Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 84, Chúa Nhật 11.01.2009


MỤC LỤC 

Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh - Sacrosanctum Concilium                                      Vatican 2

HỌC HỎI VỀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (BÀI 8)  Br. Huynhquảng

ĐỔI MỚI (Chia sẻ về Truyền giáo, bài 8)                                    TGM. Jos Ngô Quang Kiệt

RƯỢU BỒ ĐÀO (PORTO) ĐÃ NHẮM VÀ ĐÃ SAY              Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng

MẸ THIÊN CHÚA VÀ MẸ TÔI                                                              Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt

NHỮNG TÍN HIỆU KHÔNG VUI                                                     Đaminh PHAN VĂN DŨNG

“CÁI THUỞ BAN ĐẦU LƯU LUYẾN ẤY...”                                                             Thuỳ Dung

LÁ THƯ CỦA TỔNG THỐNG LINCOLN-GỞI THẦY GIÁO DẠY CON TRAI ÔNG       Bút Xuân Trần Đình Ngọc

ĐỪNG THƯƠNG HẠI (bài 3)                                                                    Lm. Lê Văn Quảng

Những người được tuyển chọn đáp lại              Lm. MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY pss

BỆNH LOÃNG XƯƠNG                                                                          Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

TÌNH YÊU TRƯỚC VÀ SAU                                                         Chuyện phiếm của Gã Siêu 


Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh - Sacrosanctum Concilium

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Lời Giới Thiệu

 

Các mầu nhiệm Phụng Vụ là "chóp đỉnh" sinh hoạt của Giáo Hội đồng thời cũng là nguồn mạch các nhân đức. Dầu Giáo Hội luôn luôn sống mật thiết với các mầu nhiệm Phụng Vụ, nhưng trong lịch sử, trước Vaticanô II chưa có Công Ðồng nào lại dành cả một Hiến Chế để bàn tới Phụng Vụ với một thời gian khá lâu để chuẩn bị, thảo luận và biểu quyết.

Một vài Công Ðồng cũng đã đặt vấn đề nhưng chỉ chú trọng đặc biệt tới ít nhiều nguyên tắc hoặc lên án những sai lầm tín lý.

Thực là may mắn, một Phong Trào Phụng Vụ đã nảy sinh trong thời chúng ta. Ðây là "một trong những hồng ân lớn lao Thiên Chúa đã ban cho kỷ nguyên này!" 1. Nhờ đó, người ta đã bắt đầu suy luận về Phụng Vụ một cách sâu xa và chín chắn, mang tính chất thần học và mục vụ. Và vì vậy, Dân Chúa ngày một ý thức về vai trò quan trọng của Phụng Vụ trong đời sống Kitô hữu và Giáo Hội.

Hiến Chế về "Phụng Vụ Thánh" của Công Ðồng Vaticanô II hướng dẫn phong trào này đến chỗ tuyệt đỉnh và mở ra một kỷ nguyên mới cho đời sống cầu nguyện của Giáo Hội.

Hoàn cảnh lịch sử

Trước Công Ðồng Tridentinô (kết thúc vào năm 1563) nền Phụng Vụ theo nghi thức Rôma đã bị coi là quá cổ kính. Phụng Vụ được phát triển và thay đổi nhưng chỉ phát triển ở những yếu tố bên ngoài theo sáng kiến nhân loại bằng cách thêm những cử điệu và nghi thức trang trọng. Các nghi thức này chắc chắn chỉ thích hợp với thời đại còn nhiều người chưa biết đọc biết viết và cho một số ít người trí thức hiểu được tiếng La tinh, một ngôn ngữ hầu như là chính thức của một xã hội chịu quá nhiều ảnh hưởng của giáo sĩ và Giáo Hội.

Thế rồi, thế giới ngày một biến đổi với việc phát minh ngành báo chí, với thuyết nhân bản, với những trào lưu văn hóa, với văn chương lãng mạn (do đó, tiếng Latinh suy yếu dần dần), với xã hội ngày một bị trần tục hóa v.v... Theo đà tiến hóa này, tâm thức con người cũng thay đổi sâu xa về quan niệm đối với Giáo Hội và việc phụng tự. Do đó Phụng Vụ trở nên một thứ kinh nguyện ngày càng xa lạ và bí nhiệm đối với dân chúng. Họ tham dự với lòng tin tưởng nhưng thụ động và âm thầm chẳng khác gì chứng kiến một động tác riêng của hàng giáo sĩ. Trong khi đó, họ chỉ nuôi dưỡng lòng đạo bằng cách gia tăng nhiều việc đạo đức cá nhân.

Công Ðồng Tridentinô cũng nhìn thấy rõ sự kiện này 2. Tuy nhiên Công Ðồng chỉ chú trọng bảo vệ giá trị một vài chân lý của các bí tích bị phái Tin Lành đem ra mổ xẻ: như sự công hiệu của bí tích, hiến tế tạ ơn, sự hiện diện thực sự của Chúa trong phép Thánh Thể, chức linh mục thừa tác... Với chủ đích chống lại sự canh tân của Tin Lành, Công Ðồng phải dừng lại ở lập trường bảo thủ với những nguyên tắc khắt khe. Thái độ này đương nhiên hạn chế "việc cập nhật hóa" Phụng Vụ.

Từ khi cải tổ sách Phụng Vụ theo huấn thị Công Ðồng Triđentinô người ta nói rằng Phụng Vụ Rôma có tính cách bất động và cố định vì những qui luật dường như bất di bất dịch. Ngôn ngữ dùng ở đó là ngôn ngữ chết và được coi như không thể thay thế được nữa. Các nghi thức cổ truyền này phải được duy ttrì và cử hành đúng như đã ghi chú tỉ mỉ trong sách chữ đỏ, cho dù nhiều người không hiểu nguồn gốc và dấu hiệu tượng trưng bí nhiệm của chúng.

Các qui tắc Phụng Vụ này áp dụng cho mọi nơi, cả các nơi truyền giáo nữa (vì sau Công Ðồng Triđentinô là thời kỳ hưng thịnh của công cuộc tryền giáo nên có nhiều xứ đạo mới được thành lập). Khắp mọi nơi đều áp dụng như nhau: cùng những qui tắc tỉ mỉ bất di bất dịch, cùng một ngôn ngữ, một tâm tình tây phương như vậy. Giáo Hội không để ý tới tâm tình, thói quen và phong tục tôn giáo nơi các dân tộc được chiếu giãi ánh sáng Phúc Âm.

Tại Á Châu, một vài đề nghị đã được đem ra mổ xẻ để giải quyết vấn đề thích nghi Phụng Vụ trong các xứ truyền giáo. Việc thảo luận đưa tới những cuộc bút chiến sôi động nẩy lửa chung quanh các nghi thức (chẳng hạn nghi thức Trung Hoa). Kết cục, vấn đề không đi tới thành quả nào cả.

Mãi tới cuối thế kỷ vừa qua, ý hướng cải tiến do Chúa Quan Phòng linh ứng mới xuất hiện trong Giáo Hội và đã đem lại kết quả tốt đẹp cho nền Phụng Vụ. Chính ý hướng này đã dọn đường cho việc "cập nhật hóa" của Công Ðồng Vaticanô II.

Phong Trào Phụng Vụ

Những người tiên phong của phong trào cải tiến Phụng Vụ cuối thế kỷ vừa qua chính là các tu sĩ dòng Benedictô Solesmes, Beuron, Maria Laach v.v... Công lao của họ được Ðức Giáo Hoàng Piô XII ghi nhận trong Thông Ðiệp Mediator Dei (số 4).

Tuy nhiên người tiên phong đích thực của phong trào này chính là Thánh Giáo Hoàng Piô X vị được mệnh danh là Giáo Hoàng của Bí Tích Thánh Thể. Trong Tự Sắc "Tra le sollicitudini", ngày 22-11-1903, Ngài mong muốn giáo hữu tham gia tích cực vào các lễ nghi Phụng Vụ, nguồn mạch thứ nhất và cần thiết để nuôi dưỡng tinh thần Kitô hữu (số 3).

Cố gắng đầu tiên của phong trào này là tìm hiểu và đào sâu chính bản chất nội tại của Phụng Vụ. Những suy tư này mang đặc tính lịch sử, thần học và mục vụ.

Phong trào đã khơi lại nét phong phú chứa đựng trong các nghi thức cũ, đồng thời đem ra ánh sáng những nỗ lực liên lỉ của Giáo Hội qua các thời đại trong việc thích ứng những qui tắc nòng cốt Phụng Vụ cho mọi thời đại và cho mọi dân tộc.

Từ triều đại Thánh Giáo Hoàng Piô X cho đến triều đại Ðức Giáo Hoàng Piô XII, Giáo Hội không ngừng tiếp tục việc cải tiến. Lúc ban đầu, việc cải tiến này có vẻ dò dẫm và dè dặt rồi mạnh bạo dần theo đà tiến của việc tra cứu học hỏi và hoàn cảnh thuận lợi để phổ biến.

Người có công lớn lao nhất là Ðức Giáo Hoàng Piô XII. Với Thông Ðiệp Mediator Dei (1947), Ngài để lại cho Giáo Hội tài liệu giáo huấn có giá trị đầu tiên về Phụng Vụ. Thông điệp Mediator Dei cho đến nay vẫn là một trong những nguồn mạch của Công Ðồng Vaticanô II đã thâu nhận và trích dẫn dồi dào từ kho tàng này; đôi khi Công Ðồng còn đồng hóa các tư tưởng, các lời nói của Thông điệp này như là của mình và đã không sử dụng tới dấu hiệu để phân biệt hay ghi xuất xứ. Hiến Chế chỉ thêm vào đó các yếu tố Thánh Kinh, cộng đoàn và mục vụ cho thích hợp với thời đại và tinh thần Công Ðồng 3.

Lược trình Hiến Chế

Lược đồ của Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh được một Ủy Ban tiền Công Ðồng soạn thảo dưới sự hướng dẫn của Ðức Hồng Y Gaetano Cicognani. Sau khi Ngài từ trần, lược đồ được chuyển sang Ðức Hồng Y Arcadio Larraona 4. "Ðây là lược đồ được cứu xét đầu tiên ở Công Ðồng và cũng có thể là lược đồ giá trị nhất theo tầm quan trọng của nó trong đời sống Giáo Hội" 5.

Ngày 14-11-1962, trong một phiên họp khoáng đại, lược đồ đã được các Nghị Phụ bỏ phiếu chấp thuận trên nguyên tắc. Kết quả có 2,162 phiếu thuận và 46 phiếu chống. Sau đó các chuyên viên Công Ðồng bắt tay vào việc cứu xét những điểm đề nghị tu chỉnh. Công việc kéo dài từ 17-11 đến 6-12-1962 và đầu kỳ họp II năm 1963.

Ngày 4-12-1963 Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI, trước kia khi còn là Hồng Y, đã tích cực ủng hộ lược đồ, bây giờ long trọng công bố Hiến Chế với tư cách thủ lãnh của Giáo Hội.

Nội dung giáo lý

Hiến Chế được chia thành 7 chương hàm chứa nhiều nguyên tắc thần học và những tiêu chuẩn hướng dẫn việc canh tân và phát triển hữu hiệu nền Phụng Vụ.

1. Trước hết chương I phác họa nền tảng thần học của Phụng Vụ.

Phụng Vụ là công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô (số 5). Công cuộc này còn được tiếp tục và tồn tại mãi trong Giáo Hội, nhất là qua lễ nghi hiến tế tạ ơn và các bí tích (số 6).

Chính Chúa Kitô, Ðấng hiện diện trong Giáo Hội, dùng các dấu chỉ bí tích dâng lên Thiên Chúa lễ vật toàn thiện và thánh hóa nhân loại. Là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội, Người cầu nguyện với dân Người và ban phát nguồn ơn cứu chuộc.

Do đó, những động tác Phụng Vụ chỉ là sự thực thi cụ thể chức vụ tư tế của Chúa Kitô trong Giáo Hội: chức tư tế luôn luôn hiện diện và hoạt động, nó tự biểu lộ qua các nghi thức khả giác và hữu hiệu (số 7).

Ðồng thời, Phụng Vụ là sự chờ đợi, là sự nếm trước Phụng Vụ trên trời, nơi mà tất cả chúng ta đang tiến về như những lữ hành (số 8).

Như thế, Phụng Vụ là "chóp đỉnh" các sinh hoạt Giáo Hội (số 10) tuy không phải là sinh hoạt độc nhất của Giáo Hội. Thực vậy, sứ mệnh tiên quyết của Giáo Hội là mời gọi nhân loại trở về với nguồn ơn cứu rỗi qua việc rao giảng Phúc Âm (số 9) và chuẩn bị tâm hồn mọi người sẵn sàng tiến tới các mầu nhiệm thánh qua những việc đạo đức (như cầu nguyện riêng, nguyện ngắm, việc sùng kính, sám hối v.v...) (số 11).

Sau phần dẫn nhập, Công Ðồng bước sang những chỉ dẫn tổng quát cho việc cải tiến Phụng Vụ.

Ðể tín hữu xác tín đầy đủ và tham gia trọn vẹn các nghi lễ một cách ý thức và chủ động, trước hết phải huấn luyện các chủ chăn (số 14-18), rồi đến lượt các ngài sẽ huấn luyện lại cho tín hữu (số 19).

Ngoài ra, còn phải tiếp tục cố gắng để cải tiến cách tốt đẹp toàn bộ Phụng Vụ theo những qui tắc sau đây (số 21):

A. Qui tắc tổng quát liên quan trực tiếp tới những vị điều hành Phụng Vụ trong Giáo Hội (số 22-25).

B. Qui tắc dựa trên tính cộng đoàn của Phụng Vụ (số 26-32).

C. Qui tắc dựa trên bản chất giáo dục và mục vụ của Phụng Vụ (số 33-36). Chẳng hạn đề cập tới ngôn ngữ được sử dụng trong các nghi lễ (số 35).

D. Qui tắc thích nghi Phụng Vụ với tâm tính và hoàn cảnh dân tộc, địa phương (số 37-40).

Cuối cùng Hiến Chế phân tích đời sống phụng vụ trong phạm vi các giáo phận (số 41, 45-46), giáo xứ (42-43) và quốc gia (44).

2. Chương II là những chỉ dẫn để cải tiến các nghi thức trong Thánh Lễ. Một vài chi tiết đặc biệt và mới mẽ đáng kể như: lời nguyện giáo dân (số 53), tiếng bản xứ (số 54), rước lễ hai hình (số 55), lễ đồng tế (số 57).

3. Chương III đề cập tới các Bí Tích khác và các Á Bí Tích. Với những lời diễn nghĩa thần học giá trị (số 59-61).

4. Chương IV bàn đặc biệt về Kinh Nhật Tụng, một phần vụ quan trọng khác để thi hành sứ mệnh tư tế của Chúa Kitô và Giáo Hội. Ðó là việc dâng lên Thiên Chúa "bài ca chúc tụng" và lời cầu khẩn cho thế gian được ơn cứ rỗi (số 83).

5. Chương V của Hiến Chế trình bày về Năm Phụng Vụ: sau phần nhập đề thần học sâu xa (số 102-105), Công Ðồng nêu ra một số qui tắc nhằm nâng cao giá trị của ngày Chúa Nhật (106), duyệt lại chu kỳ phụng vụ với ý hướng nhấn mạnh đặc biệt mầu nhiệm Phục Sinh (107-108), Mùa Chay (109-110) và các ngày lễ mừng các Thánh (111).

6. Chương VI VII dành cho thánh nhạcthánh nghệ, là một rong những phần nòng cốt của Phụng Vụ. Số 119 đặc biệt nói về việc áp dụng thánh nhạc trong các xứ truyền giáo.

Phần Phụ Thêm: Tuyên ngôn về việc tu chính niên lịch

Trong phần phụ thêm của Hiến Chế, các Nghị Phụ muốn xác định thái độ về việc sửa lại niên lịch dân sự cho chính xác 6.

Từ hơn một thế kỷ nay, trong phạm vi khoa học, thương mại và chính trị, nhiều người đã nghiên cứu việc tu chỉnh niên lịch dân sự. Ðã hai lần, Tòa Thánh được hỏi ý kiến về vấn đề này, nhưng Ðức Lêô XIII, năm 1897, Ðức Piô XI, năm 1921, đều trả lời rằng: để giải quyết một vấn đề quá tế nhị như vậy có lẽ phải cần tới thầm quyền của Công Ðồng chung 7.

Trong khi soạn thảo lược đồ Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, một vài Nghị Phụ lên tiếng muốn rằng Công Ðồng nên đi bước đầu trong việc tu chính một niên lịch chính xác và cố định. Nhưng vấn đề chưa ngã ngủ hoàn toàn, nên các Nghị Phụ dành quyền quyết định cho Tòa Thánh, để tự do hành động, nhất là đối với sáng kiến sửa đổi của xã hội dân sự (chẳng hạn như Liên Hiệp Quốc).

Tuy nhiên Công Ðồng cũng nêu ra vài quy tắc quan trọng nhắc Tòa Thánh lưu tâm khi có việc thay đổi:

a. Phải thận trọng trong việc thay đổi lễ Phục Sinh nếu có, vì trong quá khứ vấn đề đó đã là lý do chia rẽ giữa các kitô hữu.

b. Cố gắng duy trì tuần lễ bày ngày với ngày Chúa Nhật, và thao nguyên tắc không thêm một ngày nào khác ngoài tuần lễ.

 


 Chú Thích:

1 Yves Congar O.P. Unam Sanctam 66, trg 14.

2 Xem Dz 946 (1749) v.v... Những người "Cải Cách" đã bàn luận sôi nổi một vài vấn đề Phụng Vụ: như vấn đề ngôn ngữ trong Phụng Vụ, rước lễ hai hình v.v... nhưng tiếc thay, họ bàn luận theo những chiều hướng sai lạc.

3 Xem Pierre-Marie Gy. O.P. Unam sanctam 66, trg 117.

4 Cha Annibale Bugnini, linh mục thừa sai, chủ nhiệm tờ "Ephemerides Liturgicae", là thư ký và chuyên viên của Hiến Chế.

5 Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh ngày 4-12-1963.

6 Chẳng hạn năm 1922. Hội Nghị Liên Hiệp Không Gian nhóm họp tại Rôma để thảo luận về vấn đề này. Bên Mỹ châu có "World Calender Association" đã phổ biến một hệ thống niên lịch cố định, khá phức tạp. Có lẽ trong một thời gian gần đây Liên Hiệp Quốc sẽ có sáng kiến về vấn đề này.

7 Về các tài liệu này, xin xem chauver Berrand, La question de la Pâque et du Calendrier, Paris 1936, trg. 213-214.

Còn tiếp

VỀ MỤC LỤC

HỌC HỎI VỀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (BÀI 8)

 

VIII. Nạn Nghèo Đói và Lòng Từ Thiện (287-310)  

91. Tình trạng nghèo đói trong thế giới loài người hôm nay ra sao? 

Không cần phải phân tích những con số thống kê về tỉ lệ nghèo đói, thực tế cho thấy vô số nạn nhân gồm nhiều thành phần từ trẻ em, người trưởng thành đến người già yếu đều đang sống trong tình trạng đói nghèo. Nói cách khác, rất nhiều nhân vị đang gánh chịu sự nghèo đói một cách bất công. Mỗi ngày nhiều nơi trên thế giới hàng triệu con người đang sống trong tuyệt vọng; khốn thay, tình trạng này mỗi ngày một xấu đi. Nhìn vào bức tranh ảm đạm này, chúng ta thấy hàng triệu con người hàng ngày không có đủ thức ăn, nước uống, nhà cửa, y tế, việc làm (cf. Sollicitudo Rei Socialis, #13 &14). Thật đáng buồn, bức tranh nghèo đói này là có thật và đang tiếp tục diễn ra hàng ngày trong thế giới văn minh của loài người chúng ta. 

92. Giáo hội bên vực phẩm giá cho những người nghèo như thế nào? 

Giáo hội nhận thức và dạy cho con cái mình rằng: Những người nghèo đói không phải là những người bị mất ân sủng trước mặt Thiên Chúa; vì thực ra, không ai hổ thẹn vì phải tần tảo để nuôi sống cho bản thân mình. Thực vậy, Đức Giêsu vốn là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chấp nhận làm người con của bác thợ mộc và lao động hằng ngày để mưu sinh. Như thế, khi chiêm niệm Gương Thánh này, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng: phẩm giá đích thực nơi con người ẩn chứa trong đời sống luân lý, đức hạnh [chứ không phải ở địa vị hay chức quyền]. Như thế, người nghèo khổ hay giàu sang đều có khả năng như nhau để đạt được cuộc sống đức hạnh, và phần thưởng hạnh phúc vĩnh cửu sẽ dành cho những ai thực hành đời sống đạo đức ấy. Hơn thế nữa, Đức Giêsu luôn luôn ôm vào lòng những người nghèo khổ và bị ngược đãi với một lòng thương xót đặc biệt. Ngài gọi những người nghèo là những người được chúc phúc; đồng thời Ngài cũng mời gọi những ai nghèo khổ bất hận hãy đến với Ngài để tìm sự an ủi nghỉ ngơi (cf. Rerum Novarum, # 23–24). 

93. Theo tin thần HTXH, chúng ta nên hiểu nghèo đói trong thế giới đương đại theo những ý nghĩa nào? 

Theo thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, ngoài sự nghèo đói về thể chất, thế giới hôm này đang trải qua những nạn đói nguy hiểm khác. Cụ thể, đó là sự tước đoạt hay giới hạn quyền của con người: như quyền tự do tôn giáo, quyền tham gia chia sẻ trách nhiệm xây dựng xã hội, quyền tự do thành lập các hiệp hội tổ chức cũng như quyền phát kiến trong các lãnh vực kinh tế. Tước đoạt hay giới hạn những quyền này phải chăng đó là một hình thức tồi tệ hơn sự tước đoạt tài sản vật chất (cf. Sollicitudo Rei Socialis #15)? Thực vậy, phần lớn con người trong xã hội hôm nay không tìm thấy phẩm giá của họ trong những nơi làm việc. Như thế, nếu họ không bị bốc lột thì họ cũng bị xô đẩy ra bên lề xã hội. Bên cạnh đó rất nhiều nạn nhân khác hàng ngày vẫn tranh đấu để dành lấy những nhu cầu tối thiểu nhất cho họ. Thật không may, tại thế giới thứ ba có rất nhiều nạn nhân đang sống trong tình trạng này (cf. Centesimus Annus, n. 33).

94. Công bằng xã hội cần được hiểu như thế nào?  

Công bằng xã hội được áp dụng cho hết tất cả mọi người, người làm chủ cũng như là người làm công. Bản chất của công bằng xã hội đòi hỏi mỗi cá nhân phải góp phần xây dựng công ích. Vì thực ra, đức công bằng trước hết là một nhân đức thuộc phạm trù luân lý cũng như pháp lý. Công bằng giúp xây dựng tổng thể chứ không phá vỡ; nó dẫn đến hòa giải chứ không trả thù. Tự trong bản chất sâu thẳm, đức công bằng được bắt nguồn từ đức ái mà hình thái biểu lộ của đức ái là lòng thương xót, vị tha. Vì thế, nếu chỉ áp dụng công bằng mà không có lòng thương xót, thì nó sẽ trở thành tê cứng và vô cảm (cf. World Day of Peace Message, 1998, # 1). 

95. HTXH đề cập đến công bằng và bái ái ra sao? 

“Chúng ta phải thừa nhận rằng, lòng thương xót chân thật là sự khởi nguồn của đức công bằng.” Lòng thương xót đối với Kitô hữu một nghĩa nào đó chính là sự hiện thân của sự bình đẳng giữa con người với nhau; vì thế nó cũng là sự hiện thân một cách hoàn hảo nhất cho đức công bằng. Tuy nhiên, sự bình đẳng được mang lại do bởi đức công bằng thì bị giới hạn bởi những điều kiện yếu tố ngoại cảnh, trong khi tình yêu và lòng thương xót sẽ giúp con người gặp nhau trong bản chất của nhân vị con người (cf. Dives in Misericordia, # 14). 

Br. Huynhquảng

VỀ MỤC LỤC
ĐỔI MỚI (Chia sẻ về Truyền giáo, bài 8)

 

Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy những thay đổi. Những thay đổi nhanh đến chóng mặt. Điển hình là lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Điện tín là một phát minh quan trọng giúp truyền tin nhanh chóng. Tuổi thọ của nó kéo dài khá lâu. Fax thay thế điện tín một cách khá hoàn hảo. Truyền đi trọn vẹn cả nội dung phong phú của một bức thư lẫn nét chữ của người viết. Nhưng chỉ 10 năm sau fax hầu như bị khai tử bởi e-mail, một hình thức thông tin không những đầy đủ, nhanh chóng mà còn ít tốn kém.

Những đổi thay trong mọi lãnh vực kéo theo sự đổi thay của nếp sống cũ của chính con người, và thay đổi bậc thang giá trị. Có những giá trị cũ không còn hợp thời. Có những giá trị mới xuất hiện. Có những điều hôm qua tốt, hôm nay không còn tốt, có khi còn có hại.

Trong một bối cảnh như thế người truyền giáo không thể bằng chân như vại. Phải đổi mới để theo kịp thời đại. Phải đổi mới để việc truyền giáo có kết quả. Làm việc truyền giáo là làm với con người. Con người đã thay đổi thì việc truyền giáo cũng phải cập nhật hoá. 

I. BẢN THÂN

Ta phải đổi mới bằng 

1.Học hỏi 

Trong xã hội đầy những phương tiện mới, không thể nào không học. Học để biết sử dụng các phương tiện mới. Học để ngang tầm nhận thức thời đại. Xã hội đang tiến bộ. Giới trẻ hiện nay tiến rất nhanh, hiểu biết rất rộng, trong những lãnh vực rất mới. Người truyền giáo nếu không học hỏi sẽ không thể đồng hành, không thể đối thoại với giới trẻ. Để mình tụt hậu không những ta đánh mất giới trẻ mà còn làm cho tôn giáo mang một bộ mặt già nua, cũ kỹ, lỗi thời, lạc hậu. Khuôn mặt đó sẽ làm cho giới trẻ cảm thấy không thích hợp, không hấp dẫn.

Học để hiểu biết xã hội. Xã hội đổi mới, tâm tư tình cảm con người đổi mới. Làm việc truyền giáo mà không hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân ta sẽ có những quyết định, những hoạt động không phù hợp, làm cho việc truyền giáo không có kết quả mà có khi còn làm hại cho việc truyền giáo nữa.

Nhưng nhất là học để thăng tiến chính bản thân mình. Thăng tiến nhận thức. Thăng tiến chuyên môn. Thăng tiến đạo đức.

Ta có thể học hỏi bằng nhiều cách. Quen thuộc và thông thường nhất là qua trường lớp. Nhưng ở tuổi chúng ta, học hỏi quan trọng hơn chính nhờ sách vở, báo chí, truyền thanh, truyền hình. Những thông tin cho ta biết tình hình xã hội tại địa phương, trong nước và trên thế giới. Những hiểu biết giúp ta có nhận thức chính xác về thời đại để có những quyết định, những hoạt động phù hợp. Ta cũng học hỏi qua tiếp xúc. Tiếp xúc, trao đổi với mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, mọi giới giúp ta hiểu biết tâm lý người đương thời. Hiểu biết đó sẽ giúp rất nhiều trong mục vụ nhất là trong truyền giáo. 

2. Phân định 

Thời bao cấp chẳng có bao nhiêu hàng hoá và cũng chẳng có chọn lựa. Cứ có hàng là quí, bất luận tốt xấu. Thời khó khăn cho nên gì cũng tốt cả. Có gì cũng mua hết. Nhưng thời kinh tế thị trường hàng hoá la liệt, tốt xấu đủ loại thì hàng giả lại xuất hiện tràn lan ở mọi lãnh vực. Hàng giả. Người giả. Bằng giả. Công ty giả. Vì thế phải biết phân định. Hàng giả, hàng thật. Rồi phải chọn lựa chỉ mua những gì cần thiết thôi. Trong việc truyền giáo cũng thế. Phải biết phân định.

Trước hết phải biết phân định đúng-sai. Đây là phân định nền tảng. Đổi mới có nhiều cách. Có những cách sai, có những cách đúng. Ta hãy noi gương Đức Giêsu trong sa mạc. Để hoạt động truyền giáo Đức Giêsu có thể chọn lựa nhiều cách. Ma quỉ đã đề nghị với Người những cách xem ra dễ dàng, ngoạn mục, thành công mau chóng. Nhưng Đức Giêsu đã tỉnh táo phân định. Những cách ma quỉ đưa ra có dễ dãi, nhẹ nhàng, hào nhoáng nhưng lại là cách thế ngược với ý Đức Chúa Cha. Ngược với ý Đức Chúa Cha thì chỉ có thể là sai lầm, giả dối. Nên Đức Giêsu đã chọn lựa thánh ý Chúa Cha hơn là nghe theo ý riêng do sự lừa gạt của ma quỉ.

Giữa những cái đúng ta lại phải phân biệt điều chính-điều phụ. Người Pharisêu trong Phúc âm bị Đức Giêsu chê trách vì thường lẫn lộn, giữ điều phụ mà không giữ điều chính. Như trong Mt 24, 12-36 : “Khốn cho các ngươi hỡi luật sĩ và biệt phái… Các ngươi dài dòng kinh kệ, nhưng lại nuốt chửng gia tài của các bà goá… Các ngươi nộp thuế một phần mười rau thơm, còn luật lệ trọng nhất là công bình bác ái thì lại bỏ… Các ngươi biết lựa con muỗi ra, nhưng lại nuốt cả một con lạc đà… Các ngươi lo lau sạch chén đĩa, nhưng trong lòng dơ bẩn… Các ngươi giống như những ngôi mộ quét vôi trắng, ngoài coi đẹp nhưng bên trong chứa đầy sự giả hình, tội lỗi…”.

Đức Giêsu cho họ biết lề luật quan trọng nhất là : “Hỡi Ítraen, hãy nghe Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Thiên Chúa duy nhất, phải kính mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức mình. Đó là điều răn thứ nhất. Điều răn thứ hai cũng giống điều răn thứ nhất là hãy yêu thương anh em như chính mình. Chẳng còn điều răn nào trọng hơn hai điều răn đó” (Mc 12, 28-31).

Giữa biết bao luật lệ Đức Giêsu đã cho thấy luật chính là mến Chúa yêu người. Giữa biết bao bổn phận phải chu toàn Đức Giêsu cho biết điều quan trọng nhất là giữ công bình, bác ái.

Sau cùng phải có một phân định về thực tế. Cái gì có thể làm được trong hoàn cảnh hiện nay. Có nhiều điều tốt, điều hay. Nhưng phải tuỳ lúc tuỳ nơi. Đức Giêsu cho ta biết mầu nhiệm về thời gian “Khi giờ của Người chưa đến” ( Ga 2, 4 ) thì Người chưa làm. Chẳng hạn sau khi làm phép lạ cho bánh hoá ra nhiều, Đức Giêsu phải trốn đi vì dân chúng muốn tôn Người làm vua ( Ga 6, 15 ). Nhưng trước toà Philatô Người lại xưng mình là vua( Ga 18, 37 ).

Có lúc Đức Giêsu quyết liệt như khi đối đầu với Pharisêu, luật sĩ hay khi xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ ( Mc 11, 15…). Có lúc Đức Giêsu rất nhẹ nhàng tế nhị như khi xử án người phụ nữ ngoại tình ( Ga 8, 1-11 ) , hiền lành như khi bị kết án, vác thập gía ( Mc 15, 1-28 ). Khi gặp người bệnh tật, đau khổ, đói khát, Đức Giêsu làm phép lạ chữa họ ( Mc 1, 21-39 ). Nhưng khi Pharisêu thách thức xin dấu lạ trên trời Người đã không làm ( Mc 8, 11-12 ). Khi người do thái thách thức Người xuống khỏi thập giá Người đã lặng thinh (Mc 15, 29-31 ). Phân định thực tế là phân định thời giờ và nơi chốn thuận tiện, nhưng cũng là phân định điều nào phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Đổi mới mà không có phân định dễ rơi vào thói theo mốt theo thời và có nguy cơ xa điều chính, xa căn cốt của đạo, làm cho đạo biến chất, suy thoái. 

a. Hiểu biết những giá trị mới 

Xã hội mới có những giá trị mới. Chẳng hạn xưa kia trong các quan hệ xã hội, gia đình người ta đề cao nề nếp, luật lệ. Nhưng nay người ta đề cao tình cảm. Trong gia đình Nho giáo xưa kia người cha lúc nào cũng phải nghiêm nghị. Con cái gặp bố là phải kính cẩn khép nép. Trong nhà có việc lộn xộn ông bố quát một tiếng là tất cả đều im lặng chấp nhận. Nhưng ngày nay hình ảnh một người cha như thế khó có thể chấp nhận. Những ông bố trẻ bây giờ gần gũi con cái, chuyện trò với con cái và kể cả chơi đùa với con cái nữa. Con đã chứng kiến cảnh một gia đình đầm ấm. Ông bố bò làm ngựa cho con cỡi. Bố vừa bò vừa hí như ngựa. Đứa con ngồi trên lưng bố thích chí. Đi được mấy vòng bố mệt quá muốn nghỉ. Nhưng đứa con đang vui không chịu. Thế là ông bố tiếp tục làm ngựa. Trong bầu khí này, nếu vị linh mục không thay đổi, vẫn giữ hình ảnh một người cha phong kiến trong gia đình xưa sẽ làm cho người ta tránh xa.

Nền văn minh nông nghiệp đang chuyển dần sang công nghiệp. Trong nông nghiệp người ta chuộng lễ hội. Các thứ lễ hội kể cả sinh hoạt của người nông dân không xét đến thời gian. Thời giờ rộng rãi. Lúa có gặt chậm vài ngày cũng được. Nhổ cỏ chậm một tuần cũng không sao. Không đòi hỏi chính xác. Làm ruộng cứ theo kinh nghiệm ông bà để lại, không cần khoa học kỹ thuật gì nhiều.

Nhưng hiện nay, ít nhất tại các thành thị. Nếp sống đang chuyển sang công nghiệp. Nền kinh tế thị trường thúc đẩy tư doanh. Thời giờ là vàng bạc. Mọi tính toán cần chuẩn xác. Mọi hợp đồng phải rõ ràng. Tác phong công nghiệp đang ảnh hưởng tới mọi sinh hoạt xã hội. Những buổi mít tinh, hội họp đang dần dần trở nên ngắn gọn, bớt diễn văn hình thức rườm rà. Người ta biết sự chính xác, đúng giờ, đúng hẹn hơn. Vì có ít thời giờ nên mọi tổ chức có khoa học, đi thẳng vào nội dung hơn.

Trong tình hình đó, nếu những buổi lễ trong đạo không tổ chức có khoa học. Nếu những bài giảng không ngắn gọn. Nếu những bài giáo lý không chính xác thì sẽ khó lôi cuốn được người thời nay.

Vui tươi phục vụ. Một nét đẹp của tuổi trẻ ngày nay là rất vui tươi. Tính tình vui tươi cởi mở nên thích những người, những nơi vui tươi.

Không phải chỉ tìm vui chơi, các bạn trẻ còn tìm niềm vui trong những công việc thiện nguyện vô vị lợi. Chương trình “Mùa hè xanh” do các đại học tổ chức đã có kết quả tốt đẹp nhờ đánh đúng vào tâm lý quảng đại thích việc nghĩa của tuổi trẻ. Biết bao sinh viên thành thị đã tình nguyện đến vùng sâu vùng xa phục vụ đồng bào. Dù sinh hoạt thiếu thốn. Dù sống đơn sơ đạm bạc. Dù công việc vất vả nhưng họ vẫn vui tươi. Luôn luôn yêu đời ca hát. Niềm vui của họ làm vui cả bản làng nơi họ đến phục vụ. Nhìn họ con có cản tưởng họ chính là các vị thừa sai đem tin vui đến cho người nghèo xa xôi.

Nếu nhà truyền giáo hôm nay không có niềm vui trong phục như thế sẽ chẳng đem tin vui đến cho mọi người. Biết những giá trị mới, ta phải phấn đấu để rèn luyện cho mình có những giá trị phù hợp với thời đại. Để phấn đấu rèn luyện phải có tâm hồn trẻ trung, hăng hái. Để tâm hồn già cỗi trong những giá trị xưa cũ, ta sẽ lỗi thời, chẳng thể làm chứng cho những giá trị cao đẹp của Phúc âm. 

b. Theo ơn Chúa Thánh Thần

Những nỗ lực của con người thật sự không đủ để đổi mới. Nhất là trong lãnh vực truyền giáo. Cần phải có ơn Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần mới khơi nguồn sống mới, đổi mới tâm hồn, thúc đẩy ra đi, tạo nên một nguồn phấn khởi mới, ban nhiệt tình truyền giáo mới.

Những ai thao thức với việc truyền giáo không khỏi ước mơ một ngày lễ Ngũ tuần. Đức Chúa Thánh Thần đến đã đổi mới các tông đồ từ những con người yếu đuối sợ sệt thành những chứng nhân mạnh mẽ kiên cường. Từ những người đóng kín nên những người cởi mở. Nhất là từ những người trốn chạy thành những tông đồ nhiệt thành hăng say rao giảng Tin mừng. Chắc lúc đó Đức Maria và các tông đồ phải khao khát Chúa Thánh Thần bằng một niềm khao khát mãnh liệt. Các ngài đã mất tất cả. Các ngài chỉ là con số không. Không còn chỗ nào hy vọng bấu víu. Không còn nghị lực. Không còn lý tưởng. Có thể nói các ngài mở rộng tâm hồn chờ mong Chúa Thánh Thần. Như người đói khát chờ lương thực. Như con bệnh ngặt nghèo chờ mong thầy thuốc. Các ngài đã quét dọn sạch sẽ tâm hồn, tẩy sạch cái tôi, để hoàn toàn sống theo ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Nên khi Chúa Thánh Thần ngự xuống, các ngài đã hoàn toàn thay đổi. Đổi mới máu thịt. Đổi mới trái tim. Đổi mới nghị lực. Nhờ thế mà việc truyền giáo của các ngài thành công tốt đẹp. Vì thế mà các ngài dám hy sinh mạng sống mình.

Hôm nay ta hãy bắt chước Đức Maria và các tông đồ, khao khát ơn Chúa Thánh Thần. Tẩy rửa tâm hồn ta sạch mọi dấu vết cái tôi, để hoàn toàn ngoan ngoãn theo ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Hãy tha thiết kêu cầu Chúa Thánh Thần. Nhưng cũng phải biết khai mở tâm hồn đón nhận ơn của Người. Đức Chúa Thánh Thần vẫn đến. Tuỳ ta có mở tâm hồn hay không.

Thi sĩ Claudel đã diễn tả rất thi vị việc Chúa Thánh Thần đến như sau :

“Trong một đêm bão táp, ta cô đơn trong căn nhà biệt lập bỏ hoang, thình lình có ai gõ cửa. Người ấy không gõ vào cửa thường sử dụng, nhưng gõ trên cánh cửa cũ kĩ, mà ta nghĩ rằng không bao giờ mở ra được nữa. Nhưng có người đang gõ, đã gõ. Người đã gõ vào con người ta, và điều này làm cho ta đau đớn, giống như thai nhi đầu tiên cử động trong dạ người phụ nữ.

Ai đã gõ ! Không nghi ngờ gì nữa, đó là Đấng đang đến như kẻ trộm giữa đêm khuya. Và ta lắng nghe, lòng hồi hộp; có thể là Người chỉ gõ một lần nữa thôi ! Nhưng chỗi dậy và ra mở cánh cửa cũ kỹ, thật là một điều ngại ngùng. Chìa khoá đã mất. Cần phải có dầu để làm trơn ống khoá. Và rồi điều gì sẽ xảy ra khi ta mở tung cánh cửa ? Bóng đêm và gió sẽ lùa vào; sẽ có một Đấng vô hình khiến ta không còn được thoải mái trong căn nhà của mình. Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, xin Ngài chớ vào, con rất sợ gió.

Nhưng Người đã gõ. Gõ như thế nào ? Người gõ vào các tình cảm, gõ vào tài sản của chúng ta, gõ vào thân xác con người chúng ta. Không những Thiên Chúa gõ cửa, Ngài còn xô cửa vào. Ngài không ngừng chờ chực lắng nghe. Nhưng mỗi lúc và mọi nơi, Ngài đều chạm phải bức tường cứng cỏi và bất động. “Ôi lạy Thiên Chúa, chúng con sẽ cố gắng mở cửa cho Ngài, chúng con biết rằng Ngài cũng đau buồn khi phải gõ mạnh vào chúng con” (Je crois en Dieu, Gallimard 1961, p.322-323).

Mở cửa cũng phải phấn đấu lắm. Mở cửa cũng phải đau đớn lắm. Nhưng có mở cửa Thánh Thần mới ùa vào và mới đổi mới được tâm hồn ta.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và đổi mới chúng con.

TGM. Jos Ngô Quang Kiệt

VỀ MỤC LỤC
RƯỢU BỒ ĐÀO (PORTO) ĐÃ NHẮM VÀ ĐÃ SAY

Trong những ngày qua, báo chí và diễn đàn điện tử trên Internet tràn ngập những bài ca tụng đội tuyển bóng đá Việt Nam vừa đoạt chiếc cúp AFF Susuki Cup 2008 danh giá Đông Nam Á, mà người Việt Nam đã chờ đợi trên 40 năm qua. Nhân dịp nầy ông Henrique Calisto, huấn luyện viên Bồ Đào Nha, cũng đã được ca tụng hết lời vì đã góp công lớn đưa đội bóng đạt được thành quả trên. Hình ảnh ông Calisto đã được công kênh trên đường phố. Tên ông được mọi người biết đến và Việt Nam hóa ra Tô, thầy Tô, nghe rất thân thương. Trong các lời ca tụng vị huấn luyện viên quê Matosinhos, vùng gần thành phố Porto với loại rượu Bồ Đào (Porto) danh tiếng, câu nói của ông Chủ tịch Công ty Gạch Đồng Tâm Võ Quốc Thắng rất đáng được lưu ý. “Nếu đất nước Bồ Đào Nha có viện trợ cho VN cả trăm triệu đôla cũng chẳng ai nhớ. Nhưng nếu ông làm cho đội tuyển VN thành công. Hàng chục triệu người người dân VN sẽ rất quý mến đất nước Bồ Đào Nha. Không có điều gì quảng bá cho đất nước tốt bằng điều đó.”

 “Ông Henrique Calisto đã mềm lòng và gật đầu đồng ý..” (Trích báo Tuổi trẻ số thứ sáu, ngày 2 tháng giêng Dương lịch năm 2009, trang 11.)

Để đạt đến ngày vinh quang trên, thời gian trước đó, huấn luyện viên Calisto đã bị công kích rất nhiều.

Trong những ngày cuối năm tháng 12, 2008, đội tuyển bóng đá quốc gia và ông Calisto đã góp phần tạo cho người Việt Nam một đêm Mừng Chúa Giáng Sinh 2008 và đón chào năm mới 2009 tuyệt vời.

Khi nhìn thấy ông quàng lên mình quốc kỳ Bồ Đào Nha, tổ quốc ông, tôi bất chợt nhớ đến bao nhiêu gương mặt Bồ Đào Nha khác đã từng sinh sống, làm việc trên đất nước Việt Nam nầy.

Đó là linh mục Diogo Carvalho (1578-1624) người đã cùng linh mục người Napoli (Ý) Francesco Busomi, đến Đàng Trong năm 1615. Nhưng ngay năm sau đó, đã can đảm quay về Nhật Bản và tử đạo tại Sendai Nhật Bản ngày 22-2-1624.

Đó là linh mục Gaspar Luis (1586- sau năm 1648) người đã viết bản tường trình Đàng Trong năm 1621 và soạn cuốn Từ Vựng tiếng Việt (nhưng bị thất lạc do đắm tàu). Đó là Amaral, Barbosa soạn thảo từ điển tiếng Việt, rất tiếc, các văn bản trên chưa được tìm thấy.

Nhưng trước hết và trên hết là công trạng của linh mục Francisco Pina. (1585-1625). Quê hương ngài là Guarda, Bồ Đào Nha, chịu chức linh mục năm 1616 để rồi năm sau, 1617, đến Đàng Trong . Ngài thường trú tại Hội An (Quảng Nam), rồi Nước Mặn (Qui Nhơn) nhưng cuối cùng, từ năm 1622, định cư tại Dinh trấn Thanh Chiêm (Dinh Chăm). Tại đây ngài đã mua nhà, trau dồi văn hóa Á Đông và áp dụng phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh. Bản phúc trình của ngài viết vào những năm 1623, 24 đã được tiến sĩ Roland Jacques OMI (tức Dương Hữu Nhân) phát hiện tại thư viện Ajuda của thủ đô Lisboa, Bồ Đào Nha, và đã được công bố. Hãy đọc vài câu :

 “... Về vấn đề học ngôn ngữ thì ở Kẻ Chàm là nơi luôn luôn tốt nhất. Đây là kinh đô của triều đình. Ở đây người ta nói hay. Nhiều người trẻ quy tụ về đây. Họ là sinh viên...Về phần con, con đã soạn xong một tiểu luận về chính tả, về các thanh điệu của ngôn ngữ nầy, và con đang lao vào ngữ pháp...Con phiên âm theo chữ Bồ Đào Nha sao cho người chúng ta có thể đọc và học các từ đó thuộc lòng...” (Trích Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt Ngữ học, Roland Jacques, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội-2007, trang 43, 44)

Trước đây, khi chưa biết các tài liệu nầy, chúng ta thường chỉ chú trọng đến linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là người có công lớn trong việc xuất bản hai tác phẩm chữ Quốc ngữ rất quan trọng là “Tự điển Annam- Bồ Đào Nha- Latinh” thường gọi tắt là Từ điển Việt- Bồ- La và Phép giảng tám ngày tại Rôma, năm 1651. Nhưng chính cha Đắc Lộ, người đến Đàng Trong tháng 12 năm 1624 (theo cha Đỗ Quang Chính, tháng 2,1625) cho biết mình đã học tiếng Việt với cha Pina .

Kể từ khi bản sao viết tay của cha Pina được phát hiện và được linh mục Dòng Tận hiến Đức Bà Vô Nhiểm Dương Hữu Nhân tức Roland Jacques công bố, cái nhìn về buổi đầu lịch sử hình thành chữ quốc ngữ đã thay đổi nhiều.

Thật ra, cha Pina không tự mình nghĩ ra phương pháp ghi chú nầy mà phải nói đó là công trình của nhiều người Bồ Đào Nha sinh hoạt ở Nhật Bản và Trung quốc trước đó. Từ thế kỷ 16, các linh mục Dòng tên đã sáng chế hệ thống La tinh hóa tiếng Nhật gọi là rômaji, thực ra phải nói Bồ Đào Nha hóa vì ngôn ngữ Bồ rất gần với hệ thống La tinh. Từ đó, các sách viết tay và các bản in theo phương pháp Âu Châu, thay vì mộc bản, đã được tiến hành. Từ năm 1591 cho đến năm 1598 ít nhất có bảy cuốn sách đã được in ấn (Xem sách dịch Lịch sử công giáo Nhật Bản của Joseph Jennes, CICM, Nhà Xuất Bản Tôn giáo, 2008 trang 124 tt..)

Tại Trung quốc, loại sách phiên âm trên cũng khá phổ biến. Sách dùng chủ yếu giúp các người Bồ Đào Nha và Âu Châu không biết chữ Hán và cho sinh viên Nhật Bản, Trung Hoa làm quen với ngôn ngữ Âu Châu.

Chính từ những kinh nghiệm trước đó mà cha Francisco Pina đã bắt đầu Bồ Đào Nha hóa chữ Việt tại Thanh Chiêm (Dinh Chăm), Quảng Nam với sự tiếp tay của nhiều nhà sư, nho sĩ, thông dịch viên và học sinh.

Ông Nguyễn Phước Tương, một nhà nghiên cứu chuyên viết về địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng đã tóm lược công trình trên qua bài viết khá súc tích “Hội An - Thanh Chiêm. Cái nôi ra đời của chữ quốc ngữ “đăng trên Văn Hóa Hội An số đặc biệt Xuân Mậu Tý 2008, trong đó, sau khi dẫn chứng nhiều tài liệu ông đã đi đến kết luận “Như vậy, chính Giáo sĩ Bồ Đào Nha Francesco Pina...cùng với các trí thức và phiên dịch người Việt tại cảng thị Hội An và Dinh trấn Thanh Chiêm đã phát minh đầu tiên chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ 17, loại văn tự hiện đại của Việt nam. Đây là một sự kiện lịch sử - văn hóa vô cùng vĩ đại mà nhân dân Hội An và nhân dân Thanh Chiêm ngày nay có quyền tự hào.

Thế nhưng, trong những năm qua...chúng ta chưa có một hình thức sinh động để giới thiệu với nhân dân địa phương, nhân dân cả nước và khách du lịch quốc tế để họ biết rằng nơi đây trong quá khứ đã từng ra đời sự kiện vĩ đại đó” (Văn Hóa Hội An, số đặc biệt Xuân Mậu Tý 2008, trang 54 -58)

Ông Phạm Thông, một người đã từng du học tại Bungari, trong báo Khoa học và Sáng tạo, đã lên tiếng yêu cầu hình thành một lễ hội tôn vinh chữ Quốc ngữ . Trong bài viết : “Lễ hội dành cho chữ Quốc ngữ?”, sau khi ghi nhận công trạng của linh mục Francisco Pina, ông viết “Thiết nghĩ, chữ Quốc ngữ đối với chúng ta hiện nay và mãi mãi sau nầy, quý báu và cần thiết như cơm gạo, như không khí, ánh sáng mặt trời vậy. Ngày nay và mai sau, mỗi người Việt Nam của chúng ta khi cầm trên tay một trang sách tiếng Việt, cầm trên tay cây bút ký tên mình bằng chữ Quốc ngữ, phải nhớ đến nguồn gốc của nó như từ đâu ta có bát cơm ăn.” Từ đó ông đưa ra ý kiến “.. tôi thiết nghĩ chữ Quốc ngữ và những tiền nhân có công khai sinh, phát triển và truyền bá nó, không kể họ là ai, ngoại quốc hay là Việt, lương hay là giáo cũng cần được tôn vinh trong lòng mỗi người dân Việt. Lễ hội chữ Quốc ngữ nếu được khai sinh trên cái nôi hình thành Thanh Chiêm, Hội An là một sự ứng xử đúng đạo lý nhất của người Việt, của người Quảng Nam là ‘uống nước nhớ nguồn’, ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’. Và lễ hội chữ Quốc ngữ sẽ là một điểm nhấn quan trọng góp phần làm hiển lộ ngày càng rõ nét nền văn hóa đặc thù Đất Quảng” (Báo Khoa học và Sáng tạo, số 69 (tháng 10/2008, trang 10,11)

Tháng 12 năm nay, dân tộc Việt Nam tự hào về chiến thắng đương kim vô địch Singapore và Thái Lan trên đấu trường bóng đá, nhờ công sức của ông Henrique Calisto, một người Bồ Đào Nha, nhưng không ai nhớ đến một người Bồ Đào Nha khác, Francisco Pina, đã chết đuối trên biển Quảng nam Đà Nẵng ngày 15 tháng 12 năm 1625, mười ngày trước lễ Chúa Giáng Sinh, khi vừa tròn 40 tuổi, với bao ước mơ chưa thành hình.

Nhân vật đó đã mãi mãi nằm xuống tại mảnh đất Việt Nam nầy, đã đặt nền tảng ban đầu cho một di sản khổng lồ là nền văn học chữ quốc ngữ . Qua bốn nghìn năm văn hiến, chúng ta còn lại bao nhiêu văn bản Hán Nôm? Chứa được bao nhiêu căn phòng? Còn chữ Quốc ngữ, tuổi chưa đầy 400 năm, nhưng nếu hôm nay nhà nước xây dựng bảo tàng chữ Quốc ngữ, chắc chắn phải cần một tòa nhà đồ sộ mới chứa hết.

 Công trạng của linh mục Francesco Pina quá lớn, nhưng ngay một ngôi mộ xứng đáng, dân tộc nầy cũng chưa dành cho ngài, ấy là không kể những người dùng chữ Quốc ngữ để phỉ báng chữ Quốc ngữ như là công cụ “thực dân, đế quốc”?!

Chưa đầy 10 năm khi những trang chữ Quốc ngữ xuất hiện trên Internet mà nay ai cũng nhận ra khả năng tuyệt vời hội nhập thế giới của lối chữ nầy. Chữ Quốc ngữ giúp dân tộc ta vượt qua nhiều dân tộc trên thế giới về chất lượng và số lượng website. Hãy gỏ một từ Quốc ngữ trên công cụ tìm kiếm Google hoặc Yahoo bạn sẽ thấy rỏ ngay.

Cha Pina ơi, cha đang nằm ở đâu trên mảnh đất vinh quang và đau thương nầy?

Người Việt Nam đã quên cha nhưng rồi sẽ phải nhớ ơn cha. Huấn luyện viên Calisto, người đồng hương của cha đã làm cho dân tộc Việt Nam tự hào trong một vài năm, nhưng cha mới là người Bồ Đào Nha mà người Việt cần phải biết ơn lâu dài, cha mới là hương vị thơm ngon, ngọt ngào, say nồng của rượu Bồ Đào (Porto), không chỉ trăm năm mà chắc chắn sẽ là mãi mãi với công trình sáng tạo chữ Quốc ngữ. 

Hội An, ngày 03 tháng 1 năm 2009.

Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng, Quản xứ Hội An.

VỀ MỤC LỤC
MẸ THIÊN CHÚA VÀ MẸ TÔI
 

  

Trong những phẩm chức của Mẹ thì phẩm chức “Mẹ Thiên Chúa” là một phẩm chức cao trọng hơn cả. Bên cạnh phẩm chức ấy là phẩm chức Mẹ Nhân Loại, và dĩ nhiên, là mẹ riêng tôi nữa. 

  

Khi Tổng Thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến với Mẹ, và khi cất lời chào Mẹ: “Hãy vui lên trinh nữ, vì được Thiên Chúa sủng ái, trinh nữ có phúc hơn mọi phụ nữ” (Lc 1:28), hẳn là ngài cũng biết rằng lời chào mừng ấy không dừng lại ở đó. Ý nghĩa của lời chào mừng ấy còn phải đi xa hơn nữa khiến muôn thế hệ sau phải tự hỏi: Người trinh nữ ấy vui với cái gì? Tại sao vui? 

  

Nhưng cũng nhờ Tổng Thần Gabriel, chúng ta tìm được lý do khiến Mẹ vui, đó là Mẹ sẽ thụ thai và sinh một con trai, mà người con trai ấy là Con Ðấng Tối Cao, là chính Thiên Chúa: “Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai. Ngài sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao” (Lc 1:31-32). Như vậy, qua biến cố Truyền Tin, hình ảnh người mẹ của Thiên Chúa đã được phác họa, và người đó chính là Trinh Nữ Maria. 

  

Khi làm mẹ Chúa Giêsu, Ðức Maria cũng trở thành mẹ của cả nhân loại, vì Chúa Giêsu đây không ai khác mà là một Adong mới, nơi Ngài, nhân loại được nối kết, và được trở nên con cái Thiên Chúa. Ngài là “Trưởng Tử” như lời Thánh Phaolô quảng diễn, và Ngài cũng chính là “Ðầu” của nhiệm thể mà trong đó mỗi người chúng ta là những chi thể. “Như mỗi người chúng ta có một thân thể với nhiều chi thể, và mỗi chi thể có một nhiệm vụ khác nhau. Cũng vậy, tuy nhiều, chúng ta chỉ làm thành một thân thể trong Ðức Kitô, và mỗi phần tử là một chi thể khác nhau” (Rm 12:4-5).. Tư tưởng này, Thánh Phaolô cũng viết cho Giáo Ðoàn Corinthô: “Anh em là thân thể của Chúa Kitô. Mỗi người trong anh em là một chi thể trong đó” (1Cor 12: 27). 

  

Vậy, nếu Mẹ là mẹ của “đầu”, thì Mẹ cũng là mẹ của toàn thân thể, là Mẹ của tất cả mọi chi thể. 

  

Tại sao người Trinh Nữ nhỏ bé thuộc một thôn trang nghèo nàn Nazareth lại có thể trở thành một người mẹ cao trọng và quyền uy đến thế: “Trinh nữ có phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1:28). Ðể có câu trả lời, chúng ta lại phải tìm về ý nghĩa của biến cố Truyền Tin. Sở dĩ Mẹ được Thiên Chúa sủng ái, và được trở nên cao trọng, vì Mẹ khiêm nhường và sự khiêm nhường ấy dẫn Mẹ đến chỗ hoàn toàn phục tùng Thiên Chúa: “Này tôi là nữ tỳ Ngài, tôi xin vâng” (Lc 1:38). 

  

Vâng, chính sự khiêm nhường ấy, nên Thiên Chúa đã cất nhắc Mẹ lên cao. Và dù được cao sang, vinh quang như thế, Mẹ vẫn hết sức khiêm nhường: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Và tâm trí tôi hoan hỷ trong Ðấng Cứu Chuộc tôi. Vì Chúa đã thương đến phận nữ tỳ tôi tớ Chúa. Này về sau muôn đời sẽ khen tôi có phúc” (Lc 1: 46-49). 

  

Nhưng ngoài Chúa Giêsu ra, trong cái chung toàn thể nhân loại ấy, Mẹ cũng còn là mẹ riêng của mỗi người chúng ta. Thánh Phaolô Tông Ðồ trong mối tương quan con cái Thiên Chúa qua Chúa Kitô đã viết: “Người Con trở thành trưởng tử của nhiều anh em” (Rm 8:29). Mầu nhiệm này, ơn gọi này cũng được hiểu về vai trò làm anh của Chúa Kitô đối với từng anh em của Ngài qua tương quan với Mẹ Maria. Chính Chúa Kitô đã mặc khải cho biết điều này. Trước giờ hấp hối, từ trên thập giá nhìn xuống thấy Mẹ và người môn đệ yêu dấu, Ngài đã nói: “Hỡi bà! Này là con bà”, và với người môn đệ, ngài nói: “Này là mẹ con” (Jn 19:26). Như vậy, chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho nhân loại và cho mỗi người chúng ta rằng, Ðức Maria không chỉ là riêng của Ngài, mà còn là của mỗi người chúng ta. 

  

Khi sinh ra Chúa trong hang đá Belem, cùng một lúc, Mẹ Maria cũng sinh chúng ta ra trong tình thương yêu và bình an của Thiên Chúa. Khi Mẹ cho Chúa Giêsu bú sữa, cũng là chính chúng ta được nuôi dưỡng bởi dòng sữa tình yêu của người. Khi Mẹ nâng đỡ, bao bọc, và nuôi dưỡng Chúa Giêsu, cũng chính là chúng ta từng người một được mẹ nâng đỡ, bao bọc, và nuôi dưỡng. Và khi Chúa Giêsu hấp hối trong Vườn Cây Dầu, vác thập giá lên núi Sọ, và chịu đóng đanh trên đó, thì cũng chính là Mẹ có mặt bên mỗi người chúng ta mỗi khi sầu khổ, lúc gặp thử thách, và ngay bên giường trước giờ ly biệt cõi trần: “Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”. Ðó là lời cầu xin mà Giáo Hội dạy con cái mình phải xin với Mẹ mọi ngày. 

  

Tôi đã tham dự đám tang của nhiều người Công Giáo, Phật Giáo, nhưng chỉ duy một lần, gần đây tôi được tham dự đám tang của một người chị em Tin Lành. Tôi không nói về sự khác biệt giữa Công Giáo và Phật Giáo, nhưng so sánh với đám tang của người chị em Tin Lành với những đám tang Công Giáo thì đây là điều khiến tôi phải suy nghĩ. Cũng có Lời Chúa được chia sẻ, cũng có Thánh Thi được đọc lên, nhưng thiếu hình bóng người Mẹ hiền. Người mẹ mà mỗi ngày tôi đều xin với người: “cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”. Ðiều gây ngạc nhiên, là chính những người trong gia đình nhà hiếu cũng cảm thấy sự khác biệt ấy. Lý do, vì tối hôm trước, một số nữ tu, anh chị em Công Giáo do sự quen biết với một phần tử trong gia đình, đã xin phép đến đọc kinh cho người quá cố. Những tràng Mân Côi được cất lên cùng với những bài thánh ca đã làm cho con cháu của người quá cố bồi hồi xúc động. Và chính vì thế, hôm sau, đứng trước quan tài, tôi cũng xin cùng với một người trong gia đình ấy đọc một chục kinh Mân Côi và hát một bài ca về Mẹ cầu cho người quá cố. 

  

Hình ảnh người mẹ tự nó đã là một hình ảnh đẹp và thu hút chứ không phải vì người mẹ đó là Mẹ Thiên Chúa: “Thưa bà. Này là con bà”. Chúa Giêsu đã chẳng nói với Mẹ trước giờ hấp hối điều này sao? Vậy thì mặc dù Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, con vẫn hạnh phúc và sung sướng nói với Mẹ như Chúa Giêsu đã cho phép con gọi thế: “Ðây là mẹ con”. Ôi Maria! Con sung sướng biết bao. 

  

Lễ Mẹ Thiên Chúa , ngày 1 tháng 1 năm 2009

Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt

VỀ MỤC LỤC
NHỮNG TÍN HIỆU KHÔNG VUI
 

Kể từ 01.01.2009, Pháp lệnh mới về dân số sẽ có hiệu lực. Pháp lệnh mới quy định mỗi gia đình chỉ được phép có từ 1 đến 2 con, điều này tưởng như không mới nhưng có một sự khác biệt rất lớn so với quy định cũ. Quy định cũ ghi rõ “Mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 đến 2 con” Nay được đổi thành “Mỗi gia đình chỉ được có từ 1 đến 2 con”.

Với quy định cũ, đã có biết bao thai nhi đã bị gạt bỏ ra ngoài cuộc sống, bao bi kịch kinh hoàng đã làm đảo lộn biết bao gia đình, đã có nhiều người chỉ vì đôi ba chữ trong một pháp lệnh đã hãi sợ cho đường thăng quan tiến chức, lo lắng cho công ăn việc làm, nhấp nhổm không yên cho kinh tế gia đình đến nỗi đã ra tay giết hại những thành viên vô tội trong chính gia đình của mình.

Với pháp lệnh mới sẽ có hiệu lực vào năm 2009 này. Mặc dù ai cũng biết trong pháp lệnh không đưa ra những biện pháp chế tài, thế nhưng những gì Nhà Nước CS đang làm trên đất Việt Nam này, ủng hộ phá thai, lật đổ giáo dục, tiêu diệt lương tri, coi thường công lý v.v... đang nhan nhản khắp các tỉnh thành. Chúng ta biết chắc rằng rồi đây sẽ còn có biết bao thai nhi vô tội sẽ phải chết oan ức tức tưởi ngay trong chính cung lòng mẹ chỉ vì một vài chữ đã thay đổi trong một pháp lệnh mà nghe qua có vẻ như rất triết lý, rất khoa học và rất nhân đạo.

Nhưng thực chất của vấn đề chỉ là ngụy biện vì có thứ triết lý nào đi hủy diệt Sự Sống, vì có thứ khoa học nào tàn sát con người và càng chẳng có thứ nhân đạo nào mà lại hủy diệt hàng loạt các thai nhi chưa bao giờ có cơ hội chào đời. Con số 3 triệu ca phá thai mỗi năm giờ đây sẽ còn có thể tăng cao hơn nữa trong những nỗi xót xa nhục nhằn của những ai còn có chút lương tri, rồi đây con số ấy sẽ lại gây bao kinh hoàng cho cả thế giới trong tiếng cười hả hê của những con người ích kỷ sống trên cái chết của đồng loại. Bất chấp cả những dự báo khoa học cho rằng trong vòng ít năm nữa sẽ có trên bốn triệu thanh niên Việt Nam không có cơ hội nào để lựa chọn bạn đời khác phái của mình.

Việt Nam đã vậy, nhìn ra thế giới. nhân đọc qua một bài viết của Linh Mục Nguyễn Hữu Thy với tựa đề “Hoa kỳ. Hàng triệu trẻ sơ sinh đang run sợ trước nhiệm kỳ tổng thống của ông Barack Obama sắp tới” trên trang vietcatholic.net.[1]

Chúng ta mới thấy cái đáng sợ của tội lỗi ngày nay đang nhấn chìm nhân loại vào trong văn hóa của sự chết là thế nào, chỉ một ý nghĩ chủ quan của một người sống mà hàng triệu trẻ em vô tội sẽ phải chết mỗi năm. Tôi ác diệt chủng này bao giờ mới có thể chấm dứt khi mà ngày nay con người chỉ lo vơ vét và hưởng thụ, vơ vét hưởng thụ của Bà Mẹ Trái Đất thôi chưa đủ, còn vơ vét hưởng thụ trên cái chết của đồng loại nữa. Chẳng lẽ con người bước vào thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới được cho là văn minh tiến bộ nhất lại là những tội ác kinh hoàng từ cổ chí kim chưa từng xẩy ra đến như vậy. Xét về mọi góc độ, thì tội ác phá thai còn kinh hoàng ghê tởm hơn rất nhiều những cuộc thảm sát đẫm máu nhất trong lịch sử các bạo chúa hôn quân như Tần Thủy Hoàng, Hitler, Pôn pốt..

Nhìn qua quốc gia láng giềng Trung Quốc, một quốc gia CS với tội ác vào loại bậc nhất trong lãnh vực phá thai, ngày nay cũng đang phải trả giá về hậu quả kinh khủng của nó. Nạn béo phì ở trẻ em, nạn mất cân bằng giới tính dẫn đến tình trạng hàng triệu thanh niên không kiếm được vợ. Họ phải nhập khẩu cô dâu, biến thân phận người phụ nữ thành một món hàng béo bở không hơn không kém mà nhiều cô gái Việt Nam đã phải trả giá.

Hàng loạt các vấn đề không thể giải quyết ngày một ngày hai cho dù có chi ra bao nhiêu tiền của đi chăng nữa vì cái giá phải trả đâu phải chỉ là tiền mà là hàng loạt những cái khác quý giá hơn, thiêng liêng hơn. Có lẽ còn lâu mới có thể khắc phục hậu quả, mà muốn thế đi nữa thì cũng chẳng dễ dàng gì vì con người vẫn đang ra sức tàn phá các nền tảng luân lý, xã hội, môi trường và chính mình chỉ để thỏa mãn lòng tham không đáy.

Các tín hiệu không vui khác từ Việt Nam không chỉ dừng lại ở lãnh vực Bảo Vệ Sự Sống mà còn ở các lãnh vực khác. Thế nhưng tất cả các lãnh vực khác khi suy đồi cũng cho ra một kết quả cuối cùng là làm cho cuộc sống ở cả người đã được sinh ra cũng như các thai nhi tội nghiệp của chúng ta ngày một thê thảm hơn trước.

Những người Công Giáo và những ai còn lương tri vẫn ngày đêm tranh đấu cho Công Lý và Hòa Bình, cho Tự Do Tín Ngưỡng và Nhân Quyền thì ngược ngạo thay, chính quyền phủ nhận tất cả để biến các Tu Viện, các cơ sở giáo dục trở thành những vũ trường, những sân golf dành cho các đại gia tham nhũng ăn chơi trác táng. Thật đau lòng khi viện mồ côi lại bị coi như nơi nuôi dưỡng đào tạo các mầm mống chống phá chính quyền, thật xót xa khi thể hiện lòng yêu nước lại bị tù đầy.

Những bậc cha mẹ ngày đêm mong mỏi cho con em mình được học hành tử tế trong một môi trường lành mạnh thì ấm ức thay chính quyền lại hướng dẫn các thầy cô phải dạy cho các em thái độ sống bất chấp các giá trị đạo đức tinh thần bằng cách lừa dối các em. Một số các em đã lỡ sa chân vào vũng lầy ma túy mong trở lại làm người nơi các trại cai nghiện thì lại “được” chính quyền huấn luyện thêm cho thói ma cô, giang hồ, đầu gấu, bắt đi đập phá Đền Thánh, Dòng Tu. Người mang tật mang bệnh mong mỏi đến nhà thương chữa trị thì đau lòng thay họ gặp toàn những lương y... tử mẫu, gặp đâu giết đó.

Báo đài ngày đêm ra rả cổ súy cho những trào lưu hưởng thụ. Lãnh đạo các cấp chỉ biết bao che dung túng và tham nhũng. Kết quả cuối cùng tất phải là người sống cạnh tranh với nhau không đủ, cạnh tranh với các thai nhi và còn cạnh tranh cả với người chết nữa. Khi ấy, con người ta đâm ra coi thường Sự Sống, nguyên nhân chính dẫn đến chuyện phá thai.

Còn rất nhiều những tín hiệu không vui ngày đêm đang gặm nhấm vào trái tim mỗi người trong chúng ta. Đang báo hiệu cái chết của nhân tâm, cái chết của lương tri và cái chết của con người đang đến gần từng giờ từng phút. Nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ mãi ngồi nguyền rủa bóng tối mà chẳng dám thắp lên một ngọn nến sao ? Chúng ta vẫn hãi sợ thế lực của bóng tối ngày nào thì ngày ấy không những những thai nhi vô tội sẽ là nạn nhân mà chính chúng ta cũng sẽ là những nạn nhân còn đau khổ hơn ngàn lần các em nữa.

Ngọn nến mà chúng ta cần thắp sáng bây giờ là ngọn nến của sám hối, ngọn nến cầu nguyện và ngọn nến của tình yêu. Những ngọn nến ấy mới có đủ sức mạnh để thắp sáng lên những ngọn nến khác đốt cháy những tín hiệu không vui ấy để chúng ta được sống và sống hạnh phúc.

Đaminh PHAN VĂN DŨNG,
Biên Hòa, một ngày cuối năm 2008
 

[1] Xin xem theo địa chỉ sau đây:
http://www.vietcatholic.org/News800/ReadArticle.aspx?ID=62708.

VỀ MỤC LỤC
“CÁI THUỞ BAN ĐẦU LƯU LUYẾN ẤY...”

 

Tôi là một sinh viên theo đạo Phật, có pháp danh hẳn hoi, từ Củ Chi lên thành phố trọ học. Hôm ấy được nghỉ học, má nuôi dẫn tôi đến tham dự buổi cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa ở nhà thờ Chí Hoà. Vì không có đạo cho nên đối với tôi việc này thực sự không mấy hứng thú. Nhưng tôi rất quí mến và thích cách sống của gia đình má nuôi, nên đi thử cho má vui lòng, và cũng để coi có học hỏi được điều gì mới lạ ở đây không. Buổi cầu nguyện hôm đó làm tôi cảm thấy thích thú. Nói thích vậy thôi chứ tôi cũng không mấy phấn khởi. Hôm đó tôi thích vì nghe ông cha ở đó giảng hay, dí dỏm và thực tế, không làm tôi buồn ngủ, nhưng kêu tôi thứ năm tuần nào cũng đi lễ như má tôi thì chắc không bao giờ. Đơn giản vì có phải đạo tôi đâu mà tôi đi.

Thế rồi một biến cố xảy đến làm tôi cảm thấy chán nản mọi thứ. Tôi chán học và chỉ muốn đi đến một nơi nào đó để được thư giãn. Nhưng tiền đâu mà đi và đi thế nào? Trong lúc hoang mang như thế, buồn buồn tôi đọc cuốn tập san “Nhờ Mẹ đến với Chúa” kể về những chuyến công tác bác ái xã hội đến những tỉnh thành xa xôi của cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa Chí Hoà. Tôi thấy thích thú lắm, và nghĩ rằng nếu tham gia vào Đội Quân Áo Xanh tôi sẽ được đi “du lịch miễn phí”! Tôi nhờ các bạn cùng phòng xin cho tôi tham gia nhóm phục vụ, nhưng vì tôi không có đạo nên không ai dám xin. Nỗi buồn của tôi như tăng lên gấp bội. Không tìm ra cách giải quyết vấn đề của mình, tôi thấy mọi thứ bế tắc, tối tăm và tuyệt vọng.

Thứ năm hàng tuần má tôi vẫn đi lễ ở Chí Hoà đều đặn. Thế là tôi quyết định nghỉ học và đi lễ với má cho bớt căng thẳng. Nhưng lần này có một điều gì đó thôi thúc tôi. Tôi cảm thấy rất muốn tham gia vào Đội Quân Áo Xanh. Tôi ý thức mình tham gia không phải để “đi du lịch miễn phí” nữa, nhưng là muốn được gặp gỡ, chia sẻ, và hiểu hơn về những người nghèo khổ. Tôi xin tờ giấy khấn “Nhờ Mẹ đến với Chúa” rồi viết vào đó nỗi lòng của mình. Giấy khấn vừa gửi đi thì một chị bạn đến nói: “Sao em không trực tiếp đến xin cha linh hướng? Nếu em tin tưởng thì Chúa và Đức Mẹ sẽ giúp em được toại nguyện đó!” Vừa nghe thế tôi thấy lòng phấn khởi hẳn lên. Tuy nhiên tôi lại bắt đầu hồi hộp và lo lắng vì không biết sẽ nói gì với cha đây? Không biết cha có nhận lời tôi không? Đã vậy tôi phải lên trường lúc bốn giờ để cùng các bạn thuyết trình. Lòng tôi rối như tơ vò. Đúng bốn giờ kém mười lăm, tôi nhận được tin nhắn không phải lên trường nữa. Tôi vui mừng vì bớt được một nỗi lo nhưng vẫn hồi hộp lắm. Tôi nắm chặt tay và thầm cầu nguyện: “Chúa ơi! Đức Mẹ ơi! Con là người ngoại đạo, nhưng lúc này đây con tin tưởng hoàn toàn nơi Ngài. Xin hãy giúp con!” Hết lễ tôi vào nhà thờ tìm cha linh hướng. Nhìn mọi người vây quanh cha mà tôi lo lắng và sợ hãi quá. Tôi cố gắng chờ cho đến khi những người vây quanh cha giãn dần mới dám tiến lại gần. Thấy tôi đứng ngập ngừng rụt rè, cha lấy tay lau những giọt mồ hôi trên trán, nhìn tôi khẽ hỏi: “Bé cần gì nào?” Ồ! Lạy Chúa! Cơ hội của tôi đã đến. Tôi vội vã nói: “Cha ơi! Con là người ngoại đạo, nhưng con rất muốn gia nhập vào Đội Quân Áo Xanh. Không biết có được không cha?” Cha nắm lấy tay tôi, nhìn thẳng vào mắt và trả lời dứt khoát: “Được chứ sao không? Con ra Lều Phục Vụ ghi tên, số điện thoại, địa chỉ rồi đợi cha.” Eo ôi còn gì hạnh phúc bằng! Tôi vui mừng như được sinh ra lần nữa. Tôi chỉ kịp đáp lại cha một tiếng “dạ” rồi chạy ra khoe với mọi người. Tôi vui mừng quá. Tạ ơn Chúa! Cảm ơn Đức Mẹ!

Cha nhận lời cho tôi gia nhập, tuy nhiên khi biết tôi không có đạo thì có vài người bàn tán, xầm xì … Ngay cả hai người bạn dắt tôi đi cũng không thấy đâu nữa. Tôi như con chim non lạc mẹ. Tôi buồn muốn khóc, nhưng cố nén lại. Một lần nữa tôi lại xin Chúa và Đức Mẹ: “Chúa ơi! Đức Mẹ ơi! Chúa và Đức Mẹ đã soi sáng cho cha Long nhận lời con, con tin Chúa và Đức Mẹ sẽ không bỏ rơi con đâu. Đúng không ạ? Xin hãy cho con lòng can đảm để vượt qua những khó khăn phía trước.”

Hôm ấy tôi cảm thấy rất vui vì đã nghiệm thấy sự nhiệm mầu của lời cầu nguyện. Tôi kể cho người bạn trai của tôi và hi vọng nhận được sự chia sẻ của anh nhưng không ngờ anh nói muốn chia tay. Trái tim tôi như vỡ nát từng mảnh. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi oán trách Chúa. Tại sao Ngài vừa cho tôi thấy được sự mầu nhiệm của lời cầu nguyện nhưng giờ lại bỏ tôi. Lúc đó tôi nghĩ tới cha Long. Nhắn tin tâm sự với cha và nhận được những lời khuyên và cầu nguyện, tôi vơi bớt nỗi buồn. Tôi chợt nghĩ có lẽ Chúa muốn thử thách tôi, và qua chuyện này Chúa muốn dạy tôi điều gì đó.

Ngày thứ năm đầu tiên tôi được khoác lên mình chiếc áo xanh. Tôi vui lắm vì Chúa đã cất gánh nặng cho tôi. Thay cho sự dò xét và những lời bàn tán là ánh mắt trìu mến và những nụ cười thân thiện của tất cả mọi người trong nhóm phục vụ. Tôi thật sự rất vui và nhanh chóng hòa nhập. Đến với Đội Quân Áo Xanh, tôi tìm lại được con người thật của chính mình, vui vẻ và hoạt bát. Thiên Chúa đã giúp tôi được sống thật với chính con người mình, vì thế tôi nguyện đem sức lực mình để giúp đỡ những con người đang cần tôi, bất kể họ là ai.

Chính vì tâm nguyện như thế trong ngày đầu tiên gia nhập Đội Quân Áo Xanh mà tôi đã đem tất cả tấm lòng đến với những con người nghèo khó trong chuyến công tác ở Hòn Đất – Kiên Giang vừa qua. Nhìn thấy niềm vui khi họ nhận được những món quà do cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa trao gởi, tôi hiểu rằng tôi đã chọn đúng đường. Tình yêu cần có sự bao dung. Tôi thầm cảm ơn người bạn trai của tôi, vì nếu anh không chia tay tôi thì tôi sẽ không biết mở rộng tấm lòng mà yêu thương tất cả mọi người như thế. Tôi sẽ chỉ đóng khung trái tim mình lại trong hai người mà thôi! Chuyến công tác bác ái qua đi nhưng đã để lại trong tôi nhiều bài học quý giá. Tôi thấy mình quá nhỏ bé trước tình yêu của Thiên Chúa và anh chị em trong đoàn công tác, vì thế tôi sẽ phải cố gắng và cố gắng nhiều hơn nữa để tập yêu thương và phục vụ. Nếu có khi nào chùn bước hay ngã quỵ trên đường đời thì tôi sẽ nghĩ đến những con người đang cần tôi kia mà đứng lên. Tôi sẽ tập yêu thương mọi người như Chúa yêu, dù cho họ có ghét bỏ tôi đi chăng nữa. Tôi sẽ tập luôn nhìn vào điều tốt của tha nhân để mến phục họ, và nếu có thấy được những điều chưa tốt thì sẽ tập cảm thương họ, thay vì chê trách phê bình chỉ trích… vì tôi đã gặp Chúa trong phút ban đầu gia nhập Đội Quân Áo Xanh, và tôi nhận ra chính Chúa đã sống và đã dạy tôi như thế.

Ôi “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy! Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên?...”

Cảm nghiệm của một người ngoại đạo

Thuỳ Dung

 
VỀ MỤC LỤC
LÁ THƯ CỦA TỔNG THỐNG LINCOLN - GỞI THẦY GIÁO DẠY CON TRAI ÔNG

 

Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một người chính trực, cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ gặp một nhà lãnh đạo tận tâm.

Bài học này sẽ mất nhiều thời gian tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng mỗi một đồng đô la kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với 5 đô la nhặt được trên hè phố.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cho cháu tránh xa sự đố kị. Xin hãy dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ đánh bại nhất.

Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách, nhưng cũng hãy cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.

Ở trường xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi. Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng đối với những người hoà nhã và cứng rắn đối với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế.

Xin dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã. Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn thận trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.

Xin hãy dạy cho cháu biết rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.

Xin hãy dạy cho cháu ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông gào thét và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện được những thanh sắt cứng rắn.

Xin hãy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.

Đây quả là một yêu cầu quá lớn, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết mình. Nếu được như vậy thật là điều tuyệt vời đối với con trai tôi.

Abraham Lincoln

 

Phần Quảng Diễn và Thêm Ý

1-   Cuộc đời không phải chỉ toàn những cái xấu nhưng xấu tốt lẫn lộn, sống ở đời ta phải chấp nhận nó và cho những kẻ dữ, kẻ xấu biết rằng còn rất nhiều người tốt đang giữ gìn và phát triển công lý, công đạo. Những người này được sự kính phục của mọi người dù họ không có quyền cao chức trọng hay giầu có. Ngược lại kẻ phá bỏ công lý, công đạo (lẽ phải ở đời) bị khinh khi, đàm tiếu và bị xử theo pháp luật khi pháp luật nghiêm chỉnh.

2-   Tiền mình kiếm ra mình tiêu mới đáng hãnh diện. Tiền nhặt được ở ngoài đường, dù không có tội nhưng không hãnh diện. Tiền do đè nén, hà hiếp hay xách nhiễu người ta mà có càng là điều nhục nhã. Kẻ không biết nhục với những hành động đó thì chẳng còn gì để nói nữa.

3-   Biết chấp nhận thất bại để sau đó tu chí đứng lên làm lại mới được kính phục. Luôn giữ trên môi một nụ cười dù đời “không thuận thảo” với mình. Không ganh tị, đố kị nhưng hoà ái, trung dung. Biết tận hưởng niềm vui chiến thắng thầm lặng, không ồn ào, không khoe khoang. Những kẻ hay khoe khoang là những kẻ có nhiều nhược điểm nhất. Chấp nhận thi trượt còn hơn là đậu mà gian lận. Bằng cấp chỉ đo được kiến thức một cách tương đối. Không có bằng cho đạo đức, nhân ái, bao dung mà mỗi người cần, lãnh đạo cũng như thường dân. Những kẻ thất bại mà yếm thế, chán đời là những kẻ hèn yếu, nhu nhược không đáng được trọng.

4-    Tôn trọng tuyệt đối Lẽ phải và Sự Thật, những giá trị cao quý nhất của đời sống. Bỏ Lẽ Phải và Sự Thật, mớ sự việc của nhân sinh chỉ còn lại một đống phế liệu. Khi đã nắm vững sự thật và công lý, không gì có thể lay chuyển nổi ta nữa dù ta chỉ có một mình và bên kia là số đông.

5-   Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Hoà dịu với người tử tế, thẳng thắn với kẻ hung bạo chỉ biết dùng sức mạnh của võ lực. Biết lắng nghe mọi người rồi rút ra những điều quý giá mà ta không có trước khi nghe.

6-   Dùng tay chân và trí óc để mưu sinh nhưng không bán đạo đức và lương tâm của mình cho bất cứ thế lực nào muốn lợi dụng mình làm tay sai cho họ trong những việc bất chính nhất là những việc có phương hại đến những người đang cùng sống với ta trong xã hội.

7-   Thẳng thắn nói lên công lí và công đạo dù chỉ có một mình mình một phe. Bậc cha mẹ, thầy cô xin đừng nuông chiều trẻ em vì tạo cho chúng những tính xấu: ỷ lại, lười biếng, chính hai tính xấu này giết chúng sau này.

8-   Thiết lập và xây đắp niềm tin vào bản thân (tự tin) để làm mọi việc. Người có niềm tự tin ắt sẽ có tự trọng. Có tự trọng sẽ giữ liêm sỉ, không làm điều tà khuất. Người không còn liêm sỉ (không biết xấu hổ vì những điều xấu mình làm) sẽ chẳng còn gì để nói nữa.

9-   Đào tạo con người cần đến một kỹ thuật cao. Học làm người học suốt đời không hết.“Dạy con từ thuở lên ba” trẻ thơ được học cái gì nó sẽ thể hiện ra đời sống sau này khi trưởng thành. Ấu học (cái học khi còn thơ) là điều tối quan trọng.

10-          Người muốn mở mang trí tuệ cần phải có sách nhưng không thể là con “mọt sách” mà phải nhìn xa trông rộng ra thế giới bên ngoài để chiêm nghiệm nhiều điều khó tìm hoặc không có trong sách vở. Cổ nhân nói:”Tận tín ư thư bất như vô thư” cũng là điều hữu lý vậy.

Bút Xuân Trần Đình Ngọc

VỀ MỤC LỤC
ĐỪNG THƯƠNG HẠI (3)

 

(Ông bố choàng tay ôm các con và nói với giọng cứng rắn rằng: “Đối diện với cái chết của mẹ, chúng ta cảm thấy một nỗi đau khổ lớn lao, nhưng hãy nhớ: chúng ta phải thương mẹ với sự can đảm, không phải với sự thất vọng. Đó là cách mẹ các con ước muốn, và bố tin chắc rằng các con có thể làm được điều đó như mẹ ước muốn.”) 

Anh Thư 9 tuổi, Mỹ Hoa 7 tuổi, và Anh Tuấn 6 tuổi, sống với dì Mỹ Linh và 2 đứa con gái của bà: Huyền Linh 8 tuổi và Thục Linh 5 tuổi vì bà mẹ của chúng đang nằm bệnh viện. Ông bố ăn tối với chúng mỗi tối và rồi đi nhà thương canh mẹ. Thỉnh thoảng dì Mỹ Linh cũng đi và bấy giờ ông dượng Anh Minh cố gắng làm cho chúng vui với những câu chuyện hoặc trò chơi. Dì Mỹ Linh cảm thấy mình kiệt sức và xuống tinh thần, một phần vì bỗng nhiên phải chăm sóc thêm ba đứa trẻ, và một phần vì sự quan tâm đối với người em rất thân thiện với bà. Những người lớn đều biết rằng bà mẹ của Anh Thư đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm vì bệnh ung thư. Họ không muốn cho con trẻ biết về bệnh tình của người mẹ. Cách đây một năm rưỡi, bà mẹ cũng ở nhà thương và trở về với chúng. Bất cứ lúc nào chúng nó hỏi “khi nào mẹ về”, chúng đều được nói rằng”sắp về”. Chúng cảm được có một sự ẩn dấu đằng sau những cái nhìn lo lắng và những cuộc nói chuyện nho nhỏ giữa bà dì và ông bố của chúng. Không thể hiểu được, nhưng chúng cũng cảm thấy khó chịu nên trở thành biến chứng, sinh ra càu nhàu, bực bội, và cứng đầu. Anh Thư mất sự lo lắng của bà mẹ hơn những đứa khác và nhận ra được tình trạng đó hơn. Vì Anh Thư là cô bé lớn nhất nên dì Mỹ Linh yêu cầu nó chăm sóc cho những đứa nhỏ hơn và cho nó ấn tượng có bổn phận của một người lớn nhất. Cô bé Anh Thư sẵn sàng gánh vác nhiều trách nhiệm nhưng lại phát triển một thái độ của kẻ trên nên bọn trẻ không thích. Điều đó thêm vào sự phức tạp mà chúng đang sống. 

Rồi bà mẹ chết, và nỗi đau khổ của người lớn không thể dấu được nữa. Các trẻ phải được thông báo. Ông bố yêu cầu để cho ông yên với ba đứa trẻ trong một thời gian, và dì Mỹ Linh sẽ nói với hai trẻ của bà. Dì Mỹ Linh đau khổ đến tột độ. Ông bố gọi ba đứa trẻ lại và nói: “Các con cưng của bố, bố có điều rất nghiêm chỉnh muốn nói với các con.” Cả ba trẻ đã cảm được cái gì không may, đã ý thức được về bầu không khí đã thay đổi trong nhà; “Có phải có gì không tốt đẹp xảy ra cho mẹ phải không?” cô bé lớn Anh Thư hỏi. “Mẹ các con đã về trời hôm nay để ở với Thiên Chúa. Mẹ các con rất hạnh phúc ở đó. Chúng ta cần phải can đảm bây giờ và phải lo cho nhau.” Phải mất mấy giây để điều ông bố nói được cảm nghiệm. Bị khủng hoảng, cô bé lớn khóc: “Tại sao mẹ bỏ chúng ta, bố? Tại sao mẹ phải về trời bây giờ? Chúng ta cần có mẹ!” “Chúng ta không thể làm gì được về điều đó con ơi! Thiên Chúa gọi mẹ của chúng con về với Ngài và chúng ta không thể hỏi điều Ngài làm.” Bé Mỹ Hoa hỏi: “Ba muốn nói là mẹ không còn về nhà nữa?” Ông bố nhè nhẹ trả lời: “Đúng đó con!” “Nhưng con muốn mẹ!” cô bé út vừa nói vừa khóc. Ông bố an ủi chúng và biết rằng sự đau khổ của chúng cũng cần được bày tỏ. Khi các trẻ yên tĩnh, ông bố nói: “Không có mẹ rất khó khăn. Chúng ta cần có một thời gian để làm quen. Chúng ta cần phải cùng nhau làm việc và giúp nhau. Chúng ta sẽ làm một chương trình sớm hết sức như cái gì cần phải làm kế tiếp. Vào lúc đó, Dì Mỹ Linh và hai đứa trẻ của bà vào phòng. Hai đứa trẻ của bà khóc vì những người chung quanh hơn là vì chúng trực tiếp liên quan đến thảm kịch. Dì Mỹ Linh ôm tất cả các bé vào vòng tay, ấp úng giữa những giọt nước mắt: “Những con cừu non tội nghiệp. Những con cừu non không mẹ tội nghiệp!” Ông bố lắc đầu nhìn Dì Mỹ Linh, nhưng Dì Mỹ Linh không hiểu. Các trẻ lại bộc khóc đau khổ, không mấy chốc lên đến tột đỉnh. Ông bố ra hiệu cho ông dượng yêu cầu đưa các con gái ông đi vào phòng một lúc. Ba đứa trẻ cũng ra khỏi vòng tay của bà dì và trở lại bên ông bố. Ông chồng sau cùng khuyên bà vợ Mỹ Linh nằm xuống nghỉ một chút. Bấy giờ ông bố choàng tay ôm các con, nói với giọng cứng rắn rằng: “Bây giờ, các con, chúng ta cảm thấy sự đau khổ nầy. Hãy nhớ: chúng ta phải nhớ mẹ với sự can đảm, không phải với sự thất vọng. Đó là cách mẹ các con ước muốn và bố tin chắc rằng các con có thể làm được điều đó như mẹ ước muốn. Nào, hãy quay quần bên nhau.” Ông im lặng chờ đợi các con thích ứng. Khi chúng đã trở nên sẵn sàng, ông nói tiếp: “Đến giờ cơm tối rồi. Dì Mỹ Linh cần chúng ta giúp đỡ. Tất cả chúng ta chú ý đến bữa ăn tối trên bàn.” “Bố, con không thể ăn bây giờ” cô bé lớn ấp úng giữa những giọt lệ. “Con ơi, con cần phải sống. Nếu con không ăn tối nay có thể được, nhưng vì bữa cơm tối đã sẵn, con sẽ tìm thấy cái con có thể ăn được.” Và với những lời khích lệ, ông bố đã thuyết phục được tất cả các con và đề nghị một công việc cho mỗi đứa. 

Con trẻ bị xuống tinh thần bỡi sự thương hại mà dì Mỹ Linh đã biểu lộ. Ông bố tỏ ra can đảm và sự nhạy cảm cần thiết trong hoàn cảnh đó, và với một chương trình hướng về điều sẽ làm kế tiếp, ông đã đưa những đứa con mình sớm đi vào con đường hồi phục.

Rất nhiều thảm kịch như thế xảy ra trong cuộc sống chúng ta. Là những người lớn, chúng ta được mong đợi chấp nhận và làm cái gì tốt nhất đối với hoàn cảnh. Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là cảm thấy thương hại cho các đứa trẻ vô tội trong tình trạng bi đát. Tuy nhiên, sự thương hại của chúng ta chỉ mang lại những hậu quả tai hại hơn là thảm cảnh nữa. Nếu người lớn cảm thấy thương hại cho một đứa trẻ, đứa trẻ càng cảm thấy chính đáng trong việc thương hại chính mình. Nó có thể dễ dàng tiêu phí suốt cuộc đời, thương hại cho chính nó, và rồi không thể nhận lấy trách nhiệm để ứng phó với những bổn phận của cuộc đời và tìm một cách vô ích một ai đó để bổ túc cho sự mất mát mà đời dành cho nó. Thật khó cho nó để trở thành một thành phần sản xuất của xã hội vì sự chú ý của nó hoàn toàn tập trung vào chính nó và vào cái nó nên có như một quyền lợi chính đáng. 

Một trong những tình trạng nguy khốn nghiêm túc nhất cho một đứa trẻ là mất một bố mẹ. Thời gian tái lập theo sau sự mất mát đó có thể nhuộm mầu tang thương suốt cả cuộc đời đứa trẻ. Nếu là bà mẹ chết thì càng khó khăn hơn nữa. Những đứa trẻ như thế cần sự nâng đỡ về tình cảm có thể từ mọi người chung quanh chúng. Điều cuối cùng chúng cần đó là sự thương hại. Sự thương hại là cảm xúc tiêu cực – nó làm cho cá nhân con người cảm thấy mình nhỏ bé, không quan trọng, làm mất đi sự tự tin, và tiêu diệt niềm tin vào cuộc đời. Sự chết là một phần của sự sống. Nó phải được chấp nhận. Không có sự chết, không thể có được cuộc đời. Dĩ nhiên, chúng ta không muốn nhìn thấy những đứa trẻ bị tổn thương bỡi cái chết của một bố mẹ. Nhưng sự đau buồn của chúng ta không thể khôi phục sự sống cho người chết. Trong khi sự chết xảy ra, sự sống vẫn tiếp tục. Con trẻ cần ý thức về bổn phận của mình để tiếp tục xây đắp cuộc đời của chúng một cách can đảm ngay cả dưới những điều kiện cực kỳ khó khăn. Sự thương hại trong những lúc như thế chỉ làm kiệt quệ sự can đảm mà chúng cần có trong những lúc đó. 

Chúng ta không thể bảo vệ con trẻ chúng ta xa cách cuộc đời. Sức mạnh và sự can đảm mà nhờ đó chúng ta thõa đáp cuộc sống trong thời kỳ trưởng thành, được xây dựng trong thời thơ ấu. Điều đó có nghĩa là chúng ta học cách chấp nhận nó trong bước đường dài của chúng ta và làm sao để tiếp tục đi. Nếu chúng ta muốn hướng dẫn con trẻ chúng ta đi vào trong sự chấp nhận cuộc đời cách can đảm đó, nếu chúng ta muốn dạy cho chúng sự hài lòng đến từ sự khắc phục những bất trắc, và khích lệ khả năng chúng làm điều phải được làm kế tiếp, chúng ta phải can đảm, không nhường bước cho sự thương hại. Chúng ta phải chú trọng đến sự thương tâm mà chúng ta thường học hỏi từ những nền văn hóa, tránh hành động theo phản ứng tự nhiên, và hãy tỏ sự thiện cảm và cảm thông bằng cách nâng đỡ các trẻ ứng phó với vấn đề đau khổ cũng như trong việc tìm cho chúng một lối đi về phía trước. Điều đó có nghĩa là chúng ta không bỏ rơi con trẻ cho cơn khủng hoảng. Trái lại, chúng ta cùng nhau đến để nâng đỡ chúng như chúng ta nâng đỡ một người lớn trong cơn khốn cùng của họ. 

Có thể nói: hoặc lúc nầy hay lúc khác nhiều người trong chúng ta đã chạm trán với một số người lớn tỏ ra không thích sự thương hại, những người không muốn gặp những ai tỏ sự thương hại như một hình thức của thiện cảm. Trong những trường hợp như thế, chúng ta phải cẩn thận diễn tả cảm tình muốn cảm thông với sự tin tuởng vào khả năng của họ trong việc ứng phó những hoàn cảnh khó khăn mà họ đang gặp phải. Và chúng ta cũng phải làm như thế đối với các con trẻ của chúng ta. Sự kính trọng đối với con trẻ đòi hỏi chúng ta phải nâng cao ý thức về trách nhiệm, về phẩm giá, không được làm hạ giá bằng cách kích thích sự tự ái của chúng. Trong cơn khủng hoảng, trẻ con nhìn đến người lớn để tìm một dấu chỉ như phải ứng phó cách nào với tình cảnh không quen thuộc đó. Chúng cảm được thái độ chúng ta và dùng nó như một hướng dẫn. 

Thật không khó để phân biệt giữa thương hại và thương tâm. Thương tâm ám chỉ: tôi hiểu cảm giác anh có, nó làm anh đau nhiều, cái khó khăn anh đang phải chịu. Tôi đau lòng về chuyện đó và tôi sẽ giúp anh thắng vượt những khó khăn đó. Còn thương hại ám chỉ một thái độ của kẻ trên, thái độ của một chủ nhân ông đối với người được thương hại. Anh là một cái gì đáng thương hại, tôi cảm thấy thương hại cho anh. Tôi sẽ làm tất cả điều tôi có thể làm để bù đắp vào cái mà anh thiệt thòi. Cảm giác đau buồn về điều xảy ra là thương tâm. Còn cảm giác đau buồn cho anh là người mà điều đó xảy ra là thương hại. Chúng ta có khuynh hướng nghi ngờ khả năng của tất cả những con người mà chúng ta xem là nhỏ và yếu, và như một kết quả, chúng ta làm suy giảm sự đầy sinh lực mà chúng có thể phát huy nếu sự thương hại của chúng ta không làm chúng co rút vào sự thụ động để rồi chỉ còn biết phàn nàn và đòi hỏi. 

Lm. Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý.

VỀ MỤC LỤC
NhỮng ngưỜi đưỢc tuyỂn chỌn đáp lẠi

Tác Phẩm CHÚA VẪN THƯƠNG

Lm. MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY pss

Phần hai

BẠn cỘng tác vào Chương trình CỨu ĐỘ cỦa Thiên Chúa

6. NhỮng ngưỜi đưỢc tuyỂn chỌn đáp lẠi 

Những gì Chúa chờ đợi nơi người Chúa tuyển chọn

Chớ gì các linh mục, tu sĩ không tìm hiệu quả ở ngoài Chúa. Chúa ban cho bạn ơn đặc biệt khích lệ họ tìm được trong tương quan thân mật với Chúa, bí quyết một đời dâng hiến hạnh phúc. Bạn hãy năng dâng họ cho Chúa. Bạn hãy kết hợp với lời cầu nguyện của Chúa cho họ. Sức sống của Nước Chúa nơi trần gian tùy thuộc phần lớn ở họ. 

Thế gian qua đi mà không chịu để tâm nghe Chúa, chính vì vậy mà nhiều cuộc đời bị chao đảo, hoang phí, nhưng đau khổ hơn cho Thánh Tâm Chúa là chính những người hiến dâng, vì thiếu Đức Tin và tình yêu, đã không nghe Chúa. Tiếng nói của Chúa mất đi trong sa mạc. Bao nhiêu cuộc đời linh mục, tu sĩ đã không sinh hoa kết quả như thế! 

Bao nhiêu người bực tức chua cay, chán nản vì không chịu đứng trong chương trình cứu độ! Chúa luôn sẵn sàng thanh tẩy họ và đặt họ vào lại vị trí, nếu họ muốn mềm mỏng với hoạt động của Chúa Thánh Thần. Bạn hãy lấy tình huynh đệ dâng họ cho Chúa, cho ánh sáng tình yêu của Chúa. 

Bạn hãy nghĩ đến các linh mục, tu sĩ trẻ, tràn đầy nhiệt huyết tông đồ, tưởng họ có thể canh tân Giáo Hội mà không bắt đầu canh tân chính bản thân họ.

Bạn hãy nghĩ đến những người trí thức, rất hữu ích và rất cần thiết, với điều kiện là họ khiêm tốn theo đuổi những nghiên cứu, tìm tòi để phục vụ mà không khinh miệt ai. 

Bạn hãy nghĩ đến những linh mục và tu sĩ đứng tuổi, nghĩ rằng họ có mọi phương tiện của họ và dễ dàng có khuynh hướng vượt qua Chúa. 

Bạn hãy nghĩ đến những anh chị em đồng nghiệp già nua gặp phải sự thiếu thông cảm của các anh chị em trẻ, tự cảm thấy mình bị vượt qua và thường đứng ngoài cuộc. Thực ra họ đang đi vào giai đoạn phong phú của cuộc đời họ, lúc mà sự tước bỏ được thực hiện và thánh hóa họ, nếu họ biết đón nhận với tình yêu. 

Bạn hãy nghĩ đến những anh chị em đang dọn mình chết. Bạn hãy cầu xin cho họ lòng cậy trông và phó thác cho lòng nhân hậu của Chúa. Tội lỗi, lầm lỡ, sai trái của họ từ lâu đã được tẩy xóa. Chúa chỉ nhớ lòng hăng say dâng hiến ban đầu, những cố gắng, những vất vả, những mệt nhọc họ đã chấp nhận cho Chúa. 

Chúa cần những lịnh mục và tu sĩ mà đời sống là sự diễn tả cụ thể lời cầu nguyện, chúc tụng, khiêm tốn, bác ái của Chúa. Chúa cần những linh mục và tu sĩ ngày qua ngày luôn bận tâm họa lại gương mặt của Chúa nơi những ai được ủy thác cho họ, một cách tế nhị và hết sức kính trọng tha nhân. Chúa cần những linh mục và tu sĩ phó mình trước hết cho những thực tại siêu nhiên, hầu đem chuyển sức sống cho cả cuộc đời thực tế của con người hôm nay. Chúa cần những linh mục và tu sĩ “hành nghề thiêng liêng”, chứ không phải là những công chức hay những kẻ tự cao tự đại. Những linh mục và tu sĩ hiền lành nhẫn nại, có tinh thần phục vụ, không bao giờ lẫn lộn quyền bính với cường quyền. Tóm lại là những linh mục và tu sĩ biết yêu thương, chỉ tìm một việc, chỉ có một mục đích là Thiên Chúa Tình Yêu được yêu mến hơn lên. 

Vấn đề Phúc âm hóa thế giới là vấn đề Đức Tin trong một tình yêu. Tất cả vấn đề là ở đó: làm cho tình yêu lớn lên trong trái tim con người hiện nay trên mặt đất. Thanh tẩy con người khỏi cái thú tính tấn công, luôn lấy mình là trọng tâm và làm cho con người nên đạo đức tiến tới tham dự vào bản tính thần linh. Con người cần tự do chọn lựa tình yêu hơn hận thù, bạo lực, ý muốn quyền lực và bản năng thống trị. 

Tình yêu được thanh tẩy nhờ sự thanh thoát tiền bạc và từ bỏ chính mình. Nó phát triển đến độ con người nghĩ đến tha nhân trước khi nghĩ đến mình, khiêm tốn chia sớt những lo âu, những nhọc nhằn, những khổ đau và ngay cả niềm vui của tha nhân. Đồng thời con người cũng ý thức mình cần đến người khác, chấp nhận đón nhận cũng như cho đi. Một linh mục hay một tu sĩ không có tình yêu là một thân xác không có linh hồn. 

Phải nói cho mọi người, nhất là các linh mục và tu sĩ biết rằng sự phong phú thiêng liêng lệ thuộc vào sự sẵn sàng của các tâm hồn cho tác động của Chúa Thánh Linh, cái quan trọng đối với Chúa không phải là đọc nhiều, nói nhiều, làm nhiều mà chính là để Chúa hành động qua bạn. 

Bạn hãy xác tín rằng nếu Chúa có được một chỗ như Chúa ao ước trong đời sống, trong con tim, trong lời cầu nguyện của linh mục và tu sĩ, thì linh mục và tu sĩ sẽ tìm được quân bình, triển nở và sung mãn với thiên chức làm cha, làm mẹ thiêng liêng của mình. Cao cả và đáng sợ thay tâm hồn linh hồn linh mục và tu sĩ! Họ có thể tiếp nối Chúa và lôi kéo người ta đến cùng Chúa, nhưng than ôi, họ cũng có thể làm người ta thất vọng và tránh xa Chúa, đôi khi còn muốn lôi cuốn và giữ người ta lại cho mình! 

Bạn hãy nhớ đến những linh mục và tu sĩ sa ngã, mà có nhiều người biện minh: vì thiếu đào tạo, thiếu khổ chế, thiếu sự nâng đỡ huynh đệ và phụ tử, dùng sai khả năng, do đó chán nản, ngã lòng, cám dỗ và tiếp theo… Họ không mấy hạnh phúc và lắm lần cảm thấy nhớ nhung thần thánh! Bạn không tin rằng trong Thánh Tâm Chúa có nhiều sức mạnh tha thứ hơn họ có sức phạm tội sao? Bạn hãy lấy tình huynh đệ mang họ trong tư tưởng và lời cầu nguyện của bạn. Cũng qua họ nữa mà Chúa muốn thi thố ơn cứu độ cho thế gian. Bạn hãy nhìn thấy Chúa trong mỗi người, đôi khi dẫy chết, biến dạng… Bạn hãy thờ lạy Chúa ở trong họ, và bạn sẽ làm sống lại cuộc Phục sinh của Chúa trong tất cả.

Một loại linh mục và tu sĩ làm Chúa buồn thực sự, đó là những linh mục và tu sĩ trở nên kiêu ngạo và cứng cỏi. Ý muốn khẳng định quyền lực và cái tôi dần dần làm trống vắng khỏi tâm hồn họ lòng bác ái sâu xa, lẻ đáng phải điều khiển mọi thái độ và công việc của họ. Cái ác một linh mục và tu sĩ kiêu ngạo cứng cỏi làm càng tác hại! Cái thiện một linh mục và tu sĩ hiền lành làm càng sinh ích! Bạn hãy sửa chữa cho những người đầu và nâng đỡ những người sau. Chúa tha thứ nhiều sự cho linh mục và tu sĩ hiền lành. Chúa rút lui khỏi linh mục và tu sĩ kiêu ngạo cứng cỏi, vì Chúa không có chỗ trong đó, Chúa bị chết ngộp. 

Bạn hãy năng dâng cho Chúa những đau khổ của anh chị em linh mục và tu sĩ của bạn: Đau khổ trong tâm trí, đau khổ trong thân xác, đau khổ trong con tim. Bạn hãy nối kết những đau khổ đó với những đau khổ của Chúa trong cuộc Khổ Nạn và trên Thập Giá để họ kín múc được giá trị đem lại bình an và đồng công cứu thế. 

Bạn hãy xin với Mẹ giúp bạn trong sứ mệnh này và đặc biệt nhớ đến sứ mệnh ấy trong mỗi thánh lễ bạn dâng, kết hợp với Mẹ và trong sự hiện diện từ mẫu của Mẹ. Bạn đừng quên rằng việc cứu chuộc trước hết là một công trình của tình yêu hơn là một công trình của tổ chức. Ôi chớ gì tất cả các anh chị em linh mục và tu sĩ của bạn biết được Chúa yêu thương họ là dường nào, và nếu không có Chúa thì họ chẳng có thể làm gì được, tuy nhiên Chúa vẫn cần ngang qua họ như Thánh Tâm Chúa ao ước. 

Chúa hiện diện trong mỗi một trinh nữ hiến dâng cho Chúa tuổi xuân và đời sống họ trong các Xứ Truyền Giáo, để phục vụ Giáo Hội Chúa. Chúa luôn có mặt là bác ái của trái tim họ, là nghị lực của ý chí họ, là ánh sáng của trí khôn họ. Chúa hiện diện đó, là ánh sáng của cuộc đời họ, là chứng nhân của những cố gắng, những hy sinh của họ, ngang qua họ mà đến với các linh hồn họ tiếp cận.  

Bạn hãy dâng cho Chúa những của lễ sống động mà Chúa đang ẩn mình đây, nhưng Chúa đang làm việc, đang cầu nguyện, đang ước ao trong họ. Bạn hãy nghĩ đến muôn ngàn phụ nữ dâng hiến cho Chúa và đã lãnh nhận sứ mệnh không thể thay thế được là tiếp tục hoạt động của Mẹ trong Giáo Hội, miễn là họ để thấm nhập Chúa trong chiêm niệm. Cái ngày nay Giáo Hội đang thiếu không phải là sự tận tụy, những sáng kiến, những công cuộc này khác, mà chính là tỷ lệ đời sống chiêm niệm đích thực. 

Lý tưởng là một tâm hồn hiến dâng vừa hiểu biết nhiều khoa học vừa có nhiều tình yêu và nhiều khiêm tốn. Nhưng tốt hơn có ít khoa học với nhiều tình yêu và khiêm tốn, hơn là có nhiều khoa học với ít tình yêu và khiêm tốn. 

Bạn hãy năng xin Chúa làm nổi lên, ngay cả giữa trần thế, những tâm hồn chiêm niệm có tinh thần phổ quát lo việc cầu nguyện và đền tội cho bao nhiêu người ngày nay đang đóng kín lòng trước lời mời gọi của ơn thánh Chúa. Bạn hãy nhớ thánh Têrêxa Avila đã góp phần vào ơn cứu rỗi của nhiều linh hồn, cũng như thánh Phanxicô Xavie và Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu xứng đáng là Bổn Mạng Các Xứ Truyền Giáo. 

Bạn hãy chia sẻ những ưu tư cho Giáo Hội của Chúa, đặc biệt cho các linh mục của Chúa. Họ là “những người yêu dấu” của Chúa, ngay cả những người vì bão tố mà bỏ Chúa một thời gian. Chúa rất thương xót họ và những linh hồn đã được ủy thác cho họ. Lòng nhân hậu của Chúa đối với họ vô tận, nếu nhờ những lời cầu nguyện và các hy sinh của các anh chị em của họ mà họ đến gieo mình vào vòng tay Chúa. Việc truyền chức đã ghi cho họ một dấu không thể xóa đi được, ngay cả khi không thể chu toàn chức linh mục thừa tác, thì đời sống của họ nối kết với hiến tế cứu độ của Chúa là một của lễ tình yêu mà Chúa sẽ dùng đến.

Bạn hãy tận dụng thời gian Chúa còn để bạn tại thế để tha thiết cầu xin cho con số các linh hồn chiêm niệm được gia tăng. Chính họ sẽ cứu thế giới và đem lại cho Giáo Hội sự đổi mới thiêng liêng mà Giáo Hội đang cần.

Trong lúc này, nhiều nhà thần học giả danh đang tung ra những suy nghĩ của mình tưởng rằng thanh tẩy Đức Tin thì lại càng làm thêm hoang mang. Chỉ những ai gặp gỡ Chúa trong thinh lặng cầu nguyện, trong khiêm tốn đọc Thánh Kinh, trong kết hợp sâu xa với Chúa có đủ khả năng nói về Chúa, vì lúc đó chính Chúa gợi lên trong tư tưởng của họ và nói qua môi miệng của họ. 

Thế giới đi trệch đường. Ngay cả Giáo Hội cũng bị chia rẽ, nhiệm thể Chúa đau khổ. Satan được cởi trói. Như sau mỗi Công Đồng trong lịch sử Giáo Hội, nó gieo rắc lộn xộn khắp nơi, nó làm mù tối trí khôn, không nhận ra những thực tại thiêng liêng, nó làm chai cứng trái tim con người trước lời mời gọi tình yêu của Chúa. Các linh mục và những người hiến dâng phải phản ứng lại bằng cách dâng mọi khổ đau, mọi hấp hối của nhân loại nối kết với đau khổ, hấp hối của Chúa “cho trần gian được sống”. 

Linh mục không còn thuộc về mình nữa. Người đã tự do dâng hiến cho Chúa mãi mãi, cả thân xác cả linh hồn. Vì vậy, linh mục không hoàn toàn giống như những đàn ông khác. Sống trong thế gian nhưng không còn thuộc về thế gian, linh mục phải cố gắng đồng nhất với Chúa, trong hiệp nhất tư tưởng và con tim, trong chia sẻ những lo âu và ước muốn, trong sự thân mật mỗi ngày một lớn thêm mãi. Bằng cách cư xử của mình, linh mục diễn tả lòng kính trọng vô biên của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và lòng bác ái của Ngài đối với con người dù họ thế nào đi nữa. Và linh mục phải làm mới lại không ngừng việc tự hiến trọn vẹn cho Chúa.

Chúa đang rất cần đến những tâm hồn dâng hiến. Họ là muối đất, nhưng nếu muối lạt thì còn dùng được việc chi? Chính qua lòng tốt, khiêm nhượng, dịu dàng, niềm nở, chiếu tỏa niềm vui của họ mà Chúa muốn tỏ mình ra cho thế gian.

VỀ MỤC LỤC
BỆNH LOÃNG XƯƠNG

 

Ở tuổi “17, bẻ gẫy sừng trâu”, nếu chẳng may có té ngã thì cũng chỉ bị trầy da, xước thịt hoặc nặng lắm thì bong gân, trật khớp.

Nhưng tới tuổi 55-60, khi mà kinh nguyệt quý bà đã từ giã ra đi, thì té ngã có thể đưa tỡi gẫy chiếc xương hông, xương đùi, xương chậu. Lý do là ở tuổi này, kích thích tố nữ giảm, kéo theo sự mất calcium trong xương, xương trở nên mảnh mai, giòn và dễ gẫy. Xương đã bị loãng hoặc xốp. Đó là bệnh Loãng xương  hoặc Xốp xương.

Sau e ngại bị Sa Sút Trí Tuệ (Alzheimer), té ngã vì loãng xương rồi nằm liệt giường liệt chiếu là mối e ngại kế tiếp của tuổi về già.

Đại cương 

Tại sao xương đang đặc, chắc mà đột nhiên lại trở nên rỗng toác, mảnh mai  như cái xơ mướp vậy. Thưa là tại vì lớp “xi măng” calci trong cốt sắt “ đạm chất protein” bị “rút ruột”. 

Về phương diện cấu trúc, xương là một cái khung do chất đạm tạo thành. Trên chiếc sườn đó calci bám kín vào. Calci càng nhiều thì xương càng đặc, chắc.

Khoảng 99% calci trong cơ thể được dùng để tạo xương và răng. Phần còn lại lưu hành trong máu và có vai trò trong sự đông máu, co dãn cơ thịt, chức năng enzym . Khi lượng calci cho các nhu cầu thứ hai này thiếu thì sinh tố D sẽ lấy calci từ xương để đáp ứng.

Trong suốt đời người, calci liên tục được đưa tới và lấy đi ở xương.

Vào thời kỳ thiếu niên, calci tới xương nhiều hơn là rời khỏi xương. Tới tuổi trung niên thì số lượng đến và đi bằng nhau. Nhưng khi lên tới tuổi già thì calci rời xương ra đi nhiều hơn là đến với xương. Có hai nguyên nhân:

- Ở tuổi cao, sự hấp thụ calci trong thực phẩm của ruột non giảm xuống, do đó không có nhiều calci để đóng vào xương.

- Estrogen do noãn sào tiết ra ít đi, mà estrogen giúp calci bám vào xương. Do đó, nữ giới thường hay bị mỏng, loãng xương hơn nam giới và tỷ lệ gẫy xương cũng cao hơn. 

Thoái hóa xương là một biến đổi bình thuờng, khởi sự ngay từ tuổi trung niên và tiếp tục cho tới khi về già. Trong thay đổi này, thành phần cấu tạo xương không thay đổi, nhưng khối lượng và độ đặc (bone mass & bone density) của xương thay đổi.

Bệnh loãng xương xảy ra khi xương thoái hóa nhiều đến mức mà xương không chịu đựng được các sức ép bình thường, trở nên dễ gẫy.

Bệnh thường thấy ở xương cổ tay, xương cột sống, xương hông.

Loãng xương là một bệnh khá trầm trọng, nhưng lại âm thầm diễn tiến với rất ít dấu hiệu báo trước, khiến cho nhiều người không để ý,  tới khi một xương nào đó gẫy sau một té ngã. 

Loãng xương có thể là tiền phát hoặc thứ phát.

a- Tiền phát là do hậu quả những thay đổi bình thường của tuổi cao và sự suy giảm chức năng của tuyến sinh dục. Có khoảng 95% các trường hợp loãng xương ở trong nhóm này.

b- Thứ phát, khoảng 5%,  gây ra do sự không vận động cơ thể, bệnh kinh niên, thiếu dinh dưỡng, tác dụng phụ của một số dược phẩm.

Các nguy cơ đưa tới loãng xương

1 -Tui tác.

Loãng xương tăng với tuổi cao, dù là nam hay nữ giới. Lý do là ở tuổi này, sự hấp thụ của calci ở ruột giảm và lượng estrogen cần cho calci bám vào xương cũng ít hơn.

 Các nhà chuyên môn cho hay, 90% trường hợp gẫy xương ở người trên 60 tuổi là do loãng xương 

2- Gii tính.

Nữ giới bị loãng xương nhiều hơn nam giới gấp bốn lần. Lý do của sự khác biệt này là vì nữ giới có khối lượng xương nhỏ hơn nam giới; họ cũng thường ăn thực phẩm có ít calci hơn và ít vận dụng sức lực.

Ngoài ra, tới tuổi mãn kinh, estrogen nữ giảm do đó calci ít được hấp thụ và chuyển vào xương. 

3- Mu da.

Người da trắng và da vàng thường hay bị loãng xương hơn người da đen, vì những người này có khối xương đặc hơn với nhiều khoáng calci. 

4- Y s gia đình

Nếu cha mẹ, anh chị em đã bị gẫy xương thì thân nhân tăng nguy cơ loãng xương lên gấp hai lần.

5- Thiếu estrogen.

Estrogen giúp hấp thụ calci từ thực phẩm và chuyển vào xương. Estrogen giảm trong các trường hợp mãn kinh, cắt bỏ buồng trứng hoặc giảm chức năng tuyến sinh dục nam nữ.

Phụ nữ  không có kinh kỳ trong một thời gian lâu vì bất cứ lý do nào cũng đưa đến hư hao xương.

Những nữ thể thao gia vận động nhiều nên kinh nguyệt thường bị gián đoạn. Hậu quả là sự giảm tế bào mỡ, giảm estrogen, giảm calci và độ đặc của xương giảm đi khá nhiều. 

6- Cho con bú.

Khi còn trong bụng mẹ cũng như khi mới sinh ra, thai nhi cần rất nhiều calci để tạo xương và tăng trưởng. Do đó, khi nuôi con bằng sữa mẹ quá sáu tháng thì sự hao xương ngắn hạn có thể xẩy ra. Người mẹ cần dùng thêm cho đủ số calci và sinh tố D để phòng bệnh xương. 

Sau khi ngưng cho con bú, tình trạng calci ở người mẹ trở lại bình thường. 

7- Dược phm.

Dùng steroid quá 6 tháng để chữa một bệnh nào đó, như hen suyễn, viêm xương khớp đều là rủi ro bị loãng xương.

Steroid giảm sự hấp thụ calci ở ruột, giảm sự tái hấp thụ calci ở thận, tăng sự rút calci từ xương và làm cho xương trở nên xốp.

Một số dược phẩm khác như Dilantin, Phenobarbital,  Lithium, Phenothiazine, Tetracycline, Cyclosporin, kích thích tố tuyến cận giáp (parathyroid gland)...cũng làm tiêu hao calci từ xương hoặc ngăn cản sự hấp thụ calci ở ruột. 

8- Không vn đng cơ th.

Cơ thể ít vận động đưa tới hao xương, giảm khối xương.

Lý do sự cử động bắp thịt tạo sức ép lên xương và làm cho xương bền chắc hơn. Người bệnh nằm liệt giường lâu ngày thì xương rất yếu và dễ gẫy.

Các phi hành gia trong không gian trong thời gian lâu cũng có rủi ro hư hao xương, vì cơ thể chỉ bay bổng mà không vận động 

9- Tâm trng bun

Người thường xuyên buồn rầu, sợ hãi cũng có rủi ro bị loãng xương hơn người “tâm thân an lạc” tới 6%. Lý do là trong tình trạng stress, lượng cortisol tăng, gây trở ngại cho sự hấp thụ calci.

10- Hút nhiu thuc lá.

So với người không hút thuốc lá, người hút có tỷ lệ loãng xương nhiều hơn tới từ 6-10%. Hậu quả là gẫy cột sống tăng gấp đôi và xương hông tăng 50%.

 Tại Hoa kỳ, cứ 8 trường hợp gẫy xương ở phụ nữ thì một trường hợp do hút thuốc lá lâu năm.

Nguyên lý của tác động này chưa được biết rõ. Thường thường, người hút nhiều thuốc lá có thân hình mảnh mai, ít vận động. Riêng đối với nữ giới, thuốc lá có thể đưa tới sớm tắt kinh và ảnh hưởng tới sự sản xuất estrogen. 

11- Nghin rượu

Rượu tăng hormon của tuyến cận giáp parathyroid đưa tới giảm calci dự trữ; giảm sự sản xuất sinh tố D cần thiết cho hấp thụ calci; giảm kích thích tố testosterone và estrogen đưa tới kém hấp thụ calci.

Người say rượu cũng tăng rủi ro té ngã, gẫy xương. 

12- Thiếu sinh t D.

Quan sát những người sử dụng cùng lượng calcium như nhau, người sống ở vùng ít có ánh nắng thường bị loãng xương nhiều hơn người sống ở nơi có nhiều ánh nắng mặt trời. Đó là vì nắng chiếu trên da tạo ra sinh tố D và sinh tố này góp phần tích cực trong việc hấp thụ calci và bảo vệ xương. 

12- Nhiu cht xơ

Thực phẩm thực vật nhiều chất xơ ngăn cản sự hấp thụ calci.  

13- Cht đm

Tiêu thụ quá nhiều chất đạm động vật làm tăng bài tiết calci trong nước tiểu, trong khi chất đạm thực vật không có tác dụng này.  

14- Cà phê

Uống nhiều cà phê cũng làm hao xương ở người cao tuổi, nhất là khi không uống thêm sữa có bổ sung calci. 

Phòng tránh loãng xương 

Mặc dù được coi như một bệnh khó tránh và có hậu quả nghiêm trọng của tuổi già, nhưng các nghiên cứu mới đây cho thấy bệnh có thể một phần nào tránh và chữa được.

Xương cứng mạnh hay yếu giòn tùy thuộc vào sự dinh dưỡng, sự vận động cơ thể và lượng kích thích tố estrogen.

Cho nên để phòng bệnh, ta cần lưu ý duy trì tốt ba yếu tố này.

1- Tiêu th đ s lượng calci mà cơ th cn qua thc phm.

Dinh dưỡng lành mạnh là điều rất quan trọng để có bộ xương vững chắc. Dinh dưỡng này dựa trên sự khéo léo chọn lựa các loại thực phẩm căn bản có nhiều calci.   Thực phẩm có nhiều calci là sữa, sữa chua, pho mát cứng, cá sardine, cá salmon, sò, rau có lá màu lục, cam, đậu nành.

Đậu nành có loại phytoestrogen, tương tự như estrogen của cơ thể, nên cũng có tác dụng tốt trong việc hấp thụ calci.

Tuổi thiếu niên cần 1200mg calci mỗi ngày, tuổi trưởng thành cần 1500mg/ngày.

Nếu vì lý do nào đó mà không đủ calci qua thực phẩm, có thể dùng calci phụ. Nên uống khi ăn no để calci dễ dàng hấp thụ và không quá 600mg mỗi lần.

Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thêm calci, vì tiêu thụ quá nhiều, calci có thể đưa tới vài rối loạn như nhịp tim bất thường, tổn thưng mạch máu, suy yếu cơ, nhức đầu, sỏi thận.

2- Cn dùng thêm sinh t D

khong 400 IU-800UI/ngày đ giúp s hp th calci được hu hiu.

3- Vn đng cơ th

Xương là những mô bào sống, cần được sự vận động của cơ bắp để vững chắc. Do đó, nếu quá tĩnh tại, khối lượng xượng sẽ giảm rất nhiều.

Ngoài sự làm xương vững chắc, vận động còn giảm thiểu nguy cơ té ngã bằng cách tăng cường sức mạnh bắp thịt, cải thiện sự thăng bằng và phối hợp các động tác của cơ thể.

Vận động cũng giúp trái tim khỏe mạnh, tăng sức lực cơ thể.

Đi bộ, chạy, đánh tennis, khiêu vũ, cử tạ đều rất tốt.

Chỉ cần 30 phút đi bộ mỗi ngày là xương cốt chắc bền hơn rồi.

Ngoài ra:

- nếu thiếu estrogen, nên thảo luận với bác sĩ coi có thể dùng estrogen thay thế.

- ngưng uống rượu, hút thuốc lá và

- thay thế dược phẩm đang dùng gây ra hao xương. 

Khám phá loãng xương trước khi xương gẫy

Ở tuổi cao hoặc có rủi ro bị loãng xương, nên làm một số thử nghiệm để sớm khám phá coi có bị hao xương trước khi xương gẫy.

Đo tỷ trọng xương (densitrometry) giúp tìm ra bệnh loãng xương trước khi có triệu chứng bệnh như gẫy xương, giảm chiều cao, lệch xương sống.

Đây là một kỹ thuật khá chính xác để ước lượng nguy cơ gẫy xương và để theo dõi việc điều trị bệnh này.

Những người nên làm xét nghiệm tỷ trọng xương là:

- Phụ nữ dưới 65 tuổi ở trong thời kỳ mãn kinh mà có một hay nhiều nguy cơ bị loãng xương;

- Tất cả phụ nữ trên 65 tuổi;

- Phụ nữ đã hết kinh mà bị gẫy xương;

- Phụ nữ đang được điều trị với kích thích tố thay thế, với thuốc cortisone lâu ngày và phụ nữ thiếu estrogen;

- Người đang được điều trị bệnh loãng xương. 

Điều trị

Nếu được điều trị sớm, loãng xương có thể chữa được.

Dược phẩm thuộc nhóm Biphosphonates etidronate (Didronel), pamidronate (Aredia), alendronate (Fosamax), risedronate (Actonel), zoledronate (Zometa or Reclast), ibandronate (Boniva), đứng đầu trong các loại thuốc để điều trị loãng xương.

 Bằng cách vừa ngăn chặn sự tiêu hao và tăng cường độ đặc của xương, thuốc giảm rủi ro gẫy xương hông và cột sống rất nhiều.

Thuốc được coi như an toàn, nhưng cũng có một số tác dụng phụ như ợ chua, đau bụng, nhức đầu, đau bắp thịt, táo bón, tiêu chẩy, đầy hơi..

Để thuốc công hiệu và tránh kích thích thực quản, nên:

- Uống vào buổi sáng với một ly đầy nước, khoảng 30 phút trước khi ăn hoặc dùng loại thuốc nào khác.

- Ngồi nghỉ khoảng nửa giờ để tránh ợ chua.

- Đừng uống vào buổi chiều nếu quên không uống sáng nay.

Không dùng thuốc kể trên  nếu có thai, đang có bệnh thận trầm trọng, bị ợ chua với viêm thực quản.                 

Ngoài ra, các dược phẩm như Raloxifene, calcitonin, estrogen, kích thích tố tuyến cận giáp cũng được dùng để trị loãng xương. 

Kết luận

Phòng tránh loãng xương đã quan hệ, nhưng phòng tránh té ngã ở người cao tuổi cũng không kém phần quan trọng.

Vì mất thăng bằng cơ thể, kém thị giác, bắp thịt suy yếu, mất phương hướng, dùng nhiều dược phẩm có thể khiến cho người tuổi cao dễ bị té ngã.

Và gẫy xương sẽ xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức, Texas-Hoa Kỳ         www.nguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
TÌNH YÊU TRƯỚC VÀ SAU  Chuyện phiếm của Gã Siêu 

 

Nếu so sánh giữa con người với con vật, gã nghiệm ra rằng  : Trong khi con vật luôn dẫm chân tại chỗ, trước sau như một, ngày xưa và hôm nay vẫn cứ y như thế, thì con người biến đổi không ngừng.

Gã xin đưa ra một vài thí dụ điển hình :

Con chim ngày xưa làm tổ thế nào, thì hôm nay nó vẫn làm tổ như vậy, cho dù chiếc tổ ấy được đan bằng những cọng cỏ khô thật tỉ mỉ và khéo léo.

Con ong ngày xưa kéo mật thế nào, thì hôm nay nó vẫn kéo mật như vậy, cho dù mật ong có hương vị thơm ngon tuyệt vời.

Dầu vậy, thỉnh thoảng gã cũng thấy con vật này hay con vật kia có những hành động khác thường, chẳng hạn : con sáo biết nói, con gấu biết đi xe đạp, con khỉ biết nhảy dây…Sở dĩ chúng làm được như vậy là do dày công tập luyện, để rồi hành động theo phản xạ, chứ không phải hành động theo bản năng.

Trong khi đó, con người không ngừng biến đổi và tạo nên những tiến bộ trong mọi lãnh vực.

Chẳng hạn trong lãnh vực ăn. Ngày xưa người ta ăn tươi nuốt sống, còn hôm nay chúng ta đã biết nấu chín và chế biến thành những món đặc sản, cao lương mỹ vị.

Chẳng hạn trong lãnh vực mặc. Ngày xưa người ta lấy lá cây hay da thú mà che thân, còn hôm nay chúng ta đã biết dệt nên bao nhiêu loại vải, đã biết may thành bao nhiêu mẫu mã áo quần.

Trong lãnh vực ở. Ngày xưa người ta ở hang, ở lỗ, còn ngày nay chúng ta đã biết xây dựng những tòa nhà nhiều tầng, thậm chí còn có cả những tòa nhà chọc trời.

Trong lãnh vực đi, ngày xưa người ta đi bộ, đi voi, đi ngựa, còn ngày nay chúng ta đã có được biết bao nhiêu phương tiện di chuyển như xe đạp, xe máy, xe hơi, tàu thủy, tàu hỏa, tàu bay, thậm chí còn có cả những phi thuyền, hỏa tiễn để chinh phục không gian.

Hôm nay gã xin “tán hươu tán vượn” với bàn dân thiên hạ về những biến đổi trong tình yêu. Đặc biệt là những biến đổi nơi anh đờn ông con giai trong quãng đời…làm chồng của mình.

Về tình yêu của anh chồng dành cho chị vợ, có người đã chia ra thành ba thời kỳ hay ba giai đoạn, nhưng cũng có người chỉ chia ra làm hai thời kỳ hay hai giai đoạn mà thôi.

Dựa vào những suy nghĩ cá nhân cũng như dựa vào những kinh nghiệm xương máu của các chiến hữu trên khắp các vùng chiến thuật, gã sẽ bàn tới những thời kỳ hay những giai đoạn này. 

Trước hết về ba thời kỳ, hay ba giai đoạn của tình yêu. 

Theo tác giả Kim Vốn trên báo “Phụ Nữ Chủ Nhật” thì đối với nhiều chuyên gia tâm lý, tình yêu có thể được chia thành ba giai đoạn, đó là sáu tuần, sáu tháng và sáu năm với “các thái độ ứng xử được thích nghi cho phù hợp”, đi từ chiều chuộng, sang chăm sóc một cách miễn cưỡng, để rồi cuối cùng…người vợ chẳng còn một ký lô gà ram nào sốt!

Sự phân chia này được trình bày bằng lời nói cũng như bằng giọng nói của anh chồng như sau : 

Sáu tuần : Anh yêu em!

Sáu tháng : Thì anh yêu em mà!

Sáu năm : Nếu không yêu cô thì tôi đã bỏ quách đi từ lâu rồi!

 

Sáu tuần : Em yêu, mẹ gọi điệu thoại cho em nè!

Sáu tháng : Điện thoại của em đó!

Sáu năm : Điện hoài điện hủy!

 

Sáu tuần : Anh nghĩ rằng em rất thích có chiếc nhẫn ấy.

Sáu tháng : Ít ra chiếc lọ cũng có ích vì nó dùng để cắm hoa.

Sáu năm : Ừ thì cứ mua thứ gì mà cô muốn!

 

Sáu tuần : Ồ, không việc gì đâu.

Sáu tháng : Cẩn thận, coi chừng vỡ.

Sáu năm : Trời ơi, người đâu và vụng về đến thế!

 

Sáu tuần : Em mà nấu thì sẽ có một bữa ăn ngon lành.

Sáu tháng : Tối nay chúng ta sẽ ăn gì đây ?

Sáu năm : Ngày nào cũng trứng luộc thì chịu làm sao được ?

 

Sáu tuần : Với chiếc áo đầm này, em mới đẹp làm sao ?

Sáu tháng : Lại một chiếc áo đầm nữa à ?

Sáu năm : Bao nhiêu chiếc áo đầm mới đủ cho cô đây ?

 

Sáu tuần : Anh đã cắt cỏ vườn, em khỏi phải quan tan nữa.

Sáu tháng : Chiếc máy cắt cỏ hết mẹ nó xăng!

Sáu năm : Hôm nay cô đi mà cắt cỏ vườn.

 

Sáu tuần : Anh đã mướn cho em một cuốn phim thật hay.

Sáu tháng : Có thật là em muốn xem cuốn phim đó không ?

Sáu năm : Tối nay có bóng đá, cô để TV đó cho tôi. 

Gã cũng đã sưu tầm được một số hình ảnh khác rất cụ thể về ba giai đoạn của tình yêu, nhưng mang tính cách trung lập hơn, khách quan hơn và vô tư hơn, không ngả bên này cũng không nghiêng bên nọ, không bênh chị vợ mà hạ thấp anh chồng, hay ngược lại hạ thấp chị vợ mà bênh anh chồng.

Gã tạm gọi ba giai đoạn này là : Trước, liền sau và lâu sau. 

Với những người thích màu sắc, thì trước khi cưới là một màu hồng rực rỡ, liền sau khi cưới là một màu trắng nhạt, còn lâu sau khi cưới là một màu xám ảm đạm. 

Với những người thích nghiên cứu về thời tiết, thì trước khi cưới là những ngày mùa xuân nắng ấm, liền sau khi cưới là những ngày hè thu oi bức hay mưa dông, còn lâu sau khi cưới là những ngày dài mùa đông lạnh giá. 

Với những người thích âm thanh, trước khi cưới anh nói thì em nghe và em nói thì anh nghe, liền sau khi cưới, anh nói thì anh nghe và em nói thì em nghe, còn lâu sau khi cưới, thì cả hai cùng nói, nhưng hàng xóm phải nghe. 

Với những người có tinh thần ăn uống, trước khi cưới thì nhìn nhau mà no, liền sau khi cưới thì nhìn nhau mà ngáp, còn lâu sau khi cưới thì nồi niêu xoong chảo thỉnh thoảng lại bay ra ngoài sân. 

Với những người vốn mang dòng máu ga lăng, trước khi cưới thì chiếc dù lệch hẳn về phía nàng và chàng sẵn sàng chịu ướt, liền sau khi cưới thì chiếc dù nằm ở chính giữa và mỗi người chịu ướt một nửa, còn lâu sau khi cưới thì chiếc dù lệch hẳn về phía chàng và nàng đành cam chịu ướt. 

Từ đó, người ta đi tới một kết luận không mấy sáng sủa :

- Yêu nhau trong ba ngày, ghét nhau trong ba tháng và chịu đựng nhau suốt ba mươi ba năm.

Có kẻ còn bi quan hơn khi phát biểu :

- Trong cuộc đời anh đàn ông có hai ngày vui lớn. Ngày vui thứ nhất đó là ngày lấy vợ, còn ngày vui thứ hai đó là ngày vợ chết.   

Tiếp đến về hai thời kỳ, hay hai giai đoạn của tình yêu. 

Nhiều chuyên viên tâm lý khác thích đơn giản và sáng sủa hơn, nên đã chia tình yêu và nhất là tình yêu của anh chồng thành hai thời kỳ hay hai giai đoạn.

Các chuyên gia này đã chọn ngày cưới mà cắm mốc thời gian cho sự phân chia ấy. Vì thế, hai thời kỳ hay hai giai đoạn này được gọi là tình yêu trước khi cưới và tình yêu sau khi cưới.

Báo “Phụ Nữ Chủ Nhật”, số ra ngày 15.01.2006 có đăng một bài ngăn ngắn với những ghi nhận như sau :

Trước khi cưới :

- Anh yêu! Ghê quá, con chuột chết kìa.

- Để đó cho anh.

Sau khi cưới :

- Anh ơi! Có con mèo chết trên mái nhà mình.

- Thì lấy cây mà hất nó xuống, có con mèo chết mà cũng phải kêu chồng.

Trước khi cưới :

- Em bệnh hả : Em yêu! Có đau lắm không em ?

Sau khi cưới :

- Khỏe chưa ? Dậy nấu cơm ăn, bộ tính cho cả nhà xơi mì gói hả ? 

Trước khi cưới :

- Không sao, dù bận nhưng nếu em cần là anh đến ngay.

Sau khi cưới :

- Anh còn lu bu nhiều việc lắm, chưa về ngay được đâu! 

Trước khi cưới :

- Chúc em một sinh nhật thật vui vẻ và hạnh phúc.

Sau khi cưới :

- Ôi dào, còn đầu óc đâu mà lãng với mạn nữa hả em. 

Trước khi cưới :

- Sao anh ăn cái gì em nấu cũng thấy ngon!

Sau khi cuới :

- Em chiên kiểu gì mày cháy đen như vậy ? 

Trước khi cưới :

- Trông em thật dễ thương mỗi khi em khóc.

Sau khi cưới :

- Hết than thở rồi lại khóc lóc, vợ con gì thấy mà phát chán. 

Trước khi cưới :

- Em là người phụ nữ đẹp nhất mà anh từng gặp!

Sau khi cưới :

- Thằng bạn anh mới cưới được một cô bé vừa xinh lại vừa đẹp. Nó lấy vợ trễ, thế mà khôn. 

Trước khi cưới :

- TV có gì hay không em ?

Sau khi cưới :

- Dọn cơm chưa ? Tối ngày ngồi đó mà xem phim Hàn Quốc. 

Trên báo “Gia đình”, một chị vợ cũng đã ghi lại tâm sự buồn của mình, trước khi chia tay ca bản “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi và tình nghĩa đôi ta chỉ có thế mà thôi” : 

Trước khi cưới :

Anh chiều chuộng em như một nàng công chúa nhỏ : khi ăn, anh chủ động gắp cho em; khi đi xe bus đông người, anh giành chỗ tốt cho em, dù mặt đỏ tía tai; khi đi qua đường, anh luôn dắt tay em và đi trước mở lối cho em.

Sau khi cưới :

Khi ăn, anh chẳng thèm nhìn em lấy một lần; khi lên xe bus, anh để mặc em đứng bám vào tay vịn; khi đi qua đường, anh cũng chẳng thèm nắm lấy tay em.

Kết luận :

Là phụ nữ, ai cũng muốn được yêu thương, được chiều chuộng, được bảo vệ. Anh có hiểu hay không ? 

Trước khi cưới :

Mọi áo quần, trong cũng như ngoài, đều do anh mua. Mẫu mã nào mới anh cũng đều sắm cho em.

Sau khi cưới :

Anh chưa một lần đưa em đi mua đồ, mỗi lần tới siêu thị, đến trước gian hàng của phụ nữ, em kéo anh vào để cùng chọn với em, anh lại nói một cách khó chịu :

- Em thấy bên trong có bóng dáng một thằng đờn ông nào không ?

Kết luận :

Anh không hiểu tâm tình người phụ nữ là như vậy, bảo sao em không bị tổn thương ? 

Trước khi cưới :

Anh thường kéo em ra ngoài luyện tập thể dục và nói cho em hiểu rằng sức khỏe là vốn liếng quí giá nhất của con người.

Sau khi cưới :

Bản thân anh không tập thể dục nữa, lại còn bắt em phải ở nhà cả ngày, quanh quẩn với những công việc lặt vặt. Ngay cả khi em muốn tới câu lạc bộ tập thẩm mỹ, anh cũng không cho.

Kết luận :

Anh có biết rằng phụ nữ khi đã đến tuổi trung niên, nếu không chú trọng rèn luyện và bảo dưỡng, thì tốc độ lão hóa sẽ rất nhanh. 

Trước khi cưới :

Anh thường đem lại cho em rất nhiều những niềm vui bất ngờ. Chẳng hạn như anh đặt trên bàn của em chiếc vé xem văn nghệ, làm em vui suốt cả tuần.

Sau khi cưới :

Anh bỏ em qua một bên, chẳng thèm nói một lời. Có khi em nấu nướng thật ngon và đợi anh về cùng ăn, nhưng anh lại gọi điện thoại  và nói với em rằng :

- Tối nay anh có tiệc chiêu đãi, không về ăn cơm đâu…

Kết luận :

Anh có hiểu rằng một khi cơm canh đã nguội ngắt, em còn lòng dạ nào để hâm nóng lại đây. 

Trước khi cưới :

Dù đi công tác xa thế nào, thì hàng đêm anh đều gọi điện thoại về cho em.

Sau khi cưới :

Khi đi công tác xa, thỉnh thoảng anh mới gọi điện thoại về cho em, nhưng cũng chỉ hỏi bài tập của con đã làm xong chưa. Ngay cả một câu quan tâm đến em, anh cũng không có.

Kết luận :

Anh có biết rằng khi vắng anh, em nhớ anh nhiều lắm hay không ? Sao anh quá tiết kiệm lời nói với em như thế. 

Dù chia tình yêu thành ba hay thành hai thời kỳ và giai đoạn,  nhưng những biến đổi trên xem ra cũng thật bất lợi, vì thế có kẻ đã băn khoăn tự hỏi :

- Phải chăng hôn nhân chính là nấm mồ chôn vùi tình yêu ?

Nghĩ như vậy xem ra có phần hơi bi quan, bởi vì trên thế gian vẫn có những cặp yêu thương nhau cho đến lúc đầu bạc răng long, đúng như lời mừng chúc : trăm năm hạnh phúc. Tuy nhiên cũng giúp cho chúng ta nhận ra cái khó khăn trong tình yêu.

Thực vậy, tình yêu trước hôn nhân hay còn được gọi là tình yêu của cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, thường dễ dàng bởi vì lúc bấy giờ người ta đang “mê mẩn cả tâm thần”, sẵn sàng kê cho bằng một trăm chỗ lệch, cũng như sẵn sàng chín bỏ làm…mười một, mười hai.

Cái khó khăn nhất chính là tình yêu sau hôn nhân. Làm sao duy trì cho nó được bền vững và liên tục phát triển, bởi vì lúc bấy giờ người ta mới tìm thấy những con rận trong chăn, cũng như mới khám phá ra những khuyết điểm của nhau và những lao đao vất vả trong cuộc sống lứa đôi.

Thế nhưng, dù khó khăn tới đâu chăng nữa thì cũng vẫn phải tìm lấy phương thức riêng để giải quyết và vượt qua, nếu muốn làm cho tình yêu của mình được hâm nóng, và bản thân mình, dù là những cặp “uyên ương…già”, cũng vẫn không kém phần say đắm.

Những vun trồng và chăm sóc của chúng ta sẽ làm cho khóm gừng càng già càng cay.

Những hy sinh cho nhau và vì nhau của chúng ta sẽ làm cho tình yêu ngày càng thêm nồng thắm.

Gã Siêu    gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************