Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 132, Chúa Nhật 14.11.2010


MỤC LỤC 

PHỤC VỤ CHO SỰ THĂNG TIẾN CON NGƯỜI                     ĐTC. Gioan Phaolô 2

CÔNG BỐ TÔNG HUẤN ”VERBUM DOMINI” VỀ LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG
VÀ SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI
                                         Lm. Trần Đức Anh OP chuyển ý 

TÔI ĐƯỢC VỀ THĂM MỘ TẠI NGHIÃ ĐỊA        Phó tế: JB. Maria Nguyễn Định - Sưu tầm

TỈNH THỨC TRƯỚC CƠN BÁCH ĐẠO MỚI                                          PM. Cao Huy Hoàng

DÂN CHÚA NGƯỜI VIỆT CẦN BẢN DỊCH KINH THÁNH TIẾNG VIỆT PHỔ THÔNG  
Lm. Fx Nguyễn hùng Oánh

HỒNG Y LÀ AI VÀ CÓ CHỨC NĂNG GÌ ?                                          LM. PX. Ngô tôn Huấn

DẤU CHỈ (song ngữ Việt - Anh)                                                  Lm. Joseph Viet, O.Carm

VAI TRÒ TRẦN THẾ KHÔNG THỂ THAY THẾ CỦA NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN     Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN                          Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

BÍ QUYẾT CHINH PHỤC CHỒNG                                                      Lm. Minh Anh biên tập

MÓN CÁ QUÊ HƯƠNG                                                                  Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D.

CA ĐOÀN VÀ CÁC MỐI TƯƠNG QUAN - VÀI SUY NGHĨ VỀ TÌNH HÌNH THÁNH NHẠC HIỆN NAY.   Mi Vũ


PHỤC VỤ CHO SỰ THĂNG TIẾN CON NGƯỜI

 

TÔNG HUẤN "GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU" (ECCLESIA IN ASIA)

Nguồn:  http://www.simonhoadalat.com

CHƯƠNG VI

PHỤC VỤ CHO SỰ THĂNG TIẾN CON NGƯỜI

Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội

32.    Trong việc phục vụ gia đình nhân loại, Giáo Hội tìm cách tiếp cận với mọi người nam nữ không phân biệt, ra sức cùng với họ xây dựng một nền văn minh tình yêu, đặt nền móng trên những giá trị phổ biến của hoà bình, công lý, liên đới và tự do, những giá trị đó tìm thấy sự viên mãn trong Đức Kitô. Như Công Đồng Vatican II đã nói qua những lời đáng ghi nhớ: "Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Đức Kitô. Quả thực, không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ" (163). Như vậy, Giáo Hội tại Á Châu, với đám đông dân chúng nghèo khổ và bị áp bức, được kêu gọi sống một sự hiệp thông đời sống. Sự hiệp thông đời sống này biểu lộ cách riêng trong việc phục vụ đầy yêu thương đối với các người nghèo và không được ai bênh đỡ.

Nếu trong thời gian gần đây, Huấn Quyền Giáo Hội càng ngày càng nhấn mạnh đến nhu cầu cổ võ sự phát triển đích thực và toàn vẹn con người (164), đó là có ý đáp ứng với hoàn cảnh hiện thực của các dân tộc trên thế giới, cũng như với một ý thức càng ngày càng gia tăng về sự kiện này là không chỉ các hành động của từng cá nhân, mà cả các cấu trúc của đời sống xã hội, chính trị và kinh tế, thường thù nghịch với hạnh phúc con người. Tình trạng mất cân bằng do khoảng cách càng ngày càng xa giữa những người hưởng lợi nhờ khả năng tăng trưởng của thế giới trong việc sản xuất của cải, và những người bị bỏ rơi bên lề sự phát triển, đòi hỏi phải sửa đổi tận gốc cả não trạng lẫn các cấu trúc nhắm lợi ích cho con người. Thách đố luân lyù lớn đối với các quốc gia và các cộng đồng quốc tế liên quan đến sự phát triển, là phải can đảm sống tình liên đới mới, có khả năng nghĩ ra và thực hiện những bước vượt thắng cả việc chậm phát triển bất nhân và việc "phát triển quá mức" có khuynh hướng giản lược con người thành một đơn vị kinh tế trong một mạng lưới tiêu thụ càng ngày càng có tính chất áp bức. Trong khi tìm cách cổ võ sự thay đổi đó, "Giáo Hội không có những giải pháp kỹ thuật để cống hiến", nhưng "cống hiến sự đóng góp đầu tiên của mình cho việc giải quyết vấn đề cấp bách của phát triển, khi Giáo Hội loan báo chân lý về Đức Kitô, về chính mình và về con người, bằng cách áp dụng chân lý đó vào một hoàn cảnh cụ thể" (165). Rốt cuộc, sự phát triển con người không bao giờ chỉ là một vấn đề thuần kỹ thuật và kinh tế; nhưng cơ bản là một vấn đề nhân bản và luân lý.

Học thuyết xã hội của Giáo Hội, khi đề nghị một loạt những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những hướng dẫn để hành động (166), trước tiên nhắm tới những thành viên của Giáo Hội. Điều thiết yếu là người tín hữu dấn thân trong việc thăng tiến con người, phải nắm chắc toàn bộ học thuyết quí báu này, và xem đó như một phần nguyên vẹn của sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mình. Vì thế các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã nhấn mạnh tầm quan trọng phải trao ban cho người tín hữu -trong tất cả mọi hoạt động giáo dục, và đặc biệt trong các chủng viện và những nơi đào tạo- một nền huấn luyện vững chắc về học thuyết xã hội của Giáo Hội (167). Các nhà lãnh đạo Kitô hữu trong Giáo Hội và xã hội, và cách riêng các giáo dân nam nữ đang giữ trách nhiệm trong đời sống công cộng, cần được huấn luyện đầy đủ về học thuyết này, để họ có thể gợi hứng và ban sức sống cho xã hội dân sự cũng như các cấu trúc của nó bằng chất men Tin Mừng (168). Học thuyết xã hội của Giáo Hội không những sẽ nhắc nhở các nhà lãnh đạo Kitô hữu đó về bổn phận của họ, mà còn đem đến cho họ những hướng dẫn để hành động nhằm phát triển con người, và giải thoát họ khỏi những quan niệm dối trá về con người và hoạt động của con người.

Phẩm Giá Con Người

33.    Con người, chứ không phải của cải hay kỹ thuật, là tác nhân chính và mục đích của sự phát triển. Vì thế, loại phát triển mà Giáo hội cổ võ, vượt quá những vấn đề kinh tế và kỹ thuật. Nó bắt đầu và kết thúc với sự nguyên vẹn của con người, được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa và được Thiên Chúa ban cho một phẩm giá và các nhân quyền không thể bị tước bỏ. Những tuyên ngôn quốc tế khác nhau về nhân quyền và về nhiều sáng kiến do các tuyên ngôn đó khởi xướng, là dấu chỉ của sự quan tâm càng ngày càng lớn hơn trên bình diện hoàn cầu tới phẩm giá của con người. Vô phúc thay, những tuyên ngôn đó thường bị vi phạm trong thực hành. Năm mươi năm sau khi long trọng công bố Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, nhiều người còn phải chịu những hình thức bóc lột và lừa bịp đê hèn nhất, biến con người thành những nô lệ thực sự cho những kẻ quyền thế hơn, cho một ý thức hệ, cho những thế lực kinh tế, những hệ thống chính trị đàn áp, cho chủ nghĩa kỹ thuật khoa học hay sự xâm nhập của các phương tiện truyền thông (169).

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng biết rõ những vi phạm liên tục về các quyền con người trong nhiều nơi trên thế giới, và cách riêng tại Á Châu, nơi "hàng triệu người đang đau khổ do sự kỳ thị, bóc lột, nghèo đói và loại trừ" (170). Các ngài khẳng định rằng các dân tộc tại Á Châu cần hiểu rõ thách đố không tránh được và không loại bỏ được, gắn liền với việc bênh vực nhân quyền và cổ võ công lý và hoà bình.

Tình Yêu Ưu Tiên Dành Cho Người Nghèo

34.    Khi tìm cách thăng tiến nhân phẩm, Giáo Hội bày tỏ một tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo và những kẻ không có tiếng nói, bởi vì Chúa đã đồng hoá với họ một cách đặc biệt (x. Mt 25,40). Tình yêu không loại trừ ai, nhưng có một ưu tiên phục vụ mà toàn thể truyền thống Kitô giáo minh chứng. "Tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo đó, cùng với những quyết định mà nó gợi hứng trong ta, không thể không ôm ấp đám đông những người đói khát, thiếu thốn, những người vô gia cư, những kẻ không được chăm sóc thuốc men và, trên hết, những kẻ không hy vọng có được một tương lai tốt đẹp hơn. Không thể không ghi nhận sự hiện hữu những thực tại này. Phớt lờ chúng tức là trở thành giống như người giàu có làm như vẻ không biết đến người nghèo Ladarô đang nằm ngoài cổng nhà mình" (x. Lc 16,19-31) (171). Điều nói trên đúng cách riêng đối với Á Châu, một lục địa đầy dẫy tài nguyên và những nền văn minh lớn, mà cũng là nơi người ta gặp thấy một số nước nghèo nhất thế giới, và cũng là nơi mà một nửa dân số đang chịu cảnh thiếu thốn, nghèo đói và bị bóc lột (172). Người nghèo Châu Á và thế giới sẽ luôn tìm thấy những lý do tốt nhất để hy vọng, trong giới luật Tin Mừng phải yêu mến nhau như Đức Kitô đã yêu chúng ta (x. Ga 13,34), và Giáo Hội tại Á Châu không thể không ra sức hết mình chu toàn giới luật đối với người nghèo, bằng lời nói và việc làm.

Tình liên đới với kẻ nghèo trở nên dễ tin hơn, nếu chính các Kitô hữu sống giản dị, theo gương Đức Giêsu. Sự đơn giản trong cách sống, đức tin sâu xa và tình yêu không giả dối đối với mọi người, nhất là người nghèo và bị loại trừ, là những dấu chỉ sáng chói của Tin Mừng bằng hành động. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng kêu gọi các người Công giáo Á Châu có một lối sống phù hợp với giáo huấn Tin Mừng, để có thể phục vụ tốt hơn trong việc truyền giáo của Giáo Hội và để chính Giáo Hội có thể trở nên một Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo (173).

Trong tình yêu đối người nghèo tại Á Châu, Giáo Hội lưu ý cách riêng đến những kẻ di dân, những người bản xứ và các dân tộc bộ lạc, những phụ nữ và trẻ em, bởi vì họ thường là nạn nhân của những hình thức bóc lột xấu xa nhất. Thêm vào đó, có số người vô danh, bị kỳ thị do văn hoá, màu da, chủng tộc, đẳng cấp, tình trạng kinh tế của họ, hay là do cách họ suy nghĩ. Gồm có cả những người là nạn nhân của sự kỳ thị vì trở lại Kitô giáo (174). Cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi mời gọi mọi quốc gia nhìn nhận quyền tự do lương tâm và tôn giáo và những quyền căn bản khác của con người (175).

Vào lúc này tại Á Châu đang diễn ra một làn sóng chưa từng thấy những người tị nạn, những người tìm nơi trú ẩn, những người di cư và những người lao động ở hải ngoại. Tại những quốc gia họ tới, những người này thường không có bạn bè, bị tách biệt về mặt văn hoá, bị bất lợi vì ngôn ngữ và dễ bị tổn hại về mặt kinh tế. Họ cần được nâng đỡ và chăm sóc để bảo toàn được nhân phẩm và gia sản văn hoá cũng như tôn giáo của họ (176). Mặc dầu tài nguyên eo hẹp, Giáo Hội tại Á Châu quảng đại cố gắng trở nên một ngôi nhà đón tiếp những kẻ khó nhọc và gánh nặng, vì biết rằng trong Thánh Tâm Đức Giêsu, nơi không có ai là người xa lạ, họ sẽ được an nghỉ (x. Mt 11,28-29).

Trong hầu hết mọi miền của Á Châu, có một số lớn dân bản xứ, một số họ sống trong mức kinh tế thấp nhất. Thượng Hội Đồng lặp đi lặp lại rằng dân bản xứ và dân bộ lạc thường cảm thấy được lôi kéo đến với con người Đức Giêsu Kitô và đến với Giáo Hội như một cộng đồng tình yêu và phục vụ (177). Đây được coi là một lãnh vực bao la cho công tác giáo dục và chăm nom sức khỏe, cũng như cổ võ việc tham gia vào xã hội. Cộng đồng Công giáo cần tăng cường công tác mục vụ giữa những người dân này, bằng cách chú ý tới những âu lo của họ và tới những vấn đề công bình ảnh hưởng tới đời sống của họ. Điều này bao hàm một thái độ kính trọng sâu xa tôn giáo truyền thống của họ và các giá trị của nó; ngoài ra cũng bao hàm sự cần thiết giúp đỡ họ để họ tự giúp lấy mình, ngõ hầu họ có thể hành động để cải thiện hoàn cảnh của họ và trở nên những nhà rao giảng Tin Mừng cho nền văn hoá và xã hội của họ (178).

Không một ai có thể thờ ơ với đau khổ của nhiều trẻ em tại Á Châu, nạn nhân của sự bóc lột và bạo lực không thể chấp nhận được, không chỉ do sự dữ các cá nhân gây nên, nhưng thường do những cấu trúc xã hội thối nát. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng xem lao động trẻ em, tình dục với trẻ em và hiện tượng ma tuý là những sự dữ xã hội ảnh hưởng trực tiếp nhất tới trẻ em, và các ngài thấy rõ rằng những sự dữ đó kéo theo những tệ nạn khác như cảnh nghèo đói và các quan niệm lệch lạc về các chương trình phát triển quốc gia (179). Giáo Hội phải làm tất cả những gì có thể để thắng những sự dữ đó, để hành động nhân danh những kẻ bị bóc lột nhất, và để tìm cách dẫn đưa những người bé mọn tới tình yêu của Đức Giêsu, bởi vì Nước Thiên Chúa thuộc về những kẻ đó (x. Lc 18,16) (180).

Thượng Hội Đồng bày tỏ quan tâm cách riêng đối với phụ nữ, hoàn cảnh của họ vẫn là một vấn đề nghiêm trọng tại Á Châu, nơi mà sự kỳ thị và bạo lực đối với người phụ nữ thường xảy ra trong gia đình, tại nơi làm việc và cả trong hệ thống pháp lý nữa. Nạn mù chữ phổ biến trong giới phụ nữ và nhiều phụ nữ bị đối xử đơn thuần như những món hàng trong nghề mãi dâm, du lịch và công nghệ giải trí (181). Trong trận chiến chống lại mọi hình thức bất công và kỳ thị, người nữ phải tìm được đồng minh trong cộng đồng Kitô hữu, và vì lẽ đó, Thượng Hội Đồng đề nghị rằng, nơi nào có thể được, các Giáo Hội địa phương tại Á Châu phải cổ võ những hoạt động cho nhân quyền nhân danh người nữ. Mục tiêu phải là mang lại được một sự thay đổi thái độ, nhờ một hiểu biết đúng đắn hơn về vai trò của người nam và người nữ trong gia đình, trong xã hội và trong Giáo Hội, nhờ ý thức mạnh mẽ hơn về sự bổ túc nguyên thuỷ của người nam và người nữ, và nhờ sự đánh giá rõ ràng hơn về tầm quan trọng của chiều kích nữ tính trong mọi lãnh vực con người. Những đóng góp của người nữ cũng thường bị hạ giá hay không được biết tới, và điều này đưa tới kết quả là sự nghèo nàn tinh thần của nhân loại. Giáo Hội tại Á Châu phải đề cao phẩm giá và sự tự do của người nữ, một cách hữu hình và hữu hiệu hơn, bằng cách cổ võ vai trò của họ trong đời sống Giáo Hội, gồm cả đời sống trí thức của họ, và bằng cách mở ra cho họ những cơ hội lớn hơn để hiện diện và hoạt động trong sứ mạng tình yêu và phục vụ của Giáo Hội (182).

Tin Mừng Sự Sống

35.    Việc phục vụ cho sự phát triển con người bắt đầu bằng việc phục vụ chính sự sống. Sự sống là một quà tặng to lớn mà Thiên Chúa giao phó cho chúng ta: người giao phó nó cho chúng ta, như là một dự án và một trách nhiệm. Do đó chúng ta là kẻ giữ gìn sự sống, chứ không phải là sở hữu chủ. Chúng ta nhận lãnh ân huệ cách tự do và, trong sự biết ơn, chúng ta không bao giờ được phép thôi kính trọng và bảo vệ nó, từ lúc nó bắt đầu cho tới lúc nó kết thúc cách tự nhiên. Từ lúc thụ thai, sự sống con người là do hành động sáng tạo của Thiên Chúa và luôn có một mối liên kết đặc biệt với Tạo Hoá, Đấng là nguồn sống và mục đích duy nhất của nó. Không có phát triển thật sự, không có xã hội dân sự thật sự, không có thăng tiến nhân bản thật sự, mà không kính trọng sự sống con người, cách riêng sự sống của những con người không có tiếng nói để bênh vực lấy mình. Sự sống của mỗi người, dù là thai nhi còn trong bụng mẹ hay là kẻ đau liệt, tàn tật hay già cả, là một ân huệ cho tất cả mọi người.

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng hết lòng khẳng định lại giáo huấn của Công Đồng Vatican II và Huấn quyền tiếp theo sau đó, gồm có thông điệp Tin Mừng Sự Sống của tôi (Evangelium Vitae), nói về sự thánh thiêng của sự sống con người. Ở đây tôi hiệp ý với các Ngài để kêu gọi các tín hữu đang sống trong những quốc gia, nơi mà vấn đề dân số thường được sử dụng như một lý lẽ để biện minh cho việc phá thai, và những chương trình kiểm soát giả tạo dân số, nhằm chống lại "nền văn hoá sự chết" (183). Các tín hữu có thể chứng tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa và sự dấn thân để thăng tiến con người thật sự, bằng cách ủng hộ và tham gia các chương trình bảo vệ sự sống cho những ai không có khả năng để tự bênh vực lấy mình.

Việc Chăm Sóc Sức Khoẻ

36.    Bước theo vết chân Đức Giêsu Kitô, Đấng tỏ lòng thương xót mọi người và chữa lành "mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền" (Mt 9,35), Giáo Hội tại Á Châu cam kết dấn thân hơn nữa trong việc chăm sóc người bệnh hoạn, bởi vì đây là một phần căn bản của sứ mạng Giáo Hội, là trao tặng ân sủng cứu độ của Đức Kitô cho con người toàn diện. Như người Samaritanô nhân lành trong dụ ngôn (x. Lc 10,29-37), Giáo Hội muốn chăm sóc người bệnh và tàn tật cách cụ thể, (184) đặc biệt tại những nơi dân chúng thiếu sự chăm sóc thuốc men cơ bản, do nạn nghèo đói và bị loại trừ.

Trong nhiều trường hợp khi tôi thăm viếng Giáo Hội tại những miền khác nhau trên thế giới, tôi bị xúc động sâu xa trước chứng tá phi thường của các tu sĩ và người được thánh hiến, các bác sĩ, y tá và những người chăm lo sức khoẻ khác, cách riêng những người dang làm việc bên cạnh những người tàn tật hoặc những bệnh nhân trong giai đoạn cuối, hay đang chống lại sự lan tràn của những thứ bệnh mới như Aids. Những Kitô hữu dấn thân lo cho sức khoẻ, càng ngày càng được kêu gọi sống quảng đại và hiến mình để săn sóc những nạn nhân nghiện ma tuý và Aids, những kẻ thường bị xã hội khinh chê và loại bỏ (185). Nhiều tổ chức y tế công giáo tại Á Châu phải đương đầu với các áp lực do các chính sách chăm sóc sức khoẻ của nhà nước không đặt nền tảng trên các nguyên tắc Kitô giáo, và nhiều tổ chức đó đang gặp khó khăn về mặt tài chính. Dầu có những khó khăn đó, chính tình yêu gương mẫu và vô vị lợi, và trình độ nghiệp vụ quảng đại của những người đang dấn thân vào công việc đó, đem lại một sự phục vụ đáng khâm phục và đáng giá cho cộng đoàn, và nên một dấu chỉ đặc biệt cụ thể và hữu hiệu cho tình yêu không bao giờ vơi của Thiên Chúa. Những người chăm lo sức khoẻ đó phải được khích lệ và nâng đỡ trong việc thiện họ làm. Sự dấn thân liên tục và hiệu năng của họ là phương cách dành động tốt nhất để những giá trị và đạo đức Kitô giáo thâm nhập vào những hệ thống chăm lo sức khoẻ của lục địa và biến đổi hệ thống đó từ bên trong (186).

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
CÔNG BỐ TÔNG HUẤN ”VERBUM DOMINI” VỀ LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI

VietCatholic News (11 Nov 2010 11:51)

VATICAN - Sáng 11-11-2010, Tông Huấn của ĐTC Biển Đức 16, Verbum Domini (Lời Chúa), đúc kết thành quả Thượng HĐGM năm 2008, đã được công bố tại Roma.

Văn kiện đã được giới thiệu với giới báo chí trong cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, với sự hiện diện của ĐHY Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, ĐHY Tân cử Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, và Đức TGM Nikola Eterovic, người Croát, Tổng thư ký Thượng HĐGM Thế giới.

Tông Huấn dài gần 200 trang với 124 đoạn: ngoài phần nhập đề và kết luận, được chia làm 3 phần tương ứng với Chủ đề Thượng HĐGM thế giới hồi tháng 10 năm 2008 về đề tài ”Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”:

- Phần I nói về Lời Chúa: Thiên Chúa nói, sự đáp trả của con người với Thiên CHúa, và tiếp đến là sự chú giải Kinh Thánh trong Giáo Hội.

- Phần II: Lời Chúa trong Giáo Hội. Giáo Hội tiếp nhận Lời Chúa; Phụng vụ là nơi ưu tiên của Lời Chúa; Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội: việc mục vụ kinh thánh, giảng thuyết, việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, lectio divina..

- Phần III: Lời Chúa cho thế giới. Phần này nhấn mạnh đến sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh, loan báo Lời cứu độ của Chúa cho thế giới; Lời Chúa và sự dấn thân của Giáo Hội trong thế giới: giới trẻ, người di dân, người nghèo; Lời Chúa và văn hóa, Lời Chúa và việc đối thoại liên tôn.

Cùng với Văn bản Tông Huấn Lời Chúa, Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới cũng công bố một bản tóm lược nội dung văn kiện giáo huấn này của ĐTC.

Tóm lược Tông Huấn

”Tái khám phá vị trí trung tâm của Lời Chúa” trong đời sống bản thân và Giáo Hội, tiếp đến là ”sự cấp thiết và sự tươi đẹp” của việc loan báo Lời Chúa để cứu độ nhân loại như ”những chứng nhân đầy xác tín và đáng tin cậy của Chúa Phục Sinh”: đó là tổng hợp sứ điệp của ĐTC Biển Đức 16 trong Tông Huấn hậu Thượng HĐGM ”Verbum Domini”, Lời Chúa, đón nhận những suy tư và đề nghị được THĐGM nên lên trong khóa họp tại Vatican hồi tháng 10 năm 2008 về đề tài ”Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”. Văn kiện, dài gần 200 trang, là một lời kêu gọi tha thiết được ĐGH gửi tới các vị mục tử, các thành viên đời sống thánh hiến và các giáo dân, ”ngày càng quen thuộc hơn với Kinh Thánh”, và không bao giờ quên rằng ”nơi căn cội của mọi linh đạo Kitô chân chính và sống động đều có Lời Chúa được loan báo, đón nhận, cử hành và suy niệm trong Giáo Hội” (121).

ĐTC Biển Đức 16 khai triển những suy tư của ngài đi từ Lời Tựa của Tin Mừng theo Thánh Gioan đặt chúng ta đứng trước ”mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra qua hồng ân Lời Ngài.. Lời của Ngài đã nhập thể (Ga 1,14). Đó là tin mừng” (1). ĐGH quả quyết: ”Trong một thế giới thường cảm thấy Thiên Chúa như thừa thãi và xa lạ, không có điều ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên này: đó là tái mở ra cho con người ngày nay cánh cửa dẫn đến Thiên Chúa, vị Thiên Chúa đang nói và thông truyền cho chúng tình thương của Ngài để chúng ta được sự sống dồi dào” (2).

ĐTC giải thích rằng ”Thiên Chúa nói và can thiệp trong lịch sử để mưu ích cho con người”, và chỉ khi nào con người cởi mở đối thoại với Đấng Sáng Tạo nên mình, thì mới có thể hiểu được bản thân và thỏa mãn những khát vọng sâu xa nhất của mình. ”Thực vậy, - Tông Huấn viết - Lời Chúa không chống lại con người, không bóp nghẹt những ước muốn chân chính của con người, trái lại Lời Chúa soi sáng, thanh tẩy và đưa những ước muốn ấy đến chỗ viên mãn.. Rất tiếc là trong thời đại chúng ta ngày nay, có một ý tưởng rất được phố biến, nhất là tại Tây Phương, cho rằng Thiên Chúa xa lạ với đời sống và các vấn đề của con người và hơn nữa, sự hiện diện của Chúa có thể đe dọa quyền tự quyết của con người”. Trong thực tế, ”chỉ có Thiên Chúa mới đáp ứng khát vọng trong tâm hồn mỗi người!”.

Đối với ĐGH, ”về phương diện mục vụ, điều rất quan trọng là trình bày Lời Chúa trong khả năng của Lời này đối thoại với các vấn đề của con người trong đời sống thường nhật.. Việc mục vụ của Giáo Hội phải cho thấy rõ Thiên Chúa lắng nghe những nhu cầu và tiếng kêu của con người như thế nào” để mang lại cho con người ”hạnh phúc vĩnh cửu trọn vẹn” (22-23). Theo nghĩa đó, cần giáo dục các tín hữu nhìn nhận rằng ”căn cội của tội lỗi chính là không lắng nghe Lời Chúa và không đón nhận, trong Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa, ơn tha thứ mở cho chúng ta ơn cứu độ” (26).

Văn kiện nhắc lại Công đồng chung Vatican 2 đã đẩy mạnh việc tái khám phá Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội (3), và tái khẳng định sự tôn kính sâu xa đối với Kinh Thánh, ”tuy rằng đức tin Kitô không phải là một ”tôn giáo của Sách”: Kitô giáo là ”tôn giáo của Lời Chúa”, không phải ”một lời được viết ra và câm nín, nhưng là Lời nhập thể và sống động” (7), dưới ánh sáng của Lời này, ”bí nhiệm về thân phận của con người được sáng tỏ chung cục” (6). Thực vậy, Chúa Giêsu Kitô là ”Lời chung kết của Thiên Chúa”: Vì thế, ”chúng ta không nên chờ đợi một mạc khải công khai nào khác trước khi Chúa tỏ hiện trong vinh quang”. Trong bối cảnh ấy, ”cần giúp các tín hữu phân biệt rõ ràng Lời Chúa khác với những mạc khải tư”, vai trò của các mạc khải này ”không phải là. . bổ túc Mạc Khải chung cục của Chúa Kitô, nhưng là giúp sống mạc khải ấy một cách trọn vẹn hơn trong một thời điểm lịch sử nào đó”. Mạc khải tư là ”một trợ giúp được ban tặng, nhưng không bắt buộc phải sử dụng mạc khải ấy” (14).

Giải thích Lời Chúa

Về việc giải thích đúng đắn Lời Chúa, ĐGH nhấn mạnh rằng ”không có sự hiểu biết chân chính nào về Mạc khải Kitô giáo ở ngoài hoạt động của Chúa Thánh Linh” (15), như thánh Giêrônimô đã nói: ”Chúng ta không thể hiểu được Kinh Thánh nếu không có sự trợ giúp của Chúa Thánh Linh, Đấng linh hứng Kinh Thánh” (16): đây là một sự hiểu biết tăng trưởng với thời gian, nhờ sự trợ giúp của Thánh Linh, nhờ Truyền Thống sinh động của Giáo Hội và Huấn Quyền của Hội Thánh, Huấn Quyền này có thẩm quyền ”giải thích chính thức Lời Chúa, được viết ra hoặc truyền lại” (33). ”Môi trường nguyên thủy để giải thích Kinh Thánh là đời sống Giáo Hội”, xét vì ”không có lời ngôn sứ nào tùy thuộc sự giải thích của tư nhân” (29); vả lại, thánh Giêrônimô luôn nhắc nhở rằng ”chúng ta không bao giờ đọc Kinh Thánh một mình. Chúng ta gặp quá nhiều cánh cửa khép kín và dễ rơi vào sai lầm” (30).

Nghiên cứu Kinh Thánh

ĐGH phân tính hiện tình nghiên cứu Kinh Thánh và nhận xét rằng ”Phần lớn hiệu năng mục vụ trong hoạt động của Giáo Hội và đời sống thiêng liêng của các tín hữu tùy thuộc quan hệ phong phú giữa khoa chú giải và thần học” (31). ĐGH nhìn nhận sự đóng góp quan trọng của ”khoa chú giải phê bình lịch sử” và các phương pháp khác (32), nhưng ngài cũng cảnh giác về nguy cơ lớn ngày nay do ”một thứ chủ thuyết nhị nguyên” giữa khoa chú giải Kinh thánh và thần học: một bên là khoa chú giải chỉ giới hạn trong vào phương pháp phê bình lịch sử, và trở thành một ”khoa chú giải bị tục hóa”, trong đó tất cả đều bị thu hặp vào ”yếu tố phàm nhân”, đến độ phủ nhận ”lịch sử tính của các yếu tố thần thiêng”; và bên kia là một nền thần học ”có xu hướng thiêng liêng hóa ý nghĩa của Kinh Thánh và không tôn trọng đặc tính lịch sử của mạc khải”.

ĐGH cầu mong có sự ”hiệp nhất giữa hai cấp độ” giải thích, xét cho cùng nó đòi phải có ”một sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí”, làm sao để đức tin không bao giờ trở thành một thứ ”duy tín”, với hậu quả là người ta đọc Kinh Thánh theo chủ thuyết duy căn (fondamentaliste) - hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen - và ngoài ra cần có một lý trí ”tỏ ra cởi mở, không tiên thiên phủ nhận tất cả những gì vượt quá mức độ của lý trí (33-36). Vì thế, ĐTC Biển Đức 16 mong muốn rằng trong lãnh vực giải thích Sách Thánh, ”sự nghiên cứu được tiến triển” mang lại thành quả cho khoa Kinh Thánh và cho đời sống thiêng liêng của các tín hữu” (19) và đồng thời có thể mở rộng cuộc đối thoại giữa các vị mục tử, các nhà chú giải và thần học (45) với ý thức rằng, trong lãnh vực này, ”Thánh Truyền, Kinh Thánh và Huấn quyền của Hội Thánh, do sự xếp đặt rất khôn ngoan của Thiên Chúa, đều có liên hệ mật thiết với nhau đến độ không thực tại nào hiện hữu mà không có thực tại khác” (47).

Ngoài ra Tông Huấn nhấn mạnh rằng ta ”chỉ có thể hiểu Kinh Thánh nếu sống Kinh Thánh” (47): thực vậy ”sự giải thích Kinh Thánh sâu xa nhất đến từ những người để cho Lời Chúa uốn nắn mình”, nghĩa là từ các thánh. ”Học hỏi với các ngài, đó là một con đường chắc chắn để thực hiện một sự giải thích Lời Chúa một cách sống động và hữu hiệu” (48-49). Và nhắc đến Mẹ Maria, ”Hình ảnh của Giáo Hội lắng nghe Lời Chúa nhập thể trong Mẹ”, ĐGH nhắn nhủ ”các học giả ngày càng đào sâu quanhệ giữa Thánh Mẫu học và thần học về Lời Chúa” (27).

Kinh Thánh và đại kết, liên tôn

Tông Huấn cũng nhấn mạnh ”vị thế trung tâm của những nghiên cứu Kinh Thánh trong việc đối thoại đại kết”, đánh giá cao sự cổ võ ”những buổi cử hành đại kết lắng nghe Lời Chúa” vì ”việc cùng lắng nghe Kinh Thánh thúc đẩy. . đối thoại bác ái và làm tăng trưởng cuộc đối thoại về chân lý” (46).

ĐGH tái khẳng định rằng ”mạc khải Cựu Ước tiếp tục có giá trị đối với các tín hữu Kitô chúng ta” vì đó Lời Chúa. Ngài viết: ”Căn cội của Kitô giáo ở trong Cựu Ước và Kitô giáo luôn nuôi dưỡng mình nhờ căn cội ấy” (40). Từ đó có một ”quan hệ đặc biệt giữa các tín hữu Kitô và Do thái, một quan hệ không bao giờ có thể bị quên lãng” và phải dẫn đưa các tín hữu Kitô đến một ”thái độ quí mến dân Do thái”. ”Một lần nữa tôi muốn tái khẳng định rằng cuộc đối thoại với người Do thái là điều quí giá dường nào đối với Giáo Hội” (43).

Đàng khác, ”Giáo Hội cũng nhìn nhận như thành phần thiết yếu trong việc loan báo Lời Chúa việc gặp gỡ, đối thoại và cộng tác với mọi người thiện chí, đặc biệt là những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác của nhân loại, tránh những hình thức tôn giáo pha trộn lẫn nhau và thái độ duy tương đối (117).

Thượng HĐGM nhắc lại rằng Giáo Hội nhìn người ”Hồi giáo với lòng quí chuộng, họ là những người cũng nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa duy nhất”, và mong muốn có sự phát triển đối thoại dựa trên sự tín nhiệm lẫn nhau, đào sâu những giá trị như ”tôn trọng sự sống”,”các quyền bất khả nhượng của người nam và người nữ cũng như sự bình đẳng nam nữ”, và sự đóng góp của các tôn giáo cho công ích, để ý đến ”sự phân biệt giữa lãnh vực xã hội chính trị và lãnh vực tôn giáo” (119). Vì thế, ĐGH bày tỏ ”sự tôn trọng của Giáo Hội đối với các tôn giáo cổ kính và những truyền thống tinh thần của các đại lục”, ”chứa đựng những giá trị có thể tạo điều kiện rất dễ dàng cho sự cảm thông giữa con người và các dân tộc với nhau” (119). Nhưng ngài cũng nhấn mạnh rằng ”cuộc đối thoại sẽ không được phong phú nếu nó không bao gồm cả. . tự do tuyên đứng tôn giáo của mình công khai hoặc riêng tư cũng như tự do lương tâm” (120).

Lời Chúa và phụng vụ

Tông Huấn cũng bàn đến tương quan giữa Lời Chúa và phụng vụ: ”đây là lãnh vực ưu tiên trong đó Thiên Chúa.. nói với dân Ngài ngày nay, đang lắng nghe và đáp lại”; ”Khi ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội” thì chính Chúa Kitô “nói” (52). Nhưng cần giáo dục các tín hữu hiểu sự thống nhất giữa Lời Chúa và Bí tích trong mầu nhiệm Giáo Hội. Thực vậy, ”trong quan hệ giữa Lời Chúa và các cử chỉ bí tích, hoạt động của chính Thiên Chúa được biểu lộ dưới hình thức phụng vụ trong lịch sử nhờ ”tính chất đào luyện của chính Lời Chúa. Quả thế, Trong lịch sử cứu độ, không có sự tách biệt giữa điều Thiên Chúa nói và làm.. Cũng vậy, trong hoạt động phụng vụ, chúng ta đứng trước Lời Chúa thực hiện điều mà Chúa nói” (53).

ĐGH tái yêu cầu ”chăm sóc kỹ lưỡng hơn việc công bố Lời Chúa”: các độc viên ”phải thực sự có khả năng và được chuẩn bị thi hành công tác này. Họ cần được chuẩn bị về mặt Kinh Thánh và phụng vụ cũng như về mặt kỹ thuật” (58).

Tiếp đến ĐGH cũng kêu gọi cải tiến ”phẩm chất các bài giảng”: cần phải tránh những bài giảng chung chung và trừu tượng, làm lu mờ đặc tính đơn sơ của Lời Chúa, cũng như tránh những điều rông rài thu hút sự chú ý về giảng viên thay vì vào trong tâm sứ điệp Tin Mừng. Phải giúp các tín hữu thấy rõ rằng điều mà vị giảng thuyết quan tâm đó là trình bày Chúa Kitô, và Ngài phải ở trung tâm của mọi bài giảng” (59). Vì thế, ĐGH tái khẳng định nên soạn một cuốn Cẩm Nang dọn bài giảng ”để giúp các thừa tác viên chu toàn nghĩa vụ của mình một cách tốt đẹp hơn” (60).

Ngoài ra, Tông Huấn cũng bày tỏ mong ước Phụng vụ các Giờ Kinh ”ngày càng được phổ biến nơi Dân Chúa.. nhất là việc đọc Kinh Ngợi Khen và Kinh Chiều. Sự phổ biến này giúp các tín hữu quen thuộc với Lời Chúa (62).

Lấy lại một số bài phát biểu của các nghị phụ, ĐGH nhấn mạnh giá trị của sự thinh lặng trong các buổi cử hành: thực vậy, ”Lời Chúa chỉ có thể được công bố và lắng nghe trong thinh lặng, bên ngoài cũng như trong nội tâm. Thời nay không tạo điều kiện thuận lợi cho sự hồi niệm và nhiều khi người ta có cảm tượng có một sự sợ hãi phải rời bỏ các phương tiện truyền thông đại chúng, dù là trong một lúc mà thôi. Vì thế,ngày nay cần giáo dục Dân Chúa về giá trị của sự thinh lặng” (66). Rồi Tông Huấn cũng nêu lên một số lời nhắn nhủ: ”đừng bao giờ lơ là vấn đề âm thanh âm hưởng, trong sự tôn trọng các qui luật phụng vụ và kiến trúc” để giúp các tín hữu chú ý hơn” (68); ”không bao giờ được thay thế các bài đọc rút từ Kinh Thánh bằng những văn bản khác, dù chúng có ý nghĩa thế nào đi nữa về phương diện mục vụ hoặc tu đức” (69); cần cổ võ những bài thánh ca lấy hứng từ Kinh thánh, biết diễn tả vẻ đẹp của Lời Chúa nhờ một sự hòa hợp giữa lời và nhạc.” Về vấn đề này cũng cần nhắc lại tầm quan trọng của nhà bình ca (70); sau cùng, ”nên đặc biệt chú ý đến những người khiếm thị và khiếm thính (71).

Dân Chúa và Kinh Thánh

ĐGH cùng với các nghị phụ nồng nhiệt mong ước có một ”vận hội mới về lòng yêu mến của toàn thể mọi thành phần Dân Chúa đối với Kinh Thánh, đến độ từ sự chăm chỉ đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh họ đào sâu chính quan hệ với Chúa Giêsu” (72). Các vị yêu cầu tăng cường việc mục vụ Kinh Thánh, việc mục vụ này cũng có giá trị đáp trả hiện tượng lan tràn của các giáo phái vốn phổ biến một sự đọc Kinh Thánh một cách xuyên tạc và lợi dụng, đồng thời cần cổ võ sự phổ biến các cộng đoàn nhỏ, trong đó người ta thăng tiến việc huấn luyện, cầu nguyện và hiểu biết về Kinh Thánh theo đức tin của Giáo Hội” (73).

Cần có một ”sự huấn luyện thích hợp dành cho các tín hữu Kitô, đặc biệt là các giáolý viên, duy trì sự chú ý đến việc tông đồ Kinh Thánh (75). Toàn thể Dân Chúa, bắt đầu từ các GM, phải tái khởi hành từ việc lắng nghe Lời Chúa. ĐGH đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn đối với các đan sĩ nam nữ các dòng chiêm niệm, ”qua đời sống cầu nguyện, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, đang nhắc nhở cho chúng ta rằng con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn bằng mọi lời xuất phát từ miệng Thiên Chúa”.

Về phần các gia đình, Thượng HĐGM mong ước rằng mỗi nhà đều có cuốn Kinh Thánh, giữ gìn một cách xứng đáng, để có thể đọc và dùng để cầu nguyện”. Tông Huấn cũng nêu cao thiên tài của nữ giới trong việc nghiên cứu Kinh Thánh và vai trò không thể thiếu được của phụ nữ trong gia đình, trong việc giáo dục, dạy giáo lý và trong việc thông truyền các giá trị”. Văn kiện mời gọi thực hành lectio divina, và cổ võ những kinh nguyện kính Đức Mẹ như kinh Mân Côi, kinh truyền tin, giúp suy niệm các mầu nhiệm thánh được kể lại trong Kinh Thánh. Văn kiện cũng trưng dẫn một số kinh nguyện cổ kính của Đôngphương Kitô giáo, như thánh ca Đức Mẹ Akathistos và Parklesis (78-88).

Kinh Thánh và truyền giáo

ĐGH nhấn mạnh lời kêu gọi của Thượng HĐGM ”hãy củng cố và tăng cường ý thức truyền giáo trong Giáo Hội”, với ý thức rằng ”điều được mạc khải trong Chúa Kitô thực là ơn cứu độ tất cả mọi dân tộc”; ”con người cần niềm Hy Vọng cao cả để có thể sống hiện tại của mình, niềm hy vọng lớn lao là một vị Thiên Chúa có một khuôn mặt loài người và Ngài yêu thương chúng ta cho đến cùng” (Ga 13,1). Vì thế Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Chúng ta không thể riêng giữ cho mình những lời sự sống đời đời được ban cho chúng ta trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô: những lời ấy dành cho tất cả mọi người và cho mỗi người. Mỗi người thời nay dù biết hay không, họ đang cần việc loan báo ấy.. Chúng ta có trách nhiệm thông truyền điều mà chúng ta đã từng nhận lãnh” (91-92). ”Vì thế, việc truyền giáo của Giáo Hội không thể bị coi như một điều tùy ý hoặc thêm vào cho đời sống Giáo Hội.. Đây không phải là loan báo một lời an ủi, nhưng là một lời có sức xâm nhập mạnh mẽ, kêu gọi hoán cải, làm cho cuộc gặp gỡ với Chúa có thể diễn ra, và nhờ đó một nhân loại mới được triển nở” (93).

Tông Huấn tái khẳng định rằng sứ mạng loan báo Lời Chúa là nghĩa vụ của tất cả mọi tín hữu đã chịu phép rửa. ”Không Kitô hữu nào có thể cảm thấy xa lạ với trách nhiệm ấy”. ”Ý thức này phải được khơi dậy trong mỗi gia đình, giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào của Giáo Hội”. Đặc biệt Thượng HĐGM biết ơn và nhìn nhận rằng các phong trào của Giáo Hội và các cộng đoàn mới, trong Giáo Hội, là một lực lượng mạnh mẽ để rao giảng Tin Mừng thời nay, thúc đẩy phát triển những hình thức mới để loan báo Tin Mừng” (94).

”Giáo Hội không thể chỉ giới hạn vào một thứ mục vụ bảo trì, dành cho những người đã biết Tin Mừng của Chúa Kitô. Đà tiến truyền giáo là một dấu chỉ rõ rật về sự trưởng thành của một cộng đoàn Giáo Hội”. Cần có một ”sự loan báo minh thị”: Giáo Hội phải đi tới mọi người với sức mạnh của Thánh Linh (Xc 1 Cr 2,5) và tiếp tục hành động như ngôn sứ bảo vệ quyền và tự do của con người được lắng nghe Lời Chúa, tìm những phương thế hữu hiệu nhất để công bố Lời Chúa, cả khi có nguy cơ bị bách hại. Giáo Hội mắc nợ đối với tất cả mọi người, món nợ loan báo Lời cứu độ”: với bao nhiêu dân tộc chưa biết Lời Chúa và những người cần tái được rao giảng Lời Chúa với sức thuyết phục nhờ những chứng nhân đáng tin nhiệm của Tin Mừng”. ĐGH cảm động nghĩ tới tất cả những người bị bách hại vì Chúa Kitô, tới ”bao nhiêu anh chị em ngày càng quên mình vì loan báo chân lý tình thương của Chúa được mạc khải cho chúng ta trong Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại”.

Đặc biệt ĐTC Biển Đức viết: ”Chúng tôi thân ái liên đới sâu xa với các tín hữu thuộc tất cả các cộng đoàn Kitô ở Á, Phi. . ngày nay đang có nguy cơ mất mạng hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội vì đức tin.. Đồng thời chúng tôi không ngừng lên tiếng để các chính phủ bảo đảm cho tất cả mọi người quyền tự do lương tâm và tôn giáo, và cả quyền được công khai làm chứng về đức tin của mình” (95-98).

Kinh Thánh và sự dấn thân xã hội

Ngoài ra, ĐTC Biển Đức 16 nhắc nhở rằng việc lắng nghe Lời Chúa không dẫn sự trốn chạy khỏi thế gian nhưng đưa tới sự dấn thân mạnh mẽ hơn để làm cho thế giới trẻ nên công bằng và dễ ở hơn. Chính Lời Chúa tố giác rõ ràng những bất công và thăng tiến tình liên đới và bình đẳng. Sự dấn thân cho công lý và biến đổi thế giới là yếu tố cấu thành công cuộc rao giảng Tin Mừng. Hẳn thật, Giáo Hội không có nghĩa vụ trực tiếp kiến tạo một xã hội công bằng hơn, cho dù Giáo Hội có quyền và nghĩa vụ can thiệp vào những vấn đề luân lý và đạo đức liên quan tới ích lợi của con người và các dân tộc. Nghĩa vụ chủ yếu của giáo dân, được giáo dục trong trường của Tin Mừng, là can thiệp trực tiếp vào hoạt động xã hội và chính trị, thăng tiến các quyền của mỗi người, dựa trên luật tự nhiên, được ghi khắc trong tâm khảm con người, và những quyền ấy có tính chất ”phổ quát, bất khả vi phạm và bất khả nhượng”. Lời Chúa cũng là ”một nguồn mạch hòa giải và an bình”. ĐGH quả quyết: ”Một lần nữa tôi muốn tái khẳng định rằng tôn giáo không bao giờ có thể biện minh cho sự bất bao dung hoặc chiến tranh. Không thể sử dụng bạo lực nhân danh Thiên Chúa!” (99-103).

Người trẻ, di dân và người nghèo

Tiếp đến Tông Huấn đề cập đến vấn đề loan báo cho người trẻ, người di dân, người đau khổ và người nghèo. Sự quan tâm đến giới trẻ bao gồm can đảm loan báo rõ ràng.. Họ cần những chứng nhân và thầy dậy, đồng hành và hướng dẫn họ yêu thương và để họ thông truyền Tin Mừng nhất là cho những người đồng lứa tuổi, và qua đó họ trở thành những người loan báo một cách chân chính và đáng tin cậy”.

Các phong trào di dân ”mang lại cơ hội mới mẻ để phổ biến Lời Chúa. Về vấn đề này các Nghị phụ đã quả quyết rằng người di dân có quyền được nghe Lời Huấn Giáo được đề nghị cho họ chứ không áp đặt. Nếu họ là Kitô hữu, họ cần được giúp đỡ thích hợp về mục vụ để củng cố đức tin.

Tiếp đến, Tông Huấn khuyên nhủ nên gần gũi người đau khổ: ”Lời Chúa cũng tỏ lộ cho chúng ta những hoàn cảnh này, được sự dịu dàng của Thiên Chúa bao trùm một cách huyền nhiệm. Đức tin nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với Lời Chúa giúp chúng ta coi đời sống con người là đáng sống cả khi đời sống ấy bị suy yếu”. Sau cùng, là những người nghèo, ”việc phục vụ bác ái không bao giờ được thiếu trong các Giáo Hội chúng ta, nó phải luôn gắn liền với việc loan báo Lời Chúa và việc cử hành các mầu nhiệm thánh. Giáo Hội không bao giờ được làm người nghèo thất vọng: ”Các vị mục tử được kêu gọi lắng nghe họ, học hỏi nơi họ, hướng dẫn họ trong đức tin và khích lệ họ trở thành những người kiến tạo lịch sử của họ”. Và Tông huấn cũng nói đến mối quan hệ giữa Lời Chúa và việc bảo tồn công trình sáng tạo của Chúa (104-108).

Kinh Thánh và văn hóa

Tông Huấn kêu gọi ”mở một cuộc gặp gỡ mới mẻ giữa Kinh Thánh và các nền văn hóa”. ĐGH viết: ”Tôi muốn lập lại với mọi giới văn hóa rằng họ không có gì phải sợ khi cởi mở đối với Lời Chúa; Lời Chúa không bao giờ phá hủy văn hóa đích thực, nhưng là một sự kích thích trường kỳ để tìm kiếm những kiểu diễn tả nhân bản ngày càng thích hợp và ý nghĩa hơn. Ngoài ra, cần phải hoàn toàn phục hồi ý nghĩa Kinh Thánh như một bộ luật lớn về văn hóa. Tông Huấn mong muốn có sự cổ võ kiến thức về Kinh thánh trong các trường học và đại học, vượt thắng những thành kiến cũ và mới. Văn kiện bày tỏ sự quí chuộng, và ngưỡng mộ của toàn thể Giáo Hội đối với những nghệ sĩ say mê thẩm mỹ, để cho mình được Kinh Thánh gợi hứng, giúp nhận thức các thực tại vô hình và vĩnh cửu trong không gian và thời gian. Tông huấn kêu gọi sự dấn thân rộng rãi và có phẩm chất cao hơn trong giới truyền thông để nổi bật tôn nhan Chúa Kitô và để tiếng Ngài được lắng nghe. Đặc biệt Tông Huấn nhấn mạnh vai trò ngày càng gia tăng của Internet, đây là một diễn đàn mới trong đó Tin Mừng vang dội, nhưng với ý thức rằng thế giới tiềm thể không bao giờ có thể thay cho thế giớ thực tại (109-113).

Khi nói về việc rao giảng Tin Mừng cho các nền văn hóa, ĐGH nhận xét rằng Lời Chúa biểu lộ một tính chất liên văn hóa sâu xa, có khả năng gặp gỡ và làm cho các nền văn hóa gặp gỡ nhau.. Nhưng ”sự hội nhập văn hóa không được lẫn lộn với những tiến trình thích ứng hời hợt và càng không bị lẫn lộn với sự hòa đồng làm mất đi tính chất độc đáo của Tin Mừng để làm cho Tin Mừng dễ được chấp nhận hơn. ”Lời Chúa biến đổi những giới hạn của của mỗi nền văn hóa tạo nên sự hiệp thông giữa các dân tộc khác nhau, mời gọi họ đi tới một tình hiệp thông bao quát, thực sự là phổ quát, nối kết tất cả mọi người, hiệp nhất tất cả làm cho chúng ta trở thành anh em với nhau” (114-116)

ĐGH kết luận rằng thời đại chúng ta ngày nay ngày càng phải trở thành một thời đại tái lắng nghe Lời Chúa và tái truyền giảng Tin Mừng, vì ngày nay, Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn còn nói với chúng ta: ”Các con hãy đi khắp thế gian, và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Khi loan bao Lời Chúa trong sức mạnh của Chúa Thánh Linh, chúng ta cũng muốn thông truyền một nguồn mạch vui mừng đích thực, không phải niềm vui hời hợt và chóng qua, nhưng là niềm vui nảy sinh từ ý thức rằng chỉ có Chúa Giêsu mới có lời ban sự sống đời đời (Ga 6,68)” (121-124)

LM Trần Đức Anh OP chuyển ý 

VỀ MỤC LỤC
TÔI ĐƯỢC VỀ THĂM MỘ TẠI NGHIÃ ĐỊA
 

NGƯỜI ĐÃ CHỖI DẠY TỪ CÕI CHẾT.  (Mt 28, 7)                              

* Phần  A

Tôi thấy một đám tang đang chôn ở một góc nghiã địa, có linh mục có ca đoàn hát, sao mà giống tôi mấy chục năm về trước thế !?

1- Thấy gì trong mộ: Chung quanh ngôi mộ này có nhiều hoa, rồi vài hôm nữa hoa sẽ héo, được người làm thuê hốt đổ vào thùng rác. Có những mộ bia chôn chừng một năm, năm năm, 10 năm.. Ghê nhất là những mộ có người mới chôn. Ngôi mộ này của một người đàn bà đã chết cả tháng nay, áo quần còn mới, nhưng xác thì phồng lên, đang sình rữa rồi, lúc nhúc đầy dòi bọ. Áo nhung của bà bị thịt kết dính lại với tóc, những con dòi trắng cắn loang vải lỗ chỗ thấy ghê!

2- Thân xác là cát bui: Ngày còn sống tất cả những người đang nằm đây nắn nót từng sợi tóc, mặc những áo đẹp đủ màu sắc, mà bậy giờ thế ư ? Tôi đi tìm ai là người trí thức? Trông ai cũng giống nhau cả. Họ mới chết được chừng 1 tuần, tôi chỉ thấy mùi nồng nặc hôi thối. Tôi đi xem ai là người có tiếng tăm ngày xưa: chỉ thấy là những cái xương đen đủi và toàn dòi bọ lúc nhúc ở trong. Tôi đi xem ai là người giầu có? Không thấy ai cả. Tất cả đều trần trụi, không áo quần, vàng bạc, kim cương. Tôi tưởng người thân chôn theo; nhưng không, người ta đã giữ lại hết, chỉ còn xác trơ trọi thôi!

3- Dưới mộ sâu có gì:  Tôi đi tìm ai là người lúc đương thời, họ sống chết ăn thua đủ với nhau; nhưng chỉ ngửi thấy mùi hôi tanh ! Dưới mộ sâu, cái sọ ngày xưa đã bao nhiêu suy nghĩ, tìm cách nâng bi, sát hại lẫn nhau, thù oán, ghen giận, nay nó đi về đâu? Chỉ thấy mùi xú uế hôi nồng bay lên, khi nó rữa ra. Tôi lại nhìn xuống mộ sâu, chỉ nghe thầy những tiếng động xèo xèo, những tiếng dòi bọ ăn vào xương, vì những xác mới chôn được vài tuần đang tan rữa. Sao nghe nó giống xác tôi chôn mấy chục năm về trước thế !?

4- Đám tang đã chôn xong: Một số người đứng ở xa mộ, để họ có thể được về sớm, họ có nhiều việc phải làm, họ rất bận rộn, họ không muốn ở đấy lâu. Người thân yêu thì khóc lóc thảo não rồi cũng phải theo xe về nhà, để xác mới chôn nằm đó. Vài ngày sau thân nhân sẽ ra thăm mộ lần nữa, rồi từ từ…chẳng thấy ai…!!! Cũng giống tôi ngày xưa. Tôi đứng nhìn họ mà không muốn bắt chuyện, vì những ngày xưa đã quá xa, chẳng ai nhớ được tôi nữa đâu !!! 

* Phần B: 

1- Tôi đến gần mộ tôi ngày xưa: Nhìn thấy xác tôi dưới đất sâu, chiếc quan tài gỗ mục từ bao giờ? Đất đè lên kín lẫn với xương, ẩm ướt, có bùn sền sệt, tôi không còn nhận ra hình hài gì cả. Những con giun trườn qua trườn lại trên khúc lấm xương đen, lỗ rỗ những vết bọ ăn, bùn cắn chặt vào những chỗ xương nứt không còn nhẵn nhụi. Nhìn sọ dừa, thấy hai mắt là lỗ sâu rất to, cũng như hàng trăm ngàn cái sọ khác, tôi không phân biệt được!!

2- Băn khoăn về da tóc: Ngày còn sống, tôi băn khoan về làn da, mái tóc, cho người ta thấy mình còn trẻ, bây giờ thì nó rữa ra với cái sọ rỗng, lúc nhúc những loại giun bò ra chui vào trong đó. Tôi đứng nhìn sọ tôi và các sọ chung quanh làm tôi phát sợ ! Có phải hình hài thân xác tôi đấy không? Còn đâu những mùi nước hoa đắt tiền?

3- Nhìn lại trên mộ:  Tên tôi vẫn còn khắc trên mộ; nhưng rêu xanh đã bám phủ lên sần sùi và dơ bẩn. Bây giờ họ trồng cây um tùm, ngôi mộ bên tôi họ đã bốc đi bao giờ rồi, và họ đã chôn một cái mộ khác lạ hoắc ! Tôi chẳng còn thấy ai quen thuộc tới thăm nom.!!

4- Tìm lại những kỷ niệm xưa: Tôi về nhà tìm lại những thư cũ, tấm hình năm xưa, ai đã dọn đi vất vào thùng rác hết rồi, họ chẳng biết tôi là ai. Bây giờ tôi chẳng còn dấu tích nào.! Những bằng cấp xã hội và tôn giáo ban tặng, những hình cũ chụp với các nhân vật tiếng, bây giờ chẳng còn ai!?

5- Những vật dùng cũ:  Chiêc xe ngày xưa tôi lau chùi láng bóng, hay buồn vì người khác làm trầy lớp sơn, bây giờ là đống sắt vụn ở đâu? Tôi đứng nhìn lài lại cuộc đời, tất cả đều qua đi như cơn gió thoảng, làm tôi bồn chồn, lo lắng, nuối tiếc những thứ này làm chi nữa ?! Còn gì để nuối tiếc chăng, hay chúng chỉ là mây khói ?!!!

6- Những công trình để lại:  Tôi để lại những bài diễn văn cho người này kẻ kia nghe, nay họ còn nhớ không? Họ quên ngay khi tôi ra khỏi phòng họp ! Vậy mà hôm nay tôi đi tìm những công trình để lại sao? Giật mình tôi qúa ngớ ngẩn, vậy tôi đi tìm gì hôm nay.?Ngay cả những người quen biết tôi cũng không còn nữa. Vậy tôi còn gì???

* Câu Kinh Thánh đánh động tôi: “Cuộc đời chúng ta trên dương  thế, chẳng khác gì bóng câu.” (Giop 8, 9) 

Phó tế: JB. Maria Nguyễn Định - Sưu tầm

VỀ MỤC LỤC
TỈNH THỨC TRƯỚC CƠN BÁCH ĐẠO MỚI
 

Suy niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam  

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 

Là người Công Giáo Việt Nam, chúng ta rất hãnh diện về Cha ông của chúng ta, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Không chỉ là 117 vị hiển thánh, mà có cả trăm ngàn tín hữu đã anh dũng làm chứng cho Thiên Chúa. Không chỉ có thời các vua Chúa cấm cách, mà ngay cả thời nay, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận và cuộc sống nhân chứng của Ngài là một tiêu biểu.  

Vì niềm tin tuyệt đối và trung kiên vào Thiên Chúa, vì tình yêu mãnh liệt đáp lại tình yêu tạo dựng và cứu chuộc, vì bừng bừng ngọn lửa khát khao được sống trọn vẹn và vĩnh cửu trong thế giới mới của Ba ngôi Thiên Chúa, mà Cha ông của chúng ta đã không ngần ngại từ chối sự sống hay hư nát của thân xác phàm trần để tuyên tín cho thiên hạ biết rằng có một đời sau vĩnh cửu, hạnh phúc thiên thu.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã bị cấm cách, bức bách, bắt bớ, tù đày, lăng mạ, lăng nhục và cuối cùng chấp nhận chết cuộc sống mình, chết thân xác mình, bằng trăm ngàn cực hình dã man, đau đớn. Sức mạnh để vượt qua và chiến thắng của họ là nhân đức cơ bản, là nguồn ơn cơ bản Tin Cậy Mến mà Thiên Chúa ban riêng cho mỗi con người và ơn hiệp nhất ban cho cộng đoàn làm chứng tá phục sinh. Tuyệt đối không phải là sức mạnh của tập thể theo nghĩa phong trào, có tính hời hợt, nhất thời đấu tranh cho một quyền lợi thuộc  phạm vi trần thế.

Họ đã không bắt chước nhau tử đạo vì danh vọng trần thế là để tiếng lại cho đời sau, nhưng là vì họ xác tín một cuộc sống mới được phục hồi sau cái chết quí giá và ý nghĩa  ấy: cái chết làm chứng cho Chúa Kitô đã chết và đã sống lại, cái chết để sống lại với Đức Kitô. Họ đã thực thi lời huấn thị của Tin Mừng: “từ bỏ chính mình”: vì xác tín sự sống mình có được là do Thiên Chúa, và thuộc về Thiên Chúa; “vác thập giá mình”: chấp nhận tất cả những thương khó trong đời theo Chúa Giêsu, để ý định cứu rỗi của Thiên Chúa Cha được thực hiện, cho mình và cho mọi người.

Đối với các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bước qua thập giá là từ chối ơn cứu chuộc của Đức Kitô, là bội tín với Thiên Chúa. Vì thế, khi cuộc bách đạo càng khốc liệt, càng đẫm máu, thì niềm tin của họ càng được nung nấu, được tôi luyện thành sắt thép vững chắc nhờ đức mến nồng nàn và đức cậy trông mạnh mẽ.

Giáo hội Việt Nam thừa hưởng một di sản Đức tin quí báu, vì nhờ máu các Ngài đổ ra, mà cánh đồng truyền giáo trổ sinh muôn hạt vàng tín hữu. 

Noi gương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 

Theo gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các tín hữu Việt Nam đã kiên trung trong đời sống đức tin cá nhân và cộng đoàn thật đáng khâm phục. Qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử đất nước, qua bao nhiêu đổi thay của ý thức hệ… nhưng giáo lý Chúa Kitô và niềm tin vào Thiên Chúa vẫn ngời sáng trên quê hương không chỉ nghèo nàn lạc hậu mà còn chịu bao thảm họa của thiên tai, dịch nạn..

Tuy nhiên, khi mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cũng là lúc mà mỗi chúng ta phải nhìn lại đời sống chứng tá của mình và của cộng đoàn.

Ở đấng bậc nào trong giáo hội, trong đời sống hằng ngày, tất cả chúng ta đều phải đối diện, phải đặt mình trước thập giá, không phải để chúng ta bước qua, mà là để ôm lấy, yêu mến, hôn kính và nhất là vác đi trong cuộc đời.

Ngày xưa những khổ hình có thể nói là kinh khủng lắm, man rợ lắm dành cho ai không bằng lòng bước qua thập tự giá. Thời nay, cuộc bức bách mới dùng cách làm cho tín hữu không thấy dữ tợn mà hiệu quả không kém kinh khủng hay có thể nói còn kinh khủng hơn: chiêu bài đổi hướng niềm tin và tình yêu.

Chúng ta không thấy mình đang bước qua thập giá, khi chúng ta yêu mến của cải tiền bạc, tiện nghi vật chất và những khoái lạc trần gian hơn là yêu mến Chúa. Hơn nữa, chúng ta vẫn thấy mình rất xứng đáng vì những việc đạo đức, những việc tông đồ. Chúng ta không thấy mình bước qua thập giá, khi mình đang làm việc Chúa để tìm chút hư danh cho mình. Hướng đến của Tình yêu chúng ta là Chúa, đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta là Thập giá Chúa Kitô, nhưng tài hoa của ma quỉ đã khéo léo chuyển hướng đến của tình yêu chúng ta là chính chúng ta.

Quả thật, chúng ta đang không làm chứng cho một Thiên Chúa, nhưng chúng ta đang làm chứng cho chính mình, khẳng định chính mình, củng cố danh dự chính mình. Chúng ta đang bước qua thập giá mà không hề hay biết. Không tỉnh thức trước những âm mưu của ma quỉ, chúng ta có thể nằm gọn trong đúng mục tiêu, đúng tầm ngắm của cuộc bách đạo mới. 

Tỉnh thức trước cơn bách đạo thời nay 

Mục tiêu của cuộc bách đạo thời nay vẫn là cản trở, ngăn cấm con người đến với Thiên Chúa, hoặc bằng mọi giá, cắt đứt tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Một loại gông cùm xiềng xích mới, một loại nhà tù hiện đại đang được sử dụng khắp nơi trên thế giới.

Mục tiêu của cuộc bách đạo mới  không chỉ đơn thuần là việc bắt bớ, bỏ tù một vài người đấu tranh cho tự do nhân quyền, cho tự do tôn giáo, nhưng là bỏ tù cả ngàn ngàn người trong cái vỏ ốc cầu an, trong cái hố bằng lòng về sự tự do xem như là tạm đủ, trong cái túi chấp nhận một loại tự do ảo tưởng, trá hình mà thực ra đó là thứ tự do làm nô lệ.

Cũng vậy, việc đập phá một ngôi thánh đường, chưa bằng đập phá cả triệu cung điện của Thiên Chúa nơi tâm hồn các tín hữu bằng những chủ thuyết vô thần, vô luân, vô vọng tưởng một đời sau… để không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, không còn một định luật tôn giáo nào, không còn một nguyên tắc đạo đức nào, không còn niềm tin tôn giáo nào trong chính tâm hồn người công giáo.

Nhận lãnh bí tích rửa tội để có một danh xưng, hoặc hợp thức hóa một tình trạng. Và các bí tích Kitô giáo khác được lãnh nhận tiếp theo như một thủ tục-Cung điện của Thiên Chúa  là một bức họa không hơn.

- Việc đóng cửa nhà thờ, không cho các tín hữu hành đạo làm sao nguy hiểm bằng để tự họ cảm thấy việc đến nhà thờ không còn cần thiết hơn việc xem phim, giải trí và các tiêu khiển khác của một đất nước đang có đủ thứ món ăn chơi.

- Làm cho cánh cửa tâm hồn các tín hữu tự đóng lại để không đón nhận được Thiên Chúa, và tự mở ra để đón nhận những trào lưu thế tục là mục tiêu cuộc bức bách nguy hiểm vô cùng.

- Tâm hồn các trẻ thơ vừa có trí khôn, mới mở ra với cuộc đời, đã đón nhận bài học con người bởi khỉ mà ra, để sẽ sống như khỉ và chết như con khỉ - cuộc bức bách về giáo dục không Thiên Chúa.

- Mới ngày nào đây, lương tâm các đôi vợ chồng, nhất là các tín nữ còn đắn đo, do dự khi phải chọn cho mình một cách tránh thai hợp với luật Thiên Chúa, và cương quyết bảo vệ sự sống đến cùng thì hôm nay, lương tâm ấy đã chai đi và có thể chấp nhận bất kỳ một phương pháp nào để khước từ thiên chức làm Mẹ. Hơn thế nữa, không những khước từ ơn tiếp tục cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, mà còn có thể hủy hoại quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa ở bất kỳ tháng tuổi nào.

- Không cần thiết phải cấm các em học giáo lý, vì biết chắc những trang giáo lý khô khan kia sẽ không hấp dẫn bằng những trò chơi vô bổ hàng giờ trên máy vi tính ở các dịch vụ internet, hoặc những trang web có sức gieo vào đầu các em một kiểu sống vô luân. Vì thế cuộc bách đạo hướng đến việc sản xuất và du nhập hàng loạt phim ảnh như những viên đạn đồng bắn nát đức tin và luân lý của cả một thế hệ.

- Còn một điểm nhắm quan trọng hơn cả của cuộc bách đạo là làm rạn nứt sự hiệp nhất giáo hội, mà phải là sự rạn nứt bắt đầu từ những vị thẩm quyền cao nhất,  đến các  thành phần  ưu tú nhất, rồi đến những cộng sự thân cận, xuống đến các tín hữu. Tinh thần thế tục luồn lách vào trong mọi bất đồng gây nên những xáo trộn nội bộ không đáng có, dẫn đến những rẽ chia đáng tiếc.  

Mừng kính lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam không chỉ là những cuộc rước kiệu linh đình, tôn vinh Cha Ông với niềm tự hào dân tộc, nhưng trước tiên là tạ ơn Chúa đã gieo trồng Hội Thánh Chúa ở Việt Nam bằng những giọt máu, và tôn vinh Cha ông với niềm tự hào về sức mạnh toàn thắng của Thánh Giá Chúa Kitô. Nếu không có niềm tin, cậy, mến vào Thiên Chúa và nhất là vào Thánh giá vô địch của Chúa Kitô, Cha ông chúng ta đã không thể lãnh nhận phúc tử đạo, làm chứng cho Thiên Chúa.

Mừng kính lễ các Thánh Tử Đạo còn là cơ hội cho mỗi người chúng ta nhìn lại cách sống chứng nhân của mình và phải luôn cảnh giác trước cuộc bách đạo kiểu  mới, nhất là trong toàn cảnh xã hội Việt Nam. Có thể chúng ta đang nằm gọn trong mục tiêu cuộc bách đạo, vì đã bước qua thập giá Đức Kitô lúc nào không hề hay biết, mà vẫn chủ quan tự nhận là những chứng nhân anh dũng giữa lòng quê hương dân tộc. Có thể chúng ta không những đã bước qua thập giá, không được diễm phúc tử đạo, mà còn tiếp tay cho cuộc bức bách tiến đến mục tiêu tối hậu là tách rời tương quan với Thiên Chúa thật hoặc vẫn còn tương quan với một Thiên Chúa theo mô hình một loại đức tin cập nhật từ chủ thuyết không Thiên Chúa. 

Thiên Chúa sẽ không hài lòng khi chúng ta từ chối Thập Giá Chúa Kitô. Chính Chúa Giêsu nói: “Kẻ nào hổ thẹn chối Ta và các lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn chối nó, khi Ngài đến trong vinh quang của Ngài và của Cha cùng các Thiên thần” (Lc 9,26)

Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, thiết nghĩ mỗi người đều phải đặt mình trước một sự thật: Thiên Chúa đau lòng  vì con người xúc phạm đến Thiên Chúa và  vì các tín hữu Chúa chưa can đảm để làm chứng cho Ngài. Và từ đó, mỗi người phải tự cảnh tỉnh trước những biến dạng thiên hình vạn trạng của cơn bách đạo hôm nay, để cương quyết “không bước qua Thập Giá” và càng không tiếp tay nối giáo cho giặc.  

Lạy Chúa, giáo hội lữ hành, và đặc biệt  giáo hội Việt Nam chúng con đang gặp những thách đố lớn lao vì những chủ trương không Thiên Chúa và không đời sau đang lôi kéo các tín hữu buông bỏ tinh thần từ bỏ, bóp chết tinh thần tử đạo của Chúa Kitô. Xin Chúa ban cho mọi thành phần trong giáo hội ơn kiên trung làm chứng cho Chúa qua việc không hướng theo tinh thần thế tục đang hấp dẫn mọi nơi.

Lạy Chúa, trong đời sống gia đình, chúng con làm cha, làm mẹ  một thiên chức Chúa ban gắn liền với ơn tử đạo, qua việc hiến dâng cả đời cho con cái  với bao hy sinh đầy đắng cay và nước mắt. Xin Chúa ban cho chúng con, nồng nàn yêu mến và tín thác vào Chúa, để mỗi hy sinh của chúng con trong đời, xứng đáng là một giọt máu tử đạo rơi xuống, cho mầm đức tin mọc lên trong mỗi gia đình chúng con.                    

PM. Cao Huy Hoàng

VỀ MỤC LỤC
DÂN CHÚA NGƯỜI VIỆT CẦN BẢN DỊCH KINH THÁNH TIẾNGVIỆT PHỔ THÔNG
 

Trước hết, phải vui mừng và cám ơn những người, những nhóm đã cố sức dịch  Kinh Thánh sang tiếng Việt nam :

1/ Cố Chính Linh tên thật  : Albertus Schlicklin , gốc Đức, sinh quán : Alsace-Lorraine là vùng tranh chấp giữa Pháp và Đức . Đức mạnh, chiếm vùng nầy, người vùng nầy thuộc  Đức ; khi Pháp mạnh chiếm lại, họ lại  thuộc Pháp. Sinh năm 1857, qua đời tại Hanoi năm 1932 . Cha chính địa phận Hanoi (1890-1900) .

Ngài đã dịch  KINH THÁNH. Cứ bản Vulgata

Quyển I  (ngũ thư,  Josue, Các Quan xét, Ruth, năm quyển các Vua) In  ở Hong Kong , Imprimerie de la Société des Missions Etrangères,  1913.

Quyển 2  (Paralipmenon , Esdra , Nehemia, Tobia, Judith, Esther, Job, Thánh vịnh. Dụ ngôn, Kẻ giảng , Ca đệ nhất, Khôn ngoan, Giảng đạo )  xuất bản 1914 .

Quyển 3 (Isaia, Jeremia, Baruch, Esechiel, Daniel, Osee, Joel, Amos, Abdia, Jona, Michea, Nahum, Habacuc, Sophonia, Aggeo, Zacharia, Malachia,  2 quyển Machabeo ) 1914 .

Quyển 4 (4 quyển Evan, Sách truyện các Tông đồ , 14 thư  ông Thánh Bảo lộc tông đồ , 6 thư chung, Sách Apocalypsis  ông thánh Juong tông đồ ), 1916 .

 2 /  Ông Phan Khôi  (1887 – 1960)

Dịch Kinh Thánh Tin lành năm 1924 :  19 tuổi đậu Tú tài Hán văn (1905),  ra Hanoi học Pháp văn . Từ năm 1911 , vào làng báo , viết khảo luận, phê bình  trong các báo : Lục tỉnh tân văn,  Đông pháp thời báo, Thần Chung, Phụ nữ  Tân văn , Trung lập, Thực nghiệm dân báo, Nam phong, Phụ nữ thời đàm, Tràng An,  Sông hương  . 

3/ Linh mục Gérard Gagnon (Cha Nhân)  sinh năm 1914 tại Canada, khấn Dòng  năm 1935, sang Việt nam  năm 1935, học tại Học viện  Dòng Chúa Cứu thế  Hanoi thụ phong linh mục 06-6-1940  tại Hanoi.

Dịch Thánh Kinh Ngũ thư, Dalat,  1962 ; Thánh Kinh Tân ước,  1962 . 

4/  Linh mục Đaminh  Trần đức Huân  sinh năm 1910, tử năm 1984 :

-         Dịch và xuất bản bốn Phúc âm và  Tông đồ công vụ năm 1950

-         Tân ước Đức Giêsu Kytô năm 1963

-         Toàn bộ  Cựu Ước  Tân ước  năm 1969 .

5/    Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn  (1922-1975)

Dòng Chúa Cứu Thế, khấn Dòng năm 1946,  chịu chức  linh mục năm 1951 tại Hanoi, Du học Roma 1952, học trường Kinh Thánh Giêrusalem  bốn năm (1952-1956)     

-    Dịch Tân ước ,  nhà Sách Đức Mẹ xuất bản năm 1965 .

-    Toàn bộ Kinh Thánh (Tân và Cựu ước) năm  1976 , Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản .

6/  Linh mục An-Sơn Vị

Dịch và xuất bản Tân  ước năm 1983

6/  Đức  Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn Sinh năm 1915, qua đời năm 1990 .

Dịch Kinh Thánh dựa vào Bible de Jérusalem  có tham khảo  tiếng Hipri, Hylạp.  Xuất bản Tân ước  năm 1982, toàn bộ năm 1985 .

7/ Nhóm Phụng vu giờ kinh làm việc trong 17 năm ,  muốn gặp Nhóm thì gặp Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh .

Năm 1994 xuất bản bản dịch Tân ước , năm 1998 xuất bản toàn bộ Kinh Thánh .

8 / Ông Mai lâm Đoàn văn Thăng dịch Tân ươc từ Bible de Jerusalem .

9/ Hội đồng Giám mục Việt nam xuất bản  :

Xuất bản  Sách Bài Đọc khi thì đề  Sách Lễ Mùa….. có cả các lời nguyện trong Thánh lễ Mùa Vọng  và Giáng sinh , rồi Mùa Chay và Phục sinh, rồi Sách Lễ  Mùa  quanh năm I, quanh năm II , khi thì đề Sách Bài Đọc  nhằm đáp ứng kịp thời sử dụng tiếng Việt trong Phụng vụ theo Công đồng Vatcan II. Sách luôn luôn đề : Concordat cum  originali, Saigon, die… tháng  năm, Jacobus Nguyễn văn Vi, censor delegatus . Và  imprimatur  Phú cường , die ….. +  Joseph Phạm văn Thiên  , Prae. Comm. Episc. De S. Liturgia.

Cha  Bênêdictô Nguyễn tri Phương , Hạt trưởng Hạt Phú nhuận, trưởng ban Phúc âm hóa các dân tộc  của  tổng địa phận SG đã in Kinh Thánh Tân ước , bản dịch   trong  Sách Các Bài Đọc của Hội Đồng Giám mục  và được Cha Giacôbê Nguyễn văn Vi giới thiệu đề đáp ứng nhu cầu học hỏi Kinh Thánh lúc đó , bên cạnh đó, có Tân ước do Cha Trần hữu Thanh , Dòng Chúa Cứu Thế sữa chữa lại bản văn cho xuôi (?) đề đáp ứng  quân nhân Công giáo .

9/  Hiện nay, hiện tượng lạ tại tp HCM trong Sách Các Bài Đọc .

Sách Bài Đọc của Hội Đỏng Giám Mục Việt nam  xuất bản năm 1969,1970  vẫn đươc sử dụng bên cạnh bản dịch mới Sách Lễ Roma  năm 1992  của Hội đồng Giám mục Việt nam  với hy vọng có bản dịch mới  Sách Bài Đọc . Chờ mãi không thấy nên ở Saigòn  có hiện tượng  năm 2003  các nhà thờ dùng Sách  Bài Đọc  của nhóm Phụng vụ giờ Kinh  in ra . Bản dịch  Kinh Thánh của họ đã được  Đức Tổng Giám mục Phaolo Nguyễn văn Bình cho Imprimatur  ngày 11-5-1993 phần  Tân ước và  Đức Tổng Giám mục  Gioan. Bt  Phạm Minh Mẫn  ban Imprimatur ngày 01-5-1998  phần   Cựu ước , nhưng họ đã sửa ngay một vài từ ngữ mà chúng tôi cho là quan trọng khi in Tân ước  loại sách bỏ túi, và bây giờ họ (??) sữa nhiều hơn và có những “lapsus” ngớ ngẩn  trong  Sách  Bài Đọc (thí dụ : xem bài đọc người phụ nữ ngoại tình) .

Tĩnh tâm linh mục địa phận tháng chín năm 2003 , Đức  Tổng Gioan. Bt có nhắc : dùng Sách Bài Đọc  của Ủy Ban Phụng tự trực thuộc Hội Đồng Giám mục (như hình lúc đó ngài còn là chủ tịch Ủy Ban Phụng tự ). Thc tế, cuối tháng mười một năm 2001, tôi về nhận xứ Xây dựng , đòi Sách Bài Đọc  đang dùng thì ông  thuộc ban Phụng vụ nhà thờ trả lời :chúng con dùng sách  mới vì sách cũ vàng qúa, chữ mờ , khó đọc . Sách mới đây  là của Nhóm Phụng vụ giờ kinh in ra .

Ngày 09-12-2004, giáo xứ Xây dựng mừng Kim Khánh và Bát thọ Cha Giuse Đinh Cao Thuấn , nguyên cha sở Xây dng đang nghỉ hưu , Đưc Hồng Y Gioan. Bt Pham Minh Man về chủ lễ , nói với tôi đọc bài  Phúc âm “nếu dâng lễ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình”. Tôi đi nói nhỏ với linh mục cháu  của Cha cố, giáo sư  Đại Chủng viện Thánh Giuse Saigon ý muốn của Đức Hồng Y, nhưng ngài hình như không tìm ra bài đó . Điều nầy chứng tỏ Đức Hồng Y đang sử dụng Sách  Bài  Đọc của Hội  đồng Giám mục . Tôi thì “mất điểm” ! .

Cũng xin viết ra đây  thư của Đức Cha Phaolo Nguyễn Văn Hoà , Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt nam trả lời Cha Tổng quyền Dòng Claretians ngày 07-9-2006 : ”Hội Đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã nhận được bản thảo cuốn Kinh Thánh Cựu và Tân Ước – “Lời Chúa cho mọi người” của Quý Dòng -, được nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện và do Văn Phòng Thư Ký HĐGMVN chuyển đến. Sau khi hỏi ý kiến Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức tin thuộc HĐGMVN và được Ngài cho biết cuốn sách không có gì nguy hại (Nihil obstat), HĐGMVN sẵn sàng cho phép in Imprimatur cuốn Kinh Thánh nầy để phục vụ ích lợi thiêng liêng của Dân Chúa và sử dụng ngoài cuộc cử hành Phụng vụ”

Không nên nói tới độc quyền ở đây mà phải nói tới đặc tính  hiệp nhất mà Phụng vụ Latinh tạo ra được . Giáo luật điều  838,3 dạy :”Ad Episcoporum conferentiae spectat versiones librorum liturgicorum in linguas vernaculas, convenienter intra limites in ipsis libris liturgicis definitos aptatas, parare, easque edere, praevia recognitione Sanctae Sedis” (Hội Đồng Giám Mục có nhiệm vụ  dịch các bản văn Phụng vụ sang tiếng địa phương của mình, với những thích nghi có giới hạn mà các sách Phụng vụ đã ấn định và sau khi đã được Toà Thánh phê chuẩn , có quyền xuất bản các bản dịch ấy ). Vậy thì cần nhớ, dạy Giáo lý tôi có thể sử dụng các bản dịch Kinh Thánh có Imprimatur , nhưng trong Phụng vụ tôi chỉ có thể sử dụng  sách Phụng vụ, ở đây là bài đọc Kinh Thánh trong sách Phụng vụ mà thôi .

Như vậy, ta cũng phải nói các bản dịch Kinh Thánh : của Cố Chính Linh, linh mục Gerard Gagnon,  Linh mục Nguyễn Thế Thuấn, Linh mục An-sơn Vị , Đức Hồng y Trịnh Văn Căn . Ông Mai  Lâm nếu có imprimatur thì cũng chỉ sử dụng ngoài cuộc cử hành Phụng vụ .

Năm 2010 , Hội Thánh Công Giáo Việt nam mừng 50 thành lập hàng Giáo phẩm Việt nam , còn làm chưa xong lời Đưc Hồng Y Tomko nói với phái đoàn Giám mục Việt nam dịp Ad limina : ”Cần có bản dịch  Kinh Thánh cho Hội Thánh Việt nam, Đức Ông  Trần Văn Khả sẽ giúp”.  Qua lời nói của Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tịnh : ”Cha Kim Long  có nói xin mua bản dịch của chúng tôi 200 triệu đồng “; như vây, lúc đó chưa có dịch gì hết nên phải đi mua .  Bây giờ,  hy vọng rằng Đức Cha Chủ tịch Ủy Ban Phụng tự  Phêrô Trần Đình Tứ dịch xong Sách Bài Đọc rồi tiến hành  dịch  toàn bộ  Kinh Thánh . Đây là đòi hỏi của Dân Chúa Việt nam nội cũng như ngoại và Thánh bộ Phúc âm hoá các dân tộc đã thấy trước như một nhu cầu cần thiết cho người Công giáo Việt nam . Sẽ có nhiều ý kiến đòi “sự hoàn hảo”, nhưng như Đức  Cha  Arthur J  Serratelli , chủ tịch Uỷ ban Phụng vụ  Hội đồng Giám mục Hoa kỳ nói về sự hoàn hảo của bản dịch  : ” Nó không hoàn hảo , sự thực là sự hoàn hảo chỉ có thể đạt được khi phụng vụ trên trái đất nầy nhường chỗ  cho phụng vụ trên thiên quốc, nơi các thánh nhân đồng thanh ca tụng Thiên Chúa bằng chỉ một thứ tiếng nói”, tóm lại, trên trời mớí có hoàn hảo , còn ở trần thế thì cứ cãi nhau về sự hoàn hảo là lẽ thường .

Lm. Fx Nguyễn hùng Oánh

VỀ MỤC LỤC
HỒNG Y LÀ AI VÀ CÓ CHỨC NĂNG GÌ ?

 

Nhân việc Đức Thánh Cha Bê-nê-đich-tô 16 , ngày 20 tháng 10 vừa qua, đã chọn thêm 24 tân Hồng Y cho Giáo Hội, xin được trả lời  chung những câu hỏi của nhiều đôc giả về vai trò và trách nhiệm của tước vị Hồng Y trong Giáo Hội Công Giáo La Mã như sau:

Trước hết, về ngữ căn (etymology), từ Hông Y (Cardinal) xuất phát từ nguyên ngữ Latin CARDO có nghĩa là “cái bản lề" (hinge) tức bộ phận then chốt để giữ cho cánh cửa được đứng vững trong khung cửa. Từ ý nghĩa tượng trưng này, các Hồng Y được mệnh danh là “những vị Hoàng tử (princes) của Giáo Hội  với  2 chức năng rất quan trọng sau đây:

1-    Là Cố vấn để đóng góp ý kiến (kiến thức và khôn ngoan) cho Đức Thánh Cha trong việc điều hành và cai tri Giáo Hội.

2-    Khi vào Mật nghị (Conclave) để bầu Giáo Hoàng mới , tất cả các Hông Y đủ điều kiện theo luật bầu cử đều đương nhiên là các  ứng viên (potential candidates có thể được bầu chứ không ra ứng cử) và cũng là những người được quyền bỏ phiếu chọn (elector) Giáo Hoàng mới, khi đương kim Giáo Hoàng qua đời (x. Giáo luật (1983), số 349)

Theo Luật bầu Giáo Hoàng hiên hành, áp dụng từ nhiều năm qua, thì khi tròn 80 tuổi, các Hồng Y không còn được tham dự Mật  nghị  để bầu  Giáo Hoàng mới hay tham dự bất cứ mật hội nào do Đức Thánh Cha triệu tập và chủ tọa để bàn thảo về  một vấn đề quan trọng nào của Giáo Hội. Thêm nữa, khi các  Hồng Y đến tuổi 75, và hiện đang  coi sóc các Tổng Giáo Phận hay các Bộ hoặc Cơ quan trọng yếu  trong Giáo Triều Roma  thì cũng phải xin từ chức, để tùy Đức Thanh Cha quyết định chấp nhận hay cho lưu nhiệm thêm. Thí dụ  trường hợp  Đức đương  kim  Giáo Hoàng Bê-nê-đích- tô 16,  khi đang còn làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã xin nghỉ hưu năm ngài 75 tuổi nhưng đã được Đức cố Giáo Hoàng  Gioan-Phaolô II yêu cầu tiếp tục nhiệm vụ  thêm thời gian nữa, nên ngài vẫn đảm trách chức vụ Tổng Trưởng trên cho đến ngày ngài được bầu lên ngôi Giáo Hoàng năm 2005 ( x.giáo luật 354)

Trước năm 1917 tức là năm ban hành bộ Giáo luật cũ, (giáo luật mới 1983 thay giáo luật cũ 1917) các Hồng Y có thể là những giáo dân, không có chức linh mục hay giám mục, được Giáo Hoàng ban cho tước vị này vì những lý do riêng tư. Nhưng với Giáo luật năm 1917, thì người thường dân không còn được chọn nữa, mà chỉ dành cho các linh mục hay giám mục xuất sắc mà thôi. Đến thời Đức cố Giáo Hoàng Gioan XXIII, thì ai được phong tước Hông Y cũng phải được thụ phong Giám mục nếu vị đó chưa là giám  mục. Tuy nhiên cho đến nay thì tước Hồng Y vẫn còn được trao cho một số linh mục xuất sắc, từng giữ các chức vụ quan trọng trong Tòa Thánh  hoặc là những thần học gia nổi tiếng như các linh mục  Yves M.J  Congar (O.P) Henri de LuBac và Allen Dulles (SJ) ( đều đã qua đời) ... Trong đợt Hồng Y mới được công bố ngày 20-10 vừa qua, cũng có  2 linh mục ( tước Đức ông) người Ý và Đức đã ngoài 80 tuổi trong số 24 tân Hồng Y sẽ được  trao mũ đỏ ngày 20 tháng 11 sắp tới.

Cũng cần nói thêm là khác với thông lệ trong quá khứ khi Hồng Y được chọn từ những gia đình quí tộc ỏ Âu Châu hoặc những người được Giáo hoàng ưu đãi, thưởng công riêng, các Hồng Y ngày nay phần lớn xuất thân từ những gia đình đạo đức, bình dân, phải là nam giới và ít nhất  là  người có chức linh mục và  “ trỗi vượt về đạo lý, tác phong, đạo đức và khôn ngoan” ( x. giáo luật số 351 & 1). Nhưng thường là  các giám mục xuất sắc về đức độ và khả năng để có thể trở thành Giáo Hoàng cai quản Giáo Hội trong tương lai. Lại nữa, vì  Hồng Y có thể là linh mục, nên nếu vị  này được đắc cử Giáo Hoàng thì phải được Hồng Y niên trưởng tấn phong chức  Giám  Mục trước khi  đăng quang (nhậm chức Giáo Hoàng) ( x.giáo luật số 355, &1) .

 Tuy nhiên việc này chưa từng xẩy ra vì các Hồng Y từ nhiều thập niên qua đều là những vị có chức Giám mục  hay đã được tấn phong giám mục sau khi được phong tước Hồng Y.

 Như thế cho thấy chức Giám mục là chức thánh quan trọng nhất của Giáo Hội, vì Giám mục là những người kế vị các Thánh Tông Đồ trong chức năng và sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cứu độ, dạy dỗ chân lý và cai trị Giáo Hội. Chúa Giêsu xưa chỉ chọn các Tông Đồ, tức các giám mục kế vị các ngài mà thôi. Hồng Y không phải là một chức thánh mà chỉ là tước vị (Title) do Giáo Hội đặt ra vì nhu cầu chọn người kế vị Thánh Phêrô, tức Đức Thánh Cha cũng là Giám mục Rôma và  là Thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. 

Các Hồng Y họp lại thành Hồng Y Đoàn riêng biệt (College of Cardinals) do  một vị làm niên trưởng (Dean)

Có 3 đẳng cấp Hồng Y sau đây.

1-      Hồng Y Giám mục ; (Cardinal Bishops) là những giám mục từng coi sóc những giáo phận chung quanh Rôma nhưng nay là những Hồng Y thâm niên  làm việc trọn thời gian (full-time) trong Giáo Triều Roma. ( Roman Curia)

2-      Hồng Y Linh mục (Cardinal Priests) là những Hồng Y hoăc làm việc trong Giáo Triều hoặc đang coi sóc các Tổng Giáo Phận ngoài Roma  tức là các Tổng Giáo phận ở Ý hay ở các quốc gia trên thế giới như Paris, New York, Sydney, Houston, Saigon, Manilla v.v

3-      Hồng Y Phó Tế (Cardinal Deacons) từng là những Giám mục hiệu tòa (Titular Bishops) tức là không coi sóc Giáo phận nào, và đang làm việc trọn thời gian trong Giáo Triều.

Khi các Hồng Y họp kín để bầu Giáo Hoàng mới, Hồng Y Trưởng đẳng Phó tế sẽ công bố danh tánh vị được đắc cử và có thể thay thế Đức Thánh Cha để trao dây Pallium cho các tân Tổng Giám mục hoặc cho người đại diện các vị vắng mặt. ( x. giáo luật số 355, & 2)

Thêm nữa, tất cả các Hồng Y, khi được Đức Thánh Cha chọn và trao tước vị này,  đều được chỉ đinh tước hiệu (Title) của một thánh đường trong hoặc ngoài Rôma. Với tước hiệu đó,  tân Hông Y đến thánh đường được chỉ định để nhận tòa nhưng không có quyền quản trị nào về hành chánh, nhân sự cũng như tài sản của thánh đường đó, mà chỉ hiệp thông để hỗ trợ về mặt  tinh thần mà thôi. ( giáo luật số 357 &1)

Sau hết, tất cả  các Hồng Y,  nếu không đảm nhận chức vụ Tổng Giám Mục  để coi sóc các Tổng giáo phận ở đâu  trên thế giới, thì đều phải cư trú ở Rôma  hoặc phải trở về Giáo đô khi Đức Thánh Cha triệu tập để họp bàn việc gì quan trọng của Giáo Hội (giáo luật số 356)

LM. PX. Ngô tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC
DẤU CHỈ

 

Ắt hẳn tụi mình không xa lạ với những câu hỏi sau đây trong cuộc sống: Tôi phải làm gì? Hành động như vậy có đúng không? Làm sao tôi biết mình cần làm gì? Lúc nào là lúc thuận tiện? Tôi phải bắt đầu từ đâu? Liệu rằng sẽ có hậu quả?... 

Để trả lời, một trong những cách thông thường là tìm kiếm các dấu chỉ. Chúng rất cần thiết cho việc phân định của ta. Sẽ thật khó chịu, bối rối và thậm chí mạo hiểm nếu mình không tìm được những dấu chỉ rõ ràng, phải không bạn? Thiếu vắng các dấu chỉ tốt lành sẽ gian truân trong việc quyết định khôn ngoan. Nhưng đầy dẫy các dấu chỉ sai lạc thì ta lại rơi vào nguy cơ lẫn lộn giữa ánh sáng và bóng tối. 

Bạn mến, cho mình chia sẻ với bạn 3 câu chuyện có thật sau đây về việc thể hiện một dấu chỉ nhé. 

Câu chuyện thứ nhất: Cách đây khoảng hai tuần, mình gặp một chị không phải là Kitô hữu. Trong lúc trò chuyện, chị tuyên bố: “Nói thiệt nha, tôi không tin tưởng bất cứ một người nào đi nhà thờ!”

“Tại sao vậy?” mình hỏi chị ấy. 

“Anh biết sao không? Một người hàng xóm của tôi là người theo đạo Chúa. Cô ta ngày nào cũng đi Lễ. Trước đây tôi rất thán phục lòng sùng đạo của cô ta. Nhưng ngày kia tôi biết được cô ta làm một việc rất hiểm độc đối với một người bạn. Thế là tôi mất hết sự tôn trọng dành cho cô ta và đạo của cô ta từ trước đến nay. Tất cả chỉ là giả dối!” 

Mình thật sự ngạc nhiên về phản ứng khá dữ dội của chị ấy, nhưng cuối cùng mình chỉ đáp lại thế này: “Cảm ơn chị đã chia sẻ. Chị à, nếu cô ta đi nhà thờ mỗi ngày để học biết rằng Chúa luôn dạy mọi người phải đối xử nhân hậu với nhau bằng một tình yêu thương chân thành tận trong tim mà cô ta vẫn làm một việc xấu như thế. Chị thử tưởng tượng xem nếu cô ta không bao giờ đến nhà thờ thì cô ta sẽ còn kinh khủng đến mức nào?” 

Câu chuyện thứ hai: Cách đây ít lâu, có một sinh viên gửi cho mình một tin nhắn trên mạng và bộc bạch rằng muốn trở thành một người Công Giáo. Mình hỏi bạn ấy tại sao thì bạn trả lời: “Em thấy những người Công Giáo chung quanh em sống lạc quan và yêu thương người khác. Em muốn đời mình cũng giống như họ.” 

Câu chuyện thứ ba: Cách đây vài ngày, một người bạn chí thân của mình phát hiện ra trong não có một khối u. Các bác sĩ phải chích thuốc thẳng vào não của bạn ấy mà không được dùng thuốc tê vì lý do chuyên môn cho nên đau đớn vô cùng. Ngay sau khi điều trị cho bạn ấy, có hai bác sĩ – là những người không Công Giáo – đã viết cho mình thế này: “Sáng nay, trước khi nằm xuống để các bác sĩ chích thuốc, H đã làm dấu Thánh Giá bên đạo Chúa và mỉm cười với mọi người. Sau đó, H nhắm mắt lại và phó thác cho chúng tôi. Đau quá H đã cắn đứt cả môi nhưng không hề kêu la một tiếng nào. Rồi H bị ngất đi vì quá sức chịu đựng …. Chúng tôi rất ấn tượng và khâm phục đức tin của H, một cô gái rất bình thường mà lại quá phi thường trong cái bình thường ấy. H dạy chúng tôi về niềm tin vào Chúa. Chúng tôi đã học được một bài học giá trị. Một bác sĩ khác hỏi: H chỉ có giơ tay lên mặt vẽ có 3 cái [= dấu Thánh Giá] mà sao lại giá trị vậy?” Bạn thân mến, ta thấy ở đây một điều kì diệu: Tuy là bệnh nhân mà H đã trở thành người chữa bệnh niềm tin cho các bác sĩ đang chữa trị thể lý cho mình. Xin bạn cùng hiệp lời cầu nguyện cho bạn ấy vẫn đang phải trải qua việc điều trị đau đớn và nguy hiểm này. 

Bạn biết đấy, cách đây 45 năm, hơn 2.500 giám mục Công giáo trên toàn thế giới quy tụ nhau tại Roma suốt 3 năm trời (10/1962-12/1965) để bàn luận về các vấn đề đương thời của Giáo hội và thế giới. Cuộc họp nghiêm túc này được gọi là Công Đồng Vaticanô II. Một trong những đề tài quan trọng của Công đồng là “phân định các dấu chỉ thời đại” Nói đến đây, ta có thể muốn đặt vấn đề cho cá nhân mình: “Tôi đang có những dấu chỉ nào để giúp tôi quyết định? Làm sao tôi biết chúng tốt hay không?” Cầu mong tụi mình có được nhãn quan sáng suốt để phân biệt các dấu chỉ và có được khôn ngoan để làm theo hướng dẫn của những dấu chỉ chân chính. 

Bạn mến, nếu ta cần các dấu chỉ tích cực từ người khác để biết hành xử đúng thì ta cũng cần trở ngthành dấu chỉ tốt cho tha nhân. Nếu bạn nghĩ như thế là công bằng thì mời bạn cùng trả lời những câu hỏi sau đây: “Tôi đang là dấu chỉ như thế nào cho anh chị em xung quanh? Tốt hay xấu? Và rộng hơn nữa, trong tư cách là một cộng đoàn môn đệ của Thầy Giêsu, chúng ta đang trình bày cho thế giới dấu chỉ gì?” Bạn à, tụi mình đều biết rằng Hội Thánh được gọi để thi hành một sứ mệnh và chính vì sứ mệnh này mà Hội Thánh hiện hữu cho đến hôm nay. Sứ mệnh nào? Thưa, đó là tiếp nối bước chân Thầy Giêsu trong việc thể hiện dung mạo yêu thương của Thiên Chúa. Nói cách khác, cùng với nhau, ta được mời gọi để trở thành một dấu chỉ của Thiên Chúa. Bằng cách nào bạn nhỉ? Mình nghĩ là có nhiều cách độc đáo và sáng tạo nhưng cách tốt nhất vẫn là cách mà chính Thầy Giêsu đã dạy: “Cứ dấu này mà người ta nhận ra anh chị em là môn đệ của Thầy, là anh chị em yêu thương nhau.” (Gioan 13:35) 

Nguyện cho những lời này của Thầy Giêsu, Dấu Chỉ Tuyệt Hảo Nhất của Thiên Chúa Yêu Thương, cư ngụ trong trí lòng và chiếu sáng trong tâm hồn tụi mình để tụi mình trở thành dấu chỉ tốt lành cho những anh chị em mình gặp gỡ trên dòng đời này, những người có thể đang đau khổ vì hận thù, chia rẽ và tuyệt vọng. Chúc bạn an vui trong Thầy!

Giuse Việt, O.Carm. 

  

SIGNS 

We are not strange to questions like these: What should I do? Is this ok to take such an action? How do I know what I should do? When is the right time for that? Where do I begin? Would there be some consequence? ... 

To answer them, one of the usual ways is to look for some signs. Signs are necessary for our discernment. It will be quite uncomfortable, risky and confusing if we don’t have clear signs. Without good signs, it’s just difficult to wisely make up our minds. But with bad signs, it’s even dangerous since we are mixed up between darkness and light. 

Dear friend, allow me to share with you 3 true little stories about being a sign for others. 

The first story: About two weeks ago, I met a non-christian lady. In our conversation, she said: “To be frank, I don’t trust anyone who goes to church!”

“Why?” I asked.

“You know what? One of my neighbors is a Christian. She goes to church everyday. I used to admire her devotion very much until one day I found out she did something very evil to her friend. I lost all my respect for her and for her religion. It was all fake!” 

I was surprised by her strong reaction and simply responded to her: “Thanks for sharing. Well, if she went to church everyday to learn that God teaches everyone to be kind to one another with a sincere love in their hearts but she still did such an evil thing. Imagine if she had never been to church, what greater evil would she have done?” 

The second story: Not so long ago, a student sent me a message via the internet and told me that she wanted to become a Catholic. I asked her: “Why so?” She answered: “I see the Catholic people around me live optimistically and lovingly. I want to be like them!” 

The third story: Some days ago, one of my best friends who had a tumor in her brain. The doctors had to inject the medication directly into the tumor without using anesthesia since it was too dangerous for her health in this case. So, it was extremely painful. After the injection, two of the doctors sent me a message: “This morning, before the injection, she asked us to give her a short moment. She raised her hand, made the sign of the Cross and gave everyone a smile. Then she lied down on the operation bed and closed her eyes. It was so painful that she bit her lip without knowing it. But she did not utter any sound. Then she passed out. All of us doctors, non-catholic, were so impressed by her faith. That was the only topic we talked about during lunch today. She taught us about the value of her faith. Just a little sign of the Cross could make a difference. So amazing!” Being a patient, she even cured the vision and faith of the doctors. Please continue to pray for her as she continues this painful and dangerous treatment. 

My dear friend, forty five years ago, more than 2,500 Catholic bishops in the whole world came to Rome during more than 3 years (10/1962-12/1965) to discuss different issues of the Church and the world. One important aspect was “to discern the signs of the times.” Now, we may want to ask ourselves: “What signs do I have to support my decision making? How do I know if they are good signs?” May we have clear vision to distingish different signs and wisdom to follow positive signs to cleverly make up our minds. 

My friend, as we need good signs from others to make it right, in our turn, we also need to become positive signs for others. If you think it’s fair, then we need to answer the following questions: What sign am I to others? Is it good or bad? And more broadly we, as a community of Jesus’ disciples, what signs are we giving to the world? My friend, as we know, the Church is called for a mission and for this mission that the Church exists. What mission? That is to follow Jesus in making known the loving face of God to this broken world. In other words, together we are called to be a sign of God for others. How? I think there are many original and creative ways but the best way would be the very way that Jesus himself teaches us. He says: “By this everyone will know that you are my disciples, if you love one another.” (John 13:35) 

May these words of Jesus, The Best Sign of the Loving God, dwell in our minds and shine in our hearts so that we become a good sign for those around us who may suffer from hatred, division and despair. 

Joseph Viet, O.Carm

VỀ MỤC LỤC
VAI TRÒ TRẦN THẾ KHÔNG THỂ THAY THẾ CỦA NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN

  

NGUYỄN HỌC TẬP 

I - Vai trò không thể thay thế của người tín hữu giáo dân. 

1 - Đức Giáo Hoàng Gioan Pholồ II trong phần đầu của Tông Điệp " Người tín hữu giáo dân" (Christifideles laici) đã đề cập đến vai trò không thể thay thế của người tín hũu giáo dân trong các lãnh vực trần thế như sau: 

- " Trong thời điểm huy hoàng và thảm đạm nầy của lịch sử, trước ngàn năm thứ ba đang đến, những hoàn cảnh mới, đối với Giáo Hội cũng như xã hội, chính trị và kinh tế, hiện nay đòi buộc với một động lực đặc biệt tác động của các người tín hữu giáo dân. Nếu thái độ dững dưng buôn trôi lúc nào cũng có thể bị coi là cách hành xử không thể chấp nhận được, thì trước thời điểm hiện tại thái độ đó là thái độ phạm tội. Không ai được phép ăn không ngồi rồi phủi tay, điềm nhiên toạ thị " ( ĐTC Gioan Phaolồ II, Christifideles laici ( 30.12.1988), n. 3). 

Giải thích một cách nôm na câu văn vừa kể của Thông Điệp: người tín hữu giáo dân trưởng thành cần phải dấn thân rao giảng Phúc Âm và đem phục vụ Ki Tô giáo vào trần thế.

Nói cách khác, không có người tín hữu giáo dân trưởng thành và dấn thân, hiện nay Giáo Hội không thể  hiện diện được giữa trần thế với các động tác để chu toàn sứ mạng rao giảng Phúc Âm của mình.

Nói như vậy không có nghĩa là từ nay Giáo Hội có thể rao giảng Phúc Âm không cần có hàng giáo phẩm, mà là một nhận thức đức tin trưởng thành, để truyền bá Phúc Âm trong môi trường đổi mới của thế giới hiện tại.

Nhận thức trên nói lên xác tín của mọi thành phần Giáo Hội đều  đều có bổn phận  

   - " tham dự vào lãnh vực trần thế, là phận vụ phát xuất từ bản tính nội tại và sứ mạng của mình" ( ĐTC G. Phaolồ II, Christifideles laici, n. 15). 

Điều vừa kể về bổn phận hiện diện giữa trần thế của Giáo Hội đưa đến một kết luận quan trọng:

   - trần thế không phải là nơi lưu đày cần phải thoát ly, vượt ngục, trống chạy,

   - mà là một " không gian thần học ", nơi mà mọi tín hữu Chúa Ki Tô đều được mời gọi sống và tác động để rao giảng và nhân chứng cho ơn cứu rỗi của Chúa Ki Tô.

Người tín hữu giáo dân có bổn phận đặc biệt trong phận vụ tác động đó của cả Giáo Hội: 

- " Hình ảnh Phúc Âm về muối, ánh sáng và men bột, mặc dầu liên hệ đến bất cứ thành phần nào đối các môn đệ Chúa Giêsu, nhưng nói lên ý nghĩa áp dụng cá biệt đối với người tín hữu giáo dân. Đó là những hình ảnh mang những ý nghĩa huy hoàng, bởi vì nói lên không những người tín hữu giáo dân là những người được hội nhập  sâu đậm vào đất đai, vào trần thế, vào cộng đồng nhân loại, mà còn và nhứt là nói lên điều mới mẻ và đặc sắc của cộng cuộc hội nhập và tham dự của họ để phổ biến Phúc Âm cứu rỗi " ( ĐTC  G. Phaolo II, Christifideles laici, n. 15). 

Người tín hữu giáo dân, mặc dầu với đặc tính trần thế của mình ( Gioan XXIII, Mater et Magistra, n. 239), không phải là một cơ thể tách biệt, một tế bào lơ lửng trôi đó trôi đây trong cơ quan thân thể Giáo Hội.

Người tín hữu giáo dân không nhận lãnh lệnh dấn thân phục vụ xã hội và chính trị do Giám Mục hay Cha Sở " ủy thác" cho, mà lãnh nhận sứ mạng trực tiếp từ Chúa Giêsu trong Phép Rửa.

Ơn gọi sống và tác động giữa trần thế của họ là ợn gọi bẩm sinh, được củng cố thêm bằng Phép Thêm Sức và mỗi ngày lớn lên bằng Phép Thánh Thể, đặt người tín hữu giáo dân có địa vị và quyền hạn đầy đủ trong cộng đồng Giáo Hội.

Trong mối hiệp thông giữa các thành phần trong cộng đồng Giáo Hội với nhau, không có sự phân biệt về địa vị và trách nhiệm đối với sứ mạng chung của Giáo Hội:

" Một vài thành phần do ý muốn của Chúa Giêsu được thiết lập thành tiến sĩ, kẻ khác phân phát các Bí Tích , cũng như mục tử cho người khác, nhưng vẫn luôn hiện hữu quyền bình đẳng về địa vị và động tác chung đối với mọi tín hữu trong việc xây dựng thân thể Chúa Ki Tô" ( Lumen Gentium, n. 32). 

2 - Phận vụ tổng hợp của người tín hữu giáo dân.

Trở lại vai trò của người tín hữu giáo dân, chúng ta thấy được họ là những người có vai trò " tổng hợp".

Trước hết, trong cuộc sống cá nhân của mình, người tín hữu giáo dân là người tổng hợp

   - giữa đức tin và cuộc sống lịch sử trần thế,

   - giữa đức tin và văn hoá,

   - giữa đức tin và chính trị,

mà chính Giáo Hội cũng phải hành xử tương tợ để có thể " hiện diện" rao giảng Phúc Âm giữa trần thế. 

   - " Nhân chứng huy hoàng và có sức thuyết phục của sức mạnh có khả năng  chuyển đổi của Phúc Âm là sự tổng hợp sống động mà người tín hữu giáo dân biết thực hiện giữa Phúc Âm và cuộc sống thường nhật " ( ĐTC G. Phaolồ II, Christifideles laici, n. 34). 

Cũng vậy nhân chứng có khả năng thuyết phục của một nền văn minh mới mẻ đặt nền móng trên tình thương mà Giáo Hội có thể thực hiện được là

- khả năng tổng hợp giữa Lời Chúa và cuộc sống,

- giữa rao giảng Phúc Âm và thăng tiến con người,

- giữa tình thương đối với Chúa và phục vụ anh em.

Bổn phận không ai có thể thay thế được đó là bổn phận của người tín hữu giáo dân, đem ra thực hành những gì hàm chứa trong  huấn vụ xã hội của Giáo Hội.

Chỉ có thể qua người tín hữu giáo dân, mà Giáo Hội hiện diện được đầy đủ và hiệu nghiệm nơi trong các lãnh vực trần thế, và thực hiện được trung thành sứ mạng mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho, khi Người lập Giáo Hội: loan báo và thực hiện ơn cứu rỗi bằng rao giảng Phúc Âm và thăng tiến con người.

  

II - Vai trò người tín hữu giáo dân trong chính trị.

   a) Chưa bao giờ Giáo Hội nhấn mạnh đến việc người tín hữu giáo dân cần thiết phải hiện diện và hiện diện năng động, kể cả chủ động, trong lãnh vực xã hội và chính trị như hiện nay.

Giáo Hội luôn luôn nhắc đi nhắc lại và nói một cách rõ ràng việc cần thiết người tín hữu giáo dân trung thực biến đổi, chuyển hóa các nội dung huấn dụ xã hội, mà Giáo Hội đã liên tục huấn dạy trên 100 năm nay, thành thực hành, biến xã hội con người đang sống thành tổ chức một " xã hội tình thương".

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II đã khuyến khích người tín hữu giáo dân phải hiện diện tích cực, năng động và chủ động trong lãnh vực xã hội và chính trị, ngay cả việc dấn thân vào các lãnh vực vừa kể, lãnh vực của những ai hành xử công quyền, có thể là môi trường và cơ hội cho nhiều nguy hiểm lệch lạc luân lý: 

- " Người tín hữu giáo dân không thể vắng bóng trong việc tham dự vào chính trị (...).Những tố cáo cho rằng làm chính trị là làm để được thành đạt, lấy quyền bính làm thần tượng, là môi trường đầy tham nhủng (...) hay ngay cả ý kiến cho rằng (...) chính trị là môi trường chắc chắn sẽ đưa đến nguy hiểm luân lý. Tất cả những suy nghĩ đó không cách gì có thể biện minh cho tâm trạng tiêu cực, cũng như cho " thối thoát vắng bóng" của người tín hữu Chúa Ki Tô trong công việc chung " ( ĐTC  G. Phaolồ II, Christifideles laici, n. 42).  

Lý do tại sao Giáo Hội luôn luôn mời gọi khẩn thiết và nhấn mạnh sự hiện diện không thể thiếu của người tín hữu giáo dân trong chính trị?

a) Chuổi thứ nhứt của các lý do, đó là những thay đổi sâu đậm về xã hội trong thời đại chúng ta.

Những cuộc thay đổi và khủng hoảng của thế giới hiện đại trực tiếp kêu cứu đến Giáo Hội, đến suy tư và động tác của các tín hữu trong Giáo Hội.

Công Đồng Vatican II đã nhiều lần nhấn mạnh đến ảnh hưởng của Giáo Hội liên quan đến các hoàn cảnh lịch sử và đến các biến chuyển xã hội ,văn hoá:

   - " Giáo Hội cùng bước đi với cả nhân loại và có kinh nghiệm cùng chung số phận với thế giới" ( Gaudium et Spes, n. 41). 

Bức tường Bá Linh đã sụp đổ, vừa đánh dấu biến cố phá sản của ý thức hệ cuối cùng còn sót lại của thế kỷ 18. vừa báo động cho chúng ta biết những thử thách luân lý của thế kỷ 20 mà chúng ta còn đang nắm trong tay.

Giải quyết vấn đề, liên quan đến một tương lai tươi đẹp hơn cho nhân loại, hệ tại ở việc chuyên cần, dấn thân canh tân hoá xã hội và chính trị, có khả năng giải đáp thoả đáng các liên quan luân lý của những khúc mắc cần được giải quyết.

Hiện nay không ai còn ngây thơ cho rằng một xã hội lý tưởng mới được phát sinh chỉ  là kết quả của phương thức tổ chức hiệu năng và hữu hiệu kinh tế, luật pháp hay quân sự.

Tất cả chúng ta đều xác tín rằng, tương lai ngày mai sẽ sáng lạng hơn, cùng chung với việc thay đổi và thích hợp hơn các phương thức cấu trúc cho cuộc sống chung, nếu chúng ta thực hiện được những thay đổi về tâm thức và lối sống, được hướng dẫn bằng những thay đổi theo những giá trị chính xác luân lý và tôn giáo.

Nhìn lại thế kỷ 20 vừa qua đi, chúng ta thấy những gì đã xảy ra, chứng thực một cách thảm đạm và chính xác những gì Đức Giáo Hoàng Phaolồ VI đã tuyên đoán: 

   - " Con người chỉ có thể thực hiện được chính mình, bằng cách siêu nhiên hoá chính mình( se transcendendum)...Dĩ nhiên, con người có thể tổ chức cuộc sống trần gian không cần có Chúa, nhưng không có Chúa, thế nào rồi con người cũng sẽ tổ chức cuộc sống làm hại cho chính mình" ( Paolo VI, Populorum progressio, n. 42).  

Giữa cơn khủng hoảng siêu nhiên và luân lý như vừa kể của cuộc sống xã hội hiện tại, làm sao người tín hữu Chúa Ki Tô lại có thể vắng bóng được?

b) Giáo Hội đã trưởng thành - nhứt là nhờ Công Đồng Vatican II -, ý thức hơn về các liên hệ của sứ mạng truyền giáo của mình, sứ mạng rao giảng Phúc Âm  mà mình có bổn phận đem đến cho con người liên hệ và hàm chứa bổn phận, ánh sáng và sức mạnh có thể góp phần để làm cho sinh trưởng ra một xã hội mới, công bằng hơn, thân hữu và liên đới hổ tương hơn, yêu thương hơn cho cộng đồng nhân loại.

Ý thức hơn về sứ mạng của mình và về mối liên quan nội tại giữa rao giảng Phúc Âm và thăng tiến con người, nói lên một chuổi các nguyên cớ khác, khiến Giáo Hội hôm nay xác nhận rằng mình có quyền và bổn phận hiện diện trong xã hội con người.  

Góp phần xây dựng một xã hội nhân bản hơn, liên đới thân hữu hổ tương hơn là phần thiết yếu của chính sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. 

Bởi đó càng lúc càng thường xuyên hơn, không những Giáo Hội cho biết lý do về việc huấn dạy,

   - đưa ra các chỉ thị liên quan đến khuôn mẫu xây dựng một xã hội nhân bản, xứng đáng với nhân phẩm con người, con Thiên Chúa của mình,

   - mà còn đưa ra những tiêu chuẩn phải có cho việc kiến tạo và thực thi xã hội lý tưởng đó. 

Qua những gì vừa kể, các tiêu chuẩn mà Giáo Hội đưa ra liên quan đến việc tổ chức một xã hội tốt đep hơn cho con nguời gồm hai lãnh vực:

   +) Việc lựa chọn đường lối xã hội- chính trị của người tín hữu giáo dân:  

   - " Người tín hữu giáo dân có bổn phận làm cho Giáo Hội thể hiện và năng động tích cực ở những nơi và trong những trường hợp, trong đó Giáo Hội không có cách nào trở thành muối cho thế gian, nếu không phải là qua chính họ" ( Lumen Gentium, n.33), nghĩa là trong những lãnh vực trần thế, để chia xẻ số phận và các vấn đề của người nghèo, của kẻ bị loại ra bên lề xã hội, trong các hoàn cảnh tương phản và tranh chấp xã hội, trong lãnh vực việc làm, trong gia đình, học đường, nghề nghiệp. 

  +)  Việc lựa chọn có tính cách tôn giáo, của cộng đồng Giáo Hội:

Chính việc lựa chọn tính cách tôn giáo của cồng đồng Giáo Hội là hình thức hiện diện thứ hai trong xã hội của Giáo Hội, hiện diện qua những ai nhờ ơn gọi được mời gọi trở thành thừa tác viên, đáp ứng lại ơn kêu gọi của mình.

Ơn gọi sống đời người tín hữu giáo dân và ơn gọi chủ chăn, thừa tác viên qua phép truyền chức, không phải là hai lối chọn lựa trái ngược nhau, cho bằng là hai cách sống bổ túc cho nhau.

Như mọi nổ lực rao giảng Phúc Âm cần được thể hiện bằng động tác phục vụ biến cải xã hội thành xã hội xứng đáng với nhân phẩm con người,

cũng vậy mọi cuộc dấn thân chuyên cần để thăng tiến con người, phục vụ dưới ánh sáng Phúc Âm, luôn luôn biến thành động tác rao giảng Phúc Âm: 

   - " Hành động vì công lý và tham gia cải tiến thế gian đều thể hiện rõ rệt cho chúng ta chiều hướng cấu trúc cho việc rao giảng Phúc Âm, nghĩa là sứ mạng của Giáo Hội đem ơn cứu rỗi đến cho nhân loại và giải phóng con người khỏi mọi trạng thái áp bức" ( Sinodo 1971, Documento sulla  giustizzia nel mondo, Introduzione, in EV IV/1243).

Qua những tư tưởng dẫn nhập vừa được đề cập, lịch sử và thần học, Giáo Hội có thể rút ra những lý do chính cho việc nhấn mạnh mời gọi người tín hữu giáo dân dấn thân vào các lãnh vực xã hội, nhứt là lãnh vực chính trị.

 

III -

A - Tầm vóc quan trọng của chính trị.

Có hai lý do thúc đẩy Giáo Hội nhấn mạnh đến bổn phận của người tín hữu giáo dân tích cực dấn thân vào chính trị:

a) Lý do thứ nhứt được đặt nền tảng trên vai trò quyết định của chính trị đến đời sống cá nhân và xã hội của con người, mặc cho những bất toàn và giới hạn của nó.

Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm trên bản thân những quyết định chính trị liên quan đến mình, ảnh hưởng đến đời sống cá nhân và xã hội của mình?

- Việc tăng thuế trên giá xăng dầu,

- tăng hay giảm thuế trị giá gia tăng của các sản phẩm nhu yếu,

- tăng giá phiếu khám sức khoẻ mỗi khi vào bệnh viện,

- tăng thêm hay giảm lệ phí học đường đối với con em, tùy theo lợi tức của phụ huynh,

- tăng thêm mức tuổi thối thiểu để được về hưu...

Đó là gì, nếu không phải là những quyết định chính trị, đụng chạm thẳng đến mức sống vá túi tiền của chúng ta?

Đó là chưa kể nên đánh hay làm hoà với Cam bot, Ký thoả ước thương  mãi với Hoa Kỳ và Tây Âu hay với trung Cộng, hay bán đất nhượng biển cho Trung Cộng, để Trung Cộng " gật đầu " cho phép " bịt miệng" đàn áp thẳng tay những ai " hó hé " đòi dân chủ, nhân quyền, những quan niệm mà Trung Cộng chưa bao giờ có khả năng hiểu nổi? 

b) Lý do kế đến có tính cách thần học: chính trị có nguồn gốc căn nguyên được đặt trên bản thể con người và cuộc sống xã hội của con người.

Nói cách khác, chính trị được đặt nền tảng trên chính bản thể con người, trên những gì Chúa muốn cho cách sống của con người, khi Ngài dựng nên con người:  

   - " Dĩ nhiên là cộng đồng chính trị và công quyền có nền tảng của chúng được đặt trong bản tính của con người và do đó thuộc về trật tự đã được Chúa thiết lập" ( Gaudium et Spes, n.74). 

Như vậy chính trị, nếu được tổ chức và sống hành xử một cách chính đáng phải có, trong tinh thần phục vụ, thành tín và tương ứng với khả năng, là một trong những hoạt động quan trọng nhứt.

Bởi vì chính trị ảnh hưởng một cách quyết định đến cuộc sống con người và liên hệ đến các khía cạnh nền tảng của đời sống cá nhân và chung sống xã hội: gia đình, việc làm, sức khoẻ, học đường, nhà cửa và cả đến việc bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người.

Hơn nữa, nhiều quyết định chính trị ảnh hưởng quan trọng đến các thế hệ tương lai và đến vận mệnh của nhân loại, nhứt là trong viễn ảnh liên hệ toàn cầu hoá của thế giới hiện tại của chúng ta.

Còn nữa, sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, ý thức hệ không tưởng của  Cộng Sản đã bị phá sản, cuộc chống đối giữa ý thức hệ Cộng Sản và không Cộng Sản không còn nữa, ít nhứt là đối với những Quốc Gia Tây Âu, ( nếu không phải là những cuộc chống đối cuối cùng để đánh sập tiệm một vài nhóm lãnh đạo cố chấp nào đó, còn cố bám díu để giữ lấy quyền hành, chà đạp con người và hút máu dân)

Nhưng một khi cuộc những cuộc chạm trán ý thức hệ không còn, xã hội dễ trở thành xã hội đa nguyên và nếu xã hội đa nguyên không có được những giá trị cố định về con người hướng dẫn, xã hội sẽ trở thành bất định và dễ băng hoại.

Người tín hữu Chúa Ki Tô là những người mang trong mình giá trị cao cả về địa vị con người, có thể góp phần quan trọng định hướng cho xã hội. 

B - Thăng tiến con người là yếu tố thiết yếu của sứ điệp Phúc Âm.

Và đây là những gì chúng ta biết được về đề tài đang bàn qua các Văn Bản

Tổng Lược Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội:

( Compendio della Dottrina Sociale della Chiesa).

N. 66:  Huấn dụ xã hội là phần thiết yếu của chức năng rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội.

Tất cả những gì có liên quan đến cộng đồng con người, đến các hoàn cảnh và vấn đề liên quan đến công lý, giải thoát, phát triển, liên hệ giữa các dân tộc, hoà binh, không phải là những gì ngoại tại không liên quan gì đến rao giảng Phúc Âm. Và việc rao giảng Phúc Âm sẽ không đầy đủ, nếu lời kêu gọi vẫn tiếp tục không liên kết nhau giữa Phúc Âm và đời sống thực tế, cá nhân và xã hội của con người.

Giữa rao giảng Phúc Âm và thăng tiến con người có những mối liên hệ sâu đậm: 

   - Các mối liên hệ trên bình diện nhân loại, bởi vì con người được Phúc Âm rao giảng cho không phải là một con người trừu tượng, mà là con người với các điều kiện xã hội và kinh tế thiết thực của mình.

  - Các mối liên hệ trên bình diện thần học, bởi vì không ai có thể tách rời chương trình tạo dựng ra khỏi chương trình cứu rỗi được. Bởi lẽ chương trình cứu rỗi liên hệ đến cả những hoàn cảnh thực tại bất công cần phá đổ và hoàn cảnh thực tại công bình cần được xây dựng.

  - Các mối liên hệ đặc biệt trên bình diện Phúc Âm, đó là mối liên hệ đến bác ái: thật vậy, làm sao có thể tuyên bố một điều răn mới, mà không thăng tiến công lý và hoà bình thực sự, thăng tiến thực sự làm cho con người được triển nở hoàn hảo" ( ĐTC Phaolồ VI, Evangelium nuntiandi, n.31). 

N. 67:" Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội tự mình đã có giá trị là một dụng cụ để loan truyền Phúc Âm" ( ĐTC G. Phaolồ II, Christifideles laici, n. 31).

Và Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội luôn luôn được phát triển và canh tân giữa sứ điệp Phúc Âm và lịch sử con người.

Hiểu như vậy, chúng ta hiểu được Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội là phương thức đặc biệt để thực thi phận vụ rao giảng lời Chúa và phận vụ ngôn sứ: 

   - " Đối với Giáo Hội, huấn dạy và phổ biến Huấn Dụ Xã Hội thuộc về sứ mạng rao giảng Phúc Âm của mình và là phần chính yếu của sứ điệp Ki Tô giáo, bởi vì các huấn dụ đó cống hiến cho con người những hệ trong trực tiếp đến cuộc sống xã hội, đặt khuôn viên cho các động tác thường nhật và chiến đấu cho công chính bằng nhân chứng rằng Chúa Ki Tô là Đấng Cứu Thế" ( ĐTC G. Phaolồ II, Christifideles laici, II, n. 5).  

Như vậy Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội không phải là một lợi điểm hay hành động ngoại vi, thêm vào sứ mạng của Giáo Hội, mà chính là trung tâm điểm của phận vụ.

Qua Huấn Dụ Xã Hội,

   - " Giáo Hội loan báo Thiên Chúa và mầu nhiệm cứu rỗi của Chúa Giêsu cho mỗi con người, và đồng thời cũng mạc khải chính con người cho con người" ( id., n. 54).( Pontifico Consiglio della Giustizia e della Pace, Compendio della Dottrina Sociale della Chiesa, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticana, 2004, 35-36). 

Và phận vụ đó của Giáo Hội, được thực thi không những bằng lời rao giảng, mà còn bằng cả nhân chứng.

Thượng Hội Đồng các Giám Mục năm 1987 về " Ơn kêu gọi và sứ mạng của người tín hữu giáo dân trong Giáo Hội và giữa trần thế ", lấy lại đề tài vừa đề cập đến, được Công Đồng Vatican II đưa ra ánh sáng và được Thượng Hội Đồng năm 1971 xác nhận, trong lời kêu gọi cuối cùng như sau: 

   - " Việc dấn thân vào động tác xã hội - chính trị của người tín hữu giáo dân, có nguồn gốc từ trong đức tin của họ, bởi vì đức tin soi sáng toàn vẹn con người và đời sống (...). Bởi đó muốn sống chính trực đời sống đức tin và đời sống thường nhật của mình, cách sống đó phải được đi đôi với việc dấn thân của người tín hữu giáo dân vào lãnh vực công cộng, vào việc họ tham dự vào các cơ chế chính trị và xã hội, cũng như góp phần vào cuộc sống thường nhật để thấm nhuần các cấu trúc và hoạt động trần thế bằng ánh sáng Phúc Âm" ( Sinodo 1987, Vocazione e missione dei laici nella Chiesa e nel mondo, Appello finale, . 10, in EV  X/2230).   

Thăng tiến con người và rao giảng Phúc Âm liên hệ chặt chẽ với nhau.

Do đó, không thể có môt cuộc rao giảng Phúc Âm thực sự với ý nghĩa đầy đủ phải có, nếu không tạo được tiến bộ xã hội và thăng tiến con người.

Thật vậy, Đức Giáo Hoàng Gioan Pholồ II đã xác quyết với chúng ta: 

   -  " Con người là con đường tiên khởi và căn bản của Giáo Hội, con người được hiểu theo chân lý trọn vẹn việc hiện hữu của mình, của cá nhân con người mình và của những gì liên hệ đến thực thể cộng đồng và xã hội của mình" ( ĐTC  G. Phaolồ II, Redemptor hominis, n. 14, in EV  VI/1209). 

Rao gỉang Phúc Âm không chỉ có nghĩa là loan báo minh bạch sứ điệp Ki Tô giáo, mà đồng thời còn có nghĩa là soi sáng lương tâm và trí nảo bằng ánh sáng Phúc Âm, thông truyền cho con người nghị lực và phương thế có tính cách luân lý - tôn giáo, mặc dầu là nghị lực và phương thế có tính cách siêu nhiên, có khả năng định hướng các lựa chọn trần thế, văn hóa, xã hội, chính tri, kinh tế, để góp phần quan trọng xây dựng một cuộc sống xứng đáng với con người hơn, công chính hơn.

Điều vừa kể giải thích tại sao Lời Chúa, cần phải được " hội nhập văn hoá " ( inculturazione) , nếu muốn được mọi người hiểu rõ và tự do đón nhận.

" Hội nhập văn hóa" là Lời Chúa phải được diển dịch thành những giá trị, tư tưởng, ngôn ngữ và phong tục tập quán của mỗi dân tộc.

Và như vậy, một khi được tự do đón nhận, Lời Chúa  có thể định hướng, qua tiến trình trung gian điều giải ( mediazione) đối với chính trị, nền tảng cấu trúc và cơ chế Quốc Gia.

Không thể rao loan báo và sống Phúc Âm trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nếu chúng ta không thay đổi và cải thiện được thế giới con người, dĩ nhiên là cải thiện cả đường lối chính trị:

   - người công nhân hay chủ nhân hành động như là người tín hữu Chúa Ki Tô trong lãnh vực mình, thay đổi và cải thiện hoá thế giới làm việc.

   - học sinh, sinh viên và giáo chức sống sứ mạng học đường như là bổn phận phải có của người tín hữu Chúa Ki Tô, họ thay đổi cà cải thiện hóa thế giới học đường.

   - nhà chính trị tác động lãnh vực chính trị, như là bổn phận phải có của người tín hữu Chúa Ki Tô, nhà chính trị thay đổi và cải thiện hóa thế giới chính trị.


VỀ MỤC LỤC
ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

 

[BẢN THẢO]

LINH MỤC GIÁO PHẬN SỐNG TU ĐỨC TOÀN DIỆN

TRONG BỐI CẢNH THỰC TẾ CỦA GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI VIỆT NAM HÔM NAY

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

CHƯƠNG BA 

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

ĐƯỢC ĐÀO TẠO VÀ TỰ ĐÀO TẠO  VỀ ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN VÀ ĐỜI SỐNG NỘI TÂM 

“Hãy luyện tập sống đạo đức, vì luyện tập thân thể thì lợi ích chẳng là bao, còn lòng đạo đức thì lợi ích mọi bề, bởi Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như tương lai cho người có lòng đạo đức”[1]

 

A. NHẬP ĐỀ TỔNG QUÁT 

A.1 Cầu nguyện là gì?

Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Có bao giờ chúng ta thử nín thở lâu lâu một chút không? Nếu bị ngộp thở hay bị hơi ngạt không thở được, liệu con người có còn sống được không? Điều xảy ra cho cơ thể cũng sẽ xảy ra cho đời sống thiêng liêng của chúng ta khi chúng ta ngưng cầu nguyện. Tự đáy tâm hồn mình, con người luôn luôn khát khao Thiên Chúa. Cầu nguyện, dưới hình thức này hay hình thức khác, là hơi thở của linh hồn. Người ta có thể trói buộc tay chân con người, khóa chặt miệng lưỡi con người, nhưng không ai có thể ngăn cản con người cầu nguyện. Cầu nguyện là nhựa sống của tâm hồn. Con người có thể chết dần trong thân xác vì bệnh tật, đau đớn hay bị hành hung, nhưng lời cầu nguyện nối kết tâm hồn con người với Thiên Chúa và đem lại cho con người sức sống vượt lên trên mọi thử thách và chết chóc.

Hãy tưởng tượng một tình bạn không chia sẻ hiệp thông và không dành thời giờ cho nhau thì tình bạn đó có tồn tại được không? Để duy trì tình bạn tốt, chúng ta cần dành cho nhau những khoảnh khắc nghĩa tình trong cuộc sống: chia sẻ, tâm sự, chỉ bảo huynh đệ, xin lỗi, tha lỗi, quyết tâm chung cho một mối quan hệ tốt đẹp hơn trong đời sống ơn gọi và sứ vụ mục vụ. 

Cũng thế, cầu nguyện là dành thời giờ thân mật cho Chúa, nói với Chúa và lắng nghe Chúa nói với mình. Chúa làm sao đổ đầy cuộc sống chúng ta niềm vui, ánh sáng, sức mạnh và thành quả, nếu chúng ta không dành thời giờ sống với Ngài, tìm biết Ngài, yêu mến Ngài, đi vào tương quan năng động và riêng tư với Ngài bằng cầu nguyện? Chính Chúa Giêsu đã nói rõ rằng nếu không có Ngài thì chúng ta chẳng làm được gì. 

Chính Chúa Giêsu đã sống đời cầu nguyện kết hiệp liên lỉ với Chúa Cha. Ngài cầu nguyện một mình nơi thanh vắng hay giữa đám đông, sáng sớm tinh sương hay lúc chiều xuống đêm về, có khi suốt cả đêm... Chính Ngài đã dạy cho môn đệ cách cầu nguyện, đặc biệt qua Kinh Lạy Cha. Và Ngài dạy phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, vì tinh thần thì nhẹ nhàng chóng vánh nhưng xác thịt lại nặng nề yếu đuối. 

Cầu nguyện là nguồn ánh sáng và nghị lực xuất phát từ Chúa để làm sống động và nuôi dưỡng toàn bộ đời sống ơn gọi và hoạt động tông đồ của mỗi người và mỗi cộng đồng, với ân huệ là sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần trong lòng mỗi người. Cầu nguyện làm cho con người có khả năng hướng về Thiên Chúa và gọi Ngài là Cha với niềm tin tưởng thảo hiếu. Cầu nguyện là quà tặng Chúa ban làm cho chúng ta được bám rễ sâu trong đức tin. Cách cầu nguyện đích thực là cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu, cầu nguyện với Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu mà cầu nguyện với Chúa Cha, hòa nhập trong mối hiệp thông với lời cầu nguyện của Hội Thánh: Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô...  

Cầu nguyện nuôi dưỡng và phát triển đời sống thiêng liêng, nghĩa là sống tiếp thông với Chúa, không ngừng đổi mới nội tâm, khởi đầu và khởi đầu lại mãi cho mọi cuộc canh tân trong Hội Thánh, nhờ tác động và sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Chính Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Thiên Chúa thấu suốt tâm can con người…và Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.[2] Chính Chúa Giêsu đã nói: “Giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật."[3]  

Chúng ta nhờ Thánh Thần mà dâng lời cầu nguyện như của lễ xứng hợp và đẹp lòng Thiên Chúa. Làm sao Chúa có thể từ khước lời cầu nguyện phát xuất từ tinh thần và sự thật mà Người đòi hỏi?, nhất là khi cầu xin nhân danh Chúa Giêsu.[4] Chúa có thể ban cho ta điều ta xin, nhưng khi Ngài không ban điều chúng ta xin thì hãy hiểu rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta điều tốt hơn, là một biến đổi nội tâm và tinh thần, chẳng hạn lời cầu nguyện sẽ huấn luyện chúng ta biết nhẫn nhục chịu đựng nghịch cảnh, có sức mạnh nhận ra ơn thánh và điều Chúa muốn, tức là những ơn của Chúa Thánh Thần và chính Chúa Thánh Thần vậy. 

Trong sứ điệp ngày 14/4/2008 gửi tất cả các linh mục trên khắp thế giới, Bộ Giáo Sĩ khẳng định rằng cầu nguyện phải là ưu tiên số một của linh mục. Và muốn được như thế, linh mục phải chiêm ngắm con người toàn thể của Chúa Giêsu và tương quan mật thiết với Ngài, đồng hóa hoàn toàn chính mình với Ngài, mà Thánh Thể là nơi tuyệt hảo để củng cố thực thể đời sống linh mục, như người ta cần thở để sống.[5]

 

A.2 Cầu nguyện giúp ta gặp được Chúa

Mẹ thánh Têrêsa Avila đã nói: “Nếu con đi tới cùng trời cuối đất, con sẽ tìm được dấu vết của Thiên Chúa. Nhưng nếu con vào tận sâu thẳm tâm hồn con, con sẽ tìm gặp được chính Ngài,” vì Chúa Giêsu đã cho biết nếu ai yêu mến Ngài và tuân giữ lời Ngài thì Ngài và Chúa Cha sẽ đến và ở trong người ấy.[6]

 Nếu không có đời sống nội tâm, không có sự thinh lặng bên ngoài lẫn sự thinh lặng bên trong, không đi vào nội tâm mình mà chỉ sống hời hợt bên ngoài, thì làm sao chúng ta gặp được Chúa đang ngự trong nơi bí ẩn ấy và hằng tác động, hướng dẫn cuộc đời chúng ta?

Có câu chuyện hư cấu nói rằng khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã ưu ái ban cho con người thần tính của mình và giao cho con người quyền điều khiển tất cả tạo thành. Với đặc ân ấy, con người được thông minh và quyền thế trổi vượt trên muôn loài, nên ngày càng kiêu ngạo, không muốn vâng phục cả Thiên Chúa nữa. Triều đình thiên quốc bèn bàn cách đối phó ngăn con người khỏi ra hư đốn.  

Một vị thiên thần đề nghị lấy thần tính của con người chôn sâu dưới đáy đại dương để nó không thể chui xuống lấy lên được. Một vị khác đề nghị đem thần tính của con người giấu trên chín tầng cao xanh không gian để nó không trèo lên lấy xuống được. Một vị khác nữa để nghị phá hủy thần tính của con người đi để nó ra ngu muội không thể lên mặt kiêu căng và phản nghịch được nữa.

Sau khi nghe tất cả những đề nghị đó, Thiên Chúa mỉm cười bảo: “Các đề nghị thật hay, nhưng mà không hiệu quả, vì thần tính thì không thể nào bị phá hủy được, còn đem giấu dưới đáy vực thẳm hay trên tận cùng không gian thì rồi ra với trí óc thông minh và khả năng khoa học ngày càng tiến bộ có ngày con người cũng đạt tới được.”

Các thiên thần có vẻ lo lắng và thất vọng. Thiên Chúa lại mỉm cười đưa ra giải pháp: “Các ngươi hãy lấy thần tính của con người giấu ở trong sâu thẳm tâm hồn nó, con người ngày càng chỉ biết hướng ngoại và sống hời hợt theo bề ngoài, nó sẽ không đi vào nội tâm của mình để thấy mà lấy lại được đâu.”

Như vậy chỉ có cầu nguyện, với đời sống nội tâm sâu xa, mới gặp được Thiên Chúa, kết hiệp mật thiết với Ngài. Đời sống cầu nguyện và đời sống nội tâm làm phong phú và nuôi dưỡng đời sống và sứ vụ linh mục. Do đó, cchúng ta không chỉ học triết học, thần học, các khoa học xã hội và nhân văn, nhưng chúng ta cũng cần được các nhà đào tạo giúp biết cầu nguyện và chiêm ngắm ở trong và qua các đòi hỏi kiến thức hàn lâm này. Chính ở nền tảng hành động tông đồ của chúng ta, cũng như ở những lãnh vực hoạt động khác, chúng ta luôn phải có một sự kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, được vun trồng và tăng trưởng ngày một hơn.


[1] 1 Tm 4,7-8.

[2] Rm 8,26-27.

[3] Ga 4, 23-24.

[4] x. Ga 16,23-24: Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.

[5] VietCatholic News (Thứ Tư 16/04/2008 09:14)

[6] Ga 14,23.

 

VỀ MỤC LỤC
BÍ QUYẾT CHINH PHỤC CHỒNG

 

Tác phẩm: Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

 

A16. BÍ QUYẾT CHINH PHỤC CHỒNG

Chuyện xảy ra tại Hoa Kỳ:

Một người đàn bà nọ đến văn phòng cố vấn hôn nhân để xin hướng dẫn về ly dị… Bà cho biết, bà đang hận chồng và bà chỉ muốn được ly dị, bà nghĩ, đây là cách làm cho ông ta đau khổ hơn cả. Nghe thế, chuyên gia về gia đình mới khuyên bà như sau: “Để được như bà muốn, tôi khuyên bà hãy về và kể từ nay, hãy thử dùng mọi lời lẽ để ca tụng chồng bà. Khi ông ta cảm thấy sống mà không thể thiếu bà, khi ông ta cảm thấy bà yêu ông ta hết lòng, lúc bấy giờ bà hãy xin ly dị. Đó là cách thế hay nhất làm cho ông ta đau khổ hơn cả”.

Vài tháng sau người đàn bà trở lại văn phòng của viên cố vấn. Vừa gặp bà, ông ta liền đề nghị: “Nào chúng ta bắt đầu bàn đến thủ tục ly dị”. Người đàn bà liền kêu lên với tất cả giận dữ, “Ai bảo ông là tôi muốn ly dị, không bao giờ. Bây giờ thì tôi chỉ biết yêu thương và làm đẹp lòng chồng tôi”.

Với câu chuyện trên đây, chúng tôi muốn được gửi tới những người vợ trẻ một bí quyết để xây hạnh phúc gia đình. Họ chỉ có thể chinh phục được chồng bằng tình yêu thương và sự dịu dàng mà thôi.

1. Chỉ cần một thời gian ngắn chung sống với nhau, người vợ sẽ thấy được hầu hết những khuyết điểm của chồng. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Đây là kinh nghiệm chung của những ai sống đời vợ chồng. Điều quan trọng không phải là nhận ra những khuyết điểm của chồng, mà biết được những phản ứng của chính mình. Trước những khuyết điểm của chồng, thái độ thông thường của nhiều người là giận dữ. Phản ứng này dễ đưa đến những cãi vã to tiếng và xúc phạm đến nhau. Có những người đàn bà khi khám phá ra những khuyết điểm của chồng, thì lại rơi vào thất vọng chán nản và giữ mãi trong lòng nỗi đắng cay chua xót. Thái độ này dĩ nhiên chỉ làm cho mối quan hệ giữa hai người ngày thêm tồi tệ.

Trước những khuyết điểm của chồng, thái độ tốt nhất chính là thích nghi với hoàn cảnh, thích nghi có nghĩa là hành động với tất cả kiên nhẫn dịu dàng và yêu thương. Đó là cách thế duy nhất có thể giúp sửa đổi được chồng. Một tác giả đã ví von: “Người chồng là ly cà phê đen. Cà phê càng đen thì cần phải có nhiều đường”. Thật thế, sự bạo động của người vợ trong lời nói hay trong cách cư xử sẽ không bao giờ thuyết phục được chồng; trái lại, chỉ có tình yêu, sự dịu dàng, lòng kiên nhẫn mới có thể lay động được trái tim của họ.

2. Một trong những điều mà người vợ trẻ cho là khuyết điểm lớn nhất nơi chồng mình, đó là sự gắn bó của anh với gia đình chồng, cách riêng với người mẹ. Đa số những người vợ trẻ đều trải qua thảm cảnh “mẹ chồng nàng dâu”. Thảm cảnh, bởi vì họ không biết thích nghi. Nếu vì phong tục hoặc lý do kinh tế  khiến đôi vợ chồng phải sống trong một đại gia đình, thì thiết tưởng thích nghi vẫn là thái độ tốt nhất đối với người vợ.

Một cách cụ thể, người vợ trẻ phải biết thích nghi với mẹ chồng bằng sự kiên nhẫn, tình yêu thương và sự dịu dàng mà họ vốn đã dành cho chồng. Họ không nên nhìn mẹ chồng như đối thủ, hoặc tệ hơn, như kẻ thù; nhưng họ phải luôn nhìn thấy nơi bà hình ảnh người mẹ thân yêu của chồng mình. Dù người đàn bà ấy có thế nào đi nữa vẫn là người mẹ của chồng mình. Chính người đàn bà ấy đã sinh ra và đã hy sinh tất cả để dưỡng dục chồng mình.

Một người vợ yêu chồng thực sự là người luôn biết chiều theo ý muốn của mẹ chồng, biết hỏi ý kiến bà, biết chấp nhận những nhận xét cũng như những chỉ bảo của bà. Một người vợ yêu chồng thực sự là người biết xem mẹ chồng như chính người mẹ ruột của mình, bằng cách luôn tìm hiểu và cảm thông với cách suy nghĩ, lý luận và hành động của bà. Sống như thế tức là biết thích nghi với hoàn cảnh. Và như vậy, điều mà người vợ cho là khuyết điểm của chồng vẫn có thể vượt qua được một cách dễ dàng.

3. Kinh Thánh kể lại gương của một nàng dâu mẫu mực tên là Rut. Chuyện kể rằng: Một bà góa tên là Nôêmi đưa hai người con song sinh đến sống tại một vùng dân ngoại giáo. Tại đây hai người con trai này đã lập gia đình với hai người con gái trong vùng. Một nàng dâu tên là Rut. Do yểu mệnh, hai người con trai này đều qua đời sớm. Bà Nôêmi muốn quay trở về quê cha đất tổ. Không muốn cho mẹ chồng phải cô thế một mình, nàng Rut đã xin đi theo và gia nhập vào xã hội Do Thái để được sớm hôm thay chồng phụng dưỡng bà. Tại Belem, quê quán của bà Nôêmi, nàng Rut đã gặp nhà phú hộ tên là Bôốt. Họ lấy nhau và sinh ra Giếtsê thân phụ của vua Đavit, từ đó xuất thân Đấng Cứu Thế.

Thánh Mátthêu, tác giả sách Tin Mừng đã vượt ra ngoài một thông lệ cố hữu của người Do Thái khi nêu tên nàng Rut trong gia phả của Chúa Giêsu.

Qua câu chuyện của bà Rut, chúng ta cũng thấy được cái nhìn của Kinh Thánh về hôn nhân và gia đình. Lập gia đình không chỉ là nên một trong thân xác và tinh thần với người phối ngẫu mà thôi, nhưng còn đi vào tương quan với một gia đình mới, rộng rãi hơn. Bà Rut không chỉ xem bà Nôêmi như mẹ ruột của mình mà còn xem dân tộc bà như dân tộc mình, Thiên Chúa của bà như Thiên Chúa của chính mình. Do sự thích nghi và cởi mở đó, bà Rut được xếp vào hàng tổ tiên của Đấng sẽ đến để thiết lập đại gia đình của Thiên Chúa, trong đó không còn hàng rào của chủng tộc, màu da và văn hoá nữa.

4. Tựu trung, thích nghi với hoàn cảnh cũng có nghĩa là sống giới răn bác ái của Chúa Kitô. Hơn bất cứ hoàn cảnh nào khác, đời sống vợ chồng đòi hỏi phải sống bác ái cao độ. Thiết tưởng lời của thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô chương 13 đáng cho chúng ta tâm niệm mỗi ngày. Chúng tôi mượn lời thánh nhân để kết thúc:

Bác ái thì khoan dung, nhân hậu, bác ái không ghen tương, bác ái không ba hoa, không tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ, không cáu kỉnh, không chấp nhất, không giận dữ, không mừng trước sự bất công, nhưng biết chia vui cùng lòng chân thật. Trong muôn sự, bác ái hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy, hết lòng kiên nhẫn”.

 

VỀ MỤC LỤC
MÓN CÁ QUÊ HƯƠNG

 

Ngày xưa, những món cá quê hương lưới bắt bắt được từ đầm, ao, sông lạch của quê hương ta rất nhiều mà cũng rất hấp dẫn.

 Cá kho nhừ trong nồi đất, chả cá Lã Vọng, Sơn Hải, cá nấu giấm, nấu canh chua, lẩu cá, gỏi cá lá mơ, cá lẩu, cá rút xương, canh chua, cá kho tộ ...là những món ăn đặc biệt ngon lành, bổ dưỡng, dễ tiêu mà giá cả phải chăng. Hiếm hoi hơn còn có các món cá chình, cá anh vũ , cá song, cá măng, bông lau, cá vượt...

Ngày nay, người ta còn chế ra nhiều món ăn từ cá rất hấp dẫn, nhưng đôi khi chỉ hợp khẩu vị một số người...

Có cá đổ vạ cho cơm”, các cụ ta vẫn thường nói vậy vì với món cá ngon, cơm ăn bao nhiêu cũng hết, nhất là với gạo tám xoan Hải Hậu thơm phức hoặc gạo ba giăng tháng 10 mềm dẻo.

 Miền Nam có cá lóc chà bông, cá chạch kho nghệ, cá chẽm chưng tương hột hoặc chiên giòn, cá chốt kho, cá bống sao kho sả ớt, cá bống dừa Gò Công kho tiêu...

 Miệt sông rạch Gò Công, Tiền Giang có loại cá bống dừa, sống trong rừng dừa nước, to bằng cổ tay, thịt dẻo và ngọt. Cá này mà kho sả ớt, kho tiêu, nấu canh với lá bồ ngót, mướp hương thì ăn một lần cầm chắc khó quên.

Cũng họ cá bống, còn cá bống mú, bống vượng, bống cát, bống trứng, bống xèo, bống nhẩy cũng đều rất ngon. Món bún cá lóc đồng Kiên Giang  rất nổi tiếng.

Đặc sản miền Trung như cá sứt mũi sông Chu Bái Thượng nấu với dưa cải sen núi Mục hoặc canh chua thập cẩm với cúc tần, cần trắng, cà chua, khế, tiêu; cá chép gói lá chuối lùi trấu nóng; cá chép nấu hoa cúc đại; cá ngứa chiên giòn; cá vượt nấu canh chua...

Cố đô Huế còn nổi tiếng với năm món canh cá: thác lác nấu hành lá, rau mùi; cá thệ nấu dứa; cá ngạnh nấu măng chua; cá tràu nấu với mít và cá lúi nấu khế; cá sứt mũi sông Chu nấu canh chua với dưa cải sen núi Mục của miền Trung.

Miền Bắc cũng có nhiều món cá như hai miền kia nhưng nổi tiếng là cá rô Đầm Sét ở ngoại thành Hà Nội rán chìm trong mỡ; cá chắm đen kho ngũ vị, gừng ở Nam Định; cháo cá quả Hà Nội.

Cá rô Đầm Sét đã đi vào văn hóa dân gian với câu: “ Vải Quang, Húng Láng, Ngổ Đầm; cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây” .

Ngoài ra còn có “cá rô làng Cháy, cá gáy làng Chờ” cũng  được văn học dân gian ghi nhận.

 Cá rô mùa gặt lúa mà mang vùi chín trong đống lửa trấu hay rán mỡ sôi trăm độ rồi ăn với cơm gạo mới thì bao nhiêu cơm cũng thiếu!

Nhà văn Văn Quang đã tả món cháo ám gia truyền với cá lóc, cá quả mà chỉ nghe thôi đã thấy thèm thèm. Tiết trời lành lạnh Hà Nội mà ăn bát bún cá quả nấu với rau cần tháng Giêng thì chẳng ai chịu ngưng ở một bát.

Cũng không quên những con cá được ướp khô để dành từ mùa này sang mùa khác. Vào một tối mùa Đông, ngoài trời gió lạnh, quây quần bên bếp lửa than hồng mà nướng những con khô mực, khô ổi, khô kèo… nhâm nhi với nước mắm me thêm vài nhánh tỏi, lát ớt thì tưởng như chuyện xưa kể mãi không chán.  

Cá đi vào văn học dân gian.

Là một thực phẩm phổ thông, ưa thích nên cá đã đi vào thi ca dân gian mình với những câu trữ tình, lãng mạn, mang đậm bản sắc, tình tự quê hương.

Phận làm dâu làm vợ thì: 

Chai rượu miếng trầu em hầu Tía, Má

Nấu tô bún cá đặng lấy lòng anh.

 

Hoặc:

“Đốt than nướng cá cho vàng;

Lấy tiền mua rượu cho chàng nhậu  chơi”  

“Cá chọn nơi sâu, người tìm chỗ tốt ”,

Ý nói trong đời sống ai cũng chọn nơi có điều kiện thuận tiện để sống. 

Cá chuối đắm đuối vì con”

Ý nói cha mẹ chịu nhiều khổ đau, vất vả để gây dựng cho con cái. 

“Cá đối bằng đầu”

Nhắc nhở con người phải biết cư xử phân biệt, thích hợp với vai vế trong gia đình, xã hội, phải biết kính trên nhường dưới, đừng  “cá mè một lứa”, xem ai cũng như ai. 

Cá nhẩy, ốc cũng nhẩy”,

hay:

 “Voi đú, chó đú chuột chù cũng nhẩy”.

Ý nói không nên đua đòi theo kẻ khác mà đi ngược với bản chất hoặc vượt quá khả năng hiện có của mình. 

“Cá ngoi mặt nước là trời sắp mưa

Đây là kinh nghiệm quan sát thời tiết của dân gian, khi sắp mưa khí trời thường oi bức, dưỡng khí trong nước giảm, cá phải ngoi lên để đớp không khí. 

“ Cá vàng, bụng bọ” 

Ý nói bề ngoài hào nhoáng bên trong xấu xa, và không nên đánh giá con người hay sự vật qua vẻ bên ngoài. Khác chi câu nói của một anh sĩ diện hão: 

“Ra ngoài bộ mặt vênh vang

Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mình” 

Cá vào tay ai nấy bắt”,

Ý nói mối lợi ngẫu nhiên đến với ai thì người đó chiếm giữ. 

Cá cháy vàm Trà Ôn đã được ghép chung với hai món ăn ngon quý của người phong lưu:

 “ Sáng ngày bồ dục chấm chanh,

Trưa gỏi cá Cháy, tối canh cá Chầy” 

Và dưới đây là một số câu ca dao về các món cá trong dân gian, hoặc đôi khi mượn hình tượng con cá để truyền lại kinh nghiệm, ví von hay câu răn đời: 

“Cá nục nấu với dưa hồng;

 Lờ đờ có kẻ mất chồng như chơi”

 

“Canh bún mà nấu cá Rô;

Bà xơi hết thẩy mấy tô hỡi bà”!

 

“ Con cá cơm thơm hơn con cá bẹ;

Bởi mê nước mắm Hòn, em bỏ mẹ theo anh”

 

“Chim mía Xuân Phổ; Cá bống Sông Trà”.

 

“Đập con cá lóc nướng trui;

Làm mâm rượu trắng, đãi người phương xa”

 

“Đắt cá còn hơn rẻ thịt”

“Đầu chép, mép trôi, môi mè, lườn trắm”

 

“Điên điển mà đem muối dưa;

 Ăn cặp cá nướng, đến vua cũng thèm”

 

“Kèo nèo mà lại làm chua;

Ăn với cá rán chẳng thua món nào”

 

“Một con cá trích cắn ngang;

Mắm tôm quệt ngược, tan hoang cửa nhà”

 

“ Mùa Hè cá sông, mùa Đông cá ao”

 

“Rau đắng nấu với cá trê;

Ai đi Lục Tỉnh thì mê không về”

 

Ai về Rạch Giá, Kiên Giang

Ăn tô bún cá chứa chan tình người.

 

Ai về nhắn với nậu nguồn

Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên

 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D. Texas- Hoa Kỳ

 
VỀ MỤC LỤC
CA ĐOÀN VÀ CÁC MỐI TƯƠNG QUAN - VÀI SUY NGHĨ VỀ TÌNH HÌNH THÁNH NHẠC HIỆN NAY.

 

Nhân dịp Ủy Ban Thánh Nhạc (UBTN) có ý ngỏ đến những thành phần đang cộng tác vấn đề liên quan và những gợi ý thiết thực cho vấn đề này. Với khả năng hạn hẹp của mình, tôi xin trình bày 1 cách khách quan về quan điểm và những ưu tư của mình:

1.     Tổng quan:

Theo tình hình chung, do nhu cầu của các giáo xứ, việc thành lập một nhóm hát (theo cách gọi ban đầu) nhằm phục vụ cho các thánh lễ, giờ kinh nguyện… là một điều thiết yếu, qua đó thấy được tầm ảnh hưởng của Thánh Nhạc gắn liền với đời sống của đại đa số cộng đoàn công giáo nói chung cả trong và ngoài nước. Vì thế những tên gọi Ca đoàn (CĐ); Ca nhạc đoàn; Ban hợp xướng (BHX)… dần được khẳng định theo cách diễn đạt và đánh giá riêng của mỗi nơi, mỗi cá thể, nhằm thay thế cho cái tên gọi ban đầu “Nhóm hát” (nghe có vẻ bình dân) ấy.

Việc thành lập cũng có những yếu tố quyết định và cũng có khi gây bất ngờ.

-       Nói là quyết định vì đó là nhu cầu thực tế, chúng ta dễ nhận thấy ở những giáo xứ mới thành lập, ở những vùng quê xa xôi hẻo lánh, những khu vực trước đây bị chính quyền cô lập, hoặc lâu nay chỉ có 1 CĐ phụ trách tất cả các phần vụ liên quan (hát lễ thường nhật, ma chay, cưới hỏi, tẩm liệm, an táng…)  khiến cho việc “độc quyền” hay không thể đảm đương hết trọng trách được giao phó. Việc “độc quyền” ấy khiến CĐ có khi dẫn đến căn bệnh “ngôi sao”, và chi phối phần lớn những sinh hoạt mang tính cộng đồng của giáo xứ.

-       Nói là có khi gây bất ngờ cũng là điều không ngạc nhiên. Bởi lẽ có những “Nhóm hát tự phát” chỉ sau 1 đêm là đã trở thành CĐ do có những mối tương quan thật “sâu lắng” với 1 tu sỹ hay linh mục nào đó. Hoặc có khi do những anh chị em cựu ca viên vẫn còn “mặn mà” với “nghiệp ca đoàn”, để rồi “những ý tưởng lớn” gặp nhau và…xin phép được thành lập “Ca đoàn” với lý do phục vụ giáo xứ (mặc dù hiện tại Gx đã có 7,8 ca đoàn). Hoặc 1 nhóm những anh em “thiện chí” chẳng biết ở nơi đâu đến, xin mượn tá túc không gian của Gx để có chỗ phục vụ cho việc họp mặt và tập hát cho nhóm mình (do có sự quen biết với một linh mục sở tại và xem đó là người đỡ đầu cho nhóm), để rồi qua những mối tương quan từ từ gắn chặt ấy, họ tự phong cho mình một danh hiệu “Ban hợp xướng của Giáo xứ” và có hẳn 1 website để giới thiệu và quảng bá lịch sinh hoạt và hát lễ của mình, thậm chí tự phong tước cho vị linh mục nọ trở thành “Cha linh hướng” hay “Cha cố vấn”…  mà chưa có sự khẳng định của đối tượng liên quan nào.

Ngược dòng thời gian, vào những năm thập kỷ 80,90. Khi mà các công tác mục vụ của những nhà thờ hết sức khó khăn và được sự quản lý rất chặt chẽ từ chính quyền mới, khi ấy các linh mục dường như chỉ lo tập trung vào việc xây dựng ổn định về vấn đề tín hữu cũng như tái thiết cơ cấu cho phù hợp với đường lối của bộ máy chính quyền mới, mà bỏ ngỏ hay ít quan tâm đến nhu cầu Thánh nhạc, vì thế sự đóng góp và mong muốn vực dậy nền Thánh ca tập trung vào những nhân tố giáo dân-tín hữu có trình độ chuyên môn cao và tâm huyết với nó, cũng xuất phát từ đó, những phong trào : Thánh ca vào đời, Thánh ca trẻ, Nguyện ca…cho đến các Ban hợp xướng, Ca đoàn như: Hồn nước, Quê hương, Cung chiều… đã được khởi xướng và ra đời, đem đến những luồng gió mới cho đại đa số những người yêu mến hát Thánh ca nói chung, góp phần đa dạng và phong phú cho nền Thánh nhạc nói riêng,  những bản sắc đa dạng ấy như tạo được những ảnh hưởng lan rộng đến cộng đồng trong và ngoài Việt Nam thời bấy giờ (cứ mỗi lần nghe tên tuổi của những Ban hợp xướng ấy mà có người phải trầm trồ thán phục).

Điều mà  những Ban hợp xướng, những sáng tác mới… được xem như thành công ấy là dựa vào sự Tận tụy – Tận tâm và Tận lực.

-  Tận tụy vì họ rất kiên trì, kiên nhẫn, chịu đựng và nhẫn nại. Luôn miệt mài và chăm chỉ trong tất cả những sinh hoạt chung.

-  Tận tâm bởi lẽ đó là niềm đam mê, đó cũng có thể là những khát vọng, hoặc là những ấp ủ cho một tương lai vì cộng đồng.

-  Tận lực để có thể hy sinh thời gian, công sức và thậm chí cả vật chất để đầu tư, để xây dựng, để phát huy tất cả nhằm phục vụ cho cộng đồng.

 

Ngày nay, hiện trạng có rất nhiều nơi, nhiều Ca đoàn đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, bởi lẽ sự bành trướng và phân cấp đang ngày một rõ rệt, có những nơi việc tìm và quy tụ nguồn nhân lực để cộng tác và phục vụ cho giáo xứ hết sức khó khăn trong khi có những nơi dù đã “dư thừa” nhưng vẫn “rộng rãi” để thành lập thêm nhóm hát này, ca đoàn kia…thậm chí những giáo khu cũng chạy đua để thành lập ca đoàn cho riêng giáo khu mình. Để rồi cũng có Linh mục phải lắc đầu ngao ngán và không biết phải xử trí như thế nào cho ổn thỏa với các ca đoàn, các giáo khu. Việc thành lập ồ ạt và thiếu sự hướng dẫn của người nắm chuyên môn dẫn đến tình trạng chạy đua thành tích, coi trọng bề nổi và thậm chí có chiều kích “thương mại hóa ca đoàn” cũng nên (đã từng có ý kiến nêu rằng: để giúp ca đoàn phát triển thì cần có nguồn ngân quỹ dồi dào, vì thế ca đoàn nên liên kết với một doanh nghiệp nào đó, nhận tài trợ đổi lấy việc mặc đồng phục có in tên doanh nghiệp đó trên đồng phục mỗi khi hát lễ). Ca đoàn nào cũng mong tập thể mình là số 1, luôn gây ấn tượng bằng nhiều hình thức khác nhau, để rồi cho phép mình đánh giá những ca đoàn khác, thậm chí tìm mọi lý do để bất hợp tác với những sinh hoạt chung của giáo xứ, gây mất đoàn kết và phân nhánh thậm chí ngay trong nội bộ của mình (có trường hợp một số ca viên kỳ cựu sẵn sàng “truất phế” cả Ca trưởng vì không đáp ứng những yêu cầu mà họ đề ra)…Từ đó cho thấy, chủ nghĩa cá nhân đang dần hình thành và chi phối rất nhiều trong môi trường các giáo xứ hiện nay.

Nói đến đây, hẳn mọi người đã có một cách nhìn tổng quan để so chiếu với những gì đang diễn ra với thực tại hiện nay. Lẽ dĩ nhiên thời đại ngày nay đã biến chuyển và thực dụng hơn rất nhiều, điều đó tác động rất lớn đến não trạng và tư duy của mỗi người từ tầng lớp “hạ cấp” cho đến “cao cấp” theo cách nói của một số tầng lớp trong xã hội cũng như trong giáo hội chúng ta. Những sự phân chia tầng lớp, những phe phái được hình thành, những tư tưởng cục bộ đang dần phát tướng, những chủ nghĩa cực đoan đang nhen nhúm vào trong những tầng lớp các hội đoàn của giáo hội… Qua đó ta thấy được một điều đáng để suy nghĩ, đó là: “Nền Thánh nhạc Việt Nam hiện nay đang đi trên con đường nào?”

2.     Nhìn nhận:

-       Sự quản lý lỏng lẻo và bất cập từ những thành phần chủ chốt trong Giáo hội nói chung, những người đặc trách nói riêng không đồng bộ và quán triệt. Dẫn đến việc mỗi nơi mỗi khác, không đồng nhất chứ chưa dám nói đến sự đồng bộ.

-       Trình độ chuyên môn, am hiểu và tổ chức còn hạn chế, chưa nói đến sự chính quy và được đào tạo bài bản. Khiến cho việc thẩm định và đánh giá chưa khách quan và hiệu quả.

-       Vấn đề đầu tư và phổ cập đường hướng cho những thành phần then chốt theo quan điểm chung của Giáo hội còn nhỏ giọt và không nhất quán. Dễ dẫn đến tình trạng phân cấp và đi chệch định hướng chung.

-       Xây dựng và phát triển nhân tố kế thừa tương lai còn hạn chế. Thực trạng có những nơi bế tắc, đó là một trong những lý do khiến hình thành tư tưởng cục bộ và cá nhân chi phối nhiều hoạt động của vùng, nhóm…

-       Mối tương quan “tình cảm” chi phối cách làm việc và đánh giá khách quan những nhân tố cộng tác khác, làm mất đi tinh thần đoàn kết – cống hiến của những người thiện chí, dẫn đến thực trạng phe phái, đoàn nhóm…

-       Có Đường hướng nhưng không có Định hướng, mỗi nơi áp dụng một kiểu, điều hành yếu kém, khiến cho nhiều nơi ngày càng đi chệch tinh thần chung.

 

3.     Định hướng:

-       Hoàn thiện Quy chế - Nội Quy chung cho UBTN

-       Đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực có trình độ và chuyên môn cao, quán triệt đường hướng và tinh thần chung của giáo Hội.

-       Phân bổ cơ cấu tổ chức chặt chẽ, liên kết – liên đới các thành phần cộng tác chuyên môn.

-       Đào tạo và phổ cập thường xuyên về chuyên môn, lĩnh hội những tinh hoa của thế giới và phát huy thế mạnh bản sắc của nền Thánh nhạc Việt Nam đặc thù.

-       Chính quy hóa vai trò và sứ vụ của người làm công tác chuyên môn (vd: chứng chỉ, chứng nhận, thẻ ca trưởng…)

-       Thể thức hóa vấn đề Imprimature  (từ việc tiếp nhận đến phản hồi, giải quyết).

-       Thư viện Thánh nhạc, phục vụ cho việc tra cứu, nghiên cứu liên quan đến chuyên môn.

4.     Thay cho lời kết:

-       Trong lịch sử phát  triển của âm nhạc, vào thời nào cũng tồn tại
song song 2 dòng âm nhạc: Thánh nhạc (Sacred music) và nhạc thế tục (Secular music). Vào thời Baroque (Tk. 17), Đức Giáo Hoàng phải giao
nhiệm vụ cụ thể cho nhà soạn nhạc Palestrina để cứu vãn nền Thánh nhạc của Giáo hội đang bị các yếu tố thế tục lấn át. Thời nay cũng vậy, nhạc nhà thờ và “nhạc nhà hàng” đôi khi sống chung một "nhà".Cần phải có những biện pháp cụ thể từ phía Giáo quyền để đem lại 2 đặc tính của Thánh nhạc: Thánh thiện (Sanctitas) và Hình thức tốt đẹp (Bonitas formae).

-       Cái tên gọi "CA TRƯỞNG" + nhiều công việc Phụng vụ liên tục có khi lại trở thành cái khung đóng chết người chỉ huy ca đoàn lại, không chịu học hỏi, bổ sung, biến đổi mình để ngày càng lạc hậu về kiến
thức.

Tóm lại, hai từ “Thánh Nhạc” , bản chất của nó đã nói lên tầm quan trọng và thiêng liêng . Vì thế, sự hướng đến những giá trị tốt đẹp hơn cho nền Thánh Nhạc thế giới nói chung, cho nền Thánh Nhạc Việt Nam nói riêng là rất cần thiết. Đó là một giá trị văn hóa đặc thù của Ki-tô giáo, giúp con người hướng đến những giá trị CHÂN – THIỆN – MỸ, vì thế để đạt được những thành quả tốt nhất cho Thánh Nhạc (dù thời nay hay sau này), việc hướng đến tầm mức “Cao” thì cũng cần phải “Đẹp”. Điều đó mong sao…! 

Mi Vũ

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************