Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 129, Chúa Nhật 03.10.2010


MỤC LỤC 

CHÚA THÁNH THẦN: ĐỨC CHÚA VÀ ĐẤNG BAN SỰ SỐNG    ĐTC. Gioan Phaolô 2

ĐỪNG XIN CHÚA TRẢ CÔNG VÔ CÙNG BỘI HẬU ...               Phó tế: GB Nguyễn Văn Định 

THƯ SỐ 3 NGÀY 21.09.2010 GỞI GIA ĐÌNH LECTIO DIVINA          Fr. M. Bảo Tịnh Ocist.

THÁNH TỐNG VIẾT BƯỜNG                                                                                  Bùi Nghiệp

Mối thân tình với CHÚA được nuôi dưỡng bằng CẦU NGUYỆN VÀ THÁNH LỄ           THIÊN PHONG (dịch)

CHUỖI MÂN CÔI, HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH                                             PM. Cao Huy Hoàng

Đâu là cốt lõi của ĐỨC TIN KITÔ GIÁO ? Đọc ĐỨC TIN KITÔ GIÁO hôm qua và hôm nay      Đỗ Mạnh Tri

GIÂY PHÚT HIỆN TẠI                                                                                  Br. Huynhquảng 

NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HÔN NHÂN (3)                                            Lm Lê Văn Quảng Psy.D.

NGHỆ THUẬT LÀM CHỒNG                                                 Lm. Minh Anh tổng hợp biên tập

MỘT VÀI LY RƯỢU VỚI SỨC KHỎE                                            Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức, M.D.

CÔ ĐƠN -                                                                                    Chuyện phiếm của Gã Siêu


CHÚA THÁNH THẦN: ĐỨC CHÚA VÀ ĐẤNG BAN SỰ SỐNG

 

TÔNG HUẤN "GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU" (ECCLESIA IN ASIA)

Nguồn:  http://www.simonhoadalat.com

CHƯƠNG III

CHÚA THÁNH THẦN: ĐỨC CHÚA VÀ ĐẤNG BAN SỰ SỐNG

Thần Khí Chúa trong Cuộc Sáng Tạo và trong Lịch Sử

15.    Nếu quả thật ý nghĩa cứu thế của Đức Giêsu chỉ có thể hiểu được trong khung cảnh mạc khải của Người về chương trình cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi, thì như thế Chúa Thánh Thần là một phần tuyệt đối cần thiết của mầu nhiệm Đức Giêsu và ơn cứu rỗi mà Người mang đến. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng thường xuyên quy chiếu về vai trò Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu rỗi, các Ngài lưu ý rằng sự chia cách giả tạo giữa Đấng Cứu Thế và Chúa Thánh Thần, có thể phương hại tới chân lý về Đức Giêsu Đấng Cứu độ duy nhất của mọi người.

Theo truyền thống Kitô giáo, Chúa Thánh Thần luôn luôn được liên kết với sự sống và việc ban sự sống. Kinh Tin Kính của Công đồng Niceno-Constantino gọi Chúa Thánh Thần là "là Đức Chúa, Đấng ban sự sống". Cho nên không phải là điều đáng ngạc nhiên khi nhiều chú giải về bài tường thuật Sáng tạo trong sách Sáng Thế đã nhìn thấy Chúa Thánh Thần trong ngọn gió mạnh lướt qua trên mặt nước (x. St 1,2). Chúa Thánh Thần hiện diện từ giây phút đầu việc của cuộc sáng tạo -là biểu lộ đầu tiên của tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi-, và luôn hiện diện trong thế giới được xem như sức mạnh ban sự sống của Người (52). Vì sự sáng tạo là khởi đầu lịch sử, nên Thần khí nói được là một quyền lực ẩn giấu đang hành động trong lịch sử, hướng dẫn lịch sử theo những con đường chân lý và điều thiện.

Mạc khải về thân thế của Chúa Thánh Thần, tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con, là điều riêng biệt của Tân Ước. Trong tư tưởng Kitô giáo, Người được thấy như là nguồn mạch sự sống của mọi tạo vật. Công cuộc sáng tạo là sự thông ban tình yêu trong tự do của Thiên Chúa, một sự thông ban mà từ cái không, đem mọi sự vào trong hiện hữu. Không có gì đã được tạo dựng mà không được lấp đầy bởi sự trao đổi tình yêu không ngừng, là đặc tính của sự sống sâu thẳm của Ba Ngôi, nghĩa là tràn đầy Chúa Thánh Thần: "Thần khí Chúa đã tràn đầy thế giới" (Kn 17). Sự hiện diện của Thần Khí trong tạo thành phát sinh trật tự, hài hoà và lệ thuộc lẫn nhau trong tất cả những gì hiện hữu.

Được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, những con người trở nên nơi trú ngụ của Thần Khí một cách mới mẻ, khi họ được nâng lên tới phẩm giá làm con Thiên Chúa (x. Gl 4,5). Được tái sinh trong Bí tích Thánh Tẩy, con người cảm nghiệm sự hiện diện và quyền lực của Thần Khí, không chỉ là Tác giả sự sống, nhưng còn là Đấng thanh tẩy và cứu chuộc, sản sinh những hoa quả "bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ" (Gl 5,22-23). Những hoa quả đó của Thần Khí là tín hiệu "Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm 5,5). Khi được tiếp nhận trong tự do, tình yêu này biến những người nam nữ thành những dụng cụ khả kiến của hoạt động không ngừng bên trong của Thánh Thần. Trên hết tất cả, chính khả năng cho và nhận tình yêu mới mẻ này minh chứng sự hiện diện bên trong và quyền lực của Chúa Thánh Thần. Như là hậu quả của việc biến đổi và tái tạo dựng mà Người thực hiện trong tâm trí dân chúng, Chúa Thánh Thần gây ảnh hưởng trên xã hội và văn hoá nhân loại (53). "Thật vậy, Thánh Thần là nguồn gốc những lý tưởng cao thượng và những công trình phúc lợi cho nhân loại đang hành trình qua dòng lịch sử. "Qua việc quan phòng kỳ diệu, Thánh Thần Chúa hướng dẫn dòng chảy thời gian và đổi mới mặt địa cầu" (54).

Theo hướng dẫn Công Đồng Vatican II, Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng để ý tới vô vàn hành động đa dạng của Chúa Thánh Thần, Ngài liên tục gieo những hạt giống chân lý giữa các dân tộc, tôn giáo, văn hoá và triết học của họ (55). Điều này có nghĩa là những tôn giáo, những văn hoá và triết lý đó có khả năng giúp đỡ dân chúng, cá nhân hay tập thể, chống lại sự dữ và phục vụ sự sống cũng như tất cả những gì là thiện hảo. Các quyền lực sự chết cô lập dân chúng, xã hội và các cộng đồng tôn giáo khác nhau, và sinh ra sự nghi ngờ và cạnh tranh đưa tới xung đột. Ngược lại, Chúa Thánh Thần nâng đỡ dân chúng trong việc tìm kiến sự hiểu biết và chấp nhận lẫn nhau. Do đó Chúa Thánh Thần nâng đỡ dân chúng trong việc tìm kiến sự hiểu biết và chấp nhận lẫn nhau.

Chúa Thánh Thần và Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập thể

16.    Dưới sự hướng dẫn của Thần Khí, lịch sử cứu độ diễn ra trên sân khấu của thế giới, và của của vũ trụ nữa, theo chương trình đời đời của Chúa Cha. Chương trình đó, do Thánh Thần khởi sự từ khi bắt đầu việc sáng tạo, được mạc khải trong Cựu Ước, được hoàn thành nhờ ân sủng của Đức Giêsu Kitô, và được tiếp nối trong công cuộc sáng tạo mới nhờ cũng một Thần Khí cho tới khi Chúa lại đến trong vinh quang vào lúc kết thúc thời gian (56). Mầu nhiêm Nhập thể của Con Thiên Chúa là công trình cao trọng nhất của Chúa Thánh Thần: "Sự cưu mang và sinh ra Đức Giêsu Kitô thực tế là công trình cao cả nhất được thực hiện do Chúa Thánh Thần trong lịch sử sáng tạo và cứu chuộc: ân sủng tuyệt diệu - "ân sủng hiệp nhất", nguồn mạch mọi ơn khác" (57). Mầu nhiệm Nhập thể là biến cố mà trong đó Chúa tập hợïp về với chính mình, qua sự hợp nhất mới mẻ và chung cuộc, không những con người, mà còn toàn thể thọ tạo và tất cả lịch sử (58).

Được cưu mang trong lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,35; Mt 1,20), Đức Giêsu thành Nadareth, Đấng Mêsia và Cứu Thế duy nhất, được đầy tràn Chúa Thánh Thần. Thần Khí xuống trên Người khi Người chịu phép rửa (x. Mc 1,10) và dẫn đưa Người vào hoang địa để được nên mạnh sức trước khi thi hành sứ vụ công khai của Người (Mc 1,12; Lc 4,1; Mt 4,1). Trong hội đường thành Nadareth, Người bắt đầu sứ vụ ngôn sứ của Người, bằng cách áp dụng cho chính mình thị kiến của ngôn sứ Isaia về sự xức dầu Thần Khí, dẫn tới việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, tự do cho kẻ bị giam cầm và một năm hồng ân của Thiên Chúa (x. Lc 4,18-19). Nhờ quyền năng của Thần Khí, Đức Giêsu chữa lành bệnh nhân và xua đuổi ma quỷ, như là một tín hiệu Nước Thiên Chúa đã đến (x. Mt 12,28). Sau khi từ kẻ chết chỗi dậy, Người đã thông ban cho các môn đệ Chúa Thánh Thần, Đấng mà Người đã hứa đổ tràn trên Giáo Hội khi Người trở về với Chúa Cha (x. Ga 20,22-23).

Tất cả những sự kiện đó chứng tỏ rằng sứ vụ của Đức Giêsu mang dấu vết rõ ràng sự hiện diện của Thần Khí: sự sống, sự sống mới. Giữa sự sai đi Chúa Con từ Chúa Cha và sự sai đi Thần Khí từ Chúa Cha và Chúa Con, có một sự liên hệ chặt chẽ và thiết yếu (59). Hành động của Thánh Thần trong sáng tạo và lịch sử nhân loại, đạt được một ý nghĩa hoàn toàn mới đối với hành động của Người trong đời sống và sứ vụ của Đức Giêsu. Những "hạt giống Lời" nhờ Thần Khí gieo xuống, chuẩn bị cho toàn thể thọ tạo, lịch sử và con người để đạt tới sự trưởng thành viên mãn trong Đức Kitô (60).

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã diễn tả mối quan tâm đối với khuynh hướng tách biệt hoạt động của Chúa Thánh Thần với hoạt động của Đức Giêsu Cứu thế. Đáp lại quan tâm đó, tôi lặp lại ở đây những gì tôi đã viết trong Thông Điệp Redemptoris Missio: "(Thánh Thần) không thay thế Đức Kitô và cũng không lấp đầy một thứ chỗ trống mà đôi khi được gợi lên là hiện hữu giữa Đức Kitô và Ngôi Lời (Logos). Bất cứ cái gì mà Thánh Thần mang đến trong tâm hồn con người và lịch sử các dân tộc, trong các nền văn hoá và tôn giáo, thì giúp chuẩn bị cho Tin Mừng và chỉ có thể hiểu khi quy chiếu về Đức Kitô, Ngôi Lời đã mặc lấy thể xác nhờ quyền lực Thần Khí 'ngõ hầu đã là con người hoàn hảo, Người cứu rỗi mọi người và qui tụ mọi sự' " (61).

Cho nên sự hiện diện phổ quát của Chúa Thánh Thần không được dùng như lời bào chữa để khỏi công bố Đức Giêsu Kitô cách công khai như là Đấng Cứu độ độc nhất và duy nhất. Ngược lại, sự hiện diện phổ quát của Chúa Thánh Thần không thể tách biệt khỏi sự cứu độ phổ quát trong Đức Giêsu. Sự hiện diện của Thần Khí trong tạo vật và lịch sử chỉ về Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạo vật và lịch sử được cứu chuộc và thành toàn. Sự hiện diện của Thần Khí cả trước biến cố Nhập Thể và trong cao điểm lễ Ngũ Tuần luôn chỉ về Đức Giêsu và về sự cứu độ Người mang đến. Cũng thế, sự hiện diện phổ quát của Chúa Thánh Thần không bao giờ có thể bị tách biệt khỏi sự hoạt động của Người trong Thân Thể Đức Kitô, tức là Giáo Hội (62).

Chúa Thánh Thần và Thân Thể Đức Kitô

17.    Chúa Thánh Thần gìn giữ nguyên vẹn sợi giây hiệp thông giữa Đức Giêsu và Giáo Hội Người. Ngự trong Giáo Hội cũng như ngự trong một đền thờ (x. 1 Cr 3,16), Thần Khí hướng dẫn Giáo Hội, trước hết để đạt đến chân lý toàn vẹn về Đức Giêsu. Sau đó chính Thần Khí ban sức mạnh cho Giáo Hội để tiếp tục sứ vụ của Đức Giêsu, trước nhất bằng cách làm chứng cho chính Đức Giêsu, sau đó hoàn thành điều Người đã hứa trước lúc chết và sống lại, tức là Người sẽ sai Thần Khí đến với các môn đệ để họ có sức làm chứng về Người (x. Ga 15,26-27). Công trình của Thần Khí trong Giáo Hội cũng là để làm chứng rằng các tín hữu là dưỡng tử của Thiên Chúa, những người được tiền định hưởng ơn cứu độ, được trọn vẹn hiệp thông với Chúa Cha, như đã hứa (x. Rm 8,15-17). Khi ban cho Giáo Hội những đoàn sủng và ân huệ khác nhau, Thần Khí làm cho Giáo Hội lớn lên trong hiệp thông, như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau (x. 1 Cr 12,4: Ep 4,11-16). Thần Khí hợp nhất mọi dân tộc, với những tập quán, những tài nguyên và tài năng khác nhau, biến Giáo Hội thành một dấu chỉ hiệp thông của toàn thể nhân loại dưới quyền lãnh đạo của Đức Kitô (63). Thần Khí uốn nắn Giáo Hội thành một cộng đoàn những chứng nhân để, nhờ quyền lực của Người, Giáo Hội làm chứng cho Đức Giêsu Cứu Thế (x. Cv 1,8). Theo nghĩa này, Chúa Thánh Thần là tác nhân chủ yếu của việc Phúc Âm hoá. Từ đó các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng có thể kết luận rằng, cũng như sứ vụ trần thế của Đức Giêsu được hoàn thành trong quyền lực Chúa Thánh Thần, thì "cũng một Thần Khí đã được ban cho Giáo Hội bởi Chúa Cha và Chúa Con trong ngày lễ Ngũ Tuần, để hoàn thành sứ vụ tình yêu và phục vụ của Đức Giêsu tại Á Châu" (64).

Chương trình cứu độ con người của Chúa Cha, không kết thúc với sự chết và phục sinh của Đức Giêsu. Nhờ ân huệ của Thần Khí Đức Kitô, hoa quả sứ vụ cứu rỗi của Người được Giáo Hội ban tặng cho mọi dân tộc thuộc mọi thời đại, qua sự loan truyền Tin Mừng và phục vụ yêu thương đối với gia đình nhân loại. Như Công Đồng Vatican II nhận xét, "Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Người để hoàn tất trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa là Đấng đã đặt Đức Kitô làm nguồn ơn cứu độ cho cả thế giới" (65). Được Thần Khí ban quyền thực hiện sự cứu độ của Đức Kitô trên mặt đất, Giáo Hội là hạt giống của Nước Chúa và tha thiết mong đợi sự hình thành chung cuộc của nó. Căn tính và sứ mạng của Giáo Hội không tách biệt khỏi Nước Chúa, Nước mà Đức Giêsu đã loan báo và khai mào trong tất cả những gì Người đã nói và đã làm, nhất là trong sự chết và sống lại của Người. Thần Khí nhắc Giáo Hội nhớ rằng Giáo Hội không phải là cùng đích cho chính mình; trong tất cả những gì Giáo Hội là và làm, thì Giáo Hội hiện hữu để phục vụ Đức Kitô và sự cứu độ thế giới. Trong nhiệm cục cứu độ này, những công trình của Chúa Thánh Thần trong tạo vật, trong lịch sử và trong Giáo Hội, tất cả là thành phần của một kế hoạch đời đời của Ba Ngôi trên tất cả những gì hiện hữu.

Chúa Thánh Thần và Sứ Vụ của Giáo Hội tại Á Châu

18.    Thánh Thần, Đấng đã hành động trên Á Châu trong thời các Tổ Phụ và ngôn sứ, và còn mãnh liệt hơn nữa trong thời Đức Giêsu và Giáo Hội sơ khai, bây giờ vẫn tác động giữa các người Kitô hữu Á Châu, bằng cách củng cố chứng tá đức tin của họ giữa các dân tộc, các nền văn hoá và tôn giáo của lục địa. Cũng như cuộc đối thoại tình yêu vĩ đại giữa Thiên Chúa và con người được Thần Khí chuẩn bị và được thực hiện trên phần đất Á Châu qua mầu nhiệm Đức Kitô, thì ngày nay cuộc đối thoại giữa Chúa Cứu Thế và các dân tộc trên lục địa, vẫn tiếp tục nhờ quyền lực của cùng một Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội. Trong tiến trình này, các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ, tất cả đều có một vai trò thiết yếu, vì nhớ lời Đức Giêsu, vừa là lời hứa và cũng là lệnh truyền: "Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1,8).

Giáo Hội xác tín rằng, sâu trong lòng dân chúng, các nền văn hoá và tôn giáo tại Á Châu, có một cơn khát "Nước Hằng sống" (x. Ga 4,10-15), một cơn khát chính Thần Khí đã tạo ra và chỉ mình Đức Giêsu Cứu Thế mới có thể thoả mãn trọn vẹn. Giáo Hội trông chờ Chúa Thánh Thần tiếp tục chuẩn bị các dân tộc Á Châu vào cuộc đối thoại cứu độ với Đấng Cứu Thế của mọi người. Được Thần Khí hướng dẫn trong sứ vụ phục vụ và tình yêu, Giáo Hội có thể trao tặng một cuộc gặp gỡ giữa Đức Kitô và các dân tộc tại Á Châu khi họ đi tìm cuộc sống viên mãn. Chỉ trong cuộc gặp gỡ đó, mới gặp được nguồn Nước Hằng Sống vọt đến sự sống đời đời, nghĩa là, sự hiểu biết một Thiên Chúa duy nhất và Đức Giêsu Kitô mà Người đã sai đến (x. Ga 17,3).

Giáo Hội biết rõ rằng mình chỉ có thể hoàn thành sứ vụ khi nghe theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Khi dấn thân làm dấu hiệu và dụng cụ đích thực cho hoạt động của Thần Khí trong những thực tại phức tạp tại Á Châu, Giáo Hội phải biện phân, giữa tất cả hoàn cảnh khác nhau của lục địa, tiếng Thần Khí mời gọi làm chứng cho Đức Giêsu bằng những cung cách mới và có hiệu quả. Chân lý trọn vẹn về Đức Giêsu và sự cứu độ mà họ đã đạt được luôn là một ân huệ, chớ không bao giờ là thành quả của nỗ lực con người. "Chính Thần Khí chứng thực cho thần khí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy, đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô" (Rm 8,16-17). Do đó Giáo Hội không ngừng kêu lên: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy tràn đầy tâm hồn các tín hữu Chúa và đốt lên trong họ ngọn lửa tình yêu của Chúa!" Đó là ngọn lửa mà Đức Giêsu ném trên mặt đất. Giáo Hội tại Á Châu chia sẻ niềm ước mong của Người cho ngọn lửa đó giờ đây lại bừng cháy lên (x. Lc 1249). Với lòng ao ước nồng cháy này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã tìm cách biện biệt những lãnh vực truyền giáo chính yếu cho Giáo Hội tại Á Châu, đang lúc Giáo Hội này bước qua ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba.

còn tiếp

 
VỀ MỤC LỤC
ĐỪNG XIN CHÚA TRẢ CÔNG VÔ CÙNG BỘI HẬU “VÌ TÔI CHỈ LÀ ĐẦY TỚ VÔ DUYÊN”. TÔI KHÔNG QUÊN NÓI TIẾNG “CÁM ƠN”

SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA-CN27TN/C

Cần cho Cá nhân-Gia đình-Nhóm-Hội đoàn-Phong trào

*  Khi suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, tôi nhớ một câu trong bài hát của cố nhạc sĩ Hải Linh như sau:  Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô duyên, là đầy tớ vô duyên, vô duyên hơn tất cả…”

A- Cảm nghiệm Sống và chia sẻ với sự thúc đẩy của Thánh Linh:

Tin Mừng: Luca (17:5-10) Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng… (câu 10)

 1- Đừng xin trả Chúa trả công vô cùng bội hậu: Ngưới Tín hữu Việt nam thường có thói quen khi ai làm ơn cho mình thì nói lên trong nhà thờ hay nơi công cộng là: “xin Chúa trả công vô cùng bội hậu cho ông bà, anh chị, cho qúy vị…” Nên khi đọc câu Kinh Thánh Chúa dạy trên: “khi làm xong việc gì anh em hãy nói, chúng tôi chỉ là đầy tớ vô ích…”, tôi không dám nhận câu xin Chúa trả công…  mà chỉ muốn nghe : “xin Chúa chúc lành, xin thêm ơn hay xin Chúa ban ơn hồn xác cho quý vị”, là đủ lắm rồi!

  2- Tất cả là ơn Chúa ban: Người Tín hữu nghe Lời Chúa hôm nay, cần tự xem mình như tôi tớ, nên đổi cách suy nghĩ và nói năng, không nên đòi trả ơn, mà cần có lòng khiêm tốn, khi làm xong việc gì cũng không muốn ai nói: “xin Chúa trả công bội hậu cho mình”, chỉ xin thêm ơn để tiêp tục phục vụ . Vì tôi làm được mọi sự là bởi ơn Chúa ban. Cụm từ “đầy tớ vô ích hay đầy tớ vô dụng” ở đây được hiểu là làm việc bổn phận, chẳng có gì để đòi hỏi. Tôi nhớ lại những lời ca trong Kinh Hòa bình: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…”

1/ Khi ai làm việc tốt cho tôi , tôi xin Chúa làm gì cho họ? Tại sao ?

2/ Người phục vụ khiêm tốn, thường có thái độ và cử chỉ thế nào?

3/ Tại gia đình và cộng đoàn thường lục đục và chia rẽ là tại đâu?

  * Công Đồng Vatican dạy: Chúa Giêsu là Chúa; nhưng ngài không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ chúng ta…Thánh Augustinô  nói: “Làm Giám mục vì anh em, tôi rất sợ; được làm Tín hữu với anh em , tôi rất yên trí. Vì anh em, tôi là Giám mục, với anh em tôi là Tín hữu: Giám mục là chức vụ phải làm; Tín hữu là tên có phúc. Chức vị rất hiểm nghèo; Tín hữu là danh nghiã mang lại sự cứu rỗi.  (GS # 32)

 3- Không quên nói tiếng “Cám ơn”: Tuy không nghĩ đến việc kẻ khác phải biết ơn mình; nhưng trên miệng tôi luôn sẵn sàng hai tiếng “CÁM ƠN”. Hai tiếng Cám ơn không mất tiền ; nhưng kết quả thật khó đo lường. Gia đình và xã hội sẽ sẽ êm đẹp biết bao, khi có nhiều người biết nói tiếng “Cám Ơn”.      -+++-      Vậy nếu có biết ơn hay cảm tạ, tôi hãy biết ơn và cảm tạ Chúa, vì chỉ có mình ngài được tôn vinh. Trong phần hai của đoạn Phúc Âm hôm nay có 10 người phong cùi được Chúa chữa lành ; nhưng chỉ có một người trở lại tôn vinh và tạ ơn Ngài, mà người đó lại là người ngoại Samari. Chúa đã lên tiếng hỏi: Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa Mà chỉ có người ngoại bang này?.” (Lc 17, 17-18)

   Đọc tới câu này, tôi thấy xấu hổ thật, khi thấy những người ngoại giáo chưa biết Chúa, nhưng họ ăn ở ngày lành và có lương tâm hơn mình nhiều. Nên tôi cần giữ đạo bằng việc làm hơn là hình thức.

B- Câu Kinh Thánh thúc đẩy bạn và tôi chọn Sống tuần này:

   CHÚNG TÔI LÀ NHỮNG ĐẦY TỚ VÔ DỤNG  (Lc 17,10)

Ngay bây giờ bạn tôi phải làm gì? (So what am I doing? For Action)

1/ Tôi không cậy công kể sức sau khi phục vụ Chúa và tha nhân.

2/ Bạn ẩn mình đi sau khi phục vụ, vì không muốn ai khen tặng.

   * Câu Kinh Thánh Gioan Tiền hô nói với các môn đệ của ông: Người phải được nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi. (Ga 3, 30) rất cần được áp dụng trong bài Tin Mừng hôm nay cho bạn và tôi, cho mọi lúc phục vụ  ở trong Gia đình, Hội thánh hay ngoài Xã hội. Chắc chắn sẽ rất ít xẩy ra những ghen ghét, cãi vã và bè phái.

   C- Bạn và tôi cùng cầu nguyện tự phát với Lời Chúa:

   Lạy Cha! Đức Giêsu đã dạy: “Khi đã làm xong tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói chúng tôi là những đầy tớ vô dụng.” Nhờ ơn Chúa, con không bao giờ kể công, muốn người khác khen mình, hay người khác xin Chúa trả công bội hậu cho con. Vì mọi việc con làm là bởi ơn Chúa ban, làm vì Chúa, làm để phục vụ anh em mà thôi. Con noi gương Đức Maria thưa: “Tôi là tôi tớ Chúa, xin vâng như lời thiên thần truyền.”  Amen.

  * Lời hay ý đẹp: MÙA GẶT DỒI  DÀO  ĐÒI HỎI TRUNG THÀNH PHỤC VỤ. /         A fruitfull harvest requires faithfull service.

CHÚA PHẢI ĐƯỢC LỚN LÊN, CÒN TÔI NHỎ ĐI (Ga 3, 30)

Phó tế: GB Nguyễn Văn Định  *  johndvn@yahoo.com

VỀ MỤC LỤC
THƯ SỐ 3 NGÀY 21.09.2010 GỞI GIA ĐÌNH LECTIO DIVINA
 

LECTIO DIVINA - THƯ SỐ 3 ngày 21.09.2010

 

SÁCH THÁNH KINH 

Thưa bạn, 

Không phải là viết cho bạn về cuốn Sách Thánh Kinh, nhưng là về sự tôn kính cần có đối với cuốn Sách sẽ luôn đồng hành với bạn trong việc thực hành Lectio divina. 

Trước hết, bạn cần phải có một cuốn sách Kinh Thánh. Theo chúng tôi bạn nên có một cuốn sách Kinh Thánh toàn bộ (Cựu và Tân Ước), có những chú giải. Bạn dễ dàng tìm thấy Sách Kinh Thánh này ở các nhà sách công giáo. 

Bạn nên có một thái độ cung kính, yêu mến đối với Sách Kinh Thánh. Dành một chỗ trân trọng nhất tại nơi bạn ở chứ đừng bạ đâu quăng đó hoặc nhét vào kẹt nào đó ở kệ sách. Đối với những bạn có phòng riêng thì việc này tương đối dễ dàng. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ dù nơi bạn ớ có thế nào thì bạn vẫn tìm ra được một chỗ trang trọng dành riêng cho Sách Kinh Thánh. Chúng tôi đã từng thấy các đan sĩ ở Âu Châu có một chỗ thật đặc biệt cho Sách Kinh Thánh: Một chỗ ở góc phòng dành cho việc thực hành Lectio divina. Một tấm thảm vải trên đất, một chiếc gối nhỏ đặt Sách Kinh Thánh trên đó, bên cạnh có một cây kiểng nhỏ hay một bình nhỏ cắm hoa tươi, một cây nến... Chúng tôi cũng đã thấy có những tu sĩ nữ trân trọng đặt Sách Kinh Thánh trên gối ở giưòng ngủ của mình. Trông rất thân thương. Có chị chia sẻ rằng khi thực hành Lectio divina, chị rất thích qùy gối bên cạnh giường ngủ của chị. Dành gối êm cho Chúa Giêsu suốt ngày, và trước khi leo lên giường để nghỉ trưa hay ngủ đêm, chị đều dành ra ít phút đọc lại Lời đã tiếp nhận lúc sáng sớm... Mỗi người một kiểu, một cách thế thích hợp nhất. Góc riêng tư này là nơi Đức Kitô Lời gặp gỡ bạn. 

Trong lúc trao đổi với các học viên về Lectio divina, chúng tôi thường so sánh Bí tích Lời và Bí tích Thánh Thể. So sánh để dẫn tới niềm tôn kính yêu mến Lời và đồng thời tôn kính yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúng tôi chỉ so sánh cách chúng ta tiếp cận Lời và tiếp cận Thánh Thể để thấy rằng chúng ta có thể đến với Lời dễ dàng như thế nào. Tôi hay hỏi đùa : “Các chị có cả dám khi “nhớ” Chúa Giêsu Thánh Thể quá, mò vào nhà nguyện lúc không có ai, mở cửa nhà tạm để “ngó” Chúa một cái cho đỡ thèm không”? Vậy mà các chị luôn có Chúa Kitô Lời ở trong tầm tay các chị. Muốn ôm ấp, nâng niu, hôn yêu Chúa lúc nào cũng được. Một khi dành cho Chúa Kitô Lời cách tiếp cận đơn sơ như thế, chúng ta thật dễ dàng nhớ đến Chúa, kết hợp mật thiết với Chúa.  

Chúng ta thường hết mình làm việc “cho” Chúa, nhưng thường thì lại ít làm việc “với” Chúa và “trong” Chúa. Chúa muốn chúng ta hoạt động cho Chúa, mở mang Nước Chúa, nhưng điều Chúa mong muốn hơn đó là chúng ta sống với Chúa, trong Chúa, luôn luôn kết hiệp với Chúa. Quyển Sách Kinh Thánh chúng ta có trong tay, trên bàn học, trong phòng của chúng ta phải là sự hiện diện của Chúa Kitô bên cạnh chúng ta. Do đấy đi vào thực hành Lectio divina, chúng ta phải có thái độ tôn kính, trân trọng, yêu mến không phải chỉ đối với Sách Kinh Thánh, nhưng là đối với chính Chúa Kitô Lời. 

Người ta cũng hay so sánh Sách Kinh Thánh là một thứ Nhà Tạm. Điều này đúng, nhưng Nhà Tạm Sách Kinh Thánh chứa đựng Chúa Kitô Lời gần gũi chúng ta hơn. Đối với Nhà Tạm Thánh Thể, chúng ta phải tiếp cận trọn vẹn bằng đức tin và cung kính từ xa. Còn đối với Nhà Tạm Sách Kinh Thánh, đức tin vẫn cần thiết, tuy nhiên do được tiếp nhận trực tiếp, chúng ta cảm được sự gần gũi thân thương hơn nhiều và có thể gặp gỡ thường xuyên. 

Đi vào thực hành Lectio divina, chúng ta đến gặp gỡ Chúa Kitô Lời để lắng nghe và để trò truyện với Người. Người sẽ dẫn đưa chúng ta vào kết hiệp mật thiết với Người. Gặp gỡ Chúa Kitô qua việc cầm đọc Sách Kinh Thánh, chúng ta cũng cần phải có tâm tình yêu mến, kính trọng như gặp gỡ chính Chúa Kitô. Thái độ tôn kính này sẽ giúp chúng ta sống giờ Lectio divina thật ý nghĩa.

 

Ngày 21.09.2010, Kính Thánh Matthêu Tông Đồ, tác giả Sách Tin Mừng. 

Fr. M. Bảo Tịnh Ocist. 

Xin tiếp tục cố võ, giới thiệu cho nhiều người thân ghi danh gia nhập Gia Đình Lectio Divina tại địa chỉ lecdiv@gmail.com hoặc conggiaovietnam@gmail.com .  

Xin chân thành cám ơn.

VỀ MỤC LỤC
THÁNH TỐNG VIẾT BƯỜNG
 

Quan thị vệ:

Tống Viết Bường.

Chứng nhân tử đạo,

Trung dũng can trường!

 

Sách ghi:

Làng Phủ Cam năm nhâm dần, thân xác hạ sinh cõi thế, (*)

Họ Thợ Đúc giáp quý tỵ, hồn thiêng trực chỉ Thiên đường .(**)

Thánh hiệu Phao Lô - danh gia chính chính,

Gia đình công giáo - thế tộc đường đường.

 

Sống đạo chăm chăm câu tín thác!

Việc đời canh cánh chữ cương thường.

Một thưở chiến bào khiên giáp,

Nửa đời cung tiễn súng gươm.

 

Chí trung quân - viên đội cai tận lòng giúp nước,

Lòng ái quốc -  người thị vệ  hết dạ phò vương.

Ngoài chiến địa sa trường xông xáo,          

Chốn triều ca phép tắc kỷ cương .

 

Ngờ đâu:

Hồn thần tử Viết Bường tận trung khôn xiết,

Dạ hôn quân Minh Mệnh bất nghĩa khó lường.

Điều tra gốc gác tộc dòng, xưng danh Công giáo liền đeo mang ách họa,

Kê biên ngọn nguồn danh tánh, tín hữu Gia tô phải  gánh chịu tai ương.

 

Hạ binh phù quân tịch,

Xóa tước lộc huy chương.

Côn trượng tám mươi hèo nát thịt ,

Cùm gông hai khúc xiết bầm xương.

 

Nơi ngục thất kiên trung khẳng khái,

Chốn lao lung anh dũng ngoan cường.

Khuyên nhủ ủi an đồng phạm,

Ân cần giúp đỡ nêu gương.

 

Ngày tháng lao tù, nài quản ngục xích xiềng thêm nặng!

Khắc giờ tra khảo, xin lý hình roi vọt chớ nương!

Án trảm quyết dùng dằng công bố,

Lệnh bêu đầu tức khắc loan trương.

 

An ủi hiền tế nội gia tín thác,

Vỗ về thông ngôn ngoại quốc kiên cường.

Biệt giã anh em: Vui – Mang – Quân  chí vững tin chính trực,

Hẹn hò đồng đạo: Hang – Minh – Phú lòng trông cậy tròn vuông.

 

Đường tử đạo:

Liêu xiêu bóng gươm chiều tắt!

Lập lòe ánh đuốc tàn dương.

Vội vã quân binh cuồng chân nơi hành quyết,

Thong dong tử tội dạo gót chốn pháp trường.

 

Sông sâu chắn lối…

Cầu gẫy ngăn đường!

Dừng bước lý hình ngần ngại,

Theo chân ái nữ thảm thương.

 

Mặt ngước trời phó linh hồn Chân Chúa!

Đầu cúi đất trao thân xác tà vương .

Chẳng mõ trống, án quan tần ngần tuyên trảm,

Không chiêng cồng, đao phủ vội vã vung gươm.

 

Hồn nhân chứng bay lên trời bao vinh phúc,

Máu thánh nhân đổ xuống đất ngát kỳ hương.

 

Nhận tử thi một tối đau lòng tìn hữu,

Bêu thủ cấp ba ngày hả dạ ma vương.

Năm mươi năm trung hiếu vẹn toàn, bia trượng phu khắc sâu khí tiết,

Nưa thế kỷ cậy tin son sắt, gương tín hữu rạng tỏa thiên lương.

 

Năm tân sửu, Đấng cha thánh Lê-ô thập tam vinh phong chân phước,

Năm mậu thìn, Đức Giáo tông Phao-lô đệ lục tấn sắc thánh nhân.

 

Danh lưu vạn cổ!                                           

Tiếng vọng muôn phương.

Hậu sinh ngưỡng mộ!

Thánh Tống viết Bường.

 

Bùi Nghiệp

(nguồn: BT Hiệp Thông số 59)

(*) và (**): Thánh nhân có thể (?) sinh năm 1782 (nhâm dần)và  tử vì đạo 23.10.1833 (quý tỵ)

VỀ MỤC LỤC
MỐI THÂN TÌNH VỚI CHÚA ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG BẰNG CẦU NGUYỆN VÀ THÁNH LỄ
  

Tại cuộc tiếp kiến chung ở Quảng Trường Thánh Phêrô sáng thứ Tư, 29-9-2010, Đức Bênêđictô XVI đã giới thiệu khuôn mặt của Thánh nữ Matilde Hackeborn, nhà thần bí và nữ tu sĩ của đan viện Helfta vào thế kỷ 13. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người “thắt chặt mối thân tình với Chúa, nhất là qua việc cầu nguyện hằng ngày và việc trung thành tham dự Thánh Lễ cách ý thức và năng động.” 

Matilda là người phụ nữ với những phẩm chất tự nhiên và thiêng liêng rất cao quí. Trước sự hiện diện của khoảng 30 ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng vị thánh nữ này được mệnh danh là “chim sơn ca của Thiên Chúa” bởi nét êm dịu tuyệt vời trong tiếng nói của ngài khi trình bày Lời Chúa hay khi điều khiển ca đoàn của tu viện. Được ơn soi sáng của Thiên Chúa nhờ chiêm niệm thần bí, Matilde đã đúc kết thành rất nhiều lời cầu nguyện. Là bậc thầy trong niềm trung thành với giáo thuyết và trong lòng khiêm nhường sâu thẳm, ngài chỉ bảo, khích lệ, và hướng dẫn biện phân cho các chị em nữ tu của mình. 

Đức Thánh Cha cũng ghi nhận rằng rất nhiều người - không chỉ trong tu viện, mà cả ở tận nước ngoài, tu sĩ cũng như người đời,  đã đến với Matilda. Họ làm chứng rằng người trinh nữ thánh thiện này đã giúp giải phóng họ khỏi bao nỗi ưu phiền lo lắng, và rằng chưa bao giờ họ nhận được nhiều an ủi như thế. 

Cầu nguyện và chiêm niệm là nhiên liệu sống của cuộc đời vị thánh nữ - Đức Thánh Cha nói tiếp. Tất cả những mạc khải, những sự chỉ dạy, những việc phục vụ tha nhân, và con đường tin yêu của ngài đều cắm rễ trong cầu nguyện và chiêm niệm. 

Chịu nhiều khổ sở trong những năm cuối đời do các đau đớn thể lý, Matilde đã trải qua giai đoạn “khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng” ấy mà không hề rời bỏ con đường chiêm niệm của mình. 

Bằng cách đặt mình trong sự hướng dẫn của Lời Chúa và được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể, Matilde đã đạt được sự kết hiệp thâm sâu với Chúa, và luôn luôn trung thành trọn vẹn với Giáo Hội - Đức Thánh Cha nhấn mạnh. 

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết luận rằng hình ảnh của Thánh nữ Matilde là một lời mời gọi, thúc giục chúng ta thắt chặt mối thân tình với Chúa, nhất là qua cầu nguyện hằng ngày và qua việc trung thành tham dự Thánh Lễ cách ý thức và năng động. Phụng vụ quả thực là một trường linh đạo lớn.    

THIÊN PHONG

theoIl Papa: l'amicizia con il Signore si alimenta con preghiera e Messa” trong zenit.org, 29.9.2010

VỀ MỤC LỤC
CHUỖI MÂN CÔI, HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

 

Năm  1993, trước khi cha tôi vào cơn hấp hối 56 ngày đêm, cha tôi cầm tay Mẹ tôi nói lời từ biệt. Cha nói chỉ mấy câu. “Cảm ơn Bà, 51 năm chung sống. Vui lên. Tạ ơn Chúa. Đây, Chuỗi Mân Côi hồi mới cưới. Quà chia tay đó. Nhớ giữ, sau nầy làm quà cho con”.

Nghe Mẹ kể mà anh em chúng tôi ứa lệ. Tôi ghi lại kỷ niệm ấy trong bài thơ Di Sản: 

Ông già nói với bà già

Bà ơi tôi sắp phải xa bà rồi

Con thì mỗi đứa một nơi

Nhà thời vắng vẻ mình tôi với bà

 

Tôi đi bà ở lại nhà

Vui lên! Cứ nghĩ như là có tôi

Ai rồi cũng một kiếp người

Tôi thời cũng vậy, bà cười lên đi

Biết rằng tử biệt sinh ly …

Cho tôi nói nhỏ lời tri ân bà

Một đời lăn lóc bôn ba

Tôi dành một chút làm quà chia tay

Bà cầm tràng chuỗi nầy đây

Tôi hằng nguyện giữ từ ngày cưới nhau

Năm mươi hạt ngọc trân châu

Xin làm di sản tôi trao tặng bà

……

Mai kia bà có đi xa

Bà ơi gởi lại làm quà cho con

 

Tôi lại nhớ, Mẹ vẫn ngồi một góc trên chiếc giường tử biệt của Cha, một mình lần chuỗi Mân Côi hồi mới cưới. Mẹ cầu nguyện cho con cho cháu. Năm 2002, 27 tết, mẹ gọi anh em về vì những cơn nhồi máu cơ tim đã bắt đầu giục giã. Về sum họp với Mẹ, tưởng là sẽ chia tay Mẹ, nhưng không, Mẹ khỏe lại để cùng ăn một cái tết sum họp với anh em từ sau ngày Cha mất.

 

Mùng 3 tết, cháu Hữu mang bệnh Tim Bẩm Sinh Tứ Chứng Fallot, chào Bà Nội để nhập viện Phan Thiết, rồi Nhi Đồng Sài Gòn vì đang bị viêm Tim và abces Gan. Hữu sốt cao liên tục 112 ngày tại BV nhi đồng, đồng nghĩa với việc bà nội ở nhà đã lần 224, hay 336 chuỗi Mân côi gì đó để cầu nguyện cho cháu. Vừa hết sốt, chỉ có vài ngày, Hữu được về thăm nội. Bà nội mừng rơn, nước mắt dâng trào : “Bà đã dâng con cho Đức Mẹ, Đức Mẹ đã nhậm lời cầu xin”. Bên mộ Bà nội, Hữu nói “Bà nội bịnh lâu rồi, nhưng bà còn phải lần chuỗi cho con và chờ con về, mười ngày sau mới chết. Con cảm ơn bà Nội”

Mỗi năm, cứ đến tháng mười, nỗi nhớ càng da diết thêm. 

Nhìn lại nhiều biến cố trong đời tôi, trong đời bạn, trong đời các gia đình công giáo chắc hẳn chúng ta sẽ có những chứng từ sống động về hiệu quả của việc lần hạt Mân côi trong gia đình. Và hơn thế nữa, phép lạ Mân côi trong gia đình chính là Gia đình được Hạnh phúc. 

Nhớ năm nào đó, tôi được tham dự buổi sinh hoạt với lớp dự bị Hôn Nhân tại Giáo Xứ Đồng Hộ Nha Trang. Lúc ấy Cha GB. Trần Tấn Linh mới đổi về. Cha giới thiệu một  người bạn của Cha, tu xuất, có gia đình bảy tám đứa con gì đó, cuộc sống khó khăn nhưng vẫn luôn nhiệt tình với các công tác giáo hội. Ông ấy chia sẻ với lớp rằng : “Tôi rất vinh dự, và sung sướng vì được vợ tôi luôn cầu nguyện cho tôi. Một ngày của nàng thường lần ba chuỗi Mân côi. Chuỗi thứ nhất cầu nguyện cho Gia đình. Chuỗi thứ hai dành riêng cho tôi, chồng nàng. Và chuỗi thứ ba cầu cho Giáo Xứ. 

Khi được hỏi tại sao đã cầu nguyện chung cho gia đình rồi, còn dành riêng một chuỗi cho tôi, thì nàng trả lời chí lý rằng:

-“Ai mà giữ anh nỗi, xin Đức Mẹ giữ, chắc ăn. Mỗi ngày mất có mươi lăm phút, mà được cho anh và cho cả nhà suốt đời ”.

-“Anh có gì mà phải giữ  ? ”  

-“Có, chứ sao lại không hầy ! Giữ anh khỏi tội lỗi, khỏi mất linh hồn nè ! Giữ anh khỏi đi lạc đường nè, khỏi tan nạn, khỏi bị hiểu lầm, khỏi tính kiêu căng, khỏi đủ thứ chuyện nè ! Trong đó, có cả việc xin Đức Mẹ giữ anh khỏi bị cô nào bỏ bùa yêu nữa nè ! ”

Qua những năm tháng cuộc đời, Tôi mới hiểu ra, Đức Mẹ đã giữ gìn tôi theo lời yêu cầu của nàng ”.

Được hỏi tại sao dành riêng cho Giáo xứ một chuỗi mối ngày, tôi bất ngờ nghe câu trả lời :

-“Cầu cho GX ai cũng sống đạo tốt lành, tốt lành để làm gương cho mình, thì mình cũng khỏe lắm anh à. Lỡ mà vợ chồng mình có điều gì đáng trách thì họ cũng bỏ qua cho, gặp nghèo khổ hoạn nạn thì họ cũng thương tình mà giúp đỡ, và nhất là được sống trong một Giáo Xứ của những người thánh thiện thì còn gì vui bằng. Lần chuỗi Mân côi cầu cho GX là đã cầu nguyện cho Cha sở. Cha phó, quí thầy quí xơ nữa rồi đó nghen. Đức Mẹ mà can thiệp vào thì Cha sở toàn là được chứ không mất gì cả. Cha sở mà được uy tín, được tin tưởng, được yêu mến, được thánh thiện thì trở nên máng thông ơn cho mình. Không cầu nguyện cho các Ngài mà trách cái máng lủng là đòi gặt nơi không gieo đó, là bất công đó ”…. 

Ông ấy kể lại chứng từ Mân Côi trong gia đình của ông, đặc biệt nơi người vợ, và các anh chị dự bị hôn nhân  bị cuốn hút bởi ai cũng muốn cho mình có được một tương lai gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, một vài anh chị đã ngỡ ngàng đối với một việc đạo đức bình dân : “lần chuỗ iMân Côi  là thế nào ? ”.

Tôi xin nhường phần giải thích việc Tôn Sùng Đức Mẹ qua việc Lần chuỗi Mân côi cho những bài chú giải và suy niệm của những người khác. Tôi xin nhường lại phần trả lời cho những người có trách nhiệm.

Phần tôi, nhớ lần gặp một cụ già đang lần chuỗi trước đài Đức Mẹ Gia Yên, tôi hỏi cụ : Cụ đọc kinh gì vậy ? « Cụ đọc kinh Kính Mừng. Đọc với cụ nhé : Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà,  Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.   Thế là ta tuyên xưng đức tin rằng : chỉ có Đức Chúa trời trong nhà ta, như Đức Chúa Trời ở cùng Bà, nhà ta mới được hạnh phúc….Đức Chúa Trời ở cùng nhà ta, trong nhà ta qua Chúa Giêsu »

Rồi cụ bảo tôi, tiếp nhé :

« Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nầy, và trong giờ lâm tử.  A men. Một ngày biết bao tội. Ai mà không tội. Trong nhà có tội trong nhà. Ngoài đường có tội ngoài đường. Lúc nào cũng có tội. Nhưng, lúc nào cũng có thể chết. Xin gửi gắm cho Đức Mẹ cả nhà mình, hy vọng tốt hơn, may ra được Chúa cứu »

Tôi bất ngờ cách giải thích hùng hồn của cụ. Cụ giải thích như cụ đã sống. Tôi nghĩ, người nầy đã xây dựng được bình an hạnh phúc nơi nhà mình qua chuỗi Mân côi. 

Một lớp trẻ đang xa lạ với chuỗi mân côi là tín hiệu sẽ xuất hiện những gia đình mất nền tảng, sẽ xuất hiện một xã hội đầy dẫy những băng hoại.

Có thể chúng ta chưa giới thiệu chuỗi Mân côi cho thế hệ trẻ hoặc có thể là thế hệ trẻ đang bị đầu độc để có thái độ dị ứng với những việc đạo đức bình dân. Cả hai việc ấy đều phải khắc phục trong gia đình ngay lúc nầy, nếu không muốn thấy có bóng dáng những lạc giáo, những ly giáo, những hỗn độn trong gia đình, trong Giáo Hội và xã hội tương lai.  

Xin các gia đình đã quen lần chuỗi với nhau trong giờ kinh tối, đã quen lần chuỗi liên kết với nhau trong ngày, và đã quen sống tinh thần kinh kính mừng hãy kể cho chúng tôi, hãy kể cho giới trẻ niềm vui bình an hạnh phúc mà quí vị nhận được qua chuỗi Mân côi. 

Lạy Mẹ Maria, chúng con tin rằng Chuỗi Mân Côi là di sản đức tin Cha ông đã để lại cho gia đình chúng con thắng vượt những thử thách cuộc đời, là bảo đảm phần rỗi cho mỗi thành viên trong gia đình chúng con, và mang lại bình an  hạnh phúc thực tại cho gia đình chúng con tại thế gian nầy. Xin cho chúng con biết yêu mến Mẹ, và siêng năng lần Chuỗi Mân Côi.  

PM. Cao Huy Hoàng

VỀ MỤC LỤC
ĐÂU LÀ CỐT LÕI CỦA ĐỨC TIN KITÔ GIÁO ? ĐỌC ĐỨC TIN KITÔ GIÁO HÔM QUA VÀ HÔM NAY

 

Đỗ Mạnh Tri 

Đâu là nội dung và tư tưởng cốt lõi của niềm tin Kitô giáo ? Câu trả lời đương nhiên là Kinh Tin Kính, hay Tín Biểu các Tông đồ. Người ngoài Kitô giáo muốn tìm hiểu đức tin kitô giáo, người kitô giáo muốn ý thức và đào sâu niềm tin của mình cần suy gẫm Kinh Tin Kính. Cuốn Đức Tin Kitô Giáo Hôm qua và Hôm nay[1] (ĐTKTGHQVHN) của Biển Đức 16, một trong những công trình thần học quan trọng nhất của thế kỷ 20, giúp ta thực hiện điều đó, đồng thời cho thấy đức tin không chỉ là khiêm tốn và đón nhận mà còn đòi hỏi nhiều cố gắng trên bình diện lý trí.

Chung quanh cuốn sách.

ĐTKGHQVHN, nguyên là một giáo trình của Biển Đức 16 về Kinh Tin Kính, khi ngài còn là giáo sư trẻ tuổi tại đại học Tübingen, năm 1967. Lời tựa của ấn bản đầu tiên (1968) cho biết vì có sự thúc đẩy kiên nhẫn của tiến sĩ Heinrich Will nên tác giả mới "dám liều lĩnh cho in". Hẳn ông H. Will đã nhận ra tầm quan trọng của giảng khóa. Vì chỉ trong vòng một năm cuốn sách đã được tái bản mười lần. Trong Lời tựa cho lần tái bản thứ mười (1969), tác giả viết:"Khi cuốn sách này lần đầu tiên xuất hiện cách đây một năm, tôi đã không nghĩ nó sẽ tạo ra được tiếng vang lạ lùng như thế. Tôi vô cùng sung sướng và cám ơn vì tác phẩm đã vượt biên giới và mang lại ơn ích cho không những tín hữu ở Tây mà cả ở Đông Đức, không những cho tín hữu công giáo mà cả tín hữu tin lành".

Lúc đó Joseph Ratzinger chưa thành một nhân vật nổi tiếng như sau này. Vậy tiếng vang lạ lùng từ cả hai phía Tin Lành và Công giáo, chỉ có thể đến từ nội dung của tác phẩm. Trong lời tựa ấn bản đầu tiên, năm 1968, tác giả mở đầu bằng một câu hỏi: "Đâu là nội dung và tư tưởng cốt lõi của đức tin kitô giáo ?" Và trả lời bằng một khẳng định táo bạo, khá bất ngờ: "Chưa bao giờ trong lịch sử câu hỏi này bị mây mù che phủ như hôm nay". Nói cách khác, câu hỏi nền tảng, thiết thân của người kitô hữu đang bị cho ra rìa một cách nào đó vì bị khỏa lấp bởi mây mù. Mà thủ phạm đầu tiên chính là thần học: "Không thể chối cãi là hiện đang có một khuynh hướng phổ biến muốn đổi vàng lấy đá". Vì cảm thấy đức tin là gánh nặng nên thần học có khuynh hướng lược bỏ những gì bị coi là phụ thuộc để chỉ giữ lại phần tinh túy của Đạo, nhưng rồi lần hồi từng bước, mỗi đợt một ít, tiến trình lược bỏ không còn biết đâu là cốt lõi, rốt cuộc, cái gọi là cốt lõi biến thành câu chuyện tầm phào.  Tuy nhiên, theo ý tác giả, ta cũng "không thể cản ngăn được khuynh hướng này bằng cách cứ nhắm mắt bám trụ vào những công thức của quá khứ, tuy vẫn óng ánh như vàng mà thật ra là những miếng sắt: Chúng quả là gánh nặng, chứ không mở ra tự do, thoải mái cho đức tin"[2]. Tác giả công nhận có gánh nặng trong quá khứ và không phủ định việc cần tước bỏ. Vấn đề là tước bỏ chỗ nào? Nếu đổi vàng lấy đá thì rồi cũng vất luôn cả đá, vì đá cũng nặng không kém vàng. Vậy trước khi tước bỏ, cần phân định đâu là phần tinh túy của Đạo, đâu là cốt lõi của đức tin kitô giáo: "Và đây là chủ đích của cuốn sách: nó muốn giúp cho người theo Chúa trong thời đại ngày nay hiểu một cách mới rằng, đức tin là một cách thế giúp cho con người trở thành người đích thực; cuốn sách muốn diễn giải đức tin một cách mới mà không biến ra câu chuyện tầm phào, rút cuộc trở thành vô nghĩa".

Tác giả rất ý thức về tính cách 'mới' của mình trong cách tiếp cận vấn đề. Người đọc tất nhiên tự hỏi thế nào là diễn giải đức tin một cách mới, tại sao đức tin là một cách thế giúp cho con người trở thành người đích thực ? Và thế nào là người đích thực ? Không có đức tin kitô giáo có trở thành người đích thực được không ? Nhưng tự vấn như thế tức là được mời đọc.

Lời mời gọi ấy, mấy chục năm sau xem ra còn cấp bách hơn. Sau hai biến cố 1968 "đánh dấu sự vùng dậy của một thế hệ mới" và 1989 " đánh dấu sự sụp đổ đáng kinh ngạc của các chế độ xã hội chủ nghĩa ở Tây phương", thế giới đã biến chuyển vùn vụt với bao nhiêu kinh nghiệm và những vấn nạn mới, nhưng trong lời tựa cho ấn bản năm 2000, tác giả viết: "xét về hướng đi căn bản thì tôi tin mình đã không lầm". Hơn ba chục năm sau ấn bản đầu tiên, hành trình thần học của Hồng y Ratzinger, về căn bản không khác giáo sư thần học Joseph Ratzinger. Và những ai đã đọc Diễn văn tại Ratisbone, và 3 Thông điệp quan trọng của Biển Đức 16: Deus Caritas est, Spe Salvi, Caritas in veritate, cũng dễ dàng nhận ra căn bản thần học đã chứa đựng trong giáo trình của năm 1967. 

Nội dung chủ yếu của ĐTKTGHQVHN.

Tập sách của Biển Đức 16 nên đọc từ từ. Không dễ hiểu. Nhiều chỗ khó hiểu. Khuôn khổ lý luận chặt chẽ và ngôn ngữ triết học, thần học mang tính chuyên môn giúp người đọc ý thức về niềm tin của mình và luôn thể nhìn ra tầm quan trọng của liên hệ sâu xa giữa trí tuệ và đức tin mà Gioan Phaolô 2 cũng như Biển Đức 16 rất quan tâm[3].

 ĐTKGHQVHN đặt vấn đề tin, đi vào chi tiết của Thiên Chúa luận, Kitô học, Giáo hội học, trên bình diện khoa học, triết học, thần học trải dài 20 thế kỷ với những tranh luận cũ, mới. Nội dung ấy phức tạp, hàm súc. Thay vì một bản tóm tắt chỉ có thể hời hợt, người viết xin đề cập đến điểm mà chính tác giả coi là tâm điểm của đức tin kitô giáo, cũng là trọng tâm của tác phẩm: việc tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô.

Sự hình thành của kinh Tin Kính. Mục đích cuốn sách là "dựa vào kinh Tin Kính các Tông Đồ như kim chỉ nam giúp đi sâu và nội dung cụ thể của đức tin" (tr.93). Cội nguồn kinh Tin Kinh trong Tin Mừng Mathêô "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28, 19). Từ đó, xuất phát ba câu hỏi được đặt ra cho người tân tòng thời Giáo hội sơ khai tại Rôma: " Con có tin vào Thiên Chúa là Cha toàn năng không? Con có tin vào Đức Giêsu-Kitô Con Thiên Chúa không? Con có tin vào vào Chúa Thánh Thần.. không?" Từ tuyên xưng đức tin cách cô đọng này đã dần dà hình thành kinh Tin Kính vào khoảng thế kỷ thứ IV. Do vị thế của Giáo hội Rôma và những biến chuyển chính trị, bản kinh này lan truyền mau chóng và trở thành bản chính thức cho Tây phương. Tại Đông phương, vì không có một giáo hội địa phương nào nổi bật như giáo hội Rôma bên Tây phương, nên không có một kinh Tin Kinh thống nhất. Thành ra Đông phương "vẫn giữ được tính đa dạng của kinh Tin Kính và hướng thần học cũng hơi khác so với Symbolum của Rôma. Kinh Tin Kính của Rôma (mà cũng là của chung cho phương Tây) nghiêng nhiều hơn về lịch sử cứu độ với trọng tâm là đức Kitô. Có thể nói nó dừng lại ở thực tại lịch sử của mầu nhiệm Đức Kitô, nghĩa là đơn giản đón sự thể Thiên Chúa đã làm người để cứu độ chúng ta chứ không đi sâu vào mối liên hệ của nó với toàn thể thực tại. Ngược lại, Đông phương hiểu đức tin kitô theo chiều kích vũ trụ và siêu hình nhiều hơn. Điều này có thể thấy rõ qua việc - trong các kinh đó - Kitô học được nối kết với mầu nhiệm Tạo Dựng. Nói khác đi, họ đã nối kết chiều kích đặc thù, duy nhất của lịch sử Đức Kitô với chiều kích thường hằng, bao trùm của Tạo Dựng" (tr. 95). Điều không được bộc lộ rõ ràng trong kinh Tin Kính của Tây phương là mối quan hệ giữa đức tin và toàn thể thực tại hữu hình cũng như vô hình. Tuy nhiên đã hàm chứa trong thực tại lịch sử của mầu nhiệm Đức Kitô, Thiên Chúa làm người. Và đây chính là điều được diễn giài minh bạch trong ĐTKGHQVHN qua việc tuyên xưng Đức Kitô Giêsu.

Tâm điểm của kinh Tin Kính. Khoản 2 của kinh Tin Kính tuyên xưng: "Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô, là con một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi".

"Lời tuyên xưng Đức Giêsu, một cá nhân cụ thể, bị hành quyết khoảng năm 30 ở Palestina, là Đấng "Kitô" (Đấng được xức dầu, được tuyển chọn) của Thiên Chúa, thậm chí là Con đích thực của Thiên Chúa, là tâm điểm mang ý nghĩa quyết định đối với tất cả lịch sử nhân loại. Quả là táo bạo và điên rồ khi coi một khuôn mặt hoàn toàn đặc thù, hơn nữa, ngày càng chìm mất trong mây mù quá khứ, như là quy chiếu tối hậu của tất cả lịch sử" (tr. 237-238). Niềm tin ấy "là sự nối kết giữa Logos và sarx[4], giữa Lời và xác phàm, giữa đức tin và lịch sử. Giêsu, con người lịch sử, là Con Thiên Chúa, và Con Thiên Chúa chính là con người Giêsu lịch sử đó. Thiên Chúa xuất hiện vì con người xuyên qua những con người. Hay nói cách cụ thể hơn: Chính qua Con Người đó mà ý nghĩa sâu xa nhất của phận người được tỏ lộ […] Tin như thế thì có khác nào rơi vào một chủ trương "thực chứng" quái gở? Có nên bám vào một biến cố cỏn con trong thời gian như thế hay không? Trên đại dương mênh mông của lịch sử, liệu chúng ta có dám liều đặt tất cả đời mình, thậm chí cả lịch sử lên một chút biến cố, chẳng khác gì cọng rơm hay không?" (tr. 239).

Như vậy, cốt lõi của Kitô giáo không phải tin vào Giêsu, cũng không phải tin vào Kitô, mà là tin vào Giêsu Kitô. Nếu Giêsu chỉ là Giêsu, thì lời rao giảng của Ngài dù có ảnh hưởng to lớn mấy đi nữa, Ngài cũng chỉ là một trong những vĩ nhân của lịch sử, thuộc hàng một Socrate, một Khổng Tử, Lão Tử, Zarathoustra, Thích Ca. Và hôm nay, ta vẫn có thể tâm phục những lời giảng dạy của Ngài qua các bản Phúc Âm, như sứ điệp quý báu của một bậc linh sư vĩ đại, mà chẳng cần phải là kitô hữu, thậm chí chẳng cần tin vào Thiên Chúa. Rất nhiều người ngoài Kitô giáo thán phục những lời rao giảng của Chúa Giêsu. Ý tưởng Giêsu chỉ là Giêsu dễ được chấp nhận, nhưng như thế, hết Kitô giáo. Người kitô hữu tin rằng Giêsu, con người 'cọng rơm', bé bỏng, bị nhục hình thập giá, là Kitô, là Con Thiên Chúa, và là Ngôi Hai Thiên Chúa, tâm điểm mang ý nghĩa quyết định đối với tất cả lịch sử nhân loại. Có cần thêm rằng, vì Giêsu và Kitô là một, nên chỉ có Giêsu là Kitô, cũng như chỉ có Thiên Chúa là Thiên Chúa. Ơn cứu độ, vì thế, chỉ có qua Giêsu Kitô. Tất cả lịch sử nhân loại là… tất cả lịch sử nhân loại. Tức nhân loại xưa kia, hiện nay và mai sau lệ thuộc vào Giêsu Kitô. Đó là điên rồ của đức tin.

Sự điên rồ này lại khởi đi từ Thập giá. Vì chính trên Thập giá mà Giêsu được tuyên xưng là Kitô. "Philatô đã nhượng bộ đòi hỏi lên án của người Do Thái và dùng chính lời kết án của họ để khắc lên tấm bảng treo cao trên thập giá. Bản án được viết bằng các ngôn ngữ chính của thời bấy giờ và trình bày Đức Giêsu như vị Vua (Mêsia) của dân do thái bị tử hình. Nghịch lý thay, chính lời tuyên án, chính bản án lịch sử đó, lại trở thành  "lời tuyên xưng đức tin", trở thành khởi điểm đích thực và căn nguyên sâu xa của niềm tin kitô: Chính trong tư cách là Đấng bị đóng đinh mà Đức Giêsu là Đấng Kitô, là Vua. Bị đóng đinh, đó là cách thức làm Vua của Ngài. Thật vậy, đối với Ngài, làm vua có nghĩa là tự hiến chính mình cho nhân loại, và chính trong hành vi trao hiến mình mà Lời, Sứ vụ và Hiện hữu của Ngài nên một với nhau. Vì thế, hiện hữu của Ngài cũng là lời Ngài. Ngài là Lời, bởi Ngài là tình yêu" (tr.255). Vậy đức tin kitô giáo không phải chỉ tin vào lời rao giảng của Giêsu, hoặc chỉ tin vào Ngài như một Đấng được sai đến. Lời rao giảng của Giêsu là lời của Lời, Ngôi Hai Thiên Chúa; Ngài không chỉ là người được Thiên Chúa sai đi như một vị tiên tri, vì Ngài chính là Thiên Chúa Tình yêu. Lời, Sứ vụ và sự Hiện hữu của Ngài là một. Đức tin kitô giáo tin vào một Con người-Thiên Chúa: Giêsu-Kitô.

Tình yêu, Sự Thật và Đức Tin. Chúa Giêsu Kitô, Đấng tự hiến mình cho nhân loại, không sống cho riêng mình, Ngài "sống trọn vẹn vì Cha và trọn vẹn cho con người. Bản thân Ngài là sự đồng nhất giữa Logos (Chân Lý) và Tình Yêu, và vì thế làm cho Tình Yêu trở thành Logos, trở thành Sự Thật của con người" (tr. 259). Vậy tin vào Đức Giêsu Kitô, tất nhiên phải thực hiện tình yêu rộng mở vô điều kiện và trong sự thật.

Để tóm tắt một lời về "Bản chất của Kitô giáo", Joseph Ratzinger viết: "Nói cách mộc mạc, dù có thể gây hiểu lầm: Kitô hữu đích thực không phải là thành viên của một giáo phái, nhưng là kẻ, xuyên qua cách sống kitô hữu mà trở thành con người đầy chất người. Kitô hữu đích thực không phải là kẻ chỉ biết cắm cúi tuân theo một hệ thông phép tắc cách nô lệ, chỉ biết lo cho riêng mình, nhưng là kẻ đã nên tự do với tấm lòng rộng mở, sẵn sàng sống vì tha nhân. Nguyên lý tình yêu (đức mến) đích thực luôn bao hàm đức tin. Chỉ như thế đức tin mới chân thật, đúng nghĩa. Bởi lẽ, như chúng ta thấy, đức tin nói lên đòi hỏi căn bản của con người là lãnh nhận, nói lên tính bất túc của tất cả những gì con người có thể tạo ra. Nếu không bao hàm đức tin như thế, đức mến sẽ trở thành một hành vi tùy ý, theo sức riêng. Nó sẽ tự nâng mình lên và cho mình có thể đạt tới công chính. Đức tin và đức mến tùy thuộc và đòi hỏi lẫn nhau. Cũng vậy, nguyên lý tình yêu cũng đồng thời bao hàm nguyên lý hy vọng, nguyên lý siêu vượt khoảnh khắc hiện tại cùng với tính đặc thù của nó để hướng đến Toàn Thể. Như thế, dòng suy tư của chúng ta cuối cùng dẫn đến ba điều mà thánh Phaolô coi là trụ cột nền tảng của Kitô giáo: "Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến" (1Cr 13,13).

Một vài phê bình.

Từ cách nhìn cốt lõi của đức tin, tác giả phê bình một số nhà thần học hiện đại. Tác giả phê phán Harnac vào đầu thế kỷ 20, chủ trương trở về với Giêsu lịch sử và ngoảnh mặt với Kitô đức tin (tr. 245-247);  ủng hộ Kart Barth, người không tách rời Giêsu và Kitô (tr. 252-254)… Ở đây xin nhắc tới lời phê bình thánh Anselm liên hệ tới hình ảnh về Chúa Cha và lời bàn về kinh Tin Kính liên hệ tới Chúa Thánh Thần và đời sống Giáo hội.

Thuyết đền bù của Thánh Anselm ở Canterbury.

Anselm (khoảng 1033-1109) " cố gắng chứng minh rằng, công trình của Đức Kitô có những lý do tất yếu của nó (rationibus necessariis), và qua đó chứng tỏ cho thấy công trình đó tất yếu phải xảy ra như thế " (tr. 291). Lý do tất yếu là con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa, mà mức độ xúc phạm nặng nhẹ tùy thuộc ở kẻ bị xúc phạm. Ám sát một người ăn mày không nặng bằng ám sát một ông vua. Thiên Chúa là Đấng vô cùng. Lỗi phạm của con người vì thế cũng vô cùng. Muốn đền bù cũng phải vô hạn, điều mà con người hữu hạn không thể làm được. Vì thế, phải chính Thiên Chúa làm người mới đền bù được sự xúc phạm. Với tư cách là người, Ngài thuộc về dòng giống những kẻ xúc phạm. Với tư cách là Thiên Chúa "Ngài có thể thực hiện điều mà không một phàm nhân nào làm được, đó là đền bù tất cả những gì mà tội lỗi gây ra" (tr.293).

Không phải quan điểm này không có mặt tích cực của nó. Thánh Anselm cho thấy Thiên Chúa là Đấng sống cho tất cả chúng ta, tất cả là hồng ân Thiên Chúa, vì thế chúng ta cũng chỉ sống trong chừng mực chúng ta quên mình, biết sống cho tha nhân. Nhưng, lối lý giải logích, mang tính pháp lý lạnh lùng, đưa ra một hình ảnh đáng sợ về Thiên Chúa. Và quan điểm của Anselm đã ảnh hưởng sâu đậm lên tâm thức kitô hữu Tây phương suốt thiên niên kỷ thứ hai: " Đối với rất nhiều kitô hữu, nhất là những người chỉ hiểu biết qua loa về đức tin thì Thập Giá nằm trong một thứ cơ chế pháp lý, nghĩa là, khi một quyền bị xúc phạm thì phải tái lập quyền đó. Vì vậy, khi công lý của Thiên chúa bị xúc phạm cách vô cùng thì chỉ có sự đền bù vô hạn mới tái lập được. Do đó, trước mắt con người, Thập Giá chỉ còn nói lên thái độ của một Thiên Chúa hà khắc". (tr. 360). Hơn nữa, một số văn bản suy niệm về đạo đức cũng "hàm chứa quan niệm về một Thiên Chúa nghiệt ngã, công lý của Ngài không biết đến bao dung, và vì thế đòi hỏi phải sát tế con người, sát tế chính Con của mình. Công lý theo nghĩa như thế tất nhiên khiến người ta phải kinh hãi quay mặt đi, thứ công lý đấy sát khí khiến cho sứ điệp về tình yêu trở thành không thể tin nổi"(tr.361).

Và J. Ratzinger không ngần ngại: "Một quan điểm như thế càng lan truyền bao nhiêu càng sai bấy nhiêu" (tr. 361). Vì đối với tác giả, chúng ta không thể quan niệm một Thiên Chúa thịnh nộ đến nỗi phải sát tế chính Con mình. Không, Thiên Chúa là tình yêu, là trao hiến. Đặc biệt trong Tân ước chúng ta thấy một Thiên Chúa hạ mình làm người và "chính trong sự nhỏ bé tột cùng, contineri a minimo – bị vây phủ, dồn ép bởi điều khốn hèn nhất, mà Ngài trở thành Đấng khơi nguồn "siêu bội", và điều đó minh chứng Ngài là Thiên Chúa. Thập Giá là mạc khải. Không phải mạc khải về điều gì đó nhưng là về Thiên Chúa và về con người. Thập Giá tỏ cho thấy Thiên Chúa là ai và thế nào là người" (tr. 374).

Một điều bất ngờ và khá lạ lùng được tác giả nhắc tới: 400 năm trước Thiên Chúa giáng sinh, Platon đã linh cảm Thập Giá: " Theo Platon, người công chính thực sự trong thế giới này, phải mang thân phận của kẻ bị hiểu lầm và bị bách hại. Ông không ngần ngại viết: " Rồi họ sẽ nói rằng, trong hoàn cảnh đó người công chính sẽ bị đánh đập, tra tấn, bị trói chặt, rằng người đó sẽ bị đốt mù cả đôi mắt, và sau khi chịu đủ thứ cực hình thì sẽ bị đóng đinh…" (tr. 375). Suy tư triết học sâu xa linh cảm rằng con người công chính toàn hảo, nếu xuất hiện, sẽ bị nhục hình thập giá. Chúa Kitô Giêsu, Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa làm một với con người trong tận cùng hố thẳm của con người trần trụi, nhưng "chính trong hố thẳm thất bại của con người mà một hố thẳm còn thẳm sâu hơn nữa được tỏ hiện, hố thẳm của Tình yêu Thiên Chúa. Như vậy, Thập Giá quả là tâm điểm của mạc khải, nhưng không theo nghĩa hé lộ cho ta vài điều gì đó mà cho đến nay ta chưa được biết, nhưng là mạc khải về chính con người chúng ta, vạch trần con người thật của chúng ta trước Thiên Chúa và vạch rõ hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng cuộc sống chúng ta" (tr. 377). 

Chúa Thánh Thần và Giáo hội.

Sự hình thành của kinh Tin Kính không phải không có vấn đề. Ba câu hỏi trong phép rửa, nguồn gốc của kinh Tin Kính tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha, Con và Thánh Thần. Nhưng Thánh Thần, trong bản văn của kinh, kể như phụ thuộc vào phần chính,  phần về Chúa Con từ lúc thụ thai cho đến khi Ngài lại đến. "Thánh Thần ở đây không được hiểu là một Ngôi Vị Thiên Chúa cho bằng quyền năng của Thiên chúa trong lịch sử mà sự phục sinh của Đức Kitô đã khai mào" (tr. 427). Từ đó, Giáo hội không được nhìn từ chiều kích thần khí cho bằng từ chiều kích nhập thể, có khi "theo nghĩa hết sức trần thế, và cuối cùng thì hoàn toàn có thể giải thích bằng những phạm trù của quyền lực theo quan niệm thế gian" (tr. 428). Giáo lý về Thánh Thần không còn chỗ đứng và vì thế, giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi cũng trở thành suy lý, trừu tượng.

Từ sự kiện trên, tác giả chỉ ra một nhiệm vụ thiết thực: Thần học về Giáo hội cần tìm lại khởi điểm của nó trong thần học về Chúa Thánh Thần và những ân sủng của Ngài. Vì Chúa Kitô hiện diện trong Giáo hội, nhưng Người hiện diện trong Chúa Thánh Thần, "một hiện diện hết sức rộng mở và rất mực tự do, hiện diện đó chẳng những không loại trừ hình thái thể chế mà còn giúp cho hình thái đó biết đâu là giới hạn của mình cũng như không để cho nó bị đồng hóa với các thể chế thế gian" (tr.429). 

Câu chuyện dịch thuật.

Độc giả Việt Nam có thêm một lý do khác để đón đọc tác phẩm thần học này. Số là, dịch ra tiếng Việt một tác phẩm như thế khá vất vả. Có những từ ngữ và khái niệm không có trong tiếng Việt; dịch lúc đó thành diễn dịch và dễ bị hiểu lầm. Thêm vào đó, kiểu lý luận chặt chẽ và khúc chiết nhiều khi rất trừu tượng khó chuyển thành tiếng Việt vốn ít trừu tượng. Nhưng cũng chính vì thế mà chúng ta biết ơn các dịch giả ra sức làm công việc khai phá để góp phần làm giàu cho ngôn ngữ và suy tư triết thần của người Việt.

Sau đây, tạm trưng ra một ví dụ minh họa cho sự khó khăn trong vấn đề dịch thuật, đồng thời cho thấy lối lý luận hàm súc của tác phẩm.

Trích một đoạn ngắn ở trang 179. Đoạn này nằm trong Chương Bốn, bàn về Con Người Thời Đại và việc tuyên xưng Niềm tin vào Thiên Chúa. Để hiểu rõ đoạn trích, cần nói là trước đó tác giả đã bàn về niềm tin. Con người ta ai cũng tin, kể cả người khẳng định rằng mình không tin. Vì ai cũng sống/chết và dù muốn dù không cũng phải tự đặt những câu hỏi, đại loại tôi từ đâu mà đến, đến để đi đâu…? Hoặc đời có nghĩa hay không có nghĩa…? Có chăng một Thượng Đế ? Một Thiên Chúa ? Với nhiều cách trả lời. Chẳng hạn hữu thần, vô thần, đa thần. Người hữu thần tin rằng có Thiên Chúa. Người vô thần tin rằng không có Thiên Chúa. Mà người hữu thần nhiều khi cũng bị vô thần ám ảnh. Người vô thần đôi lúc cũng nghi ngờ về xác tín của mình. Thế mới nói là tin. Chứ nếu biết như 2+2=4 thì chẳng còn vấn đề. Vì vậy, tin là một chọn lựa với những hệ quả quyết định:

"Niềm tin kitô giáo vào Thiên Chúa trước hết nhìn nhận vị trí hàng đầu của Logos (logos) trên vật chất đơn thuần. Lời tuyên xưng "Tôi tin có Thiên Chúa" đã hàm chứa một lựa chọn căn bản, theo đó Logos, tức là Tư Tưởng, là Tự Do, là Tình Yêu, có ngay từ khởi thủy chứ không phải chỉ ở cùng tận; Logos là sức mạnh sáng tạo và bao trùm mọi hữu thể. Nói khác đi, tin có nghĩa là nhìn nhận rằng, Tư Tưởng và Ý Nghĩa (tư tưởng và ý nghĩa) không phải chỉ là phó phẩm tình cờ của hữu thể, ngược lại mọi hữu thể đều là sản phẩm của tư tưởng (Tư Tưởng), thậm chí cấu tạo sâu xa nhất của hữu thể là tư tưởng.

Như thế, theo một nghĩa đặc biệt, tin là chọn đứng về phía sự thật, bởi lẽ đối với niềm tin, chính hữu thể là thật, là khả tri và có ý nghĩa. Tất cả những điều đó không phải là sản phẩm phụ của hữu thể, bởi lẽ chính hữu thể, dù xuất hiện ở đâu, thì cũng phải có một ý nghĩa và một mối liên hệ thực sự với toàn bộ thực tại.

Khi tin nhận cấu trúc khả niệm của hữu thể, nghĩa là nhìn nhận ý nghĩa và tư tưởng như là căn nguyên của hữu thể thì sự nhìn nhận đó cũng đã bao hàm niềm tin tạo dựng. Bởi lẽ nói cho cùng, đó cũng là niềm xác tín rằng, "Tinh Thần (tinh thần) khách thể" (objektiver Geist) mà chúng ta khám phá nơi mọi sự vật cũng như nhờ đó mà chúng ta ngày càng hiểu rõ hơn về sự vật, "Tinh Thần (tinh thần) khách thể" đó là dấu ấn và là biểu lộ của "Tinh Thần chủ thể" (subjektiver Geist), và cấu trúc khả niệm của hữu thể là biểu lộ của Tư Tưởng sáng tạo, của "Sáng kiến về " (Vor – denken) hữu thể, trong khi tư tưởng của chúng ta chỉ là sự "suy tư về" (Nach – denken) hữu thể nhờ cấu trúc khả niệm đó."

Thiết tưởng dịch giả đã dịch sát nghĩa, nhưng nội dung đã khó hiểu lại thành khó hiểu hơn vì ba lý do. 1) Việc dùng chữ hoa và chữ con, rất quan trọng, chưa được minh bạch. Ví dụ: Tư Tưởng, Tinh Thần chữ hoa, chỉ Thiên Chúa. Khi dùng chữ con, nói vể tư tưởng và tinh thần nơi con người hay sự vật. 2) Ta không có những từ logos, être, sein là những từ rất quan trọng. Những từ này lại bao hàm những ý niệm nền tảng của tư tưởng tây phương. Từ être, tùy theo văn cảnh có thể có nghĩa là : là, có, hiện hữu, hữu thể, bản thể, sự vật, một vật, một người… , từ logos trong tiếng hy lạp có nghĩa là lời, lý trí, trong Tân ước còn có nghĩa là Lời chữ hoa, tức Ngôi Hai Thiên Chúa. Câu đầu của Tin Mừng Gioan : Khởi đầu đã có Ngôi Lời nhắc tới sách Sáng Thế và Lời Thiên Chúa Tạo Dựng. Khẳng định "vị trí hàng đầu của logos chữ con) trên vật chất đơn thuần" là khẳng định thế thượng phong của lý trí, của trí tuệ, chống lại duy vật. 3) Phương Tây có những lối suy tư hay diễn giải tương đối quen thuộc với độc giả tây phương nhưng xa lạ đối với ta. Nếu nói: Thiên Chúa đã tạo dựng nên trời đất muôn vật thì ai cũng hiểu. Vậy trời đất muôn vật, tức tất cả mọi hữu thể là do Chúa dựng nên. Chúa là Tư Tưởng, là Ý nghĩa chữ hoa, vậy trời đất muôn vật do Chúa dựng nên đều mang dấu ấn của Chúa. Nói cách khác, trong mọi sự vật đều có tư tưởng, ý nghĩa. Vì thế, tư tưởng và ý nghĩa (chữ con chứ không phải chữ hoa như trong bản dịch) không phải tình cờ mà có, hay do con người tưởng tượng ra[5], mà là sản phẩm của Tư Tưởng (chữ hoa chứ không phải chữ con), tức của Chúa, của Logos Tạo Dựng. Nói cách cụ thể hơn, ngày nay nhờ khoa học, con người đã hiểu biết rất nhiều về vũ trụ, về con người. Vì giữa ta và vụ trụ có một cấu trúc chung. Ta và vũ trụ đều là "tinh thần khách thể". Vì ta và vũ trụ có đấy (tức khách thể) như Tinh Thần (tức Thiên Chúa) đã thành tạo vật. Tương tự như ngôi nhà, một khách thể, là ý tưởng trong đầu óc kiến trúc sư thành sự vật. Có điều từ ý tưởng của kiến trúc sư đến ngôi nhà là cả một tiến trình lao động.. Còn Chúa, Chúa phán thì mọi sự trở thành. Vũ trụ này là một khách thể, tức một ý tưởng được suy tưởng bởi Đấng là Logos, Tình Yêu và Tư Tưởng sáng tạo.

Đứng từ quan điểm của đức tin Kitô giáo, lý trí (logos) con người hiểu được là vì cấu trúc tạo thành của trời đất muôn vật đến từ Logos. Trong viễn tượng này, khoa học biết nhưng không biết tại sao mình biết. Đức tin cho phép hiểu. Dĩ nhiên, đức tin là một bước nhảy vượt qua vực thẳm, nhưng có đón nhận đức tin, lý trí mới đạt được hết kích thước của mình và mở ra thực tại vượt tầm lý trí. Trong một ý nghĩa thẳm sâu, hiểu là đón nhận từ một Đấng luôn luôn cho đi và nhận ra Đấng ấy nơi tạo vật.

Thay lời kết: học thuyết mácxít.

Lời tựa cho ấn bản năm 2000 khá dài (23 trang) nhắc tới "hai niên biểu đã tạo nên khúc quanh đặc biệt trong những thập niên cuối của thiên niên kỷ thứ hai: 1968 và 1989" (tr. 9). Năm 1968, một thế hệ mới vùng dậy. Người viết những dòng này có phần nào sống những biến cố năm 1968 tại Ba lê. Điều hiển nhiên nhất là tự do lúc đó như tràn vào lịch sử và theo thiển ý, đánh dấu một khúc ngoặt vẫn còn kéo dài cho tới ngày nay. Tổng Thống Pháp lúc đó, Tướng De Gaulle nói: la CGT oui, le Chienlit non! Ý ông nói: công đoàn CGT, cánh tay của Đảng Cộng sản Pháp (lúc đó còn mạnh) ông chấp nhận, nhưng tự do rối loạn như đám sinh viên, ông không cho, nhưng tự do đã tràn lan ra khắp nước đến nỗi De Gaulle phải chạy trốn mấy tuần. Còn JP Sartre, người từng nói đồ chống cộng là đồ chó, thì tuyên bố trước Đại học Sorbonne : "La dictature du prolétariat n’est que la dictature sur le prolétariat"/ "Chuyên chính vô sản chỉ là chuyên chính trên lớp người vô sản"[6]. Tóm lại, người ta chống độc tài cộng sản. Nhưng theo Hồng y Ratzinger : " Thế hệ mới muốn bắt tay xây dựng lại một thế giới tự do, bình đẳng và công bằng hơn, và đồng thời nghĩ rằng mình đã tìm thấy con đường để thực hiện điều đó: con đường của tư tưởng mácxít" (tr.9). Năm 1989, chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ bên Tây phương, nhưng : "Trên căn bản, học thuyết cứu độ mácxít, được ứng dụng dĩ nhiên dưới nhiều hình thái khác nhau, đã được coi như học thuyết duy nhất có khả năng vạch đường cho tương lai, bởi lẽ thế giới quan của nó vừa mang động lực đạo đức, vừa phù hợp với tính khoa học. Do đó, dù bị cú sốc năm 1989, nó vẫn không dễ bị đẩy ra dìa lịch sử" (tr.10).

Trích dẫn trên có lẽ khiến nhiều người bỡ ngỡ. Nhất là được viết năm 2000. Dĩ nhiên, HY Ratzinger quá biết sự tàn phá khủng khiếp của chế độ cộng sản. Nhưng học thuyết mácxít có hai phần, phần hoạt động và phần lý luận. Cụ thể hơn, có hai ông Mác, ông Mác triết gia và ông Mác cách mạng. Mác cách mạng chủ trương dùng bạo lực nhằm tiêu diệt kẻ thù giai cấp. Mác này không biết hoài nghi là gì. Nhưng còn ông Mác triết gia nữa. Đã là triết gia, tất có hoài nghi, có khoảng cách. Khoảng cách với chính mình và những suy tư lý luận của mình. Trước hết, J. Ratzinger chỉ ra cái phần có vẻ tốt đẹp này của học thuyết Mácxít. Vì thế ngài mới viết Học thuyết cứu độ Mácxít, công nhận rằng thế giới quan của nó vừa mang động lực đạo đức, vừa phù hợp với tính khoa học. Đến nỗi, theo ngài, đối với nhiều người "Vai trò của ông chẳng khác gì vai trò của Aristote vào thế kỷ 13, khi mà triết lý "tiền kitô" (nghĩa là triết lý "ngoại giáo") cần phải được rửa tội hầu thiết lập mối quan hệ đúng đắn giữa đức tin và lý trí" (tr.13).

Nhưng sau đó, ngài chỉ ra mối họa không tránh nổi trên bình diện thực tiễn và nhất là trên bình diện lý thuyết. Khi đã cho một ngón tay vào bánh xe răng cưa, nó sẽ lôi cả người mình. "Ai đón nhận Mác (dù dưới hình thái tân mác xít nào đi nữa) như là đại diện cho "lý trí thời đại", thì kẻ đó không đơn giản đón nhận một triết lý hay một viễn kiến về cội nguồn và ý nghĩa cuộc sống, nhưng chủ yếu đón nhận một phương thức hành động. Quả vậy, căn bản của "triết lý" này là "hành động", và hành động tạo ra sự thật chứ không đặt nền trên sự thật có trước" (tr. 13).

Học thuyết Macxít cũng nhằm thiết lập công lý và cứu vớt con người khỏi bóc lột, đàn áp. Như vậy, động lực của nó đạo đức. Nó lại mang tính khoa học, nghĩa là đi từ phân tách thực tại (nơi Mác là thực tại chính trị và kinh tế) để tìm ra những quy luật điều hành thực và dựa vào những quy luật đó để làm thay đổi thực tại. (Chẳng hạn Mác đã phân tách sâu sắc chế độ tư sản và chỉ ra vai trò cách mạng như chưa từng có của nó). Điểm cần lưu ý nhất là "hành động tạo ra sự thật chứ không đặt nền trên sự thật". (Và đây cũng là điểm cốt yếu của cái mà Biển Đức 16 gọi là Thời Mới (Modernité), cái thời bắt đầu từ thời Phục Hưng, khi mà khoa học hứa hẹn giải thoát con người bằng cách làm chủ thiên nhiên. Vườn địa đàng đã mất, sẽ được thiết lập bởi khoa học kỹ thuật. Tiến bộ khoa học sẽ đem lại cho con người Chân với Thiện).

Học thuyết mácxít, hiểu như thế là một học thuyết cứu độ. Một thứ Kitô giáo lộn ngược. Tâm điểm mang ý nghĩa quyết định đối với tất cả lịch sử nhân loại không phải Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, mà là chính con người dùng bàn tay và khối óc của mình để tự cứu mình.

Thuyết Mácxít đáng được coi là lạc giáo (hérésie) cuối cùng của Kitô giáo. Phải chăng vì thế mà có nhiều kitô hữu bị Mác quyến rũ?

 

Đỗ Mạnh Tri 15.9.2010

 

[1] Bản dịch tiếng Việt của Lm Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam, Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại xuất bản tháng 10.2009. Sách dày 464 trang, khổ 21/15, bìa cứng. Ấn phí 20€.

[2] Trong bài này, mỗi khi những trích dẫn của tập sách được ấn mạnh là do chúng tôi.

[3] Gioan Phaolô 2 đã gửi hẳn một thông điệp tựa đề Lý trí và Đức Tin.

[4] Sarx/xác phàm. Người do thái không phân biệt hồn và xác. Họ không có từ nào để chỉ xác thịt. Và từ basar chỉ toàn thể con người, được dịch thành sarx trong tiếng hy lạp. Khi phải chỉ xác, tiếng hy lạp dùng từ soma. Sau này sarx được dịch là caro, nghĩa là xác, xác thịt trong tiếng latinh, thành lạc nghĩa. Tin Mừng Gioan dùng từ sarx để nói lên mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể, Ngôi hai làm người. Trong các Thư của Thánh Phaolô, sarx thường có nghĩa xấu. (chiếu theo Wikipèdia). 

[5] Thuyết Tiến hóa của Darwin dễ gây ngộ nhận. Vin vào thuyết này, nhiều người cho rằng tri thức đến sau vật chất, là sản phẩm của tiến hóa, một sản phẩm ngẫu nhiên. Nhưng nếu ta phân biệt Cách nào và Tại sao (Comment, Pourquoi), vấn đề sẽ sáng tỏ. Một em bé bị xe cáng, chết. Cách chết: bị xe cáng. Nhưng bà mẹ vẫn than khóc Tại sao? Chúa dựng nên người bằng đất bùn hay từ loài khỉ là Cách nào chứ không phải Tại sao. Có tiến hóa, nhưng tại sao có tiến hóa? Tại sao có vũ trụ, có Big Bang ? Tại sao có thay vì không có gì? Và tại sao ta hỏi tại sao?

[6] Sartre lặp lại câu nói thời danh của Bakounine, người đồng thời và đối thủ của Mác.


VỀ MỤC LỤC
GIÂY PHÚT HIỆN TẠI
 

Kính thưa quí bạn, cuộc sống con người vốn ngắn ngủi nhưng thật nhiều biến động thay đổi. Sự sống của mỗi con người chỉ kéo dài nhiều nhất khoảng chừng 100 năm; đa số con người chỉ sống được 70 năm là hết. Nhưng dù sự sống con người vắn vỏi như vậy, nhưng khát vọng của họ thì vô cùng. Ai ai cũng trải qua những năm tháng khắc khoải kiếm tìm cái gọi là “hạnh phúc, bình an, êm đềm.” Dù những tên gọi có thể khác nhau, nhưng xem chừng như bao lâu trái tim con người còn đập, thì khát vọng mong được lấp đầy, mong được no thỏa vẫn là một điều gì đó mà con người luôn mong ước, hoài vọng.

Vậy thời gian nào là thời gian hạnh phúc nhất của một đời người? Có người cho là tuổi thơ là thời đẹp nhất của đời người. Có người cho là thời thanh niên khi biết yêu, hẹn hò là thời gian đẹp nhất, hạnh phúc nhất. Và cũng nhiều người cho là khi người ta bắt đầu nghỉ hưu nhìn con cháu xum họp vây quanh mình thì đó là lúc bình an đẹp nhất. Vậy theo bạn, lúc nào là đẹp nhất, hạnh phúc nhất, hoàn mỹ nhất trong đời bạn?

Hôm nay, mục Sống Sao Cho Đẹp kính mời quí bạn chuyển qua một đề tài mới, Sống Hiện Tại, một đề tài xem chừng như khô khan, không hấp dẫn, nhưng nó thực sự thiết thực và hữu ích cho cái mà chúng ta dành cả đời mình để kiếm tìm và lấp đầy. Thực ra cái mà chúng ta khát vọng mong được lấp đầy không gì khác hơn chính là “hạnh phúc, bình an” cho cuộc đời của mình.

* * *

Anthony de Mello kể rằng, có hai người làm nghề đánh cá. Một người làm việc rất cực nhọc cả ngày đêm; anh mong ước kiếp thật nhiều tiền để có một cuộc sống sung sướng và thoải mái. Ngược lại, người kia làm việc chăm chỉ, nhưng chừng mực; anh hy vọng việc đánh bắt cá sẽ giúp anh có một cuộc sống ổn định và bình an.

Một ngày nọ, người mong kiếm được nhiều tiền qua việc đánh bắt cá thấy người kia đang nằm ung dung hút xì-gà trên bến thuyền, anh ta liền hỏi: “Này bạn, sao bạn không lo đánh cá mà nằm thoái mái như vậy?” Anh hút thuốc trả lời, “Đánh bắt cá nhiều để làm gì?” Người kia đáp, “Để có thêm nhiều tiền.” Người hút thuốc hỏi tiếp, “Thêm nhiều tiền để làm gì?” “Để tôi mua thêm tàu lớn.” Anh làm việc vất vả trả lời. Nhưng người hút thuốc hỏi tiếp, “Anh mua thêm tàu lớn để làm gi?” Người kia đáp, “Thì tôi sẽ đi xa bờ và đánh bắt thêm nhiều cá.” Anh hút thuốc tiếp tục, “Sau khi bắt được nhiều cá anh làm gì?” “Thì tôi sẽ có thêm tiền.” “Rồi anh sẽ làm gì với số tiền ấy?” Anh hút thuốc hỏi. Người kia đáp, “Sau khi có nhiều tiền tôi sẽ nghỉ ngơi thoái mái.” Người hút thuốc với điếu xì gà trên tay phì phà nói, “Cần gì phải đợi đến lúc đó. Những gì mà anh đang mệt nhoài để mong thưc hiện được trong tương lai thì tôi đang làm một cách dễ dàng ngay bây giờ.”

* * *

Quí bạn thân mến, câu chuyện trên minh họa cho chúng ta thấy rằng giá trị của giây phút hiện tại thật cao quí. Hiện tại mới quyết định giá trị đời người và khả năng làm người của chúng ta chứ không phải tương lai hay quá khứ. Thật buồn thay, những toan tính, âu lo cho tương là một căn bịnh của nhiều người trong thời đại chúng ta. Con người thời đại văn minh ngày nay xem chừng như biểu lộ sự “chao đảo, lo lắng” cho tương lai hơn là thời đại trước. Những gia đình sống tại Việt Nam chỉ là những nông dân cày cấy chỉ đủ miếng ăn, nhưng xem chừng như tinh thần họ mạnh mẽ hơn những người có bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ tại Âu Mỹ.  Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, có tiền chưa chắc đã là “ổn định, bình an, hạnh phúc.” Hóa ra, mối nguy hiểm không phải là ở chỗ có tiền hay không có tiền, nhưng mối nguy hiểm nằm ở chỗ lo sợ về cuộc đời của mình đang ở phía trước. Lo cho sự an toàn, ổn định là nổi lo đáng sợ nhất của con người thời nay. Cái “ngày mai ấy, nắm tới ấy, tuổi già ấy” trở thành một thứ ám ảnh và lo âu cho nhiều người vốn đã có đầy đủ bảo hiểm. Cũng vì tương lai mà hôm nay tôi phải “cày” hai ba việc; chỉ vì tương lai mà tôi phải làm cả ngày Chúa nhật. Chỉ vì tương lai mà tôi làm việc đến nổi tôi quên mất những người thân, gia đình và bạn hữu của tôi.

Quí bạn thân mến, ai sẽ bảo đảm là những vun đắp thiếu trách nhiệm của bạn hôm nay sẽ cho bạn một tương lai ổn định? Nếu hôm nay bạn không sống đủ trách nhiệm cho sức khỏe mình, cho gia đình mình, cho người thân mình, thì liệu rằng trong tương lai bạn sẽ sống có trách nhiệm cho mình và cho họ?

Br. Huynhquảng 

Mời bạn ghé thăm trang  http://brhuynhquang.org/.

Email liên lạc: brhq@brhuynhquang.org

VỀ MỤC LỤC
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HÔN NHÂN (3)

TÌNH YÊU CẦN SỰ DÀI LÂU 

Người chồng cũng như người vợ một khi ý thức về vấn đề nầy sẽ cố gắng kích thích tình cảm, cố gắng có được sự đáp trả thay vì quan tâm đến quyền lợi riêng mình. Rất nhiều người không bao lâu sau khi kết hôn quên đi khả năng quyến rủ và lôi cuốn của họ. Họ tin rằng giấy chứng nhận hôn phối cho phép họ có quyền hưởng thụ. Và khi những mong đợi của họ không đạt được, họ đòi hỏi nhiều hơn thay vì tìm cách để thu hút hơn. Nhiều bà đã phải khổ sở để làm cho mình có sức hấp dẫn hơn khi họ đi ra ngoài hoặc đi thăm bạn bè nhưng lại quên chăm sóc cho sự thân mật trong đời sống gia đình. Họ đón nhận tình yêu của người chồng được trao ban thay vì chiếm được sự ngưỡng mộ và tình cảm mới mẻ của ông. Một khi đã kết hôn rồi, họ không còn lo lắng: họ có còn hấp dẫn để khêu gợi được cảm giác cũng như cảm xúc của người bạn mình nữa không, và họ quên mất phương cách tế nhị mà họ đã dùng một cách thành công để tóm gọn được chàng. Họ có thể xem những cố gắng như thế là nhục mạ. Không, chúng phải được yêu quí như chúng đáng yêu. Không có người đàn bà nào quá trẻ và quá đẹp đến nỗi không cần những điều đó, và cũng không có ai già và xấu quá đến nỗ không thể tìm những phương cách khéo léo để giữ cảm xúc của ông chồng luôn sống động.

Nhiều người đàn ông cũng cư xử trong cách thế đó. Sau khi kết hôn hoặc ít nhất sau những ngày trăng mật, họ quên mất đi sự ngọt ngào là cái đã mang đến sự phấn khởi. Ít ra trong những dịp sinh hoạt có tính cách xã hội, họ nên tỏ cho thấy sự tận hiến của mình trước mặt những người khác. Họ không nhận ra rằng người đàn bà đòi hỏi những dấu hiệu của tình yêu và không thể lấy gì biểu lộ mình yêu nếu điều đó không được lập đi lập lại. Sau đám cưới, các ông thường không tăng không giảm trong việc tìm cách thuyết phục một người đàn bà. Xem ra các ông không được huấn luyện để làm điều đó. Họ xem các bà như bị bó buộc vào bổn phận hôn nhân và đòi hỏi sự thõa mãn trong việc tình ái như là một sự đương nhiên. Nhiều người trong họ nghĩ rằng chỉ có sự ham muốn của các ông mới là quan trọng và các bà phải chấp nhận điều đó mỗi khi họ muốn. Họ tin rằng các bà nên luôn sẵn sàng nhưng không bao giờ nên đòi hỏi. 

Niềm tin vào sự ưu thế của phái nam của họ cổ vũ cho quan niệm sai lầm nầy và thường thì rất khó thay đổi. Họ không học biết rằng sự đáp trả đối với vấn đề làm chuyện tình ái là bổn phận của cả hai, và bất cứ một bất hòa nào trong sự liên hệ tình ái phải được xem là một vấn đề chung và chỉ có thể giải quyết nếu cả hai bên cùng nhau cố gắng cho bổn phận chung đó. 

MỌI TRỤC TRẶC LÀ BỔN PHẬN CHUNG

Thật là hữu ích cho sự hạnh phúc hôn nhân nếu nhận biết rằng bất cứ một trục trặc nào trong hôn nhân đều là bổn phận chung cần đến sự giúp đỡ và cùng nhau giải quyết. Tình trạng nan giải có thể xảy đến không hẳn làm nguy hiểm sự hợp nhất, trái lại thường làm họ gắn chặt nhau hơn. Mọi sự chỉ tùy thuộc khả năng hai người gắn bó vào nhau khi phải đối đầu với công việc khó khăn. Có cùng quan điểm và cùng nhau thiết lập những giá trị chung sẽ làm tăng thêm sức kháng cự đối với bất cứ một chiều hướng đối nghịch nào. Một niềm tin tôn giáo mạnh mẽ, một quan niệm triết lý về nhân sinh vững vàng được chia xẻ bỡi cả hai, mang lại cho hôn nhân một sự vững bền. Điều đó không có nghĩa là sự khác biệt tôn giáo và niềm tin xung khắc là một bệnh hoạn. Những khác biệt như thế đòi hỏi một sự hiểu biết rộng rãi, sự cảm thông, và sức chịu đựng được phát triển một cách tốt đẹp. 

CẢ BÊN VỢ LẪN BÊN CHỒNG ĐỀU LÀ BỔN PHẬN CHUNG 

Một trong những đe dọa nguy hiểm và gần như phổ thông đối với sự hài hòa hôn nhân là sự phân biệt bên chồng, bên vợ. Không phải bất cứ một sự nan giải nào phát xuất từ đây đều khó giải quyết hơn những cái khác. Nhưng trong trường hợp nầy, sự cám dỗ thì rất mạnh để đổ lỗi cho người bạn mình và gia đình họ cho những xung đột xảy ra. Mẹ chồng và gia đình thì thường trục trặc hơn. Trong lúc bà mẹ vợ rất hân hoan chào đón chàng rể vào trong gia đình, bà mẹ chồng thường không xem cô gái nào tốt đủ để họ quí trọng. Di nhiên, có nhiều luật trừ cho điều lệ nầy, nhưng kinh nghiệm cho thấy có chút lợi điểm thiên về phía mẹ vợ. Chính sự phân biệt sẽ dẫn đến sự đụng độ và chán nản ngoại trừ cả hai bên cùng quyết định xem mọi trục trặc như là một bổn phận chung. Nếu không, người nầy đổ lỗi cho người kia là phe phái và không hiểu gì cả.

Một khi sự chống đối đã được thiết lập, sự giải quyết thõa đáng bị cản trở. Việc cố gắng để thuyết phục đối phương là sai, thì điều đó không giúp ích gì và cũng không làm hiểu nhau hơn. Cô nàng dễ dàng quên mất đi sự khó xử của người chồng bỡi sự giằng co giữa bổn phận của một người chồng và bổn phận của một người con phải bảo vệ mẹ mình trước những tố cáo của vợ. Nhận ra sự xung khắc của người mẹ đáng kính và người vợ đáng yêu, người đàn bà thông minh sẽ giúp chồng giải quyết vấn đề bằng cách không làm chồng giận bỡi những lời phàn nàn của nàng. Không khó để tìm ra một câu trả lời hữu hiệu cho một tình thế mà nhiều người cho là không giải quyết được, nếu chúng ta biết xử dụng óc tưởng tượng chúng ta và sự thông minh của chúng ta trong chiều hướng đúng. Những khác biệt quá nhiều về lợi ích giữa những phần tử khác nhau của gia đình có thể không thể nào xóa hết được ít nhất là trong lúc nầy, nhưng sự hài hòa trong hôn nhân không nhất thiết đau khổ. 

Không phải mọi xung đột bên chồng cũng như bên vợ có thể được giải quyết một cách dễ dàng. Cần phải chịu đựng và kiên nhẫn hơn đối với những người xem ra không muốn chấp nhận sự hiện diện của nàng trong gia đình. Nhưng bao lâu nàng không để bất cứ ai có thể tách rời nàng ra khỏi chàng, bao lâu nàng còn quyết tâm yêu chàng, khích lệ chàng, nâng đỡ chàng, và giúp chàng thắng vượt mọi xung khắc trong chàng, chắc chắn không gì có thể tiêu hủy sợi giây liên hệ của họ. Sau cùng, nàng sẽ thắng được bà mẹ chồng là người cuối cùng cũng phải nhận thấy rằng bà phải chấp nhận đứa con dâu của bà vì không cách nào lấy nàng ra khỏi trái tim của đứa con mình. 

Lối giải quyết nầy xem ra không thể ở lúc đầu, nhưng rồi biến thành có thể bỡi những người xem ra biết tế nhị và có sự quyết tâm, là những người tuy đau khổ nhưng vẫn biết cảm thông đối với những khổ đau của những con người muốn mạ lỵ và làm tổn thương mình. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp có thể không thành công, nàng có thể thuyết phục chồng rằng quả thật không còn cách nào để giúp bà mẹ cho dẫu chúng mình có cố gắng tìm hết mọi cách tốt đẹp nhất. Bấy giờ, chàng sẽ nhận thấy nàng như một người bạn chân thành và tuyệt vời, chàng sẽ tin tưởng vào nàng và lấy sức mạnh qua nàng, chàng có thể tiến đến việc thiết lập một sự độc lập khỏi bà mẹ, một sự độc lập mà những người đàn ông may mắn có được dưới những trường hợp ít bi đát và ít đau khổ. Trong mọi trường hợp, cách cư xử thích hợp của người vợ, người không nhường cũng không chống, nhưng biết cảm thông và giúp đỡ, có thể khôi phục được sự quân bình giữa mẹ và con, và như thế sẽ không còn làm hôn nhân của họ nguy hiểm nữa. 

Dĩ nhiên, tình trạng như thế nầy cũng có thể xảy ra đối với những người phía bên vợ như vậy. Có nhiều cặp hôn nhân và nhất là đối với những cặp mà hai gia đinh không được “môn đăng hộ đối” hay hoàn cảnh kinh tế gia đình cách biệt quá xa, chàng có thể bị khước từ hay bị coi thường bỡi những người bên vợ. Nếu chàng tin rằng chàng có thể đòi hỏi sự phục tùng của nàng và nếu chàng xem đó như là một bổn phận của một cô gái đã lấy chồng, chàng sẽ tỏ ra không cần sự cảm thông đối với những qui luật nhân bản dành cho nàng. Chàng có thể ép buộc nàng phục tùng, nhưng rồi chàng sẽ gặt sự thù ghét mà chàng đã gieo. Những yêu sách, đòi hỏi như một phương cách để giải quyết những khó khăn thì chẳng có ích gì nếu người chồng nghĩ họ có quyền làm như vậy. Thật không may, bản tính của đàn ông thường không sẵn sàng để mang lại cho những bà vợ sự khích lệ và sự dễ dàng trong những trường hợp khó khăn, cách riêng trong những lúc có sự xung đột. Dường như cái quan niệm dành cho phái nam một sự ưu thế đã khiến cho các ông mất sự cảm thông và thiện cảm. Sự nhạy cảm đối với thể diện của họ rất dễ dàng được khơi dậy và xem ra vì thế giá của họ, họ phải đòi hỏi và cưỡng bách sự phục tùng đó. Dầu sự trục trặc xem ra là do bên vợ, thật ra nó đã được tạo ra bỡi cách cư xử thống trị và hay đòi hỏi của người chồng. 

Lm Lê Văn Quảng Psy.D.

VỀ MỤC LỤC
NGHỆ THUẬT LÀM CHỒNG

 

Tác phẩm: Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

A13. NGHỆ THUẬT LÀM CHỒNG

Có lẽ không có ai lập gia đình mà lại nghĩ đến chuyện ly dị và có lẽ cũng không ai bước vào đời sống hôn nhân mà không nghĩ đến hạnh phúc. Thế nhưng tại sao đổ vỡ lại xảy ra như cơm bữa trong các gia đình? Câu trả lời duy nhất chỉ có thể là: Người ta không nắm vững được nghệ thuật làm vợ, làm chồng. Người ta chưa biết yêu. Chính vì không nắm vững được nghệ thuật ấy, cách vô tình, người ta làm khổ nhau.

Với những người chồng trẻ mới chập chững bước vào đời sống hôn nhân, một lần nữa chúng tôi xin được góp thêm một vài ý kiến về nghệ thuật làm chồng.

1. Một tạp chí về đời sống gia đình đã nêu ra bảy đức tính của một người chồng lý tưởng như sau:

1) Sự dịu dàng. Đây chắc chắn phải là đức tính mà người đàn bà quí trọng nhất nơi người đàn ông mà họ yêu thương. Có biết bao nhiêu người đàn bà than phiền rằng: chồng họ không bao giờ biết nói với họ một lời dịu dàng. Có những người chồng hễ mở miệng ra là nói những lời cộc lốc thiếu tế nhị. Dĩ nhiên, sự dịu dàng không đồng nghĩa với yếu nhược. Người đàn bà yêu sự dịu dàng nơi người đàn ông, nhưng lại muốn chồng họ phải là con người cứng rắn. Một người đàn ông lý tưởng đối với một người đàn bà phải là một con người can đảm có ý chí khi giải quyết các vấn đề, nhưng lại dịu dàng và âu yếm đối với người mình yêu.

2) Đức tính thứ hai của một người chồng lý tưởng là lịch sự. Nhiều người đàn bà than phiền như sau: “Ước gì chồng tôi cũng nói năng và cư xử lịch sự với tôi như khi giao thiệp với người ngoài”; hoặc “Khi ở một mình với tôi, chồng tôi quên hết cung cách của một người có giáo dục”. Quả thực, có những người đàn ông nghĩ rằng, lịch sự đồng nghĩa với xã giao và như vậy phép lịch sự chỉ có giá trị đối với người ngoài mà thôi. Thực ra như người ta vẫn nói: lịch sự là hoa quả của bác ái, mà bác ái không có luật trừ, thiết tưởng những người thân cận nhất của chúng ta cũng phải là những con người cần được đối xử một cách lịch sự hơn ai hết. Điều này lại càng đúng với người vợ.

3) Đức tính thứ ba của một người chồng như tạp chí nói trên đã đề ra là xã hội tính. Xã hội tính ở đây được hiểu như khả năng có thể ra khỏi chính mình để biết quan tâm đến người khác. Nhiều người đàn bà than phiền rằng: chồng mình là người không biết nói chuyện. Có những người đàn ông sau một ngày làm việc chỉ muốn giam mình trong một thứ thinh lặng khó thở đối với những người chung quanh, nhất là đối với vợ mình.

4) Đức tính thứ tư của một người chồng lý tưởng là sự cảm thông. Người vợ sẽ hạnh phúc biết bao khi người chồng luôn đoán trước những ước muốn của mình, biết ghi nhớ những kỷ niệm quan trọng trong đời sống vợ chồng, biết một cách chính xác sở thích của vợ. Một người chồng tinh tế là một người đàn ông biết chạm đến phần nhạy cảm trong tâm hồn người vợ. Người đàn bà chỉ cảm phục người đàn ông nào biết nhìn nhận nữ tính của họ và hiểu được tính khí của họ. Đức tính cơ bản nhất mà một người vợ luôn chờ đợi là người chồng của mình ý thức về sự bình đẳng đối với vợ. Có biết bao nhiêu người chồng đối xử với vợ như những thụ tạo thấp kém hơn mình. Sức mạnh của đôi tay và lý trí khiến người chồng không xem vợ mình là một người bạn đường bình đẳng mà chỉ như một người giúp việc, một người nội trợ.

5) Đức tính thứ năm của người chồng lý tưởng là biết tôn trọng vợ trong mọi sự và mọi trường hợp. Điều làm cho người đàn bà cảm thấy đau khổ nhất, là khi họ cảm thấy bị người chồng đối xử như một phương tiện. Tình yêu và lòng tin tưởng chỉ có khi người chồng biết nhìn nhận vợ mình như chính mình.

2. Chiếc xương sườn mà Thiên Chúa đã rút ra từ Ađam để tạo dựng Eva là hình ảnh tuyệt vời của sự nên một giữa vợ chồng. Người đàn ông chỉ tìm gặp được chính mình trong người vợ. Người chồng phải luôn tự nhủ, phần cao quí nhất của mình chỉ có thể được tìm thấy nơi vợ mình mà thôi. Cuối cùng, sự thành thật của người chồng là đức tính mà người vợ quí trọng nhất.

 Khi người vợ khám phá chồng mình che giấu sự thật, họ sẽ không còn cảm thấy an tâm nữa. Khi chồng nói dối, người vợ sẽ tự hỏi, chồng mình làm gì? Chồng mình đi đâu? Chồng mình đi với ai? Điều làm cho người vợ nghi ngờ và sợ hãi nhất, là chồng mình có đi với một người đàn bà khác không? Tình yêu vợ chồng chỉ có thể được xây dựng trên sự thành thực hỗ tương mà thôi. Một người chồng lý tưởng là người biết sống như thế nào để không có gì phải giấu diếm vợ mình.

3. Nói đến nghệ thuật là nói đến tinh tế, làm chồng hẳn là một nghệ thuật nhiều tinh tế, bởi vì không gì khúc mắc cho bằng tâm hồn người đàn bà. Nhiều người đàn ông vẫn còn giữ quan niệm dạy vợ, sửa trị vợ, răn bảo vợ, như thể mình có khả năng dẹp được tính xấu và những khuyết điểm của vợ. Thay vì chú tâm vào các khuyết điểm của vợ, có lẽ người chồng nên phát triển những đức tính tốt của vợ. Cũng như phương pháp chủng ngừa trong y học, người ta dùng vi trùng để tiêu diệt vi trùng, thì việc phát triển những đức tính tốt giúp chiến thắng những khuyết điểm.

Người đàn bà nào cũng thích được khen tặng. Khi người vợ mặc một chiếc áo đẹp, đừng nói với vợ “anh yêu em” mà hãy nói “anh rất thích chiếc áo này”. Người chồng nên nhớ, vợ ăn mặc đẹp trước tiên là vì chồng. Khi vừa ra khỏi nhà, được chồng khen cách ăn mặc và nếu đó là lời khen duy nhất trong ngày, người vợ sẽ nghĩ: “Tôi đã lấy được người đàn ông duy nhất hiểu được tôi”. Nếu vợ mình đẹp, đừng khen vợ đẹp mà hãy bảo nàng thông minh, bởi vì nàng thừa biết mình đẹp, còn thông minh thì nàng đang chờ đợi được khen tặng. Dĩ nhiên nếu nàng ít đẹp mà khen nàng đẹp thì nàng sẽ nghĩ thầm: “Tôi đã lấy được một người chồng nghệ sĩ”. Khi đi xa nhà, cho dẫu có tìm được niềm vui chính đáng, người chồng không nên biên thư về cho vợ để kể lại niềm vui đó, mà hãy nói “anh đang nghĩ đến em, anh nhớ em”. Người chồng nên nhớ, người vợ không chấp nhận sự kiện chồng mình hạnh phúc mà không có mình. Họ không chấp nhận cho chồng hạnh phúc vì một điều gì khác ngoài họ ra.

Trong nghệ thuật làm chồng, có lẽ người chồng nên lấy những lời sau đây của một văn sĩ Pháp để tâm niệm: “Người đàn bà vốn yếu đuối khi lấy chồng, nên khi người vợ đã hy sinh hoàn toàn ý muốn của mình cho chồng, thì người chồng nên đáp lại bằng cách hy sinh chính sự ích kỷ của mình đi. Những sai lỗi của người vợ là những lời tố cáo về tính ích kỷ, sự cố chấp và tính vô tích sự của người chồng”.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
MỘT VÀI LY RƯỢU VỚI SỨC KHỎE

 

Trong mấy ngày vừa qua, y giới cũng như công chúng lại có dịp bàn tán về ảnh hưởng của rượu đối với sức khỏe. Đó là sau khi có kết quả một nghiên cứu tại Na Uy cho hay: uống rượu vừa phải giúp khả năng nhận thức tốt hơn, đặc biệt là ở nữ giới.

Thực ra, ảnh hưởng của rượu với sức khỏe đã được nghiên cứu từ mấy thập niên vừa qua. 

Trong New England Journal of Medicine ngày 9 tháng Giêng năm 2003, bác sĩ Kenneth J. Mukamal và Ira Goldber của Ðại Học Harvard công bố kết quả nghiên cứu của họ về liên hệ giữa rượu và bệnh tim. Họ theo dõi 38.000 người đàn ông trong 12 năm và thấy những ai uống la de, wine hoặc rượu mạnh đều đặn và vừa phải mỗi ngày có thể giảm nguy cơ heart attack tới 37%. Nghiên cứu được National Institute of Health tài trợ.”

Vào năm 2001, trên Tạp San của Hội Y Khoa Hoa Kỳ, các bác sĩ Jerome L Abramson và Harlan M Krumholz của Ðại Học Atlanta cho hay “ Uống nhiều rượu sẽ đưa tới Suy Tim nhưng nếu uống vừa phải thì người cao tuổi sẽ giảm được nguy cơ của bệnh này”.

Bác sĩ Arthur Klasky, chuyên gia về Tim ở Oakland, California, là một trong những người đầu tiên để ý tới tác dụng tốt của rượu với tim. Cách đây gần 30 năm, khi so sánh hồ sơ bệnh lý của trên 100.000 bệnh nhân, ông ta thấy những người không uống rượu đều bị nhồi máu cơ tim nhiều hơn những người uống vừa phải.

Khi theo dõi 85.000 nữ điều dưỡng tuổi từ 34 đến 59 trong thời gian 12 năm, các nhà khoa học của Ðại Học Harvard cũng đi đến kết luận tương tự. Tiến sĩ Eric Rimm của đại học này đã quan sát 44.000 nam nhân viên y tế trong vòng 2 năm và thấy là những ai uống hai drinks mỗi ngày thì có tới 30% ít bị nguy cơ đau tim hơn người uống nửa drink.

Các dữ kiện do viện Ung Thư Hoa Kỳ quan sát trên một triệu người Mỹ tại 25 tiểu bang cho thấy uống một drink mỗi ngày thì nguy cơ bị cơn suy tim ít hơn người không uống tới 25%.

British Medical Journal số ngày 22-2-22005 có đăng kết quả nghiên cứu bên Thụy Ðiển theo đó phụ nữ uống rượu vang vừa phải thì nhịp tim đập sẽ tốt hơn.

Giáo sư Emanuel Rubin và các nhà nghiên cứu của đại Học Y khoa Thomas Jefferson, Philadelphia, cho hay uống vang đỏ giúp giảm thiểu các chất gây viêm ở động mạch, nhờ đó tránh được bệnh tim và tai biến não.

Ðể giải thích tại sao có ích lợi này thì các khoa học gia tại bệnh viện Queen Mary, Luân Ðôn cho hay vang đỏ chứa mấy chất có thể ngăn ngừa chứng thoái hóa động mạch vì mỡ béo đọng lại.

Trong tạp san của Hôi Y Học Hoa Kỳ số tháng 10 năm 1995, Tiến sĩ Robert M. Hackman, Ðại học Davis ở California cho rằng rượu vang đỏ có chất flavonoids. Ðây là một loại chống oxy hóa rất mạnh có thể ngăn ngừa tác dụng xấu của các gốc tự do vào các bệnh thoái hóa, vài loại ung thư, sự lão hóa. Chất Chống Oxy hóa là những chất có thể bảo vệ tế bào trước phản ứng oxy hóa của các phần tử gốc tự do free radicals.  Flavonoids giảm sự dính với nhau của tiểu cầu, máu lưu thông dễ dàng do đó giảm thiểu nguy cơ cơn Suy Tim và Tai Biến Mạch Máu Não.

Bác sĩ Bagrachi của Ðại học Creighton Omaha Nevada cho hay flavonoids mạnh hơn các chất chống oxy hóa khác như sinh tố C, E và beta caroten tới bẩy lần.

Kết quả nghiên cứu tại hai Ðại Học Y Khoa London và Queen Mary bên Anh cho hay là trong vỏ nho, trà có các chất Flavonoid, Polyphenol, Reservatrol, Quercetin.  Tạp San Sinh Hoạc Hoa Kỳ số cuối năm 2004 cho hay reservatrol giúp các cơ thịt của tim hoạt động hữu hiệu hơn, nhất là khi cơ thể có căng thẳng.

Theo một số nghiên cứu, rượu vang đỏ mới có các chất này vì vỏ nho được giữ lại khi làm rượu, còn khi làm vang trắng thì người ta bỏ vỏ nho đi.Vì thế các nghiên cứu gia của viện thí nghiệm Aviram bên Do Thái đã công bố phương thức để tăng cường tính chống oxy hóa của vang trắng tương đương với vang đỏ.

Nhưng cũng có ý kiến lại cho là, người uống rượu vang thường ở giai cấp khá giả, ít hút thuốc và ăn uống chừng mực, đầy đủ dinh dưỡng hơn, nên ít bệnh tim mạch..

Trước những kết quả nghiên cứu được công bố khắp nơi, Bộ Y tế Hoa Kỳ và Tim Mạch Hoa Kỳ cũng phải thừa nhận là uống một chút rượu vang có thể có tác dụng tốt cho trái tim.

Còn quan điểm của Hội Y Sĩ Hoa Kỳ là các chất mà nghiên cứu nói có trong rượu thì cũng có trong thực phẩm như nho và nước nho. Vì thế hội này không khuyến khích người chưa uống vang bao giờ lại bắt đầu uống để hy vọng có ích lợi cho sức khỏe. Theo hội, nếu đã uống rồi thì nên điều độ với 350cc la de, 50 cc rượu vang, 5 cc rượu 80° mỗi ngày hai lần cho người nam, một lần cho người nữ.

Dè dặt về số lượng này thì trong Tân Ước đã nhắc nhở: “Nếu con uống rượu điều độ thì rượu sẽ làm con sống vui tươi hơn; trái lại nếu uống quá độ thì tâm hồn trở nên cay đắng, thân xác hung hãn”.

 Cũng như trên mỗi chai rượu đều có ghi “Consumption of alcoholic beverages impairs your ability to drive a car or operate machinery, and may cause health problems”. Uống Rượu gây làm suy yếu khả năng lái xe và đưa tới nhiều vấn đề xấu cho sức khỏe”.

Và Cụ Lãn Ông thường ân cần khuyên nhủ “nhất dạ tam bôi tửu” thôi, bà con nhé. Bôi của các cụ nhỏ xíu à.

Ngoài ra khi dùng vừa phải, Rượu cũng có một số tác dụng tốt khác cho sức khỏe như: 

a- Kích thích ăn ngon miệng.

Ta thường nói uống chút rượu khai vị với mục đích là nhâm nhi tý rượu trước bữa ăn để kích thích khẩu vị. Thường thường rượu mạnh được dùng trong tiến trình này, nhưng rượu bia , rượu vang cũng tốt. Mà bia chỉ một lon, rượu mạnh một ly thật nhỏ thôi.

Thiên hạ nhấm nháp ướt miệng như là để khơi động những nụ vị giác trên lưỡi, để tăng hoạt động của hạch nước miếng cũng như để bao tử tiết thêm dịch vị cho sự tiêu hóa bữa ăn thịnh soạn sắp có. Ðồng thời rượu cũng làm tăng cảm giác đói nên trong các bữa tiệc có rượu, ta thường ăn nhiều hơn.

Trong nghành y, các vị thầy thuốc thường khuyên người cao tuổi, người mới bình phục sau cơn bệnh nặng, những người không bị bệnh bao tử uống một chút rượu trước bữa cơm để vừa dễ tiêu hóa vừa ngon miệng hơn.

Nhưng một chút thôi đấy, chứ không phải dăm lon la de, vài cốc wisky, một chai vang, nhiều lần trong ngày. 

b- Giảm cholesterol.

Tháng Chín năm 2003, tiến sĩ Andrew Waterhouse tại Ðại học Davis-California đã tường trình tại hội nghị các hóa học gia Hoa Kỳ rằng trong vang đỏ có chất Saponins có khả năng giảm cholesterol trong máu. 

Bác sĩ Peter Cremer của Đại học Gottingen bên Đức có cùng kết luận nhưng thêm rằng rượu chỉ tốt với người có mức độ cholesterol trung bình, chứ cao trên 230 mg/dl thì ít phúc lợi. Các chất này tăng HDL và giảm LDL trong máu, ngăn ngừa sự oxy hóa LDL nhờ đó các mảnh bựa chất béo ít thành hình. 

c- Giảm nguy cơ tai biến động mạch não.

Tháng Giêng năm 1999, nghiên cứu tại Bệnh viện New York Presbyterian công bố kết quả về việc quan sát 677 người uống lượng rượu trung bình mỗi ngày: họ đều có ít nguy cơ tai biến não gây ra do đóng máu cục trong thành động mạch não.

Bằng cách nào mà rượu có ảnh hưởng tốt này, thì chưa được giải đáp, nhưng điều chắc chắn là những người uống nhiều rượu sẽ dễ bị tai biến não hơn.

Và nếu ai đang uống nhiều, bây giờ giảm xuống thì cũng có cùng phúc lợi.   

d- Rượu và trí tuệ.

Kết quả nghiên cứu của Institution Nationale de Sante’ bên Pháp cho thấy nữ giới cao tuổi mà uống một suất vừa phải rượu mỗi ngày thì các chức năng của não coi bộ khá hơn: họ ít nguy cơ bị sa sút trí tuệ.

Trong đại hội Quốc tế năm 2000 về bệnh Alzheimer tại thủ đô Washington D.C., bác sĩ Lindsay A. Farrer có trình bày là những ai uống một hoặc hai ly vang mỗi ngày thì có thể giảm nguy cơ mắc bệnh này tới 30%. Theo ông ta thì rượu làm tăng máu lưu hành lên não và rượu cũng có những antioxidant giúp tế bào não tốt lành hơn.

 Mới đây, tập san y học uy tín Lancet đăng kết quả một nghiên cứu bên Hòa Lan về rượu với Sa Sút Trí Tuệ. Theo báo này thì một hai drink rượu mỗi ngày có thể ngăn ngừa bệnh Alzheimer.

Kết quả nghiên cứu của Giáo sư Jean-Francois Dartigues bên Pháp: theo dõi hơn 4000 người trên 65 tuổi trong mấy năm liền, thấy người uống từ ¼ tới ½ lít vang một ngày dường như tinh tường tỉnh táo hơn người không uống.

Lý do được giải thích là một chút rượu làm máu loãng hơn, làm giảm cholesterol, máu lưu thông không trở ngại.

Một giải thích khác là rượu vừa phải kích thích não tiết thêm hóa chất acetylcholine, một chất giúp học hiểu và ghi nhớ tốt hơn. 

e- Ảnh hưởng tâm thần.

Một ly rượu có thể làm êm dịu người đang bồn chồn, lo lắng hoặc tạo một cảm giác thân thiện giữa con người với con người. Cho nên trong những bữa ăn giao tế, đưa đà một chút  rượu là vật xúc tác tốt cho thảo luận công kia việc nọ. Như ca dao ta có câu: “Xưa kia ai biết ai đâu; Vì chung chén rượu mở đầu làm quen”.

Khác chi “Miếng trầu là đầu câu chuyện” của các bà mẹ Việt Nam mình xưa nay.

Nhưng cũng nên nhớ “ Rượu lạt uống lắm cũng say; Người khôn nói lắm, dẫu hay cũng nhàm” 

Kết luận

Tác dụng tốt xấu của rượu vừa phải vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng và cần nhiều nghiên cứu nữa để xác định vai trò của “một bôi rượu” với sức khỏe. Có phải tác dụng tốt là do thành phần hóa chất của rượu, số lượng tiêu thụ hoặc cách tiêu thụ.

Trong khi chờ đợi thì ta cứ từ từ cẩn tắc vô ưu, cân nhắc phúc họa của rượu. Vì rượu được biết tới từ nhiều chục ngàn năm. Người uống cũng nhiều mà người không cũng chẳng ít. Hậu quả tốt cũng có, mà xấu đếm cũng chẳng xuể.

Hơn nữa, rượu không phải là thần dược cho mọi bệnh và không phải thích hợp với mọi người.

Vậy thì cũng chẳng nên uống khi đang có rối loạn tâm can tỳ phế, hoang tưởng tâm thần; chẳng uống khi có thai, nuôi con sữa mẹ; chẳng tập tành tiêu thụ khi chưa hề uống bao giờ.

 Ðành rằng một suất vang mỗi ngày giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh tim và tai biến não nhưng quá nhiều thì tim lại dễ suy, huyết áp lên cao, ung thư xuất hiện, nội tiết bất thường.

Cho nên nếu biết lấy lẽ vừa phải, lấy điều độ làm kim chỉ nam, thì chắc rượu sẽ mang lại phúc nhiều hơn họa và cuộc sống chắc sẽ nhiều vui ít buồn.

Ðể rồi cùng nhau theo chân Tam Nguyên Nguyễn Khuyến mà:

“Lúc hứng, đánh thêm ba chén rượu,

Khi buồn, ngâm láo một câu thơ” .

Cho đời thêm thi vị.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức  Texas- Hoa Kỳ

 
VỀ MỤC LỤC

CÔ ĐƠN -  Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Thánh Kinh kể lại rằng: Thuở ban đầu, sau khi dựng nên muôn loài trong vũ trụ, từ những vì tinh tú trên bàu trời cho đến những sinh vật sống trên mặt địa cầu, Thiên Chúa mới dựng nên con người.

Ngài lấy bùn đất mà nặn lên hình tượng người ta, rồi thổi sinh khí vào lỗ mũi, tức là phú bẩm cho một linh hồn. Thế là tượng đất  bỗng chốc trở thành một con người sống động. Và con người sống động đầu tiên này được gọi là Adong.

Vào một buổi sáng đẹp trời, Thiên Chúa đi dạo trong vườn địa đàng và nhận ra mọi sự hết sức tốt đẹp. Những tiếng chim hót véo von trên cành cây, những cánh bướm nhởn nhơ bay lượn trên những bông hồng tươi xinh…

Nhưng rồi bất chợt Ngài nhìn thấy Adong đang thui thủi, cu ky chỉ có một mình. Ngài thầm nghĩ:

- Người đờn ông ở một mình không tốt, Ta hãy dựng nên cho nó một người nội trợ để nâng đỡ nó.

Cũng vì cám cảnh trước tình trạng cô đơn ấy, Ngài bèn chờ cho tới lúc Adong ngủ say, rồi lấy một chiếc xương sườn của ông mà dựng nên người nữ.

Sau đó, Ngài dẫn người nữ đến trình diện Adong. Vừa nhìn thấy nàng, cặp mắt Adong bỗng sáng lên, còn miệng thì nói lớn:

- Này đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là Evà, vì nàng là mẹ của chúng sinh.

Tư tưởng này, nếu được diễn tả bằng tiếng Việt Nam, thì hẳn Adong chỉ cần kêu lên hai tiếng “mình ơi” thật ngọt như đường cát,  thật mát như đường phèn và cũng thật là tình tứ, lâm ly và bi đát!

Kể từ giây phút bốn mắt nhìn nhau “long còng cọc” ấy, Adong không còn cô đơn, mà đã tìm thấy một người bạn đường, hiểu biết, thông cảm và nâng đỡ cho mình.

Tuy nhiên, trở lại với những giây phút đầu tiên, xuất phát từ lòng bàn tay Thiên Chúa, Adong đã là một con người cô đơn, một sự cô đơn rất đậm đặc, bởi vì lúc bấy giờ chẳng có một ai để trò chuyện, chẳng có một ai để chia sẻ những niềm vui và những nỗi buồn, cũng như chẳng có một ai để gánh bớt những lo âu phiền muộn.

Đi ra thì chỉ một mình ta, mà đi vào thì cũng chỉ ta một mình. Có chăng chỉ là những khoảng khắc ta ngắm nhìn chiếc bóng của ta in trên cát, hay hình ảnh của ta in trên dòng nước mà thôi. Từ đó, sự cô đơn vẫn cứ đeo đuổi và dính chặt vào thân phận con người. 

Tất cả những ý tưởng trên làm cho gã nhớ tới câu chuyện về một ông già cô đơn như sau:

Ngày kia, bàn dân thiên hạ xúm lại hỏi một ông già:

- Tại sao lại không lập gia đình?

Ông ta bèn kể lể về cuộc đời ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh của mình:

- Tôi đã dành trọn thời gian của tuổi thanh xuân để tìm kiếm một người đờn bà hoàn hảo. Tại Cairô, thủ đô nước Ai Cập, tôi đã gặp một người đờn bà vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, nhưng rất tiếc người đờn bà này chẳng có được một chút dịu hiền, nàng hung dữ như con cọp cái.

Tôi đành bỏ Cairô mà tìm đến Bagdah, thủ đô nước Irak, với hy vọng tìm ra người đờn bà lý tưởng của lòng mình. Tại đây, tôi đã gặp một người đờn bà đúng như lòng mong ước. Nàng vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, vừa quảng đại lại vừa dịu hiền. Chỉ kẹt một nỗi, đó là hai đứa chúng tôi chẳng bao giờ nhất trí được với nhau về bất cứ chuyện gì. Hễ ngồi tâm sự với nhau là bắt đầu cãi vã, ông nói gà bà nói vịt, trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Vì thế, tôi đành phải chào thua.

Và như vậy, hết người đờn bà nọ tới người đờn bà kia. Kẻ được điều này, người mất điều khác. Tôi như kẻ đốt đuốc đi tìm người yêu lý tuởng, mà dường như chẳng bao giờ thấy.

Thế rồi một hôm tôi gặp được nàng, người đờn bà của mơ uớc. Nàng đã kết hợp được tất cả những đức tính mà tôi thầm vẽ ra trong đầu óc. Vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, vừa quảng đại lại vừa dịu hiền, vừa tế nhị lại vừa ăn ý với tôi ngay cả trong những điều nhỏ mọn nhất. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn cứ phải gân cổ lên mà ca solo, cam chịu cảnh chăn đơn gối chiếc suốt đời. Các bạn có biết tại sao không?

Trong lúc mọi người suy nghĩ, ông già cô đơn đáng thương khẽ kéo một hơi thuốc lá, rồi kể tiếp:

- Sở dĩ như vậy là vì người đờn bà ấy cũng đang đi tìm một người đờn ông lý tưởng. Và thật chẳng may cho tôi, bởi vì dưới mắt nàng, tôi chỉ là một thằng đờn ông tồi với biết bao nhiêu thói hư tật xấu.

Rồi ông già cô đơn đã khuyên nhủ cánh trẻ với một cung giọng hơi bị cay cú :

- Đi tìm một người yêu lý tưởng, một người tình hoàn hảo chỉ là một việc làm hão huyền và vô ích mà thôi, bởi vì người yêu lý tưởng và người tình hoàn hảo ấy làm gì tồn tại được trên trái đất này. Nhân vô thập toàn. Đã mang lấy thân phận con người, ai mà chẳng có những sai lỗi và khuyết điểm.

Vậy thế nào là cô đơn?

Cô đơn trước hết nghĩa là chỉ một mình.

Có một nhà thám hiểm lênh đênh trên sóng nước, trong những ngày tháng cô đơn ấy, anh ta rất thèm được liên hệ với thế giới bên ngoài.

Thế nhưng, chỉ có một chú chim nhỏ, sáng nào cũng đến đậu trên chiếc bè của anh ta. Rồi một ngày kia, chú chim nhỏ không đến nữa và anh ta cảm thấy buồn khổ như mất đi một người bạn thân thương nhất của mình.

Không phải chỉ những nhà thám hiểm sống trong những hoàn cảnh đặc biệt như vậy, mà hơn thế nữa tất cả chúng ta, từ già cho đến trẻ, từ trai cho đến gái, đều cảm thấy lo sợ trước sự cô đơn, bởi vì cô đơn là một nỗi khổ đau của tâm hồn. Nó đằng đẵng, nó day dứt mà chỉ người nào sống trong cuộc mới cảm nghiệm được mà thôi, như Nguyễn Du đã từng xác quyết:

- Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.

Tuy nhiên, cô đơn không phải chỉ là chẳng có một ai, nhưng còn là sự thiếu vắng những gì thân thương nhất, những gì hiểu biết và thông cảm với mình nhất.

Kinh nghiệm cho thấy:

- Không phải cứ ở bên nhau mà đã gần nhau. Không phải cứ gần nhau mà đã quen nhau. Không phải cứ quen nhau mà đã thân nhau. Không phải cứ thân nhau mà đã thương nhau. Không phải cứ thương nhau mà đã hiệp nhất, nên một với nhau.

Hay như ca dao đã diễn tả:

- Mình với ta tuy hai mà một,

  Ta với mình tuy một mà hai.

Đúng thế, nhiều khi đi giữa phố chợ đông người mà ta vẫn cứ phải đếm từng bước chân âm thầm, vì không tìm thấy được một người hiểu ta. Có khi sống giữa con cháu, mà ta vẫn cảm thấy trống vắng vì nghĩ tới tương lai già yếu mà tủi phận.

Không phải chỉ con người, mà ngay cả những sự vật chung quanh chúng ta cũng không thể tồn tại trong cảnh lẻ loi, như ca dao tục ngữ đã diễn tả:

- Ngựa chạy có bày, chim bay có bạn.

- Muốn cho có đó có đây,

  Sơn lâm chưa dễ một cây nên rừng.

Thế nhưng, có một chứng bệnh mỗi ngày một trở nên trầm trọng trong xã hội ngày nay, đó là chứng bệnh cô đơn. Thực vậy, giữa thời buổi kinh tế thị trường, người ta đổ xô về thành phố. Thế nhưng, dân số thành phố càng gia tăng thì chứng bệnh cô đơn lại càng trầm trọng.

Người ta sống cách nhau chỉ một bức tường mà không hề biết đến tên tuổi của nhau. Trong một chung cư, kẻ ở lầu trên, ra vào cùng một lối mà chẳng biết đến kẻ ở lầu dưới. Mỗi người trở thành như một hòn đảo, một pháo đài biệt lập.

Đời sống càng xô bồ chen chúc, thì con người lại càng cảm thấy cô đơn. Mặt trời dường như mỗi ngày một thêm nóng bức và oi ả, mà lòng người thì mỗi ngày một thêm lạnh lùng và băng giá. Thiên hạ đối xử với nhau ngày càng thêm hờ hững và xa lạ.

Trong khi đó, kinh nghiệm cho thấy chúng ta không thể nào sống cô độc lẻ loi như một hòn đảo giữa biển khơi, hay như một pháo đài biệt lập. Trái lại, chúng ta sống là sống với người khác, trong một cộng đoàn hay trong một tổ chức nào đó, mà đơn vị căn bản nhất chính là gia đình.

Tuy nhiên, để cho cuộc sống của gia đình cũng như của cộng đoàn được liên tục phát triển và đứng vững, thì những yếu tố quan trọng cần phải có, đó là sự hiểu biết, cảm thông và nâng đỡ.

Tuy nhiên theo gã nghĩ, sự hiểu biết sâu xa nhất, sự cảm thông chân thành nhất và sự nâng đỡ tận tình nhất, thường chỉ tìm thấy được trong tình yêu vợ chồng. Vì thế, không lạ gì trước sự cô đơn của tuổi già, người xưa đã từng bảo:

- Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông.

Nhiều người nghĩ rằng cứ lấy chồng lấy vợ, cứ lập gia đình với nhau, thì sẽ không còn cô đơn nữa, bởi vì lúc nào cũng có một người bên cạnh. Đúng thế, sự cô đơn sẽ không còn nữa, nếu người ta thực sự hiểu biết nhau, cảm thông với nhau và nâng đỡ lẫn nhau.

Thế nhưng, nếu thiếu vắng ba yếu tố căn bản này, chắc chắn họ sẽ rơi vào một tình trạng cô đơn, đôi lúc tệ hại hơn cả khi còn độc thân và cu ky một mình.

Ngày nay, do áp lực kinh tế nặng nề, cũng như do vấn đề cơm áo gạo tiền thúc bách,  khiến cho cả anh chồng lẫn chị vợ đều phải nai lưng đi làm. Con cái thì đến trường hay được gửi vào nhà trẻ. Gia đình nhiều khi không còn là một mái ấm, mà chỉ là một quán trọ, để họ tìm về nghỉ ngơi sau một ngày lao động cực nhọc. Rồi sáng hôm sau, cái điệp khúc ấy vẫn cứ được tái diễn và lặp đi lặp lại. Nỗi cô đơn rình rập họ ở mọi nơi và trong mọi lúc vì họ không còn thời giờ để mà hiểu biết, cảm thông và nâng đỡ lẫn nhau.

Tuy nhiên, ngay cả những cặp vợ chồng thành đạt, nếu không thực sự quan tâm đến nhau,  cũng sẽ dễ dàng trở thành những người cô đơn và lạc lõng.  Vợ chồng sống với nhau giống như hai cục đá, giống như hai hạt cát nằm bên nhau, mà chẳng có được một sự hiểu biết, cảm thông và nâng đỡ. Cuối cùng, họ rơi vào nỗi cô đơn lúc nào cũng chẳng hay.

Gã xin đưa ra hai trường hợp, được trích từ một bài viết của tác giả Phu Chu trên báo “Tuổi Trẻ Cười”.

Trường hợp thứ nhất, chị vợ là một nữ doanh nhân thành đạt khá nổi tiếng, ngoại hình cao ráo và bắt mắt…Chị sắm cho chồng con một ngôi biệt thự to “vật vã” và cảm thấy thật hài lòng và yên tâm.

Ông xã chị, công tác trong ngành giáo dục, xách cặp đi làm cho vui, chứ chẳng cần bận tâm tới tiền lương. Mỗi lần ông đi làm về, liền có người dọn sẵn cơm nước, nhưng đó là bà giúp việc. Hai đứa con ông sống tự do như Tây. Mỗi đứa về nhà rúc vào phòng của mình. Muốn gặp nhau cũng khó.

Căn nhà rộng rãi nhưng buồn thiu, khiến ông lân la sang nhà chị hàng xóm ngồi tán dóc. Hóa ra chị cũng từng là nhà giáo, chồng chị đã mất, con gái chị đang học ở nước ngoài.

Dần dần ông xã cảm thấy ở nhà chị hàng xóm vui hơn ở nhà mình. Khi chị vợ phát hiện ra, ông xã đã lỡ trao trái tim cho chị hàng xóm và tặng cho bà xã một nỗi cô đơn bao la.

Trường hợp thứ hai, chị vợ là một giám đốc công ty quảng cáo khá thành công qua con số khách hàng mỗi ngày một gia tăng.

Ông xã chị hết sức ngưỡng mộ vợ, coi vợ như thần tượng, khiến chị càng yên lòng yên chí lao vào công việc. Vậy mà, một lần ông xã chị ấp úng thông báo cho chị một tin…vui: Ông sắp có con với một người phụ nữ trẻ. Ông không muốn dối gian với người vợ yêu dấu của mình.

Người đàn bà cứng rắn, mạnh mẽ cảm thấy trời đất quay cuồng, như muốn sụp đổ. Ông chồng tiếp tục thổ lộ rằng lúc ban đầu chỉ quen với cô ta cho vui, để có người trò chuyện, nhưng rồi thấy cô ta…tội nghiệp, nên ông mới thương. Chị vợ rụng rời khi ông xã bồi hồi quyết định:

- Em là người tài giỏi, không có anh, em vẫn tồn tại một cách kiêu hãnh và thành công. Còn cô ta là kẻ yếu đuối, anh mà bỏ, cô ta sẽ chết mất, nên anh không dám chia tay…

Tác giả bài viết đã kết luận như sau:

Phía sau người đàn ông thành đạt là bóng dáng một người đàn bà. Còn phía sau người đàn bà thành đạt là cái gì?

Hình như đàn ông sinh ra không phải để làm hậu phương cho các bà vợ xông xáo. Ông nào cũng mê ra trận ra mạc, vì thế sau lưng các bà vợ chinh chiến…ít thấy ông xã nào ngoan ngoãn nhận nhiệm vụ coi nhà, hay là chịu ở nhà.

Các ông phải “quậy” lên, để bà xã bề bộn công việc phải chú ý đến mình. Các nhà tâm lý học gọi đây là hội chứng “hai người cùng trên đỉnh cô đơn”.

Đàn ông to xác, nhưng lại kém chịu đựng, dễ tủi thân khi bà vợ về đến nhà mà đầu óc còn vương vần công việc, coi chồng chẳng là cái đinh gì cả!

Vì thế, tại trung tâm giáo dục các giá trị cuộc sống, có một bài học dành cho các bà vợ, đó là trên đoạn đường về nhà, hãy để hết mọi việc làm và suy nghĩ tại công ty hay cơ quan…

Và khi vào nhà, hãy dành năm phút để nhập vai làm mẹ, làm vợ một  cách trọn vẹn, có thế may ra ông chồng mới không cảm thấy mình bị mất vợ từ từ.

Trong hai trường hợp kể trên, người ta đã đẩy nhau vào tình trạng cô đơn, có thể vì chị vợ không hiểu được “bản lãnh đàn ông” của anh chồng. Còn anh chồng lại không cảm thông được trước những công việc bề bộn của chị vợ. Cả hai đều không nâng đỡ lẫn nhau để vượt qua những khó khăn.

Cuộc sống của người Việt Nam hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn, ngày càng giống với cuộc sống của người phương Tây. Cha mẹ có phòng riêng của cha mẹ. Con cái có phòng riêng của con cái và mỗi đứa một phòng. Có muốn gặp nhau cũng khó.

Một chị vợ đã tâm sự như sau:

Hồi đang xây nhà, đi ở nhà thuê chung một phòng, gia đình bốn người thật là đầm ấm. Các con gặp chuyện gì khó giải quyết cũng gọi ba mẹ. Bây giờ mỗi người một phòng sang trọng, rộng rãi nhưng cứ như ở trong ốc đảo.

Hôm trước, tôi gõ cửa phòng đứa con trai lớn, nó thò đầu ra và nói:

- Con còn đang bận việc riêng.

Điều không ai có thể lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra, khi trong nhà không còn tiếng cười, tiếng nói…Để lập lại trật tự, chị ta đã bắt mọi thành viên phải có mặt trong giờ cơm, ít nhất là giờ cơm tối, nếu ai không thực thi,  sẽ bị “cắt trợ cấp”, để gia đình có được những giây phút thực sự bên nhau.

Ấy là gã chưa nói tới những hoàn cảnh mỗi người phải làm một  công việc và mỗi công việc lại ở vào những giờ giấc khác nhau. Chị vợ đi làm ban ngày, còn anh chồng lại đi làm vào ban đêm. Chị vợ vừa về tới nhà, cũng là lúc anh chồng khăn gói quả mướp lên đường tới xí nghiệp. Cha mẹ, con cái chỉ gặp được nhau vào những ngày nghỉ cuối tuần.

Để kết luận, gã xin ghi lại nơi đây một câu danh ngôn của người Nga:

- Nếu chỉ có một mình, thì dù được ở trên thiên đàng, cũng sẽ không thể nào sống nổi.

Gã Siêu    gasieu@gmail.com

 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************