Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 59, Chúa Nhật 27.01.2008


CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH                    MỤC LỤC 

Xây Dựng Cộng Ðoàn Quốc Tế                                                                  Gaudium Et Spes

Canh tân đời sống thuyết giáo của chúng ta bằng việc...  Ts. Carlos A. Azpiroz Costa OP.

CẬU BÉ MƯỜI HAI TUỔI                                                                Hương Vĩnh chuyển ngữ

LÀ LINH MỤC  (Thơ song ngữ)                                                     Xuân Vũ Trần Đình Ngọc

MỘT VÀI SAI TRÁI VỀ PHÉP CÔNG BẰNG và GƯƠNG XẤU            Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

Bài Luận Văn Cuộc Đời                                                                                    Huynh Quảng

TRÁNH TRANH CHẤP QUYỀN HÀNH (2)                                                Lm. Lê Văn Quảng

HÃY TRAO CHÚA CHO CHÚNG  CON !                                             Đình Chẩn chuyển ngữ

Nếu đẹp lòng Chúa                                                  Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

Hiểu Rõ Y Sử Gia Đình                                                                        Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức

TỨ…SẮC                                                                                    Chuyện phiếm của Gã Siêu


Xây Dựng Cộng Ðoàn Quốc Tế

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội

Trong Thế Giới Ngày Nay

Gaudium Et Spes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Phần Thứ Hai

Chương V

Cổ Võ Hòa Bình Và Xây Dựng Cộng Ðoàn Các Dân Tộc 90*

 

Ðoạn 2: Xây Dựng Cộng Ðoàn Quốc Tế

83. Nguyên nhân bất hòa và phương dược chữa trị. Ðể xây dựng hòa bình, trước hết cần phải tận diệt những nguyên nhân bất hòa giữa con người với nhau, vì chính những nguyên nhân đó nuôi dưỡng chiến tranh, nhất là những bất công. Một số không ít những nguyên nhân này bắt nguồn từ những chênh lệch thái quá trong địa hạt kinh tế, cũng như từ sự trì hoãn những sửa đổi cần thiết. Một số nguyên nhân khác phát sinh từ đầu óc thống trị và miệt thị con người, và nếu tìm hiểu những lý do sâu xa hơn, thì đó là lòng tham lam, nghi kỵ, kiêu căng và những đam mê ích kỷ khác. Vì con người không thể chịu đựng được bao nhiêu hỗn loạn ấy, cho nên dù không có chiến tranh tàn khốc, thế giới vẫn không ngừng bị những tranh chấp giữa con người với nhau và những bạo động làm xáo trộn. Hơn nữa, những tệ hại này còn có mặt trong những tương quan giữa chính các quốc gia, cho nên để chiến thắng hay ngăn ngừa những tệ hại đó và chặn đứng những bạo động cuồng loạn, triệt để cần phải phối hiệp và tổ chức các cơ quan quốc tế một cách tốt đẹp và vững chắc hơn. Cũng cần phải luôn luôn khuyến khích việc thành lập những cơ quan cổ võ cho hòa bình.

84. Cộng đoàn các dân tộc và các cơ quan quốc tế. Ngày nay mối dây tương quan giữa các công dân và các dân tộc trên thế giới mỗi ngày một thêm chặt chẽ. Do đó, muốn tìm công ích đại đồng một cách thích ứng và thể hiện một cách hữu hiệu hơn, cộng đồng các dân tộc cần phải được tổ chức theo một thể thức hợp với công cuộc hiện thời, nhất là liên quan đến rất nhiều miền cho tới nay vẫn còn đang chịu cảnh túng thiếu cơ cực.

Ðể đạt được những mục tiêu nói trên, các cơ quan của cộng đoàn quốc tế tùy theo phận vụ mình, phải đáp ứng những nhu cầu muôn mặt của con người trong lãnh vực xã hội như lương thực, sức khỏe, giáo dục, việc làm, cũng như trong một vài hoàn cảnh đặc biệt có thể gặp tại vài nơi, chẳng hạn cần phải cổ võ sự thăng tiến tổng quát của các quốc gia trên đường phát triển, phải trợ giúp nỗi đau khổ của những người tị nạn rải rác trên khắp thế giới, hoặc còn phải cứu trợ những người di cư và gia đình họ.

Các cơ quan quốc tế đang có trên toàn thế giới hay tại địa phương chắc chắn đáng được nhân loại ghi ơn nhiều. Những tổ chức này tựa như những cố gắng đầu tiên nhằm đặt nền móng quốc tế cho cả cộng đoàn nhân loại, để giải quyết những vấn đề trầm trọng nhất của thời đại chúng ta, như là cổ võ sự phát triển khắp nơi và ngăn ngừa chiến tranh dưới mọi hình thức. Trong tất cả những lãnh vực này, Giáo Hội hoan hỷ trước tinh thần huynh đệ đích thực đang nảy nở giữa các Kitô hữu và những người ngoài Kitô giáo; tinh thần đó nhằm giúp họ gia tăng thêm mãi mãi nỗ lực để xoa dịu nỗi thống khổ bao la.

85. Cộng tác quốc tế trong lãnh vực kinh tế 95*. Sự liên đới ngày nay của nhân loại cũng đòi hỏi phải thiết lập một sự cộng tác quốc tế rộng rãi hơn trong lãnh vực kinh tế. Thật vậy, mặc dù hầu hết mọi dân tộc đều được tự trị, tuy nhiên còn lâu họ mới thoát khỏi những chênh lệch thái quá và mọi hình thức lệ thuộc quá đáng, cũng như tránh được mọi nguy cơ trầm trọng từ những khó khăn bên trong.

Sự phát triển của mỗi quốc gia tùy thuộc ở những trợ giúp về nhân sự và tài chánh. Người công dân trong mỗi nước cần phải được chuẩn bị bằng việc giáo dục và huấn nghệ để chấp nhận những nhiệm vụ khác nhau trong đời sống kinh tế và xã hội. Nhằm mục đích trên, cần phải có sự giúp đỡ của những chuyên viên ngoại quốc; khi giúp đỡ, những chuyên viên này đừng xử sự như chủ, nhưng như là những người trợ tá và cộng tác viên. Sự viện trợ vật chất cho các quốc gia đang phát triển chỉ thực hiện được nếu người ta thay đổi sâu rộng những đường lối thương mại hiện có trên thế giới. Hơn nữa, các quốc gia tiến bộ phải giúp cho các quốc gia đó những viện trợ khác nhau dưới hình thức tặng phẩm, cho vay hoặc đầu tư tài chánh. Một bên phải viện trợ cách quảng đại, chứ không vì tham lam, cũng như bên kia phải nhận với tất cả công minh.

Muốn xây dựng một nền kinh tế đích thực cho thế giới cần phải dập tắt lòng ham lợi quá đáng, những tham vọng quốc gia, những khao khát bá chủ về chính trị, mọi mưu tính về mặt quân sự cũng như mọi mưu mô nhằm tuyên truyền và bắt phải theo một ý thức hệ. Người ta đề ra nhiều hệ thống kinh tế và xã hội. Ước gì các nhà chuyên môn có thể dựa trên đó mà tìm ra những căn bản chung cho một nền mậu dịch quốc tế lành mạnh. Ðiều đó dễ đạt được nếu mỗi người từ bỏ thành kiến riêng và mau mắn đi tới đối thoại một cách chân thành.

86. Vài tiêu chuẩn thích hợp. Những tiêu chuẩn sau đây xem ra thích hợp cho việc cộng tác trên:

a) Các dân tộc đang phát triển cần phải chú tâm nhiều đến việc theo đuổi sự phát triển toàn vẹn cho người công dân; một cách rõ ràng và cương quyết, họ phải theo đuổi việc phát triển này như mục tiêu của sự tiến bộ. Họ phải nhớ rằng sự tiến bộ phát sinh và gia tăng trước hết là tùy thuộc ở sự làm việc và tài nghệ của chính dân tộc mình, nghĩa là sự tiến bộ không chỉ căn cứ vào viện trợ của ngoại bang, nhưng tiên vàn căn cứ vào việc khai thác đầy đủ những tài nguyên của xứ sở cũng như vào việc phát triển văn hóa và truyền thống riêng của mình. Trong vấn đề này, những ai có ảnh hưởng trên người khác hơn cả cần phải nêu gương hơn hết.

b) Bổn phận nặng nề nhất của các quốc gia tiến bộ là giúp đỡ các dân tộc đang phát triển chu toàn những phận vụ nói trên. Do đó, ngay trong quốc gia mình, họ phải thích nghi về mặt tinh thần cũng như vật chất cần thiết để thiết lập sự cộng tác đại đồng này.

Như thế, khi giao dịch với các quốc gia nghèo yếu hơn, họ phải quan tâm đặc biệt đến lợi ích của các quốc gia này: vì các quốc gia này sống còn là tùy ở nguồn lợi từ những sản phẩm bán ra.

c) Bổn phận của cộng đoàn quốc tế là phối hợp và cổ võ sự phát triển, tuy nhiên tài nguyên dành cho việc phát triển phải được phân phối hết sức hữu hiệu và hoàn toàn công bằng. Dù vẫn giữ nguyên tắc trách nhiệm bổ trợ, cộng đoàn quốc tế cũng phải điều hòa các mối bang giao kinh tế trên toàn thế giới, làm sao để các mối bang giao đó được thể hiện trong các quy tắc của công bình.

Phải thiết lập những tổ chức có thể cổ võ và điều hành những mậu dịch quốc tế nhất là với các quốc gia kém mở mang, để bù đắp những khuyết điểm do sự chênh lệch thái quá về thế lực giữa các quốc gia. Ðường lối tổ chức trên cùng với sự trợ giúp kỹ thuật, văn hóa và tài chánh, sẽ giúp các quốc gia đang phát triển có những phương tiện cần thiết để có thể mở mang kinh tế một cách thích hợp.

d) Trong nhiều trường hợp, nhu cầu cấp bách đòi hỏi phải xét lại các cơ cấu kinh tế và xã hội. Tuy nhiên phải coi chừng những giải pháp kỹ thuật chưa được chín mùi, nhất là những giải pháp đi ngược lại đặc tính thiêng liêng và sự phát triển con người, mặc dù đem lại cho con người những tiện ích vật chất: vì "con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh nhưng còn bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4). Bất cứ thành phần nào của gia đình nhân loại cũng đều mang trong mình và trong những truyền thống tốt đẹp nhất của mình một phần kho tàng thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho nhân loại, dù cho nhiều người không biết nó phát xuất từ nguồn gốc nào.

87. Hợp tác quốc tế trong vấn đề gia tăng dân số. Sự hợp tác quốc tế là một vấn đề hết sức cần thiết, khi một số dân tộc ngày nay, không kể bao nhiêu khó khăn khác, còn rất thường gặp phải một số khó khăn đặc biệt nữa phát sinh từ sự gia tăng dân số quá nhanh. Nhờ sự hợp tác hoàn toàn và đắc lực của mọi quốc gia, nhất là những nước giàu, điều khẩn trương là phải nghiên cứu làm sao để có thể chuẩn bị và chia sẻ cho toàn thể nhân loại những gì cần thiết cho sự sống và cho việc giáo dục thích hợp của con người. Thực thế, một số quốc gia sẽ có thể cải thiện hoàn cảnh sinh sống của họ rất nhiều, nếu một khi được huấn luyện đầy đủ, họ chuyển từ những phương pháp canh tác nông nghiệp cổ hủ đến những kỹ thuật tối tân và biết áp dụng chúng vào những hoàn cảnh của họ với sự khôn khéo cần thiết; vả lại, nếu họ biết thiết lập một trật tự xã hội tốt đẹp hơn và phân chia đất đai một cách công bình hơn.

Trong phạm vi thẩm quyền của mình, dĩ nhiên chính phủ có quyền và có bổn phận đối với vấn đề dân số trong quốc gia mình: chẳng hạn vấn đề liên quan đến luật xã hội và gia đình, vấn đề di dân từ thôn quê về thành thị, vấn đề thông tin về tình hình và nhu cầu quốc gia. Ngày nay, người ta chú trọng rất nhiều đến vấn đề này, do đó, ước gì những người công giáo chuyên môn trong lãnh vực này, nhất là trong các Ðại Học, hãy kiên nhẫn theo đuổi và phát huy sâu rộng những nghiên cứu cũng như những công cuộc của họ.

Nhiều người quả quyết rằng sự gia tăng dân số trên thế giới hay ít ra tại một vài quốc gia cần phải được giảm thiểu hoàn toàn bằng mọi phương tiện và bằng bất cứ sự can thiệp nào của chính quyền. Do đó, Công Ðồng khuyến cáo mọi người nên đề phòng những giải pháp đi ngược lại luật luân lý 96* đang được đề cao một cách công khai hay riêng tư và đôi khi có tính cách bắt buộc. Vì quyền kết hôn và sinh sản là quyền bất khả di nhượng của con người, cho nên việc định đoạt số con cái sẽ sinh ra tùy thuộc ở phán đoán thẳng thắn của cha mẹ chứ không thể nào ủy thác cho sự quyết định của chính quyền. Nhưng sự phán đoán của cha mẹ giả thiết là họ phải có một lương tâm được huấn luyện ngay thẳng, do đó điều quan trọng là làm sao cho mọi người đạt được một trình độ trách nhiệm đứng đắn và thật sự của một con người, một trách nhiệm biết tôn trọng luật Thiên Chúa mà vẫn không bỏ quên hoàn cảnh và thời đại. Ðiều này còn đòi hỏi phải cải thiện khắp nơi tình trạng giáo dục và xã hội, nhất là cần phải có một nền giáo dục tôn giáo hay ít ra phải có một nền giáo dục đầy đủ về luân lý. Hơn nữa, dân chúng cần phải được hiểu biết cẩn thận về những tiến bộ khoa học trong việc tìm kiếm các phương pháp có thể giúp đôi vợ chồng điều hòa sinh sản, miễn là các phương pháp này được chứng minh rõ ràng là chắc chắn và được nhìn nhận là phù hợp với trật tự luân lý.

88. Bổn phận của Kitô hữu trong việc cứu trợ. Người Kitô hữu phải sẵn sàng và hết lòng cộng tác xây dựng trật tự quốc tế, một thứ trật tự tôn trọng những quyền tự do hợp pháp và tình bằng hữu huynh đệ với hết mọi người. Họ càng phải sẵn sàng thực hiện công cuộc ấy hơn nữa, vì hiện thời đại đa số nhân loại còn đang đau khổ bần cùng đến nỗi chính Chúa Kitô hiện thân trong kẻ nghèo khổ như đang lớn tiếng đòi hỏi các môn đệ của Người phải bác ái. Vậy phải tránh gương mù của một số quốc gia mà đa số dân chúng thường mang danh Kitô hữu, đang thản nhiên hưởng thụ quá nhiều của cải trong lúc nhiều quốc gia khác sống thiếu thốn cùng cực, bị đói khát, bệnh tật và đủ mọi thứ bất hạnh dày vò. Tinh thần khó nghèo và bác ái mới là vinh dự và dấu chứng của Giáo Hội Chúa Kitô.

Thế nên, phải khen ngợi và cổ võ những người Kitô hữu, nhất là các bạn trẻ, tự nguyện hiến thân phục vụ tha nhân và các quốc gia khác. Lại nữa, bổn phận của toàn thể Dân Chúa là theo gương lành và lời giảng dạy của các Giám Mục để tùy sức xoa dịu những khốn cùng của thời đại này, chẳng những với phần thặng dư mà còn cả phần thiết dụng của mình nữa như Giáo Hội thời xưa quen làm.

Cách lạc quyên và phân phối viện trợ, dù không được tổ chức chặt chẽ và đồng nhất thì ít nữa cũng phải được thực hiện cách đứng đắn trong các giáo phận, các quốc gia và trên toàn thế giới; ở bất cứ nơi nào xem ra thuận tiện, hoạt động của Công Giáo phải hợp tác chặt chẽ với các anh em Kitô hữu khác. Tinh thần bác ái chẳng những không ngăn trở mà còn đòi hỏi việc tiên liệu và tổ chức hoạt động xã hội cũng như từ thiện cho quy củ. Vì thế, những người tình nguyện dấn thân phục vụ các quốc gia đang phát triển cần phải được huấn luyện trong các trường chuyên môn để họ trở thành những cán bộ thành thạo.

89. Sự hiện diện hữu hiệu của Giáo Hội trong cộng đoàn quốc tế. Dựa vào sứ mệnh Chúa ủy thác, Giáo Hội rao giảng Phúc Âm cho mọi người và phân phát các kho tàng ân sủng; và ở bất cứ nơi nào trên hoàn cầu, Giáo Hội cũng góp phần củng cố hòa bình và thiết lập nền tảng vững chắc cho sự liên đới huynh đệ của con người và của các dân tộc: nền tảng này làm cho mọi người hiểu biết về luật Thiên Chúa và luật tự nhiên. Vì thế, Giáo Hội nhất thiết phải có mặt ngay giữa lòng các dân tộc để khơi động và thôi thúc sự hợp tác giữa mọi người và Giáo Hội hoạt động được vậy là nhờ các cơ quan chính thức của mình, cũng như nhờ sự cộng tác tận lực và chân thành của mọi Kitô hữu, chỉ theo đuổi một ước nguyện là phục vụ tất cả mọi người.

Kết quả sẽ bảo đảm hơn, nếu chính các tín hữu ý thức trách nhiệm làm người và làm Kitô hữu, cố gắng thúc đẩy ước muốn sẵn sàng cộng tác với cộng đoàn quốc tế ngay trong môi trường sinh hoạt của mình. Về vấn đề này nên đặc biệt chú tâm đào tạo các thế hệ trẻ trong khi giáo dục tôn giáo cũng như huấn luyện công dân.

90. Vai trò của các Kitô hữu trong những tổ chức quốc tế. Công cuộc hợp tác cá nhân hay tập thể với chính những tổ chức hiện có hay sắp thành hình nhằm cổ võ việc hợp tác giữa các quốc gia là một hình thức hoạt động quốc tế tuyệt hảo của các Kitô hữu. Lại nữa, những hiệp hội công giáo quốc tế khác nhau còn có thể góp sức bằng nhiều cách để xây dựng một cộng đoàn các dân tộc trong hòa bình và huynh đệ. Phải củng cố các hiệp hội này bằng cách gia tăng số hội viên đã được huấn luyện kỹ lưỡng, bằng cách giúp đỡ các phương tiện cần thiết cũng như phối hợp chặt chẽ các năng lực. Thật vậy, thời đại chúng ta đòi hỏi sáng kiến tập thể để hoạt động hữu hiệu và thỏa mãn nhu cầu đối thoại. Lại nữa, những hình thức tổ chức ấy góp phần không ít vào việc gia tăng ý thức đại đồng là điều rất hợp với người công giáo, cũng như vào việc khai sinh ý thức liên đới và trách nhiệm quốc tế thực sự.

Sau cùng, ước mong rằng người công giáo tìm cách hợp tác tích cực và thiết thực hoặc với các anh em ly khai cùng tuyên xưng một tình bác ái Phúc Âm, hoặc với tất cả mọi người đang khao khát hòa bình chân chính, để chu toàn đứng đắn nghĩa vụ của mình trong cộng đoàn quốc tế.

Ngày nay, nhìn nỗi thống khổ bao la đang đè nặng trên đa số nhân loại và để cổ võ sự công chính, đồng thời cổ võ tình yêu Chúa Kitô đối với người nghèo khổ ở khắp nơi, Công Ðồng cho là rất đáng mong ước việc thiết lập một cơ quan chung cho toàn thể Giáo Hội, có nhiệm vụ thôi thúc cộng đoàn công giáo hầu cổ võ sự phát triển trong các vùng nghèo khổ cũng như cổ võ công bình xã hội giữa các quốc gia. 97*


Chú Thích:

(lưu ý: những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo trước)

95* Trong phần hai này, Công Ðồng nhấn mạnh nhiều nhất đến sự cộng tác với nhau trong lãnh vực kinh tế. "Sự phát triển là danh hiệu mới của hòa bình" (Phaolô VI, Populorum Progressio, số 87). Không phải vì khi có đầy đủ mọi sự vật chất đã là hết tất cả các nguyên nhân (sự bất công, ích kỷ, tham lam, kiêu căng...) có thể gây nên chiến tranh, nhưng vì trường hợp thiếu bình đẳng giữa các dân tộc là một trong các nguyên nhân quan trọng nhất gây nên sự bất công cũng như tinh thần đố kỵ (PP., số 55).

96* Nếu dân số gia tăng quá mau, những nỗ lực để phát triển mức độ kinh tế có thể bị ngăn chặn rất nhiều (PP., số 37). Công Ðồng nhắc lại một số phương pháp có thể giúp giải quyết vấn đề đó: a) Nhờ sự cộng tác của các dân tộc, nhất là dân tộc tiền tiến, để tìm cách sinh nhai và nâng cao mức độ học thức, b) canh tân phương pháp trong lãnh vực nông nghiệp, c) đổi mới trật tự xã hội, d) phân chia lại ruộng đất cách công bình hơn, e) nhờ pháp luật gia đình và xã hội, f) nhờ chính sách di dân, g) nhờ sự truyền tin về tình hình quốc gia, h) nhờ công việc nghiên cứu kinh tế xã hội tại các viện đại học...

Dĩ nhiên các phương pháp đó lúc đầu đòi hỏi món tiền rất lớn. Bởi vậy các chính phủ có thể có khuynh hướng bắt buộc công dân áp dụng phương pháp tận gốc: làm chậm sự gia tăng dân số bằng những phương pháp vi phạm đến nhân phẩm: "Mỗi mỹ kim chúng ta cung cấp để hạn chế sinh sản giúp chúng ta tiết kiệm được hơn, một trăm mỹ kim mà chúng ta sẽ phải chi phí để phát triển nền kinh tế lạc hậu". Câu nói này của Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson, cũng như chương trình hạn chế sinh sản tại một số quốc gia như Ấn Ðộ, Ðài Loan, v.v... khiến ta ý thức về sự hợp thời của lời cảnh cáo do Công Ðồng tuyên bố. Riêng về nạn đói, là vấn đề đã làm cho giới trách nhiệm phải lo lắng rất nhiều mấy năm trước đây, báo Time (3-10-1969, 22) viết: "...kỹ thuật nông thôn đã chứng tỏ rằng sự sản xuất thực phẩm có thể lớn hơn sự gia tăng dân số". Thực sự, nhiều lúc vấn đề không phải là vấn đề sản xuất nhưng là vấn đề chuyên chở, phân phối, giá thị trường, và vấn đề tổ chức cũng như cộng tác giữa các quốc gia.

97* Ngày 7-7-1966, Ðức Phaolô VI đã chỉ định một ủy ban lâm thời với nhiệm vụ dự thảo đường lối thực hiện ý muốn của Công Ðồng. Rồi ngày 6-1-1967, Ðức Giáo Hoàng đã thiết lập ủy ban nghiên cứu "Công Lý và Hòa Bình" tại Vaticanô. Ủy ban chuyên tâm khảo cứu những vấn đề thiết thực mới thành hình liên can đến thế giới.

Ðược ủy ban khuyến khích, Hội Ðồng các Giám Mục Việt Nam họp tại Sàigòn vào đầu năm 1969 đã chỉ thị thành lập phong trào Công Lý Hòa Bình tại Việt Nam nhằm đem Giáo Hội vào thế giới ngày nay và góp phần vào cuộc đại cách mạng thế giới. Ðây không phải là cuộc cách mạng chính trị, nhưng là một cuộc cách mạng nhân bản và tôn giáo: làm sao để không còn phân biệt lối sống đạo trong nhà thờ và sinh hoạt trần thế ngoài nhà thờ nữa. Trong cuộc cách mạng này phải có ý thức tôn giáo, ý thức công dân, ý thức cải tiến.

 
VỀ MỤC LỤC
Canh tân đời sống thuyết giáo của chúng ta bằng việc tái khám phá Kinh Mân Côi

 

Anh em Dòng Thuyết Giáo, Văn phòng Trung ương

Roma, ngày 01 tháng 01 năm 2008

Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Ngày Quốc tế Hoà bình 

Anh chị em thân mến,

Trong vài ngày nữa chúng ta sẽ mừng lễ Hiển Linh, kêt thúc Năm thánh Tạ ơn Thiên Chúa dịp kỷ niệm 800 năm thành lập đời sống đan tu của Dòng. Một năm với rất nhiều ơn lành lớn lao, không chỉ dành riêng cho Dòng, mà rộng lớn hơn, cho cả Giáo hội nữa. Tôi rất vui vì những sáng kiến đầy tính sáng tạo do các nữ đan sĩ khởi xướng. Các chị đã xuất bản sách vở, sáng tác thánh thi, thực hiện những nghiên cứu mới về thời kỳ đầu mới thành lập, canh tân việc cầu nguyện chiêm niệm, việc canh tân này vẫn còn tiếp tục ! Thực vậy, nhờ đó mà toàn dòng hiểu rõ hơn rằng các nữ đan sĩ nằm ở trung tâm của Dòng, và nền tảng việc giảng thuyết của chúng ta không là gì khác hơn việc chiệm niệm sâu xa về niềm tin của chúng ta. Tôi tin rằng việc canh tân đời sống các nữ đan sĩ trực tiếp liên hệ với việc canh tân toàn Dòng.

Năm thánh này kết thúc thì chúng ta lại mở ra thời gian 9 năm mà cao điểm là dịp lễ năm 2016: kỷ niệm 800 năm đức giáo hoàng châu phê Dòng Anh em Thuyết giáo. Trong tổng hội Bogota vừa qua, các nghị huynh đã kiến nghị rằng chúng ta cần phát huy giai đoạn 10 năm giữa hai kỳ lễ (2006 và 2016) để khởi xướng việc canh tân đích thực đời sống và sứ vụ giảng thuyết của Anh em Thuyết giáo (Xc. CVTH Bogota số 51). Vì thế tôi muốn mời gọi mỗi đơn vị, cũng như mỗi cộng đoàn, và mỗi thành viên trong Dòng, hãy bắt đầu tiến trình canh tân này qua việc suy tư, quyết định, và hành động liên hệ đến cách sống của chúng ta như những người giảng thuyết Tin Mừng.

Để tập trung mối quan tâm của chúng ta trong năm nay, tôi đề nghị chúng ta bắt đầu canh tân đời sống thuyết giáo của chúng ta bằng việc tái khám phá Kinh Mân Côi như phương tiện suy niệm và như khí cụ giảng thuyết mang tính ngôn sứ. Bằng nhiếu cách khác nhau, Kinh Mân Côi xét như là đóng góp hoàn toàn của Dòng Đa Minh cho đời sống Giáo hội, đã bị chúng ta lơ là. Tuy nhiên, cũng trong lúc đó, kinh Mân Côi vẫn luôn luôn sống động trong Dòng chúng ta. Qua thư này, tôi muốn gởi đến Anh chị em một suy niệm đơn giản về kinh Mân Côi, tôi sẽ nói tới những kỷ niệm, những suy tư thần học và lòng đạo đức bình dân.

1.     Những kỷ niệm

Tôi xin phép gợi lại vài kỷ niệm cá nhân và hy vọng rằng những kỷ niệm này cũng lại nhắc đến những kỷ niệm của anh chị em. Kỷ niệm thì rất quan trọng để làm nên căn tính của chúng ta, tạo máu thịt cho các tư tưởng của chúng ta, cũng như giúp chúng ta sống lại và giải thích lại những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc sống chúng ta.

Kỷ niệm đầu tiên của tôi về kinh Mân Côi là những năm học trường Trung học Champagnat của các cha Dòng Đức Bà tại Buenos Aires, với chuỗi tràng hạt đầu tiên tôi có được trong tay. Các cha đã thổi vào lòng chúng tôi tâm tình yêu mến đích thực đối với Đức Mẹ, người mẹ đã yêu thương một cách vô điều kiện và cầu bầu cho các con cái yêu dấu của Mẹ, đức Maria của Tin Mừng theo thánh Gioan. Dĩ nhiên, chúng tôi đã có tháng Đức Mẹ với những cuộc rước, đọc kinh Mân Côi, đọc kinh cầu. Là một thanh niên, nhưng tôi cũng đã mang trong túi áo chuỗi 10 kinh Mân Côi. Việc lập đi lập lại các kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh đã in đậm cách thức cầu nguyện này trong đời tôi.

Hôm nay vẫn thế, tôi thích đặc biệt cầu nguyện với kinh Mân Côi trong khi đi bách bộ. Cách cầu nguyện này đang đồng hành với tôi qua các phong cảnh khác nhau, trên đường xa hay trong thành phố. Đây chính là “chiêm niệm trên đường phố” như kiểu nói của cha Vincent Couesnongle. Dần dần lời kinh Mân Côi ghi nhịp bước chân tôi, giúp tôi nhận thức về một thế giới không ngừng biến đổi. Kinh Mân Côi giúp tôi dâng hiến tâm hồn, cuộc sống, con tim của tôi cho thành phố hoặc những nơi tôi đi qua, cho những cuộc gặp gỡ đang chờ đợi tôi, với những niềm vui, hy vọng, ánh sáng và bóng tối của nó.

Mới đây, trong một dịp tĩnh tâm, ban Cố vấn trung ương đã suy niệm về mầu nhiệm sự chết. Một anh em đã trình bày ý nghĩa việc các anh em chúng ta khi hấp hối luôn đòi cho được cỗ tràng hạt, cho dù đôi khi chỉ là để cầm trong tay mà thôi. Tôi nhớ tới cuốn phim “Rửa tội bằng máu” kể lại các anh em của chúng ta tại Braxin đã bị hành hạ trong những năm 70 dưới chế độ độc tài Medici. Anh Tito de Alencar, vào giây phút mà người ta kéo anh ra khỏi tu viện, đã gào to xin một anh em khác chạy đi kiếm cho anh cỗ tràng hạt của anh. Kinh Mân Côi có ý nghĩa như thế nào đối với anh, vào giây phút kinh hãi đó ?

Anh chị em có kỷ niệm nào về kinh Mân Côi không ? Kỷ niệm đó có nghĩa gì cho Anh chị em ? và cho tôi ? Việc học hành, suy tư thần học có thể nói gì với chúng ta về kinh Mân Côi ?

2.     Suy tư thần học

Tôi tin rằng những kỷ niệm trên nói với chúng ta về một Thiên Chúa gần gũi với con người. Mầu nhiệm nhập thể không phải chỉ là việc Thiên Chúa giáng sinh trong quá khứ cách đây hàng ngàn năm, nhưng là sự nhập thể của ân sủng, hay là việc giáng sinh của Thiên Chúa trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Đức Giêsu vẫn đang sống, và Thánh Thần của Ngài tiếp tục chữa lành, dạy dỗ, tha thứ, an ủi và thúc đẩy chúng ta. Mầu nhiệm Nhập thể không phải là một ý niệm trừu tượng trống rỗng, nhưng được biểu lộ dưới những hình ảnh gắn liền với các mầu nhiệm trong kinh Mân Côi. Sự hiểu biết về mầu nhiệm Nhập thể được khai triển qua cách thức người ta để cho những hình ảnh này đan dệt với những ưu tư trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Như thế, kinh Mân Côi nối kết chặt chẽ với mầu nhiệm Nhập thể, kinh Mân Côi thấm đượm Kinh thánh, qui về Chúa Kitô, và có tính thời sự.

Dĩ nhiên, kinh Mân Côi là hướng về Đức Maria. Nhưng cần làm rõ hơn ý nghĩa của điều đó. Nơi đức Maria, thiên tính hiệp nhất với nhân tính; thụ tạo nên một với Đấng Sáng tạo. Nơi đức Maria, cùng lúc chúng ta nhận biết căn tính của chúng ta và vận mệnh của chúng ta (nơi chúng ta sẽ tới). Chúng ta hiểu được sự hiệp thông thánh của Thiên-Chúa-ở-với-chúng ta và Thiên-Chúa-ở-trong-chúng-ta. Chúng ta nhận rõ rằng Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa-cho-chúng-ta, Đấng Cứu chuộc và Đấng Cứu độ, Đấng Thánh hoá và Đấng tôn vinh.

Thực sự, đức Maria là một dung mạo trung tâm của đời sống đức tin chúng ta. Mặc dù chúng ta có thể nhìn đức Mẹ như là Ái nữ của Chúa Cha, Thánh mẫu của Chúa Con, và Hôn thê của Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta cũng phải coi Đức Mẹ là một người tín hữu trong thung lũng bóng tối, một tín hữu luôn hy vọng ngay cả khi đối diện với hoàn cảnh thất vọng. Chúng ta có thể nhìn Đức Mẹ như Đấng bảo trợ cho những người phụ nữ mang thai sinh con trong cảnh nghèo túng, đấng bảo trợ của những ai phải tha hương nơi đất khách quê người để mưu sinh, một người mẹ canh thức đầu giường cho đứa con của mình bị bắt bớ, hành hạ, giết chết. Sau cùng, qua tất cả những điều đó, chúng ta có thể nhìn thấy cuộc vinh thắng của niềm tin, niềm cậy trông và lòng mến của Mẹ. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng khuôn mặt của đức Kitô bằng con mắt của đức Maria.

Đối với chúng ta, điều đó có nghĩa là gì ? Là Tổng quyền của Dòng, tôi là người thừa sai có sứ vụ nâng đỡ anh chị em trên khắp thế giới. Tôi lắng nghe họ kể về lịch sử của họ, quan sát cuộc sống của họ. Tôi nhớ đến những khuôn mặt của các gia đình Kitô giáo đang bị xúc phạm nặng nề tại Bahawalpure ở Pakistan năm 2001; những người hàng xóm của các chị em chúng ta trong các khu dân cư nghèo khổ nhất của Kinshasa nước Congo; những đứa trẻ chạy theo chúng tôi tại Cameroun; những con người trên Quảng trường Nội chiến tại Campodos (Tibu) nước Columbia; những gia đình ngư dân trong những chiếc thuyền nan ngoài khơi vùng biển Gizo thuộc quần đảo Salomon, hay trên dòng sông Urubamba trong vùng Amazon nước Peru… những hình ảnh đó đồng hành với các mầu nhiệm, và như thế, kinh Mân Côi trở thành lời cầu nguyện của chính tôi, cùng với lời chuyển cầu của Đức Maria, trong khi tôi đặt dưới chân đức Giêsu tất cả những người đang bị xúc phạm.

Thế giới của chúng ta dường như liên tục bị xé nát bởi chiến tranh. Trước tiên tôi nghĩ đến đất nước Irak tan tác, và chắc chắn ngay sau đó là hình ảnh máu không ngừng chảy giữa Israel và Palestin. Thế kỷ XX là một thế kỷ của chiến tranh và tàn phá trên khắp hành tinh. Vào những giây phút thê thảm nhất, người ta quay về với kinh Mân Côi và cầu nguyện cho hoà bình. Vả lại, kinh Mân Côi chẳng phải là trung tâm điểm của lòng đạo đức tại Fatima để cầu cho nước Nga trở lại, và người ta chẳng phải cầu xin với Đức Mẹ như Nữ vương Hoà bình đó hay sao ? Đồng thời, chúng ta chẳng giảm bớt chiến tranh lạnh đang diễn trong các gia đình, các cộng đoàn, và trong chính con tim và tâm hồn của chúng ta hay sao. Kinh Mân Côi chằng đưa chúng ta tới hoà bình hay sao ? Năm nay, chúng ta cũng mừng kỷ niệm 50 năm trao giải Nobel Hoà bình cho người anh em của chúng ta là cha Đa Minh Pire, người Bỉ, vì ngài đã thiết lập phong trào “những hòn đảo hoà bình”. Rất có thể ngài đã tìm thấy ý tưởng cho dự án này qua việc suy niệm khi đọc kinh Mân Côi cầu xin cho hoà bình.

Những lời cầu xin kèm với việc suy niệm của tôi về Vương quốc Thiên Chúa, về lương thực hằng ngày, về việc cứu khỏi sự dữ, về hoa quả bởi lòng dạ, về những tội nhân và giờ phút lâm tử. Nước Thiên Chúa là công chính và bình an. Thánh ý Thiên Chúa không thể đi đôi với những kẻ chà đạp người yếu đuối. Bánh phải được chia sẻ. Sự tha thứ phải được trao ban. Hoa trái bởi lòng dạ các phụ nữ là thánh thiêng. Vâng, kinh Mân Côi, - gồm những lời Thánh kinh và những suy niệm sống động của chúng ta,- là một lời cầu nguyện vừa có tính ngôn sứ vừa có tính chiêm niệm; một lời cầu nguyện vừa loan báo vừa tố cáo, một lời cầu nguyện vừa nâng đỡ vừa sửa đổi. Những lời tôn vinh Chúa Ba Ngôi cũng mời gọi chúng ta sống trong cộng đoàn, mà không trở thành quị luỵ, một cộng đoàn trong đó mỗi người hoàn toàn mở ra và sẵn sàng đón nhận Đấng Khác. Vâng, “Thánh ý Thiên Chúa” sẽ được thực hiện : vì thế không bao giờ chúng ta mất niềm hy vọng. Lời giảng của chúng ta đầy tràn niềm hy vọng bởi vì “Điều đã có từ nguyên thuỷ, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống”, đó chính là chủ đề của chúng ta (1 Ga 1). Qua việc sống gần gũi với đức Kitô, như đức Maria đã sống, chúng ta trở nên những người môn đệ và tông đồ, những người mà thế giới đang cần đến và Thiên Chúa đang mong ước.

3. Thực hành đạo đức bình dân

Sau Công đồng Vat II, người ta có khuynh hướng coi nhẹ tầm quan trọng của “lòng đạo đức bình dân”. Nói cho đúng, người ta nhấn mạnh đến việc học hỏi Kinh thánh và tham dự các phần phụng vụ quan trọng hơn. Nhưng làm như thế, người ta cũng coi nhẹ những hình thức diễn tả bình dân cho phép biểu lộ dễ dàng hơn tình cảm tôn giáo: chẳng hạn, chầu phép lành, rước kiệu, hành hương đền thánh, sùng kính kinh Mân Côi, v.v… Ngày nay, với kinh nghiệm 40 năm, chúng ta nhận thấy rằng nhiều người trẻ cũng như già, đang cần những hình thức biểu lộ như thế để “làm sống lại ơn huệ thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.” (2Tm 1,6).

Lòng đạo đức bình dân kiểu này vẫn đang tiếp tục khẳng định tại các  đền thánh Đức Mẹ trên khắp thế giới. Năm nay chúng ta mừng 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức (Pháp) 90 năm tại Fatima (Bồ Đào Nha), là hai thánh địa thu hút hàng triệu con người mỗi năm. Chúng ta cũng có thể nghĩ tới Guadalupe (Mêhicô), Czestochowa (Balan), Knock (Ailen), Chiquinquira (Colombia), Coromoto (Venezuela), Lujan (Achentina), Manaoja (Philippine), v.v… Hầu hết các nước đều có đền thánh cấp quốc gia dâng kính Đức Mẹ, qui tụ dưới cánh tay hiền mẫu các tín hữu đến từ khắp nơi.

Trong các xe ôtô, người ta nhìn thấy ảnh thánh Christophe, cùng với tràng hạt treo nơi kiếng chiếu hậu, trong các gia đình có những bàn thờ nho nhỏ, những bức tượng trong sân vườn. Nghi thức xức tro đầu Mùa Chay và cuộc Rước lá đầu Tuần Thánh nói cho chúng ta thật nhiều về những ước muốn và những tình cảm tôn giáo của con người. Đó là những nghi thức mở đầu cho một trật tự nào đó, một thứ ổn định, một nhịp điệu nào đó và một chiều kích nhập thể trong đời sống con người, giúp họ sống những thời khắc tôn giáo sâu sắc hơn. Còn chúng ta, anh chị em Đa Minh, chúng ta có thể thấy lòng đạo đức bình dân này đang có liên hệ tới một điều gì đó của riêng chúng ta là kinh Mân Côi hay không ?

Tôi đã khám phá ra rằng kinh Mân Côi thực sự là một lời cầu nguyện được khắp nơi yêu mến. Cho dù ở Italia hay Ukraina, ở Mehicô hay Hoa Kỳ, ở Philippines hay Việt Nam, ở Kenya hay Nigieria, kinh Mân Côi vẫn hiện diện, đó là một lời kinh được đọc và yêu mến. Tôi nghĩ rằng một trong những lý do khiến người ta gắn bó với kinh Mân Côi như thế là vì kiểu đọc kinh này vừa có lời cầu nguyện vừa có đụng chạm. Hầu như mọi người công giáo đều có tràng hạt. Người ta tặng quà cho nhau bằng những cỗ tràng hạt. Đây là một nghi lễ phụng vụ, cho dù người ta đọc chung hay đọc một mình. Một đồ vật mà người ta có thể đụng chạm, cầm lấy, và thậm chí xiết chặt trong tay những khi gặp khó khăn trong cuộc sống; giống như đang nắm chặt lấy bàn tay của chính Đức Maria. Khi chúng ta đến “giờ lâm tử”, người ta luồn vào giữa những ngón tay của chúng ta một cỗ tràng hạt, khi an táng chúng ta cũng thế. Các lời cầu nguyện trong kinh Mân Côi là tóm lược đời sống đức tin của chúng ta. Học cách đọc kinh Mân Côi cũng giống như học nói; kinh Mân Côi khởi đầu đời sống cầu nguyện của chúng ta. Và chắc chắn cũng là kết thúc đời sống cầu nguyện của chúng ta – “xin cho Ý cha được thể hiện” “bây giờ và trong giờ lâm tử”. Ngày còn trẻ chúng ta đựơc tặng tràng hạt, ngày lãnh áo dòng, chúng ta cũng đón nhận tràng hạt, và chúng ta sẽ đựơc an táng bên cạnh tràng hạt Mân Côi.

Kết luận

Tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài suy tư trên đây; hy vọng rằng đây là những suy tư đơn sơ nhưng thâm thuý, đúng hơn là một suy niệm, tựa như tiếng vọng từ đáy tâm hồn tôi. Tại Tổng hội Bogota, tôi đã hân hạnh bổ nhiệm Anh Louis-Marie Arino-Durand, thuộc tỉnh dòng Toulouse, làm Tổng cổ động viên kinh Mân Côi. Anh đã và đang thành lập một Website rộng lớn, có thể địa chỉ này sẽ bổ ích cho anh chị em trong suốt năm nay. Ngược lại, tôi xin anh chị em giúp đỡ ngài để phát triển Website này bằng cách đáp ứng những yêu cầu của ngài. Cùng nhau, chúng ta có thể thực hiện một Website phục vụ Giáo hội toàn cầu.

Chúng ta đã mở ra 9 năm chuẩn bị cho dịp kỷ niệm vào năm 2016, tại sao không dành giai đoạn đầu từ Lễ Hiển Linh 2008 đến Lễ Hiển Linh 2009, như một năm để tái khám phá kinh Mân Côi trong cuộc sống cá nhân, trong đời sống cộng đoàn, và trong việc canh tân lời giảng của chúng ta, lời giảng vừa có tính cách chiêm niệm vừa có tính ngôn sứ ? Chúng ta có thể đóng góp vào việc đổi mới lòng đạo đức bình dân bằng cách tổ chức các tuần cửu nhật, giảng thuyết, rước kiệu, các Đền thánh Mân Côi ? Chúng ta có thể chiêm ngắm Thầy của chúng ta với đôi mắt của người môn đệ tuyệt vời hay không ? Nhìn người Con bằng đôi mắt người Mẹ ? Chúng ta có thể chiêm niệm để thấy thế giới này đang hết sức cần thiết phải được biến đổi nhờ Tin Mừng. Chúng ta có biết sống và giảng một cách say sưa, với tính sáng tạo của Thiên Chúa Cha và của đức Maria Mẹ của người Con yêu dấu ?

Tôi vui mừng vì có dịp chia sẻ với anh chị em những suy tư trên đây. Trong những tháng sắp tới, Ban Tổng cố vấn sẽ phác thảo những chủ đề và những bước nhằm hướng dẫn các năm sắp tới trong việc canh tân cuộc sống và sứ vụ của chúng ta. Tôi xin các Bề trên giám tỉnh và các tổng đại diện, các bề trên, các vị giám đốc huynh đoàn giáo dân của chúng ta, hãy phổ biến lá thư này cho các phần tử trong đơn vị mình, trong các cộng đoàn, các nhóm liên hệ. Trong suốt năm mới này, anh chị em sẽ thường hiện diện trong tư tưởng và trong lời cầu nguyện của tôi. Ngược lại, tôi cũng trông cậy vào lời cầu nguyện của anh chị em.

Anh chị em thân mến, cùng nhau tiến vào con đường đổi mới. Hãy lên đường với cùng một niềm phó thác như thánh Đa Minh đã có nơi đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Người anh em của anh chị em trong thánh Đa Minh

Ts. Carlos A. Azpiroz Costa OP.

Bề trên Tổng quyền.

VỀ MỤC LỤC
CẬU BÉ MƯỜI HAI TUỔI  

 

Nguyên Tác IN STEP WITH GOD, LM Vincent Travers, OP  

HƯƠNG VĨNH chuyển ngữ

 

CẬU BÉ MƯỜI HAI TUỔI  

Hằng năm, cha mẹ Chúa Giêsu trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giê-ru-sa-lem mà cha mẹ chẳng hay biết…

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.  

Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt và mẹ Người nói với Người: ‘Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!’ Người đáp: ‘Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?’ Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. 

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Chúa Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.” (Lc 3, 41-52) 

*** 

Vào thời kỳ đó, Chúa Giêsu mới mười hai tuổi, chưa còn là thiếu niên nữa. Ngài bị thất lạc, không phải vì rủi ro, nhưng cố ý. Và cha mẹ Ngài là Mẹ Maria và Thánh Giuse đã lo lắng rầu rĩ. Trong ba ngày, họ tìm kiếm, bị sa sút tinh thần, với tâm trạng buồn rầu chán nản và tự trách mình không chu toàn bổn phận làm cha làm mẹ nên ra nông nỗi.

Cuối cùng họ tìm được Ngài ở trong Đền Thờ. Ngài trở thành nhân vật nổi tiếng, làm loá mắt những nhà thông thái có tầm hiểu biết sâu rộng và sự khôn ngoan bén nhọn. Riêng Mẹ Maria và Thánh Giuse không lấy làm cảm kích hay vui sướng chút nào. 

Cậu bé thất lạc 

Tôi biết một phụ nữ có lần thất lạc bé gái trong một thời gian ngắn ngủi. Chị nói: “Dù cháu chỉ bị lạc trong hai mươi phút, con không bao giờ quên được sự hoảng hốt và tuyệt vọng mà con đã cảm nhận. Con không thể tưởng tượng kinh nghiệm nào đau đớn và đắng cay hơn là bị mất chính đứa con của mình.”

Khi Mẹ Maria và Thánh Giuse xin Chúa Giêsu giải thích, Ngài chỉ nói: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Câu trả lời của Chúa Giêsu thật đáng khen ngợi, nhưng cho thấy Ngài không quan tâm đến sự đau buồn và lo lắng của cha mẹ Ngài. Chúa Giêsu vào thời điểm đó gây nên ấn tượng một cậu bé mới mười hai tuổi nhưng phát triển sớm. 

Ngài gợi lại cho tôi hình ảnh bé gái bốn tuổi bị lạc mất trong một sạp bán hàng. Mẹ em mải mê mua sắm trong khu hàng bán đồ phụ nữ, thình lình nhận ra em bé không còn đứng bên cạnh. Chị hoảng hốt tột độ:

“Tôi vội vàng chạy đi kiếm cháu và càng lúc càng tuyệt vọng. Bỗng tôi nghe người ta gọi tên tôi – bà Harris – qua máy phóng thanh là phải tới bàn giấy chỉ dẫn ngay lập tức. Khi tôi chạy tới gần, tôi thấy con tôi đang say sưa nói chuyện với người đàn bà loan tin. Vài giây sau, chị đó kéo tôi ra một bên và nói nhỏ vào tai tôi: ‘Cháu gái của bà tới bàn giấy của tôi và nói: Làm ơn gọi bà Harris là mẹ tôi vì tôi đi lạc.’ Tôi không biết nên cười hay nên khóc.” 

Cậu bé gây lo lắng 

Chắc chắn Mẹ Maria và Thánh Giuse mang những tâm trạng lẫn lộn ở trong Đền Thờ ngày hôm đó: Các Ngài cảm thấy nhẹ nhõm vì đã tìm gặp Chúa Giêsu, nhưng cũng bực mình vì điều lo sợ mà Ngài đã gây ra.  

Thật quan trọng không nên phủ nhận những cảm tưởng đó của Mẹ Maria và Thánh Giuse. Thánh Luca không giấu giếm nỗi điều lo sợ của các Ngài. Mẹ Maria hỏi: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!

Còn Thánh Giuse giữ im lặng. Đã lâu lắm rồi, khi tôi làm điều gì không vừa lòng cha tôi, người nói: “Vincent, con về phòng đi. Chúng ta sẽ nói chuyện sau.” Nhưng Thánh Giuse không nói gì.  

Chúa Giêsu thật là một cậu bé “gây ra nhiều sự lo lắng”. Ngài phải vâng lời một quyền bính tối cao. Thánh Giuse ở Bê-lem xem ra trầm tĩnh. Nhưng vài năm về sau Chúa Giêsu sẽ ra sao đây! Tôi tưởng tượng Thánh Giuse đang nói thầm: “Chúa ơi, nếu cậu bé Giêsu đã ra thế đó khi mới mười hai tuổi thì lúc mười lăm tuổi sẽ ra thế nào?” Không biết vào thời kỳ đó, Thánh Giuse có chút viễn kiến nào không về Chúa Giêsu sau nầy, khi được ba mươi ba tuổi, ở trên đỉnh đồi Can-vê?  

Làm cha mẹ ngày nay không phải dễ dàng

Một phụ nữ bước lên xe buýt. Tài xế hỏi: “Chị ơi, có phải những trẻ nầy là con của chị, đang đi picnic không?” Chị trả lời: “Đúng, chúng là con tôi nhưng không phải đi picnic đâu, ông ạ.” 

Làm cha mẹ là một ơn gọi cao cả và có thể nói được còn cao cả hơn linh mục nữa, nhưng không phải luôn luôn đi picnic đâu. Cha tôi thường hay nói: “Không dễ gì nuôi nấng một gia đình ở Dublin” (bởi vì chúng tôi có bảy anh chị em). 

Vào thời gian đó, Thánh Gia Thất ở Na-da-rét và Thánh Luca ghi lại: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài... Còn Chúa Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.” Tất cả biến cố đó nêu lên câu hỏi: Một gia đình bình thường đúng ra như thế nào?

Những gia đình khác thường 

Ngày nay người ta thường hay đề cập đến những gia đình bất bình thường, thiếu sự thân mật trong gia đình. Điều đó được nhận thấy trong dịp Lễ Giáng Sinh. Trong khi mọi người mầng lễ thì những cô cậu vị thành niên muốn đi nơi khác, khiến người mẹ lo lắng và người cha cáu kỉnh. Còn những cô cậu thanh niên lại ưa thích ở trong phòng đóng kín cửa lại.  

Mái ấm gia đình 

Dù sao dịp lễ Giáng Sinh là lúc mọi người trở về gia đình để mừng vui. Gia đình vẫn là mái ấm. Cũng như những dịp lễ khác: ngày Đầu Năm, ngày Hiền Mẫu, ngày Hiền Phụ, các ngày sinh nhật, các dịp kỷ niệm…mang lại cơ hội sum họp gia đình.

Tin Mừng là Thiên Chúa ở với chúng ta. Cuộc sống gia đình là ý muốn của Ngài. Ngài là chủ gia đình chúng ta. Ngài đã nối kết tất cả chúng ta lại với nhau, cho dù chúng ta có những khác biệt và bất đồng. Ngài thôi thúc chúng ta góp phần vào việc xây đắp sự an vui của gia đình để trở nên một nơi mang lại hạnh phúc và tình thương cho hết mọi người trong cuộc sống chúng ta được gọi là “gia đình”. 

Linh Mục Vincent Travers, OP

Hương Vĩnh chuyển ngữ

VỀ MỤC LỤC

 LÀ LINH MỤC

 

 Kính tặng quí Giám mục, Linh mục Việt  Nam

 

Là Linh Mục nghĩa là chuyên dâng lễ

Chuyên  ngồi tòa giải tội các giáo dân

Thăm bệnh nhân - Xa cũng giống  như gần

Ðứng tòa giảng rao truyền lời Kinh Thánh ?

 

Là Linh mục chủ trì đường đức hạnh!

Rất khiêm nhường, rất giản dị, đơn sơ

Tiền bạc, công danh? - Linh mục  thờ ơ

Phải tránh hết trên con đường tu đức!

 

Miệng thốt ra là những lời  trung  thực

Việc đầu tiên: gương mẫu phép công bằng

Không bao giờ dính líu việc lăng nhăng

Những việc có hơi đồng  đầy quyến rũ!

 

Hồn thanh sạch -  Ngay từ trong giấc ngủ!

Xin Thánh Linh  cùng  Ðức Mẹ độ trì

Nhiều trường hợp lầm lỗi  với suy vi

Chỉ bởi  sẵn  những dịp làm nên tội!

 

Sống trong sạch nên tâm hồn tự khởi

Tình yêu thương với tất cả tha nhân

Kẻ ghét ta - Ta cũng vẫn làm thân

Bởi qua ta - Họ được  chiêm ngưỡng  Chúa!

 

Thương cô nhi, thương những người góa bụa

Cứu giúp người đang hoạn nạn, cơ hàn

Làm việc mệt -  Dù vất vả không than

Sống khó nghèo -  Ðức Kitô: cứu cánh!

 

Cứu cánh đây - Chính là sao nên thánh!

Sao trở nên đầy tớ Ðức Kitô

Nên của dâng như Tử đạo - Tông đồ

Giúp mọi người cùng  kiên trì ơn thánh!   

 

Là Linh mục chú trọng  phần đức hạnh

Ðức Vâng lời -  Lòng cứu giúp -  Vị tha

Sống khó nghèo  - Tránh hết mọi xa hoa

Ơn Chúa giúp Linh mục tròn bổn phận!

 

“Chúa Thánh Linh  – Cho con tròn lời khấn!

Tròn một niềm Tin, Kính, Cậy, Yêu thương

Muối thế gian – Con sẽ tỏa hào quang

Sống xứng đáng người Tông đồ của  Chúa!”

 

YOU’RE A PRIEST 

To all Vietnamese Cardinals, Archbishops

Bishops and Priests

 

Are you a priest?

That means you’re only saying mass?

You just sit to give your parishioners confession,

You go to visit patients, you don’t care how far they  are.

And you stand at the pulpit to explain the Bible?

 

You’re a priest,

You’re must primarily focus on virtue,

Being humble and simple.

You’re  never concerned  about positions and money

You must avoid them on your way to become  a good priest!

 

Be careful when you talk,

Say something that is just and true

The first commandment you need to remember is the just.

Never involve in junk business

Especially when it is connected to attractive money!

 

Keep your soul pure even in your sleep at night!

Pray the Holy Spirit and Virgin Mary to help you for your chastity.

Some priests commit this sin

Because they did not carefully avoid the occasions

 that easily make them to commit sins.

 

When you conduct a good life with  your pure soul,

You will love everybody even with the people who hate you.

You also love them as well as everybody else

Since through you, those people will see Christ’s image!

 

You should love orphanages and all lonely people,

You should assist someone in misfortune

as well as the homeless, hungry  people,

Even working hard you never complain

Living in arduous situation and poverty

never make you discouraged because Christ is your goal.

 

Your goal is also telling you to become a saint

That means you are really Jesus Christ’s disciple

as well as the Saint Martyrs and Disciples

And help the people in your congregation become saints, too.

 

You’re a priest!

You  must focus on virtue more than anything else!

You should perform your  obedience toward your superiors

Assist the needy people and love them all

Simplicity means you have to avoid living in luxury

With God’s help, you can achieve your hard duty as a disciplinarian.

 

“My Holy Spirit! Please help me achieve my sacred promises,

my faith, my dedication and my love.    

I’m the salt and the light of life that my virtue will spread light,

Please help me become a faithful disciple of Jesus Christ!

 Little Saigon 18-9-2004

Xuân Vũ  TRẦN ÐÌNH NGỌC

VỀ MỤC LỤC

MỘT VÀI SAI TRÁI VỀ PHÉP CÔNG BẰNG và GƯƠNG XẤU

 

Hỏi: xin cha cho biết :

1-    Khai gian để lấy tiền bồi thường  tai nạn của bảo hiểm có tội không ?

2-    Mở tiêm bán Video, DVD “XXX” có tội không?

Trả lời : Là tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo, ai cũng có bổn phận phải làm chứng tá (witness) cho Chúa trước mặt người đời để giúp họ nhân biết Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưa: “..ánh sáng của anh  em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ để họ thấy những công việc tốt đẹp anh  em làm mà tôn vinh Cha của anh  em, Đấng ngự trên trời.” ( x. Mt 5:16).

Chính trong tinh thần làm men, làm muối và làm ánh sáng cho Chúa Kitô trong trần thế mà người tín hữu được mời gọi và có bổn phận phải nêu cao những giá trị của Tin Mừng, của Phúc Âm sự Sống trong mọi môi trường xã hội ngày nay để góp phần tích cực vào sứ mạng phúc âm hoá thế giới

mà Chúa Kitô đã trao phó cho Giáo Hội. (x. Mt 28:19-20).

Một trong những giá trị đó là đức công bằng đòi buộc mọi người phải tôn trọng tính mạng, danh dự và tài sản của người khác vì Thiên Chúa là Đấng nhân lành và công bình  (a Merciful and Just God).

1-  Do đó, liên quan đến câu hỏi thứ nhất, điều răn thứ bảy “cấm lấy hoặc giữ của cải của người khác cách bất  công hoặc làm hại tài sản của tha nhân bất cứ cách nào…” ( x. SGLGHCG, số 2401)

Điều răn này dựa trên lệnh truyền sau đây của Thiên Chúa:

“ Ngươi không được phạm tội trộm cắp” (Xh 20:15;Đnl 5,19; Mt 19:18).

Trong thực hành, lỗi phạm điều răn này có nhiều cách và hình thức.

Cách trắêng trợn là cướp hay lấy trộm tiền bạc và những vật dụng thuộc quyền sở hữu của người khác như xe cộ, máy móc, đồ dùng, quần áo, thuốc men, thựïc phẩm.v.v. Hoặc khéo léo che đậy bằng cách ngụy tạo  giấy tờ hoặc lợi dụng sơ hở của luật pháp (loopholes) như khai man để trốn thuế, để ăn tiền trợ cấp xã hội (welfare &foodstamps), trợ cấp tàn tật (disabilities) hoặc lấy bồi thường của bảo hiểm về tai nạn xe cộ.

Đây là một dịch vụ công khai gian lận rất thông dụng ở Mỹ. Cụ thể, khi có tai nạn xe cộ xảy ra,  những người làm dịch vụ này thường tìm đến các nạn nhân để xin thay mặt lo việc bồi thường. Về mặt pháp lý thì đúng vì người bị tai nạn và xe bị hư  được quyền đòi phiá gây tai nạn phải bồi thường cân xứng. Do đó, những người làm dịch vụ xin bồi thường cấu kết với luật sư và bác sĩ để chứng thương nhiều hơn hay ít là đến mực bảo hiểm phải bồi thường theo luật.Tiền bồi thường nhờ luật sư thay mặt đòi hộ sẽ được chia theo tỷ lệ giữa bác sĩ, luật sư,  người lo dịch vụ và người được bồi thường.ï

Nếu quả thực thiệt haị về vật chất và sức khoẻ mà đúng như lời khai và giấy chứng nhận thì không nói làm gì vì đó là sự công bằng đòi hỏi phải đền bù cân xứng với thiệt hại đã gây ra. Nhưng nếu chứng gian, khai gian việc này để lấy tiền của bảo hiểm mà chia nhau thì tất cả những ai tham dự vào việc này đều lỗi đức công bằng mà điều răn thứ bảy đòi buộc tuân giữ.

Nói rõ hơn, người Công Giáo làm dịch vụ này hoặc nhận tiền khai gian nhờ dịch vụ này thì chắc chắn phạm tội lỗi đức công bằng.

Không thể lý luận rằng các hãng bảo hiểm thu được rất nhiều tiền của các thân chủ nên bằng mọi cách mình phải lấy lại của họ. Họ làm ăn bất chính cách nào mặc họ, nhưng đức công bằng không cho phép ta lấy tiền của họ cách trái với  lương tâm và đạo đức. Người có đức tin thì phải sống đức tin  trong mọi hoàn cảnh và mọi trường hợp. Nghĩa là không có luật trừ nào cho phép chứng gian hay khai man để lấy tiền của ai cả. Điều này cũng áp dụng cho những trường hợp khai gian để hưởng các trợ cấp xã hội khác  như welfare, foodstamps, trợ cấp thất nghiệp ( làm tiền mặt và khai thất nghiệp) xin ly dị giả để hưởng trợ cấp single parents và Medicaid  hoặc nhận làm hôn thú giả để lấy tiền của những người muốn vào Mỹ định cư theo diện kết hôn. Tất cả đều lỗi đức công bằng vì  gian  tham trái phép.

2- Về câu hỏi thứ hai, xin được trả lời một lần nữa như sau :

Trong thời đại  ngập tràn “văn hoá sự chết” hiện nay ở khắp nơi, người ta không từ bỏ một hình thức hay phương cách nào để kiếm tiền dù hậu quả là đầu độc cả một thế hệ nhất là giới trẻ về mặt tinh thần. Vì thế, người ta đã và đang đầu tư mạnh vào kỷ nghệ sản xuất sách báo và phim ảnh dâm ô để kiếm tiền, bất chấp những hậu quả tại hại cho sự phát triển lành mạnh về tinh thần và đạo đức của người lớn và trẻ con. Đây là sự dữ mà Chúa Giêsu đã lên án xưa kia:

“ Không thể không có cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã. Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô  xuống biển còn lợi cho nó hơn là để cho nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã.” (x. Lc 17:1-2)

Tại sao nạn giết người, bắt cóc, hiếp dâm xẩy ra nhan nhản hàng ngày ở khắp nơi ?

Tai sao trẻ con mới 8, 9 tuổi đã phạm những tội tầy trời này ?

Câu trả lời đúng nhất là tại phim ảnh, sách báo đồi truỵ được công khai bày bán ở các tiệm sách báo hay trình chiếu trên TV ngày đêm !

Như thế rõ rệt cho thấy những phim ảnh, và sách báo vô luân kia đã và đang gây ra những tác hại to lớn về mặt luân lý đạo đức cho những ai xem và đọc những sản phẩm đồi truỵ này. Vì thế, những người sản xuất, những ai tiếp tay để phổ biến và những người xem hay đọc những sách báo phim ảnh dâm ô này đều có lỗi nặng về mặt luân lý  đạo đức.

Nói rõ hơn, người Công giáo không những không được phép xem và đọc những sản phẩm vô luân này mà còn không được phép tiếp tay để quảng bá, giúp tiêu thụ những sản phẩm xấu đó nữa. Cụ thể, mở tiệm buôn bán phim ảnh(Video, DVD) và sách báo dâm ô là tạo dịp tội cho người khác sa ngã như Chúa Giêsu đã lên án trên đây. Cũng mắc tội làm cớ cho người khác sa ngã phải kể thêm những người quảng cáo và chỉ vẽ cho người khác những phương tiện và phương cách để hưởng thú vui xác thịt cách bất chính như quảng cáo sửa nắn thân thể, mô tả chi tiết các hành động dâm đãng và buôn bán những chất kích thích dâm tính..Cần phân biệt rõ sự chăm sóc sức khoẻ cho cơ thể (health care) hoàn toàn khác xa việc sử dụng cơ thể cho những thú vui bất chính, vô luân.

Tóm lại, những ai muốn sống theo đường lối của Chúa thì chắc chắn không thể coi thường lời Chúa cảnh cáo về nguy cơ của gương xấu, dịp tội. Muốn tránh tội, phải tránh dịp tội.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC
Bài Luận Văn Cuộc Đời

 

Thân gởi bài viết này đến tất cả các bạn sinh viên. Hết lòng cám ơn cô L.T.T.H. đã dạy em viết luận Anh ngữ năm 1997. Nhờ sự nhiệt tâm của cô mà hôm nay em chia sẻ những suy nghĩ về bài luận văn cuộc đời.

Bạn thân mến, bài luận văn hoàn chỉnh được viết trên giấy là bài luận có đủ những yếu tố sau: (1) phần mở bài, (2) phần thân bài, (3) phần kết luận. Ở phần mở bài (introduction), điều khó nhất và cần thiết nhất là phải viết cho được câu chủ đề (thesis statement) và các ý để khai triển câu chủ đề ấy (supporting points). Phần thân bài (body) là phần triển khai các ý tưởng để bổ túc cho câu chủ đề; phần này gồm nhiều đoạn văn (paragraph). Cuối cùng phần kết luận (conclusion), đây là phần nói lại câu chủ đề và các ý triển khai theo một cách khác, ngắn gọn hơn.

Bạn thân mến, nhìn vào cuộc đời của mỗi người, có lẽ nó cũng chẳng khác gì bao nhiêu khi ta viết đời ta như một bài luận văn. Cách chung mà nói, đời người ai ai cũng trải qua phần mở đầu, phần thân bài và phần kết luận. Thực tế, có những em bé chỉ mới chào đời thì đột ngột chết đi. Chúng ta không có cơ hội để biết câu chủ đề của em. Nhưng phần lớn, ai cũng có khả năng để hoàn tất bài luận đời mình, nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều người vẫn không hoàn tất bài luận văn đời mình.

Có những người loay hoay mãi mà vẫn không viết ra được câu chủ đề (thesis) cho đời mình. Đáng lẽ họ phải viết cho được câu chủ đề bắt đầu từ lúc 18 tuổi, nhưng thật không may, có rất nhiều người đã không viết được câu chủ đề; thậm chí là có người đã 50 hoặc 60 mà vẫn loay hoay không tìm thấy chủ đề, mục đích của đời mình. Đó là bài luận không có chủ đề, ưa viết gì thì viết. Cuộc đời không có lý tưởng, mục đích rõ ràng.

Có những người viết được câu chủ đề rất sớm, nhưng không biết làm sao để khai triển câu chủ đề trong phần thân bài. Cuộc đời họ cứ giữ mãi lý tưởng mà không triển khai những lý tưởng ấy thành những hành động thực tế, hữu đời. Ôm mộng và chết trong mộng. Họ không viết được phần thân bài, và dĩ nhiên, bài luận cũng dang dở, không hoàn tất được. Đây là bài luận không có thân bài.

Có những người lại viết một lúc hai, ba câu chủ đề trong phần mở bài. Vì có quá nhiều chủ đề và mục đích cho đời mình, nên họ triển khai đời mình với nhiều hướng khác nhau. Cuộc đời trở nên xáo trộn, bất an, mất phương hướng. Dù họ có đi tới phần cuối bài luận văn của đời họ, bài luận này cũng chẳng nói lên được điều gì, và cũng không ai có thể hiểu được ý nghĩa của đời họ. Đó là một bài luận lạc đề.

Có những người viết câu chủ đề cho đời mình rất hay và rõ ràng. Nhưng khi bước vào thân bài, triển khai nó, họ gặp thử thách, khó khăn, nghịch cảnh…họ chán nản, họ liền quay trở lại và xóa bỏ câu chủ đề ấy đi và loay hoay tìm một câu chủ đề khác. Nhưng khốn thay, thời gian cho phép để viết bài luận đời mình cũng có giới hạn. Bài luận viết chưa xong thì đã phải nộp. Đó là bài luận chưa có phần kết.

Có những người viết được chủ đề, nhưng phần triển khai chủ đề ấy (supporting points) lại chẳng ăn khớp với chủ đề. Họ như những người nói một đàng nhưng làm một nẻo. Việc làm và lời nói không đi với nhau. Họ chọn cho mình một lý tưởng sống rất đẹp, cao thượng, nhưng cách họ sống thì không phù hợp với lý tưởng đó. Đó là một bài luận không logic.

Bạn thân mến, đời bạn cũng cần có một mục đích lý tưởng như một bài luận cần phải có một câu chủ đề. Chính câu chủ đề của bài luận văn sẽ giúp cho bạn không bị lạc đề mà vẫn luôn luôn bám sát “sợi chỉ đỏ”. Lý tưởng của đời bạn cũng cần thiết và quan trọng như thế đó.

Thời sinh viên là thời để bạn “viết” câu chủ đề. Nếu chưa viết được câu chủ đề, thì đừng vội buớc vào phần “thân bài”. Chưa tìm ra chủ đích, lý tưởng của đời mình thì hãy khoan hành động, và khoan “tự xây dựng” đời mình. Đừng đụng đâu viết đó. Cuộc đời và thời gian không cho phép bạn dễ dàng xóa câu chủ đề và viết lại chủ để khác đâu!

Khi đã tìm ra chủ đề, mục đích lý tưởng của đời mình, bạn hãy mạnh dạn triển khai nó đi. Hãy chia nó ra thành những đoạn đời như là những đoạn văn vậy. Hãy kiên nhẫn triển khai từng đoạn một thôi, và đừng nản chí tháo lui. Cẩn thận hoàn tất từng đoạn này rồi bắt tay vào đoạn khác. Có như thế bạn sẽ không bị lạc đề, mất phương hướng. Hãy cố gắng bổ túc cho mục đích và lý tưởng của đời mình bằng mọi giá. Cũng như mọi câu văn đều bổ túc cho chủ đề của bài luận, thì mọi hành động của bạn cũng hãy phục vụ cho lý tưởng của đời mình.

Cầu chúc bạn đi cho tới phần kết luận. Chúc bạn viết bài luận đời mình thật hay, rõ ràng, trong sáng, sâu sắc, dễ hiểu, logic, và có ý nghĩa. 

HuynhQuảng

VỀ MỤC LỤC
TRÁNH TRANH CHẤP QUYỀN HÀNH (2)

 

Bé Tân 5 tuổi rưỡi được giữ ở nhà vì trời quá lạnh. Vào một buổi chiều, trời trở nên ấm áp, tuyết bắt đầu tan, và cậu bé muốn chạy ra ngoài chơi. “”Không được con ơi, vì con còn ho lắm”. Thằng bé nhảy đổng lên. Một lát sau bà mẹ nghe thấy tiếng cữa khép lại. Cậu bé đã mặc đồ tuyết và mang giày tuyết chạy ra ngoài trời. Bà mẹ chạy theo, nắm lấy tay nó, và bảo nó vào nhà. Nó kháng cự. Bà mẹ bế nó lên và mang nó vào nhà với lời nài nĩ: “ Con ơi, mẹ van con không được chơi ngoài trời hôm nay”. Thằøng bé làm trận và khóc to. Bà mẹ cởi bộ đồ tuyết của nó ra vì bà biết rằng mặc vào thì quá nóng. Cậu bé giận dữ lao vào cữa. Bà mẹ đứng yên lặng và giữ chặt cánh cữa. Bà không nói gì thêm, cũng không cố gắng kiềm hãm cơn giận của nó. Nó bắt đầu ho dữ dội như một kết quả của việc khóc la và cố gắng vùng vẫy. Bà mẹ không nói gì, chỉ tiếp tục cản lối không cho nó ra. Cuối cùng cậu bé kiệt sức, lẩm bẩm: “Con ghét mẹ, con ghét mẹ, con ghét me!ï” Nó chạy vào phòng và leo lên giường. Bà mẹ tiếp tục công việc của bà và để mặc kệ nó tự chấm dứt cơn giận của nó. 

Đối với một quan sát viên chưa được huấn luyện, điều nầy xem ra là một sự tranh chấp quyền hành. Cậu bé muốn ra ngoài, bà mẹ dùng sức mạnh ngăn cản nó. Tuy nhiên, bà đã không đi vào việc tranh chấp. Bà chỉ muốn bảo tồn trật tự được đòi hỏi bỡi tình thế đó. Đâu là sự khác biệt? Nó nằm trong thái độ của bà mẹ. Bà mẹ bắt buộc phải cứng rắn để bảo tồn trật tự. Bà đã làm cả hai mà không hề có chút cảm giác giận dữ, thất vọng, hay quyền hành. Trong trường hợp nầy, trật tự có nghĩa là bảo toàn sức khỏe. Cuộc chiến giữa cậu bé và mẹ nó không là cuộc chiến giành quyền hành vì bà mẹ không muốn đi vào trong đó. Đây là điểm then chốt. Bất cứ khi nào chúng ta ngạc nhiên, không biết tình huống đó có phải là một trận chiến về quyền hành hay không, chúng ta có thể hỏi: “Cái mấu chốt trong việc đó là gì?” 

Nhiều cha mẹ lừa dối chính mình trong cảm giác là: họ làm những việc đó cho lợi ích của con cái. Nào, có thật vậy không? Hay vì danh dự chúng ta? Chúng ta có được gì không? Sẽ có sự thõa mãn cá nhân nếu đứa trẻ chịu nghe? Chúng ta có muốn được biết như là những bố mẹ tốt? Thành công? Chúng ta muốn là những kẻ bề trên? 

Một cách khác, để khám phá ra chúng ta có dấy mình vào trong cuộc tranh giành quyền hành hay không là hãy nhìn vào kết quả của nó. Đứa trẻ có tiếp tục làm điều như vậy cho dầu chúng ta có giáo dục nó? Nó có tỏ sự kháng cự không? Chúng ta có giận dữ? Có trả thù không?

Cách thứ ba là xem giọng nói của chúng ta. Chúng ta nói như ra lệnh? Giận dữ? Nhấn mạnh? Đòi hỏi? Sự cứng rắn thường được diễn tả qua cách yên lặng trong khi sự tranh quyền thường được nhấn mạnh bỡi những ngôn từ giận dữ và tranh cãi.

Cậu bé nổi giận vì nó không thể làm theo cách nó muốn. Mẹ nó không để ý đến câu “con ghét mẹ”. Bà biết đó chỉ là tức thời và là phản ứng bình thường của đứa trẻ. Giữ được trật tự, bà không còn quan tâm nữa. Cậu bé đã giải quyết phần còn lại của vấn đề cho chính mình. Nếu bà mẹ đi vào cuộc chiến, bà đã thật sự dấy mình vào trong những phản ứng sau đó. 

Bà mẹ đậu xe ngoài văn phòng bác sĩ. Cu Minh 2 tuổi không chịu đi ra. Bà mẹ năn nỉ. Cậu bé từ chối. “Con ơi, đến giờ hẹn của mẹ rồi. Nào, hãy là con trai ngoan của mẹ đi!” Cậu bé vẫn không chịu ra. Bà mẹ quay sang người bạn, hỏi: “Tôi phải làm gì bây giờ?” 

Bà mẹ có thể bế nó ra. Cứng rắn, yên lặng để giữ trật tự và phù hợp với nhu cầu của tình thế. Bà không cần giận dữ. Không có vấn đề chiến tranh nếu bà mẹ vẫn giữ được sự êm đềm, không nóng nảy.

Để hiểu được cuộc chiến tranh giành quyền hành cách đầy đủ và để phát triển những kỷ thuật đối phó với nó, chúng ta phải tái thẩm định vị thế chúng ta như là cha mẹ. Chúng ta phải ý thức về vai trò mới của chúng ta như là những nhà lãnh đạo và phải từ bỏ hẳn ý tưởng về quyền hành. Chúng ta không có quyền hành trên con cái chúng ta. Chúng biết điều đó ngay cả khi chúng ta không biết. Chúng ta không có thể ra lệnh hay áp đặt. Chúng ta phải học cách hướng dẫn và cách khích lệ. Dưới đây sẽ chỉ cho chúng ta những thái độ cần có để làm tăng sự hài hòa và sự công tác trong gia đình. Bên trái chúng ta sẽ kê khai những thái độ độc tài và bên phải là những thái độ cần có để thay thế. 

Một khi những thái độ được liệt kê bên phải thành bản tính thứ hai, chúng ta ít bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp quyền hành. Nếu sự chú ý chúng ta tập trung vào nhu cầu của tình thế hơn là chú ý đến cái tôi, chúng ta sẽ khám phá ra cách thế để kích thích đứa trẻ đáp trả. Khi chúng ta đến với đứa trẻ với sự nhất quyết bắt nó phải làm một cái gì, nó cảm được điều đó và sẽ lập tức phản ứng, nổi loạn.  

Xã hội độc tài                                         Xã hội dân chủ

Bộ mặt quyền hành                                Lãnh dạo hiểu biết

Sức mạnh                                               Ảnh hưởng

Áp lực                                                    Cổ động

Ra lệnh                                                  Được cộng tác

Hình phạt                                              Thuyết phục

Khen thưởng                                           Khích lệ

Áp đặt                                                    Cho tự quyết định

Trẻ con phải được theo dõi                     Lắng nghe. Tôn trọng con trẻ

Chúng mầy hãy làm vì ta bảo                 Chúng ta hãy làm vì cần thiết

Trọng tâm là danh tiếng                         Trọng tâm là hoàn cảnh

Sự dấy mình cá nhân                              Sự tách rời đối tượng 

Nhiều luật lệ đã được thảo luận và áp dụng vào chuyện tranh chấp quyền hành. Quan trọng nhất là kiên vững về cái mà tôi sẽ làm, không phải về cái mà tôi săùp bảo trẻ làm. Cha mẹ như là một nhà lãnh đạo, quyết định cái gì là nhu cầu thiết yếu của tình thế và hãy làm để hoàn thành những đòi hỏi đó chứ không phải cho sở thích riêng mình. Thông cảm, khuyến khích, tương kính, trật tự, và cộng tác, tất cả đều được thể hiện như một phương pháp giải quyết vấn đề tranh chấp. Dĩ nhiên, khi sự tranh chấp xảy ra, dùng lý luận thì không ổn thõa. 

Trên tất cả, bước quan trọng nhất đối với cha mẹ là hãy nhận thức phần mình trong cuộc chiến. Điều nầy không phải dễ. Điều đó đòi hỏi một sự cảnh thức ngay tức khắc, nếu không chúng ta sẽ dấy mình vào cuộc chiến mà chúng ta không biết. Nó đòi hỏi một sự tự nhắc nhở: tôi thật sự không thể khiến con trẻ tôi làm bất cứ cái gì. Tôi không thể ép chúng làm gì và cũng không thể bắt chúng ngưng làm việc gì. Tôi có thể thử những phương cách trong sách nhưng tôi không thể bắt chúng cộng tác. Điều đó không thể ép buộc. Nó phải bắt nguồn từ chúng. Hành vi thích hợp phải được khích lệ. Tuy nhiên, tôi có thể dùng sáng kiến, tình cảm, và óc khôi hài để thuyết phục. Điều nầy khiến cho cha mẹ làm việc nhiều hơn là dùng sức mạnh. Nếu biết phát triển những điều đã nói đó, nó sẽ mang lại một lực sáng tạo cho chúng ta. Một khi chúng ta biết được những qui luật rồi, nhiều cách thế khác sẽ đến với chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải ý thức sự việc nầy là: chúng ta nên làm một cái gì khác hơn là chuyện dùng sức mạnh để ép buộc.

lm.levanquang, tiến sĩ tâm lí

VỀ MỤC LỤC
HÃY TRAO CHÚA CHO CHÚNG  CON !

 

Nguyên tác: ”Lettres d’amour aux prêtres” –  “Thư tình gửi các Linh mục”

của Catherine DE HUECK DOHERTY

Người chuyển ngữ, Đình Chẩn.

CHƯƠNG VII 

HÃY TRAO CHÚA CHO CHÚNG  CON !

 

Sự khát khao của con người tìm gặp Chúa dâng lên như sóng biển chẳng có gì có thể ngăn lại được; không cần phải đợi lời giải đáp. Hoặc là chúng ta sẽ trả lời cho họ hoặc là một ai đó. Thế gian vẫn tìm kiếm Thiên Chúa khắp nơi. Những người “Hippi”-“Những kẻ lập dị” đi khắp các lục địa đến tận Ấn Độ để tìm Thượng Đế. Hiện nay, những kẻ ấy không còn nữa, nhưng sự khao khát của con người thì vẫn luôn còn đó. Nhất là giới trẻ vẫn tiếp tục đi khám phá khắp nơi để tìm ra Chân Lý. 

Con người vẫn không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng sự sợ hãi lại ngăn cản họ kiếm tìm. Chỉ có điều khá kỳ lạ rằng chính những người đã được Thiên Chúa tác động cách đặc biệt lại là những người hay sợ hãi hoặc do sứ vụ của người Tin lành hoặc do những nghi thức thánh thiêng bất thường của  Dòng tu Giáo hội Công Giáo. Chúng con, những giáo dân bình thường, hướng về những người đó van xin lời giải đáp. Chúng con nhận thấy cần phải có ai đó trao Chúa cho chúng con. Chúng con muốn nói là: Ai trao Lời Chúa cho chúng con!

Làm sao người này có thể “ trao Chúa” cho người kia được?  Cứ cho rằng người ta sợ Thiên Chúa trong giây lát. Họ có vẻ như mất niềm tin vào chính mình. Họ đang tìm kiếm căn tính của mình. Họ tìm lại cái họ gọi là “ Cộng đoàn “. Nhưng liệu họ có  tìm lại  Alpha và Ô-mê-ga không? Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ( với cộng đoàn ấy chúng con trở nên một, đó là Ba Ngôi Đấng Thánh, nhất là đối với những người của Chúa ). Cộng Đoàn Ba Đấng tối cao rộng lớn, mầu nhiệm, vượt quá trí hiểu, oai nghiêm và đầy lòng thương xót. 

Một khi chúng ta được vào trong ngọn lửa yêu thương của cộng đoàn này, như Chúa Giêsu đã nói : chúng ta cũng sẽ làm được những điều lớn lao như Người và còn hơn thế nữa. Một trong những phép lạ lớn lao mà một sinh linh có thể làm được là Loan báo Tin Mừng Nước Trời. 

Chúa Kitô hiện diện cách đặc biệt trong Thánh Thể và trong Kinh Thánh-Lời Chúa. Người được rao giảng Lời Chúa là một phép lạ do Ân sủng Chúa ban bởi không phải người đó rao giảng mà là chính Chúa nói qua con người. Và để rao giảng, trước tiên, phải nên một với Chúa, kết hợp mật thiết với Người! Cha có biết  chúng con đói thứ gì không? Những bài giảng chăng? Giải đáp các vấn nạn Thần học hay học thuyết chăng? Hay Giáo Lý?  Không, chúng con cần được dạy dỗ, hướng dẫn, chữa lành vết thương bằng Lời Chúa, bằng Tình Yêu. Hãy dạy chúng con biết yêu thương, hãy dạy chúng con biết yêu thương thực sự. Hãy dạy chúng con biết cầu nguyện.

Cha đừng thoả mãn tính tò mò của chúng con. Chúng con xin cha không chỉ dạy chúng con về Thiên Chúa mà còn dạy chúng con nhận biết chính Chúa. 

Hãy dạy chúng con yêu mến và nhận biết Thiên Chúa. Nói đúng ra, người ta không thể tìm thấy Thiên Chúa trong sách vở ngoại trừ Kinh Thánh.

Hãy giúp chúng con nhận biết Chúa : Thiên Chúa tỏ mình ra cho những ai yêu mến thành thực, cho những ai lắng nghe Lời Chúa -Lời đã đến với chúng con khi thì như tiếng gió nhẹ thì thào lúc xuân sang, lúc lại giống như cơn giông khiến chúng con khiếp sợ!

Đừng sợ! Đừng tìm “căn tính” cho mình. Cha đã có căn tính rồi! Cha là người được Thiên Chúa tuyển chọn và chúng con-những con chiên của cha, chúng con biết điều đó. Không đúng vậy sao cha?

Cha đừng sợ! Chúng con yêu mến cha ngay cả khi chúng con có vẻ chống đối cha, trách móc cha. Cũng rất đơn giản bởi một số người trong chúng con nghĩ rằng chúng con không thể tin tưởng vào cha nữa, ngay cả khi đó cha cũng đừng sợ. Cha không thể sợ được. Cha nhớ không, cha đã được Thiên Chúa tuyển chọn, thế nên, chính Chúa nói qua cha chứ không phải là cha nói. Hãy cho chúng con được nghe tiếng Chúa nói và chúng con sẽ nhận biết Chúa. Cũng như cha, chúng con không thể biết hết về Thiên Chúa được, nhưng chúng con sẽ nhận biết Chúa bởi cha đưa Chúa đến cho chúng con và cha để Chúa nói qua miệng cha.

Nhưng Chúa nói thế nào được nếu cha đi tìm khắp chốn căn tính của mình? Nếu như cha quá bận rộn với việc đi tìm cho mình một cộng đoàn? Nói thế nào được nếu như cha chỉ nghĩ đến những mối liên vị?

Con cũng chẳng hiểu thế nào là mối liên vị, ít ra trước tiên con có mối liên hệ mật thiết với Ba Ngôi Đấng Thánh, với Chúa Giêsu người anh của con, với Maria Mẹ của con.

Ngày nay, người ta nói rất nhiều đến cộng đoàn này nọ. Cha là thành viên của dân Chúa, chính vì vậy cha ở trong cộng đoàn. Cộng đoàn này yêu mến cha và chờ đợi ở cha, không phải ở tài hùng biện, nhưng là cái gì đó vượt trên cả tài hùng biện, hơn cả những lời bóng bẩy chau chuốt hay những bài giảng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Không, còn hơn cả thế cơ. Điều mà cộng đoàn chờ đợi cha là tiếng nói từ sâu thẳm tâm hồn cha, bởi vì cha đã nghe được tiếng lòng mà Chúa đã nói trong cha. Khi đó chúng con sẽ biết là Chúa nói qua cha.

Lúc này đây, con nghĩ đến một Con Người ngồi trên đồi xanh đang nói với những người không biết đọc biết viết, phần lớn họ là những người làm bếp, nô lệ và mù chữ. Những người được dạy không ngồi trên cỏ. Có thể, họ còn đang đứng, nhưng họ  không nghe bởi họ không có tai để nghe. Trái tim chúng con luôn khao khát kiếm tìm Thiên Chúa. Hãy trao cho chúng con những kinh nghiệm về Thiên Chúa khi cha ở lại với Người trong thinh lặng sâu thẳm.

Nếu cha hỏi một người Nga thế nào là cầu nguyện, cha sẽ nhận được câu trả lời rằng:” Cầu nguyện đó là ở lặng trước Thiên Chúa, để mà có thể nói với người khác. Hãy cho chúng con thứ khoa học này. Dẫu cha có nói lắp cũng không hề gì. Hay cha e sợ một chút, đối với con cũng không mấy quan trọng. Ai không sợ đứng vững trong đức tin, trong những bóng tối vượt quá mọi lý trí và mở rộng miệng ra. Nhưng Người đã nói:” Hãy mở rộng miệng con ra và Ta sẽ cho đầy ứ!” Lo sợ một chút là khởi đầu sự khôn ngoan!

Hãy dạy chúng con biết Chúa để gặp được Chúa trong cầu nguyện và trong khi học hỏi Lời Chúa. Lời Chúa là người Thầy mầu nhiệm lạ lùng. Có thể cha là tiến sĩ Kinh Thánh và đã quá quen với bản văn, nhưng nếu cha đọc Kinh Thánh với lòng khiêm hạ, ánh sáng Thần Khí Chúa sẽ chiếu soi trên từng Lời  và Lời Chúa sẽ mở ra trước mắt cha như một bông hoa hay một quả hạnh đào được bóc lớp vỏ ngoài.

Hãy dạy chúng con biết Chúa như Cha biết. Hãy dạy chúng con cầu nguyện vì cha là người cầu nguyện. Chúng con có biết cha là người cầu nguyện hay không, cha không cần phải nói, vì chúng con là đoàn chiên của cha và cha là chủ chiên, chúng con biết tiếng cha và cha biết chúng con.

Chúng con biết tiếng cha bởi vì Chúa đã nói với chúng con rằng Chúa yêu thương chúng con và thực sự chúng con là những đứa con. Đừng chú ý đến những gì loè loẹt giả tạo hiện nay nơi chúng con. Dân chúng ngày nay thích loè loẹt. Họ đến chỗ này, đi chỗ kia, châm chọc ở đây, hay bỏ rơi chỗ kia với con dao thắt lưng, hay ít ra người ta nghĩ đến điều đó. Khi đó, con chỉ muốn đến với cha mang theo“dầu”-cảm xúc và rượu-lòng trắc ẩn trong tim để chữa lành những vết thương tâm hồn cha và con biết có vết thương rất nặng. Nhưng ngay cả khi đó, cha hãy vui mừng: Cha hãy nhìn xem cách mà dân chúng đã đối xử với Chúa Kitô thời xưa; những thầy Lê-vi và cả hệ thống thời bấy giờ đã đối xử như thế nào với Chúa Kitô. Rất có thể, chính sự bất an trong tâm hồn cha là dấu chỉ Chúa muốn để cha chạy đến với Chúa để được chữa lành, chứ không phải chạy đến van lạy cả ngàn phương thuốc tâm lý hay tâm thần nào khác. Không phải vì những phương thuốc ấy có vấn đề. Nhưng chúng không thoả mãn được ước muốn trong lòng cha; bởi lòng cha khao khát trao Chúa cho chúng con, cũng như lòng chúng con khao khát đón nhận Chúa. Từ sâu thẳm tâm hồn cha, Thiên Chúa đã gieo vào ước muốn trao Chúa cho chúng con.

Đừng sợ! Hãy dạy chúng con biết yêu thương, qua đó chúng con sẽ trả lời cho câu hỏi: Tình yêu có là một cảm xúc không? Tình yêu có là một trạng thái không? Hay nó có phải là một nhân vị không?  Phải chăng người con bác thợ mộc đã sống ẩn dật suốt 30 năm trong ngôi làng xa xôi hẻo lánh, đơn giản chỉ để đóng những chiếc ghế, chiếc bàn cho dân làng thôi sao? Thực tế, chỉ với ba năm rao giảng thì chẳng gây được ấn tượng gì với những quan quyền và cũng chẳng gây ảnh hưởng lớn lao đến giai cấp tư sản. Người đã loan báo Tin Mừng. Tiếng của Người và Lời của Người như hạt bụi trong gió. Loa phóng thanh đã mang Lời Người đi qua từng thế kỷ đến khắp mọi nơi trên thế giới và sẽ còn loan truyền mãi mãi.

Tình yêu là gì vậy cha? Có người cho rằng cần phải xây dựng gia đình để biết thế nào là tình yêu. Thế mà con đã hai lần kết hôn, liệu con có biết thế nào là tình yêu chưa ? Thật vậy, ( con nói điều này cho cha biết) con đã biết đến những khoái cảm ở xác thịt ; nhưng được rước lễ, được lãnh nhận Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô là được hạnh phúc sung sướng hơn hết, niềm hạnh phúc vượt quá trí hiểu. Khi Đấng Phu Quân ngự vào lòng con, Người che khuất, bao phủ trọn tấm thân con.

Hãy dạy chúng con yêu mến một Con Người, bởi Tình Yêu chính là một Con Người. Chừng nào, qua lời chia sẻ của cha, qua lời cha rao giảng cho chúng con-con chiên của cha, mà chúng con chưa gặp được Đấng là Tình Yêu, thì chừng ấy chúng con chưa biết được Tình yêu là gì, bất luận chúng con sống độc thân hay đã kết hôn. Độc thân hay kết hôn chỉ là cái gì đó chứ không phải là cội nguồn của tất cả tình yêu.

Hãy mạc khải cho chúng con biết về Thiên Chúa bằng vốn sống của cha về Chúa và bằng những kinh nghiệm của cha về Thiên Chúa. Đừng ngại nói cho chúng con những lời trong trái tim cha.  Người dân Nga thường nói : «  Hãy đặt tâm trí của bạn vào con tim và người ta sẽ lắng nghe bạn ».  Con không phải là Thần học gia để mà giải thích cho cha, nhưng có một cuốn sách sẽ nói cho cha « Nghệ thuật cầu nguyện » có thể giải thích được. Triết lý phương Đông thật là « mông lung » nếu cha không nắm được nó. Nhưng, về căn bản, không cần phải tinh thần phương Đông hay phương Tây nào hết, mà là tinh thần Kitô Giáo. Vậy thì, hãy dạy chúng con biết cầu nguyện biết yêu thương.

Ngày nay, có thể cha đang kém tin tưởng, thậm chí rất sợ hãi nữa ! Tuy nhiên, Chúa nói : « Ở đâu có hai hay ba người tụ họp nhau lại vì danh Thầy thì Thầy sẽ ở giữa họ ». Chúa vẫn đang ở đây và ở khắp nơi. «  Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi ». Thật là những lời mầu nhiệm phải không cha ? Trong khi, đó là những thứ chúng con đang đói. Với chúng con, dẫu cha béo hay gầy, thu hút hay không, điều đó không quan trọng. Chúng con không quan tâm đến vẻ bề ngoài đó. Hãy dạy chúng con biết Chúa.

Cha còn sợ chi nơi nào nữa ? Hãy kể cho chúng con dụ ngôn như Chúa đã làm : Tốt hơn, cha nên kể những câu chuyện đơn giản. Có thể, có người trong chúng con là Tiến sĩ Triết học, hay Thần học gia giáo dân, nhưng chỉ khi cha nói với chúng con bằng những dụ ngôn như Chúa nói, thì chúng con sẽ nhận biết Sự Thật và Sự thật sẽ giải phóng chúng con và cha cũng sẽ được tự do thực sự, bởi trong khi dùng các dụ ngôn mà rao giảng thì cha sẽ biến mất và chính Chúa sẽ xuất hiện.

Con chẳng có gì tặng cha ngoài một Tình yêu bao la con dành cho Thiên chức Linh mục. Cha nói đến điều mà người ta gọi là mối liên vị ( Ai yêu thương sẽ biết được thế nào là mối liên vị). Người đó yêu thương tất cả mọi người bởi Chúa Giêsu  đã nói : «  Anh em hãy yêu thương nhau ». Khi cha yêu thương một ai đó thì đó chính là mối liên vị giữa cha và người đó. Cha được kêu gọi yêu thương hàng ngàn người trong suốt cuộc đời cha và với từng người trong những mối liên vị để dẫn đưa họ về với Chúa. Chỉ thế thôi cũng đủ liên vị rồi.

Thời nay, các Đức Giám Mục vẫn còn là mục tiêu cho người ta chống đối. Gần đây có vẻ ít hơn, nhưng các ngài luôn là những mục tiêu mà người ta nhắm tới. Người ta ( Giáo dân, Linh mục) tìm cách chống lại nhau. Tại sao vậy ? Thậm chí cả Đức Thánh Cha cũng không thoát khỏi cơn giận dữ ấy. Đức Ái đâu rồi ? Làm sao cha có thể rao giảng Đức Bác Ái, trong khi chẳng thấy Đức Ái đâu trong những cuộc tranh luận này ? Mức độ bạo lực đến đâu không quan trọng. Con cầu xin cha : Đừng là những sứ giả hoà bình cố gắng ngăn chặn chiến tranh bằng cách chống lại người anh em mình.

Làm sao cha có thể giảng Lời Chúa và làm sao cha có thể nghe được ?  Nếu trái tim con, hay trái tim cha, hay trái tim một ai đó chất đầy giận dữ chống lại Đức Giám Mục, Linh mục hay bất kỳ một ai khác ? Trước khi tiến đến bàn Thánh, cha hãy làm hoà với anh em, nếu không cha xúc phạm đến Mình Thánh Chúa Kitô.

Ước chi cha có thể lắng nghe tiếng giáo dân, những người yêu mến cha, yêu mến Đức Giám Mục và yêu mến Đức Thánh Cha. Sao cha không ở lại trong Tình yêu của chúng con ? Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ở trong trái tim chúng con. Hãy rao giảng Lời Chúa cho chúng con !

Con chẳng biết nhiều về Luật Giáo Hội, về Thần học và tất cả những điều này, nhưng con biết một chút là Tình Yêu. Hãy nói cho chúng con biết những điều đó một cách giản dị không hoa mỹ. Hãy nói cho chúng con về sự đói khát của chúng con và của cha, và hãy nói rằng Đấng phán dạy chúng con qua cha có thể chữa lành và cho chúng con được no nê.  Chúng con sẽ đáp lại và sẽ đến với cha bởi cha là hiện thân Chúa Kitô, nhất là khi cha nói Lời Chúa. Cha có thể chữa lành vết thương của chúng con và có thể làm thoả mãn cơn đói trong tâm hồn chúng con. Tài hùng biện ư ? Không mấy quan trọng. Tài hùng biện chính là sự chân thành, là sự Thật, và thật vậy, chính cha là người nói sự Thật.

Về phần con, có thể có người cho rằng hơi điên rồ khi nói rằng hàng Giáo sĩ ( Tin Lành, Công Giáo, Do Thái Giáo…) cần trên hết là Lời cầu nguyện. Cha hãy  ở thinh lặng trước nhan Chúa để có thể nói cho chúng con. Cha hãy thổ lộ tâm tình với Chúa và  cha sẽ là nhà truyền giáo mà trẻ em sẽ theo trên đường. Hãy trao Chúa cho chúng con và chúng con sẽ đi đến với những người Do Thái để thanh tẩy và yêu mến họ. Chúng con sẽ làm việc. Chúng con sẽ cầu nguyện bởi chúng con được dạy làm như vậy. Vâng, cha sẽ chỉ cho chúng con con đường mà cha đã thấy, cha đã cảm nghiệm được, đã đặt chân tới, chính là Chúa, là Cha. Nhờ đó, chúng con cũng được chạm đến và biết được Đấng là Tình Yêu và chúng con sẽ “phải lòng’’ Đấng ấy. Cha sẽ trao ban Thánh Thần, Đấng đang ngự trong cha như là ngàn tia sáng dẫn lối chúng con đi.

Xin cha hãy nhớ rằng cha là Linh mục. Cha đừng bao giờ cố gắng trở thành một ai khác, khi nghĩ rằng như thế sẽ dễ dàng hơn. Chỉ có một cách duy nhất để cha đến với chúng con và để chúng con đến với cha đó là con Đường Thập Giá của Chúa Kitô. Thập Giá ấy vẫn mãi mãi đứng hiên ngang trong hào quang sáng chói.

Chúng ta sống trong Chúa Kitô phục sinh chứ không sống trong Chúa Kitô đã chết. Người vẫn đang ở cùng chúng ta bây giờ và mãi mãi. Hãy trao cho chúng con thứ Ánh sáng này! Hãy trao cho chúng con Niềm vui này! Hãy trao cho chúng con và sự khủng hoảng căn tính của cha sẽ được giải quyết và cha sẽ hiện diện trong Cộng đồng Ba Ngôi Đấng Thánh. Những mối liên vị của cha sẽ như là bài ca mà tất cả chúng con sẽ lắng nghe.

Chúng con sẽ lắng nghe tiếng hát của sự thinh lặng trong tâm hồn anh em đồng loại. Cha kính yêu, “phải lòng “Thiên Chúa, nên một với Cộng đồng Ba Ngôi Đấng Thánh cũng không phải là quá khó. Cha hãy ở lặng trước Nhan Chúa, để cha có thể nói cho người khác bởi Thiên Chúa đã nói trong cha. Như vậy, cha và con cùng đổi mới bộ mặt thế giới bởi chỉ có Tình Yêu mới có thể làm được điều đó, nhất là trong những lúc hận thù, chiến tranh, tuyệt vọng. Tình Yêu nói bằng mọi ngôn ngữ.

Điều đó thật đơn giản và thật khiêm tốn bởi vì chỉ có một Thiên chức duy nhất của Chúa Kitô là có sức mạnh. Con là thành phần dân Chúa, là chi thể mầu nhiệm của Chúa, là con chiên nhỏ trong đoàn chiên  của cha và hôm nay con nói với cha, trong lúc Giáo Hội đang kiệt quệ khoác trên mình chiếc áo rách tả tơi, con nói với cha:” Hãy dạy cho chúng con biết cầu nguyện. Hãy dạy chúng con yêu mến. Cha biết làm những việc đó, bởi cha là người sống cầu nguyện, sống yêu thương và bởi cha luôn kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Hãy nói cho chúng con theo cách mà cha ước mong bởi chính Chúa nói trong cha. Xin cha hãy nhớ rằng đó chính là Chúa nói. 

Con không ngừng cầu nguyện cho cha, bởi trong cảnh bần cùng của con, con chẳng thể làm gì khác được. Con van xin cha, hãy bắt đầu nhờ Chúa và tất cả những thứ khác Chúa sẽ thêm cho.

VỀ MỤC LỤC
Nếu đẹp lòng Chúa

 

Tác phẩm: Cầu Nguyện Cá Nhân: Bí quyết tình yêu và vui sống 

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

Phần thứ hai 

Đối thoại với Chúa thế nào? 

b  a 

Nếu đẹp lòng Chúa. 
 

Lắm lần bạn tự hỏi: Cần gì phải thưa với Chúa điều nọ điều kia, vì Chúa đã biết tất cả?  Phải xin Chúa cái chi? Tại sao bao lời cầu khấn chẳng được nhậm lời? Lời cầu nguyện của ta có tác dụng gì trên thế giới? Nơi Thiên Chúa? Có được phép cầu xin phép lạ không? v.v.

 Cầu nguyện có bảo chứng

Nếu bạn mua một vật gì có giá trị, người ta trao cho bạn một phiếu bảo hành. Người sản xuất cam kết cho bạn khỏi mọi trục trặc. Miễn là bạn sử dụng đúng theo chỉ dẫn, bạn có thể tin cậy sản phẩm vận hành kỹ thuật tốt, ít là trong thời hạn bảo hành. Tôi xin lỗi đã dùng một so sánh thô tục để nói về việc cầu nguyện ‘xin ơn’! Nhưng Chúa Giêsu đã muốn cho bạn những bảo đảm. Bạn hãy nghe Ngài nhấn mạnh: “Bạn hãy xin thì sẽ được; hãy tìm sẽ gặp; hãy gõ sẽ được mở cho. Ai xin thì sẽ nhận được; ai tìm thì sẽ thấy; ai gõ thì sẽ được mở cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh  em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, thì phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người’’ (Mt. 7: 7-11). 

Bạn muốn gì hơn nữa? Bạn có một người cha trên trời vô cùng tốt lành. Người biết bạn cần cái gì, cả trước khi bạn xin Người (Mt. 6: 8). Nhưng Người muốn sự tín nhiệm của bạn. Người chờ đợi lời cầu nguyện của bạn, trong niềm vui luôn luôn ban cho bạn nhiều hơn bạn xin. Sự bảo đảm mà Ngài ban cho bạn thuộc về lãnh vực tình yêu, chứ không phải lãnh vực thương mại. 

Thái độ của Chúa giống thái độ của người cha tuyệt vời nầy là thánh Thomas More (Nhân vật lịch sử nầy là thủ tướng của vua Henri VIII nước Anh. Vì từ chối theo vua trong việc đoạn tuyệt với Giáo Hội Công Giáo, Ngài bị chém đầu vào năm 1535. Ngay trước khi chết, Ngài nói với đao phủ: “Đừng chặt bộ râu của tôi, nó đã không làm chi xấu cả!’’). Là người cha gia đình tuyệt vời, người Anh đầy khôi hài và tốt bụng nầy ngày kia đã viết cho con gái xin ngài tiền như sau: 

“Con gái cưng của ba, con xin ba tiền cách quá nhút nhát và do dự. Con đã dư biết, ba con luôn sẵn sàng cho con, và lá thư của con lẽ đáng còn được hơn nữa, không phải hai đồng tiền vàng cho mỗi dòng chữ, như Alexandre đã làm cho mỗi câu thơ của thi sĩ Chérilus, nhưng nếu túi tiền của ba tương xứng với ước muốn của ba, thì sẽ là hai lượng vàng cho mỗi vần của lá thư con... Tuy nhiên, ba gởi cho con đúng số tiền con xin. Ba đã có thể thêm hơn chút nữa, nhưng nếu ba muốn cho, thì ba cũng muốn rất nhiều là con gái cưng của ba xin ba một cách nhã nhặn dễ thương, như nó biết cách làm. Vậy con hãy xài mau số tiền ấy đi - ba chắc chắn rằng con gái ba sẽ sử dụng tốt. Và con càng sớm trở lại nhiệm vụ, ba càng hài lòng.’’ 

Đọc qua lá thư, chắc bạn dễ dàng nghe Chúa nói: “Con ơi, con quá nhút nhát cầu xin Cha...’’ Nhưng bạn cũng đoán được rằng tất cả tùy thuộc vào cái bạn xin và tinh thần thúc đẩy bạn xin.

Xin với điều kiện

Điều kiện đầu tiên để được Chúa nhậm lời là bạn xin Ngài “những sự tốt lành.’’  Phúc Âm thánh Luca quả quyết nếu bạn xin Thánh Thần thì chắc chắn bạn sẽ nhận được (Lc. 11: 9-13). Tôi sẽ trở lại nói về Chúa Thánh Thần sau. Bây giờ, hãy xem vấn đề làm sao biết đánh giá “những sự tốt lành.’’ Cái đáng buồn là lắm lần chúng ta như những đứa trẻ không biết thẩm định những sự tốt lành (x. Mt. 11: 16-19). Chúng xin cha mẹ mua cho chúng khí giới để chơi trò chiến tranh, và chúng gặp phải sự từ chối ngay lập tức. Cha mẹ biết rõ hơn chúng cái gì thích hợp cho chúng. Với Thiên Chúa cũng vậy. Trước khi bạn trình bày với Chúa tất cả các nhu cầu của bạn, bạn hãy tìm khám phá ra cái gì Ngài nói và trình bày là tốt nhất cho bạn. Bạn hãy học thuộc lòng câu nầy: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự Công Chính của Người, rồi mọi sự khác sẽ được ban thêm cho bạn dư dật’’ (Mt. 6: 33). 

Bởi vì chúng ta bị mắc bẩy trong ảo tưởng của chúng ta về những sự tốt lành phải xin, nên cần thiết phải đặt mình trong sự tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Ba lời cầu xin đầu trong Kinh Lạy Cha sẵn đó để hướng dẫn chúng ta: Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Vậy bạn phải bắt đầu xin cái gì Chúa thích. Và chỉ sau đó, bạn xin những gì bạn trực tiếp thích nhất (xin cho chúng con..., xin tha cho chúng con..., xin chớ để chúng con..., xin cứu chúng con...). 

Bạn hãy thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con không biết rõ được cái gì con phải xin Chúa”. Bạn bắt đầu bằng việc giao cho Chúa tờ giấy trắng, Chúa ghi vào cho bạn. Chính Chúa biết rõ cái gì tốt nhất cho bạn. Bạn xin Chúa ban cho bạn ThánhThần, là Đấng mạc khải cho bạn tất cả chân lý về Chúa, về thế giới, về chính bạn. Bạn chỉ xin cho Thánh Ý Chúa được thực hiện. Tất cả con người bạn hướng về Chúa để thành thật nói với Chúa rằng: Nếu đẹp lòng Chúa, tất cả những gì đẹp lòng Chúa, chỉ những gì đẹp lòng Chúa thôi.

Hiệu quả cái lao

Nếu bạn thành khẩn thực hành lối cầu xin đó, bạn sẽ sớm nhận ra sự thay đổi trong cái nhìn của bạn. Hiệu quả đầu tiên của lời cầu nguyện là biến đổi chính con người cầu nguyện. Cái lao phóng đi bảo đảm biết bao! Đại văn hào Julien Green đã nói: “Mục đích của lời cầu nguyện có lẽ là chúng ta ít đạt được điều chúng ta xin cho bằng là chúng ta trở nên khác. Có lẽ nên đi xa hơn mà nói rằng việc cầu xin Chúa cái gì đó dần dần biến đổi chúng ta thành những con người có khả năng vượt quá điều mình xin.’’ Chẳng hạn hằng ngày bạn xin Chúa lương thực, bạn cũng trở nên đủ khả năng vượt quá của ăn vật chất, mà khám phá thấy những của ăn thiêng liêng dưỡng nuôi hơn nữa. 

Trong lời cầu nguyện xin ơn, mọi sự xem ra giống một chiếc tàu được kéo vào bờ bằng một sợi giây rất dài, càng kéo tàu càng gần bờ. Bạn càng cầu xin, bạn càng thấy bờ của Chúa tiến lại phía bạn. Bạn biết rõ, thực ra không phải Chúa cử động mà là chính bạn. Bạn càng kéo sợi giây cầu nguyện, bạn càng lôi chiếc thuyền của bạn tới đúng chỗ Chúa đang chờ đợi bạn. Chính vì thế, bạn đừng ngại xin những điều tốt lành cho chính bạn. Đó không phải là ích kỷ nhưng là thực tiễn. Có những người tưởng rằng họ rất quảng đại vì họ chỉ xin cho người khác, không bao giờ xin cho họ... Họ quên đi rằng họ chưa được Thánh Thần Chúa Kitô biến đổi đủ, để lời cầu xin của họ hoàn toàn phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa. Không được giảm thiểu lời cầu nguyện cho kẻ khác, nhưng cũng phải cầu nguyện nhiều cho chính mình, như một người nghèo, chứ không phải là xa xỉ. 

Bạn nên xin gì cho bạn? Trước hết là ơn cầu nguyện sốt sắng. Những nhân đức kitô giáo mà bạn nổ lực thực hành: khiêm tốn, vui vẻ, dịu dàng, nhẫn nại, giản dị, trong sạch, niềm nở, tín nhiệm, can đảm, tự chủ. Bạn đừng ngại tha thiết cầu xin những sự tốt lành ấy cho bạn. Bạn hãy miệt mài kêu xin. Chúa muốn bạn khẩn khoản cho đến đỗi Chúa phải mềm lòng, như người đàn bà góa kêu oan với ông quan tòa bất lương, và đến cuối cùng bà đã đạt được yêu cầu. So sánh như vậy, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện không ngừng, chớ ngã lòng, vì Thiên Chúa sẽ “kíp giải oan cho những người được tuyển chọn ngày đêm hằng kêu lên Ngài’’ (Lc. 11:5-8). Thực tế, bởi lời khẩn khoản ầm ỉ không ngừng đó, lửa tình yêu thêm mãnh liệt trong trái tim và dần dần chúng ta trở nên những người được tuyển chọn, có khả năng làm Chúa vui lòng và lay chuyển cả thế giới. 

Bạn cũng đừng quên trình bày với Chúa tất cả những nhu cầu và lo toan cá nhân của bạn: Công việc làm ăn, học hành thi cử, tình yêu, ơn gọi, sức khoẻ, những vấn đề tiền bạc, nhà ở, di chuyển, lương thực... Không phải nhất thiết xin Chúa can thiệp cách tức thời, nhưng là xin ơn sống tinh thần kitô trong mọi khía cạnh của cuộc sống mỗi ngày. Nhiều lúc chỉ cần làm như Mẹ Maria ở tiệc cưới Cana. Khi nói với Chúa Giêsu “họ hết rượu rồi’’, Mẹ không xin cái gì rõ rệt, nhưng Mẹ trình bày với Chúa nỗi khó khăn, với tất cả lòng cậy trông. Và sau đó, “nhờ ơn Chúa’’ như người ta thường nói. Vậy bạn hãy giải bày mọi nỗi lo âu của bạn, cũng như mọi nỗi âu lo của kẻ khác, với lòng tin tưởng thực sự rằng Chúa lắng nghe bạn và Ngài chăm sóc đến mỗi người.

Những lời cầu nguyện không được chấp nhận 

Phải cư xử làm sao khi, mặc dầu bạn khẩn khoản kêu xin, vẫn không luôn được nhậm lời, nhất là không mất lòng cậy trông? Nếu bạn cầu nguyện trong tinh thần Đức Tin, bằng cách thành thật xin cái bạn phải xin, thì phải nói rằng Chúa nghe bạn. Lời cầu nguyện của bạn không mất đi. Như một làn sóng thiêng liêng ném vào không gian, năng lượng của nó được sử dụng cho một công cuộc nào đó, mặc dầu bạn không hay biết chi. Thiên Chúa điều hành và sử dụng mọi lời cầu nguyện cho những nhu cầu sâu xa nhất, khẩn trương nhất. Chúng ta không thể hiểu được mọi lý do của Chúa. 

Điều đó không cản trở chúng ta suy nghĩ để thăng tiến lời cầu xin của chúng ta. Chẳng hạn, bạn có thể suy nghĩ các trường hợp cầu nguyện không được nhậm lời trong Tân Ước: 

  • Phêrô muốn làm ba lều ở trên núi, lúc Chúa Giêsu biến hình, và thánh sử Luca  ghi “ông không biết điều mình nói’’ (Lc. 9: 33). Lắm khi ta cũng nói lên những điều dại dột!

  • Khi một môn đệ xin về chôn cất cha đã rồi đến theo Chúa Giêsu, ông không biết rằng như thế là hãm lại sự dấn thân quảng đại ông được mời gọi trong giây phút hiện tại (Lc. 9: 59-60).

  • Khi Matta xin Chúa Giêsu can thiệp để em cô là Maria giúp cô trong việc phục vụ, Chúa Giêsu quở trách cô loay hoay lo lắng và cho là Maria có lý khi lắng nghe (Lc. 10: 40-42).

  • Hay khi bà mẹ Giêbêđê xin những chỗ nhất cho hai con mình (Mt. 20: 20).

           Qua bốn thí dụ trên, bạn thấy rõ rằng khi bạn không được nhậm lời là có nhiều duyên do: 

  • hoặc vì bạn xin những điều xấu, do thiếu trở lại sâu xa hoặc thiếu suy nghĩ;  

  • hoặc bạn xin những điều tốt, nhưng với những lý do xấu, và Chúa muốn thanh thẩy lòng bạn trước tiên;  

  • hoặc bạn xin những điều tốt, nhưng không phải là những điều tốt nhất, ưu tiên làm Chúa vui lòng;  

  • hoặc vì bạn thiếu đức tin, nhẫn nại, bền tâm và Chúa chờ đợi lúc thuận tiện hơn;  

  • hoặc vì bạn không có đủ ánh sáng để biết phải xin cái gì trong một trường hợp cụ thể như thế;  

  • hoặc bạn vấp phải một sự đối kháng do tự do bạn người mà ra: ví dụ khi bạn xin cho một người trở lại, thì hiệu quả còn tùy thuộc sự chọn lựa của người đó. Chính Chúa Giêsu cũng cầu nguyện không có kết quả cho ơn cứu rỗi của Giuđa và của những kẻ hư mất.

  

Lời cầu nguyện cho thế giới 

Bây giờ tôi nói tới lời cầu nguyện cho tha nhân, quen gọi là chuyển cầu. Bạn có biết sức mạnh của lời chuyển cầu trên đời sống của thế giới không? Bề ngoài bạn chẳng thấy gì đâu. Người ta thường có cảm tưởng rằng lời cầu nguyện chẳng liên quan gì đến các biến cố thời sự cả. Nhưng ngay khi bạn vào trong nhãn giới Đức Tin, bạn thấy mọi sự hoàn toàn thay đổi. Chẳng hạn bạn khám phá thấy rằng những tình trạng tuyệt vọng của dối trá, hận thù, đồi trụy hoàn toàn bị lật ngược nhờ những con người có Đức Tin mạnh mẽ chuyển được núi dời được non. Rằng khắp nơi trên thế giới, Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân cũng cùng hiệu quả như trong Phúc Âm. Rằng ngọn gió tự do đã thổi trên khắp thế giới, là hoa trái của ức triệu lời cầu nguyện và hy sinh. 

Chúa Giêsu đã nói rõ: “Các con hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật các con, nếu có ai nói với núi nầy: ‘Dời chổ đi, nhào xuống biển!’, mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì điều ấy sẽ được ban cho. Vì thế, Thầy nói với các con: tất cả những gì các con cầu nguyện và xin, các con cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc. 11: 22-24). Bởi vì ‘tất cả mọi sự đều có thể cho kẻ nào tin’, bạn hãy mau kêu lên với Chúa: “Xin Chúa giúp cho Đức Tin yếu kém của con’’ (Mc. 9: 23-24). Bạn có thể xin Chúa cả phép lạ, nhưng hãy cẩn trọng khám phá Thánh Ý Chúa. Những phép lạ quan trọng nhất không nằm ở lãnh vực vật lý, song ở lãnh vực thiêng liêng. 

Trên hết mọi sự, “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi và đi đến nhận biết chân lý’’ (ITm.2:4). Vậy, lời cầu nguyện chính yếu nhất là chuyển cầu cho phần rỗi của toàn thể thế giới. Bạn coi đó là trừu tượng, ngược đời và vô ích sao! Vì thường người ta cầu nguyện cho những người chung quanh mình. Bạn cần thấy những khuôn mặt trong các ý chỉ cầu nguyện của bạn. Đồng ý. Bạn hãy bắt đầu từ chỗ đó. Bạn hãy xin đủ thứ tốt lành cho những ai bạn thương mến và quen biết. Nhưng bạn cũng đừng chậm trễ mở rộng lời cầu nguyện của bạn ra cho những người bạn không thương mến và không quen biết. 

Chúa Giêsu thúc giục chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù nghịch nữa. Bất cứ chỗ nào Đức Maria hiện ra, Mẹ cũng khẩn nài chúng ta cầu nguyện cho những người tội lỗi, nghĩa là cho những ai hư mất vì lỗi của họ. Tình yêu cao độ của Chúa Kitô không ngừng hiến dâng vì ‘vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi thế gian’. Trái tim bạn càng hoà nhịp đập với Trái Tim Ngài thì lời cầu nguyện của bạn cũng bao la và sâu thẳm như lời cầu nguyện của Ngài. 

Một thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, một thánh Maximiliên Kôn-Bê khẩn nài Chúa cứu chuộc tất cả mọi người đang sống hôm nay, ngày mai và cho đến tận thế. Vâng, chẳng có gì ngoài việc đó. Và lòng các ngài cháy lửa yêu mến cho ý chỉ ấy. Thánh Silouane nhấn mạnh: “Nếu ân sũng Chúa Thánh Thần ở trong trái tim một người nào, dù ở mức độ nhỏ nhất, thì người đó sẽ khóc than cho mọi người. Người đó càng xót thương những ai không biết Chúa hay chống lại Ngài. Người đó sẽ cầu nguyện đêm ngày cho họ trở lại và nhận biết Chúa.’’ 

Bạn đừng sợ những ước mơ của bạn là ảo tưởng. Khắp nơi trên các lục địa, biết bao nhiêu người trẻ mơ ước một thế giới tốt đẹp hơn. Mười năm trước, tôi cũng bắt đầu một ước mơ và bây giờ nó cũng thành một hiện thực, góp phần khiêm tốn với cuộc đời và Giáo Hội: chương trình Ơn Gọi ’’Cho Một Tương Lai Tốt Đẹp Hơn.’’

Một số bạn trẻ của bạn cũng mơ ước:

 

Nếu những rào chắn giữa người với người bị hủy bỏ,

 

Nếu người ta xóa đi tất cả mọi biên giới,

 

Nếu con người vất bỏ ích kỷ và sự dững dưng,

 

Nếu mỗi người cố gắng lắng nghe và hiểu cho kẻ khác,

 

Nếu lòng ghen ghét tan biến đi,

 

Nếu những tên khủng bố đốt lên những ngọn lửa của niềm vui,

 

Nếu những nhiệt huyết hăng say không bị ném vào tù,

 

Nếu tình liên đới xóa đi nỗi cô đơn,

 

Nếu cuộc sống chung giúp mỗi người bộc lộ được chính mình,

 

Nếu chúng ta không mù, không điếc, không câm trước bất công,

 

Nếu trong mỗi con tim chiếu sáng một mặt trời lớn,

 

Nếu mỗi người biết thương như Chúa thương,

thì bấy giờ, Thế Giới Sẽ Tốt Đẹp Hơn. 

 

Vâng, thế giới sẽ thuộc về những ai vừa cầu nguyện vừa hành động để đem một chút ước mơ đi vào thực tế. Bạn có muốn là một trong những người đó không? Bạn hãy đem vào lòng bạn lời cầu nguyện chuyển cầu. Bạn hãy mau chóng đặt mình về phía những người nghèo hằng kêu lên Chúa ngày đêm, họ đang sống trong những nơi xa xôi hẻo lánh hay trong những khu phố ổ chuột. Hình thức cầu nguyện đó cũng không thể thiếu, giống như là những hành động cụ thể vậy. Nó là linh hồn của hoạt động cho một thế giới tốt đep hơn.

Một lời cầu nguyện của Thomas More 

           Lạy Chúa, xin cho con một sự tiêu hóa tốt,

           Và xin Chúa cũng cho con cái gì để tiêu hóa. 

           Xin cho con sức khoẻ của thân xác,

           Và xin giúp con giữ sức khoẻ ấy cho tốt. 

           Xin Chúa ban cho con một linh hồn thánh thiện,

           Luôn hướng mắt về vẻ đẹp và sự trong trắng,

           Để nó không khiếp sợ khi nhìn thấy tội lỗi,

           Nhưng biết nâng dậy tình trạng suy đồi. 

           Xin Chúa ban cho con một tâm hồn

           Không biết tích để ưu phiền và than thở. 

           Xin Chúa đừng để con quá âu lo

Cho cái thứ vướng bận nầy mà con gọi là “cái tôi của con’’. 

           Xin Chúa ban cho con tâm hồn hài hước,

           Để con rút ra được cái gì từ cuộc đời nầy,

Và làm cho người khác được hưởng dùng nó. Amen.

 

Những người trẻ cầu xin... 

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa về cuộc sống Chúa đã ban cho con, và tất cả hạnh phúc mà Chúa đã đặt để trong đời sống con. Chiều nay, con muốn xin Chúa bao nhiêu thứ, đặc biệt con ký thác cho Chúa việc học hành và những bài thi sắp tới vài ngày nữa. Xin Chúa giúp con không chia trí khi ôn tập. Xin Chúa ban cho con can đảm và bình an.

Lạy Chúa, xin cho con biết luôn nhìn tha nhân với cái nhìn yêu thương của Chúa, chứ không phải với cái nhìn kết án của con.

Con cầu nguyện cho một đứa bé bị bệnh bạch huyết và đã chết vì căn bệnh nầy, mặc dầu con đã cầu nguyện cho nó. Người mẹ mất con, khi còn nhỏ cũng đã mất một đứa em trai chết cùng một thứ bệnh, lúc mới lên bốn. Lúc đầu con không hiểu tại sao Chúa lại để bao bất hạnh đổ xuống trên gia đình nầy như thế. Rồi con đã hiểu: gia đình nầy tiếp tục cho đi tình yêu và luôn chia sẽ nhiều hơn, dù phải trải qua bao buồn phiền ấy.

Con bị rơi vào một tình trạng đen tối, đúng như lời của một bài hát nọ: “Giữa lòng những nỗi quẫn bách, những tiếng kêu đau thương của chúng con, chính Chúa đang khổ đau trên thập giá của chúng con, chúng con trải qua mà không nhìn thấy Chúa.’ Nhưng chính trong đen tối đó, Chúa đã đến gặp con, xin con hướng mắt về Chúa và Chúa chìa tay ra cho con. Con đã nắm lấy và để mình được dẫn dắt dần dần trên con đường cậy trông và tin tưởng ở Chúa. Không những Chúa đã nâng con lên mà còn băng bó vết thương lòng con. Con ca ngợi và cảm tạ Chúa trong mọi sự và mọi hoàn cảnh.

VỀ MỤC LỤC
Hiểu Rõ Y Sử Gia Đình

 

Mỗi khi đi khám bệnh lần đầu, bác sĩ hoặc nhân viên y tế thường hỏi về bệnh hoặc tình trạng sức khỏe của các thân nhân, như ông bà cha mẹ anh chị em.

Nhiều người thắc mắc tại sao phải “lục vấn” và như vậy có phải là tò mò tọc mạch vào đời tư của bệnh nhân không. 

Xin thưa là, việc tìm hiểu này là điều cần thiết, rất có ích cho chính bản thân người bệnh cũng như giúp bác sĩ dễ dàng điều trị chăm sóc. Đó là Y Sử Gia Đình (Family Medical History).

 Đề Đốc Kenneth P. Moritsugu, Quyền Giám Đốc Ngành Y tế Công Cộng Hoa Kỳ (US Surgeon General), nhấn mạnh: “Biết y sử gia đình có thể cứu sống sinh mệnh của mình cũng như của những người mà mình yêu mến”. 

Theo bác sĩ Francis S. Collins, Giàm đốc Viện Nghiên Cứu Bộ Di Truyền (Genome) thuộc Cơ Quan Sức Khỏa Quốc Gia Hoa Kỳ: “Thu thập các sự kiện về tình trạng bệnh của những người trong cùng gia đình là bước đầu để tiến tới một nền y khoa cá thể (personalized medicine). Chúng tôi đang tìm cách để giúp bác sĩ đọc được cách xếp đặt các gen di truyền của mỗi người rồi từ đó đưa ra các phương thức trị liệu riêng, căn cứ trên bộ gen đó. Chúng ta chưa đạt được cao vọng này. Trong khi chờ đợi, cách hiệu quả nhất để mau lành bệnh là cung cấp cho bác sĩ càng nhiều thông tin về y sử gia đình càng tốt”.

Sau đây là mấy thắc mắc thường được nêu ra:

1.Y sử gia đình là gì?

Đây là bản ghi lại tất cả các bệnh mà mỗi người trong gia đình đã và đang mắc phải, cách thức điều trị cũng như các thói quen tốt xấu của từng người.

Y sử gia đình cũng tương tự như một cây gia hệ (family tree) trên đó có ghi mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình kèm theo chi tiết về sức khỏe, bệnh tật.

Những người này có thể là ông bà cha mẹ anh chị em, chú bác cô dì và các con cháu có cùng dòng máu.

Anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha cũng cần tìm hiểu vì họ đều chia sẻ một phần gen di truyền DNA. 

2. Bản y sử gia đình được dùng để làm gì? 

Từ lâu, các nhà y khoa học đã nhận thấy rằng một số bệnh có thể xuất hiện ở nhiều người trong một gia đình. Thân mẫu có tiểu đường. Thân phụ bị cao huyết áp. Bà cô ruột bị ung thư vú. Ông bác ruột bị trầm cảm. Thì người con, người cháu có nhiều nguy cơ mắc một trong các bệnh đó.

Do đó, y sử gia đình giúp bác sĩ và các chuyên viên y tế:

- Chẩn đoán bệnh của mình

- Quyết định coi xem cần làm các thử nghiệm gì để xác định cũng như sớm phát hiện bệnh.

- Ước định khả năng mắc một bệnh nào đó mà thân nhân đã có

- Ước định rủi ro truyền bệnh cho con cái

- Cân nhắc coi có thể giảm thiểu rủi ro mắc bệnh và khả năng  phòng tránh bệnh đó

- Tìm hiểu coi thân nhân trong gia đình liệu có thể mắc bệnh giống mình không hoặc khả năng mình truyền bệnh đó cho con cháu. 

Y sử gia đình:

- Không có giá trị khi là con nuôi hoặc đỡ đầu,

- Không tiên đoán được tương lai có bị bệnh hay không vì sự mắc bệnh còn tùy thuộc ở nhiều yếu tố khác như lối sống, thói quen, sự dinh dưỡng…

- Khó mà xác định rủi ro nếu số thân nhân quá ít 

3. Làm sao để hoàn tất y sử gia đình? 

Y sử gia đình nên bao gổm ba thế hệ:

- Bố mẹ, anh chị em và con cái cho bệnh nhân trưởng thành

- Ông bà, cha mẹ và anh chị em cho trẻ em.

Khi có cơ hội gặp gỡ như ngày Tết, ngày họp mặt gia đình, chúc tho…hãy hỏi nhau về:

- Tuổi tác ngày nơi sanh của các vị trưởng thượng trong họ, của bà con ruột thịt gần.

- Thời gian hoặc ở tuổi nào bệnh bắt đầu xuất hiện.

- Dấu hiệu chính của bệnh.

- Bệnh gì? Ghi rõ ràng tên bệnh theo ngôn ngữ bình dân và y học.

- Điều trị bằng cách nào? Điều trị bao lâu? Kết quả ra sao?

- Nguyên nhân tử vong và ra đi ở tuổi nào.

Các bệnh thường hay có liên hệ gia đình là bệnh tim, ung thư, bệnh phổi, tiểu đường, Alzheimer, bệnh thận và các bệnh nhiễm trùng trầm trọng như sưng phổi.

Các bệnh khác có thể là cao huyết áp, hen suyễn, dị ứng, tâm bệnh, kinh phong, bệnh về máu, loãng xượng, đột tử không rõ nguyên nhân, khuyết tật khi sinh ra, chậm phát triển trí tuệ, chết yểu, hư thai…

Ngoài ra cũng nên ghi rõ các thói quen của thân nhân như hút thuốc lá, ghiền rượu và thuốc cấm, kém dinh dưỡng, mập phì.

Hãy khéo léo hỏi mọi chi tiết nhưng vẫn tôn trọng sự riêng tư của mỗi người.

Tại sao y sử gia đình lại quan trọng?

Chúng ta biết là thân nhân trong một gia đình đều có chung một số  gen di truyền của dòng họ. Cô con gái có má núm đồng tiền của mẹ. Cậu con trai mang nét mặt xương xương hao hao giống bố. Một số cháu hói tóc như ông nội.. Một vài người trong dòng họ cũng có thể cùng mang một vài bệnh mãn tính tương tự.

Kết quả nhiều nghiên cứu cho hay, gần 50% dân chúng có nhiều rủi ro mắc một số bệnh do di truyền như ung thư, tim mạch, tiểu đường. Khi biết có những rủi ro này, ta có thể phòng tránh, làm các thử nghiệm để khám phá sớm ra bệnh. Một thí dụ là nếu mẹ có ung thư ruột già lúc 45 tuổi thì con cái nên làm các thử nghiệm cần thiết để có thể tìm ra ung thư này sớm hơn.

Chúng ta không thay đổi gen di truyền được nhưng có thể thay đổi các hành vi ảnh hưởng tới sức khỏe như rượu, thuốc lá, ăn uống thiếu dinh dưỡng.

Nếu gia đình đã có nhiều người mắc bệnh mãn tính  thì sự thay đổi các thói quen không tốt này có thể giảm thiểu nguy cơ bị bệnh.

Ngoài ra, khi biết bố mẹ có bệnh nào đó mà mình làm các thử nghiệm sàng lọc để tìm ra bệnh trước khi có dấu hiệu là việc hữu ích.

Nếu thân nhân mắc một bệnh thì mình có nhiều rủi ro mang bệnh đó hơn là người mà trong gia đình đều khỏe mạnh. Điều này cũng không bắt buộc là mình sẽ mắc cùng bệnh, vì di truyền cũng chỉ là một yếu tố gây bệnh. Còn có các yếu tố khác như dinh dưỡng, nếp sống…

Nói rõ y sử gia đình có thể giúp bác sĩ ước đoán các rủi ro mắc một số bệnh như tim mạch, tiểu dường, ung thư của người bệnh cũng như hoặc định các phương thức phòng tránh, trị liệu.

Một thí dụ điển hình là nếu một người có biến đổi gen ung thư nhũ hoa thì 85% người đó sẽ bị bệnh này trong tương lai. Với dùng thuốc Tamoxifen, rủi ro ung thư vú giảm khá nhiều. Đó là kết quả nghiên cứu do Viện Ung Thư Hoa Kỳ tài trợ thực hiện năm 1998. 

Vài câu hỏi thêm:

 1- Tôi biết là gen của tôi xấu vì bố mẹ tôi đều bị bệnh tiểu đường Bây giờ tôi phải làm gì để tránh được bệnh này?

Đáp:

Thực ra không có gen xấu, gen tốt vì gen nào cũng như nhau nhưng sự thiếu/ thừa của gen mới là điều quan trọng.

 Đa số các bệnh của con người xảy ra là do sự phối hợp của gen với các yếu tố trong môi trường và các thói quen không lành mạnh.

Ta có thể thay đổi môi trường và thói quen, do đó có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. 

2- Nếu bố mẹ anh chị em tôi đều lành mạnh thì liệu tôi có giống như họ, không đau ốm không? 

Đáp:

Dù trong gia đình dòng họ đều may mắn mạnh khỏe, vô bệnh nhưng ta vẫn có thể mắc một bệnh nào đó vì:

- Nếp sống và tình trạng sức khỏe của mình không hoàn toàn giống như các vị đó.

- Có nhiều yếu tố gây bệnh khác từ bên ngoài đưa vào cơ thể ta mà các vị đó không gặp.

- Gia đình ta có vấn đề sức khỏe bệnh hoạn mà mình không biết

- Mình có thân nhân sớm mệnh một trước khi bệnh xuất hiện

Kết luận

Một thăm dò mới đây tại Hoa Kỳ cho hay, 95% dân chúng Mỹ tin rằng biết rõ về tình trạng bệnh tật của thân nhân là điều quan trọng nhưng  chỉ có 1/3 số người được hỏi ý kiến chịu làm công việc tìm hiểu này.  

Cũng vì lý do đó mà Bộ Y tế Hoa Kỳ đã quyết định lấy ngày Thanksgiving vào tháng 11 hàng năm là Ngày Y Sử Gia Đình, để nhắc nhở mọi người nên thực hiện bản tài liệu này.

Với người mình, tìm hiểu y sử gia đình có lẽ còn mới lạ với tập quán   kín đáo về chuyện riêng tư của mỗi người. Tuy nhiên, bà con ta cũng có nhiều dịp để gặp nhau như lễ Tết, chúc thọ, mừng hôn nhân Vàng Bạc . Nhân cơ hội này, nhẹ nhàng hỏi lẫn nhau về chi tiết bệnh tật của mọi người trong dòng họ.

Rồi, nói lại cho bác sĩ và nhân viên y tế hay khi đi khám bệnh để hoàn chỉnh hồ sơ bệnh lý của mình.

Trước lạ, sau quen. Việc làm tuy giản dị nhưng ích lợi lại rất nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

Texas-Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC
TỨ…SẮC   Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Trong số trước, gã đã trình bày hình ảnh về đờn bà con gái xưa và nay, bằng cách mượn kiểu diễn tả của Linh mục Thiện Cẩm, đó là sự tiến hóa từ tam tòng nhảy vọt sang tam…vòng. Cùng một thể thức ấy, hôm nay gã xin đề cập đến sự chuyển biến từ tứ đức bỗng chốc trở thành  tứ…sắc nơi đờn bà con gái thời xưa và thời nay.

Khi được hỏi thế nào là cái đẹp, có người đã đưa ra một câu định nghĩa xanh dờn như thế này :

- Đẹp, đó chính là con cóc cái dưới mắt con cóc đực.

Câu định nghĩa méo mó này muốn nói lên rằng : ở thế gian, chẳng bao giờ có được một cái đẹp khách quan, mà chỉ toàn là những cái đẹp chủ quan mà thôi. Chủ quan của từng người, cũng như chủ quan của từng thời.

Tại sao anh chàng “bô…giai” nọ lại vớ ngay phải cô vợ xấu ơi là xấu ? Thế nhưng, xấu là xấu dưới mắt bàn dân thiên hạ, chứ còn dưới mắt anh chàng “bô giai” nọ, nhất là khi đã chịu đèn và say tình, thì cô nàng vẫn là người đẹp nhất trên đời :

- Mũi em mười tám gánh lông,

  Chồng yêu, chồng bảo : râu rồng trời cho.

  Đêm nằm thì ngáy o o,

  Chồng yêu, chồng bảo : ngáy cho vui nhà.

  Đi chợ thì hay ăn quà,

  Chồng yêu, chồng bảo : về nhà đỡ cơm.

  Trên đầu những rác cùng rơm,

  Chồng yêu, chồng bảo : hoa thơm rắc đầu.

Cũng thế, tại sao cô nàng thuộc vào hàng “lá ngọc cành vàng” lại quơ ngay phải một anh chàng thuộc hàng “nông nãi, vũ phi chi cục mịch” ? Thế nhưng, nông nãi và vũ phu chi cục mịch là đối với người ngoài, chứ còn đối với cô nàng, thì anh chàng vẫn mãi mãi là…hoàng tử của lòng em :

- Chồng ta áo rách ta thương,

  Chồng người áo gấm, xông hương mặc người.

Không phải chỉ mỗi người, mà hơn thế nữa, mỗi thời cũng đều có những tiêu chuẩn riêng để xác định cái đẹp. Ca dao đã diễn tả về người con gái đẹp ngày xưa như sau :

- Một thương tóc bỏ đuôi gà,

  Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

  Ba thương má lúm đồng tiền,

  Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.

  Năm thương cổ yếm đeo bùa,

  Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.

  Bảy thương nết ở khôn ngoan.

  Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.

  Chín thương cô ở một mình,

  Mười thương con mắt có tình với ai.

Từ bài ca dao trên, gã thấy phảng phất và bàng bạc tinh thần của Nho giáo. Thực vậy, xã hội Việt Nam thời xưa đã mang nặng dấu ấn của Nho giáo. Người ta lấy những lời giảng dạy của Khổng Tử làm khuôn vàng thước ngọc cho cách cư xử, cũng như làm tiêu chuẩn hướng dẫn cho cuộc sống của mình.

Đối với cánh đờn ông con giai, ngoài việc  tuân giữ “tam cương”, ba  rường cột quan trọng trong đạo làm người, ba mối dây liên hệ chính yếu trong xã hội, đó là quân thần, phụ tử và phu phụ, đạo vua tôi, đạo cha con và đạo vợ chồng, lại còn phải thực thi “ngũ thường”, năm nhân đức quen thuộc của con người, đó là nhân nghĩa lễ trí tín.

Riêng đối với phe đờn bà con gái, ngoài việc tuân giữ “tam tòng”, ba sự tùng phục chính yếu, đó là tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, khi còn ở nhà thì theo cha, khi đi lấy chồng thì theo chồng và khi chồng chết thì theo con, lại còn phải thực thi tứ đức, bốn nhân đức đặc thù của người phụ nữ, đó là  công, dung, ngôn, hạnh.

- Phận gái tứ đức vẹn tuyền,

  Công dung ngôn hạnh giữ gìn chớ sai.

Đức thứ nhất là công. Vậy công là gì ?

Xin thưa rằng :

- Công là đủ mùi xôi thức bánh, giỏi giang từ đường chỉ mũi kim, nói chung việc nhà phải khéo léo.

Dường như Thượng đế đã ngấm ngầm thỏa thuận và phân chia : đờn bà thì quán xuyến việc nhà, còn đờn ông thì lo toan việc làng việc nước. Hai chữ “việc nhà”, mới nghe qua, thấy nó thật nhẹ nhõm và đơn giản, nhưng bước vào rồi, mới thấy nó thật nhiêu khê và rắc rối, cũng vất vả toát cả mồ hôi hột, chứ chẳng nhẹ nhõm và đơn giản tí nào.

Trước hết, việc nhà chính là việc sắp đặt và tổ chức trong gia đình.

Đúng thế, phải làm sao cho căn nhà được sạch sẽ và đẹp đẽ, được thứ tự và ngăn nắp, biến nó trở thành một tổ ấm dễ thương và dễ mến, để rồi sau những giờ phút lao động mệt mỏi, sau những bươn chải kiếm tìm chén cơm manh áo, thì ai cũng thầm mong sớm trở về, hầu được nghỉ ngơi và thư giãn.

Thử tưởng tượng xem một anh chồng suốt ngày quần quật trên ruộng đồng, đổ mồi hôi xôi nước mắt, hay một ông xã ngồi nơi công sở, bị cấp trên chèn ép, bị cấp ngang cạnh tranh và bị cấp dưới chống đối…mang cái đầu óc căng thẳng về nhà, chỉ mong sao được khuây khỏa. Thế mà khi bước chân vào nhà, thì ôi thôi, cả một bãi chiến trường ngổn ngang và bầy hầy trước mặt. Áo quần vứt bừa vứt bãi, hay giăng mắc lung tung. Thậm chí, có những thứ “nội y” cần cất dấu, mà vẫn cứ được vô tư phơi bày ra trước mắt bàn dân thiên hạ. Ly tách bẩn thỉu, bàn ghế mỗi cái một nơi. Thẹn đỏ cả mặt, mỗi khi có bè bạn hay khách khứa ghé thăm.

Chính vì thế, thiên hạ thường gọi người vợ là người nội trợ, tức là người trợ giúp những việc trong nhà :

- Bề nội trợ việc trong xem xét,

  Siêng năng thì trăm việc đều nên.

Nói là trợ giúp, chứ thực chất là quản lý và điều hành tấr ráo cả mọi sự, như  Tú Xương đã từng xác quyết :

- Việc nhà phó mặc cho bu nó,

  Quắc mắt khinh đời cái bộ anh.

Cái uy quyền “nội thất” này, không oai phong lẫm liệt, không hét ra lửa khiến cho nhiều đầu gối phải run lập cập, để rồi chỉ còn nước cúi gập mình xuống, hay uốn cong người lên mà luồn lách lươn lẹo…nhưng âm thầm và kín đáo, dầu vậy cũng vẫn có được một tác dụng ghê gớm.

Chính vì tác dụng ghê gớm này, mà thiên hạ đã không ngần ngại phong cho các bà xã cái hàm…nội tướng. Và khi vị nội tướng đã phán, thì tất cả đều phải thi hành, hay khi vị nội tướng đã ra tay, thì mọi người đều phải răm rắp vâng theo, từ ông bố cho chí đến đứa con. Chả thế mà người xưa đã bảo :

- Lệnh ông không bằng cồng bà.

Phân tích câu tục ngữ này, gã nhận thấy : lệnh là thứ chiêng đồng loại nhỏ dùng để đánh làm hiệu mà xuất quân, đồng thời cũng có nghĩa là lời sai khiến. Còn cồng là thứ chiêng đồng loại lớn dùng để đánh làm hiệu mà lui quân. Như vậy khi cái lệnh của ông được đánh thì mọi người sẽ vâng nghe mà ra đi. Nhưng nếu cái cồng của bà cũng vang lên, hẳn sẽ át được tiếng lệnh của ông, khiến  mọi người phải nghe theo mà rút về.

Thậm chí nhiều lúc còn :

- Lệnh vua thua lệnh bà.

Và như thế, trong phạm vi gia đình, quyền bà thường lớn hơn quyền ông. Chả thế mà dân mánh mung, cũng như dân áp phe áp chảo đã triệt để khai thác đặc điểm trên.

Thực vậy, muốn cho công việc được thuận buồm xuôi gió, nói với “tướng ông” xem ra có vẻ bị  khó, thế là họ bèn đi cửa sau, giãi bày tâm sự với “tướng bà”ø. Một khi tướng bà đã gật đầu ô kê, thì mọi việc đều xong tuốt luốt. Bởi vì, tướng ông nỡ lòng nào mà từ chối những lời thỏ thẻ ngọt như đường cát, mát như đường phèn của tướng bà, dù có phải tra chân vào cùm và bị thân bại danh liệt… cũng vẫn một lòng chịu vậy !!!

Tiếp đến, việc nhà là việc bếp núc và nấu nướng.

Cánh đàn ông con giai, xem ra anh nào cũng thích ăn ngon. Đối với họ, bao tử đi trước, rồi việc làng  việc nước mới theo sau. Thậm chí những kẻ phàm ăn tục uống còn phát biểu :

- Tình yêu đến qua ngả đường của bao tử.

Ngay cả trong phạm vi tôn giáo, đằng sau những việc đạo đức thiêng liêng cao cả, thì dường như người ta đều thấy bóng dáng của mâm cỗ, của dạ dày phảng phất :

- Trước là kính thánh, sau là…đánh chén.

- Có thực mới vực được đạo.

Chẳng thế mà họ đã từng giải quyết chuyện quốc gia đại sự, hay những phi vụ làm ăn trị giá bạc tỷ bên bàn tiệc đó sao. Còn nói theo kiểu thánh Phaolô, thì đôi lúc họ đã trót lấy …cái bụng của mình làm chúa.

Vì thế, người vợ “ngon lành” cũng phải là người vợ thành thạo việc bếp núc và nấu nướng :

- Vắng đờn ông quạnh nhà,

  Vắng đờn bà quạnh bếp.

- Xem trong bếp, biết nết đờn bà.

Nhiều bà mẹ đã khéo lo cho con gái, bằng cách gửi con gái theo học một lớp cắt may và một khóa nữ công gia chánh, là như một mớ hành trang cần thiết cho chuyến đi về nhà…chồng.

Sau cùng, việc nhà còn là việc giáo dục con cái.

Thực vậy, ông bố thường bận bịu với chuyện cơm áo gạo tiền, lắm lúc bất đắc dĩ phải lấy “ngoài đường” làm nơi thường trú, còn “trong nhà” chỉ là nơi tạm trú mà thôi. Vì thế, người mẹ là người sống gần gũi con cái hơn, hiểu biết con cái hơn và cũng được con cái yêu thương hơn, nên cũng thường để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên con cái. Chẳng vậy mà người xưa đã bảo :

- Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.

Việc giáo dục này cần phải được bắt đầu ngay khi con cái còn là một bào thai và nhất là khi chúng bắt đầu hiểu biết , bởi vì :

- Bé không vin, cả gẫy cành.

- Uốn cây thừ thưở còn non,

  Dạy con từ thưở con còn đương thơ.

Một tên tướng cướp ngày kia trở về nhà thăm mẹ già. Bà mẹ dẫn con ra một góc vườn, rồi hai mẹ con cùng ngồi thủ thỉ và tâm sự với nhau. Bà mẹ ra sức khuyên nhủ người con từ bỏ con đường lầm lạc và làm lại đời mình. Nghe nói thế, người con bèn chỉ vào một cây to và nói :

- Liệu mẹ có còn uốn được cây này nữa không ? Chắc chắn là không. Vậy tại sao mẹ không dạy con từ lúc con còn nhỏ, bây giờ con đã là một cây to, thì không thể uốn được nữa.

Nói xong, tên tướng cướp lặng lẽ bỏ đi.

Đức thứ hai là dung. Vậy dung là gì ?

Xin thưa rằng :

- Dung hay dong là hình dáng, tướng mạo bên ngoài, như người đời thường bảo :

- Xem mặt mà bắt hình dong,

  Con lợn có béo thì lòng mới ngon.

Dung ám chỉ sắc đẹp của người phụ nữ. Sắc đẹp này, trước hết được chú trọng vào khuôn mặt, vì thế người ta mới gọi nhan sắc là vẻ đẹp của khuôn mặt nói riêng và  vẻ đẹp của toàn thân nói chung :

- Chồng em vừa xấu vừa đen,

  Đã kém nhan sắc, lại hèn chân đi.

Người con gái đẹp là người con gái có nét mặt tự nhiên, không tha thướt lả lơi. :

- Cổ tay em trắng như ngà,

  Con mắt em liếc như là dao cau.

  Miệng cười như thể hoa ngâu,

  Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.

Sắc đẹp ấy không phải chỉ được thể hiện trên khuôn mặt, mà còn được thể hiện nơi thân hình :

- Những người thắt đáy lưng ong,

  Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con.

Thế nhưng, ngoài sắc đẹp trời ban cho, người con gái còn phải biết kết hợp với việc ăn mặc, sử dụng trang phục sao cho hài hòa, thích hợp với từng người, theo từng tuổi, ở từng nơi và trong từng lúc :

- Áo đen ai nhuộm cho mình,

  Cho duyên mình đậm, cho tình anh thương.

Đức thứ ba là ngôn. Vậy ngôn là gì ?

Xin thưa rằng :

- Ngôn là biết trình thưa vâng dạ.

Lời nói vừa tế nhị lại vừa ôn tồn, vừa lễ độ lại vừa khôn ngoan, biểu hiện được nhân cách của người phụ nữ, đồng thời còn chứng tỏ mình là một con người có giáo dục, có văn hóa :

- Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,

  Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Sau cùng, đức thứ tư là hạnh. Vậy hạnh là gì ?

Xin thưa rằng :

- Hạnh là đường ngay thảo kính, nết na đằm thắm.

Nói cách khác, hạnh chính là sự đạo đức, nết na của người phụ nữ. Muốn được bàn dân thiên hạ coi là đẹp, thì bản thân họ phải là con ngoan, vợ hiền và dâu hiền, phải biết trung thực và nhân hậu, kính trên và nhường dưới. Đây chính là yếu tố căn bản nhất tạo thành nét duyên ngầm của người phụ nữ. Nét duyên ngầm này sẽ không bị tàn phai với thời gian, trái lại ngày càng thêm đậm đà, khiến cho mọi người phải cúi đầu tâm phục khẩu phục :

- Cái nết đánh chết cái đẹp.

Nếu phải chọn lựa giữa nhan sắc và đức hạnh, người xưa không ngần ngại chọn ngay đức hạnh, bởi vì như vừa trình bày, đức hạnh chính là nét duyên ngầm của đờn bà con gái, không bị thời gian là cho nhạt nhòe :

- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,

  Xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người.

Sách “Cổ học tinh hoa” có kể lại một mẩu chuyện như sau :

Dương Chu sang nước Tống, đến ở trọ một nhà kia. Chủ nhà trọ có hai người thiếp : một người đẹp, còn một người xấu. Dương Chu thấy trong nhà ai cũng quí mến người thiếp xấu mà khinh chê người thiếp đẹp, lấy làm lạ bèn dò hỏi một thằng nhỏ giúp việc, thì nó trả lời rằng :

- Người thiếp đẹp tự coi là đẹp, nên mất đẹp. Còn người thiếp xấu, tự biết là xấu, nên không còn xấu nữa.

Nghe vậy, Dương Chu bèn gọi học trò lại và bảo :

- Các con hãy nhớ lấy câu này : người giỏi mà bỏ được cái thói ”tự cho mình là giỏi”, thì đi đến đâu ai mà chẳng trọng kính, ai mà chẳng yêu mến.

Sau khi đã tìm hiểu về tứ đức của đờn bà con gái thời xưa, bây giờ chúng ta hãy nhìn vào xã hội hôm nay, để xem tứ đức ấy còn tồn tại, hay chỉ là một kỷ niệm buồn của dĩ vãng, một chuyện đã xưa rồi Diễm ơi mà thôi.

Theo sự diễn tả của linh mục Thiện Cẩm, thì ngày nay thế gian bỗng tự nhiên ra khác. Vậy thế gian ra khác như thế nào, nhất là trong lãnh vực đờn bà con gái ?

Theo các nhà tâm lý, hoàn cảnh bên ngoài nhiều lúc đã ảnh hưởng sâu xa đến tâm tính bên trong. Đờn bà con gái ngày nay, không còn bị nhốt trong căn nhà bếp, suốt ngày bầu bạn với nồi niêu xoong chảo, mà đã nhảy phóc ra ngoài xã hội. Cũng lao động và sản xuất, cũng quản lý và điều hành, cũng bươn chải và đôn đáo chạy ngược chạy xuôi chẳng kém gì đờn ông con trai. Nhiều bà nhiều cô đã gặt hái được những thành quả sáng chói, làm tới giám đốc, bộ trưởng, thủ tướng…chẳng kém gì, mà có khi còn vượt trội hơn cả cánh đờn ông con giai với mức lương thu nhập khá cao.

Gã không phải là chuyên viên kinh tế, nhưng kinh nghiệm đời thường cho gã thấy : trong bất cứ tổ chức nào, từ gia đình cho đến xã hội, ai nắm được tài chánh, thì người ấy cũng nắm quyền chỉ huy, nghĩa là được quyền ra lệnh, đồng thời chi phối mọi hoạt động của người khác.

Vì cũng phải góp mặt với đời và hơn thế nữa, không còn bị lệ thuộc vào đờn ông con giai trong lãnh vực tiền bạc, nên đờn bà con gái ngày nay bỗng trở thành một thứ bề trên, nên đâu còn thời giờ lo toan chuyện tẹp nhẹp bếp núc, thành thử lắm khi “việc nhà phó mặc cho bố nó”. Như vậy, chữ “công” được tạm cất vào ngăn kéo của dĩ vãng.

Thật tội nghiệp cho những đức ông chồng, mặc dù đang sống phây phây giữa đời, thế mà cứ như ông thầy dòng sống trong tu viện. Mặc dù chẳng khấn chẳng hứa, thế mà vẫn cứ phải tuân giữ ba nhân đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Thứ nhất không được giữ tiền riêng, vì đồng lương phải nộp cả cho vợ Thứ hai đừng có dại mà tơ tưởng lung tung, hay mèo chuột linh tinh vì phải tuyệt đối trung thành với vợ. Bà mà biết được thì chết với bà. Thứ ba phải luôn chiều ý vợ, thậm chí nếu phải tham nhũng hối lộ vì vợ thì cũng hồ hởi thưa lên hai tiếng “xin vâng”.

Ai nắm tiền bạc trong gia đình, thì người ấy có quyền phán bảo. Và một khi đã quen với cung cách phán bảo, thì cứ việc ăn to nói lớn, chả cần phải để ý tới ai, vì lẽ phải và công lý luôn nằm trong lòng bàn tay của mình.  Nương theo cái đà ấy, mấy cô em gái nho nhỏ dễ thương mà tụ lại với nhau, thì cũng phát ngôn theo kiểu đao to búa lớn, đủ mùi chanh chua. Họ sẵn sàng gọi người yêu của mình là cái lão ấy, cũng như gọi cha mẹ của mình là cái ông ấy, cái bà ấy. Hơn nữa, những đề tài được trao đổi, người ngoài mà nghe thấy  cũng phải toát cả mồ hôi lạnh và quỉ thần cũng phải phát kinh, phát khiếp lên ấy chứ. Như vậy, chữ “ngôn” cũng được mời đi chỗ khác chơi.

Nếu ngày xưa người ta chủ trương : Cái nết đánh chết cái đẹp, thì đờn bà con gái thời nay nhiều người lại cho rằng :

- Cái đẹp đè bẹp cái nết.

Rất nhiều cô đã biết tận dụng cái vốn trời cho này mà hốt bạc tỉ, hay leo lên đài danh vọng, mà chẳng phải tốn đồng xu cắc bạc nào cả, khiến cho phe đờn ông con giai phát  thèm, phát khát, có nằm mơ cũng chẳng thấy. Thành thử chữ “hạnh” bị xếp vào hàng thứ yếu. Thậm chí, người đạo đức nết  na lắm khi còn bị liệt vào hàng “ngớ ngẩn ngây ngô khù khờ ngu ngơ nữa là khác.

Điều mà đờn bà con gái thời nay chú trọng hơn hết, có lẽ là chữ “dung”, tức là nhan sắc, tức là vẻ đẹp. Và thế là tứ đức của Nho giáo nghiễm nhiên trở thành tứ…sắc. Sắc đẹp của khuôn mặt, sắc đẹp của bộ ngực, sắc đẹp của cặp giò và sắc đẹp của áo quần.

Để phục vụ cho nhu cầu làm đẹp này, các thẩm mỹ viện mọc lên như nấm, ăn nên làm ra, phất lên như diều gặp gió. Mấy ông bác sĩ giải phẫu, cắt chỗ nọ vá chỗ kia, hút chỗ này bơm chỗ khác, cứ ung dung ngồi hốt bạc vì phen này ắt hẳn trúng mánh lớn. Thậm chí nhiều bà nhiều cô lặn lội từ bên Mỹ về Việt Nam cốt chỉ để xẻ cái cằm, xâm bờ môi hay cấy hàng lông mi…vì tiền công ở Việt Nam rất rẻ.

Rồi trên thị trường, từ các siêu thị hiện đại cho đến các tiệm tạp hóa nơi hang cùng ngõ hẻm, cũng đã bày bán biết bao nhiêu thứ mỹ phẩm. Nguyên dầu gội đầu, phục vụ cho mái tóc thì cũng đã có biết bao nhiêu loại, đến quỉ thần cũng không thể nào nhớ cho hết. Nguyên kem phục vụ cho làn da, thì cũng đã có biết bao nhiêu thứ : kem dưỡng da,  kem tẩy da, kem trắng da, kem chống nắng, kem chống nhờn, kem chống khô…vì nhất dáng nhì da cơ mà. Và rồi còn biết bao nhiêu mặt hàng, biết bao nhiêu đồ phụ tùng lỉnh kỉnh khác nữa, từ bên ngoài cho đến bên trong, nhằm tăng thêm vẻ đẹp cho quí bà quí cô. Gã đành phải bó tay, xin chào thua.

Thế nhưng, qui luật của muôn đời cho thấy :

- Có tuổi trẻ nào mà không già, có nhan sắc nào mà không bị tàn phai với thời gian.

Và khi nhan sắc đã tàn phai, thì hỡi ôi :

- Còn duyên kẻ đón người đưa,

  Hết duyên vắng ngắt như chùa bà Đanh.

- Còn duyên kén những giai tơ,

  Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng.

Vì thế, trong khi điểm tô và làm đẹp cho cái nhan sắc bên ngoài, cũng đừng quên điểm tô và làm đẹp cho cái nhan sắc bên trong :

- Người xấu, duyên lặn vào trong.

  Bao nhiêu người đẹp, duyên bong ra ngoài.

Để tạo được vẻ đẹp hài hòa như thế, không bì bằng trở về với truyền thống dân tộc, bởi vì bốn chữ “công dung ngôn hạnh” vừa tạo được cái đẹp bên ngoài, mà cũng không sao lãng cái đẹp của phẩm chất bên trong.

Với chủ trương như vậy, chắc chắn gã sẽ bị mấy cô gái choai choai bây giờ bĩu môi, trề miệng ra mà phán :

- Rõ thật  đồ cù lần cù lèo!!!

Gã Siệu   gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************