Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 43, Chúa Nhật 17.06.2007


CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH             MỤC LỤC 

Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay   Gaudium Et Spes       Vatican 2

NỀN TẢNG CỦA HIỆP THÔNG                                                                                     GSVN

Tác phẩm "Giáo hội cần loại Linh mục nào"?              Lm Giuse Lê Công Đức chuyển ngữ

NGƯỜI MÙ BA-TI-MÊ                                                                           Hương Vĩnh chuyển

NHẬT THỰC                                                                                            Trầm Tĩnh Nguyện

RỬA TỘI CHO NGƯỜI CHẾT ?                                                         Lm. Fx. Ngô Tôn Huấn

DI CHÚC CỦA ĐỨC TGM PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ĐIỀN                                          GSVN

Thánh lễ nối dài giữa lòng nhân loại                                 Lm. Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

TÌNH YÊU KHÔNG KHOE KHOANG               Lm Micae-Phaolô Trần Minh Huy chuyển ngữ

Cập Nhật về Bệnh Lao                                                                        Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

NGHỀ NGHIỆP                                                                           Chuyện phiếm của Gã Siêu


Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay   Gaudium Et Spes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chương II

Cộng Ðoàn Nhân Loại 26*

 

23. Mục Ðích Công Ðồng nhắm tới. Trong những khía cạnh chính yếu của thế giới hôm nay phải kể tới sự gia tăng những mối tương quan giữa con người với nhau, mà những tiến bộ kỹ thuật ngày nay đóng góp rất nhiều vào việc phát triển sự gia tăng ấy. Tuy nhiên, cuộc đối thoại huynh đệ giữa con người được hoàn hảo không phải ở trong những tiến bộ ấy, nhưng một cách sâu xa hơn trong cộng đoàn nhân loại. Cộng đoàn này đòi hỏi phải có sự tôn trọng tất cả phẩm giá thiêng liêng của nhau. Mạc khải Kitô giáo giúp nhiều vào việc cổ võ cho sự hiệp thông giữa các nhân vị, đồng thời cũng đưa ta tới chỗ hiểu biết sâu xa hơn về những luật lệ của đời sống xã hội mà Tạo Hóa đã in vào bản tính thiêng liêng và luân lý của con người.

 

Bởi vì những tài liệu mới đây của Giáo Quyền đã trình bày sâu rộng hơn lý thuyết Kitô giáo về xã hội con người1, nên Công Ðồng chỉ nhắc lại một ít chân lý chính yếu và Công Ðồng trình bày những nét căn bản của các chân lý ấy dưới ánh sáng của Mạc Khải. Tiếp đến, Công Ðồng nhấn mạnh tới một vài hậu quả xét là quan trọng hơn ở thời đại chúng ta.

 

24. Ðặc tính cộng đoàn của thiên chức con người trong ý định Thiên Chúa. Lấy tình Cha săn sóc mọi người, Thiên Chúa đã muốn rằng tất cả mọi người phải làm thành một gia đình và đối xử với nhau bằng tình huynh đệ. Bởi vì mọi người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa là Ðấng đã "cho tất cả nhân loại do một nguyên tổ cư ngụ trên khắp mặt đất" (CvTđ 17,26), nên họ đều được gọi tới cùng một cứu cánh duy nhất là chính Thiên Chúa.

 

Do đó yêu mến Thiên Chúa và anh em là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Thánh Kinh dạy ta rằng tình yêu mến Thiên Chúa không thể tách rời với tình yêu anh em: "...nếu có điều răn nào khác đi nữa cũng gồm tóm trong lời này: hãy thương yêu anh em như chính mình... Thương yêu là chu toàn luật pháp vậy" (Rm 13,9-10; x. 1Gio 4,10). Ðiều nói trên cũng được nhận là quan trọng nhất đối với con người mỗi ngày một lệ thuộc nhau hơn cũng như đối với thế giới ngày càng hiệp nhất lại.

 

Hơn nữa, khi cầu nguyện với Chúa Cha: "xin cho mọi người nên một..., như chúng ta là một" (Gio 17,21-22), Chúa Giêsu mở ra những viễn tượng mà lý trí con người không thể tự đạt tới được. Như vậy Chúa Giêsu đã nói lên một sự tương tự nào đó giữa sự kết hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hợp của các con cái Chúa trong chân lý và đức ái. Sự tương tự này cho thấy con người, tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ, chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thực hiến thân 2.

 

25. Sự lệ thuộc giữa con người và xã hội. Ðặc tính xã hội của con người cho thấy rõ sự thăng tiến của con người và sự phát triển của xã hội lệ thuộc nhau 27*. Thực vậy, nhân vị chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội, bởi vì tự bản chất nhân vị phải hoàn toàn cần đến đời sống xã hội 3. Cho nên vì đời sống xã hội đối với con người không phải là một cái gì phụ thuộc, do đó nhờ trao đổi với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh em, con người được tăng triển mọi khả năng của mình và có thể đáp ứng được thiên chức của mình.

 

Giữa những mối liên hệ xã hội cần thiết để con người được phát triển, có những mối liên hệ đáp ứng được bản tính sâu xa của con người một cách trực tiếp hơn, đó là gia đình và cộng đoàn chính trị; cũng có những mối liên hệ phát sinh do ý muốn tự do của con người. Trong thời đại chúng ta, nhiều nguyên nhân làm cho những mối tương quan và lệ thuộc nhau mỗi ngày một tăng thêm; do đó phát sinh nhiều hiệp hội và những tổ chức khác nhau, công hay tư xét về phương diện pháp lý 28*. Sự kiện này được mệnh danh là xã hội hóa, không phải là không có những nguy hại, tuy nhiên cũng đem lại nhiều lợi ích lớn lao để củng cố cũng như làm gia tăng những đức tính của con người và bảo đảm những quyền lợi của con người 4.

 

Nhưng nếu đời sống xã hội giúp nhiều cho con người chu toàn sứ mệnh của mình kể cả sứ mệnh tôn giáo nữa, thì ta cũng không thể phủ nhận rằng con người vì những hoàn cảnh xã hội họ đang sống và tiêm nhiễm ngay từ thuở thiếu thời, nên nhiều khi xa lánh không làm điều thiện và bị lôi kéo làm điều ác. Chắc chắn những xáo trộn rất thường xảy ra trong phạm vi xã hội một phần phát sinh từ chính tình trạng căng thẳng giữa những tổ chức kinh tế, chính trị và xã hội. Nhưng sâu xa hơn, những xáo trộn trên phát sinh do ích kỷ và kiêu căng của con người, đó cũng là những nguyên nhân làm cho môi trường xã hội ra vẩn đục. Một khi trật tự xã hội bị đảo lộn do hậu quả của tội lỗi, thì con người, bẩm sinh đã nghiêng chiều về sự xấu, lại gặp phải những cám dỗ mới để phạm tội. Những cám dỗ này nếu không có cố gắng liên lỉ và không có ơn thánh trợ giúp sẽ không thể lướt thắng được.

 

26. Bổn phận mưu cầu công ích. Sự lệ thuộc nhau mỗi ngày một chặt chẽ hơn và dần dần lan rộng trên toàn thể thế giới, vì thế công ích - tức là toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn - ngày nay mỗi lúc một nới rộng tầm phổ quát hơn và do đó bao hàm những quyền lợi và nghĩa vụ của toàn thể nhân loại. Bất cứ tập thể nào cũng phải tôn trọng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các tập thể khác, hơn thế nữa, phải tôn trọng công ích của toàn thể gia đình nhân loại 5.

 

Nhưng đồng thời con người càng ngày càng ý thức hơn về phẩm giá cao trọng vốn có của mình, bởi vì con người vượt trên mọi loài và vì những quyền lợi cũng như bổn phận của con người là phổ quát và bất khả xâm phạm. Vậy cần phải cho con người được tất cả những gì thiết yếu mà con người phải có để thực sự sống đời sống con người, như của ăn, áo quần, chỗ ở, quyền tự do chọn lựa bậc sống và quyền lập gia đình, quyền được giáo dục, quyền làm việc, quyền bảo tồn danh thơm tiếng tốt, quyền được kính trọng, quyền thông tin xứng hợp, quyền hành động theo tiêu chuẩn chính thực của lương tâm mình, quyền bảo vệ đời sống tư và quyền tự do chính đáng cả trong phạm vi tôn giáo nữa.

 

Bởi vậy, trật tự xã hội và tiến bộ của nó phải luôn luôn nhằm ích lợi của các nhân vị, bởi vì trật tự của muôn vật phải lệ thuộc vào trật tự của các nhân vị chứ không ngược lại. Ðiều này chính Chúa đã ám chỉ khi Người nói rằng ngày nghỉ được lập ra vì con người chứ không phải con người được dựng nên vì ngày nghỉ 6. Trật tự này phải phát triển mỗi ngày một hơn, phải đặt nền tảng trên chân lý, xây dựng trong công bình, nuôi sống nhờ tình yêu; phải dần dần tìm được trong tự do sự quân bình mỗi ngày mỗi hợp với nhân bản hơn 7. 29* Ðể chu toàn được những điều trên, phải có sự đổi mới tâm thức và những thay đổi sâu rộng trong xã hội.

 

Thánh Thần Chúa, Ðấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này. Men Phúc Âm đã và đang làm dậy lên trong lòng con người sự đòi hỏi phải có nhân phẩm, một đòi hỏi không thể cưỡng chế được.

 

27. Tôn trọng nhân vị. Ðể đi tới những kết luận thực hành và cần thiết hơn, Công Ðồng nhấn mạnh về sự tôn trọng con người. Vậy mỗi người đều phải coi người đồng loại không trừ một ai như "cái tôi thứ hai", cho nên trước hết phải quan tâm đến sự sống của họ và quan tâm đến những phương tiện cần thiết giúp họ sống một đời sống xứng đáng 8, chứ đừng bắt chước người giàu có kia đã không săn sóc gì tới người nghèo Lazarô 9.

 

Nhất là thời nay, chúng ta có bổn phận khẩn thiết phải trở nên người lân cận của bất cứ người nào và tích cực giúp đỡ khi họ đến với mình, hoặc có thể là một người già lão bị mọi người bỏ rơi, hoặc là một công nhân ngoại quốc bị khinh bỉ một cách bất công, hoặc là một người lưu vong, hay một đứa bé sinh ra do cuộc tình duyên bất hợp pháp chịu đau khổ cách bất công vì tội lỗi mình không phạm, hoặc một người đói ăn đang kêu gọi lương tâm chúng ta, làm vang lại lời của Chúa: "Bao nhiêu lần các ngươi làm những việc đó cho một trong những người hèn mọn là anh em Ta đây, tức là các ngươi làm cho Ta vậy" (Mt 25,40).

 

Ngoài ra, tất cả những gì đi ngược với chính sự sống, như giết người dưới bất cứ hình thức nào, diệt chủng, phá thai 30*, giết chết cách êm dịu 31*, hoặc tự tử trực tiếp; tất cả những gì xâm phạm sự toàn vẹn của con người, như cắt bỏ một phần thân xác, hành hạ thân xác hoặc tâm trí, làm áp lực tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến nhân phẩm, như những cảnh sống thấp kém dưới mức độ phải có của con người, giam cầm vô cớ, lưu đày, nô lệ, mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ con; kể cả những tình trạng làm việc nhục nhã khiến cho công nhân hoàn toàn trở thành dụng cụ cho lợi lộc, chứ không được coi như con người tự do và có trách nhiệm: tất cả những điều nói trên và những điều tương tự đều thực sự ô nhục. Và trong khi làm thối nát nền văn minh nhân loại, thì tất cả những điều trên lại càng bôi nhọ chính những kẻ chủ động hơn là bôi nhọ những kẻ phải chịu sự nhục mạ, đồng thời cũng xúc phạm nặng nề đến danh dự của Ðấng Tạo Hóa.

 

Chú Thích:

(lưu ý: những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo trước)

 

26* Chương này bổ túc chương I.

1) Con người có bản tính xã hội, theo ý Ðấng Tạo Hóa: con người đều bởi một Chúa, đều là một loại, đều có chung một cùng đích. Lời Chúa mạc khải: như trong điều răn thứ nhất, trong ý nguyện của Chúa Giêsu cũng như trong tính cách con cái một Thiên Chúa Ba Ngôi cũng xác nhận điều ấy (số 24).

2) Do đó con người cần nhờ xã hội để phát triển. Xã hội là để phục dịch con người. Nhưng nếu con người không sinh hoạt trong xã hội vì công ích thì không có xã hội. Sự nhượng bộ lợi ích riêng cốt để nhờ công ích xã hội mà giúp đỡ từng cá nhân. Ðàng khác nhiều khi lý tưởng đó còn xa vời: do thiếu sót về kinh tế, về chính trị, về xã hội (lắm lúc do tội ích kỷ và kiêu ngạo gây nên). Trong trường hợp ấy xã hội làm thiệt hại cho con người (số 25).

3) Nên phải tôn trọng ích chung của cả thế giới cốt cổ võ quyền lợi căn bản cá nhân. Cần phải canh tân tâm trạng dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần và theo tinh thần Phúc Âm (số 26).

4) Phải tôn trọng nhân vị mọi người. Công Ðồng nhắc tới một số người thường vẫn chưa được tôn trọng, và một số tội lỗi của xã hội ngày nay là vết nhơ cho nền văn minh và cho chính kẻ phạm tội đó; những tội lỗi đó quả thực làm ô danh Thiên Chúa (số 27).

5) Không tiêu diệt đối phương: tôn trọng nghĩa là tìm hiểu và đối thoại, là lên án sự sai lầm chứ không xét đoán ý kín đáo của kẻ sai lầm. Hơn nữa, ta phải yêu thương kẻ làm hại ta (số 28).

6) Phải công nhận mọi người đều bình đẳng về quyền lợi căn bản vì cùng một bản tính, một nguyên thủy, một cùng đích và cũng được cứu chuộc như nhau. Nên, phải loại trừ mọi phân biệt về quyền lợi đó trên phạm vi cá nhân, trong sinh hoạt xã hội, văn hóa và chính trị dù có những sự khác biệt phụ thuộc (số 29).

7) Luân lý cá nhân phải nhượng bộ cho luân lý nhấn mạnh về nhiệm vụ xã hội: Công Ðồng vừa diễn tả thái độ theo luân lý xã hội, vừa nêu ra vài thí dụ cụ thể trái ngược với luân lý ấy (số 30).

8) Ðể được như vậy phải giáo dục xã hội và canh tân trạng huống sinh hoạt. Công dân phải lần lần góp phần vào đời sống chính trị (số 31). Hoạt động và lời Chúa mạc khải xác nhận khía cạnh xã hội của con người: đặc biệt khi tập trung loài người như anh em, như chi thể của một thân thể. Tình liên đới ấy sẽ hoàn thiện hóa ở đời sau (số 32).

 

27* Ðiều hòa quyền lợi của xã hội (số 26) và quyền lợi cá nhân (số 27) trong thực tế rất khó, chẳng hạn thật là rất nguy hiểm nếu dựa trên tiêu chuẩn về lượng để xét định những đòi hỏi của công ích. Những bảng thống kê về kết quả kinh tế xã hội (sự gia tăng sản xuất, mức độ sinh hoạt, công trình thịnh vượng, trừng phạt tội trạng, v.v...) đã có thể vi phạm nhân vị dù chưa nói gì về phương pháp được xử dụng. Trong trường hợp ấy các kết quả mỹ mãn đó không phục vụ công ích! Làm hại hay tiêu diệt các nhóm thiểu số để đạt tới mục tiêu của đa số cũng là một ví dụ (x. số 59, 73).

 

28* Gọi là chế độ "công pháp hay tư pháp" tùy theo liên quan đến ích lợi chung hay ích lợi riêng. Ví dụ hệ thống tư pháp cũng có tính cách công pháp vì là cần thiết cho công ích. Hệ thống đó nhằm bảo vệ những quyền lợi riêng của từng cá nhân hay của từng pháp nhân (chính quốc gia cũng có quyền lợi riêng như vậy): những quyền lời ấy thuộc về tư pháp.

 

29* Không những sự giao thiệp giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với quốc gia, mà cả những hoạt động của chính quyền và của các quốc gia với nhau cũng phải dựa trên bốn cột trụ này: chân lý, công bình, tình yêu, tự do. Phải chăng Công Ðồng có lý khi đòi hỏi phải canh tân tâm trạng và đổi mới ngay chính xã hội nữa.

 

30* Phá thai là tội trọng đi ngược với sự sống (MV 51b). Giết thai nhi khi chưa thành hình (chừng 6 tuần đầu) có lẽ không phải sát nhân (thần học cũng như khoa học chưa chắc chắn về vấn đề thai nhi ấy đã sống do linh hồn nhân loại chưa), nhưng chắc chắn sự phá thai đó là giết mạng sống đã có đặc tính nhân loại. Hơn nữa vì có lẽ đã có linh hồn nhân loại rồi, nên phá thai là liều lĩnh giết người và đó là một tội, và sát hại một kẻ không những hoàn toàn vô tội mà còn là đứa con của chính kẻ sát nhân. Dù trường hợp người mẹ rất nguy, cũng không thể giết thai nhi để cứu mẹ: mạng sống của thai nhi cũng như của chính người mẹ là thuộc quyền của Chúa: không ai có quyền cắt đi. Không bao giờ được phép làm sự dữ, dù với mục đích tốt lành. Chẳng may, vì lý do có nhiều vụ phá thai bất hợp pháp và làm trong những hoàn cảnh thiếu cẩn thận (nhiều khi do người không phải là bác sĩ và thiếu phương tiện), thì có quốc gia lập luật cho phép phá thai với một số điều kiện bảo đảm. Phải hiểu rõ là dù có luật như thế đi chăng nữa, "cho phép" chỉ có thể có nghĩa là luật pháp không coi vụ phá thai đó là tội trạng mà các tòa án phải trừng phạt; chứ không có nghĩa phá thai không phải là tội. "Phá thai... là tội ác đáng ghê tởm" (MV 51c). Giáo Hội phạt tội này với vạ tuyệt thông cho tất cả những ai góp phần hiệu lực cho việc phá thai.

 

31* Tức là làm cho những người bệnh nặng, tàn tật, già nua, mau chết để khỏi phải kéo dài sự đau đớn. Hành động có vẻ nhân đạo nhưng thực sự là tội sát nhân, và tỏ lòng ích kỷ (bệnh nhân nào lại không quấy rầy kẻ chung quanh) hơn là tỏ lòng bác ái.

 

32* Sự lầm lạc vẫn đáng ghét vì không hợp với bản tính con người đã có lý trí để hiểu biết sự thật. Sự lầm lạc trong phạm vi luân lý nhất là do tội còn đáng ghét hơn nữa vì nó làm cho con người nên xấu xa và có thể ảnh hưởng trên người khác rất nhiều. Nhưng chính người lầm lạc vẫn còn là con người phải được tôn trọng. "Lầm lẫn thì không có quyền lợi": nghĩa là bản tính con người đòi hỏi rằng phải nỗ lực để loại trừ sự lầmlạc. Dĩ nhiên chỉ con người mới có thể có quyền lợi. Thế thì kẻ lầm lạc không có quyền để lầm lạc, nhưng vẫn có quyền để được kính trọng như con người, mặc dầu đã lầm lạc (về vấn đề này Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo còn nói rõ hơn).

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
NỀN TẢNG CỦA HIỆP THÔNG

 

NỀN TẢNG CỦA HIỆP THÔNG

Đọc lại Kinh thánh, chúng ta thấy con người đã được dựng nên trong một tình trạng cân đối và hài hòa, bởi vì lúc bấy giờ con người được :

- Hiệp thông và gắn bó với Thiên Chúa. Sự hiệp thông và gắn bó này được diễn tả bằng hình ảnh Adong Eva sống trong vườn địa đàng và Thiên Chúa thường hiện ra để nói chuyện với hai ông bà.

- Hiệp thông và gắn bó với nhau. Sự hiệp thông và gắn bó này được diễn tả bằng hình ảnh Eva xuất hiện từ chiếc xương sườn của Adong và cả hai trở nên một xương một thịt. (St 2,8-17).

Thế nhưng, vì kiêu căng muốn trở nên bằng Thiên Chúa, con người đã quay lưng chống lại Ngài. Chính sự phản bội đầu tiên này đã :

- Bẻ gẫy sự hiệp thông và gắn bó với Thiên Chúa : hai ông bà tự ý cắt đứt mối liên hệ với Đấng là tình yêu (1Gio 4,16), là nguồn hiệp nhất.

- Bẻ gẫy sự hiệp thông và gắn bó với nhau : trong hôn nhân bằng việc ly dị và đa thê, giữa anh em bằng lòng ghen tương sát hại (St 4), ngoài xã hội bằng sự bất đồng ngôn ngữ (St 11,1-9).

Vốn là tình yêu, nên Thiên Chúa đã đi bước trước đến với con người để cứu vãn sự đổ vỡ này cũng như để tái lập sự hiệp thông và gắn bó ấy, Thiên Chúa đã tuyển chọn dân Do Thái và trao cho họ giao ước được đóng ấn trong đức tin (Os 2,22), nhờ họ Ngài tỏ mình và kết hợp muôn dân trong một sự phụng thờ duy nhất.

Tuy nhiên, phải chờ cho đến khi Đức Kitô, Con duy nhất của Ngài, xuống thế làm người, thì nhịp cầu nối trời và đất mới được hoàn thành. Sự hiệp thông và gắn bó giữa con người và Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau được Ngài thực hiện trong Giáo hội, bởi vì Ngài liên kết những ai yêu mến và tin vào Ngài bằng cách ban cho họ Thần Khí (Rm 5,5), nuôi dưỡng họ bằng  một tấm bánh là thân xác Ngài làm hy tế trên thập giá (1Cor 10,16). Như thế, Ngài làm cho tất cả các dân tộc trở nên một thân xác (Eph 2,14-18), các tín hữu thành chi thể Ngài. Nhờ Ngài, sự hiệp thông và gắn bó được tái lập trên mọi lãnh vực :

- Với Thiên Chúa bằng việc xóa bỏ tội lỗi.

- Với nhau bằng việc Thần Khí biến họ thành con cái của một Cha chung (Rm 8,14) và cùng một trái tim, một tâm hồn, họ đồng thanh ca tụng Cha mình (Rm 15,5; Cvtđ 2,4-11).

Tóm lại, nhờ đức tin con người nhận biết Thiên Chúa duy nhất : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Họ hướng đến đức ái liên kết Chúa Cha với Chúa Con và là đức ái do Thần Khí thông ban cho họ (Gio 15,9; Rm 5,5). Khi liên kết với Thiên Chúa, đức ái làm cho họ trở thành chứng nhân của Ngài trên trần gian và thành cộng tác viên thực hiện ý định của Ngài, tức là liên kết mọi người và toàn thể vũ trụ vào trong Người Con duy nhất (Rm 8,29; Eph 1,5)

Từ những sự việc trên, chúng ta rút ra những điểm căn bản sau đây :

1- Đức Kitô và Chúa Thánh Thần chính là nguyên lý của sự hiệp thông. 

“…Ngay từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã tạo dựng một bản tính nhân loại duy nhất và quyết định sau này tập họp tất cả con cái Ngài tản mát đó đây thành một dân tộc duy nhất. Chính vì mục đích ấy mà Thiên Chúa đã sai Con Ngài xuống, Đấng mà Ngài đã đặt làm thừa kế vũ trụ (Dth 1,2), hầu trở nên Thày, Vua, Linh mục cho mọi người và nên thủ lãnh của dân tộc mới và phổ quát của con cái Thiên Chúa. Sau cùng, cũng vì mục đích đó mà Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con Ngài, là Chúa và là Đấng ban sự sống. Đối với toàn Giáo hội, với tất cả cũng như với mỗi tín hữu, Thánh Thần là nguyên lý qui tụ và hiệp nhất trong giáo lý của các Tông Đồ, trong sự hiệp thông, bẻ bánh và kinh nguyện (Cvtđ 2,42).

2- Chúa Ba Ngôi là khuôn mẫu cho sự hiệp thông 

Ba ngôi Thiên Chúa là hình ảnh lý tưởng nhất cho sự hiệp thông, bởi vì Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng vẫn luôn hiệp thông cùng nhau trong cùng một bản tính. Với chúng ta cũng vậy, mặc dù có những khác biệt, nhưng chúng ta vẫn có thể và phải tiến đến một sự hiệp thông chân thành bằng cách tìm hiểu và tôn trọng những khác biệt của nhau. (HN số 15).

  

ĐỐI TƯỢNG CỦA SỰ HIỆP THÔNG

Chúng ta vốn thường nói : con người đầu đội trời, chân đạp đất. Vì thế, sống trong cuộc đời, chúng ta có hai bổn phận phải chu toàn, đó là bổn phận đối với trời và bổn phận đối với đất, hay cụ thể hơn, đó là bổn phận đối với Thiên Chúa và bổn phận đối với anh em đồng loại. Trong phạm vi hiệp thông cũng vậy : chúng ta phải hiệp thông với Chúa và với nhau. Sự hiệp thông này được đặc biệt thực hiện trong lòng Giáo hội, bởi vì Giáo hội chính là bí tích của sự hiệp thông, nói cách khác Giáo hội vừa là dấu chỉ vừa là phương thế hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau.

1. Hiệp thông giữa con người và Thiên Chúa.

“Sự kiện toàn thể nhân loại làm nên một gia đình duy nhất, dựa trên một nguồn gốc chung, vì tất cả mọi người nam, nữ đều được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Bên cạnh đó, mọi người đều có một vận mệnh chung, vì mọi người đều được gọi để hoàn thành cuộc đời mình nơi Thiên Chúa, mà trung tâm là Đức Giêsu Kitô, Đấng “đã tự kết hợp với mỗi người một cách nào đó” (cf. RH, số 13; MV, số 22) trong công cuộc nhập thể của Ngài” (DV, số 28).. 

Đức Giêsu, là Chúa thật và là người thật, được sai đi bởi Thiên Chúa của sự hiệp thông, Ngài đã thiết lập sự hiệp thông giữa trời và đất trong chính thân thể của Ngài (Ecclesia in Asia, số 13). Ngài đã hòa giải nhân loại với Thiên Chúa nhờ việc mang lại ơn tha thứ tội lỗi (Ep 1, 7). Ngài đã liên kết dân Do Thái và dân ngoại thành một, phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét để tạo nên một nhân loại mới (Ep 2, 13- 18).

“…ngõ hầu anh em được hiệp thông với chúng tôi. Nhưng sự thông hiệp của ta là thông hiệp với Cha và với Con của Người, Đức Giêsu Kitô” (1Ga 1, 3).

Chúng ta là con cái Thiên Chúa (1Ga 3, 1. 2. 10), được sinh ra bởi Thiên Chúa (1Ga 2, 29; 3, 9; 4, 7; 5, 1. 4. 18).

Đức Kitô đã mạc khải cho chúng ta biết :  Thiên Chúa là một người Cha giàu lòng thương xót (cf. 2Cr 1, 3), Ngài đặc biệt gần gũi với con người, nhất là khi con người gặp khổ đau, bị đe dọa. Chính Thiên Chúa đến với con người trước và chỉ cho con người đường nẻo để con người có thể đến với Ngài : Chưa có ai đã từng thấy được Thiên Chúa. Người Con duy nhất, Đấng ở trong lòng Cha, Ngài đã tỏ Cha ra (cf. Ga 1, 18). Nơi Đức Kitô, con người được gặp gỡ Thiên Chúa. Đức Kitô làm cho mọi sự được tái tạo (cf. Ep 1, 12); trở nên anh em với nhau, không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì anh em tất cả là một trong Đức Kitô (cf. Gl 3, 28).   

“Như Đức Kitô dấn mình trong sự sống và tình yêu của Chúa Cha, cộng đoàn các môn đệ cũng phải dìm mình trọn vẹn trong sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Nhờ mối hiệp thông này, cộng đoàn các môn đệ tiến đến việc chia sẻ tình yêu và sự sống của Thiên Chúa với kẻ khác cách đáng tin hơn, và chuyển mang sức mạnh của Nước Thiên Chúa vào các thực tại Á Châu cách hữu hiệu hơn” (Là môn đệ Đức Kitô tại Á Châu hôm nay, Tuyên ngôn của LHHĐGMAC, 1/ 1995, số 14). 

2. Hiệp thông giữa con người với nhau.

“Nếu ta yêu mến nhau, thì Thiên Chúa lưu lại trong ta, và nơi ta, lòng mến của Người đã được thành toàn” (1Ga 4, 12).

Những tiến bộ khổng lồ về khoa học và kỹ thuật đã giúp con người trở nên chủ nhân ông của trái đất và đã thống trị nó (cf. St 1, 28). Việc thống trị này đôi khi được hiểu một chiều và xem ra không còn chỗ đứng cho tình thương nữa. Trong khi đó, Giáo hội chính là dụng cụ Thiên Chúa dùng để thực hiện việc hiệp nhất. (cf. GH, số 1).

Tất cả mọi người đều được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Do đó, mọi người đều là anh em, dù thuộc chủng tộc hay văn hóa nào đi nữa và cùng tạo nên một gia đình vì đều gọi Thiên Chúa là Cha.

Để khẳng định chúng ta hợp nhất thành một gia đình, sách Sáng thế còn cho chúng ta thấy Adong Eva là khởi điểm duy nhất của cả nhân loại. Vì thế, chúng ta là anh chị em ruột với nhau, nên không bao giờ được khinh bỉ hay loại trừ một ai. Hành động  như vậy là tự khinh bỉ và loại trừ chính mình.

Tuy nhiên trong việc hiệp thông giữa con người với nhau, là người tín hữu chúng ta cần phải lưu tâm :

a- Hiệp thông trong nội bộ Giáo hội.

Chúng ta thường bảo : Phải tu thân, tề gia trước đã rồi sau đó mới trị quốc và bình thiên hạ. Nếu Giáo hội là dụng cụ để thực hiện sự hiệp thông, thì trước hết sự hiệp thông ấy phải có trong lòng Giáo hội :

- Hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô :

Đọc lại Phúc âm chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo hội trên đá tảng Phêrô : “Còn Thày, Thày bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thày sẽ xây Hội Thánh của Thày…” (Mt 16,18). Ngài cũng đã trao cho Phêrô quyền chăn dắt toàn thể Giáo hội : “Hãy chăm sóc chiên của Thày”.

Chính trong chiều hướng ấy, Công đồng đã xác quyết : “Để chức Giám mục được duy nhất và không bị phân chia, Chúa đã đặt thánh Phêrô làm thủ lãnh các Tông đồ khác, và trong Ngài, Chúa đã đặt nguyên lý cùng nền tảng vĩnh cửu và hữu hình của hiệp nhất đức tin và hiệp thông. Thánh Công đồng một lần nữa nêu lên cho mọi tín hữu tin vững vàng giáo lý về sự thiết lập, sự trường tồn, về quyền lực và quan niệm của quyền tối thượng nơi Giáo hoàng Rôma cùng quyền giáo huấn bất khả ngộ của ngài” (GH số 18).

- Hiệp thông với Giám mục giáo phận. 

“Thánh Phêrô và các Tông đồ khác tạo thành một cộng đoàn Tông đồ duy nhất theo như Chúa đã ấn định; tương tự như thế, Giáo hoàng Rôma, Đấng kế vị Phêrô, cùng với các Giám mục, là những người kế vị các Tông đồ, đều liên kết với nhau. Đặc tính và bản chất cộng đoàn của hàng Giám mục được biểu lộ qua luật lệ cổ truyền: theo đó, Giám mục trên khắp hoàn cầu thông hiệp với nhau và với Giám mục Rôma bằng mối dây hiệp nhất, bác ái và bình an” (GH số 22). Đầu mối sự duy nhất là Chúa Kitô, và đầu mối hữu hình là Đức Thánh cha, là Giám mục giáo phận.

“Giáo phận là sự hiệp thông của các cộng đoàn chung quanh vị mục tử; trong đó giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân tham gia cuộc đối thoại bằng đời sống và bằng tâm hồn, cuộc đối thoại được Chúa Thánh Thần nâng đỡ. Giáo phận là nơi ưu tiên cho ta thấy cụ thể hình ảnh sự hiệp thông của các cộng đoàn giữa bao thực tế xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hóa vô cùng phức tạp của Á Châu”. (Ecclesia in Asia số 25)

Chúng ta có thể nói được rằng Linh mục chính là hiện thân của Giám mục trong cộng đoàn mình coi sóc :

“Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, Linh mục là hiện thân của Giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, lãnh nhận phần chức vụ cùng chia sẻ nỗi lo lắng của Giám mục và hằng ngày ân cần thi hành chức vụ ấy.” (GH số 28).

Vì thế, Linh mục cần phải gắn bó và cộng tác mật thiết với Giám mục, coi Giám mục như là người cha của mình :

“Là cộng sự viên khôn ngoan, là phụ tá và là dụng cụ của hàng Giám mục, Linh mục được kêu gọi để phục vụ dân Thiên Chúa. Các ngài hợp với Giám mục mình tạo thành Linh mục đoàn duy nhất với nhiều chức vụ khác nhau.” (GH số 28).

“Vì tham dự vào chức Linh mục và vào sứ mệnh của Giám mục, Linh mục phải thực sự xem ngài như cha mình và phải kính cẩn vâng phục ngài.” (GH số 28)

Đồng thời Giám mục phải coi các linh mục là như con cái và bạn hữu :

“Phần Giám mục cũng phải coi sóc các linh mục cộng tác với mình như con cái và bạn hữu, như Chúa Kitô không gọi môn đệ là tôi tớ, nhưng là bạn hữu (Gio 15,15).” (GH số 28).

- Hiệp thông giữa các linh mục với nhau. 

“Một tình huynh đệ thắm thiết nối kết tất cả các linh mục với nhau, vì cùng tham dự một chức thánh và một sứ mệnh chung. Tình huynh đệ đó phải được bộc lộ một cách tự phát, tự nguyện qua sự tương trợ cả tinh thần lẫn vật chất, trong phạm vi mục vụ cũng như trong phạm vi cá nhân, trong các buổi hội họp, cũng như trong sự hiệp thông với nhau qua đời sống, việc làm và tình bác ái” (GH số 28).

- Hiệp thông giữa  giáo dân với nhau.

“Giáo hội do Chúa thiết lập được tổ chức và điều khiển theo nhiều thể thức khác biệt rất lạ lùng. “Vì như trong một thân thể, chúng ta có nhiều chi thể, nhưng mọi chi thể không có cùng một nhiệm vụ; cũng vậy, chúng ta tuy nhiều người song là một thân thể trong Chúa Kitô, nên mỗi người chúng ta là chi thể lẫn nhau” (Rm 12, 4- 5). Thế nên, chỉ có một dân Thiên Chúa được Ngài tuyển chọn; “Chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một phép Thánh tẩy” (Ep 4, 5), cùng chung một phẩm giá của những chi thể vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Vì thế, trong Chúa Kitô và trong Giáo hội, không còn có sự hơn kém vì nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc nam nữ… Nếu Chúa phân biệt những thừa tác viên có chức thánh với những thành phần khác của dân Thiên Chúa , thì sự phân chia này vẫn hàm chứa một sự hiệp nhất, vì chủ chăn và các tín hữu khác liên kết với nhau do những mối dây liên hệ chung. Các chủ chăn trong Giáo hội noi gương Chúa phải phục vụ lẫn nhau và phục vụ các tín hữu khác; phần các tín hữu phải sẵn lòng hợp tác với chủ chăn và những người giảng dạy. Như thế, tuy khác biệt nhau, nhưng tất cả đều làm chứng sự duy nhất kỳ diệu trong Thân Thể Chúa Kitô. Thực vậy, chính sự khác biệt về ân huệ, chức vụ và hoạt động lại là mối dây kết hợp con cái Thiên Chúa làm một, vì “mọi sự ấy là công trình của cùng một Thánh Thần duy nhất” (1 Cr 12, 11) (GH số 32).

“Mọi tín hữu rải rắc trên khắp hoàn cầu đều hiệp thông trong Thánh Thần với tất cả các tín hữu khác, và vì thế  “kẻ ở Roma biết rằng người Ấn độ là chi thể mình”. (GH số 13)

Tóm lại, chính trong sự hiệp thông với Đức Giáo hoàng, và với Giám mục đoàn, mà sự biểu lộ tính hiệp nhất và tính khác biệt của Giáo hội, mà mỗi Giáo hội địa phương, cũng như thành phần của dân Thiên Chúa, nhận ra đặc tính cơ bản của mình.

Đồng thời, sự hiệp nhất các Kitô hữu là một điều cần thiết để nhờ họ trần gian nhận biết tình yêu của Chúa Cha được biểu lộ qua việc trao ban Con Một Ngài và để mọi người nên một trong Đức Kitô. Nhờ vậy mà ước muốn cuối cùng của Ngài sẽ được thực hiện : Xin cho tất cả nên một như chúng ta là một vậy ! (Gio 17,21). 

b- Hiệp thông bên ngoài Giáo hội.

Sự hiệp thông không phải chỉ được thực hiện trong lòng Giáo hội mà con được lan tỏa ra bên ngoài :

- Hiệp thông với mọi người.

Như chúng ta đã biết, Giáo hội luôn mang đặc tính phổ quát, nghĩa là chung cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc. Vì thế, Giáo hội luôn hiệp thông với mọi thành phần, không loại trừ một ai :

“Giáo hội, tức dân Thiên Chúa, không loại bỏ bất cứ một phần di sản trần thế nào của các dân tộc; trái lại, Giáo hội chăm sóc và thu dụng tất cả những gì tốt lành nơi gia sản, nơi nguồn lực và phong hóa của các dân tộc, và khi thu dụng, Giáo hội tinh luyện, kiện toàn và làm chúng nên cao thượng… Đặc tính phổ quát này, tư trang của dân Thiên Chúa, là một ân huệ do chính Thiên Chúa ban, nhờ đó Giáo hội Công giáo luôn nỗ lực cách hữu hiệu quy tụ toàn thể nhân loại cùng những gì tốt lành nơi họ dưới một Thủ lãnh là Chúa Kitô, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần” (GH số 13).

“Vì thế, mọi người đều được mời gọi vào sự hiệp nhất Công giáo này của dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy tiên báo và cổ võ nền hòa bình phổ quát. Họ thuộc về hoặc hướng về sự hiệp nhất đó dưới nhiều thể cách khác nhau, được sắp xếp hoặc họ là tín hữu Công giáo hay là những người tin Chúa Kitô, hoặc sau cùng, tất cả mọi người không trừ ai, đều được ơn Thiên Chúa kêu mời lãnh nhận phần rỗi” (GH số 13).

- Nhất là  cộng tác với những người thiện  chí.

Công đồng kêu gọi chúng ta hãy cộng tác với mọi người để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn :

“Người công giáo phải tìm cách cộng tác với tất cả mọi người thiện chí để cổ động cho bất cứ những gì là chân thật, công bằng, thánh thiện và đáng yêu quí. Người công giáo hãy đối thoại với họ, hãy đến với họ cách khôn ngoan và tế nhị, hãy tìm cách kiện toàn những cơ cấu xã hội và quốc gia theo tinh thần Phúc Âm”. (TĐ số 14).

“Các Kitô hữu phải hoạt động và cộng tác với mọi người khác để tổ chức đứng đắn những công việc kinh tế xã hội. Họ phải quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục các thiếu nhi và thanh thiếu niên bằng các loại trường học khác nhau…Ngoài ra, họ còn phải tham gia vào nỗ lực của các dân tộc đang cố gắng tạo ra những hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn, và củng cố hòa bình thế giới, bằng cách khuất phục đói khát, dốt nát và bệnh tật.” (TG số 12).

Và Công đồng kết luận :

“Trong đời sống và hoạt động của mình, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ liên kết chặt chẽ với nhân loại, hy vọng sẽ mang lại cho nhân loại một chứng tá đích thực về Chúa Kitô, và sẽ hoạt động cho phần rỗi của nhân loại, dù ở nơi mà họ không thể rao giảng về Chúa Kitô một cách đầy đủ.” (TG số 12).

- Đặc biệt hiệp thông với những người đau khổ và nghèo túng.

Hiệp thông giải phóng và tái tạo đối với những người gần cận: “Như Đức Giêsu, chúng ta phải “dựng lều của mình” giữa nhân loại đang xây dựng một thế giới tốt hơn, nhưng đặc biệt giữa những người đau khổ cách sâu xa, và được thúc đẩy bởi Thần khí sự sống, chúng ta phải dấn thân thật thâm sâu vào các nền văn hóa Á Châu nghèo khó và thiếu thốn, ở đó những khát vọng tình yêu và sự sống là những khát vọng mãnh liệt và cấp thiết nhất. Việc phục vụ sự sống đòi hỏi sự hiệp thông với mọi người nam nữ, đang kiếm tìm và tranh đấu cho sự sống, như Đức Kitô đã liên đới với nhân loại. Sự liên đới đòi hỏi chúng ta phải làm việc chung với anh chị em Á Châu của mình, để giải phóng xã hội chúng ta khỏi những gì áp bức và hủy hoại sự sống con người và thụ tạo, đặc biệt khỏi tội lỗi… Cách đặc biệt, chúng ta sẽ theo Đức Giêsu trong sự “chọn lựa ưu tiên” của Ngài đối với người nghèo… Cùng với anh chị em Á Châu của mình, chúng ta cố gắng xúc tiến sự hiệp thông giữa những người Á Châu đang bị đe dọa trước những chênh lệch quá hiển nhiên về kinh tế, xã hội và chính trị. Cùng với họ, chúng ta sẽ khám phá những con đường nhằm sử dụng những cống hiến của các tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ khác nhau để đạt đến một sự hiệp nhất Á Châu phong phú và sâu sắc hơn. Chúng ta sẽ xây dựng những cây cầu liên đới và giao hòa với các tín đồ khác, và nắm tay mỗi người trong họ tại Á Châu để hình thành một cộng đoàn tạo dựng tích cực” (Là môn đệ Đức Kitô tại Á Châu hôm nay, Tuyên ngôn của LHHĐGMAC, 1/ 1995, số 14).

Hành vi sáng tạo của Thiên Chúa cũng cho thấy mọi của cải đều dành cho mọi người. Chính hành vi sáng tạo đó mở ra cuộc đối thoại liên tôn. Nếu Thiên Chúa chỉ có một, nếu tất cả chúng ta đều là anh em với nhau dưới cái nhìn của Cha trên trời, thì chúng ta có thể đi vào đối thoại với các tôn giáo khác. Chúng ta không ngạc nhiên trước những điểm đồng qui giữa những tôn giáo khác nhau, vì hết thảy chúng ta đều giống hình ảnh của Đấng độc nhất. Thiên Chúa đã tỏ mình như Cha của Đức Giêsu Kitô và nên một với Đức Giêsu Kitô, trong sự hiệp nhất của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã tỏ mình như Cha với một danh nghĩa mới mẻ, không ngờ được: “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8, 29). Theo sau Đức Giêsu, chúng ta được đặt làm anh em dưới một danh nghĩa cũng mới mẻ như vậy. Việc chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa là Cha và Đức Giêsu Kitô là trưởng tử giữa một đàn em đông đúc, sẽ cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ về tha nhân:

- Ngay từ thời Cựu ước, Thiên Chúa đã luôn nhắc nhở con người không được ngược đãi cô nhi quả phụ, phải tôn trọng kẻ mù lòa, hành khất, ngoại kiều, già lão và trong năm toàn xá, trả lại tự do cho những ai mất vì công nợ.

- Đức Giêsu không xua đuổi kẻ nào vì môi trường xã hội hay mức độ kinh tế. Người đặc biệt quan tâm đến những người nghèo hèn, bệnh tật, những kẻ bị loại trừ. Đó là thái độ “ưu tiên chọn lựa người nghèo” như Giáo hội quen gọi: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25, 40). Mọi người đều là anh em của chúng ta, nhưng Thần khí của Đức Kitô thúc giục chúng ta ưu tiên đến với những người bé mọn.

- Đối với người môn đệ Đức Kitô, quyền lực là để phục vụ: “Giữa anh em, ai muốn làm lớn, thì phải làm người phục vụ” (Mt 20, 26). Chính Đức Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ và Ngài đã yêu thương đến cùng, yêu đến thí mạng sống vì người mình yêu.

- Chúa cũng dạy chúng ta phải yêu thương và tha thứ cho cả kẻ thù, như chính Ngài đã tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài.

Trong Kitô giáo, đức ái quyết định tất cả. Kitô hữu không những là anh em của hết thảy mọi người, mà họ còn phải học là anh em theo lối của Đức Giêsu. Thập giá được cắm giữa lòng tình huynh đệ. Cha Maximilien Kolbe đã làm chứng điều ấy khi chấp nhận chết thay cho một anh em mà cha chẳng mắc nợ gì. Cha đã noi gương Đức Giêsu: “Người vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa… Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 6. 9). Nếu ai nói yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối (cf. 1Ga 4, 20). Chúng ta phải yêu thương cả kẻ thù vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đang lúc chúng ta còn đối địch với Người (cf. Rm 5, 8). Thập giá Đức Kitô đã làm sụp đổ bức tường ngăn cách: “Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2, 14- 18). “Anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả đều là anh em với nhau” (Mt 23, 8).    

c- Hiệp thông với Giáo hội trên trời

“Cho tới khi Chúa ngự đến trong uy nghi, có tất cả các thiên thần theo Người (cf. Mt 25, 31), và khi sự chết đã bị hủy diệt, mọi vật đều qui phục Người (cf. 1Cr 15, 26- 27), thì trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi trần thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện, và có những kẻ được hiển vinh đang chiêm ngưỡng “rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi như Ngài hằng có”.

Nhưng hết thảy mọi người chúng ta, tùy cấp bậc và cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một đức mến Chúa yêu người, cùng hát lên một bài ca chúc tụng vinh quang Thiên Chúa chúng ta. Vì tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô và nhận lãnh Thánh Thần Người, đều họp thành Giáo hội duy nhất và liên kết với nhau trong Người (cf. Ep 4, 16).

Bởi vậy, sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với những anh em đã yên nghỉ trong bình an Chúa Kitô không hề bị gián đoạn. Nhưng trái lại, Giáo hội xưa nay luôn tin rằng sự hiệp nhất đó còn được vững mạnh hơn nhờ việc truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng.

Quả thực, nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô hơn, các người ở trên trời củng cố toàn thể Giáo hội vững bền hơn trong sự thánh thiện, làm cho việc thờ phượng mà hiện nay Giáo hội tại thế dâng lên Thiên Chúa, được cao cả hơn, và họ góp phần phát triển Giáo hội rộng rãi hơn bằng nhiều cách (cf. 1Cr 12, 12- 27). Được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa (cf. 2Cr 5, 8), nhờ Ngài, với Ngài và trong Người, các thánh không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha, bằng cách trình bày các công nghiệp đã lập được khi còn ở dưới thế, nhờ Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa Giêsu Kitô (cf. 1Tm 2, 5), khi họ đã phục vụ Chúa trong mọi sự, và hoàn tất nơi thân xác họ những gì còn thiếu sót trong các đau khổ của Chúa Kitô, hầu mưu ích cho Thân Thể Người là Giáo hội (cf. Cl 1, 24). Do đó, với tình huynh đệ, các ngài lo lắng giúp đỡ chúng ta rất nhiều vì chúng ta yếu hèn. (số 49).         

Bởi vì sự hiệp nhất của  Hội Thánh không chỉ là sự hiệp nhất của một tổ chức tốt hay của một kỷ luật vững chắc. Nó thuộc  bình diện  “sự hiệp thông”. Giáo Hội hiệp thông là “ý tưởng trung tâm và căn bản” (Hội nghị bất thường năm 1985) lộ rõ từ các tài liệu của Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Sự hiệp thông này là sự hiệp thông với Chúa Cha, và với Chúa Con, Đức Giêsu, trong Chúa Thánh Thần (x. 1Ga 1,3) và là sự hiệp thông giữa các môn đệ trong lòng mến. “Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần hợp nhất toàn thể Giáo hội trong mối hiệp thông và thừa hành, ban phát các ơn phẩm trật và đoàn sủng khác nhau, như là linh hồn làm sống động các định chế trong Giáo hội” (LG, số 7).

GSVN

VỀ MỤC LỤC

Tác phẩm "Giáo hội cần loại Linh mục nào"? (tiếp theo)

 

Lm Giuse Lê Công Đức chuyển ngữ từ bản tiếng Anh:

PRIESTHOOD IMPERILED,   Tác giả: BERNARD HARING, C.SS.R.

 

ÁNH SÁNG CHÓI LÒA CỦA THÁNH KINH 

 

Đức Giêsu, Đấng tự xưng là “Con Người”, Đấng là “một người trong chúng ta”, đã yêu cầu Gioan Tẩy Giả, con trai của một tư tế và ngôn sứ, làm phép rửa cho Ngài cùng với đám đông ở sông Gio-đan. Hành động này là một biểu tượng đầy kích cảm cho thấy sự liên đới đầy sức cứu độ của Ngài với các tội nhân và sự giải cứu họ khỏi vòng tội lỗi.

phép rửa của Đức Kitô –

một chìa khóa căn bản để nhận thức

Trong cốt lõi của nó, sự chuyển đổi từ tình trạng tội lỗi tới sự liên đới cứu độ là một chìa khóa để nhận hiểu ý nghĩa cuộc hoán cải mà Gioan rao giảng. Chính Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, làm cho chúng ta có thể đạt được sự hoán cải này, ở mức trọn vẹn của nó. Tuy nhiên, phép rửa của Đức Kitô còn có ý nghĩa hàm súc hơn nhiều chứ không chỉ là một sự chuyển đổi từ tình trạng liên đới trong tội lỗi tới ơn cứu độ. Đó là một biến cố độc đáo của Ba Ngôi Thiên Chúa, trực tiếp hướng chỉ đến cái chết thập giá và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô. Trong hành động Đức Giêsu công khai lãnh nhận phép rửa, Ngài tự thánh hiến chính mình và đồng thời được thánh hiến bởi quyền năng Chúa Thánh Thần – được biểu tượng nơi hình chim bồ câu hòa bình – để tôn vinh Cha là Đấng mãi mãi làm chứng cho Đức Giêsu: “Đây là Con Yêu Dấu của Ta, Ta rất hài lòng về Người” (Mt 3,1-7); “Con là Con Ta rất yêu dấu, Ta hài lòng về Con” (Lc 3,22; Mc 1,11). Những lời ấy – được trịnh trọng nhắc lại trên núi Tabo – âm vọng lại câu mở đầu của Bài Ca Thứ Nhất trong bốn Bài Ca Isaia Đệ Nhị (Is 42,1).

Việc thánh hiến qua phép rửa này, vốn luôn luôn hướng chỉ đến đỉnh điểm là cái chết Thập Giá và cuộc Phục Sinh, bộc lộ cho thấy căn tính của Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ và là vị Thượng Tế mới, như được khai triển trong Thư Do Thái. Được thụ thai bởi Đức Trinh Nữ Maria nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Kitô được mạc khải như là Người Tôi Tớ và Người Con phi bạo lực, đau khổ và đầy năng lực giải phóng của Thiên Chúa – Ngài là biểu tượng đích thực và là hiện thân của Bồ Câu hòa bình. Ngài là Đường không sai lầm, là Chân Lý và Sự Sống hoàn toàn mới của hòa bình được hun đúc từ thái độ phi bạo lực đầy sức giải phóng, từ sự liên đới có năng lực cứu độ và từ những đau khổ của Ngài.

Các linh mục - và tất cả những ai thuộc về đoàn dân tư tế, ngôn sứ và vương đế phục vụ của Thiên Chúa - không bao giờ có thể suy tư cho đủ về bốn Bài Ca của Người Tôi Tớ vốn được Đức Giêsu xem như chương trình sống và hoạt động của Ngài và – do đó – cũng là chương trình sống cho các môn đệ Ngài.

Dacaria, tư tế và ngôn sứ

Giao ước mới và nhãn quan hoàn toàn mới của nó về chức linh mục đã được biểu tượng nơi Dacaria, cha của Gioan Tẩy Giả, là người thuộc về một trong những phẩm hàm cao nhất của chức tư tế Lêvi và là người đang chu toàn một việc phụng tự truyền thống khi Thiên Chúa mạc khải cho ông biết vai trò của con trai ông: “Em bé sẽ đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái It-ra-en về với Đức Chúa. Em sẽ... làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay” (Lc 1,15-17). Sứ điệp ấy của thiên thần là một sứ điệp chan hòa niềm vui: “Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng sẽ được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời” (Lc 1,14).

Tính mới mẻ của sứ điệp này và những bối cảnh xung quanh nó quá vĩ đại ngoài khả năng tiếp nhận của Dacaria đến nỗi ông trở thành câm. Tình trạng câm này của Dacaria tự nó là một biểu tượng của sự thay đổi lớn lao đã diễn ra. Dù vậy, ông vẫn trung thực đưa tin cho vợ mình là Êlidabét, người thuộc dòng tư tế Aaron và là một phụ nữ vừa có đức tin sâu sắc vừa có nhãn giới ngôn sứ.

Ngôi nhà của Dacaria trở thành khung cảnh đặc biệt cho một hiện tượng ngôn sứ độc đáo. Tất cả mọi người đều nói tiên tri – Êlidabét, Dacaria, Maria nữ tì khiêm cung của Chúa, và nhất là em bé Gioan với sự kiện “nhảy mừng trong bụng mẹ” (Lc 1,44).

Gioan Tẩy Giả, con trai

của một tư tế và ngôn sứ

Theo luật, Gioan sẽ trở thành một thành viên của tầng lớp tư tế có phẩm hàm cao của người Do Thái. Thế nhưng, chúng ta không nghe nói gì về việc Gioan thực hiện những chức năng tư tế theo truyền thống. Phép rửa đặc biệt của Gioan, trong tư cách là một dấu hiệu của sự hóan cải, thì có tính phụng vụ theo ý nghĩa tốt nhất của từ ngữ này, nhưng nó hoàn toàn đối nghịch với bất cứ hệ thống nghi lễ nào. Phép rửa của Gioan vén mở trước mầu nhiệm thâm sâu của Phép Rửa Đức Giêsu và, qua đó, vén mở cho thấy mầu nhiệm Phép Rửa của chính chúng ta – nó đánh dấu việc chúng ta đi vào trong Giao Ước Mới của ơn cứu độ, một giao ước được đặc trưng bởi ơn gọi và căn tính của Đức Giêsu xét như  Người Tôi Tớ và Người Con khiêm hạ, đau khổ, phi bạo lực và có quyền năng chữa trị của Thiên Chúa.

Ở cốt lõi của phép rửa Gioan Tẩy Giả là Đức Giêsu, “Con Người”, hiện thân tuyệt đối của sự liên đới có năng lực cứu độ, Đấng mở ra Luật Mới với ý nghĩa tối thượng là: “Anh em hãy mang lấy gánh nặng của nhau, và như thế anh em sẽ chu toàn Luật của Đức Kitô” (Gl 6,2). Sống luật này, đó không chỉ là nẻo đường dẫn tới sự liên đới có sức cứu độ (một sự liên đới được đào sâu không ngừng đến vô hạn) – mà đó cũng là con đường duy nhất để thoát ra khỏi tình trạng liên lụy trong tội lỗi. Giao Ước Mới nằm ở trung tâm mầu nhiệm thâm sâu của Phép Rửa Đức Giêsu và, do đó, của Phép Rửa chúng ta nữa.

sự tương phản:

tư tế của các ông hoàng!

Vụ giết người tàn ác theo lệnh của nhà vua - mà Gioan Tẩy Giả là nạn nhân - báo trước việc Đức Kitô chịu đóng đanh và chịu chết trong tay của các thượng tế và người đại diện của quyền bính Đế Quốc Rôma.

Hai số phận của Gioan Tẩy Giả và của Đức Giêsu minh họa sự lạm dụng có hệ thống của tôn giáo vốn ủng hộ kẻ cường quyền và thí đốt những người nghèo hèn, yếu thế. Hình thức lạm dụng này cũng là một trong những cám dỗ lớn nhất được ghi nhận nơi giới tư tế thuộc các tôn giáo và văn hóa khác nhau. Một đoạn văn về tư tế Amaziah trong Sách Ngôn Sứ Amos cho ta thấy rõ sự thật này:

Bấy giờ ông A-mát-gia, tư tế đền thờ Bết-Eân, sai người đến gặp Gia-róp-am, vua It-ra-en, và thưa: “A-mốt âm mưu chống đức vua ngay trên lãnh thổ It-ra-en, và đất nước này không còn chịu nổi bất cứ lời nào của ông ta nữa. Vì A-mốt nói như thế này:

“Gia-róp-am sẽ chết vì gươm,

và It-ra-en sẽ bị đày biệt xứ.”

Bấy giờ A-mát-gia nói với ông A-mốt: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu-đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! Nhưng ở Bết-Eân này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều.” (Am 7,10-13).

Có thể cần đến cả pho sách để chỉ nói về đề tài mối quan hệ giữa các tư tế với các vua, nhưng thiển nghĩ chỉ cần chấp nhận rằng trong Giáo Hội Công Giáo nhiều người trong chúng ta có lý do để ăn năn hối lỗi vì đã gắn bó mật thiết và là đồng minh của những thế quyền áp bức. Thiết tưởng sẽ hữu ích việc vạch ra cách mà mối quan hệ bẩn thỉu này được hình thành và phát triển.

Trong ba thế kỷ đầu của Giáo Hội, các giám mục – cách riêng - đã trung thành theo bước chân của Đức Kitô. Trở thành một giám mục, linh mục, phó tế hay một kỳ lão của Giáo Hội, điều đó tất nhiên có nghĩa rằng người ấy hoàn toàn sẵn sàng trở thành một ứng viên của cái chết tử đạo. Những người được tuyển chọn ấy hiểu khá rõ ơn gọi phổ quát và đặc biệt của mình, và họ sẵn sàng đón nhận những hệ lụy của ơn gọi ấy trong ánh sáng của biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, một phép rửa bằng nước và máu.

Thế kỷ IV, khi Constantine, một người “trở lại” với đức tin, được tôn phong hoàng đế bởi giám mục Rôma, thì những thay đổi lớn đã xảy ra. Trong khi quả thực Giáo Hội được giải phóng khỏi cuộc bách hại đẫm máu, thì một cách nhanh chóng Giáo Hội cũng bị bế tắc trong bổn phận bước theo chân Đức Giêsu Người Tôi Tớ. Sự thỏa hiệp và quị lụy quyền bính thế tục - (điều mà Đức Giêsu đã chất vấn, như được thấy trong câu chuyện cám dỗ, và điều mà Ngài đã giải trừ huyền thoại trong toàn bộ cuộc sống của Ngài từ khi nhận phép rửa cho đến cái chết Thập Giá) - không may đã trở thành một thực tại trong mọi thành phần của Giáo Hội. Nhiều giám mục hoặc chịu khuất phục hoặc ngày càng xích tới gần nghiệp chướng trở thành “tư tế của các vua”.

Trong cố gắng nâng đỡ Giáo Hội và nâng đỡ các vị lãnh đạo của Giáo Hội trong tư cách là cột trụ và là bộ mặt của xã tắc, các hoàng đế và các vua đã xây dựng những dinh thự nguy nga cho các vị ấy, đã hào phóng ban tặng đủ thứ đặc quyền đặc lợi thế gian, đã tôn phong cho các vị những tước hiệu đầy cao ngạo như “Nhà Thần Học Của Triều Đình”, “Tổng Giám mục Hoàng Thân”, “Đức Thánh Cha”, “Đức Cha”, vân vân và vân vân...

Hiện tượng kỳ dị này và những biến cố có tính bước quặt đảo ngược này – vốn còn gây nhiều di lụy mãi đến hôm nay – phải được suy tư và đánh giá lại trong ánh sáng của phép rửa bằng nước và máu của Đức Giêsu. Cách mà chúng ta chọn để nhìn và suy tư về những biến cố lịch sử từng định hình một khuôn mặt chuyên chế như thế của Giáo Hội và của quyền lãnh đạo trong Giáo Hội có thể ảnh hưởng rất quan trọng đến bản chất và chất lượng của sự chọn lựa căn bản của chúng ta trong tư cách là những Kitôhữu và những linh mục trong thời đại hôm nay.

Nói chung, Đức Giêsu không chống đối chức tư tế Do Thái giáo trong truyền thống mà Ngài nhận được, Ngài cũng không chống đối các tư tế một cách quơ đũa cả nắm. Những xung đột chính của Ngài là với các phần tử cao nhất trong giới tư tế. Tuy nhiên, đáng ghi nhận sự kiện rằng Đức Giêsu không bao giờ gọi chính Ngài hay các môn đệ Ngài là “tư tế”, Ngài cũng không nói đến cơ chế của một “chức tư tế mới”. Ít nhất những phần cũ nhất của Tân Ước gần sát với thời Đức Giêsu không bao giờ dùng từ “tư tế” để nói về Đức Giêsu hay các tông đồ của Ngài. Chỉ trong bản văn rất muộn sau này, là Thư Do Thái, được viết khi Giáo Hội đã phát triển một mức nào đó thành một tổ chức và cơ cấu, thì từ ngữ này mới được sử dụng, và chủ yếu nhằm đề ra một tương phản rõ rệt với bất cứ gì có dáng dấp một mối quan hệ gây chất vấn có thể dẫn đến việc các giáo sĩ trở thành “tư tế của các vua”. Trái lại, nhãn quan Tân Ước về chức linh mục thì hoàn toàn khác biệt, và nhãn quan ấy được hình thành như vậy trong ánh sáng của phép rửa Đức Giêsu trong nước sông Giođan và trong máu của Ngài nơi cuộc tử nạn Thập Giá.

câu chuyện về

hy tế của Abraham

Sẽ là thiếu sót việc duy chỉ chăm chú đến những khác biệt rành rành giữa chức tư tế của Cựu Ước và tính mới mẻ của những người tôi tớ của Tin Mừng. Chúng ta cũng cần phải lưu tâm tới những quan niệm sai lầm về hy tế nữa.

Abraham sẵn sàng giết Isaác để làm hy lễ đền tội dâng lên Thiên Chúa, đôi khi các nhà thần học nói về ý niệm hy tế đã chọn thái độ sẵn sàng ấy làm khởi điểm cho mình. Hồi tôi bắt đầu học thần học, người ta vẫn còn giảng dạy rằng Thiên Chúa thử thách sự sẵn sàng của Abraham trong việc giết Isaác để làm hy lễ. Abraham sẵn lòng, đó là sự thật, nhưng nói rằng Thiên Chúa muốn điều đó thì quả là một xác định hết sức đáng ngờ. Để hiểu chức linh mục của Tân Ước, điều trước hết là phải xua tan những ý niệm sai lầm về hy lễ để có thể hiểu đúng ý nghĩa đích thực của câu chuyện Abraham. Trong chiều hướng đó, cách đây khoảng 50 năm, W. Eichrodt, một học giả Thánh Kinh tên tuổi đã đề ra một cách giải thích hoàn toàn khác, cách giải thích này nói chung được chấp nhận trong giới Thánh Kinh và được giảng dạy trong lãnh vực huấn giáo ngày nay.

Eichrodt chỉ ra rằng, trong môi trường và nền văn hóa sơ khai mà Abraham đã sống và đã từ bỏ để theo tiếng Chúa gọi, có một niềm xác tín rằng trong một số trường hợp Thiên Chúa chỉ có thể được vuốt giận bằng hy tế đứa con trai đầu lòng của người ta. Người ta phải rùng mình tự hỏi trong giòng lịch sử đã có bao nhiêu đứa con trai đầu lòng bị hành quyết một cách dã man “nhân danh Thiên Chúa”. Abraham không là ngoại lệ của sự mê tín thảm khốc này. Vì ông sống trong bối cảnh mà theo truyền thống của thời ông, một hy tế như thế được kỳ vọng, vì thế Abraham với lương tâm sai lạc của mình đã kết luận rằng việc giết con mình để tế lễ là điều hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, ngay cả trong lương tâm sai lạc này của Abraham, một điều gì đó tốt vẫn có thể được nói về ông: Ông sẵn sàng làm theo thánh ý Thiên Chúa khi ông hiểu sai thánh ý ấy! Tuy nhiên, khi câu chuyện diễn tiến, Thiên Chúa đã can thiệp và đã giải phóng Abraham khỏi một lương tâm mê tín. Đây là một kinh nghiệm mạc khải vĩ đại và một bước đột phá về văn hóa để giải phóng con người khỏi một hình ảnh sai lầm và bạo lực khủng khiếp về Thiên Chúa.

Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho cách giải thích của Eichrodt là sự kiện hiển nhiên rằng kể từ đó đã có phát triển một ý thức trong It-ra-en rằng việc cố gắng làm nguôi lòng Thiên Chúa bằng mạng sống con người là một tội ác kinh tởm chống lại Thiên Chúa và loài người. Tuy nhiên, Thánh Kinh cũng nhanh chóng chỉ ra rằng trong một số giai đoạn tàn bạo nào đó của lịch sử Ít-ra-en, vẫn có một số người bị ảnh hưởng và bị nhiễm cái nhìn kinh khủng ấy – một cái nhìn vẫn còn rất bình thường trong thế giới xung quanh It-ra-en.

Hình ảnh sai lạc này về một vị Thiên Chúa hay báo thù đòi hỏi con người dâng hy tế các con trai đầu lòng, lạ thay, lại được đưa trở lại vào một lý thuyết cứu chuộc được gán (có lẽ một cách lầm lẫn) cho Thánh Ansenmô. Lý thuyết này dẫn đến sự ngộ nhận thông thường rằng tội lỗi của loài người quá lớn đến nỗi công lý của Thiên Chúa đòi hỏi hy lễ là chính Con Một của Ngài để chuộc lại. Dĩ nhiên, lý thuyết này sau đó phủ trùm bóng rợp của nó trên hầu như mọi sự được coi là hy lễ trong tương quan với chính Đức Giêsu. Để làm sáng tỏ sự ngộ nhận này, không gì hữu ích hơn là nhìn sát hơn phép rửa của Đức Giêsu và tất cả những hệ quả theo sau trong ánh sáng ấy.

Người Tôi Tớ phi bạo lực, đau khổ

và có sức mạnh giải phóng của Thiên Chúa

Tin Mừng Máccô giới thiệu căn tính và sứ mạng của Đức Giêsu trong ánh sáng của một nhận hiểu căn bản được tìm thấy trong bốn Bài Ca của Isaia Đệ Nhị: “Vì Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ“ (Mc 10,45). Trong tư cách là Người Tôi Tớ, Đức Giêsu được nhìn nhận là Người Con yêu dấu. Trong bản văn tiếng Hípri, câu mở đầu của Bài Ca Thứ Nhất nói về ebed, nghĩa là người tôi tớ được tôn vinh – được tín thác mọi sự. Bản Bảy Mươi dùng từ Hy lạp pais để chỉ đứa con trai. Trong ánh sáng của các Bài Ca Người Tôi Tớ, Đức Giêsu được hiểu trước hết như người tôi tớ hòa bình – một cách hiểu không hề có bao hàm bất cứ ý niệm sai lạc nào về nhu cầu được nguôi giận của Thiên Chúa. Đúng hơn, cách hiểu ấy nhằm giúp cho con người tìm ra con đường hòa bình nơi chính Đức Giêsu, Đấng là đường hòa bình và là hiện thân của thái độ phi bạo lực.

Lời Đức Giêsu mời gọi yêu thương kẻ thù là con đường biến kẻ thù thành bạn hữu. Con đường hòa bình mà Đức Giêsu vạch ra cho chúng ta là con đường phi bạo lực – nó chọn lựa đau khổ và thậm chí sự chết thay vì giết chết hay làm hại kẻ thù. Chính năng lực phi bạo lực đầy sức giải phóng này là điểm tựa cho một thái độ hoàn toàn sẵn sàng khai quang con đường hòa bình, và sẵn  sàng làm thế bằng cách trao ban mạng sống. Đức Giêsu là Sự Thật, và một cách rất chuyên biệt, Ngài là Sự Thật về tinh thần phi bạo lực đầy sức giải phóng.

Nhưng câu hỏi vẫn còn: Phải chăng Thiên Chúa đã đòi hy lễ là chính Con Một Ngài? Bởi vì chúng ta đứng trước một mầu nhiệm thâm sâu và bởi vì từ góc nhìn của mình chúng ta chỉ có thể phát biểu trong những giới hạn của ngôn ngữ, của nhãn quan, bối cảnh con người chúng ta – là những cái luôn luôn khiếm khuyết và bất toàn - nên câu trả lời là vừa có vừa không. Trong mối tương quan nội tại và năng động của Ba Ngôi, Thiên Chúa muốn chỉ cho con người thấy con đường hòa bình bằng bất cứ giá nào. Như vậy, “hy tế Đức Kitô” là cái giá của hòa bình và hòa giải – một cái giá vừa có sức thanh toán sự chết vừa có sức trao ban sự sống, cái giá tột cùng của mạc khải độc đáo về tình yêu vô hạn của Thiên Chúa. Nhưng, để hiểu cái giá này, cần phải cảnh giác một điều gì đó. Thiên Chúa không hề có ý định hay có kế hoạch sát hại Đức Giêsu, Người Con Yêu Dấu. Điều Thiên Chúa thực sự nhắm đến chính là sự hòa giải cho một nhân loại hòa bình và phi bạo lực. Hơn nữa, Thiên Chúa muốn – và Ngài tiếp tục muốn – chúng ta sẵn sàng trả giá cho hòa bình, hòa giải và cho tình yêu cứu độ như được hiểu trong ngôn ngữ của Thánh Phao-lô: “Ngài là sự bình an của chúng ta” (Ep 2, 14).

Để làm sáng tỏ điều này hết sức có thể, Ba Ngôi Vị - Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Độ và Đấng Hiệp Nhất – cấm giết người và nhất là cấm giết người nhân danh Thiên Chúa. Giết người là tội ác ghê tởm nhất. Như vậy, nhận thức này làm sáng tỏ cho mọi thời rằng Thiên Chúa không bao giờ có ý muốn Người Con nhập thể của Ngài bị giết như một nạn nhân để làm cho Ngài nguôi ngoai hay để chuộc tội.

Điều Thiên Chúa thực sự nhắm đến là thái độ sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm, thậm chí chấp nhận chết trên thập giá  nếu cần, để mạc khải tình yêu vô hạn của Thiên Chúa và để cho con người thấy con đường hòa bình, chân lý và sự sống.  Cuối cùng, đây là giá mà Đức Giêsu đã trả, thậm chí đến độ trên thánh giá Ngài cầu nguyện cho các kẻ thù của Ngài và cho mọi tội nhân. Như thế, việc giết Đức Giêsu trên thập giá là hệ quả của sự dám liều ấy chứ không phải là hệ quả của “hy tế có thể được chấp nhận” như đã được dạy hằng bao thế kỷ và vô tình đã vẽ ra cho Thiên Chúa một khuôn mặt khắc nghiệt và tàn bạo.

Cả ba Sách Tin Mừng Nhất Lãm đều trình bày câu chuyện Đức Giêsu chịu phép rửa trong ánh sáng của bốn Bài Ca Người Tôi Tớ. Ngay cả Tin Mừng Gioan cũng minh nhiên giới thiệu: “Đây là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian!” (Ga 1,29). Gioan cũng nhắc chúng ta nhớ chủ đề cốt lõi của Bài Ca Thứ Nhất trong bốn Bài Ca Người Tôi Tớ: “Tôi trung Ta sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gãy; tim đèn leo lét, nó chẳng  nỡ tắt đi“ (Is 42, 2-3); “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7).

Một kết quả dị hợm do cách nghĩ méo mó biến Đức Giêsu thành một con dê tế thần ấy là bản văn tiếng Anh của bản Thánh Kinh Giê-ru-sa-lem – bám chặt vào cách dịch: “Yahweh has been pleased to crush him with suffering” = “Giavê hài lòng đè bẹp người trong đau khổ” (Is 53,10). Chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa rút ra được niềm vui khi hành hạ Đức Giêsu không? Bản Thánh Kinh Anh ngữ mới và tất cả các bản dịch đại kết mới đều nói một cái gì đó hoàn toàn khác: “Yet the Lord took thought for his tortured Servant and healed him who made himself a sacrifice” = “Tuy nhiên Đức Chúa nghĩ đến Người Tôi Tớ tan nát của Ngài và chữa lành Người đã tự hiến mình làm hy lễ” (Is 53,10).[1]

Trong khi chúng ta có thể và sẽ tiếp tục nói về “hy lễ” như một cách giải phóng khỏi tội lụy để đạt đến sự liên đới trong hòa bình, đạt đến tình yêu vô vụ lợi, công lý có sức cứu độ, thì hy lễ theo nghĩa đúng đắn của nó có hàm chứa những sự chọn lựa gay go kèm theo những hệ quả khó khăn cho các linh mục và các Kitôhữu. Những hệ thống nghi lễ, những công phu khổ hạnh và những “hy sinh” trống rỗng không thể là hầm trú cho ta ẩn náu và không thể cho phép ta bất cần một sự nhận thức đích thực về cuộc sống. Hơn nữa, tất cả chúng ta phải sẵn sàng và mau mắn từ bỏ những gì ngăn cản bước tiến của mình trên con đường hòa bình và công lý hướng về Thiên Chúa, và chúng ta phải sẵn sàng đảm nhận những gánh nặng do hòa bình và hòa giải đặt ra bằng cách dám chịu đau khổ, thậm chí dám chịu chết, nếu đó là yêu cầu của Tin Mừng hòa bình, Tin Mừng của Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa.

Chúng ta nhấn mạnh bao nhiêu cũng không đủ rằng Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta gọi là Cha và Mẹ của Đức Giê-su Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta, không hề muốn và không hề cho phép bất cứ loại hy tế nào dẫn chúng ta đến chỗ trốn tránh tiếng gọi đích thực của mình trong, và cho, lịch sử cứu độ. Ý nghĩa đích thực của hy tế Đức Kitô rõ ràng đòi hỏi một tinh thần hy sinh chính mình, một thái độ hoàn toàn sẵn sàng đảm nhận những gánh nặng của anh chị em mình, và một lòng can đảm không nao núng để đối mặt với những chống đối, khổ đau và nguy hiểm – tất cả những cái ấy có thể bật lên trong quá trình thăng tiến hòa bình, công lý và tình yêu cứu độ.

tinh thần phi bạo lực

và sự thứ tha tội lỗi

Cốt lõi của sự tự thức nơi Đức Kitô trong tư cách là Người Tôi Tớ phi bạo lực và là bí tích của hòa bình cũng dọi tia sáng trên cuộc khủng hoảng hiện nay xung quanh bí tích hòa giải.

Câu chuyện nổi tiếng về Cơn Lụt Hồng Thủy là biểu tượng rõ ràng cho thấy con đường tự hủy diệt của toàn thể nhân loại xuyên qua bạo lực và sai lầm, cả hai luôn luôn sóng bước cùng với thói kiêu căng và ngạo mạn. “Đất đã ra hư hỏng trước nhan Thiên Chúa và đầy bạo lực. Thiên Chúa nhìn đất và thấy nó đã ra hư hỏng, vì mọi xác phàm đã theo nếp sống hư hỏng trên mặt đất” (St 6,11-12).

Thánh Kinh kể lại một lịch sử dài về bạo lực của chế độ đàn ông trị. Lamec, người khủng bố các vợ mình và là một hậu duệ của Cain, kẻ sát nhân, là một điển hình rất rõ nét cho sự thật này: “Ông Lamec nói với các bà vợ: ‘Ađa và Xila, hãy nghe tiếng ta! Thê thiếp của Lamec, hãy lắng tai nghe lời ta! Vì một vết thương, ta đã giết một người, vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ. Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng Lamec thì gấp bảy mươi bảy!” (St 4,23-24).

Điều rõ ràng là chỉ những con người phi bạo lực mới được cứu trong và xuyên qua cơn Hồng Thủy ấy. Chính Đức Giêsu đã qui chiếu đến nhãn quan này khi Phêrô hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con, con phải tha thứ bao nhiêu lần? Bảy lần chăng?” Đức Giêsu đáp: “Ta không bảo anh tha thứ bảy lần, nhưng là bảy mươi bảy lần” (Mt 18,21-22). Viêc Matthêu vận dụng ẩn dụ này cho thấy rằng Đức Giêsu tha thiết muốn chúng ta tha thứ vô giới hạn.

Được rửa với Đức Kitô “để được thứ tha tội lỗi” nghĩa là được tha thứ, và điều đó cũng còn có nghĩa – quan trọng hơn nhiều - rằng tất cả được cứu khỏi số phận tội lụy, tất cả được mang về mối liên đới có sức cứu độ, và tất cả được mời gọi trở thành những người cộng tác trong sứ mạng hòa bình và hòa giải của Đức Kitô trên trần thế.

Nếu ta có thể nói rằng chức linh mục thừa tác thêm một cái gì đó cho chức linh mục phổ quát của tất cả những ai đã chịu Phép Rửa, thì sự “thêm một cái gì đó” ấy chắc hẳn nằm ở chỗ: ở mọi cấp độ, các linh mục phải là những mẫu gương của thứ tha, những nhà lãnh đạo và những người kiến tạo hòa bình trên con đường tiến tới phi bạo lực và hoà giải. Con đừơng ấy bao hàm một tinh thần hủy mình ra không và sẵn sàng nhận hiểu đúng đắn về thái độ từ bỏ chính mình. Nói cách khác, các linh mục phải là những nhà kiến tạo hòa bình dám nhận mọi hiểm nguy, mọi gánh nặng, mọi hy sinh cần thiết để thi hành sứ mạng của Đức Kitô. Để có được thái độ sẵn sàng và bỏ mình như vậy, các linh mục cần biết sẵn lòng khiêm tốn cộng tác với mọi người thiện chí nhằm phục vụ cho ơn cứu chuộc con người khỏi tội lụy trong mọi hình thức bất công, lầm lạc và bạo lực của nó ở bất cứ nơi nào mà nó có mặt. Điều này hoàn toàn khác hẳn với những thực hành khổ chế có tính trấn áp chính mình vốn bị nhiều người chất vấn – những thực hành này có bao gồm những sự hành hạ chính mình và những đau khổ không cần thiết nhằm mục đích làm nguôi ngoai cơn giận của một vị Thiên Chúa hay báo thù.

Thư Do Thái giới thiệu Đức Kitô như vị thượng tế đầy lòng trắc ẩn, và chính lòng trắc ẩn và tình thương này thúc đẩy Đức Kitô thương xót các tội nhân. Điểm đặc trưng nơi một người linh mục đích thực là: “Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ cho chính mình như vậy” (Dt 5,2-3).

Tôi có một đề nghị đầy sức chữa trị và đầy an ủi cho các linh mục cũng như cho các Kitô hữu phải khổ sở vì trằn trọc không biết mình đã xưng thú đàng hoàng mọi tội trọng của mình chưa, không biết mình đã xưng đúng loại tội và đúng số lượng chưa – đề nghị đó là: Bạn hãy tập trung mọi sự chú ý và mọi năng lực của bạn vào việc trở thành một dấu hiệu hữu hình và đầy thuyết phục của sự chữa trị, thứ tha và của tinh thần phi bạo lực hết sức có thể! Đó là một loại bí tích đấy! Rồi bạn sẽ được đảm bảo trong đức tin rằng Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi của bạn. Chỉ khi nào quyết chí bước đi trên lộ trình này, chúng ta mới có thể đóng góp phần mình vào nỗ lực vượt qua cơn khủng hoảng hiện nay xung quanh bí tích của hòa bình và hòa giải. 

chức linh mục của các tín hữu

và chức linh mục thừa tác

Công Đồng Vatican II đã sải những bước dài trên con đường vượt qua não trạng giáo sĩ trị in hằn bao đời, não trạng đó đánh giá cao các linh mục và đánh giá thấp người giáo dân – sự phân biệt này dẫn đến nhiều hình thức lảng xa và phân biệt trong Giáo Hội. Từ một góc nhìn phụng vụ, tôi thấy những lá chắn ấy chưa bao giờ được ghi nhận rõ ràng hơn thời điểm cách đây ít lâu khi tôi ghé thăm một số nhà thờ ở Ý và nhận thấy các bàn thờ được đặt ở một tầng cao hơn gian giữa của giáo đừơng. Thời ấy, ít khi một linh mục bước xuống vào giữa lòng Giáo Hội, ngay cả lúc cho rước lễ.

May thay, quyết định của Công Đồng uỷ trao cho mọi người đã chịu Phép Rửa - những Kitô hữu không có chức thánh – các vai trò quan trọng trong phụng vụ và mục vụ là một bước quan trọng trong việc phá bỏ các lá chắn ấy. Hiện nay đa số trong chúng ta đều biết rằng chức linh mục không phải là một bước đi lên trong bậc thang xã hội, nhưng đúng hơn, đó là một sự dấn thân đặc biệt để đi xuống, trong khiêm nhường và phục vụ, đến với con người để trở thành “một người trong họ”. Khi làm thế, ý nghĩa của chức linh mục  không bị lạc mất. Đúng hơn, có thể nói, chức linh mục được vãn hồi, được củng cố và được đào sâu theo chiều hướng trở lại với sự khiêm nhường của Đức Kitô như dấu hiệu căn tính của Ngài là Thượng Tế tốt lành. Chức linh mục phổ quát và chức linh mục thừa tác cùng hướng chỉ đến ơn gọi Phép Rửa của chúng ta là ơn gọi phục vụ cho nền hòa bình Messianic trên trái đất này.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
NGƯỜI MÙ BA-TI-MÊ

 

Nguyên Tác IN STEP WITH GOD LM Vincent Travers, OP

HƯƠNG VĨNH chuyển ngữ 

Thánh Mác-cô thuật lại câu chuyện người mù Ba-ti-mê trong Phúc Âm của ngài như sau (Mc 10, 46-52):

Chúa Giêsu và các môn đệ đến thành Giê-ri-cô. Khi Chúa Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-cô thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đuờng, tên anh là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.

Vừa nghe nói đó là Chúa Giêsu Na-gia-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: ‘Lạy ông Giêsu, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!’ Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: ‘Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!’ Chúa Giêsu đứng lại và nói: ‘Gọi anh ta lại đây!’ Người ta gọi anh mù và bảo: ‘Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!

Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Chúa Giêsu. Người hỏi: ‘Anh muốn tôi làm gì cho anh?’ Anh mù đáp: ‘Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.’ Người nói: ‘Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!

Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

***

Người mù Ba-ti-mê được kể lại trong đoạn Phúc Âm của Thánh Mác-cô trên đây, ngồi đơn độc bên vệ đường trông thật thảm não. Anh ta bừng sống dậy khi nghe biết Chúa Giêsu đi ngang qua. Anh kêu lớn tiếng và van xin mãnh liệt: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” (Mc 10, 51).

Lời cầu xin của anh đã được đáp trả. Bất chợt, anh thấy được. Để có thể thấy được như thế phải có một kinh nghiệm lạ thường. Thật dễ dàng cho bạn để tưởng tượng hơn là cho tôi để diễn tả.

Những dấu vết mù lòa

Chúng ta thường nghe nói: Không ai mù lòa cho bằng những người không muốn  thấy. Nói cách khác đi là chúng ta mang trên mình những vết mù lòa riêng tư. Có những lúc chúng ta trở nên mù lòa như câu ngạn ngữ trên đây.

Khi chúng ta mang vết “mù lòa tâm linh” thì niềm hy vọng duy nhất của chúng ta là cầu xin như Ba-ti-mê trên đây. Bởi vì trong cuộc sống có những điều mà chỉ một mình Thiên Chúa chữa trị được thôi – và sự mù lòa tâm linh là một trong những điều đó.

Kinh nghiệm giải phóng

Để có thể thấy được, trước khi không thấy, phải có một “kinh nghiệm giải phóng thật sự. Có nhiều người kêu xin cho được kinh nghiệm đó. Họ bảo là họ thấy Chúa Giêsu như Vị Cứu Tinh của họ. Họ đã được tái sinh và không ngừng nói lên điều đó. Họ không thể im hơi lặng tiếng. Tôi đã gặp gỡ vài người như thế.

Để đáp lại, bạn và tôi có thể nói: “Thật tốt cho bạn, hỡi Annie. Thật tốt cho bạn, hỡi Ba-ti-mê. Tôi ghen tị với các bạn, bởi vì đối với tôi, kinh nghiệm xảy ra trong chiều hướng ngược lại. Tôi ở trong bóng tối, đang kêu lên: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con.”

Có nhiều cách thế để “kinh nghiệm sự mù lòa”. Tôi bắt đầu lau chùi nhà cửa và trước khi xong được một nửa thì bụi bắt đầu bám trở lại. Vậy ích lợi gì? Tôi đang dọn bữa ăn và trong khi đang nấu nướng, tôi nghĩ tới bữa ăn tối mai. Không bao giờ ngừng nghỉ. Chu kỳ vẫn tiếp diễn và xem ra không ai quan tâm hết.

Tôi tự cho mình quan trọng khi nuôi dưỡng con cái, nhưng giờ đây chúng nó mỗi đứa đi một ngả. Tôi biết chúng thương yêu tôi, nhưng trong thực tế, chúng đã ra đi và không gọi điện thoại về nhà hay thăm viếng đôi ba lần trong năm hay trong nhiều năm.

Chồng tôi và tôi xem ra không đi bất cứ nơi nào nữa hết. Mọi ngày vẫn như vậy. Thế giới của tôi đầy tăm tối. Không có ánh sáng trong cuộc đời tôi. Tôi bị mù lòa. Tôi là anh chàng Ba-ti-mê.

Cảm thấy bất lực

Hoặc giả chúng ta kêu lên:

“Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con. Mỗi ngày con đi làm, nhưng công việc lút đầu lút cổ. Hệ thống thối nát. Con bất đồng với thái độ đối xử với nhau như khuyển mã và những phương pháp nhẫn tâm vẫn được sử dụng. Con cảm thấy bất lực để sửa đổi được gì. 

Ngoài ra, ý kiến của con xem ra không được người ta đếm xỉa và công việc của con không được đảm bảo. Con đã lớn tuổi để có thể bắt đầu trở lại ở một nơi khác và con còn quá trẻ để có thể xin nghỉ hưu. Con phải bảo vệ hưu bổng của con cũng như sự an toàn tài chánh cho gia đình con. Con nhận được chi phiếu vào mỗi kỳ lương là điều thật tốt, nhưng về mặt tâm linh, con bị mù lòa như Ba-ti-mê, bởi vì con không thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm.” 

Đơn độc và bơ vơ

Hoặc giả chúng ta kêu lên:

“Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con. Hôn nhân của con đang trên đà đổ vỡ. Chồng con không chịu đi gặp chuyên viên cố vấn để được khuyên bảo. Nhìn về tương lai, con cảm thấy lo sợ. Nghĩ đến việc sống còn khiến con kinh hãi. Con lo sợ những vụ cãi cọ vu vơ khiến mỗi người bị thần kinh căng thẳng.

Con không tìm ra một giải pháp nào. Con giống như một kẻ bi quan không thắc mắc về tương lai, bởi vì biết rằng tương lai sẽ rất kinh hoàng. Con không còn đóng góp được gì cho nhân quần. Con cảm thấy không còn hữu dụng cho ai nữa.”

Hoặc giả chúng ta la lên:

“Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con. Con mới vào đại học đây. Con cảm thấy bị lạc lõng giữa rừng người. Không ai hiểu rõ con. Con không được may mắn trong việc giao tế. Xem ra ai cũng tương giao tốt đẹp, chỉ trừ một mình con thôi. Con rất bối rối. Con không biết sẽ đi về đâu. Con là chàng Ba-ti-mê.”

Không ai thiện cảm

Bây giờ là lúc nên chấm dứt kinh cầu của những nỗi thống khổ đó để suy niệm đoạn Phúc Âm nói về anh chàng Ba-ti-mê và lấy tờ giấy đó ra khỏi quyển sách. Khi anh ta nghe nói Chúa Giêsu đang đi ngang qua, anh đã kêu lên để cầu xin Ngài. Bước khởi đầu của anh là kêu cầu Đấng Toàn Năng

Đã lâu lắm rồi chúng ta nghe được là hầu hết những khó khăn của chúng ta đều có tính cách tâm lý và tất cả những giải pháp của chúng ta thuộc về tâm linh. Ba-ti-mê đã tin tưởng nơi lời cầu xin.

Hãy ghi nhận điều gì xảy ra sau đó. Ba-ti-mê “không được cảm tình”. Anh bi quở trách bởi những người rất có lý do. Họ bảo anh câm miệng lại. Nhưng Ba-ti-mê không để ý tới. Anh tỏ ra can đảm trong sự liều lĩnh. Anh càng la lớn tiếng hơn nữa.

Thông thường trong những lúc gặp hoạn nạn, chúng ta cũng bị đối xử như thế bởi những người có dụng ý. Họ quở trách chúng ta một cách khắc nghiệt hay có tính cách khôi hài: Anh cần đi gặp một bác sĩ tâm lý giỏi thì tốt hơn. Chỉ anh lo cho cuộc sống của anh mà thôi. Đừng tưởng Thiên Chúa quan tâm đến anh. Thiên Chúa có nhiều việc quan trọng hơn để phải ưu tư.

Khi chúng ta theo gương Ba-ti-mê mà hành động, chúng ta không buông xuôi, cho dù gặp phải những tiếng nói tiêu cực. Chúng ta tiếp tục kêu lên Chúa lớn tiếng hơn nữa.

Cái chăn an toàn

Sự kiên trì của Ba-ti-mê đã được tưởng thưởng. Chúa Giêsu phán: “Gọi anh ta lại đây! (Mc 10, 49). Ban đầu anh ta do dự. Việc anh đứng phắt dậy, “vất áo choàng đi” và tới với Chúa Giêsu trong bóng tối là việc mà chỉ Ba-ti-mê làm được mà thôi và đó cũng là việc mà Chúa Giêsu sẽ không làm. Thiên Chúa sẽ không làm cho chúng ta những gì chúng ta có thể tự mình làm được.

Ba-ti-mê đứng phắt dậy, đã vất áo choàng lại và đi tới Chúa Giêsu trong bóng tối. Tại sao anh do dự? Để hiểu rõ sự do dự của anh, chúng ta phải thẩm định giá trị chiếc áo choàng của anh. “Chiếc áo choàng đó là ‘cái chăn an toàn’ của anh”. Đó là cái giường của anh, đồ vật cho anh hơi ấm, là vật sở hữu duy nhất của anh.

Khi vất chiếc áo choàng đó đi là anh vất bỏ tất cả những gì mà anh lệ thuộc vào. Kinh ngạc thay, khi anh vất bỏ chiếc áo choàng, chính là lúc anh thấy được ánh sáng.

Buông bỏ

Linh đạo ở đây là sự “buông bỏ”. Buông bỏ không phải chỉ được đề cập tới trong Kitô giáo, mà còn trong Do-thái giáo, Ấn-độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo. Ở giai tầng cao nhất, tất cả những tôn giáo lớn đều dạy về huyền nhiệm và nghệ thuật của sự buông bỏ. Khi bạn buông bỏ là bạn tìm gặp được cái “chân ngã” của bạn.

Buông bỏ là một bí quyết. Buông bỏ đưa đến ánh sáng. Linh đạo ở đây mang ý nghĩa là “buông bỏ những cái chăn an toàn của chúng ta, những sự vướng mắc của chúng ta, những sự khước từ và gian dối của chúng ta, những điều thỏa hiệp đối với sự liêm khiết của chúng ta và làm giảm giá trị chúng ta trên phương diện nhân sinh, cũng như nguyên nhân gây ra những hành động theo một cung cách bất xứng đối với nhân cách chúng ta như là con cái Chúa.

Linh đạo diệu kỳ trong đoạn Phúc Âm nầy là Ba-ti-mê, một người ăn xin, không có chút của cải, không có quà tặng, do đó không có gì để dâng hiến cho Chúa, ngoại trừ những sự khổ đau, tâm trạng trống rỗng, sự cô đơn, sự thất bại và thất vọng. Và thật ngạc nhiên, khi anh dâng cho Chúa tất cả những thứ đó, chính lúc bấy giờ anh thấy ánh sáng và rồi theo Chúa Giêsu.

Tôi không đưa ra giả thuyết là từ đây cuộc đời của anh không còn vấn đề gì nữa. Cuộc sống vẫn còn khó khăn cho dù có ánh sáng. Tình yêu chân thật không bao giờ trôi chảy êm xuôi!

Nói tóm lại: Linh Đạo ở đây là “đứng phắt dậy, vất áo choàng đi và tới với Chúa Giêsu trong bóng tối”. Bước nhảy vọt bằng đức tin đưa chúng ta ra khỏi bóng tối để đi vào ánh sáng và lăn xả vào thời điểm của chính chúng ta để trở nên những con người mà Chúa kêu gọi chúng ta phải hướng tới.

VỀ MỤC LỤC
NHẬT THỰC

  

Kể từ ngày 18-05, tại Việt Nam, người ta bắt đầu trình chiếu một bộ phim có cái tên nghe rất “kêu”: Sài Gòn Nhật Thực.

Tôi thì “về vườn” đã lâu, trở thành anh “nông dân Hai Lúa”, chẳng còn đến rạp chiếu bóng nào nữa, nên không quan tâm gì tới bộ phim đang được quảng cáo rầm rộ kia. Tuy nhiên, hai chữ Nhật Thực trên đây khiến tôi nhớ lại hiện tượng nhật thực toàn phần đã xảy ra tại Sài Gòn vào ngày 24-10-1995:

Lúc đó, tôi đang làm việc tại Xưởng Phim Hoạt Hình trong thành phố. Mấy ngày trước, thiên hạ bàn tán xôn xao về hiện tượng nhật thực sắp xảy ra. Vì đây là một hiện tượng hiếm hoi, lâu lắm mới xảy ra một lần, chỉ những ai “may mắn” lắm mới được chiêm ngưỡng nó, nên ai cũng háo hức cả. Trên vỉa hè, những người bán hàng rong bày bàn những chiếc “kính” coi nhật thực làm bằng bìa cứng có dán hai tấm giấy gì gì đó “để bảo vệ mắt khi nhìn thẳng vào mặt trời trong lúc nhật thực”. Tôi cũng hăng hái mua một cái để dành.

Ngày quan trọng đã tới. Trong Xưởng Phim, ai nấy thủ sẵn “mắt kính nhật thực” của mình... Đến giờ nhật thực, mọi người đồng loạt ngưng việc, chạy ùa ra sân để nhìn lên mặt trời. Trời bắt đầu tối sầm lại. Bỗng một ai đó la lên: “Chạy xuống nhà kho coi, rõ lắm!”

Trong nhà kho của Xưởng Phim, một nhân viên nào đó nhiệt tình và có đầu óc “khoa học” đã làm một “hệ thống quan sát nhật thực” bằng một thau nước và một tấm gương soi, phản chiếu hình ảnh mặt trời lên bức tường, quan sát rất dễ dàng và rõ ràng!

Cái hình ảnh mặt trăng ăn lẹm vào, rồi che khuất hoàn toàn mặt trời, làm cho mặt trời trở nên mờ mịt, kể cũng “ngồ ngộ”, nhưng không khiến tôi bất ngờ cho lắm, vì đây là điều mà ai cũng mường tượng ra được. Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là lúc mặt trăng bắt đầu “nhả” mặt trời ra, chỉ để cho mặt trời loé sáng theo một hình lưỡi liềm như kiểu vầng trăng khuyết: khi nhìn xuống đất, tôi ngỡ ngàng nhìn thấy đầy dẫy những bóng sáng hình trăng khuyết trên nền nhà kho. Thì ra, các tia sáng phát ra từ mặt trời bị nhật thực, chiếu xuyên qua các lỗ đinh trên mái tôn, đã tạo nên những hình ảnh của một tia sáng “khuyết” thay vì một tia sáng tròn trịa của ngày thường!

***

Bây giờ, cứ nghĩ về nhật thực là tôi lại giật mình: trong cuộc đời của mỗi người, chúng ta hẳn đã tạo nên rất nhiều cuộc “nhật thực”!

Tôi tạo ra “nhật thực toàn phần” khi tôi để cho “u mê ám chướng” che khuất hoàn toàn “mặt trời chân lý” và tôi sống trong sa đoạ hư hỏng. Những lúc đó, cuộc đời của tôi trở nên tối sầm lại, không còn soi sáng cho ai được nữa. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, mức độ “tác hại” của những lúc này có thể không nghiêm trọng quá, vì những người chung quanh đã biết rõ tôi là “mặt trời đen” và chẳng ai trông cậy gì vào ánh sáng phát ra từ tôi nữa. Trái lại, họ còn tìm cách để “giải cứu” tôi khỏi tình trạng đáng buồn kia.

Sức “tác hại” dường như xảy ra lớn hơn khi tôi che khuất một cách nhập nhằng theo kiểu “nhật thực một phần”: tôi vẫn để cho mặt trời trong tôi chiếu sáng, nhưng tôi làm cho các tia sáng biến dạng một cách tinh vi khó nhận ra: tôi vẫn phát ra ánh sáng, nhưng ánh sáng này mang nặng các méo mó dị dạng của con người tôi! Chắc hẳn có những người vẫn đón nhận thứ ánh sáng dị dạng của tôi mà cứ tưởng rằng đó là ánh sáng bình thường, và họ vô tình bị ảnh hưởng bởi thứ ánh sáng tai hại này mà không hay biết. Thay vì soi sáng, tôi đã làm cho họ bị “mù mờ” đi. Thay vì dẫn đưa họ tới miền ánh sáng đích thực thì tôi lại đẩy họ vào vùng sai trái lầm lạc!

***

Thật rất khó để có thể nhận ra những “mập mờ” trong cuộc sống của mình nếu không cậy dựa vào Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng được mệnh danh là “Mặt Trời Công Chính”. Thông thường, trong nỗ lực hướng thiện, ai cũng cố gắng để sống trong chân lý và phục vụ trong chân lý. Tuy nhiên, vì “cái tôi” thường rất khó thăm dò và kiểm soát, nên nó rất dễ luồn lách và bành trướng che phủ lên Sự Thật. Bởi tôi thường chủ quan cho rằng sự thật của mình là đúng, nên nhiều khi tôi đã khiến cho sự thật khách quan bị méo mó đi, dẫn đến những hậu quả dị dạng trong cuộc sống.

Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa giúp con thoát khỏi tính chủ quan để con nhận ra và sửa đổi những khuyết tật nơi linh hồn con, hầu con có thể phản chiếu lại trọn vẹn Ánh Sáng Cứu Độ của Chúa cho những người chung quanh. A-men./.

- Trầm Tĩnh Nguyện -

VỀ MỤC LỤC
RỬA TỘI CHO NGƯỜI CHẾT ?
 

Hỏi: đang có một linh mục công khai loan truyền việc rửa tội cho người chết hiện về.. xin cha cho biết có giáo lý nào nói về việc này không ?

Trả lời:

Xưa nay ở khắp nơi, người ta  đã nói nhiều về những hiện tượng như người chết hiện về trong giấc mơ hay trong thực tế để xin điều này, cảnh cáo việc kia hay người khác còn sống. Người ta cũng kể những truyện kinh hoàng về ma quái hiện ra để nhát người sống hoặc phá phách khiến nhiều người không dám ở trong những căn nhà nơi có xảy ra những hiện tượng quá bất thường này.

Tuy nhiên, trước những sự kiện đó, Giáo Hội không chính thức đưa ra một giáo lý nào để giải thích và áp dụng mà vẫn  giữ thái độ im lặng cho đến nay. Các linh mục chỉ khuyên giáo dân dùng nước phép để vẩy trong nhà hay xin làm phép nhà mà thôi.  Dầu vậy, riêng trường hợp những người được coi là bị “tà thần hay ma quỷ ám hại công khai” (publicly possessed) thì Giáo Hội vẫn xử dụng biện pháp gọi là trừ quỉ (exorcism) để giúp những nạn nhân trong trường hợp này được bình an trở lại. Vì thế, ở mỗi Giáo phận, một hay vài linh mục nào đó được Giám Mục chỉ định cho làm việc này, và chỉ các linh mục này được phép “trừ quỷ” mà thôi.

Như thế cho thấy là thực tế có hiện tượng ma quỷ phá phách mà Giáo Hội phải quan tâm, ngoài niềm tin là có “ma quỷ, địch thù của anh  em, như  sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” để cám dỗ con người phạm tội  nghịch cùng Thiên Chúa như Thánh Phêrô đã cảnh giác (x 1 Pr 5:8).

Nhưng nếu ai nói rằng linh hồn người nào đã chết hiện về để xin rửa tội và từ  đây muốn dạy giáo lý cho ai về phép rửa dành cho người chết thì đó hoàn toàn là điều tưởng tượng hoang đường, nếu không muốn nói là lac giáo=heresy vì  không có căn bản tín lý, giáo lý, thần học nào của Giáo Hội về việc này.

Tôi quả quyết như vậy, vì những  lý do sau đây:

Trước hết, Giáo Hội không tin và dạy chúng ta tin về điều được gọi là “luân hồi= reincarnation”. Đây là niềm tin của tôn giáo khác và chúng ta kính trọng niềm tin của tôn giáo này. Nhưng là tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo, chúng ta không được tin điều này vì Giáo hội  đã dạy như sau về số phận con người ngay sau khi chết:

“Mỗi người lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình phần trả công đời đời cho mình ngay sau khi chết trong một cuộc phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình hướng về Chúa Kitô, để hoặc sẽ trải qua một sự thanh luyện, hoặc lập tức bước vào hưởng diễm phúc Thiên Đàng hoặc lập tức bị án phạt đời đời” (x. SGLGHCG, số 1022)

Như thế có nghĩa là một người sau khi chết sẽ tức khắc chịu phán xét riêng để :

1-     hoặc phải được thanh luyện thêm ở nơi gọi là “luyện tội” (purgatory) một thời gian dài, ngắn tùy sự công bằng và lòng nhân ái của Chúa đòi hỏi.

2-     hoặc được vào thẳng Thiên Đàng để vui hưởng Thánh Nhan Chúa vì đã tốt lành đủ sau khi chết.

3-     hoặc phải chịu án phạt đời đời trong nơi gọi là hỏa ngục vì đã hoàn toàn khước từ Chúa và tình thương của Ngài cho đến phút chót trước khi chết. (x. Sđd, số 1033-34)

Như vậy, làm gì còn trường hợp nào linh hồn được trở về thế gian để xin rửa tội nữa?

Vả lại, mặc dù phép rửa rất cần thiết để được cứu độ như Chúa Giêsu đã dạy (x.Ga 5:3; Mc 16:16; Mt 28 : 19), nhưng chúng ta đừng quên hai điều rất quan trọng sau đây:

Trước hết,  rửa tội là cần thiết, nhưng cần hơn nữa là phải sống những cam kết khi được lãnh bí tích này (baptismal promises). Đó là yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu anh  em như chính mình. Phải từ bỏ ma quỉ và xa lánh mọi tội lỗi để sống theo đường lối của Chúa vì “không phải bất cứ ai thưa với Thầy : lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7:21). Nói khác đi, không phải cứ rửa tội thôi là được cứu rỗi, không cần phải làm gì nữa. Ngược lại, nếu không sống những đòi hỏi trên của phép rửa, thì rửa tội  rồi cũng vô ích mà thôi. Chắc chắn như vậy, vì phép rửa nguyên mình nó không phải là Giấy thông hành (Passport) cho ai  để đi thẳng lên trời mà không cần bất cứ thủ tục nào khác nữa.

Thứ đến, với những người chết đi mà không được rửa tội trong đó có các trẻ con, Giáo Hội vẫn tin tưởng là họ có thể được cứu rỗi nếu đó không phải là lỗi của họ qua lời dạy giáo lý và tín lý sau đây :

“Đúng thế, những người không do lỗi của mình mà không biết đến Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và nhờ ơn sủng của Ngài mà hành động để làm trọn Thánh Ý Ngài, theo như lương tâm mặc khải cho họ và truyền dạy họ thì những người đó có thể đạt tới ơn cứu độ muôn đời.” (x. Sđd ,số 847; Lumen Gentium ,số 16).

Như thế rỏ ràng cho thấy là những người đã chết mà không được chiu phép rửa tội, vẫn có thể được cứu rỗi, nếu họ đã sống  đúng với tinh thần giáo lý nói trên đây.Ngược lại, nếu đã không sống đúng với tinh thần đó hay đã không thực hành những cam kết khi được rửa tội  thì  dù có được rửa rồi cũng vô ích mà thôi, nói gì đến không được rửa tội nữa.

Phép rửa chỉ là khởi đầu cần thiết cho một tiến trình hoán cải (conversion) nội tâm để nên thánh và được cứu độ. Nhưng phép rửa không bảo đảm cho ai thoát khỏi mọi nguy cơ phạm tội cá nhân trở lại sau khi được rửa tội, vì bản chất con người còn yếu đuối, cộng thêm ý chí tự do (freewill) mà Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người xử dụng bao lâu còn sống trên đời này. Vì thế, nếu không có thiện chí cộng tác với ơn Chúa để sống những cam kết của bí tích rửa tội thì Chúa không thể cứu ai được. Chính vì thực trạng con người vẫn hoàn toàn yếu đuối sau khi được rửa tội, cộng thêm nguy cơ cám dỗ của ma quỉ và gương xấu của thế gian mà Chúa Giêsu đã lập thêm các bí tích cần thiết khác như Thêm sức, Thánh Thể và Hòa giải để giúp con người được bổ sức tiến bước trên đường thánh hóa cũng như lấy lại ơn  Chúa sau khi lỡ sa phạm tội vì yếu đuối bản thân. Nghĩa là nếu chỉ cần rửa tội là được cứu độ thì Chúa Giêsu lập thêm các bí tích kia làm gì nữa ?

Như thế, người chết không cần hiện về để xin chịu phép rửa tội qua trung gian của ai  nữa vì đã quá muộn để làm việc này.

Điều này hoàn toàn huyền hoặc và lạc giáo vì không có chút căn bản thần học và tín lý nào hết. Chắc chắn như vậy.

Tuy nhiên, nếu chuyện “hiện về này”  thực sự có xẩy ra cho một cá nhân nào, nghĩa là có ai mơ gặp người chết về xin rửa tội, thì đó chỉ là kinh nghiệm riêng tư  rất cá biệt của người ấy mà thôi. Nhưng chắc chắn kinh nghiệm này không thể là kinh nghiệm phổ quát có giá trị giáo lý để kêu gọi người khác tin và thực hành được.

Điều chúng ta cần ghi nhớ là Chúa Giêsu đã sinh xuống thế và chết cách nay chỉ mới 2000 năm. Giáo Hội cũng  chỉ mới thi hành việc rửa tội từ sau ngày Chúa về trời, cách nay cũng chưa được 2000 năm. Trong khi thực tế là số người đã sinh ra và chết đi trước Chúa Giêsu thì không biết là bao ngàn triêu con người. Những người này tuyệt đối không biết Chúa Kitô và không được chịu phép rửa. Vậy nếu “huyền thoại” nói trên mà đúng và cần thực hành  thì tất cả những người đã chết đều  phải hiện về hết để xin rửa tội. Khi đó, chắc chắn Giáo Hội sẽ không thể có đủ thì giờ và  huy động đủ thừa tác viên và người trung gian đỡ đầu để rửa tội hết cho bao ngàn triệu sinh linh ấy được !

Thiên Chúa là tình thương và công bằng. Ngài không thể thiên vị ai trong việc cứu độ.

Vậy nếu phép rửa là điều kiện duy nhất bắt buộc cho mọi linh hồn để được phần rỗi, thì điều này phải áp dụng cho hết mọi linh hồn đã không được rửa tội khi còn sống trong thân xác ở đời này. Nghĩa là, Chúa không thể ưu tiên cho ai trở về xin phép rửa mà không cho các linh hồn khác được về vì nhu cầu tối thiết này. Như vậy, chúng ta cũng không cần biết đến lời dạy giáo lý trên đây của Giáo Hội nữa vì không đúng thực tế. Ấy là chưa nói đến mối nguy hại lợi dụng của những người còn sống vì chắc chắn sẽ có những người nghĩ rằng rửa tội trước là điều thua thiệt. Họ không cần xin rửa tội nữa, cứ sống và ăn chơi cho phỉ chí, cần gì  bận tâm đến những  răn đe về  luân lý và đạo đức cho mệt. Cứ sống theo sở thích rồi  sau khi chết, sẽ hiện về xin rửa tội để đươc tha hết một lần mọi tội cá nhân và nguyên tổ. Như thế sẽ nắm chắc phần rỗi hơn vì không còn thì giờ và nguy cơ để phạm tội thêm nữa như những người đã rửa tội và đang còn sống trên trần gian này !

Nhưng ai dám tin và dạy cho người khác tin điều quái đẳn này ?  

Có chăng chỉ có  người  vô tình hay cố ý coi thường giáo lý, và thần học tín lý của Giáo Hội nên đã tự ý đưa ra giả thuyết hoang đường để hướng dẫn sai lầm người khác mà thôi !

Tóm lại, chúng ta không được  tin và thực hành  những gì Giáo Hội không dạy về tín lý, giáo lý và luân lý, nếu chúng ta muốn coi Giáo Hội là Mẹ thay mặt Chúa là Cha trong trách nhiệm dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta sống đức tin trong cuộc lữ hành này.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC

DI CHÚC CỦA ĐỨC TGM PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ĐIỀN:

 

Giáo Hội Công Giáo

Tòa Tổng Giám Mục Huế

Archevêché Huế

Việt Nam

 

DI CHÚC

Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần!

Tôi cám đội ơn Chúa đã thương chọn tôi làm con Chúa, Linh Mục và Giám Mục trong Hội Thánh của Ngài, mặc dù tôi rất bất xứng.

Tôi không có ước muốn riêng nào về sự chết và cuộc tẩm liệm hay chôn xác tôi.  Sao cũng được, tùy Thánh Ý Chúa và sự liệu định của anh em Linh Mục Giáo Phận, vì tôi chẳng đáng chi cả.

Tôi không có gì để nhắc nhủ các Linh Mục Huế cách đặc biệt, trừ ra xin phép được khuyên các ngài hãy can đảm tỏ ra trung thành với Hội Thánh trong mọi hoàn cảnh, sống đoàn kết trong Linh Mục đoàn và sống trọn vẹn bổn phận chủ chăn nhân hiền.

Tôi cám ơn các Linh Mục trong Giáo Phận đã nhẫn nại chịu đựng tôi và tận tâm cộng tác với tôi. Những ai mà tôi vô tình hay vì bổn phận đã làm mất lòng thì xin tha lỗi cho tôi. Phần tôi, không buồn phiền một ai cả. Xin mọi người cầu nguyện cho tôi.

Về tiền bạc, tôi không mắc nợ ai. Nếu như ai có thấy đang thiếu tôi vật gì, thì tôi vui lòng tha thứ cho hết.

Các vật dụng, sách vở và tiền mặt tôi đang có, thì tôi trối lại hết cho Tòa TGM Huế.

Một lần nữa, tôi cám đội ơn Chúa và xin tạm biệt mọi người, hẹn nhau trên Nhà Cha.

Huế, ngày tám tháng mười một 1985

(ký tên và đóng dấu)

Philipphê Nguyễn Kim Điền

 

Tiểu Sử của Đức Tổng Giám Mục Philippe Nguyễn Kim Điền:

- Ngài sinh ngày 13 tháng 3 năm 1921 tại Gia Định.  - Năm 12 tuổi, ngài vào tu học tại Tiểu Chủng Viện rồi sau đó vào Đại Chủng Viện Thánh Giuse, đường Cường Để Sài Gòn (nay đổi tên mới là đường Tôn Đức Thắng). - Ngài chịu chức Linh Mục ngày 21 tháng 5 năm 1947, sau đó làm giáo sư, rồi Giám Đốc Chủng Viện. 

- Năm 1955, ngài gia nhập Dòng Tiểu Đệ của Thánh Charles de Foucault, sinh hoạt mục vụ với người nghèo trong các xóm lao động, đạp xích lô để sống tự túc.  Ngài cũng đã qua Bắc Phi, sống tập thể trong sa mạc Sahara với các tu sĩ Dòng Tiểu Đệ theo truyền thống của Dòng nầy. Năm 1957, trở về Việt Nam, ngài đã từng sống ở Sài Gòn, Lâm Đồng, Cần Thơ

- Ngày 8 tháng 12 năm 1960, ngài được Tòa Thánh Vatican chính thức bổ nhiệm làm Giám Mục Giáo Phận Cần Thơ (lúc 39 tuổi), lễ tấn phong được tổ chức tại Sài Gòn ngày 22 tháng 01 năm 1961.

- Ngày 30- 9- 1964, ngài được Tòa Thánh cử làm Giám Quản Tổng Giáo Phận Huế thay thế Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục đi họp ở Roma và không trở về sau biến cố 01- 11- 1963.

- Ngày 11- 3- 1968, ngài được chính thức làm Tổng Giám Mục Huế.

(......)

- Ngày 8- 11- 1985, cảm thấy cái chết có thể đến với ngài bất cứ lúc nào nên ngài đã viết di chúc ngắn để lại cho các Linh Mục “khuyên các cha hãy trung thành với Hội Thánh và đoàn kết với nhau, sống trọn vẹn bổn phận của chủ chăn nhân hiền”...

- Ngày 25- 3- 1988, ngài viết một bức thư gởi cho ông Nguyễn Văn Linh, sau khi ông được bầu làm Tổng Bí Thư đảng CSVN và tuyên bố chính sách “đổi mới”...Nội dung bức thư đòi xóa bỏ lệnh quản chế, được phục hồi quyền công dân, được tự do đi lại để thi hành nhiệm vụ Tổng Giám Mục đối với giáo dân Huế và thăm viếng các Giáo Phận khác thuộc Tổng Giáo Phận Huế.

- Ngài qua đời ngày 8 tháng 6 năm 1988 tại Sài Gòn, hưởng thọ 67 tuổi.

Lược ghi theo tài liệu của độc giả gởi đến

VỀ MỤC LỤC
Thánh lễ nối dài giữa lòng nhân loại
 

Trên đường về thành Bétxaiđa, đám đông dân chúng tuôn đến với Chúa Giêsu để nghe lời Người giảng dạy. Cùng với Chúa Giêsu, các môn đệ và đám đông, chúng ta đang ở nơi đồng vắng – nơi sẽ xảy ra phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi sống dân chúng. Sự kiện Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều không chỉ đơn thuần là một phép lạ, mà còn là một một lời loan báo cho tương lai: nhân loại sẽ được dưỡng nuôi bằng bàn tiệc Thánh Thể trong đó nhiệm thể Chúa Kytô trở nên Linh dược Thần linh nuôi sống nhân trần.

Giữa nơi hoang vắng, ngày lại sắp tàn và với một lượng người quá đông đã khiến các môn đệ lo lắng. Các ông lo lắng là phải. Bởi các ông biết rằng đối với đám đông, các ông cũng có một vai trò nhất định nào đấy. Một điều dễ hiểu là để lời Thầy được thính giả lãnh hội thì công việc của các môn đệ trong vấn đề tổ chức chẳng dễ dàng gì. Chính vì thế, giữa đồng không hiu quạnh, các ông lo cho số phận của năm ngàn con người sẽ ra sao khi đêm về mà không có gì lót dạ. Lương thực dự trữ bấy giờ chỉ vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá. Thật chẳng thấm vào đâu với số người quá đông như thế. Vì thế, theo các ông, cách tốt nhất là giải tán đám đông, cho họ về nhà, nhẹ gánh nặng, thầy trò còn có thời gian nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc. Hợp lý quá đi chứ. Nhưng Chúa Giêsu không nghĩ như vậy. “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Tâm trạng của các ông có lẽ bực bội hơn là ngạc nhiên. Chúng con cho họ ăn ư? Ồ không đâu, thưa Thầy. Chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá? Chỉ còn cách là chúng con đành phải lặn lội vào nơi gần nhất để mua lương thực cho ngần ấy người mà thôi. Chúa Giêsu không để các ông phải khổ sở với suy nghĩ rất ư bình thường như vậy. Điều Chúa muốn các ông làm là hãy bảo đám đông quy tụ từng nhóm năm mươi người, nằm ngã xuống và phân phát bánh cho họ.

Khi đám đông dân chúng đã ngã mình trên đồng vắng, nghĩa là như Israel xưa trong sa mạc, họ không còn lạc lõng, bơ vơ, tản mát nữa, tất cả đều được quy tụ trở thành cộng đoàn cùng nhau dự tiệc- một hình ảnh loan báo cho một dân tộc mới được mời gọi vào dự Tiệc cánh chung của Thiên Chúa, khi đó kẻ nghèo sẽ được ăn uống thoả thuê- Chúa Giêsu mở đầu bữa tiệc này theo đúng phong tục của người Dothái, nghĩa là bằng lời chúc tụng. Một điều thú vị là nếu đối chiếu với bản văn Tin mừng hôm nay với bản văn bữa Tiệc ly và bữa tiệc Emmau, chúng ta sẽ thấy 4 động từ sau đây như là nét đặc trưng của việc dâng lễ tạ ơn. Đó là việc Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ. Có khác chăng là ở đây là lời chúc tụng, còn trong bữa Tiệc ly là lời Tạ ơn (x. Lc 22, 19;24, 30). Như thế phép lạ hoá bánh ra nhiều không chỉ cho thấy Chúa Giêsu chính là vị Ngôn sứ vượt trên mọi ngôn sứ của thời đại, như ngôn sứ Êlia xưa đã nuôi 100 người bằng 20 chiếc bánh lúa mạch (x. 2V 4, 42-44) mà còn có quyền năng trong việc quy tụ và nuôi sống dân Thiên Chúa. Chúa Giêsu còn cho chúng ta thấy chính Người là hình ảnh của Thiên Chúa đến trần gian để yêu thương con người, săn sóc và nuôi dưỡng họ bằng phương cách họ không thể ngờ. Hôm nay chính Người đã ban tặng cho họ ân huệ cao vời, đã nuôi sống họ cách dư dật.

Như ngôn sứ Êlia xưa, Chúa Giêsu hôm nay cũng dựa trên năm chiếc bánh và hai con cá của đám đông dân chúng hiến dâng để nuôi sống họ. Bí tích Thánh Thể mà chúng ta tham dự mỗi ngày cũng vậy. Chính chúng ta cũng phải dâng hiến năm chiếc bánh và hai con cá, tức là những hy sinh, những đau khổ, bình an và hạnh phúc của cuộc đời lên cho Thiên Chúa. Năm chiếc bánh và hai con cá thật chẳng đáng là gì trước một đám đông đang đói lả, nhưng đó lại chính là phương tiện cần thiết để Chúa thi ân giáng phúc. Cũng vậy, với quyền năng, Chúa Kytô sẽ biến đổi, hiến thánh sự đói nghèo của chúng ta, Người sẽ tiến dâng lên Chúa Cha cuộc sống và những việc làm dù rất nhỏ bé của chúng ta trở nên điều thiện hảo mưu ích cho muôn người.

Bí tích Thánh Thể chính là việc Thiên Chúa muốn quy tụ, mời gọi và đón nhận mỗi người chúng ta vào dự Tiệc với Người. Bữa tiệc đó rất cụ thể, rất sinh động và sinh muôn ơn ích. Bàn tiệc mà chúng ta tham dự không đơn thuần là một bữa tiệc thông thường, mà là một bữa Tiệc Sự Sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến kín múc nơi bàn tiệc Thánh Thể để toàn thể con người chúng ta qua việc lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kytô, chúng ta được hiệp thông cách trọn vẹn với Thiên Chúa, được sống chính đời sống Thần linh của Thiên Chúa. Bí tích Thánh Thể còn là một lời mời gọi chúng ta can đảm lên đường, đến với thế giới đang chia rẽ, đến với đồng loại đang đói nghèo, đau khổ, bệnh hoạn tù đày để liên kết, an ủi, nâng đỡ và cưu mang họ. Xin Chúa thánh hoá và biến đổi chúng ta hầu cuộc đời chúng ta mãi mãi là Thánh lễ nối dài giữa lòng nhân loại.

 Lm. Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

VỀ MỤC LỤC
TÌNH YÊU KHÔNG KHOE KHOANG

Tác phẩm 13 Nét Mặt Tình Yêu  Lm. Dominique AUZENET

Lm Micae-Phaolô Trần Minh Huy   chuyển ngữ

 

TÌNH YÊU KHÔNG KHOE KHOANG

1. Đừng có thổi kèn báo trước ngươi.

Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho các môn đệ biết rằng tìm làm cho người ta chú ý là rất có hại biết bao cho những hành vi có ý tốt nhất :

"Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ trông thấy, bằng không anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh" (Mt 6,1-4).

"Tình yêu không phô trương". Tình yêu không làm cho mình nổi bật trước việc thiện mình làm, đó là điều mà ở đây Chúa Giêsu nói là "thổi kèn" và coi là giả hình. Tình yêu đích thực là vô vị lợi và không qui về chính mình. Người ta thường nói tình yêu không làm rộn ràng...

Tuy nhiên, điều đó giả thiết cả một cuộc thanh luyện tình yêu. Trải qua dòng thời gian, chúng ta học tập tự giải thoát khỏi lòng khao khát được người đời biết đến. Lòng khao khát nầy làm cho chúng ta không ngừng tìm kiếm lời tán dương của kẻ khác. Và như Chúa Giêsu đã nói, "chúng thực hành công chính trước mặt người đời để được họ lưu ý...".

"Điều có thể xảy ra là tôi đến với tha nhân là để bảo đảm về giá trị riêng của tôi. Lối ứng xử của những kẻ khoe khoang trên đời đều như thế cả. Không chắc chắn được về chính mình, họ cảm thấy nhu cầu khẩn thiết gặp được những dấu hiệu tán thưởng mới trên gương mặt tha nhân. Họ tìm kiếm cái gì ? Một bộ sưu tập những kẻ tâng bốc. Nói đúng ra, thái độ ứng xử ấy không thiếu sự hấp dẫn của nó. Khác với kẻ kiêu ngạo coi thường lời phẩm bình của người đồng loại, kẻ khoe khoang nhìn nhận nhu cầu được người chung quanh cảm phục và khen lao. Trong trường hợp như vậy, người ta chưa thương tha nhân vì tha nhân, mà chỉ tìm nơi tha nhân những lời tung hô làm dịu đi trong chốc lát cái cảm xúc hằng ám ảnh về sự yếu kém của mình"[1]

2. Hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết.

Chúa Giêsu đã giới thiệu vài phương thuốc hiệu nghiệm, cách riêng phương thuốc để tự hạ mình xuống và đặt mình vào chỗ rốt hết :

"Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi nên nói với họ dụ ngôn nầy : Khi anh được mời đi ăn cưới thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng 'xin ông nhường chỗ cho vị nầy'. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người mời anh phải đến nói 'xin mời ông bạn lên trên cho'. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên" (Lc 14,7-11).

Hay còn nữa : "Giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người" (Mc 10,43-44).

Còn lâu chúng ta mới thỏa mãn đạt được địa vị ngôi sao mà chúng ta muốn trải rộng cái tôi của mình... Chúa Giêsu đã nói về Ngài và cuộc khổ nạn của Ngài. Cha Huvelin đã viết cho Charles de Foucauld : "Chúa Giêsu đã chọn chỗ tận cùng đến đỗi chẳng bao giờ có ai có thể cướp mất được chỗ đó của Ngài". Vậy đừng có ai trong chúng ta cảm thấy bàng hoàng khi phải hạ mình xuống ! "Đừng sợ, bạn càng khốn khó, Chúa Giêsu càng yêu bạn. Ngài sẽ đi xa, thật xa để tìm kiếm bạn..."[1]

3. Lạy Chúa, xin canh phòng miệng lưỡi con.

"Tình yêu không khoe khoang"... dĩ nhiên cũng liên quan đến lời nói của chúng ta. Người ta sẽ có thể giải thích : Tình yêu cân nhắc những lời nói của mình. Quả thực, chúng ta biết rõ là thói khoe khoang được diễn tả ra bằng lời nói nhằm làm cho người ta được nổi bật. Người ta có thể không bao giờ nói bậy, không bao giờ nói xấu kẻ khác. Nhưng trong mức độ mà người ta không ngớt kể lể với kẻ khác về mình, thì cuộc trao đổi không nhất thiết vẫn ở bình diện lời nói. Chúng ta hãy lấy Mẹ Maria làm gương mẫu : sự thinh lặng nội tâm của Mẹ làm cho mỗi lời nói của Mẹ trở nên một viên ngọc quí. Chớ gì khi chúng ta nói, lời nói của chúng ta phải là hoa trái của sự thinh lặng của chúng ta.

"Lạy Chúa, xin canh giữ miệng con và trông chừng lưỡi con" (Tv 141,3). Câu thánh vinh nầy là một lời cầu nguyện rất cần thiết cho nhiều người trong chúng ta. Những thái quá trong lời nói được diễn tả trong cuộc tán gẫu kéo dài, trong nhu cầu không thể nén để kể lể về mình, trong sự không thể giữ một điều bí mật, trong ước muốn thỏa mãn tính hiếu kỳ của chúng ta về cuộc đời kẻ khác... và trong nhiều cách thế khác ít lộ liểu hơn. Tính huênh hoang trong lời nói cũng dẫn chúng ta đến chỗ khoe khoang những sự hư vô thế gian, và như thế duy trì một bầu khí hời hợt bề ngoài ngăn cản việc lắng nghe Lời Chúa tự trong sâu thẳm của lòng mình : "Chúng huênh hoang vì những vật hư vô nầy..." (Tv 97,7).

Phải, chúng ta hãy đắn đo và chế ngự lời nói của chúng ta. Hãy cầu xin ơn ấy với Chúa Thánh Thần đang ngự trong chúng ta :

"Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được, nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nộc độc giết người. Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được. Chẳng lẽ một mạch nước lại có thể phun ra từ một nguồn cả nước ngọt lẫn nước chua sao ? Thưa anh em, làm sao cây vả lại có thể sinh ra trái ô-liu, hoặc cây nho sinh trái vả ? Nước mặn cũng không thể sinh ra nước ngọt. Trong anh em, ai là người khôn ngoan hiểu biết ? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan. Nhưng nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp, thì anh em đừng có tự cao tự đại mà nói dối trái với sự thật" (Jc 3, 8-14).

Trong nhiều trường hợp, khoe khoang chính là nói dối trái với sự thật... Tốt hơn là hãy làm thinh, dè dặt kín đáo.

 4. Tình yêu là dè dặt kín đáo .

Đây là hai bản văn của thánh nữ Catarina đệ Siêna giúp chúng ta xác định rõ và thăm dò tầm quan trọng của sự dè dặt kín đáo :

"Sự dè dặt kín đáo kéo thân xác ra khỏi những vui thú và những tế nhị của thế gian. Nó làm cho thân xác tránh xa xã hội của người trần gian và đưa nó vào xã hội của các tôi tớ Thiên Chúa. Sự dè dặt kín đáo khiến con người trốn khỏi những nơi tội lỗi và dẫn đưa nó vào những chỗ thúc đẩy lòng đạo hạnh. Nó điều tiết mọi phần thân thể để chúng trở nên giản dị và được giữ gìn ý tứ : Con mắt không nhìn những gì bị cấm đoán và chỉ nhìn thấy trước mặt trời và đất; miệng lưỡi tránh mọi lời nói vô ích và phù phiếm, nhưng sẵn sàng loan báo Lời Chúa vì phần rỗi của tha nhân và xưng thú tội lỗi mình; lỗ tai xua đuổi các diễn từ bởn cợt, nịnh hót, phóng đãng, và nói xấu kẻ khác, nhưng chăm chú lắng nghe Lời Chúa và những kêu than của tha nhân hầu cảm thông với nhu cầu của họ... Sự dè dặt kín đáo cũng điều tiết đôi tay trong những gì chúng đụng chạm và thực hiện, hướng dẫn đôi chân trên những nẽo đường của chúng, hầu luật lệ xấu xa của xác thịt hằng chống lại tinh thần không làm ô nhiễm các khí cụ nầy"[1]

Và đây là điều Chúa Chúa Cứu Thế nói với Catarina : "Sự dè dặt kín đáo không là gì khác ngoài sự hiểu biết đích thực mà linh hồn có về mình và về Chúa. Chính trong sự nhận biết nầy mà sự dè dặt kín đáo đã cắm rễ vào. Nó là một ngành được ghép vào và kết hiệp với đức ái... Sự dè dặt kín đáo sẽ không là một nhân đức mang lại những hoa trái sự sống, nếu nó không được trồng cấy trong nhân đức khiêm nhường, bởi vì đức khiêm nhường phát xuất từ sự nhận biết mà linh hồn có được về mình. Và Thầy đã bảo con là căn rễ của sự dè dặt kín đáo là một hiểu biết chân thực về bản thân và về lòng nhân lành của Chúa, nó làm cho linh hồn trao ban cách tự nhiên cho mỗi người cái gì họ đáng phải được.

Và trước hết, nó qui về Chúa những gì là của Chúa, bằng cách trả lại cho Danh Chúa danh dự và vinh quang, các thánh sủng và ân ban mà nó biết là đã nhận lãnh từ nơi Chúa. Nó cũng trả lại cho chính mình cái mà nó ý thức được là mình đáng được, bằng cách nhận biết rằng nó không hiện hữu bởi chính nó và nó chỉ tồn tại nhờ ân ban của Chúa.

Đó là những kết quả của sự kín đáo dè dặt được xây dựng trên sự hiểu biết chính mình, vốn là đức khiêm nhường đích thực. Không có sự khiêm nhường nầy, linh hồn sẽ không kín đáo được. Và sự không kín đáo bắt nguồn từ lòng kiêu ngạo, cũng như sự kín đáo có nguồn ngọn trong lòng khiêm nhường. Như một tên ăn cắp, nó lấy cắp vinh dự thuộc về Thầy để qui hướng về nó và làm cho nó được vinh quang. Còn những gì thuộc về nó thì nó lại gán cho Thầy bằng cách lẩm bẩm ca thán những ý định nhiệm mầu Thầy đã kiện toàn trong nó và trong các tạo vật khác của Thầy. Nó công phẫn trong mọi sự chống lại Thầy cũng như tha nhân.

Hoàn toàn ngược lại cách ứng xử của những ai có nhân đức dè dặt kín đáo... Họ trả lại cho tha nhân những gì họ nợ tha nhân, nhất là hiến tặng cho tha nhân tình thương phát xuất từ đức ái, lời cầu nguyện khiêm tốn và liên lĩ mà mọi người phải duy trì cho nhau"[1]

Suy niệm để lần hạt Mân Côi

1. Tình yêu không khoe khoang. "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy, bằng không anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả... cốt để người ta khen" (Mt 6,1-2). Tình yêu không làm cho người ta chú ý. Xin Chúa ban cho chúng con sự xóa bỏ về điều thiện không gây rộn ràng nầy.

2. Tình yêu không khoe khoang. "Khi anh được mời dự tiệc, anh hãy đi ngồi vào chỗ cuối, để khi người đã mời anh đến nói với anh 'xin mời bạn lên trên cho'. Bấy giờ anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc 14,10-11). Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn có thể hạ mình xuống, bằng cách ngồi vào chỗ cuối trong trường hợp cụ thể nọ kia xảy ra.

3. Tình yêu không khoe khoang. "Lạy Chúa, xin canh giữ miệng con và trông chừng lưỡi con" (Tv 141,3). Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự thái quá trong lời nói lộ rõ trong việc tán gẫu kéo dài, trong nhu cầu kể lể về mình không kìm hãm được, trong sự không thể giữ bí mật, trong ước muốn thỏa mãn tính tò mò về cuộc đời kẻ khác...

4. Tình yêu không khoe khoang. Chúa Cứu Thế nói với thánh nữ Catarina đệ Siêna rằng "Sự dè dặt kín đáo không là gì khác ngoài sự hiểu biết đích thực mà linh hồn có về mình và về Chúa. Chính trong sự hiểu biết ấy mà sự dè dặt kín đáo đã ăn rễ sâu vào". Chúng ta hãy xin ơn khiêm nhường và nghèo khó tâm hồn. Tình yêu là dè dặt kín đáo.

5. Tình yêu không khoe khoang. "Còn Maria thì cẩn thận giữ gìn những điều ấy và suy niệm trong lòng" (Lc 2,19). Chúng ta hãy cầu xin ơn nội tâm, thinh lặng và cầu nguyện.


[1] Le Dialogue, I, Ed. Teùqui, p. 34

VỀ MỤC LỤC
Cập Nhật về Bệnh Lao

 

Trong mấy tuần lễ vừa qua, một vần đề thời sự y học đã được không những các nhà y khoa học lên tiếng mà truyền thông khắp nơi cũng sôi nổi bàn cãi, phóng sự, thông tin. Vài ngài dân cử Hoa Kỳ cũng lên tiếng trách cứ cơ quan kiểm soát bệnh tật, nhân viên an ninh biên giới và đòi họ ra quốc hội điều trần nội vụ đồng thời tìm biện pháp đối phó, bảo vệ sức khỏe dân chúng.  

Ðó là chuyện về một vị thầy cãi 31 tuổi người Mỹ ở thành phố Atlanta, làm một đường đi mây về gió, vượt Ðại Tây Dương sang Tây Âu cưới vợ, hưởng tuần trăng mật rồi bay trở lại Hoa Kỳ qua ngả Gia Nã Ðại.

Ðiểm đặc biệt gây ra bàn cãi là anh ta đang mắc một loại bệnh hiếm, có thể lây truyền sang hành khách cùng ngồi trong phi cơ với anh trong hơn chục giờ bay. Anh bị bệnh Lao phổi với loại vi khuẩn ngoan cố, chống cự lại được với các kháng sinh trừ lao tốt nhất.

Anh bào chữa là cơ quan y tế đã không cản trở việc anh đi máy bay và cho biết bệnh của anh không có rủi ro truyền lây cho người khác.

Giới chức y tế phủ nhận, khuyến cáo anh ta không nên trở lại Hoa kỳ bằng phi cơ dân sự mà phải thuê một máy bay riêng. Anh bèn bay tới Gia Nã Ðại rồi lái xe về New York, vào một bệnh viện xin điều trị. Cơ quan kiểm soát bệnh liên bang bèn tức tốc cho máy bay riêng tới đón anh về trụ sở CDC ở Atlanta để khám nghiệm.

 Hiện nay, anh đang được để ở riêng, chữa trị tại một bệnh viện chuyên về Lao tại thành phố Denver, Colorado. Tin cuối cùng cho biết luật sư đã có ba kết quả thử đàm không có trực khuẩn lao.

Ðể trấn an dân chúng và để ngăn ngừa lây lan bệnh, các cơ quan y tế đang tìm kiếm mấy chục hành khách ngồi gần vị luật sư và đưa ra lời hướng dẫn cần làm, nếu e rằng bị lây bệnh. Ðó là:

1- Nên tới bác sĩ gia đình hoặc trung tâm y tế để xin làm thử nghiệm tìm kiếm bệnh lao. Bác sĩ sẽ tìm hiểu dấu hiệu triệu chứng bệnh, làm thử nghiệm trên da, Interferon-Gamma Release Assat (IGRA) và nếu cần chụp quang tuyến phổi.

2- Nếu cần, trở lại bác sĩ từ 6-8 tuần lễ sau để thử nghiệm tìm lao một lần nữa

3- Cất giữ kết quả thử nghiệm. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bệnh lao như ho, xuống cân, sốt, đổ mồ hôi ban đêm thì cần trở lại bác sĩ ngay, dù kết quả thử nghiệm trước đây tốt xấu ra sao.

4- Dù trước đây đã được chủng ngừa lao, mà cho rằng đã có tiếp cận với bệnh nhân lao thì cũng nên đi thử nghiệm lại.

Cuộc tranh cãi còn đang tiếp diễn. Truyền thông cũng đã nói tới việc có thể có “đáo tụng đình” về trách nhiệm của vị luật sư nhiễm XDR-TB, của giới chức y tế liên hệ tới cho phép hoặc không cho phép thầy cãi ta có bệnh hiếm cưỡi máy bay đi cưới vợ.

Theo cơ quan Kiểm Soát Bệnh CDC, phẩm chất không khí trong lòng máy bay được thanh lọc kỹ và tốt hơn ở trong phòng làm việc. Hành khách trên lộ trình dài quá 8 giờ có thể có nguy cơ nhiễm lao nếu ngồi cạnh bệnh nhân bị lao phổi. Tiếp xúc trong thời gian ngắn ít khi bị lây bệnh. 

Trong khi chờ đợi kết quả nội vụ, xin cùng nhau tìm hiểu về bệnh lao này.

Thế nào là “bệnh lao kháng - nhiều-thuốc” Multi Drug-Resistant -TB

Bình thường, bệnh lao có thể điều trị khỏi với 4 loại thuốc căn bản hàng đầu.

Nếu các thuốc này bị lạm dụng hoặc không dùng đúng cách, vi khuẩn lao trở nên quen nhờn với thuốc và sự điều trị với nhóm thuốc hạng hai sẽ khó khăn, có nhiều tác dụng phụ không muốn và rất tốn kém. Khi các thuốc hạng hai này lại bị lạm dụng thì vi khuẩn trở thành bất trị, cần được nghiên cứu chữa chạy quy mô hơn nữa.

Theo cơ quan Y tế Thế giới, khi vi khuẩn chống lại được với hai dược phẩm công hiệu nhất là isoniazid và rifampicin thì là bệnh lao kháng-nhiều-thuốc (MDR-TB hoặc multidrug-resistant TB).

Ở mức độ trầm trọng hơn, XDR-TB (Extensively Drug-Resistant-TB) như trường hợp vị luật sư hành khách hàng không đang được dư luận nhắc nhở tới, thì vi khuẩn lao chống lại cả với các thuốc uống nhóm fluoroquinolone và ít nhất là với ba loại thuốc chích hàng thứ nhì là capreomycin, kanamycin và amikacin.

Sự chống với thuốc kháng sinh xảy ra khi:

-         bệnh nhân không dùng thuốc theo đúng liều lượng và thời gian do bác sĩ chỉ định

-         bác sĩ cho không đúng thuốc, không đúng liều lượng hoặc thời gian quá ngắn

-         khi sự tiếp liệu thuốc bị khó khăn, gián đoạn

-         khi thuốc có ít công hiệu trị liệu

Khi gặp trường hợp XDR-TB, sự điều trị khó khăn hơn, cần được các nhà chuyên môn có kinh nghiệm, kiến thức cao, phòng thí nghiệm tân tiến, cần có tất cả các nhóm thuốc để lựa chọn và thời gian điều trị có thể kéo dài tới hai năm. Sự thành công tùy thuộc ở mức độ chống thuốc của vi khuẩn, bệnh nặng hay nhẹ và sức đề kháng của người bệnh.

Lây lan với MDR-TB cũng tương tự như lây lan bệnh lao bình thường và tùy thuộc một số điều kiện như:

- Số lượng bệnh nhân có mặt tại địa điểm

- Các bệnh đó nặng hoặc nhẹ

- Thời gian tiếp xúc với bệnh nhân lâu hay mau

- Không khí nơi tiếp xúc: thoáng  khí ít rủi ro hơn căn phòng nhỏ bé, không khí ứ đọng

- Khả năng đề kháng của người tiếp xúc. Thí dụ với bệnh nhân suy miễn dịch vì HIV sẽ dễ bị lây bệnh lao hơn.

Nói chung, lây XDR-TB ít khi xẩy ra hơn là lây lan lao phổi bình thường, vì XRD-TB rất hiếm. Theo cơ quan Y tế Thế giới, vào năm 2004, có khoảng nửa triệu trường hợp MDR-TB tại các quốc gia. Từ năm 1993 tới 2006, Hoa Kỳ có 49 trường hợp XRD-TB.

Thường thường XDR-TB xuất hiện sau MDR-TB. Cũng theo cơ quan Y tế Thế giới, lây lan bất cứ loại bệnh lao nào ở trên phi cơ đều rất hiếm.  

Và xin cùng nhau ôn lại về bệnh Lao

Lao vẫn còn là một bệnh có sức tàn phá rất mạnh. Toàn thế giới có khoảng 1.6 tỷ người bị nhiễm, 15 triệu người mang bệnh và số tử vong mỗi năm lên tới 2.5- 3 triệu.  

Tại Mỹ, bệnh lao đã giảm rất nhiều. Năm 2006 có 13,767 ca mà phần đông thấy ở di dân, người vô gia cư, người nghiện chích thuốc, bệnh nhân bị liệt kháng HIV.

Tại Việt Nam, bệnh lao còn khá phổ biến và đứng hàng thứ 13 trong 22 nước có số bệnh nhân lao cao trên thế giới. Mỗi năm, Việt nam có khoảng 160,000 ca lao mới đủ loại trong đó  lao phổi dương tính với vi khuẩn Koch là 60,000. Tồng số bệnh nhân lao lưu hành lên tới trên 260,000 người.

Trong những năm gần đây, bệnh lao trở nên khó chữa vì sự xuất hiện của các vi khuẩn lao kháng thuốc.

Nguyên nhân

Lao là một bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn được bác sĩ người Ðức Robert Koch (1843-1910) nhận diện vào năm 1882.

Vi khuẩn này rất hiếu khí, cho nên thường tấn công phần đỉnh của phổi, phần đầu và thân của xương. Gan, dạ dày, thực quản ít bị lao vì dưỡng khí thấp.  

Truyền bệnh

Lao lan truyền hầu như duy nhất qua không khí từ người bệnh sang người khác. Vi khuẩn lẫn vào không khí khi người bệnh ho, hắt hơi và sống khoảng dăm giờ. Người kế cận hít vào và mang bệnh.

Sự truyền lan qua không khí chỉ xảy ra trong trường hợp lao phổi hoặc họng, chứ không xảy ra khi bị lao ở các nơi khác như thận, xương

Bình thường cần có sự chung sống lâu với người lao chưa được điều trị mới mắc bệnh, chứ chỉ gặp gỡ thoảng qua một vài lần thì ít khi bị. Chẳng hạn như đi trên cùng chuyến xe bus mà người ngồi cạnh bị lao thì cũng không đủ thời gian để bệnh truyền sang.

Bệnh không lây lan khi sờ đụng vào nhau, dùng chung bát đĩa, phòng vệ sinh, phòng tắm

Gần đây bệnh lao xẩy ra nhiều hơn, một phần vì số người bị liệt kháng HIV tăng mà những người này lại dễ mắc bệnh lao.

Theo cơ quan Y tế Thế giới thì 1/3 dân số trên trái đất bị bệnh lao, nhất là ở các quốc gia kém mở mang vì nghèo đói, ăn ở chật chội, kém vệ sinh công cộng, thiếu phương tiện phòng ngừa bệnh. Cũng theo cơ quan này, lao đứng hàng thứ nhì trong số các bệnh nhiễm với tử vong khoảng hai triệu trên thế giới.

Với sự di chuyển dễ dàng, di dân du lịch toàn cầu, mọi quốc gia đều có nhiểu khả năng tiếp nhận bệnh nhân lao, kể cả lao kháng thuốc MDR-TB và XDR-TB. 

Triệu chứng

Người bị lao thường ho cả mấy tuần lễ, đôi khi đàm lẫn máu, đau ngực, khó thở, nóng sốt, đổ mồ hôi ban đêm, gầy ốm mất kí. Ho ra máu xảy ra khi có “lỗ” cavity ở phổi.

Khi có những dấu hiệu vừa kể, kéo dài vài tuần lễ mà không biết rõ nguyên do, đều cần đi bác sĩ để được khám nghiệm.

Riêng với trẻ em, các triệu chứng thường thấy gồm có ốm yếu, sút cân trong 2 tháng mà không biết rõ nguyên nhân, ho, thở khò khè, ban chiều, đổ mồ hôi trộm.

Định bệnh

Định bệnh căn cứ vào các dấu hiệu bệnh lý, thử đàm tìm vi khuẩn lao, chụp quang tuyến phổi, làm phản ứng tuberculin, soi phế quản.

a- Xét nghiệm tìm trực khuẩn trong đàm rất chính xác để chẩn đoán lao phổi, nhất là sau khi nuôi cấy trong môi trường riêng. Thử nghiệm rẻ tiền, dễ thực hiện, thích hợp với các quốc gia đang phát triển.

b- Thử nghiệm nhiễm lao bằng tuberculin test chích dưới da với một chút chất đạm đặc biệt. Sau 48 giờ, chỗ chích hơi sưng đỏ là dấu hiệu nhiễm vi trùng lao, nhưng còn yếu không đủ gây bệnh.  

Thử nghiệm này do bác sĩ người Pháp Charles Mantoux khám phá, áp dụng vào năm 1910 và là thử nghiệm chính xác nhất hiện nay.

Những người sau đây cần thử Mantoux trên da:

- đã tiếp xúc thời gian lâu với người bệnh lao

- bị nhiễm HIV

- cho rằng mình đã bị bệnh lao

- sống ở quốc gia mà bệnh lao thường có, như Ðông Nam Á châu

- nghiện chích thuốc cấm. 

c- Thử máu Quanti FERON-TB để đo khả năng miễn dịch của cơ thể với trực khuẩn lao. Trong tương lại, thử nghiệm này có thể thay thế cho phản ứng da.

Hai thử nghiệm sau chỉ cho biết có bị nhiễm lao hay không chứ không cho biết có bệnh lao. Cần xác định bằng X-quang, thử nghiệm đàm. 

Cơ quan Y tế Thế giới đưa ra một hướng dẫn tìm bệnh lao như sau:

- Mọi người bị ho không lý do kéo dài 2-3 tuần lễ hoặc lâu hơn đều cần được khám nghiệm coi có bị bệnh lao hay không.

- Mọi bệnh nhân nghi ngở bị lao phổi cần được thử đàm ít nhất hai, hoặc tốt hơn, ba lần để coi có vi khuẩn lao. Nếu có thể được, nên lấy một mẫu đàm vào buổi sáng sớm.

- Mọi bệnh nhân có kết quả X-quang không bình thường đều cần được thử nghiệm đàm để kiếm vi khuẩn gây bệnh.

Cần phân biệt nhiễm lao với bệnh lao.

- Trong nhiễm lao (TB-infection), vi khuẩn nằm im không tăng trưởng vì bị hệ miễn dịch của cơ thể khống chế, không gây ra bệnh, không có dấu hiệu triệu chứng, X-quang phổi bình thường và không truyền lây bệnh được.Tuy nhiên, nhiễm có thể trở thành bệnh nếu cơ thể suy nhược, mắc HIV, nghiền chích thuốc cấm, sống gần gũi với người bị bệnh lao.

Người nhiễm lao cần phải uống thuốc isoniazid phòng tránh bệnh trong sáu tháng.

 - Bệnh lao (TB-Disease) là khi vi khuẩn đang hoạt động mạnh, tấn công mô bào các cơ quan, gây ra các triệu chứng dấu hiệu bệnh và có thể truyền vi khuẩn cho người khác. 

Trị liệu

Cách đây trên nửa thế kỷ, không có thuốc nào có thể trị dứt bệnh lao. Lao đã được liệt kê vào nhóm bốn nan bệnh trong nền y học cổ truyền dân tộc Việt Nam, Trung Hoa (Phong, Lao, Cổ, Lại. Tứ chứng nan y).

Nhưng kể từ năm 1950, nhiều thuốc trị lao rất công hiệu đã được khám phá, sản xuất. Có hai nhóm thuốc chữa lao:

Nhóm thiết yếu hàng đầu gồm có Isoniazid, Rifampin, Ethambutol, Pyrazinamide.

Nhóm hàng hai thứ yếu là streptomycin, ethionamid, prothionamid, PAS, cycloserin, kanamycin và capreomycin.

Vì lao là bệnh có nhiều ở các quốc gia đang phát triển, sự điều trị không đồng nhất, nên cơ quan Y tế Thế giới đã có hướng dẫn chung như sau. Hướng dẫn này đã được nhiều tổ chức y tế tại các quốc gia ủng hộ:

- Mọi bệnh nhân, kể cả người bị nhiễm HIV, mà trước đây chưa nhận điều trị lao, đều nên dùng các thuốc hàng đầu đã được mọi người công nhận.

Giai đoạn đầu kéo dài hai tháng với isoniazid, rifampin, pyrazinamide và ethambutol.

Gian đoạn kế tiếp được ưa thích là bốn tháng với hai thuốc isoniazid và rifampicin. Có thể thay thế bằng isoniazid và ethambutol trong sáu tháng nếu người bệnh không tuân thủ điều trị, nhưng e rằng bệnh sẽ khó lành và nhiều nguy cơ tái phát có thể xảy ra, đặc biệt đối với người bị nhiễm HIV.

- Mọi bệnh nhân cần được theo dõi kết quả với thử đàm vào lúc kết thúc kết thúc điều trị hai tháng của giai đoạn dầu, sau năm tháng và khi hoàn tất trị liệu. Bệnh nhân dương tính với thử đàm vào tháng thứ 5 đều bị coi như thất bại và cần được xem xét lại phương thức điều trị.

- Bệnh nhân MDR-TB cần được điều trị với bốn thuốc hàng hai trong thời gian ít nhất là 18 tháng.

Nói chung, người mắc bệnh lao phải uống thuốc trong thời gian lâu, ít nhất là sáu tháng. Sau hai tuần lễ uống thuốc, nguy cơ lan truyền bệnh đã giảm đi rất nhiều.

Nếu ngưng thuốc giữa chừng, bệnh tái phát và rất khó chữa. Điều quan trọng là phải uống thuốc cho tới khi bác sĩ thử nghiệm, chụp phim thấy hết bệnh chứ không phải là ngưng khi thấy trong người khỏe trở lại và lên cân.        

Nếu bị bệnh mà không chữa thì không những sẽ thiệt mạng mà còn rủi ro truyền bệnh cho người khác.

Phòng ngừa

Phòng tránh lao tập trung vào các điều sau đây:

a- Loại trừ nguồn gốc gây lan truyền bệnh.

Bệnh nhân lao phổi và cuống họng cần được chẩn đoán càng sớm càng tốt, tạm thời để họ ở riêng và bắt đầu điều trị ngay bằng dược phẩm để tiêu diệt vi khuẩn gây lao.

Trong thời gian này, bệnh nhân không trở lại nơi làm việc hoặc trường học, tránh tiếp xúc với người lành, đặc biệt là trẻ em, người nhiễm HIV, không lai vãng nơi công cộng nhiều người tụ tập.

Thường thường, sau 2-3 tuần lễ uống thuốc đều đặn, thử nghiệm đàm âm tính thì khả năng lây truyền bệnh giảm.

b- Phát hiện bệnh sớm.

Khi nghi có bệnh, cần đi bác sĩ để được khám nghiệm, thử đàm, chụp hình phổi, thử phản ứng tuberculin ngoài da và điều trị, nếu có bệnh.

c- Ðiều trị trường hợp nhiễm lao, phản ứng da dương tính và chưa có dấu hiệu bệnh.

d- Tạo sức đề kháng với vi khuẩn lao bằng vaccin BCG. Ðây là loại vi khuẩn lao sống nhưng đã giảm độc tính và hiện đang được dùng ở mọi nơi, đặc biệt là trẻ em tại các quốc gia đang phát triển, lao nhiều. Vaccin không ngửa bệnh lao nhưng tăng cường sức đề kháng của cơ thể với vi khuẩn lao.     

Nên nhớ là bệnh lao không di truyền, không gây ra do hút thuốc lá.

 

Kết luận

Lao được coi như bệnh của người nghèo, với lợi tức thấp, sống trong điều kiện kém vệ sinh, nhà cửa chật chội, không thoáng khí, bệnh dễ lây lan. Nghèo đói lại làm bệnh lao dễ phát triển, khó chữa vì người dân không đáp ứng được với phí tổn trị bệnh.

Theo tổ chức Y tế Thế giới, bệnh lao đang có khuynh hướng tái xuất hiện tại các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là khi lao kết hợp với nhiễm HIV và với các trường hợp vi khuẩn lao kháng thuốc.

Tổ chức này đã đề ra kế hoạch giảm bệnh lao và số tử vong trên thế giới xuống 50%, so với năm 1990, bằng cách kêu gọi sự hợp tác của các chính phủ, cung cấp miễn phí thuốc trị lao cho mọi bệnh nhân, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển, dân chùng nghèo túng, không có tiền mua thuốc. Ðồng thời, tổ chức cũng cố gắng giúp các quốc gia cải tiến hệ thống điều trị với trực tiếp theo dõi trị liệu (DOT-directtly observe therapy), bảo đảm sự tuân thủ của bệnh nhân dùng thuốc.

Cao vọng của tổ chức là vào thập niên 2050, bệnh lao sẽ không còn là vấn nạn y tế của mọi quốc gia và tỷ lệ bệnh sẽ là 1/1 triệu người dân.

Và cũng không còn các trường hợp lao kháng thuốc, di chuyền tiếp cận với người lành trên máy bay, xe chuyên chở công cộng cũng như nơi có nhiều dân chúng tụ họp, để lây truyền căn bệnh nan trị.

Mong vậy thay!

Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức

Texas-Hoa Kỳ.

VỀ MỤC LỤC

NGHỀ NGHIỆP - Chuyện phiếm của Gã Siêu.


 

Ngày xưa còn bé, trong thời gian tiểu học, mài đũng quần trên ghế nhà trường, thế nào cũng có lần thày cô bắt làm một bài luận với đề tài :

- Lớn lên em sẽ làm gì ?

Thế là bọn nhóc chúng tôi cắm cúi viết. Đứa thì mơ làm bác sĩ, đứa thì mơ làm kỹ sư, đứa thì mơ làm thương gia…Và thậm chí, có đứa cả gan dám mơ làm ông tổng thống nữa. Ôi ! những giấc mơ chưa bị ô nhiễm mới đẹp làm sao !

Còn bây giờ, gặp  nhau sau bao nhiêu năm dài xa cách và nhìn lại quãng đường mình đã đi qua với những vật lộn và bươn chải , nhất là sau những bầm giập của cuộc sống, hay nói cách khác, sau những lần bị đời đá lên đá xuống như một trái bóng, đứa thì cười ha hả với những thành công rực rỡ, đứa thì ngậm ngùi với những thất bại đắng cay.

Có nhiều yếu tố tạo nên thành công hay thất bại trên đường đời.

Thứ nhất là cơ may, gặp thời gặp vận. Có những đứa chỉ với chút tiền còm, đầu tư vào lãnh vực nhà đất, thậm chí có đứa chẳng bỏ ra đồng bạc nào, chỉ cần làm cò, làm môi giới mua đi bán lại, nhưng trúng phóc vào lúc nhà đất đang lên cơn sốt. Và thế là chỉ trong một thời gian ngắn, phất lên trông thấy. Đúng là :

- Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Làm bởi ngươi, nhưng ban bởi Ta.

Thứ hai là cố gắng và chắt bóp, vừa chí thú làm ăn lại vừa tiết kiệm trong chi tiêu, theo kiểu “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, để rồi cuối cùng cũng khấm khớ, như thiên hạ đã diễn tả :

- Trông lên thì chẳng bằng ai,

Trông xuống thì cũng chẳng ai bằng mình.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải có một nghề trong tay. Thực vậy, sống trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, người ta lại càng cần phải có một nghề chuyên môn, bằng không thì chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp. Mà đã thất nghiệp, thì chỉ còn cách nằm ở nhà, ăn lương vợ và làm….báo đời.

Chính vì thế, người xưa đã bảo :

- Không có tiền bạc chưa phải là nghèo, nhưng không có nghề nghiệp mới thực sự là nghèo.

Tiền bạc như núi, nhưng tiêu mãi tiêu hoài, có ngày cũng sẽ hết. Và khi hết tiền, hết bạc, chắc chắn chúng ta sẽ lâm cảnh túng thiếu. Chàng trai phung phá ôm cả một gia tài đi ăn chơi vung vít, phá gia chi tử. Miết rồi cũng rơi vào tình trạng đói khổ, phải đi chăn heo. Trong cảnh cơ cực ấy, chàng muốn tọng cám heo cho đầy bụng mà cũng chẳng ai cho.

Trong khi đó, nghề nghiệp sẽ đẻ ra tiền, thì còn lo gì túng thiếu. Bởi đó, tục ngữ Việt Nam  đã bảo :

- Trâu ruộng bề bề, không bằng nghề trong tay.

Còn người Tàu cũng đã nói :

- Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.

Hay như một câu danh ngôn đã xác quyết  :

- Ruộng đất thẳng băng, chẳng bằng một nghề trong tay.

Vì thế, điều quan trọng là phải chọn cho mình một nghề, rồi ra sức trau dồi, học hỏi nghề mình đã chọn để có được một chất lượng cao, cũng như để có được một tay nghề vững.

Vì thế, người ta cũng thường diễn tả :

- Toàn bộ cuộc đời chúng ta tùy thuộc vào một vài quyết định trong tuổi thanh xuân.

Đúng thế, vào lúc đầu còn xanh và sức sống còn đang phơi phới, có những quyết định làm xoay chuyển hẳn hướng đi và ảnh hưởng mãi cho đến khi về già.

Quyết định thứ nhất, đó là chọn cho mình một bậc sống : Lập gia đình hay ở độc thân. Nếu lập gia đình thì chọn cho mình một người bạn trăm năm khả dĩ cùng đi với mình cho đủ ba vạn sáu ngàn ngày. Còn ở độc thân, thì độc thân giữa đời hay vào nấp bóng trong một dòng tu…

Quyết định thứ hai, đó là chọn cho mình một nghề, để rồi đầu tư công sức vào đó. Nghề đã chọn sẽ theo mình trong suốt cả cuộc đời. Nếu có đổi thay chăng nữa thì cũng thật long đong, vất cả mà nhiều lúc cũng chẳng nên cơm cháo gì.

Chuyện rằng : Nước Trịnh có người học nghề làm dù che mưa, ba năm mới thành nghề. Trời hạn hán, không ai dùng đến dù, anh ta bèn bỏ nghề làm dù, đi học nghề làm gầu tát nước. Lại học ba năm mới thành nghề làm gầu, thì trời mưa mãi không ai dùng đến gầu.

Bấy giờ anh ta lại quay về nghề làm dù như trước. Không bao lâu, trong nước có giặc, dân gian nhiều người phải đi lính, mặc đồ nhung phục, không ai cần đến dù, anh ta xoay ra nghề đúc bình khí thì đã già quách mất rồi.

Úc Ly Tử thấy anh ta, thương tình, nói rằng :

- Than ôi ! Bác chẳng đã già đời rồi ư ! Già hay trẻ không phải là tự người, mà là tự trời, điều ấy đã cố nhiên. Nhưng nghề nghiệp thành hay bại, dù lỡ thời hay không gặp dịp, cũng chẳng nên đổ cả cho trời, tất có mình ở trong.

Ngày xưa nước Việt có một người làm ruộng, cấy lúa chiêm ba năm đều thất vì lụt cả. Có người bảo anh ta nên tháo nước mà cấy lúa mùa. Anh ta không nghe, cứ cấy chiêm như trước. Năm ấy nắng to, mà nắng luôn ba năm, vụ chiêm nào cũng trúng, thành ra anh ta kéo lại, chẳng những hòa mấy năm mất mùa trước, mà còn trở nên giàu có. Cho nên thiên hạ mới bảo rằng :

- Trời đại hạn, nghĩ đến sắm thuyền. Trời nồng nực, nghĩ đến sắm áo bông.

Đó là một câu thiên hạ nói rất phải.

Tuy  nhiên, có một nghề trong tay không quan trọng cho bằng cách  chúng ta hành nghề. Bởi vì có những cách hành nghề nhằm bóc lột người khác, làm nghèo quê hương và phá hoại đất nước. Nhưng cũng có những cách hành nghề giúp ích cho người khác, làm giàu cho quê hương và góp phần xây dựng đất nước, như một câu danh ngôn đã bảo :

- Giá trị của một nghề không bằng giá trị của cách hành nghề.

Gã xin đưa ra những thí dụ cụ thể để minh chứng cho điều vừa mới trình bày.

Chẳng hạn những người sản xuất thuốc, giúp cho bàn dân thiên hạ trị bệnh, thế nhưng vì lòng tham đã chế biến những thứ thuốc dổm, làm cho người đau yếu tiền mất tật mang, bệnh vẫn hoàn bệnh và không chừng  vì để lâu, còn mỗi ngày một trở nên trầm trọng hơn.

Chẳng hạn những người bán hàng, giúp cho bàn dân thiên hạ giải quyết được những nhu cầu cần thiết cho bản thân và gia đình, thế nhưng vì lòng tham,  đã chế tạo ra những chiếc thước thiếu, những chiếc cân non, để móc túi người mua mà người mua chẳng hề hay biết.

Mới đây tại Việt Nam, có một anh chàng đi mua lúa tại tỉnh Kiên Giang, đã mày mò chế tạo ra một chiếc cân với bộ phận điều khiển từ xa. Anh ta chỉ cần đứng ở đâu đó và nhấn nút một phát là chiếc cân tăng giảm theo ý muốn của mình. Quả là quỉ khóc thần sầu.

Chẳng hạn những người thầu khoán, giúp cho bàn dân thiên hạ xây dựng nhà cửa để có một nơi cư trú vừa ấm cúng lại vừa khang trang đẹp mắt, thế nhưng cũng vì lòng tham, nên đã bớt cừ trong lúc đóng móng, đã bớt sắt trong lúc đổ đà…khiến cho ngôi nhà chưa hoàn tất đã bị nghiêng đổ, hay mới sử dụng được ít ngày, đã bị sụp lún và nứt nẻ tùm lum khiến cho khổ chủ mặt mũi buồn xo !

Hầu như trong bất cứ ngành nghề nào, người ta cũng đều có thể lươn lẹo và luồn lách, gian dối và xảo trá để vơ vét về cho đầy lòng tham của mình. Nhưng khốn nỗi, lòng tham của người ta lại thường vô đáy, nên biết thế nào mà lấp cho đầy.

Có người nước Sở làm nghề vừa bán mộc, lại vừa bán giáo. Ai hỏi mua mộc, thì anh ta khoe:

- Mộc này thật chắc, không gì đâm thủng.

Còn ai hỏi mua giáo, thì anh ta to miệng quảng cáo :

- Giáo này thật sắc, đâm cái gì cũng thủng.

Nghe vậy, người ta bèn hỏi :

- Thế bây giờ lấy giáo của bác đâm vào mộc của bác thì sao ?

Và thế là anh ta tịt ngòi.

Tác giả sách Cổ Học Tinh Hoa bèn góp lời bàn như sau :

“Chẳng qua vì mối lợi  mà thành ra nói dối. Thế nhưng khi bị người ta hỏi đến lẽ, thì liền không đối đáp  được nữa.

Có khác gì kẻ đem tượng gỗ ra chợ bán và khoe rằng :

- Ai mua tượng về nhà thì được giàu sang.

Đến lúc có người bắt bẻ :

- Sao bác không để ở nhà cho được giàu sang, mà lại mang ra chợ bán làm gì ?

Lập tức tắt khẩu, mà đành vác tượng ra về”.

Vắt tay lên trán mà suy gẫm chuyện đời, lắm người đã phải dài hơi than thở cả tiếng :

- Có những nghề thấp đã nuôi dưỡng những nhân cách lớn và ngược lại nhiều nhân cách tồi lại ngự trị trong những nghề cao.

Nghe xong lời phát biểu trên, gã bèn vỗ đùi đánh đét một cái và nói :

- Thật là tuyệt vời, tuyệt vời !

Rất nhiều lần khi đọc những bài phóng sự về những phu hốt rác, những phu quét đường, hay những người thông ống cống thành phố…gã đã phải khẩu phục tâm phục những người phu, những người thợ này. Nghề của họ thật khiêm tốn, nhưng nhân cách của họ lại thật cao. Họ chẳng gian tham, chẳng mánh mung, nhưng âm thầm làm việc khi mọi người đang ngủ yên, hay chui rúc dưới những đường cống tăm tối và hôi thối, cốt để phục vụ dân phố và đem lại những thoải mái cho mọi người.

Trái lại, thực là vô phúc và đại họa khi những kẻ có nhân cách tồi lại chễm chệ ngự trị trong những nghề cao.

Chẳng hạn như những ông tổng thống, những ông bộ trưởng, những ông giám đốc…Nhãn hiệu trình tòa của họ thật là đẹp, nhưng nhân cách của họ lại tồi vì bị lòng tham lôi kéo và thúc đẩy, khiến họ đã nuốt trửng hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng mà vẫn cứ phây phây, làm cho đất nước đã nghèo lại càng nghèo hơn.

Vì thế, yếu tố con người bao giờ cũng vẫn là yếu tố căn bản và đi hàng đầu. Nếu con người mà đã hỏng, thì mọi lãnh vực khác cũng sẽ bị sụm bà chè.

Trong phạm vi nghề nghiệp cũng vậy :

- Chẳng có nghề hèn, mà chỉ có kẻ hèn.

Ở Hàng Châu có người bán các thứ trái cây, khéo để dành cam, lâu mà không ủng, vỏ vẫn đỏ hồng, trông đẹp như vàng, như ngọc đem ra chợ bán giá đắt, mà người ta tranh nhau mua. Ta cũng mua một quả. Đem về bóc ra, hơi xông lên mũi, múi xác như bông nát. Ta liền đem ra chợ hỏi người bán cam :

- Anh bán cam cho người ta để làm của cúng lễ, đãi khách khứa hay là chỉ làm cho choáng bề ngoài để đánh lừa người ta ? Tệ thật ! Anh giả dối lắm.

Người bán cam cười và nói :

- Tôi làm nghề này đã lâu năm để kiếm tiền nuôi thân, Tôi bán, người ta mua, chẳng ai nói gì, chỉ có ông kêu ca ! Thiên hạ giả dối nhiều chẳng phải một mình tôi ? Ông thật không chịu nghĩ đến nơi…Này thử xem, người đeo hổ phù, ngồi da hổ, hùng dũng trông ra dáng quan võ lắm, kỳ thực không biết có giỏi được như Tôn Tẩn, Ngô Khởi không ? Người đội mũ cao, đóng đai dài, đường hoàng trông ra dáng quan văn lắm, nhưng kỳ thực không biết có giỏi được như Y Doãn, Cao Dao không ? Giặc nổi không biết dẹp, dân khổ không biết cứu, quan lại tham nhũng không biết trừng trị, pháp độ hỏng nát không biết sửa đổi, ngồi không ăn lương, không biết xấu hổ. Thế mà lúc ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của quí, oai vệ, hách dịch vô cùng! Đó bề ngoài chẳng như vàng, như ngọc, mà bề trong chẳng như bông nát là gì ? Ông không chịu xét những hạng người ấy mà đi xét quả cam của tôi !

Ta nghe nói, nín lặng, không trả lời được ra làm sao. Ta nghĩ người ấy nói có giọng khôi hài. Dễ chừng người ấy ghét kẻ gian tà, giận phường thế tục mới thác ra truyện bán cam để dạy người đời chăng ?

Qua truyện trên, tác giả muốn lấy quả cam đẹp vỏ, thối ruột mà châm chích cái hách dịch, cái oai vệ bề ngoài của những bậc quan lớn một đời suy đốn, để phơi bày cái thực chất bất tài, bất trí, bất dũng ở bên trong.

Nói rộng ra,  bài này có ý dạy ta không nên tin bề ngoài, cũng như những bài ngụ ngôn nói : Cái thùng không, bông lúa lép, hay những câu ca dao :

- Trông em, anh ngỡ sao mai,

Biết rằng trong có như ngoài hay không ?

- Nhác trông ngỡ tượng tô vàng,

Nhìn ra mới biết chẩu chàng ngày mưa.

Không có nghề hèn, mà chỉ có kẻ hèn. Chính kẻ hèn đã bôi tro trát trấu vào nghề nghiệp và làm cho nghề nghiệp cũng trở nên hèn, như một câu danh ngôn đã bảo :

- Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người, mà chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp.

Viết tới đây, gã xin mượn lại một lần nữa mẩu chuyện trong sách “Cổ Học Tinh Hoa”. Mẩu chuyện ấy mang tựa đề là “Người bán thịt dê” :

Vua Chiêu Vương nước Sở bị mất nước, phải bỏ chạy.  Có người bán thịt dê tên là Duyệt, cũng chạy theo vua.

Thời gian sau, vua Chiêu Vương  trở về, lấy lại được nước. Vua bèn thưởng cho những người chạy theo mình khi trước, trong số đó có cả người bán thịt dê nữa.

Ai cũng nhận phần thưởng, chỉ một mình người bán thịt dê từ chối và nói :

- Trước nhà vua mất nước, tôi mất nghề bán thịt dê. Nay nhà vua còn nước, tôi còn nghề bán thịt dê. Thế là tôi giữ được nghiệp cũ đủ ăn rồi, còn đâu dám mong thưởng.

Vua cố ép. Người bán thịt dê thưa rằng :

- Nhà vua mất nước không phải là tội tôi, nên tôi không dám liều chết. Nhà vua lấy lại được nước, không phải do công tôi, nên tôi không dám lĩnh thưởng.

Vua bảo :

- Để rồi ta đến nhà ngươi chơi vậy.

Người bán thịt dê nói :

- Theo phép nước Sở, phàm người nào có công to, được trọng thưởng thì vua mới đến nhà. Nay tôi xét mình tôi mưu trí không đủ giữ được nước, dũng cảm không đủ giết được giặc. Quân giặc vào trong nước, tôi chạy đi lánh nạn, phải theo nhà vua, chớ có phải là cốt ý theo nhà vua đâu ! Nay nhà vua muốn bỏ phép nước đến chơi nhà tôi, e thiên hạ nghe thấy lại chê cười chăng.

Chiêu Vương thấy nói, ngoảnh lại bảo Tư Mã Tử Kỳ rằng :

- Người bán thịt dê này tuy làm nghề vi tiện mà giãi bày nghĩa lý rất cao xa. Nhà ngươi làm thế nào mời được người ấy ra nhận chức tam công cho ta.

Người bán thịt dê nghe thế bèn nói :

- Tôi biết chức tam công là quí hơn cửa hàng bán thịt dê, bổng lộc nghìn vạn, giàu hơn tiền lãi bán thịt dê. Nhưng tôi đâu dám tham tước lộc mà để nhà vua mang tiếng là gia ơn không phải nghĩa. Tôi thực không dám nhận. Xin cho về giữ lấy nghề bàn thịt dê.

Nói đoạn, người ấy lùi ra ngay.

Tác giả sách “Cổ Học Tinh Hoa” đã góp thêm lời bàn như sau :

“Vua Chiêu Vương muốn thưởng, là lấy cái ý khí mình gặp bước lưu vong mà người ta đi theo mình là người ta có lòng trung thành với mình. Người bán thịt dê không nhận thưởng là lấy cái nghĩa không đáng nhận, vì không có công cán gì.

Nếu ai cũng biết an phận thủ thường, quí trọng nghề nghiệp như người bán thịt dê, thì còn ai là kẻ ham mê phú quí, quyền thế và sự thưởng phạt ở đời chẳng là công minh lắm ru ! Thực đáng làm gương cho những kẻ không biết liêm sỉ, tài năng công đức chẳng có gì mà cũng cố cày cục, chạy chọt lấy chút phẩm hàm chức vụ để lòe đời vậy.”

Theo thiển ý của gã, nếu các vị tai to mặt lớn mà không tham sân si, tiền của, bổng lộc, để cho tệ nạn tham nhũng lộng lành, thì đất nước này đã phất lên từ lâu.

Như vậy, chính lòng liêm khiết và tự trọng của người chủ quán đã mang lại vinh quang cho nghề bán thịt dê, một nghề xem ra rất tầm thường trong bất cứ xã hội nào. Phải chăng câu chuyện này đã củng cố phần nào cho ý tưởng gã đã trình bày ở trên, đó là không có nghề hèn, mà chỉ có kẻ hèn.

 Một câu chuyện khác cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ, đó là câu chuyện về Alfred Nobel.

Vào một buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel, người phát mình ra chất nổ và đang hái ra tiền như nước, đã thức giấc trong sự bàng hoàng và sửng sốt : tất cả báo chí trong ngày đều nói đến cái chết của ông vua chất nổ.

Thực ra, đây chỉ là sự lầm lẫn của một ký giả nào đó, bởi vì không phải Alfred Nobel qua đời, mà là người anh của ông. Thế nhưng, dù sao đây cũng là dịp để ông đọc được cảm nghĩ của người khác đang có đối với ông.

Trên môi miệng mọi người, ông chỉ là ông vua chất nổ, là người làm giàu trên cái chết của không biết bao nhiêu sinh mạng. Người ta không hề nhắc tới những nỗ lực của ông nhằm phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức hệ. Không một ai đã nhắc đến những kiến tạo hòa bình của ông cả.

Alfred Nobel buồn vô cùng vì hình ảnh của một nhà kinh doanh trên sự chết chóc mà thiên hạ đang nghĩ về mình. Ông quyết định làm cho cả thế giới biết lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy, ông ngồi xuống bàn làm việc và viết tờ chúc thư, trong đó ông đã dành tất cả tài sản của mình để thiết lập nên  một trong những giải thưởng có giá trị nhất thế giới, đó là giải Nobel hòa bình, nhằm tưởng thưởng cho tất cả những ai có công góp phần vào việc xây dựng hòa bình trên thế giới.

Ngày nay, biệt hiệu của Alfred Nobel không còn là vua chất nổ nữa, mà là vua hòa bình.

Và như vậy, không phải nghề nghiệp đã làm danh giá cho con người, mà chính con người  đã làm danh giá cho nghề nghiệp.

Vì thế, chúng ta cần phải trao cho con cái một nghề để nó có thể tự mình kiếm sống, bởi vì:

- Tay làm hàm nhai,

Tay quai miệng trễ.

- Có làm thời mới có ăn,

Không dưng ai dễ mang phần đến cho.

Tuy nhiên, việc quan trọng hơn vẫn là phải đào luyện chính con người của chúng, vì yếu tố con người là yếu tố quyết định trong mọi lãnh vực. Chẳng thế mà người xưa đã từng xác quyết:

- Nhất niên chi kế, thụ cốc.

 Thập niên chi kế, thụ mộc.

Bách niên chi kế, thụ nhân.

Có nghĩa là :

- Kế một năm không gì bằng trồng lúa.

Kế mười năm không gì bằng trồng cây.

Kế trăm năm không gì bằng trồng người.

Bởi vì :

- Đẻ con chẳng dạy chẳng răn,

Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng.

Vậy thử hỏi chúng ta đã đầu tư  thế nào cho sứ mạng trồng người này ?

Trong phạm vi xã hội, ngân sách nhà nước dành bao nhiêu phần trăm cho chi phí quốc phòng và bao nhiêu phần trăm cho công việc giáo dục ?

Khi con người đã rệu rạo thì chắc chắn xã hội sẽ tuột dốc, bất ổn sẽ xảy ra và người ta sẽ lại đổ tiền  nhiều hơn nữa để ổn định trật tự, cũng như tái lập hòa bình. Quả là một cái vòng luẩn quẩn chết người, vì đã không chịu “chữa tận căn”.

Con người là gốc rễ. Gốc rễ đã thối, thì dù có bón bao nhiêu phân, xịt bao nhiêu thuốc dưỡng, cũng chỉ là vô ích mà thôi.

Trong phạm vi gia đình, chúng ta đã thực sự quan tâm và bắt tay vào việc giáo dục con cái chưa ? Hay là chúng ta lại chủ trương trao phó cho ông trời, như tục ngữ đã nói :

- Trời sinh voi, trời sinh cỏ.

- Cha mẹ sinh con, trời sinh tính.

Và cứ để mặc con cái lớn lên như một loài cỏ dại.

Để kết thúc, gã xin chia sẻ như thế này :

- Đối với con cái,

Để lại tiền của không bằng để lại kiến thức.

Để lại kiến thức không bằng để lại nghề nghiệp.

Để lại nghề nghiệp không bằng để lại đức độ.

Gã Siêu    gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************