Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 50, Chúa Nhật 23.09.2007


CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH                  MỤC LỤC 

Gaudium Et Spes: Phải Ðề Cao Phẩm Giá Của Hôn Nhân Và Gia Ðình                  Vatican 2

HIỆP THÔNG VÀ TRUYỀN GIÁO KHÔNG THỂ TÁCH RỜI NHAU                                  GSVN

Vài kỷ niệm sống động về hồng y Thuận                                         Gs. Nguyễn Đăng Trúc

CUỘC SỐNG LÀ MỘT QUÀ TẶNG                                                    Hương Vĩnh chuyển ngữ

TRÁNH PHÊ BÌNH...    Bài 04                                                                   Lm. Lê Văn Quảng

Tác phẩm: "TÂM THƯ GỬI CÁC LINH MỤC"                                     Đình Chẩn chuyển ngữ

CHỌN LỐI GẬP GHỀNH                                                    Nhà văn Xuân Vũ Trần Đình Ngọc

DỰ ĐOÁN TƯƠNG LAI CỦA ƠN GỌI LINH MỤC                    Lm. Lê Công Đức chuyển ngữ

TÌNH YÊU HÂN HOAN VÌ CHÂN LÝ               Lm. Micae-Phaolo Trần Minh Huy chuyển ngữ

Ngộ Độc với Chì                                                                                    Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức

CÓ TIỀN                                                                                      Chuyện phiếm của Gã Siêu


Gaudium Et Spes: Phải Ðề Cao Phẩm Giá Của Hôn Nhân Và Gia Ðình

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương I (tiếp theo)

Phải Ðề Cao Phẩm Giá Của Hôn Nhân Và Gia Ðình 51*

 

50. Sự sinh sản trong hôn nhân. Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái 58*. Con cái là ơn huệ cao quí nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Thiên Chúa đã phán: "Ðàn ông ở một mình không tốt" (Stk 2,18). Ngài là Ðấng "...từ buổi đầu, đã dựng nên một người nam và một người nữ" (Mt 19,4); chính Ngài muốn thông ban cho con người cộng tác một phần đặc biệt vào công việc tạo dựng của Ngài, Ngài đã chúc lành cho người nam và người nữ rồi nói: "Các ngươi hãy tăng gia, sinh sản" (Stk 1,28). Do đó, việc thể hiện đích thực tình yêu vợ chồng cũng như toàn thể tổ chức đời sống gia đình phát sinh từ việc thể hiện ấy, đều nhằm giúp đôi vợ chồng can đảm sẵn sàng cộng tác với tình yêu của Ðấng Tạo Hóa và Cứu Thế, mặc dù không loại bỏ các mục đích khác của hôn nhân. Nhờ đời sống lứa đôi, Ngài làm cho gia đình Ngài ngày càng bành trướng và phong phú hơn 59*.

Bổn phận truyền sinh và giáo dục phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng. Trong khi thi hành bổn phận ấy, họ biết rằng mình cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hóa và như trở thành những kẻ diễn đạt tình yêu của Ngài. Bởi vậy, họ sẽ chu toàn bổn phận mình với trách nhiệm của con người và của con người Kitô hữu 60*. Tôn trọng, tuân phục Thiên Chúa, đồng tâm hiệp lực với nhau, họ sẽ tạo được cho mình một phán đoán ngay thẳng: biết xét đến lợi ích riêng của họ cũng như của con cái đã sinh hay tiên liệu sẽ có, nhận định về các hoàn cảnh vật chất hay tinh thần của thời đại và bậc sống, sau hết biết nghĩ đến lợi ích của gia đình, của xã hội trần gian và của chính Giáo Hội. Sự phán đoán ấy, sau cùng chính đôi vợ chồng phải chọn lựa lấy trước mặt Thiên Chúa. Trong cách thế hành động, vợ chồng Kitô hữu hãy ý thức là mình không thể làm theo sở thích, nhưng phải luôn luôn tuân theo tiếng nói của một lương tâm phải được khuôn đúc theo luật Chúa, hãy vâng phục Giáo huấn của Giáo Hội, vì Giáo Hội có thẩm quyền giải thích luật Chúa dưới ánh sáng Phúc Âm.

Luật Chúa tỏ rõ ý nghĩa đầy đủ của tình vợ chồng, bảo vệ và khích lệ mối tình ấy đến mức hoàn thiện trên bình diện đích thực nhân loại. Bởi thế mà các vợ chồng Kitô hữu tôn vinh Ðấng Tạo Hóa và tiến tới sự hoàn thiện trong Chúa Kitô, trong khi tin tưởng vào Chúa Quan Phòng và trau dồi tinh thần hy sinh 12, để chu toàn bổn phận sinh sản cách quảng đại trong tinh thần trách nhiệm của con người và của con người Kitô hữu. Trong số những đôi vợ chồng theo phương thức ấy để chu toàn bổn phận Thiên Chúa trao phó, phải đặc biệt kể đến những người, sau khi suy xét khôn ngoan và đồng chấp thuận, đã can đảm nhận lãnh trách nhiệm dưỡng dục con cái cách xứng đáng, dẫu số con cái ấy khá đông 13.

Tuy nhiên, hôn nhân không phải chỉ được thiết lập để mưu sự truyền sinh mà thôi, nhưng chính đặc tính giao ước bất khả phân ly giữa hai người và lợi ích con cái đòi hỏi tình yêu hỗ tương của hai vợ chồng phải được phát biểu, thăng tiến và nẩy nở cách chính đáng. Cho nên, ngay trong trường hợp không có con như hằng tha thiết mong mỏi, hôn nhân vẫn tồn tại như một cuộc sống chung và vẫn giữ được giá trị cùng đặc tính bất khả phân ly của mình.

51. Hòa hợp tình yêu vợ chồng với việc tôn trọng sự sống con người. Công Ðồng biết rằng: muốn tổ chức đời sống vợ chồng cho thuận hòa, đôi bạn thường vấp phải một số tình trạng sinh sống khó khăn hiện đại và có thể lâm vào những hoàn cảnh khiến họ không thể gia tăng số con cái, ít là trong một thời gian; đó là lúc phải khó khăn lắm mới duy trì được tình yêu trung thành và sự chung sống trọn vẹn. Một khi đời sống thân mật vợ chồng bị gián đoạn, sự chung thủy thường bị đe dọa và lợi ích con cái có thể bị sút giảm; vì trong trường hợp này, việc giáo dục cũng như lòng can đảm sinh thêm con cái đều bị thương tổn 61*.

Có những người dám đưa ra những giải pháp bất lương để giải quyết vấn đề trên đây, họ không ngần ngại xử dụng cả những hành động sát nhân. Nhưng Giáo Hội nhắc lại rằng không thể có mâu thuẫn thực sự giữa những lề luật của Thiên Chúa liên quan đến việc truyền sinh và những luật liên quan đến việc phát triển tình yêu vợ chồng đích thực.

Thực vậy, Thiên Chúa là Chúa sự sống, đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn bổn phận ấy cách xứng hợp với con người. Do đó, sự sống ngay từ lúc thụ thai phải được giữ gìn hết sức cẩn thận; phá thai và sát nhi là những tội ác ghê tởm. Dục tính cũng như khả năng sinh sản của con người trổi vượt một cách kỳ diệu hơn những gì thấy được ở những cấp sinh vật thấp hơn. Bởi vậy, chính những hành vi đặc thù của đời sống vợ chồng, được thực hiện đúng theo phẩm giá đích thực của con người, đều phải được kính cẩn tôn trọng. Vì thế, khi cần hòa hợp tình vợ chồng với việc truyền sinh trong một tinh thần trách nhiệm, phải ý thức rằng giá trị luân lý của hành động không chỉ lệ thuộc vào ý muốn thành thực và việc cân nhắc các lý do, nhưng phải được thẩm định theo những tiêu chuẩn khách quan suy diễn từ bản tính của nhân vị và của hành động nơi nhân vị; những tiêu chuẩn ấy sẽ tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn của sự trao hiến và sinh sản con cái trong khung cảnh tình yêu đích thực. Ðó là điều không thể thực hiện được nếu không thực tâm vun trồng đức khiết tịnh trong bậc vợ chồng. Trong việc điều hòa sinh sản, con cái của Giáo Hội trung thành với những nguyên tắc vừa viện dẫn, không được dùng những phương pháp mà Giáo Huấn đã bác bỏ khi giải thích luật Thiên Chúa 14. 62*

Ngoài ra, mọi người đều phải ý thức rằng: đời sống nhân loại và bổn phận lưu truyền sự sống ấy không chỉ giới hạn ở đời này cũng như không thể hiểu và đo lường được ở đời này, nhưng luôn qui chiếu về định mệnh vĩnh cửu của con người.

52. Bổn phận của mọi người trong việc thăng tiến hôn nhân và gia đình. Gia đình là một trường học phát triển nhân tính. Nhưng để gia đình có thể sống trọn vẹn và chu toàn sứ mệnh mình, cần phải biết hòa hợp tâm hồn: vợ chồng phải cùng nhau bàn định cũng như cha mẹ phải ân cần cộng tác trong việc giáo dục con cái. Sự hiện diện tích cực của người cha giúp ích rất nhiều cho việc đào tạo con cái, nhưng cũng phải làm sao giữ được cho người mẹ vai trò chăm sóc gia đình, vì con cái, nhất là khi thơ bé, rất cần đến sự chăm sóc ấy; tuy nhiên, vẫn không được coi thường sự thăng tiến hợp lý của người phụ nữ trên bình diện xã hội. Phải giáo dục con cái thế nào để khi đến tuổi trưởng thành chúng có thể chọn bậc sống và theo ơn gọi, ngay cả ơn gọi tu trì, với ý thức trách nhiệm đầy đủ; và nếu kết hôn, chúng có thể lập gia đình riêng trong những điều kiện luân lý, xã hội và kinh tế thuận lợi. Bổn phận của cha mẹ hay người giám hộ là hướng dẫn những người trẻ khi lập gia đình, dùng lời khuyên nhủ khôn ngoan sao cho họ sẵn sàng nghe theo; tuy nhiên, phải cẩn thận, không dùng áp lực trực tiếp hay gián tiếp ép buộc họ kết hôn hay chọn bạn đường 63*.

Như thế, gia đình trở thành nền tảng của xã hội vì là nơi mà nhiều thế hệ gặp gỡ và giúp nhau nên khôn ngoan đầy đủ hơn cũng như giúp nhau hòa hợp những quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của cuộc sống xã hội. Bởi đó, tất cả những ai có ảnh hưởng trên các cộng đoàn và tập thể xã hội phải góp công hữu hiệu thăng tiến hôn nhân và gia đình. Chính quyền phải nhìn nhận, bênh vực và phát huy tính chất đích thực của hôn nhân và gia đình, phải bảo vệ nền luân lý chung và giúp cho gia đình được sung túc, vì đó là những bổn phận mà chính quyền phải coi như một sứ mệnh thiêng liêng phải chu toàn. Lại phải bảo đảm cho cha mẹ quyền sinh sản và giáo dục con cái trong khung cảnh gia đình. Phải soạn thảo được những bộ luật biết tiên liệu và đề ra được nhiều sáng kiến để bảo vệ và nâng đỡ cả những người vì rủi ro mà không có gia đình.

Người Kitô hữu biết lợi dụng thời đại 15 và phân biệt những gì trường tồn với những hình thức hay thay đổi, phải nhiệt thành đề cao những giá trị hôn nhân và gia đình bằng chứng tá của chính đời sống mình cũng như bằng hành động hợp tác với những người thiện chí. Như vậy, sau khi vượt qua các trở ngại, họ sẽ thỏa mãn được những nhu cầu của gia đình và cung cấp cho gia đình những tiện nghi hợp với thời đại mới. Muốn đạt được mục đích ấy, rất cần đến ý thức Kitô giáo của các tín hữu, lương tâm luân lý ngay thẳng của mọi người cũng như sự khôn ngoan và khả năng chuyên môn của những ai am tường các môn học đạo.

Các vị thông thạo khoa học, nhất là các khoa sinh vật học, y học, xã hội và tâm lý học, có thể giúp ích rất nhiều cho hôn nhân, gia đình cũng như sự an bình lương tâm, nếu họ hiệp lực nghiên cứu và cố gắng làm sáng tỏ hơn nữa về những điều kiện khác nhau giúp con người điều hòa sinh sản cách lương thiên.

Sau khi được học hỏi đầy đủ về các vấn đề thuộc phạm vi gia đình, các linh mục có bổn phận nâng đỡ ơn gọi của vợ chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình bằng những phương tiện mục vụ khác nhau, như rao giảng lời Chúa, lễ nghi phụng vụ hay những trợ lực thiêng liêng khác. Các ngài cũng phải nhân hậu và nhẫn nại nâng đỡ họ trong lúc gặp khó khăn, và khích lệ họ trong tình bác ái để họ tạo nên những gia đình thực gương mẫu rạng ngời 64*.

Các tổ chức hoạt động tông đồ, nhất là những hiệp hội gia đình, phải cố gắng bằng lý thuyết và hành động nâng đỡ các thanh thiếu niên và chính các đôi vợ chồng, nhất là những đôi mới kết hôn, đồng thời huấn luyện cho họ về đời sống gia đình, xã hội và việc tông đồ.

Sau hết chính các đôi vợ chồng, được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa và được an định trong cấp bực của các nhân vị, hãy kết hợp trong tình tương thân tương ai, đồng tâm hiệp ý và thánh hóa lẫn nhau 16, để trong khi theo Chúa Kitô là nguyên lý sự sống 17, giữa những nỗi vui mừng và hy sinh của ơn gọi và qua tình yêu chung thủy, họ trở nên chứng nhân của mầu nhiệm tình thương mà Chúa đã tỏ ra cho thế giới qua sự chết và sự sống lại của Người 18.

 


 

Chú Thích:

(lưu ý: những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo trước)

 

58* Hôn nhân là để hai vợ chồng yêu nhau, hiệp nhất với nhau, bổ túc cho nhau, hay là để sinh sản con cái? Trước khi có Công Ðồng, giáo lý công giáo trả lời: mục đích thứ nhất là để sinh sản con cái. Còn việc vợ chồng giúp đỡ nhau và việc kết hiệp tính dục với nhau là mục đích thứ nhì và phụ thuộc. Trong ghi chú 1 (số 48a) Công Ðồng nhắc lại vài tài liệu phân biệt các mục đích như thế. Dĩ nhiên giáo lý đã không coi thường tình yêu vợ chồng, bởi vì ba mục đích ấy đều phải được thực hành trong bầu không khí yêu nhau. Nhưng Công Ðồng đã nhấn mạnh đến tình yêu trong khi không chỉ lưu ý đến khía cạnh pháp lý của hôn nhân, nhưng đã đề cao phương diện nhân vị. Nên, bây giờ ta phải nói rằng hôn nhân là để hai bên yêu nhau và tự hiến cho nhau, nhờ đó mà sinh sản con cái, vì chính tình yêu vợ chồng cũng như hôn nhân đều hướng về việc sinh sản. Giữa tình yêu vợ chồng và việc sinh sản con cái không có sự mâu thuẫn gì cả, trái lại nếu bỏ một trong hai, thì sẽ không thể hiểu điều kia được. Yêu nhau với tình yêu này (hôn nhân) mà lại cố gắng ngăn cản việc sinh sản con cái đấy là điều mâu thuẫn. Trái lại, muốn có con mà không chịu yêu nhau thì không xứng hợp với phẩm giá con người. Tự hiến cho nhau, nhưng cùng một lúc cố ý loại trừ khả năng cao quí nhất của mình là khả năng làm cha làm mẹ, có phải tự hiến mình trọn vẹn không? có phải yêu thật không?

59* Công Ðồng không bằng lòng phân biệt các mục đích như cũ. Chỉ nhắc lại hai mục đích quan trọng nhất là tự hiến cho nhau và sinh sản con cái. Thực ra, hai mục đích này (và nhiều mục đích khác để phát triển nhân phẩm về mọi phương diện...) đều là chính yếu, nghĩa là hôn nhân đòi hỏi quyền lợi để hai bên có thể nhờ nhau mà đạt tới những mục đích ấy. Lập khế ước hôn nhân, nhưng loại trừ quyền lợi để sinh sản con cái thật là vô lý và khế ước không thành. Vậy thì, cố ý loại trừ quyền lợi để yêu nhau và để tự hiến cho nhau, cũng là vô lý, vì khế ước này cốt để trao đổi cho nhau.

60* Ở đây Công Ðồng dạy một giáo lý mới mẻ: lập gia đình để (nhờ tình yêu nhau) làm cha và làm mẹ; nói như thế thì chưa đủ. Phải nói thêm: để làm bậc cha mẹ có trách nhiệm! Như thế có nghĩ a gì? Công Ðồng dạy: 1) sinh sản con cái là sứ mệnh của vợ chồng, 2) phải thực hành như là cộng tác viên của Chúa và là "thông ngôn viên" cho tình yêu của Chúa (nghĩa là: tình yêu Chúa luôn luôn muốn dựng nên con người mới, nhưng hai vợ chồng phải tìm hiểu ý Chúa trong hoàn cảnh thực tế của họ), 3) thực hành với lòng kính trọng Thiên Chúa, 4) và tin cậy Ngài, 5) cũng như với tinh thần hy sinh, 6) để vinh danh Chúa, 7) và thánh hóa bản thân.

Theo các nguyên tắc ấy, vợ chồng nên sinh hạ bao nhiêu con cái? Trước đây những tín hữu đạo đức có lẽ đã trả lời: "Chúa muốn bao nhiêu thì chúng con sẽ sinh ra bấy nhiêu". Nhưng câu đó không hợp với giáo lý như Công Ðồng dạy. Không khác gì với lập trường của người chỉ ham mê khoái lạc và do đó sẽ áp dụng các phương pháp để ngăn cản sự sinh sản, câu ấy có thể tỏ ra ý muốn đề cao nguyên tắc "phải thỏa mãn tính dục" trước đã! Như vậy chưa phải là có trách nhiệm. Bởi đó Công Ðồng ngợi khen những vợ chồng sẵn sàng có đông con, nhưng rồi dạy rằng họ phải quyết định số con cái có thể có theo những nguyên tắc sau đây: 1) ích lợi về mọi phương diện của hai vợ chồng (ví dụ: người mẹ có đủ sức không?) 2) ích lợi của con cái (ví dụ gia đình có đủ phương tiện để giáo dục chúng nó không?) 3) tùy theo thời gian, hoàn cảnh vật chất và tinh thần, 4) tùy theo ích lợi của đại gia đình, của xã hội và của Giáo Hội.

Chính vợ chồng phải quyết định số con, chứ không phải chỉ người chồng hay ông bà. Họ sẽ quyết định theo lương tâm của họ: một lương tâm cố gắng hiểu biết luật Chúa như Giáo Hội trình bày.

Ðức Phaolô VI (Humanae Vitae số 10) nhấn mạnh rằng chính tình yêu hôn nhân đòi hỏi trách nhiệm này. Ngài cũng cắt nghĩa trách nhiệm: 1) theo phương diện sinh lý là tôn trọng lề luật của các tiến triển sinh lý (nó cũng thuộc về nhân vị), 2) theo phương pháp chế ngự các xu hướng bản năng và dục vọng, đó là biết tự chủ theo lý trí, 3) theo phương diện hoàn cảnh vật lý, kinh tế, tâm lý, xã hội, đó là quyết định tùy theo hoàn cảnh cho phép thêm con, hay không, 4) theo phương diện luân lý, có trách nhiệm là quyết định và thực hiện quyết định đó một cách thích hợp với nhiệm vụ đối với Chúa, đối với chính mình, đối với gia đình và xã hội. Lương tâm của hai vợ chồng không tự ý tạo ra con đường tốt đẹp cho mình, nhưng nó phải khám phá ra con đường ấy nơi bản tính hôn nhân và nơi bản tính các hoạt động hôn nhân, theo như Giáo Hội cắt nghĩa.

Về phương pháp cụ thể khi vợ chồng cần hạn chế sinh sản, xin coi số 51.

61* Vấn đề hạn chế sinh sản là vấn đề về các phương pháp. Vợ chồng muốn sống hợp với lý tưởng hôn nhân đã được trình bày ở trên, lắm lúc sẽ phải hạn chế số con. Nhưng không gần gũi nhau, hay chỉ theo chu kỳ của người vợ, có thể làm hại cho tình yêu nhau, do đó cũng làm hại cho đời sống hôn nhân và cho con cái nữa. Công Ðồng không giấu kín sự kiện này. Vậy khi cần hạn chế số con, có thể áp dụng phương pháp nào? Công Ðồng chỉ trả lời một cách đại cương mà thôi: phải loại trừ phương pháp xấu xa, như giết người (số 51b), phá thai và giết trẻ em (số 51c). Rồi Công Ðồng dạy nguyên tắc phải áp dụng trong việc chọn lựa phương pháp. Phương pháp bao giờ cũng phải 1) tôn trọng giá trị của sứ mệnh lưu truyền sự sống và tôn trọng phẩm giá con người, 2) nó không thể trái ngược lề luật của Chúa về việc lưu truyền mạng sống, 3) vợ chồng phải có ý ngay lành, nhưng chưa đủ, 4) chính phương pháp phải xứng hợp với các qui tắc khách quan về luân lý, 5) đó là những qui tắc dựa trên bản tính con người và tác động của con người, 6) nên phương pháp phải không được xâm phạm ý nghĩa tình yêu hôn nhân là tự hiến cho nhau, và tính cách nhân bản của việc sinh sản con cái, 7) bởi đó, đức trinh khiết hôn nhân là cần thiết, 8) cũng như lòng trung thành với Giáo Huấn của Giáo Hội.

62* Ghi chú 14 trình bày lý do tại sao Công Ðồng không phát biểu ý kiến về phương pháp cụ thể do khoa học đã khám phá ra, như thuốc viên, vòng xoắn, v.v... Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhờ ủy ban do Ðức Gioan XXIII thiết lập nhằm học hỏi về các vấn đề gia đình, để nghiên cứu vấn đề hạn chế sinh sản. Ủy ban gồm có các nhà thần học, xã hội học, bác sĩ, các đôi vợ chồng (trên 70 hội viên) đã làm việc từ năm 1963 đến cuối năm 1967. Theo như chính Ðức Giáo Hoàng xác nhận (Humanae Vitae số 6) đa số các hội viên bênh vực lập trường chấp nhận bất cứ phương pháp nào để hạn chế sinh sản. Không nhắc đến lòng ích kỷ, ham khoái lạc, sợ trách nhiệm nặng nề trong việc sinh sản và giáo dục con cái, kể cả lập trường chống đối Giáo Hội cũng như lập trường kinh tế và chính trị của một số quốc gia, Ấn Ðộ chẳng hạn..., chính Ðức Giáo Hoàng đã chỉ nhắc lại lý do của đa số trong ủy ban: 1) Có lý do ngoại tại, nghĩa là những lý do không trực tiếp quan hệ tới vấn đề, như việc dân số gia tăng quá mau; những hoàn cảnh làm việc, nhà ở, kinh tế; quan niệm mới mẻ về nhân phẩm phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong xã hội; việc sinh sản con cái đòi hỏi hy sinh đôi khi tới mức độ anh hùng (Humanae Vitae số 2-3). 2) Cũng có lý do nội tại như quan niệm về giá trị tình yêu hôn nhân và cử chỉ xác thịt; quyền năng của con người trên thiên nhiên và bản thân; nguyên tắc toàn diện, nghĩa là hôn nhân hướng về con cái nhưng không phải từng hoạt động vợ chồng phải trực tiếp hướng về nó; nguyên tắc phải chọn sự xấu nhẹ hơn, nghĩa là thà áp dụng phương pháp nhân tạo để hạn chế sinh sản còn hơn là mất tình yêu vợ chồng và hạnh phúc gia đình (Humanae Vitae số 2-3; 14, 16-17).

Ngày 25-7-1968 Ðức Phaolô VI "nhận sứ mệnh Chúa Kitô đã trao phó" (Humanae Vitae số 6) công bố câu trả lời về vấn đề các phương pháp cụ thể: "Cấm bất cứ hành động nào nhằm ngăn chặn sự sinh sản, dù như một mục đích hay chỉ như phương tiện, dù có hành động như vậy trước việc vợ chồng, hay là khi việc vợ chồng đang tiến tới hậu quả tự nhiên của nó" (Humanae Vitae số 14). Nghĩa là không được phép dùng thuốc viên ngăn cản thụ thai (nó có thể giết tinh trùng, giết trứng, ngăn cản trứng chín rụng, ngăn cản tinh trùng vào trong trứng), cấm dùng thuốc viên phá thai, đặt vòng xoắn vào tử cung, dùng bao cao su của đàn ông hay đồ giữ bộ phận của đàn bà, giải phẫu để cắt hay buộc các ống dẫn tinh dịch hay trứng, hoạt động như Onan (Stk 38,9: cố ý xuất tinh ở ngoài), cấm phá thai... Vì mỗi khi vợ chồng giao hợp với nhau, việc hôn nhân phải được mở ngỏ để "có thể lưu truyền mạng sống" (Humanae Vitae số 11).

Ðức Giáo Hoàng "nhận sứ mệnh Chúa Kitô đã trao phó" mà dạy con cái Giáo Hội phải bỏ ý kiến riêng (Humanae Vitae số 28) và hơn nữa phải vâng lời mặc dù có thể là rất khó (Humanae Vitae số 19-20) bởi vì phải vâng theo luật của Giáo Hội và luật của Chúa (Humanae Vitae số 18).

Ðức Giáo Hoàng đã áp dụng nguyên tắc Công Ðồng Vaticanô II lập ra và đã công nhận rằng nếu cố ý ngăn cản việc thụ thai khi vợ chồng ăn ở với nhau, hành động đó không còn giữ ý nghĩa sâu xa của tình yêu và của hôn nhân, cũng như của tác động hôn nhân như Thiên Chúa đã muốn (Humanae Vitae số 9-13).

63* Các gia đình và đại gia đình (kể cả các linh mục lo cho đôi tân hôn) nên lưu ý tới câu này của Công Ðồng. Vì ép duyên không những là tội bất công đối với thanh niên thiếu nữ có quyền lợi bất khả xâm phạm để lập gia đình và chọn người bạn, mà còn gây nên nhiều khó khăn và nhiều dịp tội lỗi, không kể trường hợp hôn nhân bất thành vì mặc dầu hai bên đã ưng thuận, nhưng chỉ vì sợ hãi quá đáng (Giáo luật, khoản 1087). Lạm dụng lòng hiếu thảo của con mình để ép duyên là điều không thích hợp với giáo lý công giáo.

64* Công Ðồng lập lại hai nhiệm vụ chính của các linh mục lo cho đôi tân hôn là: 1) giáo dục đôi bên về ơn kêu gọi, về lý tưởng, về đời sống gia đình, về những khó khăn, v.v..., 2) nâng đỡ các cặp vợ chồng gặp khó khăn với lòng nhân từ và kiên nhẫn. Do đó việc khảo kinh hai bên sắp lập gia đình và sau đó chỉ lo việc rửa tội cho con cái và dạy giáo lý, ban bí tích cho kẻ liệt... thì chưa đủ.

Các ngài nên đặc biệt lưu ý tới tinh thần mới trong việc mục vụ (khi ngồi tòa chẳng hạn). "Trong việc này (tức việc dạy toàn bộ giáo lý, bất chấp những khó khăn sẽ gặp phải như khi đề cập tới vấn đề nghiêm cấm sự áp dụng các phương pháp hạn chế sinh sản chẳng hạn), cần phải giữ đức nhẫn nại và nhân từ như chính Chúa đã làm gương trong cách đối xử với mọi người. Chúa... đã giữ thái độ quyết liệt đối với tội lỗi, nhưng đồng thời đã tỏ lòng thương xót đối với con người. Khi gặp khó khăn, chớ gì các đôi vợ chồng luôn luôn tìm thấy nơi lời nói và nơi tâm hồn của các linh mục, tiếng vang lời nói và tình yêu của Chúa Cứu Thế" (Humanae Vitae số 29). Chúa không đuổi kẻ sa ngã vì yếu đuối...

VỀ MỤC LỤC

HIỆP THÔNG VÀ TRUYỀN GIÁO KHÔNG THỂ TÁCH RỜI NHAU

 

Sự hiệp thông của Giáo hội với Đức Giêsu sinh ra sự hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau. Sự hiệp thông này là điều kiện cần thiết để sinh hoa trái. Sự hiệp thông với nhau, một ân huệ của Chúa Kitô và Thần Khí của Người, là hoa trái tốt đẹp nhất mà các cành có thể cho :

“Một đòi hỏi thiết yếu của cuộc sống trong Đức Kitô là hễ ai hiệp thông với Chúa thì phải sinh hoa kết quả : “Ai ở trong Thày và Thày ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái.” (Gio 15,5). Như thế, thật là đúng khi bảo rằng những ai không sinh hoa kết quả, thì ấy là người đã không sống trong sự hiệp thông : “Cành nào không sinh hoa trái, thì Cha Thày sẽ tỉa đi”. (Gio 15,2). Hiệp thông với Đức Kitô và từ đó phát sinh sự hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau chính là điều kiện cần thiết để sinh hoa kết quả.” (Ecclesia in Asia, số 24).

Theo nghĩa này, hiệp thông và truyền giáo liên kết với nhau không thể phân ly. Sự hiệp thông vừa là nguồn suối, vừa là hoa trái của việc truyền giáo: sự hiệp thông phát sinh việc truyền giáo và truyền giáo hoàn thành trong hiệp thông :

“Hiểu như thế thì hiệp thông và truyền giáo là hai việc không thể tách rời nhau. Chúng thẩm thấu và bao hàm nhau, đến nỗi có thể nói “hiệp thông vừa là gốc vừa là trái của việc truyền giáo : hiệp thông đưa tới truyền giáo và truyền giáo được hoàn thành trong sự hiệp thông. “(Ecclesia in Asia, số 24).

“Sự hiệp nhât là một yếu tố cơ bản và cần thiết cho chứng tá của các Kitô hữu trong thế giới và cho tính khả tín của công việc truyền giáo (x. Ga 13,35; 17,21). Sự hiệp nhất này biểu lộ cách ưu việt trong sự hiệp thông giữa các giám mục với nhau và với Đấng kế vị thánh Phê-rô, Đấng đã được giao phó quyền hành trên Hội Thánh hoàn vũ: “Cũng như, do Thiên Chúa đã thiết định, thánh Phê-rô và các tông đồ khác đã tạo thành một tập đoàn, thì Đức Thánh Cha, kế vị Phê-rô và các giám mục, kế vị các Tông Đồ, cũng liên kết lại với nhau cách tương tự như  vậy” (Giáo Luật 330)

Các Giám Mục, Hiệp Nhất Với Giám Mục Rô-Ma, Tạo Thành Giám Mục Đoàn kế vị tập đoàn các Tông Đồ đã được Đức Kitô sai đi. Đối với các giám mục, trung thành với sự hiệp thông này là một đòi hỏi đặc biệt quan trọng và là một sự khẩn thiết đối với sự thật và đối với sự phong nhiêu thừa tác vụ của các ngài. Bởi vì, chính khi hiệp  nhất với vị giám mục của họ và với Đức Giáo Hoàng mà các  Kitô hữu thuộc về sự hiệp thông phổ quát và có thể được thừa hưởng những hoa quả của sự hiệp thông đó. Trong một Hội Thánh địa phương hay trong giáo phận, sự hiệp thông được sống bằng nhiều cách thức khác nhau qua việc tham dự vào đời sống bí tích, qua việc làm chứng tá, qua việc truyền giáo và qua các trách vụ được đảm nhận ở trong cộng đoàn tín hữu.

Như vậy, sống trong sự hiệp nhất, Hội thánh làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô đối với mọi người và cộng tác vào sự hiệp nhất của nhân loại.” (Giáo lý của Hội đồng Giám mục Pháp, số 302- 303).

Sự hiệp thông được diễn tả cách cụ thể qua việc các giám mục hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô và giữa lòng Giáo hội địa phương với chủ chăn. Mỗi Giáo hội địa phương phải được đặt nền móng trên chứng từ của sự hiệp thông, vì sự hiệp thông cấu tạo nên chính bản chất của Giáo hội. Giáo hội địa phương như là “sự hiệp thông các cộng đoàn” chung quanh vị chủ chăn. Chính trong Giáo hội địa phương mà sự hiệp thông các cộng đoàn được thực hiện giữa những thực tại phức tạp xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hóa và kinh tế tại Á Châu. Như vậy, trong Giáo hội địa phương, hiệp thông và truyền giáo không thể tách rời nhau (Ecclesia in Asia, số 24).

Việc tham dự vào sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi liên kết mọi thành phần của Giáo hội vào trong sự hiệp thông duy nhất mà ta gọi là Thân Thể của Chúa Kitô. Nhưng Giáo hội cũng là những con người yếu đuối, mỏng dòn, nên không tránh khỏi những chia rẽ. Có nhiều chia rẽ trong lịch sử đã làm tổn thương đến sự hiệp thông của các Giáo hội đặc thù ở Á Châu.

Vì thế, những mối liên hệ mang tính liên Giáo hội đã bị phá hỏng trong nhiều thế kỷ giữa các Giáo hội thuộc nhiều truyền thống phụng vụ và Giáo hội khác nhau, những quyền tài thẩm của giáo sĩ, những phương pháp truyền giáo, và mối lưu tâm mục vụ. Những vết thương này đã được chữa lành từng phần, nhưng việc chữa lành hoàn toàn còn phải đến trong tương lai. Khắp nơi, chỗ nào sự hiệp thông bị yếu đi, thì việc làm chứng nhân của Giáo hội, quyền năng loan báo Tin mừng và tính hiệu năng của Giáo hội bị suy yếu theo. Đức Kitô đã mong muốn các Kitô hữu hiệp nhất với nhau để nên dấu chỉ cho chân lý Phúc âm trước mặt thế gian (Gio 17,21). Vì vậy sự chia rẽ đã làm tê liệt nỗ lực truyền giáo.

Sự hiệp thông còn thể hiện trong tình liên đới giữa các Giáo hội địa phương với nhau qua việc cởi mở đón tiếp nhau và cộng tác với nhau. Hiệp thông tiến tới việc truyền giáo mà không xung khắc với sự độc lập của các Giáo hội (Ecclesia in Asia, số 26). Hiệp thông trong khác biệt, thống nhất trong đa dạng. Sự khác biệt sẽ làm phong phú và bổ túc cho nhau. Đây là một đòi hỏi của đức tin, bắt nguồn từ chính mầu nhiệm Ba Ngôi (duy nhất về bản tính, khác biệt về ngôi vị), từ mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa. 

Giáo hội là dân Chúa đang hành hương, một dân mà không dân nào không có liên hệ cách này hay cách khác (GH  số 16). Trên cơ sở đó, các Nghị phụ Thượng Hội đồng nhấn mạnh mối liên hệ nhiệm mầu giữa Giáo hội và tín đồ các tôn giáo khác của Châu Á, ghi nhận rằng các tín đồ ấy “có liên hệ (với Giáo hội) bằng nhiều cách và ở nhiều mức độ khác nhau”. Giữa đông đảo các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo khác nhau như thế, “càng thấy đời sống Giáo hội như một sự hiệp thông quan trọng thế nào”. Thật ra, công tác phục vụ sự hiệp nhất do Giáo hội thực hiện có một tầm quan trọng đặc biệt tại Á Châu, vì tại đây có quá nhiều căng thẳng, chia rẽ và xung đột, do những khác biệt về chủng tộc, xã hội, văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế và tôn giáo gây ra. Chính trong bối cảnh ấy, các Giáo hội địa phương ở Châu Á hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô cần cổ võ sự hiệp thông nhiều hơn nữa trong tâm trí cũng như trong tâm hồn bằng sự cộng tác mật thiết hơn giữa các Giáo hội với nhau. Một điều cũng quan trọng không kém đối với sứ mạng Phúc âm hóa của họ là xây dựng các mối quan hệ với các Giáo hội và các cộng đồng Kitô khác, cũng như với tín đồ các tôn giáo khác (Ecclesia in Asia, số 24).    

Giáo hội tại Á Châu sống giữa hàng trăm, hàng ngàn anh em Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo và những tín đồ theo tôn giáo truyền thống. Giáo hội tại Á Châu có trách nhiệm đặc biệt làm bí tích cho sự hiệp nhất giữa các tín đồ của mọi tôn giáo. Giáo hội phải thực sự trở nên phổ quát, Công giáo. Đây là một ân huệ của Chúa. Dầu Giáo hội có một sự hiệp thông rất đặc thù và sự hiệp nhất của riêng mình, nhưng không phải là sự hiệp thông và hiệp nhất độc quyền. Nó phải là sự hiệp nhất bao gồm, bởi vì Chúa Thánh Thần và Lời Chúa đã hiện diện trong thế giới, dẫn đưa mọi sự tới mục tiêu cuối cùng. : “Giáo hội kính trọng và yêu mến những tôn giáo không phải là Kitô giáo vì những tôn giáo ấy là sự diễn tả sinh động tâm hồn của đám đông nhân loại rộng lớn, mang trong mình âm hưởng hàng ngàn năm của việc tìm kiếm Thiên Chúa, có một di sản đầy ấn tượng với những bản văn tôn giáo sâu sắc. Qua các thế hệ, những tôn giáo ấy dạy con người cầu nguyện” (Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, số 53).

Trong hoạt động rao giảng Tin mừng, Giáo hội tìm cách chữa lành những chia rẽ ngàn đời trong xã hội tại Á Châu, nhờ vào mẫu gương sống hiệp thông của riêng mình. Như thế, Giáo hội tỏ cho thấy sự hiệp nhất là có thể được. Cũng thế, Giáo hội tìm những phương tiện làm thăng tiến một sự hiệp thông như thế giữa các dân tộc nhờ sự đối thoại và cộng tác. Mục tiêu cuối cùng của truyền giáo là sự hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân. “Mục đích cuối cùng của việc truyền giáo là làm cho con người tham dự vào sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con” (RM, số 23).

Sự hiệp thông giữa các Kitô hữu là bằng chứng sống động, là điều kiện để thiên hạ nhận biết Đức Kitô là Con Thiên Chúa, Đấng được Chúa Cha sai đến với loài người. Chúng ta không thể loan báo về một Đức Kitô bị chia năm xẻ bảy và không ai lại muốn gia nhập một tổ chức chia rẽ, lục đục. Đức Kitô đã hy sinh đến phải đổ máu mình ra và chết nhục nhã trên thập giá là để qui tụ chúng ta lại (Gio 11,52), liên kết chúng ta trong một giao ước mới (Mt 26, 27- 28), thì chúng ta lại càng không thể nào thờ ơ trước cảnh tượng Giáo hội vẫn tiếp tục bị chia rẽ, phân ly.

Khát vọng hiệp nhất không gì khác hơn là sự đáp trả đối với lời cầu xin tha thiết của Đức Kitô cho Giáo hội được hiệp nhất (Gio 17,11). Nếu các cộng đoàn Kitô hữu còn muốn làm một điểm quy chiếu cho thế giới thì không thể nào không tìm kiếm và sống mối ưu tư về hiệp nhất này ở trong nội bộ và đối với các Giáo hội anh em. Mọi sự chia rẽ chắc chắn không phải là dấu hiệu của Thánh Thần, mà là của ma qủy.

   

KẾT LUẬN

Nếu truyền giáo là đem Chúa đến cho người khác, thì hiệp thông chính là điều kiện để chúng ta có Chúa. Trong Tin mừng Chúa đã phán : “Vì ở đâu có hai ba người họp nhau lại nhân danh Thày, thì có Thày ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,20).

Thánh Gioan cũng xác quyết : “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.” (1Gio 4,16).

Một khi đã thực sự có Chúa rồi, chúng ta mới có thể đem Chúa đến cho người khác, bởi vì chúng ta chỉ có thể cho cái mình có. Và như vậy, việc truyền giáo không thể tách biệt khỏi tinh thần hiệp thông. Hơn thế nữa, chính sự hiệp thông sẽ bảo đảm cho những kết quả của việc truyền giáo.

Cộng đoàn Giêrusalem thuở ban đầu là một chứng tá hùng hồn nhất. Sách Công vụ Tông đồ đã ghi nhận như sau : Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến.” (CVTĐ 2,41-47).

Và sách Tông Đồ Công Vụ đã kết luận : “Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (CVTĐ 3,47).

Sự thật trên đã chứng tỏ điều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết trong tông huấn “Giáo hội tại Á Châu” như sau :

“Hiểu như thế thì hiệp thông và chuyên giáo là hai việc không thể tách rời nhau. Chúng thẩm thấy và bao hàm nhau, đến nỗi có thể nói : hiệp thông vừa là gốc vừa là trái của việc truyền giáo; hiệp thông đưa tới truyền giáo và truyền giáo được hoàn thành trong  sự hiệp thông.” (Ecclesia in Asia số 24).

GSVN

VỀ MỤC LỤC

Vài kỷ niệm sống động về hồng y Thuận

 

Tổng giám mục Ph.X. Nguyễn Văn Thuận muốn dùng lời của Đức thánh cha Gioan Phaolô II như lời gởi gắm riêng cho người trẻ Việt Nam "Thành công lớn nhất của một cuộc đời là nên thánh".

Trong bài này, tôi mong ghi lại một vài ký ức về linh mục Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, luôn linh động trong cuộc sống hàng ngày của tôi, thực sự chi phối những bước đi của đời tôi.

Tôi vào Tiểu chủng viện Phú Xuân khóa 1959, còn linh mục Thuận đổi đến đây thay cho linh mục Nghĩa vào đầu niên khóa 1960-61, và tôi là một trong những chủng sinh chọn ngài làm cha linh hướng.

Ngài xuất hiện ra trước mắt tôi lúc đó nhưng một hình ảnh gầy, cao, thẳng, đi nhanh, luôn luôn ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ và hay cười.

Ngay khi đi nghỉ hè thoải mái chung với chúng tôi, ngài vẫn nghiêm túc trong cách ăn mặc, thường nhắc lại "mình ăn mặc chỉnh tề là biểu lộ đức bác ái của Chúa, là tỏ lòng kính trọng người khác, hãy nghĩ rằng nếu người ta chớp bóng quay phim lại cách ăn mặc của mình, nếu mình không xấu hổ gì là tốt".

Trước đây, sau khi có việc 'hô điểm" cuối mỗi kỳ họp các cha, và sau khi vào gặp cha bề trên để nghe "tin dữ", chú nào bị "đuổi" ra khỏi chủng viện thì thấy đời mình như "cùi hủi" rồi, một sự thất bại ê chề trong cuộc đời, cha mẹ sẽ buồn, bạn bè e ngại đứng xa xa mà nhìn, làm như phút chốc mình trở thành kẻ "tội lỗi".

Từ ngày cha Thuận làm bề trên, cựu chủng sinh như được cha thương riêng, có lúc làm cho kẻ ở lại phải nêu thành câu hỏi, ngài hay nói câu tiếng Pháp vào dịp này, đi tu "c'est une chance" mà ra đời "c'est une autre chance".

Bề trên Nguyễn Văn Thuận đã đồng hành với giáo huấn Vaticanô II để đưa kitô giáo vào trong cuộc sống con người, theo lối giáo dục mới, mời gọi những linh mục tương lai nên thực thi mục vụ trong tinh thần dấn thân phục vụ làm đầy tớ, ưu tiên cho những người nghèo.

Năm 1966, một năm trước khi nhận chức giám mục, có lần ngài nói với lớp chúng tôi "Cha có dự án xây rộng thêm bên ngoài nhà khách các chú để mở một xưởng nghề, các chú mình tương lai phải học một nghề nghiệp để sinh sống, vì xã hội đang biến đổi, giáo hội cần linh mục có lối sống khác hơn phong cách sống xưa nay".

Quan trọng hơn cả, đức cha là con người cầu nguyện, nếu tôi nói với bạn là trong suốt sáu năm tôi được ở dưới sự hướng dẫn của ngài, nhưng chưa một lần tôi thấy có một cử chỉ nhỏ nào sơ suất khi ngài dâng thánh lễ hay trong lúc đọc kinh, nguyện gẫm... chắc bạn thấy thường thôi, nhưng qua kinh nghiệm riêng của tôi về cuộc sống tôn giáo, đây là dấu chỉ đích thực của một cuộc sống nội tâm sâu dày và kiên trì hiếm có.

Tất cả thư từ ngài gửi cho tôi khi tôi còn tu hay đã xuất tu, ngài luôn nói câu cuối cùng nhắn nhủ "Chúng ta phó thác mọi sự cho Mẹ Maria của chúng ta", ngài tha thiết sùng kính Mẹ, và đặt ngay tượng Mẹ ở giữa trung tâm các tòa nhà chủng viện.

Có lúc tôi hỏi về ý nghĩa kiến trúc chủng viện Hoan Thiện và đặc biệt về nhà nguyện tròn và có hồ nước chung quanh, ngài giải thích rằng nhà thờ là nơi gặp gỡ Chúa, và gặp gỡ người anh em, nhưng không phải gặp gỡ ào ào theo kiểu thế gian, những lối xây cất chùa chiền trong văn hóa của dân tộc mình nhắc mình nhớ là phải "bước qua bên kia bờ" để có thể cầu nguyện.

Hè năm 1967, tôi dự định xuất tu, ngài kêu riêng và nhắn nhủ "tu cũng tốt mà về cũng là một ơn gọi riêng, nhưng con nhớ điều này trong đời mình: điều tệ hại trong cuộc đời không phải phạm tội, nhưng là mất đi ý thức tội lỗi".

Năm 1975, tôi bị "cải tạo", vợ tôi ở nhà một mình với cháu nhỏ mới sinh được mấy tháng, ngày đang gặp khó khăn trăm bề khi mới nhậm chức phó tổng giám mục ở Sài Gòn, nhưng đã nhớ đến tôi như đã nhớ đến trăm ngàn đứa học trò khác của ngài, và nhờ người đem đến cho vợ con tôi 30.000 đồng để mua gạo.

Năm 1998 khi ghé Quốc hội Âu châu dự lễ gắn huy chương cho bà Chiara Lubich, khi ra sân bay Entzheim, ngài chỉ chiếc nhẫn giám mục thật lớn có vẻ quí giá mang ở ngón tay, và hỏi Sr Nguyễn Thị Hường, cha Lê Phú Hải, cô Lâm Phương Mai và vợ chồng chúng tôi "đoán xem cha mua bao nhiêu".

Không ai trả lời liền, nhưng nghĩ bụng chắc cũng trên nghìn mỹ kim.

Ngài nói: "mới đây cha có dịp đi Israel, thấy người ta bán ngoài lề đường, cha mua nó một mỹ kim, rồi nhờ người khắc trong nhẫn chữ nada, ngó cũng được và là kỷ niệm quí".

Nada nghĩa là hư không, lời của thánh Têrêsa Avila, hư vô trở về hư vô với bao chức vụ có tơ vương màu sắc trần thế.

Nhưng nếu nhớ đến linh mục Ph.X. Nguyễn Văn Thuận để giúp nhau nên thánh, thì trên Thiên đàng hẳn người anh Phanxico Xavie ấy cũng đồng ý và mỉm cười với anh chị em còn lại của chúng ta.


VỀ MỤC LỤC
CUỘC SỐNG LÀ MỘT QUÀ TẶNG

 

Nguyên Tác IN STEP WITH GOD LM Vincent Travers, OP

HƯƠNG VĨNH chuyển ngữ

CUỘC SỐNG LÀ MỘT QUÀ TẶNG

(Lc 12, 32-48) 

***

Phần lớn đoạn Phúc Âm nầy nói về sự đánh giá đúng mức đối với quà tặng của cuộc sống, đừng hoang phí hay để trôi mất.

Nhiều năm trước đây, Thornton Wilder đã sáng tác một vỡ kịch hay, nhan đề là “Our Town” (“Thành Phố Chúng Ta”). Cảnh trí sau cùng của vở kịch là một nghĩa địa ở New England. Ngồi trên những chiếc ghế đong đưa là những người dân thị thành đã chết, trẻ có, già có. Họ có thể thấy và nghe người sống, nhưng người sống không thể thấy và nghe họ được.

Một em bé gái tên là Emily nhập bọn với họ. Em vừa mới chết và phải xa cách gia đình một cách đau đớn. Em chào hỏi những người bạn mới và cho biết ước nguyện đầu tiên của em là được trở về nơi chốn người sống, nhưng họ đã mạnh mẽ khuyến khích em không nên trở về. Họ bảo: “Những người sống không quí trọng cuộc sống. Tất cả những tặng phẩm của Chúa trên trần gian đều bị đánh giá thấp: những buổi hoàng hôn, sinh hoạt nghệ thuật, tự do hát xướng, sức khỏe và tình bạn.”  

Tuy nhiên, mặc cho những lời cảnh cáo, Emily vẫn rời xa họ. Em được Chúa cho sống lại một ngày trong đời em. Ngày mà em chọn lựa là sinh nhật thứ mười hai của mình. Trong thời gian mười mấy tiếng đồng hồ trong ngày đó, em nhận thấy không ai xem ra để ý tới em hết. Họ rất bận rộn để chuẩn bị cho ngày sinh nhật của em. Em đã khóc lên: “Tôi không thể tiếp tục được nữa. Thời gian trôi qua rất nhanh. Chúng ta không có thời giờ để nhìn mặt  nhau nữa.”  

Rồi em nói tiếp: “Quả địa cầu ơi, ngươi quá đẹp đối với ai biết thưởng thức.” Và rồi với đôi mắt đẫm lệ, em đặt câu hỏi: “Có bao giờ loài người nhận ra cuộc sống như thế nào khi họ đang sống trong đó không?” Một tiếng nói đáp lại: “Không có. Có thể các Thánh hay các thi sĩ mà thôi.”  

Sau đó em trở về với những bạn bè đã chết, dao động bởi nhận thức mới là những kẻ ra đi, mới là những người biết nhận chân giá trị đích thực của cuộc sống. Vở kịch muốn nói lên điều nầy: phần đông người ta “không sống” mà “chỉ hiện hữu” thôi. Cuộc sống đã đi qua bên cạnh họ như một con thuyền trôi lờ lững trong đêm tối. 

Cuộc sống là để sống 

Henry David Thoreau đã viết lên giòng chữ tuyệt vời nầy: “Chúa ôi, khi đạt tới đích điểm sự chết, chính lúc đó người ta mới nhận ra mình chưa sống bao giờ.” Thật buồn biết bao và đúng là một cuộc sống đã bị hoang phí!  

Phúc Âm còn mạnh mẽ dứt khoát hơn. Chúa phán: “Hãy thắc lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”. Hãy ăn mặc chỉnh tề vì cuộc sống. Cuộc sống là để sống. Ngài muốn chúng ta vui hưởng tất cả những gì Ngài đã trao ban cho chúng ta.

Triết gia Aristote có lần đã mô tả “học giả là người có thể tiêu khiển với một tư tưởng, với một người bạn và với chính mình.” Nhiều người đã đánh mất khả năng thích thú, khoái trá. Giống như những người trong vở kịch “Thành Phố Chúng Ta”, họ không biết làm thế nào để vui hưởng những chuyện tầm thường trong cuộc sống.  

Họ giống những người rất bận rộn, để ra nhiều tháng lập nên kế hoạch nghỉ hè. Họ vừa đến nơi và ở đó chẳng bao lâu, lại lo lắng giữ chỗ máy bay để trở về nhà. Họ đi đó đây, chụp thật nhiều hình. Về sau, họ phô bày những hình ảnh về những nơi mà họ chưa bao giờ thấy, nhưng chỉ chụp được mà thôi.

Tôi nhớ lại đã trò chuyện với một chị đang hấp hối, ở lứa tuổi đôi mươi. Chị nói một điều tôi không bao giờ có thể quên được: “Con thà chết trẻ mà biết sống, còn hơn sống già mà không bao giờ biết quý trọng cuộc sống.” Đó là sự thách đố đối với đoạn Phúc Âm hôm nay. 

Quà tặng phải được chia sẻ

Cuộc sống là một quà tặng vay mượn. Chúng ta không trao tặng cuộc sống cho chính chúng ta. Nếu được, có thể chúng ta muốn sống mãi và trẻ mãi không già. Điều rắc rối là phần đông chúng ta tự xem mình là sở hữu chủ cuộc sống chúng ta, thay vì xem đó là quà tặng được Thiên Chúa trao phó cho chúng ta.  

Chúng ta thường nói: “Đây là cuộc sống của tôi. Tôi có thể sử dụng tùy thích. Đây là thân xác của tôi. Tôi có thể dùng nó để làm bất cứ điều gì mà tôi chọn lựa. Đây là sức khỏe của tôi. Tôi có thể tiêm vào mình bất cứ chất gì tôi thích. Chúng ta thường nói là nhà cửa của tôi, phòng ốc của tôi, xe cộ của tôi, nhà thờ của tôi, giáo xứ của tôi, thành phố của tôi…tất cả là “của tôi, của tôi  và của tôi”.

Chúng ta nói như thể chúng ta là sở hữu chủ những thứ đó. Nhưng chúng ta không phải là sở hữu chủ, như cuộc sống đã nhắc nhở chúng ta. Những thứ đó chỉ được cho chúng ta mượn tạm trong chốc lát. Đó là một quà tặng phải được sử dụng một cách có trách nhiệm và đầy tinh thần sáng tạo. 

Vậy đích thực Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì? Ngài muốn truyền đạt điều nầy: Bạn phải thương yêu mọi người! Mọi người là anh em chị em của bạn. Mọi người là con cái của Chúa. Tôi không phải quan tâm họ như thế nào, tình trạng pháp lý của họ ra sao, cũng như trình độ trí thức, màu da, tôn giáo hay chủng tộc của họ.  

Bạn hãy nhìn thế giới nầy như một quà tặng để được san sẻ và không phài là một giải thưởng phải chiếm đoạt.  Mọi điều bạn có là quà tặng và người ta trông mong bạn chia sẻ tài năng, tiền bạc cùng thời giờ của bạn. Chúng ta là những tạo vật. Tất cả những gì chúng ta có là quà tặng của Cha trên trời. Chúng ta không sở hữu chúng. Chúng ta chỉ chia sẻ chúng.

Nữ Thánh Catherine Sienna là một trong số ít nữ tiến sĩ Giáo Hội, có lần đã nói về cuộc sống như sau: “Đó là thiên đàng thì tất cả mọi đường đều đưa tới thiên đàng; hoặc đó là hỏa ngục thì tất cả mọi đường đều đưa tới hỏa ngục.” Sự lựa chọn tùy thuộc chúng ta. 

Ngay Đấng Trao Ban Mọi Tặng Phẩm Tốt Đẹp không nghĩ tưởng là không chia sẻ cho chúng ta. Nhưng đối lại, Ngài đòi hỏi điều gì? Thật đơn giản, Ngài chỉ muốn chúng ta là những ủy viên quản trị tốt đẹp cho cuộc sống, chứ không phải là những sở hữu chủ của cuộc sống.

 

VỀ MỤC LỤC

TRÁNH PHÊ BÌNH – CHÚ TRỌNG ƯU ĐIỂM HƠN LÀ KHUYẾT ĐIỂM Bài 04 

 

Thùy Vân 6 tuổi rưỡi, có người anh 8 tuổi tên là Vinh, một đứa con trai xinh đẹp, tươi tắn, và hạnh phúc. Cô bé Thùy Vân hay khóc nên bố mẹ và anh trai đặt cho bé cái tên là “bé nhè”. Anh nó hay chọc nó, làm nó khóc mãi, và tỏ ra thiếu sự trọng kính. Một ngày kia, gia đình đi hồ bơi. Cả hai đứa nhảy ra khỏi xe và chạy đua về phía trước. Không may, cô bé té xuống và trầy chút da ở đầu gối. Cô bé khóc nhè, không ai dỗ được. Cu Vinh nói: “Nó luôn luôn khóc”, nó vừa nói vừa bước đi. Ông bố an ủi: “Thùy Vân, không đến nỗi đau lắm con ơi. Thôi đừng khóc nữa. Chúng ta đi về hồ tắm”. Cô bé vẫn khóc trong khi ôm chân và bảo: “Đau lắm, lấy cái gì đắp vào đó cho con”. Ông bố bảo: “ Thôi đừng khóc nữa. Không đến nỗi phải đắp gì lên đó. Một khi con đi vào hồ tắm, con sẽ quên hết mọi sự. Bà mẹ thêm vào với sự bực tức: “Thùy Vân, con bỏ tật hay khóc đi. Lại đây, chúng ta cùng đi bơi”. Nhưng cô bé vẫn tiếp tục khóc và từ chối di động. Dì nó bấy giờ cũng vừa đến và được nhiệt tình chào đón. Cô bé càng khóc to hơn. Dì nó chú ý đến nó, cuối xuống vỗ về, và hỏi nó lý do tại sao. Cô bé vẫn không chịu nín. Cuối cùng, ông bố mở miệng: “Dì ơi, dì có thể ngồi đó, thương hại nó suốt mấy tiếng đồng hồ được không? Đó là điều nó muốn. Nó là một cô bé khóc nhè. Chúng ta hãy xuống tắm và để nó ở đó tùy thích”. Gia đình nhảy xuống hồ và bỏ cô bé ở đó. Một lúc sau, cô bé cũng nhập theo gia đình. Lúc đầu xem có vẻ cưỡng ép, nhưng sau đó thì quên hết mọi chuyện. 

Đứa bé hay khóc thường muốn lấy cảm tình. Tim chúng ta thường xúc động bỡi sự đau khổ của một đứa bé. Cô bé khám phá ra điều đó từ buổi ban đầu. Vấn đề ở đây là: cô bé đã làm thái quá nên cả gia đình sinh ra bực bội. Tuy nhiên, khóc vẫn có cái lợi của nó. Mọi người thấy rằng la rầy hay khuyên nhủ tất cả chỉ đều vô ích. Cô bé cũng chỉ lè nhè khóc suốt. Thật ra, cái nhìn của nó về chính nó được củng cố mỗi khi có người gọi nó là “bé nhè”. Cuối cùng, gia đình đã hiểu được nên bỏ nó ở đó và đi bơi. Thế rồi, mọi sự đã trở lại bình thường. 

Nếu bố mẹ muốn giúp cô bé lớn lên và không khóc nhè nữa, họ phải biết rõ mục đích của việc khóc: muốn chiếm sự chú ý không cần thiết. Bấy giờ họ phải ngưng việc nói đến khóc, ngưng việc coi cô bé là đứa khóc nhè, và hãy quên hẳn điều đó đi. Trong trường hợp nầy, người bố hoặc bà mẹ có thể đến xem vết thương của đứa bé, coi thử nặng hay nhẹ, nếu nhẹ thì nói: “Bố (hay me)ï xin lỗi, con đã vấp té. Chút xíu nữa thì nó sẽ hết đau nhé con! Đi vào hồ bơi khi con sẵn sàng”. Và tất cả họ đều đi vào. Cô bé sẽ thấy rằng có khóc cũng không sinh kết quả gì nên tự mình quyết định thay đổi hành vi. Tiến trình như thế nên tuân giữ mỗi khi nó khóc. Kỷ thuật nầy phải được kèm theo với sự chú ý khi thấy đứa trẻ tỏ ra cộng tác và hạnh phúc. 

Chúng ta phải cố gắng phân biệt hành động ra khỏi người làm hành động ấy. Điều nầy rất quan trọng vì chúng ta đã có những danh từ phức tạp chẳng hạn như đứa bé hay khóc, hay nói dối, hoặc hỗn láo. Trẻ con cần được nhận thức như là những đứa trẻ tốt nhưng có những hành vi sai lầm vì đời chúng không có hạnh phúc. Khi chúng ta gắn nhãn hiệu cho một đứa trẻ, chẳng hạn như “bé nhè”, chúng ta thấy nó như cái tên chúng ta đã gắn, nên nó dễ trở thành như thế. Nó nhận ra nó như danh hiệu đó. Điều đó càng củng cố quan niệm sai lầm của nó và ngăn cản nó hướng về chiều hướng khác. Khi chúng ta nhận thức rằng không phải là đứa trẻ xấu nhưng chỉ điều nó làm là xấu, bấy giờ đứa trẻ sẽ cảm thấy được điều đó và nó sẽ đáp lại sự phân biệt nầy. Nó ý thức và cảm được niềm tin của chúng ta vào nó, điều đó cho nó một sự khuyến khích đối với việc khuất phục những khó khăn của nó và giúp nó trở thành một đứa con ngoan như chúng ta mong ước.

   lm.lêvănquảng, tiến sĩ tâm lý

VỀ MỤC LỤC

TÂM THƯ GỬI CÁC LINH MỤC

Nguyên tác: ”Lettres d’amour aux prêtres” –  “Thư tình gửi các Linh mục”

của Catherine DE HUECK DOHERTY

Người chuyển ngữ, Đình Chẩn.

Kính tặng cha,

Và những tâm hồn đã, đang hoặc sẽ yêu mến Thiên chức Linh mục.

Một buổi chiều ngày 9 tháng 7 năm 2005, đang khi lang thang trên con phố Trường Chinh - Sài Gòn để tìm cửa hàng internet, con chợt nhìn thấy có một cửa hàng sách cũ bên đường và liền ghé vào xem với ý nghĩ biết đâu lại tìm được viên ngọc ẩn giấu trong đống sách cũ kia. Giữa những cuốn sách còn khá mới với bìa màu hấp dẫn, con lại phát hiện ra một cuốn nhỏ màu hồng nhạt đã phai màu với hàng chữ gây tò mò:” Lettres d’amour aux prêtres” –“ Thư tình gửi các Linh mục” của Catherine DE HUECK DOHERTY- một cây viết con chưa từng nghe đến.

Catherine chỉ là một tín hữu bình thường như bao người khác nhưng đã đốt lên trong tâm hồn mình ngọn lửa yêu mến Thiên chức Linh mục. Và  suy cho cùng thì tình yêu thương không thể thiếu được trong đời sống một con người mang danh là Kitô hữu theo đúng nghĩa,  nhất là tình yêu đối với Linh mục- người cha linh hồn của mình. Như vậy, các Linh mục và những người đang hướng đến Thiên chức này lại càng không cần phải thắp lên trong tâm hồn mình ngọn lửa yêu mến Thiên chức ấy sao?  

Càng đọc con càng thấy bị lôi cuốn bởi những lời tâm huyết cháy bỏng yêu thương Thiên chức Linh mục phát ra từ con tim nhỏ bé đến nỗi trong lòng con cũng nổi lên ước muốn nói hộ Catherine những lời này một lần nữa bằng chính những lời lẽ lủng củng của mình ( con nghe nói cuốn sách này đã được dịch ra tiếng Việt ). Nhưng xin cha hiểu rằng đó cũng là những lời con cũng dứt ra từ con tim. Con chẳng phải là chuyên gia biên phiên dịch, thậm chí mới bập bẹ chút ngoại ngữ, cũng chẳng phải là người am hiểu các lĩnh vực Thần học, Triết học hay Giáo lý, mà chỉ là một Kitô hữu bình thường. Ước mong cha hiểu rằng đó là những lời lẽ chân thành! Chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót khi chuyển ngữ những trang thư này, con thầm mong nhận được những lời góp  ý chỉ dạy, nhất là được biết thêm nhiều tâm hồn rực lửa yêu mến  như Catherine.

Người chuyển ngữ, Đình Chẩn.

********

LỜI TỰA

(Cha Thierry de ROUCY) 

Trong Giáo hội luôn có những vấn đề nảy sinh theo thời đại. Trong những năm gần đây, người ta đề cập nhiều đến vấn đề tục hoá. Từ những năm 1979, khi cuốn sách này được xuất bản lần đầu, điều làm xôn xao dư luận, đó là «  Căn tính của các Linh mục ». Nhưng khi càng chất vấn về bản chất và sứ vụ của Linh mục,  người ta càng gây tổn thương cho Thiên chức ấy.

Ít nhất, cần hy vọng rằng  vết trọng thương đó đáng cho người ta phải suy nghĩ. 

Vấn đề mà bấy lâu tưởng chừng như không còn mấy nhạy cảm này, đã được xem xét lại và đã trở nên nóng bỏng, trong Hội nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1990.

« Linh mục là ai ? » Cách chung câu hỏi này vẫn chưa thoát ra khỏi quỹ đạo những người mang Thiên chức ấy. Chính các linh mục tự xác định cho mình những quan điểm và phác họa nên những nét về bản chất của mình. Tác giả cuốn sách này chỉ là một  tín hữu bình thường, như bà đã tự bạch đôi lần. Bà đã chân thành bày tỏ những suy tư trăn trở của mình về Thiên Chức Linh mục, cũng như những điều mà bà chờ mong ở các Ngài. Và Các Linh mục không thể bỏ ngoài tai những lời tâm huyết ấy. Thực vậy,nếu các ngài luôn tự xác định cho mình là người phục vụ dân Chúa, há ngài lại không cần phải chăm chú lắng nghe những lời kêu cầu của dân chúng sao ? Nếu không, các ngài lại không có nguy cơ rơi vào sự xê dịch ư ? Và chao ôi, vô tình chúng ta có cái nhìn thái quá so với niềm mong đợi  ở các ngài ?

  Tác phẩm của Catherine Hueck Doherty không phải của những người mà để hiểu được, ta phải tra cứu từ điển bác học hay  phải có vốn hiểu biết Thần học hay linh đạo sâu rộng. Đó cũng không phải là công trình của một nhà văn dùng nghệ thuật ngôn từ để che đậy đi cái nghèo nàn của nội dung.

Trong «Tâm thư gửi các Linh mục”, tác giả đã không đi tìm cho mình một phong cách, cũng chẳng hề phô trương tầm hiểu biết. Tất cả chỉ là những lời mộc mạc chân thành. Đó thực sự không phải là cuốn sách, mà là những tiếng kêu- Những tiếng kêu từ sâu thẳm con tim  của một  phụ nữ được nung nấu bởi Tình  yêu Thiên Chức Linh mục, khiến bà chỉ có thể thốt lên : «  Cha kính yêu, con yêu mến cha vô bờ bến ! » Và đó là những tiếng kêu thống thiết: «Cha ơi, hãy trao Chúa cho chúng con ! ». 

Catherine là một phụ nữ đầy nhiệt huyết. Đó là người luôn rực cháy ước muốn Thiên Chúa. Chúng ta sẽ thấy điều đó ngay thôi. Bà không lên án, không chỉ trích phê phán mà đầy lòng trắc ẩn trao ban. Ngọn lửa yêu mến của người phụ nữ ấy đã vén mở ra mầu nhiệm lạ lùng của Thiên Chức Linh mục. 

Như rất nhiều tín hữu khác, tiếng kêu và lời mời gọi của Catherine còn bao la hơn cả những tiếng kêu mà nhiều người có thể mới chỉ chợt nghĩ đến. Cuối cùng, Catherine- người sáng lập hội Madonna đã đưa ra một định nghĩa về  linh mục : Linh mục là Người trao ban Chúa, Người trao ban Thánh Thể, Người trao ban niềm vui. Một Linh mục  biết hát hay, coi sóc giáo xứ thành công , hay sử dụng các phương tiện nghe nhìn như một chuyên gia ư ? Tất cả  những cái biết ấy, đối với Catherine, chỉ xếp hàng thứ yếu. Bởi trước tiên, giáo dân không mong đợi Linh mục là một kỹ thuật viên, nhưng là : một người phục vụ, một người cầu nguyện, một người yêu mến Chúa, yêu mến tha nhân, một cuốn sách Tin Mừng sống động. Thật vậy, điều đó còn vượt trên cả sự đòi hỏi.

Tôi hy vọng, bức thư này luôn là  cuốn sách đầu giường của tất cả các chủng sinh, của tất cả các Linh mục, các Đức Giám mục. Mỗi tối đến, các ngài đọc một đoạn để tự nhắc nhở mình được các tín hữu yêu mến vô bờ bến. Khi bình minh thức dậy,  các ngài lại cầm lấy cuốn sách này để lắng nghe tiếng kêu của những con chiên đang chờ đợi các ngài : « Xin hãy gần chúng con ! Xin hãy đến thăm chúng con ! Hãy giúp chúng con sống cuộc đời trần thế một cách siêu nhiên ! hãy nâng chúng con lên tới Chúa !  Hãy đồng cam cộng khổ với chúng con ! 

Sau hết, qua  tiếng đáp lại  những  tiếng kêu ấy, ta thấy rằng : Loài người cần đến  Ngôi Lời nhập thể cứu chuộc, Người hiện diện qua khuôn mặt Giáo Hội, Người đến, trong sự giải thoát các Linh mục, Người nhập thể trong hạnh phúc của con người. Chắc chắn rằng, tiếng kêu của Catherine không phải là tiếng kêu bồng bột mà là tiếng ngôn sứ.

Lm. Thierry de Roucy

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC

CHỌN LỐI GẬP GHỀNH


CHỌN LỐI GẬP GHỀNH

 

“Nếu ai muốn đi sau Ta thì hãy chối bỏ chính mình,

hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày và hãy theo Ta.”

(Luca 9: 23)

 

Nếu ai muốn theo ta thì vác!

Khổ giá mình đang chịu ngày đêm

Nhọc nhằn, nhưng hãy vác lên

Kiên trì phó thác đi trên đường dài!

 

Trước hết chối bỏ mình như Chúa!

Ngài hủy mình đến độ thành không

Ngài là tôi tớ Cộng đồng

Ngài quì, nghiêm túc rửa chân môn đồ!

 

Cuộc đời nhiều xa hoa, cám dỗ!

Hủy chính mình đâu dễ xưa nay?

Khiêm nhu, cẩn trọng, mê say

theo con đường  Chúa đêm ngày chớ quên!

 

Xưa Thánh giá Chúa lên núi Sọ!

Vì loài người Chúa chịu chết thay

Thì nay ta bắt chước Thày

Vác lên, đi mãi đến ngày quang vinh!

 

Lời Ngài: Phải hủy chính mình!

 

Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC

VỀ MỤC LỤC

DỰ ĐOÁN TƯƠNG LAI CỦA ƠN GỌI LINH MỤC

 

Tác phẩm Giáo Hội Cần Loại Linh Mục Nào? (tiếp theo)

Lm Giuse Lê Công Đức chuyển ngữ từ bản tiếng Anh:

PRIESTHOOD IMPERILED,   Tác giả: Lm. BERNARD HARING, C.SS.R. 

 

Câu hỏi về tương lai của ơn gọi linh mục có thể là một câu hỏi vô cùng nhức nhối nếu sự bàn luận chỉ hoàn toàn xoáy vào tình trạng khan hiếm linh mục – và không dành sự lưu tâm đến các dấu chỉ của thời đại và đến ơn gọi căn bản của mọi Kitôhữu. Một nhãn giới như thế sẽ quá chật hẹp, thậm chí có thể tai hại cho sứ mạng của Giáo Hội. Vì thế, tôi nghĩ rằng chúng ta phải dám có một cái nhìn mới đối với ơn gọi Kitôhữu mà mọi người chúng ta đều đang đảm nhận, nhất là nhìn trong ánh sáng của phép rửa mà Đức Giêsu nhận lãnh bởi tay Gioan ở sông Giođan.

một nhãn quan hoàn toàn mới

Ơn gọi của Đức Kitô – mà chúng ta được mời gọi tham dự vào – tiên vàn là ơn gọi của Người Tôi Tớ phi bạo lực của Giavê nhằm đem lại ơn cứu độ và hòa bình cho thế giới. Đời sống công khai của Đức Giêsu – qui hướng đến việc công bố tin mừng về cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Ngài – là một đời sống được xây dựng từ mối quan hệ của Ngài với Chúa Cha: “Con là Con Yêu Dấu của Ta” (Mc 1,11). Đức Giêsu được gọi và được xức dầu để gánh lấy tất cả gánh nặng của nhân loại trong mối liên đới có năng lực cứu độ - để giải phóng nhân loại khỏi mối liên đới trong tội lỗi, một mối liên đới hủy diệt. Người là vị ngôn sứ bước đi trước chúng ta, giới thiệu cho chúng ta con đường hòa bình, phi bạo lực và chỉ cho chúng ta thấy sức mạnh của tình yêu nhằm chuyển hóa những kẻ thù địch thành bạn hữu.

Ngay sau biến cố phép rửa của Đức Giêsu, Tin Mừng Matthêu đưa ra cho chúng ta một trong những chìa khóa chính yếu để hiểu nhiệm cục cứu độ. Đó là việc lột trần những cám dỗ quỉ quyệt nhất của Satan bằng cách cho thấy rõ những kỳ vọng sai lạc về một Mêsia đầy cường quyền và bạo lực, và bằng cách phơi trần những sự lạm dụng tôn giáo nhằm tranh thủ lợi lộc, quyền thế và danh vọng trần gian. Mặc dù các cám dỗ vây kín Đức Giêsu từ mọi phía, chúng hoàn toàn không có quyền lực nào trên Ngài. Chính vì ích lợi của chúng ta mà Đức Giêsu đã – một lần cho tất cả – vạch mặt tất cả các cám dỗ ấy xuyên qua sự trung thành tuyệt đối với ơn gọi của Ngài trong tư cách là Người Con và Người Tôi Tớ đau khổ, phi bạo lực của Thiên Chúa.

Nhận thức nói trên về ơn gọi của Đức Giêsu thiết yếu có quan hệ với nhận thức của chúng ta về ơn gọi Kitôhữu của mình. Vì thế, có thể thấy rõ rằng tướng lai của tất cả các ơn gọi Kitôhữu tùy thuộc vào mức độ trung thành của chúng ta trong việc đi theo bước chân của Người Tôi Tớ Giavê trong bối cảnh mới này. Từ thời đại Constantine, và gần như cho đến tận hôm nay, phần đông người ta là Kitôhữu do huyết thống, tức ‘cha nào con nấy’. Ngày nay, kiểu thức mới rõ ràng thúc giục chúng ta trở thành Kitôhữu do chọn lựa, do ơn gọi. Điều này có nghĩa rằng tương lai của Giáo Hội sẽ được ấn định không chỉ bởi những “ơn gọi” của một tầng lớp đặc thù nào đó, mà nhất là bởi tất cả những ai – với ý thức của chính mình – quyết định chọn lựa đi theo Đức Giêsu, Người Tôi Tớ phi bạo lực của Thiên Chúa. Sự khác biệt giữa một bên là những người sống một cách ý thức và thuyết phục chuẩn mực của phép rửa Đức Giêsu ở sông Giođan bằng Thánh Thần và bằng máu và bên kia là những người Công Giáo do di truyền vốn chỉ theo Chúa một cách uể oải và thụ động – sự khác biệt ấy mới đáng kể hơn nhiều so với sự khác biệt giữa chức linh mục phổ quát và chức linh mục thừa tác. Điều thật sự đặc trưng người Kitôhữu là chiều sâu ý thức của họ về ý nghĩa của việc mình được Đức Kitô kêu gọi để phục vụ cho Vương Quốc của Người Tôi Tớ Giavê, và sự kiên vững của họ trong việc đảm nhận ơn gọi căn bản này.

Nhãn quan nói trên là nền tảng chắc chắn cho mọi ơn gọi Kitôhữu, bao gồm cả đời sống linh mục theo nghĩa hẹp hơn. Đây không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới mẻ. Bố mẹ tôi là những Kitôhữu do di truyền, song qua cuộc sống của mình, các ngài đã trở thành Kitôhữu do chọn lựa – và trong khi các ngài sống tận lực ơn gọi làm vợ chồng và làm cha mẹ của mình, các ngài cũng dấn thân một cách đầy sáng tạo vào đời sống của Giáo Hội. Các ngài là những nông dân trong ánh nhìn của Đấng Sáng Tạo, là bạn hữu của những người nghèo, và đồng thời các ngài cũng đương đầu với bao nguy hiểm lớn lao trong sự phản kháng đầy dũng cảm và kiên quyết đối với chế độ Hitler.

Robert Schuman, bạn đồng sự của Alcide De Gaspari và Konrad Adenauer, là một trong những nhà hòa giải hàng đầu của Trung Âu, đã từng trải qua một thời gian phân vân giữa hai sự chọn lựa: làm linh mục hay trở thành một chính trị gia chuyên nghiệp! Một linh mục đã góp ý với anh rằng trong lãnh vực chính trị anh sẽ chu toàn ơn gọi Kitôhữu của mình tốt hơn là trong chức linh mục thừa tác – và thế giới cũng như Giáo Hội phải đặc biệt mang ơn vị linh mục tư vấn ấy. Hồi còn là một giáo sư trẻ, tôi có dịp quen biết De Gaspari và gia đình anh ta. Với thái độ đơn sơ không ngờ, anh đã giúp lễ cho tôi trong rất nhiều lần tôi dâng lễ. Đó là những con người tuyệt diệu! Họ chu toàn ơn gọi Kitôhữu của mình qua việc làm chứng cho Người Tôi Tớ phi bạo lực của Giavê.

Tôi không hề có ý làm giảm giá trị của ơn gọi linh mục – vì những giá trị này vốn quá rõ ràng! Tuy nhiên tôi dám nói rằng tương lai của Giáo Hội và của các ơn gọi linh mục tùy thuộc vào một bước chuyển biến triệt để từ kiểu thức Constantine sang kiểu thức một ơn gọi được tự nguyện chọn lựa – một ơn gọi mà trong đó người ta xua đuổi bằng mọi giá bất cứ ý tưởng tham quyền cố vị nào. Một bước chuyển biến như thế đương nhiên bao hàm trong đó một cái nhìn mới về ơn gọi linh mục thừa tác. Sẽ có đủ số ơn gọi linh mục, nếu tiêu điểm chính yếu được nhắm vào ơn gọi theo một ý nghĩa rộng hơn nhưng có tính chuyên biệt Kitôgiáo hơn, và dĩ nhiên luôn luôn ở trong nhãn quan về ơn cứu độ của thế giới. 

Thật sung sướng biết bao khi chúng ta gặp được những bác sĩ y khoa và những chuyên viên trị liệu thể hiện ơn gọi Kitôhữu một cách thuyết phục trong tư cách là những thầy thuốc và, đồng thời, làm chứng cho Đức Kitô Đấng Chữa Trị! Cũng vậy, chúng ta kỳ vọng gặp được các luật sư là những người làm việc cách tận tụy và khôn ngoan để xây dựng những luật pháp nhân văn hơn và ứng dụng luật một cách tốt hơn – và đồng thời là những người, qua nghề nghiệp của mình, giới thiệu được Đức Kitô Đấng đã đến không phải để xét xử nhưng là để chữa trị.

Ở đây tôi nghĩ đến một cựu sinh viên của mình – anh rất mê học thần học nhưng không cảm thấy mình được gọi sống độc thân. Trong tư cách là một thẩm phán của tòa án xét xử người vị thành niên, anh đã phát triển được một khả năng chữa trị đầy sáng tạo. Thay vì gửi những người trẻ phạm pháp vào tù, anh đã cung ứng cho họ các cơ hội trị liệu – qua việc phục vụ cộng đồng - để giúp họ đổi đời. Chẳng hạn, những người trẻ này được yêu cầu đi thăm viếng các bệnh nhân và các người già lão, đôi khi mang theo hoa để tặng và tự đề xuất các công việc khác nhau mình có thể làm để phục vụ. Những người trẻ này được yêu cầu không cho những người mà họ thăm viếng biết rằng luật pháp đòi họ làm công việc này như biện pháp sửa chữa sự sai quấy của họ, nhất là – như trong trường hợp này - chính vị thẩm phán cũng không đưa qui chế này ra như một hình phạt.

Có thể viết cả một quyển sách về những nghề nghiệp khác nhau và những phương thức khác nhau mà qua đó người ta có thể sống triệt để ơn gọi Kitôhữu của mình nhằm phục vụ cho ơn cứu độ của thế giới – và trong một cách thế mà trong đó kiểu thức mới “Kitôhữu do chọn lựa” có thể đi vào cụ thể trong xác thịt. Tôi không hề ái ngại rằng một nhãn quan như thế có thể làm phương hại cho ơn gọi linh mục hiểu theo nghĩa chuyên biệt. Trái lại, tôi tin rằng tính đích thực của ơn gọi linh mục có thể được củng cố rất nhiều nhờ một nhãn quan như vậy.

Giáo Hội có nên nhìn nhận tính bí tích  nơi các ơn gọi sứ vụ khác nhau không?

Qua việc canh tân giáo thuyết về chức linh mục phổ quát của các tín hữu và qua việc minh nhiên ủy trao nhiều hoạt động tông đồ khác nhau của Giáo Hội cho các giáo dân nam cũng như nữ, Công Đồng Vatican II có một sự đóng góp đúng đắn và hợp thời vào vấn đề ơn gọi. Trên khắp thế giới, mặc dù trong những mức độ khác nhau và bằng những phương thức khác nhau, một tầng lớp “giáo sĩ” mới, vốn không phải là giáo sĩ, đã xuất hiện.

Tôi đã ghi nhận sự phát triển này, đặc biệt ở Phi Châu, với niềm vui mừng và tin tưởng dạt dào. Hàng ngàn giảng viên giáo lý được huấn luyện chu đáo cùng với các người vợ đầy quảng đại của họ đang thực tế đảm nhận mọi công việc của giáo xứ: dạy giáo lý, huấn giáo cho người lớn, hòa giải, xây dựng cộng đoàn, săn sóc bệnh nhân và người  nghèo, cử hành rửa tội và, vào các Chúa Nhật, cử hành phụng vụ Lời Chúa và chủ tọa việc rước lễ. Đấy là chỉ liệt kê một số có tính tượng trưng!

Trong ánh sáng của những đóng góp thật đáng nể ấy, tôi tự hỏi: Có nên đòi hỏi những người này phải vượt qua những quãng đường dài – đi bộ hoặc bằng xe đạp – để nhận Bánh Thánh đã được truyền phép? Xem xét tất cả những gì những người này đã làm từ quan điểm luật, ta thấy họ vẫn không thông dự vào chức linh mục được thiết định theo bí tích. Đa số những người này không có ý định lãnh chức phó tế, vì điều đó có nghĩa rằng họ phải đảm nhận đời sống độc thân nếu vợ họ qua đời. Hơn nữa, trong văn hóa Phi Châu hiện nay, làm sao người ta có thể quan niệm được một sự độc thân như vậy?

Họ không thể cử hành Bí Tích Xức Dầu, một bí tích có ý nghĩa rất thâm sâu trong văn hóa Phi Châu. Trong quan điểm cá nhân của mình, tôi không thấy có gì trở ngại để thay đổi trong vấn đề này. Chẳng phải cuộc đời của Đức Giêsu và hoạt động của Chúa Thánh Thần vẫn mời gọi Giáo Hội: “Hãy biết sáng tạo!” đó sao?

Chưa bao giờ trong lịch sử Giáo Hội đã từng có nhiều người nam nữ giàu khả năng và có căn bản thần học như ngày nay. Hiện nay, con số người có năng lực trong Giáo Hội còn đông hơn cả mười tám thế kỷ trước đây gộp lại. Vậy thì, tại sao chúng ta lại than vãn về tình trạng thiếu các ơn gọi Kitôhữu trong  Giáo Hội?

Cùng với vị đương kim giáo hoàng, chúng ta vẫn sốt sắng cầu nguyện cho các ơn gọi linh mục độc thân. Nhiều người đã buông trôi nhiệt tình này do không tìm thấy câu trả lời cho những suy nghĩ và những vấn nạn hợp lý – chẳng hạn: Tại sao chúng ta bảo Chúa Thánh Thần rằng các linh mục chỉ nên được ban cho Giáo Hội xuyên qua ngả đường độc thân? Phải chăng chúng ta nghĩ rằng Chúa Thánh Thần vui sướng khi chúng ta, những người trong Giáo Hội, ấn định độ rộng của lỗ kim để qua đó Chúa Thánh Thần sẽ chuyển trao cho Giáo Hội những ơn gọi cần kíp nhất? Có còn ngẫu tượng nào quái gở hơn là áp đặt ý muốn của con người cho Chúa Thánh Thần hoặc ‘đóng hộp’ Chúa Thánh Thần trong những phạm trù chật hẹp của tư tưởng chúng ta không? Nếu các Tông Đồ và những vị kế nhiệm đầu tiên của các ngài hành động như vậy – nghĩa là áp đặt những loại qui định ấy cho Chúa Thánh Thần – thì hẳn các ngài đã phải bỏ vợ và, nhất là, hẳn các ngài đã phải bỏ mặc gần như  tất cả các cộng đoàn Kitôhữu chơ vơ không có Thánh Thể.

Tôi muốn nhắc lại ở đây: Độc thân, xét như là một đặc sủng được ban phát nhưng không của Chúa Thánh Thần, là một ân huệ cao quí, nhưng các giới thẩm quyền Giáo Hội phải chọn lựa với đầy đủ cân nhắc và sáng suốt giữa một bên là sự trung thành trọn vẹn với di chúc và lệnh truyền của Đức Giêsu – “Tất cả các con hãy lãnh nhận mà ăn, ... hãy cầm lấy mà uống” – và bên kia là một truyền thống chỉ của con người. Chúng ta không được quên rằng những người lãnh đạo trong Giáo Hội có thể trở thành mồi ngon không chỉ cho dị giáo mà còn có nguy cơ “đánh mất tính chính thống trong thực hành” (heteropraxy). Trong thời gian của Tòa Truy Tà, Giáo Hội đã từng tra tấn tàn bạo và thiêu sống những phụ nữ vô tội mà Giáo Hội cho là phù thủy. Lên án những thực hành kinh khủng ấy của quá khứ mà không tra vấn kỹ lưỡng những gì mình đang làm trong hiện tại, thì đó chỉ là một sự lấp liếm và đánh lận con đen mà thôi.

Độc thân, một đặc sủng cao quí và một chứng tá cho Nước Thiên Chúa, không thể rút giá trị của nó ra từ số lượng, nhưng đúng hơn là từ việc nó được sống một cách đích thực. Độc thân cũng không chủ yếu được hiểu trong chiều kích luật. Trái lại, hơn bất cứ gì khác, độc thân phải được đặt trong viễn tượng lời tuyên bố của Thánh Phao-lô: “Anh em không còn thuộc về Lề Luật nữa, nhưng là thuộc về ân sủng” (Rm 6,14).

ơn gọi tối thượng của Kitôhữu: nêu chứng tá phi bạo lực

Các ý tưởng của tôi ở đây đã được ghi ra vào ngày hôm sau cuộc tiếp xúc của tôi với một phụ nữ can đảm tại một cuộc đại hội các thành viên của Phong Trào Pax Christi (Hòa Bình Đức Kitô). Chúng tôi đã nói chuyện về ơn gọi cao quí của những người sống chứng tá phi bạo lực vì niềm tin của mình vào Đức Giêsu Người Tôi Tớ Giavê. Câu chuyện riêng của người phụ nữ này đã làm tôi vô cùng cảm kích. Tôi đã từng đề cập đến câu chuyện này trong một chương trước, nhưng thiển nghĩ cũng rất nên nhắc lại ở đây. Chồng chị, một anh bõ nhà thờ, quyết định rằng mình thà chết trong tay chế độ Hitler chứ không tham gia vào cuộc giết hại những người khác trong một cuộc chiến tranh rõ ràng phi nghĩa. Cha sở và giám mục không ủng hộ anh. Trái lại, các vị ấy cố can gián anh với lập luận rằng, để tuân giữ luật, anh phải sẵn sàng gia nhập quân đội. Tuy nhiên, vợ anh hoàn toàn ủng hộ anh, vì chị cùng chia sẻ cách suy nghĩ của anh. Những lá thư mà anh viết cho vợ trong những ngày cuối cùng của đời mình thật vô cùng cảm động và hết sức thách đố đối với tất cả chúng ta là những người tuyên bố rằng mình tin vào tình yêu phi bạo lực của Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa. Trong một lá thư, anh viết:

Em yêu quí,

Không có cách nào chia sớt cho em những khổ đau của anh. Làm sao Đấng Cứu Chuộc chúng ta cảm nhận được nỗi lòng tan nát của Mẹ Người trong cuộc thương khó của Người! Chúa Giêsu và Mẹ Maria đau khổ vì yêu chúng ta. Anh cám ơn Chúa vì Người cho phép anh chịu đau khổ và chịu chết vì yêu Người.

Mahatma Gandhi, khuôn mặt sáng ngời của tinh thần phi bạo lực, đã lập ra những ashrams, những mái nhà để người ta cùng học hỏi và chia sẻ tinh thần phi bạo lực, nhất là theo tinh thần của Các Mối Phúc. Vì thế, há chúng ta không được phép kỳ vọng rằng những con người như Gandhi và Martin Luther King, Jr. đã nhìn cái chết của họ như một dấu ấn cho ơn gọi và sứ mạng của họ sao?

Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có khả năng hủy diệt hành tinh của chúng ta, hoặc ngay lập tức bằng một cuộc chiến tranh nguyên tử hoặc một cách từ từ bằng sự bào mòn mọi hình thức sự sống xuyên qua những tội cá nhân và tập thể liên tục của chúng ta – qua thái độ vô trách nhiệm đối với môi trường sinh thái. Thế giới đang khẩn thiết cần có những con người như vợ chồng anh bõ nhà thờ nói trên, như Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Jr. và Dorothy Day – tất cả họ đã nghiêm túc đảm nhận ơn gọi của mình. Nếu những cuộc cử hành Thánh Thể của chúng ta không làm tuôn trào năng lực và nhiệt tâm nêu chứng tá triệt để cho công lý, hòa bình và tinh thần phi bạo lực, thì chúng ta phải xót xa kết luận rằng quá nhiều ơn gọi Kitôhữu linh mục và giáo dân của chúng ta chẳng đích thực tí nào.

Tôi cho đây mới 1à mối quan tâm khẩn thiết hơn nhiều so với mối quan tâm về con số linh mục độc thân. Sự quan tâm lo lắng của chúng ta càng gò bó chật hẹp bao nhiêu thì chúng ta càng ít chú ý đến những vấn đề thiết yếu và bao quát bấy nhiêu. 

phụ nữ và chức linh mục

Những biến cố và những tiến trình lịch sử đang diễn ra dồn dập hiện nay được ghi nhận đặc biệt rõ ràng trong liên quan với khuôn mặt mới mẻ và những vai trò xã hội của người phụ nữ. Giáo Hội sẽ thích nghi với những thay đổi này hay là sẽ tà tà chậm rãi lê gót theo sau? Trong thời đại này, cuộc phát triển của phụ nữ là một trắc nghiệm đúng lúc và có tầm quyết định đối với nhiệt tâm làm muối đất của Giáo Hội trong lịch sử nhân loại và đây cũng là một chiều kích quan trọng trong sứ vụ của Giáo Hội.

Một cái nhìn có tính đàn ông trị và nhân tạo của Giáo Hội đã gây ra nhiều vấn đề khó khăn. Chỉ cách đây vài thế kỷ, như thể một phép lạ việc Thánh Vincent de Paul cho phép các nữ tu rời khỏi nội cấm để phục vụ các bệnh nhân và các người nghèo mà không bị sự cản trở và can thiệp thô bạo của bản quyền Giáo Hội.

Tại thời điểm cuối thiên niên kỷ thứ hai này, đâu là tình trạng của phụ nữ trong Giáo Hội? Kinh nghiệm của phụ nữ bước đi trước rất xa so với nhãn quan có tính cơ chế hiện nay về Giáo Hội. Đã có hàng trăm, nếu không phải hàng ngàn, nữ  thần học gia đầy năng lực – con số này đông đảo hơn cả tất cả các thế kỷ trước đây gộp lại. Tuy nhiên, Vatican vẫn gây nhiều khó khăn cho phụ nữ trong việc đảm nhận các ghế ở những đại học do Giáo Hội Công Giáo đỡ đầu, nhất là nếu họ ủng hộ phong trào nữ quyền và đặt ra những chất vấn và những vấn đề thần học, chưa nói là chất vấn các giáo thuyết của Giáo Hội. Bất chấp tình trạng này, nhiều phụ nữ đã tạo được rất nhiều ảnh hưởng trong việc xâm nhập vào các đại học không bị kiểm soát bởi Rôma – và hơn thế nữa, vào các ngành thần học đại kết.

Nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ đang được ủy thác nhiều vai trò mục vụ rất quan trọng và, trong thực tiễn, họ đã chia sẻ nhiều vai trò lãnh đạo trong Giáo Hội. Người ta thấy nhiều phụ nữ giảng tĩnh tâm và chủ tọa các khóa hội thảo ngay cả cho các linh mục – và năng lực của họ được mọi người trân trọng.

Ở bình diện giáo xứ, nhiều phụ nữ là các trợ lý mục vụ – họ đảm nhận những trách nhiệm khác nhau, trong đó gồm cả việc thăm viếng, an ủi và đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân. Hơn nữa, họ giúp thăng tiến giáo dân qua việc huấn luyện và đào tạo các nhóm mục vụ giáo dân để thi hành sứ vụ đối với các bệnh nhân, một sứ vụ không dừng lại ở chỉ việc thăm viếng tại các bệnh viện. Họ tổ chức và huấn luyện các nhóm giáo dân hoạt động cho công bằng xã hội nhằm mục đích thúc đẩy giáo xứ mở rộng tầm nhìn và dấn thân vào các lãnh vực xã hội đặc biệt có liên hệ tới người nghèo và những người bị áp bức. Nhiều phụ nữ làm việc trong các nhóm học hỏi Thánh Kinh tại các giáo xứ hay tại các gia đình nhằm mục đích đào sâu sự hiểu biết của người giáo dân đối với Thánh Kinh, nhất là xét như một nguồn phát triển linh đạo, và nhằm giúp các giáo dân khám phá ra con đường cụ thể để sống ơn gọi Kitôhữu của mình. Tất cả những điều nói trên đang diễn ra trong các giáo xứ nơi mà người ta đề cao tính cộng tác trong vai trò lãnh đạo mục vụ – nghĩa là nơi mà các mục tử không có cái tôi lớn quá và biết cương quyết đề kháng lại cơn cám dỗ nắm toàn quyền kiểm soát bằng cách từ chối sử dụng quyền hành trên những người khác. Thay vào đó, các mục tử này chia sẻ sức mạnh của Chúa Thánh Thần với những người khác qua việc nhìn nhận, khích lệ và vận dụng năng lực phong phú của những tín hữu đã được đào tạo tốt ngày nay.

Phụ nữ có thể cử hành Bí Tích Hòa Giải không? Nhiều phụ nữ, trong đời sống và trong sứ vụ của mình, vẫn phục vụ như những dấu hiệu bí tích của hòa bình và hòa giải. Phụ nữ được ban cho đặc ân về lòng quảng đại tha thứ, và họ có nhiều thuận lợi lớn lao trong việc quan hệ và tiếp xúc với các bệnh nhân, các người già yếu và những người hấp hối. Thật vậy, không thể kể hết ở đây những ‘thế mạnh’của phụ nữ trong lãnh vực này. Tôi có biết nhiều phụ nữ giàu đặc sủng được giám mục bổ nhiệm làm các tuyên úy bệnh viện. Dĩ nhiên, chúng ta chưa được nhìn thấy một phụ nữ ngồi ở tòa giải tội chờ các hối nhân đến xin xá giải. Thế nhưng, xưa nay vẫn không thiếu những người – cả các bệnh nhân lẫn những người lành mạnh - trong nhu cầu và trong lòng khao khát sám hối và hòa giải –tiếp tục tin tưởng và cởi mở lương tâm của họ với các phụ nữ giàu tấm lòng.

Về vấn đề này, tôi muốn chia sẻ hai ví dụ từ kinh nghiệm riêng của mình. Sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, một bệnh viện dành cho các binh sĩ Đức Quốc Xã được thiết lập ở Gars, nơi hiện nay tôi đang sống. Những người lính này vốn là tù nhân chiến tranh của Mỹ. Họ lầm lì cứng cỏi, nhưng một số trong họ cảm thấy nhu cầu cần thố lộ các tội lỗi - và thậm chí các tội ác – trước đây của mình cho một nữ tu đang phụ trách săn sóc họ. Nữ tu này cầu nguyện với họ, và chị hướng dẫn họ mang nỗi khổ sở ấy của mình đến với Thiên Chúa trong tâm tình khiêm tốn và phó thác. Tôi không thể không nghĩ rằng tất cả những gì diễn ra ở đây quả thật là một khoảnh khắc bí tích còn thâm sâu hơn cả những trường hợp người ta xưng tội với các linh mục khe khắt nệ luật.

Một ví dụ khác, đó là câu chuyện về một nữ tu cao niên được bổ nhiệm làm tuyên úy tại một bệnh viện. Tại đây, chị được mọi người coi là con người đáng tín nhiệm nhất. Nhiều bệnh nhân tự nguyện cởi mở nỗi lòng với chị và trang trải cho chị nghe những gì mà lương tâm họ cho là trọng tội. Trớ trêu là có một khúc mắc ở đây. Các bệnh nhân kể cho chị biết về một linh mục tại địa phương vốn thường đến bệnh viện này hằng tuần hoặc mỗi tháng hai lần để nghe họ xưng tội – và ông ta luôn hạch sách họ về loại tội và về số lần phạm tội một cách chi li quá đáng. Giờ đây, nếu vị nữ tu tuyên úy này nói với các bệnh nhân rằng họ phải xưng tội với một linh mục – (trong nhiều trường hợp, yêu cầu này thường có nghĩa là phải xưng thú với một người cứng cỏi, khó ưa!) – thì việc xảy ra một phản ứng thất vọng nơi các bệnh nhân của chị sẽ là điều rất bình thường, dễ hiểu. Các bệnh nhân hoặc sẽ giận, từ chối xưng tội, hay tệ hơn, họ sẽ ‘phòng thủ’ và ‘bưng bít’ hơn mỗi khi họ xưng tội với vị linh mục kia.

Vấn đề không nằm ở chỗ: “Một phụ nữ có thể cử hành được nghi thức hòa giải hay không?” Cho tới nay, chưa bao giờ phụ nữ có cơ hội thử làm nghi thức này. Tôi chỉ biết về những gì họ thực sự làm. Họ lắng nghe các bệnh nhân, cầu nguyện với các bệnh nhân, họ ca ngợi lòng quảng đại thứ tha của Thiên Chúa, họ cầu xin Chúa khắc ghi một dấu biết ơn trong cõi lòng các bệnh nhân, để rồi dấu ấn này sẽ giúp các bệnh nhân biết sẵn sàng hơn để thứ tha cho những người xúc phạm đến mình.

Phụ nữ có thể cử hành Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân không? Cho tới nay việc này cũng không được giao cho họ, nhưng thiển nghĩ thẩm quyền Giáo Hội có thể mạnh dạn trao cho các phụ nữ sứ vụ này. Tôi biết một nữ tu rất ân cần và được mọi người yêu mến, với dầu đã thánh hóa, chị xức cho bệnh nhân nếu được yêu cầu, và đồng thời chị cùng cầu nguyện với họ. Tuy nhiên, chị không dùng những công thức được qui định trong phụng vụ. Như vậy có phải chị đang cử hành bí tích không? Một cách chính thức thì câu trả lời là “không”, nhưng sự hiện diện sốt sắng và việc xức dầu đầy cảm kích của chị có thể đem lại ơn phúc dồi dào hơn là trường hợp một ‘ông cha’vội vã bước vào phòng, xức dầu cho bệnh nhân đúng theo sách nghi thức, rồi vội vã biến đi mất!

Theo giáo huấn “dứt khoát” của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, phụ nữ không bao giờ có thể cử hành Thánh Thể trong tư cách là chủ tọa - hay nói một cách chuyên môn hơn: phụ nữ không bao giờ có thể truyền phép Thánh Thể. Thế nhưng, vị kế nhiệm của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất có thể sẽ cảm thấy mình không bị ràng buộc bởi một lời tuyên bố như thế, nếu vị ấy biết chịu khó lắng nghe hơn không chỉ đối với các nhà thần học có năng lực và đáng tin cậy mà cả đối với cảm thức chung của những tín hữu được nhìn nhận là trưởng thành và có khả năng biện phân.

Đôi khi có người hỏi tôi: “Này, cha giải thích thế nào về sự kiện một linh mục đang mắc tội trọng vẫn có thể truyền phép Thánh Thể cách thành sự, trong khi đó một phụ nữ thánh thiện không bao giờ có thể truyền phép như thế?” Tôi thường trả lời bằng cách đặt một câu hỏi chìa khóa: “Truyền phép Thánh Thể, điều đó có nghĩa là gì? Không phải chúng tôi, các linh mục, là người truyền phép – tức làm cho cái vốn là bánh trở thành sự hiện diện của Đức Kitô. Mầu nhiệm này xảy ra qua epiklesis,[1] bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.” Thế tại sao lời cầu nguyện long trọng kêu xin Chúa Thánh Thần “xuống trên những lễ vật này và thánh hóa chúng” lại không được thốt lên từ môi miệng một phụ nữ thánh thiện, trong khi thực tế có những người đàn ông không được nhìn nhận là thánh thiện lắm lại làm được điều đó? Một đàng, tình trạng “tội chất cao như núi” của một linh mục cũng không làm cho khả năng “truyền phép” của anh ta suy suyển đi chút nào - và đàng khác, một phụ nữ, dù thánh thiện đến mấy, cũng không thể có được khả năng nói trên – tôi cảm thấy hình như nhiều người muốn coi hai điều ấy là tất nhiên như nhau. Nói cách khác, tôi tự hỏi: Phải chăng duy chỉ sự kiện người ta là phụ nữ đã là một cản trở không thể vượt qua đối với tính hiệu lực (của việc truyền phép), trong khi tình trạng tội trọng của một người đàn ông thì không liên can gì? Đây là những lấn cấn mà chúng ta không thể hòa hợp một cách thỏa mãn.

Một điều ngày nay nói chung không ai chối cãi, đó là giới thẩm quyền Giáo Hội không thể đưa ra một lý do chính đáng nào để loại trừ phụ nữ ra khỏi tất cả những cuộc thảo luận và những quyết định cốt yếu có liên quan tới nữ giới không kém chi nam giới. Phụ nữ là một nửa năng động của Giáo Hội; trước khi quyết định dứt khoát về chuyện có thể trao những tác vụ nào cho phụ nữ, thì cần phải quan tâm mời họ tham gia một cách tích cực vào trong các tiến trình thảo luận và biểu quyết tập thể. Hồi năm 1994, trong kỳ Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về đời sống thánh hiến, một giám mục đã đề nghị rằng phụ nữ nên tham gia vào trong cuộc bầu chọn giáo hoàng! Đó không phải là một đề nghị có ý nghĩa sao?

Về vấn đề truyền chức linh mục cho phụ nữ, có đủ tư liệu để cho thấy rằng lập luận truyền thống chống lại việc này không chỉ sai lạc mà còn đáng xấu hổ nữa, chưa nói là nó rất nguy hiểm về mặt thần học. Văn kiện Inter Insigniores (15-10-1976) của triều Giáo Hoàng Phao-lô VI tham chiếu đến nhiều nhà thần học Trung Cổ (thay vì là những nhà thần học hiện đại) như Bonaventura, Duns Scotus và Durandus. Tất cả những tên tuổi ấy đều đã đưa ra cùng những lập luận giống nhau và do đó cùng sai lầm như nhau. Quan điểm của Scotus được thấy là đặc biệt “cạn tàu ráo máng”:

Chức thánh là một cấp bậc cao trọng vượt trên những người khác trong Giáo Hội và dành cho một vai trò ưu việt vốn, một cách nào đó, phải được biểu hiện bởi địa vị và thế giá cao trọng. Nhưng phụ nữ tự bản chất ở trong tình trạng lệ thuộc đối với nam giới, và do đó không thể chiếm một phẩm vị cao trọng trên bất cứ người đàn ông nào ... Nếu phụ nữ có thể nhận chức thánh trong Giáo Hội, họ sẽ có thể đứng đầu và điều khiển, một điều hoàn toàn trái nghịch với tình trạng của họ ... Vì thế, phụ nữ không phải là một thứ có khả năng nhận bí tích này (Scotus, In IV sent. d. 25, Scholion Opus Oxoniense).

Như vậy, chúng ta có thể thấy cách mà mặc cảm tự tôn nam giới dễ dàng tự động chuyển thành mặc cảm tự tôn linh mục. Mặc cảm tự tôn ấy là một sự đối nghịch khủng khiếp với sự thật cốt lõi và khuôn mặt của Đức Kitô Người Tôi Tớ. Chúng ta cũng thấy rõ rằng toàn bộ vấn đề truyền chức linh mục cho phụ nữ không thể được giải quyết thỏa đáng bao lâu chức linh mục Công Giáo – trong lý thuyết và thực hành – vẫn còn được hiểu như một bậc sống ‘chức trọng quyền cao’. Một não trạng trọng nam khinh nữ và nặng tính phân chia cấp bậc như thế cũng đồng thời có chiều hướng loại trừ phụ nữ ra khỏi mọi tiến trình bàn bạc và thảo luận quan trọng trong Giáo Hội (x. Dennis Michael Ferrara, “The Ordination of Women: Tradition and Meaning,” Theological Studies 55 [1994], tr. 706-719).

những điều kiện cần thiết để chủ tọa cuộc cử hành Thánh Thể

Đức Kitô đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể như một quà tặng đặc biệt của tình yêu cho Giáo Hội lữ hành mọi nơi và mọi thời. Tôi cho rằng từ sự thật căn bản này, chúng ta dễ dàng rút ra kết luận rằng bất cứ sự đòi hỏi nào trong thực tế tước đoạt khỏi các cộng đoàn Kitôhữu việc cử hành Thánh Thể đều đặn thì đều là những đòi hỏi không có cơ sở, và do đó cần phải được xét lại.

Đây là một sự thật có tầm rất hệ trọng đối với những ai đang nắm giữ quyền bính. Chúng ta hãy đọc lại tuyên bố của Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo:

Việc cử hành Ngày của Chúa và Hy Lễ Tạ Ơn của Ngài vào ngày Chúa Nhật là trung tâm của đời sống Giáo Hội (2177). Thánh Lễ Chúa Nhật là nền móng và là nguồn lực củng cố của mọi thực hành Kitô giáo. Vì vậy tín hữu có bổn phận phải tham dự Thánh Lễ vào những ngày buộc trừ phi được miễn chước vì một lý do hệ trọng. Những ai cố ý bỏ bổn phận này thì mắc tội trọng (2181).

Trong một thần học luân lý nhắm đến không chỉ những người dưới quyền bính mà còn nhắm đến cách đặc biệt những người nắm quyền bính, thì có thể thấy rõ rằng nếu vì quá nhiều điều kiện nhân tạo làm cản trở không cho nhiều cá nhân và cộng đoàn Kitôhữu đều đặn tham dự Hy Lễ Tạ Ơn thì những vị lãnh đạo Giáo Hội đặt ra cac điều kiện đó sẽ “mắc tội trọng” (xem số 2181 trên). Người ta không thể nói rằng bao nhiêu Thánh Lễ họ bị tước đoạt do các qui định nhân tạo như thế thì chính các nhà hữu trách Giáo Hội cũng mắc bấy nhiêu tội đó sao? Để bắt đầu một cuộc thẩm xét xa hơn, thiển nghĩ nên xuất phát từ những cộng đoàn dùng bữa của Giáo Hội Kitô giáo thời sơ khai.

linh mục thợ - xin chân thành cám ơn các bạn!

Không nghi ngờ gì nữa, các linh mục thợ xứng đáng được chúng ta tri ân sâu xa. Họ đã và vẫn đang là những nhà tiên phong dũng cảm trong việc thám hiểm các chân trời mới cho một nhận thức đúng đắn hơn về hội nhập văn hóa và về chức linh mục thừa tác. Nói một cách ẩn dụ, bước nhảy của họ là một bước nhảy vĩ đại qua một vực thẳm vừa sâu vừa rộng. Nhiều linh mục và giám mục nổi tiếng về lòng nhiệt thành mục vụ và về sự sáng suốt đã dám đương đầu với vấn đề nóng bỏng là sự lảng xa của tầng lớp lao động bình dân đối với một Giáo Hội không chỉ rề rà đi sau lịch sử mà đồng thời còn rề rà đi sau Tin Mừng của “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” nữa. Các linh mục này hiểu rằng xì-căng-đan đã nổi lên khi người ta  mất liên lạc với giới lao động, cũng như ngày nay nhiều Kitô hữu sáng suốt đang lo ngại Giáo Hội có thể đánh mất nhiều người trong số các phụ nữ đầy tiềm năng nhất của mình.

Các thông điệp của Giáo Hoàng Lêô XIII và Piô XI về vấn đề xã hội của giai cấp thợ thuyền chắc chắn là những ví dụ về một bước đi đúng hướng; Nhưng chúng không thể lấp đầy cái vực thẳm giữa những thực hành của Giáo Hội và nền văn hóa của giai cấp thợ thuyền. Paul Gauthier, trong tư cách là một trong những linh mục sáng suốt trỗi vượt về mục vụ, đã có đủ dũng cảm và tinh tế để diễn tả điều đó một cách thẳng thắn như sau: “Nước Pháp đã trở thành một xứ truyền giáo.” Tuy nhiên, dù có thiện chí đến mấy đi nữa, các linh mục được sai đến với giới thợ thuyền vẫn mang dấu ấn khác biệt về văn hóa và giai cấp – đó là kiểu thức linh mục theo Triđentinô, được biểu tượng bởi chiếc áo chùng đen. Đa số các linh mục hoàn toàn không thể nhận ra tầm mức của sự khác biệt và sự xa lạ về văn hóa. Ở đây chúng ta không cần phải chứng minh về sự xa lạ của giới thợ thuyền hay của Giáo Hội, vì cả hai đều đã quá sáng tỏ.

Hồng Y Emmanuel Suhard vĩ đại - cùng với các nhà tư vấn và tuyên úy của giới trẻ Công Giáo như Jacques Loew, OP, Henri Godin và Yves Daniel - là những người đã có sáng kiến thực hiện cuốn sách gây xôn xao dư luận: Nước Pháp, Xứ Truyền Giáo? (tác giả của cuốn sách là hai danh tánh sau cùng nêu trên).

Trong thời gian sửa soạn cho Công Đồng, tôi có dịp tiếp xúc và cộng tác với Jacques Loew và Giám Mục A. Ancel, người vẫn đường đường là một linh mục thợ ngay cả khi đã trở thành giám mục. Tất cả những khuôn mặt ấy đều toát ra tinh thần Tin Mừng một cách tuyệt vời, để lại ấn tượng rất sâu sắc cho tôi.

Chắc độc giả sẵn lòng thứ lỗi cho tôi vì tôi hơi lang bang một chút để nhắc lại câu chuyện mà tôi đã nghe từ Giám Mục Ancel; dù sao câu chuyện cũng rất đặc trưng cho vấn đề ở đây. Số là văn kiện Veterum Sapienta, được thông qua bởi các giới chức già nua trong giáo triều, nêu nghị quyết rằng nhân Công Đồng sắp tới, cần phải cố gắng để duy trì “văn hóa Latinh” và, nhằm mục đích ấy, mọi triết học và thần học sẽ mãi mãi cần phải được giảng dạy bằng tiếng Latinh trên khắp thế giới. Sau khi văn kiện ấy được ban hành, Giám Mục Ancel, thay mặt các giám mục Pháp, đã đến gặp giáo hoàng và thẳng thắn bày tỏ sự phản đối. Giáo Hoàng Gioan XXIII không chút ngạc nhiên. Ngài nói: “Thưa Đức Cha, tôi đón nhận sự phản đối này. Và tôi hiểu tại sao. Nhưng hãy cho phép tôi kể một câu chuyện để giải thích vấn đề này:

Giorgio, một nông dân ở miền núi Bergamo, đến gặp giám mục của mình và xin ngài đặt mình làm linh mục, vì suốt mùa đông dài chẳng linh mục nào có thể đi tới thị trấn bé nhỏ ấy, vì thế mọi người ở đó phải sống không có Thánh Lễ. Giorgio nói: “Thưa Đức Cha, con bảo đảm rằng con có thể làm lễ bằng tiếng Latinh nghiêm chỉnh, mặc dù con không hiểu ất giáp gì về thứ tiếng ấy. Nhưng con cũng có thể phỏng đoán ý nghĩa cách đại khái được.” Vị giám mục rất cảm động, nhưng ngài trả lời anh ta: “Rất tiếc, vì anh là người đã kết hôn, tôi không được phép truyền chức linh mục cho anh.”

Một năm sau, Giorgio lại đến gặp giám mục và thưa: “Margaret, người vợ thánh thiện của con, đã được Chúa gọi về, và con không có ý định cưới vợ lần nữa. Vậy, thưa Đức Cha, con có thể lãnh chức linh mục không ạ?” Giorgio trải qua một cuộc khảo hạch ngắn, và anh tỏ ra rất xuất sắc trong việc nắm hiểu các nghi thức. Thế là anh được phong chức linh mục. Làng anh ai nấy đều phấn khởi.

Sau đó, Giorgio có một chuyến về thành phố vài ngày, cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ chính tòa. Trong phòng áo, tất cả các linh mục khác đều nói “Prosit!” để chào anh. Giorgio hỏi một cha già xem tiếng chào ấy có nghĩa là gì. Vị linh mục ấy, vốn tính ranh ma, trả lời: “Prosit nghĩa là thằng đểu” . Ngày hôm sau, khi Giorgio lại được chào “Prosit!”, anh nổi khùng lên, đấm thẳng một cú vào mặt kẻ chào mình, và thét lớn: “Ông cũng là một prosit!”

Kể tới đây, Giáo Hoàng Gioan XXIII dừng lại, đăm chiêu, rồi nói với Giám Mục Ancel: “Có lẽ tôi chỉ muốn rằng anh chàng Giorgio ấy cần phải biết từ Latinh Prosit có nghĩa là gì!” Rồi ngài thở dài, thú nhận: “Ôi, tôi hy vọng Chúa sẽ tha thứ cho tôi vì tôi đã nhân nhượng một điều như thế này đối với giáo triều.”

Sự sùng bái tiếng Latinh như vậy không phải là một biểu tượng của sự lảng xa sao? Cũng vào giai đoạn đó, một hồng y tên tuổi khác đã viết trong tờ Osservatore Romano rằng Rôma sẽ mãi mãi có bổn phận phải khai hóa các dân man di bằng “siêu văn hóa” Latinh. Trong cùng hướng suy nghĩ này, Hồng Y Giuseppe Pizzardo, bấy giờ là người đứng đầu thánh bộ của Tòa Thánh, trong một cố gắng trấn áp phong trào các linh mục thợ, đã đưa ra quan điểm như sau: Việc đứng vào hàng ngũ của tầng lớp lao động lệ thuộc xem ra không xứng đáng với địa vị của một linh mục. Thật lạ! Tại sao vị hồng y ấy không nhận ra rằng việc mình khoác vào người bộ áo đỏ tía diêm dúa ấy và việc mình đê mê với những tước hiệu kệch cỡm kia thì hoàn toàn tương phản với Đức Giêsu Người Thợ Mộc?

Năm 1963, năm đầu tiên triều giáo hoàng của ngài, Giáo Hoàng Phao-lô VI nói chuyện với tôi về vấn đề linh mục thợ, ngài bày tỏ với tôi mối cảm thông và quan tâm mục vụ sâu sắc của ngài. Ngài trao cho tôi một tập hồ sơ dày và yêu cầu tôi đúc kết một nhận định về vấn đề đang rất thời sự này. Quyết định của Giáo Hoàng Phao-lô VI về việc tiếp tục cuộc “thử nghiệm” các linh mục thợ đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của Công Đồng qua văn kiện về “Sứ Vụ Và Đời Sống Linh Mục” (đoạn 8).

Bất chấp mọi khốân đốn và hiểu lầm, cơ chế linh mục thợ đã nhận được sự phê chuẩn cuối  cùng – và đây là một dấu hiệu “mở cửa” để đón lấy ngọn gió trong lành. Chúng ta được mở mắt ra để thấy một vấn đề còn rộng lớn hơn – đó là, sự xa cách thăm thẳm được tạo ra bởi nền giáo dục và văn hóa của các linh mục được định hình cách đồng nhất theo kiểu thức chủng viện Triđentinô, nhất là trong sắc thái Rôma, vốn vẫn còn rất phổ biến cho tới Công Đồng Vatican II. Công việc của Giáo Hội xét toàn thể và đặc biệt của các giám mục và linh mục là phải tiếp tục tiến trình hội nhập văn hóa về thần học và sứ vụ, để tôn vinh Đức Giêsu Người Thợ Mộc, Đấng là “Con Người”, là “một người ở giữa chúng ta” và giống chúng ta trong mọi sự chỉ trừ tội lỗi.

Sự hiện diện của các linh mục thợ gần như trên khắp thế giới ngày nay là một dấu hiệu của hy vọng và của sự thách đố còn tiếp tục đặt ra cho toàn thể Giáo Hội - nhằm xích lại gần Đức Giêsu hơn trong chính lịch sử nhân loại ở đây và bây giờ, cũng như trong mọi nền văn hóa. Câu hỏi căn bản của chúng ta là: “Giáo Hội và thế giới đang cần loại linh mục nào?” Chính mối ưu tư này đã cho tôi sự can đảm và động lực để viết quyển sách nhỏ này.

trong hoàn cảnh bị thách đố về thể lý

Nhìn lại hoàn cảnh hiện nay của mình, tôi không thể không nghĩ rằng mình là một người tàn tật và bị rất nhiều thách đố về thể lý. Vấn đề thanh quản chỉ là một trong rất nhiều khó khăn khác nữa của tôi. Mở rộng tầm nhìn hơn, hướng nhìn đến Đấng Emmanuel, Ngôi Lời Nhập Thể, và đồng thời nhìn đến đà thay đổi nhanh chóng trong lịch sử thời đại chúng ta, chúng ta có thể thành thực nói rằng tất cả chúng ta đang gặp vướng víu và đang bị làm cho tàn phế trong cả hai phương diện, chúng ta vừa chậm chạp không bắt kịp sự gần gũi của Đức Giêsu đối với dân Người vừa trôi tụt lại phía sau trên con đường tốc hành của lịch sử hiện đại.

Các linh mục chúng ta mang sâu trong mình những vết thương không chỉ mới hình thành trong hiện tại. Trên đôi vai yếu ớt của mình, chúng ta còn phải gánh lấy gánh nặng của lịch sử Giáo Hội. Nếu chúng ta cho phép mình nhận thức được các thương tích lớn lao ấy của mình, nếu chúng ta nhận thức được tình trạng lạc hậu và què quặt của mình trong vô số phương diện, thì rất có thể chính những khiếm khuyết của chúng ta sẽ trở nên nẻo đường ẩn tàng cho chúng ta đón nhận dồi dào ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và biểu hiệu của Người Tôi Tớ tang thương của Thiên Chúa. “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quí mến hết lòng” (Is 42,1). “Bao kẻ sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người” (Is 52,14). “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật; người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn” (Is 53,3).

Những suy niệm này của tôi bật ra khi tôi đọc câu chuyện về một vị mục sư Tin Lành bị tàn phế nặng nề nhưng đã hết lòng quảng đại dấn thân phục vụ cho những kẻ tàn tật thuộc mọi loại và mọi mức độ. Thật chẳng hợp tí nào với qui định của giáo luật cũ của chúng ta rằng không được truyền chức linh mục cho những người bị khiếm khuyết thân thể trầm trọng! Toàn bộ tình hình của chúng ta hiện nay có thể được cải thiện rất nhiều nếu Giáo Hội mời gọi các ơn gọi linh mục từ những con người đau khổ này, đặc biệt để phục vụ cho những anh chị em tàn tật. Đời sống của các linh mục tàn tật sẽ là sự nhắc nhở sống động cho chúng ta về Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC

TÌNH YÊU HÂN HOAN VÌ CHÂN LÝ

 

Tác phẩm 13 Nét Mặt Tình Yêu -  Dominique AUZENET

Lm. Micae-Phaolo Trần Minh Huy chuyển ngữ

Chương Mười Một

TÌNH YÊU HÂN HOAN VÌ CHÂN LÝ

 

1. Tình yêu vui mừng vì điều thiện :

Bài ca đức ái đặt đối nghịch bất công (sự dữ) với chân lý. Tình yêu không thể vui mừng vì sự dữ mà không phủ nhận chính mình. Trái lại, chính bản chất tự nhiên của tình yêu là vui mừng vì chân lý và chia sẻ niềm vui ấy. Theo nghĩa Kinh Thánh, chân lý chính là sự trung tín của Thiên Chúa với những gì Ngài đã hứa. Nhưng ở đây, khi được đặt đối nghịch với bất công, từ ngữ nầy có lẽ có nghĩa là một sự thật luân lý, là sự ngay thẳng trong cuộc sống.

Tình yêu vui mừng về tất cả những gì nó tìm thấy là ngay thẳng, là đẹp đẻ, là tốt lành chung quanh nó. Chúng ta có thể nói rằng vấn đề quan trọng là có một cái nhìn tích cực về tất cả những gì ở quanh chúng ta.

Thực ra còn hơn thế nữa : Đó chính là được nuôi dưỡng cách sâu xa bởi tất cả những hạt giống của Thánh Thần mà chúng ta có thể nhận lãnh không ngừng trên suốt những ngày sống của chúng ta. Đó là điều mà Thánh Phaolô đã nói :

"Thưa anh em, những gì là chân thật cao quí, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen, thì xin anh em hãy để ý" (Ph 4, 8).

Chung quanh chúng ta diễn ra lẫn lộn sự dữ và sự lành, bất công và chân lý. Tình yêu ở với chúng ta canh tân chúng ta từ bên trong. Tình yêu ấy lôi kéo chúng ta đến điều thiện, đến công bằng hầu làm cho chúng ta tìm được niềm vui.

"Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối. Anh em phải để Thánh Thần đổi mới anh em và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thật sự sống công chính và thánh thiện" (Ep 4, 22-24).

"Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng, mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật" (Ep 5, 8-9).

"Vậy hãy đứng vững : lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an" (Ep 6, 14-15).

Chúng ta có ít nhất một điểm qui chiếu, đó là cách mà các phương tiện truyền thông, báo chí, truyền thanh, truyền hình quan tâm trước hết đến những gì không xuôi, đến cái xấu hiện tại trong thế giới... Mỗi người có thể hơi hơi giống như thế : bi quan về những cái bên lề, và vạch lá tìm sâu... Thực ra, thái độ của người tín hữu được Chúa Thánh Thần canh tân là hoàn toàn ngược lại : một đàng khám phá ra và làm nổi bật giá trị của những gì là thiện, là mỹ trong những cái ở chung quanh chúng ta, vui mừng thấy Thiên Chúa đang hành động, ngay cả ở nơi chúng ta không chờ đợi... và đàng khác lại gieo rắc điều thiện :

"Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin" (Gal 6, 9-10).

2. Thánh Thần giúp tìm ra con đường chân lý :

Có lẽ bạn nghĩ rằng điều vừa viết có thể là lý tưởng đấy, nhưng thực sự không phải là cái bạn thấy ! Bạn có lý, bởi vì chúng ta luôn ở bên nầy cái mà Chúa đang chờ đợi nơi chúng ta. Chính vì thế mà chúng ta cần phải phó mình cho Chúa Thánh Thần đang ngự trong chúng ta :

"Khi nào Thánh Thần Chân lý đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến" (Jn 6, 13).

Chúng ta phải không ngừng cầu xin Chúa Thánh Thần : Lạy Chúa Thánh Thần, xin soi sáng cho con, xin hướng dẫn con, xin làm cho con khám phá ra và yêu mến sự hiện diện của Chúa là Tình Yêu, Chúa là Đấng luôn hiện diện trong lòng thế giới nầy ...

"Chúng ta càng kêu xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta về Chân Lý, Ngài càng dẫn dắt chúng ta khám phá được cái bên kia của các biểu diện bên ngoài. Trí khôn được Chúa Thánh Thần Tình Yêu soi dẫn sẽ biện phân được sự thật ẩn chứa sâu xa trong các con người, các tình huống, các sự vật và sẽ được hân hoan vì nó. Trí khôn sẽ hưởng nếm sự khôn ngoan ẩn dấu của Thiên Chúa, vốn hằng tỏ mình ra. Trí khôn con người từ bỏ chính mình khi không tìm kiếm chân lý, cũng như nó từ bỏ chính mình khi tự mãn về ý ngay lành, sự chân thật của mình và khi không đón nhận những gì Chúa đã nói qua mạc khải, cũng như các con người và các biến cố"[1]

Chúa Giêsu đã giáo dục các môn đệ cái nhìn biết thấy xa hơn những biểu diện bên ngoài, dù xem ra tốt lành. Chỉ có cái nhìn nầy cho ta đón nhận được niềm vui chân thật vốn là một hoa quả của Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn đoạn Tin Mừng nói về việc 72 môn đệ được sai đi truyền giáo từng hai người một, lúc trở về vui mừng khẳng định :

"Thưa Thầy, nghe đến Danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con. Chúa Giêsu bảo các ông : Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời" (Lc 10, 17-20).

Có lẽ các môn đệ hơi bị ngây ngất vì đã kinh nghiệm được quyền năng nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần trong khi họ thi hành nhiệm vụ. Chúa Giêsu kéo họ về với những thực tại sâu xa hơn : người môn đệ không xác định mình bởi hành động phục vụ Thầy, dù hành động đó mạnh mẽ đến đâu, nhưng là bởi ân sủng được dự phần nhận lãnh vinh quang bên cạnh Chúa Cha... Đó mới thật là Chân lý, đó mới thật là niềm vui đích thực...

Và chính Chúa Giêsu cũng cảm kích trước vẻ đẹp của sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà kinh ngạc :

"Ngay giờ ấy, được Chúa Thánh Thần tác động, Chúa Giêsu vui mừng hớn hở nói : Lạy Cha là chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha" (Lc 10, 21).

Nếu chúng ta đặt lại lời cầu nguyện nầy trong lòng tình huống của Chúa Giêsu lúc bấy giờ, chúng ta thấy được rằng sứ điệp của Chúa Giêsu không được các thành phố quanh biển hồ Tibêria đón nhận, chỉ có những người nghèo hèn và bé nhỏ mở lòng ra với những phong phú mà Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha để trao ban cho mọi người... Tuy nhiên, sự khôn ngoan của Tình Yêu Thiên Chúa được tỏ lộ ra trong lòng sự thất bại nầy : Tình Yêu bị đóng đinh của Chúa Cha và Chúa Con chỉ được đón nhận bởi một tâm hồn khiêm tốn và tước bỏ hết mọi tự phụ cao ngạo...

Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh tương tự trong thư gởi tín hữu Rôma, khi nói về sự đau khổ của ngài vì các anh em Dothái từ chối Đức Giêsu như là Đấng Thiên Sai :

"Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào ! Quyết định của Người ai dò cho thấu ! Đường lối của Người ai theo dõi được ! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa ? Ai đã làm cố vấn cho Người ? Ai đã cho Người trước để Người phải trả lại sau ? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và qui hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời. Amen" (Rm 11, 33-36).

Như Chúa Giêsu và thánh Phaolô, chúng ta cũng có thể nhảy lên vui mừng khi để Chúa Thánh Thần cho chúng ta biện phân được sự có mặt của Chân Lý của Thiên Chúa... Với Mẹ Maria, Đấng mà tâm trí "nhảy mừng trong Thiên Chúa cứu độ" (Lc 1, 47), chúng ta sẽ sống lời cầu nguyện tạ ơn.

3. Tình yêu làm chứng niềm vui chân lý ban tặng :

"Tất cả mọi người đều lo tìm kiếm chân lý, nhất là trong những gì liên quan đến Thiên Chúa và Giáo Hội của Người. Và một khi đã nhận biết chân lý thì họ ôm chặt chân lý và luôn trung thành với chân lý. Bổn phận ấy xuất phát tự "chính bản chất của con người". Bổn phận nầy không nói nghịch lại "sự tôn trọng chân thành" đối với các tôn giáo khác nhau "thường mang lại một tia sáng chân lý chiếu soi cho mọi người", cũng chẳng nghịch lại yêu sách bác ái vốn thúc đẩy các kitô hữu "hành động với tình yêu thương, cẩn trọng, nhẫn nại đối với những ai đang ở trong lầm lạc hoặc trong sự vô tri đối với đức tin".[1]

"Chính vì thế mỗi người chúng ta, nhờ bí tích Rửa tội và Thêm sức, được thiết lập làm chứng nhân chân lý. Chúa Giêsu nói về Gioan Tẩy Giả : "Ông đã làm chứng cho Chân Lý" (Jn 5,33). Và Chúa Giêsu khẳng định về chính Người trước mặt Philatô : Tôi đã sinh ra và đến thế gian nhằm mục đích nầy là làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi" (Jn 18, 37). "Người tín hữu không được hổ thẹn làm chứng cho Chúa" (cf 2 Tim 1,8). Trong những tình huống đòi hỏi xác nhận đức tin, người tín hữu phải dứt khoát tuyên xưng đức tin chứ không lập lờ, theo gương thánh Phaolô trước các quan tòa. Người tín hữu phải giữ "một lương tâm không có gì khiển trách được trước mặt Thiên Chúa lẫn người đời"(Ac 24, 16)".[1]

Việc làm chứng cho Chúa Giêsu đã luôn khó khăn. Ngay từ những buỗi đầu Phúc Âm, các kitô hữu đã phải đương đầu với thực tại tử đạo, là hình thức cao nhất của việc làm chứng tá. Chúng ta cần nhớ lại điều đó khi chúng ta biểu lộ những do dự để tuyên bố thuộc về Chúa trong những tình huống cụ thể. Vì thế, chúng ta cần mở rộng lòng chúng ta ra với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, trong thời gian cầu nguyện hằng ngày, đều đặn và bền vững, để trở nên những chứng nhân bạo dạn cho Chân Lý.

"Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần trí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thánh Thần mang đến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ" (2 Tim 1, 7).

"Điều người ta chờ đợi nơi mọi người rao giảng Phúc Âm là họ có lòng tôn kính chân lý, càng hơn thế vì chân lý mà họ đào sâu và truyền thông không là gì khác hơn là chân lý đã được mạc khải và do đó, hơn hết tất cả, mà chân lý đệ nhất là chính Thiên Chúa. Vậy người rao giảng Phúc Âm sẽ là người luôn luôn tìm kiếm chân lý mà mình phải chuyển đạt lại cho kẻ khác, dù có phải trả giá bằng sự từ bỏ bản thân và đau khổ. Người rao giảng Phúc Âm không bao giờ phản bội lại hay che giấu chân lý vì nỗi lo muốn làm vui lòng con người, sợ làm ngạc nhiên hay va chạm, mà cũng chẳng vì tính độc đáo hay ước muốn xuất hiện nổi hơn người. Người không từ chối chân lý. Người không làm chân lý mạc khải ra tối tăm, vì lười biếng tìm kiếm chân lý, vì tiện nghi, vì sợ sệt. Người không quên lãng việc học hỏi chân lý. Người quảng đại phục vụ chân lý, chứ không nô lệ hóa chân lý"[1]

"Nếu chúng ta sống niềm vui nội tâm làm cho cuộc đời  chúng ta phù hợp với chân lý, chúng ta cũng sẽ biết chuyển đạt niềm vui ấy cho kẻ khác."Chớ gì mọi người của thời đại chúng ta đang tìm kiếm, khi thì trong lo âu, lúc lại trong hy vọng, có thể lãnh nhận được Tin Mừng, không phải bởi những người rao giảng Phúc Âm buồn phiền và chán nãn, thiếu nhẫn nại và lo âu, nhưng là từ những thừa tác viên của Phúc Âm mà đời sống tỏa rạng lòng nhiệt thành, họ là những người đầu tiên nhận lãnh trong mình niềm vui của Chúa Kitô và chấp nhận cống hiến cuộc đời mình để Nước Trời được loan báo và Giáo Hội được bén rễ vào lòng thế giới"[1]

4. Tình yêu từ chối sự dối trá :

Trong bài suy niệm về cách thức mà Tình Yêu chia sẻ niềm vui của chân lý nầy, ta không thể nào được quên nói về sự dối trá. Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ tình yêu vô điều kiện đối với chân lý : "Lời các con phải có thì nói có, không thì nói không" (Mt 5, 37). Sách Giáo Lý Công Giáo dành cả một chương chú giải điều răn thứ tám nhấn mạnh tầm quan trọng của chân lý trong tương quan với tha nhân (số 2464-2513). Một đoạn liên quan đến nói dối và nêu lên các trích dẫn là điều tốt, bởi vì chúng ta cần nắm rõ tác động của việc nói dối trên cuộc sống xã hội của chúng ta[1] :

"Khi nói dối, người ta trực tiếp xúc phạm đến chân lý. Nói dối là nói hay hành động nghịch với chân lý để lừa gạt. Nói dối làm hại đến tương quan giữa con người với chân lý và con người với nhau, nên kẻ nói dối xúc phạm đến tương quan nguyên thủy giữa con người và lời nói của con người với Thiên Chúa" (Giáo Lý Công Giáo số 2483).

"Nói dối, (vì xúc phạm đến đức tính chân thật), thực sự là một hành vi thô bạo đối với kẻ khác, xâm phạm đến khả năng nhận thức là điều kiện để họ phán đoán và quyết định. Nói dối gây chia rẽ giữa người với người, và mọi tệ hại do chia rẽ mà ra. Nói dối là tai họa cho mọi xã hội, làm cho người ta không còn tin tưởng nhau, và phá hoại những mối tương giao trong xã hội" (số 2486).

"Ai lỗi phạm đến công bình và chân lý đều phải đền bù, dù đã được thứ tha. Khi không thể đền bù cách công khai thì phải làm kín đáo ; nếu không thể đền bù cách trực tiếp cho người bị hại thì phải đền bù về tinh thần và đức ái. Ai lỗi phạm đến thanh danh kẻ khác cũng phải đền bù như thế. Phải đền bù tinh thần và đôi khi về mặt vật chất tương xứng với thiệt hại đã gây ra. Đây là nghĩa vụ lương tâm" (số 2487).

Phải kết thúc rồi chăng ? - Không, vì chủ đề nầy cần phải được khai triển thêm nhiều. Nhưng trong khi kết thúc bài suy niệm nầy, cùng với thánh Catarina đệ Siêna, chúng ta cầu mong Lời Chúa đánh thức chúng ta :

"Thiên Chúa không muốn và không tìm kiếm cái gì khác ngoài sự thánh hóa chúng ta. Chính vì điều đó mà Ngài đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh và nên giống Ngài, và Ngôi Lời dịu dàng đã muốn trao ban mạng sống Ngài với biết bao yêu thương, và như thế Ngài đã tỏ chân lý của Ngài cho chúng ta. Linh hồn nhìn ngắm chân lý cách rõ ràng thì không còn mê ngủ nữa, nhưng sẽ tỉnh dậy và hăm hở tìm kiếm cách thức, con đường và thời giờ để kiện toàn chân lý. Linh hồn không để việc ấy qua ngày mai, vì nó không chắc có được chân lý"[1]

 

Suy niệm để lần hạt Mân Côi

1. Tình yêu vui mừng vì sự thật. "Thưa anh em, những gì là chân thật, cao quí, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì anh em hãy để ý" (Phil 4,8). Người tín hữu được Chúa Thánh Thần đổi mới khám phá ra được và coi trọng tất cả những gì là thiện là mỹ ở chung quanh mình, người hân hoan nhận thấy Chúa làm việc ở cả những nơi mà người chẳng hề chờ đợi. Chúng ta hãy cầu xin ơn nầy cho chúng ta để gieo vải niềm vui trong gia đình chúng ta.

2. Tình yêu vui mừng vì sự thật. Trước mặt bà Isave, Mẹ Maria vui mừng cách sâu xa vì ơn đã làm cho Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa : "Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi" (Lc 1,46-47). Mẹ Maria đón nhận Chân lý sứ mệnh mình, và Mẹ đã không sợ tỏ lộ niềm vui vì nó một cách công khai. Chúng ta hãy xin ơn ca tụng trong khiêm tốn, vì khiêm nhường chính là chân lý.

3. Tình yêu vui mừng vì sự thật. Chúa Giêsu đã nói : "Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Jn 14,6). Ngài cũng nói : "Ai thuộc về Chân Lý thì nghe tôi" (Jn 18,37). Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người nam cũng như nữ đang tìm kiếm Chân Lý. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đánh động lòng họ nhờ ơn soi sáng của Ngài.

4. Tình yêu vui mừng vì sự thật. Trước mặt Philatô, Chúa Giêsu khẳng định : "Tôi sinh ra và đến trong thế gian nầy chỉ để làm chứng cho Chân Lý" (Jn 18,37). Chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta là những chứng nhân đích thực cho Chân Lý là Chúa Giêsu và đang được Giáo Hội truyền đạt.

5. Tình yêu vui mừng vì sự thật. Chúa Giêsu đã dạy tình yêu vô điều kiện đối với chân lý cho các môn đệ của Người : "Lời của các con phải có thì nói có, không thì nói không" (Mt 5,37). Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người chúng ta quen biết được tình yêu chân lý nầy, hầu nó làm cho họ biết từ chối dối trá. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện để trổi lên những ngôn sứ giữa những người có trách nhiệm chính trị hầu họ mang lại ánh sáng chân lý.

 

VỀ MỤC LỤC
Ngộ Độc với Chì

 

Trong tháng vừa qua, nhiều chục triệu đồ chơi dành cho trẻ em sản xuất từ Trung quốc đã bị Cơ quan An toàn Tiêu thụ Hoa Kỳ ra lệnh thu hồi vì vi phạm tiêu chuẩn an toàn, có thể gây rủi ro sức khỏe cho các em. Các đồ chơi này được hào nhoáng làm đẹp bề ngoài với sơn có hàm lượng chì quá cao. Nhà nhập cảng tỏ vẻ rất bất mãn với việc làm cẩu thả và không đúng yêu cầu của các công ty sản xuất. Khoảng 75% đồ chơi của trẻ em trên thị trường Hoa kỳ do Trung Hoa thực hiện. Các đồ chơi này gồm có dây chuyền cổ, vòng tay, bông tai, nhẫn, trống nhỏ, phấn viết, xe và đường rầy xe lửa, đồ chơi bắng nhựa…

Theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, các sản phẩm có quá .06% chì đều bị thu hồi.

Giới sản xuất biện hộ, nói lỗi là tại quý vị không chịu thanh tra kiểm soát kỹ càng các món hàng trước khi đưa ra thị trường. Ngoài ra, quý vị đặt mua đồ chơi với giá quá rẻ thì làm sao chúng tôi sử dụng nguyên liệu tốt được. Sơn không chì đắt gấp ba lần sơn pha chì. Tiền nào của nấy mà.

Và cũng để “ăn miếng trả miếng”, ông “siêu nhân- số” buộc tội ông “siêu- tiêu- thụ dầu- hỏa” rằng, đậu nành của quý quốc cũng gây nhiều độc hại cho giới tiêu thụ chúng tôi lắm vì có quá nhiều thuốc diệt sâu bọ, cỏ dại nguy hiểm và đôi khi lại lẫn cả đất. Họ yêu cầu Hoa Kỳ điều tra nội vụ và áp dụng các biện pháp hữu hiệu, tránh tái diễn. Hàng năm Trung quốc nhập cảng nhiều tỷ mỹ kim đậu nành từ Hoa Kỳ.

Vấn đề quan trọng đến nỗi vị Giám đốc một công ty chế tạo đồ chơi tại Trung quốc tự vẫn.

Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc George W. Bush phải trực tiếp than phiền với Chủ tịch Trung quốc Hồ Cẩm Đào tại Hội Nghị APEC tuần vừa qua tại Úc Châu.

Và lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ cũng yêu cầu nhà nhập cảng đồ chơi nhiễm chì ra điều trần nội vụ. Vì chì trong lớp sơn đồ chơi có thể gây ngộ độc cho trẻ em khi tiếp xúc cầm chơi lâu ngày.  

Sơn pha chì để có độ bóng được dùng rất phổ biến cho tới thập niên 1960, giảm dần tới thập niên 1970 và hầu như không được phép dùng từ năm 1978. Nhờ đó, theo Cơ quan Kiểm soát Bệnh Tật Hoa Kỳ (CDC), vào năm 1978 có khoảng 13.5 triệu trẻ em ở Hoa Kỳ có hàm lượng chì trong máu rất cao, trên 10µg/dl. Tới năm 2002, con số này giảm xuống còn 310.000 em sau khi có các kiểm soát, biện pháp giới hạn dùng chì trong vài ngành kỹ nghệ.

Trước nhiều áp lực, ngày 11 tháng 9 năm 2007, Trung quốc đã ký bản cam kết, cấm không cho dùng sơn có chì với các đồ chơi trẻ em nhập cảng vào Hoa Kỳ.

Thực là điều vạn hạnh, vì sức khỏe con em nơi đây được bảo vệ quá chu đáo. 

Chì là gì

Chì là một kim loại nặng màu xám xanh có nhiều trong vỏ trái đất. Khi gặp không khí và nước, một lớp hợp kim được tạo ra, bao che chì khỏi bị gỉ sét, ăn mòn.

Chì hiện diện tự nhiên trong môi trường và nhất là qua sự sử dụng chì trong kỹ nghệ.

Chì có nhiều trong các loại ống dẫn nước hoặc hơi đốt, quả cân, đạn dược, bao dây cáp, chế tạo bình điện xe hơi, chất mầu trong sơn, thuốc nhuộm, men bóng đồ gốm. Đã có thời kỳ, xăng dầu được pha thêm chì để tăng hiệu năng và phẩm chất. Tuy nhiên, từ tháng 1 năm 1996, Hoa Kỳ đã cấm pha thêm chì vào xăng chạy xe hơi, ngoại trừ xăng dùng cho máy bay  và các xe không lưu hành trên trục lộ giao thông. Một số quốc gia đang phát triển vẫn tiếp tục pha chì trong xăng.

Khi vào môi trường, các phân tử chì lan tỏa rất xa trong không khí. Mưa làm chì rớt xuống mặt đất và nước.  

Nguồn gốc ngộ độc chì

Nguồn gốc đưa tới nhiễm độc chì gồm có:

- Sơn nhà. Tại Hoa Kỳ, đa số nhà xây cất trước năm 1978 đều dùng sơn pha chì, nhưng sau đó, chính quyền liên bang đã cấm dùng. Hiện nay, vẫn còn khoảng 38 triệu căn nhà được sơn với sơn pha chì.

Chì bám ở tường, trần nhà, sàn nhà, khuôn cửa của các ngôi nhà cũ này. Nếu lớp sơn bị tróc, chì rơi ra ngoài và gây ngộ độc, nhất là khi trẻ em chơi dưới đất, vô tình ăn phải.

Theo quy luật của liên bang, người bán nhà phải cho người mua biết nếu có dư sản chì trên kiến trúc hay không.

- Đất chung quanh nhà nhiễm chì từ các lớp sơn cũ

- Bụi bậm trong nhà có chì từ sơn tường cũ hoặc đất theo giầy dép mang vào nhà.

- Chì trong nước nếu dùng ống dẫn nước bằng kim loại có chất chì. Từ thập niên 1980, Hoa kỳ đã cấm sử dụng ống nước có chì và hàn chì trong hệ thống dẫn nước công cộng. Các ống kim loại hàn bằng chì có thể nhả các phân tử chì vào nước.

- Chì có nhiều trong đất, nhất là gần trục lộ giao thông, nhà xây cất từ lâu, vườn hoang, hầm mỏ, khu kỹ nghệ, khu chứa rác, lò đốt. Làm việc hoặc sinh sống ở gần các khu vực này có thể bị nhiễm chì qua nước uống, thực phẩm, không khí.

- Công nhân làm việc trong kỹ nghệ luyện chì, làm dụng cụ bằng nhựa plastic, hàn cắt thép, làm bình điện xe tự động, kỹ nghệ đồ gốm, đập phá nhà cũ, tu bổ bình tản nhiệt xe hơi…đều dễ dàng nhiễm chì.

- Chì trong xăng xe hơi. Đây là nguồn chì khá lớn phát ra từ ống khói xe. May mắn là từ năm 1980, Hoa Kỳ đã dần dần loại bỏ chì ra khỏi xăng dầu.

 - Đồ chơi trẻ em, xích đu hoặc bàn ghế cũ quét với sơn có nhiều chì.

- Thực phẩm nước uống đựng trong bát đĩa, bình chứa phủ men bóng.

- Rau, trái cây đôi khi có bụi chì bám vào, nên cần được rửa sạch trước khi ăn.

- Rượu whisky sản xuất lậu với máy chưng cất hàn bằng chì cũng có thể có chì.

- Thuốc lá nhả ra một lượng chì đáng kể.

- Hộp kim loại hàn bằng chì để đựng thực phẩm.

- Trong một vài mỹ phẩm (Kohl) hoặc thuốc nhuộm tóc, keo xịt tóc sản xuất từ các quốc gia Đông Nam Á châu, Ấn độ có hàm lượng chì khá cao

Tại Việt Nam, ngộ độc chì là vấn đề thường thấy và gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe mọi người. Tuy nhiên, dường như dân chúng chưa ý thức được sự hiện diện và nguy hại của rủi ro này, vì thiếu hướng dẫn cũng như vì môi trường nơi đây còn quá ô nhiễm với mọi tác nhân gây bệnh.

Ngoài các nguồn chì kể trên, chì còn đến từ thực phẩm thực vật như rau muống, rau rút, cần nước, ngó sen…được trồng ở nơi có nguồn chất thải kỹ nghệ chứa nhiều kim loại như chì, kẽm.

Các loại bình thiếc chứa nước, chưng cất và đựng rượu có hàm lượng chì khá cao.

Khói thuốc lá cũng có nhiều chì, mà bà con mình tiêu thụ thuốc lá có hạng trên thế giới.

Ở vùng nông thôn, các em chơi bi làm các viên bi tròn bằng chì, đánh đáo với các cục chì dẹp, đúc chì làm vật nặng kéo dây câu cá hoặc phụ việc tại các cơ sở làm bình điện xe hơi, sửa xe…thường xuyên tiếp cận với chì.

Các loại đồ chơi ngoài vườn làm bằng kim loại hàn chì rồi sơn với nước sơn pha chì, các bàn ghế nhỏ cho trẻ em chơi làm bằng nhựa phủ mầu sơn chì.

 Hàng ngày, trên các trục giao thông đô thị, xe cộ tắc nghẽn, khói xăng dầu thả ra rất nhiều bụi, khói chì vào khách qua đường, ngồi xe…

Mực viết cũng có chì, rồi lại còn bút chì, đồ sứ như chén đĩa ly tách  mẫu mã đẹp vẽ nhiều mầu sắc rực rỡ với chất mầu có nhiều chì phụ gia. Khi tiếp xúc với thức ăn nóng, thức ăn có chất acit như dưa chua, nước hoa quả, sữa, rượu bia, chì trong bột mầu sẽ thôi ra.

Nhìn đâu cũng thấy chì…. 

Chì vào cơ thể bằng cách nào

Chì nhiễm vào cơ thể qua:

- Qua đường hô hấp, khi bụi bặm và không khí theo hơi thở vào phổi rồi mau chóng chuyển sang máu.

- Qua ăn uống thực phẩm có chì hoặc tay dính chì đưa lên miệng trong khi làm việc.

Hàm lượng chì hấp thụ vào máu tùy theo tuổi và tùy theo lượng thực phẩm trong dạ dày. Khi ăn no, chỉ có 6% chì chuyển sang máu, còn lúc đói bụng thì có tới 60% chì vào máu.

Với cùng số lượng chì ăn vào, trẻ em hấp thụ sang máu nhiều hơn người lớn.

- Qua lớp da, tuy ít khi xẩy ra, đặc biệt là khi da bị trầy trụa, thương tích.

Từ máu, chì chuyển vào các cơ quan như gan, thận, não, lách, cơ bắp, tim…

Sau vài tuần lễ, đa số chì xâm nhập xương và răng và ở đó cả vài chục năm. Phần còn lại theo nước tiểu thải ra ngoài.

Nếu thường xuyên tiếp cận với chì, hàm lượng chì trong cơ thể sẽ tích tụ mỗi ngày một nhiều. 

Ảnh hưởng của chì với sức khỏe

Dấu hiệu của ngộ độc chì thường thường xuất hiện rất âm thầm, khó mà sớm phát giác. Chỉ khi nào chì tích tụ tới mức độ cao, bệnh mới rõ rệt nhưng các triệu chứng cũng không có gì đặc biệt.

 Ở trẻ em, nhiễm độc cấp tính khiến cho các em trở nên cáu kỉnh, kém tập trung, ói mửa, dáng đi không vững, lên cơn kinh phong. Trường hợp mãn tính, các em có dấu hiệu chậm trí, hay gây gổ, lên kinh thường xuyên, đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, đôi khi có thể đưa tới tử vong.

Thường thường, trẻ em bị tác hại của chì trầm trọng hơn ở người trưởng thành, đặc biệt là dưới 6 tuổi vì hệ thần kinh còn non yếu và khả năng thải độc chất của cơ thể chưa hoàn chỉnh. Một số em có thể bị nhiễm ngay từ khi còn ở trong lòng mẹ hoặc bú sữa mẹ có hàm lượng chì cao. Tới khi lớn, các em tiêu thụ thực phẩm có chì, nuốt chì lẫn trong đất, bụi khi bò chơi trên mặt đất hoặc ăn các mảnh vụn sơn tường nhà cũ. 

Khi ngộ độc chì, người lớn hay than phiền đau tê ở đầu ngón chân, tay; bắp thịt mỏi yếu; nhức đầu, đau bụng, tăng huyết áp, thiếu máu, giảm trí nhớ, thay đổi tâm trạng, xảy thai, kém sản xuất tinh trùng…

Lâu ngày, bệnh trở thành mãn tính, đưa tới suy thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, giảm chức năng não bộ.

Chẩn đoán

Thử máu là phương thức hữu hiệu để đo mức độ chì trong máu. Chỉ cần lấy một chút xíu máu ở tĩnh mạch hoặc đầu ngón tay là đủ.

Mức độ không an toàn của chì trong máu là từ 10mcg/dl trở lên.

Điều trị

Điều tiên quyết trong chữa trị ngộ độc chì là phải chấm dứt tiếp cận với nguồn phát sinh ra kim loại này để giảm nồng độ chì trong máu.

Ngộ độc trầm trọng được điều trị với một loại thuốc đặc biệt mà khi vào cơ thể, thuốc sẽ bám vào chì để thải ra ngoài theo nước tiểu. 

Phòng ngừa ngộ độc chì

Sau đây là mấy biện pháp để giảm thiểu và bảo vệ với ngộ độc chì:

1. Nhờ một chuyên viên hóa chất kiểm soát coi căn nhà mình đang ở có tàn dư chì hay không, đặc biệt nếu là nhà xây cất trước năm 1978.

2. Nếu sinh sống tại vùng có rủi do ngộ độc chì, nên áp dụng các phương thức phòng tránh như sau:

- Rửa tay trước khi ăn và trước khi đi ngủ, đặc biệt là với trẻ em chơi dưới đất.

- Thường xuyên lau sạch sàn nhà, bàn ghế với khăn ướt

- Đừng cho con trẻ chơi gần trục lộ giao thông, cầu cống

- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là nhiều sắt và calci, để giảm thiểu sự hấp thụ của chì từ bao tử vào máu.

- Nếu trong nhà có hệ thống ống dẫn nước bằng chì, hãy để nước chẩy tự do từ 30-60 giây trước khi dùng để loại các vẩn chì. Nên uống nước lạnh từ ống, vì nước nóng hấp thụ chì nhiều hơn, nhất là không nên dùng nước nóng trong vòi nước để pha sữa cho trẻ em.

 Ta có thể hỏi cơ quan y tế tại địa phương hoặc công ty cung cấp nước để coi xem có thể thử nghiệm chì trong nước. Trong nước, chì không cho mùi vị hoặc mầu sắc nên khó biết

- Tắm rửa, thay quần áo, dày dép trước khi về nhà, nếu làm việc nơi có chì.

3. Tu sửa nhà cũ có sơn pha chì:

- Mang thiết bị và mặc quần áo bảo vệ trong khi làm việc.

- Không ăn uống nơi nghi có chì

- Dùng giấy nhám đặc biệt để loại bỏ sơn có chì trên tường hoặc cửa. 

Kết luận

Tiếp cận ngắn hạn với sơn có pha một số lượng rất nhỏ chì ít khi đưa đến ngộ độc. Tuy nhiên nếu tiếp cận lâu ngày dù rằng ít một, e rằng sẽ có nhiều nguy hại, đặc biệt là với trẻ em.

Đồ chơi trẻ em nhập cảng từ Trung quốc bị thu hồi trong thời gian vừa qua không đáp ứng đòi hỏi an toàn của Hoa Kỳ, vì được làm đẹp với loại sơn pha chì quá cao. Do đó xin các bậc phụ huynh vứt bỏ ngay các đồ chơi này. Nếu các em đã chơi với chúng từ lâu ngày, nên hỏi ý kiến bác sĩ gia đình coi có cần thử mức độ chì trong máu các em.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức   Texas-Hoa Kỳ.

VỀ MỤC LỤC

CÓ TIỀN Chuyện phiếm của Gã Siêu.


 

Năm nay tết đến hơi sớm, vỏn vẹn sau Giáng sinh có một tháng, thành thử gây nên nhiều nỗi truân chuyên, bất tiện cho gã.

Chuyện là trong số báo trước, gã đã long trọng cầu chúc quí vị một năm mới đầy hạnh phúc. Thế là yên chí “nhớn” mà nhởn nhơ phè phỡn theo kiểu “hưởng xuân kẻo hết xuân đi”.

Ai dè trong lúc thả hồn theo điếu thuốc lào mà mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây, thì cụ chủ nhiệm ra lệnh qua điện thoại :

- Số tháng hai, chú mày phải tán hiêu tán vượn cho một bài nữa mang hơi hướm tết đấy.

Gã bèn gân cổ cãi lại, thì cụ ấy bèn cà kê dê ngỗng :

- Này nhé, báo đề số tháng hai thì phải ra lò và trình làng vào cuối tháng giêng tây, tức là còn ở “trong mùng” ta đứt đuôi con nòng nọc rồi chứ gì. Hơn thế nữa các cụ ta vốn thường bảo: tháng giêng là tháng ăn chơi kia mà.

Rồi cụ bồi thêm một màn năn nỉ ỉ ôi và một cú đắc nhân tâm nữa làm gã ngọng luôn.

Cụ bảo :

- Thôi mờ, chịu khó viết đi nhé. Bài của chú mày bắt khứa lắm đấy.

Thế là gã bèn tịt ngòi, thầm “khẩu phục tâm phục” cụ chủ nhiệm thật là… quá đáng.

Mà đúng thế, đang khi thiên hạ ăn tết, thì có lẽ cụ chủ nhiệm lại hò hét, đốc thúc những người cộng tác với mình ráo riết lên khuôn và xuất xưởng số Mục vụ tháng hai theo khẩu hiệu :

- Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm…Xong xuôi rồi mình ăn tết muộn, có chết thằng tây đen nào đâu.

Giống như vua Quang Trung ngày xưa, thần tốc hành quân, đi ngày đi đêm, hẹn thề với binh tướng sẽ ăn tết vào ngày mồng năm tại đất Thăng long.

Và quả thực, đúng ngày mồng năm tết năm Kỷ dậu 1789, vua Quang  trung cùng với binh tướng của mình, đã chiến thắng quân nhà Thanh sang lấn chiếm nước ta lấy cớ phù Lê. Tướng nhà Thanh là Sầm nghi Đống phải thắt cổ mà chết.

Tết năm nay là tết Tân tỵ, cầm tinh con rắn. Đáng lý ra theo thói quen vốn có từ lâu trong nghề làm báo và viết lách, gã phải xông đất vào hang ổ và làm một bài về loài rắn, mới đúng điệu.

Vì thế, gã cố công tích lũy được một mớ những sự việc liên quan tới loài rắn.