệ hay một nâng đỡ hỗ trợ tinh thần,

·         một lời vui, một tiếng cười thanh thỏa cùng chia sẻ tình thương dâng lên vời vợi,

·         một cái nhìn cảm thông khi vướng trở ngại, hay khi bị thất bại chua cay,

·         một “tôi khác” để mỗi người có dịp phản tỉnh nhìn lại bộ mặt của mình, có khi đã hoen ố bụi đời,

·         một bạn đồng hành để con đường thập giá bớt nỗi đơn côi,

·         một Simong vác đỡ hay một Vêrônica lau mặt,

·         một cái gì khỏa lấp chỗ trống vắng tình thương sau tình yêu Thầy Chí Thánh,

·         một hiện diện và hiện thân của Thiên Chúa cao xa vô hình.  

Thấu hiểu điều đó, mỗi người chúng ta cố gắng sống trở nên người bạn thật tốt của nhau và của mọi người; đồng thời phải quyết tâm phá tan lời kết luận chua chát “linh mục với linh mục là lang sói nhất” ở trên kia, bằng niềm tin phó thác và lòng khiêm nhường đích thực. Đọc hạnh tích thánh Gioan Maria Vianey, chúng ta biết lực học ngài rất kém, nên khi thấy người ta đua nhau tới nghe ngài dạy giáo lý buổi trưa, các anh em linh mục trong vùng lo sợ giáo dân bị lạc đạo, bèn cùng nhau làm đơn vận động Giám mục Bản quyền không cho ngài dạy giáo lý hoặc đổi đi nơi khác. Có người đưa lá đơn ghi bao nhiêu yếu điểm của ngài với nhiều chữ ký tới cho ngài. Đọc xong, ngài lấy bút viết ở cuối “Anh em chưa nói hết khuyết điểm của con” và ký tên. Họ tưởng chắc chắn sẽ đuổi được Vianey, nhưng khi đoc xong tờ đơn với lời ghi chú và chữ ký của cha Vianey, Đức Giám Mục điềm tĩnh nói với các linh mục kia rằng “Cha Vianey là người khiêm nhường thực sự, Chúa sẽ làm việc của Ngài trong Vianey và qua Vianey, các cha về đi, tôi vẫn giữa ngài lại ở Ars.” Tự hạ mình xuống là khiêm nhường, nhưng khi bị hạ nhục mà sẵn lòng đón nhận là khiêm nhường đích thực. Xin cho chúng ta biết dùng sự khiêm nhường đích thực để vượt lên khủng hoảng. 

Nếu trong mọi hoàn cảnh cuộc sống mà các linh mục giữ được mối tương quan và đối thoại của một “tình huynh đệ bí tích”[22] giữa các linh mục già và linh mục trẻ có thể đưa tới hiểu biết lẫn nhau và cùng nhau giải quyết các vấn đề và khó khăn trong sứ vụ linh mục của họ.[23] Sắc lệnh Chức vụ và đời sống linh mục khuyên các linh mục nhiều tuổi hãy đón nhận những linh mục trẻ như những người em thực sự và giúp đỡ họ trong những công tác và gánh nặng đầu tiên của sứ vụ linh mục; gắng hiểu tâm trạng của họ và theo dõi các dự tính của họ với thiện chí. Và các linh mục trẻ phải biết kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các vị lớn tuổi; bàn hỏi với các ngài và sẵn lòng cộng tác với các ngài trong việc chăm sóc các linh hồn.[24]  

Tình huynh đệ bí tích này còn “hơn cả tình yêu của phụ nữ” (hãy xem tình bạn của David và Gionathan trong 2 Sm 1) và tình huynh đệ ấy trở thành bảo đảm cho đời độc thân của mọi linh mục trong tất cả cuộc sống và sứ vụ của họ. “Ngọt ngào tốt đẹp biết bao, anh em được sống vui vầy bên nhau.[25] Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1971 ước mong rằng các hiệp hội linh mục phải được cổ vũ và phát triển để cung ứng cho họ sự trợ giúp huynh đệ.[26]


 

[1] Lc 18,7-8.

[2] Dt 13,8.

[3] Mt 23,3.

[4] Trích từ bài viết của phó tế GB. Maria Nguyễn Định.

[5] Zenit ngày 6/7/2010.

[6] x. Zenit 6/7/2010, Eglises d'Asie.

[7] CWNews 16.08.2010.

[8] Mt 23,11.

[9] Huấn thị Phục vụ Quyền bính và Vân Phục của Bộ Tu Sĩ ban hành tại Rôma ngày 28/5/2008.

[10] Dc 8, 6b-7ª.

[11] 1 Cor 10,12.

[12] Hc 47,13-20.

[13] ĐHY Carlo Maria Martini, Thánh Phaolô đối diện với chính mình, trích trong Alleluiah số 109.

[14] Rm 13,11-14: “Anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.”

[15] 1 Cr 6,11.

[16] CNA News ngày 29/6/2010.

[17] Tv 55,13-15.

[18] Tv 55,21-22.

[19] Tv 41,7,10.

[20] x. 1 Sm 21,8; 22,9-19.

[21] 1 Pr 3,9.

[22] Vatican II, Presbyterorum Ordinis …, ibid., no. 8

[23] CBCP, The Philippine Program of Priestly Formation 1972 … ibid, p.99; Micae-Phaolô Trần Minh Huy, Đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng của các linh mục tương lai trong bối cảnh Việt Nam ngày nay, tr.271-273.

[24] Vatican II, Presbyterorum Ordinis …, ibid., no. 8

[25] Tv 132, 1.

[26] Synod of Bishops 1971, The Ministerial Priesthood, part two, II.2 : Relations of priests with each other; Presbyterorum Ordinis …, ibid., no. 8

 

VỀ MỤC LỤC
QUAN HỆ VỢ CHỒNG TRONG LINH ĐẠO HÔN NHÂN

 

Tác phẩm: Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

 

B18. QUAN HỆ VỢ CHỒNG TRONG LINH ĐẠO HÔN NHÂN

1. Nên thánh trong bậc vợ chồng trước tiên có nghĩa là sống một cách sung mãn ơn gọi làm vợ, làm chồng. Nói đến ơn gọi làm vợ, làm chồng tức là nói đến mối quan hệ giữa hai người nam nữ để nên thánh và giúp nhau nên thánh trong bậc vợ chồng.

Hai người phối ngẫu cần phải hiểu rõ và xây dựng mối quan hệ nam nữ ấy dựa trên ánh sáng của Lời Chúa. Đó là điều chúng tôi xin trình bày sau đây.

Mặc khải của Chúa về mối quan hệ nam nữ vượt lên trên quan niệm truyền thống cũng như những đòi hỏi của xã hội hiện đại.

Theo quan niệm truyền thống trong bất cứ xã hội và văn hóa nào, người đàn ông vẫn luôn được xem là chủ của gia đình; xã hội ngày nay vẫn còn bám chặt vào truyền thống ấy. Nhiều người vẫn còn ứng xử theo phương châm chồng chúa vợ tôi, phu xướng phụ  tuỳ, hoặc là “dạy vợ từ lúc ban sơ mới về”. Hiện nay, với sự lớn mạnh của phong trào nữ quyền, người đàn bà được coi là bình đẳng với người đàn ông trong tất cả mọi lãnh vực, ngay cả trong nội bộ của Giáo Hội. Sự bình đẳng giữa nam nữ cũng được hiểu như là một phủ nhận những khác biệt về chức năng giữa hai phái. Chính vì phủ nhận sự khác biệt về chức năng đó mà nhiều người tranh đấu cho phụ nữ được làm linh mục.

Quan niệm của Kitô giáo dựa trên mạc khải về mối quan hệ giữa nam nữ hoàn toàn vượt lên trên nhãn giới trên đây. Chúng ta có thể nói quan niệm ấy được tóm gọn trong lời của thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô đoạn 5, 21 như sau: “Anh em hãy phục tùng nhau trong niềm kính sợ Chúa”.

2. Qua câu nói trên, chúng ta thấy trong quan hệ vợ chồng, vấn đề đặt ra không phải ai là người chủ, ai là người cầm đầu, mà chỉ còn là phải phục vụ nhau, giúp đỡ nhau, hy sinh cho nhau, trao ban cho nhau mà thôi.

“Trong niềm kính sợ Chúa” có nghĩa là tìm kiếm những gì là phải đạo và đúng đắn theo thánh ý Chúa. Bởi vì chỉ trong ý muốn của Chúa con người mới có thể phục vụ tha nhân một cách đúng đắn. Nói đến niềm kính sợ Chúa, thánh Phaolô chỉ có ý nói rằng, tinh thần đích thực của sự phục tùng nhau giữa vợ chồng không phải là sợ hãi hay nô lệ hay bất cứ một tính toán nào khác nhưng là tự nguyện và yêu thương. Ai phục vụ vì sợ hãi người đó là nô lệ. Ai phục vụ vì yêu thương người đó sẽ lớn lên trong nhân cách.

Không có tình yêu thương vô vị lợi thì phục vụ chỉ là một thứ ích kỷ trá hình. Yêu thực sự là yêu như Chúa Giêsu yêu. Cũng chính thánh Phaolô đã giải thích: “Chúa Giêsu là Đấng đã trao ban chính mình cho Giáo Hội để làm cho Giáo Hội nên thánh thiện, để thanh tẩy Giáo Hội, nhờ đó Giáo Hội trở nên không tỳ vết. Những người chồng cũng phải yêu thương vợ mình như thế”.

3. Một cách cụ thể khi một người chồng phục tùng vợ trong niềm kính sợ Chúa, thì  điều đó không có nghĩa là người đó trở thành một người đàn ông nhu nhược hay một người đàn ông bị chế giễu như một người sợ vợ. Thái độ đó chỉ đồng nghĩa với phục vụ yêu thương quên mình mà thôi. Đó là cái nhìn mới mẻ của Tân Ước về mối quan hệ nam nữ.

Thực ra, khi nói đến sự phục tùng nhau giữa hai vợ chồng, Tân Ước không hề chối bỏ vai trò làm chủ của người chồng mà bất cứ xã hội nào cũng công nhận. Đối với các tín hữu Kitô, vấn đề không là chối bỏ vai trò làm chủ gia đình của người chồng mà chính là giải thích vai trò ấy theo tinh thần của Tin Mừng.

Như vậy, theo tinh thần của Tin Mừng thì thế nào là làm chủ trong gia đình? Thưa, chính là cư xử với vợ như Chúa Giêsu đối với Giáo Hội của Ngài, nghĩa là yêu thương và trao ban chính mình. Chúa Giêsu đã yêu thương Giáo Hội đến độ hy sinh chính mạng sống của Ngài. Ngài thể hiện quyền làm chủ trên Giáo Hội không bằng quyền bính mà chỉ bằng sự phục vụ. Ngài đã từng nói với các môn đệ: “Ai muốn làm lớn trong các con, người đó hãy trở nên người rốt hết”.

Trong quan hệ vợ chồng cũng thế, vai trò làm chủ của người chồng trong gia đình không có nghĩa là sai khiến, ra lệnh, mà chính là phục vụ trong yêu thương và quên mình.

Ngày nay, thay cho quan niệm truyền thống về vai trò làm chủ gia đình của người chồng, nhiều người đề cao sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng. Theo tinh thần Tin Mừng, phải hiểu sự bình đẳng ấy như thế nào? Nguyên tắc mà thánh Phaolô đưa ra vẫn còn giá trị: “Anh em hãy phục tùng nhau trong niềm kính sợ Chúa”. Ngày nay, có thể thánh nhân sẽ viết lại như sau: “Bình đẳng. Đồng ý, nhưng bình đẳng trong việc phục vụ hỗ tương, chứ không trong quyền bính”.

Nếu cả hai người đều muốn làm chủ một lúc hoặc tranh nhau xem ai làm chủ trong gia đình, thì chắc chắn họ sẽ luôn ở trong tình trạng xung đột. Nói tóm lại, theo tinh thần của Tin Mừng, quan hệ vợ chồng thiết yếu là một quan hệ của tình thương, phục vụ hỗ tương và quên mình. Nên thánh trong bậc vợ chồng chính là xây dựng mối quan hệ ấy theo tinh thần Tin Mừng mà thánh Phaolô đã đề ra.
 

VỀ MỤC LỤC
THỞ

 

Hô Hấp hoặc Thở là sự trao đổi không khí giữa cơ thể với môi trường xung quanh. Trong động tác này, dưỡng khí oxy được đưa vào  và thán khí CO2 được loại ra khỏi cơ thể. Dưỡng khí cần thiết để chuyển hóa thực phẩm ra năng lượng, cung cấp nhiên liệu cho các sinh hoạt của cơ thể. Không khí trong lành chứa 20% oxy.

Thán khí là sản phẩm của sự chuyển hóa kể trên, mà khi quá cao sẽ gây ra nhiều bất lợi cho sức khỏe.

Nơi xảy ra sự trao đổi oxy và thán khí là hệ thống vi huyết quản bao quanh phế nang. Mỗi bên phổi có khoảng 300 triệu phế nang mà khi trải phẳng ra, có thể phủ kín một nửa cái sân quần vợt.

Mỗi phút ta thở trung bình 15 lần. Một ngày ta thở ra hít vào 18.925 lít không khí. Mặc dù thở là một động tác không chủ động, nhưng con người có thể cố tình thay đổi nhịp thở vì nhu cầu nào đó. Chẳng hạn hít vào một hơi dài để lặn sâu dưới nước (nín thở qua sông) hoặc sắp đi qua vùng ô nhiễm mùi hôi. Nhưng không tự quyên sinh bằng cách ngưng thở vì những phản xạ tự chủ bắt ta phải thở hít thở ngay, để duy trì sự sống của con người.

Nhịp thở nhanh chậm tùy theo nhu cầu oxy của cơ thể và cũng tùy theo sự tích tụ thán khí cao hay thấp. Nói chung là tùy theo mức độ hoạt động cơ thể. Nhịp thở cũng thay đổi tùy theo cảm xúc. Khi hân hoan hớn hở, tức giận cành hông thì hơi thở dồn dập. Khi buồn rầu chán nản thì hơi thở uể oải, kéo dài thườn thượt. Những khi đó, ta có thể tập để điều hòa nhịp thở, thay đổi tâm trạng.

Ngoài ra, có “cơn đói không khí” (air hunger), trong đó ta cảm thấy như ngộp thở, bèn thở rất nhanh và sâu với hậu quả là chóng mặt quay cuồng, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, tay chân tê dại. Nguyên do là khi thở dồn dập như vậy, thán khí trong máu xuống quá thấp, đưa tới mất cân bằng nồng độ acit/kiềm. Để điều trị, nạn nhân thường được cho hít thở vào một bao giấy kín, để lấy lại một chút thán khí, nhờ đó tình trạng trở lại bình thường.

 

Những cơ quan liên quan tới sự th

a- Mũi và các xoang của xương mặt

Không khí đựơc hít vào thở ra qua hai lỗ mũi.

b- Khí quản

Khí quản là ống dẫn không khí, chạy từ họng  (pharynx) xuống dưới. Nằm dưới mũi và miệng, họng là một thành phần của  hệ tiêu hóa và hô hấp vì họng chuyên chở cả không khí lẫn thực phẩm.

Ở phía dưới, họng sẽ chia ra làm hai nhánh: thực quản để dẫn thực phẩm, khí quản dẫn không khí. Tiểu thiệt (epiglottis) là một nắp sụn mỏng hình lá, có màng nhầy bao che khí quản để tránh thức ăn lạc đường vào phổi khi ta nuốt. Ấy vậy mà đôi khi ăn vội vàng hoặc cười nói huyên thuyên khi ăn, thực phẩm cũng lạc lối rơi vào khí quản, chạy tọt  xuống phổi, gây ra sặc sụa.

Chất nhờn tiết ra từ các tế bào của khí quản tiếp tục làm ẩm không khí và gạt bỏ vật lạ lẫn trong không khí mà lông mũi chưa loại hết. Đó là đàm, sẽ rơi vào dạ dày hoặc được ho bắn ra ngoài.

c- Phế quản

Là ống dẫn không khí từ khí quản xuống phổi.

Khí quản chia làm 2 phế quản chính, rồi các phế quản nhỏ hơn, tận cùng bằng những túi nhỏ gọi là phế nang. Phế nang là nơi diễn ra sự trao đổi không khí: oxy từ không gian được hấp thụ và carbon dioxit trong mao mạch phổi được đưa vào phổi rồi thải  ra ngoài.

d- Phổi là một túi xơ đàn hồi có thể nở ra và ép vào qua sự chuyển động của xương lồng ngực và cơ hoành trong khi hô hấp. Dung tích của phổi khoảng trên dưới 6 lít, nhưng chỉ có khoảng 500 ml không khí tham dự vào việc hô hấp. Ngoài ra, phổi cũng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa thân nhiệt qua sự bốc hơi trong hơi thở.

 

Sự Hô Hấp

Hô hấp có 3 động tác:

a- Hít vào có tính cách chủ động, ngắn dài theo ý muốn để mang không phí vào phổi.

Trong khi hít vào thì cơ liên sườn thư giãn, lồng ngực mở rộng, nâng lên cao đồng thời cơ hoành  hạ thấp khiến cho phổi có cơ hội tăng dung tích để chứa tối đa không khí.

b- Nín thở một thời gian ngắn để trao đổi không khí ở phế nang: oxy từ không khí chuyển sang hồng huyết cầu theo máu về tim rồi được phân phối cho các tế bào; thán khí từ cơ thể được phổi đưa ra ngoài.

c- Thở ra thụ động để loại thán khí. Trong động tác này, cơ hoành đẩy lên cao, lồng ngực trở về vị trí cũ, không khí được đẩy ra.

Nhịp thở trung bình là 15 nhịp trong một phút. Khi cơ thể vận động nhiều thì nhịp thở tăng để đáp ứng nhu cầu dưỡng khí và thải thán khí của cơ thể. Không như nhịp tim mà ta không kiểm soát được, con người có thể điều chỉnh nhịp hít thở nhanh chậm tùy theo nhu cầu.

Ở người khỏe mạnh, khi ngủ hoặc lao động nhẹ đều thở ra hít vào bằng mũi. Khi vận động mạnh hơn thì có thể hít vào bằng mũi và thở ra hoặc bằng mũi hoặc miệng để lấy thêm dưỡng khí.

Các nhà chuyên môn y học luôn luôn nhắc nhở là nên hít vào thở ra bằng mũi vì những lợi điểm sau đây:

a- Niêm mạc của mũi có chất nhờn và những sợi lông. Xoang thông với mũi và sản xuất ra nhiều chất nhờn. Không khí được các vi huyết quản chứa đầy máu ở mũi làm ấm nóng. Chất nhờn làm không khí ẩm hơn trước khi vào phổi. Không khí khô và lạnh có thể gây kích thích khó chịu cho phổi.

Lông mũi, chất nhờn chặn sự xâm nhập của các vật lạ có hại như vi khuẩn, bụi bậm rồi loại bỏ ra khỏi cơ thể khi ta hắt hơi. hoặc đưa xuống bao tử để được tiêu hủy. Thành ra, không nên cắt xén quá ngắn những sợi lông này.

b- Lỗ mũi nhỏ hơn miệng cho nên không khí ra từ từ, nhờ đó phổi có thì giờ lấy oxy và nhả CO2.

c- Với chức năng khứu giác, mũi phân biệt được mùi của không khí nhờ đó tạm hoãn thở trong khoảnh khắc  để tránh hít vào khí có mùi độc hại gây khó chịu.

d- Với những sợi lông và chất nhờn, hô hấp qua mũi sẽ tránh được các bệnh nhiễm virus, vi khuẩn, bụi bậm ô nhiễm, giảm thiểu rủi ro viêm đường hô hấp như dị ứng, hen suyễn, sưng phổi, viêm họng…

e- Thở bằng mũi tạo ra chất nitric oxide ở các xoang mặt, là chất làm dãn huyết quản, máu tràn đầy, đưa tới tăng sự trao đổi không khí. Chất này cũng hiện diện trong dược phẩm nhóm nitroglycerin điều trị chứng Đau Thắt Ngực (angina) và trong Viagra để tạo sự cương cứng của cơ quan sinh dục nam, nhờ tác dụng dãn mạch máu.

Mũi có nhiều vai trò khá quan trọng, cho nên cũng cần được chăm sóc bằng các phương thức như sau:

- Lâu lâu dùng ngón tay bịt một bên lỗ mũi, hít vào thở ra mạnh dăm lần, rồi làm tương tự với mũi bên kia để lỗ mũi thông, loại trừ vật lạ. Cũng có thể hít các chất camphor, dầu cù là Nhị Thiên Đường cho thông mát lỗ mũi.

- Cũng lâu lâu vục mặt vào nước lạnh tinh khiết, hít vào một chút nước để rửa mũi rồi hỉ ra hoặc cho chẩy xuống miệng, nhổ ra ngoài. Nhớ đừng hít quá mạnh, đến nỗi sặc sụa, nước chui vào khí quản xuống phổi, ngộp thở. Có thể dùng nước muối sinh lý mua ở dược phòng.

Việc chăm sóc, rửa mũi này đặc biệt có lợi cho những ai sống ở nơi ô nhiễm không khí, bụi bặm, tràn ngập mùi săng dầu nhớt, sơn xe hoặc vào mùa dị ứng phấn hoa đồng thời cũng giảm khô mũi vì thời tiết thay đổi, ngồi lâu trong máy điều hòa không khí, trên máy bay..

Trong khi đó, nếu thường xuyên thở bằng miệng sẽ mất các ích lợi kể trên, đồng thời còn làm miệng khô, ngáy khi ngủ, ngưng thở tạm thời (apnea). Với trẻ em, thở miệng có thể đưa tới hư răng, hàm răng lệch khớp.

Nhiều người khó tính còn gán cho những ai thở bằng miệng là “đần”, là “ngớ ngẩn”, nhất là khi đương sự nằm ngủ mà miệng há hốc để thở, nhớt dãi quanh mép. Đây là một gán ghép có tích cách nhạo báng, nên tránh.

Cũng nên để ý tới khái niệm “thở bụng” và “thở ngực”.

Bé sơ sinh thường thở bụng trong đó cơ hoành đóng vai trò quan trọng. Khi hít vào, cơ hoành hạ thấp, bụng phình ra, hút nhiều không khí vào phía dưới của phổi, nơi mà sự lấy oxy-thải C02 có cường độ cao nhất. Với đà tăng trưởng, con người bỏ thói quen này và thở qua lồng ngực trong đó hơi thở thường nông và nhanh, đưa tới giảm trao đổi không khí. Nếu phối hợp cả hai cách thì sự hô hấp hoàn hảo hơn.

 

Thở để thư giãn

Ngoài nhu cầu “hô hấp để sống còn”, thở còn thường được dùng để xả stress, thư dãn tinh thần khi có những lo âu buồn phiền rồi giảm huyết áp, nhịp tim, cơ bắp bớt căng. Nhưng thở cũng phải đúng cách.

Bác sĩ Andrew Weil, Đại học Harvard phát biểu rằng: “Nếu phải giới hạn lời góp ý của tôi đối những ai muốn sống một cách khỏe mạnh với một mẹo thực tế duy nhất thì lời khuyên đó chỉ giản dị là làm sao học thở cho đúng cách”.

Thở đúng cách phải là hơi thở sâu, chậm và dài trong  đó cơ hoành có vai trò chính.

Sau đây, xin gợi ý một phương thức tương đối giản dị, dễ áp dụng có thể thực hiện bất cứ lúc nào cảm thấy cần.

1- Tư thế có thể là nằm, ngồi hoặc đứng. Toàn thân thư dãn, xương sống ngay thẳng.

2- Đặt một bàn tay lên bụng để có thể cảm nhận sự phình ra thót vào của bụng.

3- Chậm rãi hít vào bằng mũi.

Tập trung vào đường đi của hơi thở từ mũi xuống ống dẫn khí, vào phổi đồng thời hạ thấp cơ hoành để bụng phình hút vào nhiều không khí. Sự tập trung này cũng để tránh nhiễu ý ngoại cảnh.

4- Nhín hơi thở trong vài giây.

5- Từ từ thở ra bằng mũi. Khi không khí đã ra gần hết thì thư dãn một vài giây rồi hít thở lại.

 

Kết luận

Đã có nhiều nghiên cứu cho hay, cảm xúc có ảnh hưởng lên nhịp thở. Nhịp thở nhanh và sâu khi tức giận; nhanh và nông khi sợ hãi; chậm-sâu khi thư dãn, hạnh phúc; chậm- nông khi buồn chán.

Như vậy thì thở đúng cách

Tiếp tục tập thở như vậy cho tới khi nhịp thở trở thành thói quen trong đời sống hàng ngày. Hoặc khi nào căng thẳng tinh thần thì ngồi tĩnh lặng hít thở sâu dài mươi phút là thấy thư dãn thảnh thơi ngay..

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ

www.bsnguyenyduc.com 

 
VỀ MỤC LỤC
Tu - Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Theo sự diễn tả của các cụ ta ngày xưa thì con nhà có đạo được gọi là con nhà… “hai phần”, phần hồn và phần xác. Con nhà có đạo ấy khi lớn lên sẽ chọn cho mình một trong hai ngả đường đời. Một là đi vào cuộc sống tu trì, như mấy cha, mấy dì, mấy thầy…dấn thân theo đuổi lý tưởng phục vụ Chúa và người khác. Hai là đi vào cuộc sống lứa đôi, như hầu hết bàn dân thiên hạ đã làm, dấn thân xây dựng một mái ấm gia đình.

Nếu chọn nếp sống tu trì, thì cũng phải lựa cho mình một  hướng đi, đó là tu triều hay tu dòng. Tu triều là dâng mình cho Chúa với mục đích làm công việc mục vụ, không bị ràng buộc bởi lời khấn khó nghèo và đời sống chung, nhưng đoan hứa giữ sự độc thân và vâng phục Giám mục như bề trên trực tiếp của mình.

Còn tu dòng là dâng mình cho Chúa, bằng cách theo đuổi sự hoàn thiện của Tin Mừng: khó nghèo, trong sạch và vâng phục, với đời sống chung của cộng đoàn, được biểu lộ qua việc tuyên khấn công khai vĩnh viễn hay tạm thời theo qui luật riêng của từng dòng. 

Tuy nhiên, nếu chọn tu dòng, thì cũng phải lựa cho mình một linh đạo, hay nói một cách cụ thể hơn, phải lựa cho mình một dòng để mà đầu tư công sức vào đó. Bởi vì trong lòng Giáo hội, có rất nhiều dòng và mỗi dòng lại theo đuổi một lý tưởng khác nhau, như một thửa vườn với muôn hoa khoe sắc.

Tuy cùng phục vụ Chúa và người khác, nhưng mấy sư huynh Lasan lại chuyên về dạy học, mấy thầy Gioan Thiên Chúa lại chuyên về chăm sóc các bệnh nhân, mấy cha Don Bosco lại chuyên về giáo dục giới trẻ…Và cách riêng là các dòng nữ.

Thực vậy, nếu hỏi rằng:

- Trên thế gian này có bao nhiêu dòng nữ?

Một người có óc khôi hài và được liệt vào hạng cũng thích đùa, đã trả lời như sau:

- Đức Chúa Trời là Đấng thông minh sáng suốt vô cùng, thế mà Ngài cũng đành phải bó tay, không biết chính xác hiện nay trên thế gian có bao nhiêu dòng nữ!

 

TU THÂN 

Qua những gì vừa trình bày, chữ tu được hiểu theo nghĩa hẹp của Công giáo. Còn nếu hiểu chữ tu theo nghĩa rộng là sửa sang lại cho hoàn thiện, nhất là bằng cách uốn nắn những sai lỗi và sửa đổi khuyết điểm, để trở thành một con người tốt lành và thánh thiện hơn, thì đó phải là bổn phận đầu tiên của mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc.

Thực vậy, nhân vô thập toàn. Đã là người, thì ai cũng có những sai lỗi và khuyết điểm, chẳng ai là người hoàn thiện. Vì thế, việc tu thân, hay nói cách khác, việc sửa mình phải được coi như là điểm khởi đầu cho trật tự xã hội. Sách Đại Học có viết: “Từ vua cho đến dân, nhất thiết phải lấy việc tu thân làm gốc”. Hay như người xưa cũng đã bảo: “Phải tu thân trước đã, rồi sau đó mới tề gia, trị quốc và bình thiên hạ”.

Theo Nho Giáo, muốn tu thân, thì phải: cách vật, trí tri, thành ý và chánh tâm. Thực vậy, muốn sửa mình cho thành người đức hạnh hoàn toàn, trước hết phải giữ cái tâm của mình cho chánh (chánh tâm), cái ý của mình cho thành (thành ý), rồi sau đó mới cách vật, trí tri được, nghĩa là mới hiểu rõ các sự vật và biết đến tận cùng cái biết.

Giữ cái tâm của mình cho chánh, có nghĩa là đừng để cho sự tức giận, sợ hãi, vui buồn… làm cho cái tâm của mình chếch lệch, không còn hiểu rõ cái nghĩa lý ngay thẳng. Khi đã bị những sự ấy làm rối loạn cái tâm của mình, thì mắt trông không thấy, tai nghe không hiểu, ăn không biết ngon, bởi thế cho nên bao giờ ta cũng phải giữ cái tâm cho chánh.

Giữ cái ý của mình cho thành, có nghĩa là không dối mình, đối với việc gì cũng cứ thành thật, như ghét mùi thối, yêu vẻ đẹp, ý mình thế nào thì cứ chân thực bày tỏ ra như thế, chớ không dối trá chút nào. Bởi thế, người quân tử phải cẩn thận giữ tư tưởng của mình, ngay cả trong khi ngồi một mình.

Tâm đã chánh, ý đã thành, thì tự nhiên cái lương tri, lương năng của mình, tức là cái minh đức trở nên mẫn huệ, xem xét điều gì cũng hiểu rõ chỗ sâu xa, làm điều gì, hay là đối phó với cảnh huống nào, cũng trung dung, cũng điều hòa và rất hợp đạo lý. (Theo “Nho Giáo” của Trần Trọng Kim).

Nói như vậy xem ra có vẻ trừu tượng và xa vời. Gã xin bàn đến một vài kinh nghiệm cụ thể trong cuộc sống thường ngày. Thực vậy, việc tu thân hay sửa mình đòi hỏi chúng ta cần phải kiên nhẫn và nỗ lực không ngừng.

Người ta kể lại rằng: Tamerlan là một vị tướng đánh đâu thua đấy. Đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ thua nhỏ và càng đánh thì lại càng thua. Trong một cuộc bàn luận trao đổi với bộ sậu của mình, để rút ưu khuyết điểm, ông bỗng nhìn thấy một con kiến đang bò lên đỉnh lều. Lên gần tới đỉnh thì lại bị tụt xuống. Cứ thế, cứ thế đến ba bốn lần con kiến mới bò lên tới đỉnh lều. Trước hình ảnh con kiến ấy, ông đã quyết định và truyền cho các binh lính:

- Chiến đấu, chiến đấu mãi, chiến đấu không ngừng, cho đến khi nào chiến thắng mới thôi.

Và cuối cùng, ông đã chiến thắng.

Chúng ta cũng vậy, trong cuộc chiến chống lại những thói hư tật xấu, chúng ta giống như người bơi ngược giòng nước, nếu không cố gắng bơi, thì sẽ bị giòng nước, là những đam mê sai trái, cuốn trôi.

Một người nghiện rượu đã chừa bỏ tật xấu này bằng cách trước khi ngồi vào bàn nhậu với các “chiến hữu”, ông bèn nhỏ một giọt nến vào chiếc ly uống rượu. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, cuối cùng chiếc ly đầy nến và ông không còn nghiện rượu nữa.

Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta thường có hai thái độ. Thái độ thứ nhất, đó là thiếu kiên nhẫn.

Thực vậy, trong những giây phút sốt sắng, chúng ta cảm thấy mình tội lỗi, nên đã dốc quyết uốn nắn lại khuyết điểm này, sửa đổi lại tật xấu kia. Những ngày đầu, chúng ta hăng hái bắt tay vào công việc đổi mới này, thế nhưng cái quyết tâm của chúng ta chẳng kéo dài được lâu, có khi chưa đủ ba bảy hai mươi mốt ngày, thì đã tàn lụi như một ngọn lửa rơm, để rồi cuối cùng mèo vẫn hoàn mèo và chó đen vẫn giữ mực. Chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ và chỉ là một kẻ tầm thường, xoàng xĩnh mà thôi.

Thái độ thứ hai, đó là ngại cố gắng, nên cứ mãi sa lầy trong đám bùn nhơ, không ngoi lên được.

Chúng ta giống như chú vịt trời theo đàn bay về phương bắc. Vào một buổi chiều, khi đáp xuống nông trại, chú thấy bầy vịt nhà đang được ăn bắp và thế là chú bèn nhập bầy để được ăn no. Bữa ăn quá ngon khiến chú không còn muốn bay theo đàn nữa. Chú tự nhủ:

- Để mai mốt mình sẽ bay theo cũng chưa muộn.

Nhưng rồi ngày này qua ngày khác, chú vẫn cứ ở lỳ với bầy vịt nhà để được muôi ăn. Mùa thu đến, đàn vịt trời từ phương bắc bay xuống phương nam, các bạn cũ kêu chú trở về khi bay qua nông trại. Chú vịt trời cố gắng đập cánh bay lên, nhưng đôi cánh bây giờ quá yếu, chú chỉ bay được lên nóc nhà, rồi lại rơi xuống đất. Đời sống dễ dãi và hưởng thụ ở nông trại đã làm cho chú không còn bay được như xưa nữa. Chú đành phải đứng nhìn đàn vịt trời bay xa dần.

Từ đó, mỗi mùa xuân và mỗi mùa thu, chú vịt trời đều thấy các bạn cũ bay lên phương bắc, rồi lại bay trở xuống phương nam. Mới đầu chú còn thèm thuồng số phận đó, nhưng dần dần ước vọng ấy bị mờ phai và chú bằng lòng sống dưới đất với bầy vịt nhà trong nông trại.

Một kinh nghiệm khác cũng cho thấy: phải quyết tâm diệt trừ tật xấu ngay từ thuở ban đầu, bởi vì càng để lâu càng khó sửa. Trên chiếc áo trắng có một vết bẩn nhỏ, chúng ta giặt ngay, thì có thể tẩy xoá vết bẩn một cách dễ dàng. Thế nhưng, nếu chúng ta để cho chiếc áo ấy vàng ố, lúc bấy giờ thật khó mà giặt cho sạch.

Ngày nọ, ông thầy cùng với cậu học trò đi ngang qua một khu rừng. Bỗng dưng, ông thầy dừng chân và chỉ vào ba cây mọc gần đó. Cây thứ nhất mới nhú lên khỏi đất. Cây thứ hai lớn hơn và cây thứ ba đã thành cây to. Ông thầy bảo:

- Con hãy nhổ cây thứ nhất.

Chỉ với hai ngón tay, cậu học trò đã nhổ lên một cách dễ dàng.

Ông thầy lại bảo:

- Hãy nhổ tiếp cây thứ hai.

Cậu học trò phải dùng cả hai cánh tay lay tới lay lui, mãi một lúc sau mới nhổ lên được, mồ hôi mồ kê toát ra như tắm.

Ông thầy lại bảo:

- Bây giờ con hãy cố gắng nhổ cây thứ ba.

Cậu học trò cũng phải dùng hai cánh tay ôm lấy thân cây. Cậu ra sức lay, nhưng thân cây chẳng hề nhúc nhích. Cuối cùng, cậu đành bó tay chịu thua, không thể nhổ lên được. Lúc bấy giờ, Ông thầy mới cắt nghĩa:

- Đó con thấy không? Về các tính hư tật xấu của chúng ta cũng vậy. Khi mới nhiễm thì dễ khử trừ, nhưng nếu để chúng bén rễ sâu trong tâm hồn và trong thân xác, thì chúng ta khó mà trừ khử.

Chẳng thế mà các cụ ta ngày xưa đã bảo:

- Uốn cây từ thuở còn non,

  Dạy con từ thuở con còn đương thơ.

Hay như danh ngôn phương tây cũng đã nói:

- Bé ăn trộm một trái trứng, lớn lên sẽ ăn trộm cả con bò!

 

TU NHÀ VÀ TU CHỢ 

Theo “Từ Điển Bách Khoa Việt Nam”, về việc tu thân, sửa mình, “khoa học hiện nay có khái niệm tự giáo dục: cá nhân trau dồi năng lực hoạt động đạo đức, hình thành ý thức đạo đức của mình, hoàn thiện những tính tốt và khắc phục những thói xấu. Phương pháp của tự giáo dục không chỉ là học tập để có tri thức và đạo đức, mà chủ yếu là tích cực tham gia vào thực tiễn xã hội, bởi vì chỉ có trong quá trình tham gia thực tiễn xã hội, con người mới cải tạo và hoàn thiện bản thân”.

Câu trích dẫn trên đây mang nặng tính cách lý thuyết và trừu tượng, riêng gã thì thích kiểu nói cụ thể hơn, đó là môi trường bên ngoài, như gia đình và xã hội, sẽ giúp chúng ta dễ dàng tu thân, sửa mình, đồng thời việc tu thân, sửa mình của chúng ta sẽ là một góp phần làm cho gia đình và xã hội được tốt đẹp hơn. Chẳng thế mà các cụ ta ngày xưa vốn thường chủ trương chữ tu kia cũng có ba bảy đường.

- Thứ nhất thì tu tại gia,

  Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.

Vì là con nhà có đạo, nên gã xin sửa lại của câu ca dao này thành:

- Thứ nhất thì tu tại gia,

  Thứ hai tu chợ, thứ ba tu…dòng.

Trước hết là việc tu tại gia, các cụ ta ngày xưa đã xác định một cách rõ ràng và minh bạch:

- Tu đâu cho bằng tu nhà,

  Thờ cha, kính mẹ mới là chân tu.

Chuyện xưa kể lại rằng: Dương Phủ, người đời nhà Minh, đỗ tiến sĩ và nổi tiếng là một vị quan thanh liêm. Lúc nhỏ nhà nghèo, nhưng hết sức cày cấy để phụng dưỡng song thân.

Một hôm nghe bên đất Thục có một vị Vô tế đại sĩ, tức là một nhà tu hành vô cùng đắc đạo, ông bèn thưa với song thân xin từ biệt ít lâu để theo hầu bậc Vô tế.

Đi được nửa đường, gặp một lão tăng, vị này bảo ông rằng:

- Gặp được bậc Vô tế không bằng  gặp được Phật.

Ông hỏi:

- Phật ở đâu?

Vị lão tăng nói:

- Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo như thế này, đi đôi dép như thế kia, thì đó chính là Phật đấy.

Dương Phủ háo hức quay trở về, dọc đường không gặp một ai như thế. Đến khuya mới tới nhà, ông gọi cửa, mẹ ông nghe tiếng mừng quá vội vàng xỏ ngược cả đôi dép, áo sống xộc xệch ra đón. Dương Phủ ngẩn người nhìn, thì ra đấy chính là hình dáng Phật mà vị lão tăng đã chỉ dạy. Ông chợt ngộ ra thâm ý trong lời dạy của vị lão tăng. Từ đấy ông ở nhà, hết lòng thờ kính cha mẹ, không phải cầu kỳ đi mộ Phật ở đâu xa nữa.

Chính Đức Phật cũng đã từng dạy các đệ tử:

- Sinh thời không gặp Phật, khéo phụng dưỡng cha mẹ, tức là thờ Phật vậy (Kinh Pháp cú).

Trong truyền thống đạo đức của người Việt Nam, hiếu với cha mẹ là một trong những đạo lý hàng đầu, thiêng liêng và cao cả. Có sự thành công nào của những đứa con, mà đằng sau không có bóng dáng của những người cha, những người mẹ tuyệt vời?

Và như vậy, tu tại gia hay tu nhà có nghĩa là cứ ở tại nhà, tại gia đình của mình mà tu bằng cách sống đúng với đấng bậc của mình: Là con cái thì phải thảo kính và vâng lời cha mẹ; là vợ chồng thì phải yêu thương và trung thành với nhau; là anh chị em thì phải hoà thuận và giúp đỡ lẫn nhau.

Trong giờ giáo lý, chị giảng viên kể cho các em nghe mẩu chuyện về thánh Simon Cột. Ngài sống vào thế kỷ thứ năm tại Syrie, nổi tiếng là một người thánh thiện và khổ hạnh. Ngài làm một cái chòi nhỏ trên đầu một cây cột và sống ở đó suốt 35 năm trời. Sau khi ngài chết, để nêu cao mẫu gương thánh thiện và khổ hạnh của ngài, Giáo Hội đã tôn phong ngài, và người ta thường gọi ngài với biệt danh là Simon Cột.

Nghe xong câu chuyện này, một em nhỏ như được thôi thúc muốn bắt chước sự thánh thiện và lối sống khắc khổ của ngài. Thế là khi về đến nhà, em chồng những chiếc ghế đẩu trên một cái bàn để leo lên. Giữa lúc đang loay hoay như thế, thì mẹ em nhìn thấy, bà đã la mắng và cấm không cho em được leo lên và bà nói tiếp:

- Con ơi, làm thánh ở trong nhà cũng khó lắm con à.

Đây là một lời nói đơn sơ, nhưng quả thực có một ý nghĩa sâu xa khiến chúng ta phải suy nghĩ. Làm thánh ở trong nhà cũng khó lắm.

Tuy nhiên, chúng ta không phải chỉ sống với những người thân yêu trong cùng một mái ấm, mà hơn thế nữa chúng ta còn phải sống với những người khác, mỗi khi bước chân vào xã hội, vì thế mới nảy sinh ra một thứ tu khác, được gọi là…tu chợ.

Tu chợ có nghĩa là tu tại chợ cũng như tại phố xá, tu giữa tiếng ồn ào của xe cộ cũng như giữa những sinh hoạt tấp nập của cuộc sống, tu giữa những vất vả của nghề nghiệp cũng như giữa những bươn chải kiếm tìm cơm áo gạo tiền. Tóm lại, tu chợ là tu giữa giòng đời, hay nói một cách chuyên môn hơn, là tu giữa đời, tu tại thế, tu ngay trong  trần gian.

Viết tới đây gã bỗng nhớ tới lời kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assie và tìm thấy trong đó cả một chương trình cho việc tu chợ: “Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu”.

Cũng trong chiều hướng ấy, Công Đồng Vaticanô II đã kêu gọi chúng ta, là những người sống giữa đời và làm việc với đời, hãy trở nên như men trong bột, như ánh sáng trong đêm tối, nghĩa là trở nên chứng nhân cho đức tin giữa lòng cuộc đời.

Việc tu chợ như thế sẽ biến chúng ta thành một bông sen như ca dao Việt Nam đã diễn tả:

- Trong đầm gì đẹp bằng sen,

  Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng.

  Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,

  Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Thảo nào mà trong lòng Giáo Hội hôm nay, các thứ dòng ba, các thứ tu hội đời, các thứ phong trào tại thế…đua nhau mọc lên như nấm sau cơn mưa, hay như trăm hoa đua nở, báo hiệu một mùa xuân mới!!!

Gã Siêu  gasieu@gmail.com


VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************