Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 73, Chúa Nhật 10.08.2008


MỤC LỤC 

Lời Kêu Gọi Mọi Người Nên Thánh Trong Giáo Hội                                     Lumen Gentium 

MẸ QUÊ VẤT VẢ TRĂM CHIỀU NUÔI MỘT ĐÀN CON CHẮT CHIU      Lm. Quang Uy, DCCT

NỐI LỬA CHO ĐỜI                                                                              Lm. Vĩnh Sang, DCCT

Vai Trò của Nhà Nước (Học Thuyết Xã Hội của GH)                                   Br. Huynhqủang

MẸ VỀ THĂM ĐÀN CON                                                            Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC

SỰ KIỆN ĐỨC MẸ BẠCH LÂM                                                       Lm. Tân Trần, Iowa, USA

NHÌN THẲNG MẶT TRĂNG                                              Nhà Văn Hương Vĩnh chuyển ngữ

HÃY ĐỨNG NGOÀI CUỘC (2)                                                                 Lm. Lê Văn Quảng

THỜI ĐẠI MỚI CỦA CHÚA THÁNH THẦN                                    Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

Nên bé nhỎ ĐỂ có cái nhìn mỚi                 Lm. MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY pss

DƯỢC PHẨM HẾT HẠN                                                                        Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức

TÌNH KHÔNG BIÊN GIỚI                                                          Chuyện phiếm của Gã Siêu


Lời Kêu Gọi Mọi Người Nên Thánh Trong Giáo Hội

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Lumen Gentium 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chương V

Lời Kêu Gọi Mọi Người Nên Thánh Trong Giáo Hội 50*

 

39. Sự thánh thiện trong Giáo Hội. Chúng tôi tin Giáo Hội, một mầu nhiệm được Thánh Công Ðồng trình bày, có tính cách thánh thiện, bất khả khuyết. Thực vậy, Chúa Kitô Con Thiên Chúa, Ðấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được ca tụng là "Ðấng thánh duy nhất" 1, đã yêu dấu Giáo Hội như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Giáo Hội (x. Eph 5,25-26). Người kết hiệp với Giáo Hội như thân thể Người và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa. Vì thế, tất cả mọi người trong Giáo Hội - hoặc thuộc hàng giáo phẩm, hoặc được hàng giáo phẩm dìu dắt - đều được kêu gọi nên Thánh, như lời Thánh Tông Ðồ dạy: "Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa" (1Th 4,3; x. Eph 1,4); sự thánh thiện này của Giáo Hội luôn được biểu lộ và phải được biểu lộ qua những hoa trái ân sủng mà Thánh Thần đã kết sinh nơi các tín hữu; sự thánh thiện ấy được diễn tả dưới nhiều hình thức nơi tất cả những ai đang cố đạt tới Ðức Ái trọn hảo trong bậc sống của mình trong khi xây dựng kẻ khác. Ðặc biệt hơn, sự thánh thiện đó tỏ lộ trong việc thực hành các lời khuyên, quen gọi là lời khuyên của Phúc Âm. Nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, nhiều Kitô hữu thực hành các lời khuyên ấy với tư cách cá nhân hoặc trong những lối sống hay bậc sống đã được GiáoHội công nhận; việc thực hành đó mang lại và phải mang lại cho thế giới một bằng chứng và một mẫu gương rạng ngời về sự thánh thiện của Giáo Hội. 51*

40. Mọi người được kêu gọi sống thánh thiện. Chúa Giêsu, thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy cho tất cả và cho mỗi một môn đệ, bất luận thuộc cảnh vực nào, một đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Ðấng ban phát vừa là Ðấng hoàn tất: "Vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời" (Mt 5,48) 2. Bởi vậy, Người đã sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong Ngài thôi thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn cùng hết sức họ (x. Mc 12,30), và yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương họ (x. Gio 13,34; 15,12). Ðược Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh. Cho nên với ơn Chúa họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận. Họ được Thánh Tông Ðồ khuyên sống "xứng đáng như những vị thánh" (Eph 5,3) và mặc lấy "lòng thương xót, nhân hậu, khiêm nhường, tiết độ và nhẫn nại như những người đã được Thiên Chúa chọn lựa, thánh hóa và yêu thương" (Col 3,12), và dùng hoa trái của Thánh Thần để thánh hóa mình (x. Gal 5,22; Rom 6,22). Nhưng vì chúng ta ai cũng có nhiều lầm lỗi (x. Giac 3,2), nên chúng ta luôn cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa và hằng ngày phải cầu nguyện "xin Chúa tha nợ chúng tôi" (Mt 6,12) 3.

Vì thế, mọi người đều thấy rõ ràng tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái 4. Ngay trong xã hội trần thế sự thánh thiện này cũng giúp người ta sống nhân đạo hơn. Ðể đạt được sự trọn lành đó, tín hữu phải xử dụng những sức lực mà Chúa Kitô đã ban nhiều ít tùy ý Người để trở nên giống Người khi theo vết chân Người, và khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi sự, họ sẽ hết lòng tìm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân. Như thế, sự thánh thiện của Dân Thiên Chúa sẽ sinh hoa trái dồi dào, như lịch sử Giáo Hội đã từng minh chứng rõ ràng qua đời sống của bao vị thánh. 52*

41. Nhiều hình thức thực hành sự thánh thiện duy nhất. Những người được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha, thờ phượng Ngài trong tinh thần và chân lý, noi gương Chúa Kitô nghèo khó, khiêm nhường và vác thập giá để xứng đáng dự phần vào vinh quang của Người; tất cả những người ấy đều theo đuổi cùng một sự thánh thiện tuy lối sống và nhiệm vụ của họ có khác nhau, cho nên mỗi người, tùy theo ân sủng và nhiệm vụ mình, phải nhất quyết tiến bước bằng con đường đức tin sống động, đức tin khơi động đức cậy và hoạt động nhờ đức ái.

Các chủ chăn lo cho đoàn chiên Chúa Kitô phải là những người đầu tiên chu toàn thừa tác vụ mình cách thánh thiện và hăng say, khiêm tốn và can đảm, noi gương vị Linh Mục thượng phẩm và vĩnh cửu, vị Chủ Chăn và Giám Mục chăm sóc linh hồn chúng ta: làm như thế, các ngài sẽ tìm thấy nơi thừa tác vụ mình một phương thế tuyệt diệu để thánh hóa. Ðược chọn để lãnh nhận trọn vẹn chức linh mục, các ngài hưởng nhờ ơn bí tích để thi hành nhiệm vụ bác ái cao cả của vị chủ chăn 5, trong lời cầu nguyện, bằng việc hy sinh, giảng dạy và bằng mọi hình thức chăm sóc và phục vụ khác thuộc bổn phận của Giám Mục; các ngài đừng ngại hy sinh mạng sống vì con chiên và trở nên mẫu mực cho đoàn chiên (x. 1P 5,3); sau cùng, các ngài làm cho Giáo Hội ngày càng thánh thiện hơn bằng gương lành của các ngài.

Các linh mục kết thành vòng hoa thiêng liêng của hàng Giám Mục 6 và thông phần vào ân sủng thuộc chức vụ Giám Mục, nhờ Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian vĩnh cửu duy nhất; cũng như hàng Giám Mục, các linh mục phải gia tăng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng việc thi hành nhiệm vụ hàng ngày; các ngài phải gìn giữ mối dây liên lạc giữa hàng linh mục, phải được dư đầy của cải thiêng liêng, phải là những chứng nhân sống động của Thiên Chúa trước mặt mọi người 7, và thi đua với những vị linh mục mà qua các thế hệ, đã để lại những chứng tá thánh thiện sáng ngời trong những việc phục vụ thường khiêm tốn và kín đáo. Các vị linh mục ấy được ca tụng trong Giáo Hội Chúa. Linh mục có bổn phận dâng kinh nguyện và lễ vật cho dân ngài và toàn thể Dân Thiên Chúa, các ngài phải ý thức điều các ngài làm và sống xứng đáng hợp với những điều các ngài cử hành 8. Các linh mục phải vượt qua những lo lắng tông đồ, những nguy hiểm và thử thách mà không để chúng trở thành những chướng ngại, hầu tiến xa hơn trên đường thánh thiện nhờ biết nuôi dưỡng và củng cố hoạt động của mình bằng việc chiêm niệm dồi dào. Như thế, các ngài sẽ mang lại niềm hoan hỷ cho toàn thể Giáo Hội Chúa. Tất cả các linh mục, nhất là những vị đặc biệt thụ phong để thành linh mục giáo phận, hãy nhớ rằng việc trung thành kết hợp và quảng đại cộng tác với Giám Mục là phương tiện rất tốt để thánh hóa chính mình.

Dự phần cách đặc biệt vào sứ mệnh và ân sủng của chức linh mục thượng phẩm, còn có những thừa tác viên ở bậc thấp hơn, trước hết là những vị Phó Tế; các Phó Tế khi phục vụ các nhiệm tích của Chúa Kitô và Giáo Hội 9, phải giữ mình tinh sạch khỏi mọi nết xấu, làm đẹp lòng Thiên Chúa và mưu cầu lợi ích cho nhân loại (x. 1Tm 3,8-10 và 12-13). Những giáo sĩ được Chúa kêu gọi để thuộc riêng về Chúa, và đang sửa soạn để lãnh nhận nhiệm vụ thừa tác viên, dưới sự coi sóc của vị chủ chăn, các vị ấy phải để lòng trí xứng hợp với ơn gọi hết sức cao cả của mình bằng cách cầu nguyện liên lỉ, yêu thương nhiệt thành, chỉ tưởng đến những điều chân thật, chính đáng và lành thánh, và chu toàn mọi sự để làm vinh danh Thiên Chúa. Thêm vào số người đó, còn có những giáo dân được Thiên Chúa chọn; họ được Giám Mục gọi để dấn thân trọn vẹn vào việc tông đồ, và họ làm việc rất hữu hiệu trong cánh đồng của Chúa 10.

Còn bậc vợ chồng và cha mẹ Kitô giáo, khi theo đuổi lối sống riêng của mình, nhờ ơn Chúa, họ phải suốt đời nâng đỡ và trung thành yêu thương nhau; đối với con cái mà trong yêu thương họ đã nhận từ Thiên Chúa, họ phải làm cho chúng hấp thụ những học thuyết Kitô giáo và những nhân đức của Phúc Âm. Nhờ đó họ nêu gương cho mọi người về mặt tình thương bền vững và quảng đại, xây dựng bác ái huynh đệ, làm chứng và cộng tác vào việc sinh sản của Giáo Hội, Mẹ chúng ta, trở nên dấu chỉ và thông phần vào tình yêu Chúa Kitô đối với Hiền Thê Người: bởi yêu thương, Người đã hiến mạng sống vì Hiền Thê 11. Dưới một hình thức khác, bậc quả phụ và độc thân cũng nêu lên một gương tương tự: họ có thể góp phần không ít vào sự thánh thiện và hoạt động của Giáo Hội. Còn những người thường làm lụng vất vả, công việc của con người phải là phương thế để đào tạo chính mình, trợ giúp đồng loại, thăng tiến toàn thể xã hội và tạo vật; và sau cùng, hân hoan trong niềm hy vọng và kiên nhẫn chịu đựng lẫn nhau, với đức ái sống động, họ phải noi gương Chúa Kitô, Ðấng đã làm việc tay chân và không ngừng cùng với Chúa Cha đem ơn cứu độ cho mọi người; và nhờ công ăn việc làm, họ phải tiến xa hơn trên đường thánh thiện, một sự thánh thiện còn có tính cách tông đồ.

Ước gì những người chịu đau khổ vì nghèo đói, tật nguyền, đau yếu và những thử thách khác, hay bị bách hại vì sự công chính cũng biết kết hợp cách đặc biệt với Chúa Kitô, Ðấng đã chịu đau khổ để cứu chuộc thế giới, vì trong Phúc Âm Chúa đã tuyên bố họ là người có phúc, và vì "Thiên Chúa của mọi ân phúc, Ðấng đã gọi chúng ta đến sự vinh hiển muôn đời trong Chúa Giêsu Kitô, sau khi chúng ta chịu đau khổ trong một thời gian ngắn, chính người sẽ làm cho chúng ta hoàn hảo, vững chắc và mạnh mẽ" (1P 5,10).

Vì thế, trong và nhờ những trạng huống, chức nghiệp hay hoàn cảnh của cuộc sống, tất cả mọi Kitô hữu ngày càng được thánh thiện hơn, nê�u họ biết tin tưởng lãnh nhận tất cả mọi sự từ tay Cha trên Trời và biết cộng tác với thánh ý Thiên Chúa bằng cách tỏ lộ cho mọi người biết tình yêu Thiên Chúa đối với thế giới trong chính việc họ phục vụ trần thế. 53*

42. Ðường lối và phương tiện nên thánh. "Thiên Chúa là tình yêu, ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa sống trong người ấy" (1Gio 4,16), Thiên Chúa đã đổ tràn đức ái Ngài trong tâm hồn chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần Ngài đã ban cho chúng ta (x. Rm 5,5); cho nên ơn huệ thứ nhất và cần thiết nhất là bác ái. Ðức ái làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân vì Ngài. Nhưng để đức ái, tựa hạt giống tốt, lớn lên trong tâm hồn và kết sinh hoa trái, mỗi một tín hữu phải sẵn lòng lo lắng nghe Lời Chúa, và với ơn Ngài thực hành thánh ý Ngài; phải năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, năng tham dự vào các nghi lễ phụng vụ, chuyên cần cầu nguyện, từ bỏ mình, nhiệt thành phục vụ anh em và chuyên cần luyện tập các nhân đức. Thực thế, đức ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật (x. Col 3,14; Rm 13,10), nên đức ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt được cùng đích 12. Vì thế, đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Chúa Kitô.

Vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã tỏ tình yêu của Người bằng cách hy sinh mạng sống vì chúng ta, nên không ai có tình yêu cao cả hơn người hy sinh mạng sống vì Chúa và vì anh em (x. 1Gio 3,16; Gio 15,13). Một số Kitô hữu ngay từ thời sơ khai đã được gọi và sẽ còn được gọi mãi để làm chứng tình yêu ấy cách hùng hồn trước mặt mọi người, nhất là trước mặt những kẻ bách hại mình. Khi tử đạo, người môn đệ đồng hóa với Thầy mình, Ðấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới, và người môn đệ nên giống Người trong việc đổ máu; Giáo Hội coi việc tử đạo đó như một ân huệ lớn lao và một bằng chứng cao cả về đức ái. Mặc dầu chỉ một số ít được phúc tử đạo, nhưng tất cả mọi người phải sẵn sàng tuyên xưng Chúa Kitô trước mặt mọi người, và bước theo Người trên đường thập giá giữa những cuộc bách hại không hề thiếu vắng trong Giáo Hội.

Sự thánh thiện của Giáo Hội cũng được đặc biệt khích lệ bởi nhiều lời khuyên Chúa đã đề ra trong Phúc Âm cho môn đệ noi theo 13. Trong những lời khuyên ấy, trước hết phải kể ân huệ cao quí mà Chúa Cha ban cho một số người (x. Mt 19,11; 1Cor 7,7), để họ tận hiến trọn tình yêu không chia xẻ cho một mình Chúa cách dễ dàng hơn, trong bậc đồng trinh hay độc thân (x. 1Cor 7,32-34) 14. Sự tiết dục hoàn toàn vì Nước Trời luôn được Giáo Hội đặc biệt quí trọng và coi như dấu chỉ và động lực của đức ái, và như nguồn mạch đặc biệt sinh nhiều ơn ích thiêng liêng trong thế giới.

Giáo Hội cũng nhớ lời khuyên nhủ của Thánh Tông Ðồ thúc giục các tín hữu sống bác ái và khuyên họ phải có tâm tình như Chúa Giêsu Kitô "Ðấng tự diệt mình, nhận lấy hình hài tôi tớ..., và vâng lời cho đến chết" (Ph 2,7-8), và vì chúng ta, "Người đã trở nên nghèo nàn, tuy Người vốn giàu sang" (2Cor 8,9). Việc noi theo và làm chứng đức ái cùng sự khiêm hạ của Chúa Kitô cần được các môn đệ thực hiện không ngừng; nên Giáo Hội là Mẹ chúng ta vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều con cái nam nữ muốn theo sát gương Ðấng Cứu Thế và tỏ lộ rõ ràng hơn sự tự diệt của Người. Họ chấp nhận nghèo khó trong tự do của con cái Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng: hơn cả mức đòi buộc của giới luật, họ tự nguyện tùng phục một con người, tùng phục vì Chúa, trong những gì liên hệ tới sự trọn lành, hầu nên giống Chúa Kitô vâng lời cách hoàn toàn hơn 15.

Vì thế, mọi Kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống mình. Bởi vậy, tất cả hãy lưu ý điều khiển tâm tình mình cho đúng đắn, để việc xử dụng của cải trần gian và lòng quyến luyến sự giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Phúc Âm, không cản trở họ theo đuổi đức ái trọn hảo, như lời Thánh Tông Ðồ cảnh giác: ai xử dụng thế gian này, xin chớ dừng lại đó, vì cuộc diện đời này sẽ qua đi (x. 1Cor 7,31, bản Hy lạp) 16. 54*

 


Chú Thích:

(lưu ý: những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo trước)

 

50* Trong lược đồ trình lên Công Ðồng khi khai mạc kỳ họp thứ hai, cả hai chương V và VI như chúng ta thấy hiện nay đều nằm chung trong một chương. Sự phân chia hai chương đó đặt ra hai câu hỏi:

1) Soạn một chương đặc biệt nói về tu sĩ phải chăng không thích hợp: (x. cuộc tranh luận trong chương kế tiếp).

2) Phải chăng tốt hơn là sắp đặt chương V này của lược đồ vào trong các chương I và II? Bởi vì việc nên thánh gắn liền với đời sống và mầu nhiệm Giáo Hội nên không thể bàn riêng được. Như vậy đáng lẽ Hiến Chế được kết cấu cân xứng và mạch lạc hơn: sau những chương đề cập đến mầu nhiệm Giáo Hội và Dân Thiên Chúa (bao gồm cả khía cạnh thánh thiện và cánh chung) là những chương nói về các bậc sống khác nhau trong Giáo Hội: giáo phẩm, giáo dân cách tổng quát, tu sĩ và những người có gia đình. Kết thúc là chương về Ðức Mẹ. Việc sắp xếp như vậy không thực hiện được vì thiếu thời giờ.

Chương V được kết cấu như sau: Công Ðồng xác định sự thánh thiện bản thể và luân lý của Giáo Hội (số 39), rồi kêu gọi mọi phần tử trong Giáo Hội phải nên thánh và hướng về sự nên thánh (số 40). Phải nên thánh thực sự trong bất cứ địa vị, điều kiện hay nghề nghiệp nào (số 41) bởi vì mọi phần tử trong Giáo Hội đều có những phương tiện tự nhiên và siêu nhiên giúp cho họ không những nên thánh mà còn có được sự hoàn hảo trong bậc sống riêng của mình (số 42).

51* Số 39: Nhập đề.

Ðiều quả quyết chủ yếu của số này là: Giáo Hội thánh thiện. Những ý tưởng khác trong số này đều phụ thuộc vào điều quả quyết chủ yếu đó. Giáo Hội thánh thiện vì tham dự vào sự thánh thiện của Chúa Giêsu Kitô. Do đó, mới có lời kêu gọi nên thánh trong trật tự luân lý, vì trong trật tự đó mà Giáo Hội phải thực hiện sự thánh thiện bản thể Chúa Kitô ban cho. Sự thánh thiện này biểu lộ trong những hoa trái ân sủng nơi mỗi người, dưới nhiều hình thức, và đặc biệt trong việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm với tính cách riêng hoặc chung. Tóm lại, số này nhấn mạnh đến khía cạnh bản thể và luân lý của sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho Giáo Hội qua Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần; và chỉ mới trình bày nền tảng theo lời Thánh Phaolô: "Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa".

52* Số 40: Mọi người đều được kêu gọi nên thánh.

Số này xét đến sự thánh thiện của mỗi Kitô hữu nằm trong văn mạch về sự thánh thiện của Giáo Hội. Công Ðồng đưa ra những yếu tố gắn liền với lời kêu gọi mỗi người nên thánh. Ðoạn nhất bày tỏ sự thánh thiện của mỗi Kitô hữu, và vì Kitô hữu được công chính hóa nhờ đức tin và phép Thánh Tẩy, tự bản thể và căn nguyên họ trở nên thánh thiện trong chân lý, nên họ có nhiệm vụ phải sống xứng hợp với điều ấy. Nền tảng thánh thiện vẫn tồn tại sau khi phạm tội. Ðề cập đến tội lỗi là để tránh một hình thức duy tâm nguy hại và để có thể lưu ý đến thực tại. Ðoạn hai kêu gọi mọi người nên thánh hoàn toàn. Ðây là phần kết luận cho cả số, rút ra từ nền tảng đã đặt định: Kitô hữu không chỉ nên thánh mà thôi, nhưng còn phải thực hiện sự thánh thiện trong đời sống cụ thể. Kitô hữu được kêu gọi làm việc đó.

53* Số 41: Thực hành sự thánh thiện.

Ðộng lực trong đời sống Kitô giáo hướng dẫn mọi tín hữu đến đức ái hoàn hảo. Việc đó được thực hành theo nhiều mức độ, cũng như tùy theo các hồng ân và trạng huống khác nhau, hoặc trên bình diện đời sống Kitô giáo nói chung, hoặc mỗi bậc sống nói riêng. Theo văn mạch chúng ta thấy rằng nếu sự thánh thiện chỉ là một xét theo bản thể của nó, nó lại có nhiều cấp độ, vì sự tự do cộng tác vào ân sủng khác nhau, vì các bậc sống khác nhau và cuối cùng vì ân sủng được trao ban theo nhiều cách thức và mỗi người có hồng ân riêng biệt của mình.

Phần còn lại là một lời khuyên nhủ đặc biệt, có tính cách mục vụ, nhằm gởi đến những hạng người và những bậc sống khác nhau trong Giáo Hội (giám mục, linh mục, giáo sĩ, giáo dân, vợ chồng, công nhân, người chuyên nghiệp nói chung), để họ sống và có thể thăng tiến trên đường thánh thiện, phù hợp với địa vị và điều kiện riêng của họ. Như vậy là đi từ lời kêu gọi nên thánh tới nhiệm vụ phải tự thánh hóa trong địa vị và điều kiện riêng của mình. Và đó là nhiệm vụ của mỗi người.

54* Số 42 : Những phương tiện thánh hóa.

Số này trình bày động lực làm cho Kitô hữu thăng tiến trên đường thánh thiện: đó là đức ái. Cơ cấu của số này như sau: đức ái là linh hồn của mọi hành động thánh thiện (42a), biểu lộ bằng hành động cao cả là tử đạo (42b), trong các lời khuyên Phúc Âm, đặc biệt trong sự khiết tịnh vẹn toàn (42c), trong sự khiêm hạ, tuân phục và khó nghèo (42d). Chính nhờ đức ái mà chúng ta tránh được nguy hiểm (42e). Ðức ái là con đường chính yếu và cần thiết để nên thánh. Công Ðồng nhấn mạnh tới tính cách thiên phú của nhân đức này như là hồng ân Chúa ban và tới khía cạnh giới luật đòi người ta phải yêu mến Thiên Chúa và tha nhân nhờ thực hành các nhân đức khác. Công Ðồng còn đề cập đến các bí tích, lời kinh nguyện, sự quên mình, sự khổ hạnh và việc phục vụ huynh đệ. Như thế đức ái là mầm mống các nhân đức khác. Từ những điều đã trình bày chúng ta có thể kết luận là đức ái đòi phải thi hành mọi giới luật Thiên Chúa (x. 1Gio 5,3; Gio 14,21; 2Gio 6). Bậc sống riêng nào của mỗi người cũng có thể thực hành những lời khuyên Phúc Âm. Như vậy là tránh được thiên kiến cho rằng các tu sĩ chiếm độc quyền việc nên thánh. Số 42 làm sáng tỏ động lực này của đức ái qua sự thực hành trong mỗi tình trạng cụ thể.

 

VỀ MỤC LỤC
“MẸ QUÊ VẤT VẢ TRĂM CHIỀU NUÔI MỘT ĐÀN CON CHẮT CHIU...”
  

Quý độc giả Ephata và Giáo Sĩ Việt Nam thân mến,

Ở các lớp Giáo Lý Hôn Nhân, tôi thường đề cập thẳng thắn đến vấn đề các gia đình bạn trẻ Công Giáo ngày nay dứt khoát không được ngừa thai theo các phương pháp nhân tạo, đừng sợ phải sinh nhiều con, đừng để lý lẽ vô thần duy vật của xã hội nó gây ảnh hưởng theo cái kiểu nói vần vè hay ho, rằng thì là: “Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”.

Nghe đến chuyện gia đình có thể có đến 4, 5 con, cả lớp cười ồ một cái. Tôi hiểu cái cười ấy – như nhiều lần, như mọi lần, khi anh em chúng tôi nói chuyện về sinh sản có trách nhiệm tại các nơi – hàm ý rằng: “Thời buổi này chỉ có... điên thì mới đẻ nhiều con !”

Có lần bị mọi người cười giễu, cho là nói chuyện tếu, tôi cũng hơi bực, sực nhớ, liền chạy sang văn phòng bên cạnh lớp, lục ra được một tấm ảnh khá lớn, khổ 20 x 15cm, mang trở lại lớp cho mọi người cùng xem. Ảnh chụp một đại gia đình có đến... 15 người con đẹp như tranh ! Nói có sách, mách có chứng. Cả lớp chuyền tay nhau xem ảnh, ai cũng ngỡ ngàng, không tin vào mắt mình.

Đó là gia đình ông Trần Viết An, 55 tuổi, và bà Đinh Thị Yến, 53 tuổi, gốc Giáo Xứ Đại Đồng ngoài Giáo Phận Phát Diệm, dân 54 vào Nam định cư tại Kênh 3, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, cố gắng làm ăn chân chất lương thiện bằng nghề nông thuần túy. Theo lời ông An – còn có tên là Bình – nhờ ơn Chúa, ông bà đã lần lượt sinh được 15 người con, tất cả đều sinh thường chứ không hề sinh mổ. Con gái cả sinh năm 1976 ( 32 tuổi ) và con trai út sinh năm 2001 ( 7 tuổi ). Một người con trai lớn đã ra trường làm kỹ sư, các con khác ăn học đàng hoàng tử tế. Đến nay ông bà đã có được 3 chàng rể với 5 đứa cháu ngoại kháu khỉnh.

Cái độc đáo ở đây là gia đình ông bà vừa nuôi ăn vừa giáo dục đàn con cái đông hơn một tiểu đội ấy, ai cũng khỏe mạnh, giỏi giang, ngoan ngoãn, hiếu với cha mẹ, thảo với anh chị em và nhất là đạo hạnh với Chúa, dễ thương với mọi người chung quanh, không chê vào đâu được. Tôi điện thoại về nhà ông An theo mã số 0773 của tỉnh Kiên Giang, ông vui vẻ trả lời các câu phỏng vấn, lộ rõ một niềm hãnh diện mà lại vẫn khiêm tốn nhìn nhận tất cả là do ơn Chúa. Ông cho biết, trong vùng này, các gia đình có 5 – 7 con là thường tình, kinh tế vẫn tươm tất.

Nghe vậy, tôi tiên cảm là vợ chồng ông có lẽ sẽ chưa dừng lại ở con số 15 người con mặc dù cả hai đã quá 50 ! Ông An còn có tên gọi là Bình, nên tôi đã chúc cho ông và cả gia đình luôn được An Bình trong sự Quan Phòng của Chúa...

Và rồi giữa lúc đang viết bài này, biết ý định của tôi, một người quen ở Cam Ranh cung cấp thêm một thông tin bất ngờ khác. Máu me nghề báo lại đẩy tôi theo manh mối số mã vùng 058 mà tìm được một chứng tá khác về chuyện con đông mà gia đình vẫn hạnh phúc. Đó là gia đình ông Phaolô Nguyễn Văn Nhung, 78 tuổi, và bà Catarina Lê Thị Dầy, 74 tuổi ( mất năm 2000 ), ngụ tại phường Cam Nghĩa, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Con số kỷ lục: 24 lần sinh, nuôi được đến nay là 20 người con, 9 nam 11 nữ.

Mà tại sao lại đông con đến vậy ? Thập niên 50 – 60, ở miền Nam, nhà nào có 6 con thì không phải đi lính. Gia đình ông Nhung vượt qua con số 6 an toàn, không thấy đèn đỏ, cứ đèn xanh mà chạy, sinh năm một đều đặn. Đến lúc gần 20 con rồi, cán bộ Ban Kế Hoạch Hóa Gia Đình có đến làm “công tác tư tưởng” rồi ra lệnh “ngưng đẻ”, ông bà Nhung trả lời nguyên văn như sau: “Tôi là người Công Giáo, con cái là do Chúa ban. Chúa cho bao nhiêu tôi nhận và nuôi bấy nhiêu". Chẳng mấy chốc, gia đình 24 con, vô địch, được “long trọng” nêu tên trên báo CA Thành Phố số 245 ra ngày 23.12.2006 !

Ông Nhung tâm sự với bác cộng tác viên của Ephata tại Cam Ranh: "Tôi rất hạnh phúc, dĩ nhiên có khó khăn và luôn lo lắng, Tôi đông con nhưng đời tôi chưa thấy khổ, trừ thời gian bao cấp, có lẽ lúc ấy mọi người đều khổ chứ không phải riêng tôi. Chúa luôn ban cho tôi điều kiện làm ăn để nuôi con tử tế".

Và quả thật, ông bà Nhung đã nuôi dạy con thật xuất sắc. Trong nhà, đứa lớn “quản lý” đứa bé hơn, cứ thế tăm tắp giống như phương pháp Hàng Đội Tự Trị của Hướng Đạo. Không chủ đích lo cho các con đeo đuổi đại học, của đáng tội, có muốn đi nữa cũng chẳng đủ sức, ông bà tìm cho các con học nghề phù hợp, đến khi lập gia đình riêng thì đã “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Hiện nay nhà chung, nhà riêng dòng họ nhà ông, dân thị xã đều phải công nhận là khang trang, tiện nghi đầy đủ, và nhất là bầu khí gia đình thật sự đầm ấm thuận hòa ( Ảnh chụp đám cưới con trai, ông Nhung đứng ngay cạnh chú rể ).

Chúng tôi không hề có tham vọng làm một bảng điều tra xã hội, thống kê, so sánh tỷ lệ sinh nhiều hay sinh ít, giàu hay nghèo, hạnh phúc hay khốn khổ, thành đạt hay thất bại. Đương nhiên chuyện sinh đẻ ở một vài làng quê hay thị trấn không thể khái quát thành chuyện cả tỉnh, cả miền, cả nước.

Chúng tôi viết bài này lại cũng không hề có ý cổ võ ủng hộ người ta sinh nhiều đẻ mắn, ồ ạt, lũ lượt, rồi cứ phủ dụ trấn an là “trời sinh voi – trời sinh cỏ”. Nhưng ngược lại, cũng không thể để cho lý thuyết vô thần tiêm nhiễm, tuyên truyền và cả khống chế người ta bằng các biện pháp kinh tế và hành chánh, ru ngủ lương tâm, làm sai lệch tri thức về Sự Sống con người, hậu quả là tình trạng ngừa thai triệt sản như đối với con vật và phá thai phát triển như một ngành dịch vụ béo bở.

Thật ra cái lý thuyết “dừng lại ở hai con để gia đình hạnh phúc, xã hội phồn vinh” đã phá sản từ lâu, nó rỗng tuếch, mỵ dân. Tại các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là Châu Á, thực tế cho thấy nhiều gia đình đã ngậm đắng nuốt cay vì một hai quý tử lại là những đứa kiêu căng, ích kỷ, dễ hư hỏng, bố mẹ ít con thì mau giàu nhưng tiền bạc lại hủy hoại hạnh phúc của họ và biến ngôi nhà đang sống trở thành... mái lạnh thay vì là một mái ấm đùm bọc yêu thương.

Tôi còn nhớ, trong một lần tổ chức Đại Phúc DCCT tại Ngô Khê, một làng quê thuộc tỉnh Bắc Ninh, khi đi thăm Giáo Dân, ngồi trong một ngôi nhà tuyềnh toàng nhưng bình dị sạch sẽ, đôi vợ chồng chắp tay mắt hướng về phía bàn thờ, nửa muốn tâm sự với tôi, nửa như cầu nguyện với Chúa: “Cám ơn Chúa, nhà chúng con đến gần chục miệng ăn, giàu thì chẳng thể giàu được, nhưng nghèo mà lại không hề khổ chút nào, cha ơi !”

Ờ ngôi làng ấy, tỷ lệ sinh có lẽ cao nhất nhì Việt Nam, nhà nào ít cũng 5 con, nhiều thì cả 11, 12. Lần ấy xong việc trở về Sài-gòn, chúng tôi đọc được tin bên Hàn Quốc, chính phủ khuyến cáo: cứ cái đà ngừa thai tối đa, không chịu sinh con như bây giờ thì chẳng bao lâu nữa, đất nước giàu có hào nhoáng này, con rồng Châu Á này sẽ... chết vì không còn nghe thấy tiếng khóc trẻ thơ !

Hội Thánh Mẹ của chúng ta luôn luôn chủ trương sinh sản có trách nhiệm, hay nói rõ hơn, sinh sản theo Thánh Ý Yêu Thương của Thiên Chúa, bởi Sự Sống chính là quà tặng vô giá của Thiên Chúa ( Donum Vitae ). Do vậy, ngay cả khái niệm “tránh thai”, “ngừa thai”, cho dẫu là ngừa tránh thai theo đường lối tự nhiên đi nữa, cũng xúc phạm đến Thiên Chúa là cội nguồn Sự Sống. Dần dần rồi chúng ta phải chuyển sang một cách nói khác trân trọng hơn, tránh dị nghĩa hàm hồ, không chỉ đối với Thiên Chúa, mà cả đối với nhau, con người với con người, vợ với chồng, cha mẹ với con cái...

Lm. QUANG UY, DCCT, Chúa Nhật 3.8.2008

VỀ MỤC LỤC
NỐI LỬA CHO ĐỜI
 

Quý độc giả Ephata và Giáo Sĩ Việt Nam thân mến,

Mấy ngày nay, kể từ khi giá cả tăng nhảy vọt và nhất là khi xăng dầu lên giá, điện chập chờn lúc có lúc không, báo Tuổi Trẻ phát động chuyên mục viết về những kinh nghiệm, những suy nghĩ về việc tiết kiệm. Rất nhiều những bài viết cụ thể, không nói suông, bắt nguồn từ những kinh nghiệm thực tế và phải nhận thật là xuất phát từ những quyết tâm hết sức cụ thể.

Có những bài viết về cách răn dạy con em một thói quen tiết kiệm, gợi cho tôi nhớ nhiều bài học nơi những người thân yêu đã một thời dạy dỗ, làm gương sáng cho tôi về chuyện tiết kiệm. Có lần tôi đến và ở lại dùng cơm nhà người anh của tôi ( anh là con nuôi của cha mẹ tôi ), nhà không đến nỗi nghèo nàn gì, nhưng anh bắt các cháu không được làm rơi vãi một hạt cơm nào, nhặt trong chén cơm có hạt thóc, anh bắt các cháu tách vỏ ra để ăn hạt cơm bên trong.

Sau cuộc chiến tại Việt Nam, anh sang định cư tại Hoa Kỳ. Trong một lần đi công việc của Nhà Dòng tôi ghé thăm anh chị. Đãi tôi một bữa cơm trên sân thượng bằng gỗ đang sau nhà, vẫn là anh, giản dị, gần gũi và tiết kiệm, anh nhặt tất cả thức ăn còn dư lại, gói cẩn thận cất đi, miệng lẩm bẩm trách các cháu: “Hãy nhớ đến những người thân yêu đang đói tại quê nhà”, bọn trẻ cười khúc khích: “Sang đến đây rồi mà bố cháu vẫn cứ như ở Việt Nam, chẳng thay đổi gì cả !”

Theo dõi phản ứng của độc giả báo Tuổi Trẻ, tôi rất mừng khi nhận thấy rất nhiều người ý thức và có những thực hành nghiêm chỉnh về tiết kiệm, điều này hứa hẹn sẽ giảm thiểu sự lãng phí rất lớn trong xã hội. Đất nước chúng ta vẫn còn trong danh sách nghèo đói, nếu trong cuộc đua tiết kiệm này, chúng ta có những chính sách cụ thể, những quyết tâm cụ thể và những việc làm cụ thể, hẳn dịp này là cơ hội cho chúng ta rút ngắn được khoảng cách với các nước tiên tiến khác.

Thế nhưng tôi như người mộng du giữa ban ngày, thực tế làm tôi ngã xuống trong chán chường, lòng trĩu nặng một nỗi thất vọng. Vẫn còn những chiếc xe đời mới của hàng cán bộ thừa tiền rửng mỡ, vẫn còn những nhà hàng nhấp nháy xanh đỏ thâu đêm, vẫn còn những quán nhậu động nghẹt người mỗi chiều tối, vẫn còn những sa hoa vung vãi chốn quần hồng ! Đã đành người ta có tiền thì người ta xài, nhưng cán bộ công chức đồng lương rõ ràng không đủ sống, sao lại có thể có xe hơi đời mới, sao lại có tiền cho con đi du học ở nước ngoài ( đi du học nước ngoài không là cái tội, nhưng tiền đâu mà họ mua nhà mua xe cho con, mà lại mua ngay bằng tiền mặt chứ không trả góp ! ), sao lại phô trương khoe mẽ với các thứ trang thiết bị cực xịn, sao lại vung vít thừa mứa những món ăn thức uống ?

Thu nhập có thể từ những nguồn khác ngoài lương, thế nguồn khác là nguồn nào nếu không phải là lương... lậu, là tham nhũng hối lộ ? Ngồn ngộn giữa ban ngày những điều chướng tai gai mắt nhưng vẫn tồn tại, hãy đi bất cứ một cơ quan nào, “xin” bất cứ một điều chính đáng nào mà không bị hành mới là lạ, hành cho đến khi làm đủ các thủ tục... “đầu tiên” thì mới “tạm thôi” ! Cả nước vẫn còn những cảnh đó thì khó mà lãnh đạo chia sẻ với người dân về một quốc sách tiết kiệm.

Sáng nay đọc một bài báo ( trang 7, báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ Tư 23 tháng 7 ) bàn về “tiết kiệm trong xây dựng nhà ở” ( tác giả là kiến trúc sư Lê Công Sĩ ), tác giả đã chỉ ra điều mà mọi người vẫn thấy sờ sờ trước mắt trong bức tranh bát nháo xây dựng ở khắp mọi nơi, nhà cửa hoành tráng một cách kỳ cục, hợm hĩnh và quái dị, đó là cái nhìn tổng quát, vào chi tiết, rất nhiều “không gian chết” làm cái hợm hĩnh trở nên hợm hĩnh hơn và nhất là quá sức lãng phí ! Phải chăng người ta có tiền, người ta thể hiện sự có tiền của mình bằng những cách làm quái dị như trên ? Để cho mọi người biết mình và mình không thể giống như mọi người !

Xót xa cho xã hội một, mình lại phải xót xa cho Giáo Hội gấp mười, bởi trong Giáo Hội hôm nay cũng đang có những con người hợm hĩnh như vậy, dĩ nhiên phải xót xa vì Giáo Hội của Chúa Kitô là Giáo Hội của người nghèo. Hãy xem một số Nhà Thờ “đua nhau” làm cầu thang vòng ở đầu Nhà Thờ. Xin các vị có trách nhiệm hãy bỏ giờ ra quan sát, một ngày có bao nhiêu người không đi cầu thang bậc trước Nhà Thờ mà sử dụng cầu thang vòng như hai càng cua ở đầu Nhà Thờ ? Làm mà không ai sử dụng thì gọi đó là “không gian chết”, và đó là lãng phí, nếu làm để xe hơi đi lên thì một năm có mấy lần xe hơi của Đức Cha và các vị quan khách đi lên và số lần đi lên như vậy có đáng để gây tốn phí bổ lên đầu Giáo Dân phải đóng góp hay không ?

Tôi mới nhận được CD và lịch biếu của một Linh Mục, trên bìa CD là hình của bản thân “người”, trên các trang lịch cũng lại chính là chân dung của... “người” ! Vậy “người” giới thiệu Chúa hay “người” giới thiệu chính “người” ?… Có ai đó đã chia sẻ với tôi rằng, làm Linh Mục phải làm được Nhà Thờ, ra được CD nhạc và ra một cuốn sách, thế là thỏa mãn ! ? ! Tôi đã nhận được khá nhiều CD biếu, danh sách ca sĩ trình bày gồm toàn những tên tuổi nổi tiếng, tôi nghĩ giá cát-xê hát không ít hơn hàng triệu bạc mỗi bài, nhưng CD nhạc của “người” nghe một lần rồi không biết tìm đâu ra chỗ mà cất cho nó khỏi bừa bộn linh tinh !

Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo, Thiên Chúa thuộc về những người nghèo, những người đau khổ thua thiệt, bị bỏ rơi. Chắc chắn chúng ta phải xem lại cách ăn nết ở của chúng ta, xem lại những phương tiện chúng ta đang sử dụng, những cái đó khẳng định “đẳng cấp” của chúng ta, cái đẳng cấp của thế gian hay đẳng cấp trong Nước của Thiên Chúa ?

Hãy xem lại đi những điện thoại di động, một người Tu Sĩ có cần loại “dế” quá nhiều chức năng như vậy không ? Hãy xem lại đi chiếc xe đang đi, có cần phải “vi vu” như vậy không ? Càng phải xem lại cái ”con xe” bốn bánh vừa sắm dùng trong thời xăng 19.000 đồng 1 lít. Hãy xem lại những bữa tiệc “tạ ơn” linh đình đãi hàng ngàn người, tôi nghe nói có bữa tiệc tốn hai tấn thịt… chó ! càng phải xem lại những chuyến rong chơi ở nước ngoài. Trời ơi, cứ như vậy thì thấy thỏa mãn hả hê và phủ phê sao ?!?

Hôm nọ có người Giáo Dân điện thoại than thở với tôi. Tôi vốn dĩ rất dị ứng với những lời tố cáo Linh Mục, nhất là các lời tố cáo về sự liên quan đến điều răn thứ sáu, đến người khác phái. Hình như đây là loại tin “giật gân” mà người ta thích thú to nhỏ, tôi càng dị ứng hơn với những lá thư nặc danh của những kẻ hèn nhát tồi bại, viết để bôi lọ một người Linh Mục nào đó mà họ không ưa. Phải gọi là hèn nhát vì họ không dám ra mặt, phải gọi là tồi bại vì kết tội một người mà không cho người ta có cơ hội để thanh minh.

Thế nhưng đây là một Giáo Dân, xưng đầy đủ tên tuổi của mình và than thở về cung cách sống của một Linh Mục nọ, tôi chẳng vội tin ngay nhưng buồn vì những câu hỏi của tôi được trả lời bằng những dẫn chứng xem ra rất thật, rất đúng về một lối sống sa hoa trưởng giả, về một lối sống mà Giáo Dân không thể đến gần được, vẫn biết chỉ là một số người thôi, nhưng cứ như vậy mà hình thành một cách sống thì dễ làm người ta ngộ nhận về Giáo Hội lắm.

Đất nước mình đang lâm vào tình trạng có quá nhiều bế tắc, đã có những cố gắng để gỡ rối và khai thông, không thể phủ nhận được vai trò của tôn giáo, không chỉ là vai trò không gì có thể thay thế được trong đời sống tâm linh, nhưng vai trò xây dựng và hình thành chuẩn mực xã hội cũng vô cùng cần thiết.

Trong những ngày này, một hội nghị bàn về “xã hội hóa giáo dục, y tế và từ thiện xã hội” đang được tổ chức với lời mời các Dòng Tu Công Giáo tham dự tọa đàm, lần đầu tiên Nhà Nước chủ động mời tôn giáo bàn về vấn đề xã hội hóa các công việc này, một vấn đề mà xưa nay phía các tôn giáo đã... “năn nỉ” Nhà Nước cho làm mà chẳng được ! Chẳng lẽ bây giờ Nhà Nước lại sẽ dễ dàng chấp thuận để các tôn giáo tham gia chăng ? Coi chừng mình sẽ không chuẩn bị kịp, cần và đủ để “góp gió” với đời và cho đời, nếu như mình không chịu thay đổi ngay lối sống của mình !

Cha Tiến Lộc từ những năm 1970, đã cùng cha Võ Tá Khánh viết một bài cho cánh sinh viên thể loại du ca, mang tên là “Nối Lửa Cho Đời”. Bây giờ lẩm nhẩm hát lại, giật mình thấy ứng nghiệm, thấy như nó đang vận vào mình, đang đặt cho mình một trách nhiệm sâu xa và bức bách:

“Nối Lửa cho đời và nối lửa cho ta, nối ở trong đời và nối tự tim ra,

Nối cho cho muôn người nguồn sức sống nhiệt thành,

Nối cho muôn người lòng mến, mến thật tình...”

Lạy Chúa, xin giúp chúng con còn nuôi được Lửa, giữ được Lửa cho ấm cho sáng, và nhờ đó mà có Lửa để nối cho đời !

Lm. VĨNH SANG, DCCT 24.7.2008

VỀ MỤC LỤC
Vai Trò của Nhà Nước
 

HỌC HỎI VỀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (BÀI V)

V. Vai Trò của Nhà Nước (178 – 201)

 

56. Theo HTXH, quyền bính có vai trò như thế nào?

 

HTXH thừa nhận và xác định vai trò cần thiết của quyền bính. Vì “Xã hội loài người sẽ không trật tự và thịnh vượng nếu xã hội ấy không có những con người có được quyền bính hợp pháp để duy trì các cơ chế của xã hội và phục vụ công ích đầy đủ” (cf. Pacem in Terris # 46). Như vậy, mọi tập thể con người đều cần đến quyền bính để điều hành tập thể ấy. Nền tảng của quyền bính được dựa trên bản tính tự nhiên của con người. Quyền bính cần thiết cho sự hiệp nhất trong một cộng đoàn. Vai trò của quyền bính là bảo đảm tối đa công ích cho xã hội (GLCG # 1898). Vì thế, HTXH nhấn mạnh sự tôn trọng và vâng phục quyền bính. “Bổn phận vâng phục đòi buộc mọi người phải tôn trọng quyền bính cho xứng hợp; đối với những người đang thi hành công vụ, phải tôn trọng và tùy công trạng của họ mà tỏ lòng biết ơn và quí mến” (GLCG # 1900).

 

57. Quyền bính có bị giới hạn bởi yếu tố nào không?

 

Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng dạy rằng: “Việc hành xử quyền bính chính trị trong chính cộng đoàn hoặc trong các cơ quan đại diện cho quốc gia luôn luôn phải nằm trong giới hạn của trật tự luân lý để đem lại kết quả và mưu cầu công ích - công ích ở đây phải hiểu cách năng động - tùy theo trật tự pháp lý đã hoặc sẽ được thiết lập cách hợp pháp. Trong trường hợp đó mọi công dân phải tuân theo lương tâm mà tuân phục. Và do đó, những người lãnh đạo đương nhiên có trách nhiệm, có thế giá và có uy quyền (GS # 74).

 

58. Dựa vào đặc tính nào thì luật của nhà nước mới thực sự có hiệu lực?

 

“Luật pháp của loài người chỉ là luật phù hợp với lẽ phải; có hiệu lực là nhờ “luật vĩnh cửu”. Khi xa lìa lẽ phải, luật sẽ không còn là luật nữa, nhưng là một sự bất công, thậm chí còn là một hình thức bạo lực” (Thomas Aquinas, Tổng Luận Thần học, I-II, 93, 3.2). Như thế, “về mặt luân lý, không phải người cầm quyền làm gì cũng hợp pháp. Họ không được xử sự cách chuyên chế, nhưng là phải hành động cho công ích vì quyền bính là một sức mạnh tinh thần đặt nền tảng trên tự do và ý thức trách nhiệm” (GLCG # 1902).

 

59. HTXH nêu lên hình thức “tam quyền phân lập” như thế nào?

 

ĐGH Leô XIII trong thông điệp Rerun Novarum đã nhắc tới hình thức tam quyền phân lập mà đương thời được xem như là điểm mới trong giáo huấn Giáo hội. Hình thức này phản ảnh một viễn cảnh trung thực bản chất của xã hội loài người; nó có khả năng pháp lý trong việc bảo vệ sự tự do cho mọi người. Mỗi một phân quyền điều được cân bằng bởi hai phân quyền kia và bởi phạm vi trách nhiệm được quy định trong giới hạn của phân quyền ấy. Đây là “nguyên tắc của luật” để làm cho luật có giá trị tối thượng chứ không phải do ý chí của một cá nhân độc tài nào (cf. Centesimus Annus, # 44).

 

Như thế, khi các vấn đề xã hội nảy sinh, các giới chức cần giải quyết những vấn đế ấy theo chức năng phù hợp của mình. Trong những hoàn cảnh thay đổi, các nhà lập pháp không bao giờ được phép quên những qui phạm luân lý, hiến pháp, công ích. Đối với các nhà hành pháp, sau khi cân nhắc cẩn thận các yếu tố hoàn cảnh, họ phải điều hành những hoạt động xã hội với sự thận trọng và am hiểu luật pháp. Cuối cùng, đối với các nhà tư pháp, họ cần phải xét xử một cách công bằng mà không chịu bất cứ sự ảnh hưởng chi phối nào do thiên vị hay áp lực (cf. Pacem in Terris, # 69).

 

60. Trách nhiệm của nhà nước trong lãnh vực tôn giáo như thế nào?

 

Nhà nước cần phải đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho mọi công dân bằng luật pháp và bằng các phương tiện hữu hiệu khác. Chính quyền cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đời sống tôn giáo để nhờ đó người dân có khả năng thực hành quyền tôn giáo và sống bổn phận tôn giáo của họ. Khi làm như thế, chính xã hội ấy cũng sẽ được hưởng những hoa trái vì những phẩm chất luân lý của công bằng và hòa bình được bắt nguồn từ niềm tin của con người với Thiên Chúa và Thánh ý của Người (cf. Dignitatis Humanae, # 6).

 

Br. Huynhquảng

 

VỀ MỤC LỤC

MẸ VỀ THĂM ĐÀN CON

Cảm tác qua hiện tượng Đức Mẹ Bạch Lâm

 

Mẹ về đứng dưới mưa!

Xem con sám hối chưa?

Mắt mẹ buồn vời vợi

Nhớ về những năm xưa...

  

Mẹ về thăm đàn con

Những tất bật, mỏi mòn

của cuộc đời trần thế

Lòng Mẹ cũng héo hon!

  

Mẹ về để xác tín

Tình yêu tuy câm nín

Nhưng là tình đại dương

Tình Mẹ con bịn rịn!

  

Xem con sám hối chưa?

Mẹ đứng mãi dưới mưa

Chứa chan đôi dòng lệ

Khóc bao nhiêu cho vừa!

  

Mẹ về thăm đàn con

Cuộc sống con chon von

Lòng Mẹ đầy thương xót

Lòng Mẹ quá héo hon!

  

Mẹ ơi, Mẹ! Mẹ ơi!

Con dâng Mẹ những lời

Với tâm tình thống hối

Đây tim con rã rời!

 

Mẹ hãy đứng đó mãi

Giúp con không sợ hãi

Vác thập giá Chúa trao

Và yêu Ngài mãi mãi! 

 

1-8-2008

Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC

VỀ MỤC LỤC
SỰ KIỆN ĐỨC MẸ BẠCH LÂM 
 

Là người đã sống gần 10 năm tại Tu hội Tông Đồ Nhỏ, trong giáo xứ Bạch lâm, câu truyện về hiện tượng lạ với tượng Đức Mẹ tại Bạch lâm đem tôi trở về với nhiều ký ức và kỷ niệm khó quên, về vùng đất đã cưu mang nhóm chủng sinh của lớp chúng tôi trong những tháng ngày gian khổ. Danh xưng tu hội Tông Đồ Nhỏ có thể gây ngộ nhận là một dòng tu. Thực tế là một tu hội triều, đúng ra là một đường hướng tu đức dành cho linh mục và chủng sinh mà đức cố giám mục Nguyễn Minh Nhật đã mộ mến và chia sẻ với các chủng sinh và linh mục do ngài linh hướng. Sau biến cố 1975, nhóm anh em chủng sinh lớp Pio X thuộc chủng viện Xuân Lộc truớc 1975 và số nhỏ anh em khác đã về sống tại tu hội TĐN. Qua bao nhiêu gian khổ và thử thách, nhiều anh em đã được hồng ân kiên trì theo bước đường ơn gọi. Do vậy, địa danh Bạch lâm gợi nhớ lại một đoạn đường đời rất đặc biệt của chúng tôi. Qua sự yêu thương và giáo dục của ĐC Nguyễn Minh Nhật, 12 linh mục đã xuất thân từ nhóm ban đầu này. Cám ơn vùng đất Gia tân, Gia kiệm, cám ơn các giáo dân ngoan đạo, nhiệt tình của các xứ đạo trong vùng đã giúp đỡ, củng cố ơn gọi, và cưu mang chúng tôi trong những ngày tháng gian khổ đó! 

Phép lạ hay sự lạ luôn là điều giật gân, gây chú ý, gây tò mò cho nhiều người. Là người Công giáo trưởng thành, chúng ta nên có thái độ thế nào? Trước hết, phải khẳng định rằng, phép lạ hay sự lạ luôn hiện hữu trong cuộc sống chúng ta. Chính Chúa Giêsu lúc sinh thời đã thực hiện nhiều phép lạ hoặc sự lạ. Có bốn thánh sử viết Phúc âm. Họ kể truyện trực tiếp về đời của Chúa. Các vị đó tên là Mát-thêu, Mar-cô, Lu-ca, và Gio-an. Cả bốn vị đều kể về nhiều phép lạ hoặc sự lạ Chúa đã làm. Ba vị đầu tiên được gọi là các tác giả Nhất lãm vì các ngài có chung cái nhìn về dàn bài, và bằng cách này hay cách khác, chia sẻ chung nguồn tài liệu khi viết Phúc âm. Ba vị này gọi những điều lạ lùng Chúa làm là "phép lạ" (Miracle). Riêng vị thứ tư, thánh Gio-an, gọi các phép lạ hoặc sự lạ là "dấu chỉ" (Sign). Cả bốn vị đều có lý: nếu ta đặt trọng tâm vào hiện tượng của sự kiện lạ thì ta thấy việc lạ lùng của Chúa là "phép lạ". Nếu ta đặt trọng tâm vào ý nghĩa mục đích của việc lạ lùng Chúa làm, thì ta gọi là "dấu chỉ". theo như tinh thần của Gio-an.

Phép lạ hay dấu lạ vẫn xảy ra trong đời sống con người nói chung và mỗi cá nhân. Ta có nhận thấy hoặc nhìn thấy hay không lại là vấn đề khác. Nếu nhìn vào dấu lạ hoặc phép lạ, rồi chỉ dừng lại ở đó để ngạc nhiên và tò mò thì ta không đạt được mục đích Chúa muốn. Phép lạ hay dấu chỉ luôn chuyển đạt một lời nhắn gửi thầm kín hoặc một thông điệp từ Thiên Chúa, thí dụ: để củng cố và giúp ta vũng tin, để giúp cải thiện thay đổi đời sống, để xoá tan bóng tối mây mù của hoang mang ngờ vực, để thối thúc ta sống hoặc hành động theo sự tốt lành, để giúp ta vượt một khó khăn cụ thể nào đó. Chúa không thực hiện phép lạ để tự phô truơng chính mình, để trục lợi, để biến thị chứng nhân của phép lạ trở thành điên dại, hoặc cuồng tín vô lý. Phép lạ hay dấu chỉ là để xây dựng đức tin con người và hòan chỉnh con người. Phép lạ hoặc dấu lạ giúp con người sống tốt hơn, và cuối cùng tìm về với Chúa.  

Phép lạ hay dấu chỉ có thể là hiển nhiên khi nhiều người cùng chứng kiến và quả quyết làm chứng; khi lãnh vực y khoa, hoặc khoa học nói chung cũng ngạc nhiên, bó tay không thể giải thích sự kiện; khi giáo quyền sau khi điều tra cầu nguyện suy xét, đã trực tiếp hay gián tiếp nhìn nhận. Phép lạ hay dấu chỉ cũng có thể chỉ hòan tòan mang tính riêng tư hoặc là một mạc khải tư. Chúng ta là con người có xác có hồn. Thái độ lành mạnh của người Ki tô hữu là dùng tinh thần đức tin và lý trí để nhìn nhận sự việc, dĩ nhiên cũng dùng tình cảm để mộ mến: chúng ta tôn trọng những dấu chỉ tốt của sự việc, nhưng không vội vã thêm lời hoặc cố ý gây ngộ nhận, không cứng lòng trước sự đánh động tâm linh. Nếu thực là việc Chúa làm, việc đó sẽ là việc tốt lành, sớm muộn sẽ được sáng tỏ. Người Công giáo truởng thành không nên cường điệu hóa hoặc phóng đại hóa những điều không có thật. Đừng làm gì có tính cuồng tín vô lý. Nhưng cũng đừng cứng lòng để rồi đóng cửa lòng không muốn đón nhận thông điệp của Chúa, qua các dấu chỉ thực sự Chúa muốn gửi tới. Hãy cứ mở tâm hồn cho Chúa để sống đức tin tốt hơn và thay đổi đời sống và đến gần Chúa! 

Với sự kiện Bạch Lâm, chúng ta hãy nói điều thật, làm chứng điều thật. Chúng ta có thể tò mò ngạc nhiên và muốn tìm hiểu thêm cho rõ sự việc qua chứng nhân, qua truyền thông, qua lý trí suy xét. Chúng ta có thể cầu nguyện tại nhà hoặc đến chính Bạch lâm để cầu nguyện. Điều tích cực phải làm là tìm cho mình ý nghĩa đức tin và hướng đến sự thành tâm cầu nguyện. Đừng dùng những câu chuyện lạ để làm những điều khách quan không lành mạnh, hoặc thành dịp lỗi đức ái, hoặc trục lợi. Cầu xin Chúa qua sự chuyển cầu thần thế của Mẹ Maria giúp đem ta đến gần Chúa, xa tránh tội lỗi, và sống đức tin. Nếu là việc Chúa làm mọi sự sẽ là an bình và tốt lành.  Lời trong kinh cầu Đức bà: Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa, cầu cho chúng con!  

L.M. Tân Trần, Iowa, USA

VỀ MỤC LỤC
NHÌN THẲNG MẶT TRĂNG 

 

NHƯ LỜI CẦU KINH Tác giả ANTHONY DE MELLO 

(QUYỂN I)

Nguyên tác THE PRAYER OF THE FROG

(Volume I)

Quyển sách gồm những mẩu chuyện chiêm niệm

Dịch giả Nhà Văn Hương Vĩnh 

69.- NHÌN THẲNG MẶT TRĂNG 

Một đêm kia, thi sĩ A-khoa-đi Kê-man (Awhadi Kerman) đang ngồi trước cổng nhà, cúi xuống trên một chậu nước. Thình lình vị tu sĩ Hồi giáo Sam-ê Ta-bri-zi (Shams-e-Tabrizi) đi ngang qua đó. Thầy hỏi thi sĩ: “Ông đang làm gì vậy?” 

Đây là câu trả lời: “Ngắm trăng trong chậu nước.” 

Trừ khi cổ ông bị cụp xuống, tại sao ông không nhìn thẳng mặt trăng ở trên trời?” 

* * * * * 

Ngôn từ không phản ảnh thích đáng thực tế.

Một người tưởng mình biết được ngôi đền Ta-jơ Ma-han (Taj Mahal)6 là gì vì được người ta cho xem một miếng đá cẩm thạch và nói ngôi đền chỉ là một tập hợp những miếng đá như thế.

Một người khác vì đã xem thấy nước của thác Nia-ga-ra ở trong một cái xô thì tin chắc là mình đã biết thác đó giống cái gì. 

*  *  * * * 

Bạn có một cháu bé kháu nhỉ!

Chẳng ăn thua gì! Bạn phải xem ảnh của nó kìa!

 

Ngôn từ (và ý niệm) là những dấu chỉ,

không phải là phản ảnh, của thực tại.

Nhưng, như những nhà thần bí Đông phương tuyên bố:

Khi nhà Hiền Triết chỉ mặt trăng,

Những gì người khù khờ thấy là ngón tay!

(6) Chú thích của người dịch: Đền Taj Mahal ở Agra, bắc Ấn Độ là một lăng mộ có kiến trúc nổi tiếng, đã được vua Jahan cho xây năm 1632 để quàn thi hài vị ái phi của mình.

  

70.- NGƯỜI SAY RƯỢU NHÌN XUỐNG MẶT  TRĂNG  

Một đêm kia, một người say rượu lảo đảo qua một chiếc cầu, đụng phải một anh bạn. Cả hai đứng tựa vào cầu và bắt đầu tán dóc một lúc. 

Thình lình người say rượu hỏi: “Cái gì ở dưới kia kìa?” 

Người bạn đáp: “Đó là mặt trăng.” 

Người say rượu nhìn lần nữa, lắc đầu bán tín bán nghi và nói: “Được rồi, được rồi. Nhưng quỉ thần ôi, làm sao mà tôi ở trên cao này.” 

* * * * * 

Chúng ta hầu như chả bao giờ thấy thực tế.

Điều chúng ta thấy chỉ là phản ảnh của thực tế

dưới hình dạng những ngôn từ và ý niệm,

rồi thì chúng ta tiến hành để coi đó là thực tế.

Thế giới trong đó chúng ta sống

hầu như là một cấu trúc trí tuệ.

Người ta được nuôi dưỡng bằng ngôn từ,

sống bằng ngôn từ,

không có ngôn từ, họ có thể sụp đổ.

 

71.- CHÂM NGÔN BỊ MẤT 

Một người ăn xin giật mạnh tay áo một khách bộ hành và xin tiền uống cà-phê. Ông kể lể như sau: “Thưa ông, có một thời khi tôi là một nhà kinh doanh giàu có như ông. Tôi làm việc vất vả suốt ngày. Trên bàn viết của tôi là câu châm ngôn: HÃY SUY NGHĨ MỘT CÁCH SÁNG TẠO, HÃY HÀNH ĐỘNG MỘT CÁCH CƯƠNG QUYẾT, HÃY SỐNG MỘT CÁCH MẠO HIỂM. Đó là câu châm ngôn mà tôi đã sống qua – và tiền bạc không ngừng đổ vào. Và rồi…và rồi…(toàn thân người ăn xin rung động vì khóc tấm tức)…người quét dọn văn phòng đã liệng câu châm ngôn của tôi vào sọt rác.” 

* * * * * 

Khi bạn đường bệ đi ra khỏi sân chùa,

đừng dừng lại đọc những tờ báo cũ.

Khi bạn tẩy sạch con tim,

Đừng dừng lại đùa bỡn với những ngôn từ.


VỀ MỤC LỤC
HÃY ĐỨNG NGOÀI CUỘC (2)
 

“Không được đánh nhau! Các con làm mẹ phát điên bây giờ.” Bà mẹ la lên từ phòng bên cạnh. 

“Cu Trí không để con xem tivi.” Bé Hồng mét mẹ như vậy. 

Cậu bé nói lại: “Chị không để con xem chương trình của con.” 

Với cái thở dài, bà mẹ đi vào phòng tivi để giải quyết cuộc chiến.

Thái độ của bà mẹ cho một ám chỉ đối với cuộc chiến đó. Con trẻ cãi nhau giành tivi. Bà mẹ chán nản. 

“Đừng làm mẹ nổi điên bây giờ”, bà mẹ nói trong sự buồn chán. 

Thật khó tin, nhưng đây là mục đích của cuộc chiến, nó làm cho bà mẹ phát điên. Điều nầy cho thấy đó là phương tiện lôi kéo sự chú ý của bà có hiệu quả nhất. Bà vào cuộc như một nhà trọng tài. Cuộc chiến làm bà chán, giữ bà trong sự hồi hộp, làm bà phải ngưng tất cả, và đi giải quyết vấn đề. Thật ra, nó đã khiến bà có sự chú ý và phục vụ không mấy thích hợp. 

Bà mẹ có thể không bị làm chán nản bỡi việc tranh chấp giữa hai đứa trẻ bao lâu bà nhận thức rằng bà không phải làm bất cứ điều gì về vấn đề đó. Càng có nhiều cảm giác về trách nhiệm đối với con cái và lợi ích của chúng thì càng thêm nhiều thất vọng khi thấy con cái mình như thế. Kết quả đương nhiên là chúng ta không thể ra khỏi những vấn đề của chúng. Sự tranh luận về chương trình tivi là của hai đứa trẻ. Đó không là chuyện của bà mẹ. Khi bà mẹ ý thức về nguyên tắc nầy, bà không còn cảm thấy chán chường nữa. Bà chỉ cần đi làm việc bà đang làm và hãy để cho chúng giải quyết vấn đề của chúng. Chắc chắn là khi bà mẹ không chạy đến thì một đứa sẽ chạy đi tìm bà, bấy giờ bà mẹ có thể trả lời: 

“Mẹ xin lỗi, con đang có vấn đề, nhưng mẹ nghĩ con có thể giải quyết vấn đề đó với nhau.” 

Bà hãy trao trách nhiệm lại cho chúng nó và từ chối đi vào chuyện không phải của mình. Bà cũng nên tước đoạt khỏi chúng những kết quả được mong đợi cho rằng: tranh cãi như vậy là có ích.

Hãy nhớ rằng bất cứ giải quyết bằng cách nào, cha mẹ cũng chỉ làm cho vấn đề thêm rắc rối, tồi tệ thêm khi cha mẹ can thiệp vào. Khi có một cha mẹ can thiệp vào, họ tước đoạt con cái khỏi cơ hội học hỏi làm sao giải quyết những xung đột riêng của chúng. Chúng ta đều đã có kinh nghiệm về những trường hợp có sự xung đột về quyền lợi, và tất cả chúng ta phải phát triển những khéo léo trong việc đối phó với những tình trạng xung đột như thế. Chúng ta phải học cách “Cho” và cách “Nhận.” 

Mỗi lần bà mẹ quyết định ai sẽ coi chương trình nào, bà ta đặt mình như kẻ có quyền và con cái không học được gì về sự cộng tác, sự thích nghi, hoặc trò chơi công bằng. Bao lâu chúng ta còn làm thay cho con trẻ, chúng không thể học cách tự xếp đặt cho chính chúng. Điều nầy áp dụng cho sự tranh chấp và sự phát triển tự lập. Một đứa trẻ mà mọi trận chiến đều được giải quyết cho nó sẽ không bao giờ biết cách giải quyết những tình trạng khó khăn, và sẽ đi đến sự tranh chấp mà không có mục đích nào. 

Thật rất khó cho cha mẹ để thấy tại sao những trận chiến giữa con cái thì không phải là công việc của cha mẹ. Họ xem đó là bổn phận của họ phải dạy chúng không chống đối nhau. Và họ có lý. Chúng ta nên dạy chúng không tranh chấp. Nhưng vô phúc, sự can thiệp và việc làm trọng tài không mang lại kết quả nầy. Trong khi nó có thể chận đứng những đứa trẻ đang giao đấu ngay tức khắc, nhưng không dạy cho chúng làm sao để tránh những lần xung đột kế tiếp, hoặc làm sao để giải quyết những xung đột trong cách thế khác. 

Nếu những can thiệp của chúng ta thỏa mãn được con cái thì tại sao chúng nên ngưng tranh chấp. Nếu một cuộc đấu đá không sinh một kết quả nào khác hơn là sự bầm mặt hay chảy máu mũi thì đứa trẻ đó không có khuynh hướng giải quyết xung đột của nó trong cách thế khác sao? Nếu vết thương đau bỡi cuộc đấm đá không suy giảm bỡi những kết quả phụ thuộc khác, đứa trẻ có thể cố gắng tìm cách để tránh khỏi phải mang thêm một vết thương đau khác. Trong cách thế đó, mỗi đứa trẻ có thể phát triển cảm giác trách nhiệm đối với việc xử thế với anh chị em với nhau. Bà mẹ có thể giúp trong việc săn sóc cái lỗ mũi chảy máu nhưng không được đúng về phía nào, không được phê bình đứa nào đúng đứa nào sai. “Mẹ xin lỗi con bị tổn thương trong khi đánh nhau” – chỉ nói vậy cũng đủ rồi. 

Và sau đây là sự chia xẻ của một bà mẹ trong nhóm chúng tôi: 

“Chồng tôi và tôi bắt đầu phớt lờ cuộc chiến của hai đứa con. Thường ngày một đứa chạy đến mách chuyện về đứa khác và chúng ta thường nhảy vào cuộc chiến. Đó là một chuyện đau đầu. Tôi cảm thấy căng thẳng suốt ngày bỡi những vụ kiện cáo đó. Đoạn tôi bắt đầu nói với chúng: 

“Mẹ nghĩ các con có thể giải quyết vấn đề cho chính các con.” 

Và tôi bắt đầu giữ yên lặng. Ngay tức khắc tôi phớt lờ bất cứ cái gì xảy ra và cũng ngay tức khắc chúng nó cũng không đến để kiện cáo nữa. Một ngày kia tôi nghe đứa em nói: 

“Em sẽ đi mét mẹ điều chị làm.” 

Đứa lớn nói: “Có nói cũng vô ích. Mẹ cũng sẽ nói: con có thể tự giải quyết điều đó.” 

Đó là lần cuối cùng tôi nghe. Tôi có thể nói cho các bạn rằng điều đó đã tạo nên một sự khác biệt – không phải ở phía nào nữa, cũng không cảm thấy giận dữ khi đứa nầy lạm dụng đứa kia. Tôi đã học được rằng hầu hết các trận chiến là để gây sự chú ý, và rằng đứa trẻ hơn có thể tự lo cho nó tốt hơn là bạn nghĩ. 

Bây giờ tôi rất vững tin rằng bố mẹ nên đứng ngoài vòng tranh chấp của những đứa con, không chỉ vì lợi ích của chúng nhưng cũng vì điều đó sẽ làm giảm bớt khoảng chín mươi phần trăm những căng thẳng mà do việc nuôi con trẻ mang đến”. 

Lm. Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý

VỀ MỤC LỤC
THỜI ĐẠI MỚI CỦA CHÚA THÁNH THẦN  

Đại Hội Giới trẻ thế giới XXIII (WYD 2008) đã kết thúc nhưng dư âm sức mạnh Chúa Thánh Thần vẫn còn vang vọng đâu đây và sẽ còn vang vọng mãi mãi cùng khắp thê giới. Thời Đại Mới của Chúa Thánh Thần. Người viết thu lượm những ý nghĩa chính về Đức Chúa Thánh Thần đã được Đức Thánh Cha nhắc nhở nơi đại hội như là chủ đề.

 

Trong thông điệp gửi đến tất cả mọi người hành hương đang tiến về  Đại Hội Giới Trẻ thế giới 2008 tại Sydney, Úc Châu, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhắc lại lời thánh Augustine: “ Nếu anh em muốn giữ cho tâm hồn được trẻ trung mãi thì hãy tìm đến với Chúa Kitô”. If you wish to remain young, seek Christ.

 

Lời nhắn nhủ này quả rất thích hợp không những chỉ với những bạn trẻ đang chờ ngóng Đức Thánh Cha trên đường tới đại hội mà còn thích hợp với mỗi một người chúng ta, kể cả xã hội Tây Phương mà tinh thần thế tục đang lúc lên cao độ, nơi mà người ta dị ứng và thù nghịch với sứ điệp của Chúa Kitô.

 

Paul Kelly, chủ bút một tờ báo rất có uy tín ở Sydney, tờ Australian, đã viết: “Chủ nghĩa thế tục quả là một vấn nạn”.

 

Trong một bài bình luận đăng tải trước ngày khai mạc đại hội, ông viết: “Chủ nghĩa thế tục không những chỉ muốn giới hạn, đẩy lui tôn giáo vào một phạm vi hạn hẹp riêng tư cá nhân mà còn cố tình tạo ra một chủ nghĩa vô thần như là môt tôn giáo để lèo lái tôn giáo thực ra khỏi đời sống công cộng”.

 

Thực ra, đây chính là chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 này. Thủ tướng Úc Kavin Rudd trong bài diễn văn chào mừng Đại Hội đọc lúc thánh lễ khai mạc ngày 15-7-2008 đã nói lên tấm quan trọng của Kitô giáo trong môi trường chính trị nước Úc, nơi các chính trị gia của Úc Châu. Ông nói: “ Người ta nói thế kỷ 21 này không có chỗ đứng cho Đức Tin, nhưng tôi nói: Họ đã lầm!  Người ta lại nói: Đức Tin là kẻ thù của lý trí, nhưng tôi cũng lại nói: Họ cũng lại lầm nữa”.

 

Thủ tướng Úc cũng đã vinh danh Kitô giáo về phương diện phát triển giáo dục và phục vụ người nghèo khổ. Ông nói:

  

-“Kitô giáo đã và đang thi hành công tác thiện nguyện một cách  hăng say tích cực và mạnh mẽ không thể tưởng tượng nổi ở trên thế giới này.”

 

 

MỘT THẾ GIỚI TỐT ĐẸP HƠN

 

Chủ đề bài giảng của Đức thánh Cha hôm lễ cung hiến bàn thờ của Nhà Thờ Chính Tòa Mẹ Maria hôm 19-7-2008 đã là một thách đố đối với vai trò của tôn giáo. Đức Thánh Cha nói: “Người ta nhân danh tự do và tự chủ của con người để loan truyền danh Chúa trong thầm lặng, còn tôn giáo thì bị thu gọn lại chỉ để cầu nguyện nơi chốn riêng tư, và niềm tin thì bị chối  bỏ ở nơi công cộng” [1]

 

Trong những bài  thuyết giảng khác, Đức Thánh cha đã nhấn mạnh đặc biệt đến sự đóng góp tích cực và hiển nhiên của tôn giáo và người tín hữu. Trong bài đáp từ tại buổi chào mừng Đức Thánh Cha tại dinh thủ tướng Úc ngày 17-7-2008, Đức Thánh Cha đã nói về những người hành hương tham dự đại hội giới trẻ thế giới WYD 2008. Họ đã cùng nhau tụ họp lại một cách kỳ diệu và vĩ đại như thế nào để nghe lời Chúa và cùng nhau học hỏi thêm nữa về niềm tin Kito giáo!.

 

Tuy nhiên, đó chỉ là bước khởi đầu. “Họ còn hăm hở -Đức Thánh Cha nói thêm- tham dự vào một biến cố có thể biến những lý tưởng cao cả mà họ đã linh hứng được thành một tiêu chuẩn để thực hiện, và khi họ trở về với gia đình thì lòng họ tràn đầy hy vọng, những thề hứa, ước nguyện và quyết định của họ lại được lặp lại hầu góp phần vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”.[2]

 

Cũng trong bài đáp từ đó, Đức Thánh Cha đã nhắc lại chủ đề về Chúa Thánh Thần đã được chọn cho Đại hội. “Anh em sẽ nhận được Sức Mạnh Chúa Thánh Thần khi Người ngự xuống nơi anh em và anh em sẽ là chứng nhân của Ta đến tận cùng trái đất” (Acts 1:8)

 

Thánh Thần Chúa sẽ ban ơn khôn ngoan cho những người trẻ để họ nhận biết ra được đường họ phải chọn để đi, lòng can đảm để họ có thể bước tới.

 

Đức Thánh Cha đã luôn luôn lặp đi lặp lại chủ đề này trong tất cả các bài thuyết giảng của ngài trong những ngày kế tiếp để rồi tập trung cô đọng lại trong bài giảng ngày lễ bế mạc đại hội hôm 20-7-2008 tại trường đua ngựa Randwick Racecourse.

 

Sức Mạnh của Chúa Thánh Thần –Đức Thánh Cha diễn giải- chính là sức mạnh của đời sống Thiên Chúa, sức mạnh của cùng một Thánh Linh Chúa đã bay lượn trên mặt nước vào buổi bình minh ngày tạo thiên lập địa, sức mạnh đã làm Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, sức mạnh dẫn đưa chúng ta về Nước trời.

 

Đức Thánh Cha cũng đã nhắc lại một quan niệm mà trong những năm qua thường được chỉnh đốn dưới hình thức của một tôn giáo khác. Quan niệm về một thời đại mới. Đức Thánh Cha đã bình phẩm bằng lời phúc âm: “Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã tuyên phán thời đại mới đã bắt đầu và Thánh Thần Chúa sẽ đổ tràn đầy ân sủng xuống cho nhân loại (Lk 4:21)” [3]

 

Vậy thì –Đức Thánh Cha cắt nghĩa- ân sủng Chúa Thánh Thần đổ xuống không phải là sức mạnh chỉ để soi sáng và an ủi mà còn là sức mạnh để giúp chúng ta tạo dựng một thế giới mới.

 

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Sức Mạnh do Chúa Thánh Thần ban tặng sẽ giúp chúng ta nhìn ra một viễn tượng phong phú niềm tin là một thế hệ mới của người Kito hữu đang được Chúa kêu gọi để cùng nhau tạo dựng một thế giới, trong đó tặng vật đời sống Thiên Chúa sẽ được hoan hô cổ võ, nể trọng và ấp ủ, chứ không bị chối bỏ, thiêu hủy hoặc sợ hãi.như  là bị đe dọa” [4]

 

Tình yêu của thời đại mới này không còn là loại tình yêu tham lam vị kỷ, nhưng là tình yêu tinh tuyền và tự do; mọi người đều chân tình cởi mở chia ngọt xẻ bùi với nhau, kính trọng nhau và giúp nhau tiến bước trên bước đường thiện. Một Thời Đại Mới của Hy Vọng có thể giải thoát loài người khỏi tính nông cạn hẹp hòi, vô cảm và thờ ơ hoặc tự ti mặc cảm làm cho tâm hồn chúng ta trở nên trai cứng và u tối, đầu độc tình thân hữu và nghĩa huynh đệ.

 

MỘT THÁCH ĐỐ

 

Một trong bài thuyết giảng, Đức Thánh Cha cũng nói rõ ràng là  ngài không chỉ giúp cho giới trẻ có được tràn đầy Hy Vọng và thoải mái mà còn thách đố họ tạo dựng một thời đại mới: “Các bạn trẻ thân mến,  Thiên Chúa đang yêu cầu các bạn trở thành những ngôn sứ của thời đại mới, sứ giả của tình yêu, lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa Cha và xây dựng một tưong lai hỵ vọng cho toàn thể nhân loại”.[5]

 

Đức Thánh Cha cũng đưa ra một loạt những câu hỏi để những bạn trẻ hiện diện trong thánh lễ bế mạc đại hội suy nghĩ. Các bạn sẽ để lại  được cái gì cho thế hệ kế tiếp của các ban? Các bạn sẽ sử dụng thế nào những ân tặng và sức mạnh mà Chúa Thánh thần đã ban cho các bạn? Các bạn có sống cuộc sống mở rộng tâm hồn để đón nhận Thánh Thần Chúa trong một thế giới xáo trộn băng giá mà người ta chỉ muốn quên Chúa hoặc giả chối bỏ Chúa nhân danh một loại tự do sai lầm lạc hướng?

 

Sự thách đố này cũng là một đề mục trong bài thuyết giảng của Đức Thánh Cha trong đêm vọng lễ bế mạc đại hội. Đức Thánh Cha đã nói về chứng nhân trong thế giới ngày nay mà Ngài diễn tả như là những gì yếu đuối và dòn mỏng vì những tổn thương tâm hồn.

 

Rất nhiều những vết thương như vầy là do hậu quả bệnh hoạn của thuyết tương đối là “không nhìn thấy hoặc thất bại khi nhìn tổng thể vấn đề”, bởi vì họ cố tình không biết đến những nguyên tắc “khả dĩ có thể giúp chúng ta sống và triển nở trong hiệp nhất, trật tự và hòa điệu”.

 

Chìa khóa để nhìn ra tổng thể vấn đề là phải mở rộng tâm hồn mình để cho Thánh thần Chúa hành động, Ngài sẽ gìn giữ chúng ta hiệp nhất với Chúa Kitô và Giáo Hội.  Sự kết hợp này là căn tính cơ bản của Chúa thánh thần, như Đức Thánh Cha đã diễn giải,  đã nói lên tính đặc thù của Thần Linh Chúa là thông phần chia sẻ cùng với Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con.

 

Đức Thánh Cha tiếp tục diễn giải: Chúa Thánh Thần cũng là Tình Yêu và Tự Hiến. “Hãy  để tình yêu hiệp nhất là mức độ đo lường của bạn, tình yêu vĩnh cửu là thách đố cho bạn, tình yêu tự hiến là sứ mệnh bạn theo đuổi”.[6]

 

KẾT QUẢ  TRÔNG THẤY

 

Trước ngày bắt đầu Đại Hội, rất nhiều bài báo của giới truyền thông Úc Châu đã tập trung mũi dùi vào khía cạnh tiêu cực của biến cố như là quá tốn kém và làm rối loạn sinh

hoạt bình thường của thành phố.

 

Nhưng khi đại hội bắt đầu tiến hành và người dân có thể nhìn thấy Đức Thánh Cha, chứng kiến và tham dự vào những biến cố huy hoàng và đặc biệt của đại hội như quang cảnh di chuyển chặng đường Thánh Giá thì truyền thông báo chí lại ca tụng hết lời.

 

Nhiều bài báo tường thuật  đã ca tụng ban tổ chức rất có khả năng. Một số bài lại nói cảnh sát, ban an ninh trật tự không cần phải làm việc nhiều như những dịp tụ họp khác với một số đông giới trẻ như vầy.

 

“Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (WYD2008) đã cho chúng ta thấy là Giáo hội rất vui mừng hoan hỉ với giới trẻ của ngày hôm nay và tràn đầy hy vọng với thế giới của ngày mai”. Đó là lời phát biểu của Đúc Thánh Cha Biển Đức XVI lúc rời Úc Châu tại phi trường Sydney ngày 21-7-2008.

 

Thách đố bây giờ, đối với Giáo Hội ở Úc Châu và  trên khắp thế giới,  là biến hy vọng trở thành hiện thực.

 

Pace Islands, Florida  July 28, 2008


 
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh


[1]  In the name of human freedom and autonomy, God’s name is passed over in silence, religion is reduce to private devotion, and faith is shunned in the public square.

[2]  They are eager to take part in an event which brings into focus the high ideals that inspire them, and they return home filled with hope and renewed in their resolve to contribute to the building of a better world.

[3]  In today’s Gospel, Jesus proclaims that a new age has begun, in which the Holy Spirit will be poured out upon all humanity.

[4] Empowered  by the Spirit, and drawing upon faith’s rich vision, a new generation of Christians is being called to help build a world in which God’s gift of life is welcomed, respected and cherished, not rejected, feared as a threat and destroyed.

[5]  Dear young friends, the Lord is asking you to be prophets of this new age, messengers of his love, drawing people to the Father and building a future of hope for all humanity.

[6]  Let unifying love be your measure; abiding love your challenge; self-giving love your mission.

VỀ MỤC LỤC
Nên bé nhỎ ĐỂ có cái nhìn mỚi

Tác Phẩm Chúa Vẫn Thương

Lm. MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY pss

Phần một

BẠn thẾ nào Chúa yêu bẠn thẾ Ấy 

Tình yêu đáp trẢ tình yêu

Nên bé nhỎ ĐỂ có cái nhìn mỚi.

Kiên trì cẦu nguyỆn đỂ vưỢt qua thỬ thách đau khỔ. 

Bạn hãy xin Chúa điều đó đi. Chúa sẽ ban cho bạn một cái nhìn mới. Bạn sẽ được biến đổi trong tương quan với người khác: cảm thông thay vì cứng cỏi, yêu thương thay vì xét đoán, và dịu dàng trong tất cả mọi sự. Nếu bạn muốn, Chúa sẽ đi với bạn thật xa, không phải bằng sức riêng của bạn đâu. Điều đó không thể được. Nhưng không có gì là không thể được với Thiên Chúa. 

Bạn có tin rằng Chúa có thể nâng dậy cái đã còng xuống không? Bạn có tin rằng Chúa có thể uốn thẳng cái đã cong queo không? Bạn có tin rằng Chúa có thể làm điều đó ở trong bạn không? Không phải ở trong những người khác, mà là ở trong chính bạn? Vậy nếu bạn tin điều đó thì bạn hãy nhẫn nại, vì Chúa đang bắt tay vào việc. Sự mất kiên nhẫn của bạn làm vướng bận cho Chúa, và những nghi ngờ của bạn cản bước Chúa. Bạn hãy tin và mọi sự sẽ được hoàn thành. 

Một người đàn bà có thể quên đứa con mình và không thương đứa con bà đã cưu mang sao? Dù bà có quên con bà đi nữa, thì Chúa, Chúa không quên bạn đâu. Bạn thấy, Chúa bồng bạn trên lòng Chúa. 

Hỡi bạn, Chúa biết trái tim bạn đã bị đóng kín, và bạn không thể tự mở ra được. Tình yêu của Chúa bao bọc lấy bạn, những ngọn sóng tình yêu của Chúa bao phủ bạn khắp nơi. Bạn hãy xin Chúa điều đó và Chúa sẽ hành động trong bạn. 

Bạn muốn phải thật lớn, bạn muốn phải hiểu trước đã. Bạn muốn tự bảo vệ khỏi một cái xấu tưởng tượng. Bạn muốn có lý có sự … Hỡi bạn, hãy trở lại nhỏ bé đi, nhờ ơn của Chúa.  

Nếu bạn thật lòng muốn điều đó, nếu tự bạn xin Chúa điều đó một cách cá nhân, Chúa sẽ giúp bạn. Bạn hãy chấp nhận trở nên như một trẻ nhỏ, trong vòng tay của Mẹ hay Ba nó, bạn sẽ ngỡ ngàng trước tình yêu của Chúa, vượt quá tất cả mọi sự mà bạn có thể suy nghĩ, vượt quá tất cả mọi sự mà bạn có thể tưởng tượng. Và bạn sẽ mở biên cương lòng bạn ra rất rộng, rất rộng… 

Chiều nay, hỡi bạn, bạn thế nào Chúa yêu bạn thế ấy. Chúa quý bạn dường nào! Hãy để Chúa hành động theo cách của Chúa. Chúa đã bắt tay vào việc, cho bạn và cho mọi người chung quanh bạn. Chúa đã ban cho bạn Đức Tin, hãy thực hành Đức Tin ấy đi. Đi tới, mở nhìn thật lớn. 

Hỡi bạn, hãy vui mừng lên, Chúa  đang có mặt, rất có mặt với bạn. Chúa hiện diện sống động hơn nhiều những thứ khác trong truyền hình hoặc ở nơi khác. Chúa đang có mặt với bạn chiều nay, một cách đặc biệt. Hãy nhận lấy chỗ của bạn, hãy vui vẻ dọn dẹp, bày biện ra cho thoải mái. Hãy để Chúa hành động trong bạn, Chúa là Chúa Tình Yêu và Chúa yêu bạn. 

Bạn hãy đến uống nơi nguồn của Chúa, bạn hãy đến tắm mát, hãy đến giải khát. Bạn thế nào, bạn có thể cứ như vậy mà đến nguồn suối này, bạn không cần phải thay đổi chi, bạn không cần phải chuẩn bị trước. Chiều nay, bạn thế nào thì cứ như vậy mà đến. 

Chúa muốn ban cho bạn một niềm vui đến điên dại. Bạn đang bị vây bủa bởi bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu gánh nặng, bao nhiêu lời nói không thể vươn lên, không thể vượt qua, không thể chịu đựng … Bạn có ước ao nhận được niềm vui không? Niềm vui mà chính Chúa muốn ban cho bạn. 

Tình Yêu và Niềm Vui Phúc Âm hóa

Nếu bạn không yêu thương người đang ở trước mặt, bạn không thể nói về Chúa cho người đó được. Bạn không thể nói về Chúa cho người không muốn, không đặt vấn đề. Niềm vui trong bạn sẽ gợi lên những vấn đề. Nếu bạn muốn làm chứng nhân cho Chúa, thì niềm vui không thể thiếu được. 

Chúa vui mừng vì bạn. Bạn có nhảy lên vui mừng vì Chúa không? Bạn luôn nhìn thấy Chúa ở trước mặt bạn, Ngài ở bên hữu bạn, để bạn không nao lòng, bởi thế tâm hồn bạn mừng rỡ, miệng lưỡi bạn hân hoan, cả thân xác bạn cũng được nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. Chúa không bỏ linh hồn bạn trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. Chúa đã dạy bạn biết đường về cõi sống và cho bạn được tràn trề vui sướng ở trước mặt Chúa. 

Chúa biết một số người đang phải rất buồn phiền. Chúa biết họ có cảm giác như họ đang ở tận đáy đắng cay, chẳng bao giờ có thể ngóc lên được, như muốn đào lỗ mà chui xuống. Chúa  cũng biết nỗi buồn phiền của bạn, cả những chán nản của bạn. Và Chúa muốn làm tiêu tan đi nỗi buồn của bạn. Nếu bạn sẵn sàng cho Chúa nỗi buồn của bạn, để vượt lên nó, Chúa sẵn sàng giúp bạn vượt lên trên nó. Bạn sẽ nhảy mừng lên vì Chúa đang ở cùng bạn. 

Ngay cả chính nỗi buồn của bạn, bạn có thể vượt lên trên nó, vì Chúa là Chúa Trời đang kêu gọi bạn đến hưởng niềm vui. Chúa có thể làm những phép lạ cả thể, kể cả phép lạ ấy, chính là phép lạ mà Chúa đề nghị cho cá nhân bạn. Nhưng cần bạn phải quyết định, Chúa không thể quyết định thay cho bạn được. Bạn hãy thưa “Vâng” với Chúa và bạn sẽ hết sức kinh ngạc. 

Hỡi bạn, hãy đến với Chúa, Chúa muốn chỉ cho bạn những con đường của niềm vui. Nhưng bạn lại đi tìm con đường của bạn, hay lúc này, bạn không tin vào con đường Chúa dành cho bạn? Chúa có một con đường đặc biệt dành cho bạn, để bạn chạy nhanh tới niềm vui Chúa muốn ban cho bạn. 

Hỡi bạn, Chúa muốn mời bạn chia sẻ niềm vui của Chúa cho kẻ khác. Tất cả những gì bạn nhân danh Chúa mà xin cùng Chúa Cha, Ngài sẽ ban cho bạn, bạn hãy vào trong gia tài của mình. 

Nếu bạn ở trong nhà Chúa, mọi sự của Chúa đều là của bạn. Nhưng bạn phải đi vào trong nhà, và là bạn chứ không phải là tôi tớ. Nếu bạn chưa ở trong nhà, hãy đến và vào trong đi, vì phải ở trong nhà thì mới được “tất cả những gì của Cha đều là của con.” Bấy giờ bạn sẽ nhận được niềm vui của Chúa. Và bấy giờ bạn sẽ có thể tham dự tiệc chiên ngon béo.  

Hỡi bạn, bạn đừng sợ gì hết, hãy kiên trì trong lời cầu nguyện, hãy có Đức Tin nơi Chúa, Chúa đã cứu chuộc bạn. Bạn hãy cảm nhận Chúa hiện diện với bạn như hiện diện trong thuyền với các tông đồ, Chúa đang ở với bạn, Chúa đang nắm tay bạn, mặc dầu bạn không trông thấy Chúa. Bạn hãy có Đức Tin nơi Chúa. Tất cả mọi sự đều dẫn tới lợi ích cho những ai yêu mến Chúa. 

“Một lòng một ý, ngày ngày họ chuyên cần đến Đền Thờ, họ bẻ bánh trong tư gia và dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ, họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và mỗi ngày Chúa cho cộng đoàn được thêm những người được cứu độ.”

Bạn hãy nhận lấy ơn Chúa, sự hiện diện của Chúa. Bạn đừng lo lắng và âu lo gì hết. Hãy để Chúa đến với bạn vào lúc Chúa muốn, cả lúc bạn muốn nữa đi! Chúa có mặt đây, Chúa hành động vào lúc thuận lợi. Bạn hãy đón tiếp Chúa một cách đơn sơ. Ngay bây giờ. 

Bạn hãy đặt niềm vui của bạn trong Chúa, hãy tin tưởng vào Ngài và bạn sẽ thấy. Ngài sẽ hành động và ban cho bạn nhiều hơn lòng bạn mong ước. Bạn là bạn yêu dấu của Chúa, Chúa đặt tất cả tình yêu của Chúa nơi bạn. 

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả họ đều tràn đầy Chúa Thánh Thần, và họ bắt đầu nói những thứ tiếng khác, tùy theo Thánh Thần ban cho họ nói. Chúa muốn đốt nóng bạn bằng một tình yêu mới. Tình yêu sẽ đổi mới bạn sâu xa, thể xác, tâm hồn và trí óc. Nhưng bạn hãy hợp nhất với Chúa. Vì tình yêu Chúa, hãy ở bé nhỏ khi cần phải như vậy và bạn sẽ chiến thắng. Chúa muốn đổi mới bạn toàn diện. Hãy tin và bạn sẽ được cứu độ. 

Bạn đừng ngạc nhiên về thời giờ Chúa chọn để thực hiện công việc của Chúa nơi bạn. Đó không phải là thời gian vô ích, mất công, uổng phí. Chúa cần thời gian ấy để làm công việc này. Ngang qua thời gian ấy, Chúa đặt ra cho bạn những vấn nạn. Chúa chất vấn bạn, Chúa để bạn chín muồi, Chúa để bạn lãnh hội dần dần điều Chúa làm ở nơi bạn. Bạn cần đến thời gian đó, ngay cả đôi khi xem ra rất dài. 

“Ta sẽ đưa ngươi ra khỏi mồ, Ta sẽ đặt Thần Trí Ta trong ngươi, và ngươi sẽ nhận biết Ta là Chúa. Ta đã nói là Ta làm. Đây, Ta sẽ vội chữa cho ngươi lành, Ta sẽ trả lại sức khoẻ cho ngươi, Ta sẽ ban cho ngươi tràn đầy bình an và bảo đảm, ngươi sẽ vui mừng và được hưởng mọi điều tốt lành Ta sắp làm.” 

Abram rảo qua khắp xứ đến tận Sichem, người Canaan đang ở trong xứ (đó là những chướng ngại không thể vượt qua được xét về phương diện con người). Giavê hiện ra với Abram và phán: “Ta sẽ ban xứ này cho miêu duệ ngươi.” Ở đó, Abram xây một bàn thờ kính Chúa. Không có một trở ngại nào không thể vượt qua được đối với Abram, vì Thiên Chúa đang ở với ông và Ngài đã phán.

VỀ MỤC LỤC
DƯỢC PHẨM HẾT HẠN

 

Chiều 28-12-2007, bé Dung được mẹ đưa đến bác sĩ khám do có triệu chứng sốt nhẹ và ho. Bác sĩ chẩn đoán bé bị "trúng nước" dẫn đến viêm phổi cấp và cho toa với bốn loại thuốc (gồm các loại kháng sinh, xirô ho, vitamin D3 và paracetamol dạng thuốc nước dùng cho trẻ em). Người mẹ cầm toa và mua tại nhà thuốc. Trong đó chai thuốc paracetamol dạng nước 15ml có dấu hiệu nắp chai đóng ten gỉ sét, vỏ hộp bị bung ra và nước thuốc có màu đen...

Sau khi uống thuốc, bé bị ói mửa, nôn, khó chịu la khóc. Kiểm tra lại hạn sử dụng, người mẹ phát hiện chai paracetamol đã quá hạn dùng năm tháng, ngày sản xuất là 26-7-2004 và hạn sử dụng đến ngày 25-7-2007. Bà đã phản ảnh sự việc với bác sĩ. Ông đề nghị chị đến nhà thuốc để được... đổi lại.”

Đó là bản tin ngắn về một trường hợp dùng thuốc xảy ra ở quê hương. Và chuyện này cũng thường thấy ở nước ngoài.  

Nửa đêm bà Lan bị một cơn nhức đầu như búa bổ đánh thức dạy. Mở ngăn kéo lấy lọ thuốc Tylenol để uống thì thấy ghi ngày hết hạn là 19 tháng 4 năm 2005. Bà phân vân không biết có nên uống hay không, vì sợ thuốc quá hạn, có thể hư hao, uống vào thì “lợn lành chữa thành lợn què”. 

Đây là thắc mắc của nhiều người về vấn đề “thuốc quá hạn”, chứ không chỉ riêng bà Lan và mẹ bé Dung. 

Vì đâu mà có “Ngày Thuốc Hết Hạn”- Drug Expired Date- và ý nghĩa của ngày này là gì.

Xin cùng tìm hiểu. 

Trên mỗi chai hộp đựng thuốc từ nhà sản xuất đưa ra, ở một góc, ta thấy ghi hai hàng chữ: Lô Hàng Số và Ngày thuốc Hết Hạn (Lot number và Expired date).

“Ngày Hết Hạn” do nhà bào chế thuốc đưa ra. 

Từ năm 1945, tại Hoa Kỳ đã có đòi hỏi ghi ngày hết hạn đối với một vài loại thuốc như insulin, kháng sinh và chất sinh học. 

Năm 1963 Cơ Quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) yêu cầu nhà bào chế, khi thấy cần, ghi ngày hết hạn trên nhãn để chứng minh dược phẩm hội đủ các tiêu chuẩn thích hợp về phẩm chất, cường độ và sự tinh khiết khi dùng.

Từ năm 1967, đơn xin sản xuất dược phẩm phải ghi ngày hết hạn. Nếu không ghi, phải chứng minh lý do.

Năm 1969, nhiều nhà sản xuất đề nghị ghi “Ngày Tối Đa” của thuốc

(Maximum Dating), chẳng hạn như 5 năm, để có đủ thời gian phân phối, lưu hành và thay thế thuốc tồn kho.

 Tuy nhiên cơ quan FDA thấy việc ghi ngày tối đa không cần thiết vì nhiểu nhà bào chế đã đồng ý ghi ngày hết hạn. Hơn nữa, theo cơ quan, việc ghi ngày hết hạn tối đa không giúp ích cho người tiêu thụ và cơ quan cũng không ngăn cản nếu nhà bào chế nào muốn ghi 5 năm. 

Tới tháng 9 năm 1979, Hoa Kỳ chính thức ban hành luật đòi hỏi các nhà bào chế dược phẩm phải ghi ngày hết hạn trên tất cả các dược phẩm sản xuất dù là bán theo toa thuốc của bác sĩ hoặc bán tự do không cần toa.

Theo định nghĩa của Cơ Quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ, “Ngày hết hạn ghi trên hộp, chai hoặc nhãn hiệu của một dược phẩm là để chỉ thời hạn mà thuốc được tin tưởng là còn ở trong các đặc điểm đã được chấp thuận về thời hạn dùng (shelf-life), nếu cất giữ trong điều kiện đã được xác định. Sau thời hạn đó có thể là không được dùng”. 

Đây là ngày do nhà bào chế tự chọn và có thể bảo đảm là thuốc còn công hiệu và an toàn, chứ không có nghĩa là thuốc công hiệu và an toàn trong thời gian bao lâu.

Theo nhà bào chế, các yếu tố quyết định ngày hết hạn của dược phẩm là:

1- Tình trạng ổn định của hoạt chất.

Thường thường, trong điều kiện cất giữ thích hợp, thuốc vẫn duy trì được trên 90% khả năng ổn định trong thời gian từ vài năm tới vài chục năm.

2- Phương pháp bào chế.

3- Cách thức cất giữ thuốc trong vật chứa.

4- Dạng thuốc (viên, dung dịch uống, chích, thuốc bôi thoa…)

5- Điều kiện chuyên chở, cất giữ và phân phối dược phẩm.

Vấn đề “Ngày Hết Hạn của Thuốc” đã được thảo luận rất sôi nổi. 

Ngày 9 tháng 9 năm 2002, tác giả Richard Altschuler đưa ra một bài viết về vấn đề này. Bài viết được nhiều người tham khảo và đã được Giáo sư Tâm Bệnh Thomas A.M. Kramer, Đại học Chicago, trang trọng giới thiệu trên Psychopharmacology Today ngày 21 tháng 8 năm 2003.

Tác giả nêu ra mấy điểm như:

- Ngày hết hạn chỉ xác định thời điểm mà các nhà sản xuất bảo đảm sự hiệu nghiệm hoàn toàn và sự an toàn của thuốc, nếu thuốc được cất giữ trong vật chứa nguyên thủy với nhiệt độ thích hợp.

- Nhiều giới chức y khoa đồng lòng nói là dùng thuốc hết hạn an toàn.

- Nghiên cứu cho hay thuốc hết hạn có thể mất đi một chút hiệu nghiệm (potency) với thời gian, chẳng hạn như 5% hoặc dưới 50%”. 

Tài liệu của Johns Hopkins Health Alert có ghi như sau: “Ngày hết hạn là một bảo đảm từ nhà sản xuất là dược phẩm sẽ còn ổn định hóa học và do đó duy trì được trọn vẹn công hiệu và an toàn trước ngày đó. Tuy nhiên, đa số dược phẩm duy trì được công hiệu sau ngày hết hạn, dù là thuốc bán tự do hoặc phải có toa bác sĩ, và thường thì không gây hại”. 

 Family Health Guide của Đại học Y Khoa Harvard cũng phổ biến một bài viết của Medcap Psychopharmacology Today trong đó có ghi là: “Như vậy, ngày hết hạn thực ra không nói tới thời điểm mà dược phẩm không còn hiệu nghiệm hoặc đã trở thành không an toàn khi dùng. Nhiều nhà chuyên môn y tế cho hay thuốc quá hạn dù là vài năm đều an toàn khi dùng”.

Bài viết cũng nêu câu hỏi: “Ngày hết hạn có phải là một mánh khóe của nhà bào chế để mọi người phải bổ sung tủ thuốc gia đình và đều đặn bổ sung chương mục ngân hàng của giới sản xuất?”

Các giới chức y tế đều nói là an toàn khi dùng thuốc quá hạn, ngoại trừ trường hợp thuốc tetracycline bị hư hao và gây ra Hội chứng Fanconi với tồn thương thận do G.W. Frimpter công bố trên tập san của Hội Y Khoa Hoa Kỳ JAMA vào năm 1963. 

Theo Dược sĩ Francis Flaherty, nguyên là nhân viên của FDA và là  Giám đốc cuộc xét nghiệm về các thuốc quá hạn của quân đội Hoa Kỳ : “Nhà bào chế đặt ngày hết hạn với mục đích tiếp thị (marketing) nhiều hơn là khoa học. Thực là bất lợi cho họ nếu thuốc vẫn nằm ì trên kệ cả chục năm. Họ muốn hàng hóa ra vào lưu thông.” Theo vị dược sĩ này, đây cũng là một mánh lới của nhà bào chế để bệnh nhân luôn luôn phải mua thuốc mới và tránh trách nhiệm khi thuốc để lâu mà giảm hiệu năng. 

Các nhà bào chế thừa nhận là ngày hết hạn cũng có khía cạnh thương mại nhưng cũng giúp công chúng khỏi dùng nhầm hoặc cất giữ không đúng cách. Hơn nữa, mỗi vài năm lại có dược phẩm mới có tác dụng tốt hơn được dễ dàng đưa ra thay thế cho thuốc cũ. 

Trên tập san y học British Medical Journal số ngày 4 tháng Giêng năm 2003, Bác sĩ Nhãn khoa John Sandford-Smith có ý kiến: “Thực tế ra, dược phẩm không “mãn phần –expired- mà chỉ có bệnh nhân mãn phần. Thuốc, như những người lính già, chỉ fade away giảm hiệu lực rất từ từ. Có lẽ nhẹ nhàng hơn nếu được ghi là “Sau XXX ngày sẽ không bảo đảm là thuốc còn 100% công hiệu, đặc biệt là khi cất giữ nơi nóng ẩm và nhiều ánh sáng”.  

Nói tới các điều kiện cất giữ thuốc cho đúng cách, phải nhớ lại một bài viết đăng trên Wall Street Journal ngày 28 tháng 3 năm 2000 với tiêu đề: “Nhiều dược phẩm còn công hiệu nhiều năm sau ngày hết hạn”.

Tác giả Laurie P Cohen kể lại là vào năm 1985 không lực Hoa Kỳ có một kho thuốc gần quá hạn mà giá trị lên tới cả tỷ mỹ kim. Thuốc đều cất giữ trong kho với nhiệt độ được theo dõi hoặc nếu cần, trong tủ lạnh (chứ không trong buồng tắm).

Vì không muốn phí phạm vứt bỏ thuốc đó, họ nhờ cơ quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ kiểm nghiệm hộ coi thuốc còn dùng được hay không.

 Kết quả cơ quan này thấy 90% số dược phẩm tồn kho như Cipro, penicillin, tetracycline, tagamet, valium… còn nguyên hiệu lực và còn an toàn cả 3 năm sau ngày quá hạn ghi trên chai thuốc. Theo cơ quan, ngày hết hạn do nhà bào chế ghi đều hết sức dè dặt, thận trọng, do đó rất nhiều thuốc trong kho này có thể có thời hạn dùng lâu hơn thời gian mà nhà bào chế đưa ra.

Không lực chỉ tốn có gần 4 triệu đô trả công cho FDA để làm công việc thử nghiệm mà tiết kiệm được 263 triệu đô từ năm 1993 tới 1998.  

Sau sự việc này, Hội Y Khoa Hoa Kỳ (AMA) có yêu cầu kỹ nghệ dược phẩm xét lại vấn đề ngày hết hạn và sự ổn định của thuốc. Theo AMA, nếu FDA đã thử nghiệm và thấy nhiều thuốc còn tốt sau ngày hết hạn thì thuốc mà dân chúng cất giữ cẩn thận có lẽ cũng còn dùng được dù quá hạn. 

Joel Davis, nguyên là nhân viên của FDA phụ trách về tuân thủ ngày hết hạn cho biết “đa số dược phẩm thoái hóa rất chậm và ta có thể dùng thuốc có sẵn ở nhà trong nhiều năm đặc biết là nếu cất trong tủ lạnh”.

Công ty Bayer ghi ngày hết hạn của thuốc aspirin là hai năm, nhưng theo họ, thuốc vẫn còn hiệu nghiệm 100% sau 4 năm.  

Theo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn, sau ngày hết hạn thuốc không hoàn toàn vô dụng nhưng hoạt tính có thể giàm đôi chút. Dùng thuốc quá hạn có thể chỉ giảm một ít hiệu năng so với hiệu năng ghi trên nhãn thuốc. Đôi khi cũng gây vài khó khăn không lường trước. Vì thế ý kiến của nhiều người là không nên dùng thuốc quá hạn, nhất là đối với các bệnh trầm trọng. 

Thường thường thời gian ổn định này là từ 2-3 năm kể từ khi sản xuất. Khi vật chứa nguyên thủy đã bị mở ra thì ngày hết hạn không còn hiệu lực, vì ảnh hưởng của môi trường, độ ẩm, hơi nóng…Dược phòng sẽ ghi trên chai thuốc giao cho người tiêu thụ một ngày gia hạn gọi là “beyond-use date”, thường là 1 năm kể từ lúc toa thuốc được thực hiện. Sau ngày này, thuốc không được dùng. Lý do là thuốc có thể bị thoái hóa sau khi thay đổi vật chứa và người bệnh mở đậy nắp thường xuyên khi dùng. 

Sự thoái hóa của thuốc có thể do:

- Thủy phân khi thuốc tiếp xúc với nước.

- Sự oxy hóa là nguyên nhân chính của thoái hóa dược phẩm. Để tránh oxy hóa, thuốc cần được gói đậy kín.

- Ánh sáng cũng làm thuốc hư hao vì thế cần được cất giữ trong bình chứa cản quang.

Thuốc từ dược phòng về nhà nhiều khi không được cất giữ  trong điều kiện thuận lợi, mở nắp chai thuốc nhiều lần khiến cho thuốc ẩm mốc, dễ thoái hóa, biến chất.

Nhiều người chúng ta có thói quen là đặt tủ thuốc gia đình trong phòng tắm. Thực ra, đây là nơi cất giữ thuốc xấu nhất vì thường xuyên ẩm ướt rồi nhiệt độ trong phòng lên cao khi ta tắm bằng nước nóng. 

 Nên cất giữ thuốc nơi khô mát, không có ánh sáng mặt trời như trong ngăn kéo tủ quần áo, tại phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp (nhưng đừng gần lò nấu), thuốc có thể an toàn công hiệu lâu hơn. Nhưng nhớ đậy kín nắp chai lọ.

Nhiệt độ có ảnh hưởng rất lớn lên sự thoái hóa của hoạt chất thuốc: Cứ mỗi tăng 10 độ thì sự thoái hóa lại tăng gấp đôi.

Ngoài ra:

- Nên loại bỏ thuốc đã đổi mầu, vụn bột, có mùi; thuốc nước vẩn đục, thuốc thoa đã cứng rắn.

- Nên loại bỏ các thuốc trị bệnh trầm trọng đã quá hạn vì công hiệu có thể giảm.

- Không để thuốc viên này lẫn lộn với thuốc viên khác vì có thể có tương tác giữa các hóa chất.

- Cất thuốc xa tầm tay trẻ em

- Vứt bỏ cục bông gòn trong chai thuốc vì bông gòn rất hút nước

- Các thuốc dễ hư như insulin hoặc vài loại dung dịch kháng sinh rất dễ thoái hóa, vì vậy nên dùng theo đúng hạn và để trong tủ lạnh.

 

Kết luận

Cơ Quan FDA, Hiệp hội Dược Hoa Kỳ, AMA và nhiều tổ chức y dược khác đều lưu ý là không nên dùng dược phẩm sau ngày hết hạn. Lý do là sự công hiệu và phẩm chất của thuốc không còn đáng tin cậy sau ngày này do đó có thể có đáp ứng trị liệu không đúng hoặc có các vấn đề an toàn khác. 

Theo Robbe Lyon, một Giám Đốc của FDA: “Dược phẩm mất công hiệu khi quá ngày hết hạn do đó hiệu nghiệm và khả năng hòa tan của chúng có thể bị ảnh hường. Đối với bệnh nhân phụ thuộc vào thuốc để sống còn, như là thuốc bệnh tim, thuốc hết hạn có thể trở nên nguy hại vì chúng có thể không giữ được toàn vẹn khà năng trị liệu của thuốc”.

Nếu thuốc quá hạn vài năm và nếu bệnh của ta cần loại thuốc công hiệu 100% thì nên mua thuốc mới.

Và nếu có thắc mắc gì về ngày hết hạn, hãy hỏi ý kiến dược sĩ của mình. Dược sĩ là nguồn cung cấp thỏa đáng các dữ kiện về thuốc cho mọi người.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức Texas- Hoa kỳ

VỀ MỤC LỤC
TÌNH KHÔNG BIÊN GIỚI   Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Cách đây khoảng mười năm, mỗi khi gửi một bài báo, gã cảm thấy thật vất vả đến toát cả mồ hôi hột. Ngoài chuyện phải cầm lòng cầm trí mà viết với lách, gã còn phải bấm đốt ngón tay và nhẩm tính trong bụng như sau :

- Thời gian từ đây qua đó mất ngót nghét một tháng vì vận tốc của bưu điện vốn được tiếng là vận tốc của rùa bò. Phòng hờ những trục trặc như bị thất lạc, hay chưa ăn ý với ông chủ bút, cần phải điều chỉnh qua lại cũng mất ngót nghét một tháng. Thời gian cho báo lên khuôn, rồi in ấn và phát hành cũng mất ngót nghét một tháng. Như thế, phải gửi bài đi trước những ba tháng thì mới chắc ăn. Cứ thử nghĩ mà xem : Đầu tháng mười, gã đã phải ngồi rung đùi viết về lễ Giáng Sinh, cho dù có vận dụng hết khả năng tưởng tượng, thì cũng vẫn là một việc làm hết sức khó khăn.

Còn bây giờ thì khác. Những phương tiện viễn thông trong thời gian gần đây đã liên tục phát triển và tạo được những bước tiến khổng lồ và ngoạn mục.

Để tiết kiệm tiền bạc, bây giờ ông chủ bút chỉ cần gửi một cái “meo”, và lập tức vọng lại tiếng trả lời từ bên kia đại dương :

- Dạ, có em.

Và chỉ một lúc sau, tòa soạn liền nhận được một bài báo mới toanh, rồi chỉ việc “cóp-pi” và dán vào phần đất đã được dành sẵn cho nó, chẳng cần phải mổ cò gõ máy, vừa chậm chạp lại vừa tốn sức lao động.

Với những tiến bộ trong lãnh vực viễn thông như thế, nhân loại dường như xích lại gần nhau hơn và câu tục ngữ từ ngàn xưa xem ra có cơ may sớm được thực hiện, đó là :

- Tứ hải giai huynh đệ, bốn bể đều là anh em.

Một biến cố vừa xảy ra ở nơi nào đó trên thế giới, chẳng hạn như cơn bão Katrina thổi vào New Orleans…thì lập tức mọi người đều được biết qua truyền thanh, truyền hình, internet…những ngăn cách, những rào cản đang dần dần đã bị phá vỡ, để rồi thế giới trở thành mái nhà chung cho mọi người.

Cũng trong chiều hướng phá vỡ những rào cản, những ngăn cách, trong những năm gần đây gã thường thấy xuất hiện cụm từ “không biên giới”. Nào là “Nhà Báo không biên giới”. Nào là “Y Sĩ không biên giới”…

Nếu gã nhớ không lầm thì tổ chức “Y Sĩ thế giới” đã được lập ra để phục vụ mọi người, không phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc và lãnh địa.

Khi phong trào vượt biên lên tới cao điểm, thì tổ chức này đã có hẳn một con tàu lênh đênh trên biển Đông để cứu vớt và giúp đỡ những người lâm nạn.

Và nếu suy nghĩ một chút, gã thấy phong trào “không biên giới” này đã nảy sinh từ “lệnh lên đường” của Đức Kitô bởi vì chính Ngài đã truyền dạy các môn đệ :

- Các con hãy đi rao giảng cho muôn dân.

Chính vì thế, qua dòng thời gian các vị thừa sai đã lặn lội tới những vùng đất xa xôi và hẻo lánh nhất, để chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm, nhờ vậy mà cách đây hơn ba trăm năm dân tộc Việt Nam chúng ta đã được diễm phúc đón nhận Tin Mừng.

Tuy nhiên, theo thiển ý của gã thi tình yêu mới chính là vùng đất phì nhiêu cho phong trào không biên giới này được nở rộ như trăm hoa khoe sắc.

Và đó cũng chính là đề tài gã xin bàn đến trong mục chuyện phiếm hôm nay.

Lâu lắm rồi gã có được xem một cuốn phim hay một vở kịch chi đó đề cập tới vấn đề : Người ta nên yêu đương ở lứa tuổi nào ?

Câu chuyện xoay quanh một ông bố và ba cô con gái. Ông bố là một vị giáo sư khả kính, muốn tìm ra những qui luật của tình yêu dưới mọi góc độ như thời gian, nghề nghiệp, tuổi tác…

Vậy muốn cho tình yêu được bền vững, người ta chỉ cần áp dụng những qui luật ấy một cách nghiêm chỉnh mà thôi.

Vị giáo sư khả kính này được mời đi thuyết trình về bộ luật tình yêu ở nhiều nơi. Đồng thời chính ông cũng đã ra sức khuyên nhủ và tìm mọi cách để ba cô con gái thân yêu thực thi những qui luật ấy.

Thế nhưng, cả ba cô con gái kẻ trước người sau đều rơi vào cái vòng tình ái cong cong, bất chấp những qui luật mà ông đã tốn công giảng giải.

Và sau cùng, chính vị giáo sư khả kính này cũng đã bị tình yêu của bà hàng xóm đánh gục.

Vì thế, ông đã quyết định đốt bỏ bộ luật mà ông đã khám phá ra, rồi sau đó tuyên bố một cách mạnh mẽ và dứt khóat với bàn dân thiên hạ rằng :

- Tình yêu thì không có biên giới và cũng chẳng có qui luật ráo trọi nào cả.

Thực vậy, như người ta thường bảo :

- Con tim có những lý lẽ riêng của nó.

Mà lý lẽ của con tim thì khác xa với lý lẽ của đầu óc, của lý trí. Chẳng hạn đối với những anh chị tập tễnh bước vào tình yêu, rất khó mà cắt nghĩa được cho ra ngô ra khoai :

- Tại sao tôi yêu người này ? Tại sao tôi chọn người kia ?

Có người vừa mới gặp mặt nhau, thì liền bị tiếng sét ái tình giáng một quả tốt tăm mặt mũi, khiến cho cả tinh tú lảo đảo quay cuồng.

Trong khi đó, có những kẻ sống bên cạnh nhau từ hồi còn để chỏm, thế mà chẳng mảy may xúc động và xao xuyến bâng khuâng.

Gã xin lượm lặt và đưa ra một vài lãnh vực để nói lên rằng yêu thương quả thực là không có biên giới.

Thứ nhất, tình không biên giới về tuổi tác.

Gã mới đọc được hai mẩu tin. Trước hết là mẩu tin trên báo Công An nói về chồng già vợ trẻ :

“Nếu có ai làm được bộ sưu tập “những cuộc hôn nhân óai oăm” thì thật là tuyệt vời. Đó là truờng hợp của nhà báo Marie-Laure Durand trong tác phẩm “Những cuộc tình kỳ thú” (NXB La Fayette), sưu tập trong suốt 15 năm từ khắp thế giới. Ở đây, chúng tôi chỉ trích ra một bức ảnh trong số hàng trăm bức ảnh cực kỳ khác lạ : Cô gái 18 tuổi lấy chồng 78 tuổi, ông ta là  một cựu phú tại Madras, Ấn Độ”.

Nhìn vào bức hình chồng già vợ trẻ, gã liền nhớ tới câu ca dao :

- Chồng già vợ trẻ là tiên.

  Vợ già chồng trẻ là duyên nợ nần.

Tiếp đến là mẩu tin trên báo Phụ Nữ nói về chồng trẻ vợ  già :

“Tình yêu không phân biệt tuổi tác, đều này thì không ai có thể nghi ngờ. Thế nhưng, người ta sẽ sửng sốt khi được biết có một mối tình chênh nhau quá xa này ở nước Úc.  Bà Edna Townsend không ngần ngại thú nhận :

- Tôi 70 tuổi, anh ấy 31. Tôi yêu anh ấy ngay từ lần gặp đầu cách đây 3 năm.

Cuộc tình của họ nảy nở khi bà đi nghe một buổi hòa nhạc. Lúc chàng nhạc công Simon Martin vừa bước ra sân khấu, thì bà bỗng thấy tim mình đập dồn đập :

- Tôi đã tự nhủ thật là một người đàn ông đáng yêu, anh ấy đích thực là người đàn ông của đời tôi.

Bà là một kỹ sư xây dựng nghỉ hưu, đã lập gia đình lần đầu vào năm 1954. Cuộc hôn nhân này tồn tại được 37 năm. Sau đó bà “kết” một người bán sữa nhỏ hơn bà 16 tuổi và người đàn ông này qua đời vì canh bệnh ung thư 8 năm truớc.

Còn Simon là một nhạc công rất nhút nhát trong chuyện tình cảm. Anh tâm sự :

- Trước khi gặp Edna, tôi chưa bao giờ có một mối quan hệ sâu đậm nào và gần như chỉ biết có âm nhạc. Và Edna đã đảo lộn cuộc đời tôi.

Cuộc tình của họ đã diễn tiến khá êm ả và lãng mạn với lời cầu hôn đúng ngày Valentine  và một hôn lễ vào đầu năm nay.

Trong ngày vui vô tiền khoáng hậu này, cô dâu ở tuổi 70 đã diện áo cưới được thiết kế theo mẫu thập niên 20, cài hoa lan trên tóc và cầm một bó bông dài.

Những người được mời đến chung vui đều cảm thấy đây là một đám cưới có một không hai, nhất là khi họ được  xem bộ ảnh cô dâu chú rể hóa thân thành những cặp tình nhân lãng mạn trong phim Pretty Woman, Titanic…

Có thể nói ngay rằng mối quan hệ của họ tuy chênh lệch về tuổi tác, nhưng không mang “màu sắc đồng tiền”. Sau lời cầu hôn, Simon và Edna đi sắm nhẫn cưới trong một cửa hàng nữ trang second-hand.

Gay cấn nhất là lúc Simon đưa “bà” người yêu về ra mắt bố mẹ anh : bố 69 tuổi, mẹ 64. Anh nói :

- Tất nhiên là bố mẹ tôi hơi bị choáng khi biết cô con dâu tương lại còn lớn tuổi hơn bố mẹ chồng, nhưng rồi bố mẹ tôi đã thông cảm, chấp nhận mối tình của tôi. Ở tuổi xế chiều, điều mà bố mẹ tôi mong mỏi nhất là thấy tôi được hạnh phúc với người phụ nữ tôi yêu.

Về phía nhà gái, Edna được các con riêng của bà ủng hộ…

Nhìn vào tấm hình của họ, gã cũng nhớ ngay tới câu ca dao :

- Chồng lớn vợ bé thì xinh,

  Chồng bé vợ lớn ra tình chị em.

Ở đây không phải chỉ “ra tình chị em” mà còn “ra tình mẹ con” ấy chứ.

Cách đây khá lâu, gã được chứng kiến một cảnh tương buồn cười.

Tối hôm đó, bọn con nít vây chung quanh nhà thờ, khiến cha sở phải khóa chặt cửa lại, rồi mới tập nghi thức cho một đôi hôn phối : Chàng 70 còn nàng 45.

Cha sở hỏi :

- Khi đọc lời cam kết, ông muốn xưng hô : Anh nhận em làm vợ, tôi nhận bà làm vợ…hay một công thức khác đơn giản hơn, chỉ cần trả lời “có” mà thôi.

Ông lão bèn hăng hái nói :

- Thưa cha, phải : anh nhận em chứ.

Đúng là tình yêu không phân biệt tuổi tác.

Thứ hai, tình không biên giới về địa dư và đất nước.

Như chúng ta đã biết, với những chiếc máy bay phản lực và nhất là với những phương tiện truyền thông hiện đại, thì việc nối liền những quốc gia và những lục địa chỉ là chuyện…nhỏ và không còn khó khăn nữa.

Vì thế cũng đã nảy sinh những cuộc tình không biên giới, hay nói cách khác những cuộc tình xuyên quốc gia, xuyên lục địa.

Trước hết là những cuộc tình xuyên quốc gia.

Ngày xưa, một cô gái Việt Nam lấy chồng người nước ngoài, sự việc này thường bị coi là một hiện tượng đặc biệt và bị bàn dân thiên hạ nhìn bằng cặp mắt không mấy cảm tình. Người ta gọi họ là…me tây, me mỹ.

Nhưng ngày nay, thế thái nhân tình đã đổi khác. Người ta coi đó là một vinh dự, một hãnh diện. Vì thế, trong những tháng năm gần đây đã nổi cộm lên phong trào những cô gái Việt Nam thi nhau lấy chồng Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…Và gã tạm gọi đây là những cuộc tình xuyên quốc gia.

Trong những cuộc tình xuyên quốc gia này, cũng có những người được hạnh phúc và đem tiền bạc về giúp đỡ cho cha mẹ, cho gia đình.

Tuy nhiên, phần lớn đều đã thất bại đắng cay. Thất bại vì không hiểu được phong tục và ngôn ngữ nơi đất khách quê người. Thất bại vì bị lạm dụng để trở thành phương tiện thỏa mãn tình dục cho cả bố lẫn con của người ta. Thất bại vì bị bán vào những ổ điếm, mang thân ra làm gái mãi dâm, kiếm tiền cho các chủ chứa…Thật là đau lòng và bi đát.

Tiếp đến là những cuộc tình xuyên lục địa.

Đối tượng được nhắm tới là những anh chàng Việt kiều, vì người ta mơ rằng :

- Lấy được Việt kiều thì tức khắc được đổi đời, từ nghèo hèn trở thành giàu có, từ vất vả cực nhọc trở thành sung suớng hạnh phúc.

Và không ít người cũng đã vỡ mộng.

Bên cạnh nhà gã có một cô bé. Thực tình mà nói, về phương diện ngoại hình thì cô bé bị xếp vào hạng dưới trung bình. Cô bé chỉ cao một thước rưỡi, nước da lại ngăm đen, nhưng bù lại trời phú cho cô bé cái khiếu về sinh ngữ. Cô bé rất giỏi tiếng Ăng Lê và làm giáo sư tại một trường học nọ.

Thế rồi cô bé được cử đi giao lưu văn hóa tại Ấn Độ trong ba tuần lễ. Tại đây cô bé làm quen với một anh chàng chính gốc Ăng Lê, “cham phần chăm” : da trắng, mắt xanh và cao những một thước tám.

Khi cuộc giao lưu chấm dứt, mọi người đều trở về quê hương bản quán của mình.

Lúc đầu chỉ là tình bạn tinh ròng, nhưng sau đó qua những cái “meo” được  trao đổi, tình bạn tinh ròng này bỗng chuyển biến và trở thành tình yêu lúc nào cả hai cũng không hay.

Tết năm ấy anh chàng Ăng Lê còn dẫn cả bà mẹ sang Việt Nam để xem nhà và xem mắt cô bé. Và truớc khi cử hành hôn phối, anh chàng Ăng Lê này đã qua và sống ở Việt Nam sáu tháng để ôn lại giáo lý và lo những thủ tục cần thiết.

Trong đám cưới mọi người tha hồ bình luận :

- Đúng là mối tình xuyên lục địa.

- Con nhỏ sao bạo gan thế.

Khi mọi sự đã hoàn tất, chính anh chàng Ăng Lê đã đưa cô bé sang Anh Quốc, để cùng nhau xây dựng một mái ấm hạnh phúc, bỏ lại sau lưng những lời bình luận đầy tình cảm cũng như đấy ác ý.

Đúng là tình yêu không phân biệt lãnh địa và đất nước.

Thứ ba, tình không biên giới về phương diện ngoại hình.

Hình như bây giờ bàn dân thiên hạ đều chú trọng tới ngoại hình, tức là cái hình dong bên ngoài, theo kiểu :

- Xem mặt mà bắt hình dong,

  Con lợn có béo, thì lòng mới ngon.

Trong mục tìm bạn bốn phương trên các tạp chí, nếu là phe nữ thì thường kèm theo một câu giới thiệu đại loại như thế này :

- Ngoại hình dễ nhìn…Ngoại hình coi được…Ngoại hình dễ thương…Ngoại hình bắt mắt…

Trong các thông báo tuyển mộ nhân viên, nếu là nữ, thì thường bị đòi hỏi một điều kiện, đó là là…ngoại hình phải đẹp.

Thành thử, nhiều người đã than ngắn thở dài :

- Thời buổi này đâu còn là thời buổi cái nết đánh chết cái đẹp, mà là thời buổi  cái đẹp đè bẹp cái nết.

Vì vậy, luôn xảy ra những cuộc hôn nhân “lệch pha” về ngoại hình, hai bên khác biệt nhau một trời một vực.

Trước hết là chuyện cao và thấp.

Bình thường người chồng phải cao hơn người vợ một chút, thì mới hài hòa cân đối. Nếu người vợ hơi bị lùn một tí thì có thể dùng giày hay guốc cao gót, để bù lấp chỗ thiếu hụt thước tấc của mình. Chứ còn thiếu hụt quá nhiều thì cũng đành…bó tay.

Như cô bé Việt Nam chỉ đứng tới ngực anh chàng Ăng Lê, xem ra cũng chẳng được ổn cho lắm, bởi vì mỗi khi anh chàng Ăng Lê muốn “mi” một cái, chắc sẽ phải thì thầm hay nghêu ngao bài hát của Trịnh Công Sơn :

- Cúi xuống, cúi xuống thật gần…

Thế nhưng, nếu chồng thấp vợ cao, thì đây chắc hẳn phải là điều bất ồn, làm cho bàn dân thiên hạ bàn tán, như ca dao đã diễn tả :

- Chồng thấp mà lấy vợ cao,

  Nồi tròn, vung méo úp sao cho vừa.

Hay :

- Mẹ em tham thúng xôi dền,

  Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.

  Em đã bảo mẹ rằng : đừng,

  Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.

  Bây giờ chồng thấp vợ cao,

  Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.

Thế nhưng, trên đời vẫn có những đôi đũa lệch, những cặp chồng thấp vợ cao.

Đúng là tình yêu không phân biệt thước tấc.

Tiếp đến là chuyện trắng và đen.

Vốn biết rằng :

- Tối lửa tắt đèn, trắng cũng như đen.

Thế nhưng, màu sắc hài hòa sẽ làm cho vợ chồng trở nên “bắt mắt” và dễ được bàn dân thiên hạ chấp nhận. Nếu trắng, thì cả hai cùng trắng. Nếu đen thì cả hai cùng đen, còn nếu ngăm ngăm, thì cả hai cùng ngăm ngăm.

Trái lại, nếu người này trắng, còn người kia lại đen thì thế nào cũng được miệng lưỡi thế gian chõ vào. Dầu vậy, vẫn có những cặp vợ chồng đối chọi và tương phản nhau về phương diện màu sắc.

Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, gã có một người học trò tên là Dũng. Vì nước da hơi bị tối, nên bè bạn trong lớp đã tặng cho hắn cái biệt danh là “Dũng Đen”.

Hai mươi năm sau, gã gặp lại người học trò cũ tại một vùng đất khỉ ho cò gáy. Hắn giới thiệu vợ hắn với gã. Thì ra vợ hắn là một người  phụ nữ có nước da trắng như trứng gà bóc.

Theo những định luật của sự di truyền, gã nhẩm tính trong lòng rằng : Có lẽ tổ tiên ba bốn đời của vợ hắn là một ông tây, nên bây giờ chị ta mới được thừa hưởng đôi mắt nâu màu hạt dẻ, cái mũi cao cao và nước da trắng như trứng gà bóc.

Lợi dụng nước da ngăm đen của mình, đồng thời lợi dụng đôi mắt nâu màu hạt dẻ, cái mũi cao cao và nước da trắng như trứng gà bóc của vợ, hắn chạy chọt và luồn lách để làm hồ sơ sang Mỹ theo diện con lai. Và hắn đã qua mặt các viên chức Mỹ cũng như Việt và gia đình hắn hiện đang sống  hạnh phúc tại Hawaii.

Đúng là tình yêu không phân biệt trắng đen.

Sau cùng là chuyện đẹp và xấu.

Trong cuộc sống, gã đã từng thấy có những anh chàng đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu lại kết “mô đen” với một chị nàng xấu ơi là xấu. Và ngược lại, có những chị nàng đẹp ơi là đẹp lại đi lấy một anh chàng nông nãi vũ phu chi cục mịch.

Chỉ trong những cuộc thi hoa hậu, người ta mới bàn đến cái đẹp khách quan, được ấn đinh bởi những số đo vòng một, vòng hai, vòng ba…

Còn trong đời thường, người ta luôn nói tới cái đẹp chủ quan. Ngoại hình tuy hơi bị xấu, nhưng lại  có duyên ở cách ăn nói, ở chiếc răng khểnh, hay ở đôi má lúm đồng tiền…nên vẫn hấp dẫn là làm cho người khác mê như điếu đổ.

Vì thế, cái đẹp trong tình yêu mãi mãi vẫn chỉ là một cái đẹp chủ quan. Dưới lăng kính của tình yêu, người ta đã định nghĩa :

- Đẹp có nghĩa là con cóc cái dưới mắt con cóc đực.

Xấu là xấu với bàn dân thiên hạ, nhưng vẫn luôn là đẹp với người đang say men tình. Và chỉ cần có vậy mà thôi.

Đúng là tình yêu không phân biệt  đẹp xấu.

Nếu cứ tiếp tục phân tích, gã còn nhận ra biết bao nhiêu lãnh vực khác nữa. Tình không biên giới về tiền bạc, tình không biên giới về địa vị, tình không biên giới về giai cấp…Và để kết luận, gã xin mượn lời một tác giả trên báo Công An đã viết như sau :

“Tình yêu không phân biệt tuổi tác, giai cấp, kích thước và trọng lương. Có những ông già 70-80 lấy cô gái 20. Có những gã nẵng hàng trăm ký lấy người đẹp 38 ký. Hay cô em người mẫu cao 1,82 mét lấy anh chồng thấp chỉ được 1,3 mét đứng tới hông của mình. Có những ông vua lấy nàng thôn nữ, hay những tay đại tài phiệt lấy cô gái đứng đường…”

Tất cả những sự kiện “không biên giới”, “không phân biệt” hay “lệch pha” kể trên, theo gã nghĩ , đều được  xuất phát bởi những đánh giá mang tính cách chủ quan của mình, như tục ngữ  và ca dao đã diễn tả :

- Yêu nhau muôn sự chẳng nề,

  Một trăm chỗ lệch, cũng kê cho bằng.

Một khi đã yêu, đã thương thì củ ấu cũng tròn và trái bồ hòn cũng ngọt.

Vậy gã xin giơ cả hai tay lẫn hai chân để nhiệt liệt hoan hô :

- Tình không biên giới muôn năm !!!

Gã Siêu    gasieu@gmail.com

 
VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************