Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.info                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 107, Chúa Nhật 29.11.2009


MỤC LỤC 

Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo                                                                         Vatican 2

MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM       Gs. Trần Văn Cảnh

LINH MỤC - NGƯỜI KẾT NỐI VỚI GIÁM MỤC                     Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

MÙA VỌNG NÀY TOÀ THÁNH ĐÃ THỔI CHO BỪNG LÊN                      Gioan Lê Quang Vinh

Đức Hồng y tiên khởi của Việt Nam: G.M TRỊNH NHƯ KHUÊ          Tiến sĩ Phạm Huy Thông

“VUI MỪNG VÀ HY VỌNG, ĐAU BUỒN VÀ LO ÂU...”                                          VŨ, Sài-gòn

Lột mặt nạ                                                                                  Lm. Giuse Hoàng Kim Toan 

NGƯỜI THÀY KHÔNG ĂN LƯƠNG                            Antôn Nguyễn Đức Tin (GP. Lạng Sơn)

CUỘC CHIẾN TRƯỜNG KỲ GIỮA HAI PHÁI NAM VÀ NỮ (2)                  Lm. Lê văn Quảng

NHỮNG NGÀY SẦU THẢM                                                                         Nhà Văn Quyên Di

DINH DƯỠNG KHI CÓ THAI                                                          Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.

INTERNET -                                                                                  Chuyện phiếm của Gã Siêu


Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo

Gravissimum Educationis

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Lời Giới Thiệu

 

Chú ý đọc bản Tuyên Ngôn về giáo dục, chúng ta sẽ cảm thấy những ấn tượng khá phức tạp buồn vui lẫn lộn, vừa sung sướng vừa thất vọng. Phân tích sơ qua ta cũng đủ thấy được những nguyên do rõ rệt gây ra những hậu quả trên.

 

Trước hết, bản Tuyên Ngôn có một chất liệu rất là phong phú, một luồng thanh khí sôi bỏng làm cho bản Tuyên Ngôn trở nên sống động, chứng tỏ rằng Cộng Ðồng đã ý thức đầy đủ tính chất quan trọng cũng như tầm mức diễn tiến của vấn đề. Nhất là người ta ngỡ ngàng trước mối thiện cảm chân thành và đáng phục của Giáo Hội đối với nỗ lực của những ai đang theo đuổi một lý tưởng trùng hợp với niềm ưu tư liên lỉ của mình là chu toàn sứ mệnh trần gian và vĩnh cửu của nhân loại.

 

Trong khi đó, cách bố cục lại thiếu cân xứng và vững chắc. Người ta mong thấy một kiểu trình bày khúc chiết hơn để độc giả có cảm tưởng đầy đủ và thoải mái như khi chiêm ngưỡng một lâu dài kiên cố với những chi tiết tỉ mỉ, mỹ thuật.

 

Lịch sử

 

Ấn tượng lưỡng diện trên thật dễ hiểu.

 

Ngày 17-11-1964 khi các Nghị Phụ thảo luận về lược đồ của bản Tuyên Ngôn này, đó chỉ là một bản văn ngắn gọn, không có giá trị tổng quát bao nhiêu. Một số Nghị Phụ muốn thu tóm thành một đoạn để đưa vào một sắc lệnh quan trọng khác; một số khác lại muốn khai triển tư tưởng của Giáo Hội về vấn đề này một cách rộng rãi hơn. Trước tình trạng tế nhị đó, đa số cố gắng đem sơ đồ ra biểu quyết để định hướng vấn đề, sợ rằng nếu bác bỏ lại gặp phải một lược đồ còn nghèo nàn hơn. Vì thế thà chấp nhận những cố gắng đáng kể về phương diện giáo dục do người đời đóng góp còn hơn là tông huấn Divini Illius Magistri quá tách biệt với các định chế nhân loại. Như vậy các ngài hy vọng có thể bổ túc thêm những gì cần thiết.

 

Ngày 20-11-1964, bản văn được thông qua với 1,457 phiếu thuận, 419 phiếu chống và 3 phiếu trắng trong số 1,879 Nghị Phụ hiện diện.

 

Tài liệu được hoàn lại cho Ủy ban đặc trách. Ủy ban lại chỉ định một tiểu ban gồm có cha Hoffer, thư ký ủy ban và nhiều vị thông thái khác như Robert Massi, Paul Dezza v.v...

 

Từ 23 đến 30 tháng 3 năm 1965, trong khi soạn thảo dự án, tiểu ban đã lưu ý tất cả những lời bình phẩm cũng như "gợi ý" của một số đông các Nghị Phụ gửi tới. Nhưng bản văn mới lại quá phong phú, xa hẳn bản cũ cả về lượng lẫn nội dung. Nhiều Nghị Phụ cho rằng làm như thế là không hợp pháp và cần duyệt xét lại cẩn thận.

 

Rất may là không xảy ra điều chi đáng tiếc cả và ngày 14-10-1965, văn kiện đã được chấp nhận với 1,912 phiếu thuận đối lại với 183 phiếu chống.

 

Sau cùng bản Tuyên Ngôn đã được công bố với 2,290 phiếu thuận, chỉ có 35 phiếu chống.

 

Phân tích

 

Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau phân tích văn kiện trên:

 

1. Văn kiện này dựa trên nguyên tắc của luật tự nhiên: mọi người đều có quyền hưởng một nền giáo dục đầy đủ và xứng hợp với thiên chức làm người của mình, "mỗi ngày một tham gia vào đời sống xã hội nhất là về kinh tế và chính trị một cách tích cực hơn hầu có thể hưởng dụng di sản văn hóa thiêng liêng của nhân loại một cách dễ dàng hơn" hợp với chức vị của người con Thiên Chúa.

 

Quyền này đã được nhiều văn kiện chính thức của Liên Hiệp Quốc nhìn nhận, xác định và khai triển. Ðây là lần đầu tiên người ta dựa vào đó để bàn luận về các quyền hành của Giáo Hội trong lãnh vực giáo dục. Căn cứ trên nguyên tắc, người ta có thể tố cáo lập luận của Tông Huấn Divini Ilius Magistri là đã đặt nền tảng các hoạt động giáo dục của Giáo Hội trên thực tại thần linh thuộc sứ mệnh mình. Tuy nhiên một khi người ta chấp nhận ưu quyền tổ chức thiêng liêng của thế giới là lo lắng đến lợi ích toàn diện cho mọi phần tử, đồng thời cũng là những con người của xã hội dân sự, họ không thể chối bỏ quyền tối thượng của con người.

 

Một khi được hiểu biết và chấp nhận, quyền này sẽ đem lại những hậu quả thiết thực như: việc đào luyện những đức tính tự nhiên của một người công dân, phát triển những khả năng trí thức và óc phán đoán, khai tâm cho biết những giá trị luân lý, biết nhận thức và yêu mến Thiên Chúa, tiến tới ơn lãnh nhận đức tin, xây dựng xã hội trần thế và mở rộng nước trời. Tóm lại, không có gì thuộc sứ mệnh con người trong mọi thời đại mà lại ở ngoài phạm vi thực hành của quyền này.

 

Sau cùng, kể từ Thông Ðiệp Mater et Magistra và Pacem in Terris của Ðức Gioan XXIII cũng như Ecclesiam Suam của Ðức Phaolô VI, một âm điệu mới đã nhân tính hóa tiếng nói của Giáo Hội cho thích hợp với xã hội dân sự mà không còn ai phủ nhận nguồn gốc thần linh của nó.

 

2. Người ta hài lòng khi thấy Giáo Hội được bành trướng trên những hậu quả thuộc lãnh vực giáo dục nhờ vào "tiến bộ kỳ diệu về kỹ thuật, về các nghiên cứu khoa học", trên "những kinh nghiệm mới và sự phát triển về các phương pháp giáo dục và giáo huấn" và khi thấy Giáo Hội đòi hỏi mọi người phải được hưởng "một nền giáo dục xứng hợp với nhu cầu của tâm linh và phái tính, với truyền thống quốc gia hầu tiến đến một sự hợp nhất đích thực và một nền hòa bình trên thế giới". Người ta sung sướng khi thấy có một số điều cấm đoán và xác định tính cách bấp bênh của nhị nguyên thuyết từ lâu vẫn chủ trương tách biệt thể xác với linh hồn, cộng đoàn quốc gia với cộng đồng quốc tế.

 

Bởi đó, Giáo Hội không cón tự coi mình như là thẩm cấp duy nhất và là con đường độc nhất trong việc tìm cách chu toàn sứ mệnh của con người nữa, vì không những Giáo Hội chấp nhận những chiều hướng tuy khác mình nhưng cùng tiến tới một mục đích, mà còn sung sướng được trông thấy nhiều công cuộc đem lại lợi ích thực sự cho con người.

 

Trước kia Giáo Hội và thế giới dân sự vẫn cách biệt nhau, nhưng vì là con cái của cả hai xã hội đó, ngày nay chúng ta sung sướng khi thấy họ hòa hợp lại với nhau để cùng gánh vác những công việc nặng nề và cùng nỗ lực xây dựng một lâu đài độc nhất là sự thành công của con người nay ở đời này cũng như sửa soạn cho cuộc sống vinh hiển muôn đời.

 

3. Sau hết, văn kiện đề cập tới những tổ chức thuộc về các hoạt động giáo dục như là học đường, một "môi trường phát triển các khả năng, óc phán đoán và giúp khám phá những di sản văn hóa của các thế hệ trước, đề cao các giá trị, chuẩn bị cho cuộc sống chức nghiệp và biết thông cảm lẫn nhau".

 

Như thế học đường vượt trên những chiều hướng vật chất và bao gồm tất cả các hệ thống có ảnh hưởng trên chủ thể thụ huấn: gia đình "học đường đầu tiên dạy các đức tính xã hội" và cách riêng là môi trường học đường với mọi "yếu tố" trực tiếp ảnh hưởng ít nhiều như: thầy dạy, bạn bè, bản tín và phẩm chất của việc giáo dục, các phương pháp cũng như tất cả các điều kiện khác giúp cho việc giáo dục thành công: "trình độ học vấn, sức khỏe học sinh và qui chế học đường".

 

Trong quá khứ, vì sự va chạm giữa hai quyền bính tôn giáo và thế tục đã gây nên một cuộc tranh chiếm độc quyền học đường. Vì thế văn kiện nêu ra nguyên tắc tương trợ để loại bỏ tệ đoan đó và chấp nhận người công dân có quyền đòi hỏi ít ra trong trường hợp chính quyền thiếu sót, được tự do chọn lựa trường học cho con em hợp với tín ngưỡng của họ.

 

Những vị có trách nhiệm giáo dục chính thức trước hết phải kể tới các bậc phụ huynh. Nhưng trong thực tế, vì việc giáo dục đòi hỏi những điều kiện vượt quá khả năng của mỗi cá nhân, nên xã hội lại phải đảm nhiệm tổ chức "những gì cần thiết cho lợi ích chung của con người": bảo đảm quyền lợi và bổn phận của các phụ huynh, giúp đỡ họ, thiết lập các trường sở giáo dục.

 

Trên cương vị quốc gia, nhà nước cụ thể hóa quyền lợi và nghĩa vụ tự nhiên này bằng cách phân phối cho một cơ quan tối cao để tổ chức và điều hành đời sống của từng cá nhân trong các nhóm người.

 

Bản Tuyên Ngôn còn hàm chứa cả một ý niệm về giáo dục và huấn luyện những hoạt động nhằm thăng tiến con người, từ việc dạy A B C cho người lớn tuổi, chăm sóc các trẻ bất thường trong những cơ sở chuyên biệt, mở trường dạy văn hóa chuyên nghiệp và kỹ thuật cho tới những cơ sở vĩ đại quảng bá nền văn hóa phổ thông hay khoa học chuyên môn; những phân khoa thần học cũng có nhiệm vụ phải cố gắng giúp con người thành công mỹ mãn trong cả hai chiều hướng tư nhiên và siêu nhiên.

 

Ba khía cạnh của văn kiện chúng ta vừa phân tích tóm kết đại cương một cách khá trung thực ý hướng của Thánh Công Ðồng đề cập đến một trong những vấn đề trọng yếu của thế giới theo chiều hướng đầy đủ, phong phú và cao đẹp nhất.

 

Như vậy cũng đã tạm đủ để chúng ta lưu tâm tới khía cạnh hào hứng nhất của vấn đề đã hình thành tư tưởng của Giáo Hội về một điều kiện thiết yếu để cứu rỗi nhân loại.

 

Kết luận

 

Trước khi đọc nguyên bản, chúng tôi ước mong mọi người đọc nó với tất cả tinh thần mà Ðức Gioan XXIII, vị khởi xướng Công Ðồng, đã đề ra tức là chú ý đến những hiện trạng của thế giới ngày nay. Trong khi chú thích một vài tư tưởng, chúng tôi đặc biệt khai thác, duy trì và nhấn mạnh tới sự hòa hợp những viễn tượng hiện đang là mối bận tâm của Giáo Hội và thế giới hôm nay với niềm hy vọng sẽ đem lại cho nhân loại những thành quả thật mỹ mãn.

 

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM

 

« Năm 2010 ghi dấu những sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam : 350 năm thiết lập hai giáo phận tông tòa Ðàng Ngoài và Ðàng Trong (1659-2009), 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam (1960-2010). Ðây là thời điểm cho chúng ta nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa và lắng nghe bài học lịch sử, nhìn vào hiện tại để nhận diện những thuận lợi và thách đố, nhìn tới tương lai để cùng nhau canh tân đời sống và xây dựng Giáo Hội theo đúng thánh ý Thiên Chúa ». (Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa công bố Năm Thánh 2010 »,  ngày 09.10.2009)

Trong chiều hướng nhìn lại quá kh lịch sử ấy, để MỪNG NĂM THÁNH 2010, mời bạn đọc lùi về dĩ vãng, « XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM », từ năm 1659.

 

BÀI 1 : CHƯƠNG TRÌNH MỪNG NĂM THÁNH 2010  

A. Chương trình mừng Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam  

Trong bản NỘI QUI cử hành năm thánh 2010, công bố ngày 27.03.2008, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch HĐGMVN, đã xác định ba mục đích mà việc cử hành Năm Thánh nhằm đến. Trong ba mục đích ấy, hai mục đích đầu nhằm « Nhìn lại quãng đường lịch sử » và « Nhìn lại lịch sử ». Bản Nội Qui viết :

Việc cử hành Năm Thánh 2010 nhằm:

1. Nhìn lại quãng đường lịch sử gần 500 năm truyền giáo qua 3 thời kỳ: 126 năm Bảo Hộ (1533-1659), 300 năm Tông Toà (1659-1960), đặc biệt là 50 năm Chánh Toà (1960-2010). Nhìn lại lịch sử nhằm mời gọi cộng đồng Dân Chúa Việt Nam cùng chung lòng tạ ơn Chúa đã thương ban cho Dân Người được hình thành, tồn tại và phát triển qua những thăng trầm của lịch sử, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với Toà Thánh và các bậc tiền nhân đã góp phần tích cực vào việc loan Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội trên đất nước Việt Nam.

2. Nhìn lại lịch sử cùng với những thẩm định về đời sống Giáo Hội nhằm rút ra những bài học lịch sử cho việc thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.

3. Đồng thời cũng nhìn tới tương lai trong bối cảnh văn hoá xã hội đang đổi thay của những thập niên đầu thiên niên kỷ III, nhằm vận động cộng đồng Dân Chúa một lòng quyết tâm đáp trả tình thương của Chúa, và làm mới hình ảnh gia đình Giáo Hội tại Việt Nam theo hình mẫu mà Công đồng Vatican II 1965 đã phác hoạ như sau: 

Giáo Hội hiệp thông: đào sâu mối hiệp thông giữa cộng đoàn tín hữu với Thiên Chúa trong Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, củng cố sự hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, trong mỗi Giáo Hội địa phương, hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương với nhau cũng như với Giáo Hội toàn cầu;

Giáo Hội tham gia: mọi thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, đều có quyền và trách nhiệm tham dự vào mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội, mỗi thành phần theo đặc sủng của mình;

Giáo Hội vì loài người: quyền bính và sứ vụ của Giáo Hội là quyền và trách nhiệm yêu thương và phục vụ cho sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại. (1). 

Để đạt những mục đích trên, cũng trong bản Nội Qui này, một chương trình đã được qui định. Chương trình này đã được tái xác nhận qua hai Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa về việc chuẩn bị Năm Thánh 2010, ngày 17.04.2009 và Thư HĐGMVN gửi Công đồng Dân Chúa công bố Năm Thánh 2010 ngày 09.10.2009. Chương trình này gồm ba việc chính :

·        khởi đầu tại Tổng Giáo Phận Hà Nội ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Viêt Nam 24.11.2009,

·        cử hành trọng thể tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 21 đến 25 tháng 11 năm 2010 với Đại Hội Dân Chúa

·        và bế mạc bằng cuộc hành hương lớn vào lễ Hiễn Linh, 06.01.2011 tại Linh Địa Lavang,  (2). 

Về phương diện tài liệu, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã công bố một số tài liệu quan trọng và chính thức, trong đó bốn tài liệu sau đây là căn bản hơn cả :

1. « Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam cử hành NĂM THÁNH 2010, NỘI QUI » dã được đức cha Chủ Tịch HĐGMVN, Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, phê chuẩn ngày 27.03.2008 và phổ biến sau đó.

2. « Đề cương Giáo hội tại Việt Nam, mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ » đã được phát hành vào tháng 10.2008, do Ban Tổ Chức Năm Thánh thực hiện.

3. « Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa về việc chuẩn bị Năm Thánh 2010 »,  ngày 17.04.2009.

4. « Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa công bố Năm Thánh 2010 »,  ngày 09.10.2009.  

Trong tương lai, chắc chắn nhiều tài liệu khác cũng sẽ được công bố. Nhưng về tầm vóc quan trọng và chính thức vì có nội dung nền tảng và giá trị ứng dụng lâu dài, ta có thể kể đến những tài liệu mà các vị hữu trách đã loan báo. Trong bản Nội Qui Cử Hành Năm Thánh 2010, về những tài liệu đã được loan báo mà chưa phổ biến có hai tài liệu quan trọng : 1- Kỷ yếu 50 năm thiết lập Phẩm trật Giáo hội Công giáo tại Việt Nam (dự kiến phát hành năm 2009) ; và 2- Kỷ Yếu Đại hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010 (dự kiến phát hành năm 2010 hay năm 2011).

Rồi trong Thư Ngỏ đề ngày 01.05.2009, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, chủ tịch UBVH/HĐGMVN thông báo rằng « Được sự ủy nhiệm của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, chủ tịch Ủy Ban Tổ chức Năm Thánh 2010, Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc HĐGMVN nhận trách nhiệm thực hiện 2 cuốn sách  « Kỷ Yếu Năm Thánh 2010, kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam » và « Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Năm Mươi năm Quan » (3).

Vị chi trong tương lai, ba tài liệu quan trọng bậc nhất sẽ được phát hành :

4. « Kỷ Yếu Năm Thánh 2010, kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam » sẽ trình bày ba phần: 1- Giáo hội Bảo trợ (1533-1659) và Giáo hội Tông Tòa (1659-1960) ; 2- Giáo hội Chính tòa (1960-2010) ; 3- Hướng tới.

5. « Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Năm Mươi Năm Qua » dự định trình bày ba phần : 1- Kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm việt nam ; 2- Giáo hội Công giáo Việt nam năm mươi năm trưởng thành và phát triển ; 3- Hướng tới (Kết luận).

6. « Kỷ Yếu Đại Hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010 » dự định « trình bày những diễn tiến và kết quả của Đại hội, đồng thời đưa ra những định hướng mục vụ cụ thể nhằm xây dựng một Giáo Hội hiệp thông, tham gia, và phục vụ sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại ».

 

B. Loạt bài Mửng Năm Thánh 2010, xem Lịch sử Truyền giáo Việt Nam 

Khi người viết hỏi ý vài người bạn về ý định muốn tìm hiểu và chia sẻ về Lịch sử Truyền giáo Việt Nam, một người bạn đã cho hay cách đây vài ngày, một đứa con của anh ta sau khi xem Tivi đã phát biểu thế này : "Lịch sử Việt Nam đã mấy ngàn năm, trong khi lịch sử của Bác và Đảng chỉ có 80 năm, nhưng chương trình học cho học sinh VN thì 90% là chuyện của Bác và Đảng".

Lịch sử Truyền giáo Việt nam, từ lúc hai địa phận Đàng Trong và Đàng Ngoài được thành lập đã dài với 350 năm hiện hữu, dài gấp hơn 4 lần lịch sử Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam, có sẽ phải được phổ biến nhiều hơn 4 lần sự tuyên truyền của lý thuyết xã hội không ? Chúng ta không cần như vậy.

Nhưng, trong dịp kỷ niệm NĂM THÁNH 2010 quan trọng này, như một thành phần của Dân Chúa, vui mừng vì Giáo Hội của mình đã nhờ HỒNG ÂN mà tồn tại được  trong đời sồng đức tin vững mạnh và đã hội nhập đức tin công giáo vào văn hoá Việt Nam, người viết muốn tìm hiểu thêm về Giáo Hội mình phục vụ, học hiểu thêm về những việc mà Giáo Hội mình đã thực hiện, tắt một điều, muốn « MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM ». Và muốn chia sẻ một cách vắn gọn những điều mình đã tìm ra, với đồng đạo cũng như với đồng bào của mình. 

Trong Thư viết tại Xuân Lộc, ngày 09/10/2009, Gửi Cộng Ðồng Dân Chúa Công Bố Năm Thánh 2010, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã viết rõ rằng : « Năm 2010 ghi dấu những sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam : 350 năm thiết lập hai giáo phận tông tòa Ðàng Ngoài và Ðàng Trong (1659-2009), 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam (1960-2010). Ðây là thời điểm cho chúng ta nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa và lắng nghe bài học lịch sử, nhìn vào hiện tại để nhận diện những thuận lợi và thách đố, nhìn tới tương lai để cùng nhau canh tân đời sống và xây dựng Giáo Hội theo đúng thánh ý Thiên Chúa. Qua văn thư của Tòa Ân Giải Tối Cao, ký ngày 11-2-2009, Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chấp nhận đơi xin của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, cho phép chúng ta mở Năm Thánh đặc biệt từ Lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam 24-11-2009 đến Lễ Hiển Linh 6-1-2011» (4).   

Qua loạt bài này, theo lời chỉ dậy của HĐGMVN, chúng ta sẽ đặc biệt nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa và lắng nghe bài học lịch sử của hai quãng đường quan trọng đã ghi dấu trong Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam này. Đó là thời kỳ Tông Tòa và thời kỳ Chính Tòa.

1. THỜI KỲ TÔNG TÒA, từ năm 1659 đến năm 1960, trong đó, Công Giáo đã thành lập và tổ chức 17 giáo phận đầu tiên cho Giáo Hội Việt Nam ; thành lập và tổ chức hàng giáo sĩ và tu sĩ địa phương ; các tín hữu đã làm chứng cho đức tin : 130.000 người tử vì đạo ; và Giáo Hội đóng góp và xây dựng xã hội và văn hóa cho Việt Nam.

2. THỜI KỲ CHÍNH TÒA, từ 1960 đến 2010, trong đó, Các giáo sĩ việt nam tham gia vào giáo triều Roma với nhiều chức phận khác nhau : hồng y, chủ tịch, sứ thần, bí thư,.… ; 117 vị tử đạo được phong hiển thánh ; Thành lập Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ; Giáo sĩ và tu sĩ việt nam đi làm mục vụ trên khắp thế giới ; Giáo dân Việt Nam có một tâm thức mới : ý thức rõ rệt mình là việt nam công giáo, dấn thân tham gia trách nhiệm xây dựng quốc gia dân tộc, thậm chí dám đương đầu với các bạo lực bất công thế quyền, để bảo vệ và phát triển chân lý và công bình xã hội, mở rộng nhân bản trên nền tảng Tin Mừng.  

Hy vọng rằng qua loạt bài này, bạn đọc sẽ nhìn thấy « ý định ngàn đời đầy yêu thương của Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi người. Chính Đức Kitô chứ không ai khác đã sai các sứ giả của Ngài đến vùng đất thân yêu này để loan truyền Tin Mừng cứu độ. Từ năm 1533, hạt giống đức tin đã được gieo trồng trên cánh đồng truyền giáo Việt Nam. Và khi đã nẩy mầm trên mảnh đất tâm hồn tự do của đoàn tín hữu, hạt giống cứ âm thầm mọc lên, bất kể ngày đêm, và cả trong gió mưa giông bão (x. Mc 4, 26-29). Những giọt mồ hôi lao nhọc của các vị thừa sai và nhất là dòng máu anh dũng của những chứng nhân tử đạo đã nên như “hạt giống trổ sinh các Kitô hữu” (Tertulianô). Giáo Hội trên đất nước này đã từng ngày lớn lên trong nguồn ơn thánh và có thể nói là đã vươn tới sự trưởng thành với hàng Giáo phẩm Việt Nam được thành lập năm 1960 (6).   

Paris, ngày L Chúa Giêsu Vua, 22 tháng 11 năm 2009 

Trần Văn Cảnh 

Ghi chú

(1). Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam cử hành NĂM THÁNH 2010 : NỘI QUY, (27.03.2008)

(2). Ibid.

(3). Thư ngỏ của UB Văn Hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (01.05.2009)/ GM Giuse Vũ Duy Thống).

(4) Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa công bố Năm Thánh 2010 »,  ngày 09.10.2009.

(5). Đề cương Giáo hội tại Việt Nam, mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ, (tháng 10.2008), n°1.

VỀ MỤC LỤC
LINH MỤC - NGƯỜI KẾT NỐI VỚI GIÁM MỤC
 

Nếu tương quan chiều cao là tương quan với Thiên Chúa, thì tương quan chiều rộng là tương quan với linh mục đoàn. Tương quan này làm nên tính đặc thù của linh đạo linh mục giáo phận và cũng là điểm phân biệt với linh đạo linh mục dòng. Trong đó, quan trọng nhất là tương quan với vị Giám mục của mình.

Linh mục triều là linh mục làm mục vụ tại các xứ đạo trong Giáo phận. Các ngài là những cộng sự viên đắc lực của Giám mục, nên đời sống của các ngài phải kết nối với vị Giám mục Giáo phận mình. Kết nối với ngài trong tinh thần hiệp thông và vâng phục.

Tất cả các linh mục và Giám mục đều tham dự cùng một chức Tư Tế (Thừa Tác) duy nhất của Chúa Giêsu. Chính vì thế, đòi hỏi phải có sự hiệp thông phẩm trật giữa các ngài và Giám mục (x. LG số 28). Sự hiệp thông này là dấu chỉ cho sự hiệp thông hữu hình của Giáo hội. Các ngài liên kết với Giám mục của mình tạo thành “linh mục đoàn” duy nhất với nhiều chức vụ khác nhau. Sách Giáo Lý Công Giáo, số 1567 đã ghi rõ : “Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục là hiện thân của Giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại. Lãnh nhận phần chức vụ, cùng chia sẻ nỗi lo lắng của các Giám mục và hằng ngày ân cần thi hành chức vụ ấy, các linh mục chỉ có thể thi hành phận vụ khi tuỳ thuộc vào Giám mục và hiệp thông với Giám mục” (GLCG số 1567).

Kết nối với giám mục trong tinh thần hiệp thông, người linh mục cũng phải nối kết trong tinh thần vâng phục. Lý do là vì các Giám mục lãnh nhận sung mãn bí tích truyền chức thánh, nên các linh mục phải tôn trọng nơi các ngài quyền bính tròn đầy của Chúa Kitô, Vị Chủ Chăn Tối Cao. Và vì thế các linh mục phải kết hiệp với Giám mục không những bằng tình yêu thương chân thành mà còn bằng lòng vâng phục. Đức vâng phục ấy đặt nền tảng trên chính việc tham dự chức vụ Thừa Tác của Giám mục, mà các linh mục đã lãnh nhận trong ngày chịu Chức Thánh và bài sai do chính Đức Giám mục trao (x. Sắc lệnh Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục, số 7).

Tuy nhiên, vâng phục luôn là một thách đố đối với các linh mục, vì các ngài cũng là con người mang cái tôi ích kỷ hẹp hòi, thích làm theo ý riêng mình hơn là làm theo ý người khác. Bởi đó để sống đức vâng phục trong tinh thần tín thác, các ngài phải chấp nhận chết đi cho ý riêng của mình, chấp nhận trở nên nhỏ bé để thánh ý Chúa được lớn lên. Đức Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận trong cuốn “Đường Hy Vọng”, đã nói : “Khiết tịnh là chết cho nhục dục, vâng phục là chết cho ý riêng”. Do vậy các linh mục cần phải có tinh thần cởi mở để đối thoại với Giám mục của mình với tư cách là một cộng sự viên trung thành, đồng thời sẵn sàng đón nhận ý muốn của Giám mục như là thánh ý Chúa trong tâm tình yêu mến của người con thảo. Có như thế, mối dây hiệp nhất, yêu thương và tin tưởng ngày một bền chặt và có sức mang lại hoa trái tốt đẹp cho Giáo hội và các linh hồn. Ngược lại nếu thiếu đức vâng phục, người linh mục sẽ đánh mất đi dung mạo tốt lành của Đức Kitô, “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa đã hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây Thập giá” (Pl 2, 5-8). Cũng có thể nói, không có gì gây nên sự chia rẽ trong Giáo phận và tạo nên gương mù gương xấu cho giáo dân cho bằng thiếu đức vâng phục.

Ước gì trong Năm Linh Mục này các linh mục ý thức hơn trong việc vun trồng mối tương quan gắn kết mật thiết với vị cha chung của mình là Đức Giám Mục giáo phận trong tinh thần hiệp thông và vâng phục. Có như thế đời sống của các ngài mới trở nên dấu chỉ hữu hình nói lên mầu nhiệm thông hiệp giữa Chúa Kitô và Giáo hội của Người.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long (josephlong2009@gmail.com)

VỀ MỤC LỤC
MÙA VỌNG NÀY TOÀ THÁNH ĐÃ THỔI CHO BỪNG LÊN

 

Nhiều năm trước, khi Đức Hồng y Etchegaray lúc ấy còn là Chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hoà Bình của Toà Thánh sang Việt nam lần đầu, chúng tôi được tháp tùng Cha Vũ Khởi Phụng vào yết kiến ngài tại toà Tổng Giám Mục Sàigòn. Ấn tượng đẹp và lớn nhất mà chúng tôi còn giữ đến hôm nay chính là nụ cười và phong thái lắng nghe của ngài, sự lắng nghe của người mục tử chân chính, đem đến niềm hy vọng cho Dân Chúa. Năm nay tôi không được vinh dự gặp lại ngài khi ngài đến dâng lễ cùng với Đức Tổng Giám Mục Giuse Hà nội, nhưng lòng tôi lại bừng lên và cảm được trọn vẹn ý nghĩa Mùa Vọng đang đến khi nghe những lời Đức Hồng Y nói lúc cuối lễ.

Khi nhận bó hoa đẹp từ cộng đoàn Dân Chúa Hà nội, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng “bó hoa đẹp nhất là bó hoa của niềm hy vọng”. Câu nói đơn giản thôi nhưng sao gây ấn tượng lạ lùng. Lịch sử dân Chúa trong Cựu Ước không nhắc nhiều đến hoa. Tân Ước cũng không ghi lại nhiều về hoa. Nhưng mỗi lần Đức Giêsu nhắc đến bông hoa là mỗi lần Ngài nhấn mạnh tình thương lạ lùng của Thiên Chúa: “Hãy nhìn xem hoa huệ ngoài đồng, chúng không gieo không gặt…”. Khi các môn đệ hái bông lúa ăn vào ngày Sabat và bị các biệt phái lên án, Đức Giêsu lại thổi vào đấy tình yêu và niềm hy vọng. Mới đây, thông điệp Spe Salvi của Đức Thánh Cha Benedicto XVI cũng nhắc đi nhắc lại cho dân Chúa rằng đức tin của chúng ta, đức tin của Hội Thánh được nâng đỡ bằng niềm hy vọng lớn lao mà Thiên Chúa đã trao ban. Mùa Vọng chính là thời điểm chúng ta cùng với Hội Thánh sống lại niềm hy vọng của dân Chúa khi đi về Đất Hứa, niềm hy vọng của dân Chúa khi đợi chờ Đấng Cứu Thế xuất hiện và niềm hy vọng của các Tông Đồ những ngày Chúa chịu khổ nạn.

Đức Hồng Y Etchegaray còn thổi vào Giáo Hội Việt Nam niềm hy vọng lớn lao hơn khi ngài trao gậy Tổng Giám Mục lại cho Đức Tổng Giuse Hà nội. Ngài nói chiếc gậy này của Đức Tổng Giuse thì phải được trao lại cho ngài. Đức Hồng Y không muốn mang đi “như người kẻ trộm trên thập giá”. Cộng đoàn tín hữu trong nhà thờ chính toà Hà nội vỗ tay reo mừng, và hàng triệu người tín hữu Công giáo Việt nam cũng đang vỗ tay hò reo vang dậy khi Mùa Vọng đang đến, vì rõ ràng vị đặc sứ Toà Thánh đã nói công khai niềm tin của ngài vào vị Tổng Giám Mục anh hùng của Giáo Hội Việt nam. Đức Tổng chính là hình ảnh của các vị chủ chăn của Giáo Hội Việt nam đang ngày càng vững vàng trong chức vụ của mình. Đức Hồng Y quả thật sâu sắc khi ngài nói so sánh việc nhận lại gậy Đức Tổng Giuse với hành vi của người cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu Cứu Thế. Nhưng Tin Mừng còn nói rõ “kẻ trộm đã thống hối”, chẳng còn dám trộm cắp nữa.

Dường như trước những thông tin tứ bề gây hoang mang cho dân Chúa, Toà Thánh vẫn nhẩn nha từ tốn đi những bước rất dè dặt và khôn ngoan. Sự khôn ngoan của Toà Thánh là sự khôn ngoan đến từ Thần Khí của Thiên Chúa, luôn đến để thúc đẩy con người và xã hội trần thế đi lên cho đến lúc chạm vào siêu việt. Ai chờ đợi ở Toà Thánh không chủ trương đề cao cá nhân, và ơn cứu độ cũng là ơn được ban cho con người trong cộng đoàn dân thánh. Nhưng những nỗ lực cá nhân và sự can trường bênh vực đức tin của từng cá nhân trong Hội Thánh được Đức Giêsu ghi nhận như những viên đá cùng với đá tảng góc tường làm cho vòm nhà Hội Thánh kiên vững. Với nhận định sâu sắc và nhân hậu của Đức Hồng Y Etchegaray, Giáo Hội Việt nam có quyền tin tưởng và hy vọng rằng Toà Thánh yêu quí Giáo Hội Việt nam, yêu quí từng con người trong Giáo Hội non trẻ này, và hồng ân năm thánh đã thực sự khởi đầu.

Lạy Mẹ Maria là Đấng đã đón nhận lời hứa cứu độ bằng việc thực thi Lời Chúa phán, xin cho chúng con khi chuẩn bị trong niềm hy vọng đón nhận hồng ân Chúa, thì cũng nỗ lực góp phần xây dựng Hội Thánh địa phương với lòng quảng đại và can đảm.

Gioan Lê Quang Vinh

VỀ MỤC LỤC
ĐỨC HỒNG Y TIÊN KHỞI CỦA VIỆT NAM: G.M TRỊNH NHƯ KHUÊ
 

1-    Trưởng thành từ đất “ Hàm Rồng”

Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê sinh ngày 11-12-1899 và được truyền chức linh mục ngày 1-4-1933. Ngài trở thành linh giám đầu tiên của Legio Mariae tại Việt Nam. Khi Đức cha F. Chaize ( tức Thịnh)- Giám mục đại diện Tông toà Hà Nội đột ngột qua đời ngày 22-2-1949, Toà thánh đã bổ nhiệm Ngài khi đó đang là linh mục chính xứ Hàm Long thay thế. Xứ Hàm Long ( Hàm Rồng) đúng là nơi “phát” các chức sắc cao cấp của giáo hội Việt Nam. Cho đến nay, xứ này đã cung cấp cho giáo hội 3 Hồng y ( GM. Trịnh Như Khuê; GM. Trịnh Văn Căn; PG. Phạm Đình Tụng) và 2 Giám mục ( GM. Nguyễn Tùng Cương và FX. Nguyễn Văn Sang). Ngày lễ Đức Mẹ lên trời 15-8-1950, Ngài được tấn phong giám mục do Đức cha Lê Hữu Từ chủ phong và hai Đức cha Phạm Ngọc Chi, Gomez là phụ phong. Khẩu hiệu Giám mục của Ngài  là: “ Hãy theo Thày”.

2-    Vị Giám mục “nô lệ” của Đức Mẹ

Một tháng sau ngày thụ phong, Ngài lên đường qua Roma để cảm tạ Toà thánh và cũng là dự lễ tuyên tín Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời 1-11-1950. Ngài tranh thủ đến những thánh địa nổi tiếng về Đức Mẹ là Lộ Đức, Fatima để cầu nguyện với Đức Mẹ cũng như ghé thăm Dublin ở Irlande- nơi sáng lập phong trào đạo đức Legio Mariae để học tập, áp dụng ở Việt Nam. Có thể nói rằng, Ngài chính là vị Giám mục yêu mến Đức Mẹ. Ngài coi sóc giáo phận trong một thời điểm đầy xáo trộn, sóng gió do chiến tranh, biến động chính trị. Ngay Thư chung số 1 ban hành ngày 22-7-1950, Ngài viết: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đau thương, những mong bình an mà chẳng thấy bình an, đau khổ đủ thứ, đau khổ cả hồn, đau khổ cả xác. Trông cậy vào ai? Nương tựa vào ai? Thiết tưởng đang đêm tối tăm, sự soi sáng cho nhân – vật đỡ tối chỉ là mặt trăng êm ái dịu dàng. Tôi muốn nói với anh chị em về Đức Mẹ…Muốn cho địa phận ta cũng được chung phần phúc ấy, tôi đã quyết định sau dịp tôi thụ phong, sẽ dâng địa phận cho trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ”. Nếu ai đã sống trong giai đoạn đó thì sẽ hiểu lá thư trên phải viết ra bởi một con người đầy dũng khí bởi có thể bị suy diễn, quy chụp là “ nói xấu chế độ”. Ngài để lại ít bút tích và ngay cả những bút tích ít ỏi đó cũng rất kiệm lời. Một cuốn sổ tay ghi chép của Ngài mà nhà nghiên cứu Hồng Nhuệ- Nguyễn Khắc Xuyên gọi là  “Nhật ký vô đề” (1) chỉ là những gạch đầu dòng “ nhắc việc” rất khô khan. Ví dụ: “3 Dec.54: hồi 18 giờ yết kiến Hồ Chủ tịch ở biệt điện”. Không rõ nội dung cuộc gặp gỡ hôm 3-12-1954 đó nói gì? Có thể do hoàn cảnh, Ngài không muốn nói nhiều, cũng có thể Ngài ghi chỉ để cho mình nhớ nhưng người đọc có thể khám phá ra nhiều điều thú vị theo phương cách “ ý tại ngôn ngoại”. Trước hết, chúng ta thấy trong hoàn cảnh khó khăn mà Ngài đi kinh lý khắp các xứ họ của giáo phận Hà Nội rộng lớn kể cả các xứ Mường như Mường Riệc, Mường Cắt, Lạc Thổ…Có chuyến đi, mấy xe đi trước xe Ngài mấy bước bị vướng mìn. Có những chuyến đi không thành. Chẳng hạn, “ngày 10-11-1956 định đi Mạc Thượng, không vào được; Ngày 29-11-1956; không đi thăm Khoan Vỹ, Công Xá, Phú Đa như đã định trước”…Không biết sự cản trở đó là do chủ quan hay khách quan? Nhưng nhật ký ngày 16-4-1957 ghi: “hồi 14 giờ trở về Hà Nội, qua Phủ Lý; đến Ngã Tư Vọng bị khám giấy và bị tước giấy”. Vậy là rõ, lý do khách quan. Từ đấy, nhật ký mục vụ chấm dứt. Ngài không được đi đâu được nữa mà chỉ loanh quanh Toà Giám mục. Tôi được nghe Đức cha Nguyễn Văn Sang nói rằng cả hai vị Hồng y họ Trịnh đều lấy sân thượng Toà Giám mục là nơi đi dạo để rèn luyện thân thể và suy tư đến nỗi có hẳn một vòng bầu dục vết chân trên sân thượng và gọi đó là vòng chân Đức Hồng y.

Khó khăn là vậy nhưng lòng yêu mến Đức Mẹ nơi Ngài thì không giảm. Nhật ký của Ngài ghi rất nhiều mục vụ liên quan đến Đức Mẹ: “ 21 Aviril.51 Nam Định, giảng về Đức Mẹ Hằng Cứu giúp; 8 Dec. 52, Kẻ Sở, giảng lễ Đức Mẹ; 18 Jan.53: làm phép tượng Đức Mẹ Fatima; 24-1-53: Ngọc Thị : làng Đức Mẹ”…Không biết vì sao Ngài lại gọi làng Ngọc Thị là làng Đức Mẹ? Chắc nơi đây, giáo dân sùng mến Đức Mẹ lắm! Đặc biệt, Ngài là tác giả của ý tưởng chọn Đức Mẹ là quan thày cho thành phố Hà Nội. Ngày 24-1-1959 Ngài ra thông cáo nhận tượng Đức Mẹ ở Quảng trường Nhà thờ lớn là tượng Đức Mẹ Hà Nội và dâng nhà thờ Cửa Bắc là nhà thờ Đức Mẹ Hà Nội. Ngài soạn kinh Đức Mẹ Hà Nội, mời gọi các thành phần dân Chúa làm đơn xin nhận Đức Mẹ là quan thày thành phố và chính Ngài ký đơn thỉnh cầu Toà thánh xin nhận Đức Mẹ là quan thày thành phố Hà Nội. Ngày 18-2-1959, Ngài khai mạc Năm thánh Đức Mẹ Hà Nội. Ngày 30-6-1959 mở tuần tam nhật mừng lễ Đức Mẹ Hà Nội. Ngày 18-4-1959 khi kiệu đến tượng đức Mẹ Hà Nội, đọc kinh Đức Mẹ Hà Nội, Ngài trịnh trọng xin phép Đức Mẹ gọi thành phố Hà Nội là thành phố Đức Mẹ. Vậy là đến năm 2009 này, thành phố Đức Mẹ vừa tròn 50 tuổi.

Những ngày cải cách ruộng đất “như trời long, đất lở”, con đấu cha, vợ đấu chồng để được chia thêm cái mâm đồng thủng hay cái cối đá vỡ. Ngài ra Thư chung số 11 rất dài tới 14 trang  nhan đề “ Thương yêu nhau”. Bao ẩn ý ở trong lá thư mục vụ này. Thư chung viết: “Tội là sự độc dữ xấu xa, phải thà chết chẳng thà phạm tội; phải hãm mình phạt xác để đền tội và cho khỏi phải phạm tội; đừng sợ sự đau khổ, sỉ nhục vì đau khổ sỉ nhục đời này là vinh hiển đời sau; đường lối của Chúa khác đường lối thế gian”. Những ngày làn sóng di cư bùng nổ, Ngài ra lệnh phạt “ treo chén” những linh mục bỏ đàn chiên. Vì vậy, Hà Nội dù địa điểm ra Hải Phòng thuận lợi cũng chỉ có khoảng 6 vạn giáo dân (trên 20 vạn) và 100 linh mục ( trên tổng số 168) vào Nam, tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các giáo phận khác. Để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, Ngài lập Ban cứu tế và Quỹ cứu tế địa phận vào tháng 9-1951. Ngài củng cố nhiều hội đoàn Công giáo như Hội Đức Trinh nữ Mẹ Chúa Trời, Hội trợ cấp cho chủng viện, Hội Đức Bà lên trời, Đạo binh Đức Bà Maria… Ngài chia giáo phận thành 29 giáo hạt từ tháng 7-1951 để các linh mục tiện coi sóc. Ngài cũng khôn khéo để phong chức choTổng Giám mục phó GM Trịnh Văn Căn ngày 2-6-1963 theo phương thức  “khẩn cấp” vì lý do “ mắt Đức Tổng hầu như mù, chữ viết trên mặt đồng hồ không còn trông thấy nữa”. Thông cáo của Toà Giám mục ngày 3-6-1963 viết như vậy. Đây là cách làm “tiền trảm hậu tấu” mà nhiều giáo phận khác cũng áp dụng kể cả truyền chức linh mục như Bùi Chu truyền chức cho 29 linh mục ngày 8-12-1963.

Giáo hội Việt Nam ghi nhận nhiều lễ phong chức Giám mục “ lạ kỳ”. Đức cha JS. Theurel ( tức Chiêu) được phong giám mục ngày 6-3-1859 kể lại rằng:  “Một ngày tôi đang ở trong một chuồng trâu thì tôi được lệnh cấm phòng ngay rồi về gặp Đức Giám mục. Tôi đến chỗ hẹn gặp tại một chòi lá ở Kẻ Trụ trong hai đêm…Nghi thức tấn phong không có gì sang trọng. Tôi cầm gậy bằng một khúc tre đốn trong rừng gần đấy. áo dán giấy mạ vàng có đính dây kết bằng rơm rạ. Tôi không có tất cũng không có bao tay. Nghi lễ tấn phong diễn ra không quá hai tiếng đồng hồ trước khi mặt trời mọc”(2).  Lễ tấn phong Giám mục cho linh mục Đa minh Đinh Đức Trụ ( Thái Bình) do Ngài chủ sự ngày 25-3-1960 cũng lạ kỳ không kém. Vị tiến chức giả làm ông đạp xích lô từ Thái Bình lên Hà Nội gặp chủ phong trong buồng áo. Nghi lễ diễn ra chỉ có hai người. Rồi vị Giám mục “ chui” đó lại đạp xe sang Bùi Chu tấn phong “ chui” cho Giám mục J. Phạm Năng Tĩnh trong một chiếc thuyền chài…

Đất nước thống nhất, tháng 5-1976, Ngài được vinh thăng lên bậc Hồng y. Khi Đức Phaolô VI qua đời, Ngài qua Rôma dự tang lễ và bầu Giáo hoàng mới. Chưa kịp về nước, Đức Gioan Phaolô I lại tạ thế, Ngài tiếp tục ở lại đến khi Đức Gioan Phaolô 2 lên ngôi và trở về Hà Nội ngày 25-11-1978. Tối 26-11, Ngài vẫn dâng lễ và chủ sự chầu Thánh thể rất sốt sắng ở Nhà thờ lớn Hà Nội. Tối ngày 27-11, Ngài đột ngột qua đời. Câu nói cuối cùng của Ngài trước khi tắt thở là : “ Chịu lễ”. Cái chết bất ngờ của Ngài làm rộ lên những nghi vấn. Nhưng pháp y khẳng định Ngài bị nhồi máu cơ tim. Lễ tang của Ngài được tổ chức vào ngày 30-11 do Đức Tổng Giám mục Trịnh Văn Căn chủ sự. Hai vạn giáo dân đã đến quảng trường Đức Mẹ Hà Nội tiễn đưa Ngài.

Nhân sắp đến ngày giỗ thứ 29 của Ngài, đọc lại những bút tích của Ngài, tôi thấy trong Thư chung số 2 ngày 8-9-1950  viết: “Là nô lệ của Đức Mẹ, tôi phải làm mọi việc dưới sự điều khiển của Đức Mẹ”. Còn Thư chung số 3 ban hành ngày1-11-1950 lại có câu: “Yêu nước, thời nay người ta nói đến rất nhiều, có khi Anh em không nói nhiều bằng người khác. Chúng ta hãy làm nhiều hơn nói”. Xin Ngài cầu cho chúng con được làm “ nô lệ” của Đức Mẹ như Ngài và biết làm nhiều hơn nói trong Năm thánh này.

Hà Nội, tháng các linh hồn năm 2009

Chú thích:

1-   Hồng Nhuệ- Nguyễn Khắc Xuyên: Lịch sử địa phận Hà Nội 1626-1954, Paris 1994.

2-   Le pere Six, Blond Paris 1935

Tiến sĩ Phạm Huy Thông

VỀ MỤC LỤC
“VUI MỪNG VÀ HY VỌNG, ĐAU BUỒN VÀ LO ÂU...”

 

Quý độc giả  thân mến,  

Một lần ghé Manila, tôi được nghe câu chuyện nửa vui, nửa nghiêm, xảy ra trong một cộng đoàn Nữ Tu đa quốc tịch. Có hai Nữ Tu trẻ càm ràm tranh luận với nhau về nếp sống khó nghèo của người tận hiến. Một chị là người Brasil, chị kia là người Việt Nam. Chị Brasil phê bình chị Việt Nam chưa sống khó nghèo, vì chưa biết xuống đường biểu tình, chưa biết phát truyền đơn, chưa biết viết kiến nghị, chưa học được những phương thức tranh đấu vì người nghèo như vẫn thường thấy ở Philippines. Nhưng ở Philippines cũng như ở Việt Nam có những khu dân nghèo, ở đấy có chuột, có gián, và chị Brasil xanh mặt sợ hãi, có khi ré lên, khi phải đụng độ với những tạo vật ấy của Chúa. Thế là đến lượt chị Việt Nam phê bình chị Brasil: nghèo gì mà lại không biết sống chung với chuột, với gián ! 

Chuyện càm ràm giữa hai chị hé cho tôi thấy nghèo cũng năm bảy đường nghèo. Một người từ bờ Đông, một người từ bờ Tây Thái Bình Dương, hai người gặp nhau ở đảo quốc này vì đã đi theo tiếng gọi của Chúa. Và trên đường mình đi, mỗi người tiếp cận cái nghèo theo cung cách riêng của mình. 

Nhưng còn chúng ta ở Việt Nam thì đâu cần phải vượt biển đề gặp cái nghèo giữa trùng dương. Cái nghèo sờ sờ ra đấy, với nhiều bộ mặt khác nhau. Từ trong những làng quê bùn lầy nước đọng, đất chật người đông, những buôn làng dân tộc miền núi đến những khu ổ chuột hoặc những nhà trọ tập thể của di dân lao động. Những cảnh đời đói rách, bất lực, vất vưởng bên lề xã hội. Những thôn xóm nghèo lây lất qua ngày, những làn sóng dân nghèo đang ào ạt tìm cách vươn lên, tiến thân. Nghĩa là có kiếp nghèo sống chung với chuột, với gián, và có cái nghèo lao vào cuộc đấu tranh cầu tiến của xã hội và của thời đại. 

Và men Tin Mừng, men Đức Tin phải pha vào cái nghèo muôn mặt. Hội Thánh Chúa có mặt ở những vùng quê xác xơ, và cũng có mặt trong các tầng lớp công nhân ngày một thêm đông, thêm lớn mạnh. Vấn đề là sự có mặt của Hội Thánh, của các đồ đệ Chúa Kitô giữa biển nghèo sẽ biến đổi được cái gì, biến đổi được ai. Ai, và cái gì sẽ trở nên hạt giống Nước Trời ? Ai, và cái gì sẽ đắm vào trong “nền văn hóa của sự chết” ? Cho nên tất cả không chỉ là câu hỏi, là thách thức đối với xã hội trong lãnh vực trần thế. Tất cả còn là câu hỏi, là thách thức đối với Hội Thánh trong sứ vụ làm Dân Chúa trên đất nước này, vào thời đại này. Sẽ có sự khó nghèo của Tám Mối Phúc và cũng sẽ có sự bần cùng sinh đạo tặc. 

Tôi nghe trên Nhà Thờ ca đoàn đang hát mừng Bánh Thánh Thể: 

“...ngàn đời tròn kiếp lênh đênh 

Chúa đi cùng với dân mình đường xa...” 

Đã đành trong mỗi cộng đoàn đều có những đại diện tương đối khá giả, có của ăn của để, trong những dịp lễ Tết có thể mặc đồ lớn, đọc diễn văn, chiêu đãi trong đạo ngoài đời. Những sự giao tế như thế cũng cần đấy. Nhưng điều quyết định là người nghèo có cảm thấy Nhà Chúa, Nhà Thờ, Nhà Xứ là nhà mình không. Ở đấy, họ có bị mặc cảm vì mình là kẻ thua kém ông to, bà lớn không. Khi đến đấy họ có cảm thấy hồn nhiên, vì mình được là mình, được gặp gỡ anh em chị em tình nghĩa, hay là ngại ngùng, thậm chí sợ hãi vì các đấng, các bậc, và quý ông, quý bà cao sang quá ? 

Tôi chợt thèm gặp lại cảnh dân lao động nghèo của một xứ đạo nọ cùng nhau góp sức xây Nhà Thờ và hội trường. Họ chia nhau từng tốp khuôn vác vật liệu, đổ xi-măng, các bà nấu cơm pha trà cho thợ, các ông chia nhau canh đêm tại công trường không kể lúc tốt trời hay mưa gió lạnh giá. Họ làm thế vì biết rằng Nhà Thờ và hội trường là nhà của họ. Sáng chiều họ đến Nhà Thờ mà nghe như Chúa phán bảo với cuộc sống gay gắt hôm nay như đã phán với vua Ai Cập xưa: “Hãy để dân ta đi” Họ đi tìm sự tự do tâm linh, sự giải thoát, sự hiệp thông trong tôn thờ và cầu nguyện. Hội trường cũng sẽ là của họ, nơi họ và con cái sẽ ngồi nghe Giáo Lý, sẽ học hỏi đạo làm con của Cha trên Trời, sẽ gặp nhau trong những lễ giỗ, lễ cưới, những lúc xuân về, Tết đến... Vì những nơi như thế họ sẽ không tiếc công... 

Nhưng Nhà Thờ ấy và hội trường ấy không phải là cảnh vực duy nhất. Cuộc sống khó khăn thì người ta sẽ xoay xở. Trên đây, những người ủng hộ WTO đã giải thích rằng những khó khăn sẽ nhiều, nhưng cơ hội và việc làm cũng nhiều. Chưa vào WTO mà đã có phong trào di dân lớn. Nó nói lên sự thèm muốn thăng tiến của người nghèo. Và nó cũng là một “điềm thời đại” đối với Dân Chúa. 

Cha Vĩnh Sang, người hay viết những bài bình luận cho Ephata, hôm vừa rồi tỏ ý tiếc rẻ: Hôm Đức Hồng Y Sepe tới đây, tại sao ta không mời ngài một sáng sớm tinh mơ nào đó, lên xe hơi ra xa lộ Đại Hàn chỗ nhà ga Sóng Thần, để vị Bộ Trưởng Truyền Giáo của Tòa Thánh tận mắt chứng kiến cảnh di dân tầng tầng lớp lớp đi lao động kiếm sống trong các xí nghiệp ? Mời ngài dâng lễ cho di dân đông đảo trong một Nhà Thờ đẹp đẽ có phần tiền yểm trợ của bộ Truyền Giáo xây lên, thì ấn tượng thật, nhưng những khu chế xuất, khu công nghiệp như Sóng Thần, và những nhà trọ cho công nhân nheo nhóc, xô bồ ở chung quanh mới là nơi đang diễn ra những thách thức quyết liệt. Ở đó công nhân nghèo của xã hội mới đang được nhào nặn. Ở đó văn minh của sự sống và văn minh của sự chết đang quần thảo với nhau. Tới đó mà quan sát những mẫu người của tương lai đang mọc, đang lớn lên. 

Lại nhớ hôm tôi gặp mấy trăm anh chị em công nhân ở một Xứ Đạo nhỏ gần bên ga Sóng Thần. Họ từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, từ Hà Nam, Hà Tây vào đây tìm đất sống. Tối tối vẫn tìm tới sân Nhà Thờ, tới bên đài Đức Mẹ làm điểm tựa tinh thần. Hôm ấy vừa diễn ra một loạt các cuộc đình công. Tôi hỏi ai tổ chức đình công ? Công đoàn có hướng dẫn, bênh vực hay lãnh đạo những người đình công không ? Các bạn trả lời: Không biết ai tổ chức, nhưng chắc chắn không phải là công đoàn. Công đoàn là cái... hữu danh vô thực.

Lại hỏi: không ai tổ chức, không ai lãnh đạo thì làm sao cho ra một phong trào đình công ? Các bạn trả lời: tự nhiên cứ có mảnh giấy trắng chuyền tay nhau, thế là đến ngày giờ đã hẹn mọi người nhất loạt đình công. Đợt đình công ấy nghe nói đạt được một số kết quả, cuộc sống cũng có được cải thiện tí chút. Vị Linh Mục coi xứ có mặt ở đây đưa ý kiến rằng nếu có lý do chính đáng thì ta có thể đình công, chỉ xin anh chị em đừng đập phá nhà xưởng, đừng bạo động. 

Mỗi năm cứ gần Tết, anh chị em lại họp nhau liên hoan chung một buổi, bánh chưng, bánh Tét, mứt kẹo,... rồi chia tay, một số lên đường về quê, lỉnh kỉnh một vài món quà, áo quần giầy dép cho cha, cho mẹ, cho em, cho cháu. Số còn lại thế nào cũng ngậm ngùi nước mắt, hoàn cảnh chưa cho phép về quê, đành như chàng lãng tử của Nguyễn Bính: 

                        “Tết này em chắc không về được, 

                        Em gửi về quê một tấm lòng”. 

Nói vậy, nhưng về quê là về chơi, về thăm, chứ đâu phải về thật. Vẫn như Nguyễn Bính nói: 

                        “Hôm qua em đi tỉnh về 

                        Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều”. 

Quê là dành cho tình cảm. Nhưng người ta đã bắt đầu quen với nếp sống của các khu chế xuất, rồi sẽ trở lại đó thôi, chứ về quê làm gì. Những thanh niên nam nữ ấy đã có cái gì khác cái thời còn mộc mạc bên ruộng đồng, bên bụi tre, bụi chuối khi trước, và cứ mỗi năm họ lại mỗi khác thêm. 

Những người ăn Tết xa quê ở miền Nam thì cũng làm một cái gì đó để đón năm mới cho đỡ bâng khuâng. Kéo nhau đi chợ Tết, đi chợ hoa Sài-gòn, có khi nhân kỳ nghỉ rủ nhau đi Nha Trang, đi Vũng Tàu, cát vàng, biển xanh, thay cho hoa đào mâm cỗ, thay cho mưa bụi lất phất lạnh trời mà ấm lòng ở quê nhà. 

Và thế là một lớp người mới, một thế hệ mới đang thành hình, với bộ mặt riêng của nó, bộ mặt tổng hợp những đổi thay cùng bao nhiêu nhân tố cũ mới không thể nào cân, đo, đong, đếm nổi. Liệu sẽ là một thế giới nhân ái chăng ? Con cái Chúa gieo vào thổ ngơi này sẽ hoa trái thế nào ? Mọi sự còn tùy đấy. 

Hơn hai chục năm trước, nhà Dòng Chúa Cứu Thế họp Tổng Công Hội ở Itaici ( Brasil ). Hồi ấy nhà Dòng cầu nguyện, xét mình, quan sát, suy nghĩ rồi đề ra một khẩu hiệu bằng tiếng La-tinh: “Evangelizare pauperibus et a pauperibus evangelizari” ( Loan báo Tin Mừng cho người nghèo và được người nghèo loan báo Tin Mừng cho mình ).

“Loan báo Tin Mừng cho người nghèo” ( Evangelizare pauperibus ) là một lời vẫn có trong Thánh Kinh. Hình như mỗi giai đoạn lịch sử lại có những dạng nghèo khác nhau. Và tôi còn chưa nói đến những quái trạng vật chất và tinh thần đang nẩy ra do những o ép vật chất và tinh thần nơi những nhà trọ chật chội oi nồng của di dân chẳng hạn... 

Vế thứ hai của khẩu hiệu: “Được người nghèo loan báo Tin Mừng cho mình” ( a pauperibus evangelizari ) nhiều người nghe có vẻ lạ tai. Nhưng nó là gương mặt còn ẩn khuất của vế thứ nhất và nó chất chứa biết bao nhiêu hy vọng và phấn khởi. Nó có nghĩa là bất chấp những khó khăn, những cám dỗ, những sa đọa, ơn Chúa vẫn tiềm tàng, vẫn nẩy nở nơi dân nghèo.

Trên đường phục vụ Chúa, ai dấn thân với người nghèo, gặp gỡ được chiều sâu của người nghèo, sẽ ngạc nhiên, và hạnh phúc được nhận ra những kỳ diệu của ơn Chúa trong lòng người nghèo. Nói đúng hơn, Chúa vẫn hiện diện giữa lòng dân nghèo, chờ đợi hễ có sự dấn thân, hễ có sự gặp gỡ cảm thông thì Chúa sẽ nở ra thành những mùa bội thu hoa thơm trái lạ. Đấy không phải là lý thuyết mà là kinh nghiệm của nhiều thế hệ Ki-tô. 

Gần đây, vị Bề Trên Cả của Dòng Chúa Cứu Thế, cha Joseph Tobin, suy niệm về bước đường đến với người nghèo của thánh tổ phụ sáng lập Dòng, đã cô đọng bước đường đó bằng ngôn ngữ của thời nay. Cha Bề Trên Cả nói Thánh Tổ Phụ đã “không đưa người nghèo trở về với Giáo Hội, mà đưa Giáo Hội đến giữa người nghèo”. Người nghèo với Giáo Hội, nếu có một sự “trở về”, thì đó là một sự cùng trở về, trở về song phương, trở về với một mầu nhiệm kỳ diệu vẫn có đó giữa lòng cuộc sống nghèo. 

Như Công Đồng Vatican II đã nói: “Vui mừng và hy vọng, đau buồn và lo âu của người thời đại...” 

VŨ, Sài-gòn 13.11.2006
 

VỀ MỤC LỤC
LỘT MẶT NẠ
 

Khuôn mặt biểu lộ tất cả nội tâm con người, giả hình xem ra rất khó với nhiều người, thế nhưng tại sao lại có nhiều người giả hình đến vậy? Câu hỏi này dẫn ta đến một suy nghĩ.

Giả hình trong lễ hội. Halloween là một lễ hội hóa trang vào ngày cuối tháng mười hằng năm. Trong lễ hội hóa trang, người ta mang trên mặt những mặt nạ khác nhau, của ma quỷ, của những dị dạng. Lễ hội chẳng đáng tội gì vì ít ra con người cũng phô bày ít ra một lần trong năm khuôn mặt quỷ quái của chính mình. Cái khuôn mặt quỷ quái ấy, không ít lần có trong đời sống thường nhật của mình nhưng đã nhiều lần khéo léo che giấu chúng nên chẳng mấy ai nhận ra. Dịp lễ hội hóa trang là tự lột tả sự quỷ quái ấy trong con người thật của mình để soi gương, để nhận ra góc khuất cuộc đời thật của chính mình mà cố gắng sửa đổi.

Con người đeo mặt nạ với nhau. Sống thật với chính mình là một cách sống rất khó sống. Con người luôn sống che lấp hình dạng thật của mình dưới một bóng mờ khác, đánh bóng mình với những thủ thuật khác nhau tùy theo sự thích ứng của mỗi người. Bởi vậy trong cuộc đời có người khéo che giấu con người thật của mình khiến nhiều người lầm tưởng. Cái lầm tưởng ấy không do hoàn toàn người khác đánh lừa mình mà một phần cũng do chính mình đã tự đánh lừa mình trong lúc mang mặt nạ để sống với người khác. Trong cõi đục, chỉ nhận ra cái đục ít, đục nhiều và rồi cũng nhiễm đục.

Cần lột mặt nạ. Lột mặt nạ chính mình là cách sửa tâm chính mình, Chúa Giêsu nói: “cái xấu từ trong lòng con người mà ra chứ không phải từ bên ngoài vào” (Lc 6, 45). Thế nên cho dù che mặt nạ có như thế nào chăng nữa mà không sửa tâm thì một ngày nào đó cũng lộ ra nguyên hình.

Có câu chuyện kể rằng:

Georges Hall là một kẻ độc ác và hèn hạ. Vẻ bề ngoài thâm độc không sao giấu được trên đôi mắt sâu và khuôn mặt nhọn hoắt. 

Georges Hall đem lòng yêu thương tiểu thư Merly trong sáng và cao thượng. Nhưng nàng đã từ chối cầu hôn của ngài, tiểu thư cho rằng “Nàng sẽ không bao giờ làm vợ một người đàn ông có khuôn mặt không thánh thiện”

George Hall thuê một người làm mặt nạ giỏi nhất trong vùng làm cho ngài một chiếc mặt nạ của một ông Thánh. Chiếc Mặt nạ đó hoàn hảo đến  từng chi tiết nhỏ, làm cho nàng Merly không sao nhận ra nổi.

Trong khung cảnh lung linh bên hồ nước, tiểu thư Merly đang mải ngắm những bông hoa khoe sắc dưới ánh nắng ban mai. George Hall bước đến cầu hôn với Merly và nàng đã chấp nhận lời cầu hôn không chút nghi ngờ.

Đeo mặt nạ ông thánh, rất dễ bị lộ nếu không có tâm hồn thánh, vì thế yêu nàng Merly bao nhiêu lại khiến ông càng điều chỉnh tâm bấy nhiêu để không lộ diện với bộ mặt xấu xí. 

Thời gian dài trôi qua, ngài George Hall đã cố gắng thanh luyện chính mình cho đến khi cũng không chịu nổi chiếc mặt nạ của mình, ngài quyết định lột mặt nạ ra. Nhưng khi chiếc mặt nạ bị lột bỏ, khuôn mặt của một thánh nhân xuất hiện. Ngài George Hall lúc đó đã trở thành con người mà ngài cố gắng trở thành trong suốt quãng thời gian làm chồng nàng Merly, Một khuôn mặt thánh thiện của người đàn ông đã cố gắng làm những điều tốt đẹp và cao thượng trong từng ngày, từng giờ.

Chiếc mặt nạ bị lột ra là chính tâm hồn thật của mình, không thể tự tạo một mặt nạ cho mình thường xuyên được, nên đừng để một ngày nào đó bị tố cáo: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn." (Mc 12, 38 - 40) 

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan 

VỀ MỤC LỤC
NGƯỜI THÀY KHÔNG ĂN LƯƠNG

 

Mưa, mưa tầm tã mấy ngày liền. Dải đường uốn quanh vào giáo xứ Lộc Quang trơn tuột. Con suối đầu sóc Lộc Quang chảy xiết. 

Trận mưa chiều nay đã làm cho bọn trẻ con chǎn trâu trong Sóc ướt sũng. Thoát khỏi nhóm bạn, Kleng thúc trâu chạy thật nhanh về nhà, cởi vội cái mõ và lùa trâu vào chuồng. Nó chạy lên nhà rửa chân tay và thay quần áo rồi chào mẹ đi học.  

Kleng cùng đám bạn chạy ùa tới nhà Thày Hải học tiếng Khơmer, học tiếng Việt. Thày Hải là người thành phố lên Lộc Quang gần 20 năm, sống với bà con người Stiêng, Khơmer. Cùng ăn, cùng ở, cùng chịu đói khổ, thày cũng trồng khoai mì để ăn như mọi người. Thày thấy các em không biết chữ của dân tộc mình, nên thày mở lớp dạy tiếng Khơmer. Sau một thời gian ,các em đã biết đọc sách, đọc truyện bằng tiếng của mình. Già làng rất vui, khen thày chịu khó. Nhờ chịu khó mà thày đã dạy được một lớp 20 em đọc viết thành thạo chữ Khơmer. Thày còn giúp một số em có tinh thần truyền giáo học đọc Kinh Thánh bằng chữ Khơmer. Tôi hỏi thày : « Các em đã biết đọc chữ của dân tộc mình rồi thì cũng đọc được Thánh  kinh chứ ? » Nhưng thày cho biết chữ của người Khơmer khác với chữ của người Kinh. Ai đọc viết thành thạo vẫn chưa có thể đọc Kinh thánh được, phải học thêm một khóa về Kinh thánh mới đọc được. Hôm tôi đến lần sau thấy các em mỗi bạn ôm một cuốn kinh thánh bằng chữ Khmer chào thày rồi đi. Thày cho biết các em đã biết đọc Kinh thánh bằng tiếng Khơmer, nên tối nào cũng vào các sóc cầu nguyện cùng với bà con của mình.

Thày còn mở thêm lớp học tiếng Việt cho một số người lớn, ngoài ra có lớp đàn guitar, lớp đàn organ. Người tới người lui, lớp học nhộn nhịp rất vui, chỉ riêng có thày là bận bịu không dám đi đâu xa, có người mời thày xuống thành phố thày không dám đi vì thương các bạn đang học không nỡ để các em nghỉ.

Tuy bận bịu như thế thày vẫn dành thời gian đến từng nhà, từng sóc để thăm hỏi động viên những bạn nản, muốn bỏ học. Một lần vào dịp Noel, đang đêm thày kéo tôi đi. Đang nghĩ xem thày dẫn mình đi đâu thì thày chở tôi vào nhà một bạn, gọi là nhà chứ chỉ là một cái lán trên lá cỏ tranh kết lại, xung quanh những tấm phên bằng tre. Bạn này chưa có chồng nhưng lại mang một cái bầu rất to. Vào đến nhà, em đó đang ngủ, thày gọi dậy để đọc kinh. Chúng tôi và em đó đứng trước bàn thờ cầu nguyện với Chúa. Trước lời nguyện cá nhân của mỗi người, thày kêu mời: Chúa thương chúng ta lắm, chúng ta hãy dâng mọi khó khăn, những yếu đuối của mình cho Chúa , Người sẽ bù đắp cho. Khi về nhà thày, thày mới nói cho tôi hiểu; Em này đi làm thuê cho họ không biết bị anh chàng nào đó làm cho như vậy, nhưng mọi người trong sóc, cả cán bộ địa phương đều nói sản phẩm đó là của thày. Họ bắt phá cái bào thai đó đi, nhưng thày cứ một mực nói em này phải giữ bào thai đó lại.Vì đang trong tầm ngắm của mọi người, thày không dám đến vào ban ngày . Thày sợ em đó do sức ép của mọi người mà bỏ cái bào thai nên lúc nào thuận tiện là thày đến để động viên, cầu nguyện cho em đó, bất chấp mọi người dị nghị bàn tán, thày vẫn luôn đồng hành để bảo vệ sự sống. Đêm đó tôi cứ nghĩ miên man, đúng là một con người chính trực, hơn thế nữa, là người « biết chiến đấu mà không sợ thương tích « (Kinh dâng hiến của Thánh Ignatio )

Một thời gian sau gặp lại thày tôi hỏi lại chuyện cũ, «Em bé sao rồi? Có giống thày không?» Thày cười nói: “Nó mà giống mình thì họ đâu có cho mình ở đây». Lần này đến đã thấy các em đông vui hơn. Mới sáng sớm đã có các em nhỏ tíu tít ngoài sân thi nhau quét dọn, làm vệ sinh lớp trước khi học. Các em đến nhà thày vừa được học chữ, học nhạc, đàn lại được xem phim, thày còn có một tủ phim giáo dục mà ở thành phố ít ai có được như thày, nhiều lúc lên thăm thày tôi cũng tranh thủ xin copy ít phim về cho tủ phim của mình. Mỗi lần phải đi đâu thày để chìa khoá trên hộc sau nhà để có em nào đến còn mở cửa, có gì lấy ra ăn với nhau, lấy đĩa mở phim coi, có bạn thì lấy sách , truyện ra đọc. Thày không giữ riêng cho thày mà biến cái nhà của mình thành nhà chung của mọi người. Có lúc tôi hỏi thày , thày không sợ mất đồ sao? Thày cười nói mình đi thì mình gửi nhà cho Chúa coi còn sợ gì. Nhiều người thấy thày sống một mình như vậy mới hỏi: Thày ở dòng nào? Thày được chức mấy rồi? Thày chỉ gãi đầu cho qua chuyện. Có người lo cho thày ở một mình giữa rừng như vậy lúc ốm đau, lúc về già ai nuôi. Thày cho biết mình đi theo Chúa, dấn thân cho Chúa , chả lẽ Người bỏ mình sao. Có lần thày bệnh mọi người trong các sóc kéo nhau ra thăm thày ngồi kín cả nhà, tràn ra ngoài hiên, họ tới thăm thày với tấm lòng chân thành, bánh trái, đường sữa thì họ không có, chỉ có củ khoai, củ mì mang cho thày, thày ăn cho đỡ bệnh. Mặc dù đang bệnh nhưng thày cũng cố dạy mang bánh kẹo người nhà gửi cho thày chia cho mọi người cùng ăn. Nhiều lần về thành phố có người thấy thày ốm quá, thương thày, có hũ thuốc bổ mua từ bên Mỹ về đưa ra biếu Thày và căn dặn: thuốc bổ này thày để dành chỉ thày uống thôi , không được cho ai. Thày vâng để đấy, về nhà được mấy bữa có bà con đau bệnh đến xin thuốc thày đem hũ thuốc bổ đem chia hết cho những người bệnh. Phương châm của Thày là “khó với mình và dễ với mọi người", mình mới chỉ có ốm, còn họ thì đau bệnh, gầy yếu không đủ ăn nên họ đuối sức, nhìn họ mà mình không đành lòng giữ để dùng cho mình.

Lần thăm thày gần đây nhất vào lễ các Thánh năm 2009, thày đã đào tạo được 3 em phụ thày dạy những em nhỏ, năm bạn lớn chuyên về thánh kinh bằng tiếng Khơmer và mời được bác Ba Đoan  trong ban hành giáo cũng vào phụ thày dạy chữ Khmer, một nhóm đồng hành 15 người mỗi tối vào các sóc cùng đọc kinh cầu nguyện cho họ. Các em nay đã tự lập, tự giúp cho nhau, dạy chữ cho nhau, tự tổ chức đọc thánh kinh bằng tiếng Khơmer cho sóc của mình. Một số người già theo Chúa nhưng không hiểu về lời của Chúa, họ khao khát được nghe lời của Chúa, người già không biết tiếng kinh, giờ họ được nghe lời Chúa họ mừng lắm.

Qua những lần lên Lộc Quang tôi mới có cơ hội được biết về một người thày âm thầm hy sinh, dấn thân cho công cuộc truyen giáo, giúp xoa mù chữ mà không cần thi đua khen thưởng, không một chút danh tiếng, không hưởng một đồng lương nào. Hơn thế nữa thày còn khát vọng muốn giúp đống bào xoá đói, xoá cái nghèo để mọi người mạnh khỏe , trẻ em được học hết cái chữ như những người kinh mà không phải bỏ học sớm.

Tấm gương của thày làm cho tôi phải soi rọi lại mình để từ nay tôi sẽ cố gắng hy sinh hơn cho anh em, chịu tiêu hao sức khỏe, thì giờ, dùng chút khả năng nhỏ bé Chúa ban để giúp ích người khác, cho họ được thăng tiến hơn.                                                                        

Antôn Nguyễn Đức Tin - Giáo phận Lạng Sơn

VỀ MỤC LỤC
CUỘC CHIẾN TRƯỜNG KỲ GIỮA HAI PHÁI NAM VÀ NỮ (2)

 

TÌNH TRẠNG VÔ LUẬT LỆ HIỆN TẠI 

Trận chiến khốc liệt nầy đã dẫn đến một tình trạng hỗn loạn hoàn toàn trong liên hệ giữa nam và nữ. Cho đến hôm nay, cả ông cũng như bà, không ai có thể thoát được qui luật nghiêm khắc nầy: bây giờ với sự sụp đổ của luật lệ cũ, mỗi ông cũng như mỗi bà phải thiết lập một vị thế cá nhân trong liên hệ với phái kia. Không một bà nào bị bắt buộc mình phải phục tùng, cũng không có ông nào còn có thể dựa trên phái tính để được hưởng những đặc quyền như ngày xa xưa nữa. Như một kết quả, chúng ta nhận thấy ngày nay mỗi cặp đều có sự phân chia quyền hành. Thỉnh thoảng đàn ông có toàn quyền như trong thời gian đàn ông có quyền độc tôn, nhưng trong lúc khác đàn bà cũng có những đặc quyền mà họ được hưởng dưới thời mẫu hệ. Mỗi người phải tìm thấy chỗ đứng của mình ở một điểm nào đó giữa hai thái cực nầy, và ít khi họ thành công trong việc thiết lập được một sự quân bình cho họ. Quan niệm cũ kỹ ngày xưa về thế thượng phong của người đàn ông vẫn chưa bị loại bỏ hẳn, nên nhiều ông cũng như nhiều bà vẫn còn gắn liền với truyền thống cũ kỹ nầy. Dầu các bà thường không nhận có tình trạng thua kém, còn các ông thì nghi ngờ khả năng thống trị, nhưng vẫn cảm thấy xu hướng muốn chứng tỏ thế thượng tôn của họ. Sự phản kháng của các bà chống lại sự thượng tôn của các ông được Alfred Adler đặt cho từ ngữ: sự phản đối giới nam. Mỗi người nhìn phái kia như một sự đe dọa cho chính mình, và vì thế sự căng thẳng và thù địch giữa hai phái ngày càng gia tăng.  

CHIẾN ĐẤU CHO SỰ GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ 

Có nhiều sự việc có thể nói được là hoàn toàn đúng cho một quốc gia hôm nay nhưng có thể không còn đúng trong một ít năm nữa. Mọi sự phát triển cách nhanh chóng nhất là trong những quốc gia văn minh và tiến bộ. Những xã hội phụ hệ với những đặc quyền dành cho các ông không còn hiện hữu nữa với những dân tộc văn minh. Quyền tối thượng của phái nam biến mất với sự xóa bỏ chế độ đa thê ở Thổ và Tàu. Sự thay đổi không chỉ vấn đề hành chánh nhưng còn diễn tả sự thay đổi trong địa vị của các bà. Tàu có thể vẫn còn được xem là chậm nhất trong việc giải phóng phụ nữ. Ngoại trừ trong những thành phố lớn, các ông vẫn còn có thể lấy vợ bé. Họ có thể lấy vợ hai mà không cần phải ly dị nếu vợ đầu không sinh con trai. Vị thế xã hội của người phụ nữ được nâng cao bỡi sự có con trai. Trong những thành phố Tàu, các bà có thể tham dự những hoạt động chính trị, văn hóa, và thể dục, một cái gì cho thấy sự bình quyền xã hội. 

Ở Nga khuynh hướng bình đẳng đi lên rất mau sau cuộc cách mạng, các bà được cho nhiều quyền lợi hơn họ đã được. Nhưng dầu bình đẳng về luật pháp, Nga vẫn giữ những dấu hiệu của một quốc gia của người nam. Và chiều hướng mới đây cho thấy sự đảo ngược khác hẳn với trước đây, được diễn tả trong những qui luật được phục hồi cho phép chính quyền được xen vào và điều hành đời sống riêng tư của công dân. Những cố gắng đầu tiên để nhận các bà như những chiến sĩ trong quân đội đã không được khích lệ sau đó, và vị thế của họ trong quân đội vẫn còn được tranh cãi. Sức mạnh chính trị vẫn còn trong tay đàn ông. Nói chung, có sự bình đẳng trên luật pháp nhưng trên thực tế vẫn còn kéo lê ngay cả đối với nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

Chúng ta có nghĩ rằng các bà nên có quyền như các ông không? Các bà thích nghe điều đó vì họ tự hào về những điều họ hoàn thành. Một số ông đồng ý với một cái mỉm cười bảo trợ nhưng cũng có một số ông phàn nàn rằng các bà đã có quá nhiều quyền lợi rồi, nếu tiến hơn nữa đàn bà sẽ là tối cao. Chính các bà đã làm nhiều người suy nghĩ. Họ say đắm trong sự vinh quang tưởng tượng được cung cấp bỡi những con người ủng hộ. Giờ đây, chúng ta thử đối diện với những sự kiện mà chúng ta gọi là 4 quyền lợi: chính trị, xã hội, kinh tế, và phái tính để thử xem có thật sự là bình đẳng giữa hai phái không? 

- Chính trị: Hiến pháp cho các bà quyền như các ông. Nhưng các bà có thể làm cho chính mình xem ra hữu dụng không? Các bà có toàn quyền ứng cử và bầu cử, nhưng thực tế các bà có đủ tài đức để được chọn vào trong guồng máy chính quyền thì rất giới hạn. Ngay cả các bà tưởng tượng các bà có thể là tổng thống tốt của một quốc gia. Nhưng ngay cả những ông ngưỡng mộ các bà cũng phải suy nghĩ về sự nhạy bén sâu sắc về vấn đề chính trị của các bà. 

- Xã hội: Trong lãnh vực nầy, các bà xem ra bình đẳng hơn và xem ra đã tiến xa hơn. Nhưng sở dĩ có được như vậy là vì sự coi thường của các ông về mặt không mấy quan trọng của lãnh vực xã hội. Như một ví dụ: đàn ông độc thân thì dễ chấp nhận hơn đàn bà độc thân. Về chức năng xã hội: đàn bà làm một việc gì quá đáng thì đáng sợ trong khi đàn ông quá đáng thì không sao. Một người đàn bà cưới một người kém hơn mình thì nguy hiểm hơn người đàn ông trong trường hợp như vậy, và các bà lấy tên các ông chứ không có sự ngược lại. 

- Kinh tế và nghề nghiệp: Dầu thống kê cho thấy rằng hầu hết tài sản của người Mỹ được làm chủ bỡi các bà, nhưng ai quản lý tiền? Dĩ nhiên là các ông. Đa số những người được chỉ định để điều hành kinh tế là các ông. Nhiều người nghĩ răng có một số bà có địa vị cao trong ngành thương mại, nhưng họ vẫn là luật trừ. Và như một qui luật, công việc của các bà thường được xem là ít giá trị hơn, điều đó được biểu lộ trong mức lương thấp hơn mà các bà nhận cho dầu làm một sự việc như đàn ông. Các bà đã bị loại ra khỏi nhiều nghề trong thực tế hơn là luật lệ. Chúng ta ít tìm thấy nữ kỷ sư và trong quân đội nhiều đặc quyền vẫn còn dành cho con trai hơn là con gái dẫu đã có sự thay đổi. Hơn nữa, hầu như mọi người đều đồng ý rằng nếu phải thất nghiệp lâu dài thì nên xếp đặt để người đàn ông đi làm hơn là ở nhà nhàn rỗi. Và cũng rất tự nhiên là các ông nên lo lắng cho các bà. Chính vì thế, những người đàn ông lệ thuộc tài chánh vào các bà vợ được xem là rất kỳ khôi, khó có thể chấp nhận được. Nhiều hục hặc trong hôn nhân có nguồn gốc bỡi tin rằng giới nam có bổn phận phải gánh vác vấn đề kinh tế. Các bà thành công trong doanh nghiệp thường tỏ khuynh hướng cư xử như một người đàn ông bỡi họ mang mặc cảm là người đàn bà. 

- Phái tính: Nhiều bi kịch trong đời sống tình ái của các bà được gây cảm hứng bỡi ước muốn kính trọng người đàn ông mà họ yêu mến. Đó cũng là một tai hại vì rất khó cho các cô gái có học thức thông thái tìm được một người đàn ông khá hơn họ; và khi họ tìm thấy, họ lại hận thù sự thông thái hơn của người đó cũng như muốn thách thức người đó. Bằng chứng cho thấy rằng nhiều cô gái từ chối không đi ra ngoài với người con trai thấp hơn họ. Hôn nhân trong đó các bà có tuổi lớn hơn chồng đang có con số tăng dần nhưng con số ấy vẫn còn rất ít. Một người đàn bà xấu hổ nhận rằng chồng bà không khá mấy, điều đó có nghĩa là chàng không là một người đàn ông đúng nghĩa. 

Ý NGHĨA VĂN HÓA CỦA VIỆC GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ

Sự tự lập của các bà có ảnh hưởng đến cách sống của chúng ta như chúng ta đã thấy. Nó làm tăng thêm nhiều khó khăn mà các ông các bà đã từng cảm nghiệm trong cuộc sống chung. Sự bất an vì thiếu sự đứng vững của kinh tế, xã hội, chính trị khiến các ông các bà hiểu hơn về những khủng hoảng đe dọa đến tiếng tăm của họ. Sự cạnh tranh của các bà làm tăng sự nghi ngờ của các ông, và những cố gắng giữ các bà trong giới hạn làm tăng sự cay đắng đối với các bà. Mỗi người nhìn người khác như bạn thì ít hơn là thù. Họ chung sống với nhau nhưng họ không hiểu nhau. Họ không thể hiện hữu mà không có nhau nhưng họ không thể sống hòa hợp với nhau.   

Sự xung khắc giữa phái nam và nữ chỉ là một phần của sự bất đồng giữa những nhóm người nói chung chẳng hạn như tranh chấp giai cấp, sự thù nghịch giữa các thế hệ, sự xung đột giữa chủng tộc và tôn giáo, chiến tranh giữa các quốc gia và giữa những ý thức hệ khác nhau. Chủ nghĩa thù nghịch được đặt nền tảng trên sự sợ và nghi ngờ lẫn nhau, bắt nguồn bỡi cố gắng của những người có quyền muốn điều khiển và thống trị những người khác, nhưng rồi với sự thù nghịch và nổi dậy của hàng triệu người không muốn chịu khuất phục, nên cuộc chiến cứ thế kéo dài. Sự kết thúc của cuộc chiến không thể có cho tới khi nhân loại kết thúc tiến trình thiết lập sự bình đẳng cho mỗi phần tử của nó. 

Lần đầu tiên trong lịch sử con người, chúng ta đến gần sự bình quyền giữa nam và nữ. Chúng ta chưa thiết lập được sự bình đẳng, nhưng tiến trình đến đó không phải là không thể. Tình yêu và tình dục xem ra lẫn lộn đối với con người trong suốt các thời đại, và sự bất bình đẳng không bao giờ cho phép một sự quân bình vững chắc giữa hai phái. Trong một vài văn hóa, các bà thống lãnh, trong những văn hóa khác, các ông thống trị. Sự thống trị của một giới khi bị khuất phục, quay sang phục tùng. Sự bình đẳng không bao giờ nói được là đã hiện hữu. Sự phát triển hiện tại đánh dấu chiều hướng chung trong những thay đổi về mặt xã hội của thời đại chúng ta. Đàn ông mất quyền tối thượng nhưng đàn bà sẽ không thể thống trị lần nữa. Một khi sự quân bình mới và vững chắc giữa hai phái được hoàn thành, một sự hài hòa mới không có trong quá khứ có thể xuất hiện. Bấy giờ có lẽ sự tranh chấp phái tính sẽ không còn là một vấn nạn muôn đời. Chiến tranh giữa phái tính là một đe dọa đối với nền văn hóa của con người bao lâu người nam và nữ sống chung với nhau như những bạo chúa và đầy tớ. Nhưng nếu là dụng cụ cho sự hợp nhất của con người, nó có thể mang lại một sự hiệp thông, một tình yêu lý tưởng, một sự hài hòa tốt đẹp mà cả hai phái đều có thể tận hưởng. Bấy giờ, hòa bình sẽ thay thế chiến tranh và con người sẽ cùng nhau tận hưởng một cuộc sống an vui và hạnh phúc mà Thượng Đế đã dành cho con người khi tạo dựng nên người nam và người nữ để họ kết bạn và chung sống với nhau. 

Lm. Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý

VỀ MỤC LỤC
NHỮNG NGÀY SẦU THẢM

 

Dù vui tươi cách mấy, lạc quan cách mấy, yêu đời cách mấy, khi nhìn xuống cuộc đời chính mình, tôi vẫn nhận ra có những ngày sầu thảm, những ngày mây xám phủ dầy, những ngày như không có ánh sáng mặt trời và cây cỏ hình như úa vàng, khô héo.

Không nói tới những ngày đau buồn chung cho cả xã hội, cả dân tộc và quê hương, chỉ nói đến cuộc đời của riêng tôi những ngày sầu thảm ấy cũng đủ làm trái tim tôi đớn đau giá buốt.

Ngày sầu thảm có thể là ngày người cha già kính yêu của tôi khuất núi. Cha tôi, một đời tận tụy cho gia đình, chỉ mong nhìn thấy ngày đàn con khôn lớn, nhưng Người đã ra đi khi tuổi đời tôi còn non dại, chỉ như cánh chim mới ra ràng đang chập chững tìm cách bay bổng vào đời.

Ngày sầu thảm có thể là ngày tôi từ biệt người mẹ già từ ái dấn thân vào vùng biển mênh mông vô định, vùng biển của đại dương mà cũng là vùng biển đời trôi nổi, để kiếm tìm giá trị đích thực của hai chữ tự do. Mẹ tôi, người mẹ hiền, cả đời không biết lo đến mẹ, mà chỉ nghĩ đến hạnh phúc các con; mẹ, lòng đau như cắt, nhưng vẫn can đảm đến lạnh lùng ''xua'' tôi ra biển.

Ngày sầu thảm có thể là ngày bóng đen tương lai phủ chụp xuống mái gia đình yên ấm của tôi, trong đó có người vợ dại và các con thơ, chỉ trông ngóng vào sức cần lao của tôi, nhưng hoàn cảnh không may đưa đẩy, khiến cho sức cần lao ấy không đổi lại được gì cho những người yêu dấu.

Ngày sầu thảm có thể là ngày những rủi ro không biết từ đâu rủ nhau đến vây chặt lấy tôi, bó lấy thân tôi, trói buộc tay chân tôi, khiến tôi toàn toàn thụ động không còn biết làm sao xoay xở.

Ngày sầu thảm có thể là ngày tôi thất bại trong những dự tính và hành động, những dự tính và hành động mà nếu công tâm và khách quan nhận xét, tôi thấy nó tốt đẹp, ích lợi và đáng cho mọi người khuyến khích, tiếp tay; nhưng người ta đã không đáp ứng như vậy, trái lại, có thể còn có những nhận định không hay.

Ngày sầu thảm có thể là ngày tôi bị hiểu lầm, mặc dù mình đã sống với tất cả thành tâm thiện chí; ngày mà bao nhiêu cố gắng xây dựng việc chung của tôi không được nhìn nhận hay bị nhìn qua một lăng kính thiên lệch.

Ngày sầu thảm có thể là ngày tôi hoàn toàn cảm thấy cô đơn lạc lõng trên đường đời. Hình như mọi người đều trở nên xa lạ với tôi, dè dặt với tôi. Ngay cả người bạn mà tôi đặt hết trái tim trong tình tâm giao, chia sẻ trọn vẹn con người, không chút hoài nghi, do dự, dường như cũng để tôi lạc lõng, cô đơn.

Và... Lạy Chúa tôi, nhìn xuống cuộc đời riêng tư, tôi thấy còn quá nhiều ngày khổ đau, sầu thảm.

Cũng như mọi người, trong cơn sầu thảm, tôi tìm cách vẫy vùng, trốn thoát.

Trước đây, cũng như nhiều người, sau cơn chấn động ban đầu, tôi để cho tâm hồn bình lặng, so sánh hoàn cảnh mình đang gặp với rất nhiều người không may khác, để thấy rằng dù sao còn có những người kém may mắn hơn mình. Và rồi tôi cảm thấy được an ủi, yên tâm lo đối phó với hoàn cảnh hiện tại, hoặc chịu đựng khi không thể nào đối phó được.

Nhưng đã lâu nay, tôi không còn so sánh mình với bất cứ ai khác. Tôi cảm thấy nếu so sánh hoàn cảnh mình với hoàn cảnh người khác để tự an ủi mình, thì ở một khía cạnh nào đó, hóa ra tôi lấy sự bất hạnh lớn hơn của người khác làm niềm vui và niềm an ủi cho mình. Chả lẽ hạnh phúc của mình được xây dựng trên nỗi bất hạnh của người khác sao? Nghĩ như thế và tôi từ bỏ tư tưởng so sánh hoàn cảnh mình với hoàn cảnh người khác. Bây giờ, khi nghĩ đến nỗi khổ của người khác, tôi thường nhìn ở họ một tấm gương của sự can đảm phấn đấu yà lòng tin tưởng phó thác nơi đấng Toàn Năng, để rồi học hỏi và bắt chước.

Nếu có so sánh, tôi thường so sánh tôi với chính tôi. Trong cảnh sầu thảm, tôi nghĩ tới những chặng đời đã qua. Tôi sẽ thấy mình đã vượt thoát biết bao những ngày đen tối hiểm nguy, để rồi tự khuyến khích mình: ''Tại sao lần này tôi không phấn đấu để cũng vượt thoát như những lần trước?'' Tư tướng tích cực này đã giúp ích cho tôi rất nhiều.

Nếu có so sánh, tôi cũng so sánh hoàn cảnh đen tối hiện tại với những ngày tươi sáng trong quá khứ. Những ngày tôi thành công về mọi mặt, được mọi người cảm thông yêu mến, những ngày đường đời trải rộng bằng phẳng, hoa thơm nở rộ thơm ngát hai bên đường, đón bước chân tôi hân hoan tiến tới. So sánh không phải để tủi thân và sầu khổ thêm, nhưng để thấy rằng cuộc sống rất tương đối và Thượng Đế vốn rất công bằng.

Và, nếu cần so sánh với một đối tượng khác, tôi mạo muội so sánh những khổ đau mình gặp với những khổ đau Đức Ki tô gánh chịu trên đường khổ giá. Đức Ki tô đã đau khổ nhiều hơn tôi gấp bội, hoàn cảnh Ngài gặp còn đen tối hơn hoàn cảnh của tôi gấp bội, sự hiểu lầm Ngài phải chịu còn oan uổng hơn tôi gấp bội, nội cô đơn Ngài nang trong cơn lâm nguy còn kinh hoàng hơn tôi gấp bôi. Nhưng Ngài đã vượt qua hết thảy để phục sinh vinh quang. Nếu tôi nhận mình là môn đệ của Ngài, tôi cần học hỏi nơi Thầy mình bài học phấn đấu và cam đảm. Tôi cũng học nơi Thầy động lực khiến Thầy có thể can đảm phấn đấu đến như thế. Động lực đó chính là Tình Yêu. Tôi sẽ tập để biết yêu một cách chân chính hơn, sâu thẳm hơn, quảng đại hơn. Chính khi học để biết yêu, những sầu thảm tôi đang phải chịu sẽ trở nên nhẹ nhàng và tan biến.

Tôi cũng thường trấn áp cơn sầu thảm bằng cách đối diện với chính nó và tìm tòi trong chính nó bài học nào Chúa gửi đến cho tôi, điều gì Ngài muốn dạy tôi qua những biến cố của cuộc sống. Tôi vừa qua một tai nạn xe cộ. Thắng xe tôi hư, khiến xe tuy đang đi chậm vẫn có trớn lủi vào một bức tường của thành phố. Tôi bị đền, bị rắc rối về luật pháp, bị cản trở công ăn việc làm. Sau cơn bối rối buổi đầu, tôi bình tâm nghĩ lại, thấy rằng Chúa còn che chở tôi, nếu chuyện xảy ra giữa đường phố đông đúc xe cộ qua lại thì hậu quả sẽ tới đâu! Mặt khác Chúa vừa dạy tôi bài học về lòng khiêm nhường và tinh thần biết thực hành những điều nói trên lí thuyết. Đã một lần, tôi viết bài "Đi trên đường đời'', trong bài có nói đến sự quan trọng của cái thắng xe. Giọng văn của tôi trong bài ấy có vẻ chững chạc lắm, bình thản lắm, có lẽ thấm nhiễm một chút tính ''dạy đời''. Nay, Chúa để một hoàn cảnh không may xảy đến, mà nguyên do chính là cái...thắng xe. Chúa ''chơi" tôi một cú khá đau, nhưng nếu tôi không nhìn thấy bài học trong đó thì uổng phí cho tôi biết mấy!

Những ngày sầu thảm.. . Những ngài mây xám giăng ngang che lấp ánh sáng mặt trời, đã, đang và còn sẽ xuất hiện trong cuộc đời tôi. Tôi phải chiến đấu không ngừng, học hỏi không ngừng, để trở nên trưởng thành hơn và tìm thấy giá tri kiếp người một cách rõ ràng hơn nữa.

Nhà Văn Quyên Di

VỀ MỤC LỤC
DINH DƯỠNG KHI CÓ THAI

 

 

Khi mang thai, bà con thân thuộc đều cầu chúc cho “Mẹ tròn con vuông”, ngụ ý sự thai nghén, sinh đẻ sẽ thuận buồm xuôi gió, cả mẹ lẫn con đều bình an, khỏe mạnh.

 

Nhưng để đạt được ước muốn này, không chỉ dựa vào những lời cầu chúc, mà còn cần đến nhiều yếu tố khách quan, trong đó sự dinh dưỡng dành cho bà mẹ tương lai đóng một vai trò rất quan trọng.

 

Trước khi thụ thai, trong thời kỳ mang thai cũng như khi cho con bú mà người mẹ có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ thì cả mẹ lẫn con đều tránh được một số bệnh tật, rủi ro. Đứa con sẽ tròn trĩnh đủ cân đủ lạng, cơ thể vẹn toàn, trí óc phát triển tốt.

 

Cũng có trường hợp ngoại lệ, mẹ thiếu dinh dưỡng mà con vẫn khỏe. Nhưng thực ra là người mẹ phải trả giá hơi đắt, vì trong khi tăng trưởng, thai nhi đã rút tỉa khá nhiều chất dinh dưỡng của mẹ. Hơn nữa, sự khỏe mạnh của đứa bé trong trường hợp này chắc chắn chưa phải là toàn hảo, vì bé còn có khả năng phát triển tốt hơn nữa nếu như người mẹ có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ.Và chỉ khi đó mới có thể thực sự được xem là “mẹ tròn, con vuông”, tốt đẹp cho cả mẹ lẫn con.

 

Từ mấy thế kỷ trước, các danh y như Hippocrates (460-377 trước Công nguyên), Galen (129-199) đã nhận thấy rằng một chế độ dinh dưỡng tốt ở người mẹ sẽ có thể tránh được nguy cơ xẩy thai, sanh con nhẹ cân.

 

Danh y Hải Thượng Lãn Ông của ta nhắc nhở:

“Muốn con khỏe mạnh anh hùng

Tim trâu, gạo mạch thường dùng miệng ăn

Các đồ ăn uống có ngần

Khi thai nên kỵ, phải nhuần cho tinh”

 

Ngày nay mọi người đều đồng ý rằng ăn uống đầy đủ rất cần cho người mẹ, không những trong thời kỳ có thai mà cả sau khi sanh, nuôi con bằng sữa mẹ.

 

Trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, người mẹ cần nhiều đạm để thai nhi hình thành các bộ phận, đặc biệt là não bộ. Trong ba tháng kế tiếp, cần nhiều calcium hơn cho xương tăng tưởng và tạo ra các tế bào máu. Ba tháng cuối cùng là giai đoạn mà nhu cầu chất dinh dưỡng quan trọng hơn nữa, vì đây là lúc thai lớn gấp đôi. Do đó, mẹ không nên cắt giảm ăn uống vào giai đoạn này mà còn phải gia tăng hơn mức trước đó.

 

Khi hai vợ chồng manh nha ý định có con thì người vợ đã phải nghĩ tới chuyện ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Vì ngay từ vài tuần lễ đầu của thai kỳ, đa số các bộ phận của thai nhi đã thành hình và cần chất dinh dưỡng để tạo lập. Nếu kém dinh dưỡng, thai nhi sẽ nhỏ con,  có nhiều rủi ro bệnh tật, khuyết tật thính thị giác, chỉ số thông minh (I. Q) thấp, chậm phát triển trí não, thậm chí còn có nguy cơ hư thai, sẩy thai.

 

Cổ nhân nói “ người mẹ ăn cho hai người”, nhưng thực ra cũng chẳng cần phải ăn đến gấp đôi số lượng, vì đây là cho một người trưởng thành với một thai nhi bé bỏng. Khi sinh mà con nặng được khoảng 3.5 ký là tốt rồi.

 

Thay đổi cơ thể khi có thai.

 

Có rất nhiều thay đổi về cấu trúc và chức năng trong cơ thể người nữ mang thai. Sau đây là một số thay đổi quan trọng:

1. Hệ tuần hoàn.

- Lượng máu từ trái tim ra tăng lên 1/3;

-  Nhịp tim tăng nhanh, từ 70 lên 85 nhịp một phút;

- Khối lượng máu trong cơ thể từ 4lít tăng lên 5.2 lít;

- Khối huyết tương tăng 40%;

- Hồng huyết cầu tăng 18%.

Các gia tăng này đều là để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho người mẹ và thai nhi.

2. Tuyến nội tiết.

Có nhiều thay đổi quan trọng:

a- Nang thượng thận tăng sản xuất kích thích tố aldosterone để giữ nước và muối trong cơ thể cho nhu cầu của thai nghén;

b- Các hormone Estrogen và progesteron từ noãn sào gia tăng để bảo vệ thai kỳ, tránh sẩy thai trong hai tháng đầu;

c- Lượng đường cao hơn trong máu mẹ để nuôi dưỡng thai.  Insulin từ tụy tạng gia tăng để kiểm soát ổn định mức đường huyết;

d- Tuyến giáp hơi lớn để tăng hấp thụ muối iod;

đ- Progesteron, estrogen, Human chorionic gonadotropins từ nhau (placenta) được sản xuất để duy trì thai trong 8 tuần lễ đầu;

e- Sau khi sanh con, tuyến yên tăng sản xuất prolactin để kích thích việc tiết sữa cho con bú.

3. Hệ tiêu hóa.

Thực phẩm ở lại bao tử và ruột lâu hơn để được tiêu hóa kỹ càng và sự hấp thụ chất dinh dưỡng cao hơn cho nhu cầu thai nghén. Vì thai nhi ép vào trực tràng, nhu động ruột chậm cho nên mẹ hay bị táo bón.

d. Cơ quan sinh dục

Nhũ hoa lớn lên, tuyến sữa tiết sữa để sẵn sàng nuôi con;

Dạ con tăng trưởng nặng khoảng một kilogram.

 

Nhu cầu chất dinh dưỡng

 

Một chế độ dinh dưỡng đa dạng, cân bằng và hơi nhiều hơn thường nhật là điều cần thiết để có sức khỏe lành mạnh cho cả người mẹ lẫn thai nhi.

 

Trung bình, người phụ nữ cần khoảng 2200 calori mỗi ngày.Theo các nhà chuyên môn, khi có thai, người mẹ cần  thêm khoảng 300 calori mỗi ngày, theo tỷ lệ cung cấp khoảng 40-50% từ carbohydrat, 20%-30% từ  chất đạm và 30% từ chất béo. Phần dinh dưỡng tăng thêm này là để đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng của thai nhi cũng như các thay đổi ở cơ thể người mẹ.

1- Chất đạm

Đạm là vật liệu căn bản tạo ra các mô bào của thai nhi cũng như là nguồn dự trữ mà người mẹ cần khi sanh con.

 Bình thường, nhu cầu đạm mỗi ngày là 47 gram. Khi có thai, cần tăng thêm khoảng 30 gr mỗi ngày, nhất là ba tháng cuối của thai kỳ vì đây là lúc mà thai nhi tăng trưởng mạnh. Ngoài ra mẹ cũng cần nhiều đạm vì tử cung, tuyến vú và các tế bào khác đều lớn hơn để hỗ trợ thai nhi và cho con bú sau này.

 

Nên cân đối khoảng một nửa nhu cầu đạm từ động vật như thịt nạc, trứng, pho mát, gà, cá, sữa... vì nếu chỉ dùng toàn đạm thực vật sẽ có nguy cơ thiếu một vài loại amino acid cần thiết.

 

Một cách cụ thể, nếu người mẹ uống hai ly sữa, ăn một miếng thịt nạc, miếng cá bằng lòng bàn tay, kèm thêm các loại hạt, rau là có thể đủ cho nhu cầu đạm chất trong ngày.

 

2- Carbohydrat

Vì chất đạm được dùng cho sự tăng trưởng tế bào, nên carbohydrat sẽ là nguồn năng lượng chính cho mẹ và con.

Carbohydrat nên được sử dụng nhiều loại như gạo còn cám, bánh mì, ngũ cốc khô tăng cường sinh tố, rau, trái cây, khoai... 

3- Chất béo

Chất béo rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ thai nhi cũng như là nguồn năng lượng quan trọng. 

4- Nước

Nước cần để gia tăng khối lượng máu; tránh khô da, táo bón cũng như tạo ra nước đầu ối, che trở bảo vệ phôi thai.

5- Sinh tố A

Sinh tố A giúp da lành mạnh, thị giác tốt và xương mau lớn.

 

Nhu cầu sinh tố A khi mang thai không cần gia tăng, chỉ cần giữ đủ như mức bình thường là khoảng 750mcg mỗi ngày. Lượng sinh tố A này có thể dễ dàng có được trong phó mát, sữa, bơ, các loại rau trái ...

 

Tránh uống thêm sinh tố A quá nhiều vì có nguy cơ ngộ độc. Người mẹ có thể bị nhức đầu, đau cổ, buồn nôn... Thai nhi có thể bị khuyết tật ở tai, tứ chi, rối loạn chức năng thận và hệ thần kinh.

 

Cần lưu ý là thuốc trị mụn trứng cá da Accutane có hoạt chất là sinh tố A nên không được dùng khi mang thai. 

6- Sinh tố nhóm B

Mỗi ngày, người mẹ cần khoảng 1.5 mg sinh tố B1 (thiamine), 1.6 mg sinh tố B2 ( riboflavin), 17 mg sinh tố B3 (Niacin) . Các sinh tố này đều có nhiều trong các loại thực phẩm thịt, hạt, sữa, pho mát, rau và các loại hạt..nên ít khi xẩy ra tình trang thiếu.

 

Khi thiếu nhiều Thiamin thì hài nhi bị bệnh phù beriberi; thiếu riboflavin mẹ hay ói mửa, con sanh thiếu tháng. 

7- Sinh tố E

Nhu cầu bình thường là 8mg mỗi ngày. Khi mang thai, người mẹ cần tăng thêm khoảng  2 mg. Số lượng này đều có trong các loại thực phẩm như dầu thực vật olive, dầu bắp, các loại hạt...

8- Sinh tố B12 và folacin

Thiếu cả hai sinh tố này thì khối lượng máu của mẹ sẽ giảm với hậu quả kém dinh dưỡng, dưỡng khí và đưa tới sẩy thai, con nhẹ ký. Nếu chỉ thiếu folacin thì hài nhi bị tật nứt- đốt-sống (spina bifida), khuyết tật ống thần kinh (neural tube defect).

 

Nhu cầu folacin của người mẹ tăng gấp đôi bình thường hoặc hơn nữa, vào khoảng  400 mcg mỗi ngày. Số lượng này được cung cấp đầy đủ trong rau lá xanh, trái cây, ngũ cốc khô tăng cường, gan. Nếu nhiều folacin quá thì sự hấp thụ kẽm sẽ giảm.

 

Nhu cầu sinh tố B12 bình thường là 2 – 4mcg, khi có thai cần thêm khoảng 0,2mcg mỗi ngày. Sinh tố B12  có nhiều trong thực phẩm động vật, nên những người ăn chay cần bổ sung.

9- Sinh tố C

Nhu cầu sinh tố C bình thường là 60 mg mỗi ngày. Khi mang thai, người mẹ cần thêm khoảng 10 mg. Chỉ cần uống một ly nước cam là có thể đáp ứng số lượng này.

 

Sinh tố C giúp thai nhi phát triển tốt xương và răng lợi tốt, tăng cường hấp thụ khoáng calci và sắt. 

10- Sắt

Sắt là khoáng cần thiết cho việc tạo hồng huyết cầu.

 

Nhu cầu sắt lên cao nhất vào 3 tháng cuối của thai kỳ, khi thai nhi cần sắt để dự trữ cho khoàng 6 tháng sau khi sinh, vì sữa mẹ có rất ít sắt.

 

Thai nhi ít khi bị thiếu sắt vì có thể lấy ở người mẹ, nhưng cũng vì thế mà dễ bị thiếu sắt nếu mẹ không ăn đầy đủ và sẽ dẫn đến thiếu máu.

 

Nhu cầu bình thường là 15 mg, khi có thai người mẹ cần thêm 15 mg mỗi ngày. Nếu uống thêm viên sắt thì nên uống với nước chanh, vì chất acid ascorbic giúp ruột hấp thụ sắt tốt hơn.

 

Sắt có nhiều trong thịt đỏ, rau spinach, đậu phụ, trái cây khô, các loại hạt, bánh và ngũ cốc khô... 

11- Kẽm

Nhu cầu kẽm mỗi ngày bình thường là 15mg. Khi mang thai, người mẹ cần tăng  thêm khoảng 3 mg. Kẽm rất cần cho tế bào tăng trưởng. Thiếu khoáng này, con sẽ nhẹ ký, thần kinh kém phát triển.

13- Calcium và Phosphor.

Nhu cầu calcium và phosphor đặc biệt quan trọng nhất vào ba tháng cuối của thai kỳ, vì thai nhi cần nhiều các khoáng này để tăng trưởng, tạo xương và răng. Trung bình chỉ trong một giờ thai nhi đã cần đến13 mg calcium.

 

Nhu cầu bình thường mỗi ngày là 1000 mg calcium và 800 mg phosphor. Người  mẹ khi mang thai cần thêm mỗi loại 400 mg.

 

Sữa là nguồn cung cấp calcium tốt nhất. Ngoài ra calcium còn có trong rau súp lơ xanh, cá mòi đóng hộp ăn cả xương. 

14- Iod.

Nhu cầu iod bình thường mỗi ngày là 150 mcg; có thai cần thêm 25 mcg.

 

Trong trường hợp chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ nhu cầu iod, thai nhi sẽ rút iod từ cơ thể người mẹ. Do đó, thiếu iod sẽ ảnh hưởng trước hết đến người mẹ, nếu thiếu trầm trọng thì mẹ có thể bị bướu cố (lớn tuyến giáp). Kích thích tố tuyến này giảm và đến lượt thai nhi  bị ảnh hưởng. Đứa con sinh ra có thể sẽ bị đần độn (cretinism) với thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ, da và nét mặt thô, xương thiếu khoáng chất và cơ thể lùn thấp. Những đứa trẻ này cần phải uống kích thích tố tuyến giáp suốt đời.

 

Dùng muối có cho thêm iod và hải sản đều có thể giúp tránh được sự thiếu hụt  khoáng chất này.

 

Kết luận

 

Từ năm 1972, nhà dinh dưỡng uy tín của Gia Nã Đại, Agnes C. Higgins, có kết luận: “Các nghiên cứu về dinh dưỡng tiền sanh từ năm 1941 đều chứng minh ích lợi của chế độ dinh dưỡng đầy đủ đối với tử vong, bệnh hoạn của bà mẹ và thai nhi cũng như rủi ro gây ra do suy dinh dưỡng”.

 

Cũng theo tác giả này, “Nguồn gốc của đa số bệnh hoạn về tinh thần, vận động và cảm giác xẩy ra trong ba tháng cuối của thai kỳ đều có thể phòng tránh được bằng cải thiện chăm sóc tiền sanh với nhấn mạnh vào sự ăn uống”.

 

Nhận xét này hiện nay vẫn còn đúng và được mọi người trong ngoài y giới áp dụng.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.  Texas-Hoa Kỳ

Mời thăm   www.nguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
INTERNET - Chuyện phiếm của Gã Siêu

  

Trong những năm gần đây, vấn đề thông tin đại chúng đã tiến được những bước thật khổng lồ với đôi hia bảy dặm, mà ngày xưa có nằm mơ cũng chẳng thấy.

Trong số báo trước, gã đã bàn tới chuyện điện thoại.  Từ điện thoại công cộng được đặt tại bưu diện, còn gọi là nhà dây thép gió, đến điện thoại bàn trong các gia đình. Rồi sau đó, từ điện thoại bàn tới điện thoại di động trong túi mỗi người, vốn được gọi bằng một  danh từ rất thân thương là…dế con, với đủ mọi hình dáng, mọi màu sắc, mọi điệu nhạc, mọi chức năng.

Hôm nay gã xin trình bày về chuyện internet. Vậy internet là  gì ?

Cách đây mười mấy năm, gã tậu được một chiếc máy vi tính và đã được coi là hơi bị văn minh. Vì không phải là dân chuyên nghiệp, cho nên đối với gã, chiếc máy vi tính được dùng thay cho chiếc máy chữ cổ lỗ sĩ. Ngồi đánh văn bản không còn đau buốt những đầu ngón tay. Rồi lại còn có thể chỉnh sửa theo ý muốn của mình. Bỏ chỗ này,  thêm chỗ kia, thật là trên cả tuyệt vời.

Sau đó, chiếc máy vi tính được nối mạng và gã có thể ngồi nhà mà liên lạc với bè bạn khắp bốn phương thiên hạ. Đây quả thực là một phương tiện phù hợp với chủ trương của gã, đó là ngon, bổ rẻ…

Theo “Từ điển Bách khoa Việt Nam” thì internet là mạng thông tin máy tính toàn cầu, cho phép bất kỳ máy tính nào nối với mạng đều có khả năng thông tin với các máy tính trên mạng thông qua một địa chỉ chính xác. Mạng được xây dựng trên cơ sở hạ tầng viễn thông để cung cấp các dịch vụ công cộng và dịch vụ cá nhân.

Internet được thai nghén và được hình thành tại Hoa Kỳ vào năm 1969. Thuở ban đầu chỉ là một mạng máy tính của bộ Quốc phòng, có tên là Arpanet, nhằm liên lạc thông tin giữa các trường đại học và các đơn vị quân đội. Rồi từ đó cho đến nay, internet không ngừng được hoàn chỉnh và được bàn dân thiên hạ, từ chú nhóc tì cho đến ông già đầu bạc, chiếu cố và sử dụng.

Riêng tại Việt Nam, dịch vụ internet được chính thức khai trương vào ngày 19 tháng 11 năm 1997. Tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng internet tại Việt Nam vẫn liên tục phát triền và có mặt khắp các hang cùng ngõ hẻm của đất nước này.

Chắc hẳn không ai dám phủ nhận những lợi ích to lớn mà internet đã đem đến cho nhân loại.

Trước hết, đây là một phương tiện liên lạc thông tin thật mau chóng. Gã còn nhớ ngày xưa muốn viết và gửi một bài báo, thì phải tốn rất nhiều công sức. Đồng thời, phải trừ hao ít nữa là hai tháng.

Trước hết, phải ngồi vào bàn đánh máy, rồi mang ra bưu điện gửi. Thời gian bức thư được chuyển từ Việt Nam qua Thụy Sĩ là ba tuần hay một tháng. Sau đó, tòa soạn phải đánh máy lại, dàn trang, in ấn và phát hành cũng mất toi một tháng nữa. Còn bây giờ thì khỏe re. Viết xong chỉ cần nhấn nút. Và trong giây lát, bài viết đã có mặt tại tòa soạn. Nhân viên tòa soạn chỉ cần cắt dán và trình bày mà thôi.

Cũng vậy trong phạm vi liên lạc cá nhân. Viết và gửi một bức thư vừa vất vả, lại vừa hao tốn thời giờ và tiền bạc. Còn bây giờ gửi một cái “meo” với tài liệu đính kèm, vừa rẻ lại vừa mau. Chỉ hơi buồn cười một tí là viết không có dấu, nên phải đoán. Và trong một vài trường hợp đã đoán sai, đoán trật. Chẳng hạn hai chu “nghi ngoi”, co thể hiều là “nghỉ ngơi” hay “nghĩ ngợi” tùy theo mạch văn. Và còn những chữ độc địa hơn nhiều.

Tuy nhiên, một lợi ích khác không kém phần quan trọng, đó là internet đã cung cấp cho chúng ta một kho tài liệu thật đa dạng, thật phong phú, khả dĩ làm cho chúng ta mở rộng tầm nhìn và trau dồi thêm được vô vàn kiến thức. Internet được coi như là một cánh cửa mở rộng, để chúng ta đi vào thế giới. Với internet, chúng ta có thể giải trí, có thể du lịch, có thể học hỏi, có thể trao đồi kinh nghiệm…

Tuy nhiên, một đồng tiền có mặt sấp và mặt ngửa, mặt phải và mặt trái, internet cũng có  hai mặt : mặt tốt và mặt xấu, mặt lợi và mặt hại.

Cái hại đầu tiên mà bản thân gã đã phải hứng chịu, đó là internet đã biến gã trở nên một tên ăn trộm, ăn cắp. Thực vậy, ngày xưa ngồi lọc cọc đánh máy, nhưng gã lại rất tự hào, bởi vì bài nào viết ra, thì chính xác là của gã, do gã đã đổ công sức của mình mà đầu tư cho bài viết ấy. Còn bây giờ, với số lượng thông tin ồ ạt, khiến gã tối tăm cả mặt mũi. Cứ việc liếc qua, thấy hay thì lưu vào kho tài liệu và khi cần, sẽ mang ra “chế biến” mà xài đỡ.

Thành thử, gã cứ vô tư mượn đỡ, hay vô tư xài chùa của thiên hạ, miết rồi trở thành một thói quen lúc nào cũng không hay. Thói quen này làm thui chột khả năng sáng tác. Đầu óc không suy nghĩ, không làm việc, thì cũng sẽ bị cùn dần và mòn dần đi với thời gian mà thôi.

Bây giờ, xin bàn tiếp mấy hiện tượng đang được bàn dân thiên hạ chú ý, nhưng đồng thời cũng mang lại những hậu quả tai hại cho bản thân cũng như cho gia đình, cho người già cũng như cho người trẻ.

Xin được nói ngay rằng gã không phải là một cư dân thường trú trên mạng, nên chỉ lượm lặt những gì báo chí đăng tải, hay bàn dân thiên hạ xì xèo mà thôi. 

THỨ NHẤT LÀ…WEB ĐEN. 

Đối với người phương Đông, chuyện tình dục là chuyện riêng tư, rất ít khi được bàn luận một cách công khai giữa thanh thiên bạch nhật với bàn dân thiên hạ. Đôi khi còn là điếu cấm ky.

Nhưng đối với người phương Tây thì lại khác, đây là một nhu cầu rất tự nhiên, như ăn và uống. Vì thế, họ thường có thái độ thông thoáng và cởi mở hơn. Cũng vì thái độ thông thoáng và cởi mở này, mà hằng ngày gã nhận được không biết bao nhiêu thư rác, trong đó đa số đều nói đến chuyện tình dục cũng như quảng cáo cho những loại thuốc, chẳng hạn như viagra…

Hơn thế nữa, làm sao có thể kể hết những trang web trên internet bàn về chuyện tình dục. Hằng hà sa số. Bất cứ nghĩ ra một chữ nào, gõ vào máy rồi thêm cái đuôi…”com”, rồi nhấn nút. Thế là trang web đó sẽ hiện ra.

Ở Việt Nam, người ta gọi những trang web chuyên về tình dục với những hình ảnh thuộc loại phim “con heo”, sỗ sàng, khích thích là những trang…web đen.

Nhiều nhà giàu trang bị may vi tính cho con cái ở phòng riêng. Thấy con suốt ngày cặm cụi học hành. Ai dè những cậu ấm va cô chiêu ấy suốt ngày vùi đầu vào những trò chơi, hay đi lang thang vào những trang web đen để sưu tầm hàng độc. Sao chép và truyền cho nhau, đề rồi cuối cùng việc học hành bị sa sút. Sống vật vờ như kẻ mất hồn và thiếu ngủ.

Không phải chỉ bọn trẻ mới  la cà trên những trang web đen cho thỏa mãn óc tò mò và tính hiếu kỳ, mà ngay cả những người mang nặng tuổi đời cũng vẫn chịu khó chui vào đó để tìm lấy cho mình những cảm giác mạnh. Gã không nhớ rõ một tờ báo nào đó đã làm cuộc điều tra và cho biết kết quả không ít người đã…”nghiện” những  trang web đen này.

Chiếc áo vấy bẩn, ta có thể giặt đi giặt lại một cách dễ dàng. Thế nhưng, một hình ảnh xấu, khi đã lọt vào trong tâm hồn, thì khó mà tẩy xóa cho được. Nó sẽ cắm dùi và chiếm lấy tâm hồn làm nơi cư trú, để rồi bất kỳ lúc nào nó cũng có thể hiện lên và nhảy múa trong đầu óc.

Kinh nghiệm cũng cho thấy : chơi dao có ngày đứt tay. Sống trong dịp tội mà không sai lỗi vấp phạm, thì đó là một phép lạ cả thể, mà chắc chắn Chúa sẽ chẳng bao giờ thực hiện cho chúng ta.Từ những hình ảnh nhảy múa trong đầu óc, đến những cám dỗ và từ những cám dỗ đến những hành động tội lỗi, tất cả chỉ là những đoạn đường ngắn mà thôi.

Ở Việt Nam, số thanh thiếu niên phạm vào những trọng tội, như cướp của, giết người, hãm hiếp…hình như mỗi ngày một gia tăng. Va khi được hỏi tại sao lại hành động như thế, nhiều em đã trả lời tỉnh bơ :

- Thấy trên phim ảnh người ta làm vậy, nên bắt chước mà làm theo. 

THỨ HAI LÀ…CHÁT. 

Chát là trò chuyện, trao đổi thông tin trên mạng giữa hai hay nhiều người bằng hình thức điện thư. Cái thế mạnh của chát là không ai biết được ai, nên dân chát cứ mặc sức tung hoành.

Họ thường dùng những “nickname” thật ấn tượng để cho bàn dân thiên hạ phải chú ý đến, chẳng hạn : quandui (quần đùi), emconcodon (em còn cô đơn), chiconaothoi (chỉ còn áo thôi), taychoisungsuc (tay chơi sung sức), natso (nát sọ), chemchamay (chém cha mày)…Những cái tên ấy vừa ít văn hóa, vừa kém thẩm mỹ, lại vừa thiếu giáo dục, nhưng vẫn được lôi lên mạng, khiến cho nhiều người phải giật mình và ngao ngán.

Vì không ai biết ai, nên họ tha hồ tán hươu tán vượn, với những lời lẽ sặc mùi máu me thô tục khi họ chửi bới lẫn nhau,  hay ủy mị ướt át khi họ nói đến chuyện tình cảm và mời chào.

Tác giả Đinh Quý Anh, trong một bài viết trên báo “Công An Thành Phố”, đã kể lại những ghi nhận của mình như thế này :

Chiều 12 tháng 10, tôi vào phòng máy tính trên đường Phạm Viết Chánh, tại đây có trên 30 máy, đa số đã có người. Khách là những gương mặt còn non choẹt, đang say sưa chơi game và tán dóc.

Lấy lý do tìm bạn, tôi lướt một vòng quanh phòng. Ngoài những nickname khiêu chiến, khích bác lẫn nhau, nhiều tay chát còn thản nhiên trao đổi chuyện tình rất sành điệu, trong khi tuổi đời của họ vẫn còn quá trẻ.

Một cô bé 14, hay 15 tuổi là cùng, mang nickname “ghientrai” (ghiền trai) viết :

- Mình đã có một đời chồng, làm tình rất sõi.

Viết xong, cô bé cười ha hả vì đối phương đã bị đánh lừa. Tuy  nhiên, bạn chát của cô bé cũng rất cao thủ khi nhắn lại :

- Với một người từng làm đàn ông từ lúc 15 tuồi, thì đó chỉ là chuyện nhỏ.

Chẳng biết “người đàn ông” kia bao nhiêu tuổi, hay chỉ là một cô bé còn thích ô mai, lấy nickname người lớn để đùa cợt.

Tôi hỏi một học sinh cấp ba ngồi bên phải :

- Tại sao em khoái chát ?

Chú nhóc cho biết :

- Vì thấy vui, tụi nó với mình chửi nhau thoải mái. Một vài người còn dạy mình cách “cưa” con gái…nên muốn thử.

- Em không thấy là vượt quá sức mình à ?

- Chẳng sao cả. Chát chỉ là trò ảo, mọi người đều dối gạt nhau, không riêng gì em. Chủ yếu là tìm cảm giác lạ.

Do tính chất ảo của chát, người ta tha hồ hoán đổi vị trí cho nhau : già biến thành trẻ, còn trẻ thì lại biến thành già. Con giai biến thành con gái, còn con gái thì lại biến thành con giai. Đờn ông biến thành đờn bà, còn đờn bà thì lại biến thành đờn ông.

Hơn thế nữa, người ta lại còn mặc sức thêm râu thêm ria, vẽ vời về địa vị, nghề nghiệp cũng như con người của mình, để lừa gạt đối phương.

Vừa mới làm quen trên mạng, chị L được người bạn trai mời đi hát karaoke. Tại đây, trong lúc người bạn trai mời chị uống bia, thì tên bạn hắn viện cớ vào toilet. Sau đó, người bạn trai lấy lý do ra ngoài để gọi điện thoại, rồi cả hai tên đều chuồn mất tăm, đề lại chị ngồi một mình, cùng với tờ hóa đơn trị giá 1,2 triệu đồng.

Có những ông chồng và những bà vợ, vì không được hạnh phúc, hay gặp phải những khó khăn và rạn nứt trong gia đình, nên đã chọn chát làm nơi trút bàu tâm sự. Họ say mê chát, bởi vì họ được thoải mái giãi bày những hoàn cảnh éo le của mình.

Hơn thế nữa, người tình ảo trên mạng lại chẳng bao giờ gây phiền toái và rắc rối cho họ. Trái lại, luôn “chiều” họ ở mọi nơi và trong mọi lúc. Cuối cùng họ lấy ảo làm thực và lấy thực làm ảo, để rồi cuối cùng gia đình họ chắc chắn sẽ đứng bên bờ vực thẳm của đổ vỡ.

Tệ hại hơn nữa, chát còn là nơi “mần ăn” của gái mãi dâm. Thực vậy, các chị em ta cũng đua nhau lên mạng để săn tìm khách làng chơi. Nếu đồng ý, thì sẽ cho ngắm “hàng” qua webcam, để dễ bề trả giá, biến chát trở thành một cái bẫy moi tiền của những “con nai vàng ngơ ngác”, hay của những kẻ ham của lạ và thích chơi trống bỏi.

Tóm lại, một số người đến với chát để học hỏi, để trao đổi kinh nghiệm, để chia sẻ những tâm tình chân thật, cũng như để kiếm tìm cho mình một chút tình cảm, vốn đã bị thiếu hụt nơi bản thân, hay trong cuộc sống gia đình.

Tuy nhiên, nhiều người khác đến với chát cốt để tán dóc, để chửi bới, đề dối gạt, để nói những chuyện tầm bậy tầm bạ. Họ đã vô tình biến một sân chơi vốn lành mạnh, dành cho những người bạn lâu ngày muốn gặp nhau để trao đồi thông tin, thành một đám xà bần hổ lốn, mang nhiều tính cách độc hại, hơn là đem lại những lợi ích thiết thực. 

THỨ BA LÀ LỐC (BLOG)

Hiểu một cách đơn giản, lốc là một thứ nhật ký điện tử mà người khác cũng có thể tham dự. Chẳng hạn gã đưa ra một quan điểm và người khác cũng có thể gửi vào đó những ý nghĩ, những suy tư của mình.

Theo tac giả Kim Cúc của báo Gia Đình, thì trong thời gian gần đây, lốc nở rộ như một sân chơi cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Với lốc, họ thể hiện được những cá tính của mình một cách cởi mở và tự nhiên, chẳng hạn khả năng làm báo trên mạng, phản ảnh sinh động cuộc sống của giới trẻ.

Với lốc, họ là những ông vua của thế giới mạng, một thế giới không biên cương. Chính vì tự coi mình là một ông vua, nên  nhiều người đà biến lốc trở thành một thế giới ích kỷ, một nơi truyền bá những quan điểm thiếu lành mạnh của mình.

Một cậu học trò lớp 11 đã dành mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ để viết và trang trí cho lốc của mình. Đồng thời, qua đó cậu hô hào chống lại sự “chuyên chế” của gia đình, mà cậu gọi đó là “thuộc địa của những lễ giáo phong kiến”. Mỗi ngày cậu đưa lên mạng khuôn mặt “tội nghiệp” của mình sau những trận “tra tấn” bằng cách răn dạy của cha mẹ. Thỉnh thoảng cậu lại bỏ nhà đi chơi, có khi một hai ngày và cậu rất tự hào coi đó là những “cuộc đào tẩu thoát khỏi sự kìm kẹp của cha mẹ”.

Hành động này đã gây nên những hậu quả rất tai hại, vì đám bạn cậu rất ủng hộ lập trường của cậu và tôn cậu lên làm “đại ca”. Thỉnh thoảng cả đám bạn này cùng với đại ca của mình lại trốn nhà đi chơi, tiêu phí tiền bạc của cha mẹ.

Một cô bé khác với biệt danh là “búp bê Bắc Kinh” lại quảng bá cho lập trường yêu chuộng tự do của mình. Cô bé phát biểu :

- Con gái ở xứ mình đến hắt xì hơi cũng phải xin phép.

Vì thế, cô bé hô hào giới trẻ vùng dậy chống lại mọi thứ lễ giáo, chống lại cha mẹ và những người vốn đặt ra luật lệ kỷ cương và kìm hãm sự phát triển.

Những lốc như trên phải chăng là một kiểu tuyên truyền cho những tư tưởng độc hại?

Ngoài những lốc mang nặng tính cách đấu tranh, phổ biến những quan điểm lệch lạc, còn có những người đã biến lốc của mình thành một trang web đen, bằng cách phóng lên đó những hình ảnh khiêu gợi, những hình ảnh chụp lén ở ngoài đường hay ở những nơi sinh hoạt công cộng khác. Cùng với những hình ảnh này là những lời chú thích đầy khiêu khích. Tất cả đều được coi là thứ hàng độc, là một cách chơi trội để hơn người khác.

Lốc không phải chỉ ảnh hưởng tới giới trẻ, mà đôi khi còn làm tê liệt đời sống gia đình. Gã không có kinh nghiệm gì về vấn đề này, nên xin trích một vài đoạn trong một bài viết của Nguyên Phương, đăng trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, số ra ngày 15 tháng 4 năm 2007, như sau :

…Vợ chồng tôi cưới nhau đã hơn 20 năm. Cuộc sống của chúng tôi tương đối đầy đủ vì cả hai đều có thu nhập ổn định. Bé Vy, con gái duy nhất của chúng tôi, đang theo đại học năm cuối.

… Một bữa, Vy đi học về sớm, nhìn tôi chăm chăm :

- Mẹ, có khi nào mẹ…mất ba không?

Tôi chưng hửng:

- Con ăn nói gì kỳ vậy, Vy?

- Con không kỳ đâu, mẹ theo con.

Con bé lôi tôi vào phòng như một cơn lốc, bật CPU.

- Gì vậy con, để mẹ nấu cơm.

- Mẹ cứ lo nấu cơm đi, có ngày mất ba thiệt đó.

- Là sao, con giải thích cụ thể đi.

- Mẹ biết lốc không?

- Lốc hả, mẹ có nghe nói, nhưng liên quan gì đến ba con?

- Mẹ ơi, ba tạo lốc lâu rồi, pây-viu (page views) đã lên tới mấy chục ngàn, lít-phren (list friends) hơn cả trăm người.

- Ừ, thì sao?

- Thì ba bắt đầu quan tâm tới mấy lốc-gờ (blogger) khác chứ sao!

- Trời ơi, con nói cái gì mẹ không hiểu?

- Có gì mà không hiểu, mỗi người trên thế giới mạng tạo cho mình ít nhất một lốc, đặt níc-nem (nickname), đì-zai (design) theo gu của mình, rối bắt đầu viết en-trai (entry). Lốc nào có nhiều en-trai hay sẽ được đông đảo lốc-gờ theo dõi, còm-măng (comment), đòi ạt (add)…

- À, vậy là ba con viết an-trai hay nên có nhiều người còm-măng và đòi ạt hả?

- Ba con viết cũng hay, nhưng có nhiều người hay hơn. Trong số phren của ba nổi bật một lốc-gờ có níc (nick) là Ướtmi. Cô này viết về tổ ấm của mình…

- Trời, tưởng gì, cái đó mẹ cũng viết được vậy. Mẹ cũng có ba, có con.

Con tôi khẳng định chắc nịch làm tôi cụt hứng :

- Không dám đâu! Mẹ sẽ không bao giờ viết được như cô ấy. Vì cô ấy tỏ ra rất sâu sắc, rất nhạy cảm tinh tế và dặc biệt là rất “prồ” nữa. Bên cạnh những trang viết về chồng con, cô ấy còn có những bài rất hay về ba mẹ, họ hàng, bè bạn, thời thơ ấu, thời thiếu nữ, shopping…Bài nào cũng hay. Cô ấy lại siêng viết mỗi ngày nên thu hút được cả mấy trăm ngàn lượt người đọc. Đến con từng là học sinh giỏi Văn mà cũng phải gật gù tấm tắc khi đọc lốc cô ấy.

- Nhưng tại sao con biết ba con có lốc và quan tâm đến lốc cô ấy?

- Bạn con cho con ling (link) của lốc Ướtmi, con đọc thấy thích nên ạt Ướtmi vào lốc mình, rồi vào lít-phren của cô ấy và thấy ba.

- Sao con biết đó là ba?

- Mặc dù ba lấy níc là Rong Rêu, nhưng con vẫn biết đó là ba, vì cái a-va-ta (avatar) ba đề là hình ba dắt con đi lãnh thưởng hồi học mẫu giáo, cái hình trắng đen đó, mẹ nhớ không?

Tôi cười phá lên :

- Trời, ba con mà rong rêu nỗi gì, bình thường thấy ổng khô như ngói mà!

- Vậy là mẹ không hiểu ba rồi. Ba con là người rất giàu tình cảm, con theo dõi lốc ba cả năm nay nên con biết. Ba viết lại các kỷ niệm khi học phổ thông, lên đại học, về hoa lá cỏ cây, quán cà phê, về cô N, cô X gì gì mà ngày xưa ba yêu và yêu ba. Nhưng con thích nhất en-trai “Con gái của ba”. Bài đó ba nói ba hối hận vì đã quát con khi con đòi đi học hip-hop, ba nói là ba hiểu ai cũng có một thời tuổi trẻ, ba còn nhắc lại đã vui khi thấy con biết lật, biết đi thế nào, đau lòng khi con bị sốt xuất huyết ra sao…Nhờ đọc lốc ba mà con thương ba hơn đó.

- Vậy ba có nói gì về mẹ không?

- Dạ không.

Tôi lặng đi.

…Dạo này tôi không còn xem tivi buổi tối nữa. Tôi lên phòng bé Vy, đọc lốc anh và lốc “người ta” dưới sự hướng dẫn của chuyên viên mạng là con tôi. Tôi đọc kỹ từng en-trai của anh, từng com-măng người ta gửi cho anh và anh đáp trả người ta. Không ngờ chồng tôi “trẻ hóa” quá…

Con tôi bảo:

- Cô ấy ạt ba sau khi đọc một en-trai của ba có nhắc đến tên cô ấy.

Tôi dò tìm :

- “…Những người ưa che giấu nỗi buồn thường là những người buồn lâu và buồn sâu nhất. Mong Ướtmi đủ bản lãnh vượt qua những giai đoạn khó khăn trong đời…”

Và đây là com-măng của người ta :

- “Cảm ơn moungu chưa quen bao giờ nhưng lại thấu hiểu một ngóc ngách tâm hồn của Ướtmi…Cho phép Ướtmi ạt bạn vào phren nhé!”

Và en-trai này :

- “Hôm nay bé Mía sốt cao quá. Mình đã gọi cho anh hai lần, nhưng lần nào anh cũng từ chối. Mình hiểu là anh đang có nhiều công việc, nó ngăn không cho anh chạy về với mẹ con mình như ngày nào…”

Cũng từ en-trai này mà con tôi cho rằng mẹ sắp mất ba :

- Ba không cầm lòng được nên đã đi mua một con gấu bông. Con không biết ba chuyển bằng cách nào mà mấy ngày sau khi bé Mía lành bệnh, cô ta đã post hình đứa bé ôm con gấu trắng lên, rồi viết  là “Chú Rong Rêu ơi, chú chưa biết bé Mía thương con gấu thế nào đâu. Không có nó là bé không chịu ngủ đâu!”

- Thôi, con không nên nghĩ ngợi lung tung. Chuyện ba tặng quà cho một đứa trẻ cũng thường thôi.

Con tôi cong môi nói :

- Không đâu, ba tặng vì thương mẹ nó ấy chứ.

Tôi trấn an con mà lòng dạ nào yên. Không ngờ cái thế giới tưởng chừng như vô thưởng vô phạt, “sắc sắc không không” đó lại có thể khiến chồng tôi dành công sức và thời gian cho nó đến vậy.

Nơi đó, anh tự do hồi tưởng, tự do mơ mộng, tự do độc thoại, cũng như đối thoại và mong ngóng chia sẻ. Nơi đó không có người đàn bà ngoài 50, vóc dáng sồ sề, tối ngày chỉ biết còng lưng lo chuyện tiền nong, cơm nước, cằn nhằn. Nơi đó toàn là những đôi cánh thiên thần thuần khiết và ăm ắp xúc cảm. Chuyện đời đẹp như thơ như tranh.

Tôi biết phải làm gì bây giờ? Chẳng lẽ nhờ con biến mình thành một “lốc-gờ”. Hay là tôi sẽ cam phận…mất chồng, như con tôi đang dự đoán ?

Gã Siêu   gasieu@gmail.com


VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************