Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.info                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 110, Chúa Nhật 10.01.2010


MỤC LỤC 

Lời Mở Ðầu Sắc Lệnh Về Tông Ðồ Giáo Dân                                                          Vatican 2

LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM THỜI KỲ BẢO TRỢ, 1533-1659    Gs. Trần Văn Cảnh 

NĂM THÁNH LINH MỤC - NIỀM HY VỌNG.                                  Lm. Giuse Trần Việt Hùng

CÂU CHUYỆN LỄ HIỂN LINH: ĐỪNG TƯỞNG BỞ!                            Lm. Giuse Lê Công Đức

CỜ THÁNH GIÁ PHẢI GIƯƠNG CAO !                                                 Gioan Lê Quang Vinh

Quyền được tiếp cận thông tin dưới ánh sáng HỌC THUYẾT XÃ HỘI của GIÁO HỘI   Lm. Anmai, DCCT

Bảng Chữ Cái                                                                                Gs. Trần Duy Nhiên (dịch)

TIÊU CỰC & GIAN DỐI: ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA MỌI NGUYÊN NHÂN ?        Lm. Nguyễn Thành Long

“NĂM LINH MỤC” Huấn luyện tính dục trong nếp sống độc thân của Giáo sĩ, Tu sĩ        Lm. Đường Thi

ĐỨC TIN LÀ MỘT HỒNG ÂN                                                                     Phùng Văn Phụng

SOI GƯƠNG, SOI LÒNG                                                                          Nhà Văn Quyên Di

THẬN TRỌNG VỚI THUỐC HO, CẢM LẠNH                                 Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.

NGƯỜI VIỆT…XẤU XÍ                                                                Chuyện phiếm của Gã Siêu


Sắc Lệnh Về Tông Ðồ Giáo Dân (Lời Mở Đầu)

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Sắc Lệnh Về Tông Ðồ Giáo Dân

Apostolicam Actuositatem

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Lời Mở Ðầu 1*

1. Thánh Công Ðồng muốn phát động mạnh mẽ hơn việc tông đồ của dân Thiên Chúa 1, nên chú tâm hướng về các Kitô hữu giáo dân, những người có phần riêng biệt và cần thiết trong sứ mệnh của Giáo Hội, như đã được nhắc đến trong những văn kiện khác 2. Bởi vì, vốn phát sinh từ ơn gọi làm kitô hữu, việc tông đồ giáo dân không bao giờ có thể khiếm khuyết trong Giáo Hội. Trong những buổi đầu Giáo Hội, việc tông đồ này thật là hăng say và kết quả biết bao! Chính Thánh Kinh chứng minh cách phong phú điều đó (x. CvTđ 11,19-21; 18,26; Rm 16,1-16; Ph 4,3).

Thời đại chúng ta đòi hỏi người giáo dân phải nhiệt thành không kém, nhất là những hoàn cảnh hiện tại càng đòi hỏi việc tông đồ của họ phải hoàn toàn mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Quả vậy, càng ngày dân số càng gia tăng, khoa học và kỹ thuật càng tiến triển, những mối tương quan mật thiết hơn giữa con người không những mở rộng môi trường hoạt động tông đồ giáo dân đến vô hạn, môi trường mà phần lớn chỉ dành riêng cho họ, mà còn tạo nên nhiều vấn đề mới đòi họ phải đặc biệt lưu tâm học hỏi. Việc tông đồ này lại càng trở nên khẩn trương hơn, vì sự biệt lập trên nhiều phương diện của cuộc sống con người như thường thấy, càng gia tăng, đôi khi gây nên một sự tách biệt với trật tự luân lý và tôn giáo, cũng như tạo ra một sự nguy hiểm trầm trọng cho đời sống Kitô giáo. Hơn nữa, trong những miền thiếu linh mục hay khi các ngài không được tự do thi hành chức vụ, thì Giáo Hội khó có thể hiện diện và hoạt động hữu hiệu nếu không nhờ giáo dân cộng tác.

Dấu hiệu cho thấy nhu cầu muôn mặt và khẩn trương ấy chính là hoạt động tỏ tường của Chúa Thánh Thần đang làm cho giáo dân hôm nay mỗi ngày một ý thức hơn phần trách nhiệm riêng của mình và thúc bách giáo dân mọi nơi phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội 3.

Trong Sắc Lệnh này, Công Ðồng nhằm làm sáng tỏ bản chất, đặc tính và những cách thế của việc tông đồ giáo dân, nêu lên những nguyên tắc căn bản và ban bố những giáo huấn mục vụ để thi hành việc tông đồ ấy cho hiệu quả hơn. Mọi điều trong Sắc Lệnh này phải được coi như những tiêu chuẩn cho việc xét lại những khoản giáo luật có liên quan đến việc tông đồ giáo dân.

 


Chú Thích:

1* Công Ðồng trình bày tổng quát những lý do thuộc bình diện lý thuyết và những hoàn cảnh khiến cho hoạt động tông đồ giáo dân cần thiết và cấp bách:

- Sự đòi hỏi của ơn gọi Kitô hữu, như các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đã minh chứng điều đó.

- Sự phát triển dân số, tiến bộ khoa học và sự biệt lập của những thực tại trần thế có thể tạo nguy hiểm cho đời sống Kitô hữu.

- Tình trạng thiếu thợ tông đồ làm cho việc tông đồ giáo dân trở nên khẩn thiết hơn.

1 Xem Gioan XXIII, Tông Hiến Humanae Salutis, 25-12-1961: AAS 54 (1962), trg 7-10.

2 Xem CÐ Vat. II, Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, số 33tt: AAS 57 (1965), trg 39tt. - Xem thêm Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, số 26-40: AAS 56 (1964), trg 107-111. - Xem Sắc Lệnh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội: ASS 56 (1964), trg 145-153. - Xem Sắc Lệnh về  Hiệp Nhất: AAS 57 (1965), trg 90-107. - Xem Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội, số 16, 17, 18. - Xem Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, số 3, 5, 7.

3 Xem Piô XII, Huấn từ ad Cardinales, 18-2-1946: AAS 38 (1946), trg 101-102. - N.t. bài giảng ad Juvenes Operatos Catholicos, 25-8-1957: AAS 49 (1957), trg 834.

còn tiếp 

VỀ MỤC LỤC
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM - BÀI 4 : LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM THỜI KỲ BẢO TRỢ, 1533-1659

 

Lời mở 

Trong lịch sử truyền giáo dài gần 500 năm của mình, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã tiếp nhận hai sắc chỉ rất quan trọng mà Tòa Thánh đã ban hành.

Sắc chỉ thứ nhất tên là « Super Cathedram » do Đức Giáo Hoàng Alexandre VII ban hành ngày 09.09.1659, bổ  nhiệm hai đức cha François PALLU và Pierre LAMBERT DE LA MOTTE làm giám mục Đại Diện Tông Tòa và thiết lập hai giáo phận tông tòa đầu tiên ĐÀNG TRONG và ĐÀNG NGOÀI tại Việt Nam.

Sắc chỉ thứ hai tên là « Venerabilium Nostrorum », do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban hành ngày 24 tháng 11 năm 1960 để Thiết lập PHẨM TRẬT GIÁO HỘI tại VIỆT NAM, với việc thành lập 20 giáo phận chính tòa, qui tụ trong BA GIÁO TỈNH HÀ NỘI, HUẾ và SÀIN.

Sắc chỉ Super Cathedram xác định thời điểm phân chia thời kỳ BẢO HỘ, 1533-1659 với thời kỳ TÔNG TÒA, 1659-1960. Sắc chỉ Venerabilium đánh dấu thời điểm phân chia thời kỳ tông tòa, 1659-1960 với thời kỳ CHÍNH TÒA, 1960 đến nay. 

NĂM THÁNH 2010, vừa được Giáo Hội Công Giáo Việt Nam khai mạc ngày 24/11/2009 tại Sở Kiện, thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội là để kỷ niệm hai thời điểm này : 350 năm thành lập hai địa phận tông tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài vào ngày 09/09/1659 và 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm tại Việt Nam vào ngày 24/11/1960.

Đó là lý do khiến trong phần thứ nhất của loạt bài « Mừng Năm Thánh 2010, xem lịch sử truyền giáo Việt Nam » chúng ta đã dành hai bài đầu tiên để xem lại nguyên bản của hai sắc chỉ định hình của lịch sử Giáo Hội Việt Nam : Sắc chỉ Super Cathedram và sắc chỉ Venerabilium Nostrorum. 

Kỷ niệm hai thời điểm trên, Năm Thánh 2010 nhằm 3 mục đích mà Nội qui cử hành Năm Thánh xác định rõ rệt như sau :

1. Nhìn lại quãng đường lịch sử gần 500 năm truyền giáo qua 3 thời kỳ: 126 năm Bảo Hộ (1533-1659), 300 năm Tông Toà (1659-1960), đặc biệt là 50 năm Chánh Toà (1960-2010). Nhìn lại lịch sử nhằm mời gọi cộng đồng Dân Chúa Việt Nam cùng chung lòng tạ ơn Chúa đã thương ban cho Dân Người được hình thành, tồn tại và phát triển qua những thăng trầm của lịch sử, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với Toà Thánh và các bậc tiền nhân đã góp phần tích cực vào việc loan Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội trên đất nước Việt Nam.

2. Nhìn lại lịch sử cùng với những thẩm định về đời sống Giáo Hội nhằm rút ra những bài học lịch sử cho việc thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.

3. Đồng thời cũng nhìn tới tương lai trong bối cảnh văn hoá xã hội đang đổi thay của những thập niên đầu thiên niên kỷ III, nhằm vận động cộng đồng Dân Chúa một lòng quyết tâm đáp trả tình thương của Chúa, và làm mới hình ảnh gia đình Giáo Hội tại Việt Nam theo hình mẫu mà Công đồng Vatican II 1965 đã phác hoạ như sau : Giáo Hội hiệp thông, Giáo Hội tham gia và Giáo Hội vì loài người (1).

Bám vào những mục đích này, một cách tổng quát, tiếp tục phần thứ nhất « Mừng Năm Thánh 2010, xem lịch sử truyền giáo Việt Nam », chúng ta sẽ xem lại trang sử truyền giáo Việt Nam ở mức độ ba thời kỳ : Bảo Trợ, Tông Tòa và Chính Tòa. Cho mỗi thời kỳ, chúng ta sẽ làm ba việc : xem lại lịch sử, thẩm định rút ra bài học lịch sử và phóng nhìn về tương lai dựa vào bài học lịch sử vừa rút ra. Chúng ta sẽ khởi sự với việc xem lịch sử thời kỳ Bảo Trợ, 1533-1659.  

Thời kỳ Bảo trợ trải dài trên hai giai đoạn lịch sử việt nam : giai đoạn Nam Bắc Triều Lê Mạc (1527-1592) và một phần giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh (1570-1786). Ba sự kiện quan trọng đáng ghi nhớ về thời kỳ Bảo Trợ 1533-1659 : 

1. Thế kỷ XVI, Công giáo vào Việt Nam loan báo Tin Mừng. Bốn địa điểm đã được đón nhận Tin Mừng.  

Trong thế kỷ XVI, lịch sử Việt Nam loạn lạc với những tranh chấp giữa nhà Mạc và nhà Lê (1527-1592). Bắc triều nhà Mạc, cũng như Nam triều nhà Lê đều mời đón người Âu châu vào buôn bán với mình. Làm tuyên úy cho các thương thuyền người Âu, các giáo sĩ theo thương gia người Âu bắt đầu đến và truyền giáo ở Việt Nam. Năm 1533, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, trong quyển XXXIII, đã ghi « Lời chua » để cắt nghĩa lệnh cấm đạo Tây dương, Hoa lang, Gia tô. Trong lời chua thứ ba về « Gia tô » chép rằng : « Gia - tô: Theo sách Dã Lục, thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô » (2). Những nho sĩ chép sử có quan niệm chính sử, coi nhà Lê là chính tông, còn nhà Mạc là phản nghịch, nên ghi niên hiệu Nguyên Hòa Lê Trang Tông. Thực ra, vào năm 1533, các xã Ninh Cường, Quần Anh và Trà Lũ (thuộc Nam Định ngày nay) đều thuộc trấn Sơn Nam, vùng đất Bắc Triều do Nhà Mạc cai trị, đời Thái Tông Mặc Đăng Doanh, niên hiệu Đại Chính (1530-1540). Nhà Lê vẫn còn ở Sầm Châu, Ai Lao (3).  

Địa điểm thứ hai đã được tiếp nhận Tin Mừng là Thanh Hóa, với việc tòng giáo của công tử Đỗ Hưng Viễn, con quan đại thần triều Lê trung hưng, vào khoảng những năm 1560-1570, rồi với việc đến Việt Nam truyền đạo của hai cha triều Alphonso de Costa và Juan Gonsalves vào năm 1590 và rửa tội cho công chúa Mai Hoa.  

Cũng trong thế kỷ XVI, địa điểm thứ ba đã được đón Tin Mừng là Quảng Nam - Thuận Hóa, với việc hai linh mục dòng Daminh là cha Luis de Fonseca và Grégoire de la Motte đến Quảng Nam năm 1580-1586, và sau đó, việc ba nhà truyền giáo khác, thuộc dòng Đa Minh, là cha Alfonso Jímenez, cha Diego và thầy trợ sĩ Juan Bautista Deza đến Cửa Hàn vào năm 1595 và đã khuyên được 2 tù nhân bị án tử hình ở Thuận Hóa theo đạo và an táng theo lễ nghi công giáo.  

Địa điểm thứ bốn được đón tin mừng là Thăng Long. Theo lời mời của Mạc Mậu Hợp, một phái đoàn các cha dòng Phanxicõ, gồm 4 linh mục là D. Operosa, B. Ruiz, P. Ortis, Fr. Montila và 4 thầy trợ sĩ cập bến An Quảng (Quảng Yên), ngày 01.05.1583. Nhưng khi vừa rời bến để lên Thăng Long, thì tầu bị bão đánh dạt sang đảo Hải Nam. Hai năm sau, cha Ruiz, đã 61 tuổi, trở lại được Thăng Long, được vua tôi Nhà Mạc đối xử tử tế và được tự do giảng đạo, nhưng không có ai theo đạo. Ngài chỉ rửa tội được cho một em bé sắp chết.   

2. Thế kỷ XVII, Công giáo hội nhập vào xã hội việt nam và thành lập nhiều cộng đoàn.  

Sang thế kỷ XVII, với phân tranh Trịnh Nguyễn (1570-1786), xã hội Việt Nam vẫn còn loạn lạc với bảy trận đánh Bắc Nam : 1627, 1630, 1635, 1648, 1655, 1661, và 1672. Chúa Trịnh cũng như chúa Nguyễn, ai cũng muốn tiếp xúc với người Âu Châu để võ trang cho mình.  

Tiếp nối công việc tìm đường truyền giáo của các cha Đaminh và Phanxicô đã thực hiện trong thế kỷ XVI, sang thế kỷ XVII, các cha dòng Tên đã đến gieo vãi Tin Mừng rộng rãi hơn trên khắp các miền Việt Nam. Từ năm 1615 đến 1643 ở Đàng Trong và từ năm 1627 đến 1663 ở Đàng Ngoài, trên dưới 30 thừa sai dòng Tên đã đến truyền giáo ở Việt Nam. Nhiều vị giảng đạo bằng tiếng việt và qua những giáo dân việt nam ưu tú, gọi là thầy giảng. Tầt cả đều thích ứng Tin Mừng vào phong tục việt nam, đặc biệt là tinh thần gia đình, làng xóm. Đây là cử chỉ hội nhập văn hoá đầu tiên : dùng tiếng việt để nói về giáo lý, dùng phong tục để diễn tả niềm tin, dùng người việt để truyền đạo cho người việt, dùng gia đình và xóm làng làm môi trường sống đạo.  

Nhờ vậy, hạt giống Tin Mừng đã được dễ dàng đón nhận : nhiều cộng đoàn đã được thành lập. Ở Đàng trong, cha François Buzomi và các đồng bạn đã mang Tin Mừng đến 5 cộng đoàn : Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Thuận Hóa. Ở Đàng Ngoài, cha Đắc Lộ và đồng bạn đã mang tin mừng đến  7 cộng đoàn : Thanh Hóa, Nghệ An, Thăng long, Kẻ Bắc, Kẻ Đông, Kẻ Nam, Kẻ Tây.  

3. Thế kỷ XVII, Công giáo đã khai sinh ra chữ quốc ngữ cho văn học việt nam.  

Để loan báo Tin Mừng, tất cả các linh mục dòng Tên đến Việt Nam, từ 1615 đến 1663, đều đã học tiếng Việt. Nhiều vị rất thông thạo. Cha Francois de Pina là người ngoại quốc thứ nhất rất thông thạo tiếng việt, người thứ nhất giảng mà không cần thông dịch viên. Cha Gaspar d’Amaral đã sáng tác từ điển Việt Bồ và cha Antonio Barbosa đã sáng tác từ điển Bồ Việt. Cả ba đều là người Bồ Đào Nha.  

Lưu lại và đi về, tiếp cận với người Việt Nam dòng dã 12 năm, cha Đắc Lộ đã học tiếng việt với cha François de Pina và với một cậu bé Việt Nam. Ngài lại được thừa hưởng công trình nghiên cứu viết tay, một Từ điển Việt Bồ của Gaspar d’Amaral và một Từ điển Bồ Việt của Barbosa. Nhờ bốn yếu tố đó, cha Đắc Lộ đã sáng tác và cho in, năm 1651, hai tác phẩm quốc ngũ đầu tiên : cuốn Tự điển việt bồ latinh và cuốn giáo lý công giáo Phép giảng tám ngày. Đấy là hai cuốn sách quốc ngữ đầu tiên đã được in ra, phổ biến và lưu truyến ; có thể được coi như tờ giáy khai sinh của chữ quốc ngữ vậy. 

Chữ quốc ngữ đã được người công giáo việt nam tiếp nhận, học tập, xử dụng và phổ biến, mở đường cho nền văn học quốc ngữ việt nam. Ba tài liệu đầu tiên của người việt nam đã được viết bằng chữ quốc ngữ còn lưu lại được là : bức thư hai trang của thầy giảng Igesico Văn Tín viết tại Đàng Ngoài ngày 12-9-1659 cho linh mục dòng Tên G.F.de Marini ; bức thư hai trang của thầy giảng Biển Đức Thiện (Bento Thiện) viết tại Đàng Ngoài (ở Thăng Long) ngày 25-10-1659 cũng gởi cho linh mục G.F.de Marini ; và tập Lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ mới, có lẽ cũng do thầy giảng Biển Đức Thiện viết, dài 12 trang, soạn vào năm 1659 để gởi cho linh mục G.F.de Marini, lúc đó đi La Mã (4).  

Lời kết 

THỜI KỲ BẢO TRỢ là thời kỳ đầu tiên trong lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. Gọi là bảo trợ, vỉ trong thời kỳ này công việc truyền giáo được Giáo Hội ký thác cho hai quốc gia bảo trợ thực hiện. Đó là nước Bồ Đào Nha và nước Tây Ban Nha. Nước Việt Nam thuộc khu vực nước Bồ Đào Nha bảo trợ.

Trong suốt thời gian dài 126 năm này, 82 năm đầu, từ 1533 đến 1615, kết quả truyền giáo rất khiêm tốn. Nhưng 44 năm sau, từ 1615 đến 1659, các cha Dòng Tên đã mang lại một kết quả truyền giáo tuyệt vời quan trọng. Vào năm 1659, người công giáo Việt Nam, chưa có giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, nhưng có khoảng 100.000 tín hữu. 20.000 trong Nam ; 80.000 ngoài Bắc (5),  qui tụ quanh 340 nhà thờ (6). Cùng với các thừa sai khác, cha Đắc Lộ đã khai sinh ra Chữ Quốc Ngữ.

Như vậy, cho thời kỳ 126 năm Bảo Trợ (1533-1659), ba sự việc quan trọng đã được thực hiện : 1- Công Giáo vào Việt Nam loan báo Tin Mừng ; 2- Công Giáo hội nhập vào xã hội Việt Nam và 12 cộng đoàn đầu tiên đã đón nhận và sống Tin Mừng, 3- Công giáo khai sinh chữ quốc ngữ và văn học công giáo việt nam. 

Hôm nay, lễ khai mạc NĂM THÁNH 2010 đã hoàn thành, người công giáo việt nam nên làm gì ? Trong Thư chung ngày 25.11.2009, gửỉ Dân Chúa Hà Nội nhân dịp Năm Thánh, Đức TGM Ngô Quang Kiệt, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã chia sẻ định hướng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, mà nhắc đến những việc tổng thể nên làm như sau : « Lễ Khai mạc đã hoàn thành nhiệm vụ mở đầu. Nhưng để Năm Thánh đem lại kết quả thiêng liêng mong muốn chúng ta cần phải sống tinh thần Năm Thánh với ba phương diện : tâm tình, học hỏi và cử hành ». Tâm tình với những tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, tri ân các bậc tiền nhân và sám hối. Học hỏi với việc học hỏi lịch sử Giáo hội, học hỏi gương mẫu tiền nhân để xây dựng giáo hội. Thực hành với việc tham dự những cử hành phụng vụ, tích cực thực thi công bình bác ái và dấn thân lên đường truyền giáo.

Riêng về Thời Kỳ Bảo Trợ, Đức Tổng đã xa gần nhắc đến, qua ba đoạn thơ, khi nói đến tâm tình tri ân các tiền nhân thừa sai, đến việc soi mình vào lịch sử để học tấm gương sáng ngời của các vị thừa sai và đến việc hành hương Nhà Thờ Chính Tòa, nơi cha Đắc Lộ đã đến rao giảng Tin Mừng lần đầu tiên vào ngày 02.07.1627. Ngài viết :  

« Một tâm tình không thể thiếu đó là tri ân các bậc tiền nhân. Tri ân các vị thừa sai đã quảng đại hi sinh, từ bỏ quê hương, gia đình, chấp nhận cuộc sống vất vả thiếu thốn, gian nan thử thách và chấp nhận dâng hiến cả mạng sống để gieo vãi hạt giống Tin mừng khắp nơi. Tri ân tổ tiên chúng ta đã quảng đại đón nhận đức tin, kiêu hùng bảo vệ đức tin và dũng cảm đổ máu đào minh chứng đức tin, để lại cho chúng ta gia sản đức tin vô giá và một Giáo hội mạnh mẽ phát triển không ngừng.

Soi mình vào lịch sử, ta học được gương mẫu tiền nhân, nhất là của các vị thừa sai và các thánh Tử đạo. Giáo hội phát triển như ngày nay nhờ sự quảng đại, hi sinh của các ngài. Tấm gương sáng ngời của các ngài sẽ khơi dậy lòng phấn khởi. Ơn phúc của các ngài sẽ giúp ta thêm hăng hái quên mình xây dựng Nước Chúa. Sống theo gương các ngài ta sẽ góp phần đưa Giáo hội vào một thời kỳ phát triển mới.

Riêng tại Tổng giáo phận Hà nội, chúng ta có 4 điểm hành hương. Điểm thứ nhất là Nhà thờ Chính tòa, nơi cha Đắc Lộ đã đến rao giảng Tin mừng lần đầu tiên vào ngày 02-07-1627, có pháp trường Ô Cầu Giấy nơi cha thánh Dũng Lạc chịu xử tử, có thành Cửa Bắc, nơi giam giữ và xử trảm thánh Ven, có Kẻ Sét nơi thánh Thịnh sinh ra, có ngôi nhà nguyện đầu tiên, có nhà đức cha Puginier Phước tức là nhà nguyện Fatima hiện tại » (7).  

Paris, ngày 10 tháng 12 năm 2009

Trần Văn Cảnh 

Ghi chú :

(1). Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, «Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam cử hành NĂM THÁNH 2010 :  Nội qui », trong

http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=6&Act=Detail&ID=72&CateID=83

(2). Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - Chính Biên - Quyển XXXIII, trang 720, trong

http://www.viethoc.org/eholdings/sach/kdvstgcm.pdf

(3). (Trần Trọng Kim, VNSL, Q 2, tr. 18)

(4). Đỗ Quang Chính, Tập lịch sử nước Annam, trong

 http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=64&ia=528

(5). HĐGMVN, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên giám 2004, tr. 189

(6). Bentô Thiện viết trong « Lịch sử nước Anam (năm 1659) rằng : “Nghệ an Xứ những nhà thánh thờ đức Chúa trời được bẩy mươi lăm nhà thánh. Sơn nam Xứ được một trăm tám mươi ba nhà thánh. Hải dương Xứ được ba mươi bẩy nhà thánh. Kinh bắc Xứ được mười lăm nhà thánh. Thanh hoá xứ được hai mươi nhà Thánh. Sơn tây xứ được mười nhà thánh”. Trích trong Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ, Sài Gòn : Đường mới, 1972, tr. 129

(7). TGM Giuse Ngô Quang Kiệt : Thư chung ngày 25.11.2009, gửi Cộng Đồng Dân Chúa Hà nội nhân dịp Năm Thánh 2010, trong http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=74002

VỀ MỤC LỤC
NĂM THÁNH LINH MỤC - NIỀM HY VỌNG.

 

Một Linh Mục người Pháp vừa chịu chức, sau những ngày lễ mở tay thật sốt sáng, cha đã cùng các hướng đạo viên về vùng quê. Cha con vác Balô đạp xe đến một xứ có tiếng là khô khan nguội lạnh. Vừa dựng trại ở bìa rừng, cha con vào gặp cha sở xin dâng lễ tại nhà thờ. Cha xứ nói: Tốt lắm. Tân linh mục hỏi: Thưa cha, nhà tạm có đủ Mình Thánh Chúa cho các em chịu lễ không? Cha xứ nói: Không, cha ơi, từ 10 năm nay, khi con về đây, không một ai chịu lễ cả. Xin cha lấy bánh lớn chia cho các em. Sau đó, cha và các em quây quần dâng lễ, hát kinh thật sốt sáng. Cha xứ qùy lặng lẽ và tâm hồn xúc động mạnh. Đã mười năm qua, cha chưa thấy một thánh lễ nào sốt sáng như thế. Lúc lễ xong, tân linh mục mới ngạc nhiên thấy cha xứ quỳ xuống dưới chân mình. Ngài nói: Xin cha giải tôi cho con. Mười năm qua, con đã lỗi đức tin, đức cậy và đức mến. Hôm nay được chứng kiến và tham dự thánh lễ, nhờ ơn Chúa con lấy lại niềm HY VỌNG đã bị chôn vùi. 

1.  Gương sáng

Niềm hy vọng của chúng con ở nơi Danh Chúa. Mỗi người Kitô hữu đều đã lãnh nhận ánh sáng của Chúa Kitô trong ngày chịu phép Rửa Tội. Ánh sáng đó phải được tỏa lan ra chung quanh để mọi người nhìn thấy mà ngợi khen Thiên Chúa. Anh em linh mục chúng ta phải là ánh sáng trong đêm tối, là muối giữa những thối nát đồi trụy và là hy vọng giữa con người đang thất vọng. Niềm hy vọng của chúng ta được thể hiện qua đời sống cầu nguyện và phục vụ hằng ngày. Con là linh mục Triều trực thuộc Địa Phận Nữu Ước, nhưng con đang sống và làm việc chung với các cha Dòng Thánh Augustinô tại vùng Bronx, Nữu Ước. Con đã học được nhiều bài học cảm thương trong cuộc sống qua gương sáng của các cha Dòng. Nói vậy, không phải cha Dòng nào cũng có cái tâm tốt giống nhau.

Sống chung trong một cộng đoàn nhỏ ở giáo xứ, con rất mến cha Roberto Terranova, ngài có một trái tim nhân hậu và yêu mến tha nhân, đặc biệt với những người không nhà, không cửa và những người nghiện  ngập và bệnh họan. Họ đến với ngài bất cứ lúc nào. Ngài không sợ bị họ quấy rầy. Cha đón tiếp họ với thái độ niềm nở và cảm thông. Nhiều khi con thấy ngài giúp đỡ tiền bạc và dọn bữa cho người nghèo ngay trong phòng ăn nhà xứ. Cha ngồi chia sẻ và hỏi han những khó khăn trong cuộc sống của họ. Tìm nơi cho họ cư trú và gởi họ đi để chữa trị những sự nghiện ngập. Biết rằng cha cũng chẳng giải quyết được gì hơn, nhưng một tấm lòng cảm thông thật đáng qúy. Hằng ngày con cũng thấy và gặp gỡ người nghèo không có nơi ăn chốn ở nhưng con đã không thể làm được. Con đã đưa ra nhiều lý do để từ chối giúp đỡ họ như con thường nghĩ rằng họ lười biếng, nghiện ngập và hút sách…Con muốn phục vụ nhưng sự phục vụ trong tính toán. Con muốn nên thánh nhưng hình như con rất ngại nên thánh vì tấm lòng của con quá hẹp hòi.

2.  Bước Theo Thầy

Anh em linh mục chúng ta dĩ nhiên có đích điểm để hướng tới. Chúng ta có Chúa Kitô là trung tâm điểm và là đích điểm. Chúng ta đừng bao giờ rời xa Chúa Kitô. Ngày xưa thánh Phêrô lo sợ sóng gió đã không ngước nhìn và tin tưởng vào Chúa, ông đã bị chìm. Chúng ta hãy ngước nhìn lên Chúa là nguồn của sự bình an và yêu thương. Có bình an trong tâm hồn, chúng ta sẽ dễ vươn tới những người chung quanh để yêu thương và gắn bó với họ. Giúp đỡ những người cùng khổ, đó chính là niềm hy vọng của chúng ta. Ngày sau, khi phán xét, Chúa chỉ xét đoán chúng ta về những việc chúng ta đã làm cho các anh em bé mọn nhất của Chúa. Anh em bé mọn lại chính là những người khố rách áo ôm, những người  không có nơi nương tựa và là những người bị ruồng bỏ.

Nên thánh đó là một sự phấn đấu không ngừng. Từng giây phút trong cuộc đời đều nhắm về một hướng. Phản ảnh câu truyện của một thanh niên trẻ muốn trở thành thủy thủ. Một hôm trời mưa bão. Anh được lệnh trèo lên cột buồm để sửa lại giây nối. Anh nhìn lên cột buồm và bắt đầu trèo. Anh nhắm tới và trèo lên một cách dễ dàng. Khi anh leo được nửa đoạn, anh nhìn xuống thì qúa sợ hãi  vì thấy sóng biển, gió thổi mạnh và thuyền lênh đênh. Anh cảm thấy choáng váng, và hầu té xuống. Vị thuyền trưởng hô lớn: Hãy ngước nhìn lên, hãy ngước nhìn lên. Anh ngước nhìn lên, tiếp tục leo tới đỉnh cột và anh đã hoàn tất công việc một cách an toàn.

3.  Hy Vọng

Một điều con nhận ra trong đời phục vụ là nhiều anh em linh mục chúng ta đã an vui với những thành qủa mình đã thực hiện. Cố gắng hoàn tất một ngôi nhà thờ mới, nhà xứ mới và nhà hội mới. Nhìn lại cơ sở và công trình vĩ đại, chúng ta cảm thấy thỏa mãn. Trong khi có biết bao người nghèo xung quanh không được quan tâm. Chúng ta dừng lại đó và vui với quá khứ và hiện tại. Chúng ta biết tuổi trẻ sống vui vì luôn có niềm hy vọng. Người ta nói rằng: Trẻ thì tính từng ngày, từng tháng và từng năm lớn lên trong tuổi đời. Mong cho mau cho tới ngày sinh nhật để ăn mừng. Hỏi em bao nhiêu tuổi? Em trả lời gần 8 tuổi (thực ra moi 7 tuổi rưỡi). Trong khi các ông bà ta lại muôn rút tuổi đi, gần bảy chục rồi. Hỏi bác bao nhiêu tuổi? Bác trả lời, tôi mới ngoài 60. Tuổi trẻ thì mong tới trong khi tuổi già thích nhìn lại. Tuổi già ưa kể truyện cổ tích và truyện thời xưa, Tuổi già thì muốn trao lại kinh nghiệm trường đời cho thế hệ sau. Tuổi trẻ thì tự muốn khám phá những cái mới lạ qua kinh nghiệm của riêng mình.

Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận viết: “Cuộc đời con người được liên kết bằng những hy vọng. Mỗi nhịp tim nối kết, ngàn vạn nhịp làm thành một sự sống. Phút giây này nối kết phút giây kia, muôn phút giây làm nên một cuộc sống. Sống mỗi phút giây cho tốt và ý nghĩa, đời sẽ có giá trị. Đường hy vọng do mỗi nhịp hy vọng. Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng.” Dù tuổi nào đi nữa, chúng ta sẽ không già và không mất niềm hy vọng.  Một suy tư cuộc đời: Nếu đang đi trên chiếc tàu, người ta trao cho chúng ta một chiếc ghế. Và để chúng ta tự do quyết định nên đặt ghế hướng về phía trước hay đặt ghế quay lại phía sau tàu để nhìn sóng bọt và rác rến trôi dạt. Có lẽ các bạn cùng đồng ý với tôi là các bạn sẽ đặt ghế hướng về phía trước. Hướng tới một chân trời mới, đối diện với những thách thức mới. Một cuộc mạo hiểm mở ra nơi chúng ta chưa biết. Chính nơi đó chúng ta sẽ bị thách đố và vươn lên trong hy vọng. Biết rằng chúng ta phải đối diện với muôn vàn chông gai và thách thức bất ngờ. Thế giới chúng ta đang sống có nhiều bất ngờ xảy đến. Thời đại văn minh hiện đại có những khuynh hướng và chủ trương của tự do lẻn vào gây rối và tráo đổi giá trị của tất cả những ý nghĩa của cuộc sống. Gây cho bao người rơi vào cảnh hỗn mang và giới trẻ rơi vào bước hững. Họ đã không thể tìm nhận ra giá trị đích thực một cách dễ dàng. Và rồi xâm mình chạy đua với những giá trị giả tạo và phù vân.

4.  Sứ Vụ

Con xin chia sẻ vài kinh nghiệm mục vụ tại Giáo Xứ, nơi con đang giúp. Xứ Thánh Nicholas of Tolentine, Bronx, New York. Cộng đoàn Giáo Xứ có ba ngôn ngữ chính: Tiếng Anh, Tiếng Tây Ban Nha và Tiếng Việt. Trong lớp Giáo Lý chuẩn bị cho các cha mẹ và những người đỡ đầu trong Bí Tích Rửa Tội tại Giáo Xứ. Một kinh nghiệm thực tế  không mấy vui. Lớp học có khoảng 20 người nói tiếng Anh (English). Con hỏi qúi ông bà và các anh chị có thường đi dự lễ Chúa Nhật không? Họ trả lời: Thưa không. Họ nói rằng: Họ đã không có thời giờ. Và con bắt đầu nói về giá trị của đời sống gia đình, về vai trò cha mẹ, con cái và xây dựng gia đình tốt, đặc biệt gia đình người công giáo tốt. Họ đã phản ánh cách tiêu cực, vì đề tài không thích hợp với cuộc sống của nhiều người. Có 90 phần trăm, họ sống trong gia đình bất thường, chỉ có mẹ hay chỉ có cha hoặc là cha mẹ sống chung với nhau, không hôn nhân, hoặc bạn bè gặp gỡ qua đường rồi có con. Họ nói tất cả những giá trị đời sống gia đình chỉ là truyền thống. Họ biện minh cho cuộc sống riêng và họ nói rằng họ cảm thấy vui và bình an trong hiện tại. Họ buông xuôi theo trào lưu cuộc sống. Sống trong sự hưởng thụ hiện tại. Cảm thương cho họ vì có thể họ đã thất bại trong tình yêu vì một lần lầm lỡ hay muốn một gia đình êm ấm mà không thể có được .

Con hỏi, qúy anh chị có hướng gì cho tương lai? Họ cười và họ dừng lại đó. Họ phó mặc cho cuộc sống đưa đẩy. Không biết đi về đâu. Không nghĩ về tương lai. Họ sợ trách nhiệm. Sống một cuộc sống tiêu cực và nhiều ưu tư. Cả một thế hệ bị ảnh hưởng qua sự đổi thay nhanh chóng trong thế giới của hưởng thụ và quảng cáo. Sự thoái hóa về luân lý gia đình có thể do những hướng dẫn sai lầm của trào lưu xã hội hoặc chủ trương của các người lãnh đạo. Những giá trị luân lý được đánh giá theo nhu cầu vật chất, kinh tế và hưởng thụ. Một số người có trách nhiệm giáo dục đã đưa ra những cách thế sống quá tự do dựa vào phò sự chọn lựa đã làm băng hoại đời sống. Nhiều đại diện chính quyền chủ trương hợp thức hóa hôn nhân đồng tính và tự do liên hệ tình dục với bao an toàn. Là linh mục và những người lãnh đạo tinh thần, chúng ta có trách nhiệm đối với những người đồng hành. Mỗi việc chúng ta làm và mỗi lời chúng ta nói có sức khuyên dụ và gây ảnh hưởng lớn tới người khác. Đời sống xã hội là một cuộc sống chung có ảnh hưởng lẫn nhau. Xã hội bây giờ đang cần gương sáng hơn là những lời nói suông. Anh em linh mục chúng ta phải là gương mẫu, là đèn chiếu sáng, là men và là muối đem niềm hy vọng cho cuộc sống.

5.  Trách Nhiệm

 “Không ai là một hòn đảo”. Chúng ta sống là sống cùng và với người khác. Mọi việc chúng ta thực hiện đều có ảnh hưởng đến những người khác. Người càng cao danh vọng ảnh hưởng càng lớn. Một người cha, người mẹ trong gia đình thì ảnh hưởng đến con cái, cháu chắt trong gia đình. Thầy Cô giáo ảnh hưởng tới học sinh. Các cấp chính quyền có ảnh hưởng tới dân chúng trong mọi lãnh vực. Trong vấn đề tinh thần đạo đức và niềm tin, các giám mục, linh mục và tu sĩ có ảnh hưởng rất lớn. Nếu chúng ta dẫn dắt giáo dân đi sai lạc con đường, hậu quả vô cùng lớn lao. Người ta nói: xảy một li, đi một dặm. Vai trò lãnh đạo tinh thần rất quan trọng, chúng ta phải luôn gắn bó với nguồn chân thật, đó chính là Đức Kitô.

Con kể câu truyện một ông già đã cao niên gần đất xa trời. Ông già yếu mệt trên giường bệnh. Có vẻ ông có gì khúc mắc trong tâm tư chưa được giãi bày. Ông muốn nói điều gì đó trước khi nhắm mắt lìa đời. Ông nói với nguời giúp ông dọn mình: Khi tôi còn trẻ, tôi thường chơi ở ngã tư đường cái, bên khu ruộng gần nhà tôi. Nơi đó có một bảng chỉ đường. Tôi thường chơi nghịch, tôi xoay bảng chỉ đường để đánh lừa nhiều người. Giờ đây, tôi suy nghĩ, không biết bao nhiêu người đã vì bảng chỉ đường này, đã bị lạc và đã gây biết bao nhiêu tai nạn và đã lỡ biết bao nhiêu công việc. Chỉ vì hành động vô ý thức của tôi. Và còn biết bao việc tôi làm và lời tôi nói trong cuộc sống hàng ngày. Những lỗi lầm tôi đã gây ra cho con cái, cháu chắt, hoặc những kẻ chung quanh tôi. Tôi hối hận về tất cả những hành động tôi đã làm.  Đây là một lời nhắc nhở mời gọi mỗi người chúng trong cuộc sống, mọi việc dù lớn nhỏ, hành động riêng tư hay công cộng. Lời nói đùa hay thật, đều có ảnh hưởng sâu xa nơi người khác. Làm sao chúng ta có thể rút lại những lời chúng ta đã nói hoặc việc chúng ta đã làm sai.

6.  Nhập Cuộc

Linh mục chúng ta không thể khoanh tay ngồi nhìn. Chúng ta phải góp công và góp sức để tạo sức mạnh xây dựng. Chúng ta không thể ngồi chờ đợi một cách thụ động hay trốn tránh một cách vô trách nhiệm. Có người chỉ biết nhìn lên để kêu cứu mà không biết nhìn tới để tiến và không nhìn chung quanh để chia xẻ gánh vác. Chúng ta có trách nhiệm xây dựng xã hội tốt đẹp để mọi người cùng hưởng nhờ. Hãy đốt lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối.

Trong cuộc nói truyện với các thính giả tại Hội Trường Đại Học ở California. Ông John Keller đã dùng thí dụ để diễn tả sự cần thiết của gương sáng và lòng tốt của mỗi người. Ông lên tiếng đề nghị rằng: Giờ đây tôi xin tắt tất cả các đèn trong hội trường và tôi sẽ bật lên một diêm quẹt, nếu các bạn thấy ánh sáng, các bạn hô lớn: "Đã thấy". Ông đã tắt điện và bật quẹt, ánh sáng tỏa lan, và mọi người đã hô lớn "đã thấy". Ông tiếp tục: giờ tôi sẽ tắt tất cả các bóng điện và lần này ai có quẹt xin cùng bật lên tất cả. Rồi điện tắt và tất cả các quẹt đã bật sáng. Cả căn phòng chan hoà ánh sáng. Như thế nếu mỗi người chỉ cần góp nhặt một chút ánh sáng, chúng ta sẽ làm cho thế giới đổi khác. Cho dù một việc nhân ái nhỏ bé, cũng đốt lên và soi dọi vào thế giới đen tối này và có thể làm thay đổi bộ mặt thế giới.

7.  Tôn Trọng

Anh em linh mục chúng ta cũng đang có những khó khăn nho nhỏ xảy ra giữa các linh mục với nhau nơi một số cộng đoàn và giáo xứ. Linh mục được gọi là người của Chúa hay của chung. Các linh mục khách được đón mời bất cứ lúc nào và nơi nào trong cộng đoàn giáo dân. Sự hiện diện của linh mục là niềm vui và hãnh diện cho gia đình và cộng đoàn. Linh mục được mời để thăm viếng, chia sẻ những vui buồn và tham dự tiệc vui cùng gia đình, điều này rất hoan nghênh. Ai cũng mong muốn được các linh mục ghé thăm gia đình. Nhưng rồi có một vài điều không được thích hợp cho lắm khi các linh mục cử hành các Bí Tích. Chúng ta biết, các linh mục cần có bài sai (assignment) và năng quyền (faculty) để thi hành chức vụ. Không phải cứ làm linh mục là có thể cử hành mọi Bí Tích.

Con xin có một góp ý nhỏ nhưng rất tế nhị. Trong Năm Thánh Linh Mục, các linh mục cũng cần hỗ trợ nhau trong các sinh hoạt mục vụ cộng đoàn và giáo xứ. Các linh mục đừng dẵm chân lên nhau và hãy tôn trọng lẫn nhau, đừng làm khó cho nhau trong vấn đề điều hành kẻo gây gương xấu cho giáo dân. Mỗi linh mục được lãnh nhận bài sai đến một cộng đoàn hay giáo xứ, linh mục đó chịu trách nhiệm hoàn toàn trước mặt bề trên. Đôi khi vì tình vì nghĩa, các linh mục cử hành các Bí Tích như món quà biếu để đền ơn cho giáo dân thì không chính đáng. Biết rằng người giáo dân thì luôn luôn hãnh diện và vui mừng vì có cha khách nâng đỡ phía sau. Điều này gây rất khó khăn cho những linh mục đang làm việc và phục vụ cộng đoàn. Anh em linh mục nghĩ tình bác ái mà cư xử với nhau cho phải phép. Cách thế ban phát và cử hành các Bí Tích ngoài phạm vi của mình( trừ trường hợp khẩn cấp), không phải là sự giúp đỡ anh em, mà chỉ là tạo sự phiền hà cho các anh em linh mục đang làm việc mục vụ tại địa sở của mình.

Thay lời kết, đây là một vài suy tư góp nhặt, con xin chia sẻ với anh em linh mục trong Năm Thánh Linh Mục này. Con biết rằng mỗi anh em linh mục có những khả năng, chuyên môn và đặc sủng khác nhau. Có những anh em linh mục sống trong môi trường Nhà Dòng, có anh em đi Truyền Giáo, có anh em là giáo sư dạy học nơi các trường Trung Học và Đại Học, có linh mục làm việc nơi Bệnh Viện, có cha chịu trách nhiệm Giáo Dục Giới Trẻ, Giảng Phòng và có cha coi sóc Cộng Đoàn Giáo Xứ… Mỗi anh em linh mục đều có những niềm vui, những khó khăn và những ưu tư trong cuộc sống phải đối diện và phải giải quyết. Nơi mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn và mỗi môi trường có những cách phục vụ trong những môi trường khác nhau nhưng tựu chung chúng ta có cùng một niềm tin, một niềm hy vọng và một hướng đi tới. Cùng đích của chúng ta là gặp gỡ Đức Kitô và ngày sau cùng chung hưởng hạnh phúc bên Chúa đời đời.

Nguyện xin Thánh Cả Giuse và Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm đầu tiên, cũng là Mẹ của mỗi anh em linh mục chúng ta, xin các Ngài cầu thay nguyện giúp chúng ta nên chứng nhân đích thực của Chúa giữa trần gian. Xin Thánh Gioan Maria Vianney là quan thày của các linh mục bầu cử cùng Chúa cho mỗi anh em, để anh em linh mục chúng ta luôn trở thành đèn sáng soi dọi gian trần. Xin Chúa Giêsu Linh Mục ban ơn và chúc lành cho chúng con mọi ngày trong đời sống.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng - Bronx, New York.

VỀ MỤC LỤC

CÂU CHUYỆN LỄ HIỂN LINH: ĐỪNG TƯỞNG BỞ!

 

Thật ra không phải đợi đến hôm nay mới mừng Chúa Hiển Linh. Đêm Giáng Sinh, ta đã mừng Chúa Hiển Linh rồi: hiển linh cho chính cha mẹ Ngài, hiển linh cho những người chăn chiên ở ngoài đồng Bê-lem. Hôm nay, Chúa hiển linh cho các đạo sĩ – là những người đến từ xa, rất xa. Và Chúa còn tiếp tục hiển linh, ít là theo truyền thống Giáo Hội Đông Phương vẫn gán cách riêng ý nghĩa ‘hiển linh’ cho cả biến cố Chúa chịu Phép Rửa và biến cố ‘nước hóa rượu’ ở tiệc cưới Ca-na nữa.  

Câu chuyện về các nhà đạo sĩ hôm nay là một câu chuyện rất lạ!  

Rất lạ, vì các ông ở tận bên đông phương, các ông không thuộc dân Chúa chọn, không biết truyền thống Lời Hứa, không Lề Luật, không Thánh Kinh..., thế mà các ông đã đi tìm và gặp được Chúa. Đúng người. Đúng nơi. Và đúng lúc. 

Rất lạ, vì các ông rong ruổi hành trình chỉ bám vào một ánh sao. Mà ngôi sao ấy ở đâu vậy? Nó ở trên trời! Vâng, nó không thể ở trong túi áo hay trong va li hành lý của các ông; nó cũng không thể gắn trên lưng lạc đà (như chiếc đồng hồ định vị gắn trên ô-tô ngày nay) để cho các ông có thể độc quyền. Ngôi sao ở trên trời, nhưng chỉ các ông thấy, còn bao người khác thì không thấy! 

Rất lạ, vì những người được trang bị ‘tận răng’ như Hê-rô-đê và giới lãnh đạo Do Thái, kể cả nhóm Biệt Phái, Sa-đốc, và các kinh sư – có lịch sử Giao Ước, có Lề Luật, có Thánh Kinh, có Đền Thờ, có phụng vụ – nhưng chẳng hay biết gì và đã bắt hụt Đấng của Lời Hứa.    

Song đó cũng là một câu chuyện rất quen, vì đó vốn là ‘kiểu’ của Chúa. ‘Kiểu’ của Chúa, đó là những người tưởng ‘ngon lành’ hóa ra ‘trớt quớt’, và những kẻ tưởng chừng ‘trớt quớt’ lại hóa ra ‘ngon lành’! 

“Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn... Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.” (1Sm 2,4-8) 

‘Kiểu’ của Chúa, đó là cụ bà Sa-ra héo úa vẫn mang thai và sinh được đứa con trai mang tên “tiếng cười.” Đó là chú em Gia-cóp thừa kế Lời Hứa chứ không phải ông anh Ê-sau. Đó là Giu-se bị vứt bỏ lại trở thành ‘phao cứu nạn’ cho cả gia đình. Đó là thằng út Đa-vít mỏng mảnh yếu ớt được chọn chứ không phải các ông anh vai u thịt bắp của nó. ‘Kiểu’ của Chúa, đó là bà Ê-li-sa-bét son sẻ trở thành mẹ của vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai. Đó là cô thôn nữ Maria rất vô danh lẩn khuất, rất âm thầm khiêm hạ lại trở thành “có phúc nhất giữa các phụ nữ”  vì được chọn làm Mẹ của Con Chúa Trời.  

“Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn!

Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng.”  (Lc 1,48-53) 

‘Kiểu’ của Chúa, đó là chính Con Thiên Chúa đã làm người trong hình hài một đứa trẻ nghèo hèn – nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi...  Người “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,7-8) 

‘Kiểu’ của Chúa, đó là tất cả công cuộc sứ mạng của Chúa được đặt vào tay một nhóm môn đệ ‘tài ít tật nhiều’ với thành phần xuất thân tối om om. Hình như Chúa thích nhặt rác, và tái chế rác để làm ra vàng. Hình như Chúa thích làm ‘fan’ của đội yếu, chứ không ủng hộ đội bóng ‘rừng sao’! Hình như một thông điệp Chúa vẫn muốn nhắc đi nhắc lại từ xa xưa, dọc theo suốt dòng lịch sử, cho tới hôm nay, và Ngài sẽ còn tiếp tục nhắc mãi, đó là: Đừng tưởng bở!  

Đừng tưởng bở. Đừng tưởng mạnh là ngon và yếu là dở.  

Ở đây, chợt nhớ một luận đề luân lý của Cha James F. Keenan, S.J. trong quyển Moral Wisdom. Nhà thần học luân lý người Mỹ này chỉ ra rằng không phải ta phạm tội vì ta yếu đâu, mà vì ta mạnh. Mọi trình thuật trong Tin Mừng về tội lỗi đều làm chứng rằng người ta phạm tội vì họ mạnh chứ không phải vì họ yếu.  

Khi người thu thuế và người Pharisêu cầu nguyện trong đền thờ, tội của người Pharisêu nằm ở chỗ ông ta mạnh, ông ta rất ý thức những gì ông có (Lc 18,9-14). Khi người phú hộ dửng dưng đối với anh Ladarô đói rách trước cửa nhà, tội của ông không nằm ở chỗ ông yếu mà ở chỗ ông mạnh; ông có thể làm điều gì đó, thế nhưng ông đã không làm (Lc 16,19-31). Người đầy tớ được tha món nợ lớn nhưng đã không tha cho bạn mình món nợ nhỏ hơn nhiều, anh ta phạm tội chính từ cái thế mạnh chứ không phải từ cái thế yếu của mình (Mt 18,21-35). Hay như trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, tội nằm ở đâu? Ngay cả tội của những tên cướp cũng không phải là tiêu điểm được ‘soi’ ở đây, mà chính là tội của người Lê-vi và thầy tư tế. Họ có thể làm điều gì đó, nhưng đã không làm; và vì thế họ phạm tội từ thế mạnh của mình (Lc 10,25-37). Trong cảnh Phán Xét Chung cũng vậy, chiên và dê được phân ra tùy theo khả năng đã có thể làm những điều gì đó và đã thực sự làm hay không (Mt 25,31-46).  

Từ những ghi nhận căn bản ấy, Cha Keenan, trong quyển sách nói trên, đã không tiếp cận luân lý qua ngả tự do hay sự thật theo cách thường tình, mà ngài chọn tiếp cận qua ngả tình yêu. Người ta phạm tội vì người ta mạnh mà người ta không yêu thương, không có khát vọng hướng thiện, hành thiện!

Trở lại với câu chuyện ‘hiển linh’ hôm nay, ta thấy Hêrôđê và những người Do Thái ở thế mạnh, vì có hầu như đủ mọi phương tiện (để tìm gặp Chúa) – nhưng lại thiếu một cái gì đó... Còn các nhà đạo sĩ ở thế yếu, vì hầu như chẳng có manh mối nào (để tìm gặp Chúa) – song các ông lại có một cái gì đó... Sự khác biệt nằm ở chỗ có hay không có KHÁT VỌNG, hay TẤM LÒNG, hay TÌNH YÊU!   

Sự việc càng tệ hại hơn, khi người ta không có khát vọng hướng thiện, hướng thiên, mà thay vào đó là tham vọng và ích kỷ. Người ta sẽ dùng các phương tiện Chúa ban cho, tức thế mạnh của mình, không phải để tìm và gặp Chúa mà là để tìm và diệt Chúa. Đây chính là điều Hê-rô-đê đã làm.   

Bài học từ câu chuyện Lễ Hiển Linh vẫn còn nóng hổi cho chúng ta, cho tôi, hôm nay! Chúng ta có những thế mạnh, những phương tiện để tìm gặp Chúa? Hãy tạ ơn Chúa, nhưng cũng ... đừng tưởng bở! 

Lm. Lê Công Đức - Lễ Hiển Linh 2010

VỀ MỤC LỤC
CỜ THÁNH GIÁ PHẢI GIƯƠNG CAO !
 

Trong sân trường đại học, tôi chợt chú ý đến một nhóm sinh viên đang thảo luận sôi nổi và vui vẻ. Một cô gái nói: “Để tôi giải thích cho ông. Lễ bổn mạng ca đoàn nghĩa là…” Tôi biết cô này có đạo, và tôi hỏi anh chàng đang lắng nghe cô ấy: “Còn em thì…”. Cậu sinh viên đáp: “Dạ em không có đạo”. Tôi bảo: “Em đừng nói vậy. Em nên nói là em chưa có đạo mới đúng chứ”. Thế là cậu ấy hào hứng hẳn lên: “Dạ, đúng thế.” Và cậu sinh viên kể về những người cậu biết trước kia không có đạo mà đã xin theo đạo. Và cậu ta còn bảo: “Hôm Giáng sinh em đi học, cô giáo nói “Không biết sao nhiều người ở Việt nam sợ Chúa Giêsu quá”.

Tôi ngẫm nghĩ, cô giáo của lớp ấy nói đúng. Cách đây ít lâu, Cha Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế cũng đã nói: “Người ta sợ sự thật”.  Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Thế gian hôm nay sợ sự sống, biểu hiện qua nền “văn hoá sự chết”, phải nói đúng hơn là “thoái hoá chết chóc” chứ sự chết, sự giết thai nhi sao gọi là văn hoá được. Thế gian sợ sự thật nên thế gian mới kết án Đức Giêsu và những ai bước theo Người. Và thế gian ở thời nào cũng vậy, luôn muốn loại Giêsu ra khỏi lịch sử và khỏi cuộc đời của mỗi con người đang sống giữa thế gian.

Có một điều không ai thay đổi được nữa. Ấy là cột mốc thời gian. Nhiều người không muốn dính dáng gì đến ngày Đức Giêsu xuống thế nên họ không chấp nhận sử dụng dương lịch đang có (lịch Gregorian này), và họ muốn đổi ngày tháng, đổi năm, muốn dùng lịch cách mạng Nga chẳng hạn. Nhưng đã trễ. Chúa Giêsu là Chúa của thời gian, cho nên khi năm hết Tết đến, dù ai có ghét Giêsu và có giận hờn Đức Giáo Hoàng thì vẫn phải đồng thanh với thế giới mà tuyên xưng “năm của Thiên Chúa chúng ta, A.D, năm nay là 2010”.

Loại Giêsu ra khỏi thời gian là không được rồi, thế gian lại muốn tẩy xoá vết tích của Người. Nhưng có một điều thế gian điêu ngoa không chịu suy ngắm. Ấy là Lời Chúa Giêsu: “Ngày nào Ta bị treo lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Giêsu đã kéo con người lên rồi, thì những người không muốn lên chỉ có thể đứng lại mà kêu gào, chứ làm sao có thể kéo phần nhân loại được cứu kia xuống với mình được?

Dấu vết rõ ràng nhất của Giêsu trong dòng lịch sử này chính là Thánh Giá của ơn cứu độ. Nơi đâu có con người, ở đó phải có Thánh Giá, bởi vì đặc tính của ơn cứu độ là phổ quát và vĩnh tồn. Thánh Giá còn là biểu tượng của các nền văn minh, biểu tượng của bác ái và nhân hậu nữa. Hãy nhìn các kiến trúc qua bao nhiêu thế hệ thì rõ. Hãy nhìn Hội Hồng Thập Tự (Chữ Thập Đỏ) thì biết. Nhưng trong nhân loại đây đó vẫn có những con người dị ứng với Thánh Giá. Có lẽ không cần lý giải nhiều. Chỉ cần xem ví dụ này: trong những chỗ người ta giao tiếp với ma quỉ, người ta không đeo Thánh Giá, vì quỉ sẽ sợ mà không xuất hiện.

Giáo Hội Việt Nam đầu năm mới đã bàng hoàng với những lá thư kết tội các mục tử nhân dũng và với hành vi xúc phạm đến Thánh Giá vinh quang của Đấng Cứu Thế. Chẳng khác gì hai ngàn năm trước, giữa mùa hồng ân của Lễ Vượt Qua trong dân thánh, có một con người chí thánh đã phải chịu tử hình. Lúc ấy người ta dựng Thánh giá lên. Rồi Thánh Giá vươn cao, cờ Thánh giá tung bay trên bầu trời nhân thế. Dựng Thánh giá lên rồi, thế gian bấn loạn vì sức mạnh của Thánh giá là vô cùng. Do đó nhiều năm sau, thế gian hốt hoảng hạ Thánh giá xuống. Nhưng mà đã trễ.

Ba ngày sau khi Tử nạn, Đức Giêsu phục sinh với toàn bộ ánh vinh quang của Thiên Quốc. Hai ngàn năm sau ngày Phục Sinh ấy, ánh sáng vẫn chiếu rực rỡ. Giáo Hội Việt nam vừa mới tưng bừng khai mạc Năm Thánh, không lẽ thế gian quên mất hàng trăm ngàn anh hùng tử đạo Việt nam đã can trường bảo vệ Thánh Giá Đức Kytô và bây giờ con cháu các ngài cũng đang giương cao ngọn cờ Thánh Giá trên quê hương này?

Thiên Chúa có ngàn vạn cách để nhân loại nhận biết và tôn thờ Thánh Giá, chứ không phải chỉ có một cách duy nhất là loan báo bằng lời. Lịch sử ơn cứu độ đã chứng minh những cuộc lưu đày và những cuộc bách hại là thời cơ cho dân Israel nhận biết tình thương yêu của Ngài, chứ không phải chỉ có lời rao giảng của các ngôn sứ mới có tác dụng răn dạy và tiên báo. Lịch sử Hội Thánh hai ngàn năm qua cũng là minh chứng hùng hồn cho lời nói của sử gia Tertulianô: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh người tín hữu”. Việc triệt hạ Thánh giá và ảnh tượng thánh là những việc khá bình thường ở Tây phương ngày trước trong những xứ sở còn man di hay trình độ người lãnh đạo xã hội thấp kém mà lại có cái tâm không mấy trong. Những cuộc triệt hạ như thế thường giúp dựng lại Thánh Giá trong tâm hồn người tin Chúa Giêsu.

Khi xã hội tiến bộ hơn, người ta không dại gì phá bỏ Thánh giá các nơi, vì trí khôn dạy họ rằng những hành vi ấy chỉ củng cố đức tin của người môn đệ Đức Kytô. Xã hội văn minh có những cách khác, hữu hiệu hơn và khoa học hơn. Nhưng cho dù cách thế nào thì cuối cùng Thánh giá Chúa vẫn là biểu tượng của ơn cứu độ mà không có quyền lực nào, dù là quyền lực hoả ngục, có thể phá huỷ được.

Tám triệu người Công giáo Việt nam, hàng triệu những người theo các tôn giáo thờ Chúa Giêsu trong nước và hàng tỉ người tin Chúa trên thế giới đau lòng mỗi khi Thánh Giá Chúa bị xúc phạm. Người ta sợ Chúa thì lẽ ra người ta nên đến với Người vì Người nhân hậu. Chẳng lẽ cứ mãi đối đầu với Đấng có thể trong tích tắc biến họ thành tro bụi muôn đời?

Chẳng bao lâu nữa dân Chúa bước vào Mùa Chay Thánh. Mùa Chay năm nay dân Chúa phải ăn chay nhiều hơn và cầu nguyện nhiều hơn để đền tội thay cho những con người thế gian một lần nữa rút gươm đâm vào cạnh sường Chúa. Nhưng dù sao thì người Công Giáo vẫn tin chắc rằng khi máu và nước từ Thánh Tâm Chúa Giêsu đổ ra, nhiều tâm hồn sẽ được cứu, nếu họ có thiện chí.

Khi kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn được nhắc lại thêm lời sử gia Tertuliano khi ông nói với thế gian điêu ngoa lúc ấy: “Chúng tôi cũng là anh em với quý vị vì thiên nhiên là bà mẹ chung của chúng ta ; quý vị sẽ không là người nữa nếu quý vị không là anh em tốt với nhau. Nhưng người ta càng có lý hơn nữa, khi gọi và coi nhau như anh em vì cùng nhận một Thiên Chúa là Cha chung, vì cùng được no thỏa bởi cùng một thần khí thánh thiện và cùng được ánh sáng chân lý chiếu soi, sau khi đã cùng nhau ra khỏi vực sâu u tối, mê muội.”

Lạy Mẹ Maria, người đau lòng nhất khi Chúa Giêsu bị xúc phạm là Mẹ, người Mẹ của Chúa và của cả nhân loại đang lưu đày này. Xin Mẹ là Nữ Vương Công Lý cho chúng con được vững tin ngay cả khi thế gian say sưa chống đối Con của Mẹ. 

Gioan Lê Quang Vinh

VỀ MỤC LỤC
QUYỀN ĐƯỢC TIẾP CẬN THÔNG TIN DƯỚI ÁNH SÁNG HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

 

Trong đời sống thường nhật, thông tin đóng một vai trò hết sức quan trọng. Con người nếu không có thông tin coi như không biết gì cả và không thể nào phát triển được. Với thời đại phát triển đến mức chóng mặt như  như hiện nay thông tin càng trở thành một trong những nhu cầu sống còn của con người.

Tự do thông tin là một trong những quyền căn bản của loài người. Không một thế lực, tổ chức nào có quyền nhân danh bất cứ lý do gì để phủ nhận hay bóp nghẹt quyền lợi chính đáng đó. Vì vậy, trong điều 19 của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, năm 1948 đã xác định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới”. Thế nhưng, cho đến những năm đầu thế kỷ 22 này, vẫn còn một số nước, dẫu rằng họ là thành viên của Liên Hiệp Quốc nhưng nhà cầm quyền vẫn luôn tìm cách để cấm đoán, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của người dân. Có những nước được tự do ngôn luận nhưng có những nước thông tin chỉ một chiều, một phía từ những người có thế lực trong xã hội. Với nguồn thông tin một chiều, những người thấp cổ bé họng sẽ bị thiệt thòi, sẽ bị đè nén, chà đạp đến tận xương tận tuỷ.

Ta thử tìm hiểu một số nét về quyền được tiếp cận thông tin khách quan về các biến cố công cộng tại hông tin dưới ánh sáng của học thuyết xã hội của Giáo Hội.

I – Quan điểm của học thuyết xã hội của Giáo Hội khi bàn về quyền tiếp cận thông tin

Trước khi đi vào tìm hiểu quyền tiếp cận thông tin dưới ánh sáng của học thuyết xã hội của Giáo hội, chúng ta cần xác định: giáo huấn xã hội của Hội Thánh là một phần quan trọng của nhận thức Kitô giáo về cuộc sống;[1] nó đặt nền tảng trên mặc khải và luật tự nhiên.[2] Hơn nữa, vì nó áp dụng chân lý và luân lý Kitô giáo vào nhiều hoàn cảnh lịch sử khác nhau trên thế giới, nên giáo huấn này đáng nhận được sự đồng thuận của người tin như bất kỳ tuyên bố nào khác của huấn quyền.[3] Đồng thời, những nguyên tắc rút ra từ đó cũng mang tính chất hoàn toàn khách quan và đáng được áp dụng vào những hoàn cảnh xã hội khác nhau.

Khi bàn về quyền tiếp cận thông tin khách quan về các biến cố tại những nước mà thông tin bị bóp méo, bị dị dạng dưới ánh sáng của học thuyết xã hội của Giáo Hội, ta thấy một trong những nguyên tắc căn bản liên quan đến truyền thông được giáo huấn xã hội của Hội Thánh đề cập, đó là nguyên tắc công ích trong thông tin, truyền thông. Giáo Hội luôn nhấn mạnh: “Thông tin do các phương tiện truyền thông cung cấp phải nhằm phục vụ công ích. Xã hội có quyền nhận được những thông tin căn cứ trên sự thật, tự do, công lý và liên đới”.[4] Với nguyên tắc căn bản này, vấn đề chính yếu mà ta cần xác định là liệu một hệ thống thông tin có góp phần làm cho con người trở nên tốt hơn không, nghĩa là nó có giúp con người trưởng thành hơn về tâm linh, ý thức hơn về phẩm giá con người của mình, chịu trách nhiệm nhiều hơn hay cởi mở hơn đối với những người khác, nhất là những người túng thiếu và yếu kém nhất hay không.[5] 

Bên cạnh nguyên tắc công ích, các giáo huấn xã hội của Hội Thánh còn đề cập đến nguyên tắc đạo đức trong truyền thông. Trong thế giới thông tin, những khó khăn nội tại của việc truyền thông được phóng đại do các ý thức hệ, do cạnh tranh và xung đột giữa các tập thể và do những tệ đoan xã hội khác. Một vài nước đã không cho tự do ngôn luận và đó là lối truyền thông sai lệch, một chiều nhằm mục đích phục vụ cho đường lối riêng của đất nước. Bởi thế, các giá trị và các nguyên tắc luân lý phải được áp dụng cho các phương tiện truyền thông. Trong huấn thị Đạo đức trong truyền thông, huấn quyền của Hội Thánh khẳng định: “Chiều hướng đạo đức không chỉ có liên quan tới nội dung truyền thông (tin tức, thông điệp) và quá trình truyền thông, mà còn liên quan đến các vấn đề căn bản, liên quan đến cơ cấu và hệ thống, bao gồm cả những vấn đề lớn như chính sách truyền thông…”.[6] Huấn quyền cũng nhấn mạnh rằng trong cả ba lãnh vực: thông điệp, quá trình và các vấn đề cơ chế truyền thông, phải luôn áp dụng một nguyên tắc luân lý căn bản đó là con người và cộng đồng nhân loại phải là mục tiêu và thước đo của việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Một nguyên tắc thứ hai bổ sung cho nguyên tắc thứ nhất: lợi ích của con người không thể nào đạt được một khi tách khỏi lợi ích chung của cộng đồng mà con người thuộc về.[7] 

II– Thực trạng quyền được tiếp cận thông tin tại những nước thiếu tự do về thông tin

Trước khi bàn về thực trạng quyền được tiếp cận thông tin tại một số nước thông tin bị bóp méo, thiết nghĩ chúng ta cần xác định với nhau rằng: Là công dân của một quốc gia, (kể cả các tổ chức có tư cách pháp nhân) chúng ta có quyền được tiếp cận những thông tin liên quan đến, có thể ảnh hưởng tới cuộc sống, hoạt động của chúng ta. Thông tin có thể là về một công ty, về một tổ chức, thậm chí về một cá nhân. Tuy nhiên, có những thông tin mang tính riêng tư mà không ai có quyền xâm phạm nếu không được người chủ cho phép. Nhưng có những thông tin về một tổ chức, một cá nhân có thể ảnh hưởng đến những người khác thì phải có cơ chế, quy tắc cho những người có thể bị ảnh hưởng có thể tiếp cận đến…

Chúng ta có thể xác định với nhau như vậy bởi vì: quyền được tiếp cận thông tin là một quyền hiến định của công dân. Theo điều 69 của Hiến pháp của hiện hành (1992) của Việt Nam nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Quả vậy, theo quan điểm của  tiến sĩ Nguyễn Quang A trong bài viết đăng trên tờ Lao Động cuối tuần ngày 8/2, ông đã viết : ''Nhà nước là “của dân, do dân và vì dân” nên công dân phải được thông tin trung thực kịp thời về hoạt động, chính sách, chủ trương của các cơ quan nhà nước, của các cơ quan “của mình”, “vì mình”. Đấy là quyền của công dân, họ có quyền đòi hỏi (chứ không phải xin) cơ quan nhà nước cung cấp thông tin và các cơ quan nhà nước phải có nghĩa vụ cung cấp (chứ không phải ban phát). Đấy là nguyên tắc''.[8]

Quả thực, khi nhìn vào thực trạng của những nước không có tự do thông tin hay thông tin thiếu chính xác dưới ánh sáng của học thuyết xã hội của Giáo Hội, ta thấy, quyền được tiếp cận thông tin của người dân chưa bao giờ được tôn trọng một cách đúng mức. Theo Thiên Ân nhận định: “đã có một thời, người dân của một nước thiếu tự do trong lãnh vực thông tin có thể bị bỏ tù vì dám thu thập những thông tin thời sự chính trị, xã hội trong nước cũng như thế giới từ các đài báo nước ngoài. Đã có những người bị đi tù đến 10 năm vì dám nghe đài BBC! Ngày nay, tình hình có lẽ không đến nỗi trầm trọng, quá đáng như thế, nhưng dẫu sao, hằng ngày người dân vẫn phải miễn cưỡng tiếp cận những thông tin đã qua sự kiểm soát, kiểm duyệt của quyền lực chính trị, người dân vẫn phải tiếp xúc (dù chấp nhận hay không chấp nhận) những thứ thông tin lệch lạc, một chiều, có lợi và phục vụ cho chế độ chuyên quyền cộng sản. Thậm chí, họ còn bị các cơ quan chủ quản bưng bít các thông tin có liên quan, có ảnh hưởng tới đời sống của người dân”.[9] 

Như chúng ta đã biết, trong Hiến Pháp hiện hành nhiều nước nêu rất rõ: công dân có quyền được thông tin. Tuy nhiên trên thực tế cho đến nay, một số nước vẫn chưa thực hiện điều này theo đúng Hiến Pháp đã đề ra. Có lẽ vì chưa có một đạo luật rõ ràng, nên quyền tự do thông tin trong nước mà điển hình là quyền tiếp cận thông tin của người dân vẫn ở trong tình trạng tranh tối tranh sáng.[10] Hậu quả là dân chúng bị nhiều hạn chế khi tiếp cận thông tin từ các cơ quan công quyền, nếu không muốn nói rằng người dân ở nhiều nơi còn bị bưng bít thông tin.[11] Và nếu được thông tin thì hầu hết là những thông tin sai lệch, bị bóp méo, một chiều.

Gần đây, những thông tin về tình hình tại Thái Hà, toà Khâm Sứ, Tam Toà… vấn đề Bauxite ở Tây nguyên… đều chỉ là thông tin một chiều. Bên cạnh đó, nếu không cẩn thận nhà báo có thể bị truy tố khi đưa những tin tức liên quan, với lý do đó là thông tin "nhạy cảm", có ảnh hưởng đến an ninh hay quyền lợi quốc gia, dù các thông tin ấy phanh phui những vụ tiêu cực, tham nhũng.

Ngoài ra, như chúng ta đã biết, đáng tiếc là một số nước còn nằm trong chế độ xã hội chuyên chế, độc đảng, nếu không muốn nói người, mọi sự và đó cũng là một tổ chức không bị ai kiểm soát đang tìm mọi cách kiểm soát thông tin với hy vọng là độc tài. Trong thực tế, duy chỉ một Đảng nắm trọn quyền lực chính trị, kiểm soát hết mọi dùng độc quyền thông tin một chiều để điều kiện hóa dân, giúp giữ được độc quyền chính trị. Chính vì vậy, tại một vài nước hết sức buồn cười. Dẫu rằng nước đó có trên 700 tờ báo nhưng không hề có bất cứ một tờ báo tư nhân độc lập với chính quyền. Buồn cười hơn nữa là một đất nước mà không hề tìm thấy đài phát thanh, truyền hình cũng như nhà in tư nhân.

Với vấn đề tự do báo chí, phát biểu trong đại hội lần thứ 8 của Hội Nhà Báo một nước nọ - nước ấy luôn đề cao quyền con người, tự do báo chí, vào năm 2005, một “ông lớn” chỉ thị cho các nhà báo: “phải tuyệt đối trung thành với đảng”. Và cuối tháng 11 năm 2006, một “ông lớn” khác ra Chỉ thị : “Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức”; rồi vào tháng 10 năm ngoái, Bộ Thông tin và truyền thông thành lập một cơ quan mới để kiểm soát internet gắt gao hơn; hoặc ngay từ căn bản luật pháp, “Luật báo chí” hiện hành mặc nhiên thể hiện mục tiêu “quản lý” báo chí hơn là phát huy quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận mà Hiến pháp đã minh định... tất cả những điều vừa kể không thấy bản bạch thư nhân quyền đề cập đến, hoặc giải bắt bớ, trù dập các nhà báo, bắt đình bản những tờ báo không đi theo “lề bên phải” của nhà nước giải thích rằng chúng phục vụ cho tự do ngôn luận, tự do báo chí ra sao... Đó là chưa kể đến vô số những vụ việc đã bị dìm xuống đất đen.

Chính điều này đã đi ngược lại hoàn toàn với hai nguyên tắc liên quan đến vấn đề thông tin mà giáo huấn của Giáo Hội đã nêu ở trên. Vì vậy hơn lúc nào hết chúng ta, những Kitô hữu cần phải tìm ra cho mình và mọi người những giải pháp khả dĩ đảm bảo quyền cơ bản của con người về việc tiếp cận thông tin khách quan về các biến cố công cộng trong hoàn cảnh cụ thể của một nước mất tự do.

III – Phương hướng giải quyết

Trước hết, có thể khẳng định sở dĩ có tình trạng thông tin, truyền thông một chiều trong một số xã hội là vì ở những đất nước đó các phương tiện truyền thông chỉ do một số ít người có quyền lực chi phối, kiểm soát. Do đó, để bảo vệ quyền cơ bản của con người về việc tiếp cận các thông tin khách quan, nhất thiết phải có sự đa nguyên thật sự trong lãnh vực tế nhị này của đời sống xã hội, đồng thời có nhiều hình thức và phương tiện thông tin và truyền thông, vả lại cũng cần có sự bình đẳng trong việc sở hữu các phương tiện ấy qua những luật lệ thích hợp.

Để có được sự đa nguyên trong truyền thông, thì không phải là chuyện một sớm một chiều. Do đó, một giải pháp tức thời được đề nghị là cần gây ý thức cho người dân ngay lúc này về những quyền cơ bản của họ; khơi gợi cho quần chúng về quyền cơ bản được tiếp cận thông tin khách quan về các biến cố công cộng, cũng như những quyền lợi cơ bản khác có liên quan, chẳng hạn quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lương tâm và tư tưởng, quyền phản đối theo lương tâm…

Khi đã ý thức được những quyền cơ bản mà mình có, họ có thể chủ động tiếp cận và biện phân các thông tin do các phương tiện truyền thông cung cấp. Và một khi quần chúng có sự chủ động và có khả năng biện biệt trong việc tiếp cận các thông tin, thì trong xã hội tất nhiên sẽ hình thành được tiếng nói lành mạnh, tích cực của công luận. Tiếng nói của công luận sẽ là yếu tố quan trọng làm thay đổi bộ mặt xã hội, công phá chế độ chuyên chế độc tài về chính trị, về truyền thông.

Điều cần thiết nhất trong hiện tại đó là về giáo dục. Phải quan tâm đặc biệt trong lãnh vực giáo dục con trẻ. Với một xã hội nhập nhằng tranh tối tranh sáng, trong đó con người từ khi còn nhỏ đã bị nhồi sọ bởi những thứ thông tin lệch lạc, một chiều, nếu trong các gia đình, các bậc phu huynh không chủ động giáo dục, huấn luyện con em mình về óc phán đoán và phê bình khi tiếp cận các thông tin, thì chắc chắn có một hậu quả dây chuyền xảy đến: xã hội từ thế hệ này tới thế hệ kia ù lì, thụ động, buông xuôi trước một chế độ độc tài về chính trị nói chung và về truyền thông nói riêng.

Những bậc thầy trong lãnh vực giáo dục thế hệ mầm non cần trau dồi kiến thức cũng như khả năng cảm thụ và biện phân các thông tin để rồi truyền đạt lại cho thế hệ trẻ. Từ chỗ có một thế hệ trẻ biết chủ động cảm thụ và biện biệt các thông tin do các phương tiện truyền thông cung cấp, sẽ có được một xã hội sáng sủa trong tương lai, trong đó tiếng nói tích cực, lành mạnh của công luận sẽ hình thành; tiếng nói đó sẽ là yếu tố làm lộ diện ra một xã hội thiếu công lý và sự thật.

Kết luận

Nói chung, khi tìm hiểu về quyền tiếp cận thông tin khách quan về các biến cố dưới ánh sáng của học thuyết xã hội của Giáo Hội trong tình hình thực tế của một số xã hội, có lẽ ta không khỏi băn khoăn suy nghĩ về các quyền cơ bản của con người, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin khách quan về các biến cố công cộng.

Với hệ thống thông tin, truyền thông sai lệch, một chiều đang là yếu tố đe dọa cách nghiêm trọng quyền cơ bản đó của con người. Có thể nói, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự sai lệch, một chiều trong truyền thông đó là sự tồn tại của một chế độ chuyên quyền, độc tài. Vì thế, việc xóa bỏ một chế độ độc tài công khai và kéo dài, gây thiệt hại lớn cho các quyền cơ bản của con người và làm tổn thất nghiêm trọng cho ích chung của xã hội, là nhiệm vụ của mọi người, nhất là của các Kitô hữu – những người có bổn phận phải công bố Tin mừng giải thoát cho mọi loài thọ tạo.[12]

Là một công dân trong xã hội, đặc biệt lại là người Công Giáo, hơn bao giờ hết những người Công Giáo được thúc bách sống Tin mừng giữa lòng dân tộc. Tin mừng ấy là Chân Lý, là Sự Thật, là Tình Yêu của Đức Kitô.

Nếu may mắn, kitô hữu sống được trong những đất nước mà thật sự Công Lý và Hoà Bình thịnh trị đang hiển hiện. Nếu kém may mắn sống trong một đất nước mà thiếu sự thật, thiếu tự do thì kitô lại càng phải làm gương, phải cố gắng mang Chân Lý, Sự Thật, Tình Yêu của Chúa đến cho những người xung quanh họ sống. Dẫu biết rằng còn nhiều chông gai, còn nhiều thử thách và thậm chí là phải đổ máu đào để làm chứng cho Sự Thật nhưng kitô hữu không được nản lòng. Biết đâu một ngày nào đó Thần Chân Lý, Thần của Sự Thật sẽ biến đổi những “lòng chai dạ đá” để họ quay về với nguồn mạch Sự Thật và Yêu Thương Vĩnh Cửu.

Ôi Thần Linh Thánh Ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí Ơn An Bình.

Lm. Anmai, DCCT


[1] x. Đức Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 222

[2] x. Đức Leô XIII, Thông điệp Rerum Novarum, 12; cũng x. Đức Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno, 17; Đức Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 219

[3] x. Javier Hervada, sđd, tr. 2-3          

[4] Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 2494; x. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Inter Mirifica, số. 11.

[5] x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội, nxb tôn giáo, 2007, tr. 288.

[6] Hội đồng giáo hoàng về truyền thông xã hội, Huấn thị Đạo đức truyền thông, số. 20.

[7] x. Ibid số. 22.

[8] Báo Lao Động cuối tuần số 6, 8/2/2009,  “Quyền được thông tin của người dân”,  Nguyễn Quang A

[9] Thiên Ân, “Vấn đề nghiêm trọng từ một thứ truyền thông sai lệch, một chiều”, VietCatholic News, Chúa nhật, 17.08.2008.

[10] Dự luật về “quyền tiếp cận thông tin” hiện đang được quốc hội xem xét và theo dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 05 – 2010.

[11] Dư luận của quần chúng cho rằng bưng bít thông tin tạo điều kiện cho tiêu cực, điển hình là vụ PMU 18 cũng như vụ PCI trước đây, và nay là vụ khai thác bauxit tại một vùng đất chiến lược như Tây Nguyên

[12] Đức Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 31           

VỀ MỤC LỤC

BẢNG CHỮ CÁI


A i cũng biết cuộc đời không hoàn hảo
B ởi nơi đâu cũng thấy lắm buồn phiền
C ho dù thế bạn vẫn mãi ngợi khen
D ù đang sống qua những ngày khốn khổ.
Đ ừng hờn căm hoặc mở lời than thở
E ngại gì khi Chúa ở cùng ta?
G ió có to, cùng bão táp phong ba...
H ãy trông cậy Đấng Toàn Năng Bất Diệt.
I m lặng tin vào những điều mình biết
K hông Tình Người cuộc sống sẽ ra sao?
L ấy đâu ra niềm vui lẫn tự hào?
M ãi cảm tạ vì những ơn quí giá
N gười luôn ban, với tình yêu cao cả
Ôi! hãy ra cho khỏi “chốn thương đau”
P hải biết rằng khi tha thiết nguyện cầu
Q uyền năng Người sẽ đem về chiến thắng,
R ạng ngời lên trong bóng đêm cay đắng.
S ao cứ chờ cứ đợi ở tương lai
T hay vì nhìn hiện tại mỗi ban mai?


Ư ớc mong bạn sống tâm tình cảm tạ
V ào những ngày sung túc hoặc tả tơi.
X ưng danh Người ở mọi lúc mọi nơi
Y êu mến Chúa... Bạn không còn buồn bã.

Trần Duy Nhiên dịch - http://www.moytura.com/reflections/alphabet.html

***********************************************

            Lạy Cha là Chúa tể trời đất, 365 ngày cũ với những dang dở thiếu sót đã sang trang, nhường chỗ cho 365 ngày mới tốt đẹp hơn, thánh thiện hơn!  Xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa từ chữ A đến chữ Z mỗi khi con dùng ngôn ngữ để diễn tả tâm tình của mình.  Xin cho con luôn nhớ đến Chúa mỗi khi con khóc hay cười, buồn hay vui;  mỗi khi con thất bại hay thành công; trong những lúc con giận giữ hay tuyệt vọng; trong mỗi cảm xúc con người của mình đều có Chúa đang ở cùng  con.  365 ngày trước mắt sẽ là một đoạn đường ngập đầy hoa và tiếng chim hót  nếu con tung tăng đi bên Chúa mỗi ngày.  Lạy Chúa, xin ở cùng con mỗi ngày trong suốt 365 ngày mới này.  Amen!

LTCT

***********************************************

ALPHABET

A lthough things are not perfect
B ecause of trial or pain
C ontinue in thanksgiving
D o not begin to blame
E ven when the times are hard
F ierce winds are bound to blow
G od is forever able
H old on to what you know
I magine life without His love
J oy would cease to be
K eep thanking Him for all the things
L ove imparts to thee
M ove out of "Camp Complaining"
N o weapon that is known
O n earth can yield the power
P raise can do alone
Q uit looking at the future
R edeem the time at hand
S tart every day with worship
T o "thank" is a command
U ntil we see Him coming
V ictorious in the sky
W e'll run the race with gratitude
X alting God most high
Y es, there'll be good times and yes some will be bad, but...
Z ion waits in glory...where none are ever sad !

Gs. Trần Duy Nhiên (dịch)

VỀ MỤC LỤC
TIÊU CỰC & GIAN DỐI : ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA MỌI NGUYÊN NHÂN ?

 

Có lẽ chưa bao giờ người dân Việt Nam lại ngao ngán trước những tiêu cực, tệ nạn, bất công, gian dối đầy dẫy trong xã hội như ngày hôm nay. Tiêu cực, tệ nạn có mặt trong mọi lĩnh vực, kể cả 2 lĩnh vực được coi là thiêng liêng nhất, đó là y tế và giáo dục. Nào là tệ nạn học giả bằng thật, chạy trường, chạy lớp, chạy bằng cấp, đút tiền để được đi dạy, đi làm… Nào là nạn nâng khống giá thuốc bảo hiểm y tế vô tội vạ để hưởng lợi; nào là không khám lâm sàng mà bắt các bệnh nhân đi xét nghiệm để thu thêm phí, bác sĩ bắt tay cùng nhà thuốc để bóc lột người bệnh, v.v… Người dân phải chấp nhận sống chung với gian dối, tiêu cực, tệ nạn như người miền Tây, miền Trung được khuyên tập sống chung với lũ vậy.

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra. Và một trong những nguyên nhân chính là do quản lý yếu kém và luật pháp không nghiêm minh : nhiều vụ việc phạm pháp nghiêm trọng nhưng xử lí chỉ như gãi ngứa. Tuy nhiên, thiết tưởng nguyên nhân sâu xa nhất, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, chính là sự vắng bóng Thiên Chúa, như nhận định của Đức Thánh Cha Bênêdictô 16 trong một lần nói chuyện với các khách hành hương vào trưa Thứ Tư hằng tuần.

Giáo lý Kitô giáo định nghĩa : “Lương tâm là tiếng Chúa nói trong linh hồn bảo ta làm lành lánh dữ”. Do đó, một khi vắng bóng Thiên Chúa thì vị thần lương tâm đành phải đội nón ra đi; một khi phủ nhận Thiên Chúa thì đương nhiên cũng phủ nhận tiếng lương tâm, coi “lương tâm không bằng lương tháng”. Nói cách khác, đối với những kẻ chủ trương vô thần, không tin có Thiên Chúa, lương tâm chẳng là gì cả, chẳng đáng 700.000đ (mức lương cơ bản hiện nay)! Tất nhiên khi lương tâm bị “hạ bệ” thì bất cứ việc gì xấu người ta cũng có thể làm được, miễn sao che mắt được thiên hạ, giấu diếm được người đời.

Một người sản xuất nước mắm hay nước tương chẳng hạn, nếu người này tin thật có Thiên Chúa, có Trời Phật, thì dù không bị các cơ quan chức năng giám sát, kiểm định an toàn thực phẩm, họ vẫn không dám gian dối sử dụng các hoá chất độc hại, đường hoá học, đạm kali… Vì họ xác tín rằng lương tâm mình không cho phép, Trời Phật không cho phép. Ngược lại, nếu người đó không tin có Thần Thánh, Chúa Mẹ gì hết thì một khi che giấu được cơ quan chức năng, họ sẵn sàng sử dụng mọi thủ đoạn để trục lợi.

Như vậy, đừng ngạc nhiên khi nghe trong một đất nước chủ trương vô thần lời than trách vì sao người ta làm ăn gian dối, thiếu lương tâm đến thế. Đã vô thần thì có lương tâm đâu mà thiếu với vắng. Cũng đừng quá phàn nàn nhà nước ta quản lí yếu kém. Muôn đời sẽ còn quản lí yếu kém trừ phi mỗi người dân có một nhân viên giám sát, nhưng lấy đâu ra đội ngũ quản lí bảy tám chục triệu người.

Sẽ không bao giờ giảm được tiêu cực, cũng không bao giờ bớt được gian dối lọc lừa trong xã hội, khi xã hội đó được đặt trên nền móng vô thần chủ nghĩa. Trong một đất nước phủ nhận Thiên Chúa, không có gian dối tiêu cực mới lạ !!!

Anh đại Trung Quốc kia là một bằng chứng. Mặc dù chính quyền đã thẳng tay trừng trị tham nhũng, tử hình hàng loạt quan tham, nhưng tham nhũng vẫn cứ phây phây chẳng khác nào con bạch tuộc, chặt vòi này lòi vòi khác. Người dân chỉ còn cách là chấp nhận thực tế sống chung với tham nhũng. Còn gì nữa ? Dù đã huy động mọi nguồn lực quản lí thị trường, nhưng hàng nhái, hàng giả, hàng giỏm vẫn tràn ngập thị trường, đến nỗi họ được tặng những biệt danh là “xứ sở hàng nhái”, “thánh địa hàng giả”…

Chẳng phải chính phủ các nước Tây Phương tài ba gì hơn đâu, cũng chẳng phải họ có 3 đầu 6 tay trong việc quản lí đâu. Điều mà họ hơn, đó là họ có vị thần hỗ trợ đắc lực là thần lương tâm. Cứ mỗi người dân đều có một vị thần lương tâm giám sát, nên đất nước của họ ít tiêu cực, ít gian dối, lừa gạt… Tất nhiên đây là lương tâm Kitô giáo đúng nghĩa. Có lương tâm Kitô giáo chân chính ngay thẳng thì người ta sẽ bớt làm những việc sai trái gian dối tiêu cực… và giả như vì yếu đuối mà làm thì ngay lập tức họ bị toà án lương tâm xét xử ngay, chứ chưa đợi đến toà àn hình sự, toà án đời.

Bao lâu một đất nước còn lấy học thuyết duy vật vô thần làm nền tảng cho sự phát triển, bấy lâu người dân sẽ còn phải chung sống với đủ loại tiêu cực và tệ nạn dài dài !

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

VỀ MỤC LỤC
 “NĂM LINH MỤC” HUẤN LUYỆN TÍNH DỤC TRONG NẾP SỐNG ĐỘC THÂN CỦA GIÁO SĨ, TU SĨ

 

Linh Mục ĐƯỜNG THI 

Cuộc “Nổi loạn Tính dục”(Sex Revoluton), tại Hoa Kỳ vào năm 1960, và  trên thế giới gây nên tang tóc đổ vỡ trong các gia đình, đặc biệt cuộc khủng hoảng đã xâm nhập cả nơi thánh thiêng, tu trì, làm tiêu hao ngân quĩ của Giáo Hội, và giảm sút Ơn Thiên Triệu Linh Mục, Tu Sĩ Nam Nữ. 

Để giúp hiểu biết và giải quyết vấn đề từ nguồn gốc, trước tiên, cần giải thích về ý nghĩa của Tính Dục, hay Phái Tính,( Nam-Nữ).., khởi nguyên đã được Mặc Khải từ Kinh Thánh trong Sách Sáng Thế và những Lời Giảng của Chúa Cứu Thế trong Sách Phúc Âm. Ngoài ra, ta cũng hiểu rằng: số kiếp con người theo bản năng tự nhiên, phú bẩm từ khi sinh ra, là một “hữu thể  mang Phái Tính”( a sexual person), không thể huỷ diệt Tính dục của mình được, cho đến khi chết. Nhưng vì ý chí hùng mạnh của con người, -và dĩ nhiên cần Ơn Trên phù giúp- con người có thể “Thăng Hoa, hay Siêu Thoát”(Sublimation) Tính dục, như trong kinh nghiệm của các vị Thánh đã sống nếp sống “Khắc Khổ, Thần Nhiệm”(Ascetic and Mystic), chẳng hạn như gương Mẹ Chân Phước Teresa, Calcutta, hay Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Paulô I I. Khía cạnh Huyền Nhiệm, Thần Bí này, mới thực sự là phương cách Sống và Huấn Luyện cao nhất, để giúp Giáo sĩ, Tu sĩ và những ai “tu tại gia”, độc thân, góa bụa, hay có đôi bạn, muốn duy trì nếp sống Khiết Tịnh, Kết Nghĩa với Chúa.  

Trong bài khảo luận này, xin bàn về  hai khía cạnh đào luyện tự nhiên: triết lý, giáo dục.

I/ Suy tư của các vị hiền triết, đặc biệt của Văn Hóa Việt Nam, đã dùng Lý trí và Luơng Năng, Lương Tri, để tìm hiểu “Con Tim” của con người ra sao ?

 I I/Mấy Kinh Nghiệm Thực hành về Nếp Sống Tu trì , Độc Thân, đặc biệt tại Chủng Viện XUÂN BÍCH(Society of Priests of Saint Sulpice)

 

I. SUY LUẬN TRIẾT LÝ VỀ  BẢN NĂNG TÍNH DỤC CỦA CON NGƯÒI  

Ngoài nguồn Mặc Khải trong Kinh Thánh của Thiên Chúa Giáo, nhiều Tôn giáo khác trên thế giới, từ xưa tới nay, và rất nhiều triết thuyết, triết gia, …cũng đã đề cập đến vấn đề Tính dục của con người. Mỹ Nghệ như Điện ảnh, Hội họa, Điêu khắc, Âm nhạc, nhất là Văn chương Thi Phú, tiểu thuyết,v,v thật  phong phú vô tận, để ca tụng Tình Ái giữa Nam-Nữ, Vợ-Chồng, vì  như đã  định nghĩa về  yếu tính của Con Người là:”Một Hữu Thể mang Tính Dục, Phái Tính”( a sexual being, a sexual person). Mọi suy tư, cảm nghiệm, và hành vi cử chỉ đều biểu lộ đặc tính của Phái tính riêng của mình.

Dùng Lý trí, Lương Tri, Tình cảm để phân giải ý nghĩa về đời sống Tính dục của con người một cách vừa chân thật, thanh cao, vừa quân bình, tế nhị, thì ta phải kể đến Minh Triết ÂM-DƯƠNG, trong nền Văn Hóa Việt Nam. 

MINH TRIẾT ÂM-DƯƠNG CỦA VĂN HÓA VIỆT 

Trong một bài báo  viết trên tờ The New York Times, và đăng lại trên tờ The Seattle Times( Dec/11/2005), nhan đề” Ơn Thiên Triệu gia nhập Giáo Hội vẫn còn mạnh mẽ đối với một số người”(The Call of Church remains strong for some) ký giả Neela Banerjee, đại ý, đã có nhng nhn xét khá xác đáng về Ơn Thiên Triệu của chủng sinh gốc Việt Nam hiện đang tu luyện tại các Chủng Viện tại Hoa kỳ. Họ chiếm tỉ lệ 12%, tức 397 chủng sinh, trong tổng số 3.308. Được hỏi lý do tại sao, người Công giáo Việt nam, và Cộng đồng Công giáo còn quí trọng Thiên Chức Linh Mục trong Giáo Hội? Họ trả lời: Tội lạm dụng Tính dục làm hoen ố cá nhân, chứ không giảm bớt giá trị của chính Ơn Gọi. Ơn Thiên Triệu vẫn là tuyệt đỉnh về Phục vụ và Thành công. Đó là một Hồng Ân của Chúa ban cho gia đình. Nếu được hỏi: muốn con làm Tổng thống, làm Bác sĩ hay Linh Mục, thì phụ huynh  có thể sẽ trả lời: muốn con làm Linh Mục. Ký giả bài báo trên đã kết thúc cuộc điều tra, đại ý viết: Sở dĩ một thiểu số người Mỹ-Việt(chừng 1% tổng số người Công Giáo Hoa kỳ, hơn 50 triệu), đã cung cấp cho Giáo Hội một con số khá lớn về Ơn Gọi, chứng tỏ người Việt-Mỹ vẫn còn bám vào Truyền thống, Gia đình, và Đức Tin(the grip tradition, family, faith still have on many Việtnamese-Americans).

Ở đây, xin nhấn mạnh đến hai yếu tố : Truyền Thống và Gia đình, tức là đặc điểm thuộc VĂN HÓA Việt. Về Đức Tin, Giáo Lý thì người Công Giáo bất cứ ở đâu trên thế giới đều học và tin như nhau, tuy cách sống Đạo có khác biệt tuỳ sắc thái địa phương.

Trong vấn đề tìm hiểu và huấn luyện về Tính Dục cho các giáo sĩ, tu sĩ, ta không thể bỏ qua yếu tố Văn Hóa, tức Truyền thống và Gia Đình của người dân Việt. Chính Văn Hóa Việt đã giúp nẩy nở và nuôi dưỡng Ơn Thiên Triệu, trong khi Văn Hóa sự Chết( lạm dụng dục tính, phá thai.. )  đã làm đui chột mầm non Ơn Gọi nơi thanh thiếu niên.

Bởi vậy, việc nghiên cứu Triết Lý Âm-Dương làm nền tảng cho mọi suy tư, sinh hoạt văn hóa của dân tộc Việt nam, là hữu ích  để giúp vào việc tìm cách huấn luyện Tính Dục cho các chủng sinh. Vậy Minh Triết ÂM –DƯƠNG là gì? Những đặc tính và âm hưởng của triết lý này  trong đời sồng như thế nào? ( Xin đọc thêm sách: “Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo”,  trang, coi Index: Âm-Dương ; và sách“Đạo Thiên Chúa và Dân Nước Việt” , trang 188-191; 276-282 )

ÂM- DƯƠNG là gì? 

Theo các nhà dân tộc học, và khảo cổ, những chứng liệu khá vững chắc biện minh cho nguồn gốc Minh Triết ÂM-DƯƠNG phát xuất từ dân Việt, chẳng hạn, những bài khảo luận trong sách:” Tìm về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam”(Trần Ngọc Thêm). Ngày nay, chẳng những  người Á đông, mà cả thế giới đều quen thuộc với hình vẽ”THÁI CỰC ĐỒ”, được trưng bày khắp nơi, trong nhà, trên bàn thờ, ngoài cửa tiệm. Đó là hình vẽ một vòng tròn lớn bên ngoài; bên trong vẽ một hình tròn nhỏ, chia ra hai phần bằng nhau, một bên màu đen chỉ ÂM, một bên màu trắng chỉ DƯƠNG; trong mầu đen, có một chấm Trắng; trong mầu trắng có một chấm Đen. Hai phần Đen-Trắng luôn bằng nhau về diện tích, nhưng luôn vận chuyển, đắp đổi cho nhau khi đầy, khi khuyết, nhưng vẫn giữ mực QUÂN BÌNH. Đây chính là biểu tượng cho Triết Lý ÂM-DƯƠNG ĐIỀU HÒA , đã được Qui Nạp thành Nguyên Lý, sau khi đã quan sát, và kinh nghiệm những hiện tượng thiên nhiên trong vũ trụ, nhân sinh. Nguyên lý ÂM-DƯƠNG còn được trừu tượng hóa bằng những nét gạch ngang: DƯƠNG là một nét gạch ngang liền (____);ÂM biểu thị bằng nét gạch ngang đứt(__ __).

Qua biểu tượng ”Thái Cực Đồ”, trong Triết Lý ÂM-DƯƠNG, ta có thể suy diễn những đặc tính sau đây, có thể đem áp dụng để tìm hiểu đời sống Phái Tính, Dục Tính: 

1/.  Dân Việt, từ thượng cổ đã sinh sống gần thiên nhiên vì làm  nghề trồng Lúa-Nước, nên đã quan sát các hiện tượng thiên nhiên như khí hậu, thời tiết trong trời đất, xoay vần nhịp nhàng  điều hòa: Một năm bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, ngày-đêm, nắng –mưa, nóng-lạnh, giúp cho mùa màng, gặt hái được nhiều hoa quả.  Mọi loài sinh vật: thảo mộc, động vật, và cả Nhân loại, cũng bị chi phối bởi Luật Âm-Dương: Nam-Nữ, Đực-Cái, Trống –Mái.. để truyền sinh và gây nòi giống  

 Từ hiện tượng thiên nhiên bước sang lãnh vực Nhân Sinh, Nhân Văn, muốn cho đời sống được Điều Hòa, con người cũng cần áp dụng Luật Âm-Dương trong cách giao tế xã hội, đặc biệt trong HÔN NHÂN như câu thường nói: Có Âm –Dương, có Vợ-Chồng” . Theo Văn hóa Việt Nam, Phái Tính Nam-Nữ, phải dẫn đến sự phối hợp vợ-chồng, thì đời sống con người mới có sự Hòa hợp, Quân bình. Âm-Dương, Vợ-Chồng.. tuy hai yếu tố  khác nhau , nhưng bổ khuyết cho nhau, nâng đỡ nhau, và không tiêu diệt nhau. Do đó, việc Hôn Nhân, tức sự kết duyên của một Người Nam với Một Người Nữ, là việc Tự Nhiên theo bản năng con người. Bởi vậy, Văn Hóa Việt Nam không thể chấp nhận  “hôn nhân của hai người đồng tính”(?), vì trái luật tự nhiên Âm-Dương Điều Hòa. Hơn nữa, Hôn Nhân do Tạo Hóa an bài, xếp đặt, với mục đích để hai người khác nhau về Phái Tính, về thể lý, về tâm lý, nhưng bổ túc và tương trợ cho nhau trong cuộc sống lứa đôi: “Hai mà Một, Một mà Hai. 

Trong suốt dòng Lịch sử, từ khi lập quốc, Văn hoá Hài Hòa cùa dân Việt, luôn ca tụng Tình Yêu Lứa đôi, tức Phái Tính  trong đời sống Hôn Nhân, bằng những câu Ca dao, Tục ngữ, hoặc truyện Cổ tích như Trầu Cau, Sơn Tinh Thủy Tinh, Hòn vọng phu.., những bài Hát Quan họ Bắc Ninh, Hát Trống quân, Ca trù với tiếng đàn, điệu vũ, thanh cao thoát tục, nhưng không kém lưu luyến tình ái, để ca tụng đời sống vợ chồng, gia đình. 

2./. Ngày nay, người Việt trong nước và  ngoài nước, còn giữ được nếp sống Điều Hòa Quân Bình trong  đời sống Lứa-Đôi, Vợ-Chồng như Tổ Tiên xưa kia không?

Tại hải ngoại, qua một thời gian giao động khi mới tới định cư trên đất khách quê người, nhưng sau 30 năm, người dân Việt chẳng những không mất bản lãnh, mà còn bảo tồn và phát huy Văn Hóa Truyền thống ngày càng tốt đẹp hơn, như bài báo của ký giả Neela Banerjee  đã trích dẫn ở trên về Ơn Thiên Triệu của các Giáo sĩ tu sĩ. Phong trào trở về nguồn, học hỏi về Lịch Sử và Việt ngữ cũng được cổ động khắp nơi. Về Văn Nghệ, đặc biệt về Âm nhạc, nhiều buổi Trình Diển  tân cổ nhạc, vũ điệu dân tộc được ghi thành những CD, như: Thúy Nga Paris By Night, Asia,v,v giúp cho các gia đình thưởng thức những giờ giải trí lành mạnh, và nhất là giúp giáo dục thế hệ trẻ biết  thông cảm với những tâm tình Yêu Mến Quê Hương, Gia đình, đặc biệt là TÌNH YÊU LỨA ĐÔI, trong Hôn Nhân, với hầu hết những bản tình ca, được các ca sĩ, nghệ sĩ trình diễn một cách chừng mực, tế nhị, giầu tình tứ, nhưng không suồng sã, “khiêu dâm”(sexy)như nhạc ngoại quốc giật gân.

Tại quê nhà, theo tin tức lọt ra ngoài, các giới đồng hương Việt nam cảm thấy thương xót cho tình trạng nghèo đói, tham ô, vô thần của một xã hội xáo trộn, mất  Điều Hòa, Quân Bình trong đời sống Tâm Linh của cá nhân, hôn nhân, gia đình, nên mới gây nên những thảm cảnh như:”lấy chồng Đài loan”, hoặc buôn bán trẻ gái làm mãi dâm, ăn chơi trụy lạc, chuốc lấy bệnh HIV/AIDS đang lan tràn. 

 TÓM LẠI,  một cách không quá đáng: nhờ  Minh Triết Âm-Dương Điều Hòa soi sáng,  ta có thể  giải nghĩa tại sao một số lớn những giáo sĩ can tội “lạm dụng tính dục” , mà nạn nhân phần lớn lại là trẻ con, con trai, cùng phái tính với giáo sĩ. Vì người có khuynh hướng” đồng tính luyến ái”, mang một tâm trạng bất bình thường, nhất là không hiểu biết, không cảm nhận được giá trị của Hôn Nhân, của Cha-Mẹ, của Vợ-Chồng, của Con-Cái. Trong Văn hóa Việt Nam, bất cứ ở đâu, hầu hết dân chúng vẫn còn coi người có khuynh hướng “đồng tính”là chuyện bất thường và là  một “tai nạn” cho Gia đình. Bởi vậy, theo quan điểm Văn Hóa Việt, việc Tòa Thánh không chấp nhận người có khuynh hướng đồng tính nhận chức Linh Mục, là xác đáng để tránh hậu họa. Không hiểu biết, không tôn trọng giá trị thánh thiêng của đời sống Hôn Nhân, thì không thể sống nếp sống độc thân, Khiết tịnh được.

 

I I. MẤY KINH NGHIỆM  VỀ VIỆC HUẤN LUYỆN TÍNH DỤC 

Sau đây là mấy cách Tu Thân đã thực hành, giúp cho con người giữ được thế Quân bình, Điều hòa trong đời sống luân lý, và thể lý, đặc biệt để TIẾT DỤC, trong nếp sống Độc Thân. 

1/. Văn Hóa Việt nam chịu ảnh hưởng giao lưu của Văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là Luân lý Khổng-Mạnh; do đó, các nhà nho Việt nam đã áp dụng phương pháp Tu Thân của các bậc hiền nhân quân tử, trong vấn đề chế ngự và điều hòa Dục Tính, nghĩa là muốn gìn giữ  sự Tiết Hạnh, thì cần phải tránh những cám dỗ và “hấp dẫn”rất mạnh của luật Âm-Dương giữa người khác phái. Người bình dân Việt có câu ca dao:” Lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén”, thì nhà nho cũng khuyên giới thanh niên cường tráng, muốn “kiêng cữ”(abstinence) trước khi cưới nhau, trai -gái không nên có những cử chỉ quá suồng sã, quá thận mật. Những câu khuyên răn khôn ngoan, đề phòng sự yếu đuối dễ sa ngã, gọi là “cẩu hợp”như:”Nam-Nữ thụ thụ bất thân”, hay câu:”Sắc bất ba đào, dị nịch nhân”(Sắc đẹp không phải sóng nước, nhưng dễ làm ta chết chìm, chết đuối)

Hơn nữa, Khổng giáo đã được các vua quan Việt nam noi theo làm khuôn mẫu cho việc tổ chức gia đình, làng Nước và chương trình đào luyện cấp lãnh đạo. Vì thế mới có những khuôn vàng thước ngọc phải noi theo như: Tam Cương, Ngũ Thường, tứ Đức tam Tòng . Có thể một số lời khuyên răn đã lỗi thời, những mục đích của việc Tu Thân, Tiết Dục vẫn không thay đổi. Vào thời buổi nào cũng vậy, sự Tiết Hạnh của người con gái, hay con trai, trước khi cưới nhau, vẫn là lý tưởng cao đẹp nhất 

2/.“NHÀ ĐỨC CHÚA TRỜI” Là Gì? 

Ngày nay, cụm từ”Nhà Đức Chúa Trời”,  ra như xa lạ ngay cả đối với người công giáo. Theo tài liệu của “Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam”, tổ chức”Nhà Tu” này có thể đã được sáng lập  từ thời các vị truyền giáo tiên khởi( Thời Cha Đắc Lộ..hay ĐGM Lambert de la Motte). Tổ chức này vẫn hoạt động mạnh cho đến năm chia đôi đất nước, năm 1954, tại các Giáo phận ngoài Bắc như: Hà Nội, Phát Diệm, Thanh hóa, Vinh, Hưng Hóa, hoặc với một hình thức tương tự như tại các Giáo phận: Bùi chu, Thái bình, Hải Phòng. Mục đích của Nhà Tu này là qui tụ những người nam, tình nguyện dấn thân lo việc truyền bá Phúc Âm trong Giáo Phận. Thành phần Nhà Đức Chúa Trời(Domus Dei) gồm có: Đức Giám Mục, các Linh Mục, các Thày Giảng, các Chủng sinh,( đang theo học tại các chủng viện) các Chú(giúp lễ cho Cha Xứ), và các Bõ( các người lớn tuổi giúp việc trong nhà Xứ). Tại các Giáo Xứ địa phương, mỗi Nhà Xứ gồm có: Cha Chính Xứ, một hay nhiều Cha Phó, các Thày giảng già, trẻ, một số đông các Chú giúp Lễ, và một số các Bô Bõ giúp việc.

 Nếp sống tu trì như thế nào? Họ cam kết sống theo lời Khuyên của Phúc Âm: Khiết Tịnh(Độc Thân), Thanh bần, Vâng Lời. Mọi người sống chung trong một Nhà Xứ do cha Chính xứ  làm Quản nhiệm điều hành mọi hoạt động mục vụ trong một Giáo Xứ. Mọi người cùng cầu nguyện chung, ăn chung, cùng ở chung nhà, và cùng chia nhau các phận vụ để phục vụ Giáo xứ. Vị Giám Mục cai quản toàn thể các Giáo Xứ trong Giáo Phận, cắt đặt hay thuyên chuyển các vị Chánh Xứ. Vị Giám Mục ngụ tại một trụ sở trung ương, thường gọi là “NHÀ CHUNG”, (ví dụ, Nhà Chung Hà Nội) nơi có Giám Mục cư trú, nhưng cũng là trụ sở vãng lai của các Linh Mục hay Thày giảng, chủng sinh, khi có việc cần nghỉ lại ít ngày.  

Phương thức Huấn luyện nếp sống độc thân như thế nào? Khi các phụ huynh muốn dâng con mình để phụng sự Chúa và Hội Thánh, thì đem trình diện chú bé tuổi 12, 13 với một Linh Mục nhận làm “Cha Bảo trợ”.  Trong một Nhà Xứ, cha chính hay cha phó được quyền “Làm cha quan thày” hay bảo trợ nhiều chú, tuỳ hoàn cảnh tài chính cho phép. Nhiều giáo xứ giầu có thể nuôi hàng chục chú bé cho ăn học, miễn phí. Cách thức bảo trợ, tuyển lựa này đã tạo nên một hệ thống gia đình thiêng liêng, gọi là “Linh Tông”, nghĩa là một Linh Mục từ khi chịu chức Linh Mục bắt đầu nhận bảo trợ một số chú bé, sau này nếu chú trở thành Linh Mục cũng sẽ nhận bảo trợ một số khác..thành ra có cha Cố, cha  Bác, cha Chú và anh em cùng một Cha Quan Thày. Ngoài ra, các Linh Mục cũng được phép giới thiệu các thiếu nữ gia nhập các Dòng Nữ, nên hệ thống Linh Tông càng được mở rộng thêm, có Nam, Nữ đề  huề.

Từ khi bước chân vào Nhà Xứ, Chú bé 12 tuổi đã có thể tham dự đầy đủ vào nề nếp sinh hoạt của một Cộng đồng tu sĩ. Chú được hoàn toàn tự do muốn ở lại tu hay xin trở về gia đình bất cứ lúc nào. Cho đến khi Chú được lên chức Linh Mục, trong khoảng thời gian thử thách và tu tập, chùng 15 năm(8 năm tiểu, trung học, 3 năm triết học, 4 năm Thần học), Chú có thể quan sát, chứng kiến nếp sống Độc thân của các Linh Mục, và các Thầy. Theo luật lệ của Địa Phận Hà Nội, được thi hành trong các Nhà Xứ, thì chỉ có người đi tu mới được sống trong khuôn viên Nhà Xứ. Phòng khách đặt ở ngoài cổng chính. Các Linh Mục không được phép tiếp  phụ nữ trong phòng riêng-trừ bà mẹ ruột mới được vào phòng ngủ-( khi một chị giúp việc dọn phòng, thì Linh Mục phải ra khỏi phòng! Và ai sai lỗi luật này sẽ bị phạt vạ). Theo thống kê, từ khi làm Chú Bé cho đến khi chịu chức Linh Mục, tối đa chỉ được 4% , 5% là bền đỗ đến cùng. Khi sống trong Nhà Xứ với cha bảo trợ hay sau này chú bé vào học tại các Chủng Viện, câu châm ngôn làm khôun vàng thước ngọc là:”Nunquam duo, semper tres”( nghĩa là: không bao giờ “Cặp đôi”, nhưng luôn“Cặp ba”, trong khi giao thiệp, chơi hay nói chuyện với bạn bè, để tránh dan díu” Đồng tính luyến ái”. Ngoài ra, để tập luyện và tự lượng sức mình có thể sống độc thân trinh khiết suốt đời được chăng, mỗi chủng sinh phải đi thực tập  hai ba năm tại các Giáo Xứ :một năm sau khi mãn Trung Học, một hai năm sau khi tốt nghiệp Trường Triết học.  

TÓM LẠI, Hệ thống  “Nhà Đức Chúa Trời”, tại các Giáo Phận Miền Bắc Việt Nam, là một tổ chức mang nhiều sắc thái Văn hóa Việt, và chịu ảnh hưởng của các đạo giáo địa phương như Khổng giáo, Phật giáo, chẳng hạn danh từ: Cụ,(Cha)  Thày, Cha Bác , Cha Chú , Chú (chủng sinh), thì bên Nhà Phật có: Sư Cụ, Sư Ông, Sư Bác, và Chú Tiểu..). Các Linh Mục trong Giáo Hội Công Giáo gồm có: các Linh Mục Dòng(như ĐaMinh, Phan Sinh, Dòng Tên, Dòng Chúa Cứu Thế..), và các Linh Mục Địa Phận(diocesan Priest, tiếng bình dân gọi là “Cha Triều”). Các Cha Dòng do Nhà Dòng đào tạo, nâng đỡ, và sống chung trong Tu Viện của Dòng. Còn các Cha Địa Phận do Giám Mục huấn luyện trong các Chủng viện, và sai đi quản nhiệm trong các Giáo Xứ. Như tình trạng hiện nay, tại Hoa kỳ, Pháp..các Linh Mục Địa phận sống trong các Giáo Xứ, vừa lẻ loi, cô độc, không có cộng đoàn “Nhà Tu”( như kiểu: NHÀ ĐỨC CHÚA TRỜI”)nâng đỡ về nếp sống độc thân, cho nên dễ sa ngã. Bởi vậy, Kinh Nghiệm Tu Thân Tu Đức về Đức Trinh Khiết của NHÀ ĐỨC CHÚA TRỜI, -dầu cần cải tiến về nhiều phương diện cho hợp thời-, là một Nếp Sống Độc Thân của các Linh Mục Việt Nam, rất đáng trân trọng, vì giúp bảo tồn, nuôi dưỡng và phát triển Ơn Thiên Triệu cho các Giáo Phận hiện nay đang thiếu các Linh Mục coi các Giáo Xứ. 

3/. HUẤN LUYỆN NẾP SỐNG ĐỘC THÂN TRONG CHỦNG VIỆN XUÂN BÍCH

Hội các Linh Mục Xuân Bích( Dịch từ: Society of Priests of Saint Sulpice) là gì?

Hội này do Linh Mục Jean-Jacques OLIER (1608-1657) sáng lập, năm 1641 tại “ Giáo Xứ Saint Sulpice ở Paris(Pháp), hiện vẫn còn hoạt động. Gần 400 năm nay, Mục đích của Hội, là qui tụ một số Linh Mục đồng chí hướng, để cùng nhau, vừa làm việc mục vụ trong các Giáo Xứ, vừa chuyên chú vào việc huấn luyện, đào tạo các Linh Mục cho các Giáo Phận . Khẩu hiệu của Hội là”PER MARIAM AD JESUM( Nhờ Mẹ Maria, đến cùng Chúa Cứu Thế). Hiện nay, Hội Các Linh Mục Xuân Bích, quản trị và giảng dạy tại các Đại Chủng Viện trên thế giới như: tại Pháp; tại VIỆT NAM( từ năm1930, ở Hà Nội; năm 1954, ở Vĩnh Long, và Thị Nghè(Sàigòn), từ năm 1960, ở HUẾ, và Đà Nẵng. Tại Trung Hoa(ở Côn Minh, năm 1930, đóng cửa năm 1949); tại HOA KỲ(ở Baltimore, ở Washington D.C, Saint Patrick’Seminary, ở Menlo Park, CA,.: tại Nhật(Fukuoka), tại Canada, Columbia, Venezuela, Brezil(Nam Mỹ), Benin, Congo, Zambia(Phi Châu), Tahiti( Polynesie)

(Xin Lưu Ý: Quí Vị muốn biết thêm về Hội các Linh Mục Xuân Bích, tại HOA Kỳ, xin liên lạc Địa chỉ: Rev. Thomas R. Ulshafer.S.S. Phone: 410-323-5972) 

Hiện nay, các Chủng Viện Xuân Bích, tại HOA KỲ, huấn luyện các chủng sinh về Tính Dục trong Nếp Sống Độc Thân, Khiết Tịnh, như thế nào?

Sau khi phát hiện cuộc khủng hoảng về lạm dụng Tính dục nơi các giáo sĩ trong các Giáo phận tại Hoa Kỳ, Toà Thánh và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã làm việc tích cực để đối phó với các vụ kiện, và bồi thường cho các nạn nhân. Hội Các Linh Mục Xuân Bích quan tâm đặc biệt về tình trạng khủng hoảng này, vì Hội trực tiếp tham gia việc huấn luyện, và giáo dục các chủng sinh cho các Giáo phận. Hội đã mở những buổi Hội thảo, huấn luyện cho các hội viên và bắt buộc các hội viện ký nhận cam kết thi hành “Chính Sách đối với Hành Vi Cử Chỉ Xấu về Tính Dục”( Policy on Sexual Misconduct) 

a/ Sau đây chỉ xin trích dẫn một số cách thức đề phòng, hoặc tránh những cử chỉ, thái độ suồng sã, “khiêu gợi”, khi tiếp xúc với giới phụ nữ,  thanh thiếu niên nam nữ, vị thành niên, hay trẻ nhỏ, (dưới 18 tuổi, Minors).Cũng kể vào loại”Minors” là những người lớn, nhưng chậm tiến, mắc bệnh thần kinh, hay khuyết tật.

-         Mọi người cộng tác với Hội Xuân Bích trong các Chủng Viện, Chương Trình Huấn luyện.. đều bắt buộc phải tham dự chương trình dạy cách phòng ngừa những Hành vi cử chỉ xấu về Tính dục. Mọi Hội viên trong Hội Xuân Bích phải ký một tờ Cam Kết chịu Trách Nhiệm( an Affidavit of Responsibility), thi hành Chính Sách của Hội.

-         Hội Xuân Bích cam đoan tích cực giáo dục các chủng sinh, đặc biệt các chủng sinh làm việc mục vụ với trẻ nhỏ(Minors), cần phải tránh những Hành vi Cử chỉ xấu về Tính dục, Sách nhiễu Tính dục, Động chạm, Khai thác, Lạm dụng Tính dục.

-         Hành vi Cử chỉ Xấu về Tính dục (Sexual Misconduct) là: những lời nói bất hợp pháp, bất xứng hay những cách cư xử khiêu gợi dục tính- Sách nhiễu Tính dục(Sexual Harassment) là dùng lời nói hay hành động khiêu gợi kích dâm để tống tình, hay yêu cầu được chiều đãi thỏa mãn Dục Tính, để được tăng lương, lên chức, thi đậu. .Sách nhiễu Tính dục sẽ tạo nên tình trạng đe dọa, sợ sệt nơi sở làm việc, và phá rối công việc học hành, hay tu trì.- Động chạm khêu gợi(Sexual Contact)là những hành vi động chạm với mục đích kích dâm, khêu gợi như sờ mó vào đùi, cơ quan sinh dục, mông hay ngực..- Khai thác Dục Tính( Sexual Exploitation) là những đụng chạm kích dâm giữa một vị giáo sư, Linh hướng, cố vấn..với sinh viên, bất kể ai khêu gợi trước.-Lạm Dụng Tính Dục một Trẻ Vị thành Niên(Sexual Abuse of a Minor) là dùng bạo lực, đánh lừa, quyến dũ một thiếu niên làm Hành vi động chạm khiêu dâm, bất kể ai khởi sự việc xấu đó.- Hành Vi Liên Hệ đến việc Lạm Dụng Tính Dục đối với Trẻ vị thành niên( Related Acts of Misconduct with a Minor) là những hành vi cử chỉ, tự nó không phải là hành vi khiêu dâm, nhưng có liên hệ, trong một bối cảnh mục vụ, giảng dạy, làm việc, chẳng hạn như: đánh tát, phát vào mông, nói chuyện tiếu lâm gợi dục, cho dùng dụng cụ khiêu dâm, khỏa thân, hôn môi, đấm bóp, vật lộn, ngủ chung giường, hay chỗ ở chật hẹp, ngủ qua đêm không có phép của phụ huynh, cố chấp trao đổi những hành vi, lời nói về ái tình, nhưng gây khó chịu bất mãn cho người khác, cho phép hoặc cung cấp rượu mạnh, cần sa ma tuý, hoặc giám sát thiếu niên khi đang say rượu, say thuốc phiện.-Những Cử Chỉ tỏ Tình Âu Yếm đối với Trẻ Nhỏ( Certains signs of affection or approval in relation to a minor) vì không bất xứng, nên không cấm như: vỗ vai, vỗ lưng, bắt tay, đập vào tay, khen ngợi, quàng vai, và dắt tay em bé đi dạo chơi, cúi xuống ôm em bé. Trong hoàn cảnh này, cần lưu ý đặc biệt đến sắc thái Văn Hóa, phong tục tập quán của các sắc tộc

b/ Huấn luyện chủng sinh hay nhân viên có trách nhiệm coi sóc các Trẻ Nhỏ

Hội Xuân Bích đặc biệt lưu tâm, và khuyến khích những chủng sinh hay nhân viên tham dự những lớp huấn luyện chuyên môn do các Giáo phận địa phương tổ chức. Ngoài ra, dầu chưa có lý do để tin là đã xẩy ra việc “Lạm Dụng Tính dục đối với Trẻ Nhỏ”, nhưng nếu ai khám phá thấy những dấu hiệu khả nghi về cách giao thiệp không lành mạnh của một Hội Viên Xuân Bích, thì phải lập tức báo cáo cho vị Bề Trên địa hạt hay Tỉnh Dòng biết liền. 

c/ Xử dụng Internet Hội viên Xuân Bích, ban giáo sư, và chủng sinh phải dùng máy computer thuộc Chủng Viện, hay của riêng cá nhân hay người khác, một cách hợp pháp và hợp luân lý. Hội Xuân Bích không dung thứ cho việc dùng Internet, e-mail vào những Hành vi xấu về Tính dục, vô luân hay bất hợp pháp. Hội Xuân Bích dành quyền khám xét

các tài liệu dự trữ(files) của các nhân viên Văn phòng và các chủng sinh, khi xét thấy cần phải làm, để bảo vệ sự an toàn, và lành mạnh của một Cộng đoàn hay là để điều tra về những lời cáo buộc về Hành vi xấu về Tính dục. 

d/ Hội Xuân Bích cam kết hợp tác thi hành những Điều Luật của Liên Bang, của Tiểu Bang, của Địa phương và của Giáo Luật và các thủ tục đã phác họa trong Chính Sách của Hội Xuân Bích. Mỗi hội viên Xuân Bích có nhiệm vụ phải tránh những hành vi xấu về Tính dục, lại phải phòng ngừa và bảo vệ các nạn nhân của Lạm dụng Tính dục. 

ĐỂ TẠM KẾT, Cổ nhân đã nói:” Thời thế nào , kỷ cương nấy”. Ngày trước, xã hội Việt nam tương đối được an hòa, nề nếp, nhờ Minh Triết Âm-Dương Điều Hòa:”Thuận Vợ thuận Chồng tát Biển  Đông cũng cạn”. Người “xuất gia tu hành”cũng được xã hội trọng vọng, không gặp nhiều khó khăn, nhiều trở ngại, cám dỗ. Tổ chức”Nhà Đức Chúa Trời” đã là nơi nương náu, tu trì của bao tâm hồn khát vọng đi tìm Nguồn hạnh phúc chân thật nơi Nhà Chúa. Ngày nay, trong một thế giới tục hóa, với cơn bão”cách mạng Dục Tính”làm tan hoang, xáo trộn đến cả nơi thánh thiêng. Do đó, muốn cứu vãn tình thế, cần những luật lệ chặt chẽ, nghiêm minh để bảo vệ Nếp sống tu trì, độc thân khiết tịnh.Trên đây là những cố gắng và ưu tư của Hội các Linh Mục Xuân Bích  giúp huấn luyện hàng Giáo sĩ đối phó với cuộc khủng hoảng về Tính dục. Những  biện pháp thực hành, những lời chỉ giáo rất hữu ích để  nâng đỡ những ai  muốn cam kết chấp nhận nếp sống Khiết Tịnh Độc thân, vì Tình Yêu Thiên Chúa và Tha Nhân.

Nhờ Ơn Chúa phù giúp, với ý chí tự do kiên trì, các vị Chân Tu đã có thể “Siêu Thoát”, hay “Thăng Hoa” đời sống Tính dục tự nhiên, lên “Nếp Sống Khiết Tịnh” , chính là nếp sống Khắc Khổ và Thần Nhiệm( Ascetic and Mystic)  để kết nghĩa hoàn toàn với Chúa.

  Lm. Đường Thi

VỀ MỤC LỤC
ĐỨC TIN LÀ MỘT HỒNG ÂN
 

Thông thường người Công giáo là người được sinh ra trong gia đình mà cha mẹ, ông bà là người có đạo nên được rửa tội từ thuở nhỏ và lớn lên mỗi Chúa nhật đều đi nhà thờ, tham dự thánh lễ là một chuyện tự nhiên, bình thường. Hoặc khi lấy vợ, lấy chồng là người Công giáo, rồi học đạo, làm lễ ở nhà thờ cũng trở thành người Công giáo. Còn số người lớn cảm nhận về đạo Công giáo thấy yêu mến đạo, yêu mến Chúa Kitiô và Đức Mẹ Maria, rồi theo đạo cũng không phải là ít. Thường những người lớn tuổi này đến với nhà thờ Công giáo, đến với Chúa Giê-su và Đức Mẹ thông qua nhiều nguyên nhân thường do ảnh hưởng từ bạn bè là những người Công giáo sống đức tin, đạo hạnh hay ảnh hưởng từ gương sống của các Thầy cô dạy ở trung học hay Đại học hay gương lành của các tu sĩ, Linh mục hay các Sơ đã hy sinh đời mình phục vụ cho tha nhân, nhất là phục vụ cho những người kém may mắn như những người bị bịnh phong cùi, người tàn tật đui mù, bịnh sida v.v…hoặc có được ơn riêng, Thiên Chúa đánh động họ để họ tìm về cội nguồn yêu thương là Thiên Chúa tình yêu. 

Khoảng năm 1533, đạo Thiên Chúa truyền bá sang nước ta cho đến ngày hôm nay, đã trải qua nhiều sự thăng trầm. Những lúc đạo Chúa bị bách hại dữ dội nhất lại thường nuôi dưởng và phát triển tinh thần bác ái, yêu thương và sản sinh ra nhiều vị Thánh tử đạo…  

Bài này chỉ nói đến một vài nhân vật đã đến với Đạo Chúa như sự kiện bình thường nhưng ẩn tàng bên trong là một sự chuyển biến lâu dài về tâm lý, tình cảm, lý trí rất phức tạp của con người để đến hay nói đúng hơn trở về nguồn tình yêu vô biên của Thiên Chúa toàn năng. 

Minh Đức Vương Thái Phi: (1558-1649) 

Bà là vợ thứ 10 của Chúa Nguyễn Hoàng. Lúc sinh Hoàng Khê bà mới 21 tuổi, chúa Nguyễn Hoàng 64 tuổi. Bà được lảnh bí tích Rửa tội vào năm 1625 (lúc ấy bà chừng 51, 52 tuổi) tên thánh là Maria Ma-da-Lê-Na, tại Phước Yên do Cha Francesco di Pina, Dòng Tên người Ý.  

Theo cha Đắc Lộ, người có mặt Lễ Rửa tội của bà Minh Đức, thì trước kia bà là người rất sùng đạo Phật. Khi đã theo Công giáo bà lại đem hết mình phụng sự đức tin mà còn sốt sắng hơn trước nữa. Cha Đắc Lộ đã là nhân chứng về đời sống đạo của Bà: 

“Trong Dinh của bà, bà lập ra một ngôi nhà nguyện rất đẹp, mà bà vẫn cố duy trì trong cơn cấm đạo ngặt nghèo. Bà mở rộng cửa cho các giáo hữu của tỉnh đến cầu nguyện…Bà đã dùng các lời lẽ khôn ngoan làm cho nhiều người rất sùng Phật trong nước trở lại với Đức tin Công giáo trong số đó có cả những người họ hàng với nhà chúa. 

Trong thời gian này, ngày 26-7-1644 thầy giảng An rê chịu tử đạo làm bà Minh Đức rất là đau đớn. Nhưng nỗi đau đớn nhất là con bà, ông Hoàng Khê, để lấy lòng chúa Thượng, đã cho phá nhà nguyện của mẹ ngày 20-2-1645. Năm sau, ngày 22-8-1646 ông Hoàng Khê qua đời không được rửa tội. Cái chết chưa được rửa tội của con càng làm cho bà Minh Đức đau đớn vô cùng. 

Theo các tài liệu bà Minh Đức chết vào khoảng cuối năm 1648 hay đầu năm 1649 như vậy bà thọ ngoài 80 tuổi.  

nguồn:  http://www.dongcong.net/DoiSongKH/GuongTruyenGiao/14.htm    

 Thi sĩ Nguyên Sa - Giuse Trần Bích Lan:(1932  - 1988) 

Nguyên Sa là nhà thơ lớn, nhà giáo nổi tiếng dạy triết học tại trường trung học Chu văn An và mở những lớp Triết riêng để luyện thi Tú tài 2. Ông dạy rất nhiều trường tư thục lớn ở Sài gòn. Tôi đã say mê Nguyên Sa từ những bài thơ trong tạp chí Hiện Đại khoảng năm 1961, 1962. Những câu thơ như: 

Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà đông …

 

Hôm nay Nga buồn như con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình

Để anh giận sao chẳng là nước biển.

 

Hay: 

Tôi đã gặp em từ bao giờ

Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya

Kể từ gió thổi trong vừng tóc

Hay lúc thu về cánh nhạn kia.

Có phải em mang trên áo bay

Hai phần gió thổi một phần mây

Hay là em gói mây trong áo

Rồi thở cho làn áo trắng bay…  

đã như đi sâu vào tâm hồn của đa số người dân miền Nam yêu thơ thời đó nhất là người Sài gòn thích thơ trong đó có tôi. 

Trong bài “Vài kỹ niệm với nhà thơ”, nhà văn Xuân Vũ Trần Đình Ngọc viết: “Câu chuyện lan man đi qua vấn đề tôn giáo. Nguyên Sa nói: “Nhân tiện có anh và anh Q.T. là người theo đạo Công giáo. Tôi hỏi các anh, nếu tôi muốn theo đạo thì phải làm sao?” 

Tác giả viết: “Tôi nói: Dễ thôi. Anh Q.T. hoặc tôi sẽ giới thiệu anh đến một vị Linh Mục, vị này là linh hướng cho anh….Vị Linh Mục sẽ giải thích những lẽ chính trong Đạo và đưa anh một cuốn sách nhỏ dặn anh về đọc và ghi nhớ. Rồi vị Linh Mục hỏi xem anh có nhập tâm và tin - nhất là tin - những điều đó không? Sau khi đã qua những chặng chuẩn bị tâm hồn anh được chịu phép Rửa tội và được rước Chúa vào tâm hồn. Có 10 điều răn của Đức Chúa Trời và 6 điều răn của giáo hội, anh cứ theo như thế, tức là trở thành tín hữu tốt. Ngày thi sĩ Nguyên Sa chịu phép Rửa tội, anh có viết thiệp báo tin cho tôi. ..” 

Tác giả viết tiếp: “Tôi biết anh đã ra đi yên ổn vì anh có tâm sự với tôi lúc còn sống anh chỉ ước ao được chết Lành như một tín hữu Công giáo. Năm đó là năm 1998, anh thọ được 66 tuổi”. 

nguồn:  http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=294&ia=9417    

Ca sĩ Duy Khánh: (1936- 2003) (Micae Nguyễn văn Diệp). 

Trong báo: “Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” số 200, tháng 3 năm 2003, Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng có viết bài: “Ca Sĩ Duy Khánh & Cuộc trở lại Đạo cuối đời” cho biết Duy Khánh tên là Nguyễn văn Diệp, sinh năm 1936 tại làng An Cư, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thân sinh của Duy Khánh là Cụ Nguyễn văn Triển, Dân Biểu Hạ Nghị Viện VNCH, pháp nhiệm 1 (1967-1971). 

 Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng viết: “Buổi tối ngày lễ Giáng sinh 25-12-2002 anh Văn Đức Thạnh đã gọi điện thoại cho tôi biết “Duy Khánh muốn gặp một Linh Mục”.Vì là ngày lễ lớn nên các nhà thờ đều bận rộn… mãi đến sáng hôm sau, ngày 26-12-2002 tôi mới liên lạc được với Linh Mục Nguyễn Đăng Đệ, Quản nhiệm cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại nhà thờ Anaheim. 

Khoảng 9 giờ sáng hôm đó, anh Văn Đức Thạnh đã lái xe đưa Linh Mục Nguyễn Đăng Đệ đến tại bịnh viện Fountain Valley, phòng số 110 để gặp Duy Khánh. Tôi cùng bà Thơm đi theo xe của anh Thạnh đến thăm Duy Khánh luôn. Bên cạnh Duy Khánh lúc đó chỉ có người con gái của anh (cô Tiên) và chúng tôi. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi gặp mặt và trực tiếp nói chuyện với Duy Khánh. Anh Thạnh giới thiệu Linh Mục Nguyễn Đăng Đệ là người đồng hương đến thăm. 

Linh Mục đã hỏi Duy Khánh:

-“Có phải anh muốn gặp Linh Mục người Việt nam hay không?”

Anh Duy Khánh trả lời:

-“Đúng như vậy, tôi muốn gặp một Linh Mục Việt Nam để xin theo đạo Công giáo”. 

Linh Mục nói chuyện với anh khoảng 15 phút xác nhận lúc đó anh còn tỉnh táo và còn sáng suốt để trả lời những câu hỏi của Linh Mục. Sau đó Linh Mục cử hành nghi thức “Rửa tội” cho anh Nguyễn văn Diệp tức ca nhạc sĩ Duy Khánh. Người đỡ đầu là anh Văn Đức Thạnh.Tên Thánh được chọn cho Duy Khánh là Micae (Michael) cũng là tên Thánh của anh Thạnh… 

Nghe tin anh đã theo đạo Công giáo, một người bạn đến thăm và hỏi anh: 

-“Bây giờ anh có hối hận gì về quyết định xin theo đạo và chịu phép Rửa tội hay không?”

Anh đã trả lời: 

-“Tôi không hối hận gì.” 

Mấy ngày sau đó, sức khỏe của anh khả quan hơn trước nhiều. 

Ngày mùng Một Tết Nguyên Đán (Quý Mùi), Linh Mục Nguyễn Đăng Đệ và một số bạn bè đến thăm, thấy sức khỏe của anh bình thường. Nhưng kể từ ngày mồng hai Tết trở đi, sức khỏe của anh ngày càng xấu đi. 

Lúc 12 giờ 05 trưa thứ tư, 12 tháng 02 năm 2003, Anh Micae Nguyễn văn Diệp tức Ca Nhạc Sĩ Duy Khánh đã từ giả mọi người để vĩnh viễn ra đi qua bên kia thế giới. 

GS Nguyễn Lý Tưởng viết: “Hơn hai mươi năm trước, khi nhạc sĩ Vũ Thành An trở lại Đạo Công giáo ở trong nhà tù Cộng sản tại Hà Tây (miền Bắc Việt nam), tôi có nói rằng người nghệ sỹ chân chính luôn khao khát Chân, Thiện, Mỹ và họ sẽ được gặp Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa hay Thượng Đế hay ông Trời là nguồn của Chân, Thiện, Mỹ. Tôi nghĩ rằng Duy Khánh cũng ở trong trường hợp đó. 

Tang lễ của anh được cử hành tại cộng đoàn tam biên (nhà thờ Sait Callitus) lúc 9:30 sáng thứ bảy 22-2-2003. 

Cựu hoàng Bảo Đại: (1913 - 1997).

Trong bài “Bất trắc và bất ngờ trong lịch sử ” đăng trên báo Dấn Thân, bộ 5 số 12 tác giả Linh Mục Nguyễn Thái Hợp có viết: “Sau khi bị truất phế qua cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 10 năm 1955 ông sống lưu vong tại Pháp.  

Vào giai đoạn cuối đời ông sống đạm bạc ở Paris trong một căn hộ thuộc chung cư ở đường Fresnel, quận 16. Chung cư này nằm cạnh khu đồi của công viên Trocadero. Những ngày đẹp trời ông thường đi dạo chung quanh khu công viên Trocadero. Thỉnh thoảng cũng ghé vào nhà thờ Saint Pierre de Chaillot nằm gần đấy để thăm Linh Mục Argomathe, chánh xứ Chaillot, một chuyên gia về lịch sử, khởi đi từ những câu chuyện văn hóa và thời sự vô thưởng vô phạt. Cùng với thời gian, cuộc đàm đạo càng ngày càng đi sâu vào lảnh vực tư tưởng và tâm linh, đặc biệt về Kitô giáo. Cựu hoàng tìm gặp nơi niềm tin Kitô giáo ý nghĩa, niềm vui và lẽ sống ở đời. Chính vì vậy bất chấp ý kiến không đồng thuận của một số người, ông nhất quyết xin gia nhập Đạo Chúa. Ngày 17 tháng 4 năm 1988 ông chịu phép thanh tẩy tại nhà thờ Saint Pierre de Chaillot với tên Thánh là Jean Robert. Liền theo đó, ông chịu phép thêm sức và cử hành lễ hôn phối với bà Monique Baudot.  

Năm 1995 chính cựu hoàng Bảo Đại với tư cách là vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn và đồng thời là người Công Giáo đã xin yết kiến Đức Giáo hoàng Gioan Phao lô II đã chính thức thay mặt nhà Nguyễn nói lên lời xin lỗi Chúa và Giáo hội.Trong lá thư đề ngày 31 tháng 03 năm 1995 gởi cho Giáo hoàng Gioan Phaolô II để xin yết kiến, cựu hoàng đã viết: “Đây là dịp hạnh phúc cho chúng tôi được quỳ bên cạnh Đấng kế vị thánh Phêrô để cầu nguyện cho Việt nam và Giáo hội đang chịu đau khổ ở đó. Và qua sự kiện chúng tôi đã chịu phép thanh tẩy đem lại cho đồng bào chúng tôi niềm xác tín vào tình thương vô biên của Thiên Chúa qua Đức GiêSu Kitô, Đấng an ủi những người đau khổ. Ngày 24-6-1995 ông và phu nhân được Đức Gioan Phaolô II tiếp kiến riêng tại Vatican… 

Linh mục chánh xứ Chaillot cho biết sau khi gia nhập đạo cựu hoàng Bảo Đại rất ngoan đạo. Ông thường đến nhà thờ cầu nguyện và đặc biệt sùng kính Đức Mẹ Maria. 

Cuối tháng 6 năm 1997 cựu hoàng Bảo Đại được đưa vào Quân Y Viện Val De Grace ở Paris. Ông từ trần lúc 5 giờ sáng ngày 31- 7- 1997 hưởng thọ 84 tuổi.  

Thánh lễ an táng được cử hành tại nhà thờ Saint Pierre de Chaillot ngày 5 -8-1997 với sự chủ sự của Linh Mục Guyard, đại diện Hồng Y Giám Mục Paris.  Bài “Magnificat” mà ông thích nhất một lần nữa đã trang trọng ngân vang trong thánh đường theo đúng ý nguyện của người quá cố. 

Chủ tịch nước Việt nam ông Hồ Chí Minh cũng đã có Rửa tội?

Giám Mục Phaolô Lê Đắc Trọng viết trong bài “Đi gặp Mác – Ănghen hay lên Thiên đàng?” như sau: 

“Có lời đồn Bác đã chịu phép rửa tội Công giáo khi bị bắt ở Hồng Kông, lời đồn đó có thể đúng, vì những người cộng sản họ có kiêng nể gì đâu. Họ khai thác triệt để câu châm ngôn “Mục đích biện minh cho phương tiện”. Có thể làm bất cứ cái gì, chịu phép rửa tội đôi ba lần cũng được, miễn là đạt mục đích mong muốn. Chịu phép rửa tội để ra khỏi tù chứ đâu là trở nên tín hữu công giáo.”… 

  “Vào năm 1986 có cuộc họp của Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Không hiểu sao cha Huấn cũng có mặt ở Hà nội. Cha già Huấn là người già lão, đã trăm tuổi, mặc dầu rất tinh khôn, nhưng người ta vẫn cho Ngài là lẩm cẩm, lẩn thẩn. Ngài lại hay đi sâu vào các vấn đề huyển bí. Những người đến hỏi số phận người nhà đã qua đời lên Thiên đàng hay ở luyện ngục thì Ngài trả lời ngay lập tức: thường là đang ở luyện ngục…. Hỏi về người đi vắng, như bộ đội còn sống hay chết: Ngài cũng chỉ cho họ biết người đó đang ở đâu, sắp về v.v. Rất nhiều người đến xin khấn để tìm thấy của đã mất. Ngài cho biết hiện của lạc mất đang ở đâu. 

Cha Huấn kể việc Bác lên Thiên đàng: “Một hôm con làm lễ xong ra đến đầu nhà thờ Kẻ Non, (nơi ngài đang ở, vừa làm việc, vừa hưu) chợt thấy bác Hồ hiện ra nét mặt ủ rủ nói với con: Cụ quên tôi à? Tôi là Hồ Chí Minh, tôi đã được rửa tội. Cụ không cầu nguyện cho tôi à?. Sáng hôm sau, tôi làm lễ cho người. Lễ xong ra đến đầu nhà thờ Kẻ Non, lại thấy Bác Hồ hiện ra, mặt mày vui vẻ người sáng láng cám ơn con, rồi lên thiên đàng.” 

Câu chuyện cha Huấn làm lễ cho Bác là vì Bác yêu cầu. Bây giờ Bác ở đâu? Bác ở lăng có thật không?. Còn linh hồn ở với Mác- Ănghen hay ở trên Thiên đàng? Chỉ có Chúa biết. Nếu ở trên Thiên đàng thì phục vụ cho dân tộc Việt nam nếu ở với Mác- Ănghen thì là tai họa cho dân tộc khổ sở này, đem những thái quá của Mác-Ănghen đến gây muôn vàn tai họa cho Việt nam.” 

nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=73862  

Linh Mục Sảng Đình Nguyễn văn Thích: (1891-1978). 

Nữ tu Mai Thành viết: “Linh mục Nguyễn văn Thích là con thứ hai của cụ Lô Giang Tiểu Cao Nguyễn văn Mại. Cụ Mại đỗ thủ khoa thi Hương, rồi phó bảng khoa Kỷ Sửu (1889) Thừa Thiên, được bổ dụng Tri phủ An Nhơn, Bình Định, làm quan đến chức Thượng thư. Cụ bà là Thân thị Vỹ làng Nguyệt Biều, tỉnh Thừa Thiên một dòng họ danh tiếng với các bậc khoa bảng như cụ Thân Trọng Huề, Thượng Thư dưới triều Đồng Khánh, Khải Định. 

Từ 4 tuổi cậu ấm Thích đã được thân phụ dạy chữ Hán, rồi lớn lên vác lều chổng đi thi Hương, cậu Thích cũng học chữ Pháp và chữ quốc ngữ rồi vào trường Pelerin gọi là trường dòng do các sư huynh Lasan điều khiển và giảng dạy. Trường này thành lập năm 1904 và học sinh Nguyễn văn Thích được học cả đạo lẫn đời. Nơi đây cậu ấm được học hỏi trau dồi tiếng Pháp và được khai tâm về giáo lý Kitô giáo. 

Trong thời gian học tại Pelerin, học sinh Thích lại có những liên hệ ngày càng mật thiết với Linh Mục tuyên úy Léculier hay cố Lựu nên đức tin vào Đức Giê Su Kitô đấng Cứu thế con Thiên Chúa làm người được thấu hiểu ngày càng thấm đậm trong tâm thức và trí tuệ của chàng thư sinh khao khát Chân, Thiện, Mỹ. 

Với bằng Cao Đẳng tiểu học và một năm sư phạm, thầy Thích được bổ làm trợ giáo tỉnh Khánh Hoà tháng 02 năm 1911. Bốn tháng sau ngày 29 tháng 6, thầy nhận bí tích rửa tội để trở nên con cái Chúa với tên thánh là Giuse Maria tại nhà thờ Bình Cang, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang do Linh mục Charles Eugène Saulcoy tên Việt là Cố Ngoan. 

Được tin sét đánh này cụ Thượng cầm roi đánh nhừ tử “đứa con bất hiếu”. Sau đó cụ Thượng nghĩ đến việc lập gia đình cho con trai đã 26 tuổi. Cụ mời Đức Cha Lý (Cố Allys) đến nhà xin Đức Cha can thiệp làm mai mối với con gái cụ Thượng Công giáo Nguyễn Hữu Bài để con mình yên số phận. Nào ngờ đâu khi được “hung tin” này, môn đệ của Đức GiêSu lấy quyết định từ giả gia đình quí tộc. Một đêm thanh vắng thầy Giuse Maria hóa trang làm cô gái đội nón lá, mặc áo dài tha thướt ra đi sáng sớm tháng 9 năm 1917, trực chỉ đến tiểu chủng viện An Ninh tại cửa Tùng, tỉnh Quảng trị. Tiểu chủng viện chỉ nhận từ 12 đến 14 tuổi mà thầy Thích đã 26 tuổi thì phải làm sao đây? May mắn là Giám mục Lý (Allys) nắm rõ hoàn cảnh nên nhận ngay người chủng sinh rất độc đáo này, vừa học tiếng Latinh và chương trình đào tạo Linh mục, vừa được mời làm giáo sư Pháp văn, Hán văn, Quốc văn cho chủng sinh. Sau đó thầy được gởi vào Đại chủng viện Phú Xuân Huế, 6 năm sau được thụ phong Linh mục ngày 18 tháng 12 năm 1926. 

Cha là nhà giáo từ lúc 20 tuổi. Cha dạy các Thiếu nhi Tiểu học ở Khánh Hoà, dạy các tu sĩ dòng Thánh Tâm Huế, tiểu chủng viện An ninh, Quảng trị, Trung học Khải Định.  

Trong thời gian làm Cha xứ họ Đạo Kim Long Huế, Cha dạy trường Quốc học và các trường tư thục Công giáo Huế. Từ năm 1958 Cha dạy Hán văn các trường Đại học Đà lạt, Huế Sài gòn. Năm 1959 dạy Triết Đông tại viện Hán học. Cha có sáng tác nhiều bài thơ phổ biến trong “Sảng Đình thi tập”. 

Nữ tu Mai Thành viết:“ Ngày 10 tháng 12 năm 1978 Linh mục Giuse Maria Nguyễn văn Thích với tuổi hạc 87, giã từ trần thế để về cõi trường sinh, hội ngộ cùng Đấng Chân- Thiện- Mỹ mà Linh mục đã hiến thân phục vụ đến trọn đời, trọn tình, trọn nghĩa. Phút lâm chung Ngài còn vui vẻ hát ca. Chắc hẳn là những ngày, những giây phút chuẩn bị cuộc ra đi, ngài đã ngắm nhìn bức tranh Đức Maria mà chính tay Ngài đã kính cẩn họa ra với lời ca Ngài đã sáng tác:

                           Bao giờ tôi được lên Trời,

                           Ở cùng Đức Mẹ thì tôi phỉ nguyền. 

Nguon: http://www.chungnhanduckito.net/tacgia/Mai%20Thanh/lm.nguyenvanthich.htm  

 Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn.(1930- 2009) 

Trong quyển “Đất nước tôi”, Hồi ký chính trị của Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn đuợc biết ông sinh tại Cần Thơ năm 1930, năm 1951 động viên khóa 1 sinh viên Sĩ Quan Trừ bị Thủ Đức.1953 trúng tuyển khóa 1 Học viện Quốc Gia Hành Chánh. 1957 tốt nghiệp Thủ khoa khóa 1 Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.

1958 Quận Trưởng Cái Bè, Định Tường.

1959 -1967 Phó Tỉnh Trưởng Định Tường, Phước Tuy và Long An.

1967-1971 Dân biểu Hạ Nghị Viện.

1971-1975 Chủ tịch Hạ Nghị Viên.

1975 Thủ tướng VNCH. 

Ký giả Hạnh Dương viết: “Trong cuộc phỏng vấn cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn đã cho hay rằng dưới chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, lúc ông làm Quận trưởng Cái Bè, Phó Tỉnh Trưởng Định Tường và Phó Tỉnh trưởng Phước Tuy, ông đã nhiều lần được đảng Cần lao yêu cầu ông trở lại đạo Công giáo, ông đã quyết liệt từ chối. Nhưng khi đến định cư tại Hoa Kỳ, sau khi con gái của ông tử thương vì tai nạn, ông đã buồn, khóc rất nhiều và mắt của ông gần như bị mù. Nghe nói Đức Mẹ Lộ Đức (Lourdes) tại Pháp là nơi linh thiêng và nhiều người khấn xin, đuợc Đức Mẹ chửa lành, nên phu nhân của ông đã đưa ông qua Pháp để đến cầu nguyện tại nơi Đức Mẹ hiện ra với chị Bernadette từ ngày 11-2-1858 đến ngày 16-7-1858 trong 18 lần khác nhau. … 

 Cho đến nay sau ba lần khai mở hầm mộ của nữ tu này để khám nghiệm, làm thủ tục phong Thánh thì điều rất ngạc nhiên xác của nữ tu Marie Bernard này vẫn nguyên vẹn và mềm mại như người đang ngủ. Hiện nay thi thể của nữ tu được bỏ trong quan tài bằng kính trong suốt và để trong nhà nguyện cho mọi người đến kính viếng cầu nguyện. 

Cựu Thủ Tướng nói rằng ông chỉ đi theo đề nghị của vợ ông mà thôi chứ chẳng có tin tưởng gì. Nhưng sau khi thấy những điều kỳ diệu như thế nên ông đã cầu nguyện và không ngờ là sáng hôm sau, sau khi thức dậy, hai mắt ông bừng sáng như chưa hề bịnh tật gì. Và từ đó ông đã xin theo đạo Công giáo và được  thanh tẩy tại Lộ Đức ở Pháp và trở lại Hoa Kỳ đi nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhật, rất sùng đạo, sống bình dị cho đến giờ phút ông vĩnh biệt gia đình và cộng đồng người Việt tự do tại Hoa Kỳ và Hải ngoại. 

Ông mất ngày thứ tư 20-5-2009. 

Thánh lễ cầu hồn cho linh hồn Phêrô tại nhà thờ Maria Goretti lúc 10 giờ ngày thứ tư 27 tháng 5 -2009,  hạ huyệt tại nghĩa trang Oak Hill, San José. 

nguồn: http://ngothelinh.tripod.com/Nguyen_Ba_Can.html 

Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương.  

Nguyên là Giáo sư viện Đại Học Đà Lạt năm 1965-1976. Sinh ngày 24-9-1925 tại Vinh, nguyên quán Thịnh Xá, Hương Sơn, Hà Tỉnh.

Là bào đệ của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện một đảng viên nồng cốt của đảng Cộng sản Việt nam, thân phụ là Nguyễn khắc Niêm, nguyên Án Sát tỉnh Nghệ an vào năm 1930, về hưu  năm 1943 với phẩm hàm Hiệp Biện Thượng Thư. 

Năm 1938 đậu tiểu học, theo học chương trình Pháp tại trường Thiên Hựu, trường tư thục có giá trị nhất thời đó. Tác giả viết: “Cái quyết định của mẹ tôi là do sự xếp đặt của Thiên Chúa, có vậy mới biết đến Chúa Giêsu, mới là tín hữu của Ngài”. 

Sau tú tài II tác giả từ giả Huế về quê với tâm niệm mình là một Phật tử với ý nguyện sẽ xuất gia khi gặp dịp thuận tiện. Trên đuờng về quê tác giả ghé thăm anh Vương đình Lương, lúc ấy làm Hiệu trưởng trường tư thục Đậu Quang Lĩnh Anh Lương mời cộng tác. “Thế là tôi lại trở vế với môi trường tư thục Công giáo. Được trở về sống trong cái khí quyển mà tôi hấp thụ sáu năm tại trường Thiên Hựu Huế. Tôi như một cây héo rũ bỗng được hồi sinh. Ngoài các sinh hoạt chức nghiệp, tôi thường liên lạc với các linh mục, các đại chủng sinh giúp nhà xứ Nghĩa Yên. Dần dần tôi mới khám phá ra rằng chỉ có môi trường Công giáo mới hợp với con người tôi”. 

Vào năm 1948 tác giả quyết định gia nhập đại gia đình Công giáo. Trong tâm tư thì vậy nhưng đi đến thực hiện quả là còn cách núi ngăn sông. Trước hết là những khó khăn trong tâm tư của chính mình nhất là cảm tưởng phải xa lìa tất cả, xa lìa gia đình, bạn bè, hàng xóm rồi cả mấy mươi năm truyền thống văn hóa.” Trở ngại khách quan khác lớn lao hơn nhiều:  “Đối với nhà nho cỡ lớn ở đất Nghệ Tỉnh có đứa con theo đạo là sự sĩ nhục… thằng con trai  đã bỏ truyền thống của cha ông để đi theo “Tây Dương Tả Đạo” nhất là tôi là con là cháu được khen là hiếu thuận.”   

Vào dịp Lễ Giáng Sinh năm 1948, tôi đến Đức Thọ  thăm gia đình anh Vương Đình Lương. Ngày hôm sau được Linh mục Vương Đình Ái mời dự bửa cơm mừng lễ với các giáo viên dạy trường Đậu Quang Lĩnh. Sau bữa cơm tôi thưa với Cha Ái về ý muốn lảnh nhận bí tích rửa tội.  

Và ngày Rửa tội là ngày 9 tháng 1 năm 1949, Linh mục rửa tội là Linh mục Nguyễn ngọc Bang  cha xứ Nghĩa Yên. Cha đỡ đầu là Linh Mục Vương đình Ái. 

Nguyễn Khắc Dương vào dòng Phanxicô sống đời dự tu đầu tiên khóa 1949-1950. Tháng 04 năm 1954 rời khỏi nhà dòng vì bị động viên vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Trong thời gian này thân phụ bị đấu tố, kết án 20 năm tù và đi cải tạo vài hôm thì từ trần.  

Sau hơn hai năm quân vụ, tháng 10 năm 1956 được tu viện Phanxicô cho sang Pháp học thần học tại Paris (1956-1957). Ra khỏi dòng, học Sarbonne 1957-1960, tốt nghiệp Cử nhân Triết học. Thử tu tại dòng Biển Đức ở Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ (1961-1963) nhưng không thành vì lý do sức khỏe. Từ năm 1963 đến 1965 dạy học ở nhiều trường trung học Công giáo ở Paris. 

 Cuối năm 1965 Nguyễn Khắc Dương trở về Miền Nam Việt nam. Năm 1966 Linh Mục Nguyễn văn Lập Viện trưởng Viện Đại Học Đà Lạt mời ông lên dạy triết tại đó. 

Khi cộng sản tiếp thu Viện Đại học Đà lạt ông cũng bị đi học tập cải tạo 16 tháng. 

Năm 1975 đến 1986 đổi cư trú trên 10 lần, không nhà, không cửa, không tài sản, không vị trí gì cả trong Giáo hội cũng như trong gia đình và ngoài xã hội.  

http://www.conggiaovietnam.info/index.php?m=module3&v=chapter&ib=46&ict=578 

http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=197&ict=1409  

Nhạc sĩ Vũ Thành An: 

Theo ký giả Hạnh Dương cho biết Nhạc sĩ Vũ thành An kể rằng: “Từ khi có trí khôn tôi vẫn thao thức với câu hỏi: Mình ở cuộc đời này để làm gì?” 

Vũ Thành An kể: “Tôi đã khốn đốn trong các trại giam tại Bắc Việt. Một trong những khốn khổ mà tôi phải chịu là chứng mất ngủ. Từng đêm dài tôi đã thức trắng, sức khỏe dần yếu đi, không có thuốc để chữa chạy. Tình trạng này kéo dài cả năm từ đầu năm 1980 đến 1981. Một tối kia đa số anh em trong phòng đã say ngủ tôi nghe hai anh nói chuyện với nhau chỉ cách chỗ tôi nằm chừng hai thước. Tôi nghe anh Nguyễn văn Lai nói: “Khi nào tôi khó ngủ tôi chỉ cầu nguyện bằng cách chỉ đọc vài Kinh Kính Mừng là ngủ được ngay.” 

Nhạc sĩ Vũ Thành An kể tiếp mặc dầu anh chưa có đạo nhưng Kinh Kính Mừng thì tôi đã biết. Năm 17 tuổi tôi có người bạn gái, lúc đó sự liên lạc của chúng tôi là những trang thư và những buổi hẹn hò trong sân nhà thờ. Gặp chỉ để nói với nhau đôi câu. Một hôm đôi tay rất đẹp trinh trắng của Uyên đã trao tôi trang giấy có ghi bài Kinh Kính Mừng với nét chữ thật nắn nót. Uyên bảo tôi học thuộc đi và tôi đã thuộc. … Cho đến bây giờ tôi cũng không biết Uyên ở đâu, nhưng Kinh Kính Mừng thì ở lại.”   và trong cơn tuyệt vọng ở trại tù Bắc việt, anh đã nhẩm đọc Kinh Kính Mừng và đêm đó anh đã ngủ ngon.giấc. Và sau đó tôi đã ngủ khoảng một tuần lễ liên tiếp. Một buổi sáng thức dậy nhìn qua cửa sổ phòng giam thấy nắng xuân vàng ấm chiếu trên luống rau cải xanh do các bạn tù trồng ngoài sân tự nhiên tôi nói với bố Vũ công Định nằm bên cạnh:” Bố Định ơi, chắc là con theo đạo Chúa quá. Bố Định là một tù nhân không có đạo, ít nói, nghe vậy bố chỉ cười. Bố Định bảo Vũ Thành An đến gặp Thượng Nghị Sĩ Nguyễn văn Mân cùng ở chung phòng 1 tại trại giam Hà Tây để hỏi vì cụ Mân là người Công giáo. 

Vũ Thành An kể tiếp: “món quà đầu tiên sau khi tôi cầu cứu Đức Mẹ là bịnh mất ngủ đã không còn hành hạ tôi nữa.” 

Sau đó anh em đạo Thiên Chúa đã cho tôi tình thân ái mà trước đó tôi không có.và đã hướng dẫn cho tôi chờ ngày Rửa tôi. Nhưng đến ngày ấn định tôi xin ngưng lại. Tôi chưa sẳn sàng về tâm lý và sợ... Nhưng bắt đầu sáng tác thánh ca như “Cha là Ngôi Trời có thật”  “Mẹ ơi cứu con ra khỏi nơi này”  “Hãy nhìn lên Trời cao”. Sau hơn một tháng suy nghĩ, tôi đã xin anh em trong tù định ngày rửa tội cho tôi là ngày 19-3-1981. 

Buổi lễ diễn ra nghiêm trang dường như cả phòng đều biết nên đã giữ yên lặng khác thường. Khi bác Nguyễn thành Tiên vừa dội nước vừa đọc “Tôi rửa anh  nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” thì chừng một hai giây sau đèn điện chớp hai lần rồi bật sáng hẳn.  

Sau buổi lễ rửa tội đó, cán bộ trại đã gọi anh lên thẩm vấn anh lý do anh “gia nhập “đạo Công giáo. Tìm xem Linh mục nào dám rửa tội trong trại vì nếu truyền giáo và hành đạo ở trong trại sẽ bị cùm giam vào sà lim. 

Nhạc sĩ Vũ Thành An qua định cư tại Portland, Oregan theo diện HO. Anh đã xin đi tu và được tòa Giám Mục Portland cho theo khóa Đại học thần học và được Đức Tổng giám Mục John G. Vlazny chủ tế lễ truyền chức Thánh Phó tế vĩnh viễn ngày thứ bảy 23-11-2002.  

Hiện nay Phó tế Vũ Thành An sáng lập và phụ trách Quỹ từ thiện Têrêsa đang trợ cấp cho trên 2000 cụ già ở Việt nam. Nếu tiếp tay cho Quỹ từ thiện xin gởi về: TÊRÊSA P.O.Box 13237 Portland, OR 97213 

nguồn: www.vietbao.com/?ppid=45&pid=5&nid=65627 

Linh Mục Nguyễn Viết Chung: 

 Một ngày vào năm 1973 các tờ báo ở Sài gòn đồng loạt đưa tin vế cái chết của Jean Cassaigne một giám Mục Công giáo người Pháp, nguyên làm Giám Mục Sài gòn nhưng lại qua đời tại một trại phong ở Di Linh, một nơi đèo heo hút gió trên đường từ Sài gòn đi Đà Lạt. Nguyễn Viết Chung đọc tiểu sử của vị cố Giám Mục trên báo và không hiểu do đâu anh lại mong muốn được nên giống Ngài ở chỗ phục vụ người cùng khổ cho đến hơi thở cuối cùng. Anh chẳng biết gì về Đạo Công giáo thế mà Đức Cha Cassaigne lại là thần tượng của anh. 

Năm 1974. Chung học Y Khoa Đại Học Đường Sài gòn. Tại đây anh gặp người công giáo đầu tiên trong đời anh là giáo sư bác sĩ Lichtenberger, người Bỉ, dạy môn Mô phôi học. Chung ngưởng mộ sự uyên bác khoa học vô song của ông. Các bài giảng vô cùng sinh động và phong phú của nhà khoa học uyên thâm một cách lạ lùng làm cho Chung mê mẫn. Chung kinh ngạc khám phá vị Giáo sư khả kính này là một Linh Mục dòng tên. Anh thường cùng các bạn trường Y đến nhà thờ để xem Giáo sư Lichtenberger dâng lễ…. 

Những năm học Y khoa không phải là dễ dàng đối với Nguyễn Viết Chung anh phải làm thêm nhiều việc nặng nhọc kể cả đạp xích lô để kiếm tiền ăn học và phụ giúp gia đình.  

Năm 1984, bác sĩ Chung khi đó 29 tuổi, xin được bổ nhiệm lên trại phong Di Linh  để thực hiện giấc mơ lớn nhất của đời anh. Nhưng theo đúng thủ tục hành chánh thì anh phải trình diện và chịu sự điều động của Sở Y tế Lâm Đồng.  

Bà trưởng phòng ngạc nhiên hỏi:  

-“Anh có điên không hay là anh bị cùi?”.

-“Nếu tôi cùi thì bà đã thấỳ rồi.Còn có điên hay không thì tôi không biết nhưng điều tôi biết là tôi mong muốn phục vụ những người cùi.” 

Từ ngày 01-7-1986 anh về làm việc tại phòng chống sốt rét của tỉnh Đồng Nai cho tới năm 1989. Từ năm 1990-1992 đổi về làm tại phòng xét nghiệm của bịnh viện da liễu Sài gòn. Ở đây anh xin học thêm chuyên khoa da liễu vì anh không bao giờ anh quên mộng ước của mình. 

Năm 1993 Bác sĩ Chung tình nguyện lên công tác tại trại Phong Bến Sắn, Bình Dương. Tại đây anh làm việc hăng say như để đạt được tâm nguyện của mình giống như Đức Giám Mục Cassaigne trong việc phục vụ bịnh phong cùi. Anh hết sức tận tụy không nề hà. Nhưng dù như thế anh vẫn thấy mình thua xa các nữ tu nữ Tử Bác ái trong việc yêu thương phục vụ người bịnh. Các nữ tu luôn nhẫn nại lắng nghe phục vụ người bịnh hết lòng, không bao giờ làm họ buồn tủi. Tinh thần hy sinh, quảng đại đó khiến cho anh cảm phục. Anh cho rằng muốn có được tinh thần yêu thương người nghèo khổ như thế anh phải trở thành một người giống như các nữ tu. Anh chưa phải là người công giáo nên anh không thể hiểu được tinh thần làm việc của các Sơ.  Anh cũng muốn được phục vụ với tinh thần giống như các Sơ.  

Ngày 28-8-1993 bác sĩ Chung đến gặp Cha Hoàng văn Đoàn, dòng tên, tại Bình Dương xin học giáo lý tân tòng. Ngày 15 tháng 5 năm 1994 bác sĩ Chung được cha chính xứ Bến Sắn, Linh mục Trần Thế Thuận làm lễ rửa tội cho anh tại nhà nguyện trại phong Bến Sắn. Nhưng bác sĩ Chung chưa hài lòng khi chưa được trở nên giống các Sơ để có thể yêu thương phục vụ người nghèo. Ở tuổi tứ tuần theo đuổi ơn gọi tu sĩ là một điều quá khó khăn.  

Ngày 15.9.1994 bác sĩ Chung trở thành tập sinh lớn tuổi nhất của dòng Vinh Sơn nam số 40 đườngTrần Phú, Đà Lạt. Ngày lễ truyền tin 25.3.2003 Giáo hội trao tác vụ Linh mục cho thầy Augustinô Nguyễn Viết Chung qua lễ đặt tay của Giám mục Giuse Vũ Duy Thống tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài gòn. 

 Ngày  3.4.2003, Linh Mục Nguyễn Viết Chung quay về trại phong Bến sắn dâng Thánh lễ tạ ơn trong sự hân hoan của các bịnh nhân phong với sự hiện diện của cha sở Bến sắn, người mà 9 năm trước đây đã làm lễ rửa tội cho cha. Vẫn thái độ khiêm nhường, yêu thương và cung kính với các người bịnh vẫn xưng mình là “con” khi nói chuyện với các bịnh nhân lớn tuổi. 

Tháng 3 năm 2009 tôi có về Sài gòn có dẫn người cháu đến thăm Linh mục Nguyễn Viết Chung, cha dong dõng cao, hơi ốm, nói năng nhỏ nhẹ: “ “con” cũng chỉ là cái máng để hứng lấy tình yêu thương của mọi người để mang đến cho những người kém may mắn”.   

Nhà văn Hương Vĩnh có viết: “Ba vị đã tác động mạnh mẻ trên ơn gọi của cha Chung là Giám mục Jean Cassaigne, Linh mục Lichetenberger và Dì hai Loan ( phục vụ trại phong Bến Sắn 17 năm, chết vì bịnh ung thư ở tại trại này). Cả ba cùng có mẫu số chung - như lời cha Chung - đó là họ đã rao giảng Tin Mừng cho cha bằng cuộc sống chứ không phải bằng lời nói. 

nguồn:  http://www.chungnhanduckito.net/chungnhan/saubathapnien.htm 

Trong bài “Nguyễn Viết Chung và tiếng gọi của Chân Thiện Mỹ” cố Giáo sư Trần Duy Nhiên đã viết trong đoạn kết của bài này như sau:  

“Thiên Chúa đã đến trong cuộc đời Nguyễn Viết Chung bằng những bước đi nhè nhẹ. Nhưng mỗi lần Ngài đến là Ngài để lại dấu ấn sâu sắc trong một tâm hồn biết lắng nghe. Giữa bao nhiêu thần tượng trên thế gian. Nguyễn Viết Chung biết chắc lọc một vài khuôn mẫu định hướng cho cuộc đời mình: Đức Cha Cassaigne, Cha Lichtenberger, Dì Hai Loan.. đấy là chưa kể đến nhiều người khác trong đó có thân mẫu của mình một người mẹ đã suốt đời âm thầm chịu đựng cho đến khi mù lòa. Giữa các gương mặt ấy có một nhân vật gần giống như Nguyễn Viết Chung: Linh Mục Bác sĩ Marcel Lichtenberger. Thế nhưng con đường Chúa dẫn hai vị đi thì hoàn toàn trái ngược nhau. Năm 25 tuổi Cha Lichtenberger vì tình yêu Thiên Chúa thúc bách phải đến với những con người bất hạnh tại Trung Hoa. Và trước những thương tích của Chúa Kitô thể hiện trên hình hài các bịnh nhân, cha đã trở về ngồi lại trên ghế nhà trường để rồi trở thành bác sĩ năm 48 tuổi. Ngược lại, bác sĩ Nguyễn Viêt Chung tốt nghiệp bác sĩ năm 25 tuổi, thế rồi muốn chia sẻ trọn vẹn sự khốn cùng của bịnh nhân nên rốt cục đã gặp Chúa Kitô chiụ đóng đinh trong những con người bất hạnh. Và điều này khiến cho vị bác sĩ tận tâm kia từ bỏ mọi sự để trở thành Linh Mục của Chúa vào tuổi 48.” 

http://www.tiengnoigiaodan.net/lcht/lcht_098.html                     

                                Linh mục Nguyễn Viết Chung

                                 479/15 Nguyễn Kiệm

                                Phường 9, Quận Phú Nhuận (Sài Gòn) 

 Tạ Phong Tần:  

Tạ Phong Tần là cựu Đại Úy? ngành Công an của nhà nước cộng sản Việt nam. Đã rời khỏi cơ quan nhà nước và làm việc văn phòng luật sư Lê Trần Luật. Bà đã được Rửa tội ngày 14 -6-2009 tại Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 38 đường Kỳ Đồng Quận 3, Sài gòn, lúc bà 41 tuổi. Bà đã viết nhiều bài báo về thực trạng xã hội Việt nam trong “ Blog Công lý và Sự Thật” mà bà đang chủ trương. 

http://conglysuthat.blogspot.com/2009/07/thanh-le-rua-toi-cho-maria-ta-phong-tan.html   

Nhiều trường hợp gia nhập đạo với nhiều lý do khác nhau như Bác sĩ, Nghị sĩ Đặng văn Sung, Chủ nhiệm báo Chính Luận trước năm 1975, ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh, ca sĩ Thanh Lan (chịu phép thánh tẩy tại Vatican vào năm 2003)… Ở trong nước còn nhiều người nữa như Học giả Cao Xuân Huy, Nhạc sĩ Văn Cao…  

Theo Vietcatholic news (18 Oct 2009) Giáo phận Xuân Lộc đón nhận 1114 tân tòng và hơn 2000 người là thân nhân, họ hàng, bạn bè của các tân tòng. Chủ sự Thánh lễ, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh chủ chăn của giáo phận Xuân Lộc cùng đồng tế có Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh Giám mục giáo phận Kon tum  v.v.… và hơn 50 cha trong giáo phận.

nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=72201 

Ở mỗi giáo xứ hay mỗi nhà thờ hàng năm đều có làm lễ “Rửa tội” cho người lớn thông thường con số cũng vài chục người. Trong số những người nhận Bí tích thanh tẩy, con số không nhỏ là những người trí thức.

Con đường đến với Thiên Chúa tình yêu, đến với Hội Thánh Chúa bằng nhiều cách khác nhau. Tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương mời gọi tìm về suối nguồn tình yêu là Thiên Chúa toàn năng, để được an ủi, để được hạnh phúc đời này lẫn hạnh phúc vĩnh cữu đời sau, sau khi mất. 

Phùng văn Phụng

mùa Giáng Sinh 2009 (27 tháng 12)

VỀ MỤC LỤC
SOI GƯƠNG, SOI LÒNG

 

Ngày nọ, tôi gặp một vị linh mục trung niên, tính tình vui vẻ hòa đồng. Lâu ngày không gặp, tôi nhìn thấy nơi khuôn mặt vị linh mục những nét phong sương, nếp nhăn xuất hiện trên vừng trán và khóe mắt, nụ cười tuy vẫn tươi nhưng nét môi như chùng xuống. Tôi nói:

- Trông cha như già đi...

Vị linh mục xác nhận, ông nói:

- Soi gương thì thấy mình già...

Nhưng ông tiếp ngay:

- Soi lòng thì thấy vốn là thanh niên.

Rồi ông cười, giọng đầy hào sảng.

Cuộc gặp gở ngắn ngủi kết thúc. Buổi tối trở về nhà, tôi nhớ hoài đến câu thơ ''soi gương, soi lòng'' ấy. Và rồi tôi soi gương, soi lòng chính tôi thật.

Tôi soi gương và thấy khuôn mặt tôi trong đó. Tôi hôm nay khác hẳn tôi mấy chục năm về trước. Đã có một thời xa xưa nào đó, tôi là một khuôn mặt trẻ thơ, hiền lành, nhút nhát; có thể là một khuôn mặt ngây ngô, không lanh lợi cho lắm. Nhưng dù sao đó cũng là một khuôn mặt không mấy khó ưa. Thời đó, tóc tôi còn xanh, đôi mắt còn trong, dĩ nhiên là không phải đeo kính như bây giờ. Thời đó tuy là con trai nhưng da mặt của tôi mịn (da trẻ em nào mà không mịn), cánh môi tôi cũng xinh; má tôi không phính, nhưng nhiều người lớn thấy tôi cũng muốn ''véo má một cái''. Thời đó, trán tôi chưa hề có nếp nhăn, lông măng phơn phớt, một vài đường gân xanh nhỏ bên thái dương và những tia máu nhỏ chạy li ti trên đôi má, Thời đó khuôn mặt tôi hiền hậu, dễ thương. Ít là tôi nghĩ như thế.

Rồi thời gian qua đi. Khuôn mặt tôi biến đổi cho phù hợp với tuổi thiếu niên tôi có. Tóc trở nên rậm và cứng hơn. Da không còn mịn nữa. Nó đã hơi ''gồ ghề'' và nhiều nơi có mụn trứng cá. Đôi má không còn hấp dẫn để cho người lớn ''muốn véo một cái'' nữa. Cặp mắt tôi sâu hơn, đen hơn và đôi lông mày rậm. Khuôn mặt tôi thuở ấy hình như có những nét không cân đối và thiếu hòa hợp. Có lẽ không phải vì những đường nét tự nhiên của khuôn mặt, nhưng do ảnh hưởng của thể lí và sinh lí tuổi đang lớn.

Khuôn mặt tôi biến đổi một lần nữa khi tôi bước vào tuổi thanh niên. Tôi không phải là một người vạm vỡ, cao lớn. Nhưng dù sao ở tuổi ấy, khuôn mặt tôi cũng có góc cạnh hơn, tóc tai "đâu vào đấy'' hơn. Tôi vốn không phải là người chú ý đến diện mạo bên ngoài nên không nhớ mình có "đẹp trai'' không. Những cô bạn gái của tôi không ai chú ý đến khuôn mặt tôi cả, họ để tâm đến tính nết tôi hơn. Nhưng dù sao tôi cũng không bị mang tiếng là người xấu xí.

Thế rồi thời gian cứ trôi, khuôn mặt tôi vẫn cứ biến đổi. Không biết bao nhiêu lớp da với những tế bào cằn cỗi đã bị đào thải, thay vào đó là những lớp da mới. Đã nhiều lần khuôn mặt tôi trầy xước, xây xát vì những vết thương; nhiều lần sưng phù, mọng đỏ, mụn mằn vì những cơn bệnh; nhiều lúc hóp lại vì mệt nhọc, lo lắng, ưu tư. Cũng đôi khi khuôn mặt ấy hồng hào vì khỏe mạnh, rạng rỡ vì niềm vui. Tất cả những khuôn mặt ấy đều là ''TÔI'' cả .

Cho đến ngày hôm nay, một buổi tối thinh lặng, tịch mịch, một mình tôi đối diện với tấm gương. Tôi thấy là lạ vì không có thói quen soi gương sửa soạn cho khuôn mặt. Tôi vốn có tính xấu: cẩu thả và luộm thuộm; phải đi đâu vớ được bộ quần áo nào là xỏ vào ngay, không chắc mặc nó ''hợp' hay ''không hợp''. Tóc thì chỉ cần đưa tay lên "cào'' vài cái là xong. Chính vì vậy, hôm nay nhìn kĩ khuôn mặt mình trong gương, tôi thấy nó kì kì. Tôi nhăn mũi, lè lưỡi chọc ghẹo cái khuôn mặt trong gương ấy. Nhưng rồi tôi cũng quan sát nó thật kĩ. Tôi, trong gương, bây giờ là một khuôn mặt trung niên; mái tóc đã có một vài sợi bạc; trán có kha khá nếp nhăn; lông mày còn rậm, nhưng đuôi lông mày bên trái bị đứt một đoạn ngắn, hậu quả của một lần mí mắt bị sưng và làm độc. Da tôi không đen nhưng sạm màu, làn da cũng có những nếp nhăn và không còn phẳng phiu, mịn màng như ''ngày xưa còn bé ''.

Tôi nhìn tôi trong gương, không thấy mình đáng ghét cho lắm, nhưng không còn chút nào vẻ thơ trẻ hồn nhiên. Thời gian và những biến thiên dời đổi của cuộc đời đã để lại trên khuôn mặt tôi nhiều vết tích không phai mờ. Tôi thử cười một cái, nụ cười làm cho khuôn mặt tôi có nhiều nếp nhặn hơn. Nụ cười không làm cho tôi trẻ đi, tươi hơn; trái lại, hình như trông già hơn, héo hơn một chút.

Trong khoảnh khắc, tất cả mọi khuôn mặt của tôi liên tiếp xuất hiện trong gương, rất nhanh nhưng cũng rất rõ. Tất cả đều là tôi, là "tôi-trong-cùng-một-lúc''; không có ''tôi" nào trước, ''tôi'' nào sau. Bởi vậy, nếu hỏi rằng tôi thích "tôi'' nào nhất thi tôi không trả lời được.

Bỏ tấm gương đấy, tôi muốn ''soi lòng". Tôi tắt đèn đi, ngồi thu lu trên giường, đắm chìm trong bóng tối và sự tịch liêu. Lòng mình là cái rất khó nhìn vào và rất khó thấy rõ. Bởi vậy, tôi cần sự trợ giúp của bóng tối, che phủ tất cả những ngoại cảnh, ngoại vật, để tôi không còn bị chi phối mà chú tâm vào lòng mình. Trong bóng đêm thinh lặng, cõi lòng tôi mở ra, và tôi soi tôi trong cõi lòng ấy.

Tôi nhìn lại cõi lòng tôi, lúc thiếu thời mở cửa cho tuổi hoa niên. Khi ấy cõi lòng tôi phơi phới nở hoa. Bao nhiêu mơ mộng thần tiên với những hoa và bướm. Tôi lớn lên với những giấc mộng đẹp và lí tưởng cao trong đáy trái tim. Lòng tôi đã bao phen reo vui và ngây ngất với những tâm tình hướng thượng. Tuổi trẻ nào cõi lòng cũng đẹp và lí tưởng nào cũng tuyệt vời. Nhưng nhiều người tuổi trẻ khi lớn lên đã thấy mình lầm, vì bị lợi dụng để phục vu cho những mục tiêu cá nhân, vụ lợi:

"Nhân Ái, Công Bình, Yêu Thương, Bất Khuất,

Viết chữ hoa trong óc tuổi mười lăm.

Khi ba mươi biết được chuyện xưa lầm

Thì đau khổ đã hằn trên trán nhỏ,

Thì uất hận vạch trời nhưng chẳng tỏ,

Rồi cô đơn như một kẻ chăn cừu,

Trên đường về nhìn tinh tú luân lưu...''

Tạ Ký (Sầu Ở Lại)

Rất may cho riêng tôi ! Qua tuổi mười lăm, mười bảy; đến tuổi hai mươi, hăm lăm; rồi tuổi ba mươi, rồi lớn hơn nữa... chưa bao giờ tôi thấy "chuyện xưa lầm'' và cũng chưa bao giờ ''uất hận vạch trời nhưng chẳng tỏ. ''Lí tưởng và những giấc mơ đẹp có khi bùng cao, chói sáng; có khi trầm lắng, giấu ẩn... nhưng lúc nào ước vọng làm đẹp cho đời, cho người cũng vẫn còn đấy. Bao nhiêu người đã than thở: "Mộng bền năm xưa chỉ là mơ qua''. Tôi chưa hề một lần than thở, dù rằng đau khổ không những "hằn trên trán nhỏ'' mà đôi khi còn tạo nên những lết thương làm tan nát cõi lòng.

Tôi soi lòng, và nhìn thấy trong đó những đam mê cuồng nhiệt của tình cảm; những nhớ nhung đằm thắm; những mong đợi thiết tha. Tôi soi lòng tôi và thấy cả những ''bối rối bồi hồi, ráo riết miệt mài'' khi yêu lần cuối, những "bỡ ngỡ xôn xao, cuống quít dạt dào'' khi yêu lần đậu (Phạm Duy, Giọt mưa trên lá). Tôi soi lòng, và cảm nhận những chao nghiêng, vùi lấp; nghe thấy những tiếng: sóng lúc rì rào, khi ào ạt. Những cơn sóng lòng đôi khi như bị nhân chìm tôi vào biển tình cảm.

Tôi soi lòng lôi, và may mắn không thấy hiện lên những hận thù, cũng không có cả những mưu mô gian ác, những tính toan bất chính, những lường gạt phi nhân. Nhưng tôi thấy trong lòng. đôi khi có những ghét ghen nhè nhẹ, những bực dọc âm thầm, những trách cứ nghiêm khắc và những đòi hỏi sự lưu tâm.

Tôi soi lòng tôi và tìm thấy ở nhiều lúc có những nỗi chán chường, những cơn buồn dày dặc; và những sự tủi thân, âm thầm, không muốn cho ai biết. Những cơn buồn và sự tủi thân gặm nhấm lòng tôi, làm cho đắng cay, đau đớn.

Tôi soi lòng tôi, và bắt gặp những thân thương, ấm áp của tình yêu, tình bạn, tình người. Những tình cảm nồng nàn và ân cần, làm cho tôi thấy cuộc đời tươi đẹp, hạnh phúc và đáng sống.'

Tôi soi lòng tôi và cũng thấy những nỗi cô đơn. Có những phút giây cõi lòng tôi hoang lạnh, tưởng chừng như không có ai và cũng chẳng biết đến ai.

Tôi soi lòng tôi, thấy hết trong cùng một lúc niềm vui nỗi buồn, khổ đau và hạnh phúc; tâm tình hướng thượng và tư tưởng thấp hèn; cô đơn và thân ái; chấp nhất và thứ tha; hăng say và buồn chán; bất ổn và bình an.

Và tôi thấy lòng tôi để rồi thấy trong đó một chú bé, chú bé ''tôi-ngày-xưa". Chú bé thân quen và dễ thương. Vị linh mục tôi mới gặp ''soi lòng thì thấy vẫn là thanh niên''. Tôi, tôi thấy mình không còn là thanh niên nữa. Tôi già giặn, chín chắn và trầm tĩnh hơn tuổi thanh niên ngày trước rất nhiều, nhưng trong lòng tôi vẫn có một chú bé, và tôi muốn chơi với chú. Tôi nhớ lại bạn tôi nói: ''Trong lòng mỗi người chúng ta đều có một chú bé hay một cô bé , và rất nhiều khi chúng ta phải mở cửa cho em bé ấy ra ngoài chơi. "Tuổi thơ đẹp, không phải chỉ ở trong quá khứ. Tuổi thơ có thể được gọi về, bất cứ lúc nào; nếu chúng ta gọi với đúng ngôn ngữ và tâm tình của tuổi thơ, những tín hiệu mà tuổi thơ có thể ''bắt' được.

Hôm nay, một buổi tối cuối năm, tôi ngồi ''soi gương'' và "soi lòng''. Chẳng mấy khi trong đời tôi làm được như thế. Soi gương, với tôi, có lẽ không cần thiết lắm. Nhưng soi lòng, tôi mong rằng tôi thực hiện mỗi ngày, vào những buổi tối trước khi tôi thiếp vào giấc ngủ, để thấy những gì mình làm vui lòng Chúa và vui lòng người khác; những gì mình làm buồn lòng Chúa và buồn lòng người khác. Nếu tôi thực hiện được như vậy, chắc cuộc đời tôi sẽ dễ thương hơn, hữu ích hơn và đáng sống hơn một chút.

Nhà Văn Quyên Di

VỀ MỤC LỤC
THẬN TRỌNG VỚI THUỐC HO, CẢM LẠNH

 

Cảm Lạnh (Common Cold) là bệnh thường  xảy ra nhất là từ tháng 11 tới tháng 4.

 

Trong khoảng thời gian này, bệnh xuất hiện với ba cao điểm: vào mùa Thu khi trẻ em bắt đầu đi học rồi giữa mùa Đông và cuối cùng là vào mùa Xuân khi mà mọi người tưởng là đã không còn bị cảm lạnh viếng thăm. 

 

Cũng như bệnh Cúm (Flu), Cảm lạnh do virus gây ra với cả vài trăm loại khác nhau nhưng nhóm rhinovirus ( virus mũi) là thường thấy hơn cả.

 

Như tên gọi, virus này xâm nhập cơ thể qua mũi và miệng.

 

Virus nằm trong các giọt nước nhỏ li ti từ miệng mũi bệnh nhân thoát ra khi họ ho, hắt xì hơi hoặc nói. Chúng bay lởn vởn trong trông khí cả mấy tiếng đồng hồ và người lành hít phải là mang bệnh.

 

Virus cũng lây lan qua các đồ dùng của bệnh nhân như điện thoại, khăn mặt, bát đĩa, bàn viết máy vi tính…Sờ đụng vào các vật dụng đó rồi đưa tay lên miệng, lên mũi là mắc Cảm lạnh ngay.

 

Hiện nay, chưa có vaccine ngừa cảm lạnh.

 

Phương thức phòng bệnh giản dị và hữu hiệu là không tiếp cận quá gần với người bệnh, bệnh nhân che miệng mũi khi ho; rửa tay thường xuyên; không dùng chung cật dụng với bệnh nhân, nghỉ ngơi tại nhà khi mắc bệnh, uống nhiều nước. 

 

Trẻ em từ 1 tới 5 tuổi thường hay bị cảm lạnh cả chục lần mỗi năm và cũng thường hay bị các biến chứng như sưng phổi, viêm tai trong, viêm phế quản. Lý do là hệ miễn dịch của các em chưa mạnh, các em cũng hay tụ tập tại nhà giữ trẻ, mẫu giáo, rồi cũng chưa có thói quen rửa tay, che mũi miệng như người lớn.

 

Người lớn ít bị cảm lạnh hơn, nhưng cũng được virus tới thăm dăm sáu lần mỗi năm. Với họ, sự mệt mỏi thể xác, căng thẳng tinh thần, kém dinh dưỡng là những rủi ro khiến cảm lạnh dễ xảy ra, vì sức đề kháng miễn nhiễm suy giảm.

 

Cũng có nhiều ngộ nhân cho là gặp luồng gió độc từ phương bắc thổi tới, phơi dầu trong mưa, tắm nước lạnh buổi sang  gây ra Cảm lạnh. Nhưng đó cũng chỉ là do truyền khẩu kể lại, chứ nếu không có virus thì cũng không bị bệnh này. 

 

Kể từ khi xâm nhập mũi miệng, virus cần từ 1 đến 4 ngày để âm thầm bố trí rồi ra mặt gây bệnh. Đây là thời kỳ mà y học gọi là ủ bệnh (incubation period) và cũng là lúc mà bệnh lan truyền mạnh mẽ sang người khác.

 

Mới đầu, bệnh nhân cảm thấy một chút mơ hồ uể oải mệt mỏi, giảm năng lực hoạt động, nhức xương nhức thịt…Vài ngày sau thì sự hành hạ của virus rõ ràng, khó chịu hơn.

 

Khởi thủy là mũi nghẹt và khô. Nghẹt vì sung huyết tĩnh mạch màng niêm ở mũi khiến cho bệnh nhân khó thở.

 

Rồi tới chẩy nước nhớt từ mũi, dấu hiệu tiêu biểu của Cảm lạnh. Nước mũi có thể loãng rồi trở nên đặc xệt, màu vàng hoặc xanh có lẩn bạch huyết cầu chông cự với virus. Khi vi khuẩn trong mũi tái hoạt động thì nước mũi chuyển sang mầu xanh nhạt. Hiện tượng này tuy gây khó chịu nhưng công bình mà nói nó lại có ích để loại bỏ các virus mai phục trong mũi. Nếu không bị tống xuất, chúng sẽ xâm nhập cuống họng, lan ra các xoang ở mặt hoặc chạy tọt vô phổi gây viêm nhiễm.

 

Vào thanh quản, virus gây viêm cơ quan phát âm này, dọng nói khan khan. Xuống họng, virus gây đau khiến cho bệnh nhân không muốn cả nuốt thức ăn lẫn nói. Xương mặt có mấy cái xoang thông với mũi và miệng. Rhinovirus cũng có thể lan tới và gây viêm xoang, tắc nghẽn ống thông. Bệnh nhân cảm thấy đầy đầy và đau nhức trên đầu, trên mặt. Phù viêm xoang cũng là dấu hiệu khó chịu nhất cho người bệnh.

 

Ngoài ra bệnh nhân cũng bị ho, lên cơn nóng số nhẹ (102◦F hoặc 39◦C), chẩy nước mắt, mệt mỏi, không muốn làm việc gì, chỉ muốn nằm. Ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi có vật gì như đàm nhớt, bụi bặm hiện diện ở họng. Ho là để tống xuất vật này ra.

 

Thường thường các dấu hiệu của Cảm lạnh chỉ kéo dài từ 5 tới 7 ngày. Một số ít bệnh nhân có biến chứng như viêm tai trong, viêm xoang, viêm họng, sưng phổi, viêm phế quản, khò khè như hen suyễn.

 

Người lớn nên đi bác sĩ khám bệnh nếu có các dấu hiệu như nóng sốt trên 102◦F hoặc 39◦C, đau nhức cơ thể, đổ mồ hôi, ho ra đàm có màu xanh, sưng hạch cổ, đau xoang mặt.

 

Với cháu bé, đi bác sĩ ngay nếu có nóng sốt cao, run lạnh, ho liên tục, nôn ói, đau tai, đau bụng, khó thở, không ngủ được, khóc luôn miệng. 

 

Về điều trị Cảm lạnh, có mấy điều quan trọng cần được mọi người lưu ý:

 

- Không có phương thức nào trị khỏi được Cảm lạnh

 

- Kháng sinh không công hiệu với virus gây Cảm lạnh.

 

- Thuốc chống cảm, ho, nghẹt mũi trên thị trường không những không làm cảm lạnh lành hoặc mau chấm dứt mà còn có nhiều tác dụng phụ cần biết để tránh.

 

Trên thị trường  có cả trăm loại thuốc chữa Cảm lạnh được quảng cáo, vì nhu cầu của dân chúng quá cao và là có thực. Cứ thấy hắt hơi sổ mũi ho là bổ nháo bổ nhào ra tiệm thuốc tây mua thuốc. Thuốc do các viện bào chế uy tín sản xuất cũng có mà thuốc rỏm vô danh cũng nhiều. Lại còn thuốc quáng cáo là có thêm vitamin, khoáng chất, antioxidant. Bệnh nhân hoa cả mắt không biết lựa thứ nào.

 

Theo các nhà chuyên môn y tế, trong đa số các trường hợp, không cần thuốc men mà chỉ cần áp dụng vài sự tự chăm sóc là bệnh cũng qua đi. Vì bản chất của Cảm lạnh là vậy: có vẻ như hung dữ nhưng hiền như “ma sơ”, tiền hung hậu cát. Nếu thấy cần có thuốc để giảm bệnh thì cân nhắc coi dấu hiệu nào cần đến thuốc, thuốc gì, dùng bao lâu và liệu có phản ứng phụ nào không.

 

Có 3 loại thuốc để giảm dấu hiệu cảm lạnh:

1- Thuốc chống nghẹt mũi

 

Hoạt chất chính của thuốc này là một chất tổng hợp tương tự như epinephrine (adrenaline) do phần tủy tuyến thượng thận tiết ra. Cả hai thứ có tác dụng làm co mạch máu. Tại mũi, thuốc làm giảm sung huyết, niêm mạc xẹp xuống, lỗ mũi thông, bệnh nhân thở dễ dàng. Nhưng thuốc cũng làm nhịp tim nhanh, tăng áp xuất huyết ở người đang bị cao huyết áp, kích thích thần kinh với sợ hãi, nóng nảy, run tay, khó ngủ, chóng mặt, nhức đầu, đổ mồ hôi, nôn ói…Đang bị cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường không nên uống thuốc này nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ.

 

Có hai dạng thuốc: thuốc uống hoặc nhỏ xịt vào mũi.

 

a- Thuốc nhỏ xịt, hít vào mũi

 

Nhiều người, ngay cả bác sĩ dược sĩ, thích dạng này vì thuốc tác dụng trực tiếp vào mũi nhanh hơn, ít gây ra tác dụng phụ cho cơ thể cũng như ít có tương tác với thuốc trị bệnh khác.

 

Tuy nhiên dạng này thường gây ra mấy rủi ro như:

 

- Tác dụng ngược lại (rebound action), mũi nghẹt hơn khi tác dụng của thuốc hết. Để bớt nghẹt mũi, bệnh nhân phải dùng thuốc thường xuyên hơn, thậm chí tăng liều lượng. Lâu ngày có thể ghiền thuốc xịt, thuốc nhỏ mũi.

 

- Một vấn đề nữa là dùng nhiều, các sợi tóc bé tí ở mũi có nhiệm vụ ngăn cản vi khuẩn, bụi bậm vào mũi, sẽ bị hủy hoại, con người dễ bị bệnh. Đó là hiện tượng viêm mũi do thuốc (Rhinitis medicamentosa)

 

Thuốc không nên dùng ở cháu bé, trẻ em vì thường gây ra nhiều tác dụng ngoại ý như tăng huyết áp, ảnh hưởng tới tim. Với các em, nghẹt mũi được giải quyết dễ dàng với vài giọt nước muối sinh lý, nhỏ vào lỗ mũi dăm lần trong ngày.

 

b- Thuốc uống

 

Thuốc uống có thể là nước hoặc viên. Khi uống vào, thuốc sẽ đi qua qua nhiều cơ quan trong cơ thể trước khi có tác dụng trên mũi. Do đó, thuốc sẽ gây ra tác dụng phụ tại các nơi này.

 

Lợi điểm trước hết của thuốc uống là không gây ra hiện tượng nhờn thuốc và viêm mũi do thuốc. Ngoài ra, tác dụng của thuốc lâu hơn, có khi cả 12 giờ, bệnh nhân chỉ uống hai lần/ngày là đủ. Thuốc ảnh hưởng lên niêm mạc ở mũi, miệng, các xoang cho nên người bệnh bớt khó chịu hơn.

 

Thuốc chống nghẹt mũi thường dùng là pseudoephedrine hoặc phenylephrine.

2- Thuốc chống đau, giảm nóng sốt.

 

Đau mình, nhức đầu là chuyện thường xảy ra khi bị cảm lạnh, nhưng may mắn là chúng không kéo dài quá vài ngày và không quá dằn vặt.

 

Thuốc thường dùng là acetaminophen, ibuprofen rồi đến aspirin.

 

Aspirin thường gây ra xuất huyết bao tử nên cần dè dặt. Cũng nên nhớ là không bao giờ cho các cháu dưới 12 tuổi dùng aspirin, vì có thể gây ra hội chứng Reye, tổn thương thần kinh, đôi khi chết người.

 

Acetaminophen hoặc paracetamol được dùng nhiều hơn vì tương đối an toàn. Tuy nhiên không dùng quá thường và quá liều lượng chỉ định để tránh tổn thương cho gan. Thuốc có trong nhiều dạng thuốc chống cảm lạnh khác nhau, cho nên cần coi kỹ nhãn hiệu để tránh ngộ độc do quá liều lượng cho trẻ em.

3- Thuốc ho

 

Ho không phải là một bệnh mà chỉ là triệu chứng của một bệnh nào đó trong cơ thể. Ho cũng là một phản ứng tự nhiên khi có chất kích thích ở họng, như nhớt từ mũi từ miệng, vật lạ từ ngoài bay vào họng. Ho là để tống xuất các vật này ra ngoài. Nhiều bệnh nhân sau giải phẫu còn được khuyến khích ho để thông đàm, loại vi khuẩn.

 

Nhưng cảm lạnh mà ho liên tục thì quả là cũng đau ngực, khó chịu. Do đó mới có thuốc chống giảm ho.Có thể là ho khan hoặc ho ra đàm và với nhiều người, thuốc ho đều có thể phần nào làm nhẹ.

 

Tuy nhiên, nhiều bác sĩ có ý kiến là không nên uống thuốc ho, vì thuốc không chữa được nguyên nhân gây ra ho, hôi khi lại tạo ra tác dụng phụ không muốn, đặc biệt là ở trẻ em.

 

Cơ quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ khuyến khích không nên dùng thuốc cảm ho ở trẻ em dưới 2 tuổi. Các viện bào chế cũng tự nguyện ghi cảnh báo lên nhãn hiệu là không nên cho trẻ em dưới 4 tuổi dùng thuôc cảm ho bán tự do trên thị trường. Sự ngộ độc khi các em uống quá liều lượng có thể đưa tới tử vong.

 

Ho khi cảm lạnh chỉ kéo dài vài tuần. Nếu ho quá lâu, lại ra đàm có màu thì nên đi khám bệnh ngay, vì có thể bị bội nhiễm, vi khuẩn, sưng phổi.

 

Thuốc ho thường dùng là Dextromethorphan, Guaifendesin. 

 

Ngoài các thuốc kể trên, một số người còn dùng thêm thuốc chống dị ừng diphenhydramine, sinh tố C, kẽm (zinc), và cho hay cảm lạnh cũng bớt quấy rầy.

 

 Kháng sinh tuyệt đố không có vai trò nào, trừ khi bị bội nhiễm vi khuẩn, sưng phổi.

Cảm lạnh ở trẻ em

 

Với trẻ em, các nhà chuyên môn đề nghị là:

 

- Để các cháu nghỉ ngơi thoải mái. Nếu ở tuổi mẫu giáo, đi học nên giữ em ở nhà. Không tiếp xúc với em bé khác để tránh lan truyền.

 

- Tránh sống trong môi trường có khói thuốc lá.

 

- Cho các cháu uống nhiều nước (cam…) để làm loãng đàm rãi, nước mũi cũng như tránh khô nước vì nóng sốt, chẩy nước mũi, nhất là khi cháu tiêu chẩy, nôn ói..

 

- Cho các cháu dùng thêm nước súp gà nóng có chất cysteine có tác dụng giảm nghẹt mũi.

 

- Với cháu không bú sữa mẹ và bú bình, nên giới hạn sữa vài ngày, vì sữa làm nhớt mũi khô, khó loại bỏ.

 

- Không khí trong phòng khô làm giảm sức đề kháng với bệnh nhiễm. Dùng máy phun bụi nước để giảm kích thích mũi, tránh khô khó thở. Nhớ không hướng bụi nước vào giường các cháu. Muốn tránh meo mốc, nên thay nước mỗi ngày và rửa máy bơm bụi nước theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

- Khi cháu bị nghẹt mũi, nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào một lỗ mũi để làm loãng nhớt, rồi cũng làm như vậy ở lỗ mũi bên kia. Hút nhớt mũi với ống hút làm bằng cao su. Nước muối này có thể mua ở tiệm thuốc tây hoặc làm lấy ở nhà với một chút muối và nửa ly nước lã tinh khiết. Có thể dùng nước muối ở mọi tuổi, ngay cả bé sơ sinh.

 

- Cũng có thể đặt cháu nằm úp trên đùi mình, lấy bàn tay vỗ nhẽ vào lưng hoặc để cháu ngồi trên lòng, hơi cong người về phía trước, lấy bàn tay dập nhẹ lên lưng.

 

- Thoa một chút petroleum gel Vaseline quanh lỗ mũi để tránh cho da khỏi bị viêm do nước mũi kích thích.

 

- Để bớt ho: ½ thìa mật ong cho bé từ 2-5 tuổi, 1 thìa từ 6-11 tuổi, 2 thìa cho cháu từ 12 tuổi trở lên. Đừng cho trẻ dưới 1 tuổi dung mật ong vì không an toàn.

 

- Với trẻ trên 4 tuổi có thể cho kẹo ho (không bao giờ cho trẻ dưới 4 tuổi, sợ hóc nghẹn).

 

- Nếu các cháu kêu đau khô cố: cháu lớn cho súc miệng với nước muối hoặc vài giọt dung dịch 1 thìa nước chanh pha với 2 thìa mật ong để họng bớt kích thích. Trẻ trên 4 tuổi có thể ngậm kẹo ho.

 

- Giữ đầu cháu cao và ở vị trí ngồi nhiều hơn để giúp loại đàm nhớt.

 

Nếu sau ba bốn ngày mà cháu không bớt, lại có nóng sốt cao, đau họng, nôn ói…nên đưa cháu đi bác sĩ ngay.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D. - Texas-Hoa Kỳ

 
VỀ MỤC LỤC
NGƯỜI VIỆT…XẤU XÍ   Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Tiếng hát Khánh Ly vang lên thật day dứt  từ một quán nước bên đường :

- Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu,

  Một trăm năm đô hộ giặc Tây,

  Ba mươi năm nội chiến từng ngày…

Suy nghĩ về lời ca của Trịnh Công Sơn, gã cảm thấy thương thay cho số phận nghiệt ngã của dân tộc mình. Chính cái số phận nghiệt ngã này đã để lại biết bao nhiêu hậu quả tai hại, mà dấu ấn đã in sâu vào tận cõi lòng và làm thành cái bản chất thâm căn cố đế của con người Việt Nam hôm nay.

Thực vậy, dù sống dưới trào Tàu hay trào Tây, người dân vẫn bị bóc lột tới tận xương tủy. Nào là sưu cao thuế nặng, để vơ vét về mà cống nạp cho mẫu quốc. Nào là phu phen tạp dịch để cung phụng cho những vị tai to mặt lớn.

Ấy là gã chưa nói tới một hệ thống luật pháp chặt chẽ và nghiêm khắc, nhằm củng cố và giữ vững chế độ. Người dân trật me một tí là tù tội mọt gông như chơi.

Mặc dù gặp phải những khó khăn, nhưng với bản năng sinh tồn, người dân vẫn phải tìm cách luồn và lách để sống còn, vẫn phải tìm cách che đậy và dấu giếm để qua mặt luật pháp cũng như chính quyền, hầu kiếm chút lợi nhuận cho bản thân và gia đình. Vì thế, cái khó không còn bó cái khôn, nhưng trái lại, cái khó đã ló cái khôn.

Tuy nhiên, cái khôn được ló ra trong những hoàn cảnh đen tối như vậy, thường là cái khôn lỏi, khôn vặt và khôn ranh…chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên mất cái hại sau lưng, chỉ thấy cái lợi của cá nhân, mà quên mất cái hại của đất nước. Có khôn mà lại không có ngoan.

Hầu như bàn dân thiên hạ trên khắp cùng bờ cõi trái đất đều ca ngợi sự đoàn kết nhất trí của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam khi đứng trước những khó khăn gặp phải : Giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh.

Chính nhờ sự đoàn kết nhất trí này, mà biểu tượng là Hội Nghị Diên Hồng, dân Việt chúng ta đã chiến thắng những đế quốc sừng sỏ và hùng mạnh nhất thế giới như Tàu, Tây và Mỹ, hầu đem lại nền độc lập tự do cho quê hương.

Cũng vậy, mỗi khi tai ương hoạn nạn xảy ra cho một phần đất nào đó của xứ xở này,  chúng ta lại được chứng kiến tình tương thân tương ái tuôn chảy tràn trề, bởi vì một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ.

Người ta rộng rãi cứu trợ đúng với tiêu chuẩn : 

- Một miếng khi đói, bằng cả một gói khi no.

Người ta hào phóng giúp đỡ trong tinh thần lá lành đùm lá rách, còn lá đã rách thì cũng cố gắng đùm lá te tua.

Thế nhưng, khi hòa bình trở lại, hay khi đã tai qua nạn khỏi, những bất ổn bắt đầu xuất hiện trong cuộc sống đời thường, khiến cho đất nước phải xất bất xang bang và dân tộc phải lao đao cùng khốn. 

BẤT ỔN THỨ NHẤT LÀ GIAN THAM 

Theo định nghĩa thì gian là xảo quyệt và dối trá, còn tham là lấy thật nhiều cho riêng mình, bất chấp cả lương tâm, coi thường cả liêm xỉ.

Nếu suy nghĩ một chút, gã thấy được rằng hai hành động này luôn gắn bó và cấu kết mật thiết với nhau : Vì tham lợi lộc, nên người ta mới đưa ra mọi mánh mung và tìm đủ mọi phương cách để lừa gạt lẫn nhau.

Ngoài Bắc, khi còn chế độ hợp tác xã, người nông dân nhiều lúc đã phải cắt xén phần hoa lợi bằng cách khai gian hay nói dối, để gia đình có cái mà nhồi nhét vào chiếc bao tử rỗng tuếch.

Trong Nam, khi nhà nước còn thu thuế bằng sản phẩm, gã thấy có những người đã trộn cát vào lúa thóc, hay tưới thêm nước vào đay bô để được nặng ký hơn một chút, trước khi mang đi nộp thuế.

Hiện nay, sự gian tham dường như đã trở thành một tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi hành động. Dối trá và xảo quyệt thì được coi là khôn ngoan và tài giỏi. Còn thành thực đơn sơ thì bị chê là khờ dại và ngu đần. Chính vì thế, sự gian tham đã có mặt trên mọi lãnh vực.

Chẳng hạn trong lãnh vực học hành : Hơn bao giờ hết, hiện nay nghệ thuật quay cóp trong phòng thi đã phát triển tới bến. Những tài liệu được in ấn thật nhỏ và gọn, được gọi là “phao” và được thí sinh nhét vào cạp quần, hay được thân nhân liệng vào để cứu cho con em mình một bàn thua trông thấy. Thậm chí, có những thí sinh còn xài cả điện thoại di động để tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Nếu chẳng may thi rớt, ít tiền thì xài bằng giả. Nhưng bằng gải thì lại rất nguy hiểm khi bị phát giác. Còn nhiều tiền thì phải chịu khó vất vả lo lót để mua lấy một mảnh bằng thứ thiệc, có gốc gác hẳn hoi, mà nghênh ngang với đời.

Chẳng hạn trong lãnh vực buôn bán : Bước vào phố chợ, chúng ta sẽ bắt gặp vô số hàng giả, hàng nhái, hàng dổm, hàng kém chất lượng. Vì tham lợi nhuận, người ta sẵn sàng trộn hàn the vào bánh phở để được dẻo và dai, sẵn sàng ướp thịt bằng “phọc môn”  để giữ được lâu, bất chấp sự nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Còn việc sử dụng cân thiếu và thước hụt chỉ là chuyện thường ngày ở huyện và xưa rồi…Diễm ơi.

Chẳng hạn trong lãnh vực làm ăn và liên hệ : Cũng vì tham cái lợi mà biết bao xí nghiệp, công ti đã thua chổng vó, đã lỗ sặc gạch hay đã biến thành một thứ “công ti năng tan” chỉ vì ngài giám đốc hay cô thư ký biển thủ.  Biết bao đường giây hụi bị bể, chỉ vì người cầm trịch ẵm tiền bỏ trốn.

Chẳng hạn trong lãnh vực điều hành đất nước : Một tệ trạng đang bành trướng hiện nay và gây nên nhiều phiền hà cũng như đau khổ cho người dân, đó là tệ trạng ăn hối lộ.

Sách Cổ học tinh hoa có kể lại một câu chuyện như sau :

Một viên quan mới được bổ nhiệm về huyện. Ngay tối hôm đầu tiên, có một đại gia đã lén lút tìm đến hối lộ cho ông một món tiền lớn. Người ấy nói :

- Trời thì tối, không một ai biết được, vậy xin quan nhận cho.

Thế nhưng, viên quan vốn là một người liêm khiết, đã trả  lời :

- Trời biết, đất biết, ông biết và tôi cũng biết, sao lại bảo không ai biết được. Vậy ông hãy mang tiền về đi.

Cách cư xử của người xưa hoàn toàn khác với cách cư xử của các viên chức ngày nay. Nhiều lúc gã có cảm tưởng những người có chức có quyền thường lợi dụng địa vị của mình để vơ vét về cho đầy túi tham, hầu bù lỗ những công lao chạy chọt của mình. Bởi đó, nhiều vị tai to mặt lớn mới ung dung ăn hối lộ một cách trắng trợn.

Thí dụ như muốn mua chức quan đầu tỉnh thì phải tốn mất bao nhiêu cây vàng. Vì thế, một khi đã ngồi vào cái ghế đầu tỉnh thì phải ra sức vơ vét, hầu bù lỗ cho những cây vàng đã bỏ ra.

Bình thường làm cán bộ vốn nghèo với tiền lương ba cọc ba đồng, thế nhưng có nhiều vị quan sau một thời gian nắm giữ quyền hành, đã có dư tiền bạc để mua đất, làm nhà và cho con cái đi du học tận nước ngoài…Vậy hối lộ là gì ?

Hối lộ là lợi dụng quyền hành và chức vụ để lấy tiền của người dân bằng cách đòi họ phải lo lót khi nhờ cậy việc nọ việc kia. Hình như việc lo lót bây giờ đã trở thành một thông lệ,một thói quen, một điều kiện không thể thiếu. Thực vậy, nếu người dân không chịu lo lót thì công việc cứ dẫm chân tại chỗ và gặp nhiều khó khăn. Nhưng nếu  có tí tiền “bôi trơn” thì tất cả sẽ êm xuôi và mau chóng :

- Có tiền việc ấy mà xong nhỉ.

Tiền bạc làm cho các quan chức mờ cả mắt để rồi đã có những quyết định sai lạc, làm thiệt hại cho dân lành. Chẳng hạn quan tòa ăn hối lộ cho kẻ có tội được thắng kiện như tục ngữ vốn diễn tả :

- Nén bạc đâm toạc tờ giấy. 

BẤT ỔN THỨ HAI LÀ CHIA RẼ

Sống trong một chế độ hà khắc, người dân không phải chỉ gian tham, mà còn nghi ngờ lẫn nhau. Nghĩ rằng người này là chỉ điểm và người kia là “ăng ten” của công an. Luôn nhìn nhau bằng cặp mắt “đề cao cảnh giác”, kẻo bị tố giác. Chính vì vậy, mà người Việt Nam thường hay chia rẽ và thiếu tinh thần cộng tác.

Một giáo sư ngoại quốc đã nhận xét về các sinh viên Việt Nam như sau :

- Sinh viên Việt Nam rất giỏi, chỉ số thông minh của họ rất cao, nếu một chọi một, nghĩa là một sinh viên Việt Nam địch với một sinh viên ngoại quốc, họ dễ dàng nắm phần thắng. Thế nhưng một nhóm sinh viên Việt Nam đấu trí với một nhóm sinh viên ngoại quốc, thì họ lại thua xa. Sở dĩ như vậy là vì họ không biết hay không thể cộng tác với nhau.

Cũng vì sự thiếu cộng tác này mà cho đến ngày hôm nay dân tộc mình không để lại được cho đời một công trình nghệ thuật tầm cỡ nào.

Thí dụ như về kiến trúc : các lăng tẩm ở Huế còn quá nhỏ nhoi so với khu đền Ăng ko của người anh em Campuchia. Về văn học, hiện giờ chúng ta chưa có được một bộ bách khoa tự điển đầy đủ…Mạnh ai, người ấy viết. Mạnh ai người ấy làm. Mà sức làm, sức viết của mỗi cá nhân thì thật hạn hẹp. Một cái đầu làm sao bằng hai cái đầu.

Một bộ tự điển “Larousse” của Pháp mà thôi cũng đã có biết bao nhiêu người cộng tác, rồi từ năm này qua năm khác, họ vẫn luôn duy trì sự cộng tác chặt chẽ ấy, để có những bổ túc cập nhật hóa, khỏi bị lỗi thời. Thấy mà thèm.

Điểm qua những sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, gã ghi nhận được không biết bao nhiêu tờ báo, không biết bao nhiêu trang Web, không biết bao nhiêu đảng phái và cũng không biết bao nhiêu khuynh hướng chính trị. Anh này chửi anh kia và anh kia chửi lại anh này.

Hơn thế nữa, với sự hỗ trợ của internet, của mạng lưới thông tin toàn cầu, sự chửi bới lẫn nhau được phổ biến một cách mau lẹ và rộng rãi khắp bốn phương trời. Bàn dân thiên hạ, sau khi đọc có kẻ bỗng cả thấy ngứa miệng và ngứa tay, nên cũng tung lên mạng mà chửi theo. Và vì thế, đạo cũng chửi mà đời cũng chửi, người người cùng chửi bới lẫn nhau, nhưng lại chẳng làm được một cái quái gì cụ thể cho quê hương đất nước. 

BẤT ỔN THỨ BA LÀ THIẾU Ý THỨC CỘNG ĐỒNG 

Cũng vì gian tham, chỉ biết nhắm tới những cái tiện và lợi cho bản thân hay gia đình, nên ý thức cộng đồng, hay nói cách khác, cái tình thần chung cũng như cái tinh thần trách nhiệm tụt xuống rất thấp, thấp tới mức đáng báo động.

Thực vậy, nhiều người vốn thầm nghĩ :

- Làm gì thì làm, miễn là được việc cho mình thì thôi.

Chẳng hạn sau khi tan sở, ta muốn mau chóng trở về nhà. Vào giờ cao điểm, xe cộ ùn tắc, ta chỉ sợ có ông cảnh sát, còn hệ thống đèn xanh đèn đỏ chỉ là chuyện nhỏ, ta coi như pha, để rồi mặc sức luồn lách mà ngoi lên phía trước. Nếu không luồn lách được, thì ta leo lên cả vệ đường, hầu tranh thủ vượt qua đoạn đường đầy ắp những đoàn xe còn đang kẹt cứng.

Chẳng hạn khi ngồi trên xe hơi, nhất là với mấy cô bạn gái, ta được xơi đủ thứ, từ nhãn, chôm chôm, bắp luộc…đến kẹo bánh hầm bà lằng. Khi xơi xong, ta cứ vô tư ném ra ngoài các thứ rác rưởi từ vỏ nhãn, vỏ chôm chôm, lõi bắp…đến giấy gói bánh kẹo, có khi trúng cả vào đầu khách đi đường thì cũng…mặc kệ.

Một hướng dẫn viên du lịch đã tâm sự trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, số 32, ra ngày 21 tháng 8 năm 2005, như sau :

Một hôm, đoàn khách nước ngoài đang chụp hình lưu niệm tại nhà thờ Đưc Bà, bỗng có một chiếc xe @ chở hai thanh niên tấp vào bên hông nhà thờ, trước con mắt ngạc nhiên của những du khách, hai thanh niên kia vẫn cứ vô tư “trút bầu tâm sự” vào tường, rồi lên xe bỏ đi. Sự ngạc nhiên của những du khách đã được chuyển thành câu hỏi dành cho tôi :

- Bộ đó là thói quen của người thành phố bạn hả ?

Tôi chẳng biết giải thích ra sao, chỉ biết chống chế :

- Chắc hai người đó say rượu.

Sau đó, tôi mau chóng chuyển qua đề tài khác và tôi biết họ không hài lòng với cách trả lời của tôi.

Khi đoàn qua đường Đồng Khởi – Nguyễn Du, bỗng hai du khách lại gần tôi với dáng vẻ bối rối, họ nói ra chuyện họ đang cần :

- Xin lỗi! Bạn có thể cho tôi biết nhà vệ sinh ở đâu ?

Chẳng biết chỉ cho họ nhà vệ sinh nào, vì quanh đấy không có lấy một nhà vệ sinh công cộng, tôi đành dẫn hai du khách vào một quán ăn gần nhất, giải thích với họ để họ hiểu, rồi kêu một chai nước uống ngồi chờ. Xong việc trở ra, họ nói nhỏ với nhau :

- Thật kinh khủng.

Saigon, một thành phố xinh đẹp, vốn được gọi là hòn ngọc Viễn Đông, với những con đường rợp bóng cây, vậy mà lâu lâu ta vẫn bắt gặp đâu đó đây trên các bức tường hàng chữ “Cấm đái” một cách thô thiển. (trang 7).

Thiết tưởng hai chữ “kinh khủng” trên đã quá đủ để diễn tả tình trạng thiếu trách nhiệm, thiếu tinh thần chung của những người sử dụng nhà vệ sinh nơi đó. 

BẤT ỔN SAU CÙNG, ĐÓ LÀ THÍCH XÀI CỦA…CHÙA.

Từ tình trạng thiếu trách nhiệm, cũng như thiếu tinh thần chung trên đây, gã ghi nhận thêm cái khuynh hướng thích xài của…chùa.

Chữ “chùa”ngày nay vốn được sử dụng như một tĩnh từ, ám chỉ những gì là của chung, mà chẳng có ai chịu trách nhiệm trông coi và quản lý, theo kiểu cha chung không ai khóc. Vì là của chung miễn phí, nên cứ vô tư và mặc sức xài và sử dụng.

Chẳng hạn đến cơ quan, bao nhiêu bóng điện, bao nhiêu quạt máy, bao nhiêu máy lạnh ta cứ việc mở tối đa, thậm chí khi ra về cũng chẳng cần phải tắt, bởi vì  đó là điện…chùa mà.

Tới công sở, ta thoải mái rửa tay rửa mặt, vòi nước mở hết cỡ, rồi khi dùng xong, ta bỗng dưng ta quên, không chịu đóng lại. Ôi dào, nước… chùa mà.

Thậm chí có người còn quan niệm : bất cứ cái gì của nhà nước đều là của chùa, ta cứ mặc sức lấy, ta cứ mặc sức vơ, vì ăn trộm ăn cắp của nhà nước, thì không tội vạ chi cả. 

Tuy nhiên, phải khôn ranh một tí để khỏi bị sờ gáy và tóm cổ. Nếu lỡ bị sờ gáy hay tóm cổ, thì hãy liệu mà chạy thuốc, lo lót càng sớm càng tốt, vì đồng tiền đi trước, đồng tiền khôn. Tiền bạc có một sức mạnh vạn năng, khả dĩ bẻ cong được cả cán cân công lý, nên ta còn phải sợ gì nữa.

Cũng do chủ trương như vậy, mà một số người đã tìm mọi cách để ăn cắp điện, ăn cắp nước,  bởi vì điện nước đối với họ đều là của chùa.

Một số người khác, mặc dù vẫn may gia công ở nhà, hay làm nghề tự do, nhưng lại khai với nhà nước rằng mình đang thất nghiệp, để được hưởng trợ cấp. Tiền chùa mà, không hưởng cũng uổng.

Tiền của nhà nước đều là tiền chùa và đã trở một mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn tham nhũng phát triển. Vậy thế nào là tham nhũng ?

Gã xin thưa :

- Tham nhũng là lợi dụng quyền hành và chức vụ để lấy tiền của nhà nước bằng cách ăn gian, ăn bớt hay rút ruột những công trình xây dựng…

Chẳng hạn mỗi khi hộp họp, những người tham dự đều được hưởng chế độ của mình, như tiền đi lại, tiền ăn uống…Vì thế, mặc dù chỉ có 50 đến họp, nhưng ban tổ chức bèn kê lên thành 100 người. Làm như vậy, đại hội vừa thành công tốt đẹp và số tiền phụ trội được chia đều cho mỗi người. Ai cũng có lợi và ai cũng vui vẻ.

Chẳng hạn để thực hiện một công trình nào đó, như xây dựng một cây cầu, trước hết muốn được trúng thầu thì công ty phải lo lót với các quan chức. Tiếp đến, trong thời gian thi công, quan chức và công ty luôn cấu kết với nhau để mà rút ruột bằng cách bớt xén vật tư, nâng cao giá mua… để hưởng lợi.

Vì thế mới xảy ra tình trạng cột ci măng cốt tre, cầu vừa mới làm xong đã vội sụp lún, đường vừa mới khánh thành đã loang lổ những ổ gà và ổ vịt, thậm chí có cả ổ trâu và ổ voi.

Có những quan chức còn bạo phổi ăn bớt, ăn xén cả tiền cứu trợ những đồng bào gặp phải thiên tai bão lụt. Số tiền giúp đỡ của bá tánh gửi về rất nhiều, thế mà những nạn nhân lại chẳng được bao nhiêu, vì những đồng tiền ấy đã chui tọt vào túi của những vị quan tham.

Các vị ấy luôn ghi nhớ trong lòng hai nguyên tắc :

Nguyên tắc thứ nhất, đó là có làm thì mới có ăn. Càng vẽ ra nhiều, thì lại càng được xơi nhiều. Mỗi công trình, chi phí bị bốc hơi lên tới ba bốn chục phần trăm cũng chỉ là chuyện nhỏ. Tiền chùa mà, dại gì không ăn. Mình không ăn, người khác cũng ăn.

Nguyên tắc thứ hai, đó là của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng. Chỉ cần một chút khôn khéo, biết điều với cấp trên, hào phóng với cấp dưới, mọi sự sẽ êm ru bà rù.

Những quan chức tham nhũng ấy được sánh ví như một loài sâu mọt, đục khoét công quĩ, làm nghèo đất nước và làm khổ người dân.

Lâu lắm rồi gã có đọc cuốn “Người Mỹ xấu xí”, bây giờ cũng chẳng nhớ nội dung của nó là gì và tác giả của nó là ai. Tuy nhiên, qua những điều vừa trình bày, gã cũng xin ăn theo mà đặt tựa đề  cho chuyện phiếm này là “Người Việt xấu xí”.

Tuy nhiên, cái vẻ xấu xí này thật đáng thương và tội nghiệp, bởi vì nó xuất phát từ thân phận nghiệt ngã của một dân nước nhược tiểu, từng bị bóc lột suốt một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây và ba mươi năm nội chiến từng ngày…

Gã Siêu  gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.info

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************