Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                  giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 126, Chúa Nhật 22.08.2010


MỤC LỤC 

TÔNG HUẤN "GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU"                                              ĐTC Gioan Phaolo 2

PHÊ BÌNH                                                                                                  Br. Huynhquảng

KITÔ GIÁO TẠI PHÁP TÀN LỤI HAY CHUYỂN MÌNH                 Cao Sơn Michel Barnouin

KHÔNG AI MUỐN CÂM                                                                      Gioan Lê Quang Vinh

TUYỆT VỜI                                                                                          Lm. Đỗ Vân Lực, op.

TRANH ĐẤU BẢO VỆ NIỀM TIN                                            Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

SỐNG CHO MÌNH VÀ SỐNG CHO NHAU                                    Luật sư Đoàn Thanh Liêm

ĐỒNG TIỀN.                                                                                Lm. Giuse Trần Việt Hùng

CẦN CẢM THÔNG VÀ NÂNG ĐỠ CHỒNG HƠN NỮA        Lm. Minh Anh, tổng hợp biên tập

PHÂN ĐỊNH VÀ SỐNG ƠN GỌI (tiếp theo)            Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

MỆT MỎI KINH NIÊN                                                                  Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D.

Khi Đờn Ông … Làm Đẹp                                                          Chuyện phiếm của Gã Siêu


BỐI CẢNH Á CHÂU

 

TÔNG HUẤN "GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU" (ECCLESIA IN ASIA)

Nguồn:  http://www.simonhoadalat.com

CHƯƠNG I BỐI CẢNH Á CHÂU

Á Châu, Nơi sinh của Đức Giêsu và của Giáo Hội

5.      Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, mà toàn thể Giáo Hội sẽ long trọng mừng kỷ niệm trong Đại Năm Thánh 2000, xảy ra trong bối cảnh lịch sử và địa lý nhất định. Bối cảnh đó gây nên một ảnh hưởng quan trọng trên đời sống và sứ vụ của Đấng Cứu Chuộc trong tư cách một con người: "Trong Đức Giêsu thành Nadareth, Thiên Chúa đã mặc lấy những nét đặc trưng của bản tánh nhân loại, gồm có sự thuộc về một dân tộc nhất định và một lãnh thổ nhất định. Nét đặc thù tự nhiên của phần đất và vị trí địa lý của nó không thể tách rời khỏi chân lý là xác phàm con người được Ngôi Lời mặc lấy" (7). Do đó việc hiểu biết thế giới mà Đấng Cứu độ "đã ở giữa chúng ta" (Ga 1,14) là chìa khoá quan trọng giúp hiểu rõ hơn về ý định của Chúa Cha hằng hữu và tình yêu bao la của Người đối với mọi loài thụ tạo: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời" (Ga 3,16).

Cũng vậy, Giáo Hội sống và hoàn thành sứ mạng mình trong hoàn cảnh hiện tại của thời gian và không gian. Sự hiểu biết có phê phán về những thực tại khác biệt và phức tạp của Châu Á là thiết yếu nếu dân Chúa trên lục địa muốn đáp trả lại ý muốn của Thiên Chúa đối với họ trong vấn đề Tân Phúc Âm hoá. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh rằng sứ vụ yêu thương và phục vụ của Giáo Hội tại Á Châu được quy định do hai yếu tố: một bên là sự hiểu biết của Giáo Hội về chính mình như là một cộng đồng môn đệ của Đức Giêsu Kitô, được tập hợp quanh các vị chủ chăn của mình, và bên kia là những thực tại xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hoá và kinh tế tại Á Châu (8). Hoàn cảnh Á Châu được nghiên cứu tỉ mỉ trong Thượng Hội Đồng do những vị đã tiếp xúc hàng ngày với những thực tại rất khác biệt của một lục địa to lớn thế đó. Tiếp theo đây là bản tổng hợp thành quả những suy tư của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng.

Những Thực Tại Tôn Giáo và Văn Hoá

6.      Á Châu là lục địa to lớn nhất trên trái đất, và là nơi cư ngụ của gần hai phần ba dân số thế giới, với hai nước Trung Hoa và Ấn Độ chiếm gần nửa dân số thế giới. Nét nổi bật nhất của lục địa là sự khác biệt về dân tộc, "thừa kế những nền văn hoá, tôn giáo và truyền thống cổ xưa" (9). Chúng ta không thể không kinh ngạc về nguyên tầm mức dân số Châu Á và sự đan chéo phức tạp của nhiều nền văn hoá, ngôn ngữ, niềm tin và truyền thống, từng đó thứ làm nên một phần đáng kể trong lịch sử và gia sản của gia đình nhân loại.

Á Châu cũng là chiếc nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới -Do Thái Giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo và Ấn Giáo. Đó là nơi phát sinh nhiều truyền thống thiêng liêng khác như Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo, Zoroastrianism, Jainism (Ấn Độ), giáo phái Sikh và Thần Đạo (Nhật). Hàng triệu người cũng theo những tôn giáo truyền thống và bộ lạc, với nhiều cấp độ nghi thức và giáo thuyết. Giáo Hội giữ một niềm kính phục sâu xa nhất đối với các truyền thống này và tìm cách chân thành đối thoại với các môn sinh của truyền thống đó. Những giá trị tôn giáo họ truyền dạy, chờ được hoàn thành viên mãn trong Đức Giêsu Kitô.

Dân Á Châu hãnh diện về các giá trị tôn giáo và văn hoá của mình, như yêu mến sự thinh lặng và chiêm ngưỡng, sự đơn sơ, hài hoà, quên mình, bất bạo động, chăm chỉ làm việc, kỷ luật, sống mộc mạc, khao khát hiểu biết và tìm kiếm triết lý (10). Họ quý trọng những giá trị như tôn trọng sự sống, lòng trắc ẩn đối với mọi sinh vật, gần gũi với thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, đàn anh và tổ tiên, và một ý thức cộng đồng cao độ (11). Đặc biệt, họ coi gia đình là nguồn sống ban sức mạnh, một cộng đồng liên kết chặt chẽ có một cảm thức mạnh mẽ về tình liên đới (12). Các dân tộc Á Châu nổi tiếng có tinh thần bao dung tôn giáo và sống chung hoà bình. Tuy không phủ nhận rằng còn có những sự căng thẳng chua xót và những xung đội dữ dội, nhưng có thể nói rằng Châu Á thường tỏ ra có một khả năng thích nghi đặc biệt và cởi mở tự nhiên đối với nền phong phú các dân tộc, giữa tình trạng đa nguyên tôn giáo và văn hoá. Hơn nữa, mặc dầu bị ảnh hưởng của hiện đại hoá và trần tục hoá, các tôn giáo ở Châu Á tỏ lộ dấu chỉ của một sức sống mạnh mẽ và một khả năng đổi mới, như thấy nơi các phong trào cải cách bên trong những nhóm tôn giáo khác nhau. Nhiều người, nhất là người trẻ, cảm nghiệm một khát vọng sâu xa đối với những giá trị thiêng liêng, như được chứng tỏ qua sự xuất hiện nhiều phong trào tôn giáo mới.

Tất cả những điều trên chỉ cho thấy một cảm thức thiêng liêng nội tâm và sự khôn ngoan về mặt luân lý trong tâm hồn người Á Châu, và đó là cốt lõi mà xung quanh đó được xây dựng một ý thức đang lớn mạnh về thế nào "là người Á Châu". Nhận thức "là người Á Châu" này được khám phá và khẳng định cách tốt nhất không phải trong sự chạm trán và đối nghịch nhau, nhưng trong tinh thần bổ sung và hoà hợp. Trong khung cảnh bổ sung và hoà hợp này, Giáo Hội có thể loan truyền Tin Mừng qua một cách thức vừa trung thành với truyền thống của mình và vừa trung thành với tâm hồn Châu Á.

Những Thực Tại Kinh Tế và Xã Hội

7.      Về phương diện phát triển kinh tế, những hoàn cảnh trong lục địa Á Châu rất khác biệt nhau, không thể đơn giản phân loại được. Một số vùng đã phát triển cao, một số vùng khác đang phát triển nhờ các chính sách kinh tế có hiệu quả và một số vùng khác nữa vẫn còn thấy trong cảnh nghèo hèn khốn nạn, quả thế trong số những nước nghèo nhất trên thế giới. Trong quá trình phát triển, chủ nghĩa duy vật và tục hoá cũng đang xâm lấn, nhất là tại những vùng đô thị. Khi xói mòn những giá trị truyền thống, xã hội và tôn giáo, những ý thức hệ này đe doạ các nền văn hoá Á Châu với những thiệt hại không thể lường trước được.

Các Nghị Phụ Thượng hội Đồng nói về những thay đổi nhanh chóng xảy ra trong các xã hội Á Châu và nói về những khía cạnh tích cực và tiêu cực do những thay đổi đó mang lại. Trong số đó có hiện tượng đô thị hoá và sự xuất hiện những khối đô thị khổng lồ, thường có những khu vực rộng lớn gây ngã lòng, nơi mà các tội ác có tổ chức, khủng bố, mại dâm và sự bóc lột những phần tử yếu kém hơn trong xã hội đang lớn mạnh. Việc di dân cũng là hiện tượng lớn xã hội, đặt hàng triệu người vào những hoàn cảnh khó khăn về mặt kinh tế, văn hoá và luân lý. Dân chúng di cư nội trong khu vực Á Châu và từ Á Châu đến các lục địa khác vì nhiều lý do, chẳng hạn nghèo đói, chiến tranh và xung đột sắc tộc, sự chối bỏ nhân quyền và những quyền tự do cơ bản. Việc thiết lập những liên hiệp công nghiệp khổng lồ là một lý do nữa của sự di dân nội và ngoại, kèm theo những hậu quả tàn phá đời sống và các giá trị của gia đình. Cũng có nhắc tới việc xây dựng những nhà máy điện nguyên tử, vì quan tâm tới giá cả và muốn có hiệu năng mà ít nghĩ tới sự an toàn dân chúng và sự toàn vẹn của môi trường.

Ngành du lịch cũng cần được lưu ý cách riêng. Mặc dù là một công nghệ chính đáng với những giá trị văn hoá và giáo dục của nó, ngành du lịch trong một vài trường hợp đã có một tác động phá hoại luân lý và phong cảnh thiên nhiên của nhiều quốc gia Á Châu, bằng chứng là nhiều phụ nữ trẻ và cả đến các trẻ em bị mất phẩm giá vì nạn mãi dâm (13). Công tác mục vụ cho các người di dân, cũng như cho các khách du lịch thật gay go và phức tạp, nhất là tại Á Châu nơi những cơ cấu cơ bản cho công việc đó không phải lúc nào cũng có. Chương trình mục vụ ở mọi cấp bậc cần phải lưu ý tới những thực tại này. Trong khung cảnh này, chúng ta không nên bỏ quên những người di dân từ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, đang cần chăm sóc mục vụ theo những truyền thống Giáo Hội riêng của họ (14).

Nhiều vùng Á Châu đối diện với những khó khăn liên quan tới sự tăng dân số, đó "không chỉ là một vấn đề dân số hay kinh tế, nhưng cách riêng là một vấn đề luân lý" (15). Rõ ràng, vấn đề dân số liên kết chặt chẽ với vấn đề thăng tiến con người, nhưng những giải quyết sai lầm đe doạ nhân cách và tính bất khả xâm phạm của sự sống thì nhiều và nêu lên một thách đố đặc biệt cho Giáo Hội tại Á Châu. Tới đây, có lẽ nên nhắc lại những đóng góp của Giáo Hội trong việc bênh vực và thăng tiến sự sống, nhờ chăm sóc sức khoẻ, phát triển xã hội và giáo dục, nhằm lợi ích cho dân chúng, nhất là người nghèo. Hội Nghị Đặc Biệt về Á Châu đã làm đúng khi nói lên lòng kính trọng đối với Mẹ Têrêxa Calcuta, "người nổi tiếng trên khắp thế giới vì việc chăm sóc đầy yêu thương và vô vị lợi của Mẹ dành cho người nghèo hèn nhất trong số những người nghèo" (16). Mẹ mãi là một mẫu gương của việc phục vụ sự sống mà Giáo Hội đang trao tặng tại Á Châu, can đảm đối đầu với những quyền lực đen tối đang hoành hành trong xã hội.

Một số Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh đến những ảnh hưởng ngoại lai được mang vào trong các nền văn hoá Á Châu. Nhiều hình thức sống mới đang xuất hiện do việc tiếp cận quá đáng với phương tiện truyền thông đại chúng và những loại văn chương, âm nhạc và phim ảnh đang phổ biến nhan nhãn trên lục địa. Tuy không phủ nhận rằng những phương tiện truyền thông xã hội có thể giúp ích rất nhiều cho sự thiện, (17) chúng ta không thể coi thường ảnh hưởng tiêu cực nó thường mang lại. Những hiệu quả sinh ích của chúng có thể đôi kẩntở nên vô ích bởi cách thức chúng bị kiểm soát và sử dụng bởi những con người có những mục đích chính trị, kinh tế và ý thức hệ đáng nghi ngờ. Hậu quả là những khía cạnh tiêu cực của truyền thông và những công nghệ giải trí đang đe doạ các giá trị truyền thống và cách riêng, đe doạ sự thánh thiêng của hôn nhân và sự vững bền của gia đình. Ảnh hưởng của những hình ảnh bạo lực, khoái lạc, cá nhân và vật chất chủ nghĩa quá độ "đánh thẳng vào trung tâm những nền văn hoá Á Châu, vào tính tôn giáo của dân chúng, gia đình và toàn thể xã hội" (18). Đây là một hoàn cảnh gây nên một thách đố lớn đối với Giáo Hội và đối với việc loan báo sứ điệp.

Hoàn cảnh nghèo đói dai dẳng và sự khai thác bóc lột dân chúng là những sự việc đáng lo lắng nhất. Tại Á Châu có hàng triệu người bị áp bức, qua bao thế kỷ bị đặt bên lề xã hội về mặt kinh tế, văn hoá và chính trị (19). Khi suy nghĩ về hoàn cảnh người nữ trong xã hội Á Châu, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng "mặc dầu việc gây ý thức cho người nữ về nhân phẩm và quyền lợi của họ là một dấu chỉ thời đại có ý nghĩa nhất, nhưng sự nghèo đói và khai thác bóc lột người phụ nữ vẫn là một vấn đề nghiêm trọng cho toàn vùng Á Châu" (20). Phụ nữ mù chữ nhiều hơn đàn ông; và trẻ gái bị giết khi còn là thai nhi hoặc sau khi ra đời xem ra cũng nhiều hơn. Cũng có hàng triệu người bản xứ hay dân bộ lạc khắp vùng Á Châu đang sống biệt lập về mặt xã hội, văn hoá và kinh tế khỏi tầng lớp dân đang thống trị (21). Thật là yên lòng khi nghe các Giám Mục Thượng Hội Đồng nói rằng trong một vài trường hợp, những sự việc trên được quan tâm hơn ở cấp quốc gia, cấp vùng và cấp quốc tế, và Giáo Hội tích cực tìm cách tiếp cận hoàn cảnh nghiêm trọng này.

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã lưu ý rằng, suy tư vắn tắt cần thiết này về các thực tại kinh tế và xã hội tại Á Châu sẽ không đầy đủ, nếu không nhìn nhận sự tăng trưởng kinh tế đáng kể của nhiều xã hội Á Châu trong những thập niên gần đây: một thế hệ mới gồm những thợ lành nghề, những nhà khoa học và kỹ thuật ngày càng gia tăng và con số đông đảo các người ấy là điềm báo tốt cho sự phát triển của Á Châu. Tuy nhiên, không phải mọi cái đều ổn định và vững chắc trong sự phát triển này, như đã thấy rõ qua cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng mới đây mà một số vùng Á Châu phải hứng chịu. Tương lai của Á Châu hệ tại ở sự hợp tác giữa các nước Á Châu và với các nước thuộc các lục địa khác, nhưng bằng cách luôn xây dựng trên điều mà các dân tộc Á Châu phải làm để tự phát triển cho mình.

còn tiếp nhiều kỳ

VỀ MỤC LỤC
PHÊ BÌNH
  

Tác giả Thiên Phúc trong mục Suy Niệm Hằng Ngày có kể một câu chuyện như sau. Một nghệ sĩ kia có tài châm biếm, ông ta nhanh chóng nhận ra khuyết điểm của người khác và đem ra làm trò cười cho mọi người.  Nhưng một giấc mơ bất chợt đã làm thay đổi cách nhìn soi mói của ông.

Đêm kia, ông mơ thấy mình đang đi trên một con đường hoang vắng, trên vai ông là một hành trang cồng kềnh và nặng trĩu, nó như muốn đè bẹp cả thân thể ông, ông xoay xở bên này bên nọ, nhưng không thấy nhẹ nhõm chút nào.  Sau một lúc cố gắng, ông cảm thấy mệt nhoài và bắt đầu càu nhàu:

- Hành trang này là những thứ gì mà tôi phải vác nó cực khổ thế này?

Nói dứt câu, ông nghe từ xa vọng lại:

- Đó là những khuyết điểm của người khác mà con thường hay nhanh nhẹn bới móc ra. Tại sao con lại than phiền?  Không phải con là người đã khám phá ra chúng sao?  Chúng phải thuộc quyền sở hữu của con chứ?

***

Quí bạn thận mến, chúng ta đang cùng nhau học hỏi phương cách xây dựng sự hiệp nhất trong gia đình cũng như trong cộng đoàn của mình. Phải thừa nhận rằng, một trong những chướng ngại để xây dựng sự hiệp nhất chính là tính kêu căng tự phụ. Hay nói cách khác, tự lấy mình là trung tâm và điểm chuẩn cho mọi sinh hoạt của cộng đoàn là một sự nguy hại nhất trong tiến trình xây dựng sự hiệp nhất. Vì lấy mình là trung tâm, nên chúng ta khó chấp nhận ý kiến của người khác, nhất là những ý kiến trái nghịch với quan điểm của chính mình. Như người họa sĩ trong câu chuyện, chúng ta dễ dàng để ý và phê bình những khuyết điểm của người khác, chính vì điều đó, chúng ta trở nên nạn nhân của chính mình và cũng là người tạo thêm sự chia rẻ trong cộng đoàn. 

Khi đối diện với một vấn đề nan giải trong một cộng đoàn, chúng ta cần có những cuộc họp nhằm tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, nếu không bình tĩnh và sáng suốt đủ, những cuộc họp ấy sẽ trở nên những “cớ” để gây chia rẻ trong một cộng đoàn. Bình tĩnh để suy xét chúng ta sẽ nhận thấy rằng. Thực ra những thành quả, hay tìm hướng giải quyết cho một vấn đề trong cộng đoàn là điều cần thiết, nhưng đó không phải là mục đích quan trọng nhất cho một tập thể. Điều quan trọng nhất trong một cộng đoàn là xây dựng sự hiệp nhất giữa con người với nhau chứ không phải là những việc này việc nọ. Hoàn thành được công tác này, công tác nọ mà phải trả giá cho sự chia rẻ, phân ly trong một cộng đoàn thì đó là sự thảm bại nhất cho cộng đoàn ấy. Bởi vì lý tưởng tối hậu của mọi tập thể chính là yêu thương và hiệp nhất.

Phân tích những điểm như thế để chúng ta cẩn thận nhìn nhận rằng: Sư hiệp nhất rất là mong manh, dễ bị phá vỡ. Vậy nếu chúng ta không nhạy bén và tỉnh táo, thì những cuộc họp để giải quyết những vấn đề trong tập thể có thể là những nguy cơ để tạo thêm những vấn đề phức tạp khác.

Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt trong bài phỏng vấn ngày 22 tháng 4 năm 2010 đã nói rằng: “Hiệp thông là rất quí nhưng rất khó. Hiệp thông không tự có nhưng phải xây dựng. Lý thuyết thì ai cũng đã biết. Nhưng hiệp thông thực sự chỉ có thật khi thực hành.”[1]

Hôm nay, mục Sống Sao Cho Đẹp mời bạn suy nghĩ về đức tính khiêm tốn. Mỗi lần hội họp, mỗi lần làm việc chung trong cộng đoàn, có thể nói hành trang thiết yếu nhất mà mình cần mang theo chính là sự khiêm tốn. Kiến thức, kinh nghiệm là điều cần thiết nhưng nó chỉ hữu ích để làm “được việc”, nhưng khiêm tốn sẽ giúp chúng ta làm “đúng việc.”

Br. Huynhquảng


[1] Trích từ http://vietcatholic.net/News/Html/79437.htm (accessed April 22, 2010).

 

VỀ MỤC LỤC
KITÔ GIÁO TẠI PHÁP TÀN LỤI HAY CHUYỂN MÌNH
 

 

Cao Sơn Michel  Barnouin

Nguyên Giáo sư Đại chủng viện Xuân Bích, Phú-Xuân, Huế

Đỗ Tân Hưng & Nguyễn Đăng Trúc chuyển qua Việt ngữ

 

Tình trạng Kitô giáo ở Pháp hiện nay có vẻ nghịch thường. Một mặt, Kitiô giáo xem ra hùng mạnh, thống trị nền văn hóa và nghệ thuật. Mặt khác, người ta thấy Kitô giáo hầu như biến mất: các thánh đường như trống vắng tín hữu tham dự phụng vụ vào Chúa nhật. Thanh niên chả còn mấy ai tha thiết gì với lý tưởng sống đời giáo sĩ phục vụ các giáo xứ hay sống đời tu trì. Giới truyền thông báo chí lại thường dửng dưng hoặc châm biếm lập trường của Giáo hội.

 

Người Việt-Nam đến định cư ở trên đất Pháp ngỡ ngàng trước cảnh tượng nầy, một cảnh tượng trái ngược với những hình ảnh đạo hạnh của các vị thừa sai đến từ nước Pháp từ hai thế kỷ nay. Hoặc giả họ về tỉnh thành may ra thấy được vài nét đa dạng khác, ở đấy còn có những người vẫn giữ đạo rất sốt sắng, ít là nơi những người trọng tuổi. Và người ta còn chút thắc mắc để đặt thành vấn đề. Trong khi chính những người dân Pháp thì không chút ngạc nhiên. Không nói ra, nhưng họ đều biết rằng tình trạng hiện nay xuất phát từ những ảnh hưởng đang tác động trên cuộc sống xã hội chính trị và văn hóa của họ suốt hai hay ba thế kỷ qua. Diễn tiến đó đối với họ hoàn toàn tự nhiên.

 

Nhưng qua các vị giám mục, Giáo hội tại Pháp tự đặt câu hỏi cho chính mình. Với tư cách tập thể, các ngài đã công bố một bức “Thư gởi người Công giáo ở Pháp”(Nhà Xuất Bản Le  Cerf, năm 1994, được bổ túc năm 1996) với nhan đề: “Đề nghị Đức Tin trong xã hội hiện đại”. Gần đây Đức cha Hippolyte SIMON, một giám mục Pháp, nghiên cứu tận tường đức tin Kitô giáo trong xã hội ngày nay và trình bày chi tiết trong một cuốn sách. Sách được trình bày qua hình thức một cuộc đối thoại với một ký giả. Tựa đề là “Tự do hay thần tượng?” (Nhà xuất bản Cana và DB, năm 2003). Ngài đề cập tới những thần tượng của nền văn minh mãi hóa đang bị nhu cầu tiêu thụ khống chế. Đức Tin Kitô giáo đề nghị một cái nhìn mới, ngược lại, phát sinh từ sự bừng khởi của tự do hướng đến một tương lai vô tận của nhân vị con người. Chúng ta thử rút ra một vài nét chính của tác phẩm nầy.

 

DƯ LUẬN CÔNG CHÚNG KẾT ÁN GIÁO HỘI THUỞ XƯA

 

Khi nói đến dư luận quần chúng đối với Giáo hội, là nói về việc gì ? Hẳn là nói tới điều mà giới truyền thông lặp lại như một chuyện đương nhiên được mọi người xưa nay đều biết chả cần chứng cớ hay biện minh làm gì.  Thật ra, những nhà trí thức Pháp có ảnh hưởng vào thế kỷ thứ XVIII,  trong phong trào “Ánh Sáng”, dựa vào khả năng lý trí để phê phán Giáo hội về những sai lầm gia trọng (như vụ Galilée) và những tội ác (như Tòa Án Dị Giáo); từ những sự kiện ấy họ bác khước niềm tin vào sứ điệp mà Giáo hội tuyên dương là được Thiên Chúa mạc khải. Cùng một trật, họ tỏ ra hâm mộ những nền văn minh khác, như nền văn minh Trung Hoa, và nghĩ rằng những nền văn minh đó đảm bảo một đời sống nhân linh vượt lên trên đời sống những Kitô hữu ở Âu châu.

 

Đức cha SIMON đề cập đến các nội dung nầy trong bối cảnh của vấn đề về SỰ DỮ phổ cập. Các lý thuyết gia quên vấn đề căn cơ nầy khi khai triển những kế hoạch để canh tân nhân loại, kể cả bằng võ lực. Đức Cha nhấn mạnh (trang 137) rằng “bất cứ ai muốn làm cách mạng đến nói với chúng ta rằng sự dữ sẽ được tiêu trừ là một người nói dối, và người ấy sẽ lôi cuốn nhân loại nhảy nhào vào vực thẳm để kết thúc trong kinh hoàng. Mỗi khi Kitô hữu hành động như vậy, chẳng hạn như Tòa An Dị Giáo, thì họ cũng không thể tránh khỏi thảm họa.”

 

Thật thế, Giáo hội thời Trung Cổ và cho đến thời Cách Mạng Pháp đã thân cận với quyền bính của vua chúa trần thế. Giáo hội đã lạm dụng quyền nầy. Giáo hội tưởng tượng có thể sử dụng những phương tiện trần thế để bảo vệ đức tin Công giáo. Trước hết điều đó ngược lại với Phúc Aâm và kế đó là vô luân, cho dẫu khi dư luận nói chung lúc bấy giờ đã chấp nhận như thế. Ngày nay Giáo hội bị xem là “mắc tội về lối thống trị nầy trong quá khứ” (tr. 94), “luôn bị ngờ vực là muốn cai quản xã hội”…”đóng vai trò tôn giáo Nhà Nước và làm tổng giám thị Quốc Gia.”(tr. 142).

 

Ngược lại “chúng ta đang bước vào thời kỳ Quốc Gia pháp trị và chính sách biệt lập tôn giáo” (tr. 147). Đức Cha SIMON nói rằng trách vụ thiêng liêng của Kitô giáo vẫn luôn khẩn trương. Trước đây, đối với nhiều người chủ trương ‘chính sách biệt lập tôn giáo’ có nghĩa là một ý đồ phá hại Giáo hội. Thế nhưng một chính sách biệt lập tôn giáo như thế lại giúp Giáo hội tránh được lời buộc cáo tôn giáo độc đoán chuyên quyền, và hỗõ trợ cho tự do lương tâm được triển nở, một sự tự do vốn là yếu tố thiết yếu cho một đức tin chân thật. Vì vậy phải loại trừ những “khẩu hiệu lỗi thời” bởi vì “chúng ta đã sống trong một thế giới đã thay đổi. Tương quan giữa Giáo hội và xã hội dân sự đã đảo lộn” (tr. 156).

 

DÂN PHÁP YÊU MẾN GIÁO HỘI MUÔN THUỞ

 

Một điều mâu thuẫn: Một mặt nước Pháp biết mình phát sinh như một quốc gia Công giáo và luôn mãi tìm gặp ở đó nhiều giá trị văn hóa. Mặt khác nước Pháp muốn mình tân thời và không cần Thiên Chúa. Như Đức Cha SIMON nói: “Nước Pháp là nước Kitô giáo qua nhiều định chế của mình. Gia sản, những định chế lớn  được hướng dẫn bởi tâm tư Kitô giáo…Những ngày lễ, những niên lịch, những tên gọi.” Dẫu vậy người ta cũng nói ngược lại rằng: “Nhưng điều đó đang tàn dần. Những ngày nghỉ lễ Phục Sinh là những ngày nghỉ ‘mùa xuân’. Những ngày nghỉ lễ Giáng Sinh là những ngày nghỉ lễ cuối năm, và càng ngày người ta càng chọn những tên tuổi trong các truyện trên đài truyền hình Hoa kỳ để đặt tên cho con cháu” (tr. 230)

 

Tình trạng phức tạp tương tự đối với những buổi lễ rửa tội, làm phép cưới và nghi thức tống táng: đa số dân chúng muốn cử hành những nghi lễ nầy “ở trong nhà thờ”, cho dẫu họ không sống đạo và ít tin tưởng. Bởi vì đó là truyền thống trong gia đình đã có “từ lâu rồi”, như một tập tục nối kết hiện tại với quá khứ và tạo thành sự nhất thống của toàn thể gia đình khi sum họp. Người ta tự hỏi đây có phải là điều còn sót lại của ngọn lửa Kitô giáo còn nhen nhúm hay không? Có phải đây là biểu lộ mối khắc khoải thâm sâu về ý nghĩa sự sống sự chết hay không? Đây có phải là một thứ tình cảm tôn giáo tự nhiên, độc lập với đức tin Kitô giáo đặt trọng tâm ở Chúa Giêsu Phục Sinh không? Đây hẳn là điều mà Đức Cha SIMON gọi là một thứ tình cảm tôn giáo “ngoại đạo” theo bản năng, tự nhiên và tốt lành, gắn liền với mầu nhiệm của bản tính con người, dẫu con người không hay biết, mầu nhiệm về phẩm giá vô song vì được tác tạo theo hình ảnh Thiên Chúa.

 

Dân Pháp cũng yêu thích các ngôi thánh đường. Đó là thành phần chính của gia sản kiến trúc. Người ta thích thăm viếng, học hỏi. Người ta buồn tiếc khi thấy những ngôi thánh đường ở các làng quê bị đóng cửa. Điều đó có nghĩa là những người giữ đạo tích cực ít đông đảo hơn. Hoặc giả (phản ứng khác) là người ta dồn sức tu bổ, trang hoàng và biến thành những bảo tàng viện luôn mở cửa đón tiếp du khách. Nhưng như thế gia sản đó đã chết về phương diện đức tin. Nhà Nước đã nhận ra sự kém hiểu biết của giới trẻ đối với gia sản tôn giáo nên tổ chức ngay trong những trường công lập một chương trình giáo dục về những sự kiện tôn giáo hay cả những học thuyết tôn giáo. Nhưng sự khách quan vô tư đó có thể nói được là điều cơ bản của đức tin không? Đức tin là gì nếu không phải là một sự liên kết, một sư ïdấn thân tin tưởng, một kinh nghiệm tâm linh? Đức Cha SIMON thường xuyên nhấn mạnh: chỉ có đức tin mới có thể nói về đức tin, và đề nghị đức tin ấy cho người khác qua chứng nghiệm sống động và hiện thực.

 

THIÊN CHÚA ĐÃ BỊ LÃNG QUÊN? THIÊN CHÚA ĐÃ TÌM LẠI ĐƯỢC?

 

Khi người ta lướt qua những sách vở ở đại học, những tài liệu giáo khoa, những bài báo của các ký giả hay những nghị luận về những vấn đề xã hội, nếu phải đề cập đến vấn đề tôn giáo, thì tôn giáo sẽ được nhắc nhở là những tình cảm chủ quan. Muốn nói cái gì thật thì người ta tránh nhắc  đến bất cứ điều gì liên quan đến Thiên Chúa. Người ta giả thiết rằng Thiên Chúa không thể ở trong phạm trù một chân lý khách quan được chấp nhận một cách hợp lý. Người ta nghĩ rằng Ngài không hiện hữu như một thực tại, mà chỉ như một giấc mơ thi phú. Người ta quả quyết điều đó bởi vì các kiến thức khoa học không dành một chỗ nào cho Thiên Chúa hay cho ý tưởng về sự Tạo Dựng. Và người ta tin tưởng rằng không gì có thể hiện hữu ngoài điều mà các khoa học dựa trên lý trí tự nhiên hiểu biết được.

 

Thái độ có tính cách giáo điều đó đã thống trị nước Pháp từ thế kỷ thứ mười tám và càng lâu càng mạnh mẽ hơn nữa. Thái độ đó được củng cố nơi nền văn minh đang bị các kiến thức khoa học và vô tuyến truyền hình khống chế. Những kiến thức ở mức nầy chất đầy não bộ chúng ta bằng số lượng dữ kiện và hình ảnh rất hấp dẫn, nhưng không dành một chỗ nào cho những thắc mắc quan trọng hơn đối với cuộc sống cá nhân chúng ta. Kỳ thực, chúng ta là ai? Tại sao chúng ta sống? Xã hội, với tiền của và phương tiện truyền thông “có thể chi phối tâm trí để cắt xén chúng ta ... ra thành những phần tử định lượng được, mặc cả được, trao đổi được”. Mỗi một người trở thành “một cá nhân ở giữa những cá nhân lưu động khác…một cá nhân hoán chuyển nhau được, chỉ đơn thuần là một con số mà thôi, một con mối trong tổ mối”. Trong lúc đó “con người, có khả năng tự nhận thức, là một nhân vị tuyệt đối cá biệt. Nhưng cũng một trật con người có thể cảm nghiệm nỗi vui thâm sâu tự biết mình hiện hữu trong sự thông hiệp với người khác”. Và “trong một tương giao chân thành có tính cách bằng hữu, tríu mến hay thiết thân cha-con”. Chúng ta phải bảo vệ “chỗ nương náu cuối cùng của nhân loại chúng ta…của sự tự do chúng ta, của quyền lợi được sống của chúng ta trong những mối tương giao thân mật”.  Bởi vì “mỗi người phải gánh trách nhiệm về cách họ đối xử đối với người khác và đối với Thiên Chúa”. Thật ra chính Thiên Chúa đảm bảo sự siêu việt tâm linh và sự tự do cá nhân của chúng ta theo hình ảnh hiệp thông của Ngài ở trong Ba Ngôi. (trang 83-85).

 

Một lối ý thức về cuộc sống con người và ý thức chính thân phận con người như thế luôn gắn liền với một nỗ lực Giải phóng, một kinh nghiệm giúp chúng ta tìm lại Thiên Chúa.

 

THIÊN CHÚA VÀ KIẾN THỨC KHOA HỌC: XUNG KHẮC HAY LIÊN MINH ?

 

Ở Pháp thông thường người ta cho rằng hiểu biết theo lý trí  luôn đi đôi với chủ trương về sự xung đột giữa ý niệm về Thiên Chúa và khoa học. Muốn cắt nghĩa vũ trụ, thì cứ việc khám phá những nguyên nhân tiềm ẩn của mọi hiện tượng quan sát được. Vì khoa học chỉ quan sát điều gì thuộc về vật chất, thì chỉ cần những nguyên nhân vật chất là được. Do đó không có vấn đề Thiên Chúa ở đây. Và nếu có vấn đề Tạo Dựng, thì chỉ cần đặt câu hỏi mà những tư tưởng gia lỗi lạc không ngừng lặp lại: - tại sao thế giới hiện hữu hơn là hư không?

 

Nhưng trước khi đạt tới khoa học duy lý, nhân loại đã tưởng tượng những nhân vật thần thoại để cắt nghĩa những hiện tượng mà nguyên nhân còn mơ hồ. Chẳng hạn những cơn giông bão, sự vận hành của các tinh tú. Thường thường những người có tín ngưỡng đã nói tới Thiên Chúa và những sự can thiệp nhất định nào đó của Ngài như muốn nói rằng khoa học chưa cắt nghĩa được. Và chỉ thế thôi. Nhưng người ta lại tưởng tượng một cách sai lầm rằng có một lãnh vực riêng được Thiên Chúa cai quản mà những nguyên nhân khoa học không mảy may chi phối. Một ý tưởng khờ khạo như thế xuất hiện và lên án tố cáo Thiên Chúa chẳng hạn gây ra những trận động đất nào đó trên quả địa cầu. Và với sự tiến bộ của khoa học, bấy giờ người ta lại nghĩ chả có Thiên Chúa nào can thiệp vào đó cả.

 

Vài tư tưởng gia áp đặt ý tưởng về sự xung khắc của hai lực khống chế, làm như Thiên Chúa và nhân loại cùng chung một bản chất. Và sự đối kháng “như thể con người chiếm một phần đất và Thiên Chúa chiếm phần còn lại”…”Nhiều người đã trình bày tương tự về một thứ cạnh tranh giữa Thiên Chúa và nhân loại như thể chúng ta tranh giành nhau một không gian giới hạn.” Thực ra “con người càng cao cả thì càng phải tôn vinh Đấng Tạo Hóa, càng triển khai sự cao cả của Thiên Chúa”…”Thiên Chúa càng cao cả thì tặng phẩm Ngài ban cho con người càng lớn lao”. Như thế “chúng ta tư ïtôn vinh thân phận của chính chúng ta”. Vả lại Đức Kitô đã nói cho chúng ta rằng “Thiên Chúa không ở trước mặt chúng ta như một bậc thầy để thống trị chúng ta, để hạ thấp chúng ta, nhưng như là một Đấng…ban cho chúng ta một phương tiện để hoàn thành chính chúng ta” (tr. 102-104). Ngài đích thật là một người cha.

 

Vả lại “ý nghĩa về sự tự do có trách nhiệm” không ngăn cản việc “nhìn nhận chúng ta cũng cần một Đấng Cứu Thế.” Nhờ đức tin, chúng ta đặt “ những bước chân chúng ta vào những bước chân của Đức Kitô để cứu thoát chúng ta, để giúp chúng ta vượt qua được sự chết ngõ hầu cùng với Ngài đạt tới sự phục sinh.” (tr. 105).

 

Nhưng người ta cũng bắt đầu đánh giá cao việc giới trí thức Pháp khước từ một quan niệm quá vật chất về Thiên Chúa, vốn xa lạ với thực thể mà Chúa Giêsu mạc khải và Giáo hội đề nghị với chúng ta.

 

KITÔ GIÁO, VẤN NẠN CHUNG CỦA THẾ GIỚI

 

Người Pháp thích tưởng tượng họ đi trước những dân tộc khác trong lãnh vực trí thức và văn hóa. Điều đó đôi khi cũng có đúng. Giờ đây nên công nhận rằng nền văn minh (nhân loại) chúng ta có tính cách thế giới, ở đâu đâu đều có những sự tiến hóa tương tự. Nếu người ta tưởng rằng những xứ xưa kia nổi tiếng là Kitô giáo đang bị khủng hoảng, thì cần phải nói thêm là sự khủng hoảng đó là chung cho cả thế giới, cho dù ở dưới những hình thức khác nhau tùy theo địa phương.

 

Khắp nơi đều có những cố gắng để kiểm thảo, những trào lưu canh tân, những tiến bộ để tân phúc âm hóa trong từng địa hạt và địa phương nhất định. Đức Cha SIMON đúng là một chứng nhân của sự đổi mới đó. Sách của ngài dẫn chứng những thành công kiểm chứng được, và đồng thời không che giấu một số những yếu đuối và dòn mỏng. Tác giả không nhằm trình bày một Kitô giáo hời hợt dễ dãi, nhưng nhấn mạnh đến những yêu sách của một đức tin chân thật ở nơi Đấng Phục Sinh (tr. 90) và ở nơi mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa (tr. 82). Chân lý đòi buộc sự can trường nhưng đem lại tự do.

 

Nhất là cần biết ngờ vực chính mình khi đoán xét người khác. Mỗi người đều là nạn nhân của sự cám dỗ dễ bị thu hút bởi những thần tượng mà xã hội làm cho chúng ta tôn sùng, và của những xét đoán vội vàng mà chúng ta muốn dùng để khống chế những ai nghe chúng ta. Chúng ta hãy để Thiên Chúa đoán xét, và nên dấn thân cải thiện những thiếu sót và điều chỉnh lệch lạc trong dư luận quần chúng. Chúng ta cần giúp họ tự giải thoát khỏi áp lực buộc họ hành động và suy tư (chung chung) như mọi người. Bởi vì khuynh hướng ấy  có lẽ sẽ đưa tới sự tăm tối hơn là ánh sáng.

Trong những năm sắp đến, hẳn sẽ có những đổi thay và chúng ta lại có dịp để học hỏi.

 
VỀ MỤC LỤC
KHÔNG AI MUỐN CÂM
 

Chuyện vui thời nước Đức còn chia đôi kể rằng có một chú chó ở Đông Đức tìm đường trốn sang Tây Đức là phần đất tự do. Khi chú chó sang đến Tây Đức, đồng loại của nó xúm quanh hỏi lý do sao nó trốn qua Tây Đức.

Các câu phỏng vấn đại loại: “Có phải bên Đông Đức không có gì ăn?” Nó trả lời:“Đói thì có đói nhưng cũng được ăn đại khái hàng ngày” “Hay là bên đó không có bệnh viện?” “Bệnh viện dù không ra gì nhưng cũng có”. “Vậy tại sao bạn trốn sang đây?” Câu trả lời nghe bất ngờ và chua chát: “Lý do chính là vì bên ấy tôi bị cấm sủa!”

Con chó sẽ đau khổ vô cùng khi thấy trộm mà không được sủa, khi thấy chuột mà không được kêu lên. Còn con người thì đau khổ khi không được nói. Người ta bảo rằng người câm thường hay bị điếc. Lý do là vì khi họ nghe được mà không nói lại được thì dễ sinh tâm bệnh. Những con người bình thường cũng vậy thôi. Khi không được lên tiếng nói người ta có cảm giác mình chỉ là hình nộm giữa cuộc đời.

Nhưng cái đáng buồn là có lúc con người nghe được, thấy được, đọc được mà phải ngậm miệng làm thinh. Trong một cái tập thể mà nhiều người làm sai, những người công chính nhìn thấy, không muốn hòa mình vào cái sai trái ấy, lại không được lên tiếng nói, có phải là đau đớn hơn không? Cái câm lặng này làm cho con người đau khổ ngàn lần hơn cái câm thể lý.

Đấng Tạo Hóa ban cho con người rất nhiều những đặc ân để làm cho họ nổi bật và cao quý hơn các tạo vật khác, và tổng hợp các đặc ân làm thành nhân vị. Trong nhân vị ấy, tự do và ngôn ngữ là đặc biệt cao quý, và hai giá trị này có mối liên hệ thân thiết. Có ngôn ngữ thì cần phải được tự do nói. Có tự do thì cần phải lên tiếng để ca ngợi đất trời mênh mông.

Trong một lần đi công tác mùa hè thời sinh viên, lớp tôi vào một khu rừng ở Bến cát, Bình Dương. Sau nửa ngày dọn đường đi, chúng tôi leo lên được những cành cây lớn và chặt những giò phong lan đem về thành phố. Về trường, chúng tôi treo những nhánh lan ấy lên trên lối đi cạnh phòng học. Chúng tôi chăm sóc và đợi chờ ngày lan nở hoa. Nhưng chờ mãi cả học kỳ chẳng thấy hoa đâu. Bỗng một hôm có một giảng viên khoa Sinh đến nhìn những giò lan một hồi và nói với chúng tôi: “Những cây này đâu có phải phong lan. Đây là dương xỉ mà”.

Nếu thầy giáo ấy thấy “vườn lan” mà không nói sự thật thì có làm cho chủ vườn vui hơn không? Có thể. Nhưng “câm” để gieo một niềm hy vọng phi lý cho người ta phải mất công đợi chờ thì quả là không nhân đạo. Lên tiếng nói thì làm cho người ta nhức nhối chốc lát, nhưng lại giúp kiến tạo cuộc đời.

Sắp kỷ niệm hai năm ngày biến động Tòa Khâm Sứ, Thái Hà. Những người thấp cổ bé họng cũng chưa nhận được gì. Công lý vẫn còn bàng bạc đâu đó thôi. Và những tiếng gào thét chống công lý vẫn còn vọng lại dưới nhiều hình thức. Nhưng những tâm hồn thiện chí thì được an ủi rất nhiều vì biết rằng công lý vẫn hiện diện, chỉ cần những con người tìm kiếm.

Mới đây lại có người kêu gào hãy “giã từ vũ khí”. Dường như người ta chưa đọc tác phẩm này của Hemingway mà đã vội dùng tên sách để hô hào. Vũ khí trong tác phẩm ấy là chiến tranh, là tham vọng và cuồng nộ; còn khi dân nghèo đứng lên hỏi “công lý đâu” thì vũ khí của họ chỉ là nước mắt, là ngọn nến và lời cầu nguyện. Làm sao có thể đồng hóa hai khái niệm ấy để bắt người nghèo giã từ những giá trị làm nên cuộc sống này?

Người ta có thể câm đi để cuộc sống bình lặng, để gió khỏi lùa vào miệng họ. Nhưng ít nhất có ba loại người không được im tiếng: người có trách nhiệm trên dân nghèo, người có mắt nhìn thấy rõ, và người có điều kiện để nói!

Ước chi tiếng nói là quà tặng của Đấng Tạo Hóa được sử dụng đúng mục đích là ca ngợi Ngài và làm thăng tiến nhân vị. Ước chi Lời Thánh Vịnh 39 mãi vang lên và được thực hiện: “Tôi đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực tôi đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.”

Gioan Lê Quang Vinh

Sàigòn những ngày nhớ 2 năm Tòa Khâm Sứ và Thái Hà

(Mời ghé thăm  www.giaoducconggiao.net )

VỀ MỤC LỤC

TUYỆT VỜI

 

 Thuở thơ ấu còn nằm trên gối mẹ,

giai điệu vàng con mấp máy trên môi,

“Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời,

cầu cho chúng con là kẻ có tội.”

 

Con vẫn biết đường đời muôn vạn lối,

Ánh Sao Mai soi thấu cả tâm hồn,

con chẳng lo mang kiếp sống long đong,

dù nhân thế đang chìm dần đáy huyệt.

 

Từ Thiên Quốc, đỉnh cao sang diễm tuyệt,

Mẹ có nghe vang dội khắp trần gian

nguồn hồng ân như thác đổ miên man,

toàn cõi thế ngàn hương xưa nở rộ .

 

Ơn vô nhiễm tựa hoa thơm nội cỏ,

như mở đầu cho vạn khúc tình ca,

Mẹ Ðồng Trinh, Mẹ Diễm Phúc hiền hòa,

hồn tín hữu đượm nhuần hương nhân đức.

 

Trước Nhan Chúa, Mẹ tôn thờ phủ phục,

Mẹ xin vâng cho Thánh Tử làm người,

mặc xác phàm yếu đuối tựa bề tôi,

cứu nhân loại khỏi sa vòng tội lệ.

 

Mẹ Thiên Chúa, Mẹ cao sang tuyệt thế,

Mẹ hoài thai Ðấng Cứu Ðộ muôn dân,

nối trời xa với trái đất lại gần,

cho thế giới trở thành một thánh địa.

 

Muôn đau khổ đang bao vây tứ phía

nỗi hận thù còn khép kín quan san,

biết tìm đâu cho thoát cảnh hoang tàn,

hồn tắm gội thỏa thuê nguồn vĩnh phúc !

 

Thánh Mẫu Chúa như vầng trăng bạch ngọc,

Từ Thiên Cung, ôi Nữ Vương Hòa Bình,

cả triều thần chiêm ngắm Mẹ Ðồng Trinh

đang mời gọi đất trời chung nhịp bước . . .

Lm. Đỗ Vân Lực, op.

 

VỀ MỤC LỤC
TRANH ĐẤU BẢO VỆ NIỀM TIN (Tôn Giáo chiến đấu chống lại hận thù và bạo động)
 

 

 

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

 

 

Trong mấy tuần lễ nghỉ hè thư giãn, có dịp đọc được quyển sách nói về Niềm Tin và Tôn Giáo của David Brog. Thấy sách rất quan trọng và hữu ích, nên xin được chia sẻ với mọi người.

 

Tôn Giáo và Niềm Tin luôn luôn vẫn là vấn đề muôn thuở. Niềm Tin là hy vọng, là sự sống để con người sống còn. Không có nó con người không thể có đạo đức, tồn tại và phát triển cũng như đoàn kết và hiệp nhất. Căn bản của Niềm Tin chính là Tình Yêu..

 

Ít năm gần đây nhiều người chủ trưong vô thần đã kịch liệt đả phá Thiên Chúa và tôn giáo. Họ cho rằng tôn giáo không chỉ điên khùng mà còn tồi tệ. Nhiều người tố cáo tôn giáo cổ võ chia rẽ, hận thù và bạo động.

 

-         Không phải vậy, David Brog đã trả lời như thế trong cuốn sách của ông nhan đề “BẢO VỆ NIỀM TIN: Tư tưởng Do-Thái-Kitô-giáo và cuộc phấn đấu cho Nhân Loại”.[1]

 

Brog là một tác giả Do Thái và là Giám Đốc Tổ Chức Những Người Kitô Giáo Hiệp Nhất Cho Israel. Ông dẫn chứng: Truyền thống Do-Thái-Kitô-Giáo đã một thời là lá chắn rất hiệu quả ở Tây Phương ngăn chặn khuynh hướng bạo động của con người.

 

TÔN GIÁO VÀ NIỀM TIN

 

Thực vậy, trong quá khứ đã có những thời kỳ mà niềm tin mãnh liệt đến chỗ không thể chấp nhận bất cứ ai khác. Nhưng chúng ta phải đặt mình vào vị trí của thời điểm lúc đó để thấy cái bất toàn của truyền thống tôn giáo của chúng ta và nhận biết ta đã lãnh nhận được nhiều lợi ích và điều tốt là do thừa hưởng cái gia sản tinh thần ấy. Chúng ta không đơn thuần là con người “nhân chi sơ tính bản thiện” mà là do học hỏi và giáo dục tôn giáo. Trong quá khứ nhiều dân tộc cũng đã phân chia ra từng bộ lạc, sắc dân, quốc gia…..và phe này chống lại phe kia đấy sao.

 

Brog đã dẫn chứng, một sự thay đổi tận gốc rễ đã có được do truyền thống Do-Thái-Kitô-Giáo chính là tư tưởng “Con người được sinh ra giống hình ảnh Thiên Chúa(Kn1:26) và chúng ta được kêu gọi, khuyến khích hãy thương yêu nhau như anh em một nhà không ngoại trừ một ai” (Ga13:34-35; Mt 22:39; Rm13:8-10; Gl 5:14) đúng tinh thần “tứ hải giai huynh đệ”.

 

Brog gọi đó là tư tưởng Do-Thái-Kito-Giáo và đó không phải chỉ là một đổi mới ở Tây phương nhưng nó còn tiếp tục là nguồn linh hứng đạo đức cao vời lan truyền cho đến thời đại hiện nay của chúng ta.

 

Niềm cảm thông mà chúng ta có được đối với những nạn nhận động đất mới đây ở Haiti hay nạn nhân bệnh AIDS ở Phi Châu, người dân nghèo đói, cơ cực, khổ sở, lầm than, bị chính quyền hành hạ ức hiếp, bị cướp đất cướp nhà ở Việt Nam là một đức tính vị tha đặc biệt, ngoại lệ trong lịch sử nhân loại. Chúng ta có được như vậy chính là nhờ truyền thống Do-Thái-Kitô-Giáo.

 

Chúng ta thử lược qua những luận đề mà David Brog trình bày trong sách của ông.

 

THẬP TỰ CHIẾN VÀ TÒA ÁN LẠC GIÁO

 

Một chương trong cuốn sách nói về những hành động ác độc mà Brog coi như chỉ là những huyền thoại. Phần này chính thức nói về Thánh Chiến và Tòa Án Lạc Giáo ở Y Pha Nho. Đây là những vấn đề được nêu ra hầu như không thể tránh được khi mà Kitô giáo bị tấn công tới tấp. Thực  vậy, cả hai hiện tượng trong những giai đoạn lịch sử này đều đã phạm phải những tội ác độc hại tày trời, nhưng chúng ta cần phải để ý -như Brog đã nhận xét- đến bối cảnh đã đưa đẩy những điều đó xẩy ra.

 

Thánh chiến đã xẩy ra trong một kỷ nguyên chinh chiến ròng rã giữa Kitô giáo và Hồi giáo. Giữa những xung đột bất hòa đó thì Hồi Giáo luôn luôn là kẻ xâm lăng lấn kích trước, và cũng thường là kẻ chiến thắng. Vậy thì, theo như Brog, coi thánh chiến, người Kitô giáo là những kẻ khát máu không chấp nhận ai hết là một sai lầm và không chính xác. Ngoài ra Thánh Chiến chỉ là một trong những vòng xung đột giữa hai nền văn minh. Brog lý luận: lúc bấy giờ dĩ nhiên thánh chiến cũng đã gây ra nhiều tang thương chết chóc, nhưng Đức Giáo Hoàng, vị lãnh đạo Giáo Hội đã là người trước nhất cố gắng ngăn chặn lại những bạo động bất chính.

 

Còn về tòa án lạc giáo, Brog đã cắt nghĩa: Không thể có chuyện Giáo Hội là quyền lực đứng sau lưng lèo lái những truy nã ác độc được, trái lại Giáo Hội lúc bấy giờ đã luôn luôn là lá chắn và cái thắng ngăn cản những cực đoan thái quá.                                        

Thực vậy, vào năm 1478 Đức GH Sixtus đã ra một sắc chỉ cho phép tòa án lac giáo Y Pha Nho hoạt động, nhưng Brog vẫn biện hộ tiếp tục cho rằng chừng nào Vatican nhận thấy có điều gì quá đáng xẩy ra thì liền can thiệp buộc phải ngưng lại. Những năm sau đó, một số Giáo Hoàng cũng vẫn tiếp tục Tòa án lạc giáo với phương thức ấy.

 

Kết thúc chương sách này, Brog quả quyết rằng Giáo Hội Công Giáo lúc bấy giờ không phải là kẻ cầm đầu chủ mưu đứng sau lưng cổ võ bạo động chống Do Thái của thập tự chiến hoặc của tòa án lạc giáo mà trái lại Giáo Hội còn luôn luôn tìm cách ngăn cản, giới hạn những bạo động ấy. Vậy thì hai giai đoạn này không thể chứng minh được tôn giáo là nguồn gốc của xung đột giữa người với người. Tuy nhiên, ông vẫn thận trọng cảnh báo là nhờ những hiện tượng đó mà chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức để niềm tin của chúng ta không bị mất hoặc bị tha hóa vì bản tính bất toàn của con người mình.

 

MẠNG SỐNG CON NGƯỜI

 

Ở một chương khác, Brog đã bàn về vấn đề mạng sống con người là thánh thiêng. Ông

lấy thí dụ và so sánh việc giết trẻ nít thời đế quốc La Mã. Luất pháp của La Mã lúc bấy giờ cho phép giết những đứa con trai bị tật nguyền hoặc yếu đuối và bất cứ đứa trẻ gái nào bất kể nó khỏe mạnh hay bệnh hoạn. Ngược lại, cả hai phía Do Thái giáo và Kitô giáo đều quả quyết và cấm không được sát nhân, giết kẻ vô tội. Brog đã lý luận là ở Tây phương ngày nay người ta nhận biết và coi mạng sống con người là thánh thiêng và mọi người đều bình đẳng chính là do được hấp thụ, thừa hưởng cái gia sản cao quí Do-Thái-Kitô-Giáo vậy.

 

Ông cho rằng từ xưa đến giờ xuyên suốt hầu hết các nền văn minh của nhân loại, chưa nơi nào đạt tới cái viễn tượng này. Nếu có một vài triết gia có được quan niệm đó và theo đuổi thì họ cũng không thể là người tiên khởi nghĩ ra được tư tưởng đó mà thực ra họ đã cóp nhặt được trong chính Kinh Thánh mà đa số họ đã đọc. Cái nguy hiểm là ngày nay –ông quả quyết- khoa học đang bóp méo, lẫn lộn giữa hai thế giới loài người và súc vật. Họ đối sử con người như là con vật. Họ cho rằng tôn giáo rất nguy hiểm và tôn giáo đã xâm nhập vào những địa hạt không phải của mình, nhưng thực ra nói đến luân lý đạo đức thì khoa học cần phải hiểu rằng quả thực mình thiếu cái chuyên môn đó.

 

Brog cảnh báo:

-         Khi khoa học phiêu lưu ra ngoài phạm vị khả năng chuyên môn của mình đi vào địa hạt luân lý thì thường để lại những thất bại đổ nát rải rắc trên lối đi của mình.

-         Cũng tương tự như vậy đối với khoa triết học –Brog tiếp tục giải thích- Khi chúng ta được lợi ích do truyền thống cổ điển và những triết gia theo học thuyết giác ngộ thì những điều mà triết lý dạy chúng ta lại bị giới hạn.

 

Truyền thống Do-Thái-Kito-Giáo cống hiến cho con người một giá trị vượt mức cá nhân đóng góp tài năng. Buồn thay -Brog biện luận- khoa triết hoc thế tục lại tìm cách phá vỡ cái tình trạng này và đưa chúng ta vào những hệ thống giá trị quá kém cỏi.

 

Một tronh những nguy hiểm khác là khoa ưu sinh học (eugenics) khá phổ quát ở những thập niên 1920 và 30. Họ chủ trương diệt sản những kẻ gọi là thấp hèn ngu dốt và ra luật trừng phạt người ta cũng không kém gì tối cao pháp viện Hoa Kỳ vậy. Để cho chúng ta khỏi nghĩ rằng đó chỉ là những chuyện kỳ quái trong lịch sử ở quá khứ, Brog còn đưa ra cho thấy rằng ngày nay cũng có những ông triết gia như Peter Singer đã từng chủ trương giết hài nhi, phá thai và an tử (euthanasia)[2].

 

TÍNH VỊ KỶ

 

Một chương đặc biệt với tiêu đề “Vượt thắng bản tính Vị Kỷ của chúng ta”[3] được đề tặng để chứng tỏ Do Thái Giáo và Kitô Giáo đã đặt Tình Yêu tha nhân vào một vị trí quan trọng thế nào. Để chứng minh điều đó, ta thấy Tình Yêu được ghi trong chương đầu của quyển sách thứ nhất của bộ Kinh Thánh, sách Sáng Thế Ký. Sách ghi rằng “Thiên Chúa tạo dựng nên loài người giống như hình ảnh Ngài” (Kn1: 26). Đây là tư tưởng cách mạng tuyệt đỉnh và độc nhất trong lịch sử nhân loại, Brog quả quyết như vậy.

 

Tin tưởng như thế có nghĩa là chúng ta công nhận mình được thấm nhuần cái giá trị cao cả ấy trên hết mọi loài thụ tạo và nó là nền tảng của mọi nhân quyền. Nó không chỉ kiến tạo một giá trị tuyệt vời về đời sống của mỗi người chúng ta mà còn khẳng định mọi người không phân biệt màu da, tiếng nói, địa phương, tôn giáo... đều bình đẳng như nhau.

 

Trong một đoạn đặc biệt và lý thú, Brog đã cắt nghĩa tình yêu tha nhận là trung tâm điểm của truyền thống Do Thái Giáo. Ông không chấp nhận tư tưởng cho rằng vào thời Chúa Giêsu, Do Thái Giáo chỉ thu gọn vào việc tuân giữ luật cựu ước và những nghi thức tế lễ.

 

Tuy nhiên ông cũng công nhận có sự khác biệt rõ ràng giữa Kitô giáo và Do Thái giáo. Nhưng nếu bỏ qua bên cạnh những vấn đề thần học ngăn cách hai bên, khi nói đến vấn đề luân lý đạo đức thì hiển nhiên Do Thái giáo và Kitô giáo có một tương đồng anh em rất rõ nét. Giống như Do Thái giáo, giáo huấn Kitô giáo luôn luôn nhấn mạnh là làm bất cứ việc gì chúng ta cũng phải nhân danh tình yêu và tình yêu cần phải đi đôi với việc làm. Tình yêu không có hành động là tình yêu chết. Tác giả đưa thí dụ đặc biệt về tình yêu sống động tuyệt vời là Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại.

 

Ngày nay – Brog cũng nhấn mạnh- thông điệp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng nói về Tình Yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu / Deus Caritas est / God is Love.

 

LỜI KẾT

 

Brog cho rằng chúng ta có thể không đồng ý với nhau về việc có Thiên Chúa hay không nhưng chúng ta không thể không công nhận rằng căn bản và ý nghĩa của truyền thống Do-Thái-Kito-Giáo là nguyên thủy và trước nhất, nhờ đó chúng ta mới có thể biến cải một nền đạo đức đến chỗ tiến bộ được.

 

Để sáng tỏ vấn đề hơn, tôi mượn lời phê bình của Dennis Prager về cuốn sách. Dù khoa thần học của Do Thái giáo và Kitô giáo có khác nhau, nhưng hệ thống giá trị của Do-Thái-Kitô-Giáo quả là vĩ đại và không thể ngăn cách được. Là một người đã từng tranh biện trong nhiều thập niên, tôi có thể nói chắc chắn, không chút ngập ngừng, rằng David Brog đã hoàn thành một số vấn đề rất to lớn trong cuốn sách của ông. Tôi tin rằng ông đã đưa ra được một luận đề, không thể chối cãi được, là chối bỏ tư tưởng Do-Thái-Kitô-Giáo thì lại một lần nữa chỉ đưa con người đến đau khổ và tội lỗi, đổ nát triền miên mà thôi.

 

Hơn là một cuốn sách quan trong và tuyệt vời, sách In Defense of Faith: The Judeo-Christian Idea and the Struggle for Humanity của David Brog còn là một hướng dẫn cần thiết, không thể thiếu để đạt tới một thế giới tốt đẹp hơn.

 

 

Fleming Island, Florida

August 6, 2010

NTC

 

 


Chú Thích:

[1] In Defense of Faith: The Judeo-Christian Idea and the Struggle for Humanity (Encounter Books)

[2]  Infanticide: Giết hài nhi, trẻ nít. Euthanasia: An tử, làm cho bệnh nhân chết một cách êm ái không đau đớn vì tội nghiệp nhằm chấm dứt kiếp sống nặng nề cho họ. Giáo Hội CG nghiêm cấm giết người kiểu này.

[3] Transcending Our Selfish Genes: Vượt thắng Bản Tính Vị Kỷ của chúng ta

VỀ MỤC LỤC
SỐNG CHO MÌNH VÀ SỐNG CHO NHAU

       

(Riêng tặng các bạn thiện nguyện viên ở miền ven đô Saigon năm xưa) 

Bút ký của  :  Đoàn Thanh Liêm 

Vào năm 1937, nhà văn Lâm Ngữ Đường của Trung Hoa có cho xuất bản một cuốn sách nguyên tác tiếng Anh với nhan đề là “The Importance of Living “ (by Lin Yutang). Cuốn sách được nhiều người đánh giá cao và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Bản tiếng Việt do học giả Nguyễn Hiến Lê thực hiện bằng lối lược dịch, cũng đã ra mặt độc giả tại miền Nam Việt nam vào thập niên 1960, với nhan đề chỉ có hai chữ thật ngắn gọn là “Sống Đẹp.” Cuốn sách này trình bày chủ yếu về lối sống thanh thoát, nhàn nhã của người sĩ phu quân tử trong xã hội truyền thống của Trung quốc. Dù đã ra mắt công chúng đến trên 70 năm nay, cuốn sách này vẫn còn giá trị lôi cuốn được nhiều người tại khắp nơi trên thế giới, đặc biệt tại những nước văn minh vật chất quá phát triển, đến độ con người bị mê hoặc với những tham vọng và hưởng thụ cầu kỳ, phù phiếm quá đáng, mà quên đi cái lối sống nhẹ nhàng đơn sơ và đạo hạnh nhân ái của người xưa.

Nhà văn họ Lâm có lối ví von thật ngộ nghĩnh mà tôi cứ nhớ hoài. Đó là : “ Thời gian hữu dụng bởi vì nó không phải dùng đến (Time is useful because it is not being used). Sự nhàn rỗi (leisure) cũng giống như khoảng không gian mà không bị chiếm cứ (unoccupied floor space) trong một căn phòng… Chính cái khoảng không gian trống không này mới làm cho căn phòng có thể ở được, cũng tựa như những giờ phút nhàn rỗi mới làm cho cuộc sống chúng ta có thể chịu đựng được (endurable)…” Người khôn ngoan thì không bao giờ lại bận rộn, và người quá bận rộn thì không thể là người khôn ngoan được (Those who are wise won’t be busy, and those who are too busy can’t be wise).

Nhưng bài viết này không nhằm giới thiệu về cuốn sách thời danh đó, quý bạn đọc có thể tìm lại cuốn sách này trong các thư viện, và nhất là trên internet một cách dễ dàng, mà lại có thêm được nhiều thông tin mới lạ, cập nhật liên quan đến đề tài rất là quan trọng này. Ở đây, tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn đọc một số suy nghĩ của bản thân mình thông qua những trải nghiệm đã trên 70 năm sinh sống trong một xã hội đày biến động với chiến tranh tàn khốc ở Việt nam, cũng như tại nước Mỹ với nhiều khủng hoảng, xáo trộn bất ổn hiện nay.  

Như nhan đề đã có thể gợi ra cho người đọc, tôi xin bắt đầu nói về chuyện “Sống cho Mình”, tức là mỗi người phải lo cho bản thân của mình trước đã, rồi sau đó mới có thể lo lắng chăm sóc cho người khác được. Trong tiếng Pháp có câu nói rất gọn : “Chacun pour soi. Dieu pour tous”, tức là “Mỗi người phải lo chăm sóc cho chính bản thân mình. Chỉ có Chúa Trời thì mới có thể lo lắng cho tất cả mọi người mà thôi.”  Mỗi một con người đến tuổi trưởng thành, thì đều có một cuộc sống riêng tư, một cá tính, một thân phận, một định mệnh riêng biệt do chính mình chịu trách nhiệm làm chủ, chứ không thể nào mà cậy nhờ vào một ai khác, dù đó là người thân thiết nhất như cha mẹ, anh chị em ruột thịt, để họ sống thay thế cho mình được. 

Vào lứa tuổi đôi mươi, lúc còn là một sinh viên đại học ở Saigon, thì tôi rất tâm đắc với cái môn triết học hiện sinh (Existentialisme) do các triết gia Jean Paul Sartre, Albert Camus, Gabriel Marcel của Pháp rao giảng. Nó thật hấp dẫn lôi cuốn lớp trẻ chúng tôi với những quan niệm cởi mở, phóng khoáng đề cao sự tự do lựa chọn của mỗi cá nhân (liberte de choix). Tôi rất thích cái lối định nghĩa trong triết học hiện sinh : “ Cuộc sống là một dự phóng (un projet) của mỗi con người lăn xả vào trong cái không gian xã hội bao la, khoảng khoát đến vô biên đó…” Các triết gia này còn phân biệt rành rẽ  : “ hữu thể tự thân” (être-en-soi) thì khác với “hữu thể vị ngã” (être- pour- soi), rồi đến “hữu thể vị tha” (être-pour- autrui). 

Nói chung, thì thời kỳ sau thế chiến thứ hai, trong thế hệ thanh niên sinh viên khắp nơi trên thế giới, đã có sự bùng nổ mạnh mẽ trong nhận thức về vị thế và vai trò của con người trong xã hội. Nhưng cũng có sự lạm dụng quá đáng về sự tự do vô giới hạn, đến nỗi nhiều người đâm ra sống buông thả, phóng túng, tự cho mình được quyền vượt ra ngoài khuôn khổ đạo đức luân lý thông thường. Mà họ cũng không có được cái ý thức trách nhiệm liên đới xã hội của tầng lớp thiểu số được ưu đãi đối với đa số lớp người bị ngược đãi, bị bóc lột, bị khinh miệt bỏ rơi. Tôi thật nhớ lời cảnh giác của linh mục Alexis Cras có tên Việt nam là Đỗ Minh Vọng, chuyên dậy môn triết học; ông nói thẳng thừng rằng : “ Jean-Paul Sartre là kẻ làm sa đọa giới thanh niên” (Sartre, le dépravateur de la jeunesse!) 

Cũng vào thời gian đó, thì tôi lại được tiếp cận với một lô sách báo, tài liệu của Nhóm “Kinh tế và Nhân bản” (Economie et Humanisme) có trụ sở ở thành phố Lyon bên Pháp. Nhóm này chủ trương kêu gọi : “Phải thực hiện một sự phát triển toàn diện và điều hòa” (Developpement total et harmonise), chứ không chỉ có chăm lo xây dựng riêng về mặt vật chất kinh tế, mà sao lãng không chú trọng gì đến các khía cạnh văn hóa xã hội, và đạo đức tâm linh khác. Họ nêu khẩu hiệu :” Phát triển toàn diện mỗi người và tất cả mọi người” (developpement de tout homme et de tous les hommes). Tôi thật say mê tâm đắc với cái chủ trương nhân bản và nhân ái này, mà tôi thấy nó cũng tương tự như lời giáo huấn của cha ông ta ngày xưa theo mẫu mực truyền thống của người trượng phu quân tử, vốn luôn đòi hỏi tầng lớp được ưu đãi hơn, thì phải ra sức hy sinh lo lắng chăm sóc cho bà con kém may mắn trong thôn xã của mình. Đó là trách nhiệm liên đới, gắn bó thân thương với nhau của mọi thành viên trong một cộng đồng xã hội. Nói cho ngắn gọn hơn, thì đó là cái lối “Sống cho Nhau”, mà nhân gian vẫn thường đề cao với cái chuyện “Ân Nghĩa ở Đời” vậy. 

Đến năm 1960-61, tôi được đi du học tu nghiệp ở Mỹ, thì ngoài chuyện học tập về chuyên môn, tôi lại có dịp quan sát cái lề lối tổ chức sinh hoạt của xã hội tại hạ tầng cơ sở, nơi các thị trấn nhỏ xung quanh thủ đô Washington. Tôi đặc biệt cảm kích trước cái tinh thần hy sinh tự nguyện của người dân trong việc phục vụ công ích của tập thể cộng đồng, mà người Mỹ gọi là “Public Service”. Những điều tôi chứng kiến tại Mỹ hồi năm 1960-61 đó, thì y hệt như điều mà nhà xã hội học người Pháp là Alexis de Tocqueville đã mô tả thật chi tiết, rành mạch trong cuốn sách thời danh “De la Democratie en Amerique” (Nền Dân chủ tại nước Mỹ) xuất bản đã trên 100 năm trước tại nước Pháp, hồi cuối thập niên 1830. Nhờ đích thân được chứng kiến cái kinh nghiệm phát triển thực tế đó tại nước Mỹ, mà từ năm 1965, tôi đã cùng với một số bạn dấn thân hết mình vào công cuộc xây dựng xã hội với Chương trình Phát triển Cộng đồng tại các Quận 6,7 và 8 Saigon, như tôi đã có dịp trình bày chi tiết với quý bạn đọc trong mấy năm gần đây. 

Thành ra, trong xã hội cổ truyền ở nước ta, cũng như trong xã hội Âu Mỹ hiện đại, tôi đều thấy là lúc nào và ở đâu, cũng đều có sẵn những người thật lòng hy sinh hết mình, để mà phục vụ cho tập thể cộng đồng, nơi bản thân mình và gia đình đang sinh sống. Chính vì có nhiều người biết “Sống cho Nhau” như thế đó, mà xã hội mới được an vui hạnh phúc nồng ấm, trong tinh thần tương thân tương trợ, bảo bọc lẫn cho nhau. 

Và những điều tôi được học hỏi nơi trường ốc, cũng như được chứng kiến trong thực tế ngoài xã hội như thế, đã giúp cho tôi luôn giữ được một thái độ lạc quan tin tưởng ở cuộc đời, cũng như ở sự lương hảo của con người, mặc cho những sóng gió nghịch cảnh vì chiến tranh, vì hận thù khắp nơi khắp chốn ngày nay vậy./ 

California, Tháng Tám 2010

Luật sư Đoàn Thanh Liêm

VỀ MỤC LỤC
ĐỒNG TIỀN.

 

Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được (Mt. 6:24).

1.     Đồng Đô La

Đất nước Hoa Kỳ văn minh và giầu mạnh vì người dân biết phó thác niềm tin trong Chúa. Chúng ta có thể nhìn thấy nơi tất cả mọi đồng đô la lớn hay nhỏ: từ 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng và cả đồng cắc: 1 xu, 5 xu,10 xu và 25 xu đều có in chữ In God We Trust. Mỗi đồng tiền đều mang theo sứ mệnh nhắc nhở con người tin tưởng vào Thiên Chúa. Tiền bạc của cải mà chúng ta đang dùng là của Ceasar, chúng ta sẽ phải nộp thuế và phải đầu tư vào cuộc sống trần gian này. Nhưng tiền bạc của cải đó do chính Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta qua nhiều cách thế. Chúng ta cần vận dụng mọi khả năng Chúa ban để kiếm tìm, sở hữu tiền bạc và tiêu dùng. Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta hãy tìm kiếm Nước Chúa trước, rồi mọi sự Ngài sẽ ban thêm cho.

Thượng Đế ban cho mỗi người một khả năng. Có người nhận lãnh nhiều và có kẻ nhận ít. Mỗi người tùy theo khả năng của mình mà sinh lợi. Phần thưởng dành cho những ai biết tận dụng mọi khả năng của mình để sinh lợi cho mình và xã hội. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để dạy chúng ta về sự trao ban một cách nhưng không của ông chủ: Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ (Mt 25:15-18). Chúa ban cho chúng ta những nén bạc lớn hay nhỏ khác nhau, điều quan trọng là chúng ta phải có bổn phận trân qúi và làm lời theo khả năng của mình. Tất cả các nén bạc lớn hay nhỏ đều là hồng ân Chúa ban.

2.     Hoán Đổi Tiền tệ

Đổi tiền. Khi chúng ta đi du lịch vào một nước nào, chúng ta phải đổi ngân tệ của nước đó để tiêu dùng. Giá trị của đồng tiền khác nhau nơi mỗi nước. Khi chúng ta đến Âu Châu, tiền đô la đổi qua tiền Euro hay Bảng Anh, giá trị chênh lệch. Có những thứ tiền giấy chỉ có thể xài trong nước mình vì không có giá trị quỹ kim bảo chứng quốc tế. Thí dụ: Đồng Bạc Việt Nam, chúng ta chỉ có thể dùng trong nước, nó không có giá trị quốc tế. Câu truyện xảy ra khi tôi đi vượt biên, sau những ngày lênh đênh ròng rã trên biển, rồi vào tới đất liền ở một quốc gia khác. Đồng tiền Việt hết giá trị. Trên xe bus về trại tỵ nạn, trong túi của tôi còn ít tiền Việt. Tôi không biết làm gì với số tiền này. Giữ nó làm kỷ niệm thôi. Thấy người lơ xe hút thuốc. Tôi thèm thuốc lá. Tôi muốn mua thuốc lắm, tôi có tiền nhưng không thể mua.Tôi đưa đồng tiền Việt Nam cho anh ta như là kỷ niệm và xin điếu thuốc. Một sự trao đổi cảm thông. Đồng ý với nhau, đây là một kinh nghiệm đầu tiên về giá trị và sự khác biệt hối đoái về tiền tệ.

Đã hơn 25 năm qua rồi, dưới thời bao cấp và quá độ ở Việt Nam, tôi đã là nạn nhân của vài đồng tiền giấy Đô-la đỏ (Military Payment Certificate). Số là ngày ấy, tôi có một số sách vở cũ do người bạn để lại trong tủ nơi nhà xứ. Trong những trang sách có kẹp mấy tờ Đô-la đỏ. Thực ra tôi cũng chẳng biết giá trị thế nào, nhưng cũng giữ đó như là vật kỷ niệm. Thế rồi sự cố xảy ra ở nhà xứ, các cán bộ công an vào lục xoát đồ đặc và sách vở, họ phát hiện những tờ Đô-la đỏ trong sách cũ. Thế là họ ghi vào biên bản tàng trữ tiền bạc của chế độ cũ. Sau đó tôi bị mời ra trụ sở công an để làm việc. Tôi bị hạch hỏi về sự lưu giữ sách vở và những đồng tiền bất hợp pháp này. Thực ra tới thời đó tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy tờ Đô-la xanh là thế nào. Còn những tờ Đô-la đỏ, tôi đâu có biết nó từ đâu và liên hệ thế nào với chế độ, nhưng sau khi điều tra luận tội, tôi được mời vào nhà khám và tù cả năm trời. Đồng tiền nên tội, những tờ Đô-la đỏ!

3.     Kiếm tiền

Có những người may mắn làm ăn phát tài phát đạt. Có người làm một, lời mười. Có người bỏ vốn một, sinh lợi một trăm. Họ làm giầu một cách công minh và chính trực. Họ đáng được hưởng những phần phúc Chua ban. Họ dùng hết những khả năng Chúa ban để sinh lợi. Họ chí thú làm ăn, biết chắt chiu tiết kiệm, biết thu, biết chi và họ trở nên khá giả. Chúng ta vẫn thường đọc kinh Lạy Cha, xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Chúa không bao giờ từ chối lời cầu xin của chúng ta. Chỉ rằng chúng ta không nhận biết hồng ân Chúa mà thôi. Có nhiều khi chúng ta than phiền rằng Chúa không công bằng, vì khi có người ăn không hết, người lần không ra. Đúng thế, Chúa không trao ban cho mọi người số vốn khả năng như nhau. Chúa cho người nhiều kẻ ít nhưng ai cũng được ban cho tràn ly. Ly lớn cũng đầy và ly nhỏ cũng đầy. Chúng ta thật hạnh phúc khi biết dùng khả năng và vốn liếng Chúa ban để sinh lợi. Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc là thế. Biết đủ là đủ. Đừng so sánh với người khác.

Trong cuộc đời còn có những người không muốn bỏ công sức tận dụng khả năng để làm việc, nhưng lại muốn hưởng lợi nhiều và nhanh chóng. Họ đã tìm ra những phương kế gian dối, lừa lọc và áp chế để làm giầu như in tiền giả, ăn trộm ăn cướp, lừa đảo gian dối. Nhiều người còn muốn làm giầu nhanh chóng như bài bạc, cá độ, buôn bán đồ quốc cấm, rửa tiền, chúng ta biết các việc làm bất chính này sẽ không có hậu quả tốt. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho Timôthêô nhắc nhở: Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé (1Tm. 6:10).Có những người dùng quyền thế sức mạnh để chiếm đoạt của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng. Những nguồn phú túc của thiên nhiên được ban chung cho con người, nhưng đôi khi bị những người quyền thế gian tham chiếm đoạt làm của riêng. Của cải thiên nhiên như mỏ kim cương, vàng bạc, dầu khí và các nguồn lương thực khác đều là tài nguyên chung phải được sinh lợi cho mọi người. Lại có những người làm giầu trên mồ hôi và xương máu của người khác. Thật là bất công! Cuối cùng họ cũng đi đến cùng đường như ông Giuđa ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ (Mt. 27:5).

4.     Sức Mạnh Đồng Tiền

Chúng ta biết đồng tiền nào cũng có hai mặt. Khi chúng ta biết xử dụng nó đúng nơi đúng chỗ, tiền sẽ giúp chúng ta đạt được những thành quả tuyệt vời. Nếu chúng ta để đồng tiền làm chủ điều khiển đời ta, đồng tiền sẽ đưa dắt chúng ta vào những hiểm nguy cuộc sống. Đồng tiền chỉ là phương tiện giúp chúng ta đạt cùng đích của cuộc đời. Người ta nói rằng tiền là tiên là phật. Nhiều người nghĩ đồng tiền vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề. Đúng một phần thôi, qua sự giao lưu và chạy chọt, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Tiền có thể giúp giải quyết một số vấn đề cuộc sống. Biết rằng tiền bạc tự nó không tốt và không xấu. Thái độ của con người dùng tiền mới là quan trọng. Tiền có thể giúp chúng ta đạt những ước mơ nhưng nhớ rằng không phải có tiền là chúng ta sẽ có hạnh phúc thật.

Chúng ta biết có rất nhiều cách kiếm tiền và của cải trần gian. Có những người nai lưng làm việc cực nhọc, cầy sâu cuốc bẫm và nắng nôi cực nhọc suốt ngày mới kiếm đủ chút tiền nuôi sống gia đình. Có những người buôn thúng bán bưng, thức khuya dậy sớm, tần tảo quang gánh mỗi ngày cũng chỉ kiếm đủ tiền nuôi con. Có những người làm lụng chân tay với mức lương rẻ mạt chưa đủ tiêu dùng. Có những người mong muốn tìm một việc làm độ thân mà cũng không ai mướn. Có những người lang thang tìm kiếm những của dừ thừa nơi đống rác dơ bẩn và hôi thối để bán kiếm tiền nuôi sống. Những người này thật khổ sở, nhưng bù lại họ có niềm vui vì biết dùng công sức và khả năng Chúa ban để sinh lợi cho cuộc sống. Họ không ăn bám vào ai, không lường gạt và sống thanh bần. Chúng ta biết có nhiều người làm cả đời cũng không có đồng dư. Không phải họ lười biếng nhưng vì hoàn cảnh éo le, mùa màng thiên tai, con cái bệnh hoạn, làm ăn thất bại và có khi bị thiên hạ lừa đảo. Chúng ta cứ nhìn các ông bà cụ xếp hàng chờ những món qùa hàng tháng của các Hội Từ Thiện. Đôi khi chúng ta không hiểu nổi tại sao họ nghèo đến thế. Cả một đời chắt chiu, về già không có mái nhà để ở, manh chiếu để nằm và bát cơm để ăn hằng ngày.

5.     Sử Dụng Đồng Tiền

Ở đời, chúng ta dùng tiền để trao đổi và mua bán. Thuận mua vừa bán tiền trao cháo múc. Đồng tiền chỉ có giá trị khi được chính thức ngân hàng nhà nước sở tại phát hành. Tiền này có giá trị trong nước và mọi người dân trong nước có thể dùng nó để mua bán và trao đổi cho nhau như là một tín dụng. Kinh tế đánh giá trị đồng tiền của mỗi quốc gia. Có những đồng tiền như đô la, Euro, Anh, Úc, Canada… được công nhận và trao đổi quốc tế. Nhưng có những đồng tiền không có giá trị bảo chứng bên ngoài, không thể trao đổi. Nhưng tiền bạc của cải không còn giá trị đối với người đã bước vào đời sau. Cõi sau, không còn dùng đồng tiền làm vật tráo đổi mua bán nữa. Sau khi chết, chúng ta không cần xử dụng những đồng tiền này nữa, nó chỉ là mảnh giấy vô giá trị. Nhưng chúng ta có thể bỏ vốn và sinh lợi qua đồng tiền vạn năng này. Đồng tiền có thể mua vé nước trời. Đây là một mối lợi lớn mà Chúa Giêsu đã mách nước cho chúng ta. Trên thiên đàng sẽ được hưởng phúc lợi do những đồng tiền bác ái sinh lời.

Dùng tiền bạc để làm việc nghĩa và mua việc thiện. Đây là cách thế tuyệt vời chỉ có con người mới được hưởng đặc quyền này. Thật là hạnh phúc khi chúng ta biết dùng của đời tạm mà mua cuộc sống vĩnh cửu. Đồng tiền này có thể tráo đổi giá trị ở mọi nơi, mọi chỗ. Đồng tiền này không phân biệt biên giới quốc gia hay giá trị bảo chứng. Tiền đổi có giá trị vượt trên giá trị của chính nó. Người sử dụng nó có thể sinh lợi ngay tại chỗ qua những cử chỉ bác ái. Tiền bác ái là tiền cho đi, biếu không và không mong đáp trả ở đời này. Một cách thế cho đi xem ra rất dễ và quá dễ nhưng đi vào thực hành thì nhiêu khê. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy dùng tiền cách nàyđể mua nước trời. Chúa Giêsu nói:  Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu (Lc 16:9).

6.     Lợi Ích Đồng Tiền

Nói chung, mỗi người chúng ta đều được hưởng phúc lợi từ công khó của người khác. Ngay từ khi chúng ta mở mắt chào đời, chúng ta đã được hưởng nhờ tất cả mọi nguồn sinh sống từ con người và xã hội. Thành quả của con người được bảo tồn qua mọi thời đại. Chính nhờ những tiền bạc của cải do con người làm ra mà chúng ta có tất cả những phương tiện hiện hành. Đây chính là sự liên đới trong xã hội loài người. Mỗi người đều có góp công trong việc hình thành xã hội. Không có một phần tử nào là vô ích. Vì mỗi con người đều là thụ tạo cao qúi của Thiên Chúa. Mỗi người hãy tự hào là mình đã góp công sức và khả năng để xây dựng một xã hội tốt đẹp cho loài người.

Đồng tiền được lưu hành khắp nơi tạo nên một sức mạnh trong các lãnh vực kinh tế và chính trị. Tiền có một sức mạnh sai khiến và điều khiển. Mãnh lực của đồng tiền đang bao trùm mọi sinh họat trên thế giới. Vì có tiền chúng ta có thể thực hiện được rất nhiều cơ sở vật chất và giúp đỡ nhiều cho sự phát triển con người và xã hội. Mặt trái của đồng tiền là tạo chiến tranh, mua bán vũ khí, tiêu diệt luân lý, chia rẽ con người và đồng tiền trở nên ông chủ hà khắc. Con người là chủ phải biết quản lý tiền bạc và của cải. Dùng tiền để xây dựng và tạo giây liên đới giúp đỡ nhau. Nước giầu giúp đỡ các nước nghèo chậm tiến. Người giầu biết chia sẻ và giúp đỡ những người nghèo và người cùng khốn. Những đồng tiền này sẽ sinh lợi cả đời này lẫn đời sau.

7.     Tham Lam Tiền Bạc

Chúng ta biết sự tham lam của lòng con người như ngọn lửa, ngọn lửa thèm khát những khúc gỗ. Trong lò lửa càng bỏ thêm củi gỗ, lửa càng bén nhanh và ngốn trọn. Con người cũng có thể bị lòng tham đốt cháy. Chúng ta biết lòng tham vô đáy mà. Những người tôn thờ tiền bạc sẽ bị tiền bạc thiêu rụi. Thánh Luca viết: Đức Giêsu nhìn ông ta và nói: "Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! Quả vậy, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa."(Lc 18:24-25). Tiền bạc của cải là phương tiện giúp chúng ta đi lên và cũng có thể chôn vùi chúng ta xuống đáy luyện ngục. Bởi vậy Chúa nhắc nhở chúng ta rằng tiền bạc là đầy tớ tốt và là ông chủ xấu. Tiền bạc châu báu dù quý giá đến đâu cũng chỉ là viên đày tớ phục vụ chúng ta. Khi chết, thân xác con người bất động, tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Họ chẳng mang theo được gì.

Cuộc đời ngày sau, con người không còn dùng tiền bạc của cải ở đời này nữa. Con người sẽ được hưởng phần phúc hay bị luận phạt tùy theo công đức mà họ đã thực hiện ở đời tạm này. Chết là chấm dứt việc lập công rồi. Của cải có chất đống đó nhưng không có ý trao lại cho việc bác ái hay cho người khác, kể như của cái đó mất chủ quyền. Chủ quyền lại chuyển giao sang tay người khác hưởng dùng. Như thế của cải đời này có phải là phù hoa không chứ! Sách Giảng Viên viết: Ông Côhelét nói : "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời ?(Gv. 1:2-3). Tiền bạc của cải còn dùng được gì nữa khi mà thân xác tan biến thành cát bụi. Vậy mà có nhiều người còn sống vẫn ưỡm ờ chìm đắm trong mê tín dị đoan. Họ mua tiền mã, vàng bạc châu báu, ngựa xe và đồ dùng giả để đốt gởi về thế giới bên kia cho người cõi sau xài. Thật là lầm lẫn khi họ nghĩ những người chết vẫn còn có những nhu cầu như những người còn sống.

8.     Ngân Hàng Sự Sống

Chúng ta đã được hưởng biết bao phúc lợi từ những tâm hồn quảng đại và những nhà hảo tâm. Họ đã dâng hiến khả năng tiền tài của cải để xây dựng xã hội giầu đẹp. Đã có biết bao nhiêu nhà thờ, trường học, nhà thương, viện mồ côi, viện dưỡng lão, các viện bảo tàng, các khu công kỹ nghệ, các phương tiện giao thông, các nhà máy chế biến thuốc thang, đồ dùng, quần áo, thực phẩm và vô số các cơ sở... Không phải tự nhiên mà chúng ta đang có mọi thứ. Tất cả đều do công khó của con người góp phần. Xã hội vẫn cần những nhà hảo tâm quên mình phục vụ tha nhân. Họ không những xây dựng hạnh phúc đời này cho họ và tha nhân mà còn góp phần sinh lợi cho cuộc sống mai sau. Chúng ta không thể nói rằng tôi không có khả năng gì để cống hiến. Dù ít dù nhiều chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta phải sinh lợi. Hãy nhìn xem:  Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền (Mk. 12:41)

Chúng ta không thể đi đường tắt hay dùng tiền mua được phần thưởng cho linh hồn mà phải dày công sống đức ái. Sách Tông Đồ Công Vụ nhắc nhở chúng sinh: Nhưng ông Phêrô đáp: "Tiền bạc của anh tiêu tan luôn với anh cho rồi, vì anh tưởng có thể lấy tiền mà mua ân huệ của Thiên Chúa (Tđcv. 8:20). Trong cuộc sống chúng ta nhận biết có biết bao các tu sĩ thuộc các tôn giáo đang xả thân cứu độ chúng sinh. Đặc biệt chúng ta nhìn xem các thầy Dòng, cha Dòng, các Dì Phước và những người thiện nguyện, họ dâng cả đời để giúp làm vơi bớt đi những đau khổ của tha nhân. Họ cần tiền thật nhưng không phải cần cho riêng họ mà là có phương tiện để giúp đỡ những người cùng thiếu. Họ là ân nhân của chúng ta, là cánh tay nối dài đến tha nhân, chính họ đã nhắc nhở và giúp chúng ta cơ hội để bỏ vốn sinh lời qua việc bác ái.

Nói tóm lại, khi Thiên Chúa ban, Chúa ban cho đầy tràn chan chứa. Chúng ta nhớ câu truyện của ông Job. Ông Job đặt niềm tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Chúa, Chúa đã cho ông gấp bội phần. Chúa giáng phúc cho những năm cuối đời của ông Gióp nhiều hơn trước kia. Ông có mười bốn ngàn con chiên, sáu ngàn lạc đà, một ngàn đôi bò và một ngàn lừa cái. Ông sinh được bảy con trai và ba con gái (Job 42:12-13). Chúng ta hãy chọn Chúa là gia nghiệp và là chốn nương thân đời ta. Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta tới đồng cỏ xanh tươi, suối mát tinh tuyền và dưỡng nuôi chúng ta no thỏa. Hãy cậy trông vào Lòng Thương Xót Chúa, Jesus, I trust in You. Lạy Chúa, chúng con tín thác nơi Chúa.

Giuse Trần Việt Hùng - Bronx, New York

VỀ MỤC LỤC
CẦN CẢM THÔNG VÀ NÂNG ĐỠ CHỒNG HƠN NỮA

 

Tác phẩm: Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

A10. CẦN CẢM THÔNG VÀ NÂNG ĐỠ CHỒNG HƠN NỮA

Trong các gương của phụ nữ, người ta nhắc đến vợ của nhà bác học Louis Pasteur. Tuy rất âm thầm nhưng bà Pasteur đã đóng góp thật sự vào những nghiên cứu y khoa của chồng. Có giai đoạn gia đình phải sống rất chật vật vì nhà bác học đầu tư hầu hết vốn liếng vào những chi tiêu cần thiết cho phòng thí nghiệm. Tuy vậy bà Pasteur không hề để lộ một sự bất bình hoặc thốt lên một lời than phiền nào với chồng; vì bà luôn tin tưởng ở sự thành công của chồng.

Người chồng đứa con gái thân yêu của gia đình Pasteur cũng luôn miệt mài trong phòng thí nghiệm của bố vợ. Giữa lúc bụng mang dạ chửa, người vợ trẻ cảm thấy cô độc, lúc đó bà Pasteur thường khuyên con rằng: làm con của một nhà bác học và làm vợ của một nhà khoa học là phải chấp nhận tất cả những thử thách đó.

Sự nâng đỡ và cảm thông là điều mà người chồng cần nhất trong cuộc sống. Cần phải luôn nâng đỡ và cảm thông với chồng. Đó là qui luật cơ bản trong đời sống vợ chồng mà một lần nữa chúng tôi xin được nhắn gửi đến những người vợ trẻ. Đời sống vợ chồng là trường luyện nhân cách, và đức tính chủ yếu và cần thiết cho hạnh phúc lứa đôi là sự cảm thông và chịu đựng của người vợ.

1. Ngày nay, tại Âu Mỹ, người đi xin việc thường phải chứng minh khả năng của mình. Người thiếu khả năng không được thu nhận đã đành, nhưng người thừa khả năng cũng bị từ chối. Có nhiều lý do để không thu nhận người thừa khả năng, nhưng một lý do khiến nhiều người phải ngạc nhiên là người thừa khả năng sẽ dễ nhàm chán với công việc. Và như vậy, hiệu năng của công việc sẽ giảm.

Sự đơn điệu và nhàm chán trong công việc là điều thường xảy ra với người vợ trong gia đình. Nếu người vợ không đặt vào công việc nội trợ tất cả yêu thích và tình thương cộng với tinh thần hy sinh thì quả thực, họ phải vác một gánh nặng khủng khiếp suốt đời. Tình yêu và sự hy sinh là liều thuốc giúp người vợ thắng vượt sự nhàm chán và tìm thấy ý nghĩa trong công việc hàng ngày của mình. Tình yêu và sự hy sinh cũng giúp cho người vợ thấy được sự cảm thông mà họ cần phải có đối với chồng mình.

Dĩ nhiên một người chồng yêu thương vợ thật sự luôn có đủ nhạy cảm để nhận ra những vất vả hy sinh của vợ. Một người chồng có trách nhiệm thật sự đối với đời sống gia đình sẽ không để cho người vợ đầu tắt mặt tối với công việc trong nhà mà không hề lấy một ngón tay để giúp đỡ. Khi giữa hai người đã tâm đồng ý hợp và yêu thương thật sự, thì công việc trong nhà dù nhỏ nhặt và vô danh đến đâu sẽ không còn là việc riêng của người vợ mà phải là công việc chung của hai người.

Tuy nhiên, người vợ cần phải luôn nhớ rằng, thiên chức của họ chính là kiên nhẫn chịu đựng trước những phiền toái và khó khăn của cuộc sống. Có khi họ phải đơn phương gánh chịu một mình. Họ chịu đựng những phiền toái và thử thách ấy vì biết rằng, người chồng của họ cũng có những khó khăn riêng của ông ta.

2. Có quá nhiều người vợ than phiền vì không được chồng mình cảm thông đủ. Một Bác sĩ chuyên gia tâm lý nổi tiếng đã viết như sau:

Những người chồng không hiểu được những lời than phiền của vợ, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi vì người đàn ông không bao giờ hiểu được người đàn bà. Tuy nhiên, về phần mình, những người vợ cũng phải hiểu cho rằng, chính chồng mình cũng không phải là những ông chủ tuyệt đối trong công việc của họ.

Theo Bác sĩ ấy, với sự cảm thông của mình chỉ có người vợ mới có thể an ủi được chồng. Sau một ngày làm việc phải nhã nhặn và chịu đựng đủ mọi hạng người, đôi khi, người đàn ông phải trở về nhà trong tâm trạng dồn nén. Còn cực hình nào lớn hơn đối với người đàn ông khi phải tiếp tục dồn nén bằng cách phải lắng nghe những lời than phiền của vợ, hay phải tiếp tục tỏ ra lịch sự và phải chịu đựng những đay nghiến của vợ? Dĩ nhiên, người vợ có trăm ngàn khó khăn của mình, người vợ chỉ mong gặp lại chồng để trút tất cả nỗi niềm của mình, từ chuyện con cái đến chuyện bếp núc, sang chuyện những người hàng xóm; từ chuyện con gà, con heo, đến chuyện vườn tược. Người đàn bà nội trợ có cả một thế giới riêng của mình. Suốt ngày loay hoay trong thế giới ấy, người đàn bà không mong gì hơn là gặp lại chồng để được giải tỏa. Một người chồng yêu thương vợ, sẽ lắng nghe và đi vào thế giới ấy một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, người vợ cũng cần nhớ rằng, người chồng cũng có một thế giới và những vấn đề riêng của ông ta. Lắm lúc người chồng không mong gì hơn là được yên lặng, cái yên lặng đầy cảm thông và yêu thương của vợ con. Chỉ có người đàn bà do sự cảm thông của mình mới có thể an ủi được chồng. Và đó là chức năng cao cả của người vợ. Người vợ hiện diện bên chồng như một nâng đỡ, ủi an, với sự chịu đựng đầy cảm thông.

3. Một cách nào đó như chúng ta thường gọi người vợ là nội tướng trong gia đình. Người vợ quán xuyến trong gia đình. Người vợ đóng vai trò chủ chốt trong việc dạy dỗ con cái. Nhưng quan trọng hơn cả chính là vai trò gìn giữ và thăng tiến sự hoà thuận trong gia đình. Mái ấm gia đình là công trình chung của vợ chồng, con cái, nhưng vai trò chủ yếu vẫn là người vợ. Sự trật tự tươm tất trong nhà trước hết thuộc trách nhiệm của người vợ. Chăm sóc con cái và quan hệ tốt với người chung quanh, từ trong nhà ra ngoài ngõ, xem ra vai trò của người đàn bà là chủ yếu. Chỉ có lòng yêu thương và quảng đại của người đàn bà mới có thể giúp họ hoàn thành vai trò ấy. Thiếu lòng yêu thương, tinh thần hy sinh, người vợ sẽ không thể chu toàn được vai trò nội tướng của mình, và như vậy sẽ không là một nâng đỡ cho người chồng. Và khi người đàn bà không còn là một nâng đỡ cho người đàn ông thì có lẽ họ chỉ còn là một nỗi phiền toái hay gánh nặng cho người chồng mà thôi.

4. Một tạp chí về gia đình xuất bản ở Hoa Kỳ có kê khai một số cử chỉ của người vợ khiến cho người chồng dễ cảm thấy phiền lòng và do đó, trở nên cau có.

Trước hết, đừng chờ đợi hay bắt người chồng ca tụng mình. Có đến 70% những người chồng không biết ca tụng vợ. Nhưng người vợ nên nhớ, sự thinh lặng của người chồng cũng là một cách biểu lộ đồng tình.

Khi người chồng than phiền về cha mẹ hay một người thân nào trong gia đình, người vợ không nên đổ dầu vào lửa bằng sự biểu lộ đồng tình hoặc những thêm thắt bịa đặt. Người vợ đừng bao giờ làm nhục hay nói ngược lại chồng giữa đám đông. Cho dầu đó là sự sai trái của chồng. Đừng bao giờ cằn nhằn khi người chồng quên hay không làm được một việc mình nhờ vả. Cả khi người chồng khước từ một đề nghị giải trí, người vợ cũng đừng vì thế mà hờn dỗi. Đời sống vợ chồng không là một giấc mơ. Đó là một khám phá không ngừng, và những khám phá bất ngờ nhất lại phát xuất từ chính người phối ngẫu của mình. Dù có liên hệ mật thiết đến đâu, mỗi người vẫn mãi mãi là một huyền nhiệm, một huyền nhiệm để tìm hiểu, để nâng đỡ, và nhất là để cảm thông và tha thứ.

VỀ MỤC LỤC
PHÂN ĐỊNH VÀ SỐNG ƠN GỌI

[BẢN THẢO]

LINH MỤC GIÁO PHẬN SỐNG TU ĐỨC TOÀN DIỆN

TRONG BỐI CẢNH THỰC TẾ CỦA GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI VIỆT NAM HÔM NAY

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

 

CHƯƠNG HAI  

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

CỦNG CỐ NHỮNG BƯỚC ĐẦU

PHÂN ĐỊNH VÀ SỐNG ƠN GỌI

(tiếp theo)

 

 B.IV. VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI ƠN GỌI

 

“Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: ‘Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.’ Đức Giê-su trả lời: ‘Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.’ Một môn đệ khác thưa với Người: ‘Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.’ Đức Giê-su bảo: ‘Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ’” (Mt 8, 19-22) 

B.IV.1. KHÍA CẠNH TÍCH CỰC: BỐI CẢNH GIA ĐÌNH 

Bổn phận nuôi dưỡng ơn gọi thuộc về toàn thể cộng đồng kitô hữu…. Nhưng đóng góp lớn nhất thuộc về gia đình, được kích hoạt nhờ tinh thần đức tin, đức ái và lòng đạo đức… Gia đình được kể như chủng viện đầu tiên. Tại Việt Nam, gia đình có ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách của mỗi con người, ảnh hưởng tới việc đi theo và thực hành một tôn giáo hay một ơn gọi.

 

Người Việt Nam rất đề cao giá trị của gia đình, vì gia đình như một thế giới thu nhỏ bao gồm 3 thế hệ: ông bà, cha mẹ và con cái. Mặc dù có những cách biệt giữa các thế hệ, nhưng các thành viên trong cùng một gia đình vẫn luôn có một tình cảm sâu sắc gắn bó với nhau. Gia đình đóng vai trò trợ lực rất quan trọng giúp cho ứng sinh ngày một trưởng thành hơn. Có nhiều nhân tố giúp anh lớn lên: Mối liên hệ mật thiết với cha mẹ nâng cao căn tính nhân vị của anh: sự mạnh mẽ cương nghị của ba, sự dịu dàng nhân hậu của mẹ. 

Mối tương quan lành mạnh với những người khác phái trong gia đình và những người họ hàng sẽ giúp ứng sinh ý thức hơn về tính dục của mình, hầu phát triển các mối tương quan xã hội của chính anh. Điều đó cung ứng cho anh một sự ổn định tình cảm cần phải có cho đời sống và sứ vụ linh mục của anh sau này. Những hoạt động trong và ngoài gia đình thách thức ứng sinh vượt qua những cái mình thích hay không thích, và làm cho đời sống tông đồ tương lai của anh trở thành một thực tế, đòi hỏi phải kiên trì, có khi phải trả tới cái giá cao nhất hy sinh mạng sống, chứ không chỉ là một mơ mộng của tuổi trẻ.  

Việc cầu nguyện và chia sẻ niềm tin trong gia đình giúp ứng sinh đâm rễ sâu trong đời sống thiêng liêng. Là chủng viện đầu tiên, gia đình giữ vai trò sinh tử trong việc đào tạo ứng sinh. Cuộc họp hàng năm của đại diện các gia đình chủng sinh nhấn mạnh đến tầm quan trọng và sự đóng góp tích cực của gia đình đối với Chủng viện trong việc đào tạo linh mục tương lai cho Giáo Hội.

 

B.IV.2. KHÍA CẠNH ÍT TÍCH CỰC: NHỮNG MONG ĐỢI  VÀ HY VỌNG CỦA GIA ĐÌNH  

Người Việt Nam rất sùng đạo và nhiệt thành. Họ hết lòng kính trọng các nhà tu hành, không chỉ trong phạm vị tôn giáo mà cả ngoài xã hội nữa. Ngay cả hôm nay, các quan chức cộng sản cũng nhận định rằng linh mục là công dân đặc biệt vì có nhiều uy tín và ảnh hưởng trên các công dân tín hữu khác.   

Vì thế, bậc tu trì trở thành một địa vị và một sự thăng tiến xã hội, không chỉ cho chính vị linh mục, mà còn cho cả gia đình và họ hàng thân thuộc: Vị linh mục sẽ được dân chúng kính trọng và vâng phục, được hưởng một cuộc sống an toàn và dễ dãi, v.v… Một khi người con làm linh mục hay tu sĩ, gia đình sẽ được hưởng vinh quang và danh dự, được kính trọng ở mọi nơi (trở thành “ông bà cố”). Điều này đang là một thử thách đối với ơn gọi đích thực và sự bất lợi tai hại của lòng kính trọng thái quá này đối với hàng giáo sĩ và tu sĩ là biến họ thành những kẻ quan liêu và độc đoán.

Nhiều khi, những mối lợi mang tính cá nhân hay gia đình như thế khiến một số người thúc ép con cái đi tu. Một số các bậc cha mẹ vì không thành công trong việc theo đuổi ơn gọi tu trì nên mong đợi thấy lý tưởng và hình ảnh của mình được thực hiện nơi con cái. Họ gây áp lực buộc con cái dấn thân vào đời sống linh mục hay đời sống tu trì, dù con cái họ không có ơn gọi đó. Một người tu không được ra về bị gia đình, họ hàng, quê hương giận dữ, khinh miệt, đàm tiếu, tẩy chay... nhất là ở khu vực miền Bắc. Áp lực này là một trở ngại cho các ơn gọi đích thực: có em có ơn gọi không dám dấn thấn, có em đã vào tu thấy mình không có ơn gọi không dám về. Cần phải có một kế hoạch đồng bộ và rộng khắp để chỉnh sửa dần cái tâm thức bất lợi này. 

Là nền tảng của xã hội, là cái nôi của sự sống và là nhà sư phạm đầu tiên, gia đình có thể là một nguồn nước trong lành và cũng có thể là trở lực đối với những ơn gọi đích thực. Do vậy, trách nhiệm của Giáo Hội là biện phân và thanh luyện những động lực ấy, vào thời điểm thu nhận cũng như trong tiến trình đào tạo, trong nỗ lực gầy dựng cho có người kế tục sứ mệnh: Tre già măng mọc.

Tuy nhiên, Chúa cũng quảng đại ban cho có rất nhiều gia đình Công giáo dâng hiến con trai con gái mình cho Thiên Chúa thông qua Hội Thánh mà không hề thèm muốn danh vọng, và nhiều ứng sinh quảng đại đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Các ứng sinh hãy nghĩ đến Ông Bà Cha Mẹ đã sinh dưỡng lại dày công hy sinh vất vả cùng Giáo Hội đào luyện, nâng đỡ, dìu dắt mình  bằng cuộc sống đầy gương sáng và lời cầu nguyện không ngừng của các ngài.  

Hãy lắng nghe lời cầu nguyện của các ngài: “Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng, chớ bỏ rơi con khi sức lực suy tàn. ... Cả lúc con già nua da mồi tóc bạc, lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con” (Tv 70, 9,18). Hãy hiếu thảo tri ân các ngài, cầu nguyện và nâng đỡ các ngài, ngõ hầu trong những ngày cuối đời, chờ đợi giờ Chúa gọi về nhà Cha, các ngài cảm nhận được đền đáp, an ủi, yêu thương, bình an và hạnh phúc. 

(slideshow Mẹ)

 

Một khi biết nghĩ đến công lao và tình thương, cùng hoài bảo của mẹ cha, cũng như của các vị hữu trách trong Giáo Hội, ứng sinh sẽ tìm được nghị lực vượt lên mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống, vì cuộc sống tu trì cũng chẳng tránh khỏi hết mọi bất công, phân biệt đối xử, thương người nọ hơn thương người kia, vì chẳng ai lấy cân mà cân được tình cảm cho bằng nhau đâu! Cái quan trọng là đừng lộ liểu quá, mà để trong lòng thì tốt hơn. Vả lại, có tình thương nào cao cả hơn tình Chúa thương ta đâu! Ta thế nào thì Chúa thương ta thế ấy, và Chúa sẽ thương ta cho đến cùng. Nhưng đối lại, Chúa cũng đòi hỏi và chờ đợi một tình thương quảng đại cho đến cùng về phía chúng ta cho Chúa đó: Một lần đã quảng đại, hãy quảng đại cho đến cùng.

  

B.V. ĐÁNH GIÁ ĐỘNG LỰC NỘI TÂM

 

B.V.1. Tính HẤp DẪn CỦa Ơn GỌi

Mọi ơn gọi đều đến từ Thiên Chúa, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Ngài có thể nói gián tiếp với ứng sinh qua Thánh Kinh, qua Giáo Hội, qua gia đình và qua những nhu cầu của cuộc sống con người. Ngài cũng có thể trực tiếp đánh động con tim và làm cho sự lôi cuốn lớn lên dần thành cốt lõi của ơn kêu gọi.  

Nhưng tính hấp dẫn này phải được phân định qua việc đồng hành, linh hướng để ứng sinh nắm chắc rằng mình có thể đáp ứng được các khía cạnh thiêng liêng và tông đồ của một cam kết dấn thân phục vụ Chúa và các linh hồn. Đây là một cuộc hợp tác tay đôi với ơn Chúa: các nhà đào tạo tìm hiểu ứng sinh và các ứng sinh tìm hiểu chính mình xem có ơn gọi thực không. 

 

B.V.2. BiỂu LỘ CỤ ThỂ Ý HưỚng Ngay Lành

Tự do lương tâm của ứng sinh là điều cần thiết cho quyết định chuẩn bị tiến lên chức linh mục. Vị linh hướng phải giúp ứng sinh khám phá ra những gì Thiên Chúa thực sự kêu gọi anh trở thành và thực hiện. Đáp trả tự do của anh sẽ là cốt lõi sự cam kết của anh và động lực xứng hợp sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự bền đỗ, khi anh cụ thể bày tỏ ý hướng ngay lành muốn làm linh mục.

 

Ứng sinh phải tìm cho được lời khẳng định rằng Chúa muốn anh quyết định trở thành linh mục. Để được vậy, anh phải hiểu rõ sâu xa những điểm mạnh cũng như những điểm yếu của mình; đồng thời anh phải được giúp tìm biết chính mình cách ý thức, cũng như các động lực vô thức của anh, ngõ hầu anh thấy được anh phải biến đổi trong cái gì hầu phù hợp với đời sống và sứ vụ linh mục.

 

Ứng sinh phải đánh giá lại lời mời gọi của Chúa và sự đáp trả của anh để có được một cam kết sâu xa hơn, theo tiến trình ơn gọi năm bước:

1) Chúa gọi ứng sinh cách trực tiếp như đã gọi Abraham, Mosê, Samuel... và như chính Mẹ Maria; hoặc Ngài gọi cách gián tiếp qua người nọ kẻ kia... Nhưng lời mời gọi đó phải được thẩm quyền hợp pháp của Giáo Hội xác nhận qua việc gọi cho chịu chức linh mục sau này. 

2) Ứng sinh tự do đáp lại, và nên một lần quảng đại đáp lại thì hãy quảng đại cho đến cùng. Bởi vì ơn gọi “không phải là một chọn lựa luân lý hay một lý tưởng cao quý, nhưng là sự gặp gỡ với Chúa Giêsu, một cuộc gặp gỡ trao ban cho cuộc sống một chân trời mới, và qua đó là một hướng đi có tính cách quyết định” (x. Deus Caritas Est, số 1).  

3) Ứng sinh cam kết theo chính Chúa Kitô toàn thể, nghĩa là với vinh quang và thập giá, tức khi vui cũng như khi buồn, lúc thành công cũng như lúc thất bại, khi sướng cũng như khi khổ, đều luôn trung thành theo chính Chúa Kitô, chứ không phải ai khác hay cái gì khác. Chúng ta có thể nói cùng với thánh Phaolô:

Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35 - 39) 

Tuy nhiên chúng ta vẫn phải luôn cảnh giác, vì trong thực tế, rất lắm lần chúng ta đã để một ai đó hay một cái gì đó tách biệt Chúa Giêsu ra khỏi tình yêu và cuộc đời của chúng ta, cho dù không hề có cái gì tách biệt chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Giêsu: chúng ta có thế nào đi nữa thì Ngài vẫn hằng thương yêu chúng ta, và thương yêu chúng ta cho đến cùng. Tình yêu của Ngài lớn hơn tội lỗi chúng ta và Ngài hằng tha thứ cho chúng ta. 

4) Ứng sinh phải dần dần biến đổi và điều chỉnh đời sống mình sao cho phù hợp với đời sống và sứ vụ linh mục. Ứng sinh còn tiếp tục mãi công việc này để trở nên chứng tá sống động của Chúa. Quả thế, “Ông Anrê, anh ông Simôn, là một trong hai người đã nghe ông Gioan Tẩy Giả nói và đi theo Chúa Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia” (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn ông Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” nghĩa là Phêrô.” Đổi tên là đổi con người, đổi cách sống, cách làm việc, cách suy nghĩ, cách đối xử và yêu thương. Cuộc sống của ứng sinh sẽ phải từ từ được biến đổi: từ từ sống khác đi, không còn như cuộc sống anh đã từng sống trước đây nữa. Con người trần tục sẽ dần dần chết đi, để con người thiêng liêng không ngừng được triển nở và lớn lên. Nói như thánh Phaolô là phải cởi bỏ con người cũ của anh và mặc lấy con người mới, ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.

5) Ứng kiên trì chu toàn bổn phận hằng ngày tùy theo đấng bậc hôm nay và sứ vụ Giáo Hội sẽ giao phó cho anh mai ngày, dù hoàn cảnh và con người có thế nào đi nữa. Và dù đời linh mục có bất định khi được sai đi tới nơi mình không muốn, ở với người mình không ưa và làm việc mình không thích, thì cũng phải sẵn sàng CHẤP NHẬN và THÍCH NGHI.

“Biết rằng đời hiểu hay không,                              

Uống cho bằng cạn chén hồng Chúa giao,                                                              

Thương ai Chúa mới gọi vào,                                     

Kèm trong thử thách dạt dào đỡ nâng”

 

Những lúc ngấm nỗi bồ hòn

Nhìn lên thánh giá nỉ non đôi lời

Tìm thêm sức mạnh cứu đời

Từ tòa giải tội, từ nơi bàn thờ

Vui đem Lời Chúa cho người,

Thắm tình đồng nghiệp suốt đời thương nhau

Đời này dù có khổ đau

Chung nhau hạnh phúc đời sau thiên đàng 

Ứng sinh phải nội tâm hóa dấn thân của anh, cũng như cụ thể hóa đời sống sứ vụ của mình qua việc thường xuyên tìm gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Đấng là nguyên thuỷ và cùng đích của mọi ơn gọi (x. Ga 15, 16). Sau khi đã chú ý lắng nghe với biện phân và khiêm tốn, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, vị linh hướng có thể khám phá được người thụ hướng được Chúa gọi hay không. Nếu có, vị linh hướng xác định cho anh tiếp tục đi tới với niềm vui tươi, hy vọng và hạnh phúc, mặc dù anh sẽ gặp thấy những khó khăn và đen tối trong cuộc sống lữ hành của anh. Nếu không, vị linh hướng nên gợi ý cho anh đổi hướng sống trong bình an, đồng thời bước theo con đường Chúa mời gọi anh đi với can đảm và hạnh phúc.  

Sự chọn lựa và quyết định với tự do nội tâm (tòa trong) này phải được xác lập và công nhận bởi thẩm quyền Chủng viện (tòa ngoài): Hội đồng chủng viện bỏ phiếu cho chịu chức (biểu lộ sự kêu gọi của Chúa), có thể được trợ giúp bởi nhận xét tham khảo của cộng đoàn Dân Chúa.

(Hát Chúa cất tiếng gọi con)

   

B.VI. ỨNG SINH TỰ ĐÁNH GIÁ 

Trong suốt thời kỳ huấn luyện, các ứng sinh được khích lệ tự suy nghĩ về chính bản thân mình, dựa trên một bảng câu hỏi giúp ứng sinh tự vấn và trình bày trong linh hướng. Bảng câu hỏi nhằm giúp ứng sinh biện phân ơn gọi của mình và đưa ra một quyết định trưởng thành cho cuộc đời mình với sự tự do nội tâm hoàn toàn.   

Để những nỗ lực này được dễ dàng hơn, họ phải được khuyến khích xây dựng một mô hình linh mục lý tưởng mà lòng họ ước ao (x. Mô Hình Linh Mục Hôm Nay và Ngày Mai). Việc tự đánh giá nghiêm túc có thể dẫn ứng sinh tới một trong hai kết luận: Hoặc là Chúa muốn anh theo con đường khác: anh đã được trang bị các đức tính và những khả năng cần thiết để sống đời sống Kitô hữu một cách trọn vẹn với tư cách là một giáo dân. Vậy tinh thần trách nhiệm sẽ khích lệ anh thay đổi ơn gọi; hoặc là Thiên Chúa chọn anh làm linh mục: mặc dù anh tự kiểm một cách nghiêm túc, anh vẫn không thể tuyệt đối chắc chắn về ơn gọi của mình. Sự chấp thuận của Bề Trên và Bản Quyền sẽ hoàn tất chọn lựa này và làm cho anh an tâm.

 

Để tiến trình tu tập được tiến bộ và kết quả, ứng sinh cần tự kiểm và tự đào luyện, cùng với sự giúp đỡ thường xuyên của người đồng hành.   

B.VI.1. Những điều kiện bên ngoài

B.VI.1a Môi Trường Xã Hội 

Não trạng của người dân ở quê hương tôi hay của những người hàng xóm với gia đình tôi là gì? Họ thực hành đạo thế nào? Họ có ảnh hưởng tốt hay xấu đến ơn gọi của tôi? Đặc biệt là tình bằng hữu của bà con họ hàng đối với gia đình tôi và với cá nhân tôi thế nào? Họ nghĩ thế nào về ơn gọi của tôi? Trong gia đình tôi hay trong những người bà con họ hàng có ai sống đời thánh hiến không? Đâu là ảnh hưởng và mối tương quan giữa tôi và những anh em cùng lớp? Tôi có quan hệ đặc biệt nào với ai không?  

    B.VI.1b Gia Đình Tôi 

Sức khỏe của ông bà tôi, cha mẹ tôi, anh chị em tôi thế nào? Họ quan niệm thế nào và đối xử làm sao với ơn gọi của tôi, tích cực hay tiêu cực?         Họ có cho phép tôi tự do chọn lựa, hay bắt tôi chịu áp lực của họ? Ai trong gia đình tôi là người có tầm ảnh hưởng quan trọng và tích cực nhất đối với ơn gọi của tôi? Cảm nghĩ của tôi về gia đình: quan tâm, gắn bó, thờ ơ lạnh nhạt, thất vọng? Tại sao? Mối tương quan đặc biệt của tôi với gia đình sẽ là gì, nhất là sau khi đã thụ phong linh mục? Cố gắng dàn xếp các vấn đề gia đình, tuy có những vấn đề không ảnh hưởng đến ơn gọi của tôi, nhưng ảnh hưởng đời sống mục vụ của tôi như Chúa Giêsu khuyến cáo “không tiên tri nào được nễ trọng tại quê hương mình.” 

    B.VI.1c Tương Quan Với Các Linh Mục Quen Biết

Đâu là ảnh hưởng thiêng liêng của Cha Bảo trợ đối với tôi? Ngài có thường xuyên liên lạc, giúp đỡ tài chính cho tôi không? Đâu là điểm tích cực mà tôi học được nơi ngài? Ngài có ảnh hưởng gì tiêu cực trên đời sống tôi không? Mối tương quan của tôi với cha xứ trong suốt năm học ở trường, nhất là trong những ngày nghỉ hè là gì? Mối tương quan giữa Cha xứ với gia đình tôi là gì? Khi cha xứ được người khác khen hay chê thì thái độ của tôi là gì? Đời sống tư và việc tông đồ của cha xứ có ảnh hưởng gì đến ơn gọi của tôi? Tôi có quen biết cách đặc biệt nào với một số Cha khác không? Đâu là lý do của sự quen biết này và nó có ảnh hưởng gì đến tôi, về mặt thiêng liêng hay kinh tế? Tôi có tương quan dễ dàng và tốt lành với nhiều Cha trong Giáo phận tôi không, nhất là với các cha trẻ?  

    B.VI.1d Tương Quan Với Người Khác Phái 

Quan niệm của tôi về người khác phái là gì? Đâu là cách tôi giữ mối liên lạc với người khác phái? Dĩ nhiên có nhiều bạn là con gái, nhưng tôi có bạn gái không? Và ở mức độ nào? Tôi có biết rằng Giáo Hội đòi linh mục phải tiết dục hoàn toàn không? Mọi người đều mang bản tính nhân loại và có giới tính, tôi cảm nhận gì khi ở gần người nữ? Tôi có biết “bén mùi chùi chẳng sạch”, nhất là người phụ nữ lại càng khó quên hơn không? Tôi có thận trọng hơn trong tương quan với người đời, nhất là với các bạn không có Đạo? Tôi có làm gì cho họ hiểu sai và hiểu xấu về đời tu công giáo không? Tôi có mối quan hệ gần gũi với ai trong số những người nữ sống đời thánh hiến không? Đâu là nguyên nhân của mối tương quan này? Đâu là cách tôi giữ liên lạc với cô ấy? Có gì nguy hại cho ơn gọi của cả hai, bây giờ và sau này nữa không? Có gì đáng quan ngại hay dấu hiệu gì đáng đặt dấu hỏi không?            

    B.VI.2. Những điều kiện tự nhiên

B.VI.2a Sức Khoẻ Của Tôi 

Sức khoẻ của gia đình tôi thế nào? Có bệnh di truyền nào không? Tôi có lo lắng gì về bệnh tật trong tương lai không? Tôi gìn giữ sức khoẻ bằng cách nào? Tôi có nghiện thứ gì không? Đâu là nhịp độ ăn uống, ngủ nghỉ và làm việc của tôi trong thời gian học đều đặn cũng như trong thời thi cử?   

B.VI.2b Tính Tình Của Tôi 

Tôi có thể mô tả tính tình của tôi thế nào: cảm xúc hay vô cảm, hoạt động hay không hoạt động? Tôi có đầu óc hẹp hòi hay cởi mở, có điều độ ngăn nắp hay lộn xộn bừa bãi? Tôi lạc quan hay bi quan, nhút nhát hay liều lĩnh, khiêm tốn hay kiêu ngạo và tự phụ, chăm chỉ hay lười biếng, có óc tổ chức hay làm theo hứng? 

B.VI.2c Trí Khôn Của Tôi

Trí khôn của tôi thế nào: xuất sắc, rất tốt, tốt hay kém? Kết quả học tập của tôi thế nào? Có tình trạng đặc biệt nào ảnh hưởng tới trí khôn của tôi không? Tôi có phương pháp nào để luyện trí nhớ và trí hiểu không? Tôi thích học thuộc lòng hay thích suy tư, phân tích hay tổng hợp ? 

B.VI.2d Năng Khiếu và Khả Năng Của Tôi

Trong học tập, trong nghệ thuật và hoạt động, năng khiếu đặc biệt của tôi là gì? Đâu là điểm yếu của tôi trong những lãnh vực này? Tại sao? Đâu là cách tôi vun trồng và nâng cao năng khiếu của tôi?  

    B.VI.3 Những điều kiện tinh thần và thiêng liêng 

    B.VI.3a Tinh Thần Tự Hiến

Ơn gọi của tôi đã lớn lên và phát triển thế nào? Bây giờ ra sao? Tại sao tôi lại chọn đời linh mục? Tôi có luôn suy nghĩ về ơn gọi của tôi không? Có gì cản trở không? Làm thế nào để vượt qua? Tôi có lạc quan và hy vọng không, hay bi quan và thất vọng về tình trạng hiện tại của tôi? Tại sao? Tôi tự nguyện theo đuổi ơn gọi hay có áp lực nào không? Đâu là cách đặc biệt để tôi gìn giữ và phát huy tinh thần tự hiến của tôi, bây giờ và trong tương lai ?  

    B.VI.3b Tinh Thần Trách Nhiệm

Tôi chu toàn bổn phận vì Chúa và vì muốn đời sống ơn gọi được chắc chắn hơn? Hay chỉ vì luật, vì ý bề trên, hay vì lòng tự trọng với anh em cùng lớp? Phương pháp học của tôi là gì? Tôi học tất cả các môn hay chỉ học những môn ưa thích? [kinh nghiệm học Toán]. Cách tôi học ở lớp, ở nhà là gì? Cách tôi làm bài thi và đọc sách vở là gì? Tôi tận dụng tối đa thời gian hay lãng phí nó? Quan điểm của tôi về luật lệ là gì? Tôi thường hay vi phạm điều nào? Công tác của tôi trong chủng viện là gì và đâu là cách tôi thi hành công tác ấy?

    B.VI.3c Tinh Thần Đời Sống Thiêng Liêng

Tôi có tin rằng đời sống thiêng liêng là tối quan trọng đối với chủng sinh và linh mục không? Tình trạng hiện nay về đời sống thiêng liêng của tôi là gì và đâu là những cố gắng? Tôi có thói quen dâng ngày mới cho Chúa không? Đời sống cầu nguyện của tôi thế nào? Tôi có cầu nguyện đều đặn trong những kỳ nghỉ không? Tôi tham dự thánh lễ, chuẩn bị rước lễ và cám ơn sau rước lễ thế nào? Tôi có nhận thấy rõ Thánh Thể là nguồn suối và trung tâm đời sống của mọi Kitô hữu, nhất là của những người sống đời thánh hiến không? Tôi có tập đọc sách thiêng liêng, nhất là Kinh Thánh cách đều đặn, ngay cả trong kỳ nghỉ hè không? Tôi có viếng Chúa Giêsu Thánh Thể, thường xuyên xét mình để chuẩn bị tâm hồn lãnh nhận Bí tích Hoà giải không? Tôi có yêu thích việc xưng tội không hay ngại ngùng? Lòng sùng kính Đức Mẹ của tôi thế nào: có lần chuỗi, suy niệm và bắt chước Mẹ không? Vai trò của Đức Mẹ trong đời sống ơn gọi của tôi là g? Mối liên hệ của tôi với các thánh và các linh hồn là gì ?  

    B.VI.3d Tinh Thần Đức Tin 

Cách tôi nhìn các sự kiện trong đời sống tôi và trong xã hội là gì, có nhìn với tinh thần đức tin hay không? Nhất là trong những lúc gặp phải thử thách, thất bại và đau khổ nơi bản thân, cũng như trong gia đình tôi? Cả những sự phi lý và bất công xảy ra chung quanh tôi? Tôi có thường phải đối diện với những cám dỗ về đức tin không: mức độ thế nào và phản ứng của tôi làm sao? Những thái độ sống đức tin của tôi: trong nhà thờ, trong khi cử hành phụng vụ, khi cầu nguyện trong lớp học là gì?

    B.VI.3e Tinh Thần Cộng Tác 

Tôi cảm thấy dễ hay khó khi quan hệ với mọi ngươì bằng sự cởi mở, đối thoại, trợ giúp và hợp tác? Tại sao? Tôi có sẵn lòng giúp anh em và xin anh em giúp mình không? Hay tôi cảm thấy khó hợp tác? Đâu là những cố gắng phải vượt qua? Đời sống chung và tình bạn hữu của tôi thế nào: thiện cảm hay ác cảm? Tương quan với bề trên, với cha linh hướng và với các nhà đào tạo khác: có dễ dàng tiếp xúc và cởi mở đón nhận những gợi ý của các ngài với lòng biết ơn hay không? Tôi có biết rằng tinh thần cộng tác là yếu tố cần thiết trong việc gìn giữ và xây dựng đời sống mục vụ của linh mục không? Tôi cộng tác thế nào để đào tạo bản thân và đào tạo anh em khác? Trong các dịp Hè và nghỉ lễ, tôi có sẵn lòng tham gia các việc trong giáo xứ, giáo họ không? 

    B.VI.3f Tinh Thần Vâng Phục 

Tôi có suy nghĩ gì về tự do, về quyền bính và vâng phục trong Hội Thánh? Tôi vâng lời cha mẹ và anh chị em thế nào? Và sự vâng phục của tôi đối với các bề trên ra sao? Tôi không hài lòng với họ về điểm nào? Thái độ của tôi đối với các anh em có trách nhiệm thế nào? 

    B.VI.3g Tinh Thần Nghèo Khó

Quan niệm của tôi về nghèo khó là gì? Tôi có tập sống khó nghèo và giản dị trong trang phục và ăn uống không? Tình trạng kinh tế của gia đình tôi: giàu có hay túng bấn? Tôi có tính sổ chi tiêu hàng tháng, hàng năm không? Của cải của tôi: dư dật, đầy đủ hay thiếu thốn? Cách tôi kiếm tiền và tiêu tiền là g?         Tôi có lo tìm kiếm ân nhân, kết nghĩa để được giúp đỡ tiền bạc không? Thái độ của tôi đối với họ thế nào? Tôi có thích dùng những đồ sang trọng không? Tôi có tôn trọng và gìn giữ của chung như của riêng mình không?  

    B.VI.3h Tinh Thần Thanh Khiết

Tôi có tôn trọng và hiểu rằng sự trong sạch trong đời sống linh mục là một hiến tế, từ bỏ chính mình, dành tình yêu cho Chúa và cho các linh hồn không? Tôi có hiểu rằng sự trong sạch và độc thân linh mục là khó khăn và cần ơn Chúa (đời sống cầu nguyện) và cần cố gắng liên lỉ (khổ chế và hy sinh) không? Tôi có tránh những dịp cám dỗ: báo chí, phim ảnh, quan hệ và những lời nói không? Tôi có thường xuyên bị cám dỗ trong tư tưởng không? Tôi có thủ dâm không? Tự mình, làm cho người khác và để người khác làm cho mình? Cách tôi chiến đấu chống lại nó là gì, luôn thắng trận hay bại trận? Tôi có tìm ra phương pháp nào để sống trong sạch không? Tôi có suy nghĩ tích cực hay tiêu cực về giá trị đời sống trong sạch của linh mục? Quan niệm của tôi về hôn nhân, về tình yêu đôi lứa và về giới tính là gì? Tôi nghĩ gì về cơn khủng khoảng hiện nay của một số linh mục, tu sĩ ? 

    B.VI.3i Tinh Thần Phụng Vụ

Tinh thần phụng vụ lúc này của tôi thế nào? Tôi có ý thức rằng phụng vụ là trung tâm nuôi dưỡng đời sống của Hội Thánh và của đời sống của những người sống đời thánh hiến không? Tôi tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích khác thế nào? Tôi có khao khát và cố gắng tham dự vào các hoạt động phụng vụ: giúp lễ, giúp chầu Thánh Thể, tập những bài hát phụng vụ, cầu nguyện hằng ngày? Tôi có ngại việc quét dọn, trang hoàng nhà thờ, lo hoa đèn, âm thanh, ánh sáng để giáo dân tham dự sống động, tích cực và sốt sắng không?

    B.VI.3j Tinh thần Mục Vụ

Tôi có ý thức rằng công tác mục vụ là nhiệm vụ hàng đầu trong sứ vụ quản xứ của linh mục không? Tôi có tập trung tất cả những công việc hiện tại của mình để chuẩn bị cho các công tác mục vụ tương lai không? Tôi đã chuẩn bị cho việc dạy giáo lý và cho sứ vụ Lời Chúa thế nào? Tôi có thăm viếng các gia đình, nhất là thăm nom những người nghèo khó và đau yếu không? Tôi có thể sống đúng mực và làm việc có trách nhiệm với những người già cả, với thanh niên, với trẻ em và hết lòng cộng tác chân thành không? Hướng mục vụ của tôi được gợi hứng từ tinh thần của công đồng Vatican II là gì? Điều gì tôi thích: nhận nhiệm vụ nơi thôn quê hay chốn đô thị, là giáo sư hay cha xứ? Tôi có nhận định gì về đời sống mục vụ của hàng giáo sĩ hiện nay: ưu điểm và khuyết điểm, mặt tích cực và mặt tiêu cực?  

    B.VI.3k Tinh Thần Lao Động Chân Tay 

Thái độ của tôi đối với người lao động, người giúp việc thế nào? Tôi có ý thức giá trị của lao động chân tay không? Hay tôi bị miễn cưỡng làm việc? Tinh thần lao động của tôi là gì khi tôi tham gia vào các hoạt động lao động chân tay trong cộng đoàn? Tôi có nhận ra ý nghĩa đào tạo thiêng liêng qua các việc lao động chân tay và vận dụng nó không? Phát triển đời sống nhân đức như làm cho lúa tốt, hoa đẹp? Loại trừ tận gốc các tật xấu như nhổ hết rễ cỏ dại? v.v…

Lạy Thánh Giuse Thợ,                                              

Chúng con cần gương Ngài                                               

Để thấy kho tàng trong từng giọt mồ hôi,                       

Thấy nụ cười trong từng dòng nước mắt,              

Thấy Nước Trời trong lòng đất mẹ cằn khô    

Thấy sáng tạo, đi lên, tình người,                              

Yêu thương và hiệp nhất.                                           

Thấy lớn lao trong từng nhỏ nhặt,                             

Thấy vinh quang trong khổ nhục, Ngài ơi.                              

Xin cho những người đang xây dựng thế giới này

Thấy Ngài phục sinh trong bàn tay của họ.                                   

Trích Thánh Thi Lễ Thánh Giuse Thợ

  

B.VII. BẢN TỰ KIỂM THÁNG & NĂM
           (Viết trong những ngày tĩnh tâm)

    B.VII.1 BẢo vỆ đỜi sỐng thiêng liêng và ơn gỌi 

    B.VII.1a Diệt trừ Tội Lỗi nhờ Bí Tích Giải Tội

Tuyệt đối tránh tội trọng vì nó giết chết sự sống siêu nhiên. Cố gắng tránh những tội nhẹ cố tình vì nó làm suy yếu sự sống siêu nhiên, và có nguy cơ dẫn đến tội trọng. Không những nên biết và thú nhận những tội mình đã phạm, mà còn phải biết tại sao mình phạm những tội ấy và chọn những phương cách thích hợp và hữu hiệu có thể giúp ta tránh. Ví dụ: Thay vì thú nhận “con có lỗi đức chân thành vài lần,” hãy xác định trường hợp nào, vì lý do gì anh đã nói dối, chẳng hạn “con có nói láo vì khoe khoang, vì sợ bị hạ nhục, vì có ý đưa mình lên trên kẻ khác...” Hay ví dụ khác: “con có lỗi đức bác ái,” phải xác định “con lỗi bác ái, không phải là một việc thông thường, mà lỗi này phát sinh từ một ác cảm, một ghen tức hay một oán thù, có ý thức, nhưng con vẫn cố tình chiều theo.” Nhờ việc linh hướng, chúng ta sẽ có cơ hội thuận lợi để nhận diện các nguyên nhân tội lỗi, và có như thế chúng ta mới có thể chữa trị tận gốc, ngõ hầu đi xa hơn và vững hơn trong đường lối của Chúa, tức là trở nên con người mới, con người thuộc về Chúa Kitô mỗi ngày một thành toàn hơn. Có thể xét mình qua các mối tương quan: với Chúa, với tha nhân, với bản thân.

B.VII.1b Diệt trừ tính xấu chủ đạo và thực tập nhân đức đối nghịch:

Con người thật của ta có những tính tốt, mà cũng có nhiều khuynh hướng và tập quán xấu. Muốn bài trừ tận tuyệt tính xấu, ta phải luyện tập nhân đức đối lập. Thí dụ: người nóng tính cần luyện tập nhân đức hiền lành, người nhút nhát phải tập đức can đảm, người ham muốn sắc dục phải tập đức khiết tịnh…. Ghi ra các tính xấu hay mắc phải để cố gắng tìm ra nguyên nhân hay tìm ra tính xấu chủ đạo là tính xấu mạnh nhất (thường ẩn kín, nhưng điều động những tính xấu khác). Về nhân đức cần thực tập, cần có những nghiên cứu thêm, tìm hiểu sâu xa nhân đức này để biết và yêu mến, đồng thời tìm ra những phương thế cụ thể trong luyện tập.

B.VII.1c Độc thân khiết tịnh (trưởng thành nhân bản: ứng xử, tình cảm và giới tính)

Tông Huấn Pastores Dabo Vobis số 29 đã khẳng định thật rõ: “Chức linh mục chỉ được phong ban cho những người đã lãnh nhận từ Thiên Chúa hồng ân có được ơn gọi sống tinh khiết trong bậc sống độc thân.” Trong thế giới đề cao hưởng thụ hôm nay, “độc thân khiết tịnh” đang là một thách đố thật lớn cho các linh mục và các chủng sinh. Về vấn đề này, cha linh hướng là một người hướng dẫn, một người bạn thật quí giá. Hãy tin tưởng, trình bày và bàn hỏi với ngài ngay từ lúc đầu, khi “cảm thấy có vấn đề.”

Đừng để đến khi “quá trễ”, “lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy”, cháy rồi mới trình bày. Các vấn đề nổi cộm hiện nay: Lạm dụng tình dục trẻ em, Lạm dụng tình dục phụ nữ trưởng thành (đĩ đực, Giuse ở Ai cập), “Sinh viên tầm gửi,” Đồng tính luyến ái, Thủ dâm…  

B.VII.2 Tăng trưỞng đỜi sỐng thiêng liêng

B.VII.2a Dâng ngày, Thánh Lễ, Chuỗi Mân Côi

Chọn ý hướng dâng ngày cụ thể: mỗi ngày hoặc mỗi tuần một ý hướng. Ghi lại những khám phá thêm qua học hỏi, qua gương sáng, qua những cảm nhận về Thánh lễ (ví dụ: một lời nào đó trong Phụng vụ Lời Chúa, trong Kinh Nguyện Thánh Thể, chuẩn bị dâng lễ hay cám ơn sau rước lễ…). Chọn cho mình một cách lần chuỗi Mân Côi (những ý chỉ cầu nguyện, tìm những tài liệu hướng dẫn…). Coi việc sống Mầu Nhiệm Thánh Thể, sùng kính Mẹ Maria và Thập giá là phương thế nâng đỡ và bảo đảm trung thành cho đời sống và sứ vụ chủng sinh hôm nay, và linh mục ngày mai. 

    B.VII.2b Sách Thiêng Liêng

Trao đổi với cha linh hướng để có sách thiêng liêng thích hợp mà đọc. Ghi lại trong khung này: tên sách - tác giả - chủ đề đã đọc trong tháng. Tập ghi footnotes và bibliography. Ghi tóm tắt những cảm nghĩ, những khám phá giúp ích cho đời sống thiêng liêng… Đừng quan niệm môn Tu đức như đứng tách biệt với các môn học khác. Để nuôi dưỡng đời sống nội tâm và lớn lên trong đời sống thiêng liêng, ứng sinh phải được giúp cầu nguyện và chiêm ngắm trong và qua các môn học. Tu đức không phải là một môn học thuần túy lý thuyết, mà là một cuộc sống luôn được chỉnh sửa, canh tân và biến đổi, với tác động của Chúa Thánh Thần. 

    B.VII.2c Xét mình- Nhật ký Tĩnh tâm

“Hãy tự biết mình” – “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.” Muốn thế, cần có sự xét mình mỗi ngày. Trung thành như thế nào? Anh đã dùng cách nào để xét mình? Để viết nhật ký đạo đức? Những khó khăn trong khi xét mình, khi viết nhật ký đạo đức, khi tĩnh tâm? Những ích lợi nhận thấy được. 

    B.VII.2d Nguyện gẫm

Mỗi người chọn cho mình một cách nguyện gẫm thích hợp.

Phương pháp Xuân Bích đơn giản trong ba thì:[1]

·        Đặt Chúa Giêsu trước mắt (thờ lạy), nghĩa là chăm nhìn Chúa trong Phúc Âm, xem việc Chúa làm, lời Chúa giảng dạy, thái độ và tâm tình của Chúa;

·        Đặt Chúa Giêsu trong tim (hiệp thông) nghĩa là yêu mến Chúa và yêu mến như Chúa Giêsu yêu mến, hòa cùng một nhịp tim với Chúa Giêsu;

·        Đặt Chúa Giêsu trên bàn tay (hợp tác), nghĩa là hành động bằng một lời dóc lòng cụ thể khả thi để kiểm chứng lại khi xét mình, nỗ lực đem Chúa Giêsu đến cho những người mình gặp gỡ.

Tập viết lại bài nguyện gẫm đã thực hiện, theo phương pháp mà mình đã chọn, để đọc lại hầu nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và trao đổi với vị Linh hướng. Ghi lại những tiến bộ hoặc khó khăn đang gặp đối với việc nguyện gẫm. 

    B.VII.2e Viếng Thánh Thể

Mầu nhiệm Thánh Thể là nguồn suối và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ linh mục. Tập sống thân mật với Chúa Giêsu Thánh Thể, năng viếng Mình Thánh Chúa. Chương trình dành cho Chúa Giêsu Thánh Thể trong tuần (lúc nào? đã làm thế nào?). Viết lại tóm tắt những cảm nhận trong tháng đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. “Hỡi những ai vất vả và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức cho, và lòng các con sẽ được bình an.” “Trong khi cầu nguyện, anh em hãy trao trút nỗi lòng của anh em cho Chúa, vì Người hằng thương yêu chăm sóc đến anh em.”

    B.VII.2f Đời sống bác ái huynh đệ

“Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết mọi điều tuyệt hảo” (Col. 3,14). Tình huynh đệ giữa các linh mục là “tình huynh đệ Bí Tích.” Linh mục là “con người của tương quan” (PDV 43): Cuộc sống chung tốt đẹp cần những yếu tố nào? Cuộc sống chung nặng nề là do những nguyên nhân nào? Việc bác ái là một phương thế hữu hiệu giúp “tăng trưởng đời sống thiêng liêng.” Cần có những quyết tâm làm những việc bác ái cụ thể. Nỗ lực làm vô hiệu câu nói chua chát: “Homo homini lupus, mulier mulieri (soror sorori) lupior, sacerdos sacerdoti lupissimus.”

            Trông về tháp đổ nghiêng nghiêng

            Chạnh lòng tưởng nhớ chuyện riêng của mình

            Ước mong đời sống có tình

            Sầu thương vương nhẹ như hình mây bay

            Rồi ra phải trái có ngày

            Ai đời đi trả nợ nần chẳng vay

            Phù sinh một phút trắng tay

            Hơn nhau một chút dở hay ở đời

            Xét đoán là việc Chúa Trời

            Ai mà kết án những người anh em

            Mặt mình cũng có lọ lem

            Tiên vàn lo rửa pha dèm làm chi!

            Hận thù hãy mau lấp đi

            Yêu thương xây dựng khắc ghi trí lòng

            Làm sao đáng được khoan hồng

            Trong ngày thẩm phán chí công sau cùng 

    B.VII.2g Kỷ Luật Chủng Viện

“Ai tuân giữ kỷ luật, kỷ luật sẽ gìn giữ người đó.” Ghi lại những điểm nào về kỷ luật cảm thấy khó giữ và tìm biết nguyên nhân khó khăn? Ghi lại những kinh nghiệm cụ thể về những điểm kỷ luật đã thực hiện tốt? 

B.VII.2h Hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (những cảm nhận riêng)

Chúa Thánh Thần luôn hoạt động: Ngài sẽ nhắc các con mọi điều Thầy đã dạy các con; Ngài sẽ dạy các con phải nói gì và nói thế nào, và Ngài sẽ nói thay cho các con nữa… Ghi lại những khám phá, những điều đánh động một các đặc biệt (một gương sáng, một câu Phúc âm…) 

    B.VII.3 THAO THỨC TÔNG ĐỒ 

    B.VII.3a Thấu hiểu ơn gọi linh mục triều

Hiểu, khám phá, xác tín thêm gì về Ơn gọi Linh Mục Triều. Ước mơ gì? Chuẩn bị thế nào cho đời sống Linh Mục? Khai triển “Mô hình Linh Mục Hôm Nay và Ngày Mai” để phác họa và xây dựng cho chính mình mẫu linh mục mà mình sẽ thực hiện trong tương lai. Nếu tôi làm linh mục, tôi sẽ làm gì để: Dạy giáo lý, giảng.... (sứ vụ Tiên Tri); Tổ chức phụng vụ, lễ sinh, ca đoàn, phòng thánh... (sứ vụ Tư Tế); Điều hành, hướng dẫn cộng đoàn: hội đồng giáo xứ, các đoàn thể, các công việc từ thiện xã hội... (sứ vụ Vương Đế). Hiện nay tôi thấy cần phải chuẩn bị gì để trở thành một “linh mục tốt” như lòng Chúa mong ước? 

    B.VII.3b Vấn Đề Cần Trao Đổi

Chủ động nêu ra các thắc mắc hay vấn đề muốn tìm hiểu thêm, muốn bàn hỏi thêm với cha linh hướng và các nhà đào tạo.

 

VỀ MỤC LỤC
MỆT MỎI KINH NIÊN
 

 

Hội chứng Mệt Mỏi Kinh Niên (Chronic Fatigue Syndrome) không phải là vấn đề mới lạ.

 

Bệnh đã được mô tả từ thế kỷ thứ 19. Rồi trong thập niên 30 tới 50 của thế kỷ trước, có nhiều trường hợp bệnh xẩy ra tại các quốc gia trên thế giới. Vào năm 1980, sự lưu tâm tới hội chứng này tăng lên và đã có nhiều triệu người đi khám bác sĩ với than phiền luôn luôn mệt mỏi, không có sinh lực.

 

Định nghĩa

 

Hội chứng này được định nghĩa như tình trạng mệt mỏi kéo dài quá sáu tháng, gây ảnh hưởng xấu tới các sinh hoạt hàng ngày và không do một bệnh nào về thể xác gây ra.

 

Đặc tính của tình trạng mệt mỏi là:

 

a- Phải trầm trọng đến nỗi nghỉ và ngủ không làm thuyên giảm.

 

b- Mệt mỏi không gây ra do làm việc hay tập dượt nặng nhọc.

 

c- Mệt mỏi ảnh hưởng tới mọi công việc thường lệ.

 

đ-Mệt mỏi phải là hiện trạng mới chứ không phải do một  bệnh tật nào đó, và phải kéo dài liên tục.

 

Hội chứng Mệt Mỏi Kinh Niên khá phổ thông nhất là tại các quốc gia kỹ nghệ cao.

 

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu, hội chứng này vẫn được coi như là một bệnh kinh niên có nhiều điều chưa được sang tỏ. Khác với các bệnh truyền nhiễm vì hội chứng không do một vi khuẩn rõ ràng nào gây ra. Không như bệnh tiểu đường, bệnh thiếu hồng cầu vì mệt mỏi kinh niên không thể đo lường. Lại chẳng  như bệnh tim mạch vì phương thức trị liệu rất hiếm hoi.

 

Bệnh có nhiều ở nữ giới hơn nam giới, trong khoảng tuổi từ 20 tới 50, thường thấy ở lớp người có kiến thức tương đối cao, khá hiểu biết về bệnh tật, có bảo hiểm sức khỏe và thường hay đi khám bác sĩ. Nữ giới có kinh kỳ bất thường bị chứng này nhiều hơn.

 

Riêng đối với dân Mỹ, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh cho hay cứ 100.000 người thì 3 người bị bệnh.

 

Nguyên nhân

 

Đã có nhiều thuyết được nêu ra để giải thích nguyên nhân  của hội chứng này và   các thuyết đều cho nó là tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Tuy vậy một số người trong y giới vẫn nghĩ rằng hội chứng chỉ là dấu hiệu của vài bệnh về tâm thần hay về thể xác, giống như sự thiếu hồng cầu, cao huyết áp  trong một vài bệnh. Hầu như bất cứ một bệnh trạng kinh niên nào cũng gây ra mệt mỏi được như bệnh tiểu đường, u bướu giáp trạng, phong thấp khớp, viêm cơ tim, bệnh trầm cảm, lo âu.

 

Sau đây là một số giải thích:

 

1- Thay đổi trong hệ thần kinh trung ương như viêm não, rối loạn sự điều hòa giấc ngủ, trung tâm kiểm soát căng thẳng, Cấu tạo dưới đồi” (hypothalamus) bị xáo trộn; giảm chất cortisol hoặc hóa chất trung gian thần kinh.

 

2- Nhiễm độc đặc biệt là với các loại virus.

 

3- Suy yếu hệ thống miễn nhiễm phòng vệ cơ thể.

 

4- Ở một số người bị Mệt Mỏi Kinh Niên, huyết áp xuống thấp khi họ đứng lên. Nguyên do là có một thay đổi ở hệ thần kinh khiến nhịp tim chậm lại, huyết áp giảm, máu dồn xuống chân, gây ra chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu.

 

5- Sự suy yếu chung của các bắp thịt và hệ thống xương cốt cũng được nêu ra như một giải thích cho hội chứng.

 

6- Nhiều người đôi khi bị rối loạn hô hấp, hơi thở dồn  dập, căng thẳng quá mức, có thể đưa đến ho suyễn, lo âu, tức ngực, tê đầu ngón chân tay vì mất thăng bằng giữa dưỡng khí và thán khí trong cơ thể.

 

7- Sau cuộc chiến vùng Vịnh năm 1990, nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ nhất là nữ giới bị hội chứng này. Sự việc được giải thích là sự căng thẳng  cơ thể khiến máu lưu thông trên óc giảm, virus dễ xâm nhập và gây ra hội chứng.

 

8- Một số dược phẩm gây ra mệt mỏi như thuốc chữa bệnh cao huyết áp, đau nhức, thuốc tâm thần, thuốc trị dị ứng.

 

Triệu chứng

Việc chẩn đoán bệnh đều căn cứ vào lời khai của bệnh nhân về các dấu hiệu, y sử cá nhân, gia đình, các thuốc đang dùng.

 

Ngoài sự mệt mỏi, hội chứng cần có ít nhất bốn hay nhiều hơn những dấu hiệu sau đây để được xác định bệnh:

 

1-Mất trí nhớ ngắn hạn, kém tập trung vào việc làm, sự học hay các sinh hoạt khác;

 

2- Đau cuống họng;

 

3- Nổi hạch ở nách và cổ;

 

4- Đau nhức các bắp thịt;

 

5- Một số khớp xương bị đau nhưng không sưng hay đỏ;

 

6- Nhức đầu trầm trọng;

 

7- Mệt mỏi rã rời suốt ngày sau bất cứ một gắng sức nào;

 

8- Ngủ không ngon giấc hoặc có nhiều nhu cầu ngủ hơn thường lệ.

 

Kết quả thử nghiệm thường không có gì đặc biệt và ít giúp ích cho việc định bệnh.

 

Ta cũng cần lưu ý là có nhiều bệnh  có thể nhầm lẫn với hội chứng này như trầm cảm, nhiễm độc, mang thai, chứng mất ngủ, tâm thân thường xuyên căng thẳng, sử dụng sức lực quá đáng, tiếp xúc với hóa chất môi trường độc, nghiện rượu, ma túy và nhiều bệnh khác.

 

Cho nên khi ta bị mệt mỏi kéo dài cả tháng không bớt thì cần đi tham khảo bác sĩ.

 

Tương lai của người bị bệnh rất khó đoán.

 

Có trường hợp trầm trọng khiến phải nằm liệt giường vì không còn sức di chuyển, sinh hoạt. Nhẹ hơn có người cũng nói là không hoàn tất chu đáo được công việc hàng ngày. Nhiều người than phiền làm việc mà tâm trí để ở đâu đâu hoặc không làm được việc có tính cách tỉ mỉ. Cũng có  người cảm thấy tự cô lập, giảm sinh hoạt, rơi vào tình trạng trầm buồn, ưu phiền.

 

Điều trị

 

Điều đáng tiếc là cho tới nay chưa có phương thức điều trị nào được coi như hữu hiệu, đáng tin cậy để chữa hội chứng mệt mỏi mà chỉ có thể làm nhẹ bớt khó khăn ngõ hầu bệnh nhân  có thể tiếp tục các sinh hoạt hàng ngày.

 

Các lời khuyên về việc áp dụng một nếp sống lành mạnh với tập luyện cơ thể vừa phải, ăn uống cân bằng bổ dưỡng, giữ tâm thân an lạc, hoạt động vừa sức, tất cả đều có ích.

 

Bác sĩ có thể cho dùng vài loại thuốc an thần, chống đau để làm bớt trầm cảm, đau đớn thể xác.

 

Vài trung tâm điều trị khảo cứu có dùng mấy loại thuốc mới như Ritalin, Corticosteroid…Ta có thể xin bác sĩ gia đình giới thiệu tới các trung tâm này để dung thử.

 

Ngoài ra, một số người bệnh còn tìm sự chữa trị ở các phương pháp khác như châm cứu, Đông y cổ truyền, thuốc ta.

 

Có bệnh thì vái tứ phương là vậy.

 

Nhưng nên đề phòng khi có người khoe khoang rằng họ có thuốc chữa dứt hội chứng,. Để khỏi rơi vào  tình trạng tiền mất, tật mang.

 

Chẳng hạn như là muốn khỏi bệnh chỉ nên dùng thuốc của họ. Rằng muốn hết mệt mỏi thì phải sinh hoạt thường xuyên với họ cũng như mua thuốc trực tiếp qua các cơ sở thương mại của họ, với giá tiền quá cao.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D.  Texas-Hoa Kỳ

 
VỀ MỤC LỤC
Khi Đờn Ông … Làm Đẹp  Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Trong năm 2008 này, Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều cơn sốt. Từ cơn sốt đất cho đến cơn sốt vàng, từ cơn sốt gạo cho đến cơn sốt xăng và bây giờ là cơn sốt xi măng. Tất cả các cơn sốt đều làm cho người dân lo buồn sầu não,  toát cả mồ hôi hột và mờ cả hai con mắt. Lo lắng và hốc hác đến không còn hình tượng người ta nữa.

Tuy nhiên, có một sự việc đã làm hạ nhiệt đôi chút, hay ít nữa khiến người ta quên đi cái thực trạng bẽ bàng và cay đắng ấy trong thoáng chốc. Đó là sự việc Việt Nam đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.

Báo “Phụ Nữ Chủ Nhật” số 24 loan tin như sau:

“Tám mươi người đẹp từ nhiều nước trên thế giới đã chính thức bước vào cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 được tổ chức tại Việt Nam. Trong gần một tháng, từ 20 tháng 6 đến 14 tháng 7, những người đẹp sẽ hoạt động theo một lịch trình khá chi tiết: Dự tiệc chiêu đãi, thăm viếng các cô nhi viện, đấu giá từ thiện, trình diễn thời trang, diễu hành trên đường phố, ghi hình cho chín phút phim quảng bá nước chủ nhà Việt Nam, trả lời phỏng vấn báo chí, thi “vấn đáp” với ban giám khảo và tập luyện cho đêm chung kết.

Tuổi thấp nhất của các thi sinh tham dự cuộc thi là mười tám và cao nhất là hai mươi sáu. Tóc đen và tóc xoăn là hai mốt tóc được các thí sinh ưa chuộng nhất trong cuộc thi năm nay.

Các hoạt động liên quan đến cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ diễn ra tại Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương, Nha Trang, Hội An, Hạ Long và Hà Nội. Khán giả sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng tám mươi trong số những cô gái đẹp nhất thế giới khi các cô diễu hành trên đường phố Hội An và Nha Trang…

Lễ đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ năm 2008 được truyền hình trực tiếp từ Cung trình diễn Hoàn vũ (Diamond Bay, Nha Trang) đến 170 quốc gia trên thế giớ vào lúc 9g sáng ngày 14 tháng 7 năm 2008 trên kênh truyền hình Mỹ NBC.”

Nhìn ngắm những hình ảnh của họ nhan nhản trên báo chí cũng như trên truyền hình, gã cũng phải tấm tắc khen ngợi:

- Quả thực họ đẹp thật và xứng đáng làm đại diện cho sắc đẹp thuộc những màu da và ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.

Theo định nghĩa thì hoa ám chỉ người con gái đẹp. Còn hậu là bà vợ chính thức của vua. Vì thế, hoa hậu có nghĩa là bà hoàng của các loài hoa, hay nói cách khác, là người con gái được chấm về nhất trong cuộc thi sắc đẹp.

Tuy nhiên, nghĩ  người mà lại nhớ đến thân. Gã cảm thấy thật tủi cho phe đờn ông con giai. Trong một năm có biết bao nhiêu lễ hội được dành cho đờn bà con gái. Nào là lễ hội tình nhân. Nào là ngày phụ nữ quốc tế, phụ nữ Việt Nam. Nào là ngày tưởng nhớ công ơn mẹ hiền. Trong những lễ hội này, phe đờn ông con giai đành phải bước xuống làm thân trâu ngựa, phải tỏ ra hết mực “ga lăng” bằng cách tặng hoa, tặng quà và không ngừng vuốt râu nịnh vợ con bu nó.

Trong khi đó, thì bản thân mình chẳng có ma nào nhớ tới. Người ta cố gắng vực dậy ngày tưởng nhớ công ơn cha lành trong tháng sáu, nhưng những cố gắng ấy chỉ là như muối bỏ biển, hay là như những tiếng kêu trong sa mạc mà thôi. Số người hưởng ứng chẳng được bao nhiêu.

Hằng năm, người ta tổ chức biết bao nhiêu cuộc thi hoa hậu hoành tráng dành cho nữ giới. Còn nam giới thì bị chìm vào quên lãng, bốn bề phẳng lặng như tờ. Gã chưa bao giờ nghe thấy người ta tổ chức thi sắc đẹp cho nam giới, để bình chọn lấy một anh con giai đẹp nhất, xứng đáng với tước hiệu…”mỹ nam tử”!

Cũng vì lẽ đó, trong chuyện phiếm này, gã muốn dành lại hai chữ “phái đẹp” cho nam giới và chuyện làm đẹp không phải chỉ là chuyện dành riêng cho đờn bà con gái, mà còn phải là lãnh vực tuyệt vời của đờn ông con giai nữa.

Các cụ ta ngày xưa đã bảo:

- Nhân sao vật vậy.

Nghĩa là con người làm sao, thì con vật cũng hao hao làm vậy. Chẳng hạn như tình mẫu tử: Người mẹ nào mà chẳng thương con. Tình thương ấy bao la như biển Thái Bình dạt dào, tình thương ấy tha thiết như đồng lúa chiều rì rào…

Trong một trận động đất, hai mẹ con nhà kia bị kẹt dưới đống gạch vụn. Nghe tiếng đứa con khóc lóc đòi ăn, bà mẹ bèn lấy mảnh kiếng cắt vào đầu ngón tay, để đứa con được bú những giọt máu cuối cùng thay cho dòng sữa đã cạn kiệt với hy vọng đứa con sẽ được sống sót. Sau khi hai mẹ con được cứu thoát, người ta đã hỏi bà mẹ:

- Tại sao bà lại có được một hành động can đảm như thế?

Bà đã trả lời:

Trong hoàn cảnh đen tối ấy, tôi chỉ có một ý nghĩ , đó là phải làm thế nào để con tôi được sống.

Tương tự như vậy, nơi con vật cũng có được một thứ tình cảm tuyệt vời giữa mẹ và con. Hẳn rằng ai trong chúng ta cũng biết hai chữ “đoạn trường” có nghĩa là đứt ruột, để nói lên tình thương đậm đà của khỉ mẹ đối với khỉ con, đồng thời nói lên một câu chuyện thương tâm, đến độ khiến cho người nghe cảm thấy như đứt ra từng khúc ruột và tan nát cả tâm can tì phế.

Theo sách “Sưu Thần Hậu Ký”, thì người kia săn được một khỉ con, đem về nhà làm thịt. Khỉ mẹ trông thấy bèn đi theo, rồi cứ ở trên cây mà kêu la thảm thiết. Cuối cùng khỉ mẹ buông tay, té xuống đất mà chết. Đến khi mổ bụng ra, người ấy thấy ruột khỉ mẹ đã đứt thành thừg khúc.

Chính vì thế, Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều:

- Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.

Tuy nhiên, bốn chữ “nhân sao vật vậy” lại trật lấc khi đem áp dụng vào lãnh vực sắc đẹp. Thực vậy, nơi loài vật, con đực thường đẹp hơn con cái. Con trống thường hay làm dáng, làm dỏm để lấy le và lấy điểm với con mái.

Chẳng hạn như loài sư tử. Con sư tử đực thì có bờm dài ở cổ, to lớn, oai phong lẫm liệt và nhất là…đẹp hơn con sư tử cái.

Chẳng hạn như loài công. Con công đực có bộ lông trang hoàng gồm khoảng hai trăm chiếc, màu lục óng ánh. Cuối mỗi chiếc lông có hình mắt, gồm bốn vòng màu đỏ, đồng, vàng và nâu. Lông trang hoàng mọc ở phần cuối lưng và bao trùm lên trên đuôi. Công đực thường xòe bộ lông  trang hoàng như một chiếc quạt tuyệt đẹp và nhảy múa để ve vãn con cái. Như vậy, công đực vẫn cứ…đẹp hơn công cái.

Gần gũi chúng ta hơn cả là loài gà. Anh gà trống có bộ lông rực rỡ và rực rỡ. Vì thế, nhìn từ bộ vó bên ngoài, thì quả thực anh gà trống thì…đẹp hơn chị gà mái bội phần.

Vì thế trong tiếng Pháp, danh từ ‘’coquetterie’’ có nghĩa là sự làm dáng, làm đẹp được bắt nguồn từ chữ ‘’coq’’ có nghĩa là anh gà trống!

Thần thoại Hy Lạp kể lại rằng: Narcisse vốn nổi tiếng và được coi là anh chàng đẹp giai nhất trong thiên hạ. Nếu tổ chức thi sắc đẹp cho nam giới, chắc chắn anh chàng sẽ được bình chọn làm “mỹ nam tử”.

Narcisse là con của thần sông Céphise. Anh chàng này đã say mê vẻ đẹp của mình bằng cách cúi xuống ngắm nhìn hình ảnh mình được in trên dòng suối. Và cuối cùng, anh chàng đã nhảy xuống để được mãi mãi ôm ấp hình ảnh mình. Kể từ đó, bên dòng suối ấy đã trổ sinh một bông hoa thủy tiên.

Từ những điều vừa trình bày, gã thấy danh từ “phái đẹp” phải được dành cho phe đờn ông con giai, thì mới hợp tình và hợp lý.

Bây giờ xin nói tới chuyện…làm đẹp.

Trong một chuyện phiếm bàn về vấn đề đẹp và xấu, gã đã viết:

- Là đờn bà con gái, mà nếu không biết làm đẹp “mí lại” ăn quà vặt thì hỏng còn là đờn bà con gái nữa.

Còn xét về những nơi những chốn được làm đẹp, gã nhận thấy rằng:

- Hễ hở ra chỗ nào thì các cô nàng liền vội vã trang điểm cho chỗ ấy liền tù tì. Từ cái răng cái tóc là góc con người, đến cái môi cái miệng để mà mần duyên, thậm chí đến cả cái móng chân móng tay đều được các cô nàng trau chuốt một cách tỉ mỉ và kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, vấn đề làm đẹp không phải là một lãnh vực độc quyền của đờn bà con gái, bởi vì ngày nay nó đang được chuyển dần sang phần đất của đờn ông con giai. Vì vậy, phe ta cần phải đoàn kết lại, tiến lên để dành lấy cái quyền thiêng liêng này.

Chuyện làm đẹp dường như đã là một cái gì gắn liền với thân phận của đờn ông con giai. Thực vậy, ngay từ hồi còn tấm bé, mặc dù đầu tóc được “húi ca rê”, năm phân đều, còn được gọi là” húi cua”, thậm  chí có những chú nhóc để đầu “đít vịt”, thế mà trong túi quần lúc nào cũng mang theo một chiếc lược, một mảnh gương…để ngắm nghía và chải chuốt mỗi khi có thể.

Thời đó, chưa có những loại keo xịt tóc, hay những loại thuốc nhuộm màu như bây giờ, thế mà những chú nhóc ấy vẫn chịu khó xức dầu dừa, hay bôi “bi-ăng-tin “ cho mái tóc của mình được đen nhánh và óng mượt.

Những điều đó chứng tỏ việc làm đẹp đã ăn sâu vào máu huyết, cũng như đã ám vào lục phủ ngũ tạng của phe đờn ông con giai, để rồi khi đã lớn khôn và trở nên một con người trưởng thành, anh ta  vẫn cứ quan tâm và chịu khó chăm sóc đến cái ngoại hình của mình.

Sự quan tâm chăm sóc ấy được Nguyễn Du tóm tắt một cách giản đơn, khi diễn tả về anh chàng Mã Giám Sinh,  như sau:

- Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.

Chỉ riêng về cái tóc mà thôi, phe đờn ông con giai đã ăn đứt phe đờn bà con gái. Thực vậy, các bà các cô lâu lâu mới tới tiệm uốn tóc, hay mỹ viện để gội, ép, sấy…mà tân trang cho mái tóc của mình. Trong khi đó phe đờn ông con giai cứ một tháng hay hai tháng lại phải tới tiệm hớt tóc.

Còn để được “mày râu nhẵn nhụi, thì hằng tuần, có khi hằng ngày đối với những người rậm râu, lại phải cạo tới cạo lui một lần.

Theo như gã biết thì thuyết tiến hóa chủ trương: con người liên tục phát triển từ điểm Alpha đơn giản đến điểm Omega tuyệt vời, thì việc làm đẹp của cánh đờn ông con giai cũng vậy.

Thoạt đầu, thì chỉ có những hãng chuyên sản xuất áo quần, thuộc vào loại chất lượng cao, hay hàng hiệu cho con giai. Tiếp đến là những hãng chế tạo những loại nước hoa, có mùi thơm đặc biệt được dành cho nam giới, cái mùi đờn ông ấy mà. Sau đó là các loại sà phòng, sữa tắm…và trăm thứ kỉnh kỉnh khác nữa.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, dịch vụ tân trang nhan sắc cho giới mày râu đã được phát triển và thu hút được rất nhiều khách hàng. Không chỉ những thủ thuật đơn giản như tẩy vết sẹo, xóa nốt ruồi…mà còn căng da mặt, nâng sửa mũi, cắt mí mắt, hút mỡ, thậm chí còn…bơm cả cơ bắp.

Trong một bài viết được đăng tải trên tuần báo “Tiếp Thị”, số  712 ra ngày 13 tháng 12 năm 2006, tác giả Khánh Chi đã ghi nhận một vài trường hợp điển hình như sau:

Trường hợp thứ nhất: Ông T đã 62 tuổi rồi, thế mà vẫn cứ hăng say cống hiến cho công việc. Ông giữ chức giám đốc một doanh nghiệp, lại có cô vợ trẻ  và xinh đẹp. Nhìn thân hình vạm vỡ, không ai bảo ông đã quá lục tuần, nhưng ông vẫn cảm thấy làn da mình đã “xuống cấp” trầm trọng.  Thân hình có thể cải thiện được nhờ tập luyện, còn làn da…

Và thế là ông quyết định đến với thẩm mỹ viện. Sau hàng loạt các xét nghiệm cần thiết, ông được tiến hành căng da mặt. Chỉ vài ngày, các vết phù nề tan hết, khuôn mặt đã tương xứng với thân hình. Sau hai tháng theo dõi, ông đã sở hữu làn da trẻ hơn cả chục tuổi…

Trường hợp thứ hai: Anh S được trời phú cho đôi bàn tay khéo léo, nhưng lại không cho anh một khuôn mặt dễ nhìn. Là một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng, hằng ngày tiếp xúc với bao nhiêu người, nhưng khuôn mặt trán dô, muõi ngắn lại lõm, khiến anh mang nặng nỗi mặc cảm tự ti.

Và thế là anh bèn đi phẫu thuật nâng mũi và khuôn mặt của anh đã được cải thiện. Trán đỡ dô nhờ chiếc mũi cao che bớt.

Bác sĩ Trần Thiết Sơn, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình tại bệnh viện St Paul, Hà Nội, cho hay:

- Trong những năm gần đây, nhu cầu làm đẹp của nam giới liên tục gia tăng. Đối tượng đến làm đẹp chủ yếu là doanh nhân, những người làm nghệ thuật. Công chức cũng có nhưng không nhiều.

Trường hợp thứ ba: Anh L muốn độn cơ bắp vì dù chăm chỉ tập luyện nhưng cơ bắp vẫn không nổi, bộ ngực vẫn xẹp lép. Anh lại có sở thích mặc áo phông, quần bò. Anh đã tìm đến bệnh viện để “nâng ngực”. Bằng kỹ thuật đặt tấm độn, dạng gel dưới da, anh đã có được một thân hình như lòng mong muốn.

Bác sĩ Sơn cũng cho biết:

- Đây là dạng gel, không ảnh hưởng đến sức khỏe, nên ngày càng có nhiều người sử sụng. Có người phần bắp chân quá bé cũng phải làm cách này. Việc đặt tấm độn như thế sẽ kéo dài được khoảng hai mươi năm. Nếu sau này không muốn, người dùng có thể bỏ đi.

Tóm lại, phe đờn ông con giai chúng ta dứt khoát phải đòi cho bằng được cái tước hiệu là phái đẹp, đồng thời phải dành lấy cho mình công việc làm đẹp, tân trang ngoại hình, bơm chỗ nọ hút chỗ kia, cắt chỗ này vá chỗ khác.

Ngoài ra khắp nơi cũng sẽ tổ chức những cuộc thi để bầu chọn Nam sinh Duyên dáng, Thanh niên Thanh lịch, Mỹ nam tử Bãi biển... cũng đủ ba loại trang phục:

- Trang phục tắm: Quần sà loỏng.

- Trang phục truyền thống: Khăn đóng áo thụng,

- Trang phục tự chọn.

Bảo đảm chẳng kém chị em ta một tí ti nào cả. Bởi vì đờn ông xinh đẹp muôn năm!!!

Gã Siêu    gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************