Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 64, Chúa Nhật 06.04.2008


CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH            MỤC LỤC 

Dân Thiên Chúa                                                                                           Lumen Gentium

Học Thuyết Xã Hội Công Giáo - Nhân quyền là gì?                                           Huynhquảng

Tôn Kính Thánh Kinh                                                                    Lm. Giuse Hoàng Kim Đại

TÂM SỰ NGƯỜI LINH MỤC                                                     Lm. Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R

HÃY CAN ĐẢM NÓI LÊN TIẾNG “KHÔNG”                                              Lm. Lê Văn Quảng

Sống Lòng Thương Xót Chúa trong Bí Tích Hòa Giải                          GLV. Phạm Xuân Khôi

TÔI MUỐN SỐNG HẠNH PHÚC                                                                     Lm. Đỗ Vân Lực

Niềm Vui Chúa Phục Sinh                                                 Nhà Văn Xuân Vũ Trần Đình Ngọc

LÀM SAO ĐỂ CHẮC CHẮN ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ?                                Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

Lạy Cha chúng con ở trên trời                                  Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

Bệnh Thường Thấy Ở Mắt                                                                   Bác Sỹ Nguyễn Ý-Đức

KÝ SINH                                                                                      Chuyện phiếm của Gã Siêu


Dân Thiên Chúa

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương II

Dân Thiên Chúa 9*

 

2. Giao Ước mới và Dân Tộc mới. Chắc chắn trong mọi thời đại và mọi dân tộc, bất cứ người nào kính sợ Thiên Chúa và thực hành đức công chính đều được Ngài đoái thương (x. CvTđ 10,35). Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế, Ngài đã chọn dân Israel là dân Ngài, đã thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ dần dần bằng cách tỏ chính mình và ý định mình qua lịch sử dân ấy, và Ngài đã thánh hóa họ để dành riêng cho mình. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ là chuẩn bị và hình bóng của giao ước mới và hoàn hảo, sẽ được ký kết trong Chúa Kitô, và là chuẩn bị cho mạc khải trọn vẹn hơn do chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể mang đến. Thiên Chúa phán: "Này đây sẽ tới ngày Ta ký giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa... Ta sẽ ban luật Ta trong lòng chúng, và khắc ghi luật ấy vào trái tim chúng, và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ trở thành dân Ta... Tất cả mọi người từ nhỏ chí lớn đều sẽ nhận biết Ta. Ðó là Lời Chúa phán" (Gier 31,31-34). Chúa Kitô đã thiết lập minh ước mới ấy, đó là giao ước mới trong máu Người (x. 1Cor 11,25), Người triệu tập dân chúng từ dân Israel và từ các dân ngoại, họp thành một khối duy nhất trong Thánh Thần chứ không theo xác thịt, để làm họ nên dân tộc mới của Thiên Chúa. Thực vậy, những ai tin kính Chúa Kitô đều được tái sinh không phải bởi mầm mống hay hư nát, nhưng do mầm mống bất diệt nhờ lời Thiên Chúa hằng sống (x. 1P 1,23), không phải bởi xác thịt nhưng bởi nước và Thánh Thần (x. Gio 3,5-6), và cuối cùng trở thành một "dòng giống được tuyển chọn, thành hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, dân tộc đã được Thiên Chúa thu phục, trước kia không phải là một dân, mà nay là dân của Thiên Chúa" (1P 2,9-10).

Dân thiên sai này có vị thủ lãnh là Chúa Kitô, "Ðấng đã bị nộp vì tội lỗi ta và phục sinh cho ta nên công chính" (Rm 4,25), và bây giờ Người được một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, và đang hiển trị trên trời. Ðịa vị dân này là được vinh dự và tự do làm Con Thiên Chúa, và Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong đền thờ. Luật của họ là giới răn mới: phải thương yêu nhau như chính Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta (x. Gio 13,34). Sau cùng, cứu cánh của họ, tức là phát triển thêm Nước Thiên Chúa, đã được Ngài khai nguyên trên trần gian, cho tới khi được Ngài hoàn tất trong ngày tận thế, ngày mà Chúa Kitô, sự sống của chúng ta, hiện đến (x. Col 3,4), ngày mà "chính tạo vật cũng được giải phóng khỏi ách nô lệ hư nát, lại được tự do trong vinh quang con cái Thiên Chúa" (Rm 8,21). Vì thế, dân tộc thiên sai ấy, tuy hiện nay chưa bao gồm toàn thể nhân loại và đôi khi tỏ ra như một đàn chiên nhỏ, nhưng lại là một mầm mống vững chắc nhất của hiệp nhất, hy vọng và cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Dân tộc thiên sai ấy được Chúa Kitô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người xử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và được sai đi khắp thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất (x. Mt 5,13-16).

Cũng như dân Israel theo xác thịt, khi đang lữ hành trong sa mạc, đã được gọi là Giáo Hội của Thiên Chúa (x. 2Esd 13,1; Ds 20,4; Dnl 23,1tt), dân Israel mới tiến bước trong thời đại này đang tìm về thành thánh tương lai bất diệt (x. Dth 13,14) cũng được gọi là Giáo Hội Chúa Kitô (x. Mt 16,18). Thực vậy, chính Người đã lấy máu mình mà chuộc lấy Giáo Hội đó (x. CvTđ 20,28), Người đổ tràn Thánh Thần và ban các phương thế thích hợp để kết hiệp thành một xã hội hữu hình. Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Ðấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Ngài thiết lập họ thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người 1. Với bổn phận phải lan rộng khắp thế giới, Giáo Hội đi sâu vào lịch sử nhân loại. Tuy nhiên Giáo Hội đồng thời cũng vượt thời gian và biên giới các dân tộc. Tiến bước giữa cơn cám dỗ và đau thương, Giáo Hội vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hứa ban, hầu Giáo Hội vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền Thê xứng đáng của Chúa mình, dầu xác thịt yếu hèn, và không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần cho đến ngày, nhờ thánh giá, đạt đến ánh sáng không hề tắt. 10*

10. Chức tư tế cộng đồng. 11* Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm được chọn nơi loài người (x. Dth 5,1-5), để biến dân tộc mới thành một "vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa, Cha Người" (Kh 1,6; x. 5,9-10). Thực vậy, những người đã lãnh phép Thánh Tẩy, nhờ được tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được cung hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động của con người Kitô hữu, dâng của lễ thiêng liêng và rao truyền những kỳ công của Ðấng đã gọi họ từ bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Ngài (x. 1P 2,4-10). Vì thế, tất cả các môn đệ của Chúa Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa (x. CvTđ 2,42-47), họ phải dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1), phải làm chứng về Chúa Kitô trên khắp mặt đất và trình bày niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao khát. (x. 1P 3,15).

Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về bản chất, song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình 2. Tư tế thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh, đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô cử hành hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng. Phần tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả, cộng tác dâng thánh lễ 3, và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực. 12*

11. Hành sử chức tư tế cộng đồng trong các bí tích. 13* Ðặc tính thánh thiện và có tổ chức của cộng đoàn tư tế được thể hiện trong hành động nhờ các bí tích và các nhân đức. Các tín hữu tháp nhập vào Giáo Hội bởi phép Thánh Tẩy, và nhờ ấn tích, họ được đề cử thi hành việc phụng thờ Kitô giáo và, được tái sinh làm con Thiên Chúa, họ có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Giáo Hội 4. Nhờ ơn bí tích Thêm Sức, họ gắn bó với Giáo Hội cách hoàn hảo hơn và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, do đó họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô 5. Khi tham dự thánh lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo, họ dâng lên Thiên Chúa Lễ Vật thần linh và cùng với Lễ Vật ấy họ tự dâng chính mình họ 6. Khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, không phải cách lộn xộn, nhưng mỗi người một cách góp phần vào việc cử hành phụng vụ. Hơn nữa, được bổ dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong thánh lễ, họ biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả đầy đủ và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này.

Những ai đến nhận lãnh bí tích Cáo Giải đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Ngài. Ðồng thời họ được giao hòa cùng Giáo Hội mà tội lỗi họ đã làm tổn thương. Nhưng Giáo Hội hằng nỗ lực lấy đức ái, gương lành và kinh nguyện, để hoán cải họ. Bằng phép Xức Dầu Thánh và lời cầu nguyện của các linh mục, toàn thể Giáo Hội phó thác các bệnh nhân cho Chúa Kitô đau khổ và hiển vinh để Người an ủi và cứu rỗi họ (x. Giac 5,14-16); hơn nữa, Giáo Hội còn thúc giục họ sẵn sàng kết hợp với Chúa Kitô chịu đau khổ và chịu chết (x. Rm 8,17; Col 1,24; 2Tm 2,11-12; 1P 4,13) để mưu ích cho Dân Thiên Chúa. Còn những người trong các tín hữu có hân hạnh lãnh nhận chức Thánh, được đặt lên nhân danh Chúa Kitô để chăn dắt Giáo Hội bằng ân sủng và Lời Thiên Chúa. Sau cùng, nhờ sức thiêng của bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng Kitô giáo biểu hiện và tham dự mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (x. Eph 5,32); họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái; cũng vì đó, họ được những ơn riêng cho đấng bậc mình trong Dân Chúa 7. Từ sự kết hợp ấy phát sinh ra gia đình, nơi các công dân mới của xã hội loài người được sinh ra, và nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần trong bí tích Thánh Tẩy, họ trở nên con cái Thiên Chúa, hầu Dân Chúa tồn tại mãi trong dòng lịch sử. Trong gia đình như một Giáo Hội nhỏ, ước gì cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, cũng như phải lo chăm sóc đến ơn gọi riêng của từng đứa con, và phải đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi làm linh mục.

Ðược ban cho những phương tiện cứu rỗi dồi dào như thế, mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người. 14*

12. Cảm thức của đức tin và đoàn sủng trong Dân Thiên Chúa. Dân Thánh Thiên Chúa cũng tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Kitô bằng cách phổ biến chứng tá sống động về Người, nhất là qua đời sống đức tin và đức ái; và dâng lên Thiên Chúa của lễ ca tụng, hoa trái của những miệng lưỡi ngợi khen thánh Danh Người (x. Dth 13,15). Toàn thể tín hữu, được Chúa Thánh Thần xức dầu (x. 1Gio 2,20 và 27), không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi "từ các giám mục cho đến người giáo dân rốt hết" 8 đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa. Thực vậy, nhờ cảm thức về đức tin được Thánh Thần chân lý khơi dậy và duy trì, dưới sự hướng dẫn và giáo huấn thần linh của Giáo Hội mà họ trung thành tuân theo, Dân Thiên Chúa nhận lãnh không phải lời nói của loài người nữa, mà thực sự là lời của Thiên Chúa (x. 1Th 2,13; họ gắn bó hoàn toàn "với đức tin chỉ một lần được ban bố cho các thánh" (Gđa 3), họ tiến sâu hơn trong đức tin nhờ phán đoán đứng đắn, và sống đức tin cách hoàn hảo hơn.

Hơn nữa, cũng chính Thánh Thần ấy, không chỉ thánh hóa và hướng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các bí tích, các chức vụ, và trang điểm họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc các tín hữu "phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài" (1Cor 12,11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội như lời chép rằng: "Thánh Thần hiển hiện trong mỗi người hầu mang lại lợi ích" (1Cor 12,7). Phải lãnh nhận những đoàn sủng này, từ các ơn chói lọi nhất đến các ơn thường mà nhiều người lãnh được, với lòng tri ân và yên ủi vì các ơn đó mang ích lợi và phù hợp với nhu cầu của Giáo Hội. Nhưng không nên liều lĩnh kêu nài những ơn đặc biệt, và cũng đừng vì đó mà tự đắc mong rằng việc tông đồ sinh kết quả. Những vị thủ lãnh trong Giáo Hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và sự xử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để giữ lại những điều thiện hảo (x. 1Th 5,12 và 19-21). 15*

13. Tính cách phổ quát nơi Dân duy nhất của Thiên Chúa. 16* Mọi người được mời gọi gia nhập Dân Tộc mới của Thiên Chúa. Vì thế, Dân mới này, một dân duy nhất và hằng hiệp nhất, có bổn phận phải lan rộng khắp thế giới trải qua mọi thế hệ, hầu hoàn tất kế hoạch của Thánh Ý Thiên Chúa, Ðấng từ nguyên thủy đã tạo dựng một bản tính nhân loại duy nhất, và quyết định sau này tập họp tất cả con cái Ngài tản mát đó đây thành một dân tộc độc nhất (x. Gio 11,52). Chính vì mục đích ấy mà Thiên Chúa đã sai Con Ngài xuống, Ðấng mà Ngài đã đặt làm thừa kế vũ trụ (x. Dth 1,2), hầu trở nên Thầy, Vua và Tư Tế cho mọi người, và nên Thủ Lãnh của dân tộc mới và phổ quát của con cái Thiên Chúa. Sau cùng, cũng vì mục đích đó mà Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con Ngài, là Chúa và là Ðấng ban sự sống. Ðối với toàn Giáo Hội, với tất cả cũng như với mỗi tín hữu, Thánh Thần là nguyên lý qui tụ và hiệp nhất, trong giáo lý của các Tông Ðồ, trong sự hiệp thông, bẻ bánh và kinh nguyện (x. CvTđ 2,42, bản Hy lạp).

Như thế, Dân duy nhất của Thiên Chúa hiện diện nơi mọi dân nước trần gian. Tuy dân của Nước Ngài là công dân của các nước, song thực ra, đặc tính của Nước ấy không thuộc về thế gian nhưng thuộc về Trời. Quả thực, mọi tín hữu rải rác trên khắp hoàn cầu đều hiệp thông trong Thánh Thần với tất cả các tín hữu khác, và vì thế "kẻ ở Rôma biết rằng người Ấn Ðộ là chi thể mình" 9. Nhưng vì Nước Chúa Kitô không thuộc về thế gian này (x. Gio 18,36), nên Giáo Hội, tức Dân Thiên Chúa, hợp thành Nước ấy, không loại bỏ bất cứ một phần di sản trần thế nào của các dân tộc; trái lại, Giáo Hội chăm sóc và thu dụng tất cả những gì tốt lành nơi gia sản, nơi nguồn lực và phong hóa của các dân tộc, và khi thu dụng, Giáo Hội tinh luyện, kiện toàn và làm chúng nên cao thượng. Thực vậy, Giáo Hội nhớ rằng mình phải kết hợp với Vua ấy là Ðấng đã lãnh nhận các dân nước làm gia nghiệp mình (x. Tv 2,8), và các dân nước mang đến Thành Ðô Người của lễ và tặng vật (x. Tv 71 (72),10; Is 60,4-7; Kh 21,24). Ðặc tính phổ quát này, tư trang của Dân Thiên Chúa, là một ân huệ do chính Thiên Chúa ban, nhờ đó Giáo Hội Công Giáo luôn nỗ lực cách hữu hiệu qui tụ toàn thể nhân loại cùng những gì tốt lành nơi họ dưới một Thủ Lãnh là Chúa Kitô, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần 10.

Nhờ đặc tính công giáo ấy, mỗi phần tử mang những ân huệ riêng của mình đến cho các phần tử khác và cho toàn Giáo Hội, do đó toàn thể và mỗi phần tử tăng triển nhờ hiệp thông với nhau và nhờ nỗ lực tiến đến viên mãn trong sự hiệp nhất. Vì thế, Dân Thiên Chúa tạo thành không những do các dân nước qui tụ lại nhưng còn do các chức vụ khác nhau trong nội bộ nữa. Thực vậy, giữa các phần tử trong dân, có nhiều sự khác biệt: hoặc do chức vụ, như những người thi hành thừa tác vụ thánh để mưu lợi ích cho anh em mình, hoặc do hoàn cảnh và nếp sống, như những người sống trong bậc tu trì, cố gắng nên thánh bằng con đường khắc khổ hơn và nêu gương khích lệ anh em. Cũng vì thế, ngay trong sự hiệp thông của Giáo Hội cũng có sự hiện diện hợp pháp của những Giáo Hội địa phương, thừa hưởng những truyền thống riêng, mà vẫn không phương hại đến quyền tối thượng của Tòa Thánh Phêrô, Tòa Thánh này, thủ lãnh toàn thể cộng đoàn đức ái 11, bảo vệ các dị biệt hợp pháp không phương hại, trái lại còn sinh ích cho sự hiệp nhất đó. Cũng vì thế các thành phần khác nhau của Giáo Hội liên kết với nhau bằng mối dây hiệp thông mật thiết về của cải thiêng liêng, về thợ truyền giáo và về sự trợ giúp vật chất. Quả thực, mọi phần tử Dân Thiên Chúa được kêu gọi chia sẻ của cải mình và lời nói sau đây của vị Tông Ðồ cũng có giá trị cho mọi Giáo Hội: "Mỗi người hãy tùy theo ơn đã nhận được mà giúp đỡ lẫn nhau, như những quản lý tài ba phân phối mọi thứ ơn của Thiên Chúa" (1P 4,10).

Vì thế mọi người đều được mời gọi vào sự hiệp nhất công giáo này của Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy tiên báo và cổ võ nền hòa bình phổ quát. Họ thuộc về hoặc hướng về sự hiệp nhất đó dưới nhiều thể cách khác nhau, được sắp xếp hoặc họ là tín hữu công giáo hay là những người tin Chúa Kitô, hoặc sau cùng tất cả mọi người không trừ ai đều được ơn Thiên Chúa kêu mời lãnh nhận phần rỗi. 17*


Chú Thích:

(lưu ý: những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo trước)

15* Số 12: chứng tá cho đức tin.

Hiến chế coi việc tuyên xưng đức tin Kitô giáo liên quan tới chức vụ tư tế cộng đồng và đặc tính vô ngộ của đức tin nơi toàn thể Dân Thiên Chúa là do Chúa Thánh Thần linh ứng. Ðức tin này không chỉ là việc tuân theo các lời giáo huấn của Giáo Hội, các công thức Giáo Hội đề ra, nhưng còn diễn tả một "ý thức" sâu thẳm do Chúa Thánh Thần ghi tạc trong Dân Chúa, ý thức ấy giúp phân biệt chân lý, vững tâm chấp nhận chân lý mà không sợ sai lầm. Những chân lý ấy được Công Ðồng quảng diễn theo ba cách:

a) Trước hết mối dây liên lạc giữa chức tư tế cộng đồng với sứ mệnh tiên tri của Chúa Kitô, sứ mệnh mà Dân Chúa tham dự và cũng nhờ đó mới có thể minh chứng đức tin.

b) Ý thức đức tin có ảnh hưởng trong cộng đoàn nhờ việc Chúa Thánh Thần xức dầu, và như vậy chính tín hữu, được soi sáng trong tâm hồn, sẽ phân biệt giáo lý chân chính với tà thuyết.

c) Trong ý thức đức tin, người ta có thể nhận ra một đoàn sủng được trao ban cho toàn thể cộng đoàn, và biểu lộ bằng những ân sủng đặc biệt do Chúa Thánh Thần tự do ban phát vì lợi ích cộng đoàn. Các đoàn sủng bày tỏ quyền năng hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Dân Chúa. Tuy nhiên, các thủ lãnh của Giáo Hội phải cho biết giá trị chính thực của những ân sủng đặc biệt này.

16* Các số 13-16: Công giáo tính của một Dân Thiên Chúa.

Từ số 13, Công Ðồng bắt đầu một khai triển mới, nhấn mạnh tới điều cốt yếu của hiệp nhất công giáo, nghĩa là tới sự hiệp nhất của Giáo Hội đang lan rộng khắp cả thế giới. Ðể quả quyết cho đặc điểm công giáo tính này, Công Ðồng chú trọng đến ý định cứu rỗi của Thiên Chúa (1Tm 2,3). Có hai hiệu quả là, một đàng Giáo Hội tự mình phải lan rộng đến mọi dân tộc; đàng khác, mọi người có thiện chí, dù sống trong tình trạng nào đi nữa, thì cũng hoặc thuộc về Giáo Hội, hoặc có tương quan với Giáo Hội, hoặc hướng về Giáo Hội. Chủ đề được khai triển trong hai phần: phần nhất bàn về các nguyên tắc (số 13), và phần hai trình bày những áp dụng cụ thể.

9 Xem T. Gioan Kim Khẩu, In Jo., bài giảng 65, 1 : PG 59, 361.

10 Xem T. Ireneô, Adv. Haer. III, 16, 6; 22, 1-3 : PG 7, 925C - 926A và 955C - 958A; Harvey 2, 87t. và 120-123; Sagnard, x.b. Sources Chrét. Trg 290-292 và 372tt.

11 Xem T. Inhaxiô Tử Ðạo, Ad Rom., Lời mở đầu : x.b. Funk, I, trg 252.

17* Số 13: Công giáo tính cứ luật của Giáo Hội.

Số 13 đã được sửa đổi hầu hết trong lần tu chính sau cùng. Theo thuyết trình viên thì "chủ đích của bản văn này là trình bày những nguyên tắc của hiệp nhất tính và phổ quát tính của Dân Chúa, trước khi mô tả những phương thức khác nhau làm cho con người liên kết với Dân Chúa (các số 14-16). Bởi vậy, đoạn này chính là gạch nối giữa hai phần của chương hai: phần đầu nói lên những đặc tính tổng quát của Dân Chúa, phần sau bàn về các thành phần, hoặc hiện là thành phần, hoặc là thành phần trong tiềm năng" (Rel. Gen.).

Những chủ đề được quảng diễn như sau:

a) Ðoạn đầu (13a) chỉ nhấn mạnh tới sự hiệp nhất nối kết Giáo Hội mọi lúc và mọi nơi. Thiên Chúa đã muốn qui tụ toàn thể nhân loại trong Con của Ngài nhờ hoạt động hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, và còn muốn nối kết nhân loại trong Giáo Hội của Chúa Kitô. Sự hiệp nhất thấy được trong việc bẻ bánh và trong kinh nguyện.

b) Ðoạn hai (13b) khai triển ý tưởng Dân Chúa hiện diện trong mọi quốc gia trên mặt đất mà không đồng hóa với một quốc gia nào. Dân Chúa phổ quát theo sự lan rộng về địa lý nhưng lại vượt quá biên cương mọi quốc gia do đặc tính siêu việt và do sự kiện bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chính thế mà mọi dân mọi nước khác biệt lại trở thành anh em và sự hiệp nhất của Dân Chúa có tính cách "công giáo" thực sự. Chủ đề thu-về-một-mối được áp dụng triệt để.

c) Nhờ đặc tính công giáo ấy, tất cả các phần tử Dân Chúa đặt mọi của cải và ân huệ riêng biệt của mình làm của chung. Cơ cấu nội tại của sự hiệp nhất công giáo của Giáo Hội thật phức tạp. Bởi vậy mới có sự dị biệt hiệp nhất trong mọi tầng lớp của Dân Chúa và mọi phần tử phải hợp tác vào sự hiệp nhất dị biệt. Ngay trên bình diện Giáo Hội, cũng cần phải có các giáo hội địa phương khác biệt nhau nhưng bổ túc cho nhau, mà không phương hại tới sự hiệp nhất. Hủy bỏ mọi khác biệt sẽ tạo nên tình trạng nhàm chán nghèo nàn, và là lý do gây nguy hại cho chính việc hiệp nhất. Nhưng muốn cho sự dị biệt sinh hiệu quả phong phú, cần phải có yếu tố thông hảo trong đức ái. Trong chiều hướng ấy, Giáo Hội Rôma là năng lực cai trị và là sự thống nhất các nguyên tắc nhờ trung thành với đức ái (13c).

Trong câu kết luận (13d) sửa soạn cho phần khai triển kế tiếp, Công Ðồng tái xác nhận việc mọi người được mời gọi tới ơn cứu rỗi trong Dân Chúa, nhưng mức độ tham dự và qui hướng tới Dân Chúa lại rất khác nhau, tùy như người đó đã chịu phép Thánh Tẩy hay mới chỉ là những người được định hướng tới Giáo Hội mà chính họ không hay biết. Ðể nói lên sự khác nhau đó, Công Ðồng xử dụng hai động từ: pertineri và ordinari. Chỉ những ai chịu phép Thánh Tẩy đúng ra mới thuộc về Dân Chúa, còn những người khác hướng về Dân Chúa tùy như mức độ và thiện chí của họ. Cũng như sự lôi cuốn giữa Cha và Con mà Giáo Hội được tham dự, Giáo Hội cũng lôi kéo đến mình tất cả mọi người không trừ ai, bởi vì mọi người đều qui hướng về Giáo Hội do ý định cứu rỗi phổ quát.

VỀ MỤC LỤC
Học Thuyết Xã Hội Công Giáo

II. Con Người

B. Nhân quyền và Tôn Giáo (số 66 – 83)

21. Nhân quyền là gì? 

Nhân quyền là những quyền căn bản mà mọi người đều có. Đó là quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và những phương tiện cần thiết để phát triển đời sống của họ như: lương thực, nhà ở, nghỉ ngơi, y tế và những dịch vụ xã hội tối thiểu khác. Vì thế, khi con người mất khả năng làm việc do bệnh tật, già yếu, thất nghiệp hay vì bất cứ nguyên nhân nào mà dẫn đến hậu quả ảnh hưởng đến sự tồn tại của họ, thì họ cũng có quyền được bảo vệ. Những quyền cơ bản nêu trên có giá trị cho mọi người và mang tính bắt buộc, không thể bị xâm phạm.  

22. Nguyên tắc cơ bản nào được áp dụng trong HTXHCG để bảo vệ nhân quyền?  

Về mặt pháp lý, dựa theo quy tắc đức công bằng. Nhân quyền được bảo đảm đầy đủ và không thiên vị. Theo trật tự công bằng do bởi ý Thiên Chúa, những giá trị nhân quyền nơi mỗi người mang tính vĩnh viễn. Họ có đầy đủ quyền để đòi hỏi nhân quyền của họ, nên không có một cơ chế độc tài nào có thể tước đoạt nhân quyền được. (cf. Pius XII, Christmas Eve Radio Message, 1942).

Về mặt luân lý, nhân quyền cần được bảo vệ vì nhân quyền được xuất phát từ phẩm giá của con người. Mọi nhà cầm quyền điều phải thừa nhận tính hợp pháp luân lý này. Nếu bất cứ nhà cầm quyền nào miệt thị, từ chối điều này, thì nền luân lý của xã hội ấy cũng sẽ bị suy yếu, xói mòn; và chính quyền chỉ có thể dùng vũ lực để buộc người dân tuân theo ý họ. (cf. GLCG #1930) 

23. Thực thi nhân quyền có giúp con người hướng đến Thiên Chúa không 

Thưa có. Khi mối quan hệ trong xã hội con người được biểu hiện bằng quyền và bổn phận thì con người ngày càng ý thức hơn về những giá trị tinh thần, ý nghĩa của công bằng, bác ái, tự do và họ cũng hiểu sâu hơn rằng họ đang sống trong thế giới có giá trị. Khi nhận ra điều đó, họ đang được dẫn vào khả năng nhận biết một Thiên Chúa gần gũi và siêu việt. Vì thế, đời họ sẽ được gắn chặt với Thiên Chúa là nền tảng và tiêu chuẩn tuyệt đối cho cả đời sống tâm linh và xã hội của họ. (cf. Pacem in Terris #45) 

 24. Mỗi cá nhân có bổn phận tôn trọng nhân quyền không? 

Mỗi cá nhân khi ý thức về quyền của chính mình như thế nào thì họ cũng cần phải ý thức về bổn phận của chính họ như vậy. Mỗi một người, dù có khác biệt về diện mạo, vị trí xã hội, tư chất thông minh và cả nhận thức luân lý, nhưng tất cả đều có chung một nguồn gốc và cứu cánh là Thiên Chúa. Vì thế, tất cả các hình thức kỳ thị về văn hóa, xã hội, chủng tộc, giới tính, màu da, vị trí xã hội, ngôn ngữ và tôn giáo là đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa.

25. Nhà nước có bổn phận tôn trọng các tổ chức xã hội không? 

Tất cả mọi tổ chức con người, cả nhà nước và cá nhân, đều phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ nhân quyền. Một mặt, các tổ chức cá nhân thực thi quyền tự nhiên của họ khi thành lập các tổ chức xã hội. Mặt khác, một trong các bổn phận chính yếu của nhà nước là phải bảo vệ quyền tự nhiên của con người, trong đó có quyền lập hội. Như vậy, nếu nhà nước ngăn cấm công dân  mình tham gia vào các tổ chức xã hội, thì điều đó trái với bản chất của nhà nước. Vì thực ra, cả nhà nước và các tổ chức xã hội đều được sinh ra từ một nguyên tắc căn bản là: con người, theo bản chất tự nhiên, họ liên kết với nhau. (cf. Rerum Novarum, # 51).

Huynhquảng

VỀ MỤC LỤC
TÔN KÍNH THÁNH KINH

LỜI MỞ ĐẦU

Lời Chúa trong Thánh Kinh là của ăn tinh thần rất cần thiết cho đời sống thiêng liêng của các tín hữu. Chính Chúa Giêsu đã nói : Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4)

Nhưng ngày nay nhiều người vẫn chưa hiểu biết tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống cá nhân cũng như tập thể, vì thế, Công Đồng Vaticanô II đã dành hẳn một Hiến Chế để trình bày tín lý về Mặc Khải của Thiên Chúa và đã khảng định : Hội Thánh luôn tôn kính Thánh Kinh như chính thân thể Chúa.” (MK số 21)

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã kêu gọi các tín hữu hãy Sống Lời Chúa. Các ngài viết trong thư mục vụ năm 2005 như sau :

-”Ngoài bàn tiệc Thánh Thể, người Kitô còn được mời gọi tham dự bàn tiệc thứ hai là bàn tiệc Lời Chúa. Thật ra cả hai bàn tiệc đều diễn tả cùng một mầu nhiệm, mầu nhiệm Sự Sống. Vì thế chúng tôi mời gọi anh chị em đào sâu ý nghĩa và vai trò của Lời Chúa. Hơn nữa, năm nay kỷ niệm 40 năm Hiến Chế Tín Lý của Công Đồng Vaticanô II về Mạc Khải của Thiên Chúa, một trong những văn kiện quan trọng nhất của Công Đồng về giáo lý cũng như về mục vụ.”  (Số 1)

Trong tinh thần chia sẻ và đáp ứng lời kêu gọi của HĐGM, tôi gửi đến anh chị em một số đề tài liên quan đến Lời Chúa trong Thánh Kinh, giúp anh chị em thêm hiểu biết, tin tưởng, thực hành và loan truyền Lời Chúa cho mọi người.

Trong phần nội dung, tôi dựa vào Thánh Kinh và Công Đồng Vaticanô II, đặc biệt là Hiến Chế tín lý về Mạc Khải để trình bày theo thứ tự như sau :

          1/ Ý nghĩa và nội dung Thánh Kinh.

          2/ Hội Thánh tôn Kính Thánh Kinh.

          3/ Lắng nghe và thực hành Lời Chúa.                                                               

Chương một

Ý NGHĨA VÀ NỘI DUNG THÁNH KINH

1. Thánh Kinh là gì ?

Thánh Kinh là sách ghi chép Lời Thiên Chúa phán dạy, dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần, và được ghi chép một lần cho muôn đời, để dẫn đưa loài người tiến vào Nước Trời.

Thánh Phaolô đã trình bày nhiều lần như sau :

-”Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1-2)

-”Mọi lời xưa đã chép trong Thánh Kinh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy.” (Rm15,4) 

-”Tất cả những gì viết trong Thánh Kinh đều do Thiên Chúa linh ứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.”  (2 Tm 16-17)

-”Lời Thiên Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi : xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm linh cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tât cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” (Dt 4,12-13)

Thánh Phêrô cũng đã dạy :

-”Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng. Vậy anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói xấu gièm pha.”

-”Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưỏng ơn cứu độ, nếu anh em đã nghiệm thấy Chúa tốt lành.” (1 Pr 1,25 - 2,3)  

Hội Thánh đã xác định :

-”Những gì Thiên Chúa mạc khải mà Thánh Kinh chứa đựng và trình bày, đều được viết ra dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần.” (MK 11)   

2. Ai là tác giả của Thánh Kinh ?

Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh. Bởi vì Thánh Kinh được viết dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần; nghĩa là Chúa Thánh Thần đã tác động trên trí khôn và ý chí của “những người Chúa chọn và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ, để khi chính Ngài hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn và chỉ viết những điều đó thôi.” (MK 11)

-”Thiên Chúa Đấng linh ứng và là tác giả các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước, đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước. Thật vậy, dù Đức Kitô thiết lập Giao Ước Mới trong Máu Ngài (Lc 22,20; 1 Cr 11,25), nhưng các sách Cựu Ước vẫn được sử dụng trọn vẹn trong sứ điệp Tin Mừng, đạt được và bày tỏ đầy đủ ý nghĩa trong Tân Ước (Mt 5,17; Lc 24,27; Rm 16,25-26; 2 Cr 3,14-16). Ngược lại Tân Ước cũng được sáng tỏ và giải thích nhờ Cựu Ước.” (Mk 15).   

3. Thánh Kinh gồm mấy phần và mấy quyển ?

Thánh Kinh là một công trình vĩ đại về văn học nghệ thuật do rất nhiều người góp phần tạo nên trong suốt hơn 12 thế kỷ. Thánh Kinh không phải là một cuốn sách đơn lẻ bình thường, nhưng là một “thư viện nho nhỏ.”

Thư viện này gồm 73 quyển dài ngắn khác nhau, chứa đựng cả một kho tàng tư tưởng phong phú với đủ mọi thể loại văn chương : từ lịch sử, triết lý, luật pháp, thư, kịch, truyện, cho đến các bản thánh ca, tình ca, ca dao, tục ngũ, châm ngôn, các lời tiên tri, những tâm tình cầu nguyện . . .     

          Thánh Kinh gồm 73 quyển, chia làm 2 phần :

     - Cựu Ước 46 quyển và Tân Ước 27 quyển.  

     - Mỗi quyển chia làm nhiều đoạn, mỗi đoạn lại chia làm nhiều câu.

Thánh Kinh (trọn bộ hoăc từng phần) đã được dịch ra trên 2300 ngôn ngữ khác nhau và phổ biến khắp nơi trên thế giới.

 4/ Cựu Ước là gì ?

Cựu Ước là giao ước cũ, giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do thái qua ông Môsê. Thánh Phaolô đã gọi luật Môsê là giao ước cũ (2 Cr 3,14).

-”Thiên Chúa đã dùng lời nói, việc làm mạc khải cho dân Ngài đã chọn để họ biết Ngài là Thiên Chúa độc nhất, chân thật và hằng sống, để dân Do thái nghiệm thấy đâu là đường lối Thiên Chúa đối xử với loài người, và để nhờ chính Ngài phán dạy qua miệng các ngôn sứ, ngày qua ngày, họ thấu hiểu các đường lối ấy cách sâu đặm và rõ ràng hơn, để rồi đem phổ biến rộng rãi nơi các dân tộc.”

“Vì vậy, chương trình cứu độ được các thánh sử tiên báo, thuật lại và giải thích trong các sách Cựu Ước, như là lời nói chân thật của Chúa. Bởi vậy các sách được Thiên Chúa linh ứng này luôn có một giá trị vĩnh viễn.” (MK 14)

-”Các sách Cựu Ước trình bày cho mọi người biết Thiên Chúa là ai ? và Con người là ai ? Đồng thời trình bày Thiên Chúa công bình và nhân từ đối xử với loài người như thế nào ? Tuy có nhiều khuyết điểm và tạm bợ, nhưng các sách ấy minh chứng khoa sư  phạm đích thực của Thiên Chúa.”

“Do đó các Kitô hữu phải thành kính đón nhận các sách này, vì chúng diễn tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Ngài, những tư tưởng khôn ngoan và hữu ích về đời sống con người, những kho tàng kinh nghiệm tuyệt diệu, và sau cùng ẩn chứa mầu nhiệm cứu rỗi chúng ta.” (MK 15)

5. Các sách Cựu Ước chia làm mấy thể loại ? và nôi dung là gì ?

Cựu Ước được hình thành trong khoảng từ năm 1200 đến năm 100 trước Công nguyên (trước Chúa Giêsu). Các sách Cựu Ước hầu hết được viết bằng tiếng Hip-ri (Do thái) và sau này được  dịch ra tiếng Hy lạp.

Các sách Cựu Ước thường được chia làm 4 thể loại như sau :

          I- 5 quyển luật Môsê Ngũ Kinh : Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân số và Đệ nhị luật.

Các sách này ghi lại liên tục phần đầu của lịch sử cứu độ. Chương trình của Thiên Chúa trên nhân loại nói chung và việc Chúa tuyển chọn một dân tộc để thực hiện chương trình ấy. Đó là dân Is-ra-en (Do thái).                             

          II- 16 quyển lịch sử  : Gio-su-ê, Thủ lãnh, Rút, Sa-mu-en (2 quyển), Các vua (2 quyển), Sử biên niên (2 quyển), Ét-ra, Nơ-khe-mi-a, Tô-bi-a, Giu-đi-tha, Ét-te, Ma-ca-bê (2 quyển).

Các sác này ghi lại lịch sử dân Chúa chọn trên phần đất họ đã định cư. Đó cũng là lịch sử những thăng trầm trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Những thăng trầm này nằm trong kế hoạch giáo dục lâu dài của Thiên Chúa để dọn đường và chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô giáng sinh.

          III- 7 quyển thi phú  : Gióp, Thánh vịnh, Châm ngôn, Giảng viên, Diễm ca, Khôn ngoan và Huấn ca.

Các sách này diễn tả và giúp xây dựng mối quan hệ cần có giữa con người và Thiên Chúa trong đời sống thực tế. Từ những suy tư triết học về ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa sự đau khổ, sang đến quan niệm đúng đắn về tình yêu, những lời khuyên cho cuộc sống hôn nhân, gia đình cho việc giáo dục, các mối giao tế xã hội cho tới những lời cầu nguyện hằng ngày dâng lên Thiên Chúa.

          IV- 18 quyển ngôn sứ  : I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ai-ca, Ba-rúc, Ê-dê-ki-en, Đa-ni-en, Hô-sê, Gio-en, A-mốt, Ô-va-đi-a, Gio-na, Mi-kha, Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a, Khác-gai, Da-ca-ri-a và Ma-la-khi.

Các ngôn sứ là những người được Chúa chọn sai đến chuyển trao lời Chúa cho dân Ngài. Các sách ngôn sứ giúp chúng ta hiểu thêm về các giai đoạn lịch sử cách sâu sắc. Lịch sử đáng vui hay đáng buồn là tùy con người trung thành hay bất trung với tình yêu Thiên Chúa và các giới luật của Ngài. Muốn tiến đến một tương lai tươi đẹp cả trên thế giới này và trong vũ trụ mới mai sau, chúng ta cần phải biết đi vào chương trình tình yêu của Thiên Chúa Sáng Tạo.         

6. Tân Ước  là gì ?        

Tân Ước là giao ước mới giữa Thiên Chúa và loài người qua Chúa Giêsu Kitô. Tân Ước là giao ước vĩnh cửu đã thành hình trong Máu Chúa Giêsu Kitô (1 Cr 11,25) đổ ra một lần là đủ. (Dt 9,23-26)

Hội Thánh xác định như sau :

-”Khi đến thời viên mãn (Ga 4,4), Ngôi Lời đầy tràn ân sủng và chân lý đã nhập thể và ở giữa chúng ta (Ga 1,14). Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập Nước Thiên Chúa trên trần gian. Ngài mạc khải Cha Ngài và chính Mình qua lời nói, việc làm và hoàn tất công trình Ngài khi Ngài chịu chết, sống lại, lên trời vinh hiển và khi Ngài sai Chúa Thánh Thần đến.”

-”Khi bị treo lên khỏi đất (Ga 12,32), Ngài kéo mọi người đến với Mình. Ngài là Đấng duy nhất có những Lời ban sự sống vĩnh cửu (Ga 6,68).”

-”Nhưng mầu nhiệm này chưa bao giờ được tỏ cho các thế hệ trước biết, nay đã được mạc khải trong Thánh Thần cho các Tông đồ . . . để họ rao giảng Tin Mừng, cổ võ lòng tin vào Chúa Giêsu. Những việc này, các sách Tân Ước đã minh chứng với một bằng chứng có giá trị vĩnh viễn và thần linh.” (MK 17)  

Thật vậy, giao ước cũ và giao ước mới có một sự duy nhất, vì do cùng một Thiên Chúa là tác giả. Giao ước cũ đạt được sự hoàn tất viên mãn của mình nơi Chúa Giêsu.

7. Các sách Tân Ước chia làm mấy thể loại ? và nôi dung là gì ?

Tân Ước gồm 27 quyển, được viết bằng tiếng Hy lạp phổ thông thời bấy giờ. Tuy gọi là sách, nhưng thực ra có những thư chỉ đài khoảng 1, 2 trang (như : thư 1 Gioan, thư 3 Gioan, thư gửi Phi-lê-mon).   

Chúng ta có thể chia các sách Tân Ước làm 4 loa?i, dựa trên bốn thể văn khác nhau :

          I- Thể văn Tin Mừng (cũng gọi là Phúc Âm) : Bốn sách đầu tiên của Tân Ước là Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an.

Bốn sách Tin Mừng chiếm một địa vị ưu việt trong tất cả Thánh Kinh, “bởi vì Tin Mừng là chứng tá chính yếu về đời sống và giáo lý của Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng Cứu Độ chúng ta.” (MK18) 

Công đồng Vat. II đã coi các sách Tin Mừng như những chứng từ thành văn của các tông đồ, hay của những vị đã sống bên các tông đồ ghi chép lại, do ơn Chúa Thánh Thần linh ứng. Đó là chứng từ đức tin mang hai đặc điểm sau đây :

          a) Chứng từ này được viết lại sau những biến cố nền tảng của Kitô giáo : phục sinh, lên trời và hiện xuống. Các biến cố này như những luồng sáng chiếu dọi vào toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu, khiến cho các tông đồ hiểu biết thâm trầm hơn về các việc làm và lời nói của Ngài. 

          b) Chứng từ này mang đậm nét đặc thù của từng tác giả. Khi soạn thảo các sách Tin Mừng, mỗi tác giả đã phải chọn lựa những yếu tố được truyền khẩu, hay được ghi lại thành văn, cộng thêm những hiểu biết riêng của mình mà làm nên một tác phẩm. Tác phẩm này được viết cho một giáo đoàn nhất định và với một mục đích nhất định.

          Bốn sách Tin Mừng là bốn cái nhìn về cùng một thực tại là Chúa Giêsu, bốn cái nhìn khác nhau nhưng bổ túc cho nhau, để chúng ta có cái nhìn trọn vẹn về Con Thiên Chúa.

          II- Thể văn  Lịch  sử Tôn giáo  :  Sách Công vụ Tông đồ.

Sách này kể lại buổi đầu của Hội Thánh và công cuộc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc. Sách này không phải là một tài liệu thuần túy lịch sử và cũng không phải là một sách giáo lý thuần túy. Có thể nói sách Công vụ Tông đồ là sách lịch sử nhằm giáo huấn.

Tác giả Luca đã viết sách này cho những tín hữu gốc dân ngoại, để nói lên sứ điệp cứu độ được gửi tới tất cả mọi người, trước là người Do thái, sau là dân ngoại.  

          III- Thể văn Thư Tôn giáo chính thức : Gồm có 21 thư chia ra : 14 thư của thánh Phaolô; 1 thư của thánh Gia-cô-bê; 2 thư của thánh Phê-rô; 3 thư của thánh Gio-an và 1 thư của thánh Giu-đa.

Đây là những lá thư thật sự, vì được gửi tới những cá nhân, như : Ti-mô-tê, Ti-tô, Phi-lê-mon, hay gửi cho các giáo đoàn ở trong đế quốc Rô-ma.

Các thư phát xuất từ những hoàn cảnh cụ thể, nhằm đáp ứng những nhu cầu cụ thể, như : Củng cố lòng tin, khích lệ trong cơn bách hại, xác định những điểm giáo lý, uốn nắn những lệch lạc, ngăn ngừa những sai lầm . . .

Các thư này thường được đọc công khai trong các buổi họp cộng đoàn tín hữu (1 Tx 5,27) và cũng có thể được trao đổi giữa các cộng đoàn (Cl 4,16).

Các thư phản ánh việc Sống Lời Chúa của các cộng đoàn dân Chúa ở thế kỷ đầu, với những khó khăn riêng. Nhưng ngày nay chúng ta cũng có thể khám phá thấy nơi các thư một sứ điệp luôn mới mẻ cho đức tin của chúng ta, miễn là biết thích ứng sứ điệp đó cho thời đại chúng ta đang sống.

          IV- Thể văn Khải Huyền : Sách Khải huyền của thánh Gio-an.

Đây là thể văn thịnh hành trong văn chương Do thái thời trước Chúa Giêsu 2 thế kỷ và sau Chúa Giêsu 1 thế kỷ. Thể văn này sử dụng nhiều hình ảnh, con số, tên gọi và mầu sắc mang ý nghĩa tượng trưng.

Để hiểu được ý nghĩa của chúng, chúng ta cần quy chiếu về Cựu Ước và các sách khải huyền khác, chứ không nên hiểu theo nghĩa đen.

Sách Khải Huyền được viết để củng cố niềm hy vọng cho các tín hữu đang bị bách hại vì đức tin. Tác giả Gio-an đã phác họa một loạt những thị kiến có tính tượng trưng để mô tả cuộc giao tranh trong vũ trụ : Giữa sự thiện và sự ác, giữa Chúa Kitô và Sa-tan; cuối cùng Chúa Kitô và các thánh sẽ toàn thắng. Đó là động lực giúp người tín hữu vững tâm đợi chờ sự can thiệp của Thiên Chúa.

Như thế, sách Khải Huyền vẫn có giá trị cho mọi thời, vì lịch sử vẫn còn là cuộc tranh chấp cho tới khi Chúa Giêsu Kitô trở lại.

Lm. Giuse Hoàng Kim Đại

VỀ MỤC LỤC
TÂM SỰ NGƯỜI LINH MỤC.

 

Lời Ngỏ: Tác gỉa xin gởi tặng bài viết này cho anh em DCCT.VN hiện đang truyền giáo tại các vùng cao nguyên, đặc biệt là nơi có đông đảo anh chị em dân tộc thiểu số. Người viết cũng ước ao gởi đến các anh em linh mục Triều đang làm việc tại các họ đạo miền quê hay các vùng sâu xa, để nói lên sự cảm thông trong những khó khăn và sự cô quạnh mà anh em đã can đảm chấp nhận.

Michel Quoist, một cái tên khá quen thuộc và có lẽ không xa lạ gì lắm đối với chúng ta. Ngài đã trở nên danh tiếng nhờ vào một số các tác phẩm mà ngài đã viết và cho xuất bản, đặc biệt là cuốn, “Prayers of Life”. Tác phẩm này đã được dịch sang 24 ngôn ngữ và đã in trên hai triệu ấn bản, được phổ biến trên khắp thế giới. Trong cuốn sách này, linh mục Michel Quoist đã gói ghém phần lớn tất cả những kinh nghiệm quý báu của đời sống linh mục. Ngài viết với tất cả tấm lòng và chân tình chia sẽ những kinh nghiệm buồn vui, sướng khổ, hạnh phúc và gian truân của người linh mục, ngay cả những nỗi cô đơn và thất vọng. Đọc tác phẩm ấy, tôi cảm thấy được sự cảm thông và sự nâng đỡ về mặt tinh thần của một người đàn anh linh mục, đã từng trải, đã từng va chạm và đã từng nếm thử sự diụ ngọt cũng như đắng cay của một kiếp người. Tôi rất ngưỡng mộ cha Michel Quoist, dù chưa một lần được diện kiến, tôi chỉ biết về ngài qua các tác phẩm mà ngài đã xuất bản. Cũng như tôi, chưa từng lần nào có cái vinh dự lớn lao được diện kiến Đức Giêsu, như các môn đệ đồng thời với Ngài, nhưng tôi đã gặp và biết Ngài qua Lời Ngài đã phán. Lời đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta. Chính vì sự gặp gỡ Đức Giêsu, nên cuộc đời tôi đã biến đổi, đã chuyển hướng và rồi kết cuộc, tôi đã thành người môn độ của Ngài, trong sứ vụ linh mục.

Cha Michel Quoist đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng, đặc biệt những gì ngài viết trong Lời nguyện của vị linh mục vào buổi chiều chủ nhật.

“Người ta đòi hỏi rất nhiều ở người linh mục, và có lẽ đúng như thế. Nhưng họ cũng nên hiểu rằng làm linh mục không phải là chuyện dễ dàng. Người linh mục đã cho đi tất cả thời thanh xuân của mình, nhưng họ vẫn mang thân phận con người, và vì thế mỗi ngày “con người ấy” nơi vị linh mục, muốn tìm cách lấy lại những gì mà mình đã từ bỏ hoặc dâng hiến. Thật là một sự chiến đấu và giằng co liên tục để có thể hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Người linh mục không cần những lời ca tụng (chỉ bằng đầu môi chót lưỡi) hoặc những qùa tặng đắt tiền; điều mà họ cần là những ai được trao phó cho họ chăm sóc biết sống yêu thương kẻ khác, qua đó chứng tỏ cho họ thấy rằng, đời sống hiến dâng của họ đã không luống công vô ích. Vì vẫn là con người (với nam tính), linh mục thỉnh thoảng cần những cử chỉ tế nhị của một tình bạn mà không cần chiếm hữu... vào những buổi chiều chủ nhật khi một mình lẻ loi, đơn độc.”[i 

Khi đọc những dòng chữ này của cha Michel Quoist, tôi liên tưởng đến các anh em linh mục bạn của tôi, mà hiện nay họ đang phục vụ rải rác trên các cánh đồng truyền giáo tại nhiều nơi trên khắp cùng bờ cõi Việt Nam và tại Hải Ngoại. Họ là những sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế, mang trong người tinh thần và nhiệt huyết muốn đem Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô đến cho người nghèo, những con người tất bạt, đang bị xã hội và giáo hội lãng quên. Lẽ đó, họ đã không quản ngại đường xá xa xôi, họ lặn lội vào tận trong các buôn làng của người anh em miền cao nguyên, có khi giáp cả biên giới Việt-Miên-Lào. Họ sống trong một môi trường và một điều kiện thiếu thốn về mọi phương diện, đặc biệt là về mặt vật chất. Thế nhưng họ vẫn hăng say rao giảng Lời Chúa, Lời hằng sống, Lời có khả năng tái sinh con người, biến đổi người nghe, từ những con người ích kỷ, chỉ biết sống cho chính mình trở thành những con người quảng đại, biết cho đi và sống trọn vẹn cho tha nhân.

Cách đây ba năm (2004), khi tôi đang phục vụ tại Việt Nam. Có lần tôi được cha giám tỉnh cho tháp tùng, đi thăm viếng anh em DCCT tại các điạ điểm truyền giáo của nhà dòng trên vùng cao nguyên, tỷ dụ như: Bảo Lộc, Pleiku, Kontum .v.v... Khi đến nơi, tôi hơi bàng hoàng và ngạc nhiên vô cùng... không hiểu lý do nào đã thúc đẩy những người anh em linh mục trẻ của nhà dòng lại bằng lòng dấn thân và vui vẻ phục vụ tại đây. Khi tôi được họ mời lên ngôi nhà chòi mà họ đang tạm trú, tôi không cầm được nước mắt, nhìn thấy tận mắt, nơi họ ăn uống và ngủ nghỉ qúa đơn sơ, nghèo nàn, ngoài những gì mà tôi có thể tưởng tượng hoặc hình dung. Phòng ngủ của họ chỉ có một cái chiếu manh trải trên sàn nhà và một cái gối cũ. Bàn làm việc thì rất sơ sài, có anh em dùng cái vali (rương) của mình làm bàn viết. Họ ăn uống rất đạm bạc, đôi khi không có gạo để nấu cơm, họ ăn khoai hoặc bắp, do dân làng biếu. Bổng lễ của họ là những quày chuối hoặc những trái bầu, trái bí. Ấy thế mà nơi họ lại toát ra một niềm vui sâu thẳm, nét mặt của anh em lúc nào cũng tươi cười, hân hoan, họ dường như cảm nghiệm được một cái gì đó huyền nhiệm lắm, niềm vui của kẻ dám cho đi, ngay cả mạng sống của chính mình, để yêu thương và phục vụ những con người nghèo, những người đang bị ruồng bỏ, không ai muốn đoái hoài tới. 

Và tôi cũng liên tưởng tới những người anh em linh mục Việt Nam, hiện nay đang phục vụ tại các xứ đạo miền quê tại các giáo phận xa xôi trên lãnh thổ Úc Châu này. Những anh em ấy đã chia sẻ với tôi, cái nỗi niềm cô đơn của họ, vì phải sống trong một môi trường cách biệt, qúa xa đối với người giáo dân hay bạn bè. Có anh em cho biết, đôi khi lái xe hơn cả 100 cây số để dâng thánh lễ chủ nhật, ấy vậy chỉ có khoảng 4-5 người tham dự, sau đó lại phải lái xe chạy sang một địa điểm khác cũng xa khoảng như vậy. Bù lại cho những em anh linh mục ở miền quê, thì họ cho biết, giáo dân tại đó rất thân thiện, họ rất qúy mến và yêu thương các linh mục của mình. Nhờ đó mà họ cảm thấy được sự đỡ nâng thực sự về mặt tinh thần.

Riêng bản thân tôi, vì là linh mục dòng, nên tôi sống trong cộng đoàn với anh em, mọi sinh hoạt trong đời sống thường ngày có giờ giấc quy định hẳn hoi, ngay cả giờ ăn, giờ kinh nguyện hoặc thánh lễ. Điều này là một trợ giúp rất lớn đối với tôi trong đời sống tu trì. Tôi cảm thấy sự đỡ nâng của anh em trong cộng đoàn, những lúc vui hoặc buồn, tôi luôn luôn có người để tâm sự hoặc chia sẻ, nếu muốn. Lúc nào tôi cũng có anh em ở bên cạnh. Tuy nhiên, hai năm vừa rồi, tôi có được cơ hội phục vụ tại một xứ đạo tương đối khá sống động và giáo dân tại đây vẫn siêng năng tham dự thánh lễ mỗi chủ nhật, cũng như ngày thường. Tại đây tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm, trước tiên là từ cha xứ, một linh mục triều, rất năng nổ, và có nhiều khả năng. Ngài lúc nào cũng vui vẻ, ân cần tiếp đón giáo dân, và luôn sẵn sàng giúp đỡ họ, nếu có yêu cầu. Có lẽ trời ban cho ngài một đức tính luôn sẵn sàng và ít khi biết từ chối.

Tôi làm việc và sống với ngài được hai năm, anh em chúng tôi sống với nhau rất thân tình, sẵn sàng chia sẻ mọi công việc, ngay cả những gánh nặng nếu có... Chúng tôi luôn tôn trọng lẫn nhau và dành cho nhau những khoảng thời gian cần thiết. Tôi thích những buổi tối thứ bảy hoặc chủ nhật, khi cả hai anh em chúng tôi đều có mặt ở nhà, sau khi dâng thánh lễ và đóng cửa nhà thờ. Chúng tôi, tổ chức nấu ăn và rồi cùng dùng bữa cơm tối chung với nhau, những lần như vậy, anh em chúng tôi thường hay khui một chai rượu vang để uống và thưởng thức, vì “rượu ngon phải có bạn hiền.” Trong những lúc như vậy, anh em chúng tôi thỉnh thoảng đàm đạo với nhau công việc của xứ hoặc bàn thảo các chương trình và kế hoạch cho tương lai, đôi khi hai anh em chỉ nói chuyện để tâm sự và chia sẻ với nhau về những gì mình cảm nghiệm trong cuộc sống hay trong công việc mục vụ của mình.

Tôi nhớ có lần ngài đi nghỉ holiday một tháng và tôi phải trông nom giáo xứ một mình. Mỗi tối khi đêm về, nhất là những ngày cuối tuần, sau khi dâng thánh lễ chiều ngày thứ bảy, tôi phụ với một vài giáo dân đóng cửa nhà thờ, rồi một mình trở lại ngôi nhà xứ vắng lặng, vì chỉ một mình tôi lúc đó, lủi thủi xuống nhà bếp kiếm gì ăn cho xong bữa, rồi đi ngủ để sáng mai còn dậy sớm, hầu dâng thêm 3 thánh lễ vào sáng ngày chủ nhật. Có một lần, tôi bị cảm cúm vào giữa tuần, ho nhiều và mất ngủ, tôi bị lên cơn sốt, bà thư ký cố gắng gọi điện thoại để mời cha khách phụ tôi dâng lễ cuối tuần, nhưng vì qúa cận ngày, nên các ngài đều bận cả, không cha nào có thể giúp dâng lễ vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật, thế là tôi đành phải lãnh đủ. Dù trong người còn yếu và nói không muốn ra tiếng, tôi cũng phải cố gắng ra khỏi giường, sang bên nhà thờ để cử hành thánh lễ cho giáo dân, tôi cố gắng giảng nhưng khi giảng xong thì tôi lại bị “mất tiếng”! Những lúc như vậy, tôi nhớ đến những anh em linh mục của tôi, nhất là những anh em linh mục triều, đang làm việc tại các giáo xứ, có thể các vị ấy cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự như tôi, tôi thấy thương cho các ngài, vì bây giờ, tôi đã trải qua cái kinh nghiệm ấy, một mình phải tự lo cho chính mình trong lúc ốm đau, đàng khác còn phải lo phục vụ giáo dân, cử hành thánh lễ cho họ.

Trải qua hai năm làm việc tại giáo xứ, tôi cảm thông và hiểu được phần nào về đời sống linh mục của các anh em bên triều. Tôi thấy trách nhiệm của họ nặng nề và đôi khi khá căng thẳng, họ làm việc nhiều để có thể đáp ứng các nhu cầu của người giáo dân, từ việc rửa tội, cho đến hôn phối, từ đám tang cho đến đám cưới. Họ đảm nhận vai trò lãnh đạo, cương vị chủ chăn, người tư vấn, người trung gian, môi giới, làm hòa, người làm bia lãnh đạn khi có chiến tranh bùng nổ giữa các nhóm với nhau. Tóm lại, họ qủa thực là “làm dâu” trăm họ! Một vai trò khó có thể chu toàn cách hoàn hảo, nhất là đôi khi gặp phải các bà “mẹ chồng” khó nết, ưa nói hành nói tỏi, ưa chỉ trích và chê bai, chứ ít khi biết nâng đỡ, khích lệ hoặc khen ngợi thực tình.

Bởi vậy, tôi cảm thấy rất chí lý điều mà cha Michel Quoist đã viết mà tôi mạn phép được trích dẫn thêm một lần nữa, dưới đây, để kết thúc bài viết.

“Người ta đòi hỏi rất nhiều ở người linh mục, và có lẽ đúng như thế. Nhưng họ cũng nên hiểu rằng làm linh mục không phải là chuyện dễ dàng. Người linh mục đã cho đi tất cả thời thanh xuân của mình, nhưng họ vẫn mang thân phận con người, và vì thế mỗi ngày “con người ấy” nơi vị linh mục, muốn tìm cách lấy lại những gì mà mình đã từ bỏ hoặc dâng hiến. Thật là một sự chiến đấu và giằng co liên tục để có thể hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.”  

Copyright©2008 Trần Mạnh Hùng - Tác gỉa giữ bản quyền.

Lm. Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R


[i] . Michel Quoist, “The Priest: A Prayer on Sunday Night,” in Prayers of Life (Dublin: Gill and Macmillan Ltd., 1963), pp. 49-51. Trần Mạnh Hùng phỏng dịch.

 
VỀ MỤC LỤC
HÃY CAN ĐẢM NÓI LÊN TIẾNG “KHÔNG”

 

Với nhiều bà mẹ Việt Nam, nói lên tiếng “không” để đáp trả cho những yêu sách của con cái là chuyện không phải dễ, cho dầu nền kinh tế gia đình xem ra không được dồi dào, nhưng việc từ chối đối với một yêu cầu của đứa con là một chuyện cảm thấy đau lòng không thể làm được, nhất là đứa con đó lại là đứa con duy nhất của mình. Với sẵn quan niệm cho rằng thà mình vất vả một chút, đi làm thêm cuối tuần để cung cấp cho con mình có một đời sống đầy đủ và êm ấm còn hơn là chối từ để rồi cả con lẫn mẹ phải buồn sầu khổ sở. 

Và đây là một cuộc đối thoại của một bà mẹ Việt Nam, một người mà đối với tôi quả thật rất hiền lành và tử tế nhưng nhiều chuyện không may đã xảy đến cho cuộc đời bà khiến bà mang nhiều mặc cảm. 

Cậu bé Cương đòi mẹ:

- Mẹ, hãy mua cho con cái bể tắm mới!

- Để làm gì?

- Con không thích cái nầy nữa. Chở cho con đi mua cái mới.

- Con ơi, mẹ mệt lắm rồi. Chúng ta có thể mua nó ngày mai.

Cậu bé giẫm chân nói:

- Bây giờ.

- Mẹ van con. Hôm nay chúng ta đã đi ra ngoài quá nhiều lần rồi. Đi bơi, rồi đi học cỡi xe, rồi lại đi bơi. Con không thể chờ đếân ngày mai sao?

- Con muốn đi ngay bây giờ và có cái mới ngay.

Bà mẹ tiếp tục năn nỉ: bà quá mệt. Cậu bé khóc, thét, chưởi, và đá bà. Cuối cùng bà chìu nó, lái xe đến cữa hàng và mua cái bể mới rộng hơn và đẹp hơn cho nó. 

Bà mẹ có cảm giác sâu xa nầy: cậu bé đã bị tổn thương vì bà và bố nó đã ly dị. Để bù lại cho sự bất hạnh đó, bà muốn cung cấp cho nó mọi sự có thể. Cậu bé cảm được điều đó nên lợi dụng để đòi mọi sự nó thích. Nếu bà mẹ biết nói “không” với những đòi hỏi hoàn toàn vô lý của cậu bé, nó sẽ thất vọng. 

Không có lý do gì khiến một bà mẹ cứ phải thõa mãn những đòi hỏi vô lý của đứa bé như bà nghĩ bà sẽ phải làm như thế cho đến khi chết. Nếu vậy, không cần thiết cho cậu bé học cách đối đầu với sự chán nản bao lâu bà mẹ còn có thể bảo đảm rằng bà sẽ ở đó để ngăn chặn cho nó khỏi phải những chán nản thất vọng. Dưới những điều kiện như vậy, bà mẹ sẽ tiếp tục vai trò của kẻ nô lệ đáng thương, tiếp tục chấp nhận sự lạïm dụng và những cái đá từ đứa con bạo chúa của bà, coi nó như một người có đầy quyền hành có quyền đòi hỏi, nhận, và phát triển sự khôn khéo trong việc dùng sự giận dữ để điều khiển. 

- Mẹ ơi, con có thể đi coi sô tối nay với bạn con, Thúy Hằng không? Cô bé Mỹ Nga gọi điện thoại xin mẹ. Mẹ của bạn con sẽ chở chúng con đi.

- Không, con ơi. Con không thể nào đi vào đêm có lớp.

- Nhưng mẹ, đây là một sô đặc biệt. Nó không có vào cuối tuần.

- Cái gì đặc biệt?

- Đó là câu chuyện về một con chó thật dễ thương, mẹ có biết không, từ trong sách.

- Mẹ thấy quảng cáo đó.

- Xin mẹ lần nầy thôi. Con hứa con sẽ không mệt mỏi vào ngày mai đâu. 

Tôi ghét từ chối cho nó một cái gì, có nghĩa chối từ quá nhiều với nó, bà mẹ ngẫm nghĩ. Cô bé rất thích chuyện thú vật và thật là câu chuyện hay. Tôi nghĩ điều đó sẽ không làm trở ngại gì lần nầy. Hơn nữa, nếu tôi không cho nó đi, nó sẽ sụ mặt suốt buổi chiều và tôi không thể chịu được. Thôi được, nhưng phải về ngay sau khi sô kết thúc.

Cô bé Mỹ Nga trở lại và nói với bạn: “Mẹ tao đồng ý cho tao đi rồi”.

Cô bé Mỹ Nga có bà mẹ được huấn luyện tốt. Cô phấn khởi và hữu lý trong yêu sách của cô và tùy thuộc vào ý muốn của mẹ. Nhưng nếu mẹ từ chối, cô sẽ thụng mặt ra. Cô bé được điều cô muốn. Bà mẹ cho phép cô không tôn trọng trật tự và phá luật lệ quen thuộc. Khi bà mẹ không thể nói “không”, bà tỏ ra thiếu kính trọng cho chính bà, cho cô bé và sức khỏe của nó, cho thói quen và trật tự trong nhà. 

Nếu bà mẹ tích lũy lại, bà sẽ ngạc nhiên với biết bao nhiêu “chỉ lần nầy thôi” đã được thõa nguyện. Mỗi lần tự nó có thể nghe là có lý, nhưng thường xuyên như vậy khiến bà mẹ nên xét lại. Đó là sự đe dọa có ám chỉ trong yêu sách biến nó thành một đòi hỏi của nhà độc tài. 

Cảm thấy bó buộc phải làm vừa lòng một đứa trẻ nhiều như có thể là một sai lầm vì đó là một thái độ nô lệ làm tăng “cái mình là trung tâm” trong đứa trẻ. Cô bé xem cuộc đời như một cuộc thương mại làm sao đạt được điều cô muốn. Sự chú ý của cô chỉ chú trọng vào cô và điều cô ước muốn chứ không phải vào nhu cầu của tình thế. Khả năng phát triển sự cộng tác bị xói mòn. Khi cô không thể có được điều cô muốn, cô làm ra vẻ đáng được thương hại. Cô bé đã bị hư hỏng. Cô không có tư tưởng làm thế nào để kiềm chế được sự chán nản thất vọng, làm thế nào để chấp nhận tiếng “không”, và làm thế nào để cố gắng làm tốt hết sức. Phần đáng buồn là cô bé sẽ bị gặp nạn trong cuộc đời khi nó gặp phải hoàn cảnh ở đó không ai quan tâm đến việc làm cho cô vừa ý. 

Cái nhìn thiển cận của chúng ta là: khó nhìn thấy những kết quả dài lâu của việc chìu theo những ước muốn kỳ quặt của đứa trẻ, vì làm nó vui thường mang lại sự hài hòa tạm thời cho gia đình. Vì thế, cần khôn ngoan trong việc làm vui lòng con trẻ. Con trẻ cần học biết làm sao điều khiển được những chán nản thất vọng. Cuộc đời người lớn thì đầy dẫy những điều đó. Thật vô lý mà cho rằng đứa trẻ sẽ có thể đối diện với những điều đó khi nó lớn lên. Ma thuật nào có thể cung cấp một sự khéo léo như thế trong khoảng thời gian đầu đời mà không cần phải học hỏi. Thế quân bình giữa làm vui lòng và không làm vui lòng cần phải xem xét kỹ lưỡng. Nếu thói quen và trật tự của gia đình đòi sự từ chối, và nếu bà mẹ có can đảm để nói “không”, cô bé có thể học được sự khéo léo cần thiết để chịu đựng được sự buồn chán đó.

  lm.levanquang. Tiến sĩ tâm lý

VỀ MỤC LỤC

Sống Lòng Thương Xót Chúa trong Bí Tích Hòa Giải

Chúa lập ra Bí Tích Hòa Giải để tha tội cho chúng ta. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ và trao cho các ngài quyền thay Người mà tha tội. Người thổi hơi vào các ông và bảo các ông, “Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần.  Nếu các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha; nếu các con cầm buộc ai, thì người ấy bị cầm buộc.” (Ga 20:22-23). Vậy Bí Tích Hòa Giải là nơi gặp gỡ riêng tư giữa mỗi linh hồn và Chúa Giêsu, là chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, để xin Người tha tội lỗi và giao hòa linh hồn ấy cùng Thiên Chúa và Hội Thánh.

Thánh Faustina viết trong Nhật Ký:

"Hôm nay Chúa nói với tôi, Con ơi, khi con đi xưng tội, thì suối Thương Xót này, Máu và Nước chảy ra từ Trái Tim Ta luôn đổ xuống linh hồn con và làm cho nó nên cao quý.  Mỗi khi con đi xưng tội, hãy hoàn toàn đắm chìm trong Lòng Thương Xót Ta, với một niềm tín thác lớn lao, để Ta đổ tràn ơn thánh Ta vào hồn con.  Khi con đến tòa giải tội, con nên biết rằng, chính Ta đang đợi con ở đó.  Ta chỉ nấp sau vị linh mục, nhưng chính Ta tác động linh hồn con.  Ở đó linh hồn đau khổ gặp Thiên Chúa của Lòng Thương Xót.  Hãy nói cho các linh hồn biết rằng trong suối thương xót này các linh hồn chỉ múc được ân sủng qua lòng tín thác mà thôi.  Nếu lòng tín thác lớn, thì lòng quảng đại của Ta cũng không có giới hạn. Những cơn thác lũ của ân sủng sẽ tràn ngập những linh hồn khiêm nhường. Những người kiêu ngạo sẽ luôn ở trong trạng thái nghèo nàn và đau khổ, vì ân sủng Ta tránh họ mà chảy đến các linh hồn khiêm nhường.” (Nhật Ký, 1602).

Nhiều người cho rằng chỉ cần xưng tội khi phạm tội trọng.  Thực ra xưng các tội nhẹ là điều rất cần thiết cho linh hồn.  Con đường nên thánh không khác chi chèo thuyền ngược nước. Chúng ta phải cố gắng lắm mới nhích lên được một chút.  Nếu chúng ta quay đầu ngược lại hay để thuyền trôi theo giòng nước chắc chắn chúng ta sẽ đi lùi và sẽ xa đích rất nhanh, có khi còn rơi xuống vực thẳm.  Người phạm tội trọng giống như người quay mũi thuyền mà chèo về phía cuối giòng nước, trừ khi họ hoàn toàn quay lại, họ sẽ không bao giờ gặp Chúa. Còn phạm tội nhẹ chẳng khác chi người buông mái chèo, giòng nước từ từ cuốn ho xa Chúa. Trừ khi họ cố gắng chèo lái, họ cũng rất khó mà gặp Chúa.  Tội nhẹ sẽ dần dần đưa ta đến tội trọng và xa lìa Chúa.  Nhờ năng xưng tội, Chúa Giêsu ban thêm ân sủng để chúng ta tiến bước trên đường nên thánh.  Không có ơn Chúa, chắc chắn chúng ta không đứng vững trong cuộc chiến với tà thần và quyến rũ trần thế.

Thánh Faustina viết tiếp:

"Hôm nay, Chúa lại dạy tôi đến với Bí Tích Hòa Giải ra sao: Con ơi, con sửa soạn cho sự hiện diện của Ta thế nào thì con xưng tội trước mặt Ta như vậy. Con người của vị linh mục, đối với Ta, chỉ là một bức màn.  Con đừng bao giờ phân tách xem vị linh mục Ta dùng là loại người nào; con hãy mở linh hồn con ra trong lúc xưng tội như con mở ra cho Ta, và Ta sẽ đổ đầy ánh sáng Ta vào nó." (Nhật Ký, 1725).

Vị linh mục chỉ là phương tiện Chúa dùng để ban ơn tha tội cho chúng ta. Đương nhiên là một linh mục thánh thiện sẽ giúp chúng ta nhiều hơn qua những lời khuyên bảo. Nhưng một linh mục tội lỗi vẫn có quyền tha tội cho chúng ta vì chính Chúa Giêsu tác động sau vị linh mục ấy.  Điều cần thiết để được Thiên Chúa tha tội là sự thành tâm xưng tội và chừa tội của ta.

Chúa coi việc phục hồi một linh hồn tội lỗi là một phép lạ cả thể như việc làm cho người chết sống lại:

"Con hãy viết và hãy nói về Lòng Thương Xót Ta. Hãy nói cho các linh hồn biết rằng họ sẽ tìm thấy sự khuây khỏa ở đâu; đó là ở tòa Thương Xót [Phép Giải Tội].  Ở đó phép lạ cả thể nhất xảy ra và được tái diễn không ngừng.  Để lãnh nhận phép lạ này, không cần các cuộc đại hành hương hay cử hành những nghi thức bề ngoài; điều thiết yếu là lấy đức tin mà đến quỳ dưới chân vị đại diện của Cha và tỏ lộ cho ngài sự đau đớn của mình, và phép lạ Lòng Thương Xót sẽ được biểu lộ đầy đủ.  Một linh hồn [phạm tội trọng] giống như một  thây ma đang thối rữa, mà theo quan điểm của con người thì không [còn hy vọng] phục hồi, và mọi sự đã hư mất rồi, nhưng đối với Thiên Chúa thì không thế.  Phép lạ Thương Xót sẽ phục hồi linh hồn đó hoàn toàn.  Ôi, đáng thương thay những linh hồn không biết lợi dụng phép lạ Thương Xót này của Thiên Chúa! Các người sẽ kêu cứu vô ích, vì quá trễ!" (Nhật Ký, 1448).

Dầu tội lỗi chúng ta nặng nề đến đâu, hãy chạy đến cùng Chúa Giêsu trong Bí Tích Thương Xót (Hòa Giải).  Nếu chúng ta thực tâm thống hối và chừa cải, Chúa sẽ rửa sạch linh hồn chúng ta và làm cho nó nên trong sạch.

Để dọn mình xưng tội, thánh Faustina viết:

"Tôi tưởng nhớ lại Sự Thương Khó của Chúa Giêsu mỗi khi xưng tội, để khích động sự hối cải của tâm hồn tôi. Nhờ ơn Chúa, tôi cố gắng luôn luôn ăn năn tội cách trọn.... Trước khi vào tòa giải tội, tôi sẽ vào Trái Tim rộng mở và vô cùng thương xót của Đấng Cứu Thế. Khi tôi rời tòa giải tội tôi sẽ khích lệ linh hồn tôi cho có một lòng biết ơn Chúa Ba Ngôi vì phép lạ thương xót tuyệt diệu và phi thường này Chúa đã làm trong hồn tôi. Hồn tôi càng khốn khổ thì lòng tôi càng cảm thấy đại dương của lòng Thương Xót Chúa trào dâng trong tôi và ban cho tôi sức mạnh và khả năng phi thường." (Nhật Ký, 225).

Nếu chúng ta tắm rửa thân xác thường xuyên để chúng ta không có mùi hôi hám làm cho những người chung quanh khó chịu, thì sao không coi việc tắm gội linh hồn cách thường xuyên trong Bí Tích Hòa Giải là cần thiết? Nếu chúng ta chích thuốc để ngăn ngừa bệnh phần xác, thì tại sao lại phải đợi đến khi linh hồn chúng ta chết mới tìm đến Lòng Chúa Thương Xót trong Bí Tích Hòa Giải?

Lạy Chúa Tình Thương, Chúa lập Bí Tích Hòa Giải để làm cho linh hồn con được sạch. Xin cho con biết thường xuyên chạy đến Tòa Thương Xót để được Chúa thương yêu thứ tha, chữa lành, và được luôn sống bình an trong Chúa bằng cách tha thứ cho anh chị em con như Chúa đã tha thứ cho con. Amen.

GLV Phaolô Phạm Xuân Khôi

Viết theo Nhật Ký của Thánh Faustina và tài liệu của Hội Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa.

VỀ MỤC LỤC
TÔI MUỐN SỐNG HẠNH PHÚC

 

Ðề tài hôm nay xoay quanh câu hỏi riêng tư nhất, nhưng cũng phổ quát nhất : “Tôi Muốn Sống Hạnh Phúc.” Ai không sống hạnh phúc ở đời này, cũng không mong sống hạnh phúc ở đời sau. Trong cuộc đời vắn vỏi này, đây là vấn đề sống chết và đầy tính cách quyết định cho số phận đời đời của mỗi người.

Mới xem qua đề tài, có lẽ ai cũng nghĩ đây là chuyện riêng tư, sao lai đưa lên báo, nhất là báo đạo? Bình thường ai cũng nghĩ hạnh phúc và sống đạo là hai truyện hoàn toàn trái ngược nhau. Hạnh phúc là truyện ăn chơi ngoài đời. Ðạo là khắc kỷ, nghiêm nhặt, ăn chay, hãm mình, dâng lễ, chầu Thánh Thể v.v.

Cần phải quả quyết ngay, không thể sống đạo, nếu không sống hạnh phúc. Nói khác, khi nào sống hạnh phúc thực sự, bạn mới biết mình đang sống đạo tốt đẹp.

Vậy thế nào là sống hạnh phúc? Hạnh phúc là gì mà ai cũng tìm kiếm? Không những Hạnh Phúc (HP) hấp dẫn, nhưng còn bí ẩn, bí ẩn đến nỗi càng đuổi theo càng như vuột mất.  Nói khác, “chắc chắn mọi người đều muốn sống hạnh phúc. Vậy hãy xem chúng ta có thể tìm được con đường tốt đẹp nhất để sống hạnh phúc không.”[1]   

I. HẠNH PHÚC  

Quan niệm về HP có một tầm ảnh hưởng rất quan trọng đối với nếp sống của từng người. Chính quan niệm về HP sẽ quyết định và khuôn nắn con người và cuộc đời tôi. Bạn hãy cho tôi biết bạn quan niệm thế nào về HP, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai. Cứ nhìn cách sống của giới trẻ hôm nay, chúng ta sẽ thấy họ quan niệm thế nào về HP. Có thể nói có bao nhiêu quan niệm về HP, có bấy nhiêu lối sống.

 Nhưng cái gì quyết định HP của con người?   Cái quyết định HP chính là niềm hy vọng. Thật vậy, sống là hy vọng. Khi tuyệt vọng, con người không đủ can đảm để sống nữa. Niềm hy vọng sẽ quyết định sự sống và cách sống của con người. Cũng như mọi người, Kitô hữu cần có niềm hy vọng mới có thể sống HP. Nhưng HP của họ có gì khác mọi người không? Thánh Phaolô “nói với dân thành Thêsalônica: anh em ‘đừng buồn sầu như những kẻ không có niềm hy vọng.’ (1 Th 4:13) Ở đây, chúng ta thấy một dấu chỉ nổi bật của những tín hữu Kitô: họ có tương lai, không phải là họ biết tường tận chi tiết về những gì đang chờ đợi họ, nhưng họ biết cách tổng quát là cuộc sống của họ không kết thúc trong hư không. Chỉ khi tương lai chắc chắn như một hiện thực, lúc đó hiện tại mới có thể sống được.”[2]  

Trái lại, vì không có niềm tin vào Chúa Kitô, nhiều người sống bi quan và thất vọng về cuộc đời và chính mình. Hy vọng thực sự không có trong những tâm hồn đó. Chỉ những ai đã từng cảm nghiệm về tình yêu hay gặp gỡ Thiên Chúa trong tâm hồn và cuộc đời, mới thấy niềm hy vọng của mình lớn lao tới mức nào. Thực vậy, “Nhận biết Thiên Chúa - Thiên Chúa thật – là nhận lấy hy vọng … Chúng ta mang trong mình một niềm hy vọng nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.”[3]

Sở dĩ thế, vì niềm hy vọng của họ dựa trên niềm tin vào Chúa Kitô. “Tin mừng Kitô giáo không chỉ thông tin điều hiểu biết, mà nó còn ảnh hưởng trên thực tế và làm thay đổi đời sống. Nó làm nổ tung cánh cửa âm u của thời gian và của tương lai. Ai Hy Vọng, người đó sẽ sống khác đi, họ được ban tặng một cuộc sống mới. ”[4] Niềm hy vọng đó giúp con người nhìn ra đâu là HP đích thực của mình. “Thiên Chúa là nền tảng của hy vọng. Nhưng không phải bất cứ một Thiên Chúa nào đó, mà là Thiên Chúa mang bộ mặt con người, và là Đấng đã yêu thương ta cho tới tận cùng, yêu thương từng người và toàn thể nhân loại. Vương quốc của Ngài không phải là một thế giới tưởng tượng đời sau không bao giờ đến. Ở đâu Ngài được yêu thương và tình thương của Ngài tới được với ta, ở đó là Vương quốc của Ngài. Chỉ có tình yêu của Ngài mới cho ta khả năng điềm tĩnh trụ vững trong một thế giới vốn luôn bất toàn, mà không đánh mất đà Hy Vọng. Và tình yêu của Ngài đồng thời là bảo chứng hiện hữu của điều mà chúng ta chỉ biết lờ mờ, nhưng vẫn trông chờ trong tận đáy lòng: cuộc sống ‘đích thật’.»[5]

Nói cho cùng, HP là giấc mơ đẹp nhất của con người. Nhưng nói tới HP, phải nghĩ ngay đến sống đạo. Cặp bài trùng này được Chúa Giêsu kết nối tài tình trong Bài Giảng Trên Núi sau đây. 

II.  TÁM MỐI PHÚC THẬT 

Theo thánh Augustinô, “Tám Mối Phúc Thật là bản tóm lược toàn bộ giáo lý về sự trọn lành Tin Mừng. Tám Mối Phúc gợi hứng và hướng dẫn đời sống Kitô hữu. Thực hiện Tám Mối Phúc và thăng tiến đời sống Kitô hữu chủ yếu là công việc của Chúa Thánh Thần, một ân huệ nhưng không, hoàn toàn vô điều kiện. Tám Mối Phúc là bản tóm lược tất cả lời hứa Thánh Linh muốn hoàn thành trong và qua chúng ta. Tân Ước không đặt chúng ta trước một luật lệ hình thức, nhưng làm chúng ta quy phục hành dộng của Thánh Linh nhờ đức tin và sự khiêm nhường. Nó đụng tới những miền sâu thẳm nhất trong tâm hồn.”[6]

 Ðộng lực thực hiện Tám Mối Phúc Thật chính là niềm hy vọng, dựa trên nền tảng là Thiên Chúa. Nhờ đức tin, niềm hy vọng đã trở thành một sức mạnh biến chất đau khổ như chứng từ Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, († 1857) sau đây : “Tôi là Phaolô, đang bị xiềng xích vì danh Chúa Kitô. Tôi muốn nói cho anh em biết những gian truân tôi đang chịu hằng ngày, để anh em được cháy lửa yêu mến Chúa mà hợp với tôi ca ngợi Thiên Chúa: Chúa yêu thương ta đến muôn đời (Tv 136).

Ngục thất này quả thực là một hình ảnh sống động Hỏa Ngục đời đời: ngoài gông cùm, xiềng xích, dây thừng, lại còn thêm sự nóng giận, oán thù, nguyền rủa, những lời tục tĩu, những sự gây gỗ, những hành vi xấu xa, những lời thề gian, nói hành, và cả nỗi chán nản, buồn phiền, cả ruồi muỗi rận rệp.

 Nhưng Đấng đã giải thoát ba người thanh niên khỏi lò lửa bừng bừng vẫn luôn ở cùng tôi; Người cũng đã giải thoát tôi khỏi những sự khốn khó này bằng cách làm cho trở nên ngọt ngào, Chúa yêu thương ta đến muôn đời.

Những cực hình này thường làm cho người khác buồn sầu, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, tôi vẫn vui sướng hân hoan, bởi vì tôi không chỉ có một mình, nhưng có Đức Kitô ở cùng tôi ... Lạy Chúa, làm sao con sống nổi khi hằng ngày con nhìn thấy quan quyền và thuộc hạ nói phạm đến thánh danh Chúa, Đấng ngự trên các thần Kêrubim và Xêraphim? (x. Tv 80:1). Kìa thập giá Chúa bị kẻ ngoại chà đạp dưới chân! Còn đâu là vinh quang Chúa? Chứng kiến tất cả những cảnh này, vì cháy lửa yêu mến Chúa, con thà chịu chết và chịu phân thây để chứng tỏ lòng yêu mến Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy tỏ cho con thấy quyền năng của Chúa, xin cứu giúp con, để trong sự yếu đuối của con, sức mạnh của Chúa được biểu lộ và tôn vinh, trước mặt thế gian...

Khi nghe biết những điều này, anh em hãy vui mừng dâng những lời tạ ơn bất tận lên Thiên Chúa là Ðấng ban mọi ơn lành, và hãy cùng tôi chúc tụng Chúa, vì Chúa yêu thương ta đến muôn đời...

Tôi viết cho anh em những điều này để chúng ta hiệp nhất với nhau trong đức tin. Giữa cơn bão táp này, tôi đã thả một cái neo vào tận ngai Thiên Chúa: đó là niềm hy vọng sống động trong lòng tôi.”[7]

Máu tử đạo là giá các vị tử đạo phải trả cho HP đích thực. Ðức Kitô không hứa hẹn một thứ HP dễ dãi. Tám Mối Phúc Thật đặt chúng ta trước mọi thứ thử thách trong cuộc đời và đảo ngược nhiều quan niệm về HP của chúng ta. Dù đòi hỏi thử thách tới mấy, Tám Mối Phúc cũng bảo đảm cho chúng ta một con đường sống, con đường dẫn tới HP tột đỉnh là chính TC, nếu chúng ta vững tin và hy vọng.  

III. CON ÐƯỜNG ÐƯA TỚI HẠNH PHÚC 

HP bắt đầu từ tinh thần khiêm tốn. Ðó là nền móng cần thiết cho tòa nhà HP. Không khiêm tốn, chúng ta không thể tìm được HP. Chúa Giêsu sung sướng chừng nào khi mở đường HP cho nhân loại : “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11:29) Con đường dẫn đến HP thì dài và ngoằn ngoèo. Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến ba con đương dẫn đến HP : cầu nguyện, đối  thoại và phục vụ. 

1. Cầu nguyện. Trước hết, phải hiệp thông với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, chúng ta mới có đủ sức mạnh và phấn khởi phục vụ tha nhân. ÐGH Bênêđictô XVI giải thích : “Môi trường căn bản đầu tiên là cầu nguyện. Khi không ai còn nghe ta nữa, thì Chúa vẫn lắng nghe ta mãi. Khi ta không thể nói hay kêu được với ai nữa, thì ta vẫn luôn trò chuyện được với Chúa. Khi không ai có thể giúp ta trong cơn nguy khó hay trong một mong đợi nào đó vượt sức người, thì Chúa có thể giúp ta. Khi rơi vào nỗi cô đơn tuyệt vọng, thì kẻ cầu nguyện chẳng bao giờ hoàn toàn cô đơn. Qua mười ba năm tù, trong đó phải trải qua chín năm biệt giam, cố hồng y Nguyễn Văn Thuận đã để lại cho chúng ta một tập sách nhỏ thật quý : Đường Hy vọng. Mười ba năm tù tưởng chừng như hoàn toàn vô vọng, thì việc lắng nghe Chúa, việc có thể nói chuyện với Chúa, đã trở thành nguồn lực hy vọng lớn nơi ngài, để sau khi ra khỏi tù, ngài đã hăng say đi ra làm chứng cho mọi người trên khắp thế giới về niềm hy vọng lớn lao đó, niềm hy vọng mà đêm tối cô đơn cũng không thể che lấp nổi nó..”[8]

2. Ðối thoại. Hơn ai hết, các Kitô hữu là những người truyền giảng tình thương từ Thánh Tâm Chúa. Muốn thành công trong lãnh vực này, trước hết cần phải biết tự phê bình. Không nhận rõ chính mình, chúng ta không thể bắt đầu đối thoại với tha nhân về niềm hy vọng và HP trong tình yêu Chúa.

“Cần có một cuộc tự phê hiện đại trong việc đối thoại với Ki-tô giáo và khái niệm hy vọng của nó. Trong cuộc đối thoại này, với những kiến thức và kinh nghiệm riêng, cả ki-tô hữu cũng phải nhìn lại xem hy vọng của họ thật sự gồm nội dung nào, và đâu là điều họ có thể hoặc không có thể mang lại cho thế giới. Không chỉ có tự phê của thời hiện đại mà thôi, cũng cần phải có một cuộc tự phê về Ki-tô giáo hiện đại nữa. Ki-tô giáo luôn phải canh tân tận căn sự nhận thức về chính mình.” [9]

Không hiểu biết về chính mình và tha nhân, không thể đối thoại. Nhưng nếu tình yêu không đủ mở rộng tâm hồn, chúng ta càng không thể bước vào cuộc đối thoại. Tình yêu không phải là tình cảm. Nhìn lại những cuộc trao đổi từ trong gia đình đến ngoài cộng đoàn, có lẽ chúng ta đã gặp nhiều thất bại, vì quá dựa trên tình cảm, nên đã làm cho vấn đề càng trở nên trầm trọng. Ðã đến lúc chúng ta cần nhìn lại kỹ thuật chúng ta dùng để giải quyết những bất đồng từ xưa tới nay.

Cần phân biệt giữa sự tranh luận hay cãi vã. Mục tiêu của hầu hết những cuộc tranh luận là phải chiến thắng – thường chẳng theo luật lệ và quyết thắng với bất cứ giá nào. Chúng ta dành hết thời giờ để cố bắt người khác theo ý kiến mình. Khi tranh luận, chúng ta không tìm kiếm một giải đáp vừa phải cho vấn đề. Chúng ta tìm chiến thắng. Chúng ta quên hết sự thật và sự hòa giải hợp lý.[10]

Một cuộc thảo luận thường khuyến khích chúng ta chia sẻ ý tưởng và ý kiến với nhau mà không chỉ trích hay chế diễu nhau.

Trong một cuộc thảo luận cởi mở và chân thành, các phần tử trong gia đình hay hội đoàn sẽ cảm thấy an toàn đủ để bày tỏ ý kiến và sự khác biệt mà không sợ bị tấn công. Nếu không ai bị tấn công trong cuộc thảo luận, sẽ không cần trả đũa. Ðôi khi thảo luận có thể dẫn tới tranh luận. Ðôi khi tranh luận đưa tới thảo luận. Có đối thoại chân thành mới tìm được con đường HP. Nếu không, chúng ta sẽ giống như « gà mù ăn quẩn cối xay » mà thôi. Mong rằng những vấn đề hôm nay sẽ là những thách đố để chúng ta cố gắng vươn lên, chứ không phải là những mãnh lực đẩy chúng ta vào chân tường.

3. Phục vụ: Có thể sống HP mà không cần đến tha nhân không? Thực tế, không quan tâm và phục vụ tha nhân, chúng ta không thể nào sống HP. Tất cả Tám Mối Phúc chẳng qua cũng chỉ là lời mời gọi phục vụ mà thôi. Chúa Giêsu nêu cao gương phục vụ : “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ.” (Mc 10:45a)  Tất cả vương quyền và vinh quang của Chúa đều nằm trong con đường phục vụ. Phục vụ chính là con đường dẫn tới HP đích thực.

Hai chữ « phục vụ » cực tả con người và sứ mệnh Chúa Giêsu. Ngay cái chết trên thập giá cũng chỉ là một hình thức phục vụ tới cùng cho HP nhân loại. Càng phục vụ, càng tham dự vào vương quyền của Chúa Kitô. Thật vậy, càng phục vụ, càng làm cho Nước Thiên Chúa mau trị đến. Nói khác, càng phục vụ, càng đem lại niềm hy vọng cho nhân loại. “Với Ki-tô giáo, hy vọng luôn có nghĩa là hy vọng cho những người khác. Ðó là một hy vọng tích cực, vì chúng ta tranh đấu để ngăn ngừa vạn vật không đi tới chỗ “kết thúc phi lý.” Ðó cũng là một hy vọng tích cực, vì chúng ta cố gắng hướng thế giới về Thiên Chúa. Có như thế, niềm hy vọng mới tiếp tục là hy vọng của con người thật sự.”[11] Nói tóm, càng phục vụ, chúng ta càng HP.

Nhưng có thể phục vụ tới mức nào? Phục vụ đem lại HP cho ai? Sức người có giới hạn, nếu không tập trung và hoạch định đúng mục tiêu, công cuộc phục vụ sẽ phí phạm và luống công vô ích. Dĩ nhiên, phải cần đến sức mạnh và ánh sáng Thánh Linh, chúng ta mới có thể thành công trong công cuộc phục vụ và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.

Tóm lại, sống đạo là sống HP. Muốn đạt đến đỉnh cao của Tám Mối Phúc Thật, cần chu toàn những điều kiện do Chúa Kitô vạch ra. Con đường đi đến HP đích thực có nhiều chông gai. Nhưng nếu chúng ta biết sống khiêm tốn trong lời cầu nguyện, đối thoại và phục vụ, trần gian có thể biến thành thiên đàng.

 

đỗ lực 12.02.2008


[1] Thaùnh Augustino  [2] Bênêđictô XVI, Spe Salvi, 2.  [3] ibid.  [4] Ibid.  [5] Ibid., 31.

[6] Pinckaers, S., O.P. The Pursuit of Happiness - God's Way, Living the Beatitudes 1998:193.

[7] Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Các Bài Ðọc, ngày 24.11. [8] Bênêđictiô XVI, Spe Salvi.,32.

[9] Ibid., 22.

[10] Cuộc tranh luận thường có nghiêng về tình cảm hơn lý trí. Những cuộc tranh luận có khuynh hướng nói to và gây cảm xúc mạnh với nhiều lời qua tiếng lại, và rất ít lắng nghe. Khi tranh luận, chúng ta thường tìm cách bênh vực lập trường mình và đổ lỗi cũng như phê bình người khác. Khi tranh luận, chúng ta thường chỉ ngón tay về phía người. Khi tranh luận, hầu như chúng ta không thấy lý do chúng ta bất đồng và bắt đầu tấn công cá nhân đối phương. Chúng ta có khuynh hướng dùng nhiều chữ “ông, anh v.v.” “Anh không hiểu, anh không biết anh đang nói gì, anh không lắng nghe tôi, anh là một thằng ngốc.”

Có cách nào khác để giải quyết những bất đồng và giúp chúng ta đối thoại với nhau không? Thưa có, đó là việc thảo luận. Thảo luận là trao đổi ý tưởng, ý kiến và tình cảm để nỗ lực giải quyết sự bất đồng. Trong cuộc thảo luận, thường có sự cân bằng giữa người nói và kẻ nghe.. Cuộc thảo luận thường vận dụng sự hiểu biết và lý trí thay vì chỉ có tình cảm.

[11] Bênêđictiô XVI, Spe Salvi., 34.

VỀ MỤC LỤC

Niềm Vui Chúa Phục Sinh

 

Cửa hang mở trong đêm còn u tối

Ba bà vào nhưng chẳng thấy Thầy đâu?

Có lẽ nào? Tìm trong động hồi lâu

Chẳng ai biết là Thầy đi đâu cả!

 

Có kẻ đã lén vào trong động đá?

Cướp xác Thầy như một bọn gian phi?

Bọn người này thật dữ tợn quá đi

Không coi pháp luật vua ra chi cả!

 

Đứng thẫn thờ nhìn  sâu vào động đá!

Cả ba bà quá bối rối băn khoăn

Ồ nhưng kìa một vùng tỏa hào quang

Thầy đứng đó uy nghi đầy vinh hiển!

 

Cả ba bà khiếp kinh khi phát hiện

Nhưng  Chúa  rằng:”Chính ta đã phục sinh

Đi  tìm gặp và hãy nhớ thông tin

Cho mọi người rằng ta đã sống lại!”

 

Chúa sống lại! Tin mừng thật vĩ đại!

Vạn  tuế Ngài! Vạn tuế Chúa Phục sinh

Khải hoàn ca, rạng rỡ ánh bình minh

Lời ngôn sứ đã ứng vào việc Chúa!

 

Ngài hiện ra,  còn  rất  nhiều lần nữa

Với tông đồ, nhiều nhóm  khác trong dân

Cho Tô-ma thấy dấu thánh tận tường

Ngài cũng đặt Phê-rô, đầu  Hội thánh!

 

Chúa  Phục sinh! Niềm vui mừng Chư Thánh

Niềm hân hoan từ con cái của Ngài

Cho chúng con sống đạo hạnh, hòa hài

Lấy Bác ái, Công bình làm nền tảng!

 

Bởi Thứ Tha, Yêu Thương là đức sáng

của nhân quần khi chung sống cùng nhau

Giúp  chúng con xa Bảy mối tội đầu

Xây thế giới bằng Tình Yêu cao cả!

  

Lễ Phục Sinh 2008

Bút Xuân  TRẦN ĐÌNH NGỌC

 

Ghi chú:

Chúa Giêsu đã thực sự sống lại vào "ngày Thứ Nhất trong tuần" và đã hiện ra lần đầu tiên với bà Maria Madalêna, bà Maria mẹ ông Giacôbê và bà Salômê ngay nơi táng xác Chúa khi các bà đến viếng mộ Chúa vào sáng sớm (Phúc Âm Matcô đoạn 16, câu 1 ...), sau đó với hai tông đồ Phêrô và Gioan, và nhiều lần sau nữa với các Tông đồ và nhiều người khác trong vòng 40 ngày từ khi Chúa  sống lại (Mátcô 16, 9; Gioan 20,11).

Bảy mối tội đầu: kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, mê ăn uống, ghen ghét đố kị, hờn giận, làm biếng.

 

         CÂU HỎI PHỤC SINH

 

Chúa sống lại  -  Ngài đi gặp môn đệ

Lời mở đầu: “ Thầy mến chúc Bình An

Hãy đi xa - Trên khắp nẻo thế gian

Đem Tin Mừng cho muôn  người  trần  thế !”

 

Thầy ơi Thầy ! Bình an sao chẳng dễ ?

Thế giới này chưa từng có bình an !

Lỗi phép Công bằng - Con người vẫn tham lam

Vẫn chỉ biết sao cho mình giầu có !

 

Dù biết tội - Dù lương tâm xấu hổ

Dù sai luật mà Thầy đã răn đe

Nhưng nhiều người,  nào có muốn lắng nghe

Và tuân thủ những lề luật huấn giáo ?

 

Nhìn xung quanh nhan nhản người có Ðạo

Ðạo bên này và cả Ðạo bên kia

Ðược bao nhiêu lòng quảng đại sẻ chia

người cơ nhỡ một miếng cơm manh áo ?

 

Thầy ơi Thầy ! Phải đây nguyên tắc Ðạo:

Trước Công bằng -  Bác ái sẽ theo sau 

Con  đi đều - Con  có bỏ lễ đâu !

Nhưng gian dối -  Con vẫn hoàn gian dối !

 

Xin Thầy thương -  Tha cho con ngàn lỗi

Giữ Công bằng - Con sẽ ráng ăn năn

Sống Bác Ái -  Con giữ lời Thầy răn

Con vẫn cố xứng lòng Thầy mong mỏi !

 

Bút Xuân TRẦN ÐÌNH NGỌC

VỀ MỤC LỤC
LÀM SAO ĐỂ CHẮC CHẮN ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ?

 

Hỏi: Nhân kỷ niệm Chúa Phục Sinh và lễ kính lòng thương xót của Chúa, xin cha cho biết:  nếu Chúa Kitô đã hy sinh chịu chết thay cho loài người như vậy,  vì  Chúa rất yêu thương con người như thánh Faustina đã loan truyền về  lòng thương xót của Chúa,  thì ta còn phải lo ngại gì về phần rỗi  của mình nữa?  

Trả lời: Trước khi trả lời câu hỏi trên, tôi thấy cần nói lại ở đây một lần nữa về lý do khiến Chúa Giêsu-Kitô đã giáng trần cũng như thực trạng của con người sau khi Chúa đã hoàn tất công trình cứu chuộc qua sự chết và phục sinh của Người. 

Như chúng ta đã biết: vì tội lỗi của con người mà Chúa Kitô, tức Đấng Thiên Sai (Messiah) đã xuống thế làm Con Người để đền tội  cho toàn thể nhân loại như thánh Gio-an đã viết:

           “Chính Chúa Giêsu-Kitô là của lễ đền tội cho chúng ta

             Không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi

             Nhưng còn vì tội lỗi của cả thế gian nữa.”  (1 Ga 2:2) 

Mặt khác, Chúa hy sinh chịu chết như vậy cũng vì Thiên Chúa quá yêu thương loài người nên đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. ( 1Ga 4:10). Chính nhờ sự hy sinh cao cả này mà chúng ta được tha thứ tội lỗi, được giao hòa lại với Thiên Chúa và được hy vọng sống hạnh phúc đời đời với Ngài trên Thiên Quốc. 

Phải nói là được hy vọng thôi chứ chưa chắc chắn đạt được hạnh phúc ấy bao lâu chúng ta còn sống trên trần thế và trong thân xác có ngày phải chết này. 

Thật vậy, Phép Rửa mà Chúa Giêsu ban,  dù đã tẩy sạch mọi  tội cá nhân cũng như tội nguyên tổ và hình phạt của tội này, nhưng không trả lại cho con người tình trạng ngây thơ, công chính ban đầu(original justice or innocence), một tình trạng ơn phúc mà Adam và Eva đã được hưởng trước khi phạm tội bất phục tùng. Sự sa ngã của hai người không những đã mang tội và sự chết vào trần gian mà còn  phá hủy nặng nề  bản chất thiện hảo ban đầu mà Thiên Chúa đã ban tặng khi tạo dựng lên họ. Vì thế, con người vẫn hoàn toàn yếu đuối và dễ sa ngã sau khi đã được rửa tội như giáo lý của Giáo Hội đã dạy sau đây:

      “Tuy nhiên,  nơi người đã được rửa tội, một số những hậu quả của tội vẫn còn tồn tại, như những đau khổ, bệnh tật, sự chết, hoặc những yếu đuối gắn liền với sự sống, như yếu đuối trong tính tình… nhất là khuynh hướng nghiêng chiều về tội lỗi mà truyền thống quen gọi là nhục dục, hay nói cách ẩn dụ, là ‘lò phát sinh tội lỗi’  (fomes peccati) được để lại cho ta phải chiến đấu với nó. Nhục dục không có khả năng làm hại cho những người không chiều theo nó mà còn chống lại cách can đảm nhờ ơn sủng của Chúa Kitô. ..”  ( x SGLGHCG, số  1264). 

Đây là thực trạng  không ai chối cãi được. Nói rõ hơn, dù Chúa Kitô đã chết  để chuộc tội cho cả loài người, dù phép rửa có tác dụng tẩy sạch mọi tội lỗi – gồm tội nguyên tổ và mọi tội cá nhân  – (x. Sđd, số 1263), nhưng con  người vẫn còn nguyên những yếu đuối kể trên sau khi đã được rửa tội. Nghĩa là vẫn có nhiều nguy cơ khiến con người rơi vào vòng tội lỗi vì bản chất yếu đuối, vì gương xấu của thế gian và nhất là vì những cám dỗ của ma quỉ ví “như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh  em hãy đứng  vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh  em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.” (1Pr 5: 8-9).

Đó là lời khuyên của Thánh Phêrô xưa kia nhưng vẫn còn nguyên giá trị thực tế cho chúng ta sống ngày nay. Chính vì thực trạng này mà Thánh Phaolô cũng đã phải thú nhận như sau: “Sự  thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ  làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn thì không phải chính tôi làm điều đó nhưng là tội vẫn ở trong tôi.” (Rm 7: 19-20).

Như vậy, muốn được cứu độ để sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trong cõi vĩnh hằng, con người phải chiến đấu không ngừng để chống lại những khuynh hướng xấu còn tồn tại nơi bản chất của mình, chống lại những cám dỗ của ma quỉ luôn dùng gương xấu của thế gian và triệt để khai thác bản chất yếu đuối nơi con người để mong đẩy xa con người ra khỏi tình thương và kính sợ Thiên  Chúa là Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối. 

Thiên Chúa rất yêu thương loài người và mong muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.(1 Tm 2:4). Nhưng nếu con người không cộng tác với Chúa trong ơn cứu độ này thì Chúa không thể cứu ai được. Lý do là Thiên Chúa phải tôn trọng tự do của con người. Ngài không ép buộc ai phải yêu mến Ngài và nhận ơn cứu độ. Ngài chỉ mời gọi chúng ta giống như  Vua kia mở tiệc cưới cho hoàng tử và sai gia nhân đi mời khách đến dự cho thật đông đủ. Nhưng những người được mời đã viện mọi lý do để từ chối tham dự tiệc vui này. (x. Mt 22: 1-14; Lc 14:15-24).

Nói khác đi, nếu con người sử dụng quyền tự do lựa chọn của mình để khước từ,  không muốn vào dự  Bàn Tiệc Nước Trời thì Thiên Chúa đành phải tôn trọng thôi. Như thế ơn cứu độ không đương nhiên đến với ai sau khi lãnh bí tích rửa tội, mà chỉ đến với những người thực tâm muốn thi hành những cam kết của bí tích này mà thôi. 

Những cam kết đó là tin và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và cương quyết từ bỏ ma quỉ là kẻ xúi dục  và gây ra mọi tội lỗi. Đó là cách cụ thể con người muốn cộng tác vào ơn cứu độ để được sống muôn đời. Không có sự cộng tác này, Thiên Chúa không thể cứu ai được. 

Cứ nhìn vào thực tế ngày nay ở khắp mọi nơi, người ta sẽ  thấy rõ làn ranh giữa những người muốn đáp lời mời gọi của Chúa để tham dự Bàn Tiệc Nước Trời  và những người đang từ chối với nhiều lý do. Đó là những người đang chối bỏ Thiên Chúa bằng chính cuộc sống của họ, đang ngụp lặn  trong “văn hóa sự chết” để đi tìm tiền bạc, danh vọng, chức quyền và vui thú vật chất bất chính hơn là đi tìm Chúa là nguồn hạnh phúc và giầu sang đích thực. Có thể nhiều người trong họ trước kia đã chịu phép rửa tội, đã thực hành đức tin một thời gian. Nhưng nay vì  hấp lực của đồng tiền và  lạc thú vô luân, họ đang chối bỏ Thiên Chúa cách hùng hồn bằng chính đời sống của họ. Nếu  cứ tiếp tục chối bỏ Thiên Chúa như thế cho đến hơi thở cuối cùng thì dù Chúa Kitô có chết thêm nhiều lần nữa cũng vô ích cho những người này mà thôi. 

Tóm lại, dù Thiên Chúa yêu thương con người đến tuyệt vời trong Chúa Kitô-Giêsu  như Thánh nữ  Faustina Kowalska (1905-1938) đã loan truyền về  lòng thương xót của Chúa (Divine Mercy) mà Giáo Hội mừng kính trong Chúa Nhật thứ 2 Phục Sinh, và dù cho Chúa Kitô đã hy sinh chịu chết thay cho mọi người thì vẫn không ai được cứu độ nếu không cộng tác với Chúa trong ơn này như đã trình bày ở trên. Và đây mới là điều đáng lo ngại cho những ai đang từ chối phần đóng góp của mình vào ơn cứu độ. 

Tình thương của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô được tạm ví như giòng suối vô tận tuôn chảy ngày đêm xuống vực sâu thẳm. Nhưng nếu người ta không cúi xuống để múc lấy mà uống thì sẽ chết khát bên giòng suối ngập nước kia, vì nước  không có nhiệm vụ phải nhảy vọt lên khỏi giòng suối để chảy vào miệng những ai đang khát nằm đợi bên bờ. 

Vậy để khỏi chết khát, thì trước tiên phải có nước uống. Nhưng cũng phải có công đi tìm nguồn nước này và phải múc lấy mà uống cho khỏi chết khát, vì nước không có chức năng đi tìm và tự động chảy vào miệng ai được. 

Do đó,  cần thiết phải cậy nhờ lòng thương xót của Chúa,  nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô như giòng suối cứu sống nói trên. Nhưng cũng phải nỗ lực cộng tác vào ơn cứu độ này bằng quyết tâm yêu mến Chúa, yêu thương anh  chị  em đồng loại và xa lánh mọi tội lỗi bao lâu còn sống trên trần thế này. 

Không thể khoán trắng cho lòng thương xót của Chúa và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô để không làm gì cả, hay tệ hại hơn nữa, là sống ngược lại với lòng thương xót  và công nghiệp ấy để mặc sức hành động theo những đòi hỏi của nhục dục, lôi cuốn của thế gian và mưu chước của ma quỉ.  

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC
Lạy Cha chúng con ở trên trời 

Tác phẩm: Cầu Nguyện Cá Nhân: Bí quyết tình yêu và vui sống 

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

Phần thứ ba: Cẩm Nang Chỉ Đường 

hai 
 

Lạy Cha chúng con ở trên trời 
 

Chúng ta có hai bản Kinh Lạy Cha, một của Matthêu và một của Luca (Mt.6: 9-15 và Lc.11: 2-4). Kinh Lạy Cha của Matthêu là một phần của Bài Giảng Trên Núi, Chúa dạy cho dân chúng và các môn đệ. Còn của Luca thì Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ khi các ông xin Chúa dạy cho các ông cầu nguyện. Như vậy xem ra Chúa Giêsu dạy kinh Lạy Cha nhiều lần, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau và theo những công thức khác biệt. Có lẽ Ngài cũng thêm cả một phần chú giải chi tiết nữa. Như thế phải vừa chăm chỉ đọc vừa suy niệm sâu xa, chứ không phải học thuộc lòng rồi đọc như con vẹt! 

Do đó, tôi muốn mời bạn chậm rãi suy niệm lời kinh Phúc âm nầy. Tôi chọn bắt đầu từ cuối và đi lên cho đến tận đầu, bằng cách theo lối hành trình của đứa con  trai hoang đàng (Lc.15, 11- 32). Bạn hãy đặt mình trong da thịt đứa con hư của dụ ngôn. Nó lìa xa cha để đi hoang phí cuộc đời của mình cách dại dột. Nó đã tìm thấy mình phá sản xác xơ. Vì phải chăn heo và đói, nó mới cảm thấy nhớ cha. Bấy giờ nó mới bắt đầu tìm đường trở về.

Những kẻ thoát khỏi địa ngục

Xin cứu chúng con cho khỏi Sự Dữ

Đứa con lạc bước bắt đầu lên đường trở về với cha. Cuối cùng nó rứt khỏi Sự Dữ. Sự Dữ (chữ hoa) cũng chính là Satan và tất cả những gì làm chúng ta hư hỏng. Nhờ phép thanh tẩy và đức tin sống động, Chúa giựt thoát chúng ta khỏi cạm bẩy của hỏa ngục, để mở lối về thiên đàng cho chúng ta. ‘’Với Chúa Giêsu dẫn dắt, bạn có thể được tái sinh, bạn có thể bắt đầu lại tất cả, quét sạch đời sống quá khứ của bạn và khởi đi lại từ con số không.’’ 

Lạy Cha chúng con, chúng con cám ơn Cha về ân huệ tự do quí báu dường ấy. Xin Cha dạy cho chúng con đừng phung phí nó. Xin Cha giải thoát chúng con khỏi những nỗi sợ hãi của chúng con. Chúng con cầu xin Cha cho tất cả những ai đang còn nô lệ cho Sự Dữ. Xin Cha cứu họ, xin Cha giải thoát họ, vì tình yêu của Cha. 
  

Mạnh hơn Sự Dữ 

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ 

Trên đường trở về, đứa con bị cám dỗ nhìn lại đàng sau. Tên Cám Dỗ rình chực những yếu đuối nhỏ nhất. Nhưng nó đã bị đánh bại trước, vì Chúa Kitô đã sống lại. Ngay một đứa trẻ còn mạnh hơn nó. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu thuật lại khi lên bốn tuổi, ngài đã mơ thấy hai thằng quỉ nhỏ nhảy múa trước mặt ngài, dù chân chúng phải mang xiềng xích. Thánh nữ sợ quá, nhưng ngài đã thấy chúng còn sợ hơn ngài nữa, chúng chạy trốn khỏi cái nhìn của ngài và đi ẩn núp trong đống quần áo. Thánh nữ viết: “Tôi tin rằng Chúa Nhân Lành đã cho phép tôi nhớ lại chuyện đó để chứng tỏ cho tôi biết rằng một linh hồn trong tình trạng ơn nghĩa Chúa không việc gì mà phải sợ ma quỉ cả, chúng là những tên hèn nhát chỉ biết chạy trốn trước cái nhìn của một đứa trẻ con’’ (Chuyện Một Tâm Hồn). 

Chúng ta cầu xin Cha chúng ta ban cho chúng ta cái nhìn trong sáng, để vượt qua các cơn cám dỗ mà không dừng lại một giây. Nhưng nhiều lần chúng ta đã có dừng lại ! Chẳng hạn, trong một con đường đầy cửa tiệm, bạn thấy có cái gì hấp dẫn bạn. Bạn muốn mua cái đó. Bạn dừng lại ngắm nghía. Bạn vào tiệm và bạn mua. Tại sao lại không ? Nhưng khi ra khỏi cửa tiệm, bạn tự nhủ: “Thực ra, tôi chẳng cần cái nầy. Sự ham muốn của tôi lại đã chơi tôi một trận nữa rồi !’’ Đó là chưa nói tới những thứ quảng cáo đi qua con mắt mà thức dậy ‘con heo’ trong lòng chúng ta ! 

Chính chúng ta là những kẻ chịu trách nhiệm. Thiên Chúa không bao giờ cám dỗ ai và Ngài cũng bảo đảm rằng chúng ta sẽ không bao giờ phải chịu cám dỗ quá sức chúng ta: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức, nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng’’ (I Cr.10, 13). Lạy Cha, xin ban cho chúng con ơn can đảm chiến đấu cho tới tận cùng cuộc đời chúng con và được chiến thắng.

Tỏa chiếu dịu dàng

Xin tha thứ cho chúng con, như chúng con cũng tha thứ cho kẻ khác 

Đứa con hoang đàng khó tưởng tượng được lòng tốt của cha nó, vì nó đã quá quen sống ích kỹ. Nó nghĩ rằng nó không còn đáng được gọi là con của cha nó nữa (x. Lc.15, 19). Quá nhiều lần chúng ta quá cứng cỏi: cái nhìn cứng, trái tim cứng... Với người nọ, người kia, cái đó không thể tha thứ được ! Trong khi Chúa, Ngài luôn luôn sẵn sàng tha thứ. Nợ tình yêu mà chúng ta mắc Ngài, Ngài sẵn lòng bỏ qua, không tranh luận chi hết (x. Mt.18, 23-35). 

Ngay khi bạn gặp được lòng tốt vô biên của Chúa đối với bạn, bạn trở nên người biết xúc động: trái tim bạn chảy  ra và bạn có thể tha thứ tất cả, thật là phép lạ ! Với căn bản những ơn tha thứ đã cho đi đó, bạn lại có thể xin Chúa tha thứ cho bạn, như bạn tha thứ cho những ai làm bạn bị tổn thương. Nhưng nếu bạn không tha thứ, bạn sẽ cắt đứt sự lưu chuyển của lòng thương xót và mọi sự sẽ xảy ra dường như Thiên Chúa không còn tha thứ nữa... 

Trong lời cầu nguyện tư riêng, trong Bí tích tha thứ, trong việc phục vụ tha nhân, một ánh sáng dịu dàng làm cho chúng ta dần dần tỏa chiếu sự dịu dàng, ngay cả với những ai làm khổ chúng ta. Một thanh niên 19 tuổi chia sẻ: “Mỗi lần xưng tội, tôi muốn để quá khứ chìm đắm trong sự dịu dàng tỏa ra từ Trái Tim Chúa. Hôm nay, tôi tin rằng Chúa Giêsu muốn tôi luôn vẫn là kẻ kêu xin lòng thương xót của Chúa. Ngài muốn thiết lập chỗ ở trong các thương tích của tôi. Ngài muốn làm phát sinh từ những thương tích của tôi những lời ca hy vọng.’’ Vâng, ‘’phúc cho những ai biết thương xót, vì họ sẽ được xót thương’’ (Mt.5, 7). 

Lạy Cha toàn năng tốt lành, xin mở cho chúng con nguồn suối dịu dàng và chúng con sẽ nên nhân chứng cho anh chị em chúng con về lòng thương xót ngọt ngào của Cha.

Những lữ hành khiêm tốn

Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày 

Càng bước đi, đứa con hoang đàng càng cảm thấy đói. Nhưng nó không còn nhớ đến thức ăn của heo, để đón nhận một của ăn lành mạnh. Khi xin những cái đã có rồi, chúng ta lại ý thức được tất cả là hồng ân, ngay cả kết quả lao công của chúng ta. Chúng ta đốt lên như thế ngọn lửa báo hiệu: Sống không phải để ăn, mà ăn để sống ! Là những lữ hành khiêm tốn, chúng ta lên đường với một hành trang tối thiểu. Về lương thực thì chỉ vừa đủ để sống còn, như man-na trong sa mạc. Dự trữ là vô ích... 

Nhưng lương thực không phải chỉ là cơm bánh. Thực đơn còn có những lời nuôi sống, nụ cười giải thoát, sự thinh lặng nhiệm mầu, những sự hiện diện phá tan nỗi đơn côi... Chúa Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống, hiến trao cho chúng ta mỗi ngày, cho đến tận thế. Được lãnh nhận qua hiệp lễ, Ngài dưỡng nuôi linh hồn, khi lời cầu nguyện mỗi ngày mở ra cho tình huynh đệ. Chia sớt bánh trên bàn ăn lữ hành... Chia sẻ con tim tràn ngập yêu thương, thì bất hạnh thay đổi địa chỉ và trở thành hạnh phúc. 

Lạy Cha, hôm nay trong sự hiện diện của Cha, chúng con nhận biết những hồng ân Cha đã ban cho chúng con, cho thân xác và linh hồn chúng con. Chúng con tha thiết khẩn nài Cha ban cho mỗi đứa con của Cha được hưởng nếm tình yêu của Cha. Xin Cha cho người đói được no nê và lại ban cho người no nê được đói khát tình yêu của Cha. 

Lời Xin Vâng trọn vẹn

Ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời 

Đứa con hoang đàng càng lúc càng nghĩ tới cha nó. Nó không còn đòi lại gì hết. Nó dọn mình để lại sống hòa hợp với cha. Vâng, xin vâng, đồng ý, amen ! Bao nhiêu lời cùng trùng hợp giữa trời với đất, giữa Thiên Chúa và con người. Trong niềm tin, Mẹ Maria đã trao cho Chúa sử dụng trọn vẹn con tim mình. Tiếng xin vâng quyết định và hoàn hảo của Mẹ vang vọng đến vô tận, dưới đất cũng như trên trời. Mỗi người chúng ta hãy thinh lặng lắng nghe, đón tiếp cuộc thăm viếng và thưa lại cùng với Mẹ “Xin vâng như ý Chúa.’’ 

Càng tiến lại gần Chúa, chúng ta càng cảm thấy một sức lôi kéo mãnh liệt. Trong từ trường vinh quang của Chúa, chúng ta được nam châm hóa. Ý muốn ích kỷ của chúng ta dần dần bị xóa tan như những vì sao biến đi khỏi bầu trời khi ánh dương rạng sáng. Ý muốn dịu dàng của Chúa hòa tấu nhịp nhàng hai thế giới, hữu hình với vô hình. “Hởi con bé nhỏ, con hãy dừng lại, lặng yên và làm một cuộc hành hương dài đến tận đáy lòng con. Hãy tiến bước dọc theo tình yêu hoàn toàn mới mẻ của con, như người ta ngược suối lên tìm nguồn, và ở tận cuối, nơi sâu thẳm, trong nhiệm mầu vô biên của linh hồn con, con sẽ gặp được chính Cha, vì Cha được gọi là Tình Yêu.’’ 

Lạy Cha, với tất cả lòng tín thác, con đặt vào tay Cha tất cả tự do của con.

Thánh Thần của thời đại cuối cùng

Nước cha trị đến

Ước muốn của đứa con hoang đàng trở nên lo âu. Nó vội vã tiến đến nhà cha. Nó ước mơ vương quốc. Vương quốc của Chúa là Công Chính, Bình An và Vui Mừng trong Thánh Thần. Toàn thể tạo vật hết sức khát khao đạt tới viên mãn cuối cùng. Lạy Chúa, xin hãy đến! Lạy Thánh Thần, xin hãy đến, xin đừng trì hoãn! Thế giới đã quá khổ đau và máu tử đạo hằng kêu lên với Chúa ngày đêm. Mọi người công chính âm thầm chờ đợi một cuộc Hiện Xuống của Tình Yêu trên địa cầu. Mọi lời cầu nguyện chuyển cầu cùng hội tụ vào ngày giờ Mầu Nhiệm Thiên Chúa được mạc khải toàn bộ. 

Như chiếc lưới bao la của người đánh cá, tiếng kêu của hằng tỉ người nghèo khắp trên hành tinh hằng vang vọng mọi nơi: 

Cuối cùng, xin hãy đến

sự hiệp nhất của các giáo hội kitô,

  • công lý cho những người bị ức hiếp,

  • hoà bình chân thật làm vô hiệu đạn bom,

  • sự trắng trong cho mọi nơi hư hỏng,

  • sức khoẻ đẩy lùi khổ đau và chết chóc,

  • ơn cứu rỗi đời đời cho những kẻ hư mất,

  • niềm vui hiệp thông huynh đệ.

Lạy Cha, xin lắng nghe những tiếng kêu hy vọng vang lên từ mặt đất hấp hối. Để Nước Cha trị đến mau chóng hơn, xin Cha lại ban cho Giáo Hội lòng hăng say truyền giáo của mình. Xin Cha dạy cho Giáo Hội biết theo trường của những người bé nhỏ và nghèo khó nhất, vì họ là những người lớn nhất trong Nước Chúa.

Sự hoàn hảo của Chúa Con

Xin cho Danh Cha được thánh hoá

Giữa gia đình của mình, đứa con hoang đàng mỗi ngày một khám phá hơn được người anh cả. Nhưng không phải là người anh cả ghen tương (x. Lc.15, 25-32), mà là một người anh cả khác, đã làm cho nó và với nó, thành con đường trở về với Cha. 

Làm sao thánh hóa Danh Chúa Cha mà không đi qua danh Chúa Con?! Lạy Chúa Giêsu, Người Con Cả xứng đáng của Chúa Cha, trái ngược người con cả của dụ ngôn, chính nơi Chúa mà Chúa Cha mạc khải tất cả bí mật tình yêu của Ngài. Chúa có thể nói lên sự thật với Cha rằng: “Mọi sự của con đều là của Cha, và mọi sự của Cha đều là của con’’ (Jn.17, 10 ; Lc.15, 31). “Con đã tỏ Danh Cha cho những người mà Cha đã đem ra khỏi thế gian để ban cho con’’ (Jn.17, 6). Mầu nhiệm của Danh, mầu nhiệm Ba Ngôi! Cha và Con là một: “Ai thấy Thầy là thấy Cha”, Chúa Giêsu nói với Philipphê như thế (Jn.14, 9). 

Trước khi đi vào Nhà Cha, bạn hãy để sự hoàn hảo của Chúa Con thanh tẩy cho. Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Jn.14, 6). Không ai có thể làm vinh danh Chúa Cha mà không có Chúa Con, và cũng không ai có thể làm vinh danh Chúa Con mà không có Chúa Cha. Đó thực quả là công việc của Chúa Thánh Thần. 

Con đường hoàn hảo là sức hút của một tình yêu luôn luôn lớn hơn, bởi vì nó luôn luôn khiêm tốn hơn. “Để thánh hóa Danh Cha, chúng ta chỉ biết ẩn náu trong Thập giá của Chúa Kitô. Tử đạo kitô là một kinh nghiệm thần bí, nơi một người nào đó, đàn ông hay đàn bà, trao hiến cho Chúa Kitô với một lòng tín thác khiêm tốn, lúc mà những khổ đau đến cao độ nhất. Bấy giờ, niềm vui phục sinh tràn ngập lấy họ. Có nhiều cách thế để được tử đạo’’ (Olivier Clément). 

Lạy Cha, xin ban cho thời đại chúng con những con người yêu Cha như thế. Trong họ, Danh Cha chiếu sáng như hạt kim cương với muôn ngàn mặt!

Nhà Cha

Lạy Cha chúng con ở trên trời

Đây là chặng cuối đường. Đứa con hoang đàng được mừng lễ tuyệt vời, với đàn ca và múa nhảy (x. Lc.15, 20-24). Hỡi công dân Nước Trời, bạn được ở trong Nhà Cha, ở đó mọi sự rất đơn giản và sẵn sàng đón tiếp bất cứ người nào, với điều kiện biết ngắm nhìn và chơi như một trẻ nhỏ. Người ta kể rằng trong giờ ra chơi, cha Gioan Bosco đến gặp Savio và hỏi:

  • Con định làm gì?

  • Con không biết. Cha muốn con làm chi?

  • Không, con hãy nói cái con muốn làm cơ.

  • Ô, con muốn chơi.

  • Vậy con có muốn chơi với Chúa không? Nếu con chơi với Chúa, là con làm một việc rất lớn lao chưa ai làm đó. Con hãy chơi với Chúa đi nhé. Ngài là một người bạn chơi tuyệt vời...

Lạy Cha trên trời của con, trong khi chờ đợi ngày con được chiêm ngưỡng Cha, con tìm Cha trong lòng con, cái bầu trời nội tâm nhỏ bé nầy. Xin Cha dẫn dắt con trên con đường vĩnh cửu.

VỀ MỤC LỤC
Bệnh Thường Thấy Ở Mắt 

 

Cặp mắt nhỏ bé như hai hòn bi thủy tinh đã được ví quý giá như ngọc, quý hơn hai bàn tay lớn hơn gấp bội mà chỉ là vàng.

Vì là bộ phận rất tinh vi, mỏng manh nên tạo hóa đã sắp đặt để hai con mắt được bảo vệ với các thành phần như sau:

- Các mảnh xương sọ họp lại thành một bức tường bao quanh ổ mắt để bảo vệ nửa phần sau của nhãn cầu.

Mi mắt để che chở phần trước của mắt. Mi mắt khép kín để tránh vật lạ xâm nhập và luôn luôn chớp mở để mắt không khô.

- Lông mày và lông mi để ngăn bụi bậm, vi khuẩn loạng quạng bay vào mắt.

- Lớp kết mạc mỏng lót mi mắt và phần trước của nhãn cầu.

- Nước mắt để làm mắt trơn, loại bỏ vật lạ và có nhất nhờn để chống nhiễm trùng.

Bào vệ như vậy tưởng là đã an toàn, vậy mà nhiều khi mắt cũng hay bị tổn thương, bệnh hoạn. Nguyên nhân gây bệnh có thể là từ bên ngoài hoặc từ con mắt.

Sau đấy là một số rối loạn thường thấy. 

Mắt khô

Bình thường, giác mạc được bôi trơn bằng chất nước tiết ra từ những tuyến nước mắt nằm ở phía trên nhãn cầu.

Nước mắt có vị mặn vì xuất thân từ máu. Thành phần cấu tạo nước mắt gồm có nước, muối, chất đạm, chất béo, các phân tử hydrocarbons. Mỗi lần mi mắt chớp là nước mắt phủ rộng lên trên nhãn cầu, giúp cho mắt không bị khô và đau. Giác mạc có nhiều dây thần kinh, rất nhậy cảm với đau khi bị thương tích. 

1. Nguyên nhân gây ra khô mắt

Bất cứ nguyên nhân nào làm giảm nước mắt đều đưa đến khô mắt. Đó là:

- Tuổi cao

Tuổi càng cao nước mắt càng ít, đặc biệt là phụ nữ ở tuổi mãn kinh

- Do dược phẩm như thuốc lợi tiểu, thuốc hạ cao huyết áp loại chặn beta, thuốc ngủ, chống dị ứng, chống đau nhức, chống trầm cảm, thuốc ngừa thai, rượu hoặc sau khi làm xạ trị.

 - Mất sự cân bằng giữa các thành phần cấu tạo nước mắt như chất dầu, nước và chất nhầy (mucous) khiến cho nước mắt mau bốc hơi, mắt khô.

- Trong bệnh viêm khớp, ban đỏ lupus, hội chứng Sjogren, khô miệng, bệnh HIV.

- Tổn thương nhãn cầu, viêm nhiễm mi mắt

- Thiếu sinh tố A đôi khi cũng đưa tới khô mắt

- Thời tiết khắc nghiệt, không khí khô, quá nóng, nhiều gió.

- Khói thuốc lá, nhìn, đọc sách quá lâu, không chớp mắt làm mắt khô nhiều hơn. 

2. Dấu hiệu

Dấu hiệu thường thấy là cảm giác ngứa, cháy bỏng trên giác mạc, đôi khi có ghèn quanh mi mắt.

Khó chịu giảm khi thời tiết mát, trời mưa, nhiều sương mù, nhiều độ ẩm, chẳng hạn khi đang tắm.

Khô mắt có thể là báo hiệu một bệnh trầm trọng. Vì vậy nếu mắt khô kéo dài quá lâu, cần đi khám bác sĩ.

Bác sĩ khám mắt đều có thể xác định được rối loạn này. Đôi khi bác sĩ có thể đo lượng nước mắt tiết ra với một miếng giấy thử đặt ở mí mắt dưới.

3. Điều trị

Khô mắt mà không chữa, giác mạc có thể bị tổn thương, đưa tới kém hoặc mất thị lực.

1. Nước mắt nhân tạo được dùng rất phổ biến để giảm thiểu khô mắt và tăng độ nhờn của mắt, nhờ đó thị lực rõ ràng hơn.

Thành phần chính của nước mắt nhân tạo có thể là các chất Hydroxypropyl Methylcellulose, Carboxy Methylcellulose, Polyvinyl Alcohol. Ngoài ra, một số sản phẩm có chất như Benzalkonium Hexachloride để khỏi mau hư.

Khi dùng nên theo hướng dẫn của bác sĩ và nhà sản xuất, chẳng hạn mỗi ngày ba lần, mỗi lần một giọt. Dùng quá nhiều đôi khi gây ra mờ mắt nhất là nếu dị ứng với một hoạt chất trong nước mắt nhân tạo.

Thuốc mỡ (ointment) làm nhờn mắt và nên dùng vào ban đêm để sáng dậy mắt ẩm ướt hơn. Không nên dùng thuốc mỡ khi mang kính sát tròng (contact lense).

2. Nhớ chớp mắt thường xuyên. Đôi khi vì mải miết đọc sách, coi TV đến nỗi quên cả chớp mắt, giác mạc sẽ khô, khó chịu.

3. Trong nhà nên để máy phun bụi nước để không khí bớt khô.

4. Ăn thêm vài củ cà rốt nho nhỏ mỗi ngày để có thêm sinh tố A.

5. Mang một loại kính đặc biệt (moisture chambers glasses) bao kín mắt để giữ hơi ẩm khi nước mắt bay hơi. Có thể mua kính này tại phòng mạch các bác sĩ về mắt.

6. Lâu lâu lấy chiếc khăn mặt nhúng vào nước nóng ấm, vắt khô rồi đắp lên mắt trong vài phút. Hơi nóng làm thông ống dẫn nước mắt và nước mắt trào ra.

Ngoài ra, vi phẫu thuật khép ống dẫn nước mắt xuống mũi hoặc sử dụng tia Laser có thể được áp dụng trong vài trường hợp đặc biệt để chữa mắt khô. 

Viêm kết mạc

Đây là trường hợp kết mạc phủ nhãn cầu và mi mắt bị kích thích và đỏ. Tiếng Anh gọi là Pinkeye, mắt hồng. Mắt kèm nhèm chẩy nước, hai mí mắt sưng đỏ, nhiều ghèn.

Tác nhân gây bệnh thường thấy là những virus tương tự các virus trong bệnh cảm lạnh. Đôi khi vi khuẩn cũng gây ra viêm giác mạc.

Viêm kết mạc (Conjunctivitis) rất hay lây qua sự dùng chung các dụng cụ liên hệ tới mắt như khăn mặt, đồ trang điểm hoặc khi dụi tay lên mắt đang đau. Vì thế, rửa tay thường xuyên và không dụi mắt là phương pháp hữu hiệu để phòng tránh lây lan viêm mắt.

Viêm kết mạc do virus tự lành sau mấy ngày. Thuốc nhỏ mắt được dùng khi mắt cảm thấy cộm, ngứa.

Viêm do vi khuẩn được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhỏ mắt và cần được bác sĩ xác định trước khi dùng.

Viêm do dị ứng thường kéo dài lâu hơn và xảy ra tùy theo mùa. Điều trị căn bản là tránh xa các chất gây ra dị ứng.

Mỗi ngày dùng khăn mặt tẩm nước nóng, chườm lên mắt vài ba lần để giảm kích thích khó chịu. Nếu viêm vì dị ứng, hay bị ngứa thì chườm khăn ngâm nước lạnh.

Lau ghèn mắt với miếng vải mỏng, cục bông gòn tẩm nước lạnh. Nhớ ném xa các miếng vải lau này để tránh lây bệnh cho người khác. 

Nên phân biệt mắt hồng pinkeye với mắt đỏ red eye trong đó các mạch máu trên mắt giãn nở, chứa đầy máu.

Nguyên nhân có thể là do không khí quá khô, mắt tiếp xúc quá lâu với ánh sáng mặt trời, bụi bậm vật lạ vào mắt, dị ứng, chấn thương hoặc nhiễm trùng. Nguyên nhân thông thường khác nữa là khi ho mạnh hoặc làm việc cố gắng quá sức.

Mới nhìn, Mắt Đỏ coi có vẻ rất đáng sợ, nhưng không nguy hại lắm và thường thì tan đi sau dăm ngày.

Tuy nhiên nếu mắt đỏ kéo dài cả tuần kèm theo đau nhức nhãn cầu, nhức đầu, thị giác rối loạn hoặc thương tích mắt thì nên đi bác sĩ ngay. 

Lẹo Mắt

Chân lông mi có nang tiết ra chất nhờn. Vi khuẩn trên da có thể xâm nhập nang và làm nang sưng to, ứ đọng với chất nhờn. Đó là lẹo mắt (stye).

Bệnh nhân than phiển chẩy nước mắt, đau, đỏ, ngứa. Khi mủ thành hình, phần giữa của lẹo nổi lên một chấm mầu vàng. Lẹo bớt đau khi vỡ mủ. Đôi khi mủ tiếp tục tích tụ, lẹo lớn lên và gây ra khó khăn cho thị giác. 

Lẹo có thể xảy ra vì:

- Viêm mi mắt (Blepharitis), do vi khuẩn hoặc chất gây dị ứng.

- Dùng chung hoặc dùng quá nhiều mỹ phẩm.

- Đôi khi do căng thẳng tinh thần.

Chữa lẹo cũng giản dị thôi.

- Mỗi ngày chườm lẹo với khăm tẩm nước ấm ít nhất 4 lần, mỗi lần lâu 10 phút.

- Lấy ngón tay thoa nhẹ trên lẹo để lẹo mau lành

- Thoa thuốc kháng sinh dạng mỡ hoặc dung dịch thuốc nhỏ mắt mỗi ngày ba lần.

- Nên để lẹo tự lành chứ không nên nặn mủ để tránh bệnh trầm trọng hơn.

 - Không nên bôi mỹ phẩm lên mi mắt hoặc mang kính sát tròng cho tới khi lẹo lành.

Nếu không chữa, lẹo có thể hết rồi lại xuất hiện hoặc lây lan qua nang lông kế cận hoặc gây ra viêm nhiễm tế bào của mi mắt.

Cần đi khám bác sĩ nếu:

- Lẹo tiếp tục sưng sau một tuần lễ tự chăm sóc.

- Nhìn khó khăn.

 - Mi mắt sưng to, có vẩy

 - Lẹo chẩy máu.

 - Mắt không chịu đựng được với ánh sáng. 

 Chắp mắt

Chắp (Chalazion) là bệnh của một loại tuyến nhỏ ở viền mi mắt. Các tuyến này do nhà cơ thể học người Đức Heinrick Meibom tìm ra vào thế kỷ thứ 17 vì thế được gọi là tuyến meibom. Tuyến tiết ra chất nhờn.

Khi bị viêm vì dị ứng, tuyến sẽ sưng lên và gọi là chắp.

Điều trị gồm có:

- Giữ gìn mắt và mi mắt sạch sẽ.

- Nhỏ nước mắt nhân tạo cho mắt trơn ướt.

- Chườm khăn thấm nước ấm lên mi mắt mỗi ngày vài ba lần.

- Nếu cần, thoa thuốc kháng sinh dạng mỡ lên mi mắt.

- Đôi khi bác sĩ có thể chích một chút thuốc corticosteroid để giảm sưng hoặc rạch mổ để nạo hết mủ. 

Quầng đen quanh mắt

Thông thường thì mọi người đều nói rằng quầng đen quanh mắt là hậu quả cũa mấy đêm thức trắng coi phim bộ, khi trong người mỏi mệt, khi đau ốm, mất cân, vì suy nghĩ nhiều hoặc tâm tình căng thẳng.

Cũng có ý kiến cho là ở tuổi già, lớp da quanh mắt mỏng hơn để lộ các mạch máu ở dưới tạo ra quầng đen.

Hoặc vì cơ thể thiếu nước, hay dụi mắt, thiếu dinh dưỡng, do di truyền hoặc khi nằm ngủ, nước tụ quanh mi mắt tạo ra vết quầng.

Mới đây có thêm một giải thích khác có tính cách khoa học hơn. Đó là dưới lớp da rất mỏng chung quanh mắt có những mạch máu rất nhỏ, nhỏ đến nỗi mà hồng huyết cầu muốn đi qua phải thay hình lách tới. Đôi khi có mấy hồng huyết cầu thoát ra khỏi mạch máu, tan vỡ vào da. Huyết cầu tố của hồng cầu bị phân hóa, tạo ra chất mầu xám và tạo ra quầng đen quanh mắt. Hiện tượng này tương tự như da bị bầm (bruise) vì va chạm mạnh.

Thường thường quầng mắt không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe và mất đi sau thời gian ngắn. Một vài sản phẩm thoa trên da có sinh tố C, K alpha hydroxyl acid có thể làm mất các vết quầng.

Nếu quầng mắt tồn tại lâu, nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân rồi điều trị.

Ngoài ra, mắt sưng húp hoặc có túi dưới mắt cũng có thể xảy ra.

 Sưng mắt có thể là do di truyền, tụ nước vì thay đổi thời tiết, thay đổi lượng hormone trong cơ thể, do dị ứng, viêm da hoặc do một vài dược phẩm.

Sưng húp không gây nguy hại gì ngoại trừ trông hơi khó chịu.

Để giảm mi mắt sưng, nên ngủ đầy đủ; ngủ với gối hơi cao để tránh tụ nước quanh mắt; chườm quanh mắt với khăn nước lạnh hoặc với mấy miếng dưa chuột tươi mát.

Nếu mắt tiếp tục sưng lâu đặc biệt là khi các phần khác của cơ thể cũng sưng thì nên đi bác sĩ để được khám bệnh vì đây có thể là do bệnh thận, bệnh tuyến giáp hoặc do tác dụng phụ cùa vài dược phẩm.

Kết luận

Kể ra thì còn một số rủi ro khác của mắt. Nhưng người viết cũng đã mỏi đôi mắt. Và mắt người đọc chắc cũng căng căng.

Vậy thì xin cùng nhau tạm ngưng, nhắm cặp mắt vài giây, lấy ngón tay thoa nhẹ lên mi mắt, rồi nhìn ra ngoài trời nắng ấm hoặc tuyết trắng rơi rơi… cho mắt thư giãn, thoải mái. Để cùng bảo vệ hai hòn ngọc quý giá ngự ở phần cao nhất của cơ thể, chỉ dưới có đỉnh đầu mà thôi.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức  Texas-Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC
KÝ SINH    Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Trên tuần báo Công giáo và Dân tộc, số 1429, gã đọc được một bài viết ngăn ngắn của Khổng Thành Ngọc với tựa đề “Khúc bi ai của người cầm bút”. Tác giả đã mô tả như sau :

“Trong số những người đến dự phiên tòa phúc thẩm một vụ án lớn, có một phụ nữ trẻ, ăn mặc rất mô-đen, thời thượng. Chồng chị vốn là một nhà báo, nay đang âu sầu đứng trước vành móng ngựa. Lạ một nỗi, chị vẫn tươi cười, không một dấu hiệu trên gương mặt tỏ vẻ buồn phiền, lo âu.

Bị-cáo-nhà-báo kia đang bị các nhân chứng khai đã trắng trợn tống tiền họ, lợi dụng uy thế báo chí ép buộc phải cống nạp. Tiền mãi-lộ mua-đường nộp cho ông nhà báo mỗi lần vài chục triệu. Kẻ-bán-chữ cúi gầm mặt hổ thẹn trước những lời tố cáo. Còn cô vợ ngồi nghe những lời cáo buộc chồng mình, xem chừng vẫn…vô tư. Có mấy người dự khán liếc nhìn chị, lắc đầu ngao ngán. Có lẽ họ đau cho ông chồng nhà báo đã phải bán rẻ lương tâm người cầm bút, kiếm chác càng nhiều càng tốt, đặng cung phụng cho cô vợ trẻ se xua.

Không ai, kể cả luật pháp động đến chị ta. Bởi chị vô can. Cũng chẳng người nào có thể lân la góp ý, khuyên can. Bởi chị ta là…chị ta. Chị có quyền sống theo cách của mình. Nghe đâu, chị đang rắp ranh mua xe hơi, đặng theo kịp trào lưu những người có của. Thôi cũng mặc…

Tác giả còn “thuyết giảng” một chặp nữa về lương tâm của người cầm bút, đồng thời kêu gọi hãy đề cao cảnh giác trước những cơn cám dỗ ngọt ngào.

Hồi trước năm 1975, gã đã từng được nghe nói đến những anh nhà báo báo hại, chuyên môn đi tống tiền thiên hạ một cách trắng trợn. Những độc chiêu anh ta tung ra để thiên hạ chui đầu vào rọ, không phải chỉ có tam thập lục kế, ba mươi sáu kế mà thôi, nhưng nó còn thiên biến vạn hóa, đến quỉ thần cũng không lường nổi.

Đại khái, anh ta khéo ỡm ờ mở đầu loạt bài phóng sự điều tra của mình bằng những chữ viết tắt : Ở quận H, tỉnh N, có một nhân vật tên K…Rồi sau đó, anh ta vòng vo tam quốc, tán hươu tán vượn với mục đích rung cây và chờ đợi.

Người bị ngòi bút của anh ta đụng chạm tới, nếu quả thực trong dĩ vãng đã có những lem nhem về tình hay những thiếu trong sáng về tiền, liền cảm thấy nhột nhạt. Và thế là lập tức liên hệ với anh ta, để thương lượng và trả giá.

Nếu giá cả quá bèo, không đáp ứng với lòng tham lam của anh ta, thì ngay trên số báo sau,  anh ta sẽ không ngần ngại loan báo cho bàn dân thiên hạ được biết :

- Ngày ấy tháng ấy, ông K đã đưa cho tôi số tiền là…với mục đích bịt miệng dư luận. Nhưng vì lương tâm nghề nghiệp, tôi nhất định không chịu bẻ cong ngòi bút, nên vẫn cứ tiếp tục phanh phui.

Còn nếu như giá cả hợp tình và hợp lý đúng theo những tính toán cộng trừ nhân chia của anh ta, thì loạt bài phóng sự điều tra ấy sẽ được…chìm xuồng và chẳng bao giờ xuất hiện nữa.

Thế nhưng trong bài này, gã xin tạm gác hình ảnh thảm hại của anh nhà báo qua một bên, để chiêm ngưỡng dung nhan chị vợ. Chị ta chẳng cần phải lao động, mà chỉ cần : khi thì nhõng nhẽo, khi thì mè nheo, lúc thì hồ hởi, lúc thì lạnh lùng đòi mua sắm đủ thứ…

Tới nước này, anh chồng tội nghiệp chỉ còn biết gật đầu chiều theo. Rồi bằng mọi cách, dù là bất chính, ra sức kiếm chác càng nhiều càng tốt, hầu cung phụng cho chị ta. Mặc dầu đã biết trước những hiểm nguy đang rình rập từng bước, anh ta vẫn cắn răng đánh bài liều, thôi thì cũng mặc :

- Một liều ba bảy cũng liều.

Hay như Nguyễn Du đã viết :

- Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

  Mà xem con tạo xoay vần tới đâu ?

Càng chiêm ngưỡng dung nhan chị vợ, gã càng cảm thấy chị ta có những nét phảng phất giống như một loài ký sinh, bám chặt lấy anh chồng, khiến anh ta cứ chết dần chết mòn, thậm chí còn chết…tươi đi lúc nào cũng chẳng biết.

Vì không phải là một  chuyên viên thứ thiệc, nên gã đành phải bật tự điển để “tra kíu” cũng như…”ngâm kíu” tí chút và gã đã ghi nhận được những định nghĩa như sau :

Ký có nghĩa là gửi, nhờ vả, ở đậu.

Sinh có nhiều nghĩa, và một trong những nghĩa ấy là sống.

Như vậy ký sinh có nghĩa là sống bám, sống gửi, sống nhờ…Về phương diện này, người ta đã chia ký sinh ra làm hai loại, đó là loại động vật và loại thực vật.

Thứ nhất, ký sinh thuộc loại động vật, trước hết là những loài sống bám trên da thịt người hay vật khác, chẳng hạn như chấy, rận, bọ chét…Môi trường hoạt động  của chúng mới chỉ ở phía bên ngoài mà thôi.

Gã còn nhớ hình ảnh ngày xưa về những bà mẹ già ở miền Bắc. Thực vậy vào mùa đông trời rét đậm, nhưng thỉnh thoảng cũng có những ngày mặt trời ló dạng, chiếu tỏa những tia nắng ấm. Vào những ngày nắng ấm họa hiếm ấy, các bà thường đem chăn chiếu, mùng mền ra phơi. Có bà ngồi bên ngưỡng cửa vừa chải tóc cho con và vừa bắt chấy. Có bà vừa ngồi hong nắng, vừa vạch những đường khâu trên áo quần để bắt rận. Bắt được con chấy hay con rận nào thì lấy móng tay ấn xuống cho chết, hay đưa lên miệng mà cắn, nghe nổ đánh đét một cái.

Hồi xưa còn bé, sống trong lưu xá, nếu phát hiện ra giường cu cậu nào có rệp, thì lập tức sẽ có một ngày làm công tác tổng vệ sinh. Giường thì được phun thuốc DDT, còn chăn chiếu mùng mền thì được đem giặt bằng nước sôi, để tận diệt cho bằng hết loại ký sinh, chuyên hút máu của những cậu bé dễ thương như…gã.

Cách đây không lâu, người ta cho gã một con chó kiểng. Chú chó này thật xinh với bộ lông xù. Thân hình nhỏ bé chỉ bằng cổ chân mà thôi. Ngày nào cũng phải tắm gội cho chú bằng xà bông. Ai nhìn cũng thích. Thậm chí mấy chị sinh viên tới chơi đã đưa ra một “lời đề nghị khiếm nhã” với gã, đó là cho mấy chị ấy mượn tạm chú chó lông xù ít ngày để mang về làm vui cửa vui nhà.

Thế rồi vì bận công việc, gã phải đi vắng mất hai tuần lễ. Khi trở về mới thấy chú chó nhỏ mới tang thương ngẫu lục làm sao. Trên thân hình nhỏ bé và tiều tụy ấy, chỗ nào cũng thấy bọ chét đủ loại. Có con thì to, sau khi hút máu cang phồng như đầu đũa. Có con thì nhỏ, mình đen hay đỏ bóng, chân búng thật mạnh để thoát thân mỗi khi gặp nạn. Chúng sinh sôi nảy nở thật khủng khiếp, thậm chí còn bám đầy cả trên tường vách nữa.

Thế là gã bèn phải mất toi mấy ngày để làm vệ sinh cho chú chó nhỏ, mới cứu vãn được tình thế. Gã dùng chiếc “panh” gắp từng con bọ chét, cho vào lon sữa bò đựng dầu lửa. Lại còn phải đem chú chó đi tắm gội và xịt thuốc lên tường vách, sau đó môi trường mới dần dần trở lại cái thế ổn định như trước.

Trong khi đau cả lưng, mỏi cả mắt vì ngồi bắt bọ chét, gã mới nghiệm ra lời thiên hạ nói ngày xưa là đúng :

- Trong cuộc sống có ba việc làm thật luống công vô ích và phí phạm thời giờ : Thứ nhất là giảng cho các cha, thứ hai là giải tội cho các sơ và thứ ba là bắt  bọ cho chó.

Hai việc trên gã không biết thế nào, chứ việc thứ ba xem ra có phần đúng, bởi vì hôm nay mình bắt tưởng chừng như đã hết, ngày mai vạch ra lại thấy có và còn có nhiều nữa mới chết không cơ chứ.

Tiếp đến là những loài sống bám trong cơ thể người hay vật khác, chẳng hạn như giun, sán…Môi trường hoạt động của chúng là ở phía bên trong, nơi lục phủ ngũ tạng và gây nên những chứng bệnh đôi khi cũng rất trầm trọng.

Về giun sán, gã có một kỷ niệm nhớ đời như sau :

Số là vào một ngày nọ, gã và một thằng bạn rủ nhau đi phố. Trên con dốc về nhà, nó bỗng cao hứng hát oang oang :

- Trời hôm nay thanh thanh, gió đưa cành mơn man tà áo…

Sau khi hát rông rổng mỏi cả miệng nó bèn phán :

- Giả sử như lúc này có một đám giun sán lúc nhúc trong bụng, bao nhiêu chất bổ béo ta xơi vào, chúng liền tranh nhau đớp cho bằng sạch. Thảo nào mà ta vẫn gầy còm, ốm yếu tong teo như những kẻ suy dinh dưỡng. Phen này ta phải diệt  bằng hết lũ ký sinh khốn nạn ấy.

Đồng ý với những hậu quả tai hại, hai đứa bèn nhất trí quay phắt ra chợ, ghé vô một tiệm thuốc tây và hỏi :

- Ở đây có loại thuốc giun nào mới nhất và mạnh nhất thì bán cho chúng tôi, mỗi đứa một liều.

Cô bán thuốc bèn đưa cho mỗi đứa một lọ. Về nhà, sau khi đọc kỹ tờ hướng dẫn, hai đứa liền nhắm mắt nhắm mũi uống đánh ực một cái. Sáng hôm sau, cả hai đều mệt đứ đừ vì suốt đêm bị Tào Tháo rượt mà  chẳng thấy một con giun hay một con sán nào cả.

Theo tờ hướng dẫn, nếu không thấy thì phải mua ngay một ve thuốc xổ để uống thêm. Gã hỏi thằng bạn :

- Mày dám chơi nữa không ?

Thằng bạn lắc đầu quầy quậy :

- Em chả giám đâu.

Thế là một mình gã, từng bước chân âm thầm và xiêu vẹo, đi bộ ra chợ mua lấy một ve thuốc sổ. Thuốc xổ vừa tanh lại vừa khó xơi. Nó cứ như quyện lại thành một cục đóng ở cổ, nuốt mãi chẳng chịu trôi. Sáng hôm sau, gã bị liệt giường liệt chiếu, bất nhóc nhách, nhìn cái gì cũng vàng vọt. Thằng bạn nhanh trí pha cho một ly sữa, uống vào để cầm hơi, mãi tới trưa mới tỉnh hẳn. Và từ đó, gã đành phải “bái bai” cái món thuốc giun.

Thứ hai, ký sinh thuộc loại thực vật là những loài sống bám trên thân của một cây khác, chẳng hạn lan, nấm, tầm gửi, dây tơ hồng…

Nơi gã đang cắm dùi, dây tơ hồng không ngừng được phát triển. Dĩ nhiên dây tơ hồng ở đây không phải là sợi chỉ đỏ mà Nguyệt Lão dùng để xe kết một anh chàng với một chị chàng để nên duyên vợ chồng. Dây tơ hồng ở đây là một thứ dây leo thân trơn, hoa trắng, cánh mỏng, sống trên tàn cây cỏ khác, gốc không chấm đất.

Trong vườn, gã trồng mấy cây tùng, hằng tháng đều phải cắt tỉa, như mình đi hót tóc hay cạo râu, để giữ lấy cái dáng vẻ như mình mong muốn. Thế nhưng, không biết từ đâu, bỗng dưng dây tơ hồng rớt xuống, phát triển mau lẹ, chỉ trong một thời gian ngắn đã gần phủ kín cả tàn cây. Nếu không hủy diệt kịp thời, thì cây sẽ bị    chết …đứng.

Ngoài hai loại động vật và thực vật kể trên, theo ý gã, còn một loại thứ ba nguy hiểm hơn, đó là loài người. Ký sinh thuộc dạng người là những kẻ chỉ biết sống bám vào người khác, mà chẳng chịu lao động sản xuất, đóng góp cho gia đình và xã hội. Gã xin đưa ra một vài thí dụ điển hình.

Thí dụ thứ nhất, đó là chị vợ trong phiên tòa xử anh nhà báo, mà gã đã đề cập ở trên, bây giờ xin miễn bàn tới.

Thí dụ tứ hai, đó là là anh chồng vừa mang đầu óc độc tài, độc đoán và cả độc ác nữa, mở mồm mở miệng ra là phán thế này, phán thế nọ, vừa dài lưng tốn vải ăn no lại nằm, chẳng hề làm lụng nhưng lại đòi được cung phụng với chất lượng cao, theo kiểu cơm bưng nước rót :

- Bố tôi hay tửu hay tăm,

  Hay nghiện chè tàu, hay nằm ngủ trưa.

  Ngày thì ước những ngày mưa,

  Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.

Gã đã từng chứng kiến một ông chồng chẳng bao giờ đụng tay vào bất cứ công việc gì, suốt ngày chỉ biết ăn và ngủ. Thời gian còn lại thì tổ tôm xóc đĩa, hay đấu hót với bè bạn trong xóm.

Còn bà vợ quần quật suốt ngày, buôn tần bán tảo, buôn ngược bán xuôi, buôn thúng bán mẹt…chăm sóc từng bó rau muống và từng quả cà pháo, chắt chiu từng đồng xu và cắc bạc. Thế mà mỗi bữa cơm, đều phải dọn cho ông chồng một mâm riêng, trên đó có đủ thịt cá và cả một xị rượu nữa. Ông chồng dùng xong, bà vợ và con cái mới được xơi.

Thí dụ thứ ba, đó là những cậu ấm cô chiêu được cha mẹ gửi đi học nước ngoài, hay những người con được cha mẹ gửi lên thành phố theo đại học. Học thì chẳng bao nhiêu, mà đua đòi theo bè bạn thì nhiều. Họ cố tình làm ngơ và không hiểu rằng ở miền quê, cha mẹ đả phải vất vả đổ mồ hôi sôi nước mắt trên ruộng đồng, thu hoạch được ban nhiêu lúa thóc, liền đem bán hết lấy tiền cung cấp cho con.

Mới đây trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, có một bài mang tựa đề là “Tầm gửi”, trong đó tác giả mô tả những kiểu sống bám của một phần giới trẻ hôm nay.

Họ là những cô cử được dán “mác bởi tấm “bằng đỏ” đàng hoàng. Họ cũng có thể là những nữ sinh viên vẫn còn cắp sách đến trường, hay những nữ nhân viên trẻ trung, duyên dáng và mẫn cán…Họ có sở thích shopping, sư tầm hàng hiệu và thú vui “thay bồ như thay áo”.

Một điểm chung nữa là thay vì “còng lưng, cật lực”bằng sức lao động của mình, để nuôi sống bản thân, thì các cô gái này lại chấp nhận làm thân “tầm gửi” cho những “đại gia” hoặc “thiếu gia” lắm tật nhiều tiền…

Trong khi bạn bè cùng lớp một buổi đi học, một buổi đi chạy bàn, dạy kèm, làm tiếp thị, thậm chí giúp việc nhà để có tiền trang trải cuộc sống, thì VH thong thả sắm vai một “nữ sinh quí tộc” với sự “bảo trợ” của một cậu ấm hào hoa đất Saigon.

Mọi thứ cô đã có người yêu lo từ A đến Z, đi học cho có lệ, miễn sao lấy được tấm bằng. Chuyện việc làm thì chàng hứa sẽ nhờ “ông già” lo hộ.

Nhiều người tỏ ra lo ngại :

- Chưa chắc bảo đảm, con trai thành phố mà, một khi nó đã chán rồi thì…

Dẫu sao VH cũng bằng lòng được làm thân “tầm gửi”,  bởi theo cô :

- Được nhiều cái nhưng có mất gì đâu. Hoặc có mất đi nữa thì cũng…đáng.

Không xinh đẹp như VH, nhưng nhờ có biệt tài “ngoại giao”, giỏi ăn nói nên TV không mấy khó khăn để thiết lập những “mối quan hệ cần thiết” từ khi cô chưa tốt nghiệp khoa báo chí. Cùng với quan niệm “có mất gì thì cũng đáng”, TV sẵn sàng làm “người tình bé nhỏ” của các “sếp”, những mong có được một cuộc sống an nhàn, hay chí ít cũng làm một việc làm giữa cái thời “việc ít, người nhiều”…

Còn một loại tầm gửi nữa mà người ta hay gọi là một thứ “ký sinh hợp pháp”. Họ là đại diện của những người trẻ “vào đời không bằng đôi chân của mình”. Đa phần loại tầm gửi này đều là những cậu ấm cô chiêu được cưng chiều và hoàn toàn yên tâm về một “tương lai tươi sáng” dưới sự che chở của những “gốc” cỡ bự và chắc chắn chính là bố mẹ của họ…

TB, một sinh viên  đã từng tuyên bố như thế này :

- Học cho lắm ra trường cũng thất nghiệp, bè bạn tớ đã có bao nhiêu đứa như thế ! Thời buổi này hoặc là phải có “gốc bự”, hoặc là phải biết cách chi.

Những kiểu ký sinh như vừa kể ở trên chắc chắn sẽ đem lại những thảm khốc cho bản thân cũng như cho chính kẻ mình sống bám. Khi kẻ ấy đi đoong thì những loại người ký sinh kia cũng sẽ đi đoong theo.

Sách Cổ Học Tinh Hoa có kể lại một mẩu chuyện như sau :

Ba con rận hút máu một con lợn, tranh nhau ăn, đem nhau đi kiện. Một con rận khác gặp và hỏi :

- Ba anh kiện nhau về việc gì thế ?

Ba con rận đáp :

- Chúng tôi kiện nhau vì tranh một chỗ đất màu mỡ.

Con rận kia nói :

- Tôi tưởng các anh chẳng nên tranh nhau làm gì. Các anh chỉ nên lo đến con dao của người đồ tể giết lợn, ngọn lửa của nồi nước sôi cạo  lợn mà thôi.

Ba con rận nghe ra, biết là dại, thôi không đi kện nữa, cùng nhau quần tụ, làm ăn với nhau, dù no dù đói, cũng không bỏ nhau. Con lợn thành mỗi ngày một gầy, người ta không làm thịt cứ để nuôi, ba con rận nhờ thế mà no đủ mãi.

Người xưa đã từng bảo :

- Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời.

Tương lai đang chờ đón chúng ta. Vì thế, phải biết kiên trì thu lượm những kiến thức làm đẹp cho bản thân và làm giàu cho cuộc sống. Và điều quan trọng là phải biết bước đi bằng chính đôi thân của mình, có nghĩa là phải biết cứu lấy mình trước đã, rồi trời sẽ cứu.

Văn Công nước Đằng hỏi thầy Mạnh Tử rằng :

- Nước Đằng ta là một nước nhỏ ở vào khoảng giữa nước Tề và nước Sở  là hai nước lớn.Kể phận thì phải chiều cả hai nước, nhưng kể sức thì không thể chiều được cả. Chiều nước Tề chăng? Chiều nước Sở chăng ? Ta thực không biết nên nương tựa vào nước nào để cho nước ta được yên ổn, thầy mưu tính hộ cho ta.

Thầy Mạnh Tử thưa :

- Phàm việc gì mà cứ trông cậy vào người thì không thể chắc được. Chiều Tề thì Sở giận, chiều Sở thì Tề giận. Mưu ấy chúng tôi không thể nghĩ kịp. Xin nói một cách là tự giữ lấy nước, đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, cai trị một cách cố kết lòng dân, cùng dân giữ nước. Hoặc nhỡ có biến cố gì xảy ra, vua đã liều chết giữ nước, thì chắc dân cũng liều chết giữ nước, không nỡ bỏ vua. Thế là ta dùng cái lòng của dân để giữ lấy nước. Tự cường mà lo tan lấy việc nước. Còn chiều Tề hay chiều Sở, thì tôi không thể quyết được.

Kinh nghiệm cuộc sống cũng cho gã thấy như vậy. Tin tưởng vào Mỹ, cậy nhờ viện trợ Mỹ, đến khi Mỹ quay phắt góc một trăm tám mươi độ, cắt viện trợ và bỏ ta. Thế là ta chao đảo và tiêu tùng luôn.

Gã xin mượn tạm mấy lời sau đây của tác giả Diệu Phi trong bài “Tầm gửi” như một kết luận:

Sống như thế nào là quyền của mỗi người. Dẫu sao vào đời bằng “đôi chân của chính mình” vẫn thể hiện bản lĩnh, nghị lực sống của giới trẻ hôm nay.

Tất nhiên “đôi chân” đó phải được hiểu là những giá trị của bản thân, là tài năng, là chuyên môn và những phẩm chất khác ở mỗi người.

Đó không phải là cái “bệ phóng”, chiếc chân giả dễ làm người ta hụt hẫng vấp ngã. Càng không phải là thứ “vốn tự có” mà nhiều cô gái trẻ khai thác triệt để, những mong được an nhàn, dù phải làm thứ tầm gửi sống ký sinh !!!

Gã Siêu     gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************