Nghệ Thuật Thánh Và Dụng Cụ Thánh |
Hiến Chế Về Phụng
Vụ Thánh
Sacrosanctum
Concilium
Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học
Viện Piô X
Prepared for Internet by Vietnamese
Missionaries in Asia
Chương VII
Nghệ Thuật Thánh
Và Dụng Cụ Thánh
122. Giá trị của
nghệ thuật thánh.
Trong những hoạt động cao quí nhất của tài năng con người, rất
đáng kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo mà tột đỉnh
của nghệ thuật này chính là nghệ thuật thánh. Tự bản tính, nghệ
thuật thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của
Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại; nghệ thuật này càng làm
cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác
phẩm đó không nhằm chủ đích nào khác ngoài sự góp phần tích cực
vào việc đạo đức là hướng tâm trí người ta về cùng Chúa.
Vì thế, Giáo Hội Mẹ Cao Sang, luôn luôn là
bạn của mỹ thuật và không ngừng tìm đến sứ mạng cao quí của mỹ
thuật, nhất là để những vật dùng vào việc phụng tự thánh được
thực sự xứng đáng thích hợp và mỹ thuật, đồng thời biểu thị và
tượng trưng những thực tại trên trời; Giáo Hội cũng luôn lo huấn
luyện các nghệ thuật gia. Hơn nữa, Giáo Hội vẫn tự coi mình như
vị thẩm phán về mỹ thuật, xét xem trong những tác phẩm của các
nghệ sĩ, tác phẩm nào thích hợp với đức tin, với lòng đạo đức,
và với những luật lệ truyền thống trong đạo, cũng như xem xét
những tác phẩm nào xứng đáng dùng vào việc thánh.
Giáo Hội hằng đặc biệt lo lắng sao cho vật
dụng thánh góp phần trang trọng vào việc phụng tự một cách xứng
đáng và mỹ thuật, đồng thời chấp nhận những thay đổi về chất
liệu, về hình thức, cũng như về trang trí do tiến triển kỹ thuật
trải qua các thời đại đem đến.
Vì thế về điểm này, các Nghị Phụ quyết ấn
định những điều sau đây.
123. Các kiểu
nghệ thuật. Giáo Hội
đã không hề coi một kiểu nghệ thuật nào như là của riêng, nhưng
công nhận các kiểu của bất cứ thời đại nào, tùy theo đặc tính và
hoàn cảnh của các dân tộc, cũng như tùy theo nhu cầu của các
Nghi Lễ khác nhau; những kiểu nghệ thuật này, trải qua các thế
kỷ, đã tạo nên một kho tàng nghệ thuật cần thiết hết sức duy trì
cẩn thận. Ngay cả những nghệ thuật trong thời đại chúng ta, nghệ
thuật của mọi dân tộc và mọi miền, cũng phải được tự do thi thố
trong Giáo Hội, miễn là vẫn giữ được vẻ tôn kính trang trọng
phải có trong các thánh đường cũng như trong các nghi lễ thánh.
Như thế, nghệ thuật đã có thể hòa giọng với bản nhạc vinh quang
kỳ diệu mà những bậc vĩ nhân đã từng ca hát qua các thế kỷ để ca
tụng đức tin công giáo.
124. Phát động và
cổ võ nghệ thuật thánh đích thực.
Các Ðấng Bản Quyền trong khi phát động và cổ võ nghệ thuật thánh
đích thực, hãy nhắm tới vẻ đẹp cao quí hơn là chỉ nghĩ tới vẻ xa
hoa lộng lẫy. Ðiều này cũng nói về phẩm phục và đồ trang trí
nữa.
Các Ðức Giám Mục hãy cẩn thận lo loại trừ
khỏi thánh đường cũng như những nơi thánh khác những tác phẩm
nghệ thuật nào nghịch với đức tin và phong hóa, nghịch với lòng
đạo đức Kitô giáo, cũng như những tác phẩm làm tổn thương ý
nghĩa tôn giáo đích thực, hoặc vì hình thức tồi bại, hoặc vì
thiếu nghệ thuật, tầm thường hay giả tạo.
Còn về việc xây cất thánh đường, cũng phải
cẩn thận lo liệu làm sao để xứng hợp với việc chu toàn các hoạt
động phụng vụ và giúp các tín hữu có thể tham dự một cách linh
động.
125. Ảnh tượng
thánh trong các thánh đường.
Phải kiên quyết duy trì thói quen đặt ảnh tượng thánh trong các
thánh đường cho các tín hữu tôn kính; tuy thế số các ảnh tượng
ấy chỉ vừa phải thôi và phải được sắp xếp sao cho thích hợp,
đừng làm chia trí cho giáo dân, cũng đừng làm cho giáo dân có
lòng tôn sùng thiếu đứng đắn.
126. Ủy Ban giáo
phận đặc trách Nghệ Thuật Thánh.
Trong việc thẩm xét những tác phẩm nghệ thuật, các Ðấng Bản
Quyền địa phương hãy lắng nghe ý kiến của Ủy Ban giáo phận đặc
trách Nghệ Thuật Thánh, và trường hợp nào cần thiết, nên nghe
những người rất thành thạo khác cũng như những Ủy Ban đã nói
trong các khoản 44, 45, 46.
Các Ðấng Bản Quyền phải thận trọng săn sóc
kẻo dụng cụ thánh hoặc các nghệ phẩm giá trị, là những vật trăng
hoàng nhà Chúa, bị di nhượng hoặc tiêu hủy.
127. Ðào tạo các
nghệ sĩ. Các Giám
Mục, hoặc phải tự mình hoặc phải nhờ các linh mục đủ khả năng,
thông thạo và yêu thích nghệ thuật, lưu tâm đến các nghệ thuật
gia sao cho họ thấm nhuần tinh thần Nghệ Thuật Thánh và Phụng Vụ
Thánh.
Ngoài ra cũng khuyến khích thành lập những
trường học hay những Học Viện về Nghệ Thuật Thánh ở những miền
xét ra là nên thành lập để đào tạo các nghệ thuật gia.
Riêng đối với tất cả những nghệ thuật gia,
những người sẵn có tài năng muốn phụng sự Thiên Chúa để làm vinh
danh Người trong Giáo Hội, phải luôn luôn nhớ rằng họ làm một
việc thánh, một phần nào họ giống như Thiên Chúa, Ðấng Sáng Tạo,
họ sáng tác những tác phẩm dùng vào việc thờ phượng trong đạo
Công Giáo, đồng thời họ cũng cảm hóa các tín hữu, cho họ thêm
lòng đạo đức và huấn luyện giáo lý cho họ nữa.
128. Duyệt lại
các luật lệ về nghệ thuật thánh.
Những khoản luật và qui chế của Giáo Hội nói về việc bài trí
những đồ dùng bên ngoài liên quan đến việc thờ phượng, nhất là
về việc xây cất thánh đường cho xứng đáng và thích hợp, về hình
thức và cách xây dựng bàn thờ, về vẻ trang trọng, lối sắp đặt và
tính cách bền chắc của nhà tạm thánh thể, về chỗ thích hợp và
danh dự cho giếng rửa tội, cũng như về lối trưng bày ảnh tượng
thánh, trần thiết và trang bị sao cho hòa hợp: tất cả những luật
lệ về các vấn đề trên phải được duyệt lại càng sớm càng tốt,
đồng thời với các sách phụng vụ theo qui tắc khoản 25: những
điều nào xem ra ít hợp với phụng vụ canh tân thì hãy tu chỉnh
hay loại bỏ; còn những điều nào phù hợp thì phải giữ lại hoặc
thêm vào.
Về vấn đề này, nhất là về chất liệu và hình
thức vật dụng thánh và phẩm phục, thì Hội Ðồng Giám Mục địa
phương có quyền thích nghi với các nhu cầu và phong tục địa
phương, chiếu theo qui tắc khoản 22 của Hiến Chế này.
129. Huấn luyện
nghệ thuật cho hàng giáo sĩ.
Các giáo sĩ, trong thời gian theo học Triết học và Thần học,
cũng phải được học hỏi về lịch sử và biến chuyển của nghệ thuật
thánh, cũng như về nguyên tắc lành mạnh mà các tác phẩm nghệ
thuật thánh phải dựa theo; như thế họ sẽ biết quí trọng và duy
trì những công trình đáng kính của Giáo Hội, cũng như có thể đưa
ra những ý kiến thích hợp cho các nghệ thuật gia trong khi thực
hiện các tác phẩm.
130. Huy hiệu
Giám Mục. Nên dành
riêng việc xử dụng phẩm phục hay huy hiệu Giám Mục cho những
nhân vật trong Giáo Hội có chức Giám Mục hoặc có thẩm quyền đặc
biệt nào đó.
Phụ Lục
Tuyên Ngôn
Của Thánh Công
Ðồng Chung Vaticanô II
Về Việc Tu Chỉnh
Niên Lịch
Thánh Công Ðồng Vaticanô II không phải là
ít quan tâm đến nguyện vọng của nhiều người về việc ấn định ngày
lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật nhất định, và về việc thiết
lập một niên lịch vĩnh viễn. Sau khi đã cẩn thận cân nhắc mọi
điều có thể xảy ra do việc đưa ra một niên lịch mới, Thánh Công
Ðồng tuyên bố những điều sau đây:
1. Thánh Công Ðồng không phản đối việc ấn
định ngày lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật nhất định trong
niên lịch Gregorianô, miễn là có sự đồng ý của những người liên
hệ, nhất là các anh em ly khai với Tông Tòa.
2. Cũng thế, Thánh Công Ðồng tuyên bố là
không phản đối những sáng kiến có liên hệ đến việc đưa vào xã
hội dân sự một niên lịch vĩnh viễn.
Tuy nhiên, trong các hệ thống khác nhau
được trù tính để thiết lập một niên lịch vĩnh viễn và đưa vào xã
hội dân sự, Giáo Hội chỉ không phản đối những hệ thống nào còn
duy trì và bảo vệ tuần lễ 7 ngày với ngày Chúa Nhật, không thêm
vào một ngày nào khác trong tuần, để sự kế tiếp các tuần lễ vẫn
được nguyên vẹn, trừ khi có những lý do hết sức quan trọng mà
Tông Tòa sẽ phán quyết.
Tất cả và từng điều đã được ban bố trong
Hiến Chế này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận.
Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị
Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế
định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết
nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.
Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 4 tháng 12
năm 1963.
Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.
Miễn Thi Hành
Luật
Ðối với Hiến Chế về "Phụng Vụ Thánh" vừa
được phê chuẩn, Ðức Thánh Cha đã quyết định miễn thi hành luật
cho tới ngày Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay 16 tháng 2 năm 1964.
Trong thời gian đó, Ðức Thánh Cha sẽ quyết định thời gian và
cách thức thi hành các chế định mới của Hiến Chế này. Vì vậy
không ai được phép tự mình thi hành các chế định mới này trước
thời gian trên.
Pericles Felici
Tổng Giám Mục hiệu tòa Samosate
Tổng Thư Ký Thánh Công Ðồng. |
VỀ MỤC LỤC |
|
“TÔI BIẾT CHIÊN CỦA
TÔI, VÀ CHIÊN CỦA TÔI BIẾT TÔI”
|
Quý độc giả Ephata và Công Giáo Sĩ Việt
Nam thân mến,
Những ngày vừa qua, sau khi viết bài “HÃY
CỨU LẤY TÂY NGUYÊN...”, chúng tôi mang một tâm trạng rất lạ, vừa
vui vừa buồn, vừa phấn khích lại vừa lo âu. Tuy nhiên, thú thật,
chúng tôi tự đọc lòng mình thì không thấy có nỗi sợ, dù là một
thoáng. Tôi xin phép được bộc bạch chân thành.
Vui và phấn khích là vì, hoá ra anh chị em
đồng đạo với mình, không chỉ đồng đạo mà còn đồng tâm nhất trí
với nhau rất cao trong nỗi xót xa trăn trở quê hương bị dày xéo,
trong nỗi giận quốc thể bị xúc phạm. Không phải dăm ba chục
người, hay vài trăm người, mà là hàng ngàn người khắp mọi nơi,
Bắc Trung Nam, trong nước ngoài nước, đủ mọi thành phần, già trẻ
lớn bé, từ bà nội trợ đến những cô giáo, từ anh xe ôm đến ông
bác sĩ, từ chị tiếp thị đến cụ già hưu trí, từ chú công nhân đến
bạn sinh viên...
Ấy đấy, sát nghĩa của từ “quần chúng nhân
dân”, ai cũng bật lên tiếng kêu: may quá, đã có một ai đó liều
lĩnh dám la toáng lên để họ được dịp cùng la theo, thành một
tiếng “la vang”, đại diện cho khối mấy triệu người Công Giáo,
một phần mười của quốc dân đồng bào chứ ít ỏi gì đâu. Mà bất ngờ
lắm, một số chức sắc và không ít tín đồ các tôn giáo bạn, cả
những người vô thần, cũng không tị hiềm mà tiến lại đứng bên
cạnh, cùng la, cùng kêu.
Không phải hô hoán linh tinh nhộn nhạo, mà
là “chúng khẩu đồng thanh”, một tiếng lòng, tiếng của Sự Thật.
Cứ tưởng họ mải mê chuyện sinh nhai, cứ tưởng họ thờ ơ với thời
sự đất nước, cứ tưởng họ khiếp sợ nem nép trước cường quyền, đâu
ngờ, chỉ cần một hiệu triệu, họ đến ngay. Và đây là lần tập họp
sơ bộ, như là thố lộ, như là biểu dương, nhưng chưa phải thế mà
xong, họ chờ một “Diên Hồng” từ cấp cao hơn, lớn hơn.
Chúng tôi lại cũng không giấu giếm một nỗi
buồn và rất nhiều lo âu. Xin nói cái lo âu trước, bởi rõ ràng
không sợ hãi là may rồi, chứ làm gì mà không lo ? Người ta nhao
nhao lên xỉa xói, chửi rủa, gán ghép chụp mũ đủ thứ tội danh
nghiêm trọng để đòi trừng trị bỏ tù. Cường quyền này đã từng và
vẫn luôn là bạo quyền, nên đã từng có bao lớp người phải trả giá
đau xót.
Lo là lo người ta quen chơi trò bóng tối,
không chịu ra đòn công khai, nhưng cứ rình dịp mà “hàm huyết
phún nhân”, nhẹ thì gây tai nạn như thể chuyện tình cờ rủi ro,
mà nặng thì tung hoả mù bôi nhọ danh dự, gây hoang mang dao động
cho quần chúng đang yêu mến ủng hộ cá nhân và tập thể Nhà Dòng
chúng tôi.
Nhưng ngẫm nghĩ mấy cái chiêu này cũng đã
cũ rích, không khéo họ đã phát kiến chiêu khác mờ ám hơn, hiểm
độc hơn. Chúng tôi phục vụ chương trình Bảo Vệ Sự Sống nên vẫn
hay tự nhủ và căn dặn nhau phải cẩn thận: một khi người ta đã
thản nhiên chủ trương cổ võ chuyện phá thai để kế hoạch hoá dân
số thì người ta dám làm mọi chuyện gian ác tàn nhẫn khác.
Nhưng cái lo như thế thật ra không nặng nề
bằng nỗi buồn. Cái lo ấy nó dội lên ngay lúc bài viết chúng tôi
vừa tung ra đã bị báo chí phản ứng dữ dội, nhưng rồi nó dịu
xuống. Cái buồn mới ghê, nó âm ỉ, dai dẳng từ lâu rồi, từ trước
vụ “Bauxite Đỏ” này cơ. Bây giờ thì nó chỉ cộng thêm, dồn nén,
làm mình rũ ra, kiệt sức, lắm khi cám dỗ mình tuyệt vọng, bế
tắc, mất lòng tin. Bao nhiêu chuyện chấn động trong hơn một năm
qua, chỉ tính riêng bên nội bộ Công Giáo: Toà Khâm Sứ, Thái Hà,
các Dòng Tu và các Giáo Xứ trong Nam, ngoài Bắc. Vậy mà... Chúng
tôi xin đành viết như thế rồi bỏ lửng...
Trời ơi, khi kêu gọi mọi người hưởng ứng
cứu lấy Tây Nguyên, cùng với tên họ người ghi danh gửi về, không
ít lần chúng tôi xúc động thấy bà con mình can đảm lắm, nhất là
anh chị em đang sống ngay trên quê hương đầy bất trắc này. Họ kê
ra hơn chúng tôi yêu cầu rất nhiều: đầy đủ chi tiết, số nhà, tên
đường, phường, quận, ấp, xã, tỉnh thành, cứ như khai lý lịch.
Nhiều người nêu ra công việc và cụ thể cơ sở, công ty, văn
phòng, bệnh viện, trường học mình đang làm việc, chẳng e sợ bị
theo dõi đầy đoạ gì. Các bạn học sinh ghi rõ cả lớp, các em sinh
viên cho biết khoa, trường đại học của mình. Chúng tôi đã định
đánh bạo gửi Mail hỏi lại sao anh chị em liều thế, không sợ ư,
nhưng rồi thôi không dám, e như thế là xúc phạm đến lòng quả cảm
đầy tự trọng của họ khi họ quyết định lên tiếng “chống Bauxite
Đỏ”.
Trời ơi, có người ghi tên trọn vẹn cả gia
đình, vợ chồng, con cái, dâu rể, cả tên những em bé mà họ ghi rõ
“chưa đi học”. Chúng tôi thoáng băn khoăn, ơ hay, “chưa đi học”
thì đâu đã ý thức gì mà bảo là ủng hộ với lại chống đối một
chuyện tày đình của đất nước ? Nhưng rồi chúng tôi kịp hiểu
ngay: đây là chuyện ảnh hưởng cả dân tộc, cả thế hệ. Em bé tý
xíu chưa biết gì, nhưng cha mẹ bé kiên quyết không muốn con cháu
mình phải gánh chịu hậu quả bi đát do sự hèn nhát câm lặng của
thế hệ đi trước.
Trời ơi, có người đi vận động bạn bè quen
biết mình, rồi đứng ra lập danh sách gửi về. Đọc ghi chú về nghề
nghiệp là hiểu ngay họ là những người hết sức bình dân, ngoài xã
hội không có chức tước danh phận gì, đúng là thân “con sâu cái
kiến” so với cái quyền lực khổng lồ của các “đầy tớ nhân dân” mà
họ phải gánh vác trên lưng trên cổ. Họ là ông xe ôm, là bà nội
trợ, là chị tiểu thương, là anh bốc vác, là mấy bạn công nhân Xa
Quê. Rõ ràng họ cùng sống một xã, một phường, một Giáo Xứ. Họ
chẳng phải là bị dụ dỗ lôi kéo vào hùa với nhau đâu, bởi có được
lãnh “năm chục nghìn bồi dưỡng”, có được hưởng cái gì đâu ngoài
những rắc rối có thể lãnh đủ sau khi tên mình được tung lên trên
mạng ? ! ?
Trời ơi, có nơi xa xôi tít mù tận Bắc Âu,
người Giáo Dân Việt chỉ là thiểu số nhưng vẫn vào trao đổi với
cha xứ người địa phương để bàn bạc, và họ cùng đề nghị chúng tôi
cố gắng có được văn bản bài viết “HÃY CỨU LẤY TÂY NGUYÊN...”
bằng tiếng Anh để cha xứ sẽ tìm ra cách để vấn đề được nêu lên
rộng hơn, sâu hơn, đánh động cả những người Giáo Dân mắt xanh
tóc vàng sở tại, bởi ngài bảo: đâu phải chỉ là chuyện của riêng
Việt Nam, đây là vấn nạn môi trường chung của cả thế giới, của
toàn nhân loại. Thế là chúng tôi tìm hỏi xem ai bên Việt Nam có
thể dịch bản văn sang tiếng Anh, không đầy 15 phút gọi điện
thoại, có ngay một cô gái trong Nhóm BVSS ở Sàigòn nhận lời. Nay
mai chúng tôi sẽ vừa gửi sang Bắc Âu vừa post lên Web để các nơi
có thể vận dụng.
Ngay sau khi nhận về khoảng vài chục
E-Mails ghi danh hưởng ứng đầu tiên, chúng tôi có nằm mơ cũng
không ngờ rồi sẽ có lúc lên đến con số 2.000 và có thể còn hơn
thế nữa. Rồi chúng tôi nẩy ra ý phải thống nhất cách ghi các dữ
liệu để từ đó có thể thống kê. Nhiều anh em cho là làm như thế
mất thì giờ, lại có vẻ khoe khoang phô trương lực lượng. Nhưng
rồi lại hoá hay, cứ xem bảng thống kê từng chặng sơ kết, ta đọc
được tình hình chung, tinh thần chung. Dẫu kết quả cũng chỉ
tương đối đi nữa thì cũng đủ vẽ lên một dáng vẻ “đàn chiên” nhà
mình đã và đang khao khát thế nào, nhờ vậy các Giám Mục, nghĩa
là các vị Mục Tử cấp cao càng thấy thấm thía và khích lệ để lên
tiếng và hành động chung.
Này nhé, có bao nhiêu Linh Mục, bao nhiêu
Tu Sĩ nam nữ tham gia bên cạnh anh chị em Giáo Dân của mình ?
Thành phần của anh chị em là những chức danh trí thức, nghề
nghiệp bình dân nào trong xã hội ? Sinh viên học sinh là đối
tượng giới trẻ được kỳ vọng thì như thế nào bên cạnh các cụ hưu
trí ? Lại có thể thấy anh chị em kiều bào khắp nơi luôn gắn bó
với quê nhà ruột thịt ra sao ? Ngay trên đất Mỹ, tiểu bang nào
có đông người Việt là thấy rõ tỷ lệ tham gia lên tiếng ngay. Còn
tại Việt Nam, các tỉnh Đăknông và Lâm Đồng, các Giáo Phận Buôn
Ma Thuột và Đà Lạt, nơi đang bị đào xới tang thương, đang bị
nhuốm một thứ màu đỏ nhớp nhúa, sẽ có được bao nhiêu người dân
lên tiếng so với các tỉnh thành khác ! ? !
Lại có rất nhiều anh chị em gửi Mail hoặc
gọi phone cật vấn chúng tôi trong tinh thần quý mến đồng cảm:
“Cha kêu gọi ghi danh rầm rộ như thế này để
làm gì ? Rồi ra có rơi vào cõi mênh mông thinh lặng chăng ? Sau
bước này, kế tiếp cha sẽ là gì ? Có đánh trống rồi lại bị...
tước mất dùi hay không ?”
Rõ ràng chúng ta chẳng có hy vọng gì đối
với phía “thế gian”. Ngay từ đầu, chúng tôi đã nghĩ: có “kiến”
mấy cũng chẳng được “nghị” gì đâu. Nên chuyện này là chuyện kêu
lên với nhau và kêu từ dưới lên trên trong giới Công Giáo.
Ít ra người ngoài Công Giáo họ không trách
chúng ta vô tâm vô cảm, bàng quan đi bên lề những chuyện nhân
sinh nóng bỏng của đất nước. Nhưng nhiều hơn, chúng ta mong đợi
từng vị Mục Tử, và ước gì, toàn Hội Đồng các vị Mục Tử nhà mình,
với tầm nhìn xa, với tấm lòng chạnh thương cũng sẽ hiểu được
thao thức của đàn lũ hàng triệu con chiên con cừu, hay nói theo
kiểu “Việt Nam hoá” thì là hàng triệu... con trâu, con nghé đang
vểnh tai, dõi mắt đến gần như mòn mỏi !
Chúng tôi lục lại trong kho data máy vi
tính của mình các truyện kể minh hoạ Giáo Lý Tin Mừng, thấy có
mấy cậu truyện hay quá, có liên quan đến mục đích và đối tượng
tiên quyết của chuyện ghi danh “chống Bauxite Đỏ” này. Xin phép
kể:
Thời Đường Thái Tông bên Trung Quốc ngày
xưa là một giai đoạn đất nước cường thịnh. Nhà vua có một cô
công chúa tài sắc vẹn toàn, vì thế, có nhiều vị vua chư hầu muốn
đến cầu hôn. Cuối cùng, nhà vua đề ra một cuộc thi tài, nếu ai
vượt qua được thì sẽ được chọn làm phò mã.
Chặng thi sau hết là chặng khó nhất, chỉ
còn có mấy chàng trai tài giỏi lọt lại. Vua Đường Thái Tông cho
nhốt chung 100 con ngựa mẹ và 100 con ngựa con mới đẻ. Làm sao
để có thể phân biệt được con ngựa con nào là con của con ngựa mẹ
nào ?
Tất cả đều vò đầu bứt tai xin chịu thua.
Chỉ có một anh vua trẻ nước Thổ Phồn, vốn bị mọi người coi
thường nhất, đã nghĩ ra một cách. Anh xin nhốt riêng ngựa mẹ,
tách hẳn khỏi chuồng nhốt ngựa con, bắt lũ ngựa con phải nhịn bú
sữa trong một ngày. Hôm sau, anh lại đề nghị cho tất cả ngựa con
ngựa mẹ vào chung một chuồng lớn. Thế là lũ ngựa con đói quá đã
lao xao chạy đi tìm đúng ngựa mẹ của nó để bú. Thế là chính cái
anh rất trẻ, vua của một xứ được coi là man di này đã thắng
cuộc...
Ấy là truyện xưa tích cũ hồi nảo hồi nào.
Bây giờ chúng tôi xin kể tiếp một truyện khác, hiện đại. Trong
một bộ phim Bảo Vệ Sự Sống của đài truyền hình TV5 nước Pháp,
tên là “Le bébé est une personne”, chúng tôi bắt gặp được một
trường đoạn hết sức dễ thương và xúc động đến nao lòng:
Tại một bệnh viện phụ sản thủ đô Paris, người ta chuẩn bị cho
một cuộc thử nghiệm bằng cách mời gọi một bà mẹ đặt tên trước
cho đứa bé trai tuổi thai mới được 5 tháng. Thằng cu được chọn
tên là Nicolas. Trong suốt mấy tháng trời, ngày nào bà mẹ cũng
vừa xoa nhẹ trên bụng mà gọi tên con, trò chuyện với con.
Đến ngày sinh, đứa bé được cho cách ly, nằm
riêng trong một cái nôi, ngủ say giấc thiên thần. Người ta chọn
thêm 3 người phụ nữ có âm giọng tương tự như bà mẹ đẻ của em bé.
Tất cả ngồi trong căn phòng, vòng quanh chiếc nôi, cách em bé
một khoảng bằng nhau. Thế rồi, lần lượt, ba phụ nữ kia gọi tên
Nicolas nhiều lần cách quãng nhau, chú bé vẫn tỉnh bơ như không.
Đến đúng bà mẹ đẻ lên tiếng:
“Nicolas !”
thì thằng c u liền
cựa quậy, rồi mở mắt, rồi khóc ré lên đòi mẹ cho bằng được.
Cuộc thí nghiệm được lập lại nhiều lần, kết
quả đều y như thế ! Hơi mẹ, sữa mẹ, và nhất là tiếng mẹ đã khiến
cho đứa con nhận ngay ra sự hiện diện của mẹ mình.
Chúa Nhật 3.5.2009 này, Hội Thánh mừng kính
vị Hôn Phu đã Phục Sinh vinh quang, cũng là vị Mục Tử Nhân Lành
của mình, chúng tôi xin được kết thúc bài viết tâm huyết này
bằng chính Lời Chúa Giêsu, Đấng là Mục Tử, đã nhân lành lắm nên
cũng yêu thương gắn bó lắm, và cũng sẵn sàng can đảm đứng ra bảo
vệ lấy đàn chiên của mình lắm, Ngài bảo như một lời trấn an phủ
dụ với “đàn ngựa con” đang khát sữa, mà đồng thời vẫn là một lời
cam kết xác quyết:
“Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi. Tôi biết
chúng và chúng theo Tôi”
( Ga 10, 27 )
Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, thứ năm 30.4.2009 |
VỀ MỤC LỤC |
|
CHUYỂN TRƯỜNG HỌC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN: ĐỂ PHỤC VỤ AI?
|
Cách đây gần một năm, Bộ GD-ĐT
từng chuẩn bị tổ chức một hội nghị về thí điểm cổ phần hóa
giáo dục (CPHGD), nhưng hội nghị đó đã không diễn ra. Mới
đây, Bộ Tài chính đã khơi lại vấn đề bằng việc ban hành Dự
thảo quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có
thu, trong đó có giáo dục-đào tạo, thành công ty cổ phần
hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Những lập luận không
thuyết phục
Trong
nhiều hội thảo liên quan đến GD, GS Phạm Phụ - người
từng bỏ nhiều công sức nghiên cứu về GD- từng phân tích:
"Ngay trong chủ thuyết của cơ chế thị trường, không phải
tất cả mọi thứ, trong đó có GD, đều phải tuân theo cơ
chế thị trường, bởi GD là thị trường của niềm tin. GD
không chỉ đem lại lợi ích cho người học mà còn đem lại
lợi ích cho xã hội, cho nên nhìn chung trên khắp thế
giới, "giá bán" GD luôn thấp hơn "giá thành" và GD luôn
được xem là trách nhiệm của Nhà nước".
Tuy
nhiên, trên thực tế, không có quốc gia nào ngân sách Nhà
nước có thể bao cấp toàn bộ hoạt động giáo dục, mà tùy
vào điều kiện mỗi nước, người ta chấp nhận một phần dịch
vụ GD do tư nhân cung cấp. Nhưng khi tư nhân cung cấp
thì sự mất công bằng ngày càng trầm trọng. Vì thế, đối
với GD phổ thông, đa số phải công lập; đối với GDĐH, tỷ
lệ tư thục cao hơn, nhưng hoạt động "vì lợi nhuận" cũng
rất ít.
Vậy, việc CPH biến các
trường học công thành các công ty cổ phần để làm gì?
Theo
Dự thảo, việc chuyển trường học thành công ty cổ phần
nhằm đạt các mục tiêu: huy động được nguồn lực cho GD,
tăng tính tự chủ và nâng cao năng lực tài chính, tạo
điều kiện triển khai ứng dụng các kết quả khoa học công
nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Huy
động nguồn lực cho GD, thực tế lâu nay các trường học
vẫn thực hiện thông qua nguồn học phí, các nguồn đóng
góp của người đi học và gia đình họ cho GD. Theo kế
hoạch, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục thực
hiện tăng học phí. Và, nếu chưa đủ, các cơ sở GD vẫn có
thể huy động nguồn lực bằng việc việc vay vốn ngân hàng
(vốn kích cầu) để đầu tư phát triển GD.
Bên
cạnh đó, chúng ta vẫn đang tiếp tục "huy động nguồn lực"
bằng kế hoạch thúc đẩy xã hội hóa GD cho đến năm 2020
đạt 40% HS, SV theo học tại các trường ngoài công lập
(chỉ tiêu này được đặt ra cho năm 2010, nhưng gần đây
lại dời đến 2020). Vậy, tại sao không tập trung huy động
nguồn lực theo hướng này mà lại đi CPH trường công?
Ở mục
tiêu thứ 2 - tăng tính tự chủ tài chính. Theo các chuyên
gia, thực chất, tự chủ là sự phân bổ quyền lực quản lý
mà cả trường công lẫn trường tư đều cần. Mặt khác, "GD
là thị trường của niềm tin" nên dù có CPH hay tư nhân
hóa, quyền tự chủ có được cao hơn, thì Nhà nước vẫn phải
giữ quyền kiểm soát.
Về
mục tiêu thứ 3 - CPH để tạo điều kiện triển khai ứng
dụng các kết quả khoa học công nghệ vào sản xuất kinh
doanh (điều này chỉ diễn ra ở các trường ĐH). Nhiều nhà
giáo nhận xét nội dung này là ngụy biện. Bởi sau gần 20
năm ra đời, các trường ngoài công lập (thực chất là tư
thục) vẫn chưa triển khai ứng dụng được gì.
Cổ phần hóa để... làm khổ
dân!
"Một
khi trường học thành công ty cổ phần, hoạt động theo
Luật Doanh nghiệp thì mục tiêu tối thượng phải là lợi
nhuận, lúc ấy GD sẽ gặp nguy hiểm" - GS Phạm Phụ lo
lắng.
Nhiều
chuyên gia cũng cho rằng, khi CPH, lãi suất phải cao hơn
mức lãi gửi ngân hàng thì các nhà đầu tư mới đưa vốn
vào. Từ đây, nảy ra hai vấn đề: 1/Tại sao các cơ sở GD
không đi vay ngân hàng để phát triển GD(?), 2/Các loại
phí như học phí và phục vụ phí sẽ tăng vọt, khiến người
đi học sẽ không chịu nổi!
Bà Lê
Thị Kim Vân - Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Lư (Q. 1-
TP.HCM) băn khoăn: trường tôi có 400 cháu, kinh phí Nhà
nước cấp mỗi năm khoảng 1,3 tỷ đồng (chủ yếu để trả
lương), tổng số tiền cho bộ máy hoạt động (trên giấy tờ)
hiện nay vào khoảng 2,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, để hoạt động
tốt, lành mạnh, mỗi năm trường cần khoảng 4 tỷ đồng. Nếu
tính đủ vào học phí, mỗi cháu sẽ phải đóng khoảng 1
triệu đồng tiền học phí và phục vụ phí/tháng. Nếu tính
cả khoản lãi (khoảng 20%/ năm) của 4 tỷ, mỗi cháu sẽ
đóng thêm khoảng 200.000đ/tháng. Nếu tính lãi trên cả
vốn tài sản (khổng lồ) thì chắc chỉ con cái các đại gia
mới vào học nổi!
Ông
Trần Mậu Minh - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn
(Q.3, TP.HCM), nói: "CPH là tăng vốn đầu tư cho công ty
cổ phần GD, tiếp theo là phải "bóp cổ" HS để có lãi, và
thế là một bộ phận lớn HS nghèo sẽ bị "đẩy" ra khỏi
trường". Ông Minh nhận định: "CPH trường học là mâu
thuẫn với đề án thu học phí theo vùng miền, theo mức độ
phát triển kinh tế xã hội mà Bộ GD-ĐT đang dự định thực
hiện".
Bà
Kim Vân lo ngại: "Học phí tăng cao thì phụ huynh không
chịu nổi. Mà học phí thấp thì sẽ lỗ. Sau vài năm CPH,
rất có thể xảy ra việc nhiều cổ đông đề nghị chuyển đổi
mục đích sử dụng, hình thức hoạt động...".
Nỗi
lo này không phải là không có cơ sở, vì đã có quá nhiều
bài học nhãn tiền. Nhiều nhà trẻ sau khi hình thành các
trường mầm non (gồm cả nhà trẻ và mẫu giáo) thì nhà trẻ
biến mất dần. Gần đây là chuyện chuyển đổi trụ sở Phòng
GD-ĐT Q.3 trên đường Kỳ Đồng cho tư nhân làm trường học
và cuối cùng mặt bằng này biến thành... cao ốc.
Bà
Vân quả quyết: "Tôi không ủng hộ CPH. Vì trước mắt có vẻ
là nó làm bớt gánh nặng cho Nhà nước nhưng về lâu dài
coi chừng sẽ làm khổ dân".
Minh Nhật
(http://www.phunuonline.com.vn/2009/Pages/De-phuc-vu-ai.aspx)
|
VỀ MỤC LỤC |
|
Đời
sống huynh đệ của người tận hiến |
Paris, chủ nhật
10.05.2009, tại Giáo xứ Việt Nam Paris,
cha Hổng Kim Linh, Hội Xuân
Bích, làm mục vụ tại giáo xứ Pháp Notre Dame ở Boulogne, cựu chủ
tịch Hội Tu sĩ Việt Nam tại Pháp trong nhiều nhiệm kỳ 1976-1980,
1999-2003, chia sẻ về đề tài : « Đời sống huynh đệ của người tận
hiến (1) ». Mời bạn đọc nghe qua bài chia sẻ của cha Linh, rồi
cùng ngài đi thăm Hội Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Pháp và Hội Linh
Mục Xuân Bích Việt Nam
1.
Đời sống huynh đệ của người tận hiến
Chia sẻ về « Đời sống huynh
đệ của người tận hiến » với cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris,
cha Hồng Kim Linh đã giới thiệu 2 ý tưởng chính, xoay quanh hai
vấn đề : tận hiến là gì ? Làm sao người tu sĩ tận hiến việt nam
sống ở Pháp có thể thực hiện cụ thể cái tương quan đức Mến huynh
đệ với nhau ?
a. Tận hiến là gì ?
Dựa
vào Tin Mừng chủ nhật thứ V phục sinh năm B hôm nay, 10.05.2009,
tin mừng thánh Gioan, 15, 1-8, cha Linh đề
nghị với cộng đoàn tìm hiểu ý nghĩa của tân hiến.
Tân hiến là cho đi hoàn toàn để làm tiến lễ
dâng lên Thiên Chúa và cùng cộng tác kết hiệp với Ngài như cành
với cây. Tận hiến là nhận sự sống của Chúa Giêsu và qua hy lễ
Thánh Thể, tiến lên trên đường thánh hóa, mỗi ngày mỗi gần Chúa
hơn. Tận hiến là làm công việc dâng mình cho Chúa và hợp tác với
Ngài đem phần cứu rỗi đến cho anh em nhân loại. « Thầy
là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn
liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn
cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa
trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh
em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như
cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với
cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.Thầy là cây
nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong
người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy,
anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị
quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy,
quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời
Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ
được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh
nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy. Chúa
Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như
vậy.Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy»
(Gioan, 15, 1-9).
Tận
hiến là thánh hiến trong sự thật, thánh hiến bằng chân lý, để,
như Chúa Giêsu, làm công việc mà Chúa Cha đã trao phó là tôn thờ
Chúa trong chân lý, để được thánh hiến trong sự thật. « Con
không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ
khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không
thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha
là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ
đến thế gian. Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ
sự thật, họ cũng được thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho
những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào
con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở
trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin
rằng Cha đã sai con »
(Gioan, 17, 15-21).
Những
lời Tin Mừng trên soi sáng cho chúng ta về ý nghĩa của tận hiến,
về các tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa Chúa Con và
các
môn đệ
của
Người
tức là mỗi người tận hiến ;
và về tình yêu, đức Mến huynh đệ phải có giữa họ.
b. Làm sao người tu sĩ
tận hiến việt nam sống ở Pháp có thể thực hiện cụ thể cái tương
quan Đức Mến huynh đệ với nhau ?
Làm sao sống cụ thể đời
sống thánh hiến, đời sống sự thật, trong tương quan đức Mến
huynh đệ ? Phải suy nghĩ và sống như Chúa Giêsu đã sống với các
môn đệ. Cụ thể hơn, chúng ta hãy đi vào thực tế của người tu sĩ
tận hiến sống trên cánh đồng truyền giáo tại Pháp. Chúng ta thấy
gì ? Chúng ta thấy rằng các tu sĩ tận hiến việt nam, từ lúc đầu,
vào năm 1945, đã liên kết với nhau trong « Hội Liên Tu sĩ Việt
Nam Tại Pháp » mà mục tiêu căn bản là « nhằm qui tụ và liên kết
toàn thể các linh mục tu sĩ nam nữ Việt Nam tại Pháp trong tinh
thần tương thân tương trợ ».
Người tu sĩ tận hiến việt
nam sống tại Pháp có nhiều hoàn cảnh khác nhau. Người thì phục
vụ trong tuyên úy đoàn cho các cộng đoàn việt nam ; Người thì
phục vụ trong các giáo xứ, chủng viện Pháp : cha sở, cha phó,
giáo sư ; Người lại hoạt động tự do ngoài cơ chế giáo quyền : y
tế, xã hội, nghiên cứu…Người khác là nam nữ sinh viên, tu học
hay tu nghiệp trong các đại học, chủng viện, dòng tu.
Nhưng tất cả, họ đều có
chung những nhu cầu và khó khăn tương tự. Nhu cầu trước hết mà
người tu sĩ việt nam cảm nghiệm là « Nhu cầu gặp người Việt và
nói tiếng Việt ». Các tu sĩ việt nam tại Pháp hôm nay là ai ? Họ
là người việt nam, sống xa quê hương, đến Pháp vào tuổi đã khôn
lớn, có một nền văn hoá và cách sống việt nam thấm nhập trong
con tim, thớ thịt. Họ là các tu sĩ việt nam sống trong môi
trường xã hội pháp là một xã hội trọng cá nhân. Cả ngày họ chỉ
giao thiệp, sinh sống với người pháp, luôn luôn nói tiếng pháp.
Có những lúc họ cảm thấy nhu cầu cần gặp lại đồng hương, nói
chuyện với nhau bằng tiếng việt. Có những vị, cảm thấy nhu cầu
bức bách, đã lái xe đến thăm các đồng hương rải rác đâu đó trong
vùng để gặp nhau và nói chuyện với nhau bằng tiếng việt cho thỏa
thuê.
Là một cha sở việt nam coi
xứ đạo pháp, đôi khi trách nhiệm đến 7, 8 địa điểm mục vụ. Mỗi
ngày sống cô đơn, lủi thủi một mình, tự túc mọi điều. Mỗi thứ
bảy, chủ nhật, phải tự lái xe đi xa, làm một vòng, vất vả đến
từng họ đạo. Tự mở cửa nhà thờ, lau bụi, sắp đặt đồ lễ, giật
chuông, làm lễ, gặp bổn đạo. Cô đơn trong đời sống, cô đơn trong
mục vụ, người linh mục rất vui mừng mỗi khi được một linh mục
việt nam khác đến thăm. Đó là nhu cầu gặp các linh mục, tu sĩ
việt nam khác.
Thỉnh thoảng người tu sĩ
việt nam ghi tên đi hành hương chung với các đồng hương khác.
Được gặp lại người việt nam, giáo hữu việt nam, được đọc kinh,
làm lễ việt nam, được nói tiếng việt nam, kể chuyện việt nam,
được ăn chung các món việt nam, người tu sĩ thỏa thuê với tình
Việt Nam.
Có những tu sĩ dòng, sống
trong cộng đoàn pháp, nhưng thiếu khả năng tiếng pháp, không
biết diễn tả đầy đủ tư tưởng, cảm tình của mìng. Đôi khi họ bị
hiểu lầm. Biết thế, nhưng không làm sao giải quyết được. May
thay, có các tu sĩ và linh mục việt nam khác, họa hoằn đến thăm,
giúp nói chuyện thông cảm với bề trên và cộng đoàn liên hệ, gỡ
rối được nhiều hiểu lầm. Một trong những hiểu lầm là thói quen
việt nam không dám nói rõ chữ « Không », làm người pháp khó
hiểu, coi là « ỡm ờ », không biết mình muốn nói gì, « Có » hay
« Không » ! Đó là nhu cầu tương trợ truyền thông
Người giáo dân pháp vẫn
kính trọng linh mục, tu sĩ ; nhưng hình thức kính trọng khác với
cách của việt nam. Họ nghe cha giảng tiếng pháp khó hiểu quá, có
quá nhiều « accent ». Người linh mục việt nam bị lưu ý như vậy,
vị nào mà chẳng tủi thân ? Nếu có được những bạn linh mục khác,
thông thạo tiếng pháp hơn, quen nói có giọng pháp hơn, uốn lưỡi
cho một ít, thì thật là quí hóa. Hoặc nếu gặp được một người bạn
kinh nghiệm, bày cho cách nói, cách giảng, giúp ý ghi âm, rồi
nghe lại, tự thấy được cái yếu của mình, cái sai của mình, thì
thật là một đại phúc ! Đó là sự tương trợ chân tình, cải tiến !
Đã từng bản thân sống những
hoàn cảnh khó khăn, bản thân cảm nghiệm những nhu cầu tương thân
tương trợ, nhiều linh mục và tu sĩ việt nam tại Pháp rất chân
thành và tận tình muốn đưa ra những hành động cụ thể để giúp các
anh em khác. Đó là một trong nhiều lý do đã đưa đến sự thành lập
« Hội Liên Tu Sĩ Việt Nam Tại Pháp », mà mục tiêu là giúp nhau
sống bác ái huynh đệ, và đặc biệt nhấn mạnh đến sự gặp gỡ, thông
tin. Gặp nhau chung tất cả ít là một năm một lần trong đại hội
tu sĩ toàn quốc. Mỗi vùng, gặp nhau trung bình hai tháng một
lần. Thông tin cho nhau, liên lạc với nhau, qua báo chí, tài
liệu nghiên cứu, học hỏi,…
Việt kiều chúng ta sống tại
Pháp, cũng như những ngoại kiều khác, hay nói đến chữ « hội
nhập ». Chúng ta cần hội nhập về kinh tế. Chứ còn về tôn giáo,
về đời sống đạo, mà nếu mình cũng hội nhập theo người Pháp, thì
có lẽ mình đi xuống đấy. Xin các bậc cha mẹ việt nam cứ cố giữ
lấy cái tinh thần công giáo việt nam, vui mừng dâng con mình cho
Chúa. Xin cho những người tận hiến việt nam luôn biết cụ thể
hành động có huynh đệ trong đức Mến. Xin cho họ hiểu nhau, giúp
nhau, dìu nhau sống trọn đời tận hiến. Xin cho các giáo dân việt
nam vẫn giữ được « tình việt nam » với nhau, giúp các thanh niên
biết rộng lượng thánh hiến đời mình cho Chúa. Xin cộng đoàn cùng
cầu nguyện cho nhau, và đặc biệt cho những người tận hiến để họ
« ở trong thế gian, mà không thuộc về thế gian », « để nhờ sự
thật, họ cũng được thánh hiến ». Amen
2.
Hội Liên tu sĩ việt nam tại Pháp
(2)
Được thành lập từ năm 1945
dưới danh hiệu là « Việt Nam Du Học Giáo Sĩ Ðoàn » với 17 linh
mục thành viên, Hội Liên Tu Sĩ Việt Nam Tại Pháp (LTS) đã góp
rất nhiều vào việc thành hình và phát triển tổ chức các sinh
hoạt của người Công Giáo Việt Nam tại Pháp. 17 linh mục thành
viên đầu tiên của LTS là các vị sau đây : Trần văn Thiện*,
Nguyễn ngọc Quang*, Bửu Dưỡng, Nguyễn hữu Tiến, Nguyễn văn
Hiền*, Lê văn LỶ, Cao văn Luận ,Nguyễn văn Khiết, Trịnh quốc
Bồng, Phạm văn Nhân (Hànội), Nguyễn thế Vinh (Hànội), Nguyễn huy
Mai*, Nguyễn văn Lập, Trần văn Triệu, Lê văn Ấn*, Đinh văn
Hưởng, Hoàng văn Đoàn.* (các vị có * sau làm Giám Mục).
Năm bản nội qui đã được
viết để lo việc tổ chức. Chung quy, điểm nổi bật của lịch sữ
LTSVNTP cũng như tinh thần của 5 bản Nội Qui đều nhằm đến mối
liên lạc tương thân tương ái và huynh đệ giữa tất cả những anh
em linh mục tu sĩ nam nữ VN đang sống tại Pháp, hầu giúp nhau
sống và thể hiện ơn gọi làm chứng tá cho Tin Mừng trong môi
trường xã hội Pháp. Tất cả những phương thế : hội họp, tĩnh tâm,
trại hè, thư từ liên lạc , báo chí v.v…đều nhằm mục đích tương
thân tương ái ấy. Chính vì thế, tất cả những anh em linh mục tu
sĩ nam nữ tại Pháp đều mặc nhiên đuợc mời làm thành phần của Ái
Hữu LTS. Không có một thể thức nào khác. Cũng không có một điều
khoản luật lệ hay một trói buộc nào. Tất cả chỉ dựa trên một sự
kiện duy nhất : sống xa quê hương, và hướng về một ý chí duy
nhất : liên kết huynh đệ.
Cha Phanxicô Xaviê Hồng Kim
Linh đã nhiều lần được bầu lo việc cho LTS ; Hai nhiệm kỳ
1976-1980 và hai nhiệm kỳ 1999-2003. Sau đây là chương trình
sinh hoạt của hai nhiệm ky 1999-2003 của cha Linh, chủ tịch
LTSVNP, do chính cha viết trong “ lá thơ ngỏ của người được bầu
Truởng nhiệm LTS thuở ấy: ”(Trích LL số1 bộ mới ra 3.9.99).
“…Người viết những dòng nầy
là người đã bị/được trao cho trách vụ “trưởng nhiệm” để điều
động anh chị em trong nhiệm vụ Liên Lạc truyền thống, một việc
không thể thực hiện nếu khơng có sự hợp tác của mỗi người. Vì
tín nhiệm nên anh chị em ủy thác cho tôi, thì cũng vì tin vào sự
cộng tác của anh chị em nên tôi khứng nhận. Chúng ta được giao
kết bằng chữ “tín” nên công việc sẽ “thành”….
“ Bầu đi bầu lại cũng là
truyền thống LTS… Một phần tư thế kỷ trôi qua (1974-1980), nay
tái nhậm trách vụ trưởng nhiệm, tôi nhận thấy công việc Liên lạc
1999 có phần thay đổi : vì thực trạng của hội, với số lượng có
phần tăng. Chúng ta cần suy nghĩ để làm sao thực hiện cho tốt
dẹp việc liên lạc với nhau…tái cấu trúc để có những Liên lạc
trưởng các vùng, các miền hoạt động tích cực ngõ hầu LTS tại
Paris các Tỉnh cũng có những cuộc hội họp gặp gỡ đồng nhịp
thường xuyên hơn…Trong hiện tình LTS có thể được phân chia làm 4
khối:
1) Khối phục vụ trong tuyên
úy đoàn cho các cộng đoàn VN : 51 thành viên
2) Khối phục vụ trong các
giáo xứ, chủng viện Pháp : cha sở, cha phó, giáo sư.
3) Khối hoạt động tự do
ngoài cơ chế giáo quyền : y tế, xã hội, nghiên cứu…
4) Khối nam nữ sinh viên,
tu học, tu nghiệp trong các đại học, chủng viện, dòng tu.
Sau đây là bảng phân nhiệm
của tổ chức Liên tu sĩ VN tại Pháp (LTS) với danh gọi Pháp ngữ
là ”Union des prêtres, Religieux/ses, Séminaristes vietnamiens
en France”( UPRRSVNF)
Ban điều hành : Fx Hồng Kim
Linh Trưởng Nhiệm, phụ trách tổng quát
Lm Jos Nguyễn văn Ziên, Phó
TN, kiêm đặc trách liên lạc với khối mục vụ giáo xứ Pháp.
Nt. Véronique Lê thị Lệ
Mai, thơ ký, kiêm đặc trách liên lạc khối tự do ngoài xã hội.
Nt.Anne Lucie Nguyễn thị
Kim Nga, thủ qũy đặc trách nghiên cứu việc tổ chức Trại hè .
Ban ca nhạc phụngvụ :
LmNguyễn văn Bản; Nt Pascale lài; Nt Maria Võ thịHiền, LmJos.Vũ
thái Hoà; Lm Jos Mai Tính.
Ban văn nghệ, hoạt náo : Nt
A.L Kim Nga; sh Trần công Lao ; Lm Huỳnh Phước Lâm.
Ban Liên Lạc báo chí : Lm
Jos Trần anh Dũng ; Thấy PT IgnacNguyễnvănThạch ; NtGratia Cỗ
thị Loan ; Nt Thân Thị Kim Liên và BCH, Phụ trách thông tin liên
lạc ấn loát.
Ban Kỷ yếu : Fx Hồng Kim
Linh, Jos Mai Ðức vinh, Jos Trần Anh Dũng, P Huỳnh ngọc tiên, Fx
Trần Thanh Giản, V. Lệ Mai.
Ban nghiên cứu học hỏi : Lm
Pierre Nguyễn chí Thiết; Nt Lệ Mai; Lm Jos Châu ngọc Tri; Lm P
Trần Thanh lộc; Fx Hồng kim Linh; Gratia Cỗ thị Loan; Lm Nguyễn
Tiến Lãng.
Ban Cố vấn : Các lão thành
: Các cha P. Huỳnh ngọc Tiên; Fx Trần thanh Giản, Sh Pierrre
Trần văn Nghiêm, Sh Herman Nguyễn văn Lãng; Nt Anne Lê văn Ðức.
Ban Liên Lạc Trưởng các
vùng, miền: Lm P Nguyễn Chí Linh (sinh viên vùng Paris), Lm P.
Nguyễn văn Chính (sinh viên Toulouse), Lm Antoine Nguyễn văn Nên
và Nt Trương thị Nhàn (miền Bắc); Lm Jos Vũ thái Hoà (miền tây)
Lm Jos Lâm thái Sơn và Nt Th.Monique Nguyễn thị Hảo (miền Metz,
Nancy, Strasbourg) Lm Giuse Trần Ðịnh và Lm Augustin Phạm đức
Phúc (Bordeaux) Lm Jos Ðào quang Toản( miền Nam. Lm Clément
Nguyễn văn Thể, Sh Trần công Lao (miền Ðông nam); Lm Clément
Nguyễn văn Thể kiêm liên lạc với giáo quyền (mục vụ ngoại
kiều).
Hai ý lực làm chỉ nam
cho việc liên lạc huynh đệ được Trưởng Nhiệm đề ra:
·
Thăm viếng
nhau qua việc cố tạo cơ hội gặp gỡ liên lạc, sống mầu nhiệm Ðức
bà thạm viếng (Lc 1,39-56)
·
Thương nhau
cụ thể bằng việc cho nhau thời giờ: đến với nhau với tâm nguyện:
Chúa ở giũa vì cĩ 2,3 người họp nhau nhân Danh Ngài(Mt 18,20)
Tờ Liên lạc
: Tăng lên 16 trang để đáp ứng nhu cầu thơng tin liên lạc.Ra 6
số một năm.Gởi bưu điện cho 325 địa chỉ, trừ một số phát tay cho
anh em vùng Paris.Chi phí tem cị tăng vọt..
Nội dung gồm các tiết mục:
Mở đầu- lời đi ý về: trích thơ anh chị em-tin tức trong
ngồi:tuyên úy đồn-văn phịng phối kết Roma- mở vịng tay lớn: thăm
viếng các nơi. Tin sinh hoạt cácLTS Âu châu-Tin vui buồn trong
gia đình Họ Liên:Tang chế, tiến chức, khấn dịng-Tin Ðại Hội
LTSmiền Trung nam- Chuẩn bị các Ðại Hội trong và ngồi nước. Lịch
trình hội họp LTS Paris và phụ cận.(trích LL số 2 (1999), số
6(2000)
Và một tổng kết sơ lược đã
được cha Linh ghi lại ngày 29.01.2006, trong bài « Lịch sử Liên
Tu Sĩ Việt Nam tại Pháp 1945-2005 » như sau :
Sĩ số LTS tăng, nhờ số Lm
TS du học. Hội họp định kỳ 2 tháng một lần: số người tham
dự trên dưới 30; tăng hay giảm là tuỳ vào sự hiệp lực mời gọi
của Lm Ðại diện sinh viên. Trong nhiệm kỳ cha Châu ngọc Tri,
danh sách LTS vừa có địa chỉ và hình ảnh của các sinh viên linh
mục để giúp gặp nhau dể nhận diện. Với LLT miền Trung nam, cha
Thể đều đặn báo cáo về sĩ số cùng đề tài học hỏi mỗi kỳ họp tại
nhà các Chi đồi Fourvière : mỗi lần có chừng 20 người tham
dự...
Trong thời gian 4 năm
1999-2003, đặc biệt có nhiều Ðại Hội được mở ra: tại Venise 1999
(USU), tại Roma 2000 (Năm ThánhJMJ), 2001 (chuẩn bị tổ chức Hội
Niềm Tin, tại Lộ đức 2002 (Hội Niềm Tin cấp Âu châu), tại Roma
2003 (Hội Niềm tin cấp thế giới), LTS tích cực tham gia, cũng
như hiện diện hiệp thông với Giáo Hội VN trong những đại lễ :
nhận chức Hồng Y của TGM Fx Nguyễn văn Thuận và TGM JB Phạm Minh
Mẫn…Với nhiều cuộc gặp gỡ cấp quốc tế không thể thiếu vắng khiến
LTS đành phải đình chỉ Ðại Hội LTS thời gian nầy. Trại Hè cũng
vì lý do nội ngoại không tổ chức được.
Bù lại chương trình mở vòng
tay lớn đi thăm viếng anh chị em vẫn được thực hiện: thăm anh
chi em miền Bắc đôi lần, miền Ðông, miền Trung 5,6 lần, miền
tây, 4,5 lần. Và một lần Ðông tây nam Bắc xuyên suốt trong
chuyến đi dài 14 ngày với cả phái đoàn gồm chánh phó TN, Cố vấn,
3 NT: chuyến đi đáng ghi nhớ dừng chân 10 tụ điểm có đông đảo
anh chị em, cũng như vài chổ lẻ loi. Nhờ vậy anh chị em được nối
kết gần gũi hơn. Ðó là cảm tưởng chung của anh chị thăm viếng và
đón tiếp.
Ban nghiên cứu học hỏi
: thực hiện đưọc vài lần với vài đề tài ich lợi; người trưởng
ban xuất du và đương nhiên là từ nhiệm, và các thành viên tham
dự thiếu vắng thưa dần vì khó tìm một thời điểm thích hợp cho
nhiều người.
Rút tỉa kinh nghiệm hoạt
động thời nầy, người TN có bày tỏ sự cần thiết phải cải tổ cơ
cấu để bớt gánh nặng cho người TN : rút bớt hội họp để dồn lại
vài lần trong năm, giống như LTS Roma Hội 1, 2 lần. Tờ LL cũng
không ra nhiều, tốn tem có thiếu hụt ngân qũy!.
3.
« Hội Xuân Bích VN (3)»
a. Tên gọi và nguồn gốc.
Từ « SULPICE »
được phiên âm thành « XUÂN
BÍCH »,
khởi hứng từ một câu thơ nho « Xuân
thảo bích sắc »
(cỏ mùa xuân màu xanh).
Các
linh mục Xuân Bích Pháp đến
Hà Nội năm 1929, và tử 01.9.1933 phụ trách Đại chủng viện
Xuân Bích tại Liễu Giai (Hà Nội). Năm 1954, Xuân Bích Hà Nội dời
vào miền Nam, tạm trú tại Vĩnh Long, Thị Nghè (Sài Gòn), rồi ra
Huế năm 1962. Trong thời gian 1962-1975, các linh mục Xuân Bích
đảm trách Đại chủng viện Huế. Từ 1975-1994, Đại chủng viện bị
đóng cửa, các linh mục Xuân Bích tản mát đi phục vụ tại nhiều
Giáo phận khác nhau. Ngày 21.9.1994, Đại chủng viện Huế được tái
hoạt động và trao lại cho các linh mục Xuân Bích đào tạo chủng
sinh thuộc 3 giáo phận
Huế, Đà
nẵng,
Kontum, và một số tu sĩ thuộc Đan
viện Biển Đức Thiên An và dòng
Thánh Tâm Huế theo học tại đây.
Vị
sáng lập của Hội là cha
Jean-Jacques Olier
(1608-1657). Ngài xác tín rằng không thể canh tân Giáo Hội và
đẩy mạnh việc rao giảng Tin Mừng, nếu không đào tạo được những
linh mục thánh thiện và nhiệt thành. Vì thế, được sự cộng tác
của một số linh mục đồng chí hướng, cuối năm 1641, ngài đã thành
lập được một chủng viện tại Vaugirard, và đầu năm 1642, chuyển
về Thủ đô, trên lãnh thổ của giáo xứ Saint-Sulpice mà ngài là
cha sở. Từ đây, chủng viện sẽ mang tên là Séminaire de
Saint-Sulpice (Chủng viện Xuân Bích), và Hội Linh mục Xuân Bích
(thường viết tắt bằng tiếng Pháp là pss (prêtre de
Saint-Sulpice)) được thành lập.
b. Bản chất và mục đích của Hội.
Hội
Linh mục Xuân Bích là một
hiệp hội linh mục giáo phận,
có đời sống chung, nhưng không có lời khấn như bất cứ một dòng
tu nào. Giáo luật xếp Hội vào nhóm « Hội
đời sống tông đồ »
(Société de vie apostolique). Khi nhập Hội, các linh mục Xuân
Bích vẫn giữ nguyên nhập tịch của mình tại Giáo phận gốc và vẫn
là linh mục giáo phận chứ không phải tu sĩ dòng. Họ vẫn là người
nhập tịch Giáo phận theo giáo luật, và khi nào họ rời Hội, thì
đương nhiên trở về Giáo phận.
Trong
Hội, họ sống chung với nhau dựa vào
tình bác ái linh mục,
quyết tâm của mỗi người là « sống
hết mình cho Thiên Chúa »
(vivere summe Deo) và phục vụ hàng giáo sĩ giáo phận, đặc biệt
trong khâu đào tạo, dâng hiến cuộc đời cho việc dào tạo các linh
mục tương lai.
Lúc
ban đầu, mục đích của Hội nhằm huấn luyện chủng sinh. Nhưng ngày
nay, dưới ánh sáng công đồng Vatican II, Hội còn cộng tác với
các Giám Mục trong việc thường huấn cho các linh mục, và sẵn
sàng giúp công tác mục vụ và truyền giáo (vd. hiện nay ở Việt
Nam, Hội đang phụ trách giáo xứ Nhân Hòa tại thành phố Hồ Chí
Minh và giáo xứ Kim Long tại Huế).
c. Linh đạo của Hội.
Chịu ảnh hưởng của Trường
phái tu đức Pháp, linh đạo Xuân Bích tập trung vào sự kết hiệp
mật thiết với Chúa Kitô và sống hết mình cho Thiên Chúa. Châm
ngồn của Hội là :
Vivere summe Deo in Christo Jesu
Sống hết mình cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô
d. Nguyện vọng của Hội.
Mong
ước của Hội cũng như của cha sáng lập là « canh
tân Hội Thánh bằng cách đào tạo được nhiều linh mục có tinh thần
Giáo Hội, để sau đó ra đi phụng sự Chúa, đến bất cứ nơi nào Chúa
gọi họ »
(Tự Thuật của cha J.J. Olier 3, 83).
e. Đường lối sư phạm của Hội.
Xuân
Bích có đường hướng sư phạm riêng là biến chủng viện thành một
cộng đoàn giáo dục
có tính cách gia đình, ưu tiên cho việc
đào tạo thiêng liêng,
lấy việc
linh hướng
làm phương thế quan trọng để giúp chủng sinh nhận ra ơn gọi và
tự do đáp lại. Mọi nỗ lực đều dồn vào cuộc sống bác ái và tín
nhiệm giữa chủng sinh và ban Giám đốc. Các cha giáo đều là cha
linh hướng (trừ cha Giám Đốc), và các chủng sinh được tự do chọn
cha linh hướng.
Hội
Xuân Bích làm việc theo
tinh thần tập thể
và
đồng trách nhiệm
(collégialité et coresponsabilité), mọi việc quan trọng trong
sinh hoạt của chủng viện thường được bàn bạc chung trong hội
đồng (họp ít là 2 tuần một lần), lấy biểu quyết và thực hiện
chung
f. Tiếp nhận ứng viên.
Hai
điều kiện ban đầu : Hội chỉ tiếp nhận các linh mục giáo phận
(hoặc ít là Phó tế) và ứng viên cần được Giám Mục bản quyền của
mình cho phép.
g. Liên lạc :
Linh mục Giám đốc Gioan
Baotixita Nguyễn Văn Đán
Đại Chủng Viện Huế
30 Kim Long
Thành Phố Huế
Việt Nam
Đt : (054) 529.511
Email :
dcvhuexb@gmail.com
Paris, ngày 11 tháng 05 năm
2009
Trần Văn
Cảnh
Chú thích
(1). Trong năm 2009, « Năm
Ơn gọi », với chủ đề “ Tất cả cho ơn gọi “, dưới tiêu đề “Năm
của Linh mục », văn phòng về ơn gọi của Tổng Giáo phận Paris
muốn mỗi họ đạo thể hiện một sinh hoạt nào đó nhằm 4 mục đích:
1-Gây ý thức về ơn gọi nơi các em nhỏ; 2-Cổ võ ơn gọi nơi giới
trẻ; 3- Giúp các phụ huynh nhận ra bổn phận hướng dẫn con cái về
việc lựa chọn ơn gọi; 4- Liên kết mọi người trong lời cầu nguyện
cho ơn gọi.
GXVN Paris đã đưa ra một
chương trình 10 điểm, trong đó điểm thứ 3 qui định : « Thứ bảy
và chủ nhật II mỗi tháng sẽ mời một linh mục, thầy sáu, tu sĩ
hay giáo dân giảng lễ và cho chứng từ về ơn gọi ».
Năm bài chứng từ đã được
chia sẻ :
Bài 1, đã được cha Nguyễn
Bình chia sẻ vào chủ nhật 14.12.08 về vấn đề «Làm sao biết Chúa
gọi mình» ?
Bài 2, đã được cha Phan Tấn
Khánh chia sẻ vào chủ nhật 11.01.2009 về đề tài « Tự do trong
đời sống tận hiến ».
Bài 3, đã được chị Maria Vũ
Thị Minh chia sẻ vào chủ nhật 08.02.2009 về đề tài « Đời sống
siêu nhiên của người tận hiến ».
Bài 4, đã được thầy Nguyễn
Quốc Tuấn, Dòng Tên, chia sẻ vào chủ nhật 15.03.2009 về đề tài :
« Vấn đề tiền bạc trong đời sống tận hiến ».
Bài 5 đã được chị Marie Đào
Kim Phượng, giáo dân tận hiến « Nữ Trợ tá tông đổ », chia sẻ
vàochủ nhật 19.04.2009 về đề tài : « Đời sống độc thân trong ơn
gọi tận hiến ».
(2). Lm Fx Hồng Kim Linh và
Lm Jos Mai Đức Vinh, Lịch sử Liên tu sĩ Việt Nam tại Pháp,
1945-2005.
(3). Xin xem thêm mạng
http://xuanbichvietnam.wordpress.com/ |
VỀ MỤC LỤC |
|
VỊ MỤC TỬ MÀ NHIỀU TRIỆU NGƯỜI VIỆT PHẢI
GHI ƠN |
Người ta thường viết về một nhân vật, khi
người đó vừa nằm xuống, trong ngày kỷ niệm, hay nhân ngày bổn
mạng… Con đã rất tha thiết muốn viết về ngài, nhưng nhìn thấy
cuộc đời ngài vĩ đại quá, con đã bắt đầu nhiều lần rồi lại để
nguyên đấy và chẳng biết viết thế nào. Đã hai mươi mốt năm đi qua từ
ngày ngài đã từ giã thế gian này mà trong đó cuộc đời của ngài
có ý nghĩa vô biên cho hàng triệu cuộc đời khác. Ngày 14 tháng 5
năm nay là ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ngài. Cách đây ít
lâu, khi Đức Hồng Y Etchegaray làm đặc sứ Toà Thánh sang Việt
nam, một số người trong đó có con được hân hạnh tiếp xúc với Đức
Hồng Y nhờ có Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng làm người hướng dẫn. Sau
đó một thầy đại chủng sinh, bây giờ đã là linh mục, nói với con:
“Mình chưa thấy vị giám mục Việt nam nào nhân từ, cởi mở và vui
vẻ như vậy”. Con trả lời: “Đúng rồi, Đức Hồng Y thật tuyệt vời.
Nhưng nói như ông cũng chưa đúng, có lẽ vì ông chưa sống với một
vị giám mục Việt nam nào, nhất là ông chưa sống với Đức Cha
Phêrô Maria”. Bây giờ thì con xin được viết đôi nét về ngài, Đức
Cha già khả kính Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, người mục tử vĩ đại
và nhân hậu nhất mà con từng được biết. Với sức khoẻ và sự chịu
đựng của ngài, nếu không có những thử thách và áp lực nặng nề mà
thế gian điêu ngoa này giáng xuống trên ngài, thì có thể Chúa để
ngài còn sống đến hôm nay, để mừng bách niên đại thọ bên vô số
con cháu giờ có mặt trên khắp địa cầu.
Nói về Đức Cha Phêrô Maria, mỗi người sẽ
nhìn ngài ở một khía cạnh mà khía cạnh nào cũng toả sáng lung
linh. Với diện mạo vừa uy nghi vừa nhân hậu, Đức Cha là một bậc
trí thức chuyên về triết học và thần học, một nhà lãnh đạo tài
ba đưa bao nhiêu người vượt qua sóng gió với cả nghĩa đen và
nghĩa bóng của từ “sóng gió” này, và cũng là một ngư phủ tuyệt
vời đã đem nhiều “mẻ cá” lớn về cho Giáo Hội Chúa Kytô.
Cậu bé Phêrô Phạm Ngọc Chi sinh ngày 14
tháng 5 năm 1909 tại Tôn Đạo, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình,
thuộc giáo phận Phát Diệm. Năm 11 tuổi, với diện mạo khôi ngô và
trí khôn sắc sảo, cậu được gọi vào học tiểu chủng viện Ba Làng
và năm sau chuyển về tiểu chủng viện Phúc Nhạc. Kết quả học vấn
của tiểu chủng sinh vừa tốt nghiệp Phạm Ngọc Chi rất xuất sắc,
và do đó Đức Cha Marcou đã chọn thầy du học tại trường Truyền
Giáo Rôma. Thầy Phạm Ngọc Chi thụ phong linh mục khi còn rất
trẻ, năm 1933 khi ngài mới 24 tuổi. Sau đó ngài tiếp tục học tại
đại học Apollinaire với bằng tiến sĩ Triết học, cử nhân Thần học
và Giáo luật, và chuyển sang học tại đại học Luật Khoa Paris.
Khi về nước, ngài là giáo sư và sau này là Giám Đốc Đại Chủng
Viện Phát Diệm. Ðầu năm 1946, ngài được Hội Ðồng Ðịa Phận ủy ra
tranh cử Quốc Hội, nhưng vì sự man trá của Chính Phủ Việt Minh
hồi đó, nên ngài đã từ khước sự trúng cử. Năm 1950, ngài được
Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Bùi Chu và lễ tấn phong Giám Mục
của ngài được tổ chức long trọng ngày 4-8-1950. (1) Lúc ấy ngài
mới 41 tuổi, là một trong bảy vị Giám Mục Việt nam đầu tiên của
Giáo Hội Việt nam. Khẩu hiệu Giám Mục của ngài là “In Verbo Tuo,
laxabo rete”, “Vâng lời Thầy, con thả lưới”, là lời tuyên xưng
mạnh mẽ của vị Tông đồ cả, bổn mạng của ngài.
Đức Cha Phêrô Maria là người suốt đời trung
kiên rao giảng Tin Mừng không mệt mỏi. Có lẽ Đức Cha Phêrô là vị
chủ chăn duy nhất ở Việt nam làm Giám Mục Chính Toà ba giáo phận
trong cuộc đời mình. Khi làm Giám mục Bùi chu trong quãng thời
gian khó khăn gian khổ, Đức Cha đã hết mình vì công việc rao
giảng Tin Mừng. Năm 1954, Ðức Khâm Sứ Dooley ủy thác ngài trông
coi hàng giáo sĩ và giáo dân Bắc Việt di cư vào Nam. Ngày
5-1-1957, sau khi đã hoàn thành sứ mạng coi sóc người Di Cư, và
do sự đề cử của Ðức Khâm Sứ Caprio tại Saigon, ngài được Tòa
Thánh đặt làm đặc ủy tông tòa chuyên trách về Công Giáo Tiến
Hành Việt Nam. Ngày 5-7-1957, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm Giám
Quản Ðịa Phận Qui Nhơn và ngày 24-11-1960 ngài được bổ nhiệm
Giám Mục Chính Tòa Qui Nhơn. Trong những năm cai quản Ðịa Phận
Qui Nhơn, ngài đã mở rộng cánh đồng truyền giáo và thu hoạch về
những thành quả ngoài sự ước đoán mong chờ. Nhà văn Phạm Ðình
Khiêm (dưới bút hiệu Ðức Khiêm đã viết trong cuốn sách mang tựa
đề Thánh Giuse, Di Cảo của Cha Chính Lý, nơi trang 101) ghi
nhận: "Phong trào Tân Tòng ở Ðịa Phận Qui Nhơn hồi ấy phát triển
kỳ diệu, riêng khu Ðông Mỹ của Cha Chính Mai Học Lý với một số
linh mục Phát Diệm mở rộng tới 40 họ đạo mới". (2)
Ngày 16-1-1963, Đức Cha Phêrô Maria được
Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Chính Toà tiên khởi giáo phận Đà
nẵng, giáo phận vừa được thành lập cùng năm ấy. Trong đúng hai
mươi lăm năm làm Giám mục Đà nẵng, ngài đã hết lòng cho giáo
phận yêu dấu còn non trẻ này và đã đem lại bao nhiêu thành quả
vĩ đại nhờ lòng hăng say nhiệt thành, tài năng, lòng đạo đức và
lời cầu nguyện với hy sinh của ngài. Ngài đã cùng với các linh
mục trẻ, nhiệt tâm của giáo phận mới, đã thành lập nhiều giáo xứ
mới, nơi đoàn dân Chúa vui sống bình an tránh những cơn bách
hại. Ngài xây dựng Tiểu chủng viện, nhiều cơ sở và trường học
của Giáo Hội. Sau này, hầu hết những cơ sở ấy bị trưng thu,
nhưng nhờ đó, việc truyền giáo cũng như giáo dục và huấn luyện
con người vẫn còn hiệu quả cho đến ngày nay.
Cha Phêrô Hoàng Xuân Nghiêm viết: “Từ ngày
về cai quản Giáo Phận Đà Nẵng, ngài đã xây dựng nhiều cơ sở mới
cho Địa Phận: Tòa Giám Mục, Nhà Hưu Dưỡng cho các Linh Mục già
yếu, Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan, Bệnh Viện An Bình tại An
Thượng, Đại Chủng Viện Hòa Bình là Chủng Viện miền tại Hòa
Khánh, Trung tâm Công Giáo Tiến Hành cạnh nhà thờ Chánh Tòa Đà
Nẵng. Trước năm 1963, tại Đà Nẵng chỉ có dòng nữ Thánh Phaolô và
chị em Mến Thánh Giá Phú Thượng, nhưng sau năm 1963 trở đi, ngài
đã cho phép hoặc mời thêm nhiều Hội Dòng khác nhau đến hoạt động
truyền giáo trong Địa Phận như Dòng Mến Thánh Giá Huế, Dòng Kim
Đôi Huế, Tu Hội Tận Hiến Saigon, Tu Hội Nhà Chúa Saigon và Dòng
Thánh Gioan Thiên Chúa Biên Hòa ra Đà Nẵng trông coi bệnh viện
An Bình. Con số linh mục địa phận chưa đầy 40 vị lúc Giáo Phận
mới thành lập đã tăng lên 117 vị năm 1975. Sau năm 1975, vì lý
do mục vụ và thời cuộc, nên trong Địa Phận còn khoảng 50 vị nữa
thôi. Đức cố Giám Mục đã gởi rất nhiều linh mục đi du học nước
ngoài. Ngài vẫn chủ trương mỗi phân ngành chuyên biệt như Giáo
Luật, Luân Lý, Xã Hội, Thần Học, vân vân... ít nhất phải có 3
cha trong Địa Phận có cùng một loại bằng cấp để giúp nhau làm
việc, vừa có người kế tục công việc của một cha đang làm nếu
chẳng may vị này qua đời đột ngột. Chúng tôi còn nhớ trong một
dịp cấm phòng năm cho toàn thể linh mục địa phận, ngài đã khuyến
khích các cha dưới 40 tuổi nên cố gắng xuất ngoại. Ngài nói: Nếu
cha nào không có khả năng lấy thêm bằng cấp Đạo, Đời, thì ít ra
có dịp quan sát tận mắt những tiến bộ của các nước Âu Mỹ để có
thêm kiến thức mà về phục vụ tốt cho anh chị em Chúa và đồng bào
trong nước. Chủ trương này của ngài đang tiến hành tốt đẹp thì
Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản và chương trình này đành đình hoãn
vô hạn định. Hiện nay có khoảng 15 linh mục Đà Nẵng đang hoạt
động ở nước ngoài, mà phần lớn đang phục vụ anh chị em Chúa tại
Hoa Kỳ.” (3).
Chắc cũng ít người bây giờ biết được là
thành phố Sàigòn này cũng còn nhiều công trình của Đức Cha,
trong đó có nhà Bùi Chu gần nhà thờ Huyện Sĩ, nhà in Nguyễn Bá
Tòng bây giờ đã bị bán làm bệnh viện phụ sản ở góc đường Bùi thị
Xuân, trường trung học Nguyễn bá Tòng bây giờ là trường PTTH Bùi
thị Xuân, trung tâm Công giáo, trường Chu văn An và nhiều cơ sở
khác mà theo dòng đời đa số đã biến trôi.
Ngài là vị mục tử đạo đức và chuyên cần làm
việc trí thức. Con thường nghe các Cha và các anh lớp lớn kể lại
về ngài với lòng khâm phục lòng đạo đức và sự đúng giờ của ngài.
Lúc Toà Giám Mục Đà nẵng chưa xây xong, ngài ở tại Tiểu Chủng
Viện Thánh Gioan. Ngài rất sốt sắng viếng Chúa và làm việc đạo
đức. Mỗi lần ngài đi qua hành lang để vào nhà nguyện, mọi người
đều biết lúc ấy là mấy giờ, không cần nhìn đồng hồ! Trong di
chúc, Đức Cha viết với lòng đạo đức sâu xa: “Cả đời tôi là một
chuỗi tình thương của Chúa, tôi ca ngợi không bao giờ cùng!...
Gần cuối đời, Chúa đem tôi về Trà Kiệu, là trung tâm Thánh Mẫu
của địa phận Ðà Nẵng: đó cũng là do lòng thương đặc biệt của
Chúa. Tôi hy vọng được chôn táng ở linh địa này... Nếu được đặc
ân này thì tôi hạnh phúc biết bao!” (4) Dù làm việc mục vụ và xã
hội rất nhiều, ngài cũng chuyên tâm nghiên cứu và viết nhiều
sách đạo đức. Trong các sách vở ngài viết, cuốn “Phúc Âm Dẫn
Giải” nổi tiếng nhất như một công trình nghiên cứu chính xác, rõ
ràng và dễ hiểu cho mọi tầng lớp dân Chúa.
Đức Cha Phêrô Maria là người cha can đảm và
nhân hậu của đoàn chiên Chúa. Biến cố 1954 rồi 1975 đã đưa ngài
vào những bước ngoặc vĩ đại của cuộc đời, và lúc nào ngài cũng
nhiệt thành, can đảm và hết lòng vì đoàn chiên. Những người di
cư năm 1954 từ miền Bắc và nhiều người di cư suốt những năm sau
đó từ các làng mạc nhiều biến động ở miền Trung đi đến các xứ
đạo sầm uất và sốt sắng là những người con được che chở bởi lòng
can đảm và tình thương yêu của Đức Cha. Rồi sau này khi một số
những người con ấy lên đường viễn xứ, chắc chắn họ sẽ nhớ công
ơn vô bờ của một người cha già đến cuối đời lặng lẽ và đau khổ
nơi xứ đạo miền quê. Ở đây con không nói về nguyên nhân bệnh tật
và cái chết của ngài vốn rất phức tạp, nhưng chắc chắn những đau
khổ ngài chịu trong chương trình của Thiên Chúa, nói lên tất cả
tâm hồn người mục tử vĩ đại, ân nhân của nhiều triệu người dân
Việt muôn phương. Tất cả những ai có dịp tiếp xúc với Đức Cha
Phêrô Maria đều nhận ra ngài là người cởi mở, nhân hậu và đầy
cảm thông. Và ai có dịp sống với ngài đều cảm được tâm hồn bao
dung như biển cả của ngài. Con có hân hạnh làm người giúp việc
cho ngài trong một khoảng thời gian không phải là dài, nhưng đó
là thời gian đẹp của đời con. Khi nghĩ đến quãng đời ấy, con
luôn xúc động trước lòng nhân hậu của Đức Cha. Ngài không nặng
lời, không quở trách, chỉ có lòng yêu thương mà thôi. Có một
chuyện nhỏ nói lên được cả tấm lòng ngài. Hồi đó dù là Giám Mục
Chính Toà, mỗi lần ngài đi đâu cũng bảo con chở bằng xe Honda
dame cũ kỹ. Có một lần con đưa ngài sang nhà thờ Chính Toà về,
đi ngang cầu Trịnh Minh Thế gió thổi rất mạnh. Con để một phong
thư trong giỏ xe phía trước. Đang đi thì gió thổi bay phong thư
xuống cầu. Con dừng xe lại, bắt ngài chờ để nhặt phong thư lên,
và bỏ vào giỏ xe. Ngài nói: “Cẩn thận con nhé”. Đi được một
quãng nữa thì gió lại thổi bay phong thư, và ngài lại phải xuống
xe để chờ con. Khi con nhặt phong thư xong, Đức Cha bảo: “Cha đã
nói với con rồi”. Nhưng nếu chuyện chỉ có thế mà thôi thì cũng
chẳng có gì, nhưng sau bữa cơm tối hôm ấy, ngài gọi con lại, đi
dạo với ngài và ngài bảo: “Vinh ơi, chiều nay Cha trách con, con
có giận không? Sau này chắc là cứ nhớ lời Cha trách?” Con cảm
động muốn khóc. Và bây giờ mỗi lần nhớ lại chuyện hồi ấy, Cha
ơi, con chỉ nhớ rằng Cha quá đỗi nhân từ. Lòng nhân từ của Đức
Cha thể hiện rõ nét qua Di Chúc của ngài. Ngài không quên một
ai, và yêu thương tất cả, dù là kẻ làm khổ ngài. “Ðối với những
người thù ghét tôi, làm khổ tôi, nếu có, tôi không có buồn giận
ai cả. Trái lại, tôi xin Chúa chúc lành cho họ. Họ làm như thế
là làm cho tôi, vì tôi có dịp lập công, đền tội, nhất là trong
những ngày sau hết đời tôi.” (5)
Cuộc đời phải đi qua, để công trình của
Thiên Chúa mau được thành toàn. Những con người dù tài ba lỗi
lạc và đạo đức thánh thiện cũng phải đi qua để cho “dòng dõi họ
sinh sôi nảy nở”, nhưng con tin rằng dù Đức Cha đã ra đi nhiều
năm, nhưng hàng triệu triệu trái tim người Việt, kể cả nhiều
người không phải Công giáo, cũng nhớ đến Đức Cha với lòng tri ân
và ngưỡng mộ. Con viết vài dòng về Cha trong dịp Sinh Nhật của
Cha để cảm tạ Thiên Chúa và mời gọi nhiều người cùng cảm tạ
Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt nam một vị mục tử nhân dũng.
“Nhân dũng” là từ của LM Giuse Đinh xuân Long, bạn thân của con,
là người con đã từng tiếp xúc với Đức Cha một cách gần gũi. Cha
Long viết “good shepherd”, mục tử tốt, không chỉ là mục tử nhân
lành, mà còn là mục tử can đảm dám chết cho đàn chiên, cho nên
phải dịch là mục tử nhân dũng. Con tin là Cha đang sống trong
Tình Yêu của Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân dũng, là Đấng Cha đã
viết, đã theo bước, đã sống và chết trọn vẹn cho Người. Xin Cha
cầu bàu cho Giáo Hội Việt nam, cho các giáo phận mà Cha là Giám
Mục, cho tất cả những người mang ơn Cha, và cho chúng con, những
đứa con đã được Cha yêu thương trọn vẹn.
Sàigòn, ngày Mẹ Fatima,
chuẩn bị Sinh Nhật thứ 100 Đức Cha Phêrô
Maria 2009
Gioan Lê Quang Vinh
Chú thích:
(1)
(2) (3) Viết theo Cha Phêrô
Hoàng Xuân Nghiêm.
(4) (5)Trích Di chúc Đức Cố Giám Mục Phêrô
Maria Phạm Ngọc Chi |
VỀ MỤC LỤC |
|
DŨNG LẠC THÁNH TÍCH
|
(Độc vận)
Thánh An-rê,
Trần An Dũng
Lạc.
Linh Mục can
trường!
Thánh nhân
bất khuất!
Chào đời tuổi
ất mão (*), quê Bắc Ninh lâm cảnh bần hàn,
Tha hương năm
bính dần, Đất Hà Nội vướng vòng phiêu dạt.
Ý Chúa an
bài,
Ơn trên sắp
đặt.
Mười hai
tuổi, thánh hiệu An-rê - nước tinh tuyền thanh tẩy tội truyền,
Đủ mười ba,
nhà tràng Vĩnh Trị - lửa sốt mến hiến dâng hồn xác.
Thiên bẩm
dĩnh ngộ thông minh,
Nhân trau ân
cần phép tắc.
La-tinh - Hán
học chuyên chăm,
Lẽ triết - lý
thần lưu lóat.
Ơn thiên
triệu sáng soi, mười hai năm tấm bé, nung nấu chí chủng sinh.
Ý bề trên vời
gọi, Hai tám tuổi trưởng thành, tấn phong hàm linh mục.
Này Sơn
Miêng- Đồng Chuối, vai phụ tá ân cần,
Nọ Kẻ Đầm- Kẻ
Roi, gánh chủ chăn đĩnh đạc.
Lửa sốt mến
bỏng ran tấc lưỡi, đức cậy tin an vững tâm hồn.
Ơn khôn ngoan
tràn thóat đầu môi, lời giáo huấn nhủ răn uyên bác.
Cùng giáo
hữu: ân cần vui vẻ hòa đồng,
Với bản thân:
khó khăn đơn sơ nhiệm nhặt.
Lắng lo san
ngọt sẻ bùi,
Sớt chia
miếng ngon miếng nhạt.
Giáo dân cảm
mến dường bao,
Bề trên vui
lòng tấm tắc!
Hạt cậy tin
gieo sâu nảy mộng, nở lá đài thở khí đất tràn trề,
Cây sốt mến
trổ lộc vươn mình, đơm búp nụ uống mưa trời hoan lạc…
Hỡi ơi:
Chiên khờ
thật dạ hiền lành,
Sói dữ rắp
tâm nanh ác.
Năm qúy tỵ
(**)bạo chúa u mê,
Triều Minh
Mạng hôn quân gay gắt.
Ra sắc chỉ
cấm đạo Giatô,
Lệnh quan
quân sục lùng làng mạc.
Lính tráng
tựa hùm beo!
Mạng người
như cỏ rác!!
Chức ty – xã
– tổng tứ đốm tam khoanh,
Quyền huyện –
phủ - thôn lục lăng bát giác.
Vơ bạc nén kẻ
bắt đứa tha,
Vét tiền trăm
quyền sinh quyền sát.
Bậc chủ chăn
sẻ nghé kiếm chốn tạm nương,
Đòan tín hữu
tan đàn tìm phương ẩn nấp.
Khuyên nhủ
nhau giữ vững đức tin!
Dặn dò kỹ
đừng sa chước mốc.
Sáu năm nếm
mật nằm gai,
Ba lần tra
tay trói quặt.
Nơi tạm giam
Bình Lục, nết nhân từ cảm mến lính ngục canh.
Chốn ngục
thất Hà Thành, lòng đạo đức thấu tình quan chấp pháp.
Trong công
đường xét xử, quan án truyền qúa khóa thập hình!
Giữa bạch
nhật thanh thiên, phạm nhân quyết vững vàng tín xác.
Tấc dạ kiên
trung!
Thước lòng
quyết thác!
Gỗ gông cổ
nào nản chí anh hào,
Sắt cùm chân
đâu nhụt sờn khí phách.
Bản cáo trạng
y tấu triều đình,
Tờ án tử
chuẩn phê dương pháp.
Lưỡi tử tội
vui mừng hát xướng “Te deum”
Miệng phạm
nhân khởi hứng ngâm thơ bài ứng tác.
Thơ
rằng:
“Lạc rầy
đã rõ chốn quân quan,
“Bút chép
thơ này gởi thở than!
“Lòng nhớ
bạn còn đương vất vả,
“Dạ thương
khách chạy chữa yên hàn.
“Đông qua
tiết lại thì xuân tới,
“Khổ trảm
mai sau hưởng phúc an.
“Làm kẻ
anh hùng chi quản khó,
“Nguyện
xin cùng gặp chốn Thiên Đàng…”
Đường ra pháp
trường giáo dân lệ đổ chứa chan,
Cửa Ô Cầu
Giấy quân lính giải tù rầm rập.
Tên đao phủ
bối rối ngước đầu… theo lệnh quan trên!
Kẻ lý hình
thầm thì cúi mặt… xin đừng oán chấp!
Hồi trống
giục dứt thùng!
Nhát gươm đưa
bén ngót.
Máu hùng anh
đổ xuống đất liền khi,
Hồn chiến sĩ
bay lên trời tức khắc.
Bốn mươi sáu
làm người chơn chất, chẳng hổ cùng trời đất xoay vần!
Mười lăm năm
trách vụ chủ chăn, đâu thẹn với trăng sao vằng vặc.
Đức giáo tông
tôn phong chân phước, sáu thập niên sau cuộc tử vong.
Mẹ giáo hội
truy tặng thánh nhân, một kỷ rưỡi đầu thiên niên mạc.
Hân hoan dòng
giống nhà Nam,
Kính mừng
Anrê Dũng Lạc.
Cân quắc anh
hùng!
Can trường
bất khuất!!!
Bùi Nghiệp
(nguồn BT
Hiệp Thông)
________________
Chú
thích: (*) Thánh
nhân sinh năm ất mão (1795)
(**) Vua
Minh Mạng ra sắc chỉ cấm đạo năm qúy tỵ (06-01-1833) |
VỀ MỤC LỤC |
|
CÓ MỘT LỚP HỌC NHƯ THẾ .
|
(Chia sẻ về lớp
học kỹ năng làm Cha Mẹ được tổ chức tại TTMV TGP Sài
Gòn.) .
Ngày nay ;
chúng ta - những bậc cha mẹ phải đối mặt với rất
nhiều áp lực trong cuộc sống: công việc ; con cái ; kiếm
tiền ; chi phí hàng ngày … với nhiều lo toan chồng chất
.
Thực tế đang
diễn ra cho thấy ; có rất nhiều trẻ em hư hỏng do chưa
được cha mẹ quan tâm đúng mức ; do thiếu thời gian ; do
mải mê kiếm tiền ; do nhận thức chưa đúng về tầm quan
trọng của việc giáo dục , đặc biệt là giáo dục về Ki
tô giáo .
Hàng ngày ; nếu
chúng ta mở tivi và để ý quan sát ; sẽ thấy rằng thời
lượng các chương trình về phim Hàn Quốc ; Trung Quốc ;
nước ngoài … , các chương trình ca nhạc ; games show ;
quảng cáo ; thể thao … chiếm thời lượng nhiều hơn so
với các chương trình về giáo dục .
Tỉ lệ thanh
thiếu niên bỏ học ; hư hỏng ; nghiện ma túy ; nghiện chơi
game online đang rất trầm trọng .
HĐGMVN đã chọn
năm 2009 là năm Giáo Dục Kitô Giáo . Đây cũng là dịp để
nhắc nhở các bậc phụ huynh về vai trò quan trọng của
bậc làm Cha Mẹ .
Tôi may mắn được
tham dự lớp “ Kỹ Năng Làm Cha Mẹ “ được tổ chức tại
Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận – số 6 bis , Tôn Đức Thắng ;
Quận 1.
Mỗi tuần chỉ
học vào ngày thứ Bảy ; từ 14h00 đến 17h00 .
Khóa học này
đã giúp tôi thay đổi rất nhiều về nhận thức . Đặc biệt
là nhận ra vai trò quan trọng của bậc làm cha mẹ công
giáo trong việc giáo dục con cái .
Chắc chắn ;
khóa học sẽ giúp tôi và các học viên áp dụng được
nhiều điều hữu ích trong cuộc sống ; trong gia đình ;
giáo xứ và xã hội .
Các chủ đề
trong khóa học được trình bày và chia sẻ bởi các giảng
viên giàu kinh nghiệm và tâm huyết như : ĐGM Phêrô Nguyễn
Văn Khảm ; Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Ban Mục Vụ
HNGĐ - TTMVGP ; Cha Giám tỉnh DCCT – Vinh Sơn Phạm Trung
Thành ; Cha Bảo Vệ Sự Sống Lê Quang Uy – DCCT ; Thạc sĩ
- Sơ Hồng Quế (OP) - ; Nhóm của Cha Giuse Hoàng Huy Cường
(OP) ; Nhóm của Bác Sĩ Nguyễn Đăng Phấn ; Bác sĩ An Tôn
Bùi Duy Luật – Phòng Khám Đa Khoa Xóm Mới ; TS Hoàng Mai
Khanh – Trường ĐHKHXH & NV .
Các chủ đề rất
thiết thực và bổ ích cho các bậc cha mẹ trong việc dạy
dỗ con cái như : Gia Đình Công Giáo sống thư mục vụ của
HĐGMVN ; gia đình công giáo VN phải đối đầu với những
vấn nạn của nền kinh tế thị trường ; vấn đề về bảo
vệ sự sống ; bảo vệ môi trường ; tác hại của rượu ;bia
; thuốc lá , các vấn nạn về ma túy ; HIV ; internet và
an toàn cho trẻ … trong đời sống hàng ngày .
Phương pháp học
rất linh động và hào hứng ; có sự tương tác giữa giảng
viên và học viên như : trao đổi trong nhóm ; trình bày
nhóm ; đố vui có thưởng ; chia sẻ kinh nghiệm cá nhân ;
…
Ngoài ra ; với
sự hỗ trợ của phương tiện giảng dạy như : máy chiếu LCD
; màn chiếu ; laptop ; hình ảnh ; âm nhạc … làm cho không
khí lớp học rất hứng khởi .
Các học viên
tham gia rất nhiệt tình . Có những anh chị ở tận tỉnh
Bình Phước ; Biên Hòa –Đồng Nai ; Thủ Thiêm … cũng lên
tham dự .
Chân thành cảm
ơn TTMV TGP đã tổ chức lớp học này .
Chân thành cảm
ơn Quý Giảng Viên và nhóm cộng tác đã tâm huyết truyền
đạt .
Chân thành cảm
ơn Ban Tổ Chức đã tổ chức lớp học thật chu đáo .
Tôi tin chắc ;
sẽ có rất nhiều bậc Cha Mẹ trong và ngoài GP có nhu
cầu và cần được chia sẻ những đề tài thiết thực như
thế này .
Được biết ; TTMV
TGP sẽ mở khóa mới - “ NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ “ về nhiều
chủ đề xã hội đang quan tâm . Ngày khai giảng là thứ
Bảy ; 09/05/2009 . Mỗi tuần học chiều thứ Bảy ; từ
14h00 đến 17h00 ( 8 tuần ) , tại lầu 3 ; 6 bis Tôn Đức
Thắng ;Quận 1; TP.HCM .
Đây cũng là cơ
hội rất tốt cho những ai sắp xếp được thời gian tham gia
.
Lạy Chúa ; xin
giúp chúng con ngày càng nhận biết rõ sứ mệnh quan
trọng của bậc làm Cha Mẹ Công Giáo mà Ngài trao ban cho
chúng con ; hầu mong đào tạo những người con giúp ích
cho Giáo Hội và Xã Hội .
Một học viên lớp
học .
Giuse Mai
Thanh Hoài .
Email :
josephmaithanhhoai@gmail.com |
VỀ MỤC LỤC |
|
NÓI
VỚI CHÚNG, KHÔNG NÓI CHO CHÚNG |
Với chủ trương “Kính Nhi Viễn Chi”
trong nền văn hóa Việt Nam, cha mẹ và con cái luôn có một khoảng
cách rất lớn để có được sự trọng kính. Cha mẹ khó trở thành
những người bạn thân đối với con cái.
Tuy nhiên, rất nhiều lần nhiều
người trong chúng ta cũng đã cố gắng đề nghị: Cha mẹ nên có
những cuộc thảo luận thân tình với con cái về những trục trặc
giữa bố mẹ và con cái. Nhưng qua những bài tham luận trên đây,
chúng ta đã thấy rằng rất ít cha mẹ biết cách nói chuyện với con
cái. Thông thường cho thấy rằng một số cha mẹ cũng muốn nói
chuyện với con cái một cách thân tình, điều đó có thật, nhưng
con trẻ lại xem như nghe một bài giáo huấn.
Những khó khăn nổi bậc giữa các em
ở tuổi vị thành niên và người lớn là sự thiếu đối thoại và cảm
thông. Những cánh cữa nầy có thể mở rộng suốt thời thanh xuân
nếu một tương quan tốt đẹp đã được thiết lập khi đứa trẻ còn
nhỏ. Điều nầy tùy thuộc vào sự kính trọng của chúng ta đối với
đứa trẻ ngay cả khi chúng ta không đồng ý với nó. Khi chúng ta
ngừng suy nghĩ về chuyện đó, chúng ta nhận ra điều lạ lùng liên
quan đến việc phát triển khả năng suy nghĩ của một đứa trẻ. Theo
cách riêng của nó và thường trong vô thức, nó quan sát, thu nhận
những ấn tượng, tổ chức chúng thành hệ thống và rồi hành động
dựa trên những kết luận của nó. Nó có đầu óc của riêng nó. Rất
thường chúng ta cho cách sống như vậy là để chỉ sự bất tuân hay
kháng cự. Chúng ta muốn đập tan những cái ngoài khuôn khổ đó và
cố gắng tạo cho nó một ấn tượng liên quan với điều chúng ta
nghĩ. Chúng ta muốn cá tính, đầu óc, và đặc nét của nó được rập
khuôn theo khuôn mẫu của chúng ta dường như nó là một mẫu đất
sét và hành động của chúng ta là nắn lên hình tượng. Từ cái nhìn
của đứa trẻ, đây là một sự độc tài, một bạo chúa. Điều đó không
có nghĩa là chúng ta không thể, không nên ảnh hưởng, hay không
nên hướng dẫn nó. Điều đó chỉ muốn nói là chúng ta không thể
cưỡng bức nó đi vào khuôn mẫu của chúng ta.
Mỗi đứa trẻ có sáng tạo riêng của
nó. Mỗi đứa trẻ đáp trả hoặc phản ứng cách khác nhau đối với
điều nó gặp trong cuộc sống. Mỗi đứa trẻ có bàn tay riêng biệt
trong việc làm nên cá tính của nó.
Trong vai trò bố mẹ, vì công việc
của chúng ta là hướng dẫn con cái, có thể là khôn ngoan cho
chúng ta để khám phá ra cách thế chúng ta đang hướng dẫn. Chúng
ta có thể học hỏi nhiều bằng cách nhìn xem hạnh kiểm của con cái
và khám phá ra mục đích của nó. Chúng ta có thể học nhiều hơn
nếu chúng ta khám phá ra chúng muốn gì. Thật ra, điều đó không
khó mấy, vì con trẻ rất tự do trong việc biểu lộ chính mình. Tuy
nhiên, nếu chúng ta quở trách, phê bình, cảnh cáo, hoặc cho thấy
lỗi lầm với điều chúng nghĩ, chúng sẽ không bộc lộ chính mình
cho những kinh nghiệm không mấy thoải mái đó nữa. Và dần dần
chúng ta sẽ mất đi những cuộc đối thoại quí giá của những ngày
xưa ấy.
Trái lại, nếu chúng ta vui vẻ đón
nhận những tư tưởng của một đứa trẻ, xem xét với nó, thăm dò với
nó xem kết quả thế nào, và hỏi những câu hỏi như: “Rồi cái gì có
thể xảy ra? Con cảm thấy thế nào? Người khác cảm thấy thế nào?”
Đứa trẻ sẽ cảm thấy một cảm giác thân tình trong việc giải quyết
những vấn đề của cuộc sống. Hỏi những câu hỏi hướng dẫn là một
trong những phương cách tốt nhất để chuyển đạt những ý tưởng
mình muốn chuyển đến.
Thật là buồn cười khi mong đợi một
đứa trẻ chỉ có những tư tưởng đúng. “Bảo nó sai và chúng ta
đúng” chỉ làm cho nó không thèm nói nữa. Và chúng ta cũng như
vậy. Và đây là nói cho nó.
“Quốc phong, con có biết ghét chị
con là không đúng không? Con phải yêu chị. Con là em mà.” Đây là
nói cho đứa trẻ, là truyền lệnh cho nó. Mặt khác, “Mẹ lấy làm lạ
tại sao một đứa em trai lại ghét chi? Con có ý tưởng nào không?
Cái gì khác mà một đứa em trai có thể làm ngoài việc ghét?” Và
bây giờ đây là nói với, là thảo luận. Chúng ta biết tư tưởng
ghét chị của cậu bé, không ám chỉ việc tốt hay xấu. Nó hiện hữu.
Cái gì và tại sao từ cái nhìn của đứa bé, chúng ta muốn đem ra
bàn thảo.
Là bố mẹ, chúng ta có khuynh hướng
cho rằng chúng ta biết đứa trẻ cảm giác thế nào. “Tôi nhớ tôi đã
cảm thấy thế nào khi chị tôi chiếm hết sự chú ý của ông bà tôi
vì chị tôi quá dễ thương. Tôi không để điều đó xảy ra cho con
tôi. Thật ra, đứa con gái tôi không để đứa em gái kháu khỉnh của
nó chiếm hết tất cả sự chú ý. Thay vì trả thù như tôi đã làm đối
với chị tôi, cô bé đã đối xử tử tế hơn nhưng trong một cách thế
không thõa chí mấy. Đứa con tôi có thể có một cái nhìn hoàn toàn
khác biệt. Điều đó có thể, nhưng tốt hơn tôi nên khám phá ra cô
bé cảm thấy thế nào? Đừng nghĩ rằng cô bé cảm thấy như tôi ngày
xưa, cô bé cố gắng nên tốt và vượt trên kẻ khác.”
Chúng ta phải chấp nhận có nhiều
cách nhìn, có nhiều quan điểm không giống nhau. Cách nhìn của
chúng ta thì không phải là cách nhìn duy nhất.
Chúng ta phải chăm sóc nhiều hơn
khi chúng ta khám phá ra rằng đứa con chúng ta nhìn những điều
đó một cách khác biệt. Nếu chúng ta nói một điều gì làm cho nó
mất mặt hoặc cảm thấy thất sủng, ngay tức khắc chúng ta mất đi
sự tín nhiệm của chúng. Chúng ta cần sẵn sàng nhận thức và chấp
nhận quan điểm khác biệt với chúng ta. “Con có thể đúng. Bố mẹ
sẽ suy nghĩ về điều đó và xem cái gì khác có thể làm được.”
Chúng ta có thể nói với đứa trẻ: “Bố mẹ không đồng ý với con.”
Tuy nhiên, chúng ta phải luôn nói tiếp: “Nhưng con có quyền nghĩ
như thế nếu con muốn. Chúng ta hãy nhìn xem nó có kết quả thế
nào?” Trong tương quan bình đẳng, mỗi người phải xét lại giá trị
của lối suy nghĩ của mình – không theo lối tư tưởng cứng nhắc
của “đúng và sai”, nhưng phải xem kết quả thực tiễn.
Lm. Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý |
VỀ MỤC LỤC |
|
CHIM SẺ ĐÁNG YÊU
|
Viết
về Chim Sẻ là viết về một ước mơ của tôi trong thời niên thiếu.
Ngày đó, tôi ước mơ
được ôm một con Chim Sẻ trong đôi bàn tay của mình, để vuốt ve
bộ lông màu nâu mềm mại và cảm nhận sự run rẩy của Chim Sẻ trong
bàn tay mình. Đó là một ước mơ tuy nhỏ bé nhưng vô cùng mãnh
liệt và với tôi vô cùng táo bạo. Không hiểu tại sao, tôi vẫn
nghĩ rằng giữ một sinh vật biết bay trong bàn tay mình là một
tội, hay ít ra cũng là một điều lầm lỗi. Sau này khi lớn lên tôi
mường tượng hiểu ra rằng ngay từ khi còn là chú bé con,
trong vô thức tôi đã biết Tự Do là điều vô cùng quí giá, mà một
sinh vật biết bay - điển hình là - Chim Sẻ - tượng trưng cho sự
Tự Do ấy. Giữ Chim Sẻ trong tay, dù chỉ là đôi bàn tay thơ dại
của một chú bé con, cũng đã là một hành động bóp nghẹt Tự Do, và
như thế hẳn là một điều lầm lỗi. Còn cái cảm giác
"ước
mơ táo bạo''? Lỗi lầm nào mà chẳng có một sức cuốn hút, trái cấm
nào chẳng có hương vị mời mọc? Chính vì thế mà ước mơ được ôm
Chim Sẻ trong tay trở thành một ước mơ táo bạo, đôi khi
làm tôi rung động cả trái tim son trẻ.
Bố tôi không bao giờ
cho tôi chơi ná bắn chim. Giả như bố có cho, tôi cũng không bao
giờ muốn mình làm cho chim chết hay bị thương. Bố cũng cấm tôi
không được trèo cây phá tổ chim bắt chim non hay lấy trứng, theo
đúng quan niệm ''Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con
biệt
trèo."
Bởi thế hầu như không bao giờ tôi được nhìn thật gần, thật sát
Chim Sẻ, chính vì thế mà tôi có ước mơ. Ước mơ đó đôi khi đi vào
giấc mộng. Tôi mơ thấy mình chạy như bay giữa một cánh đồng lúa
chín, giơ tay vẫy, bắt Chim Sẻ đang bay hằng đàn trên đầu. Và
bao giờ cũng thế, khi tôi sắp sửa ôm được Chim Sẻ trong đôi bàn
tay thì giật mình tỉnh giấc.
Tình yêu của tôi
dành cho Chim Sẻ là tình yêu vụng dại của tuổi thơ. Tôi yêu Chim
Sẻ nên thích nhìn Chim Sẻ, dĩ nhiên cùng với ước mơ được ôm chim
Sẻ vào lòng. Những buổi sáng ở đồng quê vào dịp nghỉ hè, tôi
thường ngồi trước hiên nhà, ngắm nhìn từng đàn Chim Sẻ bay từ
trên cao xuống, đậu rợp một sân nhà đang phơi thóc. Những hạt
thóc chín vàng được mổ thật nhanh, thật gọn, với những cái mỏ
nhỏ, ngắn, xinh xinh. Cũng có những ngày thiếu nắng, bầu trời
xám như chì và có gió thổi lành lạnh, tôi nghển cổ kiêm tìm Chim
Sẻ đang ẩn nấp trong những ống tre, ống nứa trên mái tranh,
thỉnh thoảng thò cái đầu xinh xắn màu nâu với cặp mắt tinh anh
ra ngoài ngó ngang ngó dọc.
Chim Sẻ có mặt khắp
nơi, ở đồng quê cũng như trong thành phố. Những ngày nắng ráo,
thành phố đẹp như tranh vẽ bằng màu sắc vui tươi rục rỡ, Chim Sẻ
đậu từng hàng trên dây điện, ngó xuống đường xá phố phường trong
nhịp sinh hoạt mỗi lúc một dâng cao. Chim Sẻ cũng có mặt ở nhà
trường, nhận những mẩu bánh mì vụn vương vãi mà những cô cậu học
trò chia sẻ cho. Chim Sẻ ở nhà trường rất bạo dạn, chơi cùng một
sân với sân chơi học trò. Một cuộc sống chung rất hòa bình giữa
Thiếu Nhi và Chim Sẻ. Thì lâu lâu các em cũng hù dọa Chim Sẻ một
chút, Chim Sẻ bay tuốt lên các cành cây. Nhưng Chim Sẻ không
biết giận, chỉ một lát sau, Chim Sẻ lại bay xuống đầy sân trường
học. ĐÔI khi Chim Sẻ cũng nghịch ngợm, bay cả vào trong lớp học,
không biết để nghe thầy giảng bài hay để chọc phá không cho thầy
giảng. Nếu tôi nhớ không lầm thì Huy Cận đã viết những câu thơ
thật dễ thương về Chim Sẻ :
Chiều Xuân Chim Sẻ vô trong lớp,
Ông
giáo trông lên, chúng bạn cười.
Các bạn tôi, chúng
thích sáo, thích vẹt để dạy cho những con chim này tập nói. Tên
nào mơ mộng hơn thì thích hoàng oanh, sơn ca để nghe chúng hót;
cầu kì hơn thì thích chim yến; chịu khó và hiền lành thì nuôi
chim cu, tập cho chim cu gáy bổ hai, bổ tư... Tên nào quá
thực tế thì thích nuôi bồ câu để... ăn thịt! Chỉ có tôi là thích
Chim Sẻ
Chim Sẻ của tôi khác
tất cả các loại chim vừa kể ở trên. Những loại chim đó đều biết
bay, dĩ nhiên là chim thì phải biết bay, không biết bay, họa có
là chim bằng đất sét nhưng dù biết bay, chúng cũng chấp nhận
sống trong lồng để cho người ta chăm sóc, nuôi dưỡng. Chim Sẻ
thì không! Chim Sẻ không chấp nhận được nuôi trong lồng, dù
trong lồng có gạo trắng, nước trong. Cuộc sống của Chim Sẻ là
cuộc sống tự do bay lượn trên trời xanh lồng lộng, tự do chuyền
cành, nhảy nhót. Có thể Chim Sẻ bay không cao, nhảy không xa,
nhưng tầm bay và tầm nhảy của Chim Sẻ chắc chắn cao hơn, rộng
hơn khung lồng chật hẹp. Cố bắt nhốt Chim Sẻ vào lồng, Chim Sẻ
không chống cự lại được thì cuối cùng Chim Sẻ chết chứ không cam
tâm sống cuộc sống chim lồng. "Tự Do hay là Chết ", khẩu hiệu
này, lẽ ra khi được người ta kẻ thành biểu ngữ hay được đóng
khung trong các trang báo, phải có hình Chim Sẻ ở bên cạnh.
Tôi thích ngắm bộ
lông màu nâu của Chim Sẻ , Trong màu nâu ấy, có một cái gì hiền
lành, thân mật, một cái gì gần gũi và dễ thương. Màu nâu không
Làm cho người ta có cảm giác sợ hãi hay kiêng nể: Tôi không nghĩ
màu nâu là màu tầm thường, nhưng tôi nghĩ đó là màu căn bản của
con người, chính vì vậy mà người ta dễ có cảm tưởng gần gũi với
nó. Màu nâu là màu của đất. Đất nuôi sống con người bằng tất cả
những phẩm vật phát sinh từ nó. Đất cũng được Thiên Chúa dùng để
tạo nên con người. Đất và Người, mối liên hệ ấy đã có từ thuở
khai thiên lập địa. Lúc nãy tôi có nhắc tới chim bằng đất
sét. Quả nhiên khi còn nhỏ, tôi đã thường dùng đất sét để
nắn thành hình những con Chim Sẻ. Tại sao tôi không vẽ Chim Sẻ
trên giấy, không lấy giấy gấp hình Chim Sẻ, hay không làm Chim
Sẻ bằng bất cứ vật dụng nào khác. Thực tình bây giờ tôi không
biết, có thể vì những vật dụng khác hiếm hơn, cũng có thể vì tôi
không có tài vẽ, tài xếp giấy, nhưng cũng rất có thể là vì tôi
đã có một liên tưởng tự nhiên giữa màu nâu của lông Chim Sẻ và
màu nâu của đất. Sự liên hệ rất đơn giản, tự nhiên, hiền như đất
và bình dị như Chim Sẻ.
Chim Sẻ không biết
đi, mà chỉ biết nhảy? Điều này tôi khám phá ra rất sớm trước khi
được học về nó trong chương trình vạn vật những năm đầu bậc
Trung học. Cái lối và cái dáng di chuyển của Chim Sẻ thật đặc
biệt, nó có cái gì hồn nhiên, vui tươi ở trong đó. Hình như
trong người Chim Sẻ, trong đôi cánh và nhất là trong đôi chân
của Chim Sẻ có âm nhạc. Mỗi bước nhảy của Chim Sẻ là một nốt
nhạc xinh xinh. Chính vì thế, người ta thường ví bước chân tung
tăng của các cô cậu học trò là "bước chân Chim Sẻ". Những buổi
sáng rảnh rỗi, tôi thường ngồi trước sân nhà, chăm chú ngắm nhìn
Chim Sẻ nhảy tung tăng và kêu ríu rít. Ở Chim Sẻ, cái gì cũng
nhỏ bé, niềm vui của Chim Sẻ cũng là một niềm vui nhỏ bé, tiếng
kêu của Chim Sẻ cũng là những tiếng nhỏ bé, và bước nhảy của
Chim Sẻ cũng là những bước thật ngắn. Bời thế tôi có thể nói
rằng đặc tính ai cũng nhìn thấy nơi Chim Sẻ là sự nhỏ nhắn, dễ
thương.
Người ta, dù ai có
yêu đời lạc quan mấy đi nữa thì cũng có lúc buồn. Mỗi người có
một thứ nguyên do chính để buồn. Đụng vào chuyện khác thì không
sao, nhưng đụng vào cái ''nguyên do chính'' ấy thì thế nào cũng
tạo nên trong lòng họ một nỗi buồn sâu xa, thấm thía. Chim Sẻ
cũng thế. Chim Sẻ sống vui tươi, hồn nhiên, nhưng cũng có lúc
buồn, đó là khi Chim Sẻ mất bạn. ''Mất bạn'' là thứ ''nguyên đo
chính'' khiến Chim Sẻ không thể vui tươi hồn nhiên được nữa.
Chim Sẻ trở nên héo hon, u buồn và sầu thảm, Tác giả Thomson nói
rằng khi một Chim Sẻ mất bạn thường đậu một mình trên mái nhà,
than thở cho số phận. Thánh Vịnh có câu viết rằng: ''Tôi
thao thức,
tôi giống như Chim Sẻ hiu quạnh trên mái nhà."
Đôi khi trong suy tư
vụng đại, tôi tưởng tượng mình là Chim Sẻ - Ừ, nếu tôi là Chim
Sẻ, tôi có biết sống và biết yêu Tự Do như Chim Sẻ không? Nếu
tôi là Chim Sẻ, tôi có hòa nhập con người tôi vào thiên nhiên
hiền hòa và tươi mát như Chim Sẻ không? Nếu tôi là Chim Sẻ, tôi
có vui với bộ lông màu nâu giản dị mà không đua đòi với bất cứ
loài chim nào khác có bộ lông lộng lẫy, kiêu kỳ không? Không đùa
đòi tức là giữ được bản chất của mình, nghĩa là sống thật và
không bị lôi cuốn theo người khác. Chim Sẻ làm được điều đó, tôi
có làm được như vậy không, hay tôi sẽ sắm cho mình một cái vỏ
bên ngoài và chạy đua trong một vòng đua không đích điểm? Nếu
tôi là Chim Sẻ, tôi có nhảy nhót tung tăng trong mọi nơi và mọi
lúc, biết chấp nhận trong vui tươi cuộc sống và hoàn cảnh của
mình không? Nếu tôi là Chim Sẻ, tôi có sống thân thiện với mọi
sinh vật chung quanh, giống như Chim Sẻ thân mật với những cô
cậu học trò trong sân trường học không? Nếu tôi là Chim Sẻ, tôi
có yêu bạn, thương bạn như Chim Sẻ đã yêu thương và buồn rầu khi
mất bạn?
Tôi yêu Chim Sẻ, là
yêu nhất là cuộc sống phó thác vào Thượng Đế của Chim Sẻ, giống
như hầu hết các loài chim khác, Chim Sẻ không gieo, không gặt mà
Thượng Đế vẫn cho Chim Sẻ ngày ngày no đủ. Phần tôi, tôi sống
thế nào, lo toan những gì, tính toán la sao, lập những kế hoạch
nào, chương trình dài hạn, ngắn hạn của tôi ra sao?... Chim Sẻ
dễ thương vì Chim Sẻ sống không tính toán. Tôi trở nên khó
thương vì tôi lo lắng và tính toán nhiều quá.
Chim Sẻ dễ yêu. Cho
đến bây giờ, đã bao nhiêu năm qua khỏi tuổi trẻ hồn nhiên, tôi
vẫn yêu Chim Sẻ . Tình yêu không những dẫn đến ước mơ được ôm
Chim Sẻ trong tay, mà còn mong muốn được sống cuộc sống dễ
thương như Chim Sẻ.
Nhà Văn Quyên Di |
VỀ MỤC LỤC |
|
Sống triển nở đời sống cộng đoàn,
yếu tố sống còn của tu sĩ
|
NGƯỜI NỮ TU SỐNG TU ĐỨC TOÀN DIỆN
tác giả: Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss
LỚP THẦN HỌC LIÊN
TU SĨ - TÒA GIÁM MỤC BÙI CHU (2008 - 2009)
Chương V : Sống triển nở đời sống
cộng đoàn, yếu tố sống còn của tu sĩ
A. ĐỊNH HƯỚNG VÀ PHƯƠNG THẾ
TỔNG QUÁT
Trước hết, chúng ta khảo sát các yếu tố cấu
tạo nên cộng đoàn và đời sống cộng đoàn của chúng ta.
I. ĐẤT
SỐNG CỘNG ĐOÀN
Những người
làm vườn biết rằng trước khi trồng cấy, họ phải khảo sát kết
cấu, các điều kiện và nhu cầu của đất. Sau khi đã thấu hiểu tính
chất của đất, họ biết rõ thứ cây gì sẽ phát triển ở trong đất
đó. Họ biết phải dùng loại phân bón gì để bồi bổ cho đất, và họ
cũng hiểu đất giữ nước như thế nào. Sau khi biết rõ đất, họ tiến
hành công việc trồng cấy.
Đó là tại
sao, như những người làm vườn của các linh hồn, trước hết chúng
ta phải xem xét cộng đoàn trong đó chúng ta sống và làm việc
tông đồ.
Chúng ta hãy
xem dụ ngôn người gieo giống và hạt giống: Đều là hạt giống tốt,
nhưng kết quả sẽ tùy thuộc vào loại đất tiếp nhận hạt giống.
"Người
gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy
gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim
trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì
thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm
nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó
sinh hoa kết quả gấp trăm" (Lk 8,5-8)
"Đây là ý
nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những kẻ ở bên vệ
đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng
họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Còn những kẻ ở trên đá là những
kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ
tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Hạt rơi vào bụi
gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng
và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết
ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Hạt rơi vào đất tốt: đó
là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi
nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”
(Lk 8,11-15)
Mảnh đất tâm
hồn và cuộc đời của mỗi người chúng ta có thể là vệ đường, sỏi
đá, bụi gai và đất tốt, do chúng ta làm cho chính mình trở nên
như thế, hoặc do người khác. Và chúng ta cũng có thể làm cho
mảnh đất tâm hồn và cuộc đời của kẻ khác thành vệ đường, đá sỏi,
bụi gai và đất tốt.
Còn cộng đoàn
chúng ta là loại đất nào đây? Vệ đường? đá sỏi? bụi gai? Hay đất
tốt? Để hiểu cộng đoàn, chúng ta trở lại nghiên cứu về mảnh đất:
Mảnh đất trong đó chúng ta trồng tỉa được làm nên bởi nhiều loại
và kết cấu. Mảnh vườn tu trì của chúng ta phức tạp nhưng cũng
thật đẹp đẽ, được phát triển trong đất của các truyền thống tu
trì đa dạng. Cộng đoàn là mảnh đất nâng đỡ và nuôi lớn chúng
ta.
Dù đất (các
truyền thống tu đức) khác nhau, nhưng phận vụ của đất vẫn như
nhau trong mọi mảnh vườn là nuôi lớn, nâng đỡ và gìn giữ các cây
trồng.
Các cộng đoàn
tu trì không tồn tại như cứu cánh cho chính mình, nhưng được xây
dựng để đáp lại một lời mời gọi và phải trung thành với lời mời
gọi đó. Mọi thành viên cộng đoàn cùng chia sẻ một viễn ảnh chung
được nâng đỡ bởi sự hiểu biết thần học đời tu, nuôi dưỡng bởi sự
tuân thủ luật tu và thực hành tu đức.
Tuy các cộng
đoàn tu khác nhau trong thực hành đặc sủng và linh đạo, nhưng
kinh nghiệm cộng đồng đều nhất thiết bắt nguồn từ kinh nghiệm
đức tin. Việc thực hành truyền thống của Hội Dòng cũng cung cấp
cơ hội cho các thành viên của cộng đoàn chăm sóc lẫn nhau và bộc
lộ cam kết của mình.
Các thành
viên cộng đoàn tu phải thấu hiểu ý nghĩa là “thân mình Chúa
Kitô” và sứ mệnh đi vào thế giới để rao giảng Tin Mừng, tỏ rõ là
những môn đệ trung tín, luôn tự thách đố để trở nên giống những
tín hữu của Giáo Hội sơ khai, lấy việc yêu thương lẫn nhau làm
“dấu chứng là môn đệ của Chúa Kitô”; đồng thời nghe lời khuyến
dụ của Chúa Kitô mà đến với “những người rốt hết”, những người
“đau yếu chứ không phải những kẻ mạnh khoẻ”, nhờ đó trở nên hiện
thân tình yêu của Chúa cho thế giới.
Tân Ước đầy
những chỉ thị về đời sống cộng đoàn. Ý niệm đời sống tu trì như
một cơ cấu sống động không phải là mới mẻ: Các tín hữu của Giáo
Hội sơ khai được mô tả như một thân mình mà Chúa Kitô là đầu,
trong đó mỗi cá nhân thành viên “đều nên một với nhau” (x. Rm
12,3-8).
Như thành
viên của cộng đoàn đức tin, mỗi cộng đoàn tu ý thức rằng mình là
một cơ cấu sống động ở trong một cơ cấu sống động lớn hơn là
Giáo Hội hoàn vũ.
Vì tính cách
liên đới, sức sống của các cộng đoàn tu góp phần vào sức mạnh và
nghị lực của cộng đoàn lớn hơn. Và khi có sự độc hại nào trong
cộng đoàn chúng ta thì nó cũng tác động nguy hại đến toàn thể.
Vì là một
thân thể, mỗi người chúng ta có thể bị đau yếu bởi sự đầu độc
của óc kỳ thị, sự ham muốn tiền bạc, nỗi sợ hãi tính ác độc của
con người (homo homini lupus, soror sorori lupior, sacerdos
sacerdoti lupissimus), và những biểu hiện khác của sự nhẫn
tâm và hận thù.
Khi bắt đầu
cảm nhận tính liên lụy của các mối liên hệ của chúng ta lẫn cho
nhau, chúng ta có thể nhận thấy rằng một chuyển động nhỏ có thể
tạo nên một thay đổi lớn lao. Đồng thời nỗ lực có những hành
động đúng đắn hầu đóng góp vào những thay đổi lớn lao của toàn
thể cơ cấu.
II. CỘNG ĐOÀN GIẢ DANH
VÀ CỘNG ĐOÀN ĐÍCH THỰC
Chắc chắn chị
em đã có kinh nghiệm thuộc về một nhóm, một tổ ở trường học, ở
giáo xứ hay khu xóm mà giả thiết có một tinh thần chung, nhưng
chị em không cảm nhận được điều đó. Chị em đã không thể nói với
bất cứ ai khác rằng chị em đã khiếp đảm, lạc lỏng và cảm thấy
không được chấp nhận. Có lẽ chị em không cảm nhận được là chính
mình. Chị em không tin tưởng rằng nhóm có thể chấp nhận con
người thật dễ bị tổn thương của chị em. Và nếu như thế, rất có
thể chị em đã ở trong một cộng đoàn giả danh, chứ chưa phải là
một cộng đoàn đích thực.
Cộng đoàn giả
danh tự tỏ ra không phải là một cộng đoàn chính cống. Lắm khi nó
tỏ ra như một nhóm đồng nhất và dấn thân, các thành viên cảm
thấy bị áp lực phải làm rạng danh nhóm và giá trị của nhóm.
Nhưng cộng đoàn giả danh không phải là nơi cho các thành viên
được an toàn để tỏ ra khác biệt, bất đồng, chất vấn về kế hoạch
và đường lối lãnh đạo của nhóm. Các thành viên không làm rạng
danh nhóm bị xa tránh, lắm khi bằng những đường lối tế nhị. Các
xung đột không được phép và không có kỹ thuật hữu hiệu để giải
quyết xung đột. Mỗi người không được đánh giá theo những khác
biệt hay độc đáo của họ. Nhóm có tính cách loại trừ hơn là bao
gồm. Trong một nhóm đội như thế, người “khôn ngoan” thường lẫn
tránh va chạm, vì họ không cảm nhận được an toàn.
Trái lại, có
những cộng đoàn trong đó chị em cảm thấy thoải mái như ở nhà
mình, và chị em có thể là chính mình, không phải che giấu khuyết
điểm nết xấu gì. Một nhóm đội có thể làm cho chị em là chính
mình, cho chị em và cho kẻ khác, thì chắc chắn trong nhóm đội đó
chị em sẽ cảm thấy được an toàn. Chị em có thể tỏ ra nổi giận
hay bất đồng ý kiến. Chị em có thể nhận biết ngay những thành
viên nào khác với chị em. Chị em cảm thấy được lắng nghe. Chị em
thực sự quan tâm đến các thành viên khác của nhóm. Chị em cởi mở
lắng nghe họ vì chị em được quan tâm. Chị em không cảm thấy bị
thúc ép phải ở trong nhóm, trái lại chị em cảm thấy được tự do
thoải mái có mặt ở đó. Trong cộng đoàn đó, chị em trải nghiệm
được ân lành.
Mọi cộng đoàn
đều có một căn bản tinh thần. Các cộng đoàn được tổ chức cho
công ích. Chúng được bắt rễ từ mối quan tâm. Trong một khảo luận
về linh đạo của đời sống công cộng, nhà hoạt động xã hội và là
nhà giáo Parker Palmer nói rằng ngay cả các cộng đồng trần thế
coi mình như những cơ cấu xã hội bên ngoài cũng có một thực tại
nội tâm. Trước khi một cộng đồng có thể được xây dựng như một
thực tại xã hội hay chính trị thì nó phải được đón nhận như một
dữ kiện tinh thần. Nếu chúng ta muốn khôi phục lại ý nghĩa của
đời sống chung thì chúng ta phải bắt đầu với chiêm niệm chứ
không phải với hoạt động.
Những cộng
đoàn lấy đời sống tinh thần làm trọng tâm sẽ là nơi mà các thành
viên có thể:
-
hiệp thông
với nhau cách thành thật và không sợ hãi
-
giải quyết các xung đột cách riêng
tư với nhau và ở trong nội bộ nhóm
-
Học
yêu thương lẫn nhau, nhờ đó họ có thể yêu thương kẻ khác và mở
ra với những người xa lạ.
Những cộng
đoàn như thế là an toàn, bao gồm và công chính. Mọi cộng đoàn
đích thực là quà tặng của ân sủng. Một số cộng đoàn là tự
phát, những cộng đoàn khác được cố ý xây dựng nên. Một số cộng
đoàn cao tuổi đời, những cộng đoàn khác còn mới mẻ. Một số cộng
đoàn lớn lên tại chỗ, số khác được du nhập với một nguyên do. Dù
mục đích minh nhiên của các cộng đoàn có khác nhau thì người ở
trong các cộng đoàn đó cũng kinh nghiệm một cái gì đó giống
nhau: Họ trải nghiệm về ân sủng.
Quà tặng của
cộng đoàn đến từ ân sủng, cũng giống như quà tặng tình yêu.
Chúng ta không thể muốn người nào đó phải yêu chúng ta được. Tuy
nhiên khi chúng ta được yêu thì có nhiều cách để hỗ trợ tình yêu
đó. Hôn nhân là một cách trợ lực tình yêu. Và tình yêu là nền
tảng để xây dựng cộng đoàn. Đúng như chúng ta học các nguyên tắc
để giúp giáo dân có cuộc hôn nhân phong phú thì chúng ta cũng
học những nguyên tắc tương tự để xây dựng cộng đoàn. Nhiều khi
việc phải lòng yêu ai xảy ra không có chủ ý, cũng như trải qua
các kinh nghiệm cộng đoàn thật bất ngờ. Nhưng một khi yêu thì
người ta trở nên tận tụy với nhau. Bấy giờ tình yêu trở nên có ý
hướng.
Trong các
cộng đoàn đích thực, các thành viên có thể hiệp thông với nhau
cách trung thực, giải quyết các xung đột, học để yêu thương cộng
đoàn, yêu thương lẫn nhau và yêu thương những người xa lạ. Các
cộng đoàn đích thực là các công trình đang tiến triển để phản
ánh sự hoàn hảo của Tin Mừng. Hoàn hảo có nghĩa là đang ở trên
chính lộ và đang tiến triển cách dịu dàng. Các cộng đoàn luôn
biến đổi, chứ không bao giờ đạt tới đích. Các cộng đoàn đích
thực luôn luôn đang trở thành. Chẳng hạn như một cộng đoàn có
thể là một nhóm bao gồm trong đó các thành viên tín nhiệm nhau
đủ để là chính mình, dù họ có những khó khăn trong việc giải
quyết vài sự xung đột. Nhưng nhóm ý thức về khó khăn đó và trăn
trở với nó. Cộng đoàn đó đang đi đúng đường.
III. CỘNG ĐOÀN TRUYỀN THÔNG CHÂN THÀNH VÀ
KHÔNG SỢ HÃI
“Tôi có thể
là chính tôi ở đây!” Người có thể nói như vậy có lẽ là nói về
một cộng đoàn chính cống. Sự có thể nói là một khía cạnh tiên
quyết của truyền thông. Nhờ nói mà chúng ta mạc khải chính mình
cho nhau. Một số người trong chúng ta không biết chúng ta đang
nghĩ gì, hoặc chúng ta muốn nói gì, cho đến khi chúng ta nghe
chính mình lớn tiếng nói lên điều đó. Trong cộng đoàn, chúng ta
có thể nói lên câu chuyện đời của chúng ta.
Chúng ta có
thể trở nên kinh nghiệm hơn trong việc nói lên điều gì chúng ta
muốn. Nhờ được lắng nghe, chúng ta có thể biết đầy đủ hơn chúng
ta là ai. Những từ “truyền thông”, “cộng đồng” và “hiệp thông”
có cùng một ý nghĩa như nhau. Khi chúng ta truyền thông, chúng
ta đi vào mối liên hệ sâu xa, hiệp thông với người khác. Chúng
ta trao ban. Chúng ta lãnh nhận. Chúng ta làm điều đó với tất cả
con người của chúng ta –thân xác, trí não và linh hồn. Chúng ta
nghĩ tưởng và chúng ta cảm nhận. Chúng ta là nguyên vẹn. Chúng
ta là chúng ta.
Cộng đoàn tu
sĩ có thể được giúp đỡ lớn lao nhờ sự hiểu biết của chúng ta về
truyền thông hiệu quả, đến từ sự học hỏi về truyền thông trong
gia đình. Nó cũng đến từ sự học hỏi của chúng ta về hôn nhân và
gia đình truyền thông không hiệu quả.
Mỗi người
nhìn thế giới một cách khác nhau do lăng kính giới tính, chủng
tộc, khuynh hướng tính dục, tuổi tác, giai cấp, văn hóa, ngôn
ngữ… Được thấu hiểu trong mối liên hệ thân thiết, chúng ta phải
không ngừng giải thích chúng ta là ai. Khi chúng ta nhận thức
rằng người đối tác của chúng ta thực sự muốn biết về chúng ta,
chúng ta sẽ chấp nhận bộc lộ về mình.
Khi chúng ta
cảm thấy rằng người đối tác của chúng ta chẳng tha thiết gì,
chúng ta sẽ cảm thấy bị tổn thương, không được chấp nhận và cô
đơn. Các đôi vợ chồng cần bám rễ sâu trong tình yêu và chăm sóc
nhau của họ để cam kết cố gắng thấu hiểu người kia.
Sự truyền
thông không hiệu quả mà chúng ta thường thấy trong các cộng đoàn
tu cũng giống như vấn đề truyền thông của các đôi vợ chồng. Dù
vậy, vì rất nhiều người trong cộng đoàn cố gắng thấu hiểu nhau,
các vấn đề càng phức tạp hơn. Tuy nhiên, sự truyền thông có thể
được trợ lực nhờ áp dụng các nguyên tắc dùng để giúp đỡ các đôi
vợ chồng:
-
nhằm hiểu người kia hơn là để mình
được hiểu trước tiên;
-
lưu ý đến những khác biệt của
người kia;
-
đánh giá cao cái độc đáo của người
kia;
-
không kết án nhau.
Trong các cộng đoàn thực hành các quy luật này, người ta cảm
thấy được an toàn đủ để bộc lộ chính mình. Vì cảm thấy được chấp
nhận, họ càng cảm thấy thoải mái và càng sẵn sàng chấp nhận
người khác hơn.
Tất
cả chúng ta đều nhằm tìm kiếm những cách thức để giống như người
khác, hầu được cảm thấy như ở nhà mình, bớt lo âu. Chúng ta cảm
thấy thiện cảm với những ai cùng “bộ tộc” văn hóa và tu trì với
chúng ta. Tuy nhiên trong ý hướng tìm ra những người như chúng
ta thì lắm khi chúng ta lại không nhìn thấy họ đúng như họ thực
sự là. Chúng ta cứ dán mắt vào những cách thức mà họ khác với
chúng ta thôi.
Chính vì hành động theo những quan niệm về sự “giống nhau” này,
thay vì lắng nghe những “khác nhau”, mà các sự ngộ nhận nổi lên
trong cộng đoàn. Truyền thông có lẽ được dễ dàng nếu, thay vì cứ
dựng lên những giả định về người khác, người ta tự hỏi: “Người
đó hiểu thế nào về truyền thống tu của chúng ta? Nó khác thế nào
với cách tôi nhìn thấy và trải nghiệm? Cả khi quan điểm thần học
của người đó khác quan điểm thần học của tôi thì tôi có thể hiểu
gì về điều người đó muốn nói lên?
Chúng ta không thể nào thực sự hiểu biết lẫn nhau được cho đến
khi chúng ta có thể nhìn thấy và đánh giá đúng những khác biệt.
Các cộng đoàn tu không khoan dung nỗi lo âu của các thành viên
khi họ nhận biết các khác biệt của mình sẽ làm gia tăng các vấn
đề truyền thông nghiêm trọng. Và khi các vấn đề đó trở thành
kinh niên thì cộng đoàn sẽ bắt đầu trải nghiệm một cảm thức thất
bại, chẳng khác gì cảm thức thất vọng và chán nản của đôi vợ
chồng trước khi phải thực hiện một cuộc tư vấn tâm lý.
Những ai trong chúng ta làm người tư vấn tâm lý trong cộng đoàn
đều có nhiều kinh nghiệm trong việc quan sát các cuộc hôn nhân
trắc trở. Chúng ta biết sự chán nản của những người trước khi
kết hôn cảm thấy rằng họ đã yêu đủ để mà kết hôn tốt đẹp. Một số
đôi vợ chồng thất vọng này đã giả định rằng một khi đã phải lòng
yêu nhau thì đáng ra phải bền vững mãi trong tình yêu. Khi lắng
nghe họ thì chúng ta nhận thấy rằng một phần quan trọng trong
các vấn đề của họ là việc không có khả năng truyền thông lẫn cho
nhau họ là ai.
Họ
không thể vượt lên tình trạng “đang yêu” trong đó mỗi người đã
lý tưởng hóa cái nhìn của mình đối với người kia. Qua tư vấn tâm
lý, họ phải học biết rằng hôn nhân của họ đã không thất bại,
đúng hơn là tình yêu của họ chưa lớn lên đủ. Tình yêu trong hôn
nhân phải được trưởng thành. Trong tiến trình trưởng thành của
tình yêu, đôi vợ chồng phải học truyền thông cho nhau.
Các
cộng đoàn tu lắm khi cũng chia sẻ cùng một nỗi chán nản tương
tự. Các cộng đoàn đó muốn là những nơi chốn yêu thương, nhưng
lại giống như những cuộc hôn nhân “thất bại” kia, họ tự trải
nghiệm như “vận hành trệch chức năng”. Họ đã đi từ tình trạng
“đang yêu” sang tình trạng “cháy sạch”, hoài nghi và không có
tình. Các cộng đoàn không yêu thương có thể trở nên lạnh lùng và
không thiện cảm. Những cộng đoàn đó là hay xét đoán và không
chấp nhận, chúng có thể thân thiện nhưng chỉ là bề ngoài, hay
náo nhiệt nhưng thiếu thân mật. Những lời than phiền của các
cộng đoàn này rất giống với những lời than vãn của những đôi vợ
chồng chán nản trong hôn nhân và cáo buộc lẫn nhau về sự thất
bại.
Các
cộng đoàn trong đó mọi người có thể truyền thông (bộc lộ) cho
nhau là những cộng đoàn có tình yêu trưởng thành. Không ai nghĩ
rằng các cộng đoàn tu cũng giống như các đôi vợ chồng hay gia
đình có thể lấy tư vấn tâm lý để khám phá ra cái gì cộng đoàn
phải làm để giúp cho tình yêu được trưởng thành trong cộng đoàn.
Thực ra việc bắt đầu một tiến trình nhằm mục đích giúp các thành
viên hiểu nhau hơn là giải quyết các vấn đề là rất quan trọng và
có thể khởi đầu sự chữa lành.
Khi
một cộng đoàn bị rối loạn, xung đột, hay trải nghiệm “hết yêu”,
thì nhiều thành viên sẽ không còn thực sự tha thiết trong việc
tìm thấu hiểu người khác nữa. Họ muốn được hiểu, nhưng nhu cầu
muốn được hiểu của họ lại giữ họ xa khỏi sự hiểu người khác. Tất
cả chúng ta đều có những kinh nghiệm ấy trong các cuộc họp cộng
đoàn khi chúng ta biết rằng sự thấu hiểu nhau thực sự đã không
xảy ra.
Người ta không lắng nghe nhau. Họ nhẩm lại trong đầu như thể đợi
đến phiên họ nói. Mỗi người chuẩn bị nói. Không ai trả lời cho
điều người khác nói. Nhưng thật là cần thiết cho chúng ta biết
rằng ngay cả trong những cộng đoàn tu rối lọan như thế thì người
ta cũng có thể học lắng nghe nhau và hiểu nhau.
Các
cộng đoàn có thể chọn trở nên cộng đoàn yêu thương hơn và làm dễ
dàng sự hiểu nhau và cộng tác với nhau hơn. Như những bậc phụ
huynh có thể học các kỹ năng nuôi dạy con làm cho gia đình được
hạnh phúc, các cộng đoàn cũng có thể học lắng nghe nhau với sự
thấu hiểu và chấp nhận nhau, khiến cộng đoàn trở thành nơi an
toàn cho mọi thành viên.
IV. KỸ THUẬT CHỈ BẢO
HUYNH ĐỆ “FEED-BACK”
1. Vào đỀ
“Nếu chị em ngươi trót phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó, riêng
ngươi với nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, ngươi đã lợi được người
chị em. Nếu nó không nghe ngươi, ngươi hãy kèm theo một/hai
người nữa, để tất cả công việc được đoán định do miệng hai/ba
nhân chứng. Nếu nó không màng nghe họ, hãy thưa với cộng đoàn…”
(x. Mt.18, 15-17)
Feed-Back là một kỹ thuật cảm thông và giao tế, có nghĩa chuyên
môn là “gửi trả lại” [một người xin kẻ khác nhận xét về mình,
người kia cho nhận xét, và người xin nhận xét trả lời lại về
nhận xét đó].
Kỹ
thuật chỉ bảo huynh đệ này có thể áp dụng vào Đào tạo và Tự đào
tạo, cả về chiều dọc lẫn chiều ngang. Người và ta, trên và dưới
gặp được nhau, hiểu được nhau trong mọi quan điểm thì mọi việc
đều được giải quyết dễ dàng và tốt đẹp.
Cuộc đời mỗi người có bốn ô không đều:
·
Phần mù
là ô chỉ
người khác biết về ta những điều mà ta không biết hay ý thức
được.
·
Phần
che đậy là ô
chỉ ta ý thức và biết về mình, còn người khác không biết được.
·
Phần
hiển nhiên là
ô người khác biết về ta, và ta cũng biết và ý thức được.
·
Phần vô
thức, bí mật và huyền nhiệm
là ô người khác không
biết về ta, mà ta cũng chẳng ý thức được.
2. Cho và NhẬn Feed-Back
a. Ý nghĩa và mục đích
Khi
được ta xin, người khác sẽ nói cho ta biết phần mù của ta, và ta
sẽ trả lời lại, giải thích cho họ về điều họ nói, đồng thời nói
cho họ biết phần còn che đậy của ta.
Như
thế, người và ta sẽ dần dần thu hẹp lại phần mù lẫn phần che
đậy, và khai mở biên giới của phần hiển nhiên, để rồi cả đôi bên
hiểu biết nhau hơn, cảm thông, tín nhiệm, thân nhau, thương nhau
hơn và cộng tác tích cực với nhau hơn.
Nhờ
cho và nhận Feed-Back, người thêm hiểu ta và ta thêm hiểu mình:
cả đôi bên sẽ giúp nhau khám phá và gọi ra ánh sáng được phần
nào cõi vô thức, bí mật và huyền nhiệm của cuộc đời, làm ta và
bạn ta ngày càng thêm phong phú, dù chỉ thấy và biết một cách mơ
hồ, khuy khuyết mà thôi (x. 1Cr 13,12).
Lời
trần tình
“Nhìn vào mặt nhau đi và hãy nói với nhau thực tình như chưa bao
giờ, còn ngần ngại nhau chi mà không nói với nhau lời tha thiết
trong tâm hồn? Bao nhiêu năm mệt nhòa, mình tìm mà tìm không ra,
thế nhưng ai ngờ thành bại tùy ta.”
Nhưng muốn cho và nhận Feed-Back như thế không phải dễ làm đâu.
Nó đòi hỏi một số điều kiện kỹ thuật, về phía người cho cũng như
về phía người nhận.
b.
Tám
điều kiện của người cho Feed-Back:
1)
Đợi cho người nghe phải sẵn sàng đã.
2)
Mô tả một hành vi như quay một cuốn phim, không phê phán.
3)
Việc xảy ra không lâu, để người đó còn nhớ rõ hầu kiểm
chứng.
4)
Nói những điều người kia vô tình không ý thức được. Và
chỉ nói điều ta thấy, ta nghĩ, chứ không phải điều kẻ khác thấy,
nghĩ và nói (Trò chơi “Tam sao thất bổn).
5)
Nói những điều có thể sửa đổi được (là hiện tượng chứ
không phải là bản chất)
6)
Chỉ nói những điều có thể sửa đổi được, nhưng không bắt
buộc người kia phải sửa đổi (chỉ có Chúa biết rõ và có thể thay
đổi một con người).
7)
Nói để giúp ích cho người kia, chứ không phải nói cho hả
giận hoặc để trả thù.
8)
Nói với sự kính trọng và yêu thương, như chia sẻ một mối
ưu tư, một cảm tưởng, một phản ứng tự nhiên.
c.
Bốn
điều kiện của người nhận Feed-Back:
1)
Phải xin người khác cho mình Feed-Back.
2)
Lắng nghe và kiểm chứng là mình đã hiểu rõ.
3)
Đừng mất tinh thần, nếu gặp phải Feed-Back tiêu cực (bị
chê, bị chỉ trích).
4)
Trả lời cho người cho mình Feed-Back với lòng biết ơn, vì
người ta đã vì lòng bác ái mà cho mình nhận xét, nhất là khi
feed-back làm cho mình khó chịu.
d. Những lợi ích khi cho và nhận Feed-Back:
Nếu thực hiện đúng kỹ thuật, việc cho và nhận
Feed-Back sẽ đem lại những lợi ích sau đây:
·
Cho nhau cơ hội để giải thích rất nhiều hiểu lầm (x.
Chuyện Khổng Tử và Nhan Hồi).
·
Là cơ hội giúp ta và tha nhân ý thức được những khía cạnh
giao tế của mình rõ hơn để thăng tiến.
·
Gia tăng sự tin cậy và tình bằng hữu.
e.
Chú ý trong
sinh hoạt nhóm
·
Hễ A xin và B cho Feed-Back, thì A phải trả lời B, và hai
người sẽ đối thoại với nhau, dưới sự chứng kiến của Nhóm, cho
đến khi thật hiểu nhau, rồi người khác mới tiếp tục cho A
Feed-Back mới.
·
Khi A và B đối thoại với nhau thì Nhóm lắng nghe và giúp
kiểm chứng cách khách quan đúng sự thật và công bằng.
·
Khi cho Feed-Back thì đừng nói cái người khác thấy hay
nghĩ, mà chỉ nói cái chính ta thấy hay nghĩ mà thôi.
Nếu thực tâm
nghiên cứu và đem ra thực hành phương pháp này, sinh hoạt Nhóm
sẽ phong phú và bổ ích:
·
ai cũng thấy mình hiểu chị em hơn và được chị em hiểu
mình hơn.
·
Hiểu nhau hơn, thông cảm nhau hưn, thương nhau hơn và
cộng tác với nhau chân thành hơn, còn gì đáng mong ước cho bằng!
Thật là phấn
khởi và hy vọng, dù có tế nhị khó khăn và đòi hỏi nhiều bác ái
và can đảm.
Quả thế, công
cuộc này xây dựng tình bạn chân thành, để giúp nhau trong cuộc
sống đa nguyên đa diện hôm nay, và vượt thắng những khó khăn
trong đời sống hằng ngày (x. Chuyện Quản Trọng và Bảo Thúc
Nha).
Đối với bạn,
biết nhau không phải để thắng hay thua, nhưng để hiểu nhau,
thương nhau, nâng đỡ nhau cùng tiến bước trên con đường làm
người, làm tín hữu và làm người tông đồ của Chúa.
Chúng ta là
người, không phải là Chúa, để tự nhiên có thể biết được nhau. Do
đó, chúng ta cần cho nhau một số thông tin cần thiết, để vượt
quá cái giới hạn “biết người biết mặt mà không biết lòng” hầu có
thể cảm thông nhau đúng với từng hoàn cảnh cụ thể và cá biệt của
nhau, vì chính cuộc sống thực mỗi ngày mạc khải đúng bản chất
con người của chúng ta, chứ không phải các hiện tượng bên ngoài
(“Đi lâu mới biết đường dài, ở lâu mới biết con ngài phải
chăng”)
Hiện có những
nhóm liên kết với nhau bởi động lực thiêng liêng, nhằm giúp nhau
bảo vệ và thăng tiến đời sống ơn gọi, chẳng hạn qua chuỗi sống
Mân Côi, mỗi người đọc một chục kinh hằng ngày cầu nguyện cho
nhau và cam kết nói với nhau bất cứ điều gì với mục đích trên.
Thật là đáng khâm phục và bắt chước.
Chúng ta có
thể mong đợi hơn thế nữa, vì việc dấn thân tuyên khấn trong linh
đạo và truyền thống Hội Dòng thực sự đưa chúng ta vào một gia
đình thấm đậm tình người và tình Chúa, vừa nhân loại vừa thiêng
liêng, trong mối tương quan của tình mẩu tử và tỉ muội. Chúng ta
tìm mọi cách thích hợp để bảo vệ, phát triển và thăng tiến nó.
Thái độ khiêm
nhu và nhân ái, cảm thông và nâng đỡ của Chúa Giêsu đã khiến
muôn dân đặt niềm hy vọng vào Ngài. Vậy đâu là thái độ ứng xử
của chúng ta với anh chị em mình?
Dĩ nhiên
chúng ta muốn bắt chước Chúa Giêsu, Đấng đã luôn cảm thông nâng
đỡ và tha thứ lầm lỗi, tin tưởng vào tương lai được biến đổi tốt
đẹp của người lầm lỗi.
Chúng ta được
mời gọi noi gương Chúa Giêsu, “không bẻ gãy cây sậy đã rạp
xuống, không dập tắt tim đèn còn leo lét khói”; không nhắc lại
lầm lỗi quá khứ của anh chị em, vì nếu cứ nhớ và nhắc lại lầm
lỗi quá khứ là dập tắt niềm vui được tha thứ và biến đổi của anh
chị em. Trái lại, quên bỏ lỗi lầm quá khứ là luôn khích lệ, cổ
vũ giúp anh chị em lật sang một trang mới của cuộc đời, với hy
vọng và tin yêu:
“Nơi nào có oán ghét hận thù,
Xin giúp con xây dựng tình thương.
Nơi nào có khinh khi nhục ma,
Xin giúp con mang lại thứ tha.
Nơi nào có mâu thuẫn bất đồng,
Xin giúp con nên người hòa giải.
Nơi nào có giả dối sai lầm,
Xin giúp con rao truyền chân lý.
Nơi nào có hoài nghi ngờ vực,
Xin giúp con củng cố đức tin.
Nơi nào có nản chí sờn lòng,
Xin giúp con gieo niềm hy vọng.
Nơi nào có bóng tối mây mù,
Xin giúp con khơi nguồn ánh sáng.
Nơi nào có u sầu buồn
bã,
Xin giúp con đem lại an vui.”
Lời cầu Kinh Sáng Thứ Bảy II TN
V. ĐÀO TẠO CÁC NHÀ ĐÀO TẠO
Các
nhà đào tạo là nhân tố quyết định trong việc xây dựng một cộng
đoàn an toàn và yêu thương cho mọi thành viên phát triển và
thăng tiến đời tu. Nhưng việc đào tạo các nhà đào tạo sẽ không
hiệu quả, nếu các nhà đào tạo không tự đào tạo chính mình theo
MẪU GƯƠNG CHÚA GIÊSU, NHÀ ĐÀO TẠO ĐÍCH THỰC và là VỊ MỤC TỬ NHÂN
LÀNH.
1. NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT
1) Nhu cầu đào tạo các nhà đào tạo
Ngoài đời, người ta đầu tư rất lớn cho việc đào tạo nhân sự của
họ. Nhà tu chúng ta cũng cần đào tạo các nhà đào tạo chất lượng
để đào tạo nhân sự của mình. Và nhà đào tạo phải có lòng khiêm
nhường ý thức giới hạn và yếu đuối của mình để tin tưởng vào
Chúa, trong tinh thần hài hước rộng lượng để sẵn lòng đào tạo
những con người bất toàn.
2) Thái độ đối với ứng sinh ngày nay
Phải chấp nhận giới trẻ ngày nay không giống như chúng ta hồi
còn trẻ và đồng thời nhìn nhận có sự rạn nứt giữa các thế hệ,
nên cần có sự thích nghi.
Ứng
sinh có quyền có được người đồng hành tốt nhất giúp họ tự biết
mình là ai, hầu trở thành người tu sĩ quân bình và bền vững qua
mọi tình huống đời sống và sứ vụ.
Nhà
Dòng được lập ra để đón nhận và đào tạo những con người muốn trở
thành tu sĩ của Thiên Chúa, nên việc đào tạo phải diễn ra trong
đức tin và lòng nhân hậu.
Việc đào tạo ngày nay tuy làm chung với nhiều người và cho nhiều
người, nhưng phải chú trọng đến từng cá nhân, với từng hoàn cảnh
cụ thể, để hướng họ tới đời sống cộng đoàn tốt hơn.
3) Đặc tính của nền đào tạo hôm nay
Cần
có sự gần gũi và tín nhiệm nảy sinh từ tình thương để xây dựng
được sự quân bình giữa tự do và kỷ luật, khiến việc thực thi
quyền bính trở nên đáng tín nhiệm và có uy tín.
Nhưng nhà đào tạo cũng là con người dòn mỏng có thể thiếu sót
lầm lẫn nên phải đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa, Đấng duy nhất
biết rõ và có thể biến đổi triệt để một con người.
Những suy tư thần học được canh tân về dưỡng giáo và truyền giáo
mang lại những thay đổi lớn trong cách sống và đào tạo, noi theo
mẫu gương tuyệt hảo của chính Chúa Giêsu.
Công cuộc đào tào phải đặt trong bối cảnh thời đại của nó mới
thích hợp và có hiệu quả. Nhà đào tạo không căn cứ các kinh
nghiệm tiêu cực của quá khứ, nhưng khám phá và khởi đi từ những
kinh nghiệm tích cực để phán đoán từng tình huống ơn gọi, vì
tương lai phải được xây dựng trên các yếu tố tích cực.
Nhà
đào tạo không đòi hỏi người mới vào tu phải có một hạnh kiểm
hoàn hảo, chứng tỏ một sự trưởng thành và một đức tin sâu sắc
ngang trình độ của người đã sống năm mươi tuổi đời tu: Họ
đang trở thành, đang là, chứ chưa phải đã là
tu sĩ.
4) Lòng tin vượt lên mọi khó khăn
Công cuộc đào tạo vốn đã khó khăn thì ngày nay càng khó khăn
phức tạp hơn nữa. Nhưng những khó khăn đó có thể vượt qua được,
khi mỗi người và mỗi thế hệ quyết định biến những giá trị lớn
lao trong quá khứ thành của mình và đổi mới bản thân bắt nhịp
với bước đi của Ơn Thánh và khoa sư phạm tân tiến.
Những ai tin vào Chúa Kitô càng có thêm động lực mạnh mẽ để
không sợ hãi, vì Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, và tình yêu
của Ngài luôn đến với chúng ta trong trách nhiệm và trong thân
phận yếu đuối con người của chúng ta, để giúp chúng ta đào tạo
nhân sự tương lai của Giáo Hội.
2. BỐI CẢNH ĐÀO TẠO VÀ TỰ ĐÀO TẠO
Con
người cần một môi trường để hình thành và tồn tại trong cái “trở
thành” của mình. Môi trường đào tạo tu sĩ là một cộng đồng liên
nhân vị, mà mỗi người đều sống cùng, sống với và sống cho người
khác. Sau đây, chúng ta sẽ nói đến bối cảnh trong đó các nhà đào
tạo được đào tạo, tự đào tạo và đào tạo ứng sinh, để trở thành
nhà đào tạo mỗi ngày một hơn.
1) Cộng đoàn giáo dục
Các
nhà đào tạo và những người đang được đào tạo, trong mối tương
quan liên nhân vị, làm nên một cộng đoàn có tính cách giáo dục
và khả năng giáo dục.
Cộng đoàn giáo dục phải luôn cho thấy một hướng đi, một cái nhìn
rõ ràng thế nào là đời tu, qua việc thực hành các lời khuyên
Phúc Âm, Hiến pháp và Nội qui chiếu theo đặc sủng của vị sáng
lập và linh đạo Dòng được bổ sung và kiện toàn qua dòng thời
gian do các nhu cầu tông đồ đề xướng.
Cộng đoàn giáo dục kiến tạo bầu khí kiên định, bền vững, thích
hợp cho việc phát triển toàn diện nhân bản và thiêng liêng, qua
việc chỉ bảo lẫn nhau, chấp nhận nhau, ý thức về lợi ích và niềm
vui chung trong việc tìm kiếm và phục vụ Chúa.
Cộng đoàn giáo dục thể hiện trách nhiệm tập thể trong việc đào
tạo, trong đó ứng sinh được mời đảm nhận trách nhiệm hàng đầu tự
đào tạo chính họ, đồng thời cộng tác vào việc đào tạo các bạn
đồng môn.
Cộng đoàn giáo dục này cũng phải mở ra với các cơ cấu khác của
Giáo Hội Địa phương, để đào tạo ý thức tông đồ, giúp ứng sinh
khám phá ra tính cấp bách của việc loan báo Tin Mừng, ý nghĩa và
những đòi hỏi của cuộc đời trọn vẹn hiến dâng phục vụ Nước
Chúa.
2) Một đội ngũ hiệp nhất các nhà đào tạo
Trách nhiệm tập thể của các nhà đào tạo đóng vai trò tiên quyết
trong việc đào tạo, nên phải có một đội ngũ hiệp nhất các nhà
đào tạo, sẵn sàng cộng tác huynh đệ, chia sẻ đời sống và đối
thoại chân thành.
Chính sự hiệp nhất của các nhà đào tạo với Chúa Kitô là nền
tảng, khuôn mẫu và keo sơn cho sự hiệp nhất tinh thần và hành
động của họ với nhau.
Mỗi
nhà đào tạo chỉ đóng một phần vai trò trong việc đào tạo. Chính
công việc của cộng đoàn giáo dục và đội ngũ hợp nhất các nhà đào
tạo mới có tính cách đào tạo toàn diện.
Các
nhà đào tạo tìm được sự nâng đỡ không thể thiếu từ anh chị em
đồng nghiệp. Không có tình liên đới này, sứ vụ sẽ trở nên nặng
nề và mất đi hiệu năng.
Các
ứng sinh sẽ bắt chước hạnh kiểm và noi theo lời dạy của các nhà
đào tạo: họ chịu ảnh hưởng những gì họ đã thấy và đã nghe!
3) Chính nhà đào tạo
Nhà
đào tạo tốt cần hai điều kiện rất quan trọng này: một là lòng
khiêm nhường ý thức giới hạn và yếu đuối của mình để tin tưởng
vào Chúa; hai là tinh thần hài hước rộng lượng ý thức rằng ứng
sinh không hoàn hảo như mình mong muốn, nhưng là những con người
bất toàn để mình đào tạo.
Nhà
đào tạo đích thực biết chính mình qua các cách xử sự, các thái
độ, các tình cảm, các động lực và ngộ nhận cơ bản của mình.
Chính nhờ kinh nghiệm bản thân mà nhà đào tạo giúp ứng sinh cách
hữu hiệu.
Nhà
đào tạo phải phát huy nghiệp vụ giảng dạy bằng cách cập nhật hóa
kiến thức theo kịp với những nhu cầu hiện tại của Giáo Hội giữa
một thế giới đổi thay nhanh chóng, đồng thời cải tiến phương
pháp giảng dạy trong sự trung thành với Mạc khải và Huấn quyền.
Phẩm chất của nhà đào tạo hết sức quan trọng: Chúng ta cần giáo
sư giỏi để dạy học, nhưng lại cần hơn nhà đào tạo tốt để huấn
luyện con người toàn diện. Chất lượng của người tu sĩ tương lai
tùy thuộc phần lớn vào chất lượng của nhà đào tạo hôm nay.
Nhà
đào tạo phải không ngừng tự đào tạo mình bằng chính công cuộc
đào tạo của mình: càng sống và làm việc đào tạo, càng trở nên
nhà đào tạo hơn, như thường nói “người ta trở thành thợ rèn bằng
cách rèn”
4) Sự thích nghi cần thiết
Người mới đôi khi khó hội nhập vào cộng đoàn, trong lúc những
người đã sống ở đó thấy thế giới của mình bị xáo trộn bởi những
người mới đến. Do đó cần phải lắng nghe và cảm thông nhiều lắm
để thích nghi với nhau.
Nét
đẹp của cuộc đời đến từ sự đổi mới không ngừng, và cuộc đời sẽ
phong phú khi mọi người được từ từ biến đổi ăn nhịp với sự hiểu
biết, cách làm, cách sống và cách suy tư mới mẻ của nhau.
Những người lớn tuổi muốn rằng người mới vào phải có tư tưởng,
tình cảm, khát vọng và trông đợi như họ, mà quên đi khoảng cách
văn hóa và giáo dục của các thế hệ. Nhà đào tạo phải tôn trọng
và đón nhận sự khác mình của ứng sinh, đồng thời phải thích nghi
phương pháp đào tạo của mình, dù đôi khi khó khăn.
Trong đời sống gia đình, đôi vợ chồng phải thay đổi cuộc sống
khi đón nhận đứa con đầu lòng, tự điều chỉnh và thích nghi với
các nhu cầu và chỗ đứng của đứa con. Với mỗi đứa con ra đời, cả
gia đình phải tái điều chỉnh cách xử sự.
Người mới vào phải học biết kinh nghiệm và khôn ngoan của người
đi trước bằng cách niềm nở lắng nghe, hòa nhịp cùng với bước đi
của cộng đoàn và hội nhập vào cách sống đã được thiết lập và cấu
trúc. Người cũ không quá nại vào nề nếp để làm khó cho những
người mới đến, bắt họ phải mau chóng đi vào thế giới của mình và
điều chỉnh ngay theo nhịp sống và tư tưởng của mình.
5) Trách nhiệm đào tạo
Người ta có thể lãnh trách nhiệm đào tạo ở mọi lứa tuổi. Người
đào tạo không nhất thiết phải hoàn hảo hay là thánh, nhưng phải
là chứng tá một đời sống tu trì đích thực. Tính đích thực làm
nên sự thành công của các nhà đào tạo. Các người trẻ sẽ nhạy cảm
đối với gương sáng của một nhà đào tạo khiêm tốn và chân thực.
Các
ứng sinh sẽ rất tín nhiệm uy quyền của các nhà đào tạo được thực
hiện hài hòa theo nguyên tắc căn bản này: Trách nhiệm đòi phải
có quyền bính tương ứng và phải luôn theo hệ thống, chứ không
qua mặt các cấp độ trách nhiệm.
Cần
có sự trao đổi thống nhất đường lối và hành động: bề trên không
bao giờ bỏ qua người có trách nhiệm đào tạo để trực tiếp điều
chỉnh các người dưới quyền của người đó, và người trách nhiệm
cấp dưới không làm điều gì quan trọng mà không thông qua ý kiến
và sự chấp thuận của cấp trên.
Nhà
đào tạo không thể chuyên môn trong mọi sự, nhưng phải luôn giữ
trách nhiệm đồng hành cho từng cá nhân ứng sinh.
Cần
phải xây dựng tương quan hợp tác giữa các giáo sư và nhà đào
tạo, vì việc đào tạo là một toàn thể và các môn học phải góp
phần vào việc đào tạo toàn diện, nhân bản và thiêng liêng, tri
thức và tông đồ cho ứng sinh.
6) Tương quan đào tạo
Trong tương quan đào tạo, tiến trình giáo dục phải đi trước.
Giáo dục là giúp ứng sinh nhận diện cái tôi sâu thẳm của mình để
rồi khai thông và biến cái tôi này thành cái tôi mà nó phải trở
thành. Nếu không hiểu được chính mình, khám phá ra các động cơ
còn nằm trong tiềm thức và nhận ra các phân mảnh của mình để
biến đổi thì không thể nào đạt được sự trưởng thành và thống
nhất nội tâm.
Nhà
đào tạo phải cố gắng đi vào khoảng không gian huyền bí của từng
ứng sinh, hiểu rõ các ước muốn tốt cũng như những tổn thương sâu
xa thường được che giấu của họ, giúp họ hiểu biết chính mình và
tin tưởng để ân sủng Chúa tác động, thì họ mới tiến bộ thực sự
được.
Nếu
không làm như thế thì sự tiến bộ đó chỉ có bề ngoài. Nội dung
đào tạo sẽ không bén rễ sâu trong ứng sinh, và kết quả đào tạo
sẽ chỉ biểu hiện trên cách ứng xử của đương sự trong một thời
gian nào đó mà không kết hợp được với các động lực sâu xa của
họ.
Việc thiếu hụt các nhà đào tạo có chất lượng ảnh hưởng không chỉ
đào tạo tri thức, mà cả đào tạo nhân bản và thiêng liêng: nhà
đào tạo không có cả thời gian và nghị lực để lắng nghe, thấu
hiểu và cảm thông, cung cấp sự đào tạo hữu hiệu cho ứng sinh; và
các ứng sinh cũng bị tước mất nhu cầu chia sẻ và trình bày những
vấn đề thực tế phức tạp của họ.
Điều đáng ao ước là có nhà đào tạo thích hợp cho từng giai đoạn
huấn luyện: nhân cách và tài năng của nhà đào tạo được thi thố
tốt, và các ứng sinh sẽ được đào tạo tốt hơn trong từng giai
đoạn liên hệ.
Mỗi
giai đoạn phải nhằm một mục tiêu đặc biệt, chẳng hạn giai đoạn
Nhà Tập phải là thời gian trong đó đời sống thiêng liêng vượt
trổi hơn đời sống tông đồ.
Nhà
đào tạo cần gần gũi, nhưng nên tránh tình trạng “quen quá hóa
nhờn”, nghĩa là phải có một mức độ thân mật đủ để trao đổi hầu
ứng sinh biết mình và cái mình phải “trở thành.”
Một
liên hệ quá quen thuộc nhàm lờn liều mình tạo nên một sự thông
đồng cản trở những tương quan lành mạnh. Những xung đột liên
nhân vị có thể dễ dàng sản sinh ra những mối ác cảm rất mạnh và
nguy hiểm, có thể trở nên không chịu nổi cho người này lẫn người
kia.
Lòng khiêm tốn của nhà đào tạo mở ra với đối thoại và cảm thông.
Sự khác biệt tâm thức giữa các thế hệ sẽ ảnh hưởng đến tính đáng
tin cậy của nhà đào tạo đối với những ai được giao phó cho họ.
Đừng để những điều đáng tiếc đi vào tiềm thức và ở lại mãi trong
lãnh vực không nói lên lời đó, hầu tránh những nỗi thất vọng
không lường trước được.
3. MỘT SỐ BẤT CẬP HAY THÁI QUÁ TRONG QUÁ KHỨ CỦA NHÀ ĐÀO TẠO
Trước hết, chúng ta cám ơn Chúa và biết ơn các Lãnh Đạo Giáo
Hội, cùng các nhà đào tạo đã dày công đào tạo và vun đắp cho đời
sống tu trì trong Giáo Hội có được ngày hôm nay. Những nỗ lực
của quá khứ là bàn đạp, là đà bẩy và là bệ phóng hướng tới tương
lai.
Tuy
nhiên, bên cạnh những ưu điểm và ý hướng tốt, chúng ta cũng cần
thẳng thắn nhìn lại đôi nét cách thức một số nhà đào tạo đã và
đang làm có thể không còn thích hợp với thời đại của chúng ta
hôm nay, một thời đại đang đổi mới từng ngày. Hy vọng họ sẽ tự
cải thiện bản thân và cải tiến cách đào tạo của mình, hoặc thẩm
quyền cấp trên sẽ có những can thiệp thích đáng phù hợp với
đường lối đào tạo của Giáo Hội trong giai đoạn mới.
1)
Vì nệ theo truyền thống, nhiều nhà đào tạo áp dụng lại cách thức
mình đã được đào tạo trước đây mà không cập nhật, thay đổi và
cải tiến theo những chỉ dẫn của Huấn quyền Giáo Hội, cũng như
của khoa sư phạm thời nay.
2)
Để nắm bắt sâu sát tình hình các ứng sinh hầu công cuộc đào tạo
được hiệu quả, một số nhà đào tạo hay hỏi các ứng sinh về những
ứng sinh khác, lấy lý do “họ ở với nhau, biết nhau hơn mình” và
đơn sơ tin vào các “báo cáo” đó mà không chắt lọc và lắng nghe
cả hai phía, khiến có những trường hợp bị oan.
3)
Muốn giúp đỡ các ứng sinh sửa chữa và hoàn thiện bản thân,một số
nhà đào tạo yêu cầu ứng sinh trả lời bản câu hỏi nhận xét về các
ứng sinh khác, nhưng lại làm lộ tên người viết khiến có sự buồn
lòng và mâu thuẩn giữa các ứng sinh, khiến họ giảm bớt lòng tín
nhiệm và trở nên dè dặt đối với nhà đào tạo, tổn thương bầu khí
bình an, huynh đệ và thăng tiến của cả cộng đoàn.
4)
Một số nhà đào tạo không kín đáo, không phân biệt việc tòa trong
và tòa ngoài, đem nói ra điều ứng sinh tín nhiệm tâm sự hay lỗi
lầm thầm kín của họ, khiến họ bị thiệt hại, hàm oan và bất
công.
5)
Một số nhà đào tạo dễ tin thư nặc danh và áp dụng biện pháp oan
cho người bị tố cáo, trong khi đáng ra phải vứt bỏ thư nặc danh
và tìm trừng trị kẻ hèn nhát không dám ký tên chứng thực điều
mình viết, một thứ gian lận.
6)
Nhằm tính hiệu quả, một số nhà đào tạo dùng một số ứng sinh làm
tay chân theo dõi và báo cáo về các ứng sinh khác gây rối loạn
trong cộng đoàn, bao phủ bởi bầu khí nghi ngờ, sợ sệt, lo âu,
thù hằn, mất bình an,… rất tác hại cho công cuộc giáo dục, và vô
tình bị chính những tay sai của mình lèo lái và điều khiển theo
ý họ.
7)
Cũng nhằm tính chắc chắn tuyệt đối, một ít nhà đào tạo lạm dụng
biện pháp thánh thiêng để điều tra sự việc như bắt ứng sinh đặt
tay trên Phúc Âm mà thề. Thay vì đạt được sự thật thì lại tạo cớ
phạm tội cho họ vì sợ mà phải miễn cưỡng thề gian.
8)
Một số nhà đào tạo biệt đãi, thương riêng cách lộ liễu một vài
ứng sinh, trong khi lại thiếu công bằng với những người khác như
xếp loại, in trí và định kiến, phân biệt đối xử giàu nghèo, tốt
xấu... khiến cộng đoàn bị phân hóa, mất bình an và do đó một số
người vượt không được đành mất ơn gọi.
9)
Cũng vì mong muốn cái gì cũng phải hoàn hảo, một số nhà đào tạo
quá cầu toàn, đòi hỏi ứng sinh phải thế này thế nọ vượt quá
trình độ nhận thức và tu luyện còn non nớt của họ. Như vậy là
đốt giai đoạn và đốt cháy luôn cả đời người.
10)
Cũng vì bị thúc đẩy bởi ý muốn có những ứng sinh tốt, một số nhà
đào tạo vội kết luận về lỗi lầm và nghiêm khắc sử dụng biện pháp
ngay, không cho ứng sinh biết lỗi lầm, giải thích và biện minh,
cũng như cơ hội và thời gian để thực hiện sự hoán cải và đổi mới
cần thiết.
11)
Vì muốn cho ứng sinh nhớ bài học quá khứ để sửa mình, một số nhà
đào tạo hay nhắc lại lỗi lầm cũ, trong khi người có lầm lỗi đã
sửa chữa, không còn tái phạm nữa, khiến họ rất khổ tâm và nhụt
chí. Quá khứ qua rồi thì thôi, lật qua trang đời mới, cho người
ta vui vẻ tiến về tương lai: Mỗi vị thánh đều có một quá khứ
và mỗi tội nhân đều có một tương lai.
12)
Một số nhà đào tạo thi hành nhiệm vụ thiếu hài hòa, phân cấp
trách nhiệm rõ ràng, “dẫm chân lên nhau” dẫn tới tình trạng xung
đột quyền bính, tranh chấp uy tín, ảnh hưởng và quyền hạn với
nhau, gây ảnh hưởng xấu tác hại trên việc đào tạo ứng sinh: “hai
con trâu đánh nhau, con ruồi chết oan”!
13)
Vì ý hướng tốt muốn phát triển trách nhiệm tập thể cao, một số
nhà đào tạo ở một số cộng đoàn áp dụng phương thức cả cộng đoàn
bỏ phiếu đánh giá quyết định cuối cùng. Việc này vừa giảm nhẹ
trách nhiệm của Bề Trên và Hội đồng đào tạo là những người có
trách nhiệm, ơn đoàn sủng và nghiệp vụ để làm việc đó, vừa trao
quyền quyết định quá lớn cho phán đoán của các thành viên không
có trách nhiệm, ơn đoàn sủng và nghiệp vụ đào tạo, chưa đủ
trưởng thành để cân nhắc trách nhiệm lương tâm khi sử dụng phiếu
bầu theo cảm tính hay đầu óc phe nhóm, để cất nhắc người cùng
phe và trù dập người của phe đối lập, đang khi ý kiến hay phiếu
bầu đó chỉ nên có giá trị tham khảo mà thôi.
Tóm
lại, lắm khi tính khí, quan điểm và cách làm việc bất cập hay
thái quá của một số nhà đào tạo đã gây nên những thách đố, thử
thách, và đau khổ không vượt qua được đối với một số ứng sinh
làm cho Giáo Hội mất đi một số ơn gọi, mà càng ngày sẽ càng ít
đi.
Ước
gì không ai trong chúng ta phải ân hận vì mình mà một hay nhiều
ơn gọi đích thực đã phải ra đi, hay đã bất cẩn cất nhắc những
người mà Chúa không chọn gọi.
Những nhà đào tạo này cần biết mình để tự điều chỉnh cho đúng
với chức năng đào tạo. Nếu họ không làm được việc đó, và cũng
không có tinh thần phục thiện và cải tiến đường lối được thì các
thẩm quyền cấp trên nên can đảm tìm cách thay thế vì lợi ích lớn
hơn của Nhà Dòng và của Giáo Hội.
4. CHÚA GIÊSU, KIỂU MẪU ĐÍCH THỰC CỦA NHÀ ĐÀO TẠOTƯƠNG LAI.
Nếu
công cuộc đào tạo nhằm làm cho ứng sinh càng ngày càng nên đồng
hình đồng dạng với Chúa Kitô, thì trước hết nhà đào tạo phải nỗ
lực nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, kiểu mẫu đích thực
của nhà đào tạo: suy nghĩ như Chúa Kitô suy nghĩ, nhìn thấy như
Chúa Kitô nhìn thấy, hành động như Chúa Kitô hành động, cầu
nguyện như Chúa Kitô cầu nguyện, hướng dẫn như Chúa Kitô hướng
dẫn và yêu thương như Chúa Kitô yêu thương, nhất là nhà đào tạo
phải giúp ứng sinh trực tiếp cam kết mật thiết theo chính Chúa
Giêsu, để khi “thần tượng nhà đào tạo” có sụp đổ hay hoàn cảnh
cuộc sống và sứ vụ có thế nào đi nữa thì họ vẫn bền vững với lý
tưởng ơn gọi đã lựa chọn.
1)
Nhà đào tạo phải theo gương mẫu hoàn hảo là Chúa Giêsu, Đấng đã
rửa chân cho các môn đệ, yêu thương và đối xử với họ như bạn
hữu; sống và đồng hành với họ trên hành trình trưởng thành đức
tin và thiêng liêng. Bằng yêu thương nhẫn nại, tận tâm săn sóc,
Ngài biết rõ họ từng người một, tính tình, phẩm chất, những điểm
mạnh điểm yếu của họ. Ngài nhân hậu và bao dung trước yếu đuối,
khuyết điểm, tham vọng trần thế, cứng đầu cứng cổ, yếu lòng tin
và chậm hiểu mầu nhiệm Nước Trời của họ, và Ngài kiên nhẫn chờ
đợi sự giáo dục bổ túc của Chúa Thánh Thần.
2)
Trước khi chọn và huấn luyện 12 tông đồ để thiết lập Giáo Hội và
sai đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm với
Chúa Cha cho họ, và trao họ cho Cha trên trời gìn giữ bảo vệ.
Nhà đào tạo phải luôn cầu nguyện cho các ứng sinh được giao phó
cho mình đào tạo, vì chỉ có Chúa biết rõ từng con người, và chỉ
có Chúa mới thay đổi được một con người.
3)
Gương sáng của nhà đào tạo rất hiệu quả, như Ca dao nói “Lời
nói lung lay gương bày lôi kéo.” Chính vì thế, ĐGH Phaolô VI
nói “Thế giới ngày nay tin vào chứng nhân hơn là thầy dạy, và
nếu họ có tin vào thầy dạy là bởi vì thầy dạy đó là chứng nhân.”
Nhà đào tạo không nhất thiết phải hoàn hảo hay là thánh, nhưng
phải là chứng tá một đời sống tu trì đích thực. Các người trẻ sẽ
nhạy cảm đối với gương sáng của một nhà đào tạo khiêm tốn và
chân thực.
4)
Chúa Giêsu suốt đời tìm thực hiện ý Chúa Cha, nhưng không thoát
khỏi những lúc giằng co với ý riêng mình (“Lạy Cha, nếu có
thể được, xin cất chén đắng này xa con...”). Nhà đào tạo
không được đồng hóa ý mình với ý Chúa và áp đặt lên ứng sinh.
Trái lại, phải khám phá điều Chúa Thánh Thần muốn nói với ứng
sinh qua mình, và cũng phải khiêm tốn tìm biết điều Chúa Thánh
Thần muốn nhắc nhở mình qua ứng sinh.
5)
Chúa Giêsu cũng có những nỗi buồn thất bại (“Linh hồn Thầy
buồn có thể chết được… Một người trong các con sẽ phản nộp Thầy…
”). Nhà đào tạo phải biết khiêm tốn chấp nhận thất bại, nghịch
cảnh và trái ý, không phải lúc nào ứng sinh cũng được như ý mình
muốn cả đâu… Trái lại, phải luôn tin tưởng mãnh liệt rằng đào
tạo là thay thế và biến đổi, thay thế cái xấu bằng cái tốt, biến
đổi người chưa tốt thành người tốt và biến đổi người tốt thành
người tốt hơn, trong tiến trình thành nhân rồi mới thành thánh
nhân.
6)
Chúa Giêsu thừa nhận tội của Madalêna, nhưng Ngài không đóng
chặt bà lại ở tội quá khứ, mà đã mở rộng con đường biến đổi
tương lai cho bà trở thành vị thánh nữ loan báo Tin Mừng Phục
Sinh. Nhà đào tạo phải tin tưởng và hy vọng vào sự biến đổi tốt
đẹp trong tươg lai của ứng sinh, nhờ ơn Chúa: “mỗi vị thánh
đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai.”
Thấu cảm, độ lượng và tha thứ, gạn đục khơi trong như Chúa: “Cây
sậy đã rạp xuống Ngài không bẻ gãy, ngọn đèn còn leo lét khói
Ngài không dập tắt.”
7)
Trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, người cha không màng đến lời
xin lỗi của đứa con trở về, một chỉ vui mừng “vì con ta đã
mất nay tìm thấy, đã chết nay sống lại.” Nhà đào tạo không
nhắc lại lầm lỗi quá khứ của ứng sinh và hành xử căn cứ vào lầm
lỗi cũ; mọi sự đã đổi mới, hãy giúp họ lật qua trang đời mới:
Chí như chiếc đồng hồ bị hư, sau khi sửa rồi không ai còn gọi nó
là đồng hồ hư nữa.
8)
Dù Giuđa toan tính phản nộp Ngài, Chúa Giêsu vẫn luôn kín đáo
nhắc khéo Giuđa nhiều lần, cho ông cơ hội sửa mình (“một
người trong các con sẽ nộp thầy; việc gì con tính làm thì hãy
làm mau đi…”). Nhà đào tạo phải kín đáo, không đem lỗi lầm
hay tâm sự của ứng sinh và của người khác nói ra với mọi người,
gây thiệt hại và làm mất lòng tín nhiệm của đương sự cũng như
của những người nghe. Người ta sẽ đóng lòng lại và không ai dám
nói gì với mình nữa.
9)
Nhiều lần trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng lối hỏi gợi ý để dạy dỗ
(“Các con nghĩ sao?... Ông Simong, tôi có điều này muốn nói
với ông…”). Nhà đào tạo cũng nên dùng phương pháp này để
giúp ứng sinh tự đào tạo, tự đưa ra sáng kiến và quyết tâm chọn
lựa, như thế mới bền.
Nhờ
Chúa hỏi mà Phêrô tuyên xưng đức tin và Chúa có cơ hội để dạy
điều quan trọng hơn. Nhà đào tạo nên triệt để vận dụng phương
pháp này, trong tinh thần đối thoại, kể cả trong “vâng lời đối
thoại” liên quan đến quyền bính mà Vatican II đề xướng.
10)
Chúa Giêsu dạy chúng ta giới răn mới đặc biệt của Ngài: “Các
con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”. Ta
thế nào thì Chúa vẫn yêu thương ta như thế ấy, và Ngài sẽ yêu
thương ta cho đến cùng. Nhà đào tạo phải có lòng yêu thương.
Không có lòng yêu thương độ lượng không thể đào tạo được: Loại
bỏ lỗi lầm nhưng thương yêu người lầm lỗi và tạo cơ hội cho họ
hoán cải nên tốt. Chính tình yêu thương ấy làm cho cộng đoàn
phát triển với nhiều ơn gọi mới: “Xem kìa, họ yêu thương nhau
là dường nào!”
11)
Thánh Phaolô căn dặn Timôthê về việc tuyển chọn các trợ tá:
“Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức
vụ...” (1 Tm 3:10). Thử thách là cần thiết và có nhiều thứ,
nhưng nhà đào tạo nhân từ không đưa ra những thử thách không cần
thiết, hay vượt quá sức ứng sinh, nhất là không bao giờ “gài
bẫy” cho họ mắc phải để có cớ trừng trị.
12)
Cvtđ 25:16 dạy để cho bị cáo được đối chất với nguyên cáo, và
được cơ hội biện hộ về lời tố cáo. Ở đời ai mà chẳng có lúc
lầm lỗi. Nhà đào tạo cần cho ứng sinh biết lỗi, nghe họ giải
thích, cho họ cơ hội và thời gian để sửa chữa; khi họ không sửa
được và lỗi lầm trở nên bản chất rồi hẵng hay. Và cho họ ra về
cũng với sự tôn trọng, (chẳng hạn như “vì không thích hợp với
đời tu”), chứ không rêu rao là họ bị loại, bị đuổi vì lầm nọ lỗi
kia làm tổn thương nhân phẩm và danh dự của họ. Các cựu ứng sinh
nầy cũng là kho tàng của Nhà Dòng, họ sẽ cộng tác vào công cuộc
đào tạo các ứng sinh cách này hay cách khác. Hãy tạo cơ hội cho
họ góp phần cách tích cực và hữu hiệu vào đời sống và sứ mệnh
của Giáo Hội, về nhân lực cũng như vật lực.
13)
Trong những lúc các tông đồ bị dao động và sợ hãi, bán tín bán
nghi, Chúa Giêsu lập tức có mặt: “Các con đừng sợ, chính Thầy
đây! Bình an cho các con!” Nhà đào tạo phải có khả năng kiến
tạo bầu khí bình an và an toàn, đồng thời đem lại sự bình an cho
các ứng sinh, nhất là trong những lúc họ gặp thử thách, nghi
nan, do dự, tiến thối lưỡng nan trước con đường lý tưởng cao cả
nhưng nhiều yêu sách một bên, và bên kia là sức con người dòn
mỏng yếu đuối đối diện với những dao động, chiến đấu cũng như
những khó khăn trái ý, đau khổ, và nghịch cảnh đa dạng khác.
14)
Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Thầy còn nhiều điều cần nói
với các con...” (x. Ga 16:12-13). Thánh Phaolô cũng đã viết:
“Tôi đã cho anh em uống sữa, chứ không phải đồ ăn cứng, bởi
khi ấy anh em chưa sao chịu nổi, mà cả bây giờ anh em cũng chưa
chịu nổi đâu!” (1 Cr 3:2). Nhà đào tạo phải nhẫn nại, không
đòi hỏi những tiêu chuẩn đánh giá quá cao, so với trình độ tuổi
tác, kiến thức, sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng của ứng
sinh: Không đốt giai đoạn, vì đốt giai đoạn là đốt cháy một đời
người.
Tóm lại, nhà đào tạo tốt phải theo sát mẫu gương
Chúa Giêsu:
- suy nghĩ với đầu óc của Chúa Giêsu,
- nhìn sự việc với con mắt Chúa Giêsu,
- hành động với sức mạnh của Chúa Giêsu,
- phán đoán với sự khôn ngoan của Chúa Giêsu,
- sử dụng biện pháp với lòng nhân hậu của Chúa
Giêsu,
- yêu thương với con tim của Chúa Giêsu...
Nếu
các nhà đào tạo làm được như vậy, công cuộc đào tạo sẽ thành
công mỹ mãn, tương lai của Giáo Hội và Nhân Loại sẽ tốt đẹp
hơn.
5. KẾT LUẬN
“Nhà
đào tạo tầm thường thì thích nói, nhà đào tạo tốt thì giải
thích, nhà đào tạo giỏi thì chứng minh, và nhà đào tạo khéo léo
thì gợi hứng.”
Các
vị đại thánh thường đủ khiêm tốn để nhìn nhận mình là kẻ có tội.
Chúng ta nhìn nhận mình không hoàn hảo và không ảo tưởng chờ đợi
các bảo đảm của việc đào tạo. Không thể thấy trước được những gì
sẽ xảy ra trong đời một con người về lâu về dài. Lòng khiêm tốn
sẽ giúp chúng ta tìm đến với khôn ngoan của con tim.
Hãy
thực thi lòng nhân hậu và để Chúa Thánh Thần làm phần còn lại.
Như thế chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, tự tin hơn, và có
thể làm công việc đào tạo tốt hơn. Hãy để ân sủng Chúa làm việc
trong chúng ta, dẫn dắt chúng ta, và hãy tin tưởng vào Chúa và
tha nhân.
Và
nếu chúng ta có cảm thấy mình đầy khuyết điểm, cũng hãy tạ ơn
Chúa. Có lẽ điều đó sẽ giúp chúng ta trở nên nhà đào tạo khéo
léo và tâm huyết. Cái quan trọng chính là tấm lòng của chúng ta:
Ai không yêu thương thật sự không thể làm nghề đào tạo được.
Chúng ta có thể nói rằng làm nhà đào tạo là một ơn gọi và một ân
sủng. Chúng ta cho bao nhiêu thì chúng ta nhận bấy nhiêu, càng
cho đi chúng ta càng nhận lãnh. Đón tiếp và đào tạo người trẻ
hôm nay là một cơ may để chúng ta đáp lại lời mời gọi đặc biệt
của Chúa Giêsu: “Hãy đến và theo Ta... Các con là bạn hữu của
Thầy.” Đồng thời chúng ta cũng không phụ lòng hay làm thất
vọng những trông đợi mà Giáo Hội và Thế giới kỳ vọng nơi các nhà
đào tạo.
B. CỘNG ĐOÀN VÀ CÁC ÂN BAN TÀI NĂNG
"Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do
Chúa ban” (Ga 3, 27). “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng
ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16). “Nhận nhưng
không, hãy cho đi nhưng không” (Mt 10,8)
I. Vài xác tín vỀ các ân ban tài năng
Mỗi người đều được Chúa kêu gọi và ban cho
một số tài năng nào đó. Mọi tài năng đã được ban cho là để xây
dựng và đẩy mạnh Nước Trời.
Mỗi người đều có trách nhiệm nhận ra và
phát triển các ân ban tài năng đó. Việc sử dụng ân ban tài năng
của mình mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.
Cộng đoàn là nơi cần thiết để nhận biết các
ân ban tài năng của mỗi người. Không ai có được mọi tài năng.
Mọi tài năng cần thiết cho sứ vụ đều có mặt trong cộng đoàn.
“Đừng đi quá mức khi đánh giá mình,
nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tuỳ theo lượng
đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho. Cũng như trong một thân
thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một
chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một
thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác
như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12,3-5).
II. Các đẶc điỂm cỦa Ân Ban Tài Năng
Nhờ bí tích Rửa Tội, mọi tín hữu đều được
Chúa kêu gọi và ban cho những tài năng.
Ơn gọi của mỗi tín hữu là một lời kêu gọi
đến bốn khía cạnh:
-
Sống
cộng đoàn,
-
Trưởng thành kitô,
-
Thi
hành sứ vụ
-
và
Nên thánh.
Mỗi con người đều được Thiên Chúa phú ban
cho những tài năng, và với những tài năng đó mà con người đáp
trả lại ơn gọi của mình.
Về mặt tri thức thì hầu hết các tín hữu đều
chấp nhận xác tín đó, nhưng việc nội tâm hóa xác tín ấy thì lại
là vấn đề khác.
Nhiều người nghĩ họ là những cá nhân duy
nhất có giá trị với những tài năng đặc biệt để thi thố địa vị
của họ trong gia đình, trong cộng đoàn, trong công sở và sứ vụ.
Phải cố gắng nhận ra người khác có những ân
ban tài năng đặc biệt cho cộng đồng. Chẳng hạn trong một giáo xứ
có nhiều người già. Hội đồng mục vụ họp bàn thảo xem họ có nhu
cầu gì và có thể làm gì để đóng góp với giáo xứ nói chung. Cuối
cùng họ đều đồng ý là những người già có nhiều thời giờ và có
thể cầu nguyện cho giáo xứ.
Thế là họ thiết lập nhóm người già như
những thừa tác viên cầu nguyện cho giáo xứ, và mỗi Chúa nhật có
người mang đến cho các cụ danh sách các ý chỉ cầu nguyện cho
tuần tới.
Trước khi Hội đồng mục vụ nghiêm túc nhận
ra rằng mỗi người đều có một ân ban (tài năng) thì cả cộng đồng
giáo xứ không biết đến ân ban thời giờ và khả năng cầu nguyện
của nhóm bô lão.
Những cá nhân nào trong cộng đoàn của chị
mà chị thấy là họ khó nhận ra và chấp nhận ý niệm chung về các
ân ban? Chị hãy thử nghiệm thái độ của chính chị về ý niệm ân
ban tài năng và nghĩ đến ân ban tài năng của người nọ kẻ kia
trong cộng đoàn của chị.
Làm cho người khác biết các ân ban tài năng
của họ và giúp họ phát huy chúng là một việc bác ái cao độ vừa
mang tính cá nhân vừa mang tính cộng đồng. Chị có thể nhận ra và
gọi tên các ân ban tài năng mà chị có không?
Trò chơi “nhận diện”:
1)
Trong một phút, chị hãy viết nhanh ra giấy các ân ban tài
năng của mình.
2)
Trong một phút khác, chị hãy viết nhanh ra các ân ban tài
năng của người bên phải chị.
3)
Trong một phút khác nữa, chị hãy viết nhanh ra các ân ban
tài năng của người bên trái chị.
4)
Chị em đọc lên cho nhau biết.
Các tài năng mà Chúa phú ban không phải để
từng cá nhân vui hưởng và thỏa mãn, nhưng phải được chia sẻ với
cộng đoàn.
Các ân ban tài năng mà mỗi người sở hữu là
những phương tiện đã được cung cấp để sống ơn gọi (làm người,
làm kitô hữu và làm tông đồ) của mình, nhằm lợi ích của nhân
loại và xây dựng Giáo Hội.
“Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh chị em phải
dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh chị em mới là những người
khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa: Ai có
nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức
mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh
Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô”
(1 Pr.4,10-11).
Vì thế, người tu sĩ phải dùng các ân ban
tài năng của mình, bằng lời nói và việc làm để nuôi lớn sứ mệnh
của cộng đoàn. “Phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có
phúc hơn là nhận.“ (Tđcv 20,35).
“Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên
Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao
cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai
dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai
phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt
tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm”
(Rm 12, 6-8).
Sứ mệnh đó là làm cho Chúa Kitô hiện diện
trong thế giới và nỗ lực phát triển Nước Thiên Chúa. Chị em làm
thế nào để khích lệ lẫn nhau sử dụng các tài năng của mình hầu
phục vụ sứ mệnh ấy?
Với những tài năng được phân phối cách tự
do này, mỗi người bị bó buộc phải nhận biết và làm phát triển
chúng. Trách nhiệm cá nhân này được Chúa Giêsu nhấn mạnh trong
Dụ ngôn các nén bạc.
Trong câu chuyện này, tên đầy tớ đã giấu
một nén bạc bị khiển trách nặng nề về sự quản lý vô trách nhiệm
với những lời lẽ nghiêm khắc “đầy tớ xấu xa và lười biếng!” (Mt
25:26).
Đó là một sứ điệp mạnh mẽ cho mỗi tín hữu
và tu sĩ chúng ta. Trách nhiệm về các ân ban tài năng Chúa ban
vẫn đè nặng trên vai người lãnh nhận (Honor Onus: Danh dự và
gánh nặng; càng cao danh vọng càng dày gian nan).
Trách nhiệm ấy kéo theo trách nhiệm phát
triển các ân ban tài năng và biện phân xem ở đâu và làm thế nào
để chúng được sử dụng tốt nhất hầu phụng sự Chúa và phục vụ kẻ
khác trong cộng đoàn.
"Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ
sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng
giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì
thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta
lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy
nghĩ bụng: "Chủ ta còn lâu mới về", và bắt đầu đánh đập tôi trai
tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào
ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn
ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. Đầy tớ nào đã
biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý
chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những
chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì
sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi
nhiều hơn”
(Lk 12, 42-48)
Trong một thế giới mà người ta cảm thấy
trống rỗng thì sự nhận biết ân ban tài năng sẽ mang lại ý nghĩa
và cứu cánh cho cuộc sống.
Ý thức về ân ban tài năng của một người vừa
quan trọng vừa cần thiết trong việc cộng tác mở rộng Nước Chúa,
cũng như trong việc nhận thức rằng các ân ban tài năng đó đã
được trao ban để giúp đỡ kẻ khác nâng cao kỳ vọng của cuộc sống
họ.
Vai trò của cộng đoàn là một yếu tố quan
trọng trong việc khám phá, chấp nhận và phát triển các ân ban
tài năng của mỗi cá nhân.
Qua suy nghĩ và kiểm điểm bản thân, một cá
nhân có thể chỉ có một hiểu biết giới hạn về ân ban tài năng cá
nhân của mình (x. Những trở ngại trong việc phát triển các tài
năng)
Trong cái nhìn giới hạn của con người,
người ta chỉ nhìn thấy một hình ảnh phiến diện của con người
toàn diện. Một bức tranh đầy đủ hơn có thể nổi bật lên khi các
người khác trong cộng đoàn có cơ hội bồi đắp thêm cho những ân
ban tài năng mà họ nhận ra được nơi anh chị em mình.
Và nhờ cách đó, họ giúp mở ra những tài
năng trổi vượt nằm ẩn bên trong mỗi người.
Các tài năng mà một người sở hữu có thể
thay đổi, giống như con người trải nghiệm những đổi thay qua
dòng thời gian. Chẳng hạn một cô giáo làm việc rất thành công
với các em mẫu giáo trong nhiều năm lại thấy mình mất nhẫn nại
và dễ bực tức với các em cấp I. Cô không còn hứng thú lên lớp
mỗi ngày nữa, mà lại mong dạy kèm cho một số học sinh chuyên. Cô
bắt đầu nhận thấy ân ban tài năng giáo dục của cô đã thay đổi.
Cũng như một người trải nghiệm bất cứ kiểu
sống chuyển tiếp nào, ân ban tài năng cá nhân có thể gánh chịu
sự thay đổi hay phát triển như thế (x. việc lượng giá một nhiệm
vụ hay một giai đoạn ơn gọi).
“Ơn nói tiên tri ý? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng?
Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự
hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn
hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn
là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy
nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ
tất cả những gì là trẻ con”
(1
Cr. 13, 8-11)
Khi suy nghĩ về điều này, chị em có tìm
thấy vài tài năng nào đó của chị em đã thay đổi không vậy? Và
chị em có sẵn sàng chấp nhận những ân ban tài năng đã thay đổi
đó không?
Điều đó thường xảy ra trong cộng đoàn qua
việc thay đổi nhiệm sở và nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu khách
quan của cộng đoàn, được chứng nghiệm bởi thành công hay thất
bai của đương sự, và ích lợi nhiều hơn hay ít hơn của kẻ khác.
Một trong những khẳng định an ủi nhất về
các ân ban tài năng là không một ai có hết mọi tài năng. Vì thế
kỳ vọng cá nhân của một người là giới hạn và nên nhìn nhận rằng
một ngơời có một số tài năng nào đó mà không có những tài năng
khác.
Đáng tiếc thay có những người có kỳ vọng ảo
tưởng và tin tưởng cách vô thức rằng mình có mọi tài năng và tìm
đủ cách giữ mãi địa vị (tham quyền cố vị).
Cách ứng xử của con người lắm khi tùy thuộc
vào niềm tin ảo tưởng đó của mình. Và hậu quả là y không nhìn
thấy hoặc không chấp nhận các ân ban tài năng của người khác,
ngay cả bao biện ngăn cản không cho các thành viên khác của cộng
đoàn phát triển các ân ban tài năng của họ.
Cái thành công lớn nhất của người lãnh đạo
là chuẩn bị cho có người sẽ thay thế mình, qua tiến trình bốn
bước:
- Dạy
cho người ta làm,
- giúp người ta
làm,
- để người ta làm
- và mình rút lui,
sứ mệnh đã hoàn thành.
Tính bổ túc và khác biệt của các ân ban tài
năng là căn bản cho đời sống cộng đoàn và tinh thần hợp tác với
nhau. Trong khi chẳng có ai có hết mọi ân ban tài năng thì các
ân ban tài năng cần thiết để thực thi sứ mệnh đều hiện diện
trong cộng đoàn.
Những khẳng định trên không phải là một
danh sách đầy đủ các xác tín. Tuy nhiên, chúng cũng có thể giúp
chị em để ý đến chính thái độ của chị em đối với ý niệm và các
ân ban tài năng của mình và của người khác.
Khảo sát và làm sáng tỏ xác tín của mình có
thể được coi là nền tảng để trực diện và phát triển các lãnh vực
tài năng của mình, đồng thời làm cho cộng đoàn nhạy bén với các
ân ban tài năng vốn có trong các thành viên của mình.
“Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh chị em hãy gớm ghét
điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh
đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải;
lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm
hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu
nguyện”
(Rm 12, 9-12)
III. CÁC LOẠI ÂN BAN TÀI NĂNG
Chúng ta có thể xét các ân ban tài năng
trong ba loại:
- Các ân ban tài
năng đức tin.
- Các ân ban tài
năng tự nhiên.
- Các ân ban tài
năng từ kinh nghiệm sống.
1.
Ân ban tài năng đức tin
Đời sống đức tin của một người cung cấp một
lãnh vực ân ban tài năng thường được coi trọng:
-
Những thời gian
thinh lặng trong nguyện cầu,
-
một cảm
thức về tình yêu Thiên Chúa,
-
một ân huệ đã kinh nghiệm,
-
một ơn soi sáng đã nhận được,
-
một khoảnh khắc chiêm
niệm,…
Tất cả đều là những ân ban nổi lên từ đời
sống đức tin và từ mối tương quan với Chúa.
Là ân ban nghĩa là phải được chia sẻ. Các
trải nghiệm đức tin này cần được suy ngắm và chia sẻ với người
khác. Nhờ đó đức tin của cộng đoàn sẽ được gia tăng.
2.
Ân ban tài năng
tự nhiên
Loại ân ban tài năng tự nhiên là:
-
những
khả năng,
-
những
đức tính,
-
những
tài năng
-
và kỹ
năng…
Tất cả làm cho mỗi người chúng
ta là một con người độc đáo (duy nhất).
Các ân ban tài năng này thay đổi, phát
triển và mở rộng khi con người lớn lên, trưởng thành và trong
suốt cả cuộc đời.
Các ân ban tài năng tự nhiên đó làm nên đặc
điểm của mỗi cá nhân. Khi sử dụng một ân ban tài năng tự nhiên,
người ta có một cảm thức vui mừng và thoải mái.
Những ân ban tài năng thông thường và đơn
giản của cuộc sống:
-
tính
tự phát,
-
nhiệt
tình,
-
hiếu
khách,
-
dễ
gần,
-
tế
nhị,
-
hài
hước,
-
cảm
thông,
-
khả
năng lắng nghe,
-
khả
năng nghệ thuật,
-
thuật
lãnh đạo,
-
tính
quảng đại,
-
khả
năng kỹ thuật,
-
nhạy
bén…
Các ân ban tài năng tự nhiên có thể bị bỏ
quên hay giảm thiểu vì chúng là một phần của con người.
Trò chơi kết bạn:
1) Mỗi người viết vào sổ ân ban trổi vượt nhất của
mình trong số các ân ban sau đây: nhiệt tình, hiếu khách, dễ
gần, tế nhị, hài hước, cảm thông, hay giúp đỡ, thích điều khiển,
năng khiếu bình quân.
2) Những người có cùng một ân ban trổi vượt nhất tới
với nhau thành một nhóm hợp nhau (similis simili)
3) Từng hai hay bốn chị em quay lại chia sẻ
với nhau về ân ban trổi vượt của mình.
3. Ân
ban tài năng từ kinh nghiệm sống
Có vô số kinh nghiệm để lại một dấu ấn
trong cuộc sống của mỗi con người. Lãnh vực thứ ba của các ân
ban tài năng nổi lên từ rất nhiều khía cạnh của kinh nghiệm sống
dưới hai hình thức:
-
Chính
thức (do giáo dục, đào tạo)
-
Không
chính thức (trải qua khủng hoảng và gặp gỡ với Chúa)
Đáng
chú ý đặc biệt là những kinh nghiệm kèm theo những chấn thương
có nhiều biến tố trên tinh thần con người. Qua các tình huống và
gặp gỡ thường kèm theo đau đớn và thống khổ này, người ta năng
tìm thấy vài khả năng hay đức tính nổi lên như một hậu quả: “Ai
từng chiến thắng mà không hề chiến bại? Ai nên khôn mà chẳng dại
đôi lần?”
“Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử
thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử
thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn”
(Gc 1,2-3).
Những
ân ban tài năng không chờ đợi này có thể được chia sẻ với các
người khác cùng trải nghiệm những chấn thương tương tự (Những
người đồng cảnh thương nhau)
Đó là
nguyên tắc làm việc của những người cai khỏi nghiện rượu: Những
người đã từng chiến đấu với bệnh nghiện rượu sẽ quảng đại đi ra
trợ giúp và đồng hành với các người khác đang vật lộn để lướt
thắng cơn ghiền của họ (xem lại chữa trị nhóm về thủ dâm).
Một
điển hình khác của loại ân ban tài năng từ kinh nghiệm sống này
có thể được tìm thấy trong câu chuyện của một phụ nữ trẻ vừa đau
đớn chịu đựng cuộc ly hôn: Chị cần phải thay đổi công việc,
chuyển chỗ ở cho mình và con cái đến một thành phố khác, mua tậu
nhà khác, nỗ lực làm cho mình và con cái thích nghi với một cuộc
sống mới.
Chị đã gia nhập một nhóm cầu nguyện ở giáo
xứ mới và bắt đầu thiết lập những tương quan mới. Một thành viên
trong cộng đoàn mới của chị trước đây cũng đã phải ly hôn. Kinh
nghiệm nỗi đau và lo lắng ấy, bà ta đã đến với chị, cống hiến sự
nâng đỡ, khuyên bảo và khích lệ. Lòng trung thành bền vững vào
sự hiện diện của Chúa trong đời sống bà đã cho bà một ân ban mà
bà chia sẻ với các thành viên khác trong cộng đoàn.
Đâu
là những kinh nghiệm trong chính cuộc sống của chị em đã trở
thành một phương tiện để Chúa chuyển tải cho chị em một ân ban
mới? Một khả năng thấu cảm với người cùng cảnh ngộ? Ân ban đó là
gì và chị em làm thế nào để chia sẻ với người khác?
Nếu bạn cho một người một con cá, người đó
chỉ ăn được một ngày. Nhưng nếu bạn cho một cần câu và dạy cho
người đó biết cách câu cá, y sẽ ăn được cả đời (Ngạn ngữ Trung
Hoa)
Cái bi đát không phải là chỉ có một tài
năng, nhưng là không sử dụng tài năng đó.
Tóm lưỢc:
Việc
khám phá ân ban tài năng của một người là lời đáp sinh tử cho
lời mời gọi của Chúa trong cuộc đời của người đó.
Mỗi người là một nhà kho các ân ban tài năng mà Chúa
đã đặt ở đó. Các ân ban tài năng đó có thể là những khả năng tự
nhiên, các năng khiếu, các đức tính, các đặc điểm và các kỹ
năng.
Trong cộng đoàn, các cá nhân có cùng ân ban tài năng
thường dễ liên kết với nhau nhắm đến một sứ vụ chung.
Mỗi thành viên của cộng đoàn đóng góp các ân ban tài
năng đã lãnh nhận một cách cá nhân.
Trong khi khao khát muốn nhận ra ân ban tài năng của
một người vẫn tồn tại, thì cũng có sự cản trở việc khám phá ra
các ân ban tài năng đó.
Tất cả các chướng ngại đó cần được xem xét lại, nhờ
đó không dừng lại trên đuờng phát triển các ân ban tài năng của
mình.
Cách để hiểu biết cách đầy đủ
các ân ban tài năng là biện phân ba loại:
-
các
ân ban từ cuộc sống đức tin,
-
những
ân ban tự nhiên,
-
và
những ân ban từ kinh nghiệm sống.
Tiến trình biện phân các ân ban cung cấp cho các cá
nhân cơ hội khám phá ra những con đường đẹp đẽ duy nhất mà Chúa
đã làm cho họ nên phong phú.
Sự biện phân này cũng làm cho người ta ý
thức cao độ rằng các ân ban tài năng của họ là con đường họ đáp
trả ơn gọi của họ.
|
VỀ MỤC LỤC |
|
PHÌ ĐẠI NHIẾP TUYẾN |
Nhiếp Tuyến,
Tuyến Tiền Liệt hoặc Nhiếp Hộ Tuyến là một tuyến sinh dục phụ
của nam giới.
Mang danh là
TUYẾN nhưng nó không tiết ra kích thích tố như các tuyến khác,
không trực tiếp khích lệ sự giao hoan, nhưng góp phần quan
trọng vào sự nối dõi tông đường và tột đỉnh của cảm khoái tình
dục.
Tuyến cung
cấp một ít chất lỏng kiềm tính để cùng Túi Tinh sản xuất tinh
dịch. Mà tinh dịch lại rất cần thiết cho sự sinh tồn và di
chuyển của cả dăm ba trăm triệu chú tinh trùng trong mổi lần
giao hợp, xuất tinh.Tinh trùng do ngọc hành sản xuất.
Tinh dịch có
đường fructose để cung cấp năng lượng cho tinh trùng; có
prostaglandins kích thích tử cung co bóp, giúp tinh trùng di
chuyển tìm kiếm Noãn Tiên Nữ ; trung hòa acid tính nước âm hộ để
bảo vệ tinh tử. Chức năng này lại chịu sự chi phối của kích
thích tố testosteron và kích thước lớn nhỏ của nhiếp tuyến
cũng lại do kích thích tố này quyết định một phần nào
Trong trạng
thái lành mạnh, bình thường, nhiếp tuyến to bằng trái hạt dẻ,
sờ vào thấy mềm mềm.
Tuyến nằm
dưới bàng quang, bao quanh niệu quản dẫn nước tiểu ra ngoài cơ
thể. Tuyến cũng nằm ở mặt trước của trực tràng, nên khi lang y
cho ngón tay vào hậu môn ngoáy ngoáy khám khám thì cũng biết
được tình trạng to nhỏ, cứng mềm, nhẵn nhụi hoặc sần sùi của
tuyến.
Ở tuổi trẻ,
tuyến này là môi trường mầu mỡ cho sự nhiễm trùng, viêm, có sạn
mà khi về già lại hay sưng và đưa tới u bướu lành hoặc ung thư.
Phì Đại Nhiếp Tuyến
Thực ra đây
không hẳn là một bệnh mà trong nhiều trường hợp là một thay
đổi hầu như tự nhiên của tuyến với sự gia tăng tuổi đời của
người nam.
Các tế bào
bình thường trong tuyến sẽ tăng sinh sản và tăng trưởng
(Hyperplasia) nhưng tuyến vẫn có hình dạng nguyên thủy và khác
với sự tăng sinh bất thường của tế bào mới trong ung thư. Hiện
tượng này cũng giống như sự lớn lên của nhũ hoa khi người nữ
mang thai.
Ở tuổi thiếu
niên, nhiếp tuyến bé tý xíu, rồi dưới ảnh hưởng của kích thích
tố nam, nó lớn dần lên bằng đầu ngón tay.
Từ tuổi 20
đến 40, tuyến giữ nguyên kích thước, nhưng đến tuổi ngoài 45
thì 15% tuyến to lên. Khi đạt tới tuổi 65 trở lên thì 60%
người cao tuổi phe ta đều có nhiếp tuyến lớn bằng trái quýt.
Nguyên Nhân
Lý do mà
nhiếp tuyến tăng sinh- trưởng chưa được xác định rõ ràng.
Có nhiều ý
kiến cho là tuổi càng cao thì các tế bào nối tiếp ở giữa tuyến
tăng trưởng mạnh, như là mới được bón phân mầu mỡ.
Ý kiến khác
cho là do tác dụng của kích thích tố đàn ông vì quan sát cho
thấy tuyến của những người bị thiến (hoạn quan ) không sưng.
Ngoài ra sự
cắt ống dẫn tinh trùng, xơ cứng gan, cao huyết áp, hút thuốc lá
cũng được nêu ra như có thể là nguy cơ sưng nhiếp tuyến.
Triệu chứng
Vì bao bọc
chung quanh ống dẫn tiểu, nên khi sưng to, tuyến sẽ đè vào
tiết niệu khiến cho sự tiểu tiện bị tắc nghẽn.
Trong đa số
các trường hợp, nhất là ở người trên 45 tuổi, sự nghẽn tiểu tiện
xẩy ra từ từ: nạn nhân thấy vòi nước tiểu không vọt ra xa, yếu
dần, nhỏ giọt, phải rặn mới đái ra hết nước. Nhiều khi nạn
nhân phải ngồi trên bàn cầu để cơ bắp dưới xương chậu thư giãn,
giúp cho sự đái được dễ dàng.
Các triệu
chứng thường thấy gồm có:
- Bất chợt có
một thôi thúc cấp bách muốn đi tiểu mà ta không kiểm soát, kiềm
chế được. Lý do là bàng quang bị căng đầy nước tiểu;
- Mót đái là
vậy mà khi vào nhà cầu thì nước chẳng chịu ra ngay, phải gồng
bụng rặn, vì ống dẫn bị nhiếp tuyến đè nghẹt;
- Nếu có ra
thì vòi nước cũng yếu sìu, ngắt quãng vì “giao thông hào” quá
hẹp;
- Tiểu xong
mà thấy như bọng đái vẫn như còn tưng tức có nước, muốn “pi”
thêm;
- Nước tiểu
sót lại trong bàng quan kích thích nên ta hay đi đái rắt, nhất
là vào đêm khuya đang mơ màng giấc điệp;
- Nước tiểu
đôi khi có máu vì huyết quản dãn nở đứt vỡ;
- Nhiều khi
vì nằm lâu trong bọng đái nên nước tiểu cũng bị nhiễm vi khuẩn,
đưa tới bệnh đường niệu.
Trắc nghiệm sưng nhiếp tuyến
Hiệp Hội Niệu
Khoa Hoa Kỳ đã đề nghị một số câu hỏi để phe ta ước lượng sự
rối loạn của nhiếp tuyến. Đó là trong tháng vừa qua:
a- có bao giờ
ta thấy có cảm giác như vẫn còn nước tiểu trong bọng đái sau khi
tiểu xong?
b- có khi nào
ta phải đi tiểu lại vài giờ sau khi vừa mới tiểu ?
c- bao nhiêu
lần trong khi tiểu ta phải ngưng rồi lại tiếp tục tiểu?
đ- bao nhiêu
lần ta thấy rất khó khăn để nín tè?
e- bao nhiêu
lần ta thấy vòi nước tiểu yếu đi?
g- bao nhiêu
lần ta phải rặn để bắt đầu tiểu tiện ?
h- bao nhiêu
lần ta phải thức dậy để đi tiểu từ lúc chập tối tới sáng?
Nếu dăm câu
trả lời đều là CÓ thì nhiếp tuyến của ta bắt đầu có vấn đề rồi
đấy.
Chẩn đoán bệnh
Để định bệnh,
bác sĩ căn cứ vào lời khai những triệu chứng kể trên rồi xác
định bằng cách khám hậu môn coi nhiếp tuyến lớn tới mức nào.
Nước tiểu
được phân tích coi có lẫn máu hoặc bị nhiễm khuẩn.
Thử nghiệm
máu Prostate-Specific Antigen (PSA) xem có bị ung thư không.
Điều trị
Điều trị tùy
thuộc vào hai điểm chính:
- Mức trầm
trọng của các triệu chứng.
- Các triệu
chứng ảnh hưởng tới đời sống như thế nào.
Đa số bệnh
nhân muốn điều trị vì những trở ngại trong việc tiểu tiện. Đó
cũng là mục tiêu của các phương thức trị liệu hiện có.
Sưng nhiếp
tuyến có thể được điều trị bằng dược phẩm, giải phẫu hoặc các
phương pháp ít gây hại (less invasive) mới được áp dụng trong
hơn 10 năm vừa qua.
Tháng 6 năm
2003, The American Urological Association đã đưa ra một hướng
dẫn mới để điều trị Sưng Nhiếp Tuyến Lành. Khi các dấu hiệu nhẹ
thì bệnh nhân được theo dõi; khi trầm trọng thì vừa được theo
dõi vừa trị liệu.
1- Chờ đợi, theo dõi
Trong theo
dõi chờ đợi, cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đều không dùng các phương
pháp trị liệu sẵn có nhưng bác sĩ vẫn theo dõi diến tiến tốt xấu
các dấu hiệu bệnh.
Biện pháp này
được áp dụng khi các dấu hiệu từ nhẹ tới trung bình mà không có
biến chứng như bí tiểu tiện hoặc đái rắt. Trong thời gian này,
bệnh nhân nên làm một số việc để bệnh khỏi trở nên trầm trọng:
a- Giảm uống
nước vài giờ trước khi đi ngủ để khỏi phải thức giấc nhiều lần
đi tiểu.
b- Giới hạn
tiêu thụ quá nhiều cà phê vì caffeine là chất lợi tiểu, có thể
làm triệu chứng xấu hơn.
c- Cẩn thận
với thuốc lợi tiểu (diuretic)
d- Giới hạn
các loại thuốc chống dị ứng, nghẹt mũi vì thuốc gây co thắt cơ
vòng quanh ống tiết niệu, cản trở sự phóng tiểu.
e- Khi mót
tiểu, tiểu ngay để tránh nước tiểu ứ đọng làm cho bàng quan quá
dãn, yếu.
g- Đừng để bị
quá lạnh vì khí hậu lạnh khiến cho nước tiểu tích tụ trong bàng
quan, kích thích tiểu tiện liên tục.
h- Vận động
giảm triệu chứng bệnh gây ra do nhiếp tuyên phì đại.
2- Dược phẩm
Có nhiều dược
phẩm làm nhiếp tuyến teo ( Proscar) hoặc làm thư dãn cơ thịt ở
vùng xương chậu (Hytrin), khiến tiểu tiện được thông. Thảo mộc
Saw Palmetto cũng được y giới mang ra áp dụng với nhiều hứa hẹn
tốt.
Y giới cũng
khuyên không nên ăn thực phẩm có nhiều gia vị cay, cữ uống rượu,
giảm tiêu thụ cholesterol, e rằng những chất này kích thích
khiến tuyến sưng to hơn.
Ngoài ra nên
ăn nhiều rau trái, vận động cơ thể, đừng ngồi quá lâu cũng như
xuất tinh thường hơn để ống dẫn tinh khỏi nghẹt.
3- Giải phẫu
a- Giải phẫu
qua tiết niệu
Nếu tuyến
quá lớn, khiến người bệnh thấy khó chịu thì cần giải phẫu để gọt
nhỏ hoặc cắt bỏ tuyến sưng. Giải phẫu là trị liệu hữu hiệu nhất
được áp dụng khi dược phẩm không thành công.
Phẫu thuật có
thể là mổ lớn (open prostatectomy) hoặc thực hiện qua niệu đạo
(transurethral resection of the prostate TURP), không có vết
sẹo.
Theo ý kiến
các bác sĩ chuyên khoa, nếu đang có các bệnh mãn tính trầm trọng
thì phẫu thuật không là lựa chọn đúng và sự hồi phục sau giải
phẫu có thể lâu hơn. Đó là các bệnh tiểu đường không được kiểm
soát, xơ cứng gan, bệnh tim, thận, phổi và vài tâm bệnh trầm
trọng.
Sau giải
phẫu, một số khó khăn thường xảy ra, như là:
- Khó khăn
tiểu tiện
Ngay sau khi
giải phẫu, dòng nước tiểu mạnh hơn nhưng đôi khi cần vài tháng
tiểu tiện mới trở lại bình thường.
- Đái són
Đó là do
không kiểm soát được sự tiểu tiện, nhưng may mắn là rối loạn này
chỉ tạm thời chứ không kéo dài.
- Chảy máu:
Trong mấy
tuần lễ đầu sau giải phẫu, sẹo mổ ở bọng đái có thể hé mở, máu
chảy vào nước tiểu. Điều này gây ra lo sợ nhưng chấm dứt sau
thời gian ngắn nằm nghỉ và uống nhiều nước.
- Một số
người bị loạn cương dương tạm thời, đôi khi tinh khí chạy ngược
lên bọng đái, nhưng không gây trở ngại gì tới việc giao hoan.
b- Ngoài
TURP, tia laser cũng được dùng để tiêu hủy các mô bào tăng
trưởng của nhiếp tuyến mà không gây tổn thương cho tế bào ở xung
quanh. Lợi điểm của laser là ít xuất huyết, mau lành hơn mổ xẻ.
Chăm sóc sau khi giải phẫu
Sau giải
phẫu, bệnh nhân nằm lại từ 3-10 ngày tùy theo loại phẫu thuật và
khả năng lành bệnh của mỗi người. Một ống dẫn nước tiểu được đưa
vào bọng đái vài ba ngày để lấy nước tiểu ra ngoài.
Trong vài
tuần lễ sau giải phẫu, về nhà nên tránh công việc nặng hoặc căng
thẳng để vết mổ không bị rách.
- Uống nhiều
nước để rửa sạch bọng đái.
- Tránh rặn
khi đi cầu.
- Dinh dưỡng
cân bằng để tránh táo bón. Nếu bị bón, xin bác sĩ biên toa mua
thuốc chữa.
- Đừng nâng
nhấc vật nặng.
- Đừng lái xe
hoặc điều khiển máy tự đông.
4- Phương pháp ít gây hại
Các phương
pháp này có mục đích hủy hoại các tế bào nhiếp tuyến sưng đè lên
niệu đạo, nhờ đó tiểu tiện được hạnh thông và giảm số lượng nước
tiều còn lại trong bọng đái. Phương pháp không tiêu hủy hoàn
toàn tuyến sưng.
Các phương
pháp đang được áp dụng là: dùng sức nóng của tia vi ba
(microwave), radio wave để làm teo tế bào tuyến sưng, đua một
stent vào niệu đạo để mở rộng nơi bị tắc nghẽn.
Ngoài ra các
nhà nghiên cứu đang thử nghiệm các phương pháp mới như dùng nước
nóng trong balloon áp lên vùng tiết niệu bị nghẹt, bơm rượu
nguyên chất hoặc độc tố Botox vào nhiếp tuyến để tiêu hủy tế bào
phì đại…
Kết luận
Phì đại tuyến
lành tính nhiếp không phải là ung thư nhiếp tuyến. Phì đại không
chuyển sang ung thư và cũng không là rủi ro gây ung thư cho
tuyến này.
Khó khăn
chính của phì đại là rối loạn tiểu tiện.
Có nhiều
phương thức trị liệu khác nhau, mỗi bệnh nhân đáp ứng với mỗi
phương pháp một cáh riêng. Lựa chọn điều trị tùy thuộc vào các
dấu hiệu bệnh và các trở ngại do dấu hiệu gây ra. May mắn là
hiện nay có nhiều phương thức để người bệnh chọn lựa. Chỉ cần
thảo luận kỹ càng và hợp tác với bác sĩ.
Rồi chờ “Phúc
Chủ, Lộc Thầy”, đôi bên đều hân hoan ăn mừng.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức, Texas-
Hoa Kỳ
|
VỀ MỤC LỤC |
KHI ĐỜN BÀ
NẮM QUYỀN
Chuyện phiếm
của Gã Siêu |
Vừa mới nhận
được một chuyện vui nho nhỏ, viết về đờn bà con gái, gã xin kể
lại đây để bàn dân thiên hạ cùng suy gẫm và nhận định xem thực
hư như thế nào.
Số là ông
vua xe hơi, Henry Ford, sau khi chết được đưa lên thiên đàng.
Tại cổng thiên đàng đã có thánh Phêrô đứng chờ sẵn để đón chào.
Vừa gặp ông ta, thánh Phêrô đã mỉm cười và cho biết :
- Hồi còn
sống, ngươi đã làm nhiều điều lợi ích cho xã hội, chẳng hạn như
đã sáng chế ra phương pháp dây chuyền, làm cho kỹ nghệ xe hơi
thay đổi cả và thế giới. Với thành quả này, ngươi sẽ được một
ân huệ, đó là có thể chuyện trò với bất cứ ai ở trên thiên đàng.
Suy nghĩ một
lát, ông ta xin được gặp Thượng Đế. Và thế là thánh Phêrô bèn
lập tức dẫn ông ta ra mắt Thượng Đế. Vừa gặp Ngài, ông ta liền
hỏi ngay :
- Thưa Ngài,
lúc chế tạo ra đờn bà con gái, Ngài đã suy nghĩ như thế nào ?
Thượng Đế
nghe xong, bèn vặn lại :
- Ngươi nói
như vậy là có ý nghĩa gì ?
Ông ta bèn
trả lời :
- Sản phẩm
của Ngài còn có quá nhiều sơ sót. Phía trước thì bị phồng lên,
còn phía sau thì lại bị nhô ra. Máy thường kêu to mỗi khi chạy
nhanh. Tiền bảo trì và nuôi dưỡng quá cao. Thường xuyên đòi hỏi
nước sơn mới. Cứ đi hai mươi tám ngày, thì lại bị chảy nhớt và
không làm việc được. Chỗ bơm xăng và ống xả lại quá gần nhau.
Đèn trước hơi bị nhỏ. Tiêu thụ nhiên liệu thì nhiều khủng khiếp.
Thượng Đế
nghe qua liền bảo :
- Ngươi hãy
đợi ta một chốc để ta xem lại bản thiết kế.
Thượng Đế
bèn cho triệu tập toàn bộ các kỹ sư thiết kế và cơ khí trên
thiên đàng lại để xem xét quá trình thi công. Sau một thời
gian…“ngâm kíu”, họ trình lên Thượng Đế một bản báo cáo.
Xem xong bản
báo cáo này, Thượng Đế bèn phán rằng :
- Mọi điều ngươi vừa nói, đều hoàn toàn đúng. Bằng sáng chế của
ta thật có nhiều sai sót. Thế nhưng, nếu tính về phương diện
kinh tế, thì hiệu quả lại rất cao : Có gần 98% đờn ông con giai
trên thế gian xài sản phẩm do Ta chế tạo, trong khi đó chưa đầy
10% đờn ông con giai xài sản phẩm của ngươi.
Từ câu
chuyện trên, gã nghiệm ra rằng thì là : nhân vô thập toàn. Ai
cũng có những sai lỗi khuyết điểm của mình, chẳng riêng gì đờn
bà con gái, mà ngay cả đờn ông con giai cũng thế mà thôi. Phải
chăng điều đó cũng đã được Thượng Đế tính toán, cũng như đã được
nằm sẵn trong chương trình và ý định tuyệt vời của Ngài.
Thực vậy,
nếu Ngài dựng nên con người trong tình trạng hoàn hảo và thánh
thiện, thì có lẽ lúc bấy giờ thế gian này sẽ chán phèo và buồn
tênh, bởi vì nó phẳng lặng như mặt nước hồ thu và con người sẽ
chẳng còn tạo được cho mình một chút công trạng nào cả. Với
những khuyết điểm mang trong thân phận, con người phải cố gắng,
phải phấn đấu từng giây từng phút. Chính những cố gắng và phấn
đấu này đã góp phần làm nên vẻ đẹp của con người.
Từ ngàn xưa,
các cụ ta vốn thường quan niệm :
- Gái trong
khung cửi, giai ngoài chân mây.
Có nghĩa là
đờn bà con gái thì lo quán xuyến những công việc trong nhà, như
bếp núc và nuôi dạy con cái. Còn đờn ông con giai thì lo gánh
vác những công việc ngoài ngõ, tức là những công việc mang tính
cách xã hội.
Tuy nhiên,
trong những tháng năm gần đây, nhất là kể từ khi phong trào giải
phóng phụ nữ, hay nói cách khác kể từ khi phong trào đờn bà con
gái vùng lên đòi bình đẳng với đờn ông con giai, thì phe ta dần
dần thoát ra khỏi ngưỡng cửa gia đình, để dấn thân vào xã hội và
cũng đã gặt hái được những thành công rạng rỡ, chẳng thua gì
cánh mày râu.
Chẳng hạn
như bà Golda Meir, một khuôn mặt chính trị sáng giá của Do Thái.
Bà đã từng giữ chức bộ trưởng ngoại giao từ năm 1956 đến năm
1966, rồi nắm giữ chức thủ tướng từ năm 1969 đến năm 1974. Tuy
mang tiếng thuộc về phe liễu yếu đào tơ, nhưng bà đã thực sự
dùng những biện pháp mạnh trong đường lối lãnh đạo của mình.
Chẳng hạn
như bà Margaret Thatcher, cũng là một khuôn mặt chính trị sáng
giá của dân Ăng Lê. Bà là lãnh tụ của đảng Bảo Thủ vào năm 1975,
giữ chức thủ tướng suốt ba nhiệm kỳ, từ năm 1979 đến năm 1990,
và cũng đã dùng những biện pháp mạnh để giải quyết các vấn đề
bang giao quốc tế, thí dụ việc sử dụng quân đội chống lại
Argentina về hòn đảo Falkland.
Và theo sự
đánh giá của bàn dân thiên hạ, thì hiện nay có hai phụ nữ quyền
lực nhất thế giới, đó là bà Angela Merkel, thủ tướng nước Đức và
bà Condoleezza Rice, bộ trưởng ngoại giao của Mỹ…Và còn rất
nhiều khuôn mặt đờn bà con gái khác đang từng làm mưa làm gió
tại nhiều lãnh vực khác nhau.
Tuy nhiên,
dù ở trong nhà hay ở ngoài ngõ, thì một nét duyên ngầm, nhưng
lại rất hấp dẫn của đờn bà con gái, đó là sự dịu hiền và tế nhị
được biểu lộ qua từng ánh mắt, từng lời nói, từng cử chỉ, khiến
cho phe đờn ông con giai phải chết mê chết mệt, chết đứ chết đừ.
Thế nhưng
trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng gặp phải những người đờn
bà rất hung dữ, chẳng còn tí tẹo nào là dịu hiền và tế nhị. Sự
hung dữ này rất có thể do di truyền và nằm sẵn trong máu huyết,
trong lục phủ ngũ tạng của họ. Bản chất của họ là hung dữ, theo
kiểu phát biểu của Nho giáo :
- Nhân chi
sơ, tính vốn…dữ.
Gã xin đưa
ra hai trường hợp.
Trường hợp
thứ nhất tiêu biểu cho trường phái phương tây, đó là bà vợ của
Socrate.
Hẳn rằng
nhiều người trong chúng ta đã biết Socrate là một triết gia nổi
tiếng của Hy Lạp cổ xưa, lý thuyết của ông còn ảnh hưởng cho tới
ngày nay, thế nhưng tai hại thay, ông lại là nạn nhân của một bà
vợ hung dữ. Bà đã khinh thường ông, coi ông chỉ là hạng “dài
lưng tốn vải”, cũng như “trói gà không chặt”.
Có lần sau
một trận xỉ vả thậm tệ, tức quá bà liền đổ cả một chậu nước dơ
lên người ông, nhưng ông vẫn thản nhiên nói với mọi người :
- Trời có
sấm sét, ắt hẳn sẽ đổ mưa.
Lần khác, bà
đã hất tung hất té mâm cỗ ra ngoài sân. Mâm cỗ mà ông đã cẩn
thận làm để đãi bạn bè. Và thế là ông bèn ngồi yên lặng nhặt lên
cho bằng hết. Món nào còn ăn được thì ăn, bằng không thì bỏ đi,
mà chẳng than van một lời.
Trường hợp
thứ hai tiêu biểu cho trường phái phương đông, đó là bà vợ của
Trần Qúi Thường.
Theo điển
tích người xưa, thì chúng ta được biết : Trần Quí Thường, quê
tại tỉnh Hà Đông bên Tàu, có một người vợ nổi tiếng hung dữ. Mỗi
lần Tô Đông Pha đến chơi, thì đều được nghe bà vợ này la hét,
chửi bới thật ồn ào và quá đáng.
Thấy vậy,
thi sĩ dòng họ Tô mới làm một bài thơ châm biếm, trong đó có
câu :
- Hốt văn Hà
Đông sư tử hống,
Trụ tượng
lạc thủ tâm mang mang.
Có nghĩa là
:
- Bỗng nghe
sư tử Hà Đông rống,
Tay run,
gậy rớt, lòng kinh hãi.
Từ điển tích
này, người ta mới dùng cụm từ “sư tử Hà Đông” để ám chỉ người vợ
hung dữ. Tuy nhiên, ngoài cụm từ này, bàn dân thiên hạ còn dùng
một vài danh xưng khác nữa.
Chẳng hạn
danh xưng “bà chằn”. Theo truyện thần thoại, thì chằn là một con
yêu tinh dữ tợn và hay ăn thịt người, đã bị Thạch Sanh giết
chết. Vì thế hai chữ bà chằn được dùng để chỉ người đờn bà hung
dữ.
Chẳng hạn
danh xưng “bà la sát”. Theo tiếng Phạn (Ấn Độ), thì bà la sát là
một con quỷ ăn thịt người. Dựa vào đó, người bình dân dùng ba
chữ bà la sát để chỉ người đờn bà hung dữ, mặc dù chữ bà trong
tiếng Phạn và trong tiếng Việt chỉ đồng âm mà thôi, chứ không
đồng nghĩa một tí ti nào cả.
Nếu nhái
theo tựa đề tập thơ “Em là gái trời bắt xấu”, thì có những
người, đờn bà cũng như đờn ông, vốn hung dữ tự bản tính : Thoạt
sinh ra thì đã hung dữ. Nhưng có nhưng người, đờn ông cũng như
đờn bà, do hoàn cảnh bên ngoài tác động mà trở nên hung dữ.
Thực vậy, có
những bà và những chị, tự bản chất vốn hiền như ma…sơ, thế
nhưng, một khi đã nắm được tí quyền trong tay, hay một khi đã
kiếm được nhiều tiền, không cần phải cậy dựa vào người chồng
nữa, thì bỗng nhiên trở thành hung dữ.
Sự hung dữ ở
đây cần phải được hiểu về cả ba phương diện : tư tưởng, lời nói,
cũng như việc làm. Về tư tưởng thì luôn áp đặt những ý nghĩ của
mình lên chồng con theo kiểu cả vú lấp miệng em. Về lời nói thì
sẵn sàng tuôn ra những ngôn từ đao to búa lớn và không ngần ngại
chửi bới, tung hê và văng đủ thứ ra cho chồng con xơi. Về việc
làm thì luôn dùng biện pháp mạnh, thượng cẳng chân hạ cẳng tay,
mặc dù mình chỉ là phái…yếu.
Gã xin đưa
ra một thí dụ cụ thể. Thí dụ này được trích từ một bài viết mang
tên “Khi vợ gia trưởng” của Văn Nhuệ, được đăng trên tuần báo
Gia đình số 38, năm 2006.
Chị là một
người năng động, giỏi giang và rất có năng lực quản lý. Chẳng
thế mà con đường thăng tiến của chị được bạn bè ví lên “như
diều gặp gió”. Chị được đề bạt làm phó giám đốc một công ty lớn
và luôn được “uy” với cấp dưới. Ở cơ quan, chị quyết định chuyện
gì, thì cấp dưới phải nhất nhất thi hành.
Khi về nhà,
chị cũng thể hiện “năng lực quản lý” ấy đối với chồng con. Phải
thừa nhận chị là một người đảm đang. Dù bận bịu với công việc ở
cơ quan, nhưng chị vẫn quán xuyến mọi chuyện trong nhà. Sau giờ
làm việc, về đến nhà chị xắn tay áo lao vào chuyện bếp núc,
chuyện học hành của con cái, cũng như công việc của chồng.
Trong nhà ai
có việc riêng tư gì, thì chị cũng tham gia giải quyết và yêu cầu
người đó thực hiện những gì mình đã chỉ bảo. Con trai đi dự sinh
nhật bạn gái, chị dắt đi mua quà tặng vì cho rằng :
- Phải tặng
quà làm sao để người nhận không đánh giá thấp người nhà mình.
Chồng chị có chuyện xích mích với đồng nghiệp, chị yêu cầu anh
giải quyết theo phương án của chị, mặc cho anh phân tích những
cái sai trong phương án ấy. Nhiều khi chị còn tự ý đi gặp đồng
nghiệp của chồng để dàn xếp, khiến anh bị một phen mất mặt. Chị
không yên tâm khi chồng con quyết định bất cứ sự gì. Chị tin
rằng cách giải quyết của chị mới đạt hiệu quả nhất. Chị không
cho ai bàn bạc. Chị không cần ai góp ý. Chị thường nhắc đi nhắc
lại điệp khúc :
- Tôi đã
quyết định thì mọi người phải nghe theo…
Khi chồng
con phản đối, thì chị lý sự :
- Tôi làm
thế chỉ vì muốn mang lại điều tốt cho mọi người.
Chị yêu cầu
chồng sau giờ làm việc không được đi uống bia hay la cà với bạn
bè, vì chị khẳng định : tại những nơi ấy đều có những tệ nạn xã
hội. Chị mua sắm vi tính, nhưng nhất định không chịu cài đặt
internet vì sợ chồng con truy cập các trang Web “đen”.
Mỗi buổi
sáng, trước khi đến sở, chị căn dặn chồng con phải làm việc này
việc kia. Và ban tối, chị kiểm điểm chồng con xem đã thực hiện
như thế nào. Việc gì không làm được, thì chị lên mặt “dạy
chồng”, “chửi con”. Chị có quá nhiều yêu cầu đối với chồng con,
song bản thân lại tự cho mình quyền được làm “mọi chuyện mình
thích”. Với chị mọi người làm cái gì cũng sai, còn cái đúng luôn
thuộc về chị.
Hậu quả là
con cái vì sợ chị nên không dám cãi lời. Còn chồng chị thì mỗi
ngày một “chán vợ” hơn.
Theo những
nhà…”ngâm kíu” thì hiện nay nhiều anh chồng đang có xu hướng
“thuần” và qui phục chị vợ hơn. Rất có thể đây là kết quả của
công trình “nuôi chồng khỏe, dạy chồng ngoan” của chị vợ. Trong
gia đình, vì nhiều nguyên nhân có khi vì quá thành công trên
đường đời, có khi vì những thất bại chua cay, anh chồng đang âm
thầm nhường lại quyền làm chủ cho chị vợ. Chính vì thế, chị vợ
thừa thắng xông lên, dễ dàng lấn át vị trí của anh chồng, dường
như chị ta đứng ở một vị trí cao hơn để chỉ huy mọi người trong
nhà.
Để diễn tả
tình trạng này người xưa đã dùng câu tục ngữ :
- Lệnh ông
không bằng cồng bà.
Thực vậy,
lệnh là cái chiêng đồng nhỏ, tiếng thanh, thường được dùng làm
hiệu xuất quân. Còn cồng là cái chiêng đồng lớn, tiếng trầm,
thường được dùng làm hiệu thu quân. Mặc dù ông phát lệnh xuất
quân, nhưng nếu bà đánh cồng để thu quân, thì tiếng cồng chắc
chắn sẽ át tiếng lệnh, khiến mọi người cứ phải theo đó mà rút
lui.
Tại nhiều
gia đình, gã thấy quyền hành của chị vợ…to lớn hơn quyền hành
của anh chồng gấp bội. Và cũng từ đó, người ta sử dụng câu nói
đùa này để chế diễu các ông chồng…sợ vợ!
Tuy nhiên,
các chị vợ cũng cần phải lưu ý : sự chịu đựng cũng như nhường
nhịn nào cũng có giới hạn của nó, bởi vì tức nước vỡ bờ, tới lúc
người chồng không thể nào chịu đựng, nhường nhịn, và nể nang
được nữa, thì buộc lòng phải phản ứng lại. Và những phản ứng lúc
bấy giờ thường là những phản ứng gắt gao và thảm khốc, gây nên
những đổ vỡ.
Không thiếu
gì những người chồng vốn nổi tiếng hiền lành, nhưng một khi đã
tức giận, thì lại thường cộc cằn, phản ứng một cách quyết liệt
và mạnh mẽ.
Được hỏi về
chuyện sợ vợ của mình, phần lớn các anh chồng đều đồng ý với câu
trả lời như sau :
- Chúng tôi
chẳng hề sợ vợ, vì nếu sợ thì còn đâu là cái bản lãnh của một
đấng tu mi nam tử. Chẳng qua chỉ vì chúng tôi nể vợ mà thôi,
không muốn làm to chuyện, khiến cửa nhà bị tan hoang. Nếu có đôi
co và cãi vã, hàng xóm biết được, thì chỉ tổ “xấu thiếp hổ
chàng”. Thôi thì cứ nhịn đi cho xong chuyện.
Vì vậy, đừng
thấy chồng cả nể mà đã vội được đàng chân lân đàng đầu, mặc sức
o ép chồng con. Sự hiền lành và tế nhị bao giờ cũng là nét duyên
thầm của người phụ nữ. Chẳng thế mà nền luân lý Khổng Mạnh ngày
xưa đã đòi hỏi người con gái phải có tứ đức : công, dung, ngôn,
hạnh.
Để kết luận,
gã xin kể lại một thí dụ cụ thể khác nữa :
Trong những
lúc ngồi hàn huyên tâm sự với bè bạn, chị thường khoe chồng mình
là một người hiền lành như…cục đất. Chẳng bao giờ dám nổi nóng
đánh đập hay chửi bới vợ con. Tuy nhiên, đối lập với sự điềm đạm
và ít nói của anh là tính cách nóng “như Trương Phi” của chị.
Không ít lần giận chồng và bực con, chị đã đập phá chén bát,
quẳng vứt đồ đạc, thét lên những lời quá quắt khó nghe, khiến bố
con anh tròn mắt hãi hùng.
Vẫn bằng cái
giọng tự tin thái quá, chị luôn thanh minh thanh nga :
- Tính mình
hễ tức giận là sôi máu lên, không thể kiềm chế được, phải đá
thùng đụng nia, hoặc xả hết những dồn nén trong lòng ra ngay lập
tức. Cũng may mà ông xã nhường nhịn, không cố chấp, chứ nếu
chẳng ai chịu nhường ai, thì có lẽ đã lôi nhau ra tòa từ lâu
rồi.
Chị cười
cười, thừa nhận sự nóng nảy cộc cằn đã thấm sâu vào bản chất của
chị, nên dù biết là sai mà vẫn cứ chứng nào tật nấy…Thế nhưng,
trong thâm tâm chị vẫn tự hào về khả năng điều khiển chồng và vị
trí làm gia trưởng của mình.
Anh là người
hiền lành, thương vợ thương con và sống có trách nhiệm với những
người thân yêu. Chẳng bao giờ anh quát mắng, chỉ trích hay dằn
vặt cả khi chị và hai đứa con lỗi lầm và sai phạm. Anh luôn nỗ
lực xây dựng bầu không khí đầm ấm, yên vui, tràn ngập thường
xuyên trong gia đình.
Trái ngược
với anh, chị là một phụ nữ luôn thích ăn to nói lớn, có gì
chướng tai gai mắt là không để bụng được, phải nói hụych toẹt ra
cho bõ tức. Chính vì tính cách này mà từ thời con gái cho đến
bây giờ, chị đã gây hiểu lầm và làm mất lòng không ít người.
Những lúc vợ
chồng gần gũi và tâm tình, anh thường nhẹ nhàng khuyên bảo chị
nên sửa bỏ thói tật ấy, bởi vì sự nóng vội chẳng giải quyết được
việc gì, mà còn làm cho mọi chuyện thêm rắc rối, phức tạp, thậm
chí còn hạ thấp giá trị của chính mình. Hơn thế nữa, thói tật
này càng không nên có ở người phụ nữ, vì nó làm mất đi vẻ dịu
dàng, thùy mị, vốn là những đặc tính gắn liền với phái đẹp. Chị
ậm ừ cho qua chuyện, chứ không để tâm tiếp thu ý kiến xây dựng
của anh.
Chị cứ đinh
ninh rằng anh quá hiền lành, nên mình có thiếu nữ tính một chút
cũng chẳng gây nên hậu quả gì nghiêm trọng. Chính vì những suy
nghĩ nông cạn ấy, nên chị chẳng những không làm cho mình đẹp hơn
trong mắt anh, mà còn vô tình đẩy anh vào trạng thái hụt hẫng và
thất vọng. Chị đâu ngờ rằng điều đó đã ảnh hưởng nặng nế tới
cuộc hôn nhân của anh chị.
Lần ấy, mấy
người bạn học cũ đang công tác ở miền quê, mới có dịp lên tỉnh,
nên đã đến thăm vợ chồng chị, rồi họ rủ nhau ra quán bia ở đầu
phố “liên hoan đánh dấu buổi gặp gỡ khó quên này”. Không muốn
chồng sa đà vào nhậu nhẹt, chị định ngăn cản, nhưng thấy anh tíu
tít, hớn hở cùng bạn ôn lại những kỷ niệm thời học trò, nên chị
đành miễn cưỡng để họ kéo anh đi.
Suốt từ bốn
giờ chiều cho tới mười giờ tối, lòng chị nóng như lửa đốt, đứng
ngồi không yên. Từ ngày lấy nhau, chưa bào giờ anh chè chén về
muộn khiến chị phải lo lắng như lúc này. Chuông đồng hồ điểm
mười một tiếng. Chị đùng đùng nổi giận đi về phía quán bia, bụng
bảo dạ :
- Phải cho
cả bọn một bài học.
Xuất hiện
giữa đám bạn đang cười nói rôm rả của anh, chị xối xả mắng chửi
anh là phường mê rượu chè, chẳng đếm xỉa gì đến vợ con ở nhà
phải trông chờ và lo lắng. Chị gạt phăng lời giải thích của anh
:
- Bạn bè xa
cách lâu ngày mới gặp lại đông đủ, nên vui quá không để ý tới
thời gian.
Chị lôi tay
chồng và nói như ra lệnh :
- Anh về nhà
ngay, phải biết chọn bạn mà chơi. Những người này lần sau đừng
có hòng đặt chân tới nhà của tôi.
Ông chủ quán
khuyên chị có gì thì cũng nhẹ nhàng mà nói, vì trời đã khuya,
chớ quấy rầy hàng xóm. Thế nhưng, chị bèn quay sang rủa ông là
kẻ hám lợi, lại còn bênh vực và chứa chấp những thằng say rượu.
Tới nước này
thì anh không còn im lặng như những lần trước, mà bất ngờ giật
mạnh tay ra khỏi sự co kéo của chị và giơ thẳng cánh tát chị một
cái nổ đom đóm mắt :
- Cô im
ngay. Tôi cấm cô không được phép xúc phạm tới những người bạn
thân của tôi.
Chị không
chịu thua, mà còn lu loa, gào thét to hơn, khiến cuộc gặp mặt
của anh và các bạn đang vui bỗng trở thành…bi kịch. Anh hổ thẹn
với bạn bè vì có một người vợ thô lỗ, không biết cách đối nhân
xử thế.
Sự kiện này là như giọt nước tràn
ly, bởi vì sau đó anh đã quyết định ly hôn trước sự ngỡ ngàng
của chị…(Phụ nữ Chủ nhật,
số 41, ngày 15.10.2006).
Cùng một thể
thức ấy, gã nghĩ rằng :
- Một cọng
rơm, cũng có thể làm gãy lưng con lạc đà!!!
Gã Siêu
gasieu@gmail.com |
VỀ MỤC LỤC |
|
- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến,
bài vở..., xin gởi về địa chỉ
giaosivietnam@gmail.com
- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:
Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục
vụ của Giáo sĩ; Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các
Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn
gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực
Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh
vực; Mỗi Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức
Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và
Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)
- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại
www.conggiaovietnam.net
Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị
Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã
sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác
nhau.
TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam
Lm. Luca
Phạm Quốc Sử
USA
|
|
*************
|
|