Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 153, Chúa Nhật 11.9.2011


MỤC LỤC 

Thông Tri                   Đức TGM  Pericles Felici  Tổng Thư Ký Thánh Công Ðồng Vaticanô II 

Bài giảng của Đức TGM Girelli tại Nhà thờ Chính toà Qui Nhơn,               ngày 07-09-2011

Công lý duy nhất của Thiên Chúa là THƯƠNG XÓT và THA THỨ  Tiến sĩ NGUYỄN HỌC TẬP

Những khác biệt căn bản giữa Công Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành            Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

Mời gọi ghi danh theo khoá KỂ CHUYỆN GIÁO LÝ tổ chức tại TTMV.DCCT           Lm. Lê Quang Uy, DCCT

THÁNH PHÊRO GIỮ CHÌA KHÓA NƯỚC TRỜI                        Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

NGỤ NGÔN THỜI BẤN LOẠN (KỲ 29)                                       Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

KIÊU NGẠO – KHIÊM NHƯỢNG                                                                   Br. Huynhquảng

Ứng sinh Linh mục Giáo phận học và sống tương quan với gia đình            Lm. MP. Trần Minh Huy, pss

SỐNG NHƯ CHÚA KITÔ                                                                     Lm. Minh Anh biên tập

CÁCH DÙNG INSULIN                                                                  Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, MD.

CỌP VÀ NGƯỜI                                                                           Chuyện phiếm của Gã Siêu


Thông Tri 

 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II 

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội (Lumen Gentium) 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Trích Văn Kiện Công Ðồng Chung Vaticanô II 

Thông Tri 

Do vị Tổng Thư Ký của Thánh Công Ðồng trong phiên họp khoáng đại lần thứ 123 ngày 16-11-1964.

Có người thắc mắc về phẩm tính thần học của giáo thuyết được trình bày trong Lược Ðồ về Giáo Hội và sẽ được đem ra đầu phiếu.

Ủy ban lo về giáo thuyết, khi xét đến những "Ðề Nghị Tu Chỉnh" về chương III Lược Ðồ về Giáo Hội, đã trả lời rằng:

"Dĩ nhiên, phải luôn luôn giải thích văn kiện Công Ðồng theo những qui tắc chung mà mọi người đều biết".

Nhân dịp này, Ủy Ban Giáo Thuyết đã nhắc lại bản Tuyên Ngôn của mình, ngày 6-3-1964; chúng tôi xin trích lại bản văn đó:

"Xét theo tập tục Công Ðồng và chủ đích mục vụ của Công Ðồng hiện tại, Thánh Công Ðồng nầy xác định rằng Giáo Hội chỉ phải tuân giữ những điều có liên quan đến đức tin và phong hóa được chính Thánh Công Ðồng tuyên bố là như vậy".

"Còn những điểm khác được Thánh Công Ðồng trình bày, vì là giáo thuyết của quyền Giáo Huấn Tối Thượng của Giáo Hội, nên tất cả và mỗi một Kitô hữu phải chấp nhận và hiểu theo ý của chính Thánh Công Ðồng, dựa trên những tiêu chuẩn của phương pháp giải thích thần học: ý Công Ðồng tỏ lộ qua nội dung được trình bày hoặc qua cách diễn tả của Công Ðồng".

Và đây là một chú thích sơ khởi, mà Thượng Quyền gửi đến các Nghị Phụ đối với "những Ðề Nghị Tu Chỉnh" liên quan đến chương III của Lược Ðồ về Giáo Hội; giáo thuyết được trình bày trong chương III này phải được giải thích và hiểu theo tinh thần và thể thức của chú thích này. 

Chú Thích Sơ Khởi 

"Trước khi xét những "Ðề Nghị Tu Chỉnh", Ủy Ban quyết định trình bày những nhận xét tổng quát sau đây:

1. Cộng Ðoàn (collegium) không hiểu theo nghĩa thuần túy pháp lý, nghĩa là một nhóm người bình đẳng, mà quyền hạn họ đã trao phó cho một vị chủ tịch; nhưng phải hiểu là một nhóm người có tính cách vững bền mà cơ cấu tổ chức và quyền hành phải được rút ra từ Mạc Khải. Cho nên, khi trả lời "Ðề Nghị Tu Chỉnh" số 12, chúng tôi đã nói rõ rằng: Mười Hai Tông Ðồ đã được Chúa thành lập theo thể thức "một cộng đoàn hay một nhóm người có tính cách vững bền" : Cũng xem Ðề Nghị Tu Chỉnh số 53, c. - Cũng vì vậy, chữ "Hàng" (hàng Giám Mục: ordo) hay "Ðoàn" (corpus) cùng được dùng đây đó để chỉ "Cộng Ðoàn Giám Mục". Sự đối chiếu: một bên là Phêrô với các Tông Ðồ khác, một bên là Ðức Giáo Hoàng với các Giám Mục, không có nghĩa là quyền đặc biệt của các Tông Ðồ đã được truyền lại cho các người kế vị và, dĩ nhiên, cũng không có nghĩa là giữa vị Thủ Lãnh và các phần tử của cộng đoàn có sự bình đẳng; nhưng chỉ muốn xác định một sự tương xứng giữa tương quan thứ nhất (Phêrô - Tông Ðồ) và tương quan thứ hai (Ðức Giáo Hoàng - Các Giám Mục). Vì thế trong số 22, Ủy Ban đã quyết định không dùng chữ "cũng vậy", nhưng dùng chữ "tương tự như thế". Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh 57.

2. Người được phong chức giám mục và hiệp thông phẩm trật với Thủ Lãnh và với các phần tử trong Cộng Ðoàn thì trở thành phần tử của Giám Mục Ðoàn. Xem số 22, 1 phần cuối.

Trong việc tấn phong, có sự tham dự hữu thể vào các nhiệm vụ thánh, như Truyền Thống và cả tập truyền phụng vụ đã chứng tỏ hiển nhiên. Sau khi thảo luận, Ủy Ban dùng danh từ "nhiệm vụ" (munus) chứ không dùng danh từ "quyền hành" (potestas), vì "quyền hành" có thể hiểu là một quyền hành sẵn sàng để xử dụng. Thật ra, để có một quyền hành như thế thì cần phải có thêm sự chỉ định theo giáo luật hoặc pháp lý của quyền bính phẩm trật. Sự chỉ định này có thể là việc bổ nhiệm vào một chức vụ đặc biệt hay việc ủy thác trông coi một số người và theo những qui luật đã được quyền tối thượng chấp thuận. Do bản chất của sự việc, cần phải có qui luật cuối cùng như thế, bởi vì đó là những nhiệm vụ phải được thực hành do nhiều phụ tá cộng tác theo phẩm trật do ý muốn của Chúa Kitô. Hiển nhiên là trước khi viết thành bộ luật, thì sự "hiệp thông" ấy đã được áp dụng trong đời sống Giáo Hội tùy theo hoàn cảnh của các thời đại.

Chính vì thế mà Ủy Ban minh nhiên nói rằng: cần phải có sự hiệp thông phẩm trật với Thủ Lãnh và với các phần tử của Giáo Hội. Hiệp thông, một ý niệm rất được Giáo Hội thời xưa (cũng như thời nay, nhất là Giáo Hội Ðông Phương) đề cao. Ðó không phải là tâm tình mơ hồ, nhưng là một thực thể hữu cơ. Nó đòi hỏi một hình thức pháp lý, đồng thời được linh động nhờ đức ái. Do đó, sau khi được sự đồng ý của hầu hết mọi người, Ủy Ban quyết định viết như sau: "trong sự hiệp thông phẩm trật". Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh số 40, và những chỗ đề cập đến chức vụ bổ nhiệm theo giáo luật, số 24.

Những văn kiện gần đây của các Ðức Giáo Hoàng về quyền tài thẩm của các Giám Mục phải được giải thích theo sự hạn định cần thiết về những quyền hành ấy.

3. Cộng Ðoàn, không thể có Cộng Ðoàn nếu không có Thủ Lãnh, "cũng là chủ thể có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội". Cần phải chấp nhận điều đó để quyền bính trọn vẹn của Ðức Giáo Hoàng Roma khỏi bị vi phạm. Nói đến Cộng Ðoàn (Giám Mục), bao giờ người ta cũng phải hiểu là gồm có Thủ Lãnh; và trong Cộng Ðoàn, Thủ Lãnh vẫn nắm giữ nguyên vẹn nhiệm vụ Ðấng Ðại Diện Chúa Kitô và Chủ Chăn của Giáo Hội phổ quát. Nói cách khác, sự phân biệt không phải là giữa Ðức Giáo Hoàng Roma và các Giám Mục hiệp lại, nhưng là giữa cá nhân Ðức Giáo Hoàng Roma và Ðức Giáo Hoàng Roma cùng với các Giám Mục. Vì Ðức Giáo Hoàng là Thủ Lãnh của Cộng Ðoàn nên chính ngài một mình có quyền hành động trong một vài việc mà các Giám Mục không có thẩm quyền: ví dụ triệu tập và điều khiển Cộng Ðoàn Giám Mục, phê chuẩn các quy luật hành động, v. v... Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh số 81. Ðức Giáo Hoàng, vì được trao phó nhiệm vụ chăn dắt toàn thể đoàn chiên Chúa Kitô, nên tùy theo nhu cầu của Giáo Hội biến chuyển theo các thời đại, ngài giữ quyền phán định cách thế thích hợp để thể hiện nhiệm vụ chăn dắt trên, hoặc cách cá nhân hoặc cách cộng đoàn. Vì lợi ích của Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng Roma hành động theo sự khôn ngoan của ngài để hướng dẫn, phát huy, phê chuẩn sự thực thi quyền cộng đoàn.

4. Là Ðấng Chăn Dắt Tối Cao của Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng có thể tùy ý thi hành quyền bính của Ngài bất cứ lúc nào, theo sự đòi hỏi của nhiệm vụ Ngài. Còn Cộng Ðoàn, tuy vẫn tồn tại luôn, nhưng không vì thế mà lúc nào cũng hành động với tính cách thuần túy cộng đoàn, như Thánh Truyền Giáo Hội xác nhận. Nói cách khác, không phải bao giờ Cộng Ðoàn cũng hành động "trong hiện thể trọn vẹn", nhưng chỉ thỉnh thoảng mới hành động một cách thuần túy cộng đoàn, và khi đó chỉ vì Thủ Lãnh ưng thuận. Nói "Thủ Lãnh ưng thuận" để khỏi nghĩ đến sự tùy thuộc như tùy thuộc vào một người ngoại cuộc. Trái lại, từ ngữ "ưng thuận" nói lên sự hiệp thông giữa Thủ Lãnh với các phần tử, đồng thời giả thiết sự cần thiết của một hành vi thuộc riêng vị Thủ Lãnh. Ðiểm này được minh nhiên xác định trong số 22, 2 và được giải thích ở phần cuối số ấy. Cách nói "chỉ vì" bao gồm tất cả mọi trường hợp: do đó dĩ nhiên là phải tuân theo các qui luật được giáo quyền tối thượng chấp thuận. Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh số 84.

Trong tất cả các điểm trên, chúng ta thấy rõ vấn đề là ở chỗ các Giám Mục hiệp nhất với Thủ Lãnh của mình và không bao giờ hành động cách độc lập đối với Giáo Hoàng. Trong trường hợp sau này, khi không có hành động của Thủ Lãnh, các Giám Mục không thể hành động như một Cộng Ðoàn được, như ý niệm "Cộng Ðoàn" cho thấy. Thánh Truyền luôn minh chứng có sự hiệp thông phẩm trật giữa tất cả các Giám Mục với Ðức Giáo Hoàng.

 

Chú Ý: Nếu không có hiệp thông phẩm trật, thì các Giám Mục không thể thi hành nhiệm vụ thực thể lãnh nhận do Bí Tích. Nhiệm vụ đó phải được phân biệt với khía cạnh giáo luật - pháp lý. Nhưng Ủy Ban nghĩ là không cần phải bàn đến các vấn đề hợp pháp và thành sự, và để lại cho các nhà thần học thảo luận, cách riêng trong những gì liên can tới việc thi hành quyền bính hiện có nơi anh em ly khai Ðông Phương. Về điểm này, có nhiều giải thích khác nhau. 

Pericles Felici

Tổng Giám Mục hiệu tòa Samosate

Tổng Thư Ký Thánh Công Ðồng Vaticanô II 

VỀ MỤC LỤC
Bài giảng của Đức Tổng Giám mục Girelli tại Nhà thờ Chính toà Qui Nhơn, ngày 07-09-2011
 

WHĐ (08.09.2011) – Như tin đã đưa, Vị Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, hiện đang viếng thăm mục vụ các giáo phận thuộc giáo tỉnh Huế từ ngày 3 đến 16 tháng Chín 2011. Sau khi thăm Tổng giáo phận Huế và giáo phận Đà Nẵng, ngài đã đến giáo phận Qui Nhơn trong hai ngày 7 và 8 tháng Chín. Tại giáo phận Qui Nhơn, Đức TGM Girelli gặp gỡ cộng đoàn giáo dân tại Nhà thờ Chính tòa, viếng Đền thánh Stêphanô, Đài kỷ niệm Nước mặn, nhà thờ Gò Thị, thăm Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn Gò Thị… Sau đây là bài giảng của Đức TGM Girelli trong thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn ngày 7 tháng Chín.

Anh chị em thân mến,

Thật vui mừng biết bao khi tôi được hiện diện với anh chị em hôm nay tại Nhà thờ Chính tòa này! Trong dịp trọng đại này, chúng ta cảm tạ Chúa vì Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã đến Qui Nhơn gần 400 năm qua.

Tôi nồng nhiệt chào mừng Đức giám mục của anh chị em, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, cũng như Đức cha Phó Matthêô Nguyễn Văn Khôi. Tôi cám ơn Đức cha Nguyễn Soạn về những lời chào mừng tốt đẹp. Đặc biệt, tôi chào mừng anh chị em, những tín hữu của giáo phận Qui Nhơn; và đánh giá cao ước muốn của anh chị em chào đón qua tôi, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, người mà tôi rất khiêm tốn đại diện tại Việt Nam.

Tôi có thể đoan chắc với anh chị em rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI rất gần gũi với Hội Thánh Việt Nam và với giáo phận này.

Phúc Âm hôm nay nói với chúng ta về lệnh truyền của Chúa Giêsu với 11 môn đệ “Hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.

Chúa Kitô đã trao cho các môn đệ nhiệm vụ ra đi và loan báo lời Chúa, tất cả quyền năng đó chỉ cho 11 người. Có lẽ họ cũng nghĩ rằng mình không đủ khả năng để hoàn thành lệnh truyền của Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Kitô cũng nói với họ “Và hãy nhớ rằng Thầy sẽ ở cùng các con mãi đến tận thế”.

Chúa Kitô không chỉ sai các môn đệ đi, Người còn tiếp tục hiện diện với họ cũng như Người tiếp tục hiện diện với chúng ta hôm nay để chúng ta loan báo Tin Mừng qua cộng đoàn, làm cho người khác thành môn đệ Chúa, và giảng dạy những gì Chúa Kitô đã dạy các môn đệ. Cũng như Chúa Kitô không lìa bỏ chính các môn đệ, Người cũng không lìa bỏ chính chúng ta.

Lệnh truyền của Chúa Giêsu là một yêu sách của thời đại chúng ta và thúc đẩy chúng ta quan tâm đến nhu cầu khẩn thiết và tầm quan trọng về việc truyền giáo của Giáo Hội.

Thậy vậy, những lời của Chúa Giêsu không ngừng vang vọng như một lời kêu gọi phổ quát: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20).

Trong nhu cầu thúc bách của việc Phúc âm hóa, chúng ta được khuyến khích và nâng đỡ với một niềm xác tín rằng Chúa là Chủ của mùa gặt, luôn ở với chúng ta và tiếp tục hướng dẫn dân Người. Chúa Kitô là nguồn vô tận cho sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh.

Sứ mệnh này mời gọi các Giáo hội địa phương của mỗi đại lục lưu ý trước nhu cầu khẩn thiết để cổ võ việc truyền giáo.

Không chỉ những Giáo Hội cổ truyền được kêu gọi tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo mà còn các Giáo hội tại các miền truyền giáo như Việt Nam cũng được mời gọi hiến thân cách quảng đại cho sứ mệnh đến với muôn dân.

Niềm hy vọng của Đức Giáo Hoàng là sự cộng tác truyền giáo sẽ được tăng cường giữa các Giáo Hội của các đại lục khác nhau trên thế giới.

Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio) rằng “Giáo Hội là truyền giáo bởi vi chính bản tính của Giáo Hội theo lệnh truyền của Chúa Kitô không là một cái gì phụ thuộc hoặc bên ngoài, mà là trọng tâm của Giáo Hội”.

Việc loan báo Tin Mừng vẫn là hợp thời và khẩn thiết. Vì vậy, việc dấn thân truyền giáo đem Tin Mừng của Chúa Giêsu đến tận cùng trái đất vẫn là sứ vụ đầu tiên của Giáo Hội, được gọi để mang ơn cứu độ của Chúa Kitô đến con người của thời đại chúng ta, trong quá nhiều phần đất trên thế giới, nơi mà sự xúc phạm nhân phẩm và áp bức bởi nghèo đói, bạo lực và chà đạp nhân quyền vẫn còn thắng thế.

Giáo Hội không thể tránh né sứ mệnh phổ quát này; vì đối với Giáo Hội thi sứ vụ có một lực trói buộc. Là những thành viên của Giáo Hội, tất cả chúng ta được yêu cầu trở nên những sứ giả Tin mừng và những nhà truyền giáo giữa chúng ta, trong tất cả môi trường chúng ta sống và làm việc.

Trong lễ Thánh Thể này, chúng ta hãy cầu xin Chúa canh tân tinh thần truyền giáo nơi các cộng đoàn chúng ta để có thể cũng gây cảm hứng cho những ơn gọi mới. Thật vậy, mỗi cộng đoàn kitô hữu được sinh ra là một nhà truyền giáo, và chính trên căn bản lòng can đảm loan báo Tin Mừng của anh chị em mà đức tin và tình yêu Chúa được đánh giá.

Anh chị em không chỉ cộng tác trong việc loan báo Tin mừng nhưng hơn nữa, anh chị em cảm thấy rằng mình là những vai chính và đồng trách nhiệm trong việc loan báo này.

Anh chị em thân mến, mệnh lệnh truyền giáo mà Chúa Kitô trao phó cho các Tông đồ bao gồm tất cả chúng ta. Chúng ta hãy góp phần loan báo Tin Mừng, trước hết, tại đây trong quê hương yêu dấu của anh chị em.

Xin Đức Mẹ La Vang và các Thánh Tử đạo Việt Nam che chở phù trợ giáo phận Qui Nhơn. Amen.

 

TGM Leopoldo Girelli

VỀ MỤC LỤC
CÔNG LÝ DUY NHỨT CỦA THIÊN CHÚA LÀ THƯƠNG XÓT VÀ THA THỨ

 

SUY NIỆM PHÚC ÂM ( IV A 47 ), ( 11.09.2011); ( Mt 18, 21-35)

CHÚA NHẬT XXIV PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN, NĂM A

Tiến sĩ NGUYỄN HỌC TẬP

 

Đoạn Phúc Âm hôm nay gồm có hai phần:

   - cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô ( Mt 18, 21-22),

   - dụ ngôn về đề tài tha thứ ( Mt 18, 23-34).

Ở phần đối thoại ngắn ngủi giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô, câu chuyện được khỏi đầu bằng câu hỏi của Thánh Phêrô:

   - “ Bấy giờ Phêrô đến gần Chúa Giêsu mà hỏi: Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”.

   - “ Chúa Giêsu trả lời: Thầy không bảo  là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy ” (Mt 18, 21-22).

Và rồi tiếp tục câu chuyện về đề tài tha thứ, Chúa Giêsu dạy Phêrô và chắc cũng dạy các môn đệ lúc đó với Ngài , và những ai đang nghe Ngài:

   - “ Nước Trời giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ mình thanh toàn sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ tên đầy tớ ấy sập mình xuống bái lạy: Thưa ngài, xin rộng lòng hoản lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết. Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ ” ( Mt 18, 23-27). 

Và bối cảnh thứ hai được tiếp liền sau đó, cho thấy cách hành động vô nhân của tên đầy tớ vừa được thương xót và tha thứ:

   - “ Vừa ra đến bên ngoài, tên ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: Trả nó cho tao! Bấy giờ người đồng bạn sập mình xuống nan nỉ. Nhưng hắn không chịu, tống anh vào ngục cho đến khi trả xong ” ( Mt 18, 28-30). 

1 - Trước hết đoạn Phúc Âm hôm nay  liên kết câu Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu về việc tha thứ,  với đề tài sửa chữa huynh đệ trong cộng đồng Giáo Hội, chúng ta đã có dịp suy niệm trong Chúa Nhật vừa qua ( Mt 18, 15-20).

Tư tưởng liên kết đó được nhắc lại do chính chủ đề “người anh em vấp phạm” (Mt 18, 15) của Phúc Âm tuần trước, cũng như của Phúc Âm tuần nầy chúng ta đang đọc.

Nhưng đề tài của đoạn Phúc Âm hôm nay có tính cách cá nhân hơn, liên hệ đến chính bản thân người đương cuộc,

   - “ Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” ( Mt 18, 21).

Và vì đó, câu trả lời bằng dụ ngôn là câu trả lời trực tiếp cho người đang đối thoại với Chúa Giêsu, cho Thánh Phêrô và cho bất cứ ai đang nghe Ngài, cho mỗi người trong chúng ta. 

Trong câu 21-22, những con số 7 và 70 lần 7 không có ý nghĩa từng chữ là những con số chính xác cho bằng nói lên một đại lượng to lớn.

Phêrô dùng con số 7 để nói lên nhiều lần, trong khi đó thì câu trả lời với con số 70 lần 7 của Chúa Giêsu có ý nói lên chúng ta đừng bao giờ nản chí tha thứ cho anh em, sẵn sàng xoá bỏ lỗi lầm cho anh em.

Con số 7 và 70 lần 7  trong Phúc Âm hôm nay, lấy lại tư tưởng  câu nói của sách Sáng Thế Ký: 

7 Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng Lamech thì gấp bảy mươi bảy ” ( Gn 4, 24). 

Và nếu tinh thần trong Cựu Ước là tinh thần báo thù phục hận 7 lần cho Cain hay 77 lần  cho Lamech, thì ngược lại, tinh thần của Ki Tô giáo trong Tân Ước là tinh thần tha thứ không những 7 lần mà còn đến 70 lần 7, nghĩa là luôn luôn tha thứ.

Theo tinh thần tập truyền thời đó trong Cựu Ước, trả thù phục hận, “ ăn miếng trả miếng”, “có vay có trả” là phương thức hữu hiệu để thực hiện đức công bằng và giữ vững cho xã hội trong trật tự, khỏi lối sống lưu manh, trộm cướp, tội phạm.

Trên thực tế, trả thù báo oán là khơi nguồn cho chu kỳ bất tận của hận thù và đổ máu.

Sự bảo đảm cho an ninh công cộng, cho xã hội có được một cuộc sống thanh bình không phải là hăm doạ trả thù phục hận vô giới hạn và với bạo lực, như trong viễn ảnh của Lamech được phục hận gấp bảy mươi bảy lần,  hay của người đầy tớ vô nhân,  

   - “ Nhưng hắn không chịu, tống anh vào ngục cho đến khi trả xong ” (Mt 18, 30), cho bằng tâm hồn tha thứ luôn luôn được cởi mở và được lập lại,  

   - “ Thầy không bảo là  đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy ” (Mt 18, 22) 

   2 - Những tư tưởng vừa kể được câu trả lời bằng dụ ngôn của Chúa Giêsu khai triển và suy luận sâu rộng hơn.

Chủ đề tha thứ được Chúa Giêsu trình bày bằng hai nhân vật chính, nhà vua và người đầy tớ của ông.

Thật ra từ ngữ “servus” của La Ngữ được chúng ta dịch là “người đầy tớ” đối với trường hợp của nhà vua trong dụ ngôn, là cách dịch không chính xác lắm.

Người đấy tớ” của vua ở đây không hẳn chỉ là người quyét nhà, rửa chén, cắt cỏ, nấu ăn trong hoàng cung thôi, mà cũng có thể là thần dân cao cấp, là bộ trưởng trong triều đình, giúp vua trị nước.

Bởi lẽ tất cả thần dân đối với vua trong vương quốc là “đầy tớ, nô bộc ” của vua, có nhiệm vụ phục vụ vua.

Người đầy tớ” trong dụ ngôn, chúng tôi nghĩ rằng là một thần dân quý tộc, cao cấp hay ít nhứt là bộ trưởng giúp vua trị nước.

Bởi lẽ nếu không phải là người ở địa vị như vậy, làm gì “người đầy tớ” có liên hệ đến nỗi phải là kẻ       

   - “… mắc nợ vua mười ngàn yến vàng ” (Mt 18, 24).

Như vậy chúng ta có thể tạm gọi hắn là “người đầy tớ bộ trưởng” cho dễ xung hô. 

Sau khi xác định danh tánh cho dễ xưng hô trong dụ ngôn, chúng ta thử đi vào nội dung mà Chúa Giêsu muốn nói với Phêrô, với các môn đệ và với chúng ta.

Nội dung của dụ ngôn được diễn tả trong  hai bối cảnh song hành tương tợ nhau,

   - giữa nhà vua và vị bộ trưởng ( Mt 18, 23-27),

   - và giữa vị bộ trưởng vô nhân và người đồng bạn của ông (Mt 18, 28-30).

Điều mà chúng ta để ý đặc biệt là lời van xin của vị bộ trưởng thiếu nợ đối với vua và lời khẩn khoản của người đồng bạn đối với vị bộ trưởng bất nhân giống hệt nhau:

   - “ Bấy giờ tên đầy tớ (bộ trưởng) ấy sấp mình xuống bái lạy: Thưa ngài, xin rộng lòng hoản lại cho tôi, tôi sẽ trả hết ” ( Mt 18, 26),

   - “ Bấy giờ người (đồng bạn) ấy sấp mình xuống nan nỉ: thưa anh xin rộng lòng hoản lại cho tôi, tôi sẽ trả hết cho anh ” ( Mt 18, 29).  

Bài Phúc Âm tường thuật  lại dụ ngôn theo tập tục hành xử luật lệ của thời cỗ trong Cựu Ước và cả của thời đế quốc Roma, theo đó thì ai không có khả năng trả nợ, phải bán mình và cả gia nhân, vợ con mình làm nô lệ để lấy tiền trả.

Tập tục đó căn cứ vào việc thời gian bị cầm tù hay làm nô lệ bị lao tác và nhiều khi bị hành hạ, khiến con nợ phải nỗ lực tìm mọi cách lo trả, để giải thoát mình và thân nhân khỏi cảnh khốn cùng.

Bối cảnh thứ nhứt (Mt 18, 23-27) được cấu trúc nói lên lòng đại lượng và thương xót hải hà của vua.

Món nợ mà vị bộ trưởng phải trả cho vua là một món nợ to tác: “…mắc nợ vua mười ngàn yến vàng ” ( Mt 18, 23). 

Từ đó chúng ta có thể kết luận rằng “người đầy tớ bộ trưởng” dẫu có gập đầu nan nỉ hứa trả, lời hứa của ông ta khó trở thành sự thật.

Dù biết vậy, nhà vua cũng không áp dụng luật pháp, không kéo thẳng mực tàu “ăn miếng trả miếng ”. Vua động lòng thương và tha bổng cho con nợ bất hạnh:

   - “ Tôn chủ của đầy tớ liền chạnh lòng thương, cho y ra về và tha luôn hết nợ ” (Mt 18, 27). 

Trong khi đó thì bối cảnh thứ hai nói lên cho chúng ta một món nợ không có gì là to lớn đến nỗi:  

   - “…mắc nợ y một trăm quan tiền ” ( Mt 18, 28).

Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, một quan tiền lúc đó có giá trị bằng khoản 6.000 đồng bạc và một đồng bạc bằng lương thường nhật cho một người làm mướn.

Biết được giá trị như vậy, chúng ta thấy “người đồng bạn” của vị bộ trưởng, có thể là một vị bộ trưởng khác hay một nhà quý tộc cao cấp, có khả năng trang trải món nợ.

Món nợ không to lớn và khả năng trang trải có thể của “người đồng bạn” càng nói thêm cho chúng ta biết tâm địa độc ác,  vô nhân “người đầy tớ bộ trưởng” của vua.

Và như vậy, vị bộ trưởng nhứt định tống giam “người đồng bạn” để siết cổ anh ta cho bằng được:

   - “ Nhưng hắn không chịu, tống anh vào ngục cho đến khi trả xong ” (Mt 18, 30).

Về phương diện pháp lý, cách hành xử của vị bộ trưởng đối với “người đồng bạn” không có gì là phạm pháp và đáng trách.

Theo luật lệ hiện hành lúc đó, không ai có thể cho là hành động bất công.

Có chăng cách cư xử của nhà vua đối với vị bộ trưởng mắc nợ được tha làm cho chúng ta bở ngở, một phản ứng quá mãnh liệt, bắt ngờ, có lẽ vị bộ trưởng được thương xót và được tha cũng không tiên liệu được:

   - “ Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ tôn chủ đòi y đến và bảo: Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót người đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông ” ( Mt 18, 31-34). 

Một bản án đã tuyên bố, không thể sửa đổi được. Nếu không phải là cách hành xử coi thường luật pháp.

Có thể đó là yếu tố bất ngờ trong cách hành xử của nhà vua. Nhà vua đã bải bỏ bán án cũ, để có hành động thích hợp với tình trạng mới xảy ra.

Trong thể chế  quân chủ, nhà vua không những tượng trưng cho uy quyền, mà còn là định điểm để quy chiếu đường lối chính trị  cai quản quốc gia.

Cách hành xử của nhà vua là định chế pháp lý cho vương quốc ông, Chính Quyền và các bộ trưởng thuộc hạ không thể hành động đi ra ngoài hay ngược lại “đường lối lãnh đạo chính trị ” của nhà vua.

Thái độ siết cổ “người đồng bạn” để đòi nợ cho bằng được, cho thấy vị bộ trưởng coi không ra gì cách hành xử hay đường lối chính trị quốc gia mà nhà vua mới áp dụng cho ông ta trước đó.

Tệ hơn nữa, vì ông ta là bộ trưởng theo giả thuyết chúng ta nghĩ ra, người phải áp dụng chính hướng lãnh đạo quốc gia của vua, nên thái độ “siết cổ đòi nợ ” của ông cho thấy hành động, đứng ra bên ngoài hay cả đi ngược lại đường lối chính trị quốc gia của vua, là thương xót và tha thứ.

Hành động khác đi hay ngược lại là mặc nhiên coi thường uy quyền  và đường lối chính trị lãnh đạo quốc gia của vua.

Hiểu như vậy, chúng ta hiểu được tại sao nhà vua phản ứng mãnh liệt và tức khắc đối với vị bộ trưởng vừa bất nhân vừa ương ngạnh:

   - “ Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót người đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông” ( Mt 18, 33). 

Bởi lẽ đường lối chính trị của nhà vua, công lý duy nhứt trong định chế pháp luật của vua là thương xót và tha thứ.

Vượt ra bên ngoài bối cảnh trần thế của dụ ngôn trong Phúc Âm, tinh thần cách hành xử của nhà vua trong dụ ngôn nói lên cho chúng ta biết rằng điều khoản luật duy nhứt công lý trong Nước Trời  là lòng thương xót và tha thứ.

Đó là cách hành xử của Thiên Chúa:

   - “ Tôn chủ của đầy tớ liền chạnh lòng thương, cho y ra về và tha luôn hết nợ ” (Mt 18, 27). 

Không có lòng thương xót và tha thứ là không có công lý trong Nước Trời.

Công lý dựa trên “ăn miếng trả miếng ” là công lý không biết thông cảm, thương xót và tha thứ của lối sống trần tục.

Bởi đó hình phạt đối với “ người đầy tớ bộ trưởng ” không phải chỉ vì ông ta lỗi luật cho bằng đó là số phận của ông ta và của tất cả những ai tự đặt mình ra ngoài tình thương của Chúa, ngoài cách hành xử của Chúa đối với anh em, thương xót và tha thứ!

Và vì số nợ của ông ta quá to tác, nên bản án của vua đối với ông ta có thể được coi là bản án vĩnh viễn. Lính có đánh đập, hành hạ ông ta đến chết, ông cũng không làm sao trả nỗi.

Đặt mình ra ngoài tình thương của Thiên Chúa, là đặt mình vào mối bất hạnh vĩnh viễn. 

Dụ ngôn không có ý dạy chúng ta lòng thương xót và tha thứ trổi vượt hơn công lý, mà là dạy chúng ta con đường hành xử công lý duy nhứt của Thiên Chúa là thương xót và tha thứ.

Như vậy, người tín hữu Chúa Ki Tô muốn trở thành người tôi tớ phục vụ Thiên Chúa, không có cách sống nào khác hơn là sống theo con đường tình thương và công lý của Ngài.

   3 - Hiều như vậy, chúng ta hiểu được tại sao Phúc Âm Thánh Matthêu liên kết chặt chẻ lòng tha thứ huynh đệ với lòng tha thứ của Thiên Chúa, mà Ngài đã viết lại cho chúng ta trong Kinh Lạy Cha: 

   - “ Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con ”. 

Từ chối tha thứ cho anh em là từ chối vương quyền của Thiên Chúa trên đời sống chúng ta, từ chối sống theo cách hành xử của Ngài đối với con cái Ngài, từ chối tình thương và tha thứ của Ngài, từ chối ơn cứu rỗi!

Kế đến thái độ tha thứ của người tín hữu Chúa Ki Tô không phải chỉ là cách hành xử ngoài miệng, mà là tha thứ phát xuất từ sâu thẩm của tâm hồn: 

   - “ Thì đến lược ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao?” ( Mt 18, 33). 

Câu Phúc Âm vừa kể lập lại một lần nữa hành động của chúng ta trong cử chỉ tha thứ cho anh em, lòng thương xót phải phát xuất tự sâu thẩm của tâm hồn, như cách hành động của nhà vua, cách hành động của Thiên Chúa: 

   - “ Tôn chủ của người đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ ” (Mt 18, 27). 

Động từ Hy Lạp “ chạnh lòng thương, splanchizo”, được Thánh Matthêu dùng trong Phúc Âm hôm nay để nói lên cử chỉ nhân hậu và tha thứ của nhà vua trong dụ ngôn, cũng là động từ được Ngài dùng nhiều lần, để nói lên tâm tình của Chúa Giêsu đối với con người chúng ta, trước những bất hạnh của chúng ta: 

   - “ Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm thang vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt ” ( Mt 9, 36),

   - “ Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” ( Mt 14, 14),

   - “ Chúa Giêsu gọi các môn đệ lại và nói: Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” ( Mt 15, 32),

   - “ Chúa Giêsu chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ; tức khắc, họ nhìn thấy được và  đi theo Người ” ( Mt 18, 34) 

Và nhứt là trên thánh giá, gương mặt nhân hậu đầy yêu thương của Thiên Chúa được tỏ ra cho chúng ta nơi Chúa Giêsu. Vì tình thương đối với con người, Thiên Chúa không không lùi bước, ngay cả khi phải hy sinh mạng sống.

Đó cũng là tâm tình và cách hành xử duy nhứt  phải có đối với anh em, của những ai muốn hành xử công chính như Thiên Chúa, thương xót và tha thứ.

Sách Sáng Thế Ký kể lại cho chúng ta là chúng ta được Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài: 

- “ Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Ngài,

    Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Thiên Chúa,

    Thiên Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ ” ( Gn 1, 27)  

“ … giống hình ảnh Ngài ”, có nghĩa là ban cho chúng ta có trí khôn ngoan và lòng ước muốn hạnh phúc, tự do phản ảnh lại trí khôn ngoan vô tận và tự do vô hạn của Thiên Chúa, không bị một trở lực nào giới hạn.

Được dựng nên với khả năng như vậy, không phải chỉ để chúng ta có địa vị cao cả và là tạo vật giống Ngài như khuôn đúc, mà là tiền định để chúng ta trở nên con cái Ngài,

   - “ Lạy Cha chúng con ở trên trời…” ( Mt 6, 9), giống Ngài trong cách ăn thói ở, hành xử theo cách hành xử của Ngài, biết thương xót và tha thứ anh em:

   - “ Cha nào, con nấy ”, nói như tục ngữ Việt Nam chúng ta.

VỀ MỤC LỤC
NHỮNG KHÁC BIỆT CĂN BẢN GIỮA CÔNG GIÁO, CHÍNH THỐNG GIÁO VÀ TIN LÀNH

 

Hỏi: Trong bài trước cha đã nói  đến các Đạo cùng tôn thờ Thiên Chúa nhưng khác nhau về nhiều mặt thần học, tín lý, giáo lý, bí tích,  phụng vụ .v.v. Xin cha nói rõ hơn về những khác biệt này giữa Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành

Trả lời: như đã giải thích trong bài trước, cả ba Nhánh Kitô Giáo trên đây, từ đầu,  đều thuộc Đạo Thánh của Chúa Kitô gọi chung là KitôGiáo (Christianity). Nhưng theo dòng thời gian,  đã có những biến cố gây ra tình trạng rạn nứt hay ly giáo (schisms) hoặc những cải  cách (reformations) đáng tiếc xảy ra  khiến KitôGiáo bị phân chia thành 3 Nhánh chính trên đây. Ngoài ra, còn một nhánh Kitô Giáo nữa là Anh Giáo (Anglican Communion) do vua Henri VIII (1491-1547) của nước Anh chủ xướng năm 1534 để lập một Giáo Hội riêng cho Nước Anh, tách khỏi Rôma chỉ vì Tòa Thánh La Mã (Đức Giáo Hoàng Clement VII) không chấp nhận cho nhà vua ly di để lấy vợ khác.

Cho đến nay, các nhóm ly khai trên vẫn chưa hiệp thông được với Giáo Hội Công Giáo vì còn nhiều trở ngại chưa vượt qua được.. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng giới hạn trong câu hỏi được đặt ra, tôi chỉ xin nêu sau đây những dị biệt căn bản giữa ba Nhánh Kitô Gíáo lớn trên đây mà thôi. 

  I- Chính Thống  (orthodoxy) khác biệt với Công Gíáo La Mã (Roman Catholicism) ra sao? 

Trước hết, danh xưng Chính Thống "Orthodoxy", theo ngữ căn (etymology) Hy lạp " orthos doxa", có nghĩa là  "ca ngợi đúng" (right-praise), "tin tưởng đúng " (right belief) . Danh xưng này được dùng trước tiên để chỉ lập trường của các giáo đoàn đã tham dự các Công Đồng đại kết (Ecumenical Councils) Nicêa I (325) Ephêsô (431) và nhất là Chalcedon (451) trong đó họ đã đồng thanh chấp thuận và đề cao những giáo lý được coi là chân chính (sound doctrines) , tinh tuyền của KitôGíáo để chống lại những gì bị coi là tà thuyết hay lạc giáo (heresy). Do đó, trong bối cảnh này, từ ngữ "orthodoxy" được dùng để đối nghịch với từ ngữ " heresy" có nghĩa là tà thuyết hay lạc giáo. Nhưng  sau biến cố năm 1054 khi hai Giáo Hội  Kitô Giáo Hy Lạp ở Constantinople (tượng trưng cho Đông Phương) và Giáo Hội Công Giáo LaMã (Tây Phương) đã xung đột và ra vạ tuyệt thông cho nhau ( anthemas=excommunications) ngày 16 tháng 7 năm 1054  giữa Michael Cerularius, Thượng Phụ Constantinople và Đức cố Giáo hoàng Leo IX vì có những bất đồng lớn về tín lý, thần học  và quyền bính, thì  danh xưng "Chính Thống" ( orthodoxy) lại được dùng để chỉ Giáo Hội Hy Lạp ở Constantinople đã ly khai không còn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo La Mã. Sau này, Giáo Hội "Chính Thống" Hy Lạp ở Constantinople đã lan ra các quốc gia trong vùng như Thổ nhĩ Kỳ, Nga, Albania, Estonia, Cyprus, Finland, Latvia,  Lithuania,  Rumania, Bulgaria, Serbia, Ukraine...Vì thế,  ở mỗi quốc gia này cũng có Giáo Hội Chính Thống nhưng độc lập với nhau về mọi phương diện. Nghĩa là không có ai là  người lãnh đạo chung của các Giáo Hội này, mặc dù họ có tên gọi chung là các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương ( Eastern Orthodox Churches) tách khỏi khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã. (Tây Phương)

Tuy nhiên, hiện nay Thượng Phụ (Patriarch) Giáo Hội Chính Thống Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul  được coi là Thượng Phụ Đại Kết (Ecumenical Patriarch) của các Giáo Hội Chính thông Đông Phương. Cách nay 2 năm Đức Thánh Cha Bê-nê-đich tô 16 đã sang thăm Đức Thượng phụ Giáo Chủ Chính Thống Thổ để tỏ thiện chí muốn đối thoại, đưa đến hiệp thông giữa hai Giáo Hội anh  em. Riêng Giáo Hội Chính Thống Nga, cho đến nay, vẫn chưa tỏ thiện chí muốn xích gần lại với Giáo Hội Công Giáo La Mã, vì họ cho rằng Công Giáo muốn "lôi kéo" tín đồ Chính Thống vào Công Giáo sau khi chế độ cộng sản ở Nga tan rã, tạo điều kiện thuận lợi cho Giáo Hội Chính Thông Nga hành Đạo.

Trước khi xẩy ra cuộc ly giáo năm 1054, hai Nhánh Kitô giáo lớn ở Đông và Tây phương (The Greek Church and the Holy See=Rome)  nói trên vẫn hiệp thông trọn vẹn với nhau về mọi phương diện vì cả hai Giáo Hội anh  em  này đều là kết quả truyền giáo ban đầu của các Thánh Tông Đồ Phêrô và Anrê. Lịch sử truyền giáo cho biết là Thánh Phêrô đã rao giảng Tin mừng ở vùng  đất nay là lãnh địa của Giáo Hội Công Giáo La Mã (Roma) trong em ngài, Thánh Anrê (Andrew)  sang phía Đông để rao giảng trước hết ở Hy lạp và sau đó trong phần đất nay là Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey). Như thế, cả hai Giáo Hội KitôGiáo Đông Phương Constantinople và Tây Phương Rôma đều có nguồn gốc Tông đồ thuần túy ( Apostolic succession).

Sau đây là những điểm gây bất đồng khiến đi đến ly giáo (schism) Đông Tây 

 1- Về tín lý, Giáo Hội Chính Thống Đông Phương- tiêu biểu ban đầu là  Giáo Hội Hy Lạp ở Constantinople-  bất đồng với Giáo Hội Công Giáo La Mã về từ ngữ “Filioque” (và Con) thêm vào trong Kinh Tin Kính Nicêa tuyên xưng “Chúa Thánh Thần bởi  Chúa Cha, và Chúa Con mà ra”.

Giáo Hội Chính Thông Đông Phương cũng không công nhận các tín điều về  Đức Mẹ  Vô Nhiễm  Thai (Immaculate Conception) và Lên Trời cả hồn xác (Assumption) mặc dù họ vẫn tôn kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Sở dĩ thế, vì họ không công nhận vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng, nên đã bác bỏ mọi tín điều được các Đức Giáo Hoàng công bố  với ơn bất khả ngộ (Infallibility) mà Công Đồng Vaticanô I (1870) đã nhìn nhận.

Chính vì họ không công nhận quyền và vai trò lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ của Đức Giáo Hoàng Rôma, nên đây là trở ngại lớn nhất cho sự hiệp nhất (unity) giữa hai Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo cho đến nay, mặc dù hai bên đã tha vạ tuyệt thông cho nhau sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople là Athenagoras I năm 1966.

Giáo Hội Chính Thống có đủ bảy bí tích hữu hiệu như Công Giáo. Tuy nhiên, với bí tích rửa tội  thì họ  dùng  nghi thức dìm xuống nước (immersion) 3 lần để nhấn mạnh ý nghĩa tái sinh vào đời sống mới, trong khi Giáo Hội Công Giáo chỉ dùng nước đổ trên đầu hay trán của người được rửa tội để vừa chỉ sự tẩy sạch tội nguyên tổ và các tội cá nhân ( đối với người tân tòng) và tái sinh vào sự sống mới, mặc lấy Chúa Kitô. 

2- Về phụng vụ, Giáo Hội Chính Thống dùng bánh có men (leavened bread) và ngôn ngữ Hy lạp  khi cử hành phung vụ  trong khi Giáo Hội Công Giáo dùng bánh không men (unleavened bread) và tiếng Latinh trong phụng vụ thánh trước Công Đồng Vaticanô II, và nay là các ngôn ngữ của mọi tín hữu.  

3- Sau hết, về mặt kỷ luật giáo sĩ:  Giáo Hội Chính Thông cho phép các phó tế và linh muc được kết hôn trừ Giám mục, trong khi kỷ luật độc thân (celibacy) lại  được áp dụng cho mọi cấp bậc trong hàng giáo sĩ và tu sĩ Công Giáo, trừ phó tế vĩnh viễn (pernanent deacons).

Đó là những khác biệt căn bản giữa Giáo Hội Chính Thống Đông Phương và Giáo Hội Công Giáo La Mã.

Tuy nhiên, dù có những khác biệt và khó khăn trên đây, Giáo hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống Đông Phương đều rất gần nhau về nguồn gốc tông đồ và về nền tảng đức tin, giáo lý, bí tích và Kinh thánh. Vì thế,  giáo lý của Giáo Hội Công Giáo đã dạy rằng: “Đối với các Giáo Hội Chính thống, sự hiêp thông này sâu xa đến nỗi “chỉ còn thiếu một chút là đạt được mức đầy đủ để có thể cho phép cử hành chung phép Thánh Thể của Chúa Kitô” (x.SGLGHCG, số 838).

 

II- Tin lành ( Protestantism) và những khác biệt với Công Giáo. 

Như đã nói trong bài trước, Tin lành, nói chung, là Nhánh KitôGíao đã tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo sau những cuộc cải cách tôn giáo do Martin Luther, một linh mục Dòng thánh Augustinô, chủ xướng vào năm 1517 tại Đức và lan sang Pháp với John Calvin và Thụy sỹ với Ulrich Zwingli  và các nước Bắc Âu sau đó. 

 1- Ở góc độ thần học,

Những người chủ trương cải cách (reformations) trên đã hoàn toàn bác bỏ mọi nền tảng thần học về bí tích và cơ cấu tổ chức giáo quyền (Hierachy) của Giáo Hội Công Giáo. Họ chống lại vai trò trung gian của Giáo Hội trong việc hòa giải con người với Thiên Chúa qua bí tích tha tội hay hòa giải (reconciliation) vì họ không nhìn nhận bí tích truyền chức thánh (Holy Orders) qua đó Giám mục, Linh mục được truyền chức thánh và có quyền tha tội nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) cũng như thi hành mọi sứ vụ (ministry) thiêng liêng khác. (rửa tội, thêm sức, thánh thể,  Xức dầu thánh, chứng hôn).

Điểm căn bản trong nền thần học của Tin Lành là con người đã bị tội tổ tông phá hủy mọi khả năng hành thiện rồi (làm việc lành), nên mọi nỗ lực cá nhân để được cứu rỗi đều vô ích và vô giá trị. Chỉ cần tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô dựa trên Kinh Thánh là được cứu rỗi mà thôi. (Sola fide, sola scriptura). Ngược lại, Giáo Hội Công Giáo tin rằng con người vẫn có trách nhiệm cộng tác với ơn Chúa để được cứu rỗi. Nói khác đi, muốn được cứu độ, con người phải cậy nhờ trước hết vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, nhưng cũng phải có thiện chí công tác với ơn thánh để sống và thực thi những cam kết khi được rửa tội. Nếu không, Chúa không thể cứu ai được như Chúa Giêsu đã nói rõ: “không phải bất cứ ai thưa với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ có ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7:21).

Nói khác đi, không phải rửa tội xong, rồi cứ hát Alleluia và kêu danh Chúa Kitô là được cứu độ. Điều quan trong hơn nữa là phải sống theo đường lối của Chúa, nghĩa là thực thi những cam kết khi được rửa tội: đó là mến Chúa, yêu người và xa lánh tội lỗi. Nếu không, rửa tội và kêu danh Chúa thôi sẽ ra vô ích.

 Anh em tin lành không chia sẻ quan điển thần học này, nên họ chỉ chú trọng vào việc đọc và giảng kinh thánh nhưng không nhấn mạnh đến phần đóng góp của con người như Chúa Giêsu đòi hỏi trên đây. Ngoài phép rửa và kinh thánh, họ không tin và công nhận một bí tích nào khác. Điển hình, vì không công nhận phép Thánh Thể, nên họ không tin Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong hình bánh và rượu, mặc dù một số Giáo phái Tin lành có nghi thức bẻ bánh và uống rượu nho khi họ tụ họp để nghe giảng kinh thánh. Sứ vụ quan trọng của họ chỉ là giảng kinh thánh  vì họ chỉ  tin có Kinh Thánh ( Sola Scriptura) mà thôi. 

2-  Nhưng Kinh Thánh được cắt nghĩa theo cách hiểu riêng của họ, nên có rất nhiều mâu thuẫn hay trái ngược với cách hiểu và cắt nghĩa của Giáo hội Công Giáo.

Thí dụ, câu Phúc Âm trong Matthêu 22 : 8-9 trong đó Chúa Giêsu dạy các tông đồ “ không được gọi ai dưới đất  là cha là thầy vì anh  em chỉ có một Cha là Cha trên trời” mà thôi. Vì họ hiểu câu này hoàn toàn theo nghĩa đen (literal meaning) nên đã chỉ trích Giáo Hội Công giáo là ‘lạc giáo=heretical” vì đã cho gọi Linh mục là “ Cha” (Father, Père, Padre)!.

Thật ra, Giáo Hội cho phép gọi như vậy, vì căn cứ vào giáo lý của Thánh Phaolô, và dựa vào giáo lý này,  Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Tín lý Lumen Gentium đã dạy rằng; “ Linh mục phải chăm sóc giáo dân như những người cha trong Chúa Kitô  vì đã sinh  ra họ cách thiêng liêng nhờ phép rửa và giáo huấn.” (1 Cor 4: 15; LG. số 28).

Một điểm sai lầm nữa trong cách đọc và hiểu kinh thánh của Tin lành là câu Phúc Âm Thánh Marcô kể lại một ngày kia Chúa Giêsu đang giảng dạy cho một đám đông người thì Đức Mẹ cà các môn đệ của Chúa đến. Có người trong đám đông đã nói với Chúa rằng: “Thưa Thầy có mẹ và anh em, chị em của Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy.” (Mc 3:32). Anh em tin lành đã căn cứ vào câu này để phủ nhận niềm tin Đức Mẹ trọn đời đồng trinh của Công Giáo và Chính thống, vì họ cho rằng  Mẹ Maria đã sinh thêm con cái sau khi sinh Chúa Giêsu. Nghĩa là họ chỉ tin Đức Mẹ đồng trinh cho đến khi sinh Chúa Giêsu mà thôi. Thật ra cụm từ “anh chị em “trong ngữ cảnh (context) trên đây chỉ là anh chị em theo nghĩa thiêng liêng (spiritual brotherhood, sisterhood)  và đây là cách hiểu và giải thích Kinh Thánh của Công Giáo và Chính Thống, khác với Tin lành.

Sau hết, về mặt quyền  bình, các giáo phái Tin lành đều không công nhận Đức Giáo Hoàng là Đại Diện duy nhất của Chúa Kitô trong sứ mạng chăn dắt đoàn chiên của Người trên trần thế. 

3- về bí tích:

Tất cả các nhóm Tin Lành đều không có các bí tích quan trọng như Thêm sức, Thánh Thể, Hòa giải, Xức Dầu bệnh nhân và Truyền Chức Thánh vì họ không có nguồn gốc Tông Đồ ( Apostolic succession) do đó, không có chức linh mục và giám mục hữu hiệu để cử hành các bí tích trên.

 Đa số các nhóm này  chỉ có phép rửa (Baptism) mà thôi. Nhưng nếu nhóm nào không rửa tội với nước và công thức Chúa Ba Ngôi (The Trinitarian Formula) thì không thành sự ( invalidly) . Do đó, khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo, tín hữu Tin Lành nào không được rửa tội với nước và công thức trên thì phải được rửa tội lại như người tân tòng.(catechumen). Nếu họ được rửa tội thành sự thì chỉ phải tuyên xưng đức tin khi gia nhập Công Giáo mà thôi. 

Đó là những khác biệt căn bản giữa Công Giáo và Tin Lành nói chung. Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn hướng về các anh em ly khai này và mong ước đạt được sự hiệp nhất với họ qua nỗ lực đại kết (ecumenism) mà Giáo hội đã theo đuổi và cầu nguyện  trong nhiều năm qua.

Chúng ta tiếp tục cầu xin cho mục đích hiệp nhất này giữa những người có chung niềm tin vào Chúa Kitô nhưng đang không hiệp thông (communion) với Giáo Hội Công Giáo, là Giáo Hội duy nhất Chúa Giêsu đã thiết lập trên nền tảng các Tông đồ. 

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC
MỜI GỌI GHI DANH THEO KHÓA KỂ CHUYỆN GIÁO LÝ TỔ CHỨC TẠI TRUNG TÂM MỤC VỤ DCCT
  

CHÚA GIÊSU KỂ CHUYỆN – KỂ CHUYỆN CHÚA GIÊSU

Có một tên gọi khác dành cho Giáo Lý Viên, đó là người-kể-chuyện-Chúa-Giêsu. Có một cách gọi khác cho việc giảng dạy Giáo Lý, đó là giới thiệu về Chúa Giêsu, là làm “mai mối”, giúp người ta gặp gỡ Chúa Giêsu, yêu mến Ngài, giúp người ta có thể trò chuyện tâm sự với Ngài, và rồi người ta sẽ xin đi theo Ngài.

Mà cách giúp người ta “làm quen” với Chúa Giêsu gần gũi bình dân nhất, mà cũng thu hút hấp dẫn nhất, chính là hãy kể chuyện cho người ta về Chúa Giêsu, kể lại những điều Ngài đã nói, kể lại những việc Ngài đã làm trong cuộc đời Ngài vì yêu thương con người chúng ta.

Vâng, chính Chúa Giêsu đã là người-kể-chuyện-Cha-trên-Trời-của-Ngài trước hết cho mọi người, Ngài đã áp dụng khoa sư phạm đơn sơ giản dị này trong suốt cuộc đời Ngài.

Và ngày hôm nay chúng ta chỉ cần tìm đến xin được làm môn đệ Chúa Giêsu, ngồi nghe Ngài kể chuyện về chính Ngài, về Cha của Ngài, về Thần Khí, về Nước Trời, và về người Bạn Đời yêu quý của Ngài là Hội Thánh. Và thế là đến phiên mình, mỗi chúng ta cũng có thể kể chuyện về Chúa Giêsu, ít là cho những người đang khao khát muốn nghe.

Xin mời anh chị em gần xa, đặc biệt là các Giáo Lý Viên, các huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể,cả những anh chị em Tân Tòng, nhớ mang theo một Sách Tân Ước nho nhỏ (bản dịch của Nhóm PVCGK) để cùng Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT, chúng ta rủ nhau đi tìm gặp Chúa Giêsu và xin thọ giáo với Ngài về “tuyệt chiêu” này... 

Tất cả diễn ra vỏn vẹn trong 6 buổi gặp gỡ, lúc 19g đến 21g các buổi thứ tư và thứ sáu trong tuần, từ thứ tư 28.9 đến hết thứ sáu 14.10.2011, tổ chức tại Điểm Hẹn Giêsu, lầu 3, hội trường An Phong, phía trên Nhà Sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3, thành phố Sàigòn. Kết khóa chúng ta sẽ dâng Thánh Lễ Tạ Ơn và trao Giấy Chứng Nhận trong Thánh Lễ dành cho Người Xa Quê, 20g tối Chúa Nhật 16.10.2011 

Thời gian ghi danh: từ thứ năm 8.9 đến hết thứ năm 22.9.2011. Số các bạn tham gia dự kiến khoảng 300 người, sẽ chia thành 20 tổ để sinh hoạt chung và thực tập. Có thể ghi danh qua Mail: ttmvcssr@gmail.com theo mẫu sau đây: Tên Thánh và họ tên: …… Tên Giáo Xứ: …… Địa chỉ Mail: …… Điện thoại: …… Cũng có thể ghi danh trên giấy tại Văn Phòng Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, hoặc tại Phòng Bảo Vệ ngay cổng Nhà Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sàigòn.

Lm. Lê Quang Uy, DCCT

VỀ MỤC LỤC
THÁNH PHÊRO GIỮ CHÌA KHÓA NƯỚC TRỜI

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

 

 

13Khi Chúa Giêsu đến vùng kế cận thành Caesarea Philippi, Người hỏi các môn đệ rằng: ‘Người ta nói Con Người là ai?’ 14Các ông thưa: ‘Kẻ thì nói là Gioan Tẩy giả, kẻ thì bảo là Elia, có người lại cho là Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ’. 15Đức Giêsu lại hỏi: ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ 16Ông Simon Phêro thưa: ‘Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.’ 17Đức Giêsu bèn nói với ông: ‘Này anh Simon, con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải người thường cho anh biết điều ấy, nhưng là Cha của Thày, đấng ngự trị trên trời. 18Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: ‘anh là Phêro, nghĩa là Đá, trên Đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì thì trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo gỡ điều gì, trên trời cũng sẽ tháo gỡ như vậy’. 20Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô.” (Mathew 16: 13-20)

 

Trên đây là đoạn Phúc Âm theo thánh Mathew, Chúa Nhật 21 Thường Niên A. Trước khi học hỏi ý nghĩa đoạn Phúc Âm trên, chúng ta thử tìm hiểu đôi chút về lịch sử của thị trấn Caesarea Philippi, nơi xẩy ra cuộc chất vấn giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Đồng thời tìm hiểu tại sao ông Phêrô lại tuyên xưng Chúa Giêsu là con thiên Chúa vào lúc này, cũng như lý do Chúa Giêsu dùng địa danh này làm nơi chọn thánh Phêro làm đầu hội thánh với quyền nắm giữ chìa khóa nuớc trời.

 

THỊ TRẤN CAESAREA PHILIPPI VÀ CÂU CHUYỆN THẦN THOẠI HY LẠP

 

Caesarea Philippi là một thị trấn nằm khoảng 20 dặm ở phía Bắc biển Galilée trong phạm vi thuộc quyền cai trị của quân vương Philippi, con vua Herod đại đế từ năm 4B.C. đến khi ông băng hà vào năm 34 A.D. Đây là thị trấn Paneas được ông cho tái thiết lại và đặt tên mới là Caesarea để kính nhớ Đại Đế và Philippi để phân biệt với hải cảng ở Samaria lúc đó cũng có tên là Caesarea. Vì vậy mới có tên kép là Caesarea Philippi.

 

Thị trấn này bây giờ người ta gọi là “Banias”, chữ nói chại đi của tiếng “Paneas”, tên một vị thần Đồng Cỏ Hy Lạp Pan. Vào thời Chúa Giêsu, người ta thờ thần Pan trong đền thờ của dân ngoại tọa lạc tại nơi này ở biên giới giữa Israel và Syria về hướng Bắc, ngay dưới chân núi Mount Hermon hùng vĩ. Cũng chính nơi đây, ngay trong trung tâm trác táng vô độ thờ thần Pan của Hy Lạp mà Chúa Giêsu đã hỏi xem các môn đệ hiểu thế nào về vị thế của đấng thiên sai. Cũng chính tại nơi này mà thánh Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống. Đây chính là cái phông nổi bật làm nền cho bài phúc âm bi thảm ngày hôm nay. (Mat.16:13-20).

 

Đoạn Tin Mừng này cũng được các thánh sử Marco (Mac.8:27-29) và Luca (Luc.9:18-20) nói tới, nhưng không đầy đủ như của thánh Mathew. Câu chuyện thánh Mathew kể đã nói rõ lời ông Phêro tuyên xưng Chúa Giêsu là con Thiên Chúa hằng sống chính là do Thiên Chúa Cha đã mặc khải chỉ cho một mình ông Phêro mà thôi (17) và vì đó Ngài đã gọi Phêro là Đá, trên Đá này Chúa sẽ xây Giáo Hội của ngài (18) và quyền năng của các môn đệ trong Giáo Hội trần thế này cũng được Thiên Chúa  trên thiên đàng chuẩn nhận.

 

Qua câu chuyện thần thoại Hy Lạp có liên hệ đến một địa danh rất đặc biệt ở hướng Bắc, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa một số từ và những biểu thị được dùng trong đoạn Tin Mừng này của Thánh Mathew.

 

“THẦY  LÀ  ĐẤNG  THIÊN  SAI”

 

Để trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu: (13) “Người ta nói Con Người là ai?”, các môn đệ đã kê khai ra một danh sách những nhân vật mà người ta gán cho Chúa Giêsu. Tên những nhân vật này nói lên những kỳ vọng khác nhau ở nơi Chúa. Có người nói Chúa là Elia, một nhân vật đang đối đầu với chính quyền lúc đó. Có người coi Chúa còn hơn cả Jeremiah, một nhân vật không phải là ít nói nhưng là tập trung nhiều vào mặt nội tâm, một khía cạnh riêng biệt của cuộc sống con người.

 

Khi Chúa Giêsu hỏi Phêrô một câu hỏi quyết định: “Còn các anh, các anh gọi Thầy là ai?”, thì Phêrô trả lời Chúa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Với một cái phông huy hoàng của câu chuyện trong bài phúc âm ngày hôm nay, phải chăng câu trả lời của Phêrô: “Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống” đã là bản án tử hình cho tất cả các loại thần, đặc biệt là thần Pan lúc đó đang lảng vảng đâu đấy bên cạnh ông? Phải chăng cái chết của thần Pan đã làm lung lay quyền lực của Tiberias khiến ông khó có thể nối nghiệp được Hoàng đế Augustus?

 

CON THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG

 

Câu “Con Thiên Chúa hằng sống” phải được hiểu là đối nghịch với ý nghĩa câu chuyện thần thoại Hy Lạp ở nơi mà ông Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Thần Pan liên hệ đến môt ngọn núi ở Arkadia và một cái động ở Attika. Vì ở Arkadia không có nhiều súc vật tốt, nên dê được coi là súc vật chính và đặc thù của miền. Vì vậy thần Pan có hình dáng nửa người nửa dê.  Thần Pan đã trở thành phổ quát trong thần thoại Hy Lạp và rất quen thuộc trong giới chăn chiên, nhà nông và người dân quê. Nói chung, thần Pan là thần tình ái mà việc chính của thần là làm cho súc vật được phì nhiêu béo tốt. Thần này thích ở những hang động, núi đồi và những nơi vắng vẻ quạnh hưu và lại rất thích âm nhạc; nhạc cụ của thần là sáo. Thần Pan là con của thần Zeus (vua các thần), tức là con của thần !

 

Tước hiệu «Con Thiên Chúa hằng sống» mà Phêrô đã tuyên xưng danh Chúa Giêsu đã bổ túc cho đoạn văn của thánh Marco (Mac. 8: 27-29), đồng thời đánh tan tất cả những gì là gọi là nghi hoặc hay mơ hồ về danh hiệu “ngôn sứ / Messiah”. Như vậy, với câu tuyên bố của thánh Phêrô, chúng ta không thể nào mà không liên tưởng đến cái quang cảnh được mô tả trong câu chuyện thần thoại Hy Lạp có liên quan đến sự rộng lớn của thị trấn Caesarea Philippi!

 

 THỊT VÀ MÁU / NGƯỜI PHÀM

 

Câu 17 trong đoạn văn của thánh Mathew cho ta thấy Chúa đã chấp nhận lời tuyên xưng của ông Phêro nên Ngài  đã nói với Phêro: «Không phải thịt và máu đã cho ngươi biết điều đó, mà chính là Cha Ta ở trên trời đã mạc khải cho ngươi » ‘Thịt và máu’ là từ ngữ biểu thị loài người, phàm nhân với tất cả những yếu đưối của nó. Ông Phêrô đã nhận ra được căn tính đích thực của Chúa Giêsu chứng tỏ sự nhận biết của ông không phải do người thường mà do Thiên Chúa mạc khải cho ông ta, cũng giống như thánh Phaolo được Thiên Chúa cho biết về Chúa Giêsu mà ông đã diễn tả trong thư gửi tín hữu Galat: « Khi Người (Thiên Chúa) đã đoái thương mạc khải Con của Người cho tôi… »(Gl 1: 15-16).

 

ANH LÀ ĐÁ , KEPA, KEPHAS

 

Qua câu 18, Chúa đã cho Phêrô biết căn tính mới của ông: «Anh là Phêrô, nghĩa là Đá, trên Đá này ta sẽ xây Giáo Hội của ta » (18). Tiếng Aramaic[1] gọi là ‘kepa’, nghĩa là đá và được chuyển dịch qua tiếng Hy Lạp là ‘Kephas’ là danh hiệu của Phêrô mà thánh Phaolo đã dùng trong các thư của ông gửi cho các tín hữu (1Cr 1: 12 ; 3: 22 ;9: 5 ;15: 4 ; Gl1: 18 ;2: 9,11,14) trừ ra trong thư gửi tín hữu Galat 2:7-8 thì gọi là Phêro. Trong Tin Mừng thánh Gioan cũng vậy, Phêro được gọi là Kephas (Ga1: 42). Lời xác quyết của chúa Giêsu trong bản gốc bằng tiếng Aramaic dĩ nhiên gọi Phêro là Kepa, khi chuyển dịch qua Anh ngữ/Việt Nam thì là Đá/Rock (Kepa) : « Anh là Đá (Kepa), trên Đá này (Kepa) ta sẽ xây Giáo Hội của ta ».

 

Khi Chúa Giêsu tuyên bố Phêrô là Đá…….thì phải chăng Người ám chỉ những đá tảng ở chung quanh Người trong vùng này, mà trên đó đã có những đền thờ các thần của dân ngoại và một vị lãnh đạo rồi? Cái chết của thần Pan và của Chúa Giêsu Kitô, phải chăng cả hai đã cùng xẩy ra dưới thời quan tổng trấn Philatô, và có liên hệ với nhau? Phải chăng các Kitô hữu thời Giáo Hôi sơ khai đã muốn nhận biết sự liên hệ giữa hai biến cố này như sử gia Eusebius đã nêu lên trong những bài viết của ông ?

 

DANH TỪ “GIÁO HỘI” TRONG TIN MỪNG THÁNH MATHEW.

 

Thánh Mathew là thánh sử duy nhất dùng danh từ “Giáo Hội” (tiếng Hy Lạp là ekklesia) trong đoạn văn này ở câu 18. Trong bản gốc bằng tiếng Aramaic thì chính Chúa Giêsu đã tuyên bố Giáo Hội là gì? Giáo Hội của Chúa Giêsu là một cộng đồng mà Ngài sẽ gom lại, giống như một cao ốc, mà nền móng là thánh Phêro. Nhiệm vụ của thánh Phêro là làm chứng nhân Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai/Messiah, là Con Thiên Chúa hằng sống.

 

CỔNG  ÂM  PHỦ [2]

 

 

Cổng âm phủ là gì? Đây là một cái động khổng lồ mà người ta tin rằng muốn vào thế giới âm phủ phải đi qua cái cổng này mà âm phủ là nguồn mạch của sông Jordan. Khi nói sức mạnh hỏa ngục không thể thắng nổi Giáo Hội là phải chăng ám chỉ cái động khổng lồ này? Vào thời kỳ Chúa Giêsu và các thánh sử Tân ước, người Do Thái và các Kito hữu cũng tin rằng âm phủ (Sheol) là nơi trú ngụ của những người chết, không phải là nơi trừng phạt. Người xưa cũng tin rằng sông Jordan bắt nguồn từ một cái động khổng lồ là trung tâm điểm của công viên quốc gia mà bây giờ nằm ngay ở cửa sông Jordan tại Banias. Người ta cũng tin rằng cổng của cái động này cũng là một lối đi vào thế giới âm phủ (Hades/Sheol). Một khi đã đi vào động này rồi thì không ai có thể trở lại được thế giới của người sống.

 

Đôi khi người ta cũng tin rằng khu vực này không phải chỉ để cho người chết ở mà còn có cả những nguyên nhân quái ác tạo ra thần chết và sự hủy giệt. Theo ngôn ngữ khải huyền của người Do Thái thì vào thời thế tận những quyền lực của vũ trụ thời hỗn mang còn sót lại từ lúc tạo thiên lập địa sẽ vượt thoát khỏi những xiềng xích trói buộc mà bung ra, tạo nên nhiều nỗi thống khổ và hủy hoại trên mặt đất. Quyền lực này được chôn kín trong một cái động ở sâu trong lòng đất. Các học giả kinh thánh cho rằng những cái cổng đó là hình ảnh của âm phủ, từ một thị trấn kín cổng cao tường và được canh gác cẩn mật bật tung ra ngoài qua những cái cổng đó để tấn công thần dân của Chúa ở thế gian này. Hình ảnh này hẳn rất là sống động khi chúng ta hiểu nó, nhìn nó trong quang cảnh địa dư của thị trấn Paneas.

 

VỊ TRÍ VÀ VỊ TRÍ….

 

Thị trấn Paneas/Banias với lịch sử phong phú của nó đã tạo thành một giai đoạn của một bi kịch mới. Đây không phải là cảnh tôn thờ thần ngoại hay thần quốc gia, nhưng là tôn thờ Con Thiên Chúa hằng sống. Đây là lúc Giáo Hội Chúa được thiết lập. Chắc chắn không phải là ngẫu nhiên có sự trùng hợp ở thị trấn Caesarea Philippi mà ông Phêrô tuyên xưng chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống. Người ta không thể tưởng tượng được rằng những tảng đá khối ở dưới chân núi Mount Hermon lại không có ảnh hưởng đến các thánh sử, phát ngôn viên của ngôi lời là chính Chúa Giêsu. Một cái động mà người xưa tin rằng dùng để chất chứa những quyền lực phá hủy vũ trụ bất thần lại được nói tới, nói tới không phải để ca tụng nó, nhưng cho biết là sức mạnh của nó không thể nào chống trả và phá hủy được quyền lực của Giáo Hội. Một vị thần được nói đến cũng là vị thần đã giữ chìa khóa của âm phủ lại bất thần được thay thế bởi một người có thể chết là Phêrô, bây giờ được nói đến là người sẽ giữ chìa khóa của Nước Trời.

 

CHÌA KHÓA NƯỚC TRỜI

 

Trong bài phúc âm hôm nay, chúng ta cũng nghe nói về chìa khóa của Nước Trời (19). Hình ảnh chìa khóa có lẽ được rút ra từ bài đọc I sách tiên tri Isaiah 22:15-25 khi Eliakim nối ngôi Shebnah làm chủ lâu đài, cũng được trao « chìa khóa của nhà David » có thể mở ra và khóa cửa lại (Isaiah 22: 22).

 

Trong Mathew 18: 18, tất cả các môn đệ đều được trao quyền ‘tha’ và ‘buộc’, nhưng bản văn này nói lên một quyền đặc biệt được trao cho Phêrô. Đó là chìa khóa của nước trời mà Phêrô có toàn quyền thi hành nơi Giáo Hội trần thế này ; quyền này cũng được công nhận ở trên Trời qua một liên kết rất chặt chẽ giữa Trời và Đất, nhưng không phải Giáo Hội và Nước Trời giống nhau. Giáo Hội là một trận địa giữa hai quyền lực hỏa ngục và thiên đàng. Chúng ta tự hỏi trong những năm trước đây đã bao nhiêu lần cửa hỏa ngục  rộng mở để phun lửa và cơn thịnh nộ vào Giáo Hội ?

 

Tuy nhiên giữa những cơn sóng gió ấy, nếu định tâm suy nghĩ, ta thấy rằng thánh Phêrô đã được trao chìa khóa để mở khóa cửa thiên đàng. Những cánh cửa này sẽ mở ra và quyền lực của Thiên Chúa từ thiên đàng sẽ đổ tràn vào đấu trường đánh tan mọi chống phá của ma quỉ. Niềm tin của chúng ta xác quyết rằng ma quỉ trong hỏa ngục hay âm phủ không tài nào phá hủy được Giáo Hội, bởi vì Chúa vẫn thường xuyên hoạt động mạnh mẽ trong Giáo Hội, nói lên mục đích của Chúa là chuyển giao quyền bính thiên quốc xuống cho các thánh tông đồ, cho Giáo Hội để chu toàn mục đích của Chúa như đa hứa.

 

NHỮNG GIÂY PHÚT CỦA CHÍNH CHÚNG TA Ở CAESAREA  PHILIPPI

 

Cuộc tranh đấu để xác định căn tính của Chúa Giêsu với nhiệm vụ của một ngôn sứ  ngày nay vẫn còn đang tiếp diễn. Một số người nói rằng cá nhân mỗi Kitô hữu và cả toàn thể Giáo Hội chỉ là những hình ảnh của một Elijah, với những hệ thống, những định chế và những chính sách phổ quát có tính đối đầu công khai. Đó chính là đường hướng mà Elijah xưa kia đã theo đuổi. Một số người lại nói, giống như Geremiah, là vương quyền của Chúa Kito, thông qua Giáo Hội, chỉ là một khía cạnh riêng tư của cuộc sống cá nhân. Cũng có nhiều người muốn thu gọn tôn giáo và niềm tin vào một công việc gọi là riêng tư ở trong thế giới ngày nay.

 

Trong câu chuyện giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, chúa đã thăm dò cả hai cách suy nghĩ của các ông đã đề ra và hỏi : « Còn các anh, các anh  gọi thầy là ai ? » thì câu trả lời của Phêro: « Thầy là Đấng Thiên Sai » đã bật ra một cách hăng hái, đặc biệt, đúng như thái độ của ông, Đìều này cho chúng ta thấy một quan niệm bao gồm cả hai ý kiến trên và còn đi xa hơn nữa. Đấng Thiên Sai đi vào xã hội, từng đời sống cá nhân mỗi người một cách hoàn toàn không còn phân biệt công và tư nữa. Cách đáp ứng câu hỏi này chính là thước đo chính xác nhất tình nghĩa môn đệ của chúng ta.

 

ĐÔI LỜI KẾT

 

Mỗi người chúng ta tùy theo địa vị của mình ít nhất phải một lần tới Caesarea Philippi để trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu : « Còn bạn, bạn gọi ta là ai ? » Địa danh Caesarea Philippi nằm ở chỗ nào trong cuộc sống của chúng ta để từ đó chúng ta phải xác định căn tính của Chúa Giêsu Kito, người đã thực sự hy sinh vì ta, vì Giáo Hội và toàn thể nhân loại ?

 

Giống như thánh Phêrô, chúng ta có phấn đấu để chấp nhận Thiên Chúa đang hoạt động thế nào trên khắp thế giới -như lời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI- bằng một « sức mạnh tình yêu không thể chống đỡ nổi? » Tình yêu đó đã biến đổi thế nào những bối cảnh bi thương và khổ đau của thời đại hôm nay ?  Chúng ta đã nhận biết sức mạnh tình yêu của Chúa đang hoạt động thế nào trong những thử thách cũng như những thảm trạng cuộc đời của chính chúng ta ? Trong những lúc phong ba sóng gió của cuộc đời, chúng ta đã nhận được những an ủi dỗ dành nào vì lẽ chúng ta thuộc về Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô ? Chúng ta có bao giờ chỉ biết nhân danh đại diện Chúa mà không thi hành lời Chúa dạy ?

 

Fleming Island, Florida

Sept. 5,  2011

NTC

 

[1] Loại ngôn ngữ mà người Do Thái sử dụng sau thời kỳ bị lưu đầy ở Babylon; Chúa Giêsu và các tông đồ dùng ngôn ngữ này để giao tế  và giảng dạy.

[2] Âm phủ là nơi giam giữ các vong linh người chết. Trong cựu ước thì gọi là âm phủ (Ds 16:330; Tân Ước thì gọi là hỏa ngục (Mt 16:18)

VỀ MỤC LỤC
NGỤ NGÔN THỜI BẤN LOẠN (KỲ 29)

 

Ngụ ngôn 89

Khát nước. Khát đến cháy cổ. Tất cả các con thú trong rừng đều khát. Tại sao vậy? Để cổ vũ cho lối sống văn minh, văn hoá mới, rừng ra luật là cấm uống nước dưới suối, mà chỉ được uống nước tinh khiết trong bình lớn. Các bình nước đủ kiểu được tung ra. Ở đâu cũng thấy bình nước, xanh đỏ tím vàng đẹp như tranh. Thế mà thú rừng khát nước. Lý do là vì bình nước nào cũng chẳng có vòi.

Cả khu rừng đi truy tìm để biết lỗi này do ai, và bắt kẻ gây ra lỗi phải tìm cách sửa sai. Công ty lọc nước bảo: “Ơ hay, chúng tôi chỉ lo lọc nước, chứ chuyện vòi phải hỏi ông làm bình nước”. Kéo sang bên công ty làm bình, ai nấy đều lắc đầu khi nghe nói: “Chúng tôi làm bình chứ có làm vòi đâu, cái này phải hỏi công ty Elephant, họ làm vòi”. Qua bên công ty ấy, mấy con voi chuyên làm vòi lại cười: “Chúng tôi làm vòi cung cấp, còn công ty bình và công ty nước phải lo ráp vào chứ”

Đi qua đi lại mãi, cuối cùng rừng đưa ra một quyết định vô cùng mới mẻ và tiến bộ: “Từ nay, để cho phù hợp với tự nhiên và để tránh trách nhiệm cá nhân trong việc lọc nước, đóng bình, tất cả thú rừng đều phải quay về uống nước dưới suối!”

Ngụ ngôn 90  

Bàn cờ tướng chiều cuối năm.

Quân Tướng nói với quân Tốt: “Chú mày nhỏ bé, di chuyển chậm chạp, có chết cũng chẳng sao. Chứ ta đây mà bị chiếu bí là cả phe thua”.

Quân Xe nói với Tướng: “Ông nói vậy thôi chứ ông cũng nhích từng bước y như quân Tốt kia. Có tôi đây mới chạy ngược chạy xuôi, xuống Đông lên Tây thoả thích”.

Các quân cờ cãi nhau ỏm tỏi để tranh xem ai quan trọng nhất. Bất thình lình con thằn lằn góc nhà lên tiếng: “Cả năm tôi nhìn người ta đánh cờ, tôi thấy quan trọng nhất là cái bàn cờ, chứ cho mấy ông vô hộp thì quân nào cũng như quân nấy mà thôi!”

Ngụ ngôn 91

Thỏ và rùa đố nhau viết những câu có từ “chưa” và “đã”. Những câu rất ý nghĩa được đưa ra như “chưa đi đã muốn đến”, “chưa làm việc đã muốn xơi”, “chưa xong đã hỏng”, “chưa mưa đã ngập”. Nhưng thấy những câu ấy còn “đời thường” quá, thỏ muốn thắng hẳn rùa nên về suy nghĩ ba ngày ba đêm.

Đến ngày thứ tư thỏ viết: “Đã làm cũng giống chưa làm. Làm xong chưa đã, vì ăn chưa đầy”. Rùa thấy vậy bèn nói: “Đã chưa?”     

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

VỀ MỤC LỤC
KIÊU NGẠO – KHIÊM NHƯỢNG
 

Kiêu  ngạo được cho là “ông tổ”của các loại tội. Adam và Eva phạm tội cũng chính vì kiêu  ngạo muốn bắng Chúa như lời dụ dỗ của ma quỉ. Mối đại họa của kiêu  ngạo chính là “không cần ai, không cần Chúa,” từ đó hậu quả nguy hại nhất của kiêu   ngạo là sự cô đơn và tự tách mình ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, ra khỏi sự đùm bộc của cộng đoàn và người thân.

Kiêu  ngạo – quay mặt xa Thiên Chúa 

Thánh Augustine gọi tội kiêu  ngạo là cội rễ của mọi loại tội, vì “Kiêu  ngạo làm con người xa rời Thiên Chúa, Đấng là nguồn sống mà con người phải lệ thuộc thay vì tự cho mình là nguồn sống.”[1]

Theo thánh Thomas Aquinas, khi không muốn đặt mình dưới Thiên Chúa và trật tự mà Ngài đã tiền định cho mình, con người muốn tự quyết định và làm chủ lấy vận mệnh mình và nghĩ rằng tự mình có thể đạt tới viên mãn, hạnh phúc mà không cần Thiên Chúa. Như thế, Kiêu  ngạo là những ước muốn trái với trật tự do Thiên Chúa tiền định. Tóm lại, “Kiêu  ngạo chính là không muốn phục tùng thánh ý Thiên Chúa.”[2]

Lucifer đã từng là thiên thần nhưng vì chống lại Thiên Chúa; hậu quả là chúng phải xa rời Thiên Chúa, không tin vào Thiên Chúa, và mất đời sống siêu nhiên vĩnh viễn. Do mất hẵn đời sống siêu nhiên, Lucifer lấy mình làm trung tâm để phục vụ cho “tôi, tôi, và tôi.” Từ đó, Lucifer đã đặt kế hoạch riêng của mình lên trên kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa; nên không lạ gì, Lucifer đã quay mặt xa Thiên Chúa vĩnh viễn. Nơi Lucifer không có tình yêu, chỉ có đau khổ, cô đơn, hận thù triền miên muôn kiếp. Thiên Chúa, Đấng luôn trao ban và phục vụ, yêu thương và hiến thân cho tình yêu; ngược lại, Lucifer, kẻ chỉ lo gom góp và tích lũy, ích kỷ, cô đơn và ghen tị.

Thay vì là tham dự và chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa như Ngài đã tiền định, Ađam và Eva bất tuân Thiên Chúa khi họ muốn bằng như Thiên Chúa. Như thế, tổ tông con người phạm tội là vì chọn mình, phục vụ mình, và tôn thờ mình thay vì là chọn Chúa, phục vụ Chúa, và tôn thờ Thiên Chúa. Thiên Chúa, Đấng mời gọi con người chia sẻ vinh quang với Ngài qua việc phụng sự Ngài; ngược lại, con người, kẻ  khước từ lời mời của Thiên Chúa và chỉ ham muốn dành lấy vinh quang để phục vụ cho cá nhân mình.

Bất cần, quay mặt xa Thiên Chúa có thể được diễn đạt qua hình ảnh nguồn điện sáng và con người chúng ta. Khi chúng ta quay lưng lại với nguồn sáng ấy, chúng ta chỉ thấy cái bóng của chúng ta. Khốn thay cái bóng ấy có thể làm mờ lộ trình của chúng ta mà chúng ta không biết; cái bóng ấy cũng có thể làm mờ đi những người chúng ta gặp trên con đường. Cái bóng càng lớn, thì sự mờ tối và tầm lan rộng bóng đen càng rộng trong lộ trình ấy. Như thế, cái bóng ấy không những làm cho lộ trình của ta tối tăm, mà tệ hại hơn còn gieo sự tối tăm ấy cho người khác nữa. Đã rõ, cái tôi càng lớn, bóng đen càng dày đặc và rộng trong đời sống của ta. Vậy đó, tưởng mình là nguồn sáng, hóa ra mình chỉ là cái bóng. Vì thế, khi quay lưng lại với Thiên Chúa là Nguồn Sáng, ta chỉ thấy cái bóng đen của ta, cái tôi ích kỷ của ta; ngược lại, khi đối diện với Thiên Chúa, quay trở lại với Nguồn Sáng, ta không thấy bóng đen của ta nữa, cũng không thấy cái tôi của ta nữa, mà là sống trong Nguồn Sáng. 

Theo thánh Ignatius, tội cũng đồng nghĩa với việc thiếu khả năng nhận thức ân huệ mà Thiên Chúa ban tặng cho ta. Vì thế, “Chúng ta phạm tội là vì chúng ta không nhận thức đủ về tất cả những gì Chúa đã ban cho ta.”[3]  

Thực ra, Thiên Chúa yêu và tạo dựng chúng ta và muốn chúng ta chia sẻ đời sống hạnh phúc với Ngài mãi mãi. “Tất cả tạo vật là quà tặng.”[4] Chính vì vậy, đời sống Kitô hữu nên là một đời sống thoãi mái, vui tươi và phó thác vì chúng ta được tạo dựng theo ý định yêu thương của Thiên Chúa. Niềm vui và sự tự tại này là quà tặng Chúa ban cho chúng ta. Bao lâu ta đặt niềm tin vào Thiên Chúa, thì bấy lâu sự bình an và vui tươi vẫn còn hiện diện trong ta. Khi ta không đặt niềm tin vào Thiên Chúa, mà là chính mình, ta chuốc lấy sự lo âu, muộn phiền. Như thế, kiêu  ngạo là khi ta chỉ tin vào ta, mà không tin vào Thiên Chúa. Khi con người lấy mình làm trung tâm, thay vì vào Thiên Chúa, con người không còn nhận thức đủ về sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Khi không cần Thiên Chúa và tự nhận lấy trách nhiệm và vận mạng đời mình, con người chỉ tập trung vào những dự phóng toan tính của mình, con người gặp rắc rối. Vì “là tạo vật, con người không thể là cùng đích của chính mình được; cùng đích con người ở ngoài con người…Nhưng thử hỏi có kẻ nào, có cái gì cao cả quí trọng bằng Thiên Chúa đâu, bởi ngoài Ngài, tất cả đều là tạo vật do Ngài tạo dựng nên, kém thấp thua Ngài vô cùng?”[5] 

Kiêu  ngạo – khép lòng với tha nhân  

Trong trang đầu của sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã tạo dựng hai người để họ sống chung như một cộng đoàn. “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2:18). Như thế, ý định của Thiên Chúa là con người sống chung và cùng cộng tác với nhau để giúp nhau trong việc làm chủ vũ trụ. Nhưng vì kiêu  ngạo, con người làm một cuộc hành trình hướng về chính mình, lấy mình làm trung tâm, và muốn mọi người khác, mọi sự khác phải đáp ứng nhu cầu của mình.

* * *

Chuyện kể rằng, một người đàn ông được dẫn vào một nơi: một bên là Địa Ngục và bên kia là Thiêng Đàng. Ông bước vào phòng Địa Ngục và thấy một nhóm người ngồi xung quanh với những khuôn mặt nhăn nhó, buồn thảm, và đói ăn. Ở giữa vòng tròn ấy có một nồi súp thơm phức, và trên tay mỗi người đều có mội cái muỗng dài đủ cho họ với tới nồi súp đó. Tuy nhiên, vì muỗng súp dài quá cỡ, họ không thể đưa súp vào miệng mình được. Điều đó làm họ bực mình, nhăn nhó vì họ không thấy hạnh phúc bên nồi súp. Nồi súp được dọn cho mọi người, nhưng vì mãi lo nghĩ cho mình, về mình, nên họ quên mất khả năng cùng giúp nhau thưởng thức nồi súp. Khi chỉ nghĩ đến chính mình, con người sống trong sợ sệt, bất an, tranh giành, và bế tắc như đang sống trong tình trạng địa ngục.

Rời phòng Địa Ngục, người đàn ông được thiên thần dẫn qua phòng Thiên Đàng. Tại đây, ông cũng thấy điều kiện căn phòng này cũng như phòng kia, họ cũng có nồi súp ở giữa, có muỗng dài trên tay, nhưng họ ca hát và rất vui vẻ; họ không phải nhọc mệt trong việc tìm cách đưa muỗng súp và miệng mình, vì họ dùng muỗng súp dài của mình để đút cho người khác. Như thế, khi nghĩ đến người khác, con người học biết chia sẻ, cảm thông, và như được sống trong Thiên Đàng.

Câu chuyện trên cho ta thấy rằng, sống trong Địa Ngục hay Thiên Đàng là tùy thuộc vào mức độ ta nghĩ đến mình và người khác. Như thế, kiêu  ngạo không chỉ là muốn bằng hoặc hơn người khác, nhưng kiêu  ngạo còn được hiểu là khi con người lo nghĩ đến chính mình quá mức và lấy mình làm trung tâm. Nạn đói diễn ra ngay trong thế giới này hôm nay là hậu quả của việc chỉ nghĩ về mình quá mức mà quên đi những người xung quanh. Không tìm được bình an và khả năng làm hòa là cũng vì lấy mình làm trung tâm mà thiếu khả năng cảm thông những nỗi đau của anh em mình. Vậy đó, kiêu   ngạo dẫn đời sống chúng ta vào một vòng xoáy tìm mọi cách để thỏa mãn cái tôi, nhưng khốn thay càng tìm kiếm, chúng ta càng bị cuốn vào vòng xoáy ấy; càng bị cuốn vào vòng xoáy ấy, chúng ta trở nên độc hành và không bạn hữu người thân. Như thế, kiêu  ngạo dẫn con người vào một hành trình cô đơn buồn tẻ trong cuộc đời. Đúng như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng. “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai liều ghét sự sống mình nơi thế gian này, thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời” (Jn 12:25). Càng kiếm tìm những giá trị phù du của gian trần, tâm hồn con người không những không gặp được chúng mà còn bị cuốn vào dòng chảy dấn chìm mình xuống sâu trong cô đơn và tuyệt vọng. Chỉ đến khi không kiếm tìm cho mình bất cứ điều gì nữa, không lấy mình làm trung tâm nữa, thì lúc ấy, con người trở về căn nguyên thật của mình và gặp được bình an tự tại.

Theo Jeff Cook, dụ ngôn Người cha nhân hậu (Lk 15:11-32) diễn tả đôi nét về tội kiêu  ngạo của hai người con. Cả hai người con đều chỉ lo nghĩ đến mình, đến dự phóng và toan tính của mình. Người con trưởng dù sống gần bên cha, nhưng anh ta hằng ngày chỉ lo nghĩ những kế hoạch của đời mình. Vì mãi lo nghĩ đến tài sản giàu có của cha, vì hậm hực đứa em đã lấy tài sản phung phá, vì ghen ghét cách tiêu xài của người em, anh ta không yêu thương và chăm sóc người cha cho đúng bổn phận của người con. Anh không tin vào tình phụ tử mà người cha dành cho anh; anh nghi ngờ rằng anh sẽ không được hưởng tài sản thừa kế. Khi không tín thác đủ vào tình phụ tử, khi không hiểu nổi lòng quặn đau của người cha, khi chỉ nghĩ đến mình mà không phải là người cha, anh đã phản ứng và hạ thấp mình thành vai trò của người đầy tớ, “Cha coi, bao năm con đã hầu hạ cha.” Vì kiêu  ngạo nên chỉ quan tâm đến kế hoạch dự phóng của mình, anh không thấy thú vị và niềm vui khi ở trong nhà của Cha. Kiêu  ngạo dẫn anh đến đơn độc và buồn tẻ trong căn nhà ấm cúng của người cha. Kiêu  ngạo làm tấm lòng anh khép lại trước tình yêu tiền định của người cha.

Người con thứ biểu rõ thái độ “không cần cha” khi muốn ra đi theo dự phóng riêng của mình. Cũng như Eva, người con thứ tưởng rằng với chừng ấy tiền trong tay, anh có thể làm “chủ” cuộc đời mình. Khi cắn trái cấm, Eva mới biết vị cay đắng của nó và mới học biết ai mới là Chúa của mình. Cũng vậy, có tiền trong tay, người con thứ mới thấu chạm sự thất bại và hiểu được ai mới là chủ của đời mình. Tuổi trẻ tài cao, sức khỏe tiền bạc được cho như là những thứ bảo đảm cho an toàn, hạnh phúc và làm chủ vận mạng đời mình. Nhưng anh không hề biết rằng, sự sống và những phương tiện ấy đều là quà tặng mà cha anh đã trao ban cho anh một cách nhưng không. Những khả năng ấy anh không thể tự mình mà có được, nhưng là ân huệ của người cha trao tặng.

Kiêu  ngạo tự nhận mình có quyền sở hữu mạng sống, tài năng, của cải chắc chắn sẽ dẫn đến đại họa, chuốc lây cô đơn. Vì lo mải mê toan tính và thực hiện kế hoạch của mình, người con thứ không còn thiết nghĩ đến người cha và người anh của mình. Ngày đêm trong đầu của anh chỉ nghĩ làm cách nào để anh ta tìm thú vui, tìm an nhàn, và tìm thỏa mãn cho chính anh ta. Như thế, sự kiếm tìm và đề cao cái “tôi, tôi, và tôi” của người con thứ đã trỗi dậy rõ nét. Người cha và người anh trở thành phương tiện để giúp anh đạt được mục đích: thỏa mãn chính mình. Khi đã đạt được mục đích, anh đi riêng và không cần và cũng không bận tâm đến họ. Tóm lại, do kiêu  ngạo muốn thực hiện kế hoạch riêng đời mình, người con thứ đã đánh mất căn tính, phẩm giá, và chuốc lấy cô đơn đại bại trong hành trình của mình. Như thế, kiêu  ngạo dẫn con người vào hành trình một mình cô đơn, lẻ bóng, buồn tẻ trong cuộc đời.  

Kiêu  ngạo – đánh mất căn tính chính mình  

Tin Mừng thuật lại cho chúng ta thấy hai môn đệ của Chúa Giêsu, Phêrô và Giuđa, cả hai cũng phạm tội. Phêrô hăng hái khẳng định mình đứng vững và không bao giờ phản bội Thầy; còn Giuđa âm thầm phản bội Thầy. Cuối cùng, cả hai cũng phản bội, tuy nhiên chỉ có Phêrô xám hối trở về; còn Giuđa không xám hối mà tự tìm hướng giải quyết. Có thể nói rằng, do kiêu  ngạo mà Giuđa chỉ nghĩ đến mình và tự tìm hướng giải quyết nên đã đánh mất căn tính của mình là con Thiên Chúa.

Mối nguy hiểm của kiêu  ngạo chính là tự cho mình có quyền làm chủ cuộc đời mình không những khi con người vươn lên đỉnh cao của thành công, nhưng còn nguy hiểm hơn, chính là khi họ rơi vào thất bại, phạm tội. Khi phạm tội, tức là khi con người đang sống trong bóng đen của sự dữ, cộng với sự kiêu  ngạo, bóng đen ấy càng làm che khuất đi tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì lẽ đó, kiêu  ngạo dễ dàng dẫn con người tới khả năng tự quyết trong việc chọn lấy hướng đi của đời mình. Càng nguy hiểm hơn khi quyết định này diễn ra trong lúc cuộc đời của mình đang gặp nguy khốn. Những trường hợp tìm cách “giải quyết” đời mình trong tuyệt vọng thường rơi vào trong hoàn cảnh này.

Vì tự mình xây nên một tháp ngà, đặc biệt lúc thành công, danh tiếng, mạnh khỏe, và hưởng sự khoái cảm thành công ấy trong tháp ngà của mình; con người nghĩ là tự mình có thể sở hữu được tất cả những điều ấy mà không cần Thiên Chúa. Hay nói cách khác, khi không nhìn nhận tất cả khả năng và thành đạt của đời mình là quà tặng của Thiên Chúa, nên khi thành công đôi chút, con người cứ mãi say mê với chiến thắng ấy, mà quên đi rằng, những hào quang ấy chỉ là cái bóng phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa cho mình mà thôi. Vì thế, khi thất bại, phạm tội, con người khi sống trong kiêu  ngạo, cũng không nghĩ đến Thiên Chúa là Đấng có thể giải thoát ta ra khỏi bóng đen của những tội lỗi ấy. “Do tự tôi tạo nên cơ nghiệp, danh tiếng, nên tự tôi cũng có thể sửa đổi và tìm lại danh tiếng; do tự tôi chọn lựa và tạo sự bình an cho tôi, nay cũng tự tôi có thế phục hồi sự bình an ấy.” Như thế, kiêu  ngạo làm cho con người loay hoay khổ sở kiếm tìm sự bình an và lòng tha thứ trong cái tôi ích kỷ hẹp hòi của mình; mà thực chất, sức con người không bao giờ tìm thấy được.

Kiêu  ngạo cũng thường làm cho chúng ta đeo những mặt nạ để che giấu sự cô đơn, bất an khó tả ẩn sâu trong nỗi lòng mà nhiều khi chủ thể cũng không nhận thức được. Hậu quả là, kiêu  ngạo làm ta nghĩ rằng ta không nên để lộ những lầm lỗi, thất bại của ta cho người khác biết vì khi họ biết lỗi của ta, ta sẽ không còn được tôn trọng nữa. Kiêu  ngạo làm ta không thể nói lên lời xin lỗi, vì khi xin lỗi là cách gián tiếp ta thừa nhận ta sai lỗi và yếu đuối. Kiêu  ngạo làm ta cũng không chấp nhận lời xin lỗi từ người khác, vì khi chấp nhận lời xin lỗi của người khác ta phải hạ mình xuống một bậc trong mối tương giao này, (mà người đó không xứng đáng để ta giữ mối thân tình bằng hữu). Như thế, do kiêu  ngạo mà căn tính cao quí của ta bị đánh mất, hay ít nhất ũng bị bóp méo biến dạng vì ta không còn sự sáng suốt nguyên thủy để nhận ra hình ảnh trung thực của ta đối với Thiên Chúa, với tha nhân, và với chính mình.

Căn tính mà con người được phú tặng từ nguyên thủy chính là được tạo dựng để được Thiên Chúa yêu thương và chia sẻ tình yêu ấy với Ngài và với tha nhân. Vì được yêu thương, nên dù khi có lầm lỗi, phạm tội, con người vẫn được yêu thương. “Ðức Kitô đã chết vì ta, ngay lúc ta còn là tội nhân” (Roma 5:8). Nên trong tình yêu hoàn hảo ấy, sự thất bại sa ngã của kiếp người cũng trở thành cơ hội để đến gần Thiên Chúa hơn và cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa hơn. Vì thế, khiêm tốn nhìn nhận mình bất toàn yếu đuối và để cho Chúa yêu mình, chữa lành vết thương của mình là cách bảo đảm nhất trong quá trình trở về tìm lại sự bình an trong tâm hồn. Nếu chúng ta ý thức những khả năng và thành công của ta là quà tặng từ Thiên Chúa ban tặng, thì dù ta mắc phải những lầm lỗi yếu đuối, Thiên Chúa vẫn có thể ban tặng phương thuốc chữa trị khi chúng ta phơi lòng mình cho Ngài. Vậy đó, nhờ nhận ra căn tính thật của mình, ta sẽ can đảm và tin tưởng để Thiên Chúa yêu thương và mau mắn để giải hòa với tha nhân; làm như thế, ta tìm lại chính mình trong kế hoạch yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa, và căn tính thật của ta được bảo đảm.   

Khiêm nhượng - Tinh thần nghèo khó  

Theo tiếng Latin, “humilitas” nghĩa là thấp, bụi đất.  Từ “humilitas” của tiếng Latin, ta có “humility” trong tiếng Anh, nghĩa là khiêm tốn. Như thế, khiêm tốn tức là nhận ra tình trạng thật của mình; một loài thụ tạo được tạo dựng từ bùn đất. Cũng như vậy, Adam, tên gọi của tổ tiên loài người được xuất phát từ danh từ “adamah” (Gn 2:7; 3:19) nghĩa là “đất.” Nói tóm lại, con người dù có thông minh tài trí tới đâu, vốn dĩ mình cũng chỉ là cát bụi.

 “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó” (Mt 5: 3). “Tinh thần nghèo khó là một điều kiện chứ không phải là sự miêu tả [về nghèo khó].”[6] Nhận thức đúng về thân phận của mình, con người biết rằng mình chỉ là thụ tạo – mình không có gì, và không có gì là của mình, mình thực sự nghèo. Như thế, tinh thần nghèo khó trong Tin Mừng là sự nghèo mà con người là, chứ không phải là sự nghèo mà con người muốn làm cho mình nghèo, hay học cách để làm mình nghèo. Tóm lại, mình vốn dĩ đã nghèo thật rồi, không cần phải “học cách” nghèo. Thực là như vậy, vì con người được tạo dựng từ bụi đất và Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào để con người sống. Vốn dĩ được dựng nên từ bụi đất, nhưng nhờ Thần Khí mà con người có sự sống, và còn được mời gọi chia sẻ sự sống thần linh của Thiên Chúa. Như thế, sự sống của con người hoàn toàn lệ thuộc vào Thần Khí của Thiên Chúa – Lấy lại Thần Khí, con người trở về với cát bụi. Chấm hết.

Chúa Giêsu mời gọi ta nhận thức rõ về sự nghèo ấy, để chính khi nhận thức được như vậy, chúng ta không còn kiêu  ngạo nữa, mà thực sự mở mắt ra hiểu rằng: Chúa là tất cả, còn con chỉ là hư vô. Triết gia Socrates nhận định rằng, “Người khôn ngoan là người biết mình dại.”[7] Chính vì lẽ đó, mối phúc đầu tiên mà Chúa Giêsu chúc phúc chính là “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó” đó cũng là cửa dẫn ta vào Nước Trời.

* * *

Trong một cuộc giảng tỉnh tâm, vị linh mục giảng thuyết chia sẻ chứng từ của Chân Phước John Paul II như sau.

Trong một chuyến hành hương về Tòa Thánh, trong khi đang đi dạo trong quảng trường thánh Phêrô, tình cờ ngài gặp một người ăn xin rất quen thuộc. Sau khi trò chuyện, ngài biết được người ăn xin ấy là bạn cùng lớp linh mục. Dù ban đầu, người ăn xin nhất quyết không thừa nhận căn tính của mình, nhưng qua trò chuyện và thuyết phục, người ăn xin thừa nhận mình là linh mục và đã xuất tu.

Vài giờ sau, trong cuộc tiếp kiến chung với Đức Giáo Hoàng John Paul II, vị linh mục tranh thủ nói với ĐGH là có một linh mục đang ăn xin ngoài quảng trường. Nghe như thế, ĐGH đã đề nghị vị linh mục ấy ở lại gặp riêng ngài. Sau khi gặp riêng, ĐGH đề nghị mời linh mục và vị linh mục ăn xin ấy vào dùng bữa với ĐGH. Đối với vị linh mục, đây là một tin vui khôn tả vì mình được vinh dự dùng bửa với Đức Thánh Cha.

Vị linh mục cấp tốc chạy ra tìm bạn mình và thuật lại lời mời của ĐGH, người ăn xin nhất quyết từ chối vì nại rằng mình đã xuất tu và rất xấu hổ để gặp ĐGH với mặc cảm mình là kẻ ăn xin. Sau một hồi thuyết phục không thành công, linh mục tỏ ra giận và nói đại ý như sau: Nếu ông không vào, thì cũng hãy vì tôi mà vào, vì đây là cơ hội ngàn năm một thuở để tôi được ăn chung bàn với ĐGH. Câu nói ấy làm cho người ăn xin đổi ý. Sau khi sửa soạn và thay quần áo mới, hai người bạn được vào dùng bửa với ĐGH. Cuối bửa ăn, mọi người đứng lên để ra ngoài, riêng vị ăn xin ấy, ĐGH đề nghị ngồi lại để ngài nói chuyện. Cuộc gặp mặt diễn ra khoảng 15 phút giữa hai người. Sau khi bước ra khỏi phòng ăn, vị linh mục hỏi về cuộc gặp mặt, vị linh mục ăn xin nói: phần lớn thời gian là dành cho bí tích hòa giải; sau đó Đức Thánh Cha đề nghị tôi quay lại với đời sống linh mục. Nhưng tôi đáp rằng, tôi chỉ là đứa ăn xin nên không thể. Đức Thánh Cha trả lời rằng: Tất cả chúng ta chỉ là những người ăn mày trước mặt Chúa. Sau cuộc tiếp kiến ấy, vị linh mục “ăn xin” đã quay trở lại đời sống linh mục và hiện đang coi sóc một giáo xứ tại Ý.

* **

Tất cả chúng ta chỉ là những người ăn mày trước mặt Chúa. Đó chính là tinh thần nghèo khó mà Tin Mừng của Đức Kitô rao giảng. Vì chỉ là kẻ ăn mày ngữa tay xin xỏ, nên nhận được gì, được ban tặng điều gì, và được trao gởi đều gì là tùy vào lòng hảo tâm của chủ nhân. Được nhận ít hay nhiều, ra sao, như thế nào, và khi nào được nhận là do người chủ quyết định chứ đâu thuộc quyền kẻ ăn xin! Kẻ ăn xin đâu có quyền để đòi hỏi được điều này điều nọ; kẻ ăn xin đâu đủ tư cách để nói chuyện với chủ nhân; và kẻ ăn xin không đủ phẩm phục để đối diện với người tước vị. Đó chính là tình trạng thật của con người chúng ta. Đó chính là tinh thần nghèo khó thật của con người chúng ta. Nó là một điều kiện, chứ không phải là sự miêu tả về nghèo.

Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã mặc lấy thân phận con người. Trong khi đó, con người vốn dĩ là bụi đất, nhưng được Thiên Chúa cho làm người. Chính mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa đã dạy cho con người ý nghĩa sâu sa của bài học khiêm nhượng. Vì thế, ai sống tinh thần nghèo khó là một mối phúc cho họ vì họ nhận thức được thân phận thật của mình – bụi đất, kẻ ăn mày, nên mình luôn luôn cần Thiên Chúa. Tất cả cuộc sống, sức khỏe, khả năng, gia đình, bạn hữu, công việc…đều là quà tặng nhưng không từ Thiên Chúa. Không có gì là của ta, và ta cũng không có quyền sở hữu chúng mãi. Ta chỉ là những người ăn xin được nhận lãnh để phục vụ Thiên Chúa.

* * *

Nhận ra căn tính thật của mình – là bụi đất, mỏng dòn, yếu đuối, cũng giúp ta nhìn nhận đúng phẩm giá thật của tha nhân.

Nguyên nhân của sự ẩu đả, gây gổ, mất hòa khí, chiến tranh trong gia đình, cộng đoàn, xã hội phần lớn là do sự kiêu  ngạo của mỗi cá nhân. Khi mỗi cá nhân muốn “kiểm soát” người khác, muốn “lên lớp” người khác, muốn người khác phải theo ý mình, cũng chính là lúc cái “tôi, tôi, và tôi” lại trổi dậy. Vì không đáp ứng được nguyện vọng như mình mong đợi, sự bất hòa có thể sẽ xảy ra.

Phúc cho ai có tin thần nghèo khó chính là khiêm tốn thừa nhận phẩm giá của anh em mình, họ thuộc về Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới làm chủ cuộc đời của họ. Những anh em ta may mắn gặp được trong cuộc đời này là do quà tặng của Thiên Chúa, ta không có quyền ép buộc họ phục vụ ta, dù là vợ, chồng, hay con cái. Vì là quà tặng, nên có khi sẽ bị lấy lại. Cái chết của người thân, bạn hữu là lúc Thiên Chúa lấy lại quà tặng ấy. Tại sao? Chỉ để chuẩn bị cho ta nhận mòn quà tặng cao quí nhất đó chính là Con Một của Thiên Chúa, món quà không hư nát, nhưng là sống động bất biến trường tồn.

Thực tế cho thấy khi gặp gian nan hoạn nạn, con người thấy rõ thân phận của mình hơn, mình cần nhau hơn, và thương mến nhau hơn. Tác giả Ann Shields  trong cuốn sách Tại Sao Phải Tha Thứ, nêu lên sự thật rằng: “Thảm họa và tai ương sẽ làm cho đầu gối chúng ta mềm ra và quì xuống.” Biến có 9-11, động đất tại Haiti (2010), sóng thấn tại Nhận Bản (2011) đã làm cho con người mạnh thêm hơn về khả năng chia sẻ và cảm thông. Vì thực ra trong những hoàn cảnh tan nát ấy, những cái mà một thời họ cho là “thành trì” vững chắc đã không còn nữa, mà chỉ còn con người bên nhau mới thực sự mang lại một cảm nhận an toàn, ổn định.

Cuối cùng, không một ai trong thế giới con người có thể làm mẫu mực khiêm tốn cho chúng ta noi theo như Đức Maria. Theo khẩu truyền tại làng Nazareth, biến cố truyền tin lần đầu đã diễn ra tại Giếng Đức Mẹ, nơi không xa lắm căn nhà của thân mẫu Maria. Cũng như thường lệ, buổi sáng cô Maria ra giếng lấy nước; thì tại đó, Thiên Thần xuất hiện và để nghị Cô nhận lời. Nhưng quá ngỡ ngàng khi đối diện với người lạ mặt, cô Maria sợ hãi bỏ chạy về nhà. Chỉ mấy giờ sau, Sứ Thần Chúa đến lần hai tại nhà Đức Maria với những lời để nghị tương tự, và lần này cô Maria thưa tiếng “Xin Vâng.” Lời truyền khẩu này xem như rất hợp lý với suy nghĩ và hoàn cảnh của con người. Đúng vậy, một cô gái 16 tuổi làm sao mà không ngỡ ngàng và sợ hãi trước lời đề nghị táo bạo từ một người lạ mặt? Nhưng sau lần thứ hai, Maria đã chấp nhận: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hãy thành sự nơi tôi như lời Sứ Thần truyền.” Lời “Xin Vâng” của Đức Maria biểu lộ của sự khiêm tốn vì Mẹ nhận thức thân phận “nữ tỳ” của mình. Chính khi nhận thức thân phận thật của mình, Thiên Chúa đến và cư ngụ trong cung lòng của Mẹ. Cung lòng Mẹ đẹp không phải vì những gì Mẹ có, nhưng đẹp vì Mẹ để Chúa trang điểm cho Mẹ.

Kết luận

Tóm lại, lịch sử cứu độ là những chuỗi liên tiếp của hai tiếng “Xin vâng.” Abraham xin vâng theo tiếng gọi đi về Đất hứa; Moses xin vâng để dẫn dân Israel ra khỏ Ai-Cập; Đức Maria đã xin vâng để đón nhận Ngôi Hai nhập thể; thánh Giuse đã xin vâng để đón nhận Maria; Đức Kitô đã xin vâng để uống cạn Chén đắng; và các tôi tớ Chúa trong mọi thời đại cũng xin vâng theo ý Chúa dưới nhiều hình thức khác nhau. Ta có thể đúc kết mối tội thứ nhất theo ý ngắn gọn sau: Không vâng theo ý Chúa là kiêu  ngạo; vâng theo ý Chúa là khiêm tốn.  

Br. Huynhquảng

http://brhuynhquang.org/


[1] Jeff Cook, Seven the Deadly Sins and the Beatitudes, (Zondervan, 2008), Loc 413.

[2] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, ed. Timothy McDermott (IN: Christian Classics, 1989), 438.

[3] David Fleming, S.J., What is Ignatian Spirituality?, (Chicago: Loyola Press, 1996), 26.

[4] Fleming, 3.

[5] Michael Nguyễn Thế Minh, Bước Đường Linh Thao, 2007, 44

[6] Cook, Loc 593-601.

[7] Ibid, Loc 610-17.

 

VỀ MỤC LỤC
Ứng sinh Linh mục Giáo phận học và sống tương quan với gia đình

 

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://www.chivilongchuathuongtoi.tk/

Tác phẩm: ĐÀO TẠO ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

CHƯƠNG NĂM 

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN HỌC SỐNG CĂN TÍNH VÀ SỨ VỤ LINH MỤC

D.  ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN HỌC VÀ SỐNG TƯƠNG QUAN VỚI GIA ĐÌNH

(tiếp theo)

D. II. Những hỗ trợ và khó khăn gia đình có thể mang lại cho linh mục trong thời gian sung sức thi hành sứ vụ mục vụ. 

Ở Á đông, nhất là tại Việt Nam, những quan hệ tình cảm gia đình và bà con có một giá trị rất quan trọng đối với mỗi người. Thông thường, đó là một trợ lực tự nhiên về nhiều mặt, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều khó khăn. Trong sứ vụ mục vụ hàng ngày, linh mục có biết bao những tình cảm cao đẹp, đáng trân trọng. Một trong những tình cảm thiêng liêng sáng ngời, vô cùng thâm thúy mà linh mục thường khắc ghi trong lòng là những hỗ trợ tình thương, tinh thần và kinh tế của cha mẹ và anh chị em trong gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những hỗ trợ tích cực đó, linh mục cũng gặp không ít khó khăn khi phải trực diện với chính gia đình và bà con của mình.  

D.II.1. Những hỗ trợ từ phía gia đình bà con

Linh mục được chọn gọi giữa muôn người là để sống cho và sống vì người khác, nên linh mục trở thành người của muôn người, là nhịp cầu trung gian để giúp người khác gặp nhau và dẫn đưa họ đến với Chúa. Để chu toàn trọng trách Thiên Chúa và Giáo Hội ký thác, ngoài ơn Chúa và sự giúp đỡ của tha nhân, linh mục cũng cần tới giúp đỡ của những người thân trong gia đình nữa.

D.II.1a. Về phương diện tinh thần

·        Gia đình có người thành đạt là niềm tự hào không chỉ cho đương sự, nhưng còn cho cả những người thân, nhất là ông bà cố, vì từ đây, trong mắt mọi người những người trong gia đình của linh mục là những người được trân trọng và kính nể…

·        Nhưng gia đình nào có người đi tu thì cả gia đình ấy cũng phải tu luôn, vì nếu được người khác trân trọng, kính nể, thì cũng phải có những nghĩa vụ kèm theo, là phải sống sao cho xứng đáng về luân lý, nhân bản, xã hội, cách ứng xử trong lời ăn tiếng nói, đặc biệt là đời sống tôn giáo. Nếu không, linh mục sẽ mất uy tín trong việc giảng dạy, và việc mục vụ sẽ đem lại ít hiệu quả vì những lời gièm pha, bàn tán đại loại như: dao sắc không gọt được chuôi; hỡi thầy thuốc hãy chữa mình trước…

·        Theo văn hoá Á Đông, người con đi làm ăn xa được mọi người trong gia đình luôn hướng tới; người con linh mục của gia đình cũng sẽ được mọi người cầu nguyện cho nhiều hơn, đặc biệt hơn với hy vọng ngài có thể hoàn thành bổn phận một cách tốt đẹp nhất.

·        Gia đình có thể nâng đỡ bằng lời cầu nguyện, động viên, khích lệ linh mục, nói cho linh mục biết sự thật tốt xấu về linh mục và việc linh mục đang làm, cảnh báo cho linh mục trước những thách thức và khó khăn, hay những nguy cơ có thể xảy ra.

·        Mỗi khi quá căng thẳng, gia đình là nơi linh mục có thể trở về và sống thật nhất với con người của mình mà không phải chịu những áp lực xung quanh, có thể tìm lại được sự quân bình trong bầu khí đầm ấm thương yêu của gia đình.

·        Nhờ được đào luyện kỷ trong nhà trường và quan sát những thành công hay thất bại của người đi trước, linh mục trẻ sẽ đem hết khả năng, sức lực của mình để biến những ước mơ thành hiện thực.

·        Một lợi điểm của linh mục Công Giáo là độc thân, nên có thể tận hiến, gần gũi với hết mọi người, mọi nơi, mọi lúc. Đó cũng là lý do để mọi người dễ gần gũi, quí mến, chia sẻ, động viên quan tâm cả về tinh thần lẫm vật chất.

·        Được nhiều người chia sẻ và thông cảm về những khó khăn cũng như thuận lợi trong bước đường mục vụ, linh mục có thể cảm nhận được sâu xa tình Chúa và tình người, từ đó lại càng đòi hỏi mình phải sống tốt và gương mẫu hơn.

·        Nếu trong cuộc “làm dâu trăm họ” có bị hiểu lầm, chống đối thì gia đình và người thân sẽ là chỗ dựa và là nguồn động viên an ủi rất lớn. 

·        Nếp sống, lối giáo dục, những thành công hay thất bại trong gia đình sẽ giúp cho linh mục kinh nghiệm và phương pháp tổ chức giáo xứ thành một gia đình.

·        Những tương quan tình thân trong đại gia đình giúp linh mục kinh nghiệm xây dựng những tương quan tốt đẹp trong giáo xứ, đồng thời biết khắc phục những xung đột trong các mối tương quan ấy.

·        Người thân có thể giúp linh mục trong các sinh hoạt hằng ngày như nấu ăn, giặt rũ, dọn dẹp… Sự gần gũi của người thân sẽ như là hàng rào bảo vệ giúp linh mục tránh được những nguy cơ sa ngã, đặc biệt là về tình cảm trong tương quan với người khác giới.              

D.II.1b. Về phương diện vật chất

·        Chúa Giê-su đã nói: thợ thì đáng hưởng công, các linh mục được sự trợ giúp của cộng đoàn để yên tâm phục vụ và đem lại hiệu quả cao trong công tác. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể không kể những đóng góp từ phía gia đình của linh mục:

·        Quãng thời gian khá dài vun trồng ơn gọi đòi hỏi nhiều sự hy sinh đóng góp từ phía gia đình và những người thân để cung cấp mọi thứ cần thiết cho ứng sinh.

·        Kế đến, khi đã làm linh mục, linh mục trẻ thường phải đi giúp xứ từ một đến hai năm: công việc chưa ổn định, thiếu phương tiện đi lại, kinh tế để xây dựng đoàn hội, con người và đôi khi cả việc xây dựng cơ sở vật chất thì chỗ cậy dựa đầu tiên có thể là từ phía gia đình hoặc những người thân. 

D.II.2. Những khó khăn

D.II.2a. Khó khăn từ phía gia đình

·        Khó khăn trước nhất là đời sống thiếu gương mẫu của cha mẹ làm cản trở sứ vụ của linh mục: “Gia đình đó có con làm linh mục mà còn làm thế huống chi là chúng ta!” Thế nên người ta thường nói một người đi tu thì cả nhà phải tu theo.

·        Trong một thế giới mà công nghệ thông tin đa cực như thời đại hôm nay thì chỉ cần mấy phút là mọi thông tin có thể chuyển từ bên kia đại dương sang bên này đại dương: nếu cha mẹ có tiếng xấu gì thì công việc của linh mục cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

·        Linh mục là người dạy người ta sống tốt, sống yêu thương, sống hiệp nhất…, thế mà nếu ngay trong gia đình, họ hàng linh mục không bảo được nhau thì linh mục đó có giảng dạy hay đến đâu thì người ta vẫn cho là lý thuyết mà thôi: ông hãy về mà dạy bảo gia đình bà con ông trước đã rồi hãy đi dạy bảo thiên hạ.

·        Từ tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ,” nhiều khi linh mục gặp không ít phiền phức từ phía những người thân. Thực tế cho thấy đã có nhiều ông bà cố đòi hỏi thái quá làm cản trở công việc mục vụ của chính con mình, thậm chí gây áp lực, can thiệp vào việc điều hành giáo xứ qua ảnh hưởng của con mình…

·        Gặp khi gia đình bà con quá nghèo khổ, bố mẹ hay anh chị em ốm đau bệnh tật không đủ tiền chạy chữa, linh mục không thể nào mà không quan tâm đến, liên quan đến đạo hiếu của con người Việt Nam: Gia đình không ổn thì linh mục không yên tâm làm việc.

·        Việc gia đình bấu víu linh mục về kinh tế sẽ gây nên khó khăn cho linh mục trong việc xây dựng, tổ chức giáo xứ. Nếu không cẩn thận, linh mục bị mang tiếng là kiếm tiền đem về cho gia đình, nhất là nơi linh mục phục vụ cũng khó khăn về kinh tế.  

·        Nếu gia đình đòi hỏi sự ưu tiên về chữ hiếu, tình thương, tình cảm, đồng thời bảo vệ cách thái quá trong những vấn đề nhạy cảm thì cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công việc mục vụ của linh mục.

·        Trong khi thi hành bổn phận có liên quan đến giáo luật, mục vụ... linh mục rất khó xử khi vụ việc có liên quan đến gia đình. Nếu gia đình sống đạo không gương mẫu, thiếu công bằng, bác ái… thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới linh mục: Giải quyết cũng khó mà không giải quyết cũng khó.

·        Nếu vì công việc của giáo xứ mà linh mục không về với gia đình được thì bị gia đình trách móc, còn nếu bỏ công việc của giáo xứ mà về với gia đình thì cũng sẽ bị những người trong giáo xứ kêu ca, thật là lưỡng nan và khổ tâm.

·        Đời sống và sứ vụ của linh mục không phải lúc nào cũng thành công, thuận lợi mà có nhiều lúc gặp khó khăn, thất bại và bị hiểu lầm. Nếu trong những hoàn cảnh khó khăn như vậy mà gia đình không thấu hiểu, nâng đỡ, động viên, khích lệ lại chê trách thì linh mục sẽ bị suy sụp tinh thần và rất đau khổ.

·        Chính Đức Giêsu bảo:“ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc và trong gia đình mình thôi” (Mc 6,4).  

D.II.2b. Khó khăn từ phía anh chị em, bà con

·        Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, hay cha mẹ sinh con trời sinh tính. Anh chị em trong gia đình của linh mục không phải ai cũng “thuần tính” hay đạo đức, mà cũng có kẻ ngang ngạnh, rượu chè, nghiện ngập… Nhất là khi giáo xứ mình coi sóc lại biết rõ những người ấy. Điều này đã gây trở ngại không nhỏ cho vấn đề rao giảng Tin Mừng cũng như đời sống chứng tá của linh mục.

·        Bà con ỷ lại, cho rằng mình đã biết rõ linh mục “sinh ra và lớn lên ở đây”… nên nhiều khi “coi thường” hay phản kháng tiêu cực, hoặc đòi hỏi linh mục “phải” đóng góp cho quê hương: “làm phúc nơi nào mà để quê hương rách nát.”

·        Bất cứ việc gì cũng đưa đến xin ý kiến hay nhờ linh mục can thiệp giải quyết giúp.

·        Bà con đến thăm ở lại nhiều quá, có khi còn xin cái này, cái kia cũng làm cho linh mục khó xử, bị nghi ngờ lấy của cải của giáo xứ để giúp bà con. 

D.II.3. Một Định Hướng

Linh mục là người được Thiên Chúa thánh hiến dành riêng để thờ phượng, ca ngợi, cảm tạ Thiên Chúa và phục vụ các linh hồn. Linh mục phục vụ giáo dân bằng tình thương yêu và bình an của Thiên Chúa. Bởi vậy, khi giảng dạy về tình yêu thương cho người khác thì chính linh mục phải có tình yêu và bình an. Khi ban bình an cho dân chúng, linh mục phải có đời sống bình an. Vì thế, để khỏi điều gì không tốt từ phía gia đình mang lại, linh mục cần:

·     Tránh việc gia đình can thiệp vào việc mục vụ của mình

·     Nâng đỡ chăm sóc gia đình họ hàng thân thuộc theo đúng giới răn Chúa và luật Giáo hội dạy.

·     Sống tương quan tốt với gia đình và bà con thân thuộc phần nào giúp linh mục chu toàn trách nhiệm chăm sóc các linh hồn. 

Như vây gia đình có thể mang lại nhiều lợi ích cho đời sống, nhưng cũng mang đến cho linh mục nhiều khó khăn cản trở công việc mục vụ. Gia đình đạo đức hạnh phúc sẽ giúp nhiều thuận lợi cho công việc rao giảng Tin mừng và đời sống mục vụ, nhưng nếu gia đình có đời sống không tốt sẽ gây nhiều khó khăn và cản trở cho công việc của linh mục. Linh mục cần dung hoà đời sống chung và tư, nhưng phải ưu tiên cho các linh hồn.  

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá đặt nặng vấn đề ảnh hưởng của gia đình trên đời sống tu trì và sứ vụ, điều quan trọng là “chân tu” và sống xứng đáng với thiên chức đã được Chúa trao phó. Khi linh mục sống đúng với phẩm giá và ơn gọi của mình là làm theo thánh ý Chúa, phục vụ các linh hồn và gương mẫu cho giáo dân thì sẽ được giáo dân quí mến, cộng tác giúp đỡ trong các công việc của sứ vụ mà không để ý đến gia đình của cha xứ như thế nào: Điều mà giáo dân quan tâm không phải là gia đình của linh mục mà là chính linh mục.  

Nhóm đã cố gắng rút tỉa từ những quan sát, nhận định từ cuộc sống thực tế và trình bày một cách khách quan nhằm đóng góp một cái nhìn khá sát thực tế. Hy vọng từ những đóng góp nhỏ nhoi này sẽ giúp ích cho những người quan tâm đến đời sống và sứ vụ linh mục, đặc biệt là những ứng sinh linh mục như một bước đệm hay nhân tố kích thích để đi tìm hiểu, quan sát, đánh giá và đưa ra được những cái nhìn sâu sắc hơn.  

Chúng ta phải nhìn nhận rằng một số gia đình đôi khi cũng là những ngáng trở cho công tác mục vụ của linh mục, song những đóng góp từ phía gia đình cũng không nhỏ: có thể sánh ví sứ vụ linh mục như tiền tuyến và gia đình như hậu phương. Tiền tuyến chỉ có thể yên tâm hoàn thành nhiệm vụ khi có hậu phương vững chắc hậu thuẫn.  

Là những ứng sinh linh mục tương lai, chúng ta không thể coi nhẹ gia đình viện cớ rằng đi tu là phải từ bỏ. Trái lại, nếu muốn sứ vụ linh mục tương lai của mình đem lại những kết quả như mong muốn, chúng ta phải sống cho thật tốt tư cách người con trong gia đình: đi tu nhưng chúng ta không được miễn trừ bổn phận sống chữ hiếu của kẻ làm con, nếu chúng ta nghĩ và làm được như thế thì gia đình sẽ biết làm tốt phần của họ.


VỀ MỤC LỤC
SỐNG NHƯ CHÚA KITÔ

 

Tác phẩm: Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

B11. SỐNG NHƯ CHÚA KITÔ

1. Kinh Thánh viết rằng, sau khi ký giao ước với dân Israel để yêu cầu họ giữ các giới răn Ngài đã ban bố, Thiên Chúa truyền dạy: “các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh”.

Nhưng thế nào là nên thánh và phải nên thánh như thế nào? Phải đợi cho tới khi Chúa Kitô đến, người Do Thái mới tìm được câu trả lời. Bởi vì Chúa Kitô là Đấng Thánh. Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Chỉ trong Ngài, con người mới có thể thấy được sự thánh thiện của Thiên Chúa. Tuân giữ lời Ngài không những có thể nên thánh mà còn nên thánh cách trọn vẹn nhất.

Chúa Giêsu vừa là mẫu mực, vừa là thầy dạy nên thánh; đồng thời Ngài là năng lực giúp con người nên thánh. Như vậy, nên thánh chính là sống như Chúa Kitô, là tham dự vào sự thánh thiện của Ngài và thể hiện sự thánh thiện ấy trong cuộc sống hằng ngày. Đó là ba chiều kích thiết yếu của đời sống Kitô hữu.

Theo ngôn ngữ thần học rút từ Kinh Thánh, ba chiều kích ấy thường được gọi là ba chức vụ: tiên tri, tư tế và vương giả.

Đây phải là ba chiều kích của con người nên thánh trong bậc hôn nhân. Chúng tôi xin gợi lên một vài suy tư về ba chiều kích này trong đời sống vợ chồng Kitô hữu.

2. vợ chồng Kitô hữu tham dự và thể hiện chức vụ tiên tri của Chúa Kitô như thế nào?

trước hết, chúng ta nên ôn lại ý nghĩa đích thực của hai tiếng “tiên tri” khi nói về Chúa Kitô, về Giáo Hội của Ngài và về vai trò của người tín hữu Kitô.

Theo đúng nghĩa trong Kinh Thánh, tiên tri không có nghĩa là người hay nói về tương lai mà là người được Thiên Chúa linh ứng và được sai đi để nói nhân Danh Ngài. Tất cả các tiên tri trong Cựu Ước đều thi hành chức vụ của họ theo ý nghĩa ấy, họ luôn nói bằng cách mở lời long trọng như sau: “Đây Chúa phán..., Đây là lời của Thiên Chúa…”.

Các tiên tri trong Cựu Ước cũng biến cả cuộc sống của họ thành một sứ điệp mà Thiên Chúa ngỏ với toàn dân. Tiên tri Giêrêmia đã đeo gông trên cổ và đi khắp phố chợ để nói lên cảnh nô lệ toàn dân phải gánh chịu vì tội lỗi của họ. Tiên tri Ôsê còn táo bạo hơn khi ông đi cưới một cô gái điếm để trở thành lời tố cáo sự phản bội của dân.

Nói nhân danh Chúa, trở thành lời của Thiên Chúa là sứ mệnh đích thực của tiên tri.

Khi Ngài đến, Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ tiên tri một cách trọn hảo. Ngài đã dùng cả cuộc sống, lời rao giảng và nhất là cái chết của Ngài như một lời yêu thương Thiên Chúa ngỏ với dân Ngài. Lời của Ngài chính là lời của Thiên Chúa, cả cuộc sống của Ngài là thể hiện sự thánh thiện và tình yêu của Thiên Chúa.

Nhờ phép rửa, mỗi Kitô hữu được nên một với Chúa Kitô, do đó, họ cũng lãnh nhận sứ vụ tiên tri, nghĩa là trở thành lời của Thiên Chúa.

Một cách đặc biệt, do bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng lại càng cam kết trở nên lời của Thiên Chúa. Hơn nữa, bằng tình yêu của mình, vợ chồng Kitô hữu trở thành lời cho con cái cũng như cho môi trường trong đó họ đang sống.

Nên thánh trong bậc hôn nhân chính là biến đổi cuộc sống vợ chồng thành lời của Thiên Chúa ngỏ với con người.

3. Là lời của Thiên Chúa nói với con người, các đôi vợ chồng Kitô hữu cũng một trật tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô.

Theo định nghĩa trong các tôn giáo, tư tế là người lo việc tế tự, là người hiến dâng của lễ. Dĩ nhiên không phải mọi người đều có thể là tư tế. Trong tất cả mọi tôn giáo, tư tế là một thành phần được tuyển chọn theo một số tiêu chuẩn đặc biệt. Trong Do Thái giáo, chỉ có những nam nhân thuộc dòng tộc Lêvi mới được chọn làm tư tế. Được chọn như thế, nên chỉ các tư tế mới được coi là trung gian giữa thần linh và loài người hay giữa Thiên Chúa và dân Ngài.

Chúa Giêsu Kitô đã được Thiên Chúa xức dầu tấn phong làm tư tế cao cả và muôn đời. Ngài là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Chỉ có Ngài mới hiến dâng một của lễ đẹp lòng Thiên Chúa. Bởi vì của lễ ấy chính là sự sống, là bản thân Ngài. Ngày nay, chỉ có một của lễ được Thiên Chúa ưng nhận, đó là Chúa Giêsu Kitô. Qua các linh mục được tuyển chọn, Giáo Hội tiếp tục dâng lên Thiên Chúa của lễ duy nhất là chính Chúa Giêsu; nhưng là thành phần của Giáo Hội, tất cả mọi tín hữu đều hợp dâng của lễ ấy vì được tham dự vào điều mà Giáo Hội gọi là chức tư tế chung, tư tế cộng đồng. Một cách nào đó, hợp với các linh mục thừa tác, mọi tín hữu cùng dâng của lễ lên Thiên Chúa. Một cách nào đó, họ cũng là những tư tế.

Chính vì gia đình là một Giáo Hội nhỏ, một Giáo Hội thu hẹp, nên các thành phần của gia đình cũng là tư tế được mời gọi dâng lên Thiên Chúa của lễ đẹp lòng Ngài. Với tư cách là thành phần xây dựng nên gia đình, các người làm vợ làm chồng cũng xứng đáng được gọi là những tư tế.

4. cuối cùng, bằng cuộc sống yêu thương và bác ái của mình, các đôi vợ chồng tham dự vào chức vụ vương giả của Chúa Kitô.

Chúa Kitô được xức dầu tấn phong làm vua. Ngài đích thực là vua ngự trị trong các tâm hồn. nhưng Chúa Giêsu chỉ thể hiện tư cách vương giả ấy bằng hy sinh phục vụ mà thôi. Theo quan niệm thông thường, làm vua tức là cai trị; cai trị cũng hàm ý thống trị, sai khiến. Chúa Giêsu đã đảo lộn quan niệm ấy. trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Ngài đã làm công việc của một đầy tớ khi quỳ xuống rửa chân cho các ông.

Ngài nói, “các thủ lãnh và những người có quyền trên thế gian này thì sai khiến và bắt người khác hầu hạ. Với các con thì không như thế. Trong các con ai muốn làm lớn thì hãy hầu hạ người khác”. ngài đã nói về mình, “Con Người đến không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ”.

Như vậy, theo ý nghĩa Kitô giáo, làm vua chính là phục vụ. Các đôi vợ chồng Kitô hữu tham dự vào chức vụ vương giả của Chúa Kitô theo nghĩa họ hiến thân phục vụ. Trước tiên là phục vụ con cái mà Thiên Chúa uỷ thác cho họ. Chính khi duy trì, kính trọng và nuôi dưỡng sự sống nơi con cái mà vợ chồng Kitô hữu tham dự vào chức vụ vương giả của Chúa Kitô. Ngoài ra, sự phục vụ nhau giữa hai vợ chồng và phục vụ những người khác cũng là thể hiện chức vụ vương giả ấy.

Nếu gia đình là tế bào nguyên thuỷ của xã hội thì chính từ gia đình mà tinh thần phục vụ được đào luyện trước tiên. Người xưa đã có lý khi nói: từ vua quan cho đến thứ dân, phải lấy sự tu thân làm nền  tảng. Có tu thân mới tề gia được, có tề gia mới trị quốc được, có trị quốc mới bình thiên hạ được.

Người tín hữu là sự nối dài và hiện thực hóa của Chúa Kitô trên trần gian. Để kết thúc chúng ta hãy lắng nghe giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II trong số 38 Hiến Chế về Mầu nhiệm Giáo Hội.

“Trước mặt nhân loại, mỗi tín hữu phải là chứng nhân của sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống. tất cả và mỗi người phải góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng và truyền bá trên thế gian tinh thần của những con người nghèo khó, hiền lành và hiếu hoà, những người được phúc âm tuyên bố là có phúc. Tóm lại, người Kitô hữu phải làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống vậy”.

 

VỀ MỤC LỤC
CÁCH DÙNG INSULIN
 

Insulin giúp cơ thể chuyn đường thành năng lượng và đưa đường không dùng đến vào gan và bắp thịt để dự tr.  Khi insulin thiếu, không có, không công hiu, thì đường s tràn ngập trong máu, mt s s được thải  ra ngoài theo nước tiu.

Insulin nguồn gốc động vật như từ tụy tạng của bò và heo. Tại Hoa Kỳ, insulin từ bò/ heo không còn được dùng. Thay vào đó là insulin đựơc sản xuất từ vi khuẩn, nấm  qua kỹ thuật biến chế DNA. 

Các loại Insulin

Có khoảnh hơn 20  loại insulin, tùy theo tác dụng nhanh hay chậm, kéo dài hay tức thì. Năm loại thường dùng là:

1- Tác dụng mau (rapid onset-fast acting): Dung dịch trong, có tác dụng 15 phút sau khi chích, do đó phải ăn ngay sau khi dùng. Công hiệu kéo dài khoảng từ 3 đến 4 giờ. Thí dụ Humalog. insulin glulisine

2- Loại tác dụng ngắn hạn (Short acting): thuốc trong, có công hiệu độ nửa giờ sau khi chích, kéo dài từ 6 đến 8 giờ, cao nhất  là giữa 2 và 4 giờ. Thường chích ½ giờ trước khi ăn. Thí dụ Actrapid, Humilin.

3- Tác dụng trung bình (intermediate-acting) mầu đục, có tác dụng từ 1 dến 3 giờ sau khi chích và kéo dài tới 10-14 giờ. Thuốc thường được cho thêm kẽm (zinc) hoặc Protamine để kéo dài công dụng. Thí dụ Humilin NPH, Protaphane Humulin I,  Insulatard.

4- Tác dụng dài hạn (Long-acting). Sau khi chích, phải đợi tới 4- 6 giờ mới bắt đầu có tác dụng nhưng công hiệu kéo dài từ  20 tới 24 giờ. Công hiệu tối đa là lúc 6 tới 8 giờ sau khi chích. Thí dụ insulin zinc suspension, protamine zinc insulin

5- Hỗn hợp của insulin có tác dụng ngắn hạn hoặc tác dụng mau với insulin có tác dụng  trung bình theo tỷ lệ 30/70 hoặc 50/50. Thí dụ NovoMix 30, Humulin M3. Khi dùng, nhớ lắc chai cho insulin hòa đều với mhau. 

Cách dùng insulin

Trước khi dùng, cần đo nhiều lần và ghi mức độ đường trong máu để bác sĩ biết mà ra toa số lượng cần thiết.

Thường thì người bệnh cần chích ít nhất hai lần một ngày, có người cần đến ba bốn lần chích mới đủ để kiểm soát đường trong máu.

Sau đầy là một phương án:

a- Ngày chích 2 lần với insulin có tác dụng ngắn hạn hoặc trung bình; trước điểm tâm và bữa cơm tối. Insulin ngắn hạn giúp kiểm soát đường vào buổi sáng và chiều tối. Insulin trung bình cho buổi chiều và qua đêm.

b- Ngày chích 3 lần với insulin ngắn hạn cho buổi sáng và trước cơm chiều, insulin trung bình cho ban đêm.

c- Ngày chích nhiều lần với insulin ngắn hạn trước bữa ăn chính và insulin trung bình trước khi đi ngủ.

Hiện nay, có máy bơm insulin (infusion pump) được xử dụng rất phổ biến. Bơm liên tục đưa vào da một lượng insulin nhỏ đủ để duy trì đường huyết bình thường đồng thời có thể tự điều chỉnh để gia tăng insulin tùy theo nhu cầu, nhờ đó ta có thể ăn uống tự do hơn một chút.

Ngoài ra insulin dạng hít (inhalation) cũng đang đựoc sử dụng và cũng khá công hiệu.

Dùng insulin nhiều quá thì đường huyết sẽ xuống quá thấp, người bệnh bị phản ứng insulin mà triệu chứng là: nhức đầu, tim đập nhanh, người run rẩy, mệt mỏi, mất định hướng, đổ mồ hôi, buồn nôn, đói bụng, đôi khi bất tỉnh, làm kinh, hôn mê.

Khi mới dùng insulin thì bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách thay đổi liều lượng. Sau một thời gian, đã quen với tình trạng bệnh của mình thì bệnh nhân có thể tự tăng giảm thuốc. Thường thường thì gia tăng insulin ngằn hạn khi ăn nhiều hơn thường lệ và ít vận động; giảm insulin này khi ăn ít hơn và làm nhiều việc lao động chân tay. 

Kỹ thuật chích insulin

Bệnh nhân sẽ được chuyên viên y tế hướng đẫn về cách thức sử dụng và kỹ thuật chích. Sau đây là ít điều cần nhớ:

1- Insulin có nhiều loại khác nhau với công dụng khác nhau. Không nên tự động thay đổi  mà không tham khảo ý kiến bác sĩ trước.

2- Insulin giữ trong tủ lạnh sẽ dùng được lâu hơn đồng thời cũng tránh được nhiễm trùng. Khi đã dùng dở thì có thể để ngoài tủ lạnh được một tháng nhưng tránh chỗ nóng và có ánh nắng mặt trời. Không bao giờ cất insulin trong ngăn đá hoặc làm ấm trong microwave.

3- Kiểm soát nhãn hiệu trên lọ insulin cho đúng loại. Vứt bỏ insulin short-acting nếu nom thấy đục hoặc đặc sệt. Các insulin khác bình thường nom đều như sữa, không lợn cợn đóng hột. Trước khi hút thuốc vào ống chích, lăn chai thuốc trong lòng bàn tay cho dung dịch hòa đều, ngoại trừ với insulin short-acting. Đừng lắc lọ thuốc quá mạnh vì bọt khiến cho lượng thuốc hút vào không chính xác.

4- Trước khi lấy thuốc, kéo ống chích lên để không khí vào ống chích bằng với phân lượng insulin, cắm kim vào lọ, bơm không khí vào rồi hút thuốc.

5- Mua ống chích tùy theo loại insulin và phân lượng chích. Nên dùng ống chích của một nhà sản xuất để số lượng insulin mỗi lần rút ra được đồng đều. Mặc dù không được khuyến khích, nhưng khi dùng lại kim ống chích cũ thì nên chùi kim cho sạch với rượu cồn hoặc đun trong nước sôi độ dăm phút. Cũng không nên dùng đi dùng lại nhiều lần quá.

6- Nơi chích thuốc thường là trên bụng (hiệu lực mau nhất), mông, mặt trước của đùi (hiệu lực chậm nhất), mặt sau của tay (hiệu lực trung bình). Nói chung: insulin ngắn hạn ở bụng; insulin trung bình và dài hạn ở đùi; insulin hỗn hợp ở cả đùi lẫn bụng.

Thay đổi chỗ chích để tránh tổn thương và sẹo dầy  cho tế bào mỡ ở vùng đó, cản trở hấp thụ thuốc.

7- Trước khi chích, lau sạch da bằng cồn. Với hai ngón tay, kep nổi lên một nếp da.  Kim chích nghiêng 90 độ, chích vảo nếp da. Trước khi bơm thuốc, kéo nhích piston coi có máu không. Nếu không có máu thì bơm thuốc vào, còn khi có máu thì chích lại.

Sau khi chích, thoa nhẹ trên da chỗ chích để thuốc mau phân tán. Tránh chích nơi da bị nhiễm độc hoặc bị dị ứng, nổi ban đỏ.

8- Insulin có thể gây dị ứng với nhiều người bệnh hoặc nếu ai dị ứng với thịt bò, thịt heo thì không được dùng insulin từ súc vật này.

9- Vì là dược phẩm, cho nên insulin có tương tác với một số dược phẩm khác, vì thế cần cho bác sĩ rõ là mình đang dùng thuốc nào, để làm gì.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ

www.bsnguyenyduc.com

VỀ MỤC LỤC
CỌP VÀ NGƯỜI Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Theo Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, thì hổ, cọp hay hùm là loài thú ăn thịt, họ mèo. Thân dài, cổ ngắn và to. Đầu gọn, có răng khoẻ. Bàn chân trước rộng, có vuốt sắc. Lông vàng đỏ, có nhiều vằn đen. Vai cao 95-110 cm. Nặng 250-280 kg. Hổ đực lớn hơn hổ cái. Sống trong các loại rừng, kể cả rừng đầm lầy có lau sậy. Ăn hươu nai, lợn rừng; có khi bắt cả trâm, bò, thỏ. Có thể ăn tới 30-50 kg thịt một bữa, sau đó nhịn nhiều ngày.

Con cái ba năm sinh một lần. Động đực 4-8 ngày. Chửa 93-114 ngày. Đẻ 1-5 con. Sau 5-6 tháng cai sữa. Hổ con thành thục khi 3-5 tuổi. Sống khoảng 20-30 năm.

Ngày xưa ở Việt Nam, hổ có mặt từ Bắc chí Nam. Da hổ đẹp, có giá trị trang trí cao, nên bị săn bắt mạnh. Trên thế giới, dự đoán chỉ còn 6000-7000 con. Riêng tại Việt Nam, chỉ còn vài trăm con.

Hổ bị săn bắn nhiều để lấy xương, nấu thành “cao hổ cốt”. Trung bình mỗi bộ xương hổ nặng từ 10-12 kg. Cứ khoảng 100 kg xương hổ, thì nấu được 30 kg cao. Bộ phận sinh dục của con đực được dùng làm thuốc.

Hổ là động vật quí hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, nên cần được bảo vệ.

Từ bài nghiên cứu trên, gã xin bàn tới loài hổ, bằng cách lươm lặt đó đây những mẩu truyện, để bàn dân thiên hạ cùng đọc cho vui, nhân dịp đầu xuân năm mới.

Trước hết là tài nói dóc của bác Ba Phi được đăng trên trang “Đất Mũi”. Truyện rằng: Hai đứa con thằng Tư Mít, cha mẹ đi làm bỏ chúng trên sàn gác, gặp cọp vô nhà chơi hoài. Chúng nó vắt cơm cháy, thảy xuống cho cọp ăn. Ăn quen. Lần đó thằng Tư Mít núp trên sàn gác, đốt đỏ cái ống ngoáy trầu của bà, rồi thảy xuống, cọp hả họng ra hứng liền. Lần ấy, nó chạy, la vang rừng suốt mấy bữa.

Lại có truyện rằng: Bà Tám ở xóm trên, đêm ngủ ngoài bụi ráng, vì bữa chiều hôm trước, bà uống rượu ở đám giỗ xóm dưới, say quá không về tới nhà. Sáng ra, bà thấy cái đầu mình trọc lóc như trái bưởi, thì ra đêm hôm đó, bà bị một con cọp đến liếm đầu!

Như tất cả chúng ta đều biết hổ là một loại thú dữ, vừa khoẻ lại vừa mạnh, nên hổ trở thành một mối nguy hiểm cho những người đi rừng, một nỗi sợ hãi cho những người dân sống ở miền núi, mỗi khi hổ về làng.

Truyện rằng: Làng Bung Koong, thuộc xã Đăk Blô là một trong những làng có số lượng trâu bò nhiều nhất xã. Tập quán chăn nuôi của đồng bào từ xưa tới nay vẫn theo kiểu “nhờ trời”, trâu bò thả ngoài rừng, cách làng khoảng 5 cây số. Lâu lâu người ta mới lên thăm đàn trâu bò của mình, cho ăn ít muối để chúng nhớ hơi người, khỏi trở thành vật hoang.

Một ngày đầu tháng năm, gia đình A Ná lên thăm bò. Như thường lệ, ngửi thấy hơi muối, đàn bò lại chúi mõm vào bàn tay chủ. A Ná đếm thử thấy thiếu hai con bò, anh nhờ người làng tìm kiếm mãi nhưng không thấy.  Liền đó, các nhà Y Vác, A Đảng, A Sáng, A Pel… cũng kêu mất trâu bò.

Thấy sự bất thường, già làng huy động mọi  người cùng tìm kiếm. Trong đầu ai cũng cho là có kẻ trộm. Sau nửa ngày truy lùng, đến gần trưa thì phát hiện xác một con bò đã bị ăn mất phần sau. Cái mõ đeo ở cổ đã giúp A Ná nhận ra bò nhà mình. Dấu răng gặm nham nhở cho thấy thủ phạm đích thị là “ông cọp”. Nhà A Ná vẫn may vì bò còn “khúc giữa”. Nhiều nhà chỉ tìm thấy vài mẩu xương bò sắp mủn.

Chị Y Nghiếp nói giọng thảng thốt:

- May mà Yang (Trời) thương nên giúp con trâu mình chạy kịp. Đêm vẫn nghe tiếng cọp gầm ở cánh rừng phía trước. Sợ nó lại mò về làng bắt trâu. Nhiều đêm nay mình không dám ngủ.

Không riêng làng Bung Koong, mà các làng khác trong xã cũng vậy. Đi tới đâu chúng tôi cũng nghe bà con than thở chuyện trâu bò bị cọp ăn thịt. Người dân các làng cùng hợp sức chống cọp. Họ đã tìm ra “căn cứ địa” của cọp. Anh A Dem ở làng Bung Tôn kể:

- Khi chúng tôi vào chân núi Piêng Ôi, nhiều nơi dấu chân cọp vẫn còn mới; có những dấu chân to gần bàn tay người lớn xòe ra, đường kính khoảng 20cm. Ngày hôm qua, vào rừng mang theo sáu con chó săn, nhưng khi ngửi thấy mùi cọp, cả đàn sợ rúm quẩn quanh chân mình, tru lên thống thiết.

Bà con còn cho biết, qua dấu chân để lại thì đây là một con cọp ba chân. Khả năng con cọp này bị mắc bẫy, đã tự cắn đứt chân mình để thoát thân. Đó có thể là một con cọp rất lớn và khá tinh khôn, bởi khi bắt trâu bò, nó nhấc bổng để tha vào rừng chứ không kéo lê dưới đất. Có con trâu nặng vài tạ nhưng nó “xơi” chỉ còn mấy khúc xương to và cái đầu.

Người dân hoang mang: đàn cọp có mười con. Nhưng theo kinh nghiệm của những người thợ săn, cọp không bao giờ sống thành bầy đàn. Hiện tại ngoài con cọp ba chân này, bà con chỉ xác nhận thêm được con nhỏ hơn, thường quẩn quanh con cọp lớn có lẽ để “hưởng sái” thức ăn thừa.

Cũng theo sự phản đoán thì đôi cọp này là “công dân” của vùng núi Ngók Linh, lần lượt “ghé thăm” các làng theo chu kỳ nhất định. Cách đây hơn mười năm, Đăk Blô cũng đã xảy ra họa trâu bò bị cọp vồ. Theo thống kê, lần này cọp đã về tha mất 15 con trâu bò của xã Đăk Blô. Tính chung cả Đăk Man thì toàn huyện Đăk Glei đã có 23 con trâu, bò bị cọp về bắt đi, ăn thịt (trang Dân Trí).

Tuy nhiên, dầu khoẻ đến đâu, con cọp con hổ cuối cùng cũng vẫn thua con người, vì thế nên mới tiến dần tới chỗ tuyệt chủng.

Truyện rằng: Vào một buổi trưa hè oi bức, bác nông phu cùng với con trâu đang cố gắng cày nốt thửa ruộng ven rừng. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại và chảy xuống đầy mặt ròng ròng.

Sau khi công việc xong xuôi, bác nông phu ngồi nghỉ dưới bóng một cây đa và bắn một điếu thuốc lào kêu ro ro. Còn trâu thì được đằm mình trong một vũng nước gần đấy.

Một chú hổ từ trong rừng bước ra. Chú đến bên trâu và nói:

- Trâu ơi, sao mày ngu thế. Mày vừa to lại vừa khỏe, thế mà lại để cho cái thằng người vừa nhỏ lại vừa yếu bắt phải làm những công việc nặng nhọc, nào cày sâu, nào bừa nát…mày không biết xấu hổ hay sao?

Trâu lắc đầu và bảo:

- Chú nói khe khẽ thôi, đừng để cho bác nông phu nghe thấy.

Rồi với dáng điệu bí mật, trâu bật mí cho chú hổ hay:

- Chú biết không, bác nông phu mà chú gọi là cái thằng người ấy có cái này thật là tuyệt vời.

Chú hổ bèn tò mò hỏi tiếp:

- Thế thì đó là cái gì vậy?

- Cái trí khôn đó mà.

- Thế thì cái trí khôn ấy nó ra làm sao?

Trâu trả lời:

- Tôi đành phải chịu thua, không thể diễn tả được.

Chú hổ tỏ ra bực bội và tức tối:

- Rõ đồ ngu như trâu!

Sau đó, chú hổ mon men đến bên cạnh và gợi chuyện với bác nông phu:

- Này bác, tôi nghe người ta nói bác có cái trí khôn thật là cực kỳ. Vậy bác làm ơn cho tôi xem tí nhé.

Bác nông phu trả lời:

- Rất tiếc. Hôm nay ta lại để nó ở nhà mất rồi.

Chú hổ năn nỉ ỉ ôi:

- Thế thì bác chịu khó chạy về lấy mang ra đây, tôi sẽ xin hậu tạ.

Bác nông dân lắc đầu quầy quậy:

- Đâu có được. Vì nếu ta chạy về lấy, thì ở đây ngươi sẽ xơi tái con trâu của ta mất thôi.

Suy nghĩ một lúc, bác nông phu nói tiếp:

- Nếu ngươi bằng lòng, tạm thời ta sẽ trói ngươi lại, trong lúc ta chạy về nhà. Được không?

Chú hổ miễn cưỡng trả lời:

- Thế thì cứ tạm là như vậy.

Bác nông phu bèn mượn đỡ sợi dây thừng cột trâu trói nghiến chú hổ lại. Vừa trói xong, thì nhanh như chớp, bác lấy chiếc đòn càn đập túi bụi vào chú hổ. Vừa đập vừa la hét:

- Cái trí khôn của ta đây này, cái trí khôn của ta đây này.

Chính nhờ trí khôn, con người không phải chỉ tập cho cọp làm được những động tác kỳ lạ, như ngồi trên ghế, nhảy qua vòng lửa…mà chúng ta vốn thường thấy qua việc trình diễn của các gánh xiếc, hơn thế nữa con người còn lợi dụng sức mạnh của cọp để làm những công việc hữu ích cho mình, như xay lúa giã gạo…

Bác Ba Phi kể lại rằng: Có một đêm, tui cũng ngủ trên sàn gác, khoảng gà gáy hiệp ba, bỗng nghe con heo khoảng một tạ ngoài chuồng kêu éc éc. Biết là “ông ba mươi” đến viếng rồi, tui liền xách cây mác thong phóng xuống, đuổi theo. Rượt đến sáng mới giật lại được xác con heo, tôi vác về.

Để con heo đó, lum khum nhóm lửa nấu nước, tui bỗng nghe tiếng động rột rẹt trong lùm ráng. Liếc mắt nhìn qua, tui thấy rõ ràng là “anh ta”. Vì hụt mất miếng mồi nên con cọp tức, trở lại rình mò. Đó là một con cọp cái bụng đang có chửa. Tui thấy nó ngồi nhìn xác con heo, mà thèm đến nhểu nước miếng. Không được ăn thịt heo, con cọp đâm ra thù tui.

Trưa bữa sau, hai vợ chồng tui khiêng cối ra xay lúa. Cái giằng xay tui làm bằng cây tràm suồi, thịt gỗ thật dẻo. Đang xay lúa ì xèo, tui lại nghe sau bụi ráng có tiếng động rột rẹt.

- Giống con cọp cái này thù vặt quá!

Tui nói trong bụng:

- Bữa nay, bắt mày xay lúa một trận cho biết tay.

Tui kêu vợ tui xúc sẵn hai chục giạ lúa để gần bên cối xay đó. Vừa xay, tui vừa liếc chừng vô bụi ráng, giả bộ như không hay biết gì. Chờ lúc cọp nhảy ra phủ đầu, tui hụp xuống, trịch ngang. Hai bàn tay cọp bấu tám móng cứng ngắc vào cán giằng xay. Sẵn trớn cái cối đang quay, con cọp kéo lui hết vòng thì bị cái cối theo quán tính quay tới, mà hễ cái cối quay tới hết vòng thì bị con cọp ghị lui. Cứ như vậy mà cọp ta theo đà cối quay đẩy tới kéo lui hoài. Tui đứng một bên, cứ xúc lúa châm vô cối liên tục.

Đến lúc con cọp xay hết hai chục giạ lúa, tui kêu vợ tui vô bồ xúc thêm lúa nữa. Thấy con cọp có chửa nên cũng động lòng thương, vợ tui bảo thôi, tha cho nó. Tui nắm tay cối xay ghìm mạnh lại cho dừng trớn quay. Con cọp bị hụt đà, vuột tám móng ra khỏi cán giằng xay, chúi đầu về phía trước. Nó lồm cồm ngồi dậy, mệt thở muốn hết ra hơi, lệt bệt bỏ đi vô rừng. Không tin thì hỏi bả coi. (Trang Đất Mũi)

Ngoài sức mạnh của chúa sơn lâm, người ta còn sử dụng tất cả mọi sự của loài thú quí hiếm này, từ răng nanh đến móng vuốt, từ bộ da đến bộ xương, không bỏ đi một chút nào cả.

Trước hết là thịt cọp, thịt hổ. Đã lâu lắm rồi, kể từ hồi gã còn bé tí ti, có một người bà con đi làm ăn và lập nghiệp mãi tận Buôn Ma Thuột, về thăm dân làng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người ấy đã biếu ông ngoại gã một gói…khô hùm để nhắm rượu. Gã cũng được ông ngoại chia cho vài miếng, nhưng thú thực là cho đến bây giờ, gã không còn nhớ khô hùm mùi vị như thế nào? Ngon hay dở?

Cũng vì hổ cọp là loài động vật quí hiếm, nên các nhà hàng, quán nhậu không ghi tên món thịt hùm vào thực đơn những món đặc sản của mình. Tuy nhiên, trong bài nghiên cứu của Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, thì bộ phận sinh dục của con đực được dùng làm thuốc. Chắc hẳn đây là một thứ độc chiêu giúp cho mấy anh đờn ông chu toàn bổn phận làm chồng của mình.

Tiếp đến là móng cọp và nanh cọp. Hình như thiên hạ thích dùng những thứ hàng độc này để chuyên trị tà mà, bùa phép…cho bản thân mình được bình an may mắn, không bị mấy thứ hắc ám của những kẻ mang ý đồ đen tối làm hại. Còn da cọp, người ta thường dùng để trang trí nội thất, cho thêm phần oai phong và hùng dũng. Nhưng đặc biệt hơn cả thì phải kể đến xương cọp.

Thực vậy, từ lâu xương hổ, xương cọp hay xương hùm đã được dùng để chế tạo cao hổ cốt. Và cũng theo một bài viết trong Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, thì Cao hổ cốt là một vị thuốc rất thông dụng trong dân gian. Để chế tạo loại cao này, người ta lấy xương hổ, nấu lên, cô đặc, rồi đóng thành bánh, mỗi bánh khoảng 70-100 gr. Cao có độ rắn cứng, màu đen, vị tanh, chứa axit amin cần thiết cho cơ thể. Tỷ lệ đạm thành phần khá cao.

Về cách dùng: người ta thái nhỏ ăn với cháo, ngâm với mật ong hay ngâm với rượu để làm thành rượu hổ cốt. Theo y học dân tộc, cao hổ cốt chữa được nhiều chứng bệnh như tê thấp, đau khớp…Thành phần hoá học và thành phần tác dụng của nó chưa được xác định rõ. Người ta thường nấu thêm với với xương khỉ, sơn dương. Vì thế, hiếm có loại cao hổ cốt thuần nhất xương hổ.

Để kết thúc mục chuyện phiếm hôm nay, gã xin ghi lại bài viết của Lương Lệ Huyền Chiêu trên trang Văn Tuyển với tựa đề là “Cọp Ninh Hoà” như sau:

Thuở nhỏ tôi thường nài nỉ bà tôi kể chuyện cọp Ninh Hòa. Những câu chuyện ấy hầu như tôi đã thuộc lòng nhưng tôi vẫn thích được nghe bà kể lại để tôi vừa có cảm giác run sợ vừa thấy lòng hãnh diện vì quê hương mình từng có…nhiều cọp.

- Hồi bà còn nhỏ, quê mình cọp nhiều lắm. Thời đó nhà cửa, dân cư thưa thớt, không biết chừng Cọp nhiều hơn người. Cọp dạn lắm. Mấy "ổng" nghênh ngang muốn đi đâu thì đi, muốn ở đâu thì ở, coi người như rác. Trời tối, cọp bắt đầu túa về làng. Cháu thấy đó, quê mình như cái lòng chảo, bốn bề núi non. Cọp từ Suối Ré tuôn ra, cọp từ Hòn Hèo lần tới, cọp từ dốc Đá Trắng, Dục Mỹ, núi Vọng Phu cũng kéo nhau xuống.

- Mấy ổng về làng làm gì hả bà?

- Thì mấy ổng buồn buồn đi rong chơi, gặp heo thì bắt heo, gặp chó bắt chó, có khi rinh cả bò, ngựa. Cọp ở Ninh Hòa mình chắc lúc đó có cả ngàn con.

Tôi bắt đầu thấy run run:

- Vậy mình trốn đi đâu hả bà?

- Thì chiều xuống mình lo nấu cơm ăn rồi đóng cửa đi ngủ sớm. Nói vậy chứ có ngủ được đâu, ở trong nhà nghe tiếng “À nôm“ của mấy ổng mà phát run, lại còn tiếng mấy con chó đi chơi về muộn chui rèn rẹt qua lỗ chó chui nữa chớ. Ban ngày thì đỡ hơn, mấy ổng về nằm ngủ trong mấy bụi tre rừng – Không hiểu sao cọp thích ở rừng tre - Vậy nên mới có câu chuyện này:

Một bữa, mấy người trong xóm rủ nhau lên rừng bẻ măng. Mấy bà già sợ cọp nên hay ở quanh quẩn bên mấy mấy đứa trai tráng. Hôm đó thằng Lực, đứa khỏe nhất trong bọn, đang thò cây sào, một đầu có gắn câu liêm, vào một bụi tre rừng, bỗng nó đứng bật dậy thét lên một tiếng “A. Cọp“, rồi nó trợn mắt chết trân. Té ra là nó chọt trúng một ông cọp đang nằm ngủ. Ông cọp bị đánh thức, vươn vai chui ra khỏi bụi tre rừng, đứng nheo mắt nhìn thằng Lực. Nghe tiếng thét, bà lão Mịch, hàng xóm của thằng Lực, xăm xăm bước tới. Thấy tình cảnh thằng Lực, bà nóng ruột xỉa cây gậy về phía ông cọp và quát:

- Tổ cha mày, mày không thấy nó sợ chết điếng rồi sao mà còn đứng đó. Tìm chổ khác chơi đi .

Vậy mà ông cọp lại bỏ đi mới ngộ chớ. Cọp đi rồi, bà Mịch bước đến bên cạnh thằng Lực, tay vuốt ngực miệng hô “ba hồn chín vía mầy tỉnh dậy Lực ơi !” Phải một hồi lâu hồn thằng Lực mới nhập về xác của nó. Từ đó thằng Lực coi bà Mịch như là người đẻ nó lần thứ hai.

- Cọp cũng sợ bị chửi hả bà ?

- Không phải đâu, cọp nó thấy bà Mịch không sợ nó, nên nó nghi ngờ đây là kẻ mạnh.

Để bà kể tiếp chuyện mày nghe:

- Hồi đó đâu có máy xay gạo như bây giờ. Tối tối, trời có trăng, người ta xúm lại một sân nhà để xay lúa, giã gạo. Xóm đó có thằng đui chuyên giữ một tay chày. Bữa đó đang kẻ xay người giã, bỗng tất cả đều nhìn thấy một ông cọp đang ngồi rình sau bụi chuối. Mấy người sáng mắt bỏ chạy không kịp kêu một tiếng. Tội nghiệp thằng đui, nó đứng dang chân, chày giơ lên trời, chờ một tiếng “thịch“ để hạ chày mà chờ hoài không thấy. Ông cọp biết có người không thèm bỏ chạy, lại còn giơ chày định phang nó, nên nó lặng lẽ bỏ đi mất.

Những câu chuyện của bà tôi có thể là chuyện hoang đường, nhưng có một điều thực, đó là Ninh Hòa quê tôi ngày xưa là giang sơn của hàng ngàn con cọp. Mẹ tôi thường than thở “Chiến tranh! Cọp sợ súng đạn đi hết!“ Tôi không tin rằng cọp đã bỏ đi. Tôi nghĩ rằng cọp đã đến thời kỳ diệt chủng. Những con vật to lớn, mạnh mẽ nhất như khủng long, voi ma mút, cá voi, sư tử, cọp, beo ...và cả loài người nữa sẻ lần lượt biến mất trên trái đất này do một quy luật huyền bí của thiên nhiên.

Văn minh của loài người nếu thiếu tình yêu thương, tính nhân bản chắc chắn sẽ đưa loài người gần đến sự hủy diệt hơn là sự trường tồn. Có lẻ một ngày nào đó, trái đất này chỉ còn lại cây cỏ và những côn trùng bé nhỏ nhất. Cầu trời cho ít nhất cũng còn sót một Adam và một Eva.

Cọp Ninh Hòa,

Ma Đồng Cọ,

Gió Tu Bông,

Mới đó mà nay đã hoá thành truyện cổ tích!!!

Gã Siêu   gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************