Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 152, Chúa Nhật 28.08.2011


MỤC LỤC 

Gaudium Et Spes Kết Luận                                                                                     Vatican 2

ĐTC. Bênêđictô XVI nhắn nhủ giới trẻ: “Hãy làm cho cả thế giới hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô!”

THƯƠNG THAY, PHARISÊU !                                                                  Lm. Vũ Khởi Phụng

THẦN HỌC SAU CÔNG-ĐỒNG VATICANO II (1963-1965)  Gs. Trần Văn Toàn

Chiếc bánh thứ 5: Yêu thương cho đến hiệp nhất - Chúc thư  của Chúa Giêsu  ĐHY. Nguyễn Văn Thuận

QUAN NIỆM VỀ PHÁI TÍNH (4)                                                       Lm Lê Văn Quảng Psy.D.

PHẨM GIÁ NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN                                           Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

NÓI NGAY BÂY GIỜ                                                                                     Br. Huynhquảng

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN HỌC VÀ SỐNG TƯƠNG QUAN VỚI GIA ĐÌNH   Lm. Trần Minh Huy, pss.

CON ĐƯỜNG KHỔ CHẾ VÀ THẦN BÍ CỦA BẬC HÔN NHÂN               Lm. Minh Anh biên tập

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG ĐỊA TRUNG HẢI.                                               Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

CỌP -                                                                                            Chuyện phiếm của Gã Siêu


Gaudium Et Spes Kết Luận

 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay

Gaudium Et Spes

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Kết Luận 98*

91. Bổn phận của mỗi tín hữu và của các Giáo Hội địa phương. Những điều mà Thánh Công Ðồng này đề nghị được rút ra từ kho tàng giáo lý của Giáo Hội. Mục đích là giúp đỡ mọi người thời nay, hoặc tin Thiên Chúa hoặc không minh nhiên nhìn nhận Ngài, nhận thức rõ ràng hơn thiên chức toàn diện của mình, kiến tạo thế giới cho hợp với phẩm giá siêu việt của con người hơn, tìm kiếm một tình huynh đệ đại đồng được thiết lập vững chắc hơn và đáp lại những đòi hỏi khẩn thiết trong thời đại chúng ta theo như tình yêu thúc đẩy trong một nỗ lực hợp tác quảng đại.

Thực vậy, trước sự dị biệt lớn lao giữa những hoàn cảnh và những hình thức văn hóa nhân loại trên thế giới, những lời đề nghị trên đây trong nhiều điểm chỉ cố ý trình bày một cách tổng quát. Hơn nữa, vì phần nhiều liên hệ đến những vấn đề còn đang biến chuyển không ngừng, nên giáo huấn ở đây, tuy đã được công nhận trong Giáo Hội, nhưng cũng cần được khai triển và tiếp nối thêm nữa. Tuy nhiên, chúng tôi tin chắc rằng nhiều điều mà chúng tôi loan báo dựa trên lời Chúa và tinh thần Phúc Âm, sẽ có thể giúp đỡ mọi người một cách hữu hiệu, nhất là khi các tín hữu theo sự hướng dẫn của Chủ Chăn cố gắng thực hiện công việc thích nghi cần thiết cho từng quốc gia và từng tâm thức khác nhau.

92. Ðối thoại giữa mọi người. Với sứ mệnh đem sứ điệp Phúc Âm soi chiếu cả thế giới và quy tụ trong một Chúa Thánh Thần tất cả mọi người của mọi quốc gia, chủng tộc hay văn hóa, Giáo Hội trở thành dấu chứng của tình huynh đệ, một mối tình tạo điều kiện và cổ võ một cuộc đối thoại chân thành.

Vậy trước hết, chúng ta cần cổ võ ngay trong lòng Giáo Hội sự quí mến, tôn trọng và hòa thuận với nhau bằng sự chấp nhận mọi dị biệt chính đáng để luôn luôn có thể đối thoại hữu hiệu giữa những phần tử của một Dân Chúa duy nhất, dù là chủ chăn hay các Kitô hữu khác. Thật vậy, những gì liên kết giữa các tín hữu còn mạnh hơn những gì chia rẽ: hiệp nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì nghi ngờ, bác ái trong hết mọi sự 6.

Ðồng thời, tâm hồn chúng tôi cũng ôm ấp những người anh em và các cộng đoàn của họ, tuy chưa sống hiệp thông trọn vẹn với chúng tôi nhưng vốn liên kết với chúng tôi trong sự tuyên xưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng như trong mối dây bác ái; chúng tôi nhớ rằng ngay cả nhiều người không tin vào Chúa Kitô vẫn ước mong và khao khát sự hiệp nhất giữa các tín hữu: quả thực, sự hiệp nhất này càng tiến triển trong chân lý và tình yêu nhờ quyền lực Chúa Thánh Thần, thì càng sẽ là một điềm tiên báo sự hiệp nhất và hòa bình trên toàn thế giới. Vì thế, cùng hiệp lực và hiện đang theo đuổi mục đích cao cả này cách hữu hiệu dưới những hình thức ngày càng thích hợp hơn, chúng tôi cố gắng mỗi ngày sống phù hợp với Phúc Âm hơn nữa, để hợp tác trong tình huynh đệ hầu phục vụ gia đình nhân loại đang được mời gọi vào gia đình các con cái Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô.

Do đó, chúng tôi cùng hướng tâm hồn đến tất cả những ai nhìn nhận Thiên Chúa và bảo tồn các yếu tố tôn giáo và nhân bản quý giá trong truyền thống riêng. Chúng tôi ước mong đối thoại cởi mở để dẫn đưa tất cả chúng ta đến chỗ trung thành đón nhận và hăng hái thực hiện những gì Chúa Thánh Thần thôi thúc. Niềm ước mong đối thoại đó chỉ do lòng yêu chân lý hướng dẫn và dĩ nhiên vẫn giữ được sự khôn ngoan thích hợp; về phần chúng tôi, niềm ước vọng này không loại trừ một ai hết: từ những người đang tôn thờ những giá trị tinh thần nhân bản cao quí mà chưa nhận biết Ðấng Tạo Thành đến những ai chống đối và bách hại Giáo Hội bằng nhiều cách. Vì Thiên Chúa Cha là nguyên lý và cùng đích mọi sự, nên tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm anh em với nhau. Và vì thế, được gọi lãnh nhận thiên chức làm người và làm con Thiên Chúa, chúng ta có thể và phải cộng tác, không bạo động, không xảo trá để xây dựng một thế giới trong hòa bình đích thực.

93. Xây dựng và dẫn đưa thế giới tới cùng đích. Nhớ lại lời Chúa: "Nếu các con thương yêu nhau, thiên hạ sẽ cứ dấu ấy mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy" (Gio 13,35), người Kitô hữu không thể tha thiết mong ước gì hơn là luôn được phục vụ con người trong thế giới ngày nay cách quảng đại và hữu hiệu hơn. Thật vậy, trong khi trung thành gắn bó với Phúc Âm và thừa hưởng những năng lực của Phúc Âm, cũng như liên kết với mọi người yêu chuộng và thực hiện công bình, người Kitô hữu nhận lãnh một sứ mệnh lớn lao phải chu toàn ở trần gian này và phải trả lẽ với Ðấng sẽ phán xét mọi người trong ngày sau hết. Không phải những ai nói "lạy Chúa, lạy Chúa" sẽ được vào nước trời, nhưng chỉ có những ai thực hiện ý Chúa Cha 7 và can đảm làm việc. Thực thế, Chúa Cha muốn chúng ta nhìn nhận Chúa Kitô là anh cả trong tất cả mọi người và yêu mến Người cách cụ thể bằng lời nói cũng như bằng việc làm. Như vậy, chúng ta làm nhân chứng cho Chân Lý và truyền thông cho kẻ khác mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha trên trời. Nhờ đó, mọi người trên khắp địa cầu sẽ thấy nẩy sinh một niềm hy vọng mãnh liệt, đó là ân huệ của Chúa Thánh Thần, để sau cùng được hưởng hòa bình và hạnh phúc tuyệt vời trong quê hương rạng ngời vinh quang Chúa 99*.

"Kính chúc Ðấng quyền năng làm được mọi sự cách hết sức phong phú hơn điều ta cầu xin hay nghĩ tưởng tùy theo quyền phép của Ngài hằng hoạt động giữa chúng ta, kính chúc Ngài vinh quang trong Giáo Hội và trong Chúa Giêsu Kitô trong mọi thế hệ muôn đời. Amen" (Eph 3,20-21).

 

Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Hiến Chế Mục Vụ này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

 

Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 7 tháng 12 năm 1965

Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.

Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.

  


98* Tất cả những điều Công Ðồng đề nghị ở trên nhằm giúp mọi người góp phần để kiện toàn thế giới trong tinh thần huynh đệ (số 91a). Dĩ nhiên cần phải áp dụng những nguyên tắc đó cho thích hợp với trường hợp của từng địa phương (b).

Giáo Hội là dấu chứng cho sự hiệp nhất (số 92a), trước hết mình phải tự hiệp nhất (b), rồi tìm cách cộng tác với các anh em ly khai, cá nhân cũng như cộng đoàn (c), và đối thoại cởi mở với tất cả những ai có lòng tin nơi Ðấng Tối Cao (d). Hơn nữa, về phần Giáo Hội, Giáo Hội không loại trừ người vô thần và ngay cả những ai chống đối Giáo Hội (e).

Tình yêu Chúa thúc đẩy chúng ta hoạt động để xây dựng thế giới (số 93a) và làm vinh danh Thiên Chúa (b).

6 Xem Gioan XXIII, Tđ. Ad Petri Cathedram, 29-6-1959: AAS 55 (1959), trg 513.

7 Xem Mt 7,21.

99* Sau khi chúng ta đọc Hiến Chế Mục Vụ rồi, Công Ðồng khuyên mỗi người chúng ta như Chúa Giêsu xưa bảo luật sĩ: "Hãy về bắt chước làm như vậy" (Lc 10,37). Hiến Chế đã nhắc lại rất nhiều bổn phận, đã cho biết rất nhiều nhiệm vụ khẩn cấp, đã khuyên bảo về rất nhiều điều thiếu sót của cá nhân hay cộng đoàn trong Giáo Hội. Nhưng điều căn bản để sống đạo cũng như để mưu ích cho thế giới là điều răn mới của Chúa Giêsu, bao gồm tất cả những điều răn khác (Rm 13,8; Gal 5,14). Sau khi luật sĩ trả lời rằng: "Luật Chúa dạy ta phải kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, lại thương yêu người thân cận như chính mình vậy". Chính Chúa Giêsu đã phán: "cứ làm như thế sẽ được sống" (Lc 10,26-28). Nhờ Chúa Thánh Thần ban cho ta sự yêu thương đó (Rm 5,5), nghĩa là tham dự vào tình yêu của Chúa Kitô (Rm 8,35.39), mỗi Kitô hữu sẽ hoạt động để xây dựng thế giới mới và phục vụ mọi người khác. Dưới sự hướng dẫn của Hàng Giáo Phẩm, chúng ta sẽ tìm cách áp dụng nguyên tắc chung trong Hiến Chế vào hoàn cảnh thực tế của từng địa phương mình sống.

 
VỀ MỤC LỤC
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắn nhủ giới trẻ: “Hãy làm cho cả thế giới hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô!”

WHĐ (22.08.2011) – Chúa nhật 21-08-2011, tại sân bay Cuatro Vientos, vào cuối Thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXVI, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đọc kinh Truyền Tin cùng với một triệu năm trăm ngàn người trẻ tham dự. Ngài cũng thông báo Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXVII sẽ được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil vào năm 2013.

Đức Thánh Cha nói:

“Các bạn thân mến,

Bây giờ các bạn sắp trở về nhà. Bạn bè các bạn sẽ muốn biết các bạn đã thay đổi ra sao sau khi được ở thành phố đáng yêu này với Đức giáo hoàng và với hàng trăm ngàn người trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Các bạn sẽ nói gì với họ? Tôi mời các bạn hãy mạnh mẽ làm chứng cho họ về đời sống Kitô hữu. Như thế, các bạn sẽ sinh ra các Kitô hữu mới và sẽ giúp Giáo Hội lớn mạnh trong trái tim của nhiều người khác.

Trong những ngày này, tôi thường hay nghĩ đến những người trẻ ở nhà đang chờ các bạn trở về! Các bạn hãy chuyển lời hỏi thăm trìu mến của tôi đến với họ, đến những người kém may mắn hơn, đến gia đình các bạn và các cộng đoàn Kitô hữu của các bạn.

Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đến các giám mục và các linh mục có mặt đông đảo trong ngày này. Tôi hết lòng cám ơn và khuyến khích họ tiếp tục nhiệt thành và tận tâm làm việc mục vụ giới trẻ.

Các bạn thân mến, tôi phó thác tất cả những người trẻ trên thế giới, đặc biệt là các bạn, cho Đấng trung gian đầy yêu thương là Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Ngôi sao của việc Tân phúc âm hóa và là Mẹ của những người trẻ. Chúng ta chào mừng Mẹ bằng những lời như Thiên thần Chúa đã chào Mẹ…”

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha tiếp tục ngỏ lời với các bạn trẻ bằng nhiều thứ tiếng:

[Tiếng Tây Ban Nha] “Tôi thân chào Đức Tổng giám mục của Tổng giáo phận quân đội và chân thành cảm ơn Lực lượng Không quân Tây Ban Nha, đã rất hào phóng cho phép sử dụng Căn cứ không quân Cuatro Vientos nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Lực lượng Không quân Tây Ban Nha. Tôi xin dâng tất cả nhân viên của Lực lượng Không quân Tây Ban Nha và gia đình họ cho sự che chở từ mẫu của Đức Mẹ Loreto.

Trong bối cảnh này, tôi nhớ lại rằng ngày hôm qua đánh dấu kỷ niệm năm thứ ba của vụ tai nạn nghiêm trọng tại sân bay Barajas đã gây ra nhiều tử vong và thương tích. Tôi bày tỏ sự gần gũi tinh thần và tình cảm sâu sắc của tôi với tất cả ai bị sự kiện không may này tác động đến, cũng như cho gia đình của các nạn nhân. Chúng ta phó thác linh hồn những người này cho lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tôi vui mừng thông báo: Ngày Giới trẻ Thế giới lần tới sẽ được tổ chức vào năm 2013, tại Rio de Janeiro. Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy cầu xin Chúa trợ giúp tất cả những ai sẽ tổ chức Ngày ấy, và giúp cho việc tham gia của các bạn trẻ khắp nơi trên thế giới được dễ dàng, để họ có thể gặp gỡ tôi trong thành phố xinh đẹp này của Brazil.

Các bạn thân mến, trước khi chúng ta nói lời chia tay, và trong khi các bạn trẻ Tây Ban Nha chuyển giao cây Thánh giá của Ngày Giới trẻ Thế giới cho các bạn trẻ Brazil, với tư cách người kế vị Thánh Phêrô, tôi ủy thác cho tất cả các bạn có mặt ở đây nhiệm vụ này: hãy làm cho cả thế giới hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô! Người muốn các bạn là những tông đồ của thế kỷ 21 và là sứ giả của niềm vui. Đừng để Người thất vọng! Cảm ơn các bạn rất nhiều.”

[Tiếng Pháp] “Các bạn trẻ của thế giới nói tiếng Pháp thân mến, hôm nay Chúa Kitô đòi các bạn bén rễ nơi Người và cùng với Người xây dựng cuộc sống của các bạn trên Người là đá tảng của chúng ta. Người sai các bạn đi làm chứng nhân cho Người, can đảm, không lo lắng và đáng tin cậy! Đừng sợ là người Công giáo, đừng sợ làm chứng cho những người chung quanh bằng sự đơn giản và chân thành! Hãy để Giáo Hội gặp được nơi các bạn và nơi tuổi trẻ của các bạn những người loan báo Tin Mừng cứu độ tràn đầy vui tươi!”

[Tiếng Anh] “Tôi chào đón tất cả các bạn trẻ nói tiếng Anh có mặt ở đây hôm nay! Khi các bạn trở về nhà, hãy mang theo tin mừng về tình yêu của Chúa Kitô mà chúng ta đã cảm nghiệm trong những ngày không thể nào quên này. Hãy chăm chú ngắm nhìn Người, đào sâu hiểu biết Tin Mừng và mang lại hoa trái dồi dào! Xin Chúa chúc lành cho tất cả các bạn và hẹn gặp lại!”

[Tiếng Đức] “Các bạn thân mến! Đức tin không phải là một lý thuyết. Tin là đi vào mối tương quan cá nhân với Chúa Giêsu và sống tình bằng hữu với Người cùng với những người khác, trong sự hiệp thông của Giáo Hội. Hãy phó thác cả cuộc sống của các bạn cho Chúa Kitô và giúp bạn bè của các bạn tìm ra phương thế đến với Thiên Chúa là nguồn sống. Nguyện xin Chúa làm cho các bạn trở nên những chứng nhân hạnh phúc và tràn đầy niềm vui cho tình yêu của Người”.

[Tiếng Ý] “Chào các bạn trẻ Italia thân mến! Thánh Thể mà chúng ta cử hành là Chúa Kitô phục sinh đang hiện diện và hằng sống giữa chúng ta. Qua Người, cuộc sống của các bạn bén rễ và xây dựng trên nền tảng Chúa Kitô, vững mạnh trong đức tin. Với niềm tin tưởng này, các bạn hãy lên đường từ Madrid và kể cho mọi người những gì các bạn đã thấy và đã nghe. Hãy vui mừng đáp lại lời Chúa kêu mời, bước theo Người và luôn kết hiệp với Người, và các bạn sẽ mang lại nhiều hoa trái!”

[Tiếng Bồ Đào Nha] “Các bạn trẻ nói tiếng Bồ Đào Nha thân mến, các bạn đã gặp Chúa Giêsu Kitô! Các bạn đang bơi ngược dòng trong một xã hội chủ trương một nền văn hóa tương đối không muốn tìm kiếm điều gì cũng chẳng bám vào sự thật. Nhưng chính vào thời điểm này trong lịch sử, với những thách thức và cơ hội tuyệt vời của nó, mà Chúa đã sai các bạn đi, để nhờ đức tin của các bạn, Tin Mừng của Chúa Giêsu có thể tiếp tục vang lên trên khắp trái đất. Tôi hy vọng hai năm sau sẽ gặp lại các bạn tại Ngày Giới trẻ Thế giới tổ chức ở Rio de Janeiro, Brazil. Từ nay đến đó, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, làm chứng cho niềm vui mang lại sự sống, bén rễ và xây dựng trên nền tảng Chúa Kitô. Hẹn gặp lại các bạn trẻ thân mến! Xin Chúa chúc lành cho tất cả các bạn!”

[Tiếng Ba Lan] “Các bạn trẻ Ba Lan thân mến, hãy mạnh mẽ trong đức tin, bám chắc vào Chúa Kitô! Cầu chúc những món quà bạn các bạn đã nhận được từ Thiên Chúa trong những ngày này mang lại hoa trái dồi dào. Các bạn hãy là chứng nhân của Người. Hãy mang sứ điệp Tin Mừng đến cho những người khác. Hãy giúp châu Âu tái khám phá cội rễ Kitô giáo của mình nhờ lời cầu nguyện và gương sống của các bạn”.

(Theo Vatican Radio - news.va, 21-08-2011)

VỀ MỤC LỤC
THƯƠNG THAY, PHARISÊU !
 

Các bài đọc trong phụng vụ mấy hôm nay rổn rảng những lời Chúa trách móc các kinh sư và pharisêu. Nào là “đạo đức giả, khóa cửa Nước Trời, kẻ dẫn đường mù quáng, lọc con muỗi, nuốt con lạc đà, rửa sạch chén đĩa, mà trong lòng thì đầy chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ, mả tô vôi, con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ...” (Mt.23)

Chính từ những đoạn như đoạn này, mà những từ ngữ như “Pharisêu, Biệt phái, Phái tách biệt, Pharisaisme” mang một ý nghĩa thật xấu trong văn hóa Kitô giáo. Pharisêu đồng nghĩa với đạo đức giả, một kiểu đạo đức che đậy những sự nhẫn tâm, thói “miệng Nam Mô bụng bồ dao găm”, nhân danh Chúa đấy mà hóa ra giết Chúa đấy. Và chính chúng ta, trước những cảnh trái ngang trong xã hội, và trong Giáo Hội, cũng nổi sùng lên và không làm chủ được mình, cũng mắng chửi vung vít người này kẻ nọ là Pharisêu.

Nhưng nghĩ lại thì người Pharisêu đáng thương quá chứ! Làm sao mà hóa ra nông nỗi ấy? Tại vì lúc ban đầu ý người ta có như thế đâu! Để sản sinh ra dòng Biệt phái, dân Chúa trong Cựu Ước đã đi qua biết bao cảm nghiệm. Từ thịnh vượng đến tan hoang, dân Chúa phải học cho biết yêu mến bằng tất cả máu thịt tôn giáo và văn hóa của ông cha truyền lại. Phải trung thành với tình yêu ấy qua bao nghịch cảnh, những lúc phải sống giữa một xã hội giàu sang hơn mình, có thể là tiến bộ hơn mình về nhiều mặt. Trung thành được như thế với truyền thống của mình tức là đã khám phá ra một cái gì tinh túy lắm, đích thực là chân giá trị tinh thần. Chẳng thế mà người Pharisêu muốn mang những luật thanh sạch của Đền Thờ, có mục đích diễn tả cõi Biệt Thánh của Thiên Chúa, áp dụng vào cuộc sống phàm tục hàng ngày (thuế thập phân, rửa tay v.v...). Đó là một cảm nghiệm sâu xa về quan hệ của Thiên Chúa với con người, về tính cách Thánh thiêng, “đối Thần” của cuộc sống. Từ đó mà người Biệt phái linh cảm được giá trị của cuộc sống này trong công trình tạo thành tốt lành của Thiên Chúa (niềm tin xác loài người sống lại...), những cảm nghiệm và niềm tin ấy Kitô giáo sẽ kế thừa sau khi đã tìm thấy gốc rễ trong mầu nhiệm Chúa Kitô.

   Sau này khi đất nước Do Thái tàn lụi, dân tộc tản mác điêu linh, thì tinh thần và lòng đạo của người Biệt phái sẽ truyền lại cho đạo Do Thái để cùng nổi trôi với vận mình dân tộc cho đến ngày nay. Vì thế các đạo hữu Do Thái không khỏi cảm thấy bất bình khi những từ Pharisêu hay Biệt Phái lại phải mang một ý nghĩa xấu xa như vậy trong cộng đồng Kitô giáo ưu thắng.

Nhưng xét cho kỹ thì tinh thần Biệt phái không phải là một thái độ khu biệt trong đạo Do Thái thời Chúa Giêsu. Đúng hơn nó là một quá trình biến chuyển và một hiện tượng tâm lý khá thông thường trong mọi cộng đồng tôn giáo.

   Mọi cảm nghiệm tôn giáo chân chính đều bắt nguồn từ một ý thức rất cao sáng, nhưng khi muốn thể hiện diệu cảm tâm linh đó trong một tôn giáo có tổ chức, có quần chúng tín đồ, thì đều đụng phải  một thách thức hiểm trở. Đó là làm thế nào để sống cái trực giác của thâm tâm giữa một xã hội tất yếu là có mặt sáng mặt tối, làm thế nào để xác lập lối sống tâm linh giữa một thế gian có sức đề kháng, với một cộng đồng đa dạng, trăm người trăm tính, với tất cả những giới hạn, những tương đối gắn liền với kiếp người. Vì thế tôn giáo phải có luật lệ, nề nếp, phong hóa, quy ước để thể hiện mình, để tồn tại, nhiều khi để tự vệ. Đó là nhu cầu chính đáng, nhưng nguy cơ sa đà vào thái độ Pharisêu, Biệt phái, hiểu theo nghĩa xấu, cũng mai phục ở đây.

Giống như một thân cây, một cành cây, khi mới mọc lên, mới nảy nở, thì bao giờ cũng tươi xanh, mềm mại, uyển chuyển, nhưng khi đã to lớn, đã trụ được với nắng mưa gió bão, thì sẽ có một lớp vỏ dày bao bọc, thô cứng, sù sì. Giữa cái vỏ ấy và cái nhựa sống bên trong có một khoảng cách. Có thể là nhiệt tình ban đầu đã mỏi mệt, có thể là ý thức đã lịm dần theo thói quen, có thể là người ta mải loay hoay đối phó với cái phần “vỏ” mà xa lìa dần phần “tâm”, có thể là với thời gian những thế hệ đi sau không còn giữ được ngọn lửa thiêng của thế hệ tiền phong lý tưởng, nhưng mỗi ngày một ít, con người cũ tham sân si nổi dây, gặm nhấm đến cạn kiệt cái mạch sống tinh thần vốn là lẽ sống xưa kia.

   Chính vì thế người ta mới nói: bộ áo không làm nên thầy tu. Hay là nói như câu châm ngôn: đừng thấy đỏ mà nghĩ là chín.

Hiện tuợng này không chỉ có ở tôn giáo, nó có thể xảy ra ở bất cứ một phong trào, một cộng đồng nào được quy tụ chung quanh một lý tưỏng nhân sinh. Chính nó làm biến chất mọi hoài bão, mọi định hướng cao sáng. Nó là chặng đường đi

                       “Từ đấy trong tôi bừng nắng hạ

                         Mặt trời chân lý chiếu qua tim”

đến anh cán bộ tham nhũng lì lợm, độc ác.

Nhưng tôn giáo, hiểu như một cộng đồng mang tính tâm linh, hơn ai hết phải đề phòng căn bệnh này. Chính vì nó, Chúa đã đưa ra những lời cảnh báo đắng cay: “Các Kinh sư và các Pharisêu ngồi trên toà Môsê mà giảng dạy.Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, còn những việc họ làm thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt.23,2- 4). “ Anh em phải coi chừng những ông Kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm chỗ danh dự trong hội đường, ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của cá bà goá, lại còn giả bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ…” (Mc.12, 38- 40; x. Lc. 20, 46- 47).

   Khi hiện tượng này lan rộng, tôn giáo sẽ đi vào giai đoạn mạt pháp. Trường hợp cùng cực đã xảy ra cho giới Kinh sư và Pharisêu, khi họ giết Đức Giêsu mà không thấy, không biết hay không muốn biết là mình giết Đức Chúa. Đam mê phàm tục đã biến họ thành kẻ mù mà họ vẫn tự cho là mình sáng mắt.

   Đôi khi Giáo Hội có thể trở thành “miếu thiêng vụng kén người thờ”. Miếu vẫn thiêng,  nhưng vụng kén người thờ thì người thờ sẽ làm lu mờ sự thánh thiêng của miếu bằng những thứ hương khói làm người ta cay mắt. Mắt đã cay thì còn đâu sáng mắt sáng lòng để cảm nhận sự Thánh Thiêng.

   Nhưng chân lý vẫn có đó. Những cuộc khủng hoảng xảy ra chính là sự phán xét của chân lý, khi các giới tôn giáo đụng vào thực tại. Một cuộc khủng hoảng xảy ra cho Giáo Hội, ta có thể giải thích bằng nhiều lý do: xã hội, chính trị, kinh tế, văn hoá, tâm lý, v.v… Những nguyên nhân đó đều có thực. Nhưng còn một nguyên nhân ẩn khuất mà quyết định mê hồn trận sẽ ngã ngũ ra sao. Đó là khi cộng đồng tôn giáo được một thực tại sắc bén trắc nghiệm, để phân định lúa tốt với cỏ dại, vàng với thau, những gì trân quý với những của giả rác rưởi. Cụ già Simeon, khi bồng Hài Nhi trong tay, trong một giây phút giác ngộ, đã nói lời sấm với bà Maria: “ Thiên Chúa đã đặt con trẻ này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Con trẻ là dấu hiệu cho người đời chống báng; để cho thâm tâm nhiều người lộ ra. Còn bà, một lưỡi gươm sắt sẽ đâm thâu tâm hồn bà”(Lc. 2,34- 35).

   Cuộc khủng hoảng đau đớn có tác dụng làm cho những xơ cứng, vô tâm, giả tạo của bệnh Pharisêu bị thiêu rụi, bay biến, lộ nguyên hình cát bụi. Nó tạo nên cảm giác Giáo Hội bị đổ vỡ tan hoang. Nhưng khi những nhân tố tôn giáo ngụy tạo đã tan hoang rồi, thì mọi sự sẽ đụng vào cái phần chân lý, cái phần “ Thiêng” vẫn trường tồn, vẫn bất tử. Và đó là mùa xuân mới.

   Biết như vậy nên người có đức tin sống giữa muôn vàn sự ồn ào, sặc sỡ của thế gian, luôn phải dành ra một cõi lặng trong lòng mình, để kiên trì dõi theo cái ánh sáng tâm linh tinh khiết, nó như một con đường hẹp, một dòng suối nhỏ mát trong vẫn len lỏi đâu đó giữa sự phồn tạp của cuộc sống.

   Nếu người Pharisêu chỉ là một vài cá thể đã ra người thiên cổ từ lâu, những đoạn Tin Mừng đọc mấy hôm nay có thể không nói gì nhiều với ta. Nhưng nếu Pharisêu là một hiện tượng vẫn tồn tại và sinh sôi giữa chúng ta, là một diễn biến bi đát cho nhiều người, và nó đang rình rập chúng ta tất cả, thì những Lời Chúa nói đáng cho ta suy nghĩ nhiều.

Nhân tuần lễ 21 thường niên, năm A

Lm. Vũ Khởi Phụng

VỀ MỤC LỤC
THẦN HỌC SAU CÔNG-ĐỒNG VATICANO II (1963-1965)
 

(Chuyển biến và tác động của nó trong đời sống Ki-tô hữu ở châu Âu)   

GS. Trần Văn Toàn

Bài đăng ở tập san Định Hướng 

Trong lịch sử giáo hội công giáo thì Công đồng Vaticanô quan trọng vào bậc nhất. Vì đây là lần đầu tiên người ta thấy được tính cách phổ biến toàn cầu của giáo hội. Công đồng bắt đầu ngày 8/12/1962 và bế mạc ngày 8/12/1965. Có chừng 2400 vị hữu trách công giáo khắp địa cầu, như giám mục và các bề trên các dòng, mỗi vị đem theo một số chuyên gia về thần học làm cố vấn, lại có 31 quan sát viên thuộc các giáo hội Tin lành, Chính thống, v.v. và 42 giáo dân công giáo.

Quan trọng hơn nữa là vì công đồng đã thảo luận và quyết nghị về những vấn đề then chốt. Về nội bộ thì xác định lại lý thuyết về giáo hội là « dân Chúa », vai trò của giáo dân, tính đồng liêu của hàng giám mục, nghĩa là hàng giáo sĩ, từ trên xuống dưới, đã được lập để phục vụ cho dân Chúa, chứ không phải là đế vương trị dân. Lại xác định về Lời Chúa trong Thánh Kinh, và cải cách nghi lễ (ví dụ dùng tiếng nói thông thường của giáo dân) để cho giáo dân trực tiếp tham gia vào lễ nghi phụng tự. Đối với bên ngoài thì công đồng mở rộng tay đón mời các giáo hội khác của đạo Ki-tô, và các tôn giáo khác, cũng như những người vô tôn giáo, đến gặp gỡ, đối thoại, trong tinh thần tự do tôn giáo, đồng thời đối với xã hội thì chủ trương hoạt động cho văn hóa, hòa bình và công bình trong thế giới.

Cái khẩu hiệu tiếng Ý đã được đưa ra để nói lên mục đích của công đồng là Aggiornamento, người muốn nói chữ kiểu mới thì dịch là cập nhật hóa, muốn nói cho dễ hiểu thì là để thích thời. Nhưng vì sao lại phải cập nhật hóa ? Chân lý là vĩnh viễn kia mà, cớ sao lại phải tùy gió phất cờ, như thiên hạ quen làm ?

Như Giáo tông Gio-an thứ XXIII đã tuyên bố, công đồng này hạn hẹp vào mục đích là mục vụ hay là « tư giáo »[1], tức là tìm đường lối thích thời để dẫn dắt giáo hữu hành đạo, chứ không nhằm xác định thêm một lần nữa về phần giáo lý, như hầu hết các công đồng trước đó đã làm. Cho nên dĩ nhiên là công đồng phải có tác độâng vào suy tư thần học và nhất là vào đời sống giáo dân.

Cái đề tài nêu ra trên đây, ai cũng thừa hiểu là quá mênh mông và phải hạn hẹp nó lại rất nhiều, vì trong phạm vi bài này không thể nói tỉ mỉ về những điều suy tư lý thuyết mà các vị học giả chuyên môn đã viết ra trong gần nửa thế kỷ, với những pho sách khá nặng đồng cân[2]. Về mặt thực hành thì tôi chỉ quan sát được một vài biến chuyển quan trọng và tác động của công đồng trong đời sống tôn giáo ở châu Aâu, nói đúng ra là ở Pháp và ở Bỉ, và nói đúng hơn nữa là ở mấy xứ đạo và mấy phong trào, trong đó tôi có tham gia và đảm nhiệm một vài công tác nhỏ mọn.

Sau khi hạn định phạm vi như thế, tôi xin đưa ra, trong phần đầu, mấy lý do để giải thích vì sao công đồng Vaticano II đã được triệu tập. Sau đó tôi sẽ xin nói qua về sự chuyển hướng trong thần học cũng như trong dư luận của giáo dân. Và sau cùng thì xin trình bầy một ít tác động trong đời sống tôn giáo.

 

1 – Mục đích hội nhập văn hóa 

1.1 – Tôn giáo và văn hóa

Con người ta sống một cách chủ động trong trời đất, chứ không phải chỉ là do ngoại giới định hình theo luật nhân quả, như các vật vô tri. Những cái không phải tự nhiên như thế, nhưng do con người làm ra, rồi dậy lại cho nhau, từ đời này sang đời khác, đó là văn hóa. Văn hóa gồm những cách làm ăn (kỹ thuật), phép vệ sinh, lối cư xử với nhau cho phải đạo (luân lý, chính trị), những điều cấm kỹ, những điều hiểu biết được về vũ trụ, những nhân sinh quan hay tôn giáo nói lên quan niệm về vị trí và mục đích của đời người. Thường thì các yếu tố đó làm thành một khối, lẫn lộn với nhau. Cũng phải lâu lắm người ta mới dần dần phân biệt được ra thánh nhiều phạm vi : tri thức, chính trị, luân lý, tôn giáo, và tìm ra cho mỗi phạm vi một lề lối hoạt động riêng.

 Đoàn thể nào cũng có văn hóa, nhưng văn hóa không phải là một dữ kiện tự nhiên và bất biến, nhưng thay đổi nhờ vào kinh nghiệm, suy luận càng ngày càng giầu thêm, vì có giao lưu văn hóa với các đoàn thể khác. Khi biến chuyển thì có những yếu tố đã quá thời bị sa thải, lại có những yếu tố mới mẻ được thêm vào. Tất cả những yếu tố văn hóa đó được định hình và truyền đạt qua ngôn ngữ và ngôn tự. Biết thêm một ngôn ngữ là có thêm văn hóa, thay đổi hẳn ngôn ngữ là thay đổi văn hóa.

Nói chung thì không có tôn giáo nào biệt lập ra ngoài văn hóa cả, vì ý hướng tôn giáo chỉ có thực khi nó được cụ thể hóa trong tư tưởng và hành vi. Nhưng nói riêng thì một tôn giáo có thể ở trong văn hóa này, mà không ở trong văn hóa kia. Đó là trường hợp những đoàn thể chi tộc hay quốc gia : tôn giáo đồng nhất hẳn với văn hóa, mà không phân biêït : tôn giáo cũng là quốc giáo, hay là đạo riêng của chi tộc. Thường thì khi các đế quốc bành trướng, các dân tộc bị chiếm cũng dần dần đồng hóa, và thay đổi cả văn hóa lẫn tôn giáo. Ví dụ dân Ai cập thời Thượng cổ đã có ngôn ngữ riêng, họ đã để lại bao nhiêu là kim tự tháp với những tượng khổng lồ, thế mà ngày nay, trừ mươi triệu người theo đạo Ki-tô ra còn đa số, sau hơn nghìn năm bị người A-rập chiếm đóng và đồng hóa, thì chỉ còn nói tiếng A-rập, theo Hồi giáo và văn hóa của người A-rập chiến thắng, thậm chí còn tự xưng mình là người A-rập nữa. Như thế đã rõ là tôn giáo cũng được truyền bá theo một lối như văn hóa vậy.

Khi một tôn giáo thành ra tôn giáo cho cả loài người, chứ không riêng cho một chi tộc hay dân tộc nào, thì có thể ở trong tất cả các văn hóa, nhưng không đồng nhất với văn hóa riêng nào cả. Vì thế khi người ta lấy tôn giáo phổ biến làm quốc giáo, đồng nhất tôn giáo với dân tộc, thì làm sai lạc ý hướng đại đồng của tôïn giáo.

Đạo Ki-tô là một trong những tôn giáo phổ biến, cho nên mới đặt vấn đề đi vào, hay là ra ngoài một văn hóa nhất định. 

1.2 – Lúc đi vào văn hóa 

Trong Lá thư về việc hội nhập văn hóa, cha Pedro Arrupe, bề trên cả Dòng Tên đã đưa ra một định nghĩa đầu tiên : « Hội nhập văn hóa là đem nếp sống và tin mừng của đạo Chúa vào một khu vực văn hóa cụ thể. Mục đích là để cho kinh nghiệm của đạo ấy, không những được biểu diễn bằng những yếu tố của văn hóa đó (nhưng như thế cũng mới chỉ là thích nghi một cách hời hợt bên ngoài), mà còn trở thành một nguyên lý có sức linh ứng, vừa là kim chỉ nam, vừa là khí lực làm cho văn hóa đó đổi lốt và được thống nhất lại, nghĩa là tác tạo lại cho nó thành một thực tại mới »[3].

Cụm từ hội nhập văn hóa (inculturation) mới được dùng trong giáo hội công giáo từ mấy chục năm nay. Mục đích là để nói lên cái chương trình đã có ngay từ khi đạo Chúa Ki-tô phát sinh : đó là đưa đạo vào đời hay là vào lòng dân tộc. Về phía giáo hội Tin lành thì thường dùng chữ « contextualisation », nó có nghĩa như kiểu ta nói « đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục ». Thiết tưởng chữ đó, cũng như trước đây chữ « adaptation » là « thích nghi », cũng chỉ mới nói lên được cái ý định mặc cho đạo Chúa một cái áo ngoài có vẻ khả quan hơn, chứ chưa nói lên hết cái ý định đi sâu về phần nội dung, vào trong văn hóa.

Tôn giáo và văn hóa liên kết với nhau theo hai chiều : một đàng thì ý hướng tôn giáo định hình lại cho các yếu tố văn hóa của người ta, đem lại cho nó một ý nghĩa mới ; đàng khác thì văn hóa cũng làm cho ý hướng tôn giáo xuất hiện được trong những hình thức cụ thể thích hợp với truyền thống sẵn có. 

Đạo Ki-tô đưa ý hướng nào vào văn hóa ?  

Đạo Chúa Ki-tô thừa tự được của đạo Do thái, đó là do chủ trương thế tục hóa vũ trụ mà ra, nghĩa là không có vật gì trong vũ trụ này được coi là vị tuyệt đối .

 Thực vậy, theo như thường lề thì trong các tôn giáo người ta quan niệm rằng trong vũ trụ này cái gì, ở chỗ nào, cũng đầy dẫy các thần linh, như thần cây, thần núi, thần sông, thổ thần, táo thần. Có nhiều dân tộc coi mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cây cối, loài động vật, v.v. đều là thần cả. Ở Việt Nam thì những người quá cố cũng có thể thành thần. Nói thế khác, các thần linh tuy có phép thần thông linh dị, nhưng đều ở cùng trong một vũ trụ và ở lẫn với các vật khác.

Đạo Do-thái và đạo Ki-tô chủ trương thế tục hóa vũ trụ trong ba phạm vi : 1) không có vật gì trong thiên nhiên là thần thiêng cả, 2) không có người nào là thần thiêng cả, 3) cái sức phồn thực làm cho có sống động, có nảy nở, cũng không phải là thần thiêng. Cho nên vị thiên địa chân chủ, gọi tắt là Thiên Chúa, không xuất hiện nơi vật nào trong vũ trụ này cả ; nhưng người ta phải nhìn vào vận mệnh và lịch sử của dân tộc – riêng của dân tộc Do-thái – hay của cá nhân, có lúc thăng lúc trầm, mới hiểu và nhận ra là có vị Thiên Chúa hướng dẫn người ta trên con đường đưa tới nhân đạo và đồng thời cũng tới thiên đạo nữa.

Nói thế khác, Thiên Chúa không phải là một yếu tố trong thiên nhiên, cũng không phải là toàn khối thiên nhiên lù lù ra đó, với sức mạnh có thể đè bẹp con người trong luật nhân quả khắt khe. Nhưng Thiên Chúa xuất hiện như là Lời nói [4], nói lên ý nghĩa và cứu cánh cuộc đời, và mời gọi lên đường theo ý nghĩa đó, màø lời nói thì không có chủ ý cưỡng bách.

Thêm vào đó đạo Ki-tôø phân biệt hẳn hai phạm vi tôn giáo và chính trị[5]. Đó là điểm khó thực hiện, vì theo thường lề trong các văn hóa thì tôn giáo và chính trị vịn vào nhau : người ta hay dùng cái nọ để làm phương tiện cho cái kia.

Ngay từ buổi đầu đạo Ki-tô đã phải ra ngoài một văn hóa và đi vào một văn hóa. Phải ra ngoài , vì bao giờ tôn giáo cũng ở sẵn trong một văn hóa, và chỉ đi ra ngoài khi người ta ý thức được rằng nó là một thái độ vượt ra ngoài  phạm vi chật hẹp của một văn hóa. Đạo Ki-tô đã phải vượt ra ngoài văn hóa gốc là văn hóa Do-thái, vì cho dù Đức Giê-su Ki-tô vốn xuất thân từ đạo Do-thái, nhưng đường lối và chủ trương có nhiều yếu tố mới, nhằm về toàn thể nhân loại, chứ không hạn hẹp vào trong một dân tộc Do-thái nữa, thêm vào đó thì vào khoảng năm 70 sau Tây lịch kỷ nguyên, chính các vị tư giáo Do-thái dần dần nhận ra như thế cho nên đã trục xuất đồ đệ của ngài ra khỏi giáo đường của họ.

Đi vào  là đem Tin mừng, đem Phúc âm vào văn hóa Hi-lạp và Rô-ma, là văn hóa chung cho đế quốc Rô-ma vào thời đó, nghĩa là đi vào lòng một số người vốn có văn hóa Hi-lạp và Rô-ma, nhưng có cảm tình với đạo Ki-tô, đã được cảm hóa và tin theo. Những người này đã bị truy nã và bách hại trong gần ba thế kỷ. Lý do là vì họ đã bỏ không còn tôn thờ thần linh của các dân tộc được công nhận trong đế quốc, vốn chỉ là những vât tự nhiên hay là chỉ tượng trưng cho dục vọng hay ước vọng của con người ; và nhất là vì tuy vẫn biết tôn kính hoàng đế, nhưng họ không tôn thờ vị hoàng đế đã tự tôn mình lên làm thần linh [6]. Trong trường hợp như thế việc phân biệt tôn giáo với chính trị càng là một việc hiển nhiên đối với người theo đạo Ki-tô.

Cũng nên nhắc qua rằng niềm tin vào vị Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ đã làm cho triết học Hi-lạp, nhất là trong học phái Platôn, đặt vấn đề về nguyên lý tối cao của vũ tru.ï

 Dần dần tuy có bị bách hại nặng nề, nhưng số người theo đạo vì niềm thân tín cũng tăng lên. Đến năm 312 thì hoàng đế Constantinô cải giáo theo đạo Ki-tô, và đạo Ki-tô được đưa lên làm đạo của nhà nước. Việc cải giáo là vấn đề thuộc về niềm thâm tín cá nhân, nhưng việc đưa một tôn giáo lên làm quốc giáo thì rất có thể là có dụng ý chính trị : dùng một tôn giáo duy nhất để thống nhất quốc gia, và để trị dân cho dễ. Nhà cầm quyền giúp đỡ cho tôn giáo bành trướng, ban phát đặc ân cho giáo sĩ cấp trên vào làm công việc nhà nước và làm tôi cho hoàng đế.  Cũng như xưa kia Phật giáo được chính quyền hết lòng phò trợ thời hoàng đế Asoka bên Ấn độ, hay vào thời các triều Lý Trần ở Việt Nam vậy. Cái bất lợi cho tôn giáo là trong hoàn cảnh như thế, dân chúng theo đạo khi mà dân trí chưa cao,  có thể là vì niềm thâm tín ít nhiều, nhưng chắc chắn một điều là làm theo như vua chúa thì  vừa được yên thân, vừa có lợi là khác.

Cử chỉ của hoàng đế Constantinô đã làm cho đạo Ki-tô lại lẫn lộn tôn giáo với chính trị, như trong các văn hóa khác. Vướng vào đó, hàng giáo sĩ cao cấp được nhiều ân huệ, nhưng phải nhúng tay vào trong những việc trị nước. Cũng phải lâu lắm mới gỡ ra được, sau bao nhiêu cuộc giằng co giữa chính quyền và giáo quyền, và sau nhiều công cuộc cái cách trong nội bộ giáo hội ? Vì thấy rằng trong tình trạng lẫn lộn đạo đời thì khó mà sống cho hợp với Phúc âm, cho nên có một số người bỏ chốn đô thị mà đi tu hành trong sa mạc[7]. Và cũng từ đó các dòng tu, các dòng khổ tu, trong suốt lịch sử giáo hội, thường lên tiếng cảnh tỉnh, đòi phải cải cách, phải trở về nếp sống thanh bạch.

Như thế là từ Constantinô việc hội nhập văn hóa bắt đầu có điều thiếu sót.  

Văn hóa Hi-lạp và Rô-ma định hình cho đạo Ki-tô như thế nào ?  

Chính vì đã thành công trong viêc đi vào văn hóa của đế quốc Rô-ma như thế, cho nên đạo Ki-tô đã phát triển theo ba hình thức đặc biệt, mà sau này người ta gọi là hình thức Aâu châu.

Một là chú trọng về mặt lý luận theo như văn hóa Hi lạp, muốn tìm cho ra cái Lý trong trời đất, làm cho sự vật ăn khớp với nhau, thành một khối có mạch lạc và không mâu thuẫn. Vẫn biết văn hóa nào cũng biết đến cái Lý, nhưng cái đặc biệt của người Hi lạp là họ quan niệm cái Lý không phải là của riêng của những bậc thượng trí, nhưng là của mọi người và chỉ có thể đạt được khi người ta bình đẳng đối thoại với nhau[8]. Khi người Hi lạp theo đạo, thì vốn đã quen lý luận và đối thoại theo truyền thống lý luận và phê bình trong triết học của họ từ bốn thế kỷ, cho nên dĩ nhiên là họ suy nghĩ và trình bầy tôn giáo mới theo đường lối tư tưởng đã quen như thế. Kết quả là đạo Ki-tô đã phát sinh ra nhiều hệ thống lý thuyết đồ sộ về thần học. Cũng nên nói thêm là : đạo Ki-tô cũng áp dụng phép tu-từ (rhétorique) của văn hóa Hi lạp và Rô-ma vào việc giảng thuyết, để làm cho người nghe cảm phục. 

Hai là chú trọng vào việc tổ chức cộng đồng theo như tinh thần pháp lý của người Rô-ma. Kết quả là đạo Ki-tô, nhất là trong giáo hội công giáo Rô-ma, đã có những bộ luật để tập trung và tổ chức cộng đồng cho có qui củ, có hệ thống chặt chẽ, theo nguyên tắc pháp lý. Cái ưu điểm ấy đã hạn chế được cái nạn trăm bè bẩy mối, như ta thấy trong môn phái Tin lành bên Hoa Kỳ ngày nay : không ai cấm được ai tự tiện đứng ra thành lập một giáo hội, và cho rằng mình mới thật là chính tông !

Ba là nghi lễ tôn giáo, tuy là do nguồn gốc Do-thái, nhưng đã theo như nghi lễ trong triều đình của hoàng đế mà phát triển ra những hình thức thật long trọng. Như thế cũng không phải là hoàn toàn vô lý, vì lẽ rằng Thiên Chúa là vị cao sang hơn hoàng đế bội phần, cho nên nghi lễ phụng tự cũng phải long trọng không kém.

Ba hình thức đó gắn liền với nhau, và thêm vào đó thì giáo hội công giáo Rô-ma lại chủ trương dùng tiếng La-tinh là ngôn ngữ chung để thống nhất tư tưởng, tổ chức và lễ nghi. Có thể nói là trong việc hội nhập văn hóa thì đó là một thành công vừa lớn lại vừa lâu bền. Vì sau khi đế quốc Rô-ma sụp đổ ở Tây-Aâu, thì các chi tộc lên tranh dành đế quốc, mà từ vua đến dân đều thiếu văn hóa, không có chữ viết, cho nên muốn có văn hóa thì phải đi học chữ La-tinh là ngôn ngữ dùng trong giáo hội. Vì thế mà vai trò của giáo hội đã trở thành quan trọng, Mater et Magistra, vừa là mẹ vừa là thầy, dậy cho các dân tộc, dậy cho họ biết đọc biết viết và thâu nhận di sản tôn giáo và di sản văn hóa thế tục cổ điển của người Hi-lạp và Rô-ma. Từ đó đạo Ki-tô đã thấm nhuần di sản văn hóa Aâu châu trong hơn một nghìn năm : nghệ thuật, như hội họa, kiến trúc, điêu khắc, văn chương, âm nhạc, ca kịch, v.v., đều mang dấu vết đạo Ki-tô. Cho đến nỗi ngưới ta cứ tưởng đó là đạo của riêng người Aâu châu. 

Điều thiếu sót vừa nói trên đây là giáo hội liên kết với nhà cầm quyền, trước thì là vì hoàn cảnh, sau thì quen đi, mà quên đi rằng đó là điều không nên. Kết quả không ngờ là : khi đạo Ki-tô nảy ra nhiều tông phái, mỗi tông phái lại bị chính quyền chi phối[9]. Rồi khi các nước đánh nhau, người ta gọi ngay là chiến tranh tôn giáo. Để tránh cái nạn đó, lý thuyết gia về nhân quyền là Grotius (Hugo de Groot, 1583-1645), người Hòa-lan, đã chủ trương rằng từ nay vấn đề chính trị về nhân quyền phải được giải quyết etsi Deus non daretur, nghĩa là : như thể là không có Thiên Chúa, hay là : cho dù không có Thiên Chúa. Thế là lại  trở về lập trường giáo tổ đạo Ki-tô, là phải tách rời tôn giáo với chính trị. 

 Ngoài ra, lối hội nhập văn hóa này còn có một nhược điểm quan trọng : nó là hình thức dùng trong giới giáo sĩ và tu sĩ có ăn học, chứ dân chúng thiếu học và không biết tiếng La-tinh, thì không thể nào hiểu được những lý thuyết cao siêu về Thiên Chúa, những giới luật và những nghi lễ rườm rà[10]. Biết vậy cho nên, song song với giáo lý và lễ nghi chính thức, giáo hội công giáo đã đặt ra cho dân chúng một lối sùng đạo có tính cách bình dân, dễ hiểu, dễ thực hành, ví dụ như : đọc kinh lần hạt bằng tiếng nói thông thường, rước kiệu, hành hương, chung quanh việc tôn sùng Đức Bà Maria và các thánh. Tất cả được ghi vào các cuốn Sách Kinh, còn về giáo lý thì tóm tắt trong cuốn Sách Bổn. Khi đạo được truyền vào nước Việt Nam thì hai cuốn sách Thánh giáo kinh nguyện và Thánh giáo yếu lý đã được soạn ra bằng chữ Nôm tiếng Việt rất sớm. Thêm và đó còn có các sách truyện các thánh và các sách ngắm, giúp suy niệm về niềm tin và lối hành đạo. Có lẽ người công giáo Việt Nam là những người Việt Nam đầu tiên được dùng các sách về đạo lý, viết ra bằng tiếng Việt (cả Nôm lẫn quốc ngữ) một cách có hệ thống.

Sau cùng thì tuy đã thành công trong việc đi vào văn hóa đế quốc Rô-ma, nhưng đạo Ki-tô vẫn không đồng hóa với văn hóa đó. Đàng khác, chính cái thành công đó  cũng lại là cái trở ngại khi cần phải đi ra ngoài văn hóa đó, để đi vào một văn hóa mới.

1.3 – Lúc ra ngoài văn hóa  

Có hai trường hợp làm cho ta thấy cần phải ra ngoài, để lại có thể đi vào. Một là khi các dân tộc ở Aâu châu, như Ý, Đức, Pháp, Anh, v.v., đã học đượïc văn hóa cổ điển Rô-ma, đã trưởng thành, đã thành lập văn hóa riêng và viết ra ngôn ngữ của mình, nhất là từ thế kỷ XV. Hai là  khi muốn truyền đạo sang các nước ở ngoài Aâu châu, như Aán độ, Nhật bản, Trung hoa, Việt Nam, v.v. Thế nhưng vẫn chưa hết. Chính ở Âu châu cũng có biến đổi rất quan trọng về văn hóa : đó là từ thế kỷ XVI trở đi, cá nhân đã dần dần ý thức được về lý tính và tự do, cho nên không còn muốn cho quyền bính tôn giáo nào chi phối đời sống thế tục, như chính trị, khoa học, triết học, luân thường đạo lý nữa. Và đó là lúc bắt đầu phong trào thế tục hóa (sécularisation), đi từ lớp trí thức rồi dần dần đi xuống tới lớp bình dân.

Cách Mạng Pháp (1789) đã đánh đổ chế độ quân chủ, giáo hội công giáo cũng bị vạ lây. Do đó có phong trào bách hại tôn giáo. Vì đã quen với nề nếp đã có từ nghìn năm, nên giáo hội công giáo không thể thích nghi vào văn hóa mới đang bài xích tôn giáo ngay được. Đầu thế kỷ XX thì nhà nước và giáo hội tách rời nhau. Ngược lại, người ta không thấy tôn giáo dưới hình thức cũ còn là cần và thích thời, cho nên trí thức cũng như bình dân, có khá đông người đi ra ngoài đạo Ki-tô. Mà chính vì có phân biệt chính quyền với giáo quyền, cho nên có bỏ đạo cũng không sợ bị áp lực hay bị  truy tố, như ngày nay ta còn thấy ở nhiều nước. Dần dần đi tới hiện tượng mà, như đã nói trên đây, nhà xã hội học Hervieu-Léger gọi là exculturation du catholicisme : đạo công giáo đi ra ngoài văn hóa Aâu châu.

Hiện tượng đó, không phải là không có nhiều người trong giáo hội, ngay từ thế kỷ XIX, đã tiên đoán và đánh trống báo động.  Nhưng thường thì họ không ở trong địa vị lãnh đạo, cho nên phần thì họ được ít người theo, phần thì họ bị cấp trên nghi kỵ và ngăn cấm. Thiết tưởng chỉ cần nhắc qua đến phong trào canh tân (modernisme) vào đầu thế kỷ XX, phong trào các linh mục làm công nhân ở Pháp, và đến một vài nhà tư tưởng và thần học, riêng ở nước Pháp thì có Pierre Teilhard de Chardin, Henri de Lubac, Yves Congar, v.v. là những người trong một thời gian khá lâu đã bị cấp trên làm khó dễ, cấm không cho phát biểu ý kiến. Nhưng những ý kiến mà họ cưu mang đã có kết quả : chính nhưng vị như thế đã được cử làm chuyên viên trong công đồng Vaticanô II.

Công đồng này được triệu tập chính vì giáo hội công giáo đã quyết định xét lại toàn bộ các vấn đề phải cập nhật hóa, sao cho thích thời, theo đúng như khẩu hiệu : giáo hội thời nào cũng phải cải cách (ecclesia semper reformanda). Vì rằng đạo bất viễn nhân , nhân chi vi đạo, đạo có gần gũi với nếp sinh hoạt và văn hóa của con người, thì mới có thể làm con đường cho người ta đi.  

 

 2 – Chuyển biến và tác động của Công đồng trong đời sống Ki-tô hữu ở châu Âu 

 Bây giờ xin nói qua về việc thi hành Công đồng và về sự chuyển hướng trong suy tư  thần học, sau đó về mặt thực hành sẽ trình bầy một hướng đi đang thành hình.

2.1– Việc thi hành các quyết nghị của Công đồng                                                     

Việc cải cách bao giờ cũng gặp trở ngại do thói quen đã có từ nghìn năm. Muốn thi hành tinh thần đồng liêu trong ban giám mục, thì va chạm vào cái thói quen tập trung quyền hành về tín lý, lập pháp và lễ nghi ở trong tay một vị giáo tông là giám mục thành Rô-ma. Muốn đưa đạo vào đời, vào văn hóa, là việc phải lẽ, nhưng có người lại sợ rằng bỏ lối cũ đã quen thì có thể đi lạc đường. Ngoài ra các nhà chuyên môn nghiên cứu và suy tư về thần học, thường là ở bậc giáo sư đại học, cũng thường gặp trở ngại về phía một số giám mục tuy không chuyên môn nhưng lại có quyền kiểm duyệt. Về điểm này, chỉ xin nhắc đến tên một vài vị đã bị giáo triều Rô-ma làm khó dễ : Hans Kueng, Edward Schillebeeckx, Bernhard Haering, Gustavo Gutierrez, Leonardo Boff, v.v. Riêng cha Tissa Balasuriya, người đảo Sri-Lanka (Tích-lan), đi tu dòng Đức Bà Vô Nhiễm, thì vào ngày 2/1/1997 đã bị án loại ra khỏi giáo hôi công giáo, vì viết một cuốn sách về Đức Bà (Mary and Human Liberation, 1990) : cũng may là sau một năm thì được xét lại và được phá án.

Nói chung thì đức giáo tông Phao-lô thứ VI (1963-1978), là người đã kết thúc Công đồng, tuy có nghi ngại về những biến chuyển sau Công đồng, nhưng đã cố gắng thi hành các quyết nghị, nhất là đã cho hoàn thành Sách LễSách Các Phép mới. Còn đức giáo tông Gio-an Phao-lô thứ II (1978-2005), thì tuy không tiếc lời ca tụng Công đồng, nhưng lại tổ chức tập trung quyền bính trong một tay mình cả. Dưới triều đại của ngài thì đã hoàn thành được bộ Giáo Luật mới (1983) và Sách Bổn (Giáo lý) của Giáo hội Công giáo (1992). Nhưng cũng dưới triều đại này thì giám mục Marcel Lefèbvre bị loại ra khỏi giáo hội, vì không chấp nhận Công đồng, còn giám mục Jacques Gaillot thì bị cách chức (1995), vì đường lối mục vụ không được chấp nhận. 

2.2 – Một vài phương hướng thần học  

Sau Công đồng thì các nhà thần học suy tư và nghiên cứu tự do hơn về các đề tài đã được nêu ra : về tổ chức và phẩm trật giáo hội, về đối thoại và gặp gỡ các giáo hội và tôn giáo khác, v.v. Ở đây tôi chỉ nhắc qua tên một vài nhà thần học mà tôi đã được đọc bằng tiếng Pháp, và thấy là đọc được, vì giúp cho giáo dân thay đổi được lối nhìn cho hợp Phúc âm hơn, đồng thời vạch ra được trong mấy nước nói tiếng Pháp một lối sống đạo và truyền đạo thích thời.

Trước hết cũng nên nhắc đến tên mấy nhà thần học đã bị khó dễ trước Công đồng, nhưng từ Công đồng trở đi thì đã được hồi phục, như : Henri de Lubac, Yves Congar, Pierre Teilhard de Chardin.

Tôi không có ý nói đến những nhà thần học đã điều chỉnh lại quan niệm lệch lạc về Thiên Chúa và về đạo Chúa, vì có khá nhiều người, và vì tôi cũng không biết hết[11]. Tuy nhiên, ngày nay ai theo dõi một chút cũng thấy rằng đạo công giáo không quan niệm Thiên Chúa như là một « ông ba bị », chỉ biết lấy phép thần thông để ra oai, chỉ biết xét nét và sẵn sàng ra tay trừng phạt, nhưng ngược lại, đã tìm cách chia sẻ thân phận làm người, gần gũi với loài người. Như thế là đi sát với những sự tích về người cha nhân từ kể trong Phúc âm. Trái hẳn lại với những điều suy luận trừu tượng không có liên hệ đến đời sống, và với những quan niệm chịu ảnh hưởng của tôn giáo cổ sơ, đã đưa đến một thứ tôn giáo căn cứ vào thái độ sợ sệt (pastorale de la peur), làm cho người ta tuy có nghe nói đến Tin mừng cứu độ, nhưng vẫn mang nặng cái mặc cảm tội lỗi, sợ bị trừng trị trong địa ngục, cũng như đó đây người ta đã sợ thập điện Diêm vương vậy.

Tôi để ý riêng về vấn đề giáo hội, vì những biến chuyển trong đời sống giáo hữõu Aâu châu đều tùy vào đó cả. Dĩ nhiên những tác giả mà tôi nêu ra đây chỉ là một số nhỏ, nhưng họ có thể làm tiêu biểu cho phương hướng mới.

Những nhà thần học như : Hans Kueng (Tuebingen), Edward Schillebeeckx (Nijmegen), Jean Rigal (Toulouse), Henri Denis[12] (Lyon), v.v. đã xuất bản nhiều sách về giáo hội. Họ căn cứ vào lịch sử để nói lên vì những lý do gì và trong những hoàn cảnh nào mà giáo hội đã biến chuyển, đi từ quan niệm là dân Chúa, cho đến lúc hàng giáo phẩm được lập ra để phục vụ cho dân Chúa, thế mà đã dần dần chuyển thành ra như là một loại công chức của giáo triều Rô-ma[13], làm cho không những giáo dân mất quyền ăn nói, mà cả hàng giám mục, linh mục cũng thành ra như chư hầu của vị giáo tông.

Ý thức được luồng gió mới, giáo dân Aâu châu rất lấy làm phấn khởi, và đã đứng ra thành lập các hiệp hội để tham gia thảo luận, trao đổi ý kiến, để cùng định hướng cho đời sống của cộng đồng giáo hội. Có lẽ hiệp hội lớn nhất và có qui củ nhất là Ủy ban trung ương của giáo dân công giáo Đức (Zentralkomitee der deutschen Katholiken, Bonn). Ngoài ra còn có một vài phong trào muốn đi xa hơn như Integrierte Gemeinde,  Wir sind Kirche (chúng tôi là giáo hội). Ở Pháp thì từ Hội trường các cộng đồng đạo Ki-tô (Forum des communautés chrétiennes), thì đã nảy ra một nhóm riêng, có ra một tạp chí liên lạc và trao đổi Croyants en liberté (17 số, 1990-1994), sau đó lại lập ra một tổ chức liên hiệp gần 50 tổ chức, có tạp chí thông tin và trao đổi gọi là Les réseaux des Parvis. Chrétiens en liberté pour d’autres visages d’Eùglise, Paris, 1998.

Đấy là nói về những hiệp hội có tên tuổi, thường lên tiếng trong các cơ quan ngôn luận, chứ thực ra thì còn có nhiều hiệp hội đi sâu vào đời sống nội tâm để tu đức ; ngoài ra giáo dân tham gia rất nhiều trong các xứ đạo, và đảm đang việc dậy giáo lý cho nhi đồng cũng như cho người lớn muốn tòng giáo, tổ chức tang lễ, v.v. Thế rồi lại có một số khá đông giáo dân đi học và lấy bằng cấp thần học. Chẳng hạn như ở Lyon và ở Lille thì khoa trưởng khoa thần học là giáo dân, còn ở khoa thần học Angers thì có một nữ tu dòng Đa-minh làm khoa trưởng. Viện trưởng viện đại học công giáo Lille hiện nay là một bà trạc độ hơn 50 tuổi.

Hoàn cảnh rất thuận tiện là vì số linh mục ngày càng sút xuống. Các giám mục phải tổ chức lại cơ cấu « tư giáo », giao cho các linh mục trách nhiệm càng ngày càng nặng, mỗi vị phải coi hai, ba, hay mươi, mười lăm xứ đạo, mà chưa nghĩ ngay đến việc giao trách nhiệm cho giáo dân. Đôi khi cũng có làm, nhưng về phía giáo quyền vẫn còn nhiều vị cứ coi là cực chẳng đã mới phải làm như thế. Ví dụ văn kiện Rô-ma ngày 15/8/1997 về Việc cộng tác giữa giáo dân và các linh mục, đã dậy rằng « tư giáo » là   công tác của những vị đã có chức thánh, giáo dân phải có ủy quyền mới được làm[14].  Văn kiện này bị khá nhiều giám mục ở Đức và ở Aùo và nhiều nhà thần học phản đối, vì lý do là chưa chắc đã hợp với tín lý, đồng thời lại không xét gì đến thực trạng các xứ đạo ở Aâu châu. Ngày nay không ai nói đến văn kiện đó nữa.

Hiện nay các xứ đạo thường không còn do một cha chính xứ có toàn quyền sai bảo, nhưng do một ủy ban « tư giáo » (équipe d’animation pastorale) đảm nhiệm, mỗi ủy ban gồm có một linh mục và bốn giáo dân cộng tác với linh mục, hai nam hai nữ, được giám mục ủy nhiệm trong hai năm.   

2.3 – Những hoàn cảnh mới mà Công đồng chưa biết tới  

Công đồng bế mạc được ba năm thì ở Âu Mỹ có cuộc cách mệnh văn hóa : năm 1968, thanh niên, nhất là trong giới sinh viên, đứng lên phản đối các thứ uy quyền.

Vẫn biết là uy quyền của giáo hội ở Pháp thì đã mất dần từ khi có Cách Mệnh Pháp năm 1789. Xã hội dân sự thì thành ra thế tục hóa, và đến năm 1905 thì nhà nước và giáo hội được tách rời ra như hai thực tế biệt lập :  ở Pháp cũng như ở nhiều nước Aâu châu thì không còn có quốc giáo, như hiện có trong nhiều nước khác, nhất là trong các nước theo Hồi giáo, hay là như có một số người đó đây vẫn đang mơ ước.

Nhưng nay thì cả uy quyền của nhà nước cũng bị sút giá, lớp người làm thầy dậy học, kể cả ở cấp đại học, cũng mất uy quyền. Tất cả các uy quyền đều phải hạ bệ, các định chế thì bị nghi kỵ là áp chế tự do cá nhân. Cho đến nay xã hội Aân châu vẫn còn tìm tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức rõ rệt để người ta có thể chung sống với nhau. Đó là một kinh nghiệm đã đánh mạnh vào tâm tư vị giáo sư Joseph Ratzinger, hiện nay là giáo tông Biển Đức thứ XVI. Mất uy quyền rồi thì từ nay ai nấy phải tìm gây lại uy tín nhờ vào sở trường và vào cách ăn ở của mình mà thôi.

Thêm vào đó thì công giáo lại bị khủng hoảng nội bộ : một số khá đông linh mục cũng hồi tục. Từ nay số chủng sinh học tập làm linh mục, số người vào nhà tập của các nhà dòng nam nữ, cũng đều xuống dốc. Do đó các chủng viện và nhà tập để trống đã được đổi thành những trung tâm tổ chức những khóa hội thảo, những lớp huấn luyện thích thời (hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội và văn hóa) về Thánh Kinh, giáo lý, về việc đối thoại giữa các tôn giáo. Những trung tâm đó ngày nay do giáo dân đảm nhiệm, có linh mục hay thầy dòng làm cố vấn về tôn giáo, và hoạt động có kết quả, thu hút được nhiều người đến học hỏi.   

Từ mấy chục năm nay ở Pháp, tôi nhận thấy rằng đại đa số các chủng sinh đều vào nhà trường muộn, sau khi họ đã có nghề nghiệp làm ăn, hay là đã có bằng cấp đại học. Họ muốn làm linh mục không phải là vì ở ngoài đời họ không làm được nghề ngỗng gì. Tôi biết có người đã làm kỹ sư có lương cao, khi nghe tiếng Chúa gọi, họ biết rõ là họ sẽ chỉ sống bằng đồng lương tối thiểu, do một thiểu số người công giáo đóng góp cung cấp mà thôi, nhưng họ vẫn quyết định. Trong hoàn cảnh như thế, những người có chí thì càng có ý thức hơn.

Từ nay những người có ăn học, biết tự lập và ý thức được tự do như thế, không phải là hạng người bảo sao nghe vậy, không phải là đầy tớ để sai vặt. Muốn bảo được giáo dân, hàng giáo sĩ phải có uy tín, muốn bảo được các linh mục thời nay, hàng giám mục cũng phải có uy tín. Có uy tín mới thuyết phục được những con người tự do. Vì thế việc truyền đạo đang chuyển sang hướng mới.

2.4 – Hướng đi đang thành hình   

Hướng đi mới đã manh nha từ lâu, do sáng kiến của nhiều người có lòng ưu tư về đạo Chúa. Từ hơn mười năm nay nhiều giáo phận, như Tournai (Bỉ), Poitiers (Pháp), v.v.  đã thí nghiệm hướng đi mới. Ở trong cùng một hoàn cảnh, cùng có một tinh thần phục vụ, lại cùng do một thần khí của Chúa hướng dẫn, cho nên những sáng kiến song song với nhau, dần dần sát cánh nhau và vạch ra một lối đi chung. Lối đi chung này mới được trình bầy trong hai cuốn sách bằng Pháp văn, viết tập thể, gồm nhiều tác giả người Bỉ, Pháp và Canada, do Philippe Bacq và Christoph Theobald chủ trương, dưới một cụm từ còn mới mẻ là « pastorale d’engendrement »[15]. Trong công việc này các cha dòng Tên (Jésuites) đóng vai trò quan trọng, vì một là có liên hệ chặt chẽ với Viện nghiên cứu về phương pháp dậy giáo lý Lumen vitae (Bruxelles, Bỉ) của dòng Tên, hai là cha dòng Tên, Christoph Theobald, mới cho xuất bản về hướng đi mới một cuốn sách lý thuyết gồm hai tập[16].

Lối đi này vừa là hội nhập văn hóa, đi vào văn hóa mới, lại vừa là trở về nguồn đã có trong Phúc âm. Tôi xin giới thiệu, nhưng không thể trình bầy tỉ mỉ về hướng đi này, chỉ xin tóm tắt mấy điểm chủ chốt. 

Một là : Nhận định lại tình thế. 

Thoạt nhìn vào đạo công giáo ngày nay ở Aâu châu, thì thấy không có vẻ gì là khả quan. Sau Cách Mệnh Pháp và sau khi tách rời tôn giáo với chính trị, người ta không cần bám vào tôn giáo mới làm ăn nên, mới lên thang trong xã hội. Mà ngược lại thì có. Cho nên uy quyền của giáo hội đã mất, số người giữ đạo cũng bớt đi nhiều. Trong khi đó thì thấy nhiều tôn giáo hay giáo hội khác đang ồ ạt lôi cuốn quần chúng, có vẻ là rất thịnh hành, căn cứ vào một vài khẩu hiệu đơn sơ, theo phương pháp chiêu hàng ngày nay. Có điều dị biệt thật là quan trọng, nhưng ít ai để ý trong khi so sánh, là người Aâu châu đã ý thức được tự do cá nhân, tự do tôn giáo : ngày nay người ta theo đạo Ki-tô không còn phải là vì thói quen, vì áp lực xã hội[17], hay là vì quyền lợi, vì danh lợi, như trường hợp ở nhiều xã hội xưa nay. Hiện nay có nhiều người biết rõ như thế, nhưng vẫn xin tòng giáo, và nhẫn nại học tập hai năm, cho nên lễ nhập đạo của họ có ý nghĩa sâu xa, chứ không còn phải như kiểu « nước đổ đầu vịt » nữa. Như vậy cũng đủ thấy giáo hội công giáo không phải là không còn uy tín.

Những người chủ trương lối đi mới thì nhận định rằng đây là « một cơ hội mới cho Phúc âm », vì nó hợp với quyền tự do tôn giáo : tôn giáo không còn phải là một yếu tố mà nhà nước hay xã hội bắt buộc người ta phải theo, như các định chế hay tập quán thế tục khác. Cũng là hợp với ý của đức Giê-su chủ trương tách rời tôn giáo với chính trị. Và cũng đúng như quan niệm của vị giáo phụ Tertullianô (thế kỷ II-III) : « người ta là môn đồ của đức Ki-tô không phải là do bẩm sinh, nhưng là vì đã trở thành như thế (Christiani non nascuntur, fiunt) ». Cho nên việc theo đạo là do niềm thâm tín của cá nhân, và việc truyền giáo là việc thuyết phục từng người, chứ không phải là tuyên truyền ầm ĩ như chiêu hàng, để lôi cuốn từng loạt quần chúng.

Có mấy điều có vẻ đáng lo ngại, là : đạo công giáo, tuy trước đây đã định hình sâu đậm cho văn hóa Aâu châu, nhưng nay cả người ngoại cuộc lẫn người trong cuộc (sécularisation interne) đều kể như là đạo đã ra ngoài văn hóa đó. Nhưng cũng phải nhận rằng những lối hội nhập trước đây đã thích thời trong văn hóa cũ, thì chưa hẳn là bây giờ còn thích thời. Vấn đề không phải là chú trọng vào những bản thống kê hiện nay về tình hình tôn giáo, theo một số tiêu chuẩn bề ngoài như xưa, rồi thất vọng trong tinh thần hoài cổ, mà không xét đến những hình thức sống đạo sâu xa của giáo dân đang nảy nở. Cho nên nay có cơ hội mới để trở về nguồn là Phúc âm, và dùng lối mới để đưa Phúc âm vào văn hóa mới, đang đề cao con người cá nhân biết suy nghĩ, biết phê bình và định đoạt lấy cho mình. 

Hai là : Xét lại con đường đã đi [18]

Cần phải nhận định ngay là những hình thức sống đạo và truyền đạo trước đây là những nỗ lực hội nhập văn hóa đã thành công ở Aâu châu.

« Gặp thời thế thế thì phải thế ». Thực vậy, từ thế kỷ V trở đi, đạo và đời hợp nhất ở Aâu châu, tôn giáo không tách rời ra khỏi chính trị và văn hóa chung, cho nên người ta truyền đạt văn hóa theo lối « encadrement », là tập cho ai nấy « vào khuôn vào phép » bề ngoài. Trong tổ chức « tư giáo », thì khuôn phép của đạo Ki-tô gồm có ba yếu tố : a) một số tín điều cần phải biết, tóm tắt trong Kinh Tin Kính, và trong Sách Bổn ; b) một số điều luật phải giữ trong đời sống cá nhân và trong tổ chức giáo hội ; c) một số nghi lễ phụng tự phải cử hành cho phải phép, cho thành phép. Tất cả đều tựa vào Phúc âm, chứ không phải do ai tự tiện đặt ra. Điều thiều sót là ít ai để ý đến  kinh nghiệm và niềm thâm tín của cá nhân. Tuy nhiên, cũng như trong các xã hội khác, khi đa số dân chúng còn nghèo đói và thiếu học, thì dễ tin theo tôn giáo của những người lãnh đạo, hoặc là vì họ có uy tín, hoặc là vì họ có uy quyền hay võ lực bắt buộc phải theo, cho nên người ta « vào khuôn vào phép » đã có sẵn một cách rất tự nhiên.  

Khi dân trí tới mức độ cao hơn, khi cá nhân có học thức, biết suy luận và tự do định đoạt lấy cho mình, thì tất nhiên phải trình bầy tôn giáo sao cho hợp lý hợp tình. Loại văn « minh giáo » (apologétique) đã được phát triển ngay từ khi đạo được truyền vào xã hội Hi-lạp, thì lại càng thích thời. Từ Cách Mệnh Pháp trở đi, thì đạo công giáo đã phải nghĩ đến những đường lối mới để truyền đạo, nhất là để ý đến việc giáo dục thanh thiếu niên, và việc bênh vực cho lớp công nhân trong chế độ tư bản đang lên.

Sau Thế Chiến thứ II, thì đường lối « tư giáo » là đón tiếp  (accueil) : là phải gần gũi với người ta, tìm hiểu lối suy luận, ước vọng bên trong của những cá nhân tự do, mà không ai lấy khuôn phép bên ngoài mà bắt buộc được. Có một đường lối khiêm tốn hơn, mà tôi thấy các linh mục làm công nhân, cũng như hội dòng tiểu đệ và tiểu muội theo tinh thần Charles de Foucauld, đã dùng, là chôn vùi (enfouissement), nghĩa là làm chứng nhân sống đạo ở giữa lớp dân nghèo, một cách âm thầm như hạt giống chôn vùi trong đồng ruộng, như đức Giê-su đã sống ở Nazareth (30 năm ở cùng Đức Mẹ), chờ ngày Chúa cho đâm hoa kết quả.

Vào năm 1996 thì Hội đồng Giám mục Pháp viết một lá thư cho giáo hữu[19] trong đó có đưa ra phương pháp « tư giáo » mới, là đề nghị (proposition). Đề nghị tức là muốn lên tiếng, chứ không im lặng nữa. Cũng là hợp lẽ, vì không nói ra thì ai biết mình muốn gì, nhưng đối với người có tự do, thì mình chỉ có thể đề nghị niềm tin của mình mà thôi. Thế nhưng các tác giả theo hướng đi mới thì lại cho rằng như thế vẫn còn là bất cập, vì với thái độ đó, mình vẫn còn vô tình cho rằng mình ở vị trí cao hơn, có những điều muốn chia sẻ với những người không biết, mình không hỏi han đối thoại, mà đã biết sẵn câu trả lời rồi !

Ngoài ra trong thư vừa nhắc tới còn đưa ra một phương pháp nữa là đưa đường (initiation) : làm sao cho xứ đạo có một nếp sống cộng đồng trong tình anh em, rồi đưa đường cho người ta tham gia vào đó, cũng như vào các lễ nghi, để dần dần kinh nghiệm được thế nào là nếp sống của đồ đệ của đức Giê-su (Xem trong thư, trang 99-100).

Vấn đề bây giờ không phải là lôi cuốn người ta vào khuôn vào phép của tổ chức giáo hội, như là những hội viên vô danh, nhưng là làm cho người ta phát huy được cá tính trong khi đối thoại, trao đổi với người khác, và cùng sinh lại thành người mới. Vì thế những người chủ trương hướng đi mới muốn là phải đi ngược qua những yếu tố « khuôn phép », để trở về nguồn, trở về những câu truyện được kể lại trong tin mừng Phúc Aâm, có thể đem lại sinh khí cho đời người.  

Ba là : Hướng đi mới [20]

Như ai ấy đều biết, cái tình trạng mới của xã hội Aâu châu bây giờ là : Tổ chức xã hội đã thế tục hóa, cho nên không còn phải là tay vịn cho tôn giáo nào cả, vì cá nhân đã tự lập, suy nghĩ và tự do định đoạt lấy cho mình về niềm tin tưởng. Trong tình trạng đa nguyên trong phạm vi tin tưởng, việc « tư giáo » không còn phải là sản xuất một loạt tín đồ giống nhau như cùng đúc theo một cái khuôn đã có sẵn.

Lối « tư giáo » theo hướng đi mới này gọi là « pastorale d’engendrement ». Chính từ ngữ tiếng Pháp dùng đây, tự nó cũng chưa rõ nghĩa. Dự định muốn đưa ra là : đối thoại, trao đổi với người khác, và cùng sinh lại thành người mới, trong niềm tin mới. Thoạt nhìn thì nó gợi cho ta hai chữ « born again »[21] của một nhóm giáo hội Tin lành phát nguồn từ miền Nam Hoa Kỳ và lan sang Nam-Mỹù và Phi-châu. Nhưng về đạo lý và về phương pháp thì khác xa, người Aâu châu lấy làm nghi ngại, vì như đã nói trên đây, có nhiều mục sư, mỗi ông có thể tự tiện đứng ra  lập ra một giáo hội, truyền giáo ầm ĩ như trong hội chợ, theo kiểu chiêu hàng và kinh tài lối Mỹ, và lại còn hay dùng tôn giáo để làm chính trị nữa.

Tư tưởng làm nền tảng cho hướng đi mới ở đây là : phải căn cứ vào niềm tin tưởng tự nhiên mà ai sống ở đời cũng đã sẵn có, rồi mới cùng đào sâu thêm, làm cho người ta khám phá ra tin mừng Phúc âm như là đã có mầm mống trong hướng mình ước vọng. Vì lẽ rằng : nếu tự nhiên mà đã không tin được những người chứng nhân mà mình trông thấy, thì làm sao có thể tin được vị Thiên Chúa mà chưa ai thấy bao giờ [22], nhưng chỉ nghe qua những chứng nhân mà thôi.

2.5 – Ba tiêu chuẩn trong hướng đi đang thành hình 

Hướng đi này được thành hình, khi người ta lấy quan điểm Phúc âm mà nhìn vào xã hội. Vì thế có ba tiêu chuẩn cần phải liên kết với nhau : tin mừng Phúc âm là tiêu chuẩn chính, giáo hội là chứng nhân loan báo tin mừng, và xã hội là môi trường hành động. 

Thứ nhất : Tin mừng Phúc âm. 

Tin mừng mà Thiên Chúa muốn thông báo cho mọi người đó là gì ? Đó là tin rằng : xét cho cùng thì đối với mọi người cuộc đời là tốt đẹp. [23] Thực vậy, đọc Thánh Kinh thì ta thấy là từ đầu đến cuối đều có cái nhìn lạc quan về cuộc đời. Từ đầu trong Sách Sáng Thế, ta đã thấy rằng tất cả các vật được tác tạo nên, thì Thiên Chúa đều bảo là tốt cả. Lịch sử dân Chúa có lúc thăng lúc trầm, nhưng bao giờ cũng có hi vọng tìm ra giải pháp tốt đẹp. Có lạc quan, có hi vọng, mới sống được.

Cuộc đời là tốt đẹp ? Thực ra cái đó xem chừng không có gì là hiển nhiên cả : người ta có nhiều lý do để không tin như thế. Có điều là một việc xẩy ra một cách tự nhiên hay tất nhiên, thì không ai nghĩ là đáng đưa tin, ví dụ : nước A-rập vừa bầu một người A-rập làm quốc trưởng. Trái lại nếu nước A-rập vừa bầu một người Do-thái làm quốc trưởng, thì đó là một việc rất đáng đưa tin. Kinh nghiệm của ta cho thấy là ở đời ta gặp nhiều cái không tốt, và nhà Phật, như ta biết, cũng đã tổng quát hóa kinh nghiệm hạn hẹp của tất cả chúng ta trong câu : vạn sự khổ, đời là bể khổ. Hiển nhiên quá. Nhưng xét cho cùng nếu mà cuộc đời đối với mọi ngưòi là tốt đẹp, thì đó thực là một tin đáng mừng, đáng thông báo. Có điều là khi phải chạm trán với thực tại, thì lại thấy rằng cái tin mừng đó rất là mong manh, rất khó tin ! Lấy gì, lấy ai, mà bảo đảm được ?

Tuy vậy nếu không có niềm tin, niềm hi vọng phổ thông lạc quan như thế, thì làm sao trong cõi người ta lại có những cố gắng để sống, để đối phó với bao nhiêu trở ngại ? Nói thế khác, sống tức là tín cẩn vào cuộc sống, tuy biết là nó chưa hoàn hảo, vì từ khi sinh ra ta đã tín cẩn vào người khác rồi. Nếu không tin được vào ai, thì làm sao sống được, nếu không có hi vọng gì thì lấy đâu làm lẽ sống ? Thà đi ra ngoài cuộc đời còn hơn.

Niềm tin này là niềm tin tự nhiên cần phải có để sống, nhưng chưa tất nhiên đã là niềm tin tôn giáo. 

Thứ hai : cộng đồng giáo hội. 

Nói đến tin mừng, thì cũng phải nói có ai đưa tin. Vấn đề bao giờ cũng là : người đưa tin có đáng tin hay không ?

Người đưa tin đầu tiên là đức Giê-su Ki-tô. Nếu cho đến nay đạo của người còn được truyền bá, thì là vì đã có những người thấy là đáng tin, rồi truyền lại tiếp đi cho người khác. Ngoài cái nội dung tin mừng có thể làm cho người ta sống có ý nghĩa, thì còn có ba lý do đã làm cho người ta tín cẩn vào Người. Một là : Người có uy tín, vì nói sao làm vậy, mà không sợ lụy đến thân[24] . Hai là : Người biết chờ cho người khác dần dần nhận ra mình là ai, vì Người thường hỏi : thiên hạ nghĩ tôi là ai ? các anh nghĩ tôi là ai ? Ba là : niềm tin vào đức Giê-su không phải là từ ngoài ép vào, nhưng từ trong thâm tâm tự do của người ta mà phát ra, sau khi đã nghe báo tin mừng ; nói thế khác, Người không tấn công từ ngoài vào để bó buộc người đuối lý phải chịu phục, nhưng đánh thức niềm tin đã có sẵn bên trong, đang mặc nhiên hướng ra ngoài về ai khác (Thiên Chúa).

Nhưng cái niềm tin ấy cũng rất là mong manh. Vì khi Người còn bình sinh, thì chỉ có một thiểu số tín cẩn vào Người, còn đa số những chức sắc về phần đạo đều không tin, lại còn cho rằng Người đáng tội tử hình. Thế rồi cái thiểu số tin như thế cũng không có bề thế vững chãi : họ không phải là chức sắc có uy tín trong đạo Do-thái, cũng không phải là vương tướng có uy quyền trong đế quốc Rô-ma, lại còn gặp nhiều trở ngại. Tin là dám tin, dáùm hi vọng. Nhưng chính cái mong manh đó là bảo đảm cho tính cách tự do của niềm tin.

Cái chuỗi người cho đến nay đã kế tiếp nhau làm chứng nhân cho cái tin mừng rất mong manh mà Người giảng giải, trong những hoàn cảnh lúc thuận, lúc nghịch, đó là giáo hội của Người. Khi người ta đọc Kinh Tin Kính thì nói lên là mình tin giáo hội, tin hội thánh, là thân thể Chúa Ki-tô, tức là nơi Chúa Ki-tô hiện hình và loan báo tin mừng của Người. Tuy được Chúa hứa là sẽ cho giáo hội được trường tồn, nhưng giáo hội không phải là một pháo đài cố định. Thực ra giáo hội gồm những chứng nhân sống trong cái thân phận mong manh, có nhiều quyến rũ, cho nên chỉ là hình thức lịch sử chưa hoàn thành, nhưng đang cố gắng mang sứ mệnh là truyền bá cái tin mừng, có thể gây ra cho mọi người một nếp sống có ý nghĩa, có hi vọng. Thế nghĩa là tin mừng đã tồn tại, qua nhân chứng của những con người mà nhiều khi « lực bất tòng tâm », nhưng muốn chia sẻ với người khác một lối nhìn và một lối sống trong các hình thức văn hóa khác nhau.  

Thứ ba : xã hội. 

Xã hội là môi trường sống, gồm tất cả tư tưởng, hành vi, ước vọng của người ta. Phải biết môi trường ấy là thế nào mới có thể đưa tin mừng cho thích hợp.

Như ta vừa thấy trước đây, trừ đức Giê-su là người đầu tiên đưa tin mừng, thì những người đưa tin tiếp theo (giáo hội) không hoàn toàn vững tâm, vì chính cái tin mừng đó cũng khó tin. Chỉ biết một điều là nó hợp với hi vọng của người muốn đạt thân trong đời, vì nếu không tin, không tín cẩn được vào đâu, không hi vọng rằng dù sao đi nữa đời người cũng vẫn là tốt đẹp, thì khó mà tìm ra lý do để có can đảm đối phó với các trở ngại trong đời, nghĩa là trong cái xã hội biến chuyển mà không ai đoán trước được.

Người ta mong muốn một xã hội đại đồng, trong đó con người hòa hợp được với thiên nhiên và với người khác[25], nhưng cái mong muốn ấy vừa khó tin, vừa gặp nhiều trở ngại. Ví dụ nước Pháp đã nêu ra từ hơn hai thế kỷ cái khẩu hiệu « Tự do, Bình đẳng, Huynh đệ », nhưng vẫn chưa thực hiện được nhiều, vì ai nấy đều có tính ích kỷ. Cái tin mừng mà đồ đệ đức Giê-su cố gắng giới thiệu là : cái ước vọng đó có thể thực hiện được, vì cuộc đời là tốt đẹp, đồng thời cũng giới thiệu quan điểm có thể giúp thực hiện, là coi mọi người là anh em, vì cùng là con của một cha chung. Vì lẽ rằng nếu không có cha chung thì cũng không có anh em. Cái hi vọng đó tự nó vẫn là mong manh, khó tin, nhưng nó không phải là ảo vọng vì  có những người đáng tin đã dám tin và làm như thế.  

2.6 – Đi vào thực hành 

Đi theo hướng mới không phải là phế bỏ tất cả ba yếu tố của khuôn phép cũ, nhưng là tương đối hóa, để trở về nguồn là Thánh kinh nói chung và Phúc âm nói riêng. Tương đối hóa là chấp nhận rằng có nhiều thể thức sống đạo. Những yếu tố thần học và lễ nghi nào đã thích hợp với văn hóa cũ, nhưng không hợp với tâm thức người bây giờ, thì sẽ dần dần nhường chỗ cho những sáng kiến mới, làm cho người ta sống đạo một cách thích thời hơn.

Có điều nên chú ý là : khi đi truyền đạo thì các giáo sĩ Tin lành thường đưa sách Phúc âm ra giảng ngay từ đầu. Ngược lại, các giáo sĩ công giáo thì mang khuôn phép đã có sẵn ra dậy, là : Sách Bổn, Sánh Kinh, Sách các phép, và ít sách nguyện gẫm. Đó là cái khuôn do người Âu châu sáng tạo ra trong văn hóa riêng của họ. Thành ra người công giáo Việt Nam trong mấy thế kỷ đã bị thiệt thòi, vì không được đọc thẳng lời Phúc âm. Cho nên đạo công giáo ở bên ta khó tránh được một ít hình thức Tây phương. Dù sao thì trong cuộc giao lưu văn hóa, không có tôn giáo nào mà không nhận ảnh hưởng của văn hóa khác để làm giầu cho mình. Cho nên cái hình thức Aâu châu, tuy là tương đối, nhưng cũng không phải là vô ích, vì nó thêm kinh nghiệm cho ta, tránh cho ta cái đầu óc hẹp hòi, làm cho ta ý thức được tính cách phổ biến của đạo Chúa.                     

Nếu ta nhìn vào giáo hội buổi sơ khai thì theo như Sách Công Vụ Tông Đồ ta thấy là sau khi đức Giê-su khuất đi thì các đồ đệ đọc và suy gẫm Thánh Kinh, nhớ lại nếp sống của Người và được Thần Khí của Chúa giúp sức, nhưng họ phải tùy theo các biến cố bất ngờ trong xã hội chung quanh mà tìm ra đường lối hoạt động.

Đọc Thánh Kinh, đọc Phúc âm không phải là đóng cửa đọc một mình, chờ Thánh Thần hay Thần Khí của Chúa soi sáng riêng cho mình. Như thế có cái nguy hiểm là mỗi người đọc một « phách », rồi không ai chịu nghe ai, và người ngoại cuộc sẽ có thể nghĩ rằng tôn giáo chỉ là do mỗi người tự tạo ra cho mình. Đọc ở đây là đọc trong giáo hội (en Église), là cùng đọc với nhiều người khác (tính cách cộng đồng), và đặt lời Tin mừng vào trong hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Có thế mới nhận thức được cái âm vang của Tin mừng trong lòng mình và trong lòng người khác. Có thế, những điều ta nói lên mới thực là do niềm thâm tín của ta, chứ không còn phải là bài học thuộc lòng mà thiên hạ tới tấp nhồi sọ cho nhau. Rồi sau đó ta phản ứng bằng lời nguyện và bằng hành động thích hợp. Có thế ta mới thực là chứng nhân, là người làm chứng cho tin mừng. Vì người làm chứng không phải là người nhắc lại điều đã nghe, nhưng chứng thực về điều mình đã chứng kiến hay là tin chắc.

Dĩ nhiên là có nhiều ý kiến, nhưng có trao đổi với nhau mới tương đối hóa được cái nhìn chủ quan của mình. Đồng thời cũng phải so sánh với cái nhìn và hành động của những người trong giáo hội đã sống trong hoàn cảnh văn hóa khác ta (tính cách lịch sử). Trao đổi về những hình ảnh và quan niệm về Thiên Chúa, về nhân sinh, và về truyền thống, làm cho ta học lẫn nhau, kèm cho nhau, để giúp nhau tự nhận ra đường lối, giúp nhau sinh lại thành người mới theo tinh thần Phúc âm. Đó là lối « tư giáo » gọi là « engendrement ». Tôi xin đề nghị tạm phiên dịch là « tương sinh ». 

Có lẽ chính vì đã quá quen với lối « tư giáo » cũ, mà ta thường muốn người khác cũng tin và làm y như ta, và như thế ta truyền bá đức tin theo kiểu « đúc theo khuôn » hay là đòi phải bắt chước ta. Cần phải nhìn nhận một cách khiêm tốn là khi đi kèm cho người xin tòng giáo thì ta đánh thức niềm tin vào cuộc đời đã sẵn có, nhưng không biết trước được cái kết quả của sự cộng tác giữa Thần Khí có sức sáng tạo của Chúa và quyết định tự do của người ấy.

« Tư giáo » theo lối « tương sinh » này bắt đầu được áp dụng đó đây, không những trong khi gặp gỡ những người xin tòng giáo, mà cả trong sinh hoạt của xứ đạo nữa. Giám mục Albert Rouet, giáo phận Poitiers, đã trình bầy mười năm kinh nghiệm mới trong cuốn sách Một bộ mặt mới của Giáo hội. Kinh nghiệm các cộng đoàn địa phương tại Poitiers[26].  Một ví dụ khác mà tôi biết, là sau hội nghị năùm 2001 của lớp người trẻ, thì tổng giáo phận Lille đã thành lập một hiệp hội gọi là Fraternités Diocésaines des Parvis, huấn luyện cho các thành phần, để cùng sống đạo theo lối « tư giáo » này. Cho đến nay đã có 5 nhóm, mỗi nhóm gồm có một linh mục và dăm sáu người nam nữ, có ngưòi độc thân, có người có gia đình, mỗi nhóm được tòa giám mục chính thức giao cho trách nhiệm hoạt động « tư giáo » trong một xóm có nhà thờ. Lễ ngày chủ nhật thường lâu chừng một giờ rưỡi, vì có để ra thì giờ suy gẫm và trao đổi kinh nghiệm và ý kiến. Hiệp hội bắt đầu lan ra mấy giáo phận chung quanh.

Hiện nay có một việc rất đáng chú ý, đó là hội đồøng các giám mục tại Rô-ma trong tháng 10 năm 2008, để bàn về đề tài « Lời Chúa ». Các vấn đề đã được đề cập là : chỗ đứng của các chuyên gia về Thánh Kinh, việc phiên dịch Thánh Kinh, các bài giảng trong thánh lễ. Hội đồng cũng tiếp tay với đức giáo tông để nhấn mạnh vào ba nền tảng không thể rời nhau của đời sống của đồ đễ Chúa Giê-su, là : Lời Chúa, Lễ Đại-tạ (Eucharistia) và các việc bác ái. Hội đồng này rất quan trọng, vì nó sẽ có ảnh hưởng nhiều lên đời sống người công giáo toàn cầu.


[1]  Tiếng Pháp là « pastorale » (chăn dắt), tiếng Đức là « Seelsorge » (lo việc về phần linh hồn). Người công giáo Việt Nam dùng chữ « mục vụ » là dịch sát nghĩa tiếng Pháp. Tôi thấy nó làm sao ấy, vì lẽ rằng ta « dẫn dắt » người khác, chứ không có « chăn » ai cả. Vậy tôi xin tạm dùng chữ « tư giáo ».

[2]  Sách viết về công đồng này thì rất nhiều. Chỉ xin đan cử một bộ sách về lịch sử công đồng do Giuseppe Alberigo (Istituto per le scienze religiose, Bologna, Italia) đứng ra chủ trương, gồm 5 cuốn, do 26 tác giả chuyên môn cùng soạn. Bản Pháp văn của bộ sách đó thì do Etienne Fouilloux (Trung tâm nghiên cứu lịch sử tôn giáo, Lyon, Pháp) đảm nhiệm, cũng gồm 5 cuốn, in tại Paris, NXB Cerf, từ 1997 đến 2005, tất cả hơn 3600 trang. Sách sẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng.

[3] Xem : Philippe Chanson, « Inculturation », trong Dictionnaire oecuménique de missiologie. Cent mots pour la mission (sous la direction de Ion Bria, Philippe Chanson, Jacques Gadille, Marc Spindler), Paris, Cerf – Genève, Labor et Fodes – Yaoundé, CLE, 2003, tr 165-170 . Đoạn văn trích dẫn là ở tr 165.

[4]  Xem : Trần Văn Toàn, “Đó là lời Chúa”, Định Hướng, số 48, Mùa Đông 2006, tr 112-132.

[5]  Xem : Tin mừng theo thánh Mát-thêu 22,21 : « Bấy giờ Người bảo họ : Thế thì của Xê-da (= hoàng đế), trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa ».

[6]  Số là các thần linh được công nhận trong đế quốc thường chỉ là thần của riêng một dân tộc, chứ không có thần nào là thần của cả đế quốc. Vì thế hoàng đế Rô-ma là Augustô có quyền công nhận các thần linh, đã tự tôn chính mình lên hàng thần linh. Cũng như trong hoàn cảnh tương tự vua Minh Mạng đã tuyên bố : trẫm là chúa các thần.

[7]  Thầy tu hành trong sa mạc gọi là ermite (eremita), là do tiếng hi-lạp eremos có nghĩa là sa mạc.

[8]  Triết học của Platon xuất hiện dưới hình thức những bài đối thoại.

[9]  Ví du các tông phái Tin lành thì bám vào nhà cầm quyền địa phương theo nguyên tắc : đất nào đạo ấy. Đó chính là lúc vua nước Anh là Henri VIII đã tự phong cho mình làm giáo chủ đạo Ki-tô ở nước Anh.

[10]  Sau Thế Chiến thứ hai, các lễ nghi tuy vẫn cử hành bằng tiếng La-tinh, nhưng giáo quyền đã bắt đầu cho phiên dịch ra tiếng nói của giáo dân, để họ cho thể theo dõi và tham gia.

[11]  Tôi chỉ xin giới thiệu một bộ sách của Adolphe Gesché (1926-2005), giáo sư thần học ở đại học công giáo Louvain (Bỉ). Bộ sách tên là DIEU POUR PENSER, viết ra với mục đích là lấy cái ý niệm « Thiên Chúa » làm cơ hội để suy tư cho đáo lý về các vấn đề nhân sinh. Sách gồm 7 cuốn in tại NXB Cerf , Paris (1- Le Mal, 1993 ; 2- L’Homme, 1993 ; 3- Dieu, 1994 ; 4- Le Cosmos, 1994 ; 5- La Destinée, 1995 ; 6- Lr Christ, 2001 ; 7- Le Sens, 2003) . Tác giả mất trước khi soạn xong cuốn thứ 8- La Foi. 

[12]  Sáng lập viên hiệp hội Jonas, căn cứ vào tình trạng « tư giáo » hiện thời, để đưa ra những đề nghị thiết thực, nhằm thực thi các quyết nghị của Công đồng. Xem : sách L’Avenir en face (Réflexions sur la crédibilité de la foi chrétienne et sur le ministère de l’Eùglise), Paris, Desclée de Brouwer, 2002, 241 tr. 

[13]  Cuốn sách đã làm cho Eugen Drewermann không còn được làm giáo sư thần học công giáo ở đại học Paderborn (Đức) có nhan đề là Kleriker (= Hàng giáo sĩ), Olten, Walter-Verlag, 1989 , thì người Pháp căn cứ vào nội dung mà dịch là Fonctionnaires de Dieu (= Công chức của Chúa), Paris, Albin Michel, 1993, 758 trang.

[14]  Ví dụ số 12 trong văn kiện dậy rằng trong tang lễ phải có linh mục hay thầy phó tế « để cầu nguyện hẳn hoi cho người quá cố» : vì giáo dân không có chức thánh chỉ được làm khi thiếu người có chức thánh.

[15]  Đó là : Une nouvelle chance pour l’Évangile (Một cơ hội may mắn mới cho Phúc âm ). Vers une pastorale d’engendrement, trong tủ sách Théologies Pratiques, NXB : Lumen vitae – NOVALIS – Éd. de l’Atelier, 2004, 203 trang ; và : Passeurs d’Eùvangile (Những người truyền đạt Phúc âm). Autour d’une pastorale d’engendrement, Cũng các NXB trên đây, 2008, 231 trang.

[16]  Theobald là người Đức, đi tu dòng Tên ở Pháp. Sách mới xuất bản là : Le christianisme comme style (Đạo Ki-tô xét như là một lối sống), Paris, Tủ sách Cogitatio Fidei, số 260 và 261, Paris, NXB Cerf, 2007, tất cả là 1110 trang.

[17]  Hiện nay có nhiều nơi có quốc giáo, người ta kỳ thị những người theo đạo khác, và xử tử hình những ai dám cải giáo.

[18]  Xem : Philippe Bacq, « Vers une pastorale d’engendrement », trong sách Une nouvelle chance pour l’Eùvangile, 2004, trang 7-28.

[19]  Proposer la foi dans la société actuelle /  Lettre aux catholiques de France (Le rapport rédigé par Mgr Claude Dagens et adopté par l’assemblée plénière des évêques), Paris, Cerf, 1966, 130 trang.  

[20] Xem : Christoph Theobald, « L’Eùvangile et l’Eùglise », trong sách Passeurs d’Évangile, 2008, trang 17-40. –  Và : Jean-Marie Donegani, « Inculturation et Engendrement du croire », trong sách Une nouvelle chance pour l’Eùvangile, 2004, trang 29-45.

[21]  Ýù kiến này lấy từ lời Chúa dậy ông Ni-cô-đê-mô : « Không ai có thể thấy nước Thiên Chúa, nếu không được sinh lại bởi ơn trên » (Gio-an 3, 3).

[22]  Ở đây là tôi bàn rộng ra câu nói của thánh Gio-an : « Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy » ( Lá thư I của Gio-an, 5, 20).

[23]  Xem : Theobald, Sđd , trang 20-22.

[24]  Về lý do thứ nhất, A. Gesché giải thích: « Vị Thiên Chúa mà đức Giê-su giới thiệu, thì không phải là vị thần mà chúng ta nghĩ, vị thần mà chúng ta bầy vẽ ra theo như những mơ ước trẻ con, vị thần mà các triết gia gọi là coi được » (trang 141). Vị Thiên Chúa đó không phải là tầm thường : vì như một người cha nhân từ, ngài phục hồi nhân phẩm cho những người mà thiên hạ coi là tội phạm, ngài lại cho rằng muốn làm điều thiện thì có khi phải gác ra một bên các điều cấm kỵ trong tôn giáo, v.v. Và ông thêm rằng : Vì có nhiều người không tin, cho nên niềm tin của ông thật là tự do, và niềm tin như thế đã làm cho ông tín cẩn hơn vào con người và được thêm can đảm để sống.  Xem A. Gesché , « Pourquoi je crois en Dieu », trong sách Dieu pour penser, tập III, tr 125-151.

[25]  Thầy Khổng nói : nhân giả, nhân dã : chữ nhân (lòng nhân, hợp với nhân đạo) gồm có chữ nhị (là hai) và chữ nhân (là người) ; Cũng xem : Karl Marx, « Entfremdete Arbeit (lao động bị vong thân) » (M.E.G.A., , I / 2 , tr 363-375).

[26]  Un nouveau visage d’Eglise. L’expérience des communautés locales de Poitiers, Paris, Bayard, 2004.

Gs. Trần Văn Toàn

VỀ MỤC LỤC
Chiếc bánh thứ năm: Yêu thương cho đến hiệp nhất - Chúc thư  của Chúa Giêsu
 

Tác phẩm năm chiếc bánh và hai con cá

Chiếc bánh thứ năm: Yêu thương cho đến hiệp nhất - Chúc thư  của Chúa Giêsu

  

Các bạn trẻ thân mến, 

Các bạn được gọi làm chứng nhân đáng tin của Phúc âm Chúa Kitô, Đấng làm cho mọi sự nên mới... “nếu các bạn thương yêu nhau” (Ga 13, 35). 

(Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 8)

 

Ở trại giam Phú Khánh, một đêm tôi đau quá, thấy một người gác đi qua, tôi kêu:  “Tôi đau quá, xin anh thương tình cho tôi thuốc!”  Anh ta đáp:  “Ở đây chẳng có thương yêu gì cả, chỉ có trách nhiệm”.

Đó là bầu khí chúng tôi ở trong tù.

Lúc tôi bị biệt giam, trước tiên người ta trao cho năm người gác tôi:  đêm ngày có hai anh trực.  Cứ hai tuần đổi một tổ mới, để khỏi bị tôi làm nhiễm độc.  Một thời gian sau không thay nữa, vì “cấp trên” nói:  “Nếu cứ thay riết thì sở công an bị nhiễm độc hết!”

Thực thế, để tránh nhiễm độc, mấy anh không nói với tôi, họ chỉ trả lời “có” hoặc “không”.  Họ tránh nói chuyện với tôi.  Buồn quá!  Tôi muốn lịch sự vui vẻ với họ, họ vẫn lạnh lùng.  Phải chăng họ ghét “cái mác phản động” nơi tôi:  Tất cả áo quần đều đóng dấu hai chữ lớn “cải tạo”, kể từ ngày bước chân vào trại Vĩnh Quang ở Bắc Việt.

Tôi phải làm thế nào?

Một đêm đông lạnh quá, không ngủ được, tôi nghe một tiếng nhắc nhủ tôi:  “Tại sao con dại thế?  Con còn giàu lắm:  Con mang tình thương Chúa Giêsu trong tim con.  Hãy yêu thương họ như  Chúa Giêsu đã yêu con”.  Sáng hôm sau, tôi bắt đầu mến họ, yêu mến Chúa Giêsu trong họ, tươi cười với họ, trao đổi đôi ba câu nói...  Tôi thuật lại những chuyến đi ra nước ngoài, cuộc sống, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, tự do dân chủ ở Canada, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Pháp, Đức, Úc, Áo, v.v...  Những câu chuyện đó kích thích tính tò mò của họ, giục họ đặt nhiều câu hỏi.  Tôi luôn luôn trả lời...  Dần dần chúng tôi trở thành bạn.  Họ muốn học sinh ngữ Anh, Pháp... tôi giúp họ.  Từ từ mấy chiến sĩ gác tôi trở thành học trò của tôi!  Bầu khí nhà giam đổi nhiều, quan hệ giữa họ với tôi tốt đẹp hơn.  Thậm chí cả những ông xếp công an, thấy tôi đối xử chân thành, không những họ xin tôi giúp các chiến sĩ học hành ngoại ngữ, nhưng họ còn gửi anh khác đến học.

Tôi sống theo lời Chúa Giêsu dạy:  “Điều gì con làm cho một người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính mình Ta”. 

Khi nào có hai hay ba người hợp nhau vì danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”.

Một hôm một ông xếp hỏi tôi:

- Ông nghĩ thế nào về tờ tuần báo “Người Công giáo”?

- Nếu viết đúng cả nội dung cả hình thức thì có lợi; nếu ngược lại thì không thêm đoàn kết, lại còn thêm chia rẽ, bất lợi cho cả người Công giáo và cho cả nhà nước.

- Làm thế nào cải thiện tình trạng ấy?

- Những cán bộ phụ trách về tôn giáo phải hiểu đúng mỗi tôn giáo thì việc đối thoại, tiếp xúc các chức sắc mỗi tôn giáo cũng như  các tín hữu mới có tính cách xây dựng, tích cực và tạo nên thông cảm giữa đôi bên.

- Ông có thể giúp được không?

- Nếu các vị muốn, tôi có thể viết một cuốn Lexicon (từ điển bỏ túi) gồm những danh từ thông dụng nhất trong tôn giáo, từ A đến Z, chừng nào các vị có giờ rảnh, tôi sẽ giải thích rõ ràng, khách quan.  Hy vọng các vị có thể hiểu lịch sử, cơ cấu, sự phát triển và hoạt động của Giáo hội...

Họ đã trao giấy mực cho tôi, tôi đã viết cuốn “lexicon” đó, bằng tiếng Pháp, Anh, Ý, Latinh, Tây Ban Nha, và Trung Quốc với phần giải thích bằng Việt ngữ.  Dần dà tôi có cơ hội giải thích hoặc giải đáp thắc mắc, tôi chấp nhận làm sáng tỏ những chỉ trích về Giáo hội.  “Lexicon” ấy trở thành một cuốn giáo lý thực hành.  Ai cũng muốn biết viện phụ là gì, thượng phụ là gì, Công giáo khác Anh giáo, Tin Lành, Chính Thống giáo chỗ nào?  Tài chánh của Tòa thánh từ đâu mà có?  Có bao nhiêu tu sĩ, giáo dân làm việc trong giáo triều, huấn luyện tu sĩ, giáo sĩ thế nào?  Giáo hội phục vụ nhân loại thế nào?  Tại sao Giáo hội gồm có nhiều dân tộc, sống qua nhiều thời đại cũng bị bắt bớ, tiêu diệt, cũng mang nhiều khuyết điểm mà vẫn tồn tại?  Ngang đây là đến biên giới của siêu nhiên, của sự quan phòng của Thiên Chúa...  Cuộc đối thoại từ A đến Z giúp xóa tan một số hiểu lầm, một số thành kiến, có những lúc trở nên thú vị và hấp dẫn.  Tôi tin tưởng có nhiều người cởi mở, muốn tìm hiểu và với những biến chuyển trong thời đại ta, đã có những tầm nhìn mới mẻ và xây dựng.

* * *

Thời kỳ biệt giam ở Hà Nội, tôi được biết có 20 chiến sĩ nam nữ trẻ học tiếng Latinh với một cựu tu sĩ, để có thể đọc các tài liệu của Giáo hội.  Trong số mấy anh gác tôi có hai anh trong nhóm học Latinh.  Trông thấy bài vở, tôi nhận thấy họ học tốt.  Một hôm, một trong hai anh ấy hỏi tôi:

- Ông có thể dạy tôi một bài hát tiếng Latinh không?

- Có nhiều bài hay tuyệt, nhưng biết anh thích bài nào?

- Ông hát cho tôi nghe, tôi sẽ chọn.

Tôi đã hát Salve Regina, Veni Creator, Ave Maris Stella...  Các bạn biết anh ta chọn bài nào không?  Anh ta chọn bài Veni Creator (Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm...).

Tôi đã chép trọn cả bài cho anh ta và anh ta học thuộc lòng.  Mỗi sáng quãng 7 giờ, tôi nghe anh ta chạy xuống thang gỗ, ra sân tập thể dục, rồi múc nước vừa tắm vừa hát:  Veni Creator Spiritus...  Tôi rất cảm động, làm sao mỗi sáng trong nhà tù cộng sản lại có một cán bộ hát kinh “Veni Creator” cho mình nghe!

Anh thứ hai lại chọn một bài hát tiếng Việt:  “Ngày vinh phước hôm nay, hát mừng Tôma Thiện” kính thánh tử đạo chủng sinh. Anh rất thích nên thuộc lòng cả bài.  Tiếng anh ngân nga, như  nhắc tôi can đảm chịu khó: 

Ôi! cái chết đẹp thay!

Trên cổ một vòng dây,

Cái vòng dây yêu mến,

Buộc lòng tớ theo Thầy.

 

Đâu có tình yêu thương, đó có vui tươi an bình, vì Chúa Giêsu ở đó.  Con mang một đồng phục, nói một ngôn ngữ:  bác ái.  Bác ái là chứng tích để biết con là môn đệ Chúa (Ga 13, 35) là dấu hiệu rẻ mà khó kiếm nhất. 

* * *

Trên núi Vĩnh Phú, trong trại tù Vĩnh Quang, một hôm trời mưa lớn, tôi cưa gỗ trong nhà.  Tôi xin anh chiến sĩ gác tôi:

- Tôi xin anh một đặc ân.

- Anh muốn gì?  Tôi cố gắng giúp anh.

- Tôi muốn cưa một miếng gỗ theo hình Thánh giá.

- Anh không biết ở trại nghiêm cấm mọi hình thức tôn giáo sao?

- Tôi biết, nhưng chúng ta là bạn, và tôi hứa sẽ giấu rất kín.

- Vô cùng nguy hiểm cho cả hai anh em mình.

- Anh nhắm mắt đi cho tôi làm, tôi sẽ cẩn trọng hết sức.

Anh ta quay lưng, bỏ tôi lại một mình.  Tôi đã thực hiện ngay ý định, rồi giấu thánh giá gỗ ấy trong một cục xà phòng cho đến ngày tôi được tự do.  Tôi thuê thợ bọc nó lại bằng “mêtan”.  Miếng gỗ ấy có bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở nên thánh giá của Giám mục!

Gỗ thánh giá ấy lấy từ núi Vĩnh Phú, nơi có đền Hùng thờ các vua Hùng, tổ tiên chúng ta đã có công dựng nước.  Đi đâu tôi cũng mang thánh giá ấy, mang trên mình Chúa Giêsu và quê hương Việt Nam.

Trong một nơi biệt giam khác, ở Hà Nội, tôi đã xin anh gác:

- Tôi muốn xin anh giúp tôi một chuyện.

- Ông cần gì tôi sẽ hết sức giúp đỡ.

- Anh kiếm cho tôi một sợi dây điện đồng.

Anh ta trợn mắt:

- Trời đất!  Trong trường công an chúng tôi đã học:  tù nhân nào giữ một sợi dây điện là dấu muốn tự tử.

- Không đâu, linh mục đâu lại đi tự tử!

- Nhưng ông dùng dây điện làm gì?

- Tôi muốn làm một sợi dây để mang tượng Thánh giá.

- Dây điện mà làm dây mang tượng thánh giá sao được?  Khó hiểu quá!

- Anh cứ cho tôi mượn hai cái kềm nhỏ, tôi sẽ làm cho anh xem.

 - Nguy hiểm lắm ông ơi!  Không khéo cả ông cả tôi mang lấy vạ.

 - Nhưng chúng mình là bạn mà!

- Tôi ngại lắm, nhưng để tôi suy nghĩ vài hôm rồi sẽ trả lời cho ông.

Sau ba hôm, anh ta bảo:

- Thực khó từ chối với ông.  Tôi tính thế này, chiều nay tôi sẽ mang đến hai cái kềm, từ 7 giờ đến 10 giờ đêm, phải liệu cho xong.  Tôi để anh bạn tôi đi chơi “Hanoi by night”.  Nhỡ ai thấy chúng ta, nói đến tai cấp trên, chúng ta sẽ bị kỷ luật.

Chúng tôi đã cắt sợi dây điện ra từng mảnh như  que diêm.  Chúng tôi bẻ cong hai đầu lại.  Trước 11 giờ đêm chúng tôi đã làm xong!  Tôi mừng quá!  Thắng lợi.

Hằng ngày tôi mang sợi dây này và thánh giá này trên mình, không phải để kỷ niệm ngục tù, nhưng vì nhắc cho tôi xác tín cách sâu xa rằng:  Không phải dùng khí giới, đe dọa, áp lực mà có thể thay đổi được lòng người; chỉ có tình yêu Chúa Giêsu mới thay đổi được.

Điều khó hiểu nhất đối với chiến sĩ gác tù, là thái độ tha thứ yêu thương địch thù của mình.  Có hôm mấy anh gác hỏi tôi:

- Ông có thương chúng tôi không?

- Có chứ, tôi yêu thương các anh cách thành thực, không có gì là khách sáo đâu!

- Kể cả khi người ta giam ông, mất tự do, năm này sang năm khác?  Không xét xử gì cả?

- Anh nghĩ lại bao nhiêu năm ở với nhau.  Tôi làm sao giấu được.  Tôi thực sự yêu thương các anh.

- Chừng nào được tự do anh có sai giáo dân của anh trả thù không?

- Không, tôi vẫn tiếp tục yêu thương, dù các anh có muốn giết tôi.

- Nhưng tại sao lại yêu kẻ thù hại anh?

- Vì Chúa Giêsu đã dạy tôi yêu thương; nếu tôi không tuân giữ, tôi không đáng gọi là Kitô hữu nữa.

Thời gian eo hẹp và hoàn cảnh chưa thuận tiện để thuật lại cho các bạn nhiều chuyện rất cảm động, chứng tích của sức mạnh giải phóng do tình yêu Chúa Giêsu làm nên. 

* * *

Trong Phúc âm, nhìn đoàn lũ theo Ngài đã ba ngày, Chúa Giêsu nói:  “Tôi thương xót dân này” (Mt 15, 32); “Họ khác nào đoàn chiên không mục tử” (Mc 6, 34)...  Trong những lúc bi đát nhất ở trong tù, tôi kiệt lực không còn sức mà đọc kinh, nguyện ngắm, tôi tìm một cách để tóm tắt cốt tủy của lời cầu nguyện, của sứ điệp Chúa Giêsu như thế này “Tôi sống chúc thư  Chúa Giêsu”.  Nghĩa là yêu mến mọi người như  Chúa Giêsu đã yêu thương tôi, trong tha thứ, trong nhân từ, trong hiệp nhất, như  Ngài đã cầu nguyện “Xin Cha cho họ nên một, như  Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17, 21).  Tôi năng cầu nguyện:  “Tôi sống chúc thư  Chúa Giêsu”.  Tôi muốn làm như  cậu bé đã dâng tất cả những gì mình có.  Năm chiếc bánh và hai con cá không đáng gì cả, nhưng là “tất cả” của nó, để trở thành “khí cụ tình thương của Chúa Giêsu”. 

Các bạn trẻ thân mến, 

Đức Gioan Phaolô II nhắn nhủ các bạn: 

Các bạn sẽ gặp Chúa Giêsu ở đâu có người đau khổ và hy vọng:  trong những xóm làng bé nhỏ rải rác khắp các lục địa, hầu như  ở bên lề của lịch sử, như  làng Nagiarét; trong những đô thị mênh mông, nơi mà từng triệu người chen nhau sống, lắm lúc như  những người xa lạ. 

Chúa Giêsu sống bên cạnh các bạn ... gặp khuôn mặt Ngài nơi bộ mặt của những người nghèo khổ bị bỏ rơi, thường là những nạn nhân của một chính sách kinh tế bất công, đặt lợi nhuận lên trên hết và làm cho con người thành phương tiện chứ không phải là mục đích... 

Gặp Chúa Giêsu ở giữa những người kêu cầu Ngài mà không hề biết Ngài. 

Gặp Chúa Giêsu ở giữa những người mang tên là Kitô hữu, cả nam lẫn nữ.  Giờ phút này đứng trước ngưỡng cửa của năm hai nghìn, họ cần khẩn trương xóa tan gương xấu chia rẽ giữa anh chị em Kitô hữu.

(Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 5)

Các bạn hãy cảnh giác: sự lầm lạc lớn nhất là không nhìn thấy người khác là Chúa Kitô.  Có nhiều người chỉ khám phá ra điều đó trong ngày cuối cùng.

Chúa Giêsu bị bỏ rơi trên Thánh giá, Ngài còn bị bỏ rơi trong mỗi anh chị em đang đau khổ trong mỗi góc xó trên thế giới.  Tình thương không có ranh giới; hễ có ranh giới thì không còn là tình thương nữa.

 

Cầu Nguyện 

Kinh Toàn Hiến. 

Lạy Cha toàn ái, toàn năng, 

Là nguồn hy vọng vui mừng của con 

1. “Của Cha là của con (Lc 15, 3).  Hãy xin sẽ được” (Mt 7, 7) 

Lạy Cha con tin vững vàng,

Cha thương lo lắng muôn vàn lần hơn,

Các con dù có yêu thương,

Săn sóc chu đáo đâu bằng chính Cha.

Ôi tình phụ tử bao la!

Của Cha tất cả đều là của con.

Cha khuyên cầu nguyện thật lòng,

Nếu con tâm sự, Cha con thâm tình.

 

2. “Tất cả là ân sủng”.  “Cha các con biết các con cần gì!” (Mt 6, 8). 

Lạy Cha, con tin vững vàng,

Cha đà sắp đặt đàng hoàng từ xưa.

Đời con Cha mãi dẫn đưa,

Cha theo từng bước, con vừa an tâm.

Lạy thờ thiên ý thâm trầm,

Con xin phó thác hoàn toàn tay Cha,

Mọi điều Cha để xãy ra,

Con là con cái, tin là hồng ân.

 

3. “Chúa giúp sức tôi làm được tất cả” (Phil 4, 13).  “Nên lời ngợi khen Chúa” (Eph 1, 6).

Lạy Cha, con tin vững vàng,

Không gì vượt Đấng Toàn Năng quan phòng.

Tình Cha nhân ái vô cùng.

Con xin nhận cả với lòng sướng vui.

Ngợi khen cảm tạ muôn đời,

Hiệp cùng Mẹ Thánh hòa lời muôn dân,

Giuse cùng các Thánh Thần,

Hát vinh danh Chúa, không ngừng.

Amen.  (Khải huyền).

 

4. “Chỉ xin vinh danh Cha” (1 Cor 10, 31).

“Xin vâng ý Cha” (Mt 6, 10). 

Lạy Cha, con tin vững vàng,

Xin Cha đừng ngại, cứ làm nơi con,

Nơi người yêu quí thiết thân,

Sự gì vinh hiển Cha hơn, cứ làm.

Chỉ xin Cha được vinh quang,

Là con thỏa mãn, ngập tràn hạnh phúc.

Đó là nguyện vọng lớn nhất,

Nhu cầu tuyệt đối thao thức tâm hồn.

 

5. “Tất cả vì sứ  mạng!  Tất cả vì Hội thánh” (Phaolô VI). 

Lạy Cha, con tin vững vàng,

Cha trao sứ mạng ngập tràn yêu thương.

Cha đang chuẩn bị dọn đường,

Con luôn thanh luyện, con hằng quyết tâm.

Quyết nên hy sinh âm thầm,

Quyết nên khí cụ Cha cầm trong tay.

Hy sinh rướm máu từng giây,

Vì yêu Hội thánh, “con đây, sẵn sàng!”

 

6. “Thầy khát khao ăn lễ Vượt qua với các con” (Lc 22, 15).

“Đã hoàn tất” (Ga 19, 30). 

Lạy Cha yêu quí vô ngần,

Hiệp cùng thánh lễ con hằng ngày dâng lên,

Giờ đây quỳ gối một mình,

Thưa Cha một tiếng tận tình “Hy sinh”.

Hy sinh chấp nhận nhục vinh,

Hy sinh vui vẻ, hy sinh vẹn toàn,

Thủy chung giao ước trọn đoàn,

Hát vang Hy vọng muôn vàn mến thương.

 

Biệt giam tại trại Phú Khánh,

Nha Trang, 1-9-1976

Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam

PX. Nguyễn văn Thuận

VỀ MỤC LỤC
QUAN NIỆM VỀ PHÁI TÍNH (4)

 

HUẤN LUYỆN TÌNH YÊU 

Kinh nghiệm lúc còn bé về những cảm hứng, những lúc làm khơi dậy dục tính, những ve vuốt, những đam mê thì rất quan trọng trong những mẫu mực cá nhân về cảm giác và về chuyện tình ái. Nhân tình thì rất phức tạp. Chúng ta học yêu như chúng ta học đi, học nói, làm sao phát triển bước đi riêng của chúng ta cũng như  ngôn ngữ riêng của chúng ta. Ngôn ngữ của chuyện tình ái được định nghĩa bỡi những khơi động về dục tính của thời thơ ấu và được hình thành bỡi những kinh nghiệm trong cuộc sống. Cách cư xử hiện tại của chúng ta trong tình yêu đã được huấn luyện và phát triển bỡi những kinh nghiệm trong quá khứ. 

Quả thật, không may là liên hệ giữa nam và nữ đã bị ngăn trở bỡi những kinh nghiệm phiền toái của thời thơ ấu. Thế hệ đang lớn có ít cơ hội để phát triển một ấn tượng thích hợp về tình yêu. Rất ít khi họ tìm thấy điều đó trong môi trường của họ. Ngay cả những người mẹ có tình cảm mãnh liệt rất thường có phẩm chất ích kỷ, đòi hỏi, chiếm hữu đến nỗi xem ra không bảo đảm để phân loại tình mẫu tử như là một mẫu gương của tình yêu thật. Những ấn tượng đầu tiên về phái tính và tình yêu có tính cách quyết định và nhiều người trong chúng ta lớn lên với những kỳ vọng sai lầm. Những câu chuyện thật và những phim ảnh lãng mạn không bù đắp cho những cuộc hôn nhân bất hạnh. Trái lại, chúng bóp méo sự thật và làm chúng ta lên cơn sốt với những hình ảnh, vẻ đẹp hấp dẫn mà không hề có trong cuộc sống. Biết bao là thất vọng và giận dữ đã được gây ra bỡi những ảo ảnh đó. Chúng ta xem ra bị lẩn quẩn trong vòng lẩn quẩn đáng sợ đó. Chúng ta được nuôi dưỡng lớn lên với tất cả mọi loại quan niệm sai lầm, và khi chúng ta cưới nhau và nuôi dưỡng con cái, chúng ta có những quan niệm tốt hơn để cống hiến cho chúng.  

Ít bố mẹ ý thức về thái độ của họ đối với chuyện ái tình ảnh hưởng bao nhiêu đến những ý tưởng của con cái họ. Đứa trẻ hoặc chấp nhận quan điểm của bố mẹ hoặc chống lại. Từ lúc còn bé trong cuộc đời, nó phát triển quan niệm của tình yêu như nguồn gốc của đau khổ hoặc như một cơ hội cho sự khoái lạc hoặc sự thõa mãn hời hợt bên ngoài, hoặc học thấy rằng tình yêu và hôn nhân cung cấp căn bản cho tình đồng bạn của con người. Nó có thể khám phá sự kích thích và giúp đỡ hỗ tương có thể mang lại kết quả biết bao từ sự cộng tác của hai phái và có thể học thấy rằng tình yêu bao gồm không chỉ có nhận mà còn cho đi. 

TUỔI THIẾU THỜI 

Thái độ của đứa trẻ đang lớn đối với hai phái và đối với cơ thể học về sinh lý của nó xác định cách thế mà sau nầy nó sẽ tiến đến tình yêu và hôn nhân. Điều đó ảnh hưởng đến việc chọn lựa người bạn của nó và tạo những xung đột đặc biệt hoạc làm nguy hiểm hoặc làm tăng sự hạnh phúc của hôn nhân. Bất cứ sự lỗi lầm và lệch lạc nào trong thái độ sống đều trở nên rõ ràng trong suốt tuổi thiếu thời nầy. Giai đoạn lớn lên nầy có nhiều trục trặc trong xã hội hôm nay hơn trong những thời đại trước đây. Bố mẹ có khuynh hướng bảo vệ con cái quá đáng. Họ muốn giữ con cái lệ thuộc, một phần vì cảm giác thiếu khả năng của họ khiến họ không tin tưởng khả năng của đứa con có thể tự lo cho nó, một phần vì nhu cầu danh tiếng không cho phép họ nới lỏng sự thống trị của họ và trở nên những người bạn bình đẳng của những đứa con họ. Kết quả, họ không còn tin tưởng vào chính mình cũng như nơi đứa trẻ.  

Sự xung đột giữa bố mẹ và những đứa trẻ còn niên thiếu thì không may mắn cho đứa trẻ trong lúc nầy vì đây là giai đoạn căng thẳng và đầy lo lắng được gây nên bỡi sự phát triển thể lý của nó. Những thanh thiếu niên nầy sẽ có những cảm giác mới khi những tuyến hạch thuộc về sinh lý đến tuổi của nó. Dường như chúng được đặt vào thế giới mới. Những người quen thình lình gợi lên những cảm giác mới lạ và lúng túng trong lúc đứa trẻ thanh thiếu niên đó lại ý thức về phẩm chất của phái tính của họ. Con trai và con gái xuất hiện trong một ánh sáng khác. Mọi sự thay đổi trong lúc những đứa trẻ lớn lên. Chúng trở nên vụng về trong những cử động và cảm thấy bất an trong việc quân bình của cơ thể cũng như những tứ chi của chúng. Không lạ gì trong thời gian nầy chúng dễ sinh ra cáu kỉnh và giận dữ. Quan niệm cuối cùng về phái riêng mình và thái độ của mình đối với phái khác được thiết lập và được củng cố trong chao đảo và thử nghiệm. 

Bổn phận chúng ta là giúp những người trẻ nầy trong những cơn buồn chán của họ. Họ có quyền đòi hỏi sự giúp đỡ của chúng ta trong suốt giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời họ. Ở vào lúc những thay đổi lung tung trong những liên hệ con người, tình bạn là sự hướng dẫn quan trọng nhất trong suốt thời gian chao đảo nầy. Sự cộng tác giáo dục giúp lật ngược hoặc làm giảm bớt khủng hoảng. Có được sự hiểu biết sâu xa hơn nhờ sinh hoạt chung với nhau, đứa trẻ có thể dễ dàng đến để nhìn những phần tử của phái khác như là những bạn đồng hành và sự khác biệt về phái tính trở thành ít quan trọng, và sau cùng sự hiện diện cùng chung với nhau cách hài hòa trong tương  lai được thục hiện một cách dễ dàng. 

BA CHỨC NĂNG CỦA TÍNH DỤC 

Chúng ta biết rằng tính dục con người có thể được dùng cho nhiều mục đích. Trước nhất nó được dùng như nền tảng cho sự đồng sáng tạo. Thú đam mê là nguyên nhân lôi cuốn mọi hữu thể vào trong sự phục vụ để bảo tồn nòi giống. Qui luật tôn giáo và nhiều quốc gia xem đây là mục đích được phép của vấn đề tính dục, và bất cứ mọi sinh hoạt tình dục ngoài mục đích nầy cũng như mọi ngăn ngừa thụ thai nhân tạo đều có thể bị cấm. 

Thứ hai, tính dục có thể được dùng như dụng cụ cho sự thõa mãn cá nhân như một phương tiện mang đến sự khoái lạc. Trong lúc người đàn ông học giải thoát khỏi sự cưỡng bách của bản tính tự nhiên, họ cũng thích làm chuyện tình ái độc lập với ước muốn sinh con. Ngày nay, hai chức năng sinh sản và tìm khoái lạc trong chuyện tình ái đối với hầu hết mọi giới hoàn toàn không liên hệ, nếu tính phần trăm những hoạt động về tình dục để dẫn đến vấn đề sinh con thì xem ra rất nhỏ. Nhưng khoái lạc ám chỉ nhiều cảm giác mà một số trong đó có những ý nghĩa không giống nhau mà có khi còn trái nghịch hẳn nhau. Khoái lạc có thể ám chỉ sự thõa mãn nông cạn bên ngoài hoặc những cảm xúc sâu xa kiên hệ tới toàn thể cá tính. Loại thõa mãn được đi tìm, xác định vai trò mà phái tính đóng trong cuộc đời của những con người khác nhau. Có những người xem khoái lạc của bất cứ loại nào như là lý do để sống. Đối với những con người như thế, tính dục là một nguồn không thể cạn, có thể là nguồn thụ hưởng. Chủ thuyết khoái lạc của họ khiến họ chụp lấy bất cứ cơ hội nào để được hưởng mà không cần nghĩ đến hậu quả hay giá phải trả. Những người theo phái nầy thường là những người hoài nghi và thất vọng và vì thế có cái nhìn thiển cận. Họ không tin vào tương lai và hạnh phúc họ. Và vì thế, họ bất kể cái gì sẽ xảy ra sau nầy. Đối với họ sự khoái lạc phải bù trừ cho cảm giác thất bại trên đây của họ. Cũng vậy, cùng một phạm trù đối với những người dùng tính dục cho mục đích để chiếm quyền lực, danh tiếng, tình trạng xã hội, hay ưu thế cá nhân. 

Tuy nhiên, tính dục còn có chức năng thứ ba, chức năng hợp nhất hóa. Đó là một dụng cụ có thể kết hợp hai người thân mật hơn bất cứ gì khác. Qua liên hệ tình dục hai người trở nên một cả thể xác lẫn tâm hồn. Chức năng phốihợp nênmột nầy của tính dục cũng cung cấp khoái lạc, nhưng đó là một khoái lạc trên căn bản khác với khoái lạc được diễn tả trước đây. Sự thõa mãn của nó thì sâu xa hơn và kéo dài hơn. Nó ám chỉ việc trao ban chính mình trong khi chủ nghĩa khoái lạc kia ám chỉ lợi dụng người khác. Trong khi sự kích động của chủ nghĩa khoái lạc tìm kiếm sự thay đổi và tùy thuợc vào kích thích của lúc đó, sự ước muốn phối hợp tìm sự kiên vững và hạnh phúc tương lai. 

Cảm giác chủ quan của tình yêu có thể dùng cả ba loại chức năng của tính dục nầy. Cái thứ nhất và thứ ba liên quan đến chương trình lâu dài trong khi cái thứ hai có khuynh hướng tìm sự thõa mãn, muốn quên đi giá trị xã hội và con người.  

Xem ra trong thời đại chúng ta, tính dục mất đi chức năng đầu nhưng người ta chưa tìm ra được chức năng thứ ba phối hợp nên một. Quan niệm về tính dục như được dùng cho khoái lạc là phổ thông, nhưng lại khiến con người không còn cảm thấy một sự thõa mãn sâu xa, tình yêu bền vững, lòng trung thành và sự tận hiến cho nhau nữa. 

Lm Lê Văn Quảng Psy.D.

VỀ MỤC LỤC

PHẨM GIÁ NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN

 

NGUYỄN HỌC TẬP 

1 - Bối cảnh lich sử trong quá khứ.

Một thúc đẩy khiến chúng ta suy nghĩ đó là vấn đề phẩm giá của người tín hữu giáo dân trong bối cảnh lịch sử Giáo Hội.

Giáo Hội chỉ nhận thức được một cách rõ ràng trong thời gian gần đây, khi nhân loại khám phá ra thế giới như là thế giới chính đáng, một sự kiện  mà chúng ta thường đặt tên là tiến trình thế tục hoá ( sécularisation).

Tước hiệu của tiến trình vừa kể hàm chứa bên dưới cả một gia sản văn hoá. 

Trong thời " Chế độ Thủ Cựu " ( Ancien Régime ), Giáo Hội được xem như là " Thiên Chúa Giáo hoàn hảo " ( Chrétienté parfaite), " Xã hội Ki Tô giáo " ( Société Chrétienne),

   - như là tổ chức chỉ có liên hệ đến các giá trị thiên thánh

   - và những gì có liên hệ đến các giá trị trần thế được coi là " trần tục hóa ", phạm thượng đến các giá tri thiên thánh của mình.

Bởi đó chúng ta hiểu được cách tổ chức sống và hoạt động của Giáo Hội là cách hành xử tách biệt khỏi trần thế.

Nhưng chúng ta không có gì ngạc nhiên,  việc  ý thức đến việc người tín hữu giáo dân có một địa vị đáng kể nào đó, chỉ mới được phát sinh với các quan niệm và hiểu biết mới về trần thế.

Trong Giáo Hội thời tiên khởi và thời cỗ , người tín hữu Chúa Ki Tô cảm nhận rằng Giáo Hội là   

   - " không trần gian ".

   - mà là khởi điểm thời cánh chung của Nước Thiên Chúa.

" Trần tục " là vương quyền của tội lỗi, trần tục không được cứu độ.

Giáo Hội và thế gian là hai thực thể đối đầu nhau, như là thế giới được cứu rổi và thế giới không được cứu rổi.

Trong viễn ảnh thế giới vừa kể, người tín hữu Chúa Ki Tô được coi như là " paroiko " ( Hy Lạp, người ngoại quốc), đang ở giữa một thế giới thù địch với người tín hữu Chúa Ki Tô và đang bị thế giới bách hại.

Bởi đó người tín hữu Chúa Ki Tô, giáo sĩ cũng như giáo dân, tự nhiên coi mình là Dân Chúa , cùng đồng thuận nhau chống lại thế gian.

Tình hợp nhứt giữa các tín hữu Chúa Ki Tô bởi đó được cảm nhận thật mạnh mẽ.

Sự phân biệt do đó, không phải là phân biệt giữa hàng giáo phẩm và giáo dân, cho bằng giữa các Ki Tô hữu một bên và thế giới ở phía bên kia.  

Tình trạng vừa kể bắt đầu được thay đổi vào thời các Giáo Phụ , nhứt là sau thời bình của hoàng đế Constantino.

Có ba yếu tố đưa đến cuộc thay đổi đó trong quan niệm về Giáo Hội và thế gian, sau khi các cuộc bách hại đã được tạm ngưng.

   a) - Yếu tố thứ nhứt, trần thế dưới đôi mắt của người tín hữu Chúa Ki Tô mang một ý nghĩa khác, do việc sinh sôi nẩy nở đời sống tu viện.

Không còn có sự phân biệt giữa trần tục và Giáo Hội không trần tục. Trần tục không còn bách hại Giáo Hội nữa, mà chính thức nhận biết Giáo Hội, và trần tục bắt đầu trở thành " thế giới Ki Tô giáo ".

Sự phân biệt cỗ điển giữa Giáo Hội và trần thế giờ đây trở thành thực thể là

   - " Ki Tô hữu sống giữa trần tục "

   - và " Ki Tô hữu sống theo cách sống đời sống tu trì ", tức là sống không thuộc về thế gian.

Từ đó,

   - những gì mà trước kia được suy nghĩ và nói lên để ám chỉ Giáo Hội, giờ đây dần dần  chỉ được áp dụng riêng cho các tu sĩ và các linh mục,

   - trong khi đó thì phần còn lại, quan niệm cho rằng là những thành phần thuộc cuộc sống trần tục, được áp dụng cho các tín hữu Chúa Ki tô đang sống giữa đời. 

Và cũng từ đó phát xuất ra thài độ khinh bỉ đối với các Ki Tô hữu sống giữa đời, tức là đối với các tín hữu giáo dân. Và như vậy, đồng thời tư tưởng đối nghịch nhau giữa trần thế và Giáo Hội trước kia trở thành cuộc đối chọi giữa giáo phẩm và giáo dân còn đang sống " ở ngoài đời ", giữa trần thế.  

   b) - Ngoài ra, chúng ta cũng được  biết rằng sau nền hoà bình của hoàng đế Constantino, quyền lực trần thế bắt đầu bảo bọc và che chở cho Giáo Hội: hàng giáo phẩm và tu sĩ được hưởng quy chế đặc quyền và miễn khỏi nhiều bổn phận trong cuộc sống thế trần. Điều vừa kể càng gây thêm việc chống đối giữa giáo sĩ và tín hữu giáo dân.

   c) - Sau cùng, trong Giáo Hội thời cỗ,giáo sĩ và tu sĩ là những ơn gọi rõ ràng phân biệt nhau, nhưng sau những gì vừa kể, hai hình thức sống vừa kể rất có ảnh hưởng mãnh liệt đối với nhau.

Nhiều tu sĩ cũng trở thành linh mục, và rồi dần dần các linh mục cũng bắt chước theo cách sống của các tu sĩ: đời sống độc thân, mặc áo dòng. Các linh mục cũng có khuynh hướng sống đời sống linh mục trong cộng đồng, theo gương các dòng tu.

Về phía các tu sĩ cũng muốn đòi buộc dân chúng gọi mình là " giáo sĩ " ( clericus).

Như vậy, trên thực tế " hàng giáo phẩm " gồm

   - các các thừa tác viên được truyền chức,

   - cũng như các tu sĩ.

Và hai nhóm " được đặc quyền " đó đứng tách hẵn ra khỏi tín hữu giáo dân, trên lãnh vực cuộc sống nội bộ của Giáo Hội, cũng như trong các mối liên hệ với trần thế. 

Trong những giai đoạn sau cùng của thời các Giáo Phụ, sau cuộc xâm lăng của quân Hung Nô ( Barbari ), một cuộc quấy động nặng nề xảy ra trong hệ thống giáo dục Tây Phương.

Trong những thế kỷ đầu các Ki Tô hữu không cảm thấy cần phải thiết lập trường ốc riêng tư, họ vẫn tiếp tục theo học các " trường công lập ".

Nhưng vì lý do tình trạng hỗn loạn bị tạo ra do cuộc xâm chiếm của quân Hung Nô, ngành giáo dục công lập dường như bị tê liệt.

Bởi đó chính Giáo Hội đứng ra thành lập các trường tư của mình, và vào thời canh tân của Carolingia, ngành giáo dục tư thục của Giáo Hội cũng trở thành giáo dục công cộng.

Và như vậy, ngành giáo dục nằm trong tay Giáo Hội, và cũng từ đó Giáo Hội trở thành quyền lực văn hoá.

Điều đó đưa đến việc chỉ có hàng giáo phẩm, giáo sĩ và tu sĩ, mới là những người có dịp được học hành:

   - hàng giáo phẩm trở thành đồng nghĩa với " thành phần trí thức ", " có văn hoá ",

   - trong khi đó thì " tín hữu giáo dân " trở thành đồng nghĩa với thành phần " không có văn hoá "; "dốt nát", " mù chữ ". 

Như vậy mối tương phản giữa giáo sĩ và giáo dân vốn trước kia đã sâu đậm, lại càng được khuếch đại hơn nữa, vì lý do nghịch cảnh xã hội tạo ra như vừa kể.

Người tín hữu giáo dân là hạng dân chúng thấp kém, dốt nát, hạng bét trong xã hội.

Điều vừa kể vẫn còn tồn tại trong suốt Thời Trung Cỗ và gốc rễ được đâm sâu vào tâm thức phát xuất từ hiện trạng vừa kể.

Trong khoản thời gian đó, có người còn nặng lời cho rằng tín hữu giáo dân là "laicorum genius bestiale" (loài giáo dân thú vật ", cách phát biểu theo tâm thức thông thường lúc đó có thể hiểu là hạng người có cách sống không có gì thanh lịch và không có lợi ích, thích thú gì để tiếp xúc với " bọn đó ".

Đó là diễn tả theo ngôn từ hiện đại của chúng ta, nhưng đối với con người lúc đó, là hạng thấp hèn, thua kém, so với giới tu sĩ.

Điều vừa kể cho thấy trong thế giới với quyền năng giáo phẩm trị lúc đó, Giáo Hội được quan niệm là như là một tổ chức quyền lực của hàng giáo phẩm ( trong đó quyền tối thượng của hàng giáo phẩm được dành ưu tiên mọi đặc quyền).

Tình trạng vừa kể cho chúng ta hiểu Giáo Hội được đồng nghĩa với Ki Tô giáo và tín hũu giáo dân là thiểu số, dốt nát, thất học, chỉ là nhóm người mà hàng giáo phẩm cần phải chăm lo mục vụ cho.  

Với quan niệm vừa kể, con người lúc đó quên mất đi mối tương quan giữa Giáo Hội và trần thế, quan niệm  đã hiện hữu ngay trong thời cỗ. Ngay cả trong tư tưởng thời các Giáo Phụ mối tương giao căng thẳng giữa Giáo Hội và trần thế được hiểu như là mối tương giao đối nghịch giữa tu viện và thế giới trần tục, và thế giới được coi là " phải xa lánh người Ki Tô hữu sống giữa trần thế ".

Quan niệm trên dần dần đưa đến mối tương phản giữa " sacerdotium " ( giáo sĩ )  và " imperium " ( vương quốc  thế tục ).

Những người giáo dân duy nhứt được hàng giáo sĩ lưu tâm đến là vị hoàng đế, các vua chúa và các hoàng tử. Bởi đó chính Đức Giáo Hoàng Bonifacio VIII đã nói: 

   - " Các người giáo dân là hạng người luôn luôn chống đối hàng giáo phẩm, thời cỗ đã dạy chúng ta và chúng ta đã có kinh nghiệm thật quá rõ ràng ngay trong thời đại chúng ta " ( Bolla " Clericis laicos ", 25.02.1296, ed. Friedberg, col. 1062).

Mối tương phản chống đối giữa giáo sĩ và giáo dân, trên thực tế, là mối đối nghịch giữa quyền lực trần thế và giáo quyền trong nền Ki Tô giáo duy nhứt. 

Sau cùng là trong thời hiện đại của chúng ta, các chiều kích thuộc về chính lãnh vực trần thế được khám phá ra.

Chính Thánh Tôma d'Aquino đã đưa ra những nguyên tắc, nhưng trong Thời Trung Cỗ, chính tư tưởng Thánh Augustino mới là tư tưởng dẫn đầu.

Khởi dầu tiến trình hiểu biết cởi mở đó được khai triển trong lãnh vực khoa học thực nghiệm, với thành viên là nhà bác học Galileo.

Nhưng không lâu sau đó, tiến trình " thế tục hoá " ( secolarizzazione ) được phổ biến lan rộng và xâm chiếm cả cuộc sống con người.

Dần dần khuynh hướng đó  được diễn biến thành quan niệm mới về nhân chủng học, trong đó con người nhận biết mình như là thực thể làm cho nhân loại và thế giới trở nên hoàn hảo.

Con người và thế giới được khám phá ra trong các chiều kích sống giữa thế giới của mình, trong các phương diện chính trị, xã hội, kinh tế, tâm lý và nhiều phương diện khác nữa.

Trật tự cuộc sống giữa trần thế là những gì thuộc về trách nhiệm của con người, không tùy thuộc vào việc con người tin hay không tin vào một Thiên Chúa là Đấng mạc khải Người cho họ.  

Với nhãn quan mới vừa kể, người tín hữu giáo dân thình lình trở thành chủ thể chiếm hữu được một địa vị đáng kể .Họ là những người thiết định một định chế cho cuộc sống trần thế.

Bất thần vấn đề phẩm giá của người tín hữu giáo dân trong Giáo Hội cũng trở thành là chủ đề chính cho việc suy nghĩ về đức tin, bởi lẽ con người và trần thế được coi như là một lãnh vực nền tảng: người tín hữu giáo dân là con người  và sống giữa lãnh vực trần thế.

Đặc tính trần thế trong tư tưởng nhân chủng học của từ ngữ làm cho khám phá ra đặc tính người tín hữu giáo dân theo quan niệm Ki Tô giáo, thần học.

Mối tương quan đó đưa đến việc khám phá ra đặc tính " người tín hữu giáo dân giữa trần thế " và " người tìn hữu giáo dân trong Giáo Hội " . 

2 - Ngưòi tín hữu giáo dân trong Hiến Chế Lumen Gentium, n. 31:

   - " Người tín hữu giáo dân được hội nhập vào Chúa Ki Tô với Phép Rửa và được cấu trúc thành Dân Chúa, tham dự vào phận vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Ki Tô.

   - Với ơn gọi của mình, chính phận vụ của người tín hữu giáo dân là tìm kiếm Nước Chúa bằng cách hành xử các thực tại trần thế và xếp đặt chúng theo ý Chúa.

   - Họ được kêu gọi cộng tác vào việc thánh hoá trần thế bằng cách hành xử phận vụ của chính mình, được hướng dẫn bằng tinh thần Phúc Âm,và như vậy, để bày tỏ Chúa Ki Tô cho người khác, nhứt là bằng nhân chứng trong đời sống của mình và bằng ánh sáng chiếu rạng của đức tin, niềm hy vọng và đức bác ái của mình ".  

3 - Đời sống thiêng liêng của người tín hữu giáo dân trong Nghị Định Apostolicam Actuositatem , n. 4.

Kết quả tốt đẹp sung mãn  việc tông đồ của người tín hữu giáo dân tùy thuộc vào mối thông hiệp đầy sức sống của họ với Chúa Ki Tô.

Đời sống thông hiệp mật thiết đó với Chúa Ki Tô được nuôi dưỡng trong Giáo Hội bằng những phương thức trợ lực chung cho mọi tín hữu,

   - bằng cách tham dự tích cực vào Phụng Vụ,

   - nhưng đồng thời cũng không tách biệt đức tin ra khỏi đời sống thường nhật.

Đàng khác cũng vậy, việc chăm lo gia đình, việc chuyên cần dấn thân vào các phận vụ xã hội, trong quá khứ cũng được quan niệm là " không ăn thua " gì đến đời sống thiêng liêng của mình. 

Người tín hữu giáo dân phải sống đời sống

   - đức tin ( được soi sáng bằng lời Chúa ),

   - niềm hy vọng ( trong đoạn đường hành trình cuộc sống, ẩn mình vào Thiên Chúa với Chúa Ki Tô và được giải thoát khỏi nô lệ của giàu sang của cải, để định hướng mình đến đời sống bất diệt)

   - và bác ái ( tỏ hiện Tám Mối Phước Thật đối với anh em mình).

Đặc tính thiêng liêng đó của người tín hữu giáo dân cũng phải được thể hiện cá biệt trong đời sống hôn nhân và gia đình, độc thân hay goá bụa, trong hoàn cảnh đau ốm, các hoặt động nghề nghiệp và xã hội.

   - Mọi tín hữu giáo dân cần phải lưu ý đến

   * thẩm quyền chuyên môn của mình,

   * đến gia đình

   * và đến ý nghĩa đời sống dân sự, đến các đức tính có liên quan đến các mối tương quan xã hội. Tức là đến những gì không thể không làm, tinh thần công bình, thành thật, cách đối tác lịch sự với người khác và sức mạnh của tinh thần, khi đứng trước lẽ phải cần phải bênh vưc.

Sức mạnh tinh thần vừa kể, nếu không được quan tâm, ngay cả đời sống Ki Tô giáo cũng không thể thực hiện được.

Khuôn mẫu tuyệt hảo của đời sống thiêng liêng và tông đồ vừa kể, chúng ta có Mẹ Maria làm gương. Mẹ là Nữ Hoàng của các Tông Đồ.

Mẹ đã sống cuộc đời trần thế như mọi người, đầy những điều phải lo nghĩ cho gia đình và việc làm, Mẹ vẫn luôn luôn thông hiệp thân tình với Con của Mẹ, và cộng tác một cách đặc biệt vào công trình cứu độ của Người. 

4 - Nền thần học và đời sống thiêng liêng người tín hữu giáo dân trong Thông Điệp Christifideles laici.

Có bốn chủ đề làm  " động lực " nói lên mối liên hệ sâu đậm Thông Điệp về người tín hữu giáo dân ( Christifideles laici )  với giáo lý của Công Đồng Vatican II: 

  a) Trước hết đó là chủ đề " Mầu Nhiệm ".Chủ đề trình bày cho chúng ta Giáo Hội như là Thân Thể Chúa Ki Tô trong lịch sử và phẩm giá của người tín hữu giáo dân, do biến cố khởi đầu đời sống Ki Tô giáo, Phép Rửa, là người tham dự tích cực sống động vào các giá trị  nền tảng của Mầu Nhiệm Giáo Hội trong lịch sử.

Bản thể chung của phẩm giá mỗi tín hữu là môn đệ Chúa Ki Tô: 

Kế đến chính trong ánh sáng " mysterium " ( mầu nhiệm ), mà chúng ta có được đặc tính tuyệt đối mới lạ của người tín hữu giáo dân, đặc tính mới lạ đó là họ có gốc rễ căn cội của họ được đặt trong Phép Rửa:

- " Vậy, anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần ..."  ( Mt 28, 20).

Điều mới lạ đó cho biết căn tính bản thể của họ, trước khi nói lên đời sống mới mà họ có.  

Chúa kêu gọi người tín hữu giáo dân tìm kiếm và xây dựng Nước Chúa từ bên trong và qua các thực tại trần thế khác nhau.

Phép Rửa không cất người tín hữu giáo dân ra khỏi thế gian,

   - " Anh chị em thân mến, mỗi người vẫn ở trước mặt Chúa trong tình trạng mà trong đó mình đang sống, khi  được kêu gọi " ( 1 Cor 7, 24),

nhưng Chúa ủy thác cho họ một " ơn kêu gọi Ki Tô giáo " cho thế gian.

Bởi đó Thông Điệp Christifideles laici , n. 15 viết:

   - " Sống và hành động nơi trần thế đối với người tín hữu giáo dân là một thực tại không những nhân chủng học và xã hội học, mà còn và nhứt là thần học và giáo hội học. Thật vậy, trong tình trạng giữa trần thế của họ, Thiên Chúa tỏ ra đồ án của Người và thông ban cho ơn kêu gọi cá biệt " tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách hanh xử các vật thể trần thế và sắp xếp chúng theo thánh ý Chúa " ( Lumen gentium, 31). 

   b) Chủ đề " Thông Hiệp " làm nổi bậc lên đặc tính tham dự hơn của Giáo Hội. " Mysterium " ( mầu nhiệm ), Tự bản tính mình là Giáo Hội là Giáo Hội mầu Nhiệm Hiệp thông " misterium communionis " ( mầu nhiệm hiệp thông ).

 " communio " ( hiệp thông ) tự bản tính mính là " communio mysterica " ( hiệp thông mầu nhiệm ).

Như tài liệu Công Đồng Vatican II xác nhận rõ rệt, sự hiệp thông không phải là hiệp thông xác thịt, hịệp thông bằng máu huyết, mà là hiệp thông được ban cho từ trên cao, hay là ơn sủng của Chúa ban cho.

Như vậy, sau khi đã vượt thắng được và đánh bật gốc rể cách đọc và giải thích phiến diện thực tại của Giáo Hội, giải thích đơn sơ theo nhãn quang xã hội học và tâm lý học, chúng ta có được 

   - " Các mối liên hệ hợp nhứt các thành phần Dân Mới giữa họ với nhau   - và trước tiên là với Chúa Ki Tô - không phải là những mối liên hệ xác thịt  và máu mủ, mà là những mối liên hệ thiêng liêng, chính xác hơn là mối liên hệ của Chúa Thánh Thần, mà mọi người chịu phép rửa đều nhận được " ( Christifideles laici, n. 19). 

Qua cách dọc và diễn giải như vậy về " mysterium communionis " hay về " communio mysterica " chúng ta có thể hiểu được một vài đặc tính cá biệt trong Giáo Hội, nhứt là những ý nghĩa về phương diện " khác biệt nhau " và " bổ túc cho nhau ".

Không phải " đồng nhất rập khuôn " , mà " đa diện " là cách sống và hành động trong Giáo Hội.

Đặc tính " đa diện " có mục đích nhằm bảo đảm và phát huy mối hiệp thông và hợp nhất.

Thông Điệp Christifideles laici chứa đựng một câu văn ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa, đáng được suy nghĩ sâu xa hơn:

   - " Nhờ vào đặc tính khác biệt và bổ túc cho nhau, mỗi người tín hữu giáo dân được ở trong vị thế liên hệ với cả thân thể và cho thân thể đó hiến tặng chính nội dung của mình " ( Christifideles laici n. 20).  

   c) Kế đến, chủ đế " Sứ Mạng " làm cho tất cả mọi tín hữu cảm thấy đồng trách nhiệm trong công trình lớn lao của cuộc  cứu rổi trong lịch sử nhân loại.

Trên thực tế, sứ mạng của Giáo Hội được tổng kết và quy tựu tất cả trên Phúc Âm: nói một cách chính xác hơn,  Phúc Âm cần phải được loan báo và sống.

" Cần phải loan báo ": từ đây chủ đề Phúc Âm cần phải được rao giảng;

" cần phải sống ": từ đây, chủ đế Phúc Âm là chủ đề phục vụ con người và phục vụ xã hội. 

   d) Sau cùng, chủ đề " Đặc tính trần thế " nhấn mạnh đến tính cách lữ hành của cộng đồng Dân Chúa " in seculo", hay giữa các biến cố lịch sử của mỗi thế hệ.

Nhưng đối với người tín hữu giáo dân, đặc tính trần thế có một ý nghĩa cá biệt, nói lên ý nghĩa đặc biệt sứ mạng của họ. Đặc tính trần thế

   - không phải chỉ là thực thể bên ngoài và môi trường, đơn sơ, là một phương thức nhân chủng học và xã họi học,

   - nhưng còn mang ý nghĩa thần học và giáo hội học. Trần thế ( hay thế gian ) với những vấn đề phức tạp trở thành nơi chốn đặc tính Ki tô giáo sống động và của động tác tông đồ của họ.

Thật vậy, người tín hữu giáo dân được Chúa mời gọi hãy cộng tác, như thể là từ bên trong, như men bột, để kiến tạo Nước Chúa,

   - " bằng cách hành xử đối với các sự vật trần thế  và xếp đặt chúng theo thánh ý Chúa " ( Lumen gentium, 31).  

   5- Ơn gọi người tín hữu giáo dân nên thánh. 

Chính trong đặc tính " Giáo Hội Mầu Nhiệm " làm cho chúng ta hiểu được cùng đích cao cả tối thượng mà mỗi thành phần Giáo Hội được nhằm tới:

    - " Bởi vì Giáo Hội trong Chúa Ki Tô là mầu nhiệm, nên Giáo Hội phải được xem là dấu chỉ và dụng cụ cho sự thánh thiện ( ...). Các thánh nam nữ luôn luôn là nguồn mạch và căn nguyên của việc canh tân trong những hoàn cảnh khó khăn nhứt trong cả lịch sử Giáo Hội. Ngày nay chúng ta rất cần các thánh, mà chúng ta phải kiên trì van xin Chúa ".( Lumen gentium, 16). 

   - Như vậy thánh thiện được hiểu như là sự thành đạt cao trọng nhứt của phẩm giá Phép Rửa.

Thật vậy, thánh thiện không có gì khác hơn là chính phẩm giá đó được sống chính đáng và hoàn hảo: 

   * " Vị thánh là chứng nhân huy hoàng nhứt phẩm giá được ban cho người môn đệ Chúa Ki Tô " ( id.). 

Và như vậy, thánh thiện là ơn gọi của " tất cả thành phần Giáo Hội và của mỗi người trong họ ".

Đó là lý do khiến cho Hiến Chế Lumen gentium xác nhận: 

   * " Tất cả đều ở trong Giáo Hôi, chinh vì họ là thành phần của Giáo Hội, họ lãnh nhận và cùng tham dự vào ơn kêu gọi thánh thiện chung cho tất cả " ( id.). 

Trong tinh thần đó, chúng ta hiểu được trọng điểm lời xác nhận của Hiến Chế là

   * " thánh thiện là tổng thê dấu chỉ và nội dung của Giáo Hội thánh thiện ",

và đề nói theo nguyên ngũ của Thông Điệp Christifideles laici ,

 " là một sự đòi buộc không thể thiếu của mầu nhiệm Giáo Hội ". 

   - Ngày nay chúng ta đang cần lấy lại được ý nghĩa chính đáng của quan niệm thánh thiện, nhứt là đối với người tín hữu Chúa Ki Tô.

Tinh thần Tám Mối Phước thật là những gì chung cho tất cả các môn đệ Chúa, cả cho các người tín hữu giáo dân ( Actuositatem apostolicam, 4 ).

Tinh thần thánh thiện đó phải được nhân chứng ra trong gia đình, trong khu phố, trong xã hội, trong chính trị, trong kinh tế, trong mọi hình thức đời sống xã hội và văn hoá.

Điều vừa nói không phải dễ gì, nếu chúng ta nghĩ đến những ai dấn thân vào phục vụ chính trị và kinh tế.

Không có người tín hữu giáo dân sống giữa môi trường trần thế, ai có thể đứng ra thực hiện được?

Phẩm giá của người tín hữu giáo dân là vậy.

VỀ MỤC LỤC
NÓI NGAY BÂY GIỜ  
 

Bạn thân mến, hôm nay mục Sống Sao Cho Đẹp mời gọi bạn học hỏi chủ đề sống tích cực qua lời nói, ngôn ngữ của mình. Thực vậy, lời nói tích cực góp phần không nhỏ trong việc kiến tạo bầu khí tích cực trong môi trường mình đang sống và làm việc.

* * *

Tập truyện The Sower’s Seeds[1] có thuật lại một câu chuyện như sau. Một ông lão nọ thường hay lui tới một tiệm bán đồ cổ tại New Hampshire. Sau một lần viếng thăm như thường lệ, ông lão chào tạm biệt chủ quán. Cũng như bao quán hàng khác, chủ quán đáp lại bằng cái gật đầu mỉm cười thay cho lời nói. Tuy nhiên, sau khi ông lão ra khỏi quán, người vợ chủ quán nói với chồng mình rằng. “Em thích những lần ghé thăm của vị khách này, ông tỏ ra rất thân thiện và đáng yêu. Nhưng thật tiếc là em chưa bao giờ nói lên điều này cả.” Người chồng động viên, “Lần tới, em nói cũng chưa muộn.”

Mùa hè năm sau, một phụ nữ trẻ ghé vào cửa tiệm. Sau khi nhìn một vài món đồ, cô tự giới thiệu với ông bà chủ tiệm cô chính là con gái của ông lão thường hay ghé thăm tiệm; cô cũng bùi ngùi cho họ biết rằng ông lão đã qua đời. Nghe xong, bà chủ tiệm đã nói với cô về những cuộc trò chuyện rất thú vị giữa bà và ông lão. Bà cũng hối hận thú nhận rằng, dù bà rất thích nói chuyện với ông, nhưng bà đã chưa một lần nói lên điều đó với ông. Nghe tới đây, cô gái buồn rầu nói, “Thưa bà, ba tôi là người rất thích trò chuyện với người khác, đồng thời ông ấy cũng rất muốn nghe người ta nói rằng họ cũng thích làm bạn với ông.” Nghe xong lời nhận định, bà chủ tiệm lấy làm hối tiếc và quyết tâm rằng. “Từ nay trở đi, tôi sẽ tìm một điều gì tốt nơi những ai tôi gặp và nói với họ về điều đó. Vì tôi không muốn làm mất thêm một cơ hội nào nữa để nói về điều tốt của người khác.”

* * *

Câu chuyện trên xem chừng như rất tầm thường và không có gì đặc biệc để ta học hỏi, nhưng thực ra giá trị cuộc đời của mỗi chúng ta được góp nên bởi những việc nhỏ thường như thế đó. Khi đi đến một cơ quan, công ty, trường học, phòng bác sĩ… người mà ta mong gặp là người tốt, hiền lành, nói năng và hành động lịch sự dễ mến. Bạn cũng như tôi, ai lại không muốn tiếp xúc với người thân thiện, dễ mến có phải không?!

Vào tháng 3 năm 2011, trong một lần viếng thăm các bệnh nhân tại bệnh viện Ed White, St. Petersburg, tiểu bang Florida, tôi học thêm một kinh nghiệm tích cực qua một bệnh nhân như sau.

Tôi mỉm cười chào bệnh nhân và nói, “Tôi thấy ông có vẻ khá hơn hôm qua.” “Vâng, đúng vậy. Tôi thấy những nhân viên ở đây đối xử với tôi tốt và chu đáo quá. Họ giúp tôi thấy vui và có giá trị. Tinh thần tôi được thay đổi (conversion) bởi vì họ giúp tôi thay đổi.” “Ông có thể kể cho tôi nghe về đời sống trước đây của ông được không?” Tôi  động viên. Ông đáp, “Trước đây tôi rất dửng dưng và không muốn tiếp xúc với người lạ, như anh đây chẳng hạn. Nhưng mấy ngày ở đây, tôi cảm nghiệm được sự thay đổi trong cái nhìn của tôi về cuộc đời. Tại sao chúng ta lại đối xử tệ (mean) với nhau? Tôi không hiểu tại sao anh em không nói với nhau điều tốt mà chỉ lo tranh giành hơn thua nhau từng lời nói? Tại sao anh là người lạ còn đến thăm và nói những lời tử tế với tôi còn những người thân thì không? Tôi không hiểu tại sao thảm họa tại Nhật Bản mấy ngày vừa qua (11-3-2011) không làm cho nhiều người tỉnh thức”?

Sau cuộc gặp mặt với bệnh nhân đó, từ kinh nghiệm vừa học được, tôi chủ động tiến đến các y tá và nói với họ rằng. “Cám ơn các cô đã làm những việc rất tuyệt vời. Nhờ sự chăm sóc chu đáo và tận tâm của các cô đã làm cho bệnh nhân ấy thay đổi cái nhìn về cuộc đời.” Tôi cũng tiến lại những người lao công và cũng nói với họ lời cám ơn và khẳng định những việc làm hằng ngày của họ mang lại những niềm vui và thay đổi rất lớn cho những bệnh nhân và nhân viên trong bệnh viện. Điều đáng mừng là sau khi tôi nói những điều đó cho các y tá và người lao công, mỗi người đều thấy vui và tinh thần họ phấn chấn hẳn lên. Không nghi ngờ gì nữa, họ sẽ phục vụ tốt hơn, quan tâm tích cực tới công việc của họ hơn, và sẽ nói những lời tích cực tương tự cho các bạn đồng nghiệp khác.

Bạn thân mến, sự tích cực nó không phải là một thứ trang sức mà ai muốn mang mặc cũng được. Ta không thể mang nó vào khi ta đi dự đại hội, dự yến tiệc, họp hành rồi khi về đến nhà thì bỏ nó qua một bên. Nhưng sự tích cực trước hết được bắt nguồn từ con tim, lối suy nghĩ tích cực. Chính não trạng khư khư đúng sai, hơn thua dễ làm lu mờ khả năng khám phá sự diệu kỳ trong cuộc đời của ta. Như thế,  sống tích cực cũng là cách ta nhìn cuộc đời như là một cuộc khám phá trong mọi hoàn cảnh chứ không chỉ nhìn chúng bằng ánh mắt thiển cận hẹp hòi. Nói đúng ra, cuộc đời không phải là một ván cờ hơn thua – được mất, nhưng là một ván cờ chúng ta cùng nhau thưởng thức, giải trí. Nói như võ sư Aikido Thomas Crum, cuộc đời không hề có sự thay thế giữa “bạn hoặc tôi,” nhưng là sự đồng điệu “bạn tôi.”[2] Khi nhìn cuộc đời dưới cái nhìn “vũ trụ nhất gia” thì chiến thắng không có nghĩa một ai đó sẽ thua, được không có nghĩa là ai đó sẽ mất, vinh không có nghĩa là ai đó sẽ nhục. Lịch sử loài người đã chẳng chứng minh điều đó hay sao? Chiến tranh Việt Nam ai chiến thắng ai chiến bại? Cuộc chiến Iraq ai hơn ai thua? Hóa ra, cái thắng hay thua, cái hơn hay được chẳng qua cũng chỉ là cái lớp vỏ, tên gọi mà thôi, còn thực chất chính là con tim mình quảng đại và trưởng thành ở mức độ nào mới là quan trọng.

Mục Sống Sao Cho Đẹp hôm nay mời bạn dừng lại giây phút để nhớ đến những lần ai đó đã khích lệ bạn, đã khen tặng bạn nhất là những lúc bạn “thất bại, thua cuộc.” Nếu bạn chưa làm điều đó, bạn hãy nói lời khen tặng với người thân, bạn hữu, đồng nghiệp, và con cái. Thử xem, bạn sẽ thấy khác.

Br. Huynhquảng

http://brhuynhquang.org
 


[1] Brian Cavanaugh, T.O.R., The Sower’s Seeds, (New York: Paulist Press, 2004) 42.  

[2] Thomas F. Crum, The Magic of Conflict, (New York: A Touchstone Book, 1988) 180.

VỀ MỤC LỤC
ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN HỌC VÀ SỐNG TƯƠNG QUAN VỚI GIA ĐÌNH

 

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://www.chivilongchuathuongtoi.tk/

Tác phẩm: ĐÀO TẠO ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

CHƯƠNG NĂM 

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN HỌC SỐNG CĂN TÍNH VÀ SỨ VỤ LINH MỤC

(tiếp theo)

 

D.  ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN HỌC VÀ SỐNG TƯƠNG QUAN VỚI GIA ĐÌNH

Mảnh đất đầu tiên và quan trọng nhất cho ơn gọi là gia đình, được kể như chủng viện đầu tiên ươm mầm và bảo vệ ơn gọi. Người ta nói rằng khi một người con đi tu thì cả gia đình cũng phải tu, vì tu là sửa, sửa cái chưa tốt thành cái tốt, sửa cái tốt thành cái tốt hơn nữa và thành thánh nhân. Chúng ta sẽ xét xem những thuận lợi cũng như những khó khăn mà gia đình bà con họ hàng có thể mang lại cho thành viên của gia đình theo ơn gọi linh mục và sống sứ vụ linh mục qua từng giai đoạn của cuộc sống, từ bước khởi đầu cho tới lúc hoàn tất cuộc đời. 

D.I. Những tác động tích cực và tiêu cực của gia đình đối với việc nuôi dưỡng và chọn lựa ơn gọi linh mục trong thời kỳ tiền chủng viện và đại chủng viện. 

Công cha như núi thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn xảy ra.

Không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của thân nhân và gia đình trong sự hình thành, lớn lên và trưởng thành của một con người. Với một ứng sinh linh mục thì tầm quan trọng này càng được thấy rõ hơn, vì trên thực tế, đa phần các linh mục xuất thân từ những gia đình đạo đức và được nâng đỡ bởi những tấm lòng quảng đại.  

Gia đình và các thân nhân vừa là trường dạy các đức tính nhân bản cần thiết, vừa là vườn ươm trồng hạt giống ơn gọi, để một ngày kia, khi nghe tiếng Chúa kêu gọi, ứng sinh có đủ khả năng đáp trả và bước theo Ngài.  

Tuy nhiên, do sự khác biệt giữa thánh ý Thiên Chúa và nhận định của con người, các gia đình lại trở thành lực cản đối với con người đi tìm thánh ý Thiên Chúa, khiến những ai muốn nghe theo tiếng Chúa phải trải qua đau khổ và thập giá, đôi khi còn gặp thất bại và bất hạnh.  

Để giúp có cái nhìn cụ thể, chúng ta cố gắng trình bày từng điểm tích cực và tiêu cực của gia đình, từ đó rút ra những điều nên làm, những việc phải tránh.

D.I.1  Trong thời kỳ tiền chủng viện

D.I.1a Tác động tích cực trên ứng sinh tiền chủng viện

Chuẩn bị cho ơn gọi

Thân nhân và gia đình chuẩn bị những điều kiện cần thiết về nhân bản, tri thức và đức tin như mảnh đất tốt cho hạt giống ơn gọi nẩy nở.

·        Về nhân bản, gia đình là trường học đầu tiên về các đức tính nhân bản, lễ nghi, ứng xử, giúp ứng sinh học được cách thế tương giao với những người xung quanh. Các đức tính thật thà, dũng cảm, lễ phép, vâng lời, tiết kiệm, giản dị, dũng cảm, thinh lặng, đều được khởi sự từ gia đình và trở thành những điều kiện cần thiết cho ứng sinh nhận ra và theo tiếng Chúa kêu gọi.

·        Về tri thức, gia đình cung cấp cho ứng sinh những kiến thức cần thiết về con người, về thế giới và môi trường xung quanh; đồng thời cộng tác với học đường giúp ứng sinh học tập văn hóa, trưởng thành về trí tuệ, có khả năng nghiên cứu, tìm hiểu, nhận định, phân tích những chân lý trong thế giới tự nhiên, làm nền tảng cho việc học biết về thế giới siêu nhiên trong thời gian đại chủng viện.

·        Về giáo dục đức tin, gia đình đóng góp vào việc nuôi dưỡng ơn gọi bằng việc giáo dục đức tin. Ngày rửa tội, cha mẹ và người đỡ đầu là những người tuyên xưng đức tin và thề hứa sẽ nuôi dưỡng con trong đức tin: ngày qua ngày, những giờ kinh tối sớm, đời sống đạo đức và chăm chỉ trong việc thờ phượng Chúa của cha mẹ là những bài học giúp ứng sinh lớn mạnh trong lòng mến Chúa và yêu người.  

Vun trồng cho ơn gọi

Kể từ khi lựa chọn ơn gọi, gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất cho ứng sinh trong việc sinh sống, học tập và tu luyện thời tiền chủng viện.

·        Là tế bào của xã hội và Giáo Hội, gia đình là vườn ươm giống cho cây đời, thân nhân là những kỹ sư lành nghề vun xới, cắt tỉa cho cây ngày càng phát triển tươi tốt và trổ sinh những hoa trái thơm ngon. Nhờ đó, ứng sinh ngày một tăng tiến hơn cả về nhân bản lẫn đạo đức.

  • Thân nhân là những thầy dạy thân tình gần gũi, đầy tin tưởng và yêu thương trong việc rèn luyện, bồi dưỡng ứng sinh trở thành người có phẩm chất và năng lực: “ngọc bất trác bất thành khí; nhân bất học bất tri lý”.

  • Trong quan hệ hỗ tương, thân nhân ảnh hưởng nhiều trên cuộc sống của ứng sinh: mọi hoạt động, hành vi cử chỉ, lời ăn tiếng nói, cách cư sử, thái độ sống… của người thân  đều ảnh hưởng lên tiến trình hình thành nhân cách, trí tuệ và ý chí của ứng sinh, như ngạn ngữ nói: “con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh”.

  • Thân nhân là những người gần gũi hiểu được con cái nên có những cách thức quan tâm và phương pháp giáo dục thích hợp và hiệu quả: “nếu biết cách giáo dục, dù là một con người bình thường nhất cũng có thể trở thành người xuất chúng”.

  • Thân nhân là những người luôn yêu thương, nhẫn nại, đầy lòng tin, kiên trì cảm hoá và hướng dẫn ứng sinh đi trên đường đạo hạnh, kính mến Thiên Chúa.

Gìn giữ ơn gọi

  • Thân nhân và gia đình cũng là những vòng tay rắn chắn bảo vệ cho hạt giống ơn gọi khỏi bị những cám dỗ của ma quỷ và thế gian. Quả thật “không nơi đâu bằng nhà của mình”, vốn là môi trường an toàn giúp ứng sinh tránh được những ảnh hưởng tiêu cực của thời đại, của văn hóa hưởng thụ và những sai lệch về phong cách sống; lại hậu thuẫn và khích lệ ứng sinh hăng say làm việc, học tập và tu luyện tốt, vượt lên những khủng hoảng và cám dỗ, để trung thành với ơn gọi đã chọn.

 

D.I.1b. Tác động tiêu cực lên ứng sinh tiền chủng viện
  • Với những gia đình quá giầu có về vật chất, ứng sinh sẽ được dung dưỡng, nuông chiều hoặc sẽ bị cản trở bởi sự luyến tiếc của cải, khó chấp nhận sự khổ chế khi theo đuổi ơn gọi; hoặc ngược lại muốn con cái kế nghiệp gia sản nên cản trở không cho con đi tu (thánh Phanxicô khó khăn bi cha mẹ cản trở vẫn cương quyết theo Chúa đến cùng).

  • Với những gia đình quá nghèo về vật chất, ứng sinh dễ bị cám dỗ bởi đời sống khá giả của linh mục, coi đó là lý tưởng phấn đấu.

  • Với những gia đình trục trặc về đời sống, bố mẹ ứng sinh thường xuyên bất hòa, hay xung đột với làng xóm hoặc ly thân, ly dị sẽ ảnh hưởng tiêu cực cách trực tiếp đến ơn gọi của ứng sinh.

  • Bên cạnh đó cũng có khi gia đình vì thích danh dự, thích được người ta xưng tụng chào hỏi trong cộng đoàn, để rồi thúc giục hay tìm cách ép buộc con đi tu.

  • Bảo vệ quá kỹ càng, không cho phép tiếp xúc với người nữ, khiến ứng sinh có những cái nhìn lệch lạc về phẩm giá, vai trò của người phụ nữ.

  • Quí trọng cách thái qúa, khiến cho ứng sinh trở nên tự cao, tự đại, sớm trở thành “ông cụ non” ... nghĩ rằng mọi người phải tôn trọng mình ảnh hưởng tới lý tưởng linh mục.

  • Giáo dục cách thiếu quân bình trong cách ứng xử, không thống nhất trong phương hướng giáo dục, ngôn hành bất nhất gây gương xấu cho ứng sinh.

  • Hay kể chuyện về những khuyết điểm, tật xấu, bê bối... của linh mục khiến cho ứng sinh có cái nhìn tiêu cực về đời sống linh mục.

  • Việc gia đình sống không đoàn kết yêu thương cũng làm cho ứng sinh cảm thấy khó xử, không yên tâm tiến lên trên con đường tu trì.

  • Đời sống khô khan, nguội lạnh trong việc cầu nguyện của cha mẹ và người thân cũng ảnh hưởng nhiều đến lý tưởng linh mục của ứng sinh.

  • Can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của ứng sinh, khiến ứng sinh mất tự do, mất khả năng tự chủ, do đó không thể trưởng thành.

 

D.I.2. Trong thời gian học tại Đại chủng viện

D.I.2a. Những tác động tích cực
  • Cầu nguyện hằng ngày cho con em đang theo học tại Đại chủng viện là bổn phận trước nhất và thiết yếu của gia đình trong việc nuôi dưỡng ơn gọi.

  • Luôn đồng hành, ủng hộ, khích lệ ơn gọi của con, bằng việc thỉnh thoảng gửi thơ động viên, thông báo về gia đình, người thân… nhờ đó ứng sinh sống xa gia đình được an tâm hơn và chuyên chú việc học hành và tu tập.

  • Lắng nghe và đồng cảm mỗi khi con trình bày, than thở những khó khăn trong đời tu; ân cần phân tích, động viên khích lệ và đề nghị giải pháp tốt nhất.

  • Sẵn sàng ủng hộ và cung cấp kinh tế giúp con có đủ phương tiện học tập.

  • Thanh danh tốt của gia đình mang lại cảm giác an tâm cho con đang tu học tại Đại chủng viện. Bởi thế, gia đình nỗ lực sống đức tin, nhân bản, bí tích, luân lý, cũng như các mối quan hệ khác (làm ăn kinh tế, quan hệ họ hàng, hàng xóm láng giềng, cha xứ…) sẽ là cách thế hữu ích gián tiếp đóng góp vào việc nuôi dưỡng ơn gọi của con.

  • Giúp con ý thức đến giai đoạn này nên dứt khoát chọn lựa đời sống ơn gọi, nhưng không vì thế mà tạo áp lực, khiến con thêm căng thẳng, chán nản và buông xuôi mà thôi. Trái lại, tôn trọng tuyệt đối quyết định của con.

  • Ngoài việc lưu tâm, chỉ bảo con sống sao cho xứng đáng với đời tu, cha mẹ còn sẵn sàng phê bình, sửa dạy con những gì không xứng hợp như: lời nói, cách đi đứng hay các mối quan hệ không cần thiết…

  • Người cha là tấm gương tốt, khích lệ và gìn giữ chủng sinh khỏi những lúc yếu lòng, bi quan, thiếu nghị lực, trái lại biết can trường chịu đựng, vượt lên khó khăn thử thách.

  • Mẹ và các chị em trong gia đình có một vai trò tích cực trong đời sống ơn gọi của chủng sinh: luôn đồng hành, dịu dàng chăm sóc, yêu thương, cầu nguyện, nâng đỡ, canh phòng và bảo vệ nhưng đầy khôn ngoan và kính trọng. 

  • Tuy có sự cách biệt giữa các thế hệ, gia đình luôn gắn bó với nhau sẽ đóng vai trò trợ lực quan trong giúp cho ứng sinh ngày một trưởng thành hơn: sự mạnh mẽ cương nghị của cha, sự dịu dàng và nhân hậu của mẹ nâng cao căn tính nhân vị của ứng sinh.

 

D.I.2b. Những tác động tiêu cực
  • Có những gia đình nhìn ngoại giới nhiều hơn là nội giới, mong con mình sau này làm linh mục thì bản thân cha mẹ cũng được vinh dự trước mặt người đời, nên ép buộc con phải theo đuổi ơn gọi cho bằng được.

  • Tuy con mới vào chủng viện bắt đầu nghiêm túc phân định ơn gọi, niềm hy vọng và ngưỡng mộ của cha mẹ ở nhà quá lớn, lại được mọi người chúc tụng, tán dương… khiến sự thúc bách càng ngày càng đè nặng lên ứng sinh.

  • Áp lực gia tộc: trong gia tộc mình nhà nào cũng có con làm linh mục, nên gia đình mình cũng phải có, không có thì xấu hổ với họ hàng.

  • Áp lực quê hương làng xóm: con đi tu mà trở về thì bố mẹ sợ xấu hổ với làng xóm, bị làng xóm chê cười không biết dậy con, để con ăn hết cơm gạo nhà Chúa.

  • Nhiều gia đình cho rằng một khi con bước chân vào Đại Chủng Viện là đương nhiên nhà mình sẽ có linh mục, khiến chủng sinh dù muốn chuyển hướng ơn gọi nhưng không dám vì sợ gia đình, thân nhân thất vọng, đành phải gượng ép tiếp tục đi tới.

  • Một số gia đình có quan niệm một người làm quan cả họ được nhờ, ngay cả trong lãnh vực kinh tế.

 

D.I.3. Những việc nên làm và điều nên tránh

D.I.3a. Những việc nên làm

Về phía thân nhân và gia đình

  • Phải tạo cho ứng sinh có một đời sống lành mạnh, lương tâm trong sạch, lý trí và ý chí sắt đá, tự tin vượt mọi gian nan thử thách của chính mình và của ngoại cảnh.

  • Làm gương sáng trong cách ăn nết ở và lời nói sao cho ứng sinh cảm thấy được nâng đỡ, tránh những thái độ, lời ăn tiếng nói làm tổn thương, ghi sâu vào tiềm thức của ứng sinh.

  • Cố gắng thấu hiểu tâm hồn và tính cách hay cá tính của mỗi ứng sinh để có những phương pháp đào tạo thích hợp sao cho ứng sinh được trưởng thành toàn diện về nhân bản, thiêng liêng, tri thức hướng tới tương quan tốt với tha nhân.

  • Tạo cho ứng sinh tinh thần biết khát khao học hỏi, năng lực sáng tạo, năng lực lãnh đạo, tinh thần trách nhiệm, sự tự tin, sự nhiệt tình, sự hài hước, quan tâm đến người khác, năng động, trưởng thành, tính chủ động…

  • Giáo dục cho ứng sinh biết những nhọc nhằn của cha, những gian nan vất vả của mẹ đã, đang và vẫn diễn ra mỗi ngày suốt dọc dài năm tháng, để con hiểu được giá trị mà thương cha mẹ hầu cố gắng nên thân với đời:  

“Nuôi con buôn bán tảo tần
Chỉ mong con lớn nên thân với đời
Những khi trái nắng trở trời
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên
Trọn đời vất vả triền miên
Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con”.

Về phía ứng sinh 

  • Luôn ý thức tấm lòng cha mẹ dành cho mình: “Biển Đông có lúc vơi lúc đầy, chứ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng” hầu ghi khắc và tri ân công ơn sinh thành dưỡng dục trời bể của các ngài.

  • Ý thức và lòng tri ân đó đòi hỏi ứng sinh phải là người sống có hiếu hơn bất cứ ai trong gia đình. Chữ hiếu này không chỉ thể hiện trên môi trên miệng, mà cần phải được cụ thể hóa trong đời sống tu trì.

  • Phải luôn hăng say học hành tri thức, tu luyện đạo đức để không phụ công ơn và lòng hy vọng của cha mẹ; đồng thời không ngừng nhớ đến cha mẹ trong lời kinh tiếng hát và những việc đạo đức hằng ngày.

 

D.I.3b. Những điều nên tránh

Về phía thân nhân và gia đình

  • Cần tránh cách thức giáo dục lệch lạc về giới tính và cái nhìn về người phụ nữ và đức khiết tịnh.

  • Không nuông chiều cách thái quá, khiến cho ứng sinh lầm tưởng mình là người quan trọng, ai cũng phải kính trọng, hầu hạ.

  • Tránh nghi ngại thái quá về sự trưởng thành của ứng sinh, lúc nào cũng kè kè bên cạnh, hoặc cho người theo dõi.

  • Không nên quá đề cao ứng sinh, một tiếng “thầy” hai tiếng “thầy” khiến ứng sinh dần quên đi vị thế hiện tại của mình, dễ sinh lòng kiêu ngạo.

  • Tránh thái độ đối xử “cơm bưng nước rót”, không cho ứng sinh làm gì cả, dẫn đến việc ứng sinh không biết làm gì, ỷ lại, không thể tự lập.

  • Không thần thánh hóa linh mục, khiến ứng sinh có cái nhìn quá lý tưởng về đời sống linh mục mà quên đi thân phận con người yếu hèn của mình.

  • Không nên khen ngợi quá mức những khám phá, thành tích khiến ứng sinh lầm tưởng về khả năng hiểu biết, hay kiến thức của mình dẫn đến thái độ tự cao, tự đại.

  • Không nên nói hay có cử chỉ thiếu lành mạnh, thiên lệch về đời sống linh mục như được nhiều người quý trọng, giàu có ... dễ gây ảnh hưởng xấu đến ứng sinh.

 

Về phía ứng sinh 

  • Không được khinh thường sự chăm sóc và lo lắng của gia đình dành cho mình, nhưng cũng đừng để áp lực gia đình  quá đè nặng lên ơn gọi của mình, khiến cho việc tự do dâng hiến trở thành miễn cưỡng, gượng ép.

  • Không nên nương tựa hay đòi hỏi gia đình quá mức về đời sống vật chất, mà cố gắng sống tiết kiệm và giản dị trong chi tiêu, tránh những chi tiêu không cần thiết.

  • Không nên đem những vấn đề khó khăn nơi chủng viện mà bày tỏ với gia đình, để tránh sự hiểu lầm không cần thiết của gia đình về chủng viện và đời sống tu trì.

  • Không nên quá lo lắng cho gia đình đến mức ảnh hưởng việc tu học nơi chủng viện. Khi biết được những khó khăn mà gia đình đang gặp phải thì cố gắng giúp đỡ bằng lời cầu nguyện và bằng những cách thức hợp khả năng, nhưng không vì lo lắng mà quên ăn, mất ngủ, bỏ học hành….

Những ý tưởng trình bày trên đây bao gồm những đúc kết chủ quan mang tính hồi tưởng về những điểm tích cực và tiêu cực của gia đình, bà con với ơn gọi của các ứng sinh linh mục và một vài kiến nghị để góp phần đào tạo và tự đào tạo ơn gọi linh mục, không phải là những nguyên tắc phải theo, càng không phải là giải pháp tối ưu dành cho hết mọi người, mọi gia đình. Có chăng chỉ là một thực tế rằng gia đình là nơi ơn gọi được sinh ra và nuôi dưỡng, nhất là giai đoạn tiền chủng viện và chủng viện.  

Xin được mượn lời của Thánh Công Đồng chung trong sắc lệnh về đào tạo linh mục: “Toàn thể cộng đoàn kitô hữu có bổn phận cổ võ ơn thiên triệu, mà trước hết phải tiến hành nghĩa vụ ấy bằng một đời sống kitô hữu trọn vẹn; các gia đình và các giáo xứ góp phần quan trọng vào việc đó; những gia đình sống tinh thần đức tin, đức mến và đạo hạnh trở nên như chủng viện sơ khởi[1]


[1] Optatam totius số 2.

 
VỀ MỤC LỤC
CON ĐƯỜNG KHỔ CHẾ VÀ THẦN BÍ CỦA BẬC HÔN NHÂN  

 

Tác phẩm: Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

B10. CON ĐƯỜNG KHỔ CHẾ VÀ THẦN BÍ CỦA BẬC HÔN NHÂN  

1. Có hai danh từ thường được dùng để nói đến sự tu luyện của tu sĩ đó là khổ chế và thần nghiệm. Khổ chế là những cố gắng tu luyện để thoát khỏi sự dữ.

Trong các ngôn ngữ Tây phương, khổ chế có nghĩa là đi lên. đông cũng như tây, những người xuất gia tu hành thường ví cuộc sống con người với cuộc leo núi. Và đó cũng là lý do tại sao những kẻ xuất gia thường tìm đến những nơi cô tịch, những ngọn núi cao để tu tỉnh. Leo lên núi cao là hình ảnh của hy sinh từ bỏ nhưng đồng thời cũng là niềm vui trong sự thoát tục. Thần nghiệm là kinh nghiệm của những tâm hồn đã khám phá ra Thiên Chúa trong mình và tiến về phía trước với niềm tin tưởng cậy trông, yêu mến.

Cho đến nay, hai danh từ chuyên môn này tức con đường khổ chế và thần nghiệm chỉ được dành riêng cho các tu sĩ và những người sống độc thân vì Nước Trời. Phải chăng chúng ta không thể áp dụng hai kiểu nói ấy cho bậc hôn nhân? Phải chăng những người sống bậc vợ chồng không thể đi trên con đường khổ chế và có được kinh nghiệm thần bí?

Tiếp tục bàn về con đường tu đức dành riêng cho các đôi vợ chồng, chúng tôi xin đóng góp một vài suy tư về con đường khổ chế và thần nghiệm trong bậc hôn nhân.

2. Ngày thành hôn trước mặt Giáo Hội, hai người nam nữ nên vợ chồng. Bí tích Hôn Phối đưa hai người lên đường, hé mở cho họ thấy sự thánh thiện mà tay trong tay họ cùng giúp nhau đạt tới. Cuộc lễ long trọng trong nhà thờ mới chỉ là khởi hành. Đức tin không là một cây đũa thần để họ làm phép lạ. Họ chỉ biết rằng, con đường trên đó họ cùng nắm tay tiến bước với Chúa Kitô là một con đường hẹp. Ngoài ra, con đường ấy cũng được trải đầy những thập giá mà họ phải vác lấy từng ngày.

Công Đồng Vaticanô II số 49 trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng không ngần ngại khẳng định: “Để có thể sống trọn ơn gọi hôn nhân, cần phải có những nhân đức phi thường”. Thật ra, không có cuộc sống nào là một cuộc sống dễ dãi. Không có con đường nào lại không có chông gai. Con đường mà hai vợ chồng dấn thân quả thực là con đường hẹp đòi hỏi nhiều chiến đấu và hy sinh. Cần phải có nhiều nhân đức anh hùng để có thể đi trọn con đường ấy.

Có 4 nhân đức cột trụ cần thiết cho đời sống vợ chồng là: khôn ngoan, công chính, can đảm và tiết độ. Khôn ngoan để hiểu biết, chọn lựa và áp dụng những phương thế thích hợp để đạt được mục đích; thiếu khôn ngoan người ta sẽ có những hành động và cư xử thiếu trách nhiệm đối với chính mình cũng như đối với người khác. Công chính để luôn tuân giữ luật Chúa, với tất cả thành tâm và yêu mến. Can đảm để đối đầu với nghịch cảnh và khổ đau trong cuộc sống. Và tiết độ để tự chế và dồn năng lực vào những bổn phận hằng ngày.

3. Một cuộc sống hôn nhân tốt đẹp không bao giờ là kết quả ngẫu nhiên, mà là thành quả của những chiến đấu hy sinh từng ngày. Nên một trong thể xác và tâm hồn không là một sự kiện có sẵn nhưng là một điểm đến của con đường phấn đấu hy sinh, hay nói đúng hơn, của những khổ chế từng ngày. Khi hai người đạt được sự nên một ấy, họ hưởng nếm chính tình yêu của Thiên Chúa.

Sự kết hợp thần nghiệm giữa tâm hồn con người và Thiên Chúa không chỉ là phần thưởng dành riêng cho những người sống đời tu trì nhưng còn là đòi hỏi đối với mọi tín hữu, kể cả người sống bậc vợ chồng. “Ở đâu có hai hoặc ba người họp lại vì Danh Ta thì có Ta ở giữa họ”. Lời này của Chúa Giêsu được áp dụng trước tiên cho cộng đồng gia đình. Chính khi hai vợ chồng nên một với nhau, họ sẽ cảm nhận sự hiện diện và tình yêu của Chúa Giêsu trong họ.

Nên một ở đây không chỉ là dừng lại ở sự kết hợp trong thể xác và tâm linh, không chỉ là sự thuỷ chung một vợ một chồng, nhưng còn là một cố gắng hoà hợp của cả hai người từ những dị biệt. Điều đó đòi hỏi hai người ra khỏi chính mình và đón nhận những khác biệt của người phối ngẫu. Vì thế, con đường nên một cũng là con đường hy sinh và từ bỏ. Chỉ có sự hy sinh và từ bỏ ấy mới làm cho hai người phối ngẫu nên một với nhau thật sự. Đó cũng chính là con đường mà Chúa Giêsu đã đi qua.

nên một với nhau giữa hai người phối ngẫu cũng chính là nên giống Chúa Giêsu. Con đường hy sinh và từ bỏ ấy sẽ làm cho họ nên một với Chúa, Đấng ở giữa họ, Đấng làm cho họ được nên một. Và như vậy, họ cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu của Ngài.

4. Nên một với nhau giữa hai vợ chồng là chuẩn bị hành lý cho một cuộc đi xa. Mỗi người có chiếc vali riêng của mình. Nhưng trong cuộc đi xa cần phải thu xếp thế nào để hai chiếc vali chỉ còn lại một chiếc. Hai người phải bàn bạc để quyết định đem theo những gì và phải để lại những gì. Nếu mang theo những gì thừa thãi và vô ích, hành lý của họ chỉ thêm cồng kềnh và nên bất tiện cho cả hai người.

Nên một với nhau chính là biết cắt bỏ những cái riêng tư cồng kềnh để luôn quyết định chung với nhau trong mọi sự. Chỉ khi nào hai người biết gạt bỏ ý muốn riêng tư để có cùng một ý muốn chung, họ mới thực sự nên một. Dĩ nhiên, điều đó đòi hỏi đối thoại và nhất là từ bỏ không ngừng. Chúa Giêsu đã nên một với Chúa Cha vì Ngài luôn từ bỏ ý riêng của mình để thực thi ý muốn của Chúa Cha. Nên một đích thực trong đời sống vợ chồng Kitô hữu thật thiết yếu nhưng đồng thời cũng phải nên một trong việc thực thi thánh Chúa Cha.

Khi khác biệt không còn là ngăn trở cho sự nên một, khi tình yêu vợ chồng được thanh luyện nhờ những đau khổ trong cuộc sống mà trở nên phong phú nhờ việc luyện tập các nhân đức và đeo đuổi những giá trị vĩnh cửu, khi mỗi người nhìn vào người phối ngẫu của mình không phải vì người ấy làm đẹp lòng mình mà chính vì Chúa Giêsu đang hiện diện trong người ấy, những khi đó, trái tim hai người sẽ tràn ngập niềm tín thác vào Đấng Toàn Năng, ngôi nhà của họ sẽ trở thành cung thánh của tình yêu Thiên Chúa, cuộc sống lứa đôi của họ sẽ trở thành bí tích của tình yêu Ngài, và Thiên Chúa sẽ cư ngụ trong tâm hồn họ.

Sự hợp nhất của hai vợ chồng là mẫu mực, là điều kiện của tất cả các hợp nhất khác mà nhân loại hằng chờ mong. Nếu hợp nhất đích thực giữa hai người lẽ ra phải nên một trong thể xác và tinh thần không thể thực hiện được, làm sao có sự hợp nhất giữa những người khác?

 

VỀ MỤC LỤC
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG ĐỊA TRUNG HẢI.

 

Trong lãnh vực dinh dưỡng,  “ Mediterranean Diet” được dùng để nói tới tập quán ăn uống đã có từ lâu đời  của dân chúng tại một số quốc gia sống dọc ven biển Địa Trung Hải. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có một chế độ tùy theo văn hóa, tập quán cũng như tôn giáo và nền kinh tế, canh nông của mình. Ngay trong một quốc gia, nhiều địa phương cũng có chế độ riêng. Nói chung, các thực đơn trong chế độ ăn uống này gồm phần lớn là rau cải, trái cây và đặc biệt là dầu olive.

 Nhiều khảo cứu gần đây cho thấy là dân chúng ở ven biển Địa Trung Hải ít bị bệnh tim mạch hơn dân chúng ở các nơi khác. Sự kiện này khiến người ta để ý đến chế độ ăn uống truyền thống của họ.

Trọng tâm của thực đơn này là nhẹ về thịt, nặng về rau trái nhưng không nhẹ về chất béo. Tuy nhiên chất béo được sử dụng thường xuyên là dầu của quả olive. Đây là điểm khác biệt giữa chế độ Địa Trung Hải với chế độ ăn uống được khuyến cáo ở phương Tây, trong đó các chất béo, kể cả dầu olive, đều được khuyên là nên  hạn chế tối đa.

Chế độ Địa Trung Hải, ngoài tác dụng tốt đối với các bệnh tim mạch, còn có khả năng ngăn chận ung thư nũa. Tài liệu do Mayo Clinic phổ biến cho hay chế độ này còn giảm rủi ro bệnh Parkinson và Alzheimer.

Tạp chí Health, số tháng 9 năm 1998, công bố kết quả của một cuộc khảo cứu ở viện Đại Học Sainte - Etienne (Pháp) với đối tượng nghiên cứu gồm 605 người cả nam lẫn nữ, từng bị bệnh tim. Họ được chia làm hai nhóm với chế độ ăn uống theo hai thực đơn khác nhau. Nhóm thứ nhất ăn theo thực đơn phổ biến ở Tây phương với nhiều thịt và bơ được chấp nhận. Nhóm thứ hai ăn theo thực đơn của chế độ dinh dưỡng Đại Trung Hải, với nhiều trái cây, rau cải, ngũ cốc, đậu, cá, dầu o liu và bơ thực vật làm bằng dầu canola.

Sau 4 năm, nhóm thứ nhất, có 17 người bị ung thư, trong khi nhóm thứ hai chỉ có 2 trường hợp ung thư.

Theo Hội Tim Hoa Kỳ, chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải cũng tương tự như chế độ mà Hội này đề nghị. Nếu có khác chỉ là sự hơi quá nhiều calori trong chế độ Đia Trung Hải, với hậu quả là nạn mập phì bắt đầu xuất hiện và dân chúng bắt đầu e ngại. Tuần báo US News & World Report xếp giá trị chế độ này đứng hàng thứ hai, sau DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) cùa Hội Tim Hoa Kỳ, trong mục đích giảm cao huyết áp, mập phì. Năm 2010, Cơ quan Văn Hóa Thế giới UNESCO cũng ca ngợi chế độ dinh dưỡng này.

Năm 1994, do sự hợp tác giữa Phân Khoa Sức Khỏe Công Cộng của Đại Học Harvard (Hoa Kỳ), tổ chức Oldways Preservation & Exchange Trust (chuyên duy trì các lối ăn uống cổ truyền) và tổ chức Y Tế Thế Giới, một tháp dinh dưỡng về chế độ ăn uống lành mạnh, cổ truyền Địa Trung Hải được phác họa. Chế độ ăn uống này dựa trên tập quán lâu đời của dân chúng ở miền Nam nước Pháp, một phần nước Ý, đảo Crete và Hy Lạp.

Theo chế độ này , không phải tất cả chất béo đều bị coi là xấu. Thực vậy, trọng tâm việc chọn lựa không phải là loại bỏ một chất nào, mà phải chọn lựa một cách khôn ngoan loại  chất béo nào nên dùng. Ở đây, hầu hết các chất béo trong thực đơn đều là đơn bất bão hòa có trong dầu o liu, và acid béo omega-3.

Omega-3 có nhiều trong mỡ cá thu, cá hồi ... và trong một vài loại hạt. Chất béo này có tác dụng  làm giảm hàm lượng triglycerides trong máu, chống viêm, điều hòa nhịp tim... Còn chất béo dạng đơn bất bão hòa trong dầu olive có thể làm giảm cholesterol và LDL (low density lipoprotein) trong máu, giảm cao huyết áp, chống máu đóng cục, ngăn ngừa sự oxy hóa LDL, tăng nhậy cảm của cơ thể với insulin.

Ngoài chất đạm, carbohydrat và chất béo, các loại hạt có vỏ cứng còn có nhiều chất xơ, sinh tố E, folic acid, potassium, magnesium, nhưng không có cholesterol.

Trong chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải, các loại hạt được xếp với rau, trái cây, đậu. Các loại hạt này làm giảm nguy cơ gây ra bệnh tim bằng cách giảm lượng cholesterol và LDL trong máu.

Trong chế độ ăn uống này, phó mát, sữa chua đều ít được dùng tới,  cá và gà còn ít hơn, và thịt chỉ “năm thì mười họa” mới được ăn.

Rượu vang được dùng điều độ. Đàn ông mỗi ngày uống khoảng 300ml, đàn bà dùng một nửa số lượng rượu đó. Với mức độ này, rượu vang được tin là có thể giảm  nguy cơ bệnh tim.

Rượu vang đỏ có nhiều flavonoids, là chất ngăn sự oxy hóa LDL.

Rượu vừa phải làm tăng HDL, chống tiểu cầu dính với nhau, giống như tác dụng của aspirin, có thể giảm nguy cơ tiểu đường. Tuy nhiên, đang có bệnh tim hoặc thiên đầu thống migraine, không nên uống.

Điều cần lưu ý là sự thường xuyên vận động cơ thể phải đi đôi với chế độ ăn uống này.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC
CỌP - Chuyện phiếm của Gã Siêu

  

Năm Canh Dần cầm tinh con cọp, vì thế trong mục chuyện phiếm hôm nay, gã xin bàn về một vài đặc tính của cọp.

Theo gã được biết, thì hổ, cọp hay hùm…là một loài thú vừa lớn lại vừa dữ,  thuộc nhà mèo. Thân dài, cổ ngắn, đầu tròn, râu cứng, răng nhọn. Lông màu vàng đỏ và có nhiều vằn đen. Sống trong các khu rừng, kể cả rừng đầm lầy có lau sậy. Chúng thường ăn thịt hươu nai, lợn rừng, thậm chí có khi bắt cả trâu bò mà ăn. Mỗi bữa dùng tới 30, hay 50 ký lô thịt. Sau đó, có thể nhịn trong nhiều ngày…(Từ điển Bách khoa Việt Nam).

Như vậy, xét theo chính tông dòng họ “miêu” thì có đủ các loại mèo, từ mèo to đến mèo nhỏ, từ mèo mun đến mèo mướp, từ mèo nhà đến mèo rừng…Đây là những loài mèo con nhà “mão”. Bên cạnh đó còn có những con tương cận, tuỳ theo vóc dáng, và nhất là bộ lông, người ta có thể chia thành:

1- Hổ, cọp, hay hùm.

2- Báo hay beo.

3- Sư tử.

Tóm lại, cọp beo và sư tử đều có liên hệ dây mơ rễ má với nhau, vì cùng chung một gốc gác là mèo. Chẳng thế mà dân bợm nhậu hiện nay vốn gọi mèo là tiểu hổ. Ngoài ra, trong dân gian người ta thường gọi hổ, cọp, hùm là…ông ba mươi. Số là ngày xưa, hễ ai giết được một con cọp, thì sẽ được nhà nước thưởng cho ba mươi quan tiền!

Nói tới hổ, cọp hay hùm là người ta nghĩ ngay tới cái dáng dấp hào hùng mạnh mẽ, cái khí thế oai phong lẫm liệt. Vì vậy, hình ảnh của loài thú này vốn được dùng làm biểu tượng cho các vị tướng lãnh và các bậc anh hùng. Chẳng hạn người ta dùng danh từ “hổ tướng” để nói về một viên võ tướng có dáng điệu uy nghi, oai vệ, trông rất hùng dũng:

- Ra oai hổ tướng đoạt thành,

  Ngói tan, trúc chẻ, tan tành thịt xương.

Còn hai chữ “hổ trướng” có ý nói tới nơi đóng quân của viên chủ tướng. Nơi đây thường có vẽ hình con hổ. Tục truyền rằng vua nước Lương là Từ Tri Ngạc, trong những cuộc chinh phạt, thường dùng da hổ vây quanh trướng để họp với các thuộc hạ, luận bàn về quân sự. Vì thế nơi này được gọi là hổ trướng:

- Họp trong hổ trướng luận bàn quân cơ.

Cũng vì thế, mà người dân Việt Nam đã gọi ông Hoàng Hoa Thám, hay Đề Thám, người anh hùng đất Yên Thế là Hùm thiêng Yên Thế.

Theo sử sách ghi lại, ông là người thôn Lang Trung, thuộc tỉnh Bắc Giang. Tên thật là Trương Văn Thám. Cha là Trương Văn Vinh, còn mẹ là người làng Ngọc Cục, gần thôn Lang Trung. Năm 20 tuổi, Thám tình nguyện xung vào đoàn nghĩa binh của Trần Quang Soạn để chống Pháp. Năm 23 tuổi, theo cha nuôi là Ba Phúc đi Vân Nam vận động nghĩa binh, rồi về giúp việc cho Cai Kinh, được phong làm Đề đốc và từ đó được gọi là Đề Thám.

Ngày 06.7.1888, Cai Kinh bị giết ở Lạng Sơn, Đề Thám tụ tập nghĩa quân chống Pháp suốt vùng Võ Giang, Hiệp Hoà, Việt Yên…Tháng 4 năm 1889, binh lính được khoảng 500 tay súng, tụ tập ở làng Đình Tảo, làm lễ tế cờ, cùng nhau uống máu ăn thề, rồi lập đồn ải khắp vùng Phủ Lạng Thương, Vĩnh Phúc Yên, Thái Nguyên, Bắc Giang và đặt tổng hành dinh tại Yên Thế. Lúc mạnh thì đánh. Lúc yếu thì trá hàng, làm cho Pháp rất cực nhọc, dẹp không được, mà cầm cũng không yên.

Chính trong lần trá hàng chót vào năm 1905, Đề Thám cho tổ chức đảng Nghĩa Hưng để hoạt động trong hàng ngũ của địch, rồi ngày 17.11.1907 làm một vụ nội công ngoại kích tại cửa Nam, Hà nội và ngày 27.6.1908 đầu độc công binh Pháp. Năm 1909, Pháp phải huy động hết lực lượng đánh vào Yên Thế, làm cho Đề Thám phải chiến đấu rất cam go. Nghĩa quân, lớp tử trận, lớp ra hàng, số còn lại cũng dần dần mất hết tin tưởng nơi chủ tướng. Các con lớn đều chết, chỉ còn người con gái nhỏ tên Hoàng Thị Thế, là con bà vợ ba, cũng cùng mẹ bị bắt vào tháng 11 năm 1909.

Mặc dù đã ở vào đường cùng, ông vẫn còn cố gắng hoạt động ở Thượng Yên. Ngày 21.11.1911, Pháp đem quân đến bao vây ngọn đồi gần Yên Lê, làm bị thương 7 người và giết chết 5 người khác. Riêng ông thì thoát khỏi vòng vây. Từ đó, hay tin ông ở đâu là Pháp liền đem quân truy nã, nhưng không thể nào bắt được ông. Cuối cùng, Pháp phải nhờ đến Lương Tam Kỳ là một tên giặc khách cho người trá hàng, lừa thế giết ông trong đêm ngày 9.2.1913, để lãnh tiền thưởng.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân và đảng Nghĩa Hưng bị chấm dứt. Tuy nhiên, người anh hùng đất Yên Thế hay con hùm thiêng Yên Thế vẫn sống mãi trong tâm khảm của người dân Việt Nam.

Thực đúng như người xưa đã từng nói:

- Hổ tử  hùng tâm tại. Có nghĩa là cọp tuy chết, nhưng cái khí thế hùng mạnh của nó vẫn còn đó. Người anh hùng tuy chết, nhưng danh tiếng vẫn lưu truyền muôn đời.

Hay như:

- Hổ tử lưu bì, nhân tử lưu danh, có nghĩa là hổ chết để da, người ta chết để tiếng.

Cũng giống như cọp, người anh hùng đôi lúc cũng gặp phải hoạn nạn theo kiểu: hùm thiêng mắc bẫy mọi, có nghĩa là người tài ba mà sa cơ vì mưu kế của một kẻ vô danh.

Đời Tam Quốc bên Tàu, Quan Vân Trường đứng đầu ngũ hổ tướng của Hán Trung Vương. Khi thủ Kinh Châu, đã từng bắt Vu Cấm, giết Bằng Đức là tướng tài của Tào Tháo. Nhưng rồi lại bị Lữ Mông, một viên tướng tầm thường của Ngô Quyền triệt hạ các phong hoả đài, đoạt Kinh Châu trong lúc Quan Công đi đánh Phàn thành, rồi phục binh bắt Quan Công nơi Quyết Thạch.

Và một khi dậu đổ thì bìm leo. Hổ lạc bình dương, khuyển khi. Có nghĩa là cọp xuống đất bằng thì bị chó khinh. Người anh hùng một khi đã hết thời, thì ngay cả những kẻ chẳng ra gì cũng dám mở miệng chê bai.

Còn đâu nữa cái thời oanh liệt, bọn tiểu nhân kéo đến núp bóng, lợi dụng danh nghĩa mà ra oai theo kiểu “cáo mượn oai cọp”. Truyện rằng:

Tuyên Vương làm vua cả nước Sở. Chiêu Hề Tuất chỉ là một kẻ bầy tôi. Thế mà người phương bắc, hễ nghe thấy nói về Chiêu Hề Tuất cũng đều phải kính sợ. Vua lấy làm lạ, một hôm hỏi quần thân là vì cớ làm sao? Không ai trả lời nổi. Chỉ có Giang Nhất thưa được rằng:

- Con hổ hay bắt các giống thú để ăn thịt. Một hôm bắt được con cáo. Cáo bảo: Liệu đó! Chớ có động chạm đến ta mà chết ngay bây giờ. Ta là Trời sai xuống, cầm quyền coi hết cả bách thú. Ngươi ăn thịt ta là ngươi trái mệnh trời, hại đến thân ngay lập tức. Không tin, cứ để ta đi trước, ngươi theo hầu sau, xem có con thú nào trông thấy ta mà lại không sợ hãi tìm đường trốn cho mau hay không!

Hổ cho cáo là nói thật, bèn theo cáo đi. Quả nhiên bách thú trông thấy đều sợ mà chạy cả. Hổ vẫn không biết rằng bách thú sợ mình mà chạy, cứ tưởng là sợ cáo. Nay nhà vua nước mạnh, quân nhiều mà vua giao cả quyền thế cho Chiêu Hề Tuất, người phương bắc sợ Hề Tuất, nhưng kỳ thực là sợ vua, cũng như bách thú sợ cáo vậy.

Những kẻ tầm thường mượn quyền thế người trên để hống hách, doạ nạt người ta. Nếu không biết, thì người ta còn sợ, chứ khi “hổ mà thêm cỏ, lừa mà thò tai”, thì chẳng những người ta đem lòng khinh, mà còn làm đê nhục cho bõ ghét. (trích trong Cổ Học Tinh Hoa).

Còn đâu nữa cái thời oanh liệt làm bá chủ cả sơn lâm, như Thế Lữ đã từng diễn tả qua bài “Nhớ rừng”:

Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,

Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.

Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,

Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm

Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm

Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.

Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,

Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,

Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa.

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,

Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,

Với khi thét khúc trường ca dữ dội

Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,

Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,

Vờn bóng âm-thầm, lá gai, cỏ sắc.

Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc

Là khiến cho mọi vật đều im hơi.

Ta biết ta chúa tể muôn của loài

Giữa chốn thảo hoa, không tên không tuổi.

(……..)

 

Tiếp đến, gã xin trình bày về cái tình của loài cọp. Cọp tuy dữ, thế nhung nhiều lúc cái tình của nó cũng thật đậm đà và dễ thương, nó chẳng bao giờ ăn thịt con của mình.

Đối với con người, cọp thường là một mối đe doạ và để lại những hậu quả thảm khốc. Thế nhưng đôi lúc cọp cũng tỏ ra quí mến và biết ơn người đã từng giúp đỡ nó, như câu truyện « Người nuôi cọp » dưới đây:

Ngày xưa, ở huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa có một ông lão tiều phu tên Nguyễn Quốc Oai, tính khí ngông nghênh. Ông lão không có con, chỉ có hai vợ chồng trơ trọi. Nhà làm ở trong núi, hàng ngày kiếm củi bán để sống.

Một hôm, ông lão đi vào rừng trông thấy ở dưới đèo có một con cọp con lông vuốt chưa mọc mà mình mẩy thì đầm đìa máu. Đoán chừng là cọp mẹ cõng con đánh rơi xuống không lấy lên được, bèn trèo xuống bắt lên đem về nuôi, lấy thuốc bôi cho khỏi chỗ đau. Bà vợ thấy thế, can chồng rằng:

- Cọp là giống hung tợn, nuôi thế nào được, hãy thả nó ra, kẻo lại mắc họa về sau.

Ông lão không nghe, nói rằng:

- Giống vật cũng có linh tính, biết đền ơn trả nghĩa. Như trước kia có người đàn ông kiếm củi ở làng Thuận Lộc chữa cho cọp khỏi hóc, người đàn bà bán rượu ở làng Trung Hà giúp cọp sinh đẻ, đến bây giờ những người ấy vào rừng không lo gì cọp nữa. Những người ấy làm ơn trong một lúc mà con cháu còn được đền ơn đến bây giờ. Huống chi là ta nuôi từ lúc yếu đến lúc mạnh, coi nó như là con.

Từ đó, ông nuôi cọp như con. Lúc ăn uống, cho ngồi ở bên, lấy thức mình ăn thừa cho cọp ăn. Dần dần, lông cọp mỗi ngày một dài, nanh vuốt đầy đủ, mà cọp lại hiểu ý người ta, lúc thì múa, lúc thì nhảy làm trò cho vui.

Thấy thế, ông lão càng yêu nó lắm. Đi đâu, ông cũng bảo nó đi theo hầu mang đồ nhắm và đeo bầu rượu. Lúc uống rượu xong thì ông lại cưỡi cọp mà đi lăng nhăng ở trong rừng núi, ai trông thấy cũng lấy làm lạ, sợ hãi.

Buổi tối ông thường đơm đó ở dưới khe suối lấy cá, thỉnh thoảng bị kẻ khác lấy đi mất. Vì thế đêm đêm ông dặn cọp cứ ra đấy mà giữ. Khi nào ông đến thì ho lên mấy tiếng cho nó biết. Hễ cọp nghe thấy tiếng thì ra đón rước. Ông xuống khe, đổ đó lấy cá đem đổi lấy thịt để nuôi cọp.

Cứ như thế được nửa năm. Một đêm, ông say rượu, ra chỗ đơm đó quên không lên tiếng, con cọp ngờ là người khác liền cắn ngay một miếng. Đến lúc trông mặt, biết là cha nuôi mình thì đã muộn. Cọp liền cõng xác cha nuôi lên bờ rồi về nhà, đến trước vợ ông lão, cọp phục xuống mà chảy nước mắt ra, như là kẻ đến thú tội. Người vợ thấy thế lấy làm ngạc nhiên, đốt đuốc đi theo cọp.

Khi đến nơi, thấy chồng nằm trên bờ suối, áo quần đầm đìa những máu, bà liền kêu lên rồi trỏ vào mặt con cọp mà mắng:

- Mày đã quên cái ơn nuôi nấng mà đã vội cắn trả lại chủ mày thế ư? Tao không muốn trông thấy mặt mày nữa, đi đâu thì đi.

Cọp cúi đầu xuống mà ra đi. Sáng hôm sau, người vợ khiêng xác chồng đi chôn.

Đến ngày thành phục thì con cọp đem một con lợn về để ngoài sân, đến ngày cất đám, cọp lại đem về một con bò để cúng chủ. Lại đến ngày tiểu tường, các cọp rủ nhau đến quấy, bắt những súc vật trong làng. Dân chúng sợ hãi xem bói bảo rằng:

- Ấy là cọp muốn báo ơn ông ấy đấy. Các ông nên làm đền mờ thờ Hổ ông. Hễ ông ấy được cúng tế thì yên.

Bấy giờ làng mới đem thờ ông Nguyễn Quốc Oai ở bên tả đình, tôn làm hậu thần, đèn hương ngày đêm cúng tế, gọi là đền Hổ ông.

Quả nhiên từ đấy trong làng được bình yên. (trang Quê Hương)

Cũng vậy, trâu đi, cọp về, mong rằng đất nước sẽ được an bình và dân tộc sẽ được ấm no hạnh phúc.

Gã Siêu  gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************