Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 76, Chúa Nhật 21.09.2008


MỤC LỤC 

Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa Trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô Và Giáo Hội               Lumen Gentium

Thư Ngỏ Của Lm. Chủ Nhiệm Đặc San GSVN                                Lm. Luca Phạm Quốc Sử

HỌC THUYẾT XÃ HỘI, BÀI VI. KINH TẾ (202 – 250) tiếp theo                Br. Huynhquảng

NGƯỜI MẸ THÁI HÀ! - MANG TRÁI TIM CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ              MẶC TRẦM CUNG

MỘT ĐẤT NƯỚC CÓ QUÁ NHIỀU THẬP GIÁ !                                Lm. Lê Quang Uy, DCCT

CHIA SẺ VỀ TRUYỀN GIÁO (CHIA SẺ 1)                                           TGM. Ngô Quang Kiệt

Đừng sợ                                                                                                   Lm. Lê văn Quảng

Đi Lễ                                                                                                       Hoàng Thị Đáo Tiệp

Y HỌC VÀ TỬ THẦN                                                                      Bác Sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

VĂN MINH MỲ GÓI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ TRÊN ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN...         Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt

Không kẾt án ai                                          Lm. MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY pss

BỆNH ZONA-THẦN-KINH                                                                   Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

RƯỢU CA                                                                                  Chuyện phiếm của Gã Siêu.


Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa Trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô Và Giáo Hội

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Lumen Gentium 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương VIII

Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa

Trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô

Và Giáo Hội 67*

 

I. Lời Mở Ðầu

 

52. Nhập đề. 68* Thiên Chúa là Ðấng vô cùng nhân hậu và khôn ngoan đã muốn hoàn tất việc cứu chuộc thế giới, nên "khi đến thời viên mãn, Ngài đã sai Con Mình đến, sinh bởi người nữ... để chúng ta được nhận làm nghĩa tử" (Gal 4,4-5). "Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria" 1. Mầu nhiệm cứu rỗi thần linh này được mạc khải cho chúng ta và vẫn tiếp tục trong Giáo Hội, Giáo Hội mà Chúa đã lập làm thân thể Người. Trong Giáo Hội ấy, liên kết với Chúa Kitô Thủ Lãnh, và hiệp thông với toàn thể các Thánh Người, các tín hữu cũng phải kính nhớ "trước hết đức Maria vinh hiển, trọn đời Ðồng Trinh, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" 2. 69*

53. Ðức Maria và Giáo Hội. Thực vậy, khi sứ thần truyền tin, Ðức Nữ Trinh Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian. Ngài được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Ðấng Cứu Thế. Ðược cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp Con Ngài và hiệp nhất mật thiết và bền chặt với Con, Ðức Maria đã lãnh nhận sứ mệnh và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí này, Ngài đã trổi vượt mọi tạo vật trên trời dưới đất. Nhưng đồng thời, vì thuộc dòng dõi Adam, Ngài cũng liên kết với tất cả mọi người cần được cứu rỗi; hơn nữa, "Ngài thật là Mẹ các chi thể (của Chúa Kitô)... vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Ðầu ấy" 3. Vì thế, Ngài cũng được chào kính như chi thể của Giáo Hội tối cao và độc nhất vô nhị, cũng như mẫu mực và gương sáng phi thường của Giáo Hội trên phương diện đức tin và đức ái. Và Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Ngài tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu. 70*

54. Ý hướng của Công Ðồng. Bởi thế, khi trình bày giáo lý về Giáo Hội - trong Giáo Hội này, Chúa Cứu Thế thực hiện cuộc cứu độ - Thánh Công Ðồng ân cần mong muốn làm sáng tỏ vai trò của Ðức Nữ Trinh trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể và Nhiệm Thể, cũng như làm sáng tỏ bổn phận những người được cứu chuộc đối với Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ Chúa Kitô và Mẹ nhân loại, cách riêng Mẹ các tín hữu. Tuy nhiên, Công Ðồng không có ý đưa ra một học thuyết đầy đủ về Ðức Maria và giải quyết các vấn đề mà sự nghiên cứu của các nhà thần học chưa làm sáng tỏ trọn vẹn. Những ý kiến được tự do trình bày trong các trường phái công giáo về Ðấng có địa vị cao cả nhất trong Giáo Hội thánh sau Chúa Kitô, và cũng là Ðấng rất gần chúng ta 4, những ý kiến ấy đều được duy trì cách hợp pháp 71*.


 

Chú Thích:

(lưu ý: những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo trước)

67* Ðây là một trong những chương được tranh luận nhiều nhất. Việc khai sinh ra nó cũng gây nhiều sôi nổi. Trong số những lược đồ được đệ trình, có một lược đồ về Ðức Maria. Vì những lý do có tính cách hoặc thần học hoặc mục vụ hoặc hiệp nhất, một vài Nghị Phụ muốn cho lược đồ về Ðức Maria xen vào Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội. Ngày 29-10-1963, các Nghị Phụ đứng trước một câu hỏi như sau: "Các Nghị Phụ Công Ðồng có muốn lược đồ về Ðức Trinh Nữ Mẹ Giáo Hội đổi thành chương cuối cùng của lược đồ về Giáo Hội chăng?" Trước khi bỏ phiếu, có hai bản phúc trình chính thức về vấn đề này: Hồng Y Konig, người muốn cho xen vào hiến chế, và Hồng Y Santos muốn làm một lược đồ riêng. Cả hai dùng những luận chứng dồi dào và vững chắc để trình bày trước các Nghị Phụ và sự thích hợp của quan điểm mình. Kết quả cuộc đầu phiếu thật sát nút: với 2,193 Nghị Phụ có mặt thì 1,114 vị bỏ phiếu thuận, 1,074 phiếu chống. Phiếu thuận chỉ hơn có 40 phiếu và Công Ðồng chấp nhận việc xen lược đồ vào trong Hiến Chế.

Một vấn đề thứ hai được đặt ra: nếu xen thì xen vào chỗ nào? Mẹ Thiên Chúa liên kết khắng khít với mầu nhiệm Giáo Hội, nhưng muốn giải thích sự liên kết này, cần quan niệm vai trò của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Ðối với khía cạnh này, giáo lý về Ðức Maria vượt quá giáo lý về Giáo Hội. Do đó chỉ có thể đặt vào phần cuối Hiến Chế. Ðấy là lý do tại sao có chương VIII và vị trí của nó trong Hiến Chế.

Bố cục của chương này như sau: trong phần nhập đề (các số 52-54), Công Ðồng xác định địa vị của Ðức Maria trong Giáo Hội và những nguyên tắc giáo lý làm kim chỉ nam cho việc trình bày về Ðức Maria. Ðồng thời Công Ðồng cũng cho biết chủ đích của mình. Phần nhất (các số 55-59) giải thích địa vị của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Phần hai (các số 60-65) trình bày địa vị đó trong viễn tượng Giáo Hội, nói lên những liên lạc của Ðức Maria với Giáo Hội. Phần ba (các số 66-67) đề cập những bổn phận Kitô hữu đối với Ðức Maria. Phần kết luận vắn tắt (các số 68-69) trình bày Mẹ Thiên Chúa như dấu hiệu hy vọng và sự liên quan của Ngài với việc hiệp nhất các Kitô hữu.

68* Các số 52-54: Nhập đề.

Các số này thống nhất với nhau (trong lần soạn thảo đầu chúng ở trong cùng một số) có mục đích trình bày đối tượng của chương VIII. Ý tưởng chính rất đơn giản: mạc khải đã minh nhiên làm nổi bật địa vị của Mẹ Thiên Chúa, trong ý định cứu rỗi từ đời đời của Chúa, trong sự thực hiện ý định ấy do Chúa Giêsu Kitô, bởi vì có sự liên tục (chương VII) giữa công việc dưới đất và công việc trên trời của Chúa Kitô và ngày nay Ðức Mẹ cũng vẫn còn giữ nguyên địa vị này (số 52). Maria là phần tử đặc biệt và là khuôn mẫu Giáo Hội (số 53). Chủ đích của Công Ðồng là: trình bày vai trò của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội và những bổn phận của Kitô hữu đối với Mẹ (số 54).

69* Số 52.

Việc cứu thế được thực hiện nhờ Thiên Chúa đã gửi Con Ngài đến, sinh bởi người nữ. Ðó là nền tảng của cả khoa Thánh Mẫu học. Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria liên kết mật thiết với việc Nhập Thể Cứu Chuộc đó.

70* Số 53.

Số này đặt Mẹ Chúa Kitô Cứu Thế trong tương quan với Giáo Hội. Ðầu tiên là quả quyết Ðức Maria đã tự ý chấp nhận lời thiên thần báo tin sẽ sinh Ðấng Cứu Thế. Câu chuyện báo tin được đặt nổi bật. Sau đó Công Ðồng nghiên cứu sâu xa những mối liên hệ giữa Maria và Ba Ngôi Thiên Chúa trong viễn tượng Giáo Hội theo một đề tài quen thuộc với Hiến Chế như đề tài Giáo Hội từ mầu nhiệm Ba Ngôi. Vì trách vụ được Chúa trao phó nên Mẹ được cứu chuộc kỳ diệu hơn, do công nghiệp Con Mẹ, Ðấng mà Mẹ đã kết hiệp mật thiết và bền chặt. Trong chiều hướng ấy, Công Ðồng không ngần ngại liên tiếp trình bày Ðức Trinh Nữ như là Mẹ của Con Thiên Chúa, là ái nữ của Chúa Cha, là cung thánh của Chúa Thánh Thần. Cả ba danh hiệu hoàn toàn theo truyền thống. Nhưng tâm điểm của số này ở chỗ Công Ðồng quả quyết rằng Maria vừa có các danh hiệu đó, nhưng đồng thời, vì thuộc dòng dõi Adam, Mẹ cũng liên kết với tất cả mọi người, và Mẹ đã cộng tác vào công việc cứu thế. Do đó, Mẹ Chúa Kitô vẫn là phần tử Giáo Hội, dù là phần tử tuyệt hảo và đặc biệt, một trật cũng là khuôn mẫu của Giáo Hội. Bởi vậy Giáo Hội tôn kính Mẹ như Mẹ thật với tình con thảo.

71* Số 54.

Công Ðồng giải thích vắn tắt về vai trò Ðức Maria trong mầu nhiệm cứu rỗi và về các bổn phận của tín hữu đối với Mẹ. Công Ðồng tự giới hạn trong viễn tượng này chứ không nhằm trình bày đầy đủ giáo lý về Ðức Maria, cũng không nhằm giải quyết các vấn đề mà các nhà thần học tranh luận.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
Thư Ngỏ Của Lm Chủ Nhiệm Đặc San GSVN

 

HỘP THƯ CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ  II:

Kính thưa  Quí  Cha, quí Tu Sĩ Nam Nữ và quí Ông Bà Anh Chị Em Cộng Tác Viên, Quí Độc giả GSVN.

Nhân dịp có một số Độc Giả muốn xin Lễ Tạ Ơn Thiên Chúa, nhờ Lời Bầu Cử của ĐTC Gioan PhaoLo II, Đặc San GSVN xin có vài tâm tình chia sẻ:  

Thấm thoát thời gian trôi qua thật nhanh ! Thế mà đã hơn hai năm trời với biết bao nhiêu biến chuyển và đổi thay trong Giáo Hội cũng như Xã Hội, và khắp mọi nơi trên Thế giới, với những đau buồn, tủi nhục, khốn khổ về cả tinh thần lẫn thể xác, cùng với những bệnh hoạn, tật nguyền, những thói hư, tật xấu, những tai ương, bão lụt… tất cả cứ ào ào xảy đến, làm tăng thêm sầu muộn và lo âu cho nhân loại ! Hơn thế nữa, cuộc sống ngày nay lại có quá nhiều bất công, gian dối, xảo trá, lừa đảo, và chà đạp lẫn nhau để mà sống, không còn thấy Chân Lý vĩnh cửu của Tự Do, Công Bằng, Bác Ái  đâu nữa cả !  

Chính vì thế, việc cầu nguyện lại càng cần thiết hơn bao giờ hết, và cầu nguyện phải liên lỉ không bao giờ ngừng giây phút nào cả, để việc cầu nguyện phải là “hơi thở” của Linh hồn, gắn liền với nhịp sống của mỗi người chúng ta từng giây từng phút trong mọi công ăn việc làm, mọi giao tế, mọi lãnh vực, mọi nẻo đường chúng ta đi, và mọi hành động, cách cư xử, lời ăn tiếng nói của chúng ta với bất cứ ai cũng đều nằm trong một chuỗi cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa là Cha Toàn năng và là Chủ mọi loài mọi vật.  

Trong tinh thần ấy, Hộp Thư Cầu Nguyện với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đáp ứng phần nào cho nhu cầu khấn nguyện của mọi người thành tâm tin tưởng dâng lên Thiên Chúa là Cha rất Nhân từ, đầy Lòng quảng đại, bao dung và tha thứ, qua lời chuyển cầu đắc lực của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là một người cha rất ưu ái thấu hiểu và cảm thông với mọi nỗi thống khổ và gian truân của những con cái còn đang lê bước trên con đường lữ thứ trần gian này. 

Suốt thời gian qua, đã có biết bao anh chị em của chúng ta xin khấn đã được những Ơn lành Hồn Xác, hết mọi bệnh tật mọi đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, và vượt qua được nhiều khó khăn, gian nan, phức tạp trong cuộc sống hằng ngày như lòng mong ước…

Và Anh Chi Em đó cũng đã xin tất cả chúng ta hợp ý cùng Tạ Ơn Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nhưng vì đây là một hành động hoàn toàn Bác ái  vô vị lợi của tất cả các Linh Mục, Tu sĩ nam nữ, và Anh Chị Em Cộng Tác Viên cùng hợp chung một Lời Cầu Nguyện cho mọi ý chỉ xin khấn cũng như tạ ơn với Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II.  Cho nên, nếu quí Anh Chị Em nào đã được ơn như ý mà muốn xin Lễ Tạ Ơn Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, thì vui lòng xin Lễ Tạ Ơn ngài tại ngay Nhà Thờ Giáo Xứ của mình đang cư ngụ. 

Xin Thiên Chúa Toàn Năng  qua lời chuyển cầu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban cho Thế giới được Hòa Bình, Giáo Hội toàn cầu  được Bình An, mọi Quốc Gia biết thực thi Công Bằng, Bác Ái để mọi người dân được hưởng đầy đủ quyền làm con người đích thực trong Tự Do, Dân Chủ và Chân Lý, và mọi người luôn biết yêu thương, thông cảm, giúp đỡ, tôn trọng nhau, để đem lại Hạnh Phúc và Bình An của Chúa Kitô Phục  Sinh trong cuộc sống mỗi ngày. Đặc biệt cho Quí Cha, Quí Tu sĩ nam nữ và quí Ông Bà Anh Chị Em Cộng Tác Viên luôn an mạnh Hồn Xác, đầy tràn Ơn Chúa, và luôn vững tin trung thành trong Một Lòng Cầu Nguyện liên lỉ mãi.

Xin nhắc lại: Mọi ý chỉ xin khấn được gởi đến hộp thư gioanphaolo2@gmail.com đều được các Tình Nguyện Viên đang làm việc tại Roma, sẽ hiệp dâng cầu nguyện ngay tại Phần Mộ của ĐTC Gioan Phaolo II.

Trong thời gian qua, Đã có hàng ngàn lượt người gởi email xin khấn như ý, và thật cảm động khi gần đây có nhiều Độc giả đã tha thiết gởi email xin cầu nguyện cho Giáo xứ Thài Hà.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin Quí vị đang làm truyền thông khắp nơi, vui lòng KHÔNG GỞI bất cứ bài vở hoặc tài liệu gì vào hộp thư này. Hộp thư này chỉ dùng cho việc Hiệp Thông Cầu Nguyện.

Xin chân thành cám ơn.

TM. Đặc San GIÁO SĨ VIỆT NAM

 Lm. Luca Phạm Quốc Sử

VỀ MỤC LỤC

HỌC THUYẾT XÃ HỘI, BÀI VI. KINH TẾ (202 – 250) tiếp theo

 

71. Ngày nay, hệ thống kinh tế chủ nghĩa tư bản có phải là khuôn mẫu cho sự phát triền xã hội không? 

Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, câu hỏi được đặt ra là có nên thừa nhận hay không chủ nghĩa tư bản là khuôn mẫu để xây dựng kinh tế và xã hội của một đất nước? Thực ra, câu trả lời sẽ không dễ dàng đơn giản. Trước hết, nếu chủ nghĩa tư bản mang nghĩa là một hệ thống kinh tế có khả năng nhận thức được vai trò tích cực và nền tảng của thương mại, thị trường, tài sản cá nhân cũng như là sự tự do sáng kiến trong lãnh vực kinh tế thì câu trả lời cho câu hỏi trên là khẳng định chắc chắn “nên”. Nhưng nếu nó mang nghĩa là một hệ thống, trong đó sự tự do trong phạm vi kinh tế không có một khung pháp lý nào ràng buộc nó; mà thực ra pháp lý là nhằm để phục vụ cho sự tự do của con người, thì câu trả lời cho câu hỏi trên là “không nên” (cf. Centesimus Annus, # 42). 

72. Mục đích tối hậu của sự phát triển kinh tế là gì?

Mục đích tối hậu của mọi hình thức phát triển là vì và cho con người. Thực vậy, “phát triển kinh tế và gia tăng sản xuất đều nhằm phục vụ những nhu cầu của con người. Đời sống kinh tế không chỉ nhằm vào việc gia tăng các sản phẩm, lợi nhuận hoặc quyền lực, nhưng trước tiên là để phục vụ con người: con người toàn diện và toàn thể cộng đồng nhân loại. Hoạt động kinh tế được điều hành theo những phương pháp riêng nhưng phải tôn trọng các khuôn khổ luân lý và công bằng xã hội, để đám ứng ý định của Thiên Chúa về con người” (GLCG # 2426). 

73. Điểm tích cực của nền kinh tế hiện đại là gì? 

Nền kinh tế thương mại hiện đại đã phản ảnh một số điểm tích cực. Trước hết, điểm căn bản chính là quyền tự do con người được thể hiện trong lãnh vực kinh tế cũng như trong các lãnh vực khác. Hoạt động kinh tế thực ra cũng chỉ là một lãnh vực trong nhiều lãnh vực hoạt động của con người. Vì thế, cũng như tất cả các lĩnh vực khác, kinh tế cũng cần có quyền tự do và trách nhiệm đối với quyền tự do ấy. Nhưng điểm đặc biệt nổi bật trong xã hội hiện đại so với xã hội cũ chính là: Có một thời người ta cho rằng yếu tố quyết định đến việc sản xuất chính là đất đai và tiền vốn; cả hai được coi là công cụ tổng hợp phức tạp cho việc sản xuất. Nhưng hôm nay, yếu tố quyết định là chính con người. Nghĩa là kiến thức, đặc biệt là kiến thức khoa học, khả năng liên đới và hợp đồng với các tổ chức, và cũng như là khả năng nhận thức nhu cầu của người khác và tìm cách thỏa mãn nhu cầu của họ. Đó chính là những điểm tích cực trong nền kinh tế hiện đại (cf. Centesimus Annus, # 32). 

74. HTXH đề cập đến “công bằng” như thế nào? 

Công bằng ở đây không chỉ mang ý nghĩa là phân phối của cải, nhưng nó liên quan đến điều kiện mà con người tham gia vào hoạt động sản xuất. Thực vậy, nhu cầu bẩm sinh đòi hỏi con người tham gia vào các hoạt động sản xuất và có cơ hội gánh vác trách nhiệm và nhờ nổ lực của chính bản thân họ hoàn thiện chính họ.

Kết quả là, nếu một tổ chức hay cấu trúc đời sống kinh tế mà làm cho phẩm giá con người lao động bị tổn thương, hoặc ý thức trách nhiệm của họ bị giảm sút, hoặc là sự tự do của họ bị tước đoạt, thì chúng ta có thể đánh giá rằng trật tự của nền kinh tế ấy là không công bằng; thậm chí là dù nó có sản xuất ra hàng vạn sản phẩm được phân phối hợp với tiêu chuẩn công bằng và hợp pháp [thì nó cũng không công bằng] (cf. Mater et Magistra, # 82, 83). 

75. Giáo hội kêu gọi lương tâm con người trong vấn đề này như thế nào? 

Trong Thông Điệp Hòa Bình Thế Giới năm 2000, ĐGH Gioan Phaolô II kêu gọi: “Tôi mời gọi tất cả các nhà kinh tế và các chuyên gia tài chánh cũng như các giới chức lãnh đạo cần nhận ra nhu cầu khẩn thiết để đảm bảo rằng việc thực thi chính sách kinh tế và chính trị phải hướng đến mục đích tốt đẹp cho từng người và mọi người. Đây không chỉ là sự đòi buộc đạo đức nhưng còn là sự đòi buộc cho một nền kinh tế hoàn chỉnh. Kinh nghiệm dường như khẳng định rằng nền kinh tế thành công ngày càng đòi hỏi vào việc đánh giá chân thực của mỗi cá nhân và khả năng của họ, vào sự tham gia đầy đủ hơn của họ, vào sự gia tăng hiểu biết và bổ túc kiến thức thông tin, và vào tính hiệp nhất chặt chẽ hơn” (World Day of Peace Message, 2000, # 16). 

VỀ MỤC LỤC

NGƯỜI MẸ THÁI HÀ! - MANG TRÁI TIM CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ.

 

"Con người là một diễn viên trên sân khấu vĩ đại cuộc đời."
(W. Shakespeare)
 

 (Kính tặng  U Đất và các người mẹ trung kiên, các Linh mục, Tu sĩ và toàn thể anh chị em giáo dân Thái Hà)

Sinh ra đời ta đã là nghệ sĩ,
Của đất trời của vũ trụ bao la.
Bước vào đời bằng muôn vạn lời ca,
"Ta là nghệ sĩ, cuộc đời này là sân khấu".

Người nghệ sĩ phải biết luôn phấn đấu,
Sống trọn vai mà Thiên Chúa trao ban.
Là quân vương hay kiếp sống cơ hàn,
Luôn vâng phục và chu toàn Thánh Ý.

Người nghệ sĩ phải luôn luôn bền chí,
Trước gian nan, trước bao nỗi đớn đau.
Biết nhập vai, sống phó thác, nguyện cầu,
Luôn trung tín trước vô vàn giông tố.

Người nghệ sĩ trước bao cơn cám dỗ,
Của bạc tiền, của danh vọng tiếng tăm.
Của đam mê dục vọng, của thế sự thăng trầm,
Luôn kiên vững giữ tâm hồn thanh khiết.

Người nghệ sĩ không so đo hơn, thiệt,
Biết cho đi, nhận phần kém về mình.
Sống dấn thân và biết sống hy sinh,
Sống khiêm nhượng dù được phân vai bé nhỏ.

Đời nghệ sĩ phải luôn luôn sáng tỏ,
Không mập mờ, không gian dối quanh co.
Không tham lam, không tọc mạch, tò mò,
Luôn trung tín, không làm tôi hai chủ.

Là nghệ sĩ đâu phải cần có đủ,
Phải tài năng, phải chuyên nghiệp thơ –văn.
Phải địa vị cao, phải bằng cấp, học hành...
Biết sống trọn kiếp người, đó mới chính là nghệ sĩ.

Người nghệ sĩ là người luôn dũng khí,
Đem niềm vui, hạnh phúc đến muôn người.
Đem hòa bình, đem ánh nắng xuân tươi,
Sống hòa hợp với đời cùng nhịp thở.

Người nghệ sĩ là người luôn trăn trở,
Trước bất công, gian khổ một kiếp người.
Trước đói nghèo, bệnh tật khắp mọi nơi,
Biết mở rộng vòng tay cùng chia sẻ.

Người nghệ sĩ dù sống trong cô lẻ,
Vẫn bình an vì có Chúa ở cùng.
Vẫn tận tình phục vụ, rất bao dung,
Say lòng mến như tôi trung đợi chủ.

Như người phu quét đường, suốt bao đêm không ngủ,
Vẫn lặng lẽ âm thầm, tiếng chổi xào xạc giữa màn đêm.
Làm sạch lối đi khi mọi người say giấc ngủ êm đêm,
Sống trọn vai bằng tình mến, ấy chính là “hồn nghệ sĩ”.

Như chị bán hàng rong với tâm hồn cao quý,
Dù sống cảnh nghèo nhưng biết mở rộng vòng tay.
Ôm ấp những trẻ thơ vất vả kiếp đọa đày,
Sẻ chia tình mẹ, đời sống của chị toát lên “hồn nghệ sĩ”.

Như người mẹ Thái Hà đang đi tìm công lý,
Trong lặng lẽ âm thầm dẫu gặp cảnh trái ngang.
Mẹ vẫn trung kiên dù đứng trước bạo tàn,
Dù nắng gắt, mưa dầm,
Dù súng đạn, hơi cay,
Dù dùi cui có đập nát thân gầy,
Mẹ vẫn hiên ngang,
Vì hồn mẹ mang trái tim của người nghệ sĩ.

Hạnh phúc thay! Những ai được khơi sáng nguồn chân lý,
Là nghệ sĩ của Vua Trời.
Nghệ sĩ của Thiên Chúa Tình Yêu.
Vâng phục Cha - Nhà đạo diễn đại tài - hướng dẫn ta mọi điều,
Sống vui làm con ChúaTa mới là nghệ sĩ chân chính.

Dù dương gian phủ nhận...

Nhưng rồi một ngày kia,
Khi trải qua kiếp người lận đận.
Hân hoan ta quay về,
Trình diện Đấng Chí Tôn.
Ôi! Vinh dự thay khi Cha công nhận:
"Con chính là Nghệ Sĩ của Tình Yêu
Người nghệ sĩ mà Cha đã yêu thương tạo dựng"...


 MẶC TRẦM CUNG

VỀ MỤC LỤC
MỘT ĐẤT NƯỚC CÓ QUÁ NHIỀU THẬP GIÁ !
 

Quý độc giả Ephata và Giáo Sĩ Việt Nam thân mến,

Tuần qua, chúng tôi bắt tay vào thực hiện một thiên phóng sự về Bảo Vệ Sự Sống, trong đó có việc lần lượt đi ghi hình các nghĩa trang trải dài trên toàn quốc. Không phải các nghĩa trang liệt sĩ dọc đường Trường Sơn và quốc lộ 1A, không phải nghĩa trang đang sắp phải giải tỏa ở Bình Hưng Hòa trong Nam, không phải nghĩa trang của người dân thường ở Văn Điển ngoài Bắc, cũng chẳng phải nghĩa trang dành cho cán bộ cấp cao ở Mai Dịch, nhưng là các nghĩa trang đơn sơ mộc mạc dành riêng chôn cất các... cháu bé tý hon bị giết trong thảm trạng nạo phá thai hiện nay tại Việt Nam.

Kể từ khi hình thành nghĩa trang Anh Hài phủ kín ba quả đồi ở Giáo Xứ Ngọc Hồ, cố đô Huế, đến nay đã 15, 16 năm. Tiếp theo là nghĩa trang Đồng Nhi ở thành phố Pleiku của tỉnh Gia Lai. Riêng ngoại thành Sài-gòn đã có hai địa chỉ: Lăng Anh Hài với hơn 4 vạn thai nhi do DCCT thu tập hỏa thiêu, và một nghĩa trang địa táng ở huyện Hóc Môn. Ở thành phố biển Nha Trang thì có nghĩa trang Đồng Nhi ở Hòn Thơm. Kế nữa, đến phiên thành phố Đà Nẵng cũng có một nghĩa trang trên đồi dành cho các cháu bé. Rồi thành phố Quy Nhơn với một dạng nghĩa trang kỳ lạ trải dài rải rác dọc theo con đường lên Ghềnh Ráng. Thành phố Biên Hòa thì có một hầm mộ tập thể chia làm nhiều tầng.

Từ thành phố Buôn Ma Thuột của Tây Nguyên, xuôi về miền đồng bằng đến Cần Thơ, Hậu Giang, tuy danh tánh và địa chỉ chưa được công khai, nhưng các thai nhi đã bắt đầu được các Nữ Tu kín đáo thu nhặt và chôn cất thật tử tế chu đáo, con số đã tăng mấy trăm chỉ trong mấy năm gần đây.

Ấy là một bản đồ các nghĩa trang được phác họa từ miền Trung đổ vào Nam. Còn từ miền Trung đổ ngược ra Bắc, theo sát với phong trào Bảo Vệ Sự Sống, ngoài việc đang dần dần hình thành các nhóm cầu nguyện và thuyết phục người ta từ bỏ ý định phá thai, anh chị em Giáo Dân cũng đã cùng với các cha, các Nữ Tu lo hậu sự cho các cháu bé bị giết và an táng thành những nghĩa trang be bé trong những khu đất riêng hoặc ngay trong Đất Thánh của Giáo Xứ. Chúng ta có thể điểm danh thêm ba bốn địa chỉ an táng thai nhi nữa: ở thành phố Vinh, ở Sóc Sơn vùng ngoại thành thủ đô Hà Nội ( nhưng thuộc Giáo Phận Bắc Ninh ), và ở tận trên thành phố Thái Nguyên.

Đến đây, khách hành hương lại phải ngược trở vào miền Nam, vượt đèo Bảo Lộc và đèo Prenn để đến thăm ba nghĩa trang nhỏ nhất, mới nhất, gần đây nhất, vừa khởi sự từ giữa tháng 7 năm 2008, tọa lạc tại ba Giáo Xứ khác nhau thuộc thành phố Đà Lạt. Để tránh những rủi ro trù dập, chúng tôi xin được tạm giấu các địa danh cũng như họ tên các cha, các dì, các anh chị em Tông Đồ Giáo Dân đã tự nguyện trở thành những Tôbia của Việt Nam hôm nay.

Vậy là chỉ nguyên các nơi chúng tôi biết được đã gần hai mươi nghĩa trang Anh Hài rải rác khắp đất nước Việt Nam. Ở đó, tất cả các ngôi mộ, vì do các Kitô hữu đứng ra lo liệu chăm sóc nên luôn luôn được cắm một cây Thập Giá, cho dù các em bé tý hon được an táng nơi ấy, chưa hề chịu Bí Tích Thánh Tẩy, có cha có mẹ là người Công Giáo hay không.

Cứ thế, một rừng cây Thập Giá đã mọc lên trắng xóa trên các tỉnh thành Bắc Trung Nam, cao nguyên và đồng bằng, biên giới và duyên hải, thành thị và ven đô, mom sông và triền đồi, khuất trong một cánh rừng hay chạy dọc theo một con đường đèo uốn lượn lên cao...

Trời ơi, Việt Nam chiến tranh huynh đệ tương tàn bao nhiêu năm, để lại cơ man những nghĩa địa đó đây khắp ba miền, kể ra thì cũng còn hiểu được, chấp nhận được. Nhưng thời xây dựng Hòa Bình mà sao con số người chết, con số các nghĩa trang lại tăng vọt lên nhiều như thế ? Đến cả trăm ngàn thai nhi được táng trong hàng mấy vạn ngôi mộ nhỏ nhắn con con ấy. Kinh khủng quá ! Xót xa quá !

Mà ấy là chỉ tính những bào thai được thu nhặt về để lo hậu sự, còn gấp bốn năm lần như thế bị vứt đi như một loại rác y tế, hoặc bị đổ xuống cống, bị cho vào cầu tiêu giựt nước, hoặc dã man hơn, được cán bộ tuồn ra ngoài đem về nuôi lợn tăng trọng, nuôi chó berger canh biệt thự... Thậm chí, tại một viện nghiên cứu sinh học trực thuộc trung ương nhưng lại nằm ở ngoại thành Sài-gòn, cách đây mấy năm người ta còn thầu các bào thai về, ép lấy nước cốt đổ xuống hồ nuôi cá giống để phân phối các nơi !

Người ta viện dẫn nhiều lý do, như để kinh tế được tăng trưởng, để giữ vững chính sách kế hoạch hóa, để khuyến khích nạo phá thai, để giảm sinh tối đa, để kềm chế đà tăng dân số. Nghe có vẻ rất chính đáng, đánh lừa được nhiều người, nhưng thật ra lại cố tình che giấu hai nguyên nhân chủ yếu khiến cho đất nước đã 33 năm không còn chiến tranh mà 80% dân số vẫn cứ nghèo, đó chính là tham nhũng và hủy diệt môi trường. Thế là các gia đình bị phá vỡ, người phụ nữ bị dồn đến tội ác phá thai, và lương tri xã hội đành lòng với con số hàng năm mấy triệu sinh linh bị giết chết.

Chúa Nhật này, 14.9.2008, toàn thể Hội Thánh suy tôn cây Thánh Giá Chúa Giêsu đã dùng để cứu nhân loại khỏi chết, để nâng, để kéo, để đón con người mà đưa lên cao ngang tầm phẩm tính con cái của Thiên Chúa. Riêng với Việt Nam chúng ta, ngẫm mà thấy xót xa, cả một đất nước với quá nhiều Thập Giá, cả một dân tộc phải gánh vác quá nhiều Thập Giá.

Thập Giá nghĩa bóng, Thập Giá nghĩa đen, Thập Giá theo thần học, Thập Giá theo nhân sinh. Thập Giá trên cung thánh, trên nóc mái, trên gác chuông Nhà Thờ. Thập Giá san sát, lô nhô, trắng toát nơi các ngôi mộ Đồng Nhi vô tội.

Lại có cả cây Thập Giá hơn nửa năm qua được rước đi ở Giáo Xứ Thái Hà với hai ngọn nến cao trước đoàn người hát vang Kinh Hòa Bình để cầu nguyện cho Công Lý và Sự Thật.

Lại có hàng trăm cây Thập Giá nhỏ hơn được treo lên hàng rào thép gai như một biểu tượng nhắc nhở lòng dạ con người hãy mau sám hối, thôi đừng thản nhiên đầy đọa đàn áp dã man chính nhân dân, chính anh chị em cha mẹ đồng bào của mình.

Cha Hoàng Kim có để lại một bài Thánh Ca thường được dùng vào Thứ Sáu Tuần Thánh và nhất là trong dịp Lễ Suy Tôn Thánh Giá này, ai hát lên cũng thấy rùng mình bàng hoàng xúc động: “Thập Giá ngất cao ở trên thế gian này, ôi hỡi Thập Giá Chúa Giêsu !”

Vâng, lạy Chúa Giêsu, đất nước Việt Nam chúng con có lẽ chỉ thua có Do Thái là quê hương của Chúa ở chỗ: đã và đang có hàng vạn cây Thập Giá ngất cao trên bầu trời và trong lòng người, Thập Giá bằng gỗ, bằng xi-măng và có cả Thập Giá được nhận diện là chính sinh mạng trẻ thơ vô tội, lại cũng là chính thân phận Người Tin chúng con giữa dùi cui và bình xịt hơi cay.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con...

Lm. QUANG UY, DCCT, thứ sáu 12.9.2008

VỀ MỤC LỤC
CHIA SẺ VỀ TRUYỀN GIÁO (CHIA SẺ 1)  

LTS. Loạt bài Chia Sẻ về Truyền Giáo thông qua bằng chính kinh nghiệm bản thân, là tất cả những gì chân thành và đầy tràn trong lòng Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, từ khi Ngài còn là Giám Mục Lạng Sơn. BBT GSVN sẽ hân hạnh giới thiệu trong nhiều kỳ liên tiếp bắt đầu từ hôm nay:

ĐỂ GẶP CHÚA 

Mỗi cuộc tĩnh tâm là một lời đáp trả tiếng Chúa mời gọi : “Các con hãy vào nơi yên tĩnh mà nghỉ ngơi” ( Mc 6,30 ) 

Vào nơi yên tĩnh để sống một mình với Chúa, gặp Chúa và được Chúa dạy dỗ. Đây là cuộc gặp gỡ của người được sai đi với Đấng sai mình. Đây là cuộc gặp gỡ của người con đến với Cha mình, Đây là cuộc gặp gỡ của loài thụ tạo với Đâng tạo thành. Là cuộc gặp gỡ của người khao khát trở về nguồn cội để múc lấy nguồn mạch, ý nghĩa sự sống của mình. Trong cuộc gặp gỡ thân tình, chính Chúa sẽ đến và tác động trên tâm hồn ta. 

Vì tĩnh tâm là dứt lìa những khung cảnh, công việc và con người thường ngày để trọn vẹn sống cho Chúa, nên tĩnh tâm thường được gọi là vào sa mạc. Sa mạc là nơi hoang vu lạnh lẽo. Vào sa mạc ta sẽ thấy sự thật về mình, thấy mình thật nghèo nàn. Nhưng sa mạc cũng là nguồn phong phú thiêngliêng. Saint Exupéry nói : sa mạc thật hấp dẫn vì nó luôn ẩn chứa đâu đó một giếng nước. Giếng nước của người tĩnh tâm là Thiên chúa. Gặp được Thiên chúa ta sẽ có những khám phá về bản thân, về Chúa. Những khám phá đó làm phong phú đời sống thiêng liêng. Kinh Thánh cónhiều đoạn nói đến việc gặp gỡ Chúa trong sa mạc. Xin đưa ra 3 cuộc gặp gỡ tiêu biểu. 

1.  Gặp Chúa như ngôn sứ Elia. 

Ngôn sứ Êlia là một tông đồ mạnh mẽ. Tinh thần Ngài là một ngọn lửa mãnh liệt. Lời Ngài như lửa thiêu. Ngài hoạt động không sợ hãi. Ngài xả thân vì Chúa và vì công việc nhà Chúa. Ngài đã có những thành công lẫy lừng. Đã từng cho lửa bởi trời xuống gây nên nạn hạn hãn suốt 3 năm. Đã từng một mình thách thức 450 sư sãi của Baal. Được dân chúng răm rắp tuân lệnh. Đã dám đe phạt cả nhà vua lẫn hoàng hậu. 

Nhưng rồi Ngài cũng có lúc cảm thấy thất bại ê chề. Vừa thành công vang dội đã phải chạy trốn ngay sau đó. Chán nản, buông xuôi hết mọi sự, Ngài không còn thiết tha gì đến sự sống, chỉ mong được cái chết đến giải thoát  khỏi mọi lo âu phiền não, nhục nhã, đau đớn.  Ông đau buồn  không những vì bị nhà vua và hoàng hậu đuổi bắt mà còn bị dân tộc ông ruồng rấy. Ông cảm thấy mình đã mất tất cả. Nhưng Chúa đến với Ngài, an ủi vỗ về Ngài. Chúa ban bánh thiên thần giúp Ngài hồi phục sinh lực. 

Khó khăn mà Elia phải đươngđầu là khó khăn thuộc ngoại cảnh. Hoàng hậu Giê sa bel tượng trưng cho bạo quyền áp bức. Trước sự hung hãn của bà, Eâlia phải chạy trốn đến kiệt sức. Ông tuyệt vọng vì trước sự độc ác của hoàng hậu, chẳng còn ai dám trung thành với Chúa. Chẳng còn  tiên tri. Chẳng còn vua có đạo thờ phượng Chúa. Ông lẻ loi đơn thân độc mã chống lại hoàng hậu. Mệt mỏi, chán nản, ông xin Chúa cho ông được chết đi. Chúa đã đến với ông để phục hồi sức lực cho ông. Aên bánh uống nước lần thứ nhất, ông thoát chết. Ăn uống lần thứ hai, ông đủ sức đi  một mạch 40 đêm ngày đến núi của Thiên chúa.. Lương thực của Thiên chúa ban sức mạnh phi thường. Đi 40 ngày nghĩa là đi rất xa, đủ sức đi tới đích. 

Chúa đã đến phục hồi niềm hi vọng trong ông. Tưởng không còn ai, ông thất vọng. Nay Chúa cho biết vẫn còn niềm hi vọng vì vẫn còn vua, còn tiên tri, và còn những người trung thành thờ phượng Chúa : “Đức Chúa phán với ông : “Ngươi hãy đi con đường ngươi đã đi trước qua sa mạc cho tới Đa-mát mà về. Tới nơi, ngươi sẽ xức dầu phong Kha-xa-en làm vua A-ram ; còn Giê-hu con của Nim-si, ngươi sẽ xức dầu tân phong nó làm vua Ít-ra-en. Eâ-li-sa con Sa-phát, người A-ven-Mơ-kho-la, ngươi  sẽ xức dầu tân phong nó làm ngôn sứ thay cho ngươi. Kẻ thoát gươm của Kha- xa-en sẽ bị Giê-hu giết ; người thoát tay  Giê-hu sẽ bị Ê-li-sa giết. Nhưng Ta, Ta sẽ dành ra cho Ta bảy nghìn người trong Ít-ra-en : tất cả những kẻ đã không hề bái gối trước Ba-an, những môi miệng không hề hôn kính nó”. (1V 19, 15-18). 

Gặp được Chúa rồi Elia xuống núi tiếp tục sứ mạng của mình, sức lực được bồi bổ, niềm hi vọng lại dâng cao. 

Sau một năm làm việc, chúng ta cũng đã biết đến đủ mùi vinh quang và cay đắng, thành công và thất bại. Chúng ta đã từng nhiệt thành hăng hái xông xáo hoạt động trong mọi lãnh vực. Rồi có những lúc mệt mỏi chán chường vì khó khăn đủ moị loại vây bọc. 

Có những khó khăn do hoàn cảnh đưa tới. Có những khó khăn do con người gây nên. Có những khó khăn do hiểu lầm, ghen ghét đố kỵ. Có những khó khăn do mệt mỏi, bệnh tật, làm việc quá mức. Nhưng những khó khăn lớn nhất vẫn là  do lầm lỗi của chính ta. Chúng ta yếu đuối, chúng ta nông nổi, chúng ta dại dột. 

Ta đến với Chúa như người chiến sĩ mình đầy thương tích, thịt da lở loét, vết thương nhức nhối. Ta đem theo nỗi chán chường vì đã mất niềm tin vào con người. Tâm hồn ta bị tổn thương nặng nề vì những xúc phạm, bôi nhọ, dèm pha, hiểu lầm , nghi kỵ. Tâm hồn ta mệt mỏi, chán chường vì những lỗi lầm của mình. 

Ta đến để Chúa băng bó vết thương, những vết thưuơng sâu kín, nhói đau, làm tan nát hồn ta. Ta đến để Chúa an ủi những nỗi buồn, những chán chường, mệt mỏi, để Chúa chữa những cơn bệnh đang gặm nhấm hồn ta, nung đúc nhiệt tình tông đồ của ta, tăng cường ý chí phấn đấu , khơi dậy năng động sáng tạo trong ta. Ta đến để Chúa phục hồi sức lực. Gặp gỡ Chúa sẽ đem lại cho ta niềm hi vọng để ta tiếp tục xuống núi làm việc của Chúa. 

2- Đến với Chúa như Mô-sê 

Môsê là một người có tâm huyết muốn giải phóng dân khỏi ách nô lệ người Ai cập. Môsê là người khẳng khái không chịu để cho bả vinh hoa lôi cuốn. Ông đã chia sẻ số phận nô lệ của dân tộc hơn là hưởng sự an nhàn phú quí của kẻ thù. Gặp người Ai cập hiếp đáp dân mình, Môsê không dằn lòng được đã rút gươm chém chết kẻ áp bức. Lưỡi gươm đó là lưỡi gươm chẻ đôi cuộc đời ông. Với lưỡi gươm đó ông cắt đứt mọi liên hệ với hoàng tộc Pharaon.  Với lưỡi gươm đó ông vĩnh viễn đứng về  phía dân tộc. Với lưỡi gươm đó ông chính thức giã từ nếp sống nhung lụa. Với lưỡi gươm đó ông chấp nhận kiếp sống đoạ đầy. 

Môsê là người yêu nước thương dân. Môsê là người dũng cảm. Nhưng ông đã thất bại. Vì ông đã làm theo ý mình. Việc giải phóng dân là việc của Chúa. Nhưng ông đã không tham khảo ý Chúa. Oâng đã có nhiệt tình nhưng quá nôngnổi và theo cảm tính. Ông đã để ý riêng chi phối, nên ông đã thất bại. 

Thời gian lưu vong trong sa mạc Mađian là thời gian Chúa dùng để thanh luyện ông. Ông đau buồn không nhữngvì bị nhà vua truy nã mà còn bị dân tộc ông ruồng rẫy. Ông cảm thấy mất tất cả. Cuộc thanh luyện cô đọng trong buổi gặp gỡ Chúa dưới bụi gai cháy đỏ. Trong sa mạc cô tịch Môsê đã gặp Chúa. Trong sa mạc cô tịch Chúa đã tỏ mình ra cho ông. (Xh 3, 1-6 ) 

Trước hết Chúa bảo ông hãy cởi dép ra. Cởi dép là một cử chỉ biểu tượng việc thanh luyện. Chúa muốn cho Môsê thấy ông không là gì trước mặt Chúa. Chúa cũng muốn cho ông thầy mọi thứ ông có đều vô ích, dù là lòng yêu nước, dù là lòng dũng cảm, dù là chọn lựa quên mình. Chúa muốn ông hãy vứt bỏ cái tôi của ông, dù cái tôi có những thiện chí tốt đẹp. 

Môsê đã ngoan ngoãn chấp nhận. Thất bại và thời gian thanh luyện trong sa mạc cho ông hiểu ông chỉ là bọt bèo, chẳng thể làm được gì tự sức mình. Trước mặt Thiên Chúa quyền năng, bản thân ông chỉ là đôi dép cũ kỹ cần phải vứt bỏ. Vứt bỏ cái tôi đầy tự phụ, tự tin. Vứt bỏ cái tôi nông nổi. Vứt bỏ cái tôi chỉ biết hành động theo ý riêng. 

Sau cùng Chúa bảo ông hãy đi giải phóng dân Chúa. Đây chính là cuộc thanh luyện  thứ hai. Bây giờ thì Môsê đã hoàn toàn ý thức sự yếu hèn của mình. Oâng không dám nhận lời. Lòng yêu nước thương dân của ông vẫn còn. Nhưng ông hiểu mình thật không có tài cán gì, nên ông quyết liệt chối từ. 

Bấy giờ Chúa dạy ông hãy thả cây gậy trên tay xuống. Cây gậy lập tức biến thành con rắn. Chúa dạy ông cầm con rắn lên. Con rắn lại hoàn hình cây gậy. Qua cử chỉ đó Chúa cho ông biết sức lực của ông chỉ là tầm thường. Nhưng sức mạnh của Chúa là vạn năng. Khi ông biết bỏ ý riêng thì Chúa sẽ hành động. Và khi ông hành động bằng sức mạnh của Chúa, theo ý Chúa, ông sẽ thành công. Rồi Chúa cho Aaron giúp Môse.  Rồi Chúa vạch cho ông một chương trình. Để cho ông hiểu làm một mình sẽ thất bại. Làm bột phát không có chương trình kỹ lưỡng sẽ không đi đến thành công. 

Vâng lời Chúa, Môsê trở về Ai cập với tất cả sự e dè sợ hãi trước trách nhiệm nặng nề. Nhưng ông hoàn toàn vững tin vào TC. Từ ngày ấy ông gắn bó mật thiết với chúa. Ông gặp gỡ Chúa thường xuyên để tâm sự,  tham khảo ý kiến. Và ông trở thành bạn thân nghĩa của chúa. Những khó khăn ông gặp sẽ càng ngày càng lớn. Nhưng ông bình tĩnh đảm nhận  vì ông luôn nhờ chúa cho ý kiến giải quyết. 

Cũng như Môsê tôi dã hăng hái nhiệt tình lo việc mục vụ. Nhưng việc mục vụ của tôi còn quá hời hợt. Tôi không chuẩn bị chương trình kỹ lưỡng. Và nhất là tôi đã để cái tôi chiếm quá nhiều chỗ trong mọi việc. Tôi lấy danh nghĩa là việc của Chúa, nhưng thực sự là việc của tôi. Tôi không làm theo ý Chúa nhưng làm theo ý tôi. Tôi không cầu nguyện sao cho việc làm đẹp ý Chúa nhưng chỉ toan tính sao cho thành công. Tôi không chú trọng tới nội dung chất lượng mà chỉ chú ý tới hình thức phô trương. Khi nói là làm vinh danh cho Chúa thực ra tôi đã làm vinh danh cho tôi. 

Cũng như Môsê tôi cần được việc hơn được lòng. Nên ai cản trở tôi, tôi sẵn sàng vung gươm chém ngay. Tôi có sẵn những thanh gươm độc đoán, những thanh gươm hống hách, những thanh gươm độc tôn loại trừ những người không đồng ý với tôi. Tôi có sẵn thanh gươm kiêu ngạo, tự ái sẵn sàng tiêu diệt những ai chống lại tôi. 

Hôm nay trước mặt Chúa, Chúa cũng bảo tôi phải cởi dép ra. Cởi bỏ cái tôi ra khỏi mọi chương trình mục vụ. Cởi bỏ tất cả những gì là độc đoán, độc tôn. Cởi bỏ tất cả những gì là tự phụ tự mãn. Cởi bỏ thái độ cậy dựa vào quyền lực, kể cả vào tình cảm của người dân. 

Hãy bắt chước Môsê nhận biết mình yếu hèn kém cỏi, vụng về, sai sót. Nhận biết mình không có gì, không có ai để mà cậy dựa ngoài Chúa. Hãy xin Chúa dạy dỗ, xin Chúa chủ động phác hoạ kế hoạch mục vụ. Xin Chúa hành động trong những chương trình mục vụ. Hãy trở nên dụng cụ khiêm tốn ngoan ngoãn cho Chúa làm việc. Hãy để Chúa làm chương trình của Chúa. 

3- Đến gặp gỡ Thiên chúa như Đức Giê su 

Trước khi bắt đầu sứ vụ công khai, ĐGS được Thánh Thần thúc đẩy vào sa mạc ăn chay cầu nguyện 40 ngày ( Mt 4, 1-3 ). 40 ngày là một thời gian rất lâu. Là 1 thời gian trọn vẹn, đủ cho một chương trình lớn : trong đó ĐGS gặp gỡ thân mật với Đức Chúa Cha. Cân nhắc chín chắn về con đường sắp đi, về phong cách phải có trong khi thi hành sứ mạng, sự tỉnh thức tuân hành thánh ý Đức Chúa Cha, sự chín mùi vững chắc của những chọn lựa biểu lộ qua các cơn cám dỗ. 

Khác với những thử thách của Eâlia và Mô sê đến từ bên ngoài, những thử thách của ĐGS, theo W. Barclay, đến từ bên trong. Thật vậy, bên ngoài chẳng có ngọn núi nào cao đến nỗi bao quát được các nước trên thế gian. Chỉ có thể là một cảnh tượng trong tâm trí.

Khác với những thử thách của Eâlia và Mô sê đến từ những thất bại, yếu đuối, những cơn cám dỗ nơi ĐGS dành cho những kẻ có tài, có quyền, có điều kiện hơn người. Cám dỗ này không liên hệ tới những đau buồn vì thất bại, nhưng đi vào chọn lựa nền tảng. Cám dỗ đi vào cốt lõi của đời sống thiêng liêng : chọn Chúa hay chọn bản thân.

Người có những khả năng thiên phú dễ bị cám dỗ sử dụng những khả năng đó với mục đích cá nhân ích kỷ để phục vụ bản thân, dễ rơi  vào thói kiêu căng tự mãn, hay phô trương. Khi sử dụng những tài năng cho bản thân mình như thế, người ta đi ra ngoài đường lối của TC và không nhận quyền TC. Tự mình giải quyết  mọi sự. Vì họ nghĩ rằng mình là chủ, mình thành công là do tài sức riêng. Cơn cám dỗ đó đã quật ngã các thiên thần và bà Evà. 

ĐGS  kiên quyết không sử dụng quyền năng vào mục đích riêng tư nhằm phục vụ bản thân. Người  cũng dứt khoát chống lại những cám dỗ của ma quỉ, không bao giờ phô trương quyền năng trong những biểu diễn ngoạn mục. 

Người  đã lựa chọn con đường từ bỏ ý riêng, đi vào con đường hoàn toàn vâng phục thánh ý ĐCC. Người trung thành với những chọn lựa đó cho đến cùng. Trước cơn cám dỗ thứ nhất, ĐGS đã từ chối dùng lời riêng của mình để làm lợi cho mình, nhưng đã dùng Lời Chúa, chờ đợi lệnh Chúa. Nên sau đó TC cho thiên thần đến phục vụ Người. Theo Bernard Rey, phục vụ ở đây cũng như với Eâlia là đem bánh và nước cho ĐGS. Trước cơn cám dỗ thứ hai ĐGS đã không muôn luỵ phục ma quỉ để được thế giới. Nhưng đã vâng phục ĐCC. Cuối cùng, ĐCC lại đặt mọi sự dưới chân Người. 

Ma quỉ không chỉ cám dỗ Người một lần duy nhất. Sau này ma quỉ còn trở lại nhiều lần như trong lời khuyên của Phêrô (Mt16, 16) trong đám đông dân chúng được ăn uông no nê muốn tôn người làm vua, trong vườn Giệtsimani khi Người sợ hãi cái chết đến toan bỏ cuộc. Lúc bị treo trên thập giá phải nghe lời thách thức của người đời. Nhưng ĐGS đã một lần lựa chọn là trung thành cho đến cùng. Người kiên quyết chống cự những lời đường mật của ma quỉ để đi theo con đường ĐCC đã chỉ : con đường khiêm nhường hiền lành, bé nhỏ quên mình, phó thác. Phó thác vận mệnh trong tay ĐCC, bất kể hoàn cảnh có tồi tệ đến đâu đi nữa. Lời phó dâng cuối cùng : “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” nói lên sự phó thác trọn vẹn, đến tận cùng, phó cả linh hồn lẫn xác. 

Có thể nói 40 ngày ăn chay cầu nguyện đã giúp ĐGS có những chọn lựa sáng suốt : từ bỏ ý riêng mình để vâng theo thánh ý Chúa Cha. Lựa chọn nền tảng này một lần xác định là vĩnh viễn kiên định. Tất cả, dù cả cái chết tủi nhục cũng khônglay chuyển được. 

Lựa chọn của ĐGS cho tôi thấy điều cần quan tâm không phải là có tài dù đó là tiền tài hay tài năng, nhưng là dùng tài như thế nào. Các thần dữ đã có tài nhưng đã không biết sử dụng. Hai ông bà nguyên tổ đã có tài nhưng đã không biết sử dụng. 

Lựa chọn của ĐGS cho tôi thấy cuộc chiến đích thực không phải là chiến đấu với ngoại cảnh nhưng là với chính mình. Trong vườn Giệt-si-ma-ni, ĐGS chưa bị hành hạ, chưa bị bị bắt bớ, chưa bị nhục mạ, nhưng mồ hôi máu đã ứa ra. Người đã trải qua cuộc chiến nội tâm. Người chiến đấu với chính mình : nên ở hay nên đi ? chấp nhận hay chạy trốn ? hoàn toàn ở Người quyết định. 

Tất cả đều hệ tại lựa chọn nền tảng : nhận TC là chủ cuộc đời, tất cả những gì tôi có, tôi là đều là của Chúa, tôi phải sử dụng theo ý Chúa. Chúa làm chủ đời tôi nên tôi phó thác mọi sự theo ý Chúa. Chúa  là người cha tốt lành vô cùng nên tôi phải là người con hiếu thảo rất mực vâng phục. 

Lựa chọn này ĐGS đã xác định sau 40 ngày suy nghĩ cầu nguyện. Lựa chọn này càng trở nên vững chắc sau 3 cuộc cám dỗ. Lựa chọn này đã hướng dẫn ĐGS suốt cuộc đời dương thế của Người. Nhờ đó Người đã hoàn thành nhiệm vụ. Khi thốt lên lời cuối cùng trên thập giá : “Mọi sự đã hoàn tất” ( Ga 19, 30 ), ĐGS đã đi trọn vẹn lựa chọn này và đã nối được mối liên hệ đích thực giữa TC với con người. 

Linh mục có điều kiện hơn giáo dân về nhiều mặt. Vì thế LM dễ bị cám dỗ dùng những điều kiện ấy để phục vụ mục đích riêng tư, đi vào con đường ích kỷ, rời xa con đường TC muốn. Không có điều kiện thì dễ bị mặc cảm tự ti, nhưng lại dễ khiêm nhường phó thác. Hãy noi gương ĐGS, có điều kiện mà không dùng theo ý riêng, vẫn khiêm nhường phó thác. 

Hôm nay đến gặp Chúa trong tuần tĩnh tâm, tôi theo ĐGS vào sa mạc nội tâm. Vào sa mạc để thấy tất cả sự trần trụi nghèo khó của tôi. Sa mạc là nơi thanh luyện. Eâlia được thanh luyện khỏi những chán nản. Môsê được thanh luyện khỏi những sợ sệt. ĐGS được thanh luyện khỏi sự phô trương quyền lực. Cả ba Đấng đều được thanh luyện từ bỏ chính mình để hoàn toàn đời mình cho TC sử dụng. Sau cuộc thanh luyện các ngài được bổ sức, được TC hướng dẫn để trở về với xã hội tiếp tục hoạt động cho chương trình của TC. 

Ước mong sau hành trình sa mạc chúng ta được Chúa đưa lên núi Ta-bo- rê. Ơû đó ta sẽ gặplại cả 3 Đấng dưới đám mây sáng láng. Được nghe 3 bậc thầy sa mạc chỉ dẫn con đường thanh luyện, con đường theo ý Chúa. Và ở đó ta cũng được ĐCC gọi là con yêu dấu, xác nhận con đường ta đã lựa chọn. Để rồi yên tâm xuống núi tiếp tục hoạt động mục vụ theo đường hướng của Chúa.

 + Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Hà nội
 

VỀ MỤC LỤC
ĐỪNG SỢ
 

Hôm qua, tôi đưa người chị họ đến thăm người bạn của chị ta. Vì lâu ngày không gặp, nên hai người có nhiều chuyện muốn tâm sự với nhau lâu giờ. Đến chiều người bạn muốn mời chị tôi và tôi ở lại dùng cơm tối với gia đình cho vui, nhưng chị tôi vội vã trả lời: “Tôi tuyệt đối phải có mặt ở nhà vào lúc 5 giờ chiều.” Người bạn hỏi: “Tại sao thế?” “Vì tôi đã nói với con bé Mỹ Huyền tôi như vậy. Nó sẽ nhìn ra cữa sổ. Nếu tôi không về nhà đúng giờ, nó sẽ sợ hãi. Nó sẽ khóc nhiều đến nỗi nó có thể sinh bệnh.” 

Mỹ Huyền có một bà mẹ được huấn luyện chu đáo. Sự sợ thường được dùng để điều khiển bà mẹ. Sự sợ của bé Mỹ Huyền là thật. Cuộc sống của nó thật đáng tội nghiệp bỡi sự sợ sệt đó và bà mẹ dĩ nhiên không muốn gây thêm sự sợ hãi cho nó. Một tình trạng như thế làm thế nào đã phát triển được trong thế giới nầy? 

Tất cả chúng ta đều có cảm xúc. Chúng là chất xúc tác có thể đốt cháy lò lửa hành động. Không có chúng, chúng ta không quyết định được, không có hướng đi. Một cách không ý thức, chúng ta tạo nên những cảm xúc làm tăng cường ý hướng chúng ta. Chúng ta chọn nhiên liệu mà chúng ta muốn dùng để cho chúng ta một lực đẩy cần thiết. Cô bé không bị bệnh sợ hãi. Nó làm chủ sự sợ hãi và muốn dùng nó để điều khiển mẹ nó. Vấn đề là nó tạo điều đó cho chính nó và biến điều đó thành sự thật. Không phải là chuyện giả đò nhưng là rất thật. 

Việc dùng sự sợ hãi như một chiến thuật có thể được khám phá ra bỡi cô bé một cách tình cờ. Một khi cô bé đã nhận thấy rằng có một cái gì lợi ích mà cô có thể gặt hái được trong phương cách đó, dĩ nhiên cô ta sẽ đầu tư vô đó. Bây giờ thì cô bé bị hút cuốn vào trong mạng lưới của hành động riêng cô. Bà mẹ cũng phải chia xẻ trách nhiệm vì chính bà, người bị ấn tượng bỡi sự sợ hãi của cô bé, đã cho cô bé thấy sự thành công của nó trong chiến thuật dùng sự sợ hãi. 

Mọi người chúng ta đều cảm thấy sợ hãi và tất cả chúng ta đều nhận thức rằng chúng ta không thể làm được gì khi chúng ta sợ hãi. Vì thế, dường như sợ hãi là một sự xa xỉ mà chúng ta có thể cung cấp một cách bệnh hoạn. Thật ra, nó cho thấy rằng người ta không sợ vào lúc nguy hiểm của cuộc đời, nhưng chỉ trước hoặc sau đó, khi sự nhận thức và sự tưởng tượng của chúng ta càng đi xa hơn, như cái gì sẽ xảy ra hoặc cái gì đã có thể xảy ra. Nếu một người bị một tai nạn giao thông, họ rất bận rộn để đối phó với tình trạng đang xảy ra. Chỉ sau khi khủng hoảng qua đi, sự sợ hãi mới bắt đầu. Điều đó cho thấy rằng chúng ta không cần sợ để tránh nguy hiểm. Trái lại, sự sợ lại càng làm tăng sự nguy hiểm. Sợ hãi ám chỉ rằng chúng ta không làm chủ được tình thế. Và khi chúng ta sợ, chúng ta không thể làm được gì vì nó làm tê liệt chúng ta. 

Chúng ta phải phân biệt giữa phản ứng của khủng hoảng và sự sợ hãi. Một tiếng động lớn hoặc một sự rơi của một vật gì có thể làm sợ hãi một đứa trẻ. Nhưng đây chỉ là một phản ứng tạm thời ngắn ngủi. Cảm giác sợ sệt như một sự tiếp tục cái kinh nghiệm làm sợ sệt đầu tiên, chỉ phát triển khi cha mẹ cũng trở nên sợ sệt và vì thế ảnh hưởng đến sự sợ hãi tiếp tục của đứa trẻ. 

Một đứa trẻ nhỏ thình lình đối diện với một tình trạng mới mẻ và xa lạ, nó xem ra sợ hãi, và có nhiều chọn lựa đối với nó. Nó có thể ngừng và chờ xem người lớn làm gì, hoặc nó có thể rút lui và chạy trốn. 

Bé Huấn 16 tháng tuổi thấy con chó lần đầu khi mẹ nó đem nó đi thăm bạn bè. Đối diện với một vật biết di động lạ lùng nầy, nó đeo vào cổ mẹ nó. Mọi người lớn chung quanh khích lệ nó: “Nó không cắn đâu. Hãy xem. Nào hãy vuốt ve nó. Nó thích con đó. Đừng sợ!” 

Cậu bé thẩm định tình thế rất nhanh. Không chắc chắn như phải làm gì và phản ứng của người ta đối với sự sợ hãi của nó cho nó một ám chỉ, nó dùng lấy để che lấp sự lẫn lộn của nó và để sự hồi hộp tiếp tục. Và điều đó có thể đã bắt đầu khiến nó xử dụng sự sợ hãi của nó. Giọng điệu và hành vi của hầu hết những người lớn ở trong những trường hợp như thế càng làm tăng thêm sự sợ hãi. Có giọng điệu quá lo lắng, cũng như sự bận rộn trong hành vi của họ. Nó hoàn toàn nhạy cảm để có thể tạo nên một hành động như thế giữa những người lớn bỡi sự sợ hãi. Đây thường chỉ là sự khởi đầu. Sự sợ càng gia tăng càng mang lại những sự bảo đảm được phóng đại nhiều hơn và ngay cả sự chú ý đặc biệt hơn như đứng sửng bất động. Sự miễn cưỡng tự nhiên đã biến thành sợ hãi và sự sợ đã trở thành hữu ích như một phương tiện kích động hành động của người lớn. 

Con trẻ giống như những bức tranh tự nhiên được phơi bày nơi phòng triển lãm. Chúng không có sự tự chế vì chúng không biết những hậu quả của hành động chúng. Dần dần những kinh nghiệm với những hậu quả chắc chắn của một số hành động dẫn những đứa trẻ tới việc phát triển một “chiến tuyến” và cuối cùng là sự khôn ngoan của tuổi trưởng thành. Chúng ta có những ý hướng nhưng không dám làm vì về phương diện xã hội không được chấp nhận. Những đứa trẻ không quan tâm mấy đến vấn đề xã hội có thể chấp nhận và vì thế phản ứng tự do. Cảm giác của chúng lộ trên khuôn mặt. Khi chúng gặp một tình trạng bất ngờ, chúng co rút lại, lượng giá cơ hội và tìm xem dấu hiệu như người lớn sẽ phản ứng cách nào. Những người lớn đã ám chỉ cho đứa trẻ rằng họ nghĩ là nó sợ. Và nó đáp lại sự mong đợi của họ bằng cách để họ phục vụ mình. 

Bà mẹ có thể tin tưởng vào khả năng của đứa trẻ đối với một kinh nghiệm mới. Bà có thể lùi bước và để cho nó tự đối phó vấn đề. Trước hết, bà có thể ngưng giả định cách thức đứa trẻ sẽ đáp ứng và ngưng cố gắng xếp đặt những phản ứng cho nó. Hãy để đứa trẻ đối diện và giải quyết vấn đề. Nếu nó tỏ ra sợ sệt, bà mẹ nên giữ hoàn toàn không để bị một ấn tượng rối loạn nào. Bà mẹ sợ rằng cậu bé sẽ sợ và như thế mang lại cái mà bà không muốn nó xảy ra. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ không thể gây ấn tượng sợ hãi cho bà mẹ, cảm xúc mà nó muốn người mẹ dành cho nó sẽ không xảy ra. Đó chính là những lý do sự sợ hãi có thể được dùng cho những mục tiêu mà con người có thể nhắm đến. 

Lm. Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý

VỀ MỤC LỤC
ĐI LỄ
 

Tháng Sáu: tháng Giáo Hội đặc biệt kính Thánh Tâm Chúa và Khiết Tâm Mẹ. Trung tâm của việc biệt kính là Thánh Lễ. Được diễm phúc cộng tác hàng tháng trên báo Mẹ nên nhân tháng biệt kính Thánh Tâm Chúa và Khiết Tâm Mẹ, tôi xin thỏ thẻ quanh việc mình ĐI LỄ.

Với tôi, việc mình được ĐI LỄ quả là một HỒNG ÂN vô giá Chúa thương ban. Nhất là hoàn cảnh tôi không được sinh ra trong một gia đình có đạo, lại được lớn lên ở quê làng Hương Mỹ tỉnh Bến Tre: nơi mà cho đến bây giờ vẫn chưa có nhà thờ và số người biết Chúa có thể chưa đếm đủ trên các đầu ngón tay! Tuy nhiên, tôi vẫn được ĐI LỄ coi như khá sớm.

Câu chuyện tôi ĐI LỄ thì như thế nầy...

Khởi đầu của việc tôi ĐI LỄ là ... đi theo: hết theo người có đạo ĐI LỄ thì theo chồng ĐI LỄ.

Tôi vẫn nhớ như in: kỷ niệm buổi đầu tiên mình theo người có đạo ĐI LỄ ... Ấy là vào năm tôi học lớp Đệ Thất (tức lớp 6 bây giờ) thì được lên trường huyện ở Mỏ Cày trọ học nhà người bà con: chị ruột của bà ngoại tôi. Bà cạo đầu, ăn chay trường, sáng tối tụng kinh gõ mõ nhưng người con gái của bà mà tôi gọi là Dì Sáu lại theo đạo Chúa. Nơi đây lại có nhà thờ và ngày ngày đi học tôi vẫn đi ngang qua, nên một hôm thấy Dì Sáu ĐI LỄ, tôi xin được theo đi. (Chỉ là theo đi cho biết thôi, vì tuổi còn bé nhưng tôi hay thích theo người lớn đến nơi thờ phượng. Như lúc ở làng Hương Mỹ có Chùa, tôi vẫn có theo người lớn đi Chùa, dù ông bà Ngoại nuôi tôi chẳng bao giờ đi Chùa. Ngoại tôi đạo thờ cúng ông bà). Ôi! Lần đầu tiên bước chân vô nhà thờ bắt gặp cái dáng của một người đàn ông "xấu xí" (xin những tâm hồn đạo đức khoan bắt lỗi oan cho bé Đáo Tiệp hồi nầy, vì bé đâu biết Chúa là ai, mắt bé lại quen nhìn tượng ông Phật Thích Ca tuyệt đẹp trong thế ngôài thiền) bị máu me đầy mình, đã ốm lòi xương mà chẳng có đủ quần áo mặc và còn phải bị nằm chết trên hai khúc cây đặt tréo ... khiến tôi xúc động chưa từng có! Vì thấy "ông nầy" như đã quen thân với mình từ đời kiếp nào đâu! Thế là với trí óc ngây thơ của một đứa trẻ vốn nặng bầu tâm sự (thấy người ta có cha có mẹ mà mình thì không! Mình có ông bà Ngoại nhưng lại là bà Ngoại ghẻ. Thêm nôãi ám ảnh của những lời người lớn bảo rằng tại tôi xấu xí ốm nhom ốm nhách thấy ghê nên ba má mới không nuôi ...), tôi nghĩ lập tức rằng bởi tại "ông nầy" xấu xí ốm nhom ốm nhách nên ba má "ổng" mới không thương, bỏ mặc cho rách rưới tồi tàn! "Ổng" lại bị ai ức hiếp và hành hạ đến đổ máu thế, hay tự mình rủi ro vấp té lên khúc cây đến phải chết mà ba má chẳng có hay để cứu ... nên tôi thấy "tội nghiệp" ông lắm, và càng thấy giữa ông với mình có sự gần gũi khôn cùng! Vì tôi cũng đã nhiều lần bị ăn hiếp nhưng ba má tôi đâu có hay biết để bênh; tôi từng bị vấp té trên khúc cây bắc qua mương dừa của vườn nhà ngoại đến đổ máu và đau tức chết giấc mà cũng chẳng có ai hay để cứu, lại chẳng dám nói cho ngoại biết để lo chữa trị. Vì sợ nói, rủi bị đánh đòn (Khổ! Tuổi con nít sao mà dại thế!). Nhưng may là tôi vẫn được lành, được sống ... Cho nên tôi đã ứa nước mắt thương ông và cũng thương mình luôn! Tôi đã đến trước tượng ông, xúc động thưa:

- Con thấy con cũng giống ông lắm! Hổng biết ông có thương con không, chớ con thấy ông là con thương liền. Con hứa nếu sau nầy hễ con theo đạo của ông là con chỉ có muốn an ủi ông, chớ không bao giờ con làm điều chi cho ông phải bị khổ thêm nữa đâu ...

Đến tuổi trưởng thành, tôi lập gia đình, ông xã có đạo, tôi được vào đạo và theo anh ĐI LỄ. Ông xã tôi chỉ có ĐI LỄ mỗi Chúa Nhật và hằng năm đi thêm một lễ nữa là lễ Giáng Sinh, thảng đôi khi có ai mời đi đám cưới, hoặc phải đi đám ma ... thì mới đi thêm lễ ấy ... nên tôi vẫn chỉ có ĐI LỄ theo đúng số lần anh ĐI LỄ. (Cũng do tại ... đi theo! Chớ chưa biết ý thức là đi cho mình!)

Tuy nhiên kỷ niệm của buổi ĐI LỄ đầu tiên trong đời thấy Chúa rồi thương Chúa, yêu Chúa cứ đóng ấn mãi trong tôi và thêm biết Chúa quá yêu mình đến phải bỏ trời cao xuống làm người nhân thế hy sinh mạng sống để đem ơn cứu độ ... nên tôi vẫn hay có tự mình tạt vô nhà thờ luôn, để được gặp gỡ Chúa yêu, cũng như để cầu xin khẩn nguyện. Những lần tạt vô như vậy, nếu thấy sắp có Thánh Lễ mà mình không phải vội về, tôi mới ở lại tham dự (hồi nầy tôi chưa biết yêu Thánh Lễ! Khổ! Yêu Chúa thì có mà yêu Thánh Lêã thì chưa!!!)

Lúc tôi vào cuộc đời làm mẹ thì tình thương con cùng những nỗi bất an, lo lắng khi con đau yếu và trước bao vấn đề của cuộc sống ... tôi mới bắt đầu biết tự mình ĐI LỄ thêm vào các ngày thường, dù chỉ thảng đôi khi. Sau 30-4-1975 được ba má từ Hà Nội vào thăm và nghe ba má giải thích tỏ tường lý do gửi tôi ở lại miền Nam nhờ ông bà ngoại nuôi: chỉ vì hoàn cảnh lúc đó phải đi tập kết ra miền Bắc và đi đường biển, mà tôi mới vừa qua được trận ốm đau dai dẳng đến thừa chết thiếu sống nên sợ mang theo sẽ chết dọc đường ... Ôi lời giải thích giúp tôi không những hết tủi thân, hết nghĩ sai về ba má mà còn nhận ra: đấy chính là ơn Chúa ưu ái thương ban cho mình để mình được biết Chúa, yêu Chúa và tái sinh làm con cái Chúa (chớ tôi mà không xảy cơn đau yếu đến thừa chết thiếu sống ấy khiến ba má chẳng dám mang theo, thì tuổi thơ của một đứa trẻ trong gia đình cán bộ đảng viên cộng sản được cha mẹ thương yêu nâng giấc, chăm sóc đủ đầy, dễ chi có dịp bước chân đến giáo đường. Hoặc nếu có dịp, chắc chi biết thương cảm Chúa và yêu Chúa. Hay khi đến tuổi trưởng thành lấy được chồng có đạo, chắc chi chịu theo đạo, chịu ĐI LỄ nhất là ĐI LỄ tự mình ...). Và một khi đã hiểu là ơn Chúa ưu ái thương ban, tôi luôn tranh thủ ĐI LỄ các ngày thường khi có dịp, để tạ ơn Chúa yêu. Với cũng để an ủi Chúa yêu nhất là từ lúc tôi được qua Mỹ, tôi thấy ở Mỹ và nhà thờ Mỹ vào các ngày thường người ta ĐI LỄ thưa thớt lắm, tôi sợ Chúa buồn. Ngoài ra còn có một lý do khiến cho tôi ham thích ĐI LỄ ấy là nguồn bình an mình cảm nhận được sau mỗi Thánh Lễ nếu phải lúc mình có vấn đề buồn sầu, lo nghĩ; cũng như hương vị ngọt ngào của Mình Thánh Chúa mình rước vào không có ngôn từ nào diễn tả cho hết được nếu như đúng cái lúc mình rước lễ mà sự hối cải và lòng thiết tha khao khát "chạm" được Chúa yêu ... (Đây cũng là lúc tôi biết yêu Thánh Lễ và tin tưởng Chúa ngự thật trong Mình Thánh. Thú thật có những hôm ĐI LỄ tôi ao ước được Chúa cho tôi rước Mình Thánh mà cha dâng lễ thì y như rằng Chúa nghe, Chúa cho. Vì tôi lên rước lễ được rước miếng Mình Thánh lớn bẻ làm tư. Và ôi Mình Thánh chạm vào lưỡi, hương thơm và vị ngọt ngào sao!)

Và rồi tôi được ông xã chiều mình đi thêm lễ các ngày thường. Nhưng, anh chỉ đi được một thời gian là thôi. Anh bảo anh thật sự không có thích. Thì vâng, tôi chỉ biết cầu xin cho anh đến một lúc nào đó sẽ thấy thích. Bởi vậy hiện nay việc tôi ĐI LỄ không còn là ... đi theo nữa, mà đi cho mình nên ông xã bỏ cuộc, tôi vẫn cứ đi. Vì ĐI LỄ cho mình nên tôi xem việc mình ĐI LỄ chính là ĐI HỌC. Vâng, tôi ĐI LỄ để HỌC cho tôi: HỌC biết Chúa, biết mình. Biết Chúa để tình tôi yêu Chúa được thiết tha hơn, nồng nhiệt hơn, bền bỉ hơn. Biết mình để tôi tự hạ thẳm sâu hơn và dốc một lòng quyết phải cố mà chừa sai sửa lỗi.

Nhờ xem là ĐI HỌC nên tôi chăm chút, siêng năng ĐI LỄ mỗi ngày và cũng phải lo tìm hiểu trước các đoạn Phúc Âm sẽ được đọc trong Thánh Lễ (như thể tuổi ấu thời mình đi học phải làm bài, học bài với phải chăm chút, siêng năng không bỏ buổi nào ... để kiếm tương lai, chỗ đứng với đời). Tôi ĐI LỄ để HỌC lời Chúa vì: "Người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4:4) và cũng vì đã tới lúc tôi hiểu chín rõ mười cái tương lai, chỗ đứng với đời mà mình đã dày công gầy dựng từ buổi thiếu thời đến giờ, vẫn đâu có mang lại cho mình sự bình an và hạnh phúc như mình mong muốn. Trong khi chung cục của đời người là phải: "Bỏ thế gian mà về cùng Cha" (Ga 16:28). Cho nên ngày ngày chăm chút ĐI LỄ để HỌC lời Chúa, tôi tin tưởng mình cũng sẽ mỗi ngày bỏ được mỗi chút thế gian vốn đã đóng đô nặng trĩu trong con người mình suốt bằng ấy năm của cuộc sống để: "Tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa" (Cl 3:1)

Xin đơn cử chỉ một vài lời Chúa thôi, mà tôi HỌC được cách giũ bỏ thế gian nhân ĐI LỄ mỗi ngày.

Tỷ như lời Chúa trong Thánh Lễ hôm thứ Tư 23-4-2008: "Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được" (Ga 15:7). Tôi thấy mình đang có muốn điều nầy điều nọ chính đáng lắm và đã nài xin đến khan tiếng khản hơi mà Chúa vẫn đâu cho ... nên HỌC được lời dạy nầy, tôi hiểu là mình phải cần từ bỏ cái tôi thêm nữa cho tâm sáng lòng trong thì xin mới được. Mình xin chưa được là lỗi ở mình vì mình thấy là theo Chúa đấy, nhưng thật sự đâu đã "đóng đô" hẳn trong Chúa và làm theo ý Chúa. Đồng thời tôi cũng đối chiếu với cái "hiện trường" bị tàn phá tan hoang của cả mấy dãy băng ghế ở nhà thờ Mỹ: Saint John Vianney tôi đang tham dự Thánh Lễ. Vì hôm 10-2-2008 khoảng 10 giờ đêm, ngôi giáo đường nầy bị một ông "xổng" ở trong tù ra, lấy chiếc xe truck ủi thẳng vô cửa chính rồi xông vào bên trong đánh sập bao dãy băng ghế. Suốt từ đó đến nay Cha Con trong cả nhà thờ phải tốn bao sức lực, tiền bạc mà những dãy băng ghế vẫn đâu đã xong. Lý do ông tàn phá chỉ vì ông cầu xin điều ông muốn mà không thấy được Chúa cho nên ông giận Chúa ... Ôi tôi ước giá như có ông ĐI LỄ lúc nầy để được HỌC lời nầy Chúa dạy.

Hoặc như lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật VI Phục Sinh: 27-4-2008 mới hôm qua: "Thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều gian ác" (1 Pr 3:17). Tôi đang có nỗi khổ tâm là mình dại và buồn buồn cô bạn nên muốn sẽ phải trách cô đôi điều vì thấy mình đã vì thương cô nên hy sinh, chịu thiệt mà cô lại bất ngờ thay đổi, đặt mình vào hoàn cảnh phải "ngồi trên đống lửa"! HỌC được lời dạy nầy, tôi hiểu là mình phải nên từ bỏ cái tôi của mình thêm nữa đi, để mở lòng ra mà thông cảm với hoàn cảnh của cô, chớ đừng nên trách phiền gì hết. Cũng như đối chiếu với cảnh "hiện trường" của mấy dãy băng ghế nhà thờ bị tàn phá nát tan, tôi ước giá như ông nầy xin chưa được vẫn cứ nhẫn nhục đợi chờ, có phải hơn là giận lên tàn phá?! Cũng như tôi ước giá như ông có ĐI LỄ hôm nay để HỌC được lời nầy ...

Và ôi tôi ước ... giá như ông xã mình cùng ĐI LỄ để quãng ngày bóng xế không những mình ĐI HỌC đỡ bị lẻ loi mà cuộc sống của "hai con khỉ già" cũng sẽ đở được cảnh quạnh hiu, cảnh "trống đánh xuôi kèn thổi ngược"...

Tôi cũng ước và ước thiết tha cho hết thảy những người vợ yêu chuộng việc ĐI LỄ đều được đức lang quân đi cùng. Vì tôi vốn biết quý ông – trừ ông cha, ông trùm, ông thầy dạy giáo lý – thì trong việc ĐI LỄ nhất là ĐI LỄ mỗi ngày, thường hay có bị ... cứng lòng! 

California 28-4-2008

Hoàng Thị Đáo Tiệp

VỀ MỤC LỤC
Y HỌC VÀ TỬ THẦN
 

 

Giáo Hội cấm giết người. Y khoa cũng cấm giết người, ngay cả trợ giúp giết người (medical assistance), mặc dù đã có lúc một ông bác sĩ “khùng” đã muốn làm điều khác người cứ nhất định giúp cho người ta chết, cho dù đã phải ngồi tù mới ra.

 

Đó là một vấn đề. Còn đây cũng là một khía cạnh của vấn đề, tại sao ta không đặt ra nhỉ? Là người ai cũng phải chết, đó là luật tự nhiên và cân bằng. Sinh ra và chết đi. Sinh kí tử qui. Biết vậy mà người ta, y giới vẫn cố cứu sống và để sống một cách đớn đau cực hình, lại còn đi xa hơn nữa....,muốn làm cho con người sống mãi, trường sinh bất tử. Vậy có phải là cãi lời Chúa? Hay là con người vì tội lỗi nên phải đau khồ?

 

THƯỢNG ĐẾ VÀ Y HỌC, AI THẮNG AI?

 

Khi tạo dựng nên loài người với một người nam và một người nữ, Chúa đã phán: “…Hãy sinh con cái tràn đầy khắp mặt địa cầu và làm chủ vạn vật cùng phụng sự Thiên Chúa là chúa tề ngươi”. (SángThế Ký I, 28).

 

Chúa đã sinh ra sự sống, nhưng tội lỗi đã phát khởi ra sự chết. Sống chết là hai thái cực đối chọi nhau.

 

Trải qua hàng triệu triệu năm, con người từ thời ăn lông ở lỗ đã biết chiến đấu để sống còn, nghĩa là cố gắng bảo tồn mạng sống và xa lánh cõi chết. Chiến tranh đã bộc phát, bệnh tật đã hoành hành và y học cũng phát triển. Sự sống đã được bảo vệ tối đa, nhưng tử thần cũng không ngừng hoạt động. Phải chăng giữa sự sống và sự chết có một khoảng trống vô hạn. Thượng Đế và Y Học, ai thắng ai?

 

Thực vậy, y hoc đã cho ta thấy có một lỗ hổng vĩ đại giữa con người khi mà con người hoàn toàn bất lực trước tử thần. Y học tân kỳ hiện đại đã gây thắc mắc cho ta không ít về những phí tổn khổng lồ mà những con bệnh bất trị phải chịu trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. Tử thần đã làm thay đổi thái độ và cách suy tư của con người về sự sống. Y học cũng gây biết bao nhiêu là thắc mắc, đặt con người vào tình trạng hoang mang không hiểu nổi những kỳ quặc của bệnh tật. Y khoa thực ra đã mang lại những thành công vượt bực ngoài sức tưởng tượng của con người, nhưng đồng thời cũng có những thất bại đau thương trong nghệ thuật chữa trị. Người ta nói: Ông bác sĩ và người làm chính trị có cái gì giống nhau. Một chính phủ càng hứa hẹn nhiều thì càng ít gây được niềm tin nơi dân chúng, khiến người dân càng nghi ngờ càng đòi hỏi nhiều hơn. Roy Porter, nhà y sử đã nói: “Y học đôi khi đã gặp phải những trở ngại, phiền toái không tránh nổi. Đó là cái giá phải trả cho những tiến bộ của nó và những điều sẽ xẩy ra sau đó, đôi khi chẳng thực tế chút nào cả”.

 

Y HỌC LÀ TÙ NHÂN CỦA CHÍNH MÌNH

 

Thực vậy, y học đã trở thành tù nhân của chính những thành công tiến bộ của mình, như

Porter nói: “Khi mà con người khỏe mạnh cường tráng hơn thì cũng là lúc mà họ lệ thuộc vào y học cho đến khi những định luật về y khoa trở thành rối loạn. Khi mà y khoa tiến bộ tột đỉnh thì cũng là lúc mà quyền lợi của bệnh nhân và bổn phận của người y sĩ giao thoa. Những lo lắng thắc mắc và những cố gắng giải quyết thi nhau leo thang khi y giới cố gắng đạt đến những kỹ thuật tuyệt hảo của mình. Là người ai cũng phải đớn đau bệnh tật, và ai cũng có thể được chữa khỏi”. Nhưng tạo hóa đã có những định luật, cái nghiệt ngã của định mệnh con người mà y học phải bó tay không cưỡng lại được. Đó chính là hậu quả của những nghiên cứu tìm tòi của y học như người lực sĩ dùng steroids chỉ mong vượt lướt qua được địch thủ trong tíc tắc đồng hồ hầu thắng cuộc đua để rồi sau đó lại đâu vào đấy.

 

Y HỌC CÓ VIỆC ĐỂ LÀM, TẠO HÓA CŨNG CÓ VIỆC PHẢI LÀM

 

Cứu cánh của y khoa, ngay cả về phương diện siêu hình cũng ẩn tàng sâu kín bên trong những băn khoăn rối loạn, bởi vì chính y học đã cho ta thấy tử thần sẽ đến và có thể đến bất cứ lúc nào trong khoảnh khắc đồng hồ. Nhưng y khoa vẫn không ngừng nghiên cứu để thỏa mãn những ước mơ vượt thời gian, mong làm sao cho con người được khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn, trẻ mãi, không biết thế nào là tuổi già. Thật tội nhgiệp. Nói theo Sherwin Nuland là mò kim đáy biển. Y học có việc để làm, Tạo Hóa có việc phải làm. Tất cả hai đều cố gắng để rồi y khoa đã phải bó tay. Sứ điệp mà Thiên Chúa đã gửi xuống trần thế là con người sống trường tồn nhờ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác triển nở sinh sôi mãi mãi. Nhưng y học đã không chấp nhận cái giới hạn Tạo Hóa đã định mà còn cố công biến đổi sự sống, bẻ cong cuộc đời làm cho con người phải chết với những đớn đau khó chịu không cần thiết. Nuland, bác sĩ giải phẫu kiêm văn sĩ đã diễn tả rất rõ ràng chi tiết, không chút tình cảm trong một tác phẩm mới nhất đầy bi thương ai oán của ông dưới nhan đề How to die: Reflexion on life’s Final Chapter, là “Con người vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời thường bấp bênh, đầy xáo trộn và bất ổn vì hoặc lo sợ thần chết sắp đến  hoặc vì nhân tính chẳng còn nữa”.

 

CHẾT VẪN KHÔNG YÊN

 

Đời người thực sự không phải chỉ bị day dứt về tinh thần mà còn đầy dẫy những khổ đau thể xác. Chết đó nhưng vẫn không yên, đau đớn vẫn không tha. Vì Tạo Hóa hay vì Y Học? Y hoc –hay đúng hơn- một loại bác sĩ ‘tàn ác’ vẫn cố gắng làm cho vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn, đi vào ngõ cụt không lối thoát. 85% người già ở Hoa Kỳ ngày nay đều mắc ít nhất là một trong những bệnh như áp huyết cao, chứng cứng động mạch, tiểu đường, phì mập, bệnh mất trí ngớ ngẩn / Alzheimer’s and Dementias, ung thư hoặc giảm sức đề kháng nhiễm trùng..Khi thiết lập một đoàn quân ‘song mã’ để tiễn đưa người chết về bên kia thế giới, Nuland, với cái nhìn của con người bình thường, đã loại bỏ tất cả mọi huyền thoại về sự chết để không còn vương vấn gì đến mê tín dị đoạn, đã cho người đọc thấy những kinh hoàng hốt hoảng, đớn đau sợ hãi của con người lúc lâm chung. Đừng đọc sách của ông khi bạn lên giường ngủ. Không một tế bào, bì mô nào, cơ quan nào mà không được ông chiếu cố mang lên bàn mổ giải phẫu không thương tiếc đến độ tàn nhẫn. Bạn có biết, hay muốn biết, khi bạn tới tuổi ngũ tuần thì cứ mỗi 10 năm trọng lượng óc của bạn sẽ giảm 2% không? Nguyên sự diễn giảng của Nuland về tâm kích / Heart attack đã đủ làm cho óc bạn giảm ký rồi. Tuy nhiên nó vẫn không thấm vào đâu khi nghe diễn tả về bệnh AIDS. Ông khủng bố người đọc bằng bóng ma tử thần để buộc họ phải đối diện với thực tế thâm sâu cùng kín bên trong hơn là những phù phiếm viển vông bên ngoài của cuộc đời.

 

TUY HỮU HẠN, TA VẪN MUỐN VƯỢT HẠN

 

Thế giới tây phương, con người y hoc khi quan sát đời sống của đứa trẻ sơ sinh đã nghĩ rằng đời người không có giới hạn. Nhưng Nuland thì nghĩ khác, ông tin rằng nó có một giới hạn cố hữu tự nhiên. Khi mà thời điểm đã đến thì “dù không bệnh tật hay tai nạn, cái giới hạn đó chắc chắn phải nổ tung”. Điều đặc biệt –ông nhấn mạnh- là trong y học cũng như bất cứ ở đâu, hai quan niệm đó luôn luôn căng thẳng ở hai thái cực. Một quan niệm ví như nước thủy triều cứ đến giờ là dâng lên hạ xuống đều đặn. Quan niệm kia cho rằng bổn phận của khoa học là tìm kiếm mọi phương tiện, hoàn cảnh, kỹ thuật khả dĩ hiện có để chống lại sóng thủy triều ấy, mặc dù biết rằng nó vẫn nhịp nhàng đổi mới và còn làm cho ngoại cảnh xã hội thêm vững vàng cũng như giúp cho khoa học văn minh thêm thăng tiến.

 

Y HOC VÀ LUÂN LÝ: HÃY THỪA NHẬN HÌNH ẢNH ĐỨA TRẺ NÍT

CHÍNH LÀ HIỆN THÂN CỦA SỰ CHẾT

 

Chúng ta, người y sĩ đều hiểu, cũng như Nuland hiểu, rằng y học là một nghệ thuật và cũng là một khoa học phải phù hợp với luân lý. Nhà luân lý học cũng hiểu rằng sự chiến đấu của y học chống lại bệnh tật là phải làm sao để đời sống của con người được quân bình tự nhiên. Một ám ảnh, một ước mơ để có trường sinh bất tử thật ra chỉ làm con người ăn mất ngon ngủ mất yên; họ đã không sống một cách tự nhiên thoải mái. Chấp nhận cái chết là điều kiện tiên quyết để vượt thoát ra khỏi những lo âu sợ hãi mong được cải lão hoàn đồng. Sinh học / biology đã chứng minh những điều triết học đặt vấn đề: Sinh vật, hay đúng hơn, con người mà đời sống đã vượt quá chính sự sống của họ, được thể hiện qua thế hệ trẻ. Leon Kass, một bác sĩ kiêm triết gia, đã nói: “Hình ảnh đứa trẻ nít chính là đáp số, hiện thân của sự chết. Sự hiện diện của chúng dưới mái nhà êm ấm nhắc nhở chúng ta rằng chẳng ai có thể tự nhận mình còn thuộc về một thế hệ nào đó ở biên giới xa vời tận cùng thế giới”.

 

Tử thần đã giúp con người sống cân bằng và thôi thúc, khuyến khích họ làm lành lánh dữ. Nhưng chấp nhận giới hạn sống-chết là đi ngược lại mục đích của y học mà Nuland gọi là “quá qui ngã nghề nghiệp” và điều này quả là hấp dẫn đối với những ai quá lo lắng sợ hãi sự chết. Y học có thể biến đổi hoặc điều khiển thiên nhiên, nhưng chắc chắn y học đã bị khuất phục trước quyền năng của Tạo Hóa. Ai cũng biết hiện nay 80% dân Hoa Kỳ chết trong các nhà thương, trước mắt những vị bác sĩ kỳ tài, kỹ thuật tân tiến vượt bưc, nào dây, nào ống, nào dưỡng khí, máy bơm máy thở….chằng chịt, nhân viên tài giỏi nhộn nhịp chạy trước chạy sau trong những trung tâm cấp cứu hồi sinh mà theo Nuland là những biểu hiệu của sự chối từ sự quân bình tự nhiên của đời người, từ chối sự chết.

 

CHẠY ĐUA VỚI TẠO HÓA, THÌ SẼ GẶP CẢNH NGỘ

CHẾT KHÔNG CHẾT ĐƯỢC SỐNG KHÔNG SỐNG NỔI.

 

Nhà khoa học có thể chế biến làm ra quả rứng với đầy đủ tính chất lượng y như một quả trứng tự nhiên, nhưng có một cái mà họ không thể làm được là trứng đó không thể ấp và nở ra con. Sự sống. Nhà thần học và luân lý học quan niệm rằng con người nghiên cứu, tìm tòi, cố công phát minh ra những cái mà ta gọi là kỳ công chưa bao giờ thấy, nhưng thực ra nó đã có sẵn trong trời đất, trong sự toàn năng của Tạo Hóa. Sự sống và sự chết cũng là một kỳ công của Thiên Chúa. Ta không thể làm ra được sự sống cũng không tài nào ngăn cản được sự chết. Thế giới ngày nay càng văn minh thì tử thần càng xuất hiện dưới muôn hình vạn dạng khác nhau. Có cái chết êm đềm thư thái, có cái chết đớn đau  khốn khổ, muốn chết không chết được, sống không sống nổi. Càng chạy trốn tử thần thì tử thần càng đến gần. Càng tránh đau đớn thì đau đớn càng nhiều, càng đắng cay…

 

Nhưng lúc nào thì cả Sự Sống lẫn Tử Thần đều tận cùng? Ngày đó thế giới sẽ ra sao?

 

Chúa Giêsu đã trả lời cho ba môn đệ Phêrô, Gioan và Anrê: “…Lúc đó sự khốn khổ sẽ thật lớn lao như chưa từng có từ ngày Thiên Chúa tạo nên vạn vật và sau này cũng không có nữa. Ngày ấy không một ai biết trước, các con không biết, cả các thiên thần trên trời cũng không biết, chỉ có một mình Cha biết mà thôi” (Marco 13- 19,32).

 

Mấy vần thơ sau của thi hào T.S. Eliot cũng diễn tả cái ghê rợn của ngày ấy:

 

             “This is how the world ends….

                      This is how the world ends….

                      This is how the world ends….

             “Not with a bang,

             “But with a wimper….”

 

Tạm dich:

             

                        Này đây thế tận thời cùng,

               Này đây là cảnh lâm chung cuộc đời.

                       Chẳng là bùng nổ tan trời,

               Lại là rên rỉ quặn lời đớn đau….

 

Pace Islands, Florida

Mùa Gió Bão 2008

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

VỀ MỤC LỤC
VĂN MINH MỲ GÓI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ TRÊN ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

 

Nếu bạn sống tại Hoa Kỳ hay những quốc gia Âu Mỹ, bạn không lo phải học nấu ăn, và bạn cũng không lo phải chết đói nếu trong túi có vài đồng bạc. Lý do, bạn chỉ cần ghé vào một tiệm fast food nào đó. Thí dụ, McDonald’s, Carl’s Jr., In-N-Out Burger, Burger King, Hamburger, Jack In The Box, Kentucky Fried Chicken, hay bất cứ một tiệm Food To Go nào chẳng hạn là bạn đã có một bữa sáng, trưa, hoặc tối với đầy đủ càphê, nước ngọt, kem, hoặc sữa. 

Thức uống thì có càphê hoặc trà uống liền. Dĩ nhiên là nước ngọt, rượu, bia thì không bao giờ thiếu tại các cửa tiệm tạp hóa, siêu thị, hoặc các tiệm rượu. Bạn không cần phải đun nước, lựa củi, hoặc to hay nhỏ lửa. Chỉ cần một chút nước nóng nhúng bịch trà, hay càphê vào là ngay sau đó bạn đã có một ly trà hoặc càphê. 

Đối với người Việt Nam chúng ta, sản phẩm mỳ ly hoặc mỳ gói đang trở thành món ăn rất phổ thông của những “cây lười” hoặc các công tử “nghèo” mà ham. Tóm lại, bạn chỉ cần đun một nồi nước sôi, mở nắp đổ ít nước sôi vào những ly hoặc bát mỳ là trong ít phút bạn cũng đã có một bữa sáng, trưa, hoặc tối nhiều ít tùy vào túi tiền của bạn. Thôi thì mỳ tôm, mỳ thịt gà, mỳ thịt bò, mỳ thịt heo, chỉ thiếu mỳ thịt chó là chưa có. Và nếu bạn ăn mỳ chán, thì đã có phở ăn liền, hoặc nếu chán phở thì đã có hủ tíu, hoặc bún bò Huế. Tất cả cũng được chế biến theo tiêu chuẩn “ăn liền”. Dĩ chí, bạn cũng không cần phải đun nước nóng vì các loại trà, mỳ ăn liền với nước lạnh cũng đang tràn ngập thị trường ăn uống. 

Cái đơn giản của cuộc sống này tưởng như một chuyện thường tình xẩy ra cho con người khi bận rộn với công ăn việc làm, phải chạy đua và bị nghiền nát với tốc lực, với máy điện toán, máy điện thư, điện thoại, hoặc những trang, những màn điện toán mà thoáng chốc người ở Mỹ có thể nói truyện, trao đổi với người ở Việt Nam. Trái đất trở thành nhỏ bé lại, và người ta phải quờ quạng, chạy ngược xuôi theo với sức hút của cuộc sống. Tiếc thay, ảnh hưởng của triết lý mỳ ăn liền, mỳ ly, mỳ gói, hoặc văn minh fast food ấy đã thực sự ảnh hưởng rất nhiều vào tâm lý sống và cuộc sống của con người ngày nay, mà điển hình là đời sống hôn nhân và gia đình. 

Như một phản ứng phản xạ tâm lý, con người ngày nay có khuynh hướng muốn giải quyết tất cả mọi truyện bằng quan niệm và triết lý mỳ ly, mỳ gói, mỳ ăn liền, hoặc theo ảnh hưởng văn hóa fast food. Đời sống hôn nhân gia đình do đó đang bị thoái hóa và trở thành một việc làm có tính cách đốt giai đoạn. Những phong tục, truyền thống tốt đẹp về hôn nhân gia đình đang dần dần biến dạng do những ảnh hưởng của nền văn hóa fast food, văn hóa mỳ gói. Yêu cuồng, sống vội là một quan niệm đang được con người ngày nay hoan hô nhiệt liệt. 

Ngày nay, nhiều cặp trai gái không cần tìm hiểu và dò hỏi. Gặp nhau, thấy thích nhau là lên giường với nhau liền. Một tháng, một năm, hay vài năm, thấy chán thì đổi. Cumï từ “tiếng sét ái tình” mà người Hoa Kỳ gọi là “blind date” - một cuộc hẹn hò mù quáng, trước đây chỉ dùng rất giới hạn cho một số trường hợp đặc biệt mà trong đó cặp tình nhân như bị cuốn hút và đắm đuối với nhau ngay từ lúc bốn mắt nhìn nhau. Vừa gặp anh, hay gặp em là “tinh tú đã quay cuồng”. Mặc dù được coi như một hình thức của tình yêu, tuy vậy, mối tình bốc lửa này vẫn được các nhà tâm lý và tâm lý hôn nhân dè dặt khi cân nhắc và cố vấn. Bởi vì nó rất dễ đi đến tan rã sau những bốc đồng và cuồng nhiệt ở giây phút đầu. Tuy nhiên, ngày nay, càng bị “sét ái tình” đánh trúng và đánh trúng sớm chừng nào hay chừng nấy. 

Vì vội vàng yêu nên không cần phải chờ đến hỏi, cưới. Quan điểm sống này dẫn đến hành động trai gái sống chung với nhau mà không cần cưới hỏi. Lối sống này ngày nay đã trở thành quen thuộc, đến nỗi ngay những bậc phụ huynh cũng không quan tâm đến nó nữa. Con cái họ muốn làm gì thì làm, miễn sao đừng “làm con người ta có bầu”, hoặc miễn sao “đừng để có bầu”. Nhiều phụ huynh khi con gái đi chơi với bạn trai đã dúi vào tay con viên thuốc ngừa thai. 

Mà vì không màng đến những giá trị truyền thống của gia đình, nên những cặp trai gái sống với nhau khi có thai, lập tức nghĩ đến chuyện “phá thai”. Ngày nay, hành động phá tại nhiều nơi đã được luật pháp chấp nhận. Tuy nhiên, chấp nhận hay không thì việc phá thai đã trở thành một tệ trạng xã hội của chúng ta đang sống. Con số phá thai ở Việt Nam lúc này cũng không phải là ít ỏi, và nó đã trở thành một hiện tượng xã hội lớn lao có ảnh hưởng cả một dân tộc. 

Ta thử tượng tượng ít chục năm tiếp tới, lớp người ngày nay đang phá thai sẽ trở thành già nua, tuổi tác, và xã hội không có lớp người trẻ nối tiếp sẽ ra sao? Hoặc lớp người trẻ đó lại là con cái của những cha mẹ coi việc hôn nhân, gia đình không ra gì. Đặc biệt là ảnh hưởng tâm lý dồn nén, và ân hận về những việc làm phá thai của mình, thì tương lai và lớp người trẻ ấy sẽ ra như thế nào? 

Hằng ngày người viết vẫn phải đối diện với những bệnh nhân tâm lý và tâm thần. Những hội chứng như Alzheimer, Down Syndrome, Autism, Cerebral Palsy, Mental Retardation, Seizure, Epilepsy, Anxiety, Depression, và những hội chứng tâm lý và tâm thần khác nhau như thế, mà hệ quả đến từ ảnh hưởng của cha mẹ, và một số là di truyền. Cha mẹ nghiện hút, cha mẹ buông túng trong tình dục, cha mẹ ngừa thai, cha mẹ phá thai, những hành động ấy tưởng như không có một ảnh hưởng gì đối với những bạn trai gái trẻ, những cặp tình nhân trẻ, nhưng hậu quả thật không ngờ và không thể tưởng tượng. Nhiều phụ huynh trẻ sau khi sinh ra những người con như vậy đã khóc lóc và phàn nàn. Nhưng đã quá muộn!!! 

Sống vội vàng, hưởng thụ. Sống không cần có gia đình, hôn thú. Có thai thì phá thai. Lối sống ấy như vừa trình bày còn kéo theo một hội chứng tâm bệnh đó là lối sống đồng tính và hôn nhân đồng tính. Đồng tính và hôn nhân đồng tính mặc dù được các nhà tâm lý và xã hội loại bỏ khỏi danh sách tâm bệnh, nhưng đó chỉ là một hình thức trốn tránh trách nhiệm và lấn át tiếng lương tâm. Tự mình, những người sống trong đời sống đồng tính và hôn nhân đồng tính cũng hiểu rằng có những điều không ổn và không tự nhiên trong đời sống tình cảm và sinh lý của họ. 

Và sau cùng, cũng trong lý thuyết mỳ gói, sự chóng vánh ban đầu đem đến hậu quả sau này, đó là chóng chán, và chóng bỏ. Hôn nhân gia đình lại một lần nữa đối đầu với những đổ bể và đau đớn. Cha mẹ bỏ nhau, con cái bơ vơ, và hư hỏng. Lỗi này nhiều cha mẹ đã đổ cho xã hội. Nhưng xã hội lại cho rằng nền tảng hôn nhân bị rạn nứt ngay trong lòng người, nên dù xã hội không mở ra những cửa ngõ cho việc suy thoái những giá trị hôn nhân, thì tự nó cũng đã làm cho nó băng hoại và hủy diệt. 

Trước đây khi con cháu, bè bạn lập gia đình chúng ta thường chúc cho “đầu bạc răng long”. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, do ảnh hưởng của nền văn minh và triết lý mỳ gói, thì việc người ta sống với nhau 5 hay 10 năm đã là một việc làm hiếm qúy. Hoặc nói theo một ý nghĩa trào phúng, thì ăn mỳ gói đâu cần có răng. Mà vì không có răng nên có răng đâu mà chờ rụng. Còn đầu tóc thì nhiều người ngày nay đã cạo trọc, hoặc nhuộm tóc. Như vậy câu: “Tuổi già đầu bạc thì đáng kính”, cũng không còn giá trị. Tất cả cũng chỉ vì văn minh và ảnh hưởng của nền văn hóa mỳ gói. 

Làm sao cho người chồng, người vợ, cha mẹ và con cái xum họp được bên nhau trong một bữa cơm đầm ấm mang bầu khí gia đình. Làm sao để những cặp trai gái yêu nhau có thời giờ tìm hiểu, trao đổi và kết thân với nhau. Làm sao sau khi đã tìm hiểu mà quyết tâm đi đến hôn nhân, người ta có thể sống với nhau một cách thương yêu, trung thành và tình nghĩa cho đến chết. Có lẽ chúng ta cần phải trở lại cái ảnh hưởng của nền văn hóa “cơm gạo”, ăn chắc mặc bền đó là nền văn hóa của tình người, của lễ nghĩa gia phong, và của những giá trị truyền thống gia đình.

Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt

VỀ MỤC LỤC
Không kẾt án ai

Tác Phẩm CHÚA VẪN THƯƠNG

Lm. MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY pss

6- Không kẾt án ai

Chúa không đến để lên án bạn đâu, Chúa đến để cứu giúp bạn, để nâng bạn dậy, để làm cho bạn bước tới, để hướng dẫn bạn, để đưa bạn đi tới chiến thắng, để thực hiện những ước vọng sâu xa nhất của bạn. Bạn hãy đến với Chúa và hãy để Chúa làm, hãy tin chắc rằng Chúa yêu bạn, bạn thế nào Chúa yêu bạn thế ấy. Bạn là niềm vui của Chúa, bởi vì Chúa biết rằng bạn yêu Chúa. Ngay cả khi bạn tự kết án bạn, Chúa không kết án bạn đâu.

Bạn đừng sợ bóng tối và đêm đen của bạn, vì Chúa là ánh sáng và Chúa yêu bạn đúng theo hiện trạng của bạn. Chúa muốn đến thăm bạn tận chốn sâu bóng tối và đêm đen của bạn, ngõ hầu bạn trở thành ánh sáng. Ánh sáng của Chúa không làm hại đâu. Chúa dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng. 

“Không có sự kết án cho những ai ở trong Đức Giêsu Kitô nữa. Tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha là nguồn mọi tình phụ tử trên trời dưới đất, thể theo sự phong phú vinh hiển của Ngài, xin Ngài ban cho các bạn được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Ngài, ngõ hầu con người nội tâm nơi các bạn được lớn lên, nhờ lòng tin, xin Đức Kitô cư ngụ trong tâm hồn các bạn, để các bạn có thể thấu hiểu được mọi kích thước dài rộng, cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô là tình thương vượt qúa mọi sự hiểu biết. Như thế, các bạn sẽ được đầy tràn sự viên mãn của Thiên Chúa. Xin Chúa làm gấp ngàn lần điều các bạn dám cầu xin hay nghĩ tới.” 

Chúa đã chờ đợi bạn, Chúa hạnh phúc vì bạn và cho bạn. Bạn hãy ở lại trong Chúa, đừng quên những gì Chúa muốn ban cho bạn trong hiện tại. Cũng như bạn đừng quên những gì Chúa đã muốn ban cho bạn trong quá khứ. Có gì có thể làm được mà Chúa chưa làm cho bạn đâu? Bạn hãy xin Chúa nữa đi, và Chúa sẽ ban cho bạn. 

Bạn là người Chúa đã tuyển chọn. Bạn là đối tượng ưu tuyển của Chúa. Bạn là bạn của Chúa, bởi vì bạn đã chọn Chúa, bởi vì Chúa muốn tin rằng bạn đang chọn Chúa. Chúa gởi bạn vào giữa những người khác, nhưng không có gì bạn phải sợ cả, Chúa ở với bạn. Bạn hãy tựa vào ngực Chúa, Chúa yêu bạn, bạn sẽ tìm được mọi sự ở nơi Chúa, tất cả mọi thứ mà bạn cần. Bạn đừng sợ.

Hãy mở miệng bạn ra và Chúa sẽ làm cho đầy ứ. Bạn hãy giao cho Chúa quá khứ của bạn, những nỗi sợ hãi của bạn, và Chúa sẽ đổ đầy ơn thánh của Chúa cho. Chúa sẽ giải thoát bạn. Bạn đừng trở lại đàng sau với quá khứ, hãy làm một bước đầu tiên hướng về tương lai với Chúa đi.

VỀ MỤC LỤC
BỆNH ZONA-THẦN-KINH
 

Ngày 15 tháng 5 năm 2008 vừa qua, Cơ Quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ đã đưa ra đề nghị quý vị cao niên từ 60 tuổi trở lên nên chủng ngừa bệnh Shingles.

Shingles là bệnh do một loại siêu vi gây ra. Hiện nay, hàng năm tại Hoa Kỳ có khoảng 1 triệu trường hợp mà quá nửa là ở người trên 60 tuổi. Đây là một bệnh khá phổ biến với các dấu hiệu từ vừa phải tới rất đau đớn, khó chịu.

Vậy xin cùng tìm hiểu về bệnh này. 

 Shingles hoặc Zona-Thần-Kinh, có tên y học là Herpes Zoster.

Bà con dân gian mình còn gọi là bệnh “giời leo” hoặc “giời bò”.

Nhưng thực ra “giời leo” là do một loại côn trùng, khi bám vào người, làm ta khó chịu, lấy tay đập chết. Xác trùng chẩy nước, gây ngứa và mụn nước trên da.

Hoặc nhiều người tin rằng, quần áo phơi đêm ngoài trời, có con “giời” tiểu vào đó. Khi mặc quần áo, nước tiểu gây ngứa với mụn rộp trên da.

Và bà con mình thường chữa bằng cách đắp trên da đau với gạo nếp và đậu xanh nhai vụn hoặc với các loại lá, cho mát. Hoặc đi các thầy cúng để làm phép khoanh tròn vết đau ở một chỗ, không cho lan ra ngoài. 

Herpes là bệnh viêm ngoài da do virus gây ra mà đặc điểm là có những mụn nước nhỏ.

Có ba loại herpes thường gặp là:

- H. Simplex (Loét Lạnh) với các bóng nước ở miệng, cửa mình, và viêm kết mạc;

- H. Genital lan truyền do giao hoan, với vết thương rất đau ở cơ quan sinh dục và
       - H. Zoster hoặc shingles, tiếng Việt  là Zona thần kinh. 

Nguyên nhân:

 Zona-thần-kinh do virus varicella-zoster gây ra. Đây cũng  là virus gây ra bệnh thủy đậu chickenpox.

Sau khi bị bệnh thủy đậu, siêu vi này có thể quy ẩn cả nhiều năm trong hạch của rễ sau dây thần kinh tủy sống, rồi đến một thời gian nào đó sẽ tái xuất hiện, gây ra bệnh shingles.  

Triệu chứng

 Với lý do chưa được giải thích, các triệu chứng bệnh xuất hiện thành từng đợt, lớp này nối tiếp lớp kia.

Dấu hiệu sớm của bệnh là cảm giác nhạy cảm. đau hoặc như kim châm nhoi nhói, ngứa, cháy rát (burning) trên một vùng da. Cảm giác này chỉ có ở vùng cơ thể chịu ảnh hưởng của dây thần kinh chứa virus. Thường thường chỉ có một dây thần kinh tủy sống bị virus tấn công. Bệnh nhân cũng bị nhức đầu, đau mình, lên cơn sốt nhẹ.

Sau vài ba ngày thì những mụn rộp nhỏ bé xuất hiện trên nền da màu đỏ. Mụn nước sẽ lan rộng tới một vùng da: có thể là một khuôn vuông ở thắt lưng, ở cạnh sườn từ xương sống tới xương ức, bàn chân, bàn tay, hoặc một bên mặt, da đầu. Điểm đặc biệt là mụn nước thường chỉ ở một phía, ít khi lan qua đường ranh giới giữa thân mình.

Mới đầu mụn nước trong, sau đó thành đục có mủ, lõm ở giữa. Khi mụn nước xuất hiện thì nóng sốt cũng thuyên giảm.

Mụn nước khô đi sau vài tuần lễ, để lại một lớp vẩy. Vẩy rụng sau vài tuần lễ. Da sẽ có sẹo tròn màu bạc xếp thành từng nhóm. Cơn đau trên da có thể vẫn tồn tại. 

Rủi ro mắc bệnh:

Zona-Thần-Kinh có ở mọi lứa tuổi nhưng thường hay thấy từ 50 tuổi trở lên.

Bệnh cũng thường có ở:

- Người bị suy giảm tính miễn dịch

- Người nhiễm HIV

- Người bị bệnh tăng phát triển tế bào mới như ung thư

- Bệnh nhân đang điều trị với hóa chất ức chế miễn dịch

- Người tiếp nhận ghép bộ phận cơ thể

- Sau những căng thẳng tinh thần.

Virus tấn công rễ dây thần kinh tủy và vùng da chịu ảnh hưởng của dây thần kinh này. 

Bệnh có thể tái phát nhất là nếu ta dùng các dược phẩm làm giảm tính miễn dịch của cơ thể.

Nhờ có hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể với sự tấn công mới của siêu vi thủy đậu, nên ta không bị lây bệnh zona từ người khác nếu đã bị thủy đậu.  Tuy nhiên ta có thể bị thủy đậu nếu ta chưa có tính miễn dịch và không được bảo vệ khi tiếp xúc với người bị bệnh zona ngoài da. 

Chẩn Đoán

Định bệnh căn cứ vào y sử, đặc điểm của các triệu chứng, hình dạng và vị trí của các mụn nước trên da.

Bác sĩ cũng có thể tìm nuôi virus từ chất lỏng của bóng nước.

Phương pháp miễn dịch huỳnh quang (immunofluorescence assay) để quan sát số lượng kháng thể hoặc kháng nguyên tại mô bào chính xác hơn và cũng tiết kiệm hơn. 

Bệnh nguy hiểm không?

Bình thường thì zona là bệnh không nguy hiểm. Nhưng người bệnh chịu một sự đau đớn ở vùng da bị bệnh liên tục có khi tới cả tháng hoặc cả năm. Cái đau kinh khủng, gậm nhấm, cực khổ cả về thể xác lẫn tinh thần này thấy ở quá bán số bệnh nhân ở lão nhân trên 70.

Zona tiêu hủy tế bào thần kinh tủy sống và làm rối loạn chức năng dẫn truyền tín hiệu từ ngoài da. Có bệnh nhân tả nhiều loại đau xảy ra kế tiếp hoặc cùng một lúc.

Khi zona tấn công dây thần kinh tam thoa ở mặt, mụn nước sẽ mọc ra trên mặt, trong miệng và mắt. Nếu mụn mọc gần mắt, cần đi bác sĩ nhãn khoa ngay vì khi mắt mà bị nhiễm thì thị giác bị mất luôn.

 Có trường hợp, bệnh lan tới tai khiến tai trong đau, cảm giác trên mặt tê liệt, vị giác giảm, mắt mờ, mỏi. 

Tuy không nguy hiểm nhưng zona có thể trầm trọng nếu hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc khi bị các bệnh kinh niên tàn phá như ung thư.  

Một biến chứng nguy hiểm là đau-dây-thần-kinh-sau-zona (postherpetic neuralgia), nhất là ở quý vị cao niên. Các cơn đau này đôi khi kéo dài cả năm sau khi vết thương trên da đã lành.

Khi mụn rộp còn nước, bệnh zona có thể lan truyền sang người khác, nếu những người này chưa bị bệnh thủy đậu. Nhưng họ không bị bệnh zona mà lại bị bệnh thủy đậu. Khi đã bị thủy đậu, họ không bị nhiễm bệnh zona nữa.  

Điều trị:

Điều trị zona càng sớm càng tốt, nhất là trong vòng 72 giờ kể từ khi bệnh xuất hiện.

Chữa mau, chữa mạnh có thể thu ngắn thời gian bệnh, ngăn chặn sự tàn phá của dây thần kinh và giảm thiểu đau.

Các dược phẩm thường dùng là acyclovir (Zovirax), famiclovir (Famvir), Valacyclovir (Valtrex). Bác sĩ sẽ chọn lựa thuốc thích hợp với bệnh trạng. Các thuốc này tương đối an toàn, công hiệu nhưng khá đắt.

Có thể dùng thêm các thuốc chống viêm và thuốc chống đau như acetaminophen, ibuprofen. 

Corticosteroid cũng được dùng để làm vết thương mau lành và giảm đau ở bệnh nhân có thể dùng thuốc này.

Đôi khi phải dùng tới cả thuốc chống trầm cảm như Ealavil.

Cần giữ gìn vết đau trên da sạch sẽ, che phủ mụn nước với lớp băng vải mỏng để tránh cọ sát với quần áo cũng như bội nhiễm với các vi khuẩn khác.

Với bệnh nhân bị đau-thần-kinh-sau- zona kéo dài nhiều tháng, đôi khi cả năm khi không còn tổn thương trên da.

Trong các trường hợp này phải dùng đến dược phẩm chống đau như chất opiod, thuốc chống động kinh Gabapentin (Neurotonin), carbamazepin (Tegretol), thuốc chống trầm cảm Elavil.

Có thể dùng kem thoa có chất chiết capsaicin từ trái ớt (Zostrix) hoặc lidocain dán trên da, aspirin gel, voltarel gel để giảm cơn đau dây thần kinh, khi da đã lành.

 Nhiều bệnh nhân cảm thấy bớt đau ngay sau khi dây thần kinh giao cảm được ức chế hoặc sau khi châm cứu, kích thích điện. 

Chủng ngừa

Năm 2006, thuốc chủng ngừa Zostavax được chấp thuận.

Theo Cơ quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ những người như sau cần chủng ngừa:

- Người từ 60 tuổi trở lên, nên chích ngừa, vì theo cơ quan này, bệnh có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào, nhưng lớp người trên 60 thư thường bị zona nhiều hơn.

- Người có các bệnh ảnh hưởng tới sự miễn dịch như bệnh HIV, ung thư hoặc người đang uống thuốc ức chế miễn dịch như steroid và dược phẩm uống sau khi tiếp nhận ghép bộ phận.

- Với lớp tuổi dưới 60 tuổi, nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì hiện nay thuốc chỉ được nghiên cứu và áp dụng với người trên 60 tuổi.

Người đã bị shingles cũng cần chủng ngừa nhưng nên đợi 2 năm

Theo cơ quan Kiểm Soát Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ, vaccin có khả năng giảm thiểu rủi ro bị shingles tới 50%, đối với người từ 60 tuổi trở lên. Và với lớp tuổi 60-69, công hiệu lên tới 64%. 

Một trở ngại là chi phí thuốc chủng khá cao: 150- 200 mỹ kim cho một lần chủng ngừa. Đa số bảo hiểm không trả chi phí này. Người có Medicare chủng ngừa nằm trong phần D về dược phẩm. 

Kết luận

Shingles là bệnh do virus herpes zoster gây ra. Virus này cùng loại với virus gây ra bệnh thủy đậu (chickenpox).

Bệnh shingles hoàn toàn khác với bệnh nhiễm herpes simplex ở cơ quan sinh dục.

Shingles có thể điều trị được với các loại thuốc đặc nhiệm chống virus đã nêu ra ở trên. Kháng sinh không có tác dụng nào đối với virus.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức Texas-Hoa Kỳ.

VỀ MỤC LỤC
RƯỢU CA Chuyện phiếm của Gã Siêu.

 

 

Nếu có dịp quan sát những người ngồi uống rượu, hẳn chúng ta sẽ ghi nhận được những phản ứng khác nhau. Tất cả những tình cảm hỉ nộ ái ố…đều được biểu lộ, mồi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười.

Gã chơi thân với một anh bạn là bác sĩ, giữ chức vụ giám đốc một bệnh viện hẳn hoi. Đã không nhậu thì thôi, chứ còn đã ngồi vào bàn tiệc, thì phải nhậu cho tới lúc bật…thơ ra mới chịu. Điều đó có nghĩa là khi vị bác sĩ này bắt đầu ngâm thơ, thì bàn dân thiên hạ đều biết chắc chắn rằng anh ta sắp sửa…tới bến.

Trong khi đó, phần đông giới trẻ, thì lại nhậu cho bật…hát ra mới  chịu. Điều đó cũng có nghĩa là khi dân nhậu bắt đầu hát hò. thì mọi người đều nhận ra hai năm rõ mười là họ sắp ngoắc cần câu và say xỉn tới nơi rồi. Nào đơn ca, Nào hợp ca và họ cố gào cho thật to để xả bớt chất rượu đã ngấm trong người. Với những giọng ca nhừa nhựa mùi rượu, thì ngay cả Thượng Đế cũng phải phát khùng. Thảo nào những quán karaoke vẫn cứ mọc lên như nấm để chào đón những anh chàng ca sĩ bất đắc dĩ sau một chầu nhậu tưng bừng hoa lá.

Mặc dù không chuyên về ca hát, nhưng nếu gã nhớ không lầm thì có một thời, nhạc sĩ Phạm Duy đã trình làng những bài hát được gọi là…đạo ca, tâm ca, rồi tục ca. Vì thế, hôm nay gã xin mạo muội ghi lại một số những ca khúc đã được dân bợm nhậu tự biên tự diễn và gã tạm xin gọi chúng là…rượu ca.

Trước hết, dân bợm nhậu thường hay mắc chứng…nhạt miệng, nên chi “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, trâu tìm trâu và ngựa tìm ngựa. Họ tập họp các chiến hữu lại và gầy sòng, gầy độ. Sòng ở đây không phải là sòng bạc sát phạt nhau bằng tiền, độ ở đây không phải là cá cược, sát phạt nhau bằng may rủi, mà là một chầu nhậu, sát phạt nhau bằng rượu. Trong việc gầy chầu nhậu, đôi lúc họ cũng rất công bằng :

- Anh “bỏ” mồi, thì tôi “bỏ” rượu.

Khi mới ngồi vào bàn tiệc, người ta thường tâm sự nhỏ to, nói tòan những chuyện tào lao trên trời dưới đất, hay những chuyện chính chị chính em, vô thưởng vô phạt.  Nhưng khi đã xơi vài ba táo, người ta bắt đầu “tạo phong trào”  và “tạo khí thế” bằng cách dương đông kích tây, miễn sao mọi người cùng nâng ly và dzô cái một.

Lý do người ta thường đưa ra, đó là :

- Nam vô tửu như kỳ vô phong.

Đờn ông mà không uống rượu chẳng khác chi cờ không gặp gió, ủ rũ như nhà có đám tang.

Còn nếu là con nhà có đạo, người ta sẽ nói :

- Có mồi mà không có rượu thì chẳng khác chi rước kiệu mà không có Đức Bà.

Rước kiệu, mà trên kiệu không có tượng ảnh Đức Bà, thì còn ra thể thống gì nữa.

Hay :

- Có mồi mà không có rượu, thì chẳng khác chi rước kiệu mà không có…cụ.

Bình thường trong đám rước, cha chủ sự thường đi sau kiệu. Nếu không có cha chủ sự thì e rằng đó chỉ là một đám hỗn mang, quân hồi vô phèng mà thôi.

Khi đã xừng xừng, người thì mặt đỏ như gấc, kẻ thì mặt tái như không còn một giọt máu :

- Trời say, trời cũng lăn quay,

  Đất say, đất cũng đỏ gay ai cười.

Và lúc bấy giờ, màn văn nghệ hát hò được bắt đầu, để đưa phong trào “dzô” lên tới cao điểm :

- Đã không dzô thì thôi. Dzô thì là một chăm phần chăm.

Rượu vào, đôi lúc có vẻ như tinh thần đạo đức…ăn ra :

- Đâu có tình yêu thương,

  Ở đấy uống rượu thật nhiều.

  Đâu có tình bác ái,

  Ở đấy uống rượu không say.

  Đâu ý hợp tâm đầu,

  Ở đấy uống chăm phần chăm.

(Nhái theo Bài ca Đức ái).

Lời ca này gã mới được nghe và rất lấy làm ái ngại khi phải ghi lại nơi đây, vì nó hơi bị báng bổ và nhất là vì đã tục hóa một bản thánh ca mà mọi người đều đã quen thuộc.

Bình thường, vì tình cảm người ta có thể mời nhau nâng cốc. Nhưng theo luật giang hồ, người ta hay uống theo kiểu xoay vòng, anh một ly và tôi một ly,  cấm ăn gian và cấm uống :

- Bao nhiêu người bao nhiêu ly,

  Bao nhiêu đó có ăn nhằm gì.

  Bao nhiêu người bao nhiêu ly,

  Bao nhiêu đó có ăn nhằm chi.

  Uống đi anh, uống đi anh,

  Uống xong rồi gật gù bên nhau.

  Uống đi anh, uống đi anh,

  Uống xong rồi cùng bò loanh quanh.

(Nhái theo bài Thương quá Việt Nam).

Nhiều lúc, để tỏ ra “bản sắc yêng hùng”, người ta chẳng đợi cho tới vòng tới lượt, hay cho tới lúc được mời, nhưng cứ tự động mượn ly, rót rượu và uống :

- Ai nâng ly, ai cầm ly,

  Xin uống đi cho tôi mượn cái ly.

  Tôi van anh,

  Dù một ly cho nó thêm yêu đời.

(Nhái theo bài Trăng rụng xuống cầu).

Sau khi phong trào lên tới cao điểm của nó rồi, thì tất nhiên sự gì phải đến sẽ đến. Và đó là những hậu quả đáng buồn của việc say xỉn.

Thực vậy, người ta thường bảo :

- Con người ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn.

Nhờ ăn, mà cơ thể chúng ta được bồi dưỡng, để có đủ sức khỏe mà lao động, tìm chén cơm manh áo. Nhờ uống một chút, chúng ta có thể ra một bầu khí vui vẻ, cởi mở và thân mật. Chẳng thế mà Thánh Vịnh cũng nói :

- Chúa ban rượu ngon làm phấn khởi lòng người.

Tuy nhiên, nhân đức bao giờ cũng ở vào cái thế trung dung, bởi vì phàm cái gì thái quá cũng đều bất cập. Ăn nhiều quá, sinh ra bội thực, rồi từ chỗ bội thực, sinh ra bệnh nọ tật kia. Còn uống nhiều quá thì hóa rồ hóa dại, như người ta thường bảo :

- Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm.

Rượu đã thấm vào thì như cọp dữ giữa rừng.

Hay :

- Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tọa thị.

Rượu đã thấm vào thì như chó điên giữa chợ.

Cọp dữ hay chó điên, không phải chỉ làm mất phẩm giá của mình, mà còn gây nên đổ vỡ cho gia đình và đụng chạm với những người chung quanh.

 

Trước hết là những bất ổn đối với bản thân.

 

Dân bợm nhậu thường tự an ủi :

- Chưa có một mộ bia nào trên đó khắc ghi hàng chữ : Đây là nơi an nghỉ của một kẻ đã chết vì…rượu.

Thế nhưng, trong cuộc sống hàng ngày, không thiếu gì những chuyện buồn…não nuột  đã xảy đến cho kẻ xay xỉn.

Uống say, rồi lăn kềnh ra ngủ thì còn đỡ. Nhưng uống say để rồi hóa rồ hóa dại, thì còn mặt mũi nào nữa mà nhìn bàn dân thiên hạ.

Uống say, có kẻ thì mềm nhũn như con chi chi, đứng lên không nổi, phải có người kè người đỡ mới có thể bước đi.

Uống say, có kẻ chân nam đá chân chiêu, đường rộng rãi thênh thang không đi, lại chỉ muốn chui vào bụi rậm, cho gai đâm sứt cằm xẻ trán.

Uống say, có kẻ chọn lề đường góc phố làm giường ngủ, hay chọn sình lầy làm lối bước cho riêng mình :

- Hiu hiu gió thổi đầu non,

  Những người say xỉn là con ngọc hoàng.

  Ngọc hoàng ngự tại ngai vàng,

  Thấy con uống rượu hai hàng lệ rơi.

  Tưởng rằng con uống con chơi,

  Ai dè con uống, con rơi xuống xình.

Kinh nghiệm ngàn đời đã được các chiến hữu thâm niên quân vụ để lại như sau :

- Một xị thì mở mang trí hóa.

  Hai xị thì giải bớt cơn sầu.

  Ba xị thì mũi chảy đầy râu.

  Bốn xị thì ngồi đâu khóc đó.

  Năm xị thì cho chó ăn chè.

  Sáu xị thì làm xe lội nước.

  Bảy xị thì ra nhị tì mà ở.

 

Tiếp đến là những bất ổn đối với gia đình.

 

Nói theo kiểu “Bổn dạy những lẽ cần cho được uống rượu nên”, thì hình như trong dân gian, người ta hay truyền tụng nhau một câu như sau :

Hỏi phải làm mấy sự cho được uống rượu nên ?

Thưa phải làm ba sự này :

- Một là tốt cái nhắm.

- Hai là lắm anh em.

- Ba là muốn nhắm thì nhắm.

Gã xin “bình loạn” thêm về ba cái sự ấy như sau :

Một là tốt cái nhắm. Có nghĩa là mồi màng phải ngon, bởi vì có ngon thì mới dễ dàng đưa cay.

Hai là lắm anh em. Có nghĩa là khi uống rượu thì phải có người nọ người kia mới vui, chứ uống rượu cu ky một mình thì buồn đến rơi cả nước mắt. Đây là một sự thật mà dân bợm nhậu đã phải lớn tiếng công nhận.

Thực vậy, có những bà vợ đã sắm mấy keo rượu thuốc để sẵn ở trong nhà cho ông chồng dùng, hầu được dãn gân dãn cốt. Thế nhưng, ông ấy lại chẳng bao giờ đụng tới. Trái lại, hễ có đình có đám, thể nào ông ấy cũng say và xỉn. Sở dĩ như vậy vì ông ta đã tâm niệm trước khi lâm trận :

- Không say không về.

Có người hỏi :

- Tại sao lại uống nhiều như vậy ?

Ông ta bèn lập tức trả lời :

- Rượu đình rượu đám có phải bỏ tiền ra mua đâu, tội gì mà không uống.

Uống rượu phải có bạn thì mới vui. Đây cũng là một kinh nghiệm được các “lão tiền bối” viết thành thơ, thành phú hẳn hoi :

- Rượu ngon không có bạn hiền,

  Không mua, không phải không tiền không mua.

Ba là muốn nhắm thì nhắm. Xem ra cái sự “muốn” này hơi bị nhiều đối với dân bợm nhậu. Có nghĩa là họ sẵn sàng nhậu ở mọi nơi và trong mọi lúc. Họ vui vẻ nhậu trên từng cây số.

Vui cũng nhậu :

- Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…

Buồn cũng nhậu :

- Dục phá sầu thành duy hữu tửu.

Muốn dẹp bỏ nỗi buồn, thì chỉ có rượu mà thôi.

Trong đời thường, người ta có cả một ngàn lẻ một lý do để mà nhậu. Chẳng vậy mà ở Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn như Saigon, Hà Nội các quán nhậu thi nhau mọc lên và trở thành những phố nướng, những làng nhậu…Cứ chiều xuống là khói tỏa hương bay đến điếc cả mũi những người qua đường. Rồi cũng tại Việt Nam, có đủ mặt các loại bia và rượu nổi tiếng.

Vào thời buổi kinh tế còn khó khăn, được uống một vài lon bia mà thôi, quả thực đã quá lòng mong ước. Thế nhưng, thời buổi ấy đã lui vào dĩ vãng và đã trở nên…xưa rồi Diễm ơi! Bây giờ người ta thích xài sang với những loại rượu tây mắc tiền, như XO chẳng hạn. Và thậm chí người ta còn dùng tới những loại rượu độc chiêu khác như rượu ngâm mật gấu, rượu cửu xà ngâm bằng chín loại rắn khác nhau…

Tất cả những điều kiện kể trên đều là một thiệt hại lớn cho ngân sách gia đình vốn dĩ đã eo hẹp, nhất là khi đồng lương của mình mới chỉ ba cọc ba đồng. Thành thử vợ con lâm vào cảnh nheo nhóc là điều không tránh khỏi.

Đi uống rượu với bè bạn mà trở về nhà, nếu còn giữ được cái đạo đức, cái tác phong của mình thì còn đỡ. Thế nhưng, nhiều kẻ đã bị “ma men” quật ngã, làm cho nổi điên nổi khùng, để rồi có những hành động đáng tiếc như chửi vợ, đánh con, đập phá đồ đạc và cho nồi niêu xoong chảo bay ra ngoài sân…khiến cho gia đình một phen xất bất xang bang.

Trong một cuộc phỏng vấn, người ta đã hỏi một ông bợm nhậu như sau :

- Vì cớ làm sao phần đông các ông “chồng chúa” đều là dân bợm nhậu ?

Ông ta đã trả lời :

- Khi tỉnh táo đối với tôi thì “nhất vợ nhì trời. Nhưng một khi đã say xỉn thì tôi lại coi trời bằng vung. Trời mới chỉ bằng vung, nên vợ chẳng là cái đinh gì cả. Và lý đương nhiên tôi phải làm…chúa.

Người ta hỏi tiếp một câu khác :

- Ngày xưa thì phu xướng phụ tùy, chồng nói vợ phải nghe nhời. Còn ngày nay dân bợm nhậu các ông có thích như vậy hay không ?

Ông ta trả lời :

-Còn hơn thế nữa. Ngày nay chúng tôi chủ trương “phu…sướng, phụ…bị đì”, vợ phải nai lưng làm lụng và phục dịch chỉ để bọn tôi được sướng cái miệng.

Với một chủ trương như vậy, thì gã cũng đành bó tay và tuyên bố hết thuốc chữa.

Có một ông chồng đã tâm sự với bà vợ như sau :

- Mình phải cám ơn Chúa vì tôi không cờ bạc như cái lão hàng xóm.

Thế nhưng, bà vợ đã phản pháo lại một cách rất chính xác :

- Ông không cờ bạc, nhưng tối ngày những rượu với chè, những say cùng xỉn. Thân thể như chiếc bình ắc qui cầm hơi, lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu, ai mà chịu cho nổi, tôi đã phát ngán đến tận cần cổ. Nếu bán được, tôi cũng bán quách ông cho rồi. Nếu không vì những đứa con, thì có lẽ tôi đã bỏ đi từ lâu.

Ấy là gã chưa nói tới những lo lắng mà vợ con gặp phải mỗi khi ông ta say đến độ quên cả đường về, những cực nhọc mà vợ con phải chịu đựng mỗi khi ông ta xỉn đến độ cho chó ăn chè, những hoảng hốt mà vợ con phải gánh lấy, khi ông ta say xỉn đến độ bất tỉnh, nằm thành một đống và phải đưa vào bệnh viện cấp cứu!

 

Sau cùng là những bất ổn đối với hàng xóm.

 

Tuy nhiên, phiền toái hơn cả là những rắc rối mà kẻ say xỉn gây nên cho bà con lối xóm.

Gã đã từng thấy có kẻ khi say xỉn thì thế nào cũng đòi hôn cho bằng được người cùng ngồi uống với mình. Thực vậy, ngay khi còn tỉnh táo mà trao cho nhau những chiếc hôn chân tình vào lúc thanh thiên bạch nhật giữa bạn bè với nhau cũng đã là điều khó coi. Huống nữa là còn trao cho nhau những chiếc hôn nồng cháy, trên cả mức độ bình thường, khiến người được ưu ái phải mang thương tích, thì xem ra  thật là…quá đáng.

Hơn thế nữa, người ta thường bảo :

- Tửu nhập ngôn xuất. Rượu vào lời ra.

Cái thứ “ngôn xuất”, cái thứ “lời ra” một khi đã thấm đẫm hơi men, xem chừng cũng thiên biến vạn hóa đến nỗi quỷ thần cũng không lường nổi.

Thực vậy, có kẻ khi say thì cười, có người khi say thì lại khóc.

Có kẻ khi say thì thích nói tiếng Pháp, tiếng Anh, có người khi say thì lại toàn chửi tục.

Có kẻ khi say thì chỉ muốn đi xưng tội vì hình như rượu làm cho họ thêm can đảm, dám nói ra những tội lỗi thầm kín của mình. Tuy nhiên sự việc ấy lại chẳng ổn tí nào, bởi vì lúc bấy giờ rượu xưng chứ đâu có phải là họ xưhg. Thậm chí xưng xong cũng chẳng biết mình đã xưng những tội nào.

Có kẻ khi say thì vui miệng, vợ mình không khen, nhưng lại cứ nhè vợ người khác mà khen, thế mới rách việc và rắc rối.

Có kẻ khi say, thì mượn hơi men để chửi bới người này, người khác. Thậm chí chửi cả cha lẫn mẹ, chửi cả họ hàng lẫn bè bạn thân thích, khiến cho tình nghĩa bị rạn vỡ.

Có kẻ khi say, bị ma men đưa đường dẫn lối đến chỗ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, ẩu đả và đánh lộn từ người ngồi cùng bản đến người đi đường làm cho họ như bị tai bay vạ gió.

Co kẻ bình thường thì rất hiền lành như cục đất, thế nhưng mấy cốc rượu đã làm cho máu “yêng hùng” nổi lên đùng đùng, khiến họ cũng sẵn sàng vác dao, vác đá đi hỏi thăm sức khỏe, thậm chí còn xin cả tí huyết của người hàng xóm, để rồi khi hết cơn “yêng hùng” lúc tỉnh lại, phải ký vào biên bản thì như quả bóng xì hơi, hết lời năn nỉ ỉ ôi và chạy đi xin lỗi hết người này tới người khác.

- Chưa đánh được người, thì mặt đỏ như vang,

  Đánh được người rồi, thì mặt vàng như nghệ.

Đúng là “yêng hùng” theo kiểu :

- Anh hùng gì ? Anh hùng rơm,

  Tôi cho nắm lửa, hết cơn anh hùng.

Mình phải làm chủ rượu, chứ đừng để rượu làm chủ mình. Bởi vì rất nhiều khi rượu đã làm cho người ta mất đi tính người, trở thành cọp dữ và chó điên với  những hành động dại dột và dã man nhất.

Năm 1996 tại trung tâm thị xã Vĩnh Long đã xảy ra một vụ giết người kinh hoàng mà thủ phạm là một kẻ say xỉn. Trong lúc ngồi uống rượu với bè bạn, tên đệ tử Lưu Linh này bỗng thấy một phụ nữ đi ngang qua, nhìn hắn ta với “vẻ mặt coi thường”. Chỉ có vậy, thế mà hắn ta đùng đùng nổi giận, vác búa chém xối xả vào nạn nhân cho đến chết.

Năm 1998 cũng tại Vĩnh Long, một ông bố say xỉn đã đâm chết đứa con trai mới lên muời, đồng thời giết luôn cả bà vợ, rồi…đi ngủ. Khi tỉnh dậy, ông ta hoàn tòan không nhớ rằng trong cơn say trước đó vài tiếng đồng hồ chính ông đã giết vợ giết con.

Để kết thúc, gã xin kể lại hai mẩu chuyện được báo chí đăng tải để chúng ta cùng suy gẫm xem nên buồn hay nên cười.

Chuyện thứ nhất : Lê Văn Ngọc sống tại Daklak vốn hết tình với bạn bè. Ngày kia, Ngọc rủ một số bạn đến nhà gầy độ nhậu. Vợ đi vắng nên cô em vợ ở tuổi đôi mươi mơn mởn sang giúp anh rể nấu nướng. Rượu vào thì cao hứng, một tên trong đám tấm tắc khen :

- Mày có cô em vợ thật hết ý, nhưng không biết mày có dám “tặng” cô ấy cho anh em không ?

Ngọc tỏ ý giận :

- Cô ấy là em vợ tao, mày đừng nói bậy.

Tên kia đốc thêm :

- Thế mà cũng xưng là dân chơi thứ thiệc, hết lòng vì bạn. Chỉ nói dóc.

Bị chạm tự ái, Ngọc đỏ bừng mặt :

- Được rồi, mày sẽ biết Ngọc này sống với anh em như thế nào.

Va øthế là Ngọc lôi cô em vợ vào tặng cho đám bạn nhậu. Hành vi “cao thượng” của ông anh rể này được tòa thưởng cho 9 năm tù giam. Còn tên bạn đòi hỏi chuyện đồi bại kia thì được tặng 8 cuốn lịch treo tường.

Chuyện thứ hai : Đám giỗ đã tan, thế mà anh Khởi và anh Mười vẫn cứ chén thù chén tạc với nhau. Tới khi không còn uống được nữa mới rủ nhau xuống xuồng mà về. Chẳng may xuồng bị lật. Anh Mười loay hoay một lúc mới lật lại được chiếc xuồng và bơi về nhà. Thấy anh Mười về, vợ anh Khởi bèn qua hỏi thăm tin tức. Anh Mười trả lời :

- Thằng chả “dzìa” trước tui mà.

Nói xong bèn lăn ra giường ngáy khò khò.

Sau khi nắm vững đường đi nước bước của hai ông bạn nhậu, chị Khởi hớt hả tới dựng anh Mười dậy và hỏi :

- Người ta nói ổng nhà tui về cùng với ông. Vậy  ổng đâu  rồi ?

Anh Mười cố nhướng cặp mắt nặng trĩu, bóp đầu bóp trán một hồi, rồi hốt hoảng la lên :

- Chết thật, vậy là thằng chả còn ở đó.

Chị Khởi nói :

- Ở đó là ở đâu ? Ông phải dẫn tôi đi mau.

Anh Mười lập cập dẫn mọi người tới khúc sông cách nhà 200 mét rồi bảo :

- Thằng chả chắc còn ở dưới đó. Hồi nãy xỉn quá tôi quên mất…

Chỉ một lúc sau, người ta vớt được xác anh Khởi từ dưới đáy sông. Ôm xác chồng, chị Khởi gào khóc :

- Ông ơi, ông nhậu chi mà đến nỗi này hở trời.

Tiếng khóc nức nở nghe thật ai oán và đau lòng.

 

Gã Siêu    gasieu@gmail.com
 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************