Hiến Chế
Tín Lý Về Giáo Hội Lumen Gentium |
Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Hiến Chế Tín Lý
Về Giáo Hội
Lumen Gentium
Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học
Viện Piô X
Prepared for Internet by Vietnamese
Missionaries in Asia
Trích Văn Kiện
Công Ðồng Chung Vaticanô II
Thông Tri
Do vị Tổng
Thư Ký của Thánh Công Ðồng trong phiên họp khoáng đại lần thứ
123 ngày 16-11-1964.
Có người thắc
mắc về phẩm tính thần học của giáo thuyết được trình bày trong
Lược Ðồ về Giáo Hội và sẽ được đem ra đầu phiếu.
Ủy ban lo về
giáo thuyết, khi xét đến những "Ðề Nghị Tu Chỉnh" về chương III
Lược Ðồ về Giáo Hội, đã trả lời rằng:
"Dĩ nhiên, phải
luôn luôn giải thích văn kiện Công Ðồng theo những qui tắc chung
mà mọi người đều biết".
Nhân dịp này,
Ủy Ban Giáo Thuyết đã nhắc lại bản Tuyên Ngôn của mình, ngày
6-3-1964; chúng tôi xin trích lại bản văn đó:
"Xét theo tập
tục Công Ðồng và chủ đích mục vụ của Công Ðồng hiện tại, Thánh
Công Ðồng nầy xác định rằng Giáo Hội chỉ phải tuân giữ những
điều có liên quan đến đức tin và phong hóa được chính Thánh Công
Ðồng tuyên bố là như vậy".
"Còn những điểm
khác được Thánh Công Ðồng trình bày, vì là giáo thuyết của quyền
Giáo Huấn Tối Thượng của Giáo Hội, nên tất cả và mỗi một Kitô
hữu phải chấp nhận và hiểu theo ý của chính Thánh Công Ðồng, dựa
trên những tiêu chuẩn của phương pháp giải thích thần học: ý
Công Ðồng tỏ lộ qua nội dung được trình bày hoặc qua cách diễn
tả của Công Ðồng".
Và đây là một
chú thích sơ khởi, mà Thượng Quyền gửi đến các Nghị Phụ đối với
"những Ðề Nghị Tu Chỉnh" liên quan đến chương III của Lược Ðồ về
Giáo Hội; giáo thuyết được trình bày trong chương III này phải
được giải thích và hiểu theo tinh thần và thể thức của chú thích
này.
Chú Thích Sơ Khởi
"Trước khi xét
những "Ðề Nghị Tu Chỉnh", Ủy Ban quyết định trình bày những nhận
xét tổng quát sau đây:
1. Cộng Ðoàn (collegium)
không hiểu theo nghĩa thuần túy pháp lý, nghĩa là một nhóm người
bình đẳng, mà quyền hạn họ đã trao phó cho một vị chủ tịch;
nhưng phải hiểu là một nhóm người có tính cách vững bền mà cơ
cấu tổ chức và quyền hành phải được rút ra từ Mạc Khải. Cho nên,
khi trả lời "Ðề Nghị Tu Chỉnh" số 12, chúng tôi đã nói rõ rằng:
Mười Hai Tông Ðồ đã được Chúa thành lập theo thể thức "một cộng
đoàn hay một nhóm người có tính cách vững bền" : Cũng xem Ðề
Nghị Tu Chỉnh số 53, c. - Cũng vì vậy, chữ "Hàng" (hàng Giám
Mục: ordo) hay "Ðoàn" (corpus) cùng được dùng đây đó để chỉ
"Cộng Ðoàn Giám Mục". Sự đối chiếu: một bên là Phêrô với các
Tông Ðồ khác, một bên là Ðức Giáo Hoàng với các Giám Mục, không
có nghĩa là quyền đặc biệt của các Tông Ðồ đã được truyền lại
cho các người kế vị và, dĩ nhiên, cũng không có nghĩa là giữa vị
Thủ Lãnh và các phần tử của cộng đoàn có sự bình đẳng; nhưng chỉ
muốn xác định một sự tương xứng giữa tương quan thứ nhất (Phêrô
- Tông Ðồ) và tương quan thứ hai (Ðức Giáo Hoàng - Các Giám
Mục). Vì thế trong số 22, Ủy Ban đã quyết định không dùng chữ
"cũng vậy", nhưng dùng chữ "tương tự như thế". Xem Ðề Nghị Tu
Chỉnh 57.
2. Người được phong chức
giám mục và hiệp thông phẩm trật với Thủ Lãnh và với các phần tử
trong Cộng Ðoàn thì trở thành phần tử của Giám Mục Ðoàn. Xem số
22, 1 phần cuối.
Trong việc tấn
phong, có sự tham dự hữu thể vào các nhiệm vụ thánh, như Truyền
Thống và cả tập truyền phụng vụ đã chứng tỏ hiển nhiên. Sau khi
thảo luận, Ủy Ban dùng danh từ "nhiệm vụ" (munus) chứ không dùng
danh từ "quyền hành" (potestas), vì "quyền hành" có thể hiểu là
một quyền hành sẵn sàng để xử dụng. Thật ra, để có một quyền
hành như thế thì cần phải có thêm sự chỉ định theo giáo luật
hoặc pháp lý của quyền bính phẩm trật. Sự chỉ định này có thể là
việc bổ nhiệm vào một chức vụ đặc biệt hay việc ủy thác trông
coi một số người và theo những qui luật đã được quyền tối thượng
chấp thuận. Do bản chất của sự việc, cần phải có qui luật cuối
cùng như thế, bởi vì đó là những nhiệm vụ phải được thực hành do
nhiều phụ tá cộng tác theo phẩm trật do ý muốn của Chúa Kitô.
Hiển nhiên là trước khi viết thành bộ luật, thì sự "hiệp thông"
ấy đã được áp dụng trong đời sống Giáo Hội tùy theo hoàn cảnh
của các thời đại.
Chính vì thế mà
Ủy Ban minh nhiên nói rằng: cần phải có sự hiệp thông phẩm trật
với Thủ Lãnh và với các phần tử của Giáo Hội. Hiệp thông, một ý
niệm rất được Giáo Hội thời xưa (cũng như thời nay, nhất là Giáo
Hội Ðông Phương) đề cao. Ðó không phải là tâm tình mơ hồ, nhưng
là một thực thể hữu cơ. Nó đòi hỏi một hình thức pháp lý, đồng
thời được linh động nhờ đức ái. Do đó, sau khi được sự đồng ý
của hầu hết mọi người, Ủy Ban quyết định viết như sau: "trong sự
hiệp thông phẩm trật". Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh số 40, và những chỗ
đề cập đến chức vụ bổ nhiệm theo giáo luật, số 24.
Những văn kiện
gần đây của các Ðức Giáo Hoàng về quyền tài thẩm của các Giám
Mục phải được giải thích theo sự hạn định cần thiết về những
quyền hành ấy.
3. Cộng Ðoàn, không thể có
Cộng Ðoàn nếu không có Thủ Lãnh, "cũng là chủ thể có quyền bính
trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội". Cần phải chấp nhận
điều đó để quyền bính trọn vẹn của Ðức Giáo Hoàng Roma khỏi bị
vi phạm. Nói đến Cộng Ðoàn (Giám Mục), bao giờ người ta cũng
phải hiểu là gồm có Thủ Lãnh; và trong Cộng Ðoàn, Thủ Lãnh vẫn
nắm giữ nguyên vẹn nhiệm vụ Ðấng Ðại Diện Chúa Kitô và Chủ Chăn
của Giáo Hội phổ quát. Nói cách khác, sự phân biệt không phải là
giữa Ðức Giáo Hoàng Roma và các Giám Mục hiệp lại, nhưng là giữa
cá nhân Ðức Giáo Hoàng Roma và Ðức Giáo Hoàng Roma cùng với các
Giám Mục. Vì Ðức Giáo Hoàng là Thủ Lãnh của Cộng Ðoàn nên chính
ngài một mình có quyền hành động trong một vài việc mà các Giám
Mục không có thẩm quyền: ví dụ triệu tập và điều khiển Cộng Ðoàn
Giám Mục, phê chuẩn các quy luật hành động, v. v... Xem Ðề Nghị
Tu Chỉnh số 81. Ðức Giáo Hoàng, vì được trao phó nhiệm vụ chăn
dắt toàn thể đoàn chiên Chúa Kitô, nên tùy theo nhu cầu của Giáo
Hội biến chuyển theo các thời đại, ngài giữ quyền phán định cách
thế thích hợp để thể hiện nhiệm vụ chăn dắt trên, hoặc cách cá
nhân hoặc cách cộng đoàn. Vì lợi ích của Giáo Hội, Ðức Giáo
Hoàng Roma hành động theo sự khôn ngoan của ngài để hướng dẫn,
phát huy, phê chuẩn sự thực thi quyền cộng đoàn.
4. Là Ðấng Chăn Dắt Tối Cao
của Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng có thể tùy ý thi hành quyền bính
của Ngài bất cứ lúc nào, theo sự đòi hỏi của nhiệm vụ Ngài. Còn
Cộng Ðoàn, tuy vẫn tồn tại luôn, nhưng không vì thế mà lúc nào
cũng hành động với tính cách thuần túy cộng đoàn, như Thánh
Truyền Giáo Hội xác nhận. Nói cách khác, không phải bao giờ Cộng
Ðoàn cũng hành động "trong hiện thể trọn vẹn", nhưng chỉ thỉnh
thoảng mới hành động một cách thuần túy cộng đoàn, và khi đó chỉ
vì Thủ Lãnh ưng thuận. Nói "Thủ Lãnh ưng thuận" để khỏi nghĩ đến
sự tùy thuộc như tùy thuộc vào một người ngoại cuộc. Trái lại,
từ ngữ "ưng thuận" nói lên sự hiệp thông giữa Thủ Lãnh với các
phần tử, đồng thời giả thiết sự cần thiết của một hành vi thuộc
riêng vị Thủ Lãnh. Ðiểm này được minh nhiên xác định trong số
22, 2 và được giải thích ở phần cuối số ấy. Cách nói "chỉ vì"
bao gồm tất cả mọi trường hợp: do đó dĩ nhiên là phải tuân theo
các qui luật được giáo quyền tối thượng chấp thuận. Xem Ðề Nghị
Tu Chỉnh số 84.
Trong tất cả
các điểm trên, chúng ta thấy rõ vấn đề là ở chỗ các Giám Mục
hiệp nhất với Thủ Lãnh của mình và không bao giờ hành động cách
độc lập đối với Giáo Hoàng. Trong trường hợp sau này, khi không
có hành động của Thủ Lãnh, các Giám Mục không thể hành động như
một Cộng Ðoàn được, như ý niệm "Cộng Ðoàn" cho thấy. Thánh
Truyền luôn minh chứng có sự hiệp thông phẩm trật giữa tất cả
các Giám Mục với Ðức Giáo Hoàng.
Chú Ý: Nếu
không có hiệp thông phẩm trật, thì các Giám Mục không thể thi
hành nhiệm vụ thực thể lãnh nhận do Bí Tích. Nhiệm vụ đó phải
được phân biệt với khía cạnh giáo luật - pháp lý. Nhưng Ủy Ban
nghĩ là không cần phải bàn đến các vấn đề hợp pháp và thành sự,
và để lại cho các nhà thần học thảo luận, cách riêng trong những
gì liên can tới việc thi hành quyền bính hiện có nơi anh em ly
khai Ðông Phương. Về điểm này, có nhiều giải thích khác nhau.
Pericles Felici
Tổng Giám
Mục hiệu tòa Samosate
Tổng Thư Ký
Thánh Công Ðồng Vaticanô II
|
VỀ
MỤC LỤC |
|
CÓ NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHÔNG BIẾT TẾT |
Đất nước Việt Nam đang chuẩn bị đón mừng
một năm mới âm lịch bằng Tết cổ truyền. Với truyền thống tự ngàn
đời, cái Tết với người Việt Nam dù ở đâu cũng có những điều
thiêng liêng sâu sắc, cũng nhiều ý nghĩa lớn lao cho tất cả mọi
người với một năm mới mang lời nguyện cầu luôn mạnh khỏe, hạnh
phúc và nhiều thành công mới, cuộc sống được an bình, ấm no. Tết
cũng là một dịp để con cháu nhớ đến gia đình, tổ tiên, anh em,
bè bạn gặp nhau qua những chén rượu mừng sau một năm dài vất vả
lao động.
Vì vậy, cái Tết đối với mỗi con người, mỗi
gia đình đều được chuẩn bị rất công phu và háo hức. Khắp cõi
Việt Nam những ngày này, từ đô thị đến những vùng nông thôn hẻo
lánh xa xôi, nơi nơi chuẩn bị những điều cần thiết về vật chất
và tinh thần cho những ngày Tết đến, xuân về được ấm no, hoàn
hảo. Những ngày này, giá cả tăng lên vùn vụt, lương thực, thực
phẩm và mọi thứ tăng cao theo quy luật cung – cầu.
Nơi nơi, mọi người tất bật, các quan chức
đua nhau chúc tết quan lớn, nhân viên chúc tết quan trên… với
đầy đủ các thứ của ngon, vật lạ, rượu ngoại và đola. Nhà nước
cũng tất bật cho việc chuẩn bị các cuộc vui, các buổi chúc tụng,
pháo hoa…
Nhưng, “có những người nghèo không biết
Tết”. Câu thơ của Nguyễn Bính năm nào, tưởng như chỉ có trong
thời quá khứ, trong những năm tháng chìm dưới ách thống trị của
chế độ phong kiến thối nát và bóc lột. Nhưng không, vẫn hiển
hiện nhiều nơi trên đất nước này, khi cả đất nước đã hội nhập
với thế giới, khi cả đất nước đang phát triển với mức độ tăng
trưởng được thán phục và ca ngợi.
Chiều 29 tết, chúng tôi đến một vùng quê,
cách Thành phố Hà Tĩnh chỉ 30 Km. Xứ Thọ Vực – Giáo phận Vinh,
thuộc xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Tỉnh Hà Tĩnh.
Xứ Thọ Vực, chỉ cách tỉnh lộ có 2 km. Con
đường dẫn vào đây, lép nhép đất đỏ dưới trời mưa phùn, cây cầu
treo mảnh mai đưa chúng tôi đến một vùng quê mà ngày 29 tết vẫn
thấy lạnh lẽo một không khí ảm đạm, dù mưa xuân đã lất phất bay.
Đón chúng tôi tại nhà xứ, Linh mục quản xứ
Phao lô Nguyễn Văn Cừ đã 65 tuổi. Ngài là người chúng tôi có khá
nhiều kỷ niệm, những thăng trầm thay đổi trong cuộc đời Ngài quả
là nhiều điều đáng nói. Nhưng thôi, chúng ta sẽ trở lại câu
chuyện về cuộc đời Ngài trong một dịp khác.
Dáng vẻ của Ngài khi gặp lại làm chúng tôi
ngạc nhiên, mới vài năm Ngài đã thay đổi quá nhiều về sức khỏe.
Từ một linh mục nhanh nhẹn, hoạt bát hay nói hay cười với cách
khôi hài vốn có, nay khuôn mặt như phù thũng, dáng đi nặng nề
khi tiếp khách đã làm cho chúng tôi có nhiều câu hỏi mà khi được
giải đáp, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.
Xã Hà Linh, thuộc Huyện Hương Khê có 2 xứ
đạo là Xứ Thọ Vực và xứ Vạn Căn. Linh mục Phao lô Nguyễn Văn Cừ
được điều về đây quản nhiệm đến nay được 1 năm 2 tháng. Riêng xứ
Thọ vực, với 900 nhân danh, giáo dân chủ yếu làm nghề làm ruộng.
Cuộc sống người dân ở đây đang nghèo khổ
dưới mức tưởng tượng của một giáo dân chúng tôi, dù chúng tôi
cũng chỉ là những giáo dân ở trong nước, ở một vùng nông thôn
không được coi là khấm khá gì. Nhưng những gì đang xảy ra ở nơi
đây, quả là khó ai có thể tưởng tượng được nếu không đến đó.
Nhân dân ở đây, chủ yếu là làm nông
nghiệp, nhưng vùng đất nông nghiệp này, càng làm càng lỗ vốn. Cả
xã không một trạm bơm tưới tiêu, làm ruộng theo kiểu nhờ trời.
Nếu bị hạn hán, bão lụt, thì cả làng nhịn đói. Điện thì khi có
khi không, khi chúng tôi đến, khoảng 4-5 giờ chiều, trời âm u
mưa, nhưng đèn điện như những con đom đóm le lói. Đã vậy, hệ
thống điện qua tay chủ thầu, nên giá điện khi ở thành phố giá
điện là 700 đồng/kw, thì ở đây người dân phải trả đến 1800
đồng/kw. Đường đi là đường núi, trơn tuột và ngoằn nghèo, nhỏ
nhoi chạy qua các bờ ruộng, việc đi lại là một sự khó khăn. Việc
học hành của con em ở đây, đương nhiên là bị ảnh hưởng to lớn.
Hàng loạt trẻ em không được đến trường và phải đi bán sức lao
động làm kể hầu người hạ ở các thành phố, đến nay con số đã đến
khoảng 200 người.
Từ khi được chuyển về đây, với một linh
mục đã 65 tuổi, đã qua những thời gian tù đày trong nhà tù cộng
sản, (Linh mục Cừ sau khi đi tù về đã chờ đợi việc mở lại trường
và mới được thu phong năm 1999 – khi đã 56 tuổi) nay bệnh tật
đầy mình, đó quả là một gánh nặng. Nhất là việc mục vụ ở những
họ cách nhà xứ chính đến 5 km đường đi bộ như họ Trại Trăn, đã
thực sự là một điều khó khăn với sức khỏe của Ngài. Nhưng ở đó,
đã 40 năm nay không có linh mục quản lý, đời sống giáo dân như
bị lãng quên, có những đôi vợ chồng lấy nhau đã 30 năm, con cái
đã lớn tuổi trưởng thành xây dựng gia đình mà cha mẹ vẫn chưa
làm phép hôn phối. Vì vậy Ngài vẫn phải cố gắng đến với họ.
Nhưng ngôi nhà thờ họ đã bị trận lụt vừa
qua cuốn trôi đi mất “may mà không vỡ viên ngói nào – Ngài hài
hước nói – Vì nhà thờ bằng tranh tre”. Nay giáo dân không thể có
nơi mà làm lễ cho họ, để họ lội đường rừng 4-5 km hàng ngày thì
không đành.
Gánh nặng mục vụ, gánh nặng tuổi tác và
sức khỏe đã vượt quá sức Ngài. Nhưng gánh nặng nhất của Ngài,
lại chính là đời sống nhân dân quá cực khổ của người dân luôn là
nỗi day dứt và canh cánh bên lòng mà Ngài bất lực.
Không chỉ đời sống giáo dân, mà ngay cả
linh mục cũng trong cơn túng bấn. Những buổi lễ, bổng lễ là một
gói mỳ tôm, vài ba ngàn đồng, những cuộc lễ, tiền “xin cơi” được
khoảng 4500 đồng (0.4$) bằng nửa que kem loại thường cho tất cả
các khoản, tiền cha xứ, tiền đèn nến… Cả nhà xứ chỉ có mình cha
xứ, không nuôi chú nào theo ở, không bõ già nào trông coi, cơm
nước. Tiếp chúng tôi, Ngài đang chuẩn bị dùng bữa chiều là một
miếng bánh chưng buổi sáng đã dùng một nửa, còn một nửa dành cho
buổi chiều.
Cả nhà xứ khi Ngài về đây, không điện
thoại, không nhà vệ sinh, không có những thứ tiện nghi tối thiểu
cho cuộc sống mục vụ. Bằng những cố gắng của mình, Ngài đã dựng
được một ngôi nhà để làm nơi học cho giáo dân. Lắp được chiếc
điện thoại đã là một cố gắng vượt mức.
Trên diễn đàn Quốc Hội, khi bộ trưởng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói rằng: Có nhiều
vùng, người dân chỉ đến ngày Lễ, ngày tết mới có được bữa cơm
no, tôi chỉ nghe mà không thấy tin. Nhưng đến đây, thì điều đó
là chuyện phổ biến.
Linh mục Cừ kể: Khi làm ngôi nhà học này,
một số giáo dân tham gia, nửa buổi sáng, sợ họ đói Ngài đưa cho
mỗi người một gói mỳ tôm để ăn lót dạ, nhưng không thấy ai ăn.
Đến khi trở lại, hỏi họ thì mới biết, họ để dành đề đưa về nhà,
kiếm thêm nắm rau dại và nấu lên cho cả nhà cùng có cái ăn bữa
trưa. Thật quá sức tưởng tượng, khi Việt Nam là một nước nông
nghiệp xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới.
Ngồi nghe kể chuyện về những khó khăn nơi
này, chúng tôi hiểu và hết ngạc nhiên khi sức khỏe Ngài chỉ vài
năm đã xuống dốc nhanh chóng đến thế.
Cơn bão vừa qua dấu tích còn để lại trên
các bức tường nhà xứ bằng những vệt đen ngang mép trên cửa đi,
mà nhà xứ đã được xây dựng trên khu đất khá cao ráo, chúng tôi
thấy được những gì khốc liệt của một cơn giận giữ của thiên
nhiên đã trút xuống nơi đây
Toàn bộ khu vực là một vùng trắng nước
mênh mông. Khi Linh mục Cừ, Linh mục Tuấn chống xuồng đi cứu
dân, là đi qua những nóc nhà, những bụi cây mà bây giờ Ngài chỉ,
chúng tôi mới giật mình vì không thể tượng tưởng nổi là đã có
lúc, nước đến mức đó.
Hậu quả cơn bão, đã được báo chí nói đến
nhiều, các bản tin trong nước và trên thế giới đã nhắc đến cơn
đại hồng thủy này. Hậu quả của nó đến nay vẫn hiển hiện và đang
hoành hành dữ dội cuộc sống người dân nơi đây.
Khi được hỏi về đời sống người dân sau lũ
thế nào? Ngài trả lời, hai tháng nay, nhân dân sống bằng nhiều
cách, bằng những thứ rau cỏ có thể ăn được và một ít gạo, mỳ tôm
cứu trợ. Hôm qua, nhà xứ đã đi nhận gạo cứu trợ, có hai nhân
khẩu, được 5 kg gạo nên Tết đã có gạo ăn.
Sau lụt, Ban Tình thương Giáo phận đã có
nhiều cố gắng vận động giúp đỡ, nhưng cũng chỉ có hạn mà thôi,
trong khi, sự đói rách của người dân nơi đây, khu vực này quả là
cùng cực và lớn lao. Những quần áo cũ, những thùng mỳ tôm đến
với giáo dân và lương dân nơi đây, là những món quà hết sức quý
báu trong những ngày này.
Những gì chúng tôi thấy tận mắt nơi đây,
bỗng làm cho chúng tôi liên tưởng đến những cuộc liên hoan, chè
chén tiền triệu ở các quán xá khi các cán bộ tiếp khách. Những
buổi chè chén dồn nhau nốc rượu tây cho đến ói mửa, đến say
không còn biết đường về. Những cuộc họp hành liên miên tổn hao
biết bao tiền của, công sức và thời gian của hàng hà sa số các
cơ quan, đoàn thể mọi ngành, mọi cấp. Những cuộc đại lễ hoành
tránh mà tiền chi vào đó không thể tính bằng con số tỷ đồng.
Những quảng trường rộng lớn hàng chục hecta đất đai, điện sáng
rực suốt ngày đêm và bảo vệ ăn lương túc trực đầy đủ nhưng chỉ
thỉnh thoảng mới được sử dụng vào những cuộc lễ tốn kém.
Tất cả những điều đã nói trên, quả là một
Thiên đường và một Địa ngục trên trần gian.
Viết những dòng này, khi mà ngày cuối cùng
của một năm âm lịch chỉ còn không đầy 24 tiếng. Giờ khắc giao
thừa đón mùa xuân đang đến gần.
Sang một năm mới, với lời cầu chúc nhiều
sức khỏe, an khang, thành đạt, cuộc sống tràn đầy Hồng ân Thiên
Chúa với mọi người. Tôi cũng cầu mong nơi đây, lòng nhân ái cao
cả của tất cả những ai có thể, được mở rộng đến với những người
dân nơi đây, ngõ hầu giúp họ trong cơn khốn khó hiện nay như lời
Chúa đã dạy “khi ta đói, các ngươi đã cho ăn” và
“Các con hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương các con”.
Xin hãy đến với họ bằng những hành động
thiết thực nhất của người tín hữu Ki tô dành cho những tha nhân
đau khổ.
Ghi chú:
Quý vị có thể kiểm chứng thông tin,
hoặc liên hệ giúp đỡ qua địa chỉ:
Linh mục: Phaolo Nguyễn Văn Cừ
Xứ Thọ Vực – xã Hà Linh – Huyện Hương Khê
– Hà Tĩnh
Tel: 84- 39. 874894
Hoặc Linh mục Phê rô Nguyễn Văn Vinh
Trưởng ban Tình thương Giáo phận Vinh
Hạt Văn Hạnh – xã Thạch Trung – Thành phố
Hà Tĩnh – Tỉnh Hà Tĩnh.
Tel: 84- 39.858708
Hà Tĩnh, Ngày cuối năm âm lịch Đinh
Hợi.
·
J.B. Nguyễn Hữu Vinh |
VỀ
MỤC LỤC |
Cùng học hỏi về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo |
6. Giáo hội có phải
là một thực thể tách rời không liên hệ đến xã hội không?
Thưa không, Giáo hội sống trong thế giới và
là thành phần của thế giới nên Giáo hội có trách nhiệm liên đới
với thế giới. Giáo hội chia sẻ mọi ưu tư, vui mừng và hy vọng
với thế giới. Âu lo của thế giới cũng là âu lo của Gíao hội; vui
mừng của thế giới cũng là vui mừng của Giáo hội.
7. HTXHCG có phải là
“thuyết thứ ba” giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội không?
HTXHCG không phải là “thuyết thứ ba” giữa
Chủ nghĩa Tư bản và Chủ nghĩa Xã hội và cũng không phải là một ý
thức hệ. Nhưng HTXHCG, dựa vào Truyền thống và Đức tin, là
kết quả từ những suy tư cẩn trọng về những vấn nạn của thế giới
con người. Dưới ánh sáng Tin Mừng, HTXHCG minh giải những thực
tại trong thế giới nhằm giúp con người cư xử với nhau theo giá
trị vĩnh cửu. Vì thế, HTXHCG không phải là một ý thức hệ, nhưng
là một nền thần học luân lý cho mọi người.
8. Rao giảng Tin Mừng
có phải là nhiệm vụ bắt buộc của Giáo hội không?
Giáo hội lãnh nhận sứ mạng rao giảng Tin
Mừng từ Chúa Giêsu. Đây là nhiệm vụ bắt buộc và là sứ mạng không
thể thoái thác. Đến lượt chúng ta là Kitô hữu, chúng ta cũng
được sai đi, vì thế chúng ta phải thực hiện sứ mạng này một cách
nghiêm túc và trách nhiệm.
9. Rao giảng Tin Mừng
trong thời đại mới có bao hàm rao giảng về HTXHCG không?
ĐGH Joan Phaolô II trong thông điệp
Centesimus Annus số 5 đã minh bạch: “Tôi đã nhiều lần nhấn
mạnh rằng, việc rao giảng Tin Mừng trong thời đại mới phải rao
giảng những điểm quan trọng của Học thuyết Xã hội của Giáo
hội…chúng ta cần phải lập lại rằng những vấn đề xã hội không thể
giải quyết ngoài bối cảnh Tin Mừng được”. Vì thế, khi thực hiện
sứ mạng rao giảng Tin Mừng, Giáo hội không ngần ngại rao giảng
HTXHCG. Vì học thuyết này, không nhằm mục đích nào khác hơn là
hướng dẫn con người cư xử với nhau dựa theo đức công bình. Hơn
nữa, học thuyết này như là nền tảng cho việc xây dựng sự hiệp
nhất và hòa bình khi con người không thể tránh gặp phải những
vấn đề trong đời sống xã hội và kinh tế. Khi thực hiện như thế,
Giáo hội chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng bằng cách rao giảng
chân lý về Đức Kitô, về con người, về Giáo hội và áp dụng chân
lý ấy vào những hoàn cảnh thực tế.
10. HTXHCG có vai trò
như thế nào trong thế giới ngày nay?
HTXH như là một phương tiện hữu hiệu để
Giáo hội thực hiện mục đích của mình: Rao giảng Tin Mừng cho mọi
dân tộc. Đứng trước những vấn nạn của xã hội hôm nay, Giáo hội
càng ý thức hơn và rao truyền rộng rãi hơn những giáo huấn của
mình. Giáo hội giới thiệu với thế giới những nguyên tắc căn bản
cho việc nhận định, quyết định và hướng dẫn hành động trong xã
hội. Điều này góp phần rất lớn trong việc nhận thức vấn đề đúng
đắn và tìm giải pháp phù hợp cho những vấn nạn nảy sinh trong xã
hội.
còn tiếp
Huynhquang |
VỀ
MỤC LỤC |
|
HẠNH PHÚC VÀ ĐAU KHỔ |
Chúng ta vừa qua MÙA VỌNG, mùa chờ mong
Chúa đến. Chúa đã đến làm người ở với chúng ta. Bây giờ bắt đầu
MÙA CHAY. Chúa đến với chúng ta rồi chết vì chúng ta và cho
chúng ta để rồi sau ba ngày Chúa sống lại hiển vinh đem chúng ta
theo lên cùng với Chúa. Chúng ta đã được Chúa cứu rỗi.
Trong MÙA CHAY chúng ta thử suy niệm về
Hạnh Phúc và Đau Khổ.
Đời người có lúc vui lúc buồn. Buồn vui là
tình cảm tự nhiên trong cuộc sống. Nhưng vui buồn thế nào cho
hợp ý Chúa ?
“Phúc cho ai sầu muộn,
“Vì họ sẽ được ‘hạnh phúc’ tràn
lan”. (Mt.5:5 / Tv 126: 5 / Is 61: 2-3)
Với quan niệm đó, hai tiếng Hạnh Phúc có ý
nghĩa gì? Trong Tin Mừng Tân Ước, danh từ Hạnh Phúc được diễn
nghĩa và áp dụng nhiều cách khác nhau tùy theo thánh sử và nhu
cầu của từng cộng đồng dân Chúa. Thánh Gregory Cả khi nói về
Hạnh Phúc trong kinh thánh, ngài coi Hạnh Phúc là “Cum
legentibus crescit” (1), nghĩa là Hạnh Phúc sẽ triển nở, phát
huy với những ai chịu khó học hỏi, nghiên cứu kinh thánh và
không ngừng khám phá ra những ý nghĩa mới, phong phú và áp dụng
vào cuộc sống, hoàn cảnh và nhu cầu riêng của mình.
Ngày xưa cách cắt nghĩa của các thánh sử đã
được Chúa linh hứng, còn chúng ta ngày nay thì không được như
vậy. Do đó, chúng ta phải hiểu và cắt nghĩa Hạnh Phúc tùy theo
những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống thường nhật của chúng
ta.
TƯƠNG QUAN GIỮA HẠNH
PHÚC VÀ ĐAU KHỔ
Trong bài này chúng ta đặt trọng tâm
vào Hạnh Phúc thứ ba trong Tám Mối Phúc Thật Chúa giảng trên
núi đã được thánh Mathew ghi lại, “Phúc cho ai sầu khổ, vì họ
sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5: 5). Trong Tin Mừng thánh
Luca thì chỉ nói đến bốn loại Hạnh Phúc được bàn luận qua những
nỗi buồn phiền sầu muộn và cười vui, như “ Phúc cho anh em là
những người đang phải than khóc, vì anh em sẽ được vui
cười…..Khốn cho các ngươi, những kẻ bây giờ đang được vui cười,
vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than” (Luke 6: 21, 25).
Vui cười và khóc lóc là biểu hiệu tình cảm
của con người lúc sung sướng lúc buồn khổ. Xuyên suốt Tin Mừng,
chúng ta thấy không phải hễ sung sướng hay đau khổ trong cuộc
sống trần thế là bị họa hay được phúc, nhưng phải được hiểu theo
ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa. Lời Chúa qua tin mừng thánh sử
Luca / Mathew đã cho chúng ta một thông điệp rõ ràng về cấu trúc
của Hạnh Phúc. Đây là một cuộc cách mạng của Tin Mừng đã chỉ cho
chúng ta một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ về Hạnh Phúc và Đau Khổ.
Từ khởi điểm, về phương diện tôn giáo cũng như trần thế, Hạnh
Phúc và Đau Khổ là hai phạm trù không thể ngăn cách nhau được
trong cuộc sống của con người. Chúng theo nhau như bóng với
hình, nhịp nhàng lên xuống nối tiếp nhau như sóng biển triền
miên.
Ngày nay, người ta đang cố gắng ngăn cách
sóng thần nhị trùng Tsuname (dân địa phương còn gọi là Siamese);
cố công tách rời Hạnh Phúc ra khỏi Đau Khổ. Nhưng vô vọng, họ đã
thất bại. Chính cái hạnh phúc rối loạn và bất toàn đó lại trở
thành nỗi khổ đau quay ngược về với chính mình, hoặc bất thần
thảm khốc hoặc từ từ mỗi lúc một chút ít đúng như bản tính mau
qua và tính kích động ác liệt của nó dưới muôn hình vạn trạng
khác nhau như trong những bản tin tức thời sự hàng ngày chúng ta
đọc hoặc trong văn thơ thi phú như Nguyễn công Trứ đã diễn
tả trong bài thơ Chữ Tình của ông:
“Sầu
ai lấp cả vòm trời,
“Biết chăng chẳng biết hỡi người tình chung
…………………………………………….
“Trông chẳng nói xiết bao nhiêu biệt lệ,
“Tình cảnh ấy dẫu bút thần khôn vẽ…”
Hoặc chúng ta thường đôi khi thốt lên những
tiếng than não nề trước những cảnh huống khổ đau bất ngờ ghê
gớm.”Thiệt là đắng căy vô vàn..” cũng như thi sĩ
Lucretius thường thốt lên như vậy khi trái tim rung động cảm
kích trong nỗi vui mừng khoái cảm mơ hồ sướng khổ. “A strange
bitterness !!”.(2).
Kinh Thánh đã cho chúng ta một đáp số về
thảm cảnh của cuộc sống con người. Từ khởi thủy, con người đã có
tự do để lựa chọn giữa Hạnh Phúc và Đau khổ. Hạnh phúc vô biên
và vĩnh cửu chính là Thiên Chúa được biểu hiện qua những hình
ảnh sống động. Adam và Eva được tự do, nhưng hai ông bà đã
không chọn Chúa khi tự tay ngắt trái cấm mà ăn. Từ đó phát sinh
ra sự chết và đau khổ. Như vậy, phải chăng Đau Khổ chính là hình
bóng của Hạnh Phúc?
Chúa Kitô cuối cùng đã phá vỡ sợi dây liên
đới đó. “Để đổi lấy hạnh phúc vui mừng đang có trước mặt, Chúa
đã chọn Thánh Giá” (Hebrews 12: 2). Nói một cách khác, Chúa Kitô
đã làm ngược lại ông Adam và bà Eva và mỗi người chúng ta như
Maximus Confessor đã viết trong Capitoli vari: “Cái chết của
Chúa khác với cái chết của con người, nó không phải là món nợ mà
Chúa phải trả để có hạnh phúc mà đúng ra là để tạo ra chính hạnh
phúc đó”. Vì vậy, nhờ cái chết của Chúa, số phận con
người đã được thay đổi” (3). Sống lại từ cõi chết Chúa đã
cho chúng ta một loại Hạnh Phúc mới. Hạnh phúc này không
đi trước Đau Khổ như là căn nguyên, nhưng nó theo sau như là hoa
trái kết quả của khổ đau.
Tất cả những điều này đã được biểu hiện một
cách kỳ diệu trong bài giảng tám mối phúc thật mà Chúa đã ban
cho chúng ta, trong đó cái thứ tự khóc trước cười sau khác hẳn
với cái thứ tự cười trước khóc sau. Đây không phải là một đảo
ngược đơn thuần và tạm bợ. Nhưng là một khác biệt căn bản, cố
định và vĩnh viễn mà Chúa Giêsu đã đề nghị cho loài người. Đó là
Hạnh Phúc, không phải Đau Khổ, Hạnh Phúc ở đây là kết quả duy
nhất và cuối cùng, sẽ kéo dài đến muôn đời.
CHÚA CỦA ANH Ở ĐÂU?
Nhưng chúng ta thử tìm hiểu xem ai là người
sầu muộn và than khóc, ai là người được Chúa chúc phúc?
Hầu hết các nhà chú giải kinh thánh hiện nay đều không chấp nhận
tư tưởng cho rằng chỉ có những người đau khổ vì hoàn cảnh xã hội
khách quan, những người được Chúa tuyên dương chúc phúc đơn
thuần chỉ vì họ đã đau khổ và khóc than. Trái lại, yếu tố chủ
quan, nghĩa là lý do khóc than mới là yếu tố quyết định.
Vậy thì lý do đó là lý do gì? Cách
chắc chắn và tốt nhất để khám phá ra lý do tại sao khóc, ta thử
nhìn vào kinh thánh để xem những ai đã khóc và khóc cái gì và
tại sao cả Chúa Giêsu cũng đã khóc, từ đó chúng ta sẽ dễ dàng
nhận ra có những cái khóc vì “hối hận, ăn năn, thống hối”
như cái khóc của thánh Phêrô sau khi đã chối Chúa ba lần. Cũng
có những cái “khóc với người khóc” (Romans 12: 15) vì
lòng trắc ẩn cảm thông với nỗi niềm sầu muộn của tha nhân, như
Chúa Giêsu khóc cho người đàn bà góa làng Nain và chị em ông
Lazaro. Giống như vậy có những cái khóc than của những kẻ bị lưu
đầy xa xứ như dân Israel khóc trên những giòng sông Babylon. Và
còn biết bao nhiêu là loại khóc than khác tương tự như vậy….
Ở đây chúng ta thử để ý đến hai lý do phải
khóc ở trong kinh thánh và tại sao Chúa lại khóc để suy niệm cho
thích hợp với cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta.
Trong ca vinh 41 ta đọc thấy: “Nước mắt là
của ăn ngày đêm của tôi mà mỗi ngày nó cứ nói với tôi
‘Chúa mày ở đâu?’…..Khi xương tôi bị gẫy, trong lúc kẻ thù tôi
quấy rầy tôi, trách móc tôi; mà suốt ngày nó vẫn cứ hỏi tôi
‘Chúa mày ở đâu?’”
Sự buồn phiền này của những người tin vào
Chúa như ở trên là do hoàn cảnh chối từ Chúa bủa vây đầy dẫy
chung quanh họ; ngày nay thì chúng ta lại càng có lý do phải
buồn phiền nhiều hơn nữa, vì hiện nay chúng ta có quá nhiều kẻ
thù mà là những kẻ thù rất tinh quái và nguy hiểm. Sau một thời
gian tương đối yên tĩnh khi chủ thuyết vô thần Marxist cáo
chung, chúng ta lại thấy một nhóm vô thần hoạt động trở lại một
cách hung hăng và khoa học hơn, biểu hiện qua một số sách mới
xuất hiện gần đây như: The Atheist Manifesto, The God Illusion,
The End of Faith, Creation without God, An Ethics without God.
(4).
Một trong những luận đề này đã đưa ra tuyên
cáo như sau: “ Xã hội loài người đang phát triển theo nhiều
cách khác nhau rất hợp lý để thu thập tri thức có thể chia xẻ
cho mọi người và giúp người ta chấp nhận được sự việc một cách
dễ dàng. Những ai chấp nhận Thiên Chúa hiện hữu mà không theo
những phương cách này thì phải tự chứng minh lấy. Vì lý do này,
ta phải công nhận Thiên Chúa không hiện hữu cho đến khi có thể
chứng minh ngược lại.” (5)
Nếu vậy, theo như lý luận đó, chúng ta có
thể nói được là tình yêu cũng chẳng có nữa, cho đến khi có thể
chứng minh được bằng những lý lẽ cụ thể, chắc chắn và khoa học.
Còn bằng cớ Thiên Chúa hiện hữu thì chúng ta có thể chứng minh
được dễ dàng ngay trong đời sống thường nhật chứ không phải
trong sách vở hay trong phòng thí nghiệm sinh học. Trước tiên,
ta phải kể đến chính cuộc sống của Chúa Kitô, các thánh và hằng
hà sa số, biết bao nhiêu là chứng nhân anh hùng tử đạo đã sống
chết vì niềm tin. Chúng ta cũng có thể thấy ngay trong các phép
lạ cùng các dấu chỉ mà chính Chúa Giêsu đã làm để chứng tỏ Chúa
là sự thật, là Thiên Chúa và hiện nay Chúa vẫn còn đang tiếp tục
làm, nhưng những kẻ vô thần đã cố tình chối từ không cần tìm
hiểu hay quan sát gì hết.
Nói vậy không có nghĩa là nhóm cộng sản
Marxist đã chịu ngồi yên thua trận. Chúng vẫn tiếp tuc quậy phá
dưới danh nghĩa xã hội chủ nghĩa như ở Trung Quốc và Việt Nam và
một số quốc gia còn cộng sản. Chúng quay trở lại kinh tế thị
trường, tư bản chủ nghĩa đã được gán nhăn hiệu “tư bản đỏ”,
còn tàn ác, lưu manh và nguy hiểm hơn nhiều vì nấp dưới chiêu
bài tự do nhưng vẫn áp dụng độc tài toàn trị. Chúng ngăn cản tự
do dân chủ nhân quyền và tự do tôn giáo. Chúng giệt tôn giáo
bằng những phương pháp rất tinh vi thâm độc. Ngoài miệng nói là
cho tự do tôn giáo, tự do hành đao, giữ đạo và truyền đạo nhưng
lại tịch thu, chiếm đoạt tài sản, nơi thờ phượng của giáo hội,
muốn thực hành nhiệm vụ tôn giáo thì phải xin phép, phải
theo những luật lệ chúng đưa ra để cố tình làm khó, cản trở tự
do tôn giáo. Điều thâm độc và nguy hiểm hơn cả là chúng trà trộn
vào nội bộ tôn giáo để khuấy phá guồng máy lãnh đạo như hoặc dụ
dỗ hoặc ép buộc các chức sắc tôn giáo làm việc với chúng, làm
tình báo cho chúng. Chúng bôi bẩn, tha hóa guồng máy lãnh đạo
tôn giáo. Thâm độc và nguy hiểm nhất là chúng kiểm soát, điều
khiển việc đào tạo hàng giáo sĩ, dành quyền quyết định sau cùng
là chấp nhận hay không cho tốt nghiệp, ngay cả việc bổ nhiệm các
giáo sĩ, tu sĩ, cả giám mục nữa. Phải chăng chúng ta nên buồn
phiền, ăn năn thống hối vì đã bất lực, ươn hèn không làm chủ
được niềm tin của mình, buông xuôi bước theo ác quỉ làm hại và ô
danh Giáo Hội không phải chỉ ngay hiện thời mà còn di hại nhiều
thế hệ về sau nữa. Ông bác sĩ dở thì chỉ làm chết một / hai
người, nhưng văn hóa suy đồi, giáo dục sai đường nhất là về tôn
giáo thì sẽ di hại nhiều thế hệ về sau. Hãy thức tỉnh và ăn năn
thống hối. Hãy đứng lên đấm ngực sửa sai.
Còn lý do những kẻ tin vào Chúa mà vẫn còn
buồn phiền, như trong những lời ca thánh vịnh thì chỉ là sự bất
lực mà họ cảm thấy khi phải đối diện với những thử thách của
những kẻ hỏi họ “Chúa mày ở đâu?”. Qua sự yên lặng kỳ diệu của
Chúa, Chúa đã kêu gọi họ chia sẻ, chấp nhận sự yếu đuối và thất
bại của thân xác mình, nhưng Chúa vẫn để cho họ, giúp họ vượt
thắng đến thành công, bởi lẽ: “Sự yếu đuối của Thiên Chúa vẫn
luôn luôn vững mạnh vượt trội hơn cái mạnh mẽ của loài người”
(1Corinthians 1: 25)
“HỌ ĐÃ MANG CHÚA CỦA TÔI
ĐI ĐÂU RỒI”
Ngày nay người tín hữu Kito giáo cũng nên
đau khổ vì đôi khi họ đã chối bỏ Chúa Kito một cách có hệ thống
khi nhân danh những nghiên cứu về lịch sử gọi là khách quan mà ở
một phương diện nào đó đã phát sinh ra những vấn đề rất ư là chủ
quan mà người ta có thể tưởng tượng ra được như Đức Thánh Cha
Biển Đức đã nhắc tới trong lời tựa cuốn sách mới của ngài nói về
Chúa Giêsu: “Những hình ảnh của các tác giả và các lý tưởng của
họ”. Chúng ta đang quan sát một cuộc chạy đua để xem ai sẽ
thắng cuộc trong việc trình bày một Chúa Kito giống con người
thời đại ngày nay nhất khi mà họ lột bỏ tất cả những đặc tính
linh thiêng thiên chúa của người. Để trả lời câu hỏi của thiên
thần “Này bà, tại sao bà lại khóc?” Vào buổi sáng mờ sưong ngày
phục sinh, Mary Magdalene đã nói: “Họ đã mang Chúa của tôi đi
rồi và tôi không biết tìm Chúa ở đâu” (John 20: 13). Đây là một
lý do khóc để chúng ta có thể khóc.
Những cố gắng khoác cho Chúa Kitô một bộ áo
thời đại hay một bộ mặt lý tưởng thì vẫn luôn luôn xẩy ra.
Nhưng thời xưa thì những lý do người ta đưa ra xem có vẻ trang
trọng và hợp lý trong một phạm vi rộng lớn như: Chúa Kito là con
người lý tưởng, con người lãng mạng, con người tự do khai phóng,
con người xã hội, con người cách mạng……Ở thời đại ngày nay, vì
con người bị ám ảnh bởi sắc dục, nên họ đã gán cho Chúa những
dục vọng thế tục mà chúng ta thấy xuất hiện đầy dẫy trong
những phim ảnh sách báo. Thế là “ Chúa Giêsu lại được tân kỳ
hóa, hay tệ hơn, vượt xa quá cả tân kỳ hóa, còn gọi là hậu tân
kỳ”. (6)
Chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc của những
phong trào gần đây đang cố gắng đem chúa Giêsu Nazareth ra thử
nghiệm cho thuyết luân lý tương đối và cá nhân chủ nghĩa tuyệt
đối (còn gọi là chủ nghĩa phá hoại) mà trực tiếp hay gián tiếp
đang là cảm hứng cho người ta viết thành tiểu thuyết, làm thành
phim ảnh, đưa ra những dữ kiện khiến công cuộc nghiên cứu tìm
hiểu về Chúa Giêsu bị ảnh hưởng sai lạc. Người ta thấy những
phong trào này đã xuất hiện ở Hoa Kỳ vào những thập niên cuối
của thế kỷ XX và trong một cuộc hội thảo chuyên đề về Chúa Giêsu
(Jesus Seminar) năm 1985 đã có những hành động phá hoại ác
ý rất tích cực.
Phong trào này lấy tên là “Tân Tự Do Khai
phóng / Neo-liberal”, mục đích muốn quay trở lại với thần học
khai phóng về Chúa Giêsu vào thế kỷ XVIII, không liên quan gì
đến Do Thái Giáo hay Kito giáo và Giáo Hội C.G. Ở đây một Giêsu
đã trở thành người truyền bá tư tưởng luân lý, không giống chủ
trương của phái tự do khai phóng cổ điển trước kia (coi Thiên
Chúa là Cha và linh hồn thì bất tử), nhưng có một sự khôn ngoan
giới hạn, một bản tính xã hội học hơn là bản tính thần học. Mục
đích của những học giả này không phải là sửa đổi mà đơn thuần
chỉ là phá hoại, như họ đã từng nói:“Cái sai lầm ấy chính là
Kito giáo” (That mistake called Christianity).
Trong bài diễn văn khai mạc cuộc hội thảo
này, người sáng lập phong trào đã đưa ra những quyết định
rất đáng cho ta chú ý:
Chúng ta đang dấn thân thi hành một công
tác táo bạo và khẩn thiết. Chúng ta sẽ tìm hiểu thật cặn kẽ
tiếng nói của Giêsu, và tất cả những gì ông ta thực sự đã nói.
Trong công tác này, chúng ta sẽ thay mặt cho nhiều người trong
xã hội chúng ta đặt vấn đề về sự thần thánh của họ, ngay cả
những vấn đề tối kỵ có thê gây xúc phạm. Vì vậy, công việc chúng
ta theo đuổi sẽ rất nguy hiểm. Nhưng chúng ta chấp nhận và thách
thức kẻ thù. Mặc dù có nhiều nguy hiểm chúng ta cũng sẽ tiến
hành, bởi vì chúng ta là những người chuyên môn, và vì vấn đề
Giêsu vẫn còn đó, nó vẫn còn đang trực diện đối đầu như núi
Everest vẫn đang thách thức những người leo núi. (7).
Chúa Giêsu đã được giải thoát ra khỏi những
giáo điều của Giáo Hội và Kinh Thánh / Tin Mừng. Vậy thì
nguồn tin nào còn lại đã nói về Người mà không phải hoàn toàn là
giả tưởng? Ngụy thư ư? Phúc âm của Thomas ư, một phúc âm đã được
ký hiệu vào khoảng năm 30 cho đến 60 AD, trước tất cả các phúc
âm thư được chính thức công nhận và trước cả thánh Phaolo. Dĩ
nhiên nó sẽ được xếp đầu sổ. Một nguồn tin khác nữa có thể là
những phân tích có tính xã hội học về những điều kiện đời sống ở
Gallilee vào thời đại Chúa Kito.
Hình ảnh nào về Chúa Giêsu đã được trích ra
để dẫn chứng? Ta có thể kể một vài hình ảnh về Chúa Giêsu mà hầu
hết mọi người (dĩ nhiên không phải là tất cả) đã công nhận như:
Chúa Giêsu là “Con người dị thường ở xứ Gallilee”; “một anh
chàng đi lang thang khôn ngoan và chuyên mê hoặc người ta”;
“thày dạy đời bằng ngụ ngôn”; “một anh chàng nhà quê xứ Judea có
óc châm biếm”. (8)
Thắc mắc cần phải được giải thích là bí mật
nào đã khiến cho con người vô hại đó phải chết treo trên thập
giá và trở thành “người thay đổi thế giới” thì lại không
thấy bàn tới một cách nghiêm chỉnh. Trái lại
những cái đó đã không chỉ được viết ra theo những bịa đặt tưởng
tượng mà còn in thành sách để xuất bản và có cả hàng trăm, hàng
nghìn, hàng triệu cuốn đã được bán ra.
Đối với chúng ta là những người Kitô hữu
nhiệt tình thì hình như cuộc nghiên cứu triết lý lịch sử này đã
thất bại trong việc nối kết giữa Giêsu của thực tế và Giêsu của
Tin Mừng và các tài liệu của Giáo Hội vì họ đã lơ đi không thèm
đểm xỉa đến mặt thiêng liêng và siêu nhiên của “hiện tượng
Giêsu”. Thái độ đó ví như người dùng mắt để nghe, dùng tai để
nhìn.
Qua nghiên cứu và kinh nghiệm quan sát về
những hiện tượng thần bí, chúng ta ai cũng nhận thấy cách thức
phát triển đời sống con người tiềm ẩn trong một biến cố, đôi khi
chỉ trong khoảnh khắc chớp nhoáng như khi chúng ta tiếp cận với
một hiện tượng thần linh. Khả năng tiềm ẩn đó chỉ biểu lộ khi
kết quả xẩy ra mà thôi. Một đứa trẻ nít và một người lớn
nhìn bề ngoài thì thấy khác hẳn với cái bào thai lúc vừa thụ
tinh; nhưng cả hai bào thai đó đều có tất cả những yếu tố sinh
động tiềm ẩn giống nhau, như vương quốc Chúa / Nước trời được ví
như một hạt giống nhỏ xíu, nhưng bên trong tiềm ẩn đầy đủ các
yếu tố sống sinh động có khả năng phát triển để nảy mầm, lớn lên
và trở thành cây to rợp bóng mát, chim trời có thể đến làm tổ,
bay nhảy hót mừng líu lo. (Mt. 13: 32)
Thánh Phaolo đã nói về kinh nghiệm “đau
buồn” của mình về những người bạn Do Thái đã chối bỏ Chúa Giêsu
(Romans 9: 1 ff). Tại sao chúng ta lại không cảm thấy buồn như
vậy vì những người bạn của chúng ta đã chối từ niềm tin Chúa
Kitô? Chính Chúa Giêsu cũng đã khóc thương cho dân thành
Jerusalem vì lòng chai đá cứng tin phản bội Chúa của họ ( Lc.13:
34-35).
James Dunn, một trong những học giả nổi
danh về Tân Ước, trong tác phẩm “Los albores del cristianismo”
(Christianity in the Making) sau khi đã cẩn thận phân tích những
kết quả nghiên cứu về Chúa Giêsu ở ba thế kỷ trước đã đi đến kết
luận là không thấy có sự bất đồng ý kiến về Giêsu rao truyền Tin
Mừng và Giêsu nghe giảng Tin Mừng, hay đúng ra là giữa Giêsu của
lịch sử và Giêsu của Niềm Tin. Niềm Tin này đã được phát sinh
không phải sau khi Chúa phục sinh, nhưng là khi Chúa vừa mới
tiếp cận với các môn đệ, và các ông chính thức trở nên tông đồ
Chúa, bởi vì họ đã tin vào Chúa, cho dù niềm tin của họ lúc đó
rất đơn giản và sơ đẳng.
Cái tương phản giữa Chúa Kitô của Niềm Tin
và Giêsu của lịch sử chính là kết quả “bước nhảy vọt của lịch
sử”, trước khi có “bước nhảy vọt của Niềm Tin” do Chúa Giêsu đưa
ra những lợi ích và lý tưởng vào thời đó. Đúng vậy, Giêsu
được giải thoát khỏi chiếc áo tín điều của Giáo Hội, nhưng lại
được mặc cho chiếc áo thời trang thay đổi tùy mùa. Biết bao
nhiêu là cố gắng đổ xô đi tìm hiểu con người Chúa Kito đã không
trở nên vô ích, bởi vì nhờ đó, cộng thêm những giải quyết khác
nữa, chúng ta mới có thể đi đến kết luận như ngày nay. (9)
LINH MỤC, TƯ TẾ VÀ CHỦ
CHĂN CŨNG NÊN KHÓC
Còn một loại khóc nữa trong kinh thánh mà
các tiên tri hay nói tới như Ezekiel đã cho chúng ta thấy. Chúa
kêu gọi một người “mặc áo vải thô cầm bút ấn trong tay”:
“Hãy đi xuyên suốt khắp thành phố, qua giữa Jerusalem và
đánh dấu chữ thập trên trán những ai đang rên rỉ khóc than vì
những điều tồi tệ đang xẩy ra trong thành phố”
(Ezekiel 9:4)
Thị kiến này có ý nghĩa rất sâu xa nói lên
con Chúa và con Giáo Hội. Dấu hiệu chữ thập đó là chữ cuối cùng
trong bảng mẫu tự tiếng Do Thái (Hebrew), sau này trong sách
Khải Huyền đã trở thành “dấu ấn của Thiên Chúa hằng sống” được
ghi trên trán tất cả những ai được Chúa cứu rỗi (Revelation
7:2ff).
Giáo Hội đã “khóc than” nhiều trong thời
gian gần đây vì những tồi tệ đã xẩy ra trong chính lòng Giáo Hội
bởi một số tư tế cũng như chủ chăn. Giáo Hội đã phải trả một giá
quá đắt cho những tội lỗi này đồng thời phải cố công tìm cách
hàn gắn những đổ nát ấy. Những luật lệ gắt gao đã được đưa ra để
không ai có thể lạm dụng được nữa. Sau thời gian cấp cứu,
bây giờ là lúc không kém quan trọng: Hãy khóc lóc trước mặt Chúa
để ăn năn thống hối, như chính Chúa đã bị xúc phạm / lạm dụng;
ăn năn thống hối vì đã xúc phạm đến chính thân thể Chúa Kitô và
làm gương xấu cho những “người anh em cuối chót của mình”,
hơn là làm tổn hại và mất thanh danh của chính mình.
Có hiện tượng linh mục lỗi lời hứa độc
thân, có vợ có con mà vẫn ngang nhiên chính thức làm chánh xứ
một họ đạo, lại được các chủ chăn chuẩn nhận đã là một tồi tệ
chưa bao giờ thấy trong Giáo Hội. Làm sao họ có thể mở miệng rao
giảng lời Chúa, trả lời Chúa trước tòa phán xét? Họ ăn nói thế
nào với những người anh em tư tế của họ, với các tôn giáo bạn,
những người họ có bổn phận phải dìu dắt hướng dẫn đem về với
Chúa?
Đây chính là cơ hội để thoát ra khỏi tội
lỗi trở về với ân phúc, để hòa giải với mọi người, với Chúa và
với các tư tế của Chúa. Hãy ăn năn thống hối.
“Hãy thổi kèn trên Zion,
“Hãy hãm mình chay tịnh,
“Hãy tụ họp muôn dân, triệu tập hội
nghị:
Các bô lão, trẻ thơ và hài nhi miệng còn
ngậm vú…
Các tân lang hãy ra khỏi buồng kín, tân
nương rời khỏi loan phòng….
“Hỡi các tư tế, các thừa tác viên phục
vụ Chúa! Hãy khóc lên..
Giữa tiền đường và trên bàn thờ.
“Hãy nói với Chúa:
Lạy Chúa, xin rủ lòng thương tha thứ cho
dân Người,
Xin đừng thí bỏ gia nghiệp của Người
phải nhục…mặc cho các nước cười chê.
“Làm sao giữa muôn dân người ta dám nói:
Thiên Chúa chúng thờ đang ở đâu?”
(Joel 2: 15-17)
Trên đây là những lời tiên tri Joel kêu gọi
chúng ta. Tại sao chúng ta lại không đáp ứng lời mời gọi đó nhỉ?
Hãy dùng một ngày chay tịnh để ăn năn thống hối, ít ra là tại
địa phương mình hay toàn thể đất nước, những nơi mà vấn đề tỏ ra
tồi tệ nhất, để công khai thống hối trước mặt Chúa và các nạn
nhân, các người bị gương mù gương xấu, hòa giải với các linh
hồn, cùng bước đi với Giáo hội, canh tân trong tâm hồn và trong
ký ức.
Chúng ta hãy nhớ lại lời Đức Thánh Cha Biển
Đức XVI nói với các giám mục Ireland dịp viếng thăm ad limina
gần đây: “Các vết thương gây nên do các hành động….tương tự
cũng rất trầm trọng; việc sửa đổi để lấy lại niềm tin đã mất
thật là khẩn cấp….Có như vậy thì Giáo Hội mới đủ mạnh để có thể
tiếp tục làm chứng tá cho sức mạnh cứu rỗi của Chúa Kitô trên
thập giá” (10).
Tuy nhiên những người anh em phạm lỗi vẫn
còn hy vọng, như trường hợp bê bối trong cộng đồng Corinto mà
thánh Phaolô đã nói tới: “Chúng ta phải nộp con người đó cho
Satan, để phần xác nó bị hủy giệt, còn phần hồn thì được cứu
rỗi trong ngày của Chúa” (1Corinto 5: 5). Ngày nay thì chúng
ta có thể nói được rằng “Hãy đem nó ra tòa án công lý dân sự để
cho linh hồn nó được cứu rỗi”. Sự cứu rỗi kẻ tội lỗi này, không
phải là hình phạt, mà chính là để cứu rỗi linh hồn, điều mà
thánh Phaolo đã ám chỉ.
Đáng buồn là đã có nhiều vị bị tước đoạt
hết tất cả mọi sự như chức tư tế / thừa tác viên Chúa, cả danh
dự và tự do, chỉ còn một mình Chúa biết họ, hiểu họ tùy theo
trường hợp và trách nhiệm cá nhân của mỗi người. Họ đã bị ruồng
bỏ trở thành những kẻ sau chót…Nhưng trong những trường hợp như
vậy, nếu có ân sủng Chúa, họ biết ăn năn thống hối vì tội lỗi
mình, kết hợp sự than khóc của họ với nỗi buồn khổ của Giáo hội
thì khóc than và buồn khổ sẽ trở thành ơn phúc. Họ sẽ đến được
gần Chúa Kitô là người bạn sau chót, hơn là những người bề ngoài
xem ra có vẻ được nể trọng và kính mến, có khi lại đi đến chỗ
giống như những người Pharisiêu thích kết án bình phẩm những kẻ
khác.
Tuy nhiên, có một điều mà những người anh
em này đáng lẽ không nên làm nhưng lại làm. Họ lợi dụng cái tồi
tệ của họ đang lúc ồn ào hoặc tính nhút nhát yếu hèn của họ, cho
báo chí phỏng vấn hoặc viết sách, viết hồi ký đổ lỗi cho những
người khác, cho bề trên của họ. Đây là hiện tượng nguy hiểm của
những con tim trai đá.
KẾT LUẬN: NHỮNG
GIỌT NƯỚC MẮT TUYỆT VỜI
Ai cũng biết có nhiều loại khóc, nhiều loại
nước mắt. Khóc là biểu hiện của một tâm tư. Nhưng khóc không
phải luôn luôn là dấu hiệu buồn phiền. Có cái khóc vì đau
buồn, có cái khóc vì vui mừng sung sướng, có cái khóc nước mắt
cá sấu. Ở đây, trong ý niệm đặc biệt về Hạnh Phúc và Đau Khổ,
cái khóc đầy ý nghĩa với những giọt nước mắt tuyệt vời nhất là
những giọt nước mắt làm tràn đầy con tim chúng ta bởi ân sủng
Chúa thánh linh soi sáng đến độ “Chúng ta cảm nghiệm được và
nhận ra Thiên Chúa tốt lành vô cùng” (Psalm/tv 34: 9).
Khi chúng ta đang ở trong tình trạng ân
sủng như vậy, chúng ta sẽ ngây ngất cảm nhận thấy toàn thể thế
giới và chính chúng ta không quì gối phủ phục mà lòng rung động
lâng lâng như khờ dại đã liên tục khóc lóc vì vui sướng. Đây là
loại nước mắt mà thánh Augustin đã diễn tả trong “Confessions”
: “Lạy Cha nhân lành, Cha thương yêu chúng con đến độ không chừa
con một của Chúa, đã hiến dâng con Chúa cho tất cả chúng con.
Thật Chúa đã thương yêu chúng con vô vàn!”
(11)
Pascal cũng chảy những giòng nước mắt như
vậy vào một đêm ông linh hứng thấy Chúa của Abraham, Isaac và
Jacob biểu hiện trong kinh thánh. Ông đã viết vào một mảnh giấy
mà sau này người ta đã tìm thấy trong túi áo của ông sau khi ông
chết:
“Hãy Vui lên!, Vui lên!....
“ Những giòng nước mắt vui mừng…”
Nước mắt người đàn bà tội lỗi đã chảy xuống
rửa chân Chúa giêsu không phải chỉ là những giọt nước mắt ăn năn
thống hối mà còn là những giọt nước mắt cảm tạ và vui mừng sung
sướng (Lc7: 37-38).
Nếu trên thiên đàng các thánh khóc thì chắc
rằng ở đó sẽ tràn ngập nước mắt và ồn ào tiếng khóc ca hát vui
mừng. Thánh Simeon, một nhà thần học nổi tiếng đã từng sống ở
Istanbul ( hồi xưa gọi là Constantinople) mà cách đây không lâu
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI có du hành mục vụ ít ngày ở đó đã là
một gương sáng sống động nhất trong lịch sử nền linh đạo Kitô
giáo về nước mắt ăn năn thống hối, loại nước mắt của ngỡ ngàng
và trầm lặng. “Tôi đã khóc –ngài viết- và tôi đã
vui mừng sung sướng khôn tả”. (12). Ngài còn diễn tả
cái khóc ăn năn thống hối vì được vui mừng hạnh phúc thành như
châm ngôn: “Phúc cho những ai khóc lóc thảm thiết đắng cay vì
tội lỗi của mình, vì ánh sáng cứu độ của Chúa sẽ ở trên họ và
biến nước mắt cay đắng của họ thành ngọt ngào êm ái”(13).
Chớ gì Chúa ban cho chúng ta có được, ít
nhất một lần trong đời, những giọt nước mắt ân sủng đầy súc cảm
thống hối và rạt rào mừng vui ấy.
Pace Garden, Orange Park,
Florida
Chuẩn bị Mùa Chay Thánh
2008
Bác Sĩ
Nguyễn Tiến Cảnh
|
VỀ
MỤC LỤC |
|
“Đức Kitô làm cho Mình trở nên nghèo
khó vì anh em”
|
SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2008
của ĐTC BÊNÊĐICTÔ XVI
“Đức Kitô làm cho Mình trở nên nghèo
khó vì anh em” (2
Cor 8:9)
Anh Chị Em thân mến!
1. Mỗi
năm, Mùa Chay đem lại cho chúng ta một dịp theo Chúa Quan Phòng
để đào sâu giá trị của đời sống Kitô hữu của chúng ta, và khuyến
khích chúng ta tái khám phá ra lòng thương xót của Thiên Chúa,
để đến lượt chúng ta trở nên thuơng cảm cho anh chị em của chúng
ta hơn. Trong thời gian Mùa Chay, Hội Thánh thấy rằng mình
có bổn phận phải đưa ra những công tác rõ ràng đi theo các tín
hữu cách cụ thể trong tíến trình canh tân nội tâm: đó là việc
cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Về sứ điệp Mùa Chay
năm nay, Cha muốn dành ít thì giờ để suy niệm về việc thực hành
bố thí, tượng trưng cho cách đặc biệt để giúp đỡ những người
thiếu thốn, đồng thời, cũng để tập từ bỏ mình để giải thoát
chúng ta khỏi những ràng buộc với những của cải thế gian. Càng
bị thu hút mạnh mẽ bởi sự giàu có vật chất, thì chúng ta càng
phải quyết tâm dứt khoát để không biến chúng thành thần tượng
của chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định điều này cách rõ ràng: “Các
con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi mammôn [tiền
của] được” (Lc
16:13). Việc bố thí giúp chúng ta thắng được cám dỗ liên tục
này, dạy chúng ta đáp ứng lại những nhu cầu của tha nhân và chia
sẻ với người khác những gì chúng ta có được nhờ lòng nhân lành
của Thiên Chúa. Đó chính là mục đích của việc quyên tiền đặc
biệt cho người nghèo được quảng bá ở nhiều nơi trên thế giới
trong Mùa Chay. Bằng cách này, việc thanh luyện nội tâm
được kèm theo bằng một nghĩa cử của cộng đồng Hội Thánh, phản
ảnh những gì đã xảy ra thời Hội Thánh Sơ Khai. Trong các Thánh
Thư của ngài, Thánh Phaolô đã đề cập đến về việc này khi viết về
việc quyên tiền giúp cộng đồng Gierusalem (xem
2 Cor 8-9;
Rom 15:25-27).
2. Theo
giáo huấn của Tin Mừng, chúng ta không làm chủ nhưng chỉ là
những người quản lý các tài sản mà chúng ta có: cho nên không
được coi những tài sản này là của riêng mình, nhưng là những
phương tiện mà qua đó Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hành
xử như một người quản lý theo sự quan phòng của Ngài đối với
những người thân cận chúng ta. Như Sách Giáo Lý của Hội Thánh
Công Giáo nhắc nhở chúng ta, các của cải vật chất có chứa
đựng giá trị xã hội, theo nguyên tắc qui về mục đích phổ quát
của chúng (xem câu 2404).
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu thẳng tay khiển
trách những người chỉ biết dùng sự giàu sang vật chất cách ích
kỷ. Trước cảnh nghèo đói của đám đông, thiếu tốn đủ thứ, lời của
Thánh Gioan vang lên giọng khiển trách: “Làm sao mà tình yêu
Thiên Chúa có thể ngự nơi những người có nhiều của cải thế gian
mà từ chối giúp đỡ anh chị em mình khi thấy họ thiếu thốn?” (1
Ga 3:17). Ở những quốc gia mà đa số dân chúng là Kitô hữu,
lời kêu gọi chia sẻ còn khẩn cấp hơn nữa bởi vì họ càng có trách
nhiệm đối với số đông người đang chịu cảnh nghèo đói và bị bỏ
rơi. Giúp đỡ những người này là nhiệm vụ về công bằng trước khi
được coi là việc bác ái.
3. Tin
Mừng nhấn mạnh đến một đặc tính của việc bố thí của Kitô hữu là
nó phải kín đáo. Chúa Giêsu quả quyết: “Đừng cho tay trái của
các con biết việc tay phải các con làm, để việc bố thí của các
con được thực hiện cách kín đáo” (Mt.
6:3-4). Chỉ một thời gian ngắn trước đó, Chúa nói rằng đừng
tự hào về các việc lành mình làm để khỏi bị mất phần thưởng trên
Trời (xem
Mt 6:1-2). Người môn đệ phải quan tâm đến việc làm vinh danh
Thiên Chúa. Chúa Giêsu cảnh cáo: “Bằng cách này, hãy làm
cho ánh sáng của các con chiếu soi trước mặt người khác, để họ
thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha Trên Trời” (Mt
5:16). Như thế, chúng ta phải làm mọi sự để vinh danh
Thiên Chúa chứ không phải vì danh dự của chúng ta. Anh chị
em thân mến, sự hiểu biết này phải hậu thuẫn tất cả các nghĩa cử
chúng ta làm cho tha nhân, đừng để cho chúng trở thành phương
tiện biến chúng ta thành cái rốn của vũ trụ. Nếu trong khi
chu toàn một nghĩa cử, chúng ta không có mục đích làm vinh danh
Chúa và thật sự giúp đỡ anh chị em, mà lại tìm tư lợi, hay tiếng
khen, thì chúng ta đã tự đặt mình ra ngoài nhãn quan của Tin
Mừng. Trong thế giới của hình ảnh ngày nay, chúng ta phải rất
thận trọng đề phòng bởi vì cám dỗ này quá lớn. Bố thí, theo Tin
Mừng, không phải chỉ là việc thiện: mà còn là một sự diễn tả đức
ái cách cụ thể, một nhân đức đối thần đòi hỏi một sự hoán cải
nội tâm để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, theo gương Đức Chúa
Giêsu Kitô, là Đấng đã chết trên Thánh Giá, đã hiến toàn thân
cho chúng ta. Làm sao mà chúng ta không cảm tạ Thiên Chúa vì
nhiều người đang âm thầm thực thi các việc làm quảng đại giúp đỡ
tha nhân trong cơn quẫn bách bằng tinh thần này, vượt ra ngoài
tầm kính của thế giới truyền thông? Thật là vô ích khi cho người
khác của cải của mình nếu việc làm này biến lòng chúng ta thành
tự hào trong hư danh: vì lý do này mà những người biết rằng
Thiên Chúa “nhìn thấy trong kín đáo” và sẽ bí mật ban thưởng
không tìm sự công nhận của loài người khi họ làm việc từ thiện.
4.
Trong khi mời gọi chúng ta nghĩ đến việc bố thí với một cái nhìn
sâu sắc hơn, vượt trên chiều kích thuần túy vật chất, Thánh Kinh
dạy chúng ta rằng cho đi thì vui hơn nhận lại (xem
TĐCV 20:35). Khi chúng ta làm vì yêu, chúng ta nói lên chân
lý của bản chất con người chúng ta; quả thật, chúng ta không
được dựng nên cho mình, nhưng cho Thiên Chúa và anh chị em chúng
ta (xem
2 Cor 5:15). Mỗi lần chúng ta chia sẻ của cải với những
người túng thiếu chung quanh chúng ta vì yêu Chúa, chúng ta khám
phá ra rằng sự sung mãn của cuộc sống đến từ tình yêu, và tất cả
lại trở về với chúng ta như phúc lành dưới dạng bình an, mãn
nguyện và vui mừng nội tâm. Cha chúng ta ở trên Trời thưởng cho
việc chúng ta bố thí bằng niềm vui của Ngài. Hơn nữa: Thánh
Phêrô kể vào số những hoa quả thiêng liêng của việc bố thí
là ơn tha tội. Ngài viết: “Đức ái che phủ vô vàn tội lỗi” (1
Phr 4:8). Như Phụng Vụ Mùa Chay thường nhắc lại rằng Thiên
Chúa ban cho chúng ta là những người tội lỗi khả năng được tha
tội. Việc chia sẻ với người nghèo những gì chúng ta có làm cho
chúng ta sẵn sáng lãnh nhận ơn ấy. Trong lúc này, cha lại nghĩ
đến những người nhận ra sự trầm trọng của những tội ác họ đã
làm, và chính vì lý do đó, họ cảm thấy mình xa cách Thiên Chúa,
sợ hãi và hầu như không có khả năng trở về với Ngài. Bằng cách
đến gần tha nhân qua việc bố thí, chúng ta được kéo lại gần
Thiên Chúa; Bố thí có thể trờ một thành công cụ cho việc hoán
cải và hòa giải thật sự với Ngài và anh em chúng ta.
5. Việc
bố thí dạy chúng ta lòng quảng đại của đức ái. Thánh Giuse
Bênêđictô Cottolengo đề nghị cách thẳng thắn: “Đừng bao giờ tính
sổ số tiền bạn cho đi, bởi vỉ đó là điều mà tôi nói hoài: nếu
trong việc bố thí tay trái không biết việc tay phải làm, thì tay
phải cũng không nên biết việc mình làm.” (Detti e penseru,
Edilibri, số 201). Về việc này, thì câu truyện trong Tin
Mừng về bà goá rút ra từ sự nghèo túng của bà mà bỏ vào quỹ Đền
Thờ “tất cả những gì bà có để sinh sống” (Mc
12:4) còn quan trọng hơn. Đồng xu nhỏ bé và tầm thường của
bà trở thành một biểu hiệu hùng hồn: Bà goá này dâng cho Thiên
Chúa không phải sự dư dật của bà, không phải là bao nhiêu tiền
bà có, nhưng là chính bà. Toàn thân của bà.
Chúng ta thấy câu chuyện cảm động này được
lồng vào trình thuật những ngày ngay trước cuộc khổ nạn và cái
chết của Chúa Giêsu, là Đấng làm cho mình trở nên nghèo khó để
lấy cái nghèo của Người mà làm cho chúng ta nên giàu có như
Thánh Phaolô viết (xem
2 Cor 8:9); Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta toàn thể con
người của Người. Cũng qua việc thực hành bố thí, Mùa Chay khuyến
khích chúng ta theo gương Người. Trong trường của Người, chúng
ta có thể học cách làm cho cuộc đời chúng ta trở thành món quà
toàn vẹn; theo gương Người, chúng ta có thể làm cho mình sẵn
sàng, không phải chỉ để cho đi một phần của những gì mình có,
nhưng cho đi chính bản thân chúng ta. Không phải là toàn thể Tin
Mừng được tóm lại trong Giới Luật Yêu Thương sao? Như thế việc
thực thi bố thí trong Mùa Chay trở nên một phương thế để đào sâu
ơn gọi Kitô hữu của chúng ta. Bằng cách hiến mình cách vô vị
lợi, người Kitô hữu làm chứng rằng chính tình yêu chứ không phải
sự giàu sang vật chất là yếu tố làm nên định luật hiện hữu của
mình. Như vậy tình yêu làm cho việc bố thí có giá trị; nó gợi
hứng cho những hình thức ban tặng khác nhau, tùy theo khả năng
và điều kiện của mỗi người.
6. Anh
chị em thân mến, Mùa Chay mời gọi chúng ta “huấn luyện mình”
cách thiêng liêng, cũng như qua việc thực hành bố thí, để chúng
ta được lớn lên trong đức ái và nhận ra Chính Đức Kitô trong
những người nghèo. Trong sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta đọc rằng
Thánh Phêrô đã nói với nggười què đang ăn xin ở cổng Đền Thờ:
“Tôi không có vàng hay bạc, nhưng điều gì tôi có thi tôi cho
anh; nhân danh Đức Chúa Giêsu Kitô Thành Nadareth, anh hãy bước
đi” (TĐCV
3:6). Trong việc bố thí, chúng ta tặng một cái gì là vật
chất, là một biểu hiệu của món quà cao quý hơn mà chúng ta có
thể tặng cho người khác qua việc rao truyền và làm chứng cho Đức
Kitô, nhờ danh Người mà người ta tìm thấy sự sống thật. Như thế
hãy đánh dấu thời gian này bằng cố gắng gắn bó với Đức Kitô của
cá nhân và cộng đồng để chúng ta có thể trở nên nhân chứng cho
tình yêu của Người. Nguyện xin Đức Maria, Mẹ và Tôi Tớ trung tín
của Chúa giúp các tín hữu bước vào “cuộc chiến thiêng liêng” của
Mùa Chay, được trang bị bằng kinh nguyện, ăn chay và thực hành
bố thí, để được đổi mới tinh thần khi đến cử hành Đại Lễ Phục
Sinh. Với những lời cầu chúc này, Cha long trọng ban Phép Lành
Toà Thánh của Cha cho mọi người.
Làm tại Vatican, ngày 30 tháng 10, năm 2007
ĐTC Bênêđictô XVI
Phaolô Phạm xuân Khôi
chuyển ngữ
|
VỀ
MỤC LỤC |
|
ÔNG DA-KÊU |
“Khi vào Giê-ri-cô, Chúa Giêsu đi ngang
qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu
những người thu thuế và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem
cho biết Chúa Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì
đông mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên
một cây sung để xem Chúa Giêsu, vì Người sắp đi qua đó.
Khi Chúa Giêsu tới chỗ ấy thì Người nhìn
lên và nói với ông: ‘Nầy ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay
tôi phải ở lại nhà ông!’
Ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Người. Thấy
vậy, mọi người xầm xì với nhau: ‘Nhà người tội lỗi mà ông ấy
cũng vào trọ!’
Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: ‘Thưa
Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu
tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.’ Chúa
Giêsu mới nói về ông ta rằng: ‘Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho
nhà nầy, bởi người nầy cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con
Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.’” (Lc 19,
1-10)
***
Da-kêu là một người thu thuế rất mực giàu
có. Ông đã làm giàu, chủ yếu bằng cách khai thác người nghèo vô
phương chống trả. Xét về nhiều phương diện, ông không phải là
một con người tốt! Có lẽ ông là người bị oán ghét và khinh miệt
nhất ở nơi thành phố Giê-ri-cô. Ông đã bị xoá tên khỏi sổ bộ và
được xem như “một kẻ không ra gì”. Khi người nào đi chung
với ông thì chỉ dơ danh xấu tiếng mà thôi.
Vào thời điểm đó, người La-mã chiếm cứ đất
nước Do-thái. Họ đã cai trị với bàn tay sắt. Bất cứ người nào tỏ
dấu bất đồng quan điểm hay bất tuân lệnh hành chánh, lập tức sẽ
bị đè bẹp. Một đạo quân chiếm đóng phải được duy trì và yểm trợ.
Người La-mã thu thuế theo một hệ thống đánh
thuế bất công. Phải thu thuế bằng mọi cách. Đối với bất cứ người
La-mã nào, công việc thu thuế làm hạ nhân cách của mình. Vì thế
những người thu thuế được tuyển dụng từ cộng đồng địa phương.
Luôn luôn có những người muốn hợp tác với kẻ thù.
Một khi người La-mã nhận đủ tiền thuế thu
được, họ không quan tâm tới việc những thuế phụ thu do những
người thu thuế đặt để ra. Toàn bộ hệ thống đó đã mở cửa cho việc
lạm dụng, lộng hành và Da-kêu cùng với những người đồng loại đã
lạm dụng hệ thống đó để bóc lột chính dân tộc mình hầu trở nên
giàu có.
Báo oán
Chúa Giêsu đi ngang qua thành phố đó. Cả
nước đều bàn tán về Ngài. Ngài là một khuôn mặt nổi tiếng trong
nước, chẳng khác nào một minh tinh. Ai nấy đều muốn thấy Ngài.
Các đường sá thành phố Giê-ri-cô kẹt cứng.
Việc ông Da-kêu lẫn lộn vào đám đông chỉ
tạo nên rắc rối. Thật vậy, ông là một người bị để ý. Chúng ta có
thể hình dung ông Da-kêu đang cố gắng len mình vào trước đám
đông để nhìn xem Chúa Giêsu đi ngang qua. Ông đang bị xô đẩy, bị
hích khuỷu tay, bị kháng cự và bị lăng mạ sỉ nhục.
Tuy nhiên ông đã có can đảm chịu đựng sư
liều lĩnh tuyệt vọng. Ông tự tách mình ra khỏi đám đông và leo
lên một cây sung nổi bật ở xa xa cuối đường. Nơi đó có thể cung
cấp cho ông một tầm nhìn thoáng đãng.
Khi Chúa Giêsu đến gần cây sung, Ngài dừng
lại. Da-kêu ngạc nhiên. Chúa Giêsu nhìn lên. Da-kêu càng ngạc
nhiên hơn nữa. Chúa Giêsu kêu ông bằng chính tên của ông. Da-kêu
kinh ngạc. Ai đã nói cho Chúa Giêsu biết tên của ông và làm thế
nào Ngài biết ông đang ẩn núp? Bốn con mắt gặp nhau và người nầy
nhìn người kia chằm chằm.
Tôi mong muốn bạn ghi nhận điều gì Chúa
Giêsu và ông Da-kêu đã thấy. Trước khi gặp Chúa Giêsu, ông
Da-kêu nghĩ mình là người giàu có. Giờ đây, ông thấy mình nghèo
nàn đến mức nào. Trước đây ông tưởng mình có hết mọi sự. Bây giờ
ông thấy mình không có gì đáng giá thật sự.
Đó là
thời điểm của sự thật. Ông nhận ra sự phung phí ghê
gớm đối với cuộc sống của mình và sự phá sản của địa vị mình.
Đôi mắt ông đã mở ra và ông đã la lên: “Chúa ôi! Con đã điên
rồ đến mức nào!” Ông đã nhận thấy điều tai hại mà ông đã làm
cho chính mình và cho người khác, chỉ vì ông xu phụ cái tôi mà
thôi.
Điều xảy đến cho Da-kêu gợi lại cho tôi câu
nói sâu sắc của nhân vật
Iago trong vở kịch “Othello” của
Shakespeare, khi Iago nói về Cassio: “Có
một vẻ đẹp trong cuộc sống của ông ta khiến tôi cảm thấy mình
xấu xa.” Thật vậy, có một vẻ đẹp nơi Chúa Giêsu đã có khả
năng làm cho Da-kêu nhận ra sự xấu xa trong cuộc đời mình. Tội
lỗi thì xấu xa!
Vẻ đẹp trong đôi mắt người chứng kiến
Chúa Giêsu đã thấy gì? Ngài đã thấy kẻ lừa
đảo, kẻ phản bội, người tội lỗi. Ngài đã thấy một con người đang
ẩn giấu. Ngài đã nhìn thấu suốt tất cả những trò lừa đảo và tống
tiền nơi Da-kêu.
Nhưng Ngài cũng thấy một khía cạnh khác nơi
con người Da-kêu, khía cạnh mà không ai có thể thấy được. Ngài
thấy một con người có tiềm năng lớn lao có thể trở nên thiện
hảo, một con người sẵn sàng xây đắp một nếp sống mới, một khi
được ban cho một vận hội mới. Chúa Giêsu thấy những điều kiện
thực tế và những khả năng ở nơi Da-kêu.
Chúa thấy ông Da-kêu có thể trở nên tốt,
dưới quyền lực và ảnh hưởng của Ngài. Chúa Giêsu cho ông một dịp
may để xoay chuyển cuộc sống. Công trạng của Da-kêu là đã nắm
lấy cơ hội mà vươn lên.
Da-kêu là ai? Chính chúng ta là những Da-kêu!
Da-kêu ở trong mỗi một người nam và người nữ. Điều gì Chúa Giêsu
đã làm cho Da-kêu hôm qua thì Ngài cũng có thể làm cho chúng ta
hôm nay, nếu chúng ta để cho Ngài tự do hành động. Thiên Chúa là
như thế đó! Ngài luôn luôn cho chúng ta một vận hội mới, một
khởi đầu mới, một niềm hy vọng mới.
Ngài thấy những gì ẩn giấu dưới dáng dấp bề ngoài của chúng ta
và thấy sự thiện mỹ ở bên trong cùng sự rộng lượng của tâm hồn
chúng ta, tức tiềm năng vươn lên. Ngài thấy không những con
người thực của chúng ta là những kẻ tội lỗi đang cần được tha
thứ, nhưng Ngài cũng thấy những khả năng nơi chúng ta có thể
giúp chúng ta trở nên tất cả những gì Thiên Chúa mong muốn.
Một tù nhân bị giam ở trong xà-lim tại Lao Xá Mountjoy đã nói
với tôi: “Thưa cha Vincent, con vui sướng vì sẽ được Thiên
Chúa phán xét hơn là người đời.” Và tất cả chúng ta
đều nói như thế!
Khi chúng ta tiếp cận với một người nào và xem họ như một con
người đáng kính trọng, khỏi phải nói ra là chúng ta có thể khám
phá bên trong họ sự thiện hảo dường nào!
Khi nhìn Chúa Kitô, chúng ta thoáng thấy khuôn mặt của Thiên
Chúa. Giống như Da-kêu, chúng ta có thể bôn ba và phải khó khăn
lắm mới gặp được Ngài.
Ít người cảm thấy việc xưng tội là dễ dàng, nhưng chúng ta biết
điều đó có hiệu lực. Chúng ta không bị đè bẹp. Thật ra, điều
ngược lại mới xảy ra. Chúng ta được kéo lên để cố gắng vươn tới
lần nữa.
Khi Chúa tha thứ thì Ngài tha thứ thật, không miễn cưỡng, nhưng
hoà nhã ân cần. Đối với Thiên Chúa, Ngài tha thứ chỉ vì thiện ý.
Ngài đối xử với chúng ta như thể chúng ta không bao giờ bỏ Ngài
mà đi xa.
Linh Mục Vincent Travers, OP
Hương Vĩnh chuyển ngữ
|
VỀ
MỤC LỤC |
|
TRÁNH XUNG ĐỘT (2) |
Bà mẹ nghe tiếng động trong bếp
nên bà đi xem thử. Bà khám phá ra cậu bé Bình 4 tuổi leo lên bàn
đang vói lấy thẩu kẹo đặt trên giá.
- Con không được ăn kẹo bây giờ,
Bình ơi. Gần đến giờ ăn rồi.
Nói rồi bà mẹ bồng nó xuống.
- Con muốn kẹïo bây giờ, Cu bé
hét.
- Không được con ơi. Mẹ làm bữa
ăn trưa cho con bây giờ.
Cậu bé thét lên:
- Mẹ, con muốn kẹo.
- Bình, con không được hư.
Cậu bé nằm trên sàn thét to và
giãy dụa.
- Con có muốn mẹ đánh không? Bà
mẹ nổi cơn rồi đó.
- Con ghét! Con ghét!
- Bình, sao con nói vậy?
Cậu bé càng làm dữ.
- Bình, yên ngay! Đây, mẹ cho con
một cái kẹo. Nào, im ngay!
Cậu bé dần dần nhỏ giọng và cuối
cùng lấy mẫu kẹo mà mẹ nó đưa cho nó.
Thoạt đầu, người mẹ khước từ
nhưng rồi cậu bé áp lực, bà nhường nhịn. Cậu bé thắng cuộc tranh
chấp và củng cố niềm tin vào sức mạnh của cậu. Bà mẹ có thể làm cho
cơn giận của cậu bé vô hiệu bằng cách rút lui khỏi hiện trường. Hãy
cất kẹo đi và đi vào phòng tắm ngay tiếng la hét đầu tiên của nó.
Hãy để cậu bé khóc la trong sự vô ích. Không có sự giận dữ nào có ý
nghĩa khi không có khán giả.
Bà mẹ và cậu bé Huy 5 tuổi đi
thăm một người bạn vào chiều hôm đó. Cậu bé thích thú thăm viếng đứa
con trai của người bạn mẹ. Cậu bé chưa muốn về nhưng vì ép buộc phải
về nên đã nổi trận lôi đình, suốt buổi ăn tối, cậu rời phòng ăn vào
phòng tắm. Thói quen trong gia đình là nếu ai rời phòng ăn họ không
thể trở lại. Trong lúc cậu bé rời bàn, người mẹ thuật lại với người
cha về cuộc thăm viếng. Ông ta hiểu. Bà mẹ dọn cất đĩa của cậu bé.
Cậu bé trở lại. Khi cậu bé không thấy đĩa của cậu nữa, cậu lăn mình
trên sàn nhà nằm vạ bắt chước như bạn cậu. Người mẹ và người bố vẫn
tiếp tục ăn tối dường như cậu bé không có ở đó. Họ nghe cậu bé lẩm
bẩm: “Đĩa con đâu?” Nhưng họ không quan tâm tới.
Cô bé Thùy Vân mới sinh được 10
tháng, đang bò trên sàn nhà trong khi bà mẹ ũi quần áo. Ũi xong bà
mẹ đặt nó vào trong xe của nó. Nó phản kháng và khóc. Bà mẹ phớt lờ
đi, nhưng cô bé ngã người ra phía sau, giãy dụa, và khóc ré lên. Bà
mẹ đi vào phòng tắm. Mười phút sau, bà trở lại thấy cô bé chơi với
cái banh của nó.
Ngay cả mới 10 tháng tuổi, nó
cũng có cách của nó. Bà mẹ đang huấn luyện cô bé chấp nhận trật tự.
Bà mẹ kính trọng sự quyết định của cô bé cố gắng làm trận và bà đã
nhường chiến trận cho cô bé, nhưng không chú ý, cũng không chìu theo
ý nó.
Rút lui khỏi tình trạng xung khắc
là một phương cách tốt nhất. Điều đó không có nghĩa là rút lui khỏi
đứa bé. Tình yêu, tình cảm, và sự thân thiện vẫn tiếp tục. Rút lui
vào lúc xung đột giúp giữ được tình thân. Khi một đứa trẻ làm mình
bực tức, chúng ta thường cảm thấy xa cách, chúng ta có khuynh hướng
muốn đập cho một trận. Sự thù nghịch trên cả hai phía làm thiệt hại
lớn cho sự quan hệ. Khi chúng ta biết khéo léo trong sự rút lui tức
khắc, chúng ta thấy rằng con cái chúng ta đáp lại trong sự bất ngờ.
Vì trong con người luôn có ước vọng “muốn thuộcvề”, chúng sẽ cảm
thấy một chiến trận trống không vô nghĩa. Điều đó không làm cho
chúng thay đổi thái độ, tránh làm trận. Nhưng một khi sự thực hành
nầy được thực thi trong gia đình, con trẻ rất nhanh cảm thấy được
những giới hạn của chúng. Nếu chúng đi quá giới hạn và cha mẹ rút
lui khỏi tình thế, một cách nhanh chóng con trẻ cũng quên đi sự xung
khắc và cũng tỏ cho thấy sự ước muốn cộng tác trở lại. Vì sự huấn
luyện con cái cộng tác là mục đích của chúng ta, chúng ta có một
tiến trình tuyệt vời nhờ đó có thể mang đến sự cộng tác.
Khó thấy được tiến trình nầy đúng
như thế nào. Mới nhìn thì dường như chúng ta đang để cho con trẻ xếp
đặt một cái gì. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn kỹ hơn vào động lực của
đứa trẻ, chúng ta khám phá ra rằng trong hầu hết những tình cảnh
xung khắc, nó muốn sự chú ý của chúng ta hoặc muốn lôi chúng ta vào
sự đọ sức với nó. Nếu chúng ta cho phép chúng ta làm như thế, chúng
ta đi vào con đường của đứa trẻ và củng cố mục đích sai lầm của nó.
Vì thế, sự huấn luyện của chúng ta phải được nhắm đến tận căn rễ của
vấn đề chứ không phải chỉ trên bề mặt. Dùng ngôn từ để sửa thói quen
xấu của đứa trẻ thì quả là vô ích. Nếu chúng ta muốn huấn luyện một
đứa trẻ để có hạnh kiểm tốt hơn, chúng ta phải hành động thế nào để
gây một sự thay đổi trong cách xử sự của nó. Nếu nó cảm thấy rằng
những cố gắng của nó cũng chỉ cho nó một chiến trường trống vắng, nó
sẽ mau chóng quay sang một hướng mới khi khám phá ra rằng nó có thể
có lợi hơn nhiều bằng cách hợp tác hơn là chống đối. Nếu nó không có
cách thế riêng của nó, nó sẽ học chấp nhận những đòi hỏi của tình
thế. Như vậy, nó phát triển sự kính trọng đối với thực tại cũng như
đối với cha mẹ, những người đại diện cho trật tự xã hội hiện hành.
Một khi sự huấn luyện qua việc
rút lui đã được thiết lập trong gia đình, cũng dễ dàng hơn để đối
phó với những xung khắc nơi công chúng. Chúng ta có thể phát triển
chiến thuật rút lui vào nhà tắm, là cái xem ra có hiệu quả. Trẻ con
rất nhạy cảm. Chúng cảm được sự rút lui của bố mẹ. Chúng ta đã thấy
hiệu quả của nó trong những câu chuyện trên đây. Chúng ta gặp phải
những thử thách đầy căm go khi con cái chúng ta quấy rầy nơi công
chúng. Chúng ta cảm thấy xấu hổ và nhục nhã vì chúng đặt chúng ta
vào vị thế của những người bố mẹ xem ra không đủ tư cách làm bố mẹ.
Trẻ con hành xử nơi công chúng như chúng được giáo dục ở gia đình.
Nếu chúng là bất trị ở gia đình, chúng cũng sẽ bất trị ở nơi công
chúng, và chúng ta sẽ nhận điều chúng ta đáng nhận. Vấn đề con trẻ
thích làm nhiều bất ổn hơn nơi công cộng vì chúng cảm được sự tổn
thương của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể dùng “chiến thuật
rút lui vào phòng tắùm trong tinh thần” để bao gồm tất cả những
người đang đứng ngoài nhìn. Một lần nữa, khi sự chú ý của chúng ta
nhắm vào những đòi hỏi của tình thế chứ không nhăùm vào tiếng tăm
chúng ta, chúng ta có chìa khóa để giải quyết vấn đề.
Lm.levanquang,
tiến sĩ tâm lí |
VỀ
MỤC LỤC |
|
|
Tòa Khâm Sứ, những tấm
lòng tha thiết!
Đã dâng
lên trong những buổi kinh cầu
Niềm u
hoài, trăn trở đã từ lâu
Nơi
phụng tự, nơi dâng lên của lễ!
Tòa
Khâm Sứ, nơi dựng cây Thánh Giá
Nơi
tượng Mẹ dầu giãi với sầu bi
- Mẹ ở
đây, ở với chúng con đi!
Thiếu
vắng Mẹ, chúng con cô đơn quá!
Tòa
Khâm Sứ, giáo dân thật thỏa dạ
Nếu vật
hoàn cố chủ sẽ xẩy ra
Nơi
phượng thờ, nơi cầu nguyện, xướng ca
Để dâng
lên trước tòa lòng kính ngưỡng!
Giáo
dân nghĩ, Nhà Nước khôn ngoan, nhượng!
Nhà đất
dân, nay trả lại cho dân
Mọi sự
việc đều êm ái, công bằng
Để mãi
mãi dân tin vào Công Lí!
30-1-2008
Bút
Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC |
VỀ
MỤC LỤC |
|
MỘT
VÀI THẮC MẮC VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ |
Hỏi:
Xin cha giải thích 2 câu hỏi sau đây:
1- Có luật nào cho phép linh
mục truyền phép Mình Thánh ngoài Thánh Lễ không?
2- Tại sao người ngoài Công
Giáo không được phép rước Lễ, kể cả những người không kết hôn trong
Giáo Hội.
Trả lời:
Trước hết, xin được nói thêm
về Thánh lễ và bí tích Thánh Thể.
Thánh lễ Misa hay
Lễ Tạ Ơn (The Eucharist) chính là cử hành bí tích
Thánh Thể và Hy tế thập giá của Chúa Kitô qua phụng vụ thánh của
Giáo Hội.
Gọi là Lễ Tạ Ơn
vì đây chính là việc chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa trước tiên
của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly khi Người “cầm
bánh trong tay thánh thiện khả kính, ngước mắt lên trời, nhìn Chúa
là Cha toàn năng của Người, tạ ơn Chúa, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và
trao cho các môn đệ mà nói: TẤT CẢ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY MÀ ĂN…”
(Kinh Nguyện Thánh Thể (Tạ Ơn) 1).
Như thế, mỗi khi cử hành Lễ Tạ
Ơn, Giáo Hội lại làm sống lại “Bữa ăn của Chúa, vì Thánh Thể là
bữa tiệc ly của Chúa Kitô và các môn đệ Ngài trước ngày Chúa chịu
khổ hình, và cũng để nói lên hình ảnh đi trước của ‘Tiệc Cưới của
Chiên Con’ (Kh 19:9) tại Giêrusalem trên trời…” (x.
SGLGHCG số 1329).
Nói khác đi, Thánh lễ Tạ Ơn là
cử hành bí tích Thánh Thể qua đó Chúa Kitô lại một lần nữa tạ ơn
Chúa Cha và biến bánh và rượu thành chính mình và máu thánh Người
cho chúng ta ngày nay ăn và uống như các Tông đồ đã ăn và uống
lần đầu tiên trong bữa ăn cuối cùng của Chúa cách nay trên 2000 năm.
Mặt khác, cũng trong Thánh Lễ
Tạ Ơn, Chúa Kitô, qua tác vụ của tư tế thừa tác (Giám mục và Linh
mục), lại hiện diện cách bí tích để diễn lại Hy Tế cứu chuộc mà
một lần Người đã dâng trên thập giá năm xưa. Và mỗi lần Hy Tế
thập giá này được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó “Chúa Kitô,
chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế (1 Cor 5,7) thì
công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện.” ( x. LG. 3).
Nghĩa là mỗi lần Thánh Lễ Tạ Ơn
hay Lễ Misa được cử hành thì Giao Ước mới ký bằng máu Chúa Kitô
lại được canh tân, nhờ đó ơn cứu độ của Chúa lại được ban phát
cho chúng ta ngày nay như đã ban phát cho con người lần đầu tiên khi
Chúa dâng Hy Tế của Người lên Chúa Cha trên thập giá để xin ơn tha
tội cho cả và loài người đáng bị phạt vì tội lỗi.
Như thế, Thánh Lễ Tạ Ơn
không phải là việc tưởng niệm (commemoration) một biến cố của
quá khứ mà là một hành động làm sống lại hay hiện thực hoá
(actualization) qua phụng vụ thánh những gì Chúa Kitô đã làm trong
bữa ăn sau cùng tối thứ năm và sau đó trên thập giá ngày thứ sáu hôm
sau để hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại của Người.
Đây cũng là việc phụng thờ
cao trọng nhất mà Giáo Hội dâng lên Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và
trong Chúa Thánh Thần.
Thánh Công Đồng Vaticanô II,
trong Hiến Chế Tín lý Lumen Gentium, đã dạy rằng:
“Thánh Thể là nguồn mạch và là đỉnh cao
của đời sống Giáo Hội” ( LG. 11), vì
“Thánh Thể chứa đựng tất cả kho báu thiêng
liêng của Giáo Hội, tức chính bản thân Chúa Kitô, Lễ Vượt Qua của
chúng ta” (x. SGLGHCG, số 1324).
Nói tóm lại, cử hành Thánh Lễ
Tạ Ơn là cử hành bí tích Thánh Thể, làm sống lại bữa tiệc ly và
Hy Tế thập giá của Chúa Kitô trên bàn thờ ngày nay.
Trọng tâm của Thánh Lễ là phút
linh thiêng khi tư tế chủ tế đọc lại chính lời của Chúa Kitô để biến
bánh và rượu thành Mình và Máu thật của Chúa như Giáo Hội tin khi cử
hành phụng vụ thánh để “nhớ đến Thầy”
đúng theo lời truyền dạy của Chúa Kitô cho các Tông Đồ hiện diện
trong Bữa Tiệc Ly. Như vậy việc truyền phép thánh thể
(consecration) phải được thực hiện trong khuôn khổ bữa tiệc ly tức
là thánh lễ tạ ơn với đầy đủ nghi thức phụng vụ như Lễ
Qui Roma đã ấn định, gồm hai phần chính là phụng vụ lời Chúa
và phụng vụ thánh thể.
1-
Như vậy, để trả lời câu hỏi thứ nhất, Giáo luật số
927 cấm tư tế chỉ truyền phép một chất thể (bánh hoặc
rượu) hoặc truyền phép cả hai chất thể ngoài thánh lễ.
Nghĩa là chỉ được và phải truyền cả hai chất thể trong thánh lễ mà
thôi. Ngoài ra giáo luật cũng qui định: khi cử hành hay giúp cử
hành thánh Lễ, “Tư tế và phó tế phải mặc lễ phục thánh như chữ đỏ
qui định.” (cf.can. 929).
Tuy nhiên, trong trường hợp các
linh mục bị tù đầy, không có đầy đủ phương tiện để cử hành trọn vẹn
thánh lễ, thì các ngài chỉ có thể cử hành phần phụng vụ thánh thể,
tức là chỉ truyền phép thánh thể theo công thức còn nhớ thuộc lòng
mà thôi. Dĩ nhiên đây chỉ là trường hợp rất hạn hữu, bất khả kháng
được phép. Thông thường thì thánh lễ phải được cử hành trọn vẹn
theo đúng Lễ Qui Roma và phải có ít là một vài giáo dân tham dự.
(cf.can.907)
Cũng cần nói thêm về tầm quan
trọng của việc hiệp lễ (communion = rước lễ).
Hiệp lễ là hành động
cụ thể kết hợp ta với Chúa Kitô và với toàn thể Giáo Hội là
chi thể của Chúa. Hiệp lễ là cao điểm của Thánh lễ vì qua việc rước
Chúa Kitô vào lòng, chúng ta được kết hiệp mật thiết với Chúa
như Người đã phán hứa: “...Thầy sống nhờ bởi Chúa Cha thì ai
ăn Thầy cũng sống nhờ Thầy như vậy.” (Ga 6:57).
Như thế còn gì cao trọng hơn
được kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô trong phép Thánh Thể qua hiệp
lễ hay ruớc lễ mỗi khi tham dự thánh lễ tạ ơn. Nhưng việc này cũng
phải làm trong khuôn khổ thánh lễ mà thôi. Nghĩa là mọi tín
hữu được mời gọi sốt sắng tham dự thánh lễ và rước Mình Máu Chúa
trong thánh lễ, trừ trường hợp bất khả kháng không tham dự thánh lễ
được vì bệnh hoạn phải nằm ở nhà hay ở bệnh viện. Trường hợp này
thì được phép rước Mình Thánh Chúa ngoài thánh lễ, nhưng vẫn phải
giữ những điều kiện về sạch tội trọng và giữ chay tối thiểu.
2-
Liên quan đến câu hỏi thứ 2, xin nhắc lại giáo lý của Giáo Hội về
điều kiện phải có để được rước Mình Thánh Chúa như sau:
Thánh Thể, về một chiều kích,
là bí tích hiệp nhất giữa Chúa Kitô và toàn thể những ai tin và
nhận công nghiệp cứu chuộc của Chúa. Rước Mình Thánh Chúa trong
Thánh lễ là gia tăng sự hiệp nhất ấy với Chúa Kitô để được hưởng lời
Chúa hứa ban: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sống muôn
đời và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết.” (Ga 6:54).
Như vậy, chỉ có những tín
hữu đang hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo mới được phép
lãnh nhận các bí tích của Giáo Hội, cách riêng bí tích Thánh Thể mà
thôi. Những người ngoài Công Giáo, trừ anh em Chính Thống
Đông Phương, không chia sẻ niềm tin với Giáo Hội về nhiều phương
diện, đặc biệt là về chức Linh mục và phép Thánh Thể, nên không
được mời rước Mình Máu Chúa nếu họ có vì xã giao mà tham dự Thánh
Lễ.
Người Công giáo,
nếu xét mình có tội trọng, cũng không được phép rước lễ.
(x.giáo luật số 916; SGLGHCG, số 1385).
Ngoài ra, cũng không được
phép rước Thánh Thể những ai đang sống chung như vợ chồng mà chưa
hề kết hôn hợp pháp trong Giáo Hội, kể cả những người đã ly dị
ngoài toà nhưng chưa được tháo gỡ hôn phối theo giáo luật mà lại
sống chung như vợ chồng với người khác.
Đây là gương xấu phải tránh vì
khi hôn phối cũ chưa được tháo gỡ (annulled) thì vẫn còn hiệu lực dù
đã ly dị ngoài toà dân sự. Do đó, sống với người khác thì coi như
công khai phạm tội ngoại tình và đó là lý do tạm thời không thể
lãnh các bí tích hoà giải và Thánh Thể được.
Lm.
PX. Ngô Tôn Huấn.
|
VỀ
MỤC LỤC |
|
Bạn cám ơn Chúa. |
Tác phẩm: Cầu
Nguyện Cá Nhân: Bí quyết tình yêu và vui sống
Lm. Micae-Phaolô Trần
Minh Huy, pss.
Phần thứ hai
Đối thoại với
Chúa thế nào?
năm
Bạn cám ơn Chúa.
Khi bạn nói ‘Cám ơn’,
bạn đáp lại một người nào vì một ân huệ bạn đã nhận lãnh của
người đó (sự giúp đỡ, món quà, lời nói nhã nhặn...). Khi bạn nói
‘Hoan hô’ là bạn ca ngợi người đó, vì chính họ, một cách vô tư.
Trong lời cầu nguyện của bạn, bạn gặp cả hai khả năng: bạn cám
ơn Chúa vì những ân huệ Chúa đã làm cho bạn; bạn ca ngợi và thờ
lạy Chúa trong khi chiêm ngưỡng những đặc tính của Chúa, vượt
quá những ân huệ của Ngài.
‘’Ca ngợi’’ vô vị lợi hơn
‘’cám ơn’’. Nhưng để thuần túy ca ngợi Chúa, bạn cần bắt đầu cám
ơn Chúa về muôn ân huệ Chúa đã ban cho bạn. Và lời cầu nguyện
không ngừng đi từ cám ơn đến ca ngợi, từ ca ngợi đến cám ơn, vì
cái nhìn đức tin đưa bạn từ thế gian đến Chúa và từ Chúa đến thế
gian... Đó là nhịp đi về của một con tim biết thán phục!
Một con tim biết thán phục
Có lẽ đôi khi bạn thèm
địa vị những người Dothái có được may mắn gặp gỡ Chúa Giêsu bằng
xương bằng thịt, được nghe Chúa, được thấy Chúa, được trực tiếp
chứng kiến bao nhiêu phép lạ Chúa làm! Trái tim họ reo vui trong
một sự thán phục liên lĩ! Bạn đừng lầm tưởng. Hôm qua cũng như
hôm nay, trái tim con người vẫn chai đá trong việc đón nhận
những kỳ diệu của Chúa. Dĩ nhiên các phép lạ của Chúa Giêsu mang
lại nhiều thành công, song đám đông chỉ vội vã lợi dụng các phép
lạ ấy thôi. Chúa Giêsu không để bị ảo tưởng đâu:
“Lúc Chúa Giêsu vào một
làng kia, có mười người phong cùi đón gặp Người. Họ dừng lại
đàng xa và kêu lớn tiếng: ‘Lạy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương
chúng tôi’. Thấy vậy, Chúa Giêsu bảo họ: ‘Hãy đi trình diện với
tư tế.’ Đang khi đi thì họ được lành sạch. Một người trong bọn
thấy mình được khỏi liền quay trở lại và lớn tiếng ngợi khen
Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn. Anh
ta lại là người Samaria. Chúa Giêsu mới nói: ‘Không phải cả mười
người đều được lành sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao
không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại
bang nầy?’’ (Lc. 17: 12 -18).
Còn bạn? Bạn có xúc động
trước sự ngạc nhiên đau đớn của Chúa Giêsu trước 90% vô ơn
không? Bạn có sẵn sàng chạy đến Đấng Cứu Chuộc bạn với tâm hồn
nghèo khó không? Bạn đang sống trong một thế giới mà người ta
loại bỏ mọi phục vụ tình nguyện (không công, miễn phí), để mở
rộng vương quốc của lợi lộc. Nếu làm một cuộc thăm dò về số
người không cám ơn Chúa thì chắc chắn kết quả sẽ giống trường
hợp mười người phong cùi. Chúng ta xử sự rất giống những đứa con
hư, luôn nghĩ rằng cái gì người ta cũng phải làm cho chúng. Khi
nào thì chúng ta mới trở nên những đứa con biết ơn và thán phục,
vì cái gì người khác làm đều là ân huệ đối với chúng ta?
Tạ ơn Chúa, 10% biết ơn
đang có đó, ít ỏi nhưng có mặt. Tôi kể cho bạn kinh nghiệm nầy:
một bà mẹ gia đình bị bệnh ung thư, hiện tại có vẻ khoẻ mạnh
nhưng tương lai thì không biết sao, bà xin chịu phép xức dầu
bệnh nhân, bà viết: “Con hết sức xúc động khi nhận bí tích xức
dầu bệnh nhân. Con tin chắc rằng lúc ấy, Chúa Giêsu đã bồng con
lên, đã nâng đỡ con... con tràn ngập bình an và vui sướng. Con
ao ước chớ gì thời gian đừng qua đi. Sẽ không bao giờ con
quên...’’
Khi nghe một lời cám ơn
như thế, tôi cũng tràn ngập lòng biết ơn. Là linh mục, tôi được
phúc chiêm ngắm những việc kỳ diệu Chúa làm cho tha nhân và
chuyển đạt lên Chúa bao lời tạ ơn của anh chị em đồng loại. Ôi
lạy Chúa, xin cho con đừng bao giờ quên ơn Chúa, xin Chúa vén mở
cho con thấy những kỳ công của Chúa, Danh Ngài là Thánh. Con cám
ơn Chúa về tất cả, tinh thần lẫn vật chất, quá khứ, hiện tại và
tương lai, con cám ơn Chúa về chính Chúa.
Bạn hiện hữu, món quà tốt đẹp biết bao!
Bạn cám ơn Chúa vì được
hiện hữu. Đó là tiếng kêu đầu tiên phải được thốt lên tự đáy
lòng biết ơn của bạn. Mỗi giây phút, Chúa tác tạo nên bạn, vì
Ngài yêu thích sự sống: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên
con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!’’
Bạn ơi, cả khi một kỷ
niệm nặng nề còn theo bạn, vì đã phải trải qua những ngày thơ ấu
dường như ‘không có tuổi thơ’, thì dưới cái nhìn của Thiên Chúa
và trong niềm vui của Thánh Thần, bạn hãy ghi lại mọi biến cố
hạnh phúc của cuộc đời bạn. Bạn hãy nhìn đến mọi dấu hiệu của
lòng tốt đã đến với bạn từ khi bạn còn nhỏ. Thay vì quay lại
vòng luẩn quẩn của những hụt hững cũ xưa, bạn hãy viết cuốn sách
vàng những ngỡ ngàng kỳ diệu. Bạn hãy cầu nguyện với Cha bạn
đang ngự trong kín ẩn và thưa lên với Ngài lời cám ơn vui tươi
về mỗi một ân huệ Ngài đã tặng ban.
Ngay khi bạn cảm thấy
tận trong đáy lòng bạn, lòng biết ơn bao la về tất cả những gì
bạn đã nhận lãnh, bạn cũng ước muốn đem chia sẻ. Cái nhìn của
bạn về người khác sẽ rất niềm nở và thân ái, đến đỗi bạn muốn
nói với mỗi một người rằng ‘cám ơn vì đã có mặt’. Chính đó là
phương thế tốt nhất đập tan băng giá dửng dưng hay ngờ vực, là
những thứ cản trở chúng ta yêu thương lẫn nhau. Bạn hãy tưởng
tượng bạn đang đi qua một nơi tối tăm nguy hiểm, có kẻ rượt đuổi
để hãm hại bạn, bỗng bạn gặp được người, ôi sự có mặt giải thoát
cho bạn, dù người đó bình thường bạn không ưa! Nếu bạn thực sự
có lòng biết ơn: một cái gì mới mẻ, tốt đẹp hơn bắt đầu chớm
nở...
Tôi mong ước bạn luôn
còn có thể nói đi nói lại lời ‘cám ơn vì đã có mặt’ nầy, không
phải chỉ cho bạn, không phải chỉ cho những anh chị em bạn gặp gỡ
trên đường đời của bạn, mà còn cho mọi tạo vật. Cho các thiên
thần đang chiêm ngưỡng Chúa. Cho cộng đoàn các thánh đang chia
sẻ niềm hoan lạc. Cho tất cả mọi thú vật lớn nhỏ, cho núi đồi và
đại dương, cho cây rừng và hoa đồng... Tôi có thể viết cho bạn
đầy bao nhiêu trang sách về lòng tốt của Chúa như thế! Nhưng tôi
thích để bạn tự tìm lấy. Bạn hãy để thời giờ chiêm ngắm công
trình của Chúa: sững sờ trước cánh chim bay, hay một đóa hoa
đang nở... Bạn hãy mơ về vĩnh cửu khi ở bên bờ biển cả, hay khi
trải mình trên nệm cỏ dưới bầu trời đầy sao...
Thánh Phaolô đã nói: “Có
cái gì bạn có mà bạn đã không nhận lãnh?’’ Đôi lúc cũng phải
biết dâng lên Chúa những nước mắt vui mừng bạn ạ! Bạn hãy nghe
một người bạn gái đồng tuổi bạn chia sẻ: “Cuộc sống chỉ là hạnh
phúc! Song chính con người đã làm cho nên đau khổ! Chớ gì mọi
người hiểu cho như vậy... Tôi ngỡ ngàng trước vô vàn tình thương
của Chúa, và tôi cũng chiêm ngưỡng Ngài vì đã ban tặng cho tôi
bao nhiêu ân huệ để chẳng nhận lại được chi!’’
Được cứu độ, ân huệ
quí giá ngằn nào!
“Đau khổ biến tan trước
vẻ đẹp’’, nhưng có biết bao vẻ đẹp bị tan biến vì đau khổ. Thật
khó cám ơn khi bị bạo lực buộc trói, khi thất bại chua cay, khi
bệnh hoạn đổ xuống và hủy hoại dần dần cái thân xác hay tấm tinh
thần nầy! Càng bất lực trước những đổ vỡ ghê tởm làm nên bất
hạnh của thế giới, càng mất đi cảm thức về cái đẹp, càng ngụp
lặn trong đêm tối ngờ vực và tuyệt vọng dày vò.
Chỉ có một phương cách
để thoát ra là bạn hãy nhớ đến những kỳ công của ơn cứu rỗi.
Thiên Chúa không bỏ rơi con người trong số phận buồn thảm của
nó. Từ đầu và trong suốt dòng lịch sử, Ngài đã luôn can thiệp để
cứu chuộc con người. Đọc lại cuộc đời bạn, đọc lại lịch sử,
những khám phá bao kỳ công Chúa đã làm cho Dân Ngài, bạn có cái
gì nuôi dưỡng niềm hy vọng, và bạn sẽ nhận thấy một sự tất nhiên
mới mẻ: hoài niệm tình thương chiến thắng hoài niệm sự chết, và
bạn sẽ không ngừng ca hát “Tạ ơn Chúa, vì tình thương Ngài tồn
tại đến muôn đời’’
Trên chóp đỉnh của lịch
sử dài cứu độ là Đấng Cứu Thế Giêsu, Vật Hy Sinh dâng làm hiến
tế, Đấng Công Chính được phó nộp vì kẻ bất lương, Ngài đã mang
lấy tất cả tội lỗi của thế gian. Ngài đã chịu mọi khổ đau của
con người trong cuộc thương khó. Ngài đã đổ đến giọt máu cuối
cùng cho bạn. Mỗi phút giây của cuộc tử nạn đổ xuống trên toàn
thể nhân loại một hồng thủy tình yêu vô biên. Làm sao mà bạn có
thể lãng quên đi được? Và với thành quả quyết định là sự phục
sinh, lời tạ ơn sẽ vang lên, mặc dầu đau khổ. Tôi nói ‘mặc dầu
đau khổ’ mà không nói ‘vì đau khổ’. Tôi không chấp nhận
tôn vinh đau khổ vì cớ nó giúp vượt quá anh hùng. Tuy nhiên phải
nhận rằng những thử thách cam go nhất là môi trường tạ ơn tinh
tuyền nhất.
Không bao giờ tôi quên
được chứng từ của một thanh niên phế tật sau một tai nạn ôtô.
Khi đến Paray-le-Monial (nơi Chúa Giêsu tỏ Thánh Tâm Ngài cho
thánh nữ Margarita), anh mang trong lòng một nỗi xao xuyến sâu
xa: sợ xưng tội và sợ gặp linh mục. Anh không còn sử dụng được
đôi chân mà cũng không còn nói được, phải viết để truyền thông
với kẻ khác. Qua ngày thứ tư của khóa đặc sũng, anh được ý muốn
xưng tội thúc đẩy. Anh bắt đầu viết tội mình lên giấy, nhưng
không biết làm thế nào để gặp linh mục. Sau thánh lễ, chính linh
mục tìm đến gặp anh. Đoán được ước muốn của anh, linh mục thân
ái mời anh xưng tội. Anh đưa cho linh mục đọc tờ giấy anh ghi
chi tiết tội lỗi trong mười năm của anh. Đọc xong, linh muc ban
phép giải tội và nói tiếp: “Chúa Giêsu tha thứ cho anh, bây giờ
anh hãy cám ơn Ngài đi.’’ Người thanh niên cố thử, nhưng không
một lời nào thoát ra khỏi miệng anh. Linh mục nhấn mạnh: “Không,
không, tôi muốn nghe anh nói ‘Cám ơn Chúa Giêsu’’ và ngài đặt
tay trên anh. Anh chia sẻ: “Bấy giờ, tôi cảm thấy nóng trong cổ
họng, rồi đến toàn thân. Và lần đầu tiên từ ba năm nay, tôi đã
có thể thốt ra một tiếng nghe được ‘cám ơn Chúa Giêsu’. Tôi đã
khóc nức nở mấy phút liền, rồi tôi bắt đầu ‘’Kính Mầng Maria đầy
ơn phước...’’
Chứng từ của anh giúp
ích cho việc xưng tội: đừng ngại nói hết, coi linh mục như là
Chúa Giêsu đang ở bên cạnh bạn, lấy đi tất cả tội lỗi của bạn.
Bởi đâu mà có quyền lực phục sinh như vậy, nếu không phải từ
Thánh Giá Chúa Kitô? Từ trên cao của thập giá, Ngài kêu lên với
bạn: “Cha khát chính con, cha khát câu đáp trả tình yêu của
con.’’
Bạn hãy dâng lên Ngài ngàn tiếng ‘cám ơn’
Để việc cám ơn xâm chiếm
cả cuộc sống thường nhật của bạn, bạn hãy dâng bản thân bạn qua
ngàn lời cám ơn. Bạn hãy mở mắt ra với tất cả những gì là đẹp,
là tốt. Hãy mở rộng trái tim bạn. Hãy học bí quyết của niềm vui.
Phương thế hữu hiệu là
Nụ Cười. Ai nói được sức mạnh phi thường của nụ cười? Là bông
hoa nhiệm mầu của tình yêu, nụ cười chứng tỏ cho tất cả mọi
người biết rằng có một sự hiện diện bí mật đổ đầy trái tim bạn.
Nụ cười là kiểm chứng quyết định cho tính chất lời cầu nguyện cá
nhân của bạn. Trong lãnh vực nầy, trẻ em là thầy dạy của chúng
ta.
Bạn hãy nghe chứng từ
nầy: “Trái tim lạnh giá, tôi lên xe ca chở vào thành phố. Tôi đã
quyết định tự vận. Lúc ấy, tôi cảm thấy như có ai đang nhìn tôi.
Đó là một em bé gái mới bốn, năm tuổi. Đôi mắt em tràn đầy thân
thiện. Em đã mĩm cười. Và tôi đã hiểu rằng ánh sáng của một cái
nhìn còn rộng lớn hơn cái trống rỗng hư vô kia, và rằng còn có
một cái gì đang hứa hẹn, và rằng phải sống.’’
Niềm vui ấy không dễ
dàng. Lời tạ ơn đích thực là hoa trái của con đường thập giá.
Chính vì thế mà Kinh Thánh nói ‘’Hiến tế tạ ơn’’. Phải sống sâu
xa mầu nhiệm tạ ơn: Bí tích Thánh Thể là lời tạ ơn. Khi bạn tham
dự Thánh lễ, bạn vào trong hoạt động tạ ơn của Giáo Hội, liên
kết với Chúa Kitô. Sau truyền phép, linh mục công bố: Đây là mầu
nhiệm trọng đại của Đức Tin.
Nếu bạn hiểu được giá
trị kho báu bạn lãnh nhận trong hiệp lễ, trái tim bạn sẽ tràn
ngập lòng biết ơn. Bạn sẽ tìm được nơi mỗi thánh lễ chóp đỉnh và
suối nguồn của lời cầu nguyện, của công việc, của mọi hoạt động
của bạn. Vì vậy tôi khuyên bạn nối liền lời cầu nguyện của bạn
với việc rước lễ. Sau khi rước lễ, dùng một thời gian để cám ơn
là điều rất quan trọng. Khi nào có thể được, bạn nên kéo dài
thời gian cám ơn đó.
Hãy giữ trong trái tim
bạn hương vị kết hiệp với Chúa Kitô. Buổi mai vừa thức dậy, bạn
dâng cho Chúa ngày sống của bạn, những niềm vui, những khổ nhọc,
những người bạn gặp gỡ, mưa dầm hay nắng đẹp... Bạn hãy trở nên
‘tư tế’, vì đó là ơn gọi kitô hữu của bạn. Dân tộc tư tế mà bạn
là thành phần có nhiệm vụ hiến dâng không ngừng Hiến Tế Tình Yêu
‘’vì vinh danh Chúa và phần rỗi thế gian’’.
Bạn đừng bao giờ quên
cái địa vị trung tâm của việc tạ ơn trong đời sống kitô hữu. Tất
cả lời cầu nguyện và mọi hoạt động của một người công giáo phải
được tắm gội trong việc tạ ơn liên lĩ, như thánh Phaolô lặp đi
lặp lại trong các thánh thư của ngài.
|
VỀ
MỤC LỤC |
|
Phòng bệnh hơn chữa bệnh |
Kinh nghiệm cổ nhân Âu Á
đều cho rằng ngăn ngừa bệnh là việc làm cần thiết và quan
trọng hơn là để bệnh xảy ra rồi mới trị bệnh.
Thực vậy, khi có dấu hiệu
thì bệnh đã gây ra những rối loạn về tinh thần và tàn phá về
thể chất của con người. Và dĩ nhiên khi bệnh đã xảy ra là
phải chữa chạy, nếu không thì đời sống sẽ bị thu ngắn.
Bà An ăn uống buông thả
để đến nỗi ngày một mập phì, dư ký rồi bị bệnh tiểu đường.
Đường huyết lên cao, gặm nhấm những mạch máu nhỏ của võng
mạc, đưa tới thoái hóa thị lực. Đường huyết quá cao, làm suy
nhược tế bào cấu tạo trái tim, tim bóp yếu, máu ra ít, thiếu
chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Rồi lâu ngày bản thân trái tim
cũng rối loạn trong nhịp đập. Lại còn suy thận, rối loạn cảm
giác bàn chân, bàn tay.
Ông Lưu tiếp tục phì phèo
khói thuốc lá cả hơn hai chục năm, rồi bị ung thư phổi. May
mà khám phá ra sớm, bệnh chỉ mới khoanh gọn một cục nhỏ,
chưa kịp di căn, phẫu thuật cứu mạng. Nhưng một phần của lá
phổi đã ra đi, nên sự hô hấp trở thành khó khăn, thay đổi
thời tiết là khó thở, ho hen suyễn lên suyễn xuống.
Bây giờ ngồi nghĩ lại thì
bà An, ông Lưu mới “giá mà, ví thử”.
Giá mà mình bớt mồm bớt
miệng, giữ gìn ăn uống, không mập phì.
Ví thử như mình nghe lời
bà xã can ngăn, không hút thuốc.
Thì đâu bây giờ phải mang
họa vào thân.
Vì thế, phòng bệnh được
coi như ưu tiên hơn chữa bệnh là vậy.
Quan niệm phòng bệnh hơn
chữa bệnh chẳng phải mới mẻ gì.
Từ thuở xa xưa, các bà mụ
của ta đã biết rửa tay sạch sẽ trước khi đỡ đẻ, đã hơ nóng
dao kéo trong lửa trước khi cắt rún để mẹ con không bị uốn
ván, nóng sốt.
Hải Thượng Lãn Ông
(1720-1791) đã khuyên:
“Chớ dùng nước ruộng
nước ao,
Nước hồ nước vũng,
nước nào cũng dơ.
Chỉ dùng nước giếng
nước mưa,
Nước sông nước suối
cũng chưa an toàn”
vì nước từ trời rơi
xuống, không có loăng quăng, bọ gậy, vẩn đục như nước sông
nước ao gây ra đau bụng, tiêu chảy.
Danh y Hoa Kỳ Oliver W.
Holmes (1809-1894), Giáo sư Đại học y Harvard, có viết “To
guard is better than to heal; The shield is nobler than the
spear”. Đề phòng tốt hơn chữa trị; Tấm mộc tuyệt hảo hơn
cái giáo”
Khoa học ngày nay đã hệ
thống hóa và cổ võ, phổ biến sự phòng tránh bệnh khiến cho
nhiều loại bệnh một thời tung hoành đều đã bị xóa sổ và một
số bệnh khác cũng giảm tần số, nhờ đó tuổi thọ nâng cao.
Phân loại
Một cách tổng quát, phòng
bệnh có nhiều cấp với mục tiêu khác nhau.
- Phòng tránh loại 1
Ngăn ngừa không cho bệnh
tật hoặc các điều kiện xấu xảy ra.
Thí dụ dùng bao cao su để
tránh nhiễm trùng khi giao hợp, chủng ngừa các bệnh nhiễm
như yết hầu, tê liệt trẻ em, viêm gan A và B…
- Phòng tránh loại 2
Nhận diện, khám phá ra
các mầm bệnh từ lúc chưa có dấu hiệu hoặc chưa có thay đổi
chức năng, cấu tạo các bộ phận, rồi áp dụng điều trị ngay để
trì hoãn hoặc ngăn chặn không cho
bệnh xuất hiện.
Chẳng hạn
như chụp x-quang
nhũ hoa để sớm tìm ra ung thư vú, đo huyết áp theo định kỳ
để sớm biết huyết áp có cao…
- Phòng tránh loại 3
Ngăn ngừa không cho biến
chứng, hậu quả xấu của bệnh tật xảy ra.
Chẳng hạn tránh khuyết
thị, suy tim, suy thận trong bệnh tiểu đường, hoặc áp dụng
vật lý trị liệu, y khoa phục hồi để lấy lại sự cử động của
chân tay bị tê liệt sau tai biến não…
Nguy cơ cần phòng tránh
Khi phòng tránh thì phải
biết phòng tránh với những tác nhân, những nguy
cơ gây bệnh nào. Chẳng hạn:
- Ảnh hưởng
xấu của môi trường như thời tiết khắc nghiệt, thiên tai bão
lụt
- Hậu quả
của chiến tranh, bạo lực
- Sự xâm
nhập của vi sinh vật, hóa chất
độc hại
- Nếp sống không bình
thường của con người
- Hậu quả, biến chứng của
bệnh hoạn, thương tích
- Những biến đổi, thoái
hóa tự nhiên trong cấu tạo và chức năng các bộ phận cơ thể
- Hậu quả không lường
trước của khoa học, kỹ thuật
- Ảnh hưởng cùa các hoàn
cảnh xã hội như nghèo khó, kém giáo dục, bất công xã hội,
bất lực độc quyền hành chánh
Nơi áp dụng phòng tránh
-
Tại cơ sở y tế như bệnh viện, phòng khám bệnh của bác sĩ
hoặc trong địa bàn hoạt động cộng đồng
- Qua nếp sống lành mạnh
của mỗi cá nhân: dinh dưỡng cân bằng hợp lý, không lạm dụng
rượu thuốc cấm, vận động cơ thể đều đặn…
- Cải thiện môi trường
như cung cấp nguồn nước uống tinh khiết, giảm thiểu ô nhiễm
không khí,
- Qua các hành động xã
hội, chính trị, kinh tế, học vấn…như cung cấp kiến thức về
bệnh tật, giảm thiểu nghèo khó, bảo đảm an ninh khu phố xóm
làng, bài trừ tệ đoan xã hội…
Một thí dụ để giảm bệnh
do hút thuốc lá cần sự hợp tác của nhiều biện pháp như giới
hạn hút thuốc ở từng địa điểm, không quảng cáo thuốc lá,
giải thích cho quần chúng về tác hại của thuốc lá với sức
khỏe, đưa ra các phương thức giúp người ghiền ngưng hút
thuốc…
Đồi tượng của áp dụng phòng tránh
- Toàn thể dân chúng với
các hướng dẫn chung về sức khỏe, bệnh tật, về y khoa phòng
ngừa, dinh dưỡng
- Riêng rẽ cho tuổi tác
và nam nữ với bệnh riêng của mỗi nhóm
- Cho những người có
nhiều rủi ro mắc bệnh từ bẩm sinh khi có bệnh di truyền
trong gia đình
- Những người vì lý do
hoàn cảnh nghề nghiệp mà tiếp cận với nguồn gây bệnh như
công nhân hầm mỏ, rừng thiêng nước độc, trong kỹ nghệ hóa
chất, chăm sóc bệnh nhân.
Ưu khuyết điểm của phòng ngừa
Phương pháp phòng tránh
có ưu, khuyết điểm.
Ưu điểm như:
- Một số bệnh nhiễm đã bị
xóa sổ, một số khác giảm hẳn nhờ có chủng ngừa.
- Tỷ lệ ung thư cổ tử
cung giảm kể từ khi phương pháp thử nghiệm Pap được áp dụng
- Tử vong do tai nạn xe
cộ giảm vì người điều khiển xe ý thức được sự ích lợi của
dùng dây an toàn trên ghế và đội nón bảo hiểm
- Tỷ lệ biến chứng tai
biến não giảm nhờ dân chúng biết cách phòng ngừa bệnh cao
huyết áp, cao cholesterol trong máu.
Chiến dịch cổ võ ngưng
hút thuốc lá đã giảm thiểu rủi ro ung thư phổi…
Và nhiều thí dụ khác.
Tuy nhiên, sự phòng tránh
cũng tạo ra vài khó khăn, trở ngại, chẳng hạn:
- Chủng ngừa bệnh có thể
gây tác dụng phụ hoặc gặp sự chống đối vì lý do tôn giáo
- Áp dụng kỹ thuật phát
hiện bệnh có thể gây ra tai nạn như nội soi làm thương tổn
ruột già
- Ngồi xe lăn để có thể
di chuyển thì cũng có thể té ngã, lật xe…
- Áp dụng phòng ngừa tốn
kém tài chánh cho nhà nước và cá nhân
- Phát kim chích cho
người ghiền để tránh lây lan HIV là khích lệ họ chích choác,
phát bao cao su la khích lệ hoạt
động tình dục.
Kết luận
Nói chung, sự phòng ngừa
bệnh có nhiều tác dụng tốt hơn là một số trục trặc khiêm
nhường.
Chẳng thế mà Thomas A.
Edison (1847-1931), nhà sáng chế lỗi lạc của Hoa Kỳ đã tiên
đoán: “Trong tương lai, bác sĩ sẽ không biên toa thuốc mà
sẽ làm cho bệnh nhân quan tâm nhiều hơn tới sự chăm sóc cơ
thể, dinh dưỡng và nguyên nhân cũng như sự phòng tránh bệnh
tật”.
Vì theoTiến sĩ John
Knowles, nguyên Chủ Tịch Quỹ Rockefeller Foundation: “Hơn
99% chúng ta đều khỏe mạnh khi sinh ra và chỉ trở nên bệnh
hoạn vì hậu quả của hành động cá nhân không đúng đắn và của
các điều kiện môi trường”.
Tiến sĩ
Y Khoa Nguyễn Ý- Đức
Texas- Hoa Kỳ
|
VỀ MỤC LỤC |
|
BÀN VỀ CON CHUỘT,
Chuyện phiếm của Gã Siêu |
Số báo xuân năm Mậu Tý, viết về loài chuột
thì quả là điều rất hợp tình và hợp lý. Mặc dầu thật gần gũi,
thậm chí còn thường xuyên chung sống dưới một mái nhà, thế nhưng
lũ chuột lại gây nên nhiều bực bội và tức tối cho con người.
Chẳng hạn cô nàng bực bội khi thấy chiếc áo
mới may hay cuốn sách mới mua của mình bị chuột gặm nham nhở,
còn bác nông dân thì tức tối khi thấy những cây lúa xanh tươi
của mình bỗng đổ ngả đổ nghiêng trên ruộng đồng vì bị chuột cắn
te tua…Và còn nhiều phiền toái khác nữa. May ra chuột chỉ được
một vài anh chàng bợm nhậu ưa thích mà thôi vì thịt của nó có
thể được chế biến thành những món…khoái khẩu để đưa cay.
Tuy nhiên, khi đi tìm những mẩu chuyện về
loài động vật nhiều ghét ít thương này, gã chẳng thu lượm được
bao nhiêu tài liệu. Thôi cũng đành phải tán hươu tán vượn, ba
hoa chích chòe một chút, để được yên lòng yên chí mà ăn cái tết
con chuột giữa lúc vật giá đang leo thang đến nổ cả đom đóm mắt
và tối tăm cả mặt mũi.
Chuyện chuột bên Ta.
Người ta đồn rằng :
Ông Bả Vệ là một bậc thầy trong lãnh vực
nói dóc. Có lần trong lúc trà dư tửu hậu, ông ta đã kể cho đám
bè bạn của mình một mẩu chuyện như sau :
- Tớ có một chiếc lưỡi hái sắc ơi là sắc.
Các ông có biết nó sắc như thế nào hay không ?
Dường như để gợi sự tò mò của các chiến
hữu, ông ta bèn bắn một điếu thuốc lào, thả khói ra bằng hai lỗ
mũi, tợp một ngụm trà nóng, rồi mới đủng đỉnh giải thích :
- Các ông biết không, khi mùa màng xong, để
bảo quản chiếc lưỡi hái, tớ phết lên nó một lớp mỡ lợn hầu chống
han dỉ, rồi đem cất đi. Thế nhưng sáng hôm sau, bên dưới chiếc
lưỡi hái, tớ thấy toàn là lưỡi chuột, gom lại được những một đĩa
đầy. Té ra đêm hôm ấy, đánh hơi thấy mùi mỡ thơm phưng phức, họ
hàng nhà chuột bèn khẩn trương, thi nhau đến, liếm lấy liếm để
vào chiếc lưỡi hái. Thế nhưng, vì lưỡi hái quá sẵc, nên chú
chuột nào liếm vô, thì lưỡi liền bị đứt ngay lập tức.
Dĩ nhiên đây chỉ là một truyện tưởng tượng
chứng tỏ cái tài nói dóc của ông Bả Vệ, để rồi ông ta xứng đáng
được mang hàm “sư tổ ăn tục nói phét”.
Chuyện chuột bên Tây.
Người ta kể lại rằng :
Vào một buổi sáng đẹp trời, chú chuột nhắt
bỗng dưng xuất hiện trên phần đất của vợ chồng nhà voi tại sở
thú Nữu Ước bên nước Mỹ. Nhìn thấy chú chuột nhắt, bỗng chị voi
cái hoảng sợ, mặt xám đen như cắt không còn một giọt máu, rồi
chạy tới chạy lui. Anh voi đực thấy thế bèn giận thâm cả gan và
tím cả ruột. Anh ta trừng mắt nhìn chị voi cái.
Thế nhưng chị voi cái lại càng hoảng sợ hơn
nữa khi chú chuột nhắt mon men bò tới gần. Còn anh voi đực thì
nộ khí bốc lên bừng bừng vì cho rằng hành động của chị voi cái
đã làm mất mặt bầu cua giữa thanh thiên bạch nhật.
Thực vậy, anh voi đực nghĩ rằng :
- Mình đường đường là một loại thú oai
phong lẫm liệt, mang cái thân xác to lớn và lực lưỡng vào bậc
nhất trong các loài động vật, thế mà lại đi sợ cái thằng nhãi
ranh chuột nhắt, thì còn ra cái thể thống quái gì nữa…
Anh voi đực giậm chân giậm cẳng xuống đất,
như muốn làm rung chuyển cả cây cối chung quanh. Cặp mắt long
lên sòng sọc, bừng bừng ngọn lửa tức giận. Vốn tính vũ phu chi
cục mịch, anh voi đực đã dùng cặp ngà của mình cùng với tất cả
sức lực, hất tung chị voi cái.
Rầm một phát, chị voi cái đã nằm lọt thỏm
dưới cái hố sâu bên cạnh, trước sự ngơ ngác và xào xạc của bày
chim. Chỉ tội nghiệp cho những nhân viên sở thú. Họ phải dùng
tới cần cẩu mới trục được chị voi cái lên khỏi cái hố.
Tới lúc này, anh voi đực xem chừng như hối
hận, thiếu điều vài giọt lệ khan hiếm muốn tuôn rơi khỏi khóe
mắt. Chỉ vì sự nóng giận trong thoáng chốc của mình mà đã gây
nên đau đớn dài dài cho người bạn đời thân thương nhất : Chị voi
cái chân đi cà nhắc vì bị sụm bà chè sau cú hất tung như trời
giáng ấy.
Anh voi đực thấm thía nhận ra một sự thật :
- Thì ra loài người họ vẫn khôn và có lý
hơn mình, khi khuyên nhủ lẫn nhau : Già néo thì đứt dây, giận
quá thì mất khôn…
Chỉ vì một con chuột nhắt mà gia đình nhà
voi đã nên nông nỗi này. Chỉ vì những lý do cỏn con, hay những
chuyện không đâu, mà gây ra những đổ vỡ tang thương.
Chuyện chuột bên Tàu.
Sách viết rằng :
Thầy Tô Đông Pha, một đêm kia đang nằm ngủ,
bỗng nghe tiếng chuột rúc rích. Thày đập tay xuống giường ra vẻ
ta đây vẫn còn thức, liệu hồn mà im đi. Im được một lát, chú
chuột nhắt lại sột soạt như cũ. Thầy bèn sai thằng bé đốt đèn đi
kiểm tra xem có chiếc hòm nào rỗng hay không.
Cót ca cót két trong cái hòm. Một chú chuột
nhắt đang cố gắng cắn cái hòm, vì nắp hòm đã bị đóng chặt, không
thể thoát ra được.
Thằng bé mở nắp hòm ra xem, thoạt tiên
không thấy gì cả. Cầm đèn giơ vào soi thì thấy có một chú chuột
nhắt nằm yên dường như đã chết. Thằng bé lấy làm lạ bèn nói :
- Rõ ràng nó vừa cắn mà đã chết ngay được
sao ? Hay là tiếng cót két của ma ?
Thầy Tô than rằng :
- Lạ thay cái khôn của con chuột nhắt. Bị
nhốt trong hòm. Hòm lại quá cứng, không khoét ra được một lỗ
thoát thân, thế nhưng nó vẫn cứ cắn, cốt tạo nên tiếng kêu,
khiến người ta phải để ý tới. Không chết mà giả vờ chết để được
chạy thoát.
Rồi Thầy tiếp tục lý luận :
- Ta nghe phàm trong các vật sống, không gì
khôn hơn con người. Thực vậy, con người bắt được rồng, đánh được
thuồng luồng, bẫy được rùa, săn được lân, sai khiến được muôn
vật, thế mà không ngờ rốt cuộc lại bị mắc kế lừa gạt của một con
chuột nhắt.
Tác giả ghi lại câu chuyện trên, đã thêm
vào đó một lời bàn, giống như lời bàn của Kim Thánh Thán trong
Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, như sau :
- Con chuột nhắt giả chết, rồi thừa lúc
thầy Tô Đông Pha vô ý mà chạy thoát, làm cho thầy phải giật mình
để bàn về sự dại và khôn, cũng như về cái lẽ cần thiết phải tập
trung tư tưởng. Làm việc gì cũng vậy, không chú ý và không tin
tưởng vào việc đó, thì không thể thành công. Ý lực yếu đi, lòng
không thành khẩn, thì dễ bị người ngoài sai khiến. Người mạnh là
người có được cái đích chắc chắn để noi theo, không gì bên ngoài
có thể làm lay chuyển được.
Riêng phần gã, nhiều lần gã cũng đã phải
trải qua cái kinh nghiệm trên của thầy Tô Đông Pha.
Gã bực bội đến mất ngủ chỉ vì những tiếng
sột soạt của chú chuột nhắt, đang đêm bò tới cắn kệ sách, hay
gậm nhấm từng sợi dây điện của dàn vi tính. Chỗi dậy, đập tới
đập lui, rồi yên chí chui vào giường ngủ tiếp. Thế nhưng, chỉ
được một lát, những tiếng sột soạt ấy lại tiếp tục vang lên giữa
đêm hôm khuya khoắt.
Gã khâm phục trước sự khôn ngoan của loài
chuột, nhất là những chú chuột nhắt trong nhà. Có lần trong giờ
nghỉ trưa, gã đã hé mắt nhìn thấy một chú chuột nhắt mở nắp
chiếc hộp và lấy ra được một hạt đậu phộng, hay tha giấy vụn vào
những chỗ mà gã không thể ngờ tới, để mà làm tổ.
Tuy nhiên, dù khôn đến đâu thì cũng vẫn
thua con người. Chẳng hạn để đánh bắt chuột nhắt trong nhà, gã
không cần đến mồi màng chi chả, chỉ cần…”ngâm kiú” đường chuột
chạy mà đặt bẫy, thế nào bọn chuột nhắt dễ ghét này cũng bị dính
chấu. Có đêm dính tới hai, ba con.
Chuyện chuột bên
Ta cũng như bên Tây.
Cũng vì sự khôn mà thiếu ngoan này, mà loài
chuột đã để lại những hậu quả tai hại cho dòng họ nhà mình, cũng
như cho bàn dân thiên hạ.
Thực vậy, trong khi tìm hiểu về loài chuột,
gã bắt gặp câu thành ngữ sau đây :
- Cột lạc cổ mèo, hay cột nhạc cổ mèo.
Tác giả Lê Gia, trong cuốn “Về cội nguồn”
đã giải thích như sau :
Trước tình hình dân số mỗi ngày một giảm
sút, vì bị mèo xơi tái, dòng họ nhà chuột bèn tổ chức một đại
hội để tìm mưu tính kế đối phó với mèo.
Các vị đại biểu dòng họ nhà chuột, từ chuột
nhà đến đồng, từ chuột bạch đến chuột chù, đều thi nhau phát
biểu. Ý kiến của chúng đều được ban thư ký ghi nhận và rồi
sẽ…ngâm kíu sau.
Cuối cùng một bác chuột cống thâm niên quân
vụ, trụi hết cả lông và giàu kinh nghiệm chiến trường, đã anh
dũng leo lên diễn đàn và dõng dạc tuyên bố :
- Chỉ cần cột một cái nhạc (lục lạc) vào cổ
mèo, để bất kỳ mèo đi tới đâu, thì chuông sẽ kêu reng reng,
chúng ta nghe thấy và tìm đường chạy trốn.
Tất cả hội nghị đều vỗ tay hoan hô nhiệt
liệt. Thế nhưng, khi đề cử người đi cột nhạc vào cổ mèo, thì
chẳng ai dám liều, dám mạo hiểm. Rốt cuộc đành bó tay chịu thua,
để cho mèo mặc sức tung hoành, xông xáo tìm mồi.
Câu truyện trên muốn nói lên rằng : Ý kiến
ý cò thì rất hay nhưng khó mà thực hiện và cũng chẳng ai làm
được. Vì thế, đó chỉ là một kế hoạch không tưởng, viển vông mà
thôi.
Cũng có thể ý kiến ấy rất hay, nhưng chẳng
ai muốn giơ ngón tay lay thử, cho dù họ dư sức qua cầu và có
thể làm được một cách dễ dàng. Thế nhưng, nếu làm thì phải chấp
nhận hy sinh và phải gánh chịu những thiệt thòi cho bản thân hay
gia đình, nên họ bèn tỏ thái độ lờ lờ thất văn, hay phớt tỉnh
Ăng Lê. Họ là những kẻ khôn lỏi và chạy theo chủ nghĩa lợi
nhuận. Hễ thấy có lợi thì nhào vô kiếm ăn, còn hễ thấy bị thiệt
thòi hay phải hy sinh, thì lập tức thì ca bản :
- Em chả dám đâu.
Họ cũng chủ trương rằng :
- Phàm mọi người vì mình thì đều là điều
tốt, chứ mình vì mọi người thì em xin… bó tay chào thua.
Thành thử mãi mãi vẫn chỉ là những dự án
treo. Ước mơ rất nhiều, mà rốt cuộc lại chẳng được bao nhiêu.
Tuy nhiên, hồi còn bé, có lần trong một giờ
học tiếng Pháp, gã đã phải viết bài chính tả mang tựa đề
“Conseil des rats”, tạm dịch là “Hội đồng chuột”. Gã không nhớ
tác giả là ai, nhưng mang cùng một nội dung như trên. Vì thế,
cho đến bây giờ gã vẫn cứ thắc mắc không hiểu Tây lấy của Ta,
hay Ta lấy của Tây ?
Sở dĩ gã rất nhớ cái kỷ niệm thương đau về
bài chính tả “Hội đồng chuột” này là vì ông thầy dạy tiếng Pháp
đáng kính của gã.
Thực vậy, cho đến bây giờ gã vẫn phải luôn
nhớ ơn ông, bởi vì vốn liếng tiếng Pháp mà gã còn lưu giữ được
tới ngày hôm nay, đều do sự “day bảo cứng rắn” của ông.
Hồi đó, bọn học trò nghịch ngợm như lũ ngựa
chứng trong sân trường, đã đặt cho ông cái biệt danh là thầy…hạ
mã. Hạ mã có nghĩa là xuống ngựa, nhưng trong giờ tiếng Pháp của
ông, thì nó lại có nghĩa là …quì xuống.
Sư phạm mà ông áp dụng, đó là…”cưỡng bức
học tập”. Mỗi ngày mười tiếng ngữ vựng. Đầu giờ lớp sẽ khảo bài.
Tên nào chỉ thuộc được năm tiếng, thì a lê hấp :
- Hạ mã, quì xuống.
Sau khi đã cắt nghĩa xong bài văn phạm, ông
liền hỏi cả lớp :
- Hiểu chưa ?
- Dạ hiểu.
Ông nói tiếp :
- Vậy thì lấy vở ra làm bài tập.
Tên nào làm sai, thì cũng a lê hấp :
- Hạ mã, quì xuống.
Những tên trên trung bình thì ngồi vểnh râu
cá chốt, còn những tên dưới trung bình thì hạ mã, cúi gầm mặt
xuống. Cùng với đôi chân hạ mã và quì gối như vậy, thì đôi tai
phải lắng nghe bài luân lý giáo khoa thư mà ông dõng dạc phán
ra.
Bài chính tả hôm ấy, chẳng hiểu chia lòng
chia trí thế nào, mà gã chỉ được có bốn điểm rưỡi, và thế là tự
động, a lê hấp :
- Hạ mã, quì xuống.
Chính vì bị hạ mã và quì xuống như vậy mà
gã nhớ rất kỹ bài chính tả này. Viết tới đây, nỗi théc méc nêu
trên không hiểu Tây lấy của Ta, hay Ta lấy của Tây, đã được giải
mã, vì gã thầm nghĩ :
- Chuột Tây hay chuột Ta, thì bản chất cũng
vẫn chỉ là chuột mà thôi. Vì thế, câu chuyện lỡ có trùng hợp
nhau, thì cũng chỉ là chuyện thường ngày ở huyện.
Cũng vì sự khôn mà thiếu ngoan, hơn thế nữa
vì tài khéo đục khoét và rút ruột mà lũ chuột nhắt đã để lại
những sự rách nát tang thương. Chính vì thế mà trong dân gian,
người ta lưu truyền câu thành ngữ “đầu voi, đuôi chuột”.
Câu thành ngữ này có hai ý nghĩa.
Ý nghĩa thứ nhất ám chỉ hành động ra oai để
ức hiếp người khác, thế nhưng khi gặp phải một tay cự phách hơn,
thì bèn cúi gập mình xuống để quị lụy, cũng như để lươn lẹo và
luồn lách.
Ý nghĩa thứ hai xuất phát từ một điển tích
:
Trình Giảo Kim, sống đời nhà Tùy và nhà
Đường, là một tay chơi…búa rất lợi hại. Tuy nhiên, chỉ có ba búa
đầu là mạnh mẽ như trời giáng. Vô phúc cho tên nào lãnh đủ ba
búa đầu này, thì chỉ có nước lăn đùng ra mà chết không kịp ngáp.
Thế nhưng, từ búa thứ tư về sau thì lại yếu xìu và nhẹ hều.
Vì thế, đối phương bèn tìm mọi cách tránh
né ba búa đầu, làm thế nào, để Trình Giảo Kim luôn đánh vào
không khí. Còn đến búa thứ tư, lỡ có bị phang trúng, thì vẫn
cứ nhởn nhơ nhe răng cười, vì chẳng mệnh hệ gì cả.
Chính vì thế, mà câu thành ngữ trên muốn
nói lên rằng :
- Công việc lúc khởi sự thì thật lớn lao và
to tát, như cái đầu con voi, nhưng đến khi kết thúc thì lại tầm
thường và nhỏ bé như cái đuôi con chuột.
Sở dĩ như vậy là vì trong lúc thi công,
người ta đã ra sức bắt chước lũ chuột, lớn đục khoét theo kiểu
lớn, còn bé thì cũng đục khoét theo kiểu bé. Thầy rút ruột theo
kiểu thầy, còn thợ thì cũng rút ruột theo kiểu thợ. Người người
vui vẻ vơ vét về cho đầy túi tham của mình, nên chi công trình
bị teo lại thành cái đuôi con chuột, có lúc còn tóp lại chỉ bằng
cái dầu cây tăm mà thôi.
Nhà chưa xây xong, thì đã đổ chổng vó.
Đường vừa mới khánh thành, thì đã hư hỏng, không phải chỉ có
những ổ chuột ổ gà, mà còn có cả những ổ trâu ổ voi. Thậm chí,
ngân sách trên vừa mới rót xuống, công trình chưa kịp thực hiện,
thì đã vội vã bay hơi, vì được dưới hồ hởi chia năm xẻ bảy, để
những đồng tiền vô tột vạ chui tọt vào cái túi không đáy của
mình.
Đầu năm mà nói những chuyện không vui, chắc
là sẽ xui. Vì thế gã xin được chuyển hệ, để cho năm mới thêm
phần hoành tráng và tốt đẹp.
Báo Công An Thành Phố số ra ngày 03 tháng
01 năm 2008 đã loan tin như sau :
Các tiệm bán vật kiểng ở thủ đô nước Nga
đang săn lùng chuột một cách ráo riết, khi các ông thầy bói ở
nước này tiên đoán rằng : năm mới là năm con chuột, tính theo
lịch Á Đông và ai có được một con chuột trước ngày bước sang năm
mới, sẽ gặp nhiều may mắn. Thế là đủ loại, từ chuột đồng, chuột
cống đến chuột nhắt đều được bàn dân thiên hạ chiếu cố mua tuốt.
Còn báo Kiến Thức Ngày nay, số 626 ra ngày
01 tháng 01 năm 2008, đã đăng tải một bài ngắn của Tạ Xuân
Quan với tựa đề “Hình tượng chú chuột cho năm Mậu Tý” :
Năm 2008 theo Âm lịch là năm Mậu Tý. Vì
vậy, tại Trung Quốc hàng loạt vật trang sức, đồ chơi cũng như đồ
gia dụng được thiết kế và tạo hình với nguyên mẫu là chuột.
Cùng với bài viết là những hình ảnh minh
họa cho thấy : Những chiếc gạt tàn thuốc lá, thú nhồi bông và đồ
chơi đều mang vóc dáng chú chuột được sản xuất tại tỉnh Hắc Long
Giang.
Ngay cả những vật trang sức bằng đá quí
hoặc bằng vàng bạc được sản xuất tại vùng Suzhou, tỉnh Jiangsu,
cũng đều mang đậm dấu ấn hình dong chú chuột.
Và như thế, chuột đã mang lại nhiều lợi
nhuận cho những nhà sản xuất tại Trung Quốc, cũng như cho những
anh chàng chuyên môn đánh bẫy tại nước Nga, vì đây là một cơ hội
mần ăn hái ra tiền và hốt ra bạc.
Mong rằng năm con chuột cũng sẽ mang lại
cho bàn dân thiên hạ những sự tốt đẹp còn hơn thế nữa. Và nhất
là đêm đêm không bị quấy rối, bởi phải nghe những tiếng kêu chít
chít của loài chuột, đang nô dỡn trên trần nhà hay đang tham dự
đại hội trong một xó góc nào đó.
Gã Siêu
gasieu@gmail.com
|
VỀ MỤC LỤC |
|
- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến,
bài vở..., xin gởi về địa chỉ
giaosivietnam@gmail.com
- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:
Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục
vụ của Giáo sĩ; Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các
Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn
gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực
Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh
vực; Mỗi Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức
Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và
Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)
- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại
www.conggiaovietnam.net
Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị
Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã
sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác
nhau.
TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam
Lm. Luca
Phạm Quốc Sử
USA
|
|
*************
|
|