Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 55, Chúa Nhật 02.12.2007


CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH         MỤC LỤC 

Những Nguyên Tắc Hướng Dẫn Toàn Bộ Ðời Sống Kinh Tế Xã Hội            Gaudium Et Spes

TỬ ĐẠO VIỆT NAM  (Độc vận: Tử)                                                                       Bùi Nghiệp

GÁNH NẶNG NGÀN CÂN ĐƯỢC CẤT KHỎI VAI HỘI THÁNH !                                BTGH 62

SỐNG CHÍNH TRỊ                                                                           Bác Sĩ Nguyễn Tiến cảnh

THUYẾT PHỤC  CỘNG TÁC (bài 2)                                                           Lm. Lê Văn Quảng

SỰ BIẾT ƠN                                                                                      Hương Vĩnh chuyển ngữ

TẠ ƠN                                                                                Nhà văn Xuân Vũ Trần Đình Ngọc

Tâm thư gửi các Linh mục: NIỀM VUI CHO THẾ GIỚI                       Đình Chẩn chuyển ngữ

Những chỉ dẫn tổng quát để thực hiện tốt việc cầu nguyện...    Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

Bệnh Thống Phong                                                                                Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức

LẤY VỢ,                                                                                       Chuyện phiếm của Gã Siêu


Những Nguyên Tắc Hướng Dẫn Toàn Bộ Ðời Sống Kinh Tế Xã Hội

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Mục Vụ

Về Giáo Hội

Trong Thế Giới Ngày Nay

Gaudium Et Spes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Phần Thứ Hai

Chương III

Ðời Sống Kinh Tế Xã Hội 75*

 

Ðoạn 2: Những Nguyên Tắc Hướng Dẫn Toàn Bộ Ðời Sống Kinh Tế Xã Hội

67. Việc làm, những điều kiện làm việc và giải trí. Việc làm của con người trong công cuộc sản xuất và trao đổi sản phẩm hay cung ứng dịch vụ kinh tế có giá trị hơn các yếu tố khác của đời sống kinh tế, vì các yếu tố đó chỉ có giá trị như dụng cụ.

Thực thế, việc làm này hoặc làm cho chính mình hoặc làm mướn đều trực tiếp phát xuất từ con người. Con người gần như in vào thiên nhiên dấu vết của mình và bắt thiên nhiên phải tùng phục ý muốn của mình. Nhờ việc làm, con người theo lệ thường nuôi sống mình và gia đình, liên kết với anh em và phục vụ họ, có thể thực thi bác ái đích thực và góp công vào việc kiện toàn công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Hơn nữa chúng tôi cho rằng nhờ việc làm của mình, con người cộng tác vào chính công cuộc cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã nâng cao giá trị của việc làm khi Người làm việc với chính hai bàn tay của mình tại Nazareth 78*. Do đó, mỗi người có bổn phận phải trung thành làm việc và cũng có quyền làm việc nữa 79*. Trong những hoàn cảnh cụ thể, chính xã hội cũng có bổn phận góp phần giúp người công dân có thể tìm được công ăn việc làm. Sau cùng, tùy theo phận vụ và năng suất của mỗi người cũng như tình trạng của xí nghiệp và công ích 6, việc làm cần phải được trả lương sao cho con người có đủ khả năng xây dựng cho mình và gia đình một đời sống xứng hợp cả về phương diện vật chất, xã hội, văn hóa cũng như tinh thần 80*.

Hoạt động kinh tế thường là kết quả của việc hợp tác giữa nhiều người. Do đó, nếu tổ chức và điều hành hoạt động này làm thiệt hại cho bất cứ lớp công nhân nào thì đều là bất công và vô nhân đạo. Ngay cả ngày nay, điều thường xảy ra là công nhân trở thành nô lệ cho chính việc làm của mình. Ðiều ấy không thể được biện minh bằng bất cứ luật kinh tế nào. Bởi vậy, mọi phương thức sản xuất cần phải thích nghi với nhu cầu và lối sống của con người: trước hết thích nghi với đời sống gia đình, nhất là đối với người mẹ gia đình, và luôn luôn còn phải lưu tâm đến phái tính và tuổi tác. Hơn nữa, giới lao động cũng phải có cơ hội để phát huy tài năng và nhân cách ngay chính lúc làm việc. Họ phải dành thời giờ và sức lực cho công việc với tinh thần trách nhiệm phải có. Tuy nhiên, mỗi người cần được hưởng đầy đủ sự nghỉ ngơi và thời giờ nhàn rỗi để sống đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo. Ngoài ra họ cũng cần phải có cơ hội để tự do thi thố tài nghệ và khả năng mà có lẽ trong công việc của nghề nghiệp họ ít có dịp để trau dồi.

68. Tham gia vào xí nghiệp, tổ chức kinh tế tổng quát, tranh chấp lao động. Hoạt động trong các xí nghiệp kinh tế là việc hợp tác giữa các nhân vị, đó là những con người tự do và tự lập, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Bởi thế, khi đã tìm ra những phương thức thích hợp, cần phải cổ võ sự tham gia tích cực của mọi người vào việc quản trị xí nghiệp, tùy theo nhiệm vụ của mỗi người, hoặc họ là chủ nhân, chủ sự, hoặc là đốc công hay công nhân mà vẫn giữ được sự thống nhất cần thiết trong việc điều hành công việc 7. Nhiều khi không phải trong chính phạm vi xí nghiệp, nhưng trong những chương trình đại qui mô hơn, người ta đưa ra những quyết định về các tình trạng kinh tế và xã hội liên quan đến số phận tương lai của công nhân cũng như của con cái họ, nên họ cũng phải được tham dự vào những quyết định này hoặc chính họ hoặc qua những đại diện tự họ chọn lấy.

Giữa những quyền lợi căn bản của con người, đối với công nhân, cần phải kể đến quyền được tự do lập những hiệp hội để có thể thực sự đại diện cho họ và góp phần vào việc tổ chức đời sống kinh tế một cách tốt đẹp. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến quyền tự do tham gia 81* vào hoạt động của những hiệp hội này mà không sợ bị trả thù. Nhờ lối tham gia có tổ chức như trên liên kết với việc huấn luyện dần dần về kinh tế và xã hội, mọi người càng ngày càng ý thức hơn về bổn phận và trách nhiệm của mình. Nhờ đó, tùy theo phương tiện và khả năng riêng, chính công nhân tiến tới mức cảm thấy mình được góp phần vào việc phát triển toàn bộ kinh tế và xã hội cũng như vào việc mưu cầu ích chung.

Trường hợp xảy ra những tranh chấp về kinh tế xã hội, cần phải cố gắng đi đến một giải quyết ôn hòa. Nhưng điều phải làm trước tiên là luôn luôn tìm cách tạo một cuộc đối thoại chân thành giữa các phe nhóm liên hệ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, đình công, dầu là một phương tiện cuối cùng, song vẫn là phương tiện cần thiết để bênh vực những quyền lợi riêng và thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng của công nhân 82*. Dù sao cũng cần phải tìm cách đưa tới thương thuyết và đối thoại hòa giải càng sớm càng hay.

69. Của cải trần gian là để cho mọi người hưởng dụng 83*. Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền xử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo luật công bằng là luật đi liền với bác ái 8. Dù chấp nhận bất cứ hình thức tư hữu nào đã được nhìn nhận bằng các định chế hợp pháp của các dân tộc, tuy nhiên tùy theo hoàn cảnh khác biệt và thay đổi, phải luôn luôn lưu ý đến mục đích chung hưởng của cải. Vì thế, khi xử dụng của cải, con người phải coi của cải vất chất mà mình làm chủ một cách chính đáng không chỉ như của riêng mình, nhưng còn là của chung nữa: nghĩa là, của cải đó có thể sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho cả người khác 9. Vả lại, mọi người đều có quyền có một phần của cải đầy đủ cho mình và cho gia đình mình. Các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Giáo Hội đã nghĩ như thế. Các ngài dạy rằng mọi người có bổn phận phải nâng đỡ người nghèo và không phải chỉ giúp đỡ bằng của dư thừa 10. Còn những người sống trong cảnh cùng quẫn cực độ, họ có quyền lấy ở của cải người khác những gì cần thiết cho mình 11. Trước con số quá lớn những người đói khổ trong thế giới, Thánh Công Ðồng thiết tha kêu gọi mọi người hoặc mọi chính quyền hãy nhớ laị lời sau đây của các Giáo Phụ: "hãy cho kẻ sắp chết đói của ăn, vì nếu không cho họ ăn tức là đã giết họ" 12. Tùy theo khả năng, họ nên thực sự san sẻ và dùng của cải của mình đặc biệt để giúp phương tiện cho mỗi người hoặc cả một dân tộc để chính họ có thể tự túc và phát triển.

Trong những xã hội kinh tế kém mở mang, đôi khi sự chung hưởng của cải được thể hiện đầy đủ phần nào là do những tập tục và truyền thống riêng của cộng đoàn xã hội, nhờ đó, mỗi phần tử được hưởng những của cải tối cần. Tuy nhiên điều nên tránh là đừng coi một số tập tục như thể hoàn toàn bất biến, nếu thực sự nó không còn đáp ứng những đòi hỏi mới của thời đại này. Ðàng khác, cũng đừng vì thiếu khôn ngoan mà hành động ngược lại những tập tục tốt đẹp, vì một khi được thích nghi với hoàn cảnh hiện đại, những tập tục này vẫn còn đem lại nhiều lợi ích. Cũng thế, ở những quốc gia kinh tế rất phát triển, một hệ thống gồm những tổ chức xã hội nhằm vào việc bảo hiểm và an ninh có thể góp phần giúp vào việc thực hiện sự chung hưởng của cải. Vả lại, cần phải cổ võ những dịch vụ gia đình và xã hội, nhất là những dịch vụ đóng góp vào văn hóa và giáo dục. Tuy nhiên khi thành lập mọi tổ chức trên cần phải lưu tâm đừng để người công dân có thái độ phần nào thụ động, hoặc trốn tránh trách nhiệm hoặc từ chối phục vụ xã hội.

70. Vấn đề đầu tư và tiền tệ. Công việc đầu tư cũng phải làm sao tạo được công ăn việc làm và đem lợi tức đầy đủ cho dân chúng trong hiện tại cũng như trong tương lai. Bất cứ ai nắm giữ vai trò chủ chốt trong những việc đầu tư này và trong việc tổ chức đời sống kinh tế - hoặc cá nhân, hoặc tập thể, hoặc công quyền - cũng phải chú tâm đến những mục tiêu trên, và phải ý thức bổn phận nặng nề của mình: một mặt phải sẵn sàng tiên liệu những nhu cầu cần thiết cho mỗi cá nhân hoặc cho cả cộng đoàn có một đời sống đàng hoàng; mặt khác họ cũng phải dự liệu cho tương lai và thiết lập quân bình đúng mức giữa những nhu cầu tiêu thụ hiện tại của cá nhân hoặc của đoàn thể và những đòi hỏi phải đầu tư cho thế hệ mai sau. Họ cũng phải luôn quan tâm đến những nhu cầu cấp bách của các quốc gia hay những miền kinh tế kém mở mang. Trong vấn đề tiền tệ cũng phải tránh sao cho khỏi nguy hại tới lợi ích của xứ sở mình cũng như của các quốc gia khác. Vả lại, cũng phải liệu sao cho những ai eo hẹp về kinh tế khỏi bị thiệt thòi một cách bất công vì những vụ thay đổi giá trị tiền tệ.

71. Tiến tới sở hữu và quyền tư hữu. Vấn đề ruộng đất. Quyền sở hữu 84* và những hình thức khác của quyền tư hữu trên của cải vật chất giúp cho con người biểu lộ nhân vị, tạo cho họ cơ hội làm tròn phận sự của mình trong xã hội cũng như trong lãnh vực kinh tế. Do đó, cần cổ võ mọi cá nhân cũng như mỗi đoàn thể tiến tới một chủ quyền nào đó trên của cải vật chất.

Quyền tư hữu cũng như quyền làm chủ của cải bảo đảm cho mỗi người một lãnh vực cần thiết để cá nhân và gia đình được tự trị. Các quyền này cũng phải được coi như nằm trong phạm vi quyền tự do của con người. Sau cùng, những quyền này còn là một điều kiện tạo nên tự do của người công dân, vì khuyến khích họ đảm trách và thi hành phận vụ của mình 13.

Ngày nay chủ quyền hoặc quyền tư hữu mặc nhiều hình thức khác nhau và sự khác biệt này ngày một gia tăng. Tuy nhiên không kể đến những tài sản của xã hội, những quyền lợi và phục dịch mà xã hội dành cho, tất cả những hình thức sở hữu đó làm cho con người được vững tâm hơn. Ðiều vừa nói về quyền tư hữu về của cải vật chất, cũng có giá trị về những của cải tinh thần, chẳng hạn như những khả năng chuyên nghiệp.

Tuy nhiên quyền tư hữu không cản trở những hình thức khác nhau của quyền sở hữu công cộng. Dĩ nhiên chỉ có thẩm quyền hợp pháp mới có thể buộc chuyển nhượng của cải tư nhân vào sở hữu công cộng tùy theo những đòi hỏi và trong giới hạn công ích, nhưng phải bồi thường tương xứng. Ngoài ra, công quyền cũng có bổn phận ngăn ngừa đừng để ai lạm dụng quyền tư hữu mà phạm đến công ích 14.

Chính quyền tư hữu tự nó có một tính cách xã hội. Tính cách xã hội này đặt nền tảng trên luật chung hưởng của cải 15. Nếu tính cách xã hội này không được tôn trọng thì quyền sở hữu thường đem đến cơ hội sinh ra những tham lam và gây xáo trộn trầm trọng. Ðó là một cớ cho những người chống báng đòi hủy bỏ quyền tư hữu.

Trong nhiều miền kinh tế kém mở mang, vẫn còn những đồng ruộng rộng lớn hoặc rất bao la nhưng chỉ được canh tác sơ sài hay bị bỏ hoang vì tự lợi; trong khi đó phần lớn dân chúng hoặc thiếu đất đai hoặc chỉ được hưởng một phần đất quá ít ỏi và đàng khác việc tăng gia sản xuất nông nghiệp lại hiển nhiên là vấn đề cấp bách. Ðôi khi nông dân làm thuê hoặc những tá canh chỉ lãnh được một số lương hoặc một lợi tức không xứng với con người. Họ không có được một chỗ ở xứng đáng mà còn bị bọn trung gian bóc lột. Thiếu mọi bảo đảm an ninh, họ sống trong một tình trạng lệ thuộc hoàn toàn đến nỗi họ hầu như không còn có thể hành động theo sáng kiến và với tinh thần trách nhiệm. Và đối với họ, mọi cuộc phát triển văn hóa và tham gia vào đời sống xã hội, chính trị đều bị cấm chế. Do đó tùy trường hợp, cần phải có những cuộc cải cách nhằm gia tăng lợi tức, cải thiện trạng huống làm việc, đảm bảo cho việc thuê mướn và sau hết khuyến khích sáng kiến khi làm việc. Lại nữa, cần phải phân chia ruộng đất chưa được canh tác đầy đủ cho những ai có khả năng làm cho đất đai đó sinh lợi. Trong trường hợp này, cần phải cung cấp vật dụng và những phương tiện cần thiết cho họ, nhất là hỗ trợ về phương diện giáo dục và giúp tổ chức các hợp tác xã một cách chính đáng. Một khi công ích đòi hỏi phải truất hữu, thì cũng phải bồi thường cân xứng tùy theo hoàn cảnh.

72. Hành động kinh tế xã hội và Nước Chúa Kitô. Là những người hoạt động tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội ngày nay và tranh đấu cho công bình bác ái, người Kitô hữu cần phải xác tín rằng họ có thể đóng góp nhiều cho nền thịnh vượng của nhân loại và cho hòa bình thế giới. Trong những hoạt động này, họ phải nêu gương sáng với tư cách cá nhân hay đoàn thể. Một khi đã đạt được khả năng chuyên môn và kinh nghiệm cần thiết, trung thành với Chúa Kitô và Phúc Âm của Người, họ phải giữ đúng bậc thang giá trị trong các hoạt động trần thế. Nhờ vậy cả cuộc sống của họ, riêng tư cũng như giữa xã hội đều được thấm nhuần tinh thần của các Mối Phúc Thật, đặc biệt là tinh thần nghèo khó.

Bất cứ ai vâng theo Chúa Kitô, tiên vàn phải tìm Nước Thiên Chúa và từ đó tìm được một tình yêu mãnh liệt và tinh khiết hơn để giúp đỡ các anh em mình và thể hiện công bằng dưới sự thúc đẩy của đức ái 16.

 


Chú Thích:

(lưu ý: những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo trước)

78* Việc làm có giá trị cao hơn tất cả các yếu tố khác của sinh hoạt kinh tế, vì: 1) có tính cách nhân bản (không chỉ là khí cụ của con người), 2) là cần thiết cho cuộc sống, 3) cổ võ tinh thần anh em và tinh thần phục vụ lẫn nhau, 4) do đó giúp ta thực hiện đức thương yêu nhau, 5) để kiện toàn công cuộc tạo dựng, 6) ngoài ra nhờ đó ta có thể cộng tác với Chúa Cứu Thế, 7) không kể việc chúng ta bắt chước chính Người thuở xưa đã làm việc tại Nazareth.

Trước đây (số 35a), Công Ðồng đã nói rằng nhờ việc làm mà con người được hoàn hảo hơn và xây dựng xã hội. Bởi đó việc làm cũng là phương tiện để xây dựng hòa bình! Cho nên việc làm không những chỉ có giá trị tự nhiên về phương diện cá nhân cũng như cho xã hội và cả vũ trụ, mà còn có giá trị siêu nhiên giúp ta đền tội, cầu xin nhiều ơn Chúa cho mình và cho tha nhân, thánh hóa bản thân khi phải thực hành nhiều nhân đức như kiên nhẫn, cần mẫn, mạnh bạo, khiêm tốn... và đặc biệt là đức ái đối với Chúa cũng như đối với anh em.

79* A) Có bổn phận làm việc: Nếu việc làm thực sự có ích lợi cá nhân và xã hội như vừa nói trên, ai không chịu làm việc kẻ ấy phạm đến Chúa bởi vi phạm đến xã hội và anh em, chưa kể đến việc gây thiệt hại cho mình! Trước đây Công Ðồng nhắc lại rằng đức tin khiến tín hữu nhập thế và hoạt động cho thực tại trần thế (số 43a). Ngoài ra còn có những hoàn cảnh cụ thể buộc ta làm việc: ví dụ nghĩa vụ cha mẹ phải nuôi nấng con cái, đức công bằng nếu lập khế ước, đức vâng lời cũng như hiếu thảo của con cái trong gia đình v.v...

B) Có quyền làm việc: vì có bổn phận như vừa nói trên đây. Nhân phẩm cũng đòi hỏi con người có thể hưởng thụ tất cả những giá trị của việc làm. Dĩ nhiên nhân quyền này không có nghĩa là mỗi cá nhân có quyền đòi hỏi nơi cá nhân khác hay xã hội một công việc nào đó, vì hiểu như vậy sẽ không tôn trọng quyền tự do của người khác. Ở đây nhân quyền chỉ có nghĩa là không ai có thể bị ngăn trở hay bị từ chối khi xin làm việc với đầy đủ những điều kiện cần thiết. Hơn nữa chính quyền phải làm sao tổ chức đời sống kinh tế xã hội để có thể giúp đỡ công dân tìm cơ hội làm việc như Công Ðồng nhắc lại trong số này.

80* Phải được trả lương tương xứng, không phải chỉ trả theo sức mạnh của người làm việc (là việc làm của con người chứ không phải của cái máy) mà còn theo nhu cầu của con người trước đời sống vật chất, xã hội, văn hóa và đạo đức. Hơn nữa, tương xứng với nhu cầu không chỉ của một mình người làm mà cả của gia đình họ nữa. Giáo lý của Giáo Hội từ Ðức Leô XIII đến giờ vẫn nhấn mạnh rằng lương bổng đầy đủ cho gia đình là thuộc nhân quyền của người làm việc. Dĩ nhiên phải làm trọn nhiệm vụ này là trả công đầy đủ cho gia đình tùy từng việc và khả năng sản xuất, tùy hoàn cảnh xí nghiệp, tùy đòi hỏi của công ích, đặc biệt phải làm sao để có thể cho càng nhiều người làm việc càng tốt.

81* Công Ðồng nhắc lại rằng công nhân có nhân quyền tập đoàn và mục đích của nghiệp đoàn hay những hình thức khác là để đại diện cho công nhân (ví dụ để lập khế ước lao động) cũng như để góp phần vào tổ chức kinh tế. Nếu chỉ chấp nhận nhân quyền này trên nguyên tắc rồi tạo nên hằng ngàn sự đe dọa và áp lực để ngăn cản công nhân hoạt động tự do trong nghiệp đoàn, như thế là xâm phạm quyền lợi công nhân và trái lẽ công bằng.

82* Nhiều khi người ta nói về quyền đình công để giải quyết những tranh chấp lao động như là một trong các nhân quyền căn bản mà chủ nghĩa dân chủ đã đem lại cho công dân. Công Ðồng có lập trường khiêm tốn hơn. Theo Công Ðồng sự đình công 1) có thể là phương thế để bảo vệ quyền lợi cũng như để đòi hỏi những nguyện vọng hợp lý, 2) phương thế cần thiết và tối hậu, nghĩa là phương thế duy nhất sau khi cuộc đối thoại và những biện pháp hòa giải đã thất bại.

Sở dĩ như vậy là vì sự đình công gây nên thiệt thòi cho chính người lao động, cho xí nghiệp và cho công ích nữa. Thực ra cuộc đình công có hiệu lực chính là vì gây nên thiệt thòi đó. Cho nên đức ái cũng như đức công bằng cấm việc làm hại cho tha nhân, ngoại trừ trường hợp đó là vũ khí cần thiết để bảo vệ quyền lợi và đồng thời sự thiệt thòi không quá đáng.

Bởi vậy chính quyền có thể phế trừ sự đình công. Nhưng luật ấy sẽ bất công (cho nên vô giá trị) nếu chính quyền không cung cấp phương pháp hữu hiệu và tôn trọng quyền tự do của giới lao động để giải quyết các cuộc tranh chấp về việc làm.

Cuối cùng Công Ðồng không nói gì về cuộc đình công chính trị. Trường hợp này phức tạp hơn vì lúc ấy cuộc đình công giống như phương tiện bạo động bất hợp pháp. Do đó phải xét theo nguyên tắc khác (x.số 75).

83* Công Ðồng nhắc lại giáo lý truyền thống (các tài liệu trong ghi chú làm chứng). Ta có thể tóm tắt giáo lý của Giáo Hội như sau: 1) Theo ý Ðấng Tạo Hóa của cải phải phục dịch cho mọi người (x. Populorum Progressio, số 23), và phải bất chấp các kỳ thị (ở trên, số 64). 2) Cho nên cùng đích của chính của cải là phục dịch con người (Populorum Progressio, số 22). 3) Tùy theo nhu cầu vật chất, trí tuệ, luân lý, tinh thần và tôn giáo của họ (ở trên, số 64). 4) Của cải phải được đưa tới đầy đủ cho tất cả mọi người nhờ sự phân chia của cải một cách thích hợp hơn (x. Hiến chế tín lý về Giáo Hội, 36). 5) Tức là theo sự đòi hỏi của đức công bằng và với tinh thần yêu thương (Populorum Progressio, 22). 6) Kết luận: mọi người đều có thực quyền về những cái cần thiết (PP.22). 7) Các quyền lợi khác, kể cả quyền tư hữu, đều phụ thuộc quyền căn bản này (PP.26). 8) Do đó quyền tư hữu theo bản tính có mục đích xã hội (sau này, số 71). 9) Cho nên chúng ta phải lên án hình thức tư bản chủ nghĩa chủ trương quyền tư hữu vô hạn và tuyệt đối (PP.26). 10) Tất cả mọi người đều phải góp phần trong việc phân chia của cải cho công bằng hơn (do việc làm, lòng quảng đại) (Hiến chế tín lý về Giáo Hội 36; ở trên, 64; PP 23). 11) Ðặc biệt chính quyền phải can thiệp khi nào cần thiết (PP. 23). 12) Các dân tộc kém mở mang phải được dân tộc khác trợ giúp (sau này, 85-87) (PP. đặc biệt từ số 43 trở đi). 13) Phải giúp phương tiện cho mọi người cũng như các dân tộc để tự mình phát triển (PP.15,65).

84* Công Ðồng nhắc lại những lý do làm cho quyền tư hữu trở thành chính nghĩa: 1) nó phát biểu nhân cách, 2) giúp con người làm tròn nhiệm vụ trong xã hội, 3) là phương tiện cần thiết để bảo đảm quyền tự trị cá nhân và gia đình, 4) và giống như sự nối dài của quyền tự do, 5) nó khuyến khích con người làm việc, 6) và do đó trở thành điều kiện cho quyền tự do dân sự.

Nói cách khác và theo các tài liệu được trích lại trong ghi chú 13, 1) bản tính con người đoán được nhu cầu về tương lai nên đã đòi hỏi quyền tư hữu. Khác với thú vật, con người phải lo cho tương lai ! 2) Quyền tự do để tìm kiếm cùng đích cũng đòi hỏi quyền tư hữu một phần nào đó. 3) Ðặc biệt quyền tư hữu rất cần thiết để bảo đảm quyền tự trị trước mặt chính quyền, 4) Quyền cũng như bổn phận làm việc là những lý do bênh vực cho quyền tư hữu. 5) Cuối cùng chính công ích đòi hỏi quyền tư hữu: vì nó giúp con người làm việc hăng hái.

Như vậy ta phải quả quyết rằng quyền tư hữu ít ra là quyền của đại gia đình theo khía cạnh tinh thần, và phát sinh bởi luật tự nhiên. (x. Haring, La Loi du Christ, 1963, III, 605-606).

VỀ MỤC LỤC

TỬ ĐẠO VIỆT NAM

 

TỬ ĐẠO VIỆT NAM

(Độc vận: Tử)

Anh hùng tử!

Khí hùng bất tử!!

Bia tạc nghìn thu!

Danh lưu vạn cổ.

Khúc khải hoàn rộn rã, cờ chiến thắng bay lộng mây xanh,

Cành thiên tuế tưng bừng, Áo vinh quang giặt sông máu đỏ.

 

Nhớ linh xưa:

Đạo Chúa gieo mầm,

Đường chiên hớn hở.

Nhà đất Việt ánh sáng mở màn,

Cõi trời Nam vầng dương hé lộ.

Đồng truyền giáo sóng mạ đang vươn,

Ruộng linh thiêng lúa vàng sớm nở.

 

Ngờ đâu:

Vua u mê thủ cựu, mắt tảng lờ chẳng thấu tôn linh,

Quan bạo ngược chuyên quyền, tai giả điếc nào hay cơ sự.

Ma ám hồn ghen ghét xàm tâu,

Qủy nhập trí  tị ganh báng bổ.

 

Lệnh truy lùng truyền khắp xã thôn,

Loa cấm đạo rao cùng thị tứ.

Chốn thờ phượng ra công càn quét, búa hung hăng phá đổ nhà thờ.

Nơi nhà chung dốc sức vét vơ, lửa hống hách đốt phăng phượng tự.

Đem bạc tiền chuốc đứa săn mồi,

Lấy  vinh hoa mua phường xu phụ.

 

Than ôi:

Thích vào trán “Tây Dương tả đạo”, khắp hang cùng lùng sục thừa sai,

Xô gập lưng “ qúa khoá Gia Tô”, nơi chợ búa đạp nằm thập tự.

Đằng đằng mấy đám lý hình,

Sát khí một bày đao phủ.

 

Gia hình cụ: nhất trảm – bá đao – voi dầy – ngựa xéo – tùng xẻo – trầm hà...

Đặt khảo tra: dùi nung – roi đuối – treo ngược – gậy hèo – cùm chân – gông cổ...

Trẻ già trai gái lớp lớp đầu rơi!

Sĩ nông công thương hàng hàng máu đổ.

 

Thế nhưng:

Vợ dặn chồng giữ vững đức tin!

Mẹ khuyên con đừng nghe quyến rũ!!

Chốn nhà lao anh dũng, vang vang tiếng hát hy sinh...

Nơi ngục tối kiên cường, rộn rã lời kinh bất tử.

 

Mặc gông cùm, mặc xích sắt, coi thường khổ tứ lao lung!

Không chao đảo, không ngả nghiêng, chẳng hề tham sanh úy tử!

Ngạo nghễ pháp trường hành quyết, chứng nhân  danh Đức Ki-tô.

Hiên ngang đối đáp quan quyền, chính đạo rền vang hoàn vũ .

 

Qúa trăm năm mây thảm gió sầu,

Hơn thế kỷ tồn vong sinh tử.

Hàng hàng gục ngã, anh dũng tạc bia đá hậu lai,

Lớp lớp đứng lên, kiên cường noi tấm gương tổ phụ.

 

Khâm kính:

Khi đi gieo lệ sầu!

Lúc về gặt hớn hở!

Hạt giống vùi sâu,

Mầm xanh vụt nở.

Nhạc du dương Thiên sứ đón chào,

Kèn chiến thắng cửa Trời rộng mở.

Đầu tử đạo lấp lánh triều thiên.

Ngực chứng nhân ngời ngời hoa đỏ.

 

Nay chúng con:

Nơi trần thế năm châu bốn bể, tự hào thay dòng giống anh hùng.

Chốn lữ hành bảy nổi ba chìm, kính phục lắm dâng lòng hâm mộ.

Nén hương trầm dào dạt khấn anh linh,

Ngọn nến trắng thắp lòng son bày tỏ.

Nguyện các Đấng cầu bầu.

Xin thiên ân phò hộ.

 Bái mộ!

A-men. 

                                                     Bùi Nghiệp

VỀ MỤC LỤC
GÁNH NẶNG NGÀN CÂN ĐƯỢC CẤT KHỎI VAI HỘI THÁNH !

 

PHẢN ỨNG TỪ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO : MỘT SỰ KIỆN « LỊCH SỬ »

Đức Giám Mục Eilo Sgreccia,chủ tịch Hàn Lâm Viện Giáo Hòng Vì Sự Sống, nhìn thấy một sự  kiện « lịch sử » trong khám phá mới về tế bào gốc : phải chấm dứt việc hủy diệt phôi người. Đó là lời Ngài tuyên bố trên Radio Vatican. Đức Cha Sgreccia nói : « Nếu kỹ thuật nầy được xác nhận [sẽ công bố trong tờ chuyên ngành « Cell » ngày 30.11.2007.BTGH], nó sẽ tượng trưng cho một sự mới mẻ mà chúng ta có thể định nghĩa như là quan trọng trong lịch sử. Giờ đây người ta không còn cần các phôi nữa và người ta không cần đến nhân bản vô tính để chữa trị - hoặc người ta nói là để điều trị bệnh - một trang bút chiến và những chống đối mạnh mẽ đã lật qua. Hội Thánh đã chiến đấu vì những động cơ đạo đức , khuyến khich các nhà nghiên cứu tiến bộ trên các tế bào gôc trưởng thành và tuyên bố việc hy sinh phôi thai là bất hợp pháp.Giờ đây các nhà nghiên cứu nầy đã đạt đến đó chưa hẳn vì những động cơ đức tin,mà vì mong muôn nghiên cứu thành công. Thành công đã đến và điều đó cũng cho phép nói rằng giữa đạo đức và khoa học – khoa học đích thực - có họ hàng với nhau. Đạo đức học tôn trọng con người, thì cũng hữu ích cho việc nghiên cứu và điều đó cũng xác định rằng không phải Hội Thánh đối nghịch với nghiên cu :  Hội Thánh chống lại nghiên cứu xấu kém, nghiên cứu làm hại con người và trong trường hợp nầy, nó làm hại con người – phôi thai ». Ngài xót xa vì con số « những phôi thai bị hy sinh, hàng tỷ bạc lấy từ các qũy quốc gia,nghĩa là của công dân, vĩnh viễn bị lãng phí, trong khi lẽ ra phải được dùng phục vụ cho khoa học tốt,cho nghiên cứu đích thực ».  (Zenit 22.11) 

1. "CHA ĐẺ" CỪU DOLLY TỪ BỎ KỸ THUẬT SINH SẢN VÔ TÍNH 

Giáo sư Ian Wilmut vừa có một tuyên bố làm chấn động giới khoa học thế giới: ông sẽ từ bỏ nghiên cứu phương pháp kỹ thuật sinh sản vô tính từng khiến nước Anh đổ vào hàng chục triệu bảng trong suốt thập niên qua.

Theo BBC, giáo sư Wilmut cho biết nhóm của ông đã họp lại và nhất trí phương pháp đang được nghiên cứu ở Nhật, tạo phôi người mà không cần lấy trứng, có nhiều tiềm năng hơn nên mọi nghiên cứu về sau ở Anh cũng sẽ đi theo con đường này.

Theo Wilmut, phương pháp tế bào gốc do giáo sư Shinya Yamanaka, Đại học Kyoto, lãnh đạo nghiên cứu chẳng những có khả năng tốt hơn trong việc ứng dụng để cấy tế bào và mô riêng của bệnh nhân cho hàng loạt ca điều trị từ đột quị, nhồi máu cơ tim cho đến bệnh Parkinson, mà còn dễ được xã hội chấp nhận hơn về mặt đạo đức.

Nhiều người cho rằng tuyên bố chấn động của giáo sư Ian Wilmut có liên quan với việc vài ngày trước đây các nhà khoa học Mỹ đối tác với giáo sư Yamanaka cho biết vừa thành công trong việc biến đổi các tế bào da của người trưởng thành thành các tế bào dưới dạng phôi thai để đưa vào chính cơ thể người bệnh, giúp hạn chế các phản ứng đào thải. Giáo sư Wilmut cho biết phương pháp nghiên cứu này đã khiến ông "rất kinh ngạc và thích thú". 

2. TẠO TẾ BÀO MẦM TỪ DA NGƯỜI

Tế bào mầm có thể phát triển thành bất cứ loại mô nào trong cơ thể người. Do đó, các nhà khoa học tin rằng công nghệ tế bào mầm sẽ giúp chữa trị thành công hàng loạt căn bệnh nan y hiện nay như ung thư, Parkinson, tiểu đường, chấn thương cột sống… thậm chí cả việc thay thế những bộ phận trong cơ thể người. 

Ngày 20-11, giới khoa học toàn cầu phấn khích đón nhận một khám phá mang tính bước ngoặt: phương pháp chế tạo tế bào mầm từ tế bào da người, thay cho phôi thai người.

Phát hiện gây chấn động này do hai nhóm nghiên cứu độc lập công bố vào cùng một thời điểm. Trên tạp chí khoa học Cell, các chuyên gia thuộc ĐH Kyoto (Nhật) cho biết họ sử dụng bốn loại protein kiểm soát gen tái cấu trúc lại nguyên bào sợi của người trưởng thành - loại tế bào da rất dễ nuôi cấy.

Các tế bào da, qua chuyển đổi, đã trở thành loại tế bào có chức năng rất giống với tế bào mầm phôi thai người. Sau 12 ngày nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học Nhật đã sản xuất thành công mô tim và não người từ tế bào mầm từ da người này.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Wisconsin (Mỹ) cũng đạt thành quả tương tự khi sử dụng hỗn hợp khóa chất có đôi chút khác biệt so với các chuyên gia Nhật. Theo tạp chí Science, qua nghiên cứu, nhóm ĐH Wisconsin đã chế tạo được tám chuỗi tế bào mầm mới.

Như chế tạo máy bay đầu tiên

Khám phá trên lập tức nhận được vô số lời khen ngợi và ủng hộ từ cộng đồng khoa học thế giới. Reuters dẫn lời giáo sư Azim Surani thuộc ĐH Cambridge (Anh) so sánh việc sản xuất tế bào mầm từ da giống như "trồng cả cây to từ một nhánh nhỏ”.

Còn giáo sư Robert Lanza thuộc Học viện Y tế phục hồi (Mỹ) khẳng định đây là một bước ngoặt vĩ đại của khoa học, có mức độ ảnh hưởng trong ngành sinh học "tương đương với việc chế tạo ra chiếc máy bay đầu tiên" đối với ngành hàng không.

Các nhà khoa học đánh giá thành tựu này có nghĩa là hoạt động nghiên cứu tế bào mầm sẽ không còn phụ thuộc công nghệ nhân bản vô tính phôi thai người - phương pháp gây ra rất nhiều tranh cãi về đạo đức trong thời gian qua bởi các nhà khoa học phải sử dụng trứng người để tạo phôi, sau đó phá hủy phôi để chiết xuất tế bào mầm.

Các tổ chức tôn giáo coi hành động này ngang với tội sát nhân, trong khi nhiều người lo ngại hoạt động nghiên cứu sẽ dẫn đến việc lạm dụng phụ nữ để lấy trứng. Vì vậy, khám phá trên được Hội nghị giám mục Thiên chúa giáo Mỹ gọi là "thắng lợi cho cả khoa học và đạo đức".

Hơn nữa, theo giáo sư James Thompson, thành viên nhóm nghiên cứu ĐH Wisconsin, kỹ thuật chế tạo tế bào mầm từ da người đơn giản và rẻ tiền hơn rất nhiều so với công nghệ nhân bản vô tính phôi thai. "Hàng ngàn phòng thí nghiệm tại Mỹ có thể áp dụng được kỹ thuật này, ngay từ ngày mai", ông Thomspson khẳng định.

3. SUY NGHĨ & NHẬN ĐỊNH

Quyết-định của giáo sư Ian Wilmut và/vì với việc ông công nhận phương pháp tế bào gốc do giáo sư người Nhật Shinya Yamanaka, vì ” chẳng những có khả năng tốt hơn trong việc ứng dụng để cấy tế bào và mô riêng của bệnh nhân cho hàng loạt ca điều trị từ đột quị, nhồi máu cơ tim cho đến bệnh Parkinson, mà còn dễ được xã hội chấp nhận hơn về mặt đạo đức” khiến cho người ta phải khâm phục vì sự trung thực thẳng thắn của ông. Đây mới thật sự là một nhà khoa học chân chính. Đối với Hội Thánh Công Giáo, đây là một tin rất đáng vui mừng, vì bước đầu trút bỏ được gánh nặng lo âu về tranh cãi đạo đức về nhân bản vô tính  (mà người ta cho là để đáp ứng chữa trị) cũng như việc nghiên cứu tế bào gốc phôi (kéo theo việc giết chết phôi thai để nghiên cứu hoặc nhân bản vô tính, cũng với lập luận là để điều trị). Hội Thánh Công Giáo không thể nào tán thành việc làm một điều ác (hủy bỏ một sinh mạng) để làm một việc tốt (như là hữa trị các chứng nan y). Thiên Chúa phú cho con người sự thông minh và nhiều khả năng trí tuệ, khoa học, để khám phá những điều kỳ diệu, trong đó có các phương pháp dùng tế bào gốc trưởng thành hộp đạo đức để nghiên cứ và tiên tới chửa trị các chứng bệnh đa dạng của con người.

Đầu năm nay, một nhà khoa học trẻ người Việt học tập và nghiên cứu ở Singapore đã  có một khám phá vang dội. Đó là sử dụng máu cuống rốn (ombilical blood) để chữa bệnh, với những lợi điểm vượt trội, là không sợ đào thải tế bào, rất dễ kiếm (dù cho đến hiện nay người ta thường bỏ đi và dự trử trên thế giới các nhau rốn còn rât thấp). Song song với phương pháp của giáo sư người Nhật và những phương pháp không vi phạm đạo đức sinh học khác sẽ được khám phá trong tương lai, Giáo sư Ian Wilmut đáng được ca tụng là nhà khoa học đã tiến lên đúng mưc và dừng lại đúng chỗ. Chắn chắn sẽ có những phản ứng, biện hộ nầy nọ từ những nhà khoa học vô thần hoặc chỉ tìm vinh danh riêng cho mình mà bất chấp đạo đức, nhưng nói như Jean-Claude Ameisen, chủ tịch uỷ ban đạo đức Viện Quốc Gia Y Tế và Nghiên Cứu Y Khoa, tại Pháp: “Công việc của Yamanaka, CUỘC CÁCH MẠNG KHOA HỌC THẬT SỰ, chứng mình rằng có khả năng đưa chương trình mới vào các tế bào trưởng thành bình thường và cho thấy rằng tính chất mềm dẻo (thích nghi) của các tế bào to lớn hơn nhiều so với những gì người ta vẫn nghĩ”. Nhà nghiên cứu tuyên bố:” VỚI KỸ THUẬT NẦY, NGƯỜI TA SẼ KHÔNG CÒN CÓ THỂ NÓI : CHẲNG CÒN CÁCH LÀM NÀO KHÁC”(Le Figaro 19.11.07;BBC 17.11.07). Những lời ngụy biện hàm hồ và hành động ngang ngược cố chấp, lúc ấy, chỉ khiến người ta hoài nghi về tính khoa học trong công việc của họ và lòng trung thực của một nhà khoa học nơi họ.

Hân hoan vì thành tựu khoa học nầy, vì không những nó cứu được bao sinh linh nhỏ bé vô tội, bị đem ra nghiên cứu hoặc “sát tế” để chữa trị bệnh, mà còn là câu trả lời mạnh mẽ cho những người luôn vì lợi ích,danh dự hoặc do những động cơ đen tối khác,mà mau chóng chụp bắt ngay cơ hội đầu tiên, cho dù là phi đạo đức.

Song vẫn có trước mắt niều điều lo lắng: phong trào hợp pháp hoá nạo phá thai đang lan rộng; vấn đề an tử hoặc tự tử có trợ giúp và bao vấn đề luân lý khác. Cầu xin Chúa soi sáng cho những nhà khoa học chân chinh sớm tìm ra giải đáp, để bớt đi tội ác đang làm chui nhụt hoen rỉ lương tâm con người.

BTGH 62

VỀ MỤC LỤC
SỐNG  CHÍNH  TRỊ

 

Lời nói trước: Nhân đọc Thông Tư của HĐGMHK kêu gọi về Trách nhiệm Chính Tri của người công giáo / Đào tạo lương tâm để thành công dân chân chính, chúng tôi xin chia sẻ một ý niệm về Chinh Tri tạm gọi là SỐNG CHÍNH TRỊ của con người nói chung và người công giáo nói riêng. Mong quí cha và quí độc giả chỉ giáo và góp ý. Đa tạ. NTC.

 

Chính trị là gì?

 

Chúng ta thường hiểu chính trị theo nghĩa thông thường, nghĩa hẹp của người bình dân là chính trị phe phái, tranh dành và bảo vệ quyền lực với mọi thủ đoạn lưu manh gian ác miễn sao đạt được ý nguyện. Đó là chính trị dơ bẩn, chính trị BÁ ĐẠO. Nhưng không phải ai cũng làm chính trị bá đạo cả. Chúa Giêsu cũng làm chính trị, nhưng Ngài không dùng thủ đoan lưu manh để lừa gạt. Ngài lấy Từ Bi, Bác Ái, Lòng Nhân mà thuyết phục con người để mọi người thương yêu nhau và sống an bình hạnh phúc. Đó là chính trị VƯƠNG ĐẠO. Thí dụ về Chúa thì nhiều vô kể. Toàn thể TIN MỪNG là cả một kho tàng, là một hiến pháp siêu chính trị mà chúng ta phải noi theo. Nhưng chỉ xin nêu một thí dụ về Đức Khổng.

   

-Ông Tử Lộ hỏi Đức Khổng: “Nếu vua nước Vệ mời thầy ra giúp vua cai tri, thày làm gì trước?”

  

-Khổng Tử đáp: “Ắt phải lấy chính danh làm trước vậy.”

 

Thuyết chính danh như thế nào, chúng ta ai cũng biết, xin không bàn nhiều ở đây. Chúng ta thường nghe nói: Danh Chính Ngôn thuận, nghĩa là Danh bất chánh tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành, thuyết căn bản của triết học họ Khổng. Đãng CSVN,  chế độ tự do tại Hoa Kỳ này đang áp dụng loại chính trị nào?  Chắc không phải là chính trị vương đạo. Nếu vương đạo thì đã chẳng có hơn 3 triệu người Việt, trong đó có chúng ta, đã liều chết rời bỏ quê hương lang thang nơi xứ người như hiện nay. Nếu vương đạo thì HĐGMHK đã không cần phải nhắc nhở người công giáo dấn thân vào chính trị, chú ý đến những vấn đề Xã hội / giàu nghèo, Sự sống / Sự chết, Chiến tranh / Hòa bình....ở đất nước Hoa Kỳ này. Phải chăng khi nói dấn thân, các ngài muốn chúng ta sống với chính trị.

 

Thế nào là Sống chính trị?

 

Con người sinh ra, sống và chết trong môi trường chính trị. Và con người đã trở thành con vật chính trị. Vì thế sống chính trị là điều kiện căn bản để thực hiện một cuộc sống đầy đủ của con người, cả về thể xác lẫn tinh thần.

 

Sống chính trị cốt yếu ở chỗ thực hành những đức tính chính trị ngay trong đời sống thường nhật của mình. Đức tính chính trị là những nỗ lực cải thiện các mối liên hệ giữa mình với người khác và rộng dần ra tới toàn thể xã hội. Muốn làm tốt hơn những mối tương quan này, tất nhiên phải tìm hiểu đâu là những trở ngại, phía mình, phía người, tính chất của những trở ngại này rồi tìm ra những phương hướng giải quyết vấn đề dựa trên  những điều kiện cơ bản, thích hợp với Tin Mừng.

 

Sống chính trị không phải là làm chính trị. Làm chính trị nhắm mục tiêu tranh dành quyền lực. Sống chính trị là tập luyện các đức tính chính trị bắt đầu ngay từ bản thân mình. Tu sửa cách sống của mình trước khi tu sửa xã hội.

 

Đức tính chính trị là những đức tính có tính cách cộng đồng, nằm trong các mối tương quan xã hội. Để luyện tập những đức tính này không thể đóng cửa tu thân hàm dưỡng trong phòng kín, mà phải dấn thân vào các sinh hoạt đoàn thể / cộng đồng. Phải cùng với nhiều người khác tạo ra một môi trường tập thể  tu thân, tạm gọi là CỘNG TU. Giáo hội sơ khai của các tông đồ phải chăng cũng là những cộng đồng cộng tu, mọi người quây quần sống chung với nhau để cầu nguyện, ăn chay hãm mình và tu luyện.

 

Chính trị luôn luôn có tính cách bành trướng, tạo ra một mối tương quan mật thiết giữa phần tử với toàn thể. Vì thế việc thực hiện các đức tính chính trị tuy bắt đầu từ đời sống thường nhật của mình nhưng lại bắt buộc phải kết thúc ở toàn thể xã hội. Nếu không, sinh hoạt chính trị sẽ bị bóp méo hay bẻ gẫy. Đời sống con người và xã hội cũng bị xáo trộn theo.

 

Chính trị là sự áp đặt của toàn thể vào cá nhân. Nhưng đức tính chính trị lại là sự phản hồi từ cá nhân vào toàn thể.  Khi sự phản hồi này được thể hiện, thì tính chất áp đặt không còn nữa, mà đã trở thành tự do dân chủ....đem lại phúc lợi chung cho mọi người. Mỗi người công giáo chúng ta, nếu sống đúng tinh thần Tin Mừng Chúa sẽ là những hạt nhân có tính phản hồi vào môi trường xã hội làm đẹp chính trị. (Mt.5, 13-16).

 

Trong thực tế, làm được điều đó không phải là dễ. Chúa dạy “chúng ta phải thương yêu nhau như yêu chính mình vậy”( Mt. 22, 39)  đã hơn 2000 năm mà đến nay, hàng ngày Giáo Hội và các cha vẫn còn phải nhắc nhở chúng ta. So kè những vấn đề khác nhau của đất nước là thực hiện một đức tính chính trị

 

Không đồng quan điểm về một vấn đề gì nhưng vẫn tiếp tục hợp tác trong các sinh hoạt của cộng đồng xã hội, lại là một đức tính chính trị khác.

 

Mỗi cá nhân tín hữu không tự cô lập trên ngọn núi của mình, mà phải xuống núi, xắn tay hợp tác với người khác, khép mình vào một kỷ luật làm việc tập thể, đó là đức tính chính trị.

 

Tạo được sự hợp tác giữa những bất đồng trong cùng một hệ phái, một cộng đồng đã là việc khó, tạo sự hợp tác này giữa những hệ phái / cộng đồng khác nhau lại còn khó hơn bội phần, đòi hỏi nhiều tập luyện các đức tính chính trị khác nhau, không thể chỉ nói xuông.

 

Nguyên do chính tạo ra những bất ổn trong xã hội là sự xung đột quyền lợi giữa người này với người khác, giữa nhóm này với nhóm khác. Giải quyết những vấn đề này mà phải dùng tới các thủ đoạn man trá và tàn độc thì thật ra không phải là giải quyết, mà chỉ triển hạn, đẩy lui vấn đề đi xa hơn bằng cách tạo ra nhiều vấn đề khác. Nước đang đục, khuấy cho đục thêm.

 

Lời Kết

 

Để giải quyết những vấn đề có tính cách toàn diện này, không thể chỉ dựa vào sự luyện tập các đức tính chính trị nơi một số người, mà phải cần tới những sửa sang dự bị từ nền tảng trong mọi tương quan của toàn thể xã hội. Xã hội nào, chính quyền đó. Toàn thể gọi toàn thể. “Muối sẽ làm mặn môi trường. Ánh sáng sẽ xua đuổi bóng tối.”(Mt. 5, 13-16). Một cuộc cách mạng chỉ thành công trong một môi trường đã dọn sẵn. Một chế độc tài cũng chỉ thành công trong một môi trường thích hợp với nó. Một chế độ không bỗng nhiên từ trời rơi xuống. Một chế độ bao giờ cũng là con đẻ của một tình trạng xã hội. Mà xã hội là do chính chúng ta tạo nên. Sống chính trị càng lan rộng thì mọi não trạng của xã hội sẽ thay đổi theo. Các tương quan sẽ từ từ đổi bản chất. Khi trái cây chín mùi đủ chỉ một cơn gió nhẹ cũng làm nó rụng xuống. Phúc Lợi Chung.

 

Bác si Nguyễn Tiến Cảnh

VỀ MỤC LỤC
THUYẾT PHỤC  CỘNG TÁC (2)

 

Có những lúc, để thuyết phục được sự cộng tác, chúng ta cần phải giúp đứa trẻ chiếm lại được vị thế của nó trong gia đình. Sau đây là một trong những trường hợp thường xảy ra mà chúng ta có thể nghiên cứu để học hỏi: 

Trà Mi 3 tuổi, một cô bé dễ thương, kháu khỉnh, và thông minh. Cô bé biết đi trước khi nó được một tuổi, và lúc 2 tuổi thì đã nói được những câu rất phân minh rõ ràng. Mọi người đều thích và cưng nó. Thình lình nó đổi tính sinh bướng bỉnh, thích nghịch phá các vòi nước, hay nghịch đất cát, trông có vẻ bẩn thỉu. Trước khi tính tình thay đổi thì em nó được sinh ra. Mấy tuần đầu nó thích thú em nó và giúp mẹ tắm em. Nhưng rồi nó bị mẹ nó từ khước và rầy la, vì thế nó sinh đổi tính. 

Bà mẹ đi tìm gặp chuyên gia tâm lý để được hướng dẫn. Bà được cắt nghĩa cho thấy: cô bé nghĩ ràng chỉ có đứa bé vô dụng như em nó mới có giá trị. Bà cũng được cắt nghĩa cho thấy rằng việc bà từ khước sự giúp đỡ của cô bé là một sai lầm, nên phải làm sao để giúp cô bé lấy lại được vị thế và giá trị của nó trong gia đình. 

Bước đầu tiên của bà là phải ghi lại những gì cô bé có thể làm được để giúp mẹ. Bà yêu cầu cô bé bê chai nước từ trong bếp ra cho bà. Cô bé giận dữ chạy ra khỏi nhà. Một lúc sau cô bé trở lại với quần áo ướt đẫm. Nhận thấy vấn đề trầm trọng nhưng bà mẹ không rầy mắng. Bà ôm bé vào lòng và dịu dàng hỏi nó: “Con có muốn là đứa bé thơ ấu của mẹ không?” Cô bé bật khóc và ôm mẹ chặt hơn. Bà mẹ an ủi nó. Đoạn bà đề nghị cô bé trở về phòng nó. Bà mẹ giúp thay tã cho nó, cho nó bú bằng chai, và làm mọi sự cho nó như đã làm cho em nó. Cô bé cảm thấy vui khi thấy mẹ nó vào sáng hôm sau lại đến thay tã cho nó trước khi lo lắng cho em nó. Nó vui hưởng chai sữa vào sáng sớm. Nó chỉ được cho thức ăn giống như em nó. Cô bé yêu cầu cho đồ chơi để chơi trong giường nó. Bà mẹ cho nó đồ chơi của em nó. Khi cô bé yêu cầu cho nó những cây bút chì để vẽ, bà mẹ đáp trả: “Một đứa bé thơ như cu tí không thể sơn được. Con muốn là đứa bé thơ của mẹ kia mà?” Mỗi lần cô bé muốn có một cái gì vượt quá giai đoạn bé thơ, nó đều nhận được một sự trả lời như thế nhưng với một giọng điệu cho thấy sự đầm ấm và đầy thiện cảm. Vào buổi trưa ngày thứ hai, cô bé tuyên bố: “Con là một đứa con gái lớn và không muốn làm một đứa bé thơ nữa!” Bà mẹ nói: “Con có cảm thấy lớn đủ để giúp em con là đứa không có thể làm được gì cho chính nó không?” Cô bé đáp lại ngay tức khắc: “Vâng, có”. Bà mẹ cảm thấy vui và tiếp tục khuyến khích cô bé làm đứa trẻ lớn, và hành vi của đứa trẻ thơ ngày nào của nó đã biến mất.

Trong trường hợp nầy, bà mẹ đã tỏ cho cô bé qua hành động hơn là bà có thể nói với cô bé bằng ngôn từ. Bà cho phép cô bé nhận ra rằng một đứa bé thơ không phải như nó nhìn thấy. Bà giúp nó khám phá ra rằng làm một đứa trẻ lớn và có khả năng thì tốt hơn là làm một đứa trẻ thơ bé nhỏ. Bằng hành động của bà, bà mẹ chỉ dạy cho cô bé biết cách hành động và giúp nó thiết lập lại chỗ của nó như một đứa con gái lớn có thể giúp đỡ được. 

Bà mẹ và bé Bảo Quốc 5 tuổi đi vào xe để đi đón ông bố ở ga xe lửa. Đó là một ngày thật lạnh nhưng Bảo Quốc lại quay cửa sổ xuống. Bà mẹ nói: “Chúng ta chỉ cho xe chạy khi con quay cửa sổ lên”. Cậu bé chờ xe chạy. Bà mẹ ngồi lặng yên. Cậu bé nói: “Con sẽ quay cửa lên khi mẹ bắt đầu cho xe chạy”. Bà mẹ không nói gì và tiếp tục chờ đợi. Cậu bé nói tiếp: “Được rồi, con sẽ quay cửa lên khi mẹ cho chìa khóa vào ổ khóa”. Bà mẹ vẫn tiếp tục chờ và không nói gì. Bà cho thấy thái độ không vừa ý. Sau cùng cậu bé quay cửa lên. Bà mẹ bắt đầu cho xe chạy mỉm cười với nó và hỏi: “Mặt trời không tuyệt đẹp giọi chiếu trên tuyết sao? Hãy nhìn nó lấp lánh như hàng ngàn hạt kim cương”. 

Bà mẹ tránh làm một sự đòi hỏi “quay cửa lên” và tránh sự tranh chấp quyền hành. Bà cho thấy điều bà cần phải làm trong hoàn cảnh đó và muốn giữ vững lập trường mà không giận dỗi. Khi cậu bé cố gắng muốn quậy phá bà trong cách thế của nó, bà chỉ ngồi yên chờ đợi cho đến khi cậu bé có hành động phù hợp với đòi hỏi của tình thế, bà mới mỉm cười bắt đầu công việc và chú ý vào điểm khác trong cách thế thân tình. Sự cộng tác mau chóng của cậu bé cho thấy cậu bé đã có sự kính trọng đối với sự cứng rắn của bà mẹ.

Diệu Huyền 9 tuổi và bạn nó đang làm những sợi dây chuyền bằng bột. Bà me bước vào phòng mang theo cu bé Hinh vừa sinh được 9 tháng và nói: “Diệu Huyền, con coi em cho mẹ. Mẹ phải đi đón ba con”. “Ô mẹ, nó sẽ quậy phá bây giờ. Tại sao con cứ phải luôn trông coi nó?” “Thôi đủ rồi. Hãy làm như mẹ bảo”. Khi mẹ nó ra đi, cô bé nhìn cu tí đang bò tới những món đồ chơi hấp dẫn. Cô bé kéo nó lại và đưa cho nó một con gấu nhỏ. Cu tí dẹp gấu qua một bên và bò nhanh tới các đĩa bột. Khi mẹ nó trở về, cu tí thì thét lên còn chị nó thì la to. Bà mẹ nhập cuộc: “Con không thể trông em 15 phút mà không có sự xung đột được hay sao?” 

Giọng của bà mẹ và đòi hỏi của bà khiến cô bé giận dữ. Giọng điệu và cách xử thế của chúng ta là những yếu tố quan trọng trong việc thuyết phục sự cộng tác của một đứa trẻ. Nhiều lần chúng ta đã nhận ra rằng con trẻ có thể kháng cự yêu sách của chúng ta hoặc vì nó không đúng lúc hoặc vì công việc được giao phó xem ra không thích thú gì với đứa trẻ.Trong những trường hợp như thế, chúng ta có khuynh hướng lên giọng và nhấn mạnh với hy vọng chế ngự được sự kháng cự nhưng ngược lại nó chỉ làm tăng thêm sự chống đối mà thôi. 

Chỉ có lịch sự và nhã nhặn mới có thể thắng được và chiếm được sự cộng tác của đứa trẻ. Tốt nhất là dùng những cách thế tỏ ra mình cũng hiểu được quan điểm của đứa trẻ, chẳng hạn như : mẹ nhận thấy có thể con không muốn, nhưng việc đó sẽ giúp mẹ nhiều nếu con… hoặc mẹ cảm ơn con nhiều nếu con cảm thấy có thể giúp mẹ được điều nầy… Những câu như vậy dễ tạo được sự hòa hợp, bớt sự căng thẳng, và dễ thuyết phục đứa trẻ cộng tác. 

Quỳnh Như 10 tuổi sống trong khu vực ngoại ô không có phương tiện chuyên chở công cộng. Bạn của nó là Như Mai, một đứa bạn rất thân với nó, sống cách xa không thể đi bộ được, và nếu đi xe đạp trong mùa đông thì lại quá lạnh. Cả 2 cô bé muốn chơi với nhau mỗi khi chúng có thời giờ rảnh rỗi. Không bao lâu hoặc bà mẹ nầy hoặc bà mẹ khác hầu như mỗi ngày chở con gái họ đi đi về về. Sau đó không lâu thì có những xung đột nên tình hình bắt đầu căng thẳng.

Một hôm Quỳnh Như và mẹ nó đang rửa chén bát và bầu khí xem ra là thân mật. Bà mẹ mới bàn chuyện đó với con gái mình. Bà cắt nghĩa: bà hiểu được Quỳnh Như có quyền đi thăm bạn nhưng cũng cảm thấy bà quá bận trong việc phải đưa đi đón về. “Con có thể đề nghị xem chúng ta có thể làm gì cho vấn đề đó? Mẹ nghĩ chúng ta có thể giảm thiểu bớt số lần đi lại. Con nghĩ là bao nhiêu lần một tuần thì tốt cho mẹ để mẹ chở con đi thăm bạn con?” Cô bé nghĩ một hồi rồi đáp: “Hai lần một tuần”. “Và nếu Như Mai một tuần đến đây hai lần nữa thì tốt lắm rồi. Được rồi, mẹ sẽ đưa con đi hai lần trong tuần”. “Ngày nào mẹ?” “Tối thứ ba và chiều thứ bảy, mẹ thường rảnh rỗi hơn. Con thấy thế nào?” “Như vậy là được rồi. Con thích thú lắùm .Cảm ơn mẹ!” 

Tình hình bây giờ được giải quyết trong sự cộng tác. Không phải mẹ, mà cũng không phải con cảm thấy bị áp đặt và mỗi người đều nhận ra quyền lợi của người khác. 

Trường Vũ 11 tuổi vừa mới mất cha. Nó và mẹ sống trong một vùng ngoại ô và đi vào phố vào ngày thứ bảy để học nhạc. Nó muốn đổi lớp học sang chiều thứ tư để nó có thể tham dự đội banh vào ngày thứ bảy. Tuy nhiên, chiều thứ tư mẹ nó lại luân phiên gặp bạn bè nên bị kẹt. Không thể giải quyết được nên cả hai đều cảm thấy bị lạm dụng. Bà mẹ đi tìm người cố vấn gia đình. 

Trường Vũ trình bày quan điểm của nó, chúng tôi hiểu được nhưng không đồng ý. Tuy nhiên không có chuyện kình cãi hoặc ép nó phải chấp nhận, như vậy càng làm tăng thêm cảm giác bị xúc phạm và làm cho tình nghĩa mẹ con ngày càng tai hại hơn. Chúng tôi đề nghị với nó rằng: vì mẹ nó đã hỏi ý kiến, nên chúng tôi khuyên nên để cho Trường Vũ đi học vào chiều thứ tư. Trường Vũ không biết điều đó. Nó cảm thấy rằng mẹ nó rất cứng rắn, sẽ không chịu nhường. Nhưng chúng tôi bảo đảm với nó rằng mẹ nó sẽ nhận lời khuyên của chúng tôi. Trường Vũ thình lình diễn tả sự do dự. Nó cảm thấy lưỡng lự, không biết rằng mẹ nó có nên bị yêu cầu để nhượng bộ không? Người cố vấn hỏi: “Tại sao không? Lợi ích của con từ đội banh vào ngày thứ bảy lớn hơn lợi ích của mẹ con vào ngày thứ tư!” “Không, cậu bé trả lời, không hẳn, vì từ lúc ba con chết, tình bạn thì rất quan trọng cho mẹ con. Thật không tốt cho mẹ con nếu mẹ con không tham dự được buổi họp mặt bạn bè của mẹ con”. 

Tại sao cậu bé thình lình đầu hàng? Không bao lâu nó cảm thấy rõ ràng rằng lý lẽ và quyền lợi của nó được thấu hiểu, nó cũng không còn cảm giác là nó bị áp đặt, và bây giờ được tự do để nhận xét nhu cầu của toàn thể tình cảnh gia đình. 

Khi mình cảm thấy bị áp đặt thì khó có thể hiểu được hoàn cảnh. Và rồi, chúng ta cũng không thể có được sự cộng tác bằng cách áp đặt ý mình lên bất cứ một người nào khác. Nhưng, sự cộng tác thì luôn có trong mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh nếu chúng ta biết khôn khéo hướng dẫn và tạo điều kiện cho con cái chúng ta có dịp để cộng tác. Đôi khi con cái chúng ta có những lối hành xử không thích hợp, chúng ta phải biết tỏ ra thông cảm và lấy tình yêu để khuất phục . 

Lm.levanquang, tiến sĩ tâm lý

VỀ MỤC LỤC
SỰ BIẾT ƠN  

 

Trên đường lên Giê-ru-sa-lem,  Chúa Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: ‘Lạy thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!’ Thấy vậy, Chúa Giêsu bảo họ: ‘Hãy đi trình diện với các tư tế.’ Đang khi đi thì họ được sạch.

Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Chúa Giêsu mới nói: ‘Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang nầy?’ Rồi Người nói với anh ta: ‘Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh’.” (Lc 17, 11-19) 

*** 

Sự vô ơn  

Không có câu chuyện nào trong Phúc Âm trình bày sự vô ơn một cách thấm thía cho bằng câu chuyện nầy. Muời người phong hủi đến cùng Chúa Giêsu với một sự mong đợi có phần nào tuyệt vọng. Vào thời kỳ đó, bệnh phong hủi có nhiều điểm tương đồng như bệnh AIDS (liệt kháng) đối với chúng ta ngày nay. Và bệnh phong hủi rất dễ lây lan cũng như bất trị.

Những người phong hủi bị khai trừ, sống biệt lập và ngay cả bị khước từ những quyền căn bản nhất của con người. Chỉ có phép lạ mới chữa được bênh phong hủi. Và Chúa Giêsu đã chữa lành cả mười người, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Ngài đã chữa lành, thay đổi toàn vẹn cuộc sống của họ. 

Tôi tin chắc mỗi người trong nhóm của họ vô cùng biết ơn Ngài, nhưng có chín người không bao giờ nói lên tiếng cám ơn. Chỉ hai tiếng “cám ơn” đơn giản thôi đã làm nên điều khác biệt. Hai tiếng đó được nhìn nhận là những tiếng có thanh sắc nhất trong ngữ vựng chúng ta. Nhưng khi người ta nghĩ tới sự biết ơn hiếm khi xảy ra, cho dù xem ra như thế, thật khó khăn khi phải nói lên hai tiếng “cám ơn”! 

Điều hiếm hoi thì quí hóa 

Thật rất thường tình, người phối ngẫu, anh em, chị em, bạn bè, bạn đồng nghiệp, người lối xóm… làm cho chúng ta đôi việc tốt, nhưng chúng ta không thể đáp trả lại được. Bi kịch cuộc sống là ngay cả chúng ta cũng không cố gắng đáp trả lại trong hoàn cảnh nầy, như mấy vần thơ sau đây:

Cứ thổi, thổi đi, hỡi ngọn đông phong,

Ngươi không đến nỗi tàn nhẫn

Như sự vô ơn của con người.” 

Thánh Lu-ca không nói cho chúng ta biết là người phong hủi trở lại cám ơn có được Chúa chúc phúc thêm hay không. Thánh sử cũng không nói điều gì đã xảy ra cho chín người kia, không trở lại cám ơn Chúa Giêsu đã chữa lành bệnh. Cũng không chút gợi ý gì, chẳng hạn họ bị phong hủi trở lại hoặc bị phát ra một hình thức bệnh trạng gì khác.  

Chúa không hờn dỗi. Tặng phẩm của Chúa không bao giờ có điều ràng buộc theo sau. Khi Chúa ban cho, Ngài cho vô điều kiện, không hối tiếc, chỉ vì niềm vui trọn vẹn được chia sẻ thần tính dư dật của Ngài.

Trao đi và nhận lại cách độ lượng

Khi người ta ý thức rằng có ai đó biệt đãi mình thì người ta muốn làm điều gì để đáp lại. Người ta không nhận quà sinh nhật mà xây lưng đi, không nói lời gì. Nếu người ta xử sự như thế thì sẽ bị người đời xem là kỳ dị, nhẫn tâm, vô nhân đạo.

Không, điều người ta làm là chấp nhận quà tặng và nói “cám ơn”, không phải vì người ta bắt buộc phải làm như thế, nhưng vì người ta muốn làm như thế. Đúng thế, khi người ta ý thức là có người biệt đãi mình, người ta muốn làm điều gì tích cực để đáp lại. 

Giờ đây, đối với Chúa cũng thế, không khác biệt. Người ta muốn làm điều đó không phải vì bắt buộc, nhưng vì người ta muốn thế. Đó là tất cả những gì tôn giáo đề cập tới. Tôn giáo nói về “Thiên Chúa” và tôn giáo không nói về “cái tôi”. Tôn giáo đáp lại lòng tốt và sự quảng đại vô biên của Thiên Chúa.

Người ta cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài là Thiên Chúa. Người ta thờ lạy Thiên Chúa vì Ngài đáng được thờ lạy. Người ta yêu mến Thiên Chúa vì Ngài đáng yêu mến. Người ta ca tụng Thiên Chúa vì Ngài đáng ca tụng nên người ta thường cầu xin: “Lạy Chúa! Con cần đến Chúa.” Quả thật, ngày mà người ta trở về với Chúa và thưa: “Lạy Chúa! Con cần đến Chúa” thì đó là ngày người ta bắt đầu trở thành một con người trọn vẹn. 

Xin nhớ đến tôi

Oscar Wilde đã viết điều mà ông mô tả như truyện ngắn hay nhất trên đời. Câu chuyện xảy ra như thế nầy: Lần kia Chúa Giêsu đi dọc theo con đường chính băng qua một tỉnh nhỏ. Ngài đi ngang qua một người say rượu nằm bơ vơ, ngớ ngẩn, bên vệ đường. Ngài nói: “Anh ơi, sao anh đã phung phí cuộc đời trong rượu chè?” Người đàn ông nhìn Chúa Giêsu, nhận ra Ngài và thưa: “Chúa ôi, Chúa không nhớ con sao? Con là người phong hủi và Chúa đã chữa con lành?” 

Khi đi xa hơn một đoạn đường nữa, Chúa Giêsu gặp một người đàn ông khác đang đi theo một cô gái giang hồ. Ngài nói: “Anh ơi, sao anh phung phí cuộc đời trong những tham muốn nhục dục?” Người đàn ông nhìn Chúa Giêsu, nhận ra Ngài và thưa: “Chúa ơi, Chúa không nhớ con sao? Con là người mù và Chúa đã làm cho con sáng mắt.

Đi thêm một đoạn đường nữa, Chúa Giêsu gặp một người đàn ông thứ ba. Ông ta già cả và dựa vào tường kêu khóc thảm thiết. Chúa nói: “Bác ơi, sao bác phung phí cuộc sống, đêm ngày than thân khóc phận?” Cụ già nhìn quanh, thấy Chúa Giêsu, nhận ra Ngài và thưa: “Chúa ôi, Chúa không nhận ra con sao? Con đã chết và Chúa làm cho con sống lại.” 

Oscar kết thúc câu chuyện cùng một luận điệu như thế. Nhưng tôi thiết tưởng còn thiếu sót nếu chúng ta dừng lại nơi đây. Theo tôi tưởng, chúng ta hoàn toàn tự do thêm vào phần phụ lục của riêng chúng ta.

Giả thiết Chúa chặn một người trong chúng ta lại, có thể Ngài sẽ nói: “Tại sao con phung phí đời con?” Và nếu Ngài nói cùng làm như thế, chúng ta nên trả lời: “Chúa ôi, Chúa không nhớ con sao? Con là hư vô và Chúa đã dựng nên con. Chúa đã dựng nên con giống hình ảnh Ngài. Chúa nâng con lên phẩm giá con cái Thiên Chúa. Chúa là lý do tại sao con được làm người, tại sao con được thấy, nghe, đi đứng, nghĩ tưởng, yêu thương, chọn lựa và mơ ước?” Có thể Chúa sẽ nói: “Vậy thì tại sao con đã quên Cha? Tại sao con đã không cám ơn Cha?” 

Phần còn lại 

Một người không có của cải gì hết và Thiên Chúa đã cho anh ta mười quả táo. Ba quả dùng để ăn nên anh đã ăn ba quả táo đầu tiên. Ba quả tiếp theo để làm chỗ trú ẩn, che mưa che nắng. Anh ta đã bán đi để mua chỗ ở. Chúa cho anh ba quả nữa để sắm áo quần che thân và anh đã bán đi để mua sắm quần áo. Chúa cho anh quả táo thứ mười để anh ta có gì dâng lại cho Chúa, hầu tỏ lòng biết ơn đối với chín quả táo kia.  

Người đàn ông đó cầm quả táo thứ mười lên và ngắm nghía cẩn thận. Quả táo đó xem ra đỏ hồng và có nhiều nước hơn tất cả những quả táo khác. Tự trong thâm tâm, anh ta biết rằng đó là quả táo mà Chúa mong chờ anh ta sử dụng như tặng phẩm để biết ơn Ngài đối với chín quả táo kia.  

Nhưng quả táo thứ mười ngon lành hơn tất cả những quả táo khác. Người đó lý luận rằng Chúa có tất cả những quả táo khác trên trần thế nên anh đã ăn quả táo thứ mười và dâng lại cho Chúa cái hột mà thôi.

Vô ơn là một trong những tội gớm ghiếc nhất. Vô ơn làm cho người ta cảm thấy được quyền sử dụng mọi sự, cho mọi việc xảy tới đều là tự nhiên, tự cảm thấy mình vô dụng và hạ thấp cảm quan tự trọng của mình. Không biết ơn Chúa, không biết ơn người thì cuộc đời trở nên trống rỗng, hời hợt và vô vị. Không biết cám ơn thì chính cuộc sống trở thành bạc bẽo, chán chường. Trái lại, biết ơn là một trong những sự việc đẹp nhất trên đời. 

Linh Mục Vincent Travers, OP

Hương Vĩnh chuyển ngữ

VỀ MỤC LỤC

TẠ ƠN

 

TẠ ƠN

 Tạ ơn Thượng Ðế quan phòng

Tạ ơn không hết tấm lòng Ngài thương

Tạ ơn vì đủ mọi đường

Tạ ơn cuộc sống bình thường Ngài ban

Tạ ơn cơm dẻo canh chan

Tạ ơn không phải cơ hàn long đong

Tạ ơn có của có lòng

Tạ ơn tích Ðức để phòng mai sau

Tạ ơn hết dạ thương nhau

Tạ ơn trút bỏ ưu sầu, phiền lo

Tạ ơn Dân Chủ, Tự Do

Tạ ơn áo ấm, cơm no, việc làm

Tạ ơn được lúc thanh nhàn

Tạ ơn Bác Ái, Công bằng thực thi

Tạ ơn đương tuổi xuân thì

Tạ ơn gầy yếu, lão suy tuổi già

Tạ ơn còn mẹ, còn cha

Có anh, có chị một nhà đoàn viên

***

Tạ ơn tình nặng, nghĩa sâu

Tạ ơn Thượng Ðế - Cúi đầu tạ ơn!

Một Ngày lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ

Bút Xuân  TRẦN CÔNG TỬ

VỀ MỤC LỤC
Tâm thư gửi các Linh mục: NIỀM VUI CHO THẾ GIỚI 

 

Nguyên tác: ”Lettres d’amour aux prêtres” –  “Thư tình gửi các Linh mục”

của Catherine DE HUECK DOHERTY

Người chuyển ngữ, Đình Chẩn.

CHƯƠNG IV 

NIỀM VUI CHO THẾ GIỚI 

Thưa cha, con đã gợi lên nhiều điều về đời sống dâng hiến của cha. Nhưng có một vấn đề mà con muốn đề cập ngay bây giờ: đó là câu hỏi về Niềm vui. 

Cha có nhận thấy rằng cha là niềm vui cho thế giới không? Ngày lễ Noel mọi người hát” Hôm nay ngày hội trần gian” và biết bao bài Thánh ca khác diễn tả niềm vui sướng chào đón ngày Chúa Kitô đến, rồi niềm vui thực sự trào dâng khi Chúa ngự đến. Cha chưa bao giờ nghĩ rằng cũng những cảm xúc ấy trào dâng trong trái tim chúng con khi được cha ghé thăm nhà sao?

Tất nhiên ngày xưa, người ta chuẩn bị chu đáo nhà cửa lịch sự để đón cha. Ngày nay, có lẽ việc đó kém đi chút ít, nhưng điều quan trọng là Niềm vui vẫn thế, hôm qua cũng như hôm nay. Cha biết không, được cha đến nhà chúng con hân hoan biết bao! 

Đối với người có niềm tin thì đó là cuộc thăm viếng của Chúa Kitô. Chúng con lắng nghe người gõ cửa hoặc là bấm chuông và mọi người reo lên” Cha kìa!!!” rồi chạy đến mở cửa. Cách đón tiếp ấy có vẻ như hơi quê, nhất là đối với thế hệ trẻ, nhưng ngay cả khi cha thấy không được đón tiếp kiểu đó thì niềm vui cũng chẳng kém đi chút nào. Niềm vui ấy dâng trào trong tâm hồn người trẻ cũng như người già. 

Cha là người trao ban niềm vui. Ngay khi cha vừa đến thăm bệnh nhân thì trong họ cũng rạng ngời lên niềm hy vọng khích lệ. Đối với nhiều bệnh nhân, có thể họ sẽ không ra đi sớm hơn vì điều đó đâu! Không! Nhưng một niềm vui lạ lùng lan toả trong họ. Con đã chứng kiến rất nhiều lần như thế. Khi con đang còn làm trong bệnh viện, con đã được thấy khuôn mặt các bệnh nhân rạng ngời lên. Trong ánh mắt họ có điều gì đó nói lên sự chờ đợi mà chưa ai từng nhìn thấy như vậy ngay cả khi người chồng, vợ hay người thân yêu của họ đến. Đó là sự khắc khoải chờ mong được thốt ra như tiếng reo hò” A Cha đây rồi! Tôi có thể phó linh hồn trong tay ngài và tôi có thể nghỉ yên nơi Người”. 

Cha thấy đấy, niềm vui mà cha mang đến thật vô kể và nếu cha có thời gian dành cho chúng con, cha sẽ còn thấy bao điều tốt đẹp nữa. Giá như cha có thời gian mà chiêm ngắm khuôn mặt bệnh nhân đã thay đổi thế nào khi cha đến thăm, chắc cha sẽ xúc động đến ngỡ ngàng mà tạ ơn Chúa trong tâm hồn. 

Vâng, cha là sứ giả niềm vui. Ngay cả khi cha không mang đến niềm vui-niềm vui hiểu theo nghĩa thông thường- điều đó không quan trọng bởi cha mang đến niềm vui siêu nhiên.

Giả sử, và thực sự con đã  có lần chứng kiến, một Linh mục đến thông báo cho một người phụ nữ, một người mẹ hay một người con rằng mẹ của người ấy đã qua đời, chồng của bà ấy đã chết, hay  các con bà bị tai nạn và chết cả. Thực vậy, thật kỳ lạ bởi vì cha mang đến tin buồn và có thể cha sẽ thấy bất ngờ bởi vì cha không nhìn vào chính cha! Từ thẳm sâu con tim bị tan nát lại bật lên Tin Mừng của Chúa Kitô. Cha đã bao giờ nghĩ như thế không? 

Con chăm sóc một bệnh nhân ốm nặng. Cô ấy luôn hạnh phúc khi cha đến  chào thăm, bắt tay động viên dẫu chỉ là vài phút. Nhưng một hôm, con đã gặp cha ở cửa phòng bệnh nhân và cha nói với con:” Cha sợ gặp một người phụ nữ như thế bởi vì cha phải thông báo với cô ấy rằng chồng cô ấy đã chết. Anh ấy bị rơi từ tầng lầu 15”. Anh ấy là thợ xây, hay là đại loại công việc như vậy. Con đáp lại:” Cha ơi, cha chẳng việc gì phải e ngại cả vì cha mang đến cho cô ấy Thánh ý Thiên Chúa để thánh hoá biến đổi cô ấy và cả cha nữa”. Cha nhìn con có vẻ ngạc nhiên nhưng rồi  cha cũng đã nói với cô ấy và con cũng đứng ở đó. Cô ấy đã gào lên và ngất lịm. Chúng con đã cấp cứu kịp thời. Và cô ấy bắt đầu khóc. Cuối cùng chị đã nói:” Tôi còn muốn gì nữa, anh Phêrô có thể  bây giờ đã hạnh phúc hơn bởi anh được ở bên Chúa. Thiên Chúa nói cho con điều đó. Anh Phêrô chồng con đã sống tốt. Anh yêu mến Chúa, giờ đây anh được hạnh phúc. Con khóc là khóc cho chính con chứ không phải cho anh ấy!” Vậy là cha đã mang đến tin buồn theo nghĩa tự nhiên, nhưng là một tin vui theo nghĩa siêu nhiên. Đó là một trong những niềm vui của cha và ít nhất là như vậy. 

Cha ơi, cha có biết bao niềm vui! Cha có biết khuôn mặt những em nhỏ thế nào khi nhìn thấy cha không?  

Tất nhiên, ánh mắt của cha đã in sâu vào đôi mắt của các em thơ khi cha dạy Giáo Lý. Ngắm nhìn những đôi mắt trong sáng của các em nhi đồng không tuyệt vời sao cha? Chắc hẳn tâm hồn cha đã phải cất lên tiếng hát vui sướng khi chiêm ngắm đôi mắt các em nhỏ này hay khi cha nhìn vào đôi mắt xanh, mắt đen, mắt nâu của các em cha thấy Chúa Giêsu đang nhìn cha. 

Thật là một niềm vui lớn lao!  Và niềm vui cha trao cho các em cũng đẹp biết chừng nào! Cha chưa bao giờ được thấy  các em chạy đến với cha và kêu lên : Cha ơi! Cha ơi! ( nhất là khi anh chị phụ trách nghiêm khắc với các em). Chỉ cần giọng nói và danh xưng các em gọi cha thôi cũng đã nâng tâm hồn cha lên vui sướng như xưa Đa-vít ca hát trước bàn thờ rồi! 

Chắc hẳn, đôi khi cha cũng thấy  thoảng qua ước muốn được như những người mà cha cử hành Bí tích Hôn phối cho họ. Có thể cha sẽ thấy buồn tủi khi nghĩ đến hạnh phúc mà họ trao cho nhau, còn cha lại từ bỏ niềm hạnh phúc ấy. Tuy nhiên, khi cha chúc lành cho các đôi Tân hôn, cha không thấy một niềm vui thật lạ lùng, thanh cao và thánh thiện tràn ngập tâm hồn cha sao? Ngay lập tức, cha sẽ hiểu ra ý nghĩa thực sự của đời độc thân. Cha thấy như thể Chúa mở cửa lòng cha ra và cha hiểu tại sao cha lại sống đời độc thân: Bởi bậc sống ấy sẽ thắp sáng lên ngọn đèn chầu trước Bàn thờ Chúa, sẽ thắp lên ngọn nến trước Thánh điện Ngài. 

Trong khoảnh khắc kỳ diệu, cha sẽ nhận ra mình chính là ngọn nến được Thiên Chúa thắp sáng. Vâng, Thiên Chúa đã thắp lên ngọn lửa ấy và tại sao Chúa lại làm như vậy, nếu đó không phải là để ngọn lửa ấy sưởi ấm cho trái đất sao? Cha chính là ngọn lửa ấy!

Một ánh nến sáng thật nhỏ bé. Cha sẽ có cái nhìn về chính mình khi mà những đôi Tân hôn ra đi. Cha được thánh hiến trong bậc độc thân. Cha dâng hiến trong sự đồng trinh. Ngay cả khi cha goá, thì lúc đó cha cũng được dâng hiến trong sự trong trắng. Cha như sáp ong tinh tuyền được hao mòn dần vì Tình yêu Chúa Kitô. Cha là người mà chúng con phải cúi đầu kính cẩn; Đức khiết tịnh của cha đã được thánh hiến cho Tình yêu Chúa Kitô. 

Cha là ánh nến Cứu chuộc. Cha là ngọn lửa mà Chúa Kitô dùng để thắp sáng lên trong tâm hồn trẻ:” Lạy Chúa, con dâng cuộc sống con dưới chân Chúa và con ca tụng Chúa với ước muốn dâng lên Chúa điều gì đó thật nhỏ mọn thôi!” Đức khiết tịnh của cha có sức nâng đỡ lạ lùng cho tất cả chúng con. 

Cha chưa bao giờ nhận thấy rằng niềm vui khi có sự hiện diện của cha, niềm vui được quây quần bên cha đã giảm đi nhiều trong thời gian qua sao? Một số trong các cha đã rời bỏ Bàn thờ và chọn theo bậc sống gia đình. Con tự hỏi không biết ký ức của những người ra đi có đè nặng lên cha không?

Cách đây đã lâu, một điều gì đó đã thực sự gây ấn tượng cho con. Trên một tờ báo của Nga, tình cờ con đọc thấy có những thầy chủng sinh khi sắp chịu chức Linh mục đã trình đơn kiến nghị lên Đức Thượng Phụ để xin người cho sống độc thân. Nhưng người đã từ chối bởi vì giáo dân sẽ không hiểu, nếu các thầy không kết hôn trước khi chịu chức Linh mục. Tờ báo nêu rõ, con số những thầy xin ở độc thân khoảng 400. Cũng khi ấy, con lại đọc thấy có một số Linh mục trình đơn lên Đức Thánh Cha xin người cho họ quyền xây dựng gia đình.

Chẳng có gì xấu xa khi cha lập gia đình, miễn là cha theo trình tự phù hợp. Nhưng thưa cha, cha có biết rằng niềm vui mà cha đang có sẽ rất khác nếu cha được phép xây dựng gia đình và khi cha sống ở cả bậc đó. Con không thể nói rõ hơn được nữa.

Ngay trong thời đại ngày nay, một niềm vui chứa chan rạo rực trong tâm hồn các tín hữu của cha khi họ biết rằng cha giữ lời khấn hứa độc thân là để hướng đến và đánh đổi tất cả. Hiển nhiên, họ biết rằng cha giữ lời khấn hứa ấy là vì đoàn chiên và niềm vui lan toả trong họ bởi niềm vui phát xuất từ cha.

Chúng con cần thứ niềm vui ấy. Trong những bóng đêm của thời đại ngày nay, trong khu rừng âm u mà chúng con đang sống, chúng con cần đến ánh sáng niềm vui của cha, ánh nến này được đâm  sâu trong cây nến Đức Tin, Đức Mến, trong sự nghèo khó trong Đức khiết tịnh và của tất cả những gì là và phải là ở Linh mục. 

Không, có lẽ cha không nhận thấy được tất cả niềm vui mà  sự hiện diện của cha mang lại cho chúng con. Nhưng con tự hỏi không biết cha có nhận thấy niềm hy vọng cha cũng mang đến cho chúng con nữa hay không. Như thường lệ, sau những năm tháng có dịp tiếp xúc với nhiều người con muốn kể với cha một câu chuyện.

Con có một cha Linh hướng, cha Keating, một Linh mục dòng Tên. Khi đó cha thuộc tỉnh dòng Toronto và nơi đó không xa con phố Portland- nơi có trụ sở nhà của chúng con “ Maison de l’Amitié “-“ Nhà tình bạn” chỉ cách khoảng bốn hay năm nhà gì đó. Nhà của các ngài mua lại của dòng Lorette. Chính vì vậy, con thường xuyên đến đó để được Linh hướng và để trò chuyện một chút. Một hôm, con được tin cha Keating bị mắc bệnh thiếu máu và bác sĩ yêu cầu cha phải đi dạo mỗi ngày ít là một giờ hoặc hơn nếu có thể.  Bác sĩ nói cha không được bỏ dù thời tiết thế nào, chỉ trừ trường hợp có mưa gió hay bão tuyết. Ngoài những điều ấy ra, coi như cha phải đi bộ hàng ngày. 

Chính vì vậy, con đã đến an ủi cha với lòng cảm thông và kính trọng. Nhưng như thường lệ, con lại nảy ra ý nghĩ trong đầu. Con đã nói:” Thưa cha, cha phải đi bộ 5km mỗi ngày, tại sao cha không đi bộ ngay ở những khu phố gần nơi cha ở?” Khi đó, bầu không khí ở Toronto rất trong lành. Cha có thể đi dạo ở đâu nếu không phải trong những con phố của Toronto? Chính vì vậy, cha hoàn toàn có thể đi dạo trong phố nơi cha sống. Người hỏi con:”Con muốn nói rằng cha phải đi dạo ở đây? Cha không phải đi đâu xa hay đến tận công viên sao? Con đáp lại: Vâng, và không.  Có con đường Cameron, và cha biết đấy, con sợ đến con đường này bởi ở đó có nhiều người Cộng Sản như con đã nói với cha. 

Cha Keating nhìn con và nói:” Thế thì con muốn cha làm gì? “ Con trả lời không mấy hào hứng ( con  hơi sợ một chút nhưng không để lộ ra; đó là cách tốt nhất): Ồ, nơi mà cha đi dạo không mấy quan trọng; cũng vậy tại sao cha không đi dạo ở đường Cameron? Có thể họ sẽ ném đá cha nhưng con chắc chắn rằng đó chỉ là  những viên đá nhỏ thôi và cha sẽ không đau đâu. Cha sẽ mang đến niềm hy vọng cho họ, vì Linh mục luôn mang hy vọng trong mình mà.

Vâng, thật đơn giản là cha chỉ đi dạo trên những con phố ấy, nhất là con phố Cameron và những nơi có khoảng 90% người Cộng sản; Vâng, dẫu thế nào thì cha vẫn mang niềm hy vọng đến!”

Cha Keating nhìn con. Người biết rõ con bởi vì người là cha Linh hướng của con. Cha nói:” Catherine này, con thật khôn ngoan như những người dân Nga xây các lâu đài ở bên Tây-ban-nha vậy. Con trả lời hào hứng:” Ôi con còn hơn thế nữa! Con không xây lâu đài bên Tây-ban-nha, con làm như thể cha và con đã ở trong Thiên Đàng. Tại sao không mơ ước những điều tất yếu sẽ xảy ra?” Cha Keating đã hỏi con rằng con có chắc đã vào cõi phúc tức là Thiên Đàng hay chưa. Có thể con sẽ ở nơi khác!  Con nói:” Đi thôi cha, cha là lãnh đạo tinh thần của con! Cha muốn cho con xuống Hoả ngục sao?  Hay là vào Luyện ngục? Nhưng người trả lời: Một cha Linh hướng không bao giờ bàn những chuyện như vậy với một người được Linh hướng. Thế thì con muốn cha làm gì đây? “ 

Chính vì câu hỏi ấy mà cha Keating và con đã gác lại câu chuyện Luyện Ngục cách khéo léo vì chỉ các cha Dòng Tên biết việc đó.

Dù thế nào thì cha cũng đồng ý đi dạo ở khu phố đó, nhưng cha không tin rằng mình là dấu chỉ Niềm hy vọng. Con đáp lại” Thiên Chúa sẽ chỉ cho cha thấy ! Cha quên mình là ai rồi. Cha, Linh mục dòng Tên, dòng Phanxicô khó khăn, dòng Carmel hay Linh mục triều, cha quên mình là ai rồi, hoặc thậm chí có thể cha không hiểu mình là ai. Con không biết, nhưng điều này sẽ chỉ cho cha thấy rằng cha là dấu chỉ Niềm hy vọng”. Nói thế rồi con quỳ xuống lãnh nhận phép lành ngài ban rồi ra đi. Kể từ đó, con nhìn thấy cha Keating đi dạo trên những con đường của khu phố nghèo nàn và nhất là con phố Cameron; Và đúng như con đã nói trước, cha đã bị ném đá nhưng không có hòn đá nào to cả và chỉ bị vào người chứ không rơi vào mặt. Cũng có những kẻ buông ra từ cửa sổ nhà những lời thô tục và nói bóng gió kẻ đạo đức giả, nhưng với dáng người 1m90 ở tuổi 50 trông cha thật hoạt bát khoẻ mạnh và oai vệ. Dù thời tiết thế nào, thời gian cứ trôi đi. Mùa Thu đến và mùa Thu lại qua đi. Rồi những bông tuyết đã rơi xuống. Một hôm có một phụ nữ chạy vụt ra đường từ một căn nhà nhỏ bé. Chị quan sát xung quanh xem có ai nhìn thấy mình không, rồi nói nhỏ với cha Keating:” Xin cha cầu nguyện cho con trai con. Cháu ốm nặng”. Nói xong chị lại thoắt vào nhà luôn như con Sóc. 

Khi về cha ghé qua nhà chúng con” Nhà Tình bạn”, cha nói:’ Có thể con nói đúng, có thể cha là dấu chỉ niềm Hy vọng”. Sau đó, cha ra về. Còn người phụ nữ kia, chị đến gặp cha nhiều lần nữa. Một hôm, cha kín đáo dúi vào tay chị một mẫu Ảnh (Đó là mẫu Ảnh Đức Bà Salette) và chị lại chạy trốn luôn. 

Khoảng một tuần sau, chị lại đến nhưng không còn chạy nữa, chẳng  sợ ai nữa, chị nắm tay cha và hôn tay cha kính cẩn theo phong tục Slave và nói:’Con cám ơn cha đã cầu nguyện cho con trai con. Cháu đã khoẻ rồi” 

Con cũng sợ phải nói ra điều sau đây, nhưng phải nói vì đó là sự thật: Cha có niềm tin mạnh mẽ như thế không? Cha đã nhìn nhận bản thân và hiểu rõ căn tính của cha chưa? Ồ ! cha có thể là Gioan, Phêrô hay Phaolô. Cha có thể béo hay gầy, già hoặc trẻ. Cha có thể ngắm nhìn mình trong gương cho đến khi gương rơi xuống, nhưng không bao giờ cha nhìn thấy thực sự cha là ai. 

Chỉ khi cha đưa mắt ngắm nhìn Trái Tim Chúa Kitô, cha sẽ thấy mình là một Kitô khác với những quyền phép như: Trao ban niềm hy vọng, niềm vui, Đức Tin và Tình Yêu. 

Vâng, dù cha tin hay không, nhưng cha đi đến đâu cha mang dấu chỉ niềm hy vọng đến đó. Có thể cha không cảm nhận được điều đó, thậm chí cha không biết rằng cha là dấu chỉ niềm hy vọng, nhưng cha là dấu chỉ niềm hy vọng. Xin  cha hãy chú ý : Cha đừng để tuột khỏi tay dấu chỉ ấy, bởi vì niềm hy vọng trong con người thật mong manh và biết bao con chiên đã bị dẫn lạc vào những ngõ cụt bởi những khẩu hiệu:” Thiên Chúa đang ở đây-Thiên Chúa đang ở kia-Hãy đến đây-hãy đến kia”. Đó chỉ là những lời dối trá. Đôi khi người ta chạy đến với cha như thể cha cũng là kẻ nói dối, kẻ đạo đức giả. Đôi khi cha sẽ phải tức giận vì có những kẻ phản bội lại những điều cao trọng: Thiên Chúa ngự trong tâm hồn con người. Con không nói rằng sự việc đó xảy ra thường xuyên nhưng đôi khi sẽ xẩy ra. 

Chính vì vậy, xin cha đừng bao giờ quên rằng cha là dấu chỉ niềm hy vọng. Cha là dấu chỉ niềm vui. Cha là ai đó sống ở con phố của những người mà ước mơ của họ đã tan vỡ, bởi vì cha dẫn con người đến với Thiên Chúa-Đấng duy nhất- có thể chữa lành những ước mơ tan vỡ ấy. Cha cũng có thể làm được việc đó.

Cha là cánh tay nhân từ chữa lành của Thiên Chúa. Trong thời đại ngày nay người ta gọi đó là sự “bổ túc tâm hồn”. Dù thế nào đi nữa, cha cũng là dấu chỉ hy vọng.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
Những chỉ dẫn tổng quát để thực hiện tốt việc cầu nguyện cá nhân

 

Tác phẩm: Cầu Nguyện Cá Nhân: Bí quyết tình yêu và vui sống 

Phần thứ nhất 

 Những chỉ dẫn tổng quát để thực hiện tốt việc cầu nguyện cá nhân

h  a  i 
 
 
Thời gian đối thoại. 

Thời giờ cho Chúa. 

Tôi đề nghị bạn mỗi ngày dành một thời gian cho việc cầu nguyện cá nhân. Bắt đầu 5-10 phút rồi 15-20 phút, cho đến nữa giờ hoặc hơn. Đó là thời gian nguyện gẫm, nghĩa là tự do đàm đạo với Chúa trong tình yêu. Đó là ‘’một cuộc hẹn tình yêu’’: Chúa có mặt thường trực và mời gọi bạn. Ngài nhẫn nại chờ đợi bạn, và có khi chờ đợi cả với lo âu nữa! Thảm hại thay, Ngài rất thường gặp phải một sự dửng dưng. Bạn hãy nhớ lại dụ ngôn những người được mời dự tiệc trong Phúc Âm Luca (Lc.14: 16-20): 

‘’Nghe vậy, một trong những người đồng bàn nói với Chúa Giêsu: ’’Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!’’ Người đáp: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: ‘Mời quí vị đến, cổ bàn đã sẵn.’ Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm, cho tôi xin kiếu.’ Người khác nói: ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây, cho tôi xin kiếu.’ Người khác nữa nói: ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.’ 

Câu chuyện nầy vẫn là thời sự mỗi ngày. Chúng ta thường viện cớ bận việc nầy việc nọ, ngay cả việc mục vụ, để không cầu nguyện. Chúng ta dè dặt không dám thú nhận rằng vì lười biếng, hay vì ham giải trí, hoặc cố ý bỏ quên... Phải, Chúa bị rơi vào quên lãng. Đừng bảo rằng ‘tôi không có thời giờ’. Đúng hơn là phải thú nhận sự thật: “Tôi không tổ chức thời dụng biểu thích hợp, tôi không đủ can đảm..., tôi không có sức..., đức tin của tôi quá yếu..., tôi không biết làm cách nào..., tôi chưa yêu Chúa đủ.’’ 

Trở ngại chính không phải do bên ngoài, nó ở ngay trong mỗi người chúng ta, trong tôi và trong bạn. Thật đúng là “Đường đi khó, không phải vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông!’’ Làm sao cất đi sự khó ngăn cản bạn bước đi trên đường cầu nguyện yêu thương và trung thành? 

Vững tin vào lời mời gọi của Chúa 

Mỗi ngày, mỗi lúc, Chúa vẫn cho bạn giờ hẹn. Ngài chú ý đến từng cử chỉ, từng tư tưởng nhỏ nhặt của bạn. Ngài luôn đứng chờ bạn, cầm sẵn ‘lương thực hằng ngày’ cho bạn. Thực đơn không gì ngoài lời yêu thương và chân lý của Ngài, mà nếu thiếu chúng thì con người không thưởng thức được cuộc sống. Vì ‘’con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng bởi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra.’’ Đó là xác tín đầu tiên phải được ghi đậm nét vào thời dụng biểu của bạn.

Hăm h hướng tình yêu về Chúa

Quan trọng hơn, bạn hãy tìm lại cái đà tình yêu hướng về Chúa. Một Linh mục ký giả đã cho chứng từ rằng Ngài đã bỏ nguyện gẫm mỗi ngày ‘vì bận quá’. Một hôm, được mời tới một ‘’Nhà cầu nguyện’’ để làm một phóng sự. Và tại đó, ngài được đắm mình lại trong nguyện gẫm. Suốt một tuần, ngài đã nguyện gẫm ba giờ liên tục, và ba giờ qua nhanh hơn là ba mươi phút lúc trước! Từ đó, ngài đã tìm lại được giờ hẹn cho việc cầu nguyện nội tâm mỗi ngày. Ngài đã hiểu rằng một quyết định như thế tuỳ thuộc vào sự đói khát Thiên Chúa, chứ không phải do đã ghi vào trong thời dụng biểu một thời gian dành cho việc cầu nguyện. Đó là một sự trở ngược hoàn toàn.

Thời gian miễn phí nhưng không mất đi 

Ngày nay, với tâm thức kỹ thuật và thực dụng, có lẽ người ta sẽ dễ dàng hỏi “Cầu Nguyện ích lợi gì?’’ Họ tìm cái gì có lợi và hiệu quả: nếu hoạt động nào không sinh lợi là thời giờ mất đi và tiền bạc lãng phí.  

Không, bạn ạ, cầu nguyện là một đầu tư tuyệt hảo: làm vui lòng Chúa, làm sáng danh Chúa! Cần gặp gỡ Thiên Chúa là vì Ngài và vì bạn. Tình yêu đến bằng nhiều cách: có thể bất ngờ như sét đánh, có thể cách tiệm tiến và hữu lý hơn, tuỳ thuộc vào một quyết định của ý chí hơn là của tình cảm đam mê. 

Nếu bạn không có được ‘tình yêu sét đánh’ đối với Chúa, bạn đừng buồn, bạn không phải là người đầu tiên. Chúa Giêsu biết rõ điều đó. Vậy bạn hãy bắt đầu bằng một tình bạn hữu lý, duy trì một sự lui tới thường xuyên. Bạn tìm lợi ích của bạn và hãy biết rằng đó là một khởi điểm thông thường. Bạn thế nào, Chúa đón nhận bạn thế ấy, bất cứ bạn đang ở đâu. Nhưng bạn hãy mau chóng đập vở cái bong bóng của bạn đi. 

Mỗi ngày dành cho Chúa một thời gian, đó là cái lợi của bạn. Thời gian nầy miễn phí nhưng không bao giờ là thời gian mất đi. Lấy thí dụ việc học: tôi khuyên bạn cầu nguyện trước khi học, trong khi học và sau khi học. Hiệu quả của lời cầu nguyện nầy là nó đem lại cho bạn bình an và niềm vui, vì đã làm việc cho Chúa Kitô, nó đánh tan những tăm tối của trí khôn, xua đuổi các cám dỗ và chia trí. Tóm lại, lời cầu nguyện làm gia tăng phẩm chất của công việc trí thức. Bạn có thể nói như thế trong nhiều lãnh vực khác nữa. Nguyên một điều nầy thôi là biết dừng lại, biết suy nghĩ, biết chú ý... đã cho phép bạn làm chủ được nhiều hơn các khả năng cá nhân của bạn. Và lời cầu nguyện còn thêm cho bạn một cái ‘’hơn’’ mà không ở đâu có được: đó là sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa đang hành động qua những yếu đuối của chúng ta. Ai cầu nguyện với tình yêu và trong chân lý sẽ đạt được quân bình và sức mạnh. Người đó xây ở trên đá. 

Tôi rất thích lối so sánh của Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu khi nói về bà Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà nghe Ngài: “Phải chăng chính trong cầu nguyện mà thánh Phaolô, Âu-tinh, Gioan Thánh Giá, Tôma, Phanxicô, Đôminicô và nhiều bạn danh tiếng khác của Chúa đã kín múc được khoa học thiêng liêng nầy? Một nhà bác học đã nói: ’Cho tôi một đòn bẩy và một điểm tựa, tôi sẽ nâng thế giới lên.’ Điều mà Archimède không đạt được - vì ông không xin với Chúa và chỉ nằm ở bình diện vật chất- thì các thánh đã đạt được cách sung mãn. Đấng Toàn Năng đã cho các thánh chính Ngài và chỉ một mình Ngài làm điểm tựa. Còn đòn bẩy chính là lời cầu nguyện được đốt nóng bằng lửa tình yêu. Chính nhờ đó, các ngài đã nâng thế giới lên. Cũng chính như vậy, các thánh chiến đấu hiện nay đang nâng thế giới lên, và cho đến tận thế, các thánh trong tương lai cũng sẽ nâng thế giới lên’’ (Chuyện một tâm hồn). 

Têrêxa Nhỏ có lý. Nhìn vào đời sống của một vị thánh, bạn sẽ kinh ngạc về khả năng làm việc, yêu thương và hy sinh của ngài. Làm sao mà có được bằng ấy hoa trái trong một con người? Mọi người đều phải trả lời: “Không phải tôi, nhưng chính Chúa Kitô sống trong tôi.” Chúa Kitô làm thế nào mà sống trong mỗi người? Bằng lời cầu nguyện liên lĩ của trái tim, hai mươi bốn trên hai mươi bốn. Chắc bạn biết câu cách ngôn nầy: “Thế giới thuộc về ai thức dậy sớm.” Tôi thì muốn nói ở đây rằng: “Thế giới thuộc về những ai sống cầu nguyện tình yêu mỗi ngày.”

 
 
   Bạn hãy nhảy xuống nước 

Bước đầu sống cầu nguyện tình yêu mỗi ngày và cầu nguyện liên lĩ hai mươi bốn trên hai mươi bốn rất khó. Bạn hãy nghe câu chuyện sau đây: 

“Ngày kia, một môn sinh đến gặp vị tôn sư và nói: ‘Thưa Thầy, con muốn được gặp Thiên Chúa.’ Vị tôn sư nhìn chàng thanh niên, không nói gì mà chỉ mĩm cười với chàng. Chàng thanh niên đến lặp lại mỗi ngày rằng chàng muốn Đạo. Nhưng vị tôn sư biết rõ hơn chàng phải làm như thế nào. Một hôm trời rất nóng, ông gọi chàng theo mình ra sông tắm. Chàng thanh niên nhảy xuống nước. Vị tôn sư theo anh và dùng sức mạnh giữ anh lại dưới nước. Để chàng thanh niên vùng vẩy dưới nước một hồi, ông thả chàng ra và hỏi chàng đã muốn gì nhất khi ở trong nước. Người môn sinh đáp: ‘Khí thở.’ Vị tôn sư nói: ‘Con có khao khát Thiên Chúa cùng một cách như khao khát khí thở không? Nếu con khao khát Ngài như thế, thì con sẽ gặp được Ngài ngay. Nếu con không có ước muốn và sự khao khát đó, thì con chiến đấu vô ích, con sẽ chẳng tìm được Đạo. Bao lâu cơn khát đó không được thức dậy trong con, thì con chẳng hơn gì một người vô thần. Nhưng người vô thần còn thành thật hơn, trong khi con lại không, vì người vô thần nhận rằng mình vô thần.’’ 

Bạn hãy kéo dài câu chuyện nầy bằng cách so sánh việc cầu nguyện với việc tập bơi. Bạn đọc nhiều sách hướng dẫn bơi rất hay, và bạn đã bắt đầu trong nước nhưng không có kết quả. Bạn cần một huấn luyện viên hơn là một cuốn sách. Nhất là bạn cần vẩy vùng trong nước và thực tập cho đến khi nào các động tác bơi lội trở thành phản xạ tự nhiên. Không ai làm thay việc đó cho bạn được!  Nếu bạn hiểu ra điều đó, bạn đừng do dự rời bỏ sách để lao mình vào việc cầu nguyện trực tiếp. Bạn hãy coi sách và lời kinh như bàn nhảy, chứ không phải là hành lang khán giả. Bạn hãy dùng chúng lúc cần thiết, như chiếc phao giúp bạn khỏi chìm thôi. 

Bây giờ hãy trở lại thời dụng biểu của bạn. Bạn dành bao nhiêu thời giờ mỗi ngày trước TV? Và bạn dành bao nhiêu thời giờ cho việc cầu nguyện? Một linh mục kia xem TV mỗi ngày khoảng hai giờ. Một hôm, do ơn soi sáng nội tâm, ngài quyết định bán TV. Câu hỏi hằng ám ảnh ngài như thế nầy: “Cái gì sẽ đến, nếu tôi bán TV và dành hai giờ đó cầu nguyện mỗi tối?’’ Ngài đã sớm khám phá ra được câu trả lời: sau một buổi tối cầu nguyện, ngài cảm thấy lời mời gọi mãnh liệt và rồi ngài đã có được một cuộc hành trình thiêng liêng phi thường. Với một sự bạo dạn trầm tĩnh được xây nền trên lời cầu nguyện, ngài đã tổ chức một công cuộc cứu giúp rất hiệu quả cho các thanh niên bụi đời. 

Bạn hãy quyết định lấy chọn lựa của bạn. Bạn không bị bắt buộc loại bỏ hoàn toàn TV, nhưng bạn phải từ chối những chương trình không cần thiết hay nguy hiểm. Bạn hãy đặt liều lượng sao cho quân bình trong thời dụng biểu của bạn. Nếu Thiên Chúa thực sự quan trọng cho bạn thì chẳng có vấn đề, bạn sẽ tìm được thời giờ cho Ngài.      

Mười lăm phút tối thiểu 

Trong ‘’Tình Yêu Lên Tiếng Gọi III’’, tôi đề nghị bạn mười lăm phút cầu nguyện mỗi ngày. Ít quá phải không bạn, so với nhiều thứ khác trong hai mươi bốn giờ một ngày?  Chỉ 1% !  Bạn có thể cho Chúa lại một phần trăm thời giờ mà chính Ngài đã ban cho bạn. Và nếu bạn yêu mến Ngài thực sự, bạn có thể cho Ngài nhiều hơn. 

Thời gian cầu nguyện quan trọng hơn bạn tưởng nhiều. Bạn hãy nghĩ đến cuộc hẹn với người bạn thương yêu. Nếu câu chuyện chỉ kéo dài trong 15 phút, bạn cảm thấy mau quá phải không? Không có đủ thời giờ để trao đổi chi cả. Và nếu dùng với nhau một chén nước thì bạn càng không muốn vội vàng. Chúng ta biết chắc chắn rằng thời gian cầu nguyện rất quan trọng, để cho tác động của Chúa thâm nhập vào tận trái tim con người. 

Nghệ thuật đối thoại 

Làm thế nào để lấp đầy cái thời giờ bạn đã dành cho Chúa? Nhiều người nghĩ và bằng lòng một cách đơn giản rằng ‘’đọc các kinh’’!  Tôi tin chắc rằng Chúa chờ đợi ở bạn cái gì nhiều hơn là những công thức làm sẵn. Ngài tìm kiếm ‘’những người thờ phượng trong tinh thần và trong chân lý.’’ Ngài muốn một cuộc đối thoại tự do, giản dị, tự phát, diễn tả tình yêu phát xuất tự đáy lòng. 

Ngay trong các mối tương quan giữa con người với con người, việc đối thoại không phải là chuyện dễ: có những cuộc đối thoại giữa kẻ điếc, những độc thoại, người nầy không nói ra điều mình nghĩ, kẻ kia không biết lắng nghe, v.v.. Vì thế, tôi cũng xin đề nghị với bạn một chỉ dẫn để mở cuộc đối thoại với Chúa. 

Bạn chào Chúa  

Chào Chúa là đặt mình bạn trong sự hiện diện của Ngài. Vì Chúa ẩn mặt, nên bạn cần thời gian và tư thế dễ hồi tâm, để tập trung chú ý vào Ngài. Muốn thế, bạn có thể nhắm mắt lại, thở chậm và đều, rồi thưa với Chúa chẳng hạn: ‘’Lạy Chúa, con tin rằng Chúa đang hiện diện trong lòng con, Chúa đang nhìn con, Chúa đang yêu con, Chúa đang nghe con...’’ 

Xin Chúa tha thứ cho bạn

Chúa hoàn hảo, ta bất toàn; Chúa thánh thiện, ta tội lỗi. Bạn cần khiêm tốn đặt mình trước mặt Chúa và xin Ngài tha thứ. Như người con hoang đàng trở về với cha mình, bạn hãy nhớ đến lỗi lầm của bạn, mà xin Chúa thứ tha: ‘’Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi, v.v.’’ 


  Nếu đẹp lòng Chúa 

Như người hành khất thiếu thốn mọi sự, bạn có nhiều điều cần xin Chúa. Nhưng trước hết phải xin Ơn Thánh Thần, vì Chúa muốn ban Thánh Thần cho ta nên thánh: ‘’Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần cho con để con nên tốt hơn, cho con thương người hơn thương con và yêu Chúa trên hết mọi sự.’’ Bấy giờ bạn hãy trình bày với Chúa mọi nhu cầu cho bạn, cho thân nhân, cho ân nhân, cho Giáo Hội, cho Quê Hương, cho Thế Giới, cho mọi người, cho người tội lỗi, cho các đẳng linh hồn... và không bao giờ quên thêm ‘’Nếu đẹp lòng Chúa’’. 


  Bạn đang lắng nghe Chúa 

Lời cầu nguyện đích thực là một cuộc đối thoại, có lúc bạn nói và có lúc bạn nghe. Hãy để Chúa nói, chăm chỉ vào điều Chúa nói. Tai tự nhiên bạn không nghe gì, nhưng Chúa đã nói rất nhiều, nơi Chúa Giêsu. Bạn hãy lấy một đoạn Phúc Âm, chăm chỉ đọc đi đọc lại và đặt mình trong bối cảnh Phúc Âm: bạn đang có mặt ở đó, với các môn đệ, với đám đông, với các bệnh nhân... Bạn thấy và bạn nghe Chúa Giêsu. ‘’Lạy Chúa, xin hãy phán, vì con đang lắng nghe Chúa.’’ 

Bạn cám ơn Chúa

Trước bao nhiêu quà tặng Chúa ban, làm sao bạn lại có thể không cám ơn Chúa? Người kitô hữu là người sống trong sự tạ ơn liên lĩ. ‘’Lạy Chúa, con cám ơn Chúa về tất cả những gì Chúa đã ban cho con, xin đừng để con quên ơn nào hết.” Cám ơn Chúa về ơn sự sống, về đức tin, về những người thương bạn và giúp bạn, về của ăn, nhà ở, áo mặc,... tất cả và tất cả. Chớ gì lời tạ ơn của bạn luôn lớn hơn và vui hơn! 

Bạn ca ngợi Chúa

Bạn hãy chúc tụng, tán dương, ngợi khen và tung hô Chúa: về sự thánh thiện cao cả của Chúa, về muôn điều kỳ diệu Chúa đã làm. Bạn hãy quì gối, bái lạy Chúa sát đất, hãy là bé nhỏ trước Đấng Vô Biên, Vĩnh Cữu...

Vâng, bạn đồng ý   

Bạn hãy tôn trọng và trung thành giữ thời gian bạn dành cho Chúa, dù đôi khi khó và bị chia trí. Cuối cùng, bạn hãy dâng mình bạn cho Chúa, dâng Chúa mọi hoạt động của bạn, và nhất là quyết định một cố gắng để thực hiện, đó là kết quả lời cầu nguyện của bạn. Bạn đừng ngần ngại xin sự trợ giúp của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, các Thiên Thần, các Thánh. Bạn có thể kết thúc bằng một bài hát hay một Kinh bạn thuộc (Lạy Cha, Kính Mầng, Sáng Danh chẳng hạn), liên kết với mọi người, đọc cách chậm rãi để cầu nguyện với tất cả con tim. 

Hạnh phúc cho bạn, nếu bạn lại bắt đầu cuộc đối thoại với Chúa mỗi ngày. Chúa là Cha sẽ tưởng thưởng cho bạn những điều bất ngờ thú vị.  

Lạy Chúa, Chúa ở đâu?   

Con tìm Chúa trong cơn gió lớn,

Trong khi Ngài lại ở trong ngọn gió nhẹ bay,

Mọi ngày, Ngài vuốt ve con với sự dịu dàng vô tận. 

 

Con tìm Chúa trong sự huyên náo,

Trong khi Ngài lại ở trong cô tịch êm ả,

Mọi ngày, Ngài gần bên nghe con thỏ thẻ. 

 

Con tìm Chúa trên núi cao chót vót,

Trong khi Ngài tỏ mình qua cánh hoa đơn sơ,

Mọi ngày, Ngài cho con hưởng được hương thơm Ngài. 

 

Con tìm Chúa trong tư tưởng Triết học cao siêu,

Trong khi Ngài lại hiện diện trong em bé dịu hiền,

Mỗi ngày, Ngài mĩm cười với con vì đã tiếp nhận em bé. 

 

Con tìm Chúa trong những hành vi vĩ đại,

Trong khi Ngài gọi con trong cử chỉ giản đơn,

Mọi ngày, Ngài nói ‘’Cha yêu con’’ qua một nụ cười. 

 

Lạy Chúa, con tìm Chúa ở khắp nơi,

Trừ nơi Chúa đang có mặt thực sự,

Chúa ẩn giấu khuôn mặt Chúa.

    

Con tìm Chúa trong những điều cao cả,

Trong khi Ngài ở trong những khó nghèo ti tiện nhất.

 

Lạy Chúa, xin tỏ cho con gương mặt Chúa,

Xin giúp con tìm Chúa ở nơi con gặp được Chúa:

Chúa ở nơi trái tim của mỗi con người, mỗi tạo vật. 

Xin hướng dẫn con suốt cuộc đời trần thế,

Xin giúp con đừng bao giờ thất vọng,

Xin giúp con tìm kiếm, khám phá mỗi ngày,

Để Trái Tim Chúa thành trái tim con,

Để Sự Sống của Chúa thành sự sống của con.

 

còn tiếp

 

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

VỀ MỤC LỤC
Bnh Thng Phong

 

Thống Phong là một trong những bệnh được biết tới từ lâu.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết bệnh ở xác ướp cổ nhân Ai Cập 4000 năm về trước.

Danh y Hyppocrate nói tới bệnh này từ 2500 năm trước. Theo ông, thống phong là bệnh của người cao tuổi, giàu có, rượu chè ăn uống quá độ, còn viêm xương khớp là bệnh của người nghèo lao động chân tay vất vả.

Danh y Thomas Hydenham (1624-1689), cha đẻ nền y học Anh quốc, đã mô tả chi tiết về bệnh như sau: “Bệnh nhân lên giường ngủ ngon lành tới hai giờ sáng thì bị đánh thức dậy bởi cơn đau không chịu nổi ở ngón chân cái, đôi khi ở gót chân, bắp chuối và cổ chân. Cơn đau giống như trường hợp trật khớp. Rồi trong người thấy run lạnh, nóng sốt. Cơn đau tăng dần đến nỗi bệnh nhân không đi lại được và chỉ một lớp quần áo đè nhẹ lên cũng tăng đau”.

Bản thân bác sĩ Hydenham cũng bị thống phong hành hạ.  

Nạn nhân của thống phong gồm đủ hạng người, từ thứ dân cho tới các nhân vật quyền quý, văn nghệ sĩ, chính trị gia…Các nhân vật thời danh như Alexander Đại Đế, Vua Louis XVI, phụ thân và nội tổ của ngài; bốn hoàng tử và một công chúa của vua George III bên Anh, Benjamin Franklin, Isaac Newton, thủ tướng Anh Chamberlain…  đều bị thống phong thăm viếng.

Antoni  Van Leeuwenhoek (1632–1723), một trong  nhiều khoa học gia khám phá ra kính hiển vi, đã tả hình dạng của các tinh thể ở khớp sưng vì thống phong, nhưng thành phần hóa chất lúc đó chưa được biết tới.

Colchicum (meadow saffron) đã được các y sĩ Ả Rập sử dụng khoảng năm 1000 để trị TP.

Dược phẩm Allopurinol do khoa học gia George H. Hitchings, Giám Đốc Phòng thí nghiệm Burrouhs Wellcome ở Nữu Ước chế biến năm 1943.

Tiếng Anh của thống phong là “Gout”, tiếng Pháp là “Goutte”.

Gout có nguồn gốc La Tinh “gutta”, nghĩa là “giọt”, vì khi xưa có tin tưởng là một chút chất lỏng nào đó tụ tại khớp và gây ra bệnh. 

Nguyên nhân gây bệnh

Thống Phong là một loại viêm khớp với đặc tính là tăng mức độ uric acid trong máu và sự kết tụ tinh thể urate trong mô bào. Acid này đến từ chất purines trong một số thực phẩm và từ sự chuyển hóa căn bản của cơ thể. Mức độ trung bình uric acid trong máu là 6.8 mg/dl.

Bình thường, uric acid hòa tan trong máu và được thận thải ra ngoài theo nước tiểu. Nếu uric acid lên quá cao mà không được thải ra ngoài, chúng phải kiếm chỗ để dung thân, như trên da, trong thận. Sạn urate (tophi) thường thấy ở dái tai, khuỷu tay và ngón tay, ngón chân. Nhưng khi chúng tập trung ở khớp xương thì có chuyện chẳng lành. Nơi đây, uric acid tích tụ dưới dạng các tinh thể dài sắc bén như kim, châm chích vào cấu tạo khớp và gây ra cơn đau khủng khiếp.

Các khớp xương thường bị tấn công là ngón chân cái, gót chân, mu bàn chân, gân Achilles là các vùng nhiệt độ thấp và tinh thể acid thích kết tụ nơi mát lạnh.

Tinh thể uric acid kết tụ dần dần, có khi cả chục năm trước khi gây ra cơn đau viêm sưng khớp đầu tiên. Cơn đau này có thể xẩy ra sau khi chân bị một chấn thương nhỏ và thường thì tự hết sau vài ngày. Tuy nhiên, cơn viêm đau thường tái phát trong vòng một vài năm với nhịp độ thường xuyên hơn ở nhiều khớp khác nhau.  

Có nhiều lý do đưa tới cao uric acid: giảm bài tiết từ thận, tăng sản xuất trong cơ thể và tăng tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất đạm purines.

Một phần lớn uric acid do chính cơ thể sản xuất mỗi ngày qua các phản ứng sinh học hoặc trong một số bệnh kinh niên (như bệnh ung thư máu, hoại huyết hoặc bệnh vẩy nến.)

Phần khác do tiêu thụ thực phẩm có nhiều chất purines như cá trích (anchovies), cá mòi (sardines), cá thu (mackerel), sò điệp (scallops), cá hồi (trout) một vài loại thịt như thịt bê, thịt heo, thịt gà tây; trong bộ phận nội tạng gia súc như tim, thận, óc; trong các loại bia rượu và vài loại rau như hạt đậu khô, măng, rau spinach. Có nghiên cứu cho hay purines trong rau trái cây không gây ra cao uric acid như thịt đỏ động vật.

Giảm bài tiết uric ở thận là lý do thông thường đưa tới cao chất này trong máu.

Nguy cơ đưa tới thống phong

Sau đây là một số nguy cơ có thể đưa tới tăng uric acid và bệnh thống phong:

- Tuổi tác

Đa số nạn nhân của thống phong là nam giới, ở tuổi trung niên, nhưng bệnh có thể thấy ở mọi lứa tuổi.

- Phái tính

Khoảng 90% các trường hợp thống phong xẩy ra ở nam giới. Chỉ có khoảng từ 5-10% trường hợp thống phong ở phụ nữ mà đa số ở tuổi mãn kinh. Lý do là ở nữ giới, mức độ uric acid trong máu thấp hơn ở nam giới, nhưng tới tuổi mãn kinh lại lên cao. 

- Dược phẩm

Một số dược phẩm có thể tăng uric acid như thuốc lợi tiểu nhóm hydrochlorothiazide (Esidrix, Hydro-D), viên aspirin để phòng tránh tai biến não hoặc cơn đau tim; thuốc ức chế tự miễn cyclosporine làm hư hao ống tiết niệu, giảm bài tiết urate; thuốc chữa bệnh Parkinson Levodopa; vitamin niacin

- Tiếp cận với chì

Theo kết quả một số nghiên cứu, tiếp cận lâu ngày với chì trong môi trường cũng là rủi ro đưa tới thống phong. 

- Rượu

Tiêu thụ nhiều rượu làm tăng sự chuyển hóa purines ở gan và tăng sản xuất acid lactic mà acid này lại gây trở ngại cho thận trong việc thải uric acid khỏi cơ thể.

Theo kết quả nghiên cứu của bác sĩ Hyon K Choi và Gary Curhan, Trường Y tế Công Cộng Harvard, công bố trên tập san Arthritis and Rheumatism tháng 12 năm 2004, bia  gây ra cơn đau thống phong nhiều gấp đôi rượu mạnh, rượu vang và tác dụng xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi uống.

Cũng cần lưu ý là, uống tới say túy lúy càn khôn sẽ tức thì gây ra cơn đau ở người bị thống phong, dù là đang điều trị. 

- Caffeine

Có nghiên cứu cho rằng nước uống có caffeine như cà phê, nước trà là rủi ro đưa tới thống phong.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây do bác sĩ Hyon K. Choi, Đại học British Columbia, Vancouver công bố trong tạp chí Arthritis số tháng 6-2007 cho hay, uống 4 ly cà phê mỗi ngày có thể giảm rủi ro thống phong tới 40%.

Vỉ vậy, nếu cứ dùng một hai ly cà phê như thường lệ có lẽ vô hại.

- Di truyền

Bệnh có tính cách di truyền. Theo thống kê, cứ bốn người bị thống phong thì một người có thân nhân mang bệnh này.

- Bệnh của cơ thể

Suy chức năng thận, mập phì, cao huyết áp, tiểu đường, thiểu chức năng truyến giáp, bệnh vẩy nến, một vài loại ung thư, thiếu máu vì hủy hoại hồng cầu nâng cao uric trong máu, đưa tới thống phong.

- Chần thương, mệt mỏi cơ thể, căng thẳng tinh thần, chề độ dinh dưỡng ít tinh bột đểu kích thích cơn viêm thống phong       

Triệu chứng.

Thống phong có thể xảy ra bất thình lình mà không có dấu hiệu báo trước, thường là vào ban đêm hoặc sau khi ăn thực phẩm có nhiều purine, bị chấn thương cơ thể, uống rượu, trong người mệt mỏi.

Thường thường thì chỉ một khớp xương bị tấn công. Khớp sưng đỏ, đau, nóng với lớp da bóng loáng, mầu đỏ hoặc tím. Các đốt của ngón chân cái là nơi thường bị phong nhiều nhất, nhưng phong cũng có ở đầu gối, cổ tay, khuỷu tay. Ở nhiều người, ngón chân cái sưng đỏ bóng loáng như quả nhót chín mọng.

Bệnh nhân đau như đàn bà đau đẻ, đến nỗi một tấm chăn mỏng phủ lên người, một đôi tất hơi ôm vào chân cũng gây đau, nói chi đến chuyện mang giày, đi lại.

Danh y Hyppocrate gọi thống phong là “Bệnh-Không-Đi-Được”, vì khi bị cơn viêm đau, sự đi lại đều khó khăn giới hạn

Người bệnh đôi khi nóng sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, tim đập nhanh.

Bệnh có thể cấp tính, kéo dài từ vài ngày tới một tuần lễ hoặc mãn tính với nhiều khớp bị viêm sưng, nhiều u cục trên da, xung quanh khớp và tổn thương ở thận 

Biến chứng.

Nếu không chữa hoặc phòng ngừa, bệnh trở thành mãn tính, với nhiều khớp bị tấn công. Các khớp sẽ hư hao, biến dạng khiến cho sự cử động, di chuyển khó khăn. Các cục chứa muối urate mọc lên ở dưới da (tophi) nhất là ở tai. 

Ngoài ra, uric acid trong máu quá cao có thể đưa tới sỏi thận. 

Định bệnh

Đôi khi rất khó để chẩn đoán bệnh thống phong vì các dấu hiệu không rõ rệt và có thể thấy trong các bệnh khác. Cao uric acid không đồng nghĩa với thống phong. Nhiều người dù lượng acid này lên cao mà họ vẫn không có dấu hiệu bệnh.

Để xác định bệnh. bác sĩ cần làm các việc như sau:

-  Khám tổng quát cơ thể và tìm hiểu y sử bệnh nhân, gia đình.

-  Lấy nước trong khớp bị viêm sưng để tìm tinh thể muối urate.

-  Đo lượng uric acid trong máu và nước tiểu.

-  Chụp X quang xương khớp để tìm khớp viêm sưng do muối urate tích tụ. 

Điều trị.

Mục tiêu của điều trị là làm sao giảm thiểu các cơn đau cấp tính, ngăn ngừa cơn đau tái phát và tránh sự gia tăng lượng uric acid trong máu. 

Thuốc chống đau viêm không steroid như ibuprofen (motrim), indomethacin (Indocin), naproxen (anaprox), etodolac…đều có thể kiểm soát các cơn đau cấp tính trong vòng 48 giờ.

Tác dụng ngoại ý của các thuốc này là cồn cào, xuất huyết bao tử, giảm chức năng của thận.

Khi các dược phẩm nêu trên không hiệu nghiệm, thuốc loại steroid có thể được dùng. 

Thuốc cổ điển Colchicine có nguồn gốc cỏ cây vẫn còn được dùng và  có tác dụng rất tốt với các cơn phong thấp cấp tính cũng như để ngăn sự tái phát của các cơn viêm đau.

Thuốc allopurinol (Zyloprim) được dùng khi acid uric lên cao vì tăng sản xuất.

Trường hợp uric acid lên cao vì thận giảm bài tiết, dùng thuốc loại probenecid (Benemid, Probalan) hoặc sulfinpyrazone.  

Trong cơn đau, nên nằm nghỉ, nâng cao khớp viêm hơi cao hơn thân mình một chút với cái gối nhỏ để tránh dịch nước ứ đọng ở khớp và giúp giảm viêm sưng.

Khi khớp bớt viêm, nên cử động khớp thường xuyên để tránh cứng khớp đồng thời sức mạnh các bắp thịt và gân ở xung quanh.

Chườm lạnh khớp bệnh vài lần trong ngày, mỗi lần 20 phút để giảm viêm sưng và đau.

 

Kết luận

Y học cổ điển tây phương có câu nói “Once gouty, always gouty”, một khi đã bị thống phong thì thống phong suốt đời.

Tuy nhiên với các phương thức trị liệu hiện nay, thống phong có thể khuất phục được và người bệnh tiếp tục sống đời sống sinh động, sản xuất.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể giảm thiểu các rủi ro gây bệnh, như là:

a. Giảm thiểu thực phẩm có nhiều purines.

b. Vận động cơ thể đều đặn.

c. Uống nhiều nước không có rượu. Nước giúp thận loại bỏ uric acid khỏi cơ thể, trong khi đó rượu bia lại tăng acid này.

d. Giảm cân nếu mập phì nhưng không giảm quá nhanh để khỏi bị thiếu dinh dưỡng, thống phong xuất hiện nhiều hơn.

đ. Duy trì huyết áp ở mức bình thường để tránh hư hao thận, giảm bài tiết uric acid.

e. Ăn nhiều rau trái cây tươi.

g. Tiêu thụ số lượng vừa phải sữa, pho mát.

h. Thử nghiệm acid uric khi đau khớp cấp tính để kịp thời sớm khám phá bệnh.

Thực hiện được như vậy thì ta tránh được thức giấc nửa đêm, ôm trái nhót đỏ hỏn ngón chân cái mà suýt soa kêu đau.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức, Texas-Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC
LẤY VỢ, Chuyện phiếm của Gã Siêu.

 

Ngày kia, một tên bạn bật mí cho gã hay về lần hắn đi xưng tội mùa chay. Hắn bảo sau khi đã kể hết mọi lỗi lầm, cha ngồi tòa bèn hỏi hắn mấy câu thật lãng xẹt :

- Năm nay con bao nhiêu tuổi rồi.

- Dạ băm mốt.

- Con đã lập gia đình chưa ? 

- Dạ thưa cha chưa ạ.

- Băm mốt rồi mà tại sao lại chưa lập gia đình ?

Thế là hắn bèn phải cúi đầu thú nhận :

- Thưa cha, con đi…tu ạ.

Rồi hắn oang oang cái miệng thuyết minh cho gã hiểu :

- Đối với vị linh mục này, anh đờn ông con giai ở vào tuổi băm, một là phải lấy vợ, hai là phải đi tu, chứ còn ở vậy thì quả thực là có vấn đề  đấy con ạ.

Các cụ ta ngày xưa vốn thường dạy :

- Tam thập nhi lập.

Đối với anh đờn ông con giai, thì tuổi ba mươi là tuổi lập thân, lập gia đình và lập nên công danh sự nghiệp.

Riêng trong lãnh vực hôn nhân, kinh nghiệm cho thấy, hễ ngoài tuổi “băm” này anh đờn ông con giai chưa rước được một cô nàng về dinh để làm vợ, thường rơi vào trạng thái “lừng khừng”,  và hay “ngãng ra” mỗi khi thầy bu tính toán cho việc lứa đôi.

Sở dĩ anh đờn ông con giai ở vào lứa tuổi này, thường hay lừng khừng và ngãng ra cũng có những lý do riêng của hắn. Vì không phải là một chuyên gia về tâm lý, nên gã xin mượn tạm một mẩu viết trên báo Phụ Nữ Chủ nhật với tựa đề “ Tầm thê ở tuổi băm”, để phần nào hiểu được những lý do thầm kín ấy.

Người ta bảo : trai ba mươi tuổi đang xoan…Song câu nói này giờ đây dường như không còn hợp thời nữa. Nhiều chàng “đang xoan” đã phải giật thót người khi chợt nhận ra mình đã chìm quá sâu vào nỗi cô đơn không lối thoát. Phải chăng những chàng trai này “ế vợ” do nghèo, xấu trai, không có địa vị xã hội ? Hoàn toàn không. Họ có đầy đủ những ưu thế để có thể dễ dàng tạo dựng cho mình một mái ấm hạnh phúc. Bi kịch ở chỗ họ đã tự xây cho mình một đỉnh cô đơn quá cao đến nỗi khó lòng leo xuống.

Bài báo đã đưa ra một ngàn lẻ một lý do khiến những chàng trai này phải sống “cu ky một mình”, gậm nhấm nỗi cô đơn và lẻ loi đếm từng bước chân âm thầm, để rồi đêm đêm “tôi lặng lẽ nhìn tôi trên vách”.

Thực tế cho thấy số người độc thân trong độ tuổi ba mươi ở Việt Nam thời gian gần đây ngày càng gia tăng. Điều này có thể thấy ở cả  nữ giới lẫn nam giới, Khác với phụ nữ thường lo lắng ra mặt khi đã đến tuổi băm mà vẫn còn chiếc bóng, các chàng trai thường tỏ vẻ phớt lờ. Ai dám bảo các chàng không lo…ế ? Thật ra các chàng giả bộ mặt lạnh thế thôi, chứ trong ruột bắt đầu rối như tơ vò. Nhất là khi song thân ở nhà luôn thôi thúc để có cháu nội bồng bế trước khi nhắm mắt xuôi tay. Song đối với các “của quý hiếm” tuổi băm này, thì chuyện lấy vợ không hề đơn giản chút nào.

Chỉ xin đơn cử vấn đề tuổi tác. Lấy cô vợ ngoài hai mươi thì trẻ quá, sợ cách biệt tuổi tác không hiểu nhau, lại còn phải chiều chuộng. Chọn cô vợ ngoài băm như mình thì phù hợp, nhưng lại sợ  mất gía với bạn bè, bị chê là lấy vợ…già! Thế mới khổ. Chưa kể tới ngàn lẻ một lý do khác trong thời buổi công nghiệp hóa đến chóng mặt này, như tôn giáo, nhà cửa, việc làm…khiến cho cái sự lấy vợ càng phức tạp khó khăn bội phần.

Bài báo đã kể lại những trường hợp cụ thể, chứng minh cho sự thật trên.

Ở vào địa vị như Nguyễn Văn B, không ai có thể nghĩ  anh lại lâm vào tình cảnh “muộn vợ”. Đẹp trai, cao ráo, giám đốc một công ty có tầm cỡ. Tháng nào cũng bận rộn với những chuyến đi bất tận, khi thì lên các tỉnh miền núi phía Bắc, khi thì lặn lội về đồng bằng sông Cửu Long, lúc lại công du tuốt ở Anh, Mỹ. Anh bộc bạch : “Mình cũng từng có một chuyện tình đẹp. Cô ấy là công nhân cùng phân xưởng. Do hiểu lầm, mẹ mình đã ngăn cấm mình đi đến hôn nhân với cô ấy. Ngày nàng chuẩn bị về nhà chồng, mình đã đưa nàng dạo chợ Bến Thành sắm…áo cưới. Từ đó, mình chỉ còn lấy sự học làm vui để có được sự nghiệp như ngày nay. Nàng bây giờ đã có con lớn, còn mình thì vẫn cảm thấy hết sức cù….lần mỗi khi đứng trước phụ nữ, mặc dù tuổi đã sắp quá băm”.

Đàn ông ở cái lứa tuổi ba mươi, nếu không quá bận rộn vì công việc như trường hợp chàng B, thì cũng chạy trốn vào công việc do quá mệt mỏi với  chuyện yêu đương.

Tôi có anh bạn là thư ký tòa soạn một tờ báo khá lớn ở Hà Nội. Suốt ngày chỉ cắm đầu lo bài ở tòa soạn, anh thú nhận là chẳng còn thời gian nào cho cái trò hò hẹn, mặc dù anh đã ba mươi tám cái xuân xanh. Một lần do bạn bè hối “uống rượu” quá, anh đã tự đăng tên mình trên mục câu lạc bộ làm quen của “báo nhà” với cái mác phóng viên. Thư từ các nơi đổ về hàng trăm lá. Nhưng chỉ sau vài cuộc hò hẹn, anh đâm chán : các cô chỉ thích cài mã nhà báo thôi, chứ khó lòng thông cảm với cái nghề đi đây đi đó. Thế là anh lại quay về với “người tình muôn thuở” là công việc, lấy đêm làm ngày và tự an ủi mình : thế mà lại hay. “Nàng” chẳng bao giờ phản bội mình.

Ngạc nhiên nhất có lẽ là câu chuyện của H, một anh bạn học cũ của tôi. Bẵng đi hơn chục năm không gặp, cứ ngỡ H đã yên bề gia thất rồi. Hóa ra, H càng đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp bao nhiêu, lại càng thất bại trong tình trường bấy nhiêu. Đẹp trai không thua gì…tài tử xi nê, có một căn hộ xinh xắn đầy đủ tiện nghi ở một quận trung tâm thành phố,, công việc thu nhập cao và ổn đỉnh tại một công ty liên doanh với nước ngoài. Vậy mà H vẫn độc thân ở tuổi ba mươi lăm. Hỏi ra mới biết H  đã từng có khá nhiều người yêu, song các cô đều chê anh chàng…có máu lạnh, khô khan tình cảm. Quả thật, khuôn mặt đẹp như tượng của H trông lạnh như băng, hiếm hoi mới có nụ cười. Nhưng đó không phải là lý do chính đáng khiến H muộn vợ. Xuất thân từ miền Trung, H thuộc loại người kỹ tính. Tất nhiên, anh đòi hỏi khá cao ở người bạn đời về các tiêu chuẩn công, dung, ngôn, hạnh. Thế là những cuộc tình chợt đến, chợt đi, dù rằng đã từng có người đến với anh thật lòng.

C, một anh chàng điển trai và thành đạt, ba mươi sáu tuổi, cao một mét bảy mươi lăm, là một nha sĩ có cả “chân trong” lẫn “chân ngoài” : ban ngày làm việc trong một bệnh viện lớn của nhà nước, chiều về phòng mạch tư, khách đông nườm nượp, khiến chàng…nhổ răng mỏi tay. Phòng mạch tư của C thường mở cửa đến hơn 20 giờ mỗi ngày. Nhiều cô gái đã phải ngậm ngùi ra đi sau nhiều lần bị chàng cho “leo cây” bởi lời hẹn : “Nếu cứ hơn 8 giờ tối mà không thấy anh đến, em cứ việc về nhé”. Nhờ chịu khó làm ăn, đến nay C đã tậu được căn nhà rộng rãi trong một con hẻm yên tĩnh gần khu trung tâm. Cứ chủ nhật rảnh, chàng lại rủ đám bạn trai đi đánh billart ăn độ nhậu cho hết ngày để trốn những giờ phút chỉ “ta với ta”, không biết làm gì trong căn nhà quạnh quẽ. Và thế là vô tình chàng lại càng xây cao thêm tháp ngà cô đơn.

Ngoài những lý do được bài báo trình bày, gã xin nêu thêm một lý do khác nữa : sở dĩ những anh đờn ông con giai ở vào tuổi băm mà chưa lấy được vợ là vì họ chẳng biết đến những lợi ích to tát do việc lấy vợ đem lại.

Chẳng thế mà trong sách “Guiness”, người ta đã ào ào tạo lập thành tích, hùng hổ lập nên những kỷ lục về…yêu. Gã xin trích ra như sau :

- Thời gian đính hôn dài nhất, đó là thời gian đính hôn giữa Octavio Guillen và Adriana Martinez, người Mexico. Cuối cùng họ đã kết hôn vào tháng 6 năm 1969, sau 67 năm thề non hẹn biển. Cả hai người đều được 82 tuổi lúc lên xe hoa.

- Cô dâu nhiều tuổi nhất, đó là cụ bà Minnie Munro, cỡ tuổi 102, vẫn còn hăng hái lên xe hoa với chú rể Dudley Reid, kém bà cụ tới 19 tuổi. Hôn lễ được tổ chức tại Point Clara, Australia, ngày 31.5.1991.

- Chú rể già nhất, đó là cụ Harry Steven mới quyết định làm lễ cưới với bà lão Thelma Lucas, 84 tuổi, tại nhà riêng ở bang Wisconsin, nước Mỹ, ngày 03 tháng 12 năm 1984.

- Cặp vợ chồng trẻ nhất, đó là vào năm 1986, có tin một bé trai 11 tháng tuổi đã cưới một bé gái 3 tháng tuổi tại Aminpur, nước Bangladesh. Lễ vu quy được hai gia đình sắp xếp nhằm chấm dứt mối thù hằn kéo dài 20 năm giữa hai bên.

- Cuộc hôn nhân bền chặt nhất, đó là cuộc hôn nhân giữa ông Temulji Bhicaji và bà Lady Nariman được gia đình đôi bên tổ chức lễ cưới khi  họ mới  năm tuổi vào năm 1853. Cuộc hôn nhân của đôi vợ chồng người Ấn Độ này kéo dài 86 năm, cho tới tháng 11 năm 1940, khi ông Temulji qua đời, thọ 91 tuổi.

- Nhiều cặp hôn nhau cùng một lúc, đó là ngày 14.02.1996 có tới 1420 cặp tình nhân tụ về đại học Maine, nước Mỹû, để lập kỷ lục thế giới mới về số đôi hôn nhau tại một nơi và trong một lúc.

- Nụ hôn dài nhất, đó là nụ hôn của đôi tình nhân Karmit Tzubera và Dror Orpaz. Ngày 5 tháng 4 năm 1999, họ đã đứng hôn nhau trong 30 giờ 45 phút không ngưng nghỉ. Và họ dành chức vô địch cuộc thi được tổ chức tại quảng trường Rabin, thành phố Tel Aviv, nước Israel, với giải thường là một chuyến đi vòng quanh thế giới và 2.500 đô la. Cả hai sau đó đã phải nhập viện vì kiệt sức.

Vậy thì việc lấy vợ đem lại những lợi ích to tát nào ?

Mỗi khi trà dư tửu hậu, hoặc chén thù chén tạc với nhau, cánh đờn ông con giai thường hay nói xấu bà xã của mình, bởi vì  dưới mắt họ, trên trần gian này chỉ  vợ người mới đẹp và chỉ văn mình mới hay :

- Vợ ta thì nạt thì đe,

  Vợ người thì cứ lăm le…nhìn hoài.

  Vợ ta thì chẳng đoái hoài,

  Vợ người khen đẹp dài dài quanh năm.

  Vợ ta chê mắt lá răm,

  Vợ người trông tựa trăng rằm tiên nga.

Thế nhưng, gã có một anh bạn rất…ngược đời. Cứ mỗi lúc xỉn xỉn, anh ta chẳng hề hé môi phê bình chỉ trích bà xã, trái lại luôn mở miệng ngợi khen, ca tụng bà xã hết lời :

- Nhà tôi đã nhiều đêm từng khóc mà khuyên tôi rằng…Nhà tôi nói với tôi thế này…Nhà tôi làm cho tôi thế nọ…

Dựa vào những lời anh ta phát ngôn trong những lúc xừng xừng như thế, gã có cảm tưởng rằng người vợ hiền đã thế chỗ cho người mẹ hiền của anh ta đã qua đời từ lâu. Vì thế, anh ta cũng có lý phần nào khi bảo :

- Công cha như núi Thái Sơn,

  Nghĩa…vợ như nước trong nguồn chảy ra.

  Một lòng thờ…vợ, kính cha.

  Cho tròn tình nghĩa, mới là…đờn ông.

Và anh ta còn bạo phổi quả quyết :

- Cha sinh không bằng…vợ dưỡng.

Sở dĩ như vậy, vì người vợ ấy không ngừng khuyên răn, nhủ bảo và giáo dục anh ta đêm ngày.

Ngay chính dân bợm nhậu cũng đã phải khẩu phục tâm phục và cúi đầu thú nhận :

- Vợ ta không có công sinh ra ta, nhưng có công nuôi dưỡng và dạy dỗ ta nên người.

Như vậy, lấy vợ thì sẽ được muôn vàn lợi ích. Tuy nhiên, cái lợi ích to tát nhất mà gã muốn bàn đến hôm nay, đó là vợ đã dạy dỗ ta nên người.

Trước hết về cách thức dạy dỗ. Ông trời đã phú bẩm cho người phụ nữ thiên chức làm mẹ và làm vợ. Vì thế, tự bản chất họ có nhiều năng khiếu về sư phạm, về nghệ thuật dạy dỗ.

Có khi họ tỉ tê năn nỉ ỉ ôi, khiến anh đờn ông con giai dù cứng như đá, cũng phải mềm nhũn như con chi chi. Có khi họ nói dài nói dẻo nói dai, miết rồi như giọt mưa cũng thấm dần xuống đất. Có khi họ dùng tới biện pháp mạnh, độc ác như bà La Sát, nghiệt ngã như bà chằn và hung dữ như sư tử Hà Đông, khiến anh đờn ông con giai phải rụng rời tay chân, hồn xiêu phách lạc.

Chẳng thế mà đa số những ông chồng đều mắc phải một thói tật rất dễ thương, đó là thói tật…sợ vợ :

- Vợ mình, mình sợ mới khôn,

  Vợ người mà sợ có hôm què giò.

  Vợ ta, ta sợ chẳng lo.

  Vợ người mà sợ, đồ bò đồ trâu.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, đó là những bài học vợ dạy cho ta, nhờ đó ta mới mở mắt ra và mới được như ngày hôm nay.

 

Trước hết, vợ dạy ta nên một người…thứ thiệc “chăm phần chăm”. 

Thực vậy, mục đích thứ nhất việc dạy dỗ nhắm tới, đó là đào tạo nên những con người thứ thiệc “một chăm phần chăm” khả dĩ có thể sống tự lập và sống với người khác. Trước khi là người cha hay người chồng, trước khi là người Phật tử hay người Kitô hữu, thì tiên vàn phải là người đúng nghĩa của nó, chứ đừng có “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”.

Công việc này được các nhà chuyên môn gọi là “giáo dục nhân bản”, “giáo dục đầu tiên”, tiếng “Phăng xe” gọi là “première éducation”. Tại Việt Nam, xem ra công việc giáo dục này còn thiếu sót  trầm trọng. Chẳng thế mà đường phố thì  nhếch nhác bẩn thỉu, xe cộ thì chen lấn gây ùn tắc giao thông, hàng quán thì khạc nhổ tùm lum, chẳng ai thèm giữ phép vệ sinh công cộng.

Thế nhưng, chính nhờ vợ mà ta được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản, để ta trở thành một con người đường đường chính chính.

 

Phải, nhờ vợ mà ta biết phép lịch sự.

Ngày xưa, ta la hét quát tháo là chuyện nhỏ, ta mày tao chi tớ cũng chỉ là chuyện xoàng. Còn bây giờ, ta phải ăn nói nhỏ nhẹ, khi đi thì thưa, khi về thì trình, khi gọi thì dạ, khi bảo thì vâng :

- Làm trai rửa bát quét nhà,

  Vợ gọi thì dạ bẩm bà em đây.

Chẳng thế mà thiên hạ vốn thường bảo :

- Lịch sự là bông hoa thơm của nhân loại, là món tiền càng tiêu càng lời, là chiếc chìa khóa bằng vàng khả dĩ mở được mọi khung cửa, kể cả khung cửa những con tim chai đá nhất.

 

Phải, nhờ vợ mà ta biết tế nhị, chẳng bao giờ hé môi chê bai ai, nhưng luôn mở mồm mở miệng để cám ơn và khen ngợi. 

Ngày xưa, ta mặc sức phê bình chỉ trích và sẵn sàng kê tủ đứng vào mặt kẻ nào dám phản đối ta. Còn bây giờ, ví dù cơm có khê, ta vẫn cứ hùng hục mà ăn. Ví dù canh có mặn, ta vẫn cứ anh dũng mà húp chùn chụt, rồi khen lấy khen để :

- Ôi chao,  mình nấu nướng mới tuyệt vời làm sao!!!

Chẳng thế mà :

- Vuốt râu nịnh vợ con bu nó,

  Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh.

 

Phải, nhờ vợ mà ta biết phục thiện. 

Ngày xưa, ta vốn thường hay cãi chày cãi cối, đã ngang như cua, lại còn ngoác miệng ra mà bảo :

- Ta ngang, nhưng là ngang phải, ngang có lý.

Thiên hạ tức anh ách, như bị bò đá mà vẫn miệng vẫn cứ phải ngậm tăm :

- Một thằng ngang, cả làng phải chịu.

Ấy là chưa kể những anh chàng mang thói quan liêu và gia trưởng, sai bét bè be mà vẫn cứ cho rằng mình đúng, Dùng áp lực theo kiểu cả vú lấp miệng em, bắt người khác, nhất là vợ con, phải chấp nhận sự thật của mình. Cứ tưởng rằng : lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng và chân lý luôn ở về phía những kẻ…vũ phu.

Thế nhưng bây giờ, rất may vợ dạy ta biết nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi, ngay cả khi ta chẳng thấy mình có lỗi chi. Thôi thì cứ nhận bừa, cứ ký đại cho êm cửa êm nhà. Dĩ hòa vi quí. Một sự nhịn là chín sự lành kia mà. Thà rằng mình chịu thua một tí, còn hơn là để cho vợ phải thiệt. Ngoài ra, ta làm sao mà chịu nổi sự lạnh lùng và “cấm vận” của vợ ta cơ chứ.

Chẳng thế mà người xưa đã bảo :

- Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng. Biết người biết mình trăm trận đều thắng.

Và ông thánh Âu Cơ Tinh luôn cầu nguyện cho được biết mình :

- Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con…

 

Phải, nhờ vợ mà ta biết kiên nhẫn, luôn chờ đợi mà chẳng thấy mệt mỏi. 

Ngày xưa, từ lúc quen nàng rồi yêu nàng, biết bao nhiêu lần nàng hẹn sẽ gặp ta vào giờ ấy, nhưng mãi cả bốn mươi lăm phút sau, nàng mới lững thững bước tới. Thời gian chờ đợi khiến ta đứng ngồi không yên, như bị cả trăm con kiến lửa cắn vào chân. Nếu có cà phê thì phải xơi tới vài ba cái phin đen. Hay như một ông thi sĩ nào đó đã diễn tả :

- Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé,

  Để lòng sầu, anh dạo gót quanh sân,

  Ngó trên tay, thuốc lá cháy lui dần.

  Anh khẽ bảo : gớm sao mà nhớ thế.

Thế nhưng khi nàng vừa xuất hiện, ta liền quên béng mất sự bực tức khi trước, bèn nhoẻn miệng cười toe toét. Nàng ậm ừ hỏi ta :

- Anh chờ có lâu không.

Ta phản xạ trả lời :

- Anh cũng vừa mới tới à.

Bây giờ, nàng đã là vợ  và ta lại càng có nhiều dịp thực hành đức kiên nhẫn. Chẳng hạn mỗi khi vợ chồng phải đi dự tiệc, mà giờ thì đã cận kề, thế mà nàng cứ vô tư tô chỗ này, vô tư thoa chỗ khác và vô tư kẻ  chỗ kia. Rồi lại còn vô tư ướm chiếc áo này, vô tư thử chiếc áo kia. Ta đành phải tự an ủi mình :

- Vợ ta mà không làm đẹp, thì hẳn không còn phải là đờn bà con gái nữa.

Rồi mỗi khi vợ chồng đi “shop”, ta âm thầm như một chiếc bóng theo hầu, để tay xách nách mang những sự lỉnh kỉnh nàng dúi cho. Món nào nàng cũng muốn ngắm và thứ nào nàng cũng muốn mua. Vài ba tiếng đồng hồ trôi qua vèo vèo như một cơn mộng dữ. Dù chiếc ví có lép kèm kẹp, thì bản mặt ta cũng vẫn phải tươi cười khi nàng chỉ trỏ cái nọ cái kia.

Chẳng thế mà người xưa đã khuyên ta :

- Hãy cho bền chí câu cua,

  Dù ai câu trạch,  câu rùa mặc ai.

 

Phải, nhờ vợ mà ta biết hào phóng với người và tiết kiệm với mình. 

Thực vậy, ngày xưa khi còn độc thân vui tánh, làm được đồng nào, ta liền xào đồng nấy. Nhiều khi lại còn bóc ngắn cắn dài, con nhà lính tính nhà quan. Ta luôn rộng rãi với bản thân, để rồi keo kiệt  và nghiệt ngã với người khác. 

Còn bây giờ ấy hả. Làm được đồng nào ta liền mang về dâng hết cho vợ, để lập thành tích và mong nàng ban phát cho ta một nụ cười ruồi, mát ruột mát gan. Ta luôn hào phóng với nàng, để rồi bất đắc dĩ phải keo kiệt và nghiệt ngã với bản thân, vì còn tiền nữa đâu mà ga với lăng. Nhiều lúc ta phải gãi đầu gãi tai xin nàng bố thí cho kẻ bần cùng túng thiếu vài đồng bạc lẻ để cà phê cà pháo với bè bạn.

 

Phải, nhờ vợ mà ta biết trật tự ngăn nắp. 

Thực vậy, xưa kia ta bạ đâu quăng đấy. Trật tự của ta chính là sự vô trật tự. Tuy nhiên, hễ cần cái gì là ta liền tìm thấy ngay.

Thế nhưng, từ ngày vợ ta quản lý căn hộ, sáng nào nàng cũng quét dọn, cũng lau chùi, cũng xếp đặt. Phá vỡ cái vô trật tự, cái vô tổ chức của ta. Rõ ràng chiếc bật lửa ta vừa quẳng trên bàn, bây giờ thèm thuốc, chẳng biết nó biến nơi mô ? Bước chân vô nhà, ta phải để giày, để dép ở bên ngoài, miết rồi ta không còn làm chủ nữa, mà làm nô lệ cho chính ngôi nhà của ta.

 

Phải, nhờ vợ mà ta biết chấp nhận  nghịch cảnh. 

Ngày xưa ta thường nhe răng cười, khi thấy thiên hạ phát biểu :

- Bông hồng nào mà chẳng có gai, cuộc đời nào mà chẳng có những đắng cay của nó. Có ở trong chăn, mới biết chăn có rận. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.

Còn bây giờ, ta đã là kẻ nhảy tõm vào lòng cuộc đời, ta đã là kẻ đang nằm ở trong chăn và ta đã là kẻ qua cầu. Cuộc đời ấy có nàng ở bên cạnh. Tấm chăn ấy có nàng cùng đắp chung. Và nhịp cầu ấy có nàng sánh bước. Ta chẳng còn cách nào khác, đành phải cúi đầu xin vâng, chấp nhận mọi gai nhọn, chấp nhận mọi đắng cay, chấp nhận mọi chấy rận, chấp nhận mọi đớn đau đứt ruột. Có lẽ ta đang tiến mau, tiến mạnh và tiến vững chắc trên con đường nhân đức…vâng lời chịu vậy.

 

Phải, nhờ vợ mà ta biết được giá trị của hai chữ tự do. 

Ngày xưa, ta muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, muốn ăn gì thì ăn. Còn bây giờ vợ ta khép ta vào kỷ luật, đặt ta nằm vào cái thế gọng kìm, đúng như người xưa đã bảo : trai có vợ như rợ buộc chân.

Ta giống như chú hổ của Thế Lữ, ngồi chổm hổm trong chiếc lồng vững chắc mà nhớ tới chốn rừng xanh :

- Gậm mối căm hờn trong cũi sắt,

  Ta nằm dài nghe ngày tháng dần trôi.

Bây giờ ta mới thấy thấm thía câu nói :

- Không có gì quí hơn độc lập và tự do.

Bây giờ ta mới thấy quí sự tự do. Ta hối tiếc vì đã để nó như cánh chim vuột khỏi bàn tay ta. Và mọi sự đã trở thành quá muộn vì ta đâu còn tự do nữa. Nhưng ta vẫn vui vẻ tự an ủi mình :

- Kỷ luật do vợ ta áp đặt trên ta sẽ tạo cho ta sức mạnh và giúp ta nên người.

 

Phải, nhờ vợ ta mới có được một sức khỏe dẻo dai. 

Ngày xưa, ta lười biếng, cẩu thả và nhếch nhác. Ngày thì ước những ngày mưa, đêm thì ước những đêm thừa trống canh. Ta phung phí sức khỏe cho những trận đá bóng về sáng, cho những cuộc nhậu thâu đêm. Ta giống như hạng thư sinh, trói gà không chặt, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.

Thế nhưng, bây giờ vợ ta sẽ đem lại cho ta một sức khỏe, nếu không mạnh mẽ như  “Hẹc quin”, thì cũng dẻo dai như bất kỳ vận động viên nào.

Thực vậy, theo các bác sĩ. Muốn được khỏe mạnh thì cần phải hoạt động và ăn uống chừng mực. Vợ ta, dù không phải là bác sĩ, nhưng đã áp dụng hai tuyệt chiêu ấy cho ta từ lâu.

Trước hết, nàng bắt ta phải lao động tay chân : nào là thổi cơm và giặt giũ, nào là rửa bát và quét nhà, nào là cắt cỏ và làm vườn, nào là mang và vác mỗi khi theo nàng đi “shop”…Lao động tay chân khiến ta nhìn thấy vinh quang và đem lại  cho ta một sức khỏe dồi dào.

Thứ đến, về chế độ ăn uống,  nàng ra sức ngăn cản ta không được hút thuốc, thuốc lào cũng như thuốc lá, không được uống rượu, rượu mạnh cũng như rượu bia, tối tối không được thức khuya mà phải lên giường đi ngủ sớm…Ta chỉ khác ông thày tu có chút xíu!!!

Có lẽ ta cũng nên theo chương trình “huấn nhục” như thế của vợ ta, bởi vì :

- Một thằng ăn mày khỏe mạnh còn sung sướng hơn một ông vua đau yếu.

 

Sau khi đã dạy ta nên một người thứ thiệt “chăm phần chăm”, vợ còn dạy ta thành một người cha gương mẫu và một người chồng chung thủy.

Trước hết là một người cha gương mẫu. Đúng thế, khi vợ ta rụch rịch “cắn ổ”, ta lo toát cả mồ hôi hột. Ta kiểm kê mọi thứ phụ tùng lỉnh kỉnh. Rồi lỡ dại khi nàng đau yếu, ta phải thay nàng nuôi con. Ta bao thầu mọi việc từ việc thay tã đến việc tắm rửa cho con, từ việc cho con bú đến việc ru con ngủ. Nếu có dự thi, nhất định ta sẽ ẵm chiếc huy chương vàng của ông bố gương mẫu, vì đã nuôi con khỏe, dạy con ngoan.

Tiếp đến là một người chồng chung thủy. Đúng thế, đêm đêm nằm ngủ bên nàng, ta đừng ú ớ mơ mà kêu tên những loài hoa, như Hồng, Mai, Lan, Cúc…Ngày ngày khi ra phố với nàng, ta cứ thẳng một đường mà đi, chớ có liếc ngang liếc dọc, nhất là đừng dại dột mở miệng khen bất cứ  một cô gái nào trước mặt nàng, bằng không thì giông tố sẽ nổi lên và…phải “chít” với bà.

Qua những điều vừa trình bày, gã thấy lợi ích của việc lấy vợ quả thật  là vô thiên lủng và khôn xiết kể. Chẳng tin thì cứ thử một lần, ắt sẽ biết.

Và để kết luận gã xin kể lại một chuyện có thật như sau : Bên cạnh nhà gã có một anh đờn ông con giai, thuộc vào hàng “phá gia chi tử”, tệ trạng nào hắn cũng có mặt, từ ăn nhậu đến đánh đấm và đã từng nhiều lần được công an hỏi thăm.

Bố mẹ hắn rất rầu rĩ. Cứ mỗi lần xảy ra sự cố, thì một cụ già hàng xóm đều khuyên bố mẹ hắn như sau :

- Cứ cưới ngay cho nó một con vợ. Thế là xong. Chỉ có con vợ nó mới dạy được nó mà thôi.

Xin khẩu phục tâm phục kinh nghiệm của cụ già hàng xóm !!!

Gã Siêu    gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************