Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 106, Chúa Nhật 15.11.2009


MỤC LỤC 

Các Giáo Hội Và Cộng Ðoàn Giáo Hội Ly Khai Với Tông Tòa Roma                       Vatican 2

Chào mừng Năm Thánh 2010 CỦA HỘI THÁNH VN - Nhớ về Quê hương: Xứ Sở Kiện     Lm. Đường Thi

THƯ THỨ BA CỦA CHA GIÁM TỈNH DCCT TỪ RÔMA    Lm. Vinc. Phạm Trung Thành, dcct.

Vài suy tư về Thông điệp “Yêu thương trong Sự thật” Caritas in Veritate  Bs. Nguyễn Tiến Cảnh, M.D.

Vài nhận xét về Thông điệp Caritas in Veritate của ĐGH BENEDICTÔ XVI     Bùi Hạnh Nghi (Đức quốc)

Truyền Giáo ?                                                                                   Lm. Giuse Lê Công Đức

NHỮNG TÊN LÝ HÌNH THỜI ĐẠI                                                           Pm. Cao Huy Hoàng

TẠI SAO GIÁO HỘI CÔNG GIÁO KHÔNG CHO NỮ GIỚI LÀM LINH MỤC?                  Lm PX. Ngô Tôn Huấn 

CUỘC CHIẾN TRƯỜNG KỲ GIỮA HAI PHÁI NAM VÀ NỮ                        Lm. Lê văn Quảng

NHỮNG GIỌT NƯỚC                                                                                 Nhà Văn Quyên Di

HỘI CHỨNG “ NGỒI LÊ ĐÔI MÁCH”                                           Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC M.D.

DẾ CON                                                                                       Chuyện phiếm của Gã Siêu


Các Giáo Hội Và Cộng Ðoàn Giáo Hội Ly Khai Với Tông Tòa Roma

 

Sắc Lệnh Về Hiệp Nhất

Unitatis Redintegratio

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương III

Các Giáo Hội Và Cộng Ðoàn Giáo Hội 31*

Ly Khai Với Tông Tòa Roma

 

13. Phân loại. Giờ đây, chúng ta đưa mắt nhìn đến hai khối phân ly chính xúc phạm đến chiếc áo liền một tấm của Chúa Kitô 32*.

Khối phân ly thứ nhất đã nẩy sinh ở Ðông Phương, hoặc vì để phản đối các công thức tín lý của các Công Ðồng Ephêsô 33* và Calcedonia 34*, hoặc sau này vì sự cắt đứt 35* hiệp thông Giáo Hội giữa các Giáo Chủ Ðông Phương và Tòa Thánh Roma.

Thứ đến, hơn bốn thế kỷ sau, khối phân ly thứ hai phát sinh ở Tây Phương do những biên cố cùng được mệnh danh là Cải Cách. Từ đó, nhiều Cộng Ðoàn, quốc gia hoặc giáo đoàn đã ly khai với Tòa Thánh Roma. Trong số ấy còn có những Cộng Ðồng duy trì phần nào những truyền thống và cơ cấu công giáo, đáng kể nhất là Cộng Ðoàn Anh Giáo.

Các mối chia rẽ ấy rất khác nhau chẳng những về nguồn gốc, không gian và thời gian, nhưng nhất là về bản chất và tầm quan trọng của các vấn đề liên hệ đến đức tin và cơ cấu Giáo Hội.

Vì thế, tuy không coi thường những hoàn cảnh dị biệt của các Cộng Ðoàn Kitô hữu khác nhau ấy, tuy không bỏ qua những mối liên lạc còn đang nối kết họ với nhau, bất chấp những mối chia rẽ hiện có, Thánh Công Ðồng này quyết định đề ra những nhận định sau đây để mọi người biết khôn ngoan hành động mưu cầu hiệp nhất.

 

I. Nhận Ðịnh Ðặc Biệt Về Các Giáo Hội Ðông Phương

14. Tính chất lịch sử riêng biệt của các Giáo Hội Ðông Phương. Trong nhiều thế kỷ, các Giáo Hội Ðông và Tây Phương đã đi theo đường lối riêng của mình, nhưng vẫn liên kết với nhau trong tình huynh đệ nhờ hiệp thông trong đức tin và đời sống bí tích; do sự thỏa thuận chung, Tòa Thánh Roma can thiệp mỗi khi các Giáo Hội ấy bất đồng quan điểm với nhau về đức tin hay về kỷ luật. Thánh Công Ðồng hân hoan nhắc lại cho mọi người một trong những điều quan trọng là, ở Ðông Phương đang phát triển nhiều Giáo Hội riêng biệt hay địa phương 36*, đứng đầu là các Giáo Hội có Thượng Phụ 37*, trong đó có nhiều Giáo Hội hãnh diện vì được chính các Tông Ðồ thiết lập 38*. Vì thế các tín hữu đông phương đã và đang mang nặng mối bận tâm và âu lo duy trì những liên lạc thân hữu trong hiệp thông đức tin và đức ái, là những liên lạc phải có giữa các Giáo Hội địa phương như giữa anh em ruột thịt 39*.

Cũng đừng quên rằng, các Giáo Hội Ðông Phương từ khởi đầu đã từng có một kho tàng cống hiến cho Giáo Hội Tây Phương nhiều yếu tố về phụng vụ, về truyền thống tu đức và luật pháp. Còn một sự kiện khác không nên coi thường là, những tín điều căn bản về đức tin Kitô giáo như Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể bởi Ðức Trinh Nữ Maria, đã được định tín trong các Công Ðồng Chung khai diễn tại Ðông Phương 40*. Các Giáo Hội ấy đã và đang chịu nhiều khổ đau để gìn giữ đức tin ấy.

Di sản do các Tông Ðồ truyền lại đã được đón nhận qua nhiều hình thức và cách thế khác nhau, do ngay từ thuở ban đầu của Giáo Hội, di sản ấy cũng được giải thích khác nhau đây đó tùy theo thiên tài và cảnh sống riêng. Không kể những nguyên nhân ngoại tại, bấy nhiêu yếu tố 41*, cộng với sự thiếu bác ái và thông cảm lẫn nhau, đã mở đường cho nhiều mối chia rẽ phát sinh.

Vì vậy, Thánh Công Ðồng khuyến dụ mọi người, đặc biệt là những ai muốn hoạt động tái lập sự hiệp thông trọn vẹn như các Giáo Hội Ðông Phương và Giáo Hội Công Giáo hằng mong mỏi hay nhận định chính xác về hoàn cảnh cá biệt đã khai sinh và phát triển các Giáo Hội Ðông Phương, và về đặc tính của mối liên lạc đã có giữa các Giáo Hội ấy với Tòa Thánh Roma trước thời phân ly cũng như hãy tạo cho mình một quan niệm chính đáng về tất cả những điểm nêu trên. Chu đáo giữ được những điều ấy là đã đóng góp rất nhiều cho cuộc đối thoại mong muốn kia 42*.

15. Truyền thống phụng vụ và tu đức của các Giáo Hội Ðông Phương. Mọi người đều thấy hiển nhiên là các tín hữu đông phương rất mộ mến cử hành phụng vụ Thánh, nhất là việc cử hành Phép Thánh Thể, nguồn sống của Giáo Hội và đảm bảo vinh quang đời sau, nhờ đó các tín hữu hiệp nhất với giám mục được đến gần Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con Ngôi Lời Nhập Thể đã chịu đau khổ và được hiển vinh, trong ơn tràn trề của Chúa Thánh Thần họ được thông hiệp cùng Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh và "thông phần bản tính Thiên Chúa" (2P 1,4). Vì vậy, nhờ việc cử hành Thánh Thể trong từng Giáo Hội ấy, Giáo Hội Thiên Chúa được xây dựng và bành trướng 1, và sự thông hiệp giữa các Giáo Hội ấy tỏ rõ qua việc đồng tế.

Trong nghi lễ phụng vụ này, Ðức Maria trọn đời đồng trinh hằng được các tín hữu đông phương ca ngợi bằng những bài thánh ca tuyệt diệu. Công Ðồng Chung Ephêsô đã long trọng tuyên bố Ngài là Mẹ Thiên Chúa Rất Thánh, để Chúa Kitô được nhận thật là chính Con Thiên Chúa và là Con Người theo Thánh Kinh. Họ cũng ca tụng nhiều vị thánh, trong số ấy có các Thánh Giáo Phụ của toàn thể Giáo Hội.

Vì các Giáo Hội ấy, mặc dù ly khai, vẫn có các bí tích đích thực nhờ sự kế vị các Tông Ðồ, nhất là Chức Linh Mục và Phép Thánh Thể, bởi đó, họ còn liên kết chặt chẽ với chúng ta; cho nên một vài hình thức thông dự vào sự thánh, trong những trường hợp thuận tiện và với sự chấp thuận của giáo quyền, chẳng những là có thể thực hiện mà còn đáng khuyến khích nữa 43*.

Ở Ðông Phương cũng còn thấy nhiều truyền thống tu đức phong phú, tiêu biểu nhất là đời sống đan viện, vì tại đây, nền tu đức đan viện đã phát triển ngay từ thời vang son của các Thánh Giáo Phụ, và về sau, còn lan tràn sang nhiều nơi ở Tây Phương. Ðịnh chế dòng tu Latinh phát xuất, và sau đó, không ngừng nhận được sinh lực mới từ nền tu đức ấy như từ nguồn mạch của mình. Vì vậy, thiết tha kêu mời những người Công Giáo hãy nâng tìm đến kho tàng thiêng liêng của các Thánh Giáo Phụ Ðông Phương hơn vì kho tàng ấy nâng toàn thể con người đến chỗ chiêm ngưỡng những sự thần linh.

Mọi người đều biết rằng: thông hiểu, kính trọng, giữ gìn và phát triển di sản phụng vụ và tu đức rất phong phú của các tín hữu đông phương là việc tối quan trọng để trung thành bảo toàn truyền thống Kitô giáo và để thực hiện sự giao hòa các Kitô hữu đông phương với tây phương.

16. Quy luật riêng của các Giáo Hội Ðông Phương. Hơn nữa, ngay từ buổi đầu, các Giáo Hội Ðông Phương đã theo những qui luật riêng được các Thánh Giáo Phụ, các Công Ðồng và cả các Công Ðồng Chung phê chuẩn. Vì sự khác biệt về phong tục và tập quán đã nhắc tới trên kia chẳng những rất ít cản trở sự hiệp nhất mà còn tăng thêm vẻ đẹp của Giáo Hội và góp phần không nhỏ vào việc chu toàn sứ mệnh của Giáo Hội, nên để đánh tan mọi nghi ngờ, Thánh Công Ðồng tuyên bố: các Giáo Hội Ðông Phương, đang khi nhớ đến sự hiệp nhất cần thiết của toàn thể Giáo Hội 44*, vẫn có quyền tự trị theo các kỷ luật riêng, vì điều này phù hợp với đặc tính của tín hữu họ và có thể mưu ích cho các linh hồn hơn. Ðây là một nguyên tắc truyền thống người ta thường không noi giữ, nhưng, giữ trọn được là đã thỏa mãn một trong những điều kiện tối cần để tái lập hiệp nhất.

17. Tính chất đặc biệt của các Giáo Hội Ðông Phương về những vấn đề giáo lý. Những gì đã trình bày về sự dị biệt chính đáng trên kia cũng áp dụng được cho những phương thức trình bày giáo thuyết thần học khác nhau. Thực thế, trên đường đi tìm chân lý mạc khải, ở đông cũng như ở tây phương, có nhiều phương pháp và tiến trình khác nhau để nhận thức và tuyên xưng những sự thần linh. Do đó, không đáng ngạc nhiên khi thấy có vài khía cạnh của mầu nhiệm mạc khải đôi khi được một bên hiểu đúng và trình bày sáng sủa hơn bên kia, thành thử những công thức thần học khác nhau ấy phải được coi là bổ túc hơn là đối lập nhau. Còn về những truyền thống thần học chân chính của các tín hữu đông phương, phải công nhận là chúng ăn rễ cách tuyệt hảo trong Thánh Kinh, lại được khai triển và biểu hiện trong đời sống PhụngVụ, được nuôi dưỡng bằng truyền thống Tông Ðồ, sống động trong các văn phẩm của các Thánh Giáo Phụ Ðông Phương cũng như của các tác giả tu đức, chúng giúp xây dựng một cuộc đời chính trực và giúp chiêm ngưỡng đầy đủ chân lý Kitô giáo.

Tạ ơn Chúa vì nhiều tín hữu đông phương con cái Giáo Hội Công Giáo đang sống hoàn toàn hiệp thông 45* với các anh em thuộc truyền thống tây phương, mà vẫn giữ gìn và tha thiết sống phần gia sản ấy cho tinh ròng và đầy đủ hơn, Thánh Công Ðồng này tuyên bố rằng: toàn bộ di sản tu đức và phụng vụ, kỷ luật và thần học trong các truyền thống ấy thuộc về đặc tính công giáo và tông truyền trọn vẹn của Giáo Hội.

18. Kết luận. Sau khi nhắc tất cả những điều ấy, Thánh Công Ðồng này lập lại những gì đã được các Thánh Công Ðồng trước cũng như các Ðức Giáo Hoàng Roma tuyên bố: để tái lập và duy trì sự thông hảo và hiệp nhất, "chẳng còn buộc anh em gánh nặng nào khác ngoài những sự cần thiết" (CvSđ 15,28). Công Ðồng cũng tha thiết ước mong từ đây, mọi cố gắng đều nhằm thực hiện dần dần sự hiệp nhất 46* trong những định chế và hình thức khác nhau của đời sống Giáo Hội, nhất là trong kinh nguyện và đối thoại huynh đệ về giáo lý và về các nhu cầu mục vụ khẩn thiết hơn của thời đại chúng ta. Cũng thế Công Ðồng khuyên các chủ chăn và tín hữu của Giáo Hội Công Giáo hãy giao hảo với những kẻ không còn ở đông phương nhưng sống xa quê nhà, 47* để gia tăng sự cộng tác thân ái với họ hơn trong tinh thần bác ái và loại trừ những hình thức ganh đua, tranh tụng. Nếu mọi người hết lòng xúc tiến công cuộc này, Thánh Công Ðồng hy vọng rằng, sau khi bức tường ngăn cách Giáo Hội Ðông Tây bị phá đổ, sẽ chỉ còn ngôi nhà duy nhất được củng cố trên đá góc là Chúa Giêsu Kitô, Ðấng sẽ làm cho cả hai nên một 2.

 

II. Các Giáo Hội Và Cộng Ðoàn Giáo Hội Ly Khai Tây Phương

19. Tình trạng chung. Các Giáo Hội Cộng Ðoàn Giáo Hội đã ly khai với Tông Tòa Roma trong thời khủng hoảng trầm trọng nhất phát sinh ở Tây Phương từ cuối thời Trung Cổ hoặc mãi về sau này, vẫn còn liên kết với Giáo Hội Công Giáo bằng một mối dây thân thích và một sự liên lạc đặc biệt vì lớp dân Kitô giáo ấy đã sống hiệp thông với Giáo Hội rất lâu trong những thế kỷ trước.

Các Giáo Hội và Cộng Ðoàn Giáo Hội ấy vì sự dị biệt nguồn gốc, giáo lý và đời sống tu đức chẳng những khác với chúng ta mà còn khác biệt với nhau nữa, nên rất khó diễn tả cho đúng các Giáo Hội ấy và chúng tôi có ý làm điều ấy nơi đây.

Mặc dù phong trào hiệp nhất và ước vọng sống hòa bình với Giáo Hội Công Giáo chưa được đề cao khắp nơi, nhưng chúng tôi cũng hy vọng rằng ý thức hiệp nhất và sự tôn trọng lẫn nhau sẽ dần lớn lên trong mọi người.

Phải nhìn nhận rằng, có nhiều dị biệt quan trọng giữa các Giáo Hội và Cộng Ðoàn Giáo Hội ấy với Giáo Hội Công Giáo, chẳng những về phương diện lịch sử, xã hội, tâm lý, văn hóa, nhưng nhất là về cách giải thích chân lý mạc khải. Ðể có thể thiết lập cuộc đối thoại hiệp nhất dễ dàng hơn, bất chấp những dị biệt đó, sau đây chúng tôi muốn đề ra một vài điểm có thể và phải là nền tảng và yếu tố thúc đẩy cho cuộc đối thoại ấy 48*.

20. Việc tuyên xưng Chúa Kitô. Chúng tôi đặc biệt nghĩ đến những Kitô hữu đang công khai tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Thiên Chúa, Ðấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, để làm vinh danh Thiên Chúa độc nhất là Cha, Con và Thánh Thần. Thực ra chúng tôi biết nơi họ có nhiều khác biệt quan trọng với giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, khác biệt ngay cả về Chúa Kitô Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, về công trình cứu chuộc, và do đó, về mầu nhiệm và chức vụ của Giáo Hội cũng như về vai trò của Ðức Maria trong công cuộc cứu thế. Nhưng chúng tôi vui mừng khi thấy các anh em ly khai hướng về Chúa Kitô như là nguồn mạch và trung tâm của sự hiệp thông Giáo Hội. Xúc động vì ước vọng kết hiệp với Chúa Kitô, họ được thúc đẩy để càng ngày càng tìm về hiệp nhất và làm chứng đức tin của mình khắp muôn dân thiên hạ.

21. Học hỏi Thánh Kinh. Lòng yêu mến, kính trọng và gần như tôn sùng Thánh Kinh khiến các anh em của chúng ta bền chí và hăng say học hỏi Sách Thánh: vì Phúc Âm "là quyền năng Thiên Chúa để cứu rỗi mọi tín hữu, trước tiên là Do Thái, kế đến Hy Lạp" (Rm 1,16).

Nhờ cầu khẩn Thánh Thần, 49* họ tìm Thiên Chúa ngay trong Thánh Kinh, Ðấng như nói với họ trong Chúa Kitô, Ðấng các tiên tri loan báo trước và là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể vì chúng ta. Trong Thánh Kinh, họ chiêm ngưỡng cuộc đời Chúa Kitô và những gì Thầy Chí Thánh đã dạy và đã làm để cứu rỗi loài người, họ cũng chiêm ngưỡng các mầu nhiệm, nhất là mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Người.

Tuy các Kitô hữu ly khai với chúng ta xác nhận thần quyền của Sách Thánh, nhưng mỗi người mỗi khác, họ cảm nghĩ khác chúng ta về sự liên quan giữa Thánh Kinh và Giáo Hội; trong đó theo đức tin công giáo, giáo huấn đích thực đặc biệt có thẩm quyền trong việc giải thích và rao giảng Lời Chúa đã được ghi chép.

Tuy nhiên trong chính việc đối thoại, Lời Chúa là dụng cụ tuyệt hảo trong bàn tay toàn năng của Thiên Chúa để đạt tới sự hiệp nhất được Ðấng Cứu Thế tỏ bày cho mọi người.

22. Các bí tích. Nhờ Phép Rửa được ban đúng như Chúa đã thiết lập và được lãnh nhận với đủ dự kiện tâm hồn cần thiết, con người thật sự được tháp nhập vào Chúa Kitô đã chịu đóng đinh và vinh hiển, và được tái sinh để thông phần sự sống Thiên Chúa theo lời Thánh Tông Ðồ: "Anh em được mai táng với Người trong phép Rửa, anh em cũng sẽ được sống lại với Người bởi đã tin vào Thiên Chúa tác thành, chính Ðấng đã khiến Người từ trong kẻ chết sông lại" (Col 2,12) 3.

Vậy phép Rửa tạo nên mối dây hiệp nhất tất cả những kẻ đã được tái sinh. Nhưng phép Rửa, tự bản tính, mới chỉ là bắt đầu và khởi điểm, vì phép Rửa trọn vẹn nhằm đạt tới sự sống sung mãn trong Chúa Kitô. Như thế, phép Rửa qui hướng về việc tuyên xưng trọn vẹn đức tin, sát nhập trọn vẹn vào định chế cứu rỗi như chính Chúa Kitô đã muốn và sau cùng kết nhập trọn vẹn vào sự hiệp thông thánh thể.

Những cộng đoàn Giáo Hội ly khai với chúng ta, mặc dù không hiệp nhất đầy đủ với chúng ta như phép Rửa đòi hỏi, và mặc dù chúng ta tin họ không còn giữ được bản chất đích thực và nguyên vẹn của Mầu Nhiệm Thánh Thể nhất là vì thiếu bí tích Truyền Chứa Thánh 50*, nhưng khi tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa trong Tiệc Thánh họ đã tuyên xưng rằng sự sống chỉ có nghĩa nhờ hiệp thông với Chúa Kitô và họ mong đợi ngày trở lại vinh quang của Người. Do đó, phải dùng giáo lý về Tiệc Thánh của Chúa, về các bí tích khác, về việc phụng tự cũng như về các thừa tác vụ của Giáo Hội làm đối tượng cho cuộc đối thoại.

23. Cuộc sống với Chúa Kitô. Ðời sống Kitô hữu của các anh em ấy được nuôi dưỡng bằng đức tin vào Chúa Kitô và được duy trì nhờ ân sủng của phép Rửa và nhờ nghe Lời Thiên Chúa. Ðời sống ấy biểu lộ trong kinh nguyện riêng, trong việc suy niệm Thánh Kinh, trong đời sống gia đình Kitô giáo, trong việc phụng tự của cộng đoàn tụ họp để ngợi khen Thiên Chúa. Hơn nữa, đôi khi trong các nghi lễ phụng tự của họ cũng thấy có những yếu tố nổi bật thuộc nền phụng vụ cổ kính chung.

Ðức tin vào Chúa Kitô đã kết quả trong những lời ngợi khen và cảm tạ vì các ơn lành nhận được do Chúa ban; thêm vào đó là ý thức mạnh mẽ về đức công bình và tình yêu chân thành đối với tha nhân. Ðức tin sống động ấy cũng phát sinh nhiều tổ chức nhằm xoa dịu sự cùng khổ tinh thần và thể xác, giáo dục, tuổi trẻ, cải tiến những hoàn cảnh xã hội của cuộc sống thành nhân đạo hơn và củng cố nền hòa bình thế giới.

Mặc dù, trước các vấn đề luân lý, có nhiều Kitô hữu không luôn hiểu Phúc Âm cùng một cách như người công giáo và không cùng nhận những giải pháp giống nhau trước những vấn đề khó khăn của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, như chúng ta, họ cũng muốn giữ vững lời Chúa Kitô như là nguồn mạch của đức hạnh Kitô giáo và tuân theo lời Thánh Tông Ðồ dạy: "Hết thảy công việc anh em làm, bất cứ lời nói hay hành động, hãy thực hiện tất cả nhân danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Người cảm tạ Thiên Chúa Cha" (Col 3,17). Từ đó, có thể bắt đầu cuộc đối thoại hiệp nhất về việc áp dụng Phúc Âm vào các vấn đề luân lý.

 

Kết Luận

24. Sau khi đã vắn tắt trình bày những điều kiện và các nguyên tắc chỉ đạo để thực hiện công cuộc hiệp nhất, chúng tôi tin tưởng hướng về tương lai. Thánh Công Ðồng này khuyến cáo các tín hữu hãy tránh mọi sự nhẹ dạ và nhiệt thành thiếu khôn ngoan có thể phương hại tới việc phát triển công cuộc hiệp nhất. Thật vậy, hoạt động hiệp nhất của họ không thể thành tựu được, nếu nó không hoàn toàn và thực sự là công giáo, nghĩa là trung thành với chân lý do các Tông Ðồ và các Giáo Phụ 51* truyền lại và phù hợp với đức tin luôn được Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng, đồng thời hướng tới sự sung mãn nhờ đó Chúa muốn Thân Thể Người được lớn lên qua các thời đại.

Thánh Công Ðồng này luôn khẩn khoản ước mong cho các sáng kiến của con cái Giáo Hội Công Giáo được tiến triển hòa hợp với các sáng kiến của anh em ly khai mà không cản trở đường lối của Thiên Chúa Quan Phòng, cũng như không gây thiên kiến làm phương hại đến những ơn Chúa Thánh Thần thúc đầy sau này. 52* Hơn nữa Thánh Công Ðồng cũng tuyên bố là mình luôn ý thức rằng ý nguyện thánh thiện giao hòa toàn thể Kitô hữu trong sự hiệp nhất của Giáo Hội duy nhất và độc nhất của Chúa Kitô vượt quá sức lực và khả năng loài người. Vì thế, Thánh Công Ðồng đặt hết hy vọng vào lời Chúa Kitô nguyện cầu cho Giáo Hội, vào tình thương của Chúa Cha đối với chúng ta và vào quyền lực của Chúa Thánh Thần. "Hy vọng không bị hổ thẹn: vì tình yêu của Thiên Chúa giãi khắp lòng ta nhờ Chúa Thánh Thần Ðấng đã được ban cho ta" (Rm 5,5).

 

Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

 

Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 21 tháng 11 năm 1964.

Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.

Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.

 


Chú Thích:

31* Tĩnh từ "Giáo Hội" (ecclesilis) ở đây là một ngôn từ mới, phát xuất từ giáo phái Tin Lành, chỉ một điều gì liên quan đến Giáo Hội trong tư thế một mầu nhiệm siêu nhiên. Theo dụng ngữ công giáo, tiếng này không bao hàm ý tưởng một Giáo Hội thuần túy vô hình và thiêng liêng. Chữ "thuộc Giáo Hội" (ecclesiasticus) thường chỉ nghĩa diều gì thuộc riêng của Giáo Hội Công Giáo.

32* Sau khi đóng đinh Chúa Kitô, lúc chia nhau y phục của Người, mấy người lính chợt nhận thấy tấm áo dài liền kim không có đường may (Gio 19,23). Ngay từ thời sơ khai Kitô giáo, người ta đã thấy qua tấm áo không đường may này một hình ảnh của Giáo Hội không phân rẽ do Chúa Giêsu Kitô thiết lập. Nhưng thực tế đã có nhiều cộng đoàn Kitô giáo tách rời khỏi Giáo Hội chân thực của Chúa Kitô, và như vậy mở đường cho những cuộc phân ly. Trong chương này, sắc lệnh lưu ý tới hai khối phân ly chính: một ở Ðông Phương và một ở Tây Phương (gồm Tin Lành và Anh Giáo).

33* Công Ðồng Ephêsô (năm 431) đã truyền dạy một cách bất khả ngộ rằng Chúa Giêsu Kitô là một Ngôi Vị đơn nhất, Con Thiên Chúa làm người và Ðức Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa. Phái Nestorianô đã chối bỏ những chân lý ấy và tự tách khỏi Giáo Hội phổ quát.

34* Công Ðồng Calcedonia (năm 451) tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật cũng là Người thật và trong Người có hai bản tính, thần tính và nhân tính, hoàn hảo, phân biệt chứ không hòa trộn lẫn nhau. Song có những cộng đoàn địa phương quả quyết nơi Chúa Kitô chỉ có một bản tính. Ðó là những người theo nhất tính thuyết, họ cũng đã ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo.

35* Sự cắt đứt này đã xảy ra năm 1054 khi Ðặc Sứ của Ðức Giáo Hoàng, Hồng Y Humbert, dứt phép thông công Thượng Phụ thành Constantinopla là Micae Cerulariô. Ðáp lại, Thượng Phụ Cerulariô cũng dứt phép thông công vị Ðặc Sứ đó và tách khỏi Roma. Sự cắt đứt này đã thành toàn diện và dứt khoát vào thế kỷ XIII. Ngày 7 tháng 12 năm 1965 tại Roma, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và tại Constantinopla Ðức Thượng Phụ Athenagoras long trọng hủy bỏ sự dứt phép thông công lẫn nhau ấy.

36* Giáo Hội riêng biệt là một cộng đoàn hay một giáo khu gồm mọi tín hữu cùng theo một lễ chế phụng vụ, cùng giữ một quy luật giáo hội và cùng chịu một quyền quản trị như nhau. Chỗ này chữ "địa phương" hiểu theo nghĩa rộng, vì một Giáo Hội riêng biệt có các tín đồ ở rải rác nhiều nơi.

37* Giáo Hội này là một Giáo Hội riêng biệt mà thủ lãnh là một thượng phụ như Giáo Hội Nga, Giáo Hội Constaninopla... Hiện nay, có ít nhất là 9 Giáo Hội có Thượng Phụ thuộc Ðông Phương ly khai.

38* Vì dụ như Giáo Hội Giêrusalem và Antiokia.

39* Những Giáo Hội Ðông Phương ly khai sống độc lập nhau. Họ coi nhau như những Giáo Hội huynh đệ, không có và không nhận một thủ lãnh chung trên họ. Trái lại, những Giáo Hội riêng biệt (địa phương) Công Giáo lại có cùng một thủ lãnh cao cấp chung: Ðức Giáo Hoàng. Ngài có quyền trên tất cả các Giáo Hội Công Giáo riêng biệt Ðông phương cũng như Tây Phương.

40* Những điều này quy chiếu về thời các Giáo Hội này còn liên kết với Roma. Lúc ấy, 7 Công Ðồng Chung đầu tiên đều nhóm họp ở phương Ðông.

41* Giáo Hội Ðông Phương càng phát triển, những người Tây Phương càng ít cảm thông tâm thức Ðông Phương, cũng như ngược lại; sự kiện đó đưa tới nhiều hiểu lầm và khi thị đáng tiếc ở cả hai bên và khích động thêm sự chia rẽ.

42* Ðoạn này đề cập đến những Giáo Hội Ðông Phương không công giáo (ly khai), không nói về các Giáo Hội liên kết với Roma. Công Ðồng đã công bố một sắc lệnh đặc biệt bàn tới những Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương nhan đề "Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương".

1 Xem T. Gioan Kim Khẩu, In Joanem, Homelia, XLVI: PG 59,260-262.

43* Những tiêu chuẩn về sự tham dự hỗ tương trong các sinh hoạt tôn giáo này đã được trình bày cặn kẽ trong sắc lệnh về những Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương (số 26-29).

44* Toàn thể Giáo Hội chính là Giáo Hội phổ quát Công Giáo, Giáo Hội duy nhất Chúa Kitô sáng lập. Lúc Ðông Phương còn liên kết với Tông Tòa Roma, những Giáo Hội riêng biệt Ðông Phương đã hưởng dụng một quyền tự trị thật đáng kể. Ðức Giáo Hoàng ít khi can thiệp vào việc quản trị của họ. Sắc lệnh tuyên bố rằng quyền tự trị ấy vẫn được duy trì nếu họ liên kết lại với Giáo Hội phổ quát. Sự liên kết này bao hàm việc thừa nhận tối thượng quyền nơi Ðức Giáo Hoàng kế vị thánh Phêrô, Ðại Diện tối cao của Chúa Kitô. Tuy nhiên việc thừa nhận ấy vẫn dung hợp tốt đẹp với một quyền tự trị rất lớn của các Giáo Hội riêng biệt.

45* Nói về những Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương, nghĩa là có liên kết với Roma.

46* Những dự tính liên kết giữa Ðông Phương và Giáo Hội Công Giáo của Công Ðồng Lyon II và Công Ðồng Firenze đã thất bại, bởi vì tâm thức tín hữu đông phương ly khai lúc ấy chưa được chuẩn bị sẵn để đón nhận việc liên kết. Ở đây sắc lệnh nhắm tới việc chuẩn bị tinh thần và thiêng liêng cho các dân tộc Kitô Giáo Ðông Phương hầu đạt đến một mối liên kết tốt đẹp.

47* Ðây là những người Ðông Phương không công giáo di trú trong nhiều miền khác nhau tại Âu Châu, Mỹ Châu. Việc họ tiếp xúc với người công giáo tại đó có thể giúp đôi bên xích lại dần nhau dễ dàng hơn.

2 Xem CÐ Firenze, khóa VI (1439), Ðịnh tín Laetentur caeli: Mansi 31, 1026E.

48* Trong số này Sắc Lệnh chứng tỏ rằng có nhiều điểm dị biệt giữa anh em "ly giáo" tây Phương và Giáo Hội Công Giáo hơn là giữa Ðông Phương ly khai và Công Giáo Tây Phương. Do đó việc liên kết càng khó khăn hơn, tuy thế cũng cần phải mở một cuộc đối thoại. Trong những số tiếp theo, Sắc Lệnh nêu lên một vài học thuyết chung có thể làm khởi điểm cho cuộc đối thoại ấy.

49* Do lời yêu cầu Ðức Phaolô VI, người ta thay đổi hai điểm trong câu này. Thay vì tiếng "được tác động bởi Chúa Thánh Thần" bây giờ đổi lại thành "Nhờ cầu khẩn Chúa Thánh Thần", và chữ "họ tìm" thay thế cho "họ gặp thấy". Sở dĩ thay đổi như vậy là cốt tránh dáng vẻ chấp nhận giáo thuyết của những người cải cách. Theo giáo thuyết này, mọi tín hữu đều được Chúa Thánh thần ban cho đầy đủ ánh sáng để hiểu thấu ý nghĩa mạc khải của Thánh Kinh và để nhờ thế gặp thấy Thiên Chúa trong Sách Thánh, không cần nhờ đến quyền Giáo Huấn của Giáo Hội. Thực sự, người ta có thể gặp được Thiên Chúa trong Sách Thánh; nhưng không gặp Ngài một cách tất nhiên và trong bất cứ lúc nào; lý do là vì những ngăn trở về tâm tính chủ quan người ta có thể không gặp thấy Ngài.

3 Xem Rm 6,4.

50* Những cộng đoàn giáo hội Tin Lành không có bí tích Truyền Chức Thánh. Vì thế, các thừa tác viên của họ không có quyền thánh hiến bánh rượu thành Mình Máu Chúa Kitô. Lễ tiệc ly Tin Lành không bao hàm sự hiện diện thật sự; nó không phải là một hy lễ đích thực. Do đó, anh em Tin Lành đã không bảo tồn được "bản chất đích thực và nguyên vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể". Công thức này đã được Ðức Phaolô VI minh nhiên ưng thuận.

51* Giáo Phụ là những văn sĩ công giáo thuộc thời kỳ đầu của Giáo Hội, từ thế kỷ I thới thế kỷ VIII.

52* Ðoạn này bộc lộ niềm hy vọng vào tương lai. Ðường lối của Chúa Quan Phòng thật lạ lùng. Người ta không thể biết trước những ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy. Tuy nhiên, mỗi tín hữu nói riêng và mỗi cộng đồng nói chung phải luôn luôn tuyệt đối vâng theo Chúa Thánh Thần.

 
VỀ MỤC LỤC

CHÀO MỪNG NĂM THÁNH 2010 CỦA HỘI THÁNH VIỆT NAM -
NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG: XỨ SỞ KIỆN

 

Khi đặt bút viết mấy dòng tâm tư, hồi kí về một dĩ vãng xa xôi, (hơn 70 năm), những hình ảnh như luỹ tre xanh, bờ đê, ao rạch, và những con đường đá dăm(đá xay nhỏ) quanh co, khúc khuỷu chạy quanh làng.., đặc biệt Ngôi Nhà Thờ Lớn vào bậc nhất Việt Nam, những dinh thự, tòa nhà cổ của Tòa Giám mục đầu tiên trên đất Bắc, và những nhân vật thân thương, họ hàng bà con trong Làng, như vẫn còn ẩn hiện  chưa phai mờ, trong tâm trí và nỗi nhớ nhung, khiến tôi ngậm ngùi, ngâm lại bài thơ “Hoài cổ về  Thăng Long” :                              

                                “ Tạo Hóa gây chi cuộc hí trường

                                 Đến nay thấm thoát mấy tinh sương

                                 Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

                                  Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

                                 Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

                                  Nước vẫn cau mặt với tang thương

                                  Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,

                                  Cảnh đấy , người đây, luống đoạn trường! “

                                                     ( Bà Huyện Thanh Quan) 

Được tin  Hội Thánh Công Giáo Việt nam đã chọn  địa điểm Sở Kiện, làm nơi Khai Măm Năm Thánh , để Kỉ niệm 350 năm, Đạo Thiên Chúa Hội Nhập vào Nước Việt( 1659-2009), và 50 năm( 1960-2010), thành lập Hàng Giáo Phẩm bản xứ., tâm trí tôi thật mừng rỡ, vì Ơn Chúa đã soi sáng hướng dẫn các vị hữu trách tìm về chính cái nôi, từ đó đã gieo vãi hột giống Phúc Âm ra khắp miền đất Bắc thân yêu.

 Thật vậy, cách đây hơn 70 năm, khi còn sống tại Làng quê xứ Sở Kiện, tôi đã được chứng kiến những cảnh vắng vẻ, tiêu điều của một Trung tâm Truyền giáo một thời gian dài rất náo nhiệt, sầm uất, nơi chôn cất bốn Vị Giám Mục trong Ngôi Thánh Đường lớn vào bậc nhất Việt Nam(1884, Tòa Giám Mục đóng đô mãi tới năm 1886 mới chuyển  về Hànội, nơi đào tạo hàng ngàn Linh Mục cho các Giáo Phận Đàng Ngoài tại Trường Lý Đoán, Trường Triết Lý mãi tới năm 1935 mới rời về Liễu giai, Hà Nội trao cho Hội các Linh Mục Xuân Bích quản trị, cũng là nơi đã hội họp Công Đồng Bắc Kỳ 2, năm 1912... 

Nhìn vào Hoạ đồ tổ chức Ngày Khai Mạc,  ngày 23 và 24 Tháng Mười Một, năm 2009, tôi còn đủ trí nhớ để vẽ lại cho quí vi hành hương tham dự Đại Hội, những vết tích điêu tàn của một dĩ vãng vàng son. Địa thế Sở Kiện, thuận tiện cho việc lưu thông vì nằm giữa  Quốc Lộ 1A, và sông Đáy bắt ngưồn từ Việt Trì, Sơn Tây.. và chảy ra tới Biển Nam Hải, vùng Kim Sơn, Tiền Hải.. qua Gián Khẩu, hang Địch Lộng, Non Nước Ninh Bình, Phát Diệm.. Bên kia sông là dẫy núi đá vôi trùng điệp nối nhau bằng những thung lũng, rộng lớn, nhiều thú rừng như cọp beo, gấu(chó), hươu, nai, hoãng.., cũng là  nơi cư trú của nhiều sắc tộc thiểu số( cùng chung chủng tộc với người Việt); dãy núi đá vôi chạy qua miền Nho Quan( có Dòng Châu Sơn) và tiếp nối vào dãy Trường sơn. Nhờ “địa lợi” của Xứ Sở Kiện, đặc biệt trong thời  cấm đạo, cần chỗ lẩn tránh trong rừng sâu, nên các vị Bề Trên đã chọn làm chỗ dung thân. Theo truyện các ông bà vẫn kể lại và lưu truyền cho con cháu trong làng, thì tên “Sở-Kiện” là danh xưng gộp lại hai làng khác nhau: làng Kiện, hay Kiện Khê về phía sông Đáy(phía tây), làng Sở hay Ninh Phú (về phía đông), nơi tọa lạc Nhà Thờ Lớn, và Nhà Chung. Hai làng làm hai nghề khác nhau: dân làng Kiện, chuyên về buôn bán, hay nung vôi., còn làng Sở chuyên về canh nông. 

Tổ tiên Làng SỞ này, không biết từ đâu tới định cư ở đây, nhưng có một đặc điểm là “toàn tòng theo Công Giáo”, cả dân làng đều mang tên Họ TRƯƠNG, một số nhỏ Họ Viên và Họ Quan, không có các Họ khác như Trần, Lê, Nguyễn...Dân làng SỞ đã cống hiến một diện tích đất rộng bằng một nửa làng, để xây Thánh Đường, Nhà Nguyện Các Thánh Tử Đạo, kế bên Núi Đá Đức Mẹ Lộ Đức, Nhà Xứ và các cơ sở như: Trường Lý Đoán(Thần Học, TriếtLý), Toà Giám Mục, Nhà In, Trường Thày Giảng, Nhà Hưu trí của các giáo sĩ , tu sĩ. Ngoài ra, còn những cơ sở cho hơn một trăm Nữ tu Nhà Dòng Mến Thánh Giá. Một Nhà Cơm rất lớn để mỗi ngày ba-bốn trăm  cha thầy tới dùng cơm.

 Công viếc tiếp tế thực phẩm do các trại trồng lúa và chăn nuôi như Trại Khắc Cần, Trung Hiếu..và những thửa vườn rất rộng tọa lạc chung quanh Nhà Chung. Cũng như các thôn làng Việt nam, để đề phòng trộm cướp, giặc giã, khu vực Nhà Chung được bao bọc bằng những luỹ tre, một đường đê lớn và những hàng kênh ngòi, ao thả cá và trên bờ, trồng những cây chanh, cam, bưởi, khế, cây nhãn, cây thị, cây vải, cây sấu, cây vối(dùng để lấy nụ, lấy lá làm nước uống).   

Ngày nay, khách hành hương không còn tìm được những dấu tích một thời đã qua, chỉ còn là:” hồn thu thảo, và bóng tịch dương”. Nhưng khi nhìn trên Hoạ đồ tổ chức Ngày Khai Mạc Năm Thánh 2010, tôi có thể nhận ra vị trí khu vực Công Trường, nơi cử hành các Thánh Lễ, Diễn Nguyện, nơi dân chúng tập họp, trên sân Vận động, thì ngày xưa là một thửa ruộng trồng lúa, trồng ngô bắp về phía Bắc của Nhà Chung, gần Nghĩa Trang đã chôn cất cả trăm vị Thừa sai, và các Linh Mục Tu sĩ . Khán Đài, nơi cử hành Lễ Nghi Phụng Vụ là địa điểm gần Nhà Nguyện Trường Lý Đoán, ngày xưa chứa nhiều Bộ Xương các Thánh Tử Đạo,( như Thánh Ven(Vénard), Thánh Phao Lô Tịnh, Thánh Thi, Thánh Đường. ..). Nhà Nguyện này và Nhà Cơm, Tháp Đồng Hồ..đã bị bom phá sập vào năm 1952-53). Ngày nay, đã trùng tu lại Nhà Trường Lý đoán chạy dài(phía sau Khán Đài, Nhà Triết Lý (nhà 18 gian, nơi một vị thừa sai bị bắt đem đi cho trôi sông, năm 1946), Nhà Đức Cha, Nhà Nguyện Thánh Tâm, và Khu vực Nhà Xứ Sở Kiện, nơi Cha Chính Xứ, Cha Phó Xứ cư ngụ. Một nhà mới xây, tọa lạc trên phần đất Nhà In, dùng làm Nhà cho các Đức Cha cư ngụ.

Đền Thánh Trương Văn Thi và Trương Văn Đường, mới được xây cất đúng một năm, 2008, trên thửa đất kế bên Nhà Thờ Lớn. 

Trong các di tích còn lại, ”Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”,  phải kể Ngôi Thánh Đường nguy nga, được xây cất xong năm 1884, theo kiến trúc “gothic”, giống như Nhà Thờ “Đức Bà tại Balê”(Notre Dame de Paris). Nhà Thờ Lớn rộng năm “lòng”( aisle:lòng rộng ở giữa, và mỗi bên cánh phải, cánh trái, thêm hai “lòng” nhỏ nữa;( Nhà Thờ Lớn ở Hà Nội, chỉ có ba”lòng”). Kĩ thuật kiến trúc thời xưa, như vật liệu xây cất là gạch nung đỏ, và vôi trộn với cát và  mật mía( theo truyền khẩu, thời bấy giờ chưa có xi măng). Trần Nhà Thờ lợp bằng gỗ vàng tâm, và Toà Giảng, Bàn Thờ, Nhà Tạm, các Tòa Đức Mẹ Ban Ơn, Tòa các Thánh đều được “sơn son thiếp vàng”,  với những tấm kính mầu,( theo mẫu Nhà Thờ Thành Chartres,) lóng lánh mầu sắc lung linh, khi thắp đèn, hoặc khi ánh mặt trời chiếu vào mỗi buổi sáng và buổi chiều. Ngoài ra, Nhà Thờ còn trang bị một bộ đàn Đại-Phong- Cầm( đàn organ), với những ống kim loại, phát ra những âm thanh vang dội, réo rắt; một bộ chuông”khổng lồ”, theo hòa âm(”Đố - son- mi- đồ”), tiếng chuông vang lừng khắp miền, hàng mấy chục cây số vẫn nghe ngâm vọng, mỗi khi có Thánh Lễ trọng thể, hay Rước Kiệu. 

Vào những năm, từ 1940 đến 1952, tôi và một anh bạn thân cùng lớp, cùng là nghĩa tử của Cha Xứ, lại cùng quê, nên mỗi kỳ nghỉ Hè, trong ba tháng, chúng tôi được thảnh thơi, ngủ nghỉ tại các gian nhà vẫn còn đẹp, sạch sẽ, nhưng bỏ trống không ai ở. Mỗi ngày chúng tôi và một số bạn, được tự do đi lại trong khu vực Nhà Chung: tìm trái cây, câu cá, tắm hồ..Vào thời đó, chúng tôi cũng đã trưởng thành, học xong Trường Thử và đang Học Trường Latinh tại Hoàng Nguyên, kiến thức về ngôn ngữ như  Latinh,  Pháp,.Nho.cũng khá đủ để giúp tìm tòi những tủ sách còn lưu lại tại các căn nhà, các phòng của các Linh Mục Thừa sai, các Cha Giáo sư, đã chết hoặc thuyên chuyển đi chỗ khác. Chúng tôi thích tìm kiếm, lục lọi và chọn lựa những cuốn thật giá trị để coi. Nhiều bộ sách thật quí giá như những bộ sách Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước có chú giải của Cố Chính Linh,(Albert Schlickin), Bộ sách Luân Lý học của Cố Thịnh(sau làm Đức Giám Mục Chaize), của Cố Thành( sau làm Giám Mục ,Alexandre Marcou) và  cuốn Tự Vị “Latino-Annamiticum(Cố Khánh , Marcel Henri Ravier)., và nhiều sách Giáo lý, Lịch sử Hội Thánh, Truyện các Thánh..khác đều in tại nhà in “Ninh Phú Đường”, tức là KẺ SỞ.

(Chú thích: Anh bạn tôi tên là Nguyễn Hoài Chiên, bút hiệu Nguyễn Nam Châu. Anh cùng học với tôi cho đến hết 4 năm Thần học, nhưng  không chịu chức, không tiếp tục đời sống tu trì. Anh đi du học tại Bỉ, Pháp và làm Giáo sư tại Đại Học ở Congo, Kishinsa nhiều năm cho đế khi về hưu. Sau gần 40 năm mất liên lạc, mãi năm 2007, anh sang Hoa kỳ, tại Orange County, để nhờ bạn bè in  sách, và anh đã tặng tôi một cuốn, hẹn sang năm sẽ gặp nhau, nhưng anh đã qua đời vào năm 2008. Anh rất thông minh, đọc sách rất nhanh, và nhớ mọi tình tiết của câu truyện khi thuật lại. Ngoài ra anh còn là nhạc sĩ sáng tác các bản nhạc phổ thông trong Nhạc Đòan Lê Bảo Tinh) 

Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh, một Nhạc Đoàn tiên phong trong Phong trào Thánh Nhạc Việt Nam, sau năm 1945, cũng đã được khởi xướng lên từ Trường Thầy Giảng Kẻ Sở. Vào thời kỳ đó, Thầy Hường, tức Nhạc sĩ Hùng Lân đang làm giáo sư dạy tại Trường Thầy Giảng , cùng với Thầy Hoan, tức Thi sĩ Hùng Thái Hoan. Do thời thế thúc bách, Thầy Hùng Lân đã mời một số bạn có khiếu về Âm Nhạc, để sáng tác và phổ biến Thánh Ca Việt Nam , thay thế các bản nhạc bằng tiếng Latinh hay tiếng Pháp. Thầy Nhạc Trưởng đã tụ tập được tại Kẻ Sở những nhạc sĩ như Nguyễn Khắc Xuyên, Hoài Đức , Duy Tân, Thiên Phụng, Hoài Chiên..để thành Lập Nhạc Đoàn Lê bảo Tịnh. 

Nhân dịp trọng đại về Ngày Khai Mạc “Năm Thánh 2010” tại Sở Kiện, tôi cũng muốn góp phần xây dựng Hội Thánh Việt Nam vì đã nuôi dưỡng và huấn luyện tôi để làm tông đồ, theo chân các Vi Thừa sai, và đặc biệt là NHỊ VỊ THÁNH TỔ: TRƯƠNG VĂN THI và TRƯƠNG VĂN ĐƯỜNG, mà tôi được phước là hậu duệ . Do đó, tôi xin góp một vài ý kiến như:

Làm thế nào để Truyền Đạo trong Xã Hội Việt Nam? Theo chân các vị Tiền Bối như Cha ĐẮC LỘ..đã đề xướng phương pháp”Hội Nhập Đạo Chúa vào Văn Hóa  Việt Nam” như thế nào? Ngày nay, Hội Thánh Công Giáo Việt nam, đặc biệt hàng Giáo Phẩm, các Linh Mục, Tu  sĩ, trong hoàn cảnh hiện tại vẫn cần nỗ lực theo đường hướng gì, để giúp cho Dân tộc, cho  người đồng hương,hoan hỉ  tiếp nhận TIN MỪNG của CHÚA CỨU THẾ? Đó là mấy câu hỏi sẽ bàn giải  sau đây: 

TIN MỪNG HỘI NHẬP VÀO VĂN HOÁ và XÃ HỘI VIỆT NAM 

Phần trên trong những dòng hồi kí này, tôi đã biểu lộ những cảm tình yêu mến và luyến tiếc những cảnh vật của một Trung Tâm Truyền Giáo, mà nay đã theo thời gian trôi qua , đã biến thiên, như mọi sự đều là “vô thường” trên cõi đời tạm này.

Sau đây, tôi cũng không thể quên những NHÂN VẬT thuộc thế hệ đàn anh đã khổ công gây dựng, lèo lái con Thuyền  Hội Thánh trong những năm gần đây. Vào năm từ 1940- 1954, tôi đã trưởng thành, học hết Trung Học, đã giúp Xứ, làm Thày Giảng, và  bắt đầu bước chân vào Đaị Chủng Viện Xuân Bích tại Hà Nội, là những năm thay đổi lớn lao, cả ngoài Xã hội, lẫn trong Giáo Phận Hà Nội. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến những biến chuyển trong giới Lãnh đạo, một lớp Giáo sĩ trẻ người Việt Nam,   tiếp nối công việc Truyền giáo, và điều hành các  chức vụ quan trọng Tòa Giám Mục Hà nội.  

Khi tôi về học năm thứ nhất( năm 1951), tại Đại Chủng Viện do các Linh Mục Xuân Bích quản trị,  tôi được gặp  cha Giám đốc Tín( P.Gastine) và nhiều cha  Giáo sư trẻ trung như Cha Thành( Raymond Deville, sau này làm Bề trên Tổng Quyền), Cha Vi (Villard), cha Lịch (Courtois), cha Xuân (Corpet) và cha Thu. Đặc biệt, lần đầu tiên, một số Cha Giáo sư người Việt như Cha Nhân, Cha Vinh, Cha Mai, Cha Khiết, Cha Lý. Những Cha Việt Nam làm Giáo sư, cũng là cựu sinh viên Xuân Bích học ở Issy-lesMoulineaux, bên Pháp, mới trở lại Việt Nam, sau nhiều năm du học.

Nhờ bằng cấp cao, nhất là tài năng đức độ, và thánh thiện, các cha đã cộng tác rất đắc lực với Đức Giám Mục  người Việt, tiên khởi của Địa Phận Hà Nội là ĐGM. Giuse Maria Trịnh Như Khuê, sau năm 1960, làm Tổng Giám Mục, và Hồng Y tiên Khởi của Việt Nam. Ngài là một Giám mục đạo đức khôn ngoan và cương nghị trong các quyết định mục vụ, nhằm bảo vệ Đức Tin tinh tuyền của Hội Thánh, trong những năm khó khăn, bi đát nhất của Lịch Sử Giáo phận, như các Linh Mục tài đức (cha Vinh, cha Oánh, cha Thông) đã phải chết hoặc bị cầm tù, quản chế gần suốt đời, không được đem tài năng ra thi thố giúp việc Truyền giáo..

Thế hệ đàn anh đã qua đi, từ các vị Giám Mục như ĐHY Trịnh Văn Căn, Phạm Đình Tụng, ĐGM Lê Đắc Trọng...đến các Linh Mục đã được đào luyện trong Chủng Viện Xuân Bích cũng dần dần được Chúa gọi về Nhà Cha Trên Trời. 

(Chú Thích:  Cha Lê Văn Lý, năm 1954, đã di tản xuống miền Nam theo Chủng viện Piô XII.  Ngài làm giáo sư Chủng viện, và Đại học Văn Khoa, rồi Viện Trưởng Đại Học Công Giáo Đà Lạt. Tôi đã cùng sống chung với cha tại Nhà Hưu Dưỡng tại Carthage. Ngài đậu tiến sĩ quốc gia(Docteur d’État) về Văn chương,  tại Đại Học Paris, và xuất bản luận án  bằng Pháp và Việt văn:” Sơ Thảo Ngữ Pháp Việt Nam”. Ngài tỏ ý vui vì biết tôi, trong thời gian du học cũng đã học cùng Trường với Ngài khi xưa, là “École Nationale des Langues Orientales Vivantes..”( ban Hán Văn), ở rue de Lille(Paris) . Tôi cũng được vinh dự, đại diện Địa Phận Hà Nội,  trong Thánh Lễ An Táng của Ngài. Cha Lê văn Lý là một bậc Thầy vừa đạo đức vừa cương trực, đã có óc sáng tạo, và nghiên cứu về Ngôn Ngữ Việt Nam

Trong dịp “Năm Thánh 2010”, tôi nhớ lại đã gặp một Linh Mục trẻ, chưa đầy 30 tuổi, mới ở Pháp về  Hà Nội, vào năm1951. Tôi hân hạnh vừa được đọc bài Phỏng Vấn của  Cha Nguyễn Hân Quynh , năm nay Ngài  83 tuổi, đã làm Cha Chính Giáo Phận Hải Phòng, sau năm 1954. Ngài đã bị quản chế hơn 28 năm..

Qua cuộc Phỏng vấn, tôi nhận thấy, tinh thần Cha còn sáng suốt khi bàn luận về tình trạng Đức Tin của Hội Thánh Việt nam, đặc biệt về việc giáo dục hàng Giáo sĩ. ( La Croix 22/06/ 2009) . Xin trích đọan cuối bài Phỏng vấn, nguyên văn như sau: 

“ Theo cha Quynh, để người Việt Nam không mất Đức Tin, trước hết cần phải cầu nguyện và giáo dục. Việc rao giảng Tin Mừng phải thông qua con đường giáo dục.Trong 30 năm, vì các Chủng viện bị đóng cửa trình độ trí thức của hàng giáo sĩ và các tín hữu KiTô đã xuống thấp. Từ một chục năm nay, các ĐGM  Việt nam được đào luyện kỹ hơn, vì các vị đã có thể đi du học. Nhưng cũng cần phải cả chục năm nữa, các vị mới có thể làm “công việc của giám mục”. Về phần các Linh Mục, theo cha Quynh, nói chung không được huấn luyện đầy đủ; ngay cả văn chương và văn hóa của xứ sở, các vị cũng còn thiếu hiểu biết. Do đó, thế hệ trẻ cần phải có được một nền tảng vững chắc về triết lý và thần học. Phần lớn các ĐGM Việt nam đã hiểu được điều đó cho nên đã cố gắng gởi các chủng sinh du học tại Paris, Roma, hay Hoa Kỳ” (Chu Văn) 

Sau đây chỉ xin góp một vài ý kiến thô thiển về vài nhận định của bậc đàn anh trong Giáo Phận Hà Nội, nhân dịp Ngày Khai Mạc Năm Thánh 2010, tại điạ điểm SỞ KIỆN.:  

“Việc rao giảng Tin Mừng phải thông qua con đường giáo dục” 

Vấn đề GIÁO DỤC các Tín hữu, đặc biệt các Linh mục, Tu sĩ  là một đề tài rất mênh mông  bao gồm nhiều phạm vi học thức  để mở mang trí tuệ của con người như: Đạo Lý, Luân Lý, Triết Lý, Văn chương, Khoa học., Cha Quynh đã giới hạn vào việc giáo dục các linh mục , giám mục, bằng cách mở các chủng viện,.. và đi du học nước ngoài, nhấn mạnh về giáo dục  “văn chương và văn hóa của xứ sở”. Ngài cũng tỏ ra phàn nàn, lo ngại vì trong tình huống hiện nay, các giám mục và linh mục vẫn còn thiếu hiểu biết.

Danh từ VĂN HÓA, hay Văn Minh của một dân tộc,  hàm ẩn  một nội dung rộng lớn bao gồm: tôn giáo, luân lý, ngôn ngữ, văn chương, địa lý, lịch sử, phong tục, xã hội, kinh tế, và  thể chế, chính trị..

Những ý tưởng của Cha Quynh khá chính xác vì phát xuất từ kinh nghiệm bản thân trong những năm bị cầm tù, trong những ngày tháng Hội Thánh bị cấm cách, kì thị, đàn áp, và vu khống. Dầu  dân tộc Việt nam đã đón nhận Tin Mừng  hơn 350 năm, nhưng tỉ lệ người tín hữu theo Chúa Cứu Thế, đối với đa số dân chúng, vẫn còn là con số  khiêm nhượng(8%).

(coi: Nguyễn Ngọc Sơn:” Hiệu quả Truyền Giáo ở Việt Nam, trong những năm gần đây”Định Hướng, số 56, Mùa hè 2009)

Bởi vậy, trong dịp “Năm Thánh 2010”, toàn thể Hội Thánh Việt Nam cần bàn luận về những thiếu sót, bất cập trong quá khứ, để kịp thời sửa chữa.

Việc giáo dục toàn diện của người Công Giáo , các giáo sĩ, tu sĩ Việt nam, trong hoàn cành ngày xưa, hay hiện nay, mà đa số dân chúng là không-Công giáo, và dưới những chế độ quân phiệt, hay vô thần, thù nghịch với Thiên Chúa Giáo, thì  truyền bá Tin Mừng, Đức Tin Công Giáo, luôn phải bao gồm hai khía cạnh không thể rời nhau được:                                  

 Đối Thoại giữa ĐỨC TIN và VĂN HÓA luôn giao thoa với nhau 

Thời kì Đạo Thiên Chúa bằt đầu Hội Nhập vào Việt Nam, các vị Thừa sai đã áp dụng Phương Pháp Đối Thoại với Văn Hóa Việt Nam”, như sẽ bàn luận ở dưới.

 Danh từ ĐỐI THOẠI có nghĩa là hai bên nói chuyện, trao đổi, bàn luận với nhau. (dialogue, dia-Logos, dia= đôi, hai chiều: bên nói, đề nghị và bên nghe, nói lại; Logos=Thoại là lời Nói) ; nếu “đối thoại” mà một bên hoàn toàn im lặng, không nói gì hết,  thì nên dùng danh từ khác, chứ đừng  dùng từ” Đối Thoại” nữa!) 

Chính Thiên Chúa cũng đã “Đối Thoại” với loài người, bằng miệng lưỡi của các Ngôn Sứ(Tiên Tri), sau cùng, Chúa đã cho Con Chúa “Nhập Thể”, làm Người, như mọi người, trừ tội lỗi. Chúa Cứu Thế cũng phải ăn uống, chịu đói khát..và Chúa cũng đã“Nhập Thế”nói tiếng bản thổ, quan sát tình trạng tôn giáo, chính trị, kinh tế, xã hội đương thời, dùng làm”dụ ngôn”, để khuyên răn, cảnh cáo dân chúng sửa soạn đón nhận TIN MỪNG.

Chúa Giêsu đã chịu chết đề minh chứng SỰ THẬT, để đền tội gian dối của Nhân loại.

Thánh Phao Lô Tông Đồ dân ngoại(gentiles) cũng đã “Đối Thoại”với hai nền văn hóa, Hi lạp và Lamã, khi trình bày Đạo của Chúa Cứu Thế. Sau này, các Giáo Phụ như Thánh Augustin, Thánh Thomas Aquinas..cũng đã dùng Triết Lý của Platon, Aristotle..để giải thích, hay chứng minh Tin Mừng cho văn minh Âu-Mỹ.  Vậy, tại sao ngày nay các nhà truyền giáo không dùng Văn Hóa, Triết Lý của các dân tộc Á Đông như Ân Độ, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản..để “Đối Thoại”, để diễn giảng và minh chứng Đạo của Chúa Cứu Thế cho dân bản xứ?

Ngày nay, các nhà viết sử  đã nhìn nhận những thành quả khá lớn lao còn lưu lại cho hậu thế, do trí óc sáng suốt và tài đức của các Thừa Sai, rao giảng Tin Mừng của Chúa Cứu Thế cho miền Á Đông, như Thánh Phanxicô Xavie, Cha Matteo Ricci, và tại Việt Nam là Cha Đắc Lộ.

(coi bài: “Ba Cống Hiến quan trọng của Công Giáo” của  Phan Thế Hải, đã đăng trên nhiều tạp chí và báo)

Các Vị Thừa sai, đặc biệt Cha Đắc Lộ đã học hỏi tường tận ngôn ngữ Việt Nam, phong tập tục quán, văn hóa, tam giáo, xã hội, tình hình chính trị tại Việt Nam thời Nam-Bắc  phân tranh, thời kì thống nhất quốc gia..để có thể so sánh những giá trị tâm linh, nhân bản giữa Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo, cốt làm sao đem Tin Mừng rao giảng cho mọi người thiện chí có thể hiểu được và mộ mến những Giáo lý, Luân Lý mới du nhập vào Xã hội Á Đông. Ngày nay, sau 350 năm nhìn lại, chúng ta thấy các vị tiền nhân đã không thể “ĐỐI THOẠI” về tôn giáo với người bản xứ, một cách hiệu quả, nếu đã không học biết những giá trị, những điểm tương đồng, dị biệt trong nền văn hóa bản xứ.

Lịch sử cho biết: vào thời kì đó, các vị Thừa sai,  Cha Đắc Lộ, và Đạo Thiên Chúa đã luôn bị cấm cách, các tín đồ bị cầm tù, giết chết, nhưng các vị Thừa sai vẫn can đảm vượt mọi khó khăn để thật sự đem Tin Mừng cho dân tộc Việt Nam. 

(coi: Nhà Truyền Thống tại Sở Kiện, hiện nay còn lưu trữ hơn(71 Bộ) các Thánh Tích, Xương Thánh , của các Vị Tử Đạo) 

Đọc lại Lịch Sử Hội Thánh Công Giáo Việt Nam, người ta thấy việc “Đem ĐẠO vào ĐỜI” hay Hội Nhập Đao vào Văn Hóa Việt nam”, hình như ngưng lại, không còn”Đối Thoại”, không còn những công trình lớn lao nghiên cứu về văn hóa, xã hội nữa. Do đó, Tin Mừng của Chúa Cứu Thế  ngày càng trở nên xa lạ với người đồng hương. Những bài giảng thuyết, dạy Giáo lý, Kinh Thánh, rước kiệu..chỉ giới hạn trong khu vực Thánh Đường;  báo chí truyền thông chỉ quanh quẩn đăng tin về các sinh hoạt trong các Cộng đồng Công giáo. Ngày nay, người ta coi việc “giữ Đạo” quan trọng hơn là “truyền Đạo”

Cũng vì thờ ơ với công việc học hỏi Giáo Lý của Hội Thánh ,đặc biệt am tường “HỌC THUYẾT XÃ HỘI” của các ĐGH Lêô  XIII, Gioan Phaolô II, và Benedito XVI và thông hiểu ngôn ngữ , văn hóa của dân tộc, nên công việc truyền giáo, và ảnh hưởng của Hội Thánh Công Giáo không xâm nhập được vào các cơ cấu của Xã hội Việt Nam . Đôi khi cũng lên tiếng bênh vực cho quyền lợi riêng của Giáo phận, hay giáo xứ bị xâm phạm, nhưng không điều tra, bênh vực hay phê phán về tình trạng suy đồi về luân thường đạo lý, những bất công xã hội chung cho toàn quốc đối với các đồng hương khác. Do đó, Tin Mừng của Chúa Cứu Thế không thể Hội Nhập một cách sâu rộng như “men”, như “muối”, như “ánh sáng” vào Xã hội hiện nay. Nếu mất tình tự Dân tộc, thiếu tình nghĩa đồng hương, đồng bào với nhau,  thì ai sẽ đem TIN MỪNG cho ai?

Công việc phiên dịch Sách Kinh Thánh, Sách Kinh, Phụng vụ, Sách Lễ..là những công tác tương đối được tự do hoạt động trong nội bộ, nhưng thiếu người có khả năng”Hội Nhập Văn Hóa Việt Nam”, để công việc phiên dịch được hoàn chỉnh tốt đẹp, và mang sắc thái văn hóa Việt Nam. 

“Vấn đề du học sinh ra ngoại quốc học tập” 

Vấn đề gửi du học sinh ra ngoại quốc để học các Khoa Thần Học, Triết học, cũng cần có kế hoạch và hướng dẫn, để giúp cho công cuộc Truyền bá Đức Tin được hiệu quả tốt đẹp. Việc thu thập kiến thức về Giáo lý của Hội Thánh Công giáo hoàn vũ, các Tài Liệu của Công Đồng Vaticno II, các Thông Điệp của các Đức Giáo Hoàng, theo kịp đà tiến triển của thời đại tòan cầu hóa, là cần thiết. Nhưng không phải bất cứ điều gì học hỏi được của ngoại quốc cũng có thể ứng dụng một cách thích ứng vào Xã hội, Văn hóa Việt nam, vì  mỗi nơi,  mỗi nền văn hóa đều có những cách tiếp nhận TinMừng khác nhau. Do đó,   nhiều kiến thức đã thu nhặt được của ngoại quốc, nhưng không thể áp dụng cho hoàn cảnh Việt Nam được, vì muốn phổ biến cho Xã hội, Cộng Đồng Việt nam, vẫn cần phải óc sáng tạo và thông thạo ngôn ngữ, và văn hóa bản địa.

Trong thực hành, điều cần học hỏi của Âu-Mỹ là: Phương Pháp Nghiên cứu, Luận lý học, Biện Chứng Pháp, Phương pháp Phân tích các dự kiện, và cách thức Tổng hợp thành hệ thống, để biết cách điều tra, tìm hiểu môi trường địa phương.

Kinh nghiệm cho thấy trước mắt chúng ta: ngày nay hàng ngàn giáo sĩ, tu sĩ nam nữ gốc Việt, học hành sinh sống , làm việc mục vụ ở ngoại quốc, nhưng đã không sáng tác được những tác phẩm có giá trị, làm giầu cho kho tàng tôn giáo, văn chương, văn hóa của quê hương Việt Nam, để truyền bá và thuyết phục các đồng hương chấp nhận giá trị của Tin Mừng. Bởi vậy, công việc rao giảng Tin Mừng, muốn có hiệu quả vẫn cần một sự “Đối Thoại”giữa người rao giảng và người tiếp nhận. Nếu không, chỉ là cuộc “độc thoại” vô vị vô ích mà thôi.

 

Tạm Kết. Theo Truyền Thống của Hội Thánh Công Giáo, từ đời Trung Cổ,  những cuộc HÀNH HƯƠNG(pilgrimage)thăm viếng Đất Thánh, các Di Tích của các Thánh.thì.khách hành hương(pilgrims) cần bỏ  nhà cao cửa rộng để nằm gai nếm mật, chung nỗi ân ưu”, mặc áo nhặm, đi bộ, chống gậy, và “đánh tội”..Cuộc hành hương của cả ngàn Linh Mục Tu sĩ, cả chục ngàn giáo hữu đổ về Xứ Sở Kiện chật hẹp, nghèo, thiếu mọi tiện nghi..không như những nơi quí khách đi hành hương tại Roma, Lộ Đức, Fatima, Lisieux..Vậy xin quí Khách Hành Hương cũng cảm thông cho hoàn cảnh, thời thế của xứ sở, đất nước hiện nay. Nhưng, thật là đúng với ý nghĩa “Hành Hương”của Truyền Thống trong Hội Thánh là: Đền Tội, Ăn Bận nhiệm nhặt, đánh tội, hối lỗi, để lãnh ƠN CHÚA thứ tha các lỗi lầm quá khứ, và dốc lòng “CANH TÂN đời sống mới, rồi lại tiếp tục “LÊN ĐƯỜNG”vác Thánh Giá , “RA KHƠI”, đi Rao Truyền TIN MỪNG của Chúa cho Dân Tộc và Đồng Hương thương mến của chúng ta.

Lm. Đường Thi

VỀ MỤC LỤC
THƯ THỨ BA CỦA CHA GIÁM TỈNH DCCT TỪ RÔMA

 

Kính thưa anh em,

Qua các mạng thông tin, anh em biết được Tổng Công Hội 24 của toàn Dòng chúng ta đã kết thúc tuần lễ hội họp thứ ba vào ngày thứ sáu 6 tháng 11 năm 2009. Tuần lễ thứ ba kết thúc trong bầu khí vui vẻ cởi mở và nhẹ nhàng, những vấn đề quan trọng đã lần lượt được trao đổi và biểu quyết, trọng tâm của Tổng Công Hội 24 trong tuần lễ thứ ba cũng đã hoàn tất, chúng ta đã có Tân Bề trên Tổng quyền và Tân Ban Cố vấn Trung ương. Chúng ta tiếp tục tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi và luôn ban những ơn lành cần thiết cho chúng ta, cám ơn Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hằng Cứu Giúp là Mẹ của chúng ta, Thánh Anphong và các thánh trong Dòng đã chuyển cầu và phù hộ cho Tổng Công Hội và cho tất cả chúng ta.

Từ Rôma, tôi xin tiếp tục chia sẻ những thông tin cần thiết cho anh em. Với bức thư này, tôi chia sẻ những suy nghĩ của cá nhân mình về những diễn tiến của Tổng Công Hội, tri thức hạn hẹp và chủ quan là những hạn chế không tránh khỏi, xin anh em cảm thông.

Tân Bề trên Tổng quyền

Sau 9 vòng bầu chính thức chúng ta đã có một vị Bề trên mới. Diễn tiến 5 vòng đầu luôn xuất hiện những tên tuổi nổi bật: Michael Brehl (Giám Tỉnh Edmonton-Toronto), Enrique Lopez (Tổng cố vấn), Serafino Fiore (Phó Bề trên Tổng quyền) và Jacek Dembek (Tổng cố vấn), trong đó luôn đứng đầu với số phiếu tranh chấp là Michael Brehl và Enrique Lopez. Người ta dễ dàng nhận ra Michael Brehl người của vùng Bắc Mỹ và vùng nói tiếng Anh, Enrique Lopez là người vùng Nam Mỹ và vùng nói tiếng Tây Ban Nha, Serafino Fiore người Ý và vùng Nam Âu, Jacek Dembek là người vùng Bắc Âu và vùng nói tiếng Slav.

Vì đã qua năm vòng bầu phiếu nhưng chưa có kết quả, Tổng Công Hội đã dành cả buổi sáng để trao đổi về gương mặt của vị Bề trên mới, tất cả chia ra làm ba nhóm: nhóm nói tiếng Anh, nhóm nói tiếng Tây Ban Nha và nhóm nói tiếng Pháp. Trong buổi trao đổi, mọi người đều nhận ra đây là những gương mặt quá tốt cho vị trí bề trên, nhưng làm sao để có thể chọn ra một vị theo thánh ý Chúa, có những đại biểu nóng lòng đã có những phát biểu tương đối căng thẳng. Tuy nhiên, trong nhóm nói tiếng Anh, cha Lasso đã nhẹ nhàng cho ý kiến: cha nhận thấy quá trình bầu cử có những tiến triển chậm rãi, tập trung phiếu không tản mác, như thế là dấu hiệu tốt và lành mạnh, xin mọi người bình tĩnh, cha Joseph Tobin trong Tổng Công Hội lần trước phải vào vòng thứ 10 mới có kết quả!

Sau cuộc bầu phiếu vòng thứ sáu vẫn như cũ. Buổi chiều nhóm họp lại, cuộc bầu phiếu vòng thứ bảy có thay đổi chút ít, số phiếu dành cho cha Michael Brehl có vươn lên một chút nhưng chưa rõ nét. Vào phiên cuối buổi chiều, vòng bầu thứ tám cho kết quả đậm đà, cha Michael Brehl đã vươn lên rõ ràng (70 phiếu), chủ tọa đoàn hỏi ý kiến Tổng Công Hội nên tiếp tục bầu hay ngưng để sáng mai bầu tiếp, tuyệt đại đa số đã giơ tay biểu quyết tiếp tục. Nhưng có vị cho ý kiến luật không cho phép bầu hai vòng trong một phiên khoáng đại. Phản ứng rất nhanh, cha Bề trên Joseph Tobin hội ý và quyết định, nghỉ hai phút để sang một phiên khác hầu có thể bầu theo luật định, tuy cũng có vị cho rằng hai phút không đủ để làm giãn tâm lý hầu sang một phiên khác. Chủ tọa đoàn vẫn quyết định bầu trong sự đồng ý vui vẻ của gần như toàn Tổng Công Hội. Vòng thứ chín được tiến hành, khi ban kiểm phiếu công bố đến phiếu thứ 72 (số phiếu cần và đủ để đắc cử) của cha Michael Brehl, toàn thể nghị trường đã đứng lên vỗ tay chúc mừng. Cuộc vỗ tay kéo dài hơn năm phút, sau đó ban kiểm phiếu tiếp tục nhiệm vụ cho đến hết. Khi công bố kết quả, một lần nữa mọi người đứng lên vỗ tay chúc mừng.

Sau những chúc mừng của anh em với vị đắc cử, toàn thể Tổng Công Hội bước vào nhà nguyện hát kinh Te Deum, vị Tân Bề trên Tổng quyền tuyên thệ nhận chức, các nghi lễ kéo dài đến 9g00 đêm, sau đó là tiệc liên hoan.

Kính thưa anh em,

Có những lúc người ta nhận định: cha Brehl chưa hề có tên tuổi trong hoạt động của Trung ương, trình độ ngoại ngữ hạn chế (ngài chỉ biết tiếng Pháp và tiếng Anh), trong khi các vị kia là những vị đã có thâm niên trong Ban Tổng Cố vấn, ai cũng biết ít nhất 4 ngoại ngữ (ngoài tiếng mẹ đẻ của mình). Ai cũng có một nhóm làm việc thân quen và hợp ý ở cấp trung ương. Cha Michael Brehl được xem như một người hiền hòa, không mạnh mẽ, có thể sẽ không có những giải pháp mạnh rất cần trong giai đoạn mới, trong khi đó, trừ cha Fiore hai vị kia là những vị quyết đoán, tinh thần Nam Mỹ (cha Enrique Lopez) và tinh thần Đông Âu (cha Jacek Dembek) rất mạnh mẽ và cương quyết, khá đủ kinh nghiệm và sức mạnh để đối diện với những khó khăn của giai đoạn Tái cấu trúc. Cha Michael Brehl cũng không có những tương quan với các dòng tu khác và với cả Tòa Thánh, ngài đi tu và học ở Canada mà thôi, chưa hề theo học hay hoạt động trong vùng Roma. Nhưng cuối cùng thì Chúa và anh em lại chọn ngài, Ý Chúa nhiệm mầu và không như ý của thế gian.

Tân Ban Tổng Cố vấn

Khác với việc bầu Bề trên Tổng quyền, Ban Tổng Cố vấn đã được bầu một cách dễ dàng. Chỉ sau vòng tham khảo, vòng bầu chính thức đầu tiên đã cho đầy đủ kết quả, toàn thể Tổng Công Hội đã rất thoải mái để tham dự vòng bầu này, số phiếu đắc cử rất đậm đà bày tỏ sự chọn lựa dứt khoát. Hình như người ta tìm người tài dễ hơn tìm người mục tử!

Một trong những vị có mặt trong Ban Tổng Cố vấn đã gây chú ý rất nhiều cho Tổng Công Hội đó là thầy Jeffrey Rolle: thầy sinh ngày 05.04.1965 tại Commonwealth thuộc Dominica, gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế thuộc Tỉnh Dòng Baltimore, khấn dòng 1991. Những ngày tham dự Tổng Công Hội thầy rất lặng lẽ, khiêm tốn và đạo đức, khi cha Bề trên Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Baltimore giới thiệu thầy với Tổng Công Hội, lập tức thầy chiếm được cảm tình của cả nghị trường, người ta đã dồn phiếu cho thầy gần như tuyệt đối. Lần đầu tiên một anh em trợ sĩ được tín nhiệm bầu vào Ban Tổng Cố vấn, trước đây và ngay cả trong hiện tại, vẫn có những ý kiến đề nghị nên có đại diện các thầy trong Ban Tổng Cố vấn, ý kiến này chưa bao giờ được đồng ý. Jeffrey Rolle được bầu vào Ban Tổng Cố vấn vì anh em tín nhiệm Jeffrey Rolle bất kể Jefffrey Rolle là linh mục hay không. Tuy nhiên, Jeffrey Rolle đã là Tổng Cố vấn và Jeffrey Rolle đang là một anh em không chức linh mục trong gia đình Dòng Thánh của chúng ta. Chúc mừng Jeffrey Rolle, chúc mừng các thầy. Tôi đã chính thức mời Thầy Jeffrey Rolle sắp xếp đến thăm Việt Nam, hy vọng chúng ta sẽ tiếp đón thầy trong một cuộc viếng thăm tình nghĩa tại Việt nam.

Và những gương mặt nổi bật khác

Bên cạnh những tên tuổi vang danh về tri thức hoặc đạo đức như Marciano Vidal Garcia (Madrid), Cornelius Casey (Dublin), Andrzej Stefan Wodka (Warsawa-Ba Lan), Luis Alberto Roballo Lozano (Bogota-Colombia), Brendan Callanan (Suriname), Jose Ulysses Da Silva (Sao Paulo-Brasil), Sean Wales (South Africa),… trình diện trước Tổng Công Hội những gương mặt trẻ khác nổi bật: Ronald Mcainsh (Giám Tỉnh London), Michael Kelleher (Giám Tỉnh Dublin), Joseph Apisit (Cựu Giám Phụ tỉnh Bangkok), Assisi Saldanha (Bangalore-India), Manuel Rodriguez Delgado (Porto Rico),... Chúa hứa hẹn cho chúng ta một tương lai tốt đẹp.

Kính thưa anh em,

Tổng Công Hội sẽ tiếp tục với tuần lễ thứ tư. Khởi đầu tuần lễ này, tất cả Tổng Công Hội sẽ đến Pagani, dâng lễ trước những di tích của Thánh Tổ phụ chúng ta. Với Thánh lễ tạ ơn này chúng ta như muốn đoan hứa cùng Thiên Chúa về ơn gọi của chúng ta, chúng ta được mời gọi hiện diện vì ơn cứu rỗi cho người nghèo và người bị bỏ rơi hơn cả. Rời Pagani, các nghị viên sẽ đến viếng và dùng cơm ở Materdomini nơi đặt thánh tích của Giêrado, rồi sẽ trở về Rôma trong ngày.

Xin tiếp tục cầu nguyện cho Tổng Công Hội được thành công tốt đẹp theo thánh ý Chúa.

Xin chúc lễ anh em nhân ngày sinh nhật nhà Dòng (9/11).

Chân thành cám ơn anh em.

Roma, ngày 7 tháng 11 năm 2009

Lm. Vinc. Phạm Trung Thành, dcct.

Giám Tỉnh

VỀ MỤC LỤC
VÀI SUY TƯ VỀ THÔNG ĐIỆP “YÊU THƯƠNG TRONG SỰ THẬT” CARITAS IN VERITATE

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, M.D.

 

Tư tưởng của  Đức Thánh Cha (ĐTC) Benedict (Biển Đức) XVI rất cao siêu. Cách viết của ngài lại rất khó hiểu, thành thử muốn hiểu thông điệp của ngài đòi hỏi người đọc phải đọc đi đọc lại thật cẩn thận nhiều lần. Thông điệp Yêu Thương trong Sự Thật / Caritas in Veritate của ĐTC Biển Đức XVI có rất nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ và học hỏi. Người viết chỉ xin đóng góp vài suy tư mà thôi.

 

THÔNG ĐIỆP LINH HỨNG, KHÔNG PHẢI CHÍNH TRỊ.

 

Thông điệp Yêu Thương và Sự Thật / Caritas in Veritate của ĐTC Biển Đức XVI không phải là một thông điệp chính trị mà đúng ra là một linh hứng[1] diễn tả tình Yêu Thương trong Sự Thật để hướng dẫn đời sống cá nhân của mỗi người chúng ta và của cả cộng đồng xã hội. Nó cũng không phải là giải pháp thứ ba khác với giải pháp của Tư Bản và Cộng Sản để tìm kiếm một loại “thiên đàng địa giới”.

 

Đây chính là học thuyết xã hội của Giáo Hội, một phần của phương pháp hoành dương Tin Mừng là tuyên xưng “Chúa Kitô Chịu Chết và Sống lại” mà Giáo Hội đã, đang và sẽ rao truyền cho mọi người trên mặt đất này qua mọi thời đại và là biểu tượng của đời sống xã hội.

 

Vì vậy thông điệp không thể đọc ngoài khung cảnh của Tin Mừng Phúc Âm Chúa. Linh hứng hay Mạc khải cũng là chìa khóa hướng dẫn mở ra cho đời sống người dân. Nguyên tắc của học thuyết xã hội này không đơn thuần có tính triết lý mà nó bắt nguồn từ Chúa Kitô và Lời của Người.

 

NIỀM TIN NHẬP THỂ

 

Thông điệp Yêu Thương trong Sự Thật là thông điệp tiếp nối vấn đề ĐTC Biển Đức XVI đã nói tới trong thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu / Deus Caritas est. “Tình Yêu Thương là chính lộ mà học thuyết xã hội của Giáo Hội đã vạch ra”. Học thuyết xã hội công giáo không đề nghị một hệ thống chính trị hay lý tưởng nào, nhưng vẽ ra một Con Đường mà mọi Kitô hữu phải thề hứa nhập tâm tin theo khi chấp nhận phép thánh tẩy.

 

Điểm chính yếu trong học thuyết này là Sự Quan Trọng của Con Người. “Yếu tố chính và tiên khởi cần phải được bảo toàn và giữ vững giá trị của nó là Con Người, một con người toàn vẹn xác hồn với đầy đủ các yếu tố nhân phẩm, nhân vị, nhân quyền và tự do….”. Con người là hình ảnh Thiên Chúa. Do đó “vấn nại xã hội nguyên thủy đang trở thành một vấn nạn về phát triển con người về mọi phương diện từ văn hóa, xã hội cho đến thể chất và vật chất, bao gồm cả nguồn gốc, tiến hóa, phân phối, phong tục tập quán và niềm tin tôn giáo….” .

 

Tuy nhiên không thể coi con người đơn giản chỉ là vật chất mà không đếm xỉa đến khía cạnh tinh thần. Do đó ĐTC đã quả quyết “Phát triển không thể thành công được nếu không giúp đỡ để đưa con người đi đến thiện hảo”.  ĐTC đã kết thúc thông điệp là phải cầu nguyện, xin Chúa canh tân con người chúng ta để chúng ta có thể sống và được sống trong tình yêu thương và công lý.

 

Người Kitô hữu không đơn giản –ĐTC nói- là những kẻ bị thấm nhập lôi kéo bởi một nền văn hóa hiện đại chuyên phê bình chỉ trích, chỉ biết ngồi quan sát và phản đối,. Chúng ta phải tự mình sửa đổi, cải tiến và dấn thân tích cực hành động để tạo dựng một nền văn hóa mới trong Chúa. Điều này trong thực tế chúng ta đã thấy nơi cả những thành viên cao cấp của Giáo Hội cũng như từng cá nhân và đoàn thể / hội đoàn”.

 

TƯ BẢN HAY CHỐNG TƯ BẢN: Loại bỏ cấu trúc của tội lỗi

 

Yêu Thương trong Sự Thật không phải là một thông điệp chống tư bản, nhưng nó “kết án tư bản khi mà tư bản trở thành chuyên chế”. Stefano Zamagni, giáo sư kinh tế đại học Bologna và là tham vấn của Ùy Ban Công Lý và Hòa Bình nhận xét “thông điệp nhắm vào tư bản chủ nghĩa trong hoàn cảnh lịch sử của nó” và lặp lại rằng “không có một hệ thống kinh tế nào có thể bảo đảm cho hạnh phúc con người”.

 

Về mặt này, giáo sư nhận định: “Giáo Hội không đề nghị cũng như không khai triển những phương pháp thực hành để giải quyết những xáo trộn kinh tế, nhưng Giáo Hội nhìn thẳng vào nguyên cớ của những xung đột va chạm trong xã hội. Lấy thí dụ nếu chúng ta hủy bỏ một món nợ mà không thay đổi căn nguyên phát sinh ra nợ nần thì trong vòng chừng 15 năm sau, chúng ta lại mắc vào một món nợ khác như cũ. Vậy thì vấn đề là “phải phân tích rồi thay đổi những căn nguyên / cấu trúc của tội lỗi và sai lầm”.

 

Làm thương mại để sinh lời thì lợi nhuận không phải chỉ chạy vào túi của ông chủ hay hệ thống tổ chức tư bản mà còn phải được san sẻ cho những người tham dự vào thị trường. Đừng ngoài miệng tuyên bố là “xã hội chủ nghĩa”, nhưng thực tế lại thi hành độc tài, ức hiếp, bóc lột lao công thợ thuyền….

 

Như vậy thì là Tư Bản hay Xã Hội?  Nên nhớ đặc tính của học thuyết xã hội là mọi cấu trúc, yếu tố tạo thành xã hội phải luôn luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt tập thể..

 

Tổ chức nào là đại diện cho cả thế giới? Phải chăng là Liên Hiệp Quốc (LHQ)?

 

CẢI TỔ LIÊN HIỆP QUỐC

 

ĐTC Biển Đức XVI đã gợi ý cần phải cải tổ lại cơ cấu tổ chức của LHQ như ngài đã nêu lên trong phần cải tổ cấu trúc kinh tế tài chính thế giới. Ngài quả quyết đây là điều kiện cần “để điều hành nền kinh tế thế giới, để  khôi phục lại nền kinh tế hiện đang bị tuột dốc, để tránh những xáo trộn và mất thăng bằng có thể xẩy ra do cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới hiện nay. Có vậy mới có thể  sửa chữa kịp thời và trọn vẹn hầu có được đảm bảo thực phẩm và hòa bình thế giới cũng như bảo vệ được môi trường và điều hòa di dân”.

 

LHQ hiện có 191 nước thành viên, trong đó quá nửa là những nước đã có mặt từ khi LHQ mới thành lập. Vậy là không cân xứng và công bằng. Việc này đã được ĐTC Gioan XXIII nói tới trong thông điệp Hòa Bình dưới thế / Pacem in Terris và ĐTC Biển Đức XVI đã nhắc lại trong thông điệp Yêu Thương trong Sự Thật / Caritas in Veritate.  Ngài yêu cầu phải khẩn cấp tìm một đường lối canh tân tổ chức này với tinh thần trách nhiệm cao, công bằng để bảo vệ những quốc gia nghèo đói nhất, đồng thời cho họ có tiếng nói trong những quyết định chung.

 

THÔNG ĐIỆP KHÔNG CHỈ DÀNH RIÊNG CHO NGƯỜI CÔNG GIÁO

 

Vì vậy thông điệp Yêu Thương trong Sự Thật không chỉ dành riêng cho người Công Giáo. Nó đề cập trực tiếp đến những người tín hữu tin vào Thiên Chúa cũng như những người không tin vào Chúa, bởi vì đây là luật tự nhiên. Đức Thánh Cha đã khéo léo phối hợp hai đề tài với nhau để làm đầu đề của thông điệp thứ ba của ngài: “Caritas” và “Veritas” Yêu ThươngSự Thật.

 

Đức Thánh Cha đã cho chúng ta thấy rằng hai thực tế căn bản này không phải là yếu tố ngoại tại hay là được gán ghép cho con người nhân danh một lý tưởng tuyệt vời nào đó, mà thực sự nó đã bám rễ ăn xâu nơi chính con người.  Sự Thật này không chỉ được minh xác trong sách Khải Huyền mà tất cả mọi người có thiện tâm đều có thể hiểu và quán triệt được nếu họ biết dùng lý trí bình tâm suy niệm về chính bản thân mình.

 

Những thí dụ và đề nghị mà ĐTC nêu ra trong thông điệp của ngài đều dựa vào luật tự nhiên như trong Sách Giáo Lý Công Giáo đã cắt nghĩa: Cảm quan tự nhiên của con người khi dùng lý trí thì sẽ phân biệt được giữa Thiện và Ác, giữa dối trá và thành thật.

 

Nhân Quyền, như ĐTC đã nói tới trong trường hợp này, là một quyền tự nhiên đã được Thiên Chúa ghi khắc vào tâm khảm con người và nó hiện diện trong mọi nền văn hóa và văn minh cho dù  nó có khác nhau.

 

ĐTC cho rằng “Nếu lấy nhân quyền ra khỏi khung cảnh này thì đã giới hạn ý nghĩa và phạm vi thực hành của nó đồng thời biến đổi nó, cho nó một ý nghĩa / quan niệm tương đối. Lúc đó ý nghĩa và diễn giải về nhân quyền sẽ bị thay đổi; nó sẽ mất đi tính phổ quát của nó và người ta sẽ nhân danh sự khác biệt về văn hóa, chính trị, xã hội và cả cách nhìn khác biệt của họ về tôn giáo mà ngụy biện cho lập trường của mình”. Đây chính là lập luận mà nhà cầm quyền CSVN thường nêu ra khi biện luận cho những vi phạm nhân quyền của họ đối với người dân và tôn giáo.

 

Quan niệm và ý nghĩa về nhân quyền cũng được ghi trong tài liệu của Hội Đồng thần học và được diễn nghĩa rõ ràng. Sự Thật và Tình Yêu Thương phải được hiên diện và thực thi thế nào cho tất cả mọi người không chừa một ai và nó đã đựơc bám rễ ăn xâu thế nào nơi con người. Để hướng thiện, con người nhân bản nhận ra cái gì họ có và biết được những khuynh hướng cơ bản của bản năng mình khả dĩ có thể chuyển đổi con người họ hướng về điều thiện cần thiết cho việc hoàn thành nhiệm vụ luân lý của mình.

 

Vì vậy, con người được tạo dựng nên là để hiểu biết “Sự Thật với tất cả sung mãn của nó, nghĩa là con người không bị giới hạn chỉ để thu thập những kỹ thuật làm sao có thể thống trị được thực tế vật chất, mà còn mở rộng, đi sâu vào đấng Siêu Việt để vui sống trọn vẹn một Tình Yêu với mọi chiều kích của nó, không phải chỉ có tình liên đới cá nhân với nhau như tình bằng hữu, tình gia đình và đoàn thể, mà còn phải có sự tương quan với nhau như tương quan xã hội, kinh tế và chính trị nữa”.

 

Rõ ràng Sự Thật (Veritas) và Tình Yêu Thương (Caritas) là những đòi hỏi của luật tự nhiên mà ĐTC đã trình bày trong thông điệp của ngài. Đó là những tiêu chuẩn cơ bản để mọi người suy nghiệm về luật luân lý trong thực tế kinh tế xã hội hiện nay.

 

Thực vậy, những đề nghị trong thông điệp không phải là những điều cao siêu lý tưởng, cũng không phải nó chỉ dành cho những người có niềm tin vào Thiên Chúa Mặc khải, mà đúng ra nó dựa trên những thực tế căn bản về nhân chủng học, như Sự Thật và Tình Yêu.

 

THÔNG ĐIỆP CŨNG ĐƯA RA MỘT TÍN HIỆU VỀ GIÁO HỘI Á CHÂU

 

Đức Thánh Cha đã không quên những quốc gia nghèo như Á Châu và Châu Phi. Ngài đã đưa ra những tín hiệu đặc biệt cho Giáo Hội ở những vùng này.

 

Trong thông điệp, ĐTC đã nêu lên những điểm như là qui luật để thi hành cho giáo hội Á Châu. Chẳng hạn: “Vấn đề lương thực đòi hỏi một giải pháp dài han để khuyến khích, nâng đỡ sự phát triển nông nghiệp nơi các nước nghèo”. Giải pháp này có thể là: “phân phối đất đai một cách công bằng, truyền thông báo chí sẵn sàng, thiết lập hệ thống dẫn thủy nhập điền, phương tiện giao thông chuyên chở tiện lợi, tổ chức thị trường và huấn luyện kỹ thuật canh nông”.  

 

Có vậy viện trợ mới đạt được mục đích và ý nghĩa của nó là giúp những quốc gia nghèo chậm tiến nhận viện trợ đi đến tự lực tự cường. Nếu không, viện trợ sẽ làm cho người nhận bị lệ thuộc, mất tự chủ, trở thành ỷ lại và bị lợi dụng.

 

Ngoài ra: “Làm kinh tế cần phải có đạo đức nhất là những người hoạch định và thi hành chương trình và kế hoạch”.

 

Nếu không một khi lợi nhuận trở thành mục đích chính của thương mại thì “tự nó sẽ làm mất đi sự phồn vinh thịnh vượng mà còn tạo nên cảnh nghèo đói”.  ĐTC quả quyết: “Viện trợ kinh tế đòi hỏi sự can dự của nhà nước và xã hội dân sự, gồm có các Giáo Hội địa phương và những nhân vật cốt cán có uy tín”. Đồng thời, theo ĐTC thì “thị trường quốc tế cần phải mở rộng để đón nhận hàng hóa, sản phẩm của những nước kém mở mang mới mong bảo đảm cho sự sống còn và tự chủ của họ”.

 

Ngoài ra phát triển sẽ bị cản trở nếu tôn giáo và những nguyên tắc căn bản về tôn giáo bị “gạt ra khỏi sinh hoạt công cộng”. Đồng thời nhà nước “phải cổ võ, bảo vệ hệ thống gia đình và hôn nhân giữa người nam và người nữ, cung ứng cho họ đầy đủ những nhu cầu kinh tế cần thiết cũng như tôn trọng mối tương quan liên hệ giữa họ với nhau”. Nhà nước không thể “cổ võ ngừa thai, phá thai và khuyến khích an tử”.[2]

 

Phát triển thực sự -theo như ĐTC Biển Đức XVI- không thể bỏ qua đời sống thiêng liêng, niềm tin tôn giáo và sự quan phòng giúp đỡ của Thiên Chúa, tình yêu thương bác ái,  lòng tha thứ, quên mình chấp nhận tha nhân, công lý và hòa bình.

 

KẾT LUẬN

 

Con người là yếu tố căn bản của gia đình, xã hội, quốc gia và thế giới. Nếu không có con người thì sự khổ nạn cứu độ của Chúa Kitô không thể thực hiện được. Phát triển xã hội, văn hóa, kinh tế tài chánh, kỹ thuật, chính trị, nếu không lấy con người là chính và trọng thì phát triển không thể thành công. Vì vậy trọng điểm của thông điệp Yêu Thương và Sự Thật của ĐTC Biển Đức XVI là CON NGƯỜI. Con người được Thiên Chúa dựng nên giống như hình ảnh của Người. Con người gồm có Xác và Hồn vẹn toàn với đầy đủ mọi đặc tính nhân phẩm, nhân vị, nhân quyền và tự do…từ khi mới thụ thai. Con người phải được bảo vệ trong mọi hoàn cảnh, mọi không gian và thời gian, không phân biệt màu da tiếng nói, sắc tộc, địa phương, tôn giáo, giàu nghèo, sang hèn… Không tôn trọng và bảo vệ con người thì đừng nói đến phát triển con người hay văn hóa, kinh tế, chính tri, xã hội, quốc gia hay thế giới.

 

Con người cần phải được bảo trọng và thương yêu, cũng như cần phải yêu thương và tôn trọng tha nhân trong Thiên Chúa là Tình Yêu. Đó là tín hiệu tự nhiên từ ngàn đời.

 

Fleming Island, Florida

4-11-2009

NTC

 
 

[1] Linh hứng (Inspiration): Còn gọi là thần hứng hay linh ứng, nghĩa là năng lực Thiên Chúa tiến nhập vào con người khiến họ nói, viết, làm theo ý Thiên Chúa, đặc biệt như khi viết Kinh Thánh. Thí dụ:…dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần….

[2] An tử / Euthanasia: Giúp bệnh nhân chết một cách êm ái nhẹ nhàng. Giết chết bệnh nhân vì tội nghiệp nhằm chấm dứt cuộc sống nặng nề đớn đau cho họ. Giáo Hội cấm giết người theo kiểu này.

VỀ MỤC LỤC
VÀI NHẬN XÉT VỀ THÔNG ĐIỆP CARITAS IN VERITATE CỦA ĐGH BENEDICTÔ (BIỂN ĐỨC) XVI
                      

Bùi Hạnh Nghi (Đức quốc)

I Dẫn nhập

Thông điệp của các Giáo Hòang thường được bắt đầu bằng một cụm từ La-tinh. Thông điệp thứ ba của ĐGH Biển Đức cũng không ra ngòai thông lệ này và được khởi đầu bằng cụm từ Caritas in Veritate (CiV). Nghĩa của 3 từ này ai cũng biết nhưng tưởng cũng nên nhắc lại để  dễ theo dõi phần sau của bài này: Caritas là Tình yêu, Veritas là Sự Thật là Chân Lý. In là trong. Caritas in Veritate là Tình Yêu trong Chân Lý (trong Sự Thật).  

Dịch Caritas là  bác ái?

Thoạt tiên khi nghe danh từ Caritas chúng ta liên tưởng đến „bác ái“, đến lòng thương người, thương tha nhân, đồng bào, đồng lọai và những việc làm từ thiện của cá nhân hay của cơ quan như Caritas chẳng hạn. Và nhiều người đã  vội dịch Caritas in Veritate là “Bác ái trong Sự Thật”. Nhưng „bác ái“ chỉ diễn tả được cảm xúc và việc làm giữa người với người mà không thâu tóm được tất cả mọi khía cạnh của từ La-tinh Caritas. Danh từ Caritas của Thông điệp không thu gọn trong nghĩa bác ái mà bao gồm cả Tình Yêu Chúa đối với ta và ta đối với Chúa và từ nguồn gốc này nảy sinh bác ái giữa người với nguời. Tình yêu đối với tha nhân là hậu quả của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và của tình yêu chúng ta đáp lại và cũng là thước đo thực chất tình yêu chúng ta dành cho chính Thiên Chúa (x. 1 Ga 4, 19-20). Dịch caritas là bác ái e rằng sẽ làm què quặt ý niệm bao quát của từ này trong Thông điệp. Chính ĐTC cũng nhấn mạnh trong phần dẫn nhập CiV rằng phải hiểu Caritas theo nghĩa của từ này trong Thông điệp Deus Caritas est (nên dịch Chúa là Bác Ái hay chỉ có thể dịch Chúa là Tình Yêu???) ngài ban bố năm 2005. Trong bản La-tinh của Thông điệp Caritas in Veritate (CiV) nhiều khi từ „Amor“ được dùng thay cho từ Caritas hoặc là được ghi thêm bên cạnh từ Caritas. Chỉ xin đan cừ vài ví dụ: „Amor – « caritas » – magna est vis ...(CiV 1) ;  Caritas amor est acceptus itemque donatus  ... Ad Dei amorem destinati, homines caritatis obiectum sunt facti ...„ (CiV 5). Và bản dịch của các ngôn ngữ khác cũng dùng danh từ Liebe, Amour, Amor, Amore, Love. Vậy có lẽ chúng ta cũng không nên e ngại dịch Caritas là „Tình Yêu“ và chỉ dành từ „bác ái“ cho những câu những đọan trong Thông điệp nói về bác ái giữa nguời với ngừời như trong câu trích dẫn trên đây: „...homines caritatis obiectum sunt facti“.   

Tựa đề đầy đủ của Thông điệp là

”Thông điệp Caritas in Veritate của ĐTC Bênêđictô XVI về sự phát triển toàn diện của con người trong tình yêu và trong sự thật gửi các Giám mục, Linh mục, Phó tế, các Tu sĩ, các Tín hữu giáo dân và tất cả mọi người thiện tâm”.  

Điều đáng chú ý  là khác với hai Thông điệp trước đây của  ĐTC Biển Đức chỉ được gởi đến các thành phần Dân Chúa, Thông điệp thứ ba này còn được nới rộng đến „tất cả mọi người thiện tâm“. Đây cũng là một truyền thống Thông điệp của các Giáo Hòang: khi nói về một đề tài tín lý, giáo lý hoặc mục vụ thì chỉ gởi đến các con cái của Giáo hội còn những Thông điệp xã  hội  với đề tài nhân sinh chính trị  kinh tế xã hội tức là liên quan đến tòan thể nhân lọai thì các Thông điệp - ngọai  trừ  Thông điệp đầu tiên Rerum Novarum - còn được gửi  thêm cho „những người thiện tâm“, chứng tỏ ý hướng muốn cống hiến cho tất cả mọi thành phần trong cũng như ngòai Giáo Hội  những suy tư và hướng dẫn về một vấn đề liên quan đến tòan thể nhân lọai. Nội dung Thông điệp không chỉ thu gọn trong lãnh vực tín lý mục vụ của đạo Công Giáo mà được bao trùm lên vấn đề sinh tồn của mỗi người và của cả nhân loại, gồm cả hai khía cạnh đạo đời, vật chất và tâm linh. Trong ngữ cảnh Thông điệp người có thiện tâm được hiểu là người cảm thấy mình tha thiết và có trách nhiệm đối với sự phát triển của con người, là người có lương tâm và cố gắng sống theo các tiêu chuẩn và giá trị luân lý.

Thông điệp CiV được ĐTC ký ngày 29. tháng 6, 2009.  Lúc đầu Ngài dự  định công bố năm 2007 kỷ niệm tứ thập chu niên Thông điệp Populorum progressio (phát triển các dân tộc)  của ĐGH Phao-Lô VI – nhưng Ngài đã  hõan lại 2 năm, vì còn muốn đưa vào Thông điệp những quan sát và suy tư v nguyên nhân của cơn lốc tài chánh và kinh tế với những hậu quả tai hại cho công trình phát triển. Qua đó ĐTC Biển Đức thi hành huấn thị của Công Đồng Chung Vaticano II là quan sát, phân tích những dấu chỉ của thời đại và lấy ánh sáng Phúc âm mà soi dẫn. Và việc công bố Thông điệp một ngày trước ngày khai mạc cuộc họp thượng đỉnh G8 tại Aquilà từ 8 đến 10 tháng 7 năm 2009 cũng là  một sự sắp xếp thời gian rất có ý nghĩa.

Thông điệp CiV tiếp nối truyền thống học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, khởi đầu với Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) của Đức Giáo Hoàng Leô XIII ban hành năm 1891, với chủ đề „Vn đ công nhân th thuyn“. Đức Leô XIII cho biết nguyên nhân khiến ngài ban hành Thông điệp này là sự thay đổi ồ ạt của cục diện kinh tế và xã hội thời đó với sự bành trướng của nền công nghệ và sự xuất hiện của nhiều phương thức sản xuất mới mẻ, sự biến thể của tương quan giữa tầng lớp chủ nhân và công nhân, tình trạng tài nguyên và vốn sản xuất tập trung vào tay một thiểu số giàu có, còn công nhân thì ngày càng nghèo đi, sự xung khắc giữa hai giai cấp này ngày càng gay go và đang được làm đề tài cho nhiều cuộc hội thảo và tranh luận. Trong hòan cảnh đó ĐGH Leô XIII ban bố Thông điệp Rerum Novarum nhằm đề ra một số nguyên tắc làm chỉ nam cho hành sử đúng đắn và hợp lý về vấn đề công nhân. Các Đức GH trước đó cũng đã nhiều lần đề cập đến vấn đề kinh tế xã hội nhưng đây là lần đầu tiên vấn đề này, đặc biệt là vấn đề công nhân, đuợc làm đề tài cho nguyên một Thông điệp.  Một điểm đặc biệt nữa là Thông điệp Tân Sự phản bác và lên án chủ nghĩa xã hội Mác-xít chủ trương xóa bỏ quyền tư hữu, công hữu hóa các phương tiện sản xuất và đấu tranh giai cấp.

Sau Rerum novarum  của Đức Leô XIII từ năm 1891 đến nay các ĐGH đã lần lượt cho ra 8 Thông điệp và tông thư xã hội khác.   Đó là 

Quadragesimo anno (QA) của  Đức Piô XI, năm 1931, kỷ niệm tứ thập chu niên Rerum Novarum;

Mater et Magistra (MM) của Đức Gioan XXIII , 1961;

Pacem in terris (PT)  của Đức  Gioan XXIII, 1963 ;

Populorum progressio (PP) của Đức Phao-Lô VI, 1967 ;

Octogesima adveniens (OA) Tông thư của  Đức Phao-Lô VI, 1971, kỷ niệm bát thập chu niên Rerum Novarum;

Laborem exercens (LE) của  Đức Gioan Phao-lô II, 1981 ;

Sollicitudo rei socialis (SRS) của Đức Gioan Phao-lô II, 1987, kỷ niệm nhị thập chu niên Populorum Progressio;

Centesimus annus (CA) của Đức Gioan Phao-lô II, 1991, kỷ niệm bách chu niên Rerum Novarum. 

Trong các Thông điệp và  tông thư vừa kể thì quan trọng nhất đối với chủ đề của Caritas in Veritate là Thông điệp của ĐGH Phaolô VI với đề mục “Phát triển các Dân Tộc” (Populorum Progressio), một văn kiện khai triển huấn thị  Công Đồng Chung Vaticano II chủ trương công bình và bác ái  trong nền kinh tế quốc gia và thế giới, nhấn mạnh về quyền của công nhân được có công ăn việc làm với các điều kiện làm việc xứng đáng và quyền lập nghiệp đoàn để tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của mình. ĐTC Biển Đức dành nguyên chương  đầu của CiV cho Thông điệp Populorum Progressio vì không những Thông điệp này có cùng một chủ đề với CiV là „phát triển“ mà còn được ngài xem là Rerum Novarum của thời đại mới (CiV 8). Theo phương châm « ôn cố tri tân“ ĐGH Biển Đức trình bày tường tận nội dung của Populorum Progressio và đem áp dụng vào tình trạng kinh tế và xã hội trong thời đại mới. ĐTC ca tụng tầm nhìn xa rộng sâu sắc của Đức Phao-Lô VI về một nền kinh tế thị trường mẫu mực trong đó các dân tộc được đối xử công bằng đúng theo tinh thần Rerum Novarum của GH Leô XIII.  

II Những trọng điểm của Thông điệp CiV

Chỉ nhìn vào tiêu đề Thông điệp cũng đủ thấy văn kiện xoay quanh 3 trọng điểm then chốt: Tình Yêu, Chân Lý và Phát triển. Trước hết để có một cái nhìn tổng quát về Thông điệp và mục đích của ĐTC Bin Đức, xin dịch lại diễn từ của Ngài  trong cuộc tiếp kiến chung một ngày sau khi Thông điệp ra mắt: 

„Anh chị em yêu qúi,

Hôm qua Thông điệp mới của tôi Caritas in Veritate đã được công bố. Chủ đề  của  Thông điệp này là  sự phát triển tòan diện của con người. Nhưng tôi không nhằm mục đích cống hiến cho công chúng  những giải pháp kỹ thuật thực tiễn để giải quyết những vấn nạn kinh tế to lớn hiện nay. Những vấn đề quan trọng của xã hội chúng ta vượt lên trên bình diện của những họat động thông thường và phải được nhìn trong khung cảnh rộng lớn hơn. Vì vậy tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng sự phát triển tòan diện của mỗi người và của tòan thể nhân lọai chỉ được thành tựu trong Chúa Kitô và trong cuộc đồng hành của tất cả chúng ta mà điểm đến là  Chúa Kitô. Động lực chính của chiều hướng phát triển này là Tình Yêu trong Chân Lý, nghĩa là sẵn sàng chấp nhận Lô-gíc của sự trao tặng, sự dâng hiến nhưng không và  lấy những nguyên tắc quan trọng sau đây làm kim chỉ nam cho việc tổ chức đời sống xã hội: Kính trọng sự sống của con người, bào tòan các quyền lợi và nghĩa vụ đích thực của con người, những người có trách nhiệm chính trị phài có đức độ, mọi nguời phải dốc lòng phục vụ công ích trên bình diện quốc gia cũng như tòan cầu, đặt nặng vấn đề đạo đức luân lý trong việc xử dụng kỹ thuật và truyền thông. Xã hội của chúng ta đang lâm bệnh, liều thuốc chữa phải được tìm ra trong sư suy tư nghiêm chính về ý nghĩa sâu xa của kinh tế, tài chánh và chính trị. Sự suy tư này phải đặt nền tảng trên chân lý về con người và trên mối liên hệ giữa mỗi người với đồng lọai. Con người không phải chỉ có thể xác mà còn có linh hồn, do đó sự phát triển tòan diện của con người phải bao gồm cả sự lớn mạnh của tinh thần. Các vấn đề xã hội của thời đại này đòi hỏi chúng ta phải lớn lên trong Công lý và Tình yêu và phải dấn thân cho tha nhân trong tinh thần thực hành đức tin. Trong những ngày này chúng ta hãy đặc biệt cầu nguyện cho những người gánh vác trách nhiệm lớn lao trong lãnh vực kinh tế và chính trị đang dự cuộc họp thượng đỉnh tại L’Aquilà, chúng ta hãy cầu nguyện cho công việc của họ đẩy mạnh sự phát triển tòan diện của các dân tộc trên thế giới.“   

1) Ánh sáng Chân lý trên Tình Yêu

ĐTC Biển Đức đã  lấy cụm từ Caritas in Veritate - Tình Yêu trong Chân Lý (trong Sự  Thật) làm đầu đề cho Thông điệp. Chữ „trong“ ở đây phải được hiểu như thế nào? Theo nghĩa thông thường „trong sự thật“ nghĩa là không dối trá, không méo mó, không sai lệch. Nhưng chữ „trong“ của Thông điệp không đơn giản như vậy. Để giải thích, ĐTC cho biết: Tình yêu trong Sự Thật có nghĩa là Tình yêu được soi sáng, được hướng dẫn bởi ánh sáng của Chân Lý, mà dưới con mắt đức tin, Chân Lý đó  là Phúc Âm, là chính Chúa Giêsu như Chúa đã nói: Ta là Đường, là Sự Thật.

ĐTC nhắc lại lời Thánh Phao-Lô nói về tương quan giữa Tình Yêu và Sự Thật trong thư gửi Giáo hữu thành Êphêsô (Eph. 4,15) . Thánh Phao-Lô cũng dùng hai chữ Caritas và Veritas nhung sắp đặt hai từ  này theo thứ  tự „Veritas in Caritate“, Sự Thật trong Tình Yêu, có thể  hiểu là “sự chân thành trong tình yêu “ (“wahrhaftig in der Liebe” theo bản dịch của Martin Luther). Cũng có thể dựa vào bản dịch Vulgata (veritatem autem facientes, “thực  hiện“ Chân Lý) để hiểu rộng ra là sự rao truyền Chân Lý phải được soi dẫn  bởi Tình Yêu, Chân Lý phải được thực hiện (facientes) trong tinh thần yêu thương thì mới có thể đi vào lòng người, mới được dễ dàng chấp nhận[1]. ĐGH Biển Đức giải thích câu nói của Thánh Phao-Lô là phải nhờ vào Tình Yêu, phải nhìn với con mắt của Tình Yêu mới tìm ra và diễn tả được Chân Lý một cách thấu đáo. Nhưng ĐGH cũng muốn bổ túc thêm một khía cạnh khác là chính Tình Yêu cũng cần đựoc Chân Lý soi sáng. Phải nhờ vào sự hướng dẫn của Chân Lý chúng ta mới biệt đón nhận, mới hiểu đuợc và thực hiện được Tình Yêu. Một mặt, nhờ vào Tình Yêu, Chân Lý thu phục được lòng tin cậy và thêm sức thuyết phục khi đề cập đến các vấn đề  cụ thể trong đời sống xã hội (Veritas in Caritate của Thánh Phao-Lô), mặt khác, nhờ vào ánh sáng Chân Lý, Tình Yêu được sáng tỏ và  hữu hiệu thêm (Caritas in Veritate của ĐTC Bin Đức ) (CiV 2). Nếu thực hiện đúng phương châm Tình Yêu trong Chân Lý sẽ nhận ra rằng các giá trị của Ki-Tô giáo rất hữu ích, rất cần thiết cho hòai bão xây dựng một xã hội tốt đẹp lành mạnh bảo đảm sự phát triển tòan diện cho con người và cho nhân lọai (CiV 4).

Tình Yêu phải được Chân Lý soi sáng mới đạt được ý nghĩa đích thực và giá trị của nó. Chân Lý phát xuất từ 2 nguồn là lý trí tự nhiên và Đức Tin. Nếu Tình Yêu chỉ được giới hạn vào những cảm tình tự nhiên tuy tốt đẹp, tuy hữu ích cho cuộc sống chung trong gia đình, trong xã hội, nhưng nếu không ở trong Chân Lý  Đức Tin thì tình yêu không thể làm nền tảng cho sự phát triển đích thực, tạo thành một xã hội xứng với phẩm giá con người.

2) Tình yêu: Mến Chúa Yêu Người

Như trên đã nói, Caritas là Tình Yêu, là một sức mạnh lớn lao („magna est vis“) (CiV 1) phát nguồn từ Thiên Chúa. Trong trang đầu của Thông điệp „Deus Caritas est“ (Chúa là Tình Yêu) ĐTC trích dẫn hai câu từ Cựu Ước: „Hỡi Israel, hãy yêu Chúa hết sức mình với tất cả tâm hồn“ (Sách Đệ Nhị Luật [Deuteronomium] 6, 4-5) . Và « Hãy yêu người như yêu mình.»(Sách Lê-Vi [Levitikus] 19,18)  Hai câu trên nằm trong hai tác phẩm khác nhau của Cựu Ước  được Chúa Giêsu kết hợp thành một điều luật duy nhất là „mến Chúa yêu người“ và khẳng định rằng tòan bộ lề luật được thu gồm vào điều duy nhất đó (CiV 1). Cũng trong phần Dẫn Nhập ĐTC đề ra một số nguyên tắc thiết yếu về Tình Yêu đại để như sau:

-         Tình Yêu là con đường chính yếu của học thuyết xã hội Công giáo.

-         Tình Yêu là ân huệ, được ban phát và đón nhận từ Thiên Chúa qua Chúa Giê-Su. Nhân ân huệ đó, chúng ta phải lấy tình yêu mà đáp lại, đó là mến Chúa, và tình yêu nhận được phải chia sẻ, đó là bác ái, là thương người.

-         Tình Yêu phải được Chân Lý soi sáng mới đạt được ý nghĩa đích thực và giá trị của nó.

-         Tình Yêu trong Sự Thật là nguyên tắc hướng dẫn các họat động luân lý mà trong hòan cảnh tòan cầu hóa phải qui tụ vào hai điểm chính, đó là thực hiện công bằng và phục vụ công ích.  Công bằng được thực hiện khi mọi người và  mọi dân tộc được nhận, được hưởng những điều thuộc về mình, những gì là của mình. Tình Yêu cao qúi hơn công bằng, vì thực hiện công bằng chỉ là cho tha nhân có được những của cải những quyền lợi đương nhiên là của họ còn Tình Yêu lại thúc đẩy chúng ta phải tự động trao tặng tha nhân những điều vốn là của chúng ta, trao tặng nhưng không, không tính tóan vị  kỷ , không chờ đợi hoặc đòi hỏi người nhận phải đền đáp, trao tặng trong tinh thần bác ái và trong ý thức liên đới cộng đồng (CiV 5).  

Tình Yêu đến từ Thiên Chúa là một ân huệ, không phải vì chúng ta xứng đáng hay có công trạng gì mà là một ân huệ nhưng không. Chúng ta không những chỉ phải đáp lại mà còn phải trở thành dụng cụ của ân huệ đó để quảng bá Tình Yêu của Thiên Chúa và đan dệt mạng lưới tình yêu giữa người với người, áp dụng Tình Yêu trong Chân Lý vào các mối liên hệ xã hội (CiV 5). Đó là liên hệ mật thiết giữa Tình yêu Chúa và bác ái. Bác ái là cách đáp lại Tình yêu của Chúa. Vì yêu Chúa nên phải yêu người, và yêu người là phải làm người mình yêu được hạnh phúc, được  triển nở viên mãn, „phát triển toàn diện“. Tình yêu không chỉ được giải thích như một phạm trù thần học mà được dùng làm nền tảng cho giáo huấn xã hội.

Danh từ tình yêu được dùng để chỉ nhiều tình cảm tốt đẹp khác nhau: yêu vợ, yêu chồng, yêu cha mẹ, con cháu, yêu quê hương , yêu nghệ thuật, yêu công việc. Tình yêu, nhất là tình yêu nam nữ, cho ta nếm trứớc niềm hoan lạc vĩnh cữu trong Chúa sau này. Nhưng tình yêu cũng có thể bị làm hư hỏng: nếu giới hạn tình yêu vào việc thỏa mãn lạc thú nhục dục thì đã làm què quặt tình yêu và chỉ còn là một tình yêu bịnh hoạn, bị thúc đẩy bởi một động lực duy nhất là ích kỷ, xem con người như một thứ hàng hóa có thể mua bán đổi chác được. Tình yêu đích thực phải lướt thắng được vị kỷ, phải biết hy sinh để người mình yêu được hạnh phúc. Và đặc tính của tình yêu đích thực là suốt đời chỉ có duy nhất một đối tượng: Chỉ yêu duy nhất một Chúa và chỉ có duy nhất một vợ một chồng, hôm nay và mãi mãi.

Yêu Chúa và bác ái là hai khía cạnh của một thực thể. ĐTC mượn ngụ ngôn người Samarita để nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu bác ái không thu hẹp vào phạm vi một cộng đồng, một dân tộc mà tỏa rộng đến tất cả mọi thành phần của nhân loại. Đối tượng của bác ái Kitô giáo là bất cứ ai đang cần mình thương yêu giúp đỡ lúc này và nơi này, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, mầu da chủng tộc mà chỉ đặt ưu tiên vào những người nghèo hèn nhất, tồi tàn nhất mà Chúa Giêsu đã tự đồng hóa với họ. ĐTC đả kích lập luận của chủ nghĩa Mác xít cho rằng giới nghẻo khổ của nhân loại không cần bác ái mà chỉ cần công bằng vì bác ái là hành vi bố thí, nhằm mục đích làm yên tiếng lương tâm của giới giàu có để họ tiếp tục bóc lột và tuớc đọat quyền lợi của người nghèo.

Cơ cấu và hành vi bác ái của Giáo Hội phát xuất từ chí hướng làm chứng tá cho tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã muốn kết hợp nhân loại thành một gia đình duy nhất trong Chúa Kitô, Con Một của Ngài. Tất cả hoạt động của Giáo Hội được thâu tóm vào hai yếu tố : một là truyền bá và sống Tin Mừng bằng ngôn ngữ và qua các bí tích và hai là hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển tòan diện của mỗi người và của nhân loại.      

3) Phát triển   

Ngay trong lời đầu tiên của phần Dẫn Nhập CiV, ĐTC nêu rõ tương quan giữa Tình Yêu và sự phát triển và tóm lược bàng một câu ngắn gọn chủ đề của Thông điệp mà Ngài sẽ khai triển trên 160 trang sách: „Tình Yêu trong Sự Thật mà Chúa Giêsu đã lấy cuộc đời mình, lấy cái chết và sự sống lại để làm chứng là động lực chủ yếu để đạt được phát triển đích thực cho mỗi người và toàn thể nhân loại”. 

Thông điệp CiV gồm 6 chương:

-         Chương 1 Sứ điệp của Thông điệp Populorum Progressio “Sự Phát triển của các Dân tộc”;

-         Chương 2 : Sự phát triển của con người trong thời đại chúng ta;

-         Chương 3: Tình huynh đệ, phát triển kinh tế và xã hội dân sự;

-         Chương 4: Phát triển các dân tộc, quyền lợi và nghĩa vụ, môi sinh;

-         Chương 5: Sự hợp tác của gia đình nhân loại;

-         Chương 6: Sự phát triển các dân tộc và kỹ thuật.

Chỉ đọc lướt qua tiêu đề của các chương cũng đủ thấy vấn đề phát triển là trọng điểm then chốt của Thông điệp. Phát triển phải được hiểu như thế nào mới gọi được là phát triển toàn diện và phát triển toàn diện có tương quan nào, liên hệ nào với Tinh Yêu và Chân Lý?

a) Phát triển tòan diện

ĐTC không ngại nhắc đi nhắc lại rằng phát triển đich thực phải là phát triển tòan diện. Phát triển là mối quan tâm của tất cả các quc gia nhưng đa số đều chỉ chú trọng vào khía cạnh kinh tế (với những khẩu hiệu, những chiêu bài „dân giàu nước mạnh“, „dân tộc phú cường“ …) mà lãng quên hay ít chú  trọng đến sự phát triển về mọi mặt của mỗi người. Ngay cả khi nhấn mạnh về việc phát triển những lãnh vực ngoài kinh tế như giáo dục, văn hóa v. v. thì cũng chỉ xem chúng như những dụng cụ, những phương tiện giúp cho phát triển kinh tế. Sự bành trưng của phát minh kỹ thuật đã mang lại cho phát triển kinh tế những bước nhảy vọt. ĐTC xem kỹ thuật là phương tiện giúp con người thêm tự chủ và tự do. Nhưng Ngài cũng khuyến cáo không nên khóan trằng mục tiêu phát triển cho kỹ thuật, xem tiến bộ kỹ thuật là điều kiện cần và đủ để bảo đảm phát triển tòan diện. Chủ nghĩa vị kỹ thuật phát sinh từ một quan niệm phi nhân bản. Ngoài lợi ích kỹ thuật còn phải quan tâm đến phúc lợi thiêng liêng và phát triển tinh thần của con người vừa có hồn vừa có xác.

Phát triển toàn diện bao gồm nhiều yếu tố nhưng có thể thâu tóm vào ba lãnh vực chính: phát triển vật chất, phát triển tinh thần (trí tuệ, kiến thức, luân lý, đạo đức, trách nhiệm, ý thức cộng đồng, tinh thần xã hội ...) và phát triển tâm linh theo chiều kích siêu nhiên.

Theo ĐTC Bin Đức chiều kích siêu nhiên bảo đảm cho phát triển đi đúng hướng và đạt được hiệu quả. Giáo Hội không thể và không muốn thay thế chính quyền, các chính trị và kinh tế gia để giải quyết những khó khăn tài chánh kinh tế. Nhưng Giáo Hội có bổn phận khuyến cáo thế giới đặt suy tư và hành động tài chánh kinh tế của mình trên một nền tảng siêu nhiên. ĐTC gọi bổn phận này là „sứ mạng Chân lý“ (Missio Veritatis, CiV 9). Tuyên xưng đức tin không phải chỉ để cứu linh hồn mà cũng là để cứu rỗi nhân loại ngay cả trong phần đời. Lý trí và luân lý tự nhiên không đủ để tạo thành những định chế kinh tế xã hội xứng đáng với nhân vị và phù hợp với giá trị con ngừoi cao cả hơn tất cả mọi vật mọi loài trong vũ trụ vì được tạo ra giống hình ảnh Thiên Chúa.

ĐTC nhắc lại một số nhận định của Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng) của Công Đồng Vaticano II. Khi phân tích về thân phận con người trong thế giới ngày nay Hiến chế vạch rõ những đổi thay sâu sắc đang lan rộng khắp hòan cầu nguợc lại với nhân vị con người, đặc biệt là những biến đổi xã hội và văn hóa đang xâm nhập cả đời sống tôn giáo. Khủng hoảng dồn dập, chênh lệch giàu nghèo, nạn đói, nạn mù chữ,  sự xuất hiện những chế độ nô lệ mới về mặt xã hội cũng như tâm lý … Trong lúc đó thì người ta lại không lo tới sự phát triển tinh thần tương xứng và không nhận chân được những giá trị trường cữu để tạo ra một tổ chức trần thế hòan hảo hơn

ĐTC khuyến cáo chúng ta thể hiện Tình Yêu đối với gia đình nhân loại bằng cách dốc lòng phục vụ con người và phục vụ công ích,  xem việc canh tân xã hội loài nguời cũng là một cách thực hành sứ mạng cứu rỗi. Trong tinh thần đó, lấy ánh sáng Phúc Âm mà soi dẫn  tư tưởng và hành động nhằm thiết lập một trật tự chính trị, xã hội và kinh tế để phục vụ con người đắc lực hơn, giúp mỗi cá nhân, mỗi tập thể ý thức phẩm giá của mình để nỗ lực thăng hoa đời sống về cả hai mặt vật chất và tâm linh. Có thế mới thực hiện được tình huynh đệ, mới làm cho các hoạt động kinh tế xã hội đạt được kết quả thực sự nhân bản. Phát triển cần chú trọng đến việc chiến thắng đói nghèo, bệnh tật và mù chữ. Sinh hoạt kinh tế phải đặt trên nguyên tắc bình đẳng giữa các cá nhân và giữa các dân tộc, nhằm  tạo thành những cộng đồng văn minh thấm nhuần tinh thần liên đới, thực hiện nền dân chủ trong tự do và hòa bình.(CiV 20-21)

b) Thách thức tòan cu hóa.

ĐTC nhắc lại lời GH Gioan Phao lô II là hiện tượng toàn cầu hóa tự nó không phải tốt hấy xấu. Tiêu cực hay tích cực chỉ là do quan niệm về giá trị và nhân vị của con người và cách thực hiện tòan cầu hóa như thế nào. Tòan cầu hóa phải được lệ thuộc vào sự phát triển toàn vẹn và đích thực. Sự lệ thuộc lẫn nhau và lệ thuộc vào những họat động hỗ tương có nhiều khía cạnh tích cực và có thể đẩy mạnh phát triển, miễn là phải đề cao tinh thần liên đới, chiến thắng lòng vị kỷ cá nhân và quốc gia.

Tòan cầu hóa phải được thực hiện dưới ánh sáng của chân lý và tuân theo những tiêu chuẩn luân lý bảo đảm cho việc hòan thành một nhân lọai hợp nhất  với sứ mạng tiến tới trên đường hoàn thiện. Giáo hội có trách nhiệm cống hiến cho cộng đồng nhân lọai nền tảng chân lý khả dĩ giải quyết những điểm tiêu cực, hóa giải nguy cơ đi lạc hướng của tòan cầu hóa. Người tín hữu Kitô được thấm nhuần Tình yêu và Chân lý của Phúc âm có trọng trách góp phần tích cực vào việc làm cho tòan cầu hóa thực hiện chương trình của Thiên Chúa, làm cho các dân tộc trên toàn cầu qui về một mối, trở thành một gia đình duy nhất. Đìều này mới nghe qua có vẻ không tưởng nhưng xét cho cùng thì chỉ là một hệ luận hòan tòan lo-gic, nếu tin rằng tất cả mọi người là con của một Chúa Cha.   

c) Tương quan giữa phát triển và tình yêu

„Tình yêu trong Chân lý“ là động lực thúc đẩy xã hội phát triển tòan vẹn trong mọi khía cạnh nhân bản. ĐTC Biển Đức khẳng định cần phải cho sự tòan cầu hóa một chiều hướng siêu hình mà Ngài gọi là văn hóa tình yêu (« cultus amoris », „civiltà dell'amore“ CiV 33) mà hạt giống đã được Thiên Chúa gieo vào thửa đất của mỗi dân tộc và mỗi nền văn hóa. Bản chất văn hóa tình yêu là tinh thần liên đới, ý thức cộng đồng,  sẵn sàng chia sẻ và phục vụ công ich. Phải phát huy „văn hóa tình yêu“ thì sự tòan cầu hóa mới đưa đến phát triển tòan diện mà Đức Paul VI đã truyền bá trong Populorum Progressio năm 1967 (CiV 33). Thông điệp này là văn kiện quan trọng nhất trong tòan bộ giáo huấn xã hội của Giáo hội về vấn đề phát triển tòan diện và đã được các ĐGH kế tiếp tuyên dương và khai triển. Đặc biệt là Đức Gioan Phaolô II đã ban hành Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (Ưu tư về vấn đề xã hội) năm 1987 nhân ngày kỷ niệm nhị thập chu niên Populorum Progressio. Đức Gioan Phaolô II tuyên bố: Truyền thống của Giáo hội luôn tôn trọng và phát huy nhân vị, do đó luôn lưu tâm đến sự phát triển đích thực và tòan diện của con người. Đến lượt ĐTC Bin Đức cũng muốn ban hành Thông điệp Caritas in Veritate vào năm 2007 để kỷ niệm tứ thập chu niên Populorum Progressio nhưng sau đó đã hõan lại đến 2009 vì những lý do nêu trên. 

Theo GH Biển-Đức, Thông điệp năm 1967 của Đức Phaolô VI chứa đựng  giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo nhằm đáp ứng nhu cầu của thời đại ấy và cũng quan trọng không kém gì Rerum Novarum đối với thời đại ĐGH Leô XIII. Vì  thế  Ngà i gọi Populorum Progressio là Rerum Novarum của thời hiện đại. (Lm. Thomas William LC, giáo sư  chuyên về học thuyết xã hội công giáo cho rằng việc ĐGH Biển Đức gọi Populorum Progressio của Giáo Hòang Phao-Lô VI là Rerum Novarum của thời hiện đại chỉ đúng một phần [Xin xem bàn dịch bài phỏng vấn giáo sư Williams của Phạm Hồng Lam đăng trên Diễn Đàn Giáo Dân số 93 tháng 8/2009]. Theo tôi thì nhận định của ĐGH Biển Đức về Populorum Progressio  hòan tòan đúng, vì  “như  Giáo hòang  Lê-ô  XIII, ĐGH  Phao-Lô VI đã đem ánh sáng Phúc Âm chiếu dọi vào những vấn đề xã hội của thời đó” (CiV 16). Giáo Hòang Phao-Lô VI đã dựa vào Phúc Âm đề ra những nguyên tắc chỉ đạo và lập luận tổng qúat về vấn đề phát triển tòan diện, chúng vẫn còn giữ nguyên tính thời sự cho đến ngày nay. ĐGH Biển Đức đã dành nguyên chương đầu của CiV tóm lược và khai triển Populorum Progressio và  khẳng định rằng Đức Phao-Lô VI để  lại cho chúng ta 2 nguyên tắc bất biến: Một là tất cả mọi họat động truyền giáo, mục vụ  và bác ái của Giáo Hội đều qui về một điểm, đó là hỗ trợ sự phát triển tòan diện của nhân loại. Hai là sự phát triển đích thực của con nguời  phải được đặt trên nền tảng nhân vị của mỗi người. Mỗi người được ơn gọi hòan thành phát triển tòan diện cho chính mình và  góp phần vào việc phát triển nhân lọai. Noi gương Đức Phao-Lô VI, GH Biển Đức cũng lấy ánh sáng Phúc Âm - Tình Yêu và  Chân Lý  - làm linh dược chữa lành những căn bệnh của thời nay. Mặc dầu hòan cảnh mỗi thời mỗi khác và mỗi thời lại xuất hiện nhiều vấn nạn mới, ví dụ thời GH Phao-Lô VI tòan cầu hóa  ngày càng bành trướng còn thời Lê-ô  XIII chưa có hiện tượng này, nên giáo huấn của Ngài chưa đề cập đến. Vì thế, tuy hòan cảnh cụ thể mỗi thời mỗi khác, nhưng vẫn có thể áp dụng danh hiệu “Rerum Novarum của thời đại mới” không những  cho Thông điệp của GH Phao-Lô VI mà cả cho Thông điệp CiV của GH Biển Đức).

Niềm xác tín của Đức Phao-Lô VI là chỉ có Tình Yêu mới bảo đảm cho công tác xã hội được đúng đắn và xứng đáng với nhân phẩm. Phải được Tình yêu hướng dẫn người ta mới có thể khám phá được các nguyên nhân sâu xa của nghèo đói, của bất công và tìm ra những phương cách chữa trị.

Phát triển tòan diện đòi hỏi phải đánh giá đúng mức giá trị lao động của con người dưới ánh sáng của Tình Yêu. Giáo huấn xã hội Công giáo đả kích quan niệm vô nhân đạo của chủ nghĩa tư bản quá khich xem lao động của con người như một thứ hàng hóa trên thị trường và lạm dụng thị trường này để vi phạm quyền lợi chính đáng của người lao động (ví dụ chuyển cơ sở sản xuất đến những vùng có thể mua được món hàng lao động với giả rẻ hơn hoặc lợi dụng thế mạnh trên thị trường để bắt người lao động phải chấp nhận mức lương không đủ nuôi sống mình và gia đình). ĐGH Biển Đức nhắc lại yêu cầu của Rerum Novarum là phải thành lập nghiệp đòan và hỗ trợ cơ quan này trong công tác tranh đấu cho quyền lợi của công nhân. Phúc lợi của xã hội được tạo thành bởi sự hợp tác của lao động và tư bản, của công nhân và chủ nhân. Vi thế lợi nhuận phải phân phối công bằng cho cả đôi bên. Công bằng là ngưỡng cửa phải bước qua trước mới đến được Tình Yêu. Theo lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI Công lý là “tiêu chuẩn tối thiểu” của bác ái (CiV 6). 

ĐTC Biển Đức phê phán sự phát triển không đồng đều trên thế giới: “Thông điệp Populorum Progressio đã  đựoc ban bố  trên 40 năm nay, nhưng  vấn đề phát trỉển chẳng những chưa được giải quyết thỏa đáng mà còn gặp nhiều trở ngại lớn hơn do khủng hỏang kinh tế và tài chánh hiện tại. ” (CiV 33). Trong khi một số vùng trước kia nghèo giờ đây đã phát triển thì vẫn còn những vùng khác chưa thóat khỏi cảnh nghèo mà có khi lại còn túng quẫn hơn. Trở ngại của phát triển đồng đều là sự ích kỷ của các nước giàu đối xử bất công với các nước nghèo trên thương trường. Và tệ đoan này ngày càng bành trướng theo sự bành trướng của tòan cầu hóa. Ngòai ra việc giải phóng các nước thuộc địa tuy là điều tốt nhưng nhiều khi đã được thực hiện với nhiều hiệu qủa tiêu cực một phần do những hình thức thực dân mới cọng với tình trạng lệ thuộc vào những ngọai bang giàu mạnh cũ cũng như mới, một phần là do sự vô trách nhiệm của các nhà lãnh đạo những nước đã dành được độc lập.

Theo ĐTC không thể có phát triển tòan diện nếu không tôn trọng, không sẵn sàng đón nhận và bảo vệ sự sống. Qui chiếu Thông điệp Humanae Vitae của Đức Phao-Lô VI, ĐTC Bin Đức nhấn mạnh rằng việc bảo vệ sự sống phải được nhìn dưới ánh sáng của một quan niệm tòan diện về con người và về sứ mạng của con người, không những trong chiều kích tự nhiên mà cả trong chiều kích siêu nhiên. Đặc biệt là tình dục trong đời sống vợ chồng phải kết hợp hai yếu tố: cho nhau hạnh phúc và truyền đạt sự sống. “Nền tảng của một xã hội sẽ bị lung lay tận gốc rễ khi người ta một đàng đề cao những giá trị như phẩm giá con người, công lý và hòa bình, nhưng đàng khác, lại tự mâu thuẫn khi chấp nhận hay dung túng những hình thức khinh rẻ và chà đạp sự sống của con người, nhất là sự sống của những người yếu đuối hay bị hất ra ngòai xã hội” (CiV 15). 

ĐTC lên án những hành vi phản lại sự sống đang bành trướng hiện nay như áp đặt chính sách dân số bất nhân, thụ thai nhân tạo, phá thai, dùng phôi người cho việc nghiên cứu, tự quyết về mạng sống và ngày giờ sống chết của mình... Phát minh khoa học hiện đại khiến cho những hành vi vừa kể được dễ dàng và được đánh giá là „tiến bộ“, nhưng chúng chỉ là phương tiện của “nền văn hóa sự chết“ («mortis culturae »)  (CiV 75).

Sự gia tăng dân số không phải là nguyên nhân chính làm ngưng trệ phát triển kinh tế, như nhiều người lầm tưởng. Nhiều nước đã đạt được phát triển mặc dầu dân số gia tăng nhờ vào tỉ số hài nhi tử vong giảm thiểu và tuổi thọ trung bình gia tăng. Ngược lại tại nhiều vùng khác mặc dầu dân số giảm thiểu vì tỷ lệ sinh sản đang xuống dốc một cách đáng ngại thì lại có nhiều triệu chứng khủng hoảng (CiV 44). Một giáo sư kinh tế tại Ðại học Công giáo Milano, Bắc Ý, ông Tedeschi, ca tụng ĐTC Bin Đức là người duy nhứt cho thấy có một liên hệ chặt chẽ giữa sự sút giảm mức sinh sản tại những nước công nghiệp tiên tiến và cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Tại nhiều nước, nhất là những nước đã phát triển, luật pháp bài trừ sự sống rất phổ biến và ảnh hưởng lớn trên tập quán và đời sống thực tế, góp phần tạo thành não trạng chống sinh sản mà người ta tìm cách truyền bá ra cả nước ngòai, vì xem đó là một tiến bộ văn hóa. ĐTC Biển Đức nhận định: “Sẵn sàng đón nhận sự sống là rường cột của sự phát triển đích thực. Xã hội nào chủ trương chối bỏ hay kìm hãm sự sống thì sớm muộn gì cũng sẽ không còn tìm được động lực và năng lực cần thiết để dấn thân phục vụ hạnh phúc đích thực của con người“ (CiV 28).

Chủ đề phát triển của Thông điệp được ĐTC Bin Đức diễn giải bình luận với những tư tưởng vô cùng súc tích và phong phú. Không những Ngài đã đào sâu nền tảng thần học, triết học của vấn đề mà còn tiến sâu vào các ngõ ngách thực tế cụ thể trong các lãnh vực chính tri, kinh tế, xã hội, để mở ra những chân trời mới, những hướng đi phù hợp với nhân phẩm và xứng đáng với con ngừơi đã được tạo dựng giống hình ảnh Chúa ... Phạm vị của bài này chỉ cho phép trình bày một cách sơ lược. Xin hẹn độc giả bài sau sẽ khai triển chủ đề phát triển của Thông điệp tường tận hơn.    

III Kết luận

Tình Yêu là động lực chính thúc đẩy sự phát triển đích thực của mỗi người và của nhân lọai (CvT 1). Phúc Âm cho ta biết động lực này xuất phát từ Chúa Giê-su là Tình Yêu và là Chân lý. Đó là niềm tin của chúng ta, tín đồ Kitô giáo.

Nhưng với những người không tin Chúa, không xem Phúc Âm là chân lý tuyệt đối và phổ quát mà ta lại đem chính Chúa và chân lý Phúc Âm ra để làm cơ sở biện luận cho cả những nhận định và đề nghị về chính trị, kinh tế, xã hội thì có thể thuyết phục họ được? Câu hỏi này đã có người trả lời là không và đã nghi ngờ tính thuyết phục của Thông điệp. Như Giáo Sư Hengsbach, linh mục Dòng Tên người Đức vốn là giáo sư về luân lý xã hội và kinh tế rất nổi tiếng với cả giới trí thức ngoài công giáo đã phê bình ít nhiều điểm mà ông cho là tiêu cực trong Thông điệp. Tuy LM cũng ca ngợi Đức Gíáo Hòang lên án chủ nghĩa tư bản quá khích và nhấn mạnh về việc mọi người phải có trách nhiệm luân lý và đóng góp vào việc xây dựng xã hội tốt đẹp. Nhưng theo LM lập luận của ĐTC không thuyết phục, nội dung của Thông điệp không được trình bày rõ ràng. Những vấn nạn của thị trường tài chánh chỉ được lướt qua một cách sơ sài thiếu sâu sắc, thiếu những hứơng dẫn và giải pháp cụ thể. Chỉ có những nhà thần học Kitô giáo và những người thực sự tin vào Chúa Giêsu mới hiểu được và tin được Chân lý Phúc âm dưới ngòi bút của ĐGH. Còn đối với người ngoài mà ngài nói là muốn đối thoại thì Thông điệp đã không thành công.

Nhận xét của LM Hengsbach có thể được chia sẻ bởi những ai chỉ đọc lướt qua Thông điệp một cách hời hợt. Nếu đọc kỹ Thông điệp sẽ thấy phê bình của LM Hengsbach không những quá đáng mà còn vô căn cứ. Có lẽ vì sự thúc bách phải trả lời phỏng vấn của báo chí ngay khi vừa công bố Thông điệp nên LM chưa có thì giờ đọc kỹ. Còn đại đa số những bài bình luận xuất hỉện trên truyền thông ngay sau ngày Thông điệp ra mắt và thời gian sau đó đều thán phục GH Biển Đức và ca tụng Thông điệp là một văn kiện rất có giá trị và sẽ gây nhiều ảnh hưởng tích cực trong nỗ lực giải quyết khủng hỏang hiện nay. Thậm chí Giáo sư Tedeschi (đã đuợc nhắc đến ở trên) còn cho rằng ĐGH đáng được trao giải Nobel Kinh tế (!).

ĐTC tuy dùng chân lý Phúc âm để biện luận vẫn có sức thuyết phục đối với cả những người không thừa nhận Phúc Âm, vì những luận cứ Ngài đưa ra có thể được xem là kim chỉ nam mà nhân loại hôm nay đang cần để bảo đảm cho các cuộc cải tổ chính trị kinh tế xã hội cũng như sự phát triển mà mọi người mong muốn được thực hiện theo chiều hướng tốt nhất.

Việc ĐTC tuyên xưng đức tin lúc bàn về phát triển không nhằm mục đích thuyết phục lôi cuốn người ta tin vào Chúa và gia nhập Giáo Hội, mà chỉ cống hiến những liều thuốc rút ra từ đức tin để cải thiện và hòan thiện đời sống thực tế. Không một triết thuyết hay một nền thần học nào ngòai Kitô giáo có một hình ảnh tốt đẹp và cao trọng về con người và từ hình ảnh đó rút ra những hệ luận hiệu quả nhất cho sự phát triển của mỗi người và của nhân loại. Ánh sáng Phúc Âm đem lại kết quả tốt, nâng cao giá trị và thăng hoa đời sống và giúp tránh được những cạm bẫy, những vực sâu thì cho dầu không châp nhận hay còn xa lạ với nền tảng Phúc Âm cũng có thể xử dụng những hoa trái của Phúc Âm đem áp dụng vào quyền lợi thế tục của con người. Ngoài việc mời gọi xử dụng những hệ luận thực hành của lý tưởng Phúc Âm ĐTC còn vạch trần những tai hại mà chủ nghĩa duy vật và chủ trương hưởng thụ ích kỷ gây ra cho kinh tế và cho đời sống.

Nói đến hoa trái Phúc Âm cần nhắc lại một sự  kiện lịch sử: Mặc dầu Tây phương đã thế tục hóa và ảnh hưởng Thiên Chúa giáo ngày càng giảm bớt, công luận vẫn thừa nhận rằng tinh thần nhân bản của Văn hóa Tây phương là hoa trái của tôn giáo này. Chẳng hạn câu „Nhân phẩm con người là bất khả xâm phạm và phải được tất cả mọi quyền lực quốc gia tôn trọng và bảo vệ“ trong điều 1, 1 Hiến pháp Cộng Hòa Liên Bang Đức là một trong vô số ví dụ cho thấy hình ảnh con người căn cứ vào Kinh Thánh của Do Thái/Kitô giáo đã ảnh hưởng sâu rộng trên nền văn minh Tây phương.  

Để tìm ra thuốc chữa sự thóai hóa luân lý và suy đồi nhân bản tại Tây phương do thế tục hóa mang lại, người ta, cả những người vô tín, đang đề cao những giá trị như công bằng, bình đẳng trứớc pháp luật,  nhân quyền, liên đới, lòng nhân đạo ... là những giá trị xuất phát từ niềm tin Thiên Chúa giáo. Dòng chảy của Thiên Chúa giáo qua hai ngàn năm lịch sử đã để lại cho nên văn hóa Tây phương hàng hàng lớp lớp phù sa chở nặng nhiều giá trị nhân bản mà Tây phương tự hào và đang được cả thế giới văn minh thừa nhận. Các công ước của Liên Hiệp Quốc và hiến pháp hiện đại của các nước Tây phương đầy dẫy dấu vết của những phù sa giá trị đó. Những nhà sử học và xã hội học khách quan không thể phủ nhận Kitô giáo là nguồn sản xuất và là định chế cống hiến nền tảng nhân bản cho văn hóa nhân loại. Giáo hội Công giáo có sứ mạng chỉ đường dầu không tự gán cho mình trọng trách và khả năng giải quyết những vấn đề chính trị và xã hội trong thực tế.

Tuần báo „Die Zeit“ - một trong những tuần báo lớn nhất nước Đức với cựu thủ tướng Đức Helmut Schmitt làm đồng chủ nhiệm - số 45 ra ngày 29.10.2009 có một bài nói về cuốn sách „Một thời đại thế tục hóa“ mới xuất bản của nhà văn lão thành Gia-Nã-Đại Charles Taylor. Tác giả cuốn sách dày hơn một ngàn trang này đã chứng minh thuyết phục rằng dầu thế tục hóa đến mấy nền văn minh Tây phương vẫn không chối bỏ được nguồn gốc Do Thái/Kitô giáo của mình.  

Các danh từ „Tình Yêu“, Chân Lý, Phát triển, v. v. vốn không mới lạ gì và không phải chờ đến Thông điệp chúng ta mới được biết đến mà trước đó nghe đã nhàm tai, từ lập luận chân thành của những người thiện tâm đến chiêu bài giả dối của những kẻ họat đầu chính trị dùng làm mánh khóe để dành quyền lực. Nhưng Thông điệp đã chiếu lên những phạm trù quen thuộc ấy một luồng ánh sáng mới, khiến những điều mình đã nghe đã biết từ lâu bỗng ngời tỏa lên, kiến thức của mình được sung mãn thêm. Một cánh cửa vừa được mở ra và sau cánh cửa có một người cha, một vị thầy đang chờ sẵn để đưa mình đến những chân trời mới lạ.

Thông điệp đã làm nổi bật mối tương quan mật thiết giữa một phía là phát triển, phía kia là Tình Yêu và Chân Lý và đã cho chúng ta thấy chỉ có Tình Yêu và Chân Lý được định nghĩa theo giáo lý của  đạo Thiên Chúa đặc biệt là  học thuyết xã hội công giáo mới bảo đảm được phát triển tòan diện của mỗi người và của cả lòai người khi mà việc tòan cầu hóa dầu muốn dầu không cũng đang được nhanh chóng thực hiện. 

Xin được kết thúc bài này bằng một câu hỏi thực hành. Vấn đề phát triển là vấn đề to lớn và là trách vụ của các nhà lãnh đạo, các chính trị gia và xã hội học trong lãnh vực công cọng. Còn đối với cá nhân chúng ta trong hòan cảnh riêng tư,  trong vị thế nhỏ bé của mình, Thông điệp cho ta bài học nào và giao phó cho ta trách nhiệm nào trong vấn đề phát triển? Thông điệp cho ta thấy rõ phát triển là một thiên chức, một lời mời gọi được gửi đến từng cá nhân mà điểm then chốt của thiên chức ấy là tình yêu. Mọi người có trách nhiệm đáp lại lời mời gọi đó. Công Đồng Vatican II đã minh định không phải chỉ riêng hàng giáo phẩm mà chính giáo dân cũng có ơn gọi, cũng được Chúa mời gọi vừa cố gắng đạt được phát triển tòan diện cho chính mình vừa làm chứng tá cho Chúa, đem Tình yêu và Chân lý đến cho mọi người. Thông điệp CiV đã cho chúng ta thấy rằng rao truyền và làm chứng tá cho Tình yêu và Chân lý là đáp lại lời mời gọi cộng tác vào sự phát triển toàn diện của nhân loại.

Nếu phát triển không được thực hiện theo ánh sáng Phúc Âm thì sự toàn cầu hóa, theo lời ĐTC, chỉ làm cho mọi người, mọi nước trở thành láng giềng, nhưng chưa trở thành huynh đệ trong một gia đình. Muốn đạt được giấc mơ gia đình nhân loại thì phải nhấn mạnh chiều hướng siêu hình của sự phát triển, mọi người và mọi dân tộc phải đáp lại lời mời gọi của Chúa liên kết với nhau trong tinh thần trách nhiệm và liên đới của anh em một nhà. Hòai bão xây dựng Gia đình nhân lọai đã từng được nói đến trong phương châm « Tứ hải giai huynh đệ ». Nhưng đó chỉ là một kiểu nói nghe cho vui tai mà không ai tin là nên và có thể thực hiện. Còn gia đình nhân loại của ĐTC là một gia đình trong đó mọi người, mọi dân tộc đều là huynh đệ vì là anh em của Chúa Giêsu, cùng cố gắng thi hành lý tưởng „Tình Yêu trong Sự Thật“, để được thực sự trở thành con cái của một Cha chung trên Trời. 


[1] Nếu nói sự thật mà giọng điệu thẳng thừng và nặng lời chỉ trích phê phán hay là lên giọng dạy đời không chút yêu thương thì sẽ chỉ là “nói thật mất lòng”. Cổ nhân ta đã khuyến cáo: “Lời nói không mất tiền mua, Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Phải chăng “nói cho vừa lòng nhau” cũng là một cách thể hiện - trên bình diện vi mô - phương châm “Chân Lý trong Tình Yêu” Veritas in Caritate của Thánh Phao-Lô trong cách đối xử thường nhật?

VỀ MỤC LỤC
TRUYỀN GIÁO ?

Tại thời điểm đầu tháng 11-2009, nếu gõ hai chữ “truyền giáo” vào Google, thì sau 1/3 giây trang tìm kiếm này sẽ trình ra 1.890.000 kết quả. Kiểm tra 50 kết quả đầu tiên, có đến 45 trường hợp thuộc ngữ cảnh Kitô giáo, chỉ 2 trường hợp thuộc các tôn giáo khác (1 Hồi giáo, 1 Phật giáo), 3 trường hợp còn lại thì không kể (vì không phải “truyền giáo” mà là “tuyên truyền giáo dục”!) Như vậy, tỉ lệ là 45/47.

Khi nói về sứ mạng Kitô giáo, hai tiếng “truyền giáo” được dùng thật phổ biến trong ngôn ngữ của chúng ta, đến mức dường như đã trở thành tự nhiên. Người viết mong đóng góp vài ghi nhận về việc dùng từ như thế, không chủ ý săm soi chuyện chữ và nghĩa, mà chỉ muốn nhân chuyện chữ nghĩa để nối tiếp câu chuyện về … một tầm nhìn sứ mạng. 

Hai Nghĩa Của “Truyền Giáo” 

Truyền giáo là “truyền bá tôn giáo” (Thanh Nghị, Việt Nam Tân Tự Điển Minh Hoạ. Saigon: Khai Trí, 1964, tr. 1437.) Coi như cụm bốn từ rút lại thành hai từ: “truyền” là truyền bá, và “giáo” là tôn giáo. “Tôn giáo” ở đây có thể hiểu là đạo, là con đường sống, là niềm tín ngưỡng. Và “tôn giáo” cũng có thể hiểu theo nghĩa thứ hai, là tổ chức tôn giáo. Như vậy, “truyền giáo,” trong ngữ cảnh Kitô giáo, có hai nghĩa:  

- nghĩa thứ nhất: truyền giáo là truyền đạo, truyền một con đường sống, tức là làm cho các giá trị Tin Mừng được thấm nhập sâu rộng – nghĩa này thuộc phẩm tính; 

- nghĩa thứ hai: truyền giáo là làm cho tổ chức tôn giáo của mình, tức Giáo Hội hữu hình, lan rộng ra – nghĩa này thuộc lượng tính. 

Hẳn ai cũng mong muốn phẩm tăng theo lượng. Nhưng trong thực tế thì rất có thể, thậm chí rất thường, lượng đi một đàng phẩm đi một nẻo.  

Thường Nhắm Nghĩa Nào? 

Nói “truyền giáo,” chúng ta thường thiên về nghĩa nào trên đây? Cứ thăm dò, sẽ rõ. Đơn giản thôi, chẳng hạn đặt câu hỏi: Bạn được yêu cầu làm bản báo cáo về thành quả truyền giáo tại giáo xứ bạn trong một năm qua, tự nhiên bạn sẽ nghĩ đến điều gì trước nhất? Kể từ năm 2006 đến nay, người viết bài này đã có dịp thăm dò 4 lần như thế, với 4 nhóm khác nhau ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn (nhóm ít nhất 25 người, nhóm đông nhất 70 người, thuộc thành phần linh mục, tu sĩ, chủng sinh.) Cả 4 lần đều có trên 90% số người nhất trí trả lời rằng “để báo cáo thành quả truyền giáo, tôi sẽ nghĩ trước hết đến con số người lớn được rửa tội tại giáo xứ trong năm qua.” Rõ ràng, “truyền giáo” ở đây thiên về việc mở rộng Giáo Hội theo lượng tính. 

Cũng khá dễ hiểu, nếu ta ghi nhận rằng không có tôn giáo nào có đặc tính tổ chức rõ rệt bằng Giáo Hội Công Giáo. Nói đến tôn giáo của mình, chúng ta thường nghĩ ngay đến Giáo Hội Công Giáo hữu hình - một tổ chức với phẩm trật, cơ chế, cơ sở, sinh hoạt rất chặt chẽ. Giáo Hội học của Công Đồng Trentô, nhấn mạnh tính cơ chế của Giáo Hội, có vai trò rất lớn trong việc củng cố ấn tượng này suốt trên 400 năm. Hai tiếng “truyền giáo,” quả thật, dễ gợi liên tưởng tức thời đến việc tăng số tín hữu trong sổ nhân danh, việc thiết lập cộng đoàn mới và xây dựng nhà thờ mới ở nơi chưa có.  

Những Hàm Ý Của “Mission” 

Trong phần lớn các trường hợp, chúng ta dùng từ “truyền giáo” hoặc để dịch trực tiếp hoặc để chuyển tải hàm ý tương ứng với những từ  như “mission” của tiếng Anh/Pháp, “missio” của La ngữ, vv. Từ “mission,” trước Vatican II, có thể liên hệ đến rất nhiều ý nghĩa khác nhau như: việc gửi các thừa sai đến một vùng đất nào đó, hoạt động của các thừa sai, những vùng đất mà các thừa sai được gửi đến, các dòng thừa sai, và thậm chí “mission” cũng có nghĩa là toàn bộ thế giới ngoài Kitô giáo. Theo thần học truyền thống kể từ thế kỷ 16 thì ý niệm “mission” bao gồm: việc truyền bá đức tin, việc mở rộng triều đại của Thiên Chúa, việc làm cho người ngoại giáo trở lại, việc trồng Giáo Hội tại những miền đất mới. 

Như vậy, các hàm ý của “mission” cũng có cả yếu tố phẩm và lượng như “truyền giáo.” Tuy nhiên, có điều đáng lưu ý, đó là từ “truyền giáo” chỉ chuyên biệt có nghĩa là “truyền giáo;” còn từ “mission” ở đây là một từ được vận dụng, dựa vào một nội hàm rộng hơn mà nó vốn có. Thử mở từ điển Lạc Việt, cả Anh lẫn Pháp, ta thấy nghĩa thứ nhất của “mission” là “sứ mệnh, nhiệm vụ,” nghĩa thứ hai là “sự đi công tác,” và nghĩa thứ ba mới là “sự truyền giáo.” Trong ngôn ngữ thần học cho tới thế kỷ 16, từ “mission” chỉ được dùng với nghĩa thứ nhất, là sứ mệnh, để trình bày giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha sai Chúa Con, và Chúa Thánh Thần được sai bởi Chúa Cha và Chúa Con.  

Chúa Cha Sai Chúa Con Đi Truyền Giáo? 

Với lai lịch của việc dùng từ “mission” như thế, ta dễ hiểu tại sao một luận đề căn bản của sứ mạng học là: Chỉ có một “mission,” đó là “mission” của Thiên Chúa (missio Dei). Không phải “mission” của Chúa Con, vì Chúa Con là nhà thừa sai nhận “mission” từ Cha. Rồi, cũng để thực hiện “mission” độc nhất ấy mà Chúa Thánh Thần được sai đến để cùng với Giáo Hội đi vào thế giới. (Ở đây tưởng cần mở ngoặc để nhấn mạnh rằng Chúa-Thánh-Thần-cùng-với-Giáo-Hội được sai đi để làm sứ mạng, chứ không phải như lời của những bài hát nào đó rằng “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi” vốn không chính xác là lời cũng chẳng phải là ý của bản văn Luca 4,18 hay Isaia 61,1.) Chỉ có missio Dei, cho nên “mission” mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ để họ đảm nhận trong Thánh Thần, đó là chính “mission” của... Thiên Chúa. Vì thế thật khó mà dịch “mission” là “truyền giáo,” bởi sẽ lủng củng biết bao nếu nói “Thiên Chúa truyền giáo” hay nói “công cuộc truyền giáo của Thiên Chúa”!   

Đức Giêsu – như được trình bày trong các Sách Tin Mừng – xem ra cũng không hề “truyền giáo” theo nghĩa là truyền bá một tổ chức tôn giáo. Nhiều năm sau khi Ngài về trời, người ta mới gọi các môn đệ của Ngài là “Kitô hữu.” Và Kitô giáo, xét như một tổ chức tôn giáo, chỉ tách ra khỏi lòng Do Thái giáo do những yếu tố lịch sử nhất định (mà xem ra không tất định!) Nếu nói rằng Đức Giêsu đã lập ra “Kitô giáo,” thì “Kitô giáo” ấy phải hiểu trước hết là Nước Trời, hay Nước Thiên Chúa, hay Triều Đại Thiên Chúa, với những đặc tính được mô tả rành rọt trong các Sách Tin Mừng. “Kitô giáo” ấy là loan báo Tin Mừng (nhất là cho người nghèo và những kẻ bị bỏ rơi), là yêu thương và phục vụ, là tha thứ và hòa giải, là chữa lành, là giải phóng... Đức Giêsu quan tâm ưu tiên đến phẩm tính của đời sống con người và của các mối tương quan, chứ Ngài không lấy cơ chế hay lấy tổ chức làm cứu cánh, cũng không chạy theo số lượng. “Mission” của Đức Giêsu, vì thế, rất khó mà dịch là “truyền giáo” theo nghĩa mà ta thường nhắm khi nói “truyền giáo”. 

Từ Một Phong Trào Trở Thành Một Cơ Chế 

Cũng thật khó để nói rằng công việc của các nhóm cộng đoàn tín hữu sơ khai tiên vàn là công việc bành trướng một tổ chức tôn giáo. Ta thấy sau biến cố Lễ Ngũ Tuần, Phêrô và các Tông Đồ đứng lên rao giảng cho các đám đông về Đức Giêsu Kitô, về sự cần thiết của “conversion” theo nghĩa là “hoán cải, trở về với Thiên Chúa.” Mãi sau này mới thấy lộ rõ dần ý nghĩa của “conversion” là “cải giáo, trở thành thành viên của Giáo Hội.” Các Tông Đồ lúc ban đầu vẫn vào ra Đền Thờ cầu nguyện như bất cứ con dân nào của cộng đồng Do Thái. Kitô giáo đã bắt đầu với tính ‘phong trào’ tối đa và tính ‘cơ chế’ tối thiểu.  

Và dần dần, tính ‘cơ chế’ của Giáo Hội tăng lên, còn tính ‘phong trào’ giảm xuống. Đâu là những khác biệt giữa một phong trào và một cơ chế? Thật rõ, một phong trào thì tiến bộ, năng động, gây ảnh hưởng; nó nhìn về tương lai và sẵn sàng đón nhận các rủi ro, sẵn sàng vượt qua các biên giới... Trong khi đó, một cơ chế thì thiên về bảo thủ, thụ động, phòng thủ; nó nhìn về quá khứ và cố giữ những vành đai.  

Dù sao thì thực tế là Kitô giáo đã khá sớm trở thành một cơ chế, với tổ chức ngày càng chặt chẽ và kích thước ngày càng lớn. Ngay cả dù vấp phải mấy vụ ly khai (Chính Thống Đông Phương hồi thế kỷ 11, Tin Lành và Anh Giáo hồi thế kỷ 16), thì Giáo Hội Công Giáo Rôma vẫn chứng tỏ mình là một cơ cấu vừa bề thế vừa tinh vi mà khó có tôn giáo hay tổ chức nào khác sánh kịp. Trong bối cảnh đó, “mission” của Giáo Hội Công Giáo mặc nhiên là “truyền giáo” hiểu theo cả hai nghĩa của từ này trong Việt ngữ, trong đó nghĩa thứ hai (thiên về lượng tính) mặc nhiên được dành ngày càng nhiều sự quan tâm. Mọi sự diễn ra khá xuôi chèo mát mái trong mười mấy thế kỷ ở Âu Châu, Mỹ Châu và phần nào đó ở Phi Châu, trong đó công việc của sứ mạng Kitô giáo thường đơn giản là “chinh phục và lật đổ.” Kitô giáo trở thành tôn giáo và văn hóa thống trị trên nhiều vùng rộng lớn. Nhưng khi đặt chân đến Á Châu, câu chuyện trở nên hoàn toàn khác.  

Câu Chuyện Ở Á Châu  

Lần nọ, nói chuyện với một nhóm linh mục và tu sĩ Việt Nam tại hội trường đài phát thanh Veritas Asia ở Manila, nhà thần học Mỹ gốc Việt Peter C. Phan đã hóm hỉnh nhận định rằng: Con số không nói hết chuyện nhưng con số cũng nói được phần nào câu chuyện. Nếu một công ty có sản phẩm rất tốt đến tiếp thị tại một khu vực dân cư đông đúc, và sau hơn 400 năm chào hàng, chưa tới 4 phần trăm dân số ở đó chịu mua sản phẩm, thì chắc chắn công ty ấy đã làm ăn quá dở và cần xem lại cách làm ăn của mình. Đó là một phóng họa lịch sử loan báo Tin Mừng ở Á Châu. Và Việt Nam có phần của mình trong phóng họa này.  

Sự kiện Á Châu bướng bỉnh không chịu ‘mua hàng’ chắc hẳn có liên hệ rất nhiều đến cung cách Giáo Hội ‘chào hàng’ trong tâm thức “truyền giáo” hiểu là “mở rộng một tổ chức tôn giáo,” và trong cách thức đã từng tỏ ra hiệu quả ở các nơi khác, đó là “chinh phục và lật đổ”! Tâm thức và cách thức này như bị dội lại khi gặp hai cột trụ sừng sững của các dân tộc Á Châu: tức các tôn giáo lớn và các nền văn hóa kỳ cựu tại lục địa này, kỳ cựu hơn Kitô giáo rất nhiều. Chỉ xét về mặt tâm lý ứng xử thôi, thì một tín đồ cắm sâu trong truyền thống Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo hay Lão giáo, chẳng hạn, chắc chắn sẽ cảm thấy bị tổn thương và do đó sẽ đề kháng khi họ nhận ra các Kitô hữu đến để “truyền giáo” cho họ, theo nghĩa là để chinh phục họ, để xóa tôn giáo và văn hóa của họ và thay vào đó bằng Kitô giáo. Họ sẽ lịch sự nói cám ơn và quay đi chỗ khác khi nhận ra các Kitô hữu đến với họ trong tư thế của ông nhà giàu tự tôn và trịch thượng chỉ biết dạy và cho mà thôi chứ không hề biết học và nhận.  

“Cuộc Tranh Cãi Về Nghi Thức Trung Hoa” hồi đầu thế kỷ 17 và những diễn biến sau đó là một bài học ‘xương máu’ cho sứ mạng của Giáo Hội, không chỉ ở Trung Hoa hay Ấn Độ mà còn tại nhiều nước khác nữa. Phải mất ba thế kỷ, Giáo Hội mới ‘nghĩ lại’ mà chấp thuận cho người Công Giáo Trung Hoa (từ 1939) và Việt Nam (từ 1964) có những thực hành tôn kính tổ tiên, thì ta đừng ngạc nhiên và cũng đừng phiền trách tại sao nhiều anh chị em lương dân ngày nay vẫn còn nghĩ rằng “theo đạo là bỏ ông bà.” Vì đâu mà Giáo Hội phạm sai lầm quá lớn và quá lâu dài như vậy? Vì ảnh hưởng của chế độ thực dân tây phương, và vì cảm thức tự tôn văn hóa nơi người tây phương. Thời ấy, các Kitô hữu tây phương không hề ý thức rằng thần học của họ đã bị điều kiện hóa bởi bối cảnh văn hóa; họ đơn sơ nghĩ rằng thần học ấy có hiệu lực phổ quát và siêu văn hóa. Và vì văn hóa tây phương được coi là văn hóa Kitô giáo, nên rõ ràng là văn hóa này phải được ‘xuất khẩu’ cùng với đức tin Kitô giáo! 

Hội Nhập Văn Hóa và Đối Thoại Tôn Giáo  

Rất may là Giáo Hội ngày nay đã ‘nghĩ lại’ và - ít ra trên nguyên tắc - đã nhìn nhận nhu cầu khẩn thiết phải hội nhập văn hóa và đối thoại tôn giáo. Về hội nhập văn hóa, Công Đồng Vatican II khẳng định rằng cuộc gặp gỡ giữa truyền thống Kitô giáo với quan niệm về cuộc sống và các cấu trúc xã hội của các dân tộc khác nhau là điều cần thiết để đạt tới một áp dụng sâu xa đời sống Kitô giáo vào các đặc điểm riêng của mỗi nền văn hóa (Ad gentes, 22). Nếu Tin Mừng phải thấm nhập vào trái tim của người ta, thì điều này chỉ có thể xảy ra xuyên qua các giá trị văn hóa và các truyền thống sống động của những con người ấy. Về đối thoại tôn giáo, Vatican II tuyên bố càng hùng hồn hơn nữa: “Giáo Hội Công Giáo không bác bỏ bất cứ điều gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo” (Nostra aetate, 2). Đây là lần đầu tiên, sau ngót hai mươi thế kỷ, Giáo Hội chính thức nhìn nhận giá trị và hiệu lực của các tôn giáo ngoài Kitô giáo.  

Những luồng sáng của Công Đồng Vatican II đã thực sự khơi nguồn cảm hứng. Chưa bao giờ hội nhập văn hóa và đối thoại tôn giáo được nói đến nhiều như bốn thập niên qua. Ngay trong thời gian diễn ra Công Đồng, Đức Phaolô VI đã công bố thông điệp Ecclesiam Suam (1964), một giáo huấn chuyên đề về đối thoại, trong đó ngài khẳng định rằng đối thoại là cách thi hành bài sai của Đức Kitô: “Hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (x. số 64). Ba năm sau, năm 1967, cũng chính từ nhãn giới mới này về sứ mạng Kitô giáo mà Đức Phaolô VI đã quyết định chính thức đổi Bộ Truyền Bá Đức Tin (hay Bộ Truyền Giáo) thành Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Chữ “đức tin” (fide) chẳng có ‘tội’ gì ở đây; hẳn là vị giáo hoàng nhìn thấy vấn đề ở chữ “truyền” (propaganda), nhất là ở cách thức “truyền” vốn không mấy kiến hiệu, cách riêng tại Á Châu là nơi chiếm đến hơn một nửa dân số thế giới. Một sự thay đổi đầy hàm ý của vị giáo hoàng! Tuy nhiên, ở Việt Nam thì cụm từ “Bộ Truyền Giáo” vẫn còn tiếp tục được dùng một cách rất tự nhiên và nhiều khi ngay cả trong các bản văn chính thức, cho đến tận hôm nay.   

Có Những Căng Thẳng, Xôn Xao

Câu chuyện về hội nhập văn hóa và đối thoại tôn giáo là câu chuyện ‘ruột’ của các giám mục FABC (Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu). Đó là hai trong ba cuộc đối thoại mà các ngài xác lập là đường hướng căn bản của mình. Có thể nói, trong bốn mươi năm qua, không ở đâu khác mà đề tài hội nhập văn hóa và đối thoại tôn giáo được suy tư, thảo luận dày công cho bằng ở FABC. Nhưng câu chuyện này cũng không hề đơn giản. Đã có những căng thẳng, trong một bối cảnh mà thẩm quyền cao nhất trong Giáo Hội thường xuyên tỏ ra đặc biệt nhạy cảm và dè dặt đối với hai lãnh vực này. Như người ta còn nhớ những phản ứng mạnh mẽ đối với Lineamenta, hồi chuẩn bị synod 1998, từ phía các hội đồng giám mục của FABC, nhất là các hội đồng giám mục Nhật Bản, Indonesia, và cả Việt Nam. Cũng trong những năm 97 và 98 ấy, đã xảy ra một loạt các vụ cảnh cáo hay phạt vạ đối với một số tác giả linh đạo hay thần học gia viết về ‘tôn giáo’ như Tissa Balasuriya, Perry Schmidt-Leukel, Jacques Dupuis, Anthony de Mello. Mới đây hơn, Roger Haight, Jon Sobrino, Peter C. Phan... nối vào danh sách đó, cũng vì những vấn đề ‘dầu sôi lửa bỏng’ là thần học tôn giáo và Kitô học.  

Sứ Mạng Ở Giữa Lương Dân (inter gentes) của FABC 

Thật không dễ dàng chút nào! Nhưng từ kinh nghiệm hiện thực, từ niềm xác tín sâu xa, và cả từ sự kiên nhẫn và mềm mỏng cần thiết, các giám mục FABC vẫn tiếp tục định hình ngày càng rõ tầm nhìn sứ mạng của mình. Tầm nhìn này mới đây được Jonathan Yun-ka Tan tổng kết trong cụm từ “missio inter gentes” – và ông ghi nhận: 

“Đối với FABC, loan báo Tin Mừng không phải là ‘con đường một chiều’ hay ‘sự rao giảng một chiều’ về những nguyên tắc tín lý hay những chân lý đức tin trừu tượng... Sứ mạng là một cái gì lớn rộng hơn việc trồng một Giáo Hội địa phương mới ở nơi mà nó chưa hiện diện. Các giám mục Á Châu không coi các dân tộc Á Châu như những đối tượng của sứ mạng, theo nghĩa là phải được giúp cải giáo và đưa vào Giáo Hội, mặc dù các Kitô hữu sẵn sàng mời gọi họ như thế. Đúng hơn, đích nhắm của sứ mạng inter gentes của các Giáo Hội địa phương Á Châu được đồng hóa với chính đích nhắm của sứ mạng Đức Giêsu: đem Nước Thiên Chúa đến giữa đồng bào mình.  

“Hơn nữa, FABC nghĩ về sứ mạng của Giáo Hội như là được cảm hứng từ hoạt động trước của Thiên Chúa trong thế giới, xuyên qua sứ mạng của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Thực vậy, theo nhận định của FABC, những nền móng cứu độ học sâu sắc của các tôn giáo và triết học Á Châu - vốn truyền cảm hứng cho vô số người Á Châu - không phải là những sự dữ, nhưng xuất phát từ chính Thiên Chúa... Kho tàng khôn ngoan của các triết học và các tôn giáo Á Châu được tác động bởi chính Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động vượt quá các ranh giới của Giáo Hội cơ chế. 

“Phương thế chủ yếu của missio inter gentes là đối thọai, một cuộc gặp gỡ hai chiều giữa Tin Mừng Kitô giáo với các thực tại ba mặt của Á Châu: các nền văn hóa, các tôn giáo, và người nghèo. Ở đây, rõ ràng là không chỉ các thực tại xã hội tôn giáo Á Châu được nên phong phú hơn nhờ Kitô giáo, mà Kitô giáo cũng được phong phú hơn nhờ các thực tại này. FABC xem đối thọai và hòa điệu là điều thiết yếu...”  

Điểm chung giữa tầm nhìn missio inter gentes (của FABC) và tầm nhìn ad gentes (truyền thống) là cả hai cùng khẳng định mạnh mẽ sự cần thiết của sứ mạng. Nhưng có những khác biệt trong một số sự nhấn mạnh và trong các mối ưu tiên. Có thể đối chiếu như sau:

 

missio AD gentes

missio INTER gentes

 

1. Xác nhận sự cần thiết của sứ mạng.

2. Nhấn mạnh khía cạnh tại sao, cái gì, và ai của sứ mạng.

3. Giả thiết Âu Châu (hay Rôma) là trung tâm của chân lý – và các nhà thừa sai từ đó đi đến với các vùng ngu dốt, tối tăm...

4. Khó chịu với bối cảnh đa nguyên tôn giáo ở Á Châu. 

5. Ưu tiên rao giảng bằng lời nói. Phương thức sứ mạng có nhiều tính đối đầu.


6. Mục tiêu sứ mạng nghiêng về trồng Giáo Hội. 

7. Có xu hướng đo lường thành quả sứ mạng bằng những con số  (lượng tính).

 

 

1. Xác nhận sự cần thiết của sứ mạng.

2. Nhấn mạnh khía cạnh thế nào của sứ mạng.  

3. Nhìn nhận Thần Chân Lý vốn hoạt động trong các nền văn hoá và các tôn giáo.


4. Thoải mái với bối cảnh đa nguyên tôn giáo ở Á Châu.

5. Ưu tiên rao giảng bằng chứng tá. Phương thức sứ mạng nhắm làm cho Tin Mừng Kitô giáo thấm nhập vào trong các thực tại Á Châu.

6. Mục tiêu sứ mạng là: xây dựng Nước Thiên Chúa.

7. Chọn phương thức phẩm tính để tiếp cận và đánh gí thành quả sứ mạng.

 

Thay Lời Kết 

Trong bối cảnh Việt Nam, nếu thêm một mục thứ 8 nữa vào hai cột đối chiếu trên, đề cập về từ ngữ để gọi sứ mạng Kitô giáo, chắc hẳn ta có thể ghi vào cột ad gentes là “truyền giáo,” còn cột inter gentes có thể là “sứ mạng” hay “làm chứng” hay hình tượng hơn: “làm muối,” “làm men,” “làm ánh sáng”... Đó là những hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng khi trao sứ mạng cho các môn đệ. Muối, men, ánh sáng thì không ồn ào áp chế - công việc của nó là âm thầm hiện diện, và chỉ cần hiện diện đúng như bản chất của mình, tự khắc môi trường xung quanh nó sẽ thấm mặn, sẽ dậy men, và sẽ đầy ánh sáng.                                                             

Linh mục Lê Công Đức   (joslcd@yahoo.com)
 

VỀ MỤC LỤC
NHỮNG TÊN LÝ HÌNH THỜI ĐẠI

 

SUY NIỆM LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM 2009 

Mừng kính lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta không chỉ tự hào về đức tin kiên cường của Cha ông chúng ta, không chỉ tự hào sống trong đất nước của các thánh tử đạo, không chỉ hãnh diện vì được là con cháu của các Thánh Tử Đạo, không chỉ tri ân những giọt máu trổ sinh mầm sống mới Đức Tin nơi chúng ta, mà thiết thực hơn, chúng ta cần noi gương các Ngài: tử đạo hằng ngày. 

Nếu thời Cha ông ta đã sống trong một thời kỳ bách đạo cách tàn bạo, từ việc cấm cản, khủng bố đến việc bắt bớ, bỏ tù tra tấn dã man, cho đến những án tử hình ghê rợn nhất: xử giảo, lăng trì, bá đao, thiêu sống, xử trảm, rũ tù…thì thời chúng ta, những tên lý hình thời đại với cách bức bách còn kinh khủng hơn:  làm cho con người không còn yêu mến Chúa Giêsu và Thập giá của Ngài.  

Những tên lý hình thời đại: Ngoài ta

Những người chủ trương không có Thiên Chúa đang cầm quyền sinh tử nơi đất nước của các Thánh Tử đạo, đưa Giáo Hội Việt Nam vào một thách đố mới, vào cuộc tử đạo mới: Truyền giáo cho người không tin có Thiên Chúa hay là để cho người không tin có Thiên Chúa truyền chủ thuyết của họ?

Tư tưởng “Tôn giáo là liều thuốc phiện” vẫn đã thấm trong máu thịt của họ và đã chỉ đạo cả cuộc đời họ, cả việc họ làm, đến nỗi khi con người gần đất xa trời, chờ phút “qui tiên” cũng chẳng chấp nhận một cõi nào linh thánh. Một cuộc đời bồng bềnh theo năm tháng lơ lững không định hướng, vì chỉ tin được cái hiện hữu của thân xác mà không tin có linh hồn bất tử.  Một cuộc đời không có chuẩn mực Chân, Thiện, Mỹ, nào hơn là theo cái chuẩn mực mà mình tự đặt định. Đạo đức xã hội là làm sao đem lại lợi ích trần thế nhiều nhất cho xã hội mà chính mình là trước tiên!

Họ không đặt Thánh Giá trước mặt chúng ta, và yêu cầu chúng ta bước qua, nhưng họ đã gieo vào lòng tín hữu bề bộn những chủ thuyết vật chất, và cuộc tử đạo mới, tử đạo hằng ngày,  đã bắt đầu bằng việc không đồng thuận với những chủ trương không Thiên Chúa:

- Các em học sinh ở nhà trường  phải tử đạo khi không chấp nhận bài học nguồn gốc con người bởi khỉ, bài học không có Chúa nào tạo hóa tác sinh…

- Các em thanh niên vào đời phải tử đạo khi không theo cách sống thử tự nhiên được xã hội mặc nhiên cổ xúy, để giữ vững đức khiết tịnh vì biết rằng:  sống thử - sinh con thật - giết người thật.

- Các gia đình công giáo phải tử đạo khi lao vào cuộc sống kinh tế. Biết rằng có thực mới vực được đạo, và để ổn định phát triển kinh tế, phải giảm sinh,  nhưng cương quyết không giảm sinh theo kế hoạch không tự nhiên – vì chẳng khác nào giết con người từ trong trứng nước, và tự tẩy chay nhân phẩm quí giá của mình.

- Giá trị hôn nhân đặt trên căn bản là kinh tế, là của cải vật chất, là hưởng thụ…tạo điều kiện cho trào lưu ly thân ly dị cách dễ dàng, và tạo nên một sự hỗn độn về đời sống các gia đình không đáng có: chồng trước, vợ sau, con chung, con riêng, con bỏ, con nuôi… hỗn độn…. Biết như thế, các gia đình công giáo phải tử đạo khi không bị cuốn vào trào lưu tục hóa giá trị hôn nhân.

- Khi có của ăn của để, thì việc hành đạo hầu như không cần thiết hơn việc giải trí tiêu khiển, và việc giữ lễ Chúa nhật có thể trở thành việc chiếu lệ, nhưng người công giáo đã tử đạo khi vẫn một lòng yêu mến Chúa Giêsu, khao khát kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể qua việc tham dự Thánh lễ và việc rước lễ hằng ngày.

- Người ta muốn giam các tín hữu trong trại giam mới là chính cái biệt thự sang trọng, hay ít là căn phòng đầy đủ tiện nghi vật chất thơm phức nệm êm chăn ấm máy lạnh máy nóng …để mà hưởng thụ cuộc đời nầy, mà quên đi cái đời sau ảo tưởng… nhưng không, họ đã lầm, khi các tín hữu Việt Nam vẫn quí mến một cuộc vượt qua, và sẵn sàng cho cuộc vượt qua của chính mình…..

- Giữa những suy đồi, các tông đồ của Chúa không đành lòng bó tay, nhưng tích cực gia tăng đời sống đạo đức gương mẫu, đời sống cầu nguyện, có sáng kiến phong phú để khắc phục, chận đứng, những trào lưu suy đồi của những tên lý hình thời đại làm tha hóa các phần tử trong giáo hội. Họ thiết thực trở nên những con người hướng dẫn thời đại đi vào đúng đường lối của Chúa. Họ thực sự đang ôm lấy Thánh Giá Chúa Giêsu với lòng quí mến thiết tha nhất. Họ đang tử đạo trên đất nước của các Thánh Tử đạo, cùng với đoàn chiên tử đạo.. 

Chúng ta tin rằng các Thánh Tử Đạo Việt nam vẫn luôn phù hộ, tiếp sức cho các tín hữu Việt Nam chiến đấu trong cuộc bức bách mới của những tên lý hình thời đại mới đầy mưu ma chước quỉ của Satan luôn chủ trương chống lại Thiên Chúa. 

Tên lý hình thời đại: Trong ta 

Truyện rất ngắn “Lòi Cái Tôi Ra” của tác giả Anh-em-của-mọi-người, viết:

-Thưa cha khi chủng viện xây xong, người ta chặt  cây cho lòi nhà ra nên chủng sinh phải chịu nắng nóng mấy năm nay. Bây giờ  giáo xứ  xây xong nhà gíao lý, lại chặt cây cho nhà giáo lý lòi ra làm thiếu nhi phải chịu nắng nóng!

-Không phải lòi nhà ra đâu mà lòi cái tôi ra đấy ! Để lòi cái tôi ra nguời ta dám chặt bất cứ thứ gì kể cả cây thập giá nữa chứ cây xanh, bóng mát cho giáo dân là cái gì ?

“ …Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào”

                                                            (Ga 10,10)  

Chiến đấu với những tên lý hình thời đại ngoài ta có thể không khó khăn lắm, nhưng chiến đấu và chiến thắng với tên lý hình trong ta, có vẻ không dễ dàng tí nào!

Phải khiêm tốn mà nhận ra rằng, có nhiều người, trong đó có thể có tôi, có bạn, đã  không bước qua thập giá, nhưng đã chặt và quăng cây thánh giá đi rồi. Khi đã chặt và quăng đi, thì còn đâu mà bước qua! Khi đề cao cái tôi một cách quá đáng, người ta chối bỏ Đức Giêsu Kitô và khổ đau của Ngài một cách không thương tiếc, và cũng không hay biết!

Sự nhàn hạ, thanh thản,  phương tiện tiện nghi, hưởng thụ… đã “lấn sân” tâm linh, tạo cho người ta cái hạnh phúc thật êm dịu, không còn cảm giác khổ đau của cây thập giá nữa. Và vì thế, khó mà chấp nhận sự khốn khó gian nan. Sướng quen rồi. Đây mới thực sự là  trại giam mới, trại giam của  của danh vọng, của quyền lực, của sự an thân an vị an nhàn và … rồi an nghĩ trong trại giam ấy. 

Bỗng dưng, chính ta, đã trở nên những tên lý hình thời đại. Ta xử trảm chính ta và  xử trảm mọi người khi cách sống “không Kitô”, “không Thập Giá” trở thành gương xấu cứ lan nhanh lan nhanh đến nhiều người.

Vâng, không ai bắt ta làm nô lệ, chỉ vì ta bằng lòng để mất tự do. Không ai làm ta mất tự do, chỉ vì ta bằng lòng làm nô lệ! Nô lệ cho chính cái tôi của mình. 

Yêu mến Chúa Giêsu và Thập Giá Chúa Giêsu 

Thiết tưởng lòng yêu mến Chúa Giêsu và thập giá của Ngài, sẽ giúp tôi, giúp bạn vượt qua những cuộc bức bách ngoài ta, trong ta, sẽ giúp chúng ta vượt qua, giúp chúng ta được hồng phúc tử đạo hằng ngày, với Chúa. 

Xin chia sẻ một phần câu chuyện về  Thánh Tử Đạo Anrê Nguyễn Kim Thông (Anrê Năm Thuông) lý trưởng, thầy giảng; sanh 1790 tại Gò Thị, Bình Ðịnh; chết 15 tháng Bẩy, 1855, tại Mỹ Tho. Ngài chết rũ tù vì kiệt sức và đói khát trên đường di tán tại Mỹ-Tho

“Bị điệu ra trước tòa quan tỉnh tra vấn về các điều tố cáo. Ông Trùm khiêm tốn, bình tĩnh ung dung trả lời bằng lời lẽ đanh thép: “Trong nhà tôi không có đạo trưởng. Còn việc tậu thuyền, mãi mã, sắm ghe, tích trữ lương thực, tôi chẳng hề có, xin quan cho đi khám xét. Tôi chỉ chuyên cần lo việc nông gia. Tôi không biết Tây Dương, không đem đường chỉ nẻo cho họ. Tôi cũng chẳng hề đi đâu mà mở đường sơn thủy, vận lương, chuyển binh cho giặc”. Không tìm ra chứng cớ về các điều cáo giác trên, bọn quan lại bèn truyền cho Ông Trùm “quá khóa”, tức là bước qua Thánh Giá, thì sẽ được tha về. Ông nhất quyết không tuân.

Quan bảo: “Kín đáo đạp lên thập giá đi, rồi về xưng tội”.

Ông Trùm đáp: “Thạch tín là thuốc độc, uống vô là chết, nhưng cũng có thuốc giải. Thế nhưng có ai liều mình uống thạch tín bao giờ? Việc xúc phạm Thánh Giá cũng vậy”. (http://www.vncatholic.org/thanhtudaovn/070.htm

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa Giêsu và yêu mến Thập Giá của Ngài, để được hồng phúc tử đạo với Chúa mỗi phút giây trong cuộc đời chúng con. A men.   

Pm. Cao Huy Hoàng

VỀ MỤC LỤC
TẠI SAO GIÁO HỘI CÔNG GIÁO KHÔNG CHO NỮ GIỚI LÀM LINH MỤC?

  

Hỏi: Trong quá khứ có thời Giáo Hội phong chức cho Nữ Phó Tế. Vậy tại sao bây giờ  không cho nữ giới làm linh mục? 

 

Trả li: 

 

Sự thật Giáo Hội chưa  hề phong chức  hay  truyền chức (ordain) cho phụ  nữ làm Phó Tế (deaconess). Sở dĩ có danh xưng “nữ phó tế” là vì một số phụ nữ đã được chọn để đóng vai Phó tế do nhu cầu rửa tội cho người tân tòng trong mấy thế kỷ đầu mà thôi. 

 

Thật vậy, trong mấy thế kỷ đầu của Giáo Hội, việc rửa tội cho người tân tòng (Catechumems) được thực hiện trong đêm Vọng Phục Sinh với nghi thức dìm mình xuống nước (immersion) thay vì đổ nước trên đầu hay trên trán như  ngày nay. Trong đêm này, các người tân tòng được hướng dẫn đên giềng nước rửa tội ở phía cuối nhà thờ dưới ánh đèn lu mờ. Người tân tòng phải cởi bỏ hết quần  áo đang mặc,  rồi lội xuống giếng nước  trong khi Đức Giám Mục chủ tế Lễ vọng Phục Sinh và Nghi thức Rửa ti từ trên Cung Thánh đọc công thức rửa tội  cho họ  và họ phải  dìm mình xuống nước ba lần. Sau đó, từ giếng nước bước ra, họ sẽ được các phó tế đỡ lên khỏi giếng nước và trao cho bộ đồ trắng mc vào để nói lên sự sống mới được tái sinh qua nước rửa tội. Rồi họ được hướng dẫn đến trước mặt Giám Mục để được xức dầu thánh và trao nến tượng trưng cho Ánh Sáng Chúa Kitô.

 

Nhưng nghi thức trên có điều bất tiện về phía nữ tân tòng. Họ cũng phải cởi bỏ hết y phục và lội xung giếng nước, dĩ nhiên là trong khu vực dành riêng cho ho. Điều bất tiện là khi ra khỏi giếng nước rửa tội, nam phó tế không thể đỡ họ lên và trao bộ đồ trắng như cho các nam ứng viên được. Vì thế, một số phụ nữ đã được tuyển chọn để làm công việc của nam phó tế trong hoàn cảnh khó khăn trên của nghi thức rửa tội cho người tân tòng trong đêm Vọng Phục Sinh (Easter Vigil). Những người nữ được tuyển chọn để làm công việc trên không phải là nữ phó tế (deaconess) đúng nghĩa, vì họ không được truyền chức như các nam phó tế. Điều này đã được minh chứng qua giáo luật số 19  của Công Đồng Đại Kết  họp lần thứ nhất (First Ecumenical Council)  tại Nicea  năm 325, theo đó các người nữ trên chỉ được gọi là các giáo dân (laypersons) chứ không được gọi là nữ phó tế (deaconess), vì họ không hề được chịu chức phó tế. 

 

Tóm lại, Giáo Hội chưa hề phong chức phó tế cho phụ nữ để thi hành tác vụ của phó tế theo giáo luật. 

 

Về câu hỏi chính được nêu lên là  tại sao Giáo Hội không truyền chức linh mục cho phụ nữ, tôi xin được giải thích như sau: 

 

Từ bao lâu nay, các giáo phái ngoài Công Giáo, đăc biệt là anh  em Tin Lành, đều dùng Kinh Thánh (Sola Scriptura) làm nền tảng để chi trích Giáo Hội Công Giáo là không theo sát Kinh Thánh, nên đã sai lầm trong nhiều lãnh vực, điển hình là  gọi Đức Giáo Hoàng là Đức Thánh Cha (Holy Father) cũng như gọi các linh mục là Cha (Father). Họ cũng cãi rằng trong Kinh Thánh không có từ ngữ nào là “Công giáo” (= Catholic), cũng như không có bằng chứng nào cho phép tuyên bố Đức Mẹ trọn đời đồng trinh và lên trời cả hồn xác (assumption) như Giáo Hội Công Giáo tuyên bố bằng tín điu (dogma) buộc mọi tín hữu phải tin. Đăc biệt một số giáo phái như  Methodist, Lutheran,  Evangelist, Episcopal, Anh Giáo (Anglican Communion)  v.v... còn truyền chức cho cả  nữ  giới làm linh mục nữa! 

 

Sự kiện này cho thấy là chính họ đã không theo sát Kinh Thánh như họ thường tự hào. 

 

Vì  nếu họ đọc kỹ Kinh Thánh Tân Ước, thì họ không thể chối cãi được sự kiện hiển nhiên sau đây: Chúa Giêsu chỉ ăn Bữa sau hết với Nhóm 12 mà thôi. (Mt  26:20;   Mc 14:17). 

 

Nghĩa là với 12 Tông Đồ  là những người đàn ông mà Chúa đã chọn từ đầu để tham gia vào Sứ Vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa. Không phải Chúa không nhìn thấy trước  đòi hỏi của thời đại ngày nay về  việc cho nữ giới làm linh mục. Thực ra, chúng ta phải tin rằng Chúa  không hề sai lầm,  hay sơ sót khi chỉ qui tụ Nhóm 12 trong Bữa Ăn cuối cùng đó. Sự kiện  Mẹ Maria và một vài phự nữ vẫn đi theo hầu Chúa đã  vắng  mặt  trong bữa Ăn trên không phải là  việc ngẫu nhiên ngoài ý muốn của Chúa. Chính Người đã cố ý  không mời họ mà chỉ muốn qui tụ  riêng  Nhóm 12 trong Bữa ăn này để họ được tham dự  trước tiên vào hai việc  trọng đại Chúa làm trong bữa ăn cuối cùng này: đó là  việc Chúa thiết lập bí tích Thánh Thể, để Và  đây, ...Thầy ở  cùng anh  em mọi ngày cho đến tận thế.” ( Mt 28:20) Đồng  thời,  Người cũng lập  Chức Linh Mục Thừa tác (Ministerial priesthood)) qua đó Chúa đã  truyền chức linh mục đầu tiên cho 12 Tông Đồ hiện  diện để từ đó về sau “anh  em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” ( Lc 22: 19; 1Cor 11:25). 

 

Như thế, rõ ràng Chúa Giêsu chỉ chọn người nam (đàn ông) để truyền chức linh mục,  chứ không hề chọn phụ nữ nào kế cả Mẹ Maria, Mẹ Người, là Đấng “đầy ơn phúc”hơn mọi người nữ (Kinh Kính Mừng). 

 

.Ai dám nói là Chúa Giêsu đã coi thường Mẹ của Người  hay sơ sót không mời Đức Mẹ hay một vài phụ nữ khác vào tham dự bữa ăn lịch sử nói trên? 

 

Một chi tiết không kém quan trọng  khác nữa là việc Chúa Giêsu cũng  chỉ rửa chân cho 12 Tồng Đồ hiện diện mà  thôi (x. Ga 13:3-5). Vì thế cho đến nay, mỗi khi cử hành Phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh  ở Rôma,   các  Đức  Thánh Cha chỉ rửa chân cho 12 người  đàn ông được tuyển chọn mà thôi. Nghĩa là chưa có Giáo Hoàng nào chọn phụ nữ để rửa chân  trong dịp này bao giờ 

 

Như vậy,  ở đâu chọn thêm phụ nữ hoặc cho mọi người trong nhà thờ rửa chân cho nhau là đã tự ý “phăng” ra  ngoài truyền thống của Giáo Hội dựa trên bằng chứng Kinh Thánh Tân Ước mà Tòa Thánh Rôma luôn thi hành trung thực  từ xưa đến nay. 

 

Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo Đông Phương (Eastern Orhodox Churhes) đã căn cứ vào chính lời nói  và việc làm của Chúa Giêsu trong Bữa Ăn sau hết để từ chối việc truyền chức linh mục cho nữ giới  hầu được trung thành và trung thực với ý muốn của Đấng đã chia sẻ Chức Linh Mục đời đời của minh  đầu tiên  cho các nam Tông Đồ và những người kế vị. 

 

Cũng vì trung thành với ý muốn của Chúa Giêsu về việc chỉ truyền chức linh mục cho nam giới, nên khi chọn người thay thế Giuđa cho đủ con số 12, các Tông Đồ cũng đã rút thăm để chọn ông Mathia, chứ không chọn một phụ nữ nào cả. ( Cv 1:23-26) ) 

 

Lại nữa,  sau khi Chúa Giêsu về Trời, khi hiện ra với Saolê trên đường  đi Đamát,  Chúa  đã đích thân chọn  thêm Saolê, tức Phaolô, là Tông Đồ cho  dân ngoại và cũng là một đại Tông Đồ đã có công lớn trong việc xây dựng Giáo Hội sơ khai  cùng thời với  Nhóm 12, măc dù ngài không thuộc nhóm này từ đầu. 

 

Chính ngài cũng đã đặt tay để truyền chức cho Timôthê, một môn đệ thân tín, như ta đọc thấy trong thư  mục vụ sau đây:

              

Vì lý do đó, Tôi  nhắc anh phải khơi dậy đắc sủng của Thiên Chúa, Đặc sủng mà anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên  anh”   ( 2Tm 1: 6). 

 

Và công tác với Phaolô trong hành trình truyền giáo lúc ban đầu cũng chỉ có những người thuộc nam giới như Timôthê, Luca, Mác cô, Xốt Tê Nô, Titô, Ê-páp-rô-đi-tô, Ty-khi-cô v.v… 

 

Nhưng  chắc chắn đây không phải là việc đề cao nam giới và coi thường nữ giới trong Giáo Hội 

 

Nữ giới có vai trò riêng của họ trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa. 

 

Cụ  thể, những phụ nữ như Thánh Catarina, Têrêsa Giêsu Hài Đồng, hay Mẹ Têrêxa Calcutta đâu cần phải là linh mục mà vẫn làm được bao việc vĩ đại hơn cả biết bao linh mục hay Giám mục. 

 

Và cao trọng hơn hết là vai trò của Đức Mẹ, một người nữ duy nhất  mà Chúa Giêsu đã chọn làm Mẹ của Giáo Hôi khi  Người trao Gioan cho Mẹ  từ  trên thánh giá (Ga 19:25-27). 

 

Mẹ không cần phải chia sẻ chức Linh Mục đời đời của Chúa Giêsu, nhưng Mẹ đã “đồng công cứu chuộc” với Chúa từ khi Mẹ “xin vâng” làm Mẹ Ngôi Hai, cho đến khi đứng dưới  chân thập giá, chia sẻ những thống khổ  của Chúa và chứng kiến cái chết của Người để hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại. Và từ khi nhận lãnh sứ mệnh là Mẹ Giáo Hội cho đến nay, Mẹ đã đồng hành và  không ngừng nâng đỡ đắc lực  cho  Giáo Hội được thăng tiến vượt bực để chu toàn  sứ vụ rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng Cứu độ mà Chúa Kitô đã trao phó trước khi Chúa về Trời. 

 

Tóm lại, Giáo Hội có lý do vững chắc để không trao chức linh mục cho nữ giới, và chắc chắn đây không phải là việc coi thường phụ nữ như những người đòi hỏi đã và đang chỉ trích Giáo Hội về vấn đề này. 

 

Là tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo, chúng ta phải vâng phục và tuân thủ những gì Giáo Hội  dạy  bảo  nhân danh Chúa vì  lời Người  đã nói với các môn đệ xưa kia: Ai nghe anh  em là nghe Thầy; và ai khước từ anh  em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.”( Lc 10:16) 

 

Lm Phanxicô  Xaviê Ngô Tôn Huấn 

VỀ MỤC LỤC
CUỘC CHIẾN TRƯỜNG KỲ GIỮA HAI PHÁI NAM VÀ NỮ

 

“CHIẾN TRANH VÀ CHIẾN TRANH” 

Mỗi khi gia đình có sự bất hòa, chúng ta thường hay nhắc đến lời nói danh tiếng của một nhân vật nào đó: “Người đàn ông có hai ngày hạnh phúc nhất trong đời. Một là ngày lấy vợ. Hai là ngày vợ chết”. Lý do? Vì không ai ham muốn chiến tranh. Cuôc chiến tranh lạnh kéo dài mãi khiến người ta cảm thấy cuộc đời bất hạnh và vì thế họ ao ước có hòa bình trong cuộc sống, khi người yêu của họ đã âm thầm ra đi.

Chỉ cần nhìn vào một số gia đình Việt Nam ở trên đất Mỹ, chúng ta cũng có thể thấy những gì đang xảy ra: Chiến tranh và Chiến tranh. Chính nó đã khiến hàng trăm, ngàn người lấy làm ân hận hối tiếc vì đã dại dột lấy nhau. Đi xa hơn, hãy nhìn vào những gia đình Việt Nam trên thế giới, hoặc hãy nhìn về quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng ta trong thời buổi hiện tại, và chúng ta nhìn thấy gì ngay lúc nầy?

Hàng triệu người đau khổ do tình yêu, hàng triệu người bị quấy rầy bỡi căn bệnh ghen tương, hàng triệu người cảm thấy chán chường, bất hạnh với cuộc hôn nhân không có niềm vui, trống rỗng, cô đơn trong thanh vắng. Tình trạng nầy không phải chỉ riêng với những người Việt Nam mà với hầu hết mọi dân tộc trên toàn thế giới. Chính vì thế, nó không thể được cắt nghĩa là do sự không thích nghi của một vài cá nhân. Bất cứ một vấn đề nào liên quan đến một phần lớn dân chúng, chúng ta phải tìm một nguyên nhân sâu xa hơn hoặc do cách cấu trúc xã hội hoặc do môi trường không được may mắn, là những nguyên nhân chính thường mang lại ảnh hưởng trong những mực độ khác nhau. Vậy, cho dẫu là cá nhân người đàn ông hoặc người đàn bà hành động, nhưng họ biểu tượng cho phái họ. Những rắc rối trục trặc trong hôn nhân của ông Hưng cũng như sự xung khắc giữa cô Xuân Hương và bạn trai của cô, nếu đem so với sự trục trặc của hàng ngàn người đàn ông và đàn bà khác ta thấy có sự giống nhau, và vì thế trở nên một dấu hiệu có tính cách đặc biệt của một sự xung khắc chung giữa hai phái. Ngay cả những người phủ nhận sự hiện hữu của trận chiến giữa hai phái cũng không thể tránh khỏi một sự vương vấn. Những người khác thì ý thức về vấn đề đó nhưng lại ít nhận ra lý do thật cho cuộc chiến tranh. Phải chăng cuộc chiến đó là do sự khác biệt tâm lý và sinh học tự nhiên giữa nam và nữ không? Hay là nó được gây nên bỡi sự căng thẳng chung của đời sống xã hội hiện tại? 

Dường như có một sự hận thù tự nhiên giữa nam và nữ là nguyên cớ đã gây nên sự xung đột và chiến tranh ở bất cứ nơi nào có đàn ông và đàn bà. Si tình, ghen tương, và ngoại tình là những chuyện cổ như con người. Nhưng sự thường xảy ra và những tín hiệu cho thấy một sự khác biệt. Chúng ta có lý do để tin rằng trong quá khứ – chúng ta chỉ cần nói một hoặc hai trăm năm cách đây thôi – cả nam và nữ đều cảm thấy thỏa mãn và gần gũi với nhau hơn chúng ta cảm thấy ngay hôm nay. Ngày nay, sự không thỏa mãn về phái tính và sự không thích nghi trong cuộc sống hôn nhân thường xảy ra hơn bao giờ hết. Trên bề mặt xem như là những yếu tố nhân chủng và địa lý quyết định những khác biệt nầy. Vấn đề hôn nhân ở Âu châu khác với Á châu, Nam Mỹ không giống với Bắc Mỹ, Kitô giáo khác với Hồi giáo, Phật giáo khác với công giáo, nhưng nếu so sánh những khác biệt nầy, chúng ta thấy rằng một yếu tố quan trọng mà ở đâu chúng ta cũng đều gặp thấy trong những xung đột hôn nhân là: vị thế của người đàn bà trong những xã hội được kính trọng. Tiến xa hơn, tất cả những căng thẳng cũng như những trục trặc gia tăng đáng được cảnh báo trong vấn đề hôn nhân đều phù hợp với sự thay đổi trong tương quan xã hội của hai phái. 

VỊ THẾ XÃ HỘI CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ 

Ngày nay, ngay lúc chúng ta nhìn, vị thế xã hội của người phụ nữ đang thay đổi và chúng ta phải hiểu bản chất và chiều hướng của những thay đổi nầy để đánh giá một cách thích hợp. Rõ ràng là các bà không còn lệ thuộc vào các ông như trước nữa và các bà đang vui hưởng nhiều quyền lợi hơn trước. Nhiều ông cũng như nhiều bà tin vào sự thống trị của đàn ông đều nhìn sự độc lập của các bà như là nguyên nhân của mọi sự xáo trộn. Họ tin rằng hạnh phúc của hôn nhân sẽ trở lại, hòa bình giữa hai phái sẽ được khôi phục nếu các bà được phục hồi trở lại vị thế lệ thuộc của họ ngày xưa, không có sự tự do về xã hội, phái tính, nghề nghiệp mà ngày nay họ đang hưởng. Những người chủ trương dựa vào sự khác biệt hiển nhiên giữa hai phái, nhìn sự bình đẳng đang lớn dần trong hiện tại như một tai họa và không tự nhiên. Họ viện dẫn những khiếm khuyết về thể lý của các bà như: vóc dạng, bắp thịt, và bộ não nhỏ bé như một bằng chứng đủ cho thấy các bà như là những thuộc thể. Nhà chủng học Đức Waldeyer nói rằng: “Một sự so sánh về kích thước cho thấy đàn bà có bộ óc nhỏ hơn, yếu sức hơn, có nhiều nét trẻ con hơn trong đời sống thường ngày.” Vì thế, họ đi đến kết luận: tất cả những cố gắng thiết lập bình đẳng giữa hai phái và mở cho các bà tất cả những con đường hoạt động được nhiều ông ủng hộ là một sự sai lầm và sẽ thất bại. 

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy quan niệm mặc cảm về sự thua kém của phái nữ thì không đúng. Những người chủ trương theo quan điểm trên đây không biết rằng các bà không luôn luôn là giới phụ thuộc mà nhiều người đã trở thành những rường cột chính của gia đình. 

BỐN QUYỀN LỢI CỦA PHÁI THỐNG TRỊ

Mặc cảm tự tôn của phái nầy trên phái kia có thể được phân biệt bỡi những đặc quyền. Nhờ những đặc quyền nầy, vị thế thống trị của một người được thiết lập trong cộng đồng bao gồm những quyền lợi chính trị, xã hội, kinh tế, và phái tính. Cho đến cách đây khoảng 100 năm, quyền lợi chính trị tuyệt đối nằm trong tay các ông. Đàn bà được nắm quyền lúc bấy giờ là một luật trừ và những luật trừ nầy chỉ xảy ra trong một số trường hợp đặc biệt mà thôi. Các bà không được nhận vào trong những văn phòng chính trị và hành chánh. 

Những quyền lợi xã hội phù hợp với quyền tối thượng chính trị. Các bà không có bất cứ quyền xã hội nào. Họ chỉ hưởng được quyền nầy từ vị thế của người chồng, người cha, hoặc người anh. Tình trạng xã hội của các bà thay đổi với tình trạng xã hội của các ông mà họ lệ thuộc vào. Các bà tự mình không thể có địa vị trong xã hội, nhưng nhờ hôn nhân các bà có thể vươn mình lên nhờ vào vị thế của các ông. 

Tình trạng kinh tế của các bà gắn liền với sự lệ thuộc vai trò xã hội của các bà. Không có sức mạnh kinh tế nào dành cho các bà. Các bà chỉ có thể làm việc cho các ông hoặc trong gia đình hoặc như người giúp việc trong nhà người khác. Các bà không thể thừa hưởng tài sản. Tiền kiếm được thuộc về gia chủ. Chỉ có chủ nhà mới có quyền giữ tài sản, làm giao kèo, kiện tụng, hay bị kiện. 

ƯU THẾ CỦA PHÁI NAM ĐANG MẤT DẦN 

Một sự thay đổi tận căn rễ suốt hàng trăm năm gần đây là ưu thế của phái nam đang dần dần biến mất. Vị thế của các bà tuy chậm nhưng đang từ từ tiến lên. Những quyền chính trị của phụ nữ đã bắt kịp với những quyền nam giới. Các bà có mọi quyền xã hôi và kinh tế. Họ vui hưởng tình trạng xã hội và làm mọi nghề nghiệp. Nhiều đàn ông ngày nay trở nên lệ thuộc vào vợ về kinh tế và xã hội. Khoảng giữa thế kỷ 20 bắt đầu phát triển quyền phụ nữ như một phần của sự chuyển hình về kinh tế và xã hội trong cấu trúc của xã hội chúng ta. Giống như kỷ nguyên của tư sản ảnh hưởng vị thế của các bà và kết thúc tình trạng mẫu hệ, một lần nữa sự thay đổi kinh tế ảnh hưởng tình trạng của các bà. Trong ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản, mỗi cá nhân có thể có đầy đủ quyền công dân cũng như những đặc quyền như quyền sở hữu một số tiền cần thiết. Cấu trúc xã hội mới đánh giá cá nhân trong từ ngữ Mỹ kim. Điều nầy dẫn tới sự kết thúc chế độ phong kiến và đưa đến sự thiết lập nhân quyền. 

Chủ nghĩa tự do cho mỗi cá nhân cơ hội công bằng để đạt được vị thế xã hội. Ý tưởng về “con người được sinh ra thì bình quyền” dẫn tới sự giải thoát và giải phóng khỏi những nhóm bị đàn áp trước đây. Công nhân, dân da màu, trẻ con, đàn bà bắt đầu được xem như là con người với tất cả những quyền lợi căn bản. Sau đó, đặc quyền dành cho người đàn ông bớt dần. Ở Âu châu, thế chiến thứ nhất đẩy mạnh sự phát triển nầy. Thay thế các ông, các bà đi vào làm những nghề nghiệp mà trước đây họ không được làm và dần dần họ có được nhận thức mới về xã hội. Với sự độc lập về kinh tế, họ bắt đầu phát triển cách vội vã. Tình trạng mới nầy đã khiến cho họ có tự do hơn trong cuộc sống xã hội cũng như trong những liên hệ phái tính với người khác phái. 

YÊU LÀ CHIẾN ĐẤU 

Vào thời mà người đàn bà bị khuất phục và coi thường, sự tranh chấp giữa hai phái có thể dễ hiểu trong từ ngữ một cuộc cách mạng của người bị áp bức chống lại bạo chúa của họ. Danh từ chiến tranh được dùng trong bất cứ ngôn ngữ nào để diễn tả sự liên hệ tình yêu. Nó phản chiếu chiến tranh muôn thuở. Một người xem ra đẹp và hấp dẫn là nguy hiểm. Sự tán tỉnh đầu tiên được gọi là chiến thuật. Người đàn bà là một pháo đài bị bao vây và cuối cùng bị chinh phục bỡi người đàn ông trong khi bà phải cố gắng kháng cự. Dưới sự tấn công, bà có thể suy yếu, và chấp nhận địch thủ của bà cách hoàn toàn được gọi là ngã gục. Nếu những từ ngữ nầy được dùng trong trào phúng, chúng cho thấy tinh thần chiến tranh thống trị trò chơi tình yêu. Sự chiến đấu để chiếm hữu một người khác phái mang đặc tính sự hiệp nhất giữa người mạnh hơn và người yếu hơn là kẻ bị chinh phục. 

Người ta tưởng rằng khi sự đàn áp của phái nầy đối với phái khác ngừng, sự căng thẳng giữa họ sẽ giảm một cách cân xứng. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, và sự ngược lại thì đúng hơn. Vào lúc mà các bà phải vâng lời, họ không có sự chọn lựa và vì thế họ chấp nhận tình trạng của họ như một vấn đề đương nhiên. Chẳng hạn, trong những thế kỷ trước, không phải không thông thường xảy ra trong vài thôn làng nhỏ ở Đức là: một người chồng bị thống trị có thể nhận một chỉ thị từ những người láng giềng rằng: nếu ông không muốn hay không thể khuất phục được bà vợ, ông phải rời khỏi làng cùng với gia đình. Nếu bà thống trị chồng bà, thế đứng của những người đàn ông khác sẽ xem là rất nguy hiểm bỡi mẫu gương bà. Người đàn ông luôn được xem là người thống trị trong gia đình. Đó là quyền lời và bổn phận của người đàn ông.  

Trong thời buổi hiện tại, quan niệm người đàn ông phải thống trị và đàn bà phải vâng lời thì đang trở nên lỗi thời. Trong tình trạng mới, các bà nổi lên chống sự áp bức. Các bà đòi hỏi quyền lợi và sẵn sàng chiến đấu cho những quyền đó. Kết quả, sự liên hệ giữa hai phái đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Cuộc chiến giữa hai phái đã đến chỗ bạo động và đe dọa cắt đứt mọi cộng tác và cảm thông giữa họ với nhau. 

(còn tiếp) 

Lm. Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý
 

VỀ MỤC LỤC
NHỮNG GIỌT NƯỚC

 

Đêm qua trời mưa. Cơn mưa trái mùa khiến tôi trăn trở, thao thức. Tôi ngồi dậy, kéo màn cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Mưa không lớn, nhưng đủ cho tôi thấy qua ánh đèn đường, những sợi tơ trời lóng lánh. Mưa ân cần thấm ướt mềm mặt đất, mưa dịu dàng tưới gội cỏ cây. Mưa âm thầm, khe khẽ như không muốn làm xáo động giấc ngủ của con người, và chỉ những ai ngóng chờ mưa, mong đợi mưa, ước ao mưa mới biết là mưa đã đến. Mưa đến, nhẹ nhàng, kín đáo như bước chân êm của người tình muôn đời chung thuỷ.

Những giọt nước mưa âm thầm rơi xuống khiến tôi liên tưởng đến những giọt nước của đất trời và những giọt nước của con người.

Những giọt nước mưa! Đó quả là những giọt nước cần thiết. Trái đất này sẽ ra sao nếu không có mưa! Mọi sự đều khô cằn, héo úa. Đất sẽ nứt nẻ, cây sẽ tàn lụi, chim muông cầm thú và cả con người sẽ mất dần sinh lực. Tôi hình dung đến những cuộc lễ cầu đảo của con người thuở bán khai. Tôi hình dung đến niềm vui điên cuồng của những người dân quê khi cơn mưa đổ xuống sau cơn hạn hán. Tôi hình dung đến những cánh đồng lênh láng nước, đến những tàu lá cau hứng nước mưa chảy vào chum, vại, đến những ngụm nước mưa ngọt ngào, trong lành, mát mẻ người ta uống trong những buổi trưa hè . Và tôi hình dung ra tôi thời niên thiếu, cùng chúng bạn tắm mưa ngoài trời một cách hồn nhiên, thỏa thích.

Nước mưa khiến tôi nghĩ đến những nguồn nước khác: nước giếng, nước sông, nước biển, nước suối, nước thác...

Nước giếng thẳm sâu như người có cuộc sống nội tâm ẩn chìm mà phong phú. Người ta không thể biết được dưới lòng giếng sâu hun hút có chứa đựng bao nhiêu lượng nước. Lòng giếng sâu mà miệng giếng hẹp. Giếng không ồn ào khoe mẽ, giếng không phô trương thanh thế. Nhưng những khi các nguồn nước đều khô cạn, người ta tìm đến giếng, và giếng sẵn sàng cung cấp cho con người bao nhiêu nước mà con người muốn. Tôi nghĩ cách sống hữu ích cho người có đời sống nội tâm là cũng biết âm thầm nhưng đại lượng như giếng.

Nước sông cuốn phù sa vào bờ, bồi đắp cho đất đai con người thêm màu mỡ, đem cá tôm làm thực phẩm nuôi sống con người. Con người không đòi hỏi, và cũng không có quyền đòi hỏi dòng sông cung hiến cho mình phẩm vật nào, phù sa cũng như tôm cá, người ta chỉ ước ao mong muốn; và dòng sông đã ân cần làm thỏa mãn con người những điều ước ao, mong muốn ấy. Dòng sông có khả năng dẫn dắt, đưa con người từ nơi này tới nơi khác.

Khi dòng sông di chuyển, dòng sông không ngại giúp người khác cũng di chuyển với mình, dòng sông không ghen tương, không ích kí, sẵn sàng chia sẻ và nâng đỡ. Dòng sông như người khôn ngoan và nhân ái, dạy cho tôi sống yêu thương và dạy nhiều bài học khác về cuộc đời.

Nước biển bao trùm ba phần tư diện tích trái đất, chứa đựng trong nó bao nhiêu điều bí mật của đại dương. Hiền hòa và đại lượng nhất cũng là biển; cuồng nộ dữ dội nhất cũng là biển. Biển luôn luôn mang một vẻ quyến rũ khiến người ta say mê. Bao nhiêu người yêu thích cuộc sống hải hồ cũng vì vẻ quyến rũ của biển. Cũng như sông, và có thể còn hơn sông, biển có nhiều tặng vật dành cho con người. Những quà tặng vật chất và những quà tặng tinh thần. Có lẽ không một người nào sống trên trái đất này lại chưa từng hưởng dùng những quà tặng vật chất của biển. Nhưng những quà tặng tinh thần, biển chỉ dành tặng cho riêng ai biết nghĩ đến biển, tìm hiểu về biển, học hỏi với biển, soi lòng mình trong lòng biển. Và trên hết, lòng biển mở rộng như lòng người Mẹ Việt Nam với tình mẫu tử mênh mang không bờ bến.

Nước còn là những dòng suối trong vắt, thanh thản chảy trong rừng sâu, bình an và tươi mát. Chính sự bình an, trong trẻo, tươi mát đó khiến cho người ta có thể nhìn được khuôn mặt mình dưới dòng suối. Người nào có được sự bình an, trong trẻo, tươi mát của dòng suối, ngứời đó có khả năng làm cho người khác nhận chân được họ khi họ đối diện và đối thoại với mình. Người có được sự bình an, trong trẻo, tươi mát của dòng suối sẽ giữ được những hình ảnh đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Bạn tôi nói rằng "nào ai giữ được ánh trăng trong mái tóc của mình, '' nhưng suối, suối giữ được ánh trăng trong lòng nó.

Nước còn là những ngọn thác mạnh mẽ và hùng vĩ. Thác nước là một phản ảnh rõ nét về sức mạnh của thiên nhiên. Thác nước không những chi phô trương sức mạnh, thác nước biết dùng sức mạnh của mình cung ứng cho con người năng lượng. Người mạnh mẽ mà không biết dùng sức mạnh của mình vào việc hữu ích thì người đó chưa thể có được vẻ đẹp của một thác nước.

Nước cũng còn khiến tôi nghĩ đến bao nhiêu con kênh, bao nhiêu ao, hồ, chuôm, rạch; tôi nghĩ đến những mạch nước ngầm âm thầm trong lòng đất, làm tươi mát cỏ cây, làm xanh tươi trù phú cả những bình nguyên rộng lớn mà không cần được ai biết đến. Những mạch nước ngầm, đẹp âm thầm và hữu ích, nhưng có mấy ai trong cuộc đời thích sống như những mạch nước ngầm.

Những giọt nước mưa khiến tôi liên tướng đến những giọt nước mắt. Trời mưa tức là trời khóc! Có thể là khóc vì vui mừng, khóc vì thương xót, khóc vì buồn tủi, khóc vì đau khổ... Trí tưởng tượng khiến tôi mỗi lúc nhìn mưa rơi, thường tự hỏi Trời đang nghĩ gì về tôi, đang buồn hay đang vui vì tôi mà khóc?

Riêng những giọt nước mắt của con người, tôi cho đó là ngôn ngữ âm thầm nhất mà cũng mãnh liệt nhất, hiển hiện nhất mà cũng sâu kín nhất, con người dùng để bày tỏ tình cảm của mình. Phạm Duy khi viết tâm ca ''Giọt Mưa Trên Lá '' đã nhắc đến ''nước mắt mẹ già lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá '', ''nước mắt mặn mà thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về.'' Phạm Duy còn nhắc tới nhiều giọt nước mắt khác, những giọt nước mắt biểu lổ niềm vui và nỗi buồn, khổ đau và hạnh phúc của kiếp người. Riêng tôi, nhiều khi tôi cũng khóc. Mỗi khi tôi xúc động vì tình cảm người nào đó dành cho tôi, tôi khóc. Mỗi khi tôi cảm thấy thương một người nhiều quá, không biết diễn tả thế nào bằng lời cho đủ, tôi khóc. Dự đám tang, tôi cũng dễ khóc, khóc vì nhớ người đã khuất với những kỉ niệm người đó đã ghi lại trong trái tim tôi, khóc vì thương những người còn sống. Tôi cho rằng giọt nước mắt là những hạt ngọc quí giá, khi mình thương ai thì lấy ra tặng cho họ. Chính vì thế, cũng đã nhiều lần tôi khóc với Chúa Kltô, người mà tôi thương, thương lắm.

Nhưng thực ra không phải bao giờ nước mắt cũng là những hạt ngọc. Đó là khi nước mắt đổ ra vì nỗi tủi hờn của một kiếp người cực nhục, bị đè nén, khinh khi, bóc lột. Đó là khi nước mắt đổ ra vì những thất bại ê chề, đắng cay, chua xót. Đó là lúc nước mắt đổ ra vì quá đau đớn về thể xác, tinh thần hay tình cảm. Những lúc đó, nước mắt quả thực là những giọt lệ mặn chát vị khổ đau. Thật đáng trách cho những aì làm cho đồng loại phải đổ những giọt nước mắt đắng cay như thế.

Những giọt nước còn khiến tôi nghĩ đến những giọt mồ hôi cần lao con người đã đổ ra để kiến tạo và làm thăng tiến bộ mặt trái đất. Những giọt mồ hôi đổ xuống luống cày: Những giọt mồ hôi rịn ra trên thân thể người công nhân trong xưởng máy. Những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán người cha lao nhọc, đổi sức lao động nuôi vợ nuôi con. Những giọt mồ hôi đọng trên má người mẹ tảo tần khuya sớm... Những giọt mồ hôi tạo nên của cải vật chất hạnh phúc tinh thần.

Những giọt nước...

Tôi nghĩ đến những giọt máu Chúa Ki tô đã đổ ra để cứu tôi khỏi chết đời đời. Tôi nghĩ đến dòng nước tuôn đổ ra từ vết thương nới cạnh sườn Ngài như một dòng suối Tình Yêu. Dòng suối ấy chảy mãi không ngừng, từ thế hệ này sang thế hệ khác, để cho Tình Yêu Cứu Chuộc tràn trề khắp mặt đất, đem lại nguồn ơn cứu thoát cho những thê hệ con người nối tiếp nhau.

Những giọt nước...

Tôi nghĩ đến dòng nước Rửa Tội vị Linh mục đổ trên đấu em bé sơ sinh và những người tái sinh trong nguồn ơn Cứu chuộc. Mỗi khi chứng kiến hình ảnh cảm động ấy, tôi thường có ý nghĩ nước đó chính là Thiên Chúa. Ngài lấy chính Ngài để xóa sạch tội lỗi con người.

Những giọt nước quả là đẹp đẽ và hữu ích. Tôi biết nói gì để cảm tạ Thiên Chúa đã ban những giọt nước cho con người.

Mưa vẫn lặng lẽ rơi, và tôi chìm trong suy tư về những giọt nước.

Nhà Văn Quyên Di

VỀ MỤC LỤC
HỘI CHỨNG “ NGỒI LÊ ĐÔI MÁCH”

 

“Kinds words can be short and easy to speak, but their echoes are truly endless”-

Mother Teresa

 

Sách Thần Y Hoang Đường Cổ Bản có ghi vắn tắt về Hội chứng như sau:” Đây là chứng bệnh của người ướt miệng, mỏng môi, lưỡi không xương. Khi hớt lẻo thì mắt la mày lét, ngó trước ngó sau với nhiều tà ý; xì xào to nhỏ vào tai người nghe. Khi dối trá tới cao độ thì tim đập nhanh, hơi thở rộn ràng, cặp mắt láo liên gian dối. Dối riết thành kinh niên, bất trị. Trưởng Lão Danh Y đề nghị phương thuốc “Á Khẩu Liệt Dương Hoàn” hoặc “Mặc y dối mãi thành điên cho rồi”.

 

Con người đang sống vào thời đại với kỹ thuật truyền thông nhanh và mạnh nhưng sự giao tế giữa người với người có vẻ ít phần tình cảm. Bi kịch xã hội dường như khuyến khích những lời nói làm tổn thương người khác. Trên diễn đàn công luận, những mẩu chuyện tào lao không có xuất xứ được nhiều người để ý. Đến nỗi một cựu Giám Đốc Báo chí Bạch Cung phải lên tiếng rằng “ Không ai tin lời nói của phát ngôn viên chính thức nhưng mọi người đều tin nguồn tin đưa ra từ kẻ không tên”.

 

Có ý kiến cho rằng gossip không những đã trở thành một sinh hoạt của con người mà lại còn là một món hàng có giá. Truyền thanh, báo chí, truyền hình và ngay cả trên internet đã có biết bao nhiêu gossip đủ loại, thực giả về mọi người, từ những danh nhân tới người không tên tuổi. Và ai cùng tò mò muốn nghe, muốn đọc. Rồi tự do “mao tôn cương”. Với các cụ ta thì “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Ngày nay thì trước khi bàn chuyện doanh thương, quốc gia đại sự, thiên hạ có mươi phút mách lẻo chuyện người.

 

Giám Đốc Irvin Kassof của tổ chức Words Can Heal cho hay Mách Lẻo làm tổn thương cả triệu người Mỹ mỗi tuần lễ. Tổ chức này hiện đang quảng bá một chiến dịch để giảm lạm dụng ngôn từ, cải thiện dân chủ, tạo sự tương kính giữa người với người và mang lại uy tín cho đất nước.

 

Theo kết quả thăm dò ý kiến của Luntz/Lazlo cho tổ chức Words Can Heal ngày 17-21 tháng 8 năm 2001 thì: 117 triệu người Mỹ nghe hoặc chia sẻ gossip về người khác ít nhất một hoặc hai lần trong tuần; 51 triệu nhận là nói điều không hay sau lưng người khác một-hai /tuần; 63 triệu người cho hay người khác nói xấu về mình một-hai lần /tuần; 68% nói gossip là một vấn nạn tại trường học; 79% tại nơi làm việc; 80% trong chính trường; 84% trong tin tức truyền thông.

 

Đọc lại Luân Lý Giáo Khoa Thư của Việt Nam xuất bản trên nửa thế kỷ trước, thấy câu chuyện đáng suy gẫm sau đây:

 

“Anh Nhị nghỉ học một ngày. Hôm sau đến trường nói dối thầy rằng: “Hôm qua con sốt, không đi học được”. Nghiêm ngồi ở cuối lớp, muốn làm cho Nhị phải phạt, đứng dậy mách rằng:” Thưa thầy, anh Nhị nói dối đấy ạ, hôm qua con trông thấy anh ấy đi câu với một người nữa ở ngoài bờ sông.” Thầy giáo ngoảnh lại mắng Nghiêm rằng:

 

“ Tao có hỏi mày đâu, mà mày nói? Thằng Nhị nói dối, có tội đã đành, nhưng mày mách lẻo như thế thì mày là đứa vô hạnh”.

 

Cả lớp nhìn Nghiêm ra dáng khinh bỉ lắm. Nghiêm thẹn đỏ mặt, cúi gầm đầu xuống”.

 

Tác giả kết luận: “Đứa trẻ hay mách lẻo làm cho anh em bạn phải phạt là đứa trẻ bụng dạ hèn mạt, làm điều đáng khinh bỉ. Ta không nên mách lẻo”.

 

Đó là bài học đời xưa, bên ta.

 

Mới đây, bên Mỹ, đọc trong tạp chí The Opral Magazine, thấy người nghệ sĩ tài danh Opral Winfrey có tâm sự rằng:

 

“ Bản thân tôi đã biết những lời nói tiêu cực đó có hại như thế nào. Ngay từ khi mới vào nghề, các báo lá cải đã bắt đầu tung ra vô số điều không thực về tôi. Tôi choáng váng và cảm thấy bị ngộ nhận quá nhiều. Và tôi đã hoang phí nhiều sức lực để lo nghĩ rằng không hiểu mọi người có tin ở những điều mách lẻo đó không.

 

Tại sao họ lại có thể in những lời lẽ vu vơ như vậy nhỉ? Tôi phải tự chiến đấu lắm mới không kêu từng người để phân trần và bào chữa. Đó là trước khi tôi ý thức được điều mà bây giờ tôi hiểu. Khi kẻ nào đó tung tin thất thiệt về bạn, xin hãy quên nó đi, đừng sa vào cạm bẫy. Dù dưới hình thức một tin đồn lan truyền mọi nơi hoặc một bàn tán phàn nàn của bạn bè, lời thêu dệt đều phản ảnh sự bất an của người khởi sự loan tin. Khi nói xấu sau lưng một người nào đó là họ muốn tỏ rằng họ mạnh nhưng thực ra thì họ yếu kém, không giá trị, không có can đảm nói sự thực.

 

 Mách lẻo cũng nói lên cho bản thân đương sự và cho người khác biết họ là người không đáng tin cậy. Gossip có nghĩa là đã không có can đảm nói thẳng với người mà họ muốn thảo luận mà quay ra mách lẻo để hạ giá trị người ta, điều mà Jules Feiffer gọi là đã phạm một tội sát nhân nhẹ.

 

Nói rõ ra, mách lẻo là một vụ giết người do một kẻ hèn nhát thực hiện. Chúng ta sống trong một nếp sống đầy những điều thêu dệt. Hôm nay anh ta mặc quần áo mầu gì; cô đó hẹn hò với kép nào; ai mới đây được nhắc nhở vì quá lăng nhăng tình ái.

 

Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu ta tạo ra một gia đình, một quan hệ bạn bè, một đời sống không mách lẻo chen vào?! Chúng ta sẽ rất ngạc thấy rằng ta sẽ có biết bao nhiêu thì giờ để làm nhiều việc ích lợi, quan trọng khác thay vì làm hại người ta. Sẽ có tràn đầy gia đình ta với những chân tình mà bạn bè muốn tới và ở lại với ta mấy ngày. Và ta cũng nhớ rằng nếu lời nói có thể hủy hoại thì cũng có sức mạnh hàn gắn”.

 

Và Opral đã làm theo lời khuyên của người bạn Maya Angelou: “Tôi tin là những lời nói xấu đều có một sức mạnh và nếu bạn để chúng xâm nhập vào gia đình bạn, trong tâm trí bạn, trong đời sống bạn, chúng sẽ thao túng bạn. Những lời nói tiêu cực đó sẽ ngấm vào đồ đạc bàn ghế nhà bạn rồi vào da thịt bạn. Chúng là những liều thuốc độc”

 

Vậy mách lẻo là gì mà ác hại thế nhỉ?!

 

Theo tự điển Việt Nam, Mách là nói cho người khác biết điều gì; Lẻo có nghĩa nhanh mồm miệng nhưng không thật. Mách lẻo là nói hoặc bàn tán chuyện riêng tư của người khác với người này người nọ, gây nghi kị mất đoàn kết-

 

Ý kiến chung cho mách lẻo là nói bất cứ điều tiêu cực, đúng hoặc sai của một người cho người khác nghe. Nhiều người nghĩ khi nói tốt về người nào đó thì cũng tốt đi.. Nói như vậy thì hợp pháp và không sao nhưng vẫn là ngồi lê mách lẻo và không đúng quy tắc xử thế.

 

Theo Lisa Kirk, người mách lẻo chuyên môn đưa chuyện người khác; kẻ vô duyên chỉ nói về mình; người lịch duyệt thì nói nhiều về bạn.

 

Jack Canfield, tác giả loạt sách The Chicken Soup for the Soul góp ý:“ Bằng cách nghĩ và nói tốt về người khác, mỗi chúng ta sẽ là vật xúc tác cho các cảm nghĩ tốt về mình, tăng niềm vui cho người và khích lệ sự hài hòa xã hội. Nhưng buồn thay, những lời tiêu cực về người khác, trước mặt hoặc sau lưng đều đưa tới sự băng hoại, sự mất vui, làm đau lòng mọi người. Dù lời hớt lẻo có là sự thực chăng nữa thì khi đi rêu rao, ta đã hạ phẩm giá của ta, của người và của tập thể”.

 

Cách ngôn Tây Ban Nha có câu “ Ai mách lẻo với bạn thì họ cũng mách lẻo về bạn”

 

Trong Thánh kinh ta học được: “Nói sai sự thực có chủ ý làm hại thanh danh của người khác là kẻ mách lẻo- Thượng Đế rất buồn lòng đối với kẻ nói xấu sau lưng người khác”.- Psalms 101:5.

 

Và “Biết điều riêng tư dù đúng hay sai của một người mà vội vàng kể cho người khác nghe là kẻ ngồi lê đôi mách”-Proverbs 11:13.

 

Ngũ Giới là cơ bản đạo đức của người Phật tử với điều Bốn: Không Nói Dối, nói trái với sự thật để hại người, mưu cầu lợi cho mình. Người nói như thế là mất cả lòng nhân, không xứng đáng là một Phật tử.

 

Sao lại Ngồi Lê

 

Ấy vậy mà tại sao người ta hay lăng ba vi bộ đưa chuyện nhỉ?.

 

Các nhà tâm lý, xã hội học và biết bao nhiêu sách báo đã tìm hiểu về chứng tật này, để coi tại sao hay lan truyền, tại sao có người thích nghe. Có người nói nó như là một thứ dầu bôi trơn các thành phần trong xã hội khi mọi người giao tế với nhau; hoặc vì thế nhân đều bận bịu không có thì giờ gặp nhau thì cũng tò mò muốn biết xem người kia ra sao, có gì mới lạ không.

 

Nói chung mục đích kẻ mách lẻo thường là:

Để chứng tỏ mình là người giao thiệp rộng, thành thạo mọi sự việc;

Để nâng cao vai trò của mình, hoặc lôi cuốn chú ý về mình;

Để mua ảnh hưởng tạo cảm tình gắn bó với người khác;

Để tỏ tài dí dỏm của mình về chuyện tào lao của người khác;

Để che đậy sự thiếu khả năng nói chuyện của mình;

Để biểu lộ sự tức giận và trả thù đối với một người;

Để gieo rắc nghi kỵ giữa mọi người, hy vọng mang phần lợi cho minh

Để lòe lại khi bị thất thế, uy hiếp;

Để giấu giếm sự mình ghét người đó; vì họ điên khùng -Proverbs 10:18; vì họ không có việc gì để làm-Timothy 5:13

 

Như một bệnh kinh niên, mách lẻo cũng đưa tới nhiều hậu quả xấu, cho nạn nhân. Và cho kẻ đưa tin.

 

Trong mách lẻo có sự bội ước, loan truyền ý tưởng có hại tới danh dự của người khác có thể đưa tới tan vỡ hạnh phúc gia đình, sự nghiệp, việc học của nạn nhân. Khi ta ngồi lê đôi mách là ta đã lấy đi cái quyền đáng lẽ được nói sự thực của người đó

 

“Con người thường rất thích nghe chuyện thêu dệt, với cái vị ngọt và hậu quả cay đắng của nó. Những lời gossip giống như miếng trái cây ngon ngọt, nó đi lần vào nội tâm xâu nhất của con người”- Proverbs 18.8.

 

Có người tự hỏi nếu đời không có gossip thì tẻ nhạt biết mấy, sẽ nói gì với nhau bây giờ. Có người coi chúng như một thứ giải trí, đưa đà câu chuyện làm ăn. Nhưng nhiều khi cũng gây khó khăn giao tế, vì nghe một người nói xấu về người khác thì mình lại tự hỏi bao giờ đến lượt mình bị thêu dệt đây?!. Thế là giao tế trở thành dè dặt hơn.

 

Câu chuyện một bà nọ truyền lan bịa đặt về một người đàn ông. Khi biết rằng mình đã làm hại thanh danh người đó, nữ nhân xin lỗi và hứa làm bất cứ điều gì để bù đắp. Ông ta đưa cho bà một túi lông gà, bảo ra góc phố tung lông trong gió. Làm xong, nữ nhân hỏi như vậy đã đủ để tạ tội chưa. Sẽ đủ nếu bà lượm lại được hết lông. Chúng bay tứ tán khắp nơi, làm sao lượm lại được. Thưa rằng: những lời bịa đặt của bà đã gây ra những thiệt hại không lấy lại được cho tôi. Chẳng khác gì những cái lông gà đã tung đi trong gió không sao nhặt lại được.

 

Muốn hóng chuyện người, hãy sẵn sàng khi ai đó mở đầu:

 

-Này bà có biết chuyện gì xẩy ra cho con Xuân không?!

-Mày có muốn nghe tin cuối cùng về vợ chồng con Bích không?

-Tao muốn hỏi ý kiến mày về vụ ông xếp lăng nhăng vơi cô Tình..

-Này, tớ chỉ nói cho cậu nghe thôi đấy nhé..

 

Mà không muốn nghe hoặc là nạn nhân thì cũng dễ thôi. Bản tính nhiều người là thích đưa chuyện. Nhưng nên nhớ rằng mọi sự việc đều có mặt trái mặt phải; rằng dù chỉ là một chi tiết nhỏ cũng đủ làm hại người khác; rằng mách lẻo thường bắt nguồn ở sự không cởi mở. Ai trong chúng ta chẳng có một số lỗi lầm lớn nhỏ nào đó. Nói cho nhau hay để thông cảm, rằng ta cũng chỉ là con người thì có thể giảm những soi mói, bâng quơ bóng gió về mình. Có người cho là cứ Gossip với God là thượng sách.

 

“Nếu thấy ai định nói lén về một người khác thì chẳng nên nghe” -Timothy 5:19

 

Tác giả”Words That Hurt, Words That Heal” Rabbi Joseph Teluskin : “Gossip là một hình thức khủng bố bằng lời nói. Mà “ Hủy hoại thanh danh của ai là phạm một tội sát nhân”.

 

Cách hữu hiệu nhất để chứng tỏ điều đó là dối trá là đối diện với sự việc bằng việc làm của mình; chạy trốn có thể bị hiểu nhầm là điều đó có thực”.

 

Theo Mark Twain : “Cần hai người để làm tổn thương trái tim của ta: người lén lút nói xấu ta và người thuật lại hành động đó với ta”.

 

Nếu có người hỏi có biết X nói gì về mình không, thì hãy can đảm trả lời: không biết và cũng không muốn nghe kể lại. Làm được như vậy thì không những đời ta thanh thản hơn mà cũng cho kẻ đó hay ta không muốn nghe chuyện thị phi tào lao.

 

Cho đỡ bực mình.

Và chờ Thượng Đế phán xét.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC M.D. Texas -Hoa Kỳ

 
VỀ MỤC LỤC

DẾ CON  Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Trong những năm gần đây, tại Việt Nam bỗng dưng bùng nổ “hiện tượng điện thoại di động”. Người ta gọi chiếc “têlêphôn” nho nhỏ xinh xinh này bằng một danh từ thật dễ thương, đó là…con dế. Từ đứa trẻ nít, đến dân choai choai và ngay cả những nông dân cũng đều muốn trang bị cho mình một…con dế. Và đã xảy ra những chuyện cười rơi nước mắt chung quanh con dế này.

Theo Bách khoa tự điển Universalis 2004, thì vào ngày 14 tháng 2 năm 1876, một người Mỹ gốc Ăng Lê, tên là Alexander Graham Bell đã đệ trình sáng kiến của mình về một hệ thống truyền đạt tiếng nói. Thế nhưng, chỉ vài giờ sau, một người đồng hương với ông, tên là Elisha Gray cũng đã giãi bày một đề tài như thế. Thời bấy giờ, với sự thành công điện tín, người ta tìm cách chuyển đi cùng một lúc nhiều thư từ, nhiều thông tin trên cùng một  đường dẫn.

Ngày 10 tháng 3 năm ấy, ông Bell đã thành công trong việc dùng dòng diện truyền đi trọn vẹn một câu nói và Thomas Watson, người tham dự thí nghiệm đang ở phòng bên cạnh, đã nghe được rõ ràng.

Nhưng rồi ông Bell và ông Gray đã tranh chấp với nhau về phương diện pháp  lý. Cả hai lôi nhau ra ba tòa quan lớn để được xét xem ai là người sáng chế đích thực. Một người thì tìm cách truyền đi tiếng nói ? Một người thì khai triển những yếu tố kỹ thuật mà sau này sẽ được áp dụng vào điện thoại ? Cuối cùng tòa án đã dành phần thắng cho ông Bell.

Thuở ban đầu, điện thoại được sử dụng như một hệ thống loan báo thông tin theo kiểu truyền thanh, truớc khi trở thành một dụng cụ để mọi người trò chuyện với nhau.

Vào năm 1982, Hội nghị Âu châu về viễn thông đã thành lập một nhóm qui tụ những nhà chuyên môn để nghiên cứu về một hệ thống di động chung cho mọi nước, hầu đáp ứng nhu cầu khẩn thiết mỗi ngày một gia tăng. Cuối cùng, vào tháng giêng năm 1992, hệ thống điện thoại di động đầu tiên được lắp đạt tại Phần Lan. Và từ đó cho đến nay, dế con không ngừng phát triển trên toàn thế giới.

Ngày xưa còn bé, gã cùng bọn nhóc tì trong xóm cũng đã chơi trò…têlêphôn với nhau. Bọn gã lấy hai chiếc lon sữa bò, đục bỏ phần nắp cũng như phần đáy, sau đó lấy da ếch hay bong bóng lợn, gã nhớ không rõ, bọc một đầu mỗi chiếc lon, rồi nối hai đầu này lại bằng một sợi chỉ dài tới mười mấy hai chục mét. Và thế là hoàn thành chiếc điện thoại. Hai đứa đứng cách xa nhau, chõ miệng vào chiếc lon sữa bò và gân cổ lên mà alô, alô loạn cào cào…

Hồi trước năm 1975, điện thoại còn rất hiếm. Chỉ những vị tai to mặt lớn hay những đại gia mới lắp đặt điện thoại tại nhà. Vì thế, mỗi khi cần liên lạc bằng điện thoại với ai, người ta phải chạy ra “nhà dây thép”, tức là bưu điện, vì chỉ ở  đây mới có điện thoại công cộng. Gã cũng chẳng rõ tại sao người ta gọi bưu điện là nhà dây thép ? Rất có thể vì tất cả những đường dây điện thoại đều được làm bằng thép và đều được dẫn tới tổng đài nằm ở bưu điện chăng ?

Cách đây hơn chục năm, điện thoại bàn bắt đầu được phát triển, dĩ nhiên là dân thành phố được hưởng dùng trước nhất. Hồi đó cứ mỗi tuần hai lần, gã đi chợ ngoài thị trấn, rồi tới nhà một người quen chờ điện thoại. Bởi vì gã đã thông báo cho đám bạn bè xa gần : Ai muốn liên hệ thì bấm số ấy, từ lúc 9g đến 10g vào những ngày thứ tư và thứ bảy. Như thế, nhà người quen bỗng dưng trở thành…văn phòng hai của gã.

Ngày đầu tiên được lắp đặt điện thoại tại nhà gã cảm thấy thật vui vì thấy mình bỗng dưng văn minh hơn. Và thế là gã bèn gọi đi khắp nơi, vừa để báo số điện thoại của mình, vừa để khoe khoang với bàn dân thiên hạ.

Tại vùng nông thôn, không phải nhà nào cũng có điện thoại, vì thế đôi khi cũng gặp phải những phiền phức nho nhỏ.

Chẳng hạn người hàng xóm có việc cần, chạy sang gọi nhờ một tí. Một tí ấy đôi khi kéo dài tới cả tiếng đồng hồ, như muốn nấu cháo hay ninh nhừ chiếc điện thoại. Nhung rồi sau đó lại lờ tít cái khoản tiền phải thanh toán với nhân viên bưu điện.

Chẳng hạn vào những lúc mưa gió xập xùi, thiên hạ gọi nhờ chuyển lời tới người nọ người kia. Không đi thì nghĩ ngợi, còn đi thì chỉ rước lấy sự nặng nhọc  vào thân. Ngán nhất là những cú điện thoại vào lúc đêm hôm khuya khoắt báo tin người chết hay đang hấp hối…

Sau điện thoại bàn, thì tới điện thoại di động. Cách đây ba bốn năm, để tỏ ra mình là dân chơi thứ thiệc, đám choai choai thuộc hàng quí tộc đều tậu cho mình một con dế. Đi tới đâu cũng “Alô”. Ở chỗ nào cũng “Hai, bai” ỏm củ tỏi, nhiều lúc cố tình quên không tắt máy, khiến dế cứ mặc sức kêu inh ỏi trong lớp học và ngay cả trong nhà thờ giữa bầu khí trang nghiêm của một thánh lễ.

Và bây giờ thì…dế đã thực sự lên ngôi. Dế không phải chỉ có mặt  tại thành phố, bên cạnh những cô chiêu cậu ấm, mà dế đã bò về làng nằm, trong túi quần, túi áo của những anh chàng nông dân cần cù.

Báo “Tuổi Trẻ Cười” đã ghi nhận như sau :

“Vài năm trở lại đây, khi sóng điện thoại di động phủ gần như kín địa bàn các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thì phong trào “Hai Lúa” sử dụng dế càng trở nên phổ biến. Những anh nông dân tay lấm chân bùn, những chị cấy lúa quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” sau những giờ lao động vất vả trên ruộng đồng về đến nhà là sà ngay vào làm bạn với…ông Táo, cũng bắt đầu tập tành xài điện thọai di động để tỏ ra mình là người…”sành điệu”.

Dế đã trở thành phương tiện liên lạc với nhau vừa gọn nhẹ lại vừa thân mật, chỉ tội hơi bị hao tiền một chút mà thôi. Nơi gã đang ở, có một thời thịnh hành cái nghề không giống ai, đó là là…nghề chiếu chó. Mang chiếu đi để đổi lấy chó về.

Hiện nay, nghề này đã bị tàn lụi vì người ta thích nằm nệm hơn nằm chiếu, nên chẳng còn mấy ai cặm cụi ngồi dệt chiếu nữa. Thế nhưng, nghề lái chó vẫn cứ phất lên trông thấy, bởi vì “mộc tồn” hay “cờ tây” vốn là món khoái khẩu của dân bợm nhậu. Từ thành thị cho đến thôn quê, trên khắp các nẻo đường đất nước, đi tới đâu cũng thấy mọc lên những quán thịt chó với những tên gọi thật thân thương : Nó Kìa, Đây Rồi, Sống Trên Đời…

Dân lái chó bây giờ không còn phải vất vả chèo thuyền, mà cứ phom phom trên chiếc xe Honda với điện thoại di động cầm tay để liên hệ với những người bán chó và những người mua chó. Nếu trúng mánh, thì chỉ cần hú một tiếng vào chiếc điện thoại, lập tức các chiến hữu bạn bè đều có mặt đông đủ bên bàn…nhậu.

Gã không nhớ một nhà thơ nào đã viết : “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Cũng vậy, người ta có thể chơi dế bằng nhiều hình thức khác nhau, nhất là đối với dân mới…nhớn.

Trước hết là chơi…loại dế. Người ta tìm mua những loại dế xịn,  dế chiến mới ra lò với nhiều chức năng khác nhau, cho dù những chức năng ấy chẳng bao giờ dùng tới, bởi vì đối với họ, tiền bạc không thành vấn đề, miễn sao chứng tỏ được đẳng cấp và thứ bậc của mình.

Tiếp đến là chơi…số dế. Người ta tìm cách mua cho mình cái thẻ sim bằng bất cứ giá nào, miễn có được  những con số tuyệt vời, chẳng hạn số gánh, số chín nút, số hên, số dễ nhớ.

Ngoài ra là chơi…chuông dế. Người ta tìm cách cài đặt cho con dế của những bản nhạc mình ưa thích, thay cho chuông báo điện thoại hay tin nhắn gửi đến.

Có anh chàng đã dùng một giọng nữ thật đỏng đảnh thay cho nhạc chuông :

- Anh ơi anh à, em nhớ anh lắm, nghe diện thoại của em đi…

Cũng vì thế mà anh chàng này đã bị bà vợ hay ghen chửi bới và hạch hỏi cho một trận tơi bời hoa lá, phải cầu cứu bạn bè đến thanh minh thanh nga, mới giải được nỗi oan.

Sau cùng là chơi…hình dế. Người ta tìm cách tải vào bộ sưu tập của điện thoại di động những hình ảnh độc, để lâu lâu mở ra ngắm nhìn và coi chơi. Những hình ành độc này có thể là những hình ảnh khỏa thân và những đoạn phim sex ngăn ngắn.. Xem chán và coi chán, thì “bắn” sang cho bạn bè, gọi là để trao đổi hàng hóa hai chiều. Và như vậy, khó mà lường nổi hậu quả của những hình ảnh và những đoạn phim độc  này đã tác hại như thế nào.

Dế con ngày nay đã trở thành vật bất khả ly thân của nhiều người thời nay, vì đó là một phương tiện liên lạc với nhau vừa gọn nhẹ, lại vừa đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, cũng có một số người lại sử dụng dế vào những ý đồ hắc ám.

Chẳng hạn chị vợ sắm cho anh chồng một con dế, cốt để kiểm soát đường đi nước bước của anh chồng, xem anh chồng có thực sự ở công sở hay lại đang xơi…”phở” tái ở một xó góc tăm tối nào đó. Còn anh chồng thì tậu cho mình một con dế, để dễ bề tâm sự và hẹn hò với cô bồ nhí. Những lúc rảnh rỗi anh ta bèn lôi con dế ra để tỉ tê đầy vơi, hay viết những dòng nhắn tin thật lâm ly bi đát mà gửi cho người yêu bé bỏng.

Tới đây, gã xin lượm lặt qua bao chí, những sự việc vui buồn xảy ra cũng vì con dế.

Trước hết là đối với dân nhậu. Chiếc điện thoại di động đã giúp họ liên lạc với nhau một cách kín đáo và mau chóng. Tuy nhiên, khi đã xừng xừng họ mới bày ra những trò nghịch ngợm.

Chẳng hạn thấy bà xã ông nào có máu “Hoạn Thư”, thì liền gửi vào máy của ông ấy những tin nhắn đầy ắp những thương nhớ của một “cô gái ảo” với tên gọi thật mỹ miều. Tin nhắn này chẳng may bị bà xã vớ được, chắc chắn bà ấy sẽ nổi trận lôi đình cho ông ta một vố còn đau hơn cả trời giáng.

Tiếp đến là đối với những người hảo ngọt, mất cảnh giác nên dễ dàng trở thành những nạn nhân bị lừa gạt. Cái chiêu thông thường vốn được xử dụng đó là gọi nhầm máy, sau đó xin làm quen, rồi hẹn gặp gỡ. Trong lúc gặp gỡ, lấy cớ có việc cần, hay vì điện thoại của mình hết pin, bèn mượn tạm dế con để liên lạc, rồi lặn mất tiêu. Gã xin kể lại ba trường hợp “dính chấu” điển hình được đăng tải trên báo “Công An Thành Phố” :

Trường hợp thứ nhất :

Anh S dang ngồi trong phòng làm việc thì nhận được bốn cuộc điện thoại gọi nhầm số của một cô gái lạ có giọng nói dịu dàng. Sau lần thứ tư, cô gái nhẹ nhàng xin lỗi và không quên làm quen :

- Anh em mình hẳn có duyên với nhau nên em mới gọi nhầm số hoài. Vậy khi nào em buồn, cho phép em  gọi điện để chia sẽ với anh nhé ?

Anh S tỏ ra ga lăng :

- Được tiếp chuyện người đẹp là một diễm phúc cho anh, chỉ sợ em chê anh nói chuyện vô duyên, nên không gọi nhầm số nữa.

Rồi một ngày kia, anh S chủ động hẹn cô gái đi uống cà phê. Khi gặp mặt, anh S nhận thấy cô gái vừa trẻ lại vừa đẹp, ăn nói lưu loát, đồng thời tỏ ra là người có học thức. Khi hai người đang chuyện trò vui vẻ thì cô gái có điện thoại, rồi máy của cô gái hết pin. Sẵn cơ hội ngàn vàng, anh S bèn móc ngay con dế của mình ra cho cô gái mượn. Mãi không thấy cô gái quay lại, anh S vội ra ngoài tìm, nhưng người giữ xe cho biết cô gái đã đi được một lúc.

Trường hợp thứ hai :

Một tuần liền, chị B liên tiếp nhận được những tin nhắn thân mật như của một người bạn lâu ngày chưa gặp từ một số máy lạ. Rồi một ngày chủ nhân số máy lạ ấy trực tiếp gọi điện cho chị B. Sau vài lời thăm hỏi vồn vã, người ấy xin lỗi vì đã nhầm máy của chị với máy của một  người bạn thân và nhận khuyết điểm với một giọng khá chân thành :

-Trước lạ sau quen, từ nay nếu em đồng ý, chúng ta sẽ coi nhau như những người bạn mới được không ?

Sau đó, người ấy thường xuyên điện thoại hay nhắn tin hỏi thăm chị. Rồi một ngày kia, người ấy đột ngột đến thăm chị. Biết chị đang sống đơn côi với cô con gái nhỏ, người ấy ngỏ ý muốn chia sẻ mọi vui buồn…Và những ngày sau đó, người ấy thường xuyên đến nhà đưa cô con gái nhỏ đi học, giúp chị làm một số việc lặt vặt. Tình cảm của họ ngày càng thêm khắng khít…

Một buổi sáng Chúa nhật, trong lúc chị căm cụi trong bếp, thì người ấy tranh thủ sửa lại cầu thang lên gác. Sau bữa cơm trưa, người ấy nói có việc phải về. Chiều đến, cô con gái nhỏ đòi xem phim họat hình, chị lên gác và phát hiện chiếc máy quay phim cùng với một số đồ vật quí giá đã không cánh mà bay. Chị điện thoại thì máy của người ấy luôn ở trong tình trang không liên lạc được.

Nhưng có lẽ đau hơn cả là trường hợp thứ ba sau đây :

Anh T là giám đốc một công ty vận tải đang độ ăn nên làm ra. Một ngày đẹp trời nọ, điện thoại của anh liên tiếp nhận được những tin nhắn xin làm quen. Không chịu nổi trò đùa này, anh quyết định gọi để dạy cho đối phương một bài học. Thế nhưng một giọng nói ngọt ngào vang lên. Cô nàng xưng tên là TH và lên tiếng biện hộ cho mình :  sở dĩ  cô nàng “dai như đỉa” chỉ vì quá ngưỡng mộ anh trong một bữa tiệc của người bạn, nên cố tình làm quen…

Và thế là cá đã cắn câu và nai đã sập bẫy. Họ hẹn nhau tại một quán cà phê. Cô nàng trong bộ trang phục khá trang nhã, nói chuyện rất lôi cuốn và đã giới thiệu mình là một sinh viên vừa tốt nghiệp, đang tập sự cho một công ty nước ngoài, trong khi chờ hoàn tất thủ tục du học tại Úc. Cô nàng rất ít nói về mình, mà chủ yếu ngồi chớp mắt lắng nghe như bị hút vào câu chuyện của T… Và lẽ dĩ nhiên, các cuộc hẹn hò như thề tiếp diễn liên tục trong những tuần sau.

Điều gì đến phải đến. Một buổi tối cuối tuần, sau một bữa ăn thật lãng mạn với rượu vang, nến, hoa và tiếng dương cầm dặt dìu ở một nhà hàng đắt đỏ nhất Saigon, chàng lưu luyến cho biết muốn ở lại bên nhau trong một không gian khác, ấm cúng hơn, riêng tư hơn. Cô nàng do dự một lúc rồi nhẹ nhàng thưa :

- Em phải về xin phép mới được đi khuya. Anh cứ chọn nơi và đến trước đi. Nếu được mẹ cho phép, em sẽ điện xem anh ở đâu, rồi mình gặp nhau.

Trên đường đến điểm hẹn tình yêu, có đôi lần anh T nghĩ đến hình ảnh vợ và hai đứa con xinh xắn đang ngồi đợi mình ở nhà bên bàn ăn, khiến anh muốn quay trở về…nhưng rồi có gì đó cứ thôi thúc, lòng anh như dậy sóng. Anh T chặc lưỡi, tự trấn an rằng mình đã chu toàn mọi thứ với vợ con ở nhà và tự dối lòng bằng lời hứa “chỉ một lần mà thôi”.

Vừa lấy chìa khóa phòng khách sạn, thì điện thoại reo lên, cô nàng hồ hởi :

- Mẹ cho em đi đến 11g30. Anh ở đâu em đến ngay.

Đọc số phòng và tên khách sạn xong, anh lâng lâng  xả nước vừa tắm vừa  hát nho nhỏ một bản tình ca.  Khoảng 30 phút sau, có tiếng gõ cửa và cô nàng xuất hiện với vẻ e lệ rất con gái, khẽ bước vào và cánh của nhẹ nhàng khép lại phía sau…

Đang lúc họ âu yếm, thì cửa phòng khách sạn bật mở, một gã đàn ông lăm lăm tiến tới. Đèn flash nhá liên tục. Gã đàn ông vừa thao tác vừa luôn miệng chửi bới :

- Mày dám lấy vợ ông à.

Cuối cùng anh T phải ngồi xuống thương lượng. Cái giá phải trả là tất cả những gì anh đang có, gồm xe gắn máy, chiếc ví với hơn 1000 đô Mỹ,  máy tính xách tay, đồng hồ và nhẫn cẩm hột xoàn.

Gần mười hai giờ đêm anh T mới thất thểu về đến nhà, bộ dạng xơ xác hớt hả của một người “vừa bị cướp tấn công trên đường”. Chị vợ nước mắt ngắn nước mắt dài khóc lóc, thắp nhang tạ ơn ông bà đã “giữ mạng” cho anh…Của đi thay người!

Để kết luận, gã xin ghi lại phản ứng của một người vợ, do Lê Minh Thủy diễn tả và được đăng trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, số 32 ra ngày 13.8.2006 :

Hầu như cả nhân loại đều phải cám ơn các nhà khoa học đã sáng chế được chiếc điện thoại. Nhưng riêng chị lại “oán trách” ai đó đã phát minh ra chiếc điện thọai di động, để chị phải khốn đốn trong những ngày “khai hoa nở nhụy”.

Chị và anh đều là công chức bình thường, với một cuộc sống cũng rất bình thường. Không có nhu cầu buôn bán làm ăn gì thêm, nên việc anh mua cho mình một chiếc ĐTDĐ làm chị bắt đầu thắc mắc :

- Anh à, khi làm việc ở cơ quan đã có ĐT cơ quan, về nhà lại có ĐT nhà. Anh mua làm chi ĐTDĐ cho tốn kém, hàng tháng lại phải trả thêm một khoản tiền không nhỏ. Con của mình có thêm khoản tiền phí hàng tháng đó của anh, chắc sẽ tươm tắt hơn.

Anh như có phần đuối lý trước lập luận hết sức chặt chẽ của chị. Tặc lưỡi, anh nói liều :

- Thì những lúc anh đi uống bia, có di động em sẽ biết anh ở đâu mà kêu anh về, khỏi phải lo lắng, tiện lợi quá còn gì…

Chị đăm chiêu truớc từ “tiện lợi” của anh.

Một tháng trôi qua từ khi chồng chị sử dụng ĐTDĐ, hình dáng chị cũng ngày càng nặng nề hơn. Sự nặng nề của người phụ nữ sắp đến kỳ sinh nở không làm chị mệt nhọc cho bằng sự đè nặng tâm can, khi chị bắt gặp những hành vi sử dụng điện thoại không bình thường của anh. Anh cất chiếc ĐTDĐ như một báu vật bất ly thân. Chị không có thói quen lục túi quần chồng, vậy mà chiếc ĐTDĐ của anh lúc nào cũng chỉ nằm trong túi quần hoặc túi áo anh.

Khi chuông ĐTDĐ reo, anh mang ra tít ngoài vườn hoặc lên tận sân thượng mà thì thầm. Nếu được hỏi :

- Điện thoại của ai đó ?

Anh vắn tắt trả lời :

- Bạn anh.

Chị thẳng thắn :

- Anh không được sử dụng điện thoại như vậy. Bạn anh cũng là bạn em. Không việc gì mà anh lại phải nói chuyện lén lút to nhỏ như vậy. Nếu anh không để ĐTDĐ trên mặt tủ mỗi khi đi làm về, thì em khẳng định anh có điều cần che đậy không minh bạch.

Chị làm căng quá. Anh đành phải bỏ ĐTDĐ trên mặt bàn, hay trên mặt tủ mỗi khi đi đâu về. Chị yên tâm hơn, nhưng bỗng thấy…ghét ghét chiếc ĐTDĐ. Chị cảm thấy từ khi nó xuất hệin, anh trở thành một người khang khác. Và rồi, thời gian anh bỏ điện thoại trên mặt tủ không bao lâu, thì chị vô tình phát hiện : Chiếc di động của anh chỉ mở chuông kêu những lúc anh đi vắng. Còn về đến nhà, nó biến thành di động hết tiền, hoặc ngoài vùng phủ sóng. Anh tắt máy. Chị càng có nguyên nhân để ghét chiếc ĐTDĐ.

Hơn lúc nào hết, chị cần sự quan tâm chăm sóc của anh, vậy mà…chiếc ĐTDĐ đã trắc nghiệm đúng cho chị điều chị lo sợ nhất. Nó phục vụ anh cho một mục đích không chính đáng. Mục đích đó là gì ? Chị dễ dàng đoán ra, khi một lần chị gọi lại số anh vừa nghe. Giọng một cô gái lạ hoắc sửng sốt khi chị tự xưng :

- Mình là vợ của anh ấy.

Sau lần đó, anh đã dùng ĐTDĐ như những người đàn ông “chân chính”. Tuy nhiên, chị vẫn chưa thể yêu ngay chiếc ĐTDĐ nho nhỏ, có những điệu chuông thật hay. Không biết đến bao giờ chị mới có thể hoàn toàn tin tưởng và yêu được chiếc ĐTDĐ chỉ bé bằng hai ba đầu ngón tay đó ? Điều này hẳn phải tùy thuộc vào anh.

Từ câu chuyên trên, gã xin góp một lời bàn :

- Con dế chẳng tội tình gì. Nó xấu hay nó tốt là do người sử dụng nó mà thôi.

Gã Siêu    gasieu@gmail.com  

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************