Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 105, Chúa Nhật 01.11.2009


MỤC LỤC 

Cách Tham Dự Phong Trào Hiệp Nhất                                                                 Vatican 2

MỘT TẦM NHÌN SỨ MẠNG                                                             Lm. Giuse Lê Công Đức

CÁCH ỨNG XỬ LÀM ĐẸP CUỘC SỐNG                                               Gioan Lê Quang Vinh

NGHỆ THUẬT SỐNG                                                                              Lm. Anmai, C.Ss.R.

TẠ ƠN NGƯỜI ĐAU KHỔ                                                                     Pm. Cao Huy Hoàng

XIN ĐƯỢC LÀM THÁNH VÔ DANH                                       Lm Giuse Nguyễn Thành Long

CẢI TỔ Y TẾ VÀ SỰ SỐNG CON NGƯỜI                              Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, M.D.

Nước Lã                                                                                        Lm. Jos Hoàng Kim Toan

SỐNG ĐẠO QUA THĂNG TIẾN CÁC MỐI QUAN HỆ GIA ĐÌNH                             Trần Hiếu

NHỮNG ÁNH LỬA                                                                                    Nhà Văn Quyên Di

VÀI VẤN ĐỀ Y TẾ CẦN LƯU Ý                                                     Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, M.D. 

GHẾ                                                                                            Chuyện phiếm của Gã Siêu


Cách Tham Dự Phong Trào Hiệp Nhất

 

Unitatis Redintegratio

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chương II

Cách Tham Dự Phong Trào Hiệp Nhất

 

5. Mọi người phải lưu tâm đến sự hiệp nhất. Mối bận tâm tái lập hiệp nhất liên hệ đến toàn thể Giáo Hội, tín hữu cũng như chủ chăn, mỗi người đều phải lưu tâm tùy theo sức riêng của mình, hoặc trong đời sống Kitô hữu thường nhật, hoặc trong các công trình khảo cứu thần học và sử học. 19* Nỗi bận tâm này chứng tỏ một phần nào sự liên kết huynh đệ vốn tiềm tàng giữa các Kitô hữu và dẫn đưa tới sự hiệp nhất đầy đủ và toàn hảo theo lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

6. Canh tân Giáo Hội. Vì mọi việc canh tân Giáo Hội 1 cốt yếu nhằm sống trung thành với ơn gọi của Giáo Hội hơn, nên chắc chắn đó là lý do giải thích tại sao có phong trào hiệp nhất. Trên đường lữ hành, Giáo Hội được Chúa Kitô mời gọi canh tân luôn mãi, một sự canh tân mà Giáo Hội vì là một định chế nhân trần, bao giờ cũng cần đến. Do đó, nếu vì hoàn cảnh mà tuân giữ ít chu đáo một vài điểm hoặc về luân lý hoặc về kỷ luật Giáo Hội hoặc cả trong cách trình bày giáo lý - cách trình bày này phải được thận trọng phân biệt với chính kho tàng đức tin - thì phải lo cải tổ cho đúng mức khi thuận tiện 20*.

Vì thế, sự canh tân này có giá trị rất lớn đối với công cuộc hiệp nhất. Giáo Hội thực hiện cuộc canh tân ấy bằng nhiều hình thức khác nhau của đời sống Giáo Hội như phong trào Thánh Kinh và phụng vụ, việc rao giảng lời Chúa và giáo lý, hoạt động tông đồ giáo dân, những hình thức mới trong đời tu trì, nền đạo đức hôn nhân, học thuyết và hoạt động xã hội của Giáo Hội; phải coi những hình thức ấy như là đảm bảo và là điềm báo những tiến bộ tương lai của phong trào hiệp nhất.

7. Hoán cải tâm hồn. Không thể có phong trào hiệp nhất chính danh mà không có sự hoán cải nội tâm. Thật vậy, những ước vọng hiệp nhất bắt nguồn và chín mùi nhờ sự đổi mới tâm trí 2, từ bỏ chính mình và bác ái một cách hết sức quảng đại. Vì thế, phải nguyện xin Chúa Thánh Thần, ban cho chúng ta ơn thành thật quên mình, khiêm nhượng và hiền hòa trong khi phục vụ, quảng đại trong tình huynh đệ đối với tha nhân. Vị Tông Ðồ dân ngoại đã nói: "Tôi đây tù nhân trong Chúa, tôi khẩn khoản nài xin anh em hãy tiến bước đàng hoàng theo ơn kêu gọi mình đã được với tất cả lòng khiêm nhượng và hiền hậu, hãy nhẫn nại chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo lắng duy trì sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần trong mối dây hòa bình" (Eph 4,1-3). Lời khuyên nhủ ấy trước hết liên hệ đến những ai được nhắc lên chức thánh để tiếp tục sứ mệnh Chúa Kitô, Người đến giữa chúng ta "không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ người ta" (Mt 20,28).

Lời chứng sau đây của Thánh Gioan vốn còn giá trị trước những lỗi lầm hủy hoại hiệp nhất: "Nếu ta nói rằng mình vô tội, ta kể Người là kẻ dối trá và Lời của Người không ở trong chúng ta" (1Gio 1,10). Vậy chúng ta hãy khiêm nhường xin lỗi Chúa và xin lỗi những anh em ly khai, cũng như chúng ta tha kẻ có nợ chúng ta 21*.

Hết mọi Kitô hữu hãy nhớ luôn là càng cố gắng sống trong sạch hơn theo Phúc Âm, càng cổ võ và thực hiện sự hiệp nhất các Kitô hữu cách hữu hiệu hơn. Càng kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần, họ càng dễ dàng thắt chặt tình tương thân tương ái với nhau hơn 22*.

8. Hiệp nhất trong lời nguyện. Sự hoán cải tâm hồn và đời sống thánh thiện làm một với những lời khẩn cầu chung hay riêng cho sự hiệp nhất các Kitô hữu phải được coi như là linh hồn của tất cả phong trào hiệp nhất và xứng đáng mệnh danh là "sự hiệp nhất thiêng liêng".

Người công giáo thường có thói quen hội nhau để cầu nguyện cho Giáo Hội được hiệp nhất, lời cầu nguyện mà chính Ðấng Cứu Thế trước ngày tử nạn đã khẩn khoản dâng lên Chúa Cha: "Xin cho tất cả nên một" (Gio 17,21).

Trong vài trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như những dịp được chính thức tổ chức để cầu nguyện "cho hiệp nhất" và trong các buổi hội thảo về hiệp nhất, chẳng những người công giáo được phép mà còn phải được khuyến khích hiệp nhau cầu nguyện với anh em ly khai. Những kinh nguyện chung như thế là phương tiện rất hữu hiệu để xin ơn hiệp nhất và tiêu biểu thực sự mối dây còn đang liên kết người công giáo với anh em ly khai: "Vì đâu có hai ba người nhân danh Thầy hội họp lại, Thầy sẽ giữa họ" (Mt 18,20) 23*.

Nhưng không được phép áp dụng bừa bãi việc "thông dự vào sự thánh" 24* như phương thế để tái lập hiệp nhất các Kitô hữu. Việc thông dự ấy đặc biệt tùy thuộc hai nguyên tắc: biểu hiệu sự duy nhất của Giáo Hội và tham dự các phương tiện ban ân sủng. Nhiều khi, việc biểu hiệu sự duy nhất của Giáo Hội ngăn trở sự hiệp thông, nhưng đôi khi nhu cầu ban ân sủng lại khuyến khích sự hiệp thông ấy. Về phương cách hành động trong thực tế, hãy theo mọi hoàn cảnh thời gian, không gian và nhân sự được Giám Mục bản quyền khôn ngoan định đoạt, trừ khi Tòa Thánh hay Hội Ðồng Giám Mục theo qui chế riêng ấn định thể khác.

9. Tìm hiểu nhau. Phải biết tâm trạng của các anh em ly khai. Vì thế, cần tìm hiểu họ trong chân lý và với lòng nhân hậu. Người công giáo đã được chuẩn bị đầy đủ cần phải tìm hiểu sâu rộng hơn về học thuyết và lịch sử, về đời sống tu đức và phụng tự, về tâm lý tôn giáo và văn hóa riêng của anh em ly khai. Ðể đạt được kết quả ấy, các buổi hội thảo song phương, nhất là khi bàn về các vấn đề thần học, sẽ giúp ích rất nhiều. Trong các cuộc hội thảo ấy, mọi người được bình đẳng bàn luận, miễn là những người tham dự, dưới sự giám sát của Giám Mục, thật sự là những nhà chuyên môn. Nhờ đối thoại như thế lập trường của Giáo Hội Công Giáo được nhận thức rõ ràng hơn. Rồi cũng như thế tư tưởng của anh em ly khai được am hiểu hơn và chúng ta có thể trình bày đức tin cho họ cách thích hợp hơn 25*.

10. Sự huấn luyện trên phương diện hiệp nhất. Thần học và các môn học khác, nhất là sử học, cũng phải được trình bày theo chiều hướng hiệp nhất hầu đáp ứng với thực tại cách chính xác hơn.

Vậy các chủ chăn và linh mục tương lai phải am tường khoa thần học đã được trình bày xác đáng như thế, chứ đừng theo lối bút chiến 26*, nhất là trong những vấn đề liên hệ đến những tương quan giữa Giáo Hội Công Giáo và các anh em ly khai.

Sự giáo dục và huấn luyện tu đức thiết yếu của các tín hữu và tu sĩ tùy thuộc rất nhiều ở nền giáo dục của các linh mục.

Người công giáo dấn thân hoạt động truyền giáo trong những phần đất chung với các Kitô hữu khác, nhất là trong lúc này, phải am tường các vấn đề và các thành quả do phong trào hiệp nhất đem đến cho việc tông đồ của họ 27*.

11. Cách thức diễn tả và trình bày đức tin. Phương pháp và cách diễn tả đức tin công giáo không được gây trở ngại cho việc đối thoại với những người anh em. Cần phải trình bày rõ ràng nguyên vẹn giáo lý. Không gì phá hoại hiệp nhất cho bằng chủ trương xu thời sai lệch 28*, nó làm tổn thương giáo lý công giáo thuần túy và làm lu mờ ý nghĩa đích thực và chắc chắn của những giáo lý này.

Ðồng thời, đức tin công giáo phải được giải thích sâu xa và chính xác hơn bằng cách thức và ngôn từ để các anh em ly khai có thể hiểu đúng nghĩa.

Hơn nữa, khi cùng các anh ly khai tìm hiểu các mầu nhiệm của Thiên Chúa trong cuộc đối thoại hiệp nhất, các nhà thần học công giáo gắn bó với giáo lý của Giáo Hội, phải tiến hành với lòng yêu mến chân lý, bác ái và khiêm nhường. Khi so sánh các giáo lý với nhau, phải nhờ rằng có một "phẩm trật" 29* trong các chân lý của giáo lý công giáo vì liên hệ giữa các chân lý ấy với nền tảng đức tin không đồng đều. Quan niệm như thế tức là đã vạch ra được một đường hướng để nhờ sự tranh đua thân hữu, tất cả được thúc đẩy tìm hiểu sâu rộng và biểu hiệu rõ ràng hơn nguồn phong phú khôn lường của Chúa Kitô 3.

12. Cộng tác với anh em ly khai. Trước mặt muôn dân 30*, toàn thể các Kitô hữu hãy tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, vào Con Thiên Chúa nhập thể, cứu chuộc và là Chúa chúng ta; và trong sự tôn trọng lẫn nhau, hãy cùng nỗ lực làm chứng cho niềm trông cậy của chúng ta, niềm trông cậy không bao giờ luống công. Vì ngày nay sự hợp tác trong các hoạt động xã hội đang được thiết lập rộng rãi, nên hết mọi người đều được kêu gọi để chung lưng làm việc, huống chi những người tin nơi Chúa nhất là các Kitô hữu, vì họ đã được mang danh Chúa Kitô. Sự hợp tác của tất cả các Kitô hữu nói lên cách hùng hồn tình liên kết đang thắt chặt họ lại với nhau và biểu dương khuôn mặt của Chúa Kitô Tôi Tớ cách rực rỡ hơn. Sự hợp tác này đã được thiết lập trong nhiều quốc gia và cần được cải thiện thêm mãi, nhất là trong những vùng tiến bộ về mặt xã hội cũng như kỹ thuật bằng cách làm cho nhân phẩm được tôn trọng đúng mức, bằng cách cổ võ hòa bình hoặc nỗ lực áp dụng Phúc Âm vào đời sống xã hội, bằng cách phát triển khoa học và nghệ thuật trong tinh thần Kitô giáo, bằng cách áp dụng đủ loại phương dược chống các khổ nạn của thời đại chúng ta, như nạn đói ăn, thiên tai, mù chữ, nghèo túng, vô gia cư, bất bình đẳng trong việc phân phối phẩm vật. Nhờ sự cộng tác ấy, tất cả mọi kẻ tin vào Chúa kitô có thể dễ dàng học hỏi cho biết cách tìm hiểu, tôn trọng nhau hơn và dọn đường tiến tới hiệp nhất các Kitô hữu.

 


Chú Thích:

19* Những cuộc nghiên cứu sử học và thần học có thể giảm thiểu các thiên kiến và chứng tỏ rằng đã xảy ra nhiều hiểu lầm, như vậy mối liên kết sẽ thêm dễ dàng hơn.

1 Xem Lateranô V, khóa XII (1517), Hiến chế Constituti: Mansi 32, 988 B.C.

20* Cách diễn đạt một chân lý mạc khải có thể thật rõ ràng trong môi trường lịch sử của nó, song lại rất khó hiểu trong một hoàn cảnh lịch sử khác. Trong trường hợp này nên tìm một công thức khác, nhưng không thay đổi ý nghĩa đã được mạc khải.

2 Xem Eph 4,23.

21* Tinh thần hiệp nhất là tinh thần hòa giải và bác ái với nhau. Do đó người công giáo và không công giáo phải tha thứ cho nhau những lỗi phạm chống lại tinh thần này.

22* Bằng nhiều cách khác nhau, trọn số này diễn tả một chân lý rất căn bản: để hiệp nhất các Kitô hữu, trước tiên tất cả mọi người công giáo hãy sống trọn vẹn và trung thành với tôn giáo của mình.

23* Công Ðồng khuyến khích việc cầu nguyện chung giữa người công giáo và không công giáo khi tiện dịp. Những kinh nguyện chung có thể là Lạy Cha, Sáng Danh, các Thánh Vịnh hay bài đọc Thánh Kinh.

24* Có "thông dự vào sự thánh" khi một người công giáo tham dự vào sinh hoạt tôn giáo của một cộng đoàn không công giáo, hay trái lại. Lúc ấy người ta gọi những kinh nguyện chung như sự tham dự nào đó được ban phép và cổ võ. Ðiều kiện để một hoạt động tôn giáo được chuẩn nhận là nó phải biểu hiệu được tính cách hiệp nhất của Giáo Hội và thực sự là một phương thế ban ân sủng. Ðiều kiện thứ nhất thường thiếu sót; trường hợp ấy, người công giáo không được phép tham dự. Cũng thế, lễ Tiệc Ly Tin Lành và Thánh Lễ Công Giáo không có cùng ý nghĩa; do đó người công giáo không được quyền tham dự vào Tiệc Ly Tin Lành. Vậy nên, các Giám Mục phải ban hành những tiêu chuẩn chính xác để các tín hữu biết rõ điều nào được phép, điều nào không trong vấn đề tế nhị này.

25* Ðể tán trợ tinh thần hiệp nhất, người công giáo và không công giáo phải tìm hiểu nhau. Một sự hiểu biết hỗ tương như thế quả thật rất cần thiết trước nhất cho các linh mục và các thừa sai (xem số 10).

26* Khi gặp những sai lầm về giáo lý, cần phải bình tâm và khách quan chứng tỏ căn nguyên của sai lầm, không nên buộc tội hay công kích những người chủ trương cách sai lầm ấy.

27* Tinh thần hiệp nhất không cho phép công kích những nhà thừa sai ngoài công giáo, song phải biểu lộ niềm tôn kính họ theo như đức ái đòi buộc, cho dù, tùy hoàn cảnh cũng cần phải gìn giữ các tín hữu tránh khỏi những sai lầm mà họ có thể truyền bá.

28* Danh từ "xu thời" (irenismus) phát xuất từ tiếng hy lạp "eirene" có nghĩa "chủ hòa". Trong những tương giao với người không công giáo phải nhằm sự hòa hợp với nhau. Tuy nhiên nếu chúng ta che giấu một chân lý Công Giáo nào đó hoặc thay đổi ý nghĩa đích thực của một học thuyết Công Giáo cốt cho người không công giáo dễ chấp nhận hơn, quả thực đó là một phương thế giả tạo để đạt tới sự hòa hợp vừa nói. Ðó cũng chính là chủ trương xu thời sai lệch bị Sắc Lệnh này ngăn cấm.

29* Danh từ "phẩm trật" ở đây hiểu theo nghĩa bóng, nó biểu thị một sự dị đồng về giá trị, về sự cần thiết về lợi ích của những chân lý khác nhau mà Giáo Hội Công Giáo truyền dạy. Trong Giáo Huấn ấy có những chân lý đức tin, nên bất biến và những chân lý khác không thuộc đức tin. Trong những chân lý đức tin, dù cần phải tin toàn thể tất cả, song cũng có một số chân lý buộc phải hiểu biết cách minh bạch. Khi đối thoại với người không công giáo, không được quên những dị biệt ấy để khỏi bó buộc họ phải tin tất cả giáo thuyết cùng một mức độ như nhau.

3 Xem Eph 3,8.

30* "Muôn dân" ở đây ám chỉ toàn thể những người ngoài Kitô giáo mà tất cả Kitô hữu công giáo hay không công giáo đều có bổn phận làm gương sáng hiệp nhất trong một số các chân lý nền tảng và trong đức bác ái qua việc cộng tác mật thiết với nhau nhất là trên bình diện xã hội.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
MỘT TẦM NHÌN SỨ MẠNG

 

(bài viết mừng dịp họp mặt cựu sinh viên Xuân Bích 2009, và mừng khai mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam)  

Vài năm nay, nhiều biến cố dồn dập xảy ra trong Giáo Hội Việt Nam. Qua các trang mạng, nhiều Kitô hữu gần xa lên tiếng trình bày lập trường của mình xung quanh các biến cố ấy. Không kể những phát biểu hằn học cay cú và đả phá cá nhân - mà nhiều trang mạng có vẻ hơi quá dễ dãi trong việc duyệt và đăng bài - thì vẫn đáng lưu ý là ngay những ý kiến chín chắn, đầy am hiểu, đầy thiện chí, và được phát biểu cách từ tốn đúng mực… cũng nhiều khi rất khác biệt và thậm chí đối nghịch nhau rõ rệt, mở ra những tranh cãi xem chừng bất tận! Chẳng hạn, nên im lặng hay nên lên tiếng nói trong tình hình X này, nên tổ chức sự kiện Y kia ra sao, nên ưu tiên sử dụng món tiền Z nọ vào việc gì, theo định hướng nào… 

Quả thực, không gì dễ bằng “có ý kiến,” vì ý kiến là cái mà… ai cũng có! Và hẳn là ta không thể - cũng chẳng nên mơ - đạt tới tình trạng trong đó mọi lập trường trong Giáo Hội, trước mỗi vấn đề cụ thể, đều y chang nhau. Khác biệt có thể là phong phú cơ mà! Tuy nhiên, thiết nghĩ là chúng ta có thể - và phải mong muốn - vượt qua những sự khác biệt không cần thiết, tức những khác biệt không đem lại sự phong phú hơn mà chỉ làm chia rẽ trong lòng Giáo Hội.  

CẦN MỘT TẦM NHÌN  

Cách đây hơn ba thập niên, Cha Joseph Comblin (nhà thần học người Bỉ, cộng sự viên của Giám Mục Helder Camara ở Bra-xin) đã chẩn đoán rằng chính sự khác biệt về tầm nhìn sứ mạng là cái nằm đằng sau rất nhiều những sự khác biệt không cần thiết nói trên. Ngài viết: “Vì nhiều lý do, tôi cho rằng ngày nay thần học về sứ mạng theo Tin Mừng là vấn đề trung tâm, nơi hội tụ các cuộc tranh cãi chủ yếu giữa các Kitô hữu. Tôi cảm thấy rằng nhiều ý niệm, nhiều luận điểm và nhiều lập trường làm phân hoá trong Giáo Hội xem ra không đi tới gốc rễ của vấn đề. Không có sự tiến bộ nào đạt được, do các bên liên hệ không nêu rõ ra những quan niệm căn bản nằm phía sau các điểm bất đồng của mình. Họ không nêu rõ ra những giả định nằm phía sau luận cứ của mình. Và nếu chúng ta tìm hiểu điều gì nằm ẩn trong những phát biểu của họ, nếu chúng ta cố gắng xác định thần học nằm sau những chọn lựa mục vụ của họ, chúng ta sẽ sớm khám phá ra rằng họ có những diễn dịch khác nhau về sứ mạng theo Tin Mừng.” (The Meaning of Mission, New York: Orbis Books, Maryknoll, 1977, tr. 1.) 

Vâng, chính sự khác biệt trong thần học sứ mạng và, do đó, trong tầm nhìn sứ mạng của người ta, sẽ dẫn tới bao điều bất đồng khác giữa họ. Mọi Kitô hữu có trí khôn, ngay cả dù chưa bao giờ là sinh viên thần học, cách nào đó đều có một tầm nhìn sứ mạng của mình. Đối với người linh mục thì điều này càng rõ, không phải vì anh ta đã qua ít nhất 4 năm thần học ở đại chủng viện, mà vì anh ta ở trong một vị trí trong đó tầm nhìn sứ mạng của anh thường xuyên bộc lộ ra (dù có thể chính anh không ý thức). Người linh mục bộc lộ như vậy, chẳng hạn, qua giảng thuyết, qua cách lập kế hoạch mục vụ, qua các mối quan tâm và qua sự chọn lựa ưu tiên của anh trong những chuyện lớn, nhỏ, chung, riêng hằng ngày.  

Nói rằng ai cũng có một tầm nhìn sứ mạng, thực ra đó chỉ là nói theo kiểu “không có ý kiến gì thì cũng là một ‘ý kiến’”! Ừ, cách nào đó, không có một tầm nhìn, thì đấy cũng là một ‘tầm nhìn’! Nhưng, trong khi ‘không ý kiến’ lắm lúc có thể là điều tốt nhất, thì ‘không tầm nhìn’ - cách riêng đối với sứ mạng Kitô giáo - luôn luôn chỉ có thể là điều tệ hại. “Không có một tầm nhìn, người ta sẽ chết” (Sách Giảng Viên 29,18). Không có một tầm nhìn sứ mạng, đời người Kitô hữu sẽ lệch tâm, bởi sứ mạng là lý do hiện hữu của Đức Giêsu kia mà! Không có một tầm nhìn sứ mạng, người linh mục sẽ dựa vào đâu để định hướng cho sứ vụ của mình, dựa vào đâu để lập các chương trình mục vụ, dựa vào đâu để có một mối thống nhất các hoạt động giảng thuyết, cử hành phụng tự/bí tích và cai quản cộng đoàn của anh? Không có một tầm nhìn sứ mạng, thì sẽ lấy tiêu chuẩn nào đây để đánh giá một quá trình của cá nhân hay cộng đoàn, để đích thực là mừng những dịp kỷ niệm 100 năm, 50 năm, 25 năm… ? 

TẦM NHÌN NÀO? 

Giáo Hội tự bản chất là thừa sai (Ad gentes 2) (chú thích: ‘thừa sai’ là người được sai đi để làm sứ mạng). Đó là nền tảng tầm nhìn sứ mạng của Vaticanô II. Nó hàm nghĩa rằng lý do hiện hữu của Giáo Hội là sứ mạng, rằng vì có sứ mạng mới có Giáo Hội, chứ không ngược lại. Không phải Giáo Hội có sẵn đó, rồi sứ mạng là một cái gì thêm vào sau (như kiểu có một nhóm người hơi rảnh, rồi mới tìm việc chi đó để làm cho qua thời giờ!) Giáo Hội được định hướng bởi sứ mạng. Vì thế, tất cả đời sống Giáo Hội - cơ chế, nhân sự, cơ sở, tổ chức, sinh hoạt, đào tạo, phụng vụ... - phải hướng về và phục vụ cho sứ mạng. Giáo Hội sơ khai, trong giai đoạn nguyên sơ nhất, nào có gì đâu, trừ một bầu khí sục sôi sứ mạng? Và chính từ sứ mạng đang diễn tiến đó mà Giáo Hội nhận ra các nhu cầu về cơ chế, tổ chức, luật lệ, lễ nghi…, kể cả nhu cầu làm thần học. Quả thật, “sứ mạng là mẹ của mọi khoa thần học” hay “mọi thần học đều phải có nền tảng sứ mạng học” – nghĩa là việc dạy và học tín lý, luân lý, giáo luật, phụng vụ, mục vụ, vv… tất cả đều cần phải được dạy và học trong định hướng sứ mạng!  

Tầm nhìn sứ mạng của Vaticanô II nói trên đã thúc đẩy rất nhiều sự duyệt xét lại về nguồn gốc, về mục đích, về ý nghĩa, về tác nhân, về phương thức và về động lực của sứ mạng Kitô giáo. Đã có các cố gắng làm sáng tỏ hơn để nhận hiểu tốt hơn về Phép Rửa, về ơn cứu độ, về vai trò của Giáo Hội và về Nước Thiên Chúa. Người ta thấy cần phải trở về với chính sứ mạng của Thiên Chúa (missio Dei) như được Đức Giêsu thể hiện trong các Sách Tin Mừng, để xác nhận thật rõ sứ mạng Kitô giáo là gì và bao hàm gì. Người ta mổ xẻ lại những vấn đề ‘nhạy cảm’ như: phải chăng ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ, phải chăng Giáo Hội đồng nhất với Nước Thiên Chúa, phải chăng việc của các môn đệ Đức Kitô chỉ là trồng Giáo Hộicứu linh hồn…    

EVANGELII NUNTIANDIREDEMPTORIS MISSIO  

Kể từ Vaticanô II cho tới nay, giáo huấn quan trọng bậc nhất của Giáo Hội Công Giáo về sứ mạng là Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Phaolô VI và Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Gioan Phaolô II. Hai vị giáo hoàng đã không chỉ khai triển khía cạnh ‘cái gì’ và ‘tại sao’ của sứ mạng, mà nhất là các ngài đã hữu ý đề cập sâu rộng đến khía cạnh ‘thế nào’ của sứ mạng Kitô giáo trong thế giới ngày nay. Theo Đức Phaolô VI, sứ mạng, hay loan báo Tin Mừng, là “đem Tin Mừng đến cho mọi người, mọi cơ cấu, để chuyển hoá và đổi mới nhân loại từ bên trong;” và ngài nêu rõ rằng phương thức đệ nhất để làm sứ mạng là trình bày chứng tá đời sống Kitô giáo đích thực. Đức Gioan Phaolô II cũng xác nhận tầm quan trọng này của chứng tá và nhấn mạnh rằng đó là những chứng tá trong phục vụ con người, trong hội nhập văn hoá và trong đối thoại với anh chị em thuộc các niềm tin khác.  

Ở Việt Nam, có vẻ vì hoàn cảnh, âm vang của cả Evangelii Nuntiandi lẫn Redemptoris Missio đều khá nhạt mờ. Evangelii Nuntiandi được ban hành năm 1975, vào lúc mà Việt Nam vừa ra khỏi cuộc chiến và Giáo Hội tại đây thấy mình ở giữa bao ngổn ngang và đang đối mặt với trập trùng sóng gió. Thời điểm của Redemptoris Missio tuy đỡ hơn (1990), vì lúc này nhà nước đã rục rịch ‘đổi mới’, nhưng cũng phải nhận rằng thông điệp này cũng không được người Công Giáo Việt Nam chú ý cho đúng mức.   

ECCLESIA IN ASIA

Thực ra, các giám mục FABC (Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu) đã đi trước cả Evangelii NuntiandiRedemptoris Missio trong việc xây dựng một tầm nhìn sứ mạng cho Giáo Hội tại lục địa này theo hướng đối thoại và chứng tá. Các ngài không chỉ đi trước, mà còn đi liên tục (từ 1970 đến nay) và đi rất kỹ nữa. Đến với Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu hồi năm 1998, các giám mục FABC đã không nói điều gì mới mẻ, mà chỉ nói lại những gì các ngài đã cùng nhau đào sâu suy tư, cầu nguyện và nhận định ngót 30 năm. Tông Huấn Ecclesia in Asia - được Đức Gioan Phaolô II ban hành năm sau đó - là kết quả của thượng hội đồng này.  

Tuy bản văn Ecclesia in Asia có những thêm bớt (so với Bản Đề Nghị) gây phiền lòng ít nhiều cho các giám mục FABC, nhưng xét chung nó phản ảnh được những nét chính trong tầm nhìn sứ mạng của các ngài. Ecclesia in Asia cổ võ việc ưu tiên chọn lựa người nghèo, việc hội nhập văn hoá và đối thoại với các tôn giáo. Tông Huấn cũng xác nhận tầm quan trọng hàng đầu của chứng tá đời sống; đặc biệt, bản văn có dành một đoạn đề cao các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản, mô hình từng được FABC gọi là “một cách thế mới để thể hiện Giáo Hội.” Ecclesia in Asia  ngay lập tức được đưa vào các giáo trình sứ mạng học tại các học viện thần học ở Á Châu. Tại Việt Nam, tông huấn này có dấy lên được một phong trào học tập vào khoảng thời gian Năm Thánh 2000, nhưng sau đó thì ít được nghe nói đến nữa. Năm 2004, Jonathan Yun-ka Tan - giáo sư thần học người Malaysia gốc Hoa, giảng dạy tại Đại Học Công Giáo Washington - đã xuất bản một khảo luận nổi tiếng tổng hợp tầm nhìn sứ mạng của FABC. Ông gọi đó là tầm nhìn “missio inter gentes” (đối lập với ‘ad gentes’!) và ghi nhận rằng đó là một kiểu thức mới của thần học sứ mạng.   

TẦM NHÌN SỨ MẠNG CỦA CÁC GIÁM MỤC VIỆT NAM 

Giáo Hội tại Việt Nam suốt một thời gian dài bị ‘cách ly’ với Giáo Hội hoàn vũ và cả với khu vực. Thế nhưng, thật thú vị là các giám mục Việt Nam, ngay từ cuối thập niên 1990, đã tỏ ra rất ‘đồng thanh tương ứng’ với tầm nhìn sứ mạng ‘inter gentes’ của FABC. Trong Bản Trả Lời cho Lineamenta chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu 1998, các giám mục Việt Nam viết:  

Chỉ một Giáo Hội nghèo mới có thể dấn thân vào đại dương những người nghèo. Một Giáo Hội khiêm tốn và bé nhỏ sẽ dễ dàng hơn để hoà đồng với đa số người nghèo ở Á Châu. Một Giáo Hội không có quyền lực sẽ dễ gần gũi số đông những người chỉ mơ ước được làm người, được cơm no áo ấm, được học hành và có việc làm…

“… Đã đến lúc cần sáng tạo ra những ‘mô hình’ mới của Giáo Hội như là những cộng đồng nhỏ bé, dễ hòa mình vào xã hội của người nghèo: những cộng đồng nghèo hơn, ít bề thế, ít cồng kềnh, khiến người ta không còn e dè sợ hãi khi tiếp cận, gặp gỡ, những cộng đồng mở rộng hơn là khép kín. Sau cùng đó là những cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến đời sống toàn diện của con người, không chỉ khép kín trong đời sống thuần túy tôn giáo, nghĩa là trong việc cử hành bí tích hay phụng vụ, mà còn dấn thân trực tiếp vào việc cải thiện đời sống vật chất, nâng cao văn hóa và giáo dục cho người dân, nhất là những người nghèo…

“… Đức Giêsu đã không rao giảng Tin Mừng chỉ bằng lời nói, mà Tin Mừng của Ngài là ‘người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, và người chết chỗi dậy.’”  

Vẫn trong Bản Trả Lời trên, các giám mục Việt Nam xác nhận cách thức loan báo Tin Mừng tại Giáo Hội địa phương mình: 

Giáo Hội Việt Nam quan niệm loan báo Tin Mừng trước hết là chia sẻ đời sống… Chúng tôi muốn chia sẻ với các Giáo Hội địa phương khác về tầm nhìn sứ mạng của chúng tôi và về cách thức loan báo Tin Mừng mà chúng tôi lựa chọn. Đó là, không tìm cách thuyết phục, tuyên truyền, càng không phải là chinh phục kéo cho được đông người ‘vào’ Ðạo, nhưng trái lại là đi đến với mọi người (x. Mt 28,19) làm người với mọi người (x. Ga 1,14), trong tư cách là nhân chứng của Chúa Kitô, hiện thân tình yêu của Cha trên trời.” 

THAY LỜI KẾT 

Tầm nhìn sứ mạng trên đây của các mục tử Giáo Hội Việt Nam đã hiện ra trên giấy trắng mực đen cách đây hơn 10 năm, thiết tưởng rằng tầm nhìn đó vẫn còn hoàn toàn thích đáng cho ngày hôm nay, khi cộng đoàn Dân Chúa ở đây bước vào cuộc cử hành Năm Thánh 2010. Ước mong rằng vẫn tầm nhìn ấy sẽ được đặt ở vị trí nền móng, định hướng cho mọi chương trình và kế hoạch của Giáo Hội địa phương. Càng có nhiều người hơn, nhất là các linh mục, chia sẻ tầm nhìn này của các giám mục, sẽ càng bớt đi những sự khác biệt không cần thiết, và sẽ càng có nhiều triển vọng hơn cho sứ mạng loan báo Tin Mừng trên quê hương thân yêu này.   

Lm. Lê Công Đức

VỀ MỤC LỤC
CÁCH ỨNG XỬ LÀM ĐẸP CUỘC SỐNG
 

(Tóm tắt bài nói chuyện của Gioan Lê Quang Vinh

tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Sàigòn ngày 24/10/2009)

 

Website Thanhlinh.net kể chuyện vui như sau: Có một cha xứ khó tính nọ quyết định ăn chay 40 đêm ngày và đi tham dự buổi tĩnh tâm Mùa Chay đặc biệt. Cha được đánh động rất nhiều, nên khi vừa đi tĩnh tâm về tới nhà xứ, cha chạy vội vào khoe với bà giúp việc: “ Bà ơi, bà có biết không, cha xứ cũ của bà đã chết rồi”.  (Ý cha muốn nói rằng: con người cũ của cha đã chết, và bây giờ cha đã thành một người mới). Nói xong, cha lấy một tấm bảng viết dòng chữ: "Cha xứ cũ của quý vị đã chết!" và cắm ở trước nhà thờ để báo cho mọi người biết cha đã được thay đổi. Được vài ngày sau, cha lại khó tính như xưa . Nhân lúc cha đang cử hành lễ Phục Sinh, bà giúp việc ra nhổ tấm bảng của cha lên và thay thế vào một tấm bảng khác.  Sau khi làm lễ xong, cha bước ra khỏi nhà thờ và thấy tấm bảng của cha đã được thay thế bằng một tấm bảng mới. Cha tò mò lại xem ai viết gì trên tấm bảng. Cha ngạc nhiên thấy dòng chữ: "Chết 3 ngày thì Ngài đã sống lại".

Chuyện vui ấy nói lên rằng trong ứng xử giao tiếp ai cũng có cái gì đó làm người khác không vui, cha xứ hơi khó, giáo dân cũng không dễ, bà bếp lại càng khó! Chuyện khác, thấy Thảo Linh, vợ mình đi làm về trễ nhiều lần mà không giải thích vì sao, Tuấn rất bực bội. Một lần anh hỏi thẳng: “Cô đi đâu mà ngày nào cũng về trễ? Phụ nữ gì mà cứ la cà!”. Câu nói vừa thiếu tình cảm vừa đầy sự phán xét làm Thảo Linh thất vọng về chồng mình. Và cô cũng không vừa: “Ừ thì em thích la cà hư hỏng vậy đó”. Chiến tranh vợ chồng nổ ra ngay lập tức.

Tình huống rất ít tính nhân văn như thế là vấn nạn chung của con người và gia đình thời đại này. Một nhà tâm lý ở Hoa Kỳ là tiến sĩ Marshall Rodenberg đã nhiều năm nghiên cứu về ứng xử và đã viết nhiều sách cũng như mở các lớp học về phương pháp giao tiếp không có bạo lực (Nonviolent Communication, viết tắt NVC) để giúp giải quyết các xung đột gia đình. Ông giới thiệu đó là  “Một phương pháp giao tiếp – nói và lắng nghe – giúp chúng ta trao cho nhau tấm lòng của mình, nối kết chúng ta với chính mình và với người khác theo một cung cách làm cho lòng nhân hậu nở hoa”. Phương pháp này đang được lan truyền mạnh mẽ và đã cứu được biết bao cặp vợ chồng mà sự xung đột tưởng như không còn cứu vãn được.

Những kiểu bạo lực

Rosenberg chỉ rõ ra rằng các cách ứng xử thiếu tình cảm có thể gọi chung là ứng xử bạo lực, làm cho cuộc sống nặng nề. Đó là việc phán đoán chủ quan, kết án quá vội vàng. Đó là đòi hỏi người khác phải làm điều này điều nọ theo ý mình mà không cần quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của họ. Đó là việc cho rằng hành vi này đáng thưởng hành vi kia đáng phạt.

Khi người chồng về nhà với một dấu vết lạ trên áo, người vợ có thể làm ba việc: thứ nhất, phán đoán: “Anh lại lăng nhăng, đi chơi với con nhỏ nào!”; thứ hai, không kềm chế cảm xúc, nổi giận hét lên “Anh làm thế mà được à?” thứ ba không nói rõ mình muốn gì, cứ la to “Anh đi luôn đi”. Và cách cư xử ấy rõ ràng là không có chút tình nghĩa nào. Đồng thời, cách cư xử ấy là vô trách nhiệm với chính tình cảm và cảm xúc của mình. Và  tan vỡ cứ dần dần ló mặt!

Có một cách giao tiếp khác thọat nghe thì bình thường, nhưng Rosenberg cho rằng đó chính là bạo lực. Ấy là việc so sánh mình và hoàn cảnh của mình với người khác và hoàn cảnh của họ. Thúy An tốt nghiệp đại học nhưng chồng chỉ mới học hết cấp 3 bổ túc văn hóa. Tuy anh làm ăn giỏi, nhưng khi nói chuyện với chồng, cô thường phàn nàn “Giá mà anh học được như anh Lâm trưởng phòng của em thì anh đã…” Cách nói ấy được coi là bạo lực vì điều này rất dễ gây đổ vỡ trong gia đình. Khi so sánh chồng mình với người khác, Thúy An sẽ sống khổ sở, và làm cho chồng mình khổ lây. Hãy nhớ rằng Chúa ban cho mọi người những ân huệ khác nhau và không thể nói ai hơn ai kém.

Giao tiếp bằng tình cảm, không bạo lực

Rosenberg kêu gọi hãy sống và giao tiếp bất bạo động. Ông chỉ ra mấy điều căn bản sau đây mà chúng ta cần thực hiện ngay hôm nay, nếu muốn cuộc sống đẹp, tình cảm thăng hoa và các mối quan hệ trở nên dịu dàng hơn nhiều:

1.      Quan sát mà không đánh giá.

Nhìn thấy người khác thực hiện một hành vi hay tỏ một thái độ, ta hãy khoan đánh giá là đúng hay sai, là tốt hay xấu. Cứ quan sát trước đi. Triết gia Ấn độ J. Krishnamurti cho rằng quan sát mà không đánh giá là dạng thức cao nhất của trí thông minh con người.

Chúa Giêsu đã phán: “Các con đừng đoán xét để khỏi bị xét đoán”. Nhưng cần phân biệt phán đoán luân lý khác với việc nhận định đúng sai. Chúng ta phải biết hành vi nào đúng và tốt, hành vi nào sai trái và xấu.

Một ví dụ cụ thể: nhìn thấy bạn gái mình vào quán café với anh chàng nào đó, bạn khoan hãy bảo cô ấy hư đốn, bất trung, bởi vì điều ấy hoàn toàn không chắc chắn. Nghĩ thế đã sai, đi nói với cô ấy như thế còn làm cô ấy bất bình và tự ái. Phải tách rời việc quan sát ra khỏi việc đánh giá.  Quan sát là yếu tố quan trọng trong NVC, khi chúng ta muốn biểu lộ rõ ràng và chân tình đối với người khác.   Khi chúng ta ghép chung quan sát và đánh giá là chúng ta bắt người khác phải nghe lời bình phẩm và chúng ta dễ gặp phản kháng.

2.      Cảm xúc khi quan sát

Khi quan sát, ta sẽ có cảm xúc, hãy chú ý cảm xúc này. Phải phân biệt cảm xúc với suy nghĩ và phán đoán. Khi nhìn thấy bạn trai mình là Phước chở một cô gái tóc vàng, Bích Nga quan sát và thấy anh ấy chở cô gái chạy rất nhanh trước cổng trường. Cô bạn của Bích Nga  bảo: “Hay là anh ta phản bội mày hở Bích Nga ?”. Nhưng rõ ràng đó là phán xét không có căn cứ. Nếu là em  họ anh ấy thì sao? Bích Nga  chỉ quan sát, biết thế, và có cảm xúc lo lắng, bất an. Cô ghi nhớ nỗi lo và nỗi buồn này.

3.      Các nhu cầu căn bản

Bước thứ ba là dựa vào quan sát và cảm xúc ấy, ta xác định ta cần cái gì. Rosenberg nhắc lại các nhu cầu căn bản mà ta có thể xem xét: thứ nhất, nhu cầu độc lập và tự khẳng định mình. Thứ hai, nhu cầu được nhìn nhận và tôn trọng. Tiếp theo là nhu cầu hiệp thông về tâm linh. Ngòai ra còn có nhu cầu được chăm sóc, chú ý v.v…

Trường hợp Bích Nga  trên đây, với cảm xúc ấy, cô có nhu cầu gì? Rõ ràng là nhu cầu được Phước, bạn trai mình quan tâm, chia sẻ và tôn trọng. Vậy cô phải làm gì? 

4.      Diễn đạt yêu cầu.

Trong giao tiếp, điều cản trở sự thông hiểu chính là không chịu diễn đạt hay diễn đạt khác ý mình muốn nói. Đã có nhu cầu và xác định được nhu cầu thì phải nói cho người kia biết mình muốn gì. Nói cách rõ ràng và cụ thể. Nói cách chân thành và xây dựng. Nhu cầu của mình cũng phải là nhu cầu chính đáng, làm phong phú thêm cho cuộc sống. Bích Nga đã xác định nhu cầu của mình là được tôn trọng, được quan tâm, thì cô cũng nên nói cho anh biết. Đừng nói kiểu nước đôi: “Anh như vậy mà được à. Thôi anh đi luôn đi”. Yêu cầu này vừa không tích cực vừa không diễn tả trung thực tâm hồn mình. Là người yêu quí tình cảm, Bích Nga nhỏ nhẹ nói: “Em thấy anh chở ai đó, em buồn và lo lắm. Lần sau anh đừng làm gì khiến em buồn được không anh?” Cũng là lời nói, nhưng lời này sẽ làm Phước suy nghĩ và yêu quí Bích Nga hơn.

Hai yếu tố chính của NVC

1.      Diễn đạt chân thành.

 Chúng ta được dạy phải hướng về người khác hơn là giao tiếp với chính mình. Do đó, việc diễn đạt ý kiến có vẻ dễ hơn diễn tả cảm xúc. Nhưng diễn đạt cảm xúc và tình trạng dễ thương tổn của ta có thể giải quyết các xung khắc. Khi diễn tả cảm xúc, nên dùng những từ ngữ cụ thể chính xác, chứ đừng dùng những từ ngữ mơ hồ hay chung chung.

  Chúng ta cần chú ý là điều người khác làm có thể kích thích cảm xúc của ta, nhưng đó không phải là nguyên nhân của cảm xúc. Cảm xúc sinh ra là do ta chọn cách cảm nhận điều người khác nói hay làm.

 Do đó đừng đổ lỗi cho người khác khi ta có cảm xúc buồn lo hay giận dữ. Đừng trách mình cũng đừng trách người mà hãy tìm cách biểu lộ cảm xúc ấy.

2. Đón nhận với sự thấu cảm

  Thấu cảm, sâu xa hơn thông cảm, là khả năng hiểu và chia sẻ những cảm xúc, nhu cầu và tình cảm của người khác. Đó chính là khả năng biết đặt mình vào địa vị, hoàn cảnh và tình huống của người khác. Hãy có mặt và chỉ cần sự cómặt của ta, không làm gì cả, để lắng nghe những cảm xúc và nhu cầu của người khác. Cố gắng giữ thấu cảm lâu dài, chú ý có khi nỗi đau làm ta mất khả năng thấu cảm.

Thấu cảm có khả năng chữa lành, do đó có thể dùng thấu cảm xoa dịu những nguy cơ, dùng thấu cảm để làm hồi sinh cuộc đàm thoại thiếu sinh khí, và giữ thấu cảm trước sự lặng thinh của người khác.

Trong gia đình, nếu các thành viên biết lặng lẽ quan sát, biết chân thành diễn đạt cảm xúc và biết hiện diện bên nhau với thấu cảm sâu xa thì mọi bạo lực sẽ biến tan, mọi nguy cơ đổ vỡ sẽ không có cơ hội bùng phát và lúc đó, cuộc sống sẽ đẹp biết bao!

Gioan Lê Quang Vinh

 
VỀ MỤC LỤC
NGHỆ THUẬT SỐNG

 

DẪN NHẬP. 

Nghệ thuật sống của con người là nét đẹp, là sự khéo léo trong suy nghĩ cũng như hành động. Người có nghệ thuật sống là người tinh tế trong việc thể hiện nét đẹp, sự khéo léo ấy ra trong cuộc sống thường ngày. Nét đẹp, sự tinh tế ấy nơi con người vẫn đang được đề cao và phát huy qua nhiều thời. Ngày nay, phát huy nét đẹp nghệ thuật sống nơi con người đang làm cho đời sống con người thêm đa dạng và phong phú. Sự phong phú đó đang làm cho đời sống con người tăng thêm ý nghĩa. Nhìn về con người, ta hãy cùng nhìn sự kỳ diệu của con người khi sống cuộc đời như một nghệ thuật.

1. Con người có tiềm năng sống cuộc đời như một nghệ thuật 

*         Con người được thượng đế phú ban cho khả năng sống cuộc đời như một nghệ thuật 

Thật không quá khi nói: Con người ngay từ lúc thành thai trong dạ mẹ đã có khả năng sống nghệ thuật. Nghệ thuật sống đơn giản nhưng sâu sắc và tinh tế. Nghệ thuật sống của người con trong sự cưu mang của người mẹ. Trong dạ mẹ, người con hoàn toàn phó thác nơi người mẹ và chỉ biết đáp đền tình yêu của mẹ bằng một khả năng sống vui tươi, hồn nhiên. 

Chào đời, con người đã sớm nhận thấy nơi mình một khả năng thần kỳ do Thượng Đế đặt để: khả năng hướng tới và thưởng thức cái đẹp. Dường như cái đẹp có mãnh lực đặc biệt, nó cứ thôi thúc con người lên đường và con người cứ đi, đi mãi. Có thể nói đó là cuộc hành trình chinh phục cái đẹp không ngơi nghỉ. Cuộc chinh phục này, cái đẹp đã đòi một điều kiện: người chinh phục phải sống cái đẹp ấy trứơc. 

Như vậy, người chinh phục cái đẹp không phải là đi gom góp sự đẹp mà là một sự tương quan, một đòi hỏi phải đồng cảm nhận. Thế ra, con người không có cách nào khác để có được cái đẹp ngọai trừ việc sống cái đẹp ấy trước đã. Tuy nhiên, con người cũng không quá khó khăn để sống. Vì khả năng sống cái đẹp ấy, Thượng Đế đã phú ban cho ta từ đời đời. Vấn đề, ta phải thể hiện nó ra trong cuộc sống như thế nào để tìm ra sự tương đồng. Thành ra, nghệ thuật sống chính là phương cách tuyệt vời giúp con người chinh phục cái đẹp. 

*         Con người sinh ra đã hướng về nghệ thuật 

Nói về con người, Khổng Tử rất tinh tế khi nói: Nhân tri sơ tính bản thiện. Sự tinh tế của Khổng Tử ở việc ông đã sớm nhận ra nơi con người có tiềm năng về sự thiện, sự đẹp. Có lẽ xuyên suốt tư tưởng của ông, con người được đề cập đến như một cuộc hành trình diễn tả sự thiện, một sự diễn tả ra bằng nghệ thuật sống. Khổng Tử cho rằng: Sự thiện đã có sẵn trong mỗi người và mỗi người hãy tùy theo cơ chất của mình mà thể hiện nghệ thuật sống đó ra.  

Thực tế xã hội thời Khổng Tử cũng như bây giờ, con người đã có sự tha hóa. Sự tha hóa do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đưa đẩy khiến con người vốn có tiềm năng sống sự thiện, giờ đây lại phải ra sức tìm về sự thiện. Con người càng ra sức tìm về sự thiện lại càng chứng tỏ khát khao hướng tới sự thiện, càng gần với bản tính thiện của mình. Trong quá trình ấy, con người đã cố gắng thể hiện cuộc đời ra như một nghệ thuật. 

*         Con người có lý trí nên hành trình sống là hành trình vươn tới nghệ thuật 

Ai cũng biết: Con người hơn con vật ở lý trí. Vì thế, lý trí cứ thúc bách con người đi tới cùng để tìm ra đâu là ý nghĩa thực của đời người, đâu là đích điểm của đời người...

Con người từ khi biết nghĩ là biết đi tìm điều đẹp cho mình và cho người. Nhưng xem ra chưa có ai đã thỏa mãn mà thôi tìm kiếm. Ví dụ Augustino sau nhiều năm bôn ba tìm kiếm sự đẹp nơi trần gian đã phải thốt lên: Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xưa mà rất mới. Vậy ra, vẻ đẹp thực sự, vẻ đẹp tuyệt đối chỉ có ở nơi thiên giới thôi sao?

Theo các nhà kinh viện: Cuộc sống đời sau là đích điểm của con người và con người chỉ có thể thấy được vẻ đẹp tuyệt đối ở đời sau mà thôi. Tuy nhiên, các nhà kinh viện cũng khẳng định rằng: Cuộc sống đời sau đã được bắt đầu nơi trần gian này. Thế ra, con người sống cái đẹp nơi trần gian là để hưởng vẻ đẹp nơi thiên giới. Như vậy, sống nghệ thụât "Đẹp" nơi trần gian chính là hành trình để đi tới nghệ thuật “Đẹp” tuyệt đối. 

*         Con người có tự do lựa chọn cái đẹp 

Con người còn có một khả năng đặc biệt nữa đó là tự do. Con người tự do lựa chọn và quyết định đời mình. Tự do để đào tạo mình trưởng thành. Tự do làm cho đời mình hạnh phúc hay bất hạnh. 

Ở trong thế giới mà quan niệm về cái đẹp có nhiều cách hiểu như hiện nay thì tự do là người bạn tốt nhất để con người lựa chọn giá trị chân thiện mỹ. Chỉ khi con người tự do sống giá trị cao đẹp nơi mình, lúc ấy con người mới có trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Như vậy, tự do vừa giúp con người sống nghệ thuật sống, vừa là chính nghệ thuật để con người vươn tới. Khi vươn tới tự do, con người cũng đồng thời khẳng định được mình và các giá trị nơi mình. Thành ra, cái đẹp ở đây không còn là cái đẹp chung chung nhưng là cái đẹp trong chính con người của chủ thể. Cái đẹp làm nên chủ thể. Cái đẹp làm cho con người là mình với tư cách là một nhân vị, nhân cách độc đáo.

2. Sống thế nào cho ra nghệ thuật 

*         Sống nghệ thuật  là sống với chính mình, sống cho ra mình 

Như trên đã nói: Con người có tiềm năng sống cuộc đời như một nghệ thuật. Nhưng con người sống thế nào để thể hiện được nghệ thuật? 

Người ta không thể chấp nhận thứ nghệ thuật chung chung. Vì vậy, con người có nghệ thụât sống phải là người biết sống nghệ thuật. Con người biết sống nghệ thuật, có lẽ phải biết sống với chính mình trước đã. Con người phải thể hiện nghệ thuật sống ấy với chính mình qua sự trân trọng mình, qua sự khẳng định mình, tôi luyện mình, làm cho mình trở nên độc đáo. Có thể nói, con người muốn sống nghệ thuật với người khác thì trước nhất phải có nghệ thuật sống với mình đã. Bởi vì, con người tôi với những cá tính rất độc đáo, tôi phải tự khám phá tôi trước đã. Con người tôi với tư cách là một nhân vị, tôi phải lo bồi đắp cho xứng một nhân vị đã. Con người tôi với con người cụ thể, tôi lại càng phải tôn trọng phẩm giá của tôi dù tôi bất toàn. Khi ấy, sống với mình, sống cho ra mình mới chính là nghệ thụât sống đúng nghĩa. Nghệ thuật sống ấy mới làm cho con người trưởng thành. Con người như thế mới là mình, mới là cá nhân độc đáo, đáng giá trong vô vàn cá nhân.

Con người biết sống nghệ thuật không phải chỉ biết sống cho mình nhưng quan trọng còn phải biết sống trong các mối tương quan khác. 

*         Sống nghệ thuật sống là sống các mối tương quan 

Tương quan với tha nhân 

Chúng ta sống là sống trong một cộng đồng người nhất định vì thế mối tương quan với tha nhân là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, sống mối tương quan này như thế nào cho ra nghệ thuật đó mới là nét đẹp cần hướng tới. Thiết tưởng trong mối tương quan này, con người trước nhất phải sống cho ra mình đã. Sống cho ra mình để nhận ra tha nhân. Từ việc nhận ra tha nhân mới có thể nói tới trân trọng tha nhân như họ vốn là họ. Họ với tư cách của một nhân vị độc lập, độc đáo, đa dạng và phong phú. Dĩ nhiên trân trọng họ cả khi họ bất toàn. 

Tương quan với xã hội

Theo nghĩa nào đó, con người là một động vật mang tính xã hội. Như thế mối tương quan con người với xã hội hẳn là rất quan trọng. Sự quan trọng ở chính cách thế ta cư xử với xã hội. Vì chính ta làm nên xã hội và chính xã hội cũng tác động trở lại để hình thành nên con người ta. Ở trong mối tương quan này, con người càng phải nỗ lực hơn bao giờ hết để sống cho ra mình, sống  nghệ thuật sống nơi mình để tác động trên xã hội. Đồng thời, ta cũng phải ý thức xã hội gồm những con người đang trực tiếp hay gián tiếp tác động trên ta để ta có ý thức,  cách thế thể hiện, ứng đáp cho phù hợp. 

Tương quan với tự nhiên 

Tự nhiên vốn là người bạn rất tốt của con người nên việc ứng đáp lại người bạn tốt này cũng là việc rất quan trọng. Đây là nghệ thụât sống mà chỉ khi sống con người mới cảm ra, mới biết cách nên gần gũi thiên nhiên. Chỉ khi con người sống, con người mới hiểu được thiên nhiên và được thiên nhiên là người bạn thân thiết hỗ trợ song hành. 

Tương quan với Đấng Siêu Nhiên 

Siêu Nhiên mà con người phải biết nghệ thuật sống mà đối đáp ở đây là chính Đấng Tạo Hóa. Ai trong chúng ta cũng hơn một lần nghiệm ra quyền năng và tình yêu của Tạo Hóa. Nhưng Con người sống làm sao thể hiện được nghệ thuật sống với Đấng Tạo Hóa mới là điều cốt thiết. Dĩ nhiên con người chẳng xứng đáng để đáp lại. Nhưng không vì thế mà con người được phép xem thường. Thành ra, thiết nghĩ có lẽ con người nên sống là mình trong mối tương quan với anh chị em với vạn vật mà Tạo Hóa ban cho. Con người sống nương theo ý của Tạo Hóa, theo khát vọng tự nhiên Tạo Hóa đặt để… khi hành xử như thế là con người đáp lại Tạo Hóa cách nghệ thuật rồi.

*         Sống nghệ thuật là sống hướng thượng 

Con người sinh ra không phải chỉ để dành cho những đòi hỏi bản năng, cũng không phải ở chỗ con người thỏa mãn được nhiều nhu cầu. Song, con người được mời gọi hướng lên những thực tại Siêu Việt. 

Thực tại Siêu Việt đó vẫn có, vẫn đang tồn tài bên ta và đang chi phối đời sống chúng ta. Ngày ngày, con người vẫn không ngừng đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Cõi tâm linh nơi con người vẫn không ngừng thúc bách con người hướng lên trời cao về với cõi vô biên, bất tử. Phải nhận rằng: Từ thế giới Siêu Việt mà con người được gợi hứng sống. Nhờ thế giới Siêu Việt, con người khám phá ra giá trị đích thực đời mình. Nhờ thế giới Siêu Việt, con người nhận ra mối tương quan của mình với anh chị em. Nhờ hướng lên thế giới Siêu Việt, con người ý thức được giá trị làm người của mình… Trong thế giới Siêu Việt, con người  ý thức được  vai trò của thế giới Siêu Việt trong đời sống của mình. Nhờ thế giới Siêu Việt, con người cũng được trở nên siêu việt. 

Như vậy, chính khi ưu tư về ý nghĩa đời mình, ưu tư về mối tương quan với tha nhân và với Tạo Hóa, con người lại không ngừng được mời gọi sống hướng nên cõi Tuyệt Đối, hướng lên những giá trị cao đẹp nơi Trời Cao. 

3. Sống nghệ thuật để cứu chuộc thế giới 

*         Sống nghệ thuật sống để cứu mình 

Con người sống nghệ thuật trước hết là sống cho ra mình. Như vậy, khi con người sống cho ra mình cũng đồng nghĩa con người đang sống theo những nguyên lý đẹp mà Tạo Hóa tác thành, đăït để. Con người sống hòa hợp với chính mình, hòa hợp với những nguyên lý tạo hóa đã đặt để thì hẳn nhiên  đã hạnh phúc rồi. Thành ra có nói: Con người sống nghệ thuật sẽ cứu được mình có lẽ cũng không sai. Bởi vì, khi con người sống với ý thức cao nhất, với sự trân trọng mình, trân trọng vạn vật thì con người đang giúp mình hoàn thiện mình. Con người đang làm đúng trách nhiệm của mình. Và chắc chắn, con người sẽ tránh được những bất trắc ... cứ thế,  con người đang từng bước cứu mình khỏi hư đi. 

*         Sống nghệ thuật sống  để sống cho tha nhân 

Con người sống nghệ thuật không phải thứ nghệ thuật chung chung nhưng là nghệ thuật vì con người. Vì thế, nghệ thuật không gì khác hơn là nghệ thuật sống vì tha nhân. Vì tha nhân mà hành động. Đi tới cùng, nghệ thuật sống là để sống cho tha nhân. Và sẽ không quá khi nói: Con người biết sống nghệ thuật sống có thể cứu được tha nhân, cứu tha nhân khỏi sự ích kỷ, khỏi tang thương, khỏi hư mất... Thực tế, con người sống cao đẹp đã có tác động rất lớn đến người xung quanh. Con người sống cao đẹp đã có sức lay động lương tâm kẻ chai lì. Con người sống đẹp có thể khiến kẻ xấu bỏ đường tội lỗi về với đường lành. Con người sống tốt có thể khiến người chưa tốt trở nên hoàn thiện... 

*         Sống nghệ thuật để đưa nhân loại đến chân thiện mỹ 

Con người luôn khao khát cái đẹp và dễ dàng rung động trước cái đẹp, từ những rung động đó, con người có thể nhận ra chính mình cũng như nhận ra giá trị của thế giới xung quanh. Vì vậy, ta có quyền tin giá trị của nghệ thuật sống có khả năng đưa nhân loại cũng như thế giới về với chân thiện mỹ. Ta có quyền tin nghệ thuật sống sẽ đưa con người vượt lên trên chiến tranh, hận thù, tang tóc... Ta cũng cần tin, nghệ thuật sống có đủ sức mạnh để chúng ta cải hóa thế giới. 

Như vậy, ta có quyền tin vào con người, tin vào tiềm năng sống cuộc đời như một nghệ thuật nơi mỗi người. Chính khi tin thì cái đẹp lại là chìa khóa mở cửa mầu nhiệm và là tiếng mời gọi ra vươn lên cao. Đó cũng là tiếng nói mời gọi ta cảm nếm thế giới và mơ về tương lai. 

KẾT LUẬN

Cuối cùng, con người sống nghệ thuật chính là cách cụ thể tiềm năng sống nét đẹp mà Thượng Đế đã đặt để nơi mỗi người. Để được thế, con người phải biết mình, biết người. Con người phải biết khám phá bản thân, biết dùng nó đúng chỗ, đúng lúc, đúng khả năng và khuynh hướng riêng của nó. Con người phải biết tạo cho mình một thế đứng, xác định cho đời mình một mục tiêu, chọn cho đời mình một lý tưởng. Có như vậy, chúng ta mới có nhiều khả năng sống cuộc đời như một nghệ thuật. Ước mong sao nghệ thuật thiên phú trong con người mỗi chúng ta được chúng ta thực sự quan tâm trân trọng và làm cho nó triển nở. Chính khi, ta làm cho đời ta triển nở là ta đang tiến tới giá trị thật của đời người. Chính khi, ta làm cho đời ta triển nở là ta đang làm cho phẩm giá con người trở nên đúng nghĩa và xứng với phận người được kêu gọi bước về nguồn nghệ thuật tuyệt đối nơi Thiên Chúa.

Lm. Anmai, C.Ss.R.

VỀ MỤC LỤC
TẠ ƠN NGƯỜI ĐAU KHỔ
           

Sau giờ tập hát, các ca viên ở giáo xứ tôi có lệ cầu nguyện chung mươi phút rồi mới về. Hôm ấy, đến phiên của anh T. hướng dẫn cầu nguyện. Anh ấy nói một hơi với Chúa những lời tự phát nầy:  

“Lạy Chúa, tuần trước trên đường đi làm về, bất thần bị choáng, con dừng xe máy ở gầm cầu Sài gòn, và ngồi xuống nghỉ một lát. Con đã thấy và nghe đôi vợ chồng già hành khất kia cùng đọc kinh chuỗi thương xót : “Xin thương xót con và toàn thế giới.” Họ đọc kinh thật sốt sắng trong thế giới gầm cầu u tối của họ. Ngoài kia, một thế giới hoàn toàn khác. Con chợt nhận ra rằng, con đang sống trong cuộc đời nầy, và con đang được nhiều hơn, được hay hơn, được tốt đẹp hơn điều con muốn, là nhờ bởi ơn Chúa ban xuống cho con. Nhưng có một điều lâu nay con không để ý tới, và cũng có thể là chưa ngờ tới, đó là, ơn Chúa ban cho con không hẳn do lời con cầu nguyện, nhưng lại là do lời cầu nguyện của những con người đau khổ, bất hạnh nhất trong cuộc đời nầy! Có thể con đang được nhiều nhất , nhờ bởi lời cầu nguyện của người con khinh rẻ nhất.

Con xin ghi ơn những người đau khổ, thấp kém. Chúa đã gửi ơn Chúa xuống cho con qua những địa chỉ mà con không ngờ! 

Vâng, vì địa chỉ của ơn Chúa cho con và cho toàn thế giới, lại là những lời kinh âm thầm của những anh chị em nghèo khổ đói rách hằng đêm cầu xin dưới gầm cầu, nơi bãi rác, khu nhà ổ chuột, trong những nhà trọ rẻ tiền, mất vệ sinh, mất cả an ninh. Họ bằng lòng chấp nhận nghèo khổ cho con được giàu có. Họ bằng lòng thiếu thốn cho con được đầy đủ. Họ bằng lòng rách nát cho con được tươm tất, chỉnh tề. Họ bằng lòng mất cả điều kiện môi trường xanh sạch đẹp cho con được cơ ngơi lộng lẫy, biệt thự sang trọng, phương tiện đàng hoàng. 

Điạ chỉ của ơn Chúa cho con và cho toàn thế giới lại là những lời kinh can trường của người câm biết đọc biết hát, của người điếc biết lắng tai nghe, của người mù đang trông thấy, của người què quặt tật nguyền đang nhảy múa tưng bừng hồn nhiên trước mặt Thiên Chúa. Con chợt nhớ một ông anh lớp trên con, sau khi bị stroke, liệt nửa thân người, ngồi xe lăn và vẫn thường kết hiệp với đau khổ của Chúa lúc ba giờ chiều để cầu nguyện cho mình và cho bao người khác. Vâng những người tật nguyền của Chúa Kitô đang gắn liền đời mình với Đức Kitô đau khổ, để biến đau khổ thành niềm vui và thành lời kinh thánh thiện nhất.  Chính họ đã chấp nhận thương tích cho con được đẹp đẽ lành lặn, toàn vẹn.  

Địa chỉ ơn Chúa cho con và toàn thế giới lại là những tiếng nấc đau thương đẫm lệ bên vũng lầy tội lỗi của những con người chưa tìm ra lối thoát hiểm khi chưa tìm được cái ăn cái mặc, chưa tìm được cách trả cái nợ cái nần, chưa khắc phục được đời sống thiếu đói của cha mẹ gia đình nơi vùng quê nghèo mạc rệp! Chính họ đang trong thế “chẳng đặng đừng” chấp nhận một cuộc sống mất nhân phẩm hay là  nhân phẩm thấp kém dưới mức tồi tàn vì tội lỗi, để cho con và bao người nhận ra được cái may mắn trong cuộc đời mình! Thế mà có khi con không thấy, hoặc là con còn buông lời ta thán  hay ngạo mạn khinh thường! 

Địa chỉ ơn Chúa xuống cho con và toàn thế giới là những bữa cơm đầm đìa nước mắt trong những gia đình cơm không lành, canh không ngọt. Ở đó, sự chịu đựng của những người vợ, người chồng, và cả sự chịu đựng của con cái đã đến mức quá sức, chỉ còn lời kinh âm thầm mới là sức mạnh để vượt qua những oan nghiệt của cuộc đời, nhất là đời làm vợ, làm mẹ. Những lời kinh của niềm tin và niềm hy vọng ấy đẹp lòng Chúa biết bao, khi họ chấp nhận những cay đắng ê chề, mà cầu nguyện cho hạnh phúc của tha nhân. Đã không thiếu  những đôi vợ chồng trẻ được hạnh phúc nhờ ơn Chúa qua lời cầu nguyện của những người làm cha làm mẹ một đời bất hạnh. 

Địa chỉ của ơn Chúa cho con và toàn thế giới lại là lời kinh của những người bị đàn áp vì đấu tranh cho tự do, cho công bằng, cho chân lý; lại là lời kinh của người bị chụp mũ, khủng bố, lộng hành, hay đang bị nhốt trong tù để bịt miệng khóa mồm không cho nói lên sự thật; lời kinh nguyện thầm  trong đắng cay của một lãnh đạo tôn giáo uy tín đầy nhiệt huyết cho Nước Thiên Chúa và chân lý đang bị tẩy chay nếu không nói là lãnh án treo lộ liễu từ nhiều phía quan tòa! 

Vâng, lạy Chúa, con đang được nhiều hơn điều con muốn, là nhờ ơn Chúa xuống qua những người đau khổ. 

Chính trong đau khổ, bất hạnh, trong cái cùng cực của cuộc đời mà họ vẫn giữ vững niềm tin niềm trông cậy, nhờ sự kết hiệp với đau khổ Chúa Kitô, và họ đã làm nên bao điều kỳ diệu cho nhân loại. Thế mà con vẫn vô tình không để ý tới.  

Xin Chúa tha thứ cho con, và xin ban lại muôn hồng ân cho những người đau khổ đã âm thầm cầu nguyện cho con, cho chúng con, cho ca đoàn con, và cho toàn thế giới….” 

Thì ra, khi chấp nhận đau khổ, và kết hợp đau khổ với Chúa Giêsu, thực sự những người đau khổ đang truyền giáo cho chúng ta, cho nhân loại.

Một giả sử cho những người đang hoạt động cho các công việc truyền giáo cụ thể, là, nếu chúng ta ở trong điều kiện của những người đau khổ, liệu chúng ta còn có niềm tin, niềm trông cậy không? Có một linh mục trẻ nói khôi hài: “Thời nay, có được sai đi tới đâu, cho là tới vùng sâu vùng xa hay mạn ngược, thì cũng đi xe hơi xe máy chứ đâu có đi bộ mà vác thánh giá; rồi cũng uống rượu cần, rượu dầm mật gấu đại bổ, chứ đâu đến nỗi phải uống dấm chua mật đắng. Bao giờ chạm được cái đau khổ của Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, mới thật sự đạt đỉnh cao của ý nghĩa truyền giáo. Hãy cầu nguyện cho chúng tôi”.

Quả đúng vậy, lý tưởng truyền giáo là kết hợp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Vì thế, Lời Chúa Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo không giới thiệu cho chúng ta một thuyết gia hùng hồn về Nước Thiên Chúa, nhưng lại giới thiệu một “người tôi tớ đau khổ và trung tín của Thiên Chúa” đã chấp nhận cái khốn cùng của kiếp nhân loại cho đến chết, và qua cái chết ấy, Thiên Chúa chấp nhận như lễ đền tội cho toàn thế giới (Is 53, 10-11) để toàn thế giới được tái tháp nhập vào tình thương của Thiên Chúa, tái thiết lập mối tương quan thân tình Cha - Con với Thiên Chúa (Dt 4: 14-16). Chúa Giêsu nói rõ hơn tính cách của người truyền giáo, trong Tin Mừng Mc 10, 35-45, rằng người truyền giáo là người đến để phục vụ mọi người và làm giá chuộc cho mọi người. 

Trong cuộc đời mỗi người đều có những đau khổ riêng, nhưng giá trị của các đau khổ là ở chỗ chấp nhận và kết hợp đau khổ của mình với đau khổ của Chúa Giêsu Kitô, người tôi tớ trung tín của Thiên Chúa, để nên niềm vui, nên phần rỗi cho mình và nên lời nguyện cho người khác được công chính, nên giá chuộc cho người khác được cứu rỗi.  

Lạy Chúa, xin dẹp bỏ trong chúng con những ý nghĩ truyền giáo to tát mơ hồ cho vinh danh chúng con. Xin nhen lên trong chúng con lửa mến yêu và lòng khát khao kết hiệp với Chúa Giêsu chịu đau khổ, để mỗi đau khổ chúng con chấp nhận, trở nên địa chỉ kho tàng hồng ân cho chính chúng con và cho người khác. Xin ban lại muôn ơn lành cho những người đau khổ đã hy sinh nên lời nguyện cầu cho chúng con được hạnh phúc. A men. 

Pm. Cao Huy Hoàng

VỀ MỤC LỤC
XIN ĐƯỢC LÀM THÁNH VÔ DANH

 

Có lẽ trong suốt cả năm Phụng vụ không có thời điểm nào mà mầu nhiệm hiệp thông được Giáo Hội đề cao một cách sống động khác thường như là thời gian đầu tháng 11 này. Ngày hôm nay, Giáo hội hướng chúng ta về các thánh, tức là Giáo Hội chiến thắng. Ngày mai Giáo Hội hướng chúng ta về các đẳng linh hồn, tức là Giáo Hội đang thanh luyện. Hướng nhìn như thế để cho chúng ta, những người đang sống trong Giáo hội tại thế, tức là Giáo Hội chiến đấu, biết tìm cho mình một hướng đi, để mai sau chúng ta cũng đạt được vinh quang như các thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay.

1. Các thánh là những ai ?

Sách khải huyền cho ta câu trả lời : “Các ngài là những người từ đau khổ lớn lao mà đến và đã giặt áo mình trong máu con chiên”. Rõ ràng các thánh không phải là những con người của quá khứ, cũng không phải là những nhân vật thần thiêng, siêu phàm, bẩm sinh đã là thánh, càng không phải là những con người lập dị. Các ngài cũng là những con người như chúng ta, đã giữ đạo, đã sống đạo và đã phản chiếu được sự thánh thiện của Thiên Chúa khi sống triệt để các mối phúc Chúa dạy, tức là “đã giặt áo mình trong máu con chiên”. Các ngài dám sống đức tin, dám dấn thân vì đức tin, dù có phải gặp “đau khổ lớn lao”. Các ngài có thể là những người thuộc gia đình, gia tộc của chúng ta; có khi là những người hàng xóm láng giềng của chúng ta nữa.

Nếu chúng ta được lên trời để thăm các thánh, chắc hẳn chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng của các ngài. Các Ngài thuộc đủ bậc đủ hạng (Tông đồ, tử đạo, hiển tu, đồng trinh; là giáo hoàng, giám mục, linh mục, phó tế, giáo dân….), thuộc đủ màu da, tiếng nói, nghề nghiệp, tuổi tác, hoàn cảnh, giới tính… (có thánh già, có thánh trẻ; có thánh nam, có thánh nữ. Có người còn nói là có cả thánh pêđê nữa kìa. Tại sao không ?) Đại đa số các thánh là vô danh. Bởi chưng con số được Giáo hội tôn phong là rất ít. Còn con số chưa được tôn phong là vô cùng lớn, như sách Khải Huyền đã nói : “Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi nước mọi dân và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9). Trong số đó chắc chắn là có những người thân yêu của chúng ta. Chúng ta hãnh diện vì có các ngài cầu bầu cho chúng ta trước tòa Chúa.

2. Sứ điệp ngày Lễ Các Thánh muốn nói điều gì với chúng ta ?

Thiết tưởng ngày lễ Các Thánh muốn nói với chúng ta 2 điều. Thứ nhất, lời mời gọi nên thánh không dành riêng cho một ai, hay một nhóm người nào. Chúng ta thường nghĩ rằng nên thánh là chuyện cao siêu dành cho một thiểu số đặc biệt nào đó, như các đấng, các bậc trong Hội Thánh. Nên thánh không có chuyện độc quyền. Mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh, và nên thánh là là bổn phận của hết mọi người chúng ta, như lời Chúa Giêsu đã dạy : “Anh em hãy nên thánh như Cha anh em trên trời là Đấng Thánh”. Thứ hai, nên thánh là bổn phận của hết mọi người. Vì sao? Bởi vì tất cả những ai được lên thiên đàng thì đều là thánh, ít là cũng thánh vô danh. Nói cách khác, muốn lên thiên đàng, phải sống thánh. Mọi Kitô hữu dù sống trong chức phận nào, địa vị nào cũng được mời gọi sống thánh, sống thánh ngay giữa đời. Được lãnh nhận bí tích rửa tội, được làm con cái Chúa, con cái của Giáo hội. Mà con cái Chúa, con cái của Giáo hội là con cái của sự sáng; con cái của sự sáng, nghĩa là phải trở nên thánh.

3. Cách thế nào để nên thánh ?

Tâm lý thường tình ai cũng muốn được phong thánh, nhưng lại sợ, lại ngại sống thánh. Thế nhưng, nên thánh không hệ tại ở nỗ lực sống luân lý, hay tuân giữ lề luật như quan niệm của những người Luật sĩ và Biệt phái Do thái.

Nên thánh là để cho tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống, là ra khỏi cái tôi hẹp hòi ích kỷ của mình để sống hết tình cho Thiên Chúa và sống hết mình cho tha nhân. Nên thánh là luôn lắng nghe tiếng Chúa và nỗ lực đáp trả trong từng giây phút hiện tại. Nên thánh là yêu mến cuộc sống mà Chúa đã tặng ban, là để cho Chúa yêu mình, nắm lấy tay mình dắt mình vào tình yêu diệu huyền của Ngài. Tắt một lời, nên thánh hệ tại ở việc thuộc trọn về Chúa, kết hiệp với Chúa là Đấng Thánh, đồng thời trung thành sống giới răn của Ngài là mến Chúa và yêu người.

Vậy mừng lễ các thánh hôm nay, chúng ta hãy cầu xin với các ngài cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta, để chúng ta có thêm sức mạnh và lòng can đảm sống đức tin như các ngài đã sống, hầu mai sau cũng được hưởng vinh phúc với các ngài trên thiên quốc. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Thành Long

VỀ MỤC LỤC
CẢI TỔ Y TẾ VÀ SỰ SỐNG CON NGƯỜI

 

 

Chương trình cải tổ Y Tế của Obama cho đến nay vẫn chưa được quốc hội chấp nhận, vì còn trong vòng tranh cãi của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.

 

Obama thì muốn cho tất cả mọi người dân đều có bảo hiểm sức khỏe, được săn sóc y tế đầy đủ với bất cứ giá nào. Các nhà làm luật, dân biểu, nghị sĩ của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa thì, ngoài việc để sức khỏe của người dân được chăm lo cẩn thận, họ còn để ý đến vấn đề ngân quĩ quốc gia, nhất là trong thời gian kinh tế suy thoái hiện nay. Người Công Giáo, Giáo Hội Công Giáo thì nhìn vào chương trình Y tế dưới một góc cạnh căn bản đặc biệt hơn, đó là SỰ SỐNG CON NGƯỜI.

 

Y Tế là phương cách, phương tiện bảo vệ sự sống, bảo vệ sức khỏe, làm cho con người được sống khỏe, sống lâu và sống hạnh phúc. Đó chính là một khía cạnh của Tình Yêu. Bảo vệ đời sống con người, bảo tồn sức khỏe người dân phải là trung tâm điểm của Y Tế. Không có nó, tất cả những chương trình khác đều là tạm bợ và giả dối.

 

Dựa vào thông điêp Yêu Thương trong Sự Thật (Caritas in Veritate) của ĐTC Biển Đức XVI, chúng tôi xin đưa ra vài góp ý cho phần tranh cãi về chương trình cải tổ Y Tế Hoa Kỳ mà hiện mọi người đang tham gia.

 

YÊU THƯƠNG TRONG SỰ THẬT [1]

(Caritas in Veritate)

 

Trọng tâm của thông điệp Yêu Thương trong Sự Thật / Caritas in Veritate là phát triển con người một cách toàn diện, cân bằng và  liên tục. Căn bản của quan niệm đó –như ĐTC đã nêu rõ ràng-  là đón nhận sự sống ở mọi giai đoạn. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm luân lý đạo đức thật sâu xa, bởi vì mỗi người chúng ta đã được Thiên Chúa tạo dựng nên “giống như hình ảnh Người”. Được mang nhãn hiệu đó, chúng ta phải được tôn trọng và, theo quan điểm Kitô giáo, chúng ta phải thương yêu và được yêu thương.

 

Để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải thực hiện hai điều:

 

Trước tiên, chúng ta phải tâm niệm rằng trách nhiệm luân lý đạo đức cá nhân cũng như tập thể xã hội không thể bị đóng khung giới hạn vì bất cứ lý do gì. Kim chỉ nam luân lý đạo đức của chúng ta không thể cất giữ ở nhà khi chúng ta đi đến sở làm hay bỏ lại nhà thờ khi chúng ta về nhà. Chúng ta phải là con người luân lý đạo đức ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh, mọi không gian và thời gian.

 

Chúng ta không thể chỉ hành sử luân lý đạo đức vào ngày Chúa Nhật và ngày thứ hai kế tiếp. Luân lý đạo đức cần phải được thực thi một cách liên tục.

 

Thứ đến, như thông điệp đã chỉ rõ ràng, phát triển con người thực sự chỉ có thể thành công khi đặt căn bản trên một quan niệm đích thực và chính xác về con người nhân bản. “Khi xã hội đi đến chỗ chối bỏ hoặc hủy hoại sự sống thì nó không thể nào tìm kiếm ra được lý do cần thiết và nghị lực để chiến đấu cho sự thiện hảo thực sự của con người. Nếu tất cả xã hội hay mỗi cá nhân đều không còn cảm tính để chấp nhận một sự sống mới, thì tất cả những hình thức chấp nhận khác có giá trị trong xã hội cũng sẽ từ từ tàn phai đi mà thôi.” (No 28)

 

Vì vậy, cung cấp dịch vụ y tế cho người dân (chưa có), chúng ta luôn luôn phải để ý đến điều đó. Tuy nhiên chúng ta không thể thực thi nó với bất cứ giá nào như buộc phải phá thai hoặc cung ứng phương tiện, ngân khoản để hủy bỏ sự sống.

 

Buồn thay, chương trình cải tổ y tế hiện đang bị ngâm ở quốc hội lại là để cứu xét nhiều huấn lệnh khác nhau –hoặc cố ý hay vô tình- để có nhiều ngân khoản hơn dành cho công tác phá thai.

 

Hội đồng quyền lợi quốc gia về đời sống vẫn chủ trương dành “ngân khoản thật nhiều cho việc mở rộng phá thai từ khi tối cao pháp viện chính thức hợp pháp hóa phá thai qua vụ  Roe vs Wade năm 1973”. Nhiều nhà chuyên môn khác cũng lên tiếng phụ họa tương tự, chẳng hạn như hiện nay tòa án liên bang và các cơ quan hành chánh buộc mọi bảo hiểm y tế phải trả phí tổn cho việc phá thai.

 

Đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy những khuynh hướng làm việc thiện / bác ái đang lâm nguy vì bị tách ra khỏi sự thật về con người nhân bản.

 

Những khuynh hướng cưỡng buộc phải phá thai đó không những chỉ làm phá sản nền luân lý đạo dức mà còn vỗ vào mặt chính dân chúng Hoa Kỳ nữa. Cuộc thăm dò ý kiến gần đây của Hội Hiệp Sĩ Columbus, một thành viên của kế hoạch Kim Chỉ Nam Luân Lý của Công Giáo, cho thấy 86% dân Hoa Kỳ muốn giới hạn phá thai, trong đó số người phò sự sống (Pro Life) nhiều hơn là ủng hộ phá thai (Pro Choice).

 

Thêm vào đó, gần đây nhiều cuộc thăm dò khác cũng cho thấy dân Hoa Kỳ không muốn tiền thuế họ đóng cho nhà nước đem dùng để phá thai, ở trong nước cũng như ngoài nước. Một cuộc thăm dò hồi tháng 5-2009 do Hội Liên Hiệp những người Hoa Kỳ Bảo Vệ Sự Sống cho thấy 71% dân Hoa Kỳ chống đối việc dùng tiền thuế của dân để bảo trợ phá thai ở Hoa Kỳ, trong đó 61% đã cực lực phản đối.

 

Cuộc thăm dò ý kiến của viện Gallup hồi tháng hai cho thấy 58% dân Hoa Kỳ không chấp nhận quyết định của TT Obama tài trợ cho những công tác phá thai ở ngoại quốc. Chỉ có 35% ủng hộ mà thôi.

 

Trong vòng 30 năm từ khi vụ Roe vs Wade được quyết định cho phép phá thai trên toàn quốc Hoa Kỳ, cả hai phía chống và thuận phá thai vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với nhau. Chỉ một phạm vi mà cả hai bên đồng thuận, theo ngôn từ của những nhà luật học hoặc chính trị gia , lại chỉ có thể thực hiện được ở những vấn đề phụ như vấn đề con nuôi, vấn đề săn sóc sản phụ trước khi sanh.

 

Nhưng thực ra cuộc thăm dò ý kiến mới đây lại cho thấy nhận xét đó sai. Dân Hoa Kỳ đã có một đồng thuận chung là “Ước mong việc phá thai phải hạn chế, và tiền đóng thuế của họ phải được chi dùng cho những việc khác.

 

KẾT LUẬN

 

Hệ thống săn sóc sức khỏe hiện được soạn thảo ra, một đàng là để cứu mạng sống con người, một đàng lại hủy hoại mạng sống con người thì thử hỏi có phải là tự mâu thuẫn, đối chọi nhau không? Hiển nhiên đó không thể là một chính sách, một phương cách tốt.

 

Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ phải xứng đáng đựợc khá hơn. Dân chúng Hoa Kỳ  -như đã tham khảo ý kiến rất nhiều lần…- đều ước mong có một cái gì tốt đẹp hơn.

 

Quốc Hội, những nhà lập pháp nên chú ý đến lời của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong thông điệp Caritas in Veritate: “Đón nhận sự sống phải là trọng tâm của sự phát triển đích thực.” [2]

 


[1] Thông điệp CARITAS IN VERITATE chúng tôi xin được dịch là YÊU THƯƠNG TRONG SỰ THẬT. Chữ  CARITAS / CHARITY có 2 nghĩa chính: 1-Tình Yêu Thiên Chúa (God’s love, Agape: Deus caritas est); Tinh Yêu Thương đối với Thiên Chúa và mọi người 2-Lòng Bác Ái, Từ Thiện, Khoan Dung…Tôi chọn nghĩa 1, vì nó tổng quát hơn trong khi Bác Ái nghĩa lại hep và bị giới hạn. Ngoài ra nghĩa 1 thuộc điều răn thứ nhất Chúa dạy: Phải yêu thương Thiên Chúa và mọi người (có tính cưỡng hành, bắt buộc). Còn nghĩa 2, Bác Ái chỉ có tính cách tình nguyện, tùy ý (không có tính bắt buộc). Hơn nữa trong phần mở đầu của Thông Điệp, ĐTC có nhắc chữ  Caritas phải hiểu theo nghĩa trong thông điệp Deus Caritas est: Thiên Chúa là Tình Yêu. Thực ra trọng tâm của thông điệp không phải nói về Bác Ái.

[2] Openness to life is at the center of true development.

 

Fleming Island, Florida

15-10-2009

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

VỀ MỤC LỤC
NƯỚC LÃ

 

Một thứ nước nhạt nhẽo vô vị, nhưng cũng có thể là thứ nước ngon giải khát thực sự cho con người. 

Một gáo nước vào người: Một hôm, đang lúc say mê đeo đuổi chương trình huấn luyện cho nhóm Giáo Lý Viên, cha phụ trách nghe một người bày tỏ, chương trình huấn luyện của cha dở hơn chương trình của một cha khác. Rồi cũng chưa hết, một người lại nói với cha, bài giảng của cha soạn công phu nhưng không hay bằng của một cha khác. Nghe những lời phê bình như thế chắc hẳn vị linh mục đó sẽ nóng máu và nóng gáy. Có thể sẽ buông lời chê bai đối phương hoặc có thể nhận ra vấn đề mình đang làm công việc này của ai? Gáo nước lạnh cần thiết, tỉnh ngộ để sống biết khiêm nhường. 

Nhạt nhẽo vô vị. Vừa mới hoàn thành xong việc xây dựng nhà thờ, nhiều người đến chúc mừng hả hê vì có ngôi nhà thờ mới, bao nhiêu người tán tụng bao công sức cha xứ bỏ ra, và cha xứ cũng đang hỉ hả vì mới xây dựng xong công trình to lớn của mình. Đang lúc nhiều lời tán tụng như thế, một số ý kiến nghịch lại với cha sở: Dùng tiền vào những chỗ vô ích, người ta kể ra những thứ màu mè không tác dụng, những chỗ khiếm khuyết của công trình và những lời đồn đại xa hơn: Xây và cất. Buồn lòng, cha sở thấy cuộc đời dấn thân dù có bao nhiêu cũng vô vị, nhạt nhẽo như ly nước lã. 

Trách móc. Bao nhiêu năm đóng góp cho giáo xứ, cha sở nghĩ rằng bây giờ mình cần được hưởng an nhàn bù đắp lại những năm tháng vất vả xây dựng giáo xứ. Những tưởng nhiều người nhớ ơn và bỏ qua cho những đường lối cứng rắn. Không, các hội đoàn thấy không thể hoạt động gì được trong những tư tưởng bảo thủ như thế của cha sở. Họ phản ứng nhiều cách, cha sở nghĩ rằng họ bội ơn bạc nghĩa, lên án họ, kêu các hội trưởng lên để chấn chỉnh, càng chấn chỉnh, người ta lại càng ngán vào cha sở, im lặng để “nín thở qua sông”.  Cha sở càng lúc càng quay quắt và cay cú tìm những phương cách để siết hơn nữa cho khỏi kêu. Trong trường hợp ấy, sao ta không nghĩ lại xem, mình làm việc cho ai? Cho mình nên mình nghĩ phải được người sau đền ơn đáp nghĩa, nên bao nhiêu công sức cả cuộc đời nước lã vẫn là “nước đổ lá khoai”. 

Cuộc đời dấn thân là như thế, lúc nào ta cũng cần xét lại mình, công việc đang làm, làm cho ai? Cho mình sẽ chỉ là nước lã và còn sinh ra rất nhiều những ghen ghét, thù hận, buồn chán, vô vị, tranh chấp, cố vị, bảo thủ, đố kỵ, lên án…Cuối cùng chẳng còn công phúc gì cả. 

Làm việc vì lòng yêu mến Chúa: Bài giảng không hay, tổ chức không khéo, xây dựng ít ỏi, nói năng không giỏi… bao nhiêu thứ tầm thường khác như nước lã nhưng là một thứ nước lã: không tranh chấp, không ghen ghét, không thù hằn, không cố vị, không bảo thủ, luôn sẵn sàng đón nhận tất cả, chịu đựng tất cả những yếu kém của mình, tươi vui an bình trong tâm hồn, nhiều người yêu mến, thân tình… Nước lã đã thành rượu ngon như tại tiệc cưới Cana,  

Thực thi cuộc đời mình từng chi tiết nhỏ vì lòng yêu mến Chúa, con người “phận nhỏ được Chúa đoái thương” và thấy được điều quan trọng “Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại”, cuộc đời trở nên ý nghĩa “linh hồn tôi chúc tụng Thiên Chúa” và quan trọng hơn cuối cùng trong đời linh mục vẫn thưa lên với Chúa: “Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ, vô duyên, bất tài”. 

Tháng Mân Côi 2009 trong đời Linh Mục.

Lm. Jos Hoàng Kim Toan

VỀ MỤC LỤC
SỐNG ĐẠO QUA THĂNG TIẾN CÁC MỐI QUAN HỆ GIA ĐÌNH
 

Gia đình được coi là môi trường đầu tiên mà người Kitô hữu cần chinh phục trước khi chinh phục thế giới bên ngoài.  Thế nhưng, sống đạo trong môi trường gia đình không phải là điều dễ, vì môi trường ở ngoài chúng ta có thể chọn, nhưng gia đình thì không có lựa chọn!  Đó là vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em, vv.  đúng như có người nói, “Bạn có thể chọn bạn để chơi, nhưng bạn không thể chọn cha mẹ hay anh chị em của mình”!   

Môi trường gia đình

Trong mười điều răn, ba điều răn đầu nói về bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa, “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi”; và bảy điều răn còn lại nói về thái độ của chúng ta đối với con người, “Ngươi hãy yêu mến người đồng loại như chính bản thân mình”. 

Nói đến gia đình là chúng ta nói đến điều răn thứ bốn, “Thảo kính cha mẹ”.   Sách Toát Yếu Giáo Lý Công Giáo, điều 455 nói rõ hơn, “Điều răn thứ tư dạy chúng ta phải tôn kính và chăm sóc cha mẹ và những ai được Thiên Chúa trao ban quyền hành để mưu ích cho chúng ta”. 

Còn điều 456 nói về bản chất của gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa như sau: “…Thiên Chúa đã thiết lập gia đình và đặt nền tảng căn bản cho gia đình.  Hôn nhân và gia đình được sắp xếp hướng về thiện ích của đôi vợ chồng, về việc sinh sản và giáo dục con cái…  Trong Đức Kitô, gia đình trở thành một Hội thánh tại gia, vì đó là một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến.” 

Như vậy, chúng ta thấy gia đình là một cộng đoàn yêu thương.  Thế nhưng, sống với người thân thực sự không phải dễ dàng.  Từ khởi đầu của nhân loại, gia đình đã có mối bất hoà.  Đức Chúa phán với Cain: “Em của ngươi là Aben ở đâu rồi?” Cain thưa, “Con không biết.  Con là người giữ em con hay sao?” (St 4:9)  Thực sự, ông đã giết em, do ganh tức vì Chúa nhận của lễ của em mà chê trách của lễ của mình.  Và vì hành vi tàn ác đó, Chúa đã phạt Cain lang thang phiêu bạt trên mặt đất, đi khuất mắt Đức Chúa. 

Trong thực tế, chúng ta biết có những cặp vợ chồng xung khắc nhau đến nỗi không thể sống chung dưới cùng một mái nhà; và trái lại, cũng có những người không thể sống an vui mà không có người thân thích bên cạnh.  Người thân, vì vậy, có thể là nguồn sức mạnh cho mình, nhưng cũng có thể gây nên vấn đề.  Ngay cả các thánh cũng gặp khó khăn khi sống với người thân gia đình.   

Thánh Phanxicô thành Assisi khi còn trẻ là người ăn chơi, đi lính rồi bị bắt, được ông bố là người giàu có đút lót để chuộc ra.  Nhưng sau đó trong một cơn trọng bệnh, được Chúa gọi, ngài đã thay đổi cuộc sống.  Ngài đã lấy tài sản của mình bố thí, rồi còn lấy cả tiền của bố mẹ phân phát cho người nghèo nữa.  Ngài đã bị ông bố đưa ra trước mặt vị giám mục sở tại để được xét xử.  Khi bị ông bố từ, ngài đã cởi bỏ tất cả áo quần đang mang trên mình và nói, “Con gọi cha là cha của con dưới đất, nhưng từ nay con có người Cha ở trên trời”. Và ngài để mình trần bỏ nhà ra đi. 

Như vậy, chúng ta thấy, mối giây gia đình không bảo đảm người thân của mình sẽ đối xử tốt với mình, hoặc điều họ muốn là tốt cho mình.   

Gia phả của Chúa Giêsu 

Chúng ta biết Chúa Giêsu được sinh ra trong một gia đình.  Thánh sử Matthew kể lai lịch Chúa từ tổ phụ Ápraham đến vua Davit là mười bốn đời, và từ thời vua Davit đến thời lưu đày ở Babylon là mười bốn đời, và từ thời lưu đày đến Đức Kitô cũng là 14 đời.  Trong suốt chiều dài lịch sử đó, chúng ta thấy Thiên Chúa có một cách thức đặc biệt tuyển chọn gia tộc cho Người.    

Tổ phụ Ápraham đã không chọn trưởng tử Isramel mà chọn Isaac, con của lời hứa sinh bởi bà Sarah.   

Rồi đến lượt Isaac, đáng lẽ ông đã chúc lành cho Assau là con trưởng, nhưng bà mẹ lập mưu để Jacop là em được chúc lành.   

Nhưng chính Jacop lại cũng không chọn trưởng nam nối dòng mà chọn người con thứ tư là Giuđa.  Giuđa không những đã phạm tội cùng với các anh em bán em là Giuse qua Ai-cập, mà còn ăn ở bất chính với con dâu trưởng của mình.   

Bà nội của vị vua danh tiếng lẫy lừng Davit là một người ngoại kiều, đó là bà Rút, thuộc dòng Moáp.  Bà đã có một đời chồng, và khi chồng chết đã theo mẹ chồng là bà Naomi về Bêlem, rồi tái hôn với ông Bô-át.  

Lúc còn là vì vua trẻ, Davit không phải là người thánh thiện.  Ông đã phạm tội ngoại tình và sát nhân.   

Các đời vua sau, kể cả vua Salomon, và các vua trong thời lưu đày, không mấy người trung thành với Chúa.  Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, khi đến gần thánh cả Giuse và Mẹ Maria, thì dòng nước trở nên trong lành thánh thiện để Đức Giêsu Kitô ra đời. 

“Không phải anh em  đã chọn Thầy, nhưng chính  Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi sinh được hoa trái” (Jn 15:16).  Chúa đã tiền định để chúng ta được sinh ra trong một gia đình, và đóng một vai trò trong môi trường chúng ta sinh sống.  Dầu gia phả của chúng ta có thế nào đi chăng nữa, Chúa đều có thể làm cho trong lành nếu chúng ta biết vững tin vào thánh ý của Người. 

Chúng ta biết, sau khi giết em, Cain đã đi lang thang trong nỗi lo sợ bị người ta hãm hại, nhưng Đức Chúa phán, “Không đâu!  Bất cứ ai giết Cain sẽ bị trả thù gấp bảy” và Ngài ghi dấu trên Cain để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông (xem St 4:14-15).  Tình thương của Chúa thật  sự chúng ta không hiểu nổi. 

Cấu trúc của gia đình Việt Nam 

Người Mỹ nhấn mạnh đơn vị gia đình theo nghĩa hẹp, bao gồm cha mẹ và con cái.   Nói chung, họ quan niệm cuộc sống gia đình có một giới hạn thời gian.   Chúng ta có thể hình dung, ở Mỹ, một gia đình được hình thành là do hai cá nhân đến tuổi trưởng thành, gặp nhau, hẹn hò, kết hôn, rồi có con cái.  Họ nuôi con khôn lớn, lo lắng học vấn, nghề nghiệp để chúng tự lập, rồi ra riêng.  Chúng lại lập gia đình, và tái diễn tiến trình như cha mẹ họ. 

Tuy nhiên, giá trị và cấu trúc gia đình Việt Nam có khác.  Vì chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Khổng Mạnh, người Việt rất trọng chữ Hiếu vì đó là nét đầu của các giá trị truyền thống, “Hiếu vi bách hạnh chi tiên”.  Người ở vai vế cao, tuổi tác cao thì được trọng vọng hơn. 

Đặc biệt, chúng ta rất chú trọng vai trò của mỗi người và mối tương quan giữa các cá nhân trong gia đình với nhau.  Khái niệm gia đình của người Việt rộng rãi, bao gồm cả thân tộc, và không đặt giới hạn thời gian, có nghĩa là một người được sinh ra trong một gia tộc nào đó thì mang truyền thống, tên tuổi của tộc họ đó đến nhiều thế hệ sau.  Điều nầy được củng cố bằng các tập tục, lễ nghi, gia phả của dòng họ.  Bởi tính chất liên tục nầy, hành vi của một cá nhân không phải chỉ giới hạn trong phạm vi cá nhân đó mà ảnh hưởng cả dòng họ.

Tục ngữ ta thường nói, 

 “Một con sâu làm rầu nồi canh.” hay

“Một người làm quan, cả họ được nhờ” 

Những vấn đề gia đình Việt Nam thường gặp  

Tôi đã từng gặp những gia đình xem ra rất hạnh phúc, vợ chồng đẹp đôi, có con cái, nhưng rồi kết thúc trong sự chia ly.  Và điều đáng buồn là phần đông sự đổ vỡ xảy ra khi con cái của họ đã lớn, kinh tế ổn định, nghề nghiệp vững chãi.  Nhưng vì sao cớ sự nên nông nổi? 

Khi quan sát kỹ thì chúng ta thấy, họ sống trong căn nhà rộng mà trống trải, giàu về tài chánh nhưng nghèo về tình cảm, thiếu nối kết tinh thần, và không có sự cảm kích lẫn nhau.  Họ thiếu quân bình giữa việc làm và giải trí, giữa vật chất và tinh thần.  Công việc thường ngày của họ là lo đi làm, nấu ăn, đi chợ, trả bills, …  là những điều để bảo trì các nhu cầu thường dùng chứ không nhằm làm thăng tiến quan hệ thân tình giữa các thành viên gia đình.  Kiểu mạnh ai nấy lo, mạnh ai nấy sống.  Giống như người thuê phòng. 

Phần đông người Mỹ ngày nay tin rằng, vấn đề đàm thoại là nguyên do hàng đầu gây nên đổ vỡ gia đình, sau đó mới đến các vấn đề như tiền bạc, thân thuộc nội ngoại hai bên, tình dục, quan hệ qúa khứ, và con cái (National Communication Association, How Americans Communicate, 1999).  Tôi nghĩ các nguyên do đổ vỡ gia đình của người Việt cũng tương tự. 

Thêm nữa, nhiều gia đình Việt, trong quá trình thích nghi vào xã hội mới, đã nảy sinh các xung đột văn hóa và tập quán.  Ví dụ như họ thiếu tinh thần dân chủ, bình đẳng, thiếu tôn trọng ranh giới của mỗi người, và thiếu tôn trọng quyền cá nhân là các giá trị mới chúng ta hấp thụ nơi xã hội Hoa Kỳ.   

Có một lần, khi đến đón con tại cơ sở các Soeurs Lasan, tôi đã chứng kiến một cuộc cãi vã to tiếng giữa một người mẹ và cha mẹ của cô ấy.  Cô ta nói lớn tiếng, “Con đã nói rồi, buổi chiều để con đi đón con, ba mẹ không cần tới đây!”  Hai ông bà đã trọng tuổi phân bua, “Thì ba mẹ ở nhà có làm gì đâu, thấy vợ chồng bây bận đi làm thì đến đón giùm”.  “Con không muốn! Con chỉ có giờ nầy để chơi với nó thôi!  Ba mẹ để tụi con yên!”   

Vì ảnh hưởng của văn hoá cũ còn mạnh nên nhiều người vẫn còn cách hành xử như ở Việt Nam là người ở vai vế cao, tuổi tác cao thì có nhiều quyền hơn trong cách giải quyết vấn đề.   

Một người bạn lớn tuổi của tôi có đứa con muốn mua nhà.  Ông ta đã liên lạc với một người bán nhà uy tín để giúp con.  Thế rồi người bán nhà tới đưa cả hai cha con đi coi nhà, nhưng sau nhiều ngày, cậu con vẫn không mua được căn nào.  Ba nó mới hỏi nó, “Tại sao mấy căn đó đều được cả mà không chịu mua?”  Nó mới nổi sùng mà nói, “Con mua nhà hay ba mua nhà?  Bà ấy kiếm nhà cho con mà cứ hỏi ý kiến của ba là làm sao?  Lần sau, con không đi nữa đâu!”  

Vì vậy, chúng ta thấy rằng, ngay cả khi vì ngay tình và với thiện chí, những người thân vẫn có thể xung khắc nhau như thường. 

Gia đình lành mạnh 

Văn hào Leo Tolstoy nói, “Đau khổ thì mỗi nhà mỗi khác, nhưng những kẻ hạnh phúc thường có điểm tương đồng”.  Khi nghiên cứu các gia đình lành mạnh, đa số chuyên gia tâm lý (Stinnett, Satir, Lewis et al, Hill, Whitaker, Otto) nhận ra các yếu tố tương đồng sau: 

  • Đàm thoại cởi mở (Communication--direct and/or open)

  • Niềm cảm kích, sự tôn trọng lẫn nhau (appreciation, respect for one another)

  • Đời sống tinh thần, tôn giáo cao (spiritual, religious commitment)

  • Khả năng thích nghi, uyển chuyển (adaptability, flexibility)

  • Rõ ràng trong các quy luật gia đình (clarity of family rules) 

Vậy, thăng tiến các mối liên hệ gia đình như thế nào? 

Một gia đình lành mạnh khi các thành viên trong nhà có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.  Họ dành thì giờ cho nhau và thực sự thích thú khi gần nhau.  Sự gần gũi không phải là tình cờ, nhưng họ sắp xếp thì giờ để cùng ăn uống, giải trí, làm việc chung.  Các nghiên cứu còn tìm ra điểm lý thú là các gia đình lành mạnh thường thích sinh hoạt ngoài trời, vì họ không bị chi phối bởi điện thoại, truyền hình hoặc các công việc nhà.  Vì vậy, mỗi khi tụ họp gia đình, cần tắt xeo-phôn và để các đồ chơi điện tử ở nhà. 

Một gia đình lành mạnh có xung khắc không?  Thật ra, xung khắc là điều không thể tránh được trong các quan hệ gia đình, nhưng cách họ đối phó với nó ra sao mới là vấn đề.  Các nhà tâm lý nhìn nhận có sự khác biệt về cách giải quyết xung đột giữa gia đình lành mạnh và gia đình bất hoà.   

Khi có chuyện cãi cọ, những người trong gia đình bất hoà thường tìm cách tự vệ, không chịu lắng nghe, không có lòng thông cảm với người khác, và dùng lối nói “lấy người đối diện làm chủ từ” (You Message).   

Trong khi đó, khi có chuyện bất  đồng, những người thuộc gia đình lành mạnh thường chú tâm vào vấn đề cần giải quyết, sẵn sàng nhận lỗi, biết lắng nghe, dùng lối nói “lấy tôi làm chủ từ” (I Message).   

Khi có vấn đề, người trong gia đình lành mạnh không vội phản ứng mà họ biết giữ bình tĩnh để tìm lối giải quyết.  Đó là một cách lấy “time-outs”—tạm nghỉ.  Trước một vấn đề, họ thường đặt mình vào trong trường hợp của người đối diện để hiểu người hơn, đó là phương pháp “tự tranh luận” (dispute thinking).   

Điều gì người thân cần nơi chúng ta? 

Trước hết, đó là tình yêu thương 

Không có gì hạnh phúc hơn khi được sống trong một gia đình mọi người đối xử với nhau bằng tình yêu thương.  Nhất là với tình yêu không điều kiện, bất vụ lợi, mà ĐTC Benedictô thứ XVI gọi là tình yêu agape, một thứ tình yêu được gói ghém và bắt rễ từ đức tin, từ Kinh Thánh. 

Thế nhưng, khi người thân chúng ta phạm lỗi, chúng ta có còn yêu mến họ không?  Đây là điều khó làm, nhưng đức ái Kitô giáo đòi buộc chúng ta phải yêu mến họ mặc dù không chấp nhận lầm lỗi của họ. 

Một cách cụ thể, chúng ta phải yêu như thế nào?  Tôi không thấy ai diễn tả điều nầy một cách súc tích mà cô đọng hơn cho bằng lời của thánh Phaolô, “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.  Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.  Đức mến không bao giờ mất được.” (1Cr 13:4-8). 

Sự tôn trọng 

Thế nhưng, cũng có lúc thánh giá được gửi đến cho chúng ta.  Có khi chúng ta thấy người chung quanh mình khó thương qúa.  Nếu khó thương mà chúng ta còn phải ở với họ thì thái độ của chúng ta phải như thế nào? 

Trong một lớp học Bạo Hành Gia Đình (Domestic Violence), tôi nêu câu hỏi, “Bạn muốn gì nơi người thân của mình?”, và các học viên đã trả lời,  điều cần nhất đó là tình yêu thương, sự tin tưởng, lòng thành thật, và sự tôn trọng.  Các yếu tố khác như sắc đẹp, tiền bạc, tài năng không nằm trong những điều quan trọng nhất mà họ cần.   

Nhưng khi thảo luận thêm và tôi yêu cầu họ chỉ chọn một điều thôi, thì trên hết tất cả, một điều ai cũng cần là sự tôn trọng (respect).  Thực sự, đây là bí quyết của nghệ thuật sống mà tôi thấy còn cần hơn cả tình yêu nữa.  Tại sao? 

Một anh nói rằng, tình yêu của anh ta đối với vợ bây giờ không còn như trước.  Anh ta ở với người vợ có con riêng, và đứa con nầy coi anh không ra gì cả, mà mẹ nó thì bênh nó.  Mỗi lần đi chơi về, ăn cơm xong nó ném chén bát vào chậu rồi bỏ vào phòng riêng.  Đến đi anh ta la cậu ta thì bà vợ xông vào cãi, đến nỗi đi đến xô xát và anh ta bị vô tù.  Bây giờ, họ vẫn ở với nhau, và muốn gia đình yên thì họ phải tôn trọng nhau, bởi vì nếu không thì anh sẽ bị vô tù hoặc là phải chia tay. 

Một anh khác có người vợ mắc tật đánh bài.  Bao nhiêu tiền bà đều nướng vào sòng bài, và trong nhà có đồng nào là bà tìm cách lấy hết.  Tình yêu của anh đối với bả thì suy giảm lắm rồi, mà sự tin tưởng thì không còn.  Hàng tháng anh phải thủ một số tiền để trả tiền nhà, tiền cơm nước, trả hóa đơn.  Ngay cả chăm sóc con để đi làm anh cũng không tin tưởng cô ta được, vì nhiều khi cô ta đi chơi không về kịp giờ.  Nhưng anh vẫn phải tôn trọng cổ, không dám đánh, mà cũng không thể la lối chưởi bới được.  Bởi làm như thế là có chuyện. 

Vì sự tôn trọng là một yếu tố thiết yếu trong các quan hệ con người, nên trong đàm thoại các hình thức tấn công đặc tính người khác thường gây nên oán thù.  Chúng ta không lạ gì khi vợ chồng bỏ nhau vì họ thiếu tôn trọng qua cách cư xử và đối thoại.  Khi một đứa con nghịch ngợm, tình hình sẽ không tốt hơn nếu người vợ nói, “Ông dạy nó đi kìa, ông giỏi lắm mà!”; hoặc người chồng nói, “Bà hiền lành lắm, sao mà đẻ con như vậy?”  

Tôn trọng là biết vai trò của mình, biết giới hạn của mình, không dẫm chân lên người khác.   Không đọc tư tưởng của người khác, không thể nói, “Tôi đi guốc trong bụng bà”, ngay cả khi mình là chuyên viên tâm lý có bằng hành nghề.   Nó cũng có nghĩa là biết kềm chế ý mình, biết chia sẻ quyền hành và trách nhiệm trong gia đình.  Khi có việc cần thì bàn bạc, hỏi ý kiến của người thân, hoặc của người chuyên môn, biết lắng nghe, biết thuận theo lẽ phải.   

Tôn trọng cũng có nghĩa là biết đàm thoại, biết dùng lời nói cho dễ nghe, tránh việc nổi nóng, khi nóng giận thì biết lấy giờ “time-outs”—tạm nghỉ, biết cám ơn, xin lỗi, khoan dung trước sự bất đồng, tế nhị trong cách cư xử.  Tránh việc phê bình, dẫu cho phê bình xây dựng, mà thay vào đó bằng cách cho phản ảnh (feedback), có nghĩa là đặt địa vị của mình vào địa vị của người đối diện để góp ý.  Lão Tử, một triết gia Trung Hoa, nói, “Biết phải mà cho mình phải là sai.  Biết sai mà cho mình sai mới là phải”.  Chính thái độ nầy làm cho chúng ta nhẫn nhục, khiêm tốn hơn trong cách cư xử nhằm duy trì bầu khí gia đình.  

Tóm lại, để thăng tiến các mối quan hệ gia đình thì chúng ta phải đối đãi với nhau bằng sự tôn trọng.   “Tương kính như tân” đó là một nghệ thuật sống mà cha ông mình đã căn dặn.  Tôi tin rằng nếu tôn trọng đi trước, tình thương rồi sẽ đến sau.

Khi các mối tương quan gia đình của chúng ta được thăng tiến là chúng ta đã thực hành sống đạo.  Đức Giám Mục John R. Gorman, một tâm lý gia và cũng là một nhà trí thức của Công Giáo Mỹ, đã nói, “Con người ta cần hai điều:  điều để tin và điều để thuộc về”.  Một gia đình thành công là một nơi cả hai nhu cầu nầy gặp gỡ.  Gia đình là nơi để nuôi dưỡng đức tin và là nơi mỗi thành viên nương tựa, khi vui cũng như lúc buồn.  Đây chính là môi trường căn bản mà các Kitô chúng ta cần chinh phục trong cuộc sống hành đạo.-

Trần Hiếu

VỀ MỤC LỤC
NHỮNG ÁNH LỬA

 

Những ngày chớm Thu, khí trời dìu dịu, trên không đã thấy những làn mây xám mỏng. Có hôm trời âm u, không nắng mà cũng chẳng mưa. Mấy hôm nay, hình như trời đã bắt đầu lạnh. Buổi sáng thức dậy, trong tiếng chim hót nghe như có lời nhắn gửi của đất trời về sự đổi thay của tiết mùa, và cái lạnh se sắt trên làn da làm người ta thấy luyến tiếc gối chăn còn nồng nàn hơi ấm. Chỉ ít lâu nữa thôi, những hôm về nhà khuya, ta sẽ thấy trong đêm tối sợi khói bay lên từ lò sưởi nhà ai, cùng với mùi thơm của gỗ thông đang cháy, lan tỏa trong không gian tĩnh mịch.

Sợi khói và hơi lạnh của không gian khiến người ta dễ liên tưởng đến một lò sưởi đang bập bùng ánh lửa,và xung quanh, những người trong gia đình đang quây quần trò chuyện. Không khí ấm áp, thân thương khiến mọi người thấy gần gũi nhau hơn và dễ dàng ngỏ cùng nhau những lời tâm sự. Lò sưởi cũng tạo nên không khí thơ mộng và lãng mạn cho đôi tình nhân kề đầu chạm vai thủ thỉ. Tôi còn hình dung những "đêm tâm sự'' của các sinh hoạt giới trẻ. Nếu có một đống lửa được đốt lên, người ta như được mời gọi để đến gần nhau và sẵn sàng chia sẻ tâm tư, khát vọng. Từ đó, tôi liên tường đến những buổi lửa trại đầy vui tươi và quyến rũ, rộn rã tiếng cười đùa, cũng như những ánh ''lửa bên đường'' của một vài huynh trưởng già giặn lão luyện, trong một chuyến công tấc nào đo, đốt lên trong đêm, ngồi bên nhau trầm tư kiểm điểm quá khứ hoạt động, cùng nhau đổi trao kinh nghiệm, đôi khi là những kinh nghiệm đắt giá .

Như thế, với tôi, lửa, trước tiên là một lời mời gọi. Lửa mời gọi mọi người đến với lửa và đến với nhau. Có ánh lửa là có tụ hội, quây quần. Ngay cả khi ta một mình đối diện với ánh lửa, ta cũng được mời gọi đến với chính lửa, cũng như được mời gọi để gặp gỡ trong tâm tưởng hình ảnh của những người thân thương, quí mến. Chính vì thế, đôi khi vào những lúc lí tưởng lóe sáng trong cuộc đời phục vụ, tôi ước ao mình được trở thành một ánh lửa, không hẳn để soi dẫn cho ai, nhưng để mời gọi người chung quanh đến với nhau, sống ân cần, thân ái và chia sẻ tình thương có sản trong trái tim. Ước mơ đó đã có khi thành sự thật, nhưng cũng đã nhiều khi ánh lửa trong tôi tắt ngủm, chính tôi cảm thấy tôi lạnh lẽo, băng giá và đen đủi. Vì vậy, suốt đời, tôi vẫn lập đi lập lại cái cố gắng đốt lên ngọn lửa của chính tôi, mời gọi chính tôi sống cuộc đời phục vụ lí tưởng.

Lửa, dĩ nhiên là có tác dụng soi sáng. Trong đếm tối, người ta không thấy gì hết. Một ánh lửa được đốt lên, người ta thấy nhau và thấy tất cả mọi vật chung quanh. Người ta thấy đường đi phía trước, thấy lối rẽ cần phải lưu tâm, thấy những chướng ngại phải tránh né hoặc phải cố gắng vượt qua. Nói tóm lại, người ta được ''soi sáng'. Trong cuộc sống đời và cuộc sống đạo, tôi đã được soi sáng bởi nhiều ánh lửa như thế. Giữa đêm tối đức tin, tôi đã bắt gặp ''ánh lửa Chúa Ki tô '' và ánh lửa ấy đã giúp tôi vượt qua đêm dài mênh mang tưởng như vô tận. Trong đêm tối cuộc đời, những ánh lửa soi sáng cho tôi là cách sống của những người bạn thân tình, chân thành và can đảm. Tôi thích tìm ánh lửa nơi những người bạn thân quen như thế. Ánh lửa của những vĩ nhân thời đại thường cao vời quá, chói sáng quá, có thể khiến tôi ngưỡng phục nhưng cũng nhiều khi làm tôi lóa mắt.

Ngoài ánh sáng, lửa còn có sức nóng. Sức nóng làm nên sự ấm áp cho những ai gần lửa. Tôi nhớ đến chuỗi ngày thơ ấu, buổi sáng mùa Đông đi học ngang qua những con phố đầy lá khô, tôi thấy người phu quét đường gom những lá khô và ông đốn lên một đống lửa. Tôi lây cái ấm áp của đôi bàn táy gầy guộc đang hong trên đống lửa ấy. Tôi cũng nhớ lại những đêm giao thừa, trong khi bện ngoài trời tối đen như mực, có tiếng gió rít trên mái nhà và tiếng lá khô xào xạc; trong bếp, anh chị em chúng tôi xúm xít ngồi cạnh mẹ bên nồi bánh chưng đáng sôi sùng sục. Ánh lửa bập bùng in bóng chúng tôi lung linh trên vách. Hơi nóng từ đống lửa trong bếp khiến khuôn mặt chúng tôi đỏ bừng, nóng ran; cái nóng nồng nàn, dễ chịu. Hơi nóng làm chúng tôi ấm áp cơ thể, và hình như thấm vào tận bên trong, khiến chúng tôi ấm áp cả trái tim. Tôi không biết uống rượu mà như cảm thấy ngây ngất vì chất men của tình thân ruột thịt. Đó là kinh nghiệm đơn sơ của tôi về sự ấm áp của lửa. Bạn cũng có kinh nghiệm ấp áp đó và chắc chắn ai trong chúng ta cũng biết lửa đem lại sự ấm áp. Điều đó khiến nhiều khi tôi có mong ước mỗi một người trong cộng đồng nhân loại đều trở nên một ánh lửa, để sưởi ấm cho nhau và sưởi ấm cho thế giới băng giá tình người.

Lửa cung ứng cho con người nguồn sống. Không có lửa, con người sẽ chết vì giá lạnh và đói khát. Phát kiến về lửa là phát kiến lớn lao bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Tôi nhớ đến hình ảnh những bộ lạc sơ khai, người ta reo hò vui mừng truởc ánh lửa, người ta sống chết để bảo vệ lửa, và người ta cung kính tôn thờ ''thần lửa ''. Lạc lõng trong rừng khuya, người lữ hành trông mong mắt mình nhìn thấy một ánh lửa. Thấy lửa là thấy sự sống.

Sự sống tâm linh cũng cần có lửa. Lửa của Đức Tin và Tình Yêu. Tôi hình dung một căn phòng nhỏ cửa đóng kín. Trong đó có những con người đang lo âu sợ hãi. Họ nói chuyện với nhau thì thào và họ cầu nguyện nho nhỏ. Một mối đe đọa lẩn khuất đâu đây, một sự rình rập hầu như lúc nào cũng hiện diện chung quanh. Nhưng lửa đã đến! Lửa Thánh Linh Thiên Chúa xuất hiện trên đầu từng người, đốn nóng tâm linh, khiến băng giá của nghi ngại e sợ tan biến. Họ không sợ bị bắt bớ, tù đầy, hành hạ, giết chết nữa, vì nhờ Lửa Thánh Linh, họ đã nhìn thấy tình yêu bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu. Họ trở thành những vị tông đồ nhiệt thành và can đảm truyền bá Tin Mừng. Mỗi buổi sáng, khi đọc lời kinh: ''Và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con'', tôi rất cảm động. Lời kinh chất phác ấy có thể được diễn tả một cách khác là : ''Xin cho trái tim con lúc nào cũng nồng ấm ngọn lửa kính yêu Thiên Chúa. '' Ngọn lửa ấy cho tôi sự sống, và chính tôi, tôi không thắp lên nổi, không giữ cho cháy mãi được, nên tôi đã xin Thiên Chúa là Cha đốt lên giúp, giữ cho cháy sáng giúp.

Khi nói tới ngọn lửa trong trái tim, tôi chợt nhớ ra rằng con người đã cất giữ trong tim mình nhiều ngọn lửa, có ngọn lửa làm nồng ấm cuộc đời, mà cũng có ngọn lửa đốt cháy cuộc đời.

Ngọn lửa của tình yêu làm cho cuộc đời nồng ấm. Khi tôi yêu ai, hình như có một ngọn lửa nung nấu trái tim tôi, tôi nóng lòng được gặp gỡ, trò chuyện, tôi ước ao được tự hiến, hi sinh và chia sẻ. Ngọn lửa tình yêu làm cho đời tôi có ý nghĩa và đáng sống. Tôi không còn cảm thấy cô đơn và lạnh lẽo. Khi ý thức và cảm nghiệm được điều đó tôi thấy thương Chúa Ki tô và Đức Mẹ hơn, mỗi khi nhìn những tấm hình vẽ chân dung các Ngài, vơi trái tim phơi bày cùng một ngọn lửa bùng cháy bên trên.

Cũng có ngọn lửa của đam mê l Ngọn lửa khiến tôi lao mình như thiêu thân vào nỗi chết. Ngọn lửa đốt cháy cuộc đời, nhưng chính tôi, tôi không muốn dập tắt. Ánh lửa khi đó, vượt lên trên sự mời gọi, trở thành một cuốn hút mãnh liệt khiến tôi lao và không đo lường hậu quả.

Có ngọn lửa của hận thù. Tôi nuôi trong mình ngọn lửa đó và nó âm ỷ nhưng dữ dội đốt cháy tâm can tôi. Lửa hận thù, một khi không bị kiểm soát, sẽ cháy bùng thành một biển lửa, thiêu rụi tất cả, như ngọn lửa làm mồi cho một đám cháy rừng không còn phương cách cứu chữa, hoặc khi đã chữa được thì mời sự đã bị thiêu rụi. Lửa hận thù! Ngon lửa biến tôi trở nên nham hiểm, dữ tợn và độc ác. Ngọn lửa đó chỉ có thể tàn một khi bị thiêu rụi bởi một ngọn lửa khác: lửa của yêu thương và thứ tha cao cả.

Tôi muốn mặc cho lửa thêm ý nghĩa của sự thuỷ chung. Mỗi lần ghé thăm một thánh đường, tôi hay tìm đến Nhà Tạm và qùi yên lặng ở đó. Thường thường Nhà Tạm vắng người. Người ta đến, và người ta đi, tôi cũng vậy, lát nữa tôi cũng phải đi. Chỉ có ánh lửa của một cây nến hay một ngọn đèn dầu là ở lại mãi bên Nhà Tạm, âm thầm nhưng chung thủy. Trong tình yêu, giá mà ai cũng giữ được sự thủy chung của một ánh lửa cạnh Nhà Tạm, người ta sẽ tìm được hạnh phúc cho mình và cho người mình thương, thứ hạnh phúc thâm trầm, bình an và thầm lặng, thứ hạnh phúc thấm vào tận đáy trái tim.

Còn có quá nhiều hình ảnh đẹp về lửa. Những ngọn nến trong ngày sinh nhật người thân, những ánh nến lung linh trong thánh đường tạo nên không khí linh thiêng kì diệu; ngọn lửa thiêng đốn lên trong những thế vận hội; ngọn lửa cháy giữa bụi gai soi sáng cho lời hứa nhân từ của Thiên Chúa trong tiến trình cựu ước. Nhưng tôi thích lục lại trong kho tàng kí niệm của tôi, để tìm thấy một ngọn lửa cao cả: ngọn lửa Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thuở nhỏ, tôi học giáo lí với một thầy. Tôi chẳng biết thầy chức mấy và ở chủng viện nào, chỉ biết thầy đã lớn tuổi mà chưa được thụ phong linh mục, có lẽ vì con người và tính nết thầy lộ cộ và nóng nảy. Những bài học giáo lí thầy day đều rất bình dân, mộc mạc; tuy nhiên, có những bài cả đời tôi không bao giờ quên. Tỉ dụ như bài học về Thiên Chúa Ba Ngôi. Thầy chỉ lên ánh nến lung linh trên bàn thờ và nói: ''Các con thấy ngọn lửa không? Ngọn lửa có hình thể lười lửa, có ánh sáng và có sức nóng. Cả ba chỉ là một, không thể nói chỉ hình ngọn lửa mới là lửa, chỉ ánh sáng mới là lửa, chỉ sức nóng mới là lửa. Có ánh lửa là có cả ba và cả ba làm nên ngọn lửa. Thiên Chúa Ba Ngôi cũng thế. Các con có thể hiểu Chúa Cha là  ngọn lửa, Chúa Con là ánh sáng, Chúa Thánh Thần là sức nóng.'' Sau này, nghe bao nhiêu lời dạy về Thiên Chúa Ba Ngôi, đọc bao nhiêu quyển sách về Thiên Chúa Ba Ngôi, tôi vẫn không thấy lời dạy nào, quyển sách nào hay hơn bài giáo lí của thầy tôi.

Hôm nay, trời lạnh. Buổi tối tôi ngồi trước một ngọn nến. ánh sáng lung linh in hình tôi trên vách: Những quá khứ trở về. Những kinh nghiệm của tôi về lửa - lửa bên ngoài và lửa trong tâm hồn - trở nên sống động. Tôi ước ao tìm được mọi vẻ đẹp và sự hữu ích của lửa, để học theo, bắt chước. 

Nhà Văn Quyên Di

VỀ MỤC LỤC
VÀI VẤN ĐỀ Y TẾ CẦN LƯU Ý

 

Sau đầy là vài ba vấn đề liên quan tới sức khỏe mong  bà con cô bác vui lòng để ý.

Thuốc Acetaminophen và Tuyến Gan 

Cuối tháng 6 năm 2009, Cơ Quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ FDA đã  họp với Hội Đồng Cố Vấn của cơ quan để thảo luận về sự liên hệ giữa acetaminophen với bệnh suy tuyến gan và yêu cầu thành viên đề nghị các biện pháp để thuốc này trở nên an toàn hơn cho người tiêu thụ.

Thống kê từ năm 1990 tới 1998 cho hay đã có 56.000 bệnh nhân cần vào phòng cấp cứu, 26.000 người phải nằm bệnh viện để điều trị và 458 tử vong vì ngộ độc acetaminophen.

Ban cố vấn đã đưa ra một số đề nghị như sau để FDA cứu xét và quyết định:

            - Liều lượng acetaminophen cá nhân cho người lớn không quá 650 mg. Hiện nay liều lượng này là 1000 mg, chứa trong 2 viên thuốc chống đau bán không cần toa bác sĩ.

            - Giảm liều lượng tối đa trong 24 giờ dưới mức hiện nay là 4000 mg.

            - Loại bỏ các hỗn hợp dược phẩm bao gồm acetaminophen và các thuốc khác.

            - FDA cần đòi hỏi các viện bào chế dược phẩm phải ghi lời báo động rủi ro trên nhãn hiệu các dược phẩm có acetaminophen.

            - Quy định một nồng độ đồng đều acetaminophen trong các dung dịch thuốc trị nóng sốt, đau nhức cho trẻ em để tránh dùng nhầm liều lượng. 

Acetaminophen hoặc Paracetamol là hoạt chất chính của một loại thuốc giảm đau, hạ nhiệt được dùng rộng rãi tại mọi quốc gia. Có lẽ bà con trong ngoài nước quen thuộc với tên riêng Tylenol hoặc Panadol nhiều hơn là tên chung acetaminophen.  Chất này hiện diện trong nhiều dược phẩm bán tự do như Tylenol, Anacin, Exedrin, Panadol, trong một số thuốc trị bệnh cảm cúm cũng như các thuốc cần toa bác sĩ như Vicodin, Lortab, Maxidone, Norco, Zydone, Tylenol with codeine, Percocet, Endocet,  Darvocet.

Acetaminophen được tìm ra vào cuối thế kỷ 19 nhưng phải đợi tới năm 1956 mới được bào chế thành viên thuốc 500 mg bán trên thị trường.  Trước đó, vỏ cây canh ki na (cinchola) được dùng để trị bệnh sốt rét ngã nước (quinine) và nóng sốt. Vỏ cây này ngày càng khan hiếm cho nên các khoa học gia phải nghĩ cách tổng hợp loại thuốc chống đau thay thế.

Tương tự như Aspirin, paracetamol có tác dụng giảm sản xuất chất prostaglandins từ nhiếp tuyến (prostate) và từ một số tế bào khác trong cơ thể. Chất này có nhiều vai trò sinh học như kiểm soát huyết áp, co cơ trơn, cảm giác đau, giãn động mạch và phế quản, loãng máu, chống huyết cục, giãn nở tử cung...

Acetaminophen được dùng để giảm các cơn đau từ nhẹ tới trung bình như nhức đầu, thiên đầu thống, đau nhức cơ, viêm khớp, đau khi có kinh nguyệt, nhức răng... Acetaminophen cũng hạ sốt cho nên được pha chung trong các thuốc cảm cúm, ho, dị ứng. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng chống viêm, sưng (inflammation and swelling) như aspirin.

Thuốc thích hợp cho mọi lứa tuổi vì ít tác dụng phụ và không gây kích thích dạ dày như aspirin hoặc các thuốc chống viêm đau không steroid như ibuprofen, indomethacin, naproxen…

Dùng đúng theo liều lượng và hướng dẫn của nhà bào chế, thuốc an toàn, nhưng vì thuốc quá phổ biến cho nên đôi khi có người uống quá nhiều mà không biết.. Ngoài ra, acetaminophen có chỉ số trị liệu giới hạn, một liều lượng thông thường rất gần với liều lượng quá cao, cho nên dễ gây ra ngộ độc, tồn thương và suy gan, suy thận. Bệnh nhân có thể thiệt mạng trong thời gian ngắn.

Các dấu hiệu của suy gan có thể là nôn ói trầm trọng, da và mắt vàng, đau bụng, nước tiểu có mầu vàng xậm, cơ thể mệt mỏi suy nhược.

Sau đây là mấy điều cần lưu ý để tránh ngộ độc khi cần dung Acetaminophen:

- Không dùng quá số lượng mà nhà bào chế chỉ định tức là không quá 4000 mg một ngày hoặc là không quá 8 viên extrastrenght Tylenol

- Đọc kỹ nhãn hiệu của tất cả các thuốc đang dùng để coi xem có acetaminophen không.

- Nếu uống rượu, đang bị viêm gan, bệnh thận nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng acetaminophen. Trong các trường hợp này, nên giới hạn acetaminophen ở mức độ từ 2000-3000 mg/ngày.

- Cẩn thận khi cho con trẻ uống các thuốc bán tự do có acetaminophen khi các cháu bị cảm cúm, ho, hắt hơi sổ mũi. Lý do là trong các thuốc này có thể có acetaminophen.

- Với người từ 16 tuổi trở lên, có thể uống cùng lúc acetaminophen với ibuprophen để chống đau, giảm nhiệt vì với họ, không có tương tác giữa hai thuốc này.

- Với các em bé, có thể dùng acetaminophen hoặc ibuprophen để giảm đau, giảm sốt  nhưng không bao giờ dùng hai thứ cùng một lúc. Nếu sau 72 giờ mà đau sốt không thuyên giảm, nên đưa các cháu tới bác sĩ để được điều trị.

Chích ngừa Cúm

Mọi năm, bà con chỉ bận tậm tới việc chích ngừa cúm theo mùa thường xuất hiện vào cuối mùa Thu, đầu mùa Đông. Nhưng năm nay, cần chích ngừa tới hai loại cúm lận. Lý do là từ tháng Tư vừa qua, một đại dịch cúm heo lây lan sang người đã và đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, gây ra bệnh cho cả vài trăm ngàn người, nhưng may mắn là số tử vong không cao lắm, trên 1000 người.

Với cúm hàng năm thì ngay sau khi đọc bài viết này, xin bà con tới bác sĩ gia đình hoặc tới các cơ sở y tế để được chích ngừa. Năm nay thuốc chủng đã có từ tháng 8, thay vì tháng 10 như mọi năm. Bây giờ đã là giữa tháng 9, bà con cô bác cần chủng ngừa ngay, để cơ thể có đủ thời gian sản xuất ra kháng thể chống lại siêu vi cúm theo mùa. Sau đó một số người lại chủng ngừa cúm mới A/H1N1 vào tháng 10.

Đa số chủng ngừa cúm theo mùa đều do những cơ sở y tế tư nhân thực hiện. Tại Hoa Kỳ, các tiệm thuốc tây thuộc hệ thống CVS, Wallgreen, Rite Aid đều có chương trình chích ngừa miễn phí cho người thất nghiệp, không tiền, không có bảo hiểm sức khỏe. Chi phí chích ngừa cúm từ 15- 30 mỹ kim và đa số do bảo hiểm đài thọ.

Bà con sau đây cần chích ngừa cúm quen thuộc, theo mùa mỗi năm:

- Người cao tuổi và các em bé từ sáu tháng trở lên;

- Những người vì nghề nghiệp dễ mắc hay truyền bệnh cúm như nhân viên các cơ sở y tế, nhà dưỡng lão;

- Những người mà bệnh cúm có thể gây nhiều tử vong, như đã có các bệnh kinh niên về tim, phổi, ho suyễn, tiểu đường, bệnh kinh niên về thận;

- Người mắc bệnh xơ gan vì nghiện rượu;

- Người suy yếu miễn dịch như ung thư máu, đang chữa ung thư bằng phóng xạ, hóa chất.

- Phụ nữ đã có thai từ ba tháng trở lên cần được chích ngừa cúm với loại siêu vi trùng đã làm giảm cường lực. 

Riêng với cúm heo, mà hiện nay được gọi là cúm mới lạ A/H1N1 thì các viện bào chế đang tận lực cùng nhau sản xuất thuốc chủng ngừa. Theo dự trù, thuốc chủng ngừa cúm A/H1N1 sẽ sẵn sàng vào  tháng 10.

Ban đầu các nhà bào chế nói là phải chích hai lần để có tính miễn dịch đủ mạnh bảo vệ đối với siêu vi mới A/H1N1. Siêu vi này là sự kết hợp các gen của siêu vi cúm theo mùa, cúm heo, cùm gà mà thành.

Mới đây, một viện bào chế bên Trung Hoa và một viện bào chế tại Hoa Kỳ cho hay là họ có thể sản xuất vaccin chỉ chích một lần là đủ.

Các cơ quan y tế thế giới, Hoa Kỳ và các quốc gia đang cân nhắc coi các đối tượng nào cần chích ngừa. Cho tới bây giờ, những người thuộc các nhóm sau đây được CDC ưu tiên:

- Phụ nữ đang có thai.

- Mọi người từ 6 tháng tới 24 tuổi

- Nhân viên y tế, phòng cấp cứu

- Người chăm sóc hoặc sống với trẻ em dưới 6 tháng tuổi.

- Người từ 25 tới 64 tuổi đang có các bệnh có rủi ro cao của biến chứng với bệnh cúm như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim phổi hoặc các nan bệnh kinh niên khác.

Theo Hội Đồng Tư Vấn Khoa Học và Kỹ Thuật trực thuộc văn phòng Tổng Thống Hoa Kỳ Barrack Obama thì vào mùa Thu năm nay có thể có tới 1.8 triệu người nhập viện điều trị vì mắc bệnh cúm mới lạ A/H1N1.

Nhắc lại là cúm mới lạ A/H1N1 lây lan từ người sang người qua các giọt nước nhò li ti tung ra không khí từ mũi, miệng bệnh nhân chứa virus hoặc từ bàn tay sờ mó vào vật dụng dính virus rồi đưa lên mũi, miệng. Do đó mới có lời khuyên là che miệng khi ho, hắt hơi, rửa tay thường xuyên.

Cũng vì lây lan qua miệng qua bàn tay, cho nên mới đây, bên Tây người ta đã nghĩ đến chuyện bỏ thói quen lịch sự, xã giao ôm hôn áp má, bắt tay khi gặp hoặc giã biệt mà chỉ nghiêng đầu cúi chào. Vì tuy ít nghiêm trọng chết người hơn cúm theo mùa, nhưng A/H1N1 lây lan rất nhanh, dễ dàng gây ra đại dịch với hàng triệu bệnh nhân trong tương lai.

Viên aspirin với heart attack

Ngày 11 tháng 8 năm 2009 vừa qua, đài truyền hình CNN có tường trình một sự việc liên quan tới viên thuốc chống đau aspirin và cơn đau tim heart attack của một hành khách đang ngồi trên máy bay của công ty hàng không Delta.

Vị hành khách này đột nhiên lên cơn suy tim. Một hành khách khác là bác sĩ vội vàng cứu chữa và cho bệnh nhân nhai nuốt một viên thuốc aspirin trong tủ thuốc cấp cứu. Máy bay khẩn cấp đáp xuống phi trường gần nhất. Nạn nhân được đưa vào bệnh viện và được thông tim, cứu sống. Bác sĩ chuyên khoa tại phòng cấp cứu tuyên bố là mặc dù ông ta không dám quả quyết nhưng rất nhiều khả năng viên aspirin đã góp phần cứu sống bệnh nhân. Theo ông, đã có nhiều nghiên cứu cho hay uống một viên aspirin ngay khi cơn đau tim xuất hiện có thể giúp duy trì mạng sống.

Aspirin giảm sản xuất prostaglandins trong cơ thể. Một trong những tác dụng của chất này là kích thích tiểu bào kết tụ với nhau, tạo ra huyết cục. Huyết cục tới tim, gây ra heart attack, tới não đưa tới đột quỵ stroke.

Với khả năng ngăn chặn sản xuất prostaglandins, aspirin giảm rủi ro cơn đau tim. 

Theo thống kê, hiện nay có tới 50 triệu người dân Hoa Kỳ đang uống một viên aspirin mỗi ngày để phòng tránh cơn đau tim. Nhưng các nhà chuyên môn nhấn mạnh là viên thuốc này ví như con dao hai lưỡi: có thể làm tan cục máu gây ra heart attack, đồng thời cũng gây ra xuất huyết nguy hiểm tới tính mạng.

Đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng của aspirin với cơn đau tim. Ủng hộ cũng có mà dè dặt cũng nhiều. Cho nên trước khi dùng thuốc này trong mục đích phòng tránh stroke và heart attack, bà con nên hỏi ý kiến bác sĩ gia đình và bác sĩ chuyên khoa tim mạch về liều lượng, cách dùng.

Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ đề nghị dùng aspirin đối với bệnh nhân đã có nhồi máu cơ tim, cơn đau trước ngực không ổn định (unstable angina), đột quỵ thiếu máu cục bộ gây ra do huyết cục  ( ischemic stroke), cơn thiếu máu cục bộ nhẹ (tranient ischemic attack), cũng như để tránh xảy ra các biến cố này ở người có rủi ro, nếu không có các chống chỉ định như xuất huyết, dị ứng với aspirin. Các rủi ro đó là hút thuốc lá, cao huyết áp, cao cholesterol, tiểu đường, thân nhân bị bệnh tim.

Nói chung là:

- Khi thấy triệu chứng báo động heart attack, kêu 9-1-1 ngay tức thì. Nhân viên cấp cứu sẽ hướng dẫn cho ta cần làm gì, kể cả có uống aspirin hay không. Triệu chứng báo động là đau quặn như ép trước ngực, lên vai, lên cố, hụt hơi thở, đổ mồ hôi hột, quay cuồng chóng mặt.

- Không tự quyết định dùng aspirin với mục đích phòng tránh heart attack.

- Không uống aspirin khi bụng đói để tránh kích thích, xuất huyết dạ dày.

- Không uống rượu khi dùng aspirin, vì xuất huyết dạ dày sẽ trầm trọng hơn.

Vài hàng rông rài, hy vọng đóng góp chút kiến thức căn bản để bà con cô bác bảo vệ sức khỏe, an hưởng lộc trời.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, M.D.  Texas-Hoa Kỳ.

www.nguyenyduc.com

VỀ MỤC LỤC
GHẾ - Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Đối với dân ghiền thuốc lào, điếu ngon và quan trọng nhất trong ngày chính là điếu đầu tiên ban sáng khi vừa mới thức. Đúng thế, ngủ dậy, ngồi vào bàn bắn một phát kêu ro ro, nếu gặp được thuốc ngon như thuốc Xóm Mới, thì thế nào cũng say.

Khi say thuốc lào, mỗi người phản ứng theo một cách thức riêng. Người thì thở ra phò phò, rồi thì mồ hôi mồ kê vãi ra như tắm, mặc dù bên ngoài trời lạnh căm căm. Người thì nói năng huyên thuyên, mà càng nói thì lại càng lắp bắp. Người thì muốn đứng lên mà không thể nào đứng được, bèn té cái rầm xuống nhà. Thậm chí có người dúi cả đầu hay cả tay vào bếp lửa mà cũng chẳng biết, đành bị phỏng vậy thôi. Được cái cơn say thuốc lào chỉ kéo dài đôi ba phút và không để lại hậu quả vật vã, buồn nôn hay khó chịu.

Vì thế, khi say thuốc lào, cần có một chiếc ghế vững chãi để có thể ngồi một cách thoải mái mà không sợ bị té ngã. Gã vừa mua một bộ “sa-lông” mới để thay cho bộ “sa-lông” cũ. Bộ mới thật đẹp với lớp “vẹc-ni” bóng loáng nhưng không có nệm. Bởi đó, khi bắn thuốc lào vào ban sáng, gã vẫn cảm thấy tiêng tiếc bộ cũ, vì  bộ mới ngồi không êm và nhất là chỗ dựa đầu không ổn, làm mất cả hứng thú.

Bàn về chiếc ghế, hẳn nhiều người sẽ lẩm bẩm : Biết rồi, khổ lắm. Bởi vì gia đình nào mà chẳng có dăm ba chiếc ghế, để dùng vào những việc khác nhau. Tự chiếc ghế nho nhỏ trong bếp, đến những chiếc ghế “bành ki” nơi phòng khách. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ một tí, gã sẽ khám phá ra nhiều ý nghĩa và nhiều loại ghế khác nhau trong cuộc sống. 

Trước hết, ghế là một vật dụng có chân và mặt phẳng, được dùng để…ngồi :

- Trên ghế, bà đầm ngoi đít vịt.

  Dưới sân, ông củ ngẩng đầu rồng.

- Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe,

  Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi.

Tùy theo hình hài và kiểu cọ, người ta có được những thứ ghế. Chẳng hạn :

- Ghế đẩu là ghế mặt vuông, nhưng  không có thanh dựa.

- Ghế đôn là ghế mặt tròn và cũng không có thanh dựa.

- Ghế băng là ghế mặt dài.

- Ghế dựa là ghế có thanh để dựa lưng.

- Ghế bành là ghế to, có thanh để dựa lưng và gác tay.

- Ghế trường kỷ là dài, mặt rộng, có thanh dựa ba phía và được trạm trổ rất khéo léo.

- Ghế xếp là ghế có thể xếp lại được.

- Ghế xoay là ghế có thể xoay qua xoay lại được.

Đó mới chỉ là một vài loại ghế thông thường, nếu mở tự điển ra, chắc chắn gã sẽ còn ghi nhận được nhiều loại ghế khác nữa. Tuy nhiên ở đây, gã muốn ghi thêm một vài loại ghế đặc biệt khác nữa. 

Thứ nhất là ghế…xúp.  

Chữ “xúp” ở đây chắc hẳn là do chữ “supplément” bên tiếng Pháp, có nghĩa là vật thêm vào, điều bổ túc, phần phụ thêm…Vì thế, ghế súp là ghế được mấy chú lơ xe thêm vào để kiếm tí tiền còm.

Thực vậy, khi những ghế chính thức trên xe đã được ngồi hết, mà hành khách thì vẫn còn. Trong trường hợp này, mấy chú lơ xe thường xách những chiếc ghế xúp, là những chiếc ghế bằng nhựa, vừa nhỏ lại vừa thấp, đặt dọc lối đi ở giữa xe hay bậc lên xuống, cho thiên hạ ngồi đỡ.

Gã nhớ lại hồi xưa, nhất là vào dịp tết  đông người đi lại, có những lần lên Saigon, vì xe đã hết chỗ, mà chờ chuyến khác thì lại quá lâu và mất thời giờ, gã đành phải ngồi ghế xúp. Bây giờ sau bốn mươi năm, Việt Nam mình đã vào WTO, thế mà nạn ghế xúp vẫn còn tồn tại trên nhiều tuyến đường, tạo thành những chuyến xe cá hộp, cá mòi và hành khách chẳng còn tí nhân phẩm nào cả. 

Thứ hai là ghế…bật. 

Đây là một loại ghế dựa rất đặc biệt, được trang bị bằng một cơ cấu tung bật tư động và một hệ thống dù, được dành cho các phi công cũng như cho các phi hành gia. Trong trường hợp máy bay hay phi thuyền gặp nạn, người ta chỉ cần bấm nút một phát, lập tức chiếc ghế này sẽ đưa anh chàng phi công hay phi hành gia bật khỏi phòng lái, tung lên trời và mở dù để có thể đáp xuống đất một cách an toàn. 

Thứ ba là ghế…vật lý trị liệu. 

Hiện nay trên thị trường, gã thấy xuất hiện nhiều thứ ghế rất…tuyệt chiêu, nói theo kiểu đông y, thì những loại ghế này đều có công dụng vậy lý trị liệu. Chẳng hạn  :

- Ghế “bành điện” là loại ghế bành có nút bấm để đi tới đi lui, hay quay phải quay trái.

- Ghế “mát-xa” là loại ghế khi ngồi vào, người ta sẽ được đấm lưng hay “xoa bóp” từ đầu cho đến chân, có loại chân co chân duỗi, tay cao tay thấp, rung  một phần hay rung toàn thân…

- Ghế lắc là loại là loại ghế, khi bấm nút thì lập tức mặt ghế sẽ xoay tròn, làm cho người ngồi trên đó, dù muốn hay không, cũng phải ngoáy bụng, ngoáy mông, giảm bớt phần nào số mỡ thặng dư, làm cho vòng số hai thon nhỏ lại. 

Sau cùng là ghế…điện. 

Trong khi ghế bật làm cho anh chàng phi công thoát hiểm, ghế xúp làm cho hành khách tiết kiệm thời giờ, ghế vậy lý trị liệu làm cho người sử dụng được khoan khoái dễ chịu, thì ghế điện có lẽ là loại ghế duy nhất mà chẳng ai muốn ngồi vào. Bởi vì đã ngồi vào, thi cuộc đời được coi như là đã…bế mạc.

Thực vậy, đây cũng là một loại ghế đặc biệt, được trang bị bằng một dòng điện cao áp và được sử dụng để thi hành những bản án tử hình. Người ngồi vào đó chỉ trong thoáng chốc là sẽ được đi tàu suốt sang thế giới bên kia.

Xử tử trên ghế điện là một trong những hình thức xử phạt cao nhất, mà một số nước đã áp dụng cho những tội nhân, cần phải loại khỏi đời sống xã hội.

Nhìn vào sinh hoạt thường ngày, gã nhận thấy những người càng làm lớn, thì hình như chiếc ghế dành cho họ càng to và càng đẹp. Chẳng hạn ông vua là người nắm giữ quyền hành to nhất trong một nước theo chế độ quân chủ, thì cái ghế ông ta ngồi cũng phải được chế tạo một cách đặc biệt và được gọi là ngai, thậm chí còn là ngai vàng nữa. Từ đó, gã đi tới ý nghĩa thứ hai của ghế. 

Tiếp đến, ghế là địa vị, chức vụ trong một tổ chức nào đó.

Kinh nghiệm cho thấy : chúng ta không thể nào sống cô độc lẻ loi như một pháo đài biệt lập, hay như một hòn đảo giữa biển khơi. Trái lại, chúng ta sống là sống với người khác, trong một xã hội, trong một cộng đoàn hay trong một tổ chức nào đó.

Đã là một xã hội, một cộng đoàn hay một tổ chức thì bắt buộc phải có những người đứng đầu để cai quản xã hội ấy, để điều hành cộng đoàn ấy, hay để hướng dẫn tổ chức ấy đi theo con đường đã vạch định, hầu đạt được những mục đích đã đề ra.

Đã có người hướng dẫn, đã có người điều hành, hay nói một cách cụ thể hơn, đã có sếp thì cũng phải có chiếc ghế để cho sếp ngồi chứ.

Hơn thế nữa, theo quan điểm của Nho giáo : Một khi đã có mặt trong cuộc sống, được sinh ra làm “một đấng tu mi nam tử”, thì phải biết  xả thân, vừa để cứu dân và giúp đời, vừa để kiếm cho mình chút danh lợi nào đó, như Nguyễn Công Trứ đã từng chủ trương :

- Trót sinh ra thì phải có chi chi,

  Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu.

- Đã mang tiếng ở trong trời đất,

  Phải có danh gì với núi sông.

  Trong cuộc trần ai ai dễ biết,

  Rồi ra mới tỏ mặt anh hùng.

Tuy nhiên, đối với nhiều người danh lợi không phải chỉ là món nợ cần phải trả cho xã hội :

- Cái công danh là cái nợ nần.

Nhưng hơn thế nữa, danh lợi còn là một cái bả hấp dẫn, khiến cho thiên hạ phải ra sức dành giật mà chiếm lấy. Nếu quan sát những cuộc tranh cử tại các nước tự do, chúng ta sẽ thấy như vậy. Một chiếc ghế tổng thống, một chiếc ghế nghị sĩ, một chiếc ghế dân biểu mà có biết bao nhiêu người nhòm ngó và quyết tâm nắm cho bằng được.

Để được ngồi vào chiếc ghế ấy, người ta không ngần ngại dồn hết công sức, thậm chí còn sử dụng cả những thủ đoạn đê tiện và bẩn thỉu, như hạ nhục đối phương…để kéo dư luận và dân chúng ủng hộ mà dồn phiếu cho mình.

Đối với những chiếc ghế không phải do dân bàu, chẳng hạn như ghế bộ trưởng, ghế tỉnh trưởng, ghế giám đốc…người ta rất sẵn sàng đổ tiền ra để “mua” cho bằng được. Thậm chí rất nhiều khi những chiếc ghế ấy đã được ngã giá một cách trắng trợn và lộ liễu, coi bàn dân thiên hạ chẳng ra cái thớ gì cả. Và như vậy loại ghế công danh địa vị này đã trở thành một cái gì  khả dĩ có thể mua bán và đổi chác.

Với những chức vụ đã được bỏ tiền ra mua, thì cái mục đích phục vụ dân nước xem ra không quan trọng cho bằng cái dịch vụ, cái “áp phe” để làm ăn kiếm lời. Vì thế, một khi đã được ngồi vào chiếc ghế mua ấy, người ta phải vội vã vơ vét về, không phải chỉ đủ với số tiền đã bỏ ra, mà còn phải sinh lời. Bất chấp mọi thủ đoạn, bất chấp mọi phương tiện, miễn sao tiền bạc nhét đầy túi. Càng lời nhiều càng tốt. Chẳng mấy chốc vừa vinh thân lại vừa phì gia.

Theo Toan Ánh trong “Phong tục Việt Nam” thì ngày xưa trong chế độ phong kiến, người dân thường vốn được gọi là bạch đinh, phải chịu rất nhiều phu phen tạp dịch, chẳng hạn như đi tuần, đắp đê, đắp tường hay khi quan đi kinh lý phải vác cờ, khiêng kiệu…

Muốn được thoát khỏi những công việc nặng nhọc trên, thì phải là “tay văn học, hoặc là các chức sắc trong làng, trong ban kỳ mục, hoặc phải đến tuổi được miễn, hoặc phải là học trò còn đang theo đuổi bút nghiên”

Riêng “người dân bạch đinh, muốn tránh phu phen tạp dịch phải mua những chức hàm trong làng, đó là các chân Nhiêu, chân Xa, cũng như các chân Phủ, Huyện hàm nhà nước thường ban cho nhiều người vậy. Mỗi chân Nhiêu, chân Xã phải nộp một món tiền theo lệ làng và các chân Nhiêu, chân Xã mỗi làng đều có lệ hạn định đến một số nào”.

So sánh tục lệ mua nhiêu, mua xã ngày xưa với việc mua ghế hôm nay, thì việc mua ghế hôm nay tai hại cho dân cho nước hơn nhiều.

Sỡ dĩ như vậy là vì việc mua nhiêu, mua xã ngày xưa cốt để tránh cho bản thân khỏi phải đi làm những công việc nặng nhọc của phe phen tạp dịch, cũng như kiếm tí vinh dự nơi xóm làng, nhất là vào những dịp hội hè đình đám, bởi “một miếng giữa làng, còn hơn một sàng xó bếp”.

Còn việc mua ghế hôm nay thì mục đích chính yếu là làm giàu cho cá nhân và gia đình. Vì thế, cần phải vơ vét thật nhiều trong một thời gian thật ngắn. Thành thử nạn tham nhũng hối lộ vẫn cứ liên tục phát triển, không thể nào ngăn cản nổi. 

Sau cùng, ghế là…đờn bà con gái.

Nếu gã nhớ không lầm, thì trước năm 1975,  ghế là một thứ tiếng lóng, được dân bụi đời sử dụng, để ám chỉ đờn bà con gái. Chẳng hạn :

- Ghế mẫu là bà mẹ.

- Ghế linh là gái đẹp.

- Ghế mục là gái xấu.

- Ghế rạc gáo là gái già.

- Ghế cổ tại là gái có nhiều tiền.

Hồi xưa khi học về triết Đông, gã nhớ mang máng hình như có câu : Nhất âm, nhất dương chi vi đạo”. Âm dương là cái đạo của trời đất. Thực vậy, theo quan niệm của Tàu, thì vũ trụ khởi thủy chỉ là một khối hỗn mang, tràn đầy cái được gọi là khí thái cực. Trong khí thái cực này có sự phân hóa thành hai mặt đối lập là âm và dương. Âm và dương không ngừng tác động lẫn nhau,  để rồi từ đó sinh ra vạn vật.

Còn theo vật lý của Tây, thì mỗi thỏi nam chân đều có hai cực. Cực âm và cực dương. Hai cực giống nhau thì đẩy nhau, còn hai cực khác nhau thì hút lẫn nhau.

Cũng vì sự hút lẫn nhau này, mà tạo nên dòng điện. Và dòng điện đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cuộc sống , cũng đã biến đổi bộ mặt trái đất này.

Từ hai quan niệm giữa Đông và Tây, gã xin áp dụng vào lãnh vực con người. Thực vậy, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam và có nữ, như hai yếu tố âm và dương tương phản nhưng lại hấp dẫn lẫn nhau. Chính vì thế, nam hướng đến nữ và  nữ hướng đến nam chỉ là một sự kiện rất bình thường mà thôi.

Chuyện kể lại rằng :

Ngày xửa ngày xưa có một chú bé được vị ẩn sĩ nọ đưa lên núi từ nhỏ. Ngày ngày tu hành học đạo, xa tránh cuộc sống trần gian. Cho đến một hôm, chú bé trở thành một thanh niên khỏe mạnh và cường tráng, vị ẩn sĩ mới quyết định đem chú xuống núi để thử lửa.

Cuộc sống nơi trần gian có nhiều điều mới lạ khiến chú hết sức ngạc nhiên và thích thú. Thấy bất kỳ sự gì, chú cũng ngắm nhìn và hỏi han.

Trên đường về, chú gặp mấy cô gái và hỏi sư phụ :

- Thưa thày, cái gì thế ?

Vị ẩn sĩ  ngước nhìn và thấy mấy chiếc nón các cô đội trên đầu nên ôn tồn trả lời :

- Ồ, đó chỉ là mấy chiếc nón mà thôi con ạ.

Về đến núi, chú đâm ra ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Thấy vậy, vị ẩn sĩ liền hỏi :

- Con sao thế, bị bệnh ư ?

Chú buồn bã trả lời :

- Thưa thày, chẳng hiểu tại sao con lại nhớ mấy chiếc nón ấy quá. Con thích mấy chiếc nón ấy lắm.

Câu chuyện dí dỏm này muốn nói lên một sự thật, đó là nam và nữ thì thu hút lẫn nhau, đờn ông và đờn bà thì hướng tới nhau, con giai và con gái thì hấp dẫn nhau.

Chẳng thế mà tục ngữ ca dao đã diễn tả :

- Đố ai nằm võng không đưa.

  Ru con không hát, anh chừa nguyệt hoa.

Hay :

- Trai thấy gái lạ,

         Như quạ thấy gà con.

Thánh Phaolô còn xác quyết :

- Đàn ông không được dựng nên cho đàn bà, nhưng chắc chắn đàn bà được dựng nên cho đàn ông.

Vì thế, đờn ông thường đi tìm kiếm chiếc xương sườn của mình để đắp vào chỗ đã bị Thượng đế lấy mất.

Kinh nghiệm cũng cho thấy, trong cuộc tìm kiếm này, phần lớn cánh đờn ông con giai thường thích loại…ghế linh, tức là đờn bà con gái có ngoại hình đẹp. Đối với họ, tình yêu bắt đầu từ đôi mắt.

Mặc dù từ ngàn xưa, thiên hạ vốn chủ trương :

- Cái nết đánh chết cái đẹp.

Thế nhưng, ngày hôm nay rất nhiều khi :

- Cái đẹp lại đè bẹp cái nết.

Chỗ nào cũng thấy người ta tổ chức những cuộc thi hoa hậu để tìm kiếm người đẹp. Cơ quan nào cũng thấy người ta tuyển dụng những người đẹp, nhiều khi chỉ để làm kiểng và trang trí mà thôi.

Ngoài loại ghế linh ra, có những người lại đi tìm cho mình loại ghế…cổ tại, tức là đờn bà con gái nhiều tiền lắm bạc, để họ có được một cuộc sống an nhàn, theo kiểu “chuột sa chĩnh gạo”, hay có được một bàn đạp để thăng tiến về phương diện xã hội, nhờ đó mà chiếm được các thứ ghế khác, chẳng hạn như ghế giám đốc, ghế dân biểu…

Hướng tới đờn bà con gái là chuyện bình thường, nhưng mê đờn bà con gái nhiều khi lại trở thành một chứng bệnh. Vối với chứng bệnh này, thì hiện nay chưa có thuốc chữa và người ta cũng chưa tìm ra phương thức để hủy diệt con “virus ” này trong huyết quản cánh nguời đàn ông con giai, như một nhà văn đã viết :

- Với bệnh chó dại thì nhà bác học Pasteur đã tìm ra phương thuốc trị liệu, còn bệnh mê đờn bà con gái thì chưa có một nhà bác học nào nghĩ đến.

Tuy nhiên, theo gã thì các nhà bác học không nên tìm ra phương thuốc trị liệu cho chứng bệnh này và nếu có tìm ra chăng nữa thì cũng không nên xử dụng, bởi vì nó sẽ gây nên nhiều hậu quả dây chuyền thảm khốc, giống như bây giờ nếu người ta hủy bỏ được hấp lực của từ trường, thì biết bao nhiêu chuyện rắc rối sẽ xảy ra.

Để kết luận, gã xin ghi lại nơi đây ý kiến của một bậc lão thành dày dạn kinh nghiệm trận mạc :

- Đọc sách báo và tiểu thuyết, xưa cũng như nay, tôi nghiệm thấy rằng : phần lớn phe đờn ông con giai đều hảo ngọt. Hồi còn trẻ, thì chỉ có ghế linh, ghế cổ tại mới thích. Nhưng đến khi đã xồn xồn, khoảng 59 trở lên, thì ghế mục, ghế cổ, ghế rạc gáo…các ông í vẫn cứ nhắm mắt làm liều, vẫn cứ chơi tuốt. Thành thử, trong các thứ cám dỗ đờn ông con giai, thì ghế được coi như thành công nhất. Đôi khi tôi cũng thế, vì tôi cũng chỉ là một gã đờn ông con giai,  vốn mỏng dòn và yếu đuối…

Chẳng biết nhận định của bậc lão thành này đúng hay sai. Và nếu đúng thì đúng được bao nhiều phần trăm ?

Gã Siêu   gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************