Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 103, Chúa Nhật 04.10.2009


MỤC LỤC 

Sắc Lệnh Về Hiệp Nhất - Lời Mở Ðầu                                                                     Vatican 2

KINH LINH MỤC TẬN HIẾN                                                   Lm. Ánh Minh Đăng biên soạn

KHÔNG GIAN TÔN GIÁO                                                                     Lm. Vĩnh Sang, DCCT 

CHÂN DUNG LINH MỤC VN: Lm. GIUSE NGUYỄN THANH VÂN           Lm Giacôbê Tạ Chúc

ĐỜI ĐÁ BẠC                                                                                  Lm. Jos Hoàng Kim Toan

PHÁ THAI LÀ TỘI ÁC                                                                          Gioan Lê Quang Vinh  

ĐỨC HY. TRẦN NHẬT QUÂN gởi thư cho chính quyền TRUNG QUỐC           Web HĐGM VN

'Sợ nhất là dân không muốn nói nữa'                                                                    Cao Nhật

LỜI TT. BARACK OBAMA NHÂN NGÀY TỰU TRƯỜNG                 Nhà Văn Phạm Toàn dịch

NGƯỜI GHÉT MÙA XUÂN                                                                        Nhà Văn Quyên Di

TRÁNH ĐƯỢC BỆNH NHỜ HIỂU BIẾT                                         Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.

RƯỢU VÀ ĐỜN BÀ -                                                                  Chuyện phiếm của Gã Siêu


Sắc Lệnh Về Hiệp Nhất - Lời Mở Ðầu

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Lời Mở Ðầu

 

1. Cổ động việc tái lập sự hiệp nhất 1* giữa toàn thể các Kitô hữu là một trong những mục tiêu chính của Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II. Quả thực, Chúa Kitô đã thiết lập một Giáo Hội và chỉ một Giáo Hội duy nhất, nhưng nhiều cộng đồng Kitô giáo tự xưng với mọi người mình là di sản đích thực của Chúa Kitô; thật vậy, tất cả đều xưng mình là môn đệ của Chúa nhưng lại cảm nghĩ và đi theo những đường lối khác nhau như thể chính Chúa Kitô bị phân rẽ vậy 1. Quả thực, sự phân rẽ này hiển nhiên vừa trái ngược với ý muốn của Chúa Kitô vừa là gương xấu 2* cho thế giới và phương hại cho công cuộc rất thánh thiện là rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật.

Tuy vậy, Chúa các thế hệ, Ðấng tiếp tục chương trình thi ân cách khôn ngoan và nhẫn nại đối với chúng ta là những kẻ tội lỗi, trong những ngày gần đây đã bắt đầu đổ dồi dào tinh thần thống hối và ước vọng hiệp nhất trên các Kitô hữu còn đang chia rẽ với nhau. Rất nhiều người ở khắp nơi được khích lệ bởi ơn này và nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động, một phong trào tái lập sự hiệp nhất mọi Kitô hữu cũng được phát khởi mỗi ngày một rộng rãi hơn nơi những anh em phân ly với chúng ta. Tham dự phong trào tìm về hiệp nhất này, cũng được mệnh danh là phong trào hiệp nhất, là những người cầu khẩn Chúa Ba Ngôi và tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa và là Ðấng Cứu Thế, 3* không những từng cá nhân riêng rẽ, mà còn tụ họp lại nơi những cộng đoàn trong đó họ đã được nghe Phúc Âm, và mỗi người gọi các cộng đoàn ấy là Giáo Hội của họ và của Thiên Chúa. Tuy nhiên hầu như 4* tất cả, dầu mỗi người mỗi cách, đều ngưỡng vọng một Giáo Hội duy nhất và hữu hình của Thiên Chúa, một Giáo Hội thực sự phổ quát và được sai đến với toàn thể thế giới, để thế giới trở về với Phúc Âm và nhờ vậy, được cứu rỗi hầu làm vinh danh Thiên Chúa.

Vì vậy, một khi hoan hỷ cứu xét tất cả những điều ấy, và sau khi công bố học thuyết về Giáo Hội 5*, Thánh Công Ðồng này cũng thiết tha mong mỏi tái lập hiệp nhất giữa tất cả các môn đệ Chúa Kitô, nên muốn cung ứng cho mọi người Công Giáo sự trợ lực, đường lối và phương sách để họ có thể đáp ứng lời mời gọi và ân sủng của Thiên Chúa 6*.

 


Chú Thích:

1* Cũng như tựa đề của Sắc Lệnh "Về Hiệp Nhất", những tiếng "tái lập hiệp nhất" chỉ định mục đích của sắc lệnh. Lời mở đầu khai triển vắn tắt mục đích này nhằm vào việc hiệp nhất tất cả Kitô hữu.

1 Xem 1 Cor 1,13.

2* Sự phân ly giữa các Kitô hữu là một gương xấu, vì lời cầu hiệp nhất của Chúa Kitô mà mọi người đều tuyên xưng đã bị chà đạp và vì Kitô giáo rao giảng bác ái trong khi các Kitô hữu lại chia rẽ nhau. Sự phân rẽ này đã làm đình trệ công cuộc Phúc Âm hóa: bởi lẽ Phúc Âm do các cộng đồng Kitô hữu dị biệt loan báo ngay giữa mối bất đồng và cả đến mâu thuẫn với nhau.

3* Câu này ám chỉ về việc tuyên xưng đức tin mà Hội Ðồng Hiệp Nhất các Giáo Hội năm 1961 tại Tân Ðề Li đã chấp nhận.

4* Tiếng này đã được thêm vào theo lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng, bởi vì có vài anh em Tin Lành chối bỏ việc Chúa Kitô đã thiết lập một Giáo Hội hữu hình.

5* Học thuyết này đã được tuyên bố trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, công bố cùng ngày với Sắc Lệnh Hiệp Nhất.

6* Dù không nói rõ, sắc lệnh này hủy bỏ và thay thế một số huấn giới ban hành trước kia do giáo luật hoặc do những sắc lệnh ngày 5 tháng 6 năm 1948 và 20 tháng 12 năm 1949 về mối tương quan với những người ngoài công giáo.

 
VỀ MỤC LỤC
KINH LINH MỤC TẬN HIẾN

Lạy Chúa Giêsu là Linh mục đời đời, là lý tưởng mà con hằng ước, con cảm tạ Chúa vì đã thương chọn gọi con làm linh mục của Chúa.

 

Con biết con yếu đuối và bất toàn, mong manh và tội lỗi, nhưng con tin vào tình yêu Chúa cao vời, luôn chở che nâng đỡ thân phận con người nhỏ bé của con.

 

Giờ đây và mãi mãi con xin dâng lên Chúa hồn xác con, mọi tư tưởng lời nói việc làm, tất cả tài năng sản nghiệp con đã có đang có và sẽ có, mọi khuynh hướng ý định trong ngoài con, để được Chúa thánh hóa chúc lành, để con được trọn vẹn thuộc về Chúa.

 

Xin dâng lên Chúa ông bà cha mẹ con, tất cả mọi người trong gia đình thân bằng quyến thuộc con, mọi ân nhân và bạn hữu, tất cả những ai con đã từng gặp gỡ trên đường đời, xin Chúa nâng đỡ và giúp họ nên thánh.

 

Xin dâng lên Chúa Đấng Bản Quyền của con, các anh em trong giáo phận và tất cả các linh mục trên toàn thế giới, xin Chúa gìn giữ và tuôn đổ Thánh Thần trên các ngài, để các ngài luôn sáng suốt hướng dẫn đoàn chiên Chúa. Xin cho con cũng biết vâng phục và mến yêu Đấng Bản Quyền  trong bất cứ mọi cảnh ngộ nào.

 

Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa đàn chiên mà Chúa đang dùng con coi sóc. Đàn chiên này là của Chúa, xin cho con đừng để mất một con chiên nào, xin cho con biết yêu thương tất cả, biết hy sinh quên mình vì tất cả, không loại trừ một ai, biết dẫn đưa chiên đến đồng cỏ xanh tươi của Chúa. Xin cho con biết khao khát ra đi tìm kiếm những con chiên còn đang thất lạc, để đưa về chung hưởng hạnh phúc nơi nhà Chúa.

 

Lạy Chúa, tất cả là của Chúa, con xin dâng lại cho Chúa tất cả. Xin hãy làm cho con được nên thánh, thánh trong tư tưởng, thánh trong lời nói, thánh trong việc làm, thánh lớn lao và can đảm cương quyết đến cùng, để con có thể minh chứng tình yêu Chúa.
 

Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương của lòng con, xin Mẹ hãy tác thành con nên một Giêsu khác hoàn toàn theo ý Mẹ, để con luôn luôn sống giống Mẹ, biết mến yêu Thánh Thể, biết ngẫm suy Lời Chúa, biết thưa lên trọn vẹn hai tiếng ‘Xin Vâng’. Xin dạy con các nhân đức của Mẹ, đức quảng đại dấn thân, đức cậy tin vững mạnh, đức khiêm nhường trong sạch, đức mến Chúa yêu người và yêu nhau đến chết, đức thinh lặng nội tâm, đức khó khăn nhiệm nhặt, đức vâng lời mau mắn, đức đơn sơ thật thà, đức vui tươi hiền từ, đức thứ tha nhịn nhục, đức khôn ngoan và chăm chỉ giữ kỷ luật, đức nhiệt thành chịu khó, đức hy sinh anh hùng trước mọi tân toan đau khổ, trước mọi thử thách đắng cay, trước mọi hiểu lầm oan trái, trước mọi khô khan chán nản, trước mọi xông đánh bởi ma quỷ, trước mọi mưu tính thế gian, trước mọi cám dỗ lợi danh, trước mọi oán ghét ghanh ghen, trước mọi vu oan bách hại... để con luôn biết can đảm hăng say rao truyền Chân Lý và làm chiến sĩ anh dũng của Mẹ cho Nước Chúa, để chiến thắng tội lỗi, để Nước Chúa trị đến, để tình yêu Chúa và trái tim Mẹ ngự trị vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. Amen 

Lm. Ánh Minh Đăng biên soạn

VỀ MỤC LỤC
KHÔNG GIAN TÔN GIÁO

 

Mấy ngày nay, những ai đi qua hoặc đến tham dự các sinh hoạt ở Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Saion, 38 đường Kỳ Đồng , Phường 9, Quận 3 đều có cảm giác không thoải mái, nếu không muốn nói là khó chịu, có cái gì làm cho người ta không tìm được bầu khí bình an, không gian như bị phá vỡ cái cần thiết của nó, người ta gọi cái cần thiết đó là không gian tôn giáo.

Nguyên nhân chính là ngôi trường Kỳ Đồng, trước đây là Cứu Thế Học Đường,  một trường trung học của Dòng Chúa Cứu Thế, ngôi trường song song với nhà thờ, đối xứng qua đường Bà Huyện Thanh Quan. Đường Bà Huyện Thanh Quan từ ngày được mở rộng trở nên khang trang, đẹp mắt, nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã tận dụng cơ hội này xoay hướng thoát xe ra trục Bà Huyện Thanh Quan để giải quyết nạn kẹt xe và xây dựng một cảnh quan hài hòa với con đường. Điểm ưu việt mà chúng ta có thể nhận ra ngay đó là Nhà thờ đã tạo một không gian mở, kiến trúc là ngôn ngữ thể hiện thông điệp của chủ thể, mở không gian, Nhà thờ như muốn diễn tả lời mời gọi mọi người đến với niềm vui, sự sẻ chia, hạnh phúc mà Nhà thờ đang sở đắc, không phân biệt ai cả, không hạn chế ai cả, và đó là “công giáo”.

Cảm giác khó chịu ở chỗ ngôi trường từ ngày được “mượn”, cách đây vài năm, người có trách nhiệm cho xây một dãy phòng học ba tầng song song với đường Bà Huyện Thanh Quan nghĩa là song song với nhà thờ (thay dổi, xây mới một cơ sở mượn của người ta mà không hề trao đổi hoặc xin ý kiến của chủ nhân). Kiến trúc của dãy nhà mới này đơn giản thôi, nhưng nó quay lưng vào nhà thờ, đóng kín không gian trường học. Đường Bà Huyện Thanh Quan mở rộng, giao thông thoải mái nhưng nó vẫn bít kín, chỉ một lối thoát duy nhất ra đường Kỳ Đồng vốn đã chật hẹp, mỗi giờ tan học, kẻ đưa người đón càng làm chật hẹp thêm. Kiến trúc qui hoạch, bài học sơ đẳng trên ghế giảng đường chuyên ngành là phải theo xu hướng xã hội và sự tiện ích, nếu không chính vận động xã hội sẽ tự nó phá vỡ những qui hoạch kiên cưỡng, những bài học cụ thể từ những công trình xây rồi bị bỏ hoang tốn bao nhiêu tiền vẫn còn sờ sờ trước mắt, thế là tự nó nguời ta phải mở lối bất đắc dĩ ra đường Bà Huyện Thanh Quan, lối không ra lối, cổng không ra cổng, mặt tiền hay mặt hậu, không điểm nhấn !

Mấy tháng nay người ta sửa chữa dãy nhà học này, sau khi thay hàng loạt các cửa sổ lá sách bằng các cửa sổ kính ( dãy nhà này đưa lưng hoàn toàn về hướng tây nam, hướng của nắng chiều chói chan mang nhiều bức xạ), người ta “bôi” lên đó một màu sơn kỳ dị, gay gắt và nóng bức. Tự bản than màu này không phải là mầu của không gian giáo dục và càng không thể là màu đối diện với không gian tôn giáo. Người ta đã hành xử như vậy đó ! Hỗn lọan trong giáo dục sẽ thu được những sản phẩm hỗn loạn, đó là kết quả tất yếu.

Cách hành xử như vậy chúng ta không lấy làm lạ. Cũng tại Kỳ Đồng, một khoảng không gian thoáng đãng được chăm sóc kỹ lưỡng bởi các tu sĩ nhà dòng, khoảng không gian đầy những cây xanh nhiều năm tuổi, mảnh đất gần 8000 mét vuông đã được “mượn” không giấy tờ, chỉ một thời gian ngắn sau nó trở thành hồ bơi có doanh thu, hàng ngày các loại nhạc tra tấn không gian tĩnh lặng của tu viện từ sáng tới tận đêm khuya, mùa hè thì nhạc ban ngày dồn dập, mùa cưới thì nhạc ban đêm xập xình cùng với những lời hò hét “dzô, dzô” của các đám cưới, tệ nhất là việc gây khó chịu bao nhiêu năm nay cho các vị có trách nhiệm trong tu viện về việc các chị em phụ nữ đến tắm tại hồ bơi này, không phải sợ bị “cám dỗ” nhưng chính là cái văn hóa cần phải có trong tương quan không gian sống. Những điều như vậy người ta gọi là “tôn trọng tín ngưỡng”, gọi là “tự do tôn giáo” !

Gần đấy, trên đường 3 tháng 2, quận 10, mảnh đất rộng trước đây của Giáo Hội Phật Giáo, nguời ta cũng “mượn”, vài năm sau năm 1975, người ta xây một nhà hát to đùng mang tên Nhà hát Hòa Bình ( 1978 ). Góc đường 3 tháng 2 với con đường vào hồ Kỳ Hòa, nơi có một ngôi chùa hiền hòa tọa lạc, mảnh đất còn lại giữa ngôi chùa và rạp hát Hòa Bình người ta “mượn” nốt để làm Nhà Văn Hóa Quận 10 (1988), Nhà Văn Hóa kiến trúc quay hẳn lưng vào nhà chùa. Theo đấy,  cứ đơn giản hiểu là “tôn trọng tín ngưỡng”, “tự do tôn giáo” là lấy đất của chùa chiền, của nhà thờ để xoay lưng lai với chùa chiền và nhà thờ. Kiến trúc mang tính giáo dục, định hướng xã hội, người ta định hướng và giáo dục như vậy.

Những ngày cuối thập niên 80 (1987-88), có người dân nào của thành phố này còn môt chút lương tâm và một chút tha thiết với di sản dân tộc không khỏi xót xa khi chứng kiến việc mở đường Cộng Hòa, cùng với việc mở đường người ta phá tan “Lăng Cha Cả” không thương tiếc, ngôi nhà chôn cất vị giám mục bị đập tan tành không để lại vết tích, ngôi mộ bị đào bới lên và xóa sạch trên mặt đất. Tên “Lăng Cha Cả” đã trở nên địa danh nổi tiếng, ngôi nhà làm lăng ( vật lieu, kết cấu, kiểu dáng kiến trúc) bây giờ người ta bỏ ra nhiều tỷ chưa chắc đã mua được, nhưng cái quan trọng là cách người ta hành xử với một công trình tôn giáo, xóa sạch bất chấp các gía trị của nó. Nhưng xóa nó mà thay vào bằng một công trình có giá trị nào cho cam, bây giờ tồn tại nơi đó một vòng xoay “nửa thầy nửa thợ”, lục cục thô thiển, vòng xoay Lăng Cha Cả, một cửa ngõ của thành phố từ phi trường Tân Sơn Nhất ra đáng hổ thẹn.

Khi tôi viết những hàng chữ này, thông tin của thành phố đang luận bàn về viêc giữ lại hay đập phá xây mới bệnh viện Nhi Đồng 2 ( bệnh viện Grall cũ), công trình có tuổi 140 năm, đậm dấu vết của thời Pháp thuộc, người muốn giữ lại lập luận về giá trị kiến trúc và lịch sử, người muốn đập hết xây mới viện dẫn hiệu quả chức năng và kinh tế, có một ý kiến đề nghị vẫn giữ lại nhưng xây thêm các công trình bên trong khu đất còn trống và chọn kiểu giáng kiến trúc hài hòa ( báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ bảy 26/9/2009, trang 6, bài “Bệnh viện Nhi Đồng 2 là di sản”), tôi sẽ không bàn ở đây nếu ý kiến đó không viện dẫn một công trình cao ốc gần nhà thờ Đức Bà Saigon, họ bảo, công trình xây mới này đã tạo được sự hài hòa kiến trúc, mời tất cả những ai muốn đánh giá vấn đề, xin đến nhà thờ Đức Bà Saigon để thăm một lần, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, trừ những ngày mưa bão, bóng của các công trình cao ốc chung quanh luôn bao vây và đè trên ngôi nhà thờ, mà bóng của công trình được viện dẫn thì khủng khiếp hơn cả, Con dốc đường Đồng khởi hướng lên cuối đường là nhà thờ bị một khối nặng nề án ngữ mà khối ấy lại lệch về một bên, xin tản bộ theo đường Đồng Khởi từ ngã tư Lý Tự Trọng sẽ nhận ra ngay cái lệch lạc, và đó là sự hài hòa kiến trúc?

Xem bài tường trình của nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền về vụ Loan Lý, đặc biệt trên bản đó minh họa mới thấy hết cái kỳ cục của nó, ngôi trường bị bao vây bởi một bờ tường kín mít cao 3 mét chạy chung quanh, chỉ có nhà tù người ta mới xây như vậy. Bờ tường cắt ngôi trường không liên lạc gì với thế giới bên ngoài, quốc lộ 1A lạnh lùng chạy dọc theo đoạn tường dài như hai thế giới khác biệt nhau. Cổng trường mở về phía đầm Ô Loan, quay lưng lai với nhà thờ Loan Lý, quay lưng lại với chủ sở hữu của nó, không công nhận là chủ sở hữu thì ít là Nhà thờ Loan Lý đã sinh ra nó, Chằng lạ gì cứ chỗ này chỗ kia có tin về những cuộc bạo hành trong gia đình, có những cuộc bạo hành của những nguời con dành cho cha mẹ của chúng. Ở Loan Lý, không chỉ là chuyện xây cất, nhưng còn là chuyện bạo hành, cách làm ở Loan Lý chúng tôi gọi đó là xúc phạm đến không gian tôn giáo.

Có một câu nói của một nhân vật trong nhóm khai sinh ra lý thuyết Chủ nghĩa Xã hội, “nếu bắn vào quá khứ bằng một viên đạn súng lục, tương lai sẽ bắn vào hôm nay bằng một viên đạn đại bác”, có cần phải nhắc lại tư tưởng này không nhỉ ?

Lm. Vĩnh Sang, dcct     26/9/2009    Mời vào thăm www.dcctvn.net

VỀ MỤC LỤC
CHÂN DUNG LINH MỤC VIỆT NAM: LINH MỤC GIUSE NGUYỄN THANH VÂN
 

Khi đến nhận Giáo xứ, điều đầu tiên tôi để ý, là ngôi mộ của Ngài, nằm dưới chân đài Đức Mẹ. Qua những giáo dân kể lại, tôi cũng muốn viết đôi điều về vị mục tử trẻ trung, thánh thiện và đã hiến mạng sống mình vì đàn chiên.  

Cha Giuse Nguyễn Thanh Vân sinh năm 1933, tại Lưu Thạnh-Bắc Việt. Ngài thụ phong linh mục vào ngày 24 tháng 03 năm 1963. Về nhận quản xứ Gia-an, thuộc Giáo phận Phan thiết. Lúc đó là Giáo xứ Duy Cần đang còn thuộc địa phận Nha Trang( khỏang năm 1967-1968). Trong thời binh lửa, đàn chiên tan tác, nhà thờ, nhà xứ là chỗ dựa tinh thần cho con chiên bổn đạo. Giữa thời cuộc dầu sôi lửa bỏng, cha Vân luôn tìm mọi cách để quy tụ giáo dân, sớm hôm kinh lễ, cầu nguyện cho cuộc chiến mau chấm dứt. Xã Duy cần lúc đó là điểm nóng trong những trận chiến giáp la cà, oanh tạc của không quân, bộ binh… Sống trong cảnh trên bom, dưới đạn, Ngài vẫn luôn chăm nom đời sống tâm linh cho bà con giáo dân. Người ta kể lại rằng: Ngài luôn gắn bó với giáo xứ, nhất là trong những lúc thập tử nhất sinh. Cuộc chiến kéo dài, sinh mạng của mỗi người rất mong manh, sống nay, chết mai là chuyện bình thường. Dù trong hòan cảnh éo le như vậy, luôn luôn người ta tìm thấy nơi Ngài một sự tín thác tuyệt đối vào sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa.  

Cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt, nhà thờ, nhà xứ  trở nên cứ điểm chiếm đóng của quân đội. Nhận thấy tình thế mỗi lúc một trở nên khó khăn, nhiều giáo dân xin cha chuyển đi nơi khác, vì sợ nguy hiểm cho tính mạng của Ngài, nhưng Ngài một mực từ chối, và nhất quyết sống chết với đàn chiên của mình. Điều dự đóan của mọi người rồi cũng đến, bởi chiến tranh không phải là trò đùa. Ngày 28 tháng 11 năm 1973, một ngày đầy oan nghiệt, bom napan đã thiêu hủy nhà thờ và nhà xứ Duy Cần. Người mục tử Giuse Nguyễn Thanh Vân cũng đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất Giáo xứ thân yêu của mình. Ngài ra đi để lại biết bao là nỗi niềm thương tiếc và kính yêu trong lòng cộng đòan người dân Duy Cần.  

Chiến tranh đã khép lại. Quá khứ cũng đã khép lại. Thế nhưng mãi mãi người dân của Giáo xứ Gia an vẫn không quên được hình ảnh của một vị mục tử đã hiến mạng sống mình cho đàn chiên thân yêu.

Lm Giacôbê Tạ Chúc

VỀ MỤC LỤC
ĐỜI ĐÁ BẠC
 

Đá bạc vì người và vì người đời đá bạc.

Thưở đá trên núi, cây rừng còn hoang sơ, con người còn biết yêu thiên nhiên. Đời đá hạnh phúc biết bao. Mỗi lần ánh ban mai vừa ló dạng, đá tươi cười nhận giọt sương mai lóng lánh rơi từ cành lá, Buổi mai hạnh phúc đơn giản của giọt sương lẫn nắng ban mai.

Đời đá yên lành. Cái yên lành của mùa trưa hè nóng bức, những tán lá rừng giảm nhẹ đi nhiệt độ, tán lá rừng ấp ủ mát lạnh cho đá. Buổi trưa hè hạnh phúc, cái hạnh phúc nhẹ nhàng của tán lá.

Đời đá yên vui. Cái yên vui của mùa thu lá tàn, đá mang lại hơi lạnh cho cây, ru cây rừng ngủ trong giấc ngủ bình yên. Đời đá hạnh phúc, hạnh phúc vì được sẻ chia.

Đời đá ấm áp. Cái ấm áp của những ngày cố giữ gìn hơi ấm trong mùa đông giá lạnh, sưởi ấm cho cây. Đời đá hạnh phúc vì cuộc đời còn nghĩ đến nhau.

Đời đá reo vui. Khi mùa xuân đến cả cây cả đá cùng đón xuân sang, cái hạnh phúc không chỉ riêng ai, mùa xuân cho đá và cây. Đời đá hạnh phúc  hạnh phúc khi cùng nhau hạnh phúc.

Có những hạnh phúc đơn giản, như đá và cây, những ngày thiên nhiên còn chưa nhiễm bụi trần.

Hạnh phúc bị lấy mất khi con người đặt chân đến. Họ chặt cây, làm ngã đổ tình bạn giữa đá và cây, tranh giành nhau vơ vét, xẻ cây lấy gỗ, đời cây đau khổ đời đá có vui? Con người bất hạnh.

Hạnh phúc cũng chẳng còn khi con người lấy đá làm vật liệu. Đá bị khai quật, đặt mìn, đời đá chẳng còn để bạc, đời người cũng chẳng gì để lại.

Hạnh phúc bị tước đoạt khi con người lấy đất làm nhà, lấy đất làm sân golf. Con người đổi cái thú vui trước mắt để giết mất hạnh phúc lâu dài. Đá và gỗ trơ trọi giữa trời nắng gắt, chỉ mua vui cho vài người mà đời đá bạc, cây tàn phai. 

Hạnh phúc thật đơn giản khi cuộc đời cần có nhau và cũng mất đi thật giản đơn, khi người đời vì tiền làm khổ đời nhau.

Tiền không mua được hạnh phúc lâu bền, chỉ đổi lấy hạnh phúc chóng qua mà còn làm tan tác giữa bao khối tình.

Đá buồn khi tuổi còn non, cây buồn khi mới vừa lên và con người cũng buồn khi vừa mới khai sinh. Còn gì cho nhau? Ngoài đồng tiền bất hạnh. 

Đời đá bạc những tình người cũng bạc.

Đời đá bạc! con người cũng bạc.

Thương thay những con người chỉ biết đến tiền, vì tiền chỉ mang lại bất hạnh.

Thương thay cho chúng ta, cho đời đá bạc vì còn những kẻ cũng chỉ vì tiền đánh đổi tất cả.

Joshkimt

Lm. Jos Hoàng Kim Toan

VỀ MỤC LỤC
PHÁ THAI LÀ TỘI ÁC
 

HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO: XÂY DỰNG NGÔI NHÀ SỰ SỐNG (BÀI 3)

Hội Thánh, với tư cách là kho tàng của ân sủng và người thừa hành lệnh truyền của Thiên Chúa phân phát ân sủng, luôn lên tiếng bảo vệ và bênh vực cho sự sống là quà tặng vô giá từ Thiên Chúa và chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng. Nguồn mạch đức tin của Hội Thánh chính là mầu nhiệm Phục Sinh, mầu nhiệm của sự sống. Do đó, Giáo Hội không thể và không bao giờ thoả hiệp với nền văn hoá sự chết dù chỉ trong vấn đề nhỏ nhặt nhất. Một trong những minh chứng cho sứ mạng bảo vệ sự sống của Hội Thánh chính là giáo huấn nghiêm khắc của Hội Thánh về vấn đề, được trình bày trong Học Thuyết Xã Hội Công Giáo.

Bài 3:  PHÁ THAI LÀ TỘI ÁC

Thực trạng phá thai ở nhiều nước đã đến mức báo động, riêng ở Việt nam càng khủng khiếp hơn do nhiều nguyên nhân. Nền giáo dục thiếu nhân bản và hoàn toàn vắng bóng các giá trị siêu việt ngày càng làm cho giới trẻ nao núng, mất khả năng phân biệt cái tốt cái xấu, mất ý thức trách nhiệm và không còn ý thức về những giá trị tinh thần và tâm linh. Trong mục Bảo Vệ Sự Sống trên website www.huongvedaihoidanchua.net, người ta đọc thấy việc phá thai xảy ra dễ dàng mỗi ngày, trở thành nỗi đau âm ỉ cho con người và xã hội.

Nhìn thấy trước và muốn ngăn chặn tình trạng tội ác này, Hội Thánh nhiều lần lên tiếng cảnh báo bằng huấn quyền và bằng tấm lòng của người Mẹ. Ở đây chúng tôi xin lược qua vài nét chính yếu của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo về vấn nạn này. 

1. Thai nhi có quyền được sống.

Người ta đưa ra hai lý do chính để phá thai : dân số quá đông, hoàn cảnh ép buộc. Nói dân số quá đông là cách nói ích kỷ đầy mâu thuẫn. Ta được sống, được hưởng hạnh phúc của cuộc đời và ta không muốn có người khác chen vào chỗ đứng của ta ? Phi lý ! Nói hoàn cảnh ép buộc là cách nói vô trách nhiệm. Nhưng sâu xa hơn, người ta phá thai là vì người ta không nhận ra sự sống là cao quí ; và con người, dù là thai nhi, có phẩm giá siêu việt vì chính Chúa đã tạo nên họ giống hình ảnh Ngài và họ được Đức Kytô dùng chính máu thánh Người mà cứu chuộc. (1)

Chính vì vậy mà con người có những quyền căn bản bất khả xâm phạm. Trong thông điệp Centesimus Annus, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra một danh sách các quyền thuộc nhân quyền, mà đứng đầu là  « quyền được sống, một phần của quyền ấy là quyền của đứa trẻ được lớn lên trong bụng mẹ ngay từ khi thụ thai » (2)

Không ai có thể tự ý tước đoạt quyền được sống và quyền làm người của trẻ em. Nhiều người cho rằng lợi dụng sự yếu đuối không thể tự vệ của thai nhi để giết em còn là hành vi hèn hạ. 

2. Phá thai là tội ác ghê tởm.

Không chỉ là hành vi hèn hạ, phá thai là một tội ác, Hội Thánh gọi là « tội ác ghê tởm ». Do đó, Hội Thánh nhấn mạnh rằng trong việc thực hành sinh sản có trách nhiệm, phải loại bỏ việc triệt sản và phá thai vì điều ấy bất hợp pháp về luân lý. (3)

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tông thư gửi các gia đình Gratissimam Sane và trong Thông điệp Evangelium Vitae, dạy rằng « phá thai là tội ác đáng ghê tởm và là một sự phá hoại luân lý một cách đặc biệt nghiêm trọng ; thay vì là quyền lợi, phá thai chính là một hiện tượng đáng buồn góp phần đáng kể vào việc phổ biến não trạng chống lại sự sống, là một sự đe doạ nguy hiểm cho việc chung sống trong xã hội một cách công bằng và dân chủ ». 

 

3. Chế tài của Luật Hội Thánh về tội phá thai.

 

Là vương quốc đặc biệt, vương quốc của Thiên Chúa, Hội Thánh là hình bóng của Nước Trời mai sau. Nhưng Giáo Hội cũng là tổ chức hữu hình của con người, nên Hội Thánh ngoài các giới răn Thiên Chúa, còn có bộ luật riêng là Giáo Luật. Giáo Luật qui định chế tài rất nghiêm ngặt về hành vi phá thai.

 

Phá thai là tội nặng nề trước mặt Chúa và còn bị vạ tuyệt thông. Giáo luật xếp tội phá thai vào những tội phạm đến sự sống và sự tự do của con người. Ðiều 1398 Bộ Giáo Luật 1983 qui định : « Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết », nghĩa là vạ có hiệu lực ngay khi người ta thi hành việc phá thai có kết quả.

 

4. Dân biểu Công giáo phải làm gì ?

 

Ở Việt nam hiện nay chưa có người Công giáo làm đại biểu Quốc Hội vì nhiều nguyên nhân (trừ các anh quốc doanh được đẩy vào cho… khí thế !!!). Ở nhiều nước, người Công giáo làm nghị sĩ, dân biều là chuyện bình thường, để đóng góp công sức, tài năng và ý kiến vào  việc hình thành và thực thi luật pháp, duy trì trật tự xã hội. Hội Thánh với sự khôn ngoan và cẩn thận, đã tiên liệu những tình huống trong chính trường đi ngược lại với lương tâm Công giáo, để đưa ra những chỉ dẫn hành động thích hợp.

 

Hội Thánh đưa ra nguyên tắc chung : « Khi - xét tới các lĩnh vực hay thực tại có liên quan đến các bổn phận đạo đức căn bản - những lựa chọn pháp lý hay chính trị nào đi ngược lại với những nguyên tắc và giá trị Kitô giáo được đề nghị hoặc được thực hiện, Huấn Quyền dạy rằng “một lương tâm Kitô hữu được giáo dục tốt không cho phép người đó bỏ phiếu thuận cho một chương trình chính trị hoặc cho một luật lệ cá thể đi ngược lại với những nội dung căn bản của niềm tin và luân lý » (4)

 

Trong trường hợp dân biểu Công giáo không thể cản trở luật gây tội ác, thì họ phải phản kháng công khai, và « ủng hộ một cách hợp pháp những đề nghị có mục đích giới hạn thiệt hại phát sinh từ những chương trình và luật lệ đó và có mục đích giảm thiểu những hậu quả tiêu cực về mặt văn hoá và đạo đức quần chúng » (5)

 

5. Và chúng ta phải làm gì ?

 

Việc cầu nguyện là việc làm dễ dàng ở mọi nơi mọi lúc và đem lại hiệu quả nhanh chóng thiết thực nhất. Sự ác còn tràn lan một phần vì chúng ta, những người sống gấn Chúa, chưa cầu nguyện cho đủ.

 

Việc cầu nguyện đồng thời cũng phải đi đôi với hành động cụ thể để giảm bớt đau thương vì hành vi gây ra cái chết phi lý cho các trẻ thơ vô cùng dễ thương và vô tội. Nhiều người trong chúng ta đã nghe chuyện một người mẹ được bác sĩ khuyên phá thai vì mấy đứa con trước của bà đã bị dị tật và chết. Bà cương quyết không giết con vì đó là con bà và vì phá thai là xúc phạm đến Thiên Chúa. Bà đã sinh đứa con ấy năm 1770, bé rửa tội ngày 17 tháng  12 năm đó. Sau này cả thế giới biết đến người con này dưới tên gọi Beethoven, đại nhạc sĩ lừng danh.

 

Cho dù con người lớn lên không có tài năng nổi trội, họ vẫn xứng đáng được sống và hưởng gia sản mà Chúa dành cho từng phận người, không ai có quyền loại bỏ họ, vì chỉ có Chúa mới có quyền trên sinh mạng con người. Không phạm tội này, khuyên bảo người khác để họ bỏ ý định phạm tội và cầu nguyện cho các trẻ em là điều chúng ta đừng quên thực hiện hàng ngày.

Xin Mẹ là Đấng đã bảo vệ sự sống cho Giêsu bé thơ, giúp chúng con yêu mến và tôn trọng sự sống vì chính Chúa và chỉ có Chúa mới tạo thành sự sống diệu kỳ.  

Gioan Lê Quang Vinh  

 

(1) Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, chương 3, số 105 – 108.

(2)   Ibid. 155 ; Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 47: AAS 83 (1991), 851-852; x. Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, kỳ họp thứ 34 (02-10-1979), 13: AAS 71 (1979), 1152-1153.

(3)   Ibid 233 ; x. Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae, 14: AAS 60 (1968), 490-491. 

(4), (5)  Ibid 570 ; x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae

VỀ MỤC LỤC
ĐỨC HỒNG Y TRẦN NHẬT QUÂN GỬI THƯ CHO CHÍNH QUYỀN TRUNG QUỐC

WHĐ (25.09.2009) / Catholic.org – Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc, Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên giám mục Hồng Kông, đã gửi thư đến Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, kêu gọi Chính quyền Trung quốc trả tự do cho tất cả các giám mục còn đang bị cầm tù.

Trong lá thư được công bố trên trang tin điện tử của giáo phận Hồng Kông, Đức Hồng y Trần Nhật Quân đã ca ngợi những lời lẽ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi ông ngỏ lời trước Hội nghị toàn quốc của Hội đồng Cố vấn chính trị vào ngày 20 tháng 9 vừa qua rằng: “Hội nghị này có mục đích “thúc đẩy tiến trình dân chủ, củng cố tình liên đới và giải quyết những mâu thuẫn”. Đức Hồng y Trần Nhật Quân cho rằng đây chính là điều mà người dân mong đợi và ngài nói thêm, “Tôi không thể không hoan nghênh khi nghe ông Hồ Cẩm Đào nói rằng Hội nghị toàn quốc phải thúc đẩy sự phát triển hài hoà mối tương quan với các tôn giáo cũng như mối tương quan với đồng bào trong nước và hải ngoại. Ông còn nói thêm, Hội nghị phải cổ võ nguyên tắc lấy con người làm trung tâm, lắng nghe tiếng nói của người dân… tìm hiểu hoàn cảnh xã hội và kiến của công luận, đưa ra những lời khuyên và gợi ý”. Theo Đức Hồng y Trần Nhật Quân, khi Chủ tịch Hồ nói về tương quan với các tôn giáo, ông ám chỉ điều mà Đức Bênêđictô XVI nói đến: “Tôi hi vọng rằng tín hữu tại Trung quốc có thể sống đức tin của mình trong bình an và góp phần phát triển đất nước của họ”.

Theo Đức Hồng y Trần Nhật Quân, chương trình của ông Hồ Cẩm Đào là “một thách đố chưa từng có… nhưng cũng là cơ may lớn”. Tiếc rằng một số kẻ theo chủ nghĩa cơ hội “chỉ biết chạy theo lợi nhuận trước mắt và không muốn mất đi vị trí cũng như quyền lực của họ… Họ chỉ quan tâm đến việc nắm giữ quyền lực và bảo vệ lợi ích riêng tư của mình mà không màng đến ích lợi thực sự và chính sách của đất nước”. Khi nói điều này, Đức Hồng y Trần Nhật Quân có ý nhắm đến những người thuộc khuynh hướng cực tả vẫn muốn xem Kitô giáo như sự đối đầu với chủ nghĩa yêu nước, và không khó để nhận ra những khuôn mặt này vẫn đang nắm vị trí hàng đầu trong Tổ chức Công giáo yêu nước cũng như trong Bộ Tôn giáo. 

Chính vì thế, cùng với những nhận định trên, Đức Hồng y Trần Nhật Quân kêu gọi: “Sau 60 năm kể từ khi thành lập Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc, nay đã đến lúc các vị lãnh đạo nên can đảm sửa chữa những sai lầm trong quá khứ qua việc trả tự do cho các vị lãnh đạo tôn giáo bị bắt giữ, từ Su Zhimin (giám mục Baoding, Hebei) bị bắt cách đây 12 năm, cho đến Jia Zhi Guo (giám mục Giang Đông) bị bắt giam vào tháng 3 vừa qua. Đây là thời điểm các nhà lãnh đạo cần trực tiếp đối thoại với các giám mục là những người lãnh đạo đích thực của Giáo Hội”. Đức Hồng y Trần Nhật Quân cũng cho rằng Bắc Kinh nên “ngồi vào bàn thương thảo với Toà Thánh và chân thành tìm kiếm những nẻo đường cả hai bên cùng chấp nhận và sống hài hoà với nhau”.

(Nguồn: Catholic.org)  

PV.

(http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=7&Act=Detail&ID=808&CateID=57)

VỀ MỤC LỤC
 'Sợ nhất là dân không muốn nói nữa'
 

 - Thảo luận về vai trò phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa của MTTQ, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Sợ nhất không phải là dân không dám nói, mà là không muốn nói nữa.

Nằm trong chương trình của Đại hội toàn quốc MTTQ Việt Nam, buổi thảo luận xung quanh chủ đề "MTTQ Việt Nam với vai trò phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tham gia giám sát và phản biện xã hội" diễn ra khá "nóng" chiều 28/9.

Chủ trì buổi thảo luận, GS Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật của UBTƯ MTTQ VN nêu thực trạng mặc dù vai trò phản biện xã hội của MTTQ đã được Đảng đề ra tại Nghị quyết Đại hội X nhưng chưa có cơ chế cụ thể, đầy đủ để thực hiện nên việc triển khai có nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, hoạt động phản biện của MTTQ chủ yếu là kiến nghị với các cơ quan Đảng và Nhà nước trong quá trình dự thảo các chủ trương, chính sách pháp luật có liên quan.

Nhấn mạnh vai trò của tổ chức Mặt trận, theo linh mục Thiện Cẩm, "điều quan trọng để phản biện xã hội phát huy tác dụng là phải có đối thoại, đối thoại chân thành, thẳng thắn".

Viện trưởng Viện nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội Trần Thị Lành cho rằng, ý kiến phản biện của các tổ chức trong Mặt trận từ trước đến nay "thường rất ít khi nhận được phản hồi thích đáng".

"Chủ trương đều có đầy đủ nhưng chúng ta đang quá chậm trong việc triển khai, cụ thể hóa các chủ trương đúng đắn đó bằng các công cụ luật pháp", bà Lành nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến đồng tình về việc để có đại đoàn kết thì trước tiên phải có sự đồng thuận, tuy nhiên nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Chúng ta nói "của dân, do dân, vì dân" nhưng bản thân chữ "Dân" khi phân tích ra thì có bao nhiêu lợi ích khác nhau".

Theo ông Quốc, MTTQ là tổ chức tập hợp những tiếng nói của người dân, biến nó thành ý chí của nhân dân và dùng ý chí, nguyện vọng ấy để phản biện đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành.

Thảo luận càng sôi nổi hơn khi GS Tương Lai bắt đầu phát biểu của mình bằng việc đặt câu hỏi cho chủ tọa - GS Lưu Văn Đạt - dân chủ và dân chủ xã hội chủ nghĩa khác nhau như thế nào? GS Tương Lai cũng nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1949: "Nước ta là nước dân chủ, mọi quyền hành và lực lượng đều nơi dân".

Cùng trăn trở với GS Tương Lai, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng dân chủ xã hội chủ nghĩa thực ra chỉ có một nội hàm vô cùng quan trọng là thêm yếu tố Đảng lãnh đạo. Việc tìm cho ra mô hình dân chủ xã hội chủ nghĩa cả về lý luận và thực tiễn là rất cần thiết.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng chưa bao giờ chúng ta có được một hệ thống chính trị rộng lớn như hiện nay. Tuy nhiên, theo ông, tiếng nói của Mặt trận hiện rất yếu ớt trong hệ thống, ở các địa phương tiếng nói càng nhỏ bé và gần như không có hiệu quả.

"Quan trọng nhất trong xã hội hiện đại, đó là tiếng nói người dân được thể hiện qua báo chí. Sợ nhất không phải là dân không dám nói, mà là dân không muốn nói nữa", ông Quốc nhấn mạnh.

  • Cao Nhật

VỀ MỤC LỤC

LỜI TỔNG THỐNG BARACK OBAMA NHÂN NGÀY TỰU TRƯỜNG

 

Đạc san GSVN Xin hân hạnh gới thiệu với Quí Đức Cha, Quí Cha và Quí Độc giả CGVN một trang web rất đúng đắn và tâm huyết của một số đông Trí thức Việt Nam   http://bauxitevietnam.info/

Nguồn: http://bauxitevietnam.info/8868/loi-tong-thong-barack-obama-nhan-ngay-tuu-truong/

Nhân ngày tựu trường năm học 2009, ông Tổng thống Mỹ bàn với các em học sinh Mỹ về sự thành đạt. Ông đề xuất một bài học cho các em, đó là những ước vọng được nói to lên như là sự thành đạt không tất yếu đã là hoặc sẽ phải là những thành đạt. Từng em học sinh muốn thành đạt thì phải cùng có trách nhiệm với Tổ quốc, chứ không ngồi yên trông chờ Tổ quốc có trách nhiệm với sự thành đạt của mình. Như vậy trẻ em được đồng hành cùng với sự phát triển của Tổ quốc mình.

Chẳng ai bắt buộc ông Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ nói điều gì cũng phải đúng. Ấy thế nhưng bức tranh Giáo dục nước Mỹ vào thập kỷ đầu của thế kỷ 21 được ông Obama phác họa, về một khía cạnh nào đó - một khía cạnh nào đó thôi - xem ra lại có vẻ giống như bức tranh Giáo dục Việt Nam. Mô tả được chuẩn xác một thực tại để tìm cách đẩy thực tại đó tới tầm cao lý tưởng là một năng lực của nghề Tổng thống. Mà điều kiện thành công cùng sự vinh nhục của nghề Tổng thống lại nằm ở chỗ cái lưỡi của ông ta không nên làm bằng gỗ.

Phạm Toàn

Lời Tổng thống Barack Obama nhân ngày tựu trường

Nói tại Arlington, Virginia ngày 8 tháng Chín 2009

Tổng thống: Xin chào – các bạn mạnh giỏi cả chứ? Tôi đang ở đây cùng các bạn học sinh trường Trung học Wakefield tại Arlington, Virginia. Và lúc này trên khắp nước Mỹ các bạn học sinh từ Mẫu giáo tới lớp 12 cũng đều đến trường. Tôi rất vui mừng thấy tất cả chúng ta, các bạn và chúng tôi, đều cùng đến trường ngày hôm nay.

Hôm nay, là ngày đi học đầu tiên của nhiều người trong số các bạn. Với các bạn ở trường Mẫu giáo hoặc lớp đầu của hai bậc Sơ trung và Cao trung, thì đây là ngày đầu tiên các bạn đến trường mới, vì vậy có hồi hộp bồn chồn cũng là dễ hiểu thôi. Tôi hình dung thấy ở đâu đó đúng lúc này có những anh chị học sinh lớp cuối cấp thấy mình khá sung sướng vì chỉ còn phải đi học có một năm nữa thôi. Và nói chung, với tất cả các bạn, dù đang ở lớp nào cũng vậy, có những bạn vẫn nghĩ giá như nghỉ hè vẫn còn kéo đến tận hôm nay thì thích bao nhiêu, và sáng nay các bạn đó có thể nằm ườn thêm một chút trên giường.

Tôi thông cảm với tình cảm đó. Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi ở Indonesia mấy năm, và mẹ tôi không có tiền cho tôi đến trường của trẻ em Mỹ. Thế là mẹ quyết định tự bà dạy thêm cho tôi, dạy cả tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu, ngày nào cũng dạy tôi từ 4 giờ 30 sáng. Ngày ấy, tôi không thấy khoái lắm với việc phải dậy sớm đến thế. Nhiều bận tôi ngủ gục ngay khi đang ngồi ăn lót dạ. Nhưng tôi phản đối sao cũng chẳng được, bao giờ mẹ cũng nhìn tôi bằng con mắt ấy và bảo tôi, “Thì nào mẹ có sung sướng gì hơn đâu, hả con?”
Vậy nên tôi hiểu rằng vào ngày tựu trường này có những bạn hôm nay vẫn đang còn phải tự điều chỉnh cho quen. Và hôm nay tôi đến đây vì có đôi điều quan trọng cần thảo luận với các bạn. Tôi đến đây vì tôi muốn nói với các bạn về công việc giáo dục cho các bạn và nói rõ trong năm học mới này mọi người trông đợi gì ở các bạn.

Giờ đây tôi đã nói nhiều rồi về giáo dục. Và tôi cũng nói nhiều rồi về vấn đề trách nhiệm. Tôi đã nói nhiều về trách nhiệm của giáo viên trong việc gây cảm hứng cho các bạn và thúc đẩy công việc học của các bạn. Tôi đã nói nhiều về trách nhiệm của phụ huynh bảo đảm sao các bạn chạy đúng đường ray, làm đủ bài tập, và không có cái thói sểnh ra là xem Tivi hoặc là chơi ghêm. Tôi đã nói nhiều về trách nhiệm của chính quyền phải nêu ra được những tiêu chuẩn cao, phải giúp đỡ các giáo viên và các hiệu trưởng, và trách nhiệm trong việc làm thay đổi hoàn toàn những trường nào không làm cho học sinh có được những cơ hội học tập xứng với các em.

Thế nhưng suy cho cùng, chúng ta có thể có những giáo viên xả thân hết mình, những bậc phụ huynh ủng hộ hết lòng, và có những ngôi trường tốt nhất thế giới – song , mọi chuyện này sẽ là vô nghĩa hết (sẽ chẳng còn quan trọng) nếu như tất cả các bạn lại không hoàn thành phần trách nhiệm của mình, nếu các bạn không đi học, nếu các bạn không chú ý nghe thầy cô, nếu các bạn không để ý lắng nghe mẹ cha, ông bà và các vị phụ huynh khác, và nếu các bạn không nỗ lực để các điều kiện kia có thể cho kết quả. Và đó chính là điều hôm nay tôi mong các bạn tập trung chú ý: trách nhiệm của từng bạn đối với công việc giáo dục. Tôi muốn được bắt đầu với vấn đề trách nhiệm của bản thân các bạn. Mỗi bạn đều (có năng khiếu riêng, giỏi giang trong lĩnh vực nào đó…) . Mỗi bạn đều có đóng góp điều gì. Và các bạn có trách nhiệm tự mình tìm ra cái chút gì đó của riêng mình. Công cuộc giáo dục là để mang lại cơ hội cho các bạn làm công việc đó.

Rất có thể bạn là một người có khả năng viết văn – thậm chí giỏi đến mức viết được cuốn sách hoặc những bài báo – nhưng hẳn là bạn chưa biết mình có năng lực đó cho tới khi bạn viết một bài luận trong giờ học tiếng Anh của mình. Rất có thể bạn là một nhà sáng chế hoặc phát minh – thậm chí giỏi đến mức sẽ tạo ra một loại iPhone đời mới hoặc tạo ra một thứ thuốc trị bệnh hoặc văc-xin phòng bệnh – nhưng hẳn là bạn chưa biết mình có năng lực đó cho tới khi bạn tiến hành một bài tập lớn trong giờ học khoa học. Rất có thể bạn là một Thị trưởng hoặc một Thượng nghị sĩ hoặc một quan tòa ở Tòa Tối cao, nhưng hẳn là bạn chưa biết năng lực đó của mình cho tới khi bạn tham gia tổ chức của sinh viên hoặc tham gia nhóm tranh luận về những vấn đề chính quyền.

Và bất kể bạn có ý định làm gì trong đời mình – tôi cam đoan là bạn đều phải cần đến giáo dục thì mới thực hiện được. Bạn muốn trở thành một bác sĩ, hoặc một giáo viên, hoặc một sĩ quan cảnh sát ư? Bạn muốn trở thành một y tá, hoặc một kiến trúc sư, một luật gia hoặc một quân nhân? Bạn cần học hành tử tế để làm được từng việc như các nghề ta vừa nói đến. Bạn không thể bỏ học mà lại mong tìm được một công việc ngon lành nào đó. Bạn cần nỗ lực chuẩn bị cho công việc đó, cần được huấn luyện và học làm nghề đó.
Và làm như vậy không chỉ quan trọng với cuộc đời của riêng bạn, cho tương lai của chính bạn. Chuyện các bạn học hành để trở thành người thế nào, còn quyết định cả tương lai của đất nước này nữa. Điều gì bạn học được ở nhà trường hôm nay sẽ quyết định xem liệu đất nước chúng ta có đủ sức đáp ứng những thách thức trong tương lai hay không.

Bạn cần có kiến thức và những kỹ năng giải quyết vấn đề nhờ học các môn Khoa học và Toán để biết chữa các chứng như ung thư và AIDS và tạo ra những công nghệ năng lượng mới để bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Bạn cần nhận ra và có những kỹ năng tư duy phê phán tích cực khi học Lịch sử và các môn Khoa học xã hội để đấu tranh chống nạn nghèo khó và nạn vô gia cư, chống lại tội phạm và sự phân biệt đối xử, và làm cho đất nước ta sống đàng hoàng hơn và tự do hơn. Bạn cần đến tính sáng tạo và những tài khéo học được ở trường để biết lập công ty rồi sẽ tạo ra những công ăn việc làm và thúc đẩy nền kinh tế nước ta.

Chúng ta cần từng người trong các bạn phát triển tài năng, kỹ năng và trí óc của mình sao cho các bạn có thể giúp giải quyết những vấn đề khó khăn nhât của chúng ta. Nếu các bạn không làm điều đó – nếu các bạn bỏ học – thì sẽ không chỉ là tự bỏ rơi chính mình, mà là từ bỏ đất nước mình.

Giờ đây, tôi biết là việc học ở trường chẳng phải chuyện lúc nào cũng dễ dàng. Tôi biết rằng ngay bây giờ vô số bạn đang gặp phải những thách thức trong đời mình khiến các bạn khó tập trung vào việc học. Tôi biết chuyện đó. Tôi hiểu chuyện đó ra sao. Cha tôi đã rời bỏ gia đình tôi khi tôi lên hai, và tôi được nuôi nấng bởi bàn tay một bà mẹ không có chồng bên cạnh, người lúc nào cũng phải vật lộn để chi trả các thứ hóa đơn và không phải lúc nào cũng có khả năng cho chúng tôi những thứ mà trẻ em khác đứa nào cũng có. Có những khi tôi thèm có được một người cha trong đời mình. Có những khi mình thấy mình cô đơn và cảm thấy như mình không sao hòa hợp được với cuộc sống đó.

Vì thế mà không phải là lúc nào tôi cũng tập trung được vào việc học như mình cần phải thế. Tôi đã làm một số điều không sao tự hào cho được, và tôi gặp rắc rối nhiều hơn là mình đáng bị. Và cuộc đời tôi đã có thể dễ dàng quay ngược đi theo hướng tồi tệ.
Nhưng tôi là người gặp may. Tôi bắt gặp vô số cơ hội để làm lại, và đã có điều kiện học lên bậc Cao đẳng, rồi học trường Luật, và lần theo ước mơ của đời mình mà đi tiếp. Vợ tôi, đệ nhất phu nhân Michelle Obama, cũng có một cảnh đời tương tự. Cha mẹ bà đều không học bậc Cao đẳng và các vị cũng chẳng có nhiều cơ may để làm điều đó. Nhưng các vị đã lao động cật lực, và Michelle cũng lao động cật lực, và Michelle đã có thể đi học ở những ngôi trường tốt nhất của đất nước này.

Nhiều người trong số các bạn hẳn là không có những thuận lợi đó. Có thể là vì các bạn không có những phụ huynh trong đời mình để trụ đỡ cho các bạn khi các bạn cần. Có thể có những ai đó trong gia đình các bạn đã bị mất việc, và nhà bị thiếu tiền sinh sống. Có thể các bạn sống ở một nơi có hàng xóm láng giềng không khiến các bạn thấy an toàn, hoặc là có những người bạn đã ép các bạn làm những việc các bạn thấy là không chính đáng.

Nhưng suy cho cùng, những điều kiện của đời mình – hình hài bạn ra sao, bạn sống ở đâu, bạn có bao nhiêu tiền, học ở trường rồi về nhà bạn còn làm gì nữa – thì sẽ không có gì biện bạch được nếu bạn không làm bài tập hoặc nếu bạn có hành vi xấu. Không có gì có thể biện bạch cả một khi các bạn cãi lại thầy, bỏ buổi, bỏ học. Không có gì có thể biện bạch nếu bạn không thử sức làm tốt mọi điều.

Bạn đang ở đâu lúc này không tất yếu quyết định nơi bạn sẽ kết thúc. Không có ai viết sẵn số mệnh của bạn. Ở đây trên đất Mỹ, bạn tự viết nên số mệnh của mình. Bạn tạo ra tương lai của chính mình.

Đó là những gì các bạn trẻ trên toàn nước Mỹ vẫn đang làm hàng ngày.

Đó là con người trẻ như Jazmin Perez, ở Roma, bang Texas. Jazmin không nói được tiếng Anh khi lần đầu tiên em đi học. Ở thị trấn quê em, không phải ai ai cũng vào được bậc Cao đẳng, bố mẹ em cũng chẳng vào được bậc Cao đẳng. Nhưng em đã nỗ lực hết mình, đạt điểm số cao, và được học bổng vào đại học Brown, giờ đây đang theo bậc cao học, nghiên cứu vấn đề sức khỏe cộng đồng, và đang sắp trở thành cô bác sĩ Jazmin Perez.

Tôi cũng đang nghĩ đến trường hợp Andoni Schultz, ở Los Altos, bang California, em đã bị ung thư não từ khi ba tuổi. Em đã chịu đựng đủ thứ chữa chạy và mổ xẻ, một lần chữa chạy như thế đã ảnh hưởng tới trí nhớ của em, khiến cho cuộc đời học đường của em kéo dài hơn nhiều lắm – dài thêm hàng trăm giờ. Nhưng em không bao giờ chịu tụt lại, và mùa thu này em vào bậc Cao đẳng.

Và còn có trường hợp bạn Shantell Steve, người cùng thị trấn quê tôi ở Chicago, bang Illinois. Dù rằng cô bị lăn như trái bóng từ nhà nuôi trẻ mồ côi nay qua nhà nuôi trẻ mồ côi khác trong cảnh láng giềng cay nghiệt nhất hạng, cô vẫn tìm cách kiếm một việc làm tại trung tâm chăm sóc sức khỏe của địa phương; cô khởi động một chương trình lôi kéo các bạn trẻ ra khỏi các băng đảng; và cô đang tiếp bước trên đường tới truờng cao đẳng với những điểm số cao để tiếp tục lên đại học.

Jazmin, Andoni và Shantell chả có gì khác với bất kỳ ai trong các bạn. Các anh chị ấy đã đứng trước những thách thức trong đời mình hệt như các bạn từng gặp. Có điều là họ không chịu đầu hàng. Họ chọn con đường nhận lấy trách nhiệm trước việc học hành cho chính họ và tự mình định ra các mục tiêu cho chính mình. Và tôi mong đợi tất cả các bạn cũng làm như thế.

Vì thế mà hôm nay đây tôi kêu gọi từng người trong các bạn hãy đặt ra các mục tiêu cho mình trong việc học hành – và tự các bạn tìm mọi cách trong khả năng mình để hoàn thành các mục tiêu ấy. Mục tiêu của các bạn có thể đơn giản như việc làm hết bài, trong lớp thì tập trung chú ý mà học, hoặc ngày nào cũng đọc sách. Có thể các bạn sẽ ghi danh tham gia một chương trình ngoại khóa nào đó hoặc làm công tác tình nguyện trong cộng đồng. Có thể các bạn sẽ quyết định làm công việc bênh vực các em nhỏ bị trêu chọc hoặc bị bắt nạt vì thân phận xã hội hoặc vì vẻ bề ngoài, bởi vì các bạn tin tưởng cũng như tôi từng tin tưởng rằng tất cả trẻ em đều xứng đáng được sống trong một môi trường an toàn để mà học tập. Có thể các bạn sẽ quyết định tự chăm sóc bản thân hơn để có thể sẵn sàng hơn cho công việc học hành của chính mình. Và nhân tiện, tôi hy vọng tất cả các bạn hãy rửa tay sạch nhiều lần trong ngày, và hãy nghỉ học ở nhà khi thấy người không khỏe, để giúp người khác mùa thu và mùa đông này khỏi lây nhiễm cúm.
Bất kể các bạn quyết tâm làm điều gì, tôi mong các bạn hãy làm đến cùng. Mong các bạn thực sự làm việc để đạt được mục đích.
Tôi biết rằng đôi khi coi tivi các bạn có cảm giác mình sẽ trở nên giàu có và thành đạt mà chẳng cần phải làm gì vất vả – cảm giác rằng tấm vé cho các bạn đi tới thành công là đi theo con đường hát “rap” hoặc chơi bóng rổ hoặc làm một ngôi sao quay những cảnh truyền hình chuyện có thực, và mặc dù có thể bạn chắc chắn không thể trở thành một trong số những người như vậy.

Nhưng thực ra để thành công thì phải chăm chì nhiều lắm. không phải môn học nào bạn cũng thích; không phải giáo viên nào cũng khiến bạn có cảm tình ngay lập tức (click là nhìn thấy mê liền); không phải bài tập về nhà nào cũng hoàn toàn thích hợp với cuộc đời bạn ngay lúc này; không nhất thiết là bạn làm điều gì cũng thành công ngay từ lần thứ nhất.

Điều này không sao. Có những người trong số những ai thành đạt bậc nhất trên đời lại là những người đã từng gặp thất bại nhất hạng. Harry Potter tập một của JK Rowling bị từ chối mười hai lần rồi mới được xuất bản. Michael Jordan bị tống ra khỏi đội bóng rổ trường mình, và anh đã thua cả trăm trận và ném hụt bóng cả ngàn lần trong đời vận động viên. Nhưng anh từng nói, “Trong đời, tôi đã thua rồi thua rồi lại thua miết. Và đó là lý do tôi thành công”.

Những con người ấy đã thành công vì họ biết rằng ta không thể để cho các thất bại chi phối con người mình – ta cần rút ra bài học từ các thất bại đó. Ta cần để cho các thất bại đó chỉ ra con đường đề lần tiếp theo ta sẽ hành động khác hẳn. Nếu ta gặp khó khăn lúng túng, điều đó không có nghĩa rằng ta gây ra khó khăn lúng túng, nó chỉ có nghĩa rằng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong hành xử. Nếu ta bị điểm thấp, điều đó không có nghĩa ta là kẻ đần độn, nó chỉ có nghĩa là ta cần bỏ nhiều công học tập hơn thôi.

Chẳng ai sinh ra là đã giỏi ngay, bạn sẽ giỏi giang bằng nỗ lực lao động . Khi lần đầu tiên bạn tham gia một môn thể thao, bạn đâu đã là đại diện cho đoàn thể thao của trường mình. Lần đầu tiên hát, bạn đâu có hát đúng từng nốt một. Thực hành thì sẽ giỏi. Chuyện học hành ở trường cũng thế thôi. Có lẽ bạn cần giải bài toán vài ba bận trước khi làm đúng, hoặc bạn cần đọc điều gì đó vài ba bận trước khi hiểu kỹ nó, hoặc viết nháp vài ba bận một văn bản trước khi nó có thể đem cho người khác đọc.

Đừng sợ khi phải hỏi ai điều gì đó. Đừng sợ phải nhờ giúp đỡ khi bạn cần được giúp đỡ. Ngày nào tôi cũng làm như vậy đó. Nhờ giúp đỡ không phải là dấu hiệu mình hèn kém, đó là dấu hiệu mình mạnh. Nó cho thấy bạn có cái dũng khi chấp nhận mình không biết điều gì đó, và học được cái gì đó mới mẻ. Vậy nên, bạn hãy đi tìm một người lớn tuổi mà bạn tin cậy – cha mẹ, ông bà, hoặc giáo viên; huấn luyện viên hoặc nhà tư vấn – và hãy xin các vị đó giúp đỡ bạn đi đúng đường dẫn bạn tới đích.

Và ngay cả khi bạn đang gặp khó khăn, ngay cả khi bạn đang nản chí, và cảm thấy mọi người hết tin tưởng vào bạn rồi – thì hãy đừng bao giờ chịu buông tay. Bởi vì khi bạn buông tay, thì bạn cũng buông cả đất nước này của bạn.

Lịch sử nước Mỹ không phải là lịch sử những con người buông tay khi gặp khó khăn. Đó là lịch sử những con người luôn luôn dấn bước tìm cách làm nhiều nữa, những con người vì quá yêu đất nước nên ngại dốc hết sức mình. Đó là lịch sử những học sinh 250 năm trước đây đã ngồi đúng chỗ các bạn đang ngồi lúc này và đã làm cuộc cách mạng rồi dựng nên đất nước này. Đó là lịch sử những học sinh đã ngồi chỗ này 75 năm trước đây và đã vượt qua cuộc Suy thoái Kinh tế và đã chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới I; đã chiến thắng trong cuộc đòi Nhân quyền và đưa một anh đàn ông lên Mặt trăng. Đó là lịch sử những học sinh đã ngồi chỗ này 20 năm trước đây và đã tạo ra các công cụ Google, Twitter và Facebook và đã thay đổi cung cách con người giao tiếp với nhau.
Vậy nên hôm nay tôi muốn nêu câu hỏi cùng các bạn: các bạn định đóng góp gì đây? Các bạn sẽ phải giải quyết những bài toán gì đây? Các bạn sẽ có những khám phá gì nữa đây? Trong hai mươi năm hoặc năm mươi năm nữa, sẽ lại có một ông Tổng thống tới đây để hỏi xem các bạn đã làm được những gì cho đất nước này?

Gia đình các bạn, giáo viên của các bạn, và tôi nữa, đang làm mọi điều trong khả năng của mình để bảo đảm là các bạn có được nền giáo dục các bạn cần để trả lời các câu hỏi đó. Tôi đang làm hết sức mình để sang sửa các lớp học cho các bạn và cung cấp sách, thiết bị và máy tính cần thiết cho các bạn có điều kiện học tập. Nhưng các bạn cũng phải làm phần việc của mình mới được. Vì thế, tôi trông đợi các bạn năm học này sẽ học hành nghiêm túc. Tôi trông đợi các bạn đặt nỗ lực cao nhất vào mọi việc mình làm. Tôi trông đợi những điều to lớn mỗi bạn làm được. Vậy thì hãy đừng làm cho chúng ta thất vọng – đừng đem lại thất vọng cho gia đình các bạn, đất nước các bạn, và bản thân các bạn. Hãy làm cho tất cả chúng ta đều được tự hào. Tôi biết là các bạn có thể làm được điều đó.

Xin cám ơn, xin Chúa ban phước lành cho các bạn, xin Chúa ban phước lành cho nước Mỹ.

Phạm Toàn dịch

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Nguồn: http://www.whitehouse.gov/MediaResources/PreparedSchoolRemarks/

VỀ MỤC LỤC
NGƯỜI GHÉT MÙA XUÂN

 

Những cơn gió của mùa Đông hình như còn luyến tiếc không gian. Chúng vẫn lẩn quất đâu đây, thỉnh thoảng ùa ra, tỏa hơi lạnh buốt làm cho cây cỏ rùng mình, khép nép. Tuy nhiên, không có gì cản được bước chân trở về của mùa Xuân, những bước chân hồn hậu, reo vui của một mùa hạnh ngộ. Gió lạnh cũng đành nhường bước cho những dải lụa vàng ấm áp buông tỏa khắp nơi. Những bầy chim thiên di từ đâu bay về, nhiều khi rợp cả bầu trời, với những tiếng kêu ríu. Và hoa ! Hoa nở rộ khắp nơi, trong vườn nhà, ngoài công viên, trên đồi cao, bên vệ đường. Ở đâu cũng có những bông hoa tươi thắm, và khí trời đẫm ngát hương thơm.

Trong không gian rực rỡ và nồng nàn ấy, phấn hoa theo gió phiêu du khắp chốn. Phấn hoa là đà trên những lùm cây đậu trên bờ cỏ. Phấn hoa vui đùa với đàn ong, lũ bướm. Phấn hoa nhảy múa trong làn ánh nắng vàng tươi, trong vắt. Và phấn hoa cũng nhẹ nhàng mơn trớn con người. Có những cô thiếu nữ, mộng đời đang kết nụ, đặt cánh môi tươi trên những cánh hoa mịn màng đỏ thắm, say sưa với làn hương quyến rũ của phấn hoa đưa tới, trong khi để trí tưởng phiêu bồng đến những bến bờ tương lai mật ngọt.

Bên cạnh những cô thiếu nữ vui đùa với phấn hoa, cũng có những người không thể làm quen với thứ phấn hương này. Một chút phấn hoa vô tình thoảng qua cũng đủ làm cho hắt hơi, ngứa cổ hay đỏ mắt. Bạn tôi thì vì phấn hoa mà... xổ mũi liên miên; và trong túi lúc nào cũng sẵn sàng khăn giấy. Bởi thế tuy mùa Xuân có tươi, hoa Xuân có đẹp những người dị ứng với phấn hoa vẫn không thích mùa Xuân; họ tự xưng, hay bị những người khác gọi đùa là ''người ghét mùa Xuân."

Chuyện "người ghét mùa Xuân'' làm cho tôi nảy sinh một vài ý nghĩ.

Tôi ví mùa Xuân như một người có nhiều đức tính, đẹp người đẹp nết. Chẳng phải như thế sao, khi bầu trời mùa Xuân trong sáng, khí hậu mùa Xuân thơm lành, cỏ cây mùa Xuân tươi thắm, ngay cả mưa Xuân nếu có thì cũng dìu dịu êm mơ? Người có nhiều đức tính cũng vậy, lòng họ trong sáng, đời sống của họ đẹp tươi, và ảnh hưởng của họ như làn hương thơm quyến rũ khiến mọi người chung quanh thương mến. Thế nhưng không phải họ được tất cả mọi người yêu quí đâu. Thế nào cũng có những người ghét hoặc ghen. Những việc làm tốt đẹp của họ đem lại lợi ích cho nhiều người, nhưng có thể vô tình ''đụng chạm'' tới một vài người khác khiến những người nào khó chiu. Đôi khi việc làm của người có nhiều đức tính chẳng ''đụng chạm'' đến ai, nhưng chính sự trổi vượt của họ đã là nguyên cớ khiến một số người khó chịu.

Bởi thế, tôi thấy chằng ai có thể ảo vọng rằng mình hoàn toàn tốt đẹp và sống vừa lòng tất cả mọi người, cũng như mùa Xuân tươi đẹp như thế mà cũng có người không ưa. Nghĩ như vậy, người ta sẽ không dám tự hào về những đức tính mình có, đồng thời cũng chẳng buồn bã đến thất vọng khi nghe những nguồn dư luận không tốt về mình. Lúc đó người ta sẽ cố gắng để mỗi ngày một hoàn thiện hơn. Và khi biết những khuyết điểm của mình, người ta không chán nản, ngược lại sẽ cố gắng loại trừ dần. Người ta sẽ lám cho cuộc đời mình mỗi ngày càng trở nên một mùa Xuân tươi đẹp hơn, trong sáng hơn và hữu ích hơn.

Sống như vậy là vừa thực tế vừa lạc quan. Cách sống ấy khiến cho người ta cảm thấy vui tươi, yêu đời và thoải mái, hơn là để cho mình lên xuống, chìm nổi với những lời khen tiếng chê. Sống như thế là biết rõ về mình, sống thật với mình. Không phải được người khen mà vội tưởng rằng mình thực tốt, cũng không phải vì bị người chê mà đã cho rằng mình đầy tính xấu...

Tôi nghĩ thêm về chút phấn hoa làm cho có ''người ghét mùa Xuân'' kia. Thông thường khi bị làm cho bực mình khó chịu, người ta dễ có khuynh hướng ''ghét''. Tôi ghét người này vì họ sống thiếu lịch sự. Tôi ghét người kia vì tính họ hay ghen tương. Tôi ghét người nọ vì họ hay xét nét, lại thêm tính mách lẻo... Và tôi ghét mùa Xuân, vì mùa Xuân có phấn hoa làm cho tôi bị dị ứng, hắt hơi xổ mũi tùm lum

Nhưng bạn tôi không phản ứng như thế. Mỗi khi mùa Xuân về, bạn tôi xổ mũi vì phấn hoa, tôi trêu bạn là "người ghét mùa Xuân". Bạn cười, trả lời: ''Không phải đâu phải gọi là ''người được trời thương" chứ! Tôi hỏi tại sao, bạn giải thích: ''Tại trời thương, nên mỗi khi Xuân đến, trời mới tặng cho một chút phấn hoa. Phấn hoa là tín hiệu cho biết trời thương mình lắm! Bạn còn nói thêm: ''vì được trời thương, nên mình cũng giúp trời cho nở thêm những bông hoa trắng mùa Xuân nữa!'' Vừa nói, bạn vừa chỉ những tờ khăn giấy bị vò vất trắng xóa thùng rác sau khi được dùng lau mũi!

Tôi bật cười về ý tưởng của bạn. Nhưng nghĩ lại, thấy ý tưởng ấy thật dễ thương và làm cho đời sống người ta trở nên vui tươi, thoải mái. Nghĩ thêm về bạn, tôi thấy không phải bạn chỉ phản ứng với phấn hoa một cách dễ thương như thế. Với tất cả mọi người chung quanh, bạn cũng đều có những phản ứng tương tự.

Có một lần bạn bị người bán hàng đánh lừa. Khi biết ra, bạn chỉ cười và nói: ''ít ra ông ấy cũng được một ngày vui vì đánh lừa được một người khờ!'' Lần khác, bị một người thân phản bội. Chuyện này nặng hơn một chút phấn hoa nhiều, cũng nặng hơn cả chuyện bị người bán hàng đánh lừa nhiều. Nó khiến bạn đau khổ lắm,..nhưng cho đến thế đi nữa, bạn cũng không hề có phản ứng trả thù. Bạn chỉ dán bài hát ''Con đường Ngài đã đi qua" của Văn Chi lên tường trước bàn giấy. Bài hát ấy có những câu thế này: "Lạy Chúa, con đường nào Chúa đâ đi qua ? Con đường nào Ngài ra pháp trường ? Mão gai nào hằn lên đau xót? Lạy Chúa, những bước nào gục ngã đau thương ? Bao roi đòn hằn vết thê lương? Đường tình đó Ngài dành cho con.'' Đó là những câu hỏi. Và đây là những lời tự hứa mà không cần chờ Chúa trả lời: "Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài...'' Bạn xem lần bị phản bội đó là một thánh giá, một dấu đinh, để từ đó, bạn hiểu thêm về tình yêu của Chúa.

Thực ra, quan niệm của bạn là: không vì một chút phấn hoa làm cho ta xổ mũi mà ta từ chối cả một mùa Xuân tươi đẹp với cỏ hoa muôn màu muôn vẻ . Cũng thế, không vì khuyết điểm của ai đó làm cho ta bị tổn thương hay khó chịu mà không chấp nhận cả con người họ, một công trình của tạo hóa, với rất nhiều điều diệu kì đáng quí. Đó là cả một quan niệm sống, và quan niệm ấy đòi hỏi người ta phải có tâm hồn rộng mở và tấm lòng quảng đại. Hình như bạn luôn luôn tin rằng bản tính của con người vốn thiện, mà những khuyết điểm chỉ là những vết xây xát bên ngoài do hoàn cảnh sống gây nên.

Sáng nay, một buổi sáng mùa Xuân,, tôi ra vườn sau ngắm những cánh hoa vừa nở. Một vẻ đẹp dịu dàng và tươi mát làm cho khu vườn nhỏ ấm áp và thân mật. Tôi nhìn những chú ong bay lượn trong không trung. Chắc chắn những chú ong này đang tìm các loại phấn hoa đem về làm mật. Tôi nhớ đến hai câu thơ mộc mạc in ở bìa một cuốn sách giáo khoa, dưới hình vẽ mấy bông hoa và mấy chú ong hút mật:

"Ong bay đây đó tìm hoa,

Để rồi làm mật, gọi là mật ong "

Có lẽ trên đời này không còn chất mật nào thơm ngon, quyến rũ chơ bằng mật ong. Chất mật ấy được chế tạo bằng mật hoa và phấn hoa. Phải, cái thứ phấn hoa làm cho những người bị dị ứng hắt hơi xổ mũi tùm lum, lại là một chất liệu để ong chế biến thành một thứ mật có hương vị vô cùng ngọt ngào quyến rũ. Thế thì, thật sự phấn hoa đâu có đáng ghét và đâu lỗi lầm gì. Cái khiến cho người ta bị dị ứng có lẽ là sự cấu tạo của cơ thể chính họ.

Tôi nghĩ đến bạn và mỉm cười bâng quơ. Bạn đã chọn thái độ đúng nhất: không trách phấn hoa, không ghét mùa Xuân, cũng chẳng nhận lỗi về phần mình. Bạn chỉ nhận thức rằng: khi trời gửi cho mình một chút phấn hoa khiến cho mình xổ mũi, thì có nghĩa là trời đặc biệt chú ý đến mình, và vì thế chọc ghẹo mình tí chút. Bị người chọc ghẹo, đôi khi còn cảm thấy vui, huống hồ được trời chọc ghẹo, chẳng lẽ mình lại không thấy vui sao? Chính vì thế càng bị xổ mũi vì phấn hoa, bạn càng thấy mình được ''trời thương'' và càng giúp trời làm cho nở thêm nhiều... bông hoa trắng!

Tôi mong ước được giống như bạn, và cùng với bạn, được giống Chúa Ki tô. Ngài yêu thương tất cả mọi người, chịu đựng tất cả mọi hoàn cảnh, thông cảm với tất cả mọi cảnh đời Ngài cúi xuống nâng đỡ, chăm chút từng tâm hồn, như người chủ vườn cúi xuống nhìn ngắm và săn sóc từng bông hoa. Ngài yêu tất cả mọi đóa hoa, bất kể hình dáng, màu sắc, hương thơm. Ngài không sợ bị phấn hoa làm cho xổ mũi, mặc dù chắc chắn Ngài rất nhạy cảm; cũng chẳng sợ bị gai cào xước bàn tay. Bởi vì Ngài là người chủ vườn nhân hậu, đầy vêu thương và giầu lòng quảng đại.

Và với tâm tình như thế, tôi thấy mùa Xuân Thượng Đế ban cho con người thật đẹp. Mặc dù bây giờ tôi không bị dị ứng với phấn hoa, nhưng nếu sau này có mang chứng đó, chắc chắn tôi sẽ thấy mùa Xuân vẫn đẹp. Bởi vì tôi có tấm gương sống của bạn và có bài học của Chúa Kitô.

Nhà Văn Quyên Di

VỀ MỤC LỤC
TRÁNH ĐƯỢC BỆNH NHỜ HIỂU BIẾT

 

Mỗi quốc gia đều có những ngày dành riêng để ghi nhận các sự việc trọng đại. Ngày Quốc Tổ nhắc nhở con cháu tới công lao xây dựng đất nước nước của tiền nhân. Ngày Độc Lập với tranh đấu vẹn toàn lãnh thổ. Rồi ngày Phụ nữ, ngày Lao động, ngày Tình yêu với mục đích phù hợp.

Với sức khỏe và riêng tại Hoa Kỳ, một tập tục rất hay, nên theo là có những ngày, tháng hoặc tuần lễ được dành riêng để các tổ chức y tế, trường học, cộng đồng nhắc nhở, lôi cuốn sự chú ý của dân chúng vào một đề tài sức khỏe và để ý nhiều hơn đến việc phòng tránh các loại bệnh. Đó là các Health Awareness Week/ Month/ Day đã lên lịch sẵn. Lý do là vì công việc làm ăn bận rộn cho nên con người nhiều khi cũng quên bẵng đi mất những điều cần làm để “khỏe như voi”. 

Tháng 8 hàng năm có các Tháng cảnh giác lưu tâm tới với bệnh Đục Thủy Tinh Thể, Chủng Ngừa, An Toàn sức khỏe Mắt trẻ em, bệnh Vẩy Nến và bệnh Teo Cơ. Từ ngày 1 tới ngày 7 là tuần lễ dành để cổ võ việc Cho con Bú Sữa Mẹ trên toàn Thế giới.

Xin cùng tìm hiểu ý nghĩa và sự quan trọng của các sự việc này.

Tháng Đục Thủy Tinh Thể

Suốt tháng 8 được dành cho Đục Thủy Tinh Thể, vì theo thống kê, quá nửa dân chúng Hoa Kỳ bị rủi ro này khi họ tới tuổi 80. Hiện nay có khoảng 20.5 triệu người Mỹ từ 40 tuổi trở lên bị cườm mắt. Ngoài ra, đục thủy tinh thể là nguyên nhân số một đưa tới mù lòa cho con người ở trên thế giới.

Như tên gọi, đục thủy tinh thể là tình trạng mất độ trong suốt của bộ phận này vì chất cấu tạo trở nên vẩn đục, ngăn chặn ánh sáng vào mắt, đưa tới suy yếu thị lực.

Thường thường cườm là hậu quả của sự hóa già, nhưng cũng gây ra do các lý do như thương tích mắt, bệnh tiểu đường, di truyền, do vài dược phẩm như thuốc chống dị ứng, hạ đường huyết, thuốc an thần, viên thuốc ngừa thai hoặc là do không bảo vệ mắt với tia tử ngoại, hút thuốc lá. 

Triệu chứng gồm có mắt mờ, nhìn một thành hai ở một mắt, mầu sắc nhạt nhòa, kém thị lực ban đêm, mẫn cảm với ánh sáng… 

Không có dược phẩm hoặc phương thức nào có thể phòng tránh sự thành hình và diễn tiến của cườm mắt hoặc làm thủy tinh thể trong trở lại.

Nếu cườm không gây khó khăn cho cuộc sống, ta có thể theo dõi, chờ đợi.

Ngược lại, khi cườm gây khó khăn cho các sinh hoạt hàng ngày thì có thể  thay với thủy tinh thể nhân tạo. Phẫu thuật rất an toàn và phổ biến. Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có cả 1.5 triệu người được thay thủy tinh thể và họ rất thỏa mãn vì thị giác trở lại bình thường.

Tháng Chủng Ngừa Bệnh

Miễn dịch là khả năng của cơ thể chống lại sự xuất hiện của một loại bệnh. Khả năng này có sau khi mắc bệnh hoặc do chủng ngừa với vi khuẩn đã chết hoặc làm suy yếu.  Đó là miễn dịch chủ động, tồn tại lâu dài do cơ thể tạo ra. Trẻ sơ sinh được hưởng tính miễn dịch với một vài bệnh từ mẹ trao cho trong một thời gian ngắn, trước khi tự tạo ra khả năng này. Đó là miễn dịch thụ động.

Nhờ thuốc chủng ngừa mà hầu hết các bệnh truyền nhiễm một thời gây hoảng sợ cho mọi người tại Hoa Kỳ đã bị loại bỏ. Bệnh yết hầu, tê liệt trẻ em, sởi đã bị xóa sổ. Đậu mùa, uốn ván, quai bị đôi khi mới thấy.

Các bệnh nhiễm có thể chủng để phòng tránh là bệnh ho gà, uốn ván, yết hầu, viêm gan A-B, cúm, viêm não, ung thư cổ tử cung, sởi, thủy đậu, quai bị, viêm phổi, chó dại, lao, thương hàn, sốt da vàng, bệnh Lyme, bệnh than (anthrax), rotavirus…

Chủng ngừa không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn bảo vệ người khác, vì mình không bị bệnh thì không truyền bệnh được.

Có thể chích ngừa nhiều bệnh cùng một lúc để tiết kiệm thì giờ mà vẫn an toàn. Chẳng hạn các bệnh ho gà-uốn ván-yết hầu…

Trẻ em dưới 5 tuổi rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm vì cơ thể các cháu chưa tạo ra đầy đủ khả năng miễn dịch chống lại nhiễm khuẩn. Do đó chích ngừa theo lịch của giới chức y tế  từ lúc 2 tuổi có thể bảo vệ các cháu cũng như bạn cháu ở nhà giữ trẻ, trường học với nhiều bệnh. Nên giữ cẩn thận sổ chích ngừa để tiện theo dõi.

Thường thường, vaccin được bào chế với các tiêu chuẩn an toàn rất cao cho nên không gây ra các biến chứng trầm trọng như nhiều người e ngại. Một vài phản ứng nhẹ như là hơi sưng đau tại chỗ chích hoặc sốt nhẹ có thể xảy ra.

Nên hỏi bác sĩ gia đình coi xem cần chích ngừa những bệnh gì đối với tuổi của mỗi người.

Bảo vệ Thị Giác Trẻ Em 

Cặp mắt là những giác quan quý giá và hữu ích của cơ thể, do đó các cụ ta đã ví “hai mắt là ngọc”. Mắt giúp ta nhìn thấy mọi sự vật trên đời, từ xa đến gần, từ vật lớn tới nhỏ, đẹp hay xấu. Cho nên mọi người cần lưu ý bảo vệ hai hạt ngọc này.

Với trẻ em, thị lực có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển. Các nhà chuyên môn cho hay, 80% các kiến thức mà các cháu học được ở trường là do cặp mắt toàn vẹn thu lượm. Cho nên có thị lực tốt có ảnh hưởng lớn tới sự học của chúng.

Khám mắt thường xuyên giúp sớm khám phá ra các khó khăn thị giác như cận thị, viễn thị, loạn thị… rồi điều trị ngay.

Theo các nhà chuyên môn nhãn khoa, trẻ em được 6 tháng cần được khám mắt sơ khởi. Khám lại khi tới tuổi lên 3 rồi trước khi vào lớp mẫu giáo ở tuổi lên 5-6. Trong thời gian đi học, các em cần được khám mắt mỗi 2 năm, nếu không có rối loạn thị giác cần điều chỉnh.

Từ 20-64 tuổi: khám mắt với mở rộng con ngươi mỗi 2 tới 4 năm một lần. Trên 65 tuỗi: mỗi 1 hoặc 2 năm.

Người có các rủi ro như tiểu đường, đã bị thương tích mắt hoặc có thân nhân bị cao áp nhãn glaucoma cần khám mắt thường xuyên hơn.

Tránh các nguy cơ đưa tới thương tích cho mắt, đặc biệt là tia tử ngoại, khói thuốc lá, bụi bặm, hóa chất.

Dinh dưỡng rất quan trọng cho sức khỏe cơ thể nói chung và cặp mắt nói riêng.

Chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa động vật và đường tinh chế có thể đưa tới bệnh tim mạch, tiểu đường, mập phì và bệnh mắt như thoái hóa võng mạc, đục thủy tinh thể. Ngược lại phần ăn thiên về chất đạm ít béo, giầu sinh tố khoáng chất, các loại rau trái tươi đểu tốt cho mắt. Đặc biệt là sinh tố A, cần thiết cho thị giác, có nhiều trong trái cam, các loại rau có mầu vàng như cà rốt, bí đỏ.

Hiểu biết về bệnh Vẩy Nến

Vẩy Nến (Psoriasis) là bệnh mãn tính không lây với các vết ban đỏ có vẩy rất ngứa trên da. Vậy mà có người vì thiếu hiểu biết tỏ vẻ e ngại trước bệnh nhân vì sợ bị lây nhiễm.

Tháng 8 được Hội Vẩy Nến Quốc Gia Hoa Kỳ bảo trợ để nâng cao sự hiểu biết, hướng dẫn quần chúng và tháo bỏ những huyền “thiên kiến” về bệnh này đồng thời cũng khích lệ bệnh nhân tự tin điều trị, không bị ảnh hưởng bởi các dị nghị, phân biệt.

Theo ước lượng, có khoảng 7 triệu người mắc bệnh Vẩy Nến ở Hoa Kỳ. Bệnh thường xảy ra trước tuổi 35 với tỷ lệ nam nữ bằng nhau.

Nguyên nhân chưa được biết rõ. Có giải thích cho rằng, một yếu tố di truyền nào đó kích thích hệ miễn dịch sản xuất ra tế bào da với tốc độ quá nhanh. Thay vì tróc rơi, các tế bào này lại tích tụ thành những lớp vẩy rất ngứa trên da ở đầu gối, khuỷu tay, da đầu, lưng. Nhiều bệnh nhân còn bị đau cứng khớp xương rất khó chịu.

Với vết thương không mấy đẹp mắt trên da cũng như các dấu hiệu khác, người bệnh cảm thấy bối rối, buồn bực, mất tự tin và xa lánh xã hội.

Bệnh có thể điều trị được với thuốc thoa da, tia tử ngoại ánh sáng, dược phẩm hoặc phương pháp sinh học. Bác sĩ chuyên môn về da là người có đủ thẩm quyền để chọn lựa phương thức trị liệu thích hợp cho mỗi bệnh nhân. Thời gian trị liệu có thể lâu vì bệnh mãn tính, cho nên cần kiên nhẫn thuốc thang.

Tuần lễ Con bú sữa mẹ

Từ 1-7 tháng 8 là lễ hội kỷ niệm ký kết Tuyên ngôn Innocenti về sự bảo vệ, thăng tiến và hỗ trợ việc cho con bú sữa mẹ. Tuyên ngôn được được 120 quốc gia soạn thảo, ban hành trong khuôn viên trụ sở WHO/UNICEF tại Ý vào năm 1990.

Theo tuyên ngôn, sữa mẹ cung cấp nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho sự tăng trưởng và phát triển trẻ em, giảm nguy cơ bệnh nhiễm hô hấp, tiêu chảy, ít bị sâu răng, dị ứng, giảm tử vong, bệnh hoạn.

Từ khi lọt lòng mẹ tới 6 tháng tuổi, hệ miễn dịch của bé thơ chưa thành hình. May mắn là bé được hưởng tất cả tính miễn dịch đối với các bệnh mà mẹ có nếu mẹ cho con bú sữa của mình, cho tới khi bé tự tạo ra sức đề kháng.

Cho con bú cũng giảm rủi ro ung thư vú, noãn sào ở mẹ. Ngoài ra cho con bú còn góp lợi nhuận kinh tế, xã hội cho gia đình, đất nước. Ấy là chưa kể việc cho con bú còn giúp người mẹ cảm thấy thỏa mãn với vai trò làm mẹ của mình, tình cảm mẹ con thắm thiết hơn.

Vì những ích lợi đó, các nhà y khoa học đều đồng ý là bà mẹ chỉ nên cho con bú sữa của mình trong thời gian từ 4-6 tháng đầu sau khi sanh.

Bà mẹ cũng cần tìm hiểu thêm về nhu cầu dinh dưỡng để có đủ sữa cho con, tránh những thói quen có ảnh hưởng xấu cho mẹ và bé thơ như rượu, thuốc lá. 

Tháng 8 còn nhắc nhở quần chúng tới bệnh Teo Cơ Spinal Muscular Atrophy, một bệnh di truyền do biến đổi gene.

Bệnh nhân không sản xuất được một loại chất đạm cần thiết cho sự tăng trưởng tế bào thần kinh vận động của cột sống điều khiển cơ bắp. Các cơ gần thân đặc biệt là các bắp thịt để bò, đi, nhai nuốt, hô hấp, cử động cổ, đầu.. bị teo, hủy hoại trở nên yếu. Sức khỏe giảm dần, bệnh nhân có thể thiệt mạng vì suy hô hấp.

Không có thuốc đặc trị ngoại trừ vật lý trị liệu, chỉnh hình, hỗ trợ. 

Ngày 1 tháng 8 dành cho việc nhắc nhở tới Hiến tạng trong sắc dân thiểu số (National Minority Donor Awareness Day).

Tại Hoa Kỳ hiện nay có khoảng 80.000 người đợi thay tạng, trong đó gần phân nửa thuộc sắc dân thiểu số như châu Phi, châu Á, châu Mỹ La Tinh.

Ghép tạng thành công hơn nếu tạng đến từ người cùng chủng tộc. Thống kê cho hay trong danh sách người hiến tặng thì dân da trắng chiếm 80% .

Do đó, người thiểu số nên tích cực hơn trong việc tặng bộ phận cơ thể. 

Và các ngày từ 9-15 tháng 8 dành cho “ Chào Mừng Tuần Lễ Trung Tâm Y Tế Quốc Gia- Welcome to National Health Center Week”.

Đây là tuần lễ dành cho việc ghi nhận công lao của các cá nhân và trung tâm y tế Cộng đồng, Di dân, Vô gia cư đã cung cấp chăm sóc chu đáo cho những người mang bệnh trầm trọng mà ít được để ý tới tại Hoa Kỳ. Cho tới nay, họ đang phục vụ cho 15 triệu dân kém may mắn và hy vọng nâng con số này lên 30 triệu vào năm 2015.

Thật là những nghĩa cử đáng khen.

Kết luận

Nhà sáng chế lừng danh Thomas A. Edison (1847-1931) có ý kiến: “Các bác sĩ trong tương lai sẽ không biên toa thuốc cho bệnh nhân, mà lôi kéo họ vào việc săn sóc cơ thể, dinh dưỡng đúng cách, tìm hiểu nguyên nhân và phương thức phòng tránh bệnh”.

Thực vậy, hiểu biết cặn kẽ về bệnh có thể phòng tránh được tới 80% bệnh tật.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.    Dallas-Texas     www.nguyenyduc.com 

VỀ MỤC LỤC
RƯỢU VÀ ĐỜN BÀ - Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Với tựa đề “Rượu và đờn bà”, gã có thể tán hươu tán vượn hay “ngâm kíu” theo nhiều khía cạnh khác nhau.

Khía cạnh thứ nhất, đó là mối liên hệ giữa rượu và đờn bà. Nếu gã nhớ không lầm, thì ngày xưa Tú Xương đã từng phát biểu :

- Một chè, một rượu, một đàn bà,

  Ba cái lăng nhăng nó khuấy ta.

  Chừa được cái nào hay cái ấy,

  Có chăng chừa rượu với chừa trà.

Tại Việt Nam hiện nay, rượu và đờn bà thường đi đôi với nhau, bởi vì các đại gia, các vị tai to mặt lớn, mỗi khi nhậu thường muốn được các em chăm sóc cẩn thận,  đồng thời cũng muốn có chỗ để gác tay, gác chân. Chính vì thế mà các quán bia…ôm được khai sinh và liên tục phát triển.

Hơn thế nữa, nhiều vị sau khi đã nhậu đã đời “tăng một”, bèn hứng chí đòi đi tiếp “tăng hai”. Và chuyện gì xảy ra cho “tăng hai” này, thì chỉ có Ông Trời mới biết được, nhưng chắc chắn sẽ không thể thiếu vắng cái khoản  đờn bà con  gái.

Khía cạnh thứ hai, đó là ngày nay rượu không còn là lãnh vực độc quyền của phe đờn ông nữa, nhưng do ảnh hưởng của phong trào giải phóng phụ nữ, đòi cho đờn bà được bình đẳng với đờn ông, cũng như phong trào phụ nữ vùng lên đòi quyền…sướng, nên quí bà quí cô cũng đã mon men nhảy vào lãnh vực này.

Khi màn đêm buông xuống, bàn dân thiên hạ thấy lác đác tụm năm tụm ba các bà các cô lai rai bên ly rượu nồng, cũng hò hét, cũng dô dô “chăm phần chăm” anh ơi…hoành tráng không kém gì phe đờn ông. Thậm chí còn xuất hiện những nữ kiện tướng mà đẳng cấp và tửu lượng không kém các bậc…đế vương là mấy. Cũng không thiếu những trường hợp được kết thúc bằng thảm cảnh  chân nam đá chân chiêu và OK thau, cho chó ăn chè…

Ngoài ra còn có một lực lượng những cô gái chân dài, vừa trẻ trung lại vừa xinh đẹp được các đại gia thuê đi nhậu mướn với vai trò làm phụ tá giám đốc, để chuốc rượu phía đối tác trước khi những bản hợp đồng được ký kết. Lực lượng này vừa được ăn, vừa được uống, lại vừa được…phong bì mang về.

Hai khía cạnh trên, gã xin khất lại cho tới một ngày đẹp trời nào đó, sẽ trình bày một cách cặn kẽ hơn. Còn bây giờ, gã xin đề cập đến khía cạnh thứ ba, đó là rượu sẽ biến đờn ông chúng ta trở nên giống…đờn bà.

Thoạt nghe qua cái ý nghĩ lạ lẫm này, hẳn rằng nhiều “chiến hữu” đã nổi sùng và cho rằng gã đã phản bội, đi theo phe địch mà hạ nhục phe ta, làm mất nhuệ khí của cánh tu mi nam tử. Thế nhưng, nếu chịu khó suy nghĩ một tí, hẳn sẽ khám phá ra phần nào sự thật não nùng này. 

1- Người uống rượu sẽ…đỏ mặt tía tai. 

Ngày xưa các văn nhân thi sĩ vốn thường dùng hai chữ “hồng nhan”, có nghĩa là “má hồng” để chỉ người đàn bà đẹp :

- Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,

  Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.

Và ngay cả văn chương bình dân cũng đã diễn tả :

- Cô kia má đỏ hồng hồng,

  Cô chửa lấy chồng, còn đợi chờ ai.

  Buồng không lần lữa hôm mai,

  Đầu xanh mấy chốc da mồi tóc sương.

- Lấy chồng cho đáng tấm chồng,

  Bõ công trang điểm má hồng, răng đen.

Đã là đờn bà con gái, thì  muôn người như một, đều muốn mình phải đẹp. Chính vì thế, họ ra sức làm tăng thêm vẻ đẹp cho mình và như vậy, việc trang điểm nghiễm nhiên trở thành một nghề riêng của các nàng.

Trong việc làm đẹp bản thân, đôi gò má chính là một trong những điểm được các bà các cô chiếu cố và chăm sóc kỹ lưỡng. Lúc nào trong chiếc sắc nhỏ kè kè bên mình, cũng đều có một chiếc gương, một chiếc lược, vài ba thỏi son và một hộp phấn hồng.

Tại Việt Nam, khí hậu ở Đalạt lúc nào cũng mát mẻ. Chẳng biết có phải vì vậy mà Ông Trời đã phú ban cho các cô gái xứ hoa anh đào đôi má lúc nào cũng ửng hồng, rất tự nhiên và cũng rất xinh đẹp. Chẳng cần phải bôi kem và thoa phần.

Trong khi đó, ở những nơi khác các bà các cô thường phải ra sức  trang điểm, cố gắng đem lại cho mình đôi má hồng…nhân tạo, nhờ việc  sử dụng những loại kem và những loại phấn khác nhau trên thị trường.

Đôi má hồng nhân tạo này, đẹp thì có đẹp nhưng hơi bị bất tiện, như khi đi ngoài nắng, mồ hôi hột chảy xuống ròng ròng, hay khi gặp phải trời mưa, những giọt nước sẽ làm trôi đi lớp phấn, để lại trên khuôn mặt tươi xinh những vết loang lổ, chẳng giống con giáp nào sốt.

Tuy nhiên trong một vài trường hợp, mặc dù đã phải tốn kém  về tiền bạc cũng như công sức, mà kết qủa vẫn chẳng được như lòng mong ước :

- Cô kia đen thủi đen thui,

  Phấn đánh vô hồi, đen vẫn hòan đen.

Bây giờ xin xét đến kẻ uống rượu.

Khi rượu đã thấm, thì đôi gò má cũng ửng hồng. Và nếu thêm tí nữa cho…ngoắc cần câu, thì từ ửng hồng sẽ đổi sang màu đỏ. Một màu đò rất đậm đặc như chú gà chọi, mà chẳng cần phải trang điểm son phấn gì cả. Một màu đỏ rất tự nhiên, mà chẳng sợ những giọt mồ hôi hay những giọt nước mưa làm cuốn phăng đi mất :

- Trời say, trời cũng lăn quay,

  Người say, mặt cũng đỏ gay ai cười.

Đó là điểm thứ nhất rượu biến đờn ông chúng ta trở nên giống đờn bà. 

2- Người uống rượu bỗng dưng nói nhiều. 

Thiên hạ thường bảo :

- Nơi nào có hai hay ba người đờn bà tụ họp lại, thì nơi đó sẽ biến thành một cái chợ.

Câu “ranh ngôn” này cho thấy một đặc tính nổi cộm nơi các bà các cô, đó là đặc tính thích nói: nói dài, nói dẻo, nói dai.

Nhiều bà vợ, thay vì nói với chồng những lời nói êm dịu, “ngọt như đường cát, mát như đường phèn”, lại hay rót vào tai chồng những lời cay đắng, nghiệt ngã về những khó khăn của cuộc sống, về những ngang bướng của con cái, và nhất là về những tình cảm…ngoài luồng của ông xã. Những đề tài này trở thành một điệp khúc buồn, được các bà lặp đi lặp lại. Thành thử ngoài chuyện nói dài, nói dẻo, nói dai, lại còn thêm cái tật…nói day và nói dứt.

Trong nhiều gia đình, mặc dù không nói ra, nhưng đã xuất hiện một sự phân công rõ rệt. Ông chồng thì bươn chải ngoài xã hội, tìm tiền kiếm bạc đem về để nuôi sống những người thân yêu. Còn bà vợ thì lo toan những việc trong nhà, từ con cái cho đến bếp núc.

Thế nhưng, đôi lúc có những khoảng trống rảnh rỗi, chẳng biết phải làm gì. Và thế là bà vợ bèn chạy sang nhà bà hàng xóm, tụm năm tụm ba, nếu không bài cào tứ sắc, thì cũng trao đổi cho nhau những tin tức nóng hổi từ chuyện trong nhà cho đến chuyện ngòai ngõ, từ chuyện trên trời cho đến chuyện dưới đất…

Báo chí Việt Nam trong thời gian gần đây đã gán cho các bà một cái nghề mới, đó là nghề…buôn dưa lê. Gã nghĩ nghề “buôn dưa lê” rất có thể đã xuất phát bởi cụm từ “ngồi lê đôi mách”.

Theo sự tìm hiểu của gã thì :

Lê có nghĩa là kéo lết trên mặt đất, đi lang thang.

Ngồi lê có nghĩa là ngồi nơi này nói chuyện cho đã, rồi lại đến nơi kia mà nói nữa.

Đôi có nghĩa là đối chọi, đối mặt nhau.

Mách có nghĩa là đưa chuyện chỗ này đi nói cho chỗ khác hay.

Vì thế, “ngồi lê đôi mách” có nghĩa là tới nhà người này người kia mà nói chuyện hàng xóm, rồi khen chê thêm bớt.

Và trong những câu chuyện “buôn dưa lê” hay “ngồi lê đôi mách” như thế, thường không tôn trọng sự thật, nên một đặc tính khác nữa được thêm vào cái sự nói của các bà, đó là nói gian và nói dối.

Bây giờ xin xét đến kẻ uống rượu.

Có những người trong cuộc sống đời thường, cậy miệng ra cũng không nói được một tiếng. Thế nhưng, khi đã có tí rượu, thì bỗng trở thành nhà hùng biện, nói năng lưu loát, lại còn thêm cái khoản múa tay múa chân nữa.

Thảo nào mà người xưa đã bảo :

- Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm. Có nghĩa là rượu vào thì như cọp dữ giữa rừng.

- Tửu nhập tâm như  cẩu cuồng tọa thị. Có nghĩa là rượu vào thì như chó điên cắn càn giữa chợ.

Và thường xuyên hơn, đó là

- Tửu nhập, ngôn xuất. Rượu vào thì lời ra.

Cái thứ “ngôn xuất khẩu” này, cái thứ “lời khỏi miệng”này, cũng thường thay đổi thiên hình vạn trạng, đến quỉ thần cũng không lường nổi.

Có kẻ khi say thì cười, nhưng cũng có kẻ khi say thì lại khóc.

Có kẻ khi say thì hát nhưng cũng có kẻ khi say thì lại sổ tiếng Ăng lê.

Có kẻ khi say thì vui miệng, vợ mình không khen, lại cứ nhè vợ người ta mà khen, nên mới rách việc, dẫn đến chuyện đánh đấm nhau phun cả máu đầu.

Có kẻ mượn hơi men để có đủ can đảm mà đi…xưng tội, nhưng cũng có kẻ mượn hơi men để chửi xéo người này người nọ, đôi khi chửi cả cha mẹ và những người họ hàng thân thích, khiến cho tình nghĩa ruột thịt cũng như lối xóm nhiều lúc như muốn đứt đoạn.

Và đặc biệt, có những kẻ khi rượu đã thấm, thì rất thích tâm sự với người đối diện, chẳng cần người ấy lạ hay quen.

Xem ra kẻ xỉn lúc bấy giờ rất tình nghĩa lai láng :

- Tao nói với chú mày thế này…thế nọ.

Rồi lại còn bá vai bá cổ, thiếu điều muốn hôn người đối diện đánh chụt một cái.phát.

Xem ra kẻ xỉn lúc bấy giờ rất chân thành :

- Tao nói thật với mày thế nọ…thế kia.

Vì thế, đôi khi bọn công an đã chuốc rượu cho đối phương say mèn, để rồi khai thác, bởi vì lúc bấy giờ vì kẻ đã xỉn khó lòng mà kiềm chế, bèn tuôn ra rông rổng những điều mà khi tỉnh, họ vốn thường giữ kín.

Đó là điểm thứ hai, rượu biến đờn ông chúng ta trở nên giống đờn bà. 

3- Người uống rượu dẽ dễ trở thành…mít ướt. 

Trong một bài bàn về những giọt nước mắt, gã đã viết như sau :

Khóc chính là nghề của các bà các cô ấy mà. Sở dĩ như vậy, vì phe ta có thể khóc một cách vô tư và dễ dàng. Hình như phe ta luôn có sẵn cả một hồ nước mắt để xả đập cho tuôn rơi bất cứ lúc nào. Ức một tí cũng khóc. Tủi một tí cũng khóc. Nước mắt phe ta rớt rơi trên từng cây số. Ở mọi nơi và trong mọi lúc, bất cứ một giao động nhỏ nhoi nào cũng đủ làm cho cặp mắt phe ta đỏ hoe.

Có lần gã đã chứng kiến mấy bà đang ngồi nói chuyện vui vẻ với nhau. Bỗng dưng bà nọ nhắc tới một bà bạn mới chết :

- Bằng giờ năm ngoái bà ấy còn ngồi với chúng mình, thế mà bây giờ…

Thế là cả đám bỗng khóc hu hu, như một giàn hợp xướng.

Cũng như quí vị con nít, rất nhiều lần phe ta đã dùng những giọt nước mắt để mà “mần duyên”, để mà nhõng nhẽo với người tình hay với những người thân yêu, hầu đạt được những đòi hỏi, những nhu cầu riêng của mình.

Vì thế, gã không lấy làm lạ khi thấy bàn dân thiên hạ vốn thường gọi phe ta là…dân “mít ướt”, hay như một câu danh ngôn đã bảo :

- Một giọt nước mắt đờn ông có thể pha chế thành mười lít nước mắt đờn bà con gái.

Đồng thời, kinh nghiệm cũng xác quyết :

- Không gì mau khô cho bằng nước mắt của đờn bà con gái.

Trước những giọt nước mắt của người tình bé bỏng, thì dù trái tim có chai cứng như trái tim sỏi đá của một tên tướng cướp, thì cũng sẽ trở nên mềm nũn như con chi chi, chẳng thế mà thiên hạ đã bảo :

- Lệ rơi thấm đá.

Vị mặn của nước mắt là như một chất acít, làm cho sắt cứng cũng phải tiêu tan. Vì vậy, nhiều ông chồng không cầm lòng nổi trước những tiếng khóc ri rỉ ấy, đã nhắm mắt làm liều, lắm khi đi đoong cả cuộc đời. Vì thế, người đời thường  bảo :

- Nước mắt của đờn bà con gái là một chiếc đập, nhưng cũng có thể là một cơn lũ giật sập tất cả.

Bây giờ xin xét đến kẻ uống rượu.

Như trên, gã vừa mới xác quyết : Có kẻ khi say thì hát nhưng cũng có kẻ khi say thì lại sổ tiếng Ăng lê.

Chuyện hát hỏng khi xỉn được coi như là chuyện thường ngày ở huyện. Hình như men rượu làm cho người ta thêm phấn khởi, nói  cũng to, hét cũng to và hát cũng to. Chỉ dăm ba người cũng làm thành một dàn đồng ca, đủ các thứ cung giọng trầm bổng. Ấy là chưa kể đến việc kiêm luôn cả dàn nhạc, chơi trống bằng cách lấy đũa gõ xuống bàn, hay xuống bát.

Gã đã từng thấy có những kẻ phải uống cho tới khi bật lên tiếng hát thì mới thôi. Và mỗi khi bật lên tiếng hát, thế nào họ cũng lôi bài tủ của mình ra mà trình bày với bàn dân thiên hạ.

Gã quen một anh bạn, khi rượu đã thấm, thì bỗng vui vẻ hẳn lên. Chẳng cần phải ai yêu cầu, anh ta vẫn cứ anh dũng mà hát oang oang cái bản “Lá Diêu Bông”. Hát tới hát lui mà vẫn không tìm thấy bãi đáp. Hát vòng hát vo mà vẫn không thể kết thúc.

Muốn cho anh ta chấm dứt mục văn nghệ phụ diễn này, thì chỉ cần vỗ tay tán thưởng thật to, và đem đến một ly rượu gọi là để thưởng cho giọng ca vàng,  đã từng làm say mê biết bao nhiêu tâm hồn và đã từng làm lúc lắc biết bao nhiêu con tim.

Ngoài ra : Có kẻ khi say thì cười, nhưng cũng có kẻ khi say thì lại khóc.

Hình như khi xỉn, người ta dễ dàng xúc động. Một kỷ niệm buồn thoáng qua trong đầu óc, cũng đủ làm cho họ giọt ngắn giọt dài. Một câu nói bâng quơ, cũng đủ làm cho họ nức nở nghẹn ngào.

Đây là một kinh nghiệm chiến trường đã được dân bợm nhậu đúc kết  và loan truyền như sau :

- Một xị thì mở mang trí hóa.

  Hai xị thì giải bớt cơn sầu.

  Ba xị thì mũi chảy đầy râu.

  Bốn xị thì ngồi đâu khóc đó.

  Năm xị thì cho chó ăn chè.

  Sáu xị thì làm xe lội nước.

  Bảy xị thì vợ rước không về.

  Tám xị thì ra nhị tì mà ở.

Phải, bốn xị thì ngồi đâu khóc đó. Khi xỉn, người ta khóc  rất tự nhiên mà chẳng cần đến một lý do, hay một nguyên nhân nào cả. Khi xỉn, người ta sẵn sàng khóc cho đến lúc nước mắt nước mũi vô tư chảy xuống, mà vẫn chưa chịu nín. Khi xỉn, người ta bỗng đánh mất đặc tính đờn ông, quên đi bản chất tu mi nam tử của mình, để rồi hóa thân thành dân mít ướt lúc nào cũng chẳng hay.

Đó là điểm thứ ba, rượu biến đờn ông chúng ta trở nên giống đờn bà. 

4- Uống rượu nhiều thì….bụng to. 

Đối với những người đờn bà đã đi lấy chồng, thì có những thời gian bụng bỗng phình to và có những thời gian bụng bỗng tóp nhỏ. Đó chỉ là chuyện thường tình của những người đã lập gia đình.

Tôi quen một anh bạn, vì triệt để áp dụng chính sách “phát triển dân số”, nên bà xã của anh ta đã “quen dạ, đẻ cách năm đôi.  Mới có bốn mươi mấy tuổi đời, mà đã có trên mười đứa con. Sổ gia đình công giáo hết cuốn một, xin coi tiếp cuốn hai, cứ y như phim Hồng Kông nhiều tập vậy.

Mỗi khi anh em cùng lớp tụ tập lại để họp mặt, gặp vợ chồng anh ta, bàn dân thiên hạ đều đồng thanh hát :

- Mỗi năm đến hè,bà Cam có bầu.

Anh ta không lấy thế làm buồn, mà còn vui mừng hớn hở là đàng khác và anh ta đã phát biểu:

- Ngày xưa Đức Chúa Trời đã truyền dạy : Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầu mặt đất. Quê hương mình đất rộng người thưa, nên bằng ấy mà thôi thì đã nhằm nhòi gì.

Có chồng mà bụng to, thì đó là lẽ đương nhiên. Còn không chồng mà “tọ bung” mới thành vấn đề :

- Không chồng mà chửa mới ngoan,

  Có chồng mà chửa, thế gian sự thường.

Bây giờ xin xét đến kẻ uống rượu.

Uống nhiều rượu và nhất là rượu bia sẽ dễ làm cho bụng người ta phình to. Vì thế, bụng của kẻ ghiền rượu vốn thường được bàn dân thiên hạ gọi là cái…hũ hèm, hay cái thùng…nước lèo.

Đây cũng là điều dễ hiểu. Những vị tai to mặt lớn thường không phải làm lụng cực nhọc, ngay cả hoạt động tay chân cũng rất ít, thành thử nếu uống nhiều rượu bia, chắc chắn bụng sẽ phình to, bởi vì rượu bia được chế biến từ lúa gạo hay ngũ cốc, nên thành phần dinh dưỡng cũng khá cao.

Cách đây không lâu, công an tỉnh Đồng Nai đã cấm những người bụng bự không được làm cảnh sát, bởi vì họ sợ rằng cái bụng bự là biểu tượng của dân ăn nhậu, sẽ làm xấu đi hình ảnh của cảnh sát, vốn dĩ là bạn của dân, mà dân lại không ưa thích.

Đó là điểm thứ tư, rượu làm cho đờn ông chúng ta trở nên giống đờn bà.

Mặc dù y học đã cảnh báo :

- Vòng bụng càng to, thì vòng đời càng ngắn.

Thế nhưng, dân bợm nhậu vẫn cứ…lờ tít, vẫn cứ hăng hái cụng ly và vẫn cứ nhiệt tình “dzô dzô chăm phần chăm”. Bởi vì họ luôn tâm niệm :

- Đờn ông bụng bự thì sang,

  Đờn bà bụng bự mới…tan hoang cửa nhà.

 Gã Siêu     gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************