Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 101, Chúa Nhật 06.09.2009


MỤC LỤC 

Các Giám Mục Cộng Tác Trong Việc Mưu Ích Chung Cho Nhiều Giáo Hội             Vatican 2

“BÁC ÁI TRONG SỰ THẬT / CARITAS IN VERITATE” - MỘT THÁCH ĐỐ ...      BS Nguyễn Tiến Cảnh, MD

ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN... (GA 20,19-23)              Lm. Giuse Lê Công Đức

ĐAU LÒNG VỚI SỰ DỮ                                                                         Lm. Anmai, C.Ss.R.

ĐOẠN KHÚC TIN MỪNG                                                                   Nhà thơ Xuân Ly Băng

BACOLOD, PHILIPPINES-ĐÁNH DẤU SỰ HIỆN DIỆN CỦA DÒNG GIOAN TẨY GIẢ   Lm. Phạm Ngọc Ngôn

VỚI CẢ TÂM TÌNH                                                                    TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

ĐỨC MARIA, NGƯỜI ĐANG YÊU VÀ ĐÁNG YÊU                                         Đan Quang Tâm

HỌC THUYẾT GIÁO HỘI VỀ VIỆC XÂY DỰNG NGÔI NHÀ SỰ SỐNG (BÀI 1)               Gioan Lê Quang Vinh

MƠ MỘT VÌ SAO                                                                                      Nhà văn Quyên Di

TRÁI CÂY                                                                                     Bác sĩ Nguyễn ý-Đức M.D.

VỢ KHEN                                                                                    Chuyện phiếm của Gã Siêu.


Các Giám Mục Cộng Tác Trong Việc Mưu Ích Chung Cho Nhiều Giáo Hội

 

Sắc Lệnh Về Nhiệm Vụ Mục Vụ Của Các Giám Mục Trong Giáo Hội

(Christus Dominus)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Chương III

Các Giám Mục Cộng Tác Trong Việc Mưu Ích Chung Cho Nhiều Giáo Hội

 

I. Thượng Hội Ðồng, Công Ðồng Và Nhất Là Các Hội Ðồng Giám Mục 

36. Các Hội Ðồng Giám Mục và công đồng địa phương. Ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, Các Giám Mục được đặt đứng đầu các Giáo Hội địa phương, bị thôi thúc bởi tình hiệp thông bác ái huynh đệ và lòng hăng hái truyền bá sứ mệnh phổ quát được trao cho các Tông Ðồ, đã đồng tâm hiệp lực vừa phát triển ích lợi chung vừa cổ võ lợi ích riêng của từng Giáo Hội. Do đó đã triệu tập những Thượng Hội Ðồng, Công Ðồng Giáo Tỉnh, cả Công Ðồng Giáo Miền 25* trong đó các Giám Mục đã ấn định duy trì nguyên tắc bình đẳng cho các Giáo Hội hoặc trong việc giảng dạy đức tin hoặc trong việc quy định kỷ luật Giáo Hội.

Thánh Công Ðồng Chung này rất ước mong cách tổ chức đáng kính của các Thượng Hội Ðồng và Công Ðồng được thêm hiệu lực mới để lo cho việc phát triển đức tin và duy trì kỷ luật trong các Giáo Hội cách thích hợp và hữu hiệu hơn tùy theo những hoàn cảnh khác nhau.

37. Tầm quan trọng của Hội Ðồng Giám Mục. Nhất là thời nay, nhiều khi các Giám Mục không thể chu toàn phận sự của mình cách thích đáng và kết quả, nếu không liên kết chặt chẽ và hợp tác mật thiết với các Giám Mục khác mỗi ngày một hơn. Vì các Hội Ðồng Giám Mục đã được thiết lập tại nhiều quốc gia nêu lên nhiều bằng chứng sáng ngời về các hoạt động phong phú, nên Thánh Công Ðồng xét rằng thật là hữu ích nếu khắp nơi trên thế giới, các Giám Mục cùng một quốc gia hay cùng một giáo miền quy tụ thành một Hội đồng, nhóm họp trong những kỳ hạn nhất định để một khi trao đổi những sáng kiến khôn ngoan và kinh nghiệm, cũng như cùng góp ý kiến, các ngài thực hiện được sự hòa hiệp thánh giữa các năng lực và mưu cầu công ích cho các Giáo Hội.

Vì thế, về các Hội Ðồng Giám Mục, Thánh Công Ðồng quy định như sau:

38. Ðịnh nghĩa, cơ cấu, thẩm quyền và sự cộng tác của các Hội Ðồng Giám Mục.

1) Hội Ðồng Giám Mục là nơi qui tụ các vị lãnh đạo Giáo Hội trong một quốc gia hay một địa phương liên đới thi hành phận sự mục vụ, để lợi ích mà Giáo Hội cống hiến cho con người được phát triển hơn, nhất là nhờ các hình thức tông đồ và những phương pháp thích hợp với hoàn cảnh hiện đại.

2) Các Ðấng Bản Quyền địa phương thuộc bất cứ nghi lễ nào, ngoại trừ các vị Tổng Ðại Diện, còn các Giám Mục Phó, Giám Mục Phụ Tá và các Giám Mục hiệu tòa, khi đặc trách một nhiệm vụ gì do Tòa Thánh hay Hội Ðồng Giám Mục giao phó, đều là những thành phần trong Hội Ðồng Giám Mục. Các Giám Mục hiệu tòa khác, kể cả các vị Ðặc Sứ của Ðức Giáo Hoàng Roma cũng không có quyền là thành phần của Hội Ðồng Giám Mục vì lý do thi hành nhiệm vụ đặc biệt tại địa phương.

Các Ðấng Bản Quyền địa phương và các Giám Mục Phó có quyền biểu quyết; còn các vị Phụ Tá và các Giám Mục khác là những đấng có quyền tham dự Hội Ðồng cũng được Nội Quy cho biểu quyết hay tham khảo.

3) Mỗi Hội Ðồng Giám Mục phải hoàn thành bản Nội Quy của mình, được Tòa Thánh thừa nhận. Trong bản Nội Quy này, ngoại trừ những phương cách khác, còn phải tiên liệu các nhiệm vụ giúp theo đuổi mục đích hữu hiệu hơn, chẳng hạn như Ủy Ban thường trực của các Giám Mục, các Tiểu Ban Giám Mục, Văn Phòng Tổng Thư Ký.

4) Các quyết định của Hội Ðồng Giám Mục khi đã được biểu quyết hợp pháp, và ít nhất hội đủ hai phần ba tổng số phiếu các Thành Phần có quyền biểu quyết trong Hội Ðồng và đã được Tòa Thánh công nhận, thì có hiệu lực pháp lý, nhưng chỉ trong những trường hợp mà luật chung đòi hỏi hoặc Sắc Lệnh của Tòa Thánh quy định, được ban hành bằng một Tự Sắc hay theo lời thỉnh cầu của Hội Ðồng Giám Mục. 26*

5) Tại nơi nào hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi, với sự chấp thuận của Tòa Thánh, các Giám Mục của nhiều quốc gia có thể họp thành một Hội Ðồng.

Hơn nữa, mọi sự liên lạc giữa các Hội Ðồng Giám Mục của các quốc gia khác nhau phải được cổ võ để thăng tiến cũng như bảo vệ công ích nhiều hơn.

6) Thánh Công Ðồng tha thiết mong mỏi rằng khi họp Hội Ðồng để cổ võ kỷ luật của Giáo Hội mình và nhằm khuyến khích hữu hiệu hơn mọi công tác mưu cầu lợi ích tôn giáo, các vị Lãnh Ðạo Ðông Phương, vẫn lưu ý tới công ích của cả lãnh thổ, ở những nơi có nhiều Giáo Hội thuộc các lễ chế khác nhau, bằng cách tham khảo ý kiến trong những Hội Ðồng liên lễ chế theo những tiêu chuẩn đã được Thẩm Quyền quy định.

 

II. Ranh giới các giáo tỉnh và việc thiết lập các giáo miền 

39. Nguyên tắc trong việc duyệt xét lại các ranh giới. Ích lợi các linh hồn đòi hỏi phải phân chia ranh giới thích đáng, không những của các giáo phận mà cả những giáo tỉnh nữa; ích lợi này cũng khuyến cáo phải thiết lập những giáo miền để đáp ứng mỹ mãn những nhu cầu tông đồ tùy theo các hoàn cảnh xã hội và địa phương, cũng như để những liên lạc được dễ dàng và hiệu quả hơn giữa các Giám Mục với nhau, với các Tổng Giám Mục và các Giám Mục khác trong cùng một quốc gia, cũng như giữa các Giám Mục và Chính Quyền dân sự.

40. Quy tắc phải theo. Vì thế, để đạt được các mục đích kể trên, Thánh Công Ðồng truyền phải quy định những điều sau đây:

1) Ranh giới các giáo tỉnh cần phải được xét lại cách thích hợp và quyền lợi cũng như đặc ân của các Tổng Giám Mục cũng phải được xác định theo những tiêu chuẩn mới mẻ và thích đáng.

2) Phải kể như luật: tất cả các giáo phận và các khu vực được luật cho quyền bình đẳng với giáo phận phải được sát nhập vào một giáo tỉnh. Do đó, các giáo phận hiện trực thuộc Tòa Thánh và không liên kết với một giáo tỉnh nào khác, cần phải hợp lại thành một giáo tỉnh mới nếu có thể được, hoặc phải sát nhập vào một giáo tỉnh gần nhất hay tiện nhất, và phải tùy thuộc quyền của Tổng Giám Mục theo tiêu chuẩn của luật chung.

3) Nơi nào ích lợi đòi hỏi, các giáo tỉnh hãy hợp lại thành giáo miền, mà tổ chức phải được ấn định bằng luật.

41. Cứu xét ý kiến của Hội Ðồng Giám Mục. Các Hội Ðồng Giám Mục có thẩm quyền phải cứu xét vấn đề ranh giới các giáo tỉnh hay vấn đề thiết lập các giáo miền theo những tiêu chuẩn về ranh giới các giáo phận đã được xác định ở các số 23 và 24, và nên đệ trình những ý kiến cũng như ước nguyện của mình lên Tòa Thánh.

 

III. Các Giám Mục chu toàn nhiệm vụ liên giáo phận 

42. Thiết lập các chức vụ đặc biệt và cộng tác với Giám Mục. Vì những nhu cầu mục vụ càng ngày càng đòi hỏi cần phải có một số phận sự mục vụ được điều hành và cổ võ cách đồng nhất, nên việc thiết lập một vài chức vụ có thể do các Giám Mục đảm trách, nhằm phục vụ tất cả hay nhiều giáo phận cùng một miền hay một nước là một điều hữu ích.

Thánh Công Ðồng cũng nhắn nhủ rằng giữa các Giám Chức hay các Giám Mục khi chu toàn những nhiệm vụ đó và các Giám Mục giáo phận cũng như các Hội Ðồng Giám Mục, luôn luôn phải có sự thông cảm huynh đệ và mối đồng tâm lo lắng mục vụ, mà những tiêu chuẩn cộng tác phải xác định bằng một luật chung.

43. Nha tuyên úy quân đội. Vì hoàn cảnh sinh sống đặc biệt của các quân nhân và nghĩa vụ, phải hết sức lưu tâm săn sóc phần thiêng liêng của họ, nên trong mỗi quốc gia phải tùy khả năng thiết lập một Nha Tuyên Úy Công Giáo. Cả vị Tổng Tuyên Úy lẫn các tuyên úy đều phải tận tụy hết lòng cho công việc khó khăn đó, trong tinh thần đồng tâm cộng tác với các Giám Mục giáo phận 1.

Vì vậy, các Giám Mục giáo phận cũng phải cung cấp cho các vị Tổng Tuyên Úy đủ số linh mục có khả năng thi hành nhiệm vụ nặng nhọc đó, đồng thời các ngài cũng hãy ủng hộ những sáng kiến nhằm phát triển ích lợi thiêng liêng cho các quân nhân 2.

 

Lệnh Chung

 

44. Biên soạn những tập chỉ dẫn chung và riêng. Thánh Công Ðồng truyền: trong việc duyệt lại bộ Giáo Luật, phải lập những luật thích hợp với các nguyên tắc đã được xác định trong Sắc Lệnh này và cũng phải cân nhắc những nhận xét do các Ủy Ban hoặc các Nghị Phụ đã đưa ra.

Hơn nữa, Thánh Công Ðồng cũng truyền phải biên soạn những Tập Chỉ Dẫn chung về việc coi sóc các linh hồn vừa cho các Giám Mục, vừa cho các linh mục chính xứ dùng, để giúp các ngài có những quy tắc xác thực nhằm chu toàn phận sự mục vụ riêng cách dễ dàng và thích hợp hơn.

Cũng cần vừa phải soạn một Tập Chỉ Dẫn riêng về việc săn sóc mục vụ cho từng nhóm giáo hữu đặc biệt, tùy theo hoàn cảnh khác nhau của mỗi nước hay mỗi miền, vừa phải soạn một Tập Chỉ Dẫn về cách tổ chức dạy giáo lý cho dân Chúa trong đó đề cập tới các nguyên tắc căn bản, cách điều hành dạy giáo lý và việc biên soạn những sách bàn về vấn đề này. Trong khi soạn thảo những Tập Chỉ Dẫn trên, cũng phải lưu ý tới những nhận xét hoặc do các Ủy Ban, hoặc do các Nghị Phụ đã đưa ra.

 

Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

 

Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 28 tháng 10 năm 1965.

Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.

Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.

 


Chú Thích:

25* Trong Giáo Hội Latinh, việc phân chia lãnh thổ được tính như sau: theo thứ tự từ nhỏ đến lớn: giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, giáo tỉnh, giáo miền. Giáo miền là một sáng kiến của Công Ðồng (số 39, 40).

Công Ðồng giáo tỉnh là cuộc hội nghị của các Giám Mục cùng một giáo tỉnh. Công Ðồng toàn quốc là một cuộc hội nghị của các Giám Mục thuộc nhiều giáo tỉnh hay trong một giáo miền.

26* Theo pháp lý, mỗi Giám Mục hội viên không phải luôn luôn buộc tuân theo những quyết định của Hội Ðồng Giám Mục. Muốn được tuân theo, bản văn đòi 4 điều kiện:

1) Các quyết định phải theo đúng quy chế của Hội Ðồng Giám Mục.

2) Phải có đa số 2/3.

3) Phải được Tòa Thánh phê chuẩn.

4) Phải liên quan đến vấn đề mà Giáo Luật dự đoán sẽ buộc tuân giữ hay Ðức Giáo Hoàng có thể truyền lệnh tuân giữ.

1 Xem S.C. Consistorialis: Instructio de Vicariis Castrensibus, 23-4-1951: AAS 43 (1951), trg 562-565; Formula servanda in relatione de statu Vicariatus Castrensis conficienda, 20-10-1956: AAS 49 (1957), trg 150-163; Sắc lệnh De Sacrorum Liminum Visitatione a Vicariis Castrensibus peragenda, 28-2-1959: AAS 51 (1959), trg 272-274; Sắc lệnh Facultas audiendi confessiones militum Cappellanis extenditur, 27-11-1960: AAS 53 (1961), trg 49-50. - Xem thêm S.C. De Religiosis: Instructio de Cappellanis militum raligiosis, 2-2-1955: AAS 47 (1955), trg 93-97.

2 Xem S.C. Consistorialis: Thư gửi các Ðức Hồng Y và các Tổng Giám Mục, Giám Mục cũng như các Ðấng Bản Quyền khác tại các miền thuộc Tây Ban Nha, 21-6-1951: AAS 43 (1951), trg 566.

 
VỀ MỤC LỤC
“BÁC ÁI TRONG SỰ THẬT / CARITAS IN VERITATE” - MỘT THÁCH ĐỐ CHO HẾT MỌI NGƯỜI
 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

 

Thông Điệp BÁC ÁI TRONG SỰ THẬT của ĐTC Biển Đức XVI bàn về nhiều vấn đề cận đại, thực tế và cần thiết của một thế giới toàn cầu hóa hiện đại, trong đó con người là chính. Thông điệp đòi hỏi phải đọc thật kỹ, nghiên cứu tường tận và suy tư nhiều mới mong hiểu thấu hết được.

 

Theo James Stoner, giáo sư chính trị hoc, Đại học quốc gia Louisiana,  thông điệp này có sức mạnh buộc người Công Giáo phải xuất đầu lộ diện, bước ra khỏi hầm trú ẩn.

 

                                                       *****

Người công giáo ngày nay ở Hoa Kỳ và nhất là ở Việt Nam xem ra đang bị lôi cuốn bởi một nền văn hóa thù nghịch có tính tiêu cực, muốn co lại trong cái vòng khép kín của riêng gia đình mình, miễn sao nhà nước và luật lệ để cho mình yên hầu giữ đức tin là được rồi.[1]

 

Quan niệm này, theo thông điệp Bác Ái trong Sự Thật thì hoàn toàn không thể chấp nhận được, bởi vì Thông Điệp kêu gọi mọi người phải thực sự dấn thân vào đời, không phải chỉ để loan báo / hoành dương Tin Mừng mà còn phải có tư duy và hành động về những vấn đề công ích của đất nước như kinh tế, xã hội và chính trị…., phải quyết tâm nhận lãnh trách nhiệm phát triển con người cũng như thăng tiến xã hội đến tận cùng căn gốc.

 

Do đó rất dễ hiểu lý do tại sao những nhà bình luận tự do khai phóng nắm bắt được vấn đề của Thông Điệp rất nhanh và đem lên chương trình hành động của họ một cách thích thú đầy thiện cảm. Họ đâu có thấy rằng Đức Thánh Cha Biển Đức đang chỉ trích cái xã hội kinh tế thị trường hiện nay vì những luật lệ bừa bãi chỉ mong vội vã kiếm cho được thật nhiều lợi nhuận nhất thời, chống đói giảm nghèo một cách hời hợt không cần biết đến cơ cấu căn bản của xã hội mà họ đang làm gọi là canh tân. Ngoài ra Đức Thánh Cha còn kêu gọi cải tổ thế giới toàn cầu một cách sâu rộng , ngay cả chính tổ chức của Liên Hiệp Quốc cho thích hợp với ý nghĩa thực của quan niệm về đại gia đình thế giới của nó.

 

Do đó nếu những người tự do khai phóng đọc kỹ lại thông điệp thì chắc họ sẽ không còn hồ hỡi một cách ồn ào như vậy nữa, bởi vì Đức Thánh Cha cũng nêu lên cho mọi người biết và nhấn mạnh rằng nền văn hóa sự sống cần phải được khôi phục lại, chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa tương đối đang là mối đe dọa cho sự phát triển thực sự của con người, và hiểu biết tường tận mọi tương quan giữa con người với nhau với một cái nhìn siêu hình là tất yếu và bắt buộc, đồng hóa / pha trộn tôn giáo với văn hóa hoặc ngược lại văn hóa với tôn giáo là điều rất nguy hiểm, và tự do không phải là một cái giấy phép đương nhiên có mà là cả một công trình huấn luyện theo luật luân lý tự nhiên.

 

Ngài cũng cảnh báo thứ quyền lực phổ quát có tính bạo động ác chúa rất nguy hiểm mà người ta đang áp dụng để thay thế cho quyền lực chính danh đúng nghĩa [2].

 

Suy nghĩ sai lầm, hành động bừa bãi nhân danh công lý phổ quát toàn cầu là thiếu bác ái. Bác Ái cần phải bám chặt vào Sự Thật phổ quát như đầu đề của thông điệp nêu ra: Bác Ái trong Sự Thật.

 

Đức Thánh Cha bình luận nhiều vấn đề một cách bao quát nhưng cũng đào sâu thật thấu đáo, không phải chỉ liên quan đến những cơ sở chính của chính phủ và vấn đề tài chánh mà cả về vấn đề môi trường, vấn đề di dân, vấn đề viện trợ quốc tế giữa các quốc gia với nhau, cả vấn đề du lịch nữa. Còn nhiều vấn đề khác nữa đòi hỏi mọi người sau này phải nghiên cứu thêm nữa để có được những tư tưởng đặc thù mới.

 

Đức Thánh Cha đã gợi ý cho chúng ta thấy rằng nhiều loại ý tưởng về công lý xã hội của người công giáo ở thế kỷ 20 đã biến thái, khiến không thể xác định được nhiều cơ sở xã hội và kinh tế ở thời đại văn minh toàn cầu là thuộc về nhà nước hay tư nhân. Do đó tranh luận giữa nhà nước và những giải pháp thị trường về những vấn đề xã hội đã bỏ qua mất những vấn nại, thắc mắc cần thiết

 

Đức Thánh Cha đặc biệt chú ý đến nhận thức về một “Tặng Vật Cho Không” bởi Thiên Chúa trong khi không thể cắt nghĩa được một cách trọn vẹn bằng khoa học xã hội thì lại có thể chứng minh một cách dồi dào bằng sự phát triển của hàng loạt đời sống kinh tế xã hội vượt qua mẫu mực của con người kinh tế bị đè nén để thành con người vĩ đại hữu lý mà không rơi vào cạm bẫy của xã hội chủ nghĩa toàn trị.

 

Đức Thánh Cha bàn luận về vấn đề kỹ thuật, chứng minh sức mạnh tinh thần của con người và tính cách máy móc của chủ nghĩa duy vật vô hồn rất rõ ràng và trong sáng; khôi phục lại sự tôn trọng thiên nhiên là tặng vật Chúa ban thì là điều bắt buộc không phải chỉ mong để tồn tại và sống còn mà vì tinh thần tự giác.

 

Đức Thánh Cha đã cẩn thận tránh không để cho thông điệp đượm vẻ phe phái. Đó là một trong những lý do tại sao thông điệp đôi khi rất khó đọc, nhưng những ai đặc biệt chú ý đến lời kêu gọi của Ngài để chấp nhận tranh cãi về “Hành Động” Chính Trị với chủ đích tìm hiểu công lý và công ích thì sẽ khó thoát khỏi tinh thần phe phái.Vì vậy Ngài đưa ra những cái mạnh và cái yếu của mỗi phía rồi khuyến khích đối thoại liên tục và bền bỉ về chính sách toàn cầu. Đức Thánh Cha đào sâu kế hoạch của ngài để hòa giải giữa những người tín hữu Kito giáo và giới trẻ hiện sinh. Ngài khuyến khích bàn cãi, tranh luận và hành động. Từ Hành Động / PRAXIS ngài dùng, nguyên ngữ từ tiếng Hy Lạp cổ, có nghĩa là “Hành Động / Action / Deed” hoặc “Công Việc / Business”, được các nhà trí thức thời đại biết tới qua việc thường xuyên xử dụng, đặc biệt bởi những người Marxists, và sau cùng ở dạng số nhiều lại chính là đầu đề của sách Tin Mừng số năm tức Sách Tông Đồ Công Vụ. Các thánh tông đồ khi được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần thì  xuất hành hành ra đi vào đời rao giảng Tin Mừng và sống chết vì Tin Mừng. Các Ngài đã “HÀNH ĐỘNG”, “RAO GIẢNG TIN MỪNG, CẢI TẠO XÃ HỌI”.

 

LỜI KẾT

 

Truyền thông báo chí đã, đang và sẽ đưa ra những bình luận đặc biệt về bức Thông Điệp Bác Ái trong Sự Thật của ĐTC Biển Đức XVI, mở ra niềm Hy Vọng chan hòa.

 

Thông Điệp sẽ tiếp tục gây tiếng vang khắp thế giới qua những bài bình luận tích cực bằng đủ mọi thứ ngôn ngữ.

 

ĐTC đã đề cập đến những vấn đề thần học và nhân chủng học dưới nhiều khía cạnh khác nhau, đồng thời đưa ra những gợi ý đóng góp rất sâu sắc, giúp chúng ta cơ hội phân tích, nghiên cứu, học hỏi trên một bình diện rộng lớn rất tích cực và thuận lợi. Nhiều  bình luận gia đã nhận xét, mặc dù thế giới và chúng ta đang trải qua một cuộc khủng khoảng, nhưng thông điệp vẫn mở ra một HY VỌNG là con người có một sứ mạng biến cải thế giới để tiến tới Công Lý và Tình Yêu Thương trong tương quan giữa con người với nhau, ngay cả về phương diện kinh tế và xã hội. Nếu sự phát triển là để phục vụ từng cá nhân và toàn thể nhân loại thì chúng ta không thể không thắc mắc tự hỏi: Con người cần phải được phục vụ ở đây là những ai?

 

Đây chính là một trong những điểm đặc thù của thông điệp, nó mở ra một chân trời mới rộng, đặt ra những vấn đề xã hội mà những thông điệp trước đây chưa đụng tới như Vấn đề bảo vệ mạng sống, viễn kiến về tính dục và gia đình. Về những vấn đề này, ĐTC một lần nữa lại lên tiếng phản đối những trào lưu và khuynh hướng văn hóa đang bành trướng và thống trị hiện nay.

 

Đây là phần chính của thông điệp, một phương thuốc tổng hợp, cần phải đọc thật kỹ và cẩn thận.

 

Giáo Hội kiên quyết trình bày cho hết mọi người cái nhìn của Giáo Hội về con người, bởi vì Giáo Hội có bổn phận đưa ra một đường lối tốt nhất để phục vụ con người thiện tâm.

 

 Fleming Island, Florida August 12, 2009

NTC

  

[1] Tình trang im hơi lặng tiếng của HĐGMVN và nhất là Tòa TGM Huế về vụ Tam Tòa, giáo phận Vinh, trực thuộc Tổng giáo phận Huế là một điển hình của sự  rút kín vào bóng tối để được yên thân?, để được bằng an giữ đạo? hay vì một ý đồ gì khác? HĐGMVN tuyên bố “không làm chính trị”, nhưng thái độ bất động, yên lăng làm ngơ như không biết có cái gì đang xẩy ra ở Tam Tòa khi mà giáo dân, giáo sĩ… bị đánh đập trọng thương một cách tàn nhẫn và vô cớ lúc họ thực hành Đức Tin, đang giữ đạo, đòi hỏi công lý, công bằng,  lẽ phải và sự Thật…lại chính là một thái độ chính trị, nhưng là thái độ chính trị tiêu cực . Bố mẹ để mặc cho bọn côn đồ đàn áp, đánh đập con cái mình vô cớ, bất công mà ngoảnh mặt làm ngơ..

[2] ĐTC khuyên giáo dân lấy Bác Ái và Yêu Thương mà hành động. Ngài không chấp nhận bạo động kiểu ác chúa. Ngài kết án những kẻ nhân danh công lý để gây bạo động, lợi dụng quyền lực bất chính để mưu cầu tư lợi. Hãy nhìn vào vụ Tam Tòa, giáo phận Vinh. Nhà thờ Tam Tòa bị chiến tranh tàn phá đã hơn 40 năm nay mà nhà nước không cho phép tu sửa để có nơi thờ phượng. Giáo dân Tam Tòa dựng tạm một mái nhà để che nắng mưa để xem lễ, đọc kinh cầu nguyện thì bị chính quyền dùng bạo lực ngăn cấm. Giáo dân Tam Tòa đòi Công Lý và Sự Thật một cách ôn hòa thì bị công an đánh đập tàn ác, bắt bớ giam cầm nhân danh di tích tội ác chiến tranh. Đó phải chăng là Công Lý mà người CSVN đang nhân danh để cai trị dân, thống trị đất nước.

Thiết nghĩ, bất cứ ai –dù lương hay giáo- nếu có một chút lương tri tối thiểu cũng phải bùi ngùi thương cảm cho nỗi khổ đau của giáo dân Tam Tòa, cũng không thể không bất mãn về hành động côn đồ tàn ác của nhà cầm quyền sở tại.

Những ai yên lăng làm thinh trước cảnh bất công, tàn bạo của chính quyền đối với giáo dân Tam Tòa hẳn phải là người bất thường, tim họ đã trở thành trai đá hay ho là kẻ a tòng đồng lõa với tội ác, là những kẻ “đầu gấu” được bạo quyền thuê mướn để khủng bố đàn áp dân lành vô tội.

VỀ MỤC LỤC
ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN... (GA 20,19-23)

 

Điểm nhắm: -Mừng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ta nên  MỪNG đến mức nào?  

Thập giá là điểm đến của sứ mạng Đức Giêsu, và cũng là điểm đến của sứ mạng người môn đệ. Nhưng các môn đệ Đức Giêsu không đi vào với sứ mạng có một mình. Đức Giêsu trao sứ mạng, và Ngài cũng trao ban luôn Thánh Thần. Tin Mừng Gioan ghi lại:

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: ‘Bình an cho anh em!... Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.’ Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’.”  

1. Chúa Thánh Thần - Ngài là ai? Ngài làm gì?  

- Chúa Thánh Thần là hoa quả của sứ mạng Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần là chìa khoá để hiểu Chúa Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần chính là ‘Thánh Thần của Đức Giêsu’! Có người nói rằng ngoài 4 sách Tin Mừng kia, còn có Tin Mừng thứ năm, Tin Mừng Chúa Thánh Thần, vẫn đang được tiếp tục viết, với mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay đang là những nhân vật trong đó...  Chúa Thánh Thần là nhà thừa sai của Chúa Cha và Chúa Con, để – cùng với Giáo Hội – nối tiếp sứ mạng của Đức Giêsu, cũng chính là sứ mạng của Thiên Chúa (missio Dei).  

- Nhưng xem ra Chúa Thánh Thần bị đối xử không công bằng. Ngài thường bị quên. Ngài thường bị lấn át (ta nghe nói: ông này, bà kia rất có lòng yêu mến thánh này, thánh nọ, nhưng chẳng mấy khi nghe nói ai đó có lòng yêu mến Chúa Thánh Thần!)  Chúa Thánh Thần cũng bị né tránh (dường như các nhà giảng thuyết hay ngại giảng về Chúa Thánh Thần!)  Và Chúa Thánh Thần có vẻ bị đối xử không đúng mức (lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống dường như chưa được mừng cho đúng tầm của lễ này, ít là xét về niềm vui bên trong!) 

- Dù sao đi nữa, thì Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục không ngừng hoạt động, trong Giáo Hội và cả bên ngoài Giáo Hội – như chính Đức Giêsu xác nhận: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu.” (Ga 3,8).   

- Đặc biệt, Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân, đổi mới (cf. “Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất!) Chúa Thánh Thần không chấp nhận dừng lại với hiện trạng (status quo). Vì thế, nếu người ta hài lòng với hiện trạng thì có nghĩa rằng người ta không cần đến Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn, phải chăng Giáo Hội tại Á Châu này không cần một cách thức mới, thích hợp hơn, để loan báo Tin Mừng cho con người ở đây hôm nay? Phải chăng sinh hoạt của Giáo Hội chỉ cần loanh quanh với những ‘kỷ niệm’của quá khứ, kỷ niệm bách chu niên biến cố này, kỷ niệm ngũ thập chu niên sự kiện kia, vv. và vv....’? 

- Có lẽ chúng ta nên nhìn lại và tự hỏi: nửa thế kỷ trở lại đây, Chúa Thánh Thần đã làm những gì? Sẽ không ai phủ nhận trước hết phải kể biến cố Công Đồng Vatican II, một luồng gió mới thổi rất mạnh vào Giáo Hội. Rồi ở Á Châu, các giám mục đã miệt mài làm việc suốt gần 4 thập niên để đi đến xác nhận cuộc đối thoại 3 mặt (với người nghèo, với các nền văn hoá, và với các tôn giáo) như là phương thức loan báo Tin Mừng!  

- Hoạt động của Chúa Thánh Thần được đo lường bằng chính hoa quả mà Ngài đem lại. Hoa quả của Chúa Thánh Thần là: yêu thương, niềm vui, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (như Thánh Phaolô xác nhận trong Gl 5,22-23). Muốn biết Thánh Thần đang hiện diện và hoạt động mức nào trong đời tôi, trong cộng đoàn tôi, thì cứ lấy những hoa quả ấy làm thước đo.   

2. Một lời ngỏ  (về Chúa Thánh Thần và sứ mạng của Giáo Hội tại Việt Nam - trích từ  bản dịch Lễ Hiện Xuống Ở Á Châu của tác phẩm Pentecost in Asia của Thomas C. Fox): 

Những vết chân trên cát cho ta biết có người đã đi qua.

Nhìn hàng cây xa lay động ta biết có gió.

Đức Giêsu ví Thánh Thần như cơn gió:

Gió muốn thổi đâu thì thổi,

chẳng ai biết gió từ đâu đến và sẽ đi đâu” (Ga 3,8).

Chúng ta chỉ thấy dấu vết hoạt động của Thánh Thần, 

nhưng chẳng thấy được chính Ngài,

cũng không nắm được đường đi nước bước của Ngài.

Đôi khi chúng ta cảm thấy xa lạ với Thánh Thần,

dù thực sự Ngài là Người Bạn, Người Thầy

quá ư gần gũi và cần như hơi thở.

Hơi thở là dấu hiệu của sự sống.

Thiên Chúa thở hơi vào Ađam và cho ông sống.

Đức Giêsu Phục Sinh thở hơi trên các Tông Đồ

để các ông nhận được sự sống mới hoàn toàn.

 

Lễ Hiện Xuống gần hai ngàn năm trước

đã khai sinh một Hội Thánh thừa sai.

Và đời Kitô hữu là đời thừa sai trong Thánh Thần.

Bên Đông hay bên Tây, hôm qua hay hôm nay,

Vẫn một sứ điệp Tin Mừng, phải trao;

một câu chuyện Giêsu, phải kể

cho con người đang nhức óc vì ồn ào xao động...

... nhưng nhiều khi, câu chuyện kể sao nghe ngọng nghịu, sứ điệp trao sao thấy vụng về! Có gì đó trầy trật, bế tắc; có gì đó làm Tin Mừng hoá thành tin ‘không vui’...!

 

Ai đó nói rằng hơn ba chục năm nay

có một Lễ Hiện Xuống mới tại Á Châu –

một Luồng Gió mới, một Hơi Thở mới

thổi rất mạnh trên Hội Thánh tại lục địa này,

cuốn phăng những rào cản,

mở một tầm nhìn, vạch những nẻo đi.

 

Lắng nghe Thánh Thần, chúng ta sẽ biết cách

làm sao để bà con quanh ta hiểu và đón nhận Tin Mừng;

làm sao để ta có thể loan báo những kỳ công của Thiên Chúa bằng một thứ tiếng nói không còn xa lạ với họ (x. Cv 2,11).

Chúng ta sẽ biết cách

làm sao sau bao năm tháng, hay bao thế kỷ ‘đi xa’,

ta có thể trở về ngụp lặn trong ‘ao nhà’ –

trong phong tục, văn hóa, tín ngưỡng,

luân lý, truyền thống, tình tự dân tộc...

....

 

Xin Thánh Thần giúp ta

học được ngôn ngữ Việt Nam hôm nay,

để nói cho người Việt và hiểu điều họ nói.

Ta cần một thứ ngôn ngữ mà ai cũng hiểu,

ngôn ngữ của Phục Vụ và Yêu Thương... 

3. Quo vadis? / Thầy đi đâu vậy?  

Thánh Thần được sai đến để đồng hành với các môn đệ Chúa Giêsu trong sứ mạng. Như thế là được trang bị ‘tận răng’ rồi. Nhưng chưa phải hết chuyện. Người ta có thể bướng bỉnh với Thánh Thần và làm ‘rách việc’. Và nếu ‘bộ đôi’Chúa Thánh Thần và Giáo Hội không ‘làm ăn’ gì được thì không chừng Chúa Giêsu phải trở lại vác thập giá để chịu đóng đinh một lần nữa, như trong một truyền thuyết gợi hứng cho câu chuyện Quo vadis? của Henryk Sienkiewicz:

Khi cơn bách hại Kitô giáo tại Rôma dâng cao, Tông Đồ Phêrô định bỏ chạy khỏi thành phố. Khi ông vừa ra khỏi thành, ông gặp Chúa Giê-su đi vào. Phêrô dùng câu hỏi, mà ông từng hỏi Chúa trong Phúc Âm Gioan 13:36, để hỏi: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?” Chúa Giê-su trả lời: “Vì ngươi bỏ dân ta nên ta vào Rôma để bị đóng đinh lần thứ hai.” Nghe câu nói đó, Phêrô tỉnh ngộ, quay lại Rôma và chịu tuẫn đạo với các tín hữu tại đó.

Vì ngươi bỏ dân ta nên ta vào Rôma để bị đóng đinh lần thứ hai.” Mỗi mục tử trong Giáo Hội cần thường xuyên nhìn lại coi thử đoàn chiên của mình có bị “bỏ” hay không.

 

4. Gợi ý suy tư - cầu nguyện:

 

-Tôi có kinh nghiệm nào về sự thật rằng Chúa Thánh Thần hoạt động ngay cả bên ngoài Giáo Hội?

 

-“Buông mình cho Chúa Thánh Thần” (Cha J. J. Olier) hay “hạ khí giới xuống để cho Chúa Thánh Thần làm việc” (Thánh I-nhã) ... nghĩa là gì?

 

-Hoa quả của Chúa Thánh Thần là: yêu thương, niềm vui, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (cf. Gl 5,22-23). Lúc này, tôi đang cảm nhận các hoa quả ấy nơi mình ở mức nào?

 

23.5.2009

 

Lm. Lê Công Đức

 

Thư mục tham khảo:

-Nolan, Albert, OP. Jesus Before Christianity. Quezon City: Claretian Publications, 1999.

-Girzone, Joseph F., OCD. A Portrait of Jesus. New York: Image, 1999.

-Keating, Thomas. The Human Condition. New York: Paulist Press, 1999.

-Haring, Bernard, CSsR. Priesthood Imperiled. Manila: Divine Word Publications, 1989.

-Nguyễn Trọng Viễn, OP. Những Căn Bệnh Trầm Kha Trong Đời Sống Đức Tin Công Giáo tại Việt Nam. T.P. Hồ Chí Minh: Phương Đông, 2008.   

-Moltmann, Jurgen. The Crucified God. New York: Harper & Row, 1974.

-Rebello, Alex. Spiritual Formation and Religious Traditions in Asia (trong Linh Mục Thiên Niên Kỷ Mới). Đại Chủng Viện Huế, lưu hành nội bộ, 2000. 

-De Mello, Anthony, SJ. Awareness (J. Francis Stroud, ed.) New York: Doubleday, 1992.

-Hodgson, Irene B. Archbishop Oscar Romero – A Shepherd’s Diary. Cincinnati: St. Anthony Messenger Press, 1993.

VỀ MỤC LỤC
ĐAU LÒNG VỚI SỰ DỮ

 

Cuộc sống như hai mặt của đồng tiền, có mặt trái và có mặt phải, có người dữ và có người lành. Chẳng cần học cao hiểu rộng cũng biết rằng giết người là sự ác, là sự dữ, chỉ cần còn lương tri là biết được điều ấy. Thấy được sự ác, sự dữ ấy mà không lên tiếng thì lương tri có vấn đề.

 

Khá lâu, không liên lạc với cô bé cộng tác viên với nhóm Bảo Vệ Sự Sống Trung Tâm Mục Vụ Dòng Chúa Cứu Thế, nay cần vài việc liên quan đến trường khuyết tật Thanh Tâm nên bấm máy nhờ vả. Nhờ vả chuyện cho trường thì ít nhưng đôi dòng tâm sự về sự sống, về cuộc đời thì nhiều.

 

Chỉ với vài giây phút ngắn ngủi trên điện thoại nhưng sao mà buồn quá. Đêm nay tính đi ngủ sớm vì cả ngày hôm nay bận bịu công việc của giáo xứ, của người nghèo nhưng làm sao ngủ được khi nghe sự dữ ngày mỗi ngày càng tăng.

 

Nhận nhiệm vụ thu gom những sinh linh bé bỏng về làm hậu sự, cô bé ấy đã cho tôi biết rằng số lượng cũng như trọng lượng bào thai mà người ta giết chết mỗi ngày nó cứ tăng lên. Những ngày đầu khi phong trào Bảo Vệ Sự Sống mới khai sinh thì những bao xốp đen đựng những linh hồn bé bỏng ấy thật ít nhưng rồi ngày mỗi ngày nó cứ to dần.

 

Trước đây, một ngày hơn ký thôi nhưng bây giờ … bây giờ ngày nào cũng trên 5 ký. Không phải ngày nào cũng trên 5 ký mà hơn thế nữa. Một tuần thì có đến 2 hoặc 3 ngày số lượng bào thai người ta bỏ đi hơn chục ký. Điều đau lòng hơn nữa là có những em bé khoảng 6, 7 tháng tuổi rồi !

 

5, 10, 15 ký bào thai mỗi ngày được mang đến đặt dưới chân Mẹ của các thai nhi ở cái hành lang Trung Tâm Mục Vụ đâu phải là của cả thành phố đâu ? Đó chỉ là “sự dữ” của con người ở vài trung tâm y tế thôi. Người ta hô hào, cổ vũ cho phong trào giết người, phá thai thì làm gì người ta cho những người lương thiện vào để thu dọn được.

 

Con số đó là như vậy, ta thử làm bài toán nếu như được đi đến đến lo hậu sự cho 26 cái trung tâm y tế quận huyện cũng như những bệnh viện phụ sản trong thành phố này thì tổng số ký thai nhi bị giết mỗi ngày là bao nhiêu ? Con số ấy làm cho người ta cảm thấy đau lòng vì đang sống trong một xã hội mà xã hội ấy lại phò nền văn hóa sự chết và chống văn hoá sự chết.

 

Đi đâu cũng thấy khu phố này khu phố kia “đạt chuẩn văn hoá” hay là “quyết tâm giữ vững danh hiệu văn hoá”. Thử làm một cuộc thống kê thì “khu phố văn hoá” quá nhiều và nếu tính số thai nhi bị giết như vậy thì chẳng hiểu được cái văn hoá ấy là văn hoá chi chi ! Nếu là văn hoá thật thì phải là khu phố hay lớn hơn là thành phố bớt đi tệ nạn phá thai, tệ nạn giết người chứ đàng này thì ngược lại.    

 

Cũng được nghe những cộng tác viên đi gom những sinh linh bé bỏng này phải là những con người hết sức can đảm, hết sức nhiệt tình và trên hết phải có cái tâm. Người thì cố gắng liên lạc được để đi vào thu gom những sinh linh bé bỏng, người thì cố gắng hết sức can đảm để vào thi hành “phận sự”. Người vào gom các sinh linh ấy phải cam kết là dọn vệ sinh sạch sẽ trong “khuôn viên” giết người, nếu không thì họ không cho vào vì theo như họ thì họ lấy nước xịt xuống cống cho xong chuyện !

 

Đó là phần việc của những người làm cái chuyện “đã rồi”.

 

Bên cạnh đó là nhiều và nhiều người ráng làm cái công tác bảo vệ sự sống, công tác tư tưởng để đem những người có ý định sát nhân về chăm sóc, giữ gìn mầm sống đang hiện dần trong dạ mẹ. Cũng không phải đơn giản để đưa những người ấy thoát khỏi cái lò sát nhân ở các trung tâm y tế và các bệnh viện phụ sản. Có những trường hợp cộng tác viên nhóm Bảo Vệ Sự Sống gần như là phải gần kề với việc mất mạng.  

 

Cô bé ấy cũng cho tôi biết thêm là những cộng tác viên, những thành viên trong các nhóm Bảo Vệ Sự Sống ngày hôm nay cũng tăng lên khá nhiều. Những người ấy có thể là nạn nhân, có thể là thân nhân và là những người đứng về sự thiện, đứng về phía bảo vệ sự sống của con người.

 

Thế đấy ! Giữa những người ác, những người cổ võ việc phá thai, những người sát nhân thì vẫn còn đó nhiều tấm lòng nhân hậu, những con người còn lương tri.

 

Xã hội luôn có sự giằng co giữa hai thế lực dữ và lành, giữa hai lối sống thiện và ác.

 

Nhìn những sinh linh bị giết mà cô bé cộng tác viên nhóm Bảo Vệ Sự Sống “send” cho sao mà đau lòng quá !

 

Chỉ vì một chút lợi lộc cá nhân, chỉ vì một chút sự ích kỷ để rồi người ta đánh mất lương tri, đánh mất tính người.

 

Đêm nay, trong căn phòng nhỏ của vùng truyền giáo nghèo này, hình ảnh những anh hài bé bỏng vẫn còn đâu đó trong tâm khảm dù chiếc máy tính đã được tắt từ lâu. Nhớ đến những hình ảnh anh hài ấy thì cũng một chút liên tưởng đến những người đồng loã với sự dữ, đồng loã với sự giết người. Nhớ đến những hình ảnh anh hài ấy cũng nhớ đến hình ảnh của những con người đứng về phía sự thật, đứng về lương tri để vỗ về, an ủi, chia sẻ với những ai có ý giết người và chia sẻ một chút gì đó cho thân phận mong manh đã bị giết.

 

Ước gì số vụ phá thai, số vụ giết người ngày mỗi ngày giảm bớt đi số lượng.

 

Ước gì trong xã hội có nhiều và nhiều tấm lòng nhân ái, tâm lòng có lương tri để xoa dịu nỗi đau của một xã hội chạy theo nền văn hoá của tàn ác và giết chóc.

 

Lm. Anmai, C.Ss.R.

VỀ MỤC LỤC

ĐOẠN KHÚC TIN MỪNG

 

  1. Chắc gì sống đến ngày mai

      Đêm đêm con hãy hát bài “vực sâu”

      Lời thơ Thánh Vịnh nhiệm mầu

      Giúp con tỉnh thức hát câu “sẵn sàng”

 

  1. Cây lau đã dập, lau ơi!

      Chúa không nỡ bẻ vì Ngài thương em

      Ngọn đèn leo loét cây đèn

      Chúa không nỡ tắt “bởi đêm còn dài

      Hát lên tình Chúa, ai ơi!

      Lòng Ngài như biển như trời mênh mông”

 

  1. Bắt con cá xấu quẳng xa

      Đứt từng khúc ruột ai mà biết cho

      Nhìn con cá tốt dặn dò

      Nằm yên nghe dịu tiếng hò lơ xa

      Ngư ông bỏ bến về nhà

      Tiếng chuông nhật một từ xa vọng về

     

  1. Trước đây đã chẳng có con

      Sau này con sẽ chẳng còn nữa đâu

      Lặng thinh con hãy cúi đầu

      Mà nghe tiếng gọi nhiệm mầu… nhân sinh!

Nhà thơ Xuân Ly Băng

VỀ MỤC LỤC
BACOLOD, PHILIPPINES - ĐÁNH DẤU SỰ HIỆN DIỆN CỦA DÒNG GIOAN TẨY GIẢ

 

Dòng Gioan Tẩy Giả miền Bacolod, Philippines kỷ niệm lễ Thánh Gioan bị trảm quyết trong tâm tình tri ân và ngợi khen tình yêu Thiên Chúa. Bởi hôm nay, sau bao nhiêu năm vất vả và lao nhọc để khai phá miền đất mới của hội Dòng nói chung và cách riêng của Cha Stanislaus Su (Phó tổng quyền), Cha Thomas Sung, sáu anh em ứng sinh chính thức vào Tập Viện. Điều đặc biệt là trong số sáu anh em, có đến 5 anh em là người Philippines- niềm hy vọng, quà tặng của Thiên Chúa cho tương lai của toàn thể hội Dòng.

Sự kiện những người Philippines tiếp nối người Việt Nam gia nhập hội Dòng người Hoa theo tinh thần Cha Vincent Lebbe quả là một sự kiện khác thường hay nói khác đi đây chính là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Đây còn là sự kiện đầy bất ngờ với nhiều cảm xúc thú vị đối với tôi. Bởi khi chúng tôi email cho Cha Su, báo tin cho ngài biết là sau khóa học ở EAPI, chúng tôi sẽ từ Manila đến Bacolod để thăm ngài và cộng đoàn trong 1 tuần. Ngài vui vẻ nhận lời và còn dặn thêm nên book vé về vào ngày 30, Chúa nhật, vì ngày 29, thứ bảy “không được về Manila”! Và tôi hiểu. Ngày 29/8/2009 là ngày hết sức trọng đại không chỉ cho hội Dòng mà còn cho cả ngài nữa.

Cách đây 5 năm, khi một mình Cha Su chân ướt chân ráo đến Bacolod khai phá miền đất mới- vùng đất hoang vu, ít người cư trú và tuyệt đại dân chúng sống dưới mức nghèo khó, không ai nghĩ rằng sẽ có ngày miền đất này nảy sinh hoa trái và đặc biệt là hoa trái ơn gọi tận hiến cho Thiên Chúa. Đến và xem để rồi từ ngỡ ngàng đến khâm phục một con người thấm nhuần tinh thần Cha Vincent Lebbe, một con người gần như mù lòa về thể lý nhưng tràn đầy ánh sáng của tình yêu và tinh thần truyền giáo cho người nghèo của Cha Su. Những ngày sống ở đây, tận mắt xem thấy những thành quả mà Cha Su - qua bao nhiêu năm vất vả vun trồng, đang dần thành hình, chúng tôi không khỏi thẹn thùng. Vâng, thẹn với chính mình, vì chưa làm được gì cho hội Dòng, cho Giáo hội; Thẹn thùng, bởi nếu là tôi, có lẽ sẽ chẳng bao giờ có những Tập sinh mà tên gọi hoàn toàn là người Philippines như: Vincent, Lawrence, Christopher, Nido và Bryan…

Rồi đây trên mảnh đất này sẽ đánh dấu tên tuổi của những tu sỹ Gioan Tẩy Giả mang quốc tịch Philippines để lo cho dân nghèo Phi theo tinh thần của đấng sáng lập. Tôi tự hỏi nếu Cha Lebbe còn sống, chắc bây giờ ngài sẽ nói rằng : “Tôi sống vì người Phi và chết vì người Phi”. Câu nói xưa cho người Hoa của Cha Lebbe đang được Cha Stanislaus Su thực hiện trên mảnh đất Bacolod, Philippines.

Có thể nói những dự án để phát triển trên miền đất này đang cần rất nhiều sự hỗ trợ về tinh thần và vật chất cũng như sự kết hợp “tổng lực” của toàn thể hội Dòng. Bởi theo quy hoạch, trên mảnh đất này không chỉ đơn thuần có một tu viện với vài chục tu sỹ mà còn hàng loạt những dự án khác như trung tâm nghỉ dưỡng tĩnh tâm, trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp, trung tâm chăn nuôi gia súc và cây trồng, trường trung học, vườn trẻ em, khu thể thao, khu mua sắm,…Tôi thầm nghĩ, nếu những dự án này trở thành hiện thực, miền đất Bacolod này sẽ dần thay da đổi thịt và, người dân nơi đây sẽ bớt khổ hơn, họ sẽ có việc làm ngay chính trên quê hương của họ. Thấy được như thế để cảm nghiệm niềm vui mừng của hội Dòng và cách riêng của Cha Su về những anh em người Philippines bước vào Tập viện. Đây sẽ là những nhân tố mới cho tương lai của hội Dòng; đây sẽ là những hạt giống hứa hẹn một mùa bội thu cho cánh đồng rao giảng Tin mừng Chúa Kytô.

Trong tâm tình ấy, xin Tạ ơn Thiên Chúa Tình yêu về muôn ơn lành Người đã tuôn đổ trên hội Dòng. Xin chúc mừng 6 thầy Tập sinh. Cầu chúc các thầy sống trọn vẹn năm Tập trong ân sủng và tình yêu của Chúa dưới sự bầu cử cách đặc biệt của Đức Maria Nữ Vương, của Cha Thánh Gioan Tẩy Giả và của Cha Vincent Lebbe – đấng sáng lập, theo tinh thần “hy sinh- yêu người và vui vẻ” cho Thiên Chúa và tha nhân.

Các bạn trẻ muốn tìm hiểu ơn gọi hội Dòng, xin liên hệ: Fr. Su, Csjb

P.O. Box 667, Bacolod City 6100 Philippines

Tel 63(34) 345-2309

Email: sucsjb@yahoo.com  (xin viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hoa). Hoặc nơi tất cả các Cha CSJB mà các bạn quen biết.

Bacolod, lễ thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết 29.8.2009

Lm. Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb     ngoncsjb@yahoo.com 

VỀ MỤC LỤC
VỚI CẢ TÂM TÌNH

 

Chúa Nhật XXII Thường niên

(Mc 7,1-8a.14-15.21-23)

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA 

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?" Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người'. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người".

Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: "Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế".

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ 

Truyện thiền kể có hai nhà sư xuống núi. Dọc đường các ngài gặp một thiếu nữ đứng bên vũng nước sâu. Thiếu nữ muốn đi qua mà không sao đi được. Thấy vậy, một nhà sư liền bế thiếu nữ vượt qua vũng nước. Trở về gần đến chùa, nhà sư kia trách bạn : “Sao anh lại bế một thiếu nữ như thế ?”. Nhà sư trả lời : “Tôi đã để cô ta lại bên vũng nước, sao anh còn mang cô ta về đến tận chùa”. 

Câu chuyện ý nhị trên đã minh hoạ rõ nét về hai lối sống đạo. Lối sống đạo theo hình thức và lối sống đạo theo nội tâm. Nhà sư trọng hình thức không dám động đến thiếu nữ, nhưng tâm hồn ông lại nặng vấn vương. Thế mà ông vẫn yên tâm cho rằng mình đã giữ trọn luật giới sắc. Ông tự hào về mình và trách móc bạn đã vi phạm luật tu hành. Ông đã hoàn toàn giữ luật theo hình thức bề ngoài mà không xét đến nội tâm của mình. 

Những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do thái cũng giữ đạo theo hình thức như thế. Họ rất trọng những luật lệ theo hình thức bề ngoài. Họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ. Theo họ, đạo là lề luật. Giữ trọn lề luật là giữ đạo. Đặc biệt là luật thanh sạch. Người Do thái có nhiều cấm kỵ ô uế. Bị coi là ô uế những người mắc bệnh phong, những người phụ nữ sau khi sinh con, người ngoại đạo. Ai tiếp xúc với những người ô uế sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ngay cả những đồ vật bị người ô uế động đến cũng trở thành ô uế. Ai động đến những đồ vật đã bị ô uế cũng sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ô uế là tội lỗi. Những người bị ô uế sẽ không được dâng lễ vật cho Chúa. Để tránh ô uế, người Do thái luôn rửa tay, rửa bát bên ngoài cho sạch. 

Chúa Giêsu  chê trách họ là giả hình. Vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Chúa Giêsu  đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi, sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám, xấu xa. 

Vì quá chú trọng đến những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài, họ biến đạo thành một mớ những nghi thức trống rỗng vô hồn. Đọc kinh cho đủ bổn phận mà không cầu nguyện. Ăn chay để giữ đúng luật hơn là để hạn chế tính mê tật xấu. Làm việc bác ái để phô trương hơn là để chia sẻ với người anh em cơ nhỡ. Tệ hại nhất là họ giữ đạo mà không thật lòng yêu mến Chúa. Nên hôm nay, Chúa Giêsu  đã nặng lời chỉ trích họ : “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.  

Những hình thức bên ngoài không phải là không cần thiết. Nhưng những hình thức bên ngoài, muốn có giá trị, cần phải phát xuất từ tâm tình bên trong. Nội tâm con người là nguồn mạch của mọi hành vi. Nội tâm có tốt thì hành vi mới tốt. Nội tâm có chân thật thì hành vi mới có giá trị. 

Đạo Chúa không phải là hình thức. Đạo Chúa là tình yêu. Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phao-lô dạy : “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13, 1-3). 

Vì thế, khi làm việc gì, điều cần thiết là cho cử chỉ phản ánh trung thực tâm hồn. Tất cả mọi việc làm lời nói ra bên ngoài phải phát xuất từ tâm hồn chân thực. Nhất là phải làm sao cho mọi nghi thức tôn giáo phát nguồn từ trái tim yêu mến chân thành. Việc từ thiện phải phát nguồn từ một tình yêu mến huynh đệ, thành thực muốn chia sẻ. Lời cầu nguyện phải phát xuất từ một trái tim yêu mến của người con hiếu thảo đối với Cha trên trời. Việc ăn chay phải khởi đi từ ý muốn chế ngự các nết xấu. Nghi thức thanh tẩy phải cử hành trong tâm tình sám hối. Có như thế, khi môi miệng đọc kinh, lòng ta mới gần gũi Chúa. Khi ăn chay, tâm hồn ta mới tan nát vì tội lỗi. Khi làm việc bác ái, ta tránh được thói phô trương. Khi rửa tay, tâm hồn ta mới được thanh tẩy nên trong trắng. 

Với tất cả tâm tình, những nghi thức mới trở nên có hồn, thành thực. Với tất cả tâm tình, ta mới thực sự sống đạo. Với tất cả tâm tình, đạo mới đưa ta đến gần Chúa. 

Lạy Chúa, xin ban cho con thêm lòng yêu mến Chúa. 

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU 

1- Rửa tay hay rửa linh hồn, điều nào quan trọng hơn ? 

2- Điều gì quan trọng nhất trong đạo ? Làm những việc phi thường hay là mến yêu Chúa và yêu thương anh em ? 

3- Bạn thường đi lễ cho đầy đủ bổn phận hay đi lễ vì yêu mến Chúa ? 

4- Bạn làm việc thiện vì yêu mến người nghèo hay vì muốn khoe khoang ? 

+ Giuse Ngô Quang Kiệt

Tổng giám mục Hà Nội

VỀ MỤC LỤC
ĐỨC MARIA, NGƯỜI ĐANG YÊU VÀ ĐÁNG YÊU
 

Trong Thông điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình Yêu), Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã mệnh danh Đức Maria là “một người đang yêu” và cầu nguyện “Xin dậy chúng con biết Người và yêu mến Người để tất cả chúng con cũng có thể trở thành những người yêu đích thực” (số 41).  

Thế nào là một người đang yêu? Có những dấu hiệu nào để nhận biết?  Xin vắn tắt nêu những dấu hiệu chính. 

Dấu hiệu thứ nhất của người đang yêu có thể tìm thấy là việc người đó vui vẻ chịu cực chịu khổ vì người mình yêu. Sau khi thiên thần truyền tin người chị họ Êlisabét đang mang thai, Maria vội vã lên đường chẳng quản ngại đường xa, có lẽ phải mất đến bốn ngày đàng. Đức Bênêđíctô viết tiếp: “Mẹ đã ở lại nhà bà “độ ba tháng” (Lc 1,56), để giúp đỡ bà trong giai đoạn cuối cùng của việc mang thai. Trong dịp thăm viếng này, Mẹ đã cất cao lời kinh “Magnificat anima mea Dominum” (Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa) (Lc 1,46)”. Mẹ hát tiếp: “thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”. “Hớn hở vui mừng” giữa gian khổ là dấu hiệu chắc chắn của một tâm hồn bừng cháy lửa yêu thương. Thánh Augustinô viết: “Khi yêu, người không cảm thấy những khó khăn, hoặc giả có khó khăn thì người ta đâm ra yêu chính sự khó khăn đó. Công việc của những người đang yêu thì không bao giờ cực khổ”.   

Dấu hiệu thứ hai của người đang yêu là người đó luôn tìm kiếm điều tốt, điều thiện hảo    cho người mình yêu. Trở lại với trình thuật “Thăm viếng”, ta thấy mẹ đã mang đến cho bà Êlisabét điều tuyệt hảo, điều tốt nhất là “Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”. Hài nhi Giêsu trong “hang đá đầu tiên” bằng xương bằng thịt ấy là tất cả những gì tốt đẹp nhất: ân sủng, bình an, ơn cứu độ, tình yêu, sự tha thứ, lòng xót thương, sự đồng cảm, hạnh phúc….  

Dấu hiệu thứ ba của người đang yêu là người đó luôn nghĩ tưởng, nhớ đến người mình yêu. Tưởng nhớ 24/7, nghĩa là 24 giờ một ngày và 7 ngày một tuần. Mẹ “hằng suy đi nghĩ lại trong lòng” hình ảnh, sự kiện, lời nói của người mình yêu. “Kho tàng ngươi ở đâu thì lòng trí người ở đấy”. Có kho tàng nào quý cho bằng người mình yêu?     

Vì người đang yêu luôn sẵn sàng hy sinh, chịu cực chịu khổ, luôn kiếm tìm điều tốt và nhớ tưởng người mình yêu, nên người đó cũng còn là người đáng yêu. Đáng yêu vì người đó yêu nhiều, yêu rất thiết tha. Đáng yêu vì người đó đang sống các giá trị Chân, Thiện, Mỹ giữa một thế giới còn nhiều hận thù, tị hiềm, ích kỷ, ác tâm, chia rẽ. Đáng yêu vì người đó đem lại cái mà nhân loại, vốn dư thừa nhiều thứ, lại đang trống vắng và thực sự cần: tình yêu đích thực, không giả dối, vụ lợi. 

Một văn hào đã nói: “Cái đẹp sẽ cứu thế giới”. Tình yêu, được hiểu như một vẻ đẹp thuần khiết, như các hành vi đẹp, sẽ cứu thế giới, chứ không các thứ chủ nghĩa mà ngày nay người ta đã quá ngán ngẩm, chán ngấy. Mẹ Têrêsa Calcutta đã hiểu rất rõ điều đó khi mẹ nói: “Ta hãy làm một hành vi đẹp cho Thiên Chúa” (Let’s do something beautiful for God”.    

Trước Têrêsa Calcutta gần hai ngàn năm, Đức Maria đã sống chân lý đó trọn vẹn hơn bất kỳ ai hết khi mẹ thực hiện “hành vi đẹp cho Thiên Chúa” là thăm viếng bà Êlisabét. 

Đan Quang Tâm

VỀ MỤC LỤC
HỌC THUYẾT GIÁO HỘI VỀ VIỆC XÂY DỰNG NGÔI NHÀ SỰ SỐNG (BÀI 1)

 

Kinh Thánh dùng những hình ảnh tuyệt vời để diễn tả sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người. Đó là việc Thiên Chúa chiều chiều dạo chơi trong khu vườn Eden với ông bà nguyên tổ. Đó là hình ảnh vị mục tử nhân dũng đưa dẫn đàn chiên hiền hoà đến nguồn nước mát trong. Hình ảnh của hoà bình ấy chính là hình ảnh của sự sống, cho nên không gì ngạc nhiên khi chúng ta đọc thấy Học Thuyết Xã Hội Công Giáo gần như đồng nhất ngôi nhà hoà bình và ngôi nhà sự sống của nhân loại chúng ta. Và để xây dựng ngôi nhà ấy, xã hội loài người – cả xã hội dân sự lẫn chính trị - đều cần đến bốn cây cột và bốn đà ngang. Đó là bốn nguyên tắc của học thuyết Xã Hội Công Giáo và bốn giá trị căn bản của đời sống xã hội. 

BÀI 1:  BỐN NGUYÊN TẮC CỦA HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO 

1. Nguyên tắc nhân vị

“Giáo Hội nhìn thấy nơi mỗi người, nam cũng như nữ, hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này mỗi ngày được triển khai thêm một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn nơi mầu nhiệm Đức Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính con người” (1)

Đây là nguyên tắc đầu tiên và căn bản. Con người là thụ tạo cao quí nhất và là đối tượng của mầu nhiệm Cứu Chuộc. Con người được Thiên Chúa tạo thành giống hình ảnh Ngài. Nhưng vì con người lạm dụng tự do Chúa ban, họ đã gây nên bi kịch khủng khiếp nhất cho muôn thế hệ. Ấy là bi kịch của tội. Giáo Hội trình bày khía cạnh xã hội của tội lỗi cùng tính phổ quát của nó, đồng thời Giáo Hội nhấn mạnh tính phổ quát của ơn Cứu độ.(2)

Nhờ hồng ân Cứu độ, con người mở ra với siêu việt, có phẩm giá cao quí, có tự do, bình đẳng. Và đó chính là nền tảng của nhân quyền mà Giáo Hội đề cao và dấn thân bảo vệ. 

2. Nguyên tắc công ích

Mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích, nếu muốn đạt được ý nghĩa trọn vẹn nhất, công ích xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người. Hiểu theo nghĩa ban đầu, và được chấp nhận rộng rãi, công ích là “toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển cách đầy đủ và dễ dàng hơn” (3)

Với nguyên tắc này, Giáo Hội dạy rằng con người sống là phải sống với và sống vì người khác. Do đó, con người phải có trách nhiệm với cộng đồng. Trong chiều hướng ấy, các cộng đồng chính trị phải ra sức mưu ích cho xã hội, để bảo đảm xã hội “trật tự, thống nhất và có tổ chức”.

Điều quan trọng nhất chính là ở chỗ con người phải hiểu rằng công ích tự nó không phải là mục tiêu. Thiên Chúa mới là mục tiêu tối hậu của con người và toàn thể các loài thụ tạo của Ngài. Chính nhờ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu mà mọi loài qui hướng về Đấng là Chân Thiện Mỹ. (4)

Từ nguyên tắc công ích này, một hệ luận quan trọng được rút ra, đó là mục tiêu phổ quát của của cải. Của cải phải được phân phối công bằng và hợp lý. Giáo Hội cũng nhấn mạnh quyền tư hữu trên của cải, đồng thời cũng luôn nhắc nhở việc ưu tiên cho người nghèo trong xã hội: “Sự lựa chọn ấy không những ảnh hưởng trên đời sống của mỗi Kitô hữu khi họ tìm cách bắt chước cuộc sống của Đức Kitô, mà còn ảnh hưởng đến các trách nhiệm xã hội của chúng ta, và từ đó, ảnh hưởng đến cách sống và các quyết định hợp lý của chúng ta liên quan tới việc làm chủ và sử dụng của cải” (5) 

3. Nguyên tắc bổ trợ

Bổ trợ là một trong những định hướng bền vững và đặc thù nhất của Học thuyết Xã hội Công giáo, và đã có mặt trong học thuyết ấy ngay từ văn kiện xã hội quan trọng đầu tiên(6)

Để thực thi nguyên tắc này, các tổ chức xã hội cấp cao có trách nhiệm hỗ trợ để các xã hội thấp hơn có thể thực hiện các nghĩa vụ và bổn phận của mình một các hiệu quả nhất. HTXHCG nói rõ là các xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có trách nhiệm “giúp đỡ về kinh tế, cơ chế hay pháp lý” cho các đơn vị nhỏ hơn.

Nhờ nguyên tắc bổ trợ mà con người và gia đình được tôn trọng, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi những sự lạm quyền của chính quyền cấp cao hơn, chống trung ương tập quyền và quan liêu giấy tờ. (7)

Biểu hiện rõ nét nhất của nguyên tắc bổ trợ là việc con người được tham gia vào mọi hoạt động xã hội mà không gặp cản trở nào. Việc tham gia này là “là một trong những cột trụ nâng đỡ mọi trật tự dân chủ và là một trong những bảo đảm quan trọng cho hệ thống dân chủ luôn được bền vững” (8) 

4. Nguyên tắc liên đới

Giáo huấn của Hội Thánh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng “Sự liên đới làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn.” (9)

Giáo Hội nhấn mạnh hai khía cạnh của liên đới: đó vừa là nguyên tắc cũng như đức tính xã hội, vừa là đức tính luân lý. Liên đới là đức tính luân lý bởi vì nó thúc đẩy con người có quyết tâm và hành động cụ thể để dấn thân cho công ích. Liên đới là đức tính xã hội đơn giản vì nó “nằm trong phạm vi công bằng”. (10)

Liên đới đòi hỏi mọi người nhận ra rằng mình mắc nợ xã hội, và do đó mọi người phải chung tay góp sức xây dựng xã hội. Liên đới có liên quan đến công ích, phân chia của cải và bình đẳng xã hội. (11)

Hội Thánh dạy rằng tột đỉnh của liên đới là chính cuộc đời và giáo huấn của Đức Giêsu Kytô, Đấng đã đến cư ngụ giữa loài người và sẵn sàng chịu chết để cứu độ loài người. Nơi Đức Giêsu, mọi người được mời gọi yêu thương, chia sẻ, hy sinh, tha thứ và hoà giải, bởi vì mọi người là hình ảnh Thiên Chúa và được Đức Giêsu cứu chuộc. (12) 

Gioan Lê Quang Vinh 

(Bài sau: Bốn Giá Trị Xã Hội)

Chú thích:

(1)   HTXHCG chương 3, 105.

(2)   Ibid. chương 3, 117-120

(3)    Ibid. chương 4, 164; cf. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 26: AAS 58 (1966), 1046; x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1905-1912; Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 417-421; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 272-273; Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 46: AAS 63 (1971), 433-435.

(4)   Ibid. chương 4, 179.

(5)   Ibid. chương 4, 182

(6)   Ibid. chương 4, 185 cf. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum.

(7)   Ibid. chương 4, 175

(8)   Ibid. chương 4, 191

(9)   Ibid. chương 4,  192  cf. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 415-417; CĐ. Vatican II,  Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 42: AAS 58 (1966), 1060-1061; Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 14-15: AAS 73 (1981), 612-618.

(10) Ibid. chương 4, 193

(11) Ibid. chương 4, 194-195

(12) Ibid. chương 4, 196.

Gioan Lê Quang Vinh

VỀ MỤC LỤC
MƠ MỘT VÌ SAO

  

tuổi thiếu niên, tôi là một chú bé mơ mộng. Nhiều đêm tôi đã ngồi một mình ở lan can, dõi mắt tìm kiếm những vì sao vằng vặc trên cao, tưởng tượng mông lung về đời sống biết đâu có thể có trên những vì sao ấy, những đời sống lạ lùng như trong câu chuyện ''Hoàng Tử Bé" của Antoiné Saint Exupéry. Đôi khi tôi cũng lấy làm kinh khiếp về cái bao la vô tận của vũ trụ đang chứa đựng hằng hà sa số những vì sao kia. Dù vậy, chú-bé-tôi thời niên thiếu ấy chưa tìm thấy những ý tưởng đẹp đẽ do những vì sao đem lại.

Khi trở thành một học sinh đệ Ngũ (lớp Tám) bậc Trung học, tôi được thầy Quốc văn dạy một bài giảng văn rất hay. Đó là bức thư của một người chị gửi cho em, giải thích thế nào là Lí Tưởng, trong đó có hình ảnh thật đẹp của một vì sao. Tôi không có trí nhớ tốt nên không thuộc lòng được những lời thư thật hay và thơ mộng đó. Nhưng đại khái trong thư, người chị giải thích cho em như thế này: giả thử có một buổi tối nào đó, em ngồi bên khung cửa sổ nhìn ra bầu trời và thấy một vì sao xanh lấp lánh trên ngọn cây. Ngôi sao đẹp và quyến rũ quá nên em định chạy ra ngoài để bắt lấy. Nhưng khi em vừa đứng dưới gốc cây thì ngôi sao đã bay lên đỉnh đồi. Em cố gắng chạy theo, lên tới sườn đồi thì ngôi sao đã lên tận đỉnh núi. Nếu em có sức leo lên đỉnh núi thì sao đã lờ lững trên vùng biển khơi. Em lấy thuyền bơi theo sao thì sao cứ lên cao, bay xa mãi. Em không bắt được ngôi sao trong tay, nhưng trong đêm trường trên mặt biển đó, ngôi sao là đích điểm, là ánh sáng dẫn đường cho em tiến tới mãi. Và cuối thư, người chị kết luận: Lí Tưởng của con người giống như vậy. Nó là một ước mơ, một hình ảnh đẹp dẫn dắt đời ta, giúp ta vượt ra ngoài cuộc sống tầm thường để vươn tôi cuộc sống cao như bầu trời, rộng như đại dương. Ta sẽ không hoàn toàn đạt được nó - vì nếu hoàn toàn đạt được, nó sẽ là hiện thực chứ không còn là lí tưởng nữa - nhưng ước mơ mãnh liệt về hình ảnh đẹp đẽ tuyệt vời đó sẽ dẫn dắt đời ta, giúp ta luôn luôn tiến tới.

Tôi thích hình ảnh của vì sao ấy lắm, và từ đó tôi gọi Lí Tưởng là Vì Sao. Như thế, chuyện con người kiếm tìm cho mình một Lí Tường, tôi gọi là chuyện "Mơ Một Vì Sao".

Tôi lại muốn nói thêm với bạn về một vì sao khác nữa. Vì sao đó chính là bạn, là tôi, ỉa tất cả mọi người. Trong chúng ta, không biết từ bao giờ đã có một sự tin tường rất thơ mộng rằng: mỗi chúng ta có một vì sao trên trời làm bản mệnh. Bởi thế, mới có người than thở rằng: "Tôi sinh ra đời dưới một vì sao xấu.'' Người nào đời sống sung sướng, hạnh phúc, người ta bảo người đó là một vì sao chói sáng. Thế nhưng chuyện sao tối, sao sáng có lẽ không quan trọng lắm, vì dù gì đi nữa thì chúng ta cũng không thể là một ngôi sao đen, bởi bản chất của sao là ánh sáng. Chính vì thế tôi rất phục người nhạc sĩ nào đã sáng tác bài ca sinh hoạt "Đếm sao gọi người', rất đơn sơ và chứa đựng một triết lí sống cao vời vợi:

 

"Đếm ánh sao đêm tôi gọi người,

Hồng xanh xanh hồng xanh xám xanh.

Ngôi sao xanh chính là anh đó,

Ngôi sao vàng đó của chị đây.

Không có ngôi sao nào là ngôi sao đen."

Như vậy, chuyện quan trọng là dù định mạng của chúng ta thế nào đi nữa, cuộc sống chúng ta thăng trầm, trôi nổi ra sao đi nữa, chúng ta có luôn ý thức mình là vì sao trên trời, chứ không phải là cục đất, cục đá dưới trần không? Nếu là những vì sao trên trời, chúng ta phải sống cuộc sống của những vì sao: thoải mái trọng một không gian mênh mông và chiếu tỏa ánh sáng ra chung quanh tùy theo sức sáng mình có. Đất đá thì sống cuộc đời chật hẹp, tăm tối, kèn cựa nhau, nhưng những vì sao thì sống khoảng khoát, vừa thi đua tỏa sáng vừa tôn trọng sự sáng của nhau.

Lí Tưởng của ta là một vì sao. Đồng thời, chính ta cũng là một vì sao. Tôi cho đây là một sự trùng hợp kì diệu; và sự trùng hợp này cho tôi một kết luận rất thú yị rằng: đi tìm Lí Tưởng, nói cho cùng, chính là trở về căn nhà nội tâm, khám phá những điều tốt đẹp có sẵn trong con người mình, để rồi cố gắng sống trọn vẹn những điều tốt đẹp ấy.

Cũng có thể đôi khi chúng ta tự hỏi rằng: con người chúng ta có gì tốt đẹp? Tôi nghĩ có nhiều lắm chứ! Thượng Đế bạn cho chúng ta một khối óc trong sáng, minh mẫn, biết phân biết điều đúng sai, tốt xấu; một ý chí để quyết tâm thực hiện bằng được những điều mong muốn; một trái tim nhạy cảm, dễ yêu người và dễ được người yêu; một lòng quảng đại, một tâm hồn cao thượng, một tính nết dịu dàng và dễ cảm thông. Đó là cái "tính bản thiện" mà "nhân chi sơ" đã có. Tất cả những cái đó, đôi khi chúng ta tưởng mình không có, nhưng thực sự ai cũng có hết. Có điều nơi người này, nó tỏ lộ một cách rõ ràng, nơi người khác nó bị che phủ đi; nơi người khác nữa, nó bị chôn giấu khá sâu. Để tìm ra Lí Tưởng, hay nói khác đi là tìm lại ''tính bản thiện", tôi nghĩ việc đầu tiên là mình phải tìm hiểu "kho tàng" của mình đang ở trong tình trạng nào, tỏ hiện, hoặc bị che phủ, hay bị chôn giấu. Tùy theo tình trạng, mình phải bỏ công nhiều hay ít để đem cái ''kho tàng'' ấy ra ánh sáng mà sử dụng. Tôi cũng ý thức thêm rằng: kho tàng trong chính con người tôi rất phong phú, không phải một chốc một lát, tôi có thể kiếm được toàn thể nó, mà phải từ từ, dần dần, mỗi ngày một chút, một chút...

Chuyên chú bé mơ mộng ngồi trên lan can mơ một vì sao đã trở thành quá khứ và hóa nên một kỉ niệm đẹp đẽ êm đềm. Nhưng nói như thế không có nghĩa là bây giờ tôi không còn biết ngắm trăng sao. Tôi là con người: mà con người là sinh vật "bước giữa đời mà mắt ngắm trăng sao". Cho đến nay, tôi vẫn mãi hoài ngắm những vì sao, trong đó có vì sao sáng nhất là Lí Tưởng của tôi

Tôi đã mơ nó từ thuở đầu đời, đã chiêm ngắm nó khi bắt gặp đã bước theo nó trong suốt cuộc đời. Và bây giờ, tôi vẫn dõi mắt theo nó để đi nốt quãng đường còn lại. Có người cho tôi là ngu dại, huyễn mơ. Nhưng tôi biết chính tôi hơn người khác biết tôi. Như thế đã là đủ. Tôi biết nếu tôi bỏ lạc mất ngôi sao Lí Tưởng của tôi, tôi sẽ bị cuộc đời bao vây, kho tàng của tôi sẽ càng ngày càng bị chôn vùi, để rồi đến một ngày nào, khi chợt tỉnh giấc, tôi cảm thấy cuộc đời thật là phiền toái và vô vị, hoặc là vô tình, tôi từ bỏ vị trí của một vì sao lấp lánh trên trời cao, trở thành cục đất, viên đá, cả một đời lăn lộn, kèn cựa, tranh giành trong những ham muốn vụn vặt, tầm thường.

Giá mà Lí Tưởng của tôi là một vì sao đã sáng lên rực rỡ trong một đêm Đông hai ngàn năm trước! Vì sao ấy đã dẫn đưa những người dõi bước theo nó đến kinh thành Bê Lem, tìm đến một hang lừa nhỏ hẹp tồi tàn, nhưng trong hang lừa đó, họ khám phá ra một kho tàng vô giá: Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại, Vị Cứu Tinh của bao thế hệ con người. Ngãi đã đến trần gian để thắp sáng lên tất cả mọi vì sao trong linh hồn mỗi một con người trong cộng đồng nhân loại. Ngài chính là vì sao công chính, vì sao đáng cho tôi và cho tất cả mỏi người chiêm ngưỡng.

Mơ một vì sao! Câu chuyện đẹp và dễ thương quá. Mà cuộc sống con người chính là một câu chuyện đẹp và dễ thương như thế. Tôi ước mơ ai trong chúng ta cũng tìm được một vì sao đẹp nhất, để ai cũng trở nên những vì sao sáng nhất.

Nhà Văn Quyên Di

VỀ MỤC LỤC
TRÁI CÂY.

                                     

Trái cây hay Quả được thành hình từ phần bầu nhụy của hoa. Trái cây thường có hai phần: phần thịt mọng nước có thể ăn được và hột cứng.

Ngược lại với rau được dùng như món ăn chính, trái cây thường là món ăn thêm, điểm tâm, tráng miệng hoặc ăn vặt.

Trái cây là thực phẩm ưa thích của loài người vì tính cách bổ dưỡng và tiện lợi của nó. 

Thành phần dinh dưỡng

Nhiều nhà dinh dưỡng quả quyết rằng trái cây là “bạn đường của sức khỏe” vì nó có đầy đủ những chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì một đời sống lành mạnh. 

 1. Nước

Cơ thể cần từ 2-3 lít nước mỗi ngày để giữ thân nhiệt bình thường,  làm trơn các khớp xương, lưu chuyển dưỡng chất nuôi tế bào, làm huyết tương chứa hồng cầu, bạch cầu và để làm vật chống đỡ cơ thể...

Nước trong trái cây rất nhiều, tươi mát mà lại là loại nước tinh khiết, không nhiễm trùng hay vẩn đục. Nước từ lòng đất, được cây hút lên, chế biến, đặt vào trái để ta dùng mà không cần mất công đun nấu, gạn lọc. Dùng nước này ta không còn sợ bị các bệnh như tiêu chẩy, khó chịu bao tử, không sợ bị những ô nhiễm của bụi đất hay hóa chất trong không gian. Ngoại trừ khi con người bơm hóa chất khiến cho trái nom tươi đẹp

 2- Chất đạm.

Chất đạm cần thiết cho sự cấu tạo các loại tế bào, chế tạo kích thích tố trong cơ thể.

Thường thường khi nói tới chất đạm là ta nghĩ ngay tới một miếng bít-tết, một đùi gà quay... vì đây là nguồn cung cấp chính. Nhưng loại chất đạm này có nhiều mỡ béo mà gần đây con người đã lạm dụng và phụ thuộc vào nó, và gây ra nhiều bệnh hoạn.

Rau trái cũng có một nguồn chất đạm đáng kể, tất nhiên là ít hơn thịt cá, nhưng dễ tiêu và không có cholesterol.

Ta hãy nhìn vào các vị tu hành, không ăn thịt động vật, chỉ ăn rau trái, mà cũng đủ chất đạm cho cơ thể, sức khỏe vẫn tốt, thần sắc hồng hào, tinh thần minh mẫn, phục vụ đạo giáo và tín đồ không mỏi mệt.

Đạm trong trái cây có đủ tám loại amino acid cần thiết mà cơ thể không tự tạo ra được và phải do thực phẩm cung cấp.

 Những trái hột như đậu phọng, hột hạnh nhân, quả óc chó ( walnut ), trái bơ... có rất nhiều đạm.

Một ưu điểm khác của chất đạm từ thực vật làchúng được tiêu hóa dễ dàng. Ăn một miếng thịt cần 8 giờ để chuyển hóa, trong khi đó ăn một hỗn hợp trái cây chỉ cần nửa giờ làcơ thể đã có dầy đủ số lượng chất đạm này. 

3- Chất carbohydrat

 Carbohydrat cung cấp năng lượng cho chức năng của cơ thể dưới hình thức các loại đường hoặc tinh bột.

Trái cây có loại đường đơn thiên nhiên fructose, sẵn sàng được hấp thụ và có khả năng cung cấp năng lượng mà cơ thể cần ngay. Đường này dễ tiêu, nhập vào máu từ từ nên không gây xáo trộn cho mức độ insulin do tụy tạng tiết ra.

4- Chất béo.

Khi ăn nhiều chất béo thì không tốt, nhưng cơ thể cần một lượng tối thiểu để duy trì sự tăng trưởng của tế bào, tích trữ năng lượng, cấu tạo thành phần của hệ thần kinh, sản xuất kích thích tố.

Trái cây như chuối, bơ, oliu, đào lộn hột ... có một ít chất béo và hầu như không có cholesterol.

5- Khoáng chất và sinh tố

 Cơ thể cần một lượng rất nhỏ khoáng chất và sinh tố để điều hòa mọi chức năng cũng như để tăng trưởng, sinh sản. Trái cây có đầy đủ những chất này dưới dạng hoàn toàn tự nhiên, không pha lẫn hóa chất, dễ tiêu và vừa đủ cho nhu cầu hàng ngày. Tuy nhiên trái cây thường không có hoặc có rất ít sinh tố B12.

Lựa và cất giữ trái cây

Trái cây là sản phẩm mà thiên nhiên cung cấp, sẵn sàng để con người sử dụng mà không cần nhiều thời gian biến chế, sửa soạn.

Để trái cây thêm ngon, cần có sự lựa chọn kỹ càng, cất giữ đúng cách, rồi ăn đúng lúc.

Khi bầy bán trên thị trường, người ta thường phun hóa chất lên trái cây để giữ trái lâu hư cũng như để trái cây có vẻ tươi, đẹp, hấp dẫn. Vì thế, cần rửa sạch hoặc gọt vỏ trước khi ăn.

a- Trái cây tươi.

Mùa nào trái đó. Mua đúng mùa đúng lúc thì trái cây ngon hơn và rẻ hơn.

Lựa trái cây không khó khăn nếu ta để ý một chút.

Điều cần nhớ là không mua vì giá rẻ nhưng mua vì  dùng  được hoặc để dành được.

 Nếu không có nhu cầu trang trí, chưng bầy cho đẹp mắt thì bề ngoài của trái hơi có tì vết một chút cũng không ảnh hưởng tới phẩm chất của trái.  

Cũng nên nhớ rằng, hầu hết trái cây được xịt một lớp hóa chất để tăng mầu tươi, tạo vẻ ngoài đẹp hơn, nên nhiều khi “thấy vậy mà không phải vậy”. 

Khi mua về, trái chín cần được giữ trong tủ lạnh để tránh mau hư. Trước hết, lựa riêng trái hư, trái chưa chín hẳn. Không nên làm trái mau chín bằng cách phơi nắng vì các tia tử ngoại, hồng ngoại có thể làm phân hủy vài loại sinh tố.

Rửa và lau khô những trái cây có vỏ cứng và trơn tru.  

Trái có vỏ mỏng như nho, quả anh đào (cherry), các loại trái nhỏ mọng nước (berry) như phúc bồn tử (rasberry), ô rô (holly berry), trái mâm xôi đen (black berry)...thì không cần rửa khi cất giữ vì nước đọng làm trái mau hư, nhưng đừng quên rửa trước khi ăn.  

Đừng vặt bỏ cuống hoặc chóp của trái, tránh làm tổn thương tới tế bào của trái.  

Tủ lạnh cần giữ ở nhiệt độ từ 15◦C tới 21◦C, không ẩm.

Tốt hơn hết là giữ trái trong hộp kín để không khí không làm khô trái, nhưng nếu đựng trong túi nylon thì lại nên chọc thủng vài lỗ nhỏ để thoát hơi và độ ẩm. Giữ kỹ như vậy, trái có thể để dành được khá lâu.  

b- Trái cậy đóng hộp.

Với trái cây đóng hộp, cần coi kỹ nhãn hiệu có ghi rõ ràng tên trái cây, số lượng, tên và  địa chỉ nhà sản xuất, nhất là thời hạn sử dụng. Tuyệt đối không mua sản phẩm quá hạn dù giá rẻ.

 Tránh những hộp bị rò rỉ, không khí vào làm hộp phồng lên. Hộp móp vào  không sao, trừ phi  vết lõm làm rách hộp và để không khí lọt vào.  

Trái cây hộp thường được bảo quản  bằng nước đường cho khỏi hư và đường càng ngọt thì giá càng cao nhưng thời gian bảo quản lâu hơn. Đôi khi trái cây được giữ gìn với  nước thường hoặc nước ép trái cây.  

Trái cây hộp có thể giữ trong phòng ở nhiệt độ không quá 25◦ C, thoáng khí, không ẩm và có thể để dành cả năm mà phẩm chất vẫn tốt, miễn là hộp không rò rỉ và không quá hạn sử dụng do nhà sản xuất ghi trên hộp. 

c- Trái cây đông lạnh.

 Trái cây này cũng rất ngon.

Khi mua lựa thứ đông cứng nguyên cục, chứ nếu đã chảy nước hoặc hơi mềm là bắt đầu rã đá và hư.

Mang về, nếu chưa ăn, cần bỏ vào tủ đông lạnh với nhiệt độ bằng hoặc dưới độ đông lạnh. Giữ như vậy trái vẫn còn tốt tới một năm.

đ- Trái cây khô

Trái khô cần được bán trong túi sạch sẽ vã bọc kín. Trái phải mềm dẻo nhưng chắc, mầu tươi sáng, không lốm đốm mốc meo.

Trái khô có thể giữ ngoài tủ lạnh, với nhiệt độ trong nhà dưới 75◦C trong vòng nửa năm. Nếu trời nóng quá và ẩm quá thì nên để trái cây khô trong tủ lạnh, nhất là sau khi đã mở ăn dở dang, để tránh nấm mọc. 

e- Nướng trái cây.

Khi nướng, trái cây có thể là món ăn phụ thay thế cho thịt. Nướng không mất nhiều thì giờ, nhưng cần được ăn ngay.

Trái được gọt vỏ, cắt đôi, xếp úp lên vỉ hoặc chảo, quết bơ và nước trái chanh lên mặt, nướng độ mươi phút cho tới khi mặt trái hơi nâu.

Giở sang mặt kia rồi cũng quết bơ, nước chanh thêm chút đường, quế bột, nướng thêm vài phút cho tới khi nâu vàng. 

Kết luận

Thiên tài khoa học Albert Einstein có nhận xét: A table, a chair, a bowl of fruit and a violin; what else does a man need to be happy.” Một cái bàn, một cái ghế, một bát trái cây và một cây đàn violin; con người còn cần gì thêm nữa để được hạnh phúc.

Mà một trong những yếu tố mang tới hạnh phúc là có sức khỏe tốt, ít bệnh tật. Vì các khoa học gia của Trung tâm CDC Hoa kỳ quan sát thấy là, so với người chỉ tiêu thụ một số lượng khiêm nhường rau, trái cây, người dùng rộng rãi các thực phẩm này đều có khả năng giảm thiểu các rủi ro mắc bệnh mãn tính, như là tai biến động mạch não, cao huyết áp, tiểu đường và vài loại ung thư. 

Nhận xét của Einstein quá ư chính xác, phải không thưa quý thân hữu.

Nguyễn ý-Đức M.D. Texas-Hoa Kỳ

www.nguyenyduc.com 

VỀ MỤC LỤC
VỢ KHEN  Chuyện phiếm của Gã Siêu.

 

Người đời thường bảo :

- Thái quá, bất cập.

Phàm những gì quá độ, đều bất ổn. Trong khi đó, nhân đức luôn đứng ở giữa, ở cái mức trung dung.

Từ nhận định trên, gã đi vào mối liên hệ giữa anh chồng với chị vợ và đã nhận ra những thái độ quá quắt, dẫn đến những chuyện không hay trong đời sống tình cảm của cá nhân cũng như gia đình.

Thái độ thứ nhất, đó là coi vợ như đầy tớ, để rồi mặc sức “khủng bố”.

Trước hết là khủng bố về mặt tinh thần bằng những cấm đoán, áp đặt tư tưởng và lập trường của mình trên tư tưởng và lập trường của vợ, theo kiểu phu xướng vụ tùy, xuất giá tòng phu, khiến người vợ lúc nào cũng phải vâng lời tối mặt.

Tiếp đến là khủng bố về mặt thể xác bằng những đánh đập, hành hạ, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, khiến vợ phải mang thương tích, đồng thời lúc nào cũng phải sống trong tình trạng căng thẳng và ngột ngạt. Thậm chí đôi khi còn dẫn tới một cái chết oan uổng và tất tưởi.

Gã xin đưa ra một trường hợp điển hình cho những bạo hành trong gia đình :

Sau khi cưới, những ngày tháng hạnh phúc chưa được bao lâu, thì gia đình bắt đầu có mối bất hòa và rạn nứt. Ban đầu từ chuyện mẹ chồng nàng dâu, cho đến những chuyện cỏn con của đời sống vợ chồng.

Cứ không bằng lòng điều gì, chẳng cần góp ý với chị một câu nào, anh liền đánh đập chị như một thú tiêu khiển. Hết đánh, rồi tới đập phá đồ đạc và chửi bới đe nẹt chị.

Khi bị anh đánh đâp thâm tím cả mặt mày, chị quay sang cầu cứu bố mẹ chồng, nhưng cũng chẳng nhận được một sự an ủi nào. Tệ hơn nữa, bố mẹ chồng còn gọi điện, mời bố mẹ đẻ lên để “nói chuyện”. Đích điểm của những lần nói chuyện ấy chỉ là những lời lẽ chửi bới, nhục mạ, hay nhẹ nhàng nhất thì cũng dạy cho chị và và gia đình bên ngoại một bài học…(Báo Gia đình, số 13 ra ngày 26 tháng 3 năm 2007).

Thái độ thứ hai, đó là coi vợ như bà chủ, để rồi lúc nào cũng khúm núm và nơm nớp sợ hãi.

Đây là tác phong đã được Tú Xương miêu tả :

- Làm trai rửa bát quét nhà,

  Vợ gọi thì dạ, bẩm bà em đây.

Phần đông các ông chồng trên trái đất này đều mắc phải một chứng bệnh, được gọi toạc móng heo ra, là chứng bệnh “sợ vợ”. Các ông ấy đã lý sự cùn với nhau để bênh vực cho chứng bệnh vốn dĩ đã trở nên “di căn” hay “mãn tính” của mình.

Chẳng hạn :

- Mình sợ vợ mình, chứ đâu có sợ vợ người ta đâu mà lo.

Chẳng hạn :

- Mình đâu có sợ vợ, mà chỉ nể vợ.

Chẳng hạn :

- Mình làm vậy cốt để cho cửa nhà được êm ấm.

Tuy nhiên, dù biện minh thế nào chăng nữa, thì râu quặp cũng vẫn chỉ là râu quặp mà thôi. Những anh chồng sợ vợ vốn thường sống và thực thi hết mình lời khuyên bảo sau đây :

- Kính vợ đắc thọ,

  Sợ vợ sống lâu.

  Nể vợ ta hết u sầu,

  Để vợ lên đầu, thì trường sinh bất lão.

Ngoài hai thái độ bất cập kể trên, nhiều lúc gã còn gặp thấy một thái độ khác, tuy không đến nỗi tệ hại, nhưng cũng không kém phần bất ổn đó là cái thói nịnh vợ.

Thái độ này, hình như cũng  đã được Tú Xương bàn đến như sau :

- Vuốt râu nịnh vợ con bu nó.

  Quắc mắt khinh đời cái bộ anh.

Sỡ dĩ như vậy bởi vì trong thâm tâm, anh chồng luôn dành cho chị vợ một địa vị…tối ưu :

- Nhất vợ nhì giời.

Lắm lúc anh chồng nịnh một cách rất trơ trẽ, khiến người được nịnh là chị vợ cũng cảm thấy ngượng ngùng. Những lời lẽ nịnh bợ ấy sẽ phản tác dụng vì trở nên bôi bác giả hình, như muốn che lấp một ý đồ đen tối nào đó.

Để tránh đi tình trạng bi đát trên, hôm nay gã xin…”cắt thuốc” và đưa ra mấy thang “độc chiêu”, thay vì phải khen vợ thì lại được vợ khen.

Anh chồng phải nắm đàng chuôi, phải ở vào cái thế “thượng phong”  và phải chơi “nước cờ cao”…Như vậy mới xứng với đấng mày râu, mới đáng với bậc tu mi nam tử.

Thang thuốc gã đưa ra gồm bốn vị :

- Thứ nhất : đưa lương đủ.

  Thứ hai : tối ngủ nhà.

  Thứ ba : giúp việc bà.

  Thứ tư : quà đúng lúc.

Bây giờ gã sẽ bàn rộng tán dài về từng vị trong thang  thuốc tuyệt vời ấy. 

Thứ nhất : đưa lương đủ. 

Kinh nghiệm cho thấy : để làm được chuyện nọ chuyện kia, thì vấn đề đầu tiên bao giờ cũng vẫn là vấn đề…tiền đâu.

Trong phạm vi gia đình, quốc gia cũng như quốc tế, ai nắm được túi tiền, thì người đó cũng nắm được quyền lực, để rồi chi phối và bắt người khác phải quy phục mình răm rắp.

Gã xin đưa ra một thí dụ, chẳng hạn như những đồng tiền viện trợ.

Nước Mỹ vốn là nước hào phóng nhất trong vấn đề viện trợ cho các…chư hầu. Thế nhưng, một khi đã ngửa tay nhận lãnh những đồng tiền viện trợ, thì chắc chắn sẽ phải đi vào quĩ đạo của Mỹ. Mỹ bảo sao phải nghe vậy, bằng không thì sẽ bị cắt viện trợ. Lúc đó sẽ dở khóc, dở cười và dở mếu nữa.

Thành thử, dù là viện trợ nhân đạo, nhưng cũng vẫn kèm theo những điều kiện. Và những điều kiện này thường được hiểu ngầm với nhau, chứ ít khi được viết ra trên giấy trắng mực đen.

Trong phạm vi gia đình cũng vậy. Sở dĩ uy quyền của chị vợ tương đối lớn, bởi vì chị vợ vốn là “tay hòm chìa khóa”, nắm giữ tiền bạc trong gia đình.

Với vai trò của người quản lý khôn ngoan, chị vợ nào cũng muốn thâu tóm tất cả vào một mối. Vì thế, chị vợ không những muốn kiểm soát tiền lương cũng như tiền lậu, tiền bổng cũng như tiền lộc của anh chồng, mà còn muốn cứ đúng hẹn, anh chồng phải giao nộp đầy đủ, không thiếu một đồng, không thừa một cắc. Sự giao nộp đầy đủ này đem lại rất nhiều lợi ích.

Trước hết, chị vợ biết đường mà chi tiêu cho gia đình. Thực vậy, sống trong thời buổi gạo châu củi quế, vật giá leo thang đến chóng cả mặt. Vì thế, ngân sách trong gia đình thường bị thâm thủng và thiếu hụt, đôi khí tới mức độ trầm trọng.

Nắm được đầu vào, chị vợ mới có thể lên kế hoạch cho đầu ra một cách hợp tình và hợp lý, liệu cơm mà gắp mắm, cái gì không cần thiết thì gạch bỏ, chứ không bóc ngắn cắn dài, con nhà lính tính nhà quan, để suốt đời cứ bị nợ nần chồng chất.

Tiếp đến, vì tiền bạc được quản lý một cách hết sức chặt chẽ, nên chị vợ sẽ giúp cho anh chồng tránh được những thói hư tật xấu, những tệ đoan xã hội.

Đúng thế, các cụ ta ngày xưa đã bảo :

- Có tiền mua tiên cũng được.

Chính vì thế, người thời nay cũng nhận xét và thấy được rằng :

- Đờn ông, muốn hư thì phải có tiền.

Hay nói cách khác :

- Tiền dễ làm cho cánh đờn ông trở thành hư.

Thực vậy, có tiền anh chồng mới dễ dàng cùng với bè bạn chén thù chén tạc. Tăng một chưa hết, lại lê lết qua tăng hai. Có tiền, anh chồng mới dễ dàng bén mảng tới những nơi được tận cùng bằng chữ…ôm. Chẳng hạn như bia ôm, cà phê ôm, karaoke ôm…Thậm chí ở Hà Nội, theo như báo chí dăng tải, còn có cả…thịt chó ôm nữa!

Có tiền, anh chồng mới dễ dàng sa đà vào cờ bạc cũng như hút sách. Và tệ hại hơn nữa, thay vì đem tiền về để nuôi sống vợ con, anh chồng lại dùng vào việc phát triển những tình cảm sai trái và ngoài luồng, bằng cách bao gái, hay nuôi…bồ nhí, khiến cho gia đình bị đổ vỡ tan hoang.

Mặc dù quản lý chặt chẽ, nhưng chị vợ cũng nên xét tới những nhu cầu chính đáng của anh chồng, chẳng hạn như tiền xăng nhớt, cà phê cà pháo…để rồi tuồn vào ví của anh chồng một số tiền còm.

Chị vợ nên nhớ rằng tiền bạc là phương tiện làm cho cuộc sống trở nên tươi hồng, chứ không phải là cùng đích phải theo đuổi bằng bất cứ giá nào.

Đừng biến mình trở thành một thứ ngân hàng, hay kho bạc của nhà nước : có đầu vào mà chẳng có đầu ra. Nhập vô thì hồ hởi, xuất ra thì nhăn nhó.

Thiết tưởng mỗi người nên xác tín về giá trị của tiền bạc : Nó có uy lực riêng của nó. Tuy nhiên, uy lực ấy không phải là vô song và tuyệt đối như người ta vốn thường sánh  ví :

Tiền bạc có thể mua được một ngôi nhà, nhưng không mua được một mái ấm.

Tiền bạc có thể mua được một chiếc giường êm ấm, nhưng không  mua được giấc ngủ ngon lành.

Tiền bạc có thể mua được chiếc đồng hồ, nhưng không mua được thời gian.

Tiền bạc có thể mua được sách vở, nhưng không mua được kiến thức.

Tiền bạc có thể mua được địa vị, nhưng không mua được lòng tin phục.

Tiền bạc có thể mua được thuốc men, nhưng không mua được sức khẻo.

Tiền bạc có thể mua được tình dục, nhưng không mua được tình yêu…. 

Thứ hai : tối ngủ nhà. 

Đây là một vị thuốc rất cần cho sức khỏe của gia đình, nhất là đối với các gia đình trẻ, mới được bố mẹ cho…ra riêng.

Thực vậy, lúc bấy giờ, tình yêu còn đang mặn nồng và hơn thế nữa trong chiếc tổ ấm dễ thương ấy, thường chỉ có hai vợ chồng : đi ra thì cũng chỉ ta với mình, đi vào thì cũng chỉ mình với ta. Có thêm chăng nữa, chỉ là một đứa con.

Cứ tưởng tượng ra xem : chị vợ sau khi nấu nướng xong xuôi, ngồi đợi anh chồng về để cùng ăn. Thế nhưng, anh chồng lúc đó lại đang bận lai rai với các chiến hữu, ba hoa đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất, bởi vì tửu nhập thì ngôn xuất, rượu vào thì lời ra.

Cái cảm giác chờ đợi, khiến cho chị vợ dễ dàng bực bội và tức tối, bởi vì :

- Ngồi chờ không bực cho bằng ngồi chực nồi cơm.

Thức ăn nguội dần, chị vợ ngồi xơi một mình mà nuốt chẳng trôi. Bực bội tức tối đã  đành mà còn thắc thỏm lo âu :

- Giờ này anh ấy đang ở đâu và với ai ? Trên đường về có gặp phải tai nạn gì không ?

Mãi tới khuya anh chồng mới về tới nhà trong tình trạng chân nam đá chân chiêu, toàn thân bốc lên một mùi rượu nồng nặc, ấy là chưa kể tới cái cảnh anh chồng…OK thau, cho chó ăn chè. Như vậy, làm sao chị vợ có thể chịu đựng  nổi.

Ngoài ra, ban ngày bàn dân thiên hạ phải lao động cật lực, đầu tắt mặt tối, người nào việc nấy. Vì thế, khi màn đêm buông xuống mới chính là lúc người ta nghỉ ngơi, chơi bời, du hí.

Bóng đêm như đồng lõa, ma dẫn lối quỉ đưa đường, khiến cho anh chồng loạng quạng mò tới những địa chỉ đen. Và ở đó, anh chồng làm gì và với ai thì chỉ có ông trời mới biết được mà thôi.

Vì thế, tối ngủ nhà là thượng sách. Giống như trong thời chiến, binh lính thường phải cắm trại một trăm phần trăm. Riêng ban đêm thường có lệnh giới nghiêm, người dân ai ở nhà nấy, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Cũng vậy, tối về ngủ nhà dưới sự chăm sóc và quản lý chặt chẽ của chị vợ, anh chồng sẽ như một cầu thủ ở trong cái thế…việt vị, bất nhóc nhách, chẳng còn sơ múi gì nữa. Và như vậy, theo sự diễn tả của truyện Tây Du Ký, thì anh chồng sẽ tránh được biết bao nhiêu thứ yêu tinh, biết bao nhiêu  ổ nhền nhện, biết bao nhiêu hang tội lỗi…Một cuộc sống trong lành và mạnh khỏe như mở ra và chờ đón ở phía trước. 

Thứ ba : giúp việc bà. 

Thời buổi bây giờ là thời buổi nam nữ bình quyền. Người chồng ngang hàng với người vợ. Và người vợ cũng ngang hàng với người chồng. Vì thế, cả hai đều phải chia sẻ trách nhiệm và bổn phận với nhau.

Ngày nay, nhiều chị vợ không phải chỉ biết làm bạn với nồi niêu xoong chảo nơi xó bếp, mà còn anh dũng tiến ra ngoài xã hội, đảm nhận những công việc quan trọng và cũng đã gặt hái được những thành quả sáng chói.

Nếu để cho chị vợ, một vai gánh việc nước, một vai lo việc nhà, thì e rằng quá sức chịu đựng của loài người ? Vì thế rất cần sự quan tâm và giúp đỡ của anh chồng.

Có lẽ cái thời chồng chúa vợ tôi cần phải qua đi, vì không còn thích hợp. Thực vậy, ngày xưa có những ông chồng sau giờ làm việc trở về nhà, thì liền ngồi đọc báo, xem TV và…chờ cơm. Việc bếp núc được coi như là việc riêng của người vợ.

Cái não trạng này đang dần dần được thay đổi. Nhiều anh chồng cũng đã lăn xả vào bếp để tiếp sức với chị vợ. Nếu không thổi được nồi cơm, thì cũng có thể làm được một món ăn, chẳng hạn như luộc rau, kho thịt…

Nếu không làm được món ăn, thì cũng có thể ngồi nhặt hành, băm tỏi…Thấy anh chồng đầy thiện chí như vậy, chị vợ nào mà chẳng vui mừng như mở cờ trong bụng.

Thậm chí khi nhìn thấy đôi bàn tay “hậu đậu” và lóng ngóng của anh chồng, chị vợ bèn giành lấy công việc về cho mình một cách đầy yêu  thương và trìu mến :

- Thôi anh nghỉ đi, để em làm.

Ngoài chuyện bếp núc, anh chồng còn có thể giúp đỡ chị vợ những việc lặt vặt thuộc nhiều lãnh vực khác nữa, chẳng hạn như trang hoàng nhà cửa, dạy bảo con cái, trồng bông tưới kiểng, nuôi gà nuôi vịt…

Tóm lại, cả hai cùng cộng tác với nhau trong việc tổ chức và điều hành gia đình, để gia đình thực sự trở thành một mái ấm ngập tràn yêu thương và hạnh phúc.

Những sự giúp đỡ này, tuy âm thầm và nhỏ bé, nhưng lại có sức hâm nóng tình yêu và làm cho bầu khí gia đình thêm ấm cúng. 

Thứ tư : quà đúng lúc. 

Trong hoàn cảnh khó khăn, người ta chỉ mong sao được ăn no và mặc ấm. Để ăn no, thì lắm khi “ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch”. Để mặc ấm, thì áo đụp, áo kép đắp lên người hai ba lớp miễn sao cho khỏi run lên lập cập

Thế nhưng, khi hoàn cảnh khó khăn ấy đã qua đi và một tương lai tươi sáng đã hé mở, thì từ chỗ ăn no mặc ấm, người ta ước mơ được ăn ngon mặc đẹp. Và thế là phú quí sinh lễ nghĩa.

Trong những tháng năm gần đây, gã đã thấy xuất hiện tại Việt Nam nhiều lễ hội để tôn vinh phe đờn bà con gái. Ngoài những lễ hội cổ truyền như tết Nguyên đán, còn có :

- Ngày tình yêu 14 tháng 2.

- Ngày phụ nữ quốc tế, mồng 8 tháng 3.

- Ngày tưởng nhớ công ơn mẹ hiền vào Chúa nhật thứ hai trong tháng năm.

- Nếu chị vợ đi dạy học thì có ngày nhà giáo 20 tháng 11. Nếu chị vợ làm bác sĩ, thì có ngày thầy thuốc 27 tháng 2.

Ngoài ra, trong lãnh vực riêng tư còn có một số những ngày khác, đánh dấu những kỷ niệm khó quên trong đời, chẳng hạn ngày sinh, ngày cưới…Và nếu là người Công giáo, thì còn có ngày mừng kính thánh bổn mạng.

Vì thế, một anh chồng lịch sự và tế nhị, cần phải ghi những ngày đáng nhớ này vào sổ tay của mình, để rồi cứ đúng hẹn lại lên. Hãy biểu lộ tình cảm và sự ga lăng của mình vào đúng những ngày trọng đại ấy bằng một cử chỉ đặc biệt, chẳng hạn như mời chị vợ đi ăn nhà hàng, hay tổ chức một bữa cơm thân mật trong gia đình.

Hay bằng một  quà tặng nào đó.  Dĩ nhiên, quà tặng phải tùy theo túi tiền của mình. Có khi không cần đến một quà tặng đắt giá, chỉ một bông hồng mà thôi cũng đủ làm cho chị vợ cảm động đến chớp chớp đôi mắt và rưng rưng như muốn khóc.

Hỡi những anh chồng khốn khổ ơi!

Xin hãy nghe lời xúi dại của gã chỉ một lần :

- Chịu khó uống thang thuốc bắc gã đã cắt, gồm bốn vị chính : Đưa lương đủ, tối ngủ nhà, giúp việc bà, và quà đúng lúc.

Gã sẽ bảo đảm “chăm phần chăm” thế nào các anh cũng được chị vợ của mình khen lấy khen để và bỗng dưng trở thành những con người thật dễ thương mà chẳng mất đồng xu cắc bạc nào cả.

Gã Siêu   gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************