Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 158, Chúa Nhật 20.11.2011


MỤC LỤC 

Dân Thiên Chúa (tiếp theo)                                                                                            Vatican 2

GIÁO DÂN, NÓI CHUNG ĐỀU TỐT CẢ                                               Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

HIỆP THÔNG CẦU NGUYỆN CHO GIÁO XỨ THÁI HÀ  
Cộng Đồng Giaó Dân Việt Nam / Đông Nam Hoa Kỳ

THƯƠNG MÌNH                                                                                    Lm Jos.Tuấn Việt, O.Carm

NHỮNG ĐIỀU NÊN NHỚ (THƠ)                                                             Bút Xuân Trần Đình Ngọc

THÁNH VŨ VĂN DUỆ                                                                                                     Bùi Nghiệp

QUYỀN SỐNG                                                                                                         Vũ Hưu Dưỡng

CÙNG VỚI ĐỨC THÁNH CHA CHÂN PHƯỚC GIOAN PHAOLỒ II: ĐỌC LẠI HIẾN CHẾ GAUDIUM ET SPES, SAU 30 NĂM ĐƯỢC CÔNG BỐ.                              Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN HỌC VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ ƠN GỌI LINH MỤC                                       Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy

GIÁ TRỊ TUYỆT ĐỐI CỦA TÌNH YÊU                                                        Lm. Minh Anh biên tập

BỆNH VAN TIM                                                                                    Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức, MD.

LỘT XÁC                                                                                            Chuyện phiếm của Gã Siêu


Dân Thiên Chúa (tiếp theo)

 

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội

Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Chuong II

Dân Thiên Chúa (tiếp theo)

14. Tín hữu công giáo. 18* Vậy trước tiên, Thánh Công Ðồng hướng lòng về các tín hữu công giáo. Dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền, Thánh Công Ðồng dạy rằng: Giáo Hội lữ hành này cần thiết cho phần rỗi. Thực vậy, chỉ mình Chúa Kitô là Trung Gian và là đường cứu độ, Người hiện diện giữa chúng ta trong thân thể Người là Giáo Hội; chính Người đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và của phép Thánh Tẩy (x. Mc 16,16; Gio 3,5), đồng thời Người đã xác nhận sự cần thiết của Giáo Hội mà mọi người phải bước vào qua cửa phép Thánh Tẩy. Vì thế, những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi.

Ðược kể là gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội, những ai lãnh nhận Thánh Thần Chúa Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương tiện cứu rỗi được thiết lập trong Giáo Hội; và nhờ các mối liên lạc do việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, việc cai trị của Giáo Hội và sự hiệp thông, họ liên kết với Chúa Kitô trong tổ chức hữu hình mà Người điều khiển nhờ Giáo Hoàng và các Giám Mục. Dù được tháp nhập vào Giáo Hội, nhưng nếu không kiên trì sống trong đức ái thì vẫn không được cứu rỗi, vì tuy "thể xác" họ thuộc về Giáo Hội, nhưng "tâm hồn" họ không ở trong Giáo Hội 12. Nhưng các con cái của Giáo Hội phải nhớ rằng, địa vị cao trọng của họ không phải do công đức riêng mình, nhưng do đặc ân của Chúa Kitô; nếu họ không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn 13.

Phần những người dự tòng, nhờ Thánh Thần thúc đẩy, nếu minh nhiên xin gia nhập Giáo Hội, thì do chính ước muốn ấy, họ đã được kết hợp cùng Giáo Hội rồi; và Giáo Hội là Mẹ hiền yêu thương săn sóc họ như con cái mình. 19*

15. Giáo hội và Kitô hữu không công giáo. Với những kẻ đã lãnh phép Thánh Tẩy, mang danh hiệu Kitô hữu, nhưng không tuyên xưng đức tin trọn vẹn, hoặc không hiệp thông với đấng kế vị Thánh Phêrô, Giáo Hội vẫn biết mình có liên hệ với họ vì nhiều lý do 14. Thực vậy, có nhiều người cung kính lấy Thánh Kinh làm mẫu mực cho lòng tin và đời sống, giữ đạo cách nhiệt thành, thành thực, hết lòng tin kính Chúa Cha toàn năng, và Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa 15. Ðược bí tích Thánh Tẩy ghi ấn, họ kết hợp với Chúa Kitô, họ còn công nhận và lãnh một số bí tích khác trong Giáo Hội, hoặc trong các cộng đồng Giáo Hội của họ. Nhiều người trong họ còn có chức giám mục, họ vẫn cử hành bí tích Thánh Thể và tôn kính Ðức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa 16. Họ cũng hiệp thông trong lời cầu nguyện và các việc lành thiêng liêng khác; hơn nữa, họ thực sự kết hợp trong Chúa Thánh Thần, Ðấng cũng dùng ân huệ và thánh sủng tác động trong họ nhờ thần lực thánh hóa của Ngài, và đã củng cố một số người trong họ đi đến chỗ đổ máu tử đạo. Vì thế, Thánh Thần thúc giục hết thảy các môn đệ Chúa Kitô ước muốn và hành động để tất cả được an bình hiệp nhất trong một đàn chiên dưới quyền một Chủ Chăn duy nhất 17, theo cách thức Chúa Kitô đã vạch ra. Ðể được vậy, Giáo Hội, Mẹ hiền không ngừng cầu nguyện, hy vọng và hành động, cũng như khuyên giục con cái thanh tẩy và canh tân, để ấn dấu của Chúa Kitô chiếu sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo Hội. 20*

16. Giáo hội và những người không thuộc Kitô giáo. Sau cùng, những ai chưa lãnh nhận Phúc Âm cũng được an bài bằng nhiều cách để thuộc về Dân Thiên Chúa 18. Trước tiên phải kể dân tộc đã lãnh nhận lời hứa và giao ước, mà bởi dân ấy, Chúa Kitô đã sinh ra theo thể xác (x. Rm 9,4-5). Họ là dân rất được yêu quí, bởi đã được tuyển chọn vì cha ông họ: Thiên Chúa không ân hận gì vì đã ban ơn và kêu gọi họ (x. Rm 11,28-29). Nhưng kế hoạch cứu độ cũng còn bao hàm những ai nhận biết Ðấng Tạo Hóa: trước tiên phải kể đến người Hồi Giáo; họ xưng rằng họ giữ đức tin của Abraham; cùng với chúng ta, họ thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, nhân từ, Ðấng sẽ phán xét loài người trong ngày sau hết. Những kẻ đang tìm kiếm Thiên Chúa trong bóng tối và qua ngẫu tượng, Thiên Chúa mà họ không biết, cả những kẻ ấy, Ngài cũng không xa họ, bởi vì chính Ngài ban cho mọi người sự sống, hơi thở và tất cả mọi sự (x. CvTđ 17,25-28), và vì là Ðấng Cứu Thế, Ngài muốn mọi người đều được cứu rỗi (x. 1Tm 2,4). Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi 19. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi. Thực vậy, Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc Âm 20, và như một ân huệ mà Ðấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống. Nhưng thường con người bị ma quỉ gạt gẫm làm sai lạc phán đoán của mình khiến họ đánh đổi chân lý Thiên Chúa lấy sự giả dối, khiến họ phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Ðấng Tạo Hóa (x. Rm 1,21 và 25); hoặc vì họ sống chết như không có Thiên Chúa trên đời này, nên liều mình rơi vào sự thất vọng tột độ. Vì hằng quan tâm làm vinh danh Thiên Chúa, và cứu rỗi tất cả những người ấy và hằng nhớ lời Chúa truyền: "Hãy rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật" (Mc 16,15), nên Giáo Hội tận tâm lo lắng và cổ võ việc truyền giáo. 21*

17. Tính cách truyền giáo của Giáo Hội. Như Chúa Cha sai Người thế nào, Chúa Con cũng sai các Tông Ðồ như vậy (x. Gio 20,21) khi Người phán: "Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hãy dạy dỗ họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,19-20). Lệnh ấy, lệnh mà Chúa Kitô long trọng truyền rao giảng chân lý cứu rỗi, Giáo Hội đã nhận lãnh từ các Tông Ðồ để chu toàn khắp cõi đất (x. CvTđ 1,8). Vì thế, Giáo Hội xem lời sau đây của Thánh Tông Ðồ như lời của mình: "Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm" (1Cor 9,16), và vì thế Giáo Hội không ngừng gửi sứ giả Phúc Âm cho đến khi các Giáo Hội trẻ được trưởng thành hoàn toàn và tự mình tiếp tục việc rao giảng Phúc Âm. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Ngài để hoàn tất trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa là Ðấng đã đặt Chúa Kitô làm nguyên lý cứu độ cho cả thế giới. Bằng việc rao giảng Phúc Âm, Giáo Hội sửa soạn cho người nghe đón nhận và tuyên xưng đức tin, và chuẩn bị cho họ lãnh phép Thánh Tẩy, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, tháp nhập họ vào thân thể Chúa Kitô, hầu nhờ đức ái, họ tăng triển mãi trong Người cho đến khi đạt tới viên mãn. Thực ra, những gì thiện hảo trong tâm hồn và tư tưởng của loài người, hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Giáo Hội không nhằm tiêu diệt chúng, nhưng lành mạnh hóa, nâng cao và hoàn thành chúng, hầu làm vinh danh Thiên Chúa, đánh bại ma quỉ và mưu cầu hạnh phúc cho con người. Mỗi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận góp phần truyền bá đức tin 21. Tuy bất cứ ai cũng có thể ban phép Thánh Tẩy cho những kẻ tin, nhưng chỉ có linh mục mới hoàn tất, xây dựng Nhiệm Thể bằng hy lễ tạ ơn, làm trọn lời Thiên Chúa đã phán qua miệng tiên tri: "Từ đông sang tây, Danh Ta sẽ được lừng lẫy khắp muôn dân; khắp nơi đều sát tế và dâng lễ vật thanh sạch kính Danh Ta" (Mal 1,11) 22. Như thế Giáo Hội vừa cầu nguyện vừa hoạt động để toàn thể vũ trụ biến thành Dân Thiên Chúa, Thân Thể Chúa Kitô và Ðền Thờ Chúa Thánh Thần, và trong Chúa Kitô là thủ lãnh muôn loài, mọi danh dự và vinh quang được dâng lên Chúa Cha Ðấng Tạo Thành vũ trụ. 22*

 


Chú Thích:

17* Số 13: Công giáo tính cứ luật của Giáo Hội.

Số 13 đã được sửa đổi hầu hết trong lần tu chính sau cùng. Theo thuyết trình viên thì "chủ đích của bản văn này là trình bày những nguyên tắc của hiệp nhất tính và phổ quát tính của Dân Chúa, trước khi mô tả những phương thức khác nhau làm cho con người liên kết với Dân Chúa (các số 14-16). Bởi vậy, đoạn này chính là gạch nối giữa hai phần của chương hai: phần đầu nói lên những đặc tính tổng quát của Dân Chúa, phần sau bàn về các thành phần, hoặc hiện là thành phần, hoặc là thành phần trong tiềm năng" (Rel. Gen.).

Những chủ đề được quảng diễn như sau:

a) Ðoạn đầu (13a) chỉ nhấn mạnh tới sự hiệp nhất nối kết Giáo Hội mọi lúc và mọi nơi. Thiên Chúa đã muốn qui tụ toàn thể nhân loại trong Con của Ngài nhờ hoạt động hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, và còn muốn nối kết nhân loại trong Giáo Hội của Chúa Kitô. Sự hiệp nhất thấy được trong việc bẻ bánh và trong kinh nguyện.

b) Ðoạn hai (13b) khai triển ý tưởng Dân Chúa hiện diện trong mọi quốc gia trên mặt đất mà không đồng hóa với một quốc gia nào. Dân Chúa phổ quát theo sự lan rộng về địa lý nhưng lại vượt quá biên cương mọi quốc gia do đặc tính siêu việt và do sự kiện bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chính thế mà mọi dân mọi nước khác biệt lại trở thành anh em và sự hiệp nhất của Dân Chúa có tính cách "công giáo" thực sự. Chủ đề thu-về-một-mối được áp dụng triệt để.

c) Nhờ đặc tính công giáo ấy, tất cả các phần tử Dân Chúa đặt mọi của cải và ân huệ riêng biệt của mình làm của chung. Cơ cấu nội tại của sự hiệp nhất công giáo của Giáo Hội thật phức tạp. Bởi vậy mới có sự dị biệt hiệp nhất trong mọi tầng lớp của Dân Chúa và mọi phần tử phải hợp tác vào sự hiệp nhất dị biệt. Ngay trên bình diện Giáo Hội, cũng cần phải có các giáo hội địa phương khác biệt nhau nhưng bổ túc cho nhau, mà không phương hại tới sự hiệp nhất. Hủy bỏ mọi khác biệt sẽ tạo nên tình trạng nhàm chán nghèo nàn, và là lý do gây nguy hại cho chính việc hiệp nhất. Nhưng muốn cho sự dị biệt sinh hiệu quả phong phú, cần phải có yếu tố thông hảo trong đức ái. Trong chiều hướng ấy, Giáo Hội Rôma là năng lực cai trị và là sự thống nhất các nguyên tắc nhờ trung thành với đức ái (13c).

Trong câu kết luận (13d) sửa soạn cho phần khai triển kế tiếp, Công Ðồng tái xác nhận việc mọi người được mời gọi tới ơn cứu rỗi trong Dân Chúa, nhưng mức độ tham dự và qui hướng tới Dân Chúa lại rất khác nhau, tùy như người đó đã chịu phép Thánh Tẩy hay mới chỉ là những người được định hướng tới Giáo Hội mà chính họ không hay biết. Ðể nói lên sự khác nhau đó, Công Ðồng xử dụng hai động từ: pertineri và ordinari. Chỉ những ai chịu phép Thánh Tẩy đúng ra mới thuộc về Dân Chúa, còn những người khác hướng về Dân Chúa tùy như mức độ và thiện chí của họ. Cũng như sự lôi cuốn giữa Cha và Con mà Giáo Hội được tham dự, Giáo Hội cũng lôi kéo đến mình tất cả mọi người không trừ ai, bởi vì mọi người đều qui hướng về Giáo Hội do ý định cứu rỗi phổ quát.

18* Các số 14-16: Tình trạng con người tương quan với Giáo Hội.

Ðối với Giáo Hội, không ai ở ngoài cuộc cả. Trong cố gắng cụ thể hóa dựa vào những nguyên tắc đã đề ra, Công Ðồng cứu xét, giữa các hạng người khác nhau trong tình trạng cụ thể của họ, đâu là mối tương quan của họ với Giáo Hội, là Dân Chúa, là bí tích hữu hình và phổ quát của ơn cứu rỗi. Vậy nên Công Ðồng cứu xét sự liên lạc của những người công giáo với Giáo Hội (số 14), của các Kitô hữu ly khai (số 15), của các người ngoài Kitô giáo có thiện chí (số 16).

12 Xem T. Augustinô, Bapt. c. Donat. V, 28, 39 : PL 43, 197: "Hiển nhiên, khi nói trong và ngoài Giáo Hội, phải hiểu là trong tâm hồn chứ không phải trong thân xác". Xem n.v.t., III, 19, 26: cột 152; V, 18, 24; cột 189; In Jo., Tr. 61, 2 : PL 35, 1800, và nơi khác.

13 Lc 12,48: "Lại đã trao phó cho ai nhiều, kẻ ấy cũng bị đòi hỏi nhiều hơn". Xem Mt 5,19-20; 7,21-22; 25,41-46; Giac 2,14.

19* Số 14: Các tín hữu công giáo.

Công Ðồng bắt đầu từ các tín hữu. Bản văn gồm 3 phần:

a) Phần nhất xác quyết Giáo Hội cần cho phần rỗi, bằng những hạng từ tổng quát dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền. Có thuộc về Giáo Hội thì mới được cứu rỗi vì chỉ có một vị Trung Gian cho ơn cứu độ là Chúa Kitô, Ðấng hiện diện trong Giáo Hội là Thân của Người. Hơn nữa, Chúa cũng đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và phép Thánh Tẩy để dẫn đưa chúng ta vào Giáo Hội. Nhưng, như Công Ðồng đã minh định, hai yếu tố đó cần thiết với điều kiện là phải biết Thiên Chúa đã nhờ Chúa Giêsu Kitô mà thiết lập Giáo Hội như phương tiện cần thiết. Nói bằng những hạn từ tổng quát thì sự cần thiết phải được giải thích như sau: người tự lỗi riêng mình mà ở ngoài Giáo Hội, phải chịu trách nhiệm về án phạt mình. Công Ðồng vẫn tôn trọng trường hợp vô tri bất khả thắng cứ thực hay cứ luật của biết bao nhiêu người trên thế giới (số 14a).

b) Phần hai giải thích sự gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội. Sự gia nhập này thực hiện qua những điều kiện bên ngoài như chịu phép Thánh Tẩy, tuyên xưng đức tin, thông hảo với giáo phẩm trong tinh thần tuân phục. Nhưng hơn thế nữa, còn đòi phải có Thánh Thần Chúa Kitô. Chỉ tham dự thuần bên ngoài mà thôi không đủ. Ngoài những yếu tố hữu hình, phải có dây liên lạc với Thánh Thần, tâm hồn phải thuộc về Chúa Kitô, nghĩa là sống trong đức ái và xa lánh tội lỗi. Một sự gia nhập trọn vẹn giả thiết có thể có những mối dây liên lạc bất toàn. Chúng ta sẽ xét đến những mối dây đó trong những đoạn sau (số 14b).

c) Phần ba bàn về các người dự tòng. Chắc hẳn không thể liệt kê họ vào số những người không công giáo, dù họ mới chỉ đang trên đường đi tới việc tháp nhập vào Giáo Hội. Họ đã minh nhiên thỉnh nguyện để được gia nhập, và do ý muốn minh nhiên ấy mà họ được liên kết với Giáo Hội. Chỉ ý muốn này thôi cũng đủ để thuộc về Giáo Hội và đạt tới ơn cứu rỗi khi hoàn cảnh không cho phép họ lãnh nhận phép Thánh Tẩy.

14 Xem Leô XIII, Tông thư Praeclara gratulationis, 20-6-1894 : AAS 26 (1893-94), trg 707.

15 Xem Leô XIII, Tđ. Satis Cognitum, 29-6-1896 : AAS 28 (1895-96), trg 738. Tđ. Caritatis studium, 25-7-1898 : AAS 31 (1898-99), trg 11. Piô XII, Diễn văn truyền thanh Nell Alba, 24-12-1941 : AAS 34 (1942), trg 21.

16 Xem Piô XI, Tđ. Rerum Orientalium, 8-9-1928 : AAS 20 (1928), trg 287. Piô XII, Tđ. Orientalis Ecclesiae, 9-4-1944 : AAS 36 (1944), trg 137.

17 Xem Giáo huấn của Bộ thánh vụ, 20-12-1949 : AAS 42 (1950), trg 142.

20* Số 15: Những mối dây liên lạc của Giáo Hội đối với các Kitô hữu không công giáo.

Ðoạn này coi là căn bản và tóm lược điều mà Sắc lệnh về Hiệp Nhất sẽ trình bày: nền tảng thần học của việc Hiệp Nhất. Công Ðồng vẫn công nhận các anh em ly khai là Kitô hữu, dầu họ không tuyên xưng một đức tin trọn vẹn hoặc không hiệp thông với Ðấng kế vị Thánh Phêrô. Sau đó, Công Ðồng liệt kê những mối dây liên lạc khác nhau nối kết Giáo Hội với anh em ly khai: dây hữu hình như Thánh Kinh, đức tin vào Thiên Chúa Cha và Chúa Kitô, phép Thánh Tẩy và một số bí tích khác; dây vô hình như sự kết hợp thiêng liêng qua kinh nguyện, qua sự trao đổi những việc lành siêu nhiên; sự kết hiệp chính thực nhưng bất toàn: đó là hai khía cạnh của một sự kết hiệp mà ngày nay trở thành rộng rãi hơn.

18 Xem T. Tôma, Summa Theol. III, q. 8, a. 3 ad 1.

19 Xem Thư của Bộ thánh vụ gửi cho Tổng giám mục Boston: Dz 3869 - 72.

20 Xem T. Eusebiô Caes., Praeparatio Evangelica, 1, 1: PG 21, 28 AB.

21* Số 16: Tình trạng của các người ngoài Kitô giáo đối với Giáo Hội.

Số này muốn phác họa một khoa thần học về những tôn giáo ngoài Kitô giáo mà Tuyên Ngôn về các Tôn Giáo này sẽ lặp lại và đào sâu hơn. Công Ðồng xác quyết ba đề xướng thần học:

a) Tất cả những người ngoài Kitô giáo đều được qui hướng về Dân Chúa, do hiệu quả của ý muốn cứu rỗi phổ quát. Công Ðồng xếp họ thành những lớp khác nhau tùy theo đặc tính qui hướng về Giáo Hội hữu hình. Một vài tôn giáo như Do Thái Giáo và Hồi Giáo, còn bảo trì Cựu Ước và đức tin của Abraham, thì qui hướng nhiều hơn. Ðối với các tôn giáo khác, nỗ lực tìm về "một Thượng Ðế chưa được biết đến" mà ai cũng có thể có được, phần nào chứng tỏ Thiên Chúa muốn lôi kéo họ đến với Ngài là Thiên Chúa Chân Thật.

b) Sự qui hướng ấy được thực hiện nhờ ân sủng. Ân sủng hỗ trợ hữu hiệu khiến mọi người thiện chí sống một đời ngay thẳng, và trong các việc làm biết nỗ lực chu toàn ý muốn của Thiên Chúa mà họ nhận ra qua tiếng lương tâm.

c) Tuy nhiên, nhiều trở ngại (về suy lý, tâm lý, thực tiễn) khiến cho việc tìm về Thiên Chúa trở thành hết sức khó khăn, có thể làm cho họ phải thất vọng.

Tựu trung, đối với những người ngoài Kitô giáo có thiện chí, Thiên Chúa sẽ đưa họ tới Giáo Hội bằng ân sủng của Ngài. Ngoài ra, "tôn giáo" họ theo cũng nâng đỡ họ và ngoại cảnh xã hội (chuẩn bị cho Phúc Âm) còn giúp họ sống ngay chính theo lương tâm. Và như vậy họ được qui hướng tới Giáo Hội.

Những trở ngại mà các người ngoài Kitô giáo gặp phải trên đường tìm về Thiên Chúa giúp ta nhận rõ tầm quan trọng của việc truyền giáo trong đời sống Giáo Hội. Ở số cuối cùng trong chương hai này, Công Ðồng lặp lại tính cách phổ quát của Dân Chúa dưới khía cạnh đặc biệt là nỗ lực truyền giáo.

21 Xem Benedictô XV, Tông thư Maximum illud: AAS 11 (1919), trg 440, nhất là trg 451tt. Piô XI, Tđ. Rerum Ecclesiae: AAS 18 (1926), trg 68-69. Piô XII, Tđ. Fidei Donum, 21-4-1957: AAS 49 (1957), trg 236-237.

22 Xem Didachè, 14: x.b. Funk I, trg 32. T. Giustinô, Dial. 41: PG: 6, 564, T. Ireneô, Adv. Haer. IV, 17,5: PG 7, 1023; Harvey, 2, trg 199t. CÐ Trentô, khóa 22, ch. 1: Dz 939 (1742).

22* Số 17: Ðặc tính truyền giáo của Giáo Hội.

Một số người công kích vì dựa vào những sự mập mờ của những công cuộc truyền giáo và vì chủ trương giản dị rằng người lương chỉ cần có thiện chí và với ơn Chúa giúp cũng có thể được cứu rỗi; để chống lại, Công Ðồng đã quả quyết việc truyền giáo cần thiết trong viễn tượng phổ quát riêng biệt của chương hai này. Quả quyết bằng cách định nghĩa rõ ràng mục đích việc truyền giáo và những nguyên tắc của việc tông đồ. Sau đây là những chủ đề:

a) Việc truyền giáo đặt nền tảng trong sứ mệnh của Ba Ngôi. Như Cha đã sai Con mình, Ðấng Cứu Thế cũng sai các Tông Ðồ đi rao giảng, thánh hóa và chăn dắt; Giáo Hội có nhiệm vụ phải lưu truyền sứ mệnh ấy. Ðó là lý do khiến Giáo Hội tồn tại. Giáo Hội là Giáo Hội truyền giáo do huấn lệnh truyền giáo (Mt 28,19-20).

b) Ðối tượng riêng của việc truyền giáo khi thi hành sứ mệnh đã lãnh nhận, không những là rao giảng Chúa Kitô, nhưng còn phải thiết lập các Giáo Hội bản xứ, và chính những Giáo Hội này cũng mang tính cách truyền giáo nơi người đồng hương của mình. Hoạt động truyền giáo là chuẩn bị cho con người đón nhận đức tin và phép Thánh Tẩy, giũ bỏ lầm lạc để gia nhập Giáo Hội. Làm thế là thừa nhận và thanh tẩy cho thành tựu tất cả những mầm mống thiện hảo trong tâm hồn mọi người và mọi dân tộc (chuẩn bị cho Phúc Âm).

c) Môn đệ nào của Chúa Kitô cũng có nhiệm vụ này. Nhưng chính những Linh Mục có một nhiệm vụ không thể thay thế được. Tất cả Giáo Hội sẽ nhờ kinh nguyện và việc làm để cố gắng thực hiện lần lần sự sung mãn của Dân Chúa, vì vinh quang Chúa Cha trong Chúa Kitô.

Một khoa thần học truyền giáo chính đáng phải lưu ý tới ba khía cạnh mà Công Ðồng đã nêu ra đây: vấn đề là phải biết tổng hợp cả ba khía cạnh: khía cạnh nhân loại bản vị (ơn cứu độ của con người), khía cạnh Giáo Hội (việc thiết lập Giáo Hội) và tương quan của cả hai với một ý niệm tập trung về Chúa Kitô và Ba Ngôi.

Trong hai chương trên, Công Ðồng đã đặt nền móng vững chắc cho một khoa Giáo Hội học chính thực. Việc mô tả các cơ cấu của Giáo Hội trong các chương sau cũng sẽ dựa trên những nền tảng tín lý đó. Các chương sau này phải được quan niệm dưới ánh sáng mạc khải về mầu nhiệm Giáo Hội và Dân Chúa thì mới có giá trị đích thực.

 
VỀ MỤC LỤC
GIÁO DÂN, NÓI CHUNG ĐỀU TỐT CẢ
 

Tập Hồi Ký của Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng (Chứng từ của một Giám Mục) rất hấp dẫn về nhiều mặt, nhất là có nhiều chi tiết thú vị dù xót xa trong một bối cảnh lịch sử không thuận tiện cho đời sống đức tin.

Đặc biệt, Đức cố Giám mục Phaolô đánh giá rất cao vai trò của người tín hữu giáo dân trong Hội Thánh. Điều này hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Hội Thánh, nhất là từ thời Công Đồng Vatican II. Thành thử, có thể nói rằng Đức Cha Phaolô sống và suy tư theo tinh thần Công Đồng, dù ngài ở miền Bắc vào thời kỳ nhiều khó khăn nhất.

Đức Cha Phaolô viết: “Giáo dân, nói chung đều tốt cả. Người ta nói: ngày nay Chúa Thánh Thần hoạt động nơi giáo dân hơn là nơi giáo sĩ. Không biết có đúng không, nhưng có hiện tượng như thế” Ngài còn viết mạnh hơn ở những dòng sau đó, nhất là khi ngài so sánh thái độ giáo sĩ và giáo dân trong việc phong thánh cách đây hơn hai mươi năm.

Đó là một lời khích lệ cho người tín hữu giáo dân trong thời đại mà Hội Thánh luôn đề cao đặc tính tham gia và hiệp thông của mình.

Giáo dân là những con người giúp “hoàn thành sứ mạng trần thế của Giáo Hội” khi họ thi hành “những trách nhiệm liên quan đến việc xây dựng, tổ chức và vận hành xã hội”. Giáo huấn Xã Hội Công giáo đã xác định điều ấy một cách rõ ràng. (x. Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, CĐ Vatican II và Thông điệp Populorum Progressio của ĐGH Phaolô VI).

Sứ mạng trần thế của Giáo Hội phù hợp với bậc sống và điều kiện của người tín hữu giáo dân nên Giáo Hội uỷ thác và khuyến khích giáo dân thi hành sứ mạng ấy. Nhưng Giáo Hội là Mẹ không đứng ngoài cuộc mà quan sát và càng không thể bỏ bê. Tại sao thế?

Chính Giáo Hội trả lời: Đó là “quyền cũng đồng thời là nghĩa vụ của Giáo Hội, vì Giáo Hội không thể bỏ bê trách nhiệm này mà đồng thời không chối bỏ chính mình và bất trung với Đức Kitô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16).

Giáo Hội còn nói rõ hơn: “Vì Tin Mừng và đức tin có liên hệ đến đời sống chung như thế, vì các hậu quả của bất công hay của tội rất tai hại, nên Giáo Hội không thể giữ thái độ thờ ơ với các vấn đề xã hội”. (x. Tông huấn Evangelii Nuntiandi, ĐGH Phaolô VI)

Nhận xét của Đức Cha Phaolô trong thời kỳ mà thông tin từ Toà Thánh bị hạn chế, hoá ra lại hoàn toàn phù hợp và đi đúng con đường Hội Thánh. Đó vừa là sự khích lệ cho người tín hữu giáo dân, vừa giúp các chủ chăn về vai trò ủng hộ, nâng đỡ, chỉ dẫn và khuyến khích con cái mình can đảm làm chứng cho Tin Mừng giữa xã hội trần thế.

Người giáo dân nào cũng cảm thấy được an ủi nhiều khi đọc lời Đức Cha Phaolô: “Giáo dân, nói chung đều tốt cả”. Bất cứ người con nào, dù đời sống không theo chuẩn mực, vẫn đầy hy vọng và yêu thương khi nghe cha mẹ mình âu yếm nói nhỏ: “Con cái bố mẹ nói chung đều tốt cả”. Tương lai đứa con chắc chắn sẽ rất đẹp và rất sáng.

Trong bối cảnh xã hội phân hoá và bất định, mỗi người tín hữu giáo dân được sai đi để làm chứng cho Tin Mừng trong một vai trò khác nhau. Có những người con của Giáo Hội nhiệt thành và hăng say, đi nhanh hơn vai trò hướng dẫn của một vài chủ chăn nhiều e dè. Nhưng chắc chắn Chúa Giêsu đã đi trước họ nhiều lắm. Do đó niềm khát khao của người giáo dân hôm nay là được chạy như bay đến với Thầy Chí Thánh, có sự đồng hành và nâng đỡ của các chủ chăn của mình.

Và khi được các chủ chăn nâng đỡ, người giáo dân nhận thấy chính mình càng phải có trách nhiệm, không chỉ với tư cách một thành viên trong xã hội, mà còn là một “thừa sai” làm chứng tá cho Tin Mừng và thi hành sứ mạng mà Mẹ Hội Thánh giao phó.

Xã hội này cố ý trình bày sai lạc hình ảnh người giáo dân. Họ muốn cho thế gian thấy người tín hữu là người sống xa cách với cuộc đời, là những người hay gây hấn hoặc là những kẻ vọng ngoại. Thực tế thì hoàn toàn khác hẳn. Người giáo dân là người sống trọn vẹn thân phận con người giữa xã hội để nâng xã hội lên.

Các Thánh Tử Đạo Việt nam là các tiền nhân anh dũng, không chỉ chết để làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh, mà các ngài còn sống thật đẹp cuộc sống giữa thế gian. Chính quá khứ hào hùng và yêu thương ấy đã tạo cho người tín hữu giáo dân Việt nam một lối sống đạo, sống cho Chúa và cho đồng loại một cách đặc biệt hơn.

Quá khứ hào hùng ấy và hiện tại đầy yêu thương hôm nay đang hoà thành một, như lời Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt: “Ta là ta như hôm nay chính vì được nhào nặn trong dòng lịch sử. Tất cả những biến cố, những con người chung quanh, dù ẩn khuất vào bóng tối quá khứ, vẫn là một thành phần của đời ta. Ta có thể tìm thấy tất cả những điều ấy trong tập hồi ký của Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng”.

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

 

VỀ MỤC LỤC
HIỆP THÔNG CẦU NGUYỆN CHO GIÁO XỨ THÁI HÀ
 

LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIÊT NAM TẠI HOA KỲ

CỘNG ĐỒNG GIÁO DÂN VIỆT NAM

MIỀN ĐÔNG NAM HOA KỲ

2173 Salt Myrtle Lane

Fleming Island, Fl 32003

 

 

****

   

SỰ KIỆN:

 

Vào lúc 14 giờ 45 ngày 3 tháng 11 năm 2011 có một toán khoảng chừng 100 người không biết từ đâu đã ùa vào sân nhà thờ xứ Thái Hà tại thành phố Hanội, Việt Nam, cầm loa tay chửi bới, xô sát các tu sĩ, linh mục và giáo dân. Cha Gioan Lưu ngọc Quỳnh ra gặp toán người này thì bị túm cổ áo, xô đẩy ngay trong sân nhà thờ. Các thày phó tế Vinh Sơn Vũ văn Bằng và Antôn Nguyễn văn Tặng cũng bị xô sát, lăng mạ chửi bới. Họ cũng chửi bới nhiều giáo dân và còn hăm dọa giết.

 

Đây là đám người gọi là tự phát và không có ai đứng ra chịu trách nhiệm, nhưng lại có sự chuẩn bị đầy đủ máy quay phim chuyên nghiệp, nhiều máy ảnh tác nghiệp ngay trong nội vi nhà thờ.

 

Vì cổng nhà thờ đã có để bảng cấm quay phim, chụp ảnh, nên cha Phạm xuân Lộc đã phản ứng thì liền bị nhóm người này túm cổ áo xô đẩy. Những người chửi bới các linh mục và giáo dân miệng thở hơi đầy mùi rượu. Họ tỏ ra say máu, đã hung hãn chửi bới rồi sau đó dùng búa tạ đập phá cánh cửa nhà thờ. Toán người này không chịu nói chuyện với các tu sĩ và linh mục. Giáo xứ đã cho đánh trống, kéo chuông nhà thờ. Anh chị em giáo dân thuộc xứ Thái Hà và ở các xứ đạo lân cận đã hiệp thông kéo nhau đến nhà thờ rất đông, thì đoàn người này đã tự động rút lui.

 

Trong những ngày gần đây, giáo xứ Thái Hà luôn luôn bị nhà cầm quyền Hanội khủng bố. Công an, mật vụ, dân phòng bao vây dầy đặc quanh nhà thờ và tu viện. Các thiết bị điện tử tối tân cũng được huy động bố trí chung quanh nhà thờ.

 

Sau cuộc khủng bố bằng chiêu bài côn đồ bị bại lộ, nhà cầm quyền Hanội quyết định tấn công giáo xứ Thái Hà một đợt mới. Tương lai của giáo sứ Thái Hà sẽ ra sao khi mà nhà cầm quyền Việt Nam nhất quyết khủng bố một cách trắng trợn như vậy.

 

VẤN ĐỀ:

 

Nhìn tổng quát vấn đề qua những cuộc khủng bố của nhà cầm quyền Hanội từ năm 2008 đến nay, thì chỉ vì nhà cấm quyền cộng sản Viêt Nam muốn cưỡng chiếm đất đai của giáo xứ Thái Hà.

 

Dòng Chúa Cứu Thế đã mua khu đất này từ năm 1928 để xây nhà dòng và nhà thờ. Nhà dòng đưọc khánh thành ngày 7-5-1929 và nhà thờ xây hoàn thành năm 1935. Khi cộng sản chiếm miền Bắc năm 1954, nhà cầm quyền địa phương đã chiếm dần đất và tài sản của nhà dòng và giáo xứ. Diện tích nhà dòng và giáo xứ trước đây là 61.455 thước vuông, nay thì chỉ còn 2.700 thước vuông. Nhà nước luôn luôn tuyên bố đất này là tài sản của nhà nước và do nhà nước quản lý mà không có một văn kiện pháp lý nào chứng minh. Các quan chức địa phương cứ tùy tiện cưỡng đoạt một cách bất hợp pháp ngay cả đối vói luật pháp của nhà nước Việt Nam, vi phạm trầm trọng những công ước quốc tế về quyền tư hữu.

 

LẬP TRƯỜNG CỦA CĐGD MIỀN ĐNHK:

 

CĐGD/ĐNHK cực lực phản đối âm mưu và hành đông khủng bố giáo xứ Thái Hà của nhà cầm quyền Việt Nam. Yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam:

 

1- Chấm dứt mọi hành động độc tài, cưỡng bức, khủng bố giáo xứ Thái Hà dưới mọi hình thức, đồng thời phải bảo đảm an ninh, trang nghiêm nơi thờ tự của tôn giáo

 

2- Trả lại những tài sản mà nhà cầm quyền VN đã cưỡng chiếm của Giáo Hội Công Giáo VN cũng như của tất cả các tôn giáo khác.

 

3- Tôn trọng Tự Do, Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo của người dân như đã được qui định trong Hiến Chương LHQ.

 

Trong niền Tin Yêu vào Thiên Chúa là cha nhân lành và công bằng,  CĐGDVN/ĐNHK cùng nhau đoàn kết hiệp thông cầu nguyện cho Thái Hà đòi hỏi CÔNG BẰNG và CÔNG LÝ.

 

Xin tất cả anh chi em giáo hữu các giáo xứ miền Đông Nam Hoa Kỳ hiệp thông cầu nguyện với Thái Hà dưói mọi hình thức công khai hoặc âm thầm

 

Xin tất cả anh chị em giáo dân thuộc tất cả các giáo xứ trên toàn cõi HK và trên thế giới đoàn kết hiệp thông với Thái Hà cầu nguyện cho việc đòi hỏi Công Bằng và Công Lý của Thái Hà thành công.

     

Cũng xin tất cả các công đồng, các đoàn thể, hội đoàn, đảng phái, tôn giáo, đồng bào Việt Nam ở hải ngoại và các tổ chức nhân quyền quốc tế yểm trợ Thái Hà bằng mọi cách, mọi phương tiện có thể để Tự Do, Nhân Quyền, Tự Do Tôn Giáo và Công Bằng Công Lý mau được thực thi trên quê hương Việt Nam.

 

Làm tại Fleming Island, Florida ngày  9-11-2011

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

Cộng Đồng Giaó Dân Việt Nam / Đông Nam Hoa Kỳ

 

VỀ MỤC LỤC
THƯƠNG MÌNH

 

Lúc ấy, một người thông luật trong nhóm hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?" Ðức Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22:35-39)

Tình huống trên cho ta một logic rõ ràng: Chỉ khi yêu mến Chúa hết lòng thì con người mới có thể yêu thương nhau trọn tình vì “Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4:8). Thêm nữa, để có thể yêu mến tha nhân đúng cách, ta phải biết cách yêu thương chính mình. Nói cách khác, nếu chính mình mà mình không biết thương thì cũng rất khó để biết thương anh chị em.

Thế nào là “thương mình”? Đã có nhiều suy tư và lý thuyết nói về điều này rồi. Ở đây, chỉ xin được thêm vào một vài ví dụ thực tế mình đã được diễm phúc gặp thấy trong cuộc sống thường ngày. Mời bạn cùng chiêm ngắm và bổ sung cho hành trang cuộc đời.

+++

Em là một người con gái đặc biệt có duyên. Gặp một lần thôi cũng đủ làm cho người khác mến mộ và cảm thấy an lòng. Nét đẹp của em không lộng lẫy kiêu sa như một nàng công chúa đài các hoa lệ vì em là một người đẹp lên từ những khó khăn. Nét đẹp của em toát lên sự thanh thản có chiều sâu, xuất phát tự một tâm hồn đầy yêu mến. Em chia sẻ: “Bao nhiêu năm vất vả, bỗng một ngày em nhận ra mình cần phải biết thương chính mình.” Thế là em bắt đầu để ý trang điểm một chút khuôn mặt vốn đã khả ái bấy lâu, xem lại chế độ ăn uống nghỉ ngơi giải trí, sắp xếp lại lịch làm việc để có thời gian chăm sóc đời sống tâm linh. Em chia sẻ thêm: “Em chăm sóc mình vì em trân trọng bản thân mình là tuyệt tác do chính Chúa sáng tạo trong tình yêu.” Từ ngày ấy, em đẹp hơn cả ngoại hình lẫn tâm hồn. Em còn ‘bật mí’ một bí mật tự em khám phá: “Khi mình thấy mình đẹp hơn, mình cũng sẽ thấy người khác đẹp hơn.” Một nhận xét tinh tế và tuyệt vời! Bây giờ em vui tươi, lạc quan, bình tâm giữa cuộc đời vạn biến và cảm thấy lòng đầy tình Chúa. Em đang làm lan toả sức sống mới cho những ai cần biết thương quý bản thân hơn.

+++

Anh là người đảm nhận nhiều công việc quan trọng trong công ty. Vì quan trọng nên cũng nhiều áp lực. Cuộc sống của anh giằng kéo giữa những tính toán lo toan. Có nhiều ngày thật dài. Nhiều khi trở về nhà mà đầu còn nặng trĩu lắng lo công việc. Thế rồi một ngày đời anh bỗng đổi khác, ít nhất cũng bớt căng thẳng được một nửa. Anh chia sẻ: “Một lần ngồi uống trà trong giờ giải lao, tôi chợt ra rằng trước giờ tôi sống tàn nhẫn với bản thân quá. Tôi làm việc quần quật, lao vào công danh như một con thiêu thân. Xét cho cùng thì một ngày cũng chỉ 24 tiếng, mỗi lần ăn cũng chỉ cầm được một chén cơm một ly nước. Công việc cho dù có thành công đến mấy thì nó cũng không bao giờ biết thương tôi. Những lo lắng toan tính làm ăn chẳng hề quan tâm đến hạnh phúc của mình. Tôi tự tạo mệt mỏi một cách vô ý thức. Tôi nhận ra rằng mình đã dại dột lơ là đời sống cầu nguyện, không biết nương tựa phó thác vào Chúa nên dễ lao đao kiệt sức. Ngoài Chúa ra thì người gần mình nhất chính là mình, và bởi thế nên chỉ có Chúa và mình mới chăm sóc mình tốt nhất thôi. Cuối cùng tôi quyết định phải thương chính mình. Một cách tôi tập thương mình là: khi bước ra khỏi văn phòng, tôi bỏ lại đó mọi nỗi lắng lo công việc để dành trọn thời gian còn lại trong ngày cho vợ cho con. Từ khi biết thương mình đúng cách, tôi và gia đình an vui hơn. Tôi biết mình đã quyết định một điều khôn ngoan.”

+++

Chị mắc một sai lầm. Sai lầm đó dẫn đến một sai lầm khác nghiêm trọng hơn khiến chị đau đớn dằn vặt bao đêm không ngủ. Gối đã nhiều lần ưới sũng nước mắt. Quá khứ ấy cứ quanh quẩn đâu đó trong góc tối cuộc đời. Nỗi ám ảnh kiểm soát tâm trí, cướp đi bình an trong lòng. Chị hối tiếc. Chị bực mình. Chị tự ti mặc cảm. Chị tự trách hoài tội lỗi đã qua. Căng thẳng. Mệt mỏi. Sụt ký. Chán nản. Đau đầu. Thất vọng. Bế tắc…. Chị để đời mình rơi vào một cái vòng luẩn quẩn do ám ảnh quá khứ. Ai cũng lo lắng cho chị nhưng lắc đầu không biết cách giúp thế nào nữa.

Bẵng đi một thời gian không thấy chị, một ngày kia bạn bè chị gặp lại trong ngỡ ngàng. Họ thấy chị vui vẻ bình yên. Khuôn mặt chị bây giờ rạng rỡ. Lời nói chị lạc quan. Thái độ sống chan hoà. Thế là bà con thắc mắc chuyện gì đã xảy ra khiến chị hoàn toàn khác xưa. Chị tâm sự: “Một lần, đang chán nản tột cùng và bị cám dỗ tự tử, tôi chợt nhìn thấy ngôi thánh đường trên đường đi làm. Rõ ràng nó nằm đó đã bao năm nay mà mắt tôi như kẻ mù loà không nhận ra. Trong lúc bất cần và buông xuôi, không biết do động lực nào mà tôi ghé vào đó thay vì đi chỗ khác. Tôi thấy có một người vẻ mặt cũng thểu não chán chường đi vào gặp vị linh mục làm gì đó. Tôi không biết và cũng chẳng quan tâm. Tôi ngồi xuống thẫn thờ nghĩ chuyện dại dột. Chuẩn bị đứng lên ra về để kết liễu đời mình, tôi thấy người lúc nãy trở ra với nét mặt bình an lạ lùng. Người ấy còn cười với tôi nữa. Lạ! Tôi chợt tò mò hỏi chuyện người ấy và khám phá ra lý do tại sao. Tôi cũng mon men đến tìm vị linh mục để xin tư vấn và lãnh nhận bí tích Giao Hòa. Kết quả thật ngoài sức tưởng tượng! Lòng tôi nhẹ hẳn khi lãnh nhận lời tha thứ của Chúa qua miệng vị linh mục. Tôi đã khóc, không phải khóc vì đau khổ như bao năm qua. Tôi khóc vì quá xúc động và hạnh phúc. Tôi đã học được bài học phải thương mình vì Chúa thương tôi không bờ bến và Người muốn tôi cũng biết thương chính mình. Đến lãnh nhận bí tích Giao Hòa là biết một cách tự chăm sóc bản thân. Phần tiếp theo của đời tôi, quý vị đang thấy rõ đấy….”

+++

Ông năm nay chỉ gần ngũ tuần nhưng tóc trên đầu trắng nhiều hơn đen. Một hôm ông tâm sự: “Cả một đời của tôi khờ dại. Sống mấy chục năm cứ loay hoay tự làm khổ mình với những chuyện vớ vẩn. Một câu nói gió thoảng mây bay của người khác cũng đủ khiến tôi để bụng cả mấy tháng trời. Một trái ý xảy ra trong công việc có thể làm tôi bực bội. Một bất toàn nhỏ của bản thân hay của người khác luôn có thể cướp đi bình an tâm hồn. Tôi rất dễ mất bình tĩnh, đụng chuyện gì cũng phản ứng vội vã cứ như là trời sập đến nơi.... Xét lại, tôi đã tự sống luẩn quẩn quá lâu trong cái mớ bòng bong của những chuyện đa số là vụn vặt. Cuộc đời tôi đầy stress. Vì thế mà tôi mệt mỏi, bất mãn, chán đời, đổ bệnh và mau già như thế này đây. Tôi tự làm khổ mình mà không biết. Cũng may cách đây vài năm, tôi gặp được sư phụ và được giải thoát.”

“Sư phụ của anh là ai?” người nghe hỏi.

Ông liền chỉ vào đứa cháu ngoại đang chơi đùa í ới với chúng bạn ngoài sân.

“Dạ, em không hiểu.”

“Cậu thấy không,” ông từ tốn nói, “chính trẻ em là sư phụ của người lớn chúng ta trong nghệ thuật sống an vui. Chúng chẳng thèm giận hờn lâu ngày như tụi mình. Mới đánh lộn nhau khóc chí chóe mấy phút trước đấy mà giờ lại chơi đùa vui vẻ như không có gì xảy ra. Chúng rất ít nỗi sợ vì cái tôi không to như của người lớn. Chúng không cố chấp như người lớn mà biết mau tha thứ nên chẳng bị stress…. Hoá ra những người chưa bao giờ đi học lại là thầy dạy cho kẻ tưởng mình đã hiểu nhiều. Thật ra, người lớn chúng ta đã học nhiều nhưng chẳng hiểu bao nhiêu vì hay quên phí những điều quan trọng nhất cho đời mình. Chúng ta khổ vì không biết cách thương mình.”

+++

Bạn thân mến, bản thân mình học hỏi được những điều ích lợi qua những câu chuyện đời thường ở trên. Nếu bạn cũng có một kinh nghiệm khôn ngoan trong “nghệ thuật thương mình” thì đừng ngại chia sẻ cho người khác để họ cũng bớt đi khổ đau, bạn nhé. Cảm ơn bạn!

Lm Jos.Tuấn Việt, O.Carm

 
VỀ MỤC LỤC
NHỮNG ĐIỀU NÊN NHỚ (THƠ)
  

Bảy tỉ người chỉ mình tôi duy nhất!

Chẳng giống ai, cũng chẳng ai giống tôi

Sắm hành trang, tự  định đoạt  cuộc đời

Tôi chỉ đếm những điều được hạnh phúc!

 

Có ý chí, ráng  vượt mọi trở lực

Dù khó khăn  và nguy hiểm, không sờn

Từ vào đời, bài học lớn: lập thân

Luôn kiên nhẫn, cẩn trọng và mạnh mẽ!

  

Năng thể dục để sống vui, sống khoẻ

Một ngày qua, tôi vui sống một ngày

Năng tìm tòi, học hỏi những điều hay

Câu trả lời chính tự tôi tìm lấy!

 

Tất cả bình thường, như tôi thường thấy

Không âu lo, quan trọng hóa điều chi

Tùy sự việc mà ứng xử  cách gì

Cho mọi việc đều trở nên  đẹp đẽ!

 

Sống giản dị,  tập khuôn  theo lý lẽ

Không bao giờ là quá trễ với tôi

Khó, gian nguy như trèo núi leo đồi 

Có tình bạn là dịu ngọt thắm thiết!

 

Với gia đình,  một tình thương bất diệt

Là cái nôi êm ấm của đời ta

Ước vọng cao, nhìn tít tắp phương  xa

Ta vươn tới những vì sao sáng láng!

  

Trăm năm  ư? Chính là  một giới hạn

Gắng làm sao có  ý nghĩa cho  đời

Mỹ Thiện Chân là đích điểm con người

Ta không phụ công sinh thành cha mẹ!

 

Chúa muốn ta với đôi tay nhậm lẹ

Hãy rao truyền lòng Bác ái, Vị tha

Hãy tôn vinh lượng Đức Chúa hải hà

Hãy sống vững trên con đường tu đức!

 

Bút Xuân Trần Đình Ngọc

 

VỀ MỤC LỤC

THÁNH VŨ VĂN DUỆ

  

Thánh hiệu Bê Na Đô,

Danh xưng Vũ Văn Duệ.

Ba mươi bảy năm sứ đồ,

Tám mươi ba tuổi trần thế .

                  

Sách ghi:

Đất Nam Định, năm Bính Tí thánh nhân sinh hạ nhân gian.*

Bãi Ba Tòa, niên kỷ Hợi ngục sĩ  lãnh vòng Thiên tuế. **

Tuổi lên chín sớm nuôi mộng tu trì,

Đến bốn mươi mới mở tay hiến lễ.

 

Chân mục tử hết dạ dẫn đàn chiên,

Tay chủ chăn tận lòng dìu thế hệ.

Trung thành vâng phục bề trên giáo phận Đàng Đông,

Coi sóc tận tình trách nhiệm xứ nhà Trung Lễ.   

 

Thân nghèo khó nên một tấm gương,

Xác hãm mình tựa như của lễ.

Tuổi về hưu vẹn chữ tín trung,

Đường tử đạo tròn câu minh thệ.

 

Thuở ấy:                               

Bạo chúa Minh Mạng tận diệt đạo đồ,

Tổng đốc Quang Khanh truy lùng giáo sĩ.

Trong nhà hưu dưỡng, tự nhận danh linh mục công khai.

Ngoài cánh đồng không, quyết xưng tánh  chủ chăn đường bệ.

 

Kìa quân binh trẻ dây trói ngại ngần,

Đây đạo trưởng lão cùm gông oai vệ.

Chốn công đường khẳng khái ngôn phong,

Nơi xét xử ung dung mẫn tuệ.

 

Tại lao tù, giám quản ưu đãi chiếu chăn.

Trong  ngục thất, phạm nhân khước từ ân huệ.

Chẳng quan tâm sức khỏe hao mòn,

Đâu than thở bệnh  già kiệt quệ.

 

Mong đợi từng giờ tới lúc hy sinh,

Ước ao mỗi khắc đến ngày huyết tế.

Bản án trạng cấp tốc đến triều đình,

Lệnh chém đầu phản hồi từ vương bệ.

 

Đường tử đạo: 

Chốn  hành quyết, tử tù già ngồi cáng thong dong,

Bãi pháp trường, phạm nhân lão đứng cao dáng vẻ.

 

Ba hiệp trống dồn!

Một hồi chiêng lẻ!

Nhát gươm vung đao phủ ,  xác nhân chứng hoàn trả bụi tro.

Lằn kiếm sắc lý hình , hồn tôi trung lãnh vòng thiên tuế.

 

Khi đi xôi hỏng bỏng không

Lúc về gánh gồng khệ nệ

Hạt giống dập vùi sâu

Mầm xanh vươn ngạo nghễ.

 

Hôm nay:

Ngài Lê-ô thập tam, năm Tân Sửu, sắc phong chân phước hội thánh cha.

Đức Giang Bảo đệ nhị, niên Mậu Thìn, tôn kính thánh nhân ngai tòa mẹ.

 

Hân hoan kính mừng!

Thánh Vũ Văn Duệ.

Gương sáng tiền nhân,

Đuốc soi hậu thế.

 

Bùi Nghiệp 

* và ** Thánh nhân sinh năm 1755, tử đạo 01.8.1838 triều vua Minh Mạng

 

VỀ MỤC LỤC
QUYỀN SỐNG
 

Chắc có lẽ không cần phải nói nhiều, ai đã được sinh ra trong cõi tạm này đều có quyền sống cho dù đó chỉ là một sinh vật nhỏ bé mong manh. Ấy vậy mà trong cõi nhân sinh vẫn xảy ra những câu chuyện đau lòng khi người ta chặn quyền sống của người khác, cướp quyền sống của người khác.

Được nhận lời mời chia sẻ cho các cha già cũng như các cha đau bệnh, cha già kia hết sức đơn giản với cảm nghiệm sống của mình. Cha già đó nói rằng càng về già, sống trong những ngày đau bệnh như thế này cha cảm nhận sự sống là một mầu nhiệm. Ngài nói rằng ta sống nhưng ta đâu có biết ngày nào Chúa gọi ta về để rồi ta thấy sự sống sao mà mầu nhiệm quá, không ai hiểu nổi.

Mầu nhiệm sống mà ngài nghĩ đến không chỉ riêng của con người, của riêng ngài nhưng cả những loài vật sống quanh ngài nữa.

Ngài kể một chuyện hết sức giản đơn để nói lên tâm tình của ngài. Chuyện là sáng nào ngài ăn sáng với bánh chấm sữa. Vì chỉ còn sử dụng được một tay còn tay kia bị bất động do cơn tai biến mạch máu não nên rơi vãi là chuyện bình thường. Không ngờ những mảnh vụn của những chiếc bánh ngài ăn đã “thấu” đến con thằn lằn đang bò trên tường trong phòng của ngài. Có lẽ đói và thấy mồi ngon hay sao đó mà con thằn lằn đã bò xuống bàn ăn của ngài. Lúc đầu, ngài tính đập nó cho nó chết quách đi cho rồi nhưng ngài nghĩ tới sự sống nên rồi ngài để im cho nó xuống ăn. Ngày này sang ngày khác với thói quen, ngài ăn xong đến phần nó. Ngài chia sẻ rằng ngài có quyền sống và con thằn lằn cũng có quyền sống để rồi giết nó làm chi, tội nó !

Tâm tình của cha già sao mà dễ thương quá ! Có lẽ những ngày đối diện với tuổi già, đối diện với sức yếu, đối diện với sự sống đang còn đếm từng ngày chứ không còn từng tháng từng năm như thời trai trẻ nên ngài thấy sự sống đối với ngài rõ nét là một mầu nhiệm hơn. Khi cảm nghiệm được như thế, cha già vui vẻ tín thác vào tay Chúa với tuổi già đau bệnh mà ngài đang gánh chịu.

Sự sống với cha già là như vậy, thế nhưng, sự sống với người khác không đơn giản như vậy, không mầu nhiệm như thế.

Chuyện là hôm qua, vì tình vì nghĩa tôi vào viện thăm người thân. Chung căn phòng nhỏ bé có 2 cụ già ngang ngang tuổi. Cụ kia có vẻ yếu hơn một chút, bác sĩ cho biết là bộ não của cụ đang xuống dần. Cụ cạnh bên ghé vào tai tôi nói nhỏ : “Sức khỏe của ông ấy yếu rồi, nói bác sĩ rút ống chứ để lâu … để như ông kia nằm 9 năm tốn kém …” (ý ông nói có ông kia ông biết đã nằm sống đời sống thực vật suốt 9 năm ròng rất tốn kém).

Nghe ông ấy nói xong tôi tìm cách rút lui một cách mau chóng. Ở lại làm chi để nghe những lời cay đắng đó.

Trên đường về nhà, có cái gì đau đáu trong lòng !

Ông và ông lão bên kia đang cùng chung thân phận, cùng chung kiếp người nhưng tại sao ông lại xem thường mạng sống của cụ kia như thế ! Ông là ai mà ông lại có quyền sống trên người khác ? Tất cả là do quyết định của bác sĩ cộng thêm với ý kiến của gia đình chứ ! Bác sĩ, dẫu sao cũng hết sức hết lòng, hết lương tâm để cứu những trường hợp như vậy. Gia đình, dù nghèo thế nào đi chăng nữa nhưng cũng cố gắng hết sức để cứu người thân của mình. Và, dù gia đình nghèo thì còn đó những người có lòng hảo tâm chung chia mạng sống của một con người. Ông là ai mà ông lại định đoạt mạng sống của người khác như vậy ?

Mỗi ngày, biết bao nhiêu sinh linh nhỏ bé chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã để lại bao tiếng kêu ai oán cho đời chưa đủ sao mà nay ông lại góp phần định đoạt một mạng người nữa.

Có lẽ, ông không phải là trường hợp cá biệt định đoạt mạng sống người khác. Nhiều và nhiều người bằng cách này cách khác, dưới hình thức này hình thức nọ để hủy hoại cuộc đời của người khác.

Có những người mồm miệng vẫn bô bô bảo vệ sự sống cho thai nhi nhưng ngồi đâu là chà đạp người khác và nói xấu người khác đến mức người khác đau đớn đến tột cùng. Phải chăng lời họ nói đi ngược hành động sống trong thực tế của họ. Họ nói một đàng nhưng họ sống một nẻo. Họ bảo vệ mạng sống của những thai nhi chưa biết ăn biết nói còn mạng sống của anh chị em đồng loại sống chung với họ thì sao đây ? Có lẽ chuyện này chỉ giữa họ và Chúa mà thôi, người viết thấy thực tế nên nói vậy chứ chẳng dám lên án và chẳng xét đoán.

Nên nhớ, Thiên Chúa mới là Chúa, là chủ của sự sống trên nhân loại và trên cuộc đời của mỗi người. Bất cứ ai là phàm nhân không có quyền sống trên người khác. Mình chỉ là bình sành lọ đất trong bàn tay thợ gốm là Thiên Chúa tại sao mình lại lấn quyền của Ngài như thế !

Bạn là ai mà bạn lại có quyền sống trên người khác ?

Bạn là ai mà bạn đổi vị trí của Thiên Chúa như vậy ?

Vũ Hưu Dưỡng

VỀ MỤC LỤC
CÙNG VỚI ĐỨC THÁNH CHA CHÂN PHƯỚC GIOAN PHAOLỒ II: ĐỌC LẠI HIẾN CHẾ GAUDIUM ET SPES, SAU 30 NĂM ĐƯỢC CÔNG BỐ.
 

NGUYỄN HỌC TẬP 

(Viết theo tài liệu bài diễn văn ngày 08.11.1993, nhân dịp khai mạc Đại Hội Tông Đồ Giáo Dân tại Thánh Điện Đức Mẹ ở Loreto).  

1 - Với niềm "hân hoan và hỵ vọng" cao cả, ĐTC Chân Phước Gioan Phaolồ II gởi lời chào đến tất cả mọi người, đã quy tựu về chiều hôm đó, để tưởng niệm đến kỷ niệm sát gần năm thứ 30  Hiến Chương Tông Đồ Gaudium et Spes được công bố, như là để khai mạc trong thính phòng của Thánh Điện Mẹ Maria ở Loreto (Trung Ý)  Đại Hội Quốc Tế Tông Đồ Giáo Dân. Cuộc Đại Hội được khai triển ở Loreto, do sáng kiến của:

   - Thánh Bộ Giáo Dân,

   - Thánh Bộ Công Lý và Hoà Bình,

   - với sự cộng tác của Ủy Ban Tông Đồ của Thánh Điện Loreto, được đại diện ở đây với sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Pasquale Macchi, đặc phái viên của Toà Thánh cho Thánh Điện Loreto.  

ĐTC  xin hết lòng cám ơn các Đức Hồng Y Eduardo Pironio Roger Etchegaray về những suy tư đầy phấn khởi kích động mà các vị đã khai mạc cuộc Tưởng Niệm Long Trọng nầy, bằng cách nhấn mạnh một cách đặc biệt tầm quan trọng của Hiến Chế Gaudium et Spes trong việc dành mọi ưu đải cho việc tham dự của các tín hữu giáo dân, trong suốt thời gian 30 năm nay,

   - vào đời sống của Giáo Hội

   - và vào động tác làm cho Phúc Âm sống động trong các thực tại trần thế. 

2 - Như là Giám Mục trẻ của giáo phận Cracovia.

Về phần ĐTC, ngài chỉ muốn dừng lại ở

   - một vài chủ đề của Gaudium et Spes

   - và làm nổi bậc lên giá trị lịch sử

   - và đồng thời cũng để nói lên tầm quan trọng mà tài liệu nầy vẫn còn tiếp tục có ảnh hưởng đến tương lai nhân loại.

Trên thực tế, ĐTC phải thú nhận rằng Gaudium et Spes thật đặc biệt thân thiết đối với ngài,

   - không những chỉ vì những chủ đề được khai triển trong đó,

   - mà còn vì việc được tham dự trực tiếp mà ngài đã được giao cho triển khai.

Thật vậy, như là Giám Mục trẻ của Cracovia, lúc đó ngài là:

   - thành viên của Phó Ủy Ban được đặt trách nghiên cứu về " các dấu chỉ thời đại "

   - và, từ tháng 11 năm 1964, ngài được kêu gọi là thành viên phó Ủy Ban Trung Ương, có phần vụ cho việc viết ra văn bản.

Chính nhờ sự hiểu biết về khởi thủy của Gaudium et Spes đã gíúp ngài đánh giá được sâu đậm giá trị tiên tri của bản Hiến Chương và đem ra thực hiện rộng rãi nội dung của bản văn trong phận vụ giáo huấn của ngài, ngay cả trước khi có Thông Điệp Redemptoris Hominis. Trong Thông Điệp vừa kể, bằng cách thu nhận di sản của Hiến Chế Công Đồng, ngài đã muốn xác nhận rằng bản tính và số phận của nhân loại và của thế giới không thể được mạc khải hoàn toàn, nếu không phải trong ánh sáng Chúa Ki Tô chịu đóng đinh và phục sinh. 

3 - Loan báo đời sống và niềm hy vọng: Thượng đỉnh của cuộc hành trình Công Đồng. 

Đây là sứ điệp cao cả mà Gaudium et Spes đã gởi đến " tất cả mọi người, không phân biệt bất cứ ai " ( Gaudium et Spes  GS ) , 2), như là lời loan báo sự sống và niềm hy vọng.

Đó là sứ điệp làm cho Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội giữa trần thế hiện đại - Hiến Chế cuối cùng được Công Đồng Vatican II loan báo và là Hiến Chế dài hơn tất cả những Hiến Chế khác - một cách nào đó trở thành thượng đỉnh cuộc hành trình của Công Đồng.

Với tài liệu nầy, các Giám Mục khắp thế giới, liên kết chặc chẻ với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, có ý nói lên tình liên đới yêu thương của Giáo Hội đối với mọi người nam nữ trong thế kỷ nầy, được đánh dấu bằng:

   - hai cuộc đụng độ chiến tranh vượt quá mức tưởng tượng

   - và đã và đang phải trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng về các giá trị thiêng liêng và luân lý được truyền thống để lại cho. 

Chưa bao giờ xảy ra trong cả hai ngàn năm lịch sử Giáo Hội, mà một Công Đồng Hiệp Nhứt bằng cử chỉ lo âu sâu đậm như vậy, nói lên mối lo âu mục vụ của mình đối với các trạng huống trần thế của con người.

Chính từ nơi đây là nguồn gốc khởi đầu mối đặc tâm lưu ý cá biệt, mà Hiến Chế nầy đã khơi dậy, ngay từ lúc tiên khởi khi xuất hiện.

Đàng khác, thay vì chỉ giới hạn suy tư đến các bối cảnh lịch sử và xã hội, các vị Thượng Phụ Công Đồng đã đá động đến một cách rộng rãi, dưới nhãn quang thần học, các câu hỏi căn bản đã luôn luôn vây quanh siết lấy con tim con người:

   - " Con nguời là gì ?

   - Đau khổ, điều ác và cái chết có ý nghĩa gì, mà mặc cho mọi tiến bộ có được, chúng vẫn tiếp tục hiện hữu ? " ( GS, 10).

Làm sáng tỏ ra như vậy " bí nhiệm của con người " dưới ánh sáng Lời Chúa, khiến cho cộng đồng Ki Tô giáo chuyên cần dấn thân và dấn thân mãnh liệt để hiến tặng cho xã hội con người một việc đóng góp cá biệt để làm cho cả gia đình nhân loại

   - " có đươc cuộc sống xứng đáng với con người hơn " ( GS, 40).  

4 - Một suy tư hôm nay để đón nhận sự khôn ngoan của văn bản Hiến Chương.

Ngày nay, chúng ta đọc lại những trang đó của Hiến Chương trong một bối cảnh thế giới đã thay đổi. Những thay đổi đó - chính trị, xã hội, văn hoá - đã can thiệp vào từ ngày 7 tháng 12 năm 1965 ! Cuôc chiến tranh lạnh đã chấm dứt, khoa học và kỷ thuật đã thực hiện đưọc những bước tiến chưa từng thấy: từ những chuyến bay trên không trung đến cuộc hạ cánh xuống mặt trăng, từ những cuộc giải phẩu thay tim cho đến kỷ thuật về di truyền, từ kỷ thuật tự động cho đến các sản phẩm robot, từ hệ thống viễn thông cho đến các kỷ thuật điện toán.

Liên qưan đến các yếu tố thay đổi tiến triển đó, có liên hệ đến vấn đề thiết kế đô thị và kỷ nghệ hoá, còn có thêm cả việc tăng trưởng khổng lồ về truyền thông xã hội, càng ngày càng có ảnh hưởng trên đời sống hằng ngày của con người ở mọi phần đất trên thế giới.

Trước bao nhiêu yếu tố mới lạ so với hiện trạng của thập niên 60, chúng ta có thể tự hỏi còn lại bao nhiêu trong nhãn quang được Hiến Chê Gaudium et Spes đề cập đến.

Trên thực tế, nếu chúng ta đi vào tâm điểm các vấn đề, chúng ta vẫn còn thấy được chính xác và hiện đại, hay ngay cả còn trở nên to lớn hơn nữa vấn đề thực chất mà Hiến Chế đã đặt ra: các thay đổi đã can thiệp vào trong thời hiện đại, tất cả, có phải là những sự thay đổi lợi ích thực sự cho nhân loại hay không? ( GS, 6).

Một cách cá biệt: chúng ta có thể:

   - " có được một trật tự thế giới hoàn hảo, mà không cần phải có những bước đi tương ứng trong việc thăng tiến thiêng liêng hay không ? " ( GS, 4).

Bởi đó, đây là điều chính đáng, của ngàn năm thứ ba chúng ta đang sống, cần nên trở lại suy nghĩ trên những phân tích và hướng dẫn mà Hiến Chế Gaudium et Spes đã cống hiến cho, để chuản định giá trị và đón nhận những gì khôn ngoan Hiến Chế cung cấp cho chúng ta.

Sau đây là một vài chủ đề có ý nghĩa nhứt của văn bản tài liệu. 

5 - Con người luôn luôn tìm kiếm ý nghĩa. 

Hiến Chế Gaudium et Spes cho thấy việc con người luôn luôn tìm kiếm ý nghĩa:

   - nguồn gốc của chúng ta,

   - mục đích của cuộc sống,

   - sự hiện diện của tội lỗi và đau khổ,

   - cái chết không thể tránh được,

   - bí nhiệm của sự hiện hữu phía bên kia, sau khi cuộc sống nầy đã kết thúc, đó là tất cả những câu hỏi không thể lẩn tránh, trốn thoát được ( GS, 4.10.21.41).

Trong mọi thời đại và ở mọi nơi chốn các câu hỏi đó kích động con tim của con người và thúc đẩy con người phải tìm được một câu trả lời thoả đáng và quyết định.

Hiến Chế Gaudium et Spes mạnh dạn xác nhận rằng câu trả lời đó chỉ có thể gặp được nơi Chúa Giêsu. Người là " chìa khoá, trung tâm và cùng đích của cả lịch sử nhân loại " ( GS, 10). 

Liên quan đến vấn đề ý nghĩa cũng là việc đặc tâm lưu ý mà Tài Liệu Công Đồng dành riêng để thách thức chủ thuyết vô thần hiện đại ( GS, 19-21).

Công Đồng đề cập đến vấn đề với cung điệu đối thoại cá biệt, qua việc tìm phân tích các hình thức diễn tả khác nhau của hiện tượng phức tạp đó, mà nhứt là bằng cách cố gắng góp nhặt các lý lẽ làm nền tảng cho khởi thủy các hiện tượng đó.

Công Đồng không thiếu can đảm của chân lý trong hành động của mình, tố cáo sai lầm, nhưng đồng thời cũng cùng với thái độ hiểu biết đối với những ai bị lầm lạc.

Công Đồng không ngần ngại nhận biết lỗi phạm không phải ít, khi ngay cả người tín hữu cũng có đối với vấn đề, khi họ không được chuẩn bị thoả đáng về giáo lý và không có cách hành xử mạch lạc trong khi thi hành.

Điều đó đưa đến kết quả là họ

   - " che giấu đi, thay gì làm tỏ rạng ra diện mạo đúng đắn của Thiên Chúa và của tôn giáo " ( GS, 19). 

Trên nền tảng của thái độ chuyên cần vừa kể của Hiến Chế Gaudium et Spes, mà Đức Thánh Cha Phaolồ VI đã thiết lập năm 1965  " Văn Phòng Thư Ký cho nhữnng người không tin ", sau đó được gọi là " Thánh Bộ Đối Thoại với những người không tin ", và kế đến nữa được hội nhập vào " Thánh Bộ Văn Hoá ". 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II theo hướng đi của Hiến Chế Gaudium et Spes trong những năm gần đó, trước biến cố kỷ niệm giáp 30 năm đang bàn, đã cho rằng cần phải giải thích trong nhiều dịp, mặc cho các cuộc đụng chạm đáng tiếc trong quá khứ đã qua đi, rằng khoa học và đức tin không có lý do gì để chống đối nhau. Trái lại cả hai đều có thể đón nhận được lợi ích từ các cuộc gặp gỡ và cộng tác với nhau ( cfr. GS, 36). 

6 - Phẩm giá và sự thánh thiện của hôn nhân và đời sống gia đình.

Để tránh cho bài viết quá dài, chúng ta thử duyệt xét qua những chủ đề căn bản, nhút là những chủ đề được Hiến Chế nêu lên ở phần đầu:

   - đó là phẩm giá con người,

   - cộng đồng nhân loại,

   - động tác của con người trong vũ trụ.

Chúng ta chỉ cần nói rằng trên tất cả các vấn đề vừa kể, Công Đồng đã chiếu lên ánh sáng từ mạc khải, cho biết Chúa Ki Tô là  ý nghĩa và là sự hoàn hảo của mọi tạo vật, Người là khởi thủy (alpha) và cùng đích (et omega) của thế giới.

Trong bối cảnh cua nhãn quang toàn diện vừa kể, Công Đồng giải thích một cách tuyệt diệu sứ mạng của Giáo Hội,

   - làm nổi bật trợ lực mà Giáo Hội đem đến,

   - nhưng đồng thời cũng không quên nhận biết những gì Giáo Hội nhận được từ thế gian (GS , 44). 

Nhưng Hiến Chế Gaudium et Spes không chỉ giới hạn đề cao đến nền tảng phải có những gì mình đề cập.

Trong ý chí mong muốn trở thành thực hữu những gì mình muốn phục vụ con người trong thời đại chúng ta, Hiến Chế còn đi xuống tận những vấn đề đang vây hảm con người. Giữa những khúc mắc gây thảm hoạ cá biệt cho con người như vừa kể, đó là vấn đề

   - cần phải phát huy phẩm giá con người,

   - đặc tính thánh thiện của hôn nhân và đời sống gia đình.

Trong những năm kế tiếp sau Công Đồng Vatican II, cuộc thay đổi về cách sống, về thuần phong mỹ tục cho thấy Công Đồng đã nhận thức được một cách chính đáng hướng đi phải có, khi Công Đồng  đưa ra điều cần thiết cấp bách phải lưu ý cho cộng đồng Ki Tô giáo và cho cả nhân loại.

Ngày nay gia đình đang đứng trước hiểm hoạ,

   - không phải chỉ do những yếu tố ngoại tại, như cuộc sống xã hội đang thay đổi và những đặc tính mới của các cách tổ chức việc làm,

   - mà còn ngay cả bởi nền văn hoá cá nhân chủ nghĩa, thiếu hẵn đi căn tính nền tảng luân lý, trong đó được hiểu ngầm cả đối với tình yêu đời sống vợ chồng.

Nền văn hoá hiện tại, chịu ảnh hưởng của cá nhân chủ nghĩa, coi thường tính chất bền vững của gia đình, làm cho gia đình bị chao đảo đi tính thông hiệp và bình an.

Bởi đó, trong nhiều trường hợp những năm vừa qua, Giáo Hội đã can thiệp để xác nhận và chỉ dẫn cho biết đồ án của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình. Làm sao chúng ta quên được Huấn Dụ sau cuộc Thượng Hội Đồng Các Giám Mục Familiaris Consortio và các sáng kiến mới đây với " Năm dành cho Gia Đình "?   

Đó không có gì khác hơn là cuộc hành  trình suy tư và nhân chứng cho thấy rằng trong Hiến Chế Gaudium et Spes chúng ta có suối nguồn gợi ý bền bỉ và  bất tận.  

7 - Đời sống kinh tế và xã hội trong một bối cảnh vẫn còn phung phí phi lý và chiến tranh giữa người nghèo.  

Kế đến Giáo Hội không thể nào im tiếng trước những vấn đề khổng lồ của xã hội vẫn còn đang vây hảm thế giới nhứt là ở phía Nam bán cầu. Bởi đó Hiến Chế Gaudium et Spes có những suy nghĩ về đời sống kinh tế - xã hôi.

Ngay ở phần trình bày dẫn nhập, Hiến Chế đã lưu ý đến gương xấu to lớn của thế kỷ chúng ta:

- " Chưa bao giờ nhân loại có được trong tay mình bao nhiêu tài sản giàu có, khả năng và sức mạnh kinh tế như hiện nay, tuy vậy phần lớn dân chúng trên địa cầu vẫn còn bị quấy nhiểu bởi cơn đói và khốn cùng và cả bao nhiêu lớp người không biết đọc biết viết " ( GS, 4).  

Đáng hy vọng rằng điều nhận thức chua cay vừa kể từ trên 30 năm nay đáng lý phải biến mất đi trước mức phát triển kế tiếp, nhứt là sau khi thể chế Cộng Sản đã đổ ngã và chiến tranh lạnh đã kêt thúc, làm cho nhân loại có khả năng đương đầu lại với vấn đề nghèo đói bằng nghị lực mới và tinh thần chuyên cần tập thể đều khắp.

Nhưng tiếc thay, ngay cả ngày hôm nay, lúc ĐTC Gioan Phaolồ II đang đọc bài diễn văn nầy năm 1993, chúng ta vẫn còn phải than van về những phung phí phi lý, bị làm cho trở nên trầm trọng hơn nữa bởi những cuộc chiến tranh giữa người nghèo, mà thế giới sung mãn dư thừa thường cung cấp cho,

   - không phải sự giúp đỡ hữu hiệu và liên đới,

   - cho bằng năng lực hủy diệt của khí giới giết người. 

8 - Luân lý chính trị: ưóc gì giờ đây tiếng  gọi của Công Đồng được lắng nghe.

Vấn đề nghèo đói và làm thế nào để vượt thắng đươc nhờ một nền kinh tế lành mạnh, tôn trọng giá trị ưu tiên của con người, đó là những gì có liên hệ đến vấn đề rộng lớn hơn về luân lý chính trị.

Bởi đó, một cách chính đáng, Hiến Chế Gaudium et Spes, sau khi đã đề cập đến lãnh vực kinh tế, đã dành nguyên nhiều trang giấy tuyên bố một cách hùng hồn về việc  

- "cần thiết căn bản phải thúc đẩy các Quốc Gia và giữa các Quốc Gia có được một nền chính trị hướng về những giá trị bất khả xâm phạm của con người ( GS, 73-79).   

Công Đồng kêu gọi hãy loại trừ chiến tranh điên cuồng phá hoại và phát huy hoà bình.

Tiếng kêu gọi đó vẫn còn vang lên sống động ngay cả ngày nay.

Mọi người đều biết các trang của Hiến Chế tha thiết kêu gọi mọi người,  

- trong "chính tinh thần gia đình con cái Chúa " hãy bỏ qua một bên "mọi mối bất đồng giữa các Quốc Gia và chủng tộc " ( GS, 42).

- và làm cho triển nở lên "một cộng đồng phổ quát " hoàn vũ ( GS, 9).    

Nhưng rất tiếc, lòng đố kỵ ghen ghét chủng tộc và tôn giáo vẫn còn được ẩn náu trong các ký ức bộ tộc và Quốc Gia, vẫn còn làm dậy men các cuộc xung đột, diệt chủng và giết chóc tập thể, với những hậu quả khủng khiếp, mà các biến cố đau đớn đó mang theo mình: đói khát, truyền nhiểm dịch hạch và hàng triệu người tỵ nạn đã phải trốn chạy, (ai là người Việt Nam đều thừa có kinh nghiệm trên vai mình, bà con mình, đồng bào mình ).

Ước gì giờ đây lời kêu gọi của Công Đồng được lắng nghe.

Người tín hữu Chúa Ki Tô trong sự việc vừa kể có một trách nhiệm đặc biệt, cũng như đã nhiều lần ĐTC Gioan Phaolồ II đã thường kêu gọi các vị đại diện các tôn giáo hãy cùng nhau quy tựu lại. 

Làm sao chúng ta có thể quên được vấn đề vừa kể, qua biến cố " Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Hoà Bình " đã được thấy quy tựu lại bên nhau, ngày 27 tháng 10 năm 1986, các vị lãnh đạo các tôn giáo thế giới ?  

Chắc chắn hôm đó chúng ta cùng đang ở trên một tần số của Hiến Chế Gaudium et Spes , tại thị xã của Thánh Phanxicô (Assisi) , khi các vị  cầu nguyện và ăn chay, với lòng tin tưởng chắc chắn rằng đó là phương thức để nhân loại hoá cuộc chung sống giữa người với người, đang còn bị rách nát bởi những bất đồng tư tưởng và chính kiến gây nên chết chóc. 

9 - Đại Văn Kiện (Magna Charta) về phẩm giá con người.

Với một vài duyệt xét nhanh chóng vừa qua, chúng ta thấy được trương độ bao la đã được Hiến Chế Gaudium et Spes đề cập đến.

Với Gaudium et Spes, Giáo Hội muốn giang tay ra ôm ấp thế giới vào lòng mình. Nhìn con người dưới ánh sáng của Chúa Ki Tô, Giáo Hội đã biết đón nhận những mối lo âu sâu đậm và các nhu cầu thiết thực của con người.

Điều đó đưa đến kết quả Hiến Chế Gaudium et Spes là một hình thức "Đại Văn Kiện" (Magna Charta) về phẩm giá của con người cần phải được bảo vệ và thăng tiến.

Đặt mình trong viễn ảnh vừa kể, Công Đồng Vatican II đã có thể đạt được xác thực nơi tiêu cự các chủ đề và các đòi hỏi, sẽ được luôn luôn đề cập đến một cách rõ ràng hơn cho lương tâm nhân loại. Ví dụ như về việc đặc biệt bênh vực mà Gaudium et Spes đã tuyên bố lên về các quyền và phẩm giá người phụ nữ ( GS, 39).

Từ Công Đồng Vatican II đến nay, nhiều điều đã được thực hiện về các vấn đề được đề cập, nhưng còn nhiều chuyện cần phải làm trong cộng đồng quốc tế và trong khuôn viên mỗi quốc gia.

Về phần mình, Giáo hội, như nhiều lần ĐTC Chân Phước Gioan Phaolồ II đã làm sáng tỏ trong nhiều cuộc can thiệp của ngài, đặc biêt là trong Thông Điệp Mulieris Dignitatem và trong "Lettere alle Donne". Giáo Hội  rất cảm nhận mình phải dấn thân trung thành hành xử theo đinh hướng của Công Đồng, bằng cách tác động  bênh vực cuộc sống tốt đẹp cho các phụ nữ trên khắp thế giới.  

10 - Hy vọng thực tế đòi buộc phải có nhân chứng tác động.

Qua những dòng lược xét mau chóng vừa kể, chúng ta thầy được Hiến Chế của Công Đồng vẫn chưa mất đi những điều đã tuyên bố, vẫn có giá trị cho hiện tại hôm nay.

Phải chăng chúng ta có thể đặt câu hỏi, với những vấn đề còn đang đè nặng chúng ta hôm nay, Hiến Chế không phải đã  có một vài thể thức phát biểu quá  lạc quan chăng ?

Thật ra, nếu đọc kỷ hơn văn bản, chúng ta sẽ nhận thức được rằng Công Đồng không có ý che giấu đi những vấn đề, mà đúng hơn là muốn giải quyết theo phương thức thái độ, mà Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1985 gọi là "thực tế trong hy vọng" (Relazione finale D2). 

Đó là tinh thần thực tế không để cho mình bị đè bẹp, cũng không để chổ trống cho thái độ vô liêm sĩ chủ nghĩa làm tê liệt, bởi vì Giáo Hội biết rằng,

   - dầu cho với tất cả các vấn đề,

   - thế giới vẫn đang được soi sáng và nâng đỡ bởi ơn Chúa Phục Sinh và được ơn Chúa thiết lập lại.

Ân sủng đó cần có những chứng nhân tác động, là những khuôn mặt hy vọng cho anh em mình: tất cả con cái Giáo Hội đều được mời gọi hãy là những nhân chứng đó, nhứt là các tín hữu giáo dân trong môi trường trần thế của mình.

Bởi đó một cách đặc biệt, Hiến Chế Gaudium et Spes kêu gọi nhân chứng cá nhân và sáng kiến của các tín hữu nam nữ giáo dân, kêu gọi họ hãy hành xử một phận vụ rộng lớn hơn trong đời sống Giáo Hội và giữa trần thế (GS, 43).

Việc chọn lựa đó vẫn còn là một trong những nhu cầu cấp thiết và và là một trong những niềm hy vọng lớn lao nhứt của Giáo Hội trong thời đại chúng ta. 

Liên quan đến vấn đề vừa đề cập, ĐTC Chân Phước Gioan Phaolồ II xác nhận rằng ngài  thích được đề cập đến sự tham dự của các nhận vật tín hữu giáo dân có thẩm quyền khắp thế giới đang hiện diện Đại Hội nầy, nói lên đây là phương thức cử hành xứng đáng kỷ niệm giáp năm công bố một tài liệu có tầm vóc quan trọng như vậy trong đời sống Giáo Hội suốt 30 năm qua. 

11 - Sứ điệp là chính Chúa Ki Tô, Đấng Cứu Độ con người. 

ĐTC Chân Phước Gioan Phaolồ II đã muốn nhắc lại một vài chủ đề hiện diện trong Hiến Chế Gaudium et Spes, như là để khai mạc những gì sẽ được phân tích sâu đậm hơn trong những ngày kế đến trong Đại Hội.

Đức Thánh Cha cũng cầu chúc dịp giáp năm của Hiến Chế

   - sẽ làm sống động lại sự đặc tâm chú ý đối với tài liệu

   - và thúc đẩy người tín hữu giáo dân khám phá ra lại ý nghĩa nguyên vẹn mà Hiến Chế muốn nói với họ, khiến họ hiểu được sứ điệp sâu đậm và vẫn luôn luôn có giá trị.

Thât vậy, bất cứ ai chăm chỉ đọc bản văn tài liệu với tâm hồn thanh thản, không thể không kết luận rằng sứ điệp cuối cùng chính là Chúa Ki Tô, Đấng Cứu Độ con người.

Chính Người là Đấng mà Công Đồng tuyên bố lên với tước hiệu  

- "là cùng đích của lịch sử nhân loại , "cự điểm của các mông ước của lịch sử và nền văn minh",  "là trung tâm điểm của loài người, niềm hân hoan của mọi con tim, niềm trọn hảo các ước vọng của mình" (  GS, 45).

Chúa Giêsu vẫn hiện diện như là Ánh Sáng thế gian chiếu soi sự bí nhiệm của con người, không những cho các người tín hữu Chúa Ki Tô, mà còn cho cả gia đình nhân loại. Người là Đấng mạc khải con người cho chính con người, kêu gọi mọi người về một cùng đích như nhau và, nhờ Chúa Thánh Thần, ban cho tất cả đều có khả năng đến tiếp xúc được với " sự chiến thắng cuối cùng của mình trên sự chết " ( GS, 22). 

Các hy vọng có được một thế giới hợp với cuộc sống con người hơn, được diễn tả ra trong Hiến Chế Gaudium et Spes, sẽ không thể thực hiện được, nếu không có Chúa Ki Tô, nếu không đón nhân được ân sủng của Người, đang tác động trong tâm hồn của mỗi con người thành tâm thiện chí ( GS, 22).

Xác tín đó hướng dẫn và nâng đỡ cuộc hành trình của Giáo Hội, nhứt là trong thời đại chúng ta,

   - được đánh dấu bằng bóng tối và những gì bấp bênh, không chắc chắn,

   - nhưng cũng được đánh dấu bằng bằng thái độ thức tỉnh đức tin đều khắp và bằng ước mong kiến tạo một thế giới huynh đệ và liên đới hơn. 

Và sau đây là lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha Chân Phước Gioan  Phaolồ II, ngài van xin Đức Trinh Nữ Maria, mà tại Thánh Điện của Mẹ sẽ tiến trình Đại Hội dành riêng cho việc nghiên cứu sâu đậm hơn các chủ đề của Hiến Chế Gaudium et Spes

   - "Xin Mẹ hãy làm cho trở thành có giá trị các cố gắng của những ai, cùng đang trên tần số với sứ điệp của Hiến Chế, đang chuyên cần dấn thân nhân chứng giữa thế gian Phúc Âm tình yêu và hoà bình"  (Santo Padre Giovanni Paolo II. Discorso al Congresso di Loreto, 08.11.1993).


VỀ MỤC LỤC
ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN HỌC VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ ƠN GỌI LINH MỤC 

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://www.chivilongchuathuongtoi.tk/

Tác phẩm: ĐÀO TẠO ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

CHƯƠNG SÁU 

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

HỌC VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ ƠN GỌI LINH MỤC 

“Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi… Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giêsu chỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được chỗi dậy với Chúa Giêsu…cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” [1]

 

 

A. NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT

 

Cuộc đời nào cũng có ánh sáng và bóng tối. Cũng tương tự khi nói về đời sống và sứ vụ linh mục. Chẳng có vinh quang này đến vinh quang khác như một số Chủng sinh kỳ vọng trong ngày chịu chức đâu! Người ta thường quan niệm “càng tu càng đắc đạo”, càng hoàn hảo, nhưng thực tế, chúng ta cảm nhận và phải khiêm tốn nhìn nhận rằng có nhiều cái trong chúng ta không còn được như thuở ban đầu, khi chúng ta được chính thức nhận vào chủng viện.

 

Có thể nói mỗi người gặp thấy mình đang từng bước tiến tới những thời khắc quyết định dứt khoát cho trọn cả cuộc đời và sứ vụ ơn gọi của mình qua việc chịu chức linh mục. Những người có trách nhiệm và cả cộng đồng Dân Chúa đều để ý xem xét đánh giá chúng ta có thích họp để làm linh mục. Mỗi người lại cũng có những nỗi riêng tư, những đắn đo cân nhắc khác nữa để quyết định. Tuy nhiên, chúng ta cũng rút ra được những lợi ích là bước sang từng giai đoạn mới cần có những hoạch định mới; những người có “các khủng hoảng” nhìn lại để tái định hướng con đường, còn những người không có hay chưa “có vấn đề” sẽ nhìn thấy trước những gì có thể xảy ra để lên kế hoạch ứng phó hữu hiệu và thành công.

 

Chúng ta có thể nhận thấy nhiều khi khủng khoảng bắt đầu rất sớm ngay sau khi trở thành linh mục. Và đó là lời cảnh báo cho chủng sinh khi đang tiến dần lên chức linh mục. Đức Tổng Giám Mục Orlando B. Quevedo (Philippines) nhận xét rằng ngay sau khi thụ phong, nhiều linh mục trẻ đã bỏ cầu nguyện, Sách Nhật Tụng, Nguyện Gẫm, xét mình hàng ngày và lần chuỗi Mân côi. Ngài buồn rầu kết luận: “linh mục trẻ bỏ cầu nguyện và những sùng kính đạo đức là những cái đã giúp ngài giữ được ơn gọi sống động trong chủng viện, và cũng chính những thứ đó sẽ còn giúp ngài bền đỗ trong chức vụ linh mục khi sống giữa đời.” 

 

Chúng ta không thể không biết đến tình cảnh này của con người và của Hội Thánh… và cũng không thể khám phá thấy hết được những hình thức khác nhau của cơn “khủng hoảng” mà các linh mục ngày nay đang phải chịu đựng: thiếu vâng lời và khó nghèo, lơ là việc linh hướng và xưng tội (luôn luôn sẵn đó nhưng họ không dùng), không ưu tiên cho đời sống cầu nguyện, thiếu tương quan thân mật với Giám mục và linh mục đoàn, thiếu liên đới và hợp tác làm việc chung, nhưng chỉ thích thi hành sứ vụ cách cá nhân, thiếu tín nhiệm và tin tưởng lẫn nhau, quá tự tin, kiêu căng, lười biếng, có vấn đề về đức trong sạch, thiếu trách nhiệm bản thân trong việc tự đào tạo và phát triển đời sống thiêng liêng. 

 

Chúng ta cũng có thể thấy điều đó trong phân tích chẩn đoán của ĐTC Biển Đức XVI về những nguồn cội của cuộc khủng hoảng: các thủ tục chọn lựa không thích đáng các linh mục tương lai, việc đào tạo không đầy đủ trong nhiều lãnh vực, một khuynh hướng trong xã hội ưu đãi hàng giáo sĩ và những khuôn mặt quyền bính khác[2]

 

Trong “Chỉ Nam về sứ vụ và đời sống linh mục 1994”, Bộ Giáo Sĩ cũng mô tả những yếu tố nản lòng này: “thói quen đơn điệu, căng thẳng thể xác vì quá nhiều việc, mệt mỏi tâm lý gây nên do đấu tranh chống lại hiểu lầm và định kiến.” Và Bộ đề nghị một giải pháp: “cần phải đưa ra vài lời khuyên cho một chương trình đào tạo thường xuyên thích hợp có thể giúp các linh mục sống ơn gọi của mình cách vui tươi và có trách nhiệm.” 

 

Thật thế, nhiều trường hợp ngay trong bổ nhiệm đầu tiên có thể đã có căng thẳng với cha sở, với môi trường mới, những con người xa lạ chưa hề quen biết, tập quán, văn hóa và lối sống của họ, cùng với cái bất định của đời sống sứ vụ: được sai đến nơi không muốn, ở với người không ưa và làm việc không thích.

 

Áp lực của công việc, kỳ vọng của dân chúng và Bề Trên lắm khi cũng làm cho linh mục trẻ kiệt quệ. Nhiều việc ngài phải làm mà lúc ở Chủng viện chẳng ai dạy cho cả. Sự cô đơn, sự thiếu khích lệ và nâng đỡ từ dân chúng, từ Bề Trên và anh em linh mục khiến dễ dàng cảm thấy cô độc, chán nản và thất vọng dẫn đến việc đi tìm cảm thông và an ủi. Những yếu đuối bản thân, những giới hạn và vấn đề không được giải quyết thỏa đáng ở trong chủng viện, để rồi sau khi chịu chức xuất hiện mạnh hơn trước kia, vì chúng đã không được trực diện và xử lý cách thích hợp trong những năm đào tạo, vì thiếu linh hướng thích hợp hay một lối lãnh đạo ức chế khiến chịu đựng “nín thở qua sông” hay “giả dại qua ải” để rồi nay như “chim sổ lồng.”

 

Trong một tình huống như vậy, vị linh mục trẻ cảm thấy đơn độc hơn khi còn ở trong chủng viện, và khó tìm được một vị linh hướng thích hợp hay một linh mục bạn tín cẩn để có thể cởi mở trọn vẹn với. Tất cả những gì bị dồn nén trong quá khứ bây giờ nổ tung ra. Và xem ra chẳng ai thấu hiểu, trợ lực, giúp đỡ… Mà không, vẫn có ai đó thấu hiểu, cảm thông, giúp đỡ… và thường là một bàn tay mềm mại, một tiếng nói dịu dàng, một tâm hồn mẫn cảm và quảng đại, một ý muốn ân cần sẻ chia… Và có khi vấn đề và rắc rối bắt đầu từ chỗ đó: khi buồn phiền, cô đơn, người ta dễ sa ngã về tình cảm giới tính.

Là linh mục, trong năng thể hay trong hiện thể, chúng ta chỉ có thể giải quyết được các xung đột nội tâm này khi đặt Chúa Giêsu làm trung tâm cuộc sống, tình cảm và hoạt động của chúng ta, đồng thời sống mật thiết với Chúa Giêsu, để Ngài được lớn lên trong chúng ta và chúng ta nhỏ đi trong Ngài; hay nói cách khác để con người trần tục trong chúng ta nhỏ dần đi và con người thiêng liêng được lớn dần lên mãi trong mọi mối tương quan nhân loại của chúng ta. Bởi vì trước khi nói về Chúa Giêsu và mang Chúa Giêsu đến cho người khác, linh mục phải ở thật mật thiết nên một với Chúa Giêsu, có Chúa Giêsu, nói với Chúa Giêsu và lắng nghe Chúa Giêsu, như thánh Phaolô nói: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi nữa, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi.”

Vì thế, sau tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm 2010 với đề tài “Thiên Chúa và Hội Thánh dạy về ơn gọi linh mục”, ĐTC Biển Đức XVI kêu gọi phải tái khám phá sứ vụ linh mục, và Ngài nói: “Tự bản thân con người là không hoàn hảo, con người cần phải có tương giao. Tư duy của con người không thể phản ánh được mọi thực tại. Con người cần phải lắng nghe, lắng nghe người khác, đặc biệt là Người Khác - với chữ Khác viết hoa – tức Thiên Chúa. Chỉ như vậy, con người mới có thể nhận biết chính mình, mới trở thành chính mình.[3]


[1] 2 Cr 4,7-11. 16-17.

[2] x. Thư của Đức Bênêđíctô XVI gửi người Công Giáo Ái Nhĩ Lan trong VietCatholic News ngày 21/3/2010.

[3] Trích Bản tin tổng hợp ngày 28/2/2010 của trang điện tử HĐGMVN.

 
VỀ MỤC LỤC
GIÁ TRỊ TUYỆT ĐỐI CỦA TÌNH YÊU

 

Tác phẩm: Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

 

B16. GIÁ TRỊ TUYỆT ĐỐI CỦA TÌNH YÊU

1. Một cuộc sống thành công ở rất nhiều lãnh vực nhưng thất bại trong hôn nhân và gia đình hẳn không phải là một cuộc sống hạnh phúc. Không hẳn cứ là vị nguyên thủ quốc gia, một vị tướng lừng danh, một văn sĩ nổi tiếng hay một khoa học gia tài giỏi v.v.. là đương nhiên thành công trong đời sống gia đình. Người ta có thể học rộng biết nhiều, có thể là thành phần lãnh đạo trong xã hội, nhưng lại vẫn có thể là người chồng hay người vợ tồi. Quả thật, biết tất cả mọi sự, nhưng chưa biết yêu thì cuộc đời kể như hoang phí. Mọi tài năng và kiến thức chỉ là một thứ thùng rỗng nếu không có tình yêu đích thực làm linh hồn của cuộc sống.

Thánh Phaolô nói: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, giả như tôi được tất cả lòng tin khiến chuyển được núi đồi mà tôi lại không có lòng mến thì tôi vẫn là không”. Làm được những việc phi thường, biết được quá khứ vị lai, hoặc thực hiện những phép lạ trong thiên nhiên không phải là đặc điểm và độc quyền của Kitô giáo. Các tín đồ của nhiều tôn giáo khác đôi khi còn làm được những việc lạ lùng hơn. Nhưng nếu tất cả những việc phi thường ấy không được thực hiện vì tình yêu mà chỉ vì một mục đích nào khác như khoe khoang, lừa bịp, tư lợi v.v.. thì, như thánh Phaolô nói, tất cả chỉ là không.

2. Những người sống bậc vợ chồng có lẽ nên tự hỏi: tất cả những bôn ba của họ để gọi là xây dựng gia đình, tất cả những cố gắng ấy sẽ đưa họ tới đâu nếu họ không có lòng mến, nếu họ không có tình yêu đích thực? Có biết bao nhiêu gia đình sụp đổ ngay chính trên cơ nghiệp đồ sộ mà con người phải tốn bao nhiêu công sức để xây nên. Như Chúa Giêsu đã cảnh báo, chúng chỉ được xây trên cát chứ không phải trên nền móng vững chắc là tình yêu.

“Giả như tôi đem cả gia tài vốn liếng mà phát chẩn, giả như tôi nộp mình chịu thiêu đốt mà tôi lại không có lòng mến thì cũng hư không vô ích cho tôi”. Qua những lời này, hẳn thánh Phaolô muốn nói với chúng ta rằng, giá trị của một việc lành không tuỳ thuộc vào tầm mức hay sự thành công của việc ấy nhưng tuỳ thuộc vào tình yêu thúc đẩy công việc ấy.

Gương của bà góa nghèo được Chúa Giêsu đề cao trong Tin Mừng minh hoạ điều này. So với những người khác, bà góa ấy bỏ vào hòm một số tiền ít hơn, nhưng Chúa Giêsu bảo rằng, bà ta là người cho nhiều nhất. Bà ta cho nhiều nhất bởi vì bà ta cho với tất cả tình yêu của mình. Hy sinh mạng sống của mình chưa hẳn là hành động cao cả nếu hành động ấy không được thực hiện vì yêu thương. Dâng hết tài sản mình cho Giáo Hội, cho người nghèo chưa hẳn là hành động có giá trị nếu được thúc đẩy bởi một mục đích không phải là tình yêu. Chúa Giêsu đã lên án thái độ giả hình của những người biệt phái. Họ ăn chay cầu nguyện và bố thí, nhưng tất cả chỉ để cho người ta trông thấy mà thôi.

Ngày nay, không thiếu những người tín hữu có lối sống đạo như thế. Họ có thể là thành phần rất hăng say, tích cực trong giáo xứ nhưng họ chỉ hành động cốt cho người ta trông thấy, hoặc chỉ để tạo ảnh hưởng hơn là vì bác ái yêu thương. Cũng có những người hăng say hoạt động trong công tác xã hội và tôn giáo đến độ quên đi bổn phận của họ đối với gia đình đang khi gia đình là thước đo lòng đạo đức và tình yêu đích thực của con người. Không sống yêu thương, không xây dựng tình yêu thương trong gia đình thì cho dù có hăng say tích cực tới đâu trong xã hội và đoàn thể, sự hăng say đó cũng chỉ là một trốn thoát.

3. Thánh Phaolô đã giải thích thế nào là tình yêu đích thực: “Lòng mến thì khoan dung, nhân hậu, lòng mến không ghen tương, không ba hoa, không tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ, không cáu kỉnh, không chấp nhất sự dữ, không mừng trước sự bất công nhưng biết chia vui cùng với lòng chân thật.Trong muôn sự, lòng mến hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy”.

Những điều đó chúng ta chỉ có thể tìm thấy trong con người của Chúa Giêsu mà thôi, cuộc sống và nhất là cái chết của Ngài là một thể hiện của tình yêu đích thực. Một tình yêu như thế không phải là một điều tự phát dễ dàng. Sống trọn tình yêu ấy là cùng Ngài vác thập giá và lên đỉnh đồi Canvê. Đó chính là ý nghĩa và giá trị của sự hy sinh. Nên thánh trong bậc hôn nhân là sống trong từng sinh hoạt, từng khoảnh khắc trong đời sống lứa đôi và gia đình bằng tình yêu ấy.

 

VỀ MỤC LỤC
BỆNH VAN TIM

Kính chào Bác sĩ,

Thưa bác sĩ, cháu rất thích các bài viết của bác sĩ, vì bài viết rất rõ ràng, dễ hiểu mà lại rất vui, dí dỏm.  Cháu lại không may mắn, nên có 1 bác sĩ trị bệnh hơi nghiêm, nên cháu không dám hỏi những thắc mắc của cháu, xin bác sĩ giải đáp giùm cháu.

Hôm vừa rồi, cháu mới được bác sĩ cho biết cháu bi hở cà 4 van tim từ ít tới trung bình.  Xin Bác sĩ cho cháu biết hở van tim có ảnh hưởng tới sức khỏe không? Các triệu chứng nào cần phải quan tâm?  Hở van nào thì nguy hiểm (cháu bị hở lớn ở van 2 lá và van động mạch chủ).  Tải sao lại bị hở?  Chỗ hở có lớn dần với thời gian?  Có cách nào làm nhỏ bớt hoặc ngưng lại chỗ hở (vì bác sĩ của cháu nói khi nào hở lớn hơn thì phải giải phẩu thay van khác).  Cháu rất hay bị nhói đau ngay trái tim dù cả lúc đang nằm ngủ.  Còn làm việc gì thì rất mau mệt, đi bộ thôi cũng thở hổn hển như người chạy việt dã vậy.  Bs gia đình thì nói nếu thấy mệt quá, hoặc khó thở thì vào nhà thương, nhưng cháu chẳng biết thế nào là quá. Cháu thường chỉ ở nhà một mình, nếu thấy mệt thì chỉ nằm nghỉ thôi.

Cám ơn bác sĩ rất nhiều,

Kính thư

Châu Vũ”

 

Trên đây là email của cháu Châu Vũ ở Việt Nam hỏi về bệnh tim. Đã trả lời cho cháu qua đài phát thanh VOA, nhưng vì thời gian giới hạn, cho nên có bài bổ túc này để Vũ hiểu tường tận hơn. Và cũng để gửi tới đồng hương gần xa về Bệnh của Van Tim.

Cấu tạo tim

Tim đựoc ví như một cái bơm, bơm máu đi nuôi cơ thể. Tim co bóp liên tục ngày đêm từ 80.000-100.000 nhịp mỗi ngày đồng thời bơm ra khoảng 9000 lít máu.

Các cơ của tim rất mạnh và bền bỉ. Khi co bóp, tim đẩy máu vào các động mạch. Khi cơ thư giãn, máu tử tĩnh mạch chẩy vào tim..

Tim có 4 ngăn: Tâm nhĩ trái và phải ở trên và tâm thất trái và phải ở dưới. Để tim hoạt động hữu hiệu, các ngăn này phải phối hợp co bóp một cách nhịp nhàng đồng điệu.

Máu ra vào tim theo một vòng kín:

Máu đỏ chứa nhiều oxy từ phổi theo tĩnh mạch phổi về nhĩ trái, xuống thất trái rồi vào động mạch chù ra nuôi cơ thể.

Máu đen chứa nhiều CO2 từ cơ thể theo tĩnh mạch chủ về nhĩ phải, xuống thất phải rồi theo động mạch phổi lên phổi để thải CO 2 và nhận oxy.  

Có 4 cái van hướng máu đi theo một chiều nhất định mà không dội ngược dòng, chẳng khác chiếc hom của giỏ đựng cua. Cua đựoc bỏ vào giỏ từ trên xuống dưới mà không bò ngược lên trên, chốn ra khỏi giỏ.

Van 3 lá tricuspid giữa nhĩ phải/thất phải;

van phổi giữa thất phải/ động mạch phổi;

van 2 lá mitral giữa nhĩ trái/thất trái và

van chủ giữa thất trái và động mạch chủ.

Van mở hoặc đóng tùy theo áp xuất ở trước và sau van.

Máu dội ngược dòng khi van không đóng kín khiến cho máu phía bên kia ứ đọng. Van không mở rộng cũng khiến cho máu dư một bên mà thiếu một bên. Tim sẽ phải co bóp nhiều hơn, lâu ngày tim phình, tim mệt, tim suy.

Bệnh của van

Bệnh của van có thể là hở (regurgitation), chít hẹp ( stenosis) hoặc teo (atresia).

- Hở là khi các lá của van  không khép kín sau khi máu đi qua, khiến cho máu dội ngựơc gây ra ứ đọng phía bên này và thiếu hụt phía bên kia. Sa van (valve prolapsed) là tiêu biểu của hở van và thường xảy ra ở van 2 lá mitral. Các lá của van lật ngược lên tâm nhĩ trái, máu trào ngược khi tim co bóp.

- Chít hẹp khi van không mở rộng khiến cho máu không xuống hết, máu tụ phía bên kia mà bên này lại thiếu.

- Teo khi van không có cửa mở để máu lưu thông.

Bệnh có thể thấy ở  một hoặc nhiều van. Van bên phải ít bị bệnh hơn van bên trái. Có tới 90% là mãn tính lâu đời, 10% cấp tính, mới xảy ra.

Có nhiều nguyên nhân đưa tới bệnh van tim như nhiễm trùng, chấn thương, bệnh cơ  tim hoặc do bẩm sinh.

1- Nhiễm trùng như trong bệnh Sốt Thấp (Rheumatic Fever) hoặc Viêm Nội Mạc Tim (Endocarditis).

Sốt Thấp thường thấy ở trẻ em do nhiễm họng với chuỗi cầu trùng tan huyết Streptococcus (Strep Throat) mà không được điều trị. Thế rồi vài ba chục năm sau xuất hiện dấu hiệu bệnh tim như là viêm, dày, cứng và thu ngắn các lá của van tim, nhất là van 2 lá giữa nhĩ trái/thất trái (mitral regurgitation) và van động mạch chủ. May mắn là ngày nay nhờ kháng sinh chữa viêm họng cho nên bệnh hở van tim giảm đi rất nhiều.

Viêm Tâm Mạc do vi khuẩn xâm nhập máu, tấn công van tim gây ra tổn hại tạm thời hay vĩnh viễn cho van. Vi khuẩn đến từ các phẫu thuật răng miệng, lạm dụng thuốc cấm chích tĩnh mạch hoặc nhiễm trùng tổng quát khác.

2- Bệnh tim do cao cholesterol, cao huyết áp, không vận động, thừa kế gia đình. Các bệnh này gây tổn thưong cho van đặc biệt là van động mạch chủ với calci bám vào. Người từ 65 tuổi trở lên thường nằm trong trường hợp này.

3- Bẩm sinh như trường hợp hài nhi chỉ có 2 lá ở van động mạch chủ (thay vì 3 lá)  hoặc có 3 lá nhưng 2 lá dính vào nhau.

Triệu chứng

Nhiều người mang bệnh van tim mà không có triệu chứng  và không có khó khăn sức khỏe. Một số khác thì tình trạng trầm trọng hơn, có thể đưa tới suy tim, tai biến não, máu cục thậm chí thiệt mạng bất thình lình vì ngưng tim.

Triệu chứng chính của bệnh là tiếng thổi của tim (heart murmur) nghe qua ống nghe, gây ra do máu lưu hành hỗn loạn khi van tim bị hư hại, khuyết tật, thu hẹp…Đây là tiếng động thêm hoặc bất thường  khi tim co bóp, có thể rất nhỏ hoặc ồn to.

Các triệu chứng khác gồm có:

            - Mệt mỏi bất thường

            - Thở hụt hơi nhất là khi cố sức hoặc nằm.

            - Phù sưng chân, cổ chân, bàn chân, bụng

            - Chóng mặt quay cuồng, rối loạn nhịp tim.

Không được theo dõi, điều trị, bệnh van tim có thể đưa tới suy tim, cao áp xuất và phù nề phổi, rối loạn nhịp tim, huyết cục, tai biến não.

Điều tr

Điều trị bệnh van tim tùy thuộc loại van bị hư, tình trạng nặng hay nhẹ của bệnh. Có 3 phương thức trị liệu:

            1- Theo dõi tình trạng bệnh.

Trường hợp bệnh nhẹ hoặc trung bình, chưa có các triệu chứng trầm trọng ảnh hưởng tới hoạt động của bệnh nhân, bệnh có thể được đặt trong tình trạng theo dõi. Bác sĩ sẽ làm các thử nghiệm để quan sát diễn tiến bệnh, đưa ra các hướng dẫn để giảm thiểu biến chứng. Bệnh nhân cũng cần thay đổi nếp sống sao cho thích hợp với bệnh tình.

            2- Điều trị bằng dược phẩm

Thực ra không có dược phẩm nào để trị dứt được bệnh của van tim mà chỉ hỗ trợ tim, giúp tim làm việc hữu hiệu hơn, trì hoãn sự trầm trọng của bệnh, tránh biến chứng. Dược phẩm có thể là thuốc lợi tiểu, hạ cao huyết áp, điều chỉnh rối loạn nhịp tim, chống đông máu…Cần một bác sĩ chuyên môn tim mạch chăm sóc thường xuyên.

           3- Giải phẫu

Tùy theo tình trạng bệnh, giải phẫu có thể là nong van, sửa van hoặc thay van.

- Nong van bị hep với quả bóng xẹp bé tí teo đưa vào van rồi bơm phồng lên, khiến cho van mở rộng rồi rút bóng ra. Được áp dụng trong vài loại bệnh của van, thay cho việc đặt van mới.

- Sửa van, đặc biệt là van 2 lá mitral, để van hư hao hoạt động bình thường trở lại đựơc.

- Thay van với 2 loại van:

* Van làm bằng các vật liệu như vải, kim loại thép không rỉ, titanium hoặc gốm sứ.Lợi điểm của loại này là kéo dài lâu hơn, từ 10-20 năm. Tuy nhiên bệnh nhân phải uống thuốc chống đông máu suốt đời để tránh huyết cục ở tim hoặc trên van.

** Van làm bằng tế bào người hoặc súc vật như heo, bò, dùng được từ 10 -15 năm nhưng bệnh nhân có thể không phải uống thuốc chống đông máu.

Sau khi ổn định với điều trị, bệnh nhân tiếp tục cần được bác sĩ theo dõi. Báo cho bác sĩ nếu có thay đổi, biến chứng bất thường. Uống thuốc theo đúng chỉ định. Giữ hẹn với bác. Thay đổi nếp sống sao cho thich hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ.

www.bsnguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
LỘT XÁC Chuyện phiếm của Gã Siêu

  

Chuyện xưa tích cũ kể lại rằng:

Ngày kia, Lưu Bá Ôn đi thăm miếu Khổng Minh, trong miếu có một ngọn đèn dầu, được gọi là vạn niên đầy, nghĩa là đời đời không hề tắt. Ngoài cửa có một câu đối chỉ còn một vế:

- Vạn đại quân sư Gia Cát Lượng.

Lưu Bá Ôn thầm nghĩ:

- Ta đây cũng đủ tài thao lược.

Lập tức, ông lấy bút ghi qua một bên:

- Nhất thống sơn hà Lưu Bá Ôn.

Bước vào trong miếu, ông chỉ cúi đầu, chứ không chịu sụp lạy. Bỗng chốc, ông cảm thấy mình mất thăng bằng và bị một sức vô hình kéo ngọt lên không. Kinh hãi, ông bèn nắm lấy các đồ vật chung quanh, nhưng vô ích. Ông bị hút lên và dính chặt vào triền núi. Phải chăng vì vô lễ mà ông đã bị Đức Khổng trừng phạt?

Trong lúc hốt hoảng, ông nhìn thấy bức hoành phi có bốn chữ:

- Giải y nhi thoát, có nghĩa là cởi áo ắt sẽ thoát.

Ông liền vội vã cởi áo và tụt xuống đất bình an vô sự. Bấy giờ ông mới cung kính quỳ gối tạ tội với Khổng Minh.

Thì ra Lưu Bá Ôn mặc áo giáp sắt, mà ngôi mộ lại xoay lưng vào một sườn đá có nam châm.

Dầu vậy, Họ Lưu cũng đáng mặt anh hùng, vì trong thời chinh chiến còn gì quí giá hơn bộ giáp sắt, nhưng khi nó đã trở thành mối nguy hiểm, ông không ngần ngại cởi bỏ để được an toàn.

Việc họ Lưu cởi bỏ bộ giáp sắt để thoát thân cũng chỉ là một việc nhỏ và dễ dàng như trở bàn tay, bởi vì bộ giáp sắt dù quí giá, thì nó vẫn chỉ là một đồ vật ở bên ngoài chúng ta. Trên đời này còn nhiều thứ cởi bỏ cam go và khó khăn hơn nhiều, nhất là những cái ở bên trong chúng ta, trong thân xác cũng như trong tâm hồn.

 

Trước hết, gã xin bàn đến việc lột bỏ những cái trong thân xác. 

Viết đến đây, chẳng hiểu sao gã liền nghĩ đến việc làm mấy món nhậu. Chẳng hạn như làm món thịt chuột: có người thì lột da và vứt đi, có người thì làm lông, rồi thui chứ không lột da, như vậy thịt mới ngon. Chẳng hạn như làm món lươn rút xương: người ta lột da lươn, lấy thịt lươn băm nhuyễn với thịt heo và mục nhĩ, rồi dồn vào bộ da lươn, như khi làm dồi heo hay dồi chó. Sau đó đem chưng với nước cốt dừa hay đem chiên dòn. Nhưng nói tới lột da, người ta thường nhớ tới loài rắn.

Ngày xửa ngày xưa, đường xá còn ít, mà bờ bụi thì lại nhiều, nên loài rắn có nơi cư trú, sinh sôi nảy nở, giết hại loài người một cách ghê gớm. Không tìm ra phương cách tự vệ, loài người mới hội lại, rồi cử người lên thiên đình, để tấu trình với Ngọc Hoàng Thượng Đế, xin ngài mau giải cứu. Ngọc Hoàng Thượng Đế thương tình bèn dạy rằng:

- Người già, người lột,

  Rắn già, rắn chui tọt vô săng.

Nghe xong, người  ấy vội vã trở về trần gian để kể lại cho mọi người được hay biết. Thế nhưng vì quá mừng vui,  người ấy đã nói lộn:

- Rắn già, rắn lột,

  Người già, người chui tọt vô săng.

Thế nên từ đó, loài rắn vốn đã sinh sản nhiều, lại càng sinh sản nhiều hơn, vì không một con nào bị chết già. Cũng do đó, nạn rắn cắn người lại càng gia tăng gấp bội, khiến loài người bất mãn, lại phải phái ông đại diện cũ lên kêu nài một lần nữa với Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Rõ là tại người ấy nói lộn, nên Ngọc Hoàng Thượng Đế liền bắt tội và đày người ấy làm kiếp con bọ hung, cả đời phải sống chui rúc trong đống phân. Còn việc kia, Ngọc Hoàng Thượng Đế vốn dĩ đã là người lớn, nên không thể nói đi nói lại nhiều lời, đành phải để chịu vậy mà thôi.

Theo quan niệm cổ tích, thì dường như khi gìa rắn sẽ lột da và cứ thế, cứ thế mà sống mãi. Còn dưới cái nhìn khoa học thì lại không phải vậy đâu. Chuyện rắn lột xác thay da chỉ là một hiện tượng sinh lý bình thường, vì toàn thân rắn được bao phủ bằng một lớp vảy cứng và không lớn lên tương ứng với sự phát triển thân hình của rắn.

Vì vậy, cứ hai ba tháng, khi thân hình rắn lớn lên, lớp da trở nên chật chội, khiến rắn phải thay da một lần, bỏ lớp da cũ và thay bằng lớp da mới. Mỗi lần lột xác như vậy, rắn lại lớn thêm lên một tí. Và như thế, không phải chỉ rắn già, mà cả rắn non cũng lột, giống như chúng ta cởi bỏ chiếc áo cũ đã quá chặt hẹp, để mặc chiếc áo mới rộng rãi và thích hợp với cơ thể hơn. Những chiếc vảy này không phải chỉ giúp cho rắn bảo vệ, mà còn có chức năng như bàn chân để rắn trườn bò.

Trước khi lột xác, rắn có thói quen ngâm mình trong nước, vì nếu không có đủ độ ẩm, sẽ rất nguy hiểm, lớp da không thể bị lột, sẽ bám lại và trở thành nơi sinh ra vi khuẩn và bệnh tật.

Khi sắp lột da, cử động của rắn trở nên lờ đờ và chậm chạp. Mắt rắn chuyển dần sang màu trắng đục, như bị một lớp sương mùa che phủ. Khi lột da, trước hết bắt đầu từ miệng. Rắn lấy miệng cọ xát vào chỗ thô ráp. Cọ long da miệng ra, xong rồi mới lột mảng da đầu, tiếp đến lột dần phía sau một mạch do đến cái đuôi.

Chuyện rắn lột là như vậy, còn con người chúng ta thì sao? Các nhà khoa học ngày xưa cho biết cứ bảy năm, cơ thể chúng ta lại được trùng tu một lần. Còn các nhà khoa học ngày nay lại còn xác quyết mạnh mẽ hơn thế nữa, đó là cứ  mỗi năm các bộ phận trong cơ thể đều được “đại tu”, nghĩa là lần lượt được gỡ bỏ, những tế bào cũ được thay thế đi hết bằng những tế bào mới, còn kỹ lưỡng hơn gấp ngàn vạn lần các chú thợ sửa xe!

Tuy nhiên, việc thay da đổi thịt này lại âm thầm diễn ra bên trong cơ thể mỗi người, không gây nên đớn đau, khiến chúng ta chẳng hề hay biết và nhiều người lại còn coi đó như cái lý đương nhiên: Đã sinh ra thì phải lớn lên, bằng không thì cơ thể ấy đang có vần đề, cần phải được xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân bệnh tật.

Thế nhưng, việc cắt bỏ một chi thể, hay mổ xẻ một khối u nơi thân xác thường làm cho bệnh nhân rất đau đớn.

Anh bạn gã vừa mới qua đời vì bị ung thư xương hàm. Cách đây bốn tháng, anh ta bị nhức răng và đi nhổ. Sau khi nhổ chiếc răng bị sâu, anh về nhà mà vẫn cứ bị nhức. Anh liền đi khám bác sĩ ở tỉnh và tỉnh chuyển anh lên thành phố. Bác sĩ tại thành phố cho hay anh bị ung thư xương hàm. Người ta cưa một nửa xương hàm của anh, rồi chữa trị bằng hoá chất, nhưng mới vô được ba lần thì anh đuối sức và bác sĩ cho anh về nhà để chờ chết.

Đến thăm anh, gã thấy anh thường hay nhăn mặt và nắm chặt đôi bàn tay. Những lúc như thế, chắc hẳn anh đau đớn lắm, đau đớn cho đến khi nhắm mắt từ giã cuộc đời và những người thân yêu. Đó là kết quả của việc cắt bỏ trên thân xác.

 

Tiếp đến, gã xin bàn về việc lột bỏ những cái trong tâm hồn.  

Xét về mặt tinh thần, gã cũng nhận thấy có một việc lột xác, hay nói đúng hơn, có một việc cởi bỏ thật quan trọng, mà mỗi người chúng ta cần phải thực hiện, đó là việc cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới. Vậy thế nào là con người cũ và thế nào là con người mới?

Con người cũ là con người xấu xa với những thói hư. Còn con người mới là con người xinh đẹp với những tính tốt. Ai cũng muốn khử trừ con người cũ và phát triển con người mới. Nhưng thực tế lại chẳng được như vậy, vì sự thiện chúng ta muốn thì lại chẳng chịu làm, còn điều ác chúng ta chẳng ghét, thì lại hăng hái thực hiện.

Có những lúc chúng ta quyết tâm quyết tâm loại bỏ con người cũ, nhưng quyết tâm này chẳng kéo dài được bao lâu, để rồi chúng ta lãi xẹp xuống như quả bóng xì hơi. Chúng ta giống như một anh chàng tay nâng chén rượu nồng:

- Đổ đi thì tiếc, uống vào thì sợ say.

Chúng ta giống như cô nàng đỏng đảnh, giận hờn với anh chàng, muốn bỏ đi cho bõ ghét, nhưng vẫn cứ chần chừ:

- Nửa về, nửa muốn ở đây,

  Nửa thơm như mít, nửa cay như gừng.

Cuối cùng, chúng ta vẫn chứng nào tật ấy, mèo vẫn hoàn mèo và chó đen thì vẫn giữ mực. Chúng ta cúi đầu nhượng bộ cho sự dữ, cho điều ác. Thành thử, cuộc chiến chống lại con người cũ là một cuộc chiến thật cam go, đến nỗi Napoléon đã thú nhận:

- Thắng được cả Âu châu còn dễ hơn là thắng được chính bản thân mình.

Sở dĩ như vậy, vì nó đòi buộc chúng ta phải đấu tranh một cách kiên trì và không được ngơi nghỉ và buông xuôi, như một câu danh ngôn đã bảo:

- Sống là bơi ngược dòng nước. Nếu không cố gắng bơi, thì sẽ bị dòng nước cuốn trôi.

Có một anh chàng mắc phải tật nghiện rượu. Bị vợ cằn nhằn, anh quyết tâm bỏ rượu, chứ không như đám bạn nhậu, kẻ “bỏ rượu”, người “bỏ mồi”. Ngày ngày anh vẫn ngồi uống, nhưng trước khi uống, anh nhỏ vào chiếc ly một giọt nến. Phải, chỉ một giọt mà thôi. Và thời gian cứ êm đềm trôi qua, cho đến khi chiếc ly đầy nến và anh cũng thôi không còn nghiện rượu nữa.

Một anh chàng khác, sau khi tham dự khoá tĩnh tâm, cũng đã dốc quyết làm lại cuộc đời, vì anh thấy mìnhquá khô khan, quá nguội lạnh. Anh đã thực hiện điều dốc quyết của mình như sau:

Mỗi khi làm được một việc tốt, anh bỏ một hạt đậu trắng vào trong chiếc lọ. Còn mỗi khi làm một việc xấu hay sai phạm một tội nào đó, anh liền bỏ một hạt đậu đen cũng vào trong chiếc lọ ấy. Ban tối trước khi đi ngủ, anh ngồi đổ ra và đếm.

Ban đầu, chỉ toàn đậu đen, chứng tỏ anh làm một kẻ bê bối. Sau đó, những hạt đậu trắng lác đác xuất hiện, rồi mỗi ngày một gia tăng. Đậu trắng cứ thêm lên, còn đậu đen cứ giảm xuống. Cho tới một lúc chỉ còn toàn đậu trắng và anh đã trở nên một con người mới, tốt lành và thánh thiện.

Hãy chết đi cho con người cũ, để được sống lại cho con người mới.

Gã Siêu   gasieu@gmail.com


VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************