Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 117, Chúa Nhật 18.04.2010


MỤC LỤC 

TÔNG HUẤN PASTORES DABO VOBIS
VỀ VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY            ĐTC Gioan Phaolo 2

THÀNH LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ NĂM 1670                                     Gs. Trần Văn Cảnh

GIÁO HỘI CỦA ĐỨC KYTÔ TỬ NẠN VÀ PHỤC SINH LÀ GIÁO HỘI CỦA NGƯỜI NGHÈO  Lm. Lê văn Quảng

“NĂM LINH MỤC” ĐI TÌM CĂN TÍNH THẬT CỦA LINH MỤC (I)                 Lm. ĐƯỜNG THI 

NHỮNG DẤU ĐINH NGƯỜI HÔM NAY                                                PM. CAO HUY HOÀNG

TRÍ THỨC TRẺ - TƯƠNG LAI ĐANG ĐI VỀ ĐÂU ?                Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

THĂNG TIẾN CÁC MỐI QUAN HỆ CON NGƯỜI QUA LẮNG NGHE                         Trần Hiếu

Cha và Cố                                                                                             Gioan Lê Quang Vinh

KỸ THUẬT THA THỨ                                                                                    Br. Huynhquảng 

TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ - NHỮNG KHÁC BIỆT NƠI NGƯỜI VỢ              Lm. Minh Anh, tổng hợp biên tập

LINH MỤC GIÁO PHẬN SỐNG TU ĐỨC TOÀN DIỆN (bản thảo)      Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

ĐỂ GIẢM CHI PHÍ KHÁM CHỮA BỆNH                                       Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức, M.D.

Ràng Buộc -                                                                                Chuyện phiếm của Gã Siêu


TÔNG HUẤN PASTORES DABO VOBIS

VỀ VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY

 

http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/10/03/tong-huan-pastores-dabo-vobis/

LTS: Nhân dịp Năm Linh Mục và vì nhu cầu tham chiếu qua internet cho những người không có bản văn trong tay, chúng tôi mạo muội cho đánh máy lại bản dịch Việt ngữ Tông Huấn Pastores Dabo Vobis, mà chúng tôi không biết dịch giả, để phổ biến phục vụ nhu cầu học hỏi. Xin chân thành cám ơn dịch giả đã cống hiến cho độc giả một tài liệu rất quan trọng  trong việc đào tạo linh mục. XBVN.

GIỚI THIỆU TÔNG HUẤN PASTORES DABO VOBIS

I. NHẬN ĐỊNH SƠ KHỞI.

Bản dịch Tông Huấn bằng Việt Ngữ, “Những mục tử như lòng mong ước”, mới ra mắt chưa tròn một tháng, với số lượng trên 1000 cuốn, đã cạn sạch. Nhiều nơi còn đặt mua thêm 30, 40, 60… Chắc chắn sẽ có tái bản mặc dầu bản dịch chưa phải là hoàn chỉnh. Được biết có một số giám mục, linh mục và cả nữ tu đang sử dụng tối đa văn bản (đọc đi đọc lại, gạch đích, ghi chú, rút tia đề tài, suy niệm,…) để làm của ăn nuôi sống bản thân, để làm chất liệu hướng dẫn cộng đoàn trong hoàn cảnh hiện tại.

Phải chăng tác phẩm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến đúng lúc để cứu chữa cơn sốt linh mục, để đáp ứng nỗi khát khao mong chờ rạo rực từ nhiều phía, phía Thiên Chúa, phía Giáo Hội nói chung, phía các linh mục nói riêng, và nhất là cả phía giáo dân nữa: làm sao để có được “những linh mục như lòng mong ước”.

Chúng ta không có quyền nhìn và nghe ngóng sự kiện một cách chủ quan, giàn lược hoặc quá lạc quan. Có thể có những người chỉ vì “sính trí thức” mà chạy theo Tông Huấn để tự chứng tỏ chính mình. Cũng có thể có những người chủ trương cơ hội chỉ trích dẫn và chỉ nhấn mạnh những gì trong Tông Huấn đem lại cho lợi ích cấp thòi. Không thiếu những người lần giờ văn kiện với một thái độ hời hợt và thiển cận. Một số đông sẽ vội vàng bỏ cuộc vì nản chí, vì ngại đương đầu với những khó khăn đòi phải tiến sâu vào ngõ ngách của vấn đề.

II. NHỮNG KHÓ KHĂN.

Khó khăn dường như là điều đương nhiên. Thế nhưng không vì vậy mà người Kitô hữu và nhất là người linh mục lại không cùng với Đức Giáo Hoàng tìm hiểu và cảm nghiệm sâu xa nhu cầu bức bách của Giáo Hội hiện nay, một “Giáo Hội là mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ”, một Giáo Hội không lẫn tránh khó khăn nhưng luôn tìm cách đương đầu và vượt qua. Một chi tiết được Tông Huấn lặp đi lặp lại khá nhiều lần là người linh mục vừa “ở trong” Giáo Hội vừa “đứng trước” Giáo Hội: đây lại càng là một thôi thúc để chúng ta nhận định những khó khăn của văn kiện để rồi cũng say mê văn kiện như người soạn thảo đã viêt lên với một tâm hồn dạt dào, tha thiết và say sưa.

1. Phải thú nhận rằng khó khăn thoạt đầu của chúng ta là khó khăn chủ quan của những con người nghiêng chiều về khuynh hướng thực dụng. Chúng ta quen dùng “mì ăn liền”, những bài giảng soạn sẵn, những mẫu suy niệm vắn gọn, mau hấp dẫn và chống lôi cuốn, những áng văn hoa mỹ dành để thưởng thức hơn là đòi phải suy nghĩ bằng tất cả tâm hồn. Đây cũng là nhận xét của Đức Giáo Hoàng ngay trong phần dẫn nhập Tông Huấn: “… Về phần những linh mục ít lâu nay đang thi hành chức vụ của mình, họ dường như rơi vào một sự phân tán thái quá trong những hoạt động mục vụ ngày càng tăng… họ cảm thấy bó buộc phải xét lại lối sống của mình, xét lại những chọn lựa ưu tiên của mình… và đồng thời cảm nghiệm mỗi lúc một sâu sắc sự cần thiết phải có một nền đào tạo trường kỳ”. Trong chương I khi đặt mầu nhiệm linh mục trước những thách đố của thiên nhiên kỳ đang kết thúc, ngài đã nhắc nhở: “truy tầm một sự hiểu biết chính xác và sâu rộng về bản chất và sứ vụ của chức linh mục thừa tác là đường lối phải tuân theo để có thể ra khỏi cuộc khủng hoảng về căn tính linh mục”. Ý thức khó khăn thoạt đầu này, chúng ta mượn lời Thánh Augustinô để cùng khuyến khích nhau đi vào Tông Huấn: Tolle et lege.

2. Khó khăn cơ bản không thể không nhận ra đó là phạm vi bao la và sâu rộng của vấn đề đào tạo linh mục. Đề tựa của Tông Huấn là: “Việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay”. Ngay cả khi chúng ta tự giới hạn khái niệm “đào tạo” vào vấn đề đã là mênh mông rồi. Huống nữa, ở đây, Đức Giáo Hoàng lại mở rộng khái niệm “đào tạo”. Chẳng những đào tạo là đào tạo các ứng sinh linh mục nhưng còn là đào tạo chính các linh mục, ngài coi đó là hai giai đoạn của cùng một tiến trình đào tạo: đào tạo khai đạo (formation initiale) và đào tạo trường kỳ (formation permanente), được khai triển và trình bày trong hai chương cuối là chương V và chương VI.

a) Chương V lấy hình ảnh Nhóm Mười Hai chung quanh Chúa Giêsu trước khi được sai đi làm kim chỉ nam và là chương dài nhất trong Tông Huấn. Phần I bàn về các chiều kích của việc đào tạo các ứng sinh gồm có: nhân bản, trí thức, thiêng liêng và mục vụ. Phần II đề cập tới các môi trường đào tạo như đại chủng viện, tiểu chủng viện và những hình thức khác. Phần III nhắm tới những người đảm nhận trách nhiệm đào tạo, trước hết là Giáo Hội và Giám Mục, sau đó là cộng đoàn hữu trách ở chủng viện, các giáo sư thần học và chính bản thân ứng sinh.

b) Chương VI tuy có phần ngắn hơn nhưng có thể được coi như là chương cao điểm. Hình ảnh chỉ đạo cho việc đào tạo trường kỳ trong chương VI là lời khuyên nhủ mà Thánh Phaolô nói với Timôthê: “Cha kêu mời con khơi thắm lại ân huệ mà Thiên Chúa đã đổ xuống trên con”. Tương tự như chương V, chương VI lần lượt bàn về những lý do thần học của việc đào tạo trường kỳ, khai triển các chiều kích đa dạng của việc đào tạo ấy, cũng gồm có nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ, xét tới ý nghĩa sâu xa của việc đào tạo trường kỳ, đề cập tới tuổi tác và điều kiện sống, xác định những thành phần chịu trách nhiệm về việc đào tạo trường kỳ và sau cùng đề nghị thời giờ, hình thức và những phương thế để tổ chức việc đào tạo trường kỳ.

Hai chương V và VI như chúng ta vừa phác hoạ dầu quan trọng cũng chỉ là phần ứng dụng của những phân tích và suy niệm về nền móng. Những phân tích và suy niệm này lại liên hệ và đan kết với nhau một cách chặt chẽ tuy vẫn được chia thành bốn chương.

c) Chương I có thể ví như một bức hoạ đặt người trẻ ứng sinh cũng như người linh mục vào khung cảnh của thời đại, với những yếu tố tiêu cực cũng như tích cực. Nhưng bức hoạ gắn liền với Tin Mừng: không lẩn tránh sự thật phũ phàng, nhưng cũng không kém lạc quan và nhất là dấu chỉ thời đại không phải để nhận xét suông rồi áp dụng vội vàng, nhưng để nhận ra lời mời gọi, trách nhiệm và bổn phận phải cộng tác, phải không ngừng canh tân và thích nghi. Công cuộc “phúc âm hoá mới” đòi phải có “những nhà phúc âm hoá mới”. Vì linh mục được cất nhắc từ giữa loài người”, nên linh mục và ứng sinh linh mục vừa phải am tường môi trường nhân sinh, phải bén nhạy trước dấu chỉ của thời đại nhưng vừa phải cậy dựa vào lời hứa của Thiên Chúa trung thành, cùng chia sẻ với Giáo Hôi niềm tin tưởng vững chắc và sâu xa vào hoạt động của Chúa Thánh Thần.

d) Chương II truy tầm cội nguồn của căn tính linh mục bằng cách nhìn vào chính Chúa Giêsu linh mục, trong tình yêu Chúa Cha và sự thánh hiến của Chúa Thánh Thần, nhìn vào Giáo Hội trong mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ, móc nối với Đức Kitô Đầu và Mục Tử, hướng đến công cuộc phục vụ Giáo Hội và thế giới. Ngài đã xức dầu thánh hiến tôi”.

e) Chương III khai triển sâu rộng về đời sống thiêng liêng của linh mục một khi được lấp đầy Thánh Thần : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi”. - Cũng như người giáo dân và còn hơn người giáo dân, linh mục được mời gọi nên thánh một cách đặc biệt – Phương thức nên thánh của linh mục là nên đồng hình dạng với Đức Giêsu Kitô Đầu và Mục Tử và là thực thi đức ái mục vụ – Đời sống thiêng liêng và thánh thiện ấy phải được biểu lộ trong việc thi hành thừa tác vụ – Sự thánh hiến của linh mục gắn liền với những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng : vâng phục, nghèo khó và trinh khiết – Yếu tố định đoạt của một đời sống thiêng liêng Kitô giáo và hơn nữa một đời sống thiêng liêng linh mục, đó là ý thức mình ở trong một Giáo Hội địa phương và xả thân phục vụ Giáo Hội ấy một cách tận tụy – Tin vào ân sủng của Chúa Thánh Thần trong mọi hoàn cảnh.

f) Chương IV bàn về ơn gọi linh mục trong mục vụ của Giáo Hội. Mẫu mực của ơn gọi linh mục là cuộc gặp gỡ ban đầu giữa Chúa Giêsu với hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả: “Hãy đến mà xem”. Mọi ơn gọi Kitô hữu đều phát xuất từ Thiên Chúa và đều là ân huệ của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội. Ơn gọi bao gồm cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa đề xướng và con người đáp trả. Làm sao để cổ võ và nuôi dưỡng các ơn gọi (mẫu gương của Anrê trong Tin Mừng Gioan). Mọi thành phần trong Giáo Hội đều có trách nhiệm đối với các ơn gọi linh mục: giám mục, linh mục, gia đình, học đường, giáo dân.

Liệt kê sơ lược dàn bài cùng với những đề tài chính trên đây là để chúng ta nhận thức được tầm mức sâu rộng của Tông Huấn. Tầm mức sâu rộng ấy không cho phép chúng ta dừng lại ở những suy nghĩ phiến diện, hời hợt hoặc xé vụn nhưng ngược lại mời gọi chúng ta đương đầu với khó khăn và nỗ lực đi vào những suy niệm và phân tích của Đức Giáo Hoàng với thái độ chú tâm và với tinh thần Tin Mừng.

3. Hai khó khăn trên không phải là không thể khắc phục nếu chúng ta đánh giá cao và nếu chúng ta ưa chuộng văn kiện quý hoá này. Thật ra, khó khăn đặc biệt của Tông Huấn Pastores dabo vobis là ở chỗ nó được viết ra bằng ngôn ngữ của con tim nên đòi phải được đọc và nghiền ngẫm cũng bằng những rung cảm của con tim. Không giống như thông thường. Tông Huấn về đào tạo linh mục của Đức Gioan Phaolô II không chỉ là thành quả góp nhặt từ quá khứ để lại, từ những nghiên cứu và thảo luận của Thượng Hội Đồng 1990, cũng không chỉ là dùng Quyền Giáo Huấn để đưa ra những chỉ dẫn, khuyên bảo có tính cách giáo thuyết. Hơn thế nữa, ở đây là cả một sự san sẻ những ưu tư, nhận thức và cảm nghiệm sâu xa đã thấm đượm những nhịp đâp của con tim. Người đọc chăm chú có thể lấy làm lạ và ngỡ ngàng tự hỏi: tại sao một Tông Huấn với những đề tài quan trọng và nặng tính chất giáo điều như thế mà lại được diễn đạt một cách say mê và dào dạt kinh nghiệm sống như vậy? Phải chăng chúng ta có quyền coi đây là kiệt tác của Vị Kế Nhiệm Thánh Phêrô thời đại, với biết bao chuyến công du mục vụ ở nhiều nơi trên thế giới, với những tiếp xúc gặp gỡ đậm đà và chân tình cùng các linh mục và giáo dân ở rải rác khắp nơi, với một cái nhìn bao quát và sâu rộng kèm theo mối ưu tư khắc khoải đối với sức sống của Giáo Hội, với những ơn thúc đẩy và soi sáng của một vị Thủ Lãnh Giáo Hội có đời sống nội tâm sâu xa và bén nhạy.

Ngay trong phần dẫn nhập, sau khi đã say sưa kêu gọi người Kitô hữu mạnh mẽ tin tưởng vào lời hứa của Chúa, mặc cho biết bao những khủng hoảng, mặc cho sự xuống cấp, mặc cho tình trạng thiếu hụt linh mục trầm trọng, Đức Gioan Phaolô II đã bày tỏ nỗi lòng của mình: “Tôi muốn ngỏ lời tâm huyết (le coeur) với mọi tín hữu và từng tín hữu, cách riêng với các linh mục và với tất cả những ai đã dấn thân vào trách nhiệm tế nhị trong lãnh vực đào tạo linh mục. Qua Tông Huấn này, tôi mong mỏi được tiếp cận tất cả các linh mục và mỗi một linh mục, triều hoặc dòng”. Trong phần kết luận, ngài còn diễn tả rõ hơn : “Ngài (Đức Kitô Mục Tử Nhân Lành) yêu cầu những con tim khác cũng phải chung nhịp đập – những con tim linh mục – “Các ngươi hãy cho họ ăn”. Như vậy không phải lối suy nghĩ và diễn tả của “người slave” làm cho bản văn ra vòng vo và phức tạp cho bằng những lối nẻo của con tim, lắt léo, uốn khúc, có khi chi li, súc tích… Thừa tác vụ linh mục được gọi là “amoris officium” theo kiểu nói của Thánh Augustinô: “Đời sống thiêng liêng của linh mục không là gì khác hơn sự đón nhận “chân lý” của thừa tác vụ linh mục, được coi là amoris officium, trong ý thức và trong tự do, và bởi đó trong trí óc và con tim, trong những quyết định và những hành động”. (cuối số 24).

Con tim có những tỷ lệ ít cần đếm xỉa đến lý trí. Chẳng hạn để giải quyết vấn đề khủng hoảng về căn tính linh mục, chương II nhằm mời gọi linh mục quay về với nguồn cội tột cùng của mình, để đắm mình trong tình yêu của Chúa Cha, để yêu mến nguồn cội cao cả của chính mình: “Đời sống và thừa tác vụ linh mục là sự nối dài đời sống và hoạt động của chính Đức Kitô. Căn tính của chúng ta nằm ở đó, cũng như phẩm giá thực sự của chúng ta, nguồn mạch vui mừng của chúng ta, và niềm tin vững chắc của chúng ta về sự sống” (cuối số 18).

Vấn đề độc thân linh mục cũng được giải quyết vừa mạnh mẽ, cương quyết nhưng cũng vừa nhẹ nhàng và uyển chuyển. Ý thức sáng suốt những chỉ trích và chống đối, không phủ nhận những lỗi phạm, những khó khăn. Tông Huấn chuyển vấn đề sang mặt tích cực, chiêm ngắm một “Đức Giêsu Kitô mong muốn được linh mục yêu mến một cách hoàn toàn và độc chiếm giống như Đức Giêsu Kitô Đầu và Phu Quân đã yêu mến Giáo Hội” (số 29, phần giữa), kêu gọi linh mục “đón nhận bậc sống độc thân với một quyết định tự do và ngập tràn yêu thương”, xác quyết bậc sống độc thân linh mục là có thể thực hiện một cách trung thành nhờ “cầu xin trong sự kết hiệp với Giáo Hội” và gợi lên “lòng tin cậy và can đảm trong việc tiếp tục tiến bước” (cuối số 29).

Cụ thể, trong việc đào tạo ứng sinh linh mục, bằng ngôn ngữ của con tim. Tông Huấn đòi phải có “sự quan tâm tới du khách, nghĩa là tới con người cụ thể đang dấn thân trong chuyến du hành đào tạo…”, “lòng yêu mến đích thực và sự tôn trọng chân thành đối với người ứng sinh đang bước tới chức linh mục trong những chiều kích cá vị của mình”. (số 61, phần cuối). Việc đào tạo trường kỳ cũng được đẩy xa tới những ngỏ ngách của con tim như khi đề cập đến tình huynh đệ linh mục ở số 74 phần giữa: “Tình huynh đệ linh mục không loại trừ một ai; dầu vậy,…, linh mục có thể và phải dành những ưu tiên cho người nào đang cần giúp đỡ và cần khích lệ nhất. Tình huynh đệ ấy dành một sự quan tâm đặc biệt đối với các linh mục trẻ, duy trì một thái độ đối thoại chân tình và huynh đệ với những linh mục thuộc lứa tuổi trung bình hoặc cao niên cũng như đối với những linh mục nào vì lý do này hay lý do khác đang phải đương đầu với những khó khăn…” Cũng về việc đào tạo trường khi, khi cổ võ những trao đổi và gặp gỡ giữa các linh mục với nhau, Tông Huấn ghi nhận: “Họ sẽ nhờ đó mà chứng tỏ tình yêu của mình đối với toàn thể linh mục đoàn và chứng tỏ niềm hăng say của mình trong việc đáp ứng như cầu của Giáo Hội địa phương là nhu cầu phải có những linh mục được đào tạo hẳn hoi”. (số 76 phần giữa).

Một vài dẫn chứng trong số muôn vàn dẫn chứng khác thiết tưởng tạm đủ để chúng ta cảm phục con tim tràn đầy sức sống được bộc lộ ra trong Tông Huấn lớn lao của Giáo Hội và nhất là để chúng ta cũng đón nhận và đi vào Tông Huấn bằng chính con tim của chúng ta cùng với niềm say mê và nỗi thao thức của những chi thể trong Nhiệm Thể Giáo Hội có Chúa Kitô là Đầu, Mục Tử và Tôi Tớ.

III. MỘT VÀI ĐIỂM NỔI BẬT VÀ LAN TỎA TRONG TÔNG HUẤN

1. Trước hết, trong mạch văn của cái gọi là ngôn ngữ con tim, chúng ta có thể ghi nhận một đức tính mà Tông Huấn luôn kêu mời mặc dầu từ ngữ chỉ được lặp lại nhiều lần khi đề cập tới chiều kích nhân bản và mục vụ của việc đào tạo, đó là tính bén nhạy (sensibilité). Trong số 72, chương V, Tông Huấn viết: “Linh mục phải làm sao để tính bén nhạy nhân bản của mình được nên phong phú nhờ vào một kinh nghiệm ngày càng rộng lớn hơn và để cho Dân Thiên Chúa có thể nói về mình một cách tương tự như tác giả thư gởi tín hữu Do Thái đã nói về Đức Giêsu: Không phải chúng ta có một vị thượng tế bất lực, không cảm thông được những nỗi yếu hèn của chúng ta, trái lại, Ngài đã nếm chịu mọi thử thách, giống như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15)”.

a) Trọn chương I là để khai triển tính bén nhạy đối với môi trường hoàn cảnh chung quanh : những thách đố của thiên niên kỷ thứ hai. Cần phải nhận thức và nhất là diễn giải tình huống phức tạp hiện nay thì mới trả lời được câu hỏi: “Làm sao để đào tạo các linh mục cho thực sự ngang tầm với hoàn cảnh hiện nay, cho thực sự có khả năng phúc âm hoá thế giới ngày nay?” (số 10). Một tính bén nhạy như thế cần phải đưa theo Tin Mừng, cần phải được “soi sáng và cũng cố nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng mọi nơi mọi lúc khơi dậy sự vâng phục đức tin, lòng dũng cảm tươi vui để nối gót Chúa Giêsu, ơn khôn ngoan để xét đoán mọi sự và không bị một ai xét đoán (x. 1 Cr 2.15)” (số 10, gần cuối).

b) Bén nhạy đối với Lời Chúa, đối với truyền thống Giáo Hội, đối với Huấn Quyền (số 26, tr.61).

c) Bén nhạy đối với người nghèo : “Không loại trừ một ai trong việc loan báo và ban phát ơn cứu độ, linh mục biết chú tâm tới những người bé nhỏ, tới các tội nhân, tới hết mọi người sống ngoài lề xã hội…” (số 30, tr. 73)”… giữ mình khỏi mọi thái độ trịch thượng hoặc khỏi việc thi hành một quyền bính nào đó mà không luôn luôn hoặc không chỉ có thể biện minh bằng đức ái mục vụ” (số 60, tr.145). “Các chúng sinh phải tìm kiếm Đức Kitô… nhất là nơi những người nghèo, những người bé nhỏ, những người yếu đau, những người tội lỗi và những người không tin” (số 45, tr.116).

“Linh mục cần phải có khả năng hiểu biết sâu xa lòng trí con người, trực giác được những khó khăn và những vấn đề, tạo điều kiện dễ dàng cho sự gặp gỡ và đối thoại, đạt được lòng tin cậy, sự cộng tác, phát biểu được những phán đoán lành mạnh và khách quan” (số 43, tr. 109).

“Linh mục cần phải lớn lên trong việc tiếp xúc thường ngày với người khác và trong việc chia sẻ cuộc sống với họ mỗi ngày,… hiểu được những nhu cầu và đón nhận những lời kêu cứu, có thể trực giác những yêu cầu không được phát biểu thành lời…” (số 72, tr. 176).

d) Bén nhạy đối với Giáo Hội, “khuyến khích Giáo Hội địa phương sống đậm đà hơn chiều kích phổ quát của Giáo Hội ấy” (số 31, tr.76), “nhằm giúp xây dựng toàn thể cộng đoàn, mọi đặc sủng riêng biệt đều được sắp xếp cho sự phục vụ cộng đoàn ấy” (số 31, tr.77).

Tất cả sự bén nhạy nói trên nhờ “mặc lấy những tâm tình của Đức Kitô”, nhờ “nên đồng hình dạng với Ngài”, nhờ thông phần vào đức ái mục vụ của Ngài, nhờ hoạt động “nhân danh” “thay mặt” Ngài.

2. Ba khái niệm luôn được móc nối với nhay là: hiệp thông, tính phổ quát và tư thế ứng trực (communion, universalité, disponibilité).

Ngay trong phần dẫn nhập, Tông Huấn đã nêu bật kinh nghiệm cụ thể của Thượng Hội Đồng Giám Mục: “kinh nghiệm riêng biệt về sự hiệp thông giữa các giám mục trong tinh thần phổ quát nhờ đó mà cảm thức về Giáo Hội phổ quát cũng như trách nhiệm của các giám mục đối với Giáo Hội phổ quát và đối với sứ vụ của Giáo Hội, được củng cố, trong mối hiệp thông thân ái và thiết thực chung quanh Thánh Phêrô”. Từ nhận định về hoàn cảnh Giáo Hội, trong đó có “sự kiện này là càng ngày người ta càng thuộc về Giáo Hội một cách không trọn vẹn và có điều kiện, gây ảnh hưởng tiêu cực cho sự nở rộ các ơn gọi hướng đến chức linh mục, cho ý thức mà linh mục có về căn tính và về thừa tác vụ của mình” (số 7, tr.18). Đức Gioan Phaolô II đã đề cao tính “tương giao” tính “hiệp thông” của thừa tác vụ linh mục trong Giáo Hội.

Tính chất thiết yếu “tương giao” ấy là “do bởi chức linh mục phát sinh từ nơi sâu thẳm Mầu Nhiệm khôn tả của Thiên Chúa, nghĩa là từ tình yêu của Chúa Cha, từ ân sủng của Chúa Giêsu Kitô và từ ơn hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, người linh mục qua bí tích được hội nhập vào sự hiệp thông với giám mục và với các linh mục khác, để phục vụ Dân Thiên Chúa là Giáo Hội và để dẫn dắt mọi người đến với Chúa Kitô” (số 12, tr.30).

Do đó, thừa tác vụ được điều phối mang “bản chất cộng đồng” và chỉ có thể được hoàn thành như là “công trình tập thể”. Đời sống thiêng liêng cũng được suy niệm trong chiều hướng hiệp thông ấy: từ việc nên đồng hình dạng với Đức Kitô Đầu và Mục tử, đức ái mục vụ cho đến sống các lời hứa vâng phục, khó nghèo, và trinh khiết… Tất cả đều mang chiều kích cộng đồng. Chính vì thế, trong Giáo Hội là mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ, linh mục phải sống với ý thức mình thuộc về Giáo Hội phổ quát qua Giáo Hội địa phương, và phải xả thân phục vụ Giáo Hội một cách tận tụy. Toàn thể Giáo Hội phải chăm lo cho ơn gọi linh mục, vì ơn gọi linh mục là từ trong Giáo Hội và để phục vụ Giáo Hội (chương IV). Hai chương V và VI cũng luôn nêu dẫn chiều kích hiệp thông ấy đối với tiến trình đào tạo : một linh mục đoàn duy nhất, liên kết chặt chẽ với giám mục, gắn bó và kề cận với mọi người.

Điểm đặc biệt ở đây là tính hiệp thông luôn gắn liền với lời mời gọi hướng đến Giáo Hội phổ quát : “bởi vì trong nội bộ Giáo Hội, linh mục là con người của sứ vụ và hiệp thông, cho nên đối với mọi người, linh mục phải là con người của sứ vụ và đối thoại… Linh mục phải nối kết những quan hệ huynh đệ trước hết với các anh em thuộc các Giáo Hội khác và thuộc các hệ phái Kitô giáo, nhưng cũng phải nối kết những quan hệ huynh đệ với các tín hữu thuộc các tôn giáo khác, với mọi người thiện chí và một cách đặc biệt với những người nghèo và những người yếu đuối hơn hết cũng như với hết mọi người, hoặc không nhận thức, hoặc không diễn đạt ra được, đang ngưỡng vọng về chân lý và ơn cứu độ mà Đức Kitô mang đến…” (số 18, tr.42 và 43); “bất cứ thừa tác vụ linh mục nào cũng tham dự vào những chiều kích hoàn vũ của sứ vụ được Đức Kitô giao phó cho các Tông Đồ” (số 32, tr.77); “một não trạng thừa sai, mở ngỏ hướng đến những nhu cầu của Giáo Hội và của thế giới, chú trọng tới những người xa cách nhất và trên hết tới những tập thể ngoài Kitô giáo trong môi trường của mình” (số 32, tr.77). Trong công việc giáo dục và huấn luyện, Tông Huấn cũng khuyến khích sự đóng góp đa dạng cho các giáo phận kề nhau, do những thành phần nam nữ dị biệt…

Tính chất hiệp thông và phổ quát lại dẫn đến một thái độ quan trọng nơi người linh mục : đó là tư tế ứng trực, sẵn sàng để được sai đi bất cứ nơi nào, sẵn sàng chấp nhận vượt ra ngoài biên giới giáo phận, nếu cần luôn tạo thuận lợi cho việc đón tiếp mọi người có nhu cầu, mọi lời kêu cứu. “Ứng sinh linh mục sẽ được giúp đỡ để yêu mến và sống chiều kích thừa sai thiết yếu của Giáo Hội cùng những hoạt động mục vụ đa tạp; họ sẽ được giúp đỡ để trở nên rộng mở và ứng trực sẵn sàng đối với mọi đường lối có thể thực hiện ngày nay nhằm loan báo Tin Mừng… ứng trực, đáp lại Chúa Thánh Thần và đáp lại giám mục, để rồi được sai đi rao giảng Tin Mừng bên kia những biên giới của quốc gia mình” (số 61, tr.147), “liên lỉ ứng trực và sẵn sàng để cho mình bị chộp giữ hay, có thể nói, để cho mình bị “ăn” do bởi những nhu cầu và những đòi hỏi dĩ nhiên cần phải hợp lý của đoàn chiên” (số 28, tr.67).

3. Một yếu tố quan trọng cần được ghi nhận để khỏi lạc hướng khi bước vào Tông Huấn, đó là vấn đề đào tạo nhắm đến phẩm chất linh mục hơn là con số linh mục. Nhiều từ ngữ được dùng để diễn tả trọng tâm đó : “Những nhà phúc âm hoá mới”, “những linh mục ngang tầm với thời đại”, “những linh mục được đào tạo hẳn hoi” (bien formés), “một trình độ đào tạo trí thức ưu tú”, “không phải […] bất cứ những mục tử nào nhưng những mục tử như lòng Ngài mong ước”.

Chính vì thế mà Tông Huấn nhận định tình trạng thiếu hụt linh mục cũng như sự giảm sút ơn gọi linh mục với một thái độ khách quan và bình tĩnh và luôn nêu cao trách nhiệm cộng tác vào sự thực hiện lời hứa của Chúa với một niềm tin vững mạnh và can trường. Cũng chính vì thế mà, không như chúng ta có thể lầm tưởng, Tông Huấn không tự giản lược vào những phân tích và nghiên cứu nhằm đưa ra những phương hướng huấn luyện và giáo dục. Tông Huấn đi xa hơn nhiều, với dụng ý đưa linh mục vào trong mầu nhiệm của cuộc sống : “Từ vấn đề căn tính của linh mục, sự chú trọng được hướng đến các vấn đề liên quan tới tiến trình đào tạo linh mục và tới phẩm chất đời sống các linh mục” (Phần Dẫn Nhập, tr.7).

Chương I nhấn mạnh “bản tính con người” của thừa tác viên, tới môi trường nhân sinh, tới những điều kiện và hoàn cảnh của cuộc sống: “Ngay cả vào năm 2000, ơn gọi linh mục sẽ tiếp tục là lời mời gọi sống chức linh mục độc nhất và trường tồn của Chúa Kitô. Cũng vậy, đời sống và chức vụ linh mục phải thích nghi với mọi thời đại và với mọi môi trường sống” (số 5, tr.12). Trong dòng liên tục này, Tông Huấn không ngừng lặp đi lặp lại “đời sống linh mục”, “đời sống thiêng liêng của linh mục”, “cuộc sống của người linh mục và tính triệt để của Tin Mừng”, “sống nối gót Đức Kitô như các Tông Đồ”, Tông Huấn đạt tới đỉnh cao của việc suy niệm về cuộc sống linh mục, đó là chương VI với việc đào tạo truyền kỳ : sống làm sao cho sâu đậm hơn, khơi thắm lại cuộc đời linh mục đã khởi đầu: “Cha kêu mời con khơi thắm lại ân huệ mà Thiên Chúa đã đổ xuống nơi con”.

Cuộc sống linh mục bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, múc lấy sức mạnh nơi Vị Mục Tử Nhân Lành đã được Cha sai đến trong quyền lực của Chúa Thánh Thần. Đó là căn tính của linh mục, “là nguồn mạch vui mừng của chúng ta, và niềm tin vững chắc của chúng ta về sự sống”. Toàn bộ Tông Huấn nhằm mục đích nối dài và ứng dung sự sống cội nguồn này. Khởi từ việc mô phỏng Vị Mục Tử Nhân Lành đã hiến ban mạng sống, “nhân danh Ngài, các linh mục tiến dâng nghi lễ cứu độ… các linh mục có trách nhiệm xả thân phục vụ Dân Cha để nuôi dưỡng họ bằng lời của Cha và làm cho họ sống bằng các bí tích của Cha; các linh mục sẽ là những chứng nhân thực sự cho đức tin và đức ái, sẵn sàng hiến mạng sống mình như Đức Kitô đã hiến dâng mạng sống cho đàn em và cho Cha” (số 15, tr.37).

Cuộc sống linh mục chính là tham gia và thông phần vào sức sống của Đấng là Đầu của Thân Thể, nên đồng hình dạng với Ngài. Biểu hiện rõ nét nhất của sự tham gia thông phần chính là “đức ái mục vụ”, sự trao hiến trọn vẹn chính mình một cách tích cực và tươi vui, như Đức Kitô Phu Quân đã trao hiến chính Ngài cho Hiền Thê là Giáo Hội. Có thể nói rằng toàn bộ Tông Huấn xoay quanh “đức ái mục vụ” bởi vì đó chính là biểu hiện, là trợ lực, là cội rễ và nguồn mạch của đời sống linh mục: “Việc chuẩn bị cho cuộc sống linh mục nhất thiết bao hàm một nền đào tạo vững chắc về đức ái, nhất là về lòng yêu mến ưu tiên đối với người nghèo…”

Có thể kể thêm “đời sống cầu nguyện” “đời sống bí tích” “sống thinh lặng”, “sống cô đơn” v.v… Nói tóm lại, cả Tông Huấn đều trình bày về sự sống, giới thiệu sự sống và dẫn vào sự sống. Sống chức vụ linh mục chớ không phải có chức linh mục. Tương lai và hy vọng của Giáo Hội là ở đó.

Một đôi điều giới thiệu và gợi ý trên đây chẳng qua là nỗ lực khiêm tốn nhằm giúp bạn đọc đỡ nản chí khi mới bắt tay vào Tông Huấn. Chúng tôi chưa dám tự cho mình là nắm vững được nội dung phong phú và trào tràn của văn kiện. Cũng như bạn đọc, chúng tôi còn phải đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm thật nhiều nữa…

TÔNG HUẤN

VỀ VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

GỞI GIÁM MỤC ĐOÀN - HÀNG GIÁO SĨ - VÀ TOÀN THỂ GIÁO HỮU

SAU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

DẪN NHẬP

1. “Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Ta mong ước” (Gr 3,15).

Qua lời của ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa hứa sẽ không bao giờ để cho Dân Ngài phải thiếu mục tử chăm lo qui tụ và hướng dẫn: “Ta sẽ thôi thúc cho [các chiên Ta] những mục tử để các mục tử chăn nuôi chúng, chúng sẽ không còn phải sợ hãi và hoảng loạn” (Gr 23,4).

Là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội luôn chứng nghiệm cho sự thực hiện lời tuyên sấm ấy và, trong niềm vui, Giáo Hội tiếp tục tạ ơn Chúa. Giáo Hội biết rằng Đức Giêsu Kitô chính là lời hứa của Thiên Chúa được ứng nghiệm, một cách sống động, tuyệt hào và vĩnh viễn : “Ta là Mục Tử Nhân Lành” (Ga 10,11). Là “Mục Tử tối cao của đoàn chiên” (Dt 13,20), Đức Giêsu đã giao phó cho các Tông Đồ và những người kế vị các ngài sứ mệnh chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa (x. Ga 21, 15-17; 1 Pr 5,2).

Một cách đặc biệt, nếu không có linh mục, Giáo Hội sẽ không thể nào thực thi được sự vâng phục cơ bản vốn nằm ngay giữa lòng cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội trong lịch sử, sự vâng phục đối với lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy ra đi,. Hãy chiêu tập môn đệ từ khắp muôn dân” (Mt 28,19) và “hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 22,19; x. 1Gr 11,24). Lệnh truyền ấy có nghĩa là lệnh truyền loan báo Tin Mừng và hàng ngày cử hành hy lễ Mình và Máu Người đã trao hiến và đổ ra cho nhân loại được sống.

Đức tin dạy cho chúng ta rằng Chúa không bao giờ bội ước quên thề. Lời Chúa đã hứa chính là động lực làm cho Giáo Hội vui mừng và vững mạnh, trước sự nở rộ và tình trạng gia tăng con số những ơn gọi linh mục được ghi nhận ở một số miền trên thế giới. Lời hứa ấy còn là nền tảng và là yếu tố kích thích cho một hành vi đức tin cao cả hơn, cho một niềm hy vọng mãnh liệt hơn trước sự thiếu hụt linh mục trầm trọng nơi những miền khác trên thế giới.

Tất cả chúng ta đều được mời gọi chia sẻ niềm tin cậy hoàn toàn vào sự ứng nghiệm liên lỉ của lời Thiên Chúa hứa, như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục đã làm chứng một cách rõ ràng và mạnh mẽ: “Với niềm tin cậy hoàn toàn vào lời hứa của Chúa Kitô: ‘Và Ta, Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế’, Thượng Hội Đồng Giám mục ý thức rằng Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động trong Giáo Hôi; Thượng Hội Đồng tin tưởng một cách sâu xa rằng Giáo Hội sẽ không bao giờ hoàn toàn khuyết vị những thừa tác viên được thánh hiến… Mặc dầu người ta ghi nhận sự thiếu vắng linh mục ở một số miền trên thế giới, Chúa Cha, Đấng khơi dậy các ơn gọi, sẽ không bao giờ ngưng hoạt động trong Giáo Hội” (1).

Đứng trước cuộc khủng hoảng về ơn gọi linh mục, như Tôi đã tỏ bày khi kết thúc Thượng Hội Đồng Giám mục, “giải pháp đầu tiên của Giáo Hội phải là hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Thánh Thần. Chúng ta thâm tín rằng sự phó thác với lòng tin cậy ấy sẽ không làm chúng ta thất vọng nếu chúng ta luôn trung thành với ơn đã lãnh nhận” (2).

2. Trung thành với ơn đã lãnh nhận ! Quả thực, ơn huệ của Thiên Chúa không hủy diệt tự do của con người nhưng lại cổ võ, phát huy và đòi hỏi tự do ấy.

Bởi thế, trong Giáo Hội, lòng tin cậy hoàn toàn vào sự trung thành vô điều kiện của Thiên Chúa đối với lời hứa của Ngài phải kèm theo trọng trách hợp tác với hoạt động của Thiên Chúa là Đấng mời gọi, trọng trách đóng góp vào việc tạo những điều kiện thuận lợi và bảo tồn những điều kiện ấy để cho hạt giống tốt được Thiên Chúa vãi gieo có thể bén rễ và trổ sinh dồi dào hoa trái. Giáo Hội sẽ không bao giờ ngưng cầu xin Đấng làm chủ mùa gặt để Ngài sai thợ gặt đến (x. Mt 9,38); Giáo Hội sẽ đề nghị với các thế hệ trẻ một phương án ơn gọi sáng tỏ và can trường. Giáo Hội sẽ giúp các thế hệ trẻ phân định tính chính hiệu của lời mời gọi từ Thiên Chúa và đáp lại lời mời gọi ấy với lòng quảng đại; Giáo Hội sẽ chú tâm đặc biệt đến việc đào tạo các ứng sinh cho hàng linh mục.

Thật vậy, vì tương lai của công cuộc phúc âm hoá nhân loại, việc chuyên chăm đào tạo các linh mục tương lai triều và dòng, việc nối dài nền đào tạo ấy trong suốt đời sống các linh mục, nhằm giúp họ biết thánh hoá bản thân khi thi hành chức vụ bà biết thường xuyên cập nhật hoá đường hướng dấn thân mục vụ của mình, được Giáo Hội nhìn nhận như là một trách vụ có tầm quan trọng đặc biệt và là một trách vụ hết sức tế nhị.

Nhờ công trình đào tạo ấy, Giáo Hội nối tiếp trong thời gian công trình của Đức Kitô mà tác giả tin mừng Máccô trình bày như sau: “Chúa Giêsu leo lên núi, Ngài gọi những kẻ Ngài muốn đến với Ngài. Họ đã đến với Ngài. Và Ngài đã thiếp lập Nhóm Mười Hai để họ ở với Ngài và để sai họ đi rao giảng, kèm theo quyền xua trừ ma quỉ” (Mc 3,13-15).

Có thể quả quyết rằng trong suốt dòng lịch sử của mình, khi nhặt khi khoan, cách này hoặc cách khác, Giáo Hội đã áp dụng trang Tin Mừng này vào cuộc sống bằng công trình đào tạo các ứng sinh cho hàng linh mục và ngay cả đào tạo chính các linh mục. Dầu vậy, ngày nay Giáo Hội cảm thấy mình được mời gọi đi vào một phương thức dấn thân mới để ứng dụng vào cuộc sống điều mà Đấng là Thầy đã làm với các Tông Đồ của Ngài, trong lãnh vực này, Giáo Hội bị thúc bách bởi những biến đổi xã hội sâu rộng và nhanh chóng, bởi sự đa tạp và dị biệt của những bối cảnh trong đó Giáo Hội loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng. Giáo Hội cũng được khích lệ bởi sự tiến triển thuận lợi về con số ơn gọi linh mục trong nhiều giáo phận trên thế giới, bởi sự khẩn cấp phải duyệt xét lại nội dung và phương pháp đào tạo linh mục, nởi nỗi băn khoăn của các Giám Mục và các cộng đoàn trước sự thiếu vắng linh mục ngày càng tăng, bởi sự cần thiết tuỵệt đối phải làm cho công cuộc “phúc âm hoá mới” có được những “nhà phúc âm hoá mới”, đầu tiên là các linh mục.

Chính trong bối cảnh lịch sử và văn hoá này mà và qua Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới năm 1990, đã tiến hành Đại Hội chung thương kỳ, dành trọn đại hội cho “việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay”, hai mươi lăm năm sau Cộng Đồng, với ý hướng bổ túc giáo thuyết cộng đồng về điểm này và thích nghi giáo thuyết ấy một cách thỏa đáng hơn vào hoàn cảnh hiện nay. (3).

3. Nối tiếp các văn kiện Công Đồng Vaticanô II về vấn đề chức linh mục và đào tạo linh mục (4), nhằm mục đích đem giáo thuyết phong phú được ban hành trong các văn kiện ấy áp dụng một cách cụ thể vào trong những hoàn cảnh khác nhau. Giáo Hội đã nhiều lần bàn luận về các vấn đề đời sống, chức vụ và đào tạo linh mục.

Những cơ hội long trọng hơn cả là các Thượng Hội Đồng Giám mục. Ngay từ Đại Hội chung đầu tiên tháng 10 năm1967, Thượng Hội Đồng đã dành năm ủy ban cho đề tài canh tân các chủng viện. Công việc này đã mang lại một đóng góp dứt khoát cho việc soạn thảo tài liệu của Thánh Bộ Giáo dục Công giáo: “Những tiêu chuẩn cơ bản dành cho việc đào tạo linh mục” (5).

Nhất là Đại Hội chung Thường kỳ, lần thứ hai, vào năm 1971, đã dành phân nửa đại hội cho chức linh mục thừa tác. Được lấy lại và cô đọng trong một vài “lời nhắn nhủ” do vị Tiền Nhiệm của Tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, được đọc lên vào lúc khai mạc Thượng Hội Đồng Giám mục năm 1974, các thành quả của công cuộc tư duy lâu dài ấy chủ yếu liên quan đến giáo thuyết về chức linh mục thừa tác và về một vài khía cạnh tu đức cũng như thừa tác vụ của hàng linh mục.

Trong nhiều cơ hội khác, Huấn Quyền của Giáo Hội đã tiếp tục bày tỏ mối quan tân của mình đối với đời sống và chức vụ linh mục. Trong những năm hậu công đồng, có thể nói không có một bài tham luận nào của Huấn Quyền mà, dưới hình thức này hay hình thức khác, lại không minh nhiên hoặc mặc nhiên lưu ý tới ý nghĩa sự hiện diện của các linh mục trong cộng đoàn, vai trò và sự cần thiết của các linh mục đối với Giáo Hội và đối với đời sống nhân loại.

Những năm gần đây, ở nhiều nơi, người ta đã cảm thấy cần phải quay về với đề tài chức linh mục và đề cập vấn đề dưới một quan điểm tương đối mới hơn và thích nghi hơn cho hoàn cảnh Giáo Hội và văn hoá hiện nay. Tư vấn đề căn tính của linh mục, sự chú trọng được hướng đến các vấn đề liên quan tới tiến trình đào tạo linh mục và tới phẩm chất đời sống linh mục. Thực ra, các thế hệ trẻ được ơn gọi làm linh mục thừa tác biểu lộ rõ rệt những đặc tính khác với những đựac tính của các thế hệ kế cận trước đây, họ sống trong một thế giới mới, một thế giới dưới nhiều phương diện không ngừng biến đổi một cách nhanh chóng. Cần phải chú trọng đến tất cả những điều ấy khi soạn thảo chương trình và khi thực hiện những đường hướng đào tạo linh mục thừa tác.

Về phần những linh mục ít lâu nay đang thi hành chức vụ của mình, họ dường như rơi vào một sự phân tán thái quá trong những hoạt động mục vụ ngày càng tăng. Đứng trước những khó khăn của xã hội và nền văn hoá hiện đại, họ cảm thấy bó buộc phải xét lại lối sống của mình, xét lại những chọn lựa ưu tiên của mình trong việc dấn thân mục vụ và đồng thời cảm nghiệm mỗi lúc một sâu sắc sự cần thiết phải có một nền đào tạo trường kỳ.

Thượng Hội Đồng Giám mục năm 1990 đã hướng những mối ưu tư và những suy nghĩ của mình vào vấn đề gia tăng ơn gọi linh mục, vào việc đào tạo – sao cho các ứng sinh hiểu biết và nối gót theo Chúa Giêsu đồng thời học tập cử hành và sống bí tích Truyền Chức Thánh là bí tích làm cho họ nên đồng hình dạng với Chúa Kitô là Đầu và Mục Tử, là Tôi Tớ và Phu Quân của Giáo Hội – và váo việc xác định những đường hướng đào tạo trường kỳ thích hợp để nâng đỡ cách thiết thực và hữu hiệu chức vụ và đời sống thiêng liêng của các linh mục.

Thượng Hội Đồng Giám mục này cũng có ý giải quyết một yêu cầu của Thượng Hội Đồng trước về vấn đề ơn gọi và sứ mệnh của người giáo dân trong Giáo Hội và trên thế giới. Chính người giáo dân mong ước được các linh mục dấn thân đào tạo họ để giúp họ một cách thỏa đáng trong việc thực thi sứ vụ chung của Giáo Hội. Thực ra, “hoạt động tông đồ giáo dân càng phát triển, người ta càng cảm nhận một cách mãnh liệt nhu cầu phải có những linh mục được đào tạo hẳn hoi, những linh mục thánh thiện. Bởi đó, chính đời sống của Dân Thiên Chúa trở thành lời diễn giải cho giáo huấn của Công đồng Vaticanô II về tương quan giữa chức tư tế công đồng với chức tư tế thừa tác và phẩm trật. Thực vậy, trong mầu nhiệm Giáo Hội, phẩm trật mang tính chất thừa tác (x. Lumen gentium, GH, số 10). Ơn gọi đặc thù của giáo dân càng được đào sâu ý nghĩa thì những gì là đặc thù của linh mục càng hiển thiện hơn” (6).

4. Trong kinh nghiệm tiêu biểu về Giáo Hội của Thượng Hội Đồng, nghĩa là “kinh nghiệm riêng biệt về sự hiệp thông giám mục trong tinh thần phổ quát nhờ đó mà cảm thức về Giáo Hội phổ quát cũng như trách nhiệm của các Giám mục đối với Giáo Hội phổ quát và đối với sứ vụ của Giáo Hội được củng cố, trong mối hiệp thông thân ái và thiết thực chung quanh Thánh Phêrô” (7), người ta đã nghe được tiếng nói minh bạch và thống thiết của nhiwuf Giáo Hội địa phương và lần đầu tiên, trong Thượng Hội Đồng vừa qua, của một số Giáo Hội Đông phương, các Giáo Hội ấy đã công bố niềm tin vào sự ứng nghiệm của lời Thiên Chúa hứa: “Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Ta mong ước” (Gr 3.15). Các Giáo Hội đã canh tân công cuộc dấn thân mục vụ nhằm quan tâm đặc biệt đến ơn gọi và nhằm đào tạo linh mục, với ý thức rằng tương lai của Giáo Hội, sự phát triển và sứ mệnh cứu độ phổ quát của Giáo Hội tuỳ thuộc vào những công việc này.

Giờ đây, với tư cách là Giám mục Tôma và là Đấng kế vị thánh Phêrô, trong Tông Huấn sau Thượng Hội Đồng Giám mục này, Tôi xin đóng góp thêm tiếng nói của Tôi vào trong nền móng rất phong phú gồm những suy tư, những phương hướng và những chỉ dẫn đã dọn đường cũng như đã hình thành các công trình của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng. Tôi muốn ngỏ lời tâm huyết với mọi tín hữu và từng tín hữu, cách riêng với các linh mục và với tất cả những ai đã dấn thân vào trách nhiệm tế nhị trong lãnh vực đào tạo linh mục. Qua Tông Huấn này, Tôi mong mỏi được tiếp cận tất cả các linh mục và mỗi một linh mục, triều hoặc dòng.

Tôi muốn vay mượn tâm tình và lời lẽ của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng trong “Sứ điệp chung kết của Thượng Hội Đồng gởi Dân Thiên Chúa : “Với đầy lòng tri ân và cảm phục, chúng tôi hướng về các linh mục là những cộng tác viên đầu tiên của chúng tôi trong sứ vụ tông đồ. Vai trò của anh em trong Giáo Hội thật là cần thiết và bất khả thay thế. Chính anh em là những người đảm nhận gánh nặng của chức vụ và trực tiếp gần gũi với giáo dân. Anh em là những thừa tác viên của bí tích Thánh Thể, những người phân phát lượng từ bi của Thiên Chúa qua bí tích Thống Hối, những người an ủi các tâm hồn và những hướng dẫn viên cho mọi tín hữu trong cơn lốc của cuộc sống dẫy đầy khó khăn ngày hôm nay”.

“Chúng tôi hết lòng chào đón anh em, chúng tôi bày tỏ với anh em tâm tình biết ơn của chúng tôi, và chúng tôi khuyến khích anh em kiên tâm tiến bước trong niềm vui và lòng hăng say. Đừng lùi bước trước sự chán nản. Công việc của chúng ta không phải là của chúng ta nhưng là của Thiên Chúa”.

“Đấng đã kêu gọi chúng ta và sai phái chúng ta vẫn luôn ở với chúng ta, hết mọi ngày trong đời chúng ta. Quả vậy, chúng ta hoạt động là do được Chúa Kitô ủy thác” (8).

Còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (BÀI 12) THÀNH LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ NĂM 1670
   

Song song với những công việc truyền giáo, thiết lập và xây dựng các giáo phận, đào tạo hàng giáo sỹ địa phương và phát triển các hoạt động mục vụ, Hai Đức Cha Pallu và Lambert đã cùng với các thừa sai khác thực hiện một công trình khác rất quan trọng cho Giáo Hội Việt Nam. Đó là việc thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá. Việc thành lập dòng là một quyết định chung do các thừa sai lấy trong Công Đồng Ayuthia 1664, và là một công trình tập thể được các linh mục và giám mục góp phần suốt trong 350 năm qua. Nhưng ý tưởng, sáng kiến khởi đầu và hành động tạo lập vào năm 1670 là do Đức Cha Lambert.  

1. Năm 1664, đưa ra một « Linh đạo tông đồ » và lập Hội tông đồ « Những người mến thánh giá ». 

Ngày 29/02/1664, Công Đồng Ayuthia đã khởi sự nhóm họp. Qua ba bài 9, 10 và 11, chúng ta đã xem qua những điểm quan trọng cho chương trình truyền giáo đã được các thừa sai quyết định trong công đồng. Chúng ta cũng đã xem qua việc thực hiện hai quyết định quan trọng : thành lập 17 giáo phận tông tòa tại Việt Nam và thành lập chủng viện thánh Giuse tại Ayuthia đào tạo giáo sỹ tiên khỏi cho các giáo phận Việt Nam. Hai quyết định quan trọng khác cũng đã được lấy trong công đồng này : Việc soạn thảo « Một linh đạo tông đồ » và lập hội tông đồ « Những người mến thánh giá ». 

Nhằm cải tiến lối sống không mấy tốt đẹp của các nhà truyền giáo đang sống tại vùng Á Đông, giúp các thừa sai mới và sắp đến, sống xứng hợp với lối sống khổ hạnh chân tu của vùng này và giúp tăng hiệu quả truyền bá Tin Mừng, các nghị phụ Công Đồng Ayuthia đã đưa ra một « Linh đạo tông đồ », theo đó, các thừa sai ở vùng này được một ơn gọi khác thường thì phải có lối sống cũng khác thường, nên :

- Các thừa sai phải từ bỏ hoàn toàn sự tự do xử dụng linh hồn mình và các tài năng mình, từ bỏ cả sự vui thú xảy đến do các thụ tạo hay do ơn siêu nhiên, hầu phó thác hoàn toàn cho Thánh Linh hoạt động.

- Các thừa sai phải luôn luôn lắng nghe tiếng Chúa Thánh Linh.

- Các thừa sai phải bắt chuớc các nhà Sư Sãi ở Xiêm, không dùng thuốc khi đau bệnh và không nằm trên giường nệm.

- Trừ ba ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, Hiện Xuống, còn trong các ngày khác quanh năm : kiêng thịt và ăn chay mọi ngày, không uống rượu.

(Đỗ Quang Chính, SJ, Dòng Mến Thánh Giá những năm đầu, San Diego ‘ Montréal, (2007), tr. 31-32) 

Cùng với việc đưa ra một Linh Đạo Tông Đồ, Công đồng Ayuthia đã quyết định lập hội tông đồ Những Người Mến Thánh Giá, theo những gợi ý quan trọng của Đức Cha Lambert.

Theo nhận định của cha Roland Jacques, O.M.I, thì « Hội Tông Đồ sẽ phải là dòng khấn trọng nghiêm ngặt hơn hết chưa bao giờ có trong Giáo Hội và khác biệt với mọi dòng khác. Hội tông đồ này gồm ít là hai ngành khác nhau, chia ra ba loại thành viên khác. Loại thứ nhất gồm các giám mục và các bề trên miền truyền giáo, được kêu gọi khấn hứa một đời sống tông đồ khắc nghiệt hết sức, tức là phải giữ đến cực độ ba lời khấn cả ở tòa trong và phải sống khổ hạnh cũng đến cực độ. Loại thứ nhì là các các thừa sai khác, gồm linh mục, tu huynh và giáo dân, mà luật sống của họ khá giống với luật Dòng Tên, ít ra như người ta nghĩ vào lúc ban đầu của Hội. Tất cả các thừa sai thuộc hai loại trên phải sống cộng đoàn và khắc khổ nghiêm ngặt, phải thích nghi với não trạng Á châu, điều mà Đức Cha Lambert đã nhận ra qua sự đạo đức nơi các nhà tu Á châu. Loại thứ ba gồm các thành viên bản địa cũng sống theo lý tưởng từ bỏ này. Trongloại thứ ba, ít ra phải hình thành ngay một dòng nữ ». (Đỗ Quang Chính, Sđd, tr. 33-34)

Mục đích của hội là vun trồng khắp nơi tình yêu thực sự đối với thánh giá Con Thiên Chúa. Ai gia nhập hội thì giữ 6 điều sau :

- Giảng dạy và theo con đường chật hẹp của Phúc Âm, và xa lánh con đường rộng rãi.

- Lãnh nhận các bí tích thường xuyên nhất có thể, tuy nhiên phải vâng ý vị linh hướng mình.

- Mỗi ngày phải làm nửa giờ suy niệm về cuộc đời đau khổ, sự thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu Kitô.

- Mỗi ngày, vào ban chiều hay buổi tối, phải làm việc đánh tội trong khi đọc kinh « Miserere ».

- Vào ngày chúa nhật Lễ Lá cùng bốn ngày tiếp theo, phải làm gấp đôi việc hãm mình đó, và vào ngày thứ sáu tuần thánh, phải làm gấp ba lần, để tôn kính trọng thể cuộc Thương Khó và một cách đặc biệt, ngày tử nạn của Con Thiên Chúa.

- Phải tuân giữ đặc biệt là yêu thương kẻ thù địch mình. 

Đức cha Lambert đã thuyết phục được Đức cha Pallu và các thừa sai khác chấp nhận chương trình này. Và trong công đồng Ayuthia, tất cả các vị hiện diện đều đã tuyên khấn : «... Chúng tôi tuyên hứa và thệ nguyện với Thiên Chúa rất tốt lành và rất cao cả đức khó nghèo đời tu sĩ, đức khiết tịnh và đức vâng phục, và nhất là điều được diễn tả qua ba lời khấn trên, nghĩa là sự thanh thoát toàn vẹn của linh hồn cùng các năng lực của linh hồn, từ bỏ tuyệt đối việc tự do xử dụng các năng lực tâm hồn cũng như từ chối mọi niềm vui vẻ có thể đến từ một thụ tạo hay ngay cả từ những ân huệ trên trời; sau cùng và theo Bên Trên sẽ ban cho chúng tôi, một niềm vâng phục trọn vẹn theo sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

«Chúng tôi cũng thề nguyền vâng lời hoàn toàn Đức Giáo Hoàng...

«Ngoài ra, chúng tôi tuyên hứa không tìm kiếm một bổng lộc nào, một tước vị nào, một chức vụ thuộc bất kỳ loại nào, một cách trực tiếp hay gián tiếp...».

(Đào Quang Toản, Mến Thánh Giá thế kỷ 17 : thành lập và tổ chức ; 1998, ch.1) 

Một năm sau, tháng giêng 1665, đức cha Pallu lên đường trở lại Âu Châu. Ngoài các mục đích khác, ngài còn phải đệ trình lên Toà thánh để xin chuẩn nhận « Linh Đạo Tông Đồ » và việc thành lập «Hội dòng tông đồ Những Người Mến Thánh Giá». Tới Roma vào tháng tư năm 1667, đức cha Pallu trình bày với Thánh bộ Truyền Giáo về tình hình chung của các vùng truyền giáo Á Đông, đặc biệt là những vấn đề mà Công Đồng Ayuthia đã nêu ra, nhưng ngài chưa dám đề cập đến Linh Đạo Tông Đồ và Hội tông đồ Những Người Mến Thánh Giá, vì ngài đoán trước Thánh Bộ sẽ không chấp thuận. Sau đó, tháng giêng 1668, Đức cha đến Paris, bàn việc với Ban Giám Đốc Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Ngày 10/11/1668, đức cha trở lại Roma trình bày với Thánh Bộ hai vấn đề cam go trên. Ngày 13.8.1669, Thánh bộ Truyền Giáo báo cho đức cha Pallu quyết định của Thánh Bộ là bác bỏ « Linh Đạo Tông Đồ » và « Hội tông đồ Những Người Mến Thánh Giá » và giải thệ các lời đã khấn ; Ngày 6 tháng chín sau đó, đức giáo hoàng Clément IX xác nhận quyết định trên của Thánh bộ. Từ Roma trở lại Paris, đức cha Pallu thông báo tin trên cho đức cha Lambert de la Motte qua lá thư đề ngày 6.12.1669.  

Trong khi Đức cha Pallu bôn ba ở Âu Châu, thì trên cánh đồng truyền giáo Á Đông Đức cha Lambert rất lạc quan. Tháng 10 năm 1667 ngài biên cho Đức cha Pallu một lá thơ loan báo dự tính của ngài : «Từ ít lâu nay tôi cứ toan tính viết cho đức cha, bàn tới ba việc phục vụ lớn mà chúng ta có thể đem lại cho Giáo Hội tại vương quốc này và ba việc ấy chắc sẽ được đón nhận tốt.

Việc thứ nhất là thành lập tại đây một chủng viện và một nhà trường thường trực cho tất cả các quốc gia, có thể chứa được gần một trăm người; đó là chuyện mà chúng ta đã đề đặt ra các điểm căn bản rồi, trong hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ ban cho được phát triển khả đáng.

Việc thứ hai là thiết lập một cộng đoàn các thiếu nữ đồng trinh ; cộng đoàn này có thể sẽ cũng vậy và sẽ đông hơn cộng đoàn các thày chủng sinh. Về chuyện này, chúng ta sẽ cần tới một hoặc hai phụ nữ đức hạnh từ Pháp, có đặc ân về công tác này. Đi đường biển để đến đây thì không là chuyện khó khăn lắm; các phụ nữ ấy không được kém can đảm hơn các bà nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Các bà Bồ Đào Nha đi khắp miền Ấn Độ Dương, và các bà Tây Ban Nha còn đi tới tận Phi Luật Tân.

Việc thứ ba là việc sẽ đem lại kết quả nhiều nhất dưới con mắt của triều đình là việc tạo nên một bệnh viện cho các kẻ đau yếu, và để điều hành bệnh viện thì cần hai người nhiệt tâm trong việc phục vụ người nghèo. Hai người ấy nên hiểu vài sự trong khoa giải phẫu và y học. Rồi ngay cả khi những sự giúp đỡ trên không lấy gì làm khéo léo lắm, ở chốn này họ cũng được xem như những kẻ xuất chúng rồi ». (Đào Quang Toản, Sđd, ibid.) 

Việc thứ hai mà đức cha nói ở đây, liên hệ đến việc thiết lập một cộng đoàn các thiếu nữ đồng trinh, không hiểu đức cha chỉ nghĩ đến việc lập cộng đoàn này ở Ayuthia, nước Xiêm, hay có liên tưởng cả đến việc lập cộng đoàn này ở Đàng Ngoài và Đàng Trong nữa ? Trong thực tế, đức cha đã chính thức thiết lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá đầu tiên vào ngày 19/02/1670, bằng cách nhận lời hứa của hai dì Phaola và Inê tại Phố Hiến, Đàng Ngoài. Rồi tháng 12 năm 1671 ngài đã lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá ở An Chỉ, Đàng Trong. Sau cùng, năm 1672, ngài đã lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Ayuthia, nước Xiêm, gồm khoảng 4 hay 5 chị em, tất cả đều là người gốc xứ Đàng Trong.   

2. Năm 1670, thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài

Năm 1666, cha Deydier đến Đàng Ngoài. Một năm sau, ngày 01.11.1667, ngài đâ loan tin cho đưc cha Pallu và tháng giêng năm 1668 cho đức cha Lambert về sự kiện « các thiếu nữ và một vài bà góa muốn sống chung với nhau », « có nhiều người đã dâng hiến cho Thiên Chúa đức đồng trinh của mình và một số đông các quả phụ trẻ tuổi đã từ chối  việc tái hôn lần thứ hai », « Con nghĩ rằng con có thể quy tụ lại được gần ba chục chị em là những người chỉ ao ước sống như thế », « hy vọng rằng Thiên Chúa ban cho chúng con phương tiện để có thể tạo nên một thứ tu viện trong đó những chị em này và nhiều chị em khác đủ mọi lứa tuổi có cùng lòng ao ước như vậy, sẽ sống chung với nhau » . Có thể nói được rằng cha Deydier đã chuẩn bị mọi sự sẵn sàng để có thể tiến đến việc lập một dòng nữ.  

Trong hai năm 1668 và 1669, bốn linh mục việt nam đầu tiên đã được đức cha Lambert phong chức tại Ayuthia. Đó là các cha Giuse Trang và Luca Bền thuộc địa phận Ðàng Trong. Cha Bênêđictô Hiền và cha Gioan Huệ thuộc địa phận Ðàng Ngoài. Qua tin tức do hai cha Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ cho biết về tình hình phát triển của giáo phận Ðàng Ngoài, Ðức cha Lambert nghĩ rằng đây là thời gian thuận tiện để xem xét việc tổ chức giáo hội ở đây với những đơn vị căn bản của nó : giáo hạt và giáo xứ, hầu xây dựng một nền tảng vững chắc, hữu hiệu, thứ tự và an bình về tổ chức và nguyên tắc mục vụ. Nghĩ như vậy, Ðức cha quyết định đi kinh lý Ðàng Ngoài.

Ðược hai cha Jacques de Bourges và Gabriel Bouchard hộ tống, Ðức cha Lambert lấy tầu khởi hành ngày 23/07/1669. Ngày 30.8.1669, Đức cha Lambert đến Đàng Ngoài bằng tầu buôn của ông Junet người Pháp, gốc miền Bourguignon. Ngài ở lại đây được sáu tháng. Ngày 19.02.1670, thuyền rời bến cảng và ngày 14.03.1670, thuyền của ngài ra khơi về Xiêm.

Trong thời gian kinh lý Dàng Ngoài này, đức cha Lambert đã làm được bốn việc quan trọng : 1- Chứng kiến tận nơi đời sống đức tin của giáo dân việt nam và ban bí tích thêm sức cho họ ; 2- Truyền chức 7 tân linh mục, ban các chức nhỏ  cho 20 thầy giảng hạng thứ và ban phép cắt tóc cho khoảng 20 chủng sinh trẻ hơn ; 3- Họp Công Đồng Phố Hiến đặt nền tảng sinh hoạt và cơ cấu tổ chức giáo phận Đàng Ngoài ; 4- Lập dòng nữ Mến Thánh Giá. 

Ngày 14/02/1670, Công Đồng Phố Hiến đã khởi họp, dưới sự chủ tọa của Đức cha Lambert, với sự tham dự của 12 linh mục, trong đó có 3 thừa sai François Deydier, Jacques de Bourges, Gabriel Bouchard và 9 linh mục Việt Nam : Bentô Văn Hiền, Gioan Văn Huê, Martinô Mát, Antôn Văn Quế, Philipphê Văn Nhân, Simong Kiên, Giacôbê Văn Chiêu, Vitô Văn Trí, Lêông Văn Trông. Một bản văn công đồng đã được ký chung gồm 34 khoản, quy định các chức năng, kỷ luật, việc tổ chức và điều hành Giáo Hội địa phương. Văn bản được gửi sang Toà thánh Roma để xin phê chuẩn. Toà thánh, sau khi duyệt xét và thêm bớt một số chi tiết, rút lại còn 33 khoản, đã chuẩn nhận ngày 23.12.1673.

Trong bản văn Công Đồng Phố Hiến đã được chuẩn nhận này, vẫn còn 2 khoản liên quan tới «dòng Mến Thánh Giá». Rõ rệt Công Đồng Phố Hiến đã quan tâm đến việc tổ chức Dòng Mến Thánh Giá.

Khoản 18 viết : « Những vị cai quản trên đây (các Thầy cả) cũng phải săn sóc không ít đối với các trinh nữ và các quả phụ, là những người đã tự ý lựa chọn giữ tiết dục, hiến mình phụng sự Đức Chúa Trời và sống chung với nhau.

Khoản 21 viết : «Các vị cai quản (thầy cả), các Thày giảng và các vị Trùm trưởng phải khuyên bổn đạo để họ theo đuổi, giữ đời sống nhiệm nhặt và con đường bé nhỏ của Phúc Âm, nhắn nhủ họ làm việc suy ngắm công khai trong nhà thờ ít là vào những ngày lễ, nhất là suy ngắm trong nhà thờ về những mầu nhiệm quan trọng nhất của đức tin chúng ta ».  

Ngày thứ tư lễ Tro, 19/02/1670, Đức cha Lambert đã chính thức khai sinh Dòng Mến Thánh Giá tại giáo phận Đàng Ngoài. Đức cha đã hiện diện trong lễ « tận hiến » của hai nữ tu Mến Thánh Giá việt nam đầu tiên. Đó là dì Phaola và dì Anê. Lễ tận hiến này, cũng giống như Công Đồng Phố Hiến, có lẽ đã được tổ chức trên tầu Pháp, trong khu vực Phố Hiến.

Mấy ngày trước khi các dì khấn, tại Phố hiến, đức cha đã biên cho các dì một lá thơ, nói tới việc gởi cho các dì một bản « Những điều lệ nhỏ », mà ngài đã soạn từ lâu, để giúp các dì sống. Bản « Những điều lệ nhỏ » này chính là bản hiến chương « Luật Tiên Khởi Dòng Nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô », gồm năm chương : Giáo đầu, Mục đích, Các nhiệm vụ của Tu hội, Quy tắc (14 điều), Kết luận.

Dự lễ khấn xong, đức cha theo tầu Pháp rời Phố Hiến, trở về Ayuthia. Nhưng tới cửa khẩu, gặp gió to bão lớn, tầu không ra khơi được, phải đợi lại ở đây đến ngày 14/03/1670, mới giong buồm ra biển về Ayuthia được. Trong những ngày chờ đợi này, đức cha đã biên thơ nhắn nhủ hai dì Phaola và Anê.

Bức thư đặc biệt nhắc đến tinh thần tu đức cốt lõi của Dòng Mến Thánh Giá : « chúng con không còn thuộc về mình nữa, song hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Chúng con đã tận hiến mình cho Người, hầu từ nay trở đi chỉ còn chuyên cần lo hiểu biết Người và yêu mến Người, bằng sự nguyện ngắm và bắt chước đời sống đau khổ của Người và bằng cách tuân giữ những nghĩa vụ của Hội dòng chúng con…. chúng con thấy đó sự cao sang của ơn gọi chúng con và chúng con đã chết cho thế gian; nghĩa là chết cho các giác quan, bản tính và lý trí con người, để từ nay chỉ còn sống theo những lời dạy, những việc làm và cuộc đời Chúa Giêsu Kitô »

Bức thư cũng nhắc nhớ các chị lo lắng huấn luyện các tập sinh và cầu nguyện cho những kẻ ngoại và những kytô hữu bê bối được ơn trở lại ; « Cha cũng dặn dò chúng con một cách riêng phải vô cùng lo lắng cho các chị em tập sinh của chúng con mà chúng con phải xem họ như những của thánh mà Thiên Chúa đã đặt để trong bàn tay chúng con. Chúng con hãy nhớ thường xuyên dạy bảo họ mục đích chính của Hội dòng chúng con là tiếp tục đời sống đau khổ của Chúa Giêsu Kitô nơi họ và hằng ngày xin Người, qua những lời nguyện, nước mắt, công việc, hy sinh của chúng con, ơn trở lại cho những kẻ ngoại đạo và những Kitô hữu bê bối ». (Đào Quang Toản, Sđd, chương ba)

Theo lời thơ này, chúng ta có thể hiểu được rằng vào năm 1670 này, ở Đàng Ngoài đã có một vài địa điểm mà các chị quy tụ sống chung với nhau, mà hai dì Phaola và Inê là bề trên. Nhưng không có tư liệu nào ghi rõ rệt. Ngày nay, người ta tạm cho là ở Kiên Lao và Bái Vàng. (Đỗ Quang Chính, Sđd, tr. 93).

3. Dòng Mến Thánh Giá phát triển  

Từ cuối tháng 8/1671 đến tháng 3/1672, Ðức cha Lambert đi kinh lý Đàng Trong lần thứ nhất. Trong khoảng thời gian này, vào tháng 12 năm 1671, ngài đã lập Hội Dòng Mến Thánh Giá ở An Chỉ, Quảng Ngãi. Nhà dòng gồm 10 chị, sống chung trong cùng một cộng đoàn trong ngôi nhà và vườn do bà Luxia Kỳ dâng cúng. Họ có một chị bề trên mà họ yêu mến và hoàn toàn tôn trọng. Họ có một lòng tin tưởng và vâng phục trọn hảo nơi vị linh hướng của họ. Luật dòng của họ hoàn toàn giống với luật dòng Mến Thánh Giá Đàng Ngoài.  

Cuối tháng 3/1672, ngài trở về Thái Lan. Ngài đã thực hiện một số công việc quan trọng, trong đó có việc thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Ayuthia vào khoảng cuối năm 1672, với bản luật như ở Việt Nam. 

Trong chuyến kinh lý Đàng Trong lần thứ II, từ 06/08/1675 đến 22/04/1676, đức cha đã được một niềm vui lớn. Trong thơ gởi cho đức cha François de Laval, ngài viết : «Ngày 14.11.1676- Tháng năm vừa qua, tôi đã trở về từ xứ Đàng Trong thương mến của tôi, nơi tôi đã đi thăm tất cả các tín hữu trong nhiều tỉnh hạt, với một niềm vui khó tả được.

Tôi đã thăm một cộng đoàn các chị em đồng trinh là những kẻ đang đến cùng Thiên Chúa với cung cách cao cả và họ cần chúng tôi đặt hạn mức cho lòng sốt sắng của họ».

Và cho bà công tước Longueville ở Pháp, ngài viết : « Xiêm La ngày 16.11.1676 - Bà Bá Tước sẽ được vui mừng khi tôi cho tin bà hay rằng cộng đoàn các chị em đồng trinh mà chúng tôi có được ở xứ ấy là những tâm hồn ưu tú, họ mang danh hiệu Chị em Mến Thánh Giá đấng Cứu Thế, là Đấng mà họ cố gắng bắt chước đời sống và những đau khổ của Người». 

(Đào Quang Toản, Sđd, chương năm) 

Dòng Mến Thánh Giá phát triển và tăng trưởng không ngừng. Nhưng lịch sử hình thành và phát triển của Hội Dòng cho thấy rằng các nữ tu Mến Thánh Gía Việt-nam đã trải qua một đêm dài khủng khiếp – từ những năm cuối thế kỷ 17 đến những năm đầu thế kỷ 20 – với biết bao thử thách nội bộ, như không được giáo quyền nhiều nơi công nhận và nâng đỡ và những thử thách khách quan, đó là các cuộc bách hại đạo đã làm đổ máu của biết bao nhiêu chị em Mến Thánh Giá.  

Có thể nói, chỉ từ sau ngày Bộ Giáo Luật được ĐGH Bê-nê-đi-tô XV ban hành vào năm 1917, Dòng MTG Việt-nam mới bắt đầu có được một vị trí xứng hợp, khi các chị em được chính thức công nhận là nữ tu mặc dầu chỉ có lời khấn đơn và sống giữa lòng xã hội, vì trước đó họ chỉ được coi là những phụ nữ thuộc hội đạo đức mà thôi.

Rồi trải qua những cải tổ, cải cách – đặc biệt là cuộc cải tổ được Đức Cha Louis de Cooman (Hành) cho thực hiện với Hội Dòng MTG Phát-Diệm dẫn đến việc 61 chị em Mến Thánh Giá đầu tiên được tuyên khấn tạm, ngày 02/02/1925 với ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục; hay cuộc cải tổ do Đức Cha Phan-xi-cô Chaize (Thịnh) cho thực hiện với Hội Dòng MTG Hà-nội từ năm 1938, dẫn đến lớp khấn đầu tiên vào ngày 02/02/1941 – Dòng MTG Việt-nam dần dần đi vào nề nếp qui củ. Nhiều Hội Dòng MTG được chính thức thành lập trên cả 3 miền đất nước, nghĩa là qua những cuộc cải tổ để có nghi thức khấn tạm và vĩnh viễn cũng như có qui định về tu phục. 

Sau công Đồng Vatican II, một luồng gió canh tân đang hướng dẫn dòng Mến Thánh Giá trở về nguồn, về với nguyên hứng ban đầu của Đấng Sáng lập. Năm 1970, một lể kỷ niệm Đệ Tam Bách Chu niên thành lập Dòng Mến Thánh Giá của 14 hội dòng Mến Thánh Giá miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào đã được tổ chức tại tại tu viện Mến Thánh Giá Chợ Quán, là một sự kiện mang ý nghĩa lớn. Dịp này, một bản dự thảo Hiến Pháp in ronéo cho dòng Mến Thánh Giá của cha Luca Huy được đề nghị ra để tham khảo, và việc thành lập « Học viện liên dòng Mến Thánh Giá » cũng được Đại Hội biểu quyết. 

Trong những năm đầu thập niên 80, nhờ sự quan tâm của cha Vương Đình Khởi và nỗi thao thức mục tử nơi Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, một « Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Dòng Mến Thánh Giá thành phố Hồ Chí Minh » đã được thành lập với phiên họp đầu tiên diễn ra ngày 25/08/1985. Cha Vương Đình Khởi được Đức Tổng Giám Mục định vị là « cố vấn của Nhóm ». Các thành viên trong Nhóm gồm cha cố vấn và 14 nữ tu trong 7 hội dòng tại thành phố, thường là chị tổng phụ trách và chị thư ký. Ban chỉ đạo gồm có cha cố vấn, chị tổng phụ trách Chợ Quán, chị tổng phụ trách Gò Vấp và chị tổng phụ trách Thủ Thiêm. 

Sau khi thành lập, Nhóm khẩn trương bắt tay vào việc ngay, qua ba giai đoạn :

Giai đoạn 1 : Soạn tiểu sử Đấng Sáng Lập và linh đạo (1985-1987)

Giai đoạn 2 : Soạn thảo Hiến Chương (1987-1990)

Giai đoạn 3 : 1990-1993 : tổ chức những khóa bồi dưỡng và thực hiện được ba tiểu phẩm :

- Soạn quyển Nghi thức Dòng Mến Thánh Giá (1991).

- Soạn quyển Giải thích phần Linh đạo của Hiến Chương (1993).

- Soạn Quy chế Mến Thánh Giá tại thế (1995) 

Năm 1998, Nhóm Nghiên Cứu cho tái bản « Tập tiểu sử và bút tích Đức Cha Lambert de la Motte ». Và trong hai năm 1998-1999, Nhóm soạn thảo lại và bổ sung quyển Hiến Chương năm 1990. Ngày 02 tháng 02 năm 2000, Đức Tổng Giám Mục Phạm Minh Mẫn, đã chính thức phê chuẩn Hiến Chương cho 7 hội dòng Mến Thánh Giá có nhà mẹ trong tổng giáo phận. Hiện nay có hội dòng Mến Thánh Giá Los Angeles (Hoa Kỳ) và 19/23 hội dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam đón nhận Hiến Chương này. 

Hướng về tương lai gần và xa, Nhóm Nghiên Cứu cưu mang ba dự án :

1. Soạn quyển lịch sử Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam, điều mà Nhóm ôm ấp từ lâu nhưng chưa thực hiện được.

2. Hình thành một Học viện Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá. Trong tinh thần chuẩn bị, hiện đang có một lớp Bồi dưỡng Thần học Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá, kết hợp với khối Thần học Dòng nữ của Liên Tu sĩ thành phố.

3. Lập Liên Hiệp Dòng Mến Thánh Giá, bắt đầu cho tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh và khi thuận tiện cho toàn quốc.

(Đào Quang Toản, Những cải cách trong lịch sử dòng Mến Thánh Giá,

http://pagesperso-orange.fr/daoquangtoan/articlesPJD/NhungCaicach.htm) 

Thống kê năm 2003 cho thấy: 23 Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam, một Hội Dòng Mến Thánh Giá gốc Việt tại Hoa Kỳ, ba Hội Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan và một Hội Dòng Mến Thánh Giá Lào có tổng số thành viên khoảng 5.500 nữ tu, gồm các Tập Sinh và Khấn Sinh, trong đó số nữ tu người Việt nam chiếm đa số. 

Hiện nay, trên toàn cõi Việt-nam, có 23 Hội Dòng, phục vụ trong 16 giáo phận. Các giáo phận không có Dòng MTG là Bắc-ninh, Lạng-sơn, Hải-phòng và Thái-bình trong Tổng giáo phận Hà-nội; Kon-tum, Đà-nẵng và Ban-mê-thuột trong Tổng giáo phận Huế; Long-xuyên và Phú-cường trong Tổng giáo phận Tp.HCM. Cuối năm 2004, tổng số Nữ tu khấn trọn là 3.092 chị và khấn tạm là 1.428 chị.   

LỜI KÊT 

Ðể kết luận bài biên khảo nhỏ này, có lẽ không gì chính đáng bằng lặp lại lời của một linh mục việt nam, cha Nguyễn Hữu An, mới đây đã viết về Ðức Cha Lambert như sau : « Cùng với Đức Cha Francois Fallu, Đức Cha Lambert là một trong hai vị Giám Mục Đại Diện Tông Tòa đầu tiên sang truyền giáo tại Việt Nam, và coi sóc chương trình truyền giáo Viễn Đông vào thế kỷ 17. Ngài chính là người Cha tinh thần của Giáo Hội Việt Nam thời sơ khai, một vị thừa sai lỗi lạc với óc tổ chức kỳ tài và tầm nhìn hiểu rộng, với tinh thần hội nhập và thích ứng vào văn hóa địa phương. Ngài thực hiện ước vọng của cha Đắc Lộ, trong việc đào tạo các linh mục bản xứ làm nền tảng cho hàng Giáo Phẩm Việt Nam sau này. Ngài đã không bỏ lỡ cơ hội để quy tụ một nhóm trinh nữ đã bắt đầu sống đời độc thân vì Nước Trời, để lập nên tu hội nữ đầu tiên mang tên “Những người nữ yêu mến Thánh Giá”. Cùng với Giáo hội trải qua hơn ba thế kỷ với những thăng trầm và thử luyện, tu hội của “Những người nữ Yêu mến Thánh Giá” ngày nay chính là Dòng Mến Thánh Giá, một dòng tu mang bản chất Á Châu để phục vụ cho dân tộc và Giáo Hội Việt Nam do Đức Cha Lambert sáng lập.

Đức Cha Lambert de la Motte là một anh hùng, hay nói cách khác, một đấng thánh chưa được tôn phong. Ngài là vị đại ân nhân của dân tộc và Giáo Hội Việt Nam mà mới đây, trong kỳ họp thường niên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từ ngày 5-9 tháng 9 năm 2005 tại Bãi Dâu, Vũng Tàu, đã bàn về những bước tiến trong thủ tục xin phong Chân Phước cho ngài ». ( LM. Nguyễn Hữu An, HAI MƯƠI LĂM NĂM HỒNG ÂN: HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHAN THIẾT, trong VietCatholic News (Thứ Sáu 14/03/2008 11:19)

http://vietcatholic.net/News/Html/53086.htm)   

Paris, ngày 25 tháng 03 năm 2010

Gs. Trần Văn Cảnh

VỀ MỤC LỤC
GIÁO HỘI CỦA ĐỨC KYTÔ TỬ NẠN VÀ PHỤC SINH LÀ GIÁO HỘI CỦA NGƯỜI NGHÈO
 

Thật không dễ để chúng ta rao giảng một Đức Ky Tô là Thiên Chúa. Và càng không dễ để chúng ta rao giảng một Đức Ky Tô là Thiên Chúa đã phục sinh. 

Khi Philatô hỏi Chúa: “Ông có phải là vua dân Do Thái không ?” Chúa đáp: “Quan nói đúng. Tôi là vua. Nhưng nước tôi không thuộc về thế  gian nầy. Nếu nước tôi thuộc về thế gian nầy thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do Thái. Nhưng nước tôi không thuộc về thế gian nầy.” 

Cũng chính vì những lời nầy mà người Do Thái đã lên án Chúa. Họ đã lên án Chúa vì cho rằng Chúa đã nói những lời phạm thượng. Họ đã lên án Chúa vì cho rằng Ngài là một con người mà dám xưng mình là Con Thiên chúa. Họ đã lên án Chúa vì quan niệm về Thiên Chúa của họ vẫn còn là Chúa của thời Cựu ước. Họ đã lên án Chúa vì họ nghĩ rằng Chúa của họ là một Thiên Chúa đầy uy nghi, thánh thiện, cao sang ngự mãi trên chín tầng mây. 

Thật vậy, con người dễ dàng chấp nhận một Thiên Chúa là Thiên Chúa đầy oai hùng và quyền năng, một Thiên Chúa ngự đến giữa tiếng sấm sét rền vang như Ngài đã ngự đến trên núi Sinai khi Ngài ban cho Maisen mười giới răn của Chúa, hay một Thiên Chúa quyền năng có thể sai sứ thần giết sạch tất cả những đứa con đầu lòng của người Aicập để trừng phạt tội cứng đầu của vua Pharaon, hay một Thiên Chúa ra cánh tay oai hùng chôn vùi cả hàng vạn quân của người Aicập dưới lòng Biển Đỏ để cứu dân Ngài khỏi ách nô lệ của người Aicập. Và chúng ta dễ dàng chấp nhận một Thiên Chúa như thế. 

Nhưng thật khó cho chúng ta để chấp nhận một Thiên Chúa là một trẻ sơ sinh nằm khóc oa oa trong máng cỏ. Thật khó cho chúng ta để chấp nhận một Thiên Chúa là một con người tầm thường, nghèo hèn sống cuộc đời ẩn dật ở làng Nazareth.  

Càng khó cho chúng ta để chấp nhận một Thiên Chúa lại là một con người đã từng quì gối xuống rửa chân cho các môn đệ. Và càng khó cho chúng ta biết bao để chấp nhận một Thiên Chúa là một con người đã từng bị người đời nguyền rủa, sỉ nhục, lên án, từng vác thập giá lên đỉnh đồi Calvê để chịu chết và chết một cách nhục hình trên thập giá như một tên tử tội. Quả thật, không dễ để chúng ta chấp nhận một Thiên Chúa như vậy. Bỡi lẽ, có ai trong chúng ta có thể nghĩ ra rằng vinh quang đến từ thập giá không?

Có ai trong chúng ta có thể nghĩ ra rằng Thiên chúa chỉ thống trị từ lúc bị treo lên không?

Có ai trong chúng ta có thể nghĩ ra rằng sự sống chỉ đựơc phát sinh từ cái chết của Đức KiTô không ? 

Chắc chắn không ai trong chúng ta đã nghĩ ra những điều  đó, bỡi lẽ những điều đó quá nghịch lý, quá phi lý đối với lý trí của con người. Và để chấp nhận được những điều nghịch lý đó, nó đòi hỏi chúng ta một cái gì khác hơn là lý luận. Nó đòi hỏi một NIỀM TIN. Vì thế, tôi xin nói với ông bà anh chị em: Tôn giáo không là để tranh luận nhưng là để TIN và để SỐNG. 

Nói đến đây tôi nhớ đến câu chuyện đã được nghe kể trong chuyến du hành sang  Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia mà chín mươi chín phần trăm dân số là Hồi Giáo. Câu chuyện nói về một nhà truyền giáo tình nguyện  sang truyền giáo ở vùng Arập. 

Arập cũng là một vùng đất mà Hồi giáo là quốc giáo và đa số họ là những người có tinh thần tôn giáo quá khích. Vì thế, trong những nước như vậy, Ky Tô giáo rất khó truyền bá. Nhưng vốn là một con người có bản tính hiền hòa, cởi mở và đạo đức, nên nhà truyền giáo ấy sau một thời gian đã chiếm được cảm tình rất nhiều người chung quanh mà ông đã từng có dịp gặp gỡ, trong số đó có cả vị thủ tướng của Ảrập. Một hôm, thủ tướng Arập mời vị truyền giáo ấy đến nhà dùng bữa cơm tối để có dịp hàn huyên chuyện trò. Trong buổi chuyện trò hai người cũng đã chia sẻ với nhau về tâm tình tôn giáo. Bấy giờ, nhà truyền giáo ấy mới thưa với vị thủ tướng rằng: 

Chúng tôi tin có ba cách thức Thiên Chúa muốn mặc khải cho chúng ta về chính Ngài:   

- Qua tự nhiên: Nhìn vũ trụ vạn vật chúng ta nhận biết có Thiên Chúa vì phải có một Đấng đã tạo thành ra nó.

 Vị thủ tướng đáp: Chúng tôi cũng tin như vậy.

- Qua Thánh kinh: Thiên Chúa cũng đã mặc khải cho chúng ta về chính Ngài qua Thánh Kinh, Lời của Ngài. Tất cả đều đã được mặc khải trong Thánh Kinh.

Vị thủ tướng đáp: Chúng tôi cũng có Kinh Thánh Koran

- Qua Đức KyTô: Thiên Chúa mặc khải về chính Ngài trong Đức KyTô. Ngài chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài đã sinh ra, đã sống và đã chết cho dân Ngài.

Vị thủ tướng đáp: Chúng tôi cũng có vị tiên tri Mohamet. Ngài cũng dạy cho chúng tôi biết về Thiên Chúa. Ngài cũng đã sinh ra, đã sống và đã chết cho dân Ngài. 

Bấy giờ nhà truyền giáo nói tiếp: Nhưng Đức KyTô đã chết và đã phục sinh để cứu dân Ngài khỏi chết. Chúng tôi tin điều đó và chúng tôi muốn ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh đó cho tất cả mọi người trên khắp tận cùng trái đất. 

Nghe đến đây vị thủ tướng mới yên lặng, trầm ngâm suy nghĩ một hồi lâu, rồi ngẩng mặt lên nhìn nhà truyền giáo một cách kính phục và nói:

- Vâng, vị tiên tri Mohamet của chúng tôi cũng đã sống và đã chết cho dân Ngài. Nhưng cái gì đã xảy ra sau cái chết của Ngài, chúng tôi hoàn toàn không biết.

Cũng từ đó vị thủ tướng đã có một cái nhìn cũng như một thái độ xem ra có vẻ thân thiện hơn trước nhiều đối với người Kitô giáo và đặc biệt đối với nhà truyền giáo ấy.

Kính thưa quí ông bà anh chị em, đây mới chính là sự khác biệt giữa Đức KyTô và vị tiên tri Mohamet. Đây mới chính là sự khác biệt giữa Thiên chúa và con người. Và đây cũng chính là sự khác biệt giữa Thiên Chúa chúng ta và các thần minh khác. Đây mới chính là niềm hy vọng của chúng ta vì ích gì cho chúng ta nếu chúng ta tin vào một Đức KyTô đã chết mà không phục sinh. 

Vâng, Đức KyTô đã đến, đã sinh ra, đã sống một kiếp sống lầm than, đã chết một cái chết nhục hình trên thập giá và đã phục sinh một cách khải hoàn để mang lại cho con người sự sống vĩnh cửu. 

Đức KyTô đã đến 2000 năm rồi và chúng ta đã bước sang một thiên niên kỷ mới. Đã 2000 năm rồi, thế mà trong giáo hội vẫn còn có nhiều người còn ước mong một giáo hội oai hùng với đầy quyền bính và giàu sang, chứ không phải là giáo hội của Đức KyTô nghèo hèn, phục vụ và phục vụ cho đến chết và chết trên thập giá vì con người. 

Không, không, chúng ta đã hiểu sai bộ mặt của Đức KyTô cũng như bộ mặt của giáo hội. Do đó, chúng ta đã đi đến chỗ chèn ép, tranh dành địa vị trong giáo hội hơn là phục vụ. Chúng ta vẫn còn sống mãi trong thời cựu ước. Chúng ta vẫn còn mơ ước xây những tòa nhà nguy nga lộng lẫy cho Thiên Chúa và cho chính mình, và rồi chúng ta nghĩ rằng giáo hội như thế là phát triển. Chúng ta không nghĩ ra rằng Thiên Chúa đâu có thích ở nơi những cung điện nguy nga đó trong khi dân của Ngài phải sống trong cảnh lầm than, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Chúng ta cũng không nghĩ ra rằng Thiên Chúa đâu có cần chúng ta xây dựng cho Ngài những thánh đường huy hoàng tráng lệ bên ngoài đó, mà chỉ muốn chúng ta xây dựng lại niềm tin của dân chúng vào chúng ta trong trái tim họ, trong tâm hồn họ. Và đó cũng là cách thế TRUYỀN GIÁO TỐT NHẤT, cách thế MỤC VỤ TỐT NHẤT mà chúng ta cần phải nghĩ đến. Giữa lúc mọi người sống trong bơ vơ, sống trong khủng hoảng, sống trong thất vọng, tại sao chúng ta không mang lại cho họ một niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh của Tình Yêu, của Tình Người, của Chân Thiện Mỹ. Tại sao chúng ta không dám đề cao cái Chân Lý, cái Thiện Hảo để làm thức tỉnh lương tâm con người, để xây dựng cho con người một xã hội công bình và hạnh phúc. 

Hãy nhớ rằng Đạo Công Giáo là một đạo Nhập Thế, nghĩa là Đạo ấy phải đi vào thế gìới, phải phục vụ thế giới, phải ảnh hưởng thế gìới, và phải cải thiện bộ mặt thế gìới bằng chính Đời Sống Chứng Nhân của mình, nếu không nó Vô Nghĩa.  

Chúng ta cũng  thường hay nghe nói: “Giáo hội Ở GIỮA lòng dân tộc và giáo hội luôn ĐỒNG HÀNH với dân tộc”. Những từ ngữ nghe ra thật tuyệt vời và đánh động biết bao, nhưng thật ra giáo hội có đồng hành với dân tôc mình không? Vì ĐỒNG HÀNH có nghĩa là gì nếu không phải là cùng đi, cùng sống, cùng cảm nghiệm, cùng băn khoăn, cùng khoắc khoải, cùng ưu tư, cùng lo lắng, cùng chia xẻ nỗi vui, nỗi buồn với người cùng sống. ĐỒNG HÀNH không có nghĩa là đường anh, anh đi, và đường tôi, tôi đi. Hai người cùng đi nhưng không bao giờ gặp nhau, giống như hai đường song song không bao giờ gặp nhau.  

Từ đó, chúng ta có thể nói rằng giáo hội có Ở GIỮA lòng dân tộc, có SONG HÀNH chứ không có ĐỒNG HÀNH với dân tộc mình. Và như vậy, giáo hội đó có phải là giáo hội của CHÚA KITÔ TỬ NẠN VÀ PHỤC SINH không? hay là một giáo hội đã Biến Thái nào khác? Xem ra giáo hội chúng ta vẫn còn ở mãi thời Cựu Ước, vẫn chưa trưởng thành và phát triển được nhất là tại vùng đất Á Châu nầy. 

Ước gì mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức KyTô trong mùa phục sinh nầy thấm nhập và đổi mới mỗi người chúng ta, để như nhà truyền giáo kia, chúng ta sẽ dùng chính cuộc sống đạo đức chân thành của chúng ta ra đi loan báo TIN MỪNG PHỤC SINH của Đấng đã chết và sống lại vì con người chúng ta.

Lm. Lê văn Quảng

VỀ MỤC LỤC
“NĂM LINH MỤC” ĐI TÌM CĂN TÍNH THẬT CỦA LINH MỤC (I)
 

L.M. ĐƯỜNG THI 

Những bài bình luận, những buổi Hội thảo để tìm hiểu CĂN TÍNH hay  Căn Cước..của “hiện tượng Linh Mục”.. thì rất nhiều. Đối với giới truyền thông, sách báo Công giáo  những câu hỏi như: Linh Mục là ai? vẫn thường được nêu ra. Những tiều thuyết lãng mạn như: tóc mây, .hay phim điện ảnh ..càng tô vẽ hình ảnh và vai trò linh muc thêm thê thảm, cô đơn, đáng thương hại. 

Trong thực tế, nhất là những năm gần đây, gương xấu “lạm dụng tính dục trẻ em ”, trong giới giáo sĩ tại Hoa kỳ, Á nhĩ lan, Phi châu... đã làm lu mờ hình ảnh thánh thiện, cao quí của chức vị linh mục. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng về sa sút Ơn Gọi “tận hiến” trong đời sống tu trì đang là mối lo ngại, và thách đố hàng đầu trong Hội Thánh toàn cầu.

Các vị lãnh đạo trong Hội Thánh như Công Đồng Vatican II, Tòa Thánh Roma và các Hội Đồng Giám Mục các quốc gia, các Giáo Phận địa phương..đã đề nghị nhiều biện pháp về việc huấn luyện, đường hướng tu đức để cổ động và củng cố Ơn Thiên Triệu linh mục được bền vững hơn. 

Những tài liệu quan trọng của Cộng Đồng Chung Lateran(năm lần họp: năm 1123, năm1139, năm 1179, năm1215, năm1512-17),Công Đồng Vatican( hai lần họp( I năm 1869, và II năm 1962-1965), với “Sắc Lệnh về Chức Vụ và Đời Sống của các vị Trưởng Thượng, Trưởng Lão( Linh Mục)”Presbyterorum Ordinis”. Thông điệp gần đây của ĐGH Gioan Phaolô II như: “Pastores Dabo Vobis”, chuyên chú về huấn luyện các ứng sinh chịu chức Linh Mục, cần phải được nghiên cứu, học hỏi cho thấu đáo. Nhưng nếu muốn hiểu rõ hơn về CĂN TÍNH(identity) hay yếu tính của chức Tư Tế Linh Mục, thì cần phải suy luận, và tìm hiểu cách diễn giảng của Thánh Phao Lô Tông Đổ, trong bức Thư gửi Người Do Thái. Thánh Nhân đã bàn luận về phương diện thần học, yếu tính chức Tư Tế Thượng Phẩm của Chúa Cứu Thế, làm nền tảng cho việc Chúa thiết lập chức Tư Tế của các Tông Đồ, và các vị nối quyền các Tông Đồ là hàng Giám Mục, và hàng Linh Mục là Cộng sự viện của Giám Mục. Hơn nữa, Thánh Tông Đồ còn đề cập đến “chức Tư Tế chung cho mọi Tín Hữu”, cho những ai đã Tin Chúa Cứu Thế và lĩnh nhận Phép Rửa Tội

Công việc đi tìm Căn Tính, Căn Cước tức là trả lời câu hỏi: Linh Mục là AI?, đây là một vấn nạn khó giải đáp cho minh bạch được, vì chức Tư Tế của Linh Mục không phải là một chức nghiệp như một công chức của chính phủ, cũng không phải là một nghề nghiệp để kiếm ăn như nghề kĩ sư, thương gia.. Nhưng căn tính của một Tư Tế tự bản chất vừa “hữu hình” quan hệ đến một Cộng đồng  tín hữu, nhưng vừa “vô hình”tương giao” với thế giới thần thiêng, siêu nhiên, cầu nguyện với Chúa và các Thánh.

Do đó, muốn việc trình bày được rõ ràng dễ hiểu thì phương pháp tiếp cận vấn đề này:  

 Phần I: mô tả “hiện tượng linh mục” qua các hoạt động cụ thể,  qua các tiếp xúc thường nhật của một  Linh Mục bao gồm những công tác gì, tương tự như “kê khai các việc phải làm”(job description). Chính nhờ những mối Tương Quan liên Hệ đó đã giúp Linh Mục nên Thánh Thiện.

Phần II:  suy luận Thần học về mối tuơng quan liên hệ giữa Chúa Cứu Thế, Vị Thượng Tế Duy Nhất và chức Tư tế của các Thánh Tông Đồ, của Hàng Giám Mục,(order of Bishops) Kế Vị các Tông Đồ và chức Tư tế của các Linh Mục, hay Trưởng Lão(order of Presbyters) là  cộng sự viên của các Giám Mục và chức Tư Tế Chung của mọi Tin Hữu đã lĩnh Phép Thánh Tẩy. Đây là mối Tương Quan Liên Hệ của Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Cứu Thế, tức là Hội Thánh của Chúa Giêsu. 

Phần Một: CĂN TÍNH LINH MỤC: MỐI TƯƠNG QUAN LIÊN HỆ với DÂN CHÚA 

Câu hỏi: Linh Mục là AI? Đúng ra, nên hỏi: Chức vụ Linh Mục, tương quan Liên hệ với những AI? Vì  trong căn bản, con người lĩnh nhận chức vụ Linh Mục không phải cho cá nhân mình, nhưng cho Hội Thánh để phục vụ Dân Chúa, như Chúa Cứu Thế đã phán:

 “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ(Filius hominis non venit ministrari sed ministrare: Matt:20, 28)

Trong thưc tế, khi ta thấy một linh mục chỉ biết sống cho riêng mình, hay cho bà con, cháu chắt.. hay cho ân nhân, quen thân, khi bắt đầu thu vén tiền bạc, xây cất, sắm sẵn nhà cửa chuẩn bị cho ngày hưu trí..thì cũng là những chuỗi ngày chểng mảng thi hành các công tác mục vụ, và sa đọa.Bởi vậy, có thế minh định: căn tính của Linh Mục là sống cho người khác, cho Dân Chúa  

Nếu ta mở những tờ Thông Tin của các Giáo Xứ hay Cộng Đồng Công Giáo, trên trang nhất, ta thấy những cột chữ, những con số điện thoại chằng chịt kê khai danh sách quí vị Linh Mục, thày Sáu, quí vị phụ tá về Mục vụ, quí vị Trưởng các Uỷ Ban như Phụng vụ, Thánh Ca, Giáo Lý, Giới trẻ, Xã hội, .và các Hội Đoàn như: Cursillo, Đạo Binh Đức Mẹ, Thiếu Nhi Thánh Thể,...Lịch Phụng vụ, giờ Thánh Lễ hằng ngày, Ngày Chúa Nhật, Lễ Trọng..Ngày giờ giải tội, Xức dầu bệnh nhân bất cứ lúc nào, .

Người quan sát nhận thấy: mọi công việc lớn nhỏ..đều do các Linh Mục chính Xứ hay Phó Xứ phải được thông qua, góp ý, và tham dự. Không kể những công việc tiếp khách, sinh hoạt thường nhật trong tuần, vì tình trạng thiếu linh mục, nên có nhiều nơi, các Linh mục còn phải phụ trách hai ba Giáo Họ ngánh. Các Ngài rất bận rộn ngày cuối tuần, nên đã tạo ra thành ngữ:”the weekend Warriors”( chiến binh hành quân cuối tuấn) 

(Chú thích: Trong một dịp  tôi được hầu chuyện với ĐHY  khả kính và đạo đức Phạm Đình Tụng, tôi tự giới thiệu là một Linh Mục làm việc ở ngoại quốc đã hồi hưu. Ngài vui vẻ nói:ở V.N chúng tôi không có cha nào được hưu trí, như ở Địa phận nhà, một cha già bệnh tật vẫn còn được người ta khiêng đi  ban Phép Xức dầu cho bổn đạo sắp qua đời. Đây là hoàn cảnh rất đặc biệt tại miền Bắc. Nhưng trong thực tế, vì linh mục cũng là con người bình thường như mọi người khác, sức khoẻ có giới hạn, nên cũng cần nghỉ ngơi bồi dưỡng để có sức khoẻ, tiếp tục làm việc, giữ cho đời sống “quân bình”, để có thể phục vụ lâu bền. Ngày nghỉ(days off) hay hưu trí để làm việc khác mà mình thích, tuỳ sức khoẻ, tuỳ khả năng, cũng là để phục vụ Dân Chúa)  

Nhiều công tác mục vụ, nếu giáo dân được huấn luyện, thì có thể đảm nhiệm được, nhưng công việc chính yếu không thể uỷ quyền cho giáo dân được, vì gằn liền với Chức vụ Tư Tế của Linh Mục (cộng sự viên của Giám Mục) là: 

1.  Linh Mục Chủ Tế cùng Dâng Thánh Lễ với  Dân Chúa   

Trong PHỤNG VỤ( Liturgy),  Linh Mục Chủ Tế( presiding) Dâng Thánh  Lễ, và Giảng  Lời Chúa luôn luôn cùng với Dân Chúa dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa. Đây là LINH ĐẠO(spirituality)giúp các  Linh Mục làm Mục vụ tại các Giáo Xứ trong Giáo Phận nên Thánh Thiện(Sanctification). Thật vậy, khi dâng Thánh Lễ hay làm thừa tác các Bí Tích, vị Tư Tế luôn nhân Danh Chúa để thi hành chức vụ thánh, luôn cầu nguyện cùng Chúa ban Ân Sủng cho Tín Hữu. Trong Thánh Lễ Misa, vị Chủ tế luôn dùng đại danh từ ở số nhiều như: CHÚNG CON, chúng ta, anh chị em, chúng tôi..không dùng đại danh từ số ítnhư: tôi. Khi chia sẻ LỜI CHÚA, vị giảng thuyết căn cứ vào bài Sách Thánh, bài Phúc Âm, bài Thánh Thư để hướng về cử tọa là cộng đồng Dân Chúa.. 

Cùng Dâng Thánh Lễ Misa lên cùng Chúa 

Linh Mục quản nhiệm một Cộng đồng Giáo Xứ, có bổn phận dâng Thánh Lễ ngày CHÚA NHẬT( Ngày của Chúa) cho các Tín Hữu. Mọi hành vi, cử chỉ, lời đọc, cầu nguyện đều Liên Hệ(relational) tới Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh: 

Nhân Danh CHA, và CON, và THÁNH THẦN” 

Chúng con TIN và SỐNG trong Chúa:” trong Chúa chúng ta sống, và cử động, và hiện hữu: (Tông Đồ Công Vụ:17:28)

Mối Tương Quan với Chúa là nền tảng của mọi mối Liên Hệ khác trong các Cộng Đồng Dân Chúa, trong toàn thể Hội Thánh(Church). Các Cộng đồng Tín hữu luôn Hiệp Thông Liên Kết với nhau trong một Hội Thánh. Có thể sánh ví CHÚA là Một Vòng Tròn rộng lớn nhất, bao bọc các vòng tròn nhỏ bên trong, và luôn nối kết với CHÚA. Để biệu lộ căn tính Cộng đồng Dân Chúa là duy nhất, nên Vị Chủa Tế luôn dùng đại danh xưng: CHÚNG CON trong Lời Cầu Nguyện cùng Chúa cho Cộng Đồng

Trong Thánh Lễ, vị Linh Mục Chủ Tế, như đại diện Hội Thánh, cùng với phẩm trật khác như: Đức Giáo Hoàng,  các Giám Mục, các vị Linh Mục, đồng tiến dân Chúa Lời Kinh Nguyện Thánh Thể, Tạ Ơn(eucharistic Prayer). Vị Linh Mục được chọn vào hàng Linh Mục, hàng Trưởng Thượng, Trưởng Lão(order of Priests, of Presbyters ), để phụng sự cho toàn thể Hội Thánh hoàn vũ, chứ không phải chỉ dâng Thánh Lễ , ở đây và bây giờ(here and now) cho giáo dân một địa phương. Do đó, việc xướng Danh Vị Giáo Tông và vị Giám mục để  Chủ tế luôn nhớ rằng: Hội Thánh là CÔNG GIÁO(Catholicism, hằng có ở khắp thế này). Công Đồng Vatican II,  đặc biệt nhấn mạnh đến tính chất”Tập Thể(Collegiality) của Hội Thánh Công Giáo. 

Theo kinh nghiệm bản thân, một Linh Mục dâng Thánh Lễ Misa một mình trong phòng, hay âm thầm trong tù cải tạo, trại giam, nhận thù lao bổng lễ hay không.., nhưng nếu luôn tâm niệm đến Dân Chúa khắp nơi trong Hội Thánh, đặc biệt chú ý nhấn mạnh đọc đại danh từCHÚNG TA, hãy cầu nguyện, xin Chúa thương xót CHÚNG CON, một cách trịnh trọng và ý thức, thì sẽ giúp tăng lòng sốt sáng kết hợp với Chúa là Của Lễ Duy Nhất. Trong Sách Lễ, không dùng đại danh từ:TÔI. 

2. Rao Giảng Lời Chúa cho mọi Phần Tử trong Cộng Đồng Dân Chúa 

Chức vụ quan trọng trong Phụng Vụ Thánh Thể là việc Vị Chủ Tế chia sẻ LỜI CHÚA cho Cộng Đồng đang hiện diện trong Thánh Đường. Vì căn tính làm nên chức Tư Tế Linh Mục, như đã trình bày ở trên, là luôn tương giao liên kết với Dân Chúa, nên việc diễn giảng hay chia sẻ Lời Chúa, giảng thuyết cũng phải nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết thực để bồi dưỡng Đức Tin của mọi từng lớp trong Cộng Đồng. Vị Giảng thuyết không phải là người khoe khoang, dạy đời, đề cao cá nhân riêng, không được dùng “Tòa Giảng”, để kết án, chê trách các cá nhân hay hội đoàn mình không ưa thích.  

Ngày nay, đa số giới trẻ cảm thấy như”nhàm chán”(boring)không còn muốn dự Thánh Lễ hay nghe cha giảng nữa, vì chúng cảm thấy bài giảng không liên quan gì đến đời sống thực tế và những thao thức của chúng. Mỗi lần đến Nhà Thờ, chúng chỉ thấy lập đi lập lại một số lễ nghi quen thuộc, đọc một vài bài Sách Thánh, hay một vài câu kinh đã thuộc lòng.

 Tuy vẫn dùng một Sách Lễ, đọc một số bài trong Sách Thánh , nhưng không phải việc cử hành Phụng vụ là lập lập lại, một cách vô ý thức, vì mỗi lần vị Chủ Tế cử hành Thánh Lễ và Giảng, đều phải tương quan hướng về một cử toạ, một Công Đồng Dân Chúa khác biệt, đủ các sắc dân, hiện đang sống trong hoàn cảnh xã hội, gồm những nhu cầu vật chất, tinh thần, khó khăn về công ăn việc làm., mỗi tháng ,mỗi năm, đều...khác nhau. Vị Giảng thuyết cần cầu nguyện, tham khảo, để hiểu biết và thông cảm với  hoàn cảnh của cá nhân hay cả Công Đồng, những thành công và thất bại, lòng nhiệt thành hay nguội lạnh, khô khan trong việc giữ Đạo, tham gia các Hội Đoàn..Do đó, vị Chủ Tế và giảng thuyết cần phải tương quan mật thiết với Cộng Đồng, chia sẻ nếp sống với mọi giáo dân, nhất là với giới trẻ..để có thể “động viên” tinh thần, củng cố Đức Tin của các đoàn thể trong Cộng Đồng thêm vững mạnh.. 

Bởi vậy, muốn cho việc cử hành Thánh Lễ, và Giảng thuyến không “nhàm chán”, thì Phụng Vu phải phản ánh công việc Mục Vụ(pastoral care). Muốn được linh động, đầy sức sống siêu nhiên, nhiệt thành, thì  việc cử hành Phụng vụ phải xuất phát từ tình trạng, từ nếp sinh hoạt của Công Đồng, rồi lại phục hồi với những ai đã tham dự Thánh Lễ.  

Nhờ sự tương giao, liên kết liên tục của Vị Mục tử với mọi thành phần trong Cộng Đồng, chia sẻ mọi nỗi khó khăn vất vả cũng như niềm vui với Cộng Đồng, giầu kinh nghiệm mục vụ, hiểu biết thấu đáo tình hình sinh hoạt trong Cộng Đồng, do đó, vị Giảng thuyết mới có thể dùng làm đề tài và chất liệu để dọn bài chia sẻ Phúc Âm, một cách thích hợp với  từng  thính giả.

Có thể nói: Phụng Vụ Thánh Thể phải  ăn nhập vào các hoạt động Mục Vụ. Nhờ những mối tương quan giữa Phụng Vụ và Mục Vụ sẽ giúp cho Vị Linh Mục Quản Nhiệm thêm lòng sốt sáng khi cầu nguyện cho Cộng Đồng Dân Chúa, nhất là cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong mỗi tín hữu giáo dân. Nhờ những mối  quan hệ hỗ tương ấy, vị Mục tử sẽ tạo dược sự tín nhiệm nơi Cộng Đồng, đồng thời cũng giúp Linh Mục tiến triển trên đường Tu Đức, Thánh Hóa ( spirituality, sanctification). 

3. Những Thách Đố, Thử Thách đối với Căn Tính của Chúc Vụ Linh Mục 

 Tình trạng  thiếu Ơn Thiên Triệu Linh Mục hay Tu sĩ, và tai nạn “lạm dụng tính dục, nơi  trẻ em”.., nguyên nhân chính là vì khủng hoảng về Căn Tính Linh Mục. Đó là một sự thực vẩn còn đang diến biến, xẩy ra trong Hội Thánh. Bởi vậy, công việc đi tìm Căn Cước thật của giới tu sĩ là cân thiết như đã phác họa mất nét chính ở trên.

Để tạm Kết Luận “Phần Một, xin nêu ra mấy khó khăn, thách đố mà người Mục tử cần thắng vượt để làm nổi bật Căn tính của Người Môn Đệ Chúa, là Phục Vụ Dân Chúa. 

Theo Truyền Thống trong Hội Thánh Công Giáo(Catholicism), để giúp người Tín Hữu, Môn Đệ Chúa được trở nên THÁNH THIỆN, thì đường TU ĐỨC, hay LINH ĐẠO, luôn được tập luyện với sự trợ lực của Tha Nhân. Chúng ta  cùng giúp đỡ nhau tìm gặp Chúa, cùng rủ nhau lên”Thiên Đàng”. Do đó, cần tránh những cách tu luyện đi tìm những cảm giác hoan lạc, ngây ngất, xuất thần, vui thỏa cho bản thân mình. Đó là tính”tự kỉ ái mộ”(narcissism). Trong Công Giáo, đời sống thiêng liêng, tu thân tích đức, luôn được sống trong Cộng Đồng, Cộng Thể và tình HIỆP THÔNG(in communion) với mọi chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm của Chúa KyTô. 

Công việc Rao Giàng Tin Mừng của Chúa Cứu Thế luôn đòi hỏi sự Cộng Tác của mọi Tín Hữu đã lãnh nhận Phép Rửa Tội, mọi ngườ đều là con Chúa. Ngày nay, công việc Truyền Giáo rất phức tạp, đa dạng, nên cần sự đóng góp tài lực của nhiều phần tử khác nhau trong Cộng Đồng. Linh Mục Quản Nhiệm chỉ có tài năng, sức lực hạn định, không thể quán xuyến, bao thầu mọi công tác Mục vụ được. Vì thề, cần sự hợp tác của các nhân viên trong Văn Phòng, các Hội Trưởng các Đoàn thể, trong Giáo Xứ. Do đó, một vị Quản Nhiệm thiếu tinh thần hợp tác, chuyên quyền, sẽ gây bất bình, chia rẽ, và đình trệ công việc Truyền Giáo trong Cộng Đồng, Giáo Xứ. 

Việc hiểu biết tình hình sinh hoạt, xã hội..của một Giáo Xứ, đặc biệt tại các đô thị có nhiều người tới định cư, kiếm việc làm, thì tình hình xã hội trở nên phức tạp, khó điều tra cho tường tận, không giống các Giáo Xứ miền đồng ruộng. Linh Mục Giảng thuyết cần những bản báo cáo về tình trạng sinh hoạt trong Cộng đống, các nhu cầu, các tệ đoan..thì việc áp dụng thực hành  LỜI CHÚA mới thiết thực và đem lại ơn ích cho thính giả. Do đó, muốn đem Lời Chúa vào đời sống của Cộng Đồng như “men trong bột”, ‘ánh sáng cho thế giới”,  vị giảng thuyết cần thấu đáo những nỗi khó khăn về nạn thất nghiệp, về giáo dục con cái, và những tệ đoan xã hội như phá thai, buôn người, nghiện hút, tham nhũng, phim ảnh xấu..,mới có sức đánh động ý thức và lương tâm người nghe. Điều nghịch lí nhất là vị giảng thuyết làm GƯƠNG XẤU, trái ngược với những lời khuyên bảo bổn đạo. Nếu linh mục thường đi “casino”, thì không thể ra lệnh cấm bổn đạo”đánh bạc”. 

Cần nhấn mạnh đến tinh thần”HUYNH ĐỆ” giữa các Mộn Đệ  tận hiện phụng sự Chúa và Hội Thánh như: giữa các  Giám Mục với Giám Mục, giữa Giám Mục với Linh Mục, giữa các Giáo sĩ với các Nữ Tu, giữa các Dòng tu và Điạ Phận. Sự chia rẽ vì quyền lợi riêng, sự phen bì hay tranh giành ảnh hưởng giữa các Linh Mục với nhau, giữa Linh Mục Chính Xứ với Linh Mục Phụ tá..cũng là những mối đe dọa thường xuyên làm suy yếu tinh thần HIỆP NHẤT, trong Hội Thánh Chúa.  

 

Mời xem tiếp Phần Hai: CĂN TÍNH LINH MỤC: TƯƠNG QUAN LỆ THUỘC  vào  CHÚA CỨU THẾ, VỊ TƯ TẾ THƯỢNG PHẨM

 

VỀ MỤC LỤC
NHỮNG DẤU ĐINH NGƯỜI HÔM NAY

 

Những vết sẹo cuộc đời

Nhổ tóc bạc cho ông nội, bé An bỗng giật mình vì trên đầu ông có một vết sẹo dài lắm. Vết sẹo như con thằn lằn đang đậu trên đầu ông. An hỏi: “Ông nội ơi, sao mà ông có cái sẹo to vậy ?”

Cả một khoảng thời gần 50 năm trước sống dậy trong ông. Biết kể sao cho hết, đối với một đứa cháu nội 8 tuổi ? Nó hiểu gì về chiến tranh, về những tàn ác ? Ông chỉ tóm lại mấy câu: “Hồi ấy, ban đêm là kinh khủng lắm. Có người ngủ trong nhà bị kẻ lạ mặt cầm súng đến bắt đi. Ông thường không ngủ ở nhà. Ông đi ngủ nhờ ở phòng áo Nhà Thờ.

Một đêm, thấy cháy sáng, nghe người la thất thanh. Ông chạy một hơi đến chỗ nhà cháy. À thì ra nhà mình. Nhà mình bị người ta đốt. Nhà tranh vách đất mà đốt cháy đồng loạt tứ phía thì không ai chạy kịp. Bà nội con và ba của con ở trong ấy. Cháy càng to, mà mỗi người một gàu nước, một thùng nước, chẳng thấm vào đâu. Ông đành quấn cái mền ướt chạy vào trong nhà cứu bà và ba của con. Ở ngoài nhà thỉnh thoảng có tiếng súng bắn và tiếng la “không ai được cứu”.

Vừa lôi được bà và ba của con ra đến cửa trước, giàn chính trên nhà đổ ầm xuống trên người ông nội. Người ta kéo bà, kéo ba của con ra. Rồi kéo ông ra… ngất xỉu,  cả mình phỏng nhiều chỗ. Trên đầu của ông nặng nhất… May mà tóc cũng mọc lại. Chỉ còn một con thằn lằn lì lợm ấy, trơn tru… không chịu mọc lại tí tóc nào !”

Không kể hết những vết sẹo trên thân thể những con  người đã hy sinh cho con cái, cho gia đình, cho tổ quốc, nhưng có thể nói vết sẹo nào cũng là chứng tích của một Tình Yêu. Có người đã hy sinh cả đôi tay, cả đôi chân, đôi mắt, có người mang vết sẹo hình con tắc kè, và cũng có người vẫn đang chung sống với một đầu đạn đồng vô cảm trong cái vỏ sọ người tưởng đã phải vỡ làm đôi.

Là con cháu, là thế hệ hậu duệ, luôn mang tâm tình biết ơn ông bà cha mẹ, tiên tổ. Không phải là biết ơn những vết sẹo cuộc đời, nhưng chính là biết ơn Tình Yêu. Người vì yêu không kể hy sinh cả mạng sống, huống là một phần thân thể… Hy sinh vì tình yêu, vì chính nghĩa, vì chân lý…

Thương tích của Chúa Giêsu Tử Nạn và Phục Sinh

Không nhổ tóc bạc, để thấy vết sẹo con thằn lắn. Không đấm lưng để thấy con tắc kè bông còn đang nằm trên lưng khê khét mùi thuốc súng. Nhưng với Chúa Giêsu thì Toma đã biết rõ những thương tích thật khủng khiếp của thầy mình. Vẫn còn nhớ ở ngay giữa cổ tay, những lỗ đinh rộng toác, bị rách toạc vì thân người kéo trì xuống. Vẫn còn nhớ ở mu bàn chân, những lỗ đinh xé dài đến mắt cá. Vẫn còn nhớ đó, lỗ lưỡi đòng đâm thâu từ phía dưới bên cạnh sườn lên đến trái tim người đã chết, để chảy cho cạn kiệt máu cùng nước trong thân xác.

Nhưng lại nghe anh em nói Thầy đã sống lại. Thật sao ? Khó tin quá !

"Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." ( Ga 20, 25 )

Từ câu nói này, cho thấy:

- Một mạc khải Phục Sinh theo chương trình của Thiên Chúa, đã thực hiện cho Tôma, và cho cả ngàn con người thực dụng những thế hệ sau này.

- Tôma là một con người nhiệt tình với Tin Mừng Phục Sinh: nhiệt tình vì khao khát được thấy dấu đinh nơi tay thầy mình, thấy lỗ lưỡi đòng đâm thâu nơi cạnh sườn, khao khát được xỏ ngón tay vào lỗ đinh, thọc bàn tay vào cạnh sườn.

- Khi tuyên bố câu nói có vẻ cứng cỏi như thế, chắc chắn Tôma không khỏi ray rứt ngày đêm, ray rứt trong lòng, ray rứt trước mặt anh em, những người đã nhìn thấy Chúa Phục Sinh. Sự ray rứt giữa Đức Tin và thực dụng ấy càng đốt nóng lòng khát khao lên đến mức mãnh liệt.

Với quyền năng của Thiên Chúa, Đức Giêsu có thể hiện ra với Tôma ngay sau câu nói của ông, để chứng minh cho ông biết Ngài đã sống lại. Nhưng không, để một tuần sau, để khi lòng khao khát lên đến tột đỉnh, Chúa Giêsu mới mạc khải chính thân xác Phục Sinh của Ngài còn mang thương tích mới nguyên, chưa và có lẽ không bao giờ lành.

“Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Hãy đưa bàn tay con ra mà thọc vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” ( Ga 20, 27 ).

Nếu các vết sẹo đời người kia còn có thể minh chứng cho một Tình Yêu Hy Sinh thì lỗ đinh và lỗ đòng của người đã chết mà đang sống có thể nói là một mạc khải vô cùng quan trọng cho toàn thể nhân loại về một Tình Yêu Thương Vĩ Đại: Tình yêu của người đã chết và đã sống lại. Chết để làm của lễ chuộc tội cho con người và  sống lại để nhân loại được cứu sống.

Những dấu đinh người hôm nay

Chúa Giêsu không còn ở lại trần gian với thân xác mang thương tích lỗ đinh lỗ đòng cho nhân loại đặng thấy mà tin, như Tôma nữa, nhưng còn các chứng nhân của Ngài. Vì Tôma đã không tin vào các anh em là những chứng nhân đã thấy Chúa Phục Sinh, nên Chúa mạc khải cho những người như Tôma một chân lý mới: “Phúc cho những người không thấy mà tin”. Không thấy Người đã chết sống lại, nhưng tin Người đã chết sống lại qua các chứng nhân.

Như vậy, chứng nhân Phục Sinh cũng phải là chứng nhân của cuộc Tử Nạn. Chứng nhân của niềm Hy Vọng cũng là chứng nhân phải lăn mình vào cuộc Thương Khó, cái chết với Ngài. Đòi hỏi ấy luôn là một đòi hỏi song đôi đối với chứng nhân Ơn Cứu Độ. Vì không qua cái chết và sống lại của Chúa Kitô, không có Ơn Cứu Độ.

Từ bỏ cái tôi, từ bỏ tội lỗi là chết đi một phần đời sống thỏa mãn ở đời này, và chỉ có chấp nhận cái chết ấy, mới có thể phục sinh với Ngài. Sẽ có lời chứng hùng hồn thuyết phục, khi chứng nhân không chỉ nói về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh mà chính chứng nhân ấy đang tử nạn, đang phục sinh.

Tôi không cho là Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê, hay Đức Tổng Giuse của Hà Nội, Cha Lý,  Cộng Đoàn Thái Hà, Đồng Chiêm được người người trong nước và trên khắp thế giới thương mến cảm phục, vì các ngài chống cộng hay thân cộng, vì các ngài học cao hiểu rộng, hoặc vì các ngài làm chính trị giỏi… nhưng chính vì các ngài nên giống Chúa Kitô Tử Nạn và Phục Sinh.

Nơi các ngài cũng mang đầy thương tích, mang đầy sự sỉ nhục, khốn khó như Chúa Giêsu vì Sự Thật Nước Thiên Chúa phải được rao truyền trên chính quê hương mình. Các ngài không nói bằng lời như Thánh Tôma: “Lạy Chúa là Thiên Chúa tôi” nhưng chính cuộc đời của các ngài là lời tôn vinh “Chúa là Thiên Chúa duy nhất, và chỉ tôn thờ một mình Ngài, không tôn thờ chúa nào khác”.

Vâng, vẫn còn những dấu đinh, những lỗ đòng, không phải của Chúa Giêsu nhưng là của các nhân chứng. Thêm vào đó, còn những lỗ đinh, lỗ đòng của biết bao người chấp nhận chịu thương chịu khó trong cuộc đời này, cho con cái cho gia đình được an vui hạnh phúc. Những lỗ đinh to bằng những món nợ chồng chất trên vai người làm cha mẹ khi sống hết mình cho con cái được ăn học, hoặc chữa bệnh cứu sống cho chồng cho con. Những lỗ đòng kinh khủng khi biết con cái của Chúa nghe lời xúi giục của ma quỷ mà giết trẻ thơ vô tội từ trong trứng nước…

Nỗi đau của Chúa Giêsu vẫn còn đó. Và Ngài cũng đang mời mỗi người chúng ta: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Hãy đưa bàn tay con ra mà thọc vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” ( Ga 20, 27 ).

Hãy xỏ ngón tay mình vào lỗ đinh đói nghèo, bệnh tật, bất công, tội lỗi… của những người bé nhỏ, bạn chí thiết của Chúa Giêsu.

Hãy thọc bàn tay vào lỗ đòng chính Thân Thể Chúa Giêsu là Giáo Hội trong những ngày này, đang bị quân dữ đâm thâu từ Giáo Hoàng đến các Giám Mục đến những Linh Mục, những người ưu tuyển của Thiên Chúa với dụng ý: đánh kẻ chăn, đoàn chiên ắt tan tác.

Lòng Thương của Thiên Chúa đang hiển hiện khắp nơi. Chúa Kitô đang Tử Nạn để Phục Sinh ở khắp nơi. Ngài không còn ẩn giấu hay lánh mặt chúng ta nữa. Ngài đang rất hiện thực. Chỉ vì chúng ta không muốn mở con mắt Đức Tin ra để nhìn thấy Ngài đang Tử Nạn, đang Phục Sinh để kết hiệp với Ngài...

Còn tệ hơn nữa, cách nào đó, chúng ta đang “nối giáo” cho quân dữ, vì không tin tưởng vào tình thương của Ngài, mà còn ngăn cản con người ta đến với tình thương Ngài, hoặc là tiếp tục gây thêm cho Ngài những thương tích. Máu nước chan hòa cho đến cái chết tận cùng của Chúa, vẫn chưa lay động lòng tin tưởng của chúng ta vào lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa Cha sao ?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho hai luồng sáng Máu và Nước từ trái tim Chúa chiếu dọi cõi lòng cứng cỏi khô khan của chúng con, để chúng con nên mềm mại sốt mến mà tín thác trọn niềm vào Lòng Thương Xót vô cùng của Thiên Chúa Cha, và anh dũng làm chứng nhân Tử Nạn và Phục Sinh cho một cuộc sống mới vĩnh cửu trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.

PM. CAO HUY HOÀNG, thứ năm 8.4.2010

VỀ MỤC LỤC
TRÍ THỨC TRẺ - TƯƠNG LAI ĐANG ĐI VỀ ĐÂU ?

 

Có lẽ chưa bao giờ các trường Đại học được thành lập “ồ ạt” như trong vài ba năm trở lại đây. “Ồ ạt” đến độ báo chí đã phải gọi bằng một cái tên hết sức châm biếm : “đại học đại trà”. Nghĩa là vừa học vừa uống trà vẫn xong đại học. Tất nhiên, nếu chỉ nhìn vào số lượng những người theo học, thì ai cũng có thể tự hào. Có những trường lên tới 3-4 ngàn sinh viên, nhưng chất lượng thì khỏi bàn tới. Báo chí đã nói nhiều, các nhà giáo dục tâm huyết cũng đã tốn rất nhiều giấy mực để luận bàn. Tuy nhiên, một điều đáng nói hơn nữa là điều kiện sống của tầng lớp được coi là trí thức - những người nắm giữ vận mệnh của nước nhà trong tương lai – thì hỡi ôi.

Cụ thể ở đây là điều kiện ăn ở.  Từ ngữ “cơm bụi” đã quá quen thuộc đối với đa số sinh viên. Gọi là “cơm bụi” theo 2 nghĩa : cơm ở gần bụi gần bờ và cơm đầy bụi bặm. Bức xúc trước việc ăn uống luộm thuộm, nên gần đây các cơ quan chức năng đã ra quân rầm rộ kiểm tra đồng loạt các quán cơm bụi dành cho sinh viên, như một phong trào nhằm chấn chỉnh khâu vệ sinh an toàn thực phẩm. Quả vậy, an toàn thực phẩm là vấn đề rất lớn hiện nay. Thế nhưng chế độ ăn uống của giới sinh viên cũng có nhiều điều đáng quan tâm.

Nhớ lại hồi chúng tôi còn là sinh viên, dẫu là những năm cuối thập niên 90 rồi, nhưng điều kiện ăn uống vẫn còn rất kham khổ. Đầu tháng nhìn mâm cơm còn dể coi đôi chút, vì gia đình mới gởi tiền lên; nhưng càng về cuối tháng, khẩu phần ăn càng teo dần lại. Phải tự đi chợ mua đồ ăn về nấu lấy, chứ không dám ăn căn-tin hay quán xá, thậm chí đi chợ mà không dám mua thịt nạc, thịt đùi về ăn. Bởi thế có thầy bị đặt cho cái biệt danh là ông thầy “ba rọi” vì chuyên mua thịt ba rọi. Hỏi ra mới hay là không đủ tiền mua các thứ thịt khác. Có người còn được tặng cho cái biệt hiệu là “thầy thơm”. Cứ hết thơm xào đến thơm kho, hết thơm kho đến thơm luộc. Ăn cho đỡ thịt cá ấy mà !

Thời gian gần đây, mỗi khi có dịp đón các đoàn sinh viên đi picnic cắm trại, câu đầu tiên các em thường “cật vấn” là : “Cha ơi, một phần ăn khoảng 10 ngàn thôi, các bà mẹ có nấu được không ?” Bảo rằng đi chơi ăn khá hơn để có sức mà chơi chứ, các em vô tư trả lời : “Tụi con định mì tôm thôi đấy, đỡ tốn. Hehe !!!” Có em còn bảo : “Đi chơi 2 ngày về có khi phải ăn mì tôm đến 2 tuần đấy cha ạ !” Mì tôm là món “trường kì kháng chiến” của các sinh viên nghèo, xa nhà là cái chắc.

“Cái ăn” đã thế, “cái ở” còn khủng hoảng hơn. Phần lớn các trường đại học đều nằm ở trung tâm các thành phố lớn, nên cảnh tượng sinh viên chen chúc nhau trong các nhà trọ, kí túc xá chật chội, nóng bức là không còn xa lạ gì lâu nay! Mới đây có bạn sinh viên gọi điện bộc bạch nỗi lòng : “Cha ơi, tụi con cực lắm, 2 chị em ở 1 phòng chưa đầy 6 m2 . Mọi sự trong đó hết, kể cả chỗ để xe máy ban đêm. Nóng như cái lò nung. Nghĩ đến mùa hè sắp tới là phát sốt”. Cứ đi ngang qua các trường đại học, chẳng hạn Đại học Kiến Trúc, Đại học Luật, Sài Gòn, sẽ thấy ngổn ngang cảnh tượng sinh viên phải dùng chính vỉa hè quanh trường để ăn uống, để học bài và để… hít khói bụi. Một tờ báo để lót ngồi, một tờ báo để đặt ly xốp cà phê hay đồ ăn, cứ thế cho đến hết giờ giải lao và các giờ học riêng. Trông thật nhếch nhác và tội nghiệp.

Có dịp tiếp xúc với một số sinh viên đại học Nông Lâm, Sư Phạm Kĩ Thuật, Hồng Bàng,… chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Vì thấy nhiều em sao nhỏ bé và èo uột thế. Có những sinh viên nữ chắc chỉ khoảng 3 - 4 chục kilô, còn nam thì chẳng khá hơn bao nhiêu, 4 – 5 chục kilô là cùng. Thể chất bề ngoài chẳng có gì ngoài một chút “vốn liếng” là tinh thần trẻ trung của sinh viên. Đáng buồn thay ! Đáng thương thay !

Giải phóng đã 35 năm rồi, nhưng vóc dáng, chiều cao của đại đa số sinh viên ngày nay chẳng “giải phóng” được bao nhiêu, vả lại sức đề kháng còn kém hơn. Sinh viên ngày xưa dù thiếu ăn, nhưng xem ra vẫn cường tráng hơn nhờ lao động tay chân và môi trường sống trong lành. Còn bây giờ, mặc dầu dinh dưỡng có được cải thiện đôi chút, song bất hạnh thay ô nhiễm môi trường đã cướp đi tất cả. Không khí thì đầy những khói bụi, thức ăn thức uống thì tràn ngập các hoá chất độc hại, không gian sống thì ồn ào và ngày càng bị thu hẹp. Tắt một lời, ăn uống thì thiếu chất bổ, thừa chất độc. Ở thì tù túng chật chội và ngột ngạt, không đủ không khí để thở, làm sao có sức khoẻ tốt, thể lực sung mãn được.

Mong sao việc chấn chỉnh khâu vệ sinh trong ăn uống dành cho sinh viên được làm rốt ráo và việc hỗ trợ tài chánh cho sinh viên được nhà nước và xã hội quan tâm nhiều hơn để các em có điều kiện và môi trường học tập tốt hơn. Có như thế tương lai của đất nước và dân tộc mới có thể tươi sáng lên được.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

VỀ MỤC LỤC
THĂNG TIẾN CÁC MỐI QUAN HỆ CON NGƯỜI QUA LẮNG NGHE
 

Lắng nghe là điều rất căn bản trong các giao tiếp con người mà nhiều khi chúng ta tưởng rằng mình đang thực hành.  Thế nhưng, trước các xung đột gia đình, những người trong cuộc thường hay phàn nàn họ không được lắng nghe. 

Bạn hãy nghĩ coi khi bạn đang bộc lộ nỗi buồn phiền vì mắc chuyện ngặt nghèo, người đối diện liền nói, “Ừ, tôi cũng bị như vậy”, bạn có bực mình không?  Harold S. Kushner, tác giả cuốn When Bad Things Happen to Good People (Khi Điều Xấu Xảy Ra Cho Người Tốt), nói rằng những lúc như thế, tốt nhất là lắng nghe và đừng nói gì cả.

Thực vậy, không phải lúc nào bạn cũng cần câu trả lời hoặc cần điều khuyên bảo.  Nhiều khi chúng ta chỉ cần có người để cảm thông.  Có lúc chỉ cần họ lắng nghe là ta đủ vơi đi nỗi buồn, chứ không nhất thiết phải nghe lời an ủi. 

Nếu bạn nghĩ rằng đàm thoại chỉ là lời nói, bạn đã chưa thực hành lắng nghe.  Không phải ngẫu nhiên mà Thượng Đế tạo dựng con người với hai lỗ tai nhưng chỉ một cái miệng: Ngài muốn chúng ta nghe nhiều hơn nói.

Thực ra lắng nghe có nhiều lợi điểm mà chúng ta cần nên thực hành.  Những nhà tâm lý và cố vấn gia đình có những nhận xét về việc lắng nghe như sau:

  • Thái độ lắng nghe tự nó diễn tả tình yêu thương, sự tôn trọng và quan tâm.  Khi lắng nghe người khác là chúng ta cho họ biết rằng họ là người quan trọng và đáng được sự chú tâm của mình.

  • Khi lắng nghe, chúng ta hiểu quan điểm người khác một cách rõ ràng hơn.  Nhiều khi vì chính thái độ lắng nghe của mình mà người đối diện muốn chia sẻ cả những tâm tư thầm kín, nhờ vậy chúng ta càng hiểu biết để có cách hành xử thích hợp hơn.

  • Khi được lắng nghe, người nói có cơ hội làm sáng tỏ suy nghĩ của họ, và nhờ thế họ dễ nhận ra các vấn đề đang gặp phải, cũng như biết tìm chọn phương thức đối phó thỏa đáng.

  • Khi lắng nghe người khác, bạn không những chinh phục được cảm tình của họ mà còn  làm gương cho họ noi theo, đó là, bạn cũng đáng được người ta lưu ý điều mình phát biểu. 

Mặc dầu chúng ta biết lắng nghe quan trọng như vậy, nhưng trong thực tế người ta ít chú tâm tập luyện kỹ năng nầy.  Họ nghĩ rằng nghe cũng như hít thở, là điều ai cũng có thể làm một cách tự nhiên từ khi còn rất nhỏ.  Thực ra, nghe cũng như nói, nếu người tinh tế trong ngôn từ trò chuyện cần nhiều thời gian tập luyện, thì người biết nghe cũng cần thao dợt trong cách thực hành.

Vậy làm sao để lắng nghe?

Nói ít.  Điều nầy không có nghĩa là không nói, nhưng là biết lúc nào thì cần nói.  Khi chú ý lắng nghe người khác, bạn cần lắng đọng tâm tư, giảm sự chi phối do ngoại cảnh như xeo-phôn, máy móc điện tử, tránh chủ quan phán đoán khi chưa có đủ dữ kiện, và cố tìm hiểu ý tưởng của người phát biểu qua việc hỏi lại, hoặc cho người ta phản ảnh điều mình đã nghe để hiểu cho rõ ràng.

Người biết lắng nghe đòi hỏi tự ý thức về mình ở một tầm mức cao, cũng như biết thực hành cách lắng nghe một cách tích cực.  Đó là khi bạn không chỉ nghe người ta qua lời nói, nhưng còn cả giọng điệu, cử chỉ và toàn bộ cách diễn đạt của họ.  Để bày tỏ sự chú ý của mình, bạn cần dùng các cử điệu câm như gật gù, nháy mắt hoặc dùng ngôn từ phản ảnh ngắn gọn như “ừ hử”, “thế à”… để cho người đối diện biết là bạn đang tích cực lắng nghe.

Cũng có khi bạn cảm thấy mình khó khăn trong lắng nghe, lúc đó cố gắng lặp lại trong tư tưởng những điều họ nói, nhờ đó bạn sẽ cảm thấy mình chủ động trở lại, tránh cho tâm trí khỏi lãng đi nơi khác.

Tóm lại, lắng nghe đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và quyết tâm trong thực hành.  Kỹ năng nầy cũng đòi hỏi sự khiêm tốn và kềm chế ý riêng của bạn.  Nhưng hiệu qủa của nó sẽ mang lại cho bạn lợi ích lớn lao, đó là thăng tiến mối quan hệ với những người thân yêu.  Một khi bạn thấy người ta hay tìm đến bạn để tâm tình, khả năng lắng nghe của bạn đã đến mức đáng khen ngợi.-

Trần Hiếu

VỀ MỤC LỤC
CHA VÀ CỐ

 

Cách đây ít lâu, khi tôi đưa tin “Bà cố của một người bạn là linh mục mới được Chúa gọi về, xin anh em bạn cũ của cha cùng cầu nguyện cho linh hồn bà cố”, thì có một sự việc rất  bất ngờ nằm ngoài mọi suy nghĩ của tôi, làm tôi cảm thấy xót xa và thất vọng rất nhiều. Một anh viết: “Vinh cho hỏi bà cố nội của Cha Ngọc mất hay mẹ Cha Ngọc mất?”. Không chỉ mình anh ta, mà vài anh khác hùa theo nói mỉa. Tôi rất buồn vì tôi biết những người anh em này không phải là không hiểu, nhưng rõ ràng là các anh cố ý châm chọc, chỉ tiếc là anh châm chọc không đúng lúc và không đúng chỗ.

Ít lâu sau, anh em lại chuyền cho nhau bài viết về một bà cố tham lam muốn đẩy con mình vào hàng linh mục để bà được hãnh diện với xóm làng. Tôi hiểu rằng một số người nghĩ bà cố là như vậy. Thật ra khi các cụ dâng con mình cho Chúa là họ đã hy sinh nhiều rồi. Hãy đọc lại về cuộc đời các cụ cố đã từng được viết lại thì sẽ hiểu.

Tôi không là linh mục, nên tôi không viết bài này để mong thiên hạ gọi  mẹ tôi là bà cố. Nhưng rõ ràng, truyền thống tốt đẹp của người Việt đã dành một chỗ trang trọng và một danh xưng tôn kính cho thân mẫu các linh mục quả là một điều đáng khích lệ và không có gì xấu để phải đả kích.

            Chúng ta không thấy có tài liệu nào nói những danh xưng “ông bà cố” dành cho song thân linh mục bắt đầu từ lúc nào. Nhưng theo truyền thống cao quí của Á Đông, khi con cái có một chỗ đứng trong xã hội thì cha mẹ họ cũng có chỗ… ngồi bên cạnh! Khi hoàng tử được phong vương thì mẹ của ông sẽ là hoàng thái hậu. Khi người ta làm thầy dạy thì học trò cung kính với cha mẹ họ như với ông bà cha mẹ mình.

Và danh xưng ông cố bà cố trong xã hội Việt nam còn dùng để gọi những người cao niên có công đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội hay có uy tín trong cộng đồng và xã hội ấy. Ở miền Tây, dân chúng kính trọng các linh mục (trừ linh mục đàn két quốc doanh), nên cũng gọi các  cha là ông cố.

Người Việt chúng ta có truyền thống quí báu là tôn trọng những người hy sinh cho xã hội. Nhưng, như Nguyễn gia Kiểng đã từng viết, “người Việt nam tìm đủ mọi lý do để ghét nhau”. Tư tưởng này được diễn tả bình dân trong tục ngữ “trâu buộc thì ghét trâu ăn”. Cái tâm lý đáng buồn này đã in sâu vào tâm con người, kể cả một số người trí thức và một số người sống ở trời Tây.

Người ta hay nói vui là “tu xuất hay phá đạo”. Tôi thì không nghĩ vậy. Ở một website « đạo đức » nọ, có hai ông tác giả chuyên moi chuyện các linh mục ra đập ! Nhưng Đạo Chúa mà anh phá được thì cũng là chuyện hư truyền. Cả một đoàn quân do Satan cầm đầu hai ngàn năm nay (bao gồm cả quỉ sứ lẫn sứ của quỉ) cũng chẳng làm gì nổi Giáo Hội Chúa kia mà. Có lần tôi tâm sự với một Đức Giám Mục về chuyện này, ngài bảo chắc tại thấy mấy anh tu xuất biết nhiều và hay góp ý nên nhiều người thấy ngại. Tôi nghĩ góp ý đúng thì đâu có gì người ta phải ngại, nhưng có người ý gì cũng góp, không có ý cũng tìm ý mà góp, tìm không ra ý cũng góp lời… chê trách. Có mỗi danh xưng bà cố ông cố mà cũng ráng chê thì… hết biết.

Gần đây có người góp ý không nên gọi các linh mục là cha. Người đặt vấn đề là NCK, một giáo sư mà tôi kính trọng cả về tầm hiểu biết và nhân cách. Ông đặt vấn đề cách ôn hoà và đầy lý lẽ thuyết phục, chứ không chơi kiểu ném đá lung tung như trên các diễn đàn. Một website nọ cho độc giả góp ý, tôi thấy có người đưa ý kiến là mình lớn tuổi sao gọi mấy linh mục trẻ là cha cho được. Tôi thấy lý do này hơi nho nhỏ!

Tôi không phản đối ý kiến này. Nhưng tôi thấy có hai điều. Thứ nhất là về mặt thiêng liêng, quả thật các linh mục đã sinh ra dân Chúa trong bí tích Thánh Tẩy và nuôi sống dân bằng các bí tích, thế nên gọi các ngài là cha thì cũng hợp lý (trừ các LM từ chối quyền này khi muốn làm con của các thế lực khác). Thứ hai, thói quen ấy vốn không có gì sai trái, lại còn rất dễ thương, bây giờ muốn sửa lại thì liệu giáo dân có chấp nhận và nếu họ chấp nhận thì bao nhiêu thế hệ sẽ thay đổi được? Và có cần tốn công sức và thời gian để thay đổi điều “không có gì phải ầm ĩ”?

Bây giờ nếu thay đổi cách gọi thì chưa chắc nhiều người Công giáo đồng ý. Ở xứ Tân Phú của tôi chẳng hạn, tình cảm giữa các cha và giáo dân rất tốt, bây giờ đùng một cái bảo mọi người đừng gọi các cha là cha nữa thì có thể cả xứ xuống đường ngay.

Một cha kể tôi nghe là bà nội của ngài ở Mỹ gọi điện thoại về cứ gọi ngài là cha, ngài xin bà nội đừng gọi thế thì bà bảo bà thích gọi cha, cứ để bà tự do gọi. Đó là niềm vui của bà cụ cố, chẳng lẽ lại dập tắt đi? Một cha trẻ khác vốn xưng hô khiêm tốn. Khi ngài gọi điện thoại đến nhà tôi, bà xã tôi nói “Con chào cha” là ngài cười phá lên “Ôi, con chào cha mới ghê chứ”. Như vậy, chuyện xưng hô cha con nếu ai không thích thì cũng đừng trách các cha.

Nhưng cũng đúng là có những ông linh mục làm cho thiên hạ không muốn gọi là cha. Chẳng hạn có ai gọi con két là cha bao giờ. Một anh bạn tôi là bác sĩ, sống đạo rất tốt, vẫn thường nói: “Gặp ông linh mục đàn két quốc doanh, mình kêu ông xưng tôi chứ chả cha con gì sất”.

Danh xưng chỉ là cái bên ngoài để tỏ tấm lòng bên trong. Nếu anh không thích, anh gọi tên khác, không sao. Tôi là người vốn kính trọng thiên chức linh mục và con người linh mục, nên tôi gọi các ngài là cha, và song thân các ngài là ông bà cố. Nếu bạn thấy linh mục cũng như bạn thôi thì bạn cứ gọi cách khác. Nhưng cẩn thận, bạn có thể bị người chung quanh cười (chứ không phải là ông linh mục bị cười).

Trong một cuộc họp nọ, một anh giáo dân hay hoạt động gia đình, đến gọi một vị giám mục vốn là bạn cùng lớp ngày xưa (tôi nghe kể lại, không biết nguyên văn), đại khái là Ê, Đức Cha T hay ông T gì đó, thì lập tức bị phản ứng ngay. Những giáo dân có mặt hôm ấy sau này trong các cuộc họp đều kể lại chuyện này và lắc đầu cho cái anh giáo dân cựu tu ấy.

Tôi chưa gặp ông bà cố nào “lôi thôi” để cho người ta phải trách móc. Dĩ nhiên là con người thì ai cũng có lúc này lúc nọ, nhưng chẳng lẽ cứ ngồi đó mà trách móc nhau? Nhân đây tôi cũng xin kể lại một câu chuyện vui cho đỡ căng thẳng. Chuyện này do cha Nguyễn xuân Hoà, giáo hạt Tuy Hoà, Qui nhơn, kể tôi nghe lúc anh em ngồi uống nuớc vỉa hè thành phố Sàigòn cách đây vài năm. Số là có buổi giải tội luân phiên mùa Chay ở các xứ, ông bà cố bảo nhau đi xưng tội vì có nhiều cha đến giải tội. Ông cố đi xưng tội trước, ra thầm thì với bà cố: “Bà đi sang xưng bên toà kia đi, toà này thằng Tèo nhà mình đang giải tội đấy”. Bà cố vốn ngại xưng tội với ông cha con nhà mình nên vội vã sang xếp hàng bên toà kia. Ai ngờ sự đời éo le, lúc đó các cha đi uống nuớc, khi ra ngồi toà lại đổi chỗ cho nhau. Bà cố vào xưng tội đúng ngay ông cha con mình nhưng không biết. Khi cha vừa lên tiếng nói thì bà nhận ra và la lên: “Lại thằng Tèo!”.

Trong câu chuyện trên, tôi thấy bà cố dễ thương đấy chứ! Xưng hô là chuyện không có gì đáng bàn cãi. Xưng hô để tỏ lòng kính trọng và thân thiện với nhau là nét sống đẹp. Ông bà bảo là “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, tôi xin sửa lại “Gọi gì cũng vậy mà thôi, nói lời kính trọng chính tôi hài lòng”.     

Gioan Lê Quang Vinh

Mời thăm và giới thiệu www.giaoducconggiao.net

VỀ MỤC LỤC
KỸ THUẬT THA THỨ
 

Kính thưa quí thính giả, chúng ta đang sống trong một thế giới dù nhiều hận thù và đố kỵ, nhưng những gương sống về lòng bao dung tha thứ vẫn được thể hiện rõ nét. Trong lịch sử loài người, những tấm gương về lòng quảng đại tha thứ vẫn được đề cao và khơi ngợi cho thế hệ tương lai bắt chước noi theo. Mục Sống Sao Cho Đẹp hôm nay xin tiếp tục gởi đến đề tài Tha Thứ và Hòa Giải như để tô điểm thêm những giá trị nhân bản mà không ít người hằng ngày đang sống nhờ biết suy gẫm và học hỏi những mẫu gương tha thứ và hòa giải.

Cổ Học Tinh Hoa có kể rằng, sau khi thắng trận lớn, Sở Trang Vương mở đại yến khao tướng sĩ để tưởng thưởng công lao và lòng trung thành. Vua truyền cho các cung nữ của mình ra hầu tiệc. Đang ăn bỗng một trận gió làm đèn đuốc tắt hết. Lợi dụng bóng tối, một quan đại phu ôm chầm lấy người đẹp đang chuốc rượu cho mình và hôn. Người đẹp chính là nàng Hứa Cơ đang được nhà vua sủng ái nhất. Hứa Cơ bèn giật đứt giải mũ của vị quan ấy và đem trình vua xin Ngài trừng trị thích đáng.

Thay vì phẫn nộ, vua ra lệnh cho các quan đều bỏ giải mũ khi đèn sáng. Không ai hiểu tại sao ngoài ba người liên hệ. Sở Vương nói: “Trong nguy biến, các quan đã liều thân vì đất nước. Khi vui say, các quan quên lễ phép một chút, có sao đâu! Lẽ nào vì một chuyện nhỏ mà quên đi lòng hy sinh cao cả của người khác”.

Hai năm sau, nước Sở đánh nhau với nước Tần. Đánh luôn năm trận mà trận nào cũng có một viên quan võ liều sống liều chết xông ra phía trước, đánh rất dũng cảm làm cho quân Tần phải lui binh. Nhờ vậy, quân Sở đại thắng.

Sở Trang Vương lấy làm lạ bèn hỏi:

- Trẫm đãi khanh cũng như mọi người khác, cớ sao khanh lại hết lòng giúp trẫm như vậy?

Vị võ quan trả lời:

- Thần rắp tâm đem tính mạng dâng cho bệ hạ đã lâu, nhưng nay mới có dịp đáp đền nghĩa xưa. Thần đây chính là người ngày xưa đã bị giật đứt giải mũ mà bệ hạ không nỡ hành tội.

***

Kính thưa quí vị, tha thứ sẽ dẫn chúng ta đến hòa giải. Còn hơn thế nữa, tha thứ không chỉ dẫn đến hòa giải mà con xây dựng hòa bình cho chính tâm hồn mình và cho chính gia đình, cũng như cộng đồng mình đang sống.

Sở Trang Vương là một vị vua có lòng khoan dung đại lượng. Ông đã tinh tế quảng đại trong cái nhìn về cuộc đời, và về đại cuộc hơn là chỉ xem xét những sự kiện bé nhỏ xảy ra trước mắt. Có thể nói tóm lại, Sở Trang Vương đã biết vượt qua cái tôi ích kỷ hẹp hòi của mình để chỉ nhìn đến điểm tích cực nơi người khác. Ông biết nhìn điểm tốt nơi người khác và dùng nó để khỏa lấp đi những khuyết điểm nơi những ai xúc phạm đến mình.

Quả vậy, khi nói đến tha thứ, chúng ta cũng cần học biết kỹ thuật tha thứ; vì nếu không, chúng ta cũng khó lòng để tha thứ được. Một trong những kỹ thuật ấy là học nhìn điểm tích cực nơi người khác.

Là con người ai cũng có những đức tính tốt và tích cực. Nhưng vì chúng ta thường bỏ qua những điểm tốt này nên cách nhìn đời và nhìn người của chúng ta cũng thay đổi.

Khi một đôi nam nữ mới yêu nhau, họ chỉ thấy điều tốt nơi nhau và họ quyết định kết hôn với nhau vì họ dựa trên những đức tính tốt này. Và thậm chí đôi khi những tật xấu cũng dễ dàng được bỏ qua. Nhưng khi sống chung với nhau, những suy nghĩ tiêu cực dần dần chiếm chỗ những suy nghĩ tích cực về người mà mình yêu thương. Những cãi vả, giận hờn bắt đầu xuất hiện cũng từ đó. Những điểm tiêu cực dường như mỗi ngày một lớn hơn những điểm tích cực. Và đến một ngày nào đó, con người mà mình một thời yêu thương, tôn thờ giờ đây lại trở thành gánh nặng cho chính cuộc đời của mình. Thay vì là tìm điểm tốt nơi nhau và khuyến khích nhau sống điều tốt, thì họ chỉ thường thấy điểm xấu của nhau và chỉ trích nhau. Đó chính là hậu quả của cái nhìn tiêu cực về người khác. Đó cũng là hậu quả của việc không học kỹ thuật để tha thứ.

Hôm nay tôi mời bạn nhìn vào gia đình mình, người thân mình, con cái mình, và rộng hơn là bạn hữu mình. Các bạn hãy nhìn vào những con người này và hãy nói với chính mình về những đức tính tốt của họ. Các bạn muốn tha thứ cho ai ư! Thưa các bạn, các bạn cũng hãy bắt đầu bằng cách: Hãy nhìn điểm tốt nơi người khác. Chẳng lẽ con người mà theo bạn là “không thể tha thứ được” lại không có lấy ba điểm tích cực trong con người họ sao? Đừng để những chuyện nhỏ phá hư đi ý nghĩa cao đẹp của đời người.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con học biết tha thứ. Xin cho chúng con sức mạnh để tha thứ cho những ai mà chúng con không thể tha thứ được. Để làm được việt đó, xin Chúa cho chúng con khả năng biết nhìn điểm tốt nơi anh em chúng con, nhờ đó, chúng con sẽ học tha thứ một cách dễ dàng hơn.

Br. Huynhquảng 

Xin mời quí vị nghe audio mục Sống Sao Cho Đẹp tại website:

 www.gdthanhgiusetampa.org

VỀ MỤC LỤC
TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ - NHỮNG KHÁC BIỆT NƠI NGƯỜI VỢ

 

Tác phẩm: Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

 

A1. TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ - NHỮNG KHÁC BIỆT NƠI NGƯỜI VỢ

Những ngày hẹn hò đã qua. Những giây phút thần tiên của tuần trăng mật cũng đã hết. Bây giờ là cuộc sống chung mà đôi vợ chồng trẻ phải giáp mặt và cùng nhau xây dựng. Thực tế trước tiên mà họ phải đương đầu chính là những khác biệt giữa hai người. Lâu đài tình yêu không chỉ được xây bằng những viên gạch đồng điệu nhưng còn cần đến những vật liệu khác biệt nhau.

Do đó, nguyên tắc tối quan trọng để xây dựng đời sống chung là ý thức khác biệt của nhau, đồng thời chấp nhận sự khác biệt ấy như một kho tàng hầu phong phú hóa lẫn nhau.

1. Với người chồng trẻ, chúng tôi xin được phép khuyên ngay điều này: họ cần tâm niệm luôn rằng, người vợ có những điểm hoàn toàn khác biệt với họ. Chỉ khi nào chấp nhận sự thật ấy, người chồng mới thấy hiểu vợ mình là một điều cần thiết. Hiểu vợ mình, hay nói chung, hiểu một người đàn bà là chấp nhận rất nhiều điều mà cách chung, đàn ông chỉ có ý niệm lờ mờ. Những người chồng bắt đầu tỏ ra hờ hững và vô tình kể từ lúc họ cho rằng, chuyện của vợ mình là chuyện vớ vẩn hoặc vợ mình là người kém hiểu biết.

Thật ra, người vợ có cái lý của họ. Những gì mà người chồng cho là vô lý nơi vợ mình, thực ra chỉ là những điều mà ông ta không hiểu hoặc không muốn hiểu. Lắm khi người đàn bà tỏ ra vô lý để buộc người chồng phải xử sự như một người người đàn ông.

Tiếng “không” mà đôi khi người vợ phải thốt lên với chồng là một dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy ông không thể xử sự với vợ chỉ bằng lý luận khúc chiết của ông, trái lại, còn phải có tình thương, sự cảm thông và sự khoan nhượng hơn.

Người vợ nói “không” là để thách thức người chồng xử sự như một người chồng đích thực như một tác giả đã nói: “Người đàn ông chỉ thực sự là người đàn ông khi có người đàn bà”. Người chồng chỉ thực sự là người chồng khi có sự thách thức của người vợ.

Người chồng đừng bao giờ quên rằng: người vợ, tự bản chất, mong muốn cho những người thân của mình được hạnh phúc. Nhưng dĩ nhiên theo cách của bà. Khi mong muốn cho người thân của mình được hạnh phúc, người đàn bà cũng có thể tỏ ra độc tài như là muốn mọi người phải làm theo ý mình. Nhưng cái ý muốn làm cho người khác được hạnh phúc và bắt người khác phải làm theo ý mình thực ra cũng là một hình thức dâng hiến của người đàn bà.

Người ta thường nói: người đàn bà thường hành động bằng tình cảm hơn bằng lý trí. Đó là lý do khiến người đàn bà dễ khăng khăng với lập trường của mình hơn. “Vợ muốn là trời muốn” là thế.

Khác với đàn ông, người đàn bà nhìn vào thực tế bằng một cái nhìn phân tích. Họ dừng lại ở những đặc điểm nhỏ và chi tiết của sự vật do cảm tính thúc đẩy và hướng dẫn. Cái nhìn của ngưòi đàn bà về cuộc sống thường nồng nhiệt, hăng say hơn cái nhìn của người người đàn ông. Họ dễ cảm xúc hơn người đàn ông khi đứng trước nỗi khổ của người khác. Người ta gọi cái nhìn của người đàn bà là cái nhìn trực giác. Nghĩa là đàn bà nhìn xuyên suốt bản chất sự vật và thích nghi với thực tế dễ dàng hơn người đàn ông. Chính vì cái nhìn trực giác ấy mà có lẽ tính khí của đàn bà dễ thay đổi hơn người đàn ông.

2. Trong một đại hội y khoa quốc tế mới đây, người ta khẳng định, sự yếu đuối về cơ bắp nơi cơ thể của người đàn bà được bù đắp bằng hiệu năng của những giác quan và hệ thống thần kinh. Do đó, thực sai lầm khi cho rằng, có một phái mạnh và một phái yếu.

Lịch sử thế giới cũng như lịch sử Giáo Hội cho thấy có biết bao người đàn bà đã viết lên những trang sử hào hùng, hoặc chính nhờ những người đàn bà mà người đàn ông mới có thể có những thành công hiển hách.

Tác giả Asler Montéguy trong cuốn sách nhan đề “Sự Trổi Vượt Của Đàn Bà” đã viết như sau:

Đàn bà yêu thích những gì thuộc về nhân tính. Đàn ông, nói chung, có thái độ ngược lại. Người đàn ông hành động như thể họ không được yêu thương đầy đủ, như thể họ phải chịu những uẩn ức làm phát sinh trong tâm hồn họ sự thù ghét. Trở nên gây hấn, người đàn ông cho rằng, sự gây hấn là một đặc tính tự nhiên và đàn bà là những kẻ thấp hèn bởi vì họ tử tế và hoà nhã.

Sự trổi vượt của người đàn bà trên người đàn ông được thể hiện trong sức mạnh yêu thương của họ, cũng như sức đẩy nội tại khiến họ có thái độ hợp tác hơn là gây hấn”.

Chúng ta đừng quên, sức đẩy yêu thương và cộng tác là điều tự nhiên của tâm hồn con người. Sự sống còn và định mệnh của nhân loại tuỳ thuộc ở tình yêu và sự tương trợ. Vai trò của người đàn bà chính là dạy cho người đàn ông sống nhân bản, sống nên người hơn.

Một tác giả đã ví von: người đàn bà đối với người đàn ông cũng như một con số đối với những con số không. Tự nó, những con số không chẳng có giá trị nào, nhưng thêm vào đó một đơn vị nó sẽ tăng gấp bội lần giá trị của một con số.

3. Đời sống hôn nhân là khởi đầu của một cuộc khám phá. Yêu nhau, nên một với nhau, không có nghĩa là xóa bỏ mọi khác biệt; cũng không có nghĩa là bắt người khác phải nên giống mình. Sự hoà hợp chỉ có khi hai bên biết tôn trọng những khác biệt của nhau. Mãi mãi, người phối ngẫu vẫn là một mầu nhiệm để chiêm ngưỡng.

Bao lâu người chồng ý thức vợ mình có những khác biệt trong suy nghĩ, trong hành động, trong cách cư xử và cố gắng để tôn trọng và hoà hợp với những khác biệt ấy thì đó là dấu chỉ cho thấy người chồng còn tha thiết với tình yêu và hạnh phúc lứa đôi.

Trái lại, khi người chồng không nhìn nhận những khác biệt ấy và cưỡng bách người vợ phải khuôn rập theo cách suy nghĩ, hành động và ý muốn của mình, lúc đó sẽ không có tình yêu nữa mà chỉ có nô lệ và sợ hãi.

Khởi đầu cuộc sống vợ chồng, người chồng trẻ nên tâm niệm mỗi ngày, vợ mình có những điểm khác biệt với mình và những khác biệt ấy không là một cản trở cho tình yêu; trái lại, là một yếu tố giúp cho mình được thêm phong phú, cần thiết cho việc vun xới và củng cố tình yêu vợ chồng.

 

còn tiếp nhiều kỳ

VỀ MỤC LỤC
LINH MỤC GIÁO PHẬN SỐNG TU ĐỨC TOÀN DIỆN

  

 [BẢN THẢO]

LINH MỤC GIÁO PHẬN SỐNG TU ĐỨC TOÀN DIỆN

TRONG BỐI CẢNH THỰC TẾ CỦA GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI VIỆT NAM HÔM NAY

 

LỜI NÓI ĐẦU

Tôi rất thích định nghĩa này: “Đời sống thiêng liêng là đời sống nhân bản được sống trong Chúa Thánh Thần.” Quả vậy, việc đào tạo linh mục (được đào tạo và tự đào tạo) phải đi qua tiến trình “làm con người tốt, rồi làm người kitô hữu tốt, thì mới làm người linh mục tốt được.” Nếu hạ tầng cơ sở mà không vững chắc thì thượng tầng kiến thiết sẽ không bền lâu được. Điều đó Chúa Giêsu đã nói rõ trong Phúc Âm qua việc xây nhà trên đá. 

Sau nhiều năm chia sẻ với các ứng sinh linh mục và tu sĩ thuộc nhiều giai đoạn được đào tạo và tự đào tạo, từ những gì tôi đã học được, đã hiểu, đã cố gắng sống và trải nghiệm, những kinh nghiệm sống bản thân không thiếu thăng trầm va vấp cho đến nay ở tuổi bảy mươi, những kinh nghiệm qúi báu rút tỉa được từ việc giúp tĩnh tâm, giải tội đối thoại và linh hướng, cũng như những bài học học được khi họ chia sẻ những thao thức, những trăn trở, những niềm vui và đau khổ, nước mắt và nụ cười, những thành công và thất bại, những thách đố và trông đợi, ở chính mình, ở anh chị em, ở Bề Trên và các nhà đào tạo, ở những người họ phải giao tiếp trong sứ vụ tông đồ, thuộc về Giáo Hội hay ở ngoài Giáo Hội công giáo, tôi nhận ra một thực tế rất hữu ích rằng chúng ta cần học hỏi lẫn nhau và cùng nhau học với vị thầy duy nhất là Chúa Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần, nhất là đối với các ứng sinh linh mục triều. 

Trong ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, những kinh nghiệm sống ấy gợi hứng cho tôi chú tâm hơn vào thực tế cuộc sống khi soạn đề tài “LINH MỤC GIÁO PHẬN TƯƠNG LAI SỐNG TU ĐỨC TOÀN DIỆN TRONG BỐI CẢNH THỰC TẾ CỦA GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI VIỆT NAM HÔM NAY.”[1]

Mong muốn của phần này là cố gắng theo sát ánh sáng chỉ đạo của giáo huấn Giáo Hội để nhìn vào thực tế đang diễn ra trong Giáo Hội và thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Giáo Hội và Xã hội Việt Nam, hầu giúp ứng sinh can đảm đối mặt với thực tế của đời mình, và từ thực tế đó mà định hướng hay tái định hướng đời sống ơn gọi của mình theo đúng bản chất đích thực của lý tưởng đời sống và sứ vụ linh mục triều mà Chúa và Giáo Hội mong muốn, thế giới và con người ngày nay đang chờ đợi, với mục đích kép là vừa học cho mình sống hôm nay vừa chuẩn bị hành trang cho sứ vụ của mình ngày mai. 

Vấn đề thật cần thiết và hữu ích, nhưng vượt quá tầm với của sức mình, nên tôi thêm hai chữ “BẢN THẢO” ở giáo trình này. Phải, đây mới là bản thảo. Là bản thảo nghĩa là chưa xong, chưa đầy đủ, chưa tốt, cần phải được liên tục sửa chữa, hiệu đính, cập nhật cái mới, bỏ đi cái cũ hay không thích hợp. Công việc này không phải tự mình tôi hay cùng những người nghe tôi chia sẻ và chia sẻ với tôi mà làm được. Tôi tha thiết xin mọi người, nhất là các bậc Thầy, các bậc Đàn Anh giúp chỉ giáo và sửa chữa giúp tôi, vì lợi ích lớn hơn của các ứng sinh, đang học làm linh mục và sẽ sống linh mục hơn lên mỗi ngày trong sứ mệnh của Giáo Hội giữa lòng thế giới không ngừng biến chuyển, đặc biệt trong bối cảnh Giáo Hội và Xã Hội Việt Nam hôm nay.  

Nguyện xin Chúa Thánh Thần tiếp tục cho đến hoàn thành tốt đẹp những gì Ngài đã thương khởi sự cho chúng ta và với chúng ta, nhờ lời cầu bàu mạnh thế của Mẹ Maria Lavang và Thánh Cả Giuse. 

Bùi Chu, Xuân Canh Dần

Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

  

CHƯƠNG MỘT 

LINH MỤC GIÁO PHẬN TƯƠNG LAI

sỐng TỐT đỜi SỐNG đỘc thân LINH MỤC

TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI VIỆT NAM HÔM NAY

 

Điều khẳng định căn để là bản chất đời sống độc thân linh mục vẫn là một đòi buộc không hề thay đổi trong Giáo Hội Công Giáo Rôma và được các đương sự tự nguyện dấn thân vào. Nhưng trong bối cảnh xã hội hôm nay, nó phải được hiểu, được sống và được bảo vệ một cách tế nhị, cương quyết và khôn ngoan dù khó khăn hơn các thế hệ trước đây. 

A. ĐẶT VẤN ĐỀ: 

MÔI TRƯỜNG SỐNG CỦA ỨNG SINH TRƯỚC KHI ĐƯỢC TIẾP NHẬN VÀ ĐÀO TẠO 

Chúa kêu gọi và chọn lựa một người từ trong hoàn cảnh sống cụ thể của mình. Vậy môi trường sống của các ứng sinh muốn theo đuổi lý tưởng linh mục tại Việt Nam ngày nay như thế nào?  

A.I. KẾt quẢ cỦa mỘt cuỘc điỀu tra

Có một cái gì đó thức tỉnh và thúc giục chúng ta khi đọc những kết luận giật mình được công bố trong cuộc Hội thảo “Giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên ở nước ta hiện nay - Thực trạng và Giải pháp” do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam tổ chức năm 2007 tại Đồng Nai[2].  

A.I.1 Càng lên cao, người trẻ càng... “hư”

Tỷ lệ quay cóp: Rất ngạc nhiên khi có tới 8% học sinh tiểu học đã... quay cóp. Con số này lên đến bậc THCS và THPT đã nhảy vọt thành 55% - 60% và đến bậc ĐH, CĐ đã thành 69%. 

Tỷ lệ nói dối: Ở bậc Tiểu học, đã có tới 22% nói dối cha mẹ, còn ở bậc THCS và THPT thì có tới 50% - 64% học sinh lừa cha dối mẹ. Và ở bậc ĐH, CĐ có đến hơn 80% sinh viên sẵn sàng nói dối để qua mặt phụ huynh. 

Tỷ lệ thiếu niên phạm pháp cũng ngày một tăng cao: năm 1986 có 3.607, năm 1996 có 11.726 em vị thành niên phạm tội bị phát hiện (gấp 3 lần). Trung bình mỗi năm trên cả nước có 4.746 thiếu niên phạm pháp.

Nạn ma túy học đường gia tăng đột biến ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối: Năm 2004 chỉ có 600 học sinh, sinh viên nghiện ma túy, đến năm 2007 con số này đã tăng lên 1.234 học sinh, sinh viên.  

A.I.2 Phong cách sống đạo đức của học sinh, sinh viên ngày càng “có vấn đề”: Kết quả cuộc điều tra khảo sát năm 2007 tại 30 trường ĐH-CĐ trong cả nước do Vụ Văn hóa - Ban Tư tưởng Văn hóa Trung Ương phối hợp với Vụ Công tác Học sinh Sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho thấy 51,4% sinh viên cho rằng “sống thử trước hôn nhân là hiện tượng khá phổ biến” và được coi là “bình thường” [x. Hiện tượng “sinh viên tầm gửi” và “tình ở trọ”] 

A.I.3 Một số các nguyên nhân

-     Chúng ta vẫn nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người. Nhiều giáo viên lên lớp chỉ lo truyền giảng kiến thức chuyên môn, chứ không chú trọng để uốn nắn chỉnh sửa những sai trái của học trò mình. 

-     Gia đình buông lỏng việc quản lý giáo dục con cái, để trẻ ngày càng tách khỏi thế giới thực và bị cuốn hút bởi những trò chơi bạo lực ly kì, hấp dẫn trên TV mà quên đi nhiệm vụ học tập, giúp đỡ gia đình.  

-     Việc giáo dục đạo đức trong nhà trường từ bậc phổ thông đến đại học còn nhiều bất ổn: Các chương trình giáo dục đạo đức còn nặng về lý thuyết, nhẹ giáo dục kỹ năng sống, không tạo được dấu ấn và điều kiện thuận lợi để hình thành nhân cách cho học sinh.

-     Tác động của nền kinh tế thị trường, sự hội nhập các nền văn hóa và sự hấp dẫn của đời sống đô thị đã làm cho các giá trị đạo đức truyền thống bị xâm hại và mai một dần. 

-     Người trẻ càng lớn càng hư vì nhiều năm qua họ phải thụ hưởng một nền giáo dục đạo đức theo kiểu quan liêu, giáo điều, áp đặt, nhồi nhét và khô cứng mà không được tôn trọng thật sự. 

-     Cần coi trọng tính thực tiễn trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên: Thầy cô cần tích cực liên hệ thực tiễn, đưa ra nhiều tình huống để các em tự giải quyết, qua đó các em nhận thức được giá trị sống, học được kỹ năng cơ bản và định hướng hành vi. Nội dung chương trình các môn học khác cần được lồng ghép với nội dung giáo dục một cách phù hợp.

-     Yếu tố kinh tế là vấn đề nổi cộm nhất, mà môi trường gia đình và xã hội có nhiều yếu tố xấu tác động trực tiếp đến nhân cách học sinh, đặc biệt là vấn đề đạo đức”. 

A.II. NhẬn đỊnh cỦa HĐgm ViỆt Nam

Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc không thể không quan tâm đến tình trạng này... Do đó, việc giáo dục đạo đức và lương tâm phải là trách nhiệm hàng đầu của toàn xã hội, và cần đến sự tham gia tích cực của người dân cũng như các tổ chức xã hội[3]  

A.III. SUY TƯ và nỖ lỰc cẢi tiẾn CỦA Chúng ta

Người có trách nhiệm trước nhất và cao nhất trong việc tuyển chọn và đào tạo linh mục là Giám Mục giáo phận. Đây cũng là trách nhiệm của mọi thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, đặc biệt là các cha xứ (x. GL 233: “Toàn thể cộng đồng kitô giáo có bổn phận phải cổ động các ơn gọi để đáp ứng đủ những nhu cầu của thừa tác vụ thánh trong toàn thể Giáo Hội. Bổn phận này bó buộc cách riêng các gia đình, các nhà đào tạo, đặc biệt là các giáo sĩ, nhất là các cha sở... Chuẩn bị thích đáng cho những người nam đứng tuổi cảm thấy mình được gọi vào thừa tác vụ thánh.

Nhưng trong chiều kích Giáo Hội tham gia, Giám mục giáo phận ủy nhiệm cho một số nhà đào tạo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cộng tác với Ngài để:

-         đồng hành với các ứng sinh,

-         tiệm tiến thẩm tra và giúp ứng sinh biện phân ý Chúa và thực thi ý Chúa (qua câu chuyện đời của anh),

-         bảo đảm cho ứng sinh là anh được Thiên Chúa kêu gọi,

-         mời gọi anh tham gia vào việc đào tạo chính anh bằng việc tự đào tạo chính mình,

-         và sau cùng, chính việc Giám Mục gọi ứng sinh lên chịu chức linh mục xác nhận ơn gọi đích thực của Chúa đối với anh. 

Cuộc sống đức tin, nhất là đời sống ơn gọi, luôn là lối đi ngược dòng với xu hướng thời đại của nền văn minh sự chết. Tuy nhiên, sống trong một bối cảnh xã hội như thế, chắc chắn các thanh thiếu niên nam nữ Công giáo cũng không thể không chịu ảnh hưởng, kể cả các dự tu nam nữ trong thời gian tìm hiểu và đi học ở ngoài.

Thật thế, trong Huấn Thị “Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các dòng tu,” Bộ Tu sĩ nhận định: “… Thường có sự chênh lệch giữa những kiến thức đời, đôi khi rất chuyên môn, với sự tăng trưởng tâm lý và đời sống kitô… Họ cũng chịu ảnh hưởng của một xã hội tiêu thụ cùng với những thất vọng của nó. Khi đạt tới một địa vị xã hội, đôi khi rất vất vả, một số đã bị băng hoại do bạo lực, ma túy và dâm ô… Trong số những ứng sinh vào đời tu, càng ngày càng có không ít thanh niên đã có những kinh nghiệm thương đau trong lãnh vực vừa kể trên… đòi phải được thanh lọc và uốn nắn lại[4] 

Do đó, các nhà đào tạo phải quan tâm đến các mối liên hệ xã hội và đời sống độc thân thanh khiết của các ứng sinh trước khi vào Chủng viện hay Dòng tu.[5] Phải cân nhắc thái độ của ứng sinh đối với giới tính và khả năng sống độc thân thánh hiến (Bộ GDCG, Chỉ dẫn việc huấn luyện độc thân linh mục tr.7-75); đồng thời phải xem ứng sinh có ngăn trở Giáo luật nào không (GL 1024-1052).  

Trong một xã hội tục hoá, buông thả luân lý và hưởng thụ khoái lạc, các nhà đào tạo cần phải giúp các ứng sinh nhận ra được lý tưởng cao cả của chức linh mục và đời sống tu sĩ, cùng những yêu sách tất nhiên của nó ở trong Giáo Hội, hầu kiên trì sử dụng mọi phương thế tự nhiên và siêu nhiên để gìn giữ và tự bảo vệ lấy mình, trong mọi mối tương quan nhân loại, nhất là tương quan khác phái, hầu được xứng hợp theo đuổi lý tưởng ơn gọi cho đến cùng.  

Người trẻ ngày nay trưởng thành sớm về mặt sinh học nên chuyện tình cảm yêu đương không thể tránh. Họ cần được giúp hiểu và sống tốt nguyên vẹn cuộc đời mình trước khi đi vào lựa chọn đời sống hôn nhân hay đời sống linh mục và tu sĩ đúng như Chúa muốn và Giáo Hội dạy. Đồng thời cũng phải giúp họ thẳng thắn nhìn nhận những cản trở và chiến đấu không thể vượt qua được để lượng sức mình mà đổi hướng sớm, không cần đợi đến lúc bị phát hiện hay bị tố cáo, vì con đường linh mục hay tu sĩ không phù hợp cho họ.[6] 

Đối với người Việt Nam chúng ta, lãnh vực tính dục rất tế nhị, các nhà đào tạo phải làm cho mình trở thành người biết nhẫn nại lắng nghe và khả tín hầu ứng sinh dễ dàng bộc lộ sự thật, đồng thời đừng để mình dễ bị “sốc” và có ngay biện pháp khiến ứng sinh lo sợ và co mình lại hoặc nói dối, kẻo một lần đã nói dối thì họ sẽ có khuynh hướng nói dối mãi, dù biết rằng sẽ phải trả giá rất đắt khi lời nói dối bị vạch trần. 

Vì thế, thật hữu ích trong thời gian đầu này, ứng sinh cần được trình bày rõ và tự mình có trách nhiệm đối mặt với những gì đã xảy ra cho mình và giải quyết chúng, với sự giúp đỡ của các nhà đào tạo, nhất là vị linh hướng. Có thế thì sự chọn lựa đời sống linh mục hay tu sĩ có hướng dứt khoát ngay từ đầu, để tiến trình đào tạo và tự đào tạo được thanh thản và hiệu quả. 

Nếu chỉ là chuyện tình cảm và tình yêu thì nên dần dần chấm dứt đi, khi đã chọn lựa đời tu. Nếu lỡ có chi hơn thế mà không đến đỗi mắc ngăn trở thì càng phải cương quyết chấm dứt, triệt để biến đổi lật sang trang đời mới, không nuôi dưỡng đèo bồng du dưa nữa. Kể cả hai bên đều cùng đi tu thì phải biến đổi và thăng hoa nó lên, để tránh những hệ lụy “người xưa cảnh cũ” sau này. Tốt nhất là không nên tìm cơ hội gặp gỡ riêng tư với người tình cũ. Nhớ câu chuyện “đứt đuôi nòng nọc.”[7] Và dù có nói là quyết tâm lật sang trang đời mới thì cũng cần có đủ thời gian để ứng sinh trắc nghiệm chính mình là mình có thể kiên trì làm được điều đó; đồng thời người có trách nhiệm có đủ dữ kiện để an tâm chứng nhận rằng ứng sinh thực sự đã đổi mới và kiên trì tiến bước được trên đường ơn gọi. Giáo Hội đã quá đau khổ, bị thiệt hại vì chuyện này và đang nỗ lực nghiêm khắc chấn chỉnh ngay từ bước tuyển lựa và đào tạo đầu tiên. Tiếc là nhiều người quá chú trọng đến THI về kiến thức mà không có TUYỂN kỹ càng về phẩm chất đạo đức, thanh danh luân lý và những vấn đề thuộc tâm sinh lý, cũng như những cản trở Giáo luật có thể có.  

Đã là con người thì ai cũng có những nhu cầu và ham muốn tự nhiên cần phải chiến đấu, nhưng tội nghiệp cho những ai “bén mùi chùi chẳng sạch” sẽ phải chiến đấu nặng nề hơn. Tuy nhiên, nếu cứ phải chiến đấu quá nặng nề và quá dai dẳng thì không nên để tiếp tục, vì sẽ khổ cho đương sự và nhiều người khác sau này, thiệt hại cho công cuộc dưỡng giáo và truyền giáo của Giáo Hội.  

Chớ gì ngay từ những ngày còn là mầm non ơn gọi, các người có trách nhiệm trong gia đình, giáo xứ và giáo phận tích cực hướng dẫn, nói rõ cho các em biết và xem xét, nếu em nào không có khả năng sống độc thân khiết tịnh (tiết dục toàn vẹn và trường kỳ) như Giáo Hội đòi hỏi thì thôi, đừng cho tiếp tục nữa, kẻo các em sẽ hiểu sai lệch và có một lương tâm lệch lạc về đời sống linh mục và tu sĩ, rất nguy hiểm. Cũng nên xem xét kỷ các động lực đi tu của các em. 

Chuyện gì làm riêng tư một mình thì có Chúa biết. Nhưng chuyện gì làm giữa hai người thì rồi người khác cũng sẽ biết, không biết được hôm nay thì mai kia cũng sẽ biết. Có thể vì nhân đạo, họ không nói hoặc chưa nói đó thôi. Ứng sinh nên nhớ rằng những người thương mình và bảo vệ Giáo Hội sẽ không chấp nhận thái độ nước đôi đó đâu. Những người ghét mình hay gia đình mình sớm muộn gì sẽ tố cáo. Và ngay chính người con gái khó quên được chuyện ấy cũng sẽ không giữ kín được lâu đâu. Nàng có thể chấp nhận mất người yêu cho Chúa và Giáo Hội, chứ không chịu mất trong tay một hay nhiều cô gái khác đâu; và rồi chính nàng sẽ làm ra chuyện, vì “không ăn được thì đạp đổ!”  

Nếu thiếu tính tự giác tự nguyện đổi hướng về phía ứng sinh, thì ứng sinh nào bị phát hiện là không thích hợp, vì khiếm khuyết thể lý, quân bình tâm lý hay luân lý, và có những ngăn trở theo Giáo luật, nên mạnh dạn và nhanh chóng đưa đương sự ra khỏi con đường theo đuổi ơn gọi. Cả hai phía, các nhà đào tạo và ứng sinh, không được phép nuôi dưỡng những hy vọng hảo huyền và những ảo tưởng nguy hiểm, dù biết rằng mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai. Cũng không ai được tự phụ rằng ơn thánh sẽ thay thế cho những khiếm khuyết tự nhiên.  

A.IV. Ứng sinh nên biẾt sỚm VỀ TRỞ NGẠI GL

Tuy đang ở những bước khởi đầu, các ứng sinh cần được biết sớm những khoản Giáo Luật liên quan cần thiết. Không nên để quá muộn khiến tiến thối lưỡng nan, thiệt hại cho Giáo Hội lẫn cho đương sự.

-     GL 1024 và 1033: Chỉ có người nam nào đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức rồi mới được lãnh nhận chức thánh cách thành sự và hợp pháp.

-     GL 1025: Phải trải qua một thời gian thử thách, hội đủ những đức tính thích hợp, không bị điều bất hợp luật và ngăn trở nào, đủ các giấy tờ cần thiết, và phải được điều tra kỹ lưỡng (x. GL 1051) 

-     GL 1026: Đương sự phải được tự do hoàn toàn, tuyệt đối không được cưỡng bách bằng bất cứ cách nào và vì bất cứ lý do gì, cũng không được ngăn cản người đủ khả năng xứng hợp theo Giáo luật (x. Chuyện lo và sợ sau khi học về nhiệm vụ linh hướng).

-     GL 1029: Chỉ nên cho tiến chức những ứng sinh có đức tin tinh tuyền, ý hướng ngay lành, kiến thức cần thiết, danh thơm tiếng tốt, đức hạnh vẹn toàn, nhân đức vững vàng, các đức tính về thể lý và tâm lý phù hợp với chức thánh sẽ lãnh nhận. 

-     GL 1036-1037: Ứng viên phải đệ trình một bản tuyên bố do chính tay mình viết và ký tên xác nhận mình tự nguyện và tự do xin được chịu chức và sẽ vĩnh viễn dấn thân cho thừa tác vụ của Giáo Hội, đã công khai đảm nhận nghĩa vụ sống độc thân trước Thiên Chúa và Giáo Hội. 

-     GL 1041: Những bất hợp luật không được chịu chức:

-         điên khùng/bệnh tâm thần không đủ năng lực chu toàn thừa tác vụ;

-         bội giáo, lạc giáo hay ly giáo;

-         mưu toan kết hôn, dù chỉ là hôn nhân dân sự;

-         tội sát nhân, phá thai có hiệu quả, hay tích cực cộng tác vào;

-         chủ tâm hủy hoại thân thể mình hay kẻ khác, đã mưu toan tự vẫn;

-         đã thực hiện một hành vi thuộc bí tích truyền chức [ngồi vào tòa giải tội nghe xưng tội, lấy MTC ra ban phép lành cho giáo dân…]. 

-         GL 1043: Buộc tín hữu phải trình báo với Bản quyền về người có những ngăn trở để nhận lãnh chức thánh. 

-         GL 1045: Dù không biết là có những điều bất hợp luật và những ngăn trở thì vẫn bị mắc những điều ấy.

-         GL 1051: Phải điều tra theo các phương thế hữu ích tùy hoàn cảnh mỗi thời và mỗi nơi:

-         giấy chứng nhận các đức tính cần thiết: học thuyết ngay lành, đạo đức chân thành, hạnh kiểm tốt, khả năng thi hành thừa tác vụ;

-         giấy chứng nhận đã khám nghiệm kỹ lưỡng sức khoẻ thể lý và tâm lý. 

Ứng sinh cũng cần có một cam kết khởi đầu về ý ngay lành và tính trung thực của việc theo đuổi ơn gọi, liên quan đến bối cảnh gia đình “xét như chủng viện đầu tiên” (Optatam Totius số 21), những điều kiện bên ngoài, những điều kiện tự nhiên và những điều kiện thiêng liêng (x. Bản câu hỏi tự vấn). 

Ứng sinh cũng được yêu cầu trải qua một cuộc kiểm tra sức khỏe tổng quát và trắc nghiệm tâm lý; lãnh vực đời sống tình cảm cũng cần được khảo sát và chữa lành hầu đạt được sự ổn định cần thiết cho đời sống linh mục mai ngày; những gánh nặng nội tâm cần được tháo gỡ và giải quyết nhờ sự trợ giúp của các nhà đào tạo, nhất là vị linh hướng (GL 239,2; 240,2; 246,4; FABC, 7th Plenary Assembly, Spiritual Direction). 

-         GL 239,2: Mỗi chủng viện phải có ít nhất một vị linh hướng và những tư tế khác được Giám Mục chỉ định vào nhiệm vụ này.

-         GL 240,2: Không bao giờ được hỏi ý kiến của vị linh hướng hay cha giải tội trong việc cho chủng sinh tiến chức hoặc sa thải. 

-         GL 246, 4: Ứng sinh phải thường xuyên lãnh nhận bí tích sám hối và tự do chọn lựa cho mình một vị linh hướng để có thể tin tưởng bày tỏ lương tâm. Việc linh hướng thuộc bí mật tòa trong, như ấn tòa giải tội, trong mối tương quan khép kín tay ba (Chúa Thánh Thần, ứng sinh và vị linh hướng) 

Điều mà vị linh hướng khám phá về người thụ hướng ở toà trong sẽ không được tiết lộ ra ở toà ngoài. Điều này không những để bảo vệ người thụ hướng, mà còn cống hiến cho anh sự tín nhiệm và tin tưởng rằng điều gì anh đã bộc lộ ở tòa trong vẫn được giữ bí mật. Chính niềm tín nhiệm và bảo đảm này mang lại sự chữa lành tận gốc. Ngay trong tai họa lạm dụng tình dục trẻ em khiến lập trường Giáo Hội trở nên cứng rắn hơn và yêu cầu tích cực hợp tác với thẩm quyền dân sự thì ấn tòa giải tội vẫn phải tuyệt đối tuân giữ, là cha giải tội không được tố cáo các linh mục xưng thú phạm tội ấu dâm.[8] 

Tóm lại, việc chuẩn bị các ứng sinh thích hợp là nhiệm vụ hàng đầu của cộng đoàn Giáo phận, mà trên hết là của Giám Mục Bản Quyền và những người Ngài tin tưởng ủy thác cho công cuộc tối quan trọng này. Sự chuẩn bị nhắm đến việc tiếp nhận các ứng sinh vào chủng viện, qua việc phân định, nhận xét, đánh giá, tuyển chọn và khai tâm họ đi vào sự cam kết khởi đầu tiến trình tự biến đổi và cam kết với sứ vụ (x. GL 241). Việc đào tạo ở chủng viện tùy thuộc vào phẩm chất của các ứng sinh đã được nhận vào.  

ĐTC Biển Đức XVI đau đớn về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em hiện đang làm ta bối rối, một vấn đề từng góp phần vào việc làm suy yếu đức tin không ít và mất đi lòng tôn kính đối với Giáo Hội và giáo huấn của Giáo Hội, đã nêu ra một số nguyên nhân: 

“Chỉ bằng cách xem xét cẩn thận nhiều yếu tố phát sinh ra cuộc khủng hoảng hiện nay mới có thể tiến hành được một cuộc chẩn bệnh sáng suốt các nguyên nhân gây ra bệnh và tìm thấy các phương thuốc hữu hiệu. Chắc chắn, trong các yếu tố góp phần, ta có thể kể ra: các thủ tục thiếu sót trong việc ấn định ra tư cách xứng đáng để các ứng viên lãnh nhận chức linh mục và cuộc sống tu trì; thiếu sót trong việc đào tạo nhân bản, luân lý, tri thức và thiêng liêng trong các chủng viện và tập viện; khuynh hướng trong xã hội nể vì hàng giáo sĩ và những khuôn mặt có thẩm quyền khác; và việc quá quan tâm một cách không đúng chỗ tới tiếng tăm của Giáo Hội và tránh gương mù gương xấu, kết quả là không áp dụng các hình phạt hiện hành theo giáo luật để giữ tiếng tăm cho mọi người. Cần phải khẩn thiết hành động để điều chỉnh lại các yếu tố trên, từng mang lại nhiều hậu quả bi thương cho đời sống các nạn nhân và gia đình họ, và làm tối đen ánh sáng Phúc Âm đến độ ngay các thế kỷ bách hại cũng không làm hại đến thế”[9]

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

còn tiếp

__________________________

chú thích

[1] x. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, Đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng của các linh mục tương lai trong bối cảnh Việt Nam ngày nay, ĐCV. Huế, 2006.

[2] Trích Tin Việt Nam ngày 7/8/2008.

[3] Quan điểm của HĐGMVN về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay, I, 2&3, làm tại Xuân Lộc ngày 25/9/2008.

[4] Bộ Tu Sĩ, Huấn thị Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các Hội Dòng, 2/2/1990 số 88-89.

[5] Micae-Phaolô Trần Minh Huy, Đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng của các Linh mục tương lai trong bối cảnh Việt Nam ngày nay, 2006, tr. 51-52.

[6] Xin xem Ephesô 2,1-10.

[7] Con cóc đẻ trứng dưới nước, nở ra nòng nọc. Khi nòng nọc biến thái, đứt đuôi thành cóc thì lên sống trên khô. Cóc không xuống sống dưới nước, nếu lỡ bị rơi hay bị ném xuống nước, cóc sẽ vội vả tìm cách lên khô. Sự dứt khoát đoạn tuyệt với các tình huống tình cũ cũng phải như thế.

[8] Xem CWNews 18.03.2010: Một giới chức Vatican nhắc nhở các độc giả tờ Osservatore Romano: Nếu một linh mục thú nhận lạm dụng các trẻ em trong một lần đến bí tích thống hối, thì cha giải tội không được tố cáo vụ lạm dụng ấy cho các thẩm quyền hợp pháp. ĐGM Gianfranco Girotti, một giới chức của Toà Ân Giải, nhấn mạnh rằng ấn toà trong là tuyệt đối. Cha giải tội không được làm bất cứ điều gì dựa trên những lời thú tội của hối nhân hoặc tiết lộ những tội đã được xưng ra cho bất kỳ người nào. Ngài nói: “Việc duy nhất toà giải tội có thể làm là xá tội”. Lời chỉ trích các giám mục Công giáo về việc xử lý và giải quyết các linh mục lạm dụng tập trung vào những trường hợp trong đó những phát hiện lạm dụng là ở ngoài toà giải tội – hoặc qua những khiếu nại từ các nạn nhân hoặc qua những lời thú nhận do các linh mục trong những phỏng vấn hành chính.

[9] Thư của Đức GH Bênêđíctô XVI gửi Người Công Giáo Ái Nhĩ Lan ngày 20/3/2010, số 4 - VietCatholic News (21 Mar 2010 23:58

 

VỀ MỤC LỤC
ĐỂ GIẢM CHI PHÍ KHÁM CHỮA BỆNH

 

 Ngày 23 tháng 3 năm 2010, Tổng Thống Hoa Kỳ Barrack Obama đã dùng 22 cây viết kể ký thành luật bản dự thảo cải tổ nền y tế vốn đã có nhiều khuyết điểm của cường quốc tư bản giầu có này.

Đảng cầm quyền Dân Chủ rất hoan hỉ với đạo luật, cho rằng phe ta đã hoàn tất được một việc mà cả gần trăm năm nay không ai làm được còn đảng đối trọng Cộng Hòa hậm hực, hơi ghen tị, cho là chính phủ đã can thiệp vào quyết định y tế của mỗi cá nhân.

Dân chúng thì mỏi cồ quay phải nghe ý kiến chỉ trích của phe Cộng hòa rồi quay  trái nghe đối đáp bảo vệ của khối Dân Chủ, và tiếp tục ngóng cổ hồi hộp chờ đợi xem đạo luật có mang lại điều mới mẻ ích lợi gì không.

Trong khi chờ đợi luật mới được cụ thể áp dụng thì bà con ta tiếp tục  thắt lưng buộc bụng, vất vả đối phó với y phí quá cao trong việc khám trị bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.

Theo thống kê, từ năm 1980 tới 2009, chi phí y tế của mỗi gia đình tăng gấp 3 lần so với chi phí cho các nhu cầu khác, như ăn uống nhà cửa. Có nhiều ý kiến cho rằng, đôi khi chi phí cao chưa chắc là dịch vụ chăm sóc luôn luôn hoàn hảo. Ngoài ra, chi phí cũng nhiều ít tùy theo phương thức trị liệu, nơi cung cấp dịch vụ,. uy tín kinh nghiệm của giới chuyên môn và cách sử dụng của người dân. Xét nghiệm MRI, Cat Scan chắc chắn là tốn kém hơn x-quang bình thường. Chi phí khám chữa ở phòng cấp cứu bắt buộc là sẽ cao hơn ở ngoại trú, phòng mạch bác sĩ.

Lý do chi phí cao 

Vấn đề rất phức tạp, tuy nhiên một số lý do để giải thích tình trạng đắt đỏ này đã được nêu ra:

- Hậu quả của sự khủng hoảng, lạm phát kinh tế nói chung.

- Chi phí mua bảo hiểm sức khỏe tăng vọt.

- Nhiều bệnh nhân ỷ mình có bảo hiểm công- tư, lạm dụng dịch vụ y tế vì thấy rằng mình không phải trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh,. Đây là một trong nhiều lý do khiến cho ngân sách các chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ như Medicare, Medicaid bị thâm lạm.

- Chi phí cho dược phẩm và kỹ thuật khám-trị bệnh quá cao.

Hiện nay, có nhiều dược phẩm rất công hiệu để trị các bệnh mà cách đây vài chục năm tưởng như bất khả trị. Mà thuốc tốt là do kết quả nhiều nghiên cứu của các nhà bào chế, sản xuất. Họ phải bỏ ra nhiều tiền để có thể tìm ra rồi sản xuất thuốc quý. Họ phải thu vốn bằng cách bán với giá thuốc cao.

Rồi lại còn kỹ thuật máy móc điều trị cũng tối tân hơn và đắt tiền hơn. Dân chúng thích dùng thuốc tốt, kỹ thuật cao, đôi khi không cần thiết do đó chi phí y tế lên cao.

- Số bệnh nhân kinh niên gia tăng nhờ có điều trị tân tiến, giảm tử vong nhưng sống dai dẳng với bệnh tật.

- Tuổi thọ cao, số lão niên tăng, mang thêm một số bệnh bệnh cần chữa trị. Ngoài ra lại còn chi phí khi nhiều vị phải vào nhà dưỡng lão, chăm sóc tại gia, cận tử...

- Chi phí cho các dịch vụ hành chánh không liên quan và giúp ích gì tới việc khám trị bệnh cũng quá nhiều. Chẳng hạn các nhà cung cấp dịch vụ cần nhân viên để làm thủ tục đòi tiền bảo hiểm; công ty bảo hiểm phải bồi hoàn y phí cho nên họ cần người kiểm soát, theo dõi để tránh sự lạm dụng của bệnh nhân, bác sĩ.

- Bác sĩ và cơ sở y tế e ngại bị kiện vì lỗi lầm, sai sót (malpractice) cho nên hành nghề trong chiều hướng tự vệ, làm nhiều xét nghiệm không cần thiết.

Nói chung, chi phí cho các dịch vụ ở bệnh viện cao nhất, 31% rồi tới bác sĩ 21% và thuốc men 10%. 

Để giảm chi phí

Bài học thực tế bây giờ là làm sao giảm chi phí này. Sau đây là một số đề nghị từ các nhà chuyên môn kinh tế tài chánh trong lãnh vực y tế:

- Luôn luôn dùng các dịch vụ trong bảo hiểm mình đã mua như bác sĩ, y tá, bệnh viện, bác sĩ chuyên môn. Lý do là giữa công ty bảo hiểm và các vị này đã có những thỏa thuận về giá cả tương đối chấp nhận được.

- Đừng qua mặt bác sĩ gia đình mà tự ý đi khám bệnh ở bác sĩ chuyên môn. Với vấn đề giản dị như bị dị ứng mần ngứa trên  da mà  đơn phương đi bác sĩ chuyên da liễu thì phải trả chi phí cao.

- Gia nhập nghiệp đoàn nơi mình đang phục vụ, vì nghiệp đoàn thường có hợp đồng chăm sóc sức khỏe giá vừa phải với nơi cung cấp dịch vụ y tế.

- Tìm mua bảo hiểm thích hợp với tình trạng tài chánh và sức khỏe của mình và với công ty có uy tín, có tầm hoạt động mạnh, rộng lớn.

Đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng, coi xem mình được hưởng dịch vụ nào, thanh toán tiền nong ra sao.

Mạnh dạn mặc cả để được giá hợp lý, nêu ra lợi điểm sức khỏe như đời sống tốt, không rượu thuốc, vận động đều.

Kiểm soát giấy đòi tiền điều trị, nếu thấy có lầm lẫn, khiếu nại ngay.

- Duy trì bảo hiểm với cơ quan cũ khi nào về hưu, nghỉ việc.

- Nếu mình rất ít khi bị bệnh và ít khi đi khám bác sĩ thì nên mua bảo hiểm với bảo phí hàng tháng thấp (low- premium), trả tiền túi cao (high co-payment), như vậy cũng tiết kiệm được một số tiền mỗi tháng.

Ngược lại, nếu thường xuyên cần chữa trị lại nên mua bảo hiểm với low co-payment và hơi cao premium. Nếu có hợp đồng với khoản khấu trừ cao (high deductible), nên có Health Savings Account (HSA) và đóng tiền tiết kiệm đều đặn. Nên nhờ một chuyên viên bảo hiểm giúp ý kiến thực hiện chương trình này.

 - Nếu đang là chủ nhân một xí nghiệp, cơ sở kinh doanh, thương mại, nên thành lập công ty (incorporated), vì mình có thể được giảm thuế lợi tức khi mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên và chủ nhân.

- Xin trợ cấp bảo hiểm Medicare, Medicaid nếu hội đủ điều kiện, nhờ đó chi phí y tế cũng giảm đáng kể.

- Nhiều người có thói quen cho là nếu vào phòng cấp cứu là không phải chờ đợi lâu, được khám bệnh ngay. Đồng ý nhưng chỉ khi nào bị bệnh trầm trọng, chứ với bệnh thông thường thì sẽ phải trả y phí rất cao.

- Giới hạn việc nằm điều trị tại bệnh viện, nếu có thể, vì chi phí sẽ  cao hơn là ngoại trú hoặc phẫu thuật trong ngày (one day surgery).

- Đừng dùng thuốc với tên riêng (brand name), mà mua thuốc tên chung (generic), giá tiền thấp hơn từ 30-50% , công hiệu cũng tương đương.

Brand name là do hãng sản xuất phải bỏ nhiều tiền tìm kiếm, nghiên cứu rồi cần quảng cáo rộng rãi nên thường đắt hơn rất nhiều.

- Với các bệnh cần điều trị lâu dài, yêu cầu bác sĩ cho thuốc mỗi 3 tháng thay vì mỗi tháng, như vậy sẽ bớt được tiền sai biệt tới 30% mà mình phải trả.

Có thể mua loại thuốc mạnh hơn rồi cắt đôi hoặc mua thuốc theo chương trình 4 đô la thuốc generic của nhiều trung tâm bán lẻ (Wall-Mart, Target…) hoặc mua qua bưu điện, internet.

- Trường hợp bệnh thông thường, ngắn hạn, xin bác sĩ cho ít ngày thuốc mẫu. Phòng mạch nào cũng có một số thuốc này do viện bào chế cung cấp để bác sĩ cho bệnh nhân dùng thử.

- Chi phí chữa trị bệnh răng miệng rất cao. Nếu không mua được bảo hiểm, nên đến trường đào tạo bác sĩ nha khoa. Nơi đây có sinh viên  khám chữa bệnh. Họ có mức độ chuyên môn khá vững và hành nghề dưới sự hướng dẫn của các bậc thầy. Chi phí tại đây nhiều khi ít hơn ở ngoài tới 50%.

Ngoài ra nên thường xuyên đánh răng, giữ gìn vệ sinh răng miệng.

- Hỏi ước lượng chi phí của phương thức trị liệu, chẩn đoán trước khi hẹn ngày thực hiện. Nếu y phí quá cao, mặc cả giảm giá hoặc xin trả góp làm nhiều kỳ. Thân thiện với nhân viên phụ trách thu y phí của nơi cung cấp dịch vụ y tế để được hướng dẫn.

Một số bác sĩ đồng ý giảm giá nếu trả tiền mặt hoặc bao khám chữa hàng tháng với một khoản tiền nhất định.

- Cũng hỏi xem các thử nghiệm sẽ làm có cần thiết không và mình phải trả bao nhiêu phần trăm.

Và có ý kiến cho là nên  lập gia đình để hưởng bảo hiểm của người phối ngẫu có bảo hiểm sức khỏe với cơ quan.

Tháng 9 năm 2009, tổ chức Consumers Union Hoa Kỳ thực hiện một cuộc thăm dò 1002 người trưởng thành coi xem họ tiết kiệm chi phí y tế ra sao. Sau đây là kết quả:

-28 % người hoãn ngày đi khám bác sĩ.

- 25% không đủ khả năng trả y phí và mua thuốc.

- 22 % trì hoãn các phương thức giải phẫu.

- 20 % từ chối làm thử nghiệm.

- 20% không mua thuốc.

- 15% dùng thuốc đã quá hạn.

-15% giảm số lần uống thuốc để tiết kiệm    

Cá nhân cần làm gì để giảm chi phí

Trên đây là kế hoạch cắt giảm y phí chung cho mọi người.

Bây giờ xin đề cập tới mấy phương thức mà mỗi cá nhân chúng ta có thể áp dụng để cắt giảm y phí. Đó là:

- Hãy giữ gìn sức khỏe. Đây là cách hữu hiệu nhất để cắt giảm y phí vì khỏe mạnh là không bệnh tật, không phải đi bác sĩ, không nằm bệnh viện và có thể tiếp tục làm việc kiếm tiền.

Ngoài ra, công ty bảo hiểm sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý của người mua để định giá cả.

- Tích cực hợp tác với bác sĩ trong các quyết định chữa trị bệnh.

- Lâu lâu, tự khám cơ thể coi có dấu hiệu bất thường ( vết lạ trên da, u cục nhũ hoa…). Nếu có, đi bác sĩ ngay để thử nghiệm thêm ngõ hầu có thể tìm ra bệnh trong giai đoạn mới bắt đầu, điều trị mau lành mà ít tốn kém.

- Bỏ thuốc lá vì thuốc lá là rủi ro gây nhiều bệnh. Ngoài ra, các công ty bảo hiểm sức khỏe cũng như bảo hiểm nhân thọ có thể từ chối hoặc bán với giá cao nếu biết mình ghiền thuốc lá.

- Nếu có nếp sống lành mạnh, vận động cơ thể, giảm thiểu bệnh tật cũng là lợi điểm khi tìm mua bảo hiểm.

- Giải tỏa căng thẳng tinh thần. Stress là rủi ro gây ra nhiều chứng bệnh như trầm cảm, lo âu, hoang tưởng mà chi phí điều trị và mua bảo hiểm cũng tốn kém hơn.

- Tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây bệnh, cách phòng tránh qua tạp chí y học, internet để bảo vệ sức khỏe.

-Nên giữ đúng hẹn tái khám, vì khi bỏ hẹn, bệnh có thể trầm trọng hơn và tốn nhiều tiền điều trị hơn.

- Sử dụng các phương pháp trị bệnh theo kinh nghiệm cổ truyền, thầy thuốc dân gian mà tiền nhân ta từ trước tới nay vẫn dùng.

 - Giới hạn và cẩn thận hơn với các rủi ro gây thương tích như leo núi, trượt tuyết.

 Kết luận

Nói tóm lại, để cắt giảm chi phí khám chữa bệnh, liệu chúng ta có nên áp dụng bài học Sạch Sẽ, Điều Độ, Thể Thao trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư xuất bản năm 1948 do các bậc lão thành Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn.

Bài học rất thực tế, quý giá chắc chắn có thể giúp ta không rơi vào tình trạng nay đau, mai bệnh, không phải đi bác sĩ, vào bệnh viện và bảo vệ được cái “Sức Khỏe Là Vàng” mà ai ai cũng mong muốn. 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức - Texas-Hoa Kỳ

 
VỀ MỤC LỤC
Ràng Buộc - Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Gã xin bắt đầu mục chuyện phiếm hôm nay bằng một câu truyện vui như sau :

Ông vua xe hơi, Henry Ford, sau khi chết được đưa lên thiên đàng. Tại cổng, thánh Phêrô đang chờ sẵn để đón chào. Vừa gặp ông ta, thánh Phêrô cho biết :

- Hồi còn sống, ngươi đã thực hiện nhiều việc công ích cho xã hội, như sáng chế ra phương pháp làm việc dây chuyền, khiến kỹ nghệ xe hơi  thay đổi cả thế giới. Với thành quả như vậy, ngươi sẽ được một đặc ân  là có thể chuyện trò với bất cứ ai ở trên thiên đàng này.

Suy nghĩ vài giây, ông ta xin được gặp Thượng đế, Thánh Phêrô liền dẫn ông ta đến gặp Thượng đế. Vừa nhìn thấy Thượng đế, ông ta bèn hỏi ngay:

- Thưa Ngài, lúc chế tạo ra đàn bà, ngài đã suy nghĩ những chi ?

Thượng đế nghe xong bèn hỏi lại:

- Ngươi hỏi như vậy là ý gì?

Ông ta trả lời:

- Trong sáng chế của Ngài có quá nhiều sơ sót. Phía trước thì bị phồng lên, phía sau thì bị nhô ra. Máy thường kêu to khi chạy nhanh. Tiền bảo trì và nuôi dưỡng quá cao. Thường xuyên đòi hỏi nước sơn mới. Cứ đi hai mươi tám ngày là lại bị chảy nhớt và không làm việc được. Chỗ bơm xăng và ống xả lại quá gần nhau. Đèn trước thì quá nhỏ. Tiêu thụ nhiên liệu thì nhiều khủng khiếp.

Thượng đế nghe qua liền bảo:

- Ngươi hãy đợi một lát để ta xem lại bản thiết kế.

Ngài bèn cho gọi toàn bộ kỹ sư thiết kế và cơ khí trên thiên đàng lại để xem xét quá trình. Sau một thời gian, họ đã trình lên cho Thượng đế bản báo cáo.

Xem xong, Ngài bèn phán rằng:

- Những lời ngươi vừa nói hoàn toàn đúng, bản thiết kế của ta thật có nhiều sai sót, nhưng nếu tính trên phương diện kinh tế thì hiệu quả lại rất cao : Gần 98% đàn ông trên thế giới xài sản phẩm do ta chế tạo, trong khi chỉ chưa đầy 10% đàn ông xài sản phẩm của ngươi.

Từ câu truyện kể trên, gã lan mam suy nghĩ về tình nghĩa vợ chồng, cũng như về đời sống gia đình.

Tác giả Phu Chu trên báo “Tuổi Trẻ Cười” đã viết như sau :

“Theo các bà vợ đã trải qua chinh chiến ghen tuông, thì các ông bây giờ “ghê” lắm, “kinh” lắm. Chuyện bồ bịch lây lan còn nhanh hơn cả dịch cúm gà, heo tai xanh… Vì thế, phải tìm cách ràng buộc chứ.

Thế nhưng, thay vì ràng buộc nhau bằng sợi tơ vàng óng ánh, hay dải lụa mềm mại, mát rượi, thì nhiều bà vợ “chơi” luôn một cuộn dây thừng, hay dây thun gai để đối phương dù có cố gắng giãy giụa, cũng không thể chạy thoát, mà càng giãy càng thương tích đầy mình”.

Dĩ nhiên là có nhiều thứ dây thừng, thậm chí có cả dây xích để ràng buộc lẫn nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, gã chỉ xin bàn tới một độc chiêu, đó là ràng buộc nhau bằng…tiền.

Ngày xưa, ở Việt Nam người ta chưa có ngân hàng để gửi tiền, cũng như chưa có két sắt đề mà cất tiền. Vì thế, người ta thường đựng tiền trong những cái ruột tượng hay những cái hầu bao.

Ruột tượng, theo nghĩa đen là ruột con voi, thế nhưng mấy ai trên đời đã được nhìn thấy cái ruột ấy. Còn theo nghĩa chuyên dùng, thì đó là một cái bao bằng vải, tuy nhỏ nhưng dài, vừa làm dây lưng lại vừa đựng tiền bạc.

Theo Toan Ánh trong “Phong tục Việt Nam” thì :

“Cùng với chiếc thắt lưng thường dùng, các bà các cô còn dùng thêm chiếc thắt lưng bao, đây là cái bao dài để các bà các cô đựng túi tiền.

Thắt lưng bao có chiều dài như một chiếc thắt lưng, khâu hai mép lại với nhau, nhưng lúc khâu bao cũng để lệch độ một khổ vải để miệng bao có hình chênh chếch, đút tiền vào được dễ dàng.

Thắt lưng bao cũng được nhuộm các màu. Các bà các cô thường ưa màu hoa lý và màu đỏ già gân chuyển sang màu nâu. Thắt lưng bao cũng thắt quanh người và cũng thắt giống như thắt lưng thường. Chiếc thắt lưng bao còn được mang tên là…ruột tượng”.

Còn hai chữ “hầu bao”, mặc dù gã đã tìm tòi, nhưng vẫn chưa được hiểu rõ chữ “hầu” ở đây nghĩa là gì. Tuy nhiên “hầu bao” nói chung là cái túi hay cái bao để đựng tiền.

Ngày nay chẳng còn ai dùng tới ruột tượng hay hầu bao, mà người ta dùng ví hay bóp, tức là cái túi da, có nhiều ngăn để đựng tiền và giấy tờ.

Thế nhưng, khi bảo nắm được ruột tượng, hay quản lý được hầu bao của ai, thì có nghĩa là nắm được tiền bạc, quản lý được vận mạng của người ấy và mình thì luôn ở vào cái thế thượng phong.

Thực vậy, ai trong chúng ta cũng hiểu được giá trị của tiền bạc, nó có một sức mạnh khả dĩ sai khiến được người khác và bắt họ phải lệ thuộc vào mình :

- Miệng nhà giàu có gang có thép.

Hay :

- Nén bạc đâm toạc tờ giấy.

Nhiều lần gã cũng đã suy gẫm về những chương trình viện trợ của những nước giàu đối với những nước nghèo. Mặc dù nói rằng viện trợ không hoàn lại, hay viện trợ không điều kiện. Thế nhưng, nếu tôi bảo mà anh không nghe, lúc đó tôi sẽ cúp viện trợ và anh sẽ chết không kịp ngáp.

Nếu gã nhớ không lầm thì vào những ngày gần giải phóng, chính phủ miền Nam năn nỉ ỉ ôi anh chàng Mỹ viện trợ cho một khoản tiền là 360 triệu đô la. Số tiền này được qui ra bằng vũ khí và tất cả những sự lỉnh kỉnh khác. Nhưng anh chàng Mỹ đã từ chối và miền Nam đã đi tới chỗ sụp đổ. Dĩ nhiên là còn nhiều nguyên nhân nữa, chứ  không phải chỉ có bằng ấy mà thôi đâu.

Thế nhưng, chỉ bằng ấy mà thôi cũng đủ cho thấy sức mạnh vạn năng của tiền bạc :

- Mạnh vì gạo, bạo về tiền,

  Có tiền có gạo là tiên trên đời.

Hay như một câu danh ngôn đã bảo :

- Khi đồng tiền đi trước, thì mọi cửa đều mở rộng.

Tới đây gã xin đi vào một lãnh vực nhỏ bé hơn, đó là lãnh vực gia đình. Mặc dù không nói ra, nhưng hình như đã có một thỏa thuận ngầm với nhau rằng :

- Ai nắm giữ được túi tiền, thì người đó sẽ làm chủ gia đình.

Vì thế, chị vợ ra sức ràng anh chồng và ngược lại anh chồng cũng ra sức buộc chị vợ bằng…tiền. 

Trước hết, chị vợ ràng buộc anh chồng bằng tiền. 

Rất nhiều chị vợ quan niệm rằng :

- Chồng mãi mãi là của riêng mình,  nếu trong túi anh ta không rủng rỉnh có  nhiều tiền bạc.

Vì thế, chị vợ ra sức quản lý chặt chẽ mọi nguồn thu nhập của anh chồng. Cụ thể là tiền lương hàng tháng phải đòi cho bằng được tới tận đồng xu cuối cùng. Những lời nói bùi hơn lạc, chẳng khác gì bàn tay sắt bọc nhung,  chị vợ dùng để mà bóp cổ, khiến anh chồng phải lè lưỡi :

- Cả hai chúng mình đã trở nên một, đâu còn tiền anh, tiền em,  mà là tiền chúng mình đấy chứ. Anh cứ để em giữ, lúc nào cần em sẽ đưa ngay cho mà.

Với những lời lẽ ngọt hơn cả đường cát, mát hơn cả đường phèn như vậy, anh chồng bỗng lạc vào mê hồn trận, bấn loạn cả tâm thần, nhất là vào thuở tình yêu còn đang nồng cháy. Và thế là cứ rui ríu nghe theo : giao nộp đầy đủ, chẳng bao giờ dám tơ tưởng đến quĩ đen quĩ đỏ.

Thế nhưng, khi đã nắm được hầu bao rồi, thái độ của chị vợ bỗng dưng đổi thay : chỉ biết có đầu vào, mà luôn phớt tỉnh cái đầu ra, nhận thì cười cười nói nói, còn chi thì day dứt và đay nghiến. Những anh chồng nhiều kinh nghiệm thương đau đã nhận xét :

- Chị vợ chính là một thứ “ngân hàng”. Gửi vào thì dễ, nhưng lấy ra thì khó khăn vô cùng.

Hầu như tất cả các chị vợ đều “ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tim” thói trăng hoa đèo bòng bồ nhí, và tật ăn nhậu say xỉn  của anh chồng. Mà hai thói tật này lại liên hệ mật thiến đến túi tiền, cho nên cần phải quản lý một cách hết sức chặt chẽ. 

Thứ nhất  là thói trăng hoa  đèo bòng bồ nhí.

Thực vậy, người xưa đã bảo :

- Có tiền mua tiên cũng được.

Với một chiếc ví dày cộm những xấp tiền mới tinh, xem chừng bước đi của anh chồng trở nên mạnh mẽ khi bước vào những chốn ăn chơi. Và lập tức được các nàng tiên nữ vây quanh, chiều chuộng. Ăn thì có người gắp và đưa lên tận miệng. Uống thì có người rót và mời mọc hết ly này tới ly khác. Xừng xừng thì có người sẵn sàng cho mượn bờ vai hay bắp vế làm chỗ gác chân gác tay. Mệt mỏi thì có người mát xa, mát gần…Cứ việc chi cho thật đẹp, thì anh chồng dù xấu xí đến đâu cũng vẫn nghiễm nhiên trở thành một…thượng đế.

Có những anh chồng, thuở còn hàn vi, thì rất thương vợ thương con, chắt chiu từng đồng để mang về nuôi sống những người thân yêu và gia đình chan hòa hạnh phúc, một thứ hạnh phúc rất đơn sơ, theo kiểu :

- Râu tôm nấu với ruột bầu,

  Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.

Nhưng rồi cuộc đời bỗng mỉm cười, phát đạt trong công ăn việc làm, trúng mánh trong nhiều vụ “áp phe” như sang nhượng đất đai và nhà cửa, mà bây giờ người ta gọi là…cò đất. Anh chồng cứ phất lên như diều gặp gió, tiền bạc chảy vô như nước, đếm không xuể.

Tiền nhiều nên phát sinh chứng “rửng mỡ”. Chị vợ ở nhà bỗng trở thành một thứ “bà lão” quá đát, cần phải có thư ký trẻ đẹp, đễ giao dịch trong việc làm ăn. Rồi từ chỗ tâm đầu ý hợp, anh chồng tậu ngay một căn phố, rồi bao thầu từ A đến Z mọi chi phí cho cô thư lý riêng của mình, để rồi đèo bòng bồ nhí lúc nào cũng chẳng hay.

Biết được cái thói trăng hoa ấy, nên chị vợ lại càng kiểm soát ngân sách một cách thật nghiêm ngặt, bởi vì theo chị nghĩ :

- Mấy con nhỏ xinh xinh ở hàng quán, có con nào lại chịu đong đưa mời chào, hay liếc mắt gợi tình với một gã bị viêm màng túi kinh niên, cho dù cái mã bên ngoài của gã ta có đẹp trai đến mấy chăng nữa…

Chuyện ăn nhậu phè phỡn nơi hàng quán chỉ là chuyện lẻ tẻ mà còn như thế, huống nữa là chuyện lập hẳn một dinh cơ nho nhỏ cho cô bồ nhí. Không tiền, thì làm sao mua được nhà cửa giữa thời buổi đất cát còn mắc hơn vàng. Không tiền, thì làm sao có thể bao thầu mọi nhu cầu cần thiết giữa thời buổi vật giá leo thang đến chóng cả mặt…Chỉ còn nước giơ tay lên trời mà thề quyết trung thành với chị vợ :

- Bà xã muôn năm. 

Thứ hai là tật ăn nhậu say xỉn. 

Hầu như chị vợ nào cũng tỏ ra bực bội mỗi khi anh chồng không về nhà ăn cơm. Trong khi chờ đợi mà chẳng biết ly do, nhìn mâm cơm mình đã cẩn thận nấu mướng cứ lạnh tanh lạnh ngắt mà muốn ứa nước mắt, rồi trong đầu óc xuất hiện những câu hỏi :

- Giờ này anh ở đâu và anh ở với ai ? Nhỡ bị tai nạn giao thông thì sao ?

Hầu như chị vợ nào cũng không chịu nổi cảnh mãi tận khuya anh chồng mới trở về trong tình trạng say xỉn, nồng nặc mùi bia rượu. Không cho chó ăn chè thì còn phúc tổ bảy mươi đời.

Thế nhưng, trong mối liên hệ xã hội, anh chồng nào mà chẳng có những người bạn. Bạn cùng học một trường, bạn cùng làm một nghề, bạn cùng ở trong một công ty… Gặp nhau là tay bắt mặt mừng, không rủ nhau đi nhậu, cho dù chỉ là một cái lẩu dê vỉa hè, thì cũng cà phê cà pháo tí chút.

Ngoại trừ những anh chồng nghiện nặng, vốn dĩ đã làm đệ tử của Lưu Linh, bữa nào cũng phải dùng vài ly cho mở mang trí hóa hay cho giải bớt cơn sầu, còn phần đông các anh chồng,  khi ăn cơm ở nhà với chị vợ và xấp nhỏ, rất nghiêm chỉnh chẳng đụng tới một giọt rượu, nhưng khi gặp bè bạn thì khác, đúng như một kinh nghiệm về những điều kiện của việc uống rượu, đó là phải tốt cái nhắm và phải lắm anh em.

Hai điều kiện này xem ra hơi bị hao tiền tốn bạc. Hơn thế nữa, hôm nay người ta mời mình, thì ngày mai minh phải mời lại người ta, như vậy mới là dân chơi thứ thiệc, đúng điệu và đúng mốt, có đi có lại mới toại lòng nhau.

Tuy nhiên, nếu chiếc túi hơi bị rỗng, thì chỉ có nước tan sở là ba chân chạy về nhà ăn cơm với bà xã, vừa an toàn thực phẩm, lại vừa đầm ấm gia đình trong cảnh đoàn tụ xum vầy. Hơn nữa, anh chồng cũng chẳng còn can đảm và mặt mũi nào, để ăn ké hay nhậu chùa với bạn bè hoài hoài…

Cuối cùng thì câu điệp khúc của muôn đời vẫn là :

- Mình về ăn bát cơm ta,

  Mắm tôm cà ghém, cơm nhà vẫn hơn.

Phương án quản lý hầu bao, xiết chặt túi tiền của các chị vợ đã đem lại những kết quả tuyệt vời, dồn anh chồng vào thế việt vị, bất nhóc nhách. Tuy nhiên, các chị vợ cũng cần phải xét lại một tí trước những nhu cầu chính đáng, kẻo bị phản tác dụng, khi anh chồng biết mở mắr ra, mà gian dối, cắt đầu nọ, bớt đầu kia, để lập quĩ đen quĩ đỏ cho riêng mình.

Đúng thế, một anh chồng đã tâm sự :

“Nghe những lời ngọt ngào, tôi đã tin tưởng trao tất cả lương bổng của mình cho cô ấy giữ. Ai ngờ khi cần tiền để đi đám cưới con của bạn, mừng tân gia cậu em,  hay thăm hỏi đồng nghiệp đau ốn, cô ấy lại giữ khư khư không đưa cho tôi với lý do :

- Anh cứ tập trung vào công việc ở cơ quan, còn mọi chuyện đối nội cũng như đối ngoại, thì hãy để  đấy cho em.

Lần khác cô em gái út của tôi phải vào bệnh viện, muốn cho em chút tiền gọi là để bồi dưỡng sức khỏe, hỏi đến thì lập tức cô ấy nổi cáu :

- Anh tưởng vài đồng bạc lương của anh là đủ chi tiêu trong tháng hay sao ? Nếu không có em giữ thì bố con anh làm gì có những bữa cơm ngon, canh ngọt như thế này. Hay là từ nay, em trao lại cho anh giữ  tiền, anh muốn ăn ở đâu thì tùy anh.

Biết cô ấy nói dỗi, tôi không còn ý định rút tiền từ túi của cô ấy nữa. (Báo Gia đình). 

Tiếp đến, anh chồng ràng buộc chị vợ bằng tiền. 

Ngày hôm nay, phe đờn bà con gái đã được giải phóng, không còn bị giam trong xó bếp, làm bạn với nồi niêu xoong chảo, nhưng đã ngoi ra ngoài xã hội và đã gặt hái được những thành quả đáng kể. Có người làm tới tổng thống, thủ tướng. Có người làm tới bộ trưởng, nghị sĩ. Có người làm tới kỹ sư, bác sĩ…

Tuy nhiên phần đông cánh đờn ông con giai, nhất là các anh chồng, đều muốn chị vợ của mình ở lại nhà mà “tề gia nội trợ”, chứ không mấy hứng thú khi thấy chị nợ bươm chải ngoài xã hội. 

Lý do thứ nhất, vì anh chồng sợ bị phỗng tay trên. 

Thực vậy, mặc dù nhiều lúc trong gia đình, cơm chẳng lành và canh cũng chẳng ngọt, nhưng tận đáy lòng anh chồng vẫn muốn chị vợ là của riêng mình. Ra ngoài đường, thiên hạ nhìn chằm chặp bằng những cặp mắt cú vọ thì làm sao chịu cho nổi.

Hơn thế nữa, như người ta vốn thường diễn tả :

- Vợ là cơm nguội của ta,

  Nhưng là phở tái, thằng cha láng giềng. 

Lý do thứ hai, vì anh chồng lo bị mất giá.

Thực vậy, nếu “chẳng may” chị vợ có chức to hơn, hay kiếm được nhiều tiền hơn, thì anh chồng sẽ bị tụt hạng và rớt giá không phanh. Lúc bấy giờ bậc thang giá trị trong gia đình sẽ bị đảo lộn. Chị vợ sẽ lên ngôi bà chủ, còn anh chồng  thì chui xuống làm tên đầy tớ. Và sự thật đã xảy ra như vậy.

Nhiều chị vợ đã khinh anh chồng ra mặt, chỉ vì anh chồng bị thất nghiệp, không còn kếm ra tiền :

- Cái nhà này, nếu không có bàn tay của tôi thì sẽ như thế nào ? Anh biết đấy. Không có tôi, bố con anh chỉ còn nước bị gậy mà ra ngoài đường.

Vì thế, những anh chồng khôn ngoan đã tìm đủ mọi cách để chị vợ phải hoàn toàn lệ thuộc vào tiền bạc của mình, phấn đấu trở thành cột trụ trong gia đình, không phải chỉ để chứng tỏ bản lãnh đờn ông của mình, mà còn để chị vợ phải dựa vào, bởi vì nếu không dựa vào cột thì biết dựa vào đâu bây giờ.

Các anh chồng ra sức dỗ ngon dỗ ngọt để cô ta chịu ở nhà :

- Đi làm mệt mỏi lắm, nhất là khi em đã lớn tuổi.

- Đi làm đầu óc căng thẳng, khó mà có…bầu. Có rồi, thì cũng dễ dàng…tuột như chơi.

- Mình anh đi làm cũng đủ nuôi sống gia đình này mà.

Quá cảm động, các chị vợ liền từ bỏ công danh sự nghiệp để ở nhà chu toàn thiên chức “nội tướng”. Và thế là chui đầu vào rọ. Lúc đầu còn tương đối rảnh rỗi, nhưng khi đã có được một hay hai mặt con, bấy giờ chị vợ sẽ phải đầu tắt mặt tối, làm không hết việc và nếu có mở miệng xin tiền, dù là tiền mua sữa cho con, anh chồng vẫn cứ tỉnh bơ, bằng không  thì lại quạu cọ :

- Tôi có phải là máy đâu mà in ra tiền.

Bao nhiêu thói hư tật xấu của anh chồng, chị vợ bèn phải cắn răng chịu đựng chứ làm sao bứt ra được một khi đã dựa vào cột, hay đã lệ thuộc vào đồng tiền nhỏ giọt của anh chồng.

Gã xin mượn trò chơi “thả diều” của tác giả Phu Chu trên báo “Tuổi Trẻ Cười” như một kết luận :

Cánh diều và sợi dây không thể thiếu nhau. Sợi dây phải mỏng manh nhưng rất dai. Căng quá, dây sẽ đứt. Chùng quá, cánh diều sẽ đâm xuống đất. Ngoài ra, trò chơi này cần phải có gió và khoảng trống. Đó mới chính là tình yêu vợ chồng vậy.

Gã Siêu   gasieu@gmail.com  

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************