Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 136, Chúa Nhật 16.01.2011


MỤC LỤC 

Kết thúc TÔNG HUẤN "GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU"                              ĐTC Gioan Phaolo 2

Đức Thánh Cha kêu gọi các chính quyền tôn trọng tự do tôn giáo   Lm. Trần Đức Anh OP

LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO  Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.    

PHÉP RỬA CỦA THẦY GIÊSU (Việt - Anh - Pháp)                     Lm Jos.Tuấn Việt,O.Carm

LY NƯỚC RỖNG                                                                                         Br. Huynhquảng

THẦN TƯỢNG CỦA TÔI                                                            Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

Vài nhận xét về tự do tôn giáo nhân đọc một bản tin            Lm Nguyễn Hồng Giáo OFM.

RỬA BẰNG MÁU                                                                                Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Người tín hữu giáo dân và Sứ mạng RAO GIẢNG PHÚC ÂM          Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

CẦU NGUYỆN THẾ NÀO?                                           Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

VAI TRÒ CHỦ ĐỘNG CỦA NGƯỜI VỢ TRONG HẠNH PHÚC HÔN NHÂN                 Lm. Minh Anh,  biên tập

“MUÔN NGƯỜI HẠNH PHÚC CHAN HÒA”                                  Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC, MD.

CON TRÂU VÀ TÌNH YÊU                                                            Chuyện Phiếm của Gã Siêu


KẾT THÚC  TÔNG HUẤN "GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU" (ECCLESIA IN ASIA)

 

TÔNG HUẤN "GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU" (ECCLESIA IN ASIA)

Nguồn:  http://www.simonhoadalat.com

KẾT THÚC

Lời Cám Ơn Và Khuyến Khích

50.    Các anh chị em Á Châu thân mến, cuối Tông Thư Hậu Thượng Hội Đồng này, với mục đích biện phân Lời Của Thần Khí cho Giáo Hội tại Á Châu (x. Kh 1,11), và nêu lên những hoa quả của Hội Nghị Đặc Biệt về Á Châu của Thượng Hội Đồng các Giám Mục, tôi muốn tỏ bày lòng biết ơn đối với tất cả những người đã góp phần nào đó vào sự thành công của biến cố quan trọng này của Giáo Hội. Trước hết và hơn hết, một lần nữa, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì sự phong phú của các nền văn hoá, ngôn ngữ, truyền thống và cảm thức tôn giáo tại đại lục này. Chúc tụng Thiên Chúa vì các dân tộc Á Châu, thật phong phú trong sự đa dạng, nhưng lại hiệp nhất trong niềm khát khao hoà bình và sự sống viên mãn. Cách riêng, ngày hôm nay, khi gần ngày kỷ niệm Sinh Nhật lần thứ 2000 của Đức Giêsu Kitô, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì đã chọn Á Châu làm nơi trú ngụ trần thế cho Người Con Nhập Thể, Đấng Cứu Độ trần gian.

Tôi không thể không diễn tả lòng ngưỡng mộ của tôi đối với các Giám Mục Á Châu, vì lòng yêu mến sâu sa của các Ngài đối với Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội và các dân tộc Á Châu, và vì chứng tá hiệp thông và dâng hiến quảng đại của các ngài trong công tác rao giảng Tin Mừng. Tôi cám ơn tất cả những ai họp thành đại gia đình của Giáo Hội tại Á Châu: hàng giáo sĩ, các nam nữ tu sĩ và những người được thánh hiến khác, các nhà truyền giáo, các giáo dân, các gia đình, giới trẻ, dân bản xứ, những công nhân, những người nghèo và khốn cực. Tận đáy lòng tôi có một chỗ đặc biệt dành cho những người bị bắt bớ vì lòng tin vào Đức Kitô. Họ là những trụ cột ẩn khuất của Giáo Hội. Chính Đức Giêsu nói những lời đầy an ủi nầy với họ: "Anh em được chúc phúc trong Nước Trời" (x. Mt 5,10).

Những lời nói của Đức Giêsu khích lệ Giáo Hội tại Á Châu: "Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em" (Lc 12,32). Những kẻ tin vào Đức Kitô vẫn là một thiểu số bé nhỏ trong lục địa mênh mông và đông dân nhất này. Nhưng không phải là một thiểu số nhút nhát, họ có một đức tin sống động, họ tràn đầy hy vọng và sức sống mà duy chỉ tình yêu mới có thể mang lại. Qua lối sống khiêm tốn nhưng can đảm của họ, họ đã gây ảnh hưởng đến các nền văn hoá và các xã hội tại Á Châu, cách riêng đến cuộc sống của kẻ nghèo và không ai giúp đỡ, nhiều người trong số này chưa được chia sẻ đức tin Công giáo. Họ là gương sáng cho tất cả Kitô hữu khắp nơi về thái độ saün sàng chia sẻ kho tàng Tin Mừng "lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện" (2 Tm 4,2). Họ tìm được sức mạnh trong quyền năng vô biên của Chúa Thánh Thần, nhờ Người mà, dẫu con số thành viên của Giáo Hội tại Á Châu chung chung rất nhỏ nhoi, sự hiện diện của Giáo Hội giống như chút men trộn vào khối bột, vẫn làm cho toàn khối dậy men một cách âm thầm và kín đáo (x. Mt 23,33).

Các dân tộc Á Châu cần đến Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Á Châu đang khao khát nước hằng sống mà chỉ một mình Đức Giêsu có thể ban phát cho (x. Ga 4,10-15). Vì thế, các môn đệ Đức Kitô tại Á Châu phải quảng đại trong nỗ lực chu toàn sứ mạng họ đã lãnh nhận từ Chúa, Đấng đã hứa ở với họ cho tới tận thế (x. Mt 28,20). Với hết lòng tin tưởng vào Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi những kẻ Người kêu gọi, Giáo Hội tại Á Châu vui vẻ làm cuộc hành trình tiến vào ngàn năm thư ba. Niềm vui duy nhất của Giáo Hội là niềm vui xuất phát từ sự chia sẻ với đông đảo các dân tộc Á Châu, ân huệ vô biên mà Giáo Hội đã lãnh nhận -tình yêu của Đức Giêsu Cứu Thế. Tham vọng duy nhất của Giáo Hội là tiếp tục sứ mạng phục vụ và yêu thương của mình, để tất cả mọi người Á Châu "có được sự sống và sống dồi dào" (Ga 10,10).

Lời Cầu Nguyện Với Mẹ Đức Kitô

51. Đối diện với sứ mạng đầy thách đố như thế, chúng ta hướng về Đức Maria, Đấng mà như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã nói, các Kitô hữu Á Châu rất yêu mến và thiết tha, tôn kính Người như là Mẹ mình và là Mẹ Đức Kitô (240). Khắp nơi tại Á Châu, có hàng trăm thánh đường và đền thờ kính Đức Maria, nơi đó tụ họp không những người Công giáo, mà còn các người theo các tôn giáo khác nữa.

Trước ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba của kỷ nguyên Kitô giáo, tôi phó thác Giáo Hội tại Á Châu cho Đức Maria, gương mẫu của tất cả các môn đệ và là Ngôi Sao Sáng của việc Phúc âm hoá, tuyệt đối tin rằng đôi tai của Ngài là đôi tai luôn lắng nghe, quả tim của Ngài là quả tim luôn đón tiếp, và lời cầu của Ngài là lời cầu không bao giờ không được đáp ứng:

Lạy Đức Maria Rất Thánh, Nữ Tử của Thiên Chúa Tối Cao,
Mẹ Đồng Trinh của Đấng Cứu Thế
và Mẹ của tất cả chúng con
xin Mẹ âu yếm nhìn đến Giáo Hội của Con Mẹ
được gieo trồng trên mảnh đất Á Châu.
Xin Mẹ làm người hướng dẫn và mẫu gương cho Giáo Hội
khi Giáo hội tiếp tục sứ mạng của Con Mẹ,
sứ mạng tình yêu và phục vụ tại Á Châu.

Mẹ đã chấp nhận cách hoàn toàn và tự do
tiếng gọi của Chúa Cha để làm Mẹ Thiên Chúa;
xin dạy chúng con loại bỏ ra khỏi lòng chúng con
tất cả những gì không thuộc về Chúa,
để chúng con cũng được tràn đầy
Chúa Thánh Thần từ trời cao.
Mẹ suy niệm các mầu nhiệm của thánh ý Chúa
trong tĩnh lặng của lòng Mẹ;
xin giúp chúng con trong cuộc hành trình
biết biện biệt những dấu chỉ của bàn tay uy quyền của Chúa.
Mẹ đã mau mắn đi thăm viếng bà Elizabeth
và giúp bà trong những ngày chờ đợi của bà;
xin cầu cho chúng con
cũng được một tinh thần sốt mến và phục vụ
trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng của chúng con.
Mẹ đã hát bài ngợi khen Chúa;
xin dẫn dắt chúng con
biết hân hoan loan báo niềm tin vào Đức Kitô,
Đấng Cứu Độ chúng con.
Mẹ đã xót thương những kẻ thiếu thốn
và nói với Con Mẹ giùm cho họ;
xin dạy chúng con đừng bao giờ e sợ
phải nói về thế giới cho Đức Giêsu
và phải nói về Đức Giêsu cho thế giới.
Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá
khi Con Mẹ thở hơi cuối cùng;
xin Mẹ ở với chúng con
khi chúng con tìm cách nên một
trong tinh thần và trong phục vụ
với tất cả những ai đau khổ.
Mẹ đã cầu nguyện với các môn đệ trên Lầu Cao;
xin giúp chúng con biết trông chờ Thần Khí
và đi tới nơi nào Thần Khí hướng dẫn chúng con.

Xin bảo vệ Giáo Hội khỏi mọi quyền lực
đang đe doạ Giáo Hội.
Xin giúp Giáo Hội trở nên một hình ảnh đích thực
của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.
Xin cầu giúp nguyện thay
để nhờ tình yêu và phục vụ của Giáo Hội
tất cả các dân tộc Á Châu có thể biết Con của Mẹ,
Đức Giêsu Kitô,
Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới,
và hưởng nếm niềm vui sự sống viên mãn.

Ôi Maria, Mẹ của Thọ Tạo Mới
và Mẹ của Á Châu,
xin cầu cho chúng con là con cái Mẹ,
bây giờ và mãi mãi!

(Ban hành tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 6/11/1999 năm thứ 22 Triều Giáo Hoàng của TA)

VỀ MỤC LỤC
Đức Thánh Cha kêu gọi các chính quyền tôn trọng tự do tôn giáo
 

Nguồn: http://www.radiovaticana.org/vie/Articolo.asp?c=453045

VATICAN. Sáng ngày 10-1-2011, ĐTC Biển Đức 16 đã mạnh mẽ bênh vực tự do tôn giáo dưới mọi khía cạnh và ngài cũng nhắc đến Việt Nam.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh gồm đại diện 178 quốc gia, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới. ĐTC tố giác nạn bách hại, kỳ thị các tín hữu Kitô, kêu gọi bãi bỏ đạo luật bất công chống phạm thượng tại Pakistan, kêu gọi các nước Âu Mỹ đừng gạt bỏ tôn giáo ra ngoài lề xã hội và hãy tôn trọng quyền tự do phản kháng lương tâm của những người thi hành nghề nghiệp trong lãnh vực y tế và luật pháp.

Riêng về Việt Nam, ĐTC nói: ”Tôi muốn hài lòng ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã chấp nhận để tôi chỉ định một Đại diện, qua các cuộc viếng thăm cộng đồng Công giáo quý mến tại nước này, vị ấy sẽ bày tỏ sự quan tâm ân cần của Người Kế Vị Thánh Phêrô”.

Dưới đây là một số đoạn nổi bật trong diễn văn của Đức Thánh Cha:

Khát vọng tự do tôn giáo

”Giữa lúc năm mới bắt đầu, trong tâm hồn chúng ta và trên thế giới còn âm vang lời loan báo vui mừng bừng lên cách đây 20 thế kỷ trong đêm tại Bethlehem, đêm tượng trưng tình cảnh của nhân loại cần ánh sáng, tình thương và an bình. Với những người thời đó cũng như con người thời nay, đạo binh thiên quốc đã mang tin vui Đấng Cứu Thế giáng lâm: ”Dân tộc bước đi trong tăm tối đã thấy xuất hiện luồng sáng lớn; một ánh sáng đã chiếu dọi trên những những người ở trong xứ tối tăm” (Is 9,1).

Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người chắc chắn vượt quá sự mong đợi của loài người. Trong sự nhưng không tuyệt đối, biến cố cứu độ ấy là câu trả lời đích thực và trọn vẹn cho mong ước sâu xa của tâm hồn. Sự thật, sự thiện, hạnh phúc, đời sống sung mãn mà mỗi người tìm kiếm, dù ý thức hay vô tình, đã được Thiên Chúa ban cho họ. Khi mong ước những điều thiện hảo ấy, mỗi người tìm kiếm Đấng Sáng Tạo nên mình, vì ”chỉ có Thiên Chúa mới đáp ứng khát vọng trong tâm hồn mọi người” (Tông Huấn Verbum Dei, 23). Suốt trong lịch sử, qua những tín ngưỡng và lễ nghi, nhân loại chứng tỏ một sự không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa và ”những hình thức diễn tả ấy có tính cách phổ quát đến độ người ta có thể gọi con người là một hữu thể có tôn giáo” (SGLCG n.28). Chiều kích tôn giáo là một đặc tính không thể phủ nhận và cưỡng bách của con người và hành động của con người, mức độ thực hiện vận mạng của họ cũng như việc xây dựng cộng đoàn của họ. Vì thế, khi một cá nhân hoặc những người xung quanh thờ ơ và phủ nhận chiều kích cơ bản ấy, thì sẽ xảy ra tình trạng mất quân bình và những xung đột ở mọi cấp độ, trên bình diện bản thân cũng như bình diện liên chủ thể.”

Chính trong chân lý tiên quyết và cơ bản đó có lý do tại sao tôi đã coi tự do tôn giáo như con đường nền tảng để xây dựng hòa bình, trong Sứ điệp để cử hành Ngày Thế Giới về hòa bình năm nay. Thực vậy, hòa bình chỉ được xây dựng và bảo tồn khi con người có thể tự do tìm kiếm và phụng sự Thiên Chúa trong tâm hồn, trong cuộc sống và trong những quan hệ với tha nhân.

Thưa quí vị Đại Sứ, sự hiện diện của quí vị trong dịp long trọng này là một lời mời gọi làm một vòng chân trời tất cả những quốc gia mà quí vị đại diện và trên toàn thế giới. Trong khung cảnh toàn diện này, phải chăng không có nhiều hoàn cảnh trong đó rất tiếc là quyền tự do tôn giáo bị thương tổn hoặc bị phủ nhận? Nhân quyền này, trong thực tế là quyền đầu tiên, vì xét về lịch sử, quyền này được khẳng định đầu tiên, và đàng khác, nó có đối tượng là chiều kích cấu thành con người, nghĩa là quan hệ của con người với Đấng Tạo Hóa, phải chăng quá nhiều khi quyền này bị đặt lại vấn đề hoặc bị vi phạm? Tôi thấy xã hội, các vị lãnh đạo và dư luận quần chúng ngày nay ý thức hơn về vết thương trầm trọng chống lại phẩm giá và tự do của con người tôn giáo, tuy rằng sự ý thức ấy không luôn luôn chính xác, và nhiều lần tôi đã muốn lưu ý mọi người về những vi phạm ấy.

Tôi đã lưu ý như thế trong các cuộc tông du của tôi hồi năm ngoái tại Malta và Bồ đào nha, tại đảo Chypre, Vương quốc Anh và Tây Ban Nha. Ngoài những đặc tính khác nhau, từ tất cả các cuộc viếng thăm ấy, tôi đều giữ mãi một kỷ niệm đầy lòng biết ơn về sự tiếp đón đã dành cho tôi. Thượng HĐGM đặc biệt về Trung Đông, diễn ra tại Vatican hồi tháng 10 năm ngoái, là một thời điểm cầu nguyện và suy tư, trong đó người ta liên tục nghĩ đến các cộng đồng Kitô tại vùng này của thế giới, các cộng đồng ấy bị thử thách nặng nề vì lòng gắn bó của họ với Chúa Kitô và Giáo Hội.

Những vụ vi phạm tự do tôn giáo tại Đông phương

”Đúng vậy, khi nhìn về Đông Phương, chúng ta cảm thấy đau buồn sâu xa vì các vụ khủng bố đã gieo chết chóc, đau thương và hoang mang nơi các tín hữu Kitô Irak, đến độ thúc đẩy họ rời bỏ phần đất nơi cha ông họ đã sống trong bao thế kỷ. Tôi lo âu tái kêu gọi chính quyền các nước ấy và các vị lãnh đạo Hồi giáo hãy hoạt động để các đồng bào Kitô hữu của mình có thể sống trong an ninh và tiếp tục đóng góp cho xã hội mà họ là những thành phần với đầy đủ danh nghĩa. Tại Ai cập cũng thế, ở Alexandria, khủng bố đã giáng xuống một cách tàn bạo vào các tín hữu đang cầu nguyện trong một thánh đường. Hàng loạt các vụ tấn công ấy mang thêm một dấu chỉ cho thấy các chính phủ trong vùng cần cấp thiết đề ra những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số, mặc dù có những khó khăn và hăm dọa. Phải chăng cần phải nói lại điều đó một lần nữa? Tại Trung Đông, ”các tín hữu Kitô là những công dân nguyên thủy và đích thực, trung thành với tổ quốc của họ và chu toàn tất cả các bổn phận quốc gia. Dĩ nhiên là họ cũng có thể được hưởng mọi quyền công dân, tự do lương tâm và tự do phụng tự, tự do trong lãnh vực giáo dục và giảng dạy, cũng như trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông” (Sứ điệp Thượng HĐGM về Trung Đông gửi Dân Chúa, n.10). Về vấn đề này, tôi đề cao sự chú ý đối với các quyền của những người yếu thế hơn và chính sách nhìn xa trông rộng mà một số quốc gia Âu Châu đang chứng tỏ trong những ngày gần đây, khi yêu cầu có một câu trả lời có phối hợp của Liên hiệp Âu Châu để các tín hữu Kitô tại Trung Đông được bảo vệ. Sau cùng, tôi muốn nhắc lại rằng quyền tự do tôn giáo không được áp dụng đầy đủ tại những nơi mà chỉ có quyền tự do phụng tự được bảo đảm, và tệ hơn nữa với những hạn chế. Ngoài ra, tôi khuyến khích tháp tùng sự bảo vệ hoàn toàn quyền tự do tôn giáo và các nhân quyền khác bằng những chương trình giáo dục tôn trọng mọi người trong nhân loại, từ cấp tiểu học và trong khuôn khổ việc giáo dục tôn giáo. Về những quốc gia thuộc Bán đảo Arập, nơi có nhiều người công dân Kitô di dân sinh sống, tôi mong ước rằng Giáo Hội Công Giáo có thể có những cơ cấu mục vụ thích hợp.

Kêu gọi bãi bỏ luật kỳ thị tôn giáo

Trong số những qui luật làm tổn thương quyền tự do tôn giáo của con người, cần đặc biệt nhắc đến luật chống phạm thượng tại Pakistan: tôi tái khuyến khích chính quyền nước này đề ra những nỗ lực cần thiết để bãi bỏ luật đó, nhất là vì hiển nhiên luật ấy được dùng như một cái cớ để tạo nên những bất công và bạo lực chống các nhóm tôn giáo thiểu số. Vụ ám sát thê thảm vị Thống đốc tỉnh Punjab chứng tỏ cần cấp thiết tiến hành theo chiều hướng này: đó là sự kính thờ Thiên Chúa thăng tiến tình huynh đệ và tình thương, chứ không phải sự oán ghét và chia rẽ. Những hoàn cảnh đáng lo âu khác, nhiều khi có kèm theo những hành vi bạo lực, có thể được nhắc đến ở miền Nam và Đông Nam Á châu, tại những nước vốn có một truyền thống các quan hệ xã hội an bình. Tầm quan trọng đặc thù của một tôn giáo trong một quốc gia không bao giờ bao hàm điều này là các tín đồ thuộc một tôn giáo khác bị kỳ thị trong đời sống xã hội, hoặc tệ hơn nữa người ta dung dưỡng bạo lực chống lại các tín đồ ấy. Về vấn đề này, điều quan trọng là cuộc đối thoại liên tôn tạo điều kiện dễ dàng cho một sự dấn thân chung để nhìn nhận và thăng tiến tự do tôn giáo của tất cả mọi người và mọi cộng đoàn. Sau cùng, như tôi đã nhắc lại, bạo lực chống các tín hữu Kitô cũng xảy ra tại Phi châu. Những vụ tấn công chống các nơi thờ phượng ở Nigeria, trong lúc người ta cử hành lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô, là một bằng chứng đau buồn về điều đó.

Mặc khác, tại các nước khác, Hiến Pháp nhìn nhận một sự tự do tôn giáo nào đó, nhưng trong thực tế, đời sống của các cộng đoàn tôn giáo trở nên khó khăn, và đôi khi bấp bênh (Dignitatis Humanae, n.15), vì cơ cấu pháp lý hoặc xã hội chiếu theo các hệ thống triết lý hoặc chính trị đòi có một sự kiểm soát chặt chẽ, nếu không muốn nói là sự độc quyền của Nhà Nước trên xã hội. Cần phải chấm dứt những mơ hồ như thế, để các tín hữu không bị giằng co giữa sự trung thành với Thiên Chúa và trung thành với tổ quốc của mình. Tôi đặc biệt yêu cầu bảo đảm cho các cộng đoàn Công Giáo ở khắp nơi được hoàn toàn tự quyết trong việc tổ chức và tự do chu toàn sứ mạng của mình, phù hợp với các qui luật và tiêu chuẩn quốc tế trong lãnh vực này.

Lúc này đây, tôi lại nghĩ đến cộng đoàn Công Giáo tại Hoa Lục với các vị Mục Tử cảu Giáo Hội này, đang sống trong thời kỳ khó khăn và thử thách. Đàng khác, tôi muốn gửi một lời khích lệ đến chính quyền Cuba, hồi năm 2010, quốc gia đã mừng kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao liên tục với Tòa Thánh, để cuộc đối thoại đã được khởi sự tốt đẹp với Giáo Hội càng được củng cố và mở rộng.

Tự do tôn giáo bị vi phạm tại Tây Phương

”Di chuyển cái nhìn của chúng ta từ Đông đang Tây, chúng ta đứng trước một loại đe dọa khác chống lại sự thi hành trọn vẹn quyền tự do tôn giáo. Trước tiên, tôi nghĩ đến những nước trong đó người ta dành một tầm quan trọng cho sự đa nguyên và bao dung, nhưng tại đó tôn giáo ngày càng bị gạt ra ngoài lề xã hội. Người ta có xu hướng coi tôn giáo, tất cả mọi tôn giáo, như một nhân tố không quan trọng, xa lạ với xã hội tân tiến, thậm chí họ coi tôn giáo là một yếu tố làm mất sự ổn định và người ta dùng những phương thế khác nhau để ngăn cản mọi ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống xã hội. Thế là người ta đi đến chỗ đòi các tín hữu Kitô khi thi hành nghề nghiệp, không được tham chiếu các xác tín tôn giáo và luân lý của họ, và thậm chí đi ngược với những xác tín ấy, ví dụ như tại những nơi có các luật lệ hạn chế quyền phản kháng lương tâm của các người hành nghề sức khỏe hoặc một số luật sư.

Trong bối cảnh đó, chúng ta vui mừng vì hồi tháng 10 vừa qua, Hội đồng Âu Châu đã thông qua một Nghị quyết bảo vệ quyền của các nhân viên y tế được phản kháng lương tâm đứng trước một số hành vi làm thương tổn trầm trọng quyền sống, như phá thai.

Một biểu hiện khác chứng tỏ sự gạt bỏ tôn giáo ra ngoài lề, và đặc biệt là gạt Kitô giáo, đó là sự cấm những ngày lễ và các biểu tượng tôn giáo trong đời sống công cộng, nhân danh sự tôn trọng đối với những người thuộc các tôn giáo khác hoặc những người không tín ngưỡng. Làm như thế, không những người ta giới hạn quyền của các tín hữu được công khai bày tỏ đức tin, nhưng còn cắt bỏ những căn cội văn hóa nuôi dưỡng căn tính sâu xa và sự gắn bó xã hội của nhiều quốc gia. Năm ngoái, một số nước Âu Châu đã liên kết với chính phủ Italia trong vụ kiện được biết đến nhiều liên quan đến việc treo Thánh Giá tại những nơi công cộng. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với chính quyền các nước ấy, cũng như tất cả những người dấn thấn theo chiều hướng đó, các hàng Giám Mục, các tổ chức và hiệp hội dân sự hoặc tôn giáo, đặc biệt là Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva và các đại diện khác của hàng giáo phẩm Chính Thống giáo, cũng như tất cả những người - dù là tín hữu hay không có tín ngưỡng - đã muốn bày tỏ lòng gắn bó của họ đối với biểu tượng này vốn mang các giá trị phổ quát.

Ngoài ra, nhìn nhận tự do tôn giáo có nghĩa là bảo đảm cho các cộng đoàn tôn giáo có thể tự do hoạt động trong xã hội, với những sáng kiến trong lãnh vực xã hội, từ thiện hoặc giáo dục. Đàng khác, khắp nơi trên thế giới, người ta có thể nhận thấy các hoạt động phong phú của Giáo Hội Công Giáo trong các lãnh vực này. Thật là đáng lo âu vì công việc phục vụ ấy mà các cộng đồng tôn giáo mang lại cho toàn thể xã hội, đặc biệt là cho việc giáo dục các thế hệ trẻ, bị thương tổn hoặc cản trở vì những dự luật có nguy cơ tạo nên một thứ độc quyền của Nhà Nước trong vấn đề trường học, như người ta nhận thấy ví dụ tại một vài nước Mỹ châu la tinh. Trong khi nhiều nước thuộc đại lục này mừng kỷ niệm 200 năm độc lập, một cơ hội thuận tiện để nhớ lại sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo cho sự hình thánh căn tính quốc gia, tôi khuyên tất cả các chính phủ hãy thăng tiến các hệ thống giáo dục tôn trọng quyền đầu tiên của các gia đình trong việc quyết định việc giáo dục cho con em và chiếu theo nguyên tắc phụ đới, là nguyên tắc nền tảng để tổ chức một xã hội công bằng.

Tiếp tục suy tư của tôi, tôi không thể im lặng trước một sự vi phạm khác chống lại tự do tôn giáo của các gia đình tại một vài nước Âu Châu, nơi mà ngừơi ta ép buộc các học sinh phải tham dự các lớp giáo dục tính dục hoặc công dân có những quan niệm về con người và về sự sống, mệnh danh là trung lập, nhưng trong thực tế, chúng phản ánh một thứ nhân loại học trái ngược với đức tin và lý trí đúng đắn.

Nguyên tắc mà Tòa Thánh theo đuổi

”Thưa quí vị Đại Sứ, trong dịp long trọng này, xin cho phép tôi giải thích vài nguyên tắc mà Tòa thánh, cùng với toàn thể Giáo Hội Công Giáo, lấy hứng từ đó trong các hoạt động của mình cạnh các tổ chức Quốc tế liên chính phủ, để cổ võ sự tôn trọng tự do tôn giáo hoàn toàn cho tất cả mọi người. Trước tiên là xác tín theo đó người ta không thể thiết lập một thứ các nấc thang trong mức độ trầm trọng của sự bất bao dung đối với các tôn giáo. Đáng tiếc là thái độ như thế là điều thường xảy ra, và chính những hành vi kỳ thị chống các tín hữu Kitô bị coi là ít trầm trọng, ít đáng được các chính phủ và dư luận quần chúng chú ý. Đồng thời người ta cũng phải loại bỏ sự tương phản nguy hiểm mà một số người muốn thiết lập giữa quyền tự do tôn giáo và các quyền khác của con người, làm như thế là quên đi hoặc phủ nhận vai trò trung tâm của sự tôn trọng tự do tôn giáo và việc bảo vệ phẩm giá cao trọng của con người. Những toan tính đối nghịch quyền tự do tôn giáo với những cái gọi là những quyền mới là điều càng ít có thể biện minh hơn. Những cái gọi là quyền mới này được một số thành phần xã hội cổ võ và được tháp nhập vào những luật lệ quốc gia hoặc trong những chỉ thị quốc tế, nhưng trong thực tế, đó chỉ là biểu hiện những ước muốn ích kỷ và không có nền tảng trong bản tính đích thực của con người. Sau cùng, cần phải khẳng định rằng một sự tuyên bố trừu tượng về tự do tôn giáo thì không đủ: quy luật nền tảng này của đời sống xã hội phải được áp dụng và tôn trọng ở mọi cấp độ và trong mọi lãnh vực; nếu không, thì mặc dù có những khẳng định đúng về nguyên tắc, người ta có nguy cơ phạm những bất công sâu xa đối với các công dân muốn tự do tuyên xưng và thực hành tín ngưỡng của họ”.

Hoạt động của Tòa Thánh bênh vực tự do tôn giáo

Trong phần kế tiếp của bài diễn văn, ĐTC cho biết việc thăng tiến quyền tự do tôn giáo trọn vẹn của các cộng đồng Công Giáo cũng là mục đích mà Tòa Thánh theo đuổi khi ký kết các hiệp định hoặc các thỏa thuận khác với chính phủ các nước trên thế giới. Hoạt động của các vị Đại diện Tòa Thánh ở các quốc gia và các tổ chức quốc tế cũng nhắm phục vụ cho tự do tôn giáo. Ngài nói: ”Tôi muốn hài lòng ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã chấp nhận để tôi chỉ định một Đại diện, qua các cuộc viếng thăm cộng đồng Công giáo quý mến tại nước này, vị ấy sẽ bày tỏ sự quan tâm ân cần của Người Kế Vị Thánh Phêrô. Tôi cũng muốn nhắc lại rằng trong năm qua, hệ thống ngoại giao của Tòa Thánh càng được củng bố tại Phi châu, với sự hiện diện ổn định từ nay được thiết lập tại 3 nước, trong đó có vị Sứ Thần Tòa Thánh thường trú. Nếu Chúa muốn, tôi sẽ trở lại đại lục Phi châu, tại Benin, vào tháng 11 năm nay, để trao Tông Huấn đúc kết thành quả Thượng HĐGM đặc biệt kỳ hai về Phi châu”.

ĐTC nói thêm rằng “Sau cùng, trước cử tọa quan trọng này, tôi muốn mạnh mẽ tái khẳng định: tôn giáo không phải là một vấn đề đối với xã hội, tôn giáo không phải là một nhân tố gây ra xáo trộn hoặc xung đột. Tôi muốn lập lại rằng Giáo Hội không tìm kiếm đặc ân và cũng không muốn can thiệp trong những lãnh vực xa lạ với sứ mạng của mình, nhưng chỉ muốn thi hành sứ mạng này trong tự do”.
ĐTC đặc biệt đề cao sự đóng góp của các tôn giáo trên thế giới cho sự phát huy nền văn minh.. Sự chân thành tìm kiếm Thiên Chúa đã dẫn tới sự tôn trọng hơn đối với phẩm giá con người.. Ước gì không một xã hội loại người nào tự ý từ bỏ sự đóng góp cơ bản là những người và các cộng đồng tôn giáo!”

G. Trần Đức Anh OP

VỀ MỤC LỤC
LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO
 

Ngày 11-11-2010, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã ban hành Tông Huấn Verbum Domini (Lời Chúa) dựa vào các khuyến cáo của Cuộc Họp Thường Lệ Lần Thứ Mười Hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Vatican trong các ngày 5-26 tháng Mười năm 2008, năm kính Thánh Phaolô. Chủ đề của cuộc họp đó là “Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội”. Tông Huấn này dài gần 200 trang với 124 đoạn. Tôi cũng cố mua một ấn bản bằng tiếng Tây Ban Nha để những giờ rãnh rỗi có thể đọc thêm và cũng muốn hiểu thêm tính thời sự của Tông Huấn này. Có một số từ ngữ chuyên môn hơi khó hiểu nên tôi phải vào Vietcatholic để tải bản dịch của dịch giả Vũ Văn An làm bản đối chiếu và tôi cảm thấy thích thú với Tông Huấn này. Cũng nhân dịp này có chị bạn trong Nhóm Tiến Bước đề nghị chia sẻ một tí về Lời Chúa dưới cái nhìn của một người đang làm việc truyền giáo ở Nam Mỹ cho tờ Tiến Bước sắp tới. Thế là tôi cố gắng viết một chút về lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của các nhà truyền giáo.

Trong Tông Huấn này, Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI tái khẳng định rằng sứ mạng loan báo Lời Chúa là nghĩa vụ của tất cả mọi tín hữu đã chịu phép rửa. Không Kitô hữu nào có thể cảm thấy xa lạ với trách nhiệm ấy. Ý thức này phải được khơi dậy trong mỗi gia đình, giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ đặc biệt với những người lãnh nhận chức thánh, cách riêng, các linh mục, ngài viết : Với các linh mục, tôi xin nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Pastores Dabo Vobis, từng tuyên bố rằng “Linh mục trước hết là thừa tác viên của lời Chúa, được thánh hiến và sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, kêu gọi mọi người vâng theo đức tin và dẫn dắt tín hữu tới việc hiểu biết và tham dự mỗi ngày một hơn vào sự thông hiệp mầu nhiệm Thiên Chúa, như đã được mạc khải và thông truyền cho ta nơi Chúa Kitô. Vì lý do đó, linh mục phải trước nhất khai triển một sự thân quen cao độ với lời Chúa. Có kiến thức về các khía cạnh ngữ học và chú giải của Thánh Kinh chưa đủ, dù cần thiết. Linh mục còn cần tiếp cận lời Chúa với một tâm hồn ngoan ngoãn và năng cầu nguyện, để lời ấy vào sâu trong tư tưởng, trong xúc cảm của ngài và tạo ra một cái nhìn mới ở trong ngài, tức “tâm trí Chúa Kitô” (1 Cor 2:16)”. Thành thử, lời của linh mục, các quyết định và tác phong của ngài phải càng ngày càng trở nên một phản ảnh, một công bố và một nhân chứng của Tin Mừng; “Chỉ khi nào ngài ‘cư ngụ’trong lời Chúa, linh mục mới trở nên môn đệ hoàn hảo của Chúa. Chỉ lúc đó, ngài mới biết chân lý và thực sự tự do” (Xc số 266 và 267 của Tông Huấn VD).

Thật vậy, linh mục có 3 nhiệm vụ chính yếu là Giảng Dạy, Thánh Hóa và Cai quản. Như vậy, Lời Chúa là một trong 3 cột trụ chính yếu của đời sống và sứ vụ linh mục. Ba cột trụ này gắn liền và dựa vào nhau như điều kiện ắt có và đủ. Nếu một cột trụ bị quên lãng, không những tòa nhà sẽ lung lay, mà chính hai cột trụ còn lại cũng yếu ớt và èo oặt.

Như tôi đã từng chia sẻ trong những năm tháng đầu tiên nơi xứ truyền giáo. Tôi bị shock rất nhiều khi nhìn thấy một số anh em linh mục truyền giáo chỉ biết đến công việc và tố chức bề ngoài cho hoàng tráng mà chẳng bao giờ chịu ngồi để đọc Kinh Thần Vụ và suy niệm Lời Chúa. Dĩ nhiên ai cũng phải làm việc để mưu sinh. Các linh mục truyền giáo cần phải làm việc nhiều hơn vừa để mưu sinh, vừa để đem Lời Chúa đến cho mọi người. Nhưng nếu các nhà truyền giáo chỉ làm việc mà không chú trọng đến đời sống tâm linh để quân bình cuộc sống thì đó là một nguy cơ lớn. Có lần tôi đã tâm sự điều này với một linh mục người Ấn Độ vừa đắc cử bề trên giám tỉnh tại Paraguay và ngài đã ghi nhận vấn đề này. Khi ngài vừa nhận chức vào những ngày đầu của năm mới 2011, ngài đã sắp xếp nhân sự và đưa ra những nội quy trong đời sống chung đế giúp anh em vừa có giờ làm việc, vừa có giờ cầu nguyện chung để hun đúc tinh thần truyền giáo dù điều này có sự chống đối của một số anh em linh mục chỉ thích sống riêng không ai kiểm soát. Thánh Bê-na-đô đã từng nói: “Nếu anh em biết giữ luật, thì luật sẽ giữ anh em”. Một số linh mục nghĩ rằng sau thời gian học hành ở chủng viện thì không cần phải học hành chi nữa. Họ không muốn đọc kinh chung, họp hành chung hay tĩnh tâm chung. Họ thường tìm cái thoái thoát do công việc mục vụ nhiều và ngay cả bề trên cũng chẳng làm gì được họ vì họ đã là linh mục và là vua một cõi! Điều này trở thành nguy cơ và nhiều anh em linh mục tu sĩ đã vô tình đánh mất ơn gọi của mình khi thiếu sự hiệp thông huynh đệ trong đời sống cầu nguyện.         

Khi nói về việc canh tân công tác truyền giáo, ĐTC Gioan Phao-lô II, trong thông điệp Redemptoris Missio (Sứ Mạng Đấng Cứu Thế) nói như sau: “Để khơi dậy đà dấn thân mới trong việc truyền giáo cần phải có các nhà truyền giáo thánh thiện. Nếu chỉ đổi mới các phương pháp mục vụ không thôi chưa đủ; tổ chức hoặc điều hành lại các lực lượng tông đồ cũng không đủ; ngay cả nỗ lực suy tư tìm kiếm các lý do thần học, kinh thánh không cũng không đủ. Cần phải huy động một nhiệt tâm lên thánh nơi các nhà truyền giáo và trong tất cả cộng đoàn tín hữu" (RMi 90). Nói như thế là nhấn mạnh đến con người nhà truyền giáo và trong con người của nhà truyền giáo, điểm chính là cái hồn.

 

Ai đó đã từng nói rằng chúng ta không thể cho cái mà chúng ta không có. Các nhà truyền giáo là những người đem Chúa Kitô đến cho mọi người qua cuộc sống chứng nhân và qua lời rao giảng. Nếu những người muốn dấn thân truyền giáo nhưng chỉ học hành đối phó và nín thở qua sông đợi đến ngày chịu chức linh mục rồi chẳng quan tâm gì đến chuyện đào sâu “cái nghề” của mình thì thử hỏi công việc truyền giáo sẽ đi về đâu! Thánh Giê-rê-ni-mô đã từng nói : “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Làm sao nói về Chúa Kitô nếu chúng ta không biết về Ngài. Làm sao biết về Ngài nếu không đọc và nghiền ngẫm Lời Chúa vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sang chỉ đường con đi” (Tv. 119,105). Lời Chúa chính là ngọn đèn, là ánh sáng giúp các nhà truyền giáo bước đi và dẫn người khác đi theo. Các linh mục tu sĩ, các nhà truyền giáo là những Kitô thứ hai, là một quyển Kinh Thánh sống động để người ta đọc và nhận biết Đức Kitô, nhưng cũng có một số kitô thứ hai ấy, những quyển Kinh Thánh ấy mà bên trong không có chữ nào thì thử hỏi làm sao giúp người ta nhận biết được Đức Kitô đích thật.

 

Khi còn phụ trách một cộng đoàn học viện ở Sài Gòn, có lần tôi mời cha xứ An Nhơn Giuse Mai Văn Rự (Ngài đã được Chúa gọi về năm 2009) tĩnh tâm tháng cho các thầy. Ngài đã chia sẻ rằng nếu các thầy chuẩn bị bài giảng cho ngày Chúa Nhật thì ngay từ ngày đầu tuần các thầy nên đọc các bài đọc sách Thánh, rồi nghiền ngẫm và mới viết xuống những ý tưởng rồi đọc đi, đọc lại nhiều lần trước khi soạn thành bài giảng. Đó mới đích thực là bài giảng của chúng ta.

 

Thế giới hiện đại giúp cho con người đỡ tốn thời gian, nhất là về phương diện Internet. Tuy nhiên nó cũng có thể làm cho con người mụ mẫm và mất đi khả năng suy tư vì lạm dụng quá nhiều vào nó. Quả thực, ta chỉ cần vào Google và tìm bất cứ tài liệu gì thì chỉ trong vòng vài giây sẽ có ngay. Cũng vì thế mà có hiện tượng đạo văn, đạo nhạc, đạo thơ… và đạo bài giảng. Một số anh em linh mục làm biếng soạn bài giảng vì bận đi… nhậu thường xuyên hay đi đánh tennis nên cứ vào online và cắt dán vài bài giảng hay rồi cứ thế mà lên tòa giảng. Nhiều người vỗ tay hoan nghênh và khen rằng cha trẻ này giảng tuyệt hay mà đâu có biết rằng cha ấy đã cướp công của người khác. Nói như vậy không có nghĩa là tôi đang lên án các linh mục đồng môn của mình vì chính tôi cũng có nhiều lần lâm vào tình trạng như thế và đã chứng kiến nhiều đồng môn của mình cũng như thế nên tự bản thân thấy hối hận và muốn chuộc lỗi.

 

Cuộc sống truyền giáo nới xứ người có muôn hình vạn trạng những cám dỗ, những rình rập, những cạm bẫy và những vũng lầy êm ái khiến đôi lúc các nhà truyền giáo muốn chùn chân. Cũng vì thế đôi lúc tôi cảm thấy sợ và không dám mạo hiểm bước vào vũng lầy êm ái ấy nên đã dùng những vũ khí khá đơn sơ nhưng rất lợi hại là quyển Kinh Thánh và tràng hạt Mân Côi để chiến đấu. Có một vài anh em linh mục đã nhạo cười tôi và nói rằng tôi còn trẻ mà có vẻ kinh điển và cổ hủ quá vì lúc nào cũng có tràng hạt bên mình. Tôi chỉ cười và nói rằng đó là thói quen của tôi từ nhỏ nên tôi không bỏ được và cũng vì tôi muốn sống như một chú chủng sinh thuở nào vì linh mục không phải là cái đích cuối cùng của ơn gọi. Tôi đã cố gắng giữ luật để luật ấy sẽ giữ tôi luôn trung thành với ơn gọi của một tu sĩ truyền giáo.

 

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.    

VỀ MỤC LỤC
PHÉP RỬA CỦA THẦY GIÊSU

 

Bạn thân mến, chúng ta biết rằng mọi tín hữu Kitô đều đã lãnh nhận một nghi thức tôn giáo đầu tiên gọi là Phép Rửa (hay còn gọi là Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích Thánh Tẩy). Một cách tổng quát, Phép Rửa là “nền tảng của toàn bộ đời sống Ki-tô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi Bí Tích khác. Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, trở thành chi thể của Ðức Ki-tô, được tháp nhập vào Hội Thánh và tham dự sứ mạng của Hội Thánh” (xem GLGHCG số 1213). Nhưng bạn mến, nếu ta đem áp dụng định nghĩa trên vào trong Phép Rửa của Đức Giêsu mà chúng ta đang mừng kính ngày hôm nay, ta sẽ gặp ngay một khó khăn sau đây. Mời bạn cùng suy tư. 

Phép Rửa có tác dụng giải thoát người lãnh nhận khỏi tội lỗi. Nhưng Đức Giêsu không bao giờ có tội. Tại sao Người lại chấp nhận chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả là phép rửa không hoàn hảo (“bằng nước”), chỉ có tính cách giúp khơi dậy lòng sám hối, chuẩn bị người ta đón nhận một Phép Rửa khác của chính Đấng Thiên Sai (“bằng lửa và Thánh Thần”) khi Người xuất hiện? Thêm nữa, Đức Giêsu là Con Duy Nhất của Thiên Chúa, chẳng lẽ Người cũng phải tỏ lòng ăn năn sám hối? Đương nhiên là không! Vậy ta phải hiểu thế nào đây? Mời bạn chiêm ngắm dung mạo của Thầy Giêsu để hiểu Thầy hơn. 

Hôm ấy, một dòng người đông đảo đủ mọi thành phần đang từ từ tiến đến chỗ Gioan để xin lãnh phép rửa của ông. Trong đám đông ấy, có kẻ đang cắn rứt lương tâm. Có người đau khổ vì lạc xa tình Chúa đã bao năm. Có mặc cảm tự ti vì quá khứ bê tha đè nặng cõi lòng. Có hoang mang bối rối của kiếp long đong. Có những sợ hãi tràn ngập tâm tư. Có ánh mắt đã nhạt nhòa trong sầu muộn. Có tiếng đấm ngực ăn năn. Có nát tan vì bội phản. Có hối hận của vong ân. Có chán nản chỉ muốn buông xuôi. Có bờ môi khép chặt từ lâu chẳng nụ cười. Có mờ mịt không nhìn thấy tương lai. Cả một dòng người đang lầm lũi trong đủ loại bóng tối và gánh nặng.

Bỗng nhiên, Thầy xuất hiện, chẳng lớn tiếng tỏ mình là ai mà thầm lặng hoà mình vào dòng người. Thầy nhẹ nhàng đến bên họ tựa một làn gió. Cuộc đời vẫn như không có gì xảy ra. Làn gió Giêsu hoà vào dòng người ấy mà khẽ chạm đến từng con người bằng xương bằng thịt. Làn gió vô cùng mãnh liệt ấy đang nhẹ nhàng thổi hơi mát sự sống mới vào sa mạc cuộc đời. Giêsu ôm họ vào tim mình bằng trân trọng và nâng niu. Họ đụng chạm vào Thiên Chúa đấy mà chẳng hề hay biết bởi Người đã trở nên một với họ. Có lẽ mọi người đều nghĩ rằng Giêsu cũng giống bao kẻ khác. Còn Thầy, Thầy không những biết mình là ai mà còn biết những con người đau khổ này đang cần gì. Họ cần được biết rằng Thiên Chúa yêu họ hết lòng và Thiên Chúa ấy đang ở giữa họ. Thầy chính là Thiên Chúa ấy nhưng Thầy chọn đến với họ một cách thật nhẹ nhàng vì Thầy sợ làm họ sợ!

Bạn thân mến, điều đang diễn ra hôm nay sẽ tiếp tục trong suốt những tháng ngày còn lại của đời Thầy. Dần dần, người ta bắt đầu nhận ra diện mạo thật của Thầy: Thiên Chúa tình yêu. Chẳng bao lâu sau đó, muôn người đủ loại thành phần tuôn đến để tìm lại sự sống, tìm lại tự tin, tìm lại hy vọng, tìm lại phẩm giá, tìm lại chính mình, tìm lại hạnh phúc. Cõi lòng tan nát được chữa lành. Tâm hồn thất vọng được hồi sinh. Mảnh đời xáo động được an bình. Nhiều người sẽ hiểu hơn Giêsu là ai: một Thiên Chúa tự hạ và tận hiến. Người ta sẽ nghe Phao-lô, một người đã từng đi bắt bớ những ai tin vào Thầy, ca vang lên rằng:

Ðức Giêsu Kitô 

vốn dĩ là Thiên Chúa 

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì 

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang 

mặc lấy thân nô lệ, 

trở nên giống phàm nhân 

sống như người trần thế. 

Người lại còn hạ mình, 

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, 

chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 6-8)

 “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu cho chúng ta, đó là: ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, Ðức Kitô đã chết vì chúng ta.” (Rm 5:8), và “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2:20) 

Bạn mến, khi ta lãnh nhận Phép Rửa, bên cạnh được thanh tẩy tội lỗi của mình, ta được sinh vào trong một cộng đoàn đức tin, trở nên một thành viên chính thức của gia đình Thầy Giêsu. Thêm nữa, bạn biết đấy, ngay khi Thầy Giêsu bước lên từ dòng nước sông Gio-đan thì các tầng trời mở ra, Chúa Thánh Linh ngự xuống trên Thầy và có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.[1]Hãy vâng nghe lời Người!”( Mt 3:17; Mc 9:7) Như thế, một khi đã tháp nhập vào sự sống của Thầy và trở nên thành viên trong gia đình của Thầy, ta cũng đảm nhận cho mình sứ mạng của Thầy. Sứ mạng ấy không là gì khác ngoài việc thể hiện tình yêu Thiên Chúa qua cuộc sống cụ thể của mình cho anh chị em xung quanh. Có thể đôi khi tụi mình cảm thấy khó sống yêu thương như Thầy, nhưng đó là điều đẹp nhất và tầm vóc nhất cho cuộc đời con người của tụi mình, bạn nhỉ! Những lúc thấy khó khăn và bị cám dỗ bỏ cuộc, mong rằng tụi mình nhớ lời bảo đảm này: “Trong thế gian, anh em sẽ gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian. …Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Ga 16:33; Mt 28:20) 

  

Giuse Việt, O.Carm. 

  

Baptism of the Lord 

Dear friend, we know that all Christians have received the first religious rite (ceremony) called Baptism (or: The Sacrement of Baptism). In general, Baptism is “the basis of the whole Christian life, the gateway to life in the Spirit, and the door which gives access to the other sacraments. Through Baptism we are freed from sin and reborn as children of God; we become members of Christ, are incorporated into the Church and made sharers in her mission…” (see Catechism of the Catholic Church, n.1213)

However, my friend, if we apply this notion of Baptism to the case of Jesus, we will face a challenging question: Jesus never sinned, why did he accept to receive an imperfect baptism (“with water”) by John Baptist that was supposed to help provoke a response of repentance and conversion to get ready for the perfect Baptism (“with the holy Spirit and fire”) by the Messiah when he came? Moreover, Jesus is the Only Son of God, does He need to repent? Of course not! Well then how do we understand his Baptism? Let’s contemplate him in the context of his Baptism. 

A crowded group of people from all walks of life is coming to John to ask for his baptism. Among them are those who bear a guilty conscience. Some suffer loneliness due to years of running away from God’s love. One can feel a sense of low self-esteem caused by a miserable past. There is confusion and fear. There are eyes overwhelmed with tears. Some are striking their breast. Others are broken by betrayal. Some regret their ungrateful attitude. One can hear sounds of disappointment or even despair. Some do not see any future. All of them carrying their burden are moving toward John.

Suddenly but gently, Jesus appears among them without making any annoucement about his identity. He simply comes to them, like a gentle breeze. Nothing extraordinary seems to happen. The breeze Jesus peacefully joins the crowd, lovingly touching the people of flesh-and-bone. This ever mighty breeze is quietly breathing new life into their dead desert. He embraces them in his heart with a liberating respect and loving care. They touch the Living God without knowing it since He has becom one of them. Perhaps he is no different in their eyes. For his part, he not only knows who he is but also sees what these suffering people truly need. Deep down, they need to be assured that God loves them with all his heart and He is among them. Jesus is truly this God, but he chooses to quietly and gently come to them in this manner because he is afraid that they will startle and get scared away. 

Dear friend, many will gradually recognize his true identity: the Loving God. They will flood to him to once again have life, confidence, hope, dignity, true self and happiness. Their broken heart will healed. Their sad soul will be revived. Their trouble life will find its peace. Many will better understand who Jesus is: the God who is totally self-humbling and self-offering. People will hear Paul of Tarsus, a man who used to persecute Christians, proclaim: 

Jesus Christ, though he was in the form of God,

did not regard equality with God something to be grasped.

Rather, he emptied himself,

taking the form of a slave,

coming in human likeness;

and found human in appearance,

he humbled himself,

becoming obedient to death, 

even death on a cross.” (Phil. 2, 6-8)

 “God proves his love for us in that while we were still sinners Christ died for us.” (Rm 5:8), and “…yet I live, no longer I, but Christ lives in me.” (Gal. 2:20) 

Dear friend, when we receive Baptism, besides being freed from sin, we are born into a faith community and become an ‘official’ member of the family of Jesus. Moreover, as you know, when Jesus came out of the water that day, the heavens were opened, he saw the Spirit of God coming upon him and a voice from the heavens said, "This is my beloved Son, with whom I am well pleased…. Listen to him!” (Mt 3:17; Mk 9:7) As a result, once becoming members of Christ and being incorporated into his family, we take part in his mission. That mission is to make known the unconditional love of God by the way we live with others around us.  There may be times when we feel difficult to love as Jesus does, but loving like him is exactly the best thing to make our human life most beautiful and noble. When facing those moments, may we recall his words: “In the world you will have trouble, but take courage, I have conquered the world… And I will be with you until the end of time.” (Jn 16:33; Mt 28:20) 

  

Joseph Viet, O.Carm. 

  

Le Baptême du Seigneur 

Chers amis, nous savons tous que les chrétiens ont reçu un premier rite religieux appelé le Baptême. En genéral, “Le saint Baptême est le fondement de toute la vie chrétienne le porche de la vie dans l’Esprit et la porte qui ouvre l’accès aux autres sacrements. Par le Baptême nous sommes libérés du péché et régénérés comme fils de Dieu, nous devenons membres du Christ et nous sommes incorporés à l’Église et faits participants à sa mission.” (voir n.1213 dans le Catéchisme de l'Église Catholique) 

Mais si nous appliquons cette définition au Baptême de Jésus, nous sommes confrontés à une question difficile suivante: Jésus était sans aucun péché, pourquoi a-t-il accepté de recevoir le baptême imparfait (“dans l’eau”) par Jean Baptiste qui était censé principalement préparer le Baptême parfait (“dans l’Esprit Saint et le feu”) du Messie? En plus, Jésus est le Fils unique de Dieu, faut-il se repentir? Bien sur que non. Alors comment peut-on le comprendre? Je vous invite à contempler Jésus dans le propre contexte de l’Evangile d’aujourd’hui. 

 En ce jour-là, beaucoup de gens de toutes sortes viennent à Jean pour se faire baptiser. Parmi eux, il y a quelques uns qui ont mauvaise conscience. Quelques uns souffrent parce qu’il se sont égarés depuis longtemps loins de l’amour de Dieu. D’autres se sentent coupables vis-à-vis de leurs passées. D’autres ont de la peur dans leurs coeurs. Il y a des gens qui pleurent. D’autres sont en train de frapper leurs poitrines. D’autres traversent probablement une crise spirituelle. Dans la foule aussi se trouvent des coeurs brisés par la haine et la trahison. On voit aussi des gens tristes au présent et pessimistes à l’avenir. Chacun chemine avec un fardeau. 

Soudain, Jésus apparait et rejoint les gens, sans se vanter de parler de ce qu’il est. Il les approche tranquillement comme un souffle doux. Ce souffle, Jésus, doucement touche chaque personne dans leur chair sans les laisser connaitre. Il envoie un esprit nouveau dans le désert de leurs vies. Les gens touchent le Dieu vivant sans le connaitre parce qu’Il a devenu l’un d’eux. Peut-être que tout le monde pense que Jésus n’a rien de différent. Cependant Lui, le Maitre et Dieu, Il est le seul à se connaitre lui-même tout en connaissant leurs besoins profonds. Ils ont besoin de savoir que Dieu les aime sans condition et que Dieu est parmi eux. Jesus est présent doucement, humblement et respectueusement pour éviter de les faire sursauter et de les épouvanter. 

Chers amis, c’est graduellement qu l’on va reconnaitre le visage de Jésus: le Dieu de l’amour. Bientôt, un si grand nombre de personnes venus de tous les pas de la vie affluent vers lui pour l’écouter, pour retrouver sens à leur vie, leur confiance, leur dignité, leur paix, leur identité et leur bonheur. Le coeur brisé sera guéri. L’âme déçue revivera. La vie déprimée regagnera sa paix. On va mieux comprendre Jésus: il est le Dieu humble qui se donne. On va entendre Paul de Tarse, un persécuteur de ceux qui croient en Jésus, proclamer: 

Jésus Christ qui était dans la condition de Dieu,

il n'a pas jugé bon de revendiquer son droit

d'être traité à l'égal de Dieu ;

mais au contraire, il se dépouilla lui-même 

en prenant la condition de serviteur. 

Devenu semblable aux hommes

et reconnu comme un homme à son comportement,

il s'est abaissé lui-même

en devenant obéissant jusqu'à mourir,

et à mourir sur une croix.”  (Pl 2, 6-8)

 “La preuve que Dieu nous aime, c'est que le Christ est mort pour nous alors que nous étions encore pécheurs.” (Rm 5:8), et “Je vis, mais ce n'est plus moi, c'est le Christ qui vit en moi.” (Gl 2:20) 

Chers amis, quand on reçoit le Baptême, à côté d’être purifié de péché, on nait dans une communauté de foi et officiellememt devient un membre de la famille de Jésus. En outre, au moment où Jésus sortait de l’eau, il a vu les cieux s’ouvrir, et l’Esprit Saint descendre sur lui, et des cieux la voix du Père dire: “Celui-ci est mon Fils bien-aimé; en lui, j’ai mis tout mon amour. …Écoutez-le!”(Mt 3, 17; Mc 9, 7). En effet, une fois que l’on est incorporé à son corps, l’Eglise, et que l’on est devenu un membre de sa famille, nous participons à sa mission. Cette mission n’est rien d’autre que de montrer concrètement l’amour de Dieu par notre vie quotidienne. Parfois, on trouvera difficile d’aimer comme lui, mais c’est la stature la plus belle et la plus grande dans une vie humaine. Aux moments où nous trouverons cet engagement difficile, souvenons-nous de ses paroles assurantes: “Dans le monde, vous trouverez la détresse, mais ayez confiance : moi, je suis vainqueur du monde. …Et moi, je suis avec vous tous les jours jusqu'à la fin du monde.”(Ga 16, 33; Mt 28, 20) 

  

Joseph Viet, O.Carm. 


[1] Bản dịch Pháp ngữ viết thế này: “Celui-ci est mon Fils bien-aimé; en lui, j’ai mis tout mon amour.” Tạm dịch là: “Đây là Con Ta yêu dấu; nơi Người, Ta đã đặt tất cả tình yêu của Ta.”

VỀ MỤC LỤC
LY NƯỚC RỖNG

  

Bạn thân mến, chúng ta đã cùng nhau học hỏi chính bài học về sống tinh thần hiện tại. Trong bài cuối này, mục Sống Sao Cho Đẹp mời bạn hướng lòng mình về Thiên Chúa, Đấng làm chủ thời gian và không gian, Đấng luôn luôn sống trong hiện tại. Thiên Chúa không ở trong quá khứ và tương lai, Ngài là Đấng Hằng Hữu.

* * *

Chuyện kể rằng, có một môn sinh tìm đến vị đạo sĩ để tìm lời khuyên dạy về cuộc đời, về lẽ sống. Thay vì lắng nghe vị đạo sĩ, người môn sinh huyên thuyên không ngớt kể về  cuộc đời mình, và về những thành quả với thái độ kiêu hãnh, khoe khoang… Trước thái độ ấy, người đạo sĩ vừa lắng nghe người môn sinh nhưng đồng thời ông vẫn đều đặn rót nước trà vào ly. Nước trà ngập tràn ra ly, chảy ra bàn, thấm xuống đất mà người đạo sĩ vẫn cứ tiếp tục rót nó xem như không có chuyện gì xảy ra.

Người môn sinh liền nói, “thưa thầy dừng tay lại, nước tràn ly rồi.” Vị đạo sĩ ôn tồn đáp. “Đúng như vậy, nước tràn ra khỏi ly rồi! Bao lâu lòng con không trút bỏ những ý nghĩ của con, những tính toán của con, những lớp vỏ của con, thì cũng như ly nước này, con không thể chứa thêm được điều gì cả. Vấn đề là con phải làm cho hồn mình trở nên trống rỗng và sẵn sàng khiêm tốn đón nhận.”[1] 

* * *

Câu chuyện trên cho ta thấy rằng chúng ta nhất thiết phải mở lòng ra và trở nên trống rỗng để đón nhận ân sủng Thiên Chúa vào đời mình. Vậy làm thế nào để giúp lòng mình trở nên trống rỗng để cho Thiên Chúa ngự trị và làm chủ đời ta? Một trong những phương cách để giúp ta đón nhận thánh ý Chúa trong đời sống hiện tại chính là cầu nguyện trong thinh lặng. Mỗi một ngày, chúng ta nên dành ra ít nhất 15 cho tới 30 phút ngồi xếp bàng thẳng lưng (như các tu sĩ phật giáo, hoặc kiểu ngồi như các võ sinh Aikido) để tập trung tinh thần và kết hợp với hơi thở. Chúng ta hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Động tác nhẹ nhàng, khoan thai, thoải mái. Khi hít vào, chúng ta tin là chúng ta hít Thần Khí vào. Để ý và nghĩ như là một nguồn sáng chiếu thẳng từ trời vào chóp đầu, và vào trong cơ thể ta. Khi thở ra, chúng ta thở ra với ý thức: thở ra tình yêu, vị tha, quảng đại. Hoặc ta cũng có thể ý thức việc hít thở như là việc đón nhận Thiên Chúa vào lòng ta và để Ngài “làm sạch” tâm hồn ta, và như thế, càng đón nhận Thiên Chúa, thì tâm hồn ta càng được gội rửa những ưu phiền, lo lắng (thuộc quá khứ), sợ hãi, nghi ngờ (cho tương lai). Sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ đẩy những ý nghĩa tiêu cực, thấp hèn ra khỏi lòng ta. Cũng như câu chuyện trên, càng làm cho “ly nước” của ta trống rỗng, thì chúng ta càng nhận thêm được nhiều ân huệ, nếu không trống rỗng đủ, thì ta không thể đón nhận những ân huệ tươi mát hằng ngày mà Chúa ban cho ta.

Nhiều người trong chúng ta đã áp dụng phương pháp hít thở tương tự như vậy và cũng đã nghe nhiều về hiệu quả của chúng, nhưng cũng không ít người bỏ cuộc vì nó quá khó để tập trung, hay không kiên nhẫn đủ để thực hành. Vậy đôi khi những chia trí lo ra, những cám dỗ bỏ cuộc, những mõi mệt lười biếng đến thì chúng ta sẽ làm gì? Đơn giản là chúng ta chỉ sống-trong-hiện-tại. Nếu bị “lo ra” thì ta “lo vô” lại, nếu bị “chia trí,” thì chúng ta “gop trí” lại. Nếu bị những tư tưởng chạy lung tung trong đầu, thì nhớ- để ý quay trở lại với hiện tại. Khi một tư tưởng “lạ” xuất hiện trong đầu ta, chúng ta đừng “chiến đấu” với nó, nhưng hãy bình tĩnh nhìn nó và coi xem thử nó thuộc vào loại tư tưởng nào? Nó thuộc về quá khứ hay tương lai? Chắc chắn nó phải thuộc vào một trong hai loại ấy. Vậy nếu nó thuộc vào quá khứ hay tương lai thì nó là mộng tưởng, là không thực, là gian giối, là đánh lừa và dụ ta ra khỏi hiện tại. Như vậy thì ta quay về lại với hiện tại, nơi có Thiên Chúa hiện hữu, nơi mà ta đang hít vào Thần Khí và thở ra tình yêu. 

Trong đời sống luân lý, đức tin của chúng ta cũng có phần nào tương tự như thế. Những tội lỗi, những bất toàn của quá khứ thường ngăn cản chúng ta trở về với Thiên Chúa. Cũng vậy, những toan tính ý riêng, lo lắng cho tương của ta thường xô đẩy hoặc dẫn chúng ta đi “hướng khác” hoặc  “đi trước” Thiên Chúa. Những ai vẫn cứ báp chặt vào quá khứ, và cứ âu lo toan tính cho tương lai thì họ không cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa mỗi ngày. Nơi không cảm được sự hiện diện của Thiên Chúa tức là nơi chỉ có đêm đen, lo sợ, ưu phiền, hoang mang, ray rứt, mộng tưởng,… Thiên Chúa không lệ thuộc vào quá khứ cũng như tương lai, Ngài chỉ sống hiện tại. Chúng ta đã chẳng tuyên xưng Ngài là Đấng Hằng Hữu đó sao?!

Không lạ gì khi chúng ta cầu nguyện kết hợp với hơi thở, chúng ta như bị xô kéo bởi hai thế lực: quá khứ và tương lai. Đó là trận chiến nhằm vào mục đích: tìm mọi cách xô đẩy chúng ta ra khỏi ý-thức-về-sự-hiện-diện của Thiên Chúa. Thực vậy, thế lực mà ngày đêm muốn xô đẩy chúng ta ra khỏi ý-thức-về-sự-hiện-diện của Thiên Chúa, nếu không phải là danh-lợi-thú, cũng như ma quỉ-thế gian-xác thịt thì còn ai vào đây nữa, phải không bạn?

Thưa bạn,  thật tuyệt vời và hữu ích cho chúng ta khi thánh I-Nha-Xi-Ô, tổ phụ dòng Tên đã khuyên mọi người xét mình hằng ngày. Trong năm bước xét mình ấy, thì bước đầu tiên và quan trọng nhất chính là xét mình về ý-thức-sự-hiện-diện của Thiên Chúa trong ngày. Như thế, khi ta ý thức về sự hiện diện của Chúa trong ngày sống, tức là ta có sống với Thiên Chúa. Mà khi sống với Thiên Chúa, tức là ta sống hiện tại.

Chúc bạn sống hôm nay, giây phút này thật sung mãn và tròn đầy với Thiên Chúa tình yêu.

Br. Huynhquảng

Mục Sống Sao Cho Đẹp xin hân hạnh giới thiệu CD 1 với chủ đề Tha Thứ - Hòa Giải gồm 10 câu chuyện suy niệm, nhằm hướng giúp ta hòa giải với nhau trong các mối quan hệ. Đồng thời, CD 1 cũng có thể làm tài liệu hữu ích cho đề tài tha thứ-hòa giải trong các buổi chia sẻ, tĩnh tâm.

Mọi chi tiết xin liên hệ: huynhquang0410@gmail.com; phone: 727 238 7597

(CD chỉ được phát hành tại Hoa-kỳ với giá ủng hộ)
 


[1] Lược dịch từ Soul, ed. Elisa Davy Pearmain, (Oregon: Resource Publications, 1998), 39.

VỀ MỤC LỤC
THẦN TƯỢNG CỦA TÔI

 

Trong Đại Hội giới trẻ giáo xứ Phú Trung mới đây, khi các bạn được hỏi “Ai là thần tượng của bạn?” thì câu trả lời là “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”, là “Mẹ em”, là “Bill Gates” hay một vĩ nhân nào đó. Thật vui vì các bạn trẻ Công giáo không ai chọn những ca sĩ diễn viên mau lên chóng xuống. Nhưng đồng thời cũng không vui trọn vẹn vì chưa thấy bạn nghĩ nhiều đến một Con Người đã làm thay đổi diện mạo thế giới này.

Vào ngày 01-10-1977, trên một sân vận động tại NewYork, trước 80 ngàn khán giả hâm mộ bóng đá, cầu thủ lừng danh Pélé đã ghi cho mình bàn thắng thứ 1,278. Sau đó anh đã tuyên bố giã từ đời cầu thủ chuyên nghiệp. Sau khi cởi áo cầu thủ gởi tặng giao lưu với khán giả, một phóng viên đã hỏi anh: “Pélé, anh đang là thần tượng của hàng triệu bạn trẻ, vậy trong cuộc đời của anh, anh có thần tượng nào không ?” Pélé chỉ vào cây Thánh Giá đang đeo trước ngực và trả lời: “Có chứ, thần tượng của tôi là chính Đức Chúa Giêsu Kitô”. (theo R.Veritas)

Con Người Giêsu Kytô chính là Đấng Cứu Chuộc nhân loại này. Người đã làm thay đổi vô số người trẻ, để họ sống và hành động theo cung cách của những người được tuyển chọn và được cứu độ. Có một thời người ta tưởng rằng Đức Giêsu Kytô chỉ cứu linh hồn con người, chú trọng đến đời sau, chẳng quan tâm gì đến “đời tạm” này. Nhưng không phải như thế.

Khi Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu, ông nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”. Người gánh tội trần gian và gánh cả những hệ luỵ từ tội lỗi, để giải thoát con người khỏi những cảnh đời lầm than cơ cực nhất ngay ở đời này.

Đó chính là điều Isaia đã loan báo trước về Người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc.4,18-19)

Đức Giêsu là thần tượng của giới trẻ chính vì Người là Đấng giải thoát họ. Giới trẻ vốn không thích bị ràng buộc, bị giam cầm hay bị tước đoạt tự do. Giới trẻ đầy những khát vọng, và trong vô số khát vọng ấy, khát vọng được tự do ca ngợi Đấng Tạo Thành là điều căn bản. Đức Giêsu nói với họ về Thiên Chúa Cha và mở miệng cho họ hát vang lên. Đó là điều vĩ đại nhất của lịch sử.

Đức Giêsu là thần tượng của giới trẻ vì Người quá đẹp. Ngoại hình của Người không còn được lưu giữ chính thức, nhưng điều đó không quan trọng. Người đẹp vì nghĩa cử cứu nhân độ thế. Người đẹp vì ánh nhìn bao dung độ lượng, luôn “chạnh lòng thương” dân nghèo. Và Người đẹp khi chỉ vào đám giả hình, đàn áp dân mà bảo “Các ngươi là mồ mả tô vôi”, hoặc “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ”, "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán."

Đức Giêsu là thần tượng của giới trẻ vì Người vẽ ra cho họ một con đường và con đường ấy dẫn đến Sự Sống vĩnh cửu. Giới trẻ quá nhàm những lời dụ dỗ, quá chán những lời hứa hão, quá mệt vì những lừa lọc của thế gian. Đức Giêsu nói là làm, và lời Người nói được chứng minh bằng ánh sang từ trời, bằng bảo chứng của Thánh Thần Thiên Chúa và bằng chính cuộc Khổ Nạn Phục Sinh của Người. Ai trên thế gian này dám làm và có thể làm những điều ấy cho giới trẻ?

Đức Giêsu không áp đặt, không ép buộc và không nhồi nhét vào đầu óc giới trẻ những điều vô bổ, những học thuyết lỗi thời hay những mầm bạo lực. Người nói: “Thầy gọi các con là bạn hữu”. Và với tư cách người bạn của giới trẻ, Người nói chân tình đầy yêu thương: “Các con hãy ở lại trong Tình Yêu của Thầy”.

Bạn và tôi, chúng ta hạnh phúc vì có thần tượng Giêsu. Bạn hãy reo lên: “Tôi yêu Giêsu, tôi chọn Giêsu và tôi sống Giêsu”. Vâng lạy Chúa Giêsu, xin cho con được có Chúa muôn đời.

 

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

VỀ MỤC LỤC
VÀI NHẬN XÉT VỀ TỰ DO TÔN GIÁO NHÂN ĐỌC MỘT BẢN TIN
 

Tôi đọc trên bản Tin Công giáo Việt Nam (VietCatholic News) ngày 26 -12-2010 bài tường thuật về lễ Giáng sinh năm nay của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục giáo phận Kontum, dưới nhan đề lạ tai: Mục vụ Mùa Giáng Sinh – Giám mục bờ sông.

 Đức cha Oanh được tiếng là vị giám mục năng động, đầy tinh thần mục tử, dễ dàng thích nghi với mọi hoàn cảnh dù là xa lạ, bất thường nhất miễn sao hoàn thành được nhiệm vụ của mình vì lợi ích của con chiên. Cung cách của ngài có một chút gì gợi nhớ tới hành động của các vị thừa sai trong Giáo Hội Việt Nam thời xưa, như tôi đọc thấy trong cuốn Dân Làng Hồ, nguyên là tập Hồi ký truyền giáo của nhà thừa sai Pháp P. Dourisboure  (1825-1890), kể về việc loan báo Tin Mừng đầu tiên cho Tây Nguyên. 

Chương trình cử hành lễ Giáng Sinh năm nay của vị Chủ Chăn Kontum gồm 4 giáo điểm thuộc vùng sâu vùng xa còn rất khó khăn, nhưng cuối cùng chỉ thực hiện được cho ba điểm vì một điểm bị chính quyền địa phương từ chối. Đoàn mục vụ gồm có ba xe nhỏ 7 chỗ. Trước khi lên đường, Đức Cha và những người tháp tùng đã đến thăm chính quyền, như một cử chỉ lịch sự đồng thời như muốn cho chính quyền các nơi biết rằng rằng chuyến mục vụ này là chính thức và hợp pháp, không trộm vụng lén lút. Tuy vậy, chúng ta sẽ thấy rằng mọi sự chưa thể xảy ra một cách suôn sẻ, bình thường do chính sách hay do cái nhìn còn hẹp hòi, đầy nghi ngờ của một số cán bộ chính quyền cấp dưới đối với tôn giáo (?). 

Thánh lễ Giáng Sinh thứ nhất được Đức Cha cử hành lúc 7 giờ tối ngày 24 tháng 12 tại xã An Trung, huyện Kon Chro. Sau lễ, Đức Cha và phái đoàn dùng cơm tại nhà “các Dì”-  một cách người miền Nam gọi các nữ tu, vừa rất Việt Nam vừa thân thương, vì “dì” là chị hay em gái của mẹ. Vì vẫn còn việc kiểm tra hộ khẩu mà đoàn đoán chừng sẽ gây khó khăn vừa cho chủ nhà vừa cho khách (có thể phương hại tới chương trình mục vụ của đoàn), nên đoàn chọn cách tìm nơi tá túc qua đêm. Nhưng ở đâu cho khỏi bị rắc rối? Đoàn chọn đi ra bờ sông và ngủ ngay trong xe. Quả thực, đêm hôm đó, dù là đêm Noel, công an vẫn đến kiểm tra hộ khẩu nhà các Dì và “phát hiện” ra –không phải Đức Giám mục mà họ nghi là nghỉ lại trong tu viện- nhưng là ba em học sinh trung học dân tộc cùng đi với Đức Cha. Mọi người cứ tưởng rằng các em có thể ở lại nhà các Dì mà không có vấn đề nào vì chúng là người dân tộc lại chưa làm chứng minh nhân dân. Nhưng các em đã bị công an trục xuất ra khỏi nhà. Nhưng một vài gia đình công giáo ở nơi khác được điều động đưa xe máy tới chở các em về nhà tạm trú qua đêm. 

Sáng hôm sau, Đức Cha đến dâng thánh lễ tại Yang Trung, huyện Kon Kro, cách bờ sông ngủ đêm 10 km. Sau lễ, ngài ghé thăm một vài nhà giáo dân. 

Theo chương trình, ngài sẽ đến dâng lễ thứ ba lúc 10 giờ tại Sơn Lang, nhưng chính quyền không cho tập trung gần 40 gia đình để dâng lễ, chỉ cho phép ngài, nếu muốn, thì dâng tại mỗi nhà một lễ và không quá một tiếng đồng hồ. Đức Cha không chấp nhận điều kiện này nên đã không đến Sơn Lang. Điều kiện đó thật ra là một cách cấm vị Giám Mục làm lễ. 

Đến chiều, vị Chủ Chăn vượt quãng đường kơn 200 km đến dâng lễ ở Ia Lâu, huyện Chư Prông, với 6 xe ôtô hộ tống. Mọi chuyện xuôi chảy, dù có nhiều công an chìm theo dõi và ghi các số xe. 

* 

Khi đọc bài tường thuật về ngày lễ Giáng Sinh đặc biệt này của Đức Cha giáo phận Kontum, (và tôi vừa tóm tắt để chia sẻ lại với độc giả), tôi rất ngạc nhiên về tình hình tự do tôn giáo ở nơi này. Tại sao sau trên ba mươi năm độc lập và vài chục năm Đổi Mới, một giám mục đi hành đạo trong địa phận mình (lại là dịp lễ tôn giáo rất lớn) mà phải qua đêm trong xe ôtô bên một bờ sông chứ không thể đàng hoàng ngủ trong một nhà xứ, một tu viện vốn thuộc quyền của mình? Tại sao đoàn mục vụ sợ kiểm tra hộ khẩu? Chắc chắn là vì theo kinh nghiệm, đoàn biết rằng loại kiểm tra này thường có cái gì đó không bình thường, nên bất đắc dĩ mới phải “ngủ bờ ngủ bụi”, như có người đã dám nói. 

Tôi nhận thấy mỗi lần Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ hay Cộng đồng Châu Âu lên tiếng về vấn đề tự do tôn giáo và coi Việt Nam, tuy đã có những tiến bộ, nhưng vẫn là một trong những nước còn có vấn đề, thì chính quyền chúng ta lại mau mắn phản đối, cho rằng như thế là thiếu khách quan, thiếu thiện chí, thậm chí xuyên tạc sự thật. Người phát ngôn của chính phủ lại khẳng định Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo và tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động, bằng chứng là các nhà thờ, thánh thất luôn đầy ắp tín hữu đến dự lễ… Những điều đó là không sai, nhưng chưa phải là đã có khắp mọi nơi. Chính quyền dường như chỉ dựa vào thực tế ở những vùng đồng bằng và thành thị mà không nói gì tới tình hình ở những vùng sâu vùng xa, nơi đó tự do tôn giáo vẫn thường xuyên bị hạn chế và có khi bị vi phạm. Người làm việc tôn giáo và các tín đồ những nơi đó vẫn thường bị làm khó dễ. Có những gia đình dân tộc thiểu số muốn theo đạo thì bị đe doạ, cấm cách, khủng bố tinh thần hoặc có khi bị “cúp” những quyền lợi vật chất nào đó… Chính quyền cũng “quên” rằng có những cán bộ vùng sâu vùng xa, đặc biệt vùng dân tộc, còn hãnh diện vì đã “giữ gìn” cho địa phương mình phụ trách vẫn là một vùng trắng về tôn giáo. Họ hãnh diện, thì phải chăng cũng vì được cấp trên khen ngợi, khuyến khích –ít ra là ngấm ngầm? Bao lâu cán bộ, đảng viên vẫn coi bản chất tôn giáo là “xấu” thì không thể thật lòng nhìn nhận tự do tôn giáo là một quyền được; nói “quyền” là quyền cho cái tốt, chứ không thể có quyền cho cái xấu. Bởi thế nơi nào có thể được, họ làm mọi cách để tôn giáo khỏi có mặt, ít nhất là không thể phát triển. Những nhóm người có đạo đến lập nghiệp trong một vùng mới và muốn tụ họp nhau để làm đọc kinh cầu nguyện, nhất là nếu muốn có một nhà thờ dù rất đơn sơ khiêm tốn, họ luôn luôn phải xin phép và kiên nhẫn đợi chờ tháng này qua tháng khác, thậm chí năm này qua năm khác trước khi chính quyền xem xét và chấp thuận. Chung chung, từ chối là câu trả lời đầu tiên của nhà cầm quyền. Nhiều lần như thế cho đến lúc thấy rằng không thể nói “không” mãi, bấy giờ họ mới chịu đồng ý. Bởi vì một cách tiên thiên, người cán bộ quản lý cộng sản coi tổ chức tôn giáo là “phức tạp” đối với chủ trương đường lối của họ. 

Như trên đã nói, so với thời trước đổi mới thì tình hình chung hiện nay là khá tốt đẹp; khó khăn dường như tập trung nhiều hơn vào những vùng xa xôi và đặc biệt đối với các dân tộc ít người. Đại Hội Đảng lần thứ XI sắp nhóm họp. Chúng tôi mong muốn Đảng không hài lòng với vấn đề tự do tôn giáo và coi như đã được giải quyết (như khi trả lời cho các tuyên bố nước ngoài), mà thẳng thắn nhìn vào thực tế để tiếp tục đổi mới hơn nữa và đổi mới toàn diện chính sách tôn giáo. Ba mươi lăm năm độc lập và thống nhất đất nước hẳn là đã đủ để hiểu và nhìn nhận rằng tôn giáo là một yếu tố tích cực cho đời sống xã hội, nhất là trong thời buổi tham nhũng, dối trá và suy thoái đạo đức tràn lan đang đe doạ đất nước và dân tộc ta. Đó mới là kẻ thù cần phải dồn sức chống lại, nếu không mọi nổ lực làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” sẽ chẳng bao giờ có hy vọng đạt tới thành công. 

(Mùa Giáng sinh 2010)  

Lm Nguyễn Hồng Giáo OFM.

VỀ MỤC LỤC
RỬA BẰNG MÁU

(Suy niệm Tin Mừng Gioan (1, 29-34) trích đọc vào chúa nhật 2 thường niên) 

Vào mùa hè, Vua Duy Tân thường ra nghỉ mát ở Cửa Tùng, một cửa biển đẹp ở Quảng Bình.
Một hôm nhà vua từ bãi tắm lên, hai tay dính đầy cát, viên thị vệ bưng lại một thau nước ngọt mời vua rửa tay. Nhà vua vừa rửa tay vừa hỏi đùa: 
    - Tay bẩn thì lấy nước mà rửa, còn 'nước' bẩn lấy gì mà rửa?
    Viên thị vệ lúng túng chưa biết trả lời sao thì Vua hỏi tiếp:
    - "Nước bẩn thì làm thế nào cho sạch? ".
    Người thị vệ vẫn không trả lời được. Vua Duy Tân bèn nói:
    - Nước bẩn thì lấy máu mà rửa!"

Viên thị vệ đâu có ngờ nhà vua chơi chữ, chuyển từ nước rửa tay sang một thứ nước khác ngàn lần đáng quý trọng là đất nước, là quê hương.

Khi đất nước bị dơ bẩn bởi sự chà đạp của ngoại bang thì không thể rửa sạch bằng nước mà phải rửa bằng máu. Về sau, vua Duy Tân đã đứng lên hô hào toàn dân khởi nghĩa, lấy máu đào rửa cho sạch cái nhục vong quốc. 

***

Tuy nước có khả năng rửa sạch nhiều thứ, nhưng có một số chất bẩn nước không thể rửa được nên người ta phải dùng những chất tẩy khác, chẳng hạn phải dùng dầu hôi để rửa sạch những vết sơn dính trên nền nhà hoặc phải dùng xăng để rửa sạch dầu mỡ dính tay.

Theo giáo huấn Hội Thánh, tội lỗi cũng là một vết nhơ trầm trọng không có thứ nước nào tẩy rửa được ngoại trừ máu Chúa Ki-tô! 

Máu chiên bò

Trong thời cựu ước, người có tội cần đến máu bò, máu chiên hay cừu để làm lễ xoá tội cho mình. Sách Lê vi chép: "Nếu một người đã phạm tội, làm điều Đức Chúa cấm... thì nó sẽ đưa đến một con bò, dê hoặc chiên làm lễ tiến. Nó sẽ đặt tay trên đầu lễ vật tạ tội và sát tế lễ vật tạ tội… Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu con vật và bôi lên các góc cong của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, rồi đổ tất cả máu còn lại xuống chân bàn thờ.... Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy, và người ấy sẽ được tha. (Lê-vi 4, 27-32) 

Máu Con Thiên Chúa

Nhưng máu bò, máu dê cừu không thể trừ khử được tội lỗi nên Ngôi Hai Thiên Chúa chấp nhận đầu thai xuống thế làm người, trở nên như một Con Chiên mới, Chiên của Thiên Chúa, đổ máu châu báu của mình ra để tẩy rửa tội lỗi thế gian.

"Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. (Dt 10, 4-7)

Ngay từ đầu, ông Gioan Tẩy giả đã nhận ra vai trò làm Chiên đền tội của Chúa Giê-su nên "khi thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian." (Gioan 1, 29-30)

Thế là Chúa Giê-su cam phận làm Chiên Mới để hiến thân chịu chết và đổ máu mình xoá bỏ tội lỗi thế gian, vì chỉ có máu châu báu của Thiên Chúa mới có thể rửa sạch tội lỗi loài người.     

Hôm nay, tội lỗi của chúng ta cũng như của nhân loại còn đang chất ngất. Thế nên, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục hiến tế thân mình để xoá tội trần gian. Hiến tế thập giá trên đồi Can-vê năm xưa, nay được hiện tại hoá, tức đang diễn ra cách mầu nhiệm mỗi lần thánh lễ được cử hành. Thế nên, sau khi truyền phép, linh mục chủ tế nâng cao Mình thánh Chúa Giê-su cho tín hữu tôn thờ và dùng lại lời của Gioan tẩy giả để giới thiệu Chúa Giê-su là Chiên Mới đang tiếp tục dâng mình, hiến máu để cứu độ thế gian: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian".

***

Nhờ bí tích Thánh Tẩy, mỗi người chúng ta được trở thành chi thể Chúa Giê-su và được thông dự vào vai trò Tư Tế của Người nên chúng ta đều được mời gọi làm chiên đền tội với Chúa Giê-su, để cùng với Người, chúng ta dâng hiến cuộc đời mình làm hy lễ cứu độ thế gian.

Vì thế, chúng ta hãy hiệp thông với Chúa Giê-su trong từng phút sống, cùng vác thập giá với Chúa bằng cách làm tốt các việc bổn phận hằng ngày, cùng dâng trọn vẹn cuộc sống của chúng ta làm hiến lễ cho Thiên Chúa Cha, để cầu xin Cha ban ơn cứu độ cho bao người tội lỗi.

Nhờ đó, đời sống hằng ngày của chúng ta trở thành một hiến lễ cao đẹp vô cùng. 

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

VỀ MỤC LỤC
NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN VÀ SỨ MỆNH RAO GIẢNG PHÚC ÂM

 

( Viết theo tài liệu Đại Hội Toàn Quốc của Hiệp Hội Giáo Dân Rao Giảng Phúc Âm " Alpha et Omega " năm 2003 ở Assisi ). 

NGUYỄN HỌC TẬP 

Người tín hữu giáo dân ngày nay được mời gọi đảm nhận lấy một phận vụ tích cực trong Giáo Hội, can cường trong việc trình bày Chúa Ki Tô cho mọi người, quảng đại và chân chính nhân chứng Phúc Âm, loan báo hoà bình cho thế giới.  

1- Người tín hữu giáo dân trong lịch sử.

Nhưng người tín hữu giáo dân là ai?

Khởi đầu từ khảo cổ học, từ ngữ " tín hữu giáo dân " của Việt Ngữ chúng ta, được phiên dịch từ " laicus " ( La Tinh ), " laico " ( Ý Ngữ ) và " laique " ( Pháp Ngữ ), đều phát  xuất từ danh từ " laòs " ( dân, Hy Lạp). 

Đức Cha Paolo Rabitti, Giám Mục giáo phận Ferrara, trong bài diễn văn khai mạc Đại Hội đã cho thấy trong dòng lịch sử Giáo Hội, danh tư " người tín hữu giáo dân " bị cướp mất đi ý nghĩa đến ba lần. Đó là

   - việc chia tách giữa quyền lực giáo quyền và cộng đồng dân Chúa, do dụng ý của hoàng đế Constantino, đã " đánh cướp đi " hàng giáo phẩm, tách ra khỏi chiếc nôi dân chúng của mình, gán cho hàng giáo phẩm quyền lực chính trị;

   - việc đánh cướp lần thứ hai, là lần chia tách khỏi sự thánh thiện, khi thấy phận vụ rao giảng Phúc Âm giao phó cho hàng giáo phẩm  bị thất thoát, liền được các dòng tu trên sa mạc đảm lấy, khiến cho người tín hữu giáo dân bị cột chặt như là những kẻ " biotikoi " làm cản trở cuộc sống " hay đúng hơn là những kẻ sống bên lề hay có đời sống tôn giáo không có gì quan trọng đáng chú ý;

   - cuộc đánh cướp thứ ba là cuộc đánh cướp do việc chia tách ra khỏi văn hóa, xảy ra khoản năm 1000, theo đó thì chỉ có " hàng giáo phẩm " mới là những người thông thái, trong khi đó thì người tín hữu giáo dân là những kẻ " dốt nát ", " thiếu văn hoá ". 

Kế đến Vị Giám Mục nhìn vào hiện tại, ngài lưu ý mọi người tham dự Đại Hội rằng Giáo Hội với Công Đồng Vatican II đã thực hiện những bước tiến vĩ đại đối với quá khứ, khoản thời gian mà người tín hữu giáo dân được truyền lệnh phải " giữ thinh lặng, vâng lời và đóng góp trả tiền ". 

Khúc quanh quan trọng của Công Đồng có thể được thể hiện bằng ba từ ngữ có tính cách mệnh lệnh tính: " thông hiệp, sứ mệnh và nhân chứng ".

Giáo Hội không thể nào không có sự thông hiệp góp sức của tất cả các thành phần của mình. Và vị Giám Mục lấy một ví dụ thực tế rất dễ hiểu, được diễn tả như là một tấm vãi nhựa mà đội quân cứu hỏa chăn ra bên dưới, để những người bị cháy nhà ở các từng lâu trên có thể nhảy xuống đó, để được cứu sống. Muốn cho tấm vãi được chắc chắn có khả năng chịu đựng nổi sức nặng của các nạn nhân nhảy xuống, cầm phải có nhiều người càng tốt, cùng nhau mỗi người một tay phụ nhau, cùng chung sức thông hiệp nhau, cầm lấy tấm vãi để giữ cho chặt.

Trong hình ảnh đó, việc rao giảng Phúc Âm cứu rổi không phải chỉ là bổn phận của một mình Chúa Ki Tô, mà là liên hệ đến tất cả những ai thuộc về Chúa Ki Tô và đem về Chúa Ki Tô, hay nói cách khác là tất cả mọi khía cạnh, phương tiện và chủ đề cần thiết để nhân bản hoá con người và thế giới con người.

Đức Giám Mục Paolo Rabitti kết luận, bằng cách nhìn ra hai hai điều thuận lợi, mà tương lai hiến tặng trong tay các tín hữu giáo dân:

   - tính cách toàn cầu hoá, làm cho các nền văn hoá và các dân tộc xích lại gần nhau hơn, khiến cho các tôn giáo và các nền luân lý trước đây xa cách nhau, có thể gặp được nhau và đối thoại với nhau,

   - phương tiện truyền thông , lãnh vực thích ứng đặc biệt cho  người tính hữu giáo dân, làm cho chúng ta thấy được các hoàn cảnh nghèo khổ và con người bị chà đạp thảm đạm, nhứt là ở một vài quốc gia độc tài còn sót lại, làm cho người tín hữu giáo dân có cơ hội để sống sứ mạng truyền giáo của mình có được một c1i nhìn toàn cầu đến các anh em cần được cứu giúp

2 - Người tín hữu giáo dân với một nền văn hoá hoà bình.  

Massimo Toschi ( một diễn giả giáo dân trong Đại Hội) phân tích hiện trạng chúng ta đang sống, như là " tình trạng của thời chiến tranh " và nhắc lại các giai đoạn, từ Công Đồng Vatican II cho đến triều đại Đức Đương Kiêm Giáo Hoàng về một nền hoà bình.

Diễn giả chú ý đến các giai đoạn diễn biến của nền thần học, đã được thay đổi sau các  biến cố đáng khích lệ năm 1989 ( bức tường Bá Linh sụp đổ), đã hoạt động tích cực trở lại ba năm sau đó, với cuôc chiến tranh đầu tiên ở vùng Vịnh và các cuộc chiến tranh đầy thảm đạm kế tiếp ( Somalie, Balcan, Cecenia, nội chiến ở Afghanistan, Iraq).

Theo diễn giả, chúng ta đang ở trong " tình trạng chiến tranh ", không phải chiến tranh " đánh đấm giữa quân đội với nhau ", mà là "chiến tranh tàn sát đối với thường dân vô tội ". 

Trong mười năm trở lại đây, theo bản đúc kết của một vài nhà thống kê học, cứ trong số 100 người chết vì chiến tranh, thì có đến 90 người là thường dân vô tội, nhứt là trẻ em.

Nhưng đứng trước thảm cảnh vừa đề cập, chúng ta cũng có những lý do để hy vọng. Bởi vì một cách nào đó, hay dưới một hình thức nào đó, hiện nay đã nẩy sinh một phong trào đại chúng cho hoà bình, không phải dựa trên ý thức hệ nữa, như các phong trào " lịch sử  trong quá khứ " , mà là dựa trên kinh nghiệm của những cuộc " chiến tranh vô ích " và " phá sản ", được dùng như dụng cụ để " làm chính trị " cùng với các phương tiện khác.

Diễn giả cũng cho biết rằng cuộc chiến tranh hiện tại ở Iraq, là cuộc chiến tranh dựa vào các cuộc tuyên truyền " giả tạo " dựa vào lý chứng cho rằng Iraq có khí giới nguyên tử, có khả năng tiêu diệt tập thể và và chiến tranh vẫn khai diên, mặc dầu  là cuộc chiến không được quốc tế chính danh hoá cho việc can thiệp bằng vũ lực.

Và từ đó diễn giả Massimo Toschi kết luận rằng bản tính của Phúc Âm là đem lại đời sống cho cả kẻ thù, không phải bằng đối đầu và chiến đấu tiêu diệt chúng.

Người tín hữu giáo dân có mục đích đem Tin Mừng Phúc Âm đến cho mọi người phải là người mang đến nền văn hoá hoà bình, được diễn tả và thực hiện qua điều răn " chớ giết người ", biết tha thứ, biết đứng về phía các nạn nhân bất hạnh, đặt ưu tiên cho tiếng nói lương tâm mình và không bị sợ hãi cầm giữ, trói buộc. 

3 - Mẫu gương của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II.

Luigi Accatoli, một diễn giả giáo dân khác trong Đại Hội, một chuyên  gia đặc phái viên  của nhật báo Corriere della Sera, tờ báo lớn nhứt nhì ở Ý Quốc, người có nhiều kinh nghiệm và diễn giả có tính cách thuyết phục.

Ông đã đề cập đến tinh thần và cách hành xử của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II như là khuyến khích và mẫu gương cho người tín hữu giáo dân dấn thân vào các lãnh vực trần thế toàn cầu.

Bốn đặc điểm được làm nổi bậc một cách đặc biệt:

   - đặc điểm thứ nhứt, Đức Thánh Cha đã thực hiện triều đại giáo hoàng của ngài với tinh thần " tông đồ ", chớ không còn như là " người cai trị Giáo Hội ".

Thật vậy, Đức Thánh Cha xác tín rằng mỗi con người đều có khả năng đón nhận tin loan truyền về Chúa Giêsu Ki Tô. Như vậy, ngay cả những người tín hữu giáo dân cũng có thể mạo hiểm trong xã hội hiện đại và toàn cầu hoá với xác tín rằng mình có thể nói về Chúa Ki Tô cho mọi người.

   - đặc tính thứ hai, đó là đức vâng lời. Chính vì do đức vâng lời mà Đức Thánh Cha chấp nhận việc tuyển chọn ngài lên ngôi vị Giáo Hoàng, mặc dầu ngài biết rằng " thật là khó khăn " mà có thể nói về Chúa Giêsu hôm nay cho thế giới hiện đại, cũng như ngài ý thức các thử thách lớn lao đang trong thời hiện đại. Bởi đó ngài mời gọi mọi người chúng ta " hãy phó thác cho Chúa Giêsu Ki Tô ";

  - đặc tính thứ ba, đó là " nhìn con người bằng cặp mắt của chính Chúa Giêsu nhìn họ ", như những gì chúng ta đọc được trong Thông Điệp Redemptor hominis, n. 18 của ngài. Điều đó có nghĩa là chúng ta;

    * đó là thái độ tích cực phải có ngay từ lúc khởi đầu, chớ không phải là thái độ xét xử, phán đoán, kết án đối với thế giới chung quanh chúng ta,

   * phải có can đảm đi khắp nơi, ngay cả những nơi " được khuyên không nên đến ", " hãy lẫn tránh " : ( Đức Thánh Cha đã đi sang viếng Cuba, và đi vào đền thờ Hồi Giáo và đền thờ Do Thái Giáo), để có thể cho thấy rằng chúng ta muốn loan báo Chúa Ki Tô ở bất cứ đâu;

   - đặc tính sau cùng là trình bày Phúc Âm một cách trong sáng và xác thực, " sine glossa ", không quanh co, nhân nhượng, những gì mình phải nói. Thật là ngoạn mục, Đức Thánh Cha đã lấy lại khẩu hiệu của các phần tử lạc đạo của hoàng đế Celestino V, được gọi là " các tiểu đệ có đời sống khó nghèo " ( de paupere vita ), để đề ra một mẫu gương sống Ki Tô giáo đâm gốc rễ vào Phúc Âm, nhứt quyết không cải tiến để được tiện nghi và  nhân nhượng điều khiển  hơn.

Lòng kiên trì bênh vực sự sống của ngài, từ lúc mới tượng thai trong lòng mẹ cho đến lúc cuối đời, được thể hiện bằng những lần ngài lên án các cuộc chiến tranh gần đây và các án tử hình.

Thái độ kiên trì bênh vực đời sống đó, không những được đặt trên Phúc Âm là Tin Mừng của sự sống, mà còn được thúc đẩy bằng kinh nghiệm bản thân của ngài, thoát xuất từ giáo phận của ngài ở Ba Lan, đã tận mắt chứng kiến những cảnh khủng khiếp đối với con người trong các lò sát sinh ở Auschwitz.

Điều đó cho thấy ngay cả các Ki Tô hữu đơn sơ càng nên có lòng can đảm thực hiện tác động được trong xã hội, bởi vì họ không phải cịu trách nhiệm của hàng giáo phẩm, nên dễ thi hành hơn.    

Kết luận:

Qua một ít điều được duyệt xét qua về Nội Dung của Đại Hội Giáo Dân Rao Giảng Phúc Âm " Alpha et Omega " Assisi 2003, chúng ta càng thấy rõ cần có người tín hữu giáo dân và gia mình, nhân cội phát xuất và nền tảng, nơi khởi xướng sứ mạng rao giảng Phúc Âm.

Người tín hữu giáo dân và gia đình mình cần khám phá ra mối tương quan ơn gọi nhân chứng cho Chúa Ki Tô, như là " nơi phượng tự mới " trong thế giới ngày nay và cộng tác với Giáo Hội, do sứ mạng bẩm sinh của mình đòi buộc từ ngày mình nhận Phép Rửa, chớ không phải là sứ mạng được Cha Sở, Giám Mục, Hồng Y hay Giáo Hoàng ủy thác cho, hay là sứ mạng phiến diện, không có gì quan trọng của kẻ " ăn cơm ngụi, ở nhà ngoài ".

Người tín hữu giáo dân cần phải được lớn lên, trưởng thành trong hân hoan, can đảm và được đào tạo, có kiến thức thần học của người sống giữa thị xã trần thế.

Họ chính là những người có nhiều cơ hội và khả năng thuận tiện hơn để trở thành thân cận với anh em bằng tâm tình cảm thương và loan báo Tin Mừng giải thoát của Chúa Ki Tô thay vì sống cuộc sống " khoanh co vỏ ốc " tiện lợi cho cá nhân mình.

Trong cách sống vừa được diễn tả, người tín hữu giáo dân không có gì phải âu lo, ái náy, bởi lẽ

   - bên cạnh họ còn có hàng giáo phẩm

   - và cuộc sống của người tín hữu giáo dân, con Chúa là cuộc sống phó thác vào Lời Chúa đầy uy lực và êm dịu, có thừa khả năng để cải hoá tâm hồn anh em, mà mình muốn đem trở về với Chúa.

VỀ MỤC LỤC
CẦU NGUYỆN THẾ NÀO?

 

LINH MỤC GIÁO PHẬN SỐNG TU ĐỨC TOÀN DIỆN

TRONG BỐI CẢNH THỰC TẾ CỦA GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI VIỆT NAM HÔM NAY

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

CHƯƠNG BA 

Đời Sống Cầu Nguyện Và Đời Sống Nội Tâm (tiếp theo)

D. CẦU NGUYỆN THẾ NÀO?

Chúng ta học cầu nguyện bằng việc cầu nguyện.

Yếu tố quan trọng nhất trong đời sống cầu nguyện là quyết định biến lời cầu nguyện thành một phần của đời sống toàn diện của chúng ta. Điều đó biểu lộ rõ nét địa vị tối thượng của Thiên Chúa: Nếu Chúa có ý nghĩa cho tôi, tôi sẽ dành thời giờ để cầu nguyện. Còn nếu Chúa không có ý nghĩa gì cho tôi cả thì tôi chẳng để mất thời giờ làm chi.

Việc cầu nguyện (trò chuyện với Chúa, lắng nghe Chúa, để Chúa tác động và biến đổi) phải theo chúng ta suốt ngày, hay nói cách khác là chúng ta phải cầu nguyện liên lỉ. Chúng ta sẽ mời Chúa trở nên một phần của tất cả niềm vui nỗi buồn, những chiến đấu và bận tâm, những kế hoạch và quyết định của chúng ta. Ngài là người cha, người thầy, người bạn đầy yêu thương ao ước đi vào cuộc sống của các con cái mình, để hướng dẫn và chia sẻ với nó.  

Chúng ta cần điều chỉnh mỗi ngày với Ngài, nhờ đó các hoạt động của chúng ta không đuổi Ngài ra ngoài, trái lại chúng ta nhận ra hoạt động của Ngài trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, và chúng ta không bao giờ ngăn cản ân huệ mà Chúa muốn ban cho kẻ khác qua chúng ta.  

Để duy trì một đời sống cầu nguyện và một mối liên hệ lành mạnh với Chúa, kinh nghiệm thúc đẩy những cam kết:

-         Khởi đầu ngày sống với việc dâng ngày và đọc Kinh Truyền Tin.

-         Kinh Nhật Tụng

-         Dành thời giờ nguyện gẫm mỗi ngày

-         Dâng Thánh Lễ và rước lễ

-         Lần hạt Mân Côi

-         Xưng tội đều đặn

-         Cầu nguyện trước và sau ăn cơm

-         Viếng Mình Thánh Chúa

-         Kết thúc ngày sống với một thoáng suy nghĩ kiểm điểm xem ngày sống đã qua đi thế nào, tạ ơn và xin lỗi Chúa, đồng thời xin ơn cam kết sáng mai sẽ khởi đầu một ngày mới tốt đẹp hơn. 

E. LỜI CẦU NGUYỆN BIẾN ĐỔI CHÚNG TA.           

Nếu chúng ta cầu nguyện cách thích hợp, lời cầu nguyện sẽ biến đổi chúng ta: sau khi cầu nguyện, chúng ta sẽ trở nên khác hơn trước khi cầu nguyện. Chỉ cần xem phản ứng của chúng ta đối với người khác thì sẽ nhận ra được hậu quả của sự biến đổi đó. Quả thế, người tin Chúa và cầu nguyện sẽ cư xử một cách khác với người không tin Chúa và không cầu nguyện: chẳng lẽ chúng ta xin Chúa tha thứ cho chúng ta mà chúng ta không có cố gắng nào để tha thứ cho người khác sao? Ít ra là từ trong nội tâm mình.

Lời cầu nguyện làm cho chúng ta trở nên khác:

-         nó khiến chúng ta có thể làm những việc mà người không cầu nguyện không thể làm;

-         nó làm cho chúng ta có những chọn lựa mà người không cầu nguyện không thể chọn lựa hoặc chọn lựa sai;

-         nó làm cho chúng ta có thể tha thứ và yêu thương người khác dễ dàng hơn.            

Lời cầu nguyện là nơi chúng ta xin Chúa đi vào cuộc đời chúng ta để Ngài có thể làm cho chúng ta thay đổi: Điểm chính yếu của cầu nguyện là để thay đổi, chứ không phải để vẫn lê lết như cũ. Khi chúng ta xin Chúa tha thứ thì điều đó có nghĩa là chúng ta có thể thay đổi: chúng ta đã có cái gì đó không ổn trong tương quan với ai đó mà có lẽ chúng ta đã có thể làm hay cư xử một cách khác. Như vậy lời cầu nguyện đưa chúng ta về với cái đó để giúp chúng ta ý thức về việc cần phải thay đổi.  

Trong Kinh Nguyện Thánh Thể II, chúng ta thưa “Cảm tạ Chúa đã cho chúng con được xứng đáng đứng trước tôn nhan Chúa và phụng sự Chúa.” Chúa đã cho chúng ta phần của Ngài, chúng ta phải sống cho tương xứng với ân ban nhưng không và đi bước trước của Chúa. Như thế, tất cả mục đích của cầu nguyện là giúp chúng ta thay đổi: thay đổi từ một con người chỉ biết mình thành một con người biết nghĩ đến người khác. Lời cầu nguyện thay đổi chúng ta từ từ từng chút một.           

Lời cầu nguyện cũng đưa đến sự biến đổi của người khác. Người Việt Nam than thở “cây muốn lặng mà gió không ngừng.” Nữ hoàng Esther kêu xin Chúa biến đổi lòng nhà vua mà cứu dân của bà: “Con cô đơn, chẳng còn ai cứu giúp, ngoại trừ Ngài..., lạy Chúa, ngày chúng con gặp gian truân cùng khốn, xin nhớ đến chúng con mà chứng tỏ quyền năng của Ngài... xin ban cho con lòng dũng cảm, và dạy con biết nói lời êm tai, khi phải ra trước mặt loài sư tử, xin đổi lòng con sư tử ấy...”[1] 

F. PHƯƠNG THẾ ĐÀO TẠO SỐNG CẦU NGUYỆN 

F.1 Trách Nhiệm

Trách nhiệm đầu tiên là phải quan tâm đến sự tham dự của cả cộng đoàn và của từng người: Ý thức, sống động và tích cực.[2] Không có đối nghịch giữa cầu nguyện cá nhân và cầu nguyện cộng đồng: cầu nguyện cộng đồng không chỉ đơn giản là tổng số những lời cầu nguyện cá nhân, mà phải là sự hiệp nhất của các con tim đang cầu nguyện[3] vì cầu nguyện cá nhân vốn là sự kéo dài của kinh nguyện phụng vụ và hướng tới kinh nguyện phụng vụ. Và lời cầu nguyện cộng đồng nâng đỡ lời cầu nguyện cá nhân: sự khích lệ nhận được từ lời cầu nguyện cộng đồng sẽ giúp mỗi người vượt qua những thử thách và những khó khăn mà mỗi người không thể tránh khỏi trong cuộc sống. 

F.2 Thời Khắc

Phải ý thức sâu xa rằng đời sống thiêng liêng không thể chỉ đơn giản giản lược vào những thời khắc đặc biệt dành cho việc đọc kinh cầu nguyện, nhưng việc cầu nguyện phải mở rộng ra trong toàn bộ cuộc sống.  

Nên nhớ rõ rằng giờ cầu nguyện độc hữu là chỉ dành cho việc cầu nguyện mà thôi, không làm chi khác; còn cầu nguyện liên lỉ là cầu nguyện trong khi làm bất cứ việc gì, như thánh Phaolô đã căn dặn “dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì khác, anh chị em hãy cố ý làm cho sáng danh Chúa.” Và Cầu nguyện góp phần thống nhất đời sống và sứ vụ ơn gọi, dù đôi khi cuộc sống và sứ vụ ơn gọi đó gặp phải những khó khăn và thử thách.

F.3 Nơi Chốn

Linh hướng là chỗ tin tưởng và tự do để nói về đời sống cầu nguyện, về phẩm chất kitô giáo và Giáo Hội của lời cầu nguyện đó, kiểm chứng tính kiên trì cam kết cầu nguyện, đặc biệt việc nguyện gẫm (tư tưởng chỉ huy hành động). Linh hướng là nơi huấn luyện cầu nguyện: Ứng sinh bày tỏ với vị linh hướng những khó khăn, tiến bộ hay thụt lùi, chiến đấu và niềm vui khi cầu nguyện, nhờ đó được hướng dẫn thích hợp và hiệu quả.  

Cuộc sống nhóm cũng là nơi để trao đổi và chia sẻ hữu ích về đời sống cầu nguyện. Người bị chán nản tìm ra hay tìm lại được con đường cầu nguyện, đọc ra ý nghĩa thiêng liêng của các biến cố trong cuộc sống. Được kích hoạt bởi đức ái, mọi người được mời gọi giúp đỡ lẫn nhau để đón nhận từ Chúa Cứu Thế sự phong phú nhiệm mầu của cuộc sống cầu nguyện và nội tâm.

 

[1] Et 4,17.

[2] x. Vat. II, Hiến Chế Phụng Vụ.

[3] x. Cvtd 2,46.

 

VỀ MỤC LỤC
VAI TRÒ CHỦ ĐỘNG CỦA NGƯỜI VỢ TRONG HẠNH PHÚC HÔN NHÂN

 

Tác phẩm: Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

A20. VAI TRÒ CHỦ ĐỘNG CỦA NGƯỜI VỢ TRONG HẠNH PHÚC HÔN NHÂN

Một trong những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất trong thập niên 50 là nam tài tử Gali Copter. Ông nổi tiếng không những vì tài nghệ diễn xuất mà còn vì cuộc sống hôn nhân mẫu mực. Vào khoảng cuối đời, quằn quại trong thể xác, ông đã nói về Rocky, người vợ đã chung sống với ông trong gần 30 năm như sau:

“Rocky là một người đàn bà kỳ diệu. Nàng là một người vợ đã biết thích nghi với tính khí và công việc của tôi. Nàng cũng biết cảm thông với những lỗi lầm của tôi. Nhất là nàng đã biết ở bên cạnh tôi mỗi khi nàng có thể, mỗi khi tôi cần đến nàng. Nàng là một người vợ đích thực”.

Những lời khen tặng trên đây của tài tử Gali Copter là một lời khẳng định: người nắm giữ bí quyết hạnh phúc gia đình, người đóng vai chủ động trong việc xây dựng hạnh phúc hôn nhân chính là người vợ. Dĩ nhiên sự thành công của hôn nhân là do sự hợp tác của hai vợ chồng. Nhưng người vợ vẫn là người đóng vai trò chủ yếu. Đó là điều mà một lần nữa, chúng tôi muốn được chia sẻ với những người vợ trẻ trong bài này.

1. Một trong những bí quyết xây dựng hạnh phúc hôn nhân là biết thích nghi với tính khí của nhau. Tài tử Gali Copter đã ca tụng vợ mình là một người đàn bà kỳ diệu bởi vì bà đã biết thích nghi với tính tình và nhất là biết cảm thông với những lầm lỡ của ông.

Một trong những điều khiến cho những người vợ trẻ thất vọng nhất trong những năm đầu đời hôn nhân là những khuyết điểm của người chồng. Chỉ vài tháng sau ngày cưới, con người đã một thời là hoàng tử của lòng người con gái, nay hiện nguyên hình nguyên trạng với đủ mọi thứ tính hư tật xấu.

Thích nghi, đối với người vợ, trước tiên là chấp nhận sự thật. Cuộc sống hôn nhân không là một cuốn tiểu thuyết. Người ta nói, chín mươi phần trăm những người vợ ngoại tình đều là những người đàn bà xem hôn nhân như là một thứ tiểu thuyết. Chính vì không tìm thấy trong hôn nhân những gì họ mơ tưởng mà nhiều người đã thất vọng và chạy theo những cuộc phiêu lưu. Chấp nhận sự thật là chấp nhận những khuyết điểm và lầm lỗi của người chồng. Một người đàn ông không có khuyết điểm là một người đàn ông ngu đần, hoặc chỉ là một kẻ giả dối. Có những khuyết điểm gắn liền với những tính tốt nơi người đàn ông mà thiết tưởng, người vợ nên chấp nhận mà thôi.

Người vợ hãy cư xử như một người quản lý trong một cơ sở; mỗi ngày, người quản lý đi một vòng xung quanh cơ sở, kiểm soát xem có hư hại, thiếu sót điều gì không. Cũng thế, người vợ phải không ngừng kiểm soát tình hình của cuộc sống chung để kịp thời thấy được những hư hỏng và sửa chữa. Một rạn nứt nếu không sửa chữa kịp thời sẽ gây đổ vỡ lớn. Một chút thiếu sót của người chồng có thể là một rạn nứt trong tòa nhà hạnh phúc. Người vợ hãy thực tế để nhìn nhận sự rạn nứt ấy và tìm cách hàn gắn lại.

2. Anh quốc là nước có tỉ lệ ly dị cao nhất tại Âu châu. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và nhất là việc đóng cửa hàng loạt mỏ than quốc doanh được nhiều người xem là nguyên nhân chính của thảm trạng gia đình. Người ta giải thích rằng, những người đàn ông thất nghiệp đâm ra cau có, quạu cọ và rơi vào nghiện ngập. Tình trạng tài chính bấp bênh, nhà cửa không bảo đảm, đó là những lý do đưa đến bất hoà và cuối cùng là đổ vỡ trong gia đình.

Dĩ nhiên những yếu tố trên đây ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân và gia đình. Tuy vậy, tác nhân chính của thành công và đổ vỡ trong gia đình trước tiên phải là con người. Nếu con người biết xem hạnh phúc, sự thành công của hôn nhân và trách nhiệm của mình thì quy trách cho hoàn cảnh và những yếu tố bên ngoài là một thái độ thiếu trưởng thành. Người ta quy trách cho những điều kiện kinh tế, người ta nói đến sự thay đổi tính khí của người chồng. Thế còn người vợ thì sao?

Chính trong những điều kiện khó khăn về kinh tế, tài chính, tâm lý mà người vợ phải thể hiện vai trò của mình. Trong những hoàn cảnh khó khăn như thế, người vợ cần phải tỏ ra là cột trụ của gia đình, là chỗ dựa của người chồng, là người đóng vai trò chủ yếu trong việc bảo vệ sự vững chắc của gia đình.

3. Tuần báo Paris Match xuất bản tại Pháp đã có lần đề ra một số điểm giúp người vợ bảo vệ hạnh phúc gia đình như sau:

- Trước hết, người vợ đừng bao giờ nghĩ rằng, đã lập gia đình thì không cần chiều chuộng chồng nữa. Hơn cả trong thời gian quen biết và đính hôn, người vợ cần phải không ngừng làm đẹp lòng chồng. Những lúc người chồng gặp khó khăn trong công ăn việc làm là những lúc họ cần được vợ nâng đỡ chiều chuộng hơn cả. Trong mọi sự, người vợ hãy cư xử với chồng như một người tình.

- Thứ hai, người vợ phải luôn tạo ra một bầu khí ấm cúng trong gia đình. Một căn nhà trật tự sạch sẽ, một bữa ăn chuẩn bị chu đáo, đó là hơi ấm mà người vợ mang lại cho chồng sau một ngày lao động vất vả hay sau những giờ phút căng thẳng vì bổn phận.

- Thứ ba, người vợ phải luôn biết khuyến khích cổ võ chồng trong công việc, dù công việc có tăm tối và khiêm tốn đến đâu. Ai cũng muốn được khen tặng. Trong lời khen tặng ấy, không ai có thể thành thật cho bằng người vợ.

- Thứ bốn, người vợ nên nhớ: người chồng không muốn bị kiểm soát trong vấn đề tiền bạc. Thái độ kiểm soát của người vợ sẽ dễ đặt người chồng vào chỗ dối trá và từ đó, xem vợ như là một đối thủ.

- Thứ năm, việc bếp núc là một trong những chìa khóa để bảo vệ hạnh phúc hôn nhân. Khi một người chồng không cảm thấy thoải mái hoặc được săn sóc trong gia đình, họ sẽ bị cám dỗ đi ra ngoài thường xuyên hơn.

- Cuối cùng, người vợ nên nhớ, mình là người bạn đường của chồng. Một khi người chồng không còn cảm thấy được thoải mái để tâm sự với vợ nữa, họ sẽ đi tìm một người khác. Điều này cũng có nghĩa là người vợ phải không ngừng chú ý đến những khó khăn của chồng. Chú ý không có nghĩa là theo dõi, kiểm soát, mà chính là luôn dành tất cả yêu thương cho chồng. Tựu trung, tình yêu là chìa khóa của hạnh phúc.

Benjamin Franklin, Tổng thống Hoa Kỳ, đã nói như sau: “Nơi nào có hôn nhân mà không có tình yêu thì người ta sẽ đi tìm tình yêu ở ngoài hôn nhân”.

4. Ơn gọi của người vợ là sống cho tình yêu. Lời đó cũng có nghĩa là họ phải sống trọn vẹn cho chồng con. Khi một người vợ chỉ chờ đợi được chồng yêu thương chiều chuộng, khi một người vợ nghĩ đến tự do và những quyền lợi riêng của mình hơn hạnh phúc của chồng con, tức là họ đang đi trên con đường dẫn đến đổ vỡ. Sống đời hôn nhân là một thể hiện của ơn gọi làm Kitô hữu. Người ta chỉ tìm được hạnh phúc đích thực khi muốn tìm và xây dựng hạnh phúc cho người khác.

Người vợ hãy luôn tâm niệm lời của Chúa Giêsu: “Ai tìm sự sống của mình sẽ mất, ai mất mạng sống mình, sẽ tìm gặp lại nó”.

 

VỀ MỤC LỤC
“MUÔN NGƯỜI HẠNH PHÚC CHAN HÒA”

 

Hàng năm, cùng với đại lễ Giáng Sinh rồi sửa soạn đón Tết, mừng Xuân thì những lời chúc tụng, những cánh thiệp nhiều màu xinh xinh được gửi cho nhau. Để chúc nhau khang an thịnh vượng và hạnh phúc.

Vâng, ai cũng mong cho nhau được “chan hòa hạnh phúc ”. 

Vậy Hạnh Phúc là gì mà mọi trân quý như vậy?! 

Theo Tự Điển Tiếng Việt Nguyễn Như Ý, Hạnh phúc, là “Cuộc sống trong trạng thái sung sướng do đáp ứng được mọi ý nguyện”- .

 Còn Việt Nam Tự Ðiển của Lê Văn Ðức định nghĩa Hạnh phúc là “ Phước lành, điều may mắn cho đời mình”.  

Chúng tôi xin cùng quý vị tìm hiểu thêm về ý nghĩa cùa Hạnh Phúc qua các nhận xét của người xưa nay. 

 Thực ra Hạnh phúc đã được con người chiêm nghiệm, tìm kiếm từ thuở lọt lòng, khi bé thơ lim dim hưởng hơi ấm hạnh phúc nơi ngực mẹ hiền, nuốt những giọt sữa non tinh khiết.  

Rồi lớn lên, “Hạnh phúc là cái hướng đeo đuổi của con người”- J.B.H.Lacordaire.

Epicurus cũng nói: “Hạnh phúc là mục đích tối hậu trong đời sống của loài người. Sự yên bình và hợp lẽ phải là nền tảng của hạnh phúc”.

Aristote thêm: “Hạnh phúc là ý nghĩa và mục đích của cuộc đời, là mục tiêu cũng như sự tận cùng của hiện hữu con người”. 

Có ý kiến cho rằng hạnh phúc do tiền tài, danh vọng, địa vị và học vấn tạo ra.

De Sivry khuyên nhủ “Nhầm lẫn giầu sang với hạnh phúc là lấy phương tiện làm chuẩn đích. Chẳng khác chi tưởng con dao và cái nĩa làm cho mình biết ăn ngon miệng”.

Nói rằng tiền tài không mua được hạnh phúc, nhưng Spike Miligan lại cho là nó mang cho ta một chút thoải mái khi chẳng may lâm vào cảnh khốn cùng. Nhưng có điều chắc rằng “Hạnh phúc nào mà chẳng phải mua với ít nhiều đau khổ”- Margaret Oliphant.

Cho nên De Tocqueville lại quan niệm rằng “Chấp nhận sự bất hạnh có lẽ còn ít đau khổ hơn là sự mưu cầu  hạnh phúc” 

Emile De Girardin lại cho là “Có hai thứ hạnh phúc: hạnh phúc trong địa vị và hạnh phúc tình cảm. Một thứ có thể nói là thuộc xã hội, thứ kia thì có tính cách nội tâm”. 

John Stuart Mill đi xa hơn: “Tôi học được cách tìm thấy hạnh phúc của mình bằng sự giới hạn những dục vọng hơn là thỏa mãn chúng”.

Và nhớ rằng “Tạo hóa đã an bài hạnh phúc vừa đúng mức cho mọi người. Chỉ cần biết lựa chọn nó mà thôi” Lucrece. 

Vì Chân hạnh phúc nằm ở trong ta. Chẳng nên phí thời gian, công sức đi tìm bình an, mãn nguyện, vui thú ở ngoài đời. Cũng nên nhớ rằng không thể có hạnh phúc chỉ bằng tiếp nhận mà ta có hạnh phúc nhiều hơn khi phân phát. Cho nên hãy vươn ra và chia sẻ.

“Hoa hạnh phúc mọc ngay bên cạnh chúng ta, chứ đâu cần phải đi hái ở vườn người”- Douglas Jerrold.

Ngay cả với người bạn đường thân ái thì Jean Pierre Florian có ý kiến:“Hạnh phúc không ở Thiên Đường; Ở ngay bên cạnh tình nương dịu hiền”

Kinh nghiệm của Socrates là “Hãy lấy vợ. Nếu bạn được người vợ hiền thì bạn có hạnh phúc. Chẳng may gặp người xấu thì bạn sẽ thành một triết gia”- Và Socrates là một triết gia.  

Nên nhớ “Hạnh phúc rất hay lây lan. Khi ta hưởng ánh sáng hạnh phúc thì người chung quanh cũng tiếp nhận và họ trở nên vui hơn”-Jennifer Leese.

Vì “Hạnh phúc là nước hoa. Ta không thể xức cho người khác mà lại không hưởng được vài giọt cho chính mình”-Ralph Waldo Emerson.

Đức Phật Thích Ca cũng giảng: “Cả trăm ngọn nến có thể đốt lên từ một ngọn nhỏ nhoi, mà ngọn này không sớm tắt. Hạnh phúc chẳng bao giờ giảm bớt khi ta chia sẻ”.

Deni Diderot cho là “Người sung sướng nhất là kẻ đã tạo được hạnh phúc cho nhiều người khác”. Vì có một số người, “chỉ đạt đến mức sung sướng bằng cách trang trọng góp nhặt từng mảnh vụn của hạnh phúc vương vãi đó đây”, như Gustave Droz nhận xét. 

Đôi khi một cánh cửa hạnh phúc khép, cánh kia mở. Nhưng ta chỉ chăm chú vào cánh cửa khép mà thôi, cho nên ta thấy bất hạnh.Ta không thể đuổi bắt hạnh phúc vì Hạnh phúc đến không ngờ khi ta giúp đỡ tha nhân.

 Cách ngôn cổ Ấn độ có câu: “Hãy giúp thuyền người qua sông thì thuyền của ta cũng cập bến” 

Nhưng “Hạnh phúc giống như thủy tinh. Càng rực rỡ bao nhiêu càng mỏng manh bấy nhiêu”-P. Surys.

Và Jeremy Taylor thì cho rằng “Chẳng có sung sướng trên trần gian này mà không mang theo những tai họa thừa trừ của nó; chẳng có hạnh phúc nào lên đến tột đỉnh mà không bổ nhào bởi tai ương”.

Cổ thi Sử Ký Trung Hoa có ghi: “Họa thì phúc nương theo đó, phúc thì họa nằm trong đó. Buồn và vui cùng ở một cửa, may với rủi cùng ở một nơi”. 

Thì ra “Phúc không bao giờ đến đôi, họa thì xảy ra từng cặp” Khuất Nghi Cửu. 

Nghiên cứu khoa học cho hay những căng thẳng, sầu não làm giảm khả năng miễn dịch, con người dễ suy nhược, bệnh hoạn.

 Cho nên nhà y học kiêm triết gia Albert Schweitzer viết “Hạnh phúc không là gì ngoài sức khỏe tốt và trí nhớ xấu”. Phải chăng là để quên mọi khổ đau trần thế?.

 George William Curtis quả quyết hơn khi nói: “Trước tất cả mọi sự, hạnh phúc nằm ở trong sức khỏe vậy”.

 Bác sĩ chuyên trị đau nhức Paul Kelly tâm sự “Tôi may mắn là có vấn đề đau nhức nên rất thông cảm với những cơn đau của bệnh nhân mà tôi chăm sóc” 

Mahatma Gandhi có ý kiến rằng “Hạnh phúc là khi ta nghĩ, ta nói, ta làm ăn nhịp với nhau”.

Harriet Meyerson nói “Hạnh phúc đến từ lúc ta hưởng cái mà ta hiện có. Ta cũng cảm thấy hạnh phúc khi nhận thức được sự khó khăn vì khó khăn giúp ta bồi bổ nghị lực”. 

Một anh nọ bực mình vì con gà nhà bên cạnh gáy suốt ngày đêm khiến anh ta không ngủ, không làm việc được. Anh bèn sai gia nhân sang mua con gà về làm thịt. Anh mời bạn hiền tới cùng ăn. Trong khi chờ đợi món gà hấp dẫn, anh ta khoe là cảm thấy bình an hơn vì con gà không còn quấy rầy nữa.

Một lúc sau người nhà mang món ăn lên và cho biết hàng xóm không chịu bán gà nên phải mua ở chợ.

Thì ra con gà vẫn còn sống, vẫn còn gáy mà anh ta cho là gà đã được mua và đã bị làm im tiếng gáy.

Thành ra sự bực bội là do từ nội tâm chứ đâu vì ngoại cảnh. Như Abraham Lincoln đã nói “Chúng ta hạnh phúc vì tâm ta cảm thấy vậy”  

Hạnh phúc đến từ những sự việc rất nhỏ: một nụ cười của bé thơ, một cánh thư từ người bạn thiết, tiếng chim hót líu lo trên cành cây, một tia sáng lọt qua khe cửa sổ, một chén cơm, manh áo cho sóng thần nạn nhân... 

Tín đồ Thiên Chúa Giáo chắc là đều thuộc làm lòng nội dung “Bài Thuyết Giảng trên Đỉnh Đồi”.

Từ chương V tới chương VII, lời giảng đã nêu ra những phương thức thực tế để ta tìm ra sự hạnh phúc, bình an cho cả thể chất lẫn tâm hồn.  

Rằng:

“Với mọi điều mà ta muốn người làm cho ta, thì ta hãy làm cho người”. 

Rằng:

“Hãy đừng xét đoán khi không muốn bị phán xét. Vì khi xét đoán người thì người cũng xét đoán ta. Dùng thước nào để đo người thì người cũng dùng thước đó đo ta”.

 Với quy tắc này mà Abhraham Lincoln đã có sức mạnh và niềm tin để kiến tạo Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ cũng như giải tỏa được những cảm nghĩ đắng cay. 

Không những ta nên tránh lên án mà còn phải tha thứ. Với nhiều người, đây là một lời khuyên khó thực hiện. Nhưng nhiều thầy thuốc, nhiều tâm lý gia đã xác nhận tha thứ là điều cần làm để có một sức khỏe tốt.

“Các ngươi thường nghe nói: hãy yêu láng giềng và ghét kẻ thù.  Nhưng ta khuyên các ngươi: Hãy thương yêu kẻ thù, tha thứ kẻ thóa mạ ngươi, làm điều tốt cho kẻ ghét ngươi và hãy cầu nguyện sự lành đến với người đã lợi dụng ngươi”.   

Nhiều người có thể nghĩ rằng Lời Giảng khó áp dụng và đòi hỏi quá đáng nơi con người. Nhưng thực ra mỗi người mẹ, người cha đã từng giơ một bên má nhận đắng cay, rồi tha thứ cho con cái để sửa đổi chúng, tha thứ để yêu thương và giúp đỡ chúng. Cũng trong tinh thần thương yêu và hỗ trợ, lời giảng khích lệ ta hãy cố gắng tìm hiểu, cố gắng tha thứ, cố gắng thương yêu mọi người.

Để giúp ta tự chiến thắng, lời giảng cho ta một một khuyên răn rằng Thượng Đế chỉ tha thứ điều sai trái của ta nếu ta tha thứ điều sai trái người khác làm cho ta. 

Bà Minh mới dọn đến ở khu gia cư dành cho người tuổi cao. Chỉ vài ngày bà đã thấy người hàng xóm tên Lan có những nhận xét không đúng về mình. Bà Minh cố dằn lòng để khỏi gõ cửa bà Lan để phân bua đôi điều phải trái.

Mấy ngày sau, bà gặp một người bạn của bà Lan và tự giới thiệu. Đôi bên chuyện trò và bà Minh nhẹ nhàng nói: “Bà Lan cạnh nhà tôi thực là người tốt bụng. Tôi rất may mắn có người hàng xóm như bà Lan”.

Rồi một sáng đẹp trời, bà Lan tới gặp bà Minh. Mà nói: “Tôi thực tâm muốn là người hàng xóm tốt. Có thể tôi đã không tốt như bà nghĩ”.

Từ đó không còn rỉ tai nói xấu và hai bà trở thành đôi bạn thân thiết. Họ đã tìm được hạnh phúc trong nhau. 

Sự tha thứ, giải tỏa khỏi bực tức, hận thù như lời giảng cũng quan trọng cho sức khỏe. Trong những thập niên vừa qua, y giới đã khám phá ra rằng sư lo âu, sợ hãi, giận giữ, oán ghét là những chất độc có thể tiêu hủy thân xác và tâm hồn. 

Thực ra, những lo lắng của người bình thường đều tập trung vào vấn đề của việc làm, với người cùng sở, với con cái; rồi nhu cầu được thương yêu, được coi như quan trọng, được là một phần của mọi công việc.

Vậy mà taị sao nhiều người trong chúng ta lại kéo dài cuộc đời trong sự tuyệt vọng thầm lặng! Phải chăng là ta đã rời bỏ một số ý niệm căn bản mà Lời Giảng đã nêu ra trong hành xử giữa người với người.

Và có hay không:

“Hạnh phúc ở đời phải là thứ phần thưởng chế tạo ra để riêng tặng cho những người đơn giản; hầu đền bù cho người ta những chỗ thiệt thòi khác”- Nguyễn Tuân.

Vì:

Trời không lường trưa sớm nắng mưa,

Người đâu có biết hôm mai họa phúc”- Nguyễn Đình Chiểu.

 

Thôi thì, hãy cầu mong rằng:

 

“Mừng Tân Xuân trăm nhà Hạnh Phúc,

Cả nhơn sanh đồng nhìn nhận chung Cha,

Cả trần sinh là một ngôi nhà,

Vòng tay rộng, vạn dân tô điểm tốt.

 

Tân Xuân này, tình thương lên cao tột,

Tận Cung Diêu, Bạch Ngọc, Niết Bàn

Tình Thương len vào cõi Thiên Đàng

Đấng Christ hân hoan giáng thế ” - Cao Quỳnh Tuệ Lâm.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC Texas-Hoa Kỳ

 
VỀ MỤC LỤC
CON TRÂU VÀ TÌNH YÊU

  

Tựa đề của câu chuyện phiếm hôm nay có lẽ đã làm cho bàn dân thiên hạ hơi bị ngạc nhiên, bởi vì từ ngàn xưa và cho đến ngày hôm nay, con trâu vốn dĩ đã là một người bạn chân thành của nông dân Việt Nam, cũng như vốn dĩ đã là biểu tượng của một kiếp sống lầm than và cực nhọc.

Nơi con trâu, ta chẳng tìm thấy được một chút gì thơ mộng, một chút gì để nhớ và để thương, hay một tí ti nào dính dáng tới tình yêu. Tuy nhiên, cứ từ từ thì cháo nó mới nhừ, cứ nhẩn nha suy gẫm, cứ âm thầm nhai đi nhai lại, thì sẽ nghiệm ra rằng con trâu thật là dễ thương và cũng có được một chút gì đó gắn liền với tình yêu.

Tương truyền rằng:

Ngưu Lang là anh chàng chăn trâu cho Nhà Trời, còn Chức Nữ là cháu của Ngọc Hoàng Thượng Đế, vốn làm nghề dệt cửi. Cả hai gặp nhau, thương nhau và kết thành duyên vợ chồng. Thế nhưng, vì quá đắm đuối yêu thương, nên cả hai đã bỏ bê công việc bổn phận của mình, khiến cho Ngọc Hoàng Thượng Đế nổi giận đùng đùng.

Cuối cùng, Ngọc Hoàng Thượng Đế đành phải trừng phạt bằng cách bắt cả hai phải xa lìa nhau. Mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần  vào đêm mồng bảy tháng bảy âm lịch, được gọi là đêm thất tịch.

Đêm hôm ấy, bầy quạ cắn đuôi nhau làm thành một chiếc cầu bắc ngang dải Ngân Hà cho vợ chồng Ngưu Lang Chức Nữ sum họp.

Gặp nhau, vợ chồng mừng mừng tủi tủi, kể lể cho nhau nghe những tâm sự buồn vui. Vừa kể mà những giọt nước mắt cứ lã chã tuôn rơi, khiến cho đêm đó có mưa dầm, được gọi là mưa ngâu.

Riêng loài quạ thường rụng lông đầu vào tháng bảy là do việc cùng nhau kết thành chiếc cầu cho vợ chồng Ngưu Lang Chức Nữ đi mà gặp nhau.

Cũng vì thế mà trong thiên hạ mới lưu truyền bài hát:

- Giọt mưa, mưa ngâu, mưa ngâu,

  Búp non trên cành thành lá biếc.

  Giọt mưa, mưa ngâu, mưa ngâu,

  Tròn xoe chiếc ô trên đầu.

  Ngày xưa đôi ta bên nhau,

  Chiếc ô xoe tròn thành bóng lá.

  Mong sao mưa thật lâu,

  Để cho đôi lứa bên nhau….

  …. Và cơn mưa, mưa rồi sẽ tan đi trên trời đầy nắng gió,

  Giọt mưa ngâu hay là nước mắt ai nhớ nhau.

  Chuyện tình yêu như là những cơn mưa trong đời đầy nắng

  gió.

  Để trên mi ai bây giờ ướt đẫm mưa.

Chuyện tình trên đẹp như một giấc mơ và một trong hai nhân vật chính là Ngưu Lang, rất thân quen với loài trâu, bởi vì anh ta thường xuyên chăn trâu cho Nhà Trời.

Tuy nhiên trong thực tế, gã xin ghi nhận hai quan niệm của xã hội bình dân Việt Nam ngày xưa về tình yêu và hôn nhân có liên quan tới con trâu.

Quan niệm thứ nhất đó là: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”, hay “Trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy”.

Cả hai câu này đều mang một ý nghĩa na ná giống nhau, đó là quyền lợi của ai thì người nấy hưởng, lãnh địa của ai thì người nấy khai thác, nhà mình mình ở, cơm mình mình ăn, việc mình mình làm…

Tuy nhiên, trong phạm vi tình yêu và hôn nhân, thì xem ra hai câu này lại muốn nêu cao lập trường bảo vệ hàng nội địa, nghĩa là trai làng nào thì lấy gái làng nấy.

Như chúng ta đã biết: Do ảnh hưởng của nền luân lý Khổng Mạnh, các cụ ta ngày xưa vốn chủ trương “nam nữ thọ thọ bất thân”. Phải có sự “nam nữ hữu biệt” thì mới tránh được những trò “trên bộc trong dâu”, hay “ăn cơm trước kẻng”, một hiện tượng vốn thường xảy ra như cơm bữa trong giới trẻ ngày nay.

Tuy nhiên, theo Toan Ánh trong “Phong tục Việt Nam”, thì việc nam nữ “hữu biệt” hay “bất thân” như thế chỉ có ở những gia đình trưởng giả, còn trong giới bình dân, thì không đến nỗi quá khắt khe, bởi vì phong tục cũng như sinh hoạt hằng ngày đã tạo nên nhiều dịp để họ có thể gặp nhau.

Nào những lúc công việc đồng áng cùng làm, rồi những lúc nghỉ ngơi trên bờ đê, nơi sân đình, hay dưới dậu tre… họ tha hồ gặp gỡ và tiếp xúc với nhau. Rồi trong những cuộc tiếp xúc này, họ đã thổ lộ tâm tình với nhau.

Bao nhiêu câu ca dao đã nhắc lại những cuộc trò chuyện của họ. Họ ướm thử lòng nhau, họ nhắc lại cái cảnh còn đơn chiếc của mỗi người:

- Cô kia má đỏ hồng hồng,

  Cô chưa lấy chồng, cô đợi chờ ai?

  Buồng không lần lữa hôm mai,

  Đầu xanh mấy lúc da mồi tóc sương.

Trong lúc tình yêu được liên tục phát triển để rồi tiến tới việc trầu cau cưới hỏi, thì rất có thể vì tình trạng trai thiếu gái thừa và cũng có thể vì tự ái dân tộc nổi lên bừng bừng mà người ta đưa ra chủ trương: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”, hay “Trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy”.

Đọc lại lịch sử gã nhận thấy ngày xưa trước sự tấn công của người Pháp, các vua triều Nguyễn đã tích cực áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng,  sống đơn độc một mình, không thèm giao thiệp với nước ngoài.

Còn ngày nay, để cứu vớt nền kinh tế vốn èo ọt của mình, nhà nước có một thời đã phải áp dụng chủ trương bảo vệ hàng nội địa, bằng cách đánh thuế thật  nặng những mặt hàng nhập khẩu, để người dân quay trở về với những mặt hàng được sản xuất ở trong nước. Và người ta đã đưa ra khẩu hiệu:

- Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Phải chăng chủ trương “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, hay “trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy” cũng có phần nào hao hao giống với chính sách bế môn tỏa cảng và bảo vệ hàng nội địa?

Để thực thi chủ trương này, thì ngoài việc giai làng nào lấy gái làng nấy, người ta còn cấm vận không cho giai làng khác xớ rớ đến gái làng mình.

Rất nhiều lần gã đã được chứng kiến cái cảnh anh giai xóm trên bị bọn giai xóm dưới xúm lại đánh hội đồng cho một trận tơi bời hoa lá, đến phun cả máu đầu, chỉ vì anh giai xóm trên đã dám cả gan lẹo tẹo cô nàng xóm dưới.

Ngày nay, tình trạng này đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn lác đác xảy ra tại một vài thôn làng thuộc vùng xâu vùng xa mà thôi. Bởi vì cánh cửa toàn cầu hóa đã mở rộng và Việt Nam ta đã anh dũng bước vào. Tình yêu cũng ăn theo, không còn đóng chốt hay bám trụ trong  một làng, một ấp, mà đã trở thành “tình yêu không biên giới”, “tình yêu xuyên lục địa”.

Biết bao nhiêu anh chàng Việt kiều từ Mỹ, từ Đan Mạch… đã trở về Việt Nam để cưới lấy một cô vợ. Biết bao nhiêu chú ba Tàu, biết bao nhiêu bác sâm Cao ly, đủ mặt già trẻ lớn bé, đã đến phần đất nghèo túng này để chọn lựa, ngã giá và mua lấy cái vợ.

Đám trai làng  nghèo túng chỉ còn biết tiếc xót, nhuốt nước bọt mà “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư”. 

Quan niệm thứ hai, đó là: “Trâu tìm cọc, chứ cọc không tìm trâu”. 

Theo nghĩa thông thường,  câu này ám chỉ rằng: muốn được việc cho mình, thì chính mình phải đến cầu người, chứ không phải đợi người đến cầu mình.

Còn trong lãnh vực tình yêu và hôn nhân, câu này nói đến việc muốn thành vợ chồng với nhau, thì anh con giai phải lên tiếng trước, phải tỏ tình trước. Còn cô con gái cần phải giữ danh giá, cho dù “lòng trong như đã”, nhưng “mặt ngoài còn e”, và cũng cần phải tỏ ra dè dặt một chút để mần duyên, theo kiểu Vũ Trọng Phụng:

-  Em chả… Em chả…

Nguyên tắc là như vậy, còn trong thực tế, không phải chỉ anh con giai mới kén vợ, mà cả chị con gái cũng vẫn cứ kén chồng.

Theo Toan Ánh, ngày xưa anh con giai khi kén vợ, thì thường chọn người đạo đức và nết na, bởi vì:

- Cái nết đánh chết cái đẹp.

Chứ không như ngày nay:

- Cái đẹp đè bẹp cái nết.

Thế nhưng, cùng đi với cái nết và cái đức, nếu cô nàng lại có thêm tí cái nhan sắc kiều diễm, thì lại càng tuyệt vời hơn nữa, như câu da dao “mười thương” đã diễn tả:

- Một thương tóc để đuôi gà,

  Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

  Ba thương má lúm đồng tiền,

  Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua.

  Năm thương cổ yếm đeo bùa,

  Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.

  Bảy thương ở nết khôn ngoan,

  Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.

  Chín thương em ở một mình,

  Mười thương con mắt hữu tình với ai.

Anh con giai yêu chị con gái vì nết na và vì nhan sắc, trong khi đó chị con gái lại yêu anh con giai vì tài ba hơn người:

- Lấy chồng cho đáng tấm chồng,

  Bõ công trang điểm má hồng môi son.

Và như vậy cả hai bên, nam cũng như nữ, vừa là trâu mà cũng vừa là cọc. Muốn cho tình yêu và hôn nhân của mình được tiến triển một cách mau chóng, thì mình phải mang lấy thân phận của trâu, cố gắng mà đi tìm cọc.

Vì thế, nhiều anh chàng từ phương bắc đến phương nam, từ phương đông đến phương tây, đã chịu khó lặn lội tới Việt Nam để tìm lại chiếc xương sườn cụt của mình.

Và thỉnh thoảng cũng có những  cô nàng từ Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan…trở lại chốn quê hương, tìm lấy cho mình một anh chồng rặt dòng da vàng mũi tẹt, chính gốc “An Nam Mít” một trăm phần trăm.

Còn nếu cứ ngồi chờ cho tình yêu như trái sung chín và rụng xuống, thì có lẽ phải đợi đến tết…Công Gô, thì may ra mới ngáp được một trái!!!

Tuy nhiên, trong việc kén chọn, thì cũng chỉ nên một vừa hai phải, bởi vì trên trần gian này làm gì có mẫu người yêu lý tưởng, thỏa mãn mọi nhu cầu và đáp ứng mọi tiêu chuẩn mà mình đưa ra.

Có lần gã đã kể câu chuyện về một ông già cô đơn và hôm nay xin được nhắc lại cùng bàn dân thiên hạ:

Ngày kia, bàn dân thiên hạ xúm lại hỏi một ông già:

- Tại sao lại không lập gia đình?

Ông ta bèn kể lể về cuộc đời ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh của mình:

- Tôi đã dành trọn thời gian của tuổi thanh xuân để tìm kiếm một người đờn bà hoàn hảo. Tại Cairô, thủ đô nước Ai Cập, tôi đã gặp một người đờn bà vưa trẻ đẹp lại vừa thông minh, nhưng rất tiếc người đờn bà này chẳng có được một chút dịu hiền, nàng hung dữ như con cọp cái.

Tôi đành bỏ Cairô mà tìm đến Bagdah, thủ đô nước Irak, với hy vọng tìm ra người đờn bà lý tưởng của lòng mình. Tại đây, tôi đã gặp một người đờn bà đúng như lòng mong ước. Nàng vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, vừa quảng đại lại vừa dịu hiền. Chỉ kẹt một nỗi, đó là hai đứa chúng tôi chẳng bao giờ nhất trí được với nhau về bất cứ chuyện gì. Hễ ngồi tâm sự với nhau là bắt đầu cãi vã, ông nói gà bà nói vịt, trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Vì thế, tôi đành phải chào thua.

Và như vậy, hết người đờn bà nọ tới người đờn bà kia. Kẻ được điều này, người mất điều khác. Tôi như kẻ đốt đuốc đi tìm người yêu lý tuởng, mà dường như chẳng bao giờ thấy.

Thế rồi một hôm tôi gặp được nàng, người đờn bà của mơ uớc. Nàng đã kết hợp được tất cả những đức tính mà tôi thầm vẽ ra trong đầu óc. Vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, vừa quảng đại lại vừa dịu hiền, vừa tế nhị lại vừa ăn ý với tôi ngay cả trong những điều nhỏ mọn nhất. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn cứ phải gân cổ lên mà ca solo, cam chịu cảnh chăn đơn gối chiếc suốt đời. Các bạn có biết tại sao không?

Trong lúc mọi người suy nghĩ, ông già cô đơn đáng thương khẽ kéo một hơi thuốc lá, rồi kể tiếp:

- Sở dĩ như vậy là vì người đờn bà ấy cũng đang đi tìm một người đờn ông lý tưởng. Và thật chẳng may cho tôi, bởi vì dưới mắt nàng, tôi chỉ là một thằng đờn ông tồi với biết bao nhiêu thói hư tật xấu.

Rồi ông già cô đơn đã khuyên nhủ cánh trẻ với mot cung giọng hơi bị cay cú :

- Đi tìm một một người tình hoàn hảo chỉ là một việc làm hão huyền và vô ích, bởi vì người tình hoàn hảo ấy chỉ có trong mơ mà thôi. Nhân vô thập toàn. Đã mang lấy kiếp con người, ai mà chẳng có những sai lỗi và khuyết điểm.

Thành thử người đời mới nói:

- Trâu già kén cỏ bờ ao,

  Anh kia không vợ, đời nào có con.

Bờ ao là nơi đất tốt, lại thường ẩm ướt, nên cỏ mọc ở đó luôn xanh tốt. Đây là loại cỏ ngon, người ta dành cho trâu bò đang độ sanh đẻ hay đang ra sức kéo cày. Còn loại trâu già đã bất lực rồi, gặp cỏ gì thì người ta cho ăn cỏ nấy, làm sao mà dám kén chọn cỏ bờ ao cho mình.

Và như vậy, câu này muốn nói lên rằng: thiếu tài năng mà lại cứ đòi hưởng sung sướng. Thân phận thấp hèn mà lại cứ đòi làm cao,  Cũng như chẳng chịu lấy vợ, mà lại cứ đòi có con, thì làm sao mà được.

Còn trong lãnh vực tình yêu, anh con giai chẳng ngon lành gì mà cứ nằng nặc đòi cưới cho được một cô vợ vừa đẹp lại vừa hiền,  vừa khôn lại vừa ngoan, thì e rằng  hơi bị khó lắm đấy.

Cũng như chị con gái, kén đi kén lại, chọn tới chọn lui…kén miết và chọn hoài mà cũng chẳng tìm được một tấm chồng, để rồi khi tuổi đời “bóng ngả về tây”, bèn phải lấy vội lấy vàng:

- Còn duyên kén cá, chọn canh,

  Hết duyên rốc đực, cua kềnh cũng vơ.

- Còn duyên kén những giai tơ,

  Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng.

Bằng không thì cứ việc đếm những bước chân âm thầm, mà đi vào chốn cô đơn:

- Đi đâu mà chẳng lấy chồng,

  Người ta lấy hết, chổng mông mà gào.

  Gào rằng: Đất hỡi trời ơi!

  Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng?

  Ông trời ngoảnh lại mà trông:

  Mày hay kén lắm, ông không cho mày.

Để kết thúc, gã xin phác họa niềm hạnh phúc của một gia đình nông dân ngày xưa:

- Trên đồng cạn, dưới đồng sâu.

  Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.

Suy đi nghĩ lại về câu ca dao này, gã thấy hạnh phúc sao mà quá đơn sơ trong tầm tay của mọi người.

Thực vậy, cho dù cuộc sống của đôi vợ chồng này có chất đầy những vất vả với những công việc đồng áng đầy cưc nhọc, thế nhưng hạnh phúc của họ vẫn tràn đầy, bởi vì họ luôn sống trong tình yêu.

Tình yêu là như một chất xúc tác, biến khổ đau thành niềm vui, làm cho gánh nặng cuộc đời trở thành nhẹ nhàng và êm ái.

Trong năm Ky Sửu cầm tinh con trâu, chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn và thử thách, nhưng với tình yêu thì hạnh phúc sẽ mỉm cười với mỗi người chúng ta.

Gã Siêu    gasieu@gmail.com  

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************