Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 78, Chúa Nhật 19.10.2008


MỤC LỤC 

Ðức Nữ Trinh Và Giáo Hội                                                                             Lumen Gentium

HAI GƯƠNG MẶT MỤC TỬ                                                                             Trần Duy Nhiên

NHỮNG NỖI ĐAU QUÊ HƯƠNG                                                             Lm. Vĩnh Sang, DCCT

RA ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG (CHIA SẺ 2 Về Truyền Giáo)         TGM. Jos Ngô Quang Kiệt

SỰ SỐNG CON NGƯỜI VÀ ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN                         Bác Sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

Đừng sợ (2)                                                                        Lm. Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý

TÌNH MẸ - CON Ở PHỐ ĐỨC BÀ                                                               Lm. Anmai, C.Ss.R.

“LẠY NỮ VƯƠNG RẤT THÁNH MAI KHÔI, CẦU CHO CHÚNG CON”   Kỹ sư TRẦN VĂN TRÍ

Ý NIỆM VỀ CON CÁI TRONG HÔN NHÂN                                            Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt

MỞ rỘng cỬa lòng                                        Lm. MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY pss

THÓI QUEN TỐT, XẤU                                                                          Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CÔ ĐƠN                                                    Chuyện phiếm của Gã Siêu 


Ðức Nữ Trinh Và Giáo Hội

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Lumen Gentium 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương VIII

Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa

Trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô

Và Giáo Hội 67*

 

III. Ðức Nữ Trinh Và Giáo Hội 78*

60. Ðức Kitô, Ðấng trung gian độc nhất và Mẹ Maria. 79* Chúng ta chỉ có một Ðấng Trung Gian duy nhất, như lời Thánh Tông Ðồ dạy: "Thực vậy, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và chỉ có một Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại, đó là Chúa Giêsu Kitô, là Người, đã dâng mình làm giá chuộc mọi người" (1Tm 2,5-6). Nhưng vai trò làm mẹ của Ðức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Ðức Nữ Trinh trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết khách thể nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa, và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Ảnh hưởng ấy nương tựa và hoàn toàn tùy thuộc vào sự trung gian của Chúa Kitô, nguồn mạch mọi quyền lực của ảnh hưởng đó. Nhưng ảnh hưởng này không làm cản trở gì, trái lại còn giúp đỡ các tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Kitô. 80*

61. Cộng tác vào việc cứu chuộc. Từ muôn đời, Ðức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa Quan Phòng, trên trần gian Ngài đã trở nên Mẹ cao trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta. 81*

62. Vai trò tùy thuộc trong việc cứu rỗi. Nhưng trong nhiệm cuộc ân sủng, Ðức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm mẹ, từ khi Ngài tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền Tin - sự ưng thuận mà Ngài đã không ngần ngại giữ vững bên thập giá - cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn. Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời 15. Với tình từ mẫu, Ngài chăm sóc những anh em của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời. Vì thế, trong Giáo Hội, Ðức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian 16. Tuy nhiên phải hiểu các tước hiệu ấy thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Ðấng Trung Gian duy nhất 17.

Thực vậy, không bao giờ có thể đặt một tạo vật ngang hàng với Ngôi Lời nhập thể và cứu chuộc; nhưng cũng như chức linh mục của Chúa Kitô được thông ban dưới nhiều hình thức cho các thừa tác viên và các giáo dân, và cũng như sự tốt lành duy nhất của Thiên Chúa được ban phát nhiều cách cho các tạo vật, thì sự trung gian duy nhất của Ðấng Cứu Thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ sinh cộng tác, trong sự tùy thuộc vào nguồn mạch duy nhất.

Vai trò tùy thuộc ấy của Ðức Maria, Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng, mà luôn nghiệm thấy, và nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng để nhờ sự nâng đỡ và phù hộ từ mẫu của Ngài, họ gắn bó mật thiết hơn với Ðấng Trung Gian và Cứu Thế. 82*

63. Maria trinh nữ và người mẹ là mẫu mực của Giáo Hội. 83* Ðức Trinh Nữ nhờ ân huệ và sứ mệnh làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó Ngài được hiệp nhất với Con là Ðấng Cứu Chuộc, và nhờ các ơn và nhiệm vụ đặc biệt khác, Ngài còn kết hiệp mật thiết với Giáo Hội, như thánh Ambrosiô đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô 18. Thực vậy, trong mầu nhiệm Giáo Hội, chính Giáo Hội cũng được gọi cách hợp pháp là Mẹ và Trinh Nữ, Ðức Nữ Trinh Maria đi tiên phong, tỏ ra là một người mẹ và một trinh nữ gương mẫu tuyệt vời và hiếm có 19. Vì, bởi lòng tin và vâng phục, Ngài đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian, mà không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ. Như một Evà mới, Ngài đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Nhưng Người Con mà Ngài đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử trong nhiều anh em (x. Rm 8,29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ. 84*

64. Giáo Hội là trinh nữ và là mẹ. Tuy nhiên, khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện kỳ bí và noi gương đức ái của Ðức Maria, và khi trung thành chu toàn thánh ý Chúa Cha, Giáo Hội cũng được làm mẹ nhờ lời Thiên Chúa mà Giáo Hội trung thành lãnh nhận: thực vậy, nhờ việc rao giảng và ban phép Thánh Tẩy, Giáo Hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh ra do Thiên Chúa để họ lãnh nhận một đời sống mới và bất diệt. Giáo Hội cũng là trinh nữ đã giữ gìn toàn vẹn và tinh tuyền lòng trung nghĩa đã hiến cho Phu Quân; và noi gương Mẹ Chúa mình, nhờ thần lực của Thánh Thần, Giáo Hội bảo tồn cho tinh tuyền một đức tin toàn vẹn, một đức cậy bền vững và một đức mến chân thành 20. 85*

65. Giáo Hội phải bắt chước nhân đức của Mẹ Maria. Tuy nhiên, Giáo Hội, qua con người của Ðức Nữ Trinh, đã đạt tới sự toàn thiện làm cho mình nên thanh sạch và vẹn tuyền (x. Eph 5,27), nhưng Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng chiến thắng tội lỗi để tiến trên đường thánh thiện. Vì thế, họ ngước mắt nhìn lên Ðức Maria là một mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể cộng đoàn những người được chọn. Nhờ thành kính tưởng nhớ Ðức Maria và chiêm ngưỡng Ngài dưới ánh sáng của Ngôi Lời nhập thể, Giáo Hội cung kính tiến sâu hơn vào mầu nhiệm cao thẳm, tức là mầu nhiệm nhập thể, và nên giống Phu Quân mình ngày một hơn. Thực vậy, Ðức Maria đã mật thiết gắn liền với lịch sử cứu rỗi, và có thể nói là Ngài đã qui tụ và phản chiếu nơi mình những đòi hỏi cao cả nhất của đức tin, và khi các tín hữu nghe rao giảng về Ngài và tôn sùng Ngài, họ được Ngài mời gọi đến kết hiệp với hy lễ của Con Ngài và yêu mến Chúa Cha. Phần Giáo Hội càng tìm kiếm vinh quang Chúa Kitô càng nên giống Khuôn Mẫu cao cả của mình, nhờ luôn tiến tới trong đức tin, đức cậy, đức mến, và tìm kiếm cùng vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự. Do đó, trong công cuộc tông đồ, Giáo Hội có lý để nhìn lên Ðấng đã sinh Chúa Kitô là người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được Ðức Nữ Trinh sinh ra để, nhờ Giáo Hội, cũng sinh ra và lớn lên trong lòng các tín hữu. Ðời sống của Ðức Nữ Trinh là một gương sáng của tình mẫu tử thắm thiết. Tình mẫu tử ấy phải là động lực của tất cả những ai cộng tác vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội để tái sinh nhân loại. 86*


Chú Thích:

(lưu ý: những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo trước)

 

78* Các số 60-65: Phần II - Sự liên lạc giữa Mẹ Thiên Chúa và Giáo Hội.

Phần này trực tiếp bàn về sự liên lạc giữa Ðức Maria và Giáo Hội. Trước hết, Công Ðồng nhấn mạnh tới sự đồng công cứu chuộc của Ðức Maria do sự tự ý chấp thuận việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa, do việc dâng hy tế trên Thánh giá và do việc cầu bầu liên lỉ trên trời. Trong văn mạch này, giữa những tước hiệu khác nhau Công Ðồng đề cập đến tước hiệu Ðấng Trung Gian. Một số người trong Ủy ban thần học chưa nhìn thấy rõ tước hiệu này nên Công Ðồng giải thích cho biết tước hiệu này vẫn không làm lu mờ sự tuyệt hảo Ðấng Trung Gian duy nhất là Chúa Kitô (các số 60-62). Sau đó (trong các số 63-64) Công Ðồng giải thích lý do khiến Ðức Maria, là Trinh Nữ và là Mẹ, lại là hình bóng của Giáo Hội. Giáo lý này có tầm quan trọng đặc biệt, vì Công Ðồng rất lưu tâm đến những khía cạnh trổi vượt của mầu nhiệm Giáo Hội. Sau cùng (số 65), Ðức Maria được coi như gương mẫu các nhân đức.

79* Các số 60-62: Ðức Maria trong công trình cứu chuộc.

80* Số 60: Những nguyên tắc giáo lý.

Số này tóm lược các nguyên tắc giáo lý và chỉ dẫn cho biết giáo lý trình bày trong những số kế tiếp phải được hiểu theo những nguyên tắc này. Mọi nỗ lực và hành động của Ðức Maria đều do vị Trung Gian duy nhất là Chúa Kitô, Ðấng đã muốn cho Ðức Maria cộng tác vào công trình cứu chuộc. Sự trung gian của Ðức Maria biểu lộ rõ rệt hơn và còn giúp cho sự trung gian của Chúa Kitô nữa. Chỉ vì ý muốn hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa nhân từ và quyền năng, Ðấng Cứu Thế đã thông truyền ảnh hưởng cứu rỗi cho các chi thể và đặc biệt cho Mẹ Người, là Ðấng ngay từ đầu đã cộng tác với Người và với công việc Người. Ðó chính là nguyên tắc của kế hoạch cứu rỗi hay nguyên tắc ban phát đời sống thần linh. Giáo Hội sẽ trở nên bí tích để ban phát đời sống đó. Còn Ðức Maria, là chi thể trổi vượt đầu tiên, sẽ là khuôn mẫu cho Giáo Hội.

81* Số 61: Trong cuộc đời trần gian.

Số này nói rất vắn tắt đến trọng tâm việc cộng tác của Ðức Maria. Là mẹ Thiên Chúa, là tôi tớ khiêm hạ của Chúa, Mẹ là cộng sự viên quảng đại của Ðấng Cứu Thế và là Mẹ chúng ta trên bình diện ân sủng. Bản văn theo sát với sự thể hiện của nhiệm vụ này. Nhờ hoàn toàn sẵn sàng tuân theo ý Chúa, Ðức Trinh Nữ đã mang thai Chúa Giêsu, Ðấng sẽ xóa hết tội lỗi Dân Người. Ðức Maria đã sinh con và đã nuôi nấng. Mẹ đã dâng Con cho Chúa Cha trong Ðền Thánh, đã đau khổ với cái chết của Con trên Thánh Giá. Mẹ đã cụ thể hóa việc cộng tác tuyệt đối duy nhất này trong sự tuân phục vô điều kiện, sự tuân phục thấm nhuần đức tin, đức cậy và đức mến hăng nồng. Sự trung thành của Mẹ trong việc chấp thuận chương trình cứu rỗi là then chốt cho việc quảng diễn các ý tưởng khác (x. các số 53, 56, 63 và 64).

82* Số 62: Trên trời.

Là Mẹ ban ân sủng, ở trên trời Ðức Maria tiếp tục một địa vị khác trong công trình cứu rỗi. Tình mẫu tử của Mẹ tiếp tục hoạt động. Chắc chắn Mẹ không ban phát ân sủng riêng, nhưng là ân sủng Chúa Kitô, vì không có ân sủng nào khác. Sứ mệnh của Ðức Maria là liên kết Chúa Kitô với những phần tử làm thành Giáo Hội. Ðó là ý nghĩa của tiếng Maria, Mẹ đầy ơn. Mẹ thực hiện sứ mệnh qua việc bầu cử cho nhân loại. Do đó, mà Giáo Hội gọi Mẹ bằng các danh hiệu: Ðấng Bảo Vệ, Ðấng Phù Trợ, Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Ðấng Trung Gian. Các nhà thần học tranh luận về ý nghĩa gán cho các tước hiệu ấy, nhất là tước hiệu sau cùng. Công Ðồng không muốn giải quyết cuộc tranh luận, nhưng chỉ quả quyết một thực tại hoàn toàn được toàn thể Giáo Hội chấp nhận, mà không bận tâm đến những điều xác định rõ rệt có tính cách kỹ thuật. Công Ðồng cũng nói thêm là tước hiệu này không làm mất cũng không thêm thắt gì vào địa vị và hành động của Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian duy nhất, vì không tạo vật nào có thể đóng vai trò trên cùng một bình diện như Chúa Cứu Thế.

83* Các số 63-64: Ðức Maria là mẫu mực Giáo Hội.

Tính cách song đối giữa Ðức Maria và Giáo Hội đưa ra một chủ đề hoàn toàn mới mẻ trong khoa thần học hiện thời. Quả thực được liên kết với Con mình trong công trình cứu chuộc, Ðức Trinh Nữ Maria đã vượt trên mọi người khác và trở nên mẫu mực Giáo Hội. Ðó chính là một phần tử trong nhóm đang hình thành, gây ảnh hưởng trên người khác, lôi cuốn và làm gương cho họ. Ở đây Công Ðồng khai triển vắn tắt chủ đề này về Ðức Maria là hình bóng Giáo Hội, không phải hình bóng hay mẫu mực theo nghĩa thiết lập phẩm trật hay bí tích, nhưng như người cổ xúy đời sống thiêng liêng trong đó sự đồng trinh nẩy nở thành tình mẫu tử.

84* Số 63: Ðức Maria là mẫu mực Giáo Hội, như một Trinh Nữ và một người Mẹ.

Trước hết là đức đồng trinh, nhưng hiểu theo chiều hướng thiêng liêng. Nó hệ tại đức tin và đức cậy nhờ đó Ðức Maria đã sinh Con Chúa do quyền phép Chúa Thánh Thần mà không có sự liên lạc xác thịt nào với người nam, và như vậy đã trở thành người Mẹ. Ðức Maria đã thụ thai Ngôi Lời trong tâm hồn trước khi thụ thai trong lòng. Ðức đồng trinh tương quan với sự chấp thuận bất khả khuyết của đức tin. Ðức Maria đi trước Giáo Hội ở điểm này; chính do Mẹ mà Chúa Kitô được sinh ra, Ðấng sẽ làm cho Giáo Hội thành thân thể của Người.

85* Số 64: Giáo Hội là Mẹ và là Trinh Nữ.

Hình thức song đối đã nói trên kết thúc ở đây: tính cách làm Mẹ đồng trinh của Ðức Maria chính là bí tích, dấu hiệu hoặc hình ảnh của Giáo Hội đồng trinh, cũng thụ thai và sinh dưỡng các con cái mình. Tính cách làm mẹ của Giáo Hội, noi theo Ðức Maria, là việc đón nhận Lời Chúa trong tâm hồn. Ðón nhận có nghĩa là thực hành. Như thế Giáo Hội trở thành mẹ của một cuộc sống bất tử, nhờ Thần Khí của việc sáng tạo mới. Sự đồng trinh của Giáo Hội - là điều kiện để sinh nhiều con cái - hệ tại việc trung thành thực thi các nhân đức đối thần, theo gương Ðức Maria và nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần.

86* Số 65: Giáo Hội và việc noi theo các nhân đức của Ðức Maria.

Ở đây, Công Ðồng trình bày Ðức Maria như gương mẫu các nhân đức mà Giáo Hội phải noi theo. Việc kính nhớ Mẹ Thiên Chúa làm cho tín hữu thâm hiểu mầu nhiệm Nhập Thể hơn vì có nhiều khía cạnh của mầu nhiệm này biểu hiện nơi Mẹ Thiên Chúa. Ngay từ thời xa xưa, Giáo Hội đã cầu khẩn với Ðức Maria, nhờ thế mà Giáo Hội tiến tới trên con đường đức tin và trên đường sứ mệnh tông đồ, trở nên giống với mẫu mực của mình hơn.

87* Các số 66-67: Phần III - Việc tôn kính Ðức Trinh Nữ trong Giáo Hội.

Phần này trực tiếp nói đến sự áp dụng giáo lý vào công việc giảng thuyết và tôn kính. Mối bận tâm mục vụ của Công Ðồng được biểu lộ rõ rệt. Công Ðồng muốn rằng, trong Giáo Hội, việc tôn kính và sùng mộ Ðức Maria phải chừng mực và chính đáng; không trễ nải vì những ngờ vực vô ích hay sợ sệt; không quá khai thác những tình cảm, tưởng tượng hoặc những điều thần học còn mơ hồ.

VỀ MỤC LỤC
HAI GƯƠNG MẶT MỤC TỬ.

 

Hôm nay, tôi không nhai đi nhai lại chuyện nhà đất. Tôi chỉ muốn nhìn vào chủ chăn và sứ mệnh các ngài. Tôi nhớ lại bài giảng của cha Vũ Khởi Phụng tại Dòng Chúa Cứu Thế Saigon, đêm 28-8-2008, trong thánh lễ hiệp thông cầu nguyện cho Tòa Khâm Sứ và Linh Địa Thái Hà. Ngài nói: “Mảnh đất là một biểu tượng, mảnh đất là một cái cớ, mảnh đất là một cơ hội, để đi tìm một cái gì khác 

Có lẽ câu nói đó đã làm cho ngài trở thành một người đáng nghi ngờ, vì đây không còn là vấn đề tranh chấp về một thửa đất, mà là một vấn đề lớn hơn, một vấn đề ‘chính trị’. Thực ra, ngài đã nói thay cho những người thấp cổ bé miệng, những người dân oan nhưng không còn tiếng nói. Và cũng có lẽ vì thế mà đúng một tháng sau, đêm 28-09-2008, những người hung hăng đã đến ‘cướp’ linh địa và thét lên ‘Giết Vũ Khởi Phụng - Giết Ngô Quang Kiệt!’. 

Những biến cố này khiến tôi nhìn lại gương mặt của hai tổng giám mục tiêu biểu cho cùng một cách làm chứng. Dù hai vị khác nhau trên mọi phương diện - sống trong hai môi trường khác nhau, đối diện với các tình huống khác nhau, cách trả giá cũng khác nhau - thì hai vị đều có một mẫu số chung, ấy là làm chứng rằng: Thời đại này, Giáo Hội tiếp tục bị bách hại, không phải vì niềm tin của mình, mà vì Giáo hội bênh vực người nghèo khổ, người bị áp bức, chống lại những kẻ áp bức. Hai gương mặt ấy là TGM Ngô Quang Kiệt và TGM Oscar Romero. 

Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt.  

 Ngày 29-06-1999, cha Giuse Ngô Quang Kiệt được phong giám mục để phục vụ tại một giáo phận nghèo và hẻo lánh của tuyến đầu đất nước : Lạng sơn. Nơi đây,  đồng bào là những người dân quê hiền lành mộc mạc, đời sống rất khó khăn vì hậu quả của chiến tranh. Nước Việt Nam vốn đã chịu nhiều cảnh nghèo: dân nghèo, địa phương nghèo thì Giáo Hội ở đó cũng nghèo theo.  

Cùng hồi tưởng lại lời chia sẻ của ngài trong lời mở đầu của bài hội thảo tại Đại Hội Giáo Lý do Tổng Giáo Phận Los Angeles tổ chức và tân Tổng Giám Mục Hà Nội là diễn giả: ‘Tháng 10 năm 2000, tôi được hân hạnh tham dự đoàn hành hương Năm Thánh của một số Giám mục Việt nam. Trong dịp vào chầu Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, bây giờ là Hồng Y đã giới thiệu tôi là một giám mục 3 không: không có toà giám mục, không có nhà thờ chính toà, không có linh mục tu sĩ. Và Đức Thánh Cha đã gọi tôi là ‘homeless bishop.’...  ‘Chỉ có một mình, nên tôi miệt mài rong ruổi. Hết xứ nọ sang xứ kia. Hết làng này sang làng khác. Ở trên xe nhiều hơn ở trong phòng. Ở trên đường nhiều hơn ở trong nhà. Trời đất là quê hương. Núi rừng là giáo phận. Đường là nhà. Xe là phòng. Cứ đi không ngừng…’ 

Vâng, vị Tông Đồ mục tử ấy, Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, quê quán ở chính nơi được gọi về phục vụ như là vị mục tử ngày nào ‘không nhà’ ở Lạng Sơn. Ngài sinh ngày 4 tháng 9 năm 1952 tại Mỹ Sơn, Lạng Sơn. Được đào tạo tại Tiểu Chủng viện Têrêsa, thuộc giáo phận Long Xuyên rồi theo học tại Đại Chủng Viện Tôma, trong cùng giáo phận. Hoàn cảnh đất nước đổi thay, nhiều khó khăn cho các ơn gọi và tâm hồn ước ao tận hiến; nhưng với riêng ngài, tuân phục ơn Chúa dẫn đưa và lòng kiên trì theo đuổi, mùa hè năm 1991 ngài được chọn bước lên bàn thánh cử hành sứ vụ linh mục. Sau thời gian phục vụ tại Nhà Thờ Chính Toà Long Xuyên, ngài được theo học tại Institut Catholique de Paris, Pháp.  

Khi về nước, cũng tiếp tục phục vụ tại giáo phận nhà cho đến khi trở thành Giám mục coi sóc giáo phận quê quán mình. Tại đó, ngài đã chia sẻ với những giáo dân nghèo và lam lũ trong thân phận hẩm hiu với họ. Một giám mục phục vụ dân nghèo thì làm gì có mũ gậy quyền bính, nhưng là một ông từ quét dọn nhà thờ nghèo xơ xác, vừa làm ca trưởng và cũng vừa là giáo lý viên, và là linh mục cử hành các bí tích, mục vụ cho những người dân bản làng. Ấy thế mà ngài vẫn dành thì giờ để viết những loạt bài chia sẻ Tin Mừng hàng tuần, và cùng với một số linh mục anh em biên soạn sách vở, dịch thuật để giúp cho dân Chúa thêm lương thực cho đời sống đức tin.  

 Chạnh Lòng Thương - khẩu hiệu của Đức cha Giuse khi được gọi làm Giám Mục đã được ngài sống hết mình qua những thể hiện của những hy sinh chính bản thân mình. Bất kể thì giờ, mưa nắng, trong những năm tháng qua, ngài đã cùng với dân làng ở Lạng Sơn tìm kiếm lại khuôn mặt Đấng đã Chết và Sống Lại cho họ bấy lâu đã nhạt nhoà. Mà ở đó, theo ngài ‘…Biết bao tâm hồn thiện chí đang khao khát chờ đợi ta. Biết bao niềm tin câm lặng đang chờ dịp tỏ lộ. Biết bao nỗi mất mát đau thương chờ được thông cảm. Biết bao cảnh lầm than cơ cực chờ được nâng đỡ. Những tiếng mời gọi tha thiết nhưng rất âm thầm. Phải mở lòng ra mới nghe thấy. Phải mở trái tim ra mới hiểu được. Hôm nay tiếng Chúa vẫn vang lên qua những lời giáo huấn của Hội thánh. Tiếng Chúa vẫn mãnh liệt trong tâm hồn mỗi vị mục tử. Tiếng Chúa bàng bạc, âm thầm nhẹ nhàng nhưng sâu thẳm tha thiết ‘Hãy ra khơi ...’ (Hội Thảo 20/2/2005, ĐHGL Los Angeles). 

Tháng 5 năm 2003, bận rộn hơn vì nhiệm vụ mới, rong ruổi hơn khi ngài được gọi về phục vụ trong nhiệm vụ Giám Quản Tông Toà Hà Nội vì Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng đến tuổi về hưu. Rày đây - Lạng Sơn, mai đó - Hà Nội, bận rộn như con thoi chạy đi chạy về vì việc nhà Chúa và bổn phận. Hai năm sau, ngày Thứ Bảy 19-03-2005, đúng vào ngày lễ Quan Thầy Giuse, ngài được chính thức tấn phong Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội.  

Dĩ nhiên, chức vụ tổng giám mục là do Đức Giáo Hoàng cắt đặt, nhưng chính quyền Hà Nội đã chấp nhận, nếu không nói là ‘chọn’ ngài; bởi vì trong hiện tình đất nước Việt Nam, không một giám mục nào có thể được cai quản giáo phận, nếu chính quyền sở tại không đồng ý. Có lẽ chính quyền Hà Nội cũng hy vọng ngài sẽ hợp tác để phục vụ ‘quyền lợi của nhân dân’ theo cách nghĩ và cách làm của những vị có chức có quyền tại đó. Một trong những lý do khiến họ an tâm, ấy là vì homeless bishop này chẳng màng gì đến toà nhà, đến đất đai, đến quyền lợi thế gian cả. Thế mà chỉ hai năm sau, ngài trở thành cây gai đâm vào cái ung của bộ máy chính quyền Hà-nội, và có nguy cơ làm vỡ tung một mụt nhọt từng làm cho người dân Hà Nội nói riêng, và nhân dân Việt Nam nói chung, nhức nhối trong một thời gian dài. Vâng! vị tổng giám mục ấy vẫn cứ đi không ngừng… 

Con người ‘chạnh lòng thương’ ấy - một người khiêm nhường không bao giờ to tiếng với ai, một tổng giám mục mà mỗi lần nhấc điện thoại thì chỉ nói đơn sơ vỏn vẹn: ‘Kiệt đây!’ - người ấy đã khẳng khái trình bày lớn tiếng trước UBND thành phố Hà Nội một số câu mà mọi người hiểu như sau: Tôn giáo là quyền của chúng tôi! Chúng tôi không cần xin ai cả! Chúng tôi không tranh chấp đất đai với chính quyền, chúng tôi chỉ muốn lấy lại những gì thuộc về mình, mà bọn ‘ăn cướp’ đang tính bán đi để lấy tiền bỏ túi.  

Dĩ nhiên, đó là một cú bất ngờ nhất đối với chính quyền Hà Nội! Và đó cũng là những lời đem về cho ngài bản án tử hình. Dĩ nhiên, vào thời buổi này, giết ngài bằng một viên đạn thì không thể làm được, vì tình hình đã đổi thay.  Nhưng họ giết ngài bằng những phương tiện ‘hợp pháp’ như bôi nhọ trên truyền thông, đặt lộ liễu khắp nơi những máy móc để  ‘quản chế’ ngài, viết trên văn bản gửi Hội Đồng Giám Mục yêu cầu‘ thuyên chuyển  ra khỏi Giáo Phận Hà Nội’, v.v…  

Thời thế đã đổi thay! Hẳn những người ‘có quyền bán đất’ nuối tiếc thời 25-30 năm về trước, thời mà ai cản trở quyền lợi cá nhân mình thì chỉ cần chụp cho cái mũ ‘cấu kết với bọn phản động’, rồi bắn bỏ mà chẳng ai có thể làm gì mình! Thời mà chính quyền ở El Salvador đã giết tổng giám mục Oscar Romero.   

Tổng Giám Mục Oscar Romero. 

Ngày 23-02-1977, Đức cha Oscar Arnulfo Romero được tấn phong tổng giám mục San Salvador. Những người trong chính quyền hoan nghênh quyết định này của Tòa thánh, nhưng các linh mục dấn thân lại e ngại vì ngài có tiếng là bảo thủ, và sợ rằng ngài sẽ ngăn chặn mọi sự dấn thân của họ để phục vụ cho quyền lợi của người nghèo. Thế nhưng, ngạc nhiên thay, không đầy một tháng sau, ngày 12 tháng 3, khi bạn của ngài là linh mục Rutilo Grande, một người đấu tranh cho người nghèo bị ám sát, ngài đã lên tiếng đòi buộc chính quyền của Arturo Armando Molina phải làm rõ vụ việc này, dù sau đó không ai đáp ứng lời kêu gọi của ngài. 

Với tư cách là tổng giám mục, ngài hiểu rằng Giáo Hội là một cái gì đó cao hơn các phẩm trật, cả Rôma, các nhà thần học hay các giáo sĩ – nghĩa là một cái gì vượt lên trên mọi cơ chế. Cho đến một ngày kia, ngài cảm nghiệm rằng chính người dân là Giáo Hội. Ngài nói: “Thiên Chúa cần đến người dân để cứu lấy thế gian… Thế giới của người nghèo dạy chúng ta rằng giờ giải thoát đến chỉ khi nào người nghèo không còn ngửa tay ăn xin chính quyền và giáo hội, nhưng họ trở thành người làm và người chủ động trong cuộc chiến để giải thoát chính mình.” 

Đức Cha Romero thấy mình bất lực vì không thể ngăn cản được bạo lực. Trong vòng một năm sau khi ngài được tấn phong, khoảng chừng 200 giáo lý viên và nông dân sống trên giáo phận ngài đã bị giết. Sau này, hơn 7,500 người Salvador sẽ bị giết, một triệu người rời bỏ quê hương để trốn thoát, và một triệu người khác luôn di cư để tránh các cuộc đụng độ - trên một đất nước có 5,5 triệu dân. Điều duy nhất mà cha Romero có thể đem đến cho dân chúng là những bài giảng hùng hồn của ngài, được phát thanh khắp nơi trên đất nước. Ngài trấn an họ, bảo rằng những điều ghê tởm kia sẽ phải chấm dứt, nhưng Giáo Hội của người nghèo, của chính họ, sẽ tiếp tục sống mãi.  

Nếu một ngày nào họ tiêu diệt đài phát thanh của chúng ta… nếu họ không cho chúng ta lên tiếng, nếu họ giết hết mọi linh mục và giám mục, và anh chị em sẽ bơ vơ không còn có linh mục, thì mỗi anh chị em phải trở thành máy vi âm (microphone) của Thiên Chúa, mỗi một anh chị em phải trở thành ngôn sứ.” 

Năm 1980, giữa trận cuồng phong của bạo lực, đức cha Romero viết thư cho tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, yêu cầu ông đừng gửi viện trợ cho quân đội, bởi vì, theo lời ngài, ‘viện trợ ấy được dùng để đàn áp người dân nước tôi.’ Trong vòng 12 năm liên tục, Hoa kỳ vẫn tiếp tục gửi viện trợ cho San Salvador. Lá thư này bị chìm trong quên lãng. Hai tháng sau ngài bị ám sát. 

Ngày 23-3-1980, đức cha Romero bước vào vùng lửa đạn. Ngài lớn tiếng gửi lời kêu gọi đến binh sĩ xuất thân từ thành phần nông dân, trong khi đó các tướng lãnh sợ hãi và căm ghét uy tín của ngài. Cuối bài giảng, được truyền thanh trên khắp nước, lời ngài vang lên: “Hỡi anh em, anh em xuất thân cùng tầng lớp với họ, anh em giết những nông dân bạn hữu mình… Không có một quân nhân nào buộc phải tuân hành một mệnh lệnh đi ngược lại với thánh ý của Thiên Chúa…”

Tiếng hoan hô vang lên như sấm nổ: ngài đã kêu gọi quân đội nổi dậy. Thế rồi ngài gào lên: “Nhân danh Thiên Chúa, nhân danh những người dân đau khổ, tôi yêu cầu anh em, tôi van nài anh em, tôi ra lệnh cho anh em nhân danh Thiên Chúa: hãy ngừng chiến dịch đàn áp này”. 

Lời kêu gọi này đồng nghĩa với lời kêu gọi của Chúa Kitô: hãy chọn lựa người nghèo và bị áp bức. Và lời kêu gọi ấy cũng là lời nói đem đến bản án tử hình: ngày hôm sau, 24-3-1980, ngài bị ám sát ngay trên tòa giảng. 

Trước ngày định mệnh đó không lâu, ngài đã nói với một ký giả: “Anh có thể nói với dân chúng rằng nếu họ (chính quyền) có giết được tôi, thì tôi tha thứ và chúc phúc cho những người giết tôi. May thay, họ sẽ ý thức rằng họ mất thì giờ vô ích. Một giám mục chết đi, nhưng Dân của Chúa, nghĩa là người dân đen, sẽ không bao giờ chết cả.” 

Hai mươi tám năm rồi, kể từ ngày viên đạn kia kết thúc cuộc đời trần thế của ngài đúng như ngài dự kiến, thì ngài vẫn còn sống trong lòng dân tộc của ngài.  Lời xác tín của ngài đã trở thành hiện thực: 

“Thế giới mà Giáo Hội phải phục vụ là thế giới của người nghèo. Giáo hội bị bách hại, ấy là hệ quả của việc bênh vực người nghèo. Mạng sống tôi đã bị đe dọa nhiều lần. Tôi cần phải tuyên xưng, với tư cách là Kitô hữu, rằng tôi không tin mình chết mà lại không phục sinh. Nếu họ giết tôi, tôi sẽ sống lại trong dân tộc Salvadore”

Trần Duy Nhiên, Saigon

VỀ MỤC LỤC
NHỮNG NỖI ĐAU QUÊ HƯƠNG
 

Quý độc giả Ephata và Giáo Sĩ Việt Nam thân mến,

Tuổi niên thiếu của mỗi người đều để lại những kỷ niệm, những tình cảm gắn bó với từng vùng đất, từng biến cố. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ tôi là nông dân chấn lấm tay bùn, hai cụ lập gia dình trên vùng đất “đồng chua nước mặn”, xây dựng sự nghiệp trên miếng ruộng chật hẹp của cha ông chia cho. Thời cuộc khắc nghiệt đã đẩy đưa cha tôi sớm rời đồng nội lên thành phố, mù chữ, cha tôi hiểu thế nào là nỗi khổ thất học, từ đó ông cả đời vừa lo học cho bản thân, lại vừa lo cho con cái được ăn học tử tế.

Vì vừa học, vừa lo cho con cái ăn học, nên nhà tôi đã nghèo lại càng nghèo hơn. Ý thức được những thua thiệt, ông cứ dặn dò chúng tôi, cố gắng học, bố mẹ không để lại cho chúng con gia tài giàu có, bố mẹ chỉ cho chúng con cái chữ, cố gắng học sau này “mài chữ” ra mà ăn. Cả tuổi niên thiếu và thanh niên của tôi sống trong túng thiếu.

Đà Lạt, thành phố mộng mơ chỉ là một ước mơ không bao giờ tôi chạm đến được. Tôi nhớ khi học lớp đệ Tứ ( lớp 9 bây giờ ), cuối năm đó phải thi để lấy bằng Trung Học Đệ Nhật Cấp, anh bạn tôi được gia đình thưởng cho đi Đà Lạt một chuyến sau kỳ thi, khi trở về, những bức hình chụp tại Đà lạt đã khiến lòng tôi cứ như bị cháy bỏng một ước ao có ngày sẽ đến được thành phố tuyệt vời ấy.

Năm tôi học đệ Tam ( lớp 10 bây giờ ), anh tôi vào quân ngũ, anh tôi trúng tuyển vào khóa đầu tiên trường Đại Học Chiến Tranh ChínhTtrị Đà Lạt. Những tấm hình anh gởi về từ quân trường càng làm tôi khát khao hơn nữa. Nhưng nghèo như gia đình tôi, làm sao có tiền để thực hiện một chuyến du lịch đến thành phố của người giàu, thành phố của một thời không xa đã là “hoàng triều cương thổ” Nhà Nguyễn.

Mê Đà Lạt đến độ, tôi có ý định theo học trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, hoặc theo học ngành Chính Trị Kinh Doanh của Viện Đại Học Đà Lạt lúc bấy giờ. Tôi đã cất công tìm hiểu, xem xét tài liệu và sắp đặt đời mình như thế để có thể đến Đà Lạt, thế nhưng Chúa đã muốn đời tôi theo hướng khác. Tốt nghiệp hai bằng Tú Tài một và hai đều đậu Bình ( ngày trước theo hạng từ cao xuống thấp: Tối Ưu, Ưu, Bình, Bình Thứ và Thứ ), tôi hụt học bổng quốc gia đi Hoa Kỳ du học, bố tôi bảo ở Sài-gòn học chờ chuyến sau vậy.

Tôi vào đại học, không ngờ đời tôi lại bắt đầu rẽ hướng trong một chuyến đi… Đà Lạt. Mấy đứa bạn trai chúng tôi rủ nhau đi Đà Lạt, đánh liều đi cho nó biết, thèm quá rồi. Những ngày lang thang vất vưởng ở thành phố mộng mơ đó, chúng tôi có dịp tâm sự nhiều với nhau, bất ngờ tôi biết được người bạn học chung lớp là một sinh viên Dự Tu DCCT, và định mệnh đã an bài, tôi bắt đầu bước vào đời tu từ đó.

Khi đã gia nhập Nhà Dòng, những năm đi thực tế môi trường, tôi chọn Đà Lạt, chọn người dân tộc thiểu số K’Hor để yêu thương và dấn thân. Không biết có phải tôi mê Đà Lạt nên tôi đã mê người dân tộc để dấn thân hay không, nhưng chắc một điều là Đà lạt năm xưa trong tôi đẹp lắm ! Đà Lạt, một thành phố thật nhiều cây, một thành phố chìm trong rừng thông bạt ngàn, chìm trong sương mù và nhận chìm tôi trong bầu khí thần tiên.

Tôi lải nhải từ nãy đến giờ như vậy là vì tôi đang rất... đau, vết thương Đà Lạt trong tôi đang mưng mủ, nay lại bộc phát dữ dội. Nhiều năm nay, mỗi lần lên Đà Lạt, tôi thẫn thờ vì xót xa. Đà Lạt bây giờ, hết rồi sương khói, hết rồi những rừng thông bạt ngàn, hết rồi cái lạnh dễ thương ấm áp, Đà Lạt hết rồi đôi má ửng hồng, hết rồi những cái áo len muôn màu sắc. Đà Lạt bây giờ hết rồi thành phố của muôn loài hoa, hết rồi những nhánh rau tươi tắn ngọt ngào, vết thương trong tôi cứ day đi day lại.

Hôm nay vết thương vỡ toang khi đọc bản tin trong báo Tuổi Trẻ thứ năm, 9.10.2008:

“Khai thác 52.000ha rừng thông tự nhiên – Ngày 8 tháng 10, tỉnh Lâm Đồng đã chính thức đưa ra đề án có tên “Bảo vệ và phát triển lâm nghiệp đến năm 2020” tại một hội nghị của tỉnh ủy. Theo đề án, Lâm Đồng sẽ khai thác theo phương thức chặt trắng 52.000ha rừng thông tự nhiên, trong đó có 14.966ha thành thục ( 60 – 70 năm tuổi )”.

Tôi không tin và không thể tin được người ta có thể trồng rừng thông trở lại, những gì trong quá khứ đã chứng minh cái nghi ngờ của tôi là đúng, số thông ít ỏi còn lại người ta cũng tận diệt, Đà Lạt không còn thông, Đà Lạt sẽ còn gì ? Người ta định làm gì nữa trên mảnh đất một thời kiều diễm này ?

Khi tôi đang còn day dứt với những thông tin về việc triệt hạ rừng thông trên Đà Lạt thì một thông tin khác lại đến, báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ sáu 10.10.2008, viết về tình trạng một loài tảo độc đang tàn phá Hồ Xuân Hương, bài viết của Nguyễn Hàng Tỉnh:

“Tảo lam đang “giết” Hồ Xuân Hương …Nhờ có Hồ Xuân Hương mà Đà Lạt là một trong hai đô thị độc đáo trong cả nước có hồ nước nằm giữa lòng phố ( cùng với Hà Nội ). Hồ Xuân Hương cũng là thắng cảnh xếp hạng quốc gia đầu tiên ở Lâm Đồng. Trên tất cả, Hồ Xuân Hương là cảm xúc xưa nay của du khách, là niềm tự hào của người Đà Lạt. Ở phố núi Đà Lạt, không giữ được Hồ Xuân Hương thì giữ cái gì đây ?”

Mấy ngày nay, tin dữ từ những miền cao cực Bắc đất nước lại dội về, từng cơn lũ quét đi tài sản và bao nhiêu mạng người. Hỡi những ai có trách nhiệm mà còn là người, còn có lương tâm và còn biết xót thương đồng loại, có nghe chăng lời than của núi rừng, có nghe chăng lời than của những con người sống mà đã mất đi niềm tin, có nghe chăng lời than van của bao oan hồn ? Rừng núi quặn đau giẫy chết !

Lm. VĨNH SANG, DCCT, Sài-gòn 11.10.2008

VỀ MỤC LỤC
RA ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG (CHIA SẺ 2 Về Truyền Giáo)

LTS. Loạt bài Chia Sẻ về Truyền Giáo thông qua bằng chính kinh nghiệm bản thân, là tất cả những gì chân thành và đầy tràn trong lòng Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, từ khi Ngài còn là Giám Mục Lạng Sơn. BBT GSVN sẽ hân hạnh giới thiệu trong nhiều kỳ liên tiếp...

I.  HOÀN CẢNH LẠNG SƠN

Đường từ Hà nội tới Lạng sơn năm 1999 còn xấu. Nhất là đoạn đường đi qua đèo Sài hồ, dốc dác quanh co, nhỏ hẹp, nằm chênh vênh bên vực thẳm nên rất nguy hiểm. Chẳng ngày nào không có tai nạn.

Đường đồi núi vắng vẻ. Xa xa mới có một mái nhà nhỏ bé nằm khuất sau những lùm cây rậm rạp trên sườn đồi.

Con đến Lạng sơn vào một buổi chiều mưa rả rích. 2000 km đường dài là qua một khoảng cách xa. Từ đồng bằng lên miền đồi núi đã thấy lạ lẫm. Từ chỗ đông đúc đến một nơi vắng vẻ tự nhiên thấy lạnh lẽo. Nhìn đồi núi hoang vu không một bóng người thấy cũng rờn rợn. Con cảm thấy ngại ngùng bước chân ra đi.

Khi gặp gỡ người dân lại thấy một khoảng cách còn xa hơn nữa. Xa ở lời ăn tiếng nói. Xa ở lối suy nghĩ, trình bày. Xa ở những phong tục tập quán. Con cảm thấy mình là người xa lạ, con bước vào một nền văn hoá xa lạ.

Giáo dân Lạng sơn gồm những cộng đoàn nhỏ bé, sống phân tán. Tâm tư lại càng phân tán hơn. Hơn 50 năm không có người trực tiếp hướng dẫn, đoàn chiên vốn đã nhỏ bé lại càng tan tác. Khi con về nhận chức, chỉ còn một cha già hơn 95 tuổi và một bà sơ hơn 100 tuổi. Chẳng có ai đón tiếp, chẳng có ai cho biết tình hình Giáo phận. Chẳng có ai cho biết đi các xứ phải đi thế nào. Cứ tự động đi, cứ tự động đến. Ban hành giáo từ lâu không quen hoạt động. Giáo dân không được tổ chức. Các giáo xứ thì năm thì mười  hoạï mới có thánh lễ nên chỉ biết ngơ ngác đứng nhìn. Con thật sự hụt hẫng như người không biết bơi mà bị rơi xuống chỗ nước sâu.

Dần dà con khám phá ra rằng giáo dân không hiểu biết giáo lý. Phúc âm thì hoàn toàn xa lạ. Chỉ thuộc một ít kinh và một vài truyền thống ông bà để lại từ trước Công đồng Vatican II.

Với tình hình, số giáo dân và nhân sự như thế, con hiểu rằng Lạng sơn chỉ đơn thuần là một giáo điểm, cần phải truyền giáo. Truyền giáo là sức sống của giáo phận. Truyền giáo là ý nghĩa của giáo phận. Không tuyền giáo, giáo phận này sẽ chẳng còn ý nghĩa, chẳng còn sức sống.

Xác định như thế con lăn xả vào công việc.

Việc đầu tiên là ra đi. Ra đi không ngừng. Đi thăm viếng những xứ đạo xưa đã hoang tàn. Đi tìm những con chiên xa lạc. Đi hoà giải những người xích mích. Đi cử hành bí tích. Đi dạy giáo lý. Đi đám ma. Đi đám cưới. Đường là nhà. Xe là phòng. Trời đất là quê hương. Núi rừng là Giáo phận. Cứ thế đi không ngừng.

Việc thứ hai đó là gặp việc gì làm việc nấy. Chưa có người nên phải làm tất cả. Làm Linh mục nhiều hơn Giám mục. Làm Giáo lý viên nhiều hơn Linh mục. Tập hát, tập nghi thức. Mở cửa. Kéo chuông. Bất cứ việc gì cần phải làm, có thể làm để đưa linh hồn người ta về với Chúa, để xây dựng cộng đoàn, để củng cố giáo xứ, để khai mở tâm trí.

Tựa như trở về căn nhà xưa đã bị đổ nát, cỏ dại um tùm. Không biết phải bắt đầu từ đâu. Gặp gì làm nấy. Tay nhổ cỏ, tay nhặt đá. Tay chặt cành cây, tay quét rác.

II.  BẢN CHẤT CỦA GIÁO HỘI TRUYỀN GIÁO

Ở thời đại mới này, một giáo phận không có Linh mục nào kể là chuyện hoạ hiếm. Một Giám mục phải làm tất cả mọi việc là không thể hiểu và không thể chấp nhận được.

Nhiều thư từ khắp nơi gửi về phản ánh suy nghĩ đó. Một cụ ông viết : “Con thấy Đức cha làm nhiều việc thì thương Đức cha quá. Vì con sợ một điều là khi làm nhiều việc như thế Đức cha quên mất việc quan trọng nhất là làm Giám mục”.

Ông cụ quên mất rằng bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Nhận chức Giám mục là nhận nhiệm vụ “Thừa sai”.

Công đồng Vatican II khẳng định : “Tự bản chất, Giáo hội lữ hành là Giáo hội truyền giáo, vì Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (TG 2a).

Thật vậy, vì yêu thương Đức Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài xuống trần gian để “qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối” (Ga 11, 53), “thâu họp vạn vật dưới một đầu là Hội thánh (x. Ep 1, 10), “làm cho muôn loài muôn vật qui phục quyền tối cao của Thiên Chúa” (x. 1 Cr 15, 28).

Đức Giêsu đã chọn các sứ đồ để tiếp tục công việc của Người trên trần gian. Sứ đồ có nghĩa là người được sai đi. Lời dặn dò cuối cùng, mệnh lệnh như một chúc thư cho các môn đệ trước khi về trời là “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).

Ra đi là bản chất của sứ đồ. Sứ đồ không ra đi là bội phản Đấng đã chọn mình và bội phản chính căn tính của mình. Vì thế thánh Phaolô đã nói một cách quyết liệt : “Khốn cho thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1 Cr 9, 16).

Giáo hội được xây trên nền tảng tông đồ, được tông truyền, nên tự bản tính Giáo hội là “Thừa sai”. Không truyền giáo là Giáo hội phủ nhận chính mình.

Công đông Vatican II nhắc lại : “Như thế, rõ ràng là hoạt động truyền giáo bắt nguồn sâu xa từ bản chất của Giáo hội” (TG 6f).

Cha Gomez kết luận “Việc truyền giáo không phải là một ‘bổn phận’, nhưng là một ‘chức năng’ trong cơ thể Giáo hội” (TTTH số 31, tr. 86).

Từ ngày lễ Ngũ tuần, biết bao sứ đồ hàng hàng lớp lớp ra đi. Biết bao người chết chìm trong biển cả. Biết bao người bỏ mạng trong rừng sâu. Biết bao người chết rũ trong tù ngục. Biết bao máu đổ đầu rơi. Nhưng lớp này gục xuống, lớp khác đứng lên. Nhờ thế mà Tin mừng đã loan đến tận Việt nam xa xôi chúng ta.

Đức Giêsu không có nơi tựa đầu, để dạy cho môn đệ đừng an nghỉ. Người không là chiếc ghế cho ta ngồi yên. Người không là chiếc giường cho ta hưởng thụ. Người là “con đường” cho ta phải lên đường, phải ra đi không ngừng. 

III. THẾ KỶ 20 : VIỆC TRUYỀN GIÁO ĐÌNH TRỆ

Ta phải đau buồn nhìn nhận rằng, hiện nay việc truyền giáo xem ra đình trệ. Không còn những Thừa sai ra đi hàng hàng lớp lớp. Không còn những thành công vang dội, những cuộc trở lại ào ạt. Tại sao ?

Theo cha Gomez, có thể có mấy nguyên nhân sau về thần học :

1.    Quan niệm về ơn cứu độ

Xưa kia ta tin rằng ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ. Những người chết mà chưa được rửa tội thì linh hồn phải hư mất. Vì thương các linh hồn nên các nhà truyền giáo phải vội vã lên đường, chạy đua với thời gian, với tử thần, cứu linh hồn người ta đưa về cho Chúa.

Thánh Phanxicô Xaviê là một điển hình. Sau khi đến Châu Á, ngài kêu gọi thanh niên Châu Aâu hãy lên đường truyền giáo vì biết bao linh hồn đang hư mất, ngay cả những “em bé chưa biết phân biệt tay phải tay trái”. ( Cf. Gn 4, 11 )

Nhưng ngày nay ta tin rằng những người chưa biết Chúa mà ăn ngay ở lành vẫn có thể được ơn cứu độ. Chúa có thể dùng nhiều cách khác nhau để cứu độ con người chứ không chỉ qua phép rửa tội và Giáo hội Công giáo.

Cách nhìn này khiến các nhà truyền giáo mất bớt nhuệ khí. Không còn hăng hái như xưa. Không còn vội vã như xưa.

2.    Quan niệm tương đối hoá về các tôn giáo

Xưa kia, ta tin tưởng chỉ có Giáo hội Công giáo là của Chúa, là duy nhất tốt đẹp, chân chính. Còn những bụt thần khác đều là ma quỉ, các tôn giáo khác đều là sai lầm.

Nhưng nay người bình dân thì cho rằng đạo nào cũng tốt vì cũng dạy ăn ngay ở lành. Còn Công đồng Vatican II dạy ta kính trọng các tôn giáo. Vì các tôn giáo cũng có những điểm tốt đẹp khiến ta phải học hỏi, phải kính trọng. Mà đã là người ai cũng có tôn giáo. Vì thế việc truyền giáo bị khựng lại.

3.    Quan niệm truyền giáo và phát triển

Xưa kia truyền giáo chỉ nhằm cứu linh hồn người ta. Nên các Thừa sai cố gắng rửa tội càng nhiều càng tốt. Thậm chí còn ép buộc. Còn đời sống vật chất thì không quan tâm. Vì thế tại vùng truyền giáo có những giáo dân sống đời quá sức cơ cực, không xứng với nhân phẩm con người.

Tình hình đó khiến Giáo hội phải suy nghĩ, cân nhắc dù chỉ nhằm cứu chuộc linh hồn nhưng vẫn phải quan tâm đến phần xác con người. Đã yêu thương con người thì yêu thương trọn vẹn cả xác lẫn hồn. Vì thế, khi đến vùng dân nghèo không phải chỉ lo truyền đạo mà còn lo phát triển đời sống dân chúng. Đức giáo hoàng Phaolô VI đã nói : “phát triển là tên gọi mới của hoà bình”.

Nhưng có nhiều người quá mải mê phát triển mà quên cả truyền giáo.

Ngoài ba lý do có phần lý thuyết kể trên, ta còn thấy mấy lý do thực tế khác như :

4.    Thái độ quá gắn bó với cơ chế

Các giáo phận, giáo xứ được tổ chức tương đối chặt chẽ, ổn định. Theo đà tiến của xã hội, ta cũng muốn phát triển giáo xứ, giáo phận. Quan tâm tới việc phát triển tự nhiên, giới hạn ta vào cơ chế. Phát triển là xây dựng nhà cửa. Phát triển là xây dựng hội đoàn. Phát triển là tổ chức lễ lạc. Phát triển cao hơn nữa là đào tạo con người, xây dựng đạo đức, nâng cao học thức. Tất cả chỉ là xây dựng giáo xứ của mình, người của mình, nhà của mình. Ít có ai nghĩ đến phát triển truyền giáo.

Nếu có nghĩ đến truyền giáo thì cũng như một thứ nghiệp dư, một năm làm đôi ba lần theo phong trào.

Ngân sách dành cho truyền giáo cũng chỉ là bớt xén chút đỉnh từ những qũi chi tiêu khác.

Nhân sự dành cho việc điều hành giáo xứ, giáo phận là quan trọng. Dành cho việc truyền giáo có khi là những người không còn biết phân công vào việc gì, đành cho đi truyền giáo.

Nếu đối chiếu lời Chúa sai đi với nếp sinh hoạt của các giáo phận, giáo xứ hôm nay, có lẽ ai cũng phải giật mình kinh hãi. Có một khoảng cách quá xa giữa ý định của Đức Kitô khi lập Giáo hội với thực tế Giáo hội hôm nay. Có một khoảng cách quá xa giữa lời Chúa và sự thực hành của Giáo hội. Phải chăng ta đã phản bội ? Phải chăng ta đã đánh mất căn tính của mình ? Như thế làm sao truyền giáo phát triển được ?

5.    Sự sa sút trong Giáo hội : khối lượng, chất lượng, uy tín Đức giáo hoàng

Giáo hội không còn trong giai đoạn cực thịnh. Từ thập niên 60, 70 là những bùng nổ đưa đến tình trạng sa sút trong Giáo hội. Số Linh mục tu sĩ giảm dần. Số người đi tu giảm dần. Số người lui tới nhà thờ giảm dần. Số người đóng góp cho Giáo hội giảm dần. Uy tín Đức Thánh Cha cũng suy giảm. Xưa kia, một thông điệp của Đức Thánh Cha có thể gây chấn động cả thế giới và ảnh hưởng trên xã hội rất lâu dài. Nhưng ngày nay, mỗi thông điệp chỉ được nói đến trong vài tháng đầu. Sau đó chìm vào quên lãng và chẳng có ảnh hưởng nhiều trên xã hội.

Trước sự sa sút, Giáo hội phải hết sức đối phó với những thiếu hụt về mọi mặt. Lo củng cố nội bộ. Vì thế mà quan tâm truyền giáo giảm đi.

6.  Hoàn cảnh khó khăn

Vụ Pedo ở Mỹ, những công kích phê phán Giáo hội đến từ mọi nhóm : Cộng sản, Tư bản và ngay trong lòng Giáo hội.

Chưa kể đến nhiều Giáo hội địa phương có những hoàn cảnh khó khăn riêng, không phát huy truyền giáo được. Chẳng hạn tại các nước Hồi giáo, truyền giáo là một việc bị cấm đoán. Trở lại đạo là một trọng tội có thể bị kết án tử hình.

Dù với lý do nào đi nữa, ai cũng thấy một thực tế là trong thế kỷ này, việc truyền giáo đã mất đi khí thế hăng say của những thế kỷ trước.

Dù quan niệm thần học có những thay đổi. Nhưng mệnh lệnh truyền giáo của Đức Kitô vẫn không thay đổi. Mệnh lệnh ấy vẫn mang tính cấp bách. Và căn tính của Giáo hội vẫn không thể đổi khác. Đức Kitô thiết lập Giáo hội để truyền giáo. Không truyền giáo, Giáo hội chẳng còn lý do tồn tại.

Vì thế Đức Giáo hoàng đương kim trong những năm sau này, đặc biệt trong thiên niên kỷ mới đã mạnh mẽ kêu gọi truyền giáo. Hãy hăng hái ra khơi (Duc in altum)

IV.  HÃY RA KHƠI

Nếu hôm nay Chúa đến hỏi ta mệnh lệnh hãy ra đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo, con đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm. Có lẽ ta sẽ giật mình và ngần ngại lắm khi phải thưa với Chúa. Vì ta có loan báo Tin mừng nhưng chưa cho hết mọi thọ tạo. Và nhất là ta có loan báo Tin mừng nhưng chưa ra đi.

Chúa bảo hãy ra khơi thả lưới bắt cá. Ta có bắt cá nhưng chỉ là bắt cá trong chậu, trong nồi, trong đĩa chứ chưa ra khơi.

Đức Thánh Cha tha thiết mời gọi ta. Hơn thế nữa người còn hướng dẫn ta : Hãy truyền giáo, hãy ra đi đến những môi trường mới, với những phương tiện mới và với tinh thần mới.

Môi trường mới trước hết là những nơi xa lạ chưa in vết chân nhà truyền giáo, chưa hề nghe Tin mừng (các cha học tập cải tạo).

Môi trường mới cũng là những con người mới. Những người khác với ta về tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ. Những người không đồng quan điểm với ta về chính trị, về tôn giáo, về xã hội… Môi trường mới cũng có nghĩa là những lãnh vực mới như văn hoá, chính trị, y tế, giáo dục, báo chí, phim ảnh…(cộng đoàn Emmanuel tại phố Pigalle).

ĐứcThánh Cha cũng mời gọi ta : hãy ra khơi với những phương tiện mới. Chài, lưới, vó xưa kia đã trở thành quá thô sơ. Nay để đánh cá người ta có những kỹ thuật hiện đại. Có máy dò cá, có máy phát ra tiếng gọi cá… Cũng thế việc truyền giáo cần có những phương tiện kỹ thuật mới. Ngoài sách vở báo chí còn có đài phát thanh, truyền hình, điện thoại, fax, có mạng internet (thánh ca, cầu nguyện chung Assisise…). Ngoài việc cầu nguyện, rao giảng còn có gặp gỡ, trao đổi. Ngoài việc đạo đức, thờ phượng còn có việc phát triển, phục vụ người nghèo.

Và sau cùng Đức thánh cha kêu gọi ta hãy ra khơi với tinh thần mới. Người làm việc truyền giáo phải có tinh thần mới. Tinh thần mới sẽ do Chúa Thánh Thần tác tạo. Như xưa trong ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đã đổi mới các môn đệ, biến các ông thành những nhà truyền giáo không biết mệt mỏi, nay ta cần có Chúa Thánh Thần để đổi mới tâm hồn ta, ban cho ta sức mạnh của Chúa Thánh Thần để lên đường truyền giáo và đem lại kết quả tốt đẹp.

Tinh thần mới là tinh thần vui tươi, phục vụ, khiêm nhường. Tinh thần mới giúp ta dứt bỏ những gì cũ kỹ, như môi trường cũ kỹ, con người cũ kỹ, công việc cũ kỹ, thái độ bám chặt vào quá khứ, tìm an thân, an nhàn, an nghỉ.

Tinh thần mới giúp ta hăng hái lên đường, chấp nhận gian khổ, thiệt thòi, thách đố (Mẹ Têrêxa)

TGM. Jos Ngô Quang Kiệt

VỀ MỤC LỤC
SỰ SỐNG CON NGƯỜI VÀ ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, M.D

Bác sĩ Dược khoa Nguyễn Thị Vân, R.Ph., Pharm.D.

 

Tuần lễ đầu tháng 10 này, tất cả các xứ đạo, nhà thờ công giáo Hoa Kỳ đều bắt đầu kỷ niệm phong trào “Tôn Trọng Sự Sống”. Phong trào này đã đựoc Hội Đống Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGMHK) khởi xướng và phát động vào năm 1972, một năm trước khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hợp thức hóa cho phép phá thai. Từ đó tất cả mọi người Công Giáo Hoa Kỳ lấy tháng 10 là tháng hy sinh, dồn hết tâm trí làm tất cà mọi sự để bảo vệ sự sống (Pro Life) và thăng tiến văn hóa sự sống. Trong tháng 10 này, tất cả mọi cố gắng của chúng ta sẽ đặc biệt hơn bao giờ hết. Không bao giờ chúng ta có thể chấp nhận những đả kích, phản bác của những người chủ trương tự do phá thai (Pro choice) chống lại niềm tin của chúng ta là “Sự sống khởi đầu ngay từ lúc mới thụ thai và kết thúc vào lúc lìa đời / chết một cách tự nhiên”.

 

Tháng 10 này cũng là tháng tiền bầu cử, vấn đề bảo vệ sự sống và tự do phá thai (Pro Life và Pro Choice) cũng là một đề tài nóng bỏng và quan trọng trong cuộc tranh cử. Người công giáo chúng ta, theo huấn thị của HĐGMHK, có bổn phận góp phần tích cực vào những sinh hoạt công cộng. Do đó chúng ta không thể không nghĩ đến những chương trình và chủ trương của các ứng cử viên xem có đúng với giáo huấn của Giáo Hội và thích hợp với niềm tin tôn giáo của chúng ta về sự sống con người hay không trước khi chúng ta bỏ phiếu bầu cho họ.

 

Ngày 2-10-08 cũng là ngày kỷ niệm 40 năm ban hành Thông Điệp “Sự Sống Con Người /  Humanae Vitae”. Chúng ta thử tìm hiểu ý của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về sự sống con người qua huấn từ của ngài đọc tại Hội Nghị quốc tế chuyên đề nghiên cứu về Đời Sống Hôn Nhân và Gia Đình. được tổ chức bởi Viện Giáo Hoàng John Paul II tại Roma.

 

***********

 

Thông điệp Sự Sống Con Người là một tài liệu quan trọng đề cập đến một  trong những khía cạnh chính của ơn gọi đời sống hôn nhân và những chỉ dẫn đặc biệt mà Đức cố Giáo Hoàng Phaolo VI đã gói ghém trong đó.  Đôi trai gái khi lấy nhau là đã chấp nhận tình yêu của nhau như một tặng vật, đồng thời mỗi người cũng được kêu gọi để tự nguyện trở thành những tặng vật tình yêu cho nhau không mảy may thắc mắc. Chỉ có hành sử như vậy cho nhau một cách tuyệt đối mới thực sự là yêu nhau, đúng nghĩa là kết hợp với nhau nên một thân xác, thông truyền với nhau thực sự (Mc10: 7-8). Từ đó sự kết hợp tặng vật mới có thể nói lên được cái thực chất của tình yêu vợ chồng, và nhờ ơn Thánh Thần Linh Chúa đổ xuống chan hòa mới kết tạo thành một đời sống chung với nhau có ý nghĩa, đời sống vợ chồng yêu thương nhau thực sự.

 

Sinh con cái, kết tạo một sự sống con người mới cũng nằm trong ý nghĩa tặng vật giữa hai vợ chồng. Nếu cả hai tình yêu vợ và chồng cùng phát triển và hòa hợp trọn vẹn với nhau trong cuộc sống thì cái tình nghĩa phu thê đó tự nó sẽ trở thành một sự liên hiệp hài hòa thông truyền cho nhau để sinh con cái, triển nở những thế hệ tương lai…Hành động đó không chỉ giống như tình yêu Chúa mà còn là thông phần cộng tác với Thiên Chúa Tình Yêu, đấng đã kêu gọi loài người tiếp nối sự sống bằng cách sinh con đẻ cái. Loại bỏ chiều kích truyền đạt này bằng những hành động có mục đích phá hủy sự sống tức là chối bỏ tình nghĩa thâm sâu vợ chồng đã được Thiên Chúa chúc phúc: “ Nếu vợ hoặc chồng không muốn chu toàn trách nhiệm truyền tiếp sự sống bằng cách sinh con cái thì đã mặc nhiên công nhận những giới hạn không thể vượt quá được của con người là có khả năng làm chủ thân xác mình và những trách vụ của nó, những giới hạn mà không một ai dù là cá nhân hay tập thể chính quyền có thể công khai phá bỏ được. (Humnae vitae, 17).

 

Đây là cốt lõi của giáo huấn mà Đức Thánh Cha Phaolo VI đã nói với các cặp vợ chồng, và sau này Đức Gioan Phaolo II cũng đã nhiều lần tái khẳng định được minh chứng bằng nền tảng nhân chủng học và luân lý.

 

Bốn mươi năm nay từ ngày ra thông điệp Humanae vitae / Sự Sống Con Người, chúng ta ai cũng hiểu rằng hai tiếng “Xin Vâng” mà đôi tân hôn trả lời trước mặt linh mục lúc làm phép cưới nó có ý nghĩa quyết định như thế nào. Vậy thì đứa trẻ khi họ sinh ra không còn là mục tiêu của dự án con người nữa, nhưng là một tặng vật thực sự mà họ đã đón nhận với một thái độ và tinh thần trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa là nguồn mạch tiên khởi của sự sống con người. Hai tiếng “Xin Vâng” lúc chấp nhận tình yêu cao cả đó chắc chắn đã nói lên lòng biết ơn của hai cha mẹ khi đón nhận đứa con và chính đứa con cũng nhận biết rằng sự sống của nó có một cội nguồn nơi tình yêu cao cả và đón nhận ấy.

 

Về một phương diện khác, cũng có những trường hợp đặc biệt khiến cặp vợ chồng phải hoãn lại hoặc ngưng sinh con. Khi đó, hiểu biết về chu kỳ sinh sản của người vợ sẽ rất quan trọng trong đời sống lứa đôi. Những phương pháp quan sát để biết thời kỳ rụng trứng có thể cho phép họ thực thi ý định mà không làm mất ý nghĩa nền tảng của tặng vật tình yêu. Họ vẫn sống hòa điệu trọn vẹn tình yêu vợ chồng mà không làm mất tính chất của tình yêu đã phối kết họ nên một thân xác. Dĩ nhiên việc đó đòi hỏi một tình yêu thật sự trưởng thành; nó không thể có được trong một sáng một chiều mà cần phải bàn hỏi, thảo luận, lắng nghe nhau và nhất là cần phải biết lấy lòng đạo đức mà chế ngự dục tính.

 

Ngày nay nhờ những tiến bộ vượt bực của khoa sinh-y-học, người ta đã biết dùng những phương pháp trị liệu rất hiệu nghiệm để điều hòa sinh sản và chế ngự hiếm muộn một cách tự nhiên, nhưng đồng thời cũng cho họ những quyền hạn và khả năng mới có thể đưa đến những hậu quả khó có thể lường trước được về mạng sống con người ngay từ những bước khởi đầu sự sống. (Lời dẫn nhập “Donum Vitae”, 1). Với viễn tượng đó, nhiều nhà nghiên cứu đã quyết  tìm mọi cách  để chữa bệnh hiếm muộn. Một số vị đã đạt được kết quả mong muốn chưa bao giờ thấy mà vẫn hoàn toàn tôn trọng nguyên tắc sinh sản. Do đó nhà khoa học cần được khuyến khích tiếp tục nghiên cứu để phòng ngừa cũng như chữa trị bệnh hiếm muộn hầu giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn có thể sinh con mà vẫn tôn trọng nhận phẩm mình và đứa trẻ mới sinh ra” (Lời dẫn nhập “Donum Vitae”, 8).

 

Chúng ta cũng có thể tự hỏi, tại sao hiện nay trên khắp thế giới và ngay cả những tín hữu cũng cảm thấy khó có thể hiểu được thông điệp của Giáo Hội, tại sao Giáo Hội lại ca tụng và bảo vệ vẻ đẹp của tình yêu vợ chồng và cung cách biểu lộ tự nhiên của nó? Chắc chắn cách giải quyết bằng kỹ thuật, cũng là những vấn nạn quan trọng của con người, thì thường xem ra có vẻ rất dễ dàng, nhưng trong thực tế nó lại ẩn tàng một vấn nạn căn bản liên quan đến ý nghĩa của dục tính con người cũng như sự cần thiết phải tự kiềm chế mình để khi thực hành, nó có thể nói lên được cái tình yêu đặc thù của mình.

 

Trái lai, ai cũng biết, không phải chỉ dùng lý trí là đã đủ, mà cần phải có con tim để nhìn. Chí có một trái tim biết nhìn, biết quan sát mới có thể hiểu được những đòi hỏi của tình yêu cao cả có khả năng bao trùm tất cả nhân loại. Vì lý do đó, nghi thức hôn phối và sự săn sóc mục vụ gia đình mà Giáo Hội đã lập ra mới có thể giúp cho những cặp vợ chồng lấy trái tim mà tìm hiểu kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa đã ghi khắc nơi thân xác con người, giúp họ chấp nhận tất cả những gì đã dẫn họ đi tới trưởng thành.

 

Những nghiên cứu phải đánh động được những cặp hôn phối và gia đình họ, gợi cho họ những giây phút suy tư nghiêm túc và thực sự lắng nghe, công hiến cho họ những kết quả của những năm tháng tìm tòi khảo cứu cả về phương diện nhân chủng học lẫn luân lý đạo đức, theo đúng phương cách khoa học tân kỳ hiện đại với mục đích hoàn toàn tôn trong nguyên tắc và trách nhiệm sinh sản.

 

Đại Học Trái Tim Cực Thánh Chúa / “Sacro Cuore” thuộc viện Đại Học Công Giáo ở Roma đã đứng ra tổ chức một hội nghị khoa hoc quốc tế chuyên đề nghiên cứu về Sinh Sản và Hiếm Muộn do sáng kiến của Đức Cố Giáo Hoàng Phaolo VI và đệ trình lên  Đức Gioan Phaolo II, với hy vong theo chiều hướng đó sẽ có những đáp ứng có tầm mức đại học đúng như yêu cầu của Đức Phaolo VI. trong mục 24 của tông thư “ Nói với con người khoa học / To the men of science”.

 

Kỳ vọng này cũng là ước mong của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI hiện nay.

 

Fleming Island, Florida  3-10-2008

NTC & NTV

VỀ MỤC LỤC
ĐỪNG SỢ (2)  
 

Vào lúc 5 tuổi, Mỹ Quyên không còn sợ con cào cào nữa. Tuy nhiên, một ngày kia một con cào cào thật to nhảy lên người cô bé và làm cô hết sức ngạc nhiên. Cô hét lên và lấy tay hất con cào cào nhưng nó lại nhảy vào trong áo của cô. Cô bé cảm thấy khó chịu vì thế cô lại hét lên, và tiếng hét của cô bé đã làm anh cô 9 tuổi cười cô bé. Sự cố gắng để hất con cào cào càng làm cho anh cô buồn cười hơn. Cô bé vì thế càng la to hơn vì cô giận anh cô. Bà mẹ chạy ra khỏi nhà, mặt tái mét và run rẫy vì sợ. 

Chiều hôm đó, anh nó đến với hai bàn tay chụm lại. “Có món quà cho em đây!’ “Cái gì?” Anh nó mở tay ra và con cào cào nhảy ra. Cô bé hét to và bố mẹ vội chạy ra. Bố mẹ khiển trách anh nó và mắng cô bé về sự điên khùng của nó. Từ đó trở đi, cô bé cứ thét cách sợ hãi khi nhìn thấy con cào cào. Nhưng cô ta biết cô ta không thật sự sợ con cào cào như thế. Đó chính vì sự sợ của cô có một giá trị nào đó mà cô cảm thấy được. Sự việc bố mẹ đã mắng cô ta là điên khùng là một việc vô ích nhất mà bố mẹ đã làm. Đây là sự thách thức càng làm chồng chất thêm cao vị thế của cô về việc sợ hãi đó. Nếu bố mẹ đã không bị ám ảnh bỡi sự la hét của cô bé, họ đã loại được mục đích của sự sợ hãi của cô. 

Quốc Huy 4 tuổi đang chơi với chiếc xe điện tử bên cạnh cây giáng sinh. Thình lình nó thụt người lại và hét lên. Nó bị điện giật. Bà mẹ ngồi gần đó nhìn thấy như vậy, bà bế nó lên và an ủi nó: “Cưng ơi, con có sao không? Chiếc xe điện trục trặc. Khi bố về, bố sẽ sửa cho.” 

Chiều hôm đó, ông bố tìm ra được căn bệnh và đã sửa được nó. Nhưng cậu bé từ chối không chịu chơi với chiếc xe đó. Nó co người lại và hành động cách sợ hãi. Nó chui đầu vào lòng mẹ mỗõi lần mẹ nó cố gắng kéo nó lại về phía bố nó để chỉ cho nó cách điều khiển. Cuối cùng, bố mẹ nó liếc nhìn nhau. Mẹ nó lắc đầu nhè nhẹ. Bố nó gật đầu đồng ý, rời chiếc xe điện và ngồi xuống với tờ báo ban chiều. Không ai nói gì cả. Cậu bé cũng không động đậy đến chiếc xe. Hai ngày sau đó, ông bố tháo chiếc xe cùng với những đồ trang trí giáng sinh và sắp xếp cẩn thận vào trong hộp. Cậu bé theo dõi tiến trình một cách chú tâm mà không nói gì. Tuy nhiên, vào lúc lên giường ngủ, nó chồm dậy nói: “Bố ơi, con muốn chơi với chiếc xe điện của con.” “Chúng ta sẽ lấy nó ra sớm. Con muốn bố đọc chuyện gì tối nay?” 

Cậu bé miễn cưỡng chơi với chiếc xe lửa là chuyện tự nhiên sau một kinh nghiệm không được vui lắm. Bố mẹ hiểu điều đó. Nhưng khi cậu bé tiếp tục kháng cự, từ chối chấp nhận cách tin tưởng rằng ông bố đã sửa xong, và khi nó bắt đầu kéo họ dấy mình vào những lo lắng sợ sệt của nó, bố mẹ bỏ lửng chuyện đó và xuôi thuyền về hướng khác. Họ nhận thấy rằng cậu bé còn quá trẻ để hiểu những nguyên tắc của giòng điện. Họ không muốn cố gắng thuyết phục cậu bé để hiểu về chuyện đó. Chiếc xe được xếp qua bên. Và bây giờ nó lại khám phá ra nó thích chơi chiếc xe đó. Sự sợ của nó không có cơ hội để trở thành một dụng cụ hữu ích nữa. Ông bố tránh giảng giải về sự điên rồ, cũng không cần khiển trách. Ông chấp nhận phản ứng của đứa con và xếp chiếc xe cho vào hộp. Khi cậu bé muốn chơi trở lại. Ông hứa lấy nó ra sớm và đổi đề tài. 

Bà mẹ cố gắng giúp bé Yến Vy 3 tuổi không sợ bóng tối. Bà đặt cô bé vào giường, bật bóng đèn ở ngoài phòng lên, và tắt bóng đèn ở phòng ngủ của nó. “Mẹ, mẹ!” Cô bé hét lên cách sợ hãi. Bà mẹ yên ủi: “Cưng ơi, mẹ đây. Mẹ không rời con. Không có gì đáng sợ. Nầy xem, mẹ ở với con.” Nhưng con muốn bật đèn lên. Con sợ bóng tối” “Con ơi, có đèn ngoài kia rồi và mẹ ở đây nè!” “Mẹ không rời đây nhé!” “Không, mẹ không rời đây cho tới khi con ngủ.” Phải mất một thời gian khá lâu cô bé mới ngủ. Cô bé thường chồm dậy để xem bà mẹ có ở đó với nó không? 

Bà mẹ nghĩ rằng bà có thể lần lần tập cho cô bé quen dần với bóng tối bằng cách di chuyển ánh sáng xa dần đi. Bà thất bại không nhìn thấy cách thế cô bé dùng sự sợ để giữ mẹ gần nó và bắt bà phục vụ cho nó. Trẻ con diễn tả sợ hãi là muốn thuyết phục. Chúng xem ra đối với chúng ta là quá nhỏ và vô dụng, và cuộc đời xuất hiện đáng sợ đối với chúng. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu được cái gì nằm đằng sau hành động của nó, chúng ta có thể trở nên ý thức rằng với sự đáp ứng của chúng ta, chúng ta không giúp được đứa trẻ, nhưng càng làm cho nó xử dụng sự sợ hãi như một cách thế để điều khiển chúng ta. 

Bà mẹ có thể mở đèn bên ngoài và tắt đèn phòng ngủ, đặt cô bé lên giường, và không để ý gì đến sự sợ hãi của nó, và để nó ở đó với lời khích lệ: “Con sẽ học không có gì phải sợ nữa.” Nếu cô bé có khóc, bà mẹ nên hành động như cô bé đang ngủ. Nhưng điều nầy không thể làm được ngoại trừ bà mẹ loại bỏ giả thuyết thông thường là: bà ác độc nếu bà phớt lờ sự đau khổ của con cái. Chúng ta cảm thấy bị ép buộc phải an ủi đứa trẻ đang đau khổ. Tuy nhiên, khi chúng ta thấy rằng bằng cách làm như thế, chúng ta chỉ làm tăng sự đau khổ vì đứa trẻ chỉ muốn chúng ta chú ý đến nó hoàn toàn. 

Con trẻ chúng ta không thể giải quyết những khó khăn của cuộc đời nếu chúng cứ luôn sợ hãi. Sự sợ không tăng khả năng ứng phó với vấn đề. Càng sợ thì càng nguy hiểm. Nhưng sợ hãi được dùng như phương tiện để khiến người khác chú ý và bắt người khác phục vụ mình. 

Cần dạy con trẻ chú trọng vào những tình trạng xem ra nguy hiểm. Nhưng chú ý và sợ hãi thì khác nhau. Chú ý là sự nhận thức hợp lý và can đảm về những nguy hiểm có thể, trong khi sợ hãi là một sự rút lui mất can đảm và tê liệt. Dĩ nhiên, chúng ta phải dạy con cái chúng ta chú ý khi băng qua đường, súng đạn là vũ khí giết người không phải đồ chơi, và bơi lội ở độ sâu chỉ được phép nếu có khả năng. Tất cả những điều đó có thể được dạy mà không có gì sợ sệt. Cần học mức giới hạn, học cách biết lo đến những hoàn cảnh xem ra khó khăn hoặc nguy hiểm. Sợ hãi làm mất sự can đảm. Sợ hãi thì rất nguy hiểm. Đối với con trẻ, nó phục vụ cho một mục đích. Nếu bố mẹ không đáp trả, con trẻ sẽ không khai thác, bấy giờ cả bố mẹ lẫn con cái sẽ được tự do khỏi sự cực hình và đau khổ. 

Trở lại quá khứ xa xưa mà cậu bé Quốc Lân có thể nhớ được. Cậu đã nghe mẹ nói chuyện đau khổ lúc sinh nở và đau khổ vì phải mổ. Cách đây 3 tháng được khám phá ra cậu bé có một xương mọc lộn xộn trong chân của nó nên cần đi mổ. Khi nó được báo nó cần phải đi mổ, nó hét lên cách sợ hãi. Suốt 3 tháng nó năn nỉ, van xin. Nó thà chết với bệnh đó hơn là mổ. Bà mẹ cố gắng yên ủi nó nhưng vô ích. Ngày mổ đến và sự lượng sức cần phải được lấy để cho đứa trẻ thuốc mê đủ lượng. Nó sợ quá đến nỗi lượng thuốc thông thường của thuốc gây mê chỉ gây ảnh hưởng chút ít hôn mê cho nó. 

Sự đau đớn là một phần của cuộc đời. Không có cách nào chạy trốn nó được. Câu chuyện của bà mẹ kể cho con cái và các bạn bà có thể là để cho thấy rằng bà là một anh hùng trong việc trải qua những đau khổ như thế. Nhưng cậu bé có cảm nghiệm như là đau thật, và trong sự tưởng tượng nó đã tạo nên những tư tưởng về những ca giải phẫu vượt quá xa sự thật. Và trái với mẹ nó, nó không có uớc muốn trở thành một anh hùng. Đối diện với đe dọa đau đớn, nó không được dạy dỗ để chấp nhận điều đó một cách can đảm. Và bà mẹ đồng cảm với sự sợ hãi của nó vì bà có kinh nghiệm về sự hãi hùng của sự giải phẫu. Không giúp con mình ứng phó với tình trạng khó khăn và không thể tránh được, một cách vô thức bà đã giúp và nuôi dưỡng sự sợ của nó trong cố gắng yên ủi và vỗ về nó. 

Không cha mẹ nào muốn thấy con cái mình đau đớn. Tuy nhiên, có những lúc không thể tránh khỏi. Hãy biết rằng đối với đứa trẻ can đảm, thực tế đau đớn ít. Càng sợ càng đau đớn hơn. Càng kháng cự càng cảm thấy đau hơn. Chúng ta phải giúp con trẻ chấp nhận sự đau đớn và buồn khổ. Chỉ vì thái độ chúng ta quá lo lắng một cách không thích hợp mỗi khi thấy đứa trẻ sợ hãi nên nó càng trở nên nhút nhát và sợ sệt hơn. 

Lm. Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý

VỀ MỤC LỤC
TÌNH MẸ - CON Ở PHỐ ĐỨC BÀ
 

Bất chấp giới hạn của tuổi tác, bất chấp sức ép của công việc … tình Mẹ con ở căn phòng nhỏ bé ở phố Đức Bà vẫn rực sáng và toả hương. Tình Mẹ con trong căn phòng nhỏ bé ấy càng nồng ấm khi tuổi Mẹ, tuổi con đã xế chiều.

Bất chấp hơi cay, dùi cui điện, phỉ nhổ, mạ lỵ, khủng bố ... tình Mẹ con bên hang đá ở phố Đức Bà vẫn son sắt. Tình Mẹ con bên hang đá ở phố Đức Bà ấy còn bừng cháy hơn nữa giữa những giới hạn của ngăn cản và cấm cách.     

Tình Mẹ - con trong căn phòng nhỏ ở phố Đức Bà :

Dòng thời gian vẫn trôi qua nhẹ nhàng và êm ả, tiết trời Hà nội đã vào Thu, chiếc xe lăn nhỏ bé ngày ngày đưa một bà mẹ già tới tới lui lui dọc hành lang của phố Đức Bà. Mẹ đã một đời tần tảo lo toan cho con cái và giờ đây khi bóng chiều đã ngã Mẹ cũng chẳng yên lòng được khi thấy con mình còn đó những bận tâm của cuộc đời, bận tâm của con người. Dẫu người con ấy là linh mục như Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng con Mẹ, dẫu người ấy tóc cũng lấm tấm bạc đi chăng nữa trong lòng Mẹ vẫn là Mẹ và người con ấy vẫn là một “cậu bé” bé bỏng trong vòng tay của Mẹ già.

Có lẽ cha Matthêu cũng như mọi người con đều cảm nhận “Nay lớn khôn con vào đời, gặp biết bao nhiêu người thương … rồi lớn lên con xây non cao, vượt biển khơi bay lên trăng sao, khi về nhà xưa với cha và với mẹ như là trẻ thơ bé như ngày nào …” để rồi tranh thủ thời gian có được để được đến và ở bên mẹ nhiều chừng nào tốt chừng đó. Dù học cao, dù hiểu rộng và dù có bay lên được trăng sao đi chăng nữa nhưng mãi mãi trong vòng tay yêu dấu của Mẹ, cha Matthêu vẫn là như đứa trẻ thơ ngày nào luôn cần đến tình Mẹ, luôn mong Mẹ chăm sóc vỗ về, yêu thương.

Cứ mỗi sáng, sau bữa điểm tâm và sau giấc ngủ trưa đến xế chiều người giúp Mẹ đưa Mẹ đi đi lại lại dọc hành lang. Cái hành lang nhỏ bé ở phố Đức Bà ấy như là điểm hẹn của tình mẹ con giữa bà Cố và Cha Matthêu.

Sáng nay, đợi mãi chẳng thấy con xuống, Mẹ thắc mắc với chị giúp việc : “Sao đến giờ này mà vẫn chưa thấy cha xuống !” Hình như linh cảm của Mẹ có điều gì chẳng lành đến với Cha Matthêu hay sao đó nên bà Cố mới hỏi. Thì ra là sáng nay công an mời Cha Matthêu lên làm việc nhưng tôi không dám nói cho bà Cố biết vì chỉ sợ bà thêm lo.

Chị giúp việc cho tôi biết thêm về Mẹ. Mẹ lo lắng lắm khi con Mẹ kêu gọi mọi người cầu nguyện cho công lý, cho sự thật. Chẳng biết có ai đến nói với Mẹ điều gì không nhưng sao Mẹ lo cho Cha lắm ! Mẹ ngồi xe lăn không làm được gì nhưng Mẹ lo lắm : 

Nào là bảo người giúp việc mua đồ cho Cha Matthêu mặc vì Mẹ thấy Cha ăn mặc “lèng phèng” quá !

Nào là bảo người giúp việc dặn là khi Cha Matthêu đi đâu ra ngoài đường thì gọi taxi cho Cha đi chứ đừng đi xe ôm vì sợ kẻ xấu hãm hại !

Những ngày này, những ngày xảy ra biến cố tại Phố Đức Bà, thật sự ai ai cũng quan tâm và lo lắng cho Cha Matthêu nhiều. Một linh mục thường lang thang đây đó như Cha Matthêu, đồng hành với những người nghèo vậy mà phải chôn mình trong bốn bức tường của tu viện Thái Hà Ấp cảm thấy làm sao đấy. Thường ngày, Ngài vẫn dong duỗi trên mọi nẻo đường để đồng hành với những người nghèo :  Có khi ta thấy Ngài vui vẻ chung chia phận nghèo với những chị đồng nát, có khi ta thấy Ngài gần gũi với các bạn sinh viên, có khi ta thấy Ngài gợi lên một nhóm nào đó như nhóm “Tiếng Vọng” chuyên lo cho các bệnh nhân sida đầu đường xó chợ, có khi ta lại thấy Ngài ẩn mình gần một tuần lễ tận Trung Tâm Mai Hoà - Củ Chi - để chung chia phận của những con người bị đẩy ra bên lề xã hội.

Với Cha Matthêu thì cảm thấy như bó buộc ở trong nhà nhưng với Mẹ thì Mẹ rất vui. Mẹ vui vì ngày ngày hai buổi sáng chiều con lại ghé qua căn phòng nhỏ bé của Mẹ để Mẹ con gặp nhau chốc lát. Có hôm xuống thăm Mẹ thì Mẹ vẫn còn ngủ nên Cha đành lên phòng tiếp tục làm “con mọt” trong đống sách vô cùng quý giá.

Quả thật, tình Mẹ thật lai láng tựa dòng sông cả thăm thẳm tựa biển sâu :

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha

Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy Cha che chở đời con
Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghen con”. 

Thế đấy ! Một mối tình thiêng liêng, mối tình nồng thắm Mẹ - con ngày ngày vẫn diễn ra ở căn phòng nhỏ bé phố Đức Bà. Dù đi đâu, Cha Matthêu cũng hướng lòng về người mẹ già đang chờ Ngài trở về với Mẹ trong căn phòng nhỏ bé và ấm cúng. Dù đi đâu, Cha Matthêu cũng không quên được tình của Mẹ. Và với Mẹ,  dù tóc Mẹ có bạc, da Mẹ có mồi đi chăng nữa thì Mẹ vẫn dõi theo từng bước đường của người con dấu yêu.  

Tình Mẹ - con bên hang đá ở phố Đức Bà :

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, trải qua không biết bao nhiêu biến chuyển của bể dâu thì Đức Bà Thái Hà ấp xưa kia vẫn là chỗ “hò hẹn” giữa Mẹ Maria kính yêu và của những con từ khắp mọi miền đất nước. Nơi Linh địa linh thiêng ấy Mẹ vẫn chờ để gặp các con và các con vẫn chờ để gặp Mẹ.

Thời thế thay đổi để rồi lòng người cũng đổi thay. Mảnh đất linh thiêng ấy được góp vào bởi biết bao nhiêu công khó của người nghèo. Mảnh đất ấy được thánh hiến để phụng vụ dân Thánh Chúa. Thế nhưng, do hoàn cảnh của đất nước mảnh đất ấy chưa kịp xây dựng ngôi Thánh đường khang trang để con cái có nơi phụng thờ Chúa, ca khen Mẹ cho phải lẽ.

Nhu cầu gặp gỡ giữa Mẹ và con cũng như giữa con và Mẹ ngày càng cao nên các vị mục tử phụ trách phố Đức Bà đã nhiều năm cũng như nhiều lần nộp đơn xin lại mảnh đất thiêng ngày nào đã thánh hiến phụng thờ Chúa. Năm lần bảy lượt, đến hẹn lại lên nhưng khi lên thì lại hẹn xuống và cuối cùng các vị mục tử cùng đoàn con cái của Mẹ ngậm ngùi cầm trong tay bản “quyết định thu hồi”. Một “quyết định thu hồi” bất nhân và bất nghĩa.

Bên cạnh cái “quyết định thu hồi” bất nhân bất nghĩa đó, họ đâu có để cho tình Mẹ con được yên ổn. Họ dùng quá nhiều thủ đoạn để ngăn cản tình Mẹ tình con : Nào là dùi cui điện, nào là hơi cay để ngăn những buổi cầu nguyện của con trước nhan Mẹ. Tưởng chừng dùi cui và hơi cay có thể ngăn được tình Mẹ - con ấy nhưng không !

Hơi cay và dùi cui như là phương tiện, như là chất làm tăng thêm tình Mẹ - con thì phải. Từ muôn phương con cái của Mẹ cứ vui vẻ dắt díu nhau trẩy hội lên Đền. Họ lại bày ra cái trò “ngăn sông cấm chợ” thời bao cấp không cho con cái về với Mẹ. Sau này, họ còn bày trò ác là đổ mắm tôm trộn hoá chất để cho các con cái của Mẹ không còn đến với Mẹ nữa nhưng họ đã lầm.  

Tất cả những biện pháp bất nhân bất nghĩa ấy không thể nào dập tắt được tình nghĩa Mẹ - con. Giờ đây, tình Mẹ - con ở Phố Đức Bà toả lan như hương trầm bay lên nhan Chúa vậy. Dù đi đâu, ở bất cứ nơi nào, tình Mẹ tình con ở Phố Đức Bà đều được mọi người biết đến và noi theo.  

Thời gian vẫn chạy, dòng đời vẫn trôi, Hà Thành vẫn ồn ào náo nhiệt theo nhịp sống nhưng ở Phố Đức Bà nhỏ bé vẫn còn đó những mối tình Mẹ - con thật thiêng liêng, thật quý báu. Phố Đức Bà như là điểm hẹn, như là chỗ hẹn hò để Mẹ chia sẻ tình cho con và con chia sẻ tình với Mẹ vậy.

Trong căn phòng nhỏ ở phố Đức Bà, Cha giáo kính mến Matthêu của tôi ngày ngày thỏ thẻ với Mẹ già dăm ba câu hiếu để thì bên hang đá Mẹ, con cái của Mẹ Maria cũng thỏ thẻ với Mẹ Maria - Mẹ Hằng Cứu Giúp - của mình những tâm sự thầm kín của một người con thảo.

Dù đi muôn phương nhưng con cái vẫn mong quay về với Mẹ để thỏ thẻ, để thủ thỉ, để nhỏ to tâm sự với Mẹ những nổi trôi, những âu lo của phận người. Phần Mẹ, khi nghe những lời con trẻ đến bên Mẹ, chẳng lẽ nào Mẹ lại dửng dưng trước những lời thầm thĩ nguyện xin ấy. Kẻ xin ơn, người ban ơn : thế là tình Mẹ, tình con ngày một khắng khít giữa nhân gian đầy bạc nghĩa bội tình.    

Lm. Anmai, C.Ss.R.

VỀ MỤC LỤC
“LẠY NỮ VƯƠNG RẤT THÁNH MAI KHÔI, CẦU CHO CHÚNG CON”

 

Theo Lịch Phụng Vụ, Giáo Hội dâng Tháng Mười làm tháng kính Nữ Vương Rất Thánh Mai Khôi. Để hiệp thông cùng quý giáo hữu sốt sắng tham gia việc đạo đức trong tháng nầy, chúng tôi xin lược qua một số tìm hiểu, học hỏi về Chuỗi Mai Khôi, về Lễ Đức Mẹ Mai Khôi, Tháng Mai Khôi và, cách riêng, về nguồn gốc và ý nghĩa Kinh Kính Mừng.

Chuỗi Mai Khôi

Thánh Luy Maria Môngpho – Louis Marie Grignion de Montfort mà nhiều giáo hữu đoàn viên Hội Đạo Binh Đức Mẹ – Legio Mariae đã biết danh người qua Thủ Bản Legio Mariae ( 107, tr. 77-78 ) là tông đồ nhiệt thành rao giảng về Chuỗi Mai Khôi. Thánh nhân là “hội viên tích cực truyền bá cho Hội Mai Khôi, hội của người tín hữu mỗi tuần tối thiểu lần hột Mai Khôi 150 kinh” ( ba chuỗi Mai Khôi ). Theo Thủ Bản Legio Mariae ( số 605, tr. 372 ), đây là “một hội có nhiều ân xá nhất, ta cần vào để hưởng cho hết các ơn ích của chuỗi Mai Khôi.” Về bí quyết chuỗi Mai Khôi, Thánh Môngpho nói:

“Chuỗi Mai Khôi chính yếu gồm có kinh Chúa Giêsu dạy ( Kinh Lạy Cha ) và lời chào mừng của Thiên Sứ ( Kinh Kính Mừng ) và vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa ( Kinh Sáng Danh ). Tuy đã từ lâu đời, các tín hữu sốt sắng với việc tôn sùng Mai Khôi, những mãi đến năm 1214, Giáo Hội mới nhận được chuỗi Mai Khôi như ta đọc ngày nay do Thánh Đaminh truyền lại theo sự chỉ dẫn của Thánh Nữ Đồng Trinh giúp chiến thắng bè rối Albigensian và giúp những kẻ có tội ăn năn trở lại cùng Chúa.

Albigensian từ nguyên thủy là tổ chức có tên Cathari, ở Languedoc, miền Nam nước Pháp, một bè rối chống phá Công Giáo liên quan đến Đức Tin vào Chúa Giêsu Kitô từ thế kỷ 11 và phát triển mạnh ở thành phố Albi, Đông Bắc Toulouse ( 1181 ), nên được gọi là Albigensian. Cả hai Công Đồng Tours ( 1163 ) và Công Đồng Latêranô 3 ( 1179 ) đều không giải quyết được và Đức Giáo Hoàng Innôcent III ( 1198 – 1216 ) phải kêu gọi Thập Tự Chiến để đánh quân Albigensian, nhưng còn nhiều khó khăn không thắng nổi.

Trong sách De Dignitate Psalterii ( Về phẩm chức của Ca Vịnh ), Chân Phước Alan de la Roche ghi lại: “Năm 1213, khi thấy tội lỗi quá nặng nề của nhân dân và của quân rối Albigensian ở Miền Nam nước Pháp, cha Đaminh vào rừng gần Toulouse, Pháp, và cầu nguyện liên miên ba ngày, ba đêm, xin Chúa nguôi cơn giận. Người hãm mình, đánh tội cho đến ngất xỉu. Lúc đó, Đức Mẹ, có ba thiên thần chầu quanh, hiện ra và phán bảo:

- Này Đaminh, con có biết Ba Ngôi Thiên Chúa chí thánh muốn dùng vũ khí nào để cải thiện thế gian chăng ?

- Thưa Mẹ, Mẹ biết hơn con vì Mẹ ở kề bên Chúa Giêsu, Con Mẹ, và Mẹ đồng công chuộc tội loài người chúng con.

Mẹ nói: “Phương cách chính là Lời Chào Mừng của Thiên Sứ, đá tảng của Tân Ước. Nếu con muốn đạt đến tâm hồn cứng cỏi của người tội lỗi và vượt thắng họ, thì phải rao giảng Kinh Kính Mừng đó.”

Đaminh trỗi dậy, sốt sắng tìm gặp những người tội lỗi, bằng cách đi thẳng tới Nhà Thờ Chính Tòa Toulouse. Bỗng có những thiên thần bí mật rút chuông triệu tập dân chúng tề tựu. Khi Đaminh bắt đầu giảng thì bão táp nổi lên, trái đất rung chuyển, mặt trời trở nên tối tăm, các tia chớp lòe sáng và sấm sét nổ vang, khiến cho mọi người hoảng sợ. Nỗi lo sợ càng mãnh liệt khi dân chúng nhìn thấy Đức Bà hiện ra, giơ hai tay lên trời ba lần, xin Thiên Chúa trừng phạt họ, nếu họ không chịu trở lại, cải thiện đời sống, và chạy đến khẩn cầu Mẹ Thiên Chúa hộ phù.

Thánh Đaminh cầu nguyện và rao giảng chuỗi Mai Khôi, rồi cùng với nhịp hùng hồn của người, bão táp lại lặng dần. Nhân dân Toulouse nghe lời người, cùng nhau lần hạt Mai Khôi và thống hối, cải thiện đời sống, trở về với Chúa. Nhờ ơn Đức Mẹ, bè rối Albigenxian tan rã tại thành Muret ( 1213 ).

Thánh Đaminh được Chúa Thánh Thần soi sáng và Thánh Nữ Đồng Trinh Maria dạy bảo, đã rao giảng chuỗi Mai Khôi suốt đời ngài, vừa giảng vừa lần hạt Mai Khôi, làm gương sáng cho Dân Chúa, cũng như cho kẻ tội lỗi và người theo bè rối, từ thành nọ đến thành kia suốt miền Nam nước Pháp.

Các Tu Sĩ Dòng Đaminh tiếp tục truyền bá chuỗi Mai Khôi của Thánh nhân, và, năm 1460, Tu Sĩ Alan de la Roche, hoàn chỉnh chuỗi Mai Khôi, gọi là Thánh Vịnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria vì, tương tự như 150 Thánh Vịnh vua Đavít mà các Tu Sĩ dùng để đọc kinh hằng ngày trong các Dòng Tu, Chuỗi Mai Khôi có 150 kinh Kính Mừng Maria.” ( Louis Marie Grignion de Montfort: The Secret of the Rosary )

Lễ Đức Mẹ Mai Khôi 7 tháng 10

Chiến thắng Lepanto: Năm 1498, quân Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Lepanto, một hải cảng quan trọng tại Hy Lạp ăn thông ra vịnh Côri-tô. Suốt thời 11 Giáo Hoàng, từ Đức Alêxanđrô VI ( 1492-1503 ), đến Piô III ( 1503 ), Giuliô II ( 1503-13 ), Lêô X ( 1513-21 ), Ađrian VI ( 1522-23 ), Clêmentê VII ( 1523-34 ), Phaolô III ( 1534-49 ), Giuliô III ( 1550-55 ), Macxêlô II ( 1555 ), Phaolô IV ( 1555-59 ), Piô IV ( 1559-65 ), đạo quân Thập Giá ủng hộ Giáo Hội đều thất bại không sao thắng được quân Thổ.

Thời Đức Piô V khởi sự từ 1566, các phong trào lần hạt Mai Khôi được phát động mạnh mẽ. Ngày Chúa Nhật thứ nhất tháng 10 năm 1571 tại Rôma, Hội Huynh Đệ Mai Khôi tổ chức cuộc rước kiệu trọng thể tôn vinh Đức Mẹ Maria. Cùng một lúc, có tin đoàn tàu ủng hộ đức giáo hoàng, gồm có quân Tây Ban Nha, Venise và Gênes, dưới quyền chỉ huy của tướng Don John, người Áo, đã chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Lepanto. Ngày ấy là 7.10.1571.

Tuy vào các năm sau đó, quân Thổ cũng đánh trả quyết liệt, nhưng, chính yếu, quân Hồi Giáo Thổ không khôi phục được Lepanto. Và mãi đến 1827, quân Hy Lạp mới làm chủ tình thế. ( Ngày nay, giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn thường xuyên có xích mích, khi thì chính trị, khi thì quân sự. ).

Đức Giáo Hoàng Piô V ( 1566 – 72, sau khi qua đời được phong Thánh ngày 22.5.1712 ) đã lập lễ kính nhớ thắng trận Lepanto mà ngài gọi là Chiến thắng của Chuỗi Mai Khôi”, và đặt tên ngày 7 tháng 10 là Lễ Đức Mẹ Mai Khôi. Năm 1671, Đức Giáo Hoàng Clêmentê X ( 1670 – 76 ) cho phép cả nước Tây Ban Nha mừng Lễ Mai Khôi, và chính Đức Clêmentê XI ( 1700 – 21 ), ban hành Lễ Đức Mẹ Mai Khôi ngày 7.10.1716 cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo khắp hoàn vũ.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã ra thông điệp Quod Auctoritate ( 22.12.1885 ) công bố Năm Thánh, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chuỗi Mai Khôi. Ngày 20.9.1887, ngài nâng Lễ Đức Mẹ Mai Khôi lên lễ nhớ bậc hai, và thêm câu Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mai Khôi” vào kinh cầu Đức Bà, gọi là Kinh Cầu Lôrêtô ( Sách Mục Lục Việt Nam 2004, tr. 95 ).

Nguồn gốc tháng 10, Tháng Mai Khôi

Từ các thế kỷ qua, có nhiều vị giáo hoàng rất sốt sắng với kinh nguyện Mai Khôi. Vị Giáo Hoàng, cách đây 124 năm ( 1884-2008 ), được mệnh danh là kẻ biện hộ và cao rao mạnh mẽ việc đạo đức Mai Khôi là Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ( 1878-1903 ). Trong 25 năm làm Giáo Hoàng, ngài đã ban hành 12 tông huấn, cùng nhiều huấn từ, thông điệp liên quan đến chuỗi Mai Khôi.

Ngày 1.9.1883, ngài ban hành tông huấn Supremi Apostulatus ( Việc Tông Đồ của Đấng Cao Cả ), đặt Tháng 10 thành Tháng Mai Khôi mời gọi giáo hữu sốt sắng lần Chuỗi Mai Khôi. Nhắc đến chiến thắng Lepanto, ngài nói: “Nhân kỷ niệm hồng ân cao cả Đức Mẹ ban cho người Kitô hữu nhờ lòng sùng kính Mai Khôi, nay Giáo Hội ước mong nhờ lòng sùng kính như vậy của toàn thể thế giới Công Giáo, Đức Trinh Nữ Rất Thánh cầu bầu cùng Chúa nguôi cơn giận, đoái thương cứu giúp chúng ta khỏi mọi khốn khó phải gánh chịu.”

Nguồn gốc và ý nghĩa Kinh Kính Mừng

Khi lần mỗi chuỗi Mai Khôi, người giáo hữu đọc 53 Kinh Kính Mừng ( 3 kinh đầu và 50 kinh sau ). Kinh Kinh Mừng gồm có những lời chào mừng và phần cầu xin:

Lời chào mừng lấy từ Tin Mừng theo Thánh Luca ( Lc 1, 28 ) khi Thiên sứ Gaprien truyền tin cho Đức Mẹ: “Kính mừng Maria, đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà”. Và lời mừng của bà Isave khi Đức Mẹ đến viếng thăm ( Lc 1, 42 ): “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.”

Phần cầu xin: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nầy và trong giờ lâm tử. Amen.”

Để việc đọc kinh Kính Mừng thêm sốt sắng, xin hãy lắng nghe lời diễn giải của Thánh Luy Môngpho:

Khi lâm cơn khốn khổ vì tội lỗi, anh chị em hãy dâng lên Mẹ “Kính mừng” có nghĩa “con tha thiết kính chào Mẹ là Đấng vô nhiễm nguyên tội, xin Mẹ cứu con khỏi sự dữ của tội lỗi.

Khi ở trong tối tăm lầm lạc, xin hãy đến cùng Mẹ và đọc “Kính mừng Maria” với niềm xác tín Mẹ được chiếu sáng bởi những tia mặt trời công chính và Mẹ sẽ thông phần ánh sáng cho chúng con.

Khi sợ mất ơn nghĩa thánh Chúa, chúng ta hãy tôn vinh Mẹ “Đầy ơn phúc” và đầy hồng ân Chúa Thánh Thần, Mẹ sẽ thông phần ơn phúc cho chúng ta.

Khi gặp cảnh đơn độc, cảm thấy mất sự che chở của Chúa, xin hãy kêu lên “Đức Chúa Trời ở cùng Bà” vì Mẹ kết hợp với Chúa Giêsu trong lòng Mẹ, như đền thờ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Khi sợ Chúa chúc dữ vì tội lỗi, chúng ta hãy ca khen Mẹ “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ” và nhờ ơn lành của Mẹ, chúng ta sẽ được chúc phúc thay vì chúc dữ.

Khi đói bánh ơn thánh, bánh trường sinh, xin hãy đọc sốt sắng “và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ”, Giêsu Mẹ đã cưu mang và sinh ra, là Đấng chữa lành con người bệnh hoạn vì tội lỗi; cho kẻ chết sống lại và cứu chuộc nhân loại.

Lời cầu “Thánh Maria” xác tín với tư cách Mẹ Thiên Chúa là Đấng Thánh muôn đời.

“Đức Mẹ Chúa Trời” cũng là Mẹ chúng con, Đấng phù hộ các giáo hữu và thông ban ơn thánh Chúa.

“Cầu cho chúng con là kẻ có tội” vì Mẹ từ bi nhân hậu, là Mẹ Đấng Cứu Thế không từ bỏ tội nhân.

“Khi này” giữa đời tạm mỏng manh, chóng qua, chúng con luôn bị bao quân thù vây hãm, tấn công.

“Và trong giờ lâm tử” đầy gian nguy trong khi chúng con có thể kiệt sức, với lòng trí lẫn thể xác bị rã rời vì đau khổ và sợ hãi. Xin Mẹ cứu giúp những kẻ yếu hèn; dẹp tan quỷ dữ trong giờ lâm chung.

Amen – Chúng con vững tin vào Mẹ.

Trong tháng 10, Tháng Mai Khôi, chúng ta hãy cùng nhau hiệp thông nhiệt thành cầu nguyện: Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mai Khôi – Cầu cho chúng con.

Tài liệu tham khảo: 

“Bí quyết lạ lùng của Chuỗi Mai Khôi Rất Thánh” ( Secret admirable du Très Saint Rosaire ) Louis-Marie Grignion de Montfort.

Kỹ sư TRẦN VĂN TRÍ, 10.2008  (Trích từ Halleluyah 95)

VỀ MỤC LỤC
Ý NIỆM VỀ CON CÁI TRONG HÔN NHÂN
 

Quan niệm về hôn nhân và về con cái ngày nay đang có những thay đổi hết sức trầm trọng. Và điều này ảnh hưởng đến việc lưu truyền nòi giống, đến việc thực hành lời hôn ước là đón nhận những người con như hồng ân của Thiên Chúa và như hoa trái của yêu thương giữa hai vợ chồng. 

Những khảo cứu về vai trò con cái đối với hạnh phúc hôn nhân gia đình đang có phần đúng theo với cái nhìn và quan niệm sống của nhiều cặp vợ chồng ngày nay. Quan niệm ấy là con cái chính là một trong những lý do đưa đến ly dị. Có nghĩa là, người ta kết hôn với nhau vì yêu nhau. Vì yêu nhau người ta kết hợp với nhau để sinh con cái. Nhưng vì con cái mà nhiều người lại bỏ nhau. 

Trường họp 1: Bạn tôi chỉ có một người con trai duy nhất. Hai vợ chồng người con này đều là những người có địa vị, học thức, và dư thừa tài chánh. Nhưng điều anh chị mong mà vợ chồng ấy không có, đó là đứa cháu nội để “nối dõi tông đường”. Mong mãi mà vẫn chưa được bế cháu nội. Lý do là con dâu không muốn sinh con vì cho rằng có con lúc này sẽ ảnh hưởng đến nghề nghiệp, đến sắc đẹp. Mỗi lần nghe anh chị đề cập đến vấn đề con cái, cả hai đều trả lời: “Chờ vài năm nữa khi công việc ổn định, có thêm tài chánh lúc đó sinh con vẫn chưa muộn. Bây giờ công việc đang bận rộn, và chưa sẵn sàng”. Thất vọng, vợ anh đã có lần tâm sự với anh: “Chúng nó chỉ cắm đầu vào làm giầu, mua nhà cao cửa rộng, sắm xe hơi sang trọng. Nhưng để làm gì. Chờ cho đến lúc già mới nghĩ đến có con thì e rằng đã muộn. Đúng là có nhiều mà tốt, có một mà không nên thân. Tôi buồn quá!” 

Trường hợp 2: Tại văn phòng tôi có một nhân viên rất dễ thương. Cô ta lập gia đình đã 3 năm, cô rất muốn có con nhưng chồng cô lại không muốn. Cô và chồng cô đã nhiều lần bàn tính với nhau về vấn đề này, đôi lúc đã đi đến gay gắt và khó chịu. Nhưng kết quả là cô ta vẫn không có con để bế, vì chồng cô không muốn. Một vài lần cô đã tâm sự rằng, tôi rất thích có con, nhưng chồng tôi lại không thích. Chồng tôi lý luận rằng có con chỉ làm cho nhà cửa ồn ào, mất thứ tự. Vợ chồng không có thời giờ cho nhau, và đôi khi làm cho tài chính và ngân quĩ gia đình thiếu hụt. Chồng cô còn cho rằng, bản thân anh sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ không bao giờ cười với nhau. Con cái không bao giờ ngừng tranh cãi, nhiều lần đã ẩu đả nhau. Những điều này làm cho anh chán nản và không bao giờ muốn nghĩ đến việc có con. 

Trường hợp 3: Một cặp vợ chồng trẻ mà tôi quen biết cho đến nay vẫn chưa có con. Người vợ trẻ này cũng là một người rất thích có con. Ngược lại, chồng cô lại không thích. Lý do đơn giản là có con, con sẽ khóc đêm và như vậy sẽ làm anh mất ngủ. Tuy không thích con, nhưng anh lại rất thích games và xe hơi. Xe hơi để anh o bế, lau lọt, chùi rửa. Anh không bao giờ tỏ ra mệt mỏ trong việc o bế chiếc xe của anh. Có thể nói, còn hơn nhiều người o bế, và săn sóc con cái họ. Còn video games là trò giải trí mà anh không thể thiếu. Vợ anh đã có lần tâm sự: “Anh ấy ôm computer có khi còn kỹ hơn và nhiều hơn anh ôm em.” Và đó cũng là lý do vợ chồng anh đã đi đến chỗ ly dị. 

1. Hôn nhân ngày nay: 

Hôn nhân ngày nay đối với nhiều người không gì hơn là một khế ước song phương giữa hai người nam và nữ. Ý niệm về một khế ước dựa trên thực tế rõ ràng là bao lâu những điều được ghi nhận trong khế ước còn được tôn trọng, tôi và anh còn sống chung hòa bình, hạnh phúc. Nhưng khi những mối lợi hoặc những điều được ghi trong đó bị lợi dụng, bị tổn hại, thì bất bình, giằng co, và tranh cãi sẽ nổi lên. Nếu may mắn những điều này được giải quyết tốt đẹp, thì cuộc sống chung vẫn được duy trì, nhưng nếu những bất đồng ấy không được giải quyết, thì quyết định sau cùng sẽ là ly dị. 

3 trường hợp trên chỉ là tượng trưng cho những gì đang xẩy ra trong đời sống hôn nhân gia đình ngày nay. Vì hôn nhân được đặt trên một khế ước, nên để bảo vệ mình hoặc cả hai, phần lớn những cặp vợ chồng trẻ ngày nay đã không nghĩ đến việc có con, hoặc cùng lắm thì chỉ 1 hoặc 2 con. Điều này cho thấy tại sao vấn đề ngừa thai, phá thai, hoặc hôn nhân đồng tính tuy là những điều bị luân lý, đạo đức lên án, nhưng vẫn được đa số chấp nhận. Ngược lại những gì mà luân lý, đạo đức ca ngợi, khuyến khích lại bị nhiều người từ chối, chẳng hạn việc vợ chồng chung thủy, việc cha mẹ phải có bổn phận và trách nhiệm sinh thành, nuôi nấng, và dưỡng dục con cái. 

Gần đây, Đại Học New Jersey vừa phổ biến một tài liệu nói về thái độ đối với con cái của những cặp vợ chồng người Hoa Kỳ. Theo tài liệu này, thì con số những người bước vào đời sống hôn nhân mà không có con hoặc sinh con trễ đang mỗi ngày một nhiều. 

Cũng theo tài liệu trên, thế hệ của chúng ta tức những người trên 50 tuổi, vấn đề con cái là một phần quan trọng trong đời sống hôn nhân gia đình, và việc có con sau khi lập gia đình là một việc hệ trọng. Ở vào thế hệ cha ông chúng ta, hễ lập gia đình sau một năm mà không có con là bị cho là có vấn đề. Ngược lại, những người trẻ thuộc thế hệ gần đây thì con cái trong hôn nhân không phải là một việc quan trọng, và do đó, những cặp vợ chồng lấy nhau mà không có con càng ngày càng đông.   

Theo Barbara Dafoe Whitehead và David Popenoe, thì vấn đề nuôi dưỡng và giáo dục con cái gần đây đang trở thành một đề tài tranh cãi. Đối với nhiều người, có con không phải là một vấn đề hấp dẫn và tạo hạnh phúc. Ngược lại, con cái chính là một ngãng trở hạnh phúc hôn nhân của nhiều cặp vợ chồng. 

2. Ý niệm về con cái: 

Vẫn theo thống kê trên, nhiều phụ nữ cho rằng họ chỉ sẵn sàng có con khi hoàn cảnh thuận lợi, và tương lai bảo đảm rằng việc có con là một cái gì đem lại hạnh phúc. Và nếu họ chờ đợi cơ hội thuận lợi lâu quá, thì phần lớn họ sẽ không nghĩ đến chuyện có con nữa. Theo những người chủ trương không con, thì có con cũng không phải là lý do giữ được vợ chồng khỏi ly dị. Vì thế, những ai đang có trong đầu mình tư tưởng ly dị, phần lớn đều cố tránh phải có con. 

Theo tài liệu Văn Phòng Thống Kê mà hai tác giả trên dùng để nghiên cứu thì:

- Năm 1970, số tuổi trung bình của phụ nữ khi kết hôn là dưới 21. Ngày nay, tuổi trung bình cho một phụ nữ kết hôn là 26 tuổi. Đối với những phụ nữ có bằng cấp 4 năm đại học, số tuổi này dĩ nhiên cao hơn. 

- Năm 1970, có 73.6% phụ nữ tuổi từ 25-29 đã có con và có ít nhất một con nhỏ đang sống với họ. Năm 2000, con số này giảm xuống còn 48.7%. Đối với nam giới cùng tuổi, năm 1970 có 57.3% sống với con. Năm 2000 giảm xuống chỉ còn 28.8%.  

- Năm 1960, có 71% phụ nữ có con sau 3 năm đầu kết hôn. Đến 1990, con số này giảm xuống chỉ còn 37%. Điều này cho thấy, khuynh hướng không có con đang tăng vọt trong những cặp vợ chồng sau khi cưới nhau. 

- Năm 1970, có 27.4% phụ nữ và 39.5% đàn ông lứa tuổi 50-54 có ít nhất một người con tuổi vị thành niên sống trong gia đình. Con số này đến năm 2000 chỉ còn 15.4% và 24.7%. 

Phụ nữ không muốn có con ngày càng gia tăng. Năm 1976, có khoảng 1/10 phụ nữ không muốn có con, đến năm 2004, con số ấy là 1/5. 

Thống kê cũng cho thấy, con số các gia đình có con cũng giảm dần từ ½ ở năm 1960, đến nay lên đến 1/3, một tỷ lệ được coi là thấp nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ. 

3. Lý do bào chữa: 

Một cách chung, trước đây thời gian có con sau khi lập gia đình thường là ngắn sau khi tốt nghiệp và sau thời gian lập gia đình. Một số ít sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ học thêm lên; nhưng phần đông sẽ kiếm một nghề rồi lo kết hôn và sinh con cái. Thời gian dành cho việc sinh sản, nuôi nấng, và giáo dục con thường kéo dài đến khoảng 50 hoặc 60 tuổi. Khi về hưu ở tuổi 65 là lúc người ta an hưởng đúng nghĩa. Nghỉ ngơi không bận rộn công việc và an vui với con, cháu. Hiện nay số người ở tuổi 50-60 mà có cháu đang từ từ tăng dần, vì con họ không lập gia đình, mà nếu lập gia đình thì lại không muốn sinh con, hoặc có con quá trễ. Thí dụ, một thanh niên trên 30 tuổi mới lập gia đình, và chờ đến khoảng 35 hoặc hơn nữa mới có con, nên kết quả là ông bà ở tuổi 50 hoặc 60 vẫn không có cháu bế.  

 -  Cá nhân chủ nghĩa: 

Nhưng với trào lưu mới ngày nay, thì thời gian dành cho riêng mình cả trước và sau kết hôn đã tăng vọt. Những cặp vợ chồng không con được coi là may mắn và hạnh phúc. Ngược lại, con cái đối với nhiều người và nhiều cặp vợ ngày nay được gói gọn trong câu nói: “Con là nợ. Vợ/chồng là oan gia”. Không những thế, người ta đã cố tình tránh né hoặc không muốn vâng nghe lời của Thiên Chúa: “Hãy sinh sản ra nhiều mặt đất và hãy làm chủ trái đất. Hãy thống trị cá biển, chim chóc trên bầu  trời và mọi loài di chuyển trên trái đất” (Sáng Thế Ký 1:28).  Một cách dễ hiểu, là người ta không muốn có con. 

Truyền thống văn hóa Việt Nam vẫn coi trọng việc có con. Quan niệm này cho rằng nhiều con, nhiều cháu là giầu sang, phú quý: “Đa tử, đa tôn, đa phú quý.” Theo Khổng Học, không có con còn là một bất hiếu, là một hình phạt: “Cây khô không lộc, người độc không con”. Đó là lời châm biếm, mỉa mai của người Việt Nam dành cho những ai không con cái. Nhận xét này tuy chủ quan, nhưng không hẳn là không có ý nghĩa. 

Đời sống không con, ngày nay bắt nguồn từ quan niệm như một đời sống dành cho chính mình. Một đời sống chú tâm vào cái tôi, và được coi là lối sống ích kỷ “cá nhân chủ nghĩa”. Tôi biết một người khá đầy đủ về vật chất và tài chánh, đã lập gia đình lâu năm và chủ trương không có con. Nhà bà gồm 4 phòng ngủ, 1 cho vợ chồng bà, 1 làm văn phòng cho chồng bà, 1 để dành tiếp đón khách và bạn hữu, và 1 dành cho 2 con chó và 1 con mèo. Nhiều lần tôi đã nghe bà than thở về sự mệt mã và tốn kém cho việc chăm sóc 2 con chó và 1 con mèo mà bà vẫn thường gọi là những đứa con cưng của bà. Theo bà, nào là tiền hớt lông, tóc, cắt móng chân, và xỉa răng hàng tháng. Rồi tiền mua thức ăn, tiền bảo hiểm, tiền bác sĩ mỗi khi chúng đau ốm. Đã có lần tôi nói với bà: “Sao bà không sinh mấy đứa con mà yêu thương, chăm sóc cho bõ công.” Nhưng dường như tiếng “con” làm bà hoảng sợ. Và mỗi lần như vậy, bà đều phản ứng một cách gay gắt: “Người ta có quyền có con, tôi có quyền không có con”.     

Ngoài ra, việc mang thai, sinh nở đối với nhiều phụ nữ ngày nay còn mang ý nghĩa tự quyết: thân xác tôi, tôi có quyền quyết định. Ngừa thai, phá thai theo quan niệm của những phụ nữ này cũng nằm trong quan niệm đó.   

Trước đây được làm cha mẹ là một vinh dự, hạnh phúc lớn lao. Nhiều phụ huynh không ngại hy sinh tất cả vì con cái. Vất vả, lo lắng và hy sinh bản thân mình miễn sao con cái an vui, hạnh phúc là mình thấy hạnh phúc. Nhưng quan niệm ấy ngày nay đang từ từ thay đổi. Hình ảnh những cha mẹ hy sinh cho con cái đang lu mờ, trước hình ảnh những đôi vợ chồng trẻ dành thời giờ tại các phòng trà, các câu lạc bộ, các cuộc du hý và du lịch. Đó là chưa kể đến hằng chục triệu thai nhi mỗi năm bị chính cha mẹ mình giết bỏ trước khi chúng được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, vì cha mẹ chúng không muốn mang trách nhiệm, và không muốn hy sinh. 

2. Trốn tránh trách nhiệm giáo dục: 

Việc giáo dục con cái ngày nay cũng là một ngãng trở và đã khiến nhiều cha mẹ không muốn có con hoặc không muốn có nhiều con. Những trẻ em ngày nay mang các hội chứng tâm lý chậm phát triển như Autism, Down Syndrome, hoặc ADHD tăng nhiều. Hằng trăm thứ cám dỗ, và hằng trăm những thử thách của tuổi dậy thì, cộng thêm những khắc nghiệt của đời sống, của công ăn việc làm của cha mẹ khiến nhiều người không nghĩ đến việc có con. Hình ảnh nhiều phụ huynh phải vác chiếu hầu tòa về mang tội “hành hung con cái”, trong khi chính con cái mới là kẻ “hành hung cha mẹ”vì những bướng bỉnh, mất dậy và vô lễ, coi thường công ơn cha mẹ là mộtï trong những ám ảnh đối với nhiều phụ huynh. 

Thật ra, vấn đề giáo dục không phải là một thách đố quá sức của bậc làm cha mẹ, và việc con cái hư hỏng cũng còn tùy ở chính tư cách, quan niệm và lối sống của cha mẹ nữa. 

Một điều tương phản là cha mẹ thì cho rằng con cái khó dậy, hư hỏng vì không vâng lời mình. Ngược lại, những hồ sơ tâm bệnh, những hồ sơ của thiếu niên phạm pháp lại tố cáo sự chểnh mảng, vô trách nhiệm của những người làm cha mẹ. Câu nói: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” chỉ có nghĩa đối với những cha mẹ coi thường và lơ là trong vấn đề giáo dục con cái. Bầu khí gia đình cãi vã, cha mẹ đánh chửi nhau là một bầu khí làm cho con cái chán nản, bỏ nhà đi hoang. Đặc biệt là những cha mẹ làm gương xấu cho con cái bằng chính quan niệm, lối sống, và tư cách của mình. 

Tuy nhiên, không ai chối cãi rằng vấn đề giáo dục con cái ngày nay đang gặp phải nhiều khó khăn do môi trường, hoàn cảnh, và những cám dỗ của thế giới văn minh, vật chất.   

Tóm lại, đời sống hôn nhân ngày nay đang bị chao đảo vì bị lôi cuốn vào những tư tưởng và lối sống phóng đãng, tự do và ích kỷ. Vì nền tảng hôn nhân bị lung lay, sụp đổ, nên hệ quả của đời sống này là gia đình cũng bị ảnh hưởng. Ảnh hưởng rõ ràng nhất là con người ngày nay không muốn có trách nhiệm, nhưng chỉ muốn hưởng thụ. Không muốn vất vả vun trồng cho thế hệ tương lai, nhưng chỉ nhằm hưởng cái lợi trước mắt. Quan niệm và lối sống này hoàn toàn khác với những gì mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã huấn dụ trong bài giảng lễ bế mạc Ngày Họp Mặt Thế Giới Về Gia Đình lần thứ 5: “Bằng một tình yêu cha mẹ chúng ta đã vui mừng đón nhận chúng ta và đã đồng hành với chúng ta từ những bước đầu trong thế giới này, giống như dấu chỉ của bí tích và sự tiếp nối tình yêu ân sủng của Thiên Chúa, từ đó chúng ta vào đời”. 

Cảm nghiệm được đón tiếp và yêu thương bởi cha mẹ, theo Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, “luôn là một nền tảng vững chắc cho việc phát triển và lớn lên vững vàng, giúp chúng ta trưởng thành trên con đường dẫn tới tình yêu, chân lý và vượt qua chính chúng ta để tiến vào sự thông hiệp với người khác và với Thiên Chúa”. Đó là những nét tích cực và cao cả của sứ mạng làm cha mẹ. Rất tiếc con người ngày nay không quan tâm nhiều đến những điều này, bù lại, họ sống và hưởng thụ một cách ích kỷ. 

Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt

VỀ MỤC LỤC
MỞ rỘng cỬa lòng

 

Tác Phẩm CHÚA VẪN THƯƠNG

Lm. MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY pss

8. MỞ rỘng cỬa lòng 

Chính Chúa đang đứng ngoài, bạn hãy mở cửa ra cho Chúa, Chúa muốn dùng bữa tối với bạn. Chúa chỉ xin bạn một điều, là bạn hãy mở cửa lòng bạn ra, Chúa sẽ đổ vào đó tình yêu của Chúa.  

Bạn hãy đến với Chúa như trẻ nhỏ, đừng như người lớn, vì người lớn không biết làm thế nào. Hãy đến với Chúa như trẻ còn măng sữa đang khát. Bạn hãy đến như trẻ nhỏ, hãy đến với sự đơn sơ của trẻ nhỏ.

Bạn có một vị thượng tế siêu phàm là Con Thiên Chúa, đã băng qua các tầng trời mà đến với bạn. Bạn hãy giữ vững lời tuyên xưng Đức Tin. Không phải là Chúa không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của bạn đâu, vì Ngài cũng chịu thử thách về mọi phương diện như bạn. Bởi thế bạn hãy mạnh dạn đến gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng để được xót thương và lãnh nhận ơn trợ giúp mỗi khi cần.

Đâu là niềm hi vọng của bạn? Đâu là lòng tin tưởng tín nhiệm của bạn? Đức Tin là bảo đảm cho những điều bạn hy vọng, là bằng chứng cho điều bạn không thấy. Chúa muốn rằng bạn liên kết mật thiết với Ngài, từ chiều cho đến sáng, từ sáng cho đến chiều. Trong tất cả những việc bạn làm, Chúa rất muốn bạn bám chặt ở bên Chúa. 

Nếu bạn không muốn đến gần bên Chúa, bạn hãy giữ lấy khoảng cách của bạn, đó là chọn lựa của bạn. Bạn tự do. Nhưng bạn nên biết rằng Chúa chờ đợi bạn đến gần bên Chúa, rằng bạn muốn tạo một con đường cho mình, nhưng bạn không thể làm được một mình đâu! 

Nếu bạn muốn gắn bó với con đường của Chúa, thì đó là con đường viên mãn mà bạn chỉ có thể làm được với Chúa, không phải với chỉ một mình bạn, cũng không phải với một người nào khác. Bạn có muốn thiết nghĩa với Chúa không? Chúa sẽ dọn đường, san bằng chướng ngại. Chính lòng ao ước và quyết định của bạn là quan trọng. 

Chúa biết nỗi khó khăn hiện giờ của bạn. Chúa biết là khó cho bạn trong lúc này. Nhưng bạn hãy ở yên, bạn đừng lo lắng gì. Chúa sẽ chỉ cho bạn con đường để thoát ra. Hiện giờ, bạn hãy ca ngợi Chúa. Bạn hãy vui lên đi, vì Chúa là Chúa Trời của bạn, một Thiên Chúa quyền năng, và Chúa sẽ chỉ cho bạn con đường. Bạn đừng nhìn xuống bước chân bạn, nhưng hãy nhìn lên trời, chính Chúa đang dẫn dắt bạn mà! 

Bạn hãy sống đơn sơ với Chúa. Bạn đừng làm cho cuộc sống ra phức tạp, bạn hãy sống như đứa nhỏ với Ba nó, ông hằng yêu thương nó. Hãy tín nhiệm vào Chúa và đừng sợ chi. Chỉ một mình Thên Chúa là Chúa Trời Thật, và Chúa là Chúa Trời của bạn, bạn luôn luôn được tự do để rút lui khỏi Chúa, hay để đến theo Chúa. Chúa là một vị Thiên Chúa của Tự Do. Chúa quá tôn trọng mỗi một thọ tạo của Chúa.  

Bạn quá buồn là bạn thiếu Đức Tin đó. Chúa đang bao bọc bạn. Chúa lặp lại cho bạn, Lời Chúa nói cho bạn biết điều đó. Bạn đã thấy rằng Chúa bao bọc bạn, nhưng bạn lại làm như thể Chúa không bao bọc bạn, dường như bạn cô đơn một mình, hoàn toàn cô đơn, một mình phải gánh vác tất cả mọi sự. 

Bạn hãy mở to mắt bạn ra, hãy mở rộng tai bạn ra, hãy đụng vào Chúa, hãy nhìn Chúa hành động, và bạn sẽ reo vui, sẽ múa nhảy vì vui sướng. 

Bạn làm như thể bạn cô đơn là không đúng sự thật, bạn hãy biết rằng như vậy là bạn thiếu hy vọng, bạn tưởng mọi sự nằm yên, không có gì thay đổi cả. Đâu là Đức Tin của bạn vào Chúa? Chúa là Đấng tạo nên những con tim mới, những bầu trời mới. 

Bạn hãy reo vui, hãy nhảy mừng lên vì Chúa là Chúa Trời của bạn, Thiên Chúa của Niềm Vui và Tự Do. Và ngay chiều nay, Chúa muốn ban cho bạn niềm vui của Chúa. Bạn hãy nhận lấy niềm vui của Chúa. 

Bạn đừng kết án niềm vui của kẻ khác, có những niềm vui sôi nổi bộc lộ ra ngoài, có những niềm vui khác lại kín đáo nội tâm. Bạn hãy nhìn người khác với lòng tốt, với hảo ý, mỗi người có cách của mình, mỗi người có kinh nghiệm riêng của mình, và mỗi người có cuộc sống riêng của mình với Chúa. Bạn đừng kết án, bạn hãy nhận lấy niềm vui của Chúa. 

Bạn hãy để cho mình tràn ngập Thần Khí của Chúa, bạn hãy để cho bạn tràn ngập tình yêu của Chúa. Chúa muốn làm cho bạn trở nên thật tốt đẹp. Bạn đừng sợ gặp gỡ Chúa trong giây phút này. Bạn đừng sợ gặp gỡ Chúa, hãy để cho Chúa đến gần bạn. Chúa đang có mặt đây, Chúa đang đứng nơi cửa của bạn. 

Cảm ơn bạn đã nghe Chúa, cảm ơn bạn đã muốn thực hành Lời Chúa dạy, cảm ơn bạn đã đến với Chúa không ngừng. Bạn hãy gìn giữ cẩn thận những gì Chúa đã ban cho bạn, Lời của Chúa và niềm vui của Chúa, bạn hãy sống triệt để. Đó là kho tàng Chúa ban cho bạn, nó sẽ chiếu sáng cho nhiều người, nếu bạn để cho nó tăng trưởng. 

Cảm ơn bạn đã mở cửa cho Chúa, cảm ơn bạn đã mở một cánh cửa, cho dù không phải là cửa chính… Nhưng ngay cả khi đó chỉ là một cánh cửa phụ, Chúa cũng sẽ ngang qua cánh cửa đó mà vào với bạn.

VỀ MỤC LỤC
THÓI QUEN TỐT, XẤU
 

Mỗi khi ngồi vào xe, ông Phương đều với tay cài dây an toàn, điều chỉnh ghế ngồi và kính chiếu hậu để nhìn phía sau cho rõ rồi mới tra chìa vào ổ khóa, rồ máy xe. Cẩn thận như vậy là vì ông đã nhiều lần lãnh giấy phạt vì quên cài nịt an toàn.

Cụ Vĩnh thì sau mỗi bữa ăn đều thả rong bách bộ trong sân mươi phút, để “cho nó tiêu cơm”, cụ nói vậy.

Còn cô Lan thì trước khi đi dự dạ hội với người yêu, rềnh ràng cả giờ đồng hồ tô môi, bôi phấn, kẻ lông mày, chải tóc, thử quần áo… Tình lang sốt ruột, ra vào hút hết gần nửa gói thuốc, nhắc khéo. Thì lần nào cô cũng ngúng nguẩy làm mặt giận. 

Các hành vi đó đã tiêm nhiễm vào nếp sống của các nhân vật vừa kế từ nhiều năm và đã trở thành thường xuyên đối với họ. Họ thực hiện một cách tự nhiên, máy móc, không suy nghĩ sau thời gian dài học hỏi, bắt chước hoặc do kinh nghiệm bản thân. Họ đã tạo ra một số “Thói Quen”. Riêng cô Lan thì vừa có thói quen hành động rềnh rang lại còn tật phản ứng làm nũng, bực mình đối với người yêu. 

Tự điển Việt Nam của tác giả Lê Ngọc Trụ định nghĩa “thói quen” là “Việc làm thường thành tật, bắt buộc làm hoài”.  

Tác giả Nguyễn Như Ý trong Đại Từ Điển Tiếng Việt giải thích “Thói quen” rõ ràng hơn như sau: “Lối, cách sống hay hành động do lặp lại lâu ngày trở thành nếp, rất khó thay đổi”. 

“Bắt buộc làm hoài” hoặc “thành nếp khó thay đổi” nói lên tính cách lâu dài  và không tự chủ khi các thói quen đã thành hình. 

Nhà Tâm lý học John F. Tristany: “Thói quen là một loạt những hành vi thâm căn cố đế do học hỏi mà có và được liên tục củng cố bởi các yếu tố môi trường, cảm xúc và tâm lý. Nó dựa trên nguyên tắc khoái lạc của con người là chỉ muốn có niềm vui và tuyệt đối tránh khó khăn, đau khổ”. 

Bản tánh của con người đều giống nhau, nhưng bởi nhiễm thói quen thành ra khác nhau”. Người mình vẫn thường nói “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. 

Thói quen mạnh “ăn sâu” khi hành động nhắc lại nhiều lần, khi cá nhân cảm thấy thích thú với hành động. Ngược lại khi quyết tâm loại bỏ thì thói quen sẽ giảm dần hoặc hết đi.

Thói quen rất dễ lây lan, bắt chước. Mignon McLaughin đã ví von “Trong gia đình, thói quen lan nhanh hơn là bệnh sởi”. 

Thói quen có thể tốt hoặc xấu.

Xấu như tập tành bắt chước hút thuốc lá đến nỗi ho xù xụ, khò khè hen suyễn rồi ung thư phổi.

Sáng sớm vừa mới tới sở là đã lấm lét thầm thì gossip nói xấu, kể lể chuyện riêng tư người khác.

Hơi một tý là gắt gỏng với con.

Nhiệm vụ phải hoàn tất mà cứ chần chừ trì hoãn, gây ra thiệt hại.

Cứ ra tới chợ là phải sà vào hàng bún ốc làm một tô đầy mới an tâm mua bán…

Thói quen tốt cũng nhiều và rất đáng khuyến khích tạo ra nhiều hơn.

“Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”,  “Ăn ba phần đói, bẩy phần no” là thói quen tốt để tránh mập phì.

Trước khi băng qua đường, có thói quen nhìn phải trái để tránh xe đụng.

Trong việc dinh dưỡng, ngủ nghỉ có thói quen điều hòa, vừa phải.  

Các cụ ta vẫn thường nói “đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”. Nhưng với thói quen, nếu xấu, nếu ảnh hưởng tới nếp sống, tới giao tế xã hội, tới sức khỏe thì cũng nên thay đổi, loại bỏ càng sớm càng tốt.

Vì theo Samuel Johnson “Mới đầu, những mắt xích của thói quen quá nhỏ để nhận ra, cho tới khi chúng quá lớn thì khó mà tháo gỡ”.

Ngạn ngữ Tây Ban Nha có câu: “Thói quen ban đầu là mạng nhện, sau là dây cáp”

Somerst Maugham đã có kinh nghiệm rằng: “Điều bất hạnh ở cõi đời này là chúng ta từ bỏ thói quen tốt dễ dàng hơn là loại bỏ thói quen xấu”.  

Bỏ thói quen xấu

Bỏ một thói quen xấu không phải dễ dàng. Lý do là thói quen đã được thành hình sau cả chục năm làm đi làm lại, đã trở nên “tự nhiên”, có vẻ như cần thiết với con người.

Quen ăn mặn, uống nhiều rượu bia, ngại vận động, sống bê tha hoang loạn… từ tuổi thiếu niên mà khi thức tỉnh muốn bỏ ở tuổi trung niên, cũng cần thời gian cả tháng, có khi cả năm. Và cũng cần một sự sáng suốt, kiên nhẫn với một kế hoạch cụ thể, thực tế. 

1. Cân nhắc điều hơn lẽ thiệt

Ngoài sự quyết tâm, cũng cần thời gian và nghị lực để tập trung vào hành vi của mình, rồi thay đổi 

Trước khi muốn từ bỏ một thói quen xấu, hãy đặt câu hỏi tại sao phải bỏ,  không bỏ thì sao. Xác định coi mình có thực tâm muốn loại bỏ thói xấu đó không. Thay thế bằng thói quen tốt nào.

Liệt kê lợi hại của thói quen lên một tờ giấy trắng, lâu lâu coi lại để tự nhắc nhở.  

Hút thuốc lá cho cảm giác thoải mái, giúp suy nghĩ dễ dàng, coi có vẻ trưởng thành “người lớn”.

Nhưng nếu bỏ thuốc lá thì tránh được rủi ro ung thư, con cái không bị ảnh hưởng xấu vì hít phải khói thuốc dư, tiết kiệm được hơn 4 mỹ kim mỗi ngày cho một bao thuốc. Và thuốc lá là thủ phạm của 35% tử vong của loài người…. 

2. Bắt tay hành động

Muốn bỏ tật xấu không phải dễ, vì tạo ra tật xấu thì dễ mà thay đổi nó thì khó hơn rất nhiều. Nhưng vạn sự khởi đầu nan. Khi đã quyết định thì nên hành động ngay.

Leo Aikman có nói: “Thói quen xấu nên loại bỏ ngay ngày hôm nay hơn là đợi tới ngày mai. Cách tốt nhất để loại bỏ thói quen là hãy thẳng tay ném nó đi”.

“Nếu không chống lại, thói quen sớm trở thành sự cần thiết”, theo St Augustine  

Khi dã quyết định bỏ thuốc lá thì ném tất cả những điếu thuốc lá có trong nhà, trong xe, tại sở làm.

Đừng tiếc nuối: để lại vài điếu nhỡ khi cơn ghiền hành thì hít vài khói cho đỡ ngáp ngắn ngáp dài. Hoặc để đó mai cho anh hàng xóm kẻo ném đi, phí của trời… 

3. Loại bỏ “quyến rũ” ngựa quen đường cũ của người muốn bỏ thuốc lào, “đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.

Miếng thịt nướng hôm nay ngon tuyệt, hay là ta làm một điếu thuốc lá cho thêm thú vị… Đang bí nguồn cảm hứng viết bài, hít vài khói thuốc cho có “yên sĩ phi lý thuần” inspiration. 

4. Thay thế thói quen xấu bằng thói quen tốt

Gandhi có nói, đừng bao giờ thay đổi một điều gì cho tới khi chắc chắn là điều mới tốt hơn điều mà mình muốn thay thế.

Thay vì điếu thuốc lá để có nguồn cảm hứng thì bước ra ngoài thở hít không khí trong lành, thư giãn tâm trí vài ba phút. Hoặc thưởng thức vị ngọt của mấy miếng cam cho dịu miệng, tỉnh táo. 

5. Kêu gọi sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè.

Cho họ hay là mình đang bỏ thuốc lá để họ tiếp tay, khích lệ, nhắc nhở khi “cầm lòng chẳng đặng” trước khói thuốc cuộn tròn bay trong không gian 

6. Ghi diễn tiến cuộc xóa bỏ thói quen xấu

Có bị cơn “thèm” hóa chất nicotine hành không. Làm gì để vượt qua cơn hành thuốc đó. Từ ngày bỏ thuốc lá, trong người thấy ra sao. Còn ho khan, còn khò khè không. Trẻ con trong nhà có thấy thoải mái, không “ngộp thở, hắt hơi” vì khói thuốc, không nhăn mũi vì mùi hôi của nicotine trên mùng màn, quần áo.

7. Tự tán thưởng, khích lệ khi đã lấy lại được quyền “kiểm soát” hành động chứ không thụ động, chiều lòng tật xấu.

Với số tiền không mua thuốc lá, ta đưa gia đình đi ăn bữa cơm chay thanh tịnh, vừa nhẹ nhàng, dễ tiêu lại vừa ít cholesterol, không sợ tắc nghẽn động mạch, suy tim, tai biến não.  

8. Nếu chẳng may vướng lại thói quen cũ thì đừng tự dày vò, thoái chí buông xuôi mà bình tâm tìm hiểu lý do tái phạm rồi cương quyết đối phó.

Thèm một điếu thuốc ư?

Hãy nghĩ tới những cơn hen ho khó thở đã xảy ra hoặc những rủi ro ung thư có thể đến.

Cũng hãy nghĩ tới mấy tuần lễ không hút thuốc trong người khoan khoái làm sao.

Rồi kiên tâm với kế hoạch bỏ thuốc. 

9. Gia nhập nhóm “đồng bệnh” để “tương lân”

Thói quen xấu có nhiều, mà người mắc phải cũng vô số.

 Cho nên đã có những nhóm, những hội người có thói quen xấu. Họ đến với nhau để kể lể nỗi lòng, nói cho nhau nghe nguyên do đưa tới thói quen xấu, hậu quả ra sao và bây giờ muốn gì. Họ hỗ trợ nhau, tiếp tay với nhau để cùng nhau thay đổi, “xóa bỏ tật xưa”.

Kết luận

Thói quen do hành động cá nhân tạo ra chứ không là bẩm sinh.

Nhiều ngàn năm về trước, hiền triết Khổng Tử có viết: “Tánh tương cận dã, tập tương viễn dã. Ý nói là con người bản tính đều giống nhau, nhưng bởi nhiễm thói quen thành ra khác nhau”.

Thói quen tốt thì nên giữ nhưng nên sớm loại bỏ những thói quen xấu, có ảnh hưởng không tốt cho đời sống.

Như George Bernard Shaw góp ý: “Người thành công ở đời tìm kiếm những hoàn cảnh lý tưởng và nếu họ không tìm thấy thì họ sẽ tự tạo ra”.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức   Texas- Hoa Kỳ.

VỀ MỤC LỤC
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CÔ ĐƠN  Chuyện phiếm của Gã Siêu 

 

Gã chẳng cần phải nói thì bàn dân thiên hạ cũng đã biết : Xã hội Việt Nam ngày xưa là một xã hội sống bằng nghề nông. Mà đã sống bằng nghề nông thì cần phải có nhiều người, thì mới kham nổi những công việc nặng nhọc nơi đồng áng.

Vì thế, các cụ ta rất coi trọng việc dựng vợ gả chồng cho con cái :

- Đi thi, cưới vợ, làm nhà,

  Trong ba việc ấy, thực là khó khăn.

Ngoài những trường hợp tảo hôn, nghĩa là lấy nhau quá sớm, do cha mẹ đôi bên thỏa thuận và đính ước với nhau, ngay khi một người hay cả hai vẫn còn là những đứa con nít :

- Bồng bồng cõng chồng đi chơi,

  Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng.

Còn bình thường, tuổi dành cho hôn nhân đã được qui định rõ ràng :

- Gái thập tam, nam thập lục. Có nghĩa là gái mười ba, giai mười sáu là lý tưởng nhất.

Vì thế, con gái mà bước vào tuổi “hăm” mà vẫn còn cô đơn lẻ bóng thì quả là một vần đề nan giải.

Trước hết, chính đương sự sẽ phải  âu lo thắc thỏm :

- Bắc thang lên đến tận trời,

  Bắt ông Nguyệt lão đánh mười cẳng tay.

  Đánh thôi, lại trói vào đây,

  Hỏi ông Nguyệt lão : Nào dây tơ hồng ?

Nhưng có lẽ những người băn khoăn xao xuyến hơn cả chính là cha mẹ của cô gái. Nỗi băn khoăn xao xuyến này được diễn tả một cách rất cụ thể như sau :

- Có con gái nhớn trong nhà, chẳng khác gì như chứa một trái bom nổ chậm, chẳng biết nó sẽ phát nổ lúc nào ?

- Có con gái nhớn trong nhà, chẳng khác gì như chứa một hũ mắm tôm, chẳn biết nó sẽ…xì ra lúc nào.

Vì thế, hễ có người dạm hỏi, là những bậc làm cha làm mẹ chỉ muốn gả phứt đi cho xong, như trút được một gánh nặng. Thậm chí  có một vài người còn chơi trò đánh lận con đen để giải quyết vấn đề.

Thực vậy, trong gia đình cô em thường đẹp hơn cô chị. Thế nhưng, nếu cô chị chưa “theo chàng về dinh” thì chắc chắn sẽ xảy ra nạn…kẹt xe, ùn tắc giao thông, khiến cho các cô em cứ bị tồn kho, khó có người dám dòm tới.

Hơn thế nữa, thời bấy giờ các cụ ta triệt để áp dụng nguyên tắc luân lý của Khổng Mạnh, đó là “nam nữ thọ thọ bất thân”, thậm chí có những đôi tới khi lấy nhau mà vẫn còn chưa biết mặt nhau, chứ không như thời buổi bây giờ, “nam nữ cọ cọ rất là…giật gân”, chưa lấy nhau mà xem ra như “con ong đã tỏ đường đi lối về”.

Trong một nhà kia, bố mẹ sinh một mạch được những ba bốn cô con gái, bị mồm mép thiên hạ gán cho cái tên là “lũ vịt giời”. Giải quyết hết cái lũ vịt giời này cũng làm cho cụ ông cụ bà đau đầu và nhức óc.

Vì thế khi có người đến coi mắt, thì ông bố bà mẹ đưa cô em ra trình diện với bàn dân thiên hạ. Còn khi tới nhà thờ làm lễ cuới thì lại đánh tráo cô chị vào chỗ cô em…Và rồi mọi chuyện cũng đã được kết thúc một cách rất tốt đẹp, giống như lời một ông bố kia đã phát biểu :

- Tao với mẹ chúng mày ngày xưa làm gì có tìm hiểu, làm gì có thông cảm với nhau, ngay cả cái bản mặt của nhau cũng chẳng biết nữa là, thế mà vẫn ăn ở đời kiếp với nhau và đẻ ra chúng mày rầm rầm ấy. Còn chúng mày bây giờ  sao mà bày đặt quá.

Đã lấy nhau rồi, thì phải cố gắng mà sinh nở, đẻ càng nhiều càng tốt, để mai mốt chẳng những có người nối dõi tông đường, mà nhất là có những người kề vai gánh vác những công việc nặng nhọc.

Vì thế,trong những dịp đầu xuân năm mới người ta thường cầu chúc cho nhau :

- Đa tử, đa tôn, đa phú quí.

Hay :

- Đông con, nhiều cháu, sống lâu tới ba bốn đời.

Nhất là đối với những anh chị vừa lập gia đình, mà đi tết mới, thế nào cũng được thiên hạ cầu chúc :

- Đầu năm sinh con giai, cuối năm sinh con gái.

Chứ không theo kiểu nhà nước bây giờ phát động chương trình hạn chế dân số và kế hoạch hóa gia đình :

- Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ.

Quá chỉ tiêu này, coi chừng bị giáng chức và bị phạt tiền…ngu nữa là đàng khác.

Vì chủ trương thoải mái đẻ, vô tư đẻ, thậm chí đẻ cho hết…trứng thì mới thôi. Vì thế, gã biết một vài anh bạn, con cái thật đông đúc, cứ y như phim Hồng Kông nhiều tập : sổ gia đình công giáo một cuốn chẳng đủ, thì xin ghi tiếp cuốn hai, cuốn ba và khi tới bữa cơm phải tập họp điểm danh xem còn sót đứa nào vì mải chơi chưa chịu về hay không ?

Và cũng có những cô gái đã lâm vào cảnh :

- Lấy anh từ thuở mười ba,

  Đến năm mười tám, thiếp đà năm con.

  Ra đường thiếp hãy còn son,

  Về nhà thiếp đã năm con với chàng.

Tuy nhiên, như gã đã trình bày : thế gian và lòng người ngày nay đã ra khác, và dường như thiên hạ muốn đi ngược lại với những điều cha ông ngày xưa đã từng sống.

Chẳng hạn như ngày xưa càng đông con càng tốt, còn ngày nay càng ít con càng hay.

Chẳng hạn như ngày xưa thành vợ thành chồng rồi, thì sinh con đẻ cái, còn ngày nay một số người chủ trương “hôn nhân thử”, sống tạm với nhau một thời gian, hợp thì tiến tới, bằng không thì đường ai người ấy đi.

Rồi lại còn muốn có con mà không cần tới ông chồng hay bà vợ, đứa con chỉ có một người mẹ, hay một người cha mà thôi.

Riêng dân choi choi mới nhớn thì lại thích ăn cơm trước kẻng.

Chẳng hạn như ngày xưa người ta chủ trương lấy vợ lấy chồng càng sớm càng tốt, còn ngày nay lấy chồng lấy vợ càng muộn càng hay, thậm chí có những người muốn ngãng ra, chẳng còn thích lấy vợ lấy chồng nữa.

Chính vì thế, chủ nghĩa độc thân đang có xu hướng gia tăng và liên tục phát triển tại nhiều nơi trên thế giới. Vậy đâu là những nẻo đường cô đơn cho những bước chân âm thầm ? Đâu là những lý do hấp dẫn khiến cho một số người đầu quân vào binh chủng…phòng không ? Đâu là những nguyên nhân làm phát sinh và phát triển chủ nghĩa độc thân ?

Dĩ nhiên là có rất nhiều nẻo đường, rất nhiều lý do, rất nhiều nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, nhưng gã chỉ xin trình bày đôi ba  điểm chính yếu mà thôi. 

Một là điều kiện bản thân hơi bị…thấp. 

Về phía con gái thì chẳng may “trời bắt xấu”. Hình dong và tướng mạo bên ngoài cứ như Thị Nở trong truyện Chí Phèo của Nam Cao, hay như cô gái Sơn Tây được ca dao ưu ái đã diễn tả :

- Cô gái Sơn Tây, yếm thủng bằng giần,

  Răng đen hạt nhót, chân đi cù lèo.

  Tóc rễ tre chải lược bồ cào,

  Sù sì da cóc, hắc lào tứ tung.

  Trên đầu chấy rận như sung,

  Rốn lồi quả mít, má hồng trôn niêu.

Còn về phía con giai, thì lâm vào tình trạng thất nghiệp, hay có nghề nghiệp nhưng thu nhập lại quá kém, thành thử chẳng ma nào đoái nhìn tới, bởi vì rút tỉa từ kinh nghiệm cuộc sống, thiên hạ đã đưa ra một cái vòng tròn, tựa vào nhau và chi phối lẫn nhau :

- Anh đờn ông kiếm tiền để nhử chị đờn bà, chị đờn bà lấy nhan sắc để nhử anh đờn ông và anh đờn ông  nai lưng ra kiếm tiền để nhử chị đờn bà, rồi cứ thể mà luẩn quẩn với nhau.

Đôi khi vì ông bố quá nghiêm khắc hay bà mẹ quá dữ dằn, chỉ kém sư tử Hà Đông có một chút xíu, nên bàn dân thiên hạ rất ngao ngán, chẳng ai dám nhào vô kiếm ăn cả. 

Hai là tiêu chuẩn kén chọn hơi bị…cao. 

Đối với hạng người này, thì điều kiện bản thân không bị kém, đôi khi còn tuyệt vời nữa là đàng khác : tiền bạc rủng rỉnh,  có chức có tước ngoài xã hội…Thế nhưng, họ cứ chọn mãi chọn hoài mà vẫn chẳng tìm thấy được một người yêu lý tưởng cho con tim của mình, thành thử có khi tuổi đời đã xế bóng mà vẫn cứ đi sớm về khuya một mình.

Báo chí đã nói nhiều về vấn đề này. Gã xin lượm lặt để bàn dân thiên hạ đọc cho vui.

Trước hết là về phía đờn ông con giai.

Báo Phụ Nữ chủ nhật số 29 ra ngày 30 tháng 7 năm 2000, có một bài viết mang tựa đề “Anh tôi ê…sắc” của Nga Bích như sau :

Những ấn tượng về phụ nữ với anh coi bộ ghê gớm. Anh bảo “cái nết đánh chết cái đẹp” đã xưa rồi, con gái bây giờ thích cạnh tranh, con gái bây giờ thích tùm lum. Tôi bảo với anh :

- Tại anh khó quá.

Anh nóng mũi :

- Em đi với anh một tuần lễ là biết liền hà.

…Một buổi sáng đẹp trời, anh tôi và tôi đang ngồi ăn sáng trong một tiệm phở. Anh nghiêm túc tằng hắng và chỉ cho tôi một cô gái có thân hình mảnh mai đang ngồi cách bàn chúng tôi chỉ một khoảng thôi. Cô ta đang thơ thẩn mơ màng, ngồi gần như bò xoài ra bàn. Và trời ạ, cô ta “xì tin” thời trang Hàn Quốc với một chiếc áo lửng và quần jeans lưng trễ, phần lưng phía dưới nhô lên một khúc độ 3 đốt ngón tay là khúc ren mỏng tong teo của cái…quần sịp. Bởi vì quần trễ, lưng quần hở ra một khúc mà lị. Giũa thanh thiên bạch nhật như vậy, tôi dòm vô cũng đủ ngượng chín mặt, thế mà người đẹp vẫn cứ tỉnh bơ, tay uể oải bưng ly nước cam nhấp nháp.

Một lần nữa, anh em chúng tôi đi siêu thị Nhật Nam, trong lúc khoan khóai đẩy xe đi lựa nước trái cây đóng hộp thì gặp một tốp các cô gái trẻ. Các cô tò mò nhìn vào xe chúng tôi và reo lên :

- Có nước trái đào kìa.

Một cô cười toe tóet và thọc sâu vào xe chúng tôi, cầm lon nước lên săm soi :

- Anh mua ở đâu vậy ?

Anh tôi mỉm cười :

- Ở  quầy trong kia kìa.

Một cô vẫn cười toe :

- Ở trỏng xa quá, tụi em lấy của anh nghe.

Miệng nói, tay bỏ mấy hộp nuớc vào giỏ của mình đi cái rụp. Nụ cười của anh tôi bỗng trở thành thiểu não, anh nhìn tôi :

- Đấy em xem, con gái bây giờ rất tự nhiên.

…Rồi một ngày, tôi và anh thong thả đi trên đường, phía trước là hai cô gái mặc áo bà ba, quần đen, dáng dấp rất nền nã. Anh tôi chặc lưỡi :

- Đã lâu không gặp, nhìn đẹp quá.

Nhưng khi tới gần, thấy hai cô đang vui vẻ hàn huyên, một cô bỗng :

- Đ.M.

Và cô kia đáp lại cũng y như thế. Anh tôi bỗng sa sầm nét mặt :

- Đồ gà móng đỏ.

…Má tôi thở dài :

- khó tính khó nết, chừng nào mới có bồ đây.

Anh tôi tỉnh bơ đáp :

- Khi nào gặp một cô gái biết đỏ mặt trước sự lộ liễu.

Tôi không dám nói, nhưng trong mắt anh tôi, con gái biết mắc cở, biết nhu mì e ấp thì hình như bây giờ hơi bị…hiếm. Và anh tôi ê sắc dài dài thôi.

Một ông giáo đã 62 tuổi, nhưng lại muốn chọn một đối tượng vừa trẻ, vừa đẹp, vừa thu nhập cao, lại vừa có năng lực lớn. Có lần bạn bè giới thiệu cho ông một cô giáo tiểu học, thế mà ông ấy lại còn muốn tới trường của cô giáo để nghe giảng, hầu kiểm tra năng lực, khiến cho người bạn không còn dám tiếp tục giúp đỡ ông ấy nữa.

Tiếp đến là về phía đờn bà con gái.

Hình như cũng trên báo Phụ nữ Chủ nhật, tác giả Thiên Thạch đã đưa ra một vài trường hợp điển hình cho tiêu chuẩn kén chọn hơi bị cao như sau :

Có một cô gái rất xinh, nhưng không hiểu sao từ lúc tôi biết cô ấy đến giờ, đã tròn sáu năm, mà chưa thấy cô ấy có một người bạn trai. Mấy đứa bạn thấy cô ấy suốt ngày cứ đi hết với nhỏ này tới nhỏ khác mà không thấy “anh” nào cả, cũng ái ngại, nên đã giới thiệu cho cô ấy một vài người. Người nào cũng đàng hoàng tử tế, nhưng người nào cũng bị cô ấy cũng chê. Người thì lùn quá, người thì cao quá, người thì bị loại khỏi vòng chiến chỉ vì lỡ được sinh ra trong một gia đình…nông dân.

Cứ thế và cứ thế, nên đến giờ này cô ấy vẫn còn “liêu xiêu con đường nhỏ” đi về.

Những cô gái đại loại như vậy, đa số đều học hành đến nơi đến chốn, gia đình tương đối khá giả, ngoại hình tuy không sắc nước hương trời, nhưng cũng đủ mặn mà, có duyên, đủ để đánh gục được khối chàng trai hơi kiêu kỳ một chút.

Các cô ấy cứ đinh ninh trong đầu rằng :

- Cỡ như mình, chắc chắn phải lấy được một anh chồng ngon lành.

Vì vậy, các cô ấy cứ chọn lựa, chọn lựa và chọn lựa để rồi mang tiếng “ê sắc” lúc nào cũng không hay, còn vị hoàng tử trong mộng của các cô ấy cứ biền biệt tận phương nao, thì chỉ có trời mới biết được mà thôi.

Đây cũng là một kinh nghiệm để đời mà các cụ đã nói tới :

- Già kén, kẹn hom.

Hay ca dao cũng đã diễn tả :

- Đi đâu mà chẳng lấy chồng ?

  Người ta lấy hết, chổng mông mà gào.

  Gào rằng : Đất hỡi trời ơi!

  Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng.

  Ông trời ngoảnh mặt mà trông :

  Mày hay kén chọn, ông không cho mày.

Để kết thúc về tiêu chuẩn kén chọn hơi bị cao này, gã xin kể lại một mẩu chuyện cổ tích tây phương như sau :

Người ta hỏi một ông già cô đơn :

- Tại sao lại không lập gia đình ?

Ông già cô đơn bèn kể lể về cuộc đời ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh của mình :

Tôi đã dành trọn thời gian của tuổi thanh xuân để tìm kiếm một người đờn bà hoàn hảo. Tại Cairô, thủ đô nước Ai Cập, tôi đã gặp một người đờn bà vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, nhưng rất tiếc người đờn bà này chẳng có được một chút dịu hiền, nàng hung dữ như bà chằng lửa.

Tôi đành bỏ Cairô mà tìm đến Bagdah, thủ đô nước Irak, với hy vọng tìm ra người đờn bà lý tưởng của lòng tôi. Tại đây, tôi đã gặp một người đờn bà đúng như lòng tôi mong ước. Nàng vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, vừa quảng đại lại vừa dịu hiền. Chỉ kẹt một nỗi, đó là hai đứa chúng tôi chẳng bao giờ nhất trí được với nhau về bất cứ chuyện gì. Hễ ngồi tâm sự với nhau là bắt đầu cãi vã, ông nói gà bà nói vịt, trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Vì thế, tôi đành phải chào thua.

Và như vậy, hết người đờn bà nọ tới người đờn bà kia. Kẻ được điều này, người mất điều khác. Tôi như kẻ đốt đuốc đi tìm người yêu lý tuởng, mà dường như chẳng bao giờ thấy.

Thế rồi một hôm tôi gặp được nàng, người đờn bà của mơ uớc. Nàng đã kết hợp được tất cả những đức tính mà tôi thầm vẽ ra trong đầu óc. Vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, vừa quảng đại lại vừa dịu hiền, vừa tế nhị lại vừa ăn ý với tôi ngay cả trong những điều nhỏ mọn nhất. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn cứ phải gân cổ lên mà ca solo, cam chịu cảnh gối chiếc suốt đời. Các bạn có biết tại sao không ?

Trong lúc mọi người suy nghĩ, ông già cô đơn đáng thương khẽ kéo một hơi thuốc lá, rồi kể tiếp :

- Sở dĩ như thế là vì người đờn bà ấy cũng đang đi tìm một người đờn ông lý tưởng. Và thật chẳng may cho tôi, bởi vì dưới mắt nàng, tôi chỉ là một thằng đờn ông tồi với biết bao nhiêu thói hư tật xấu.

Rồi ông già cô đơn đã khuyên nhủ cánh trẻ với một cung giọng hơi bị cay cú :

- Đi tìm một người yêu lý tưởng, một người tình hoàn hảo chỉ là một việc làm hão huyền và vô ích mà thôi, bởi vì người yêu lý tưởng và người tình hoàn hảo ấy làm gì tồn tại được trên trái đất này. Nhân vô thập toàn. Đã mang lấy thân phận con người, ai mà chẳng có những sai lỗi và khuyết điểm. 

Sau cùng, ba là đã bị tình yêu đá lên đá xuống, làm cho sứt đầu xẻ tai. 

Nói cách khác là đã từng mang lấy ít nữa một vết thương quá sâu và quá đậm trong tình yêu.

Còn nói cách cụ thể là đã bị thất bại và tan vỡ trong tình yêu, chẳng như bị người tình đầu tiên lừa gạt cho leo cây cái rụp, hay chọn lầm phải một anh chàng sở khanh, đã quất ngựa truy phong, vội vã bỏ trốn, sau khi đã ưu ái tặng cho nàng một dấu ấn tàn đời…Do đó nảy sinh tâm lý sợ hãi tình yêu, thậm chí còn oán hận một cách mãnh liệt đối với người khác giới.

Giống như con chim một lần bị sập bẫy hay bị trúng tên, nhưng may mắn thoát chết, nên bây giờ nhìn đâu cũng thấy nguy hiểm, để rồi lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác và sẵn sàng chống đối…

Thí dụ cô gái nọ yêu một chàng trai tha thiết, cả hai đã tính đến chuyện cưới xin. Nhưng đùng một cái, vì lý do không hạp nhau, anh chàng đã nói lời chia tay. Kể từ đó, cô ấy không còn rung cảm với bất kỳ một người đờn ông nào nữa. Chẳng biết thời gian sắp tới, cô ấy có “rung” lại được nữa hay không và khi nào thì “rung”, chứ đợi tới lúc trở thành bà lão rồi mới “rung” được với một ông lão thì tiêu đời cô ấy mất thôi.

Cũng có những người chỉ vì nhìn thấy cảnh đổ vỡ ngay trong chính gia đình của mình, chẳng hạn ông bố đèo bồng bồ nhí, bà mẹ san sẻ tình yêu với kép nhỏ, để rồi tan đàn xẻ gánh, đường ai người ấy đi, cho con cái bơ vơ lạc lõng.

Hay chỉ vì nhìn thấy cha mẹ suốt ngày tất bật với công việc làm ăn, tìm tiền kiếm bạc, sao nhãng bổn phận đối với con cái, khiến cho con cái lún sâu vào đường hư hỏng và gia đình bị nhếch nhác.

Rồi từ đó, họ sợ hôn nhân, họ sợ tình yêu, họ sợ phải đi lập gia đình vì không muốn đi vào vết xe đổ của những vị tiền bối là cha mẹ của mình.

Có những người cho rằng một khi đã lập gia đình, thì phải đối mặt rất nhiều với vấn đề cơm áo gạo tiền, cũng như nước mắm nước muối. Họ không muốn bị ràng buộc vào một cuộc sống nặng nề và phức tạp như vậy, nên đã chọn con đường không kết hôn, sống độc thân, dù có phải trải qua những ngày tháng trống vắng và buồn tênh.

Riêng một  vài cô gái thì lại muốn bắt cá hai tay, vừa muốn có một cuộc sống êm ấm lại vừa muốn có một cuộc sống mộng mơ, nên rốt cuộc vẫn cứ vò võ, đêm đêm nhìn bóng hình mình trên vách, bởi vì hai sự ấy khó mà đi đôi với nhau :

- Hôn nhân lãng mạn thì không ổn định. Còn hôn nhân ổn định thì không lãng mạn.

Sách vở tây phương có một câu nói làm cho gã nhớ mãi. Câu nói ấy như thế này :

- Tương lai của mỗi người tùy thuộc vào vài chọn lựa, đồng ý hay không đồng ý, mà mình nói ra trong lứa tuổi từ mười sáu đến hai mươi.

Chọn lựa cho mình một bậc sống cũng là một chọn lựa cam go, ảnh hưởng sâu đậm tới tương lai hậu vận. Thế nhưng, chúng ta đã thực sự chọn lựa và dấn thân vào bậc sống ấy hay chưa ?

Gã Siêu   gasieu@gmail.com
 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************