Những Nguyên Tắc Tổng Quát Ðể Canh Tân
Và Cổ Võ Phụng Vụ Thánh (tiếp theo) |
Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học
Viện Piô X
Prepared for Internet by Vietnamese
Missionaries in Asia
Lời Mở Ðầu
Chương I
Những Nguyên Tắc Tổng Quát Ðể Canh Tân
Và Cổ Võ Phụng Vụ Thánh
IV. Việc Cổ Võ Ðời Sống Phụng Vụ
Trong Giáo Phận Và Trong Giáo Xứ
41. Hiệp thông với giám mục giáo phận.
Giám Mục phải được xem như thượng tế của đoàn chiên Ngài; có thể
nói rằng sự sống nơi các tín hữu của Ngài trong Chúa Kitô cũng
phát xuất tự Ngài và lệ thuộc Ngài.
Vì vậy, mọi
người phải hết sức mến chuộng đời sống phụng vụ của giáo phận
chung quanh Giám Mục, nhất là tại nhà thờ chánh tòa: họ phải xác
tín rằng Giáo Hội được đặc biệt biểu lộ khi toàn thể dân thánh
Chúa tham dự trọn vẹn và linh động vào những cử hành Phụng Vụ,
đặc biệt trong cùng một Lễ Tạ Ơn, trong một lời nguyện duy nhất,
ở đó Giám Mục chủ tọa giữa linh mục đoàn và các thừa tác viên
bao quanh Ngài
35.
42. Ðời sống phụng vụ của giáo xứ.
Vì chính Giám Mục không thể đích thân hiện diện mọi nơi mọi lúc
trong toàn thể đoàn chiên thuộc Giáo Hội Ngài, nên cần phải
thiết lập các cộng đoàn tín hữu. Trong đó, nổi bật hơn cả là các
giáo xứ được thiết lập tại địa phương dưới quyền một mục tử thay
mặt Ðức Giám Mục: bởi vì một cách nào đó, các giáo xứ phản ảnh
Giáo Hội hữu hình đã được thiết lập trên toàn cõi trái đất.
Vì thế phải cổ
võ đời sống phụng vụ của giáo xứ và mối liên hệ giữa đời sống ấy
với Giám Mục trong tâm trí cũng như trong hành vi của các tín
hữu và của hàng giáo sĩ; còn phải ra sức làm triển nở ý thức
cộng đoàn giáo xứ, nhất là trong việc cử hành Thánh Lễ cộng đồng
ngày Chúa Nhật.
V. Việc Phát Huy Hoạt Ðộng Về Mục
Vụ Phụng Vụ
43. Canh tân Phụng Vụ Thánh.
Lòng nhiệt thành cổ xúy và canh tân Phụng Vụ Thánh đáng được xem
như một dấu chỉ của các ý định quan phòng của Thiên Chúa trên
thời đại chúng ta, và như cuộc viếng thăm của Chúa Thánh Thần
trong Giáo Hội; sự kiện này còn là một đặc điểm nổi bật của đời
sống Giáo Hội, cũng như của mọi cách thế suy tư và hoạt động đầy
tinh thần đạo giáo của thời đại chúng ta.
Vì thế, để cổ
võ hoạt động về mục vụ phụng vụ tiến xa hơn trong Giáo Hội,
Thánh Công Ðồng quyết định:
44. Ủy ban phụng vụ toàn quốc.
Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22-2, nên
thiết lập một ủy ban phụng vụ với sự trợ lực chuyên môn của các
chuyên gia về khoa phụng vụ, Âm Nhạc, Nghệ Thuật Thánh, cũng như
mục vụ. Nếu có thể, ủy ban này phải được một viện Mục Vụ Phụng
Vụ nào đó giúp đỡ. Viện này gồm nhiều thành phần, và nếu cần kể
cả giáo dân xuất sắc trong lãnh vực đó. Dưới sự hướng dẫn của
Giáo Hội địa phương, như đã nói trên, chính ủy ban này sẽ phải
điều hành hoạt động về mục vụ phụng vụ trong phạm vi quyền hạn
mình, cũng như phải phát huy các cuộc nghiên cứu và thí nghiệm
cần thiết mỗi khi phải đệ trình những việc thích nghi lên Tông
Tòa.
45. Ủy ban phụng vụ giáo phận.
Cũng vậy, trong mỗi giáo phận phải có một Ủy Ban Phụng Vụ Thánh
để phát huy hoạt động phụng vụ, dưới quyền điều khiển của Giám
Mục.
Hơn nữa, đôi
khi cũng là việc chính đáng nếu nhiều giáo phận phối hợp với
nhau thiết lập một Ủy Ban duy nhất để cùng hội ý phát triển
Phụng Vụ.
46. Các ủy ban khác.
Ngoài Ủy Ban Phụng Vụ Thánh, trong mỗi giáo phận, khi có thể,
cũng phải thiết lập các Ủy Ban Thánh Nhạc và Nghệ Thuật Thánh.
Ba Ủy Ban này
cần phải hiệp lực với nhau làm việc, và nếu liên kết thành một
Ủy Ban duy nhất cũng là điều thích hợp.
Chú
Thích:
35 Xem T.
Ignatiô Antiokia, Ad Magn. 7; Ad Philm. 4: Ad Smyrn. 8 : x.b.
F.X. Funk, đã trích dẫn, I, trg 236, 266, 281. |
VỀ MỤC LỤC |
|
ĐỔ MỒ HÔI – SÔI NƯỚC MĂT |
Quý độc giả
Ephata và Giáo Sĩ Việt Nam thân mến,
Liên Hiệp Quốc
cho biết từ năm 2007 có khoảng 190 triệu người ở các nước lâm
cảnh thất nghiệp. Nghe mà rùng mình vì con số quá lớn. Vậy mà
chỉ từ đầu 2009 đến nay, vỏn vẹn chưa đầy hai tháng, con số vọt
lên thêm 20 triệu nữa ( x.
www.suckhoedoisong.vn ). Suy thoái kinh tế như thế
này không khéo lại thành ra khủng hoảng như hồi thập niên 30 thế
kỷ trước. Thật khổ !
Đài BBC cho
biết: Hiệp Hội Làng Nghề Việt Nam dự đoán cả năm nay có khả năng
5 triệu người mất việc làm. Nếu thật việc thì kinh khủng lắm.
Lại sợ “truyền thống” về truyền thông bên mình, cái gì tốt thì
phải trừ hao, còn cái gì xấu thì phải cộng thêm, theo kiểu “tốt
khoe – xấu che”, nếu thế thì con số sẽ còn cao hơn nhiều. Người
ta bảo con số lạnh lùng, nhưng con số nó biết nói, nó nói một
cách lạnh lùng !
Việt Nam mình
bảo “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” bây giờ muốn “đổ mồ hôi” cũng
chẳng được, chỉ còn biết “sôi nước mắt”. Hà Nội và Sài-gòn, nhất
là Sài-gòn, từ lâu đã trở thành lưỡng cực thu hút hàng chục vạn
lao động miền nông thôn.
Những người
khăn gói đùm đề từ quê ra thành phố luôn ôm một giấc mơ đổi đời.
Ở quê đất cằn khô sỏi đá, lại là mảnh đất “lắm người nhiều ma” (
người sinh ra ngày càng đông, lại chịu thêm cảnh “ma” cán bộ
lộng hành tham nhũng, hà hiếp dân lành ), không thể cứ bám vào
đấy mà sống được, lớp trẻ kéo đi gần hết, làng chỉ còn ông già
bà cả và con nít. Giấc mơ của họ giông giống cái “American
Dream” của những người di dân nhập cư vào Mỹ đầu và giữa thế kỷ
20. Nghĩa là họ tin rằng chỉ cần lao động cần cù, “đổ mồ hôi –
sôi nước mắt”, cộng với những cơ may của cuộc sống, họ có thể
thoát nghèo, an cư, lạc nghiệp...
Của đáng tội,
lao động cần cù lắm, “đổ mồ hôi – sôi nước mắt” nhiều lắm, nhưng
cơ may thì không, ở bên mình, người mình tội nghiệp quá, toàn
gặp khốn khổ. Công nhân làm ở các xí nghiệp, công ty nước ngoài
đầu tư, Nhà Nước bỏ giá lao động thấp nhất khu vực, gần như “cho
không biếu không” để thu hút vốn của mấy tay tư bản Hàn Quốc,
HongKong, Đài Loan, Singapore, Malaysia, kể cả tư bản đỏ Trung
Quốc. Hồi xưa mình chửi tư bản bóc lột nhân dân, bây giờ mình
lại trải thảm đón họ vào, lại còn hãnh diện báo cáo thành tích
như một công trình “xóa đói giảm nghèo” cấp quốc gia !
Đáng buồn hơn,
khi người công nhân Xa Quê thấy không sống nổi với đồng lương rẻ
mạt, lại bị tăng ca vô tội vạ, chính sách chế độ lem nhem lập
lờ, cuối năm còn bị quịt lương, họ tổ chức đình công đấu tranh,
thì chính công đoàn đáng lẽ phải bênh vực họ, đứng một phía với
họ, lại trở thành kẻ quát tháo đe nẹt sẽ sa thải, hoặc thay mặt
chủ đầu tư nước ngoài để cò kè mặc cả hầu làm giảm sức nóng quần
chúng. Đã vậy, bộ luật lao động của Nhà Nước lại như thể tìm mọi
cách để giập tắt những cuộc bãi công, xếp những người công nhân
nghèo ấy vào loại “vi phạm pháp luật”, thậm chí những người lãnh
đạo đình công còn bị nghi ngờ và chụp mũ là “bọn xấu”, “phản
cách mạng”, “âm mưu diễn tiến hòa bình” trong giới công nhân như
bên Ba Lan dạo nào đưa đến xập cả một Đông Âu Cộng Sản.
Về phía người
công nhân, vốn dĩ chỉ “tức nước vỡ bờ” vậy thôi, đến khi được
hứa hẹn, được tăng lương lên mấy phần trăm thôi, họ không tính
toán thiệt hơn chi nữa, tắt ngúm cuộc đấu tranh, tiếp tục “đổ mồ
hôi – sôi nước mắt” để lao động mưu sinh, dẫu trong lòng dư biết
mình vẫn bị bóc lột tàn tệ. Cuộc đấu tranh của họ, thương quá,
tội quá, đã dừng lại ở bát cơm tấm áo và viên thuốc chữa bệnh,
chưa và không thể vươn tới ý nghĩa là một cuộc đấu tranh cho
công bằng và dân chủ.
Mục Vụ Hội
Thánh mình ở Việt Nam quen gọi họ là “người Di Dân”, nhưng anh
em trong Dòng Chúng tôi lại muốn dùng cách nói là “người Xa
Quê”. Nghe đỡ tủi hơn, mà có lẽ phần nào đúng nghĩa hơn, bởi họ
không hề muốn bỏ hẳn quê hướng mà đi, Tết nhất, giỗ chạp, cưới
hỏi, ma chay họ vẫn về lại đất tổ nhà cha đấy chứ ! Tên gọi “Di
Dân” dành cho những người lao động xuất khẩu sang các nước
Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, đảo Chypre, Ả Rập, thật ra cũng
không đúng luôn, vì hết hạn thì những bạn trẻ tả tơi ấy vẫn mau
mau xin về Việt Nam ngay. Do vậy có lẽ chỉ còn một số khá đông
những người mình lưu cư phiêu bạt sang Nga, Tiệp, Ba Lan, Đức,
lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, buôn bán chạy chợ, mới đúng
là “Di Dân” chăng ?
Trở lại với
chuyện ở Việt Nam, cho tới nay các Giáo Phận đã có cố gắng rất
nhiều để giúp cho “người Xa Quê”, nhưng phải khiêm tốn mà thú
nhận rằng, chúng ta vẫn chỉ mới làm được một phần nhỏ xíu về mặt
bác ái tương trợ. Về mặt từ thiện xã hội thì có: khám bệnh phát
thuốc miễn phí, mở nhà giữ trẻ cho bố mẹ đi làm, giới thiệu nhà
trọ giá rẻ, tư vấn sức khỏe sinh sản, hướng dẫn ngừa thai tự
nhiên để không bị rơi vào tệ nạn nạo phá thai, đến Noel và Tết
thì có thêm những phần quà... Về mặt tinh thần tâm linh thì: mở
thêm Thánh Lễ với các kỳ đại hội, hành hương, tĩnh tâm cho người
Xa Quê, mở các lớp Giáo Lý Dự Tòng, Giáo Lý Hôn Nhân, lớp xóa mù
chữ, lớp bổ túc văn hóa...
Làm được thế
cũng hết sức, hết tiền, hết ngày hết giờ rồi ! Thế nhưng thật
ra, Hội Thánh còn có một sứ mạng lớn hơn thế nhiều. Mục Vụ dành
cho người Xa Quê sâu xa hơn và... Tin Mừng hơn nhiều lắm. Đọc
lại Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, chúng ta mới thấy các quyền của
người lao động được Hội Thánh xác định dựa trên bản tính và phẩm
giá siêu việt của con người. Hội Thánh tuyên cáo và đặt thẳng
lên bàn bureau của hệ thống tư pháp của Nhà Nước, đòi một sự
nhìn nhận, một chế độ chăm sóc đàng hoàng tử tế đối với các
quyền sau đây ( x. chương 6, Lao động của con người, Học Thuyết
Xã Hội Công Giáo, trang 191 – 230 ):
-
Quyền được hưởng lương công bằng và được phân chia lợi tức;
-
Quyền được nghỉ ngơi;
-
Quyền có được môi trường làm việc và với những quá trình sản
xuất không làm hại tới sức khỏe thể lý hay đời sống luân lý của
người lao động;
-
Quyền được bảo vệ nhân cách của mình tại nơi làm việc mà không
phải chịu một thương tổn nào đối với lương tâm hay phẩm giá của
mình;
-
Quyền được hưởng những trợ cấp thích đáng cần thiết để nuôi sống
gia đình và nuôi sống mình khi thất nghiệp;
-
Quyền được hưởng trợ cấp và bảo hiểm khi về già, bệnh tật và bị
tai nạn lao động;
-
Quyền được an toàn về mặt xã hội khi làm mẹ;
-
Quyền được hội họp và lập hội.
Giáo huấn xã
hội của Hội Thánh chúng ta còn thẳng thắn nhìn nhận sự chính
đáng của việc đình công. Một khi các cách thế khác để giải quyết
tranh chấp đã vô hiệu thì người lao động được quyền đình công
như một “tối hậu thư” để gây áp lực trên giới chủ, Nhà Nước và
công luận, dứt khoát không được sử dụng bạo lực trong khi đình
công mà tất cả phải luôn diễn ra trong đối thoại và ôn hòa.
Ấy là chuyện
dành cho người lao động bình thường nói chung. Nếu lại là người
lao động Xa Quê nhập cư vào một địa phương nào đấy thì họ còn
phải được quan tâm nhiều hơn, sâu hơn, ưu đãi hơn, bởi họ chính
là nguồn lực góp phần làm cho địa phương ấy phát triển về kinh
tế, đáp ứng nhu cầu lao động tại chỗ. Hội Thánh như một gạch nối
đứng giữa để mạnh dạn lên tiếng bênh vực quyền lợi của người Xa
Quê, đòi hỏi Nhà Nước phải có kế hoạch vĩ mô cấp quốc gia, sao
cho ngay nơi quê hương nghèo của họ có thể tăng cơ hội lao động
cho họ, để họ có thể yên tâm quay về nhà mình, an tâm lao động
mưu sinh ngay trên quê hướng mà không còn phải tha phương nhọc
nhằn nữa...
Vấn đề là hiện
tại ở Việt Nam chúng ta, cho đến nay, vẫn chưa có được một Ủy
Ban về Công Lý và Hòa Bình như ở các nước khác, để có thể gióng
lên những lời cảnh báo, những tiếng nói phản biện đối trọng với
giới chủ và với nhà cầm quyền trong những hoạch định và chính
sách an dân. Bao nhiêu những vấn nạn xã hội bủa vây, Giáo Hội
đâu có thể đứng ngoài vô cảm, ở bên lề mà tự vỗ về rằng mình chỉ
có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng ở trong Nhà Thờ và lớp Giáo Lý mà
xong bổn phận.
Thôi thì, cấp
độ Ủy Ban chưa có, mong sao các Đấng Bản Quyền thấy chạnh thương
với dân của mình, không phân biệt Lương hay Giáo, thấy cái gì
trái lẽ công bằng, cái gì xuyên tạc sự thật, cái gì xúc phạm đến
sự sống và phẩm giá con người thì viết thành những Thư Mục Vụ,
thì đưa vào nội dung bài viết, bài giảng trong Thánh Lễ, trong
những buổi Hành Hương, các báo điện tử, các trang mạng Công Giáo
phụ một tay phổ biến vào cuộc sống với tốc độ đường truyền của
cáp quang, của ADSL. Chắc chắn tiếng nói Ngôn Sứ ấy được nghe,
đượcđón nhận và được sống với hơi thở của Thần Khí...
Chiều qua, một
nhóm 7 cô bé gái 16, 17 tuổi, dắt díu nhau từ bến xe tìm đến Nhà
Dòng chúng tôi. Các em trình giấy giới thiệu của cha phụ trách
một Giáo Xứ nghèo ngoài huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thì
ra các em rời quê để vào Sài-gòn mong tìm một cơ hội đổi đời,
một thứ “Sài-gòn Dream”. Hỏi đêm nay ở đâu, những ngày tới tìm
việc gì, làm sao mà sinh sống, tiền bạc lận lưng được bao nhiêu
? Các em hồn nhiên tranh nhau trả lời chỉ một đáp án: “Không
biết !”
Chúng tôi chỉ
biết gọi điện đến nhà mấy anh chị em Giáo Dân thân tín để gửi
các em qua đêm, cho tắm rửa sạch sẽ sau gần hai ngày phiêu dạt
trên xe đò cả ngàn cây số, cho ăn uống tử tế và một chỗ nghỉ
ngơi an toàn. Trong lúc đó chúng tôi sẽ cố gắng xoay trở tìm nơi
làm việc cho anh chị em.
Tự dưng Trung
Tâm Mục Vụ biến thành Trung Tâm... Giới Thiệu Việc Làm, kiêm
luôn nơi phân phối bố trí nhà trọ “sạch” cho khách nhập cư Xa
Quê ! Bí quá, đến Thánh Lễ cho Người Xa Quê, chúng tôi kêu lên
với cộng đoàn xin trợ giúp.
Tạ ơn Chúa,
dân mình quảng đại, nhân ái và sốt sắng lắm đấy chứ. Chỉ có vỏn
vẹn 7 nhân công mà có đến mấy chục nơi xin đón về, dạy nghề, cho
ăn ở và lãnh lương tử tế. Chúng tôi kinh ngạc và vui mừng. Ừ
thì, bên mình chưa bằng được bên Chùa, người ta sẵn sàng mở cửa
Phật cho công nhân bị sa thải vào tá túc no ấm mấy tuần trước và
sau Tết, thì thôi, bên mình cũng không đến nỗi thờ ơ với những
mảnh đời đang phải khốn khổ “đổ mồ hôi – sôi nước mắt”...
Lm. QUANG
UY, DCCT 15.2.2009 |
VỀ MỤC LỤC |
|
ĐỂ CHUẨN BỊ CHO NỀN GIÁO
DỤC CÔNG GIÁO
|
Cách đây ít
lâu, chúng tôi có viết bài đặt vấn đề về việc “Giáo Hội Công
Giáo cần được mở trường học”, đăng trên vietcatholic.org và
conggiaovietnam.net. Ở đó chúng tôi đã cố gắng nêu lên tính cấp
bách trong việc Giáo Hội đứng ra điều hành và tổ chức giáo dục.
Nhưng có những điều khác cũng cần phải quan tâm để khi bắt tay
vào việc, cả nhà giáo dục lẫn học sinh và cả xã hội cũng không
thất vọng.
I. VẤN ĐỀ CÓ THỂ GẶP.
Là những
người sống ở Việt nam và hấp thụ hoặc chịu ảnh hưởng nhiều ít do
nền giáo dục có nhiều khiếm khuyết từ mấy chục năm nay, chúng ta
nhiều ít chịu tác động do nền giáo dục ấy, và nếu không “tỉnh
thức và cầu nguyện”, chúng ta không tránh khỏi va vấp. Có nhiều
vấn đề mà trường lớp Công giáo có thể gặp phải, nhưng chúng ta
thử nhìn lướt qua vài điều như sau:
1. Nhân sự.
Chúng ta hiểu
hơn “người thế gian” về vấn đề con người. Học thuyết Xã Hội của
Giáo Hội Công Giáo đã xác quyết con người là nhân vị cao cả. Do
đó để phục vụ con người chúng ta cần nhắc đến yếu tố người phục
vụ đầu tiên. Mới đây, một vài anh em (trong đó có một giáo viên
thuộc dòng Lasan), mượn danh nghĩa dòng Lasan để mở trung tâm
ngoại ngữ “mini” có tính thử nghiệm. Lúc đầu thì họ dùng câu nói
của thánh Lasan “giáo viên phải quan tâm đến từng học viên” để
chọn những giáo viên giỏi, có kinh nghiệm. Nhưng họ bị vấp ngay
tức khắc. Các trung tâm khác thường tuyển giáo viên bình thường
để trả thù lao thấp bù lại chi phí. Trung tâm mới này cũng đang
lo sẽ phải đi vào con đường ấy. Lại có một chuyện bất ngờ. Trung
tâm này sử dụng phòng dành cho giáo lý của một giáo xứ. Ông cha
xứ nghe đâu cũng dạng quốc doanh nên cũng có bao thứ chuyện. Bao
nhiêu thứ xảy ra, nhưng các anh chàng tự nhận là “nhà giáo dục”
cũng chẳng dám có ý kiến gì. Nói thì các anh chàng ấy bảo : “Ổng
là quốc doanh!”. Nghĩa là phải chấp nhận tất. Và dĩ nhiên cũng
vì thói quen “cúi đầu giữ chỗ” nên các anh từ đầu có thiện chí
đã phải để cho thiện chí cúi đầu! Họ chấp nhận những điều phản
giáo dục như chuyện thường tình, và những người có tâm huyết
thấy rằng trung tâm này cũng chỉ là chỗ làm ăn. Ngay từ đầu, một
trung tâm đang cố gắng mang danh Công giáo đã hành xử y như các
trường mà ta thường lên tiếng phê phán, chỉ vì phải chiều theo
một vài linh mục chưa ý thức sống sứ mạng mục tử của mình. Một
anh làm ở trung tâm ấy tỉnh bơ nói rằng: “Mục đích biện minh cho
phương tiện”. Và do vậy, giáo viên cũng như học viên thấy nghi
ngờ tính minh bạch của công việc giáo dục ở đó. Chỗ ấy rõ ràng
không mang tính giáo dục Công giáo, vì cách họ làm như thế là
phản giáo dục.
2. Học phí.
Chúng ta cho
rằng giáo dục Công giáo thì phải ưu tiên cho người nghèo. Nhưng
vấn đề tiền bạc không đơn giản là chuyện ra sao cũng được. Khi
mở trường , người ta nghĩ rằng “giáo dục là ưu tiên”. Nhưng rồi
chi phí phát sinh. Người làm giáo dục thấy “thêm chút học phí
thì dân thành phố cũng chịu được”, thế là học phí lại thành
chuyện muôn thuở của giáo dục Việt nam. Một nhóm anh em nọ mở
lớp dạy ngoài giờ, qui tụ giáo viên có đạo để chung một chí
hướng. Chỉ sau ít ngày thôi, mọi người nhận ra rằng học phí cũng
chẳng thấp hơn các nhóm khác. Hoặc các nhà trẻ đang hoạt động
cũng có vấn đề về học phí, về thứ tự ưu tiên… Dĩ nhiên là có
nhiều lý do để biện minh: trang trải chi phí, để bù lại cho
trường hợp có học viên không học tiếp tháng sau (lý do này xem
ra có vẻ bi hài nhất), để thế này thế nọ vân vân. Tất cả những
điều chúng ta làm đều có thể biện minh, nhưng có một điều không
bao giờ xã hội chấp nhận: lấy lý do nhân đạo để làm kinh doanh.
Khi chạm đến đồng tiền, nhiều giá trị phải thay đổi, và đó là
điều mà người làm giáo dục Công giáo, kể cả các tu sĩ, phải đặc
biệt cảnh tỉnh.
3. Phương pháp giáo dục.
Người ta vẫn
than thở là chương trình học ở Việt nam nặng nề, học nhiều mà
chẳng có bao nhiêu kiến thức, học thêm dạy thêm tràn lan… Nếu
Giáo Hội Công giáo được mở trường lớp, chúng ta phải chấp nhận
nhiều thực tế không đúng ý mình, ít là lúc ban đầu. Giáo viên ở
đâu ra? Là các giáo viên đang dạy ở các trường nhà nước (rõ ràng
cho đến bây giờ Giáo Hội Việt nam chưa có chương trình đào tạo
riêng cho giáo viên Công giáo). Là các giáo viên đang dạy ở các
trường, dù tốt đến mấy, nhiều ít họ cũng chịu ảnh hưởng trong
phong cách làm việc, ý tưởng về mô hình giáo dục, quen với cách
học sinh gian lận v.v… Có những giáo viên nghe những chuyện xảy
ra đó đây thì đe doạ nhà trường “tôi sẽ nghỉ dạy”! Nghỉ dạy thì
có người khác, “không mợ thì chợ cũng đông”, nhưng giáo viên
Công giáo mà như thế thì làm gương xấu quá rõ. Ngay cả trong một
số chủng viện, tu viện, việc quay cóp bài vở (mà chúng tôi gọi
là gian xảo trong các bài làm), đã là tiếng báo động. Nhìn lại
ảnh hưởng giáo dục trên xã hội, các nhà giáo có nhiều thao thức
không thể ngồi yên. Nhưng họ sẽ làm được gì khi ngay bây giờ
chưa có hướng đi nào rõ nét. Cha Lê Quang Uy DCCT vẫn nói đại ý
phải làm ngay, phải sống tốt, sống khác, sống đẹp, không thể cứ
theo lối sống thế gian. Nhưng ai sẽ thổi ý tưởng ấy bùng lên?
II.
“HÃY ĐỨNG DẬY, TA ĐI”. (Mc. 14,42)
Giáo Hội Công
Giáo Việt Nam chưa được mở trường lớp chính thức (trừ nhà trẻ và
các lớp mẫu giáo), nhưng các vấn đề đặt ra lại quá cấp bách, và
những chuyện xảy ra trong giáo dục Công giáo sẽ làm nhiều người
thất vọng nếu người Công giáo và những vị có trách nhiệm không
có chương trình hành động ngay từ bây giờ. Nhiều người trí thức
Công giáo có thiện chí đã và đang lao vào phục vụ con người ở
nhiều lãnh vực khác nhau: y tế, kinh tế, xã hội… nhưng dường như
lối vào giáo dục còn bỏ ngỏ. Lời Chúa Giêsu chắc chắn đang vang
lên trong những tâm hồn đang thao thức với nền giáo dục Công
giáo: “Hãy đứng dậy, ta đi”. Còn ngồi lại bàn tính suy tư mà
chưa đứng dậy thì sợ rằng sẽ muộn mất.
1. Đào tạo con người.
Một số linh
mục, tu sĩ và giáo chức trẻ thì có đặc tính là “rất trẻ”, trẻ về
cả tuổi nghề cũng như kinh nghiệm giáo dục. Một linh mục mới
chịu chức đã vội nghĩ mình là “thầy dạy muôn dân”. Linh mục là
thầy dạy theo gương Thầy Chí Thánh là Đức Kytô, luôn mang trong
tâm hồn sự “hiền lành và khiêm nhượng”, chứ không phải là thầy
kiểu trần thế, muốn gom dân lại mà dạy tất tần tật mọi thứ. Dĩ
nhiên có những vị linh mục mà tài đức và kiến thức về mọi mặt
đạo đời ai cũng kính nể, như cha Matthêu Vũ Khởi Phụng DCCT,
nhưng không phải linh mục nào cũng thế. Một linh mục giảng “có
15% dân số thế giới tin Chúa”, con số sai rồi, nhưng ông lại
bảo: “lấy số khác!”. Và như vậy, những “nhà” ấy dĩ nhiên là cần
được đào tạo lại về nghề nghiệp và về nhiều thứ khác, nhất là về
khoa sư phạm để làm nhà giáo Công giáo đích thực. Cũng không ít
giáo dân làm nghề giáo, nhưng cũng dạy qua loa, cũng ham thành
tích, cũng giảng say sưa những điều vô bổ hay sai lạc, cũng dạy
thêm và… chém! Chúng tôi rất khâm phục đường lối của các Cha
DCCT, ước chi các ngài sẽ khởi xướng và tiếp tục việc đào tạo
những nhà đào tạo.
2. Lòng hy sinh.
Đức Kytô, với
tư cách một nhà giáo dục, đã không ngại bất cứ khó khăn gian khổ
nào, để dạy cho dân những chân lý của muôn đời. Ngài không những
dạy bảo mà còn cảm hoá, bằng chính lòng nhân từ và tình yêu của
Ngài, biểu lộ qua lòng hy sinh chấp nhận tất cả để đến với những
học trò nghèo, bình dân. Là môn đệ Đức Kytô, các nhà giáo dục
Công giáo cũng phải đi con đường ấy. Hy sinh thì giờ, công sức
đã vậy, mà sự hy sinh về đời sống vật chất cũng là cách thế hữu
hiệu để giáo dục. Không thiếu những nhà giáo Công giáo vẫn hăm
hở chờ nhận quà ngày 20/11, không thiếu những nhà giáo nhiệt
thành giảng dạy nhưng vẫn đòi sự đền bồi cân xứng. Tất cả những
điều ấy không sai xét về mặt nào đó, nhưng quả thật là những
chướng ngại không nhỏ trên con đường giáo huấn.
3. Phải có một học thuyết.
Bất cứ một
chương trình hành động nào cũng cần được hướng dẫn bởi một lý
thuyết phù hợp, phù hợp với tôn chỉ, với mục tiêu, với con người
và xã hội mà những người hành động nhắm tới. Người Công giáo
được soi sáng và thúc đẩy bởi Tin Mừng, trong đó tất cả nguyên
tắc được Đức Kytô, vị Thầy mẫu mực đã rọi soi đến từng ngóc
ngách của cuộc đời đa dạng và phong phú này. Nhưng các học
thuyết, Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo và các văn kiện
của Toà Thánh về giáo dục là minh hoạ và chi tiết hoá lời giảng
của Đức Kytô trong từng môi trường làm việc cụ thể. Các giáo
chức Công giáo đang nhắm tới việc kiện toàn nền giáo dục không
thể làm ngơ trước các học thuyết này. Và chúng con tha thiết
mong các vị hữu trách trong Giáo Hội quan tâm đặc biệt để phong
trào học và sống các học thuyết của Giáo Hội trở thành việc huấn
luyện thường xuyên cho những người quan tâm đến công cuộc giáo
dục trong Giáo Hội.
III. THAY LỜI KẾT
Xin được
trích các điều khoản trong Bộ Giáo Luật để thay lời kết luận cho
bài viết này, và theo giáo luật, chúng con kính mong các bậc hữu
trách trong Giáo Hội quan tâm để việc giáo dục Công giáo có thể
thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực.
Ðiều 803:
(1) Trường học được gọi là công giáo khi được nhà chức trách có
thẩm quyền trong Giáo Hội hay một công pháp nhân trong Giáo Hội
điều khiển, hoặc được Giáo Quyền nhìn nhận như vậy qua một văn
kiện.
(2) Việc huấn
luyện và giáo dục trong một trường công giáo phải được căn cứ
trên những nguyên tắc của giáo lý công giáo.
Các giáo viên phải trổi vượt về
giáo lý chân chính và đời sống thanh liêm.
Ðiều 804:
(2) Bản Quyền sở tại phải lưu tâm để các giáo viên dạy tôn giáo
trong các trường, kể cả các trường không công giáo, được trổi
trang về đạo lý chân chính, về chứng tá đời sống Kitô Giáo và về
khoa sư phạm.
Gioan Lê Quang
Vinh |
VỀ MỤC LỤC |
|
NĂM THÁNH THÁI HÀ:
“NHỚ THẦY MARCEL NGUYỄN TẤN VĂN – CHỨNG NHÂN SỰ THẬT”
|
Sự hình thành
của một chính thể luôn phải trả giá bằng máu hay mạng sống của
những con người trung kiên. Sự hình thành, tồn tại và phát triển
của một một dòng tu hay một tu viện cũng luôn cần những con
người quả cảm, dám sống chết cho lý tưởng.
Sự hình
thành, tồn tại và phát triển của Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội
suốt 80 năm qua cũng không đi ra ngoài qui luật khắc nghiệt ấy.
Trong số
những con người đã ghi lại dấu ấn đậm nét trên bước đường tồn
tại và phát triển của Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội phải kể đến
Thầy Marcel Nguyễn Tấn Văn – người tù không án, người tôi tớ
Chúa, dám sống cho sự thật, bị bắt vì sự thật và chết cho sự
thật.
Thầy Gioakim
Nguyễn Tấn Văn sinh ngày 15 tháng 3 năm 1928, tại Ngăm - Giáo,
một làng quê nhỏ nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng, thuộc tỉnh Bắc
Ninh.
Ngày 17 tháng
10 năm 1944, thầy được nhận vào làm Dự tập sinh Dòng Chúa Cứu
Thế và được nhận tên Dòng là Marcel. Ngày 8 tháng 9 năm 1946, lễ
sinh nhật Đức Mẹ, thầy được khấn trong Dòng.
Ngày 7 tháng
2 năm 1950, thầy rời nhà Hà Nội tới phục vụ tại Dòng Chúa Cứu
Thế Sài Gòn.
Ngược với
dòng người đang hoảng loạn di tản vào Nam tránh nạn cộng sản,
ngày 14 tháng 9 năm 1954, lễ Suy tôn Thánh giá, thể theo lời kêu
gọi của các bề trên, thầy rời Nhà Sài Gòn trở về Hà Nội để cùng
với cha Giuse Vũ Ngọc Bích – người đã quay trở về Hà Nội trước
đó, giữ đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Trước khi lên máy bay trở lại
Miền Bắc và sẽ không bao giờ trở lại, thầy đã quả quyết với
những người khuyên thầy đừng trở lại Hà Nội rằng:
“Không ai,
không gì có thể tước được vũ khí của Tình yêu của tôi. Tôi ra đi
để chứng tỏ giữa vùng cộng sản vẫn có người yêu mến Chúa, yêu
mến Thiên Chúa nhân lành… Cái chết của tôi sẽ là sự sống của
nhiều người. Cái chết của tôi sẽ đánh dấu thời kỳ bắt đầu hòa
bình cho Việt Nam” (trích Tiểu sử Marcel Văn: “Tình yêu
không thể chết”, tr. 10).
Lời đanh thép
này đã là lời tiên báo con đường thập tự mà thầy sẽ trải qua và
điều ấy đã xảy ra sớm hơn những gì thầy dự định: ngày 7 tháng 5
năm 1955, ngày kỷ niệm 26 năm thành lập Tu viện Dòng Chúa Cứu
Thế tại Hà Nội, Marcel Văn bị bắt khi đứng ra làm chứng cho sự
thật. Chuyện kể rằng:
“Sáng ngày
7 tháng 5 năm 1955, Marcel Văn ra phố mua đồ dùng và nhân tiện
lấy chiếc xe Môbilét gửi sửa từ hôm trước. Trên đường phố, Văn
nghe thấy một số người bàn qua, tán lại câu chuyện hoàn toàn sai
sự thật… về Miền Nam. Những người này cho rằng, ở Miền Nam, dân
bị đưa đi làm khổ sai, thanh niên phải đi lính cho đế quốc…
Trước những lời lẽ thô bỉ, những luận điệu sai trái này, nghĩ
cần phải lên tiếng, Marcel Văn đã ôn tồn và lịch sự xác nhận:
“Chính tôi đây, từ trong Nam ra…tôi xác nhận là Chính phủ Miền
Nam không hành động như vậy” (theo Tiểu sử Marcel Văn: “Tình
yêu không thể chết”, tr. 10).
Những năm
tháng tù đầy đối với thầy là những năm tháng nghiệt ngã: bị tra
tấn, biệt giam, đấu tố… bị mua chuộc, dụ dỗ ra nhập “Ủy Ban Liên
Lạc Những Người Công giáo Yêu nước” và bị kết 15 năm tù không
án, nhưng thầy vẫn kiên trung với sứ mạng và tiếp tục làm chứng
cho sự thật. Trong một bức thư viết vội trong tù gửi cha bề trên
Dòng, thầy đã viêt:
“Nếu con
muốn sống, thật quá dễ dàng: con chỉ việc tố giác cha. Chắc cha
biết qua về “phong trào tố khổ” của những người “yêu nước”,
những người “cách mạng Việt Nam” rồi chứ gì? Ôi! Tinh thần yêu
nước! Ôi! Cách mạng! Người ta đã nhân danh ngươi để phạm biết
bao tội ác!”
Thầy cũng
viết cho cha linh hướng của mình:
“…thời
gian qua con đã phải chiến đấu rất nhiều, và chịu đủ mọi khổ
hình về tâm não. Kẻ thù dùng nhiều mưu bắt con phải đầu hàng,
nhưng chưa bao giờ con lại để mình hèn nhát đến thế. Cũng có thể
nói nếu con ham sống, thì ngày nay con không còn bị nhốt trong
tù nữa. Nhưng kẻ thù lại không muốn để con chết một cách anh
dũng và dễ dàng như thế. Cha hiểu con nói gì rồi. Cha cầu nguyện
nhiều cho con, cách riêng cho các tín hữu Bắc Việt” Tù 304
A. (Thư 17.11.1955 gửi cha A. Boucher).
Theo các
chứng từ còn để lại, chính quyền thời đó đã dùng mọi biện pháp
để thuyết phục thầy “nhận tội”, nhưng thầy đã quả quyết: “Tôi
không thú nhận tội ác mà không bao giờ tôi phạm” và sự kiên
cường ấy khiến thầy phải trả giá bằng chính mạng sống mình.
Tháng 8 năm
1957, thầy bị chuyển tới trại số 2, Yên Bình, Yên Bái. Suốt hai
năm sống tại đây phần lớn thời gian thầy bị biệt giam, không
được tiếp tế thăm nuôi. Thầy bị lao phổi nặng.
Ngày 10 tháng
7 năm 1959, thầy đã an nghỉ trong cánh tay Chúa nhân từ, kết
thúc một cuộc đời luôn dám sống cho sự thật và đã chết vì can
đảm làm chứng cho sự thật. Chút xương tàn của thầy, giờ đây, vẫn
còn đang chìm dưới lòng Hồ Thủy điện Thác Bà như một chứng tích
tố cáo một thời kỳ lịch sử đầy bất công mà chế độ cộng sản đã
gây ra cho đất nước và cho dân tộc.
Cuộc sống,
cái chết và tấm gương anh dũng của thầy trong cuộc đấu tranh cho
công lý và sự thật đã làm nẩy sinh những tín hữu trung kiên,
đang và sẽ mãi là động lực thôi thúc các thế hệ kế tiếp của Nhà
Dòng tại Hà Nội tiếp bước thầy trong cuộc đấu tranh, dấn thân
cho những con người bị áp bức, bị đẩy ra bên lề.
Thầy đã ra
đi, nhưng con người và sự nghiệp đấu tranh cho sự thật vẫn còn
đó. Thầy đã ra đi, cái chết, sự khổ nhục trong chốn lao tù đã
làm trổ sinh ơn phúc giúp Dòng vượt qua được những giai đoạn
gian khó nhất trong quá trình hình thành và phát triển suốt 80
năm qua.
Tám mươi năm
qua với anh em Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội là một hành trình với
những nỗi truân chuyên vất vả. Đó là 80 năm của hồng ân, nhưng
cũng là 80 năm của thử thách: “máu, nước mắt hòa lẫn lời cầu
nguyện của anh em trong Dòng cách riêng là của anh em Tu sĩ Dòng
Chúa Cứu Thế Hà Nội dâng lên cho Chúa suốt 80 năm qua, đang là
bảo chứng vững chắc cho sự tồn tại và phát triển của Dòng Chúa
Cứu Thế nơi trái tim của Đất nước” (Trích kỷ yếu – kỷ niệm
75 năm Dòng Chúa Cứu Thế có mặt tại Việt Nam).
15/2/2008
An Dân |
VỀ MỤC LỤC |
|
DÂU TRĂM HỌ !!!
|
Phận gái mười
hai bến nước, trong nhờ đục chịu ! Câu nói để đời của ông bà ta
để nói về thân phận của người con gái. Con gái lớn lên phải lập
gia đình. May mắn thì được một tấm chồng đàng hoàng tử tế, chẳng
may thì lại gặp đấng lang quân sáng xỉn chiều say ! Bên cạnh đức
ông chồng do ông tơ bà nguyệt se định thì còn đó cả gia đình
chồng. Cái chướng lớn nhất bên gia đình chồng có lẽ là bà mẹ
chồng để rồi người ta có quá nhiều truyền thuyết chẳng mấy hay
ho gì về cái chuyện mẹ chồng - nàng dâu.
Nếu may thì
được bà mẹ chồng diệu hiền đằm thắm, còn ngược lại thì vì chữ
tình với chồng nên cắn răng cho tròn chữ hiếu !
Ai đã kinh
qua bà mẹ chồng cay nghiệt sẽ hiểu được phận làm dâu của người
phụ nữ.
Để nói lên
sức chịu dựng, lòng kiên vững của người phụ nữ người ta vẫn
thường nói đến phận làm dâu.
Trong xã hội,
có nhiều công việc phải đối diện với nhiều người nên rồi người
ta ví cái nghề này nghề kia khó vì lẽ phải “làm dâu trăm họ”. Từ
“làm dâu trăm họ” như muốn nói lên sự vất vả của những ai phải
sống, phải tiếp xúc với rất nhiều người.
Cái “phận làm
dâu trăm họ” mà bấy lâu người ta vẫn dùng cho người này người
kia tuỳ công việc của họ hôm nay tôi lại nghĩ đến phận của người
linh mục. Trước đây tôi cũng nghe loáng thoáng người ta nói về
phận “làm dâu trăm họ” của người linh mục nhưng nay tôi được
chứng kiến tận mắt, nghe tận tai.
Một buổi
chiều nọ, đang ngồi ở hành lang “nhà xứ” (đóng mở ngoặc kép vì
“nhà xứ” ở cái vùng truyền giáo nghèo này rất đặc biệt, chẳng
nơi nào có được !!!) nói chuyện chơi với giáo dân trước Thánh
Lễ. Đang nói chuyện, đến giờ đọc kinh, tôi đi kéo chuông. Kéo
chuông xong tôi lại ngồi nói chuyện vu vơ với giáo dân. Ở cái
vùng truyền giáo nghèo này có cái “truyền thống” là trước khi đi
đọc kinh vào Thánh Lễ thì bà con túm lại với nhau kể chuyện con
còng, con cua, con nha … Những câu chuyện ấy như là nỗi lòng của
những người dân nghèo chia sẻ cuộc sống với nhau.
Thấy “ông
cha” đang ngồi nói chuyện rồi phải đi kéo chuông thì cụ già ngồi
cạnh tôi nhớ đến chàng thanh niên nào đó trong giáo điểm và nói
:
- “Cái thằng
X kia cũng lạ ! Thời Cha kia thì ngày nào nó cũng đến nhà thờ
kéo chuông, phụ cái này cái kia với cha. Giờ chẳng thấy nó đâu !
Bà cụ nói :
- “Hình như
lễ Chúa nhựt tui cũng hổng thấy nó :
Ông cụ nói :
- “Có, thi
thoảng thấy nó !”
Cụ bà bức xúc
nói :
- “Cái thằng
gì kỳ, cha nào đến đây cũng là cha chứ sao nó kỳ vậy. Tui là cha
nào tui cũng đi nhà thờ hết chứ tui hổng có phân biệt cha nào
hết !”.
Ông cụ tức
tối “trả đũa” :
- Bà mới kỳ !
Thì người ta thích ông cha kia người ta đi nhà thờ ! Còn ông cha
này đến người ta hổng thích người ta hổng đi ! Tui cũng dzậy !
Tưởng cụ già
nghĩ sao chứ cụ già nghĩ vậy cũng kẹt cho tôi. Tôi về đây mới
được mấy tháng, may mà cụ còn đi lễ chứ hông biết bữa nào cụ
chán tôi cụ hông đi lễ Chúa trách tôi chết ! Hoá ra là anh chàng
thanh niên kia và cụ già này đi lễ vì ông cha chứ hông phải là
vì Chúa ! Tôi trộm nghĩ chắc là cha của tôi hiện tại làm gì cho
anh không vui nên anh không lui tới như cha tiền nhiệm.
Lễ xong, về
phòng cũng nghĩ ngợi lắm ! Không biết mình phải sống làm sao để
cho giáo dân siêng năng đi đọc kinh xem lễ ?
Cũng khó đấy
chứ ! Mỗi một người một phong cách, một dáng vẻ, một suy tư, một
cách làm việc. Chẳng ai giống ai trên cái cõi đời này như hàng
ngũ linh mục chúng tôi vậy. Chúa ban cho mỗi linh mục một đặc
sủng, một nét riêng chứ làm sao mà có một mẫu số chung được :
người thì bề ngoài đạo mạo uy nghi, người thì xuề xoà bình dị,
người thì mặt tươi như hoa, người thì lại có vẻ như đang cau có
chuyện gì … Vì thế, giáo dân phải đồng cảm, phải hiểu cho vị mục
tử mà Chúa sai đến với họ chứ không thể nào trách khứ linh mục
được.
Mỗi vùng có
đặc điểm riêng của vùng đó.
Với cái vùng
truyền giáo nghèo này thì tôi hiểu ngay lý do tại sao cái chàng
thanh niên chiều nay được nhắc đến không còn đến nhà thờ như
ngày xưa nữa. Chuyện là cha xứ tiền nhiệm, do cái tài xoay sở
của Ngài, Ngài chia sẻ cho chàng thanh niên kia tấm lòng của
Ngài nên chàng thanh niên hay lui tới. Còn cha Sở hiện tại do
không có tương quan nhiều bằng cha kia nên không có điều kiện
chia sẻ như trước nên anh chàng ấy vắng bóng ! Đó cũng là chuyện
thường tình của những vùng mà đời sống vật chất khó khăn, cuộc
sống phải đối diện với bữa no bữa đói.
Nhớ Cha Sở
tiền nhiệm, nhìn cha Sở hiện tại, nghĩ đến thân phận của mình.
Mình không tương quan nhiều, không quen biết nhiều, ắt hẳn sẽ
không được như các bậc tiền bối. Nghĩ như vậy cũng buồn, cũng lo
vì nếu cứ như thế này thì số người lui tới nhà thờ sẽ chẳng được
là bao !
Lại trở về
nét đặc trưng của mỗi người. Không có tương quan, không có nguồn
chia sẻ thì dân sẽ bớt đến !
Ví như một
ngày nào đó chỉ còn một mình dâng Lễ Misa mỗi ngày tôi vẫn dâng
! Vì lẽ, mình đến phục vụ ơn cứu độ chứ mình không đến để phục
vụ đời sống kinh tế của giáo dân. Bao nhiêu uỷ ban xoá đói giảm
nghèo, phòng ban kinh tế của Nhà Nước còn lo chưa xuể huống gì
là linh mục !
Linh mục lo
chuyện đời sống thiêng liêng, đời sống tâm linh chứ đời nào linh
mục lại lo về đời sống kinh tế !
Cũng có lo
nhưng chỉ lo cho những người đau ốm bệnh tật và học bỗng cho các
em học sinh nghèo hiếu học chứ làm sao mà lo cho đời sống thường
nhật cho giáo dân được. Bản thân là linh mục cũng phải đi xin
mới có thuốc có men và có học bỗng để lo cho người nghèo chứ
linh mục làm gì mà có tiền được ?
Và nếu như có
thì lại sinh tội ! Có rồi lại chia, chia rồi lại thiếu hoặc sót
vì có kẻ được người không, kẻ ít người nhiều. Đôi khi cho rồi
lại phát sinh ra nhiều vấn đề tệ hại hơn là không cho.
Khả năng Chúa
ban cho mình sao thì mình chỉ biết sống như vậy thôi chứ làm sao
mà có thể đáp ứng được nhu cầu của 600 con người đa phần là hộ
nghèo, hộ khổ của xã vùng ven biển. Khả năng Chúa ban có thế thì
mình sống thế chứ làm sao mà đòi hỏi là một đại gia để đi phân
phát lúa gạo cho người nghèo được. Không khéo truyền giáo như
thế sẽ biến Đạo Công giáo thành Đạo Gạo như một thời người ta đã
nói là “theo đạo Ông Diệm” vì “theo Đạo mới có gạo mà ăn” ! Con
dao hai lưỡi của những vùng truyền giáo nghèo !
Ví dụ nho
nhỏ, trong các bài chia sẻ trong Thánh Lễ. Người thì được ơn ăn
nói, người thì trình bày dài dòng chút tuỳ theo khả năng của
mình. Thế nhưng, bên dưới cái tài ăn nói, cái cách trình bày thì
điều duy nhất mà các linh mục nhắm đến đều là giảng giải Lời
Chúa, đưa ra bài học Luân Lý và bài học thiết thực trong đời
sống. Thế nên, không phải vì cha này giảng ngắn giảng dài mà ta
không dự lễ nhà thờ đó được. Chẳng lẽ nhà thờ này cha này dâng
lễ mới thành còn cha kia dâng lễ không thành sao ???
Giáo dân phải
nghĩ, phải nhìn đến khả năng, ơn riêng mà Chúa ban cho mỗi linh
mục để rồi giáo dân cùng với linh mục nâng đỡ nhau sống đời sống
đạo thật tốt chứ không nên có cái nhìn như anh chàng thanh niên
và ông cụ nọ.
Nói thế thôi
chứ trong giáo xứ, giáo điểm có và có rất nhiều tâm trạng như
anh chàng thanh niên và ông cụ mà chiều hôm nay tôi tiếp xúc. Và
như thế, linh mục giúp xứ bỗng nhiên trở thành “nàng dâu trăm
họ” của giáo điểm hay giáo xứ.
Vẫn mang
trong mình thân phận của một con người đầy khiếm khuyết, đầy
giới hạn chứ làm sao một sớm một chiều thành thánh như một số
suy nghĩ nông cạn. Cũng là con người trong hành trình tìm kiếm
Thiên Chúa, trong hành trình tu chỉnh bản thân để theo Chúa chứ
có phải là người hoàn hảo đâu ?
Giáo điểm
này, giáo xứ kia vẫn có những con chiên muốn vị mục tử, vị chủ
chăn mình phải hợp nhãn giới với mình hay nói đúng hơn là mục tử
đúng nghĩa của họ là mục tử phải làm theo ý họ, chiều theo sự
điều khiển của họ.
Khổ lắm thay
cho thân phận linh mục : phận “làm dâu trăm họ” !
Đôi lúc cũng
nản lòng, đôi lúc cũng muốn buông xuôi nhưng Thầy Chí Thánh của
mình đã từng nói : “Ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được cứu !”. Tin
vào lời Thầy Chí Thánh các linh mục, các đấng bậc “làm dâu trăm
họ” cứ phải cố gắng từng ngày từng ngày cùng Thầy của mình leo
lên đỉnh đồi Sọ.
Khi nào vượt
qua thập giá mới được vào Vinh Quang, cũng là lời của Thầy Chí
Thánh xưa.
Thuở sinh
thời, Thầy Chí Thánh cũng sống trong cảnh làm “dâu trăm họ” chứ
có hơn gì các linh mục ngày nay đâu. Cho họ ăn, chữa lành bệnh
tật, trừ quỷ thì họ tung hô tán thưởng, còn khi không làm theo ý
dân thì bị vùi xuống bùn đen, đánh đập và cuối cùng là chết treo
trên thập tự.
Phận “làm dâu
trăm họ” muốn vào Vinh Quang với Thầy Chí Thánh cũng phải đi qua
con đường của phỉ báng, chà đạp và kết án như Thầy mình ngày xưa
thôi !
Lm. Anmai, C.Ss.R. |
VỀ MỤC LỤC |
|
HÃY ĐẶT CHÚNG TRONG
CÙNG MỘT CON TÀU
|
Ông bố khám phá ra: một trong ba
đứa con ông đã dùng viết chì vẽ lên trên cái lò sưởi bằng gạch
còn mới toang của ông. Ông triệu tập cả ba và lần lượt hỏi từng
đứa: “Đứa nào đã vẽ đó?” Mỗi đứa đều chối không làm điều đó.
“Một trong các con nói láo. Bố muốn biết đứa nào đã làm điều đó.
Bố sẽ không chấp nhận kẻ nói láo. Vậy bây giờ đứa nào làm điều
đó?” Không ai trả lời. “Được rồi, bố sẽ phạt cả ba.” Ông tóm lấy
từng đứa và phết đít nó. Đoạn, ông lại hỏi: “Đứa nào dùng cây
viết chì vẽ lên trên lò sưởi?” Cuối cùng, đứa lớn nhất nhận lỗi
lầm đó. “Bây giờ, hãy lau sạch nó đi.” Ông bố lấy xô nước, bàn
chải, và thuốc tẩy, và đứng ở đó cho tới khi cô ta lau sạch lò
sưởi.
Quan niệm thông thường là chúng ta
nên đối xử với từng đứa và có lời ban khen hoặc lên án xứng với
hành động của mỗi đứa trẻ. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy được điều
nầy là: tất cả các con trẻ trong một gia đình kết đoàn với nhau
để chống lại người lớn hoặc để đánh bại hoặc để làm người lớn
bận rộn. Thường thì những phần tử trong cùng một nhóm đều chấp
nhận quy luật nầy là: không sợ sệt, không nhút nhát, và không
than khóc. Trong trường hợp nầy, cả ba đứa ở trong cùng một liên
minh. Cả ba đứa sẵn sàng chịu phạt hơn là khóc la, sợ sệt.
Khi chúng ta gọi và xử lý với từng
cá nhân sau một vài hành vi sai lỗi, chúng ta có khuynh hướng
nâng cao hành động trong đó đứa nầy hoặc đứa kia tìm kiếm sự
đồng ý và sự thăng thưởng của bố mẹ trong lúc đứa khác bị thiệt
thòi sửa phạt. Như thế, hành đông của chúng ta càng làm tăng
thêm sự cạnh tranh giữa chúng vì chúng ta dùng đứa nầy để chống
lại đứa khác. Đó là một hành động không mấy thích hợp cho việc
giáo dục.
Chúng ta có thể chế ngự được sự
cạnh tranh căng thẳng và những kết quả thiệt hại của nó, nếu
chúng ta đối xử với con cái như một nhóm bằng cách đặt tất cả
chúng trong cùng một chuyến tàu để nói. Đây có thể là một bước
cách mạng nhất mà một bố mẹ có thể áp dụng lấy. Đối xử tất cả
chúng như một đơn vị có thể không thích hợp với tinh thần tranh
đua, sự phán đoán, và sở thích cá nhân, nhưng nó mang lại một
cái gì lý tưởng xuất phát từ trong thánh kinh nhưng đã mất ảnh
hưởng trong xã hội hôm nay.
Trong mẫu chuyện trên, chúng ta có
thể giải quyết theo phương cách: ông bố có thể gọi ba đứa trẻ
lại, bảo chúng lau chùi lò sưởi mà không cần cố gắng tìm ra ai
là thủ phạm. Điều nầy ngăn ngừa đứa tốt khỏi tỏ cái tốt và đứa
xấu khỏi tỏ cái xấu bằng cách làm tăng sự tranh quyền hoặc tìm
kiếm sự trả thù. Nhưng có thể chúng ta sẽ nghĩ: thật không công
bằng nếu bắt đứa vô tội rửa sạch vết nhơ mà nó không làm. Con
trẻ cũng có thể nêu lên những ý tưởng như vậy. Con trẻ chúng ta
có ý tưởng về cái gì là công bằng hay không công bằng bỡi sự
tiếp xúc với chúng ta và sẵn sàng dùng nó để phản đối chúng ta.
Nếu chúng ta vượt được quan niệm cho rằng lối giải quyết như thế
thì bất công, con trẻ chúng ta có thể khám phá ra lợi ích của
vấn đề đó. Nếu chúng ta loại bỏ được sự cạnh tranh để được lòng
bố mẹ, con trẻ có cơ hội để phát triển sự tương kính lẫn nhau.
Thật vậy, khi chúng ta đặt chúng trong cùng một con tàu và làm
chúng có trách nhiệm như một nhóm cho điều mà mỗi đứa làm, chúng
ta đã lách bườm ra khỏi gió. Chúng ta không còn tạo cho chúng có
tham vọng gây ấn tượng cho nhau, vì thế động lực của hành động
sai lầm không còn ý nghĩa nữa.
Một vấn đề tương tự khác đó là sự
ganh tỵ giữa các trẻ. Thật là hữu ích vì nó gây một ấn tượng
trên bố mẹ. Nó khêu gợi mọi hành vi tức giận của bố mẹ để cố
gắng thẩm định tình hình. Sự ganh tỵ sẽ trở nên vô ích nếu bố mẹ
không bị gây ấn tượng. Nhưng không biết được bao nhiêu bố mẹ có
thể không bị gây ấn tượng.
Lời khuyên đặt tất cả con trẻ
trong cùng một chuyến tàu thường có kết quả tốt hơn mong đợi.
Một bà mẹ đi dự một buổi thuyết trình trong đó cách hành xử như
thế đã được đề nghị. Bà về nhà cố gắng thực hiện và sau đó bà
cho biết:
Bà có ba đứa trẻ 9, 7, và 3 tuổi.
Hai đứa lớn có một ít ảnh hưởng trên đứa nhỏ và thường phàn nàn
về những đặc ân đã được cho đứa nhỏ. Một buổi tối kia, ngay sau
khi nghe bài thuyết trình, đứa nhỏ đang đùa chơi với thức ăn của
nó và làm vung vãi lung tung. Bà mẹ nói với cả ba đứa rời khỏi
bàn ăn vì chúng không biết ăn uống cách thích hợp. Hai đứa lớn
tỏ ra hơi giận dỗi, nhưng cả ba rời bàn. Từ lúc đó trở đi, đứa
nhỏ nhất không bao giờ dọc phá thức ăn nữa. Bà mẹ lấy làm lạ ở
kết quả lạ lùng của hành đông bà, nhưng không hiểu tại sao nó có
hiệu quả.
Hành vi sai lầm của đứa bé chiếm
được sự chú ý đặc biệt. Nó được nhắc nhủ phải ăn uống sao cho
thích hợp. Hành động của bà mẹ không chỉ tước khỏi nó sự chú ý
đặc biệt, nhưng bây giờ những đứa lớn cũng chia xẻ sự chú ý mà
nó gây nên. Vì thế, không còn có gì vui nữa trong hành động sai
lầm của nó nếu những đứa lớn cũng chia xẻ sự chú ý đặc biệt
nầy.
Kết quả của trách nhiệm hỗ tương
càng trở nên rõ ràng hơn trong mẫu chuyện dưới đây:
Đức Huy 8 tuổi, là đứa ở giữa
người anh có nhiều khả năng và đứa em gái trẻ đẹp. Nó là kẻ đáng
sợ. Nó biết nói láo, lấy đồ, và hai lần đốt lửa ở dưới từng hầm.
Sở thích của nó là lấy viết chì vẽ lên vách tường. Bà mẹ không
thể nào ngăn chặn nó. Khi bà đến Trung Tân Hướng Dẫn để tìm sự
chỉ dạy, bà được khuyên nên đối xử với ba đứa trẻ như một đơn
vị, và làm cho chúng có trách nhiệm với hành vi sai lầm của cậu
bé Đức Huy.
Hai tuần sau, bà mẹ và cậu bé trở
lại. Bà mẹ hoàn toàn ngạc nhiên. Bà tường thuật rằng cậu bé đã
bỏ hành động sai trái. Nó đã dùng bút chì vẽ lên tường một lần
và bà mẹ đã ra lệnh cho các trẻ phải lau sạch. Cậu bé Đức Huy đã
không tham dự vào việc lau chùi đó, nhưng cũng từ đó nó không
còn dùng viết chì vẽ bậy lên tường nữa.
Trong một cuộc chiến, khó định
được ai có tội, ai không. Đó không phải là kết quả của hành động
sai lầm của một đứa – mà tất cả chúng đều đóng góp như nhau vào
những bất ổn xảy ra đó – đó là kết quả của những gì chúng đã
cùng nhau góp phần tạo nên. Đứa tốt có thể kích động đứa xấu, có
thể thúc đẩy, làm đứa kia đi quá đà trong muôn ngàn cách để làm
cho bà mẹ dấy mình vào. Những đứa trẻ có trách nhiệm với nhau,
nối kết những cố gắng hoặc cho lợi ích gia đình hoặc càng gây
thêm căng thẳng. Thông thường khi đứa xấu trở nên tốt hơn thì
đứa tốt trở nên xấu hơn; vì thế đám trẻ cấu kết nhau để đối đầu
với chúng ta. Nếu bà mẹ thấy điều đó và đối xử với chúng như một
nhóm, bà sẽ có kết quả ngạc nhiên, và chúng sẽ thấy ích lợi của
sự nương tựa vào nhau và sẽ lo lắng cho nhau.
Lm. Lê Văn Quảng,
tiến sĩ tâm lý
|
VỀ MỤC LỤC |
|
VÌ DANH THẦY
|
"Vì danh Thầy,
anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng
dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu"
(Lk 21:17-18)
Vì danh Thầy, con bị
thù ghét
Vì danh Thầy, con bị tù
giam
Dù sao con vẫn hiên
ngang
Vẫn là tôi tớ chẳng ham
sang giầu!
Vì danh Thầy, vì lòng
Bác ái
Vì Công bình Thầy dạy
chúng con
Yêu người, đức Ái cho
tròn
Người nghèo đau khổ
chúng con yêu nhiều!
Con sẽ ngẩng cao đầu
hãnh diện
Vì con là Nhân chứng
Tin Mừng
Lời Thầy vang khắp
không trung
Nước Thầy trị đến không
cùng thời gian!
Xin Thầy thương giúp
con hăng hái
Để xứng danh mãi mãi
môn đồ
Dựng xây trái đất những
ngày bình yên!
|
VỀ MỤC LỤC |
|
ĐẺ CON THEO Ý MUỐN (HAY LÀ
SÁT NHÂN)
|
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, M.D.
Trong một bài viết
trước, tôi đã nêu vấn đề nghiên cứu tế bào gốc (Stem cell) và
việc thụ thai nhân tạo với những lợi hại của nó dựa trên quan
điểm của Giáo Hội Công Giáo. Bài viết này cũng liên quan đến vấn
đề đó, nhưng chú trọng đến những nghiên cứu tìm hiểu của một số
nhà nghiên cứu đã đi quá xa.
Mục đích tiên khởi
của việc nghiên cứu tế bào gốc là tìm ra phương cách chẩn đoán
và chữa trị để giúp con người hết bệnh tật, sống vui khỏe và
hạnh phúc. Tuy nhiên, việc nghiên cứu không chỉ dừng ở đó, nó sẽ
biến thiên ra nhiều ngõ ngách khác, có thể tốt có thể xấu. Nhưng
hậu quả xấu đó có đáng và hợp với luân lý đạo đức không thì ta
còn cần phải tìm hiểu và điều nghiên thêm. Biết trước và phòng
ngừa là việc cần thiết và phải làm. Là người công giáo chúng ta
luôn luôn tôn trọng sự sống dù nó còn là hài nhi, hay vẫn ở tình
trạng thai phôi trong bụng mẹ (hoặc trong phòng thí nghiệm) hay
đã sinh ra đời, lớn lên, thành già cả, lẩm cẩm và bệnh tật.
Mới đây sau những
ngày vui mừng Chúa Giáng Sinh, tại Anh Quốc đã xẩy ra một cuộc
tranh luận về việc phá thai / giết chết hài nhi còn trong bụng
mẹ chỉ vì đứa nhỏ có tính di truyền dị tật bất thường.
Báo Guardian ngày
12-1-2009 đã loan tin Trung Tâm nghiên cứu bệnh Autism thuộc
viện đại hoc Cambridge có thể tìm ra lý do một đứa nhỏ bị autism
từ lúc còn trong bụng mẹ. Nghiên cứu một nhóm 235 hài nhi, các
bác sĩ đã khám phá thấy có dấu chỉ bệnh autism khi lượng kích
thích tố nam khá cao trong nước lồ ố của người đàn bà mang thai.
Giáo sư Simon Baron-Cohen, giám đốc chương trình nghiên cứu đã
đặt vấn đề trên tờ báo Guardian:
- Nếu chúng ta
có một thử nghiệm cho biết một đứa trẻ có bệnh autism trước khi
nó chào đời thì thử hỏi đó là điều vui hay buồn?
- Chúng ta sẽ
mất gì –Giáo sư nêu thắc mắc- nếu một đứa trẻ bị autism bị loại
ra khỏi gia đình và cộng đồng xã hội / nhân loại?
Bài báo cho thấy,
theo nhận xét của tổ chức autism quốc gia thì một thử nghiệm cho
biết trước đứa trẻ sẽ bị autism có thể đưa lại một số kết quả
tích cực tốt là cha mẹ đứa trẻ có thời giờ sửa soạn tâm tư mình
hầu tìm phương cách yểm trợ, giúp đỡ, an ủi đứa trẻ khi nó chào
đời, hòa nhập với gia đình và cộng đồng xã hội. Ngược lại, ký
giả Charlotte Moore đã nêu ra trường hợp của chính bà có hai
người con bị autism. Bà cho biết gánh nặng hai đứa con bị autism
đã đè nặng chĩu lên vai hai vợ chồng bà, cho nên bà sợ rằng một
khi thử nghiệm được đưa ra thị trường thì nhiều bà mẹ sẽ cho phá
thai khi mà thử nghiệm cho biết con họ bị bệnh autism cũng như
trường hợp những đứa con bị hậu chứng Down’s vậy.
Tuy nhiên, theo ý
kiến của bà, bà sẽ không chủ trương giết con bà. Bởi vì:
-
“Cuộc sống của gia
đình chúng tôi –bà nói- cũng giàu sang và có ý nghĩa như mọi gia
đình khác; cuộc sống của con tôi cũng như của chính chúng tôi
cũng không thể vì vậy mà trở nên thê lương khốn khổ được.”.
Bà kết luận:
-
“Một xã
hội mà chỉ nhằm vất bỏ đi tất cả những gì khác thường khó chịu
làm cho mình bực bội thì không phải là là một xã hội mà tôi ước
mong sống”
.
ĐỨA TRẺ KHÔNG BỊ UNG THƯ
Tin đứa trẻ bị
autism được loan báo ngay sau khi đứa trẻ đầu tiên tại Anh Quốc
chào đời theo cách thụ thai nhân tạo không có di truyền ung thư
vú. Theo tường trình của tờ báo Scotsman ngày 10-1-2009 thì một
cặp vợ chồng bị bệnh hiếm muộn đã đến Đại Học London để mong có
con bằng cách thụ thai nhân tạo. Trong khi thực thi thụ thai,
thai phôi đã phải đi qua nhiều tiến trình thử nghiệm xem có chứa
di tính / gene ung thư vú không (BRCA1) trước khi cấy phôi đó
vào dạ con của người đàn bà.
Bài báo còn cho
biết: Di tính ung thư vú của những người đàn bà cho trứng có tỷ
lệ là 80% . Ký giả Michaela Aston thuộc cơ quan Đời Sống Bác Ái
đã biểu lộ nỗi ưu tư của bà trên tờ Scotsman:
-
“Cơ quan chúng tôi
–Bà nói- luôn luôn vui mừng sung sướng mỗi khi hay tin các hài
nhi vừa ra đời và hân hoan đón chào trẻ thơ đầu tiên này gia
nhập cộng đồng xã hội và thế giới. Tuy nhiên bà cũng không khỏi
băn khoăn áy náy về những thai phôi kia đã bị vất bỏ chỉ vì bị
coi là có di tính bất thường tàn tật, không có đời sống đáng
giá”.
-
“Chúng ta nên nhớ
rằng –Bà tiếp tục lên tiếng- chúng ta còn có nhiều thứ quan
trọng và quí giá hơn tất cả những di tính của chúng ta”.
Bản tin cũng đánh
động mạnh ông W. Saletan, một tay viết có giá của tạp chí quốc
gia trên American online. Ngày 14-1-2009 Saletan đã lột trần
những lời khoa trương lếu láo của báo chí Đại Học London đưa ra
là “Đứa trẻ đầu tiên tại Anh Quốc được thử nghiệm ung thư vú
bằng di tính BRCA1 trước khi cho thụ thai”.
Tuy nhiên, theo
Saletan, thì thử nghiệm đã được thực hiện nơi đứa trẻ lúc còn
trong tình trạng phôi và đứa trẻ đó là một (1) trong mười một
(11) cái phôi được thử nghiệm, trong đó chin (9) cái đã bị vất
bỏ. Chỉ còn hai (2) cái được cấy vào bụng người đàn bà, nhưng
cuối cùng cũng chỉ có một (1) cái cho kết quả sinh ra đứa trẻ
gọi là “đầu tiên”này. Như vậy để có được một đứa trẻ, người ta
đã giết chết mất mười (10) đứa
CHƠI CHỮ
Saletan đã mỉa mai:
Vậy thì bây giờ chúng ta phải gọi những thử nghiệm đó là thử
nghiệm “tiền thụ thai”, và thai phôi vừa mới đậu là “tiền
phôi” để người ta dễ chấp nhận nó làm vật thí nghiệm. Lúc
đó nghĩa của hai tiếng Thụ Thai
cũng được thay đổi.
Như vậy theo kiểu
nói / định nghĩa của những người làm thử nghiệm thì nếu ta có
sáu cái trứng cấy đậu rồi lại loại bỏ, vất đi khi đã chọn được
đứa nhỏ này. Như vậy là trứng đó chưa bao giờ thụ thai, và chúng
cũng không phải là những phôi.
Vậy thì giả sử đứa
trẻ này được thụ thai tự nhiên và có 50% di tính dị tật. Do đó
nếu nó có di tính của người mẹ thì nó sẽ có nguy cơ ung thư vú
từ 50% đến 85%. Vấn đề đặt ra là một khi đã khám phá ra được
bệnh thì cũng có thể chữa được bệnh chứ tại sao lại hủy bỏ, giết
luôn cả con bệnh?
Saletan đã than
trời mỉa mai: “Lựa chọn phôi đã tiến bước xa từ một bệnh trẻ
nít nguy hiểm chết người tới bệnh của người lớn có triển vọng
chữa trị và sống còn.”
Việc nghiên cứu để
chọn lựa kiểu này hiện đang phát triển rất mạnh và rộng rãi
trong dân chúng. Chỉ ít ngày sau khi có tin đứa trẻ đầu tiên
được chọn và sinh ra mà không có ung thư vú, tin trên tờ
Scotland Chúa Nhật ngày 18 -1- 2009 đã cho biết là có hàng trăm
cặp vợ chồng xin ghi danh để được có con theo ý muốn kiểu này.
Dịch vụ thử nghiệm
sẽ được trung tâm sinh sản y khoa Glasgow ( GCRM) tung ra thị
trường vào khoảng cuối năm nay. Di tính sẽ được thử nghiệm nơi
thai phôi là một (1) trong 200 di tính ẩn náu bên trong cơ thể,
trong đó có di tính ung thư và cystic fibrosis .
Sau khi đã nghiên cứu cẩn thận, bác sĩ chỉ cấy những phôi nào
không có di tính bệnh hoan đặc biệt như ý người muốn. Người đặt
hàng sẽ phải trả 5,500 bảng Anh / pounds cho mỗi một vòng thử
nghiệm. Cho đến nay dịch vụ này chỉ có ở Anh, chưa thấy có ở
phía Bắc biên giới.
Một phát ngôn viên
ẩn danh của Giáo Hội Công Giáo ở Scotland đã nói với báo chí:
“Đây tuyệt nhiên không phải là một phương cách chữa bệnh mà chỉ
là một hình thức giết người từ trong trứng nước, ngay từ khi sự
sống vừa mới xuất hiện. Nó hoàn toàn trái với luân lý đạo đức,
không thể chấp nhận được.”
TUỘT DỐC KHÔNG PHANH
Một bài viết về
loại thử nghiệm như vậy được làm trên một thai phôi / hài nhi
còn trong bụng mẹ đã gây kinh hoàng trong dân chúng vì nạn giết
hài nhi chưa được diễm phúc nhìn đời. Tờ Sunday Times ngày
25-1-2009 kể lại những thử nghiệm DNA trong phòng thí nghiệm để
tìm di tính người cha được thực hiện ở những đứa trẻ vẫn còn
trong bụng mẹ.
Tác giả bài báo cho
rằng những loại thử nghiệm như vậy sẽ là cơ hội rất dễ dàng giúp
người mẹ giết con mình chỉ vì thử nghiệm cho biết con mình là
con ngoại hôn.
Vẫn theo bài viết
về DNA này thì dịch vụ thử nghiệm lớn nhất tại Anh Quốc hiện nay
đã thực hiện cả 500 thử nghiệm mỗi năm để tìm di tính người cha.
Tờ Sunday Times cho biết một số bà yêu cầu làm loại thử nghiệm
là để phá thai nếu thử nghiệm cho biết con mình không phải do
ông chồng chính thức.
Josephine
Quintavalle, sáng lập viên Trung Tâm Bình Luận về Đạo Đức Sinh
Sản đã nói: “ Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại cần phải quan
tâm. Hiển nhiên là khi muốn làm thử nghiệm này là đã chủ tâm có
ý phá thai; người đề nghị thử nghiệm cũng là kẻ khuyến khích
‘giải pháp’ giết người đó vậy”.
Những người đàn bà
/ bà mẹ muốn làm thử nghiệm để biết di tính của người cha của
con mình có lẽ cũng có cùng một tâm trạng với bà Victoria
Lambert là người đã viết trên tờ Daily Mail ngày 3 / 5 -1-2009
cảm nghĩ của mình khi phá thai vì đứa nhỏ bị dị tật. Bác sĩ đã
khám phá ra con bà lúc mới được 3 tháng bị trisomy 13 hay còn
gọi là hậu chứng Patau’s .
Nhiều đứa trẻ bị bệnh này chết khi vừa sinh ra hay ít lâu sau
đó, nhưng có đứa cũng sống được đến tuổi trưởng thành.
Phá thai, giết con
-bà viết- vẫn là những ám ảnh để lại trong lòng bà những áy náy
sầu muộn khôn nguôi. Nói gọn lại: “Quyết định của tôi
-bà viết- đã đưa tới những hậu quả trầm trọng là hối hận,
dằn vặt đã hành hạ cả tâm can lẫn thể xác tôi suốt 9 năm trời”.
Sau đó bà Lambert
tiếp tục tả lại quãng đời của bà. Sau lần phá thai đó, ít năm
sau bà lại mang thai trở lại, lúc đó bà đã gần 40 tuổi. Nhà
thương đề nghị bà thử nghiệm thai nhưng bà đã từ chối. Bà nói:
-
Khi tôi quyết định
không thử nghiệm thai, dù để xem có phải là hậu chứng Down’s hay
gì khác, lòng tôi hết lo lắng thắc mắc về đứa con của mình nó sẽ
thế nào. Nhưng có điều chắc chắn nó sẽ là con của chúng tôi.
Chừng nào nó sinh ra mà còn sống cho dù có bất cứ cái gì không
may xẩy ra, chúng tôi cũng vẫn có thể đương đầu được”.
Bà kết luận:
-
Trong khi có nhiều
thử nghiệm thai làm các nhà khoa hoc hứng chí bao nhiêu thì lại
càng có nhiều nguy hiểm trầm trọng xẩy ra bấy nhiêu. Các thử
nghiệm càng đơn giản và dễ thực hiện thì lại càng giúp người ta
quyết định giữa sống và chết càng dễ dàng và rồi cũng càng…dễ đi
tới ăn năn hối hận.”.
KẾT LUẬN:
Điều răn thứ 5 Chúa
dạy “Chớ Giết Người”. Kẻ sát nhân và những ai
cố ý cộng tác với hành vi giết người đều phạm một tội như nhau.
Tội giết trẻ thơ,……..cũng là một tội nặng. Những tính toán về
giống tốt hoặc về y tế công cộng cũng không thể biện minh cho
bất cứ một tội sát nhân nào được, dù nó được nhà cầm quyền ra
lệnh hay cho phép. (Sách Giáo lý CG câu 2268).
Nhưng nực cười thay
người ta hô hào / chống đối án tử hình cho những kẻ phạm trọng
tội nhưng người ta lại đồng ý giết những trẻ thơ vô tội chưa kịp
góp tiếng khóc chào đời.
**[1] Our family life is as rich and as meaningful as any
other; my sons’ lives are not tragic, and nor is mine…
A society that aims to remove all the variables that make
human life so fascinatingly complex is not a society I want
to live in.
[2] Thụ Thai (Conception): là sự phối hợp thành công giữa
trứng của người nữ với tinh trùng của người nam tạo thành
thai phôi trong bung người đàn bà hay phòng thí nghiệm
(trường hợp thụ thai nhân tạo). Phôi đó sẽ từ từ phát triển
thành hài nhi, đợi đủ ngày đủ tháng thì sinh hạ chào đời một
hài nhi.
[3] Cystic fibrosis (CF, còn gọi là Mucovoidosis hay
mucoviscidosis) là một bệnh di truyền kinh niên ảnh hưởng
đến các tuyến ngoại tiết của phổi, gan, tụy tạng và ruột
khiến bệnh nhân dần dần trở thành tàn tật, bất khiển dụng vì
nhiều cơ quan trong người bị hư hại…
[4] Patau’s syndrome (trisomy 13): là hội chứng trong đó
người bệnh có dư nhiễm thể 13 làm cho sự tăng trưởng của
thai nhi trở nên bất thường. Đứa con dễ bị hội chứng này khi
người mẹ mang thai lúc tuổi đã cao, thường là từ 31 trở
lên., tương tự trường hợp Down’s syndrome hoặc Edward’s
syngdrome.
Fleming Islands,
Florida 7-2-2009
NTC
|
VỀ MỤC LỤC |
|
BÊN CẦU BIÊN GIỚI
|
Qua
phim ảnh, nhất là những cuốn phim mô tả lại các trận tương tranh
thời đệ nhị thế chiến, tôi đã được nhìn thấy nhiều biên giới của
các quốc gia. Những biên giới đó, có khi là một cây cầu, có khi
là một hàng rào dây kẽm gai, có khi là một đồn canh... nhưng tất
cả đều mang ý nghĩa của sự phân chia, cách biệt, ý nghĩa của sự
giới hạn.
Đối với những người
vượt biên, nhất là vượt biên bằng đường bộ, hình ảnh của biên
giới là một hình ảnh vừa trông chờ vừa đáng sợ. Nhìn thấy biên
giới là nhìn thấy tự do và sự sống, nhưng vượt qua biên giới_là
một hành động nguy hiểm, cớ thể đánh đổi bằng chính sinh mạng
của mình.
Riêng tôi, lần đầu
tiên nhìn thấy rõ một biên giới thực, là lần tôi viếng thăm
Israel vào cuối năm 1989. Một buổi chiều, nhóm chúng tôi được
người hướng dẫn đưa đi thăm một vài thắng cảnh có tính chất hách
sử. Xe buýt chở chúng tôi đã chạy dọc theo biên giới
ISRAEL-YORDAN. Khi nghe người hướng dẫn thông báo, tôi đưa mắt
nhìn qua khung cửa sổ quan sát. Đó là một vùng bình nguyên bát
ngát, được ngăn ra bởi một hàng rào đây kẽm gai dài hun hút. Xe
chúng tôi chạy xa xa, dọc theo hàng rào kẽm gai ấy. Một lớp cờ
xanh ngát mắt phủ trùm lấy vùng bìnhnguyên rộng. Mọi sự xem ra
rất bình yên, nhưng những người biết chuyện cho hay đọc theo
biên giới nhân tạo này, Israel đã trang bị một hệ thống ra-đa
tối tân, cũng như sẵn sàng một màng lưới an toàn với bom và đại
liên, thiết trí ở vị trí bí mật nào đó. Có người còn cho rằng
ISRAEI có thể dùng đến cả bom nguyên tử để bảo vệ vùng biên giới
(!) Israel đã hành động như vậy, chắc chắn Yordan cũng có những
hành động tương xứng.
Khi xe đã qua khỏi
vùng biên giới, câu chuyện của mọi người trẽn xe bắt đầu chuyển
sang những đề tài khác. Riêng tôi, hình ảnh biên giới cứ ăn chặt
trong đầu không sao gạt bỏ đi được. Tôi vẽ lại trong trí mình
màu xanh ngát mắt của thảo nguyên mình vừa chứng kiến. Cây cỏ và
màu xanh_của nó không hề có biên giới. Cỏ bên này hàng rào và cỏ
bên kia hàng rào cùng là một loại, cùng được một thứ mưa, một
thứ sương tưới gội, cùng được sưởi ấm chung bằng một thứ nắng,
cùng hưởng chung một ngọn gió thổi qua. Hàng rào biên giới không
do thiên nhiên đựng nên, nhưng do trí óc, sự quyết định và bàn
tay của con người tạo thành. Đó phải chăng là một điều bi thảm?
Con người đã tạo nên
rất nhiều biên giới trong khung cảnh thiên nhiên, đã cắt nát mặt
trái đất ra làm nhiều
mảnh, mà vốn khi mới
được tạo dựng, mặt đất ấy được dùng chung cho tất cả mọi người.
Không những dựng những biên giới hữu hình trên mặt đất, con
người còn dựng lên những biên giới vô hình trên không trung và
ngoài biển cả, tạo ra những không phận, hải phận. Cũng như cỏ ở
địa giới cùng một loại, một mầu, mây trên trời thuộc khu không
phận cũng trắng, cũng xanh và cũng bềnh bồng trôi nổi như nhau;
nước biển ở khu hải phận cũng cùng biếc và cùng mặn giống nhau,
thế nhưng mây và nước đã bị phân rẽ bằng một hàng rào tưởng
tượng.
Người ta đặt ra rất
nhiều luật lệ quốc tế, qui định thế nào mới được bước qua biên
giới, thế nào thì không. Qua một biên giới là một màu cờ khác,
một thể chế chính trị riêng, một ngôn ngữ và phong tục tập quán
khác với ngôn ngữ và phong tục tập quán bên kia biên giới, một
chủ thuyết khác một lập trường khác. Xe vẫn đều đều lăn bánh.
Hành khách ngủ gà ngủ gật làm cho bầu khí trở nên yên lặng một
cách nặng nề. Tôi không ngủ được và hình ảnh biên giới trong óc
tôi vẫn không phai nhạt. Tự nhiên tôi nhớ đến những câu hát đẹp
và buồn trong bài ''Bên cầu biên giới '':
"Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ,
cầu cao nghiêng dốc trên dòng sông sâu.
Sầu vương theo gió
xuôi về cuối trời,
.
một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa.
Người
đi chưa hết
hương sầu lữ thứ.
Hồn theo cánh gió
quên tình xa xưa
.
Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa.
Mộng' về đêm đêm khát vừng trán ngây thơ...”
Bài hát còn có những
câu buồn hơn nữa:
"…nhưng đường quá xa vời.
Hương đời êvẫn mê mải.
Đời tôi sao vẫn còn biên giới!
Lòng tôi sao vẫn
ngừng nơi đâu
?... "
Và bài hát kết thúc:
"… Mộng bền năm xưa, chỉ là mơ qua. "
Bài hát ấy buồn lắm.
Và thường tôi chỉ lẩm bẩm hát nó những khi lòng thấy thật buồn.
Đời sống con người quả có nhiều giới hạn, nhiều biên giới. Biên
giới giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại và tương lai. Biên
giới giữa tuổi thanh xuân với tuổi già. Biên giôi giữa mơ mộng
với thực tế. Biên giới giữa mong ước và sự thật.
Con người còn có
những biên giới đương nhiên. Biên giới của tuổi thọ, biên giới
của sức khỏe, biên giới của trí hiểu biết và sự thông minh...
Bằng nhiều phương cách, con người đã hết sức cố gắng để vượt ra
khởi những biên giới ấy, nhưng dù đã tận lực, con người cũng chỉ
có thể nới rộng chút ít chứ không thể phá bỏ được biên giới.
Đó là những biên
giới trong mộc con người. Giữa người này với người khác lại có
những biên giới khác nữa. Biên giới của giàu và nghèo, của thông
thái và ngu dốt, của địa vị giai cấp, của tự đo và nô lệ . Biên
giới của ý thức hệ, của chủ thuyết, của quan niệm, của niềm tin.
Hình như những ''biên giới bẩm sinh'' còn chưa đủ, người ta đã
tự dựng lên trong cuộc đời riêng của mình và trong cuộc sống
chung của xã hội biết bao nhiêu thứ biên giới khác nữa. Để rồi
kết quả con người ai cũng có máu đỏ như nhau, có trái tim giống
nhau, có mộng ước như nhau, cùng chung nhau sống kiếp nhân sinh,
vậy mà người ta không đến được với nhau, vì giữa người này với
người khác đã có những cách ngăn của biên giới. Dựng biên giới
trên đất liền, trên không trung, ngoài biển khơi, và dựng biên
giới trong lòng người, giữa người với người, hai hành động ấy
cũng đâu có khác gì nhau.
Biết bao lần tôi
mong ước một cuộc sống không có biên giới, một cuộc sống được
giải thoát hoàn toàn khỏi những trói buộc trong chính con người
mình và những trói buộc của định chế xã hội. Nhưng càng lớn lên,
tôi càng thấy đó là một mong ước không thể đạt được, đúng là
''mộng bền năm xưa chỉ là mơ qua.'' Ngay một cánh cửa biên giới
tôi tự nguyện phá bỏ mà cũng không thực hiện được, đó là biên
giới của Tình Yêu. Đôi khi trong trái tim chứa chan lí tưởng của
một cuộc sống đi tìm ý nghĩa thực của lòng bác ái, của tâm hồn
quảng đại, phục vụ và tự hiến, tôi mong ước và quyết tâm yêu
thương tất cả mọi người, yêu người như yêu chính tôi, yêu một
cách đồng đều ai cũng như ai, yêu không tính toán, không vụ lợi.
Nhưng rồi, cuối cùng tôi vẫn khám phá ra rằng tôi yêu tôi nhiều
nhất, yêu những người dễ yêu hơn những người không dễ yêu; yêu,
nhưng đôi lúc vẫn tìm sự an toàn, không dám yêu một cách hoàn
toàn phục vụ và tự hiến. Trong tình yêu, tôi vẫn tự đặt cho mình
một giới hạn, một biên giới. Và tôi cũng cảm thấy lơ sợ khi biên
giới ấy không được tôn trọng.
Những biên giới của các quốc gia…
Những biên giới của con người...
Những biên giới của cuộc đời…
Đâu đâu tôi cũng
nhìn thấy những biên giới: Nếu tìm kiếm một nơi chốn không biên
giới, tôi chỉ còn một cách là tìm về với Thượng Đế. Ngài là đấng
vô thủy vô chung, không có trước cũng chẳng có sau, nói khác đi
Ngài có tự đời đời và tồn tại đời đời. Ngài là đấng toàn năng,
khả năng của Ngài vô giới hạn. Chính vì thế công trình tạo dựng
của ngài cũng vô giới hạn, vũ trụ Ngài sáng tạo không có biên
giới. Ngài là đấng thượng trí, sự thông hiểu của Ngài không có
tận cùng. Ngài là đấng toàn chân, bởi vì Ngài chính là chân lí
tuyệt đối- Ngài là đấng chí thiện, sự tốt lành của Ngài không có
bến bờ. Ngài là đấng toàn mĩ, vẻ đẹp của Ngài tuyệt điệu. Và
cuối cùng, Ngài là đấng toàn ái, Tình Yêu của Ngài mênh mông
chan chứa. Ngài yêu tôi và yêu mọi người từ thuở đời đời khi
chưa có con người. Con Một Ngài yêu tôi, đã xuống trần làm kiếp
con người để thông cảm với kiếp người của tôi. Và Ngài đã cứu
tôi khỏi chết bằng chính cái chết của Ngài. Ngài cho tôi tất cả,
kể cả giọt máu cuối cùng trong thân thể Ngài.
Tôi thích thánh ca
của Thành Tâm, nhưng cũng có một vài bài tôi cho là có lời ca
gượng ép và hơi… cải lương. Ông có câu hát: ''Nhưng con tin
nơi Chúa, Chúa thương
con nhiều, tình
không biên giới...”
Cái đoạn "tình
không
biên giới
" đó trước đây tôi vẫn cho là có tính chất... cải lương. Nhưng
bây giờ, tôi thấy nó không cải lương nữa. Tác giả, trong lúc
viết câu ấy, có lẽ đã thấy rất rõ cái biên giới hữu hạn của tình
yêu con người dành cho nhau, và ông tuyên xưng rằng chỉ có tình
Chúa dành cho con người mới là thứ ''tình không biên giới ''
Từ đó, mỗi lần hát
bài "Bên cầu biên giới ", để kết thúc bằng câu "Mộng
bền năm xưa chỉ là mơ qua '', tôi lại bắt sang bài "Xin
Ngài thương con " và hát đi hát lại mãi câu:
''Nhưng con tin nơi
Chúa, Chúa thương con nhiều, tình
không biên giới...
"
Nhà Văn Quyên Di
|
VỀ MỤC LỤC |
|
Đào sâu và thực
hành đặc sủng và linh đạo dòng
|
BẢN THẢO
NGƯỜI NỮ TU SỐNG TU ĐỨC TOÀN DIỆN
tác giả: Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss
LỚP THẦN HỌC LIÊN
TU SĨ - TÒA GIÁM MỤC BÙI CHU (2008 - 2009)
Chương I : Đào sâu
và thực hành đặc sủng và linh đạo dòng
I. NhẬn ĐỊnh
(Câu chuyện MỘT NỬA CỦA TÁM)
Hơn bao giờ hết, tính
tham gia, liên đới hợp tác và cộng đồng đồng tiến ngày càng gia
tăng và phát triển.
Đó là một nét son của
thời đại chúng ta. Và thật tuyệt vời việc các lãnh đạo Giáo Hội
và các Dòng Tu mở ra các trường lớp, các khóa đào tạo tu sĩ liên
Dòng, vừa do thiếu nhân sự đào tạo được chuẩn bị chu đáo riêng ở
mỗi Dòng, vừa do kế hoạch của thẩm quyền nhằm để các tu sĩ có
thêm nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau và cộng tác với
nhau, ước mong việc phục vụ dưỡng giáo và truyền giáo được hiệu
quả hơn trong một Giáo Hội và Thế giới ngày càng đi vào hướng
toàn cầu hóa.
Những trường lớp và khóa học này hẳn luôn cố gắng dẫn dắt các
học viên đi sâu vào những gì là cơ bản của giáo huấn của Giáo
Hội về những nét chung nhất của đời sống thánh hiến, làm cho nó
được tăng triển và đáp ứng phù hợp với những đòi hỏi và mong đợi
của thời đại. Các tu sĩ các Dòng Tu khác nhau trở nên hòa đồng,
thân thiện và cộng tác với nhau dễ dàng hơn trong công việc
chung. Phẩm chất của các tu sĩ cũng được nâng cao và thăng tiến
hơn vì vừa học hỏi được cái hay cái tốt của người, vừa nhắc nhở
nhau nêu cao thanh danh của Dòng mình.
Các
lợi ích thật lớn lao, nhất là về mặt kiến thức, vì đội ngũ giảng
huấn vừa đông và đa dạng, vừa có nhiều khả năng và chuyên môn
hơn. Tuy nhiên chúng ta không bằng lòng dừng lại đó, coi như vậy
là đủ. Vì nếu chỉ có việc đào tạo chung đó từ Nhà Thử, Nhà Tập,
và Học viện thì chúng ta sẽ có một mẫu tu sĩ chung chung, Dòng
nào cũng như Dòng nào, thiếu đi chiều sâu của những nét độc đáo
riêng biệt, khiến một số tu sĩ trẻ hoang mang như mất hướng vì
chưa được đâm rễ sâu vững chắc vào đặc sủng và linh đạo của Dòng
mình, là những yếu tố làm cho mình càng gắn bó với Dòng, và Dòng
càng ngày càng đầy sức sống.
Vì
thế, trước khi tham gia vào các trường lớp và khóa học chung
này, mỗi Dòng cần nỗ lực làm cho các ứng sinh và thành viên trẻ
của mình đào sâu và thực hành đặc sủng và linh đạo của Dòng
mình, ít ra là đào tạo song song. Cánh đồng chỉ trồng một loại
hoa có nét đẹp của nó, nhưng một bó hoa với nhiều loại hoa thì
nét đẹp càng phong phú và qúy giá hơn.
Nếu
được so sánh, chúng ta có thể so sánh việc đào sâu và thực hành
đặc sủng và linh đạo của mỗi Dòng như là nền móng (hạ tầng cơ
sở), và việc đào tạo liên Dòng như ngôi nhà đẹp đẻ (thượng tầng
kiến thiết). Chúa Giêsu đã coi trọng việc xây nhà trên móng đá
vững chắc.
Công việc này là bổn phận và trách nhiệm của mỗi Dòng, đặc biệt
là của Bề Trên và các người phụ trách việc đào tạo ở trong Dòng.
Các ứng sinh có quyền được đòi hỏi sự dẫn dắt đào sâu đặc sủng
và linh đạo của Dòng, đồng thời được quyền nhìn thấy gương sáng
thúc đẩy từ các thành viên khác trong việc thực hành sống đặc
sủng và linh đạo của Dòng.
II. ĐÀO SÂU VÀ SỐNG ĐẶC
SỦNG VÀ LINH ĐẠO DÒNG
1. Đặt vấn đề
Để
đào sâu và sống đặc sủng và linh đạo của Dòng, trước hết xin chị
em cố gắng trao đổi với nhau và tìm ra câu trả lời cho các vấn
nạn sau đây, dưới sự hướng dẫn của những người có trách nhiệm
trong Dòng. Tôi xin thú nhận rằng tôi không thể biết rõ đặc sủng
sáng lập và linh đạo mỗi Hội Dòng của chị em; tôi chỉ nêu lên
nhu cầu và nguyên tắc để chính chị em đào sâu và thực hiện, và
như thế sẽ lợi ích hơn cho chính chị em. Xin Chúa Thánh Thần soi
sáng, dẫn dắt và cùng làm việc với chị em.
a. Các vấn nạn liên quan việc sáng lập Dòng
-
Có những Dòng lâu đời, có những
Dòng mới được sinh ra trong thời đại chúng ta.
Ai thực sự là vị
sáng lập của chúng ta? Có những loại sáng lập viên khác
nhau không?
(Sáng lập, đồng
sáng lập, cải tổ…)
Đặc sủng của vị sáng lập cũng là
đặc sủng của Dòng. Đâu là những đặc điểm chính yếu của
đặc sủng sáng lập?
Ta phải tìm lại các dấu vết của
thời kỳ đầu của Dòng và các vấn đề của nó. Mục đích, kế
hoạch của vị sáng lập có được đạt tới không? Tại sao và
như thế nào?
Chúng ta hiểu thế nào sự trung
thành và chính xác đối với đặc sủng của chúng ta?
Đặc sủng và linh đạo hiện nay của
Dòng có đúng là đặc sủng và linh đạo do vị sáng lập
truyền lại không? “Chúng ta cần tiếp tục biện phân lòng
trung thành của chúng ta với ý hướng sáng lập và linh
hứng trung thực của vị sáng lập của chúng ta” (JP II)
Chúng ta phải bảo tồn và hiện tại
hóa các tư tưởng sâu xa của đặc sủng nguyên thủy của
chúng ta và căn tính linh đạo của chính chúng ta.
Các Dòng cũ được tái lập khi họ
trung thành với cội nguồn đặc sủng và linh đạo của họ.
Đặc sủng của chúng ta chỉ dành riêng
cho đời sống thánh hiến thôi hay cho mọi hình thức đời sống
công giáo?
Đâu là vai trò của một hình thức
sống cá biệt trong một đặc sủng tông đồ?
Đâu là vai trò của hoạt động tông
đồ trong một đặc sủng chiêm niệm?
b. Các vấn nạn liên quan việc tái lập Dòng
-
Phải nhìn lại hoàn cảnh quá khứ của
Dòng trong bối cảnh của Giáo Hội lúc đó và hiện nay.
Chúng ta làm thế nào để tránh cho
ngọn lửa Thánh Thần đã đốt cháy trong Dòng chúng ta khỏi
bị suy tàn?
Nếu ngọn lửa đặc sủng này bị suy
tàn, chúng ta làm gì để làm cho nó hồi sinh? “Cái tồi tệ
nhất không phải là có một linh hồn xấu xa, nhưng là có
một linh hồn chỉ theo lề thói hằng ngày” (Charles Péguy)
Giữa chúng ta có ơn nói tiên tri,
đặc sủng, thần trí, thị kiến không?
Chúng ta có thoát ra khỏi mơ mộng
cách dễ dàng? Các tư tưởng mới có mâu thuẫn với những tư
tưởng truyền thống và phong tục?
Các Dòng không cố giữ độc quyền
Thần Trí dường như không có Dòng nào khác ngoài Dòng của
họ.
Những ai được là “những con người
thiêng liêng” ngày nay? Những ai thực sự là người của
Chúa Thánh Thần?
Tình trạng hổn mang cần Thần Khí
sáng tạo: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến” trên các
tình trạng lộn xộn ngày nay.
Thời gian cần cho tính sáng tạo.
Những điều kiện cho một cuộc sáng tạo mới: “Thần Khí
Chúa sẽ nhập vào ông, ông sẽ lên cơn xuất thần ngôn sứ
cùng với họ, và ông sẽ biến thành một con người khác”
(1Sm 10,6).
Chúng ta đang ở trong thời đại toàn
cầu hóa. Sự đổi chỗ của những đặc sủng phong phú được
ban ra hết chỗ này đến chỗ nọ: sự giàu có của các quốc
gia.
Do sự hội nhập văn hóa, một tâm
thức mới được phát sinh. Các Dòng tu của chúng ta có
tính cách quốc tế hơn và ít tập trung hơn trong phạm vi
nhỏ hẹp.
Tự Vấn:
-
Cái gì đáng quan tâm và quan trọng
hơn trong Dòng của chị em: Tìm đào sâu sự hiểu biết tốt
hơn đặc sủng sáng lập hay tìm lại đặc sủng sáng lập
trong một bối cảnh mới?
Những thách đố chính yếu nào liên
quan đến đặc sủng và linh đạo mà Dòng chị em phải đối
đầu trong thời đại chúng ta?
Đặc tính nào của xã hội chúng ta
ngày nay có tính cách thách đố nhất?
2. Định nghĩa đặc sủng
“Khi một người đi vào một căn phòng, người ta quay đầu lại và
những ai thiếu hấp dẫn cố gắng đến gần người ấy. Họ mong được
vui thú với người ấy, lôi kéo sự chú ý của người ấy, kể cả đụng
chạm đến người ấy. Khi con người hấp dẫn ấy đến gần, con tim bị
kích thích quá mức. Dân chúng nghĩ rằng sự hấp dẫn này sẽ đưa
đến thành công trong công việc và tình yêu. Ở Tây phương, chúng
tôi định nghĩa và giải thích sự hấp dẫn từ tính này như là “đặc
sủng”
Đặc
Sủng nghĩa là gì? Đó là một quà tặng của Thiên Chúa được tháp
nhập vào một người bởi sự phú bẩm tự nhiên. Đặc sủng không được
thủ đắc bằng bất cứ phương tiện nào khác ngoài việc nhận lãnh từ
Thiên Chúa. Đặc sủng này chỉ được phát triển khi mầm móng đã có
sẵn nhưng vẫn ngủ yên và có thể được đánh thức bởi phương tiện
khổ hạnh hay phương tiện khác.
Đặc
điểm của đặc sủng là một phẩm tính phi thường của một
người. Sức mạnh của đặc sủng tôn giáo chính yếu được mạc khải
bởi sự thể hiện cuộc biến đổi đời sống con người. Đặc sủng là
một sức mạnh cách mạng của lịch sử vì đặc sủng có thể tạo nên
một trật tự mới ở trong thế giới.
Khi
đặc sủng nguyên thủy bị thay thế bởi luật sống mỗi ngày thì tiến
trình làm cho đặc sủng trở nên quen thuộc được bắt đầu. Việc làm
cho đặc sủng trở nên quen thuộc có ba hướng:
Đặc sủng thừa kế:
Đặc sủng có thể được
chuyển giao qua việc thừa kế tiếp nối. Đặc sủng có thể được biến
đổi từ tính chất nghịch lại truyền thống thành một vật của
truyền thống. Trong tiến trình này, nền tảng của quyền bính được
triệt để thay đổi từ niềm tin vào tính chất cá nhân của đặc sủng
thành sự thánh thiện của truyền thống đang hiện hữu. Như thế,
đặc sủng được truyền thống hóa và trở thành đặc sủng thừa kế.
Quyền bính được thánh hoá nhờ truyền thống hay niềm tin vào con
người của vị tiên tri.
Đặc sủng với kỹ năng đặc
biệt: Đặc
sủng có thể được cá nhân đón nhận nhờ các phương pháp như khổ
chế, chiêm niệm. Đặc sủng trở thành một mục đích được hợp lý hóa
của cuộc sống thường ngày. Các đặc tính đặc sủng như xuất thần
và các khả năng thị kiến của pháp sư, phù thủy, ngôn sứ, khổ
hạnh và hồn linh đủ loại không thể bất cứ ai cũng đạt được. Liên
minh các đồng bóng, hồn linh vô danh, những tín hữu khổ hạnh
thời xưa, những người mộ đạo quá đáng… xét về mặt xã hội học, rõ
ràng là những “giáo phái”
Đặc sủng phận vụ: Đặc
sủng phận vụ là “niềm tin vào tình trạng đặc biệt của ân sủng
của một cơ chế.” Nó dựa trên niềm tin tưởng rằng tính chất đặc
sủng không thể được chuyển giao qua những phương tiện giả tạo,
ma thuật. Việc biến đổi thành đặc sủng phận vụ hoàn tất việc làm
mất tính cách cá nhân của đặc sủng, nghĩa là sự tách biệt giữa
tính cách cá nhân và phận vụ chức năng. Vậy niềm tin vào tính
chức năng đặc sủng của phận vụ thay thế niềm tin vào mạc khải
của tính cá nhân của đặc sủng. Nơi đây đặc sủng trở thành một
phần của một cơ chế đã được thiết lập như cơ cấu thường xuyên
với những truyền thống đã được hình thành.
3. Vị Sáng Lập và Đặc Sủng Sáng Lập
a. Ai là vị sáng lập?
Lắm
khi họ xuất hiện trong các xã hội truyền thống như những con
người không thỏa mãn với các cơ cấu tôn giáo và chính trị, và cố
gắng khơi lên ngọn lửa đặc sủng: thi sĩ, triết gia, anh hùng,
ngôn sứ, thánh nhân, nhà suy tưởng…
Có
thể nói vị sáng lập giống như vị tiên tri, tức là một cá nhân
đặc biệt có sứ mệnh loan báo một giáo huấn tôn giáo hay mệnh
lệnh thần linh. Tiên tri công bố những mạc khải mới do đặc sủng
của họ. Tiên tri như nhà ma thuật thi thố quyền năng do các ân
ban cá nhân của mình, nhưng lại không như nhà ma thuật, vì tiên
tri công bố các mạc khải có ý nghĩa, và nhiệm vụ của tiên tri là
dạy dỗ hay kết án.
Như
những người theo một tiên tri gắn bó hơn với con người hay với
giáo huấn của tiên tri, các vị sáng lập cũng có các đồ đệ như
vậy.
Một
người “canh tân tôn giáo” mạc khải một ý nghĩa mới trong một mạc
khải cũ, có thật hay giả tưởng, trong khi một nhà “sáng lập tôn
giáo” mang lại những mạc khải hoàn toàn mới.
Đào
tạo một cộng đoàn tôn giáo mới không phải là kết quả lời loan
báo của một tiên tri. Nó có thể được sản xuất ra do các hoạt
động của những người cải cách không phải là tiên tri.
Như
trong tình yêu, việc phải lòng yêu thiết lập một hệ thống của
khác biệt và trao đổi: Nó phân chia cái đã được kết hợp và kết
hợp cái đã bị phân chia. Điều tương tự cũng xảy ra với đặc sủng.
Một vị sáng lập dẫn dắt dân chúng từ tình trạng chán nản đến
tình trạng khởi đầu tươi sáng, từ bạo lực để thoát khỏi tình
trạng trước và tình yêu nhục dục đến việc tìm kiếm một tình
trạng mới tốt đẹp hơn. Trong tình trạng mới, bổn phận và thú vui
gặp nhau. Tình trạng khởi đầu mở màn việc thiết lập các cơ cấu.
Viễn ảnh pháp lý: là một người đã khai tâm cho một tổ chức đã
được thiết lập hay thiết lập một tổ chức dựa trên những nguyên
tắc bền vững.
Trước Vatican II: Bộ Phượng Tự Thánh năm 1947 đã nghiên cứu các
“dấu chỉ được đòi hỏi nơi một người mà Giáo Hội nhìn nhận như vị
sáng lập của một Dòng Tu”
Sau
Vatican II: Xây dựng lại đời sống của vị sáng lập ; Các sự kiện
lịch sử chung quanh buỗi khởi đầu của Dòng; Việc xem xét một gia
đình tu mới được thành lập lại “ex novo” ; Có thể vị sáng lập đã
lấy một luật đã được phê chuẩn trước và đưa vào trong một Hiến
pháp mới và đặc thù; Có thể họ là người đồng sáng lập; Sự phê
chuẩn của thẩm quyền chính thức.
b. Các phương thức sáng lập khác nhau:
·
Sáng tạo nên một gia
đình tu trì “ex novo”, có mục đích và luật lệ của chính mình
(Basil, Benedict, Francis, Ignatius…);
·
Lấy một luật đã được phê
chuẩn như là nền tảng, rồi thay đổi nó thành một hiến pháp riêng
hầu sáng tạo một gia đình mới (thánh Romuald Camaldoli, thánh
Bruno);
·
Lấy ý tưởng từ một người
khác rồi đem ý tưởng đó ra thực hiện (thánh Jane Frances Fremiot
de Chantal từ thánh Francis de Sales).
c. Đặc sủng sáng lập
Đặc
sủng sáng lập và lãnh đạo đặc sủng:
-
Kinh nghiệm nội tâm của
lãnh đạo đặc sủng hay sự sáng lập.
-
Các phẩm tính cá nhân
của vị sáng lập: thân thể, tâm lý, lý do tình cảm, linh đạo...
-
Ơn gọi và mạc khải
-
Cộng đoàn tập trung
-
Thiên tài của Thần Khí?
“Một người thánh thiện là một con người tội lỗi đã trải nghiệm
lòng thương xót của Chúa” (Paul Tillich): Mary Ward, Têrêsa
Giêsu Jesus, Têrêsa Lisieux, Têrêsa Calcutta, Edit Stein,
Benedict, Francis, Dominic, Ignatius… họ là những “thiên tài”
d. Các loại đặc sủng
·
Các đặc sủng cá nhân:
mỗi người có đặc sủng của chính mình
·
Các đặc sủng của đôi vợ
chồng: hai người cùng một đặc sủng, hôn nhân công giáo
·
Các vị sáng lập Dòng
·
Các đặc sủng cộng đoàn:
nhiều người chia sẻ cùng một đặc sủng, trong đời sống thánh
hiến, trong phong trào giáo dân.
·
Đặc sủng sáng lập: các
ân ban được chia sẻ bởi các anh chị em.
·
Các đặc sủng của vị sáng
lập: Phân biệt giữa các loại khác nhau của các sáng lập viên
(JMR Tillard); đặc sủng của vị khởi đầu và đặc sủng được truyền
lại của Dòng tu (Teresa Ledóchowska).
·
Đặc sủng của vị sáng
lập: khai tâm, tính sáng tạo… Người mang đặc sủng này là vị sáng
lập.
·
Các đặc điểm của đặc
sủng của vị sáng lập theo “Mutuae Relationes” (MR 11): Kinh
nghiệm về Thần Khí, được truyền lại, lớn lên với những nét đặc
biệt, qua cung cách và truyền thống.
·
Sự truyền lại của đặc
sủng sáng lập: Đặc sủng được truyền lại thành gia đình linh đạo
với Luật và Hiến pháp diễn tả Con đường Phúc Âm, để hiểu và sống
các Mầu nhiệm Thiên Chúa, Giáo Hội, Thế giới, Xã hội, Lịch sử.
4. Chúa Thánh Thần: Nguồn Sống và Đặc Sủng
a. Nguồn sống
(St 1,1): Từ hổn mang, vực thẳm, nước nguyên sơ được Ruah tác
động và Thiên Chúa sáng tạo muôn vật từ sự sung mãn của Ngài: “Đất
còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm,
và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1)
Sự
siêu việt của Thiên Chúa Cha không có hình tượng, trong khi Chúa
Giêsu gần gũi với chúng ta, giống như chúng ta, còn Chúa Thánh
Thần (Ruah) gần gũi với chúng ta, nhưng trong mầu nhiệm, không
có hình tượng. Ruah của Thiên Chúa là sức mạnh nhiệm mầu, đầy
quyền năng, đôi khi khủng khiếp, gió, cuồng phong, bảo tố, lụt
bảo… với ơn linh hứng, nhiệt huyết, khí lực sinh tử và sức mạnh
sáng tạo.
b. Những biểu hiện đặc sủng của Thánh Thần
“Bây giờ thưa anh chị em, tôi không muốn để anh chị em chẳng hay
biết gì về các ân huệ thiêng liêng. Anh chị em biết rằng khi còn
là dân ngoại, anh chị em bị lôi cuốn lầm lạc mà thờ các ngẫu
tượng câm. Vì thế, tôi muốn anh chị em hiểu rằng chẳng có ai ở
trong Thần Khí Chúa mà lại nói “Giêsu đáng nguyền rủa” và cũng
chẳng ai nói được “Giêsu là Chúa” mà không do Thánh Thần” (1 Cor
12, 1-3).
“Có
nhiều ân sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí; có nhiều việc
phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa; và có nhiều hoạt động
khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa làm mọi sự trong mọi người”
(1Cor 12, 4-6).
“Mỗi người được Thần Khí tỏ ra một cách khác nhau vì ích chung:
Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy,
người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ
thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần
Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì
được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được
ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ;
kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính
Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia
cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người (1Cor 12, 7-11).
“Bây giờ anh chị em là thân thể Đức Kitô và mỗi người là một bộ
phận của thân thể đó” (1 Cor 12, 27). “Như thân thể là một nhưng
có nhiều chi thể, và các chi thể của thân thể tuy nhiều nhưng
vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Trong cùng một Thần
Khí, tất cả chúng ta đều được thanh tẩy trong cùng một thân thể,
dù là Dothái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, và tất cả chúng ta đều
được ống trong cùng một Thần Khí” (1 Cor 12,12-13).
“Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một
mà thôi. Giả như chân có nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi
không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không
thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: “Tôi không phải là mắt,
vậy tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó
không thuộc về thân thể. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy
gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi?
Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể
như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm
sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân
thể chỉ có một. Vậy mắt không có thể bảo tay: “Tao không cần đến
mày”; đầu cũng không thể bảo hai chân: “Tao không cần chúng
mày.”
Hơn
nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết
nhất; và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn
trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho
chúng trang nhã hơn hết. Còn những bộ phận trang nhã thì không
cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong
thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như
thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều
lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng
đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui
chung.
Vậy
anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ
phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất
là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy,
rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để
chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ
tiếng lạ. Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn
sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép
lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các
tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao? (1 Cor 12,
14-30).
c. TÌNH YÊU, đặc sủng tuyệt vời:
Tính vượt trội của
tình yêu trên mọi đặc sủng :
“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các
thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác
gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được
ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao
siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà
không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem
hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu
thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi”
(1 Cor 13, 1-3).
Các đặc điểm của đặc sủng Tình yêu:
“ Đức
mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang,
không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không
nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác,
nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1 Cor 13,4-6)
“Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu
đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư?
Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn
hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có
ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái
có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi
nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ
con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những
gì là trẻ con. Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm
gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có
ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết
tôi. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại,
nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cor 13, 7-13)
Đặc sủng tiên tri và ngôn ngữ
“Anh em hãy cố đạt cho được đức mến, hãy khao khát những ơn của
Thần Khí, nhất là ơn nói tiên tri. Thật vậy, kẻ nói tiếng lạ thì
không nói với người ta, nhưng là nói với Thiên Chúa, bởi vì
chẳng ai hiểu được: nhờ Thần Khí, kẻ ấy nói ra những điều nhiệm
mầu. Còn người nói tiên tri thì nói với người ta để xây dựng, để
khích lệ và an ủi. Kẻ nói tiếng lạ thì tự xây dựng chính mình;
người nói tiên tri thì xây dựng Hội Thánh. Tôi muốn cho tất cả
anh em nói các tiếng lạ, và nhất là tôi muốn cho anh em nói tiên
tri. Người nói tiên tri thì cao trọng hơn người nói các tiếng
lạ, trừ phi người này giải thích để xây dựng Hội Thánh” (1 Cor
14,1-5).
5. Tư cách lãnh đạo đặc sủng của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu là chìa khóa để hiểu tất cả các hiện tượng tiên tri
và đặc sủng. Tân Ước gọi Chúa Giêsu là “Đấng khơi nguồn sự sống”
(Cvtđ 3,15); “Thủ lãnh và Đấng cứu độ” (Cvtđ 5,31), nghĩa là
Đấng sáng lập, tác giả, lãnh đạo, lãnh đạo ngoại hạng. Chúa
Giêsu đã mở ra cho chúng ta con đường sống mới. Đúng vậy, Tông
đồ Phêrô đã nói với dân chúng: “Anh em đã giết tác giả sự sống”
(Cvtđ 3,15), nhưng “Thiên Chúa đã tôn dương Ngài lên bên hữu
mình như Người Lãnh đạo và Đấng Cứu Độ” (Cvtđ 5,31)
“Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính
vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Ngài đã làm một
việc thích đáng là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành
vị lãnh đạo thập toàn dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ” (Dt
2,10).
“Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem,
Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau
cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu
nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình: “Này chúng
ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và
kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại”
(Mk. 10,32-33)
Chúa Giêsu là một Ông Chủ, một vị Thầy, chứ không phải là một
người viết. Ngài dạy mặt đối mặt: truyền khẩu, với biệt tài dùng
dụ ngôn, gương mẫu, điệu bộ, tư tưởng ẩn dụ. Ngài qui tụ đàn ông
đàn bà làm môn đệ, lôi họ ra khỏi thói thường cuộc sống, quyến
dủ họ bằng những đòi hỏi mãnh liệt của Ngài, nên con số các môn
đệ được tuyển chọn chỉ có giới hạn. Một số người đố kỵ, ghen
ghét Chúa Giêsu. Họ không có thể đi theo Ngài vì sự giả hình của
họ. Ngay cả giữa các môn đồ cũng có ghen ghét và đố kỵ. Ngài có
một bài giảng tuyệt vời về tình yêu vì Ngài đã trải nghiệm lòng
thù hận trong thế giới.
Sự hấp dẫn của Chúa
Giêsu:
Dân chúng nghèo khổ được Chúa Giêsu lôi cuốn. Sự hấp dẫn ấy vẫn
theo Ngài lên trên thập giá: “Khi Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ
kéo mọi người lên cùng Ta” (Ga 12,32); đặc sủng của Chúa Giêsu
trên thập giá bộc lộ lòng khao khát giải thoát nhân loại.
Nguồn suối sự hấp dẫn
của Chúa Giêsu:
Nhân tính của Ngài: sự
phong phú nhân bản; Người yêu dấu, Người được Thánh Thần xức
dầu; Sự sống lại: tin vào sự hiện diện thường xuyên của Chúa
Giêsu. Giáo Hội được sinh ra từ đặc sủng của Chúa Giêsu: Chúa
Giêsu có tất cả mọi nét chính của một lãnh đạo đặc sủng. Những
người tin vào Chúa Giêsu được phân tán khắp nơi trong Đế quốc
Roma. Và ngày nay, con người chịu đóng đinh chết trên thập giá
ấy vẫn tiếp tục lôi cuốn và lãnh đạo vô vàn người đi theo và sẵn
sàng sống chết cho Ngài, trong khi tiếp tục sứ mạng của Ngài.
Chúa Giêsu không phải là người sáng lập đời sống thánh hiến,
nhưng Ngài sống như một tu sĩ của Thiên Chúa, và cộng đoàn tông
đồ của Ngài, rồi cộng đoàn tín hữu kitô đầu tiên đã trở nên
nguồn gốc và mẫu gương của đời sống thánh hiến, mà Ngài là nhà
lãnh đạo đặc sủng bậc nhất.
Tự vấn:
·
Chị
có ý thức về đặc sủng của chính chị không? Chị có bầu khí thích
hợp để phát triển đặc sủng của mình không?
·
Chị có phải từ bỏ vài
khía cạnh nào đó của đặc sủng riêng của chị để hội nhập vào đặc
sủng của Dòng không?
·
Loại thân thể nào được
hình thành trong nhóm của chị? Sức mạnh đặc sủng tình yêu ở giữa
chị em là gì?
6. Chúng ta là những đồ đệ anh dũng
·
Dù nhẫn nại và độ lượng,
chúng ta không chấp nhận sự thất bại cuối cùng.
·
Chúng ta không nhắm lấy
bất cứ cái gì làm của riêng, khi bước theo một vị lãnh đạo mà
mục tiêu là bảo vệ người yếu và bị áp bức.
·
Để bảo vệ ý thức bẩm
sinh về nhân phẩm, người môn đệ được chuẩn bị hiến dâng cả mạng
sống mình cách vui vẻ.
·
Là những người theo Chúa
Giêsu, chúng ta không chấp nhận sự lãnh đạo nào khác sự lãnh đạo
của Ngài.
·
Không ai xứng đáng thay
thế tư cách lãnh đạo của Chúa Giêsu, mà chỉ trở nên người đại
diện cho Đấng Lãnh Đạo và là Chúa duy nhất.
·
Chúa Giêsu là cục nam
châm thường hằng, các lãnh đạo kitô khác giống như từ trường.
·
Mỗi đặc sủng trong Giáo
Hội diễn tả các khía cạnh khác nhau của đặc sủng của Chúa Giêsu.
·
Trước hết và trên hết,
chúng ta đi theo Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại vì phần
rỗi của chúng ta.
·
Chúng ta sống với Mẹ
Maria như kiểu mẫu và nhà hướng đạo của chúng ta.
·
Chúng ta đi theo các vị
sáng lập thánh thiện của chúng ta, là những đấng đã từ bỏ mọi sự
để theo Chúa Giêsu qua chọn lựa của họ đứng về phía người nghèo.
·
Chúng ta theo các dấu
chân của các cộng đoàn đầu tiên của chúng ta đã cùng với các vị
sáng lập hy sinh đời mình vì Nước Thiên Chúa.
·
Các giá trị này là nguồn
cam kết đời sống thánh hiến chứng nhân vui tươi và hạnh phúc của
chúng ta.
III. NHỮNG GIAI ĐOẠN NẮN
ĐÚC CĂN TÍNH TU SĨ
1. Ứng sinh sẵn sàng được đào tạo
(Suy niệm từ Giêrêmia 18,1-6)
Tôi
là cục đất sét. Từ ban đầu khi Chúa tạo dựng mặt đất, tôi đã có
đó như một phần của vũ trụ bao la mà Chúa đã hình thành. Tôi hài
lòng có mặt ở đó đơn giản chẳng có hình hài chi, nhưng người thợ
gốm đến và lấy tôi ra khỏi mặt đất. Ông phơi khô tôi, nghiền tán
tôi ra, và rây hết các vật lạ khỏi tôi. Ông thấy sự khô khát của
tôi. Ông dấp nước cho tôi rồi bỏ tôi vào trong chỗ tối. Trong
nơi tối tăm và riêng biệt đó, tôi nẫu ra và trở nên mềm dẻo. Tôi
được hòa với nước và một chất dẻo mới được sinh ra, sẵn sàng cho
đôi tay tạo hình của người thợ gốm.
Ông
đã trở lại, đụng vào tôi và ngắm nghía. Vâng, tôi đã sẵn sàng để
được bẻ ra, vắt, dồi, ném (một tiến trình để thanh luyện tôi).
Đôi khi tôi chống lại vẻ thô bạo của ông trong tiến trình chẻ
bửa đó. Ông thử uốn nắn và định hình tôi trên một bàn quay trước
khi tôi sẵn sàng. Vì những bất toàn bên trong người tôi, ông chỉ
sản xuất ra những bình lọ cong, dày, thô tháp, cả những chiếc
chậu xấu xí… Tuy nhiên, ông đã giữ lại và trân quí, đơn giản chỉ
vì ông đã làm ra tôi.
Mỗi
khi người thợ gốm muốn nắn một cái chậu khác, ông cầm lấy tôi,
một cục đất sét mới nguyên. Mỗi khi ông bẻ, nghiền tán, vắt,
dồi, ném…, tôi cứ để ông thanh tẩy tôi trọn vẹn. Rồi ông nhẹ
nhàng nắm lấy tôi trong tay. Ông đặt tôi trong một quả cầu tròn
trĩnh. Bây giờ tôi rất muốn được đặt trên bánh quay của ông vì
tôi biết rằng chính tại đó ông sẽ đặt bàn tay quanh tôi và tiến
trình tập trung tạo hình tuyệt vời sẽ bắt đầu. Tôi quay thật
nhanh, nhưng tôi không sợ, vì tôi ở trong đôi tay của ông, chúng
sẽ không bao giờ rời tôi.
Tôi
ở yên bất động chỉ nghe tiếng bánh xe quay (giống như lời cầu
nguyện tập trung và yên lặng). Tôi cảm thấy mình nhẹ nhàng mở
rộng, được căng ra và được lôi kéo khi ông kiểm soát chuyển động
của tôi. Tôi được nắn theo hình mẫu ở trong tay ông. Ông chiêm
ngưỡng vẻ đẹp của tôi và một cảm giác mãn nguyện, thích thú trỗi
lên trong toàn thân ông.
Rồi
ông vui vẻ đặt tôi xuống trên một khối cứng. Ông muốn làm tôi
nên bất cứ đồ vật gì ông muốn và những lời Thánh Kinh này đến
với tôi: “Ta không thể làm cho ngươi như người thợ gốm này đã
làm sao?” (Gr 18,6a).
Bây
giờ những ngón tay tài hoa của Ngài nhanh chóng tạo hình cho
tôi. Tôi kinh nghiệm sự trọn hảo của hình thái mình, hoàn hảo
không chút sai sót như chính Người Thợ Gốm. Bây giờ tôi là một
tạo vật mới, là công trình của Tay Ngài. Tôi thuộc về Ngài. Tôi
không còn là một khối đất sét nữa. Tôi đã được biến đổi thành
một cái chậu bằng đất, sẵn sàng để được Ngài sử dụng. Dù là cái
chậu, tôi không bao giờ quên kinh nghiệm ấy: “Như miếng đất sét
trong tay người thợ gốm, ngươi cũng ở trong tay Ta như vậy” (Gr
18,6b).
2. Những yếu tố căn bản trong việc đào tạo
ứng sinh
Thiên Chúa có sáng kiến và cần con người đáp trả. Việc đào tạo
bắt rễ từ trong Thánh Kinh, và đặt trọng tâm vào Chúa Kitô. Việc
đào tạo là để phục vụ sứ mạng của Giáo Hội và do đó phải thích
hợp với các thực tại của thế giới hôm nay.
Việc đào tạo phải được tăng trưởng toàn diện, nhân bản và thiêng
liêng, trong niềm hy vọng tràn đầy của Thánh Kinh và trong đối
thoại cởi mở về mầu nhiệm.
Vì
mỗi cá nhân ứng sinh có lịch sử cá nhân của chính mình, nên công
cuộc đào tạo phải là một tiến trình cá biệt trong sự tôn trọng
và phát triển tính độc đáo của ơn gọi của họ. Công cuộc đào tạo
là một tiến trình lâu dài của phân định, thực hiện và trưởng
thành trong lời đáp trả của con người đối với một lối sống Phúc
Âm trong một Dòng Tu.
Đời
sống thánh hiến bao gồm Ơn gọi, Việc Hiến Thánh, và Sứ Vụ dưới
sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Đào tạo người tu sĩ trong ánh
sáng của một căn tính thần học để được đưa vào trong thế giới
như chứng nhân có ý nghĩa, hữu hiệu và trung thành.
Bốn
điều phải trung thành: Trung thành với Chúa Kitô và Phúc
Âm; Trung thành với Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội; Trung
thành với đời sống thánh hiến và đặc sủng của Hội Dòng và Trung
thành với các thời triệu.
Tác
nhân và Môi trường đào tạo: Thánh Thần Chúa; Giáo Hội và
Cộng đoàn Dòng; Chính Ứng sinh; Các Nhà Đào Tạo; Môi trường Mục
vụ ; theo gương Trinh Nữ Maria.
3. Các giai đoạn đào tạo tu sĩ
a. Giai đoạn Tiền Tập viện
Thời kỳ đi trước và chuẩn bị giai đoạn Tập
viện là giai đoạn thử thách (Nhà Thử) nhằm tìm bảo đảm rằng ứng
sinh đã đạt tới sự trưởng thành đầy đủ về nhân bản và kitô chứng
tỏ có khả năng đảm đương dần dần tất cả những đòi buộc của đời
sống thánh hiến.
Thời kỳ này để ứng sinh nghiêm chỉnh bắt
đầu khám phá ơn gọi đời sống thánh hiến của mình và thực hiện
cuộc điều chỉnh tiệm tiến về mặt thiêng liêng cũng như tâm lý để
chuẩn bị một sự cắt đứt cần thiết nào đó với môi trường xã hội
của mình ngõ hầu tham gia trọn vẹn tiến trình đào tạo và tự đào
tạo.
“Hầu hết những khó khăn
gặp phải ngày nay trong việc đào tạo các tập sinh thường do sự
kiện khi họ được nhận vào nhà tập thì họ chưa có được sự trưởng
thành đòi buộc” (Directives on Formation in Religious Institutes
[DFRI] n 42). Do đó không được đòi hỏi một ứng sinh vào đời sống
thánh hiến phải có ngay lập tức khả năng đảm trách tất cả mọi bó
buộc của đời sống thánh hiến, mà là có khả năng làm việc ấy cách
tăng tiến dần dần.
Xác định
và đánh giá khả năng này là mục đích của giai đoạn này.
Việc này có thể tóm tắt
trong bốn động từ sau đây: xác minh, làm sáng tỏ, không trì
hoãn, không trì hoãn quá mức (DFRI n 43).
Những điểm
lợi ích đặc biệt của việc biện phân cần được thẩm tra nơi các
ứng sinh vào đời sống thánh hiến là:
Trình độ trưởng thành về
nhân bản và kitô; nền văn hóa chung; sự quân bình tình cảm và
giới tính, bao hàm việc chấp nhận tha nhân trong sự tôn trọng
cái độc đáo duy nhất của mình; và khả năng sống cộng đoàn.
Ba
hình thức thực hiện giai đoạn tiền tập viện: Đón tiếp ứng sinh
vào một cộng đoàn Dòng; Các thời kỳ giao tiếp với một cá nhân
hay cộng đoàn; Cuộc sống chung trong một nhà nơi các ứng sinh
được đón nhận (DFRI n 44)
Điều đó nói rõ rằng các thỉnh sinh chưa phải là những thành viên
đầy đủ của Dòng. Một sự kết nạp tiệm tiến được bảo đảm. Phải nhớ
rằng con người đang được đồng hành thì quan trọng hơn các động
lực hay cơ cấu tiếp nhận.
b. Giai đoạn Tập viện
Giai đoạn tập sinh là thời kỳ của việc kết nạp toàn diện; là một
thời gian đặc ân để cầu nguyện và chiêm niệm để biện phân ơn gọi
đích thực vào đời sống thánh hiến.
Việc trau dồi các giá trị và hòa nhập thực tại kêu gọi-đáp trả
qua cầu nguyện, suy nghĩ, học hỏi, thời gian nhàn rỗi, sự mở ra
và phục vụ lẫn nhau với các cộng đoàn địa phương, với những bộ
phận khác nhau trong xã hội, nhất là với những kẻ bên lề và bị
thua thiệt mất mát.
Mục đích của tập sinh
được mô tả bởi GL 646 trong 4 động từ (nhận biết, kinh nghiệm,
được đào tạo và được thử thách) (DFRI n 45): Tập sinh phải nhận
biết tốt hơn ơn gọi của Chúa, phù hợp với Dòng mình; Tập sinh
phải được đào tạo trí óc và con tim theo tinh thần Dòng qua việc
đào sâu và sống đặc sủng và linh đạo của Dòng; Tập sinh phải
kinh nghiệm lối sống của Dòng; Các động lực của Tập sinh (phương
diện chủ quan) và tính thích hợp (phương diện khách quan) phải
được thử thách, kiểm chứng.
Việc khai tâm để kết nạp quan trọng hơn nhiều việc dạy dỗ đơn
thuần. Nó dần dần dẫn dắt tập sinh đi vào những thành phần khác
nhau cấu tạo nên đặc sủng đời sống thánh hiến (DFRI n 46-47):
Khai tâm vào một sự hiểu biết sâu xa và sống động về Chúa Kitô
và Cha Ngài (qua Thánh Kinh, Phụng vụ, Cầu nguyện cá nhân và
Lectio Divina); Khai tâm vào Mầu nhiệm Phục sinh (các lời khuyên
Phúc Âm, sự khổ chế vui tươi, chấp nhận can đảm mầu nhiệm thập
giá); Khai tâm vào đời sống huynh đệ Phúc Âm; Khai tâm vào lịch
sử, sứ mệnh đặc biệt, đặc sủng và linh đạo của Dòng (các thời kỳ
hoạt động tông đồ ở bên ngoài cộng đoàn)
Mấy điều
kiện tập sinh phải thực hiện (n 49-50):
Tính mềm dẻo và thận
trọng; Bầu khí thanh bình để có thể cắm rễ sâu vào cuộc sống với
Chúa Kitô; Sự cắt đứt và tước bỏ chính mình (một điều kiện cần
thiết cho những chọn lựa mới có ý nghĩa); Lồng ghép tập sinh vào
các cộng đoàn là tuyệt đối không nên. Trong thời gian tập viện,
đời sống thiêng liêng trổi vượt hơn đời sống tông đồ.
Chị giáo tập
(DFRI n 51) là người trách
nhiệm chính chăm sóc các tập sinh, nhưng ở dưới quyền của Bề
trên thượng cấp. Để chu toàn cách thích hợp sứ vụ đào tạo của
mình: Chị giáo tập phải được tự do khỏi mọi bó buộc khác có thể
cản trở việc chu toàn trách nhiệm của mình; Các cộng tác viên
phải lệ thuộc chị giáo tập, nhưng họ có một vai trò quan trọng
trong việc biện phân và quyết định liên quan đến tập sinh; Chị
giáo tập là người đồng hành của mỗi người và tất cả các tập
sinh: tập sinh là nơi chốn thừa tác vụ của chị.
Các giáo tập trong các Dòng giáo
sĩ thường không cho các tập sinh xưng tội, trừ khi gặp hoàn cảnh
phải thu xếp như vậy.
c. Giai đoạn Học viện
Là thời kỳ
đào tạo giữa thời gian tiên khấn và vĩnh khấn. Đào sâu sự cam
kết với Chúa Kitô và sứ vụ của Ngài, đồng thời sống cao độ bốn
sự trung thành (Trung thành với Chúa Kitô và Phúc Âm; Trung
thành với Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội; Trung thành với đời
sống thánh hiến và đặc sủng của Hội Dòng; Trung thành với các
thời triệu). Biện phân cho sự cam kết suốt đời với Chúa Kitô và
sứ vụ của Ngài trong tinh thần và đặc sủng của Dòng.
Những gì Giáo Hội
truyền dạy (n 58):
GL
659 nói rõ ràng: trong mỗi Dòng, việc đào tạo tất cả các thành
viên phải được tiếp tục, nhờ đó họ có thể sống đầy đủ hơn cuộc
sống thích hợp với Dòng mình và chăm lo sứ vụ của mình cách phù
hợp hơn. GL 660 thêm rằng công
cuộc đào tạo này phải: Có hệ thống, chứ không theo lối
phân mảnh; được thích nghi với khả năng của các thành viên; có
tính cách thiêng liêng và tông đồ; vừa giáo thuyết vừa thực
hành, với nhiều trình độ khác nhau. Đàng sau những chỉ thị đó là
nguyên lý hội nhập và quân bình.
Nội dung và phương
tiện đào tạo (n 60 – 61). Mỗi Dòng được yêu cầu cung ứng cho ứng
sinh:
·
Một cộng đoàn đào tạo:
Đời
sống cộng đoàn mang lại thực tiễn cho ứng sinh; giúp ứng sinh
trưởng thành cá nhân, tự trọng và kích thích tinh thần đồng
trách nhiệm.
·
Các nhà giáo dục/đào tạo, đồng
hành thành thạo.
·
Chương trình học nghiêm túc
·
Vị linh
hướng (n 63):Vị
linh hướng phải khác biệt với Bề trên: liên quan đến việc chọn
vị linh hướng, điều quan trọng là phải giúp ứng sinh cảm thấy
được tự do trong lương tâm để chọn một người mà ứng sinh cho là
thích hợp hơn. Đàng khác, người làm tác vụ này phải có ơn đặc
biệt và làm cho mình có khả năng để làm việc đó.
Cam
kết tông đồ và kinh nghiệm xã hội cũng như Giáo Hội (n. 62):
Đi trong đặc sủng của Dòng; để ý các năng khiếu và hoài bảo.
Tài liệu cung cấp các tiêu chuẩn suy
tư một vấn đề đặc biệt. “Cam kết phục vụ Giáo Hội và xã hội là
tiêu chuẩn để biện phân.” Tài liệu tham chiếu về số 18 nói về
đức vâng lời như con đường trực tiếp để thực thi sự thống nhất
đời sống trong tương quan với bốn diều phải trung thành (với
Chúa Kitô và Phúc Âm, với Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội, với
đời sống thánh hiến và đặc sủng Dòng, với nhân loại và thời đại
chúng ta)
d. Giai đoạn đào tạo tiếp tục (Đào tạo
thường xuyên)
Vì các giới hạn nhân loại, con người không bao giờ hoàn toàn đạt
tới cuộc sống của “một tạo vật mới” phản ánh được thần trí Chúa
Kitô trong mọi hoàn cảnh sống (VC 69). Do đó, tu sĩ cần được đào
tạo và tự đào tạo thường xuyện, với nhiều trình độ và tuổi tác
khác nhau (tuổi tu và tuổi đời). Đào tạo thường xuyên là một
chương trình tổng quát nhằm canh tân mọi chiều kích của cá nhân
cũng như của cả nhà Dòng.
Những năm đầu tiên dấn thân trọn vẹn trong việc tông đồ, đi từ
một cuộc sống được trông nom đến một tình trạng chịu trách nhiệm
hoàn toàn về việc mình làm, từ lúc cần có người đồng hành trong
cuộc sống đến lúc triển nở đầy đủ về tình yêu và lòng nhiệt
huyết cho Chúa Kitô.
Tuổi trung niên là thời gian tìm kiếm những gì là căn bản: Sự
nổi bật của con người thật và thách đố để hòa nhập mọi cực của
cuộc sống. Thời kỳ cho sự cô đơn sáng tạo và sinh hoa kết trái
thiêng liêng. Hành trình hướng nội để sống mầu nhiệm Phục sinh.
Tuy nhiên, tu sĩ trong độ tuổi này cũng có thể liều mình vấp
phải thói quen. Cần có sự thúc đẩy và các động lực tươi mới, sự
hiểu biết và chấp nhận mùa vọng của tiến trình tuổi già.
Vị tu sĩ tiến dần đến giai đoạn cuối đời, tuổi của trưởng thành
và trọn vẹn. Người thánh hiến nhận diện được hơn bao giờ cả
những gì là thật, căn bản và không thể bị phá hủy trong đời
sống. Đây là giai đoạn vị tha, biết ơn, khôn ngoan và bình an,
hướng tới sự hòa nhập tích cực của sự sống và sự chết nhằm đến
đời sống sung mãn và hiệp thông với Chúa. Tuy nhiên cũng không
thiếu người cảm thấy những hụt hẫng, nặng lòng vì bất lực, trở
nên vô dụng hay bị bỏ quên... cần được nâng đỡ, chăm sóc giúp
nhớ lại và sống tình yêu hăng say của buỗi ban đầu “một lần đã
quảng đại thì cố quảng đại cho đến cùng.”
Các lý
do của thường huấn:
Người có sáng kiến là
Thiên Chúa, Đấng kêu gọi trong thời gian và những hoàn cảnh mới.
Cần phải đi theo Chúa Kitô, luôn đặt mình lên đường. Đặc sủng là
một quà tặng phải được đón nhận trong những điều kiện mới mẻ.
Việc
thường huấn đòi hỏi: Trí thông minh để đọc được các hoàn cảnh,
những dấu chỉ thời đại và những dấu chỉ của Chúa Thánh Thần; Ý
chí dấn thân trong Giáo Hội; Tính táo bạo trong sáng kiến; Tính
kiên trì trong cam kết; Lòng khiêm tốn để chấp nhận và vượt qua
mâu thuẫn; Chức năng biểu tượng cánh chung phù hợp với đời sống
thánh hiến; Thách đố do tương lai đặt ra cho đức tin công giáo,
kể cả tương lai của các Dòng Tu.
Ngoài ra cũng có dữ
liệu tâm lý về nhu cầu đào tạo trong các hoạt động chuyên
nghiệp. Đào tạo khởi đầu có mục tiêu chính là giúp ứng sinh đạt
được đủ tự lập để sống những cam kết trong sự tín trung. Đào tạo
thường xuyên có mục tiêu giúp các ứng sinh hội nhập với lòng
trung thành. Đòi hỏi đào tạo thiêng liêng với đời sống nội tâm
được thống nhất luôn luôn phải được đặt lên địa vị ưu tiên.
Đào tạo
thường xuyên phải đề cập tới các vấn đề thiêng liêng, tham dự
vào đời sống Giáo Hội như những tác nhân canh tân giáo thuyết và
nghiệp vụ, cũng như hiện tại hóa đặc sủng của Hội Dòng.
e. Tính Quyết định của Tự Đào Tạo
Việc đào tạo sẽ mất đi hiệu quả của nó, nếu nó không bao hàm sự
tham gia cá nhân của ứng sinh, nghĩa là sự tự đào tạo của chị.
Chính vì thế, Đức Gioan Phaolo II đã nhắc nhở rằng chính ứng
sinh là nhân tố cần thiết và không thể thay thế được trong việc
đào tạo của chính mình: “Tự đào tạo là tối quan trọng trong
tất cả mọi công cuộc đào tạo, kể cả đào tạo linh mục. Không ai
có thể thay thế chúng ta trong sự tự do có trách nhiệm mà chúng
ta có được như là những nhân vị độc đáo” (John Paul II,
Pastores Dabo Vobis 69)
Vâng, tự đào tạo là yếu tố
quyết định đưa tới thành công trong việc đào tạo thiêng liêng.
Mặc dù Chúa Thánh Thần là tác nhân tuyệt hảo trong việc đào tạo
này, ứng sinh phải hoàn toàn tự do đón nhận tác động định hình
Ngài. Cũng thế, hoạt động của các nhà đào tạo khác nhau sẽ chỉ “trở
nên thực sự và đầy đủ hiệu quả, nếu ứng sinh cống hiến sự cộng
tác chân thành và xác tín của chính chị vào công cuộc đào tạo
này.”
Quan
niệm Á Châu “không thầy đố mầy làm nên” ngày nay đã được thay
đổi: nếu không có sự thực hành của trò thì những giáo điều và lý
thuyết của thầy chỉ là những lời hoa mỹ thôi. Điều rất quan
trọng là việc đào tạo phải cung cấp cho ứng sinh cách suy nghĩ
mới, cách sống mới, cách hành động mới, cách yêu thương mới và
cách làm chứng mới cho Tin Mừng. Nhưng điều còn quan trọng hơn
nữa là việc tự đào tạo này phải đem sự hiểu biết hữu ích đó ra
thực hiện.
Sự cộng tác chặt chẽ giữa hai phía, đào tạo và tự
đào tạo, là điều kiện tiên quyết cho mọi thành công, và dĩ nhiên
với ơn Chúa nữa. Vì thế, Pastores Dabo Vobis đòi hỏi: “Các
ứng sinh... phải hết sức ý thức chuẩn bị chính mình để đón nhận
ơn Chúa và đem ra thực hành, biết rằng Giáo Hội và thế giới đang
rất cần đến họ” (John Paul II, Pastores Dabo Vobis
82)
Mời xem
Slideshow BÀI HỌC QUÉT LÁ
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=5975 |
VỀ MỤC LỤC |
|
NƯỚC NGỌT CÓ GAS |
Trong các loại nước uống, nước có
gas đang được dân chúng ưa thích, nhất là các bậc nhi đồng,
thanh thiếu niên. Lý do là nước có vị ngòn ngọt, hơi đăng đắng
có tính cách kích thích, lại óng ánh màu mè, sủi tăm vui mắt.
Sau khi ăn vài miếng khoai chiên mặn muối, nửa cái ham bơ gơ
ngậy mỡ, mà chiêu vào nửa cốc coca mát lạnh nước đá cục là thấy
tỉnh hẳn con người. Và liên tục uống mãi dài dài…đến nỗi mà hàng
năm, trên thế giới có cả nhiều trăm tỷ lít nước có gas được tiêu
thụ.
Sự ưa thích này một phần bắt nguồn
từ tin tưởng xưa kia là tắm suối nước khoáng thiên nhiên có thể
chữa được bệnh tật. Từ chuyện tắm rửa bằng nước khoáng, người ta
chuyển sang việc uống nước khoáng, cho khỏe mạnh tấm thân. Rồi
kỹ nghệ sản xuất nước có hơi được thành hình để đáp ứng nhu cầu
dân chúng sống xa nguồn nước suối.
Ban đầu, người ta chỉ mới sản xuất
các loại nước không có rượu, gọi là soft drink, để đối đầu với
hard liquor, rượu mạnh. Nước làm với trái cây, hoa lá ép nhỏ,
thêm chút mật ong, gia vị thiên nhiên và không có gas.
Phải đợi tới thập niên 1770, một
khoa học gia người Anh là Joseph Priestly mới tìm cách thêm khí
carbon dioxid vào nước tinh khiết, để làm cho nước uống có bọt,
sủi tăm. Thế là từ đó nước có gas xuất hiện và hiện nay, trên
thế giới có cả nhiều trăm loại nước có gas khác nhau để phục vụ
giới tiêu thụ. Hai công ty lớn nhất hiện nay tại Hoa Kỳ là
Coca-Cola và Pepsi-Cola đều do hai vị dược sĩ ở hai tiểu bang
khác nhau lần lượt thành lập với bí quyết gia vị hóa học riêng.
Nói chung, công thức của nước ngọt
có gas gồm có: nước sạch, đường (table sugar) hoặc đường
fructose lấy từ mật bắp để thay thế cho đường tinh chế; caffein;
đường hóa học aspartame; khí carbonat dioxid; các acid
phosphoric, citric, hương gia vị; đường caramel; vitamin C, nước
triết của hạt cola và lá coca cộng thêm một gia vị bí mật của
mỗi loại nước uống.
Dù được phổ biến, nhưng nước uống
có gas cũng có nhiều điều cần được lưu ý khi dùng. Các nhà
nghiên cứu, giới tiêu thụ và chuyên viên chăm sóc sức khỏe đã
nêu ra một số điểm “ không ổn” do các thành phần của nước ngọt
có gas có thể gây ra.
1- Đường:
Từ nguyên thủy, đường sucrose được
dùng như chất làm ngọt cho nước có gas. Sucrose có tự nhiên
trong trái cây, mía, củ cải đỏ.
Ngày nay, sucrose được thay thế
bằng đường fructose từ mật ngô, ngọt hơn nên ít tốn kém. Đường
hóa học aspartame ít năng lượng cũng được dùng khá nhiều trong
nước uống của người tiết chế ẩm thực (diet ).
Đường không có sinh tố, khoáng
chất hoặc chất đạm mà chỉ cho nhiều calories. Tiêu thụ nhiều
chất ngọt mà không ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, có thể là rủi
ro đưa tới hư răng, suy dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa, bệnh
tim bệnh mập phì, đặc biệt là ở trẻ em.. Trong 30 năm vừa qua,
số người lớn bị mập ở Hoa Kỳ tăng gấp đôi mà trẻ em lại tăng gấp
ba.
Từ năm 1942, Ủy ban Dinh dưỡng của
Hội Y Học Hoa Kỳ (AMA) đã đưa ra lời báo động như sau: “ Về
phương diện sức khỏe, nên giới hạn việc dùng các loại đường này
trong nước uống và kẹo bánh vì có rất ít giá trị dinh dưỡng”.
Năm 1998, Trung Tâm Khoa HọcVì Ích
Lợi Chung (Center for Sciences in the Public Interest -CSPI),
lên tiếng trách cứ các nhà sản xuất nước uống đã gia tăng quảng
cáo có tính cách trục lợi các sản phẩm, đặc biệt nhắm vào thiếu
niên, trẻ em. Trung tâm gọi soft drink của họ là Kẹo Nước Liquid
Candy .CSPI là tổ chức luôn luôn vận động chính quyền giới hạn
các thực phẩm có hại cho sức khỏe.
Kết quả nghiên cứu của Đại học
Harvard và Bệnh Viện Nhi Boston năm 2001 cho hay tiêu thụ quá
nhiều nước ngọt sẽ khiến cho trẻ em không ăn bữa chính, không
uống sữa và đưa tới mất cân bằng năng lượng, mập phì. Theo
nghiên cứu, dùng thêm một lon nước ngọt thì rủi ro mập của trẻ
em tăng 60%.
Tạp san y học British Medical
Journal số 31 January 2008 có công bố kết quả nghiên cứu của
giáo sư Hyon K Choi, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Viêm Xương như
sau: “Tiêu thụ nhiều soft drink có chất ngọt và đường fructose
tăng nguy cơ bệnh thống phong ở nam giới tại Bắc Mỹ.
Hơn nữa, nhiều đường fructose
trong trái cây và nước trái cây cũng tăng rủi ro này. Uống nước
ngọt không có đường fructose không liên hệ gì tới rủi ro bệnh
gout”. Kết quả này chưa được mọi người đồng ý và cần xác định
thêm.
Luật lệ hiện hành bắt buộc các nhà
sản xuất phải ghi rõ nước uống có đường hoặc chất ngọt trên bao
bì, để người tiêu thụ dễ dàng lựa chọn.
2- Acit
phosphoric và các khoáng phosphate
Acit phosphoric, acetic, fumaric,
gluconic được dùng trong một số nước uống có gas vửa có tác dụng
bảo quản cũng như để tạo ra cảm giác, hương vị đặc biệt khi
uống. Tương tự như hương vị “ umami”của bột ngọt.
Acit này khá mạnh, cho nên khi
uống vào sẽ gây ra cồn cào, tổn thương niêm mạc dạ dày. Ta thấy
các bác thợ máy xe hơi đổ một chút nước uống coca-cola để rửa
cọc bình điện thì thấy acid này mạnh như thế nào.
Ngoài ra, có nghiên cứu cho hay,
acit phosphoric có thể làm mòn men răng. Lý do là nước miếng có
độ kiềm với pH 7.4. Khi nhâm nhi nước có gas luôn miệng, nước
miếng trở thành acit. Để phục hồi độ kiềm, cơ thể sẽ rút calci
từ men răng, do đó răng dễ trở nên sói mòn, hư hao.
Bác sĩ Clive Mckay, Naval Research
Institute, đã thử nghiệm ngâm một chiếc răng người vào nước uống
cola. Hai ngày sau, răng trở nên mềm và tiêu mòn. Theo ông, đó
là do tác dụng của acid phosphoric.
Hai tác giả Michael Murray và
Joseph Pizzorno có ghi lại trong The Encyclopedia of Natural
Medicine là tăng tiêu thụ soft drink là yếu tố quan trọng đưa
tới loãng xương. Họ giải thích là nước ngọt đưa tới tình trạng
giảm calci và tăng phosphor trong máu, do đó calci sẽ bị rút ra
từ xương để tái tạo tỷ lệ bình thường của hai khoáng này.
Sau nghiên cứu, các khoa học gia
G.R
Fernando
, R.M
Martha
thuộc Mexican Society Security Institute, kết luận:
“Uống soft drink có acit phosphoric nên được coi như một rủi ro
độc lập đưa tới thiếu calci trong máu ở phụ nữ trong thời kỳ mãn
kinh”.
Đi xa hơn, bác sĩ Barnet Meltzer,
tác giả sách Food Swing, có ý kiến: “Vì có lượng phosphor và
acit phosphoric cao, soft drink thấm vào chất lỏng cơ thể, sói
mòn dạ dày, đảo ngược sự cân bằng acit/ kiềm của hai trái thận
và từ từ ăn mòn lá gan của người tiêu thụ”.
Ngoài ra, acit này cũng vô hiệu
hóa acit hydrochloric trong dạ dày, đưa tới dầy hơi và khó tiêu
hóa.
3- Caffein
Hầu như soft drink nào cũng có một
lượng caffein để tạo hương vị thơm thơm, kích thích và cảm giác
thiếu một cái gì, nếu không dùng, vì caffein cũng hơi gây
nghiền. Một lon 12-ounce coca có từ 35-38mg, lon Pepsi có 56mg
caffein trong khi đó Sprite, 7-up không có.
Caffein là chất có tự nhiên trong
nhiều thực vật khác nhau như cà phê, lá trà, hạt cola.
Caffein có tác dụng hưng phấn lên
hệ thần kinh trung ương và tùy theo số lượng, có thể gây ra mất
ngủ, bồn chồn, hoảng hốt, lo sợ, rối loạn nhịp tim, đi tiểu
nhiều, tăng thải calcium qua nước tiểu, tăng nguy cơ loãng
xương.
Theo Trung Tâm Khoa Học vì Ích Lợi
Chung, caffein tăng rủi ro sảy thai và ức chế sự tăng trưởng của
thai nhi. Do đó phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có con nên
tránh tiêu thụ. Caffein cũng có thể tạo khó khăn hơn cho sự thụ
thai.
Ghiền mà thiếu caffeine sẽ bị nhức
đầu, mệt mỏi, hơi buồn chán, đau nhức cơ bắp, buồn nôn, huyết áp
hơi lên cao.
Mỗi ngày uống một/ hai ly cà phê
thì không sao, nhưng nếu uống nhiều hơn thì rủi ro loãng xương
gia tăng.
Nên lưu ý là trong các loại nước
gọi là “tăng cường sinh lực”- energy drinks, số lượng
caffein rất cao.
4- Cola
Trong kỹ nghệ nước uống, cola có
vai trò quan trọng. Ban đầu, cola là hỗn hợp chất triết của lá
coca và hạt cola hòa với đường. Ngày nay chỉ hạt cola còn được
dùng (và vẫn là bí mật của nước Coca-Cola). Hoạt chất chính của
hạt cola là caffeine và theobromine, có tác dụng kích thích sản
xuất dịch vị dạ dày, giúp tiêu hóa dễ dàng.
5- Sodium
benzoate
Từ hơn thế kỷ nay, sodium benzoate
đã được dùng như chất bảo quản, tiêu diệt vi khuẩn, mốc meo, nấm
có hại trong nước uống, thịt nguội.
Muối này cũng có tự nhiên trong
một số thực động vật và tương đối an toàn ngoại trừ một số người
mẫn cảm có thể nổi mề đay, lên cơn hen suyễn hoặc thay đổi hành
vi ở trẻ em có hội chứng quá năng động, kém chú ý.
Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu đã
quan tâm tới sự việc là, dưới tác dụng của acit ascorbic
(vitamin C) trong nước uống có gas, sodium benzoate cho benzene,
một chất đã được coi như có khả năng gây ung thư máu và vài ung
thư khác. May mắn là lượng benzene trong nước uống ở mức độ chấp
nhận được, theo Cơ quan FDA Hoa Kỳ.
Tổ chức bảo vệ người tiêu thụ
Consumers Union đưa ra đề nghị là mặc dù benzene trong soft
drink ở mức độ không nguy hại nhưng vẫn là chất có thể gây ung
thư. Cho nên, giới tiêu thụ nên lưu ý tới nhãn hiệu trên bình
nước. Nếu nhãn ghi có muối benzoate và vitamin C thì không nên
mua. Nếu đã chót mua, thì nên cất ở nơi mát, không có ánh nắng
mặt trởi để giảm thiểu sự thành hình của benzene.
Ngoài ra, một mối ưu tư nữa của
các nhà nghiên cứu về nước uống có gas là sự gia tăng rủi ro Hội
Chứng Chuyển Hóa ở người tiêu thụ quá nhiều, mà thủ phạm là chất
ngọt.
Hội chứng này là tập hợp các nguy
cơ gây ra bệnh tim mạch và tiểu đường, gồm có vòng lưng quá to,
huyết áp cao, tăng triglycerides, giảm cholesterol HDL và đường
huyết khi đói lên cao.
Kết quả nghiên cứu tại Đại học Y
Harvard phổ biến trong tạp san của Hội Tim Hoa Kỳ ngày 31 tháng
7 năm 2007 cho hay: so sánh với người uống 1 lon soft drink mỗi
ngày thì người uống trên một lon sẽ:
- tăng rủi ro mập phì lên
31%;
- tăng rủi ro to vòng bụng
tới 30%;
- tăng rủi ro cao
triglycerides và đường huyết khi đói tới 25%
- tăng rủi ro có lượng HDL
thấp tới 32%
Giáo sư bác sỹ Ravi Dhingra, người
đứng đầu cuộc nghiên cứu này đưa ra lời nhắn nhủ: “ Điều độ, vừa
phải trong mọi lãnh vực là chìa khóa của sự sống”.
Trong đó có việc uống soft drink
có gas, nhiều chất ngọt.
Vì, theo Michael Jacobson, Giám
đốc CSPI, loại nước này là một thực phẩm tạp nham toàn hảo
(quintessential junk food), chỉ có calories mà không có chất
dinh dưỡng. Ông ta ví nó như trái bom chậm nổ trong chế độ ăn
uống. Cơ quan này đang vận động đòi các nhà sản xuất ghi lời
cảnh báo “Mập Phì” trên chai nước ngọt có gas, tương tự như trên
bao thuốc lá với hàng chữ rủi ro ”Ung Thư Phổi” cho người ghiền
hút những điếu thuốc tỏa ra “khói huyền bay lên cây (a)”, thuốc
lá.
Bác sĩ Nguyễn
Ý-Đức Texas- Hoa
Kỳ. www.nguyenyduc.com
(a) thơ Hồ Dzếnh.
|
VỀ MỤC LỤC |
NHỚ AI…? (2)
Chuyện phiếm của Gã Siêu |
Trước khi tiếp nối phần thứ
hai, bàn về những cái hại và những cái lợi của thuốc lào, gã xin
kể lại một thói quen dễ thương tại một giáo xứ kia, như một món
ăn khai vị.
Tại một giáo xứ vùng sâu vùng
xa, cha sở và anh em ban mục vụ sống với nhau rất có tình có
nghĩa. Và tình nghĩa ấy được biểu lộ ít ra bằng cách cứ mỗi buổi
sáng, sau khi tham dự thánh lễ, một số anh em khoảng mười mấy
người lại kéo nhau vô nhà xứ, vừa uống cà phê, vừa hút thuốc
lào, lại vừa chơi “domino”.
Bình thường thì có tất cả năm
ván “domino” để phân chia công tác. Ai thua ván nào thi phải làm
công tác của ván ấy. Ván thứ nhất là rửa ly. Ván thứ hai là dâng
thuốc. Ván thứ ba là quét nhà. Ván thứ tư là dâng trà. Ván thứ
năm là lau bàn và cất ghế. Ván thứ sáu là chào từng người trước
khi ra về. Riêng ngày thứ hai và thứ sáu thì thêm một ván nữa đó
là đánh điếu.
Hễ ai thua ván dâng thuốc thì
phải làm những việc như sau : thông điếu, thổi khói ra, vê
thuốc, dâng xe mời thuốc và đốt đóm. Khi người hút nhấp nhấp ba
cái thì phải ấn thuốc xuống cho chặt hơn. Và khi người hút bắt
đầu rít một hơi dài, thì phải bụm tay vào nõ điếu cho tiếng kêu
được ròn rã.
Khi dâng xe cho người ta hút
lại còn phải nói :
- Anh giỏi, tôi dốt, xin đốt
thuốc mời anh…xơi cho.
Chính nhờ những giây phút thư
giãn này, mà cha sở nắm vững được tình hình trong giáo xứ cùng
với những sự việc xảy ra cho người nọ người kia.
Bây giờ gã xin bàn tới những
cái hại của thuốc lào.
Trước hết là hại cho sức khỏe.
Như gã đã trình bày, trong
thuốc lào cũng như thuốc lá có chứa chất nicôtin, là một chất
rất độc hại cho các hạch giao cảm thần kinh. Vì thế, về lâu về
dài chắc chắn thuốc lào cũng như thuốc lá đều không tốt đối với
sức khỏe.
Bởi đó, Liên Hiệp Quốc cũng
như nhiều nước trên thế giới đã phát động những chiến dịch bài
trừ thuốc lá, bằng cách bắt in trên những bao thuốc dòng chữ :
- Có hại cho sức khỏe.
Có những nước đã cấm hút
thuốc tại những nơi công cộng, có những nước đã tổ chức những
ngày không khói thuốc…
Tiếp
đến, một cái hại khác nữa là mùi hôi của thuốc.
Trong “Việt Nam Phong Tục”,
Phan Kế Bính đã viết như sau :
Tục ăn trầu và hút thuốc
lào của ta ví cũng như người tây hút thuốc lá, người khách nhằn
hạt dưa, là một cách giải buồn cho cái miệng.
Song hút thuốc lá còn
thơm, nhằn hạt dưa còn bùi, ăn miếng trầu còn khỏi chua miệng,
chứ hút thuốc lào thì vừa hôi vừa đắng, vừa sinh ho hen chẳng có
ích gì, chỉ vì quen mồm mà không bỏ được.
Gã biết : có một cặp vợ chồng
trẻ. Người chồng thì nghiện thuốc lào, còn người vợ thì lại
không chịu nổi mùi hôi của thuốc. Và thế là chị vợ bèn áp dụng
“chính sách cấm vận”. Bao lâu anh chồng còn hút thuốc lào, thì
chị vợ nhất định không cho anh chồng động chạm tới mình, chứ
chưa nói chi tới chuyện hôn hít hay gạ gẫm…
Kết quả thật tuyệt vời, chỉ
trong một thời gian ngắn, anh chồng đã bỏ được tật ghiền thuốc
lào để có những quan hệ bình thường với chị vợ trong cuộc sống
lứa đôi.
Thế nhưng đồng tiền bao giờ
cũng có hai mặt : mặt phải và mặt trái. Thì hút thuốc lào cũng
vậy, có những cái hại thì cũng có những cái lợi. Vậy những cái
lợi ấy như thế nào ?
Thứ
nhất là về phương diện thần học, mục vụ và nhất là Giáo hội.
Là con nhà có đạo, mà lại đạo
gốc và đạo dòng nữa, nên gã dành ưu tiên có cái lợi thứ nhất
này.
Nghe tới những danh từ đao to
búa lớn kể trên, hẳn nhiều người cho gã là kẻ báng bổ và đã vội
vã kêu lên :
- Giêsu Ma, lạy Chúa tôi.
Nhưng gã xin cả tiếng lại dài
hơi, thanh minh thanh nga và xác quyết đó là sự thật, dựa trên
kinh nghiệm của một cha sở hẳn hoi.
Cha sở ấy đã kể lại câu
chuyện thuốc lào của đời mình như thế này :
“Có một…”bí mật” tôi đả thề
với đầu gối tôi rằng : sống để bụng, chết mang theo. Nhưng vì có
nhiều người cứ đến và đặt vấn đề với tôi :
- Tại sao cha không hút thuốc
lá, mà lại cứ kéo thuốc lào ?
- Tại sao cha không bỏ quách
di cho rồi ?
Thành thử tôi phải “bật mí”
cái bí mật ấy cho họ. Đó chính là cái “bí mật thuốc lào”.
Từ lúc cha sinh mẹ đẻ cho tới
lúc làm linh mục và suốt quãng đời làm cha phó, nghĩa là từ năm
1947 cho tới năm 1979, tôi chẳng bao giờ hút thuốc, kể cả thuốc
lá cũng không.
Thế rồi vào năm 1979, Đức
Giám Muc sai tôi đi làm cha sở tại một giáo xứ thuộc vùng khỉ ho
cò gáy. Vì nghĩ rằng đối với các cụ, các ông và các bác ở nông
thôn, thì :
- Điếu thuốc lào đi vào câu
chuyện, hay điếu thuốc lào khai mào gặp gỡ.
Giống như ngày xưa, “miếng
trầu là đầu câu chuyện” vậy. Vì thế, tôi đành phải gấp rút tập
hút thuốc lào cho kịp tới ngày đi nhận nhiệm sở mới.
Lúc ban đầu, kéo vào thì ho
sặc ho sụa, ho đến độ rát cả cổ và vãi cả nước miếng, thậm chí
đôi lúc nước mắt nước mũi cứ chảy xuống đầy mặt ròng ròng, chứ
nào có khoan khoái hay sung suớng chi đâu. Nhưng rồi cũng quen
dần.
Như vậy tôi hút thuốc lào là
vì Chúa và vì các linh hồn, chứ nào có phải vì đam mê chạy
theo…dục vọng đâu.
Một cha giáo đáng kính của
tôi ghiền thuốc lá. Mọi người đều lên tiếng can ngăn, thì ngài
đã trả lời như sau :
- Lạy Chúa, vợ con thì tôi
không có, rượu chè cờ bạc thì tôi cũng không, chỉ còn mỗi điều
thuốc để giải trí và xả bớt nỗi buồn phiền và cô đơn, chẳng lẽ
Chúa nỡ lòng nào bắt tôi cũng phải bỏ nốt sao ?
Lập luận của cha sở kể trên,
gã nghĩ rằng mỗi người tự phê bình và đánh giá. Còn gã, thì chỉ
xin ghi nhớ và suy niệm trong lòng mà thôi.
Thứ
hai là về phương diện triết học
Lâu lắm rồi gã có được một
tác phẩm của Kim Định. Gã còn nhớ mang máng rằng thì là trong
tác phẩm này, có một đoạn tác giả đã xem xét điếu thuốc lào dưới
cái nhìn của triết đông.
Thực vậy, theo quan niệm Đông
Phương, thì vũ trụ vật chất này được tạo thành bởi năm yếu tố
chính, được gọi là ngũ hành, bao gồm kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Năm yếu tố chính này đều có
mặt nơi điếu thuốc lào.
Này nhé :
- Nõ điếu thường được làm
bằng sắt hay bằng đồng, đó là kim.
- Xe điếu thường được làm
bằng ống trúc, đó là mộc.
- Nước được đựng trong bát
điếu, đó là thủy.
- Khi hút phải dùng đóm cháy
mà đốt thuốc, đó là hỏa.
- Bát điếu thường được làm
bằng sành hay sứ, đó là thổ.
Và như vậy, tất cả cái tinh
hoa của nền triết học Đông Phương, một phần nào đó đã thu gọn
trong điếu thuốc lào.
Ngoài ra Kim Định cũng chứng
minh điếu thuốc lào phản ảnh phần nào bản sắc của dân tộc Việt
Nam.
Điều này thì gã đã nói tới
nơi phần một, nên bây giờ sẽ không bàn tới nữa.
Thứ
ba là về phương diện y học.
Chẳng biết dựa vào đâu mà các
cụ ta ngày xưa đã xác quyết :
- Thuốc lào bổ phổi diệt
trùng lao.
Theo gã nghĩ chắc là các cụ
ta đã dựa vào kinh nghiệm đời thường. Thực vậy, mỗi khi đan được
một cái rổ, hay một cái thúng, để cho không bị mọt, người ta
thường phải để lên gác bếp một thời gian. Có thể khói bếp làm
cho những nan tre trở nên đắng và mọt không dám đụng tới chăng ?
Với thuốc lào cũng vậy, hai
lá phổi được ướp trong làn khói, khiến cho vi trùng Kock không
còn dám bén mảng đến, thành thử thuốc lào bổ phổi diệt trùng lao
là vậy.
Gã vừa mới điện thoại hỏi
thăm sức khỏe một ông cậu. Ông cậu này chẳng rượu chè cũng chẳng
trai gái bồ bịch, chỉ mỗi cái tội là hút thuốc lào từ một thuở
rất xa xưa.
Và ông cậu này đã cho biết :
- Bất cứ lần nào đi khám tổng
quát, mình đều chụp X quang, Những tấm hình này cho thấy hai lá
phổi luôn ở trong tình trạng tốt. Như vậy, thuốc lào đâu có phải
là nguyên nhân gây nên ho hen và…lao phổi đâu.
Rất nhiều lần gã đã hỏi mấy
cha già, chuyên viên…bắn thuộc lào, thế mà hiện nay với lứa tuổi
gần đất xa trời, có vị đã trên bảy mươi, thậm chí có vị trên cả
tám mươi, mà da mặt vẫn tươi hồng, sức khỏe vẫn còn dẻo dai và
trí nhớ vẫn còn minh mẫn.
Các vị ấy đều xác quyết :
- Tôi hút thuốc lào từ khi
mười tám đôi mươi, mà có sao đâu, chú mày cứ yên chí mà hút. Nếu
có chết thì chết bởi một nguyên do nào khác, chứ chắc chắn không
phải là do thuốc lào.
Ngoài ra kinh nghiệm bản thân
còn cho gã thấy thuốc lào chính là cái thước để đo tình trạng
sức khỏe của mình. Hôm nào thức dậy, bắn một điếu mà kéo chẳng
vô, rồi ho sặc ho sụa, thì đó là dấu chỉ sức khỏe không được ổn,
liệu mà lo uống mấy viên cảm cúm đi là vừa.
Thứ
tư là về phương diện cá nhân.
Các cụ ta thường bảo :
- Hút thuốc lào nâng cao sĩ
diện.
Có lẽ kinh nghiệm này phải
được đặt vào trong cái bối cảnh ngày xưa của nó, như Phan Kế
Bính đã diễn tả :
Người sang trọng đi đâu,
tất có một thằng đầy tớ xách điếu đi hầu. Khi hút thuốc, điếu để
cách xa ba bốn thước, rồi thằng đầy tớ nhồi thuốc, châm lửa và
đưa xe kề đến tận miệng mà hút.
Chính vì chi tiết kể trên của
người xưa, mà gã hiểu được tại sao lại dùng hai chữ “điếu đóm”
để chỉ những tên đầy tớ, những tên gia nô, luôn hầu hạ và cung
phụng, cũng như không ngần ngại uốn ba tấc lưỡi mà nâng bi, ca
tụng những ông chủ của mình.
Đồng thời, nếu hút thuốc lào
theo phong cách trên, thì gã cũng hiểu được tại sao “hút thuốc
lào lại nâng cao sĩ diện” ? Tuy nhiên cái “sĩ diện” ở đây hơi bĩ
rởm và dổm một chút, như Phan Kế Bính cũng đã diễn tả :
Lại nực cười thay cho mấy
ông làm bộ sang trọng, động đi đến đâu thì có một một thằng đầy
tớ ôm tráp xách điếu đi lạch bạch đằng sau, làm cho thiên hạ
phải ngại mắt mà trông vào mình, thời buổi này mà coi thấy nghi
vệ cổ thì cũng lấy làm lạ.
Sau
cùng là xét về phương diện văn học.
Trước hết, thuốc lào gợi hứng
cho người ta viết. Đây cũng là điều Phan Kế Bính đã ghi lại :
Các văn sĩ lắm người nghĩ
ngợi phải có hút thuồc mới nảy được ý tứ. Cho nên học trò vào
trường thi phải đem kèm ống điếu vào trường.
Mặc dù không phải là văn sĩ,
hay thi sĩ nhưng gã cũng cảm nghiệm được rằng : mỗi khi ngồi
viết mà bị…tắc tị, thì cứ việc vứt bỏ giấy bút ở trên bàn, mà
đi làm một ngao thuốc lào cái đã. Sau đó sẽ thấy đầu óc sáng
sủa, và tư tưởng cứ tuôn trào ra lai láng !!!
Cũng vậy, sau khi đã miệt mài
làm việc chừng hơn một tiếng đồng hồ, thế nào gã cũng phải giải
lao bằng cách bắn một điếu thuốc lào. Sau đó đôi mắt cứ lim dim
nhìn theo làn khói tỏa mà bỗng thấy hạnh phúc đang nằm trong
lòng bàn tay của mình và gã đã nhủ thầm :
- Ôi đời mới đẹp làm sao.
Thuốc lào gợi hứng cho thiên
hạ sáng tác và như thế cũng đã góp phần, ít nữa là một cách gián
tiếp, vào nền văn học. Biết đâu chính nhờ đó, mà chúng ta ngày
nay mới có được những tác phẩm bất hủ, những vần thơ tuyệt vời
của tác giả này hay tác giả kia.
Tiếp đến, trong kho tàng văn
chương bình dân, cũng có một số câu tục ngữ ca dao nói đến thuốc
lào.
Chẳng hạn như khi bàn về lợi
ích của thuốc lào, thì như chúng ta đã biết, các cụ ta ngày xưa
đã bảo :
- Hút thuốc lào, nâng cao sĩ
diện.
- Thuốc lào bổ phổi diệt
trùng lao.
Đang ngáp vặt mà vớ được một
điếu thuốc say quả thật là trên cả tuyệt vời :
- Nhất gái một con,
Nhì thuốc ngon nửa điếu.
Kéo được một điếu thuốc say,
thì cả trời và đất cũng như muôn ngàn tinh tú đều quay cuồng
trong một vũ khúc, còn hơn cả “Nghê Thường vũ y khúc” của Đường
Minh Hoàng ngày xưa :
- Âm dương tức khí sôi sùng
sục.
Thủy hỏa tương giao sướng
làm sao.
Vũ là lông chim, còn y là áo.
Vũ y là áo bằng lông chim mà các tiên nữ vốn thường mặc. Điển
xưa tích cũ kể lại rằng :
Vào một đêm trung thu, Đường
Minh Hoàng cùng đạo sĩ La Công Viễn lên chơi trên mặt trăng.
Hằng Nga đem đoàn con hát ra múa. Tất cả đều mặc toàn lông chim
ngũ sắc như màu mống trên trời, rất rực rỡ và đẹp đẽ, được gọi
là nghê thường (nghê là mống, thường là xiêm). Vì thế, tên vũ
khúc thần tiên ấy được gọi là “Nghê thường vũ y khúc”.
Cũng trong tiết mục thần tiên
này, gã đã được đọc một câu ca dao bàn về sự tuyệt vời của
thuốc lào như sau :
- Đèo cao cao vút chọc trời,
Trèo lên tới đỉnh ta ngồi
giải lao.
Thảnh thơi hút điếu thuốc
lào,
Tung làn khói trắng quyện
vào áng mây.
Cô Tiên nghe tiếng điếu
cày,
Hỏi : người trần thế lên
đây làm gì ?
Đáp rằng sơn thủy ta đi,
Đèo cao núi thẳm riêng gì
của tiên.
Thuốc lào tuyệt vời như vậy,
ai dại gì mà chừa. Hơn thế nữa, có chừa thì cũng…chẳng phải là
chuyện dễ :
- Nhớ ai như nhớ thuốc lào,
Đã chôn điếu xuống, lại đào
điếu lên.
Cách đây khá lâu, một ông bạn
già tới thăm gã. Thấy gã kéo thuốc lào kêu ro ro. Hơn thế nữa
ông bạn ấy lại được mời một điếu thuốc say Xóm Mới, vốn được
dành cho khách qúi, ông ta bèn cao hứng đọc cho gã nghe mấy bài
thơ được truyền tụng trong dân gian ca tụng thuốc lào. Gã đã cẩn
thận mang giấy bút ra ghi. Nhưng rất tiếc bây giờ muốn sử dụng,
thì lại không biết đã cất ở đâu.
Vậy những ai có được những
bài thơ hay những câu ca dao bàn về thuốc lào, xin gửi cho tòa
soạn để gã hoàn chỉnh tiết mục “sự đóng góp của thuốc lào vào
nền văn học dân tộc”.
Gã xin chân thành cám ơn và
hứa sẽ…hậu tạ.
Gã Siêu
gasieu@gmail.com |
VỀ MỤC LỤC |
|
- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến,
bài vở..., xin gởi về địa chỉ
giaosivietnam@gmail.com
- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:
Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục
vụ của Giáo sĩ; Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các
Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn
gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực
Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh
vực; Mỗi Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức
Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và
Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)
- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại
www.conggiaovietnam.net
Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị
Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã
sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác
nhau.
TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam
Lm. Luca
Phạm Quốc Sử
USA
|
|
*************
|
|