Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.info                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 109, Chúa Nhật 27.12 .2009


MỤC LỤC 

Sắc Lệnh Về Tông Ðồ Giáo Dân                                                                               Vatican 2

SẮC CHỈ VENERABILIUM NOSTRORUM NGÀY 24-11-1960                   Gs. Trần Văn Cảnh

NĂM THÁNH LINH MỤC - CANH TÂN.                                           Lm. Giuse Trần Việt Hùng

NGÀI ĐẾN ĐÂY LÀM GÌ?                                                                             Lm. Lê Công Đức

CHỦ QUÁN TRỌ THỜI MỚI VÀ DÂN CHÚA                                           Gioan Lê Quang Vinh

LINH MỤC LÀ NGƯỜI CỦA MỌI NGƯỜI                               Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Đám cưới nhỏ bên hang đá nghèo                                                              Lm. Anmai  DCCT 

SUY NIỆM MÙA VỌNG GIÁNG SINH                                        Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

LÀM SAO CHỌN NGƯỜI YÊU MÀ KHÔNG SỢ CHỌN LẦM? (2)                Lm. Lê văn Quảng

RƠM                                                                                                           Nhà Văn Quyên Di

PHO- MÁT                                                                                      Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.

DUYÊN SỐ                                                                                    Chuyện phiếm của Gã Siêu


Sắc Lệnh Về Tông Ðồ Giáo Dân

 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Sắc Lệnh

Về Tông Ðồ Giáo Dân

Apostolicam Actuositatem

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Lời Giới Thiệu

 

Ðôi dòng lịch sử

Năm 1960, Ðức Gioan XXIII thiết lập Ủy Ban Giáo Hoàng về hoạt động tông đồ giáo dân. Và sau 200 lần hội, Ủy Ban đã hoàn tất việc soạn thảo một lược đồ gồm 200 trang.

 

Ủy Ban gồm tất cả 39 thành phần, trong số có 11 Giám Mục. Bên cạnh Ủy Ban còn có 29 vị cố vấn, mà 14 vị cũng là Giám Mục. Ngoài ra, các đại diện của 26 quốc gia và của nhiều tổ chức quốc tế cũng đến tham dự.

 

Ngay từ ban đầu, Hồng Y Cento, chủ tịch Ủy Ban, đã đề nghị mời giáo dân tham dự, ít nhất với tư cách cố vấn. Trong kỳ họp đầu tiên, Ðức Gioan XXIII đã chính thức mời Jean Guitton tham dự Công Ðồng với tư cách là dự thính viên giáo dân.

 

Rồi trong những phiên họp khoáng đại về sau, Ðức Phaolô VI cũng đã đề cử nhiều dự thính viên giáo dân khác, nam giới vào năm 1963 và cả nữ giới vào năm 1964 tham dự. Như vậy Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân đã được thành phần giáo dân cộng tác hoàn thành.

 

Trong suốt thời gian tranh luận, bản văn được sửa đổi và soạn thảo lại nhiều lần. Ban đầu lược đồ đề cập hết sức bao quát về vai trò của người giáo dân trên thế giới và trong Giáo Hội. Về sau các Nghị Phụ đã cố gắng thu hẹp lại vào một khía cạnh tiêu biểu nhất: tông đồ giáo dân.

 

Thực ra lược đồ đã được đem bàn cãi từ những phiên họp ở năm 1963, và Ủy Ban liên hệ đã phải rút ngắn lại còn 48 trang, rồi 15 trang ở năm 1964. Vì các Nghị Phụ nhận thấy rằng lược đồ chưa thỏa mãn đủ cho sự đòi hỏi cần thiết, nên nhiều lần cuộc tranh luận đã gặp những khó khăn đáng kể. Và như vậy, để được chấp thuận lược đồ đã phải trải qua những "cơn sốt" trầm trọng.

 

Ở đây chúng ta cố gắng đưa ra một vài lý do của những trở ngại đó. Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng "Tông Ðồ Giáo Dân" là một đề mục hoàn toàn mới lạ, chưa có một sắc lệnh hay một văn kiện nào trước Công Ðồng Vaticanô II đã đề cập tới. Ðàng khác vấn đề tự bản tính đã là khó khăn, phức tạp; thật vậy, chưa có một quan điểm thần học căn bản Công Giáo nào nói về những thực tại trần thế cũng như về hành động của Kitô hữu trong thế giới.

 

Sau nữa, muốn tìm một định nghĩa đứng đắn cho "tông đồ giáo dân" thì tự nó không thể cung cấp đủ nhưng người ta còn phải đi tìm những minh chứng và cảm hứng bên ngoài và phải đặt nền tảng ở Giáo Hội cũng như nương tựa vào nhân chủng học (x. René Rémond,Introduction du Décret, Ed. du Centurion).

 

Tính cách độc đáo

 

Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Công Ðồng Chung đã quan tâm đặc biệt tới vấn đề tông đồ của giáo dân, cũng như đã dành nhiều nỗ lực cho sự xác định lại sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới.

 

Nhưng điều đó không có nghĩa là Giáo Hội chưa bao giờ ý thức sự hiện diện mật thiết của giáo dân trong Giáo Hội. Bởi Giáo Hội được thiết lập vì các tín hữu là con cái mình, và ngay từ ban đầu thời Giáo Hội sơ khai, giáo dân không những là đối tượng cho hoạt động của các Tông Ðồ, mà còn là những cộng tác viên đắc lực của các ngài. Như phần mở đầu của Sắc Lệnh có nhắc đến, những hoạt động tông đồ giáo dân xuất hiện tự nhiên từ giai đoạn đầu của Giáo Hội và đã đem lại những kết quả phong phú. Rồi qua dòng lịch sử, chúng ta thấy rằng có nhiều tu hội và hiệp hội tông đồ phát sinh do cảm hứng của giáo dân hay do họ điều khiển.

 

Tuy nhiên, phải công nhận rằng cho tới Vaticanô II địa vị của người giáo dân vẫn chỉ được xem như một ngoại lệ do ơn sủng đặc biệt hay riêng tư nào đó; và như vậy sự có mặt của họ chưa bao giờ được nhìn nhận như một hàng riêng biệt. Hơn nữa, với ý niệm hầu như hoàn toàn tiêu cực, hình như Giáo Luật đã không quan tâm tới việc đề cao và công nhận giá trị của người giáo dân.

 

Ðàng khác, tình trạng của giáo dân lại luôn lệ thuộc vào hàng Giáo Phẩm và Giáo Sĩ. Chúng ta có thể nói rằng quan niệm thế quyền từ nhiều thế kỷ về đây liên lạc giữa chính quyền với công dân được đưa ra áp dụng vào trong Giáo Hội khi qui định mối tương quan giữa Giáo Sĩ và Giáo Dân. Lại nữa trong số các hình ảnh dùng diễn tả bản tính Giáo Hội, hình như người ta vẫn còn giữ lại hình ảnh có chiều hướng Trung Cổ: mục tử và đoàn chiên. Quyền bính và trách nhiệm hướng dẫn là việc của các mục tử; đoàn chiên giáo dân chỉ việc vâng theo những chỉ dẫn của chủ chăn.

 

Công Ðồng Vaticanô II đã nỗ lực xét lại hoàn toàn quan niệm tổng quát về sự liên lạc giữa Giáo Hội và các tín hữu. Công Ðồng xác nhận rằng người giáo dân phải được đánh giá như cộng tác viên đích thực trong sứ mệnh duy nhất của Giáo Hội là cứu độ mọi người. Ðây là một thành quả tốt đẹp của Công Ðồng trong việc quan niệm địa vị người giáo dân trong Giáo Hội.

 

Sau đó, Công Ðồng giải quyết một vấn nạn đươc đặt ra từ đầu: đó là việc phân chia hoạt động tông đồ ra "tông đồ trực tiếp và gián tiếp", hoặc, theo nhiều người, phân biệt ra "tông đồ chuyên biệt và không chuyên biệt".

 

Lúc ấy người ta quan niệm rằng hoạt động tông đồ trực tiếp là tất cả những phương cách truyền bá Phúc Âm và thánh hóa các Kitô hữu hay những người ngoài Kitô hữu bằng sự loan báo Chúa Kitô, loan báo Phúc Âm hay bằng chính đời sống.

 

Hoạt động tông đồ gián tiếp, trái lại, được cho rằng đó là những hoạt động hệ tại sự bảo đảm và làm hoàn hảo trần thế, cho thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và nhờ vậy tạo nên bầu khí thích hợp cho việc rao giảng Phúc Âm và thánh hóa con người.

 

Như vậy, theo các quan niệm nầy, tất cả những hoạt động tông đồ có tính cách xã hội chỉ được coi như là tông đồ gián tiếp. Rất nhiều Nghị Phụ không đồng ý quan niệm nầy.

 

Về sau, Ủy Ban liên hệ bàn cãi lại và quyết định không dùng những từ ngữ phân biệt đó ở trong Sắc Lệnh.

 

Những nét chính

 

Nhìn vào Sắc Lệnh, chúng ta nhận thấy điều được Sắc Lệnh nhấn mạnh trước hết là xác định lại giáo lý về tông đồ giáo dân đã trình bày trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hôi: theo đó, Giáo Hội được thành lập với mục đích đem đến cho mọi người ơn cứu chuộc và cứu rỗi.

 

Sau đó, Sắc Lệnh đề cập tới vấn đề chính là tông đồ giáo dân trong khi vẫn dựa vào những gì đã trình bày ở Hiến Chế về Giáo Hội. Nhưng điều quan trọng là Sắc Lệnh phân biệt "chức linh mục thừa tác" và "chức linh mục cộng đồng". Với "chức linh mục thừa tác", các giám mục và từ đó các linh mục có quyền thi hành những chức vụ tông đồ "nhân danh Chúa Kitô Thủ Lãnh Hiện Thân" (x. Sắc Lệnh về Linh Mục) và do đó các ngài trở nên như Mục Tử chăn dắt. Còn các tín hữu, nhờ "chức linh mục cộng đồng", thi hành những việc tông đồ riêng biệt của họ trong Giáo Hội. Sắc Lệnh đã nhắc lại nhiều lần rằng vì giáo dân tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thế của họ, cũng phải nắm giữ vai trò riêng do phép Rửa Tội, Thêm Sức và nhất là do các đặc sủng riêng biệt của họ.

 

Thứ đến, Sắc Lệnh nói đến một vấn đề đã gây nên nhiều khó khăn cho việc tông đồ giáo dân: sứ mệnh của Giáo Hội. Sắc Lệnh xác định rằng sứ mệnh của Giáo Hội vẫn là duy nhất, nhưng có thể được diễn tả bằng những hình thức tông đồ khác nhau với những thành quả khác nhau. Như vậy người giáo dân sẽ thi hành việc tông đồ trong các cộng đồng của Giáo Hội mà họ sống trong gia đình, ở môi trường xã hội, môi trường giới trẻ, hay trong lãnh vực quốc gia hoặc quốc tế. Bởi đó, việc tông đồ của người giáo dân cũng có thể đem lại những thành quả phong phú. Nhờ hoạt động tông đồ, họ sẽ loan báo Phúc Âm cho người khác, hoặc thánh hóa họ. Họ cũng có thể nhờ hoạt động mà đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần lãnh vực trần thế.

 

Ðề cập tới việc thực hiện tông đồ giáo dân, Sắc Lệnh nhắc tới hai phương pháp hoạt động trong Giáo Hội: tông đồ tập thể và tông đồ cá nhân. Cả hai đều là những cách thế hoạt động của giáo dân; tuy nhiên, theo Sắc Lệnh, hoạt động tông đồ có tổ chức qui củ sẽ đáp ứng hữu hiệu hơn cho nhu cầu của con người và của tín hữu. Bởi thế, phương pháp hoạt động tập thể này cần được phát động và khích lệ nhiều hơn trong các lãnh vực hoạt động của giáo dân.

 

Sắc Lệnh đã đặc biệt lưu ý tới những hội đoàn mới xuất hiện vào quãng mươi năm nay, dưới danh hiệu Công Giáo Tiến Hành.

 

Sau hết, Sắc Lệnh nhấn mạnh tới việc cần thiết huấn luyện cho những hoạt động tông đồ này cũng như những phương tiện sử dụng.

 

Chiều hướng nền tảng

 

Ðể thấu triệt hơn ý nghĩa Sắc Lệnh, ở đây chúng ta cố gắng đưa ra một vài tư tưởng chủ điểm và độc đáo, dựa vào những nét chính vừa nêu trên.

 

Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng ý tưởng "tham dự vào" trước đã có tiếng vang đáng kể trong Thông Ðiệp "Pacem in terris", giờ đây được Sắc Lệnh Tông Ðồ Giáo Dân nhắc lại và nhấn mạnh trong tầm mức ý nghĩa của nó, từ đầu cho đến cuối bản văn. Thật vậy, trước hết và trên hết, Giáo Hội có sứ mệnh giúp mọi người tham dự vào ơn cứu độ và giáo dân là thành phần được tham dự vào chức vị tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô. Họ được mời tham dự vào sinh hoạt của Giáo Hội, trong sứ mệnh rao giảng Phúc Âm; cho nên đối tượng của Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân là xác định những hình thái và điều kiện cho việc tham dự nầy. Thời gian mà các tín hữu chỉ đóng vai trò thụ động đã qua rồi. Ngày nay Giáo Hội đặt niềm tin ở sự can thiệp, ở sáng kiến cũng như nơi sự tuân phục của con cái mình.

 

Nguồn gốc sự tham dự đó phát sinh từ địa vị, hoàn cảnh khác nhau của mỗi người trong thế giới. Người giáo dân sống trong thế giới và giữa những thực tại trần gian; cho nên ơn gọi của họ là thánh hóa những gì trần tục. Chính ơn gọi này với hoàn cảnh riêng biệt của mỗi người sẽ định hướng cho đời sống tôn giáo của họ.

 

Bởi thế, đời sống đạo đức cá nhân của người giáo dân sẽ nhận được cảm hứng từ đời sống hoạt động của họ giữa người khác và giữa cuộc đời; như vậy, với những yếu tố của các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, của đời vợ chồng, gia đình, nghề nghiệp và xã hội, họ sẽ tạo cho mình khoa tu đức hữu hiệu cho bậc sống. Như vậy sự chạm trán với những vấn đề không ngừng đặt ra do cuộc sống hiện tại và theo sự phán đoán trong tầm mức Kitô hữu, là cơ hội quí báu cho người giáo dân để kiểm điểm lại cuộc sống.

 

Ðịnh nghĩa và quan niệm về ơn gọi của người giáo dân như thế, hàm chứa một cách nào đó, quan niệm thần học về những thực tại trần thế; quan niệm nầy hòa hợp với quan điểm được trình bày ở Hiến Chế nầy, trật tự trần thế có giá trị riêng của nó và người giáo dân sử dụng trật tự đó với trách nhiệm của mình. Thế giới chưa hoàn tất và khuôn mặt của nó tùy thuộc vào hoạt động tự do và ý thức của con người. Như vậy, đứng trước thế giới, người giáo dân có sứ mệnh phải kiến tạo, hoàn hảo hóa sao cho nó trở nên hấp dẫn đối với mọi người và thích hợp với ý định của Thiên Chúa.

 

Một chiều hướng quan trọng khác của Sắc Lệnh là đặc biệt chú tâm tới thực tại cụ thể của thế giới hiện đại. Bản văn của Sắc Lệnh đã dùng lại ý niệm "dấu chỉ thời đại" mà Thông Ðiệp "Pacem in Terris" đã sử dụng và xem như là một ý niệm quan trọng của Thông Ðiệp. Sắc Lệnh Tông Ðồ Giáo Dân đã đề cập nhiều lần tới tình trạng biến chuyển của thế giới, những điều kiện sống mới mẻ, những đổi thay bất ngờ, tình trạng tăng gia dân số, sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật.

 

Những phân tích nầy không khác mấy với những điều đã trình bày ở "Hiến Chế Mục Vụ về giáo Hội trong thế giới ngày nay"; nhưng nét đặc biệt của Sắc Lệnh là niềm khát vọng khám phá ra ngôn ngữ của các dấu chỉ thời đại, là sự coi trọng những thực tại trần thế, là nỗi băn khoăn tìm cách thích ứng việc tông đồ giáo dân với hoàn cảnh, nhu cầu và khả năng của thế giới hiện đại.

 

Trong những đặc điểm chính của thế giới văn minh có lẽ sự liên đới ngày càng gia tăng giữa các dân tộc là một đặc điểm quan trọng nhất. Thật vậy, Thánh Công Ðồng đã đặc biệt chú tâm tới chiều hướng quốc tế đó, và Sắc Lệnh nầy là một trong những bằng chứng của sự chú tâm trên. Hoạt động tông đồ giáo dân phải nhằm tới viễn ảnh quốc tế và thực hiện thế nào để giúp cho các dân tộc gần gũi nhau hơn.

 

Có lẽ sự quan tâm tới hoạt động tông đồ phổ quát của Sắc Lệnh là một đặc điểm hấp dẫn nhất. theo đó, mọi giáo dân trên thế giới đều được kêu mời tới công việc ấy, và hoạt động tông đồ nầy nhằm đến hết mọi người, làm thế nào để người giáo dân có thể đối thoại với tất cả dù có đức tin hay không.

 

Như thế, hoạt động tông đồ giáo dân sẽ lan rộng tới mọi khía cạnh của cuộc đời thực tế, tới bất cứ bậc sống nào cũng như nhu cầu nào của nhân loại. Ðứng trên phương diện nầy, Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân đã trở nên một trong những thành quả cũng như một trong những khát vọng chính yếu của Thánh Công Ðồng Vaticanô II.

 

còn tiếp

 
VỀ MỤC LỤC
SẮC CHỈ VENERABILIUM NOSTRORUM NGÀY 24-11-1960 - THIẾT LẬP PHẨM TRẬT GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM
 

MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM

 

« Năm 2010 ghi dấu những sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam : 350 năm thiết lập hai giáo phận tông tòa Ðàng Ngoài và Ðàng Trong (1659-2009), 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam (1960-2010). Ðây là thời điểm cho chúng ta nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa và lắng nghe bài học lịch sử, nhìn vào hiện tại để nhận diện những thuận lợi và thách đố, nhìn tới tương lai để cùng nhau canh tân đời sống và xây dựng Giáo Hội theo đúng thánh ý Thiên Chúa  ». (Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa công bố Năm Thánh 2010 »,  ngày 09.10.2009)

Trong chiều hướng nhìn lại quá kh lịch sử ấy, để MỪNG NĂM THÁNH 2010, mời bạn đọc lùi về dĩ vãng, « XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM », từ năm 1659.   

Bài 3 :

SẮC CHỈ VENERABILIUM NOSTRORUM NGÀY 24-11-1960 - THIẾT LẬP PHẨM TRẬT GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM 

300 năm sau ngày thành lập hai Giáo Phận Tông Tòa đầu tiên ở Việt Nam, từ 1659 đến 1960, Giáo Hội Việt Nam đã phát triển và lớn mạnh rõ rệt. Về số tín hữu, từ 100.000 đã tăng lên tới 2.096.540. Về số giáo phận, từ 2 đã tăng lên đến 20.

Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum, do Đức Thánh Cha Gioan XXIII ban hành ngày 24 tháng 11 năm 1960 đã là một tiếng nói chính thức và oai nghiêm của Giáo Hội để công nhận sự tăng trưởng và lớn mạnh của Giáo Hội tại Việt Nam.  

Sắc chỉ đã nâng 17 giáo phận tông tòa hiện hữu lên hàng giáo phận chính tòa và thành lập thêm 3 giáo phận chính tòa mới. Mỗi Giáo Phận Chính Tòa đều có một Nhà Thờ Chính Tòa.

Tất cả 20 giáo phận chính tòa được tổ chức thành 3 Giáo Tỉnh.

GIÁO TỈNH HÀ NỘI qui tụ 10 giáo phận, là Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hóa, Vinh.

GIÁO TỈNH HUẾ có 4 giáo phận : Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Kon Tum.

GIÁO TỈNH SÀI GÒN gồm 6 giáo phận : Sài Gòn, Vĩnh Long, Cần Thơ, và 3 giáo phận mới lập là Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên. 

Mười lăm Giám Mục Đại Diện Tông Tòa hay Giám Quản Tông Tòa được thăng thành Giám Mục Chính Tòa. Bốn Giám Mục Chính Tòa mới được bổ nhiệm. Mỗi Giám Mục Chính Tòa sẽ là Giám Mục Chính Tòa của một Giáo Phận Chính Tòa. Trừ Đức Giám Mục Phêrô Khuất Văn Tạo, Giám quản Hải Phòng với hiệu tòa Caralliensi từ nay là Giám mục Chính tòa Địa phận Hải Phòng đồng thời kiêm Giám quản Địa phận Bắc Ninh. Trên tổng số 19 Giám Mục Chính Tòa, 17 là Giám Mục người việt nam, chỉ có hai là  người pháp và thuộc Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Đó là Đức cha Marcellô Piquet, Nha Trang và Đức Cha Phaolô Seitz, Kontum.

Ngoài việc thành lập Ba Giáo Tỉnh với 20 Giáo Phận Chính Tòa và việc đặt để 19 Giám Mục Chính Tòa, Sắc Chỉ còn nêu lên 7 điểm liên hệ đến việc điều hành giáo phận của các Giám Mục Chính Tòa :

·        Ta cũng ban cho các Địa phận vừa nói và các Địa phận khác đã kể trên, cho các nhà thờ Chính tòa cũng như các Giám mục lãnh đạo được mọi quyền lợi, danh dự, đặc ân thích xứng.

·        Đối với các Giám mục lãnh đạo, Ta còn đặt thêm trọng trách và nhiệm vụ.

·        Tất cả các Địa phận trên đây sẽ tiếp tục trực thuộc Thánh Bộ Truyền Giáo,

·        Trong các Địa phận mới này, thuộc Giám mục Chính tòa cũng như Tổng Giám mục Chính tòa, nếu vì hoàn cảnh sự vụ hay địa phương, chưa thể thành lập Kinh Sĩ Hội, thì phải lựa đặt Ban Cố vấn Địa phận theo Giáo luật, và một khi Kinh Sĩ Hội được thành lập, Ban Cố vấn tức khắc chấm dứt nhiệm vụ.

·        Các vị lãnh đạo cũng phải đặc biệt lưu ý việc đào luyện thanh niên có triển vọng lên chức Linh mục : họ là hướng đạo tương lai của giáo dân.

·        Ngân quỹ Giám tòa thành bởi của cải Địa phận hiện có, lợi tức Giám tòa, tặng vật người ta tự cúng và tiền Thánh Bộ Truyền Giáo trợ cấp.

·        Việc cai quản và điều hành Địa phận, quyền lợi Giáo sĩ và Giáo dân, bổ nhiệm vị  đại diện Kinh Sĩ Hội khi trống ngôi và mọi việc khác, thì cứ chiếu Giáo luật mà thi hành 

Sắc chỉ đã được viết như sau :  

Gioan Giám mục,

Tôi tá các tôi tá Thiên Chúa để ghi nhớ muôn đời.

Chư huynh đáng kính, vị hồng y Giáo hội Roma, phụ trách tại Thánh bộ Truyền giáo, sau khi tham thảo ý kiến hiền tử Mario Brini, Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương, đã nghĩ việc thiết lập phẩm trật Giáo Hội tại Việt Nam là thích thời và tối lợi cho giáo sự. Ta đây cũng đồng ý, lại tự suy xét chín chắn và thêm ý kiến những người liên hệ, Ta lấy quyền Tông Tòa mà quyết định và truyền thi hành như sau : Tại Việt Nam sẽ thành lập ba Giáo Tỉnh, tức là :

GIÁO TỈNH HÀ NỘI : gồm Tổng giám mục Hà nội, tới nay chỉ là đại diện tông tòa, với nhà thờ chính tòa danh hiệu Thánh Giuse, và thêm những giám tòa thuộc hạt từ nay cũng hết là Đại diện Tông tòa, để trở nên địa phận chính tòa, tức là :

·        Lạng Sơn với nhà thờ chính tòa danh hiệu Thánh Đa Minh hiển tu;

·        Hải Phòng và Bắc Ninh với hai nhà thờ chính tòa danh hiệu Nữ Vương rất thánh Văn côi;

·        Hưng Hóa với nhà thờ chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời;

·        Thái Bình với nhà thờ chính tòa danh hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu;

·        Bùi Chu với nhà thờ chính tòa danh hiệu Nữ Vương rất thánh Văn côi;

·        Phát Diệm với nhà thờ chính tòa danh hiệu Nữ Vương rất thánh Văn côi;

·        Thanh Hóa với nhà thờ chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội;

·        Vinh với nhà thờ chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời;

GIÁO TỈNH HUẾ : gồm Tổng giám mục Huế, trước đây chỉ là đại diện tông tòa, với nhà thờ chính tòa danh hiệu Trái Tim Cực Sạch Đức Mẹ, và thêm các giám tòa thuộc hạt để được trở thành địa phận chính tòa:

·        Qui Nhơn với nhà thờ chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời;

·        Nha Trang với nhà thờ chính tòa Chúa Giêsu Vua;

·        KonTum với nhà thờ chính tòa danh hiệu Đức Mẹ vô nhiễm Nguyên tội.

Sau cùng,

GIÁO TỈNH SÀIGÒN : gồm Tổng giám mục Sài Gòn, trước đây chỉ là đại diện tông tòa, với nhà thờ chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên Tội, và thêm các địa phận thuộc hạt trước kia chỉ là đại diện tông tòa, tức là:

·        Vĩnh Long với nhà thờ chính tòa danh hiệu Bà Thánh Anna, thân mẫu Đức Maria;

·        Cần Thơ với nhà thờ chính tòa danh hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Và các địa phận mới được thành lập:

·        Đà Lat với nhà thờ chính tòa danh hiệu Thánh Nicola Bari;

·        Mỹ Tho với nhà thờ chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

·        Long Xuyên với nhà thờ chính tòa sắp được xây dựng.

Ta cũng lệnh cho các địa phận Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Huế, đến nay vẫn do Hội Thừa Sai BaLê và Dòng Đa Minh điều khiển, và các Địa phận mới Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên, tất cả các địa phận kể trên từ nay sẽ trao cho giáo sĩ triều Việt Nam quản nhậm. Ta cũng ban cho các địa phận vừa nói và các địa phận khác đã kể trên, cho các nhà thờ Chính tòa cũng như các Giám mục lãnh đạo được mọi quyền lợi, danh dự, đặc ân thích xứng. Đối với các Giám mục lãnh đạo, Ta còn đặt thêm trọng trách và nhiệm vụ. Tất cả các địa phận trên đây sẽ tiếp tục trực thuộc Thánh bộ Truyền giáo, còn các giám mục lãnh đạo thì ta thuyên chuyển như sau:

·        Thân huynh đáng kính Giuse Maria Trịnh Như Khuê, trước đây là Đại diện Tông tòa với hiệu tòa Synaitana, từ nay là Tổng giám mục Hà Nội.

·        Thân huynh đáng kính Vicentê Phạm văn Dụ, Giám quản Lạng Sơn với hiệu tòa Bosetana từ nay là Giám mục chính tòa địa phận Lạng Sơn.

·        Thân huynh đáng kính Phêrô Khuất Văn Tạo, Giám quản Hải Phòng với hiệu tòa Caralliensi từ nay là Giám mục chính tòa địa phận Hải Phòng đồng thời kiêm Giám quản địa phận Bắc Ninh.

·        Thân huynh đáng kính Phêrô Nguyễn Huy Quang, Giám quản Hưng Hóa với hiệu tòa Claudiopolitana xứ Isauria, từ nay là Giám mục chính tòa địa phận Hưng Hóa.

·        Thân huynh đáng kính Đaminh Đinh đức Trụ, Giám quản Thái Bình với hiệu tòa Cataquensi, từ nay Giám mục chính tòa Địa phận Thái Bình.

·        Thân huynh đáng kính Giuse Phạm Năng Tĩnh, Giám quản Bùi Chu với hiệu tòa Bernicensi, từ nay là Giám mục chính tòa Địa phận Bùi Chu.

·        Thân huynh đáng kính Phaolô Bùi Chu Tạo, Giám quản Phát Diệm với hiệu tòa Numida, từ nay là Giám mục chính tòa Địa phận Phát Diệm.

·        Thân huynh đáng kính Phêrô Phạm Tần, Giám quản Thanh Hóa với hiệu tòa Justiniapoli bên Galatia, từ nay làm Giám mục chính tòa Địa phận Thanh Hóa.

·        Thân huynh đáng kính Gioan Baotixita Trần Hữu Đức, Đại diện Tông Tòa ở Vinh với hiệu tòa Niciotana, từ nay là Giám mục chính tòa Địa phận Vinh.

·        Thân huynh đxng kính Phêrô Martinô Ngô Đình Thục, Đại diện Tông Tòa tại Vĩnh Long với hiệu tòa Saesinensi, từ nay là Tổng Giám mục Địa phận Huế.

·        Thân huynh đáng kính Phêrô Phạm Ngọc Chi, Đại diện Tông Tòa tại Bùi chu và Giám quản Tông Tòa ở Qui Nhơn với hiệu tòa Sozopolitana bên Haemimonto, từ nay là Giám mục chính tòa Địa phận Qui nhơn.

·        Thân huynh đáng kính Marcellô Piquet, Đại diện Tông Tòa tại Nha Trang với hiệu tòa Erizê, từ nay là Giám mục chính tòa Địa phận Nha Trang.

·        Thân huynh đáng kính Phaolô Seitz, Đại diện Tông Tòa tại Kontum với hiệu tòa Catulensi, từ nay là Giám mục Chính tòa tại Địa phận Kontum.

·        Thân huynh đáng kính Phaolô Nguyễn Văn Bình, Đại diện Tông Tòa tại Cần Thơ với hiệu tòa Agnusiensi, từ nay là Tổng giám mục Địa phận Saigon.

·        Thân huynh đáng kính Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Đại diện Tông Tòa ở Saigon với hiệu tòa Sagalassê, từ nay là Giám mục Chính tòa Địa phận Đàlạt.

Và Ta đặt các Hiền tử:

·        Giuse Trần Văn Thiện làm Giám mục Chính tòa Địa phận Mỹ Tho;

·        Antôn Nguyễn VănThiện làm Giám mục Chính tòa Địa phận Vĩnh Long;

·        Philippê Nguyễn Kim Điền làm Giám mục Chính tòa Địa phận Cần Thơ;

·        Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm Giám mục Chính tòa Địa phận Long Xuyên.

Trong các địa phận mới này, thuộc giám mục chính tòa cũng như tổng giám mục chính tòa, nếu vì hoàn cảnh sự vụ hay địa phương, chưa thể thành lập Kinh Sĩ Hội, thì phải lựa đặt Ban Cố vấn Địa phận theo Giáo luật, và một khi Kinh Sĩ Hội được thành lập, Ban Cố vấn tức khắc chấm dứt nhiệm vụ. Các vị lãnh đạo cũng phải đặc biệt lưu ý việc đào luyện thanh niên có triển vọng lên chức linh mục : họ là hướng đạo tương lai của giáo dân. Ngân quỹ Giám tòa thành bởi của cải địa phận hiện có, lợi tức Giám tòa, tặng vật người ta tự cúng và tiền Thánh Bộ Truyền Giáo trợ cấp. Việc cai quản và điều hành địa phận, quyền lợi giáo sĩ và giáo dân, bổ nhiệm vị đại diện Kinh Sĩ Hội khi trống ngôi và mọi việc khác, thì cứ chiếu Giáo luật mà thi hành.

Sắc chỉ của Ta đây sẽ được niêm ấn chì và Ta truyền cho vị Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương Ta đã nói trên, phải đích thân hay ủy nhiệm người khác thi hành, miễn là người ây có chức vị trong Giáo hội. Nếu trong thời gian thi hành, vị khác sẽ nhậm chức vụ Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương, thì vị ấy sẽ thi hành lệnh của Ta. Vị thi hành phải thận trọng lập biên bản đầy đủ khi việc đã hoàn tất và kíp đệ lên Thánh Bộ Truyền Giáo các văn kiện đã ký nhận chắc chắn. Ý Ta là Sắc chỉ này có hiệu lực tức khắc và mãi về sau, cho nên tất cả những gì được ấn định trong Sắc này phải được những người liên hệ tôn trọng thi hành và như thế là có hiệu lực. Không một luật lệ nào nghịch lại có thể ngăn cản hiệu lực của Sắc Chỉ nầy : chính Sắc Chỉ này hủy bỏ các luật lệ ấy. Vì thế bất kỳ ai, ở chức vị nào, hữu ý hay vô tình nghịch lại những sự Ta vừa nói trên, thì Ta luận phi và kể là vô giá trị.

Lại nữa, không ai được phép xé hủy hay giả mạo Sắc Chỉ này của Ta và nếu công bố hoặc là ấn loát hay viết tay thì những bản đó phải được chức vị trong Giáo Hội đóng ấn và đồng thời phải mang chữ ký của một Vị Chính thức coi giữ văn kiện thì mới đáng tin. Nếu ai dám khinh dễ hay khước từ cách nào toàn Sắc Chỉ này thì hãy biết rằng sẽ bị những hình phạt Giáo luật đã ra cho những người không tuân lệnh các Đức Giáo Hoàng.

Làm tại Roma nơi đền thờ Thánh Phêrô, ngày hai mươi bốn tháng mười một, năm một ngàn chín trăm sáu mươi, cũng là năm thứ ba Triều đại của Ta.

Ký tên

Thay Đức Hồng Y Chưởng Ấn Giáo Hội Roma:

Đôminicô Tardini, Hồng Y Quốc vụ Khanh.

Grêgorio P. Agagianian, Hồng Y và Tổng Trưởng T.B.T.G.

Phanxicô Tinello, Nhiếp chính Chưởng Ấn Tông Tòa.

Phanxicô Annibalê Ferretti, Tổng lục sự Tông Tòa.

Albertô Serafini, Tổng Lục sự Tông Tòa.

Gửi đi ngày 24-11-1960, năm thứ ba Triều đại Giáo Hoàng.

D. Rodomon Galligani, thay người ấn chì.

Ghi tại Chưởng Ấn Tông Tòa, cuốn 105, (col CV) số 31.

[nguồn : Văn Phòng Tổng Thư Ký HĐGMVN ; Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên giám 2004 ; Hà Nội : NXB Tôn Giáo, 2004 ; tr. 235-239] 

Ngày 24/11/2009, trong diễn văn khai mạc Năm Thánh 2010 tại Sở Kiện, Tổng Giáo Phận Hà Nội, Đức cha Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch HĐGM VN, đã xác nhận rằng : « năm 1960, vào ngày 24-11, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ký Tông sắc thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội Chúa Kitô trên đất nước chúng ta”.  

Kỷ niệm ngày trọng đại ấy, chúng ta cử hành Năm Thánh 2010 “trong niềm tri ân cảm tạ cùng với quyết tâm xây dựng Giáo Hội như lòng Chúa mong muốn và tin tưởng bước tới tương lai. Ngài đề nghị toàn thể Giáo Hội Việt Nam cùng nhau làm bốn việc :

·        chúng ta phải cất cao lời cảm tạ: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1).

·        chúng ta đã long trọng cử hành nghi thức tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đồng thời, cũng để bày tỏ niềm tri ân đối với các ân nhân, chúng tôi đã mời các vị hồng y, giám mục – đại diện các Giáo hội đã và đang góp phần xây dựng và phát triển Giáo hội tại Việt Nam – đến tham dự Thánh Lễ khai mạc này.

·        Cử hành lễ Khai Mạc Năm Thánh tại Tổng giáo phận Hà Nội nhắc chúng ta nhớ đến cộng đoàn tín hữu đầu tiên trên đất Thăng Long. Các tín hữu thời ấy đã yêu thương gắn bó với nhau đến nỗi người ngoài gọi họ là những người theo “Đạo của Tình yêu”.

·        hồng ân đức tin Chúa đã ban cho chúng ta cũng cần được chia sẻ cho người khác, nhất là cho đồng bào của mình, những người cùng sống trong một đất nước, cùng chia sẻ một lịch sử, cùng chung một vận mệnh quê hương.
 

Paris, ngày 03 tháng 12 năm 2009

Gs. Trần Văn Cảnh

VỀ MỤC LỤC
NĂM THÁNH LINH MỤC - CANH TÂN.

 

Cha Anthony de Mello trong cuốn “The Song Of The Bird” viết câu truyện về Sufi Bayazid, ông nói về chính mình như sau: Tôi là nhà cách mạng, khi tôi còn trẻ và tất cả lời cầu nguyện của tôi với Chúa là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để con thay đổi thế giới.” Khi tôi tới tuổi trung tuần và nhận thấy rằng nửa đời người đã qua đi mà không đổi thay được một tâm hồn nào. Tôi đã thay đổi lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con ân sủng để thay đổi những người liên hệ và gặp gỡ con, như gia đình và bạn bè của con và con sẽ được an lòng.”. Bây giờ, tôi đã già và ngày giờ sắp hết, lời cầu của tôi: “Lạy Chúa, xin cho con ân sủng để thay đổi chính con.” Nếu con cầu nguyện điều này ngay từ khởi đầu, con đã không phí uổng cuộc đời của con.

1. Thay Đổi

Chúng ta biết vũ trụ vận hành thay đổi từng ngày, từng giờ. Mọi sinh vật trong vũ trụ cũng thay đổi và phát triển. Chúng ta không thể nhận biết sự đổi thay chung quanh nếu chúng ta không biết thay đổi chính mình. Sự sống là một tiến trình thay đổi và vận hành liên tục. Từ vũ trụ khổng lồ tới những vi nguyên tử nhỏ tí luôn luôn di chuyển. Chúng ta đang sống trong thế giới động. Thân xác con người của chúng ta làm việc liên tục để hấp thụ và sa thải. Chúng ta lớn lên mỗi ngày và chúng ta cũng đang chết đi từng giây phút. Chúng ta tự hỏi: Tại sao chúng ta cứ phải thay đổi chứ? Thay đổi để nên trọn hảo hơn. Đời sống cần canh tân và đổi mới. Xã hội thay đổi, hoàn cảnh thay đổi, con người cũng cần thay đổi, Mỗi một đổi thay là một bước tiến, tiến đến Chân, Thiện, Mỹ.

Dám thay đổi có nghĩa là chúng ta dám mở cửa tâm hồn để đón nhận những cái mới. Cái mới hướng tới sự thật và sự tốt lành. Có nhiều khi chúng ta mở mắt nhìn nhưng chúng ta vẫn không nhận ra những thay đổi của vạn vật chung quanh. Con kể câu truyện của Helen Keller, một cô gái bị mù từ khi mới sinh. Vào một ngày, Helen Keller hỏi ngườì bạn: Chị mới đi vào rừng cắm trại, chị có thấy gì lạ không? Cô bạn trả lời: Tôi chẳng thấy gì đặc biệt cả. Helen tự hỏi: Sao lại thế? Trong khi tôi bị mù, tôi còn cảm nhận biết bao thứ rất hấp dẫn và mới lạ mỗi ngày. Qua việc đụng chạm, sờ mó, tôi cảm được những hình dáng khác nhau của những chiếc lá. Tôi dùng bàn tay cảm được sự nhẵn nhụi, mền mại của những búp non hay những bông hoa hoặc những sự nhám nhúa của những vỏ cây chung quanh. Tất cả những sự kiện này đã thuyết phục tôi rằng: Sự bất hạnh lớn lao nhất của con người là không phải người ta bị mù từ sơ sinh nhưng là họ có mắt mà không nhận ra được những giá trị của thiên nhiên và các dấu chỉ của sự sống 

2. Thích Ứng

Trong thời đại thông tin khoa học tiến bộ vượt bực. Vấn đề truyền thông cực kỳ mau lẹ và rộng rãi. Mạng lưới điện toán phát tán nhanh nhạy các vấn đề thời đại như các mạng lưới http://Vietcatholic.net/ www.Conggiaovietnam.info/ www.Dunglac.org/; www.tamlinhvaodoi.net/; http://liendoanconggiao.net; Tin tức mau lẹ và chính xác cùng các video hình ảnh trực tiếp. Sự hiểu biết của mọi người cũng nhờ đó mà cập nhật tin tức một cách nhanh chóng. Mọi sự thật mau chóng được phơi bày và truyền rao khắp chốn. Các anh em linh mục chúng ta cần cập nhật hóa sự hiểu biết và suy tư. Mau nhạy bén với các vấn đề thời sự để hướng dẫn và chăm lo đời sống đức tin cho giáo dân, nhất là giới trẻ. Sự thay đổi cách sống và cách hành xử trong sinh hoạt mục vụ của cộng đoàn. Sự khiêm tốn học hỏi là đầu mối của sự khôn ngoan. Học hỏi sẽ giúp chúng ta nhìn và giải quyết vấn đề một cách bén nhạy và chính xác. Chúng ta phải thoát ra khỏi cái vỏ cứng bao trùm của tổ kén. Hãy mở cửa đón nhận sinh khí mới.

Đôi khi một số linh mục chúng ta vẫn còn não trạng kẻ cả. Lời của cha xứ là đúng nhất. Cha có quyền hành xử theo ý mình, mà không tìm hiểu những nhu cầu thực tế của giáo dân. Câu truyện nhỏ của người bạn linh mục chia sẻ với con: Cha H. từ Hoa Kỳ về thăm quê hương Việt Nam, bà con có nhờ cha mang một số tiền về cho cha Bề Trên nhà dòng. Khi cha H. về tới nhà thì vội vàng mang quà đến cho cha Bề Trên. Nhưng đâu có dễ mà gặp mặt ngài, khi cha H. vào, gặp ông từ nhà thờ nói: Anh đứng đó, chờ tôi vào báo cho ngài. Đứng đợi gần nửa tiếng, cha bề trên đi ra nhưng còn gặp một bà khách trò chuyện chi đó. Thái độ dửng dưng. Sau cùng, cha bề trên đã gặp và hỏi: Anh cầm tiền về hả, bao nhiêu? Cha nhận và đếm tiền. Ngài cũng không thèm ngó mặt lên nhìn. Khốn nỗi cha H. mặc quần short, vì trời Sàigòn nóng quá. Cha Bề trên không biết vị  linh mục trẻ này và ngài không mời ngồi và chẳng có nước non chi cả. Sau vài câu xã giao, cha Bề Trên nói sắp khánh thành nhà thờ, nếu anh muốn có thể đi tham dự. Cha H. trả lời: Vâng, con sẽ ra dâng lễ đồng tế với qúy cha. Cha Bề Trên chỉ biết cúi mặt xuống mà không nói chi cả.

Sự thể như thế này xảy ra không ít. Con cũng đựợc nghe nhiều câu truyện khác nữa, cả với các đấng bậc cao hơn. Anh em cùng lớp, lâu ngày không gặp, cha PT. từ nước ngoài mới về, tưởng đâu chút quà mọn ra mắt anh em cũng là lịch sự lắm rồi, nhưng với các đấng bậc chức cao quyền trọng, cha T. chẳng được một lời hỏi han hay vấn an sức khỏe. Thật buồn!  Còn nữa, cách đây mấy năm, cha NT. bạn con, sau nhiều năm vất vả hoàn tất việc kiến thiết và xây dựng giáo xứ tại quê nhà Việt Nam, cha đã tự thưởng cho mình một chuyến du lịch sang Hoa Kỳ để học hỏi, thăm bà con và bạn bè. Vào một chiều Chúa Nhât, cha NT. muốn chu toàn bổn phận dâng lễ Chúa Nhật tại giáo xứ có cha cùng Địa Phận nhà. Cha NT. cùng gia đình người bạn đến cha sở và xin được đồng tế. Cha sở phán ngay một lời: Không được, mọi sự đã sắp xếp, không xin xỏ gì hết (ý nói xin tiền). Cha đi xuống dự với giáo dân. Vâng lời cha sở, cha NT đi xuống tham dự thánh lễ như mọi người. Một ấn tượng khắc ghi trong lòng không đẹp lắm!

Anh em linh mục chúng ta cần thay đổi tư duy. Tôi nhớ lời Đức Cố Hồng Y Edward O’Connor  khuyên dạy các linh mục ở Nữu Ước là hãy luôn: “Be kind, be kind and be kind”. Nhẹ nhàng, khoan thai và lịch sự trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta sẽ không bị hối tiếc. Lời giảng dạy và khuyên răn của các linh mục nên đi đôi với việc làm. Giáo dân rất qúy trọng và yêu mến các linh mục. Đôi khi họ có gây gỗ đấy nhưng họ luôn cộng tác và sống đạo tốt. Giáo dân bổn đạo là một cộng đoàn của niềm tin. Họ chính là Giáo Hội của Chúa Kitô.

3. Tự Kiểm

Một câu truyện vui xảy ra là khi một linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Nữu Ước qua đời, được xếp hàng chờ tại cổng thiên đàng. Đứng trước ngài là một thanh niên đeo kính râm, mặc áo da va quần Jeans. Chờ đợi hồi lâu, Thánh Phêrô ra mở cửa, nhìn thấy anh thanh niên ngầu tướng, ngài hỏi, Anh là ai? Làm nghề gì? Anh đáp: Thưa thánh Phêrô, con làm nghề lái Taxi ở Nữu Ước. Thánh Phêrô mỉm cười và nói: Tốt, con vào đi. Ngài trao cho anh một chiềc áo cẩm bào, một cây gậy vàng và anh hân hoan bước vào cửa thiên đàng. Tới phiên linh mục, thánh Phêrô lật dở danh sách, linh mục hãnh diện tự giới thiệu, con là Cha Xứ của Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Nữu Ước, con đã phục vụ ở đó 40 năm. Thánh Phêrô lược qua tiểu sử và nói với cha rằng: Tốt lắm. đây là áo bông và gậy gỗ của con. Linh mục ngạc nhiên hỏi: Sao lại thế? Anh lái Taxi được gậy vàng kia mà. Thánh Phêrô nói: Trên thiên đàng, chúng ta làm việc tính theo hoa trái đã được sinh lợi. Cha nhớ rằng khi cha giảng trong các thánh lễ thì có nhiều người ngủ gật. Trong khi anh lái taxi, vì phải chạy đua với thời gian và tranh dành kiếm sống, anh phải đua chen lái xe và vì thế nhiều người đã phải chăm chú, nhiệt tâm cầu nguyện và luôn ăn năn tội sẵn sàng. Câu chuyện vui nhưng nói lên được ý nghĩa đích thực của công việc mình làm.

Có lẽ anh em linh mục chúng ta còn nhớ lời của Đức Giám Mục truyền chức cho các thày Phó tế khi ngài đọc: Các con hãy tin điều các con đọc, dạy điều các con tin và thực hành điều các con dạy. Vì sao khi linh mục giảng lại có nhiều giáo dân ngủ gật? Có lẽ bài giảng không được chuẩn bị kỹ lưỡng. Có khi bài giảng không là bữa ăn tinh thần thực sự hoặc lời giảng không đi đôi với việc làm. Có thể bài giảng không được thấm nhuần và không đi vào cụ thể cuộc sống của lòng người. Và cũng có khi bài giảng không diễn đạt Lời của Chúa mà chỉ là lời của con ngườì.

4. Thách Đố

Để trở thành chứng nhân trong hoàn cảnh xã hội hiện nay là một thách đố lớn lao. Linh mục trở thành mũi dùi cho biết bao sự đàm tiếu bởi vì sự yếu đuối và sự bất toàn của con người. Linh mục sống giữa dòng đời. Linh mục mang sứ mệnh thánh thiêng trong một thân xác yếu đuối của một con người thật người. Linh mục hòa đồng trong cuộc sống phục vụ sẽ không tránh khỏi những lời kêu ca, trách móc và than phiền. Sau đây là một vài dí dỏm diễn tả một linh mục thời đại:

- Nếu cha giảng qúa 10 phút, nói rằng cha nói thao thao bất tuyệt.
- Nếu cha nói về thần học, nói rằng cha nói trên mây trên gió.
- Nếu cha đề cập đến vấn đề xã hội, nói rằng cha khuynh tả.
- Nếu cha luôn ở lại nhà xứ, nói rằng cha cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài
- Nếu cha dễ dãi thi hành các Bí Tích, nói rằng cha bán tống bán tháo các Bí Tích
- Nếu cha đòi hỏi dự các lớp giáo lý, nói rằng cha muốn giáo hội toàn người trọn lành.
- Nếu cha đi thăm giáo dân, nói rằng cha chẳng bao giờ ở nhà xứ.
- Nếu cha thành công với thiếu nhi, nói rằng đạo của cha là ấu trĩ.
- Nếu cha đi thăm bệnh nhân, nói rằng cha phí thời giờ, không đi sát thực tế.
- Nếu cha sửa sang nhà thờ, nói rằng cha ném tiền qua cửa sổ.
- Nếu cha không sửa sang nhà thờ, nói rằng cha bỏ bê tất cả.
- Nếu cha cộng tác với Hội Đồng Giáo Xứ, nói rằng cha để người ta xỏ mũi.
- Nếu cha không lập Hội Đồng Giáo Xứ, nói rằng cha độc tài.
- Nếu cha hay mỉm cười, nói rằng cha qúa dễ dãi
- Nếu cha bận bịu không nhìn người nào, nói rằng cha qúa xa cách
- Nếu cha còn trẻ, nói rằng cha thiếu kinh nghiệm
- Nếu cha có tuổi, nói rằng cha nên về hưu là vừa.

Nhìn lại những năm trong chức vụ linh mục, con cảm nghiệm sự yếu đuối của chính con. Chúa vẫn mời gọi con để rao giảng Tin mừng của Chúa Kitô. Sự rao giảng về Chúa  và cuộc sống hiện tại của con còn một khoảng cách quá lớn. Cuộc sống cứ lôi kéo trì độn, nên con cứ phải cố gắng không ngừng để bám sát theo Thầy Chí Thánh. Một cố gắng không ngừng nghỉ như người chèo thuyền ngược giòng về thượng nguồn. Nếu con buông xuôi mái chèo bất cứ lúc nào, thuyền sẽ lại xuôi dòng. Đời linh mục đòi nhiều hy sinh để trở thành men khơi dậy lòng người và nên như muối ướp mặn đời.

5. Thành Quả

Trong một bài báo con đọc đã lâu. Một tác giả viết: Tôi theo đạo gần 60 năm, tôi đã nghe không biết bao nhiêu bài giảng, có lẽ khoảng 3000 bài giảng, nhưng cho tới hôm nay, tôi cũng chẳng còn nhớ được bài nào và nội dung là gì. Tôi nghĩ rằng tôi đã uổng công lắng nghe và tiêu phí thời gian. Và cả các linh mục cũng uổng công dọn bài và giảng dạy. Sau đó có nhiều người phản ứng, mỗi người một ý kiến khác nhau. Sau vài tuần lễ, có một người viết bài đáp lại. ông viết rằng: Tôi đã lập gia đình 30 năm. Vợ tôi đã nấu cho tôi trên 20,000 bữa ăn. Tới nay, tôi cũng không nhớ mỗi bữa có món ăn gì, thực đơn ra sao! Nhưng tôi biết chắc chắn một điều là tôi còn sống tới hôm nay và tôi khỏe mạnh. Đó chính là nhờ từng bữa ăn mà vợ tôi đã dọn ra để nuôi dưỡng tôi. Cũng thế chính những bữa ăn tinh thần hằng ngày và hằng tuần trong các giờ phụng vụ đã giúp cho mỗi người tín hữu hiểu đạo, giữ đạo và sống đạo.

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày cũng là những món ăn tinh thần quý báu. Món ăn cho chính mình và cho người khác nữa. Phải thấm nhuần nơi lòng mình và phải canh tân đổi mới cuộc sống của mình trước, rồi sau đó chúng ta mới có thể giúp người khác canh tân. Con nhớ đến một dòng tư tưởng rất am hợp trong cuốn "Với Những Trái Tim Bừng Cháy" của Henri J. M. Nouwen. Ông ghi lại bài suy niệm qua đài truyền hình, khi người xuớng ngôn viên lấy nước đổ trên khoảng đất khô cằn. Xướng ngôn viên nói rằng giờ đây các bạn hãy quan sát: "Đất cằn khô chai lì không thể thấm nước và hạt giống không thể nẩy mầm." Rồi sau đó, ông dùng đôi bàn tay xới đất lên và một lần nữa, ông tưới nước trên đất mềm. Ông nói, "Chỉ có đất đã được cầy vỡ, xới lở mới có thể thấm nhập nguồn nước và hạt giống có thể nẩy mầm và sinh hoa kết trái."

6. Nhật Nhật Tân

Anh em Linh Mục chúng ta được mời gọi để khơi dậy và xới lên trong lòng mình những thói hư và tật xấu đã bị chôn vùi thành thói quen. Hãy canh tân tâm hồn cho nguồn ân sủng của Chúa tuôn tràn và hạt giống Lời Chúa có cơ hội nẩy mầm và sinh hoa kết trái. Năm Thánh Linh Mục là cơ hội rất tốt giúp chúng ta nhìn lại mình và thay đổi chính mình. Thay đổi nên giống Chúa Kitô mỗi ngày. Thật ra, suy nghĩ và bàn luận thì xem ra dễ dàng nhưng cụ thể đi vào canh tân đời sống là cả một thách đố vô cùng khó khăn. Chúng ta nhớ ngày xưa khi Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Chúa đã bị chống đối kịch liệt vì sự cứng lòng và não trạng không thể thay đổi của các Luật Sĩ, Biệt Phái và các Tư Tế. Chính Chúa đã  giảng, đã sống và thực hành lời giảng dạy. Lời Chúa có sức mạnh cải đổi và canh tân tận đáy tâm hồn. Chúng ta cùng đọc và suy gẫm lời Chúa và đem áp dụng vào cuộc sống đời thường.

Chúa Giêsu nói rằng: “Không có Thầy, chúng con không thể làm gì được”. Chúng con cầu xin ân sủng của Chúa để giúp chúng con thay đổi chính chúng con. Dù ngại ngùng hay dù bị đau đớn nhưng chúng con sẽ không bị hoang phí thời gian. Cầu xin ơn Chúa Thánh Thần là nguồn đổi mới và là sự tươi mát của tâm hồn. Xin Ngài đốt lửa mến yêu để sưởi ấm, đổi mới và canh tân tâm hồn chúng con. Xin cho mỗi linh mục chúng con là ngọn đèn cháy sáng soi dọi vào đêm tối và là muối, là men ướp cho mặn đời.

Lạy Chúa, Chúa là Đường, là sự Thật và là Sự Sống. Xin Chúa dẫn dắt chúng con đi theo con đường của Chúa, để mỗi anh em linh mục chúng con trở nên chứng nhân đích thực của Chúa giữa mọi người. Xin Chúa thương chúc lành cho chúng con.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng - Bronx, New York.

VỀ MỤC LỤC
NGÀI ĐẾN ĐÂY LÀM GÌ?

 

Câu hỏi trên đây là tựa đề một bài viết của Cha Nguyễn Công Đoan, S.J., cho tờ Đứng Dậy, số Giáng Sinh năm 1978, cũng là số cuối cùng của tờ báo này. Tôi còn nhớ rõ, đó là một số báo Giáng Sinh tuyệt vời, và chẳng thấy dấu vết gì của những điều tiếng nào đó vốn đã nghe nói nhiều về tờ báo. Nhiều cây bút bậc thầy của các dòng tu cùng góp mặt, y như một cuộc tổng động viên để ‘đánh một trận’ rồi giải tán vậy. Số báo ấy gồm toàn những bài ‘chất lượng cao’ xung quanh chủ đề Giáng Sinh – mà ám ảnh tôi nhiều nhất chính là bài “Ngài đến đây làm gì?” Từ đó đến nay đã 31 năm, bao nhiêu nước chảy dưới cầu, song cứ mỗi độ Giáng Sinh về, nhìn vào Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, tôi lại thấy mình vẫn còn đứng trước dấu hỏi miên man: Ngài đến đây để làm gì vậy?   

Để cứu độ, dĩ nhiên. Tôi nhớ ít nhất hai điều mà tác giả bài viết rất hay ấy muốn nhấn mạnh. Một là, Đức Giêsu đã không chờ cho đến khi chịu đóng đinh và chết trên thập giá mới cứu độ, mà ngay từ cuộc Nhập Thể của Ngài, sự cứu độ đã bắt đầu hiện thực rồi. Tất cả mầu nhiệm Đức Kitô là mầu nhiệm cứu độ. Như lời tuyên xưng đức tin: “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế...”

Vĩnh Cửu đi vào thời gian, đó là cứu độ.

Vô Hạn đảm nhận hữu hạn, đó là cứu độ.

Thiên Chúa ở trong xác phàm, đó là cứu độ.

Và đó là lý do vì sao gọi đêm Giáng Sinh là Đêm Thánh.  

Hai là, Chúa làm người để cứu độ loài người chứ không để chỉ cứu một nhóm người, và Ngài cứu độ con người một cách toàn diện chứ không chỉ cứu linh hồn người ta mà thôi. Đây cũng là niềm thâm tín được nêu rõ trong chính lời tuyên xưng ấy: “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi...” chứ nào phải “Vì linh hồn chúng tôi, và để cứu rỗi linh hồn chúng tôi...” đâu! 

Và như vậy, tôi trộm nghĩ rằng không chỉ có đêm ấy hay một khoảnh khắc của đêm ấy là thánh, mà toàn bộ dòng thời gian kể từ đêm ấy, kể từ khoảnh khắc ấy đã trở thành thời gian thánh. Chúa chào đời ở một nơi tầm thường nhất, để từ đây không chỉ trong Đền Thờ mới có nơi Thánh hay nơi Cực Thánh, mà bất cứ xó xỉnh nào, dù hôi hám tối tăm bần cùng nhất, cũng được ướp tràn sự thánh thiện của Thiên Chúa rồi. Bầu không khí nhiều ô nhiễm này tôi đang hít thở, bữa cơm đạm bạc này tôi đang ăn, trang sách hay này, lời phiền trách kia, những con người xung quanh tôi đây – dễ thương hay dễ ghét – tất cả đang chìm ngập trong sự thánh thiện của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã đảm nhận phận người, trong chính không gian và thời gian này. 

Quả là Ngài đến đây để cứu độ và quả là năng lực cứu độ nằm ngay trong sự hiện diện của vị Thiên Chúa Nhập Thể. Nhưng tất cả câu chuyện không chỉ sơ sài có vậy. Thiên Chúa đã không hiện diện trong xác phàm theo kiểu bất kỳ (nghĩa là không kiểu này thì kiểu ... khác!) Nơi con người Giêsu, Thiên Chúa đã hiện diện, thánh hóa, cứu độ theo kiểu của Ngài. Mượn ngôn ngữ thời thượng hôm nay, có thể nói rằng kiểu làm người của Đức Giêsu có ‘nhãn hiệu cầu chứng’, có ‘thương hiệu’ hẳn hoi. Nếu điều này vô tình bị bỏ qua, thì câu chuyện Đức Giêsu sẽ trở thành khá tẻ nhạt, vì nó mất đi một phần thiết yếu, ví như một bài văn vụng về chỉ có nhập đề và kết luận. Câu hỏi “Ngài đến đây làm gì?”, vì thế, vẫn còn y nguyên đó. Nó đòi một câu trả lời đủ rõ, một câu trả lời được đầu tư và được quan tâm đủ. Câu trả lời ấy, dĩ nhiên, tiên vàn không ở đâu khác ngoài các trang Sách Tin Mừng. 

Nhớ hồi còn bé mới bảy, tám tuổi, tôi học giáo lý về Chúa Giêsu: Hỏi, trong Ba Ngôi, Ngôi nào ra đời? Thưa, Ngôi thứ Hai ra đời... Hỏi, Chúa Giêsu có mấy bản tính? Thưa, Chúa Giêsu có hai bản tính, một là bản tính Đức Chúa Trời; hai là bản tính loài người ta. Thế là thằng bé được nghe giải thích dông dài về ‘ngôi vị’ và ‘bản tính’, về sự phân biệt giữa hai đàng, và về sự thật “hai bản tính trong một ngôi vị” của Đức Giêsu. Nói theo ngôn ngữ giới trẻ bây giờ là thằng bé ‘hiểu chết liền’! Mà thật, đến nay đã là một ông linh mục, những ý niệm triết học Hy Lạp ấy vẫn còn chưa hết đánh đố tôi. Tôi tự hỏi: Phải chăng câu chuyện Đức Giêsu trong Tin Mừng (vốn không hề dùng những ý niệm ấy) không có sức chuyển tải cùng một chân lý đức tin kia?  

Thật may là các em thiếu nhi học giáo lý ngày nay xem ra được tiếp cận nhiều hơn với câu chuyện Đức Giêsu trong Tin Mừng, chứ không chỉ bám vào những câu giáo lý đôi khi đầy gai góc. Tuy nhiên, vẫn còn đó băn khoăn. Hình như các bản tuyên tín (truyền thống) của mình vẫn chưa đủ bao hàm, trong đó câu chuyện Đức Giêsu – vốn là trọng tâm qui chiếu của đức tin – hơi bị cụt ngủn? Phải chăng vì khuôn khổ của một công thức cô đọng bắt phải thế? Tôi không biết. Chỉ biết là: 

- Kinh Tin Kính Ni-xê: [Chúa Giêsu Kitô] ... đã nhập thể và sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào Thập Giá ... 

- Kinh Tin Kính Các Tông Đồ: Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô...

- Kinh Tin: Ngôi thứ Hai đã xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tội...

- Kinh Ăn Năn Tội (cũng bao gồm phần tuyên tín): Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con...     

Nghe dễ có ấn tượng rằng Chúa sinh ra làm người là để ... chịu chết! Mà đó nào phải là sự thật! Sự bất cập này cũng được thấy trong Kinh Mân Côi truyền thống, vốn gồm Năm Mầu Nhiệm Vui (Chúa sinh ra, Chúa còn bé) rồi chuyển sang Năm Mầu Nhiệm Thương (Chúa chịu khổ nạn) và Năm Mầu Nhiệm Mừng (Chúa sống lại, lên trời...) Còn cả một ‘đời người’ của Chúa thì dường như không phải là mầu nhiệm! Điều đáng nói là nếu bỏ qua cái ‘khúc giữa’ của cuộc đời Chúa, thì không dễ gì hiểu được ý nghĩa cái chết và sự phục sinh của Ngài. Dường như chính vì nhìn ra lỗ trống ấy mà Đức Gioan Phaolô II đã đưa thêm Năm Sự Sáng vào Kinh Mân Côi, để thúc đẩy việc chiêm ngắm Chúa Giêsu trong đời thường của Ngài, cũng chính là trong hành trình sứ mạng. Không chạm đến câu chuyện cuộc đời của Đức Giêsu, nhất là không chạm đến sứ vụ của Ngài, là đã bỏ qua một phần thiết yếu, và như vậy chưa trả lời đúng mức cho câu hỏi “Ngài đến đây làm gì?”  

Ở đây, tôi chợt nhớ một đoạn Tin Mừng thú vị trong tuần III Mùa Vọng. Khi Gioan sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu về căn tính của Ngài: “Thầy có phải Đấng phải đến không?” (Lc 7,19) – thì Chúa đã không nói Ngài là ai hay không là ai, Ngài chỉ yêu cầu các môn đệ ấy về kể lại cho Gioan một câu chuyện, câu chuyện Ngài đang làm gì làm gì, và là câu chuyện mà chính họ trực tiếp kinh nghiệm: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”(Lc 7,22-23).

Ngài đến đây làm gì? Câu hỏi không khó, câu trả lời cũng không.

Khó chăng là tôi có dám đối diện với câu trả lời, và đưa ra câu trả lời của chính mình, ở đây và hôm nay, cho câu trả lời ấy. Cũng ví như mùa Thường Niên rồi sẽ về sau mùa Giáng Sinh này vậy, khó chăng là nhận ra rằng ngay cả những ngày những tháng gọi là ‘thường’ ấy thực sự chẳng thường chút nào – chẳng thường chút nào như cuộc đời thường của Con Thiên Chúa.

 Giáng Sinh 2009

Lm. Lê Công Đức

VỀ MỤC LỤC
CHỦ QUÁN TRỌ THỜI MỚI VÀ DÂN CHÚA
 

Cách đây ít lâu trong một bài viết chúng tôi có đề cập đến một cô giáo lớn tuổi ở Khoa Nga trường Đại Học Sư Phạm tuyệt thực mấy ngày chỉ vì vị trưởng khoa đưa vào chương trình học bộ giáo trình mới của Nga, trong đó có bài nói về Thiên Chúa (!). Bây giờ không biết còn ai tuyệt thực nữa không, nhưng vẫn có người phản đối khi biết Quốc ca mới của nước Nga có câu “Хранимая Богом родная земля!”, “Quê hương yêu dấu của chúng ta được Thiên Chúa che chở.” Những hành vi ấy là một vài ví dụ trong muôn vàn cách thế con người nhỏ bé đang muốn vung tay không những hái trái cấm mà còn muốn nhổ cả mọi cây trái trong Vườn Địa Đàng, và loại Đấng Tạo Thành ra khỏi khu vườn tình yêu mà Ngài đã tác tạo.

Các chủ quán trọ Bêlem thuở ấy chỉ nghĩ ra một cách chống Chúa là xua đuổi người nghèo, và có lẽ họ cũng chưa hẳn là họ cố ý chống lại Thiên Chúa. Ngày nay người ta chống đối Chúa bằng nhiều cách, nào là việc bách hại Dân Chúa, nào là kết án tôn giáo, nào là chửi bới, và có khi họ dùng những cái tưởng như là cao đẹp. Xây công viên cho dân chúng có nơi vui chơi là đẹp lắm chứ, nhưng đàng sau công viên ấy có bao giá trị xếp hàng để đòi chỗ: công lý, sự thật, lòng bao dung. Một trường đại học mới ra thông báo cấm sinh viên nghỉ lễ Giáng Sinh với lý do “để bảo đảm cho việc học”. Nếu cụ Phan Châu Trinh còn sống, cụ sẽ lặp  lại “Ôi thời đại chưa khai hoá”. Chua chát thật.

Ngạn ngữ tiếng Anh có câu rất hay “All that glitters is not gold”, nào có phải cái gì lấp lánh là vàng cả đâu. Câu này nhắc chúng ta nhớ đến Lucipher, ánh chớp từ Trời sa xuống. Ánh chớp của Lucipher là loại chớp của sấm sét và giông bão, loại ánh chớp mà trẻ con nhìn thấy phải ré lên và người lớn thì hoang mang tìm chỗ tránh. Những ánh chớp ấy không phải là ánh sáng chỉ đường, nhưng qua mọi thời đại, được con người dùng để chống lại “nguồn ánh sáng và ơn Cứu độ” của chúng ta (x.Ga 3,14-21).

Mặc dù những nỗ lực của thế gian loại trừ Thiên Chúa ra khỏi quán trọ trần gian này được các thế lực đen của ma quỉ cổ vũ và cung cấp khí giới đã thất bại, vẫn còn quá nhiều những chủ quán trọ Bêlem muốn tiếp tục xua đuổi Chủ nhà khi Người về nhà mình. Đêm Giáng Sinh là đêm của hồng ân và bình an, nhưng có những con người không thể nhận được tình yêu huyền diệu ấy, bởi vì họ khoá cửa nhà lại và xua đuổi Thánh Gia ra khỏi nhà họ. Các phương tiện truyền thông ai cũng biết là còn nhiều điều phản lại sự thật, bỗng nhắc về Lễ Giáng Sinh là Lễ của Tình Yêu và Sự Thật, làm cho người nghe, người xem cảm thấy đàng sau đó có một mục đích gì khó nhận biết. Ánh chớp đó. Ánh chớp chứ không hề là ánh sáng.

Điều làm chúng ta thấy an ủi nhiều là dù gặp những ngăn trở mọi cách, dân Chúa vẫn hy vọng, vẫn hăng say và can đảm sống cho chân lý. Hãy xem video khai mạc năm thánh ở Sở Kiện, hãy nhìn các mục tử can đảm, hãy nhìn đoàn dân Chúa hăng say đi tìm Chúa để hoà vào trong dòng chảy nhiệm mầu ấy.

Khi chúng tôi đang viết những dòng này thì nhận được điện thoại của Soeur Tống Thị Hường (Dòng CDMVN) từ giáo xứ Thượng Thuỵ Hà nội gọi vào. Soeur kể về những học viên giáo lý với lời kết luận rất dễ thương “họ khao khát Chúa lắm”. Ôi thật là niềm vui lớn cho những ai thao thức với Giáo Hội. Nếu trên Thánh giá, Chúa Giêsu đã lấy hết hơi sức cuối cùng để kêu lên “Ta khát”, thì khi dòng Cứu độ đã khai thông, nhiều tâm hồn nhờ ơn huệ Thánh Thần đến lượt mình cũng khao khát Chúa là Đấng giải thoát họ. Những nỗ lực loại bỏ Đấng Cứu độ là hành vi cản trở hạnh phúc con người, không cho con người giảm cơn khát thánh thiêng, và như vậy, những nỗ lực ấy là hành vi báng bổ chống Thiên Chúa và cũng là “tội phạm chống lại loài người”.

Trước lễ Giáng Sinh, Cha Lê Quang Uy DCCT có thực hiện một video clip với tựa đề “Một ngày mưu sinh của người xa quê”. Xem xong clip ấy, tôi có cảm giác việc “mưu sinh” của những anh chị em ấy không đơn thuần là việc kiếm tiền sống cho cuộc đời tạm này, mà là những thao thức và khát vọng tìm kiếm những giá trị cao cả và vĩnh viễn. Cái đọng lại nơi người xem là điều không nói rõ trong đoạn video “Cha đã mạc khải cho những người bé mọn nhất”. Những anh chị em nghèo xa quê ấy tôi có hân hạnh quen biết nhờ Cha Uy, và nơi họ tôi học được bài học “hãy luôn tìm kiếm Thiên Chúa”. (x. Mt.6,33).

Giáng Sinh là một mầu nhiệm cao cả và tội lỗi cũng là mầu nhiệm. Tất cả những gì lố lăng và tàn nhẫn mà thế gian cùng các đồng minh của nó tạo ra để nhắm bắn vào Mặt Trời công chính sẽ bị thiêu tàn trong ánh sáng vĩnh cửu. Mừng Lễ Giáng Sinh là mừng luồng ánh sáng muôn đời đang chiếu giãi vào bóng tối. Chúng ta tin rằng những nỗ lực của bóng tối rồi cũng sẽ biến tan.

Lạy Mẹ Maria là Đấng đã giúp chúng con đón nhận Đức Kytô giáng trần, xin Mẹ cho thế gian được thánh hoá nhờ “Vinh quang Thiên Chúa trên cõi trời”. Amen. 

Gioan Lê Quang Vinh

VỀ MỤC LỤC
LINH MỤC LÀ NGƯỜI CỦA MỌI NGƯỜI
 

(Bài giảng Lễ Tạ Ơn Tân linh mục Phêrô Vũ Nhật Trí, tại giáo xứ Thuận Nghĩa, Giáo phận Phan Thiết)

Trọng kính Đức Ông, kính thưa cha Quản hạt, quý cha đồng tế, trong tâm tình của một người anh em trong gia đình linh tông của cha mới Phêrô, con xin được phép chia sẻ đôi điều với cộng đoàn trong ngày Lễ Tạ Ơn của ngài hôm nay.

Kính thưa quý thầy, quý xơ, cùng toàn thể quý ÔBACE . Trong một lớp GLHN, một bạn trẻ đặt câu hỏi thắc mắc tại sao cũng là một bậc sống, nhưng các linh mục có được ngày thụ phong tưng bừng và hoành tráng : nào là Giám Mục, đông đảo các linh mục đồng tế, nam nữ tu sĩ và nhiều giáo dân cùng tham dự; trong khi đối với những người sống đời hôn nhân, lễ cưới của họ không được như vậy. Ngay cả việc đồng tế cũng không được. Nếu họ hỏi quý ÔBACE như thế, ÔBACE trả lời ra sao ?

Con trả lời vui với các anh chị ấy rằng sở dĩ Giáo Hội cử hành Lễ Truyền Chức linh mục, cũng như Lễ Tạ Ơn long trọng như vậy là để dụ các bạn trẻ đi tu đó các anh anh chị ạ! Thế mà có mấy ai đi tu, có mấy ai chọn “con đường chẳng mấy ai đi” này đâu.

Tuy nhiên, thưa quý ÔBACE, nếu nghiêm túc mà trả lời thì việc tổ chức long trọng lễ truyền chức hay tạ ơn linh mục là có lí do của nó. Giáo Hội muốn đề cao thánh chức linh mục của Chúa Kitô. Hơn nữa long trọng đâu phải cho bản thân người tân linh mục đâu, mà chức linh mục là cho cộng đoàn và vì cộng đoàn. Một khi lãnh nhận chức thánh, thì linh mục đã là người của Chúa, người của Giáo Hội và là người của mọi người rồi. Đó cũng là những ý tưởng chính mà con muốn chia sẻ với cộng đoàn trong ngày Lễ Tạ Ơn hôm nay.

- Trước hết, linh mục là người của Chúa. Một khi khước từ hạnh phúc của đời sống hôn nhân gia đình, kể cả niềm vui thú của tình yêu đôi lứa mà lẽ ra mình được hưởng, để rồi chấp nhận đời độc thân khiết tịnh vì Nước trời, người linh mục hoàn toàn thuộc trọn về Chúa cả tâm hồn, cả thân xác và cả con tim. Điều này hoàn toàn tự nguyện, tự nguyện dâng hiến cuộc đời cho Chúa với con tim không san sẻ. Thánh Phaolô đã bộc bạch với giáo đoàn Côrintô rằng : “Nhờ bậc độc thân khiết tịnh, các linh mục được thánh hiến cho Chúa Kitô với một lý do mới mẻ và tuyệt hảo, được dễ dàng kết hiệp với Người bằng một trái tim không chia sẻ” (1Cor 7, 32-34).

Khi công bố danh sách các thầy chính thức vào Đại Chủng Viện, thường thì có 3 điều làm cho các thầy ngạc nhiên : (1) Có những thầy, mình nghĩ chưa được vào ĐCV lại có tên trong danh sách. (2) Có những thầy, mình đoán chắc là được vào ĐCV, nhưng lại không thấy tên đâu cả. (3) Đây là điều nhạc nhiên lớn nhất : chính mình cũng có tên trong danh sách ấy. Điều đó cho thấy ơn gọi hoàn toàn đến từ Thiên Chúa và là hồng ân mà Thiên Chúa ban cách nhưng không, chứ không phải là do tài năng đức độ, công trạng (đẹp trai con nhà giàu học giỏi..). Chúa Giêsu đã hơn một lần quả quyết : “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”. Chính Chúa chọn gọi nên đó cũng là lí do tại sao linh mục là người thuộc trọn về Chúa.

- Thứ đến, linh mục còn là người của Giáo hội.

Qua việc đặt tay, linh mục đã trở thành người của Giáo hội. Nói cách khác, kể từ ngày chịu chức, linh mục hoàn toàn là người của Giáo hội. Giáo Hội trở thành mẹ của các ngài. Các ngài sống là sống cho Giáo hội, làm việc là làm việc cho Giáo hội, ngay cả việc ăn cũng là ăn vì Giáo hội. Mọi thành công hay thất bại của các ngài cũng là thành công thất bại của Giáo hội. Mọi vui buồn của các ngài cũng là vui buồn của Giáo hội…. Và vì là người của Giáo hội, nên ta không lạ gì khi thấy các ngài được Giáo hội lo lắng chăm sóc từ A đến Z : từ nơi ăn chốn ở, đến bệnh tật, hưu dưỡng và cả việc tang chay khi đã qua đời.  

- Sau nữa, linh mục còn là người của mọi người. Khi được đứng vào hàng ngũ linh mục, các ngài trở nên họ hàng thiêng liêng rất gần gũi với dân Chúa khắp nơi. Đi đến đâu, người ta cũng gọi các ngài là cha, người cha thiêng liêng. Tắt một lời, linh mục là người của mọi người, chứ không phải của riêng ai, hay của riêng gia đình nào.

Chẳng thế trong ngày chịu chức linh mục của một người em trai, người chị gái khuyên : “Em cố gắng trong đời linh mục đừng bao giờ sờ ai và cũng đừng bao giờ để người khác sờ mình”. Có thể thoạt nghe, quý ÔBACE cho rằng lời khuyên ngớ ngẩn, nhưng đây là chuyện nghiêm túc mà người chị này đã chia sẻ với các thầy ở ĐCV. Xem ra vế đầu thì người em có thể cam kết với chị được; còn vế sau khó quá, chắc có lẽ người em không dám, vì vế sau mình đâu chủ động được. Người ta chủ động “tấn công” mình cách bất ngờ thì sao, có khi là bó tay.com, thậm chí là bó cả chân.com nữa. Xin được dẫn chứng : một cô gái vào toà giải tội, thổn thức :

-         Thưa cha, con đau khổ lắm vì đã lỡ yêu một người.

-         Cha chưa hiểu ý con lắm. Ý con nói là lỡ yêu một người đã có vợ con rồi ạ ?

-         Không không thưa cha, anh ấy sống độc thân một mình.

-         Hay là anh ta vũ phu, rượu chè cờ bạc ?

-         Thưa cha không. Anh ta ta rất hiền lành, và không hề biết đến rượu chè cờ bạc gì hết.

-         Hay là anh ta đang thất học ?

-         Dạ không. Anh ta có học thức cao, lại đẹp trai phong độ nữa là khác.

-         Ô la la, vậy là con vớ được vàng 4 số 9 rồi đấy con ạ !

-         Nhưng mà,…nhưng mà thưa cha, bố mẹ con lại cấm con.

-         Sao lại có chuyện cấm lạ đời như vậy. Bố mẹ con cấm tào lao rồi đó. Để cha gặp bố mẹ con, cha nói cho.

-         Nhưng thưa cha, có một điều con cảm thấy khó nói lắm.

-         Con cứ nói đi, không sao đâu. Ạ anh ta có ở gần đây không?

-         Dạ anh ấy ở rất gần con, ngay trong giáo xứ này cha ạ.

-         Vậy thì số con sướng quá rồi còn gì. Khỏi phải tốn kém việc đi lại, thời buổi xăng cọ lên giá. Thế anh ta là ai vậy con?

-         Dạ… dạ, thưa cha… thưa cha, anh ấy là người đang giải tội cho con đấy ạ !

Người ta chủ động tấn công, linh mục chống đỡ vất vả lắm đấy. Không ai được phép sở hữu linh mục và linh mục cũng không được quyền chiếm hữu ai. Linh mục có quyền yêu hết mọi người, nhưng không được giữ lại riêng ai; được phép bắt tay mọi người nhưng không được phép giữ lại đôi tay của ai. Chiếm giữ ai hay giữ lại ai là có chuyện, chuyện to nữa là khác.

Trong một dịp giao lưu với các bà mẹ Công giáo Sài Gòn tại ĐCV thánh Giuse, một thầy đặt câu hỏi : “Nếu một ngày nào đó, Toà Thánh cho các linh mục lấy vợ, các bà mẹ có đồng ý và ủng hộ không ?” Tất cả đều đồng loạt nhao nhao phản đối. Có bà còn bộc bạch rằng : “Chúng con thương quý cha quý thầy vì quý cha quý thầy sống độc thân, không vợ không con. Còn nếu cha nào có vợ thì để cho vợ ổng thương, chúng con không thương đâu”.

Thế đó, thưa quý ÔBACE. Nếu sống được căn tính linh mục một cách rốt ráo, đừng sợ, đừng lo không được mọi người yêu mến. Người ta yêu mến linh mục vì các ngài là người của Chúa, của Giáo Hội và của mọi người.

Đáng thương thay, linh mục không còn là người của Chúa nữa mà là người của Satan, người của thần Mamon. Đáng tiếc thay linh mục không còn là người của Giáo Hội nữa, mà là người của một thể chế chính trị, hay một giáo phái nào đó. Và đáng buồn thay, linh mục không còn là người của mọi người nữa, mà là người của một quý bà, quý cô nào đó. Khi đó, các ngài đã đánh mất căn tính của mình rồi.

Xin quý ÔBACE tiếp tục cầu nguyện nhiều và thật nhiều cho các linh mục, vốn là những con người đầy yếu đuối và bất xứng trước thánh chức cao cả mà các ngài đã lãnh nhận, như cảm nghiệm của cha Grêgôriô Phan Thanh Quảng, đan viện Xitô Châu Thuỷ, nhân ngày mừng Kim Khánh Linh Mục :

Chức Linh mục, chức siêu phàm :

“Con là Thượng tế phẩm hàm Sê-đê”.

Chức Linh mục Chúa truyền cho.

Đựng trong bình gốm, con người mỏng manh.

Có lẽ cũng vì cảm nghiệm được sự yếu đuối và giới hạn của phận người, nên cha mới của chúng ta đây mới chọn khẩu hiệu cho đời linh mục của mình : “Không có Thầy các con không làm được việc gì”, không làm được việc gì cho ra hồn. Vậy xin quý ÔBACE hãy cầu cho các tân linh mục được luôn trung thành đi theo Chúa, nhiệt thành phụng sự Giáo Hội và chân thành phục vụ mọi người trong tình yêu thương.

Thỉnh thoảng, chúng con vẫn được nghe đó đây rằng : “Ông cha nọ, ông cha kia khi còn làm thầy thì dễ thương ơi là dể thương, nhưng khi làm cha rồi thì sao mà khó ưa vô cùng! Thấy mà ghét…”. Cha mới của chúng ta đây, khi đang làm thầy đi giúp xứ, đâu đâu cũng được tiếng là dễ thương. Vậy chúng ta hãy cầu chúc cho ngài luôn giữ được tiếng thơm đó mãi. Dễ thương không chỉ đối với Chúa, đối với Giáo hội, mà còn đối với tất cả mọi người. Amen. 

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

VỀ MỤC LỤC
Đám cưới nhỏ bên hang đá nghèo

 

Cũng đã khá lâu không có dịp trở lại với mái ấm nghèo ngụ tại mảnh “đất thép thành đồng”. Hôm nay, trở lại đây không phải do lời mời của vị phụ trách mà từ phía những học trò nghèo. Chuyện là sau một thời gian dài cầu nguyện và suy nghĩ, hai học trò nghèo ngày xưa đi đến quyết định cử hành bí tích Hôn phối. Bí tích hôn phối lại được chọn cử hành vào cái ngày áp lễ Chúa Giáng Sinh.

Vừa qua đoạn đường dài đầy bụi bặm cộng chút sương mù của chút chút gì đó gọi là mùa đông nên dừng chân một chút. Trong lúc nghỉ ngơi chợt nhớ đến người anh em ngày xưa cùng đồng hành bao năm tháng nơi mái ấm nghèo này. Chú rể ngày hôm nay cũng là học trò nghèo của người anh em ngày xưa cùng công việc mục vụ. Gọi để báo tin vui cho thầy biết hôm nay trò cũ lên “xe bông”.

Dẫu đoạn đường khá dài từ Bắc Sài về Nam Sài khá mệt nhưng hình ảnh của những người bị bỏ rơi đã làm vơi đi những mệt nhọc của phận người. Con đường quá quen thuộc này làm nhớ lại ngày dầm mưa dãi nắng để gắn kết với mái ấm này. Hình ảnh của những người nghèo đang sống lại trong tâm trí của hai anh em. Chẳng hiểu sao hai anh em lại được phục vụ ở mái ấm nghèo trên vùng đất “cày lên sỏi đá” đây.

Vừa đến mái ấm cũng là lúc bài ca nhập Lễ được ca lên : “Ngày hôm nao tiếng hát bay cao, quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao, hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời …”.

Cũng hay đấy chứ ! Giữa một cõi mà người ta thường chứng kiến cái chết, sự ra đi, sự buồn bã  ấy vậy mà hôm nay lại có một đám cưới, có một niềm vui. Đám cưới, niềm vui ấy lại là niềm vui của đôi vợ chồng nghèo đang mang trong mình căn bệnh hiểm ác lại càng có ý nghĩa hơn.

Anh Lui và chị Anna sau những năm tháng trôi dạt theo dòng đời đã được về với mái ấm. Hai người chẳng hề biết nhau và cũng chưa bao giờ biết Chúa. Vào mái ấm này, kín múc được dòng chảy tình yêu, sự chăm sóc của các nữ tu nên tình Chúa và tình người chẳng biết thấm nhập vào đôi bạn tự lúc nào.

Từ ngày vào mái ấm này cho đến ngày hôm nay tính ra cũng non kém 5 năm trời. 5 năm trời tìm hiểu Chúa và tìm hiểu nhau cũng chưa gọi là bao nhưng đáng là bao so với cái xu thế xã hội thời nay là “yêu cuồng - cưới vội”. Và cũng nên nói rằng đôi bạn can đảm tín thác vào tình thương của Chúa để dẫn nhau đến trước bàn thờ Chúa xin Chúa chúc phúc và thánh hoá cho tình yêu của đôi bạn trong khi không ít người cứ vô tư chung đụng với nhau.

Tình Chúa và tình người cứ hoà quyện vào nhau để rồi hôm nay lại có một Thánh lễ hôn phối được cử hành ngoại lệ. Không những ngoại lệ mà còn hết sức đặc biệt ở cái mái ấm này vì lẽ từ xưa đến nay ở đây chỉ cử hành “đám chết” chứ chưa bao giờ có cử hành “đám cưới”.

Đám cưới này phải nói là hết sức, hết sức đặc biệt vì đây là đám cưới giữa hai con người tạm gọi là bị đẩy ra ngoài lề của xã hội. Thường thì những người nghèo, những người bị bỏ rơi chẳng ai ngó ngàng đến nhưng ở mái ấm này người nghèo được trân trọng, người nghèo được các nữ tu lo cho cả đến cái việc “dựng vợ gả chồng”.

  Đám cưới nghèo này một lần nữa minh chứng rằng : Tình Yêu vượt thắng sự chết ! Cũng vì yêu, Giêsu đã chịu chết trên cây thập giá. Cũng vì yêu, đôi vợ chồng trẻ này đã cố gắng để đến với nhau dẫu cái chết cũng gần kề.         

Sau đám cưới nghèo thì cũng có tiệc cưới như ai ! Tiệc cưới hôm nay vỏn vẹn với vài ba chiếc bánh mì kẹp chả cộng với tách cà phê pha vội mà thôi ! Những chiếc bánh mì, những ly cà phê hôm nay nhỏ bé thật nhưng chắc có lẽ chúng hạnh phúc hơn vì đã được hân hạnh phục vụ cho những người nghèo, những người bị bỏ rơi.

Nhìn đến đôi bạn, tôi chợt nhớ đến lời kinh của Mẹ Maria thuở nào : “Linh hồn tôi hớn hở vui mừng trong Chúa. Ngài đã thương đến phận hèn tôi tớ !

Vâng ! Thiên Chúa luôn luôn thương người nghèo và đặc biệt những người bị bỏ rơi. Tình thương ấy được diễn tả qua sự hiện diện của 4 hội dòng cùng với nhiều và nhiều con người nghèo trong mái ấm này.

Đám cưới của đôi học trò nghèo bên hang đá nghèo hôm nay sao mà thấy thương quá !

Giữa chốn tuyệt vọng vẫn còn đó một chút của tình người.

Tan lễ, vị phụ trách ghé vào tai nói nhỏ “cha kiếm chút gì cho hai đứa sinh sống với !”.

Phải chăng đó là điều bận tâm của con người, còn với Chúa, ngày hôm nay có được như vậy quả là ngoài sức tưởng tượng của đôi bên. Chú rể và cô dâu đã được Chúa cưu mang suốt chặng đường dài đối chọi với những đau đớn bệnh tật của kiếp người lẽ nào Ngài lại bỏ họ khi họ mang tính yêu của họ gửi gắm vào lòng bàn tay của Chúa mà sao sơ phải lo ?    

Vẫn tin rằng Thiên Chúa luôn luôn thương người nghèo để rồi Chúa sẽ có cách với cái gia đình nhỏ bé mới nảy sinh ngày hôm nay. Vả lại, chắc gì ở cái cuộc đời này giàu là hạnh phúc. Nếu chỉ nhắm đến tiền tài, danh vọng và địa vị thì ngày hôm nay chẳng có cái đám cưới này. Đôi bạn ngày hôm nay cũng thừa biết mình là nghèo. Họ có thể nghèo tiền nghèo bạc nhưng không bao giờ nghèo tình nghèo nghĩa. Điều ấy đã được chứng minh trong Thánh Lễ sáng nay hết sức đơn sơ nhưng cũng quá sức long trọng.

Thiên Chúa khác người đời, Thiên Chúa vẫn luôn gìn giữ, luôn chúc phúc cho những tâm hồn nghèo khó, những con người bơ vơ tất bạt.

Chuyện quan trọng trước mặt Chúa vẫn là chuyện sống yêu thương hạnh phúc chứ chẳng phải là chuyện giàu, chuyện nghèo.

Giáng sinh năm nay, Hài Nhi Giêsu lại có thêm một niềm vui nho nhỏ : một đám cưới nhỏ bên hang đá nghèo. Hai vợ chồng nghèo hôm nay cũng có niềm vui tương tự : một hang đá nhỏ cạnh đám cưới nghèo.  

Dự đám cưới nghèo này, lại một lần nữa mình học được bài học nghèo. Nghèo : nhưng hồn vẫn an và xác vẫn vui. Bài học nghèo này tuy nhỏ nhưng giá trị của nó hết sức lớn giữa cuộc đời mà người ta cứ loay hoay mãi để đi tìm vật chất và danh vọng.

Lm. Anmai  DCCT 

VỀ MỤC LỤC
SUY NIỆM MÙA VỌNG GIÁNG SINH

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

  

Lễ Giáng Sinh sắp tới, mọi người nói về Chúa hài đồng và Mẹ Maria nơi máng cỏ ở Bethlehem. Đó là nhắc lại một lịch sử và khởi điểm ơn cứu độ loài người của Chúa Kitô.

 

Để đào sâu ý nghĩa Đức Mẹ cưu mang Chúa Giêsu và hạ sinh ra Người làm đấng cứu chuộc nhân loại, chúng ta thử tìm hiểu Chúa Giêsu Kito là ai với màu nhiệm nhập thể của Chúa qua hai thánh Phaolo và Gioan.

 

Mùa Vọng là mùa chúng ta sửa soạn tâm hồn để đón nhận Chúa Cứu Thế đến với chúng ta.. Mọi người quyết noi gương Đức mẹ và Chúa Giêsu, sống làm sao để ơn phúc và gương đức của các ngài được chiếu sáng lan tỏa trong mọi môi trường, nơi những người anh em huynh đệ và tất cả mọi người, nhất là những người không phải là Kitô hữu.

 

CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ AI?

MÀU NHIỆM NHẬP THỂ THEO THÁNH  PHAOLO VÀ GIOAN

 

Chúng ta thử đọc đoạn thư thánh Phaolo gửi tín hữu Galát: “Khi nghĩa tử (người thừa kế) chưa đến tuổi thì nó không khác gì một tên nô lệ, mặc dù nó vẫn làm chủ tất cả mọi của cải, nhưng ở dưới sự coi sóc của người giám hộ và viên quản lý cho đến khi đủ tuổi do người cha định đoạt. Chúng ta cũng vậy, khi chúng ta còn vị thành niên, chúng ta bị nô lệ bởi những yếu tố quyền lực của vũ trụ. Nhưng khi thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa sai Con mình đến, sinh ra bởi một người đàn bà và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta có thể được ơn nhận làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên “Áp-ba, Cha ơi!”. Thế là anh em không còn là nô lệ nữa, nhưng là con. Và đã là con thì cũng là người thừa kế nhờ Thiên Chúa” (Galatians 4: 4-7)

 

Đoạn văn trên có ý nghĩa gì?

 

Chúng ta thường nghe đoạn thánh thư này trong Mùa Giáng sinh, khi bắt đầu sắp sửa long trọng mừng Chúa ra đời. Cứ theo mạch văn, thì đây là lúc chúng ta tiến đến gần nhất tư tưởng hằng hữu / hiện hữu từ trước (preexistence) và nhập thể (incarnation) của Thiên Chúa. Ý nghĩa tiếng “sai đến” (Thiên Chúa sai con mình đến), được đặt song song tương ứng với tiếng “sai Thần Khí của con mình đến” ở câu kế tiếp. Trong Cựu ước sách Khôn Ngoan ta cũng thấy một điệp khúc tương đồng như vậy: “Thiên Chúa sai đấng Khôn Ngoan và Thánh Thần đến thế gian” (Wisdom 9: 10,17). Sự phối hợp liên hoàn này giữa cựu ước và tân ước cho ta thấy tiếng “sai đến” có ý nghĩa không phải từ “dưới đất” như trường hợp sai các tiên tri, mà là từ “trên trời” xuống…

 

Tư tưởng về Chúa Kito hằng hữu, theo mạch văn trong thư thánh Phaolo thì Chúa Kito là đấng tạo dựng nên trời đất. “…nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu”(1Corinthians 8:6) hoặc: “..Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, vì trong Người muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dầu là hàng dũng lực thần tiên hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Colossians 1:15-16) Và khi thánh Phaolo nói rằng “tảng đá đi theo dân trong sa mạc thì ngài có ý nói tảng đá là Chúa Kito: “ …tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng ấy vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô” (1Corinthians 10:4). Còn về màu nhiệm nhập thể thì được nêu lên trong bài thánh thư gửi tín hữu Philiphê. “Đức Gêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất thiết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Philippians 2: 6-7).

 

Bản văn thì viết như vậy, nhưng chúng ta cũng nhận thấy rằng theo thánh Phaolo, tính hằng hữu và màu nhiệm nhập thể là một sự thật, nhưng vẫn còn đang được cưu mang, chưa hoàn toàn hiện hình. Lý do: Đối với thánh Phaolo, điểm quan trọng và là  khởi điểm của hết mọi sự là màu nhiệm Chúa Phục Sinh; nghĩa là thánh Phaolo coi việc làm / hành động của đấng cứu thế hơn là con người đấng cứu thế. Ngược lại với thánh Phaolo, thánh Gioan lấy khởi điểm và trọng tâm của vấn đề là tính hằng hữu và nhập thể của con Thiên Chúa.

 

Như vậy rõ ràng chúng ta thấy có hai cách để khám phá ra Chúa Giêsu Kito là ai. Một đằng theo thánh Phaolo, ngài bắt đầu từ loài người vươn tới Thiên Chúa, nghĩa là từ thân xác thực đi đến thần linh Chúa, từ Chúa Kitô lịch sử đi tới sự hằng hữu của Người. Đằng khác, cách của thánh Gioan thì ngược lại, khởi đầu từ “Ngôi Lời” Thiên Chúa đi tới xác định bản tính người của Ngài, nghĩa là từ tính hằng hữu (tức Thiên Chúa) đi tới sự hiện hữu của con người Thiên Chúa trong  không gian và thời gian, tức Chúa Kitô lịch sử.

 

Thánh Phaolo chứng minh Chúa Kito bằng sự Chúa Phục Sinh khải hoàn qua hai giai đoạn. Thánh Gioan nhìn Chúa Kito qua màu nhiệm nhập thể.

 

Hai phương cách này cuối cùng đã làm nảy sinh ra hai trường phái Kito học. Phái Antiochene ảnh hưởng bởi thánh Phaolo và phái Alexandria ảnh hưởng bởi thánh Gioan. Nhưng không có phái nào đứng trung dung ở giữa. Trái lại mỗi phái đều dùng luận lý của cả hai thánh Phaolo và Gioan. Điều này chứng tỏ là họ đã chịu ảnh hưởng của cả hai thánh nhân, giống như hai giòng sông phối hợp với nhau thành một để rồi không còn có thể phân biệt, xác định được nước của giòng sông nào nữa.

 

Sự khác biệt này đáng cho chúng ta suy nghĩ, chẳng hạn như hai phái đã cắt nghĩa khác nhau về sự hạ mình làm người của Chúa Giêsu ở đoạn 2: 6-9 của thư thánh Phaolo gửi tín hữu Philippians. Từ thế kỷ I và II, và ngay cả hiện nay, hai cách trình bày và đọc sách thánh khác nhau đó vẫn có thể được chấp nhận. Theo phái Alexandria, đề mục khởi đầu của bài ca thánh thư là Con Thiên Chúa hằng hữu hiện diện dưới hình thức Thiên Chúa. Nghĩa là sự hạ mình xuống thế làm người của Chúa  bao hàm trong màu nhiệm nhập thể để trở thành phàm nhân. Theo phái Antiochene, đề mục duy nhất của bài thánh ca, từ đầu cho đến cuối, là Chúa Kito lịch sử, Giêsu thành Nazareth. Nghĩa là Chúa tự hạ mình xuống thế làm người để trở thành nô lệ và tự mình chịu khổ hình và chịu chết.

 

Thực ra sự khác biệt giữa hai trường phái không phải ở chỗ phái này theo thánh Phaolo, phái kia theo thánh Gioan, mà là nhóm này cắt nghĩa ý tưởng của thánh Gioan theo cách suy tư của thánh Phaolo, nhóm kia cắt nghĩa tư tưởng của thánh Phaolo theo suy nghĩ của thánh Gioan.. Có chăng sự khác biệt giữa hai phái là họ đã dùng những chi tiết và cấu trúc luận lý khác nhau để làm sáng tỏ màu nhiệm Chúa Kito. Chúng ta có thể nói rằng những nét chính về tín điều của Giáo Hội cũng như khoa thần học đã được tạo thành từ những tranh luận của hai trường phái này mà cho đến nay vẫn còn ảnh hưởng.

 

ĐƯỢC SINH RA BỞI MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ TUYỆT VỜI.

 

Dù sao thì cả hai thánh Phaolo và Gioan đều công nhận màu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô. Nhưng thánh Phaolo rất ít nói tới màu nhiệm nhập thể, còn về Đức Maria, Mẹ Ngôi Lời nhập thể, thì ngài lại hoàn toàn im lặng. Nhưng khi ngài nói “con người kiệt tác được sinh ra bởi một người đàn bà (factus sub muliere) thì rõ ràng người đàn bà đó là Đức Maria. Cũng như trong thư gửi dân Roma, cùng tư tưởng đó nhưng đựoc diễn tả một cách khác: “….Xét như một người phàm, Đức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua David” (Romans 1: 3).

 

Tuy ngắn gọn như vậy, nhưng cách tuyên xưng của thánh Phaolo rất quan trọng. Nó là một trong những đề mục nòng cốt của cuộc tranh luận chống lại nguyên tắc ngộ đạo của thuyết vô nhân tính[1] về Đức Kito từ thế kỷ II. Thực ra, chúa Giêsu không phải từ thiên đàng hiện xuống; mà Chúa được sinh ra bởi một người đàn bà. Chúa hoàn toàn mặc lấy xác của một con người lịch sử.“giống như mọi người phàm nhân” (Philippians 2: 7).

 

Về vấn đề này, Terbullian đã đặt vấn đề: “ Tại sao chúng ta nói rằng Chúa Kitô là người, nếu không phải vì Chúa sinh ra bởi bà Maria là con người thụ tạo?”[2]. Một tư tưởng nữa là vì “Chúa Kitô sinh ra do một người đàn bà”. Cách nói này diễn tả nhân tính của Chúa Kitô hay hơn là cách nói “Ngài là con của một người đàn ông”. Nếu hiểu theo nghĩa đen câu nói này thì Chúa Giêsu đâu phải là con một người đàn ông, bởi lẽ không có người đàn ông nào là cha Ngài cả, mà Ngài thực sự là “con một người đàn bà”.

 

Bài thánh thư Phaolo gửi tín hữu Galat cũng là trung tâm điểm của cuộc bàn cãi về tước hiệu Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” trong các cuộc tranh luận sau này liên quan đến Kitô học.  Vì lý do đó mà thư thánh Phaolo gửi tín hữu Galat được chọn làm bài đọc II trong lễ kính Đức trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa vào ngày 1 tháng giêng hàng năm.

 

Còn một chi tiết nữa chúng ta cần phải để ý. Giả sử thánh Phaolo nói: “Chúa Giêsu sinh ra ‘do bà Maria’” thì cách nói này chỉ đơn giản nhắc đến một sử liệu có tính tiểu sử. Nhưng thánh Phaolo đã nói: “Đức Kitô sinh ra do ‘một người đàn bà’” thì tiếng “người đàn bà” có một nghĩa rất rộng và phổ quát. Và người đàn bà này hay bất cứ người đàn bà nào đã được nâng lên địa vị cao vời tột đỉnh của Đức Maria rồi. Chính Maria này là một người đàn bà tuyệt vời.

  

ĐỨC  MARIA CÓ Ý NGHĨA GÌ ĐỐI VỚI CHÚNG TA?

 

Đọc bài thánh thư của thánh Phaolo khi Giáng Sinh gần kề, chúng ta không thể chỉ để ý đến những lời chú thích nói về những sự kiện, nhưng phải cẩn trọng suy niệm nghiêm túc ý nghĩa thần học chất chứa trong đó hầu rút ra một bài học làm kim chỉ nam cho đời sống thiêng liêng của chúng ta, làm sao để Lời Chúa được chiếu tỏa và sống động nơi mỗi người chúng ta.

 

Lời Origen nói, cũng được thánh Augustin, thánh Bernard, thày dòng Luther và nhiều người khác nhắc tới rất đáng cho ta để ý: “Tôi nghĩ gì khi mà Chúa Kito lại một lần nữa được sinh ra ở Bethlehem bởi bà Maria nhưng niềm tin lại không được phát sinh ra trong tâm hồn tôi?” [3].

 

Đức Maria Mẹ Thiên Chúa được thể hiện dưới hai thình thức: thể chất và tinh thần. Ngài là Mẹ Thiên Chúa không phải chỉ vì đã cưu mang Chúa trong bụng 9 tháng 10 ngày mà trước tiên còn vì Mẹ đã chấp nhận ấp ủ Chúa trong trái tim mẹ với một niềm tin sắt son. Khi sứ thần Chúa đến với Đức Maria và báo tin bà sẽ mang thai và sinh một con trai  tên là Giêsu, là đấng Cao Cả, là Thiên Chúa thì bà rất bối rối vì bà không hề biết đến việc vợ chồng. Nhưng khi nghe sứ thần xác định là quyền năng đấng tối cao, Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuống trên bà. thì Maria hoàn toàn tin tưởng và trả lời:“XinVâng”(Luke1:28-38). Hai tiếng Xin Vâng chứng tỏ một Niềm Tin tuyệt đối của Mẹ Maria nơi Thiên Chúa. Dĩ nhiên chúng ta không thể bắt chước Đức Mẹ tái sinh ra Chúa lần nữa, nhưng ta có thể noi theo niềm tin sắt son đó của Đức Mẹ.

 

Chúa Giêsu đã là người đầu tiên đặt cho Giáo Hội  tước hiệu là “Mẹ Chúa Kitô” khi Ngài nói: “Mẹ ta, anh em ta chính là những người biết nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. (Luke 8: 21; Mark 3: 35; Matthew 12: 50). Theo truyền thống, thực tế này đã được áp dụng theo hai phương cách: mục vụ và tu đức. Trong tinh thần mục vụ, chúng ta thấy Giáo Hội đã áp dụng tình Mẫu tử của mình bằng cách ban phép “bí tích phổ quát của ơn cứu độ” thật nhiều, càng nhiều càng tốt.. Vế tu đức thì tất cả mọi người, từng mỗi cá nhân, mỗi tâm hồn hay những ai thành tâm tin cậy nơi Chúa đều có lòng sốt sáng được Chúa yêu thương che chở.

 

Thánh Isaac of  Stella, một nhà thần học thời Trung Cổ đã làm một tổng hợp tất cả những yếu tố đó trong một bài giảng huấn nổi danh. Ngài viết: “ Đức Maria và Giáo Hội là một người Mẹ hơn một người mẹ, là một Trinh Nữ hơn một trinh nữ….Do đó những điều được nói trong Kinh Thánh, những điều được nói về Giáo Hội phổ quát, về đức Trinh Nữ, về Thánh Mẫu thì cũng được nói về chính cá nhân Đức Maria. Và những điều đặc biệt nói về Đức Maria thì phải hiểu một cách tổng quát là “Đức Nữ Đồng Trinh Mẹ Giáo Hội”…..Cuối cùng, tất cả những ai có lòng tin nơi Chúa đều là bạn trăm năm của Lời Chúa, là mẹ, là ái nữ và chị em của Chúa Kitô. Tất cả những tâm hồn, những ai tin tưởng nơi Chúa, hiểu theo đúng nghĩa của nó, đều là trinh nữ và đầy ẩn sủng.[4]

 

Công đồng Vatican II trong viễn kiến đầu tiên đã nói: “Giáo Hội….chính mình đã trở thành hiền mẫu. Nhờ việc rao giảng và ban phép bí tích thánh tẩy, Giáo Hội đã mang lại một đời sống mới bất tử cho con cái mình là kẻ được cưu mang bởi Chúa Thánh Thần và được Chúa sinh ra” [5].

 

Để áp dụng cho từng cá nhân, thánh Ambrose đã viết: “Những ai tin  vào Chúa thì sẽ cưu mang lời Chúa trong lòng và phát khởi, truyền bá ra ngoài trong cuộc sống hàng ngày….Nếu chỉ có một người là Mẹ Chúa Kitô theo nghĩa xác thịt thì tất cả mọi người, theo nghĩa đức tin, có thể phát sinh ra Chúa Kito khi mà họ chấp nhận lời Chúa hằng sống” [6]. Một Giáo Phụ Đông phương đã lặp lại ý lời thánh Ambrose như sau: “ Đức Kitô luôn luôn được sinh ra trong tâm hồn mỗi người một cách nhiệm màu, mặc lấy xác thịt của những ai được cứu rỗi và trở thành mẹ đồng trinh, đấng đã sinh ra Chúa Kito”. [7]

 

Muốn trở thành Mẹ Chúa Giêsu một cách cụ thể thì chúng ta phải làm gì? Hãy đọc lại  Tin Mừng thánh Luca:…Lắng nghe Lời Chúa và thực hành Lời Chúa (Luke 8:21; Mark 3:35; Matthew 12: 50). Để tìm hiểu ý nghĩa lời thánh kinh đó, chúng ta thử nghiệm xem Đức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa như thế nào. Mẹ cưu mang Chúa trong lòng và sinh ra Chúa. Qua đó, chúng ta thấy hai dữ kiện cần để ý:  Lời sách Isaiah “Đúng như lời Chúa phán, trinh nữ sẽ thụ thai và sẽ sinh hạ một con trai”, và lời thiên thần Gabriel nói cùng Maria: “Ngươi sẽ thụ thaisinh con trai đầu lòng”.

 

Để có tước hiệu mẹ, người đàn bà phải mang thai và sinh hạ hài nhi. Không hoàn chỉnh hai giai đoạn đó, tư cách hiền mẫu bị gián đoạn hoặc bất toàn. Chúng ta thử tưởng tượng khi người đàn bà mang thai, nhưng vì một lý do nào đó thai bị hư (miscarriage) hoặc vì tội lỗi xui khiến không muốn sinh con nên phá hủy thai (abortion). Đứa trẻ chết không được diễm phúc chào đời.

 

Hai hiện tượng thai hư đó đã làm cho tước hiệu Hiền Mẫu của người đàn bà có thai trở nên bất toàn. Nhưng  từ khi có kỹ thuật thụ thai nhân tạo lại nảy ra một loại hiền mẫu đối ngược với loại hiền mẫu bất toàn trên là người đàn bà có sinh hạ ra hài nhi nhưng không thụ thai. Đó là những hài nhi được thụ thai trong ống nơi phòng thí nghiệm rồi đem cấy vào tử cung người đàn bà được thuê mướn. Những đứa con này sinh ra không phải do máu mủ của họ, vì họ không thụ thai, không do trái tim, lòng ao ước của họ và thân xác họ.

 

Hai loại hiền mẫu bất toàn này chúng ta cũng thấy xuất hiện trong đời sống thiêng liêng. Những người nghe lời Chúa nhưng không thực hành. Những người có đời sống tâm linh bị hư hoại nhiều lần; họ toan tính hoàn lương trở lại đường ngay chính nhưng chỉ được nửa đường lại gẫy gánh. Họ cưu mang Chúa nhưng không sinh hạ ra Chúa. Họ là những kẻ chỉ đọc lời Chúa nơi cửa miệng nhưng tâm hồn rỗng tuếch, như thoáng coi hình họ trong gương rồi ra đi mà không để ý coi mặt mũi họ thế nào.(James 1:23). Tóm lại họ có đức tin nhưng là đức tin chết.

 

Nhưng trái lại, ta thấy có những người sinh hạ ra Chúa Kito nhưng lại không cưu mang Người. Họ sinh hoạt, làm việc đạo rất hăng say, cả những việc tốt lành nhưng không do từ tâm, không vì tình yêu Chúa và ý ngay lành mà chỉ vì thói quen, giả hình nhân đức, với mục đích biểu diễn phô trương vì lợi ích riêng tư cá nhân mình…hoặc đơn giản chỉ để thỏa mãn tự ái mà thôi. Tóm lại, họ là những kẻ hành động nhưng không có niềm tin.

 

Thánh Francis thành Assisi đã tóm lược ý nghĩa của hiền mẫu thực một cách tích cực như sau: “Chúng ta là mẹ Chúa Kitô –ngài nói- khi chúng ta ôm ấp Người ở trong tâm, trong lòng chúng ta, nơi thân xác chúng ta bằng một tình yêu Chúa với một lương tâm trong sáng và chân thành. Chúng ta phát sinh, biểu hiện ra Chúa qua những hành động thánh khả dĩ có thể chiếu tỏa, soi sáng làm gương cho mọi người chung quanh chúng ta…. Thánh đức và êm đềm, khiêm tốn, an bình, dễ thương và mong ước thay khi chúng ta có một người anh em huynh đệ, một người con như vậy là Đức Giêsu Kito” [8]. Thánh nhân cũng nói cho chúng ta biết là khi chúng ta cưu mang Chúa Kitô là khi chúng ta yêu thương Người với tất cả chân tình và lương tâm ngay chính. Chúng ta sinh ra Chúa Kitô khi chúng ta chu toàn những hành vi thánh khiến Chúa  được chiếu tỏa ra muôn nơi cho muôn dân.  Khi người ngoài nhìn vào ta là nhìn thấy chính Chúa Kitô trong ta.

 

ĐÔI LỜI KẾT:  “XIN VÂNG, FIAT, AMEN”

 

Mẹ Maria đã cho chúng ta một tấm gương sáng ngời. Mẹ thụ thai / cưu mang Chúa và sinh hạ ra Chúa cho chúng ta trong ngày Giáng Sinh. Mẹ thực sự là Hiền Mẫu toàn vẹn. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.  Hai tiếng  “Xin Vâng / Fiat / Amen” đã gói gém đầy đủ  ý nghĩa. Mẹ đã thực sự thụ thai Chúa trong bụng và trong trái tim. Rồi 9 tháng 10 ngày sau, Mẹ đã hạ sinh ra Chúa Giêsu tai Bethlehem nơi máng cỏ. Ngay từ giờ phút đó ơn cứu độ của Chúa ban cho loài người, mỗi người chúng ta đã bắt đầu và hoàn chỉnh khi Chúa chịu chết, phục sinh và lên trời.

 

Nhưng Chúa đòi hỏi có sự cộng tác của mỗi cá nhân chúng ta thì ơn cứu độ đó mới hoàn chỉnh đối với bản thân chúng ta. Chúng ta phải chấp nhận lời Chúa và thực thi lời Chúa để ơn cứu độ Chúa được vẹn toàn.

 

Thánh Phaolo nói: “….Thiên Chúa yêu thương những ai vui vẻ dâng hiến” (2Corinthians 9: 7).  Mẹ Maria trả lời Chúa “Xin Vâng” với tâm hồn vui mừng hớn hở.  Chúng ta hãy cầu xin Mẹ ban ơn phúc cho chúng ta để nói một cách vui vẻ lời hứa Xin Vâng với Chúa để canh tân đời sống, cưu mang và hạ sinh Chúa Giêsu Kito trong mùa Giáng Sinh này và mãi mãi trong cuộc đời chúng ta.

 

Fleming Island, Florida 20 Dec. 2009

NTC

 


[1] Gnostic Docetism: Thuyết không chấp nhận nhân tính / tính người của chúa Kitô dựa vào sự hiểu biết của con người

[2] Tertullian, “De carne Christi”, 5,6 (CC,2,p.881)

[3] Origen, “Commentary on the Gospel of Luke”, 22, 3 (SCh, 87, p.302)

[4] Isaac of Stella, “Sermones”, 51 (PL 194, 1863f.)

[5] “Lumen Gentium”, 64

[6] St. Ambrose, “Expositio Evangelii Secumdum Lucam”, II, 26 (CSEL 32, 4, p.55)

[7] St. Maximus the Confessor, “Commentary on the Our Father”, (PG 90, 899)

[8]  St. Francis of Assisi, “Lettera ai fedeli”, 1 (Fonti Francescane, n.178).

 
VỀ MỤC LỤC
 LÀM SAO CHỌN NGƯỜI YÊU MÀ KHÔNG SỢ CHỌN LẦM? (2)

 

CÓ PHẢI LÝ TRÍ LÀ NỀN TẢNG CHO SỰ LỰA CHỌN KHÔNG?

Lý trí đóng vai trò gì trong việc chọn lựa một người phối ngẫu? Vì cảm giác của chúng ta không bảo đảm đúng hướng, người ta có khuynh hướng thích cho lý trí làm căn bản cho hôn nhân. Tuy nhiên, lý trí không thể dùng nếu không được nâng đỡ bỡi cảm tính. Nếu sự chọn lựa đặt trên nền tảng những khuynh hướng xã hội và cộng tác, cảm tính sẽ theo sau. Cảm tính như thế sẽ không phải là trận bão có sức thuyết phục như một đam mê thu phục lương tri và mọi cản trở. Những cảm tính phù hợp với lý trí chúng ta thì thuộc một loại khác. Tình cảm âm thầm và sự yêu thích sâu xa xem ra là nền tảng đáng tin cậy hơn là sự cuồng nhiệt mảnh liệt. Nhưng nếu lý trí không được nâng đỡ bỡi một cảm giác nào thì không thể có lý vì nếu tính toán quá thì sẽ loại bỏ cá nhân con người. Người bạn được chọn chỉ bỡi lý trí mà không chút tình cảm, chứng tỏ chính mình không thích hợp. Nó được chọn cho một khoảng cách. Một hôn nhân như thế tạo nên nhiều khoảng cách, không sản xuất sự gần gũi thân mật. Tuy nhiên khoảng cách về tinh thần và tình cảm được dùng như một phản ứng đề phòng, bỡi người bạn có lý trí có thể được quên lãng trong giòng hôn nhân nếu người bạn thông minh, thành công trong việc phát triển sự tin tưởng và can đảm.

Loại đoàn tụ theo lý trí nầy là luật trong xã hội ngày xưa khi kết hôn được thiết lập bỡi cha mẹ có địa vị thường được đặt nền tảng trên sự dễ dàng hứa hẹn. Trong nhiều thế kỷ, tình yêu không có trước hôn nhân và chỉ phát triển sau đám cưới. Trong kỷ nguyên chúng ta, một người đi đến hôn nhân với thái độ tính toán lạnh lùng thì thường phải chờ dịp thình lình bỗng si mê một người nào.

Không thể nói tình cảm hoặc lý trí, cái nào là nền tảng đáng tin cậy hơn cho hôn nhân hạnh phúc của mỗi người mà không có cái kia. Tình cảm tự nó thì không đáng tin nếu nó không tỏ cho thấy khuynh hướng xây dựng bỡi sự phù hợp với lý trí và lý luận. Còn lý trí trở nên vô lý nếu không đi với tình cảm chân thành. Những chân lý nầy được nhận thấy dễ dàng hơn và vấn đề lý trí nghịch với tình cảm không thường xảy ra nếu thế hệ chúng ta không bị làm đảo lộn bỡi những thay đổi hiện tại trong nền văn hóa chúng ta đặc biệt trong tương quan giữa hai giới.

TẠI SAO TÌM HOÀI, TÌM MÃI MÀ VẪN KHÔNG TÌM ĐƯỢC MỘT Ý TRUNG NHÂN?

Không nhận ra được thái độ sai lầm của họ, nhiều người nam cũng như nữ cố gắng đi tìm một ý trung nhân—và vẫn còn tìm hoài mà tìm vẫn không ra, nên họ vẫn cứ độc thân và cô đơn mãi. Họ không thể và ít ra là họ không yêu. Họ không thuộc về một ai và cũng không ai thuộc về họ. Họ không biết được lý do tại sao họ tìm mãi nhưng không tìm được một ý trung nhân. Sao họ không thành công trong việc tìm một người để kết hôn. Có cô thì cho rằng họ nghèo. Cô khác cho rằng sức khỏe không tốt. Cô gái nghèo cho rằng thiếu quần áo hấp dẫn nên không có khả năng lôi cuốn là câu trả lời tại sao họ không gặp được một người đàn ông. Những cô giàu sang thì bảo tất cả các ông chỉ muốn của cải của cô chứ không muốn gì cô. Cô khác thì cho rằng mình quá xấu không thu hút được. Người đẹp thì cho rằng chính cái đẹp của cô làm cô thất vọng. Thỉnh thoảng có những cô bị khước từ khi đi xin việc chỉ vì họ quá đẹp. Những cô gái đẹp thường có khuynh hướng coi thường sự chú ý của quí ông như một biểu lộ sự quí mến cá nhân của họ dành cho cô. Các cô cảm thấy như bị lợi dụng vì các cô nghĩ rằng không phải họ thích thú những tư tưởng hoặc những ý nghĩ của các cô mà chỉ thích sự lôi cuốn của các cô mà thôi. Những lý do đó nghe có lý nhưng không có gì là thật vì có những cô gái nghèo cũng như giàu đi đến hôn nhân hạnh phúc. Có những cô xấu lấy ông chồng đẹp trai và có những cô đẹp thành công trong hôn nhân của họ. Sự sai lầm của họ là ở chỗ nầy: cô nầy cho mình quá thấp còn cô khác đánh giá mình quá cao. Cô khác nữa cho mình có lỗ mũi tẹt hay có mồm rộng. Mỗi cô đổ lỗi cho khiếm khuyết của mình.

Các ông cũng vậy, cũng có những lý do giống vậy: nào là không có khả năng lôi cuốn, không có tiền, không đẹp trai. Tất cả đều đổ lỗi cho cái khiếm khuyết của mình hoặc cho kinh tế hay cho hoàn cảnh gia đình. Trong khi các bà đòi quyền bình đẳng với các ông và bắt chước cách thức suy nghĩ cũng như làm việc của các ông, họ có khuynh hướng cắt nghĩa sự cô đơn của họ là do con số các ông có tư cách thì quá ít. Thật ra, lý do chính tại sao các ông cũng như các bà không tìm được một ý trung nhân là chỉ vì nhút nhát hay thiếu can đảm. Họ sợ hôn nhân giống như một bài khảo hạch mà họ sợ không thành công. Họ đòi hỏi phía bên kia một sự bảo đảm cho họ vì họ thấy không có gì nơi họ. Đây là lý do căn bản cho sự đắn đo suy nghĩ quá đáng và sự thích thú ngắn ngủi của họ. Đòi hỏi của họ quá lớn và xem ra không có chất lượng nào có thể bảo đảm được những đòi hỏi đó.

TÌM ĐÂU RA MỘT ĐIỀU HOÀN THIỆN

Thái độ của họ được diễn tả trong câu chuyện dưới đây:

Hai người đàn ông găp nhau trên đường: “Hello Bằng, cái gì xảy ra cho anh? Tại sao anh xem ra buồn rầu thế?” Bằng thú nhận đã gặp một người con gái mà Bằng mong tìm kiếm từ bao lâu nay. Một người con gái tuyệt vời. Anh ta kể: đẹp, hấp dẫn, thông minh, bản tính tốt, hiểu biết, và khiêm tốn, lại giàu có. Cuối cùng thì ông bạn cắt ngang: rồi sao nữa?  Không có gì sai. Chỉ có tao không có số may. Cô ta đi tìm một người đàn ông hoàn hảo. Có đàn ông cũng như đàn bà nào toàn hảo không? Một lần kia một thuyết trình viên căt nghĩa: Sự toàn hảo không thể kiếm ra, và để chứng tỏ điều đó, thuyết trình viên mới hỏi cử tọa: có ai đã nghe về một người đàn bà nào toàn hảo chưa? - Không có ai. Hoặc về một người đàn ông nào toàn thiện chưa? Một giọng yếu ớt vang lên từ trong một góc: Có, thưa ông. Tôi đã nghe về một người đàn ông nhỏ bé, hiền lành, và chịu khuất phục. Như thế, ông đã nghe về một người đàn ông toàn thiện phải không? Ai thế? Và giọng người đó đáp trả: Người chồng đầu tiên của người vợ tôi.

Sự hoàn thiện không có trong thực tế nhưng chỉ có trong mộng. Thật là điên cuồng nếu trong quá khứ chúng ta nghĩ là có một con người như thế. Nhưng cái quan niệm về sự hoàn thiện thì rất thật và nó có một sức mạnh mãnh liệt thuyết phục chúng ta, làm triệt hạ mọi cái chúng ta đang có trong tay. 

LÀM SAO ĐỂ TÌM CHO RA ĐƯỢC ĐÚNG NGƯỜI YÊU CỦA MÌNH?

Tìm không được một người phối ngẫu sẽ mang đến kết quả là bất hạnh cá nhân, thất vọng, và tự cô lập. Dầu sự cô đơn không hẳn chỉ có nơi người không có gia đình, nhưng giữ mãi tình trạng độc thân sẽ tăng thêm sự chán nản và bất tiện.

Vấn đề rắc rối cho nhiều người là: làm cách nào để tìm được đúng người hoăc làm cách nào để biết được nếu chọn một người nào đó là một sự chọn lựa đúng? Không may mắn cho chúng ta là không có một công thức nào để mà theo. Bằng cách theo sự thích thú hoặc không thích thú của một người, người ta sẽ theo thứ tự: Cá tính. Và cái gì khác nữa chúng ta có thể làm được? Chúng ta phải hòa giải chúng ta với sự kiện nầy là: bất cứ cái gì chúng ta tìm được đều tốt như chúng ta đáng được. Vấn đề là khả năng của người kia thì ít hơn chúng ta và cũng ít muốn cố gắng phát triển với cái đầu óc họ đang có. Điều lẫn lộn lớn lao: ai là người mà ta muốn tìm? Điều nầy càng được làm lẫn lộn thêm bỡi phim ảnh, tiểu thuyết, văn thơ, tôn giáo, và quan niệm lãng mạn…đóng góp vào giả thuyết cho rằng: hôn nhân được phối hợp bỡi một nhiệm mầu nào đó trên trời—bỡi sự tiền định—đưa chúng ta đến với nhau và không sức mạnh nào có thể làm ngưng được. Vì thế, người ta chờ đợi sự tiền định hay duyên kiếp của họ đưa họ đến hôn nhân vì tự người ta hoặc là không tìm được hoặc là không nhận ra được.

Nhưng rất tiếc, không có ai được tạo ra để xếp đặt hôn nhân cho họ. Không có ai trong thế giới nầy mang một nửa nầy đến với một nửa khác để làm thành hôn nhân cho họ. Nên khi người ta bỗng nhiên si tình, người ta nghĩ đó đúng là người của họ. Nếu đúng vậy, tại sao có nhiều người tỉnh giấc mộng với sự nhức nhối trong tim cũng như trong đầu óc của họ? Vâng, những chuyện tình lãng mạn như thế là những chuyện tình chỉ có trong giấc mộng, được vẽ vời bỡi mộng tưởng, văn thơ, huyền thoại, và ảo tưỡng. Khoa học chứng tỏ rằng sự chọn lựa nầy có thể tốt hơn sự chọn lựa khác. Chính nền tảng xã hội, căn bản tôn giáo, học vấn, giáo dục, sở thích không là những yếu tố tiền định huyền diệu sao? Theo những khám phá khoa học, có nhiều người khác nhau để chọn lựa thì đó là một sự chọn lựa thích hợp và tốt. Và ngay cả một sự chọn lựa không mấy ưng ý cũng chỉ cho thấy ít hạnh phúc hơn một chút mà thôi chứ không phải là không có hạnh phúc. Yếu tố chính cho việc lựa chọn thích hợp là muốn chọn—cộng với tri thức chung chung bình thường và sự quyết định cố gắng làm hết sức với cái mình có. Những ai hành động như vậy sẽ luôn tìm thấy đúng người bạn mình muốn tìm. Còn những người khác không bao giờ cảm thấy thõa mãn. Người ta càng ít can đảm, sự lựa chọn càng nghèo nàn, vì bấy giờ người ta tìm lý lẽ để xin chối từ hơn là tìm cơ hội may mắn. Nhưng mỗi sự chọn lựa cho phép một vài cơ hội thuân lợi thích hợp. Không ai hoàn toàn xấu, cũng không ai hoàn toàn lý tưởng. Tất cả tuỳ thuộc vào cái chúng ta nhìn thấy và để ý nơi người bạn chúng ta.

CẢI THIỆN THÌ TỐT HƠN LÀ LY DỊ RỒI TÁI HÔN

Hai người sống trong tình trạng hôn nhân bất hạnh có thể sửa đổi cái sai lầm của việc chọn lựa bằng cách tiếp tục và dần dần cải thiện, hay lại phạm lấy một lỗi lầm khác bằng cách phá vỡ mối liên hệ mà họ đã thiết lập. Việc cắt đứt liên hệ hôn nhân sẵn có thì dễ dàng hơn là tạo một liên hệ mới và tốt hơn. Việc chọn lấy một người phối ngẫu một lần nữa không dễ hơn là cố gắng thích nghi vào hoàn cảnh hiện tại. Mỗi người chúng ta là nguồn chính của sự thành công hay thất bại. Chúng ta không thể chạy trốn và cũng không thể thăng tiến điều kiện sống bằng cách bỏ chạy. Nếu tương quan của chúng ta với người khác phái là không được may mắn, chúng ta phải bắt đầu khám phá chính mình. Nếu người ta lạnh lùng trong hôn nhân không tình yêu, họ không cần tìm bạn mới để khơi dậy cảm giác. Họ có thể cố gắng để tái khám phá ra người bạn hiện tại và với sự hiểu biết hơn trong sự lựa chọn lần hai nầy cùng một người bạn đó, có thể chứng tỏ là một cái gì may mắn hơn. Có những hoàn cảnh sự phân ly có thể chấp nhận được để sống còn, nhưng ly dị không phải luôn chỉ sự bất tương hợp. Nhiều cặp hôn nhân có thể được cứu sống và nhiều chọn lựa sai lầm được biến chuyển thành chọn lựa đúng nếu người ta hiểu biết hơn về cách thế để chung sống với nhau. 

Lm. Lê văn Quảng , tiến sĩ tâm lý

VỀ MỤC LỤC
RƠM

  

Do một tình cảm đơn sơ, thuần khiết lúc ấu thơ, tôi rất thích rơm.

Trong những năm tuổi nhỏ được ở thôn quê, tôi thấy rơm và thích rơm một cách tự nhiên, không tìm biết lí do. Tôi thích rơm như cậu bé khác thích cái kèn làm bằng lá tre, như cô bé nọ thích con búp bê làm bằng những sợi len xanh đỏ kết lại. Tôi thích rơm, cái thích đơn thuần giản dị. Có lẽ đó là bản chất của tôi, bởi vì khi đã lớn lên, tình yêu của tôi cũng là một tình yêu giản di. Tôi yêu vì yêu, không hỏi lí do, không cần biện bạch.

Sau ngày mùa, khi những bông lúa vàng trĩu đã được nhà nông cắt đem về kho lẫm, cánh đồng chỉ còn trơ lại rơm và rạ. Thân lúa xanh tốt ngày nào dẫn chất bổ dưỡng lên làm căng phồng những hạt lúa thơm ngát hương đồng nội, nay trở thành những cọng rơm khô vàng, rỗng và nhẹ. Tôi thích cái màu vàng ấy. Nó tươi và óng ánh như có tráng một lớp men. Màu vàng của rơm rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời, làm cho cánh đồng sau mùa gặt có một nét đẹp riêng, mà trí óc non nớt của tôi chỉ có thể cảm nhận mà không biết tìm cách mô tả cho trọn vẹn được.

Thế rồi rơm cũng được người ta đem về như một thứ phó sản của vụ mùa. Lúa vì quí nên được cất vào bồ. Rơm không quí nên chỉ được đánh đống thành từng đụn ở ngoài sân, dưới gốc những cây cau, hoặc cũng nhiều khi được dùng để phủ kín những bồ lúa của nhà nông.

Những ngày mùa đông giá rét, khi những cánh đồng cỏ trơ trụi phô ra mặt đất nâu cứng nứt nẻ, trâu bò ở trong chuồng cũng run lên vì lạnh, mẹ tôi và người nhà đem rơm ra cho trâu, bò ăn. Món ăn không ngon như những ngọn cỏ xanh mượt nõn nà ngoài đồng, nhưng cũng đủ làm cho trâu, bò no lòng và ấm áp.

Riêng tôi, những ngày mùa đông giá rét ấy, lại càng thấy gần rơm và thích rơm. Đang khi những ngọn gió rét buốt chạy đuổi nhau ngoài đồng hoặc tinh nghịch chui vào những mái nhà làm tốc lên lớp cỏ tranh; đang khi những chú chim sẻ trốn thật kín trong những ống nứa ống tre, tránh cái lạnh tê buốt cắt da, thì tôi thu mình nằm gọn trong ổ rơm mà mẹ tôi đã đon sẵn ở góc nhà. Hơi ấm tự nhiên, thơm mùi lúa chín và cánh đồng còn vương vấn, tỏa ra thật dễ chịu. Tôi nằm lim dim trong trạng thái nửa thức nửa ngủ, để cho trí tượng tưởng miên man. Tôi thấy như được nằm gọn trong bàn tay từ ái của đất trời. Tình yêu của đất trời nồng nàn và bát ngát, ôm ấp và sưởi ấm con người, nhưng cũng giản dị mộc mạc như cánh đồng, ngọn cỏ, sợi rơm, tiếng chim hót, làn gió nhẹ hay ánh nắng chiều. Dù chỉ là một chú bé con, nhưng tôi cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc được làm người và được sống trên cái trái đất dễ thương, đẹp đẽ này. Về sau khi đã lớn, tôi đã nằm trên những chiếc giường tân tiến và tiện nghi, nhưng chưa một lần nào tôi tìm lại được cái cảm giác ấm áp, an toàn và hạnh phúc như khi nằm trên cái ổ rơm của ngày xưa còn bé.

Nằm trong ổ rơm chán, tôi ngồi dậy, co ro đi xuống bếp xem chị tôi thổi lửa nấu cơm. Chị cho rơm vào trong bếp làm mồi, ngọn lửa bùng lên rực rỡ, rồi tàn đần. Lửa rơm rất mau tàn. Nhưng ngọn lửa ấy đã bắt qua những cục than đen bóng. Chị kê cái ống thổi lửa vào bếp, chụm môi thổi. Làn hơi của chị làm cho những cục than dần dần hồng lên, cho đến lúc những cục than đen biến thành những cục than hồng rục rỡ. Hai má của chị tôi khi ấy cũng hồng, làm cho khuôn mặt thiếu nữ đương xuân của chị thêm tươi đẹp và duyên dáng...

Xem vậy mà rơm còn được dùng vào nhiều việc khác. Bạn có bao giờ thưởng thức món chân giò nấu măng chưa? Trước khi cho vào nồi nấu, người ta thui cái chân giò trong đống rơm cháy đỏ, mùi thơm trong khói lan tỏa khắp xóm. Mẹ tôi bảo chân giò không thui bằng rơm thì sẽ không thơm như vậy. Tôi kể chuyện này nghe có vẻ ''phàm phu'' quá phải không? Nhưng đó là một trong những niềm vui tuổi nhỏ của tôi.

Có khi rơm còn được ở... trên đầu người ta nữa. Ở trên đầu không giống như kiểu "trên đầu những rạ cùng rơm, chồng yêu chồng bảo hoa thơm cài đầu " đâu, mà là ở trên đầu mặt cách thật nghiêm chỉnh. Năm ấy bác tôi mất, cả họ để tang. Ngày đi đưa đám, tôi thấy các chị con bác mặc áo sô đội mấm trắng; các anh tôi cũng mặc áo sô chít khăn tang trắng. Anh con cả của bác thì mặc áo tang, và đội trên đầu một vành rơm, chống gậy đi giật lùitrước quan tài. Mẹ tôi giải thích cho tôi biết bác mất là chuyện đau buồn cho gia đình, không còn ai vui thích trong việc trang điểm lộng lẫy, áo quần bảnh bao nữa. Mặc áo sô, đội vành rơm để biểu lộ ra bên ngoài nỗi đau buồn bên trong. Như thế, dù được ở trên đầu người ta, rơm cũng vẫn bị xem như là một vật tầm thường, xấu xí.

Từ khi rời quê lên thành phố, rồi trối nổi theo những chuyển biến của hách sử, cuối cùng thành một gã lưu vong, tôi không còn dịp nào được gần gũi với rơm nữa. Nhưng mỗi khi tìm lại tuổi ấu thơ trong cơn mơ hay trong những lúc thả hồn theo kỉ niệm thiếu thời, lôi lại thấy rơm. Những sợi rơm vàng óng, nồng nàn mùi thơm hoang dã và hương lúa ngạt ngào như quấn lấy thân tôi. Hình như rơm muốn che chở cho tôi, ấp ủ lấy tôi để truyền cho tôi sự ấm áp và tình thân. Bây giờ đã lớn, nên tôi biết phân tích tình cảm của tôi để thấy rằng chính cái giản dị của rơm tạo nên một vẻ quyến rũ và làm tôi tưởng nhớ mãi, cho dù bao nhiêu hình ảnh khác của quá khứ hầu như đã tan biến trong tôi. Tôi cũng cảm nghiệm rằng tình yêu đơn sơ giản dị chính là thứ tình yêu đẹp nhất và lôi cuốn nhất.

Dịp lễ Giáng Sinh năm ngoái, tự nhiên tôi được một người bạn nhắc cho những hình ảnh về rơm, và qua bạn, tôi học được những bài học của rơm, Bạn tôi hiền như một con chim sẻ, ngây thơ như bồ câu, dễ thương như thỏ, nhưng đôi khi cũng biết tự phòng thủ như một con nhím. Và một điều chắc chắn là bạn có đời sống nội tâmthật sâu thẳm, sâu như lòng giếng nhìn không thấy đáy.

Bạn tôi sống trong một cộng đồng. Cộng đồng này có một tục lệ dễ thương lắm, cứ vào dịp Giáng sinh, mọi người bắt thăm để nói về một vật gì đó có liên quan đến máng cỏ. Bạn tôi bắt được lá thăm yêu cầu nói về rơm. Và sau dịp trình bày ấy, bạn đã nói lại cho tôi nghe những gì bạn nghĩ về rơm.

Bạn nói rằng bạn cũng đã nghĩ đến sự tầm thường của rơm, tầm thường đến độ khi đề cập đến những gì thấp kém, vô dụng, người ta gọi đó là những thứ "rơm rác'. Nhưng dù tầm thường đến thế nào đi nữa, rơm cũng không thật sự vô dụng đâu. Rơm sẵn lòng làm những công việc tầm thường nhất, khi mà người ta không có phương tiện để làm cho khá hơn. Nếu có chăn êm nệm ấm, chắc người ta không nghĩ đến chuyện nằm ổ rơm. Nhưng khi không có chăn êm nệm ấm, ổ rơm đã là nơi sưởi ấm con người trong những ngày tháng mùa Đông. Nếu có cỏ non thơm ngọt, người ta đã không nghĩ đến chuyện nuôi trâu hò bằng rơm. Nhưng khi chẳng còn cỏ non, rơm đã trở thành món ăn cho trâu bò no bụng. Không biết rằng người ta có ai hiền lành và có tinh thần phục vụ như rơm, sẵn lòng làm cho người khác những việc mà ''không còn biết chạy vào đâu nữa người ta mới nhờ đến mình''.

Bạn nóị rằng khi đề cập đến lửa rơm, ai cũng có vẻ xem thường. Nhưng bạn nhìn lửa rơm ở một khía cạnh khác, và bạn thấy lửa rơm đáng quí lắm. Đáng quí vì lửa rơm mang ý nghĩa của sự hi sinh và khiêm tốn. Truớc khi có lửa củi, lửa than, người ta phải có lửa rơm. Lửa rơm tàn nhanh lắm, nhưng nếu không có lửa rơm, làm sao củi, than bén lửa? Và khi bếp đã cháy hồng, rơm chỉ còn là một nắm tro, không ai biết đến rơm nữa, người ta chỉ trầm trồ ngắm nghía những thanh củi, hòn than cháy hồng rực rỡ. Chẳng biết có mấy ai dám hi sinh và khiêm tốn như rơm, khởi đầu công việc, nhưng sau đó âm thầm lui đi và nhường lại vinh quang cho người khác?

Bạn nói đến một điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Đó là sự trống rỗng của rơm. Trong lòng cọng rơm không chứa gì. Chính cái trống rỗng ấy làm cho rơm trở nên hữu ích. Bạn kể cho tôi nghe ngày xưa khi chưa có những địa bàn tối tân như ngày nay, người Trung Hoa đã xỏ kim nam châm vào trong một cọng rơm và thả xuống mặt nước yên lặng. Cọng rơm sẽ chỉ cho người ta biết hướng Nam hướng Bắc. Từ hình ảnh ấy, bạn nói cho tôi nghe cái cần thiết của sự trống rỗng. Hầu như ít có người biết tự làm trống mình, để cho ơn Chúa tràn vào, chan chảy. Tâm trí người ta thường chất chứa nhiều thứ lắm: tham vọng, mưu tính, hận thù, tranh chấp, thiên kiến... Những thứ ấy làm cho đầu óc và trái tim người ta chật chội, từ đó khó có những nhận định chính xác. Khi không có được nhận định chính xác, người ta không thể tứ hướng dẫn mình và hướng đẫn người khác. Cọng rơm mà đặc thì không thể dùng để xỏ kim nam châm vào, để chỉ cho người ta biết hướng Bắc, Nam.

Và bạn nói với tôi về sự đáng yêu trong cái tầm thường của rơm. Chúa Hài Nhi yêu sự khiêm hạ. Nên khi giáng thế Ngài đã chọn một hang đá nghèo hèn lạnh lẽo, và ngự trên một máng đựng cỏ, rơm. Vinh dự thay cho rơm, thụ tạo tầm thường ''rơm rác'' của trái đất, lại là vật đầu tiên được đụng chạm đến Thánh Thể Hài Nhi. Đâu còn vinh dự nào sánh bằng ?

Tôi không nói với bạn lời cảm ơn khi bạn chia sẻ cho tôi những ý nghĩ ấy. Nhưng trong đáy lòng, tôi cảm động và thấy quí bạn hơn. Tôi biết những ý nghĩ này phát xuất từ trong đời sống nội tâm sâu thẳm ''như lòng giếng'' của bạn.

Và với rơm, tôi thấy thích rơm hơn nữa. Tôi muốn giống rơm. Vì thế, tôi đã cầu nguyện với Chúa rằng: ''Lạy Chúa, xin cho con biết hiền lành, khiêm tốn như một cọng rơm, để con được gần Chúa và được Chúa yêu. Xin cho trái tim con trống rỗng như một cọng rơm, để tình Chúa đổ xuống ngập tràn con tim ấy".

Nhà Văn Quyên Di

VỀ MỤC LỤC
PHO - MÁT
 

 

Theo huyền thoại thì pho mát được một nhà kinh doanh tình cờ khám phá ra cách nay nhiều ngàn năm. Nhân dịp một chuyến đi buôn xa, ông mang theo nhiều lương thực, trong đó có sữa dê mới vắt đựng trong một cái bao tử lạc đà đã phơi khô.

 

Một hôm, lấy sữa ra uống thì thấy sữa đã đông đặc dưới ảnh hưởng của hơi nóng mặt trời và vài hóa chất còn dính lại ở bao tử lạc đà. Nếm thử “cục sữa” ông ta thấy ngon và béo. Thế là ông ta tìm hiểu thêm rồi sản xuất món sữa đóng cục này tung ra thị trường và kiếm nhiều lợi nhuận tài chính. Đó là pho mát, phiên âm tiếng Pháp chữ Fromage, tiếng Anh gọi là  cheese.

 

Từ đó pho mát được nhiều quốc gia trên thế giới sản xuất và trở thành món ăn rất phổ thông trong bữa ăn chính, để tráng miệng, ăn khai vị cũng như ăn vặt trong ngày.

Cách làm

 

Pho mát có thể làm từ bất cứ loại sữa động vật nào như cừu, dê, trâu, lạc đà, lừa... nhưng thông thường nhất vẫn là từ sữa bò.

 

Nguyên tắc làm cũng giản dị.

 

Sữa được làm đông đặc với một loại enzym (rennet) lấy từ dạ dày động vật có vú hoặc chế biến từ nấm và vi khuẩn, đun ở nhiệt độ thích hợp.

 

- Phân tách cục sữa chứa nhiều đạm chất với phần chất lỏng . 

 

- Thêm chút muối vào cục sữa để tạo hương vị, độ ẩm..

 

- Ép cục sữa thành những hình dạng tùy theo ý muốn, đồng thời cũng chắt bò chất lỏng còn sót lại.

 

Thế là ta đã có miếng pho mát ngon miệng. Loại pho mát này chưa ngấu, dễ hư nên cần được để trong tủ lạnh và chỉ dùng trong dăm ngày.

 

Muốn có phó mát ngấu, phải lấy bớt chất lỏng ra bằng muối rồi chế thêm vi khuẩn Penicillum Camembert ( pho mát Camembert, Brie), vi khuẩn Penicillium Roquefort ( pho mát Roquefort, Blue cheese),  Propionibacterium shrmanii cho Swiss pho mát, Brevibacterium linens cho pho mát Brick…

 

Quý bà nội trợ có thể làm pho mát tươi tại nhà như sau:

 

- Đun 1 lít sữa nóng 60◦C, hòa cùng 200ml sữa chua, nhè nhẹ khuấy cho đều để tránh cháy dưới đáy, rồi ủ nóng trong nồi cơm hay đặt cạnh lò sưởi khoảng 8giờ cho sữa đông thành sữa chua.

 

- Dùng dao rọc sữa chua theo ô cờ nhỏ.

 

- Đun sữa chua nóng lại 60◦C, ủ tiếp 2-3 giờ để sữa chua tách nước.        

 

- Gói hỗn hợp trên với 1 tấm vải màn, treo cho ráo nước.

 

- Nếu muốn pho mát khô hơn, thì đè thêm vật nặng lên.

 

- Để trong tủ lạnh vài giờ đến khi khô hoàn toàn.

 

- Thêm mùi vị cho pho mát, cất trong tủ lạnh ăn dần.

 

Chế biến pho mát là phương thức giúp chúng ta chuyển một thực phẩm dễ hư là sữa, sang một thực phẩm ít bị hư hơn và đồng thời cũng là cách để dành sữa dưới dạng có thể giữ được lâu.

Các loại pho mát

 

Pho mát được phân loại theo nhiều cách.

 

Pho mát tươi như cream, cottage cheese và pho mát ngấu như Chedda, Swiss, Camembert, Gorganzola.

 

Thông thường nhất là phân loại tùy theo sự cứng mềm hoặc độ ẩm của pho mát:

 

Pho mát mềm như Cottage, Ricotta, Impasta, Neufchatel, cream;

 

Mềm trung bình như Morazella, Blue, Camembert, Pizza, Edam, Swiss, Chedda, Provolone;

 

Cứng như Dry Ricotta, Mysost, Romano, Parmesan.

 

Đó là pho mát tự nhiên (natural cheeses)  trực tiếp từ sữa.

 

Còn loại pho mát chế biến (processed cheese) làm bằng cách pha trộn trong hơi nóng một vài loại pho mát tự nhiên. Pho mát chế biến có thể để dành lâu ngày và thường là mặn hơn pho mát tự nhiên.

 

Và giả pho mát (Imitation cheeses) do chất đạm của sữa và dầu thực vật tạo thánh. Vì là giả nên pho mát này rẻ hơn, ít chất dinh dưỡng và có chỉ có 10% cholesterol so với các pho mát khác.

Mua pho mát

 

Bộ Canh Nông Hoa Kỳ đã phân định giá trị của các loại pho mát Swiss và Cheddar, căn cứ trên hương vị, cấu trúc và hình dáng bên ngoài. Nhóm AA là tốt nhất, nhóm A là trung bình.

 

Khi mua cũng nên để ý tới cách trình bày : Pho mát cắt thành viên nhỏ, sợi hoặc miếng mỏng thường đắt hơn cục to. Pho mát đựng trong vật chứa lớn rẻ hơn trong vật chứa nhỏ. Mua vừa đủ dùng trước khi hết hạn, mất hương vị.

Pho mát mềm như cottage, cream cheese  rất mau hư. Nhiều loại pho mát ghi rõ số lượng muối và chất béo.

 

Khi mua, lựa pho mát bầy trong ngăn tủ lạnh, coi kỹ ngày bán và ngày tiêu thụ; không mua loại bị mốc meo, ngoại trừ khi meo là thành phần cấu tạo của pho mát như blue cheese.

 

Về nhà nên cất pho mát vào tủ lạnh, gói kín để khỏi khô. Cất gói cẩn thận, pho mát rắn có thể để dành sáu tháng, còn pho mát mềm nên dùng trong vòng một tuần.

 

Pho mát khối đặc có thể mọc mốc meo ở phía ngoài nhưng sau khi gọt bỏ meo, vẫn còn dùng được.           

Dinh dưỡng

 

Pho mát giữ nguyên được các chất dinh dưỡng từ sữa đã sản xuất ra chúng: chất đạm với các amino acid cần thiết, ít chất béo và cholesterol hơi cao. Chất đạm trong pho mát là cô đọng từ sữa mà ra cho nên rất phong phú và được coi như có thể thay thế cho thịt.

 

Hầu hết pho mát có nhiều sinh tố A. Calci và phospho có nhiều trong pho mát rắn, ít trong pho mát mềm. Pho mát cũng là nguồn cung cấp riboflavin quan trọng.

 

Trung bình 30gr pho mát cung cấp 100 calori, 180mg calci, 8gr chất béo, 9gr chất đạm.

 

Chất béo làm pho mát có hương vị hấp dẫn đặc biệt nhưng cũng gây ra vài không tốt cho sức khỏe. Ngày nay có pho mát ít chất béo hoặc pho mát làm từ sữa đậu nành.

Ăn pho mát

 

Pho mát được ăn chung với sà lách, bánh mì hoặc để nấu.

 

Pho mát thường được dùng như món ăn chơi hoặc trộn lẫn với thực phẩm khác như đậu, rau, mì sợi, bánh mì , chứ không dùng làm món ăn chính, mặc dù có nhiều chất dinh dưỡng.

 

Khi nấu với món ăn khác, cần đun nhỏ lửa và trong thời gian ngắn để chất đạm không cứng, dai đồng thời cũng để chất béo không thoát ra ngoài. Chẳng hạn khi làm trứng ốp la với pho mát thì phủ pho mát trên trứng đã chiên chín.

 

Vài điểm cần lưu ý.

 

a- Một vài loại pho mát như Cheddar, Swiss, Rocquefort có thể bảo vệ răng khỏi bị sâu. Pho mát kích thích nước miếng tiết ra để trung hòa acid do vi sinh vật trong miệng tác dụng trên thức ăn kẹt trong răng. Acid này ăn mòn men răng, khiến răng mau hư. Calci và phosphore trong pho mát cũng giúp răng chắc bền hơn.

 

b- Bác sĩ thường khuyên người bị cao huyết áp, cao cholesterol, nặng quá ký không nên ăn nhiều pho mát vì có nhiều chất béo và muối sodium.

 

c- Bị dị ứng với Penicillin không nên ăn blue cheese vì pho mát này được làm với tác dụng của nấm penicillin.

 

d- Pho mát có nhiều tyramine, một hóa chất làm động mạch co thắt và có thể gây ra cơn cao máu bất thình lình, nhất là ở bệnh nhân dùng thuốc trị trầm cảm dạng ức chế monoamine oxidase inhibitors (MAO inhibitor).

 

Tyramine có nhiều trong các loại pho-mát Camembert, Cheddar, Roquefort, Blue; rất ít trong Cottage, cream cheese.

 

đ- Nhiều loại pho mát có rất ít hoặc không có đường lactose, rất thuận lợi cho người không tiêu hóa được đường này.

 

e- Pho mat có nhiều calci sẽ là món ăn tốt cho bệnh nhân bị loãng xương.

Lời kết

 

Trên đây là nói về món ăn pho mát, một món ăn ngon, bổ dưỡng. Pho mát rất phổ biến khắp thế giới, nhất là ở nước Pháp với hàng trăm loại khác nhau. Cứ mỗi mùa trong năm thì họ lại sản xuất một loại pho mát riêng cho thời gian đó để dân chúng thưởng thức.

 

Pho mát cũng đã đi vào văn học Pháp quốc qua bài thơ ngụ ngôn của văn hào La Fontaine. Bài thơ mang nhiều ý nghĩa xử thế, khuyên đời.

 

“Một bác quạ đen đậu trên cành cây cao, miệng đang nhâm nhi miếng pho mát thơm phức. Chú Cáo lém lỉnh đói bụng đi qua, nhìn thấy miếng pho mát mà thèm nhỏ dãi. Y bèn “tán dương”: Sao mà bác nom quá lộng lẫy đẹp hình đẹp dáng. Giá kể bây giờ mà bác cất tiếng hát thì thiên thần cũng phải ngưng mọi công việc, lắng nghe dọng hát Phượng Hoàng khu vực. Khoái quá, quạ bèn lánh lót nhả ngọc phun châu. Vừa mở miệng, miếng pho mát rơi tọt xuống đất. Cáo ta bèn đớp vội miếng pho mát, ngấu nghiến ăn, tắc lưỡi khen ngon. Rồi lên mặt dạy đời. Là hãy đề phòng những kẻ nịnh bợ, khen mình quá lố kẻo mà lại thiệt vào thân. Quạ ta tiu nghỉu, chịu trận, xấu hổ, lủi thủi vỗ cánh bay xa”.

 

Rổi pho mát cũng được nêu ra trong một tác phẩm ngắn nhưng nhiều ẩn dụ về đời sống, về nhu cầu thay đổi, thích nghi: Who Moved My Cheese của bác sĩ người Mỹ Spencer Johnson. Nếu không chịu thay đổi thì sẽ bị hủy diệt. Chẳng khác chi cứ tiếp tục ăn miếng cheese cũ đã bắt đầu mốc meo, có mùi chua ôi. Xin quý thân hữu kiếm đọc, có bản dịch sang tiếng Việt. Chỉ với 94 trang nhưng sách cho nhiều bài học đáng giá để đối phó với tình huống khó khăn, mang lại hạnh phúc, bình an.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.

Texas-Hoa Kỳ      www.nguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
DUYÊN SỐ  Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Trong thời gian gần đây, nơi gã đang cắm dùi đã xảy ra nhiều chuyện tình thật là buôn cười. Gã sẽ liệt kê một số chuyện điển hình để bàn dân thiên hạ cùng đọc cho vui

Nơi gã đang cắm dùi thuộc đồng bằng Sông Cửu Long và nằm ở phía Tây của thành phố Saigon. Tại đây, mỗi năm đều có một mùa lụt. Thiên nhiên rất nguyên tắc, cứ đúng hẹn lại lên. Vì thế, khoảng giữa tháng tám, nước bắt đầu vô đồng, rồi lên tới cao điểm vào đầu tháng mười một, sau đó rút dần cho tới lễ Giáng Sinh.

Dân chúng sinh sống bằng nghề nông. Trước kia trồng lúa mùa, mỗi năm một vụ. Còn bây giờ trồng lúa thần nông, mỗi năm hai hay ba vụ, tùy địa phương.

Khi mùa gặt về, những người thợ cắt lúa từ khắp các nơi kéo đến. Già có và trẻ cũng có. Nam có và nữ cũng có. Đôi khi họ còn mang theo cả gia đình. Bình thường họ dựng lều trên phần đất của chủ ruộng.

Chính vì thế, con trai chủ ruộng nhiều lúc đã liếc mắt đưa tình với cô nàng thợ gặt, còn con gái chủ ruộng thì đá lông nheo với anh chàng thợ gặt. Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt đã nảy mầm và đâm bông kết trái bằng một đám cưới. Gã xin gọi những cuộc tình loại này là…tình cắt.

Cắt lúa xong, người ta sẽ xuốt lúa ở ngoài ruộng và sau đó chở lúa hạt về nhà để phơi trước khi…dí bồ. Và thế là những người có trâu, có bò hay có máy kéo ở những nơi khác cũng rủ nhau tới để làm thuê kéo lúa, còn được gọi là…cộ lúa.

Khi vụ gặt hoàn tất, người nông dân thường phải sửa lại thửa ruộng của mình, bằng cách lấy đất chỗ cao đổ xuống chỗ thấp. Trâu bò và máy móc lại được sử dụng để kéo đất và còn được gọi là…cộ đất.

Có lẽ vì cảm phục tính cần cù lao động, không quản ngại nắng nôi vất vả, mà chủ ruộng đã âm thầm chấm anh chàng cộ lúa, hạy cộ đất vốn siêng năng cho cô con gái của mình.

Và để được đẹp lòng chủ ruộng, những anh chàng này đôi lúc cũng tỏ ra “ga lăng” không kém, bằng cách kéo lúa hay cộ đất không công cho ông bố vợ tương lai. Rồi cũng được kết thúc bằng một đám cưới.

Sau đó, có những anh chàng lại còn sẵn sàng ở rể, chọn nhà vợ làm quê hương cho mình. Gã xin gọi những cuộc tình loại này là…tình cộ, hay tình kéo.

Sau khi gặt lúa, người ta thường hay bán đồng cho chủ vịt. Thực vậy, trong khi thu hoạch, thế nào cũng có những hạt lúa rơi rụng trên ruộng đồng. Ấy là gã chưa nói tới những bông lúa chau, hay những bông lúa chét, đâm lên từ những gốc rạ vừa mới được cắt. Và thế là chủ vịt thương lượng với chủ đất, cho vịt vào ruộng để ăn những hạt lúa rơi rụng ấy, cùng với sâu bọ và ốc tép. Mỗi đàn vịt có tới cả ngàn con.

Những anh chàng chăn vịt cũng thường cắm lều ở bờ ao, bên cạnh khóm chuối hay bụi tre. Thỉnh thoảng chủ vịt sai họ mang vài chục trứng vô biếu cho chủ ruộng. Ấy là gã chưa nói tới những bữa nhậu thân hữu giữa hai bên. Có khi bên vịt đãi bên ruộng. Có khi bên vịt bỏ mồi, còn bên ruộng bỏ rượu. Sự giao lưu, đi lại giữa hai bên xem ra có mòi thắm thiết.

Cũng chính vì sự giao lưu thắm thiết này, mà có những anh chàng chăn vịt không những đã chiếm được tình cảm của chủ ruộng mà thậm chí còn…”phỗng” được cả cô con gái chủ ruộng, để rồi tình yêu của họ đã trở thành sự thật. Gã xin gọi những cuộc tình này là…tình vịt.

Vào tháng mười, thì mực nước trong đồng đã dâng lên khá cao. Nước về không phải chỉ mang theo phù sa cho ruộng đất, mà còn mang theo cá múa và tôm tép cho dân nghèo. Vì thế, những năm gần đây đã nảy sinh một nghề mới, đó là nghề tép. Nghề tép được chia làm hai thành phần.

Trước hết là những người bán tép. Để có được tép mà bán, họ thường đặt lọp hay giăng “dớn” ngoài ruộng cho tép lọt vào. Nhưng cũng có những người ban đêm rủ nhau đi kéo tép. Số tép họ đánh bắt được nhiều hay ít tùy theo mỗi ngày. Có ngày dăm ba chục ký. Có ngày lên tới cả trăm ký. Số tép này được bán cho “mối ruột”, tức là cho những khách hàng quen thuộc của mình.

Tiếp đến là những người mua tép. Họ thường trang bị cho mình một chiếc tác ráng với máy nổ nhiều mã lực, để có thể dọt thật nhanh, thật lẹ, bởi vì họ phải đi từ cánh đồng này qua cánh đồng khác để thu gom tép. Mỗi ngày họ mua tới cả tấn tép tươi.

Tép mua về phải được luộc cho chín, rồi phơi khô và đóng bao mang lên bán ở Saigon. Không biết thiên hạ dùng tép khô này để làm gì, mà bao nhiêu thiên hạ cũng mua. Có người bảo tép khô ấy được dùng để chế biến mì tôm, hay xuất khẩu qua Đài Loan…Chuyện này thì gã không rõ.

Để luộc tép, phơi tép, cũng như lựa vỏ ốc ra khỏi tép, thì cần phải thuê người làm. Và những công việc này vốn thích hợp với đờn bà con gái nhiều hơn. Có những cô gái từ Tam Nông, thuộc tỉnh Đồng Tháp, tới phơi tép mướn và đã nên duyên vợ chồng với một anh chàng nào đó tại đây. Gã xin gọi những cuộc tình loại này là…tình tép.

Văn học sử có nói tới cuộc tình giữa Nguyễn Trãi và Thị Lộ. Theo sách “Công Dư Tiệp Ký” thì ngày kia, trong lúc đi chầu về, trên đường Nguyễn Trãi đã gặp một người con gái rất đẹp gánh chiếu đi bán. Muốn bỡn cợt người con gái nọ, Nguyễn Trãi liền đọc một bài thơ :

- Ả ở đâu mà bán chiếu gon?

  Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?

  Xuân thu nay độ bao nhiêu tuổi?

  Đã có chồng chưa, được mấy con?

Người con gái không do dự, họa lại ngay bài thơ ấy :

- Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,

  Nỗi chi ông hỏi hết hay còn?

  Xuân thu tuổi mới trăng tròn lẻ,

  Chồng còn chưa có, có chi con.

Rất ngạc nhiên về sự thông minh của cô gái, Nguyễn Trãi hỏi :

- Tên cô là gì?

Cô gái đáp :

- Tên là Thị Lộ.

Nguyễn Trãi bèn lấy nàng làm hầu thiếp.

Cách đây hơn chục năm, một số gia đình trong ấp, ngoài nghề nông, còn làm thêm nghề dệt chiếu. Ăn theo nghề dệt chiếu là nghề đổi chiếu lấy chó. Những anh chàng thanh niên chỉ cần trang bị cho mình một chiếc xuồng máy với cái cũi chó. Đầu tuần anh ta lấy chiếu, rồi chở tới các thôn ấp xa xôi, nhất là các sóc Miên, để đổi lấy chó. Chó mang về bán cho các gia đình đang cần đến, hay đem bán ngoài chợ, thậm chí còn được “xuất khẩu” lên tận Hố Nai và Xóm Mới.

Có lúc trong ấp gã đếm được cả thảy hơn năm mươi xuồng chiếu chó. Gã thử ngồi nhẩm tính : Thứ hai khởi hành và thứ sáu trở về, ít nhất mỗi xuồng cũng được một trăm ký chó. Mà năm mươi xuồng, vị chi là năm tấn chó chỉ trong vòng một tuần lễ. Rồi một năm, cứ thế mà nhân ra. Mỗi chuyến chiếu chó như thế, anh ta kiếm được cả chỉ vàng!!!

Cũng vì đi nhiều nơi, nên những anh chàng chiếu chó được mở rộng tầm nhìn và quen biết nhiều hơn. Do đó cũng đã xảy ra những cuộc tình giữa những kẻ mang chiếu và những người có chó. Gã xin gọi những cuộc tình loại này là…tình chiếu chó.

Hiện nay, đời sống nông thôn còn nhiều vất vả, nên một số thanh niên thiếu nữ lên thành phố để đi học hay đi làm tại những xí nghiệp. Và từ đó nảy sinh những mối tình sinh viên, hay những mối tình công nhân. Anh miền Nam mà lấy chị miền Bắc, hay chị miền Nam lấy anh miền Trung cũng không phải là họa hiếm. Ấy là gã chưa muốn nói đến những cô gái muốn đổi đời, nhờ những trung tâm mai mối, đã lấy chồng Việt kiều, chồng Đài Loan, chồng Hàn Quốc với những cuộc tình xuyên lục địa.

Và như vậy làm sao cắt nghĩa được hiện tượng hai người từ những phương trời cách biệt, xa lắc xa lơ, bỗng gặp nhau rồi thành vợ thành chồng. Phải chăng là do duyên số?

Bên phương Tây cũng như bên phương Đông, người ta chủ trương việc tình duyên, cũng như việc trở thành vợ thành chồng với nhau là do ông trời ấn định. Và người ta đã gọi việc ấn định này là duyên số.

Thực vậy, bên phương Tây người ta cho rằng việc hôn nhân là do thần Cupidon. Theo thần thoại Hy Lạp, thì Cupidon chỉ là một em nhỏ, con của nữ thần Venus. Em nhỏ này cầm trong tay một chiếc cung với những mũi tên. Khi bắn đi, mũi tên sẽ xuyên qua một trật hai trái tim. Và thế là chủ nhân của hai trái tim này nghiễm nhiên trở thành vợ thành chồng với nhau.

Còn người Á Đông thì cho rằng việc tình duyên là do Nguyệt lão, tức là ông già ngồi dưới trăng ấn định.

Có sách chép rằng : Vi Cố, người đời Đường, ở trọ tại Tông Đô. Ngày kia, Vi Cố trông thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ, ngồi dưới ánh trăng và đang xem sách, bên cạnh có một cái giỏ đựng những sợi chỉ đỏ.

Vi Cố đến bên ông già, thi lễ và hỏi :

- Ông là ai?

Ông lão đáp :

- Ta là Nguyệt Lão, sách này là sách ghi chép sẵn tên họ những cặp vợ chồng kết duyên với nhau.

Vi Cố hỏi tiếp :

- Còn chỉ kia là chỉ gì?

Ông lão đáp :

- Chỉ kia là chỉ dùng để cột chân vợ chồng lại với nhau.

Vi Cố hỏi đến người vợ tương lai của mình, thì ông lão cho biết :

- Đó là con của người ăn xin, đang ngồi ở ngoài chợ.

Vi Cố nghe vậy lấy làm buồn và qua ngày hôm sau rắp tâm định giết đứa bé ấy đi, để mình khỏi phải kết hôn với con nhà ti tiện. Vi cố thi hành thủ đoạn, nhưng may thay, cô bé ăn mày kia bị một nhát dao trúng đầu, nhưng không chết và mẹ nó bồng nó chạy thoát.

Về sau Vi Cố kết hôn với cô gái, con nhà quan. Nhân một hôm tình cờ nhìn thấy cái sẹo trên đầu vợ, hỏi ra mới biết sự tình. Chính vợ mình là cô con gái ăn mày, bị mình chém trước kia, và được ông quan nhạc phụ bây giờ xin về làm con nuôi.

Do điển này, ngày sau hễ thấy vợ chồng cưới hỏi nhau, người ta liền bảo :

- Nguyệt Lão đã xe duyên, cột chỉ rồi khó mà thoát khỏi.

Ca dao Việt Nam cũng đã phần nào diễn tả được những ý tưởng trên :

- Nấu chè van vái Nguyệt bà,

  Khiến cho chung hiệp một nhà phượng hoa.

Đồng thời cũng nói lên số phận bấp bênh của người con gái :

- Thân em như hạt mưa sa,

  Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

Từ hai huyền thoại giữa Đông và Tây, gã thấy người xưa đã coi tình duyên như là một sự gì đã được tiền định, mà con người không thể nào xoay chuyển, không thể nào đổi thay, không thể nào quyết định.

Còn hôm nay thì sao?

Có một vài quan niệm mà ngày xưa rất thịnh hành, nhưng bây giờ đã bị giới trẻ cho là lỗi thời và không còn áp dụng nữa.

Chẳng hạn như quan niệm “nam nữ thọ thọ bất thân”. Ngày xưa trai gái không được gặp gỡ, thân mật trò chuyện với nhau.

Còn ngày nay thiên hạ chủ trương cần phải gặp gỡ, tìm hiểu, thông cảm với nhau trước, rồi mới tiến đến hôn nhân. Thậm chí có cặp còn “tiền dâm hậu thú”, “ăn cơm trước kẻng”, khiến cho Việt Nam trở thành một trong những nước đứng hàng đầu thế giới trong phạm vi nạo phá thai.

Chẳng hạn như quan niệm “cha mẹ đặt đâu, thì con cái phải ngồi đó”. Ngày xưa việc hôn nhân phần lớn là do cha mẹ chọn lựa và ấn định. Sự chọn lựa và ấn định của cha mẹ thường chú trọng tới vấn đề “môn đăng hộ đối”, nghĩa là hai bên xui gia với nhau phải cân bằng trong mọi lãnh vực : tuổi tác, địa vị…

Còn ngày nay, thiên hạ tự tìm kiếm lấy nửa chiếc xương sườn của mình, để rồi cuối cùng “con cái đặt đâu, thì cha mẹ phải ngồi đó”. Cho dù sự tìm kiếm này lắm lúc cũng nhiêu khê vất vả :

- Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,

  Thất bát sông cũng lội,

  Tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua.

- Yêu nhau chẳng quản xa gần,

  Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua.

Hơn thế nữa, ngày nay người ta còn có rất nhiều phương tiện hiện đại trợ giúp cho việc tìm kiếm này, chẳng hạn như : điện thoại, email, blog…ngon bổ rẻ, vừa tiện lợi, vừa nhanh chóng, lại vừa đỡ tốn kém.

Nếu trong lãnh vực tình yêu, có được một sự tiền định, một sự an bài nào đó, thì sự tiền định và an bài ấy cũng chẳng ảnh hưởng gì tới sự tự do của chúng ta. Mỗi người đều có quyền chọn lựa và quyết định, đồng thời phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hành động của mình.

Đây là một sự chọn lựa có ý thức giữa hai người nam và nữ. Mà chọn lựa thì vừa có nghĩa là từ bỏ, lại vừa có nghĩa là chấp nhận.

Thực vậy, chúng ta phải từ bỏ tất cả những gì đi ngược lại với tình yêu và làm cho tình yêu bị rạn vỡ. Đó có thể là những kỷ niệm êm đềm trong dĩ vãng của  mối tình đầu. Đó có thể là những liên hệ thầm kín và vụng trộm trong hiện tại. Tất cả đôi khi đã trở nên những trận cuồng phong, giật sập căn nhà hạnh phúc.

Đồng thời, chúng ta còn phải chấp nhận người chúng ta yêu với tất cả những ưu điểm và khuyết điểm, những tính tốt và những tật xấu, bởi vì “nhân vô thập toàn”, chẳng ai là một người hoàn toàn cả. Với những ưu điểm và tính tốt, thì giúp nhau thăng tiến. Còn với những khuyết điểm và tật xấu, thì giúp nhau uốn nắn sửa đổi.

Như vậy, tình yêu là cả một nghệ thuật, hay nói đúng hơn, là cả một quá trình phấn đấu, để được liên tục phát triển. Kinh nghiệm cũng cho hay :

- Xin cho con lấy được người con yêu.

Lời cầu nguyện này xem ra có vẻ dễ dàng và không đòi hỏi nhiêu cố gắng.

Thế nhưng :

- Xin cho con yêu được người con lấy.

Lời cầu nguyện này mới thực sự là quan trọng và không ngừng đòi hỏi những giọt máu hy sinh từng ngày.

Để kết luận, thiết tưởng trong mọi lãnh vực, chúng ta nên ghi nhớ câu danh ngôn sau đây :

- Hãy tự cứu lấy mình, rồi trời sẽ cứu.

Gã Siêu   gasieu@gmail.com

 
VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.info

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************