Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 159, Chúa Nhật 04.12.2011


MỤC LỤC 

Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục                                        Vatican 2

Đức TGM. Leopoldo Girelli,  Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, thăm mục vụ giáo phận Thanh Hóa                                                                                        WHĐ Tổng hợp

Tôi hiệp thông với mọi nạn nhân và mọi người đang tranh đấu trước bạo quyền  
                                                                                               Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long

LÀM ĐẸP                                                                                              Lm Jos.Tuấn Việt, O.Carm

TẠI SAO PHẢI THỰC HÀNH ĐỨC BÁC ÁI KITÔ GIÁO ?                            Lm PX. Ngô Tôn Huấn

SUY NIỆM MÙA VỌNG                                                                    Bác sĩ Nguyễn Tiến cảnh, MD.

THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (1)                                                             Lm Lê Văn Quảng Psy.D.

Người Tín Hữu Giáo Dân là ai trong Hiến Chế Lumen Gentium?             Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

LỜI CHÚA MỜI GỌI LINH MỤC GIÁO PHẬN VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA MÌNH                                     Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

HỌC TẬP YÊU THƯƠNG                                                                           Lm. Minh Anh, biên tập

LÒ NẤU VI BA                                                                                      Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, MD.

TỪ QUAN TÂM ĐẾN QUẢN LÝ                                                            Chuyện phiếm của Gã Siêu


Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục

 

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội

Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chương III

Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội

Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục 23*

 

 

18. Lời mở đầu. Ðể chăn dắt và phát triển Dân Thiên Chúa luôn mãi, Chúa Kitô đã thiết lập các chức vụ khác nhau trong Giáo Hội hầu mưu ích cho toàn thân. Thực vậy, các thừa tác viên xử dụng quyền bính thiêng liêng mà phục vụ anh em mình, để mọi người thuộc Dân Thiên Chúa và đương nhiên hưởng phẩm giá Kitô hữu sẽ đạt đến phần rỗi, nhờ nỗ lực tiến tới cùng một cứu cánh trong tự do và trật tự.

Bước theo dấu vết của Công Ðồng Vaticanô I, Thánh Công Ðồng này cũng giảng dạy và tuyên bố rằng: Chúa Giêsu Kitô, Mục Tử vĩnh cửu đã thiết lập Giáo Hội thánh thiện khi sai các Tông Ðồ như Chúa Cha đã phái Người (Gio 20,21), và Người đã muốn các đấng kế vị, tức các Giám Mục, làm chủ chăn trong Giáo Hội cho đến tận thế. Nhưng để Chức Giám Mục được duy nhất và không bị phân chia, Chúa đã đặt Thánh Phêrô làm Thủ Lãnh các Tông Ðồ khác, và trong Ngài, Chúa đã đặt nguyên lý cùng nền tảng vĩnh cửu và hữu hình của hiệp nhất đức tin và hiệp thông 1. Thánh Công Ðồng một lần nữa nêu lên cho mọi tín hữu tin vững vàng giáo lý về sự thiết lập, sự trường tồn, về quyền lực và quan niệm của quyền tối thượng nơi Giáo Hoàng Rôma cùng quyền Giáo Huấn bất khả ngộ của Ngài. Tiếp tục công trình đã khởi sự, Thánh Công Ðồng muốn công bố và giải thích cho mọi người giáo lý về các Giám Mục, những đấng kế vị các Tông Ðồ và cùng với đấng kế vị Thánh Phêrô, Ðại Diện Chúa Kitô 2, và là Thủ Lãnh của toàn thể Giáo Hội hữu hình điều khiển gia đình Thiên Chúa hằng sống. 24*

19. Kêu gọi và thiết lập nhóm 12 Tông Ðồ. 25* Chúa Giêsu, sau khi cầu nguyện lâu giờ cùng Chúa Cha, đã gọi đến với mình những kẻ Người muốn và thiết lập mười hai người để chung sống với Người, cùng sai họ đi rao giảng Nước Thiên Chúa (x. Mc 3,13-19; Mt 10,1-42); Người tổ chức (x. Lc 6,13) các Tông Ðồ này theo cách thức một cộng đoàn, nghĩa là một nhóm người kiên vững; Người chọn Phêrô, một người trong số họ, làm đầu cộng đoàn ấy (x. Gio 21,15-17). Người sai họ đến với con cái Israel trước tiên, rồi đến với tất cả các dân nước khác (x. Rm 1,16), hầu, nhờ tham dự vào quyền bính của Người, các Tông Ðồ làm cho mọi dân tộc nên môn đệ Người cùng thánh hóa và điều khiển họ (x. Mt 28,16-20; Mc 16,15; Lc 24,45-48; Gio 20,21-23), như thế, dưới sự hướng dẫn của Chúa, các Ngài mở mang và chăn dắt Giáo Hội bằng việc phục vụ mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Ngày Lễ Hiện Xuống, các ngài được hoàn toàn kiên vững trong sứ mệnh này (x. CvTđ 2,1-36), như lời Chúa hứa: "Các con sẽ nhận lấy sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ làm chứng về Thầy tại Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa, Samaria, cho đến tận cùng trái đất" (CvTđ 1,8). Khi các Tông Ðồ rao giảng Phúc Âm khắp nơi (x. Mc 16,20) và có nhiều thính giả đón nhận nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, các ngài qui tụ họ thành Giáo Hội phổ quát, Giáo Hội này đã được Chúa thiết lập trên các Tông Ðồ và xây dựng trên Thánh Phêrô, thủ lãnh của các ngài; và Chúa Giêsu Kitô là viên đá góc cao cả của Giáo Hội ấy (x. Kh 21,14; Mt 16,18; Eph 2,20) 3. 26*

20. Các Giám Mục, kế nghiệp các Tông Ðồ. Sứ mệnh thần linh được Chúa Kitô trao phó cho các Tông Ðồ phải tồn tại cho đến tận thế (x. Mt 28,20), bởi lẽ Phúc Âm mà các ngài có nhiệm vụ rao truyền là nguyên lý ban sự sống toàn diện cho Giáo Hội qua mọi thời đại. Vì thế, các Tông Ðồ đã quan tâm đặt người kế vị trong cái xã hội có phẩm trật này.

Thực thế, không những các ngài có nhiều phụ tá giúp thi hành chức vụ 4, nhưng, để sứ mệnh phó thác cho các ngài được tiếp tục sau khi các ngài qua đời, các Tông Ðồ còn ủy thác, như một di chúc, cho các cộng sự viên trực tiếp của mình, nhiệm vụ hoàn tất và củng cố công trình các ngài đã khởi sự 5, đồng thời căn dặn họ coi sóc tất cả các đoàn chiên, mà Chúa Thánh Thần đã đặt họ chăn dắt Giáo Hội Chúa (x. CvTđ 20,28). Bởi vậy các ngài đề cử những người như thế, rồi ban quyền chức cho họ, hầu khi các ngài qua đời, đã có những người xứng đáng nhận lãnh chức vụ của các ngài 6. Giữa những chức vụ khác nhau được thi hành trong Giáo Hội từ buổi sơ khai, theo chứng tá của truyền thống, chức vụ chính yếu là chức vụ của những vị đã được bổ nhiệm lên Giám Mục; nhờ liên tục kế vị từ buổi ban đầu, 7 các ngài vẫn có những mầm mống hạt giống tông đồ 8. Như thế, theo chứng tá của Thánh Irêneô, truyền thống tông đồ được biểu hiện trên khắp hoàn cầu 9 và được bảo tồn 10 nhờ những đấng được các Tông Ðồ đặt làm Giám Mục và các vị kế nghiệp các ngài cho đến ngày nay.

Nhờ thế, các Giám mục đã nhận lãnh việc phục vụ cộng đoàn với sự giúp đỡ của các linh mục và phó tế 11. Thay thế Thiên Chúa, các ngài đứng đầu đàn chiên 12 mà các ngài là chủ chăn, với tư cách là Thầy dạy giáo thuyết, tư tế lo phụng tự thánh và thừa tác viên lãnh đạo 13, cũng như chức vụ mà Chúa đã trao phó riêng cho Thánh Phêrô, Tông Ðồ Cả, và phải được trao lại cho các đấng kế vị Phêrô, chức vị đó luôn tồn tại, cũng thế, chức vụ chăn dắt Giáo Hội của các Tông Ðồ phải tồn tại và được thi hành liên tục do thánh chức Giám Mục 14. Vì thế, Thánh Công Ðồng dạy rằng, chính Chúa đã lập các Giám Mục kế vị Tông Ðồ 15 làm mục tử Giáo Hội. Bởi vậy, ai nghe lời các ngài là nghe lời Chúa Kitô, còn ai khinh dể các ngài là khinh dể Chúa Kitô và Ðấng đã phái Chúa Kitô đến (x. Lc 10,16) 16. 27*

21. Chức Giám Mục có tính cách bí tích. Vậy, qua các Giám Mục được các linh mục trợ giúp, Chúa Giêsu Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm, hiện diện giữa các tín hữu. Thực vậy, ngự bên hữu Chúa Cha, Người vẫn hiện diện giữa cộng đoàn các linh mục của Người 17, nhưng nhất là qua sự phục vụ quí hóa của các ngài, Chúa Kitô rao giảng lời Thiên Chúa cho các dân nước và không ngừng ban phát các bí tích cho tín hữu. Nhờ nhiệm vụ làm cha của các ngài (x. 1Cor 4,15), Chúa tháp nhập vào thân thể Người những chi thể mới nhờ sự tái sinh siêu nhiên. Và sau cùng, nhờ sự khôn ngoan thận trọng của các ngài, Chúa điều khiển và hướng dẫn dân tộc của Tân Ước trong cuộc lữ hành tiến về hạnh phúc muôn đời. "Các mục tử này, được chọn để chăn dắt đoàn chiên Chúa, là thừa tác viên của Chúa Kitô và ban phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. 1Cor 4,1); các ngài được ủy thác việc làm chứng Phúc Âm của ân sủng Thiên Chúa (x. Rm 15,16; CvTđ 20,24) và việc thi hành công cuộc của Thánh Thần và của công lý trong vinh quang (x. 2Cor 3,8-9).

Ðể chu toàn nhiệm vụ cao trọng ấy, các Tông Ðồ được Chúa Kitô đổ tràn Thánh Thần cách đặc biệt (x. CvTđ 1,8; 2,4; Gio 20,22-23). Và các ngài thông truyền các ơn thiêng ấy cho các cộng sự viên khi đặt tay trên họ (x. 1Tm 4,14; 2Tm 1,6-7). Và qua việc tấn phong Giám Mục, ơn thiêng ấy được thông truyền cho đến chúng tôi 18. Thánh Công Ðồng dạy rằng, khi được tấn phong, các Giám Mục nhận lãnh sự trọn vẹn của bí tích Truyền Chức Thánh mà tập tục phụng vụ Giáo Hội và các Thánh Giáo Phụ gọi là chức linh mục tối cao và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ 19. Việc tấn phong Giám Mục trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và cai trị; tuy nhiên, các nhiệm vụ ấy, do bản tính, chỉ có thể thực thi trong sự hiệp thông với Thủ Lãnh và các phần tử của Giám Mục Ðoàn. Thực vậy, truyền thống được diễn tả nhất là qua các nghi thức phụng vụ và qua thói quen của Giáo Hội Ðông Phương cũng như Tây Phương cho thấy rõ ràng là qua sự đặt tay và qua các lời tấn phong, ơn Chúa Thánh Thần được thông ban 20 và ấn dấu thánh được in 21 trên các Giám Mục, nên các ngài thi hành nhiệm vụ của chính Chúa Kitô là Thầy, Chủ Chăn và Linh Mục, và hoạt động nhân danh Người 22 một cách cao quí và hữu hình. Các Giám Mục có phận sự nhận vào Giám Mục Ðoàn, nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, những người mới được tuyển chọn. 28*

 

___________

Chú thích:

23* Chương này rất quan trọng. Muốn hiểu rõ cần phải lưu ý mấy điểm:

a) Chương này lặp lại và hiệu chính cho hiến chế "Pastor Aeternus" của Công Ðồng Vaticanô I.

b) Bởi vậy, hầu hết là nói về chức Giám Mục, và cũng chỉ mới đề cập được một phần như Công Ðồng Vaticanô I, vì Công Ðồng này hầu như chỉ bàn về quyền tối thượng của Giáo Hoàng. Ðể có một cái nhìn toàn diện, có lẽ nên đề cập tới cả hai Công Ðồng. Còn khá nhiều vấn đề thần học chưa được giải quyết. Hy vọng một Công Ðồng mai hậu sẽ có thể đạt được một sự tổng hợp mà chúng ta không có.

Văn thể và bút pháp chương này khác xa với hai chương trước. Văn thể của hai chương trước bàng bạc Thánh Kinh, còn văn thể ở đây cứng chắc hơn, ít biểu tượng hơn và rõ rệt hơn theo quan điểm pháp lý. Vả lại, bản văn đã được bàn cãi nhiều khiến có thể nhận ra ngày nó đã được làm đi làm lại, đầy những chú thích và sửa chữa. Bởi vậy đôi khi bản văn trở thành nặng nề và rắc rối (khiến văn phòng Tổng Thư Ký của Công Ðồng đã phải thêm phần phụ trương sau cùng, tức phần "Chú thích sơ khởi").

Dầu vậy kết cấu nội tại cũng sáng sủa và bao gồm:

- Một phần nhập đề: cho biết nội dung của chương và xác định rõ rệt mục đích mà Công Ðồng muốn đề ra.

- Bốn tiểu mục về:

(1) Nguồn gốc chức Giám Mục (các số 19-21).

(2) Giám Mục Ðoàn, một vấn đề được thảo luận sôi nổi (các số 22-23).

(3) Thừa tác vụ Giám Mục và những quyền hành của Giám Mục (các số 24-27).

(4) Những thừa tác viên cấp dưới: Linh Mục và Phó Tế (các số 28-29).

Nội dung của chương này bàn về cơ cấu phẩm trật trong Giáo Hội. Dân Chúa là một dân có tổ chức, một cộng đoàn chứ không phải là một đám đông ô hợp, trong đó có quyền bính được thi hành trong Giáo Hội và trên Giáo Hội do các Tông Ðồ và các người kế vị hoặc các cộng tác viên tuyển chọn và chỉ định. Công Ðồng cũng xác định 3 đặc tính của quyền bính này:

a) Ðây là một thứ quyền bính được ủy thác: không chỉ thi hành nhân danh Chúa Kitô mà thôi, nhưng còn phải biểu lộ Chúa Kitô phục sinh hiện diện trong Giáo Hội của Người; quyền bính ấy phải được Thánh Thần Chúa Kitô hỗ trợ.

b) Quyền bính không phải là để thống trị, nhưng là để phục vụ cho cộng đoàn; việc phục vụ trước hết là giảng huấn Lời Chúa và thông ban ơn Ngài qua bí tích; còn việc điều hành và cai trị chỉ là phụ. Các vị thủ lãnh Giáo Hội là những người cha trong đức tin và là những thừa tác viên của bí tích.

c) Quyền bính là do Chúa ban, nhưng liên lạc mật thiết với cộng đoàn; và theo kiểu nói của Thánh Kinh, quyền bính có sứ mệnh "chăn dắt" cộng đoàn.

1 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor aeternus: Dz 1821 (3050t).

2 Xem CÐ Firenze, Decretum Pro Graecis: Dz 694 (1307) và CÐ Vat. I, n.v.t.,: Dz 1826 (3059).

24* Số 18: Nhập đề.

Số này liên kết chương II và chương III lại với nhau. Chúa Kitô muốn thiết lập phẩm trật vì lợi ích cho toàn thể Giáo Hội. Phẩm trật vừa như là một trong những thừa tác vụ được Chúa Kitô thiết lập, vừa như là một công cuộc phục vụ huynh đệ cho tất cả Dân Chúa. Khác với Vaticanô I vì coi phẩm trật như một dữ kiện tiên quyết, Công Ðồng Vaticanô II lại khởi đầu từ Dân Chúa, sau đó mới cho biết phẩm trật là để phục vụ Dân ấy.

25* Tiểu mục 1: (các số 19-21) Về nguồn gốc chức Giám Mục.

3 Xem Liber Sacramentorum của T. Gregoriô, kinh tiền tụng ngày sinh nhật của Thánh Mattheô và Tôma: PL 78,51 và 152; xem Cod. Vat. Lat. 3548, f. 18. T. Hilariô, In Ps. 67,10: PL 9,450; CSEL 22, trg 286. T. Hieronimô, Adv. Jovin. 1,26: PL 23, 247A. T. Augustinô, In Ps. 86,4 : PL 37, 1103. T. Gregoriô Cả, Mor. in Job, XXVIII, V : PL 76 455-456. Primasiô, Comm. in Apoc. V : PL 68, 924 BC. Paschasiô Radb. In Mt, c. VIII, ch. 16: PL 120, 561C. Xem Leô XIII thư Et Sane, 17-12-1888 : AAS 21 (1888), trg 321.

26* Số 19: Sứ mệnh và việc thiết lập Mười Hai Tông Ðồ.

Nhóm Tông Ðồ được Chúa Kitô tuyển chọn là một nhóm có cá tính riêng mà Công Ðồng đã nêu ra những đặc điểm như sau: họ sống với Chúa, được Chúa sai đi rao giảng Nước Trời, họ liên kết thành một Tông Ðồ Ðoàn, và có một thủ lãnh. Khó khăn là ở điểm thứ ba này, vì người ta có thể hiểu từ ngữ Tông Ðồ Ðoàn theo nghĩa hoàn toàn pháp lý. Nhưng đây không phải thế, vì Công Ðồng không xử dụng từ ngữ theo nghĩa pháp lý, nhưng theo nghĩa là một nhóm cố định, do Chúa thiết lập (x. số 1 của phần "Chú thích sơ khởi"). Ðặc tính Tông Ðồ Ðoàn còn được biểu lộ qua sự kiện chỉ mình Phêrô là thủ lãnh của nhóm. Quả quyết sự hiện hữu của Tông Ðồ Ðoàn là để chuẩn bị quả quyết về Giám Mục Ðoàn (số 22).

4 Xem CvTđ 6,2-6. 11-30; 13,1; 14,23; 20,17; 1Th 5,12-13; Ph 1,1; Col 4,11 và nhiều chỗ khác.

5 Xem CvTđ 20,25-27; 2Tm 4,6t so sánh với 1Tm 5,22; 2Tm 2,2; Tit 1,5. T. Clementê thành Roma, Ad Cor. 44, 3: x.b. Funk, I, trg 156.

6 T. Clementê thành Roma, Ad Cor, 44, 2 : x.b. Funk, I, trg 154t.

7 Xem Tertullianô, Praescr. Haer. 32 : PL 2,52t. T. Inhaxiô Tử đạo, nhiều chỗ khác.

8 Xem Tertullianô, Praescr. Haer. 32: PL 2,53.

9 Xem Ireneô, Adv. Haer. III, 3,1: PG 7,848A; Harvey 2,8; Sagnard, trg 100: "Manifestatam".

10 T. Ireneô, Adv. Haer. III, 3,1 : PG 7,847 ; Harvey 2,7 ; Sagnard, trg 100: "Custoditur", xem, n.v.t., IV, 26,2 : cột 1053; Harvey 2,236, cả IV, 33,8: cột 1077; Harvey 2,262.

11 T. Inhaxiô Tử đạo, Philad., lời mở đầu: x.b. Funk I, trg 264.

12 T. Inhaxiô Tử đạo, Philad., I,1; Magn. 6,1: x.b. Funk I, trg 264 và 234.

13 T. Clementê thành Roma, n.v.t., 42,3-4; 44, 3-4; 57,1-2: x.b. Funk, I, trg 152, 156, 171t. T. Inhaxiô Tử đạo, Philad., 2; Smyrn. 8; Magn. 3; Trall.7: x.b. Funk I, trg 265t.; 281; 232; 246t. v.v� T. Giustinô, Apol., 1,65: PG 6,428; T. Cyprianô, Epist., nhiều chỗ khác.

14 Xem Leô XII, Tđ. Satis cognitum, 29-6-1896: AAS 28 (1895-96), trg 732.

15 Xem CÐ Trentô, Sắc lệnh De sacr. Ordinis, ch. 4: Dz 960 (1768); CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor aeternus, ch. 3: Dz 1828 (3061). Piô XII, Tđ Mystici Corporis, 29-6-1943: AAS 35 (1943), trg 209 và 212, CIC, kh. 329 đoạn 1.

16 Xem Leô XIII, thư Et Sane, 17-12-1888: AAS 21 (1888), trg 321t.

27* Số 20: Công Ðồng dạy rằng do việc Chúa thiết lập mà các vị Giám Mục trở nên những người kế vị các Tông Ðồ, và với tước hiệu ấy, các ngài là những mục tử chăn dắt Giáo Hội. Trong đoạn này người ta đã cố gắng đưa ra những nhận xét để đánh giá trị một cách chính đáng bao nhiêu có thể những lời chứng của truyền thống. Lịch sử của truyền thống về sự kế vị và về các chứng tá chính yếu một khi được trình bày rồi, Công Ðồng mới quả quyết hai điểm quan trọng ở đoạn c:

a) Sự trường tồn của thừa tác vụ tông đồ nơi các Giám Mục để chăn dắt Giáo Hội Chúa.

b) Và kết quả của sự trường tồn ấy là: các Giám Mục là những người kế vị các Tông Ðồ. Công Ðồng không muốn định tín giáo lý này, nhưng giảng dạy một cách chắc chắn, vì xử dụng những kiểu nói chuyên biệt "Thánh Công Ðồng dạy rằng". Sự kế vị là do Chúa lập, nhờ đó mà các Giám Mục trở thành mục tử Giáo Hội. Công Ðồng không đi vào vấn đề xem các Giám Mục có được thừa kế các đặc quyền riêng biệt của các Tông Ðồ hay không, nhưng chỉ minh nhiên quả quyết tông vụ chăn dắt Giáo Hội Chúa được nối tiếp nơi các Giám Mục.

17 Xem T. Leô Cả, Serm. 5,3: PL 54,154.

18 CÐ Trentô, khóa 23, ch. 3, trích 2Tm 1,6-7 để chứng minh phép truyền chức thánh thực sự là một bí tích: Dz 959 (1766).

19 Trong Trad. Apost. 3, x.b. Botte, Sources Chrétiennes, trg 27-30, Giám Mục có chức linh mục cao nhất (primatus sacerdotii). Xem Sacramentarium Leonianum, x.b. C. Mohlberg, Sacramentarium Veronense, Roma, 1955, trg 119: "ad sumni sacerdotii ministerium... Comple in sacerdotibus tuis mysterii tui summam"... n.t., Liber Sacramentorum Romanae Ecclesiae, Roma, 1960, trg 121-122: "Lạy Chúa, xin ban cho họ ngai giám mục để họ điều khiển Giáo Hội Chúa và toàn dân": x. PL 78, 224.

20 Xem Trad. Apost. 2: x.b. Botte, trg 27.

21 Xem CÐ Trentô, khóa 23, ch. 4, dạy rằng bí tích truyền chức in dấu không hay mất: Dz 960 (1767). Xem Gioan XXIII, huấn từ Jubilate Deo, 8-5-1960: AAS 52 (1960), trg 466. - Phaolô VI, bài giảng tại giáo đường Vaticanô, 20-10-1963: AAS 55 (1963), trg 1014.

22 T. Cyprianô, Epist. 63,14: PL 4, 386; Hartel, IIIB, trg 713: "Linh mục thực sự hoạt động thay Chúa Kitô". T. Gioan Kim Khẩu, In 2 Tim, bài giảng 2,4 ; PG 62,612: Linh Mục là "hình ảnh" (symbolon) của Chúa Kitô. T. Ambrosiô, In Ps 38,25-26: PL 14,1051-52: CSEL 64,203-204. Ambrosias-ter, In 1 Tim 5,19: PL 17,479 C và In Eph. 4,11-12: cột 387. C. Theodorô Mops., Hom. Catech. XV, 21 và 24: x.b. Tonneau, trg 497 và 503. Hesychio Hieros., In Lev. L. 2, 9,23: PG 93,894 B.

28* Số 21: Bí tích tính của chức Giám Mục.

Bố cục của số này như sau: điểm quả quyết trong số 20 (chính Chúa đã lập các Giám Mục kế vị Tông Ðồ làm mục tử Giáo Hội) được bổ túc bằng ba xác định mới:

(1) Chúa Kitô hiện diện giữa tín hữu trong con người của Giám Mục.

(2) Sự hiện diện ấy được chuyển đạt qua các nghi thức đặt tay, là nhờ hồng ân thiêng liêng của Chúa Thánh Thần.

(3) Và như vậy, sự kế vị các Tông Ðồ được chuyển trao nhờ một bí tích là bí tích truyền chức Giám Mục.

Chức Giám Mục là chức linh mục tối thượng. Qua việc truyền chức, vị Giám Mục lãnh nhận sự sung mãn của bí tích truyền chức. Việc truyền chức đem đến cho vị Giám Mục 3 nhiệm vụ: thánh hóa, giảng dạy và cai trị (x. các số 25-27). Công Ðồng đã soạn thảo đoạn này để giải quyết cho xong cuộc bàn cãi về bí tích tính của chức Giám Mục, vì có một số người chỉ coi đó là một hình thức bổ túc cho chức linh mục. Do đó mà từ nay phải nhìn bí tích truyền chức nơi vị Giám Mục chứ không phải nơi Linh Mục, vì Linh Mục chỉ tham dự vào sự sung mãn của chức tư tế Giám Mục (x. số 28). Như thế con đường đã được chuẩn bị để quả quyết về Giám Mục Ðoàn.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC

Đức TGM. Leopoldo Girelli,  Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, thăm mục vụ giáo phận Thanh Hóa

 

WHĐ (02.12.2011) – Như tin đã đưa, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam hiện đang thăm viếng mục vụ một số giáo phận của giáo tỉnh Hà Nội. Kể từ khi được bổ nhiệm làm Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam ngày 13-01-2011, đây là lần thứ năm Đức TGM Girelli đến với Giáo Hội Việt Nam. Trong lần này, ngài đã đến thăm giáo phận Hưng Hóa (từ 25 đến 28/11/2011), giáo phận Phát Diệm (từ 28 đến 30/11/2011). Dịp này ngài cũng tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập giáo phận Thái Bình (ngày 1/12/2011).

Theo chương trình, từ ngày 1 đến 3/12, Đức Tổng giám mục Girelli đến thăm giáo phận Thanh Hóa. Tại đây ngoài việc gặp gỡ giáo dân thuộc các giáo xứ Chính Tòa, Tam Tổng và Ba Làng, Đức TGM Girelli cũng thăm trại tâm thần Gia Hà, Dòng Mến Thánh Giá và nói chuyện với các tu sĩ và linh mục đoàn giáo phận. Sau Thanh Hóa, Đức Tổng giám mục Girelli sẽ đến giáo phận Vinh, tiếp tục chương trình viếng thăm mục vụ Giáo Hội Việt Nam.

 

Sau đây là lời chào mừng của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận Thanh Hóa, trong lễ đón Đức Tổng giám mục Girelli tại giáo xứ Tam Tổng.

Diễn văn chào mừng Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli

của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận Thanh Hóa

(1-12-2011)

Trọng kính Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli,

Đại diện của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại Việt Nam,

Chương trình viếng thăm giáo phận Thanh Hóa của Đức Tổng chỉ kéo dài gần hai ngày, từ 15g ngày 01-12 đến 13g ngày 03-12-2011. Tuy thời gian chỉ vắn vỏi có thế, chúng con cũng cố gắng xếp đặt thế nào để Đức Tổng có thể đi xuyên qua và chúc lành cho khắp lãnh thổ giáo phận chúng con, ít là tại ba tụ địa điểm quan trọng nhất: hôm nay Đức Tổng thăm vùng cực Bắc, nơi giáp ranh với giáo phận Phát Diệm; ngày mai 02-12, Đức Tổng sẽ cử hành lễ tại Nhà thờ Chính tòa trung tâm giáo phận và ngày cuối cùng, ngày 03-12-2011, Đức Tổng sẽ thăm giáo xứ Ba Làng thuộc vùng cực Nam của giáo phận.

Nơi Đức Tổng hiện đang có mặt là giáo xứ Tam Tổng, với 9500 tín hữu, là giáo xứ đông thứ nhì trong giáo phận. Giáo xứ này thuộc giáo hạt Nga Sơn, là giáo hạt có tỉ lệ công giáo đông nhất trong toàn tỉnh. Chúng con chọn nơi này làm trạm đầu tiên để đón tiếp Đức Tổng vì chúng con nghĩ rằng tại đây, con số người được may mắn gặp Đức Tổng sẽ đông nhất và như vậy lời chào đầu tiên của giáo phận Thanh Hóa cũng hùng hậu nhất.

Chúng con vô cùng biết ơn Đức Tổng đã nhận lời về thăm giáo xứ chúng con. Đây là một vùng nông thôn xa xôi, đa số chỉ làm những nghề khiêm tốn là ruộng nước và trồng cói dệt chiếu. Sự có mặt của Đức Tổng tại đây mang đầy tính Tin Mừng: Đức Tổng đã chọn người nghèo làm đối tượng thăm viếng ưu tiên.

Đây quả là một biến cố lịch sử cho giáo phận chúng con: lần đầu tiên chúng con được hân hạnh đón tiếp một vị đặc sứ của Đức Thánh Cha. Người Việt Nam chúng con vốn có truyền thống hiếu khách. Chúng con rất vui khi được ai đến thăm. Nhưng đối với Đức Tổng, chúng con không chỉ đón tiếp một vị thượng khách, chúng con còn đón tiếp vị đại diện của Đức Thánh Cha mà chúng con hết lòng yêu mến. Đã từ bao năm, chúng con ước mong Đức Thánh Cha đến thăm Việt Nam. Nhưng cho đến nay, do hoàn cảnh chưa thuận lợi, giấc mơ đó không biết đến bao giờ mới thành hiện thực. Đức Tổng quả là một món quà tinh thần bù đắp cho nỗi mong chờ của chúng con.

Chúng con vô cùng cám ơn Đức Tổng đã đem phép lành và hơi ấm của vị Cha Chung Giáo Hội hoàn vũ về cho chúng con. Chúng con muốn nói lên sự trân trọng, lòng biết ơn của chúng con đối với Đức Tổng và qua Đức Tổng, chúng con muốn biểu lộ tình con thảo của chúng con đối với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Hơn bao giờ hết chúng con như sờ mó được tình hiệp thông rộng lớn, bền vững và tuyệt vời của một “Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”.

Với những tâm tình đó, chúng con xin kính dâng Đức Tổng Đại diện Đức Thánh Cha lời chào quý trọng nhất, thân thương nhất và vui mừng nhất của 138.000 người con giáo phận Thanh Hóa.

Chúng con đồng kính bái,

Giuse Nguyễn Chí Linh

Giám mục giáo phận Thanh Hóa
 

VỀ MỤC LỤC

Tôi hiệp thông với mọi nạn nhân và mọi người đang tranh đấu trước bạo quyền


 

VRNs (03.11.2011) - Sài Gòn - Ngay khi tin tức về cuộc tấn công và bắt bớ các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà, từ Hà Nội loan truyền trên các trang mạng truyền thông, Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long, vị giám mục can trường, nhiệt thành với quê hương, yêu mến Giáo Hội Việt Nam đã có thư bày tỏ và hiệp thông với Dòng Chúa Cứu Thế và Thái Hà. Lá thư mang tâm tình tràn đầy yêu mến của vị mục tử, của một con dân nước Việt.

————
 

Chào anh Thành (Giám Tỉnh), & các anh em DCCTVN,
 

Tôi rất xúc động trước những biến cố đang liên tục xảy đến cho các anh em và giáo dân tai GX Thái Hà, nhất là sự kiện công an Hanoi tấn công, bắt bớ và hành hung dã man đối với các anh em và giáo dân trong khi biểu tình ôn hòa vì những bất công mà chính chính phủ Hanoi là thủ phạm. Tôi muốn bày tỏ sự hiệp thông sâu xa đến mọi nạn nhân và mọi người đang can đảm tranh đấu trước bạo quyền. Tôi muốn dùng lời Đức Kitô để nhắn nhủ mọi người: “Đừng sợ những người chỉ làm hại thân xác mà không thể làm hại linh hồn!” Xin Thiên Chúa Đấng đã chiến thắng sự dữ và tà thần qua sự chết và sống lại của Đức Kitô luôn ở cùng anh chị em cho dến ngày viên mãn của công lý và sự thật.
 

Thân ái,

+ Vincent Long

VỀ MỤC LỤC
LÀM ĐẸP
 

Mục đích chính của việc trang sức là tạo nét đẹp. Có nhiều cách làm đẹp. Lần nọ, mình gặp được câu hỏi như thế này: “Có một loại trang sức không hề tốn tiền mua sắm nhưng lại làm cho bạn đẹp lạ lùng khi mang nó. Đó là gì?” Chắc hẳn bạn đã biết câu trả lời nên mình khỏi cần đưa ra đáp án ở đây.

Ai cũng muốn mình đẹp. Tuy vậy, không phải ai cũng biết cách làm đẹp. Có người càng làm đẹp thì càng đánh mất đi vẻ đẹp nơi mình vì làm sai phương pháp.

Có nhiều cái đẹp khác nhau. Có cái đẹp làm người ta sửng sốt. Có cái đẹp làm người ta thấy tủi thân. Có cái đẹp gây ra ghen tức. Có cái đẹp sau khi làm tò mò con mắt thì chợt lụi tàn. Có cái đẹp khiến người ta trầm trồ vỗ tay nhưng cũng chỉ có thế. Bạn thân mến, mình muốn mời bạn cùng ngắm nhìn một nét đẹp bền vững qua một nhân vật có thật sau đây.

Mình may mắn được gặp em trên dòng đời vì nhờ đó mà mình ngày càng đẹp hơn. Xin cảm ơn em thật nhiều! Em đẹp lắm. Em “trở nên đẹp” vì em biết cách “tự làm đẹp”. Vẻ đẹp của em là vẻ đẹp không phù vân, không tàn úa. Vẻ đẹp của em tự bản chất là một điều đẹp nên lúc nào cũng đẹp. Đứng trước em, người cảm nhận được vẻ đẹp ấy chỉ biết ồ lên một tiếng “Đẹp!” và quý mến tri ân. Vẻ đẹp ấy làm cho người đối diện thấy an lòng, gần gũi. Một vẻ đẹp chẳng ồn ào, chẳng gây tủi hổ. Một vẻ đẹp thanh thoát. Một vẻ đẹp ấm áp thân thương. Một vẻ đẹp thánh thiện khiến tâm hồn được nâng lên cao.

Như đã nói, em “trở nên đẹp” vì em biết cách tự “làm đẹp”. “Trở nên đẹp” vì đó là một tiến trình được xây đắp từ nhiều lựa chọn. Nó không nằm sẵn đó khi em chào đời. Nó cũng không từ trên trời rơi xuống. Nó là lựa chọn “trở nên” đẹp của chính em. Để trở nên đẹp, có lúc em phải can đảm đánh đổi một số điều trong cuộc sống.

Em biết cách tự “làm đẹp”. Cách của em ai cũng có thể làm được nếu họ muốn trở nên đẹp như em. Đẹp như em là đẹp bền vững, đẹp thẳm sâu, đẹp an lành, đẹp chạm vào linh hồn. Xin mời bạn cùng chiêm ngưỡng cách “tự làm đẹp” của em:

Em điểm tô đôi mắt mình bằng ánh nhìn hiền dịu nhân ái. Đôi mắt em là đôi mắt biết nói, nói lên rằng người đang ở trong mắt em là một người có nét đẹp. Em hay nhìn thấy những điểm tích cực nơi người khác và chỉ cho họ thấy. Mình quan sát thấy rằng sở dĩ em có thể khen người khác là vì tâm hồn em đẹp quá nên thấy đâu cũng có hồng ân. Lời khen dành cho người khác là một biểu hiện của nét đẹp bên trong em.

Môi em được đặt lên một nụ cười tươi tắn.

Miệng em mở những lời nói đầy mến thương.

Em gắn lên đôi tai sự kiên nhẫn lắng nghe và cảm thông.

Em chăm sóc bàn tay bằng cách mở ra chia sẻ với tha nhân những hồng ân em lãnh nhận, cho đi mà không hề muốn người khác mang ơn hay đáp trả.

Em tạo nét duyên dáng độc đáo khi chủ động bước chân đến với anh chị em đang cần được an ủi đỡ nâng.

Tâm trí em được làm cho phong phú lành mạnh bằng việc cầu nguyện mỗi ngày trong ca ngợi và tạ ơn.

Còn trái tim thì em giữ cho thật ấm áp bằng lửa yêu thương.

Em điều hòa hơi thở bằng phương pháp “vui với người vui, khóc với người khóc.” Ai may mắn hạnh phúc em hân hoan cùng họ. Ai tủi thân lỡ phận em tế nhị cảm thông.

Nếu bạn đã từng gặp hay sẽ gặp em trên dòng đời, bạn sẽ cảm và hiểu được cái đẹp trổi vượt nơi em. Nó có sức khơi dậy niềm vui và lan toả bình an.

Đôi điều về vẻ đẹp nơi em, xin được trân trọng giới thiệu để chúng mình cùng học hỏi mà làm cho cuộc sống của ta đẹp một cách bền vững hơn và chân thật hơn.

Nếu bạn vẫn còn thắc mắc về câu hỏi lúc đầu, bạn chỉ cần nhìn em lúc em cười, bạn sẽ tìm thấy ngay câu trả lời.

Chúc bạn làm đẹp thành công!

 

Lm Jos.Tuấn Việt,O.Carm

 
VỀ MỤC LỤC
TẠI SAO PHẢI THỰC HÀNH ĐỨC BÁC ÁI KITÔ GIÁO ?
  

Thiên Chúa là tình yêu, nên ai yêu thương thì ở trong Thiên Chúa ngay từ đời này chứ không cần phải chờ đến sau khi chết mới được sống hạnh phúc với Chúa trên Nước Trời, là nơi đầy yêu thương, an bình và vui sướng vĩnh cửu.

Vì thế, thật là cần thiết cho mọi người có niềm tin Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành phải thi hành cách nồng nhiệt  điều răn yêu thương mà Chúa Kitô đã  trả lời cho  một kinh sư  đến hỏi Chúa về điều răn nào lớn nhất.. Chúa nói:

Điều răn đứng đầu là , Nghe đây : hỡi Israel, Đức Chúa Thiên Chúa của chúng ta, là Thiên Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mên Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là : ngươi phải yêu người  thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào trọng hơn các điều răn đó.” ( Mc 12 :  29-31; Mt 22:  34-40)

Có thể nói :Đạo thánh hay Tin Mừng  mà Chúa Kitô mang xưống từ trời để dạy cho muôn dân được cứu rỗi và hưởng  hạnh phúc muôn đời có thể được thâu tóm  trong hai điều răn quan trọng nói trên. Ai mến yêu Chúa thì yêu mến sự thiện, sự lành, và do đó, xa tránh sự dữ, sự gian ác và mọi tội lỗi vì Thiên Chúa chê ghét mọi tội lỗi và những gì nghịch cùng bản chất  thiện hảo, thánh thiện, yêu thương  của Người.

Vì Chúa là tình thương  tuyệt  đối, nên yêu thương, bác ái là tiêu chuẩn, là thước đo  Thiên Chúa sẽ dùng để`phán đoán con người là loài có lý trí và tự do bao lâu còn sống trên đời này. Đó là lý do vì sao Thánh Phaolô đã nói với các  tín hữu Cô-Rin-Tô xưa kia như sau:

“ Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến

Cả ba đều tồn tại

Nhưng cao trọng hơn cả  là đức mến”. ( 1 Cor 13: 13)

Đức mến cao trọng hơn cả vì nó chính là bản chất của Thiên Chúa , Đấng đã vì yêu thương  vô vị lợi, nên đã tạo dựng  và cứu chuộc con người nhờ Chúa Kitô, Đấng cũng vì yêu thương  mà đã vui lòng xuống trần gian, trở nên Con Người thật  về mọi phương diện, trừ tội lỗi  để tự hiến mình làm hy tế dâng lên Thiên Chúa Cha để đền tội thay cho nhân loại đáng phải phạt vì tội lỗi. Chính Chúa Giêsu cũng đã nên gương mẫu cho chúng ta về đức ái khi Người yêu thương và cầu nguyện  cho cả  những kẻ đã sỉ nhục và đóng đinh Người, như ta đọc thấy trong Tin Mừng Thánh Luca :

  “ Lậy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.” ( Lc  23: 34)

Ngoài ra, cũng vì yêu thương mà  trong suốt ba năm đi rao giảng Tin Mừng Cứu độ, Chúa Giêsu đã chưa lành cho biết bao bệnh nhân, những người  người câm, điếc, đui,  mù, què  và bị quỷ ám. Chúa cũng đã làm phép lạ biến bánh và cá ra  nhiều cho trên năm ngàn người ăn no nê, khi họ đi theo Chúa để nghe Người giảng dạy mà không có của ăn cuối ngày.. Đặc biệt Chúa đã  chữa   cho  10 người  phong  cùi  được lành, nhưng chỉ có một người  ngoại trở lại cám ơn Chúa.! ( Lc 17: 11-18)

Vì chính  Chúa đã  nêu gương yêu thương, bác ái nên Người cũng  các môn đệ xưa kia và tất cả chúng  ta ngày nay  là  những kẻ tin yêu Người, phải yêu thương và cầu nguyện cho cả kẻ thù nữa, vì có như vậy thì mới xứng đáng là “ con cái của Cha anh  em , Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” ( Mt 5: 45)

Như Thế, có thể nói đức mến hay đức ái là thước đo chính xác của đức tin. Nghĩa là, Ai yêu mến nhiều thì có đức tin mạnh và chân thật hơn kẻ dửng dưng hay chê ghét người khác. Chân lý này thật đúng khi áp dụng vào đời sống người tín hữu Chúa Kitô., Đấng “đã hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người”. ( Mt 20:28)

Do đó, là tín hữu Chúa Kitô, chúng ta được mời  gọi không những sống đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng mà nhất là  thực thi đức ái cách sâu đậm để “ người khác thấy những công việc tốt  đẹp anh  em làm mà tôn vinh Cha của  anh  em Đấng ngự trên Trời.”( Mt 5: 16)

Thực thi đức ái không những đòi hỏi phải yêu người khác như yêu chính mình mà còn phải thể hiện tình thương đó bằng việc bác ái cụ thể như Thánh Gia-cô-bê đã khuyên dạy như sau:

Giả như có người anh  em hay chị em không có áo che  thân, và không đủ  của  ăn hàng ngày mà có ai trong anh  em lại nói với họ :” hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no” nhưng lại không cho họ những  thứ  thân xác  họ đang cần thì nào có ích gì ?( Bc 2 :15-16)

Câu “có thực mới vực được Đạo” được áp dụng thích đáng  trong trường hợp này. Nghĩa là đức ái phải có việc làm đi kèm để chứng minh. Chúa Giêsu cùng vì  muốn chứng tỏ  lòng yêu  thương con người tội lỗi mà đã hy sinh, vui lòng vác thập giá, chịu mọi khổ hình  và chết nhục nhã trên thập giá để  đền tội cho cả loài người và cho chúng ta hy vọng  được sống hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa trên Nước Trời mai sau.

Phải nói có hy vọng thôi chứ không bảo đảm chắc chắn mãi mãi, vì con người còn có tự do để chọn  lựa sống theo đường lối của Chúa hay khước từ  Chúa để sống theo ý riêng  mình và làm những sự dữ đối nghich với tình thương, công bằng và thánh thiện của Thiên Chúa. Nói rõ hơn, dù công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là vô giá và đủ cho ta được cứu rỗi, nhưng nếu ta không cộng tác với ơn Chúa để quyết tâm sống Tin Mừng Cứu Độ  là mến Chúa , yêu người và xa tránh mọi tội lỗi thì công nghiệp cứu chuộc của Chúa  cũng trở nên vô ích, nghĩa là Chúa  không thể cứu những ai thiếu thiện chí cộng tác đó.

Một trong những phương thế hữu hiệu để cộng tác vào ơn cứu độ của Chúa  Kitô là thực thi đức ái cách nồng  nàn theo gương Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương con người quá độ đến mức hy sinh cả mạng sống mình cho chúng ta,  như Chúa đã nói với các môn đệ xưa “ không ai có tình thương lớn hơn  tình thương của người  hy sinh mạng sống  mình  cho bạn hữu.” ( Ga 15: 13)

Chúa gọi chúng ta là bạn hữu nghĩa thiết của Người và Chúa đã chết cho tình thân đó.

Như vậy, về phần chúng ta, chúng ta phải làm gì để đề đáp lại tình thương quá cao vời đó của Chúa Cứu Thế Giêsu? Phải chăng chúng ta cũng  phải yêu thương ,tha thứ cho nhau như Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta ?

Trong thời Cựu Ước, Ông Tôbia là người  đã sống  đức ái cách nồng nàn và cụ thể là chuyên  đi chôn xác kẻ chết,  và còn dạy con trai ông phải làm việc từ thiện như sau:

  “ Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa  cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ.Tùy con có bao nhiêu hãy cho bấy nhiêu…Thật vậy, việc bố thí cứu cho khỏi chết và không để rơi vào cõi âm ty. Vì trước Nhan Đấng Tối Cao, của bố thí là một lễ vật quý giá cho những ai làm việc bố thí.” ( Tb 4: 7-11

Trái ngược với gương bác ái của ông Tobia, Tin Mừng Thánh Luca kể cho chúng ta dụ ngôn về người nghèo La-za-rô và người giầu có không có lòng bác ái.Người giầu có hàng ngày ăn uống linh đình trong khi người nghèo La-za-rô ngồi ăn xin  ở cửa mà không được người giầu có kia bố thí cho chút của  ăn dư thừa. Cuối cùng cả hai đều chết. Nhưng người giầu có bị phạt  xuồng  âm phủ..còn Laza rô được lên Thiên Đàng bên Tổ Phụ Abraham.( Lc 16 : 19-23). Người giầu bị phạt không phải vì tội giầu có khi còn sống trên trần gian mà bị phạt vì tội thiếu bác ái, không thương bố thí chút gì cho người  nghèo Lazarô hàng ngày ngồi ăn xin ở của nhà mình.

Cụ thể hơn nữa, Tin Mừng Thánh Matthêu, chương 25 nói về ngày Phán Xét chung khi Chúa sai Thiên Thần phân chia con người ra thành hai loại, như người mục tử  tách chiên ra khỏi dê.Với những người đứng bên hữu, Chúa sẽ nói với họ như sau:

Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thủa tạo thiên lập địa.Vì  xưa Ta đói các người đã cho ăn. Ta khát các ngươi đã cho uống. ..Ta đau yếu các người đã  thăm nom.Ta ngồi tù các ngươi đã thăm viếng…” 

Ngược lại, Với những người đứng bên trái, Chúa phán: “ 

“ Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta, mà vào lửa đời đời, nơi dành  sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.. vì xưa ta đói các ngươi không cho ăn, Ta khát các ngươi không cho uống…” ( Mt 25 :34- 42)

Như vậy, rõ ràng  cho thấy  tiêu chuẩn để  Chúa phán xét  con người là đức ái, tức là lòng thương yêu kẻ  Khác như chính  mình. Ai không yêu thương anh chị em mình và giúp đỡ họ khi họ gặp gian nan khốn khó, thì Chúa coi như đã không bác ái với chính Chúa, vì Người  thực sự  hiện diện nơi những  anh chị em  nghèo đói, đau yếu và bị tù đầy như dụ ngôn trên đã  chuyển một thông điệp cảnh báo cho chúng ta đang sống  trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, nơi có sự chênh lệch  to lớn giữa những người quá  giầu có, dư thừa bên cạnh những  người nghèo đói, thiếu  thốn mọi sự tối cần cho mộtđời sống  xứng hợp với phẩm giá con người.

Chúa đang thách đố chúng ta nhìn thấy Người hiện diện nơi những anh chị em nghèo đói, bệnh tật và kém may mắn đó. Họ là  nạn nhân của mọi bất công xã hội và dửng dưng của  nhiều người giầu có nhưng thiếu bác ái, thiếu cảm thương đồng loại đang phải gặp cảnh cơ bần, gian nan đau khổ của mình.

Tóm lại, không thể mến Chúa cách  đẹp lòng Người  mà  không yêu thương, thực thi   bác ái đối với anh chị em mình đang cần được  thương giúp  về mọi mặt, tinh thần và  vật chất, như ủi an, tiền bạc, cơm áo, nhà ở  và  thuốc  men…

Vậy,  ai là người dám sống và thực hành đức  bác ái với mọi người không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ  và địa  vị xã hội  để nên nhân chứng tình yêu cho Chúa trước bao  nhiêu người chưa  biết Chúa  và  đang dửng dưng với những người nghèo khó, đói khát, bệnh tật và vô gia cư ở khắp nơi, đặc biệt là ở quê hương Việt Nam, nơi đầy bất công xã hội, thiếu tình người, thiếu lòng nhân đạo  và tụt hậu thê thảm về  luân thường đạo lý   ?

 

Lm Phanxicô  Xaviê Ngô Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC
SUY NIỆM MÙA VỌNG

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến cảnh, MD.

 

Mùa Vọng là mùa Đợi Trông và Hy Vọng ngày Chúa đến để cứu chuộc nhân loại.

 

Chúa đã đến, đã cứu chuộc chúng ta. Chúng ta đã làm gì để xứng đáng với ơn cứu chuộc ấy? Chúng ta sẽ nói gì và nói làm sao với Chúa ngày Chúa quang lâm trở lại lần thứ hai?

 

Ngày nào chúng ta còn ở trần gian, chúng ta còn phải chờ đợi và cầu xin: “Trời cao hãy đổ sương xuống” và hy vọng “Tầng mây sẽ mưa đấng cứu chuộc” Thánh Gioan Tẩy giả mấy ngàn năm trước đã kêu gọi mọi người chúng ta sửa soạn và dọn đường cho Chúa đến: “Đường quanh co hãy sửa cho ngay, nơi gồ ghề hãy san cho phẳng, hố sâu hãy lấp cho đầy và nơi cao hãy mau bạt xuống” (Mac 1:2-3; Mat.3:1-2)) Ngày nay, Đức Thánh Cha Benedicto XVI nhắc nhở chúng ta qua thông điệp Spe Salvi của ngài, Chúa là Hy Vọng của trần gian.

 

Con người sống nhờ có Hy Vọng. Chúng ta cần có Chúa. Thế giới cần Chúa. Nhưng con người lại luôn luôn ở trong tình trạng thất vọng. Mùa Vọng chính là thời gian thuận tiện nhất để chúng ta cảnh thức tâm hồn mình chờ mong đấng đang đến, đã đến và sẽ đến.” Phải chăng đây là trọng tâm của thông điệp mà Đức Thánh Cha Benedicto XVI muốn nói tới Spe Salvi / Hy Vọng Cứu Chuộc?

 

“Hy Vọng trong Tin Mừng Tân Ước luôn luôn đi sát với Niềm Tin. Hy vọng là tặng vật Chúa ban, khả dĩ có thể biến cải cuộc sống của những ai chấp nhận nó, như các thánh đã từng biểu hiện qua cuộc sống của các ngài.”

 

Thế nào là Hy Vọng? Nó được cấu tạo thế nào để trở thành tuyệt vời và đáng tin cậy khiến chúng ta có thể nói được rằng “Chúng tôi đã được cứu rỗi nhờ có Hy Vọng?

 

Đức Biển Đức XVI trả lời trong thông điệp Spe Salvi: 

  -“ Nó phải được cấu tạo một cách cụ thể qua sự nhân biết Thiên Chúa là CHA toàn thiện và toàn hảo”.

 

  -“Qua cái chết trên thập giá và sự phục sinh khải hoàn, Chúa Kitô đã cho chúng ta thấy Người thương yêu, yểm trợ, giúp đỡ chúng ta hết mình. Lòng yêu thưong trợ lực của Chúa rất vĩ đại qua sự hiệp thông của Người với chúng ta bằng niềm Hy Vọng rất vững bền, sự chết cũng không thể phá vỡ được, bởi lẽ tất cả những ai tin cậy vào Người, là CHA muôn vàn kính yêu thì chắc chắn sẽ được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau”.

 

ƠN CỨU ĐỘ

 

   -“Ngày nay sự phát triển của khoa học -Đức Thánh Cha nói tiếp- hiển nhiên đã giam cầm Niếm Tin và Hy Vọng trong một nhãn quan cá nhân riêng rẽ thảm hại đến độ thế giới cảm thấy cần phải có Chúa, một Thiên Chúa thực sự. Nói một cách khác, thế giới không còn hy vọng nữa”.

 

  -“Khoa học đã giúp rất nhiều cho cuộc sống vật chất của con người nơi trần thế, nhưng lại không thể cứu rỗi được nhân loại”. Con người đã được Tình yêu Chúa cứu rỗi. Tình yêu Hy Vọng đã biến cải cuộc sống con người trở nên tốt lành và hạnh phúc tươi đẹp”.

 

  -“ Đây là loại Tình yêu Hy Vọng và Vẹn Toàn, chắc chắn đã được Chúa bảo đảm, bởi vì Thiên Chúa chính là Tình yêu. Người đã đến với chúng ta qua Chúa kitô, hiến dâng mạng sống cho chúng ta để rồi trong Chúa Kitô Người sẽ trở lại quang lâm lần thứ hai vào ngày tận cùng. Trong Chúa Kitô, chúng ta có Hy Vọng và nhờ Chúa kitô, chúng ta được thức tỉnh chờ ngày Chúa đến”.

 

Do đó  Mùa Vọng phải được thể hiện bắng Bác Ái, bởi vì Hy Vọng và Niềm tin phải được chứng tỏ bằng Tình Yêu.

 

NGÀI CÓ PHẢI LÀ ĐẤNG CHÚNG TÔI MONG ĐỢI KHÔNG?

 

Nhưng Chúa đến với nhân loại như thế nào? Chúa không đến trong cảnh ồn ào tráng lệ nguy nga bên ngoài. Chúa Giêsu còn ẩn mình che dấu sứ điệp của Người khi thánh Gioan bị cầm tù vì đã nói lên sự thật về uy quyền của Chúa. Các môn đệ của Gioan cũng được tràn đầy ơn thánh khi đến thăm viếng thánh Gioan trong tù. Họ không hiểu biết được rõ ràng các biến cố sẽ xẩy ra, nhưng họ rất nôn nao và rúng động vì số phận đang bị cầm tù của thày Gioan mình nên họ đã đến với Chúa Giêsu để nêu thắc mắc với Người về số phận của thánh nhân và của chính họ: “Ngài có phải là đấng chúng tôi mong đợi không?” (Mat.11: 2-4).

 

Họ đã đặt vấn đề và hỏi đúng căn tính của Chúa nên Chúa đã biểu lộ cho họ biết những dấu hiệu về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Lời Người nói chính là dư âm vang vong những lời tiên tri Isaiah mà sau này đã được nhắc lại trong Tin Mừng thánh Matthew:

 

Hãy hân hoan, hỡi sa mạc khô cằn;

“ Đất hoang vu hãy nhảy múa vui mừng.

“ Đâm chồi nảy lộc nở hoa,

“ Và reo hò ca hát liên hoan…

“ Vì vinh quang Lebalon, huy hoàng Carmel, Sharon

….đang đổ tràn trên ngươi.

“ Ngươi sẽ nhận biết Thiên Chúa tráng lệ rực rỡ.

“ Hãy tăng sức cho những bàn tay yếu đuối,

  ….cho những đầu gối ngã quị.

“ Hỡi những tâm hồn  đang hoảng sợ

  …Đừng lo lắng, hăng hái lên!

“ Đây là Thiên Chúa ngươi,

“ Người sẽ đến bênh vực, cứu độ ngươi..

“ Người mù được trông thấy

“ Kẻ  điếc được nghe,

“ Người què quặt bước đi,

“ Kẻ câm được nói..

……Vang âm lời ca tụng Chúa.

“ Những ai được Chúa cứu chuộc

…..sẽ trở về Zion ca tụng vinh danh Chúa,

...… vui hưởng hạnh phúc tràn đầy vô biên.

“ Vĩnh biệt sầu muộn khóc than”.

                 (Isaiah 35: 1-6a, 10 (7A)

 

Chúa đã không nói gì là trừu tượng hoặc cao siêu cả. Người không nói về Thiên Chúa đang ngự trên trời cao thẳm. Người nói về Thiên Chúa đang hành động nơi chúng ta và cho chúng ta. Và các môn đệ của thánh Gioan đã bắt thấy vấn đề là quyền uy Thiên Chúa đang hành động qua tình yêu và nỗi trắc ẩn của Người. Chúng ta được Chúa mời gọi đến để nhận biết khí cụ của lòng yêu thương nỗi trắc ẩn của Thiên Chúa được biểu hiện như là chính Chúa Giêsu Kito vậy.

 

SỰ NGHIỆP CỨU CHUỘC CỦA THIÊN CHÚA

 

Chúa Giêsu đã từ từ nói lời ca tụng thánh Gioan: “ Đây là con người không thể đổi thay như gió mây được, trên đời này không có ai vĩ đại hơn Gioan Tẩy giả.  Ông là người được đặc quyền thông báo Chúa cứu thế đến. Nhưng to tát hơn nữa –Chúa thêm- thánh nhân còn được thông phần nước Thiên Chúa”.

 

Đối với chúng ta, nhiệm vụ không phải là thông báo Chúa đến, nhưng là đón nhận Chúa mà thánh Gioan đã thông báo. Nếu đất trời nảy sinh ra đấng Cứu Thế trong thời đại chúng ta, thì sứ mệnh hàn gắn cứu chuộc cũng phải thông qua sự nghiệp của Thiên Chúa. Đối với thánh Gioan, sự nghiệp này quả là đắt giá vô cùng, ông đã hy sinh mạng sống. Gioan bị chặt đầu. Chúng ta cũng được mời gọi, đặc biệt trong mùa Vọng này, để khấn hứa trở lại  vui mừng hân hoan cam kết làm lành vết thương, hòa giải và đem bằng an cho những người anh em và tha nhân. Chúng ta hãy ca tung Thiên Chúa và mừng vui với mọi người vì chúng ta đã nhìn được và cảm thấy Thiên Chúa Giáng Trần.

 

Mùa Vọng chính là mùa hân hoan háo hức vì chúng ta ý thức được việc chúng ta phải làm để trở nên những thành viên hoạt động đắc lực và hữu hiệu của nước Trời. Mùa Vọng là mùa thể hiện Bác Ái, bởi vì Hy Vọng và Niềm Tin phải được chứng tỏ bằng Tình Yêu với nỗi niềm trắc ẩn cảm thông tự đáy lòng. 

Pace Island, Florida

NTC

 

VỀ MỤC LỤC
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (1)

 

“CON HƯ TẠI MẸ, CHÁU HƯ TẠI BÀ”. 

Câu tục ngữ bình dân của chúng ta đủ cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của người mẹ trong việc giáo dục con cái. Với ảnh hưởng của nền văn hóa Khổng Mạnh, hầu hết những người Việt Nam đều cho rằng người cha là người có bổn phận gánh vác trọng trách lo cho nền kinh tế gia đình, và người mẹ thường đảm trách những công việc nội trợ cũng như vấn đề chăm lo giáo dục con cái. Nhưng trong xã hội kỷ nghệ hóa ngày hôm nay, cuộc sống gia đình cũng như xã hội của con người có phần thay đổi. Trước khi bàn thảo về vấn đề giáo dục và những vấn đề khác, chúng ta cần làm sáng tỏ vai trò đặc biệt của người cha cũng như người mẹ trong gia đình.

 

CHỨC NĂNG CỦA NGƯỜI CHA 

Người cha đóng vai trò rất ư quan trọng trong đời sống gia đình. Ông là mẫu mực của một người đàn ông cần nên có trong đời sống. Vị thế của người đàn ông trong gia đình tùy thuộc vào mẫu mực văn hóa hiện hành của xã hội. Trong những nước mà ở đó người đàn ông được xem là gia chủ, người cha có nhiều quyền hành và quyền lợi. Đối với những đứa trẻ của một người cha như thế, người đàn ông được ban tặng cho nhiều sức mạnh, uy quyền, và dũng lực. Hình ảnh của người đàn ông như thế dầu đã bị bỏ đi trong nhiều gia đình Âu Mỹ nhưng vẫn còn phổ quát trong hầu hết mọi phần của thế giới hôm nay. Hình ảnh người nam thống trị được nhấn mạnh bỡi sự kiện văn hóa nầy là: người nam có vóc dáng to hơn, khỏe hơn, dũng lực hơn, cũng như có tiếng nói mạnh hơn, và người đàn bà cũng thường thích chọn một người đàn ông cao to và khỏe hơn họ. Cứ sự thường, người đàn ông cũng là người kiếm ra tiền để nuôi sống gia đình. Chính sự kiện đó mang lại cho họ có nhiều quyền lợi và làm cho họ trở thành biểu tượng của sự hữu dụng. Trong khi người cha dấn thân vào công việc ở sở hoặc thương mại, lời nói và sự phán đoán của ông là một sự khích lệ hoặc làm chán nản đối với con cái ông trong việc kính trọng công việc làm hoặc công việc thương mại của ông. Thời giờ giới hạn mà người cha dùng cho con cái mình không làm giảm bớt nhưng làm tăng sự quan trọng của mình. Con cái mong chờ đến những giờ phút đó để chúng được quay quần bên bố. Chúng sẽ đón nhận ý kiến của bố, lời chỉ dạy của bố, những gợi ý của bố một cách nghiêm chỉnh bao lâu chúng không được xếp đặt để chống lại bố bỡi người mẹ. 

Dầu những ảnh hưởng của người cha thì rõ ràng, đàn ông thường cảm thấy rằng họ không nên can thiệp vào việc giáo dục con cái. Họ coi đó là bổn phận đặc biệt của người mẹ. Sự rút lui nầy có nhiều lý do tâm lý: trước nhất, chúng ta có thể nói rằng đó là sự trọng kính chân thành đối với khả năng thực hiện bổn phận một cách thích hợp của người mẹ. Dầu những người cha thường có cảm giác không thích hợp đối với việc nuôi nấng con trẻ, họ cũng thường nghi ngờ khả năng của các bà mẹ. Sự rút lui của họ là phương cách qua đó họ để bà làm sự sai lỗi và dành cho họ có quyền đổ lỗi cho bất cứ sự trục trặc nào lên trên người mẹ. Lý do thứ hai là sợ bị khiển trách và sợ bị cho rằng không biết giáo dục. Không nhất thiết là các bà biết nhiều hơn về vấn dề giáo dục. Nhưng không thể phủ nhận rằng các bà thường có nhiều thời giờ cho con cái để chăm lo cho chúng. Đó là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc đời chúng và điều đó cũng cắt nghĩa hơn là minh định sự xa cách của nhiều ông bố. Bất cứ một người cha nào biết quan tâm đến lợi ích của những đứa con mình hơn là tiếng tăm của chính mình sẽ tìm cách giúp người mẹ trong công việc khó khăn nuôi dưỡng con cái.

 

CHỨC NĂNG CỦA NGƯỜI MẸ 

Chức năng của người mẹ hầu hết vẫn còn giữ nguyên như cũ dưới những mẫu văn hóa khác nhau. Nếu sự gần gũi tự nhiên giữa mẹ và con bị trục trặc, cá nhân người mẹ có trách nhiệm. Bình thường người mẹ là người đầu tiên quan tâm và bận rộn với đứa trẻ mới sinh. Bà nuôi nó một cách cẩn thận và dành những tuần lễ đầu tiên gần gũi với đứa trẻ, thõa mãn những nhu cầu thiết yếu của nó. Bất cứ cái gì đứa trẻ làm đều quan trọng đối với bà. 

Sự huấn luyện ngay từ lúc đầu của họ, bằng trò chơi và chỉ dạy, cung cấp cho họ thái độ, cử chỉ được gọi là bản năng mẫu tử, khiến các bà gánh lấy vai trò của người mẹ. Nếu bà biết dùng những cơ hội tự nhiên và không nghịch với vai trò phụ nữ của bà, người mẹ luôn cảm thấy dễ dàng thiết lập một quan hệ thân thiết với đứa trẻ. Mọi đứa trẻ có khuynh hướng dựa vào mẹ bao lâu bà mẹ không làm trắc trở sự phát triển tự nhiên nầy. Ngay cả khi bà mẹ chỉ có thời giờ giới hạn cho đứa trẻ, bà cũng có thể giữ được sự liên hệ nầy. Thật ra, thời giờ cũng đáng kể nhưng không giá trị bằng cách thế chúng ta dùng nó. Không gì có thể can thiệp ảnh hưởng của bà nếu bà có khả năng là một người bạn tốt đối với con bà, nếu bà muốn hiểu nó, nếu bà đứng về phía bên nó như một người bạn trung thành. Đứa trẻ có cái nhìn kính trọng đối với bà mẹ nếu bà tỏ khả năng biết yêu mến nó trong mọi hoàn cảnh cho dầu trong lúc thất vọng.

 

NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THÍCH HỢP CỦA NHỮNG BÀ MẸ 

Quan niệm và hình ảnh về người mẹ được ca tụng bỡi các thi sĩ và các nhà nghệ thuật xem ra ngược với kinh nghiệm mà các bác sĩ tâm thần và các nhà giáo dục có đối với các bà mẹ hôm nay. Trong những con số đáng sợ, chúng ta tìm thấy có rất nhiều bà mẹ là nguyên nhân của sự khốn cùng và không biết thích nghi của biết bao nhiêu đứa con trẻ. Sự thực hiện tình yêu của người mẹ dưới nền văn hóa hiện tại xem ra là một công việc đòi hỏi những đặc tính siêu việt. Tình mẹ, xa với điều được chúc phúc, được vẽ vời tô điểm trong thơ văn cổ, lại trở thành một vũ khí của sự dữ. Dưới danh nghĩa và đội lốp tình mẹ, một người đàn bà chán nản và nổi loạn, thất vọng và thù địch, có thể đòi hỏi một sự ca tụng cho cái thực ra chỉ là một sự ích kỷ, sợ hãi, và thống trị khắc khe của bà.  

Tuy nhiên, cũng thật là vô nghĩa nếu chúng ta cáo buộc các bà mẹ chúng ta vì các bà thật ra cũng chỉ là nạn nhân. Các bà ngày hôm nay đang đối diện với cuộc chiến đấu cho quyền lợi họ. Họ sợ bị xem là giới thấp kém. Họ thất vọng trong tương quan với các ông cũng như trong những kinh nghiệm hôn nhân. Họ chiến đấu để có chỗ trong văn hóa chúng ta tương xứng với tài năng và khả năng của họ. Không phải toàn thể các bà đều không trưởng thành, không vững trong vấn đề tình cảm, chưa chín chắn trong vấn đề luân lý và tinh thần, và chưa phát triển về mọi mặt nếu đem so sánh với các ông. Các bà cũng thường được miêu tả như là không có khả năng suy nghĩ trong những từ trừu tượng thật ra cũng là một sự chọn lựa trước cho chức vụ. Các bà rất nhạy cảm đối với sự hữu dụng, điều nầy có được nhờ những thế hệ trước đã phải trải qua dưới những điều kiện khắc khe giới hạn những hoạt động của họ như là một giới thấp hèn và được đòi hỏi để phục vụ cho giới đàn ông có ưu thế hơn. Như một kết quả, các bà thường có thói quen cảm được những giá trị thật và ít rơi vào những tưởng tượng nguy hiểm mà những đầu óc các ông thường hay mắc phải. Vậy thì tại sao có nhiều bà ngày hôm nay lại thất bại trong việc làm mẹ hơn là một ít thế hệ trước đây? 

Trong tương quan trục trặc giữa mẹ và con, sự sụp đổ của những tương quan con người trở thành dễ thấy. Con người ngày hôm nay ít chuẩn bị cho sự cộng tác hài hòa. Chúng ta không cần ngạc nhiên khi thấy rằng càng ngày càng ít bà được chuẩn bị cho vai trò làm mẹ là cái đòi hỏi những sở thích về xã hội phải được phát triển cách hoàn toàn. 

Một người mẹ thích thú với chính mình hơn là thích đứa trẻ không bao giờ có thể là một bà mẹ tốt. Tình yêu sâu xa và tình cảm mà một người mẹ như thế dành cho đứa trẻ, thật ra không phải là quan tâm đến lợi ích và sự phát triển của đứa trẻ mà chính là chú ý đến sự thỏa mãn riêng mình mà bà mong đợi và đòi hỏi. Một đứa trẻ có thể mang lại ý nghĩa cho một cuộc hôn nhân có liên hệ đến nhiều người, nhưng không bao giờ bị đòi hỏi phải cung cấp ý nghĩa cho đời sống một người. Nhưng điều mà một số bà thất vọng với đời sống và là cái gì xa lạ với các ông chồng thì các bà lại mong đợi vào các con. Họ muốn con họ thuộc về họ và là mục đích và ý nghĩa của đời sống trống vắng của họ. Thái độ nầy là tình yêu sao? Không phải chút nào. Đó là sự đền bù cho sự vô dụng. Đó là một sự đòi hỏi phục vụ. 

Một đàn bà như thế chưa tìm được chỗ đứng trong cộng đồng. Bà có thể tin rằng bà chỉ sống cho đứa con, nhưng thật ra đứa trẻ phải thay thế tất cả những bổn phận khác mà bà lẽ ra phải thỏa đáp. Giao tế xã hội, công việc, và giới khác phái trở thành vô nghĩa ngang qua loại tình yêu nầy. Có biết bao nhiêu bà nhìn con mình như là một sự gia tăng niềm vinh dự của họ, một tiếng chuông vang trong nấc thang tiếng tăm của họ. Một vài người cố gắng dùng con mình để lôi kéo sự chú ý và sự ngưỡng mộ mà những bà khác nhận được. Trong một vài trường hợp nghiêm trọng, đứa trẻ phải cung cấp một đối tượng cho sự thống trị. Nó phải thích hợp và thường được nuôi dưỡng để thích hợp với lối sống cá nhân của người mẹ. Nó bị gây ấn tượng với nguy hiểm của cuộc đời mà chỉ tình yêu của mẹ nó mới có thể bảo vệ được. Bằng cách thiết lập sự sợ hãi và thể hiện quyền hành dưới lý do tình cảm mà bà mẹ gọi là tình yêu, bà bắt đầu một tiến trình cưng chìu và làm hư hỏng để đưa đứa trẻ đi vào sự điều khiển hoàn toàn và làm cho nó hoàn toàn lệ thuộc vào bà. Trong sự bất an và bất tín của bà, bà muốn trở thành người duy nhất được tín nhiệm. Trong một thời gian, đứa trẻ có thể nhận thấy sự bảo vệ quá đáng nhưng vẫn có thể chấp nhận, nhưng rồi sớm muộn gì sự xung đột cũng xảy ra. Chẳng hạn, điều đó có thể khởi sự khi đứa con thứ hai được sinh ra và bà mẹ trở thành quá bận rộn với đứa bé. Đứa trẻ đầu cảm thấy không còn được sự chú ý mà trước đây bà dành cho nó. Nếu bấy giờ thảm kịch đó chưa bắt đầu, sự xung đột không thể tránh khỏi khi đứa trẻ đi học vì ở đó nó sẽ gặp những đứa trẻ cùng lứa tuổi. May mắn, hệ thống học đường hiện tại của chúng ta giúp đỡ nhiều cho những đứa trẻ được cưng chìu bằng cách làm cho chúng thích nghi vào môi trường xã hội và phát triển sự can đảm, độc lập, và cảm giác xã hội, nhưng tất cả không giải quyết sự xung khắc với bà mẹ. Bà hoặc thành công trong việc giữ nó gần gũi vời bà, bấy giờ nó không bao giờ trở thành thích hợp với nhóm, hoặc đứa trẻ có được sự tự lập, bấy giờ sự sợ hãi và thống trị của bà mẹ được biểu lộ cho thấy trong những hận thù công khai. 

Lm Lê Văn Quảng Psy.D.

 
VỀ MỤC LỤC
NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN LÀ AI TRONG HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM ?
  

NGUYỄN HỌC TẬP 

Người tín hữu giáo dân là ai ? ( LG, n. 31).

Trong mỗi vấn đề, việc đầu tiên phải làm là tìm hiểu và thiết định xem chủ thể của vấn đề là ai. Bởi đó Chương IV Hiến Chế Lumen Gentium đề cập đến vấn đề người tín hữu giáo dân khởi đầu bằng cách giới thiệu một định nghĩa về người tín hữu giáo dân:

- " Với tên người tín hữu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả mọi tín hữu, ngoại trừ các thành phần có chức thánh và thành phần ở trạng thái tu sĩ được Giáo Hội xác định, các tín hữu giáo dân, sau khi được nhập thể vào Chúa Ki Tô với Phép Rửa và được thiết lập thành Dân Chúa, trong tầm mức của mình, họ tham gia vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Ki Tô, về phần họ, họ thực hiện, trong Giáo Hội và giữa trần thế, sứ mạng của cả người Ki Tô giáo ".  

Định nghĩa vừa kể là kết quả của một công trình nghiên cứu đầy công khó, học hỏi nhiều năm  đã đạt được và của kinh nghiệm; nhưng đồng thời cũng chưa muốn nêu lên những câu hỏi mà các nhà thần học đang tranh cải. 

1 - Lịch sử của một từ ngữ.

Danh từ "giáo dân" (laicus, La Tinh) có nguồn gốc từ danh từ "laos" (Hy Lạp), có nghĩa là dân chúng. "Laos " trong thế giới Hy Lap - Roma được dùng để chỉ dân chúng, khác biệt với giới cầm quyền.

Dân chúng là khối thần dân thuộc hạ được các người lãnh đạo hướng dẫn và cai trị.

Trong bản  Thánh Kinh 70, từ ngữ "laos" còn có ý nghĩa hạn hẹp hơn. Khi nói đến "laos" là nói đến một dân chúng đặc biệt: được chọn lọc và dành riêng cho Chúa.

Bởi đó trong Tân Ước, dân chúng được chọn lọc và dành riêng đó được hiểu là Giáo Hội, khác với các  dân chúng khác, được gọi là "dân ngoại, ethné" ).

Nhưng hạn hẹp vào lãnh vực của Cộng Đồng Dân Chúa, từ ngữ "laos" vẫn còn giữ được ý nghĩa của thế giới hy lạp - roma, bởi đó ý nghĩa "giáo dân, laos", ngay cả trong Thánh Kinh cũng có ý nghĩa là phần Dân Chúa, khác biệt với các Vị Mục Tử.  

Danh từ và tỉnh từ "laos và laicos" chúng ta không gặp được trong Cựu Ước, cũng như trong các  bản dịch 70, mà được khởi đầu từ thời Ki Tô giáo trở đi, chính xác hơn là từ năm 95 khi Thánh Clemente Romano dùng trong Thư gởi cho các tín hữu Corinto, cho đến ngày nay trong Hiến Chế Lumen Gentium về Giáo Hội, từ ngữ "laicos, giáo dân", luôn luôn được dùng để chỉ một thành phần của Dân Chúa, và khác biệt đối với những ai thuộc về Hàng Giáo Phẩm. 

Nhưng với thời gian biến chuyển và hoàn cảnh lịch sử thay đổi, cường độ và cả tình trạng đảo ngược thành tệ hại so với ý nghĩa khởi thủy đó đã xảy ra. 

Chúng ta biết rằng không lâu trước đây, người tín hữu giáo dân được định nghĩa dưới hình thức tiêu cực và tương đối: đó là người tín hữu giáo dân là người không phải giáo sĩ, cũng không phải tu sĩ.

Nhưng trong tư tưởng chung, chúng ta thường nghĩ

- không ai nói rõ người tín hữu giáo dân là gì, mà chỉ nói những gì người tín hữu giáo dân không phải là..., 

- cũng không tìm cách cho biết người tín hữu giáo dân không xác định đó có liên hệ gì đối với các thành phần được xác định.

Thật ra không hoàn toàn đúng như vậy.

Trong định nghĩa cỗ về người tín hữu giáo dân, chúng ta cũng có một vài yếu tố tích cực. Thật vậy, quan niệm cỗ trong Giáo Hội không những chỉ định nghĩa người tín hữu giáo dân không phải là giáo sĩ, không phải là tu sĩ, nhưng chúng ta cũng biết được đó người tín hữu. Và từ đó, nếu chúng ta so sánh với định nghĩa của Hiến Chế Lumen Gentium, chúng ta thấy một cách nào đó cũng đồng nghĩa với nhau.

Điều khác biệt là Hiến Chế Lumen Gentium nói rõ ra người tín hữu là gì và cả thái độ đặc tâm chú ý được đặt trên những gì tích cực, trong khi đó thì trước kia "người tín hữu" dường như không được ai biết đến , bởi lẽ sự chú ý được đặt nặng vào những gì "không phải là" ( giáo sĩ, tu sĩ ).  

Trong lịch sử đã có những biến cố góp phần khá quan trọng vào tâm thức coi thường, hay không đặt tâm vào tầm quan trọng của người tín hữu giáo dân, đó là chưa nói đến tâm thức tiêu cực, và làm cho họ tách rời khỏi Hàng Giáo Phẩm.

Điều vừa kể đã bắt đầu xảy ra ngay cả trong thời kỳ trước Công Đồng Constantino, khi giáo sĩ và tu sĩ chiếm được vị thế đặc ân so với người Ki Tô giáo thường.

Văn hoá trở thành là những gì dành riêng cho hàng giáo phẩm và người tín hữu giáo dân trở thành kẻ "ngu ngốc, đần độn " (idiot), "bọn dốt nát, mù chữ" (illettré), phải được dẫn dắt. Bởi lẽ họ không có khả năng phán đoán và tự mình hành động.

Còn nữa, những nhân vật thuộc về Giáo Hội, nhứt là các tu sĩ, được khoác cho những đặc tính đạo đức thiêng liêng (spirituel ) và đại diện cho hạng Ki Tô hữu đích thực.

 Trong khi đó thì người tín hữu giáo dân là "bọn sống theo xác thịt" (charnel ). Bởi đó họ là hạng hạ cấp giữa các Ki Tô hữu.

Những dữ kiện đó đã góp phần tạo nên mối rạn nứt giữa giáo dân và giáo sĩ, khiến cho người tín hữu giáo dân bị thất thế, luôn luôn bị coi là hạng ấu trỉ, cần phải được giới "trí thức" (lettré) và giới đạo đức thiêng liêng dẫn dắt, để có thể thành tựu thực hiện được ơn gọi Ki Tô giáo của chính mình.  

Và rồi thêm vào tâm trạng khinh thường hạ cấp đó, còn thêm cả thái độ không tin tưởng đối với người tín hữu giáo dân.

Cuộc tách rời đó giữa người tín hữu giáo dân đối với giáo sĩ và tu sĩ càng bắt đầu tỏ rạng hơn,  khi dần dần thế giới được cấu trúc thành hình chỉ dựa trên con người và trên các giá trị trần thế.

Người tín hữu giáo dân dần dần ý thức về tầm quan trọng của thế gian và bắt đầu tách rời khỏi Giáo Hội (của giáo sĩ và tu sĩ ), tạo ra một thế giới tự lập bên cạnh Giáo Hội.

Điều vừa kể càng trở nên rõ rệt hơn ở những thế kỷ kế tiếp, tạo nên nơi người tín hữu giáo dân thái độ chỉ trích và không còn tin tưởng vào Giáo Hội nữa.

Bởi đó trong khối người tín hữu giáo dân bắt đầu xuất hiện, mặc dầu là thiểu số, hạng giáo dân chống đối.

Đứng trước tình trạng đó giới giáo sĩ cảm thấy mình cần phải có thái độ tách rời, đối với số đông cũng như đối với các nhóm thiểu số chống đối, với tâm thức không những để thiết lập lại trật tự, mà còn để bênh vực Giáo Hội, như là cơ chế của Chúa.

Quan niệm "giáo dân" mà Công Đồng Vatican II đang gặp phải lúc đó, là quan niệm truyền thống vừa kể, đã làm băng họai tư tưởng nguyên thủy và thực thể, mà người tín hữu giáo dân đáng lý phải có.

2 - Người tín hữu giáo dân trong Hiến Chế: đặc tính trần thế.

Trong Hiến Chế tín lý Lumen Gentium chúng ta không gặp được cả từ ngữ "giáo dân" (laicos), cũng không có đề cập nào nói đến các biến cố trong dòng lịch sử khiến cho người giáo dân trở thành quan trọng và dưới những phương diện khác nhau.

Chúng ta gặp được tức khắc một định nghĩa làm khởi điểm cho cả vấn đề đang được đề cập về người tín hữu giáo dân.

Đó là định nghĩa chúng tôi đã trích dẫn ở trên.

Dựa trên câu định nghĩa đó, chúng ta thử tìm hiểu một vài điều đáng lưu ý.

Trước tiên Hiến Chế không có ý định đưa ra một định nghĩa liên hệ đến bản thể của người tín hữu giáo dân, cho bằng là một định nghĩa diễn tả, được dùng để khai triển ra những gì Hiến Chế định nói đến về người tín hữu giáo dân.

Kế đến, chúng ta nhận thức được định nghĩa chứa đựng nhiều phần tích cực hơn tiêu cực và tương đối.

Điều mà Hiến Chế nhằm đến là thiết định thực thể của người tín hữu giáo dân trong những tính chất đặc thù của họ. Những gì được đặt liên quan đến giáo sĩ và đời sống tu sĩ là những gì được nói lên để dùng xác định rõ hơn những đặc tính của người tín hữu giáo dân.

Người tín hữu giáo dân là người đã được nhập thể vào Chúa Ki Tô và tham dự vào các quyền năng của Người. 

Nhưng tất cả những gì vừa kể cũng chưa đủ để nói lên diện mạo của người tín hữu giáo dân.

Sự kiện là một người tín hữu Chúa Ki Tô với đời sống và quyền năng của Chúa Ki Tô không nói lên được sự khác cá biệt của anh trong Cộng Đồng Dân Chúa, bởi lẽ tất cả các thành phần của Cộng Đồng Dân Chúa đều có phẩm giá căn bản đó.

Câu nói

"...về phần mình, họ chu toàn trong Giáo Hội và giữa trần thế chính sứ mạng của Dân Ki tô giáo "  còn quá tổng quát, để có thể là một yếu tố xác định cá biệt.

Đặc tính cá biệt đó của người tín hữu giáo dân được diễn tả ra trong tính cách trần thế của họ:

- " Đặc tính trần thế (indole secolare) là chính đặc tính và cá biệt của người tín hữu giáo dân". 

Đặc tính đó chính là do sự việc người tín hữu giáo dân sống giữa trần thế, tức là họ có liên hệ đến tất cả;  mọi bổn phận và sự việc trong trần thế và trong các hoàn cảnh sống thường nhật của gia đình và xã hội, mà cuộc sống của họ như là bị đươm kết liên hệ.

Về vấn đề vừa đề cập, "đặc tính trần thế" của người tín hữu giáo dân, có nhiều cuộc bàn cải cho rằng tại sao lại phải đặt đặc tính đó thành vần đề, đó là những gì vượt ra bên ngoài "thực thể" Ki Tô hữu của họ.

"Đặc tính trần thế" không phải là những gì cá biệt của "thực thể Ki Tô hữu". Đó là một sự kiện ngoại vi, thuộc về môi trường sống, không thể được coi là yếu tố cấu trúc con người của người tín hữu giáo dân như là thành phần Dân Chúa.

Ngoài ra các liên hệ đối với các sự việc trần thế không phải chỉ là những gì chỉ có người tín hữu giáo dân mới có độc quyền, bởi lẽ các thành phần có chức thánh cũng có liên hệ đến những sự việc trần thế trong cuộc sống. 

Lý luận bất đồng ý kiến vừa kể có giá trị, nếu hiểu "đặc tính trần thế" đồng nghĩa với "thế tục hoá" của các đấng bậc giáo sĩ và tu sĩ.

Bởi lẽ "đặc tính trần thế" có ý ám chỉ đặc tính chỉ áp dụng độc nhứt cho người tín hữu giáo dân và loại trừ những chủ thể khác.

Nhưng định nghĩa là Hiến Chế xác định cho người tín hữu giáo dân không có kỳ vọng nói lên những đặc tính căn bản, bản thể của người tín hữu giáo dân.

Đây chỉ là một định nghĩa phân loại " tipologica ", đưa ra những yếu tố diễn tả đủ để cho thấy sự khác biệt của người tín hữu giáo dân đối với các thành phần khác trong Dân Chúa, dựa trên những yếu tố thường hiện diện hơn là độc nhứt trong cuộc sống của họ.

Một vài yếu tố trần thế Hàng Giáo Phẩm và các tu sĩ cũng .nên có, không những chỉ vì các vị sống giữa trần thế, cũng có liên hệ đến sự vật và sự việc trần thế như ai khác, mà còn là tính cách mà các vị có thể  hành xử " nghề nghiệp trần thế ", nghề nghiệp giáo dục, tuyên úy, cho ý kiến hướng dẫn, thực thi bác ái...chẳng hạn.

Tuy nhiên giáo sĩ cũng như tu sĩ, đời sống các vị phần lớn tách rời khỏi các "công chuyện" trần thế.

Trước tiên, các vị giáo sĩ

   - "do ơn gọi đặc biệt của mình, các vị được nhằm đến và cho chính phận vụ thánh ( ministère sacré).

Các vị tu sĩ, bởi vì 

   - " địa vị cuộc sống của các vị là những gì chứng minh cho thấy một cách huy hoàng và đặc biệt rằng thế gian không thể được biến dạng và dâng lên Chúa, mà không có tinh thần các Mối Phước Thật" .

Người tín hữu giáo dân, trái lại, do chính tình trạng sống hiện tại của mình, họ đang sống chìm lẫn vào giữa các thực tại trần thế: họ đang có một gia đình, một việc làm khiến cho họ hội nhập tác động tích cực vào giữa các vấn đề trần thế, khiến cho họ là thành phần có lợi thú liên quan và trách nhiệm về tiến trình cuộc sống xã hội, kinh tế, chính trị trong "thị xã" ( polis, Hy Lạp > politiké: cách tổ chức cuộc sống trong thị xã hay đường lối chính trị: politique, politica, policy).

Đời sống và động tác của người tín hữu giáo dân là những gì ở giữa trần thế.

Trong ý nghĩa đó, chúng ta có thể xác định rằng

   - "đặc tính trần thế" là chính đặc tính cá biệt của người tín hữu giáo dân ".

Không phải là một đặc tính đặc quyền, nhưng là đặc tính trổi vượt so với các thành phần khác của Dân Chúa. 

Kế đến, "đặc tính trần thế" không nên hiểu theo ý nghĩa "trần tục", ngoại đạo hay vô đạo, vô thần.

Người tín hữu giáo dân vẫn luôn luôn là

   - người thuộc dòng tộc dân được giải thoát,

   - có khả năng loan truyền và trải rộng ra động tác cứu độ.

Mối tương quan của người tín hũu giáo dân đối với thế giới không chỉ là mối tương quan tự nhiên, mà là mối tương quan Ki Tô hữu đối với trần thế.

Với hiệu lực của mối tương quan "Ki Tô hữu" nầy, mối tương quan giữa họ và thế gian có thể được hiểu nằm trong định nghĩa giáo hội tính của người tín hữu giáo dân, bởi vì nhờ động tác của mình, người tín hữu giáo dân có thể làm cho thế gian trở thành đồng nhứt với bản tính Dân Chúa.

Như vậy, "đặc tính trần thế "

   - không có nghĩa chỉ là một thực thể trong thế gian,

   - mà là một thực thể Ki Tô hữu giữa thế gian.

Bởi đó, không phải chỉ là một trạng thái bên ngoài không có liên hệ gì đến đời sống thành phần Dân Chúa, mà là một yếu tố mới diễn tả một cách nào đó động tác và thực thể Ki Tô hữu của họ: 

   - " Bởi chính ơn gọi của mình, người tín hữu giáo dân tìm kiếm Nước Chúa, bằng cách tác động lên  các sự việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Chúa muốn ". 

Cách dùng từ ngữ "tìm kiếm Nước Chúa", đặt bên cạnh "các sự việc trần thế" ( res temporales ) thật là một chỉ dẫn tuyệt hảo !

Phương thức diễn tả đó làm chúng ta nhớ lại "primum querite Regnum Dei " (trước hết anh em hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa ) trong Phúc Âm Thánh Marco, mà cả truyền thống kế đến đều đặt lên như là những gì đối ngược lại với "res temporales " (các sự việc trần thế ), dường như là người tín hữu Chúa Ki Tô phải xa lánh thế tục, " quy y thoát tục "; hay đừng chuyên cần dấn thân vào các việc trần thế, bỏ mặc kệ chúng nó, để chuyên lo tìm kiếm những gì thiêng liêng, vượt lên trên trần thế tự nhiên.

Thái độ truyền thống lỗi thời, " quy y thoát tục " đó cũng đã được ĐTC Pio XII đề cập đến:

   - " ...trái lại có những người cho rằng việc phải có là trở lại thái độ khiêm nhường ẩn náu của thời các hang toạ đạo ( catacombes ), đó là đức khôn ngoan Ki Tô giáo. Đáng lý ra được gợi ý bởi đức khôn ngoan, đó là phải trở lại sự khôn ngoan của Thánh Phaolồ, là vị mở ngỏ mọi con đường cho các động tác của người tín hữu Chúa Ki Tô: " tất cả mọi sự như là của anh em  ( 1Cor 3, 32 ) " ( Thils, trascendenza o Incarnazione ? Pio XII 1957). 

Lịch sử cứu rổi cùng với tất cả những giá trị thiêng liêng của mình được nhập thể vào thực tại trần thế nầy.

Như vậy người tín hữu Chúa Ki Tô không thể làm ngơ, không quen biết, xa lánh các thực tại trần thế đó.

Trái lại họ cần phải dấn thân tác động hành xử vào đó và hướng dẫn chúng đáp ứng lại các nhu cầu, đòi hỏi của một trật tự mới mà Chúa Ki Tô đã thiết lập nên. 

Sự thánh thiện của người tín hữu giáo dân hệ tại cả trong động tác hoán cải các sự việc trần thế:

  - "Như vậy họ (người tín hữu giáo dân) có bổn phận cá biệt là soi sáng và thiết định trật tự tất cả các sự việc trần thế, mà họ có liên hệ chặt chẽ, để các sự việc đó luôn luôn được thực hiện như Chúa Ki Tô muốn, và để cho chúng phát triển lên và để dâng lời ngợi khen Đấng Tạo Hoá và Đấng Cứu Độ".

VỀ MỤC LỤC
LỜI CHÚA MỜI GỌI LINH MỤC GIÁO PHẬN VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG  ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA MÌNH

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://www.chivilongchuathuongtoi.tk/

Tác phẩm: ĐÀO TẠO ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

CHƯƠNG SÁU 

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

HỌC VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ ƠN GỌI LINH MỤC (tiếp theo)

 

B. LỜI CHÚA MỜI GỌI LINH MỤC GIÁO PHẬN VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG  ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA MÌNH

 

Thiên Chúa luôn đổi mới lời mời gọi của Ngài qua từng biến cố của cuộc sống, thì chúng ta cũng phải đổi mới lời đáp trả của chúng ta sao cho phù hợp với từng lời mời gọi mới đó của Chúa. Lời Chúa nói với 7 giáo đoàn trong sách Khải Huyền chương 2 và 3 mời gọi chúng ta, là những linh mục hiện thể hay năng thể, xem xét lại căn tính của mình: 

·        Với Ê-phê-xô:

Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi; Ta biết ngươi không thể chịu đựng kẻ ác… Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu. Bằng không, Ta sẽ đến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó, nếu ngươi không hối cải.  

·        Với Xi-miếc-na:

Ta biết nỗi gian truân, và cảnh nghèo khó của ngươi... Đừng sợ các nỗi đau khổ ngươi sắp phải chịu: này ma quỷ sắp tống một số người trong các ngươi vào ngục để thử thách các ngươi; các ngươi sẽ phải lâm cảnh gian truân... Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống.  

·        Với Péc-ga-mô:

Ta biết ngươi ở đâu: ở nơi đặt ngai của Xa-tan. Nhưng ngươi gắn bó với danh Ta và không chối bỏ lòng tin vào Ta... Vậy hãy hối cải; bằng không, Ta đến với ngươi ngay tức khắc và sẽ dùng lưỡi gươm từ miệng Ta mà giao chiến…  

·        Với Thy-a-ti-ra:

Ta biết các việc ngươi làm, biết đức ái, đức tin, công việc phục vụ và lòng kiên nhẫn của ngươi; Ta cũng biết rằng những việc của ngươi bây giờ thì nhiều hơn trước kia. Nhưng Ta trách ngươi điều này... Tất cả các Hội Thánh sẽ biết rằng Ta là Đấng dò thấu lòng dạ, và Ta sẽ tuỳ theo việc các ngươi làm mà thưởng phạt mỗi người. Nhưng cái gì các ngươi đang có, hãy nắm chắc cho tới khi Ta đến.  

·        Với Xác-đê:

Ta biết các việc ngươi làm, biết ngươi được tiếng là đang sống, mà thực ra đã chết. Hãy tỉnh thức! Hãy củng cố chút sức còn lại đang suy tàn, vì Ta nhận thấy các việc của ngươi không được hoàn hảo trước mặt Thiên Chúa của Ta. Vậy hãy nhớ lại: ngươi đã lãnh nhận và nghe Lời Chúa thế nào; hãy tuân giữ và hối cải! Vậy nếu ngươi không tỉnh thức, thì Ta sẽ đến như kẻ trộm, ngươi chẳng biết giờ nào Ta sẽ đến bắt chợt ngươi. 

·        Với Phi-la-đen-phi-a:      

Ta biết các việc ngươi làm: này Ta để một cửa mở trước mặt ngươi, không ai có thể đóng lại được, bởi vì tuy ngươi ít thế lực, ngươi cũng đã giữ lời Ta và đã không chối bỏ danh Ta... Vì ngươi đã giữ lời Ta dạy phải kiên nhẫn chịu đựng, nên Ta cũng giữ gìn ngươi cho khỏi giờ thử thách sắp xảy đến trên toàn cõi địa cầu để thử thách những người sống trên mặt đất. Chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến; cái gì ngươi đang có, hãy nắm chắc, đừng để ai lấy mất triều thiên dành cho ngươi.  

·        Với Lao-đi-ki-a:

Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta... Phần Ta, mọi kẻ Ta yêu mến, thì Ta răn bảo dạy dỗ. Vậy hãy nhiệt thành và hối cải ăn năn! Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta. 

Chúa không chỉ khiển trách những người sai lỗi, mà Ngài còn khiển trách nặng hơn những người giữ gìn nghiêm nhặt lề luật nhưng tự mãn với chính mình và coi khinh kẻ khác. Linh mục được chọn lên từ giữa loài người và vẫn không thôi là con người nên cần phải khiêm tốn trong khi phụng sự Thiên Chúa và đưa dẫn con người đến với Thiên Chúa bằng cách phục vụ họ, như Chúa Giêsu đến không phải để được hầu hạ nhưng để phục vụ và hiến ban mạng sống cho loài người được cứu độ.           

Linh mục phải luôn ý thức tình trạng được “biệt ra”, được chọn lên từ giữa loài người để sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian mà là thuộc về Thiên Chúa, với sứ mệnh tiếp tục công việc của Chúa Kitô, đồng thời làm cho Ngài được nhận biết và yêu mến, qua các công việc rao giảng Tin Mừng, giáo huấn, cử hành Thánh lễ và các bí tích chữa lành tâm hồn, hoạt động bác ái và công lý, dưới sự hướng dẫn và tác động của ơn Chúa Thánh Thần, nghĩa là trong ba chức năng của sứ vụ của linh mục là rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo Dân Chúa.


VỀ MỤC LỤC
HỌC TẬP YÊU THƯƠNG

 

Tác phẩm: Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

 

B17. HỌC TẬP YÊU THƯƠNG

1. Kitô giáo là đạo của tình yêu. Tất cả cuộc sống của Kitô hữu là một cố gắng không ngừng để sống đạo yêu thương ấy; nhưng yêu thương là cả một nghệ thuật đòi hỏi phải được hiểu biết và trao đổi từng ngày. Ai cũng nói đến hai chữ tình yêu nhưng liệu người ta có thực sự hiểu biết thế nào là tình yêu đích thực không?

Kitô giáo vừa là trường dạy yêu thương vừa là nơi thực tập yêu thương. Người tín hữu Kitô sẽ không ngạc nhiên khi nhận ra tầm quan trọng của việc giáo huấn và đào luyện trong Giáo Hội. Để có thể thực thi lòng mến, để biết yêu thương thực sự, họ phải trau dồi và học hỏi không ngừng.

Trong bài này chúng tôi xin bàn đến ba cột trụ của toà nhà tu đức mà dù sống trong bậc nào người tín hữu Kitô cũng đều phải xây dựng để có thể sống một cách sung mãn ơn gọi của mình. Ba cột trụ đó là: giáo lý, cầu nguyện và bác ái.

2. Cột trụ nền tảng của đời sống người tín hữu Kitô chính là giáo lý. Thiếu hiểu biết về giáo lý người ta dễ rơi vào sai lầm, từ đó, không sống bác ái một cách đúng đắn. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, sự quá khích trong tôn giáo luôn phát xuất từ sự thiếu hiểu biết về tôn giáo của mình.

Tôn giáo nào lại không dạy về tình yêu thương, sự khoan dung, lòng tha thứ? Thế nhưng tại sao vẫn có những hành động quá khích và bạo động nơi tín đồ của một số tôn giáo? Nguyên nhân chính hẳn phải là sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết nông cạn hay hiểu biết sai lệch về giáo lý của tôn giáo. Chiến tranh tôn giáo phát xuất từ sự thiếu hiểu biết ấy. Đã có một thời các tín hữu Kitô của nhiều nước tự cho là Kitô giáo đã tỏ ra bất khoan dung với những người không đồng tín ngưỡng với mình. Người ta giương cao ngọn cờ của Kitô giáo để tiêu diệt kẻ thù, người ta tưởng làm như thế là đẹp lòng Thiên Chúa.

Từ ngàn xưa, Giáo Hội vẫn xem giáo lý là cột trụ của đời sống đạo. Giáo Hội không ngừng tìm hiểu về mầu nhiệm của chính mình, cố gắng sống và trình bày mầu nhiệm ấy cho thế giới. Cố gắng tìm hiểu ấy cũng luôn đi kèm với thiện chí thanh tẩy của Giáo Hội. Giáo Hội luôn muốn sống và trình bày một khuôn mặt phù hợp với ý muốn của Đấng sáng lập là chính Chúa Kitô. Là thân thể của Đấng đã yêu thương và trao nộp chính mạng sống vì mình, Giáo Hội cố gắng trình bày khuôn mặt của tình yêu Ngài.

Như vậy, mục đích của giáo lý là giúp khám phá tình yêu của Thiên Chúa và đáp trả lại tình yêu ấy một cách đúng đắn. Giáo lý chính là lý thuyết của nghệ thuật yêu thương. Người ta không thể trau dồi một nghệ thuật nếu không nắm vững những nguyên tắc của nghệ thuật ấy. Chúng ta có thể so sánh giáo lý với một ngọn đèn soi chiếu trong nhà để tìm kiếm một đồ vật trong nơi tăm tối. Việc đầu tiên là phải thắp lên một ngọn đèn, chỉ trong ánh sáng người ta mới có thể thấy rõ và biết mình phải làm gì.

3. Cột trụ thứ hai trong toà nhà tu đức của người tín hữu Kitô là sự cầu nguyện. Không có giáo lý, người ta dễ rơi vào lầm lạc, không có giáo lý người ta sẽ không biết đâu là ơn gọi của mình; đúng hơn, thiếu hiểu biết về giáo lý, người tín hữu Kitô sẽ không biết được thế nào là tình yêu đích thực. Tuy nhiên, như người ta vẫn thường nói, từ hiểu biết đến hành động là cả một vực thẳm.

Hiểu biết giáo lý không đương nhiên đã trở thành một người thánh thiện. Một nhà thần học lỗi lạc không hẳn là một thánh nhân. Một người quê mùa dốt nát vẫn có thể là một người có tâm hồn đạo đức hơn một kẻ học rộng hiểu nhiều. Có sự cách biệt giữa biết và sống là bởi vì đức tin thiết yếu là một ân huệ nhưng không của Chúa. Không phải do miệt mài tìm kiếm mà con người đương nhiên có được đức tin. Nói như triết gia Pascal, “Bạn muốn có đức tin? Hãy quỳ gối!”. Đó là thái độ cơ bản nhất của người tín hữu.

Cầu nguyện trước hết là nói lên sự nghèo hèn, trơ trụi, bất lực của con người. Không có sự bang trợ của Chúa, như Chúa Giêsu vẫn thường nhắc nhở cho các môn đệ của Ngài, con người không thể làm gì được, nghĩa là không thể sống và yêu thương đúng với ơn gọi của mình. Và ngay cả việc cầu nguyện, con người cũng hoàn toàn bất lực. Chúng ta thấy được sự bất lực ấy của con người qua tấm gương của các tông đồ. Sống bên Chúa Giêsu, theo dõi cách cầu nguyện của Ngài, nhưng cuối cùng các tông đồ cũng đành thú nhận rằng, họ chưa biết cầu nguyện: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.

Đáp lại nguyện vọng của các ông, thay vì trình bày một phương pháp cầu nguyện, Chúa Giêsu đã dạy các ông kinh Lạy Cha, kinh Lạy Cha chính là lời cầu nguyện của riêng Chúa Giêsu, đó là tâm tình trong từng phút giây của Ngài. Qua lời kinh này, Chúa Giêsu không dạy một công thức hay một phương pháp, Ngài mời gọi các môn đệ đi vào tâm tình của Ngài. Đó là tâm tình của một người con luôn sống kết hiệp và phó thác nơi Chúa Cha. Đó là hai tiếng “xin vâng” mà Chúa Giêsu luôn nói lên với Chúa Cha.

Như vậy cầu nguyện chính là đi vào tâm tình của Chúa Giêsu, là sống kết hiệp với Ngài, là để cho Ngài sống và hoạt động qua từng tâm tư, suy nghĩ và hành động của ta.

4. Xét cho cùng, cầu nguyện là cố gắng mô phỏng lại cuộc sống của Chúa Giêsu. Đó là cuộc sống của một con người luôn kết hiệp với Chúa Cha và sống trọn cho tha nhân. Như vậy, khi van xin Ngài dạy cho biết cầu nguyện, chúng ta xin Ngài cho chúng ta biết sống và biết yêu như Ngài. Dĩ  nhiên, có những giây phút ưu việt dành cho việc cầu nguyện, có những công thức có sẵn giúp chúng ta cầu nguyện cho đúng cách, nhưng lời cầu nguyện đúng đắn nhất vẫn là cố gắng đi vào tâm tình của Chúa Giêsu, sống bằng chính sức sống của Ngài, yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.

Có những cử hành phụng vụ của Giáo Hội, có những giây phút cầu nguyện riêng tư hoặc họp nhau trong gia đình, có những lời kinh dọn sẵn; nhưng thiết tưởng không có lời cầu nguyện nào xứng hợp hơn là cả cuộc sống được kết hiệp với Chúa Giêsu qua những hành động bác ái, hy sinh, quên mình. Đó là những lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Đó là những lời cầu nguyện theo đúng thể thức của Chúa Kitô.

Kitô giáo thiết yếu không phải là một ý thức hệ được nhồi nhét vào tâm trí của người tín hữu, Kitô giáo cũng không phải là một hệ thống luân lý gồm có những giới răn để tuân giữ, nhưng Kitô giáo thiết yếu là một con người. Con người đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng đang sống và hoạt động trong lịch sử nhân loại và từng người. Biết Ngài, yêu mến Ngài, sống cho Ngài và vì Ngài chính là ơn gọi của người tín hữu Kitô; đó cũng là bí quyết hạnh phúc gia đình của mỗi Kitô hữu. Bởi vì chỉ nhờ Ngài, trong Ngài và với Ngài con người mới thực sự biết yêu thương.

 

VỀ MỤC LỤC
LÒ NẤU VI BA
 

Lò Vi Ba ( Microwave oven) hay là lò nấu dùng sóng cực ngắn, hiện nay đã rất phổ biến. Nhà giầu có thì mua một lò gắn vào tường với đủ nút bấm tối tân. Nhà nghèo cũng có thể mua được một lò vi ba cỡ nhỏ để trên mặt bàn, rất giản  dị, dễ sử dụng.

Nấu thực phẩm bằng lò này đã trở thành một nhu cầu hàng ngày vì tiện lợi, mau chóng lại tốn ít nhiên liệu. Nhưng, như mọi sáng chế của khoa học, việc sử dụng lò cũng có một số điểm rủi ro, bất lợi .  

Nguyên tắc.

Lò vi ba sử dụng những sóng điện từ cực ngắn để làm chín thực phẩm. Đó là sóng vi ba phát ra từ một bộ phận gọi là magnetron đặt trong một cái lò kín.

 Magnetron là một cái ống kiểm soát điện từ. Ống này biến điện năng ra các sóng phóng xạ nhỏ. Sóng kích động các phân tử của nước trong món ăn. Phân tử nước là lưỡng cực với dương và âm cực ở mỗi đầu. Dưới ảnh hưởng của sóng điện từ, nước trong thực phẩm chuyển động tới lui nhanh mạnh, tạo ra nhiệt và làm chín thức ăn. Sự kích động nước này diễn ra sâu nông tùy khả năng xâm nhập của sóng.

 Với lò nấu thông thường thì nhiệt tác động vào thực phẩm dần dần từ ngoài vào trong, cho nên mặt ngoài sém vàng.

Ngược lại, lò vi ba thì sóng chui sâu khoảng 2,5 cm, làm chín món ăn từ trong ra ngoài, cho nên thời gian nấu nhanh hơn lò thường tới bốn lần và dùng ít năng lượng hơn.

Sóng từ ống magnetron phát ra được những cánh quạt nhỏ phân tán đều trong lò rồi xâm nhập món ăn. Vách lò bằng kim loại và cửa lò với nhiều khóa an toàn khép kín, không cho sóng thoát ra ngoài. Cửa chỉ cần hé ra một chút là lò sẽ không hoạt động.

Ưu-nhược điểm của lò Vi Ba

Ưu điểm

            Lò vi ba có những ưu điểm  như sau:

* Tiết kiệm năng lượng;

* Giảm thời gian nấu;

* Thực phẩm giữ được nhiều chất dinh dưỡng và hương vị nguyên thủy;

* Không cần pha thêm dầu, mỡ;

* Dễ lau chùi sạch sẽ;

* Không tạo ra hơi nóng trong bếp;

* Không dùng nhiều nước trong món ăn nên mất rất ít chất dinh dưỡng;

* Có thể nấu và ăn thực phẩm trong cùng đồ chứa;

Nhược điểm:

Nhưng lò vi ba cũng có vài nhược điểm như sau:

* Phóng xạ có thể thoát ra ngoài;

* Không phải thực phẩm nào cũng nấu bằng lò vi ba được;

* Mỗi lò có công suất khác nhau nhưng thường thường là từ 500 tới 700 watts.

Trong lò, sóng điện từ phân phối không đều, có chỗ nóng nhiều ( chung quanh lò) chỗ ít nóng (giữa lò). Vì thế, ở giữa lò, thực phẩm chậm chín hơn ở chung quanh lò. Khi nấu, nên xếp thực phẩm theo vòng tròn, phần thực phẩm to, dầy quay ra ngoài. 

Đồ đựng để nấu:

Trước khi sử dung, nên đọc kỹ và tuân theo các hướng dẫn của mỗi lò nấu.

Chỉ dùng đồ đựng thực phẩm an toàn trong lò vi ba. Muốn thử độ an toàn, đặt đồ đựng trong lò với một ly nước lạnh. Vặn lò với nhiệt độ cao trong một phút. Nếu đồ đựng không nóng là an toàn. Nếu đồ đựng nóng thì không nên dùng, vì nó giữ nhiệt, sẽ làm thực phẩm  lâu chín.

Trên thị trường, có bán đồ đựng (container) đặc biệt cho lò vi ba, nhưng cũng chả cần mua sắm toàn bộ. Những đồ đựng sẵn có trong nhà cũng nhiều loại có thể dùng được. Nói chung, dụng cụ bằng thủy tinh, đồ sứ, đồ gốm, một vài loại nhựa, giấy cứng đều dùng được vì chúng chống nhiệt, sóng từ trường chạy qua đồ nấu để làm nóng món ăn. Đồ nấu nóng là do nhiệt từ món ăn nấu chín lan qua chứ không do vi ba. Đĩa giấy, khăn giấy rất tốt trong việc nấu bằng lò vi ba.

Không nên dùng đồ sứ có viền kim loại sợ gây ra tia lửa điện (Arcing). Đồ kim loại hút giữ nhiệt, làm thực phẩm lâu chín và cũng gây ra tia điện.

Hình dạng đồ nấu cũng quan hệ: với dụng cụ hình tròn, món ăn chín đều, còn hình vuông thì ở góc chín nhiều hơn ; luôn luôn dùng đồ nấu lớn hơn món ăn để khỏi tràn ra ngoài.

Không dùng các hộp làm bằng chất dẻo đựng thực phẩm bán sẵn, các hộp xốp, bao giấy nâu vì hóa chất độc từ các thứ này khi nóng có thể lẫn vào thức ăn;

Không dùng đồ đựng bằng gỗ vì khi nóng sẽ nứt;

Không dùng đồ đựng bằng nylon hoặc polyester vì có thể chẩy mềm khi nóng lên;

Đừng đậy món ăn quá kín vì áp lực bên trong lên cao sẽ nổ tung. Phủ đồ nấu với miếng khăn giấy sáp hoặc miếng nhựa mỏng để giữ hơi ẩm cho món ăn.

Không nên dùng nhôm lá (aluminum foil), trừ khi sách chỉ dẫn xác định có thể dùng được.

Công dụng 

 Lò Vi ba rất thuận tiện để:

- Hâm món ăn dư đã cất giữ trong tủ lạnh, vì không cần cho thêm nước mà cũng không sợ món ăn khô cháy hoặc dính với nhau và hương vị vẫn còn nguyên.

- Rã đá mau hơn là để ra ngoài không khí và để ở nhiệt độ thấp

- Nấu chín thực phẩm rất nhanh.

- Rau đông lạnh nấu lò vi ba rất thuận lợi vì nấu mau, không cần thêm nước nên sinh tố và hương vị món ăn không mất.

- Thịt miếng lớn nấu rất tốt vì tiết kiệm thời gian

Thời gian nấu

Thời gian để nấu tùy thuộc vào:

- Kích thước món ăn: loại mỏng, nhỏ nấu mau hơn loại dày to; ­loại dài nhỏ mau hơn vuông lớn;

- Món ăn mềm, xốp khô nấu mau hơn các món ăn cứng, đặc, ẩm ướt;

- Món ăn nhiều đường mỡ mau nóng ;

- Đồ nấu bằng chất dẻo plastic mau nóng hơn đồ thủy tinh, đồ gốm.

Nên đậy đồ đựng thực phẩm bằng giấy sáp, plastic để thức ăn không bị khô và chín đều.

 Sau khi tắt lò, món ăn vẫn tiếp tục được nấu chín cho tới khi lò nguội. Món ăn càng lớn thì thời gian này càng lâu.

Trong khi nấu, đôi khi phải khuấy thực phẩm hoặc trở chiều để phân tán nhiệt và làm thực phẩm chín đều.

Để đảm bảo an toàn

- Không nấu khi cửa lò không đóng kín hoặc bị vênh.

- Không hâm nóng các đồ nấu bịt kín vì áp suất lên cao bình sẽ nổ .

- Không mở lò khi không có thực phẩm trong lò.

- Luôn luôn có nước hoặc thực phẩm ướt khi dùng lò, để tránh cho ống magnetron khỏi bị hư hao.

- Khi món ăn quá khô, có thể để một ly nước trong lò. Nhiều người còn cẩn thận giữ ly nước trong lò dù không dùng, phòng hờ có người bất cẩn cho lò chạy khi không định nấu nướng. Nước có mục đích hút năng lượng điện từ trường, tránh cho ống magnetron bị cháy.

- Không chiên ngập mỡ (deep fries) trong lò vì chất béo quá nóng gây cháy phỏng.

- Tránh mọi hư hao cho cửa lò như đè lên cửa hoặc nhấc lò lên bằng cánh cửa lò.

- Vài năm kiểm tra lò một lần, coi có bị thất thoát sóng ra ngoài.

- Lau chùi và giữ cửa lò sạch sẽ để cửa luôn luôn khép kín, tránh thất thoát sóng vi ba ra ngoài. 

Lò vi ba cũng thường được dùng để hâm sữa cho trẻ em. Vài điều cần để ý là:

-          Sự phân phối sức nóng trong lò vi ba không đồng đều, nên nhiều khi bên ngoài bình sữa thấy lạnh mà sữa trong bình lại nóng quá. Trước khi cho trẻ bú, đậy nắp, dốc ngược bình sữa vài lần cho nóng đều.

-          Tháo núm bình sữa trước khi hâm, tránh phỏng miệng con vì núm cao su quá nóng.

-          Hâm sữa bằng bình nhựa an toàn, trong suốt, không mầu. Tránh bình bằng thủy tinh vì có thể nứt.

-          Trước khi cho con bú, thử vài giọt sữa trên mu bàn tay coi có nóng quá.

 Một điểm cần lưu ý là Lò vi ba hiện nay rất an toàn cho người mang máy điều hòa nhịp tim (pacemaker) vì các y cụ này đều được che chở chống lại phóng xạ hoặc sóng vi ba.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ

www.bsnguyenyduc.com 

 
VỀ MỤC LỤC
TỪ QUAN TÂM ĐẾN QUẢN LÝ  Chuyện phiếm của Gã Siêu

  

Trong một cuộc họp mặt của khoảng mười cặp vợ chồng: trẻ có, già có mà xồn xồn cũng có. Họ trao đổi với nhau những kinh nghiệm về cuộc sống gia đình, những lao đao vất vả, những ba chìm bảy nỗi và chín cái lênh đênh đã phải gánh chịu từ ngày “rước nàng về dinh” cho đến bây giờ. Những ý kiến được phát biểu xem ra mỗi lúc một hăng. Và hình như càng về cuối, người ta lại càng chia thành hai phe rõ rệt: Phe vợ và phe chồng, phe đờn ông và phe đờn bà.

Các chị vợ đều than thở cả tiếng:

- Những chăm sóc chứng tỏ người ta luôn quan tâm, thế mà chẳng ông nào chịu đoái hoài đến.

Còn những anh chồng lại tỏ ra bực bội:

- Quản lý chặt chẽ thì có, chứ quan tâm cái nỗi gì!

Cùng một sự việc hay cùng một hành động, chị vợ thì cho đó là một sự quan tâm đầy trìu mến. Trong khi đó, anh chồng lại bảo đó là một sự quản lý đầy nghiêm khắc. Anh như một chú chim bị nhốt trong chiếc lồng, không còn được tự do bay vút lên tận trời xanh nữa. Vì thế, nhiều lúc chú chim đã cất tiếng hót, không phải là để ngợi ca chiếc lồng vàng được đan kết bằng những chăm sóc đầy trìu mến ấy, nhưng là để than khóc cho một thời trai trẻ “cu ky” đã qua đi. Chim hót trong lồng, nghe sao mà não nùng và bi đát thế!

Quan tâm và quản lý. Một kinh nghiệm cay đắng, kết đọng bởi biết bao nhiêu giọt nước mắt. Và hôm nay vẫn còn là những day dứt khiến cho nhiều anh chị đang phải trải qua những chuỗi ngày căng thẳng, tưởng chừng như cuộc tình muốn tan vỡ. Chính vì thế, gã xin “tán” thêm một chút về đề tài hấp dẫn này.

Ngược dòng thời gian, ai trong chúng ta cũng đều biết: Thuở ban đầu, Thượng Đế đã dựng nên Adong từ bùn đất, đặt ông trong vườn Địa Đàng. Mặc dù sống giữa chim muông cần thú và hoa lá cỏ cây, Adong cũng vẫn vò võ chỉ có một mình. Không một ai hiểu được ông. Không một ai đưa tay nâng đỡ ông. Cảm thông nỗi cô đơn, Thượng Đế, nhằm lúc Adong ngủ say, đã lấy một chiếc xương sườn của ông mà dựng nên Eva, Sau đó Ngài dẫn Eva tới và trao vào tay ông. Vừa nhìn thấy Eva, Adong đã mừng rỡ kêu lên:

- Này đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi.

Nếu là người Việt Nam, hẳn Adong đã kêu lên hai tiếng: “Mình ơi!”, ngọt như đường cát và mát như đường phèn.

Câu chuyện trên chỉ muốn nói lên rằng: Đờn ông và đờn bà luôn hướng tới nhau và cần đến nhau. Tuy nhiên, điều thật trớ trêu, đó là Eva không hoàn toàn giống Adong, như một bản sao chép. Trái lại, Thượng Đế đã ban cho Eva những điểm khác biệt.

Những điểm khác biệt này ai trong chúng ta cũng đều nhìn thấy. Chẳng hạn về hình dong bên ngoài, người nữ có một thân thể nhỏ bé và dẻo dai hơn, có dáng đi mềm mại và uyển chuyển hơn, có giọng nói dịu dàng và êm đềm hơn người nam. Còn về tính tình bên trong, người nữ có một trực giác bén nhạy và một con tim chan hoà tình cảm, trong khi người nam lại có một cái đầu sáng suốt và một lý trí chất chứa những toan tính.

Trong phạm vi hôn nhân, đối với người nữ tình yêu là tất cả, họ cho rằng cuộc đời mà vắng bóng tình yêu, thì sẽ trở nên trống rỗng và khô cằn. Họ sợ nhất tình trạng trái tim mình bị…thất nghiệp! Trong khi đó, người nam cũng yêu say mê và đắm đuối, nhưng họ lại không đặt tình yêu vào vị trí số một, bởi vì ngoài tình yêu, họ còn quan tâm đến gia đình, đến công danh và sự nghiệp…

Còn nhiều điểm khác biệt nữa, những bằng đó mà thôi cũng đủ để thấy được rằng những khác biệt ấy đáng lẽ phải bổ túc cho nhau, để có được một cái nhìn đúng, một cái nhìn chính xác, thì nhiều lúc lại trở thành những mục tiêu cho vợ chồng chống đối lẫn nhau. Và như vậy trong đời thường, họ giống như một cặp…nhím.

Thực vậy, nhím có nhiều loại. Loại sống ở vùng nhiêt đới xứ nóng. Loại sống ở miền hàn đới xứ lạnh. Nhưng dù loại nhím nào thì cũng có một bộ lông thật cứng và thật nhọn, mà người xưa đã dùng làm tên bắn. Ở xứ lạnh, mùa đông tuyết phủ, những con nhím phải nằm sát gần nhau cho ấm.

Tuy nhiên, điều phiền toái là khi ở gần sát bên nhau như vậy, thì bộ lông cứng và nhọn đó lại đâm vào nhau, làm cho chúng đau đớn khó chịu. Vì vậy, chúng lại giang ra xa. Thế nhưng, cũng chỉ được một lúc, bởi vì thời tiết quá lạnh, khiến chúng lại phải bò sát vào nhau. Dù đâm vào nhau và dù phải xa nhau, nhưng chúng vẫn cần đến nhau. Và càng xa nhau, chúng lại càng cần đến nhau hơn.

Từ câu chuyện về loài nhím, gã xin bàn đến chuyện tình yêu. Gã nhận thấy: Khi mới chập chững đi vào tình yêu, nghĩa là khi còn đang ở vào “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, xem chừng người ta thích quan tâm, để ý đến nhau hơn là…quản lý.

Thực vậy, mỗi khi đi gặp nhau ở một điểm hẹn nào đó, người ta đều ăn mặc tề chỉnh, để có được một hình ảnh đẹp dưới mắt nhau. Xa nhau một tí, người ta liền vội vã điện thoại, thư từ, meo miếc, chát chít với nhau, cho đỡ nhớ và đỡ ghiền! Rồi những dịp lễ lớn như sinh nhật, ngày tình yêu…người ta tíu tít tặng quà và khi người mình yêu lỡ bị tai nạn hay đau yếu, người ta lo lắng viếng thăm… Tất cả những cử chỉ nhỏ mọn ấy đã nói lên được sự quan tâm người ta dành cho nhau.

Nhưng một khi đã bước vào cuộc sống lứa đôi, thì hình như sự quan tâm cứ dần dần bị lu mờ, để rồi được từ từ thay thế bằng một sự quản lý. Dĩ nhiên không phải chỉ có chị vợ quản lý anh chồng, mà nhiều khi anh chồng cũng đòi quản lý chị vợ nữa.

 

Trước hết là chị vợ quản lý anh chồng 

Tuỳ theo tính tình của chị vợ, người ta có được những mẫu quản lý điển hình. Có chị quản lý chồng như người mẹ quản lý con cái. Có chị quản lý chồng như cai ngục quản lý tù nhân. Và để cho anh chồng bất nhóc nhách, các chị vợ thường lưu ý đến ba lãnh vực cần phải quản lý.

Thứ nhất là quản lý thời giờ của chồng.

Chẳng hạn những ngày nghỉ cuối tuần, anh chồng phải ở nhà với vợ con. Hết giờ làm việc, phải về ngay. Nếu có đi nhậu nhẹt, phải điện thoại báo trước: Đi ăn với ai? Bao giờ về? Mặc dù hoà bình đã trở lại trên quê hương từ mấy chục năm nay, thế mà nhiều chị vợ vẫn cứ áp dụng luật “giới nghiêm” của thời chiến tranh, nghĩa là bảy giờ thì đóng cổng, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Tuy nhiên, không phải anh chồng nào cũng dễ dàng chấp nhận luật “giới nghiêm” này. Tác giả Thuỳ Vinh trên báo “Người Lao Động” đã kể lại như sau:

Dù đã nhiều lần hứa “anh sẽ sửa”, nhưng Dũng vẫn duy trì tình trạng về nhà muộn với đủ lý do. Khi mới lấy nhau, Dũng nói với vợ: “Anh sẽ sửa khi nào em có bầu”. Thế nhưng, đến khi Vy có bầu thật, Dũng lại quên mất lời hứa.

Đêm nào về cũng thấy vợ khóc lóc, Dũng đành phải viết tờ giấy: “Sẽ về trước 22 giờ, nếu không vợ buồn. Vợ buồn thì con cũng sẽ buồn”, để cho Vy dán phía trên giường ngủ. Nhưng cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng, Dũng lại mất hút cho đến nửa đêm. Lúc này chàng lại hứa: “Khi nào con ra đời, anh sẽ không đi như thế nữa”.

Nhiều chị vợ đã áp dụng hình phạt cho anh chồng lỗi phạm luật giới nghiêm này như sau: Một là anh chịu khó ngủ ngoài hiên cho đến sáng, bởi vì chị nhất định “tử thủ” không chịu mở cửa, hai là chị sẽ khăn gói quá mướp về với bu, ba là chiến tranh lạnh sẽ xảy ra, chị sẽ không thèm nói với anh một lời nào cả cho đến khi anh phải năn nỉ ỉ ôi xin lỗi.

Thứ hai là quản lý những mối liên hệ của chồng.

Các chị thường xuyên kiểm tra điện thoại và máy tính của chồng, xem có những số, những địa chỉ ngoài luồng nào xâm nhập hay không? Có chị cứ cách hai ba tiếng đồng hồ lại gọi vào điện thoại bàn để kiểm tra xem chồng có thực sự đang làm việc tại cơ quan hay lại biến đi đâu mất tiêu. Nếu anh không trả lời, thì chị sẽ gọi ngay vào điện thoại di động để chất vấn: Anh đi đâu? Làm gì? Với ai?

Các chị xác quyết rằng: Công việc thì giải quyết ở sở và trong giờ làm việc. Còn sau đó, ngoài giờ làm việc anh phải thuộc về gia đình, về vợ con. Nếu chẳng may có một nhân viên nữ nào gọi đến, thì chắc chắn sẽ bị kết tội là có tình ý với nhau, mượn cớ công việc để liên lạc bất kể giờ giấc.

Ngoài ra, chị rất vui khi được tháp tùng chồng đến chỗ này chỗ nọ. Thậm chí anh đi cắt tóc, chị cũng theo chỉ để ngồi đợi, để anh đừng hòng rơi vào động yêu tinh hay ma quái nào đó.

Thứ ba là quản lý tiền bạc của chồng.

Hàng tháng, anh phải nộp đủ tiền lương cho chị và chị sẽ phát lại cho anh một ít để tiêu vặt. Anh muốn chi tiêu khoản nào hơi bị lớn, phải thông qua sự phê duyệt của chị. Và chị rất yên tâm với biện pháp này, nên thường nói với bè bạn:

- Muốn chồng không có bồ, không chơi bời…tốt hơn hết là phải làm cho cái túi của ông ấy rỗng. Không tiền, các ông lấy gì đèo bòng bồ nhí, la cà với đám bợm nhậu…

 

Tiếp đến là anh chồng quản lý chị vợ 

Cho đến ngày hôm nay, vẫn còn những anh chồng mang nặng đầu óc gia trưởng. Họ chủ trương: Phu xướng phụ tuỳ. Chồng là chủ. Hễ chồng phán ra điều gì, vợ phải răm rắp vâng theo. Vì vậy, chuyện quản lý vợ chỉ là lý đương nhiên mà thôi.

Việc quản lý này được bắt đầu ngay từ khi cưới được chị vợ, đúng như lời các cụ ta ngày xưa đã bảo:

- Dạy con từ thuở còn thơ,

  Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.

Và cách thức quản lý hữu hiệu hơn cả, đó là anh chồng sẽ nắm giữ túi tiền trong gia đình, bởi vì ai có tiền thì cũng có quyền. Và khi đã có quyền, thì có thể sai khiến người khác làm theo ý mình. Mọi việc lớn cũng như nhỏ đều do anh chồng quyết định. Chị vợ không còn là người bạn đường cùng chia sẻ trách nhiệm với anh chồng, mà chỉ còn là một loại “ô-sin”, một loại “con ở” cao cấp mà thôi.

Một chị vợ đã kể lại kinh nghiệm đắng cay của đời mình:

Anh là người làm ra khá nhiều tiền, nên sau khi kết hôn anh đề nghị chị ở nhà lo chăm sóc con cái và bếp núc…Chị đồng ý. Anh lo cho vợ cuôc sống tiện nghi đầy đủ, không thiếu một thứ gì, nhưng cũng lo luôn cả “tay hòm chìa khoá”. Chị cần gì, anh đích thân đi mua, hoặc đưa cho số tiền vừa đủ theo yêu cầu…Con cái bắt đầu mâu thuẫn với chị vì bị quản lý chặt chẽ. Có lần chúng cãi lại chị:

- Tiền là của bố. Bố cho thi con tiêu. Mẹ đừng can thiệp.

Mỗi lần anh chị to tiếng với nhau là bọn trẻ lập tức đứng về phe bố, chỉ trích lại mẹ. Chúng tỏ ra coi thường mẹ và chỉ nghe theo lời bố. Chị cảm thấy cuộc sống của mình thật sự ngột ngạt và chẳng còn ý nghĩa…Giá như ngay từ đầu, chị kiên quyết không ở nhà như đề nghị của anh. (Theo Dân Trí).

Kinh nghiệm cho thấy những gì thuộc phạm vi tinh thần và tình cảm thì không thể nào quản lý. Và nếu có áp đặt một sự quản lý, người ta vẫn có thể tìm ra mọi kẽ hở để luồn lách, và cuối cùng là những hậu quả đầy thương đau. Điều quan trọng đó là tình yêu và niềm tin giữa hai vợ chồng. Đúng thế, nếu thiếu vắng tin yêu, hôn nhân sẽ đi tới chỗ đổ vỡ, những chăm sóc không còn là sự quan tâm, mà chỉ là một sự quản lý lẫn nhau mà thôi.

Sách “Cổ Học Tinh Hoa” kể lại rằng: Hồi trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà. Cái phép nước Vệ là hễ ai đi trộm xe của vua, thì phải tội chặt chân. Mẹ Di Tử Hà ốm nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua ra đi. Vua nghe thấy khen rằng:

- Có hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ mà quên cả tội chặt chân.

Lại một hôm, Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt, còn một nửa bèn đưa cho vua ăn. Vua nói:

- Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường cho ta.

Về sau, vua không còn lòng yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận mà nói rằng:

- Di Tử Hà trước dám liều lấy xe của ta mà đi. Lại một lần dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày.

Nói xong đem ra trị tội. Ôi! Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau như một, thế mà trước thì vua khen, còn sau vua lại bắt tội là chỗ tại khi yêu khi ghét khác nhau mà thôi. Lúc được vua yêu, chính đáng tội thì lại hoá công thần; lúc bị vua ghét, chính không đáng tội thì lại hoá phản bội. Cho nên người ta muốn can ngăn, đàm luận với vua điều gì, thì trước phải xem cái lòng vua yêu hay vua ghét thế nào, rồi hãy nói.

Tác giả đã thêm vào câu truyện trên một lời bàn như sau:

“Sự yêu, ghét thường làm cho người ta mờ đi, không thấy rõ được cái giá trị của người được yêu hay kẻ bị ghét ra thế nào. Không nói gì yêu người này, ghét người nọ, nhiều khi cũng chỉ một người ấy, lúc yêu thì cho ra thế này, còn lúc ghét thì cho ra thế kia. Cái thói thường yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cách cư xử chắc cũng theo như vậy, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu.

- Yêu nhau cau bảy bổ ba,

  Ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười.

Lại chẳng những yêu ghét riêng người ấy, mà cón yêu ghét đến cả những sự hay những người có liên quan đến người ấy:

- Yêu nhau yêu cả tông chi,

  Ghét nhau ghét cả đường đi lối về.

Sự yêu ghét làm cho ta thiên và nhầm như thế nào, cho nên ta muốn cho công bình, khi yêu khi ghét, phải biết rõ cái giá trị của người được yêu hay bị ghét, biết chỗ phải cũng như biết chỗ trái, biết chỗ trái cũng như biết chỗ phải cho người ta mới được.

Bởi đó, hãy tạo cho gia đình một bầu khí vui vẻ và đầm ấm để mọi thành viên đều háo hấc trở về sau những giờ lao động mệt mỏi. Đồng thời, hãy yêu thương và tin tưởng lẫn nhau, để rồi cùng nhau vượt qua những gian nan thử thách. Dù cuộc sống còn nhiều đau khổ, nhưng vợ chồng vẫn cảm thấy hạnh phúc, vì những đau khổ ấy được nhào luyện trong yêu thương.

Gã Siêu   gasieu@gmail.com


VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************