Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 68, Chúa Nhật 01.06.2008


CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH            MỤC LỤC 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội -          Lumen Gentium

Ngày của MẸ tại Giáo Phận XUÂN LỘC                                            Giới Hiền Mẫu Xuân Lộc

Học Hỏi về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo:  Gia Đình                                         Huynhquảng

THIÊN TAI Ư ? NHÂN TAI ĐẤY !                                                          Lm. Vĩnh Sang, DCCT

NÓI THÊM VỀ VẤN ĐỀ RƯỚC LỄ BẰNG TAY                                      Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

LỜI KẾT LUẬN CỦA BÀ GIÀ DO-THÁI                                          Lm. ANTHONY DE MELLO 

LIÊN HIỆP ÂU CHÂU, MỘT THÁCH ĐỐ CỦA HOA KỲ                    Bác Sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

NGẠO NGHỄ VỚI TRỜI !                                                                                 Anmai C.Ss.R.

ĐỪNG BẢO VỆ THÁI QUÁ                                                                         Lm. Lê Văn Quảng

Với Mẹ Maria - Dưới bóng Thánh Thần                      Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

Bệnh Tay-Chân-Miệng                                                                          Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức

TÚI TIỀN                                                                                      Chuyện phiếm của Gã Siêu


Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chương III

Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội

Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục

 

24. Thừa tác vụ Giám Mục. 32* Chúa Giêsu, Ðấng được ban mọi quyền năng trên trời dưới đất, đã trao cho các Giám Mục, vì là những người kế vị các Tông Ðồ, sứ mệnh dạy dỗ muôn dân và rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật, hầu mọi người được rỗi nhờ lãnh nhận đức tin, phép Thánh Tẩy, và việc chu toàn giới răn Chúa (x. Mt 28,18-20; Mc 16,15-16; CvTđ 26,17t). Ðể hoàn thành sứ mệnh đó, Chúa Kitô đã hứa ban Thánh Thần từ trời xuống, để nhờ sức mạnh của Thánh Thần, các ngài làm chứng cho Chúa Kitô đến tận cùng trái đất, trước mọi dân nước và vua chúa (CvTđ 1,8; 2,1tt.; 9,15). Nhiệm vụ Chúa đã trao phó cho các chủ chăn của dân Người thực là một việc phục vụ, mà Thánh Kinh gọi rõ ràng là "diakonia" nghĩa là thừa tác vụ (x. CvTđ 1,17 và 25; 21,19; Rm 11,13; 1Tm 1,12).

Chức vụ bổ nhiệm theo giáo luật được trao cho các Giám Mục hoặc theo tập tục hợp pháp chưa bị quyền tối thượng và phổ quát của Giáo Hội đoạn tiêu, hoặc theo các luật lệ được Giáo Hội ban hành hay thừa nhận, hoặc trực tiếp do chính đấng kế vị Phêrô; nếu Ðức Giáo Hoàng phản đối hoặc từ chối không cho hiệp thông với Tòa Thánh, thì các Giám Mục không thể được lãnh nhận chức vụ 38. 33*

25. Nhiệm vụ giáo huấn. Việc rao giảng Phúc Âm 39 là một nhiệm vụ trổi vượt trong các nhiệm vụ chính yếu của Giám Mục, Giám Mục là những người rao truyền đức tin, đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô, Giám Mục là những tiến sĩ đích thực, nghĩa là có uy quyền của Chúa Kitô, giảng dạy cho những kẻ được trao phó cho các Ngài, một đức tin phải được xác tín và phải được áp dụng vào các phong tục, và làm sáng tỏ đức tin đó bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Các Ngài rút ra những cái mới cái cũ trong kho tàng Mạc Khải (x. Mt 13,52) để làm cho đức tin trổ sinh hoa trái, và luôn tỉnh thức loại bỏ mọi lầm lạc đang đe dọa đàn chiên mình (x. 2Tm 4,1-4). Mọi người phải kính trọng các Giám Mục như những chứng nhân của chân lý thần linh và công giáo khi các ngài thông hiệp với Giáo Hoàng Roma mà dạy dỗ, các tín hữu phải chấp nhận phán quyết của Giám Mục mình, khi nhân danh Chúa Kitô, công bố những gì về đức tin và phong hóa, cũng như phải tuân theo ngài với một lòng kính cẩn tuân phục. Mọi người phải lấy ý chí và lý trí mà kính cẩn tuân phục một cách đặc biệt những giáo huấn chính thức của Giáo Hoàng Roma, dù khi ngài không tuyên bố từ thượng tòa. Như vậy là kính trọng, nhận biết giáo huấn tối thượng và chân thành chấp nhận các phán quyết của ngài theo đúng tư tưởng và ý muốn ngài trình bày, đặc biệt biểu lộ qua tính chất các tài liệu, hoặc qua việc ngài lập lại nhiều lần đề nghị một giáo thuyết, hay qua cách diễn tả của ngài.

Tuy mỗi Giám Mục riêng rẽ không có đặc quyền bất khả ngộ, nhưng dù tản mác khắp thế giới, nếu thông hiệp với nhau và với đấng kế vị Thánh Phêrô, các ngài cùng đồng ý dạy cách chính thức những điều thuộc đức tin và phong hóa là tuyệt đối buộc phải giữ, thì lúc đó các ngài công bố cách bất khả ngộ giáo thuyết của Chúa Kitô 40. Ðiều đó còn rõ ràng hơn, khi hợp nhau trong Công Ðồng Chung, các ngài là những tiến sĩ và thẩm phán về đức tin và phong hóa cho toàn thể Giáo Hội. Phải tuân theo các định tín của các ngài 41 với một lòng vâng phục và với tinh thần đức tin.

Chúa Cứu Thế đã muốn Giáo Hội Người bất khả ngộ khi xác định giáo thuyết về đức tin và phong hóa; ơn bất khả ngộ đó có phạm vi rộng rãi tùy theo kho tàng Mạc Khải mà Giáo Hội phải bảo toàn cách cẩn trọng và phải trình bày cách trung thực. Giám Mục Roma, vị thủ lãnh của Giám Mục Ðoàn hưởng ơn bất khả ngộ đó do nhiệm vụ của Ngài khi với tư cách là mục tử và tiến sĩ tối cao của mọi Kitô hữu, ngài củng cố anh em mình vững mạnh trong đức tin (x. Lc 22,32), công bố giáo thuyết về đức tin và phong hóa bằng một phán quyết chung thẩm 42. Vì thế, các phán quyết của ngài tự nó, chứ không do sự đồng ý của Giáo Hội, phải được coi là không thể sửa đổi, vì đó là những phán quyết được công bố dưới sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần, mà Chúa đã hứa ban cho ngài qua Thánh Phêrô nên không cần ai khác chấp thuận và không nại tới phán đoán nào khác. Khi đó Giáo Hoàng Roma không phán quyết với tư cách cá nhân, nhưng trình bày và bảo vệ giáo thuyết đức tin công giáo với tư cách là thầy dạy tối cao của toàn thể Giáo Hội; nơi ngài đặc biệt có ơn bất khả ngộ của chính Giáo Hội 43. Ơn bất khả ngộ của chính Giáo Hội cũng hiện hữu nơi Giám Mục Ðoàn khi các ngài xử dụng quyền giáo huấn tối thượng cùng với đấng kế vị Thánh Phêrô. Do tác động của cùng một Chúa Thánh Thần, Giáo Hội không thể không chấp nhận những phán quyết đó, và Chúa Thánh Thần bảo vệ và phát triển toàn thể đàn chiên Chúa Kitô trong sự hợp nhất đức tin 44.

Khi Giáo Hoàng Roma, hoặc Giám Mục Ðoàn cùng với ngài, phán quyết một điều gì, thì các ngài tuyên bố điều ấy theo chính Mạc Khải mà các vị ấy phải trung thành tuân giữ. Mạc Khải trong Kinh Thánh hay trong Thánh Truyền đều được truyền lại trọn vẹn nhờ sự kế vị hợp pháp các Giám Mục và nhất là nhờ sự quan tâm của chính Giáo Hoàng Roma. Nhờ Thánh Thần Chân Lý, Mạc Khải ấy được gìn giữ cách cẩn trọng và trình bày cách trung thực 45. "Ðể có thể khảo sát đứng đắn và trình bày cách thích hợp Mạc Khải này, Ðức Giáo Hoàng và các Giám Mục làm việc cẩn thận bằng phương tiện thích hợp, tùy theo nhiệm vụ và tầm quan trọng của sự việc" 46; nhưng các ngài không nhận được một Mạc Khải công khai mới nào thêm vào kho tàng thần khải của đức tin 47. 34*

26. Nhiệm vụ thánh hóa. Giám Mục, bởi nhận lãnh bí tích Truyền Chức Thánh cách viên mãn, là "người quản lý ơn sủng của chức linh mục tối cao" 48, nhất là trong hy lễ tạ ơn do chính ngài dâng hoặc lo liệu cho có lễ dâng 49, nhờ đó Giáo Hội luôn sống động và tăng triển. Giáo Hội Chúa Kitô thực sự hiện diện trong mọi đoàn thể tín hữu địa phương hợp pháp. Những đoàn thể này, vì hợp nhất với các chủ chăn, nên trong Tân Ước cũng được gọi là Giáo Hội 50. Thực vậy, trong phần đất mình, mỗi đoàn thể là Dân Tộc Mới được Thiên Chúa kêu gọi trong Thánh Thần và trong sự viên mãn đầy tràn (x. 1Th 1,5). Nơi các đoàn thể đó, tín hữu được tụ hợp lại nhờ sự rao giảng Phúc Âm Chúa Kitô, và mầu nhiệm Tiệc Ly của Chúa được cử hành "để nhờ Thịt và Máu Chúa, tất cả kết thành huynh đệ và thành một thân thể" 51. Mỗi lần Giám Mục cử hành nhiệm vụ 52 với cộng đoàn tụ hợp quanh bàn thờ, đó là biểu hiệu đức ái và "sự hiệp nhất của nhiệm thể, và nếu thiếu sự hiệp nhất đó, không thể có ơn cứu rỗi" 53. Chúa Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, dù nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác khắp nơi. Và nhờ thần lực Người, Giáo Hội hiệp thành duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền 54. Bởi vì "việc tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không có công hiệu nào khác hơn là biến đổi chúng ta thành Ðấng mà chúng ta lãnh nhận" 55.

Mọi việc cử hành hợp pháp hy lễ tạ ơn đều do Giám Mục điều khiển; ngài là người lãnh nhận nhiệm vụ dâng lên nhan uy linh Chúa sự thờ phượng của Kitô giáo và có phận sự điều hành việc thờ phượng đó theo đúng giới răn Chúa và lề luật Giáo Hội. Ngài dùng phán quyết riêng để xác định những lề luật đó cho giáo phận mình.

Như thế, khi cầu nguyện và làm việc cho dân chúng, các Giám Mục đổ đầy tràn trên họ, dưới nhiều hình thức, những ơn lành do sự thánh thiện sung mãn của Chúa Kitô. Bằng thừa tác vụ lời Chúa, các ngài thông truyền cho tín hữu sức mạnh của Thiên Chúa hầu cứu rỗi họ (x. Rm 1,16). Các ngài thánh hóa giáo hữu bằng các bí tích mà với quyền giám mục, các ngài lo ban phát cách đều đặn và phong phú 56. Các ngài xác định việc cử hành bí tích Thánh Tẩy là bí tích ban quyền tham dự vào chức linh mục vương giả của Chúa Kitô. Chính các ngài là thừa tác viên căn nguyên của bí tích Thêm Sức, là người truyền các chức thánh, ra qui luật về phép Giải Tội và tận tình khuyên bảo, giáo huấn giáo dân để họ kính cẩn và tin tưởng chu toàn phận sự họ trong phụng vụ và nhất là trong Thánh Lễ hy tế. Sau cùng, các ngài phải làm gương cho những kẻ thuộc quyền bằng lời ăn tiếng nói của mình. Trong cách sống, các ngài phải xa tránh mọi điều ác, và với ơn Chúa giúp, cố gắng hoàn thiện theo hết khả năng, để cùng với đoàn chiên Chúa trao phó, đạt tới đời sống vĩnh cửu 57. 35*

 


Chú Thích:

(lưu ý: những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo trước)

 

32* Tiểu mục 3: thừa tác vụ Giám Mục và những quyền năng (các số 24-27).

38 Xem CIC cho Giáo Hội Ðông Phương, các kh. 216-314: về các Giáo Chủ; các kh. 324-339: về các Ðại Tổng Giám Mục; các kh. 362-391: về các vị chức sắc khác; đặc biệt các kh. 238, đoạn 3; 216; 240; 251; 255: về các Giám Mục được các Giáo Chủ đặt lên.

33* Số 24: Nói về thừa tác vụ Giám Mục, tiếp tục cho số 20. Ở đây không bàn về chức vị hay quyền bính, nhưng về thừa tác vụ Giám Mục. Công Ðồng nhấn mạnh tới đặc tính phục vụ của những người được Chúa kêu gọi cai trị Dân Chúa, theo kiểu nói của Thánh Kinh (x. Mt 20, 24-28; Gio 13,1-17). Giám Mục là người phục vụ cho phần dân được trao phó, và phục vụ cho toàn thế giới. Ngài phải nỗ lực rao giảng và làm cho Phúc Âm sống động, và nếu cần, phải hiến mạng sống cho đoàn chiên. Muốn được thế, các Giám Mục nhận lấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ðấng thánh hiến các Ngài để phục vụ. Công Ðồng còn thêm một đoạn nữa bàn đến sứ mệnh theo giáo luật, nghĩa là Giám Mục được quyền cấp trên chỉ định đặc trách một lãnh thổ hay một số dân nhất định. Có ba cách thức chỉ định được coi là có hiệu lực: tập tục chưa bị đoạn tiêu, luật lệ được Tòa Thánh ban hành hay thừa nhận, do chính Giáo Hoàng chỉ định. Với hai cách đầu tiên, phải có sự chấp thuận minh nhiên hay mặc nhiên của Tòa Thánh, nếu không sẽ bất thành sự.

Ba số kế tiếp đề cập đến quyền năng Giám Mục (các số 25-27). Nhiều nhà thần học phân biệt thành hai quyền năng phẩm trật: quyền theo chức vị và quyền theo sứ mệnh. Công Ðồng trái lại đã chọn kiểu nói ba quyền năng: giảng dạy, thánh hóa và cai trị Dân Chúa, và cho như vậy là tiện lợi hơn, vì cách phân chia này cho phép mô tả các quyền năng, và nếu cần, minh xác các quyền năng đó. Có lẽ còn lý do nữa là liên kết quyền năng của giáo phẩm với ba nhiệm vụ của Chúa Kitô (được nhắc tới trong các số 34-36): nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương giả.

39 Xem CÐ Trentô sắc lệnh De Reform., khóa V, ch. 2, số 9, và khóa XXIV, đ.th. 4: Conc. Oec. Decr., trg 645 và 739.

40 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Dei Filius, 3: Dz 1712 (3011). Xem ghi chú kèm theo Lược Ðồ I về De Eccl. (trích từ Thánh Rob. Bellarminô): Mansi 51, 579C, và Lược Ðồ đã được sửa đổi của Hiến Chế II De Eccl. Christi, với phần chú giải củ Kleutgen: Mansi 53, 313 AB. Ðức Piô IX, Thư "tuas libenter": Dz 1683 (2879).

41 Xem CIC các kh. 1322-1323.

42 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Pastor Aeternus: Dz 1839 (3074).

43 Xem giải nghĩa của Gasser trong CÐ Vat. I : Mansi 52. 1212 AC.

44 Xem Gasser n.v.t.: Mansi 1214A.

45 Xem Gasser n.v.t.: Mansi 1215 CD, 1216-1217 A.

46 Xem Gasser n.v.t. : Mansi 1213.

47 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Pastor aeternus, 4: Dz 1836 (3070).

34* Số 25: Quyền giảng dạy (giáo huấn).

Số này trình bày những tiêu chuẩn định giá trị lời giảng dạy của giáo phẩm, trong khuôn khổ Giám Mục Ðoàn, và trình bày nguyên tắc quyền bính. Nội dung của lời giảng, những đối tượng khác nhau của giáo huấn Giáo Hội được phân tích trong sắc lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (các số 12-14).

Việc soạn thảo bản văn gặp nhiều khó khăn. Công Ðồng muốn giữ y nguyên định nghĩa về quyền giáo huấn bất khả ngộ của Giáo Hoàng, vừa muốn quả quyết quyền giáo huấn của các Giám Mục. Ðiều xác định căn bản như sau: nhiệm vụ đầu tiên của Giám Mục là rao giảng Phúc Âm. Bản văn chia ra bốn phần:

- Giám Mục là tiến sĩ của đức tin nên phải tuân theo lời giảng dạy của các Ngài.

- Bất khả ngộ tính của Giám Mục khi đồng thanh giảng dạy không những trong Công Ðồng Chung mà ngay cả khi các Ngài thông hảo với nhau và với Ðấng kế vị Phêrô để giảng dạy những giáo lý thuộc đức tin và phong hóa. Ðây là đề tài cố hữu trong khoa thần học.

- Bất khả ngộ tính của một mình Giáo Hoàng được xác định khéo léo ở đây, trong khuôn khổ của việc giảng dạy được các Giám Mục thực thi trong tập đoàn.

- Sự tương hợp của giáo thuyết Giáo Hội với Mạc Khải.

48 Lời nguyện lễ tấn phong Giám Mục theo nghi lễ Bizantinô: Euchologion to mega Roma, 1873, trg 139.

49 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Smyrn. 8,1: x.b. Funk I, trg 282.

50 Xem CvTđ 8,1; 14,22-23; 20,17 và nhiều chỗ khác.

51 Lời nguyện Tây Ban Nha: PL 96, 759B.

52 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Smyrn. 8,1: x.b. Funk, I, trg 282.

53 T. Tôma, Summa Theol. III, q. 73, a. 3.

54 Xem T. Augustinô, C. Faustum, 12, 20: PL 42, 265; Serm. 57, 7: PL 38, 389, v.v...

55 T. Leô Cả, Serm. 63, 7: PL 54, 357C.

56 Xem Traditio Apostolica của Hippolytô, 2-3: x.b. Botte, trg 26-30.

57 Xem đoạn "khảo duyệt" ở đầu lễ tấn phong Giám Mục và kinh nguyện sau lễ tấn phong Giám Mục, sau Te Deum.

35* Số 26: Quyền thánh hóa.

Số này tuy dài nhưng khúc chiết, được sắc lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (số 15) bổ túc. Ý tưởng chính là: Giám Mục là người chủ chốt ban phát các mầu nhiệm của Chúa, là người tổ chức, phát động và bảo trì đời sống phụng vụ. Ngài chủ tọa thánh lễ cộng đồng, có trách vụ loan báo lời Chúa trong công hội phụng vụ. Ngài còn là thừa tác viên chủ yếu của các bí tích. Kết luận của số này là lời ám chỉ đến gương mẫu đời sống mà các mục tử phải nêu ra.

58 Xem Benedictô XIV, Br. Romana Ecclesia, 5-10-1752, đoạn 1 Bullarium Benedicti XIV, bộ IV, Roma 1758, 21: "Giám Mục thay mặt Chúa Kitô và chu toàn công cuộc của Ngài". Piô XII, Tđ. Mystici Corporis, n.v.t., trg 211: "mỗi Giám Mục chăn dắt và điều khiển đoàn chiên được giao phó nhân danh Chúa Kitô".

59 Xem Leô XIII, Tđ. Satis cognitum, 29-6-1896: AAS 28 (1895-96), trg 732, n.v.t., thư Officio Sanctissimo, 22-12-1887: AAS 20 (1887), trg 264. Piô IX, Tông thư gửi các Giám Mục Ðức, 12-3-1875 và huấn từ 15-3-1875: Dz 3112-3117 trong lần phát hành mới.

60 Xem CÐ Vat. I: Hiến Chế tín lý Pastor aeternus, 3: Dz 1828 (3061). Xem bài phúc trình của Zinelli: Mansi 52, 1114 D.

61 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Ad Ephes. 5,1 : x.b. Funk, I, trg 216.

VỀ MỤC LỤC
Ngày của MẸ tại Giáo Phận XUÂN LỘC

 

NGÀY 18/5/2008, tại nhà thờ Chính Tòa Xuân Lộc, 1.046 Bà cố các Linh Mục va Tu Sĩ đã khấn trọn đời cùng với 415 đại diện giới Hiền mẫu của các Giáo Xứ trong Giáo Phận đã về họp mặt từ 8 giờ 30 tới sau trưa.

Đức Cha giáo phận, Quí Cha Đặc trách Hiền Mẫu 12 giáo hạt trong Giáo phận, Cha Giám Đốc và Phó Giám Đốc Đại Chủng Viện Xuân Lộc, Cha Quản Hạt Xuân Lộc kiêm Cha Sở Nhà thờ Chính Tòa, Cha Bí Thư TGM và Quí Cha Phó Nhà Thờ Chính Tòa, cùng các Bề Trên các Dòng lớn trong Giáo Phận đã có mặt.

Trong buổi họp mặt Cha Dom. Nguyễn Văn Tòng, Đặc trách Giới Hiền Mẫu Giáo Phận đã giới thiệu những Bà Cố tiêu biểu:

- Bà Cố Thức, Giáo Xứ Kẻ Sặt, Hố Nai đã dâng 7 nguời con cho Chúa: (2 trai va 5 gái) trong 15 đứa con của gia đình.

- Bà cố Mẫn, Giáo xứ Thanh Bình, Bầu Cá đã có 4 con là Linh Mục, 1 con là Nữ tu, 1 cháu ngọai là nữ tu.

- Bà Cố Chí đã co 3 nguời con là Linh Mục và một nguời con khác cũng đang chuẩn bị thụ phong Linh Mục.

- Bà cố Đỗ, giáo xứ Bảo Thị, Long Khánh có 3 nguời con là linh Mục.

Và còn nhiều Cố khác nữa cũng đã có những dâng hiến đáng kể cho Hội Thánh Việt Nam và Giáo Hội Toàn Cầu.

Với sự hiện diện của hàng ngàn các Bà Cố hôm nay, thật đáng trân trọng biết bao và đáng cho những người Mẹ nơi các gia đình suy nghĩ và noi theo bắt chước trong việc nuôi dạy con cái nên người hữu ích cho Xã Hội và Giáo Hội..

Thật cảm động khi trong buổi họp mặt, còn có những ca sĩ xuất thân từ Giáo Phận Xuân Lộc về tham dự để khơi gợi những tâm tình của những ngừơi con về với Mẹ và những nỗi lòng của các người Mẹ gia đình Việt Nam.

* Ca sĩ THANH SỬ thuộc GX Tiên Chu, Hố Nai ca bài : MỪNG TUỔI MẸ,

* Ca Sĩ KHÁNH DUY thụộc GX Chánh Tòa Xuân Lộc ca bài MỒ CÔI,

* Ca Sĩ ĐÔNG NGHI thuộc Gx Ninh Phát, Gia Kiệm ca bài NGƯỜI MẸ VÀ HOA SỨ TRẮNG

* Ca Sĩ PHI NGUYỄN Gx Sài quất, Hố Nai với bài ca NGÀY KHÔNG CÒN MẸ

* Ca Sĩ KIM LỆ, đại diện giới văn nghệ sĩ Công Giaó Sàigon ngâm bài thơ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết về MẸ Ngài.

Các Bà Cố và các Hiền Mẫu ngồi nghe mà cứ lau nuớc mắt hòai. Các Ngài nghĩ đến thân phận mình và nghĩ tới Mẹ mình, con mình đang ở những chốn xa: trong nước cũng như ngòai nước TRONG SỨ VỤ NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC SAI ĐI...

Sau những phút giây gợi nhớ, gợi thương, Đức Cha Đaminh NGUYỄN CHU TRINH Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc đã gặp gỡ các NGƯỜI MẸ TIÊU BIỂU: Với tư cách là một người con gia đình, Đức Cha cám ơn những người Mẹ, trong đó có Bà Cố của Ngài đa hy sinh nuôi dạy con nên Người để dâng cho Chúa, để phụng sự Chúa trong việc phục vụ các Linh Hồn. Với tư cách người Cha trong Gia Đình Giáo Phận, Ngài tri ân cảm tạ các Cố đã giúp Ngài trong công tác Tông Đồ qua các con của các Cố. Sau đó Ngài đã đồng tế Thánh Lễ cùng với quí Cha hiện diện.

Buổi gặp gỡ đã kết thúc bằng bữa cơm thân thiện: với Đức Cha, Quí Cha và Quí Bề Trên các dòng tu có nhà Mẹ tại Giáo Phận như Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, Dòng Đaminh, Dòng Mến Thánh Giá. 148 bàn cơm trang nhã lịch sự do các Hiền Mẫu Nhà Thờ Chính Tòa Xuân Lộc thực hiện tại  HOA VIÊN NHÀ THỜ CHÍNH TÒA;

Đức cha và Ban Tổ chức đã tặng mỗi Cố một món quà nho nhỏ là cuốn: SÙNG KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA để các Cố cầu nguyện cho các Linh Mục và Tu Sĩ mỗi ngày.

Các Cố ra về trong hân hoan phấn khởi vì có một ngày vui mừng và ý nghĩa. Với tiếng hát của các Ca Sĩ tiễn các cố lên đường về lại Giáo Xứ: KHI CON TIM ĐÃ VUI TRỞ LẠI

NGÀY CỦA NHỮNG NGƯỜI MẸ XUÂN LỘC ĐÃ KHÉP LẠI

HẸN NGÀY CỦA MẸ NĂM 2009

Bản tin của Giới Hiền Mẫu Giáo Phận Xuân Lộc
 

VỀ MỤC LỤC

Học Hỏi về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo Gia Đình (84 – 117) 

 

31. Hôn nhân mang ý nghĩa như thế nào? 

Theo kế hoạch của Thiên Chúa, gia đình là nền tảng của cộng đồng nhân loại và là một tế bào thiết yếu của xã hội loài người. Vì thế hôn nhân mang hai ý nghĩa quan trọng như sau: Hôn nhân phục vụ lợi ích cho chính hai vợ chồng và  thực hiện việc sinh sản con cái. (cf. GS 50) 

32. Hôn nhân mang lại những lợi ích gì cho đôi vợ chồng?  

Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng của CĐ Vatican  II  số 48 dạy rằng: “Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh diễm phúc của hôn nhân. Như thế, bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ "không còn là hai, nhưng là một xương thịt" (Mt 19,6), phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly… Bởi đó, vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như được thánh hiến bằng một bí tích riêng để được lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống họ; nhờ sức mạnh của bí tích này, họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô mà chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ, nhờ đó tất cả đời sống của họ được thấm nhuần đức tin, cậy, mến, và càng ngày họ càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau; và bởi đấy, cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa.

33.  Việc sinh sản đóng vai trò như thế nào trong việc tiếp nối công trình tạo dựng của Thiên Chúa ? 

Khi một con người vừa mới chào đời, con người mới này không những mang trong mình hình ảnh của người cha và người mẹ mà còn mang hình ảnh của Thiên Chúa. Thực vậy, chính cha mẹ là người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản một con người mới. Ở đây, không chỉ đề cập đến vấn đề sinh học, nhưng chúng ta xác quyết rằng: Thiên Chúa hiện diện trong tình mẫu tử và phụ tử một cách khác thường hơn là Ngài hiện diện trong các tạo vật khác. Quả thực, chỉ Thiên Chúa là nguồn sống của con người, nên chỉ có con người mới mang hình ảnh và giống như Ngài. Vì thế, sinh sản là sự tiếp nối công trình tạo dựng của Đấng Tạo Hóa (cf. Gratossimam Sane 43). 

34.  Gia đình được xem là một tế bào của xã hội như thế nào?  

Từ ban đầu khi tạo dựng muôn loài, Thiên Chúa đã thiết lập đời sống hôn nhân giữa người nam và người nữ, chính vì thế gia đình trở thành tế bào sống đầu tiên của xã hội. Mối giây liên kết giữa gia đình với xã hội mang tính hữu cơ và sống động. Vì thực ra, mỗi con người đều được sinh ra và giáo dưỡng từ gia đình. Chính từ nguyên tắc căn bản này mà xã hội được tồn tại và phát triển. (cf. Familiaris Consortio 42). Chính từ gia đình, con người lần đầu tiên được tiếp cận và nhận lãnh những giá trị chân, thiện, mỹ. Nhờ vậy, họ cũng nhận thức được ý nghĩa của những giá trị ấy trong đời sống xã hội.

35. Mỗi gia đình có phải là một “tin mừng” cho toàn thế giới không?

Ngay từ buổi bình minh của công cuộc cứu độ, việc hạ sinh Hài Nhi đã mang lại niềm vui cho toàn nhân loại: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavid. Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lk 2: 10 -11). Niềm vui trọng đại này là việc hạ sinh Đấng Cứu Thế. Nhưng lễ Giáng sinh còn tỏ lộ cho ta thấy ý nghĩa trọn vẹn của mỗi cuộc hạ sinh con người. Vì cùng với niềm vui của việc giáng sinh Đấng Cứu Thế, tất cả mọi em bé chào đời trong thế giới này điều mang lại tin mừng cho mọi người (cf. Evangelium Vitae 1). 

36. Gia đình có được xem như là “cung thánh của sự sống” không? 

Gia đình đóng vai trò quan trọng cho mỗi thành viên từ lúc sinh ra và lìa đời nên gia đình thực sự được gọi là “cung thánh của sự sống”. Nơi mỗi gia đình, sự sống là quà tặng của Thiên Chúa được đón nhận và bảo vệ một cách cẩn trọng khỏi nhiều mối hiểm nguy tấn công; và cũng chính từ gia đình, sự sống được lớn lên và trở thành một con người trưởng thành. Khi đương đầu với nền văn hóa sự chết, gia đình thực sự là tâm điểm của nền văn hóa sự sống. (cf. Centesimus Annus  39). Chính vì thế, gia đình - hội thánh tại gia, được kêu gọi thực hiện việc rao truyền và phục vụ Tin Mừng Sự Sống. Đây là trách nhiệm hàng đầu của mỗi gia đình. Vì được gọi là người trao ban sự sống, cha mẹ càng ý thức ý nghĩa của việc sinh sản như là hành động độc nhất biểu lộ sự sống con người và là quà tặng mà họ được đón nhận để rồi họ cũng cho đi như một món quà. Cha mẹ nên hiểu rằng, nguồn gốc phát sinh sự sống mới như là hoa quả tình yêu giữa hai người với nhau. Hoa trái này là món quà dành cho cả hai, và cũng chính từ hai người mà món quà này được xuất hiện. (cf. John Paul II, Bài diễn văn tại Hội nghị các Giám mục Châu Âu lần thứ bảy 1989,  5). 

37. Ai là người có trách nhiệm về “quyền sự sống”? 

Sự sống con người là linh thiêng, bất khả xâm phạm. Vì sự sống con người được bắt nguồn từ chính hành động sáng tạo của Thiên Chúa và nó vẫn luôn duy trì mối liên kết đặc biệt với Đấng Tạo Dựng, Đấng làm chủ vận mệnh của nó. Vì thế, chỉ có Thiên Chúa là chủ của sự sống từ ban đầu cho đến kết thúc. Không một con người nào, dù trong bất cứ hoàn cảnh trực tiếp hay gián tiếp, lại tự cho mình quyền để hủy diệt sự sống. Từ “Donum Vitae”- quà tặng sự sống là trung tâm mầu nhiệm mạc khải về tính bất khả xâm phạm và linh thiêng của sự sống con người. (cf. Evangelium Vitae 53). Chính vì điều đó, nếu “quyền sự sống” - quyền căn bản và nền tảng nhất cho mọi quyền con người - không được bảo vệ với một quyết tâm tối tối đa thì những việc đòi hỏi tôn trọng các quyền khác như y tế, nhà ở, việc làm, gia đình, văn hóa sẽ chỉ là giả dối và hảo huyền (Cf. Christifideles Laici 38). 

38. HTXH đề cập đến vần đề phá thai và “cái chết êm dịu” như thế nào?

Trong mọi trường hợp, không một ai được phép giết người vô tội, dù họ mới chỉ là một phôi thai hoặc là bào thai, còn sơ sinh hay đã trưởng thành, già lão hay mắc bệnh nan y, hoặc trong tình tranh sắp chết. Và đặc biệt hơn nữa, không ai được phép yêu cầu cho hành động giết người này. Dù sự yêu cầu này được xuất phát từ chính đương sự, người đang chăm sóc đương sự, hoặc đương sự đồng tình cho thực hiện hành động giết người này một cách rõ ràng hay ngụ ý. Cũng vậy, không một chánh quyền nào có thẩm quyền đề nghị hay cho phép thực hiện hành động như vậy (cf. Iura et Bona 2). “Vì thế, với thẩm quyền mà Chúa Kitô ban cho Phêrô và các Đấng kế vị của Ngài, cùng hợp với Giám Mục Đoàn của Giáo hội Công giáo. Tôi xác nhận rằng, hành động trực tiếp và có chủ ý giết người vô tội là luôn luôn trọng tội” (Evangelium Vitae 57).

39. HTXH đề cập đến vai trò người phụ nữ như thế nào?  

Theo ĐGH Phaolô II, đời sống thường nhật của người phụ nữ được xem như là những nữ anh hùng trong gia đình khi họ là “những người mẹ can đảm tận tụy với gia đình không một chút tính toán cho bản thân. Họ chịu đau đớn khi sinh con và dồn mọi nỗ lực dù phải hy sinh mọi giá để trao ban những gì là quí giá nhất của bản thân mình cho con cái” Trong khi thực hiện sứ mạng này, “thế giới xung quanh họ không phải lúc nào cũng ủng hộ sứ mạng của họ. Ngược lại, giới truyền thông thường xuyên trình bày một kiểu thức văn hóa khuyến khích người nữ không thực hiện chức năng làm mẹ. Trong khi những giá trị như chung thủy, khiết tịnh, hy sinh mà những người vợ và mẹ Kitô hữu đang sống và tiếp tục làm chứng, thì có những người nại vào cuộc sống hiện đại lại cho rằng những giá trị này là lỗi thời…Chúng ta cám ơn những người mẹ anh hùng về tình yêu bất diệt của họ. Chúng ta cám ơn lòng can đảm tín thác của các bà mẹ vào Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Chúng ta cám ơn về sự hy sinh của các người mẹ” (John Paul II, Bài giảng trong lễ phong thánh năm 1994). 

40. Người nữ đóng vai trò gì trong mối liên hệ giữa người với người?  

Tình mẫu tử có một mối liên hệ mật thiết đến mầu nhiệm sự sống khi sự sống phát triển trong lòng người mẹ. Mối liên hệ độc đáo giữa người mẹ với sự sống mới đang phát triển trong cung lòng của người mẹ mang một dấu ấn rất sâu đậm của nhân vị người nữ. Mối liên hệ này không chỉ hướng đến người con mà bà đang cưu mang nhưng còn hướng đến tất cả mọi người khác. Người mẹ đón nhận và cưu mang một con người trong chính thân thể của mình, dành chỗ và giúp nhân vị này lớn lên, tôn trọng con người mới này như một con người. Vì thế, người phụ nữ học và dạy người khác mối quan hệ thực thụ giữa người với người khi họ biết đón nhận những người khác như một con người. Con người được nhìn nhận và yêu thương là vì phẩm giá con người chứ không phải vì những đặc điểm như hữu dụng, thông minh, sắc đẹp hay sức khỏe. Đây là sự đóng góp căn bản mà Giáo hội cũng như loài người mong đợi từ người nữ. (cf. Evangelium Vitae, 99).

VỀ MỤC LỤC
THIÊN TAI Ư ? NHÂN TAI ĐẤY !

Quý độc giả Ephata và Giáo Sĩ Việt Nam thân mến,

Chiều tối thứ năm, ngày 15 tháng 5 năm 2008, tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài-gòn, có một buổi cầu siêu và kết thúc bằng Thánh Lễ dành cho các nạn nhân cơn bão Nargis vừa thổi qua Myanmar, tàn phá và giết hại hàng trăm ngàn người, cũng cầu nguyện cho các nạn nhân do cơn động đất xảy ra ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, hàng chục ngàn người đã phải bỏ mạng.

Anh em Trung Tâm Mục Vụ DCCT đã trình chiếu những hình ảnh bi thảm chụp được từ những vùng cơn bão đi qua, những cảnh tượng hãi hùng chụp được từ những đống đổ nát sau cơn động đất. Tất cả chỉ còn hoang tàn, tất cả chỉ còn là một cảnh tang thương.

Vài phút ngắn ngủi với một số hình ảnh, chắc chắn khó có thể nhận hết những cảm xúc như được chứng kiến tận mắt. Ngồi giữa một bầu khí an bình, thoáng đãng, khó có thể cảm nhận được những bất hạnh của biến cố, khó có thể hiểu thấu được các khó khăn kinh hoàng các nạn nhân phải đối đầu tại chỗ. Chỉ nhìn hình thôi chứ chúng ta đâu có phải đặt chân trầm mình trong những vũng nước đen đặc hối thối, đâu có ở cạnh quá nhiều xác chết đã bắt đầu phân hủy do chưa kịp chôn hoặc chôn không xuể.

Xác người, xác thú vật và bao nhiêu là những phẩm vật phế thải khác, trở thành nguồn sinh bệnh, rồi đói, khát, thiếu nước sạch, tiếu thực phẩm, thiếu thuốc men, tất cả nhân lên và đè nặng trên số phận của các nạn nhân còn sống để tiếp tục cướp đi thêm các mạng sống khác, nhất là những trẻ sơ sinh, các em bé và người già.

Đứng trước những tai họa kinh hoàng ấy, bao giờ chúng ta cũng tự hỏi vì đâu có mà nên nông nỗi, nguồn gốc và cơ sự thế nào ? Thiên Chúa đã chẳng dựng nên trời đất muôn vật rồi nhận định là tốt đẹp đó sao ? Tại sao nay lại sinh ra những chuyện chẳng tốt đẹp như vậy ? Thiên Chúa đâu có dựng nên sự dữ, Thiên Chúa đâu có làm ra sự dữ và Thiên Chúa đâu có muốn sự dữ hoành hành trên mặt địa cầu này.

Không những dựng nên muôn loài muôn vật tốt đẹp, Thiên Chúa còn trao cho con người cai quản và làm cho những sự tốt đẹp ấy ngày càng tốt đẹp hơn. Con người nhận được lệnh từ Thiên Chúa để làm cho cái tốt đẹp ngày một tốt đẹp hơn, sao bây giờ lại tan hoàng bi đát thế này ?

Chúa Nhật hôm nay Hội Thánh mừng mầu nhiệm cực trọng Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của sự tuyệt hảo, sự tốt hoàn toàn, sự đẹp tuyệt đối. Thánh Gioan sau cả một đời chiêm ngắm Thiên Chúa, đã thảng thốt kêu lên rằng: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Sự tuyệt hảo gắn liền với tình yêu, tình yêu làm nên sự tuyệt hảo, sự hòa hợp nên một mẫu mực, cội nguồn và tâm điểm là chính mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

Chính khi con người đánh mất tình yêu, con người phá vỡ sự hòa hợp, con người hủy hoại sự tốt đẹp, rồi tất cả biến thành tai họa. Chính khi con người phá vỡ lòng mình bằng những mưu toan ích kỷ, những toan tính hèn hạ, những mưu đồ trục lợi, những kiêu căng bạo tàn, con người phá vỡ sự hòa hợp ngay trong chính cái tâm của mình, rồi đi đến phá vỡ sự hòa hợp của thiên nhiên.

Tháng trước, tôi đã bàng hoàng khi đọc được một bài đăng trong báo Sài-gòn Tiếp Thị, số ra ngày 21.3.2008, số báo 31, bài đăng nơi trang 4, tên tác giả Lê Giang, tác giả tường thuật vắn tắt bài phát biểu của Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Phạm Ngọc Đăng. Ông Đăng là chủ tịch hội Môi Trường Xây Dựng Việt Nam, giám đốc trung tâm Kỹ Thuật Môi Trường Đô Thị và Khu Công Nghiệp. Ông Đăng phát biểu tại Hội Nghị đánh giá ba năm thực hiện nghị quyết 41 – NQ/TW của bộ Chính Trị về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước” do Ban Tuyên Giáo Trung Ương và bộ Tài Nguyên Môi Trường tổ chức tại Hà nội. Ông Đăng đã mạnh dạn chỉ ra rằng tác nhân chính và lớn nhất gây ra hủy hoại môi trường một cách tàn tệ tại Việt Nam chính là... tập đoàn điện lực ( EVN ) và các khu công nghiệp.

Các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than rồi đến các nhà máy thủy điện đắp đập xây hồ, đã gây ra hủy hoại môi trường vô phương cứu vãn. Ông bảo rằng EVN lấy kinh tế làm gốc, phát triển bất kể môi trường, xây dựng những nhà máy thủy điện làm tan nát các cánh rừng, phá hoại hệ sinh thái, cạn kiệt tài nguyên nước, làm thay đổi môi trường sống của dân chúng thuộc lưu vực. Ông trách những người có trách nhiệm trong bộ Tài Nguyên Môi Trường không có phản ứng cần thiết với EVN.

Các khu công nghiệp thì khỏi nói, hãy nhìn các ống khói nhả những độc tố đen ngòm lên bầu trời, hãy nhìn những lỗ cống thoát nước nhả những chất thải hôi thối nồng nặc giết chết bao nhiêu những dòng sông trên quê hương gấm vóc này. Bây giờ mảnh đất thân yêu hình chữ S của chúng ta quằn quại tan nát, còn gì là gấm vóc nữa, biển chẳng còn là biển bạc, rừng chẳng còn là rừng vàng.

Con đường vừa xây dựng một cách vô lý, con đường Quốc Lộ 1B, con đường mòn mang tên HCM năm xưa, ngày xưa xẻ rừng, ẩn nấp trong rừng để đi vào Nam đánh nhau. Bây giờ mở đường, thật lớn, thật rộng, thật dài chỉ cốt để lưu danh hão, để đánh dấu một chuyện thương đau huynh đệ tương tàn. Ngày xưa xẻ rừng mà đi, bây giờ xẻ rừng hóa ra là để tiếp tục có đường cho từng đoàn xe cơ giới vào mà phá rừng, bán gỗ để tư túi làm giàu. Ngày xưa núp trong rừng, sống nhờ rừng, bây giờ tiêu diệt rừng, phá hoại rừng, rừng oằn mình đau đớn. Rừng oán, sông giận, biển buồn, trời hận, làm sao sống nổi ?

Phải trở về ngay với Thiên Chúa nếu còn muốn sống, phải trở về ngay với mầu nhiệm hòa hợp diệu kỳ Ba Ngôi, phải trở về ngay với Thiên Chúa Tình Yêu.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, Lễ Chúa Ba Ngôi 2008

VỀ MỤC LỤC
NÓI THÊM VỀ VẤN ĐỀ RƯỚC LỄ BẰNG TAY

 

Hỏi: xin cha cho biết rước lễ bằng tay có bất kính đối với Chúa Kitô hay không ?

Trả lời: Thật ra  tất cả chỉ vì thói quen mà  sinh ra những khó khăn và bất đồng mà thôi.

Thật vậy, trước hết là vấn đề thay thế tiếng Latinh bằng mọi ngôn ngữ thế giới  trong phụng vụ. Vì tiếng Latinh đã được dùng quá lâu, nên khi thánh lễ được làm bằng các ngôn ngữ khác sau Công Đồng Vaticanô II ( 1962-65) thì nhiều người đã  không bằng lòng. Mặt khác, những cải cách của Công Đồng  này cũng  không được đồng tâm  đón nhận trong toàn Giáo Hội . Cụ thể, một Tổng Giám Mục  Pháp ( Lefevre)  đã bất tuân để tiếp tục làm lễ bằng tiếng Latinh  và tự tách mình ra khỏi Giáo Hội cho đến ngày ngài mất  năm 19 91. Nhưng nhóm linh mục đi theo ngài vẫn tiếp tục theo Nghi Thức Tridentine cũ và bác bỏ mọi cải cách của Công Đồng Vaticanô II. Nhưng cần phải nói rõ là từ đầu Giáo Hội La Mã dùng tiếng Latinh trong phụng vụ và  mọi sinh hoạt khác là vì lý do muốn  bảo đảm sự  hiệp nhất (unity) trong Giáo Hội chứ không vì lý do tín lý, thần học nào khác. Cũng không phải vì  tiếng Latinh là tiếng Chúa Giê su đã nói xưa kia, nên phải duy trì . Chúa là người Do Thái, nên Ngài đã dùng ngôn ngữ này để  giàng dạy các môn đệ và dân chúng thời đó. Cho nên không phải vì tôn trọng  Chúa mà phải dùng tiếng Latinh. Nhưng, vì ngôn ngữ này đã được dùng quá lâu trong Giáo Hội nên người ta trở  nên quen đến nỗi khó bỏ được mà thôi.

Chính vì còn có những người thích tiếng Latinh  và Nghi Thức cũ, nên trong năm qua (ngày 7-7-2007) Đức Thánh Cha Bênêđíchtô XVI đã ra Tông Thư Summorum Pontìficum cho phép xử dụng rộng rãi hơn Nghi Thức bất thường Lễ Tridentine  bằng tiếng Latinh, song song với Nghi Thức mới thông thường  ban hành năm 1970 cho phép cử hành thánh lễ và các bí tích bằng ngôn ngữ địa phương như hiên nay. Đây chính là  một cố gắng hòa giải những bất đồng còn âm ỷ trong Giáo Hội từ sau Công Đồng Vatican II của Đức đương kim Giáo Hoàng. Tóm lại cũng vì tiếng Latinh  và những cải càch của Công Đồng  Vaticanô II mà nhóm theo Tổng  Giám Mục Lefevre đã ly khai khỏi Giáo Hội Lamã cho đến nay. Về phần giáo dân  ở khắp nơi thì cũng  còn  nhiều  người không hài lòng với những thay đồi về phụng vụ. Cụ  thề là vấn đề rước lễ bằng tay.

VIỆC NÀY CÓ PHƯƠNG HẠI ĐẾN ĐỨC TIN CÔNG GIÁO HAY KHÔNG ?

Trong bài trước, tôi đã nói rõ là Tòa Thánh đã cho phép rước lễ  bằng tay kể từ sau Công Đồng Vaticanô II. Nhưng cũng vì có dư luận không tán thành, nhất là vì có những lạm dụng và  để tránh nguy cơ tục hóa (profanation) và phạm thánh ( sacrilege) nên Đức Hồng Y Francis Arinze , Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí Tích, đã ra Huấn Thị REDEMPTIONIS SACRAMENTUM để giải thích thêm về Tông Thư Ecclesia de  Eucha rístia  của  Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II  cũng như nhắc lại những gì Toà Thánh đã cho phép về việc rước lễ từ xưa đến nay.

Cụ thể như sau :

1-     Tín hữu được phép lựa chọn rước lễ bầng tay hay trên lưỡi, quì xuống hay đứng lên khi rước Mình Máu Thánh Chúa Kỉtô trong Thánh lễ. (no. 91-92).

2-     Thánh Bộ cũng khuyến khích việc cho tín hữu rước cả Mình và Máu  Thánh Chúa, mặc dù Chúa Kitô hiện diện hoàn toàn trong cả  hai hình thức trên. Nghĩa là dù chỉ rước Mình Thánh thôi  thì cũng rước trọn vẹn Chúa Kitô rồi. ( x. SGLGHCG. số 1377) Tuy nhiên , Hội Đồng Giám Mục các quốc gia được dành quyền tùy nghi áp dụng việc này ở địa phương. ( no. 100-101)

3-     Cũng  liên quan đến việc rước Máu Thánh,  Thánh Bộ cũng cho phép hình thức chấm Mình Thánh vào chén Máu Thánh ( Intinction) nhưng người rước lễ không được phép tự tay chấm mà phải nhận lãnh trên lưỡi từ tay thừa tác viên.

Nghĩa là không được phép lãnh nhận trên tay nếu rước lễ với hình thức chấm này.(no.104)

Sở dĩ có sự cho phép hình thức chấm (intinction) Mình vào Máu Thánh nói trên là vì có mối quan ngại về nguy cơ lây bệnh truyền nhiểm khi nhiều người cùng uống chung một chén. Ngoài ra, còn bất tiện nữa là thừa tác viên phải uống  hết Máu Thánh còn dư sau Lễ. Cũng nên biết rằng trong bí tích Thánh Thể, thì chỉ có bản thể (substance) của bánh và rượu trở thành Bản Thể của Chúa Kitô mà thôi, còn chất thể ( material) của bánh và rượu không thay đổi, cho nên uống nhiều rượu nho vẫn có thể say như thường !.

Trên đây là tóm lược những gì Tòa Thánh – qua Thánh Bộ Phụng Tự-  đã cho phép. Nghĩa là chính Đức Thánh Cha đã đồng ý cho thi hành trong toàn Giáo Hội, vì mọi quyết định của các Cơ quan đầu não trong Giáo triều Roma, nhất là của hai Thánh Bộ quan trọng là Phụng Tự ( Divine Worship ) và Giáo  lý đức tin ( Doctrine of  Faith) thì bắt buộc phải có sự chấp thận ( approve)  của Đức Thánh Cha trước khi đem thi hành. Như thế, nếu muốn vâng phục Tòa Thánh, thì không ai được phép chống đối những gì đang được cho phép thi hành. Người ta có thể góp ý xây dựng và đề nghị những sửa đổi. Nhưng quyền quyết định tối hậu vẫn thuộc về Đức Thánh Cha, vị Đại Diện duy nhất của Chúa Kitô trên trần gian.

Rước lể trên lưỡi hay trên tay tự nó không có gì là phạm thánh hay bất kính đối với Chúa Kitô. Căn bản thần học ở đây là Chúa Kitô tự hiến mình làm của ăn của uống để nuôi linh hồn người  ta cũng như Ngài đã tự hiến chịu chết trên thập gíá để cứu chuộc nhân loại.

Vậy nhận lãnh Chúa trên tay hay trên lưỡi không có gì khác biệt về bản  chất. Giáo lý của Giáo Hội chỉ đòi hỏi phải sạch tội trọng, có ý ngay lành ( good intention) và giữ chay (fasting) một giờ trước khi rước lễ mà thôi. Chỉ có tội lỗi mới làm cho con người bất xứng chứ không phải hình thức bề ngoài. Đó là điều Chúa Giêsu đã khiển trách nhóm biệt  phái  xưa kia khi chúng bắt lỗi các môn đệ của Chúa không rửa tay trước khi ăn. “… Anh  em không biết rằng bất cứ cái gì vào miệng thì xuống bụng rồi bị thải ra ngoài sao ? Còn những cái gì từ mệng xuất ra  là phát xuất từ lòng ;  chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế…còn ăn mà không rửa tay thì không làm cho con người ra ô uế.” ( Mt 15: 17-20). Nói khác đi, nếu rước lễ mà thiếu lòng tin, lòng mến Chúa và nhất là đang có tội trọng thì đó mới là bất xứng, bất kính đối với Chúa Kitô, chứ nhận lãnh Mình Máu Chúa trên tay hay trên lưỡi không có gì khác biệt phải quan tâm.

Thực ra, không có giáo lý, tín lý nào đòi hỏi phải rước Chúa trên lưỡi thì mới tỏ ra kính trọng Chúa cách đúng mức, và rước trên tay là bất kính. Chỉ có điều đáng quan ngại là sợ nguy cơ phạm thánh  khi cho rước lễ trên tay mà thôi.

Nghĩa là , lo sợ có kẻ cầm Mình Thánh Chúa đem về nhà để làm việc phạm thánh  nào đó ( profanation, sacrilege)

Chính vì  thế mà Thánh Bộ Phụng Tự đã đặc biệt lưu ý việc này , để nếu cần,  thì phải ngưng cho rước lễ trên tay.(no. 92). Và để tránh nguy cơ này, mọi người muốn rước lễ trên tay, thì buộc phải bỏ ngay Mình Thánh Chúa vào miệng trước mặt thừa tác viên cho rước lễ.

Ngoài ra, để tỏ lòng cung kính bề ngoài trước khi rước Chúa, thì nếu đứng khi lên rước lễ thì trước khi tiến lên lãnh nhận Mình Thánh ,  người rước lễ được khuyên nên cúi đầu bái lậy trước khi lãnh nhận Mình Máu Chúa trên lưỡi hay trên tay.( không  nên bái quì vì sẽ đụng chân vào người đứng phía sau)

Nói chung ,từ xưa đến nay, đã có  biết bao ý kiến chống đối Giáo Hội về  luật độc thân của hàng giáo sĩ, đòi  cho phụ nữ làm linh mục, không đồng ý về những cải cách của Công Đồng Vaticanô II trong đó có việc cho rước lễ trên tay. Trong số những người không đồng ý này,  có cả Giám mục, linh mục và giáo dân. Cụ thể, Tổng Giám mục Malingo bên Phi Châu đã lấy vợ  và còn truyền chức giám mục bất hợp pháp cho 3 linh mục Mỹ đã hồi tục và đã bị vạ tuyệt thông tiền kết sau vụ này.

Nhưng việc chống đối và những gương xấu này không thể làm mất niềm tin và sự  tuân phục của tín hữu đối với sứ mạng , chức năng và uy quyền của Giáo Hội trong việc giảng dạy, thánh hóa và cai trị.

Tóm lại,  bao lâu Toà Thánh chưa thay đổi gì về bất cứ luật lệ nào đang được áp dụng thi hành trong các lãnh vực luân lý, tín lý, phụng vụ , bí tích, giáo luật .. . thì mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội - giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân-  đều có bổn phận phải vâng phục  và thi hành nghiêm chỉnh những luật lệ đó. Những người bất đồng ( dù là Hồng Y , Giám mục hay linh mục) và những ai chống đối ở trong và ngoài Giáo Hội không phải  là  lý do cho tín hữu phải giao động về tinh thần vâng phục Giáo  Hội là Mẹ đang thay mặt Chúa là CHA để dạy dỗ, dẫn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô trên trần thế.

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC
LỜI KẾT LUẬN CỦA BÀ GIÀ DO-THÁI  

 

Một bà già Do-thái nhỏ người ngồi trên phi cơ, cạnh một ông Thụy-điển mập mạp và bà không ngớt đăm đăm nhìn ông. Cuối cùng, bà quay sang phía ông ta và nói: "Xin lỗi, có phải ông là người Do-thái không?

Ông kia trả lời: "Không." 

Ít phút sau, bà lại quay sang ông ta lần nữa và nói: "Ông có thể nói cho tôi biết, nghe ông – ông là Do-thái, phải không?

Ông nọ trả lời: "Tuyệt nhiên là không." 

Bà cứ tiếp tục xem xét ông ta một lúc nữa, rồi nói: "Tôi có thể quả quyết ông là người Do-thái." 

Để khỏi bị quấy rầy nữa, ông nọ nói: "Được rồi, tôi là người Do-thái!

Bà ta lại nhìn ông lần nữa, lắc đầu và nói: "Ông không có vẻ gì là Do-thái hết!

*** 

Chúng ta đưa ra những kết luận trước

 – rồi mới tìm cách chứng minh.

 

Lm. ANTHONY DE MELLO 

NHƯ LỜI CẦU KINH Nguyên tác THE PRAYER OF THE FROG

Nhà văn Hương Vĩnh chuyển ngữ

VỀ MỤC LỤC

LIÊN HIỆP ÂU CHÂU, MỘT THÁCH ĐỐ CỦA HOA KỲ

 

Sau khi Liên Bang Sô Viết xụp đổ, Hiệp Chủng Quốc là siêu cường duy nhất còn lại trên thế giới... Hoa Kỳ đương nhiên trở thành một quốc gia nặng ký cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự. Nhưng đồng thời một siêu cường khác đang hình thành sẽ cạnh tranh với Hoa Kỳ để dành chức lãnh tụ của  thế giới Tây Phương.

…………………..

 

Nhiều người Mỹ tin rằng Hoa Kỳ là một quốc gia không ai dám đụng đến, không có gì có thể làm suy xuyển được. Hoa Kỳ là vô địch, độc cô cầu bại. Chiến tranh lạnh kết thúc lại làm cho Hoa Kỳ có cảm tưởng mình có quyền và nhiệm vụ sắp đặt mọi chuyện trên thế giới, từ kinh tế đến chính trị, quân sự. Một người có trí khôn trung bình, hàng ngày  cũng chỉ biết nghĩ đến job / việc làm, giá xăng, trường học cho con cháu hoặc công việc buôn bán thường nhật của mình hơn là để ý đến những biến cố tiềm ẩn bên trong của tình hình thế giới.

 

Tin tức hàng ngày trên vô tuyến truyền hình phản ảnh tâm tư ý thích và những thiếu sót của dân chúng đối với những biến chuyển bên ngoài. Họ ít khi để ý đến những gì đang xẩy ra ở bên ngoài nước Mỹ, cũng chẳng thèm dành một vài phút để bàn luận hay suy nghĩ về những gì đang xẩy ra ở Âu Châu, Phi Châu hay Viễn Đông…trong khi thế giới  có biết bao nhiêu là biến chuyển lớn lao gần kề đang âm thầm lặng lẽ xẩy ra có thể ảnh hưởng đến chính bản thân và gia đình họ.

 

Thực vậy, một siêu cường thành hình ở lục địa Âu Châu đang là một thách đố, sẵn sàng   cạnh tranh với Hoa Kỳ cả về kinh tế lẫn chính trị.

 

Giấc mơ về một Âu Châu thống nhất đã có từ thời xa xưa. Đế quốc La Mã xưa đã tạo ra một mạng lưới đường dây hợp tác về kinh tế và bưu diện, hòa nhập văn hóa và tôn giáo trện một diện địa rất rộng lớn. Qua hàng thế kỷ, quan niệm về Pax Romana  -một loại đế quốc thống nhất và hòa bình được cai trị bởi luật La Mã- đã nung nấu trí tưởng tượng  của nhiều người dân Âu Châu.

 

Dân La Mã đã nhận ra rằng cai trị một đế quốc quá rộng lớn trải dài từ Trung Âu đến Bắc Phi và từ Anh Quốc tới Trung Đông là bất khả thi. La Mã đã bị rạn nứt từ từ về kinh tế, chính trị và xã hội để rồi bị Đức xâm lăng chinh phục. Vào năm 476 A.D., đế quốc Tây Phương đã bị thất bại nặng nề, nhưng giấc mơ của họ không bao giờ bị hủy giệt.

 

Lịch sử cho thấy đã nhiều lần họ cố gắng kết hợp mọi sắc dân Âu Châu lại thành một đế quốc bằng sức mạnh quân sự. Một Charlemagne, một Napoleon và gần đây Adolf Hitler đã cố gắng làm sống lại một Âu Châu thống nhất.

 

Sau khi thế chiến II kết thúc, mặc dù nhiều đổ vỡ và chết chóc, nhưng giấc mơ một Âu Châu hòa bình và thống nhất vẫn còn lấp ló đâu đó, cho dù đã bị phân chia làm hai, một nửa nằm dưới quyền thống trị của Sô Viết đằng sau bức màn sắt.

 

TÂN ÂU CHÂU XUẤT HIỆN TRONG TRO TÀN

 

Sau khi đã trải qua hai cái thế chiến trong vòng 30 năm, đến năm 1945 Châu Âu hầu như kiệt lực. Nhiều thành phố, thị trấn cổ kính đã bị bom đạn phá hủy. Người chết cả hàng chục triệu. Các cơ sở, tổ chức, cơ quan đều ngưng hoạt động.

 

Làm thế nào đây sau những điêu tàn đổ nát đó?  Nhờ chương trình Marshall, đồng Mỹ Kim đổ vào, và như một phép lạ, đã làm sống lại nền kinh tế Âu Châu. Tây Âu được kiến thiết lại, các nhà máy, cơ xưởng kỹ nghệ được trang bị và hoạt động trở lại.

 

Được tân trang tái thiết từ đống tro tàn, vào những thập niên 50 và 60 nhiều cơ xưởng kỹ nghệ của nước Đức bại trận đã phát triển vượt bực hơn cả những cơ xưởng của người Hoa Kỳ ân nhân. Giấc mơ xưa về một Âu Châu thống nhất hòa bình đã biến thành một tổ chức gọi là Thị Trường Chung Âu Châu.

 

Vào hậu bán thế kỷ XX, Thị Trường Chung đã được thay thế bằng Âu Châu Thống Nhất. Một số những quốc gia liên kết với nhau làm thành một liên minh hùng mạnh dưới danh hiệu Liên Hiệp Âu Châu với hai cựu thù ở chính giữa là Pháp và Đức bắt đầu hình thành.

 

Đến đầu thiên niên kỷ III này, tờ báo Time ấn bản Âu Châu đã có thể tường trình rõ rệt như sau: “Âu Châu có một thị trường duy nhất, một bản vị tiền duy nhất và một ngân hàng trung ương. Không một quốc gia thành viên nào có thể xây một phi trường, quyết định số lượng sữa bò sản xuất hoặc thay đổi bất cứ cái gì mà không tham vấn với Brussels hoặc làm theo đúng những tiêu chuẩn hướng dẫn của ủy ban điều hợp. Không một hợp đồng mua bán nào được tiến hành mà không được sự đồng ý của Ủy Ban E.C.”. (Nghĩa là không một quốc gia thành viên nào có thể tự mình làm bất cứ điều gì mà không thông qua Brussels)

 

NHẮM TỚI  MỘT VỊ THẾ VĨ  ĐẠI  HƠN

 

Liên Hiệp Âu Châu bây giờ đã trở thành một khối mạnh nhất thế giới về kinh tế. Sản lượng quốc gia tính ra hơn 1/3 sản lượng của toàn thể thế giới. Lượng xuất cảng lớn nhất thế giới. Giá trị đồng Euro tăng 50% đối với đồng Mỹ Kim từ khi nó xuất hiện vào năm 2002.

 

Một số vị lãnh đạo của Liên Hiệp Âu Châu tin rằng Liên Hiệp chưa phát triển khả năng của họ nhanh và uyển chuyển đủ đối với bối cảnh thế giới.  Họ lại còn đang thảo luận để thành lập một liên minh ngay trong chính Liên Hiệp của họ, dẫn đầu bới Pháp và Đức. Điều này sẽ đẩy mạnh và nhanh việc thống nhất chính trị.

 

Họ không chỉ cố gắng đẩy mạnh thống nhất về chính trị mà còn hy vọng tạo một sức mạnh quân sự nữa. Lực lượng quân sự này không phải chỉ để tự vệ, mà còn để tạo ảnh hưởng nơi những miền xa xôi trên thế giới

 

Tuy nhiên không phải tất cả dân Âu Châu đều tán thành chấp nhận quan niệm một sức mạnh quân sự với cánh tay nối dài như vậy. Liên quân phối hợp Âu Châu- Hoa Kỳ tiến vào Kosovo cuối thập niên 1990 cho thấy nhiều nước Âu Châu đã miễn cưỡng tham gia quân sự như vậy. Ta thấy Liên Hiêp Âu Châu chỉ gửi có 50,000 quân đến Balkans trong khi họ có tới 2 triệu quân binh.

 

Trong khi đó Hoa Kỳ, với sự cam kết can thiệp quân sự vào Iraq, Afghanistan và nhiều quốc gia khác rải rác khắp thế giới để chống chiến tranh khủng bố thì lại mang màu sắc và hành động của một cảnh sát quốc tế.

 

TƯƠNG LAI ÂU CHÂU THEO TIÊN TRI TRONG KINH THÁNH

 

Những biến cố hiện đang xẩy ra ở Âu Châu đã rập theo đúng khuôn lịch sử ở quá khứ: cố gắng liên hiệp Y Pha Nho và Ý Đại Lợi, Đức và Slavs, Pháp và Scandinavias thành một đế quốc.

 

Tiên tri Daniel đã được Chúa mạc khải trong một giấc mơ để nói tiên tri về những đế quốc này. Trong Daniel 2, ông nói về bốn đế quốc liên tiếp, trong đó có một đế quốc đã cai trị vào thời đấng thiên sai / Messiah đến để thiết lập một vương quốc của Chúa ở trần thế. So sánh lịch sử với những lời tiên tri khác, chúng ta thấy rằng bốn vương quốc này theo thứ tự là đế quốc Babylonia, Medo-Persia, Greco-Macedonia và đế quốc La Mã.

 

Nói về vương quốc thứ tư, vương quốc cuối cùng, Daniel  mô tả là “một đế quốc cứng mạnh như sắt, bởi vì sắt có thể bẻ gẫy và nghiền nát mọi sự ra từng mảnh. Giống như sắt, đế quốc này có thể bẻ gẫy và đập tan nát những đế quốc kia ra từng mảnh.” (câu 40) Đế quốc La Mã lúc đó thực sự đã chứng tỏ hùng mạnh và vượt trội hơn ba đế quốc trước, đã nuốt trọn tất cả trong thời gian trị vì kéo dài cả hàng thể kỷ.

 

Daniel cũng cho biết những tiên đoán rất hấp dẫn và chi tiết về đế quốc cuối cùng này. Ông nói hình ảnh những cái chân và bàn chân trong giấc mơ của Nebuchanezzar tượng trưng một vương quốc, chính là đế quốc La Mã sau này.  Những cái chân và ngón chân được làm “một phần bằng đất sét, một phần bằng sắt” (câu 41) Điều này chứng tỏ rằng “vương quốc này sẽ bị phân chia” và “một nửa thì hùng mạnh, một nửa thì yếu” (câu 41-42).  Hơn nữa “ vì sắt không thể trộn với đất sét được”, do đó những thành phần của vương quốc này không thể kết hợp chặt chẽ với nhau được lâu dài (câu 43).

 

Sau đó, mô tả ngày Chúa Kitô giáng lâm trở lại và tất cả các vương quốc cùng chính phủ của loài người bị lật đổ, Daniel nói rằng: “ Trong những ngày đó, Chúa ở trên trời sẽ thiết lập một vương quốc vĩnh cửu, không sức mạnh nào có thể tiêu giệt được…..Nó sẽ đập bể nát những vương quốc này ra từng mảnh và tiêu giệt luôn, chỉ một mình nó sẽ đứng vững đến muôn đời” (câu 44).

 

Đặc biệt, “những ông vua này” ở đây là một nhóm 10 nhà lãnh đạo các quốc gia kết hợp với nhau thành một liên minh ở thời đại cuối cùng. Daniel cho biết trước rằng, bởi vì khác biệt văn hóa và ngôn ngữ, nên siêu cường cuối cùng này sẽ không phải là  một liên hiệp chặt chẽ những quốc gia khác nhau như Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, mà là gồm nhiều thực thể phân tán khác biệt liên kết lại với nhau vì một mục tiêu chung. Dĩ nhiên trong đó sẽ có một số quốc gia hùng mạnh hơn những quốc gia kia.

 

Trong sách Khải Huyền, chúng ta còn thấy nhiều chi tiết hơn về cái liên hiệp các quốc gia này: “Mười sừng ông đã thấy là mười vua; chúng chưa nhận được vương quyền, và sẽ nhận được quyền làm vua với Con Thú. Chúng sẽ giao chiến với Con Chiên, và Con Chiên sẽ thắng chúng, vì Người là Chúa các chúa, Vua các vua; những kẻ đi theo Người, tức là những kẻ được kêu gọi, được tuyển chọn và luôn trung thành, cũng sẽ thắng” (Khải Huyền 17: 12-14).

 

Những biến chuyển hiện giờ đang phát triển để cố gắng tạo một Liên Hiệp Âu Châu hùng mạnh như có vẻ đang bắt đầu ứng nghiệm những lời tiên tri nói về một quyền lực vào thời tận cùng. Suy diễn theo những lời tiên đoán ghi trong Kinh Thánh, thì những chuyển động để thống nhất Âu Châu chính là căn nguyên của vấn đề.

 

Tờ Newsweek ra ngày 29 - 1- 1996 đã tường trình như sau: “Tháng Giêng năm 1957, sáu quốc gia đã ký một hiệp ước về Cộng Đồng kinh tế Âu Châu tại cố đô của La Mã ….Viên phụ tá của Paul-Henri Spaak, lúc đó là bộ trưởng ngoại giao đã nhắc lại là xếp của ông đã nói:Ngươi có nghĩ rằng chúng ta đã đặt viên đá đầu tiên cho một tân đế quốc La Mã không?’ Viên phụ tá nhớ lại, ‘Chúng tôi cảm thấy rất vững mạnh chúng tôi là dân La Mã  của thời huy hoàng đó’”.

 

Tư tưởng muốn thành lập một tân đế quốc La Mã lúc bấy giờ chắc chắn là cũng có ở trong tâm trí những nhân vật đang cố gắng kiến tạo một Liên Hiệp Âu Châu bây giờ. Liên hiệp này sẽ tiếp tục vững mạnh nhờ ở sự cùng nhau chung lưng cộng tác về kinh tế và chính trị.

 

SỰ XỤP ĐỔ SAU CÙNG.

 

Những giấc mơ của Julius Caesar, Justinian, Charlemagne, Napoleon và Mussolini đã không bao giờ chết. Chúng sẽ bừng sống lại một lần nữa, nhưng sẽ chết trong cay đắng thảm khốc.  Sách Khải Huyền đoạn 19 cho chúng ta thấy ai là nhân vật sẽ tiêu giệt cái đế quốc sau cùng này. Thánh Gioan đã mô tả về một viễn tượng tương lai ấy như sau:

   “Bấy giờ tôi thấy  trời mở rộng: Kìa một con ngựa trắng và người cưỡi ngựa tên là ‘Trung Thành và Chân Thật’, Người theo công lý mà xét xử và giao chiến. Mắt Người như ngọn lửa hồng, đầu Người đội nhiều vương miện, Người mang một danh hiệu viết trên mình mà ngoài Người ra chẳng ai biết được. Người khoác một áo choàng đẫm máu, và danh hiệu của người là ‘Lời của Thiên Chúa’.” (câu 11-13). Danh hiệu này  được tỏ lộ và chúng ta biết chắc đây là Đức Kitô là Thiên Chúa.

 

Thánh Gioan viết tiếp: “Và các đạo quân thiên quốc đi theo Người, họ cưỡi ngựa trắng, mặc áo vải gai mịn trắng tinh. Từ miệng Người phóng ra một thanh gươm sắc bén để chém muôn nước. Chính Người sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt chúng. Người đạp trong bồn đạp nho chứa thứ rượu là cơn lôi đình thịnh nộ của Thiên Chúa toàn năng. Người mang một danh hiệu viết trên áo choàng và trên vế : ‘Vua các vua, Chúa các chúa’” (câu 14-16) (Có thể coi thêm câu 17-21).

 

Đế quốc sau cùng của loài người được mô tả trong kinh thánh sẽ được thay thế bởi một đế quốc khác là Vương Quốc của Thiên Chúa, lãnh đạo bởi Đức Giêsu Kito, Ngài sẽ thống trị toàn thể thế giới.  Chúa đã nói trước cho chúng ta về ngày tận thế để chúng ta thay đổi cuộc sống, vun trồng đức TIN và đức CẬY (Hy Vọng) cho ngày tương lai ấy.  Niềm TIN của chúng ta phải được đặt để trọn vẹn nơi Người và, cuộc sống của chúng ta phải đi theo ước nguyện của Người. Có vậy chúng ta mới có thể dự phần vào gia nghiệp của Vương quốc đó.

 

Pace Island, Florida 17-5-2008

Bác Sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

 

VỀ MỤC LỤC
NGẠO NGHỄ VỚI TRỜI !
 

Con người ngạo nghễ với nhau đã là khó coi lắm rồi, vậy mà con người lại huyên hoang tự cao tự đại để nghạo nghễ với trời !

Từ ngàn xưa từ ngàn xưa, từ thời ông tổ, ông sơ đến ngày nay. Chắc có lẽ năm nào cũng thế, trên cái dải đất cong cong hình chữ S này đều phải hứng chịu những cơn thịnh nộ của “ông trời” nhưng không biết là cha ông có nảy ra cái ý định là thành lập ra một cái ban với tên gọi rất hoa mỹ : Uỷ ban phòng chống lụt bão Trung ương. Cũng chẳng phải là nhà nghiên cứu lịch sử nhưng theo như tôi được biết thì các đấng các cụ ngày xưa đâu có tài tình và đầy “sáng kiến” để thành lập ra cái Uỷ ban vô cùng to lớn đó. Có chăng các cụ ngày xưa chung vai góp sức để nâng đỡ nhau sau những cơn thịnh nộ mà con người không thể nào tránh được.

Lẽ thường tình, cái gì tốt, con cháu phải gìn giữ, phải vun đắp và bảo quản. Chỉ cần nhìn vấn đề lụt bão thôi, tại sao con người ngày hôm nay lại không học bài học khiêm tốn của cha ông khi phải đối diện với những hiện tượng của thời tiết, của khí hậu. Đàng này, không sống sự khiêm tốn ấy thì thôi mà còn đặt ra cái uỷ ban để chống trời !

Thử nhìn lại vài chục năm gần đây, sau khi mà đất nước được giành lại độc lập tự do thì tình hình lụt bão như thế nào ? Tình hình lụt bão ngày càng trầm trọng. Con người ta cứ vô tư huỷ hoại thiên nhiên, chặt cây, đốn rừng thì làm gì mà còn rừng đầu nguồn để giữ nước cho khỏi tràn về miền xuôi được ?

Thử duyệt xem trong những năm qua hay nói đúng hơn là năm qua, Uỷ ban phòng chống lụt bão trung ương đã phòng được bao nhiêu cơn bão, đã chống được bao nhiêu trận lụt ? Gọi là phòng và chống mà sao lại cứ để cho năm nào cũng có cả chục cơn bão vào Việt nam vậy ? Như thế thì cái uỷ ban đó làm cái gì? phòng cái gì ? chống cái gì ?

Nếu ta hiểu theo nghĩa nào đó thì uỷ ban phòng chống lụt bão trung ương rất đúng với tên gọi vì lẽ họ ở trong nhưng cao ốc, trong những văn phòng đầy đủ tiện nghi mưa không tới, gió không vào được chứ đừng nói đến bão lụt. Văn phòng của uỷ ban phòng chống lụt bão thật nguy nga và hoành tráng ở đô thị thì làm sao biết bão là gì. Như thế thì chẳng bao giờ bão lụt có thể chạm đến họ được. Có chăng những người dân, những người nghèo suốt cuộc đời lam lũ mới chứng kiến, mới biết bão là gì, lụt là gì đó thôi.

Nghe các nhà dự báo khí tượng thuỷ văn nói là Việt nam năm nay còn có khoảng gần hai chục cơn bão xảy đến. Vậy thì không biết uỷ ban phòng chống lụt bão năm nay có chống được cơn nào hay không hay là cứ để cho bão đến rồi sau đó lại “nổ” là làm được chuyện này chuyện kia ?

Nghĩ đi nghĩ lại thì cũng vui, vui vì lẽ sau những cơn bão lớn gây thiệt hại nặng nề bắt đầu đi từ làng trên xóm dưới để quyên góp lòng hảo tâm của mọi người. Nhưng cũng chưa xong, quyên góp xong thì thử hỏi bao nhiêu tiền, bao nhiêu hàng thực thụ đến được tận tay của nạn nhân. Hay là sau những lần cứu trợ đấy thì báo chí lại phanh phui ra một mớ người “bẻ cò” lòng thương xót của đồng bào dân tộc dành cho những người bất hạnh.

Lẽ ra đứng trước những huyền nhiệm của cuộc đời thì người ta phải càng khiêm tốn để cố gắng hết sức mình để khắc phục những hậu quả đáng tiếc do sự giận dữ của thiên nhiên. Lẽ ra đứng trước cái tình thế bị động (bởi lẽ chỉ có “ông trời”, chỉ có khí hậu, chỉ có thiên nhiên ở thế chủ động mới biết là lúc nào có bão tố mà thôi) đấy nên chăng thành lập một cái uỷ ban mà ta tạm gọi là Uỷ ban khắc phục hậu quả lụt bão trung ương nghe nó êm tai hơn chăng ?

Thử đặt mình vào vị trí của bên chủ động về thời tiết, về thiên nhiê, về bão tố ta sẽ cảm thấy thế nào trước một kẻ bị động mà còn ngạo nghễ ! Đã không biết vị thế mình mà còn ngạo nghễ thì hỏi rằng bên phía chủ động có dủ lòng xót thương mà hạ giá số lượng cơn bão hàng năm không ?

Tháng 5 lại về, tháng bão sẽ đến. Những người nằm trong uỷ ban phòng chống lụt bão trung ương sẽ vẫn mãi an bình trong văn phòng kiên cố của họ, còn những người dân nghèo sẽ phải hứng chịu những tan thương tàn khốc khi cơn bão đi qua. Liệu rằng những người trong uỷ ban phòng chống lụt bão đó có an bình được hay không khi mà cuộc sống của họ quá ổn định, quá sung túc còn những người nghèo thì ngược lại.

Anmai C.Ss.R.

VỀ MỤC LỤC
ĐỪNG BẢO VỆ THÁI QUÁ

 

Minh! Minh! Bà mẹ đứng ở cữa trước gọi đứa con bà 7 tuổi, đang chơi cách đó một khoảng khá xa. Không thấy trả lời, bà bách bộ đến tận nơi nó chơi. “Minh ơi, con không nghĩ rằng con nên mặc một chiếc áo lạnh sao? Sáng nay lạnh lắm con ơi!” “Không, không, mẹ! Con đủ ấm rồi.” “Mẹ nghĩ con nên mặc nó! Mẹ sẽ mang đến cho con.” Bà mẹ trở về nhà, lấy áo trở lại, và mặc cho nó. 

Bà mẹ quá lo lắng bảo vệ cho con, có uy quyền quyết định khi nào thì con mình ấm, khi nào thì nó lạnh. Cậu bé chấp nhận quyết định của bà vì làm thế nó giữ được bà bận rộn với nó. Bà mẹ cung cấp những dịch vụ không cần thiết. Từ khi bà quyết định nó cần áo lạnh, nó vẫn ở mãi chỗ mà nó đã ở, nó không lớn lên nữa. Bằng sự thụ động, nó bắt buộc mẹ nó về nhà và trở lại. Bà mẹ thì hoàn toàn vô ý thức về hành động tương quan đó, nghĩ rằng tốt hơn cho bà là nên làm như vậy. 

“Mẹ, con muốn vào gian hàng tạp hóa và mua một ít đồ. Con muốn mua một ít bánh và một bình nước chanh.” “Không, con, Bình ơi! Mẹ không thể để con đi một mình.” “Mẹ ơi, chỉ có cách một cây số thôi.” Cậu bé 7 tuổi nài nĩ nhưng bà mẹ vẫn không cho phép. 

Bà mẹ sợ. Bà mẹ sợ có cái gì có thể xảy ra cho con bà nếu bà để nó đi khỏi tầm mắt của bà. Bà cố gắng bảo vệ con bà khỏi nguy hiểm. Điều đó là ước muốn tự nhiên và bình thường. Nhưng bà mẹ quá lo lắng. Bà mẹ nhìn thấy đủ mọi nguy hiểm thấp thoáng ở mọi nơi. Bà lo bảo vệ quá đáng. 

Chúng ta không thể tách rời con cái chúng ta khỏi cuộc sống. Chúng ta bắt buộc giáo dục con cái trong sự can đảm và vững tin để đối diện với cuộc đời. Ước muốn bảo vệ con cái khỏi những tai hại có thể xảy ra, có thể tạo nên một kết quả làm con cái nhút nhát. Điều đó khiến con cái trở thành vô dụng và lệ thuộc vào bà. Và đây là một dấu chỉ cho thấy thái độ sai lầm của bà. 

Với lý do là quan tâm cho lợi ích của con cái, chúng ta giữ con trẻ chúng ta lệ thuộc và vô dụng để chúng ta xem ra là vĩ đại và có quyền hành, và là kẻ bảo vệ dưới con mắt của con trẻ cũng như dưới con mắt của chúng ta. Nó đặt chúng ta vào vị thế thống trị trổi vượt và giữ con cái chúng ta luôn thuần phục. Tuy nhiên, con cái chúng ta ngày hôm nay sẽ không chấp nhận những cố gắng như thế và chúng sẽ nổi loạn. 

Lý do thứ hai: đằng sau những cố gắng bảo vệ thái quá của chúng ta là nghĩ rằng chúng ta có khả năng giải quyết những vấn đề và ít tin tưởng vào khả năng của chúng để tự lo cho chúng. 

Cách thế mà đứa trẻ đáp ứng với những cha mẹ quá bảo vệ đó thì tùy thuộc vào mục đích của đứa trẻ. Nó xem ra nguy hiểm, nhất là biến mình thành vô dụng. Nó có thể đầu hàng và mong đợi được bảo vệ mãi mãi khỏi những khó khăn của cuộc đời. 

Cách đây 2 tháng, cậu bé Đăng 6 tuổi được khám phá ra có bệnh đái đường. Nó được cho uống thuốc mỗi ngày mà mẹ nó gọi là vitamin. Cậu bé không được cho biết gì về tình trạng bệnh của nó. Bà mẹ nghĩ rằng bà không muốn cậu bé trở nên bất thường. Tấât cả mọi sự bàn tính với bác sĩ đều không có mặt của cậu bé. Bà lưu ý cậu bé mỗi ngày rằng nó chỉ được ăn cái mà bà cho để thuốc vitamin đó có hiệu quả. Sự quan tâm của bà mẹ có thể hiểu được.

Khi một đứa trẻ bị những khuyết tật thể lý, chúng ta cố gắng coi nó bình thường như có thể. Tuy nhiên, sự né tránh đối đầu và sự dối trá ít khi có hiệu quả trong trường hợp của cậu bé Đăng nầy. Bà mẹ quá bao bọc. Bà muốn điều khiển tình thế và mang lấy trách nhiệm cung cấp thức ăn cho nó. Rất có thể, nó sẽ biết tình trạng sức khoẻ của nó vì chính nó sẽ phải đối đầu với vấn đề bệnh tật ấy. Giả như cậu bé nổi sưởi, bà mẹ sẽ nói cho nó cái đó là gì và bà sẽ chăm sóc nó suốt thời gian đó. Khi bị sưởi, nó không nguy hiểm như bệnh đái đường, nhưng nó xem ra là một vấn đề có ảnh hưởng lâu dài. Nó khó cắt nghĩa hơn cho một đứa trẻ. Tuy nhiên, 6 tuổi, cậu bé đủ khôn lớn để hiểu rằng nó cần thuốc để giúp cơ thể làm việc. Một thái độ như thế ngay lúc đầu sẽ giúp cậu bé phát triển một thái độ lành mạnh về chính nó. “Có một tuyến hạch trong cơ thể con không làm việc cách thích hợp. Chúng ta phải dùng thuốc để giúp nó. Thuốc không thể giúp được gì nếu con bắt nó làm việc quá nhiều. Vì thế, chúng ta phải cẩn thận về việc ăn uống.” Cậu bé có thể dần dần ý thức rằng nó có một sự rối loạn cần nên lưu ý, nhưng nó có thể xếp đặt việc ăn uống và vẫn có cuộc sống bình thường. Đó là vấn đề của cậu bé. Nó cần sự giúp đỡ và khích lệ để đối phó với vấn đề đó. Khi nó lớn dần và học hỏi thêm về chức năng của cơ thể, sự hiểu biết về sự rối loạn của nó cũng được tăng dần. Những thử nghiệm nước tiểu có thể được cắt nghĩa. Đây là cách thế mà chúng ta có thể nói nếu hạch tuyến làm việc tốt đẹp hơn. Nếu bà mẹ cảm thấy thoải mái và hữu ích, bà nên cho cậu bé phương cách cần thiết để nhận biết vấn đề của nó. Bao lâu bà còn che dấu, bà chối từ cho nó quyền học cách đối phó với vấn đề. 

Không có gì chán hơn là bị bắt buộc phải làm điều không thể làm. Chúng ta không thể sắp đặt được mọi sự và làm chủ được cuộc đời theo như ý ta muốn. Có những cố gắng trong tuyệt vọng để làm những điều ngoài khả năng chúng ta mà phần lớn là cho những cảnh khốn cùng chung quanh chúng ta. Con cái chúng ta học từ chúng ta cách chiến đấu chống lại những điều không thể tránh. Nhưng nếu chúng ta côù gắng bảo vệ chúng quá đáng khỏi những khó khăn và những phiền toái, đứa trẻ sẽ cảm thấy rằng chúng ta nên tiếp tục làm như thế. Và kết quả là đưa đứa trẻ đến sự giận dữ và hận thù – không phải không bằng lòng cha mẹ mà thôi mà còn không bằng lòng với cuộc đời nữa vì đã không cho phép chúng xếp đặt mọi sự theo như ý chúng muốn. Đứa trẻ hư hỏng là đứa trẻ chóng giận dữ vì cuộc đời không dễ dàng theo ước muốn của nó. Nhưng đó là một đòi hỏi vô ích và đáng buồn cười. Một cách không may, đứa trẻ không mất bản tính trẻ con hư hỏng đó khi nó lớn lên. Và đó có thể là thái độ căn bản của nó đối với cuộc đời. Khi chúng ta cưng chìu và cố gắng bảo vệ con trẻ chúng ta khỏi những khó khăn của cuộc đời, đây là phần thưởng mà chúng ta trao tặng cho chúng: một sự giận dữ vô ích đối với một thế giới đầy bạo lực. 

Để tránh sai lầm đó, chúng ta phải nhận thức rằng chúng ta không phải là Đấng Toàn Năng. Chúng ta có bổn phận giáo dục con cái chúng ta biết tìm ra những cách thế, những phương tiện, và những thái độ cần thiết để đối phó với cuộc đời theo công thức nầy: trước nhất chúng ta phải xem xét cái gì đang đối diện với chúng ta, và rồi chúng ta tìm câu trả lời cho câu hỏi: chúng ta có thể làm gì cho vấn đề đó? Ngay cả một đứa còn quá nhỏ cũng có thể được hướng dẫn đi vào sự phân tích một tình thế bất ổn bằng cách dùng những câu hỏi đơn giản.Trẻ con có bộ não rất năng động. Chúng ta hãy hướng dẫn chúng xử dụng. 

“Mẹ ơi, bé Vinh xé sách con!” Cậu bé Vương thét lên một cách giận dữ đối với hành động của bé Vinh em nó. Cậu bé Vương tường thuật vấn đề khó khăn của nó và tỏ rõ phản ứng đối với vấn đề đó. Nó muốn bà mẹ giải quyết vấn đề cho nó và làm một cái gì về vấn đề đó. Đúng ra là muốn mẹ phạt em nó.

“Ô, cưng! Mẹ rất xin lỗi về việc em bé đã xé cuốn sách của con. Chúng ta không thể làm gì khác hơn về việc đó. Nhưng con có thể làm gì để em con không xé cuốn sách khác.” Cậu bé giận dữ la lên: “Con không biết.” “Con phải làm một cái gì để chận đứng nó.” Bà mẹ vẫn bình thản đối diện với cơn giận dữ của cậu bé. “Con nghĩ về điều con có thể làm và chúng ta sẽ nói chuyện với nhau về vấn đề đó sau. Con muốn làm một cái gì bây giờ?” Bà mẹ đi vào phóng tắm. Một lúc sau, khi cậu bé nguôi giận, bà mẹ mới gợi lại đề tài. Cậu bé vẫn còn nhớ sự bất công, thoạt đầu trả lời với sự thù hận nhưng bà mẹ nói vòng quanh: “Con ơi, chúng ta không thể chận đứng em con làm việc đó, con cũng biết điều đó. Chúng ta có thể làm được điều gì khác?” Bằng những câu hỏi liên tục, cuối cùng bà có thể làm cho cậu bé thấy được rằng nó có thể giữ những cuốn sách của nó ngoài tầm tay của nhóc tì em nó. 

Cảm giác trổi vượt hơn những đứa con trẻ làm chúng ta nghĩ rằng chúng quá nhỏ để giải quyết vấn đề. Ấn tượng sai lầm nầy phải được ý thức và được thay thế bằng sự tín thác và tin tưởng vào khả năng của đứa bé cũng như sự ước muốn cung cấp việc hướng dẫn. Chắc chắn chúng ta không được bỏ lơ con trẻ mặc cho số phận, cũng không nên để đứa bé chịu quá nhiều ảnh hưởng của cuộc đời trong cùng một lúc. Chúng ta dùng đầu óc chúng ta. Chúng ta là những người đã có quá nhiều kinh nghiệm của cuộc đời. Chúng ta sẵn sàng đi trước dẫn lối cho con cái chúng ta để chúng biết được sức mạnh của chúng đối với cuộc đời đã được bao nhiêu. Và chúng ta tiến hành tiến trình giáo dục như thế ngay từ ngày nó được sinh ra. Từng bước, từng bước với sự chăm sóc và hướng dẫn, chúng ta dần dần mớm cho con trẻ chúng ta từng bước của cuộc đời với những gian lao thử thách cũng như với những thoải mái của cuộc sống.  

Lm. Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý.

VỀ MỤC LỤC

Với Mẹ Maria - Dưới bóng Thánh Thần 

Tác phẩm: Cầu Nguyện Cá Nhân: Bí quyết tình yêu và vui sống 

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

Phần thứ ba: Cẩm Nang Chỉ Đường 

năm 

Với Mẹ Maria 

Dưới bóng Thánh Thần 

Trong túi tôi luôn có tràng chuỗi. Khi chỉ có một mình, tôi thầm thĩ lần chuỗi. Người thời đại có lắm thứ thẻ: thẻ căn cước, thẻ tín dụng, thẻ bảo hiểm, thẻ điện thoại... Một cách nào đó, tràng chuỗi là thẻ truyền thông với trời. Từ thế kỷ thứ V, người ta đã cầu nguyện với phần đầu của kinh Kính Mầng là lời của Thiên sứ Gabriel và bà Isave (Truyền Tin và Thăm Viếng). Phần hai được thêm vào từ thế kỷ XV theo lối kinh cầu: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.’’ Từ thời kỳ nầy đã phát sinh Chuỗi Mân Côi, người bình dân đọc 150 kinh Kính Mừng thay cho 150 Thánh Vịnh, lấy căn bản là suy niệm mười lăm mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng. Nay Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thêm “Năm Sự Sáng” nữa. Các giai đoạn cuộc đời Chúa Cứu Thế được rảo qua cùng Mẹ Maria. 

Cũng như mọi hình thức cầu nguyện khác, cái chính yếu của Chuỗi Mân Côi nằm ở tinh thần hơn là lời đọc. Cái ưu tiên ở đây là sự gặp gỡ thực sự với Đức Trinh Nữ Maria. Không có Mẹ, bạn không thể nào thâm nhập vào mối thân thiết với Thánh Tâm Chúa Giêsu được. Thực vậy, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Ngay từ buổi đầu, Giáo Hội đã ngắm nhìn Mẹ Maria qua Chúa Giêsu, cũng như Giáo Hội đã chiêm ngắm Chúa Giêsu qua Mẹ Maria’’. Cái khó là khám phá ra được “cái bí quyết của Đức Mẹ’’ như thánh Grignon de Montfort gọi. Kho tàng ấy che khuất khỏi con mắt phàm nhân. Những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ được chôn giấu trong thinh lặng, “dưới bóng Thánh Thần’’. 

Bạn hãy cầu xin cho được hiểu ra điều đó. Nhiều người trẻ đã nhận được ơn đó qua cuộc hành hương Đền Thánh Đức Mẹ. Đây là lời chia sẻ của một thanh niên 19 tuổi sau cuộc Đại Hội Thánh Thể ở Lộ Đức năm 1981: “Tại đây, tôi đã khám phá được Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của Giáo Hội, Mẹ Maria của tôi... Làm sao có thể không biết Mẹ, mà Chúa Giêsu đã ban làm Mẹ của chúng ta. Từ đây, tôi ký thác mọi sự cho Mẹ, vì Mẹ biết rất rõ con của Mẹ. Nhờ Mẹ Maria, tôi khám phá được tình yêu của Thiên Chúa, Tình Yêu của người cha cho con cái’’. 

Một thiếu nữ cũng làm chứng: “Lúc Rước Lễ Trọng Thể, sau lời cầu nguyện với Đức Mẹ, tôi đã thêm rằng ‘nếu có bao giờ con chống lại Con Mẹ, thì xin cho con cũng không bao giờ rời tay Mẹ’. Sau đó, trong những năm đen tối chống lại Thiên Chúa, tối nào tôi cũng đọc ít nhất một kinh Kính Mừng. Mẹ đã đùm bọc tôi rất nhiều và cuộc trở lại của tôi xảy ra trong cuộc hành hương Thánh Thể tại đền thánh Đức Mẹ. Tôi có thể nói rằng khi ta kêu xin Người, Mẹ Maria không bao giờ buông tay và còn cho ta cảm nhận được sự che chở từ mẫu của Mẹ’’. 
 

Thiên đàng của Chúa

“Kính Mừng Maria đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Mẹ’’

Lời Truyền Tin mở ra mọi cánh cửa của các mầu nhiệm vui mừng: niềm vui của các thiên thần, niềm vui của con cái Thiên Chúa, niềm vui của mọi tạo vật, niềm vui của Mẹ Maria. Bạn có thể kín múc đầy tràn kho tàng vô tận Thiên Chúa đã muốn đặt để nơi Mẹ cho chúng ta. Mẹ Maria là tạo vật vô tội, hoàn toàn vô tội. Mẹ đã bất ngờ mạc khải cho Bernadette ở Lộ Đức: “Ta là Mẹ Vô Nhiễm.’’ Mẹ ý thức rằng mọi sự đều được ban nhưng không cho Mẹ, Mẹ chẳng có công trạng gì riêng, ngoại trừ luôn nói ‘’xin vâng’’ với Chúa. Càng ý thức những kỳ diệu Chúa đã làm cho mình, Mẹ càng tràn đầy lòng biết ơn. Lời kinh Magnificat của Mẹ diễn tả rõ ràng trái tim tràn ngập tình yêu sung mãn của Mẹ. 

Ơn cứu chuộc nhân loại được sung mãn nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu (CĐ.Vat.II, Ánh Sáng Muôn Dân số 60) và chỉ một mình Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã muốn đổ xuống cho chúng ta qua Đức Mẹ. Từ nay, Ngài muốn rằng mọi sự trao đổi giữa Ngài với chúng ta phải qua Đức Mẹ. Vì thế bạn phải ký thác trọn vẹn cho Mẹ. 

Nhưng bạn hãy coi chừng, có những kẻ chú giải làm biến dạng vai trò của Mẹ Maria và tập trung nơi Mẹ mọi sự tôn thờ như là đối với Thiên Chúa. Không, ta không tôn thờ Đức Mẹ, nhưng ta tôn thờ Thiên Chúa nơi Mẹ, hai việc rất khác biệt. Có thể diễn tả Mẹ như vàng ròng trong suốt, nghĩa là Mẹ nhận lãnh mọi sự từ Thiên Chúa và không giữ lại gì cho Mẹ. Trên chiếc thang bắc thẳng lên trời, Mẹ là bậc đầu tiên, là người hướng dẫn chìa tay ra giúp ta dễ bước lên. Nhờ Mẹ, Chúa Giêsu không còn quá trừu tượng, quá lý tưởng khiến con người không tiếp cận được. Nhờ Mẹ, Chúa đặt một góc thiên đàng giữa lòng thế giới tội lỗi. Tất cả chiến thuật của Chúa là tưới gội mặt đất già cổi của chúng ta từ cái điểm nhỏ bé nầy, “nơi Người là mọi suối nguồn của chúng tôi’’ (TV.86,7). 
 

Nơi nương ẩn cho người có tội

‘’Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nầy và trong giờ lâm tử’’

Lời cầu xin nầy có thể thích hợp cho bất cứ ai. Nơi đây, bạn đặt mình ở điểm khởi hành, từ con số không, làm bạn đồng hành cùng những người tội lỗi nhất. Bạn kết nối với lời kêu cứu của những người bất hạnh bên bờ vực thẳm: Mẹ ơi, cứu con với! Khi bị cạm bẩy tội lỗi hay khi gặp đau khổ khốn khó, bạn hãy kíp chạy đến nơi ẩn núp của lòng từ mẫu Mẹ, như một trẻ sơ sinh. Chính dưới chân thập giá mà Mẹ đã trở nên “Mẹ Nhân Lành’’ của tất cả mọi người. Chính ở đó, “Mẹ đã đau khổ cực độ cùng Con Một, liên kết với hiến tế của Con bằng trái tim từ mẫu của Mẹ, thuận ý bằng tình yêu với lễ vật sinh bởi thân xác Mẹ’’ (Vat.II, ASMD số 58). 

Bạn hãy chậm rãi đọc lại câu căn bản nầy của Công Đồng, mỗi chữ đều được cân nhắc kỹ. Đàng sau các lời ấy là một sự đồng cảm vô tận. Mẹ Sầu Bi đã ngắm nhìn “hoa quả lòng Mẹ” bị hành hình trên thập giá. Bị đâm thâu, Mẹ hiến dâng cùng Con vì phần rỗi của mọi tội nhân. Không bao giờ trong lịch sử nhân loại có một người đàn bà đã trải qua một cuộc tử đạo dường ấy. Những gì Chúa chịu trên thân xác thì Mẹ chịu trong trái tim Người. Ngoài những khổ đau thể lý, chúng ta không thể nào cân nhắc được sự rộng lớn và sâu thẳm của mầu nhiệm ấy. 

Lời tâm sự của Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu giúp chúng ta đoán biết được cường độ đồng cảm tình yêu giữa Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria nơi giới hạn tận cùng của cái chết: “Tôi bắt đầu đi Đàng Thánh Giá, bỗng chốc tôi bị tình yêu Chúa mãnh liệt chộp lấy mà tôi không giải thích được thế nào, dường như tôi hoàn toàn bị chìm ngập vào trong lửa. Ôi, lửa và sự dịu dàng cùng lúc! Tôi cháy lửa yêu mến và tôi cảm thấy, nếu thêm một phút nữa, một giây nữa thôi, thì chắc tôi không thể chịu đựng nổi sức nóng ấy mà không chết’’. 

Vâng, trọn vẹn liên kết với hiến tế của Con, Mẹ Maria đã hoàn toàn bị tiêu hao bởi cùng một lửa tình yêu như Con. Và Chúa Giêsu đã dứt khoát chọn giờ phút nầy để gởi gắm Mẹ cho chúng ta qua môn đệ Gioan: “Thưa Bà, đây là con Bà... Đây là mẹ con. Từ lúc ấy, môn đệ đưa Người về nhà mình’’ (Jn.19, 26-27). 

Như Têrêxa Nhỏ, từ nay bạn hãy nương ẩn dưới áo Mẹ. Sự đồng cảm phổ quát của Mẹ khiến Mẹ hiểu hết tất cả mọi nhu cầu của chúng ta, với tất cả sự nhạy cảm tế nhị như ở tiệc cưới Cana. Mẹ tin tưởng cầu bàu cho chúng ta bên cạnh Chúa Giêsu và Thiên Chúa Ba Ngôi. Mẹ trở nên Người Kêu Xin Đầy Quyền Năng, đến độ Mẹ có thể lấy lại Lời Chúa Giêsu đã thưa cùng Chúa Cha: “Con biết Cha luôn luôn nhậm lời con’’ (Jn.11,42). Thiên Chúa vui lòng để cho Mẹ diễn tả lòng thương xót vô cùng của Ngài, theo cách từ mẫu của Mẹ. Chính vì thế mà khi lần chuỗi, ta đọc đến mười kinh Kính Mừng cho một kinh Lạy Cha. Với sự khốn khó của mình, tốt hơn bạn hãy ở lâu với Mẹ Maria, lời cầu nguyện của bạn sẽ nên khiêm tốn hơn, nhưng được thanh luyện, được bao bọc và được nên đẹp đẽ nhờ lời chuyển cầu hoàn hảo của Mẹ, nó sẽ đi thẳng tới Trái Tim Chúa . 

Suy niệm những mầu nhiệm đau khổ thập giá, bạn đừng sợ ẩn náu nơi Mẹ Maria. Trong mọi sự, bạn hãy luôn chạy đến với lời cầu xin từ mẫu của Mẹ. Bạn hãy luôn ở bé nhỏ đối với Mẹ. Tôi rất thích lặp lại câu nầy: “Dù con lớn bao nhiêu tuổi, con vẫn là con của Mẹ. Và dù con có đi tới cùng trời cuối đất, thì lòng Mẹ vẫn hằng theo con.’’ 

Bạn hãy nghe một em bé giải thích mẫu tượng Đức Mẹ bồng ngữa Chúa Giêsu: “Nó tượng trưng tất cả những gì em có được, Mẹ Maria và Chúa Giêsu của em. Hãy nhìn hai khuôn mặt Chúa và Mẹ nhìn nhau và thử đoán xem em  ở chổ nào đối với hai người? Em ở giữa Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria. Đó là chổ mà em thích nhất, vì em được nghe hai trái tim đập và em thở cùng nhịp với chúng. Chỗ của em ở đó vì em quá nhỏ bé và yếu đuối, em phải được che chở. Nhưng hãy tin chắc rằng vẫn có đủ chỗ cho tất cả mọi người. Em nằm nơi cổ Chúa Giêsu và em được chấn lại để ít dễ bị ngã hơn.’’ 

Mẫu gương của các thánh

‘’Mẹ được chúc phúc hơn mọi người nữ...’’ 

Vâng, Mẹ Maria là thánh, ở mức độ không thể nào vượt qua được đối với một tạo vật. Nhưng không có nghĩa là mọi sự đã được an bài trước và Mẹ không có một tiến bộ nào. Đức Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế, nói rằng cuộc đời của Mẹ như một cuộc hành hương đức tin, mỗi ngày một lớn lên, cho đến hiến tế cao độ nhất. Rồi tấm lòng từ mẫu thiêng liêng của Mẹ soi sáng Giáo Hội. Sau thời gian thập giá là thời gian các mầu nhiệm vinh hiển. Hiện diện giữa lòng cộng đoàn tín hữu đầu tiên, Mẹ tỏa chiếu quyền năng Chúa Thánh Thần cho tất cả những ai đến với cộng đoàn. 

Những ai đi qua Mẹ đều được uốn nắn theo hình ảnh của Đấng Thánh Độc Nhất là Chúa Giêsu Kitô. Công Đồng Vat.II nhấn mạnh nhiều về điểm đó: “Mẹ Thiên Chúa là gương mẫu của Giáo Hội trong lãnh vực đức tin, bác ái và sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Kitô.’’ Những ai đến nương ẩn nơi Mẹ đều được làm thay đổi con tim và tính tình. Nương tựa không có nghĩa là ấu trĩ. Tuy nhiên cũng phải tránh những tình cảm vô bổ, ‘mê tín’... 

Muốn thế, cần thiết phải nội tâm hóa việc sùng kính Đức Mẹ, không chỉ nhìn Mẹ như một con người được đặt trước mặt bạn, nhưng là một hiện diện sống động ở trong bạn. Bí quyết của Đức Mẹ triệt để có tính cách nội giới. Nhờ Mẹ, Thiên Chúa muốn cho chúng ta hiểu được rằng cái chính yếu của đời sống chúng ta là ở trong cuộc hành hương nội giới. Ngài chờ đợi chúng ta đủ khó nghèo để nhận lãnh sự giáo dục mới cho tâm hồn chúng ta. 

Nếu bạn muốn để Đức Mẹ uốn nắn bạn, bạn hãy nghe lời khuyên của thánh Grignon de Montfort: “Cần phải làm mọi việc trong Mẹ Maria, nghĩa là phải tập quen dần dần hồi tâm hầu tạo nên trong chính mình một ý tưởng hay một hình ảnh thiêng liêng về Trinh nữ Maria. Mẹ sẽ là nhà cầu nguyện cho linh hồn dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện cầu của mình.’’

Đặc sủng tận hiến cho Mẹ Maria dẫn tới sự tước bỏ tất cả vì Mẹ: của cải vật chất, sức khoẻ thể lý, dự tính nhân loại, nhất là các lợi ích thiêng liêng. Bỏ đi tất cả tinh thần sở hữu, ngay cả những công nghiệp mà các hành động tốt mang lại cho chúng ta. Tuyệt đối khiêm nhượng, khó nghèo thiêng liêng, hoàn toàn sẵn sàng thưa ‘’xin vâng’’ với Chúa. Mẹ Maria chỉ có một sự vội vã là chuyển sang cho bạn ngọn lửa ở trong Mẹ và giao phó Mẹ cho thánh ý Thiên Chúa. Mẹ biết cách làm cho lời Fiat của bạn thành Magnificat. Khi tinh thần của Mẹ Maria cháy lên trong bạn và vươn cao như ngọn lửa vui mầng, bạn có thể lấy lại chính những lời của Mẹ, nhất là sau Hiệp lễ, bạn hãy kết hiệp với Mẹ mà hát lên “Linh hồn tôi ngợi khen  Chúa, thần trí tôi nhảy mừng trong Đấng Cứu Chuộc tôi’’. Chớ gì lời tạ ơn nội tâm của bạn liên kết với mọi anh chị em bạn làm nên lời kinh Magnificat vĩ đại của Giáo Hội lữ hành. 

             Lạy Mẹ Đấng Cứu Thế,

             Là Cửa Trời luôn rộng mở,

             Là Sao Biển ngời sáng,

             Xin hãy đến cứu dân vấp ngã,

             đang tìm chổi dậy. 

             Vạn vật bỡ ngỡ:

             Mẹ đã sinh ra Đấng dựng nên Mẹ,

             mà vẫn mãi mãi khiết trinh.

             Mẹ hãy nhận lấy lời chào thiên sứ Gabriel

             Và thương xót chúng con là kẻ tội lỗi. 

VỀ MỤC LỤC
Bệnh Tay-Chân-Miệng 

 

Trong những năm vừa qua, thứ dân tại mấy quốc gia Đông Nam châu Á luôn luôn gặp phải những thiên tai, bệnh tật. Nào là cơn sóng thần tại Thái Lan, bệnh SARS, bệnh cúm gia cầm, bệnh Chân-Tay-Miệng…Bây giờ lại tới bão xoáy ở Miến Điện với nhiều chục ngàn tử vong, trên triệu người không nhà cửa, không lương thực, thiếu thuốc men, chăm sóc, động đất tại Trung Quốc với cả ngàn người thiệt mạng.

Riêng với bệnh Chân-Tay-Miệng thì bệnh đang là mối luu tâm của nhà chức trách y tế tại Trung Quốc, Việt Nam, Hồng Kông .

Theo báo cáo mới nhất, tại Trung Quốc hiện nay đã có 28000 người nhiễm bệnh Tay-Chân-Miệng với số tử vong là 42 người. Bệnh xảy ra từ tháng 3 mà mãi tới đầu tháng 5, chính quyền Trung quốc mới lên tiếng báo động và đưa ra các biện pháp phòng chữa. Dư luận thế giới có cảm tưởng rằng sự báo động này quá trễ, chẳng khác chi trước đây họ đã trì hoãn công bố về dịch cúm gia cầm. Nhưng đại diện Y tế Thế giới Hans Troedsson tại Trung Quốc nói là lúc ban đầu, các trường hợp xảy ra không rõ ràng. Ông cũng cho biết dịch bệnh Tay-Chân-Miệng không gây ảnh hưởng cho Thế vận hội vào tháng 8 tới, vì bệnh nhân hầu hết là trẻ em, sống xa thành phố Bắc Kinh.

Tai Việt Nam, bệnh Chân-Tay-Miệng đang phát triển nhanh ở các tỉnh phía nam như Sài Gòn, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Ninh Thuận, Quy Nhơn, Đà Nẵng và sẽ xảy ra ở các tỉnh phía bắc vào những tháng tới khi thời tiết ấm nắng. Trong tháng 4, riêng bệnh viện Nhi Trung Ương 1 ở Sài Gòn đã nhận từ 40-50 bệnh nhân một ngày, nhiều gấp đôi so với tháng 3. Bệnh viện Nhi 2 từ đầu năm nhập viện 800 trẻ trong đó 10% bị viêm thần kinh, tim. Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự Phòng Nguyễn Huy Nga, tới tháng 4 vừa qua, tại Việt Nam đã có khoảng 3000 trẻ em bị bệnh với 10 tử vong. Cũng như tại Trung Quốc, đa số bệnh ở Việt Nam do EV71 gây ra.

Cục Trưởng Cục Khám Chữa Bệnh Lý Ngọc Kính cho hay Hội đồng Chuyên Môn Bộ Y Tế sẽ đưa ra Hướng dẫn điều trị bệnh Chân-Tay-Miệng trong tuần này. Giới chức y tế đã phát động chương trình hướng dẫn dân chúng để ý tới bệnh và các phương thức phòng chống. Đồng thời, ban kiểm dịch tại phi trường Nội Bài đã được lệnh từ Sở Y tế thành phố Hà Nội, đo thân nhiệt khách nhập cảnh đến từ các quốc gia có dịch Chân-Tay-Miệng như Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, nếu mang dấu hiệu bệnh như bóng nước trên da, miệng lở. Cũng theo các giới chức y tế Việt Nam, bệnh có hai thời kỳ xuất hiện: đợt dầu là tháng 4 tháng 6 rồi giảm dần cho tới đợt thứ hai từ tháng 9-12.

Tiếng Anh của bệnh Chân-Tay-Miệng là Foot-Hand-Mouth disease. 

Nguyên nhân

Tác nhân gây bệnh là các virus đường ruột (enterovirus), thông thường nhất là loại coxackiesvirus A16, đôi khi loại enterovirus 71 (EV71). Các coxackiesvirus A9, A10, B1, B5 cũng gây ra bệnh tương tự như bệnh Chân-Tay-Miệng.

Bệnh xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, theo mùa tại vùng có khí hậu ôn hòa với cao độ là cuối hè đầu thu. Vùng nhiệt đới bệnh có quanh năm.

Hiện nay, tại Trung Quốc và Việt Nam virus đường ruột EV71 đang là tác nhân gây bệnh chính.

EV 71 được tìm ra đầu tiên tại tiểu bang California, Hoa Kỳ vào thời gian từ năm 1969- 1972, ở một số bệnh nhân Tay Chân Miệng với biến chứng viêm màng não, màng tim. Sau đó, EV71 xuất hiện tại nhiều quốc gia.

Năm 1975, dịch EV 75 xảy ra ở Bulgarie với 44 tử vong, năm 75 tại Hung Gia Lợi với 45 tử vong. Trong 5 năm vừa qua, dịch EV71 xuất hiện ở Mã lai năm 1997 với 30 tử vong, Đài Loan năm 1998 với 78 tử vong và năm 2001 với 26 tử vong, dải đất Gaza năm1997, Cyprus năm 1996. Thành phố Denver, Colorado Hoa Kỳ có một số trường hợp bệnh Chân-Tay-Miệng do EV71 gây ra vào thời gian từ năm 2003-2005.

Enterovirus EV75 gây ra nhiều tổn thương thần kinh như viêm màng não vô nhiễm (aseptic meningitis), liệt tương tự bệnh tê liệt cột sống (poliomyelitis), viêm cuống não và viêm cơ tim. Viêm cuống não là trầm trọng nhất với tỷ lệ tử vong rất cao, 40-80%.

Bệnh Chân-Tay-Miệng chỉ thấy ở loài người và xảy ra nhiều hơn ở trẻ em từ 4 tháng tới 6 tuổi. Trẻ nam có tỷ lệ bệnh cao hơn trẻ nữ. Tại các quốc gia yếu kém về kinh tế, trẻ đã bị nhiễm bệnh ngay từ tấm bé trong khi đó tại nơi có nền kinh tế khá hơn thì bệnh xuất hiện trễ, ở tuổi trung niên. Người lớn cũng có thể mắc bệnh nhưng rất hiếm.

Tác nhân Enterovirus tập trung trong đường ruột người bệnh và tồn tại trong phân tứ 1-18 tuần lễ sau khi lành bệnh, trong miệng từ 1- 4 tuần lễ. Virus cũng tìm thấy trong đất cát, nước, rau, tôm cua và là nguồn lây lan bệnh qua ăn uống với thực phẩm nhiễm virus.

Đôi khi có sự hiểu lầm giữa hai bệnh Tay-Chân-Miệng với bệnh Chân-Miệng (Foot-Mouth disease) ở súc vật như heo, cừu bò vì tên bệnh hao hao như nhau. Hai bệnh không liên hệ với nhau và do những virus khác nhau gây ra. Cả hai bệnh đều do họ virus Picornaviridae, nhưng bệnh Chân-Tay súc vật là do loại Aphthovirus còn bệnh Chân Tay Miệng ở người là do các virus đường ruột Enterovirus. 

Xin nhắc lại là virus khác với vi khuẩn hay vi trùng, (bacteria).

Vi khuẩn là các đơn bào, có nhân di truyền DNA, sinh sản bằng cách tự phân đôi, có thể sống ngoài không gian. Đa số vi khuẩn lành tính, chỉ có một số nhỏ gây bệnh. Bệnh chữa được bằng kháng sinh.

Virus là những hạt có một ít DNA bao bọc bằng màng protein. Virus rất nhỏ mà chỉ kính hiển vi điện tử mới nhìn thấy. Muốn sống, virus cần một tế bào “chủ trọ”. Khi đã ngự trị trong chủ trọ, DNA của virus tiêu hủy DNA của ân nhân và tạo ra nhiều phiên bản. Tế bào chủ tan vỡ, các phiên bản virus tung ra khắp cơ thể, gây bệnh. Virus có thể nằm yên cả mươi năm rồi một lúc nào đó bừng tỉnh và gây bệnh. Kháng sinh không chữa được bệnh do virus gây ra. Một virus bị tiêu diệt thì loại virus mới sẽ xuất hiện và nguy hại hơn. 

Triệu chứng

Tay Chân Miệng có các dấu hiệu đặc biệt ở miệng và tứ chi.

Bệnh bắt đầu với cơn sốt nhẹ, người bệnh thấy mệt mỏi, chán ăn uống. Vài ngày sau, trên da nổi lên những chấm ban đỏ rất nhỏ, chừng vài mm. Các chấm này sẽ lớn lên thành mụn nước hoặc mủ mầu trắng đục, hình bầu dục với viền mầu đỏ. Dấu hiệu trên da tập trung ở:

- Trong lòng bàn tay, ngón tay

- Gan bàn chân, ngón chân

- Hai bên miệng, lưỡi, nướu răng, cuống họng có những vết loét lở.

- Bóng nước đôi khi có ở hai bên mông hoặc các vùng khác của cơ thể.

Các vết trên da không gây ngứa nhưng hơi đau khì đè ngón tay lên.

Loét trong miệng và cuống họng gây đau, khiến cho bệnh nhân từ chối ăn, uống và có thể đưa tới thiếu nước cơ thể.

Ở giai đoạn này, bệnh Chân Tay Miệng có thể nhầm với bệnh thủy đậu hoặc viêm mụn nước do vi khuẩn.

Nói chung bệnh Chân Tay Miệng không trầm trọng và hầu hết bình phục sau một tuần lễ.

Tuy nhiên nếu tác nhân là loại virus EV71 thì bệnh nặng hơn.

Virus EV71 gây tổn thương cho não bộ, đưa tới viêm màng não và não. Bệnh nhân rơi vào tình trạng rối loạn tâm trí, co giật và có thể đưa tới tử vong. May mắn là trường hợp này cũng hiếm.

Tuy nhiên, hiện nay, EV71 đang là mầm gây ra bệnh Tay Chân Miệng ở Trung quốc, Việt Nam.           

Lây lan bệnh

Bệnh lây lan vừa phải từ người qua người, do tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, nước miếng, nước từ các bóng nước, khi bệnh nhân hắt hơi, nhảy mũi và trong phân người bệnh.

Những ngày đầu của bệnh là thời gian lây lan mạnh nhất và virus tồn tại trong phân cả mấy tuần lễ sau khi không còn dấu hiệu bệnh. Bệnh cũng có thể truyền qua đường hô hấp khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, sổ mũi. Nước miếng chẩy ra từ em bé bị bệnh có nhiều virus và rất lây. Cho tới khi các bóng nước trên da khô lành, bệnh nhân vẫn là nguồn lây lan quan trọng.

Là bệnh nhiễm nhưng không phải ai nhiễm virus cũng bị bệnh. Trẻ em dưới 10 tuổi thường hay bị bệnh hơn cả vì các em chưa có hệ thống miễn dịch hoàn hảo.

Phụ nữ có thai chưa mắc bệnh bao giờ, cũng có thể bị bệnh Tay-Chân-Miệng nhưng may mắn là bệnh thường nhẹ và không có triệu chứng. Nếu mắc bệnh trước khi sanh thì bệnh của mẹ có thể lây sang con nhưng không gây tổn thương cho các bộ phận của hài nhi..

Trẻ em sinh hoạt chung với nhau ở nhà giữ trẻ, mầm non, trường học cũng là môi trường tốt cho bệnh lan truyền từ em này sang em khác.

Đã mắc bệnh đều có miễn dịch với virus của kỳ này và vẫn có thể mắc bệnh với virus khác cùng nhóm. 

Chẩn đoán

Chẩn đoán căn cứ trên tuổi tác của bệnh nhân, các dấu hiệu của bệnh, khám miệng và quan sát các mụn nước trên da.

Đôi khi, bác sĩ cũng làm thử nghiệm kiếm tác nhân gây bệnh với mẫu phết cuống họng và phân người bệnh. Trên thực tế, vì cần nhiều ngày mới có kết quả nên thử nghiệm ít khi được áp dụng. 

 Điều trị

Bệnh Tay Chân Miệng thường không cần điều trị vì đa số tự lành trong thời gian từ 7-10 ngày.

Bệnh không điều trị bằng kháng sinh vì kháng sinh không công hiệu với virus.

Bệnh có thể chữa và chăm sóc tại nhà với:

- Trẻ tham dự mẫu giáo, mầm non bị bệnh nên để ở nhà để tránh lan bệnh cho trẻ khác

- Cho trẻ uống nhiều nước lạnh để tránh khô nước. Có thể cho trẻ ăn kem, que nước đá có hương vị (popsicles).

- Để tránh đau thêm cho các vết lở ở miệng, không cho uống nước có chất chua hoặc cay, như nước cam hoặc thức ăn cứng.

- Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng lỏng, tránh thực phẩm còn quá nóng.

- Giảm sốt và đau cơ thể với thuốc chống đau acetaminophen (Tylenol, paracetamol) hoặc ibuprofen (Advil).

- Không cho bé uống aspirin vì thuốc này có thể gây ra hội chứng Reyes rất trầm trọng với tổn thương hệ thần kinh.

- Nếu trẻ xúc miệng được, xúc miệng với dung dịch nước muối (một thìa muối pha trong một ly nước ấm) để giảm đau lở loét trong miệng.

- Thoa kem gây tê trên vết thương ngoài da.

- Không làm vỡ bóng nước để tránh nhiễm độc với các vi khuẩn khác. Bình thường, bóng nước tự khô lành trong mươi ngày.

- Tránh tiếp xúc với chất lỏng của mụn nước, có rất nhiều virus. 

Trẻ em cần được đưa vào bệnh viện cấp cứu nếu có các triệu chứng như:

- Trẻ dưới 3 tuổi liên tục nóng sốt quá 3 ngày.

- Dấu hiệu khô nước như miệng khô, mất cân, lơ đãng, đi tiểu ít.

- Mất ngủ, cáu kỉnh, hoảng hốt.

- Bụng trướng, ói mửa, sợ ánh sáng, co giựt cơ thể.

- Khó thở, đổ mồ hôi lạnh, nhịp tim tăng nhanh

- Đi đứng không vững, chân yếu.           

Phòng tránh

Hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa bệnh Chân Tay Miệng.

Ý kiến chung là bệnh Chân, Tay, Miệng cũng hơi trở ngại trong việc phòng tránh vì đa số nguồn gây bệnh không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, nếu giữ gìn được vệ sinh cá nhân thì nguy cơ lây nhiễm bệnh giảm rất nhiều.

Sau đây là các điều cần làm:

- Hướng dẫn mọi người trong nhà nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi thay tã cho trẻ bị bệnh vì virus có thể còn sống trong phân cả nhiều tuần lễ sau khi bệnh lành.

- Đừng để trẻ em chơi chung đồ chơi với trẻ khác

- Không ôm hôn khi trẻ đang bị bệnh.

- Hướng dẫn trẻ che mũi miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng giấy lau rồi vất riêng.

- Mang bao tay cao su khi thoa phấn, kem, chăm sóc thay tã cho trẻ.

- Tẩy rửa bàn ghế, sàn nhà, vật dụng nhiễm virus với dung dịch nước pha với chất tẩy chlorine.

- Không dùng chung chén bát, đũa thìa, khăn mặt với người bệnh.

- Trẻ em bị bệnh nên giữ ở nhà. Gia đình nên thông báo với trường học, lớp mẫu giáo, mầm non về tình trạnh bệnh của con em.

- Trẻ bị bệnh chỉ nên trở lại trường sau 2 tuần lễ hết dấu hiệu, triệu chứng.           

Kết luận

Bệnh Chân-Tay-Miệng tuy lành nhưng rất hay lây, đôi khi nguy hiểm.

Để tránh lây lan, nên bảo vệ vệ sinh môi trường, vệ sinh dụng cụ đồ chơi của trẻ em, bảo đảm an toàn thực phẩm nước uống, loại bỏ phân trẻ bị bệnh.

Riêng với các em tại trường mẫu giáo, mầm non, nên cố gắng để các em không tiếp xúc quá gần với nhau và tẩy rửa đồ chơi khi các cháu chung vui.

Tuy là không bắt buộc khai báo, nhưng nếu bệnh Chân-Tay-Miệng xảy ra nhiều tại địa phương, trường học, nên thông báo cho cơ quan y tế để được theo dõi và áp dụng phương thức phòng tránh lây lan.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức  Texas-Hoa Kỳ 

VỀ MỤC LỤC
TÚI TIỀN  -  Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Ngày nọ Khổng Tử cùng học trò đi dạo, thấy một đứa nhỏ lấy gạch vụn xây thành ở giữa đường đi, bèn bảo :

- Cháu tránh chỗ cho xe ta qua.

Đứa nhỏ đáp :

- Từ xưa đến nay, xe phải tránh thành, chứ thành nào phải tránh xe.

Khổng Tử nói :

- Cháu còn nhỏ, sao ăn nói quỷ quyệt thế ?

Đứa nhỏ đáp :

- Con thỏ sinh ra ba ngày thì biết chạy, con cá ba ngày thì biết lội, con người ba tuổi thì có trí khôn, sao ngài lại gọi tôi là quỷ quyệt ?

Khổng Tử hỏi :

- Cháu ở đâu, tên gì ?

Đứa nhỏ đáp :

- Cháu ở nơi quê mùa, họ Hạng, tên Thác.

Khổng Tử nói :

- Ta muốn cùng cháu đi dạo chơi quanh vùng, có được  chăng ?

Đứa nhỏ đáp :

- Nhà cháu có cha nghiêm cần phải thờ, có mẹ hiền cần phải nuôi, có anh lành cần theo, có em nhỏ cần phải dạy, có thầy sáng cần phải học, rảnh đâu mà đi rong chơi với ngài.

Khổng Tử nói :

- Vậy trên xe có sẵn bàn cờ, ta cùng cháu đánh chơi vài bàn cho vui.

Đứa nhỏ đáp :

- Thưa ngài, nhà vua ham cờ bạc thì nước loạn, chư hầu ham cờ bạc thì công việc bế tắc, sĩ nho ham cờ bạc thì bỏ bê việc học, kẻ làm ruộng ham cờ bạc thì nghỉ mất buổi cày…

Khổng Tử nói :

- Ta muốn cùng cháu bàn chuyện bình thiên hạ, cháu có vui lòng không ?

Đứa nhỏ đáp :

- Thiên hạ làm sao bình được mà ngài khéo hỏi : hoặc vì có núi cao, hoặc vì có biển rộng, hoặc vì có giai cấp. Bình núi cao thì chim chóc còn chỗ đâu mà ở. Bình sông biển thì tôm cá chết hết còn gì. Dứt hết giai cấp, thì lấy ai chỉ huy, lấy ai sai khiến ?

Khổng Tử thấy đứa bé giỏi quá, bèn hỏi thêm rất nhiều câu khó khăn gấp mấy mươi lần, đứa nhỏ đều trả lời trôi chảy cả. Ông định lên xe đi, đứa bé liền nói :

- Nãy giờ ngài hỏi cháu, nhất nhất câu gì cháu đều trả lời đầy đủ. Giờ đây, xin ngài cho cháu hỏi lại vài điều để mở rộng kiến thức. Cháu nhờ ngài giải giùm : con ngỗng con vịt nhờ đâu mà nổi được, chim hồng chim nhạn nhờ đâu mà kêu được, cây tùng cây bá nhờ đâu mà được xanh tươi suốt bốn mùa ?

Khổng Tử đáp :

- Ngỗng vịt nổi được là nhờ chân vuông, hồng nhạn kêu được là nhờ cổ dài, tùng bách luôn xanh tươi là nhờ ruột chắc.

Đứa nhỏ không thỏa mãn, liền nói :

- Cháu e không phải vậy. Cá tôm đâu có chân vuông sao cũng nổi, con muỗi nào có cổ dài sao vẫn kêu, tre trúc bọng ruột sao vẫn xanh tươi ? Thôi, xin ngài cho biết trên trời có mấy ngôi sao ?

Khổng Tử xua tay bảo :

- Chúng ta hãy bàn chuyện dưới đất cho dễ, cháu ạ.

Đứa nhỏ nói :

- Được, cháu xin hỏi ngài dưới đất có bao nhiêu nhà ?

Khổng Tử không trả lời, nhưng lại nói :

- Đấy là chuyện xa vời, cháu chỉ nên hỏi những chuyện trước mặt mà thôi.

Đứa nhỏ hỏi :

- Lông mày có mấy sợi ?

Khổng Tử lật đật lên xe và nói với các học trò :

- Hậu sinh khả úy.

Chữ “úy” trong câu nói của Khổng Tử vừa có nghĩa là đáng kính, lại vừa có nghĩa là đáng sợ. Như vậy, theo luật tiến hóa, nếu người sinh sau mà giỏi hơn thì thật là đáng kính. Còn nếu người sinh sau mà xảo quyệt hơn thì thật là đáng sợ. Vì thế thiên hạ cũng hay nói : hậu sinh khả…ố, có nghĩa là người sinh sau mà xằng bậy hơn, thì thật là nhơ nhuốc  và xấu xa.

Xét theo một góc cạnh nào đó, thì quí vị con nít hôm nay có nhiều mặt nổi hơn quí vị con nít ngày xưa. Chẳng biết đó là điều đáng mừng hay đáng lo. Gã xin đưa ra thí dụ một điển hình mà gã mới đọc được trên báo Phụ nữ Chủ nhật, số 15 ra ngày 24 tháng 4 năm 2005. Bài viết đưa ra những trường hợp quí vị con nít hôm nay đã kiếm tiền và tiêu tiền như thế nào.

Trường hợp thứ nhất :

Suốt một thời gian dài, để ý thấy cô con gái đang học lớp bảy của mình lúc nào cũng rủng rỉnh tiền và tự mua sắm cho mình được khá nhiều thứ, từ dụng cụ học tập đến sách vở, nhưng lại không hề mè nheo xin tiền bố mẹ, gặng hỏi mãi thì cô bé mới thú nhận đó là số tiền nó được  bạn học cùng lớp “trả công” vì đã giúp bạn làm bài.

Vốn là một học sinh giỏi, cô bé được giáo viên xếp ngồi giữa hai bạn có học lực trung bình để nhắc nhở và động viên các bạn. Không bỏ lỡ thời cơ, cô bé được các bạn gợi ý một thỏa thuận “đôi bên cùng có lợi”. Những lúc làm bài kiểm tra, cô bé cho các bạn chép bài, đổi lại với những điểm 9 và 10 thì cô bé được mỗi bạn thưởng cho 20.000 đồng, còn với những điểm 7 và 8, thì được từ 12 đến 15.000 đồng. Từ đó, cô bé rủng rỉnh tiền trong túi, còn hai bạn cùng bàn thì sức học có “tiến bộ” trông thấy và nhanh chóng lọt vào danh sách “top” những học sinh khá giỏi của lớp.

Trường hợp thứ hai :

Sau giờ học, đang trên đường về nhà, một chú bé lớp chín vô cớ bị ba học sinh khác chặn đường gây gỗ và đánh cho một trận tím bầm mắt trái. Hôm sau đi học, nhận diện được các bạn đã chặn đường và đánh mình…chú bé vào mách giám thị. Khi được mời xuống văn phòng các bạn ấy đã thú nhận là đã đánh chú bé theo “lời đặt hàng” của M. ban học cùng lớp, chứ chẳng có xích mích gì với chú bé trước đó.

Theo lời các bạn. M vốn là con của một giám đốc, nhà rất giàu, thường xuyên được ba mẹ cho rất nhiều tiền khi đi học. M. lại tỏ ra khá hào phóng với  bạn bè, thường xuyên bao bạn bè đi ăn uống, chơi trò chơi điện tử…thậm chí có lần một bạn bị mất tiền đóng học phí, M. còn tặng bạn luôn số tiền đó. Do vậy, khi M. có ý đánh chú bé, thì các bạn sẵn sàng thực hiện mà không cần hỏi lý do vì sợ M…giận.

Nhóc tì M. này chưa được tí tuổi đầu, thế mà đã biết dùng tiền để mua lấy quyền và đã sử dụng quyền để chi phối đàn em đúng tác phong của các đại ca hay những ông trùm, theo bài bổn băng đảng, hay…Mafia trong xã hội đen.

Quí vị con nít hôm nay không phải chỉ sử dụng đồng tiền để sai khiến bạn bè, mà còn sử dụng đồng tiền để sai khiến cả người lớn, chẳng hạn :

Việc các em nhờ người lái xe ôm, người bán cà phê…vào họp phụ huynh với cương vị là cô, chú, dì, cậu…với giá 10 đến 20.000 đồng một buổi họp, giờ đã xưa, bởi “chiêu” này đã bị nhà trường phát hiện.

Để đối phó, các em lại nghĩ ra cách “tinh vi’ hơn. Dẫu rất còn bé, các em đã biết “chọn mặt gửi vàng”, tìm những bác tài xe ôm có vẻ ngoài “sáng láng” hơn, rồi mang cà-vạt, thậm chí còn mang cả áo quần của ba mình đến cho họ “đóng bộ”, cải trang thành “ba”…Dĩ nhiên, yêu cầu cao hơn, thì chi phí cũng phải cao hơn, các em sẵn sàng chi đến 50.000 đồng cho một “ca” cải trang như thế.

Đọc xong những mẩu tin trên, gã mới giật mình đánh thót một phát và “ngộ ra rằng ” quí vị con nít ngày xưa mà so với quí vị con nít hôm nay, thì chỉ là hạng “cù lần cù lèo” mà thôi. Xin tâm phục khẩu phục sát đất.

Và như thế, ngay cả quí vị con nít cũng hiểu được giá trị của đồng tiền. Có tiền là có tất cả, huống lọ là dăm ba cái lẻ tẻ. Với tiền bạc, người ta có thể mua được đủ thứ, từ bằng cấp và địa vị, đến tình cảm và công lý.

Ai không có tiền, thì đành phải cúi đầu xuống như muông chim và phải chấp nhận thân phận tôi đòi, vai nặng chân trơn mà thôi.

Trái lại,  ai nắm giữ túi tiền thì  cũng nắm giữ quyền bính trong tay, chịt cổ họng người khác dễ như trở bàn tay, bởi vì chữ tiền thì liền với chữ quyền vì cùng chung một vần :

- Hạt tiêu nó bé nó cay,

  Đồng tiền nó bé, nó hay cửa quyền.

Trong phạm vi thế giới, không nước nào giàu cho bằng nước Mỹ. Vì thế, người Mỹ đã tự phong cho mình làm “sen đầm quốc tế”, mặc sức chỉ trích dân tộc này dân tộc kia không tôn trọng nhân quyền, mặc sức can thiệp vào nội bộ của các quốc gia và mang quân tiến vào nước người ta như tiến vào chỗ không người.

Đúng là miệng anh nhà giàu như “có gang có thép”.

Ta nói mà nhà ngươi không nghe, ta cắt viện trợ cái rụp, hay ta cấm vận, phong tỏa nhà ngươi về phương diện kinh tế, thế là nhà ngươi lập tức mềm nhũn như con chi chi, sẵn sàng để ta sai bảo và mau chóng trở thành chư hầu của ta.

Buồn thay cho cái thân phận nhược tiểu!!!

Nói chuyện thế giới xem ra có vẻ xa xôi như ở trên mây trên gió, gã xin nói chuyện gia đình cho nó gần gũi hơn.

Trong gia đình, khi bố mẹ còn khỏe mạnh và nắm trong tay tiền bạc, lúc đó con cái xem ra có vẻ dễ dàng vâng phục và trọng kính. Thế nhưng, một khi cha mẹ đã già yếu và gia tài đã được phân chia, nếu không giữ lại cho mình một chút tiền còm, thì con cái rất dễ có thái độ “phớt tỉnh Ăng Lê” : đói khát cũng mặc, thiếu thốn cũng mặc, đau yếu cũng mặc. Thậm chí nhiều lúc thà nhờ vả hàng xóm còn dễ hơn nhờ vả người nhà.

Vì thế, nhiều bậc làm cha làm mẹ, vốn thường khôn khéo giữ lấy cho mình một phần sản nghiệp, để không phải chìa tay ra xin xỏ con cái. Bao giờ chết thì sẽ…hạ hồi phân giải.

Trong quan hệ vợ chồng cũng vậy. Nhìn vào thực tế, chúng ta cũng thấy tiền bạc có một giá trị to lớn và nắm giữ một then chốt quan trọng trong đời sống gia đình. 

Thực vậy, vì thiếu thốn tiền bạc, nhiều người sẵn sàng bán rẻ lương tâm để rồi thực hiện những hành vi bỉ ổi nhất như trộm cướp, giết người, tham nhũng…như người ta thường bảo :

- Lương tâm không bằng lương thực.

- Bần cùng sinh đạo tặc.

- Đói ăn vụng, túng làm càn.

Vì thiếu thốn tiền bạc, nhiều gia đình đã đi đến chỗ đổ vỡ như chửi bới, cãi cọ và đánh đập nhau từng ngày.

Tuy nhiên, nếu suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy tiền bạc tuy cần thiết nhưng không phải là yếu tố quyết định bởi vì không thiếu những gia đình nghèo túng mà vẫn hòa thuận yêu thương :

- Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,

  Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.

Đồng thời cũng không ít những gia đình giàu sang mà luôn có những sự xích mích bất đồng. Vợ thì bài cào tứ sắc, chồng thì vợ nọ con kia, tối ngày những mánh mung, bỏ mặc vợ con.

Hơn nữa, một chị nàng thích lấy chồng giàu, thì sẽ bị người đời chê cười là ham của, bên nhà chồng sẽ dễ coi thường và hất hủi. Trái lại, một anh chàng thích lấy vợ giàu, thì cũng sẽ bị người đời phong cho tước hiệu “kỹ sư đào mỏ”, “chuột sa chĩnh gạo”, “đũa mốc mọc ở mâm son”.

Sự chêânh lệch về nếp sống như vậy  rất dễ đem lại những mặc cảm tự ti và trở thành lý do sâu sa của những cuộc cãi vã và đổ vỡ sau này. Chính vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy các cụ ngày xưa đã chủ trương môn đăng hộ đối.

Quan niệm này  nhiều lúc đã đi tới chỗ quá quắt nên không còn hợp thời nữa, dầu vậy nó vẫn có lý do và lợi ích của nó, bởi vì những người cùng một cảnh ngộ, cùng một giai cấp thì sẽ dễ dàng đi tới chỗ hiểu biết và cảm thông với nhau hơn.

Đó mới chỉ là những ý kiến hướng dẫn cho thời gian chập chững bước vào ngưỡng cửa hôn nhân để đi đến một sự chọn lựa dứt khoát. Còn bây giờ, một khi ván đã đóng thuyền, cá đã cắn câu, nghĩa là đã trở thành vợ thành chồng với nhau, thì chuyện tiền bạc bao giờ cũng chiếm địa vị số một, bởi vì vấn đề đầu tiên bao giờ cũng vẫn là vấn đề tiền đâu.

Nếu anh chồng làm ra tiền, thì anh ta có thể chi phối toàn bộ những sinh hoạt trong gia đình. Lúc bấy giờ vợ con phải ra sức cung phụng anh ta, cũng như phải ra sức vâng phục anh ta tối mặt. Đi làm về, anh ta cứ việc ngồi vắt chân chữ ngũ mà đọc báo, mà coi truyền hình. Đến bữa thì đã có sẵn cơm bưng nước rót.

Còn nếu anh chồng chẳng may rơi vào tình trạng thất nghiệp, chẳng còn lấy một đồng xu dính túi. Trong hoàn cảnh này, nếu chị vợ ăn nên làm ra, phất lên trông thấy, thì chắc chắn sẽ đổi chủ thay ngôi.

Thực vậy, với thân phận ăn bám, thì làm sao anh chồng dám ngước mặt nhìn đời, chỉ còn nước lầm lũi vào bếp, thổi cơm nấu nướng  mà thôi. Thật đúng như Tú Xương đã diễn tả :

- Làm trai rửa bát, quét nhà,

  Vợ gọi thì dạ, bẩm bà…em đây.

Trước tình trạng thay ngôi đổi chủ này, anh chồng dường như co cụm lại, âm thầm “gậm nhấm” nỗi buồn vì đã mất toi cái quyền hành trong tay. Nỗi buồn không được giải tỏa và cảm thông sẽ kết đọng lại thành những cay cú và bực tức ám vào lục phủ ngũ tạng. Nếu có cơ hội thuận tiện, sẽ bộc phát ra những lời nói chì chiết, những thái độ quát tháo cộc cằn.

Còn chị vợ, nếu không biết đối xử một cách khéo léo và tế nhị, trái lại cứ vênh vang tự đắc, coi anh chồng như là đồ bỏ, thì chắc chắn những chuyện xào xáo và đổ vỡ sẽ xảy ra :

- Nhà kia lỗi đạo, con khinh bố,

  Mụ nọ chanh chua, vợ chửi chồng.

Nếu chẳng may ở vào một tình trạng chênh lệch như thế, bên kiếm được nhiều tiền, còn bên chẳng tìm được một đồng xu cắc bạc, thì cũng đừng vì thế mà lên mặt, hay cũng đừng vì thế mà xấu hổ vì nào ai muốn mình bị thất nghiệp bao giờ đâu.

Bởi vậy, hãy đối xử với nhau một cách tế nhị và cảm thông thì mới bảo vệ được niềm hạnh phúc trong gia đình.

Vậy phải quản lý cái túi tiền trong gia đình như thế nào ?

Bình thường, anh chồng giao nộp tiền lương của mình cho chị vợ quản lý, bởi vì chị chính là người “tề gia nội trợ”. Tuy nhiên, có những trường hợp chị vung tay quá trán khiến ngân sách bị thâm thủng nặng nề :

Một hôm đi làm về nhà, ông Thành sửng sốt khi nghe con trai đang học đại học bảo là phải nghỉ học vì mẹ không cho tiền đóng học phí. Ông không hiểu nổi vì sao lại đến mức như vậy…Ông tìm hiểu mới biết bao nhiêu tiền bà đồ hết vào quần áo, mỹ phẩm. Những bộ áo váy của bà toàn là hàng hiệu đắt tiền và bà lại còn đổi mốt liên tục. Trên bàn trang điểm của bà lỉnh kỉnh đủ loại mỹ phẩm, mà một lọ nhỏ xíu giá cũng bạc triệu. Chưa hết, bà thường xuyên đến mỹ viện và chi phí chăm sóc sắc đẹp hàng tháng của bà cũng là con số làm ông chóng mặt! (PNCN,14).

Trong khi đó, có những chị vợ lại quản lý quá chặt chẽ, bóc lột cho tới đồng xu cuối cùng, chẳng để cho anh chồng tí tiền còm để cà phê cà pháo với bè bạn. Thành thử, chị vợ giống như một thứ ngân hàng, đầu vào thì dễ mà đầu ra thì khó. Trao tiền thì vui, còn xin tiền mặt nhăn như bị và lại còn than thở cả tiếng.

Tuy nhiên thỉnh thoảng gã thấy có những gia đình anh chồng quản lý túi tiền. Anh ta đích thân đi chợ và mua sắm. Hễ đụng tới tiền bạc, thì chị vợ liền trả lời :

- Hãy cứ hỏi anh ấy.

Tuy nhiên, nếu những anh chồng có máu đỏ đen, đam mê số đề hay cá độ bóng đá, nhất là lại đèo bòng bồ nhí, thì có ngày nồi cơm của vợ con cũng bị đập bể.

Cũng có những trường hợp anh chồng một quĩ, chị vợ một quĩ và chúng ta góp gạo thổi cơm chung, khiến nhiều lúc gia đình trở nên như một quán trọ.

Ông Vĩnh và bà Thào chung sống đã nhiều năm, nhưng lại không tin tưởng nhau về chuyện tiền bạc.Cả hai đều có cơ sở kinh doanh riêng. Không ai biết thu nhập của người kia là bao nhiêu. Mỗi người có quĩ riêng. Trong phòng ngủ có hai két sắt, một của ông và một của bà, chìa khóa két  sắt của ai thì người ấy giữ.

Tất cả các khoản chi tiêu trong gia đình, họ chia ra từng loại thanh toán : chi phí nuôi con, học phí của con, chi tiêu và mua sắm vật dụng trong nhà mỗi người một nửa, thuốc men bệnh tật thì phần ai nấy lo, nếu con bệnh thì cha mẹ chia đôi chi phí, tiếp đãi  bạn bè của ai thì người ấy chi. Phương châm của họ là rạch ròi, sòng phẳng và bình đẳng. Thoạt nghe có lý, nhưng ngẫm lại thì buồn thay cho tình cảm vợ chồng. (PNCN, 14).

Tác giả bài viết đã chia sẻ :

Quỹ chung hay quỹ riêng ? Vợ giữ tiền hay chồng giữ tiền ? Mỗi người có câu trả lời riêng, tùy theo quan niệm cá nhân.

Dù sao thì quan hệ vợ chồng chỉ tốt đẹp khi cả hai cùng có trách nhiệm trong việc quản lý và chi tiêu tiền bạc trong gia đình.

Kinh nghiệm cho hay, nếu mọi khoản thu nhập của gia đình được tập trung về một mối, vợ chồng cùng thống nhất về kế hoạch quản lý và chi tiêu, đồng thời luôn tạo ra được sự thỏa thuận về các dự kiến lớn, thì chẳng những mức sống sẽ được ổn định và nâng cao, mà hạnh phúc cũng luôn được bảo vệ, đồng thời  mâu thuẫn thuộc dạng này sẽ dần dần tự tan biến.

Để kết luận, gã xin kể lại một mẩu chuyện như sau :

Ngày xưa, có một đôi nam nữ rất yêu thương nhau. Nhưng vì hai gia đình không được môn đăng hộ đối, nên họ đã phải trải qua nhiều khó khăn mới lấy được nhau.

Đêm tân hôn, họ đã thề sẽ yêu thương nhau suốt đời. Họ quy ước rằng cứ mỗi ngày được sống hạnh phúc cùng nhau, họ sẽ bỏ vào cái chum nhỏ một hạt gạo. Gạo càng nhiều thì hạnh phúc càng đầy và về già họ sẽ cùng nhau đổ cái chum gạo ấy ra để nhìn lại hạnh phúc của mình.

Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, người chồng bị bệnh nặng và qua đời. Người vợ rất đau khổ. Nàng nhìn vào chum gạo và than khóc rằng :

- Hạnh phúc không đong đầy chum.

Mong rằng các cặp vợ chồng cùng cộng tác với nhau d? bỏ vào chum những hạt gạo hạnh phúc.

Gã Siêu    gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************