Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 67, Chúa Nhật 18.05.2008


CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH            MỤC LỤC 

Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục (tiếp theo)  Lumen Gentium

NGŨ THẬP TRI THIÊN MỆNH                                                            Lm. VĨNH SANG, DCCT

GIẢI ĐÁP CỦA ĐỨC THÁNH CHA về ba câu hỏi...          Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh lược dịch

TỘI PHẠM ĐẾN CHÚA THÁNH THẦN LÀ TỘI NÀO ?                           LM PX. Ngô Tôn Huấn

THƯỢNG SƠN GIÁO HUẤN                                                                                   Bùi Nghiệp

ĐỪNG HÀNH ĐỘNG THEO PHẢN ỨNG TỰ NHIÊN (2)                              Lm. Lê Văn Quảng

NỖI BUỒN HAI LÚA !                                                                                     Anmai, C.Ss.R.

Thơ Tháng Hoa - Trái Tim Mẹ                                                  Bút Xuân  TRẦN ÐÌNH NGỌC

Cũng Một Chọn Lựa                                                              Lm. Martinô Nguyễn Bá Thông

Trong Chúa Thánh Thần                                           Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

Thuốc Vờ - Hiệu quả Placebo                                                                Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

KHÓC                                                                                          Chuyện phiếm của Gã Siêu


Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội

Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục (tiếp theo)

 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chương III

Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội

Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục 23*

 

21. Chức Giám Mục có tính cách bí tích. Vậy, qua các Giám Mục được các linh mục trợ giúp, Chúa Giêsu Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm, hiện diện giữa các tín hữu. Thực vậy, ngự bên hữu Chúa Cha, Người vẫn hiện diện giữa cộng đoàn các linh mục của Người 17, nhưng nhất là qua sự phục vụ quí hóa của các ngài, Chúa Kitô rao giảng lời Thiên Chúa cho các dân nước và không ngừng ban phát các bí tích cho tín hữu. Nhờ nhiệm vụ làm cha của các ngài (x. 1Cor 4,15), Chúa tháp nhập vào thân thể Người những chi thể mới nhờ sự tái sinh siêu nhiên. Và sau cùng, nhờ sự khôn ngoan thận trọng của các ngài, Chúa điều khiển và hướng dẫn dân tộc của Tân Ước trong cuộc lữ hành tiến về hạnh phúc muôn đời. "Các mục tử này, được chọn để chăn dắt đoàn chiên Chúa, là thừa tác viên của Chúa Kitô và ban phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. 1Cor 4,1); các ngài được ủy thác việc làm chứng Phúc Âm của ân sủng Thiên Chúa (x. Rm 15,16; CvTđ 20,24) và việc thi hành công cuộc của Thánh Thần và của công lý trong vinh quang (x. 2Cor 3,8-9).

Ðể chu toàn nhiệm vụ cao trọng ấy, các Tông Ðồ được Chúa Kitô đổ tràn Thánh Thần cách đặc biệt (x. CvTđ 1,8; 2,4; Gio 20,22-23). Và các ngài thông truyền các ơn thiêng ấy cho các cộng sự viên khi đặt tay trên họ (x. 1Tm 4,14; 2Tm 1,6-7). Và qua việc tấn phong Giám Mục, ơn thiêng ấy được thông truyền cho đến chúng tôi 18. Thánh Công Ðồng dạy rằng, khi được tấn phong, các Giám Mục nhận lãnh sự trọn vẹn của bí tích Truyền Chức Thánh mà tập tục phụng vụ Giáo Hội và các Thánh Giáo Phụ gọi là chức linh mục tối cao và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ 19. Việc tấn phong Giám Mục trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và cai trị; tuy nhiên, các nhiệm vụ ấy, do bản tính, chỉ có thể thực thi trong sự hiệp thông với Thủ Lãnh và các phần tử của Giám Mục Ðoàn. Thực vậy, truyền thống được diễn tả nhất là qua các nghi thức phụng vụ và qua thói quen của Giáo Hội Ðông Phương cũng như Tây Phương cho thấy rõ ràng là qua sự đặt tay và qua các lời tấn phong, ơn Chúa Thánh Thần được thông ban 20 và ấn dấu thánh được in 21 trên các Giám Mục, nên các ngài thi hành nhiệm vụ của chính Chúa Kitô là Thầy, Chủ Chăn và Linh Mục, và hoạt động nhân danh Người 22 một cách cao quí và hữu hình. Các Giám Mục có phận sự nhận vào Giám Mục Ðoàn, nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, những người mới được tuyển chọn. 28*

22. Giám Mục Ðoàn và vị Thủ Lãnh. 29* Thánh Phêrô và các Tông Ðồ khác tạo thành một cộng đoàn Tông Ðồ duy nhất theo như Chúa đã ấn định; tương tự như thế, Giáo Hoàng Roma, Ðấng kế vị Phêrô, cùng với các Giám Mục là những người kế vị các Tông Ðồ đều liên kết với nhau. Ðặc tính và bản chất cộng đoàn của hàng giám mục được biểu lộ qua luật lệ cổ truyền: theo đó Giám Mục trên khắp hoàn cầu thông hiệp với nhau và với Giám Mục Roma bằng mối dây hiệp nhất, bác ái và bình an 23 và qua sự triệu tập các Công Ðồng 24 để cùng nhau quyết định những vấn đề quan trọng đặc biệt 25 sau khi Nghị Phụ đã cân nhắc kỹ lưỡng 26. Bản chất ấy được xác nhận bởi việc triệu tập các Công Ðồng Chung qua bao thời đại. Và bản chất cộng đoàn ấy cũng được một tập truyền xa xưa công nhận, đó là việc nhiều Giám Mục được mời đến tấn phong một người mới được chọn lên nhiệm vụ tối cao của chức linh mục. Người lãnh nhận bí tích truyền chức và hiệp thông giáo phẩm với Thủ Lãnh cùng các phần tử trong Cộng Ðoàn trở thành phần tử của Giám Mục Ðoàn.

Nhưng cộng đoàn giám mục hoặc giám mục đoàn chỉ có quyền hành khi hiệp với Giáo Hoàng Roma, đấng kế vị thánh Phêrô, Thủ Lãnh của cộng đoàn giám mục; nhưng quyền tối thượng trên tất cả các Chủ Chăn và tín hữu của Giáo Hoàng Roma vẫn luôn luôn được bảo toàn trọn vẹn. Thực vậy, do nhiệm vụ của mình, là Ðại Diện Chúa Kitô và Chủ Chăn của toàn thể Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng Roma có một quyền bính trọn vẹn, tối cao, phổ quát trên Giáo Hội, và bao giờ Ngài cũng được tự do thi hành quyền bính ấy, Giám Mục Ðoàn kế vị cộng đoàn Tông Ðồ trong việc giáo huấn và chăn dắt, chính trong Giám Mục Ðoàn mà cộng đoàn Tông Ðồ được trường tồn. Hiệp nhất với Thủ Lãnh, tức Giáo Hoàng Roma, và không bao giờ tách rời khỏi Thủ Lãnh ấy, giám mục đoàn cũng có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội 27, nhưng chỉ có thể thi hành quyền này khi có sự ưng thuận của Giáo Hoàng Roma. Chúa đã đặt một mình Phêrô làm đá nền, trao chìa khóa Giáo Hội cho một mình Ngài (x. Mt 16,18-19), cũng đã đặt Ngài là Chủ Chăn của toàn thể đàn chiên Chúa (x. Gio 21,15tt); những quyền tháo gỡ cầm buộc của Người đã ban cho Phêrô (x. Mt 16,19), hẳn cũng đã ban cho cả cộng đoàn Tông Ðồ hiệp nhất với Thủ Lãnh (x. Mt 18,18; 28,16-20) 28. Gồm nhiều phần khác nhau, cộng đoàn giám mục diễn tả đặc tính đa dạng và phổ quát của Dân Thiên Chúa; đồng thời, tụ họp dưới quyền thủ lãnh duy nhất, cộng đoàn giám mục diễn tả sự hiệp nhất của đàn chiên Chúa Kitô. Trong cộng đoàn này, các Giám Mục, khi trung thành tôn trọng quyền tối thượng và quyền điều khiển của vị Thủ Lãnh, các Ngài thi hành quyền bính riêng để mưu ích cho tín hữu mình và cho toàn thể Giáo Hội, nhờ có Chúa Thánh Thần không ngừng củng cố cơ thể và sự thuận hòa trong cơ thể ấy. Quyền bính tối cao của giám mục đoàn trên toàn thể Giáo Hội được thi hành cách trọng thể trong Công Ðồng Chung. Nhưng không bao giờ có Công Ðồng Chung nếu không được Ðấng kế vị Thánh Phêrô phê chuẩn hay ít ra chấp nhận; Ðức Giáo Hoàng Roma có đặc quyền triệu tập, chủ tọa và phê chuẩn các Công Ðồng này 29. Hiệp nhất với Giáo Hoàng, các Giám Mục trên khắp thế giới còn có thể thực hành quyền cộng đoàn ấy, khi vị Thủ Lãnh cộng đoàn mời gọi các ngài cùng hành động cách cộng đoàn, hay ít ra khi ngài ưng thuận hoặc tự do chấp nhận hành động hiệp nhất của các Giám Mục rải rác để làm cho nó trở thành một hành động có tính cách cộng đoàn thực sự. 30*

23. Mối liên lạc giữa các Giám Mục trong cộng đoàn. Sự hiệp nhất của Giám Mục Ðoàn còn được biểu lộ qua mối tương giao giữa mỗi Giám Mục với các Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát. Ðức Giáo Hoàng Roma, Ðấng kế vị Phêrô, là nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu 30 của sự hiệp nhất giữa các Giám Mục cũng như giữa các tín hữu. Còn mỗi Giám Mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương 31. Các Giáo Hội này được thành lập theo hình ảnh Giáo Hội phổ quát: chính nhờ và trong các Giáo Hội ấy mà có một Giáo Hội công giáo, duy nhất 32. Vì thế mỗi Giám Mục đại diện cho Giáo Hội mình, và tất cả các Giám Mục cùng với Giáo Hoàng đại diện cho toàn thể Giáo Hội trong mối dây bình an, yêu thương và hiệp nhất.

Mỗi Giám Mục được đặt làm Thủ Lãnh một Giáo Hội địa phương, thực hành quyền mục vụ trên phần Dân Thiên Chúa được trao phó cho mình, chứ không thực hành quyền mục vụ trên các Giáo Hội địa phương khác, hoặc Giáo Hội phổ quát. Nhưng với tư cách là phần tử giám mục đoàn, và là người kế vị hợp pháp các Tông Ðồ, mỗi Giám Mục, do sự thành lập và giới lệnh của Chúa Kitô, có bổn phận 33 ân cần săn sóc đến toàn thể Giáo Hội. Sự ân cần săn sóc đó, cho dầu không được thể hiện bằng một hành động thuộc quyền tài thẩm, vẫn mang lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội phổ quát. Thực vậy, tất cả các Giám Mục có nhiệm vụ phát huy và bảo vệ sự hiệp nhất đức tin và kỷ luật chung của cả Giáo Hội, dạy cho tín hữu biết yêu mến toàn Nhiệm Thể Chúa Kitô, nhất là các chi thể nghèo khó, đau khổ và đang chịu bách hại vì sự công chính (x. Mt 5,10), sau cùng các ngài còn có nhiệm vụ phát huy mọi sinh hoạt chung của toàn Giáo Hội, nhất là phát triển đức tin và làm cho ánh sáng chân lý toàn vẹn chiếu soi trên mọi người. Ðàng khác, khi điều khiển khéo léo Giáo Hội địa phương là một phần Giáo Hội phổ quát, dĩ nhiên các Giám Mục đã góp phần hữu hiệu vào công ích của toàn Nhiệm Thể cũng là thân thể của các Giáo Hội 34.

Lo lắng rao truyền Phúc Âm cho khắp thế giới là một bổn phận của cộng đoàn các Chủ Chăn. Chúa Kitô đã ra lệnh chung cho tất cả các ngài và giao phó cho các ngài một bổn phận chung, như Ðức Giáo Hoàng Coelestinô đã nhắc nhở các Nghị Phụ Công Ðồng Ephesô 35. Vì thế các Giám Mục, trong phạm vi trách nhiệm riêng của các ngài cho phép, phải cộng tác với nhau và với Ðức Giáo Hoàng là người được đặc biệt ủy thác nhiệm vụ cao cả truyền bá danh hiệu Kitô hữu 36. Do đó, các Giám Mục phải dốc toàn lực đóng góp cho các xứ truyền giáo nhiều thợ gặt, nhiều sự trợ giúp thiêng liêng và vật chất, vừa bằng cách tự mình trực tiếp giúp đỡ, vừa khuyến khích các tín hữu nhiệt thành cộng tác. Sau cùng, trong niềm cảm thông phổ quát của đức ái, theo gương lành đáng kính của các thế kỷ đầu, các Giám Mục hãy sẵn lòng lấy tình huynh đệ trợ giúp các Giáo Hội khác, nhất là những Giáo Hội gần nhất và túng thiếu nhất.

Các Giáo Hội khác nhau mà các Tông Ðồ và những đấng kế vị đã thành lập tại nhiều nơi khác nhau theo dòng thời gian, Chúa Quan Phòng đã muốn tụ hợp lại thành nhiều nhóm được liên kết ở tổ chức; các nhóm này có kỷ luật riêng, phụng vụ riêng, thừa hưởng di sản thần học và thiêng liêng riêng mà không phương hại đến sự hiệp nhất đức tin cũng như bản chất duy nhất và thần linh của Giáo Hội phổ quát. Trong các Giáo Hội ấy, một vài Giáo Hội, nhất là những Giáo Hội cổ xưa do các Giáo Chủ lãnh đạo, như các bà mẹ đức tin, đã sinh nhiều Giáo Hội khác như con cái mình, và vẫn còn liên kết với nhau cho đến ngày nay bằng mối dây bác ái mật thiết và bằng đời sống bí tích trong sự tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ lẫn nhau 37. Các Giáo Hội địa phương tuy khác nhau như thế nhưng đều hướng về sự hiệp nhất, nên càng minh chứng đặc tính công giáo của một Giáo Hội không phân chia. Cũng thế, ngày nay các Hội Ðồng Giám Mục có thể góp phần phong phú bằng nhiều thể cách để cụ thể hóa tinh thần cộng đoàn. 31*


Chú Thích:

(lưu ý: những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo trước)

 

28* Số 21: Bí tích tính của chức Giám Mục.

Bố cục của số này như sau: điểm quả quyết trong số 20 (chính Chúa đã lập các Giám Mục kế vị Tông Ðồ làm mục tử Giáo Hội) được bổ túc bằng ba xác định mới:

(1) Chúa Kitô hiện diện giữa tín hữu trong con người của Giám Mục.

(2) Sự hiện diện ấy được chuyển đạt qua các nghi thức đặt tay, là nhờ hồng ân thiêng liêng của Chúa Thánh Thần.

(3) Và như vậy, sự kế vị các Tông Ðồ được chuyển trao nhờ một bí tích là bí tích truyền chức Giám Mục.

Chức Giám Mục là chức linh mục tối thượng. Qua việc truyền chức, vị Giám Mục lãnh nhận sự sung mãn của bí tích truyền chức. Việc truyền chức đem đến cho vị Giám Mục 3 nhiệm vụ: thánh hóa, giảng dạy và cai trị (x. các số 25-27). Công Ðồng đã soạn thảo đoạn này để giải quyết cho xong cuộc bàn cãi về bí tích tính của chức Giám Mục, vì có một số người chỉ coi đó là một hình thức bổ túc cho chức linh mục. Do đó mà từ nay phải nhìn bí tích truyền chức nơi vị Giám Mục chứ không phải nơi Linh Mục, vì Linh Mục chỉ tham dự vào sự sung mãn của chức tư tế Giám Mục (x. số 28). Như thế con đường đã được chuẩn bị để quả quyết về Giám Mục Ðoàn.

29* Tiểu mục 2: (các số 22-23) Giám Mục Ðoàn.

Tiết này được tranh luận nhiều nhất, có nhiều chú thích và sửa đổi nhất, đặc biệt là số 22: bởi vậy công việc soạn thảo sau cùng rất nặng nề. Người ta biết có hai bản phúc trình ngược hẳn nhau được đệ trình lên Công Ðồng, một của Giám Mục Parente, ủng hộ bản văn, sau cùng được chấp thuận với một ít điều sửa đổi, và một của Giám Mục Franic trình bày những khó khăn chống với bản văn. Cũng nhờ "bản phúc trình" sau này mà có phần chú thích sơ khởi, đến giờ chót được đặt thêm vào bản văn để xoa dịu một vài lập trường quyết liệt. Khó khăn chính là vì người ta sợ Cộng Ðoàn tính của Giám Mục có thể phương hại tới tín điều về quyền tối thượng của Giáo Hoàng. Khó khăn khác nữa là vì từ ngữ Giám Mục Ðoàn, nếu hiểu theo nghĩa pháp lý, sẽ đưa đến sự bình đẳng giữa các phần tử trong đoàn và như vậy, dường như quyền tối thượng bị đe dọa. Sau cùng, từ ngữ đó không có trong Thánh Kinh hay trong Truyền Thống. Công Ðồng vẫn lưu ý đến những vấn nạn đó khi soạn thảo bản văn và cũng vì vậy mà xác nhận một lần nữa về quyền tối thượng của Giáo Hoàng trong một bản văn đề cập đến các Giám Mục.

28 Xem CÐ Vat I, lược đồ Hiến chế tín lý, II, De Eccl. Christi, ch. 4: Mansi 53, 310. Xem phúc trình của Kleutgen về lược đồ sửa lại: Mansi 53, 321B-322B và tuyên bố của Zinelli: Mansi 52, 1110. Cũng xem T. Leô Cả, Serm. 4,3 : PL 54, 151A.

29 Xem CIC, các kh. 222 và 227.

30* Trong số 22 này, chúng ta phân biệt bốn đề xướng:

(1) Ðề xướng thứ nhất quả quyết sự hiện hữu của Giám Mục Ðoàn kế vị Tông Ðồ Ðoàn, phác họa một chứng cứ lịch sử, và liệt kê những điều kiện gia nhập đoàn. Ðây là một trong những quả quyết quan trọng nhất của Công Ðồng mà người ta muốn bày tỏ tính cách bổ túc của nó cho Công Ðồng Vaticanô I. Công Ðồng xác nhận nguồn gốc Tông Ðồ Ðoàn là do Chúa, hợp với tinh thần Tân Ước (x. số 19), và Tông Ðồ Ðoàn được các người kế vị là Giám Mục tiếp nối liên tục. Sự liên tục đó là một kết quả hợp lý vì Chúa đã hứa cho Giáo Hội được trường tồn. Nhiều tài liệu của Truyền thống cũng xác nhận sự liên tục này. Ðược phong chức Giám Mục và hiệp thông giáo phẩm với Thủ Lãnh cũng như với các phần tử trong đoàn, là đã gia nhập Giám Mục Ðoàn. Giám Mục Ðoàn luôn đòi phải có Thủ Lãnh.

(2) Giám Mục Ðoàn cũng có quyền bính tối cao và trọn vẹn trên toàn thể Giáo Hội. Ðiều quả quyết này gây ra nhiều vấn đề thần học quan trọng, vì như chúng ta biết, Giáo Hoàng cũng có đặc quyền ấy. Việc soạn thảo đã cố gắng minh giải vấn đề với câu: "Hiệp nhất với Thủ Lãnh (là Giáo Hoàng Roma), Giám Mục Ðoàn cũng có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội, nhưng chỉ có thể thi hành quyền này khi có sự ưng thuận của Giáo Hoàng". Như vậy phải chăng có hai quyền bính tối cao và trọn vẹn trong Giáo Hội? Làm sao có thể thế được? Bản phúc trình chính thức đã trả lời: "Vấn nạn sẽ không còn một khi lưu ý là trong Giáo Hội không phải có hai nhưng chỉ một quyền bính mà Chúa Kitô đã trao ban cho toàn thể Tông Ðồ Ðoàn, cho cả Phêrô lẫn các Tông Ðồ. Chúng ta cũng nhận rằng quyền bính ấy thuộc về một mình Giáo Hoàng, và được thực thi trên các Giám Mục chỉ có trong thường năng; muốn có trong hiện năng phải tùy thuộc vào Giáo Hoàng. Như vậy, Giám Mục Ðoàn không hạn chế quyền tối cao của Giáo Hoàng; nhưng chỉ thừa nhận và chuẩn y cho chức vị Giám Mục theo tư tưởng của Giáo Hội sơ khai: được phong chức Giám Mục là được tham dự thường năng vào quyền hành Chúa Kitô, để khi được Giáo Hoàng mời gọi, các Giám Mục có thể thực thi quyền hành đó ở hiện năng trong cả Giáo Hội.

Ðể lưu ý đến những dự liệu này và những dự liệu của chú thích sơ khởi, chúng ta nên phân biệt:

- Quyền hành (để điều khiển Giáo Hội) nơi Giám Mục Ðoàn hiệp thông với Giáo Hoàng, là một vị trong đoàn với tư cách thủ lãnh.

- Sự thực thi (tối cao, trên toàn thể Giáo Hội) quyền hành đó đòi phải được Giáo Hoàng mời gọi, đòi phải hiệp thông hữu hiệu với Ngài hoặc ít nhất không chống lại Ngài.

- Sự chỉ định pháp lý (theo giáo luật), theo đó Giáo Hoàng trao phó cho một Giám Mục một lãnh thổ hay một nhiệm vụ và ban quyền tham dự vào trách nhiệm tập đoàn trên toàn thể Giáo Hội.

(3) Trong thực tại Giám Mục Ðoàn và trong sự thực thi quyền hành tập đoàn, toàn thể hàng giáo phẩm phải phục vụ cho việc hiệp nhất Dân Chúa. Giáo Hoàng là người gìn giữ việc hiệp nhất đó cả trên bình diện cơ cấu lẫn bình diện pháp lý và cai trị. Với các Giám Mục, thì Giám Mục Ðoàn chính là dấu hiệu của việc hiệp nhất này trong Giáo Hội, được đảm bảo qua sự hiệp thông tập đoàn và qua những mối tương giao huynh đệ trong hàng Giám Mục.

(4) Sự thực thi quyền Giám Mục Ðoàn: quyền hành tối cao của Giám Mục Ðoàn được thực thi bằng hai cách: trong Công Ðồng Chung do Giáo Hoàng triệu tập (hoặc ít nhất được Ngài chấp thuận); ngoài Công Ðồng, do các Giám Mục rải rác khắp hoàn cầu khi được Giáo Hoàng mời gọi thực thi một việc có tính cách tập đoàn.

31* Số 23: Trên bình diện liên lạc chiều ngang giữa các Giám Mục, sự thực thi quyền Giám Mục Ðoàn thường được khai triển dưới ba hình thức:

- Giám Mục là dấu hiệu và khí cụ hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương (x. sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của Giám Mục, số 6). Từ đó Giám Mục quan tâm đến trách vụ của toàn thể Giáo Hội.

- Trách nhiệm tập đoàn về việc loan báo Phúc Âm cho cả thế giới: bởi vậy phải hỗ trợ các Giáo Hội tại miền truyền giáo và các Giáo Hội ít được nâng đỡ (x. sắc lệnh về hoạt động Truyền Giáo, số 20).

- Ý nghĩa và giá trị các Giáo Hội có tòa thượng phụ ở Ðông Phương và các Giáo Hội khác phát sinh ra từ đó. Phải tôn trọng các Giáo Hội này vì có truyền thống và kỷ luật riêng.

Số 23 kết thúc bằng vài dòng vắn tắt nói về Hội Ðồng Giám Mục qui tụ các Giám Mục trong một lãnh thổ hay trong một quốc gia.

 
VỀ MỤC LỤC
NGŨ THẬP TRI THIÊN MỆNH
 

Quý độc giả Ephata và Giáo Sĩ Việt Nam thân mến,

Hội Thánh Việt Nam đang đứng trước một mốc lịch sử quan trọng, Năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập hàng Giáo Phẩm. Thành lập hàng Giáo Phẩm là đánh dấu một bước trưởng thành của Hội Thánh địa phương. Năm mươi năm đi qua, một chặng đường của lịch sử, một chặng đường của hành trình, rồi đây chắc chắn sẽ có những sinh hoạt chào đón ngày trọng đại, những sinh hoạt đánh dấu một tiến trình và những chương trình học tập để cùng nhau thăng tiến. Sẽ có những lễ hội, những cuộc họp mặt, những lời tán tụng tạ ơn và những đèn hoa muôn sắc.

Góp phần suy tư chuẩn bị Năm Thánh, tôi muốn đặt hai câu hỏi cho chính mình và cho anh em mình khi đứng trước mốc lịch sử này. Xin được hết sức chân thành, chân thành với chính mình và chân thành với anh em.

Chúng ta đang ở chặng đường nào của tiến trình Tin Mừng hóa ?

Chúng ta đang ở chặng đường nào của một Hội Thánh thuộc về người nghèo?

Mấy ngày nay, các bài Tin Mừng trong Thánh Lễ liên tiếp dẫn ta gặp gỡ một quyền lực thần thiêng, quyền lực thần thiêng ấy mang sắc thái bàu chữa, an ủi, bảo trợ, yêu thương, hiệp nhất, ban sự sống, ... Nhưng không chỉ là những ngôn từ, những ý niệm, Kinh Thánh còn cho chúng ta thấy quyền lực ấy có thật, có thật đến mức hiển nhiên và tỏ tường khi mô tả về một Hội Thánh tiên khởi tràn đầy sức sống, bừng bừng lửa nhiệt thành và có sức cuốn hút mọi người không gì cản nổi ( sách Công Vụ Tông Đồ ).

Những người Kitô hữu đầu tiên đã “đứng ngồi” không yên, lúc nào cũng nong nả rao báo về Ơn Cứu Độ, lúc nào cũng quay quắt về Tin Mừng, đi đến đâu người ta rao báo đến đấy, đi đến đâu người Kitô hữu cũng trở thành dấu hỏi ngạc nhiên cho mọi người, dấu hỏi ngạc nhiên ấy đã lôi kéo nhiều người trở lại với Chúa để rồi tới phiên họ, chính họ lại trở thành dấu hỏi ngạc nhiên cho nhiều người khác nữa..

Trưa hôm nay ngồi ở bàn cơm, cha Quang Uy nói với tôi về một bài suy niệm trong Kinh Sách được Hội Thánh đọc vào ngày thứ tư tuần thứ năm mùa Phục Sinh, bài suy niệm mô tả đời sống người Kitô hữu tiên khởi, một đời sống lạ kỳ giữa thế gian nhưng hoàn toàn không thuộc về thế gian bởi Chúa Kitô đã chiếm đọat họ rồi. Nghe người anh em mình nhắc đến bài đọc đó, trong tôi như sống lại những cảm xúc lạ kỳ trong buổi sáng suy niệm hôm ấy.

Tôi muốn hỏi lòng mình, ngọn nến cháy sáng mà Hội Thánh giao cho tôi ngày lãnh nhận phép rửa có còn cháy không ? Mỗi ngày tôi còn tra vấn mình về ngọn nến này không, hay tôi đã quên từ bao giờ ? Tôi có còn nong nả, quay quắt về Tin Mừng đang có trong tôi không ? Lời Chúa tôi nghe mỗi ngày có sức làm tôi bật dậy không ? Có bao giờ cuộc sống của tôi trở nên một câu hỏi thắc mắc ngạc nhiên cho mọi người không ?

Năm nào chúng ta cũng làm thông kê, mỗi Giáo Xứ, mỗi Dòng Tu, thống kê những việc đã làm được, thống kê những thành quả đã đạt được, rồi đây sẽ có những báo cáo về con số những ngôi Nhà Thờ được xây dựng, những Họ Đạo mới được thiết lập, những con số Linh Mục, Tu Sĩ gia tăng nhanh chóng, những Thánh Lễ tràn ngập người mỗi Chúa Nhật, những số lần ban các Bí Tich v.v...

Nhưng có bao giờ chúng ta làm công việc so sánh. So sánh số người lớn được ban Bí Tich Thánh Tẩy trong một năm so với số Linh Mục Tu Sĩ có trong một đơn vị ( Giáo Phận, Giáo Hạt... ) của năm đó ? Chúng ta hãy làm thử đi và chắc chắn sẽ thấy rằng trong một năm, một người ( Linh Mục hoặc Tu Sĩ ) chưa đưa được một người ngoại về với Chúa chứ đừng nói Giáo Dân ! Nếu kể con số Giáo Dân thì có lẽ phải đến mấy ngàn người Kitô hữu trong một năm chưa đưa được... một người theo đạo !

Giáo Xứ của mình năm nay rửa tội được mấy người lớn ? Có người đưa ra một thách thức: Để đón Năm Thánh, chúng ta có dám ra chỉ tiêu, một gia đình Kitô hữu dẫn một gia đình ngoại về với Chúa không ? ( Giáo Hội Đại Hàn đã làm và đã thành công bằng một quyết tâm như thế đó ). Đáp lại “lời thách thức” này là một sự “im lặng đáng sợ” ! Chẳng trách gì nhiều năm qua, tỷ lệ Kitô hữu ở Việt Nam cứ lên lên xuống xuống chung quanh con số tăng trưởng... 6% !

Đừng dừng lại ở những thành phố lớn, đừng hãnh diện về những vùng toàn tòng, hãy đưa mắt lên vùng cao nguyên, cả một dải sơn hà dọc dãy Trường sơn chúng ta đã và vẫn còn đang bỏ trắng, chúng ta không phủ nhận công lao rất to lớn của các Thừa Sai trong quá khứ cũng như hiện tại, nhưng quả thật chúng ta “nhường sân” quá lộ liễu và tàn nhẫn ( tôi xin được dùng chữ “tàn nhẫn” ), cho ai đó mất rồi !

Để nhanh chóng Tin Mừng hóa, các Thừa Sai ngoại quốc khi đặt chân đến Việt Nam đã hết sức nỗ lực huấn luyện và thiết lập hàng Giáo Sĩ bản địa, chúng ta đang ở chặng đường nào đối với những anh em dân tộc thiểu số của chúng ta ? Chúng ta đã đầu tư ở mức độ nào đối với chính những anh em cùng huyết thống với chúng ta mà chúng ta vẫn quen miệng gọi là đồng bào ?

Năm mươi năm đã đi qua, bây giờ cần nhìn lại, xin hãy nhìn một cách thẳng thắn, trung thực và khiêm tốn. Có người bảo, huy hiệu năm Giáo Dục Kitô của Giáo Hội Việt Nam ( 2008 ) mang đậm sắc thái xã hội, hình ảnh gia đình trên huy hiệu dừng lại đúng ở con số... “hai con”, không biết bệnh thành tích của xã hội duy vật vô thần có thấm vào cách nhìn lại của Giáo Hội mình nhân dịp năm mươi tuổi hay không ?

Người đời xưa bảo: “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Vậy chúng ta có tri được cái mệnh trời của mình rồi chứ nhỉ ? Mà đã tri thì ắt còn phải hành...

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 3.5.2008

VỀ MỤC LỤC

GIẢI ĐÁP CỦA ĐỨC THÁNH CHA

(về ba câu hỏi của ba giám mục Hoa Kỳ)

  

Ngày đầu tiên 16-4-2008 trong cuộc du hành mục vụ tại Hoa Kỳ, sau khi đọc diễn văn  trước Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tai Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm  Nguyên Tội tại Washington, D.C,  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã trả lời ba câu hỏi của ba Giám Mục đưa ra. Cả ba câu hỏi đều dài, nên chỉ xin lược dịch tóm gọn lấy ý chính thôi.

 

CÂU HỎI  1:

 

Ngày nay, chủ nghĩa thế tục và thuyết tương đối về cuộc sống đang gia tăng, xin Đức Thánh Cha cho biết những nhận xét và lời chỉ dạy phải làm sao để đương đầu với những thách đố đó với tư cách là mục tử hầu việc truyền bá Tin Mừng đạt hiệu quả tốt.

 

 

TRẢ LỜI

 

Vấn đề này tôi đã đề cập sơ lược trong bài diễn văn tôi vừa đọc. Điều đặc biệt đối với tôi là Hoa Kỳ, không giống như nhiều nơi khác ở Âu Châu, tinh thần thế tục, bản tính nó không chống lại tôn giáo. Về phương diện phân biệt giữa Giáo Hội / Tôn giáo và nhà nước, đặc tính của xã hội Hoa Kỳ là vẫn luôn luôn tôn trọng tôn giáo và vai trò xã hội của nó. Nếu những cuộc trưng cầu dân ý là chính xác có thể tin được thì dân Hoa Kỳ có lòng đạo khá sâu xa. Nhưng điều đó không đủ để dựa vào truyền thống tôn giáo này rồi cứ thế mà tiếp tục công việc bình thường hàng ngày cho dù nền tảng của nó đang dần dần thoái hóa mất giá trị. Một sự cam kết đứng đắn để rao truyền Tin Mừng không thể không phân tích cặn kẽ những thách đố thực sự mà Phúc Âm đang phải đương đầu giữa nền văn hóa hiện đại này của Hoa Kỳ.

 

Dĩ nhiên, điều cốt yếu là phải hiểu một cách chính xác tính tự trị đích thực của luật thế tục, một sự tự trị không thể bị tách lìa khỏi Thiên Chúa, đấng tạo hóa và chương trình cứu độ của ngài (cf. Gaudium et Spes, 36). Có lẽ phái theo chủ nghĩa thế tục ở Hoa Kỳ đã đặt ra một vấn đề đặc biệt:  Nó cho phép tuyên xưng, tin tưởng vào Thiên Chúa và tôn trọng vai trò xã hội của tôn giáo và các giáo hội, nhưng đồng thời nó lại từ từ mất tin tưởng tối đa nơi tôn giáo. Niềm tin này đã trở thành một sự chấp nhận thụ động những điều có thực ở “đâu đó ngoài cuộc sống” nhưng lại không biểu hiện trong đời sống thực tế hàng ngày. Kết quả là niềm tin đang dần dần bị tách rời khỏi cuộc sống. Họ sống như thể là “Thiên Chúa không hiện hữu”.  Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn khi người ta đến với niềm tin và tôn giáo theo tinh thần cá nhân cơ hội chủ nghĩa: Nó rời xa khỏi niềm tin công giáo là phải “suy nghĩ theo Giáo Hội”. Mọi người tin rằng họ có quyền lựa và chọn để giữ cái mối liên hệ bề ngoài với xã hội nhưng trong nội tại thâm tâm họ lại không cải đổi để quay trở về với luật của Chúa Kitô. Hậu quả là, thay vì sửa đổi và canh tân tâm hồn, người Kito hữu lại dễ dàng xa ngã, bị lôi cuốn đi theo tinh thần của thời đại này. (cf. Rom 12:3). Hiện tượng này ta thấy đang xuất hiện theo đà cấp tính khi một số người công giáo làm gương mù gương xấu cổ động cho cái gọi là quyền phá thai.

 

Ở một mức độ sâu xa hơn, chủ nghĩa thế tục như đang thách thức Giáo Hội tái xác nhận và theo đuổi tích cực hơn nữa sứ mệnh của mình trong thế giới và đối với thế giới. Như là Công Đồng đã xác nhận rõ ràng là, người tín hữu giáo dân cũng phải có trách nhiệm đặc biệt trong vấn đề này. Riêng tôi cũng công nhận rằng, điều cần thiết là phải có một quan niệm sâu xa hơn về sự liên hệ bản chất nội tại, một mặt là giữa Phúc Âm và luật tự nhiên, một mặt là bản tính hướng thiện của con người như đã ghi trong dân luật và quyết định cá nhân dựa vào luân lý. Trong một xã hội mà người ta coi trọng quyền tự do cá nhân thì Giáo Hội cần phải cổ động giáo huấn của mình ở mọi tầng lớp: trong lớp giáo lý, các bài thuyết giảng, trong chủng viện và  ở đại học; phải dùng thần học để biện giải và bảo vệ sự thực về mạc khải của Đức Kitô, sự hòa điệu giữa Đức Tin và Lý Trí và hiểu biết về hai tiếng Tự Do một cách trong sáng. Loại tự do này phải được diễn tả bằng những danh từ tích cực là sự giải phóng khỏi vòng kiểm tỏa của tội lỗi hầu hoàn thành cuộc sống thực của mình. Tóm lại, Phúc Âm phải được truyền đạt và giảng dạy như là một nhu cầu cần thiết cho đời sống, đưa ra những giải đáp trung thực và hấp dẫn về những vấn nạn một cách trí thức và thực tế. “Cái độc tài của thuyết tương đối”, cuối cùng cũng chẳng khác gì một sự đe dọa tự do thực của con người, loại tự do chỉ có thể trưởng thành trong sự quảng đại và trung thành với sự thật.

 

Dĩ nhiên sẽ còn nhiều điều phải nói về vấn đề này. Nhưng để kết luận, tôi có thể nói rằng: Tôi tin tưởng Giáo Hội Hoa Kỳ, ở thời điểm lịch sử này, đang đứng trước một thách thức để lấy lại cái nhìn thực tế của người công giáo và trình bày nó một cách trừu tượng nhưng hấp dẫn cho một xã hội sẵn sàng trao đổi / mua bán bất cứ một phương thức nào khả dĩ có thể làm con người thỏa mãn. Tôi nghĩ rằng nhu cầu của chúng ta là phải nói thẳng vào tim của giới trẻ, họ -mặc dù thường xuyên bị tiếp xúc với những nguồn tin đối nghịch với Phúc Âm- nhưng vẫn khao khát tìm kiếm sự chính xác, sự thiện hảo và sự thật. Còn nhiều việc nữa cần phải làm, đặc biệt về phương diện giảng thuyết và dạy giáo lý trong các xứ đạo và học đường, nếu muốn việc phúc âm hóa kiểu mới đem lại kết quả là canh tân đời sống của Giáo Hội tại Hoa Kỳ này.

 

 

CÂU HỎI 2:

 

Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha nghĩ sao về tình trạng xuống cấp từ từ của người công giáo. Họ không hành đạo, đôi khi công khai tuyên bố bỏ đạo, nhưng thường thường là cứ lẳng lặng từ từ bớt đi nhà thờ, bớt đi lễ và rồi coi mình không còn thuộc về Giáo Hội nữa.

 

 

TRẢ LỜI:

 

Chắc chắn, đa số những trường hợp như vậy là do ở nền văn hóa tôn giáo đang chết dần, đôi khi được ví như những “xóm nghèo ổ chuột cùng quẫn” mà lại dự phần làm tiêu biểu cho bản sắc của Giáo Hội. Như tôi đã nói, đây là một trong những thách đố lớn đối với Giáo Hội Hoa Kỳ là phải vun sới cái bản sắc Công Giáo của mình, không phải chỉ bằng hình thức bề ngoài mà còn phải bằng phương cách suy nghĩ và hành động theoTin Mừng Phúc Âm, đã trở nên dồi dào phong phú nhờ ở truyền thống sống động của Giáo Hội.

 

Vấn đề này rõ ràng là có liên quan đến những yếu tố cá nhân chủ nghĩa và gương mù gương xấu nơi tôn giáo. Chúng ta hãy đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề: Đức Tin không thể sống được nếu nó không được nuôi dưỡng và kiến tạo bởi Đức Ái (cf Gal 5:6). Phải chăng ngày nay người ta khó có thể gặp được Thiên Chúa nơi các Giáo Hội của chúng ta? Phải chăng những bài giảng của chúng ta đã mất đi hương vị mặn nồng  của muối? Có lẽ nhiều người đã quên hoặc chẳng bao giờ thực sự học hỏi được cách thức cầu nguyện trong Giáo Hội và với Giáo hội?

 

Ở đây, tôi không nói tới những người từ bỏ Giáo Hội để đi “thử nghiệm”một loại tôn giáo chủ quan; đây là một đề tài về mục vụ cần phải được bàn luận riêng. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang muốn nói về những người bị bỏ rơi bên lề đường mà thâm tâm họ không chối bỏ niềm tin vào Đức Kitô, nhưng vì một lý do nào đó họ đã không có được cuộc sống do phụng vụ, các phép bí tích và lời giảng dạy đem lại. Tuy nhiên,  như chúng ta biết, niềm tin Kito giáo chính yếu là ở Giáo Hội mà nếu không có một liên kết ràng buộc sống động nào với cộng đoàn thì niềm tin đó sẽ chẳng bao giờ phát triển và trưởng thành được. Thực vậy,  trở lại vấn nạn mà tôi đã bàn, kết quả là họ âm thầm từ bỏ đạo.

 

Tôi xin đưa ra hai nhận xét ngắn gọn về vấn đề “xuống cấp” này để chúng ta suy ngẫm.

 

Thứ nhất, như quí huynh đệ đã biết, trong xã hội Tây Phương của chúng ta, càng ngày càng khó có thể nói về sự “Cứu Độ” một cách có nghĩa lý. Tuy nhiên, sự cứu độ -một sự giải thoát khỏi thực tế tội lỗi và là tặng vật của đời sống mới và của tự do trong Chúa Kitô- chính là trọng tâm của Tin Mừng Phúc Âm. Chúng ta cần phải khám phá cho ra, như tôi đã gợi ý, những phương thức cam kết mới để rao truyền sứ điệp này và làm sống lại lòng khao khát hoàn chỉnh của con người mà chỉ có một mình Chúa Kitô có thể đem lại. Chính ở ngay trong nghi thức phụng vụ của Giáo Hội, và trên hết, ngay trong bí tích Thánh Thể mà những thực thể này được thể hiện một cách rất hùng hồn và sống động trong đời sống của người tín hữu. Có lẽ chúng ta còn phải làm việc nhiều hơn nữa để thực hiện cái viễn tượng của Công Đồng về phụng vụ trong khi thi hành thiên chức linh mục để công việc tông đồ mau chóng sinh hoa kết trái trên thế giới.

 

Thứ hai, chúng ta phải công nhận với nỗi ưu tư rằng ý thức về đời sau với thiên đàng, hỏa ngục, luyện tội…cũng đã bị lu mờ hầu như hoàn toàn ngay cả nơi những xã hội Kitô giáo cổ truyền mà, như quí huynh đệ biết, tôi đã nêu lên trong tông thư Spe Salvi. Không cần nói nhiều cũng phải hiểu rằng Đức Tin và Đức Cậy ( Hy Vọng) không giới hạn ở thế giới này: Đó là các nhân đức hướng thần (Tin, Cậy, Mến) liên kết chúng ta với Thiên Chúa và  thúc đẩy chúng ta hoàn thành không chỉ số phận  của cá nhân chúng ta mà cả số phận của tất cả nhân loại. Đức Tin và đức Cậy là một linh hứng và là nền tảng cho những cố gắng của chúng ta để sửa soạn ngày Nước Chúa trị đến. Trong Kito giáo, không có chỗ đứng cho một tôn giáo hoàn toàn riêng tư: vì Chúa Kito là đấng cứu chuộc nhân loại ( cho toàn thể thế giới), chúng ta là chi thể của Chúa đựơc chia phần nước trời, chức tư tế và ngôn sứ của người, chúng ta không thể tách rời tình yêu thương Chúa ra khỏi những cam kết xây dựng Giáo Hội và mở rộng nước Chúa được.  Biến tôn giáo thành một việc hoàn toàn riêng tư, thì sẽ mất linh hồn mà thôi.

 

Để kết luận tôi xin trích dẫn vài lời rất hiển nhiên: Cánh đồng lúa đã chín sẵn sàng để gặt… (cf. Ga 4:35);….Chúa vẫn đang tiếp tục giúp nó phát triển (cf. 1Cor 3: 6). Cùng với Đức Gioan Phaolo II, chúng ta có thể và phải tin rằng Thiên Chúa đang sửa soạn một mùa xuân mới cho Kito giáo (cf. Redemptoris Missio, 86). Điều cần thiết trên hết, trong thời điểm này của lịch sử Giáo Hội Hoa Kỳ, là phải canh tân, làm sống lại tinh thần tông đồ nhiệt thành mà các chủ chăn trước kia được linh hứng để mà tích cực đi tìm lại những người đã mất, hàn gắn vết thương cho những người bị khổ đau, mang lại sức mạnh cho những người bị hao mòn yếu đuối (cf.Ez 34:16).

 

Vậy thì, như tôi đã nói, việc này đòi hỏi một cách thức suy tư mới dựa trên những chẩn đoán và  phân tích thật tỉnh táo và trong sáng những thách đố của thời đại ngày nay và quyết tâm làm tròn sứ mệnh phục vụ Giáo Hội cho thế hệ hiện tại.

 

 

CÂU HỎI 3

 

Xin ĐTC giải thích cho chúng con biết tình trạng thiếu hụt ơn gọi, mặc dù số lượng người Công Giáo vẫn gia tăng.  Cũng xin ĐTC cho chúng con biết một ứng viên tự nguyện cần phải có những đức tính cá nhân và lòng khao khát đặc biệt đối với đời sống thánh hiến thế nào để có thể cho chúng con hy vọng

 

 

TRẢ LỜI:

 

Phải thành thực mà nói thẳng rằng: Khả năng vun trồng ơn gọi đời sống linh mục và đời sống tu trì là dấu hiệu chắc chắn cho biết một Giáo Hội địa phương có lành mạnh hay không. Về vấn đề này không thể nói đến chuyện tự mãn được. Chúa luôn luôn kêu gọi giới trẻ, còn chúng ta có bổn phận khuyến khích để chúng đáp ứng lời Chúa gọi một cách tự do và quảng đại. Nói một cách khác không một ai trong chúng ta có thể ỷ lại vào cái ẩn sủng đó.

 

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện xin Chúa là chủ mùa gặt sai thợ gặt đến. Chính Chúa cũng công nhận rằng lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì thiếu (cf Mt.9:37-38). Tôi nghĩ rằng cầu nguyện –Unum necessarium/Một điều cần thiết- là một hình thức hành động để có ơn gọi mà chúng ta thường hay quên hoặc không coi là trọng.

 

Tuy nhiên, tôi không nói rằng để có ơn gọi chỉ cần cầu nguyện thôi. Cầu nguyện tự nó được phát sinh nơi những gia đình công giáo, được nuôi dưỡng bởi một nền giáo dục Kitô giáo và trở nên vững mạnh nhờ ân sủng của các phép bí tích. Cầu nguyện là bước tiên khởi, nhờ đó chúng ta có thể biết được ý Chúa muốn chúng ta sống cuộc sống nào. Mở rộng ra, chúng ta dạy giới trẻ cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều và thật sốt sáng. Chúng ta phải cộng tác với tiếng Chúa gọi. Những chương trình, đề án và kế hoạch có cái giá trị riêng của nó, nhưng nhận ra được ơn gọi, trên hết chính là kết quả của cuộc đối thoại thân tình giữa Chúa và các môn đệ của ngài. Nếu giới trẻ biết cách cầu nguyện thì chúng sẽ biết chúng phải làm gì để đáp lại lời Chúa gọi.

 

Nên để ý là ngày nay cũng có nhiều người trẻ khao khát đời sống thánh hiến, và mặc dù ít ỏi, nhưng những ai tình nguyện đều có một lý tưởng cao cả và một thề nguyện chắc chắn. Chúng ta nên lắng nghe và tìm hiểu ý nguyện của họ và khuyến khích họ cổ động thêm những bạn bè cùng tìm hiểu nhu cầu cần thiết phải có linh mục và tu sĩ cũng như vẻ đẹp cao quí của đời sống thánh hiến phục vụ Chúa và Giáo Hội. Đối với tôi các giám đốc và các cha giáo chủng viện cũng cần phải có đủ đức tính và khả năng, vì các ứng viên ngày nay, hơn bao giờ hết cũng cần phải được huấn luyện đầy đủ và chắc chắn cả về đức dục lẫn trí dục để họ có thể đáp ứng không phải chỉ những vấn nạn và nhu cầu thực tế của thời đại, mà còn giúp cho cuộc cải đổi của họ trở nên chín chắn và cuộc tận hiến suốt đời cho ơn gọi của họ được bền vững. Là giám mục, quí huynh đệ nên ý thức và chấp nhận hy sinh khi nhu cầu đòi hỏi cần linh mục tài giỏi về làm công tác huấn luyện ở chủng viện. Tôi  yêu cầu quí huynh đệ nên đáp ứng với lòng quảng đại vì lợi ích của toàn thể Giáo Hội.

 

Sau cùng, tôi nghĩ rằng quí huynh đệ, với kinh nghiệm, tất cả đều biết rằng đa số những người anh em linh mục của quí huynh đệ đều sung sướng thỏa mãn với ơn gọi của họ. Điều quan trong mà tôi muốn nói ở đây là cần phải có sự đoàn kết hiệp nhất và cộng tác giữa các linh mục với nhau. Tất cả chúng ta đều cần phải vượt qua những chia rẽ, bất đồng và thiên kiến, cùng nhau lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội về một tương lai hy vọng. Mổi người chúng ta ai cũng biết tình nghĩa huynh đệ giữa các linh mục với nhau nó quan trọng thế nào trong đời sống của chúng ta. Tình huynh đệ đó không đơn thuần chỉ là một báu vật, mà còn là một nguồn mạch vô tận để canh tân đời sống linh mục và nuôi dưỡng thêm những ơn gọi mới. Tôi cũng mong quí huynh đệ nên thường xuyên tổ chức những cuộc hội thoại và họp mặt huynh đệ giữa các linh mục với nhau, nhất là những linh mục trẻ. Tôi tin rằng nó sẽ mang lại kết quả rất lớn làm phong phú, tăng thêm lòng ái mộ thiên chức linh mục và Giáo Hội, đồng thời giúp cho công việc tông đồ đạt nhiều hiệu quả hơn.

 

Quí huynh đệ Giám mục thân mến, đó là vài nhận xét của tôi. Một lần nữa, tôi ước mong  quí huynh đệ tiếp tục hăng say trong công tác mục vụ phục vụ giáo dân. Tôi cũng khuyên quí huynh đệ nên tin cậy vào lòng ưu ái và sự cầu bầu của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Giáo Hội.

  

Pace Islands, Florida  4-5-2008

 

Bs. Nguyễn Tiến Cảnh   Lược dịch

VỀ MỤC LỤC

TỘI PHẠM ĐẾN CHÚA THÁNH THẦN LÀ TỘI NÀO ?

 

Hỏi: Xin giải thích rõ tại sao tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không được tha thứ ? 

Trả lời: Trong Tin Mừng Thánh Maccô, Chúa Giêsu nói : “ Thầy bảo thật anh  em: mọi tội của con cái loài người , kể cả tội nói phạm thượng,và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” (Mc 3,28-29)

Chúng ta giải hiểu thế nào về lời  dạy trên đây của Chúa Giêsu ?

Trước hết, chúng ta cần nhớ laị những lời Chúa Giêsu đã nói với các Tồng Đồ về Chúa Thánh Thần như sau:

“Thầy ra đi thì có lợi cho anh  em.Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh  em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến vơí anh  em. Khi Người đến, Người  sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và về việc xét xử…”( Ga 16: 7-8) Đấng Bảo Trợ (the Paraclete) mà Chúa Giêsu nói đây chính là Chúa Thánh Thần. Ngài là Thần Chân Lý ( the Spirit of Truth) là Thần Khí của Thiên Chúa ( the Spirit of God) là Đấng  được sai đến để “dẫn anh  em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16, 13) một sự thật mà các Tông Đồ không  thể hiểu thấu nếu không có sự trợ giúp của Thần Khí Chúa.

Vì thế, sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu đã hiện ra với  các Tông Đồ, thở hơi vào các ông và nói “anh  em hãy nhận lấy Thánh Thần” (.Ga 20: 22). Chúa ban Thánh Thần cho các Môn đệ để giúp họ thấu hiểu những điều Người đã dạy bảo họ trong 3 năm sống chung trước khi Người thọ nạn thập giá và lên Trời.

Khi lãnh nhận bí tich rửa tội, qua việc sức dầu thánh, chúng ta đã lãnh nhận một phần ơn Chúa Thánh Thần.Với  bí tích thêm sức, ta được ban đầy đủ ơn của Chúa Thánh Thần để kiện toàn ơn tái sinh qua phép rửa và để  “ cho ta sức mạnh đặc biệt hầu loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm với  tư cách là những  nhân chứng đích thực của Chúa Kitô, nghĩa là để  tuyên xưng danh Chúa một cách can trường  và không bao giờ hổ thẹn về Thập Giá của Người” (Sách Giáo Lý Công Giáo ,số 2044).

Chính nhờ Thần Khí Chúa mà người tín hữu được lớn lên vững manh trong đức tin, được hiểu rõ hơn về Chân Lý của Chúa Giêsu, ý thức đầy đủ về nguy haị của tội lỗi, được thúc dục tin tưởng vào lòng thương xót, tha thứ của Thiên Chúa và được  lòng yêu mến  Người. Đây là đaị cương những việc Chúa Thánh Thần đã và đang làm trong tâm hồn mọi tín hữu Chúa Kitô và trong Giáo Hội của Chúa từ thời sơ khai cho đến ngày nay và còn mãi mãi về sau cho đến hết thời gian..

Như vậy,  tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội mang nội dụng sau đây:

-         Hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa là Cha nhân lành giầu lòng xót thương và tha thứ

-         Từ khước ơn cứu chuộc của Chúa Kitô

-         phủ nhận Chân Lý mà Thần Khí Chúa đã mặc khải cho con người

-         không còn nhìn nhận tội lổi để xin  được tha thứ

Tội nào cũng có thể được tha thứ nếu người ta còn tin tưởng vào lòng xót thương của Thiên Chúa. Vậy, nếu  nhờ Thần Khí Chúa mà ta nhận biết Người  là Cha nhân lành để chậy đến xin tha thứ mọi lỗi phạm vì yếu đuối ,  vì lầm lạc , thì điều kiện để được tha thứ là phải nhìn nhận  tội lỗi của mình và còn  tin tưởng vào lòng thương xót ,thứ tha này của Chúa. Nếu chối từ Thiên Chúa, thất vọng hoàn toàn về tình thương tha thứ của Người cũng như   không còn tin  và yêu mến Người  nữa  là xúc  phạm nặng nề  đến chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã giúp  ta nhận biết Thiên Chúa là Cha nhân hậu, nhận biết công trình cưú chuộc vô giá của Chúa Kitô, và giúp ta nhìn  nhận  tội lỗi đã phạm.  Chúa Thánh Thần  cũng là Đấng  đã nung  lửa yêu mến Thiên Chúa trong lòng tín hữu.  Do dó, xúc phạm đến  Chúa Thánh Thần là bác  bỏ mọi công việc Người  đã làm trong linh hồn  ta và trong Giáo Hội của Chúa Kitô.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã dạy : “ai nói phạm đến Con Người (tức Chúa Giêsu) thì được tha, nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau” ( Mt 12: 32).

Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, trong Tông Thư   “Dominum et Vivificantem” (Chúa là Đấng ban sự sống) cũng nói  như sau về tội phạm đến Chúa Thánh Thần: “ Tội phạm đến Chúa Thánh Thần không phải chỉ đơn thuần xúc phạm đến Người bằng lời nói  mà hệ tại sự chối từ nhận lãnh ơn cứu chuộc mà Thiên Chúa ban cho con ngươì qua Chúa Thánh Thần hoạt động qua quyền lực của Cây Thập Giá” (cf.ibid. no.46.3).

Tóm lại, tội phạm đến Chúa Thánh Thần không thể tha thứ được vì kẻ xúc phạm đã hoàn toàn khước từ Thiên Chúa và tình thương tha thứ củaNgười.

Nếu  đã không còn tin Chúa để chậỵ đến xin Người tha thứ tội lỗi thì làm sao thứ tha được nữa ? 

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC

THƯỢNG SƠN GIÁO HUẤN.

(Ý Tin Mừng: Mt. 5, 1-48; Mt. 6, 1-34; Mt. 7, 1-27)

  

Đây phước thiên đàng!

Này ơn cứu độ.

Giáo huấn lời vàng!

Chư dân ái mộ.

 

Phúc thay:

Ai tâm hồn nghèo khó – Nước Trời của họ không xa.

Kẻ tính nết hiền hòa – Đất Hứa nghiệp gia vĩnh thổ.

Người âu lo sầu khổ - Hóa Công nâng đỡ ủi an.

Ai chính trực tâm can – Thiên Chúa thưởng ban cứu vớt.

Người một đời thương xót – Cha lành chia sớt xót thương.

Ai trong sạch giá gương – Đời sau thiên nhan chiêm ngưỡng.

Kẻ hòa bình xây dựng – Được làm con đấng Chí Tôn.

Người tử đạo sắt son – Rỡ ràng triều thiên bất tận.

 

Con là muối ướp thấm đời vị mặn!

Con là đèn soi nhân thế ánh quang!

Muối chẳng mặn vô duyên, muối vứt đi cho quách.

Đèn không soi ngõ ngách, đèn nên tắt tiêu tan.

 

Luật Mô-sê son sắt – Thầy đến ắt kiện tòan.

Lời ngôn sứ đá vàng – Thầy sẵn sàng minh chứng.

Dù núi non chuyển động, lề luật mãi trường tồn.

Dẫu sông cạn núi mòn, điều răn luôn liên lỉ.

Không theo thói giả hình luật sĩ,

Hãy ở ăn liêm sỉ đường hòang.

Phải tuân hành thập đạo giới răn,

Đừng xúc phạm mười điều khuyên nhủ.

 

Luật xưa cũ: Sát nhân giả tử - Ra công đường xét xử tội khiên.

Luật thầy ban: Nhân ái vi tiên – Vào đền thánh bình yên tiến lễ.

Chớ giận dữ, trách chê, khinh rẻ,

Nên hõan hòa, đại lượng, bao dung.

Tiến trước bàn thờ dâng lễ, khoan khoan tam tỉnh ngô thân,

Lui sau dẹp nỗi bất bình, kíp kíp dĩ hòa vi qúy.

 

Ngắm nhan sắc mắt nhìn cho phỉ!

Thầm khát khao dạ nghĩ ngọai tình.

Móc mắt ném đi - khỏi láo liên lúng liếng ưa nhìn,

Chặt tay cho đứt - không làm cớ bất minh sa đọa.

Thà tàn phế hình hài, hầu tránh điều tai họa,

Hơn tòan thân nguyên vẹn,  lại vương  mắc  trầm luân.

 

Đừng rẫy ruồng,  hủy giao ước hôn nhân,

Chớ bội ước, phụ tào khang tấm mẳn.

 

Đừng lấy đất thấp - trời cao : thề bồi luẩn quẩn,

Chớ đem thành trì -đầu óc:  thưa thốt quàng xiên.

Trời là ngai Thiên Chúa ngự lên,

Đất là bệ Hóa Công đặt xuống .

Thành là chốn vua trên cao trọng,

Đầu là nơi mọc tóc trắng đen.

“Có nói có” chớ bịa đặt thêm,

“Không nói không” đừng thêu dệt nữa.

 

Chớ tranh biện với phường kẻ dữ,

Đừng chống kình cùng đứa ngụy ngôn.

Ai cần lột áo trong, hãy đưa luôn áo khóac.

Ai muốn đưa tay tát, hãy chìa nốt má kia.

Ai mượn vay chớ ngỏanh đầu đi,

Ai xin xỏ nên quay mặt lại.

 

Thương kẻ hằn thù, yêu người ngược đãi.

Nguyện đứa hãm hại, cầu kẻ vu oan.

Ánh mặt trời soi chiếu khắp đồi non – chẳng trừ một ai ai xấu tốt.

Ơn mưa móc tưới nhuần tòan trái đất – đâu tách đôi kẻ kẻ gian ngay.

Hãy trở nên hòan thiện ngày ngày,

Như Chúa cả vẹn tòan kiếp kiếp.

 

Chớ phô trương khi gia ơn làm phước,

Hãy âm thầm lúc bố thí tha nhân.

Kẻ phô trương hầu được tán dương – đạo đức giả…đầy đường khắp phố.

Người nhân ái âm thầm giúp đỡ - tay làm ơn… kín miệng bưng mồm.

 

Bọn giả hình cầu nguyện trước công môn – trong nhà hội mọi người thấy dễ.

Người chân thực khấn xin nơi vắng vẻ - cùng trời cao thấu suốt nơi nơi.

 

Nguyện rằng:

Lạy Chúa Cha đấng ngự trên trời,

Xin danh Cha sáng ngời vinh hiển,

Triều đại Cha xin mau mau đến,

Trời đất Cha thánh ý an bài.

Xin Cha ban lương thực hằng ngày.

Hôm nay và ngày mai đầy đủ.

Xóa tội con mê lầm dung thứ,

Con cũng tha kẻ lỗi cùng con.

Đừng để sa cám dỗ linh hồn,

Mà cứu vớt khỏi muôn sự dữ.

 

Lúc sám hối: đừng giả trá sầu buồn ủ rũ,

Khi ăn chay: hãy an nhiên tươi tỉnh mừng vui.

Chỉ có Cha hiện diện khắp nơi,

Thấu hiểu hết tâm tình thống hối.

 

Đừng tích góp của lả trần gian, làm mồi cho mọt mối,

Chớ trữ tàng bạc vàng dưới đất, sẽ mất bởi gian phi.

Nên gởi gắm vào kho Thiên Quốc, nơi chẳng mất suyển suy,

Vun kho tàng công đức khắc ghi, lãi sinh sôi dư đủ.

 

Không ai thể làm tôi  hai chủ!

Không ai lo phục vụ lưỡng tòan,

Hoặc làm tôi  tiền bạc đa đoan,

Hoặc thờ phụng Chúa trên vĩnh cửu.

 

Đừng lo lắng của ăn đủ thiếu,

Chớ ưu tư y phục rách lành.

Kìa lũ chim chao rợp đồng xanh – không gặt hái Trời còn nuôi nấng.

Nọ hoa huệ xinh tươi búp trắng - chẳng may thêu Chúa mặc bạch bào.

Quẳng gánh lo phù thế lao xao,

Tìm chân lý nước trời tiên quyết.

 

Chớ xét đóan bày điều khắc nghiệt.

Đừng đong thưng xảo đấu đầy vơi.

Ngó tha nhân bụi  rác tròng người,

Soi bản ngã  cây xà mục thị.

 

Của chí thánh chớ cho cẩu trệ,

Hạt ngọc trai đừng vứt lũ trư.

Giống súc sinh nào rõ chân hư,

Còn dầy đạp quay đầu cắn quái.

 

Gõ sẽ mở, xin sẽ cho, tìm sẽ thấy,

Đừng rụt rè, chớ ngần ngại, cứ bền tâm.

Cha trên Trời đấng chí tín chí nhân,

Cổng rất thánh mở rộng đường rộng ngõ.

 

Vậy con muốn tha nhân giúp đỡ,

Hãy tiên vàn giúp đỡ tha nhân.

Đường thênh thang dẫn đến diệt vong,

Lối ngõ hẹp đưa vào sự sống.

 

Nên cảnh giác bọn giả hình lật lọng,

Hãy dè chừng ngôn sứ giả tham tàn.

Đội lốt chiên, dạ sói thật ác tâm,

Ngồi rình rập chờ mồi toan cắn cấu.

Gieo hạt xấu thì sinh ra cây xấu,

Trồng cây lành ắt gặt được qủa lành.

Hãy xem cây từ lúc sản sinh,

Hầu biết được trái lành trái xấu.

 

Ai nghe rõ lời thầy – nghĩ suy cho thấu.

Ai thực hành thánh ý – nung nấu trong lòng.

Xây nhà trên đá mới thực là khôn,

Dựng tháp dưới bùn than ôi rất dại.

 

Những điều thầy dậy!

Suy tụng ân cần.

Khắc cốt ghi tâm…

Nước Trời vậy đấy!

Bùi Nghiệp (2008)

VỀ MỤC LỤC
ĐỪNG HÀNH ĐỘNG THEO PHẢN ỨNG TỰ NHIÊN (2)

 

Minh Đức 6 tuổi từ trường về và nhìn thấy bánh bông lan đặt trên bệ gần cữa sổ. Nó lấy ngón tay nhúng vào đĩa và liếm nhiều lần. Bà mẹ bắt gặp. “Minh Đức, con không có bánh ngọt cho buổi cơm tối”. Trong bữa ăn tối, bà mẹ đem bánh cho bố trước và rồi đến những người khác, nhưng không có gì cho nó cả. Ông bố hỏi tại sao? Bà mẹ cắt nghĩa lý do trong khi cậu bé ngồi với vẻ mặt buồn hiu. Cuối cùng ông bố hỏi: “Bà không cho nó ăn bánh ngọt sao?” “Không, tôi không cho như là một hình phạt”. “Đừng quá khắc khe. Nó chỉ thử xem mùi bánh bông lan thế nào?” Và với sự năn nỉ của ông bố, bà mẹ yếu lòng và sẵn sàng cho nó ăn bánh. 

Ông bố cảm thấy tội nghiệp cho cậu bé xem có vẻ buồn rầu và đau khổ nên ông đã liên minh với nó chống lại mẹ nó, điều đó xem ra không hợp lý chút nào. Cậu bé thông minh, nó đã kéo được ông bố về phe nó để đối đầu với mẹ nó. Một sự trả thù tuyệt vời. Ông bố đã theo phản ứng tự nhiên bênh vực cậu bé và đã củng cố âm mưu trả thù của cậu bé. Người bố nên tránh làm theo phản ứng tự nhiên đó, và trong trường hợp nầy nên làm việc riêng của mình. Sự xung khắc là giữa mẹ và con. Ông không nên dự vào. 

“Hoàng, con đến đây và nhặt đồ của con lên. Biết bao nhiêu lần mẹ đã bảo con dọn dẹp phòng con cho gọn gàng sạch sẽ trước khi con đi đến trường. Bỏ đồ dơ của con vào trong giỏ. Bỏ giày vào tủ đựng giày. Treo áo khoát lên móc. Con trai 9 tuổi rồi cần phải biết dọn dẹp gọn gàng phòng của mình chứ con! Mẹ không thể hiểu được tại sao con lại quá lôi thôi như thế? Mọi thứ trên đời nầy đều ném ngổn ngang trên bàn của con”. 

Sự cố gắng dùng lời nói để thuyết phục của bà mẹ đều vô ích. Cậu bé vẫn cứ lôi thôi vì điều đó đánh bại được bà mẹ, người muốn nó phải gọn gàng. Nó có bà mẹ đang lâm vào cuộc tranh quyền mà trong đó nó thắng ngàn lần trên bà mẹ. Bà làm điều mà cậu bé muốn – là tiếp tục cuộc xung đột để cậu bé có thể tiếp tục đánh bại bà. Nó có thể nhặt đồ lên lúc nầy, nhưng ngày mai mọi sự đều trở lại như cũ. 

Có nhiều điều bất ngờ người mẹ có thể làm. Cậu bé không mong người mẹ rút lui khỏi trận chiến. Vào một lúc thân thiện bà mẹ có thể nói: “Hoàng, mẹ sẽ không quan tâm phòng con như thế nào nữa. Con có thể xếp đặt như con muốn. Nhớ rằng đó là phòng của con, chứ không phải việc của mẹ nhé!” Đó là một điều sai lầm nếu nói ngay vào lúc nó lên đường đi học. Bấy giờ bà mẹ sẽ giận dữ vì sự bừa bãi và cậu bé sẽ xem việc nói đó như một chiến thuật để ép buộc nó, và như vậy không làm được gì cả. 

Thật ra, bà mẹ phải cảm thấy không cần sự quan tâm. Đó là vấn đề của nó. Hãy để nó giải quyết vấn đề đó. Bà chỉ cần giặt những đồ trong giỏ thôi. Hãy để nó gánh chịu hậu quả. Không cần nói. Vào ngày lau nhà, bà có thể hỏi cậu bé nếu nó muốn bà giúp nó lau phòng nó, bấy giờ nó phải lo giữ quy luật bằng sự quyết định của nó. Không có thời gian để lưu ý đến sự bừa bãi trong phòng, đến sự phê bình hoặc cáu giận bỡi sự lôi thôi bừa bãi. Điều nầy không dễ nhưng cần thiết nếu bà mẹ muốn giải thoát mình khỏi sự tranh chấp và làm cho con bà có một hành xử thích hợp. Nếu bà mẹ thấy rằng bằng cách nầy hay cách khác bà sẽ làm cho con bà phải giữ được phòng gọn gàng tử tế thì bà sẽ tiếp tục một cuộc tranh chấp, bà sẽ không tự chủ được mình và sẽ thất bại trong việc khiến con mình cộng tác.

Ngay từ lúc còn nhỏ, trẻ con đã sớm tìm cách để tìm cho mình một chỗ đứng quan trọng và có ý nghĩa. Khi chúng khám phá ra một kỷ thuật để đạt được mục đích đó, chúng gắn chặt với nó, không kể bao nhiêu lần chúng bị phạt và quở mắng. Phản ứng không thõa mãn của bố mẹ cũng không thể nào làm tiêu tan cái cảm giác quan trọng của một chỗ đứng. Bao lâu phương cách chúng đã chọn mang lại kết quả, chúng vẫn bám sát và tiếp tục dùng để chiếm sự chú ý và uy quyền. 

Đứa trẻ ít ý thức về mục đích của hạnh kiểm sai quấy của nó. Thông thường cả nó cũng như bố mẹ không để ý rằng đó là một phần của sự cố gắng tìm một chỗ đứng và cố gắng để thuộc về trong nhóm. Nếu hạnh kiểm nó vi phạm trật tự và cắt đứt sự cộng tác, đó là chỉ vì nó dùng sai phương cách để đạt được mục đích của nó thôi, và sự đáp trả theo phản ứng tự nhiên của chúng ta thường lại củng cố giả thuyết sai lầm của nó. Nó không những càng trở nên thất đảm hơn mà còn càng tin vững mạnh rằng không còn cách nào cho nó để hành động.

Nếu chúng ta nhìn vào phản ứng chúng ta, chúng ta có thể khám phá ra đứa trẻ gặt hái được gì từ đó. Nếu chúng ta không phản ứng, những cố gắng của nó xem ra là vô ích đối với nó, và nó có thể tìm phương cách khác tốt đẹp hơn và hữu ích hơn, đặc biệt là nếu chúng ta biết quan tâm và biết cung cấp cho nó phương tiện để nó có một chỗ đứng tốt đẹp trong một cách thế xây dựng tích cực hơn.

Lm. Lê Văn Quảng, tiến sĩ tâm lý

VỀ MỤC LỤC
NỖI BUỒN HAI LÚA !

 

 

Khi nghe câu “nhà nông thiếu gạo” người ta bảo rằng người nói bị “hâm”, bị “chập mạch” ... Nhưng không, đó là hiện thực của đất nước mà cách riêng người nông dân phải đương đầu.

 

Nhìn vào thực tại của xã hội, của đời sống, chẳng ai phủ nhận được sự phát triển tột bậc của đất nước. Ai ai cũng vui trước cái sự phát triển chóng vánh của nước nhà nhưng thật sự man mác một nỗi buồn ở bên dưới nhưng không biết họ cố tình hay vô ý để rồi chẳng để ý gì đến cái nỗi buồn u uất đấy.

 

Khi đất nước đi vào tiến trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá thì những vùng nông thôn nghèo cũng bắt đầu thay da đổi thịt. Có những vùng ngày xưa người ta chẳng để ý đến nhưng nay, khi có dự án đầu tư thì nhà nhà, người người phất lên nhờ cái dự án đấy. Thế nhưng, đàng sau cái phất lên đấy lại là một nỗi lo thật dài.

 

Đơn cử ở Long An, người ta đã quy hoạch hàng ngàn héc-ta đất ruộng, đất nông nghiệp trở thành đất công nghiệp. Họ đã không ngần ngại dành ra mấy trăm héc-ta để xây dựng sân golf. Chơi golf vốn là trò chơi của người giàu, người có tiền thì nay môn chơi golf đấy chẳng còn xa lạ gì với những người mà trước đây cả đời chìm đắm trong cảnh “chân lấm tay bùn”. Có thể nói đùa là ngủ một đêm sáng thức dậy, người nông dân chẳng còn thấy bờ ruộng mà chỉ còn thấy quanh mình là một sân golf đẹp đẽ. Tỉnh giấc thì chẳng còn thấy con trâu mà mấy trăm năm nay mình sống chung với nó từ thời ông bà để lại.  Thay vào đó là những cây gậy đánh gôn sang trọng phây phẩy trên tay của người giàu.

 

Một dòng lệ tuôn trào khi đọc hàng tin chạy trên báo : “Hơn 4.000 nông dân vùng Quãng Ngãi lâm vào cảnh thiếu đói”. Thuở đời nay người nông dân phải thiếu gạo ăn mới là lạ.

 

Một tờ báo mới đưa tin :  

 

Cả một đời quần quật cày cấy, chỉ thêm 300.000 đồng/năm là đã "nâng cao" được đời sống! Đủ biết đời sống của nông dân ta đang ở mức nào...

 

Trong một chương trình thời sự, VTV đưa tin một số địa phương miền Bắc đã "vận dụng" chính sách để trả lương hưu cho những nông dân không còn sức làm ruộng: 25.000 đồng/tháng.

 

Đó là số tiền cho những người mà từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác... đều chỉ làm mỗi việc duy nhất: bán mặt cho đất - bán lưng cho trời, để cho "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".

 

Thời chiến hay thời bình thì sổ đinh của làng quê vẫn được kiểm tra chặt chẽ nhất. Và thuế nông nghiệp cũng là thứ thuế khó đóng thiếu. Bởi vì, nông dân gắn chặt với đất, lúa thì ở trên đồng, được mùa hay mất mùa cứ sờ sờ ra, chưa gặt đã biết lượng thóc, giấu đi đâu được mà trốn! Vì vậy, nông dân luôn là những công dân làm đầy đủ nghĩa vụ nhất, trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh.

 

Trong một chương trình thời sự khác, VTV đưa phóng sự về xã Nguyệt Đức, Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Trong thời buổi thiếu điện hiện nay, xã luôn bị "ưu tiên" cúp điện vào giờ cần điện, và chỉ được dùng điện vào giờ đi ngủ, trong sáu tiếng, từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng. Vậy là nông dân đi làm đồng về cần làm tiếp bao việc khác thì cứ làm dưới ánh đèn dầu. Nhưng trẻ con thế kỷ 21 đã không còn thích nghi với ánh đèn dầu, nên các cháu đành phải đi ngủ.

 

Vậy là vào lúc 2-3 giờ sáng, bên cạnh cha mẹ anh chị đang túi bụi làm đủ thứ công việc, những cháu bé tuổi ăn tuổi ngủ bị gọi dậy để học bài... Các cháu vừa dụi mắt, vừa ngáp vừa học, nhưng chưa kịp xong bài vở thì đã 4 giờ, và điện lại cúp... Vậy mà những người dân ở vùng đất có tên gọi đẹp đẽ yên bình này, từ già đến trẻ, không hề kêu ca trách phiền, chỉ kiên nhẫn chịu đựng.

 

Lời bình của phóng viên VTV : Xin cư dân đô thị hãy chịu khó tắt một ngọn đèn không thật sự cần vào giờ cao điểm, để ở những vùng sâu vùng xa như Nguyệt Đức, người dân không còn phải chịu cảnh mất điện...

 

Ti vi cũng đưa gương mặt của hai trong số những nông dân may mắn được hưởng lương hưu 25.000 đồng/tháng. Già hóp, mặt nhăn nheo đen xạm, hai ông bà nông dân già nói những điều giống hệt nhau. Đại để là biết ơn... và đã "cho" họ khoản tiền này, và nhờ mỗi năm có thêm 300.000 đồng, đời sống của họ đã được "nâng cao". Họ nói những lời tri ân một cách chân thành nghiêm túc đến mức người nghe cảm thấy chạnh lòng. Cả một đời quần quật cày cấy vậy mà chỉ được thêm 300.000 đồng/năm đã "nâng cao" được đời sống. Đủ biết đời sống của nông dân ta đang ở mức nào.

 

Chẳng biết đến bao giờ đời sống của hai lúa ở những vùng nghèo mới thoát được cái nghèo đã đeo bám họ từ thời ông bà của họ. Nếu cứ đà “dân giàu nước mạnh xã hội công bằng và văn minh” như thế này thì không biết đến bao giờ họ mới thoát được cái khổ.

Anmai, C.Ss.R.

VỀ MỤC LỤC

Thơ Tháng Hoa - Trái Tim Mẹ

 

Trái Tim Mẹ

Biển trời  nguồn Ơn Phước.

Từ Trái Tim

Con Mẹ đã  ra đời

Từ Ngôi Hai  mặc lấy tính loài người,

Người  chịu  chết để cứu chuộc nhân thế.

 

Trái Tim Mẹ

Trường tồn muôn thế hệ,

Là niềm  vui của các Thánh, Thiên thần.

Là khôn ngoan,  trinh  thuận,  đức khoan nhân,

Là trung tín, khiêm nhường,  bừng lửa Mến.

 

Trái Tim Mẹ 

Ðộng  cơ đời tận hiến,

Chúng con dâng lên Mẹ  tuổi thanh xuân.

Chúng con dâng những hoài bão xa, gần

Cùng lý tưởng đến tuổi già bóng xế !

 

Trái tim Mẹ 

Ðây chúng con dâng hết,

Những ngược xuôi, vất vả cuộc mưu sinh.

Những ưu tư, bất trắc  của gia đình

Những khổ đau,  vui  buồn và  hạnh phúc...

 

Trái Tim Mẹ

Lửa bừng bừng thôi thúc,

Yêu Ba Ngôi - Yêu mến Mẹ Maria

Trái Tim Mẹ hằng mời gọi thiết tha

Giúp chúng con kiên trì trong ơn thánh.

 

Trái Tim Mẹ

Mẹ yêu ! Mẹ  Chí  Thánh !

Con xin dâng hồn xác,

Cả đời con

Giữa thế trần đầy hiểm trở, chon von,

Trái Tim Mẹ

Vững vàng con ẩn náu !

 

   Bút  Xuân TRẦN ÐÌNH NGỌC

  

Tràng Mân Côi

Ôi trân quí! Tràng Mân Côi huyền diệu!

Là tràng kinh tôi đọc thuở ấu thơ

Buổi ban mai thực sớm, đến nhà thờ

Và buổi tối khi nắng vàng vừa tắt.

 

Kế bên tôi là chiếc đàn khoan nhặt

Thánh ca chiều làm hứng khởi tim tôi

Một hồi chuông rộn rã đọng nguồn vui

Tôi quì đó tâm hồn  dường  bay bổng!

 

Maria! Tràng Mân Côi hằng sống!

Ðã dìu con khi chập chững tuổi thơ

Nhiều năm sau con lại sống thờ ơ

Không lần chuỗi, ít  đọc kinh ban  tối!

 

Như có Mẹ nhủ con  đầy thúc hối

Cuộc đời này nhiều  gai góc con ơi!

Hãy siêng năng, con lần chuỗi Mân Côi

Tìm thanh thản trong  tâm hồn lắng đọng!

 

Tràng Mân Côi! Hỡi con! Là tiếng vọng

Cuộc đời đầy gương mẫu của Chúa Con

Tràng Mân Côi! Những đau khổ héo mòn

Những nhẫn nhục Mẹ chịu trong đời  sống!

 

Mẹ thương mến! Cùng tràng kinh sốt sắng

Niệm vui, mừng cùng với những bi  thương

Con  nguyện  xin  Mẹ  nhân ái chỉ đưòng

Dắt con tới miền  An hòa Hạnh phúc!

Bút Xuân  TRẦN ÐÌNH NGỌC

VỀ MỤC LỤC
Cũng Một Chọn Lựa
 

Tôi quen biết Bill một cách rất tình cờ. Vào mỗi buổi tối ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), tôi có thói quen chất đầy một xe sanwich và tìm đến các chân cầu, nơi những người vô gia cư trú ngụ, cho họ ăn Lễ Tạ Ơn”. Mỗi người được một cái bánh sanwich do chính tay tôi làm và một lon coca, đôi khi có thêm một ly trà nóng. Bill là đứa con nít trong nhóm người vô gia cư đó, nên tôi bắt chuyện và làm quen với nó! Có lẽ Chúa gọi tôi làm việc với trẻ em, không phân biệt ngôn ngữ, nên tôi vẫn thiên vị các trẻ em hơn người lớn!

Thế là từ đó chúng tôi hay gặp nhau. Rất nhiều lần tôi đã đến đón nó đưa về nhà xứ để cho nó tắm rửa, thay đồ và giặt quần áo. Cũng đã nhiều lần tôi chở nó đi ăn trưa, hay ghé ngang chỗ nó ở cho nó một bịch thức ăn. Và dĩ nhiên cũng có rất nhiều lần nó đến gõ cửa nhà xứ của tôi để xin một miếng gì đó ăn cho đỡ đói. Tuy còn nhỏ, nhưng nó có cái tự ti riêng của mình. Trong hai năm tôi coi giáo xứ đó, nó chưa bao giờ đến vào những giờ văn phòng mở cửa vì, có lẽ, sợ người ta thấy. Nó luôn luôn đến vào sau giờ làm việc. Có những hôm tôi đi ăn tối ở nhà người bạn về, thấy nó đang ngồi ngủ gục trên thềm cửa. Thế là tôi lại đánh thức nó dậy, cho nó đồ ăn rồi lại chở nó về lại “chân cầu” – nơi nó cư trú.

Thật ra nó có mẹ, có nhà, nhưng đã chọn ra ngoài ở. Một chọn lựa không dễ dàng cho nó ở lứa tuổi còn vị thành niên.

* * *

Cuộc sống của Bill bắt đầu vào đầu thập niên 90, lúc mà nền kinh tế của Mỹ đang như diều gặp gió, và Mỹ đang có uy tín trên thế giới với chiến thắng vang dội ở Kuwait, khi giúp nước này đánh tan bọn xâm lược Iraq!

Mẹ của Bill là một sinh viên đại học, trẻ, đẹp và thông minh. Cô xuất thân trong một gia đình rất khá giả. Thế nhưng cô đã theo đòi chúng bạn qua những cuộc chơi sáng đêm. Rồi trong những tiệc bia rượu đó bắt đầu có thêm ma túy. Cô là sự nhục nhã cho gia đình.

Và điều gì đến đã phải đến, khi cô có Bill trong bụng, gia đình cô đã không chấp nhận và không tiếp tế cô về kinh tế nữa. Thế là cô bỏ trường, theo dòng đời ngược trôi, và đã đến New Orleans. Ở đó Bill đã được sinh ra. Tuy vậy cô vẫn tiếp tục cuộc sống phóng túng của mình bên những ly rượu và ma túy. Nhà của mẹ con cô là những căn hộ trong khu ổ chuột, hay những căn hộ đã quá cũ không ai thèm ở, hay trước mái hiên của những quán xá. Cô di chuyển liên tục, làm đủ mọi việc để sống. Từ bán ma túy, cho đến làm gái đứng đường. Và cuối cùng cô cũng trở về nơi chôn nhau cắt rốn Augusta, GA.

Gia đình vẫn chối bỏ cô và không chấp nhận cô, cũng như không nhìn nhận Bill - đứa con của cô. Họ lý luận, Cô đã chọn cho mình con đường, thì hãy để cô bước đi trên con đường đó!

Tới đây chắc bạn nghĩ: sao câu chuyện buồn thế mà cha cũng kể? - Không, nó vẫn có cái may của nó! Cô đã không phá thai! Mặc dù cô dùng ma túy và rượu bia, nhưng Bill là một cậu bé rất bình thường như bao đứa bé khác, nếu không nói là hơi thông minh!!! Bill thương mẹ mình lắm và cô cũng thương Bill. Nhưng trong hoàn cảnh đó, cả hai đã không thể sống với nhau được. Tuy vậy, họ vẫn liên lạc với nhau mỗi tuần. Thỉnh thoảng tôi cũng có dịp chở cả hai mẹ con về nhà xứ cho họ tắm rửa. Một điều mà tôi không nên làm, nhưng với lòng thương tôi đã không thể từ chối.

* * *

Gần nửa đêm tôi nghe tiếng đập cửa liên tục. Quái lạ, ai lại làm thế vào giờ này, chắc là một gã say rượu nào nó! Giáo xứ tôi toạ lạc ngay giữa khu giàu có của thành phố, nên, chắc là Mặc, tôi không để ý, và tiếp tục xem tivi. Tiếng đập cửa và tiếng người kêu càng to, và hình như ai đó đang gọi tên tôi. Tôi nhìn qua cửa sổ. Bill đang gào thét.

Chúng tôi lên xe và lái đến ngôi nhà bỏ hoang. Xe cảnh sát đậu đầy ở ngoài và họ chặn không cho chúng tôi vào. Tôi giải thích cho họ biết tôi là ai và cậu bé đang đứng với tôi là ai, và có thể cậu liên quan đến những người trong nhà này. Chúng tôi xác minh đó là xác của mẹ Bill.

Tôi có thể hiểu được khi Bill giận dữ và gào thét đến cỡ nào. Và như lẽ thường tình, Bill đổ hết trách nhiệm về cái chết của mẹ lên chính cậu: Nếu con ở với mẹ thì If I had stay with her…” Bác sĩ khám nghiệm hiện trường cho tôi biết cô chết là do dùng thuốc (ma túy) quá liều.

Ngày hôm sau tôi liên lạc với ông bà của Bill và cho họ biết chuyện gì đã xảy ra với cô con gái của họ. Họ xin tôi cho họ vài tiếng để bàn thảo và sẽ gọi lại cho tôi. Cuối cùng họ nói với tôi là họ sẽ take care of tang lễ và tiền hoả táng. Nhưng ông ngoại Bill nhấn mạnh Thằng Bill sẽ giữ Tro của mẹ nó.

Nghi lễ canh thức (vigil) là một nghi lễ ảm đạm nhất đời Linh Mục của tôi Tôi và Bill ngồi lẻ loi một bên hàng ghế của nhà quàn, còn ông bà, cậu mợ và những anh em họ của Bill (mà cậu chưa bao giờ gặp) ngồi một bên. (Nghi lễ này chỉ dành riêng cho gia đình, nên không có người ngoài). Và không biết từ lúc nào, Bill bắt đầu khóc. Tôi quàng tay qua vai nó, để an ủi nó, và cũng khóc. Tôi khóc cho cuộc đời của mẹ Bill, khóc tiếc thương cho Linh Hồn của cô - Chỉ biết tin vào lòng thương xót của Chuá Nhưng hơn hết, tôi khóc cho Bill. Nó đã làm gì nên tội? Nó có chọn lựa nào khác đâu?

Vị Mục Sư được gia đình mời chủ sự nghi lễ giảng một bài thật hay về người quá cố. Về cuộc đời của cô. Ông nói về người con gái mà gia đình mong muốn cô trở thành! Tôi ngồi nghe mà phát nóng. Nhưng tôi hiểu, gia đình đã yêu cầu ông nói thế. Vì trong đời Linh Mục của tôi cũng đã vài lần được gia đình yêu cầu phải nói gì trong tang lễ, nhưng tôi luôn khéo léo từ chối.

Sau nghi lễ, cả gia đình của Bill nhanh nhẹn bước vào hàng xe sang trọng của họ đã đậu sẵn trước cửa và ra về. Tôi và Bill lững thững đi về xe của mình. Đợi cho Bill vào trong xe, ông ngoại của Bill kéo tôi ra một bên và nói:

- Những gì cha làm cho con của con gái tôi (ông không gọi Bill là cháu tôi) là bác ái lắm. Nhưng chắc cha hiểu hoàn cảnh của tôi lúc này, không thể làm được gì cho nó. Chắc cha hiểu tôi.

Tôi chẳng nói gì, nhìn thẳng vào mắt ông. Một cái nhìn trách móc, mà có lẽ tới bây giờ tôi chưa nhìn ai như thế. Ông nở một nụ cười sượng và lập lại:

- Chắc cha hiểu.

Nói xong ông quay gót đi về chiếc BMW màu đen bóng loáng của mình và rồ ga phóng đi.

* * *

Bạn thân mến, chủ đề NS.TTĐM tháng này về vấn đề tự tử, nhưng sao tôi lại kể chuyện này với bạn? Thú thật, tôi đã rất khó khăn khi viết lại chuyện này. Thế thì tại sao tôi lại viết?

Tôi viết để chúng ta nhìn thấy: tự tử không phải tự nhiên mà đến. Cái gì cũng phải có nguyên nhân của nó. Nguyên nhân của tự tử về thân xác đôi lúc bắt đầu bằng việc chúng ta tự hủy chính mình bằng lối sống buông thả, bằng những suy tư: thân xác này là của tôi, tôi muốn làm gì thì tôi làm”. Tuổi trẻ có những bồng bột của nó, nhưng chúng ta cần phải biết dừng lại để lắng nghe có những điều chói tai, nhưng nó lại cần thiết.

Bạn thân mến, hạnh phúc nhất của các em nhỏ là được bố mẹ lo lắng và dành trọn tình thương. Tuy nhiên đôi khi vì hoàn cảnh hay yếu tố nào đó bố mẹ không thể làm được thì ít nhất tôi tin rằng vẫn còn nhiều người tốt lành trên thế gian này sẽ, bằng cách này hay cách khác, không nhiều thì ít, sẵn sàng gánh vác trọng trách làm cha mẹ và đổ đầy tình yêu thương đang thiếu hụt trong các em. Và như thế chúng ta không đẩy các em vào con đường tự hủy hay nói đúng hơn là Tự Tử như mẹ của Bill đã làm.

Vì lòng thương xót của Chúa, xin đưa Linh Hồn mẹ Bill về hưởng nhan Thánh Ngài! 

(Viết xong tối Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2008)

Lm. Martinô Nguyễn Bá Thông   www.hayyeuthuongnhau.org

VỀ MỤC LỤC
Trong Chúa Thánh Thần 

Tác phẩm: Cầu Nguyện Cá Nhân: Bí quyết tình yêu và vui sống 

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

Phần thứ ba: Cẩm Nang Chỉ Đường 

bốn 
 
Trong Chúa Thánh Thần 

Chúa Thánh Thần cũng đáng được tôn thờ như Chúa Cha và Chúa Con. Chính Ngài biến đổi chúng ta tự bên trong. Không có Chúa Thánh Thần, không thể có lời cầu nguyện. Nhưng với Thánh Thần, lời cầu nguyện trở nên sống động, sốt sắng. 

Xin Chúa Thánh Thần hãy đến và ở trong chúng con

Trong tất cả những lời cầu nguyện xin ơn, thì việc cầu xin Chúa Thánh Thần là quan trọng nhất. Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ ràng: “Vậy nếu anh em là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người’’ (Lc.11, 13). Chúng ta đã nhận lãnh Thánh Thần khi chịu phép Rửa Tội và Thêm Sức, thì còn phải xin lại làm gì? Thưa Nghi thức chưa đủ, cần phải mở rộng trái tim cho ơn Chúa thấm nhập cách tiệm tiến. Điều quan trọng là bạn không quên Chúa Thánh Thần. Hãy trở lại với Ngài, tôn thờ Ngài, xin Ngài hành động ở trong bạn. 

Nếu bạn có được cái nhìn đủ trong suốt hầu thấy sự nghèo khó, bất lực, vụng về của bạn để cầu nguyện và yêu mến, chắc chắn bạn sẽ kêu lên với tất cả tâm hồn: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến trong con, xin thanh tẩy con, xin đốt lên trong con ngọn lửa tình yêu của Chúa.’’ Cứ kiên trì kêu xin, bạn sẽ được nhậm lời. Bạn đừng có nghi ngờ. Hãy tin tưởng ở lời hứa của Chúa Giêsu. Hoa quả của Chúa Thánh Thần là “yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, tín nhiệm, khiêm cung, tự chủ’’ (Gal.5, 22). Đó là những cái bạn phải kêu xin. Càng hy vọng, bạn càng đạt được điều bạn xin, vì “trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta’’ (Rm.5, 5). 

Cuối cùng, Thánh Thần là thầy dạy cầu nguyện lớn nhất. Chính Ngài làm cho chúng ta trở nên những nghĩa tử có thể kêu lên với Chúa “Abba, lạy Cha’’ (Rm.8, 15). Hơn nữa, “Thánh Thần giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải. Chính Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả’’ (Rm.8, 26). 
 

Phúc cho những ai than khóc 

Từ khi mới lọt lòng mẹ, con người đi vào đời với tiếng khóc và nước mắt. Bao nhiêu nước mắt đã chảy trong suốt dòng đời! Có những người đau khổ đến cạn nước mắt, đến chai cứng, đến vô cảm... Nhưng cũng có những người quá đa cảm đến bệnh hoạn... 

Ở đây tôi chỉ nói đến nước mắt trong chiều hướng thiêng liêng. Ân huệ nước mắt mời gọi bạn mở lòng ra cho một tình cảm mới. Có những mối cảm xúc mạnh mẽ khiến bạn có thể khóc lúc cầu nguyện, khi ngắm nhìn Chúa đóng đinh, trước một con người đang đau khổ, một cảnh thương tâm... Nếu bạn không khóc bao giờ, bạn hãy xin Thánh Thần ơn nước mắt đó. Nhưng nếu bạn khóc một cách dễ dàng, bạn hãy tìm sức mạnh nội tâm và sự an ủi của Ngài. 

Chính Thánh Thần sẽ khơi lên trong bạn một dòng suối sâu thẳm làm vọt lên những nước mắt khác, thứ nước mắt mà Chúa Giêsu đã tuyên bố với các bà đi theo Ngài trên đường thập giá: “Các ngươi đừng khóc cho Ta, nhưng đúng hơn hãy khóc cho các ngươi và cho con cháu các ngươi’’ (Lc.23, 28). Đó là cánh cửa của thống hối. Nước mắt thống hối rửa sạch linh hồn bạn, như một phép rửa mới: nước mắt được chúc phúc của ơn giải thoát. Chính Chúa Giêsu cũng đã chảy nước mắt như thế mà khóc thương cho thành thánh Giêrusalem (Lc.19, 41-42) 

Ơn nước mắt của Chúa Thánh Thần làm phát triển những đức tính mạnh mẽ: yêu thương, an bình, hoan lạc... Đó là cái chiến thắng khi nước mắt thống hối cạn khô và đời sống trở thành niềm vui. Vâng, Thánh Vịnh có lý khi nói: “Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt trong hân hoan.’’ 
 

Lời Chúa soi sáng 

Trên kia tôi không chịu cách đọc Thánh Kinh “may rủi’’, nghĩa là mở đúng chỗ nào đọc chỗ đó. Nhưng ở đây lại khác, bạn có thể mở đọc Thánh Kinh “một cách may rủi’’ như thế nầy:

Bạn hãy bắt đầu bằng cầu nguyện, trong trạng thái chú ý nội tâm sâu xa, tin tưởng vào ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Bạn xin Chúa ban một lời nào cho bạn. Cách nầy được Thánh Augustinô làm chứng trong sách ‘’Confessions’’ của Ngài: Đang đi dạo trong vườn, ngài nghe vang lên từ nhà bên cạnh câu hát “Cầm lấy, đọc đi! Cầm lấy, đọc đi!’’ Bối rối, ngài đứng dậy cầm lấy Tân Ước, mở ra đọc, gặp một bản văn của thánh Phaolô trả lời chính xác với nhu cầu lúc ấy của Ngài. 

Một thí dụ khác: Có một người giàu có đến gặp Thánh Phanxicô At-xi với ý muốn thay đổi cuộc sống. Để được soi sáng cho chọn lựa của mình, ông ta lần lượt “rút’’ ba bản văn Thánh Kinh, trước mặt thánh Phanxicô. Cả ba đoạn văn đều cùng một chiều hướng: từ bỏ tất cả, bán của cải và theo Chúa. Và ông ta đã thực hiện như vậy. 

Tuy nhiên, để lấy quyết định cho cả một cuộc đời rất hiếm, thường là  để tìm lương thực thiêng liêng: soi sáng, củng cố, thêm sức, sửa chữa... Nhưng không được lạm dụng, tò mò muốn biết một cái gì đó không đến từ Thánh Linh. Trong trọng kính Lời Chúa và cầu nguyện, bạn hãy chờ đợi một thúc đẩy nội tâm trước khi chọn đọc một bản văn.

             Chờ đợi... 

             Lạy Chúa,

             Con đã biết Chúa một thời gian,

             Con đến cầu nguyện với Chúa.

             Nhưng đã từ lâu, tận đáy lòng,

             Con ao ước được gặp Chúa thực sự:

             Gặp Chúa, khám phá ra Chúa thế nào,

             Để Chúa trở thành trung tâm điểm đời con,

             Là niềm vui duy nhất và trọn vẹn cho đời con.

             Tận đáy lòng, con ao ước Chúa gởi Thánh Thần,

             Đem Ơn Hiện Xuống làm cho con sống,

            Tràn đầy chân lý và tình yêu.


 
             Lạy Chúa,

             Con biết Chúa chờ đợi giờ của Chúa,

             Cách nào, lúc nào, phương tiện nào,

             Để Chúa tỏ mình ra cho trái tim con,

             Chúa sẽ nói ra điều Chúa muốn ở con

             Bằng cách gọi đúng tên con. 

             Nhưng lạy Chúa,

             Con chờ đợi lúc ấy cách thụ động quá,

             Dù đó là lúc rất đẹp,

             Vì là lúc Chúa đến. 

             Lạy Chúa, xin đừng chậm trễ nữa,

             Hãy đến cùng con,

             Như con đang cố đến với Chúa.

             Lạy Chúa,

             Con tìm kiếm Chúa và con khao khát Chúa. 

 

VỀ MỤC LỤC
Thuốc Vờ - Hiệu quả Placebo

           

Người bệnh là nữ chủ nhân nhiều tiệm ‘Phở Gia Truyền”, ngoài 50 tuổi.

Từ hơn hai tháng nay, bà than phiền luôn luôn bị nhức đầu, đau bụng, ăn không tiêu và mau mệt mỏi, nhất là vào mỗi buổi sáng trên đường lái xe tới tiệm.

Vị bác sĩ khám bệnh thực hiện đủ mọi thử nghiệm đều không tìm thấy bất thường thể chất nào.

Trong khi hỏi về bệnh tình, bác sĩ nhớ là bà Lan có cho hay công việc nhà, việc cửa hàng gặp mấy điều bất ổn. Chú đầu bếp chính ngỏ ý muốn xin nghỉ, ra kinh doanh riêng. Một nhà hàng mới sắp khai trương cách tiệm của bà có mươi căn phố. Vợ chồng đứa con gái có chuyện bất hòa, đe dọa tới tình nghĩa phu thê sau hơn mười năm chung sống.

Bác sĩ nghĩ rằng bà Lan đang bị một chứng bệnh của thế kỷ: stress. Stress gây ra nhiều thương tổn không những cho thân xác mà còn cho cả tâm hồn.

Nếu nói cho bà Lan là không có bệnh gì, thì bà sẽ không tin. Mà nói chỉ bị căng thẳng tinh thần thì chắc là bà sẽ phủ nhận, “bộ bác sĩ bảo tôi khùng hay sao!?”.

Cho thuốc chống đau nhức thì lại sợ ảnh hưởng tới dạ dày. Mà cho thuốc chữa dạ dày thì có khó khăn tiêu hóa gì đâu mà biên toa. Bác sĩ bèn rất trang trọng đưa cho bà Lan một lọ thuốc viên mầu hồng, nói bà  uống theo lời dặn trong vài tuần lễ rồi cho biết kết quả. Ðồng thời vị bác sĩ cũng gợi ra một vài ý kiến để bà Lan cố gắng giải quyết ổn thỏa công việc làm ăn và khó khăn của con gái.

Hai tuần sau, bà Lan điện thoại cho hay bệnh tình đã khá hơn và hỏi có cần uống thêm thuốc mầu hồng. Bác sĩ nói uống hết số thuốc đó đi và chắc là không cần thêm thuốc nữa đâu.

Cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đều hài lòng.

Riêng vị bác sĩ thì cảm thấy vui vui vì giải quyết được một trường hợp bệnh với lời khuyên tích cực và vài chục viên sinh tố mầu hồng. Tất nhiên những viên sinh tố này không chữa được nhức đầu đau bụng của nhà kinh doanh, nhưng đã góp phần giải quyết vấn đề.

Những viên “thuốc” không có hoạt chất,  “vô thưởng vô phạt” tương tự như vậy được gọi là “Thuốc Vờ”,“Giả Duợc”, “Thuốc Trơ”, tiếng Anh, tiếng Pháp gọi là “PLACEBO”.

Placebo

Trong ngôn ngữ La Tinh,  PLACEBO có nghĩa là “Tôi sẽ hài lòng”.

 Thánh Kinh có lời cầu xin “Placebo Domino: in regione vivorum- I will please our Lord in the country of the living”-Tôi sẽ làm hài lòng Chúa.  

Placebo là một hiện tượng khá phức tạp, được nghiên cứu từ nhiều thế kỷ với nhiều tranh luận, bất đồng ý kiến về sự lợi hại và nguyên lý tác động. 

Vào hạ bán thế kỷ 18, từ Placebo xâm nhập ngành y dược. Năm 1787, tự điển Quincy định nghĩa placebo như một phương thức có chủ đích làm vui lòng người bệnh hơn là chữa trị.  

Từ điển y học định nghĩa placebo là bất cứ chất xoàng xĩnh, vô dụng nào đó có hình dạng dược phẩm được trao cho bệnh nhân với giới thiệu là có tác dụng chữa bệnh.

Theo nhiều tác giả, placebo lúc đầu là để chỉ một chất hoặc một phương thức “trơ” (inert), được dùng trong thử nghiệm lâm sàng hoặc trong y khoa học để kiểm chứng công hiệu của một loại dược phẩm hoặc để làm dịu một bệnh.

Khi thử nghiệm, một nhóm người được cho dùng dược phẩm thực, nhóm thứ hai nhận viên tương tự nhưng không có hoạt chất. Nếu nhóm dùng thuốc có kết quả tốt hơn so với nhóm kia thì thuốc có tác dụng trị bệnh. Người tham gia chương trình đều không biết mình dùng chất gì. Đôi khi chính người điều khiển thử nghiệm cũng không biết.

Thuốc “trơ”được dùng cho những người luôn luôn than phiền đau ốm (bệnh tưởng -hypochondria), luôn luôn đòi hỏi thuốc mà bác sĩ không tìm ra nguyên nhân, triệu chứng.

Hiện nay, hiệu quả placebo được hiểu rộng rãi hơn và bao gồm tất cả các phương thức được áp dụng để trị bệnh mặc dù từ bản chất chúng không có tác động nào. Đây có thể là một viên đường, một cục kẹo, một dung dịch nước pha muối, đường, một bữa ăn đặc biệt hoặc một phẫu thuật “cuội”.  

Nghiên cứu về placebo

Đã có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của thuốc trơ.

Năm 1955, bác sĩ chuyên khoa tê mê Henry K. Beecher tại Đại học Harvard, Boston đã phân tích 26  nghiên cứu về thuốc trơ và thấy 35% trong số 1,082 bệnh nhân bị đau nhức, buồn rầu, đau bụng có đáp ứng thỏa mãn với loại thuốc vô thưởng vô phạt này. Ông đã công bố kết quả trên Tạp san của Hội Y Học Hoa Kỳ dưới tiêu đề “The Powerful Placebo”, được nhiều người tham khảo, nhắc nhở.

 Năm 1960, một nghiên cứu khác cho hay khi bệnh nhân uống một chất được nói là có tác dụng kích thích thì huyết áp của họ lên cao, nhịp tim nhanh. Trái lại khi nói là thuốc ngủ thì có phản ứng ngược lại.

Trên báo The New York Times Magazine ngày 9 tháng 1 năm 2000, tác giả Margaret Talbot đã kể lại kết quả nhiều quan sát về thuốc trơ, trong đó có trường hợp một số bệnh nhân bị viêm đại tràng dùng thuốc vờ và 52% bệnh nhân cho biết họ cảm thấy khá hơn.

Hai khoa học gia Asbjorn Hrobjartsson và Peter C. Gotzsche phân tích 114 nghiên cứu từ năm 1946 tới 1998 với ba nhóm người có 40 loại bệnh khác nhau: nhóm 1 chữa bằng thuốc đặc nhiệm cho bệnh, nhóm 2 chữa với chất trơ, nhóm 3 không thuốc không giả dược. Kết quả là nhóm 3 có người cũng lành bệnh như nhóm thứ 2.

Một số nghiên cứu cho hay, người bị nhức đầu, đau lưng, viêm khớp, trầm cảm nói có thể thuyên giảm khi dùng giả dược. Hoặc placebo cũng có thể làm hạ cao huyết áp, nhiệt độ trên da, nhịp tim, cholesterol trong máu.

Ngày 4 tháng 1, 2008, nghiên cứu do bác sĩ John Hickner cho hay 45% bác sĩ tại ba bệnh viện ở Chicago đều cho bệnh nhân dùng giả dược và 95% các bác sĩ cho biết là bệnh nhân thấy dấu hiệu bệnh giảm rất nhiều.

Placebo tác động ra sao?

Nguyên lý chính xác của hiệu quả placebo chưa được biết rõ. Một số giả thuyết cho rằng placebo có tác động sinh hóa và tâm lý. 

Decartes (1596 A.D.-1650 A.D.) có nói “I think, there for, I am”- nghĩ sao, là vậy.

Đức Phật Thích Ca (560B.C-480B.C.) cũng nói: “You are what you think, having become what you though”. Tất cả đểu từ tâm trí mà ra.

Tương tự như vậy, khi tiếp nhận một phương thức trị liệu nào đó, bệnh nhân đều ở trong tâm trạng “mong đợi”(expectation) và hy vọng có một mầu nhiệm giúp họ hết bệnh. Sự trông đợi này có thể thay đổi hành vi của họ, đồng thời cũng có thể tạo ra vài thay đổi sinh hóa học trong cơ thể, giúp giảm triệu chứng bệnh. Và bệnh nhân hài lòng, tương tự như niềm tin “cầu được, ước thấy”. 

Theo Robert DeLap, Giám đốc Nghiên cứu của Cơ quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA): “Sự mong chờ là yếu tố rất mạnh. Càng đặt nhiều tin tưởng vào một trị liệu thì càng thấy trị liệu có vẻ  hữu hiệu hơn”. Sự tin tưởng, hy vọng ở thuốc vờ có thể khích lệ bệnh nhân thay đổi nếp sống, chịu khó chăm sóc sức khỏe, vận động đều đặn, giữ gìn trong sự ăn uống.

Niềm hy vọng khỏi cũng thay đổi sự cảm nhận với bệnh. Họ sẽ diễn tả tình trạng bệnh nhẹ hơn. Nói chung, họ sẽ có nhiều ý nghĩ tích cực và ít ý nghĩ tiêu cực.

Tiêu cực khiến người quá ám ảnh, tập trung vào dấu hiệu khó khăn của mình. Trong khi đó, sự tích cực sẽ tạo ra động lực muốn thay đổi, đưa tới thay đổi sinh hóa trong cơ thể, như là tăng chất giảm đau endorphins, tăng khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch, giảm chất gây căng corticosteroid. Endorphins mang tín hiệu thần kinh, lưu hành trong máu, tới cơ quan nội tiết, hệ miễn dịch. Các cơ quan này lại sản xuất ra một số hóa chất có tác dụng giảm dấu hiệu bệnh.

Theo nhiều tác giả, đáp ứng của người bệnh với thuốc trơ cũng có thể là một phản xạ có điều kiện, được huấn luyện, theo thói quen. Trước đây, được cho uống loại thuốc thật thì thấy hết bệnh. Bây giờ cứ thấy có thuốc giống như vậy là đã cảm thấy nhẹ bớt. Phản ứng này tương tự như con chó trong thử nghiệm của khoa học gia Pavlov: khi cho ăn kèm theo tiếng chuông reo, chó nhỏ nước miếng. Lâu ngày, chỉ nghe tiếng chuông là nước miếng con chó đã tiết ra, dù không có thức ăn.

Tâm lý gia Irving Kirsch, Đại học Connecticut, cho rằng placebo là do “tin tưởng” ở sự điều trị hoặc cảm giác dễ chịu chủ quan khi dùng một chất nào đó.

Giáo sư Michael Jospe nhận thấy rằng khi dán một băng keo có một hình ảnh vui vui lên vết thương của em bé, thì em bé cảm thấy ít đau hơn, dù hình này không có tác dụng trị liệu nào.

 Kỹ thuật chụp hình ảnh X-quang não cho thấy sự suy nghĩ và sự tin tưởng không những ảnh hưởng tới tâm trạng mà còn tạo ra sự thay đổi sinh hóa trong não bộ.

Theo nhà nghiên cứu Arthur Shapiro, placebo có mục đích làm bệnh nhân yên tâm nhiều hơn là trị bệnh vì:

- Bệnh có thể đột nhiên hết sau khi lên cao điểm, đúng vào lúc dùng giả dược

- Bệnh tăng giảm bất thường, dùng placebo đúng vào lúc bệnh thuyên giảm

- Bệnh khá hơn nhờ khả năng tự chữa qua hệ miễn dịch.

Một bằng chứng là bệnh cảm cúm nhiều khi không cần thuốc men mà chỉ cần nghỉ ngơi mươi ngày cũng hết. Trong bệnh ban đỏ lupus, có nhiều thời kỳ bệnh thuyên giảm dù có dùng thuốc hay không.

Có nhiều người, chỉ mới gặp bác sĩ gia đình thân quen đã cảm thấy dễ chịu, vì họ tin tưởng ở vị lương y này. Chỉ với một cử chỉ vỗ về thân thiện, một lời nói an ủi của bác sĩ đôi khi cũng làm bệnh khá hơn vì làm giảm lo âu, khó khăn của người bệnh. 

  Ngoài thuốc vờ, còn có phẫu thuật trị liệu vờ (Sham surgery). Cách đây hơn 40 năm, bác sĩ chuyên khoa tim Leonard Cobb tại Seattle thực hiện thử nghiệm rạch lồng ngực, nối hai động mạch để tăng máu tới tim. Kết quả là 90% bệnh nhân cho hay bớt đau ngực.Trong khi đó, một số bệnh nhân chỉ được rạch ngực mà không nối động mạch cũng cảm thấy bớt bệnh.

Một câu hỏi được nêu ra là nếu placebo hữu hiệu thì tại sao các bác sĩ không áp dụng trong trị liệu. Và khi nào bác sĩ có thể cho rằng placebo là phương thức trị liệu tốt cho bệnh nhân?

Thực tế ra, ngày nay, vô tình hoặc hữu ý, nhiều bác sĩ cũng dùng placebo để trị bệnh. Chẳng hạn, họ cho bệnh nhân bị cảm cúm uống kháng sinh, dù họ biết là kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus. Có phải vì trong lời thề Hippocrates có ghi thầy thuốc “sẽ áp dụng tất cả kiến thức hiện có vào phương thức trị liệu tốt nhất đối với bệnh nhân”.

Một triết gia Pháp viết “Nghệ thuật trị bệnh là làm vui lòng bệnh nhân để  thiên nhiên chữa dứt bệnh”. Nhận xét này có liên hệ gì tới placebo không?

Liệu có hợp lý khi y giới cho một loại thuốc biết chắc là không công hiệu 

Hiệu quả thuốc vờ thay đổi theo một vài hoàn cảnh:

- Thường thường, viên thuốc vờ lớn công hiệu hơn viên cùng loại nhưng nhỏ; viên mầu hồng mầu đỏ mạnh hơn viên mầu xanh; uống hai ba viên một lúc có hiệu quả hơn là uống một viên. 

- Thuốc chích hữu hiệu hơn thuốc uống.

 - Thái độ của bệnh nhân: lòng tin tưởng, sự tự nguyện và hy vọng có kết quả tốt khiến cho hiệu năng placebo cao hơn.

- Tương quan bác sĩ-bệnh nhân: tin tưởng ở thầy thì bệnh nhân mau khỏi (phúc chủ lộc thầy), bác sĩ cho thuốc thì tốt hơn là do người thường cho.

Hiệu quả placebo cũng nhận nhiều phản bác.

- Sử gia tôn giáo Lawrence Sullivan, Harvard Divinity School, có ý kiến rằng  placebo là thùng rác độc hại mà không ai muốn nhận. Ngay cả các “lang băm” cũng cảm thấy bị nhục mạ khi có người nói “tài ba” trị bệnh của họ là do hiệu quả của thuốc vờ.

- Kết quả nghiên cứu của Asbjorn Hrobjartsson và Peter C. Gotzsche, Đan Mạch, công bố trên The New England Journal of Medicine tháng 5 năm 2001 cho hay có rất ít bằng chứng là placebo có tác dụng lâm sàng. Đi xa hơn, giáo sư Hrobjartsson còn kết luận rằng hiệu quả placebo được công bố đều có một nhầm lẫn nào đó trong phương thức nghiên cứu vì số người được thử nghiệm quá ít và nhiều khi bệnh nhân trả lời cho vui lòng nhà nghiên cứu.

 - Có thắc mắc rằng hiệu quả placebo liệu còn tồn tại nếu liều lượng thuốc vờ tăng hoặc giảm, nếu dùng trong thời gian lâu ngày hoặc nếu nói cho người bệnh biết là họ đang dùng thuốc vờ.

Do đó, nhiều nhà chuyên môn không đồng ý việc bác sĩ dùng thuốc vờ để trị bệnh. Theo họ, làm như vậy là lừa dối bệnh nhân, chẳng khác chi ta khuyến khích người trồng nho cho rượu giả vào chai, nhà báo tường thuật nhẹ hơn về một vấn đề thời sự quan trọng.

Hội Y Học Hoa Kỳ (AMA) khuyến cáo là các bác sĩ chỉ cho dùng giả dược khi bệnh nhân biết và đồng ý, chứ không nên dùng để xoa dịu bệnh nhân. 

NOCEBO

Cùng với Placebo, có Nocebo, được miêu tả vào thập niên 1960. Nocebo có nghĩa “Tôi sẽ gặp rủi ro-I Shall be harmfull”..

Cô em song sinh nhưng tiêu cực của bà chị tích cực Placebo được Walter Kennedy đặt tên Nocebo vào năm 1961, để chỉ một cái gì đó được nói là đưa tới hậu quả xấu mà thực ra “cái đó” không có khả năng gây ra xấu như vậy.  

Theo nhiều tác giả, Placebo và nocebo đều là giả trị liệu nhưng khác nhau ở sự giới thiệu và phản ứng. Placebo được giới thiệu một cách tích cực khiến cho bệnh nhân trông chờ tác dụng tốt, còn Nocebo thì được cho hay là có thể gây tác dụng xấu và bệnh nhân sẽ “báo cáo” là có chuyện xấu xảy ra. Đó là nghĩ sao, ra vậy, từ “cái đầu” mà ra: cứ cho là mình gặp khó khăn thì chuyện chẳng lành sẽ đến.

Trong dân gian, ta thường nghe nói “sợ muốn chết”, sợ chết khiếp đi -scared to death- khi gặp một sự việc kinh hoàng. Trong trường hợp mà sự việc xảy ra quá bất thình lình và quá khủng khiếp, nhiều người có thể đứng tim mà chết, vì quá sợ.

Một hiện tượng tương tự: chuyện tin ở bùa ngải, nguyền rủa chết (choc-woodo death-) của một vài sắc dân trên thế giới, rồi bệnh hoạn, đau đớn, tử vong. Họ tự thuyết phục rằng sẽ có chuyện chẳng lành xảy ra và rủi ro xảy ra thật.

Người Á châu có tin tưởng là người có mạng “hỏa” hay thiệt mạng về bệnh tim còn mạng thổ thì hay bị ung thư hoặc tới năm tuổi thì gặp nhiều xui xẻo, bệnh hoạn.

 Arthur J. Barsky, bác sĩ Thần Kinh Tâm Trí tại Boston, giải thích là những người này luôn luôn có thái độ tiêu cực, lo âu đến nỗi phát bệnh.

Kết quả một nghiên công bố trong Tạp san Hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) năm 1996 cho biết với cùng rủi ro nếp sống, những phụ nữ cứ nghĩ rằng mình dễ mắc bệnh tim thì bốn lần mắc bệnh tim hơn người vô tư, ít lo nghĩ. Ðây không phải là do ảnh hưởng xấu của môi trường, dinh dưỡng như thuốc lá, chất béo, mập phì mà chỉ là do ám ảnh, nghĩ rằng mình đau thì mình sẽ đau (Think sick, be sick).

Nhà dịch tễ học Robert A. Haln, Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Hoa Kỳ (CDC) có ý kiến “Placebo làm dịu các triệu chứng bệnh bằng cách tạo ra sự “trông chờ” khỏi bệnh, trong khi đó  nocebo tác hại bằng cách tạo ra sự trông chờ chuyện xấu”.

Giáo sư Hebert Benson, Đại học Harvard, duyệt lại kết quả một số nghiên cứu, nhận thấy bệnh nhân được giải phẫu tim chữa bệnh mà cứ có ý nghĩ là muốn đoàn tụ với người thân ở bên kia thế giới thì đều được như ý muốn. 

Ngoài ra khi đau ốm, con người có khuynh hướng để ý quá nhiều tới cơ thể của mình. Thấy một dấu hiệu nhỏ, họ cứ suy diễn, gán ghép tại đau cơ quan này, bộ phận kia hoặc do thuốc gây ra. Có người thường xuyên đau nhức nhưng không quan tâm, chú ý. Chỉ sau khi uống một thứ thuốc nào đó thì lại bảo đau nhức đó là do thuốc mà ra.Vì vậy bác sĩ Barsky nhắc nhở bác sĩ nên để ý tới các than phiền vu vơ này trước khi cho thuốc hoặc đổi thuốc.

 Nocebo ít được giới y khoa để ý nghiên cứu mặc dù danh từ này đã được đặt ra từ năm 1960. Chỉ có một số rất ít tài liệu y học nói đến ảnh hưởng này. Lý do là các bác sĩ ngần ngại không muốn áp dụng, thử nghiệm một hậu quả xấu trên người bệnh. Chữa bệnh là làm hết bệnh bây giờ lại tạo ra ảnh hưởng xấu thì nghịch lý quá.

 Vậy mà vào thập niên 1980, đã có một thử nghiệm với 34 sinh viên: họ được nói sẽ có một luồng điện chạy qua đầu và sẽ gây ra nhức đầu, nhưng thực ra không có điện, vậy mà 2/3 sinh viên kêu nhức đầu. Hoặc nhóm khác bị ngứa ngáy đối với một chất nói là gây dị ứng mà thực ra chỉ là nước đường.                     

Kết luận

Tuy là trị liệu trơ, thuốc vờ nhưng nhiều khi cũng có một vài công dụng. Placebo đã trải qua giai đoạn bị coi là ‘phỉnh gạt’ tới giai đoạn hữu ích để phân biệt tính cách chuyên biệt và không chuyên biệt của những hoạt chất trị liệu.

Gặp một bệnh nhân không dấu hiệu, triệu chứng nhưng đòi hỏi thuốc thì chắc là nhiều vị lương y cũng nghĩ tới việc trao cho bệnh nhân chục viên ‘ thuốc’ vô thưởng vô phạt, để làm vui lòng con bệnh.

Và cũng để hy vọng, như các tác giả Petr Skrabanek và James McCormick  

đã viết trong tác phẩm Follies and Fallacies in Medicine: “Sự tin tưởng của bác sĩ trong trị liệu cộng với niềm tin của bệnh nhân đối với bác sĩ có tác động hỗ tương mạnh mẽ. Kết quả là một phương thức trị liệu có thể bảo đảm giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn, đôi khi lành hẳn”.

Vì ở đời, thực và giả, phúc và họa thường sánh đôi.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức    Texas-Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC
KHÓC.   Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Đã là người thì ai cũng phải khóc.

Tiếng khóc xuất hiện ngay từ lúc  ta mở mắt chào đời :

- Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,

   Đời có vui sao chẳng cười khì.

- Thảo nào khi mới chôn nhau,

   Đã mang tiếng khóc, bưng đầu mà ra.

Đúng thế, mở mắt chào đời mà không khóc, thì đó là một triệu chứng chẳng lành. Trong trường hợp này, bà đỡ hay cô y tá thường phải phát đánh đét cho vài cái để mà khóc, mới được yên lòng yên chí.

Rồi suốt dọc cuộc sống, rất nhiều lần ta cũng đã khóc, ta cũng đã giọt ngắn giọt dài và ta cũng đã có biết bao nhiêu nước mắt đầy vơi. Chẳng thế mà thiên hạ đã bảo :

- Cuộc đời là một thung lũng nước mắt.

Nước mắt là một thứ nước hơi mằn mặn, được sản xuất bởi hai tuyến nằm ở khóe mắt. Mấy người hay mơ mộng như mấy ông thi sĩ đã gọi chúng bằng một cái tên rất mỹ miều, đó là những giọt lệ.

Sau hết, tiếng khóc cũng đã vang lên một cách não nùng và bi đát, khi ta nhắm mắt, buông tay, thở hơi cuối cùng và thiên hạ chôn vùi thân xác ta vào lòng đất lạnh, tiễn đưa linh hồn ta lên tàu suốt để sang thế giới bên kia.

Tự điển “Petit Laruosse” của Pháp đã định nghĩa :

- Khóc là chảy nước mắt.

Còn “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức thì xác quyết :

- Khóc là mếu miệng, chảy nước mắt, có tiếng hoặc không có tiếng, khi bị đau đớn ngoài thân xác hay trong tâm hồn.

Nếu đem so sánh, gã thấy câu định nghĩa của ông “Phăng xe” thì quá trống trải. Còn câu định nghĩa của ông “An nam ta” thì  có phần chính xác hơn, nhưng cũng vẫn chưa đủ.

Thực vậy, rất nhiều lúc người ta khóc mà đâu có mếu miệng, đâu có nước mắt, cũng như đâu có phát thành tiếng. Cái khóc thầm trong lòng xem ra còn đậm đặc và cay đắng hơn cả cái khóc có mếu miệng, có nước mắt và có cả những tiếng  bù lu bù loa, nức nở hay thút thít.

Rất nhiều lúc người ta khóc mà đâu có phải vì đau đớn ngoài thân xác hay trong tâm hồn, nhưng còn khóc vì một niềm vui, vì một thành công nào đó, chẳng hạn như khi ta đoạt huy chương vàng ở Thế vận hội, nhìn quốc kỳ phấp phới tung bay, bỗng dưng nước mắt ta cứ trào dâng, chẳng thể nào ngăn lại được.

Lúc đầu gã tưởng rằng khóc chỉ là một hành động quá ư đơn giản, khiến cho thiên hạ phải chép miệng mà kêu lên :

- Biết rồi khổ lắm nói mãi.

Thế nhưng, khi đi vào cụ thể, gã lại thấy khóc chẳng giản đơn một tí nào cả, trái lại còn rất ư là phức tạp. Với sự hiểu biết  nông cạn, và kinh nghiệm ít ỏi, gã bèn phải đánh bạo thử “ngâm kíu” xem cái khóc là như thế nào và ai là những người…hay khóc ? 

Những người hay khóc tiên vàn phải kể tới  quí vị con nít. 

Thực vậy, có lẽ không tuổi nào hay khóc cho bằng tuổi con nít. Vì thế, ta có thể gọi tuổi con nít là tuổi…khóc nhè. Có cả một ngàn lẻ một lý do khiến cho qúi vị con nít khóc. Vui cũng khóc mà buồn thì cũng khóc. Có ngày khóc tới dăm bảy lượt.

Lý do thứ nhất khiến qúi vị con nít khóc là vì bị bắt ức. Chẳng hạn giờ chơi trong sân trường, bị đứa bạn bắt nạt, đánh cho vài thoi. Chống cự lại thì không nổi và thế là em òa lên mà khóc nức nở.

Lý do thứ hai khiến quí vị con nít khóc là vì bị ghen tức. Chẳng hạn khi mẹ đi chợ về mà không dành được phần quà to, thế là em vùng vằng đi xuống bếp mà khóc rưng rức.

Lý do thứ ba khiến quí vị con nít khóc là vì bị oan ức. Chẳng hạn đang ngồi nghiêm trang trong lớp, bỗng dưng bị thầy cô phạt nhầm, thế là em cúi gầm mặt xuống mà khóc tấm tức.

Lý do thứ tư khiến quí vị con nít khóc là để vòi vĩnh, đòi hỏi cái nọ cái kia. Và khi nhu cầu được thỏa mãn, thì lập tức những giọt nước mắt biến đâu mất tiêu và được thay thế bằng những nụ cười toe toét và mãn nguyện.

Nhưng lý do thường xuyên hơn cả khiến quí vị con nít khóc là vì bị ăn đòn. Đúng thế, mỗi khi sai lỗi điều gì, bị thầy mẹ đét cho vài roi, thì bảo đảm chăm phần chăm thế nào em cũng khóc.

Xem đó gã thấy cái khóc của quí vị con nít cũng có dăm bảy kiểu khóc. Có những cái khóc là do kết quả của một khổ tâm, của một đau đớn hay của một mong ước chưa thành. Có những cái khóc là do ích kỷ hay do ghen tương. Có những cái khóc tốt vì đem lại lợi ích cho bản thân, như khóc vì những lầm lỗi của mình. Có những cái khóc xấu, chẳng hạn như khóc nhè, động một tí là quác mồm ra, ai can cũng chẳng nổi. 

Tuy nhiên, không phải chỉ quí vị con nít mới khóc, mà ngay cả người lớn cũng khóc. 

Thực vậy, người lớn cũng có những niềm vui, những nỗi buồn của mình. Và nhiều lúc đã bật lên tiếng khóc trước những niềm vui và nỗi buồn ấy, thậm chí đôi lúc khóc mà chẳng có lý do nào sốt.

Thực vậy, người lớn khóc vì một niềm vui.

Người ta kể lại rằng  :

Tại thế vận hội ở Los Angeles vào mùa hè năm 1984, một trong những giây phút cảm động nhất đã bất ngờ xảy ra và đã được trình chiếu trên truyền hình.

Số là võ sĩ Jeff Blatnik của Hoa Kỳ, sau khi đánh bại võ sĩ Thomas Johansson của Thụy Điển, để dành huy chương vàng về bộ môn đô vật, anh ta đã không vui mừng nhảy lên nhảy xuống, không vung cao nắm đấm, hay cúi chào đám đông cùng với một cái hôn gió, nhưng anh ta chỉ đơn giản quì gối, làm dấu thánh giá, cúi đầu cầu nguyện.

Khi máy thu hình tập trung vào khuôn mặt của anh ta, thì hàng triệu khán giả đã nhìn thấy những giọt nước mắt chảy xuống trên gò má. Anh ta có đủ lý do để khóc. Khóc vì đã đọat huy chương vàng, mà trước đây nước Mỹ chưa bao giờ đọat được. Khóc vì hai năm trước đây anh ta đã bị ung thư và trước trận đấu mười tám tháng, anh ta đã phải giải phẫu. Vậy mà giờ đây anh ta đã đoạt được một chiến thắng lớn nhất trong đời mình.

Phóng viên thể thao Bill Lyons đã bình luận về những giọt nước mắt của anh ta như sau :

“ Một trong những điều đáng giá nhất của Thế vận hội này là nó cho chúng ta thấy những giọt nước mắt khóc vì những lý do cao thượng, có giá trị tẩy rửa và chữa lành…Khi các vận động viên đoạt huy chương vàng bước lên đài vinh quang, quay mặt về lá quốc kỳ và lắng nghe bản quốc ca của đất nước họ, thì ngay lúc ấy mắt họ bắt đầu nhòa lệ…Dầu có khéo léo, khỏe mạnh hay nhanh nhẹn đến đâu chăng nữa, cũng không ai ngăn chặn được những giọt nước mắt. Và trong sự biểu lộ sự mềm lòng của bản tính con người như vậy, họ càng trở nên hấp dẫn và lôi cuốn.”

Người lớn khóc vì một nỗi buồn.

Đây là điều ta thường thấy hơn cả. Sau trận chung kết bóng đá của một cái giải quan trọng nào đó, ta thấy những cầu thủ bên thua thường mang khuôn ủ rũ như treo cờ tang và không ít anh chàng đã khóc lên cho màu cờ sắc áo của mình.

Một tác giả đã viết như sau :

“Sở dĩ người ta khóc là vì đã gặp phải những đau khổ và cơ cực. Đau khổ của con người được biểu lộ qua tiếng khóc và những giọt nước mắt. Vì vậy, khóc là tiếng nói của con người trong đau thương. Có bao nhiêu đau thương thì có bấy nhiêu tiếng khóc : Tiếng khóc của lo âu, tiếng khóc của nghèo đói, tiếng khóc của phụ bạc, tiếng khóc của vô ơn, tiếng khóc của cô đơn, tiếng khóc của mất mát, tiếng khóc của chia ly, tiếng khóc của mệt mỏi chán chường…Tiếng khóc có mặt ở mọi nơi, trong mọi lúc và mang nhiều ý nghĩa khác nhau.

Chẳng hạn : Khi một người thân yêu chết, chúng ta khóc thảm thiết hay ngậm ngùi vì thương tiếc. Nhưng cũng có thể, trước cái chết của người thân, chúng ta khóc, chưa hẳn vì thương tiếc cố nhân. Nhưng có khi vì thương chính mình, là kẻ còn lại, cô đơn, bơ vơ, không còn chỗ nương tựa, nên khóc để nỗi lòng nhẹ vơi.

Tuy nhiên, rất nhiều người chưa biết khóc đúng lúc và đúng việc : Có người khóc khi mất của cải, nhưng lại chẳng khóc khi mất Chúa…Có người khóc đi khóc lại, mà chẳng sinh ích lợi gì.

Chính vì thế, có người khóc mà kẻ khác lại nói : Nước mắt của họ là nước mắt cá sấu. Trái lại, có  người khóc mà nước mắt của họ rất giá trị, như nước mắt của những người mẹ. Chẳng hạn những giọt nước mắt của thánh nữ Mônica đã tuôn rơi để cầu cho người con trai là thánh Âu tinh được ơn hóan cải”.

Sau cùng, người lớn khóc đôi khi chẳng có một lý do chính đáng nào cả. Nếu như một ông thi sĩ nào đó đã viết :

- Hôm nay trời nhẹ lên cao,

  Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.

Có những lúc, nhất là vào đêm khuya thanh vắng, bỗng dưng nước mắt cứ trào dâng, ướt cả gò má, mà chẳng biết được lý do căn nguyên của những giọt nước mắt rơi hoang, sai địa chỉ ấy.

Thì gã cũng có thể nhái :

- Hôm nay trời nhẹ lên cao,

  Tôi…nhè, không hiểu vì sao tôi nhè.

Dĩ nhiên, không giống với câu Thánh Vịnh mà cha An Sơn Vị đã dịch :

- Dòng châu lệ…tưới giường ướt đẵm,

  Mỗi đêm trường thấm cả chiếu chăn. 

Tiếp đến, những người hay khóc phải kể tới qúi vị đờn bà con gái.

Đúng thế, khóc chính là nghề của…phe ta ấy mà. Sở dĩ như vậy, vì phe ta có thể khóc một cách vô tư và dễ dàng. Hình như phe ta luôn có sẵn cả một hồ nước mắt để xả đập cho tuôn rơi bất cứ lúc nào. Ức một tí cũng khóc. Tủi một tí cũng khóc. Nước mắt phe ta rớt rơi trên từng cây số. Ở mọi nơi và trong mọi lúc, bất cứ một giao động nhỏ nhoi nào cũng đủ làm cho cặp mắt phe ta đỏ hoe.

Có lần gã đã chứng kiến mấy bà đang ngồi nói chuyện vui vẻ với nhau. Bỗng bà nọ nhắc tới bà bạn mới chết :

- Bằng giờ năm ngoái bà ấy còn ngồi với chúng mình, thế mà bây giờ…

Thế là cả đám bỗng khóc hu hu, như một giàn hợp xướng.

Cũng như quí vị con nít, rất nhiều lần phe ta đã dùng những giọt nước mắt để mà “mần duyên”, để mà nhõng nhẽo với người tình hay với những người thân yêu, hầu đạt được những đòi hỏi, những nhu cầu riêng của mình.

Vì thế, gã không lấy làm lạ khi thấy bàn dân thiên hạ vốn thường gọi phe ta là…dân “mít ướt”, hay như một câu danh ngôn đã bảo :

- Một giọt nước mắt đờn ông có thể pha chế thành mười lít nước mắt đờn bà con gái.

Đồng thời, kinh nghiệm cũng xác quyết :

- Không gì mau khô cho bằng nước mắt của đờn bà con gái.

Trước những giọt nước mắt của người tình bé bỏng, thì dù trái tim có chai cứng như trái tim sỏi đá của một tên tướng cướp, thì cũng sẽ trở nên mềm nũn như con chi chi, chẳng thế mà thiên hạ đã bảo :

- Lệ rơi thấm đá.

Vị mặn của nước mắt là như một chất acít, làm cho sắt cứng cũng phải tiêu tan. Vì vậy, nhiều ông chồng không cầm lòng nổi trước những tiếng khóc ri rỉ ấy, đã nhắm mắt làm liều, lắm khi đi đoong cả cuộc đời. Vì thế, người đời thường  bảo :

- Nước mắt của đờn bà con gái là một chiếc đập, nhưng cũng có thể là một cơn lũ giật sập tất cả.

Đặc biệt là đối với người Việt Nam, bất cứ đám tang nào cũng phải có tiếng khóc. Tiếng khóc trở nên như một phương tiện để biểu lộ tình cảm thương nhớ. Vì thế, những gia đình quá neo đơn đã phải thuê người khác đến để mà khóc, kẻo bị miệng thiên hạ cười chê là bất hiếu.

Tiếng khóc trong một đám tang mang nhiều cung giọng, cũng như mang nhiều ý đồ khác nhau.

Thực vậy, có những tiếng khóc chỉ để mà chào khách. Khi người thân mất đi, mấy bà mấy cô thường được phân công ngồi  trong một góc gần quan tài để…khóc.

Lúc đầu họ khóc với tất cả tình cảm thương tiếc của mình. Nhưng khóc lắm thì cũng mỏi miệng và còn nước mắt đâu nữa để mà tuôn ra. Thế là tụm đầu đấu hót vung vít. Lắm khi còn cười nói oang oang.

Thế nhưng khi vừa nghe thấy tiếng chó sủa, hay có người nhà báo khách đến, lập tức họ bèn xõa tóc, phủ khăn xô xuống và  một, hai, ba…chúng ta cùng khóc. Khi khách ra về, họ lại tụm đầu đấu hót vung vít và cười nói oang oang.

Có những tiếng khóc để thương tiếc cho người nằm xuống, nhưng cũng có những tiếng khóc để thương tiếc cho chính thân phận mình vì từ nay sẽ phải lạc lõng bơ vơ.

Nhà xứ họ đạo kia là tòa nhà gồm một trệt và một lầu. Cha sở ở trên lầu, bà bếp già ở dưới trệt. Chẳng may cha sở bị trúng gió và qua đời. Không biết vì thương tiếc cha sở hay vì thương tiếc cho bản thân mình, mà bà bếp đã khóc nức nở như sau :

- Cha ơi cha, khi còn sống thì cha ở trên còn con ở dưới, bây giờ cha chết đi thì con ở với ai. Ối cha ơi!

Nghe bà bếp khóc thế, ông chánh trương vội quắc mắt và quát  :

- Im đi, không thì người ta cười cho bây giờ.

Và người ta thì đã cười mất rồi.

Có những tiếng khóc ghi nhớ công ơn của người nằm xuống, nhưng cũng có những tiếng khóc kể lể sự vất vả khổ cực của mình để chửi xéo  kẻ khác.

Chẳng hạn như tiếng khóc của người con gái út trong gia đình :

- Ba ơi ba, khi ba còn sống thì chẳng một ai đoái hoài nhìn đến ba, chỉ một mình tay con đã nuôi nấng phụng dưỡng. Thế mà bây giờ người ta kéo nhau về chỉ để chia chác cái gia tài của ba. Ba ơi là ba.

Có những tiếng khóc thật vu vơ, chẳng biết người khóc muốn diễn tả tình cảm ở mức độ nào.

Một đứa em trai bị đụng xe chết ngắc và bà chị đã khóc như sau :

- Em ơi! Thế là hết thật rồi, em ơi! Thế là hết thật rồi, em ơi!...

Chỉ có mỗi một câu “thế là hết thật rồi, em ơi!” được lặp đi lặp lại trong tiếng nấc nghen ngào, như một điệp khúc buồn ơi là buồn.

Tuy nhiên, không phải chỉ quí vị đờn bà con gái mới khóc, mà ngay cả cánh đờn ông con giai cũng khóc. 

Đờn ông con giai cũng có những niềm vui và những nỗi buồn của mình, nên đôi lúc họ cũng đã khóc. Cái khóc của họ thường là cái khóc mà miệng không mếu, mắt không mờ lệ và môi cũng chẳng phát ra thành tiếng. Đó là một cái thầm trong bụng.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp họ bỗng òa khóc , khóc nấc lên từng cơn, chẳng khác chi quí vị con nít, nhất là khi đã say xỉn. Đây chính là tiếng khóc của đám đệ tử Lưu Linh đại…đế.

Chẳng hạn mấy tên bợm nhậu ngồi vào bàn với nhau. Sau khi đã ngoắc cần câu, thì bỗng dưng một tên cất tiếng khóc hu hu, ai can cũng chẳng được, thật đúng với kinh nghiệm được lưu truyền trong dân gian :

- Một xị thì mở mang trí hóa.

   Hai xị thì giải bớt cơn sầu.

   Ba xị thì mũi chảy đầy râu.

   Bốn xị thì ngồi đâu… khóc đó.

Nếu cứ phân tích theo kiểu này, gã còn khám phá ra được nhiều loại người hay khóc nữa. Chẳng hạn : Kẻ nghèo khóc đã đành, mà ngay cả người giàu cũng khóc. Những bà vợ khóc đã đành mà ngay cả những bà xơ cũng khóc….Gã xin “xì tốp” tại đây để đụng tới những người không khóc.

Thực vậy, trong cuộc sống có những người chẳng còn biết khóc là gì nữa. Sở dĩ họ không khóc được, vì trái tim họ đã trở nên băng giá và cõi lòng họ đã hóa thành chai đá, không  còn biết xúc động trước những khổ đau và những bất hạnh của kẻ khác.

Bản thân họ không khóc đã đành, mà hơn thế nữa, chính họ lại còn làm cho người khác phải khóc, phải khổ vì những hành động bất nhân của họ.

Chẳng hạn một ông chồng đam mê cờ bạc. Ai cũng thấy rằng hòan cảnh kinh tế hiện nay đang gặp phải rất nhiều khó  khăn. Làm không đủ ăn, lo không đủ mặc. Thế nhưng, ông chồng ấy vẫn cứ vô tư ném tiền vào sòng bạc. Không có thì vay mượn. Vay mượn không được thì về nhà đánh vợ chửi con và làm đủ mọi cách để moi móc cho ra tiền, hầu tiếp tục cuộc chơi, để ngoài tai những tiếng khóc nỉ non của vợ con.

Có một thời, đã lâu lắm rồi, gã say mê chụp hình. Hôm đó, gã đã giơ tay tát cho đứa em nhỏ một cái đau điếng, khiến nó phải khóc thét lên, thế là gã vội vàng bấm máy, chộp  ngay lúc nó đang mếu máo. Bức hình rất đẹp, nhưng gã thì hối hận mãi.

Nhiều nhà đạo đức đã cho rằng những giọt nước mắi cao đẹp và quí giá nhất chính là những giọt mắt ăn năn sám hối, khóc cho quãng đời tội lỗi của mình để được tha thứ, chẳng hạn như những giọt nước mắt của Phêrô, của Mađalêna…

Phêrô đã không nói gì với Chúa, khi Ngài nhìn ông, ông chỉ biết đấm ngực ăn năn khóc lóc mà thôi. Mađalêna cũng không nói gì với Chúa, bà chỉ biết đổ những giọt nước mắt xuống đôi bàn chân Chúa. Những giọt nước mắt này đã nói lên tất cả. Những giọt nước mắt này đã làm nhạt nhòe đôi mắt, nhưng lại làm rực sáng tâm hồn.

Có một tên tướng cướp, sau khi đã tung hoành ngang dọc, bỗng cảm thấy mệt mỏi, muốn trút bỏ gánh nặng tội lỗi  và làm lại cuộc đời.

Anh ta tìm đến với một vị linh mục để xưng tội. Vị linh mục đã bảo anh ta làm một việc đền tội khác thường, đó là hãy đi chôn cất tất cả những người chết mà anh ta gặp, đồng thời hãy khóc lóc như thể đó chính là những người thân yêu của mình. Và để làm bằng chứng, vị linh mục trao cho anh ta một cái chai nhỏ để hứng những giọt nước mắt ấy.

Anh ta ra về và nghe bất cứ nơi nào có đám tang, thì cũng tìm đến, nhưng mắt anh ta luôn ráo hoảnh, chẳng nhỏ được một giọt nước mắt nào. Cho tới một hôm, anh ta tình cờ đứng trước cây thập giá, trên đó Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Anh ta liền than thở với Chúa về nỗi khổ đau là anh ta không thể nào khóc được.

Thật là bất ngờ, anh ta nhìn thấy từ khóe mắt Chúa có những giọt nước mắt long lanh chảy xuống. Chính lúc ấy, tự nhiên nước mắt anh ta cũng trào dâng và rơi đầy cái chai nhỏ mà vị linh mục đã trao cho anh ta.

Anh ta đã hiểu được thế nào là sám hối và quyết tâm làm lại cuộc đời bằng cách ăn ngay ở lành và sống lương thiện.

Để kết luận, gã xin ghi lại một lời khuyên như sau :

- “Con ơi, ngày con mở mắt chào đời, mọi người nhìn con mỉm cười còn con thì lại khóc. Con hãy sống thế nào để trong ngày sau hết, khi mọi người bật khóc, thì con lại thanh thản mỉm cười ra đi.”

Gã Siêu    gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************