Có thể nói được rằng : chúng ta đang sống
trong một thời buổi lạm phát những khẩu hiệu.
Này nhé, bước ra ngoài đường ngước mắt nhìn
lên trời, liền thấy ngay những tấm biểu ngữ giăng ngang với
những khẩu hiệu hô hào cho chính sách của nhà nước.
Bước vô trường học là thấy ngay trên tường
vách những khẩu hiệu khuyến khích đám học trò siêng năng và chăm
chỉ, lễ phép và lịch sự.
Chẳng hạn trước tình trạng xuống cấp về
phương diện đạo đức, trò dám thượng cẳng chân hạ cẳng tay với
thầy, người ta liền viết câu tục ngữ của người xưa :
- Tiên học lễ, hậu học văn.
Riêng với các thầy cô, nhiều người thầm
nghĩ trong bụng rằng :
- Tiên học võ, hậu dạy văn.
Chẳng hạn trước tình trạng chất lượng giáo
dục ngày một kém, người ta lo cải cách lên, cải cách xuống, đồng
thời để đám học trò giảm bớt đi sự sa sút, người ta luôn nhắc
nhở :
- Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời.
Chẳng hạn để mọi người ý thức tầm mức quan
trọng của việc giáo dục, người ta bèn “anh dũng” trích lời bác
Hồ :
- Kế trăm năm trồng người.
Sự thực thì bác Hồ cũng đã mượn đỡ tư tưởng
trên của Quản Trọng mà phát biểu cho oai. Quản Trọng cũng gọi
là Quản Tử, tên là Di Ngô, sống đời Xuân Thu, làm đến chức Tể
tướng giúp Tề Hoàn Công lập nên nghiệp bá. Vì thế, được vua Tề
tôn lên bậc Trượng phụ, coi như cha. Quản Trọng đã từng bảo :
- Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc.
Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc.
Chung thân chi kế, mạc như thụ nhân.
Có nghĩa là :
- Kế một năm, không gì bằng trồng lúa.
Kế mười năm, không gì bằng trồng cây.
Kế trọn đời, không gì bằng trồng người.
Chính vì vậy, trước năm 1975, Viện Đại Học
Công Giáo Đalat đã chọn cho mình cái tên là “Thụ Nhân”, “Trồng
người”.
Về đến nhà, bật truyền hình lên xem, thi
ôi thôi đầy rẫy những khẩu hiệu. Thượng vàng hạ cám, lãnh vực
nào cũng có. Vậy khẩu hiệu là cái chi chi ?
Trước hết, khẩu hiệu là lời hô to của đám
đông. Chẳng hạn mỗi khi xuống đường đi biểu tình, người ta không
ngần ngại gân cổ lên mà hô vang những khẩu hiệu, đại khái như :
- Hoan hô.
- Đả đảo.
Tiếp đến, khẩu hiệu là những câu viết ngắn
hay những lời nói gọn, nhưng hàm xúc, được dùng để nhắc nhở và
kích thích lòng người.
Như trên gã đã nói : khẩu hiệu dường như
đang bị lạm phát và có mặt ở mọi nơi và trong mọi lúc, đặc biệt
về phương diện nhà nước và quảng cáo.
Thực vậy, nhà nước thường hay dùng những
khẩu hiệu để tuyên truyền cho đường lối và chính sách của mình.
Chẳng hạn để dân chúng hiểu biết về chính
sách dân số mà…cai đẻ, người ta bèn viết :
- Dù gái hay trai, chỉ hai
là đủ.
Tuy nhiên, nếu người ta
triệt để áp dụng khẩu hiệu này vào cuộc sống, thì đôi khi lại
xảy ra những tình huống…cười ra nước mắt.
Thí dụ như một số nước bên
phương tây, số người già mỗi ngày một nhiều, còn số người trẻ
mỗi ngày một ít và như vậy xã hội đang gặp phải nguy cơ bị…”lão
hóa”.
Thí dự như Trung quốc, số
con trai thì nhiều mà số con gái thì ít, nên không thiếu gì
những chú ba tàu, chịu khó lặn lội sang tận Việt Nam để tìm…vợ,
hay mua…vợ.
Chẳng hạn để dân chúng hiểu
biết và phòng ngừa về sự lây lan của cơn bệnh thế kỷ HIV-AID,
người ta cổ động :
- Hãy nói không với ma tuy
và mãi dâm.
Và sau ngày 30 tháng 4 năm
1975, hình như đi tới đâu gã cũng thấy xuất hiện một khẩu hiệu
khuyến khích cho việc sản xuất :
- Lao động là vinh quang.
Mấy tên bợm nhậu đóng chốt
ở mấy quán cóc bên vỉa hè, nhân lúc trà dư tửu hậu bèn ngứa
miệng mà bồi thêm vào cho đậm đà ý vị :
- Lang thang thì chết đói,
Hay nói thì ở tù,
Lù khù thì sống lâu.
Còn trong lãnh vực quảng cáo, khẩu hiệu như
gặp được một vùng đất màu mỡ và phì nhiêu cho trăm hoa đua nở.
Khi lên những mẫu quảng cáo, bao giờ người ta cũng muốn đánh
mau, đánh mạnh vào đầu óc của kẻ tiêu dùng, nên đã đưa ra những
khẩu hiệu ngắn gọn, dễ hiểu và dễ nhớ.
Nếu gã không lầm, thì hồi trước năm 1975,
nói tới thuốc bổ, người ta nghĩ ngay tới Activit, thuốc bổ gan
bò tươi Hòa Lan. Nói tới xe gắn máy, người ta nghĩ ngay tới
Suzuky an toan trên xa lộ, thanh lịch trên đường phố. Nói tới
kem đánh răng, người ta nghĩ ngay tới anh bảy chà Hynos…
Bây giờ cũng thế, mỗi sản phẩm đều được gán
cho một khẩu hiệu để dễ dàng đi vào lòng người. Gã chỉ xin đưa
ra một vài khẩu hiệu điển hình mà thôi :
- Nước giải khát 7 Up với khẩu hiệu : mở
lối đi riêng.
- Sữa Milo với khẩu hiệu : Cả ngày tràn đầy
năng lực.
- Cà phê Trung Nguyên với khẩu hiệu : khơi
nguồn sáng tạo.
-Dầu gội đầu Sunsilk với khẩu hiệu : Nuôi
tóc chắc khỏe.
Và có cả những khẩu hiệu đọc lên như muốn
nổi da gà và toát cả mồ hôi hột, như những khẩu hiệu quảng cáo
cho băng vệ sinh phụ nữ!!!
Trong cuộc sống thường này, gã cũng ghi
nhận được rất nhiêu những khẩu hiệu, đúc kết từ biết bao nhiêu
kinh nghiệm quí giá, được đưa ra làm tiêu chuẩn hướng dẫn cho
mọi hành động, hay làm kim chỉ nam xác định đường đi nước bước
trong cuộc đời. Chẳng hạn :
- Sống là tranh đấu.
Đúng thế, sống trong cuộc đời chúng ta
giống như người bơi ngược dòng nước. Nếu không cố gắng bơi, thì
chắc chắn sẽ bị dòng nước cuốn trôi. Không tiến tức là lùi.
Trong khi người khác đang hăm hở tiến lên, còn mình cứ giậm chân
tại chỗ, thì chắc chắn sẽ bị kể là bị thụt lùi, bị tụt hậu, bị
đẩy về phía sau mất rồi.
Ăn theo những mẫu quảng cáo trên, hôm nay
gã xin bàn đến một khẩu hiệu rất đơn giản, nhưng lại có một tầm
mức khá quan trọng đối với mỗi người chúng ta. Khẩu hiệu ấy như
thế này :
- Sống là chọn lựa.
Kể từ khi rời ghế nhà trường, để bước chân
xuống cuộc đời, những kiến thức thu lượm được qua sách vở suốt
những năm dài học tập, cứ dần dần bị rơi rụng tả tơi. Nay một tí
và mai một tí, thành thử cho đến bây giờ chẳng còn đọng lại được
bao nhiêu. Thậm chí có những thứ ngày xưa đã in đậm vào trong
đầu óc, thế mà bây giờ cũng đã bị quên béng đi mất từ hồi nào
cũng chẳng hay.
Hình như có một ông triết gia nào đó đã
trình làng một định đề của mình như sau :
- Tôi suy tư, tức là tôi hiện hữu.
Cùng một thể thức ấy, gã cũng có thể nói
được rằng :
- Tôi chọn lựa, tức là tôi hiện hữu.
Thực vậy, con người được Thượng đế trao ban
cho sự tự do. Chính nhờ sự tự do mà con người có thể chọn lựa.
Và sự chọn lựa luôn theo sát chúng ta từng giây từng phút, để
rồi làm nên nét đặc thù của con người.
Có một con trâu, sau một buổi lao động cật
lực trên đồng ruộng, về tới nhà thì mệt nhoài. Vừa đói lại vừa
khát. Ông chủ liền thưởng công, ưu ái đem tới một bó cỏ non và
một thau nước mát. Con trâu định ăn miếng cỏ, nhưng rồi lại đưa
mắt nhìn thau nước. Định uống ngụm nước nhưng rồi lại đưa mắt
nhìn bó cỏ. Phân vân không dám chọn lựa, đành phải chịu đói và
chịu khát, khi cỏ non và nước mát ở ngay trước miệng.
Kinh nghiệm cũng cho thấy, tự thẳm sâu cõi
lòng luôn vọng lên một tiếng nói tuy âm thầm nhưng quyết liệt,
thôi thúc chúng ta làm việc tốt và tránh việc xấu. Vì thế, trước
mỗi hành động, chúng ta đều phải chọn lựa : làm hay không làm.
Rồi nếu đã chọn làm, thì làm điều lành hay điều dữ. Như vậy,
cuộc đời chúng ta được dệt nên bởi những chọn lựa không ngừng.
Tuy nhiên, có những chọn lựa không phải chỉ
ảnh hưởng tới một khoảng khắc nào đó, mà còn ảnh hưởng tới toàn
bộ cuộc sống chúng ta bởi vì đã vạch ra cho chúng ta một con
đường phải đi suốt dọc cuộc đời.
Chẳng thế mà một ông người Pháp đã xác
quyết một cách rất chí lý như sau :
- L’avenir d’un homme
dépend de quelque “oui” ou de quelque “non” prononcés de 16 à 20
ans.
Có nghĩa là :
- Tương lai mỗi người tùy
thuộc vào một vài câu “có” hay một vài câu “không”, được thốt
lên ở lứa tuổi từ 16 đến 20.
Nói cách khác :
- Tương lai mỗi người tùy
thuộc vào một vài chọn lựa được thực hiện từ thời niên thiếu.
Gã chỉ xin nêu lên hai chọn
lựa điển hình, có tính cách định hướng, làm nên một lối đi cho
cuộc đời.
Chọn lựa thứ nhất, đó là
chọn lựa cho mình một bậc sống.
Đúng thế, trước ngưỡng cửa
cuộc đời chúng ta có hai ngã rẽ. Một là dấn thân vào nếp sống tu
trì, theo đuổi lý tưởng phục vụ Chúa và người khác. Hai là dấn
thân vào nếp sống lứa đôi, xây dựng một mái ấm gia đình.
Nếu chọn nếp sống tu trì,
thì cũng phải lựa cho mình một hướng đi, đó là tu triều hay tu
dòng.
Nếu chọn tu dòng, thì cũng
phải lựa cho mình một linh đạo, hay nói một cách cụ thể hơn,
phải lựa cho mình một dòng tu để mà đầu tư công sức vào đó.
Bởi vì trong lòng Giáo hội,
có rất nhiều dòng tu và mỗi dòng tu lại theo đuổi một lý tưởng
khác nhau, như một thửa vườn với muôn hoa khoe sắc. Tuy cùng
phục vụ Chúa và người khác, nhưng mấy sư huynh Lasan lại chuyên
về dạy học, mấy thầy Gioan Thiên Chúa lại chuyên về bệnh nhân,
mấy cha Don Bosco lại chuyên về giới trẻ…Và nhất là các dòng nữ.
Hỏi rằng trên thế gian này
có bao nhiêu dòng nữ ? Một người có óc khôi hài và cũng được
liệt vào hạng thích đùa, đã trả lời như sau :
- Đức Chúa Trời là Đấng
thông minh sáng suốt vô cùng, thế mà Ngài cũng đành phải bó tay,
không biết đích xác được hiện nay trên thế gian có bao nhiêu
dòng nữ!!!
Còn nếu chọn nếp sống lứa
đôi, thì cũng phải lựa cho mình một anh chàng hay một chị nàng
nào đó, để mà yêu thương, kết tóc xe tơ, thành vợ thành chồng và
gắn chặt đời mình lại với nhau.
Thực vậy, trong quá trình
giao tiếp, một anh chàng có lẽ đã gặp gỡ và làm quen với cô này
cô khác, chẳng hạn như cô Cam, cô Quít, cô Mít, cô Bưởi…
Đây là lúc phải nhìn cho rõ
chiếc xương sườn cụt của mình. Đây là lúc phải nhận ra cái “nửa
kia của mình”.
Một khi đã chọn cô Mít, thì
cũng phải có can đảm khước từ cô Quít, cô Cam, cô Bưởi…chứ không
được bắt cá hai tay, vơ đũa cả nắm, hay đứng núi này trông núi
nọ.
Chọn lựa thứ hai, đó là
chọn lựa cho mình một nghề nghiệp.
Thực vậy, nghề nghiệp sẽ
theo mình trong suốt cả cuộc sống, vì đó là một chiếc cần câu
cơm, đem lại ấm no cho bản thân và gia đình, cũng như đóng góp
cho xã hội.
Vì thế, phải lựa cho mình
một nghề nghiệp phù hợp với sở thích và khả năng. Chẳng có nghề
nghiệp nào xấu cả, mà chỉ có những con người xấu, lạm dụng nghề
nghiệp của mình để làm những điều xằng bậy mà thôi.
Một khi đã có được sự chọn
lựa, chúng ta cần phải cố gắng thực hiện cho bằng được sự chọn
lựa ấy, có nghĩa là phải đầu tư công sức của mình vào con đường
đã chọn và đã lựa.
Đúng thế, nếu chọn nếp sống
tu trì, thì cần phải ra sức tu học, chấp nhận mọi kỷ luật, nhờ
đó thăng tiến bản thân, đổi mới cuộc đời, mỗi ngày một trở nên
đạo đức và thánh thiện hơn, nhờ đó việc phục vụ sau này sẽ gặt
hái được những thành quả tốt đẹp.
Nếu chọn nếp sống lứa đôi,
thì cần phải ra sức làm cho tình yêu được phát triển mỗi ngày
một trở nên đằm thắm, bằng cách dám chấp nhận những hy sinh cho
nhau và vì nhau, nhờ đó gia đình sẽ trở thành một mái ấm ngập
tràn hạnh phúc.
Nếu chọn một nghề nào đó,
thì cần phải ra sức trau dồi để tay nghề được vững, bởi vì như
người xưa đã bảo :
- Trăm hay không bằng tay quen.
- Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Có nghĩa
là chuyên sâu một nghề cho giỏi, thì chắc chắn bản thân sẽ được
vinh quang và sung sướng.
Còn nếu nghề nào cũng biết tí ti, cũng biết
chút đỉnh, cũng biết qua quít…thì rồi sẽ chẳng biết được một
nghề nào cả. Nhất là thời buổi hiện nay, một thời buổi đòi hỏi
phải chuyên môn trong mọi lãnh vực. Kiến thức lơ mơ, tay nghề
xoàng xĩnh, không sớm thì muộn cũng sẽ bị đào thải.
Và cuối cùng, một điều không thể bỏ qua, đó
là phải trung thành với sự chọn lựa của mình.
Thực vậy, nếu chọn đời sống tu trì thì phải
trung thành với ơn gọi của mình. Dĩ nhiên, trong phạm vi ơn gọi,
Thiên Chúa đóng vai trò chủ động, bởi vì như lời Ngài đã nói
ngày xưa :
- Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng
chính Thầy đã chọn các con và sai các con đi.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải cộng tác
với ơn Chúa, bằng cách quảng đại đáp trả và trung thành với ơn
gọi Chúa đã dành cho mình.
Vốn biết rằng thân phận con người thì yếu
đuối và có thể sa ngã vấp phạm bất cứ lúc nào. Vì thế, cần phải
cậy dựa vào sự nâng đỡ và trợ giúp của Chúa. Đồng thời cũng phải
làm hết sức mình để gắn bó với Ngài. Chúa cũng đành bó tay chịu
vậy khi chúng ta quay lưng phản bội Ngài.
Đây cũng là một hiện tượng đáng buồn vì
nhiều linh mục và tu sĩ giữa đường đứt gánh, cởi bỏ chiếc áo nhà
dòng và thiên chức của mình, để trở về thế gian, làm một
phó…giáo dân, bằng không thì cũng kéo lê cuộc sống, bố đạo chẳng
ra bố đạo, mà bố đời cũng chẳng ra bố đời, láo nháo như cháo với
cơm.
Còn nếu chọn đời sống lứa đôi, thì phải
trung thành với người bạn đường của mình. Thực vậy, một khi đã
tiến đến hôn nhân, chúng ta chính thức công bố sự chọn lựa của
mình. Mà chọn lựa vừa có nghĩa là chấp nhận, lại vừa có nghĩa là
từ bỏ. Phải chấp nhận người mình yêu với tất cả sở trường và sở
đoản, với tất cả ưu điểm và khuyết điểm. Khuyết điểm thì giúp
nhau khắc phục. Ưu điểm thì giúp nhau phát triển. Đồng thời phải
từ bỏ tất cả những gì khả dĩ làm cho tình yêu bị sứt mẻ và rạn
vỡ.
Rất nhiều người đã lên tiếng về cuộc khủng
hoảng gia đình hiện nay. Số các cặp vợ chồng lôi nhau ra tòa để
ly dị mỗi ngày một gia tăng đến chóng cả mặt, làm cho gia đình
bị đổ vỡ, vô phương cứu chữa. Và một trong những nguyên nhân dẫn
đến tình trạng bi đát này, đó là người ta đã không trung thành
với nhau. Người ta đã chia sớt tình yêu của mình một cách thầm
lén và vụng trộm với một kẻ thứ ba. Người ta đã sống theo kiểu :
Ông ăn chả, thì bà cũng ăn nem. Chỉ khổ đau và tội nghiệp cho
những đứa con còn nhỏ bé và thơ ngây mà thôi.
Sau cùng, nếu đã chọn cho mình một nghề để
sinh sống, thì cũng cần phải kiên nhẫn và trung thành với nghề
nghiệp ấy. Dù gặp phải khó khăn hay gian nan thử thách cũng vẫn
kiên nhẫn, bởi vì lắm khi :
- Thất bại là mẹ thành công.
Nhờ thất bại mà chúng ta tích lũy được
những kinh nghiệm quí giá, hứa hẹn những kết quả to lớn hơn :
- Chớ thấy sóng cả mà lo,
Sóng thời mặc sóng, chèo cho có chừng.
Hầu hết những người thành công trên đường
đời đều là những người đã từng gặp phải những thất bại đắng cay,
nhưng họ biết trung thành và kiên nhẫn, vươn lên từ những thất
bại và đắng cay ấy. Vì thế người xưa đã từng khuyên nhủ :
- Hữu chí sự cánh thành. Nghĩa là có chí
thì sự nghiệp được thành.
Sách “Cổ học tinh hoa” kể lại một mẩu
chuyện như sau :
Nước Trịnh có người học nghề làm dù che
mưa, ba năm mới thành nghề. Trời đại hạn, không ai dùng đến dù,
anh ta bèn bỏ nghề làm dù, đi học nghề làm gầu tát nước.
Lại học ba năm mới thành nghề làm gầu, thì
trời mưa luôn mãi, không ai dùng đến gầu. Bấy giờ anh ta lại
quay về nghề làm dù như trước.
Không bao lâu, trong nước có giặc, dân gian
nhiều người phải đi lính, mặc đồ nhung phục, không ai cần đến
dù. Anh ta xoay ra nghề đúc binh khí thì đã già quách rồi.
Úc Ly Tử thấy anh ta, thương tình mà nói
rằng :
- Than ôi ! Bác chẳng đã già mất rồi ư !
Già hay trẻ không phải là tự người, mà là tự trời, điều ấy cố
nhiên. Nhưng nghề nghiệp thành hay bại, dù lỡ thời không gặp
dịp, cũng không nên đổ cả cho trời, tất có mình ở trong. Ngày
xưa nước Việt có một người làm ruộng, cấy lúa chiêm ba năm đều
hại vì lụt cả. Có người bảo anh ta nên tháo nước mà cấy lúa mùa,
anh ta không nghe, cứ cấy chiêm như trước. Năm ấy nắng to, mà
nắng luôn ba năm, vụ chiêm nào cũng được, thành ra anh ta kéo
lại hòa cả mấy năm mất mùa trước. Cho nên có câu rằng :
- Trời đại hạn, nghĩ đến sắm thuyền,
Trời nồng nực, nghĩ đến sắm áo bông.
Đó là một câu thiên hạ nói rất phải.
Tác giả sách “Cổ học tinh hoa” cũng đã góp
thêm một lời bàn như sau :
Người ta làm nghề gì, ai chẳng muốn cho
nghề ấy được phát đạt, thịnh vượng. Song gặp thời thì hay, lỡ
thời hóa dở. Như thế thì cái thời cũng quan hệ với nghề của mình
lắm.
Khốn nỗi cái thời là tự ở đâu đâu, chớ
không tự mình gây lấy được, cho nên có lắm người làm nghề, không
thành nghề, thường nói rằng :
- Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.
Nghĩa là người chỉ mưu tính công việc, còn
công việc nên hay không nên, là do tại trời. Song người có gan,
dù cho lỡ thời cũng cứ vững dạ mà giữ lấy nghề, vì nghề chắc đã
thành, thì tất cũng có chốn dụng, chẳng chóng thì chầy, chẳng
nhiều thì ít.
Cứ nay làm nghề này, mai xoay nghề khác,
như hòn đá lăn mãi không bao giờ mọc rêu, thì chỉ nhọc xác, già
người mà vẫn không ăn thua gì cả.
Cho tới lúc
này, gã cảm thấy mỗi người cũng cần phải kiểm điểm lại xem đã
thực hiện sự chọn lựa cho đời mình như thế nào ?
Gã Siêu
gasieu@gmail.com
|