Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 41, Chúa Nhật 20.05.2007


CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH         MỤC LỤC 

Giáo Hội Và Thiên Chức Con Người      Gaudium Et Spes                                    Vatican 2

Hiệp Thông Để Truyền Giáo                                                                                       GSVN

Con đường nào bảo vệ tự do và xây dựng hoà bình?              + Hy. GB. Phạm Minh Mẫn

KINH NGHIỆM GÓP NHẶT TRÊN ĐƯỜNG ĐỜI TÔI             Lm. Lê Công Đức chuyển ngữ

CHỨC TƯ TẾ CỦA GIÁO DÂN LÀ CHỨC GÌ ?                                   LM. PX. Ngô Tôn Huấn

LỄ THĂNG THIÊN                                                                          Hương Vĩnh chuyển ngữ

CỨ ĐỂ NHỮNG HẬU QUẢ CỦA NÓ XẢY RA                                           Lm. Lê Văn Quảng

HIẾU THẢO VỚI MẸ CHA                                                       Lm Ansgar Phạm Tĩnh, SDD

“MẸ ƠI, CON CÁM ƠN MẸ...”                                                       Lm. Lê Quang Uy, DCCT

TÌNH YÊU LÀ PHỤC VỤ                               Lm Micae-Phaolô Trần Minh Huy chuyển ngữ

Thực Phẩm Bổ Dưỡng Trí Não                                                          Bác Sỹ Nguyễn Ý Đức


Giáo Hội Và Thiên Chức Con Người

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay

Gaudium Et Spes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Phần Thứ Nhất

Giáo Hội Và Thiên Chức Con Người 12*

 

11. Ðáp ứng những thúc bách của Chúa Thánh Thần. Dân Thiên Chúa, nhờ đức tin mà tin rằng mình được Thánh Thần Thiên Chúa là Ðấng bao phủ mặt đất hướng dẫn, cố gắng nhận định đâu là những dấu chỉ thực về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi yêu sách và ước vọng mà họ dự phần với những người đương thời. Thực vậy, đức tin lấy ánh sáng mới 13* mà chiếu soi mọi sự và biểu lộ ý định của Thiên Chúa về thiên chức toàn vẹn của con người và do đó hướng dẫn lý trí tới những giải quyết hoàn toàn nhân bản.

Trước hết dưới ánh sáng này, Công Ðồng muốn thẩm định những giá trị ngày này rất được đề cao và đưa chúng về tới nguồn phát sinh là Thiên Chúa. Thực vậy, những giá trị này, vì phát sinh do tài năng của con người được Thiên Chúa ban cho, nên rất tốt đẹp. Nhưng vì lòng người đã hư hỏng nên nhiêൠkhi những giá trị ấy đã bị sai lệch ngoài trật tự phải có, bởi vậy chúng cần được thanh lọc 14*.

Vậy Giáo Hội nghĩ gì về con người? Phải đưa ra những điểm nào để xây dựng xã hội ngày nay? Ðâu là ý nghĩa cuối cùng của hoạt động con người trong vũ trụ? Người ta đang chờ một giải đáp cho những câu hỏi trên đây. Như thế sẽ tỏ rõ rằng dân Chúa và nhân loại, trong đó dân Chúa là một thành phần, phục vụ lẫn nhau đến nỗi sứ mệnh của Giáo Hội biểu lộ được tính cách tôn giáo và chính vì thế biểu lộ được cả tính cách hoàn toàn nhân loại.

 

Chương I

Phẩm Giá Con Người 15*

 

12. Con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Những kẻ tin cũng như những kẻ không tin dường như đồng quan điểm là mọi vật trên địa cầu phải được hướng về con người như là trung tâm và tột điểm của chúng.

Vậy con người là gì? Con người đã và còn đang đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau và đôi khi trái ngược nhau. Theo những quan niệm đó, thường con người tán dương mình như một mẫu mực tuyệt đối hay lại chê bai đến độ tuyệt vọng, từ đó con người hoài nghi và lo lắng. Thông cảm sâu xa được những khó khăn này, Giáo Hội, vì được Thiên Chúa là Ðấng mạc khải dạy dỗ, có thể đem lại câu giải đáp cho những khó khăn ấy, nhờ đó diễn tả được thân phận đích thực của con người, giải bày những yếu hèn, đồng thời có thể nhìn nhận xác đáng phẩm giá và thiên chức của con người.

Thực vậy, Thánh Kinh dạy rằng con người đã được tạo dựng "theo hình ảnh của Thiên Chúa" có khả năng nhận biết và yêu mến Ðấng Tạo Dựng mình, được Ngài đặt làm chủ mọi tạo vật trên trái đất 1 để cai trị và xử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa 2. Vì "thế nhân là chi để Ngài nhớ đến? hay con người là gì để Ngài phải bận tâm? So với thiên thần Ngài có để cho thua mấy tí. Vinh dự huy hoàng là triều thiên Ngài ban tặng. Ngài cho thống trị các kiệt tác tay Ngài làm, muôn sự Ngài đã đặt dưới chân" (Tv 8,5-7).

Nhưng Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc: bởi vì từ khởi thủy "Ngài đã tạo dựng có nam và có nữ" (Stk 1,2-7). Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những người khác con người sẽ không sống và phát triển tài năng mình.

Vì thế như ta lại đọc thấy ngay trang đầu của Thánh Kinh: "Thiên Chúa đã thấy tất cả những gì Ngài đã làm đều rất tốt đẹp" (Stk 1,31).

13. Tội lỗi. Ðược Thiên Chúa thiết lập trong sự công chính, tuy nhiên ngay từ đầu lịch sử, con người nghe theo Thần Dữ nên đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa. Dù họ đã nhận biết Thiên Chúa nhưng họ đã chẳng tôn vinh Ngài như Thiên Chúa, trái lại tâm hồn mê muội của họ đã ra tối tăm và họ đã phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Ðấng Tạo Hóa 3. Ðiều Thiên Chúa mạc khải cho ta biết cũng phù hợp với kinh nghiệm của ta. Bởi vì nếu nhìn sâu tận đáy lòng mình, con người cũng khám phá ra rằng mình đã hướng về sự dữ và đã ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Ðấng Tạo Hóa tốt lành của mình. Nhiều khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên ủy của mình, con người cũng phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình và đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thụ tạo.

Vậy trong chính con người đã có sự chia rẽ 16*. Vì thế tất cả cuộc sống của con người, hoặc riêng rẽ, hoặc tập thể, đều biểu hiện như một cuộc chiến, dĩ nhiên là bi thảm, giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và tối tăm. Hơn nữa, con người thấy mình không đủ sức khi phải tự mình chiến thắng hữu hiệu những tấn công của sự dữ đến nỗi mỗi người cảm thấy dường như bị xiềng xích trói buộc. Nhưng chính Chúa đã đến để giải phóng con người và làm cho con người trở nên mạnh mẽ khi Ngài đổi mới tự nội tâm họ và loại ra ngoài thủ lãnh của thế gian này (xem Gio 12,31) là kẻ đã kìm giữ họ trong vòng nô lệ tội lỗi 4. Tội lỗi làm suy giảm chính con người và ngăn cản không cho con người đạt tới sự viên mãn 17*.

Dưới ánh sáng mạc khải này, thiên chức cao cả và nỗi thống khổ sâu xa mà con người nghiệm thấy đều tìm được ý nghĩa cuối cùng của chúng.

14. Sự cấu tạo của con người. Con người duy nhất với xác hồn. Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Vì thế nhờ con người mà những yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng và tự do dâng lời ca tụng Ðấng Tạo Hóa 5. Vậy con người không được khinh miệt đời sống thể xác. Nhưng trái lại con người phải coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng vì thân xác ấy do Chúa tạo dựng và phải được sống lại ngày sau hết. Tuy nhiên, mang thương tích do tội lỗi gây nên, con người cảm nghiệm nơi chính mình những nổi loạn của thân xác. Vậy chính phẩm giá con người đòi hỏi con người ca tụng Thiên Chúa nơi thân xác của mình 6 chứ đừng để thân xác ấy nô lệ cho những xu hướng xấu xa của lòng mình 18*.

Thực vậy, con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì nhờ có nội giới 19*, con người vượt trên mọi vật. Khi con người quay về với lòng mình tức là họ trở về với nội giới thâm sâu này, ở đó Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ đợi họ 7, và cũng nơi đó chính con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới con mắt của Thiên Chúa. Như vậy, khi nhìn nhận mình có một linh hồn thiêng liêng, bất tử, con người không phải là bị mê hoặc bởi một thứ ảo tưởng phát sinh do những điều kiện vật lý và xã hội. Trái lại, nhìn nhận như thế là con người đã đạt tới chính chân lý sâu xa.

15. Phẩm giá của trí tuệ, chân lý và sự hiểu biết. Dự phần vào ánh sáng của trí tuệ Thiên Chúa, con người có lý để nhận định rằng nhờ trí tuệ họ vượt trên mọi tạo vật. Qua các thời đại, nhờ chuyên cần trau dồi tài năng của mình, chính con người đã thực sự tiến bộ trong những khoa học thực nghiệm, những khoa kỹ thuật và nghệ thuật. Trong thời đại chúng ta, con người đã đạt được những thành công phi thường, nhất là trong việc khám phá và chế ngự thế giới vật chất. Tuy nhiên con người đã luôn luôn tìm kiếm và đã khám phá ra chân lý sâu xa hơn. Thực vậy, trí khôn con người không hẳn chỉ giới hạn trong những hiện tượng mà thôi, nhưng còn có thể thấu triệt thực tại siêu hình một cách thực sự chắc chắn, cho dù trí tuệ phần nào đã bị mờ tối và suy nhược do hậu quả của tội lỗi.

Cuối cùng bản chất tri thức của nhân vị được kiện toàn và phải được kiện toàn nhờ sự "hiểu biết" 20*. Chính sự hiểu biết lôi kéo một cách dịu dàng tâm trí con người tìm kiếm và ái mộ những gì là chân, là thiện. Rồi nhờ thấm nhuần sự hiểu biết mà con người được đưa từ thế giới hữu hình tới thế giới vô hình.

Hơn hẳn những thế kỷ trước, thời đại chúng ta càng cần đến sự hiểu biết để tất cả những khám phá mới của con người mang tính chất nhân bản hơn. Bởi vì vận mệnh tương lai của thế giới sẽ lâm nguy, nếu thế giới không phát sinh ra những bậc thông thái lỗi lạc. Hơn nữa, phải lưu ý rằng, nhiều quốc gia tuy nghèo nàn về kinh tế, nhưng lại giàu có về phần hiểu biết, nên vẫn có thể trợ giúp những quốc gia khác rất đắc lực.

Nhờ hồng ân của Chúa Thánh Thần, con người, qua đức tin, tiến tới sự chiêm ngưỡng và nếm hưởng mầu nhiệm Thánh ý Thiên Chúa 8.

16. Phẩm giá của lương tâm 21*. Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa 9. Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ 10. Nhờ lương tâm, lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa và anh em, và được biểu lộ cách kỳ diệu 11. Trung thành với lương tâm, người Kitô giáo liên kết với những người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội. Bởi vậy lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì những cá nhân và cộng đoàn càng tránh được độc đoán mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý. Tuy nhiên, lương tâm nhiều khi lầm lạc vì vô tri bất khả thắng, nhưng cũng không vì thế mà mất hết phẩm giá. Nhưng không thể nói như vậy khi con người ít lo lắng tìm kiếm điều chân và điều thiện cũng như khi vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng.

17. Sự cao cả của tự do 22*. Nhưng con người chỉ có thể quay về với sự thiện một cách tự do. Sự tự do ấy những người đương thời với chúng ta rất ngưỡng mộ và hăng say theo đuổi, và họ thực có lý. Tuy nhiên, lắm lúc họ cổ võ tự do một cách lệch lạc như có thể làm bất cứ điều gì mình thích, cả điều xấu. Nhưng tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu 12, hầu con người tự mình đi tìm Ðấng Tạo Dựng và nhờ kết hợp với Ngài con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc. Vậy phẩm giá của con người đòi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay cưỡng chế hoàn toàn bên ngoài. Con người sẽ đạt tới phẩm giá ấy một khi nhờ tự giải thoát khỏi mọi kiềm tỏa của đam mê, con người theo đuổi cùng đích của mình trong sự tự do chọn lấy điều thiện và khôn khéo cũng như thực sự tạo cho mình những phương tiện thích ứng. Tự do của con người vì bị tội lỗi làm tổn thương nên chỉ nhờ ơn Chúa trợ lực mới có thể thực hiện việc hướng về Thiên Chúa cách hoàn toàn sống động. Vậy trước tòa án Thiên Chúa, mỗi người sẽ phải trả lẽ về đời sống của mình tùy theo chính họ đã làm điều thiện hay điều ác 13.

18. Mầu nhiệm sự chết. Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao tới tột độ. Con người không những bị hành hạ bởi đau khổ và sự tiến dần đến tan rã của thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời. Theo bản năng của lòng mình, con người có lý để ghê sợ cũng như từ chối sự hủy hoại hoàn toàn và sự tiêu diệt vĩnh viễn của bản thân. Mầm sống vĩnh cửu mà con người mang trong mình không thể giản lược vào nguyên vật chất, nên nó nổi lên chống lại sự chết. Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người: bởi vì đời sống sinh vật, dù có được kéo dài thêm đi nữa, cũng không thể thỏa mãn được khát vọng một cuộc sống mai hậu đã được in sâu trong lòng con người.

Trước cái chết, óc tưởng tượng của con người đành bất lực. Nhưng Giáo Hội, được Mạc Khải của Thiên Chúa dạy bảo, quả quyết rằng con người được Chúa dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc sau những khổ cực trần thế này. Hơn nữa, đức tin Kitô giáo còn dạy rằng giả như con người không phạm tội, thì đã không phải chết 14; sự chết này sẽ bị đánh bại khi Ðấng Cứu Thế toàn năng và nhân ái mang lại cho con người sự cứu rỗi mà vì tội lỗi, họ đã đánh mất. Bởi vì Thiên Chúa đã và đang kêu gọi con người đem toàn thân kết hợp với Ngài trong sự thông hiệp vĩnh viễn vào sự sống bất diệt của Thiên Chúa. Chúa Kitô đã đem lại chiến thắng ấy khi Người sống lại và nhờ cái chết của Người, Người đã giải phóng con người khỏi sự chết 15. Vậy đức tin với những lý chứng vững chắc đem lại giải đáp cho bất cứ ai khắc khoải ưu tư về số phận tương lai của mình. Ðồng thời đức tin còn cho con người khả năng hiệp thông với những anh em thân yêu đã chết trong Chúa Kitô, và làm cho họ hy vọng rằng những người ấy đã được sống thực sự nơi Thiên Chúa.

 

Chú Thích:

(lưu ý: những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo trước)

12* Trong phần thứ nhất này Công Ðồng tìm hiểu về con người dưới ánh sáng đức tin để rồi trong phần thứ hai có thể đề cập tới một số vấn đề cụ thể. Chương I nói về con người trong thế giới: phẩm giá của con người. Chương II: về con người theo tính cách xã hội. Chương III: về ý nghĩa và giá trị sinh hoạt của con người. Chương IV: con người và Giáo Hội.

13* Sống theo đức tin không phải là quay lưng tránh né trước các vấn đề nhân loại. Trái lại, chỉ nhờ đức tin chúng ta mới có được quan điểm toàn diện về con người (không biết ơn kêu gọi siêu nhiên của con người làm sao có thể biết chính con người được!). Nên, chỉ nhờ đức tin chúng ta mới có thể tìm thấy những giải đáp thực sự có tính cách nhân loại bởi vì đức tin giúp ta coi trọng con người về mọi phương diện. Dĩ nhiên ở đây không nói tới một đức tin trong lý thuyết, chẳng ảnh hưởng gì đến các việc thường nhật.

14* Các giá trị nhân bản, các nhân bản chủ nghĩa (xem chú thích về số 7) đều mang ý nghĩa mơ hồ. Cả về khía cạnh tốt đẹp nhất của chúng, chúng vẫn chưa hoàn toàn và không đủ để "cứu rỗi" con người - theo như ý muốn của Thiên Chúa!

15* Phẩm giá con người rất cao cả vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa (số 12) - dầu bị tội lỗi làm mất vẻ trong sáng (số 13) -, vì giá trị bản tính thể xác lẫn linh hồn của mình (số 14), đặc biệt của lý trí (số 15), của lương tâm luân lý (số 16) của quyền tự do (số 17) và của tính bất diệt (số 18). Phẩm giá đó bị hiện tượng vô thần làm thiệt hại không ít: Công Ðồng mô tả hiện tượng và nguyên nhân của nó rồi nêu rõ thái độ của Giáo Hội (số 19-21). Phẩm giá của con người được biểu lộ một cách hoàn toàn nơi Chúa Kitô (số 22).

16* Ðây là một trong những kinh nghiệm đau đớn nhất của con người. Con người không phải chỉ là khán giả cũng không phải chỉ có vai trò tác động trong cuộc tranh đấu giữa sự thiện và sự ác. Cuộc tranh đấu ấy ngay ở giữa tâm hồn con người. Những sự dữ vật chất (vô tri, yếu đuối, bệnh tật...) đều đặt giới hạn bi thảm cho lòng khát khao sự hoàn hảo và toàn vẹn. Nhất là tội ác lôi cuốn con người từ bên trong đi ngược với nguyện vọng sâu xa về sự thiện (xem trên, số 10).

17* Tội lỗi không chỉ có nghĩa là từ chối làm con Thiên Chúa và do đó ngăn cản không cho con người phát triển trọn vẹn, nó còn làm tổn thương chính bản tính tự nhiên của con người: trái ngược với lý trí, đe dọa ý chí, làm cho sự tự do bị sai lạc... hình ảnh của Thiên Chúa là con người tất nhiên bị hư hỏng rất nhiều.

18* Ở đây Công Ðồng nhắc lại một số nhận xét về thân xác theo thần học công giáo:

1) Thân xác là phần bản thể của thực tại duy nhất là con người. Con người không gồm có hai phần: xác và hồn, nhưng con người là xác và hồn. Ta còn có thể nói con người là thân xác này: bởi vì nếu chưa có hồn thì cũng chưa phải là thân xác này, mà chỉ là một đống vật chất chưa thành thể.

2) Thân thể vật chất kết tụ các yếu tố tốt của giới vô cơ, của giới thực vật và động vật. Nơi con người, tất cả các nguyên tố đó được thêm ý thức và khả năng để ngợi khen Ðấng Tạo Hóa.

3) Ðược Thiên Chúa tạo nên, không chỉ vì Chúa đã tạo nên vật chất sơ khai mà còn do việc cộng tác cần thiết và hệ trọng nhất của Thiên Chúa với đôi cha mẹ (x. 2Mac 7,22-23).

4) Thân thể hay chết cuối cùng sẽ sống lại. Sống lại vẻ vang theo ý muốn của Chúa, giống như thân thể của Chúa Kitô Anh Cả của loài người (đặc biệt của tín hữu) (x. 1Cor 15,20-22.42-49).

5) Do đó ta phải kính trọng thân thể.

6) Ðàng khác tội lỗi - không chỉ nguyên tội mà còn các tội lỗi khác, nhất là tội lỗi của riêng từng người - đã làm tổn thương nó. Các dục vọng (sự sợ hãi, sự nổi giận, tính lười biếng, sự dâm dục, v.v...) dễ dàng thúc đẩy ngũ quan và tâm hồn tìm kiếm những đối tượng bất chấp tính cách luân lý, hơn nữa trái ngược với lý trí. Như thế con người cảm thấy thân xác đè nặng mình, giới hạn mình và trở nên chướng ngại vật giữa chính mình và tha nhân... (x. Rm 7,24).

7) Việc làm sáng danh Thiên Chúa nơi thân thể (x. 1Cor 6,20) đòi hỏi ta phải gắng sức tranh đấu với những xu hướng xấu nơi thân xác. Phẩm giá của con người cũng đòi hỏi như vậy. "Nhờ thân xác, con người liên lạc với vũ trụ để cải thiện nó; với tha nhân, để cảm thông (nơi hôn nhân, thân xác đạt tới tột đỉnh của nó như khí cụ để biểu lộ và phục vụ tình yêu); với Thiên Chúa, để trung thành phục vụ Chúa hết lòng..." (Vatican II, Gaudium et Spes, x.b. l'Action populaire, ghi chú 28).

19* Câu này muốn nói rằng con người cao vượt hơn và có giá trị hơn cả vũ trụ vì con người có lý trí. Nhờ lý trí con người có thể suy luận, như quay về nội tại của mình để tìm trong đó ý nghĩa của mọi sự và tìm cách chỉ huy không những chính đời mình mà còn các thực tại khác nữa.

20* Sapientia bởi Sapere tức là nếm mùi có nghĩa rộng hơn và sâu xa hơn danh từ hiểu biết. Ðó là một thứ hiểu biết của người sáng suốt, của người không phải chỉ hiểu biết chân lý mà còn thưởng thức ý nghĩa thâm sâu của chân lý, dù chân lý đó là những nhận xét về thiên nhiên, về bản tính con người hay về thế giới vô hình. Người học thức chưa chắc đã có thứ hiểu biết này, trái lại kẻ vô học, mù chữ, rất có thể lại được thứ hiểu biết đó. Ðầu óc khoa học và kỹ thuật của thời đại ít giúp ta chiếm được thứ hiểu biết ấy.

21* Công Ðồng đã xác nhận chiều hướng hiện nay đang đề cao giá trị và vai trò của lương tâm. Không lập nên một thuyết nào, nhưng Công Ðồng nhắc lại những điểm chính trong thần học Công Giáo. Số này diễn tả lương tâm luân lý theo phương pháp hiện tượng thuyết: 1) lương tâm như tiếng nói trong nội tâm từng người, 2) chỉ dẫn về điều lành điều dữ, 3) và đòi hỏi phải tránh điều ác, làm điều thiện, 4) đòi hỏi như ra lệnh, 5) giống như một lề luật đã được khắc ghi vào thâm tâm, 6) không phải do chính mình lập ra.

Hiện tượng đó đầy ý nghĩa. Theo Công Ðồng: 7) Phẩm giá con người hệ tại việc vâng theo tiếng nói đó, 8) bởi vì đó là lề luật cuối cùng đối với từng người: theo đó con người sẽ bị xét xử, 9) do đấy lương tâm cũng là nơi sâu kín nhất trong đó con người gặp Chúa một mình, 10) và ở đó con người tìm thấy luật sinh hoạt là luật được thực hiện trong giới răn mến Chúa yêu người, 11) vì mọi người đều có lương tâm nên tín hữu và mọi người khác có thể gặp nhau và hiểu nhau trong khi tìm chân lý.

Công Ðồng nói, 12) về lương tâm ngay thẳng (của người cố gắng trung thành với tiếng nói đó) giúp ta hoạt động theo qui tắc khách quan chứ không tự ý mù quáng. 13) Sự sai lầm không làm cho lương tâm ấy hết giá trị: thực sự vì ngay thẳng nghĩ rằng hoạt động như thế hợp với ý Chúa, được Chúa bằng lòng. 14) Chỉ khi nào cố ý từ bỏ chân lý và ý muốn của Chúa, hay là khi lương tâm trở nên lu mờ vì tội lỗi, lúc ấy giá trị của nó mới bị tổn thương.

22* Quyền tự do là một thứ quyền đáng sợ, nhưng đồng thời là nguyên nhân khiến con người nên cao quí thật sự. Do đó con người có thể lấy tình yêu đáp ứng lại tình yêu Thiên Chúa, nhưng cũng có thể phản nghịch. Con người cao cả không phải vì có thể theo sở thích, vì có thể phản nghịch hay vì có thể chiều theo những xu hướng mù quáng của dục vọng trái với lý trí và đức tin, nhưng chính là vì có thể tự ý đón nhận ý muốn của Thiên Chúa. Ðược tạo nên giống như hình ảnh của Thiên Chúa, con người thật cao trọng khi tự ý cố gắng tới gần và giống như Thiên Chúa hơn.

Ðiều đó không phải là dễ dàng. Quyền tự do bị ảnh hưởng bởi nhiều sức lực thúc đẩy, không những sức lực bên ngoài (như giáo dục - hay là việc thiếu giáo dục - khung cảnh sống, dư luận, hoàn cảnh xã hội v.v...) mà còn cả sức lực bên trong (như tính tình, sức khỏe, dục vọng, mặc cảm và xu hướng tiềm thức).

Nếu con người không được đào tạo và giáo dục để biết xử dụng quyền tự do thì con người có thể sống lâu mà ít khi hoạt động tự do thật sự, nghĩa là ít khi đạt tới mức độ cao cả của mình theo như ý Chúa.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
Hiệp Thông Để Truyền Giáo

 

GIAÓ HỘI Là HIỆP THÔNG

Nhìn vào cuộc sống, chúng ta thấy dường như sự chia rẽ đã len lỏi vào mọi lãnh vực, từ gia đình, xã hội cho đến tôn giáo. Thực vậy, trong gia đình hố ngăn cách giữa già và trẻ mỗi ngày một khơi sâu, ngoài xã hội sự phân biệt giữa giàu và nghèo, giữa nam và nữ cùng với óc bè phái và địa phương mỗi ngày một đậm nét. Ngay cả trong lòng Giáo hội, chúng ta cũng ghi nhận những rạn nứt với những giáo phái mỗi ngày một gia tăng.

Vì thế, để gia đình được ấm cúng, để xã hội được ổn định, chúng ta cần phải ra sức xây dựng sự hiệp thông. Vậy hiệp thông là gì ? Trong ngôn ngữ bình thường : hiệp là hợp cùng nhau, còn thông là thấu suốt, hiểu rõ. Và như vậy, hiệp thông chính là hiểu biết nhau để đi tới hòa hợp cùng nhau.

Hơn thế nữa, là những người con của Giáo hội, chúng ta lại càng phải ra sức xây dựng sự hiệp thông, bởi vì tự bản chất Giáo hội là bí tích, nghĩa là vừa là dấu chỉ, vừa là phương thế hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhân loại, như Công đồng Vaticanô trong hiến chế về Giáo hội “Lumen gentium” đã xác quyết :

“Vì Giáo hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hiệp mật thiết và sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại”. (GH số 1).

“ Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Đức Kitô, Đấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình. Ngài thiết lập họ thành Giáo hội để Giáo hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người”. (GH số  9)

“Mọi người được mời gọi gia nhập dân tộc mới của Thiên Chúa. Vì thế, dân mới này, một dân duy nhất và hiệp nhất, có bổn phận phải lan rộng khắp thế giới,trải qua mọi thế hệ…” (GH số 13).

- Sở dĩ như vậy vì những người sống trong Giáo hội vì được cùng liên kết với một Đầu duy nhất (Đức Kitô), cùng sống bằng một sự sống duy nhất (Thánh linh), cùng một đức tin, một niềm hy vọng và một đức ái. Theo sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, số 815, thì những sợi dây của sự hiệp nhất như sau :

* Trên hết, đó là đức ái, sợi dây của sự trọn lành.

* Những sợi dây hữu hình của niềm hiệp thông:

   + Sự tuyên xưng một đức tin duy nhất, nhận được từ các Tông đồ.

   + Cử hành chung việc phụng tự, nhất là các bí tích.

   + Sự kế vị Tông đồ nhờ bí tích Truyền Chức thánh, duy trì sự hòa hợp anh em trong gia đình của Thiên Chúa.     

Ngoài ra, Hội nghị bất thường của Thượng Hội đồng Giám mục năm 1985 đã nói đến Giáo hội học về sự hiệp thông như là khái niệm trung tâm của mọi tài liệu Công đồng và là sức mạnh động viên mọi canh tân sau Công đồng. Tài liệu sau cùng của Thượng Hội đồng tóm kết những điểm chính yếu cho một nền Giáo hội học như sau:

* Giáo hội học về sự hiệp thông được đặt nền tảng trên sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi.

* Giáo hội là dấu chỉ và sức mạnh liên kết sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại.

* Giáo hội chủ yếu là sự hiệp thông của môn đệ Đức Giêsu, trong Ngài và giữa họ với nhau.

* Giáo hội là nơi và là biểu tượng cho sự hiệp thông của mọi dân tộc.  

Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu nền tảng của sự hiệp thông trong Tân ước và trong truyền thống, những phương thế  xây dựng sự hiệp thông và hậu quả của sự hiệp thông trong lãnh vực truyền giáo.   

 

1.  THEO THÁNH MATTHÊU

Có thể nói toàn bộ chương 18 của Phúc âm theo thánh Matthêu cho thấy Giáo hội là một thực thể xã hội, cách tổ chức sinh hoạt được xây dựng trên chính Thiên Chúa, Đấng kêu gọi mọi người trở thành công dân nước trời. Để xây dựng cộng đoàn hiệp thông, thánh Matthêu đưa ra những tiêu chuẩn sau đây :

- Sống tinh thần trẻ thơ : có nghĩa là phải có tinh thần khiêm tốn, đơn sơ, chân thành. Sự cao trọng đích thực của Ki tô hữu chính là biết vâng phục, tín thác vào Chúa như trẻ nhỏ đối với cha mẹ nó.

- Đón tiếp, yêu thương, qúi trọng những kẻ bé mọn, không làm cớ vấp phạm khiến họ xa rời hay mất lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Những kẻ bé mọn ở đây là những kẻ nghèo hèn, đói khổ (11, 25- 26), những người tội lỗi, bị khinh khi (6, 21), những kẻ bệnh hoạn và tật nguyền (9, 12- 13).

- Chăm sóc những người lạc đường, dấn thân tìm kiếm những người xa lìa Thiên Chúa để đem họ về với cộng đoàn Giáo hội. Mỗi phần tử của cộng đoàn đều có trách nhiệm đối với người khác : không một cử chỉ, một lời nói hay cách sống nào mà lại không có âm hưởng trên cộng đoàn dân Chúa. Dù ý thức hay không ý thức, một Ki tô hữu thánh thiện, đạo đức, sẽ lôi kéo cả cộng đoàn tiến tới; trái lại, một Ki tô hữu bê tha, tội lỗi, cũng sẽ kéo cộng đoàn đi xuống. Bởi vì không ai có thể được cứu rỗi một mình, cũng không ai bị hư mất một mình. Một chi thể lành mạnh, cả toàn thân cảm thấy khỏe mạnh, một chi thể yếu nhược, cả toàn thân cũng bị ảnh hưởng đau đớn. Con sâu làm rầu nồi canh. Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ...

- Sửa lỗi cho nhau : Đây là bổn phận của tình yêu thương liên đới, nhằm khuyến khích nhau trong cuộc sống đức tin, mưu cầu sự toàn thiện và ơn cứu rỗi cho nhau.

- Sinh hoạt chung, sống liên hệ mật thiết với Thiên Chúa và hiệp thông với Giáo hội qua kinh nguyện và phụng vụ.

- Tha thứ cho nhau: có thể nói đây là nét đặc trưng của Ki tô giáo. Sự tha thứ không có giới hạn, vì ai được Thiên Chúa tha thứ cũng phải tha thứ luôn luôn. Sự tha thứ sẽ chẳng thành thật nếu tâm hồn còn nuôi giận hờn, cay đắng vì những bất công đã phải hứng chịu.

Như thế, qua đó chúng ta nhận thấy một cộng đoàn đang trả lời về chính mình, về cuộc sống cụ thể của mình, và cũng đang đi tìm nền móng cho sự hiệp thông của mình nữa. Nền móng ấy là chính Đức Kitô, hiện thân của Thiên Chúa, giữa cộng đoàn. Ngài hiện diện khi cộng đoàn họp nhau cầu nguyện, Ngài hiện diện nơi mỗi người anh em, đặc biệt nơi những kẻ bé mọn, bị khinh khi, bị đối xử bất công, khắt khe. Và một khi đã nhận ra chính mình được Thiên Chúa tha thứ, cộng đoàn chỉ còn giữ lại lòng nhân từ và sự tha thứ như là luật sống, như là cách hành xử duy nhất của mình.  

Trong cộng đoàn , Phêrô giữ một địa vị quan trọng, được Đức Giêsu đặt làm nền tảng của Giáo hội  (Mt 16, 18). Chính Đức Kitô là trung tâm điểm của sự hiệp nhất họ lại với nhau, Ngài là “viên đá góc” (Mt 21, 42).

Giáo hội là hiệp thông, vì đó là dấu chỉ để thế gian tin. Chúa đã nói rằng nước nào chia rẽ sẽ bị tiêu diệt, và thành hay nhà nào chia rẽ sẽ không tồn tại (Mt 12, 25).

 

2- THEO THÁNH GIOAN 

Thánh Gioan trình bày cộng đoàn Giáo hội như đoàn chiên của Đức Kitô, Vị Mục tử tốt lành qui tụ tất cả trong một cộng đoàn là gia đình, dân riêng mới của Thiên Chúa (Ga 10, 1- 18).

Giáo hội còn được sánh với cây nho mà Đức Kitô là thân nho, các Kitô hữu là cành, nhận được sự sống thần linh nơi Đức Kitô. Hình ảnh cây nho là hình ảnh tuyệt diệu và sinh động của tình yêu nối kết mọi thành phần dân Chúa: sự sống nơi Đức Kitô thông truyền cho họ và mọi phần tử được liên kết với nhau.

Vì Giáo hội cũng là một thực thể hữu hình, nên cũng có tổ chức, cơ cấu, trong đó, Phêrô đã được Đức Kitô Phục sinh trao cho nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên (Ga 21, 16). Quyền chăn dắt đó được xây trên tình yêu và lòng tin vững mạnh vào Đức Kitô. Bởi đó, Giáo hội luôn phải hướng về đích điểm là Đức Kitô, Đấng hướng dẫn cộng đoàn Giáo hội đến cùng Chúa Cha, vì Ngài là chủ chăn duy nhất của cộng đoàn Giáo hội.  

Các môn đệ ở trong Chúa Kitô và Chúa Kitô ở trong các ngài (Ga 14, 20), như cành nho gắn liền với thân cây, nhờ đó mà được liên kết, được nuôi dưỡng bởi cùng một nhựa sống (cf. Ga 15, 1- 17). Chính vì yêu mến Chúa mà các môn đệ có thể yêu thương và hiệp nhất với nhau. Không phải yêu thương nhau vì Chúa bắt buộc hay vì yêu mến Chúa, nhưng là vì yêu người là yêu Chúa.

“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17, 20- 23).

Nguyên nhân của hiệp thông là chính Thiên Chúa (Ga 17, 20- 21). Đức tin là tiêu chuẩn của hiệp nhất. Sự hiệp nhất mà Đức Giêsu nguyện xin trong bữa tiệc ly, chính là sự hiệp nhất của “những kẻ sẽ tin nhờ lời” của các môn đệ (Ga 17, 20).

 

3- THEO THÁNH PHAOLÔ

Giáo hội là Thân Thể Đức Kitô (Ep; 1Cr; Rm; Cl), được Đức Kitô yêu thương như một người bạn trăm năm (Ep 5, 25- 28).

“Vì tất cả chúng ta đã được tái sinh trong một Thần khí duy nhất, để trở nên một Thân Thể duy nhất” (1Cr 12, 13). Thân thể duy nhất đó là Giáo hội, mà Đức Kitô là đầu (Cl 1, 15- 18). Nhờ đầu mà “toàn thân được nuôi dưỡng, được kết cấu chặt chẽ nhờ mọi thứ gân mạch và dây chằng, và được lớn lên nhờ sức mạnh Thiên Chúa ban” (Cl 2, 19). Bởi đó, “tất cả chúng ta, dù là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần khí để trở nên một Thân Thể”.

Do vậy, dù là bộ phận nào trong Thân Thể đó, chúng ta cũng thuộc về Thân Thể duy nhất và liên hệ hiện hữu với nhau. Mỗi bộ phận, tuy khác nhau, nhưng cùng phục vụ cho một Thân Thể, do đó cũng là phục vụ lẫn cho nhau. “Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Ngài muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không thể bảo tay: “Tao không cần đến mày”, đầu cũng không thể bảo hai chân: “Tao không cần đến chúng mày” (1Cr 12, 18- 21).

Nhiệm vụ căn bản của Giáo hội chính là mọi người sống hiệp thông trong mọi sự, hay hợp nhất với nhau mà chia sẻ mọi sự với nhau (cf. 1Cr 12, 26).

Thiên Chúa là nền tảng vừa hữu hình, vừa siêu việt của hiệp nhất (Rm 14, 7; Ep 2, 15; 2Cr 5, 14- 15). Nguyên lý hiệp nhất là đức tin. Các tín hữu được kết hợp với nhau vì có cùng một đức tin.  Nguồn mạch sự hiệp nhất của Giáo hội được diễn tả trong thư gởi tín hữu Ê-phê-xô: “Chỉ có một Thân Thể, một Thần khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người (Ep 4, 4- 6). 

Giáo hội là công trình của Chúa Thánh Thần, là mầu nhiệm hiệp thông trong quyền năng của Thần khí hiệp thông. Giáo hội này tiếp tục được hình thành mãi nhờ lời rao giảng, nhờ các bí tích, các đặc sủng và sứ vụ, nhưng trên hết nhờ đức ái. 

 

4- THEO SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ

Sách CVTĐ mô tả Giáo hội như là một cộng đoàn những người tin vào Đức Kitô và sống trong hiệp thông, dưới quyền cai quản của các Tông đồ, là các chứng nhân của Đức Kitô Phục sinh, được  Ngài trao quyền giáo huấn và lãnh đạo cộng đoàn (Cv 2). Sau này, khi có nhiều cộng đoàn được thiết lập, các tín hữu trong các cộng đoàn địa phương vâng phục quyền giáo huấn và sự hướng dẫn của các niên trưởng (cf. Cv 11; 14; 21).

Trong cộng đoàn Tông đồ, Phêrô là người có uy tín và chiếm địa vị đặc biệt. Thực vậy, trong 12 chương đầu, Phêrô hầu như là nhân vật chính của các trình thuật và các bài thuyết giáo. Phêrô cũng là người nói thay cho các Tông đồ. Và còn hơn thế nữa, Phêrô nổi bật vì làm được rất nhiều phép lạ, đến nỗi khi Phêrô đi đến đâu, dân chúng đem bệnh nhân đặt bên lề đường để ít là bóng của ngài rợp trên họ (cf. Cv 2; 3; 4; 5). Trong các vụ bách hại Giáo hội, Phêrô bị hàng lãnh đạo Do Thái để ý và sách nhiễu nhiều hơn các Tông đồ khác, nên đã phải vào tù ra khám nhiều lần và phải đối chất với giới lãnh đạo Do Thái. Phêrô còn là nhân vật chính trong các cuộc tranh luận liên quan đến việc đón nhận dân ngoại gia nhập Kitô giáo. Ngài nhận ra dấu chỉ Thiên Chúa muốn ngài gặp gỡ anh em ngoài Do Thái giáo và mở rộng cửa đón nhận những ai tin vào Đức Kitô và Tin mừng (Cv 10).

Trong cuộc sống cộng đoàn, các tín hữu thường xuyên học hỏi Lời Chúa, tham dự lễ Bẻ bánh, cầu nguyện và giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì vậy mà họ được kết hiệp với Chúa và hiệp thông với nhau.  Sự hiệp thông ở đây bao hàm ba ý nghĩa chính:

- Cộng đoàn : nơi một nhóm người cùng ý hợp tâm đồng với nhau : tuy nhiều người nhưng chỉ một lòng một ý.

- Thông dự : thông phần, tham gia vào một cái gì chung.

- Chia sẻ : Đóng góp.

Ý nghĩa thứ hai và ba bổ túc cho ý nghĩa thứ nhất, như là nguyên nhân và hậu quả. Sở dĩ các phần tử trong cộng đoàn hợp nhất với nhau là vì họ cùng chia sẻ với nhau những yếu tố chung. Và vì cảm thấy đoàn kết hợp nhất với nhau như vậy cho nên họ muốn xiết chặt mối dây liên kết bằng việc chia sẻ cho nhau những tài sản của mình. Đây là bức tranh lý tưởng mà sách Tông đồ Công vụ đã vạch ra (cf. Cv 2, 42- 47; 4, 32- 35).

Sách CVTĐ thường nói đến những tình trạng khác nhau của cộng đoàn như sự lớn mạnh, trưởng thành trong lòng tin, bị bách hại, phân tán, sống yêu thương, vui tươi, liên đới, hiệp thông trong cộng đoàn. Bên cạnh đó là tinh thần tiếp đón niềm nở, can đảm trong gian nan thử thách và mở rộng tâm trí cho những chân trời mới, những vấn đề mới. Qua đó, sách CVTĐ đã trình bày một bức tranh vô cùng phong phú về cuộc sống tín hữu trong cộng đoàn tiên khởi, là kiểu mẫu cho mọi cộng đoàn Giáo hội ngày nay.     

Giáo hội là hiệp thông vì cùng chia sẻ một niềm tin, cậy, mến, dựa trên Lời Chúa và Thánh Thể, cũng như họa theo sự hiệp thông, yêu mến, liên kết của một Thiên Chúa Ba Ngôi, tuy không xóa bỏ những nét cá biệt của mỗi Ngôi vị.

Ta không thể chấp nhận sự hiệp thông của Giáo hội vô hình và sự chia rẽ của Giáo hội hữu hình. Không có hai Giáo hội. Giáo hội là một cộng đoàn hữu hình và một cộng đoàn thiêng liêng (LG, số 8). Đức Giêsu đã muốn rằng sự hiệp nhất của các môn đệ phải là dấu chỉ khả tín cho thế gian (Gio 17, 23). Vì thế, người khác phải có thể nhìn thấy sự hiệp nhất đó. Nền tảng của Giáo hội là vô hình: Thánh linh, ân sủng, các bí tích, … Nhưng mặt kia là hữu hình và còn đòi hỏi phải có yếu tố hữu hình: không có ấn tích Rửa tội nếu không có lễ nghi đổ nước. Lời cầu nguyện của Đức Kitô hướng về sự hiệp nhất giữa các môn đệ sống trong trần thế; những lời kêu gọi của thánh Phaolô trong 1Cr nhắm vào một cộng đoàn cụ thể; việc thánh Phaolô đề phòng những người Rôma (Rm 16, 17), người Corintô (2Cr 12, 20) khỏi “những chia rẽ và gương xấu”, mà ngài coi như là “công việc của xác thịt” (Gl 5, 19-20), đó là những cái cụ thể có thể thấy được.

Do đó, sự hiệp nhất Giáo hội phải hữu hình, nếu không thì không còn là hiệp nhất nữa. 

GSVN

VỀ MỤC LỤC

Con đường nào bảo vệ tự do và xây dựng hoà bình?

 

Tháng Tư Saigòn độ nầy nóng bức. Theo kinh nghiệm cá nhân trong quá khứ hoặc hiện tại, người nầy gọi là tháng Tư đen, người kia gọi là tháng Tư đỏ, người khác gọi là tháng tăng nhiệt. Trong tháng đen đỏ và tăng nhiệt nầy, những gì tôi đọc được từ những tiếng nói khác nhau qua thư tín hoặc qua phương tiện truyền thông, mở đường cho tôi chia sẻ mấy suy nghĩ về công cuộc bảo vệ tự do và xây dựng hoà bình trong thế giới hôm nay.

Cao quý thay lẽ sống vì tự do và hoà bình cho nhân loại, vì sự sống và hạnh phúc của mọi người anh em đồng bào và đồng loại! Xem ra trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay, mọi người thiện tâm, tư bản hay cộng sản, ai ai cũng ước mơ và chọn lý tưởng đó. Nếu lý tưởng đã được thống nhất, thì điều còn lại là phân định tình hình, chọn đường lối thích hợp, và kiên trì thực hiện.

1.Tình hình thế giới hôm nay

Điều nghịch lý là trong thế giới hôm nay gọi là văn minh tiến bộ lại thường xuyên phát sinh khá nhiều bạo lực khủng bố và chiến tranh! Bạo lực từ trong gia đình đến trường học và công sở, từ trên màn hình đến trên mạng internet, từ Trung tâm thương mại thế giới trên đất nước của nữ thần Tự Do đến Tiểu Á và các châu lục. Bạo lực đối kháng nhỏ, gọi là bạo hành trong gia đình, phá thai, ly dị, “bịt miệng”, “cạy răng”, vu khống, đe dọa, đấu đá, bắn tẻ, bất công, áp bức, ép cung, tra tấn, quản chế, tù đày… Bạo lực đối kháng lớn gọi là chuyên chế đàn áp, chiến tranh xâm lược hoặc tự vệ, chiến tranh vũ khí, chiến tranh kinh tế, cá lớn nuốt cá bé… Dưới bất cứ hình thức nào, bạo lực đối kháng vẫn là con đường hủy diệt lẫn nhau. Tại sao trong thế giới gọi là văn minh tiến bộ lại có nhiều người, nhiều tổ chức lớn nhỏ, lựa chọn con đường đó? Và đâu là nguyên nhân của lựa chọn? Tâm lý học cho rằng hành vi của con người được hình thành trên cơ sở di truyền và tính khí, ý thức và tự do, văn hoá và môi trường.

Với kinh nghiệm lâu dài của mình, người Israel mà ta thường gọi là Do Thái, nhận thấy rằng nguyên nhân của bạo lực khủng bố và chiến tranh giữa những sắc tộc khác nhau, song cùng thờ một Chúa, một lý tưởng, không phải là niềm tin vào một Chúa, một lý tưởng, song là do thiếu nhận thức, thiếu tìm hiểu học hỏi, thiếu nghiên cứu thấu đáo, nên phe nầy cho rằng Chúa mình, lý tưởng mình đúng hơn Chúa, lý tưởng của nhóm kia. Thiếu giáo dục, thiếu rèn luyện đạo đức, tính đối kháng cố hữu trong con người điều khiển hành vi của họ và dẫn họ đi đến con đường bạo lực đấu đá, rồi loại trừ nhau. Như thế, nguyên nhân sâu xa của bạo lực khủng bố và chiến tranh là vì con người thiếu ý thức và tự do trong trách nhiệm giáo dục bản thân và niềm tin của mình. Sự phân rẽ và bất ổn trong gia đình thờ một Chúa, trong tổ chức hay sắc tộc theo một lý tưởng, xem ra cũng do cùng một nguyên nhân.

Những người có kinh nghiệm nuôi gà chỉ ra một nguyên nhân khác xem ra khá phổ biến trong xã hội công nghiệp hoá và cơ giới hoá ngày nay. Gà ta được thả đi ăn ngoài vườn, thì kiếm ăn vui vẻ, thịt lại ngon. Gà công nghiệp bị nhốt dày đặc trong một ô chuồng chật hẹp, lâu ngày sanh ra bực bội, phát điên lên và mổ nhau liên tục. Tạm gọi đó là bệnh gà công nghiệp, một thứ dịch cúm gia cầm rất dễ lây lan. Như thế, nguyên nhân của lựa chọn bạo lực và khủng bố có phải vì nhiều nơi trên thế giới ngày nay đã trở thành chuồng gà công nghiệp?

Nếu tất cả nguyên nhân trên định hình cho hành vi lựa chọn của con người, thì đâu là vai trò giáo dục trong gia đình và trong cộng đoàn, trong học đường và trong xã hội? Phải chăng cần xét lại chủ trương, đường lối giáo dục ở những nơi đó? Dân tộc Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong công cuộc đổi mới giáo dục nầy. Họ có kinh nghiệm xây thêm nhà trường để giảm bớt nhà tù.

2. Con đường Đức Giêsu chọn cho mình

Khi linh cảm Thầy mình trở thành đối tượng của bạo lực, nhóm môn đệ của Chúa đã làm gì?
 

  • Người thì theo chủ nghĩa thực dụng và thời cơ, như Giuđa, trở mặt phản Thầy, bán Thầy.

  • Người thì theo tập quán dùng bạo lực chống lại khủng bố, như Phêrô, lúc đầu sắm gươm tự vệ, sau nghe theo lời Thầy bỏ gươm, cảm thấy không an toàn, rồi chối Thầy.

  • Những vị khác, cảm thấy niềm tin không còn chỗ dựa, nên hoảng sợ, tháo chạy, bỏ rơi Thầy.

  • Chỉ có Gioan đồng hành với Đức Maria là theo Thầy từ xa đến tận dưới chân thập giá.

Còn Đức Giêsu, khi bị xử oan sai và bị hành hình cách bất công, trước sau vẫn một mực bao dung đối với bạo lực, cho dù Ngài có đủ lực lượng thiên binh để “bịt miệng”, để loại trừ những kẻ phản bội, những kẻ vu khống và bất công kết án Ngài. Và sau khi Phục Sinh, Ngài cũng vẫn bao dung quy tụ các môn đệ lại, trao ban bình an và Thánh Thần là nguồn lực tình yêu cho các ông, các ông đón nhận rồi dần dần mới hoàng hồn và được Tình Yêu đổi mới thành chứng nhân can trường của Tin Mừng Chúa Phục Sinh.

Có đủ lực lượng thiên binh để khoá miệng những kẻ vu khống, để loại trừ những kẻ bất công kết án và hành hình mình, tại sao Đức Giêsu không chọn con đường bạo lực để tiêu diệt họ? Phải chăng vì sứ mạng của Ngài là đến để mọi người được sống và sống dồi dào? Phải chăng vì Ngài đã chọn con đường khác, là đường Tình Yêu có sức vạn năng hoán cải và đổi mới con người? Phải chăng vì chọn con đường bạo lực đối kháng là lọt vào vòng lẫn quẫn không có lối ra như những kẻ giết hại Ngài? Lịch sử xác minh rằng những kẻ độc tài, bạo chúa và hận thù không tồn tại lâu dài, còn Ngài và Tình Yêu thì tồn tại không chỉ cho đến tận cùng thời gian, song mãi mãi. Hình như nhiều người thiện tâm, vì vẫn bị kẹt trong thế đối kháng và trong quán tính sử dụng bạo lực, nên không thể ý thức và tự do lựa chọn con đường tình yêu hoán cải và đổi mới của Ngài!

3. Một bài học lịch sử hôm nay

Giống như Việt Nam, và còn hơn Việt Nam, dân tộc Do Thái trãi qua nhiều thời kỳ chiến tranh hủy diệt, gần nhất là thế chiến II và cuộc chiến dai dẳng hiện nay. Bí quyết nào, sức mạnh nào giúp họ tồn tại? Người Do Thái xác tín rằng bí quyết và sức mạnh giúp họ không những tồn tại mà còn phát triển vững bền, không phải là súng đạn, bạo lực và khủng bố, song là niềm tin vào Thiên Chúa của Abraham, Isaác và Giacóp. Và họ xác quyết rằng bí quyết bảo vệ tự do và sức mạnh xây dựng hoà bình vững bền, đó là giáo dục con người và củng cố niềm tin trong gia đình cũng như trong cộng đồng xã hội. Giáo dục toàn diện mọi mặt, trí dục, thể dục, kỹ dục, đức dục.

4. Thực hành

Với niềm tin Ngôi Cha là Tình Yêu, Ngôi Con là hiện thân của Tình Yêu, Ngôi Thánh Thần là nguồn lực Tình Yêu, Giáo Hội công giáo trên khắp hoàn cầu, trong nước tư bản cũng như cộng sản, đã chọn cho mình con đường Tình Yêu đổi mới, con đường bao dung, đối thoại thẳng thắn và hợp tác lành mạnh với mọi người thiện tâm nhằm xây dựng một cộng đồng nhân loại mới sống những giá trị Tin Mừng, sống và làm chứng cho sự thật và công bằng, sống và làm men thánh thiện và hiệp nhất, sống và làm ánh sáng chiếu toả yêu thương và bình an của Chúa.

Nếu thấy rằng không có con đường nào khác có hiệu quả hơn cho công cuộc bảo vệ tự do và xây dựng hoà bình lâu dài trong ngôi nhà toàn cầu hoá hôm nay, người thiện tâm cảm thấy có trách nhiệm gì trong công cuộc giáo dục đổi mới con người và củng cố niềm tin đối với con em và thế hệ hậu sinh, đối với đồng đạo, đồng bào và đồng loại? Có thể làm gì, để có đủ sức chu toàn sứ mạng vừa cao cả vừa khó khăn nầy?

(Chúa Nhật Người Mục Tử nhân lành, 29.4.2007)

+ HY GB. Phạm Minh Mẫn

VỀ MỤC LỤC
KINH NGHIỆM GÓP NHẶT TRÊN ĐƯỜNG ĐỜI TÔI

 

Tác phẩm "Giáo hội cần loại Linh mục nào"?

Lm Giuse Lê Công Đức chuyển ngữ từ bản tiếng Anh:

PRIESTHOOD IMPERILED,

Tác giả: BERNARD HARING, C.SS.R.

Dù được ý thức hay không, các kinh nghiệm sống của chúng ta sẽ ảnh hưởng trên cách nghĩ  và cách cảm nhận của chúng ta về thực tại. Suy tư về những kinh nghiệm – cả tích cực lẫn tiêu cực - có thể là một công việc đầy bổ ích để hiểu sâu xa hơn cách thức Thiên Chúa hiện diện và hướng dẫn chúng ta trên hành trình đức tin của mình. Mang hoài bão ấy, khi kết thúc 56 năm linh mục của mình, tôi muốn suy tư ở đây về các kinh nghiệm của chính tôi - cũng như về cách mà những kinh nghiệm đó đã giúp tôi khám phá và tiếp tục thăng tiến ơn gọi linh mục của mình.

Khám phá ơn gọi của tôi

Đầu tiên, một điều thật chắc chắn: Những kinh nghiệm ấu thời của tôi với cha sở, một con người trung bình về mọi tiêu chuẩn, không gợi ra nơi tôi ý tưởng nào hay niềm khát khao nào muốn bắt chước ngài. Tuy nhiên, vào thời ấy, với chức thánh, vị mục tử được đoàn chiên nhìn nhận như một con người cao cả trỗi vượt, một thứ ông chủ, và là một trong những người được kính trọng nhất trong thị xã, cha sở là con người đưa ra phán quyết cuối cùng về mọi sự – dù phán quyết đó đúng hay sai.

Ngay từ hồi còn bé tẻo teo, tôi đã có một kinh nghiệm hãi hùng về con chó của cha sở. Không biết vì lý do gì, nó ghét cay ghét đắng tôi. Không giống như các thiếu nhi được cha sở đưa vào khuôn khổ răm rắp trong lớp học, con chó dữ tợn ấy được cho phép đi lang thang tùy thích. Không may, con đường từ nhà tôi đến trường phải đi ngang nhà xứ! Những lúc đi một mình, tôi tự võ trang bằng vài cục đá để tự vệ, phòng chống khả năng con chó có thể tấn công bất cứ lúc nào.

Vào một ngày như thế, con chó của cha sở chứng tỏ thế “thượng phong” của nó và tấn công tôi. Nó cắn đúng vào chỗ kín của tôi. Hoảng sợ, tôi chạy về nhà với mẹ, khóc bù lu bù loa suốt con đường. Sau khi săn sóc vết thương cho tôi, mẹ dẫn tôi đến nhà xứ và xin gặp cha sở để ngài tận mắt chứng kiến những gì con chó hung dữ của ngài đã gây ra cho tôi. Người giúp việc của ngài lạnh lùng trả lời: “Con Ki không vô cớ tấn công ai bao giờ!”

Thế đấy! Bạn thử tưởng tượng đi.

Tuy nhiên, tôi rất mừng để nói rằng khi cha sở thấy tôi trong tình trạng thê thảm như vậy, ngài tỏ vẻ cảm thông. Ngài cố an ủi tôi, rồi trao cho mẹ tôi một món tiền để mua cho tôi một cái quần mới. Nhiều năm sau, khi giảng tĩnh tâm cho các linh mục, tôi đã chia sẻ một bài suy niệm với đề tài “Con Chó Của Cha Sở” - dựa vào câu chuyện thời thơ ấu ấy của mình.

Họa vô đơn chí, đó không phải là kinh nghiệm cuối cùng của tôi với con chó kia. Vào giai đoạn đói kém ở Đức thời hậu chiến, tôi là một linh mục trẻ, phờ phạc dấu vết chiến tranh, trở về vùng quê ấy để giúp Mùa Chay. Vừa nhác trông thấy con chó ác ôn ngày trước - bấy giờ đã to mập hơn và hỗn láo hơn! - tôi cảm thấy sôi sục trong lòng. Dù tôi không tỏ ra một dấu hiệu gì ác cảm với nó, con chó vẫn gầm gừ khiêu khích. Rồi sau đó – vào khoảng nửa đêm, khi tôi giải tội về muộn - nó đã ra tay! Số là, trong bóng đêm tối mịt, tôi đứng đợi ở cửa nhà xứ, phía gần với khu vườn chỗ con chó hay đi qua và sủa la inh ỏi; tôi hy vọng sẽ có ai đó nghe tiếng nó và can thiệp. Vì chẳng ai chú ý, tôi đánh liều mở cửa và lập tức bị con chó độp một phát vào cổ. Hoảng hồn, tôi kêu thét lên. Nhưng một lần nữa, tôi hết sức ngạc nhiên và không thể tin vào tai mình khi nghe có tiếng nói vọng ra: “Con Ki không bao giờ vô cớ bắt nạt ai.” Sau này, có nhiều dịp lui tới rất nhiều nhà xứ, tôi ghi nhận rằng mình đã gặp rất nhiều con chó thân thiện, phản ảnh đúng những cha sở thân thiện - giống như con Ki phản ảnh rất đúng chủ của mình.

Kinh nghiệm thực tế đầu tiên của tôi với cha sở quê mình – xét trong tư cách là thầy dạy - đã xảy ra khi tôi tham dự lớp giáo lý của ngài. Là một con người rất nghiêm khắc, ngài thường giận dữ đến độ bất nhẫn, sử dụng đòn roi để kiểm soát và quản lý đám học sinh – không khác mấy với nhiều nhà giáo thời ấy. Đó là một trong những lý do khiến tôi không bao giờ gần gũi ngài, cũng không nhận được ấn tượng gì từ cung cách ngài giảng dạy đức tin Công Giáo.

Năm lên chín tuổi, tôi và các bạn cùng lớp được giúp sửa soạn rước lễ lần đầu, và biến cố này trở thành một kinh nghiệm không vui gì đối với tôi. Để đảm bảo rằng bọn nhóc sẽ xưng tội cách trọn vẹn, cha sở kể câu chuyện kinh khủng sau đây – câu chuyện làm tôi sợ điếng người:

Thầy tu già nọ qua đời một cách rất thánh thiện. Sau bài kinh “Requiem”, vị tu viện trưởng bắt đầu bài điếu văn ca ngợi người quá cố. Bỗng dưng, có một tiếng thét lớn từ trong quan tài:

-“Ngừng! Ngừng! Xin hãy ngừng những lời nói vô nghĩa ấy! Tôi đang ở trong hỏa ngục.”

-“Ủa, sao lạ kỳ thế?”, tu viện trưởng hỏi.

Người chết trả lời: “Dạ, lúc con xưng tội lần đầu, vì xấu hổ, con đã giấu đi một tội!”

Quá run sợ, tôi đã lấy giấy bút, ghi ra một bảng liệt kê dài ngoằng các tội – tội thực và tội tưởng tượng – và bắt đầu xưng thú với hy vọng ‘vuốt giận’ được Thiên Chúa, vị Thiên Chúa mà tôi hình dung là rất khắc nghiệt và sẵn sàng tống cổ tôi xuống hỏa ngục bất cứ lúc nào. Niềm háo hức trước đó của tôi đối với bí tích này chợt tắt ngúm ... cho tới khi một cha giải tội khôn ngoan của một tu viện gần đó đã cứu tôi.

Đối lập lại với kinh nghiệm nói trên, tôi có những ký ức dễ thương về người mẹ rất khôn ngoan của mình. Mỗi buổi tối mùa đông, mẹ đọc cho tôi nghe những đoạn Tân Ước đầy cảm kích, những câu chuyện về cuộc đời các thánh, và nhất là những mẩu chuyện về các nhà truyền giáo được viết phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Thật vậy, bố mẹ tôi đặc biệt quan tâm đến những tin tức về hoạt động truyền giáo ở  nước ngoài. Tình yêu và lòng quan tâm của bố mẹ đối với công cuộc truyền giáo là hạt giống nuôi dưỡng nơi tuổi trẻ của tôi một khát vọng trở thành nhà thừa sai rao giảng Tin Mừng tại Phi Châu hay Á Châu. Đó là niềm cảm hứng pha trộn giữa chất lãng mạn của tuổi trẻ và một nhận thức nghiêm túc về ý nghĩa của việc rao giảng Tin Mừng.

Khi tôi lên mười tuổi, việc chuẩn bị rước lễ lần đầu đã được cha sở làm một cách khá hơn. Sau mẹ tôi, chính chị Constantine là người đã giúp tôi nhiều nhất. Mẹ tôi ủy thác tôi cho sự ân cần hướng dẫn của chị Constantine – và vào hôm Rước Lễ lần đầu, tôi cảm thấy rất tự tin để nói với chị: “Em muốn trở thành một vị thánh.” Không chút tham vọng nào, nhưng vốn có tấm lòng và sự khôn ngoan của một giảng viên giáo lý đích thực, chị tôi đã trả lời một cách đơn sơ: “Nên lắm chứ!” Theo cách nghĩ của tôi, tôi thấy chị Constantine vượt xa cha sở nhiều năm ánh sáng về việc rao giảng cho tôi Tin Mừng ơn cứu độ. Và rõ ràng, chị đã bước đi trên con đường của Đức Kitô; rồi ở tuổi 51, chị qua đời một cách thánh thiện trong tư cách là một nữ tu Phan Sinh.

Gần 12 tuổi, có lần trong một khoảnh khắc lắng đọng, tôi sà lại chỗ mẹ tôi và hỏi: “Mẹ ơi, mẹ nghĩ gì nếu con trở thành một nhà truyền giáo – dù con biết mình phải cố gắng rất nhiều để đạt được điều đó?” Âu yếm nhìn tôi, mẹ khích lệ: “Bernard con, không có vị thánh nào từ trên trời rơi xuống cả. Điều mà những người khác làm được thì – với sự trợ giúp của ơn Chúa - con cũng sẽ làm được.” Kể từ giây phút đó, tôi quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ thừa sai của mình. Tuy vậy, ở lứa tuổi đó, ý niệm làm ‘linh mục ‘ còn quá xa vời đối với tôi. Hình ảnh linh mục bằng xương bằng thịt của cha sở địa phương đã không hấp dẫn tôi chút nào, nhưng ý niệm về một nhà thừa sai rao giảng Tin Mừng thì ngập tràn trong đầu óc non trẻ của tôi, với bao hình dung tuyệt vời. Đằng sau niềm hy vọng ấy, dấu hỏi căn bản vẫn còn nguyên đó với tôi: “Trở thành một vị thánh! Tại sao không?”

Ít lâu sau, niềm hy vọng truyền giáo của tôi được củng cố mãnh liệt bởi các cha Dòng Chúa Cứu Thế khi các ngài đến giảng tuần đại phúc tại giáo xứ. Tôi có ấn tượng đặc biệt với Cha Leonard Eckl, người về sau đã trở thành một nhà truyền giáo và được bầu làm Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế ở Brazil. Ngài có đặc sủng đặc biệt về việc khơi gợi và nâng đỡ các ơn gọi trong thanh thiếu niên. Các câu chuyện của ngài về những chuyến đi truyền giáo trên lưng ngựa để cử hành các bí tích và rao giảng về một Thiên Chúa tình yêu tại một số vùng của đất nước ấy đã thu hút sự chú ý của tôi cách mãnh liệt và đã củng cố nhiệt tâm nơi tôi.

Nhiều năm sau, khi sắp hoàn thành học trình tú tài, tôi đã manh nha nghĩ đến việc trở thành một nhà truyền giáo Dòng Tên. Số là, tôi rất ngưỡng mộ nhiệt huyết truyền giáo của các vị ấy: trở thành mọi sự cho mọi người tại các vùng đất Aù Châu. Tìm hiểu chương trình huấn luyện của dòng này, tôi được biết rằng sau giai đoạn tập, có hai hướng được mở ra: các sinh viên có năng lực được khuyến khích trở thành giáo sư, còn những sinh viên trung bình thì được mời gọi đi truyền giáo. Biết được điều này, niềm thích thú của tôi đối với Dòng Tên chợt tan biến – vì tôi muốn (song đã không đạt được) sự bảo đảm rằng mình sẽ trở thành một nhà truyền giáo chứ không phải là một giáo sư.

Bỏ cuộc với Dòng Tên, tôi tìm đến tham vấn vị Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế và dọ ý xem ngài có thể bảo trợ cho tôi trở thành một nhà truyền giáo hay không. Hết sức nghiêm túc, ngài nói rằng ngài có thể cung cấp cho tôi 90 phần trăm cơ hội để tôi hiện thực hóa giấc mơ của mình. Với đầy lòng xác tín, tôi gia nhập và hoàn thành giai đoạn tập của mình, rồi không lâu sau đó tôi được chỉ thị học tiếng Bồ Đào Nha và nghiên cứu văn hóa Brazil. Cho tới lúc được truyền chức linh mục, tôi đã được chuẩn bị sẵn sàng để sống cuộc đời thừa sai và tôi hân hoan xác tín rằng đó là con đường cụ thể để tôi sống đời linh mục của mình.  

Thánh lễ mở tay

Cùng với John Flad – là bạn và là anh họ của tôi - tôi thụ phong linh mục vào tháng 5, 1939. Còn nhớ, hồi tôi bắt đầu học thần học, mẹ của John (cũng là vú đỡ đầu của tôi) nói với anh ta: “Nếu Bernard, bạn con, dám học thần học, tại sao con không dám hở?” Ở đây có thể nói thêm rằng tôi vốn luôn được coi là kẻ dám liều hơn John; chắc hẳn cũng vì vậy mà tôi không được kể là một anh chàng ngoan ngoãn lắm. Điều thú vị là khá lâu trước những cải cách của Công Đồng Vatican II, John và tôi đã hăng hái bênh vực cho việc canh tân phụng vụ. Vì thế, xét rằng cả hai cùng đồng hành với nhau trong suốt những năm chủng viện, chúng tôi không thể hình dung mình không được phép dâng thánh lễ mở tay đồng tế với nhau. Tuy nhiên, không phải là những kẻ phản loạn, chúng tôi chỉ phê phán các qui định đó một cách ôn hòa mà thôi. Thật tiếc, mỗi chúng tôi phải làm lễ riêng, người này sau người khác, tại giáo xứ nhà quê của mình.

Hôm ấy trời trút mưa tầm tã, chúng tôi tự hỏi đó là điềm gì vậy. Vì John và tôi đều là những con người lạc quan, nên chúng tôi giải thích rằng cơn mưa ấy là một dấu hiệu của ân sủng Thiên Chúa tuôn tràn trên chúng tôi - để chúng tôi có thể trổ sinh dồi dào hoa trái.

Ít lâu sau, lúc tôi chuẩn bị mua vé tàu đi Brazil, Bề Trên Giám Tỉnh bất ngờ gõ cửa phòng tôi – và tôi hết sức ngạc nhiên về vinh dự này. Đây chính là vị giám tỉnh sáu năm trước đã bảo rằng tôi không cần phải sợ trở thành một giáo sư – và ngài cũng là người thầy đã hướng dẫn tôi học tiếng Bồ Đào Nha và nghiên cứu văn hóa Brazil sau khi tôi khấn lần đầu. Té ra, cơn mưa hồng phúc dịp tôi thụ phong linh mục trở thành một gáo nước lạnh dội lên đầu tôi, khi tôi nghe vị giám tỉnh chậm rãi nhấn từng tiếng: “Khi các giáo sư của anh nghe biết anh được chỉ định đi Brazil, họ tỏ ra rất bức xúc với tôi. Họ muốn anh tiếp tục học để lấy học vị tiến sĩ thần học luân lý.” Giật mình, tôi trả lời: “Thưa Bề Trên, một yêu cầu như thế chỉ có thể là sự chọn lựa cuối cùng của con thôi.” Tôi cũng thẳng thắn trình bày thêm rằng tôi không ‘kỵ’ gì hơn việc phải học đào sâu loại thần học luân lý mà mình đã được dạy cho trong chương trình đào tạo. Giám Tỉnh lập tức trả lời: “Vì thế, chúng tôi muốn có sự thay đổi. Vả lại, anh không phải đi học ở Rôma đâu! Anh có thể chọn giữa Tubingen và Munich.”

Dù rất trân trọng sự tín nhiệm lớn lao mà các giáo sư dành cho khả năng trí thức của mình, tôi vẫn rất thất vọng vì các mơ ước và dự định của mình xem như đã hoàn toàn sụp đổ. Chỉ sau này khá lâu tôi mới nhận ra rằng lúc đó bề trên đã trao cho mình một sứ mạng thật quan trọng: tôi phải cố gắng hết sức mình để làm cho việc giảng dạy thần học luân lý thực sự trở thành một phần cốt yếu trong công cuộc rao giảng cho mọi người Tin Mừng về quyền năng và sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa. Vả chăng, lúc đó tôi không thể nào thấy trước rằng việc học và những kinh nghiệm của mình sau này trong chiến tranh sẽ giúp tôi có nhiều cơ hội để thực sự trở thành một nhà truyền giáo như mình vẫn ước mơ.

Trong ngành y tế

Được phép chọn lựa, tôi đã chọn học ở Đại Học Munich dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Theodore Steinbuckel; đây chính là một nhà tiên phong trong công cuộc canh tân thần học luân lý. Đề tài tôi được giao để làm luận văn tiến sĩ là: “Thánh và Thiện - hay mối Quan Hệ giữa Tôn Giáo và Luân Lý.” Tuy nhiên, chưa kịp bắt tay vào luận văn này thì tôi đã trở thành một trong những linh mục đầu tiên được gọi nhập ngũ vào quân đội Đức. Theo qui định của Bản Thỏa Ước giữa nhà nước với Rôma, các linh mục có thể được gọi nhập ngũ nhưng chỉ để phục vụ trong tư cách là những nhân viên y tế mà thôi. Đơn vị huấn luyện mà tôi được bố trí vào hầu như gồm toàn là các linh mục, bác sĩ và sinh viên y khoa. Tất cả chúng tôi sống với nhau trong bầu khí ấm tình huynh đệ – và tất cả đều chia sẻ nỗi căm ghét đối với cuộc chiến tranh phi nghĩa này.

Có một anh hạ sĩ nọ trong đơn vị tôi, tính tình rất chất phác, nhưng đồng thời cũng có nhiều mặc cảm tự tôn. Lần nọ, anh ta ra lệnh cho một linh mục phải vừa chạy dọc suốt chiều dài sân vừa la lớn: “Tôi là một thằng ngốc!” Chấp hành mệnh lệnh, anh linh mục ấy cắm cổ chạy và lém lỉnh la thật to: “Thưa hạ sĩ! Đúng, đúng! Hạ sĩ là một thằng ngốc!” Sự táo bạo ấy của anh bạn linh mục đã đem lại cho chúng tôi một trận cười nghiêng ngả – và nó cũng giúp đào sâu tình đồng đội của chúng tôi. Hơn nữa, câu chuyện ấy cũng cho thấy rằng các linh mục không ngu đần cũng không nhát đảm. Họ cũng không hề nghèo khiếu hài hước!

Là lính cứu thương, chúng tôi được qui định không bao giờ được phép làm bất cứ gì thuộc sứ vụ linh mục, trong bất luận trường hợp nào. Ai vi phạm điều lệnh ấy có thể phải nhận hình phạt tới chín năm tù. Tôi tự nhủ mình sẽ vi phạm điều lệnh ấy bất cứ khi nào có dịp cho mình vi phạm – tôi vốn đã chẳng từng mang tiếng là một anh chàng ‘bướng bỉnh’ đó sao! Trong cuộc chiến tranh kéo dài với Nga, tôi phục vụ trong bộ binh với tư cách là một trung sĩ cứu thương. Rất nhiều trường hợp, tôi mang về tuyến sau những người lính bị thương ở mặt trận, và tôi luôn luôn sẵn sàng phục vụ cho bất cứ ai cần đến sự săn sóc y tế. Qua thái độ sẵn sàng ấy của tôi, người ta nhận thấy rằng tôi thực sự là “một người trong họ” – và cũng nhờ đó, tôi nhận được sự tín nhiệm của họ ngày càng hơn.

Đàng khác, cũng có nhiều người quá khích luôn luôn tỏ thái độ khinh miệt các linh mục. Một hôm, một đại úy đã lăng nhục tôi trước mặt nhiều người lính. Tôi điềm tĩnh nói với anh ta: “Nếu một ngày nào đó anh cần sự giúp đỡ, tôi sẽ sẵn sàng. Xin anh đừng quên nhé!” Vài tuần sau, chuyện xảy ra là tôi mang chính viên đại úy ấy từ mặt trận về tuyến sau trong một cuộc tải thương ‘thập tử nhất sinh’ cho chính bản thân tôi – tôi chăm sóc vết thương cho anh ta một cách tận tình. Nước mắt ràn rụa, viên đại úy xin tôi tha thứ về sự xúc phạm của anh đối với tôi. Kinh nghiệm này đã giúp tôi thấy rõ hơn ý nghĩa của mấy tiếng “một người trong chúng ta”, một ý nghĩa được đào sâu thấm thía trong suốt cuộc chiến tranh ấy.

Đức Kitô, Con Người, là “một người trong chúng ta” cho hết mọi người không trừ ai. Cũng vậy, với tất cả niềm xác tín của mình, tôi đã chọn lựa vượt qua mọi biên giới quốc gia. Mùa đông 1940-41, đơn vị tôi đóng quân ở Normandy, nơi mà ban đầu rất nhiều gia đình Pháp và các linh mục địa phương đã coi tôi như một người bạn của họ. Bất chấp luật cấm của chế độ Đức Quốc xã, Chúa Nhật nào tôi cũng cử hành Thánh Lễ trọng thể trong Nhà Thờ Chính Tòa Bayeux, cho các quân nhân của chúng tôi và cho cả dân chúng địa phương của vùng đó. Vốn bị đói khát về tâm linh do hoàn cảnh chiến tranh, người ta đến tham dự thánh lễ mỗi tuần mỗi đông hơn. Chắc hẳn nhiều người trong họ không thể lường hết được sự liều lĩnh của tôi khi thi hành sứ vụ của mình như thế!

Một ngày Chúa Nhật, tôi cưỡi xe đạp vào thị xã và, trên đường, tôi gặp viên sĩ quan chỉ huy ở Bayeux, ông gọi tôi lại. Tôi bồn chồn tự hỏi có phải ông ta muốn hạch tội mình về sự vi phạm của mình không. Và tôi sung sướng thở phào khi ông nồng nhiệt chào tôi và nói rằng ông cũng sẽ giúp tôi trong chuyện làm lễ ấy. Thêm nữa, ông còn ngỏ ý gửi đội quân nhạc tới để giúp cho Thánh Lễ thêm phần long trọng. Thế là từ đó ông cho người đưa tôi đến Nhà Thờ Chính Tòa bằng xe hơi! Rõ ràng, do nhận hiểu sự bất công của luật, viên chỉ huy này đã thể hiện một tinh thần cương trực và can đảm khi dám gạt luật qua một bên – ví ích lợi của mọi người.

Trong những tháng tiếp theo sau, các đường ranh giáo phái sụp đổ rất ngoạn mục. Một hôm, một nhóm quân nhân Tin Lành đến gặp tôi và ngỏ ý xin tôi tổ chức một buổi tối học hỏi Thánh Kinh với họ. Suốt thời gian ở đơn vị này, tôi đã gặp họ đều đặn và tình thân của chúng tôi ngày càng được đào sâu. Vào thời gian trước khi bùng nổ cuộc chiến tranh với Nga, tôi đảm nhận việc cử hành Thánh Thể và giải tội chung cho các quân nhân thuộc các Giáo Hội khác nhau, và đa số trong họ đã tham dự. Trong tình hình khẩn trương lúc ấy, và với cảm nghiệm sâu sắc rằng tất cả chúng tôi là một trong Đức Giêsu Kitô, tôi nhận thấy quả là điều hết sức kỳ quái và tởm gớm việc kiên quyết duy trì sự phân biệt giữa người Tin Lành và người Công Giáo. Mọi người chúng tôi, bất kể thuộc niềm tin nào, đều cảm thấy được mời gọi chia sẻ trong mối hiệp thông. Vào một dịp khác, tôi nói với các người bạn Tin Lành của tôi rằng vị mục tử chính thức của họ chắc chắn sẽ đến để săn sóc họ, nhưng câu trả lời của họ là: “Thưa cha, thực sự chẳng có lý do nào để tạo ra bất cứ sự thay đổi nào cho chúng tôi cả, vì cha là ‘một người trong chúng tôi!’” Vâng, trở thành một người giữa những người khác – đó là một niềm vui và là đặc ân lớn lao hơn bất cứ cảm nghiệm nào khác mà tôi có được trong thời chiến, và tôi đã có nhiều dịp để kinh nghiệm lại điều này.

Tôi đã có những cơ hội tuyệt vời để cung ứng sự trợ giúp – cả về y tế lẫn về tâm linh - cho nhiều anh em Chính Thống Nga cũng như  Ucraina. Chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ một cảm nghiệm đầy cảm kích qua một nghi lễ rửa tội cho một nhóm đông đảo các thiếu nhi và thiếu niên. Ít lâu sau đó, khi tôi nói với một số phụ nữ rằng tôi sẽ đến dâng Thánh Lễ vào Chúa Nhật tuần tới - tin tức này đã lan ra rất nhanh, và rất nhiều người, khao khát niềm vui của bí tích này, đã đến tham dự.

Gần cuối cuộc chiến bi thảm ấy, tôi là một tù nhân chiến tranh, được giam giữ tại một căn cứ ở Ba-lan. Giáo dân của một giáo xứ Ba-lan gần đó – mà tôi đã từng săn sóc  cho một số bệnh nhân trong họ và rửa tội cho các em bé của họ – đã quyết định cứu tôi và vận động để tôi trở thành cha sở của họ. Một lần nữa, tôi cảm nghiệm được ý nghĩa thâm sâu thế nào là “một người trong chúng ta”. Đó là một biến cố giúp tôi thực sự nhìn thấy - bằng con mắt đức tin – ánh sáng của Đức Kitô, Đấng nhìn nhận chính Ngài là “Con Người”, là “một người trong chúng ta”.

“Chúa Có Thể Gửi Một Linh Mục Đến Với Tôi Sao?”  

Vào một trong những ngày khốc liệt nhất ở mặt trận Nga, tôi hoàn toàn kiệt sức do phải làm việc với quá nhiều quân nhân bị thương và tử trận. Hy vọng tranh thủ được một chút nghỉ ngơi để hồi sức, tôi bắt đầu đào một hố cá nhân ngay trong tầm quan sát của ‘đối phương’. Vừa khi bắt đầu đào, tôi nghe một tiếng rên ở gần đó: “Cứu thương, cứu tôi với!” Xét theo tự nhiên con người và xét trong bối cảnh nhà binh, lúc ấy tôi có thể cho phép mình làm ngơ. Thứ nhất, vì tôi cảm thấy mình hoàn toàn kiệt sức; và thứ hai, con người đang kêu rên kia không phải là người của đơn vị tôi, không phải là “một người trong chúng tôi”. Tuy nhiên, bất chợt tôi nhận thấy rõ rằng anh ta là “một người trong chúng tôi”, một người – như mọi người chúng ta – đang cần tôi trong tư cách là một linh mục. Tôi tập trung hết sức lực còn lại của mình, bò ra kiếm người lính ấy. Mười phút sau, tôi tìm thấy anh ta giữa khoảng đồng trống, ngay trong tầm nhìn của lính Nga. Giờ đây nhớ lại, tôi vẫn còn ngạc nhiên không biết tại sao hôm ấy phía Nga đã không bắn tôi. Có lẽ họ nhận ra tôi là một lính cứu thương, và vì họ tôn trọng luật quốc tế nên tha mạng cho tôi. Đối với tôi, không bao giờ có chuyện phân biệt đối xử bên ta bên địch. Người linh mục không biết đến các vành đai phân cách; và người nhân viên cứu thương - do đặc tính công việc của mình - là người phục vụ kẻ khác không cần biết kẻ đó là ai.

Khi tôi tới chỗ người lính bị thương, tôi cố gắng giúp anh ta nhưng lập tức nhận ra rằng mình không thể làm gì để cứu sống anh ta được. Trong tâm trạng ân hận, tôi nói với anh: “Là một nhân viên cứu thương, tôi đã đến quá trễ, nhưng trong tư cách là một linh mục, tôi đang có mặt ở đây kịp thời cho anh.” Đôi mắt mở rộng với ánh nhìn ngạc nhiên, người lính hỏi: “Chúa có thể gửi một linh mục đến với một tội nhân như  tôi sao?” Anh càng sửng sốt hơn nữa khi tôi cho biết rằng tôi có đem theo Mình Thánh Chúa cho anh làm của ăn đàng.[1] Về sau, khi tôi báo tin cho gia đình người lính ấy về cái chết của anh, một linh mục – là anh em họ của người quá cố – đã cho biết: “Thật là một phép lạ! Anh ấy đã bỏ không lui tới nhà thờ kể từ khi xảy ra một vụ trong đó anh bị cha sở cư xử bất công một cách thậm tệ. Anh ấy đã không bao giờ trở lại – dù mẹ anh ấy vẫn không ngừng cầu nguyện đêm ngày cho anh được ơn trở lại.”

Một linh mục, nếu không phải là người cho người khác, thì linh mục ấy đang đi ngược lại ơn gọi của mình. Chỉ khi nào linh mục đáp ứng cho nhu cầu của con người trong bất cứ hoàn cảnh nào mình được mời gọi đáp ứng, thì linh mục mới khám phá ra căn tính đích thực của mình nơi Đức Kitô, Đấng là “Con Người”, Đấng mãi mãi là “một người trong chúng ta.”

Riêng cá nhân tôi, thật là phấn khởi được nghe những người Nga, Ucraina, Ba-lan nói: “Cha Haring là ‘một người trong chúng tôi.’” Đành rằng nói cho cùng, đó không phải là cái gì phi thường lắm, song đó là một xác nhận quan trọng về căn tính của tôi – và là một thách đố tôi tiếp tục đào sâu và phát triển căn tính linh mục của mình suốt cuộc đời mình.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
CHỨC TƯ TẾ CỦA GIÁO DÂN LÀ CHỨC GÌ ?

 

Hỏi: Xin Cha giải thích rõ chức vụ tư tế của người đã chịu Phép Rửa Tội.

Trả lời: Theo giáo lý của Giáo Hội Công Giáo thì khi chịu phép rửa tội (baptism) người được rửa tội cũng được xức dầu thánh (Chrism) để  lãnh nhận ơn riêng của Chúa Thánh Thần, nhờ đó  “ trở thành một Kitôhữu”, nghĩa là được xức dầu, gia nhập vào Thân Thể Chúa Kitô là Đấng đã được xức dầu để làm tư tế, ngôn sứ và vương đế.” (x. SGLGHCG, số 1241).

Nói khác đi, qua bí tích Rửa Tội, người tín hữu được tái sinh trong sự sống mới và được “mặc lấy Chúa Kitô” như Thánh Phaolô dạy. ( x.Gl 3,27). Cũng qua Phép Rửa, người tín hữu được tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và địa vị vương đế của Chúa Kitô như Giáo Hội dạy trên đây. Chính vì vinh phúc lớn lao này mà xưa kia các Thánh Giáo Phụ ( Church Fathers) đã gọi các tín hữu Chúa Kitô, tức những người đã được tái sinh nhờ Phép Rửa  là những “Đức Kitô thứ hai = Alter Christus”. Từ ngữ này về sau cũng được dùng để chỉ các tư tế có chức thánh như Giám Mục và Linh Mục.

Khi nói đến người tín hữu giáo dân ( Laity) là nói đến một thành phần Dân Chúa đông đảo nhất trong Giáo Hội không thuộc về hàng giáo sĩ (Clergy) hay tu sĩ (Religious) như Thánh Công Đồng Vaticanô II đã định nghĩa trong Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium. (  LG. no.31). Sự phân  chia ra ba thành phần này không nhằm nói lên phẩm giá của ai cao hơn ai, hay vai trò nào quan trọng hơn vai trò nào mà chỉ muốn nói lên đặc tính hay chức năng của mỗi ơn gọi ( vocation) mà thôi. Thánh Phaolô đã cắt nghĩa sự khác biệt trong ơn gọi và vai trò  của các thành phần Dân Chúa như sau : “ cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy : tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Chúa Kitô, mỗi người liên đới với người khác như những bộ phận của một thân thể.” ( Rm 12: 4-5).

Nghĩa là giáo sĩ, tu sĩ  hay giáo dân chỉ là những bộ phận khác nhau của cùng một Nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo Hội mà thôi. Khác nhau về chức năng nhưng đều quan trọng và cần thiết cho sự hoạt động và sống còn của Nhiệm thể.

Khi nói đến chức tư tế là nói đến Chức Linh Mục duy nhất của Chúa Kitô, Vị Thượng Tế theo  phẩm  trật Men-ki-xê-đê ( Dt 5: 10 ). Nghĩa là chỉ có Chúa Kitô là Thầy Cả hay Linh Mục Thượng Phẩm duy nhất đã dâng Hy Tế ( Sacrifice ) đền tội thay cho nhân loại một lần xưa trên thập giá. Khi đó, Người vừa là Bàn Thờ, vừa là Của Lễ và là Linh Mục.

Chúa Kitô vẫn tiếp tục dâng Hy Tế này cách bí nhiệm (sacramentally) qua tác vụ của Giáo Hội, cụ thể qua thừa tác vụ (Ministerium) của các giáo sĩ có chức thánh như  Giám mục và Linh Mục, là những người nhờ Bí tích truyền chức thánh (Holy Orders) mà  được phép nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi)  để “làm vịệc này mà nhớ đến Thầy” tức cử hành  Thánh lễ Tạ Ơn (The Eucharist) hàng ngày ở  khắp mọi nơi trong Giáo Hội.

Đây là chức tư tế của hàng giáo sĩ phẩm trật hay thừa tác (ministerial or hierachial priesthood) xuất phát từ bí tích truyền chức thánh. Ngược lại, chức tư tế chung (common priesthood) của mọi  Kitôhữu hay giáo dân là chức phát sinh từ bí tích Rửa tội và Thêm sức, chứ không từ bí tích truyền chức thánh. Vì thế, giáo dân không được phép cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Chỉ trừ trường hợp nguy tử, khi không tìm được các thừa tác viên có chức thánh (Giám mục, Linh mục, Phó tế = Ordained Ministers) giáo dân mới được phép cử hành bí tích Rửa tội mà thôi.

Sự khác biệt  giữa hai chức tư tế  của giáo sĩ và giáo dân  được Giáo Hội nói  rõ như sau :

“Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn cả về yếu tính (degree and essence), song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình. Tư tế thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô cử hành Hy tế tạ ơn (the Eucharist) và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng. Phần tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả, cộng tác dâng thánh lễ và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực.” ( x. LG, số 10).

Nói rõ hơn, các tư tế thừa tác hay phẩm trật, cụ thể là các Giám Mục và Linh mục, thay mặt Chúa Kitô là Đầu (in persona Chirsti Capitis) để giảng dạy và cử hành các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể để diễn lại Hy Tế thập giá trên bàn thờ ngày nay, nhờ đó “ Chúa Kitô, chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế ( x. 1 Cor 10,17) thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện.” ( Sđd, số 3). Nghĩa là, công cuộc cứu chuộc nhân loại của Chúa Kitô đã hoàn tất một lần xưa qua Hy Tế của Người trên thập giá, được lập lại ngày nay mỗi khi Thánh lễ Tạ Ơn  được cử hành. Và chỉ có Giám Muc hay Linh mục được làm việc này nhờ quyền thánh (sacra potestas) đã lãnh nhận qua bí tích truyền chức mà thôi.

Chức tư tế chung của người tín hữu chỉ cho phép mọi giáo hữu được hiệp thông với các tư tế thừa tác trong việc dâng đời sống của mình với mọi vui buồn, sướng khổ để kết hợp với Hy tế của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa để xin ơn cứu chuộc cho mình và cho người khác trong Thánh lễ.

Ngoài ra, chức tư tế và ngôn sứ của người tín hữu cũng đòi hỏi mọi giáo hữu sống nhân chứng cho Chúa Kitô trước mặt người đời để góp phần mở mang Nước của Chúa Kitô là “ Nước của của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình.” (Sđd, số 36). Đây chính là địa vị vương giả mà người tín hữu được chia sẻ với Chúa Kitô nhờ Phép Rửa.

Tóm lại, chức tư tế của người tín hữu hay giáo dân hoàn toàn khác với chức tư tế của hàng giáo sĩ thừa tác (Giám mục, Linh mục) như đã nói ở trên. Tuy nhiên sự khác biệt này không có nghĩa là ai cao trọng hơn ai, mà chỉ nói lên sự khác nhau về chức năng (competence) để chu toàn các nhiệm vụ theo ơn gọi riêng của mỗi bậc sống mà thôi.

Điều quan trọng là mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội, -giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân -  tất cả đều được mời gọi để nên thánh và có trách nhiệm loan báo Tin Mừng Cứu  Độ của Chúa Kitô cho mọi người, mọi dân tộc trên toàn thế giới . Vai trò khác nhau chỉ nói lên bổn phận khác nhau phải chu toàn mà thôi. “ Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân  mà tự hào, vì tất cả đều thuộc về anh em mà anh  em thuộc về Chúa Kitô và Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa.” ( 1 Cor 3: 21,23).

LM. PX. Ngô Tôn Huấn.

VỀ MỤC LỤC
LỄ THĂNG THIÊN

 

Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.  

Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỉ và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.” (Lc 24, 50-53) 

***

Chúa Giêsu Thăng Thiên là một biến cố mà các Tông Đồ không bao giờ quên được. Họ sẽ không bao giờ gặp lại Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt. Đó là lúc giã biệt. Lời nói giã biệt cuối cùng bao giờ cũng đau đớn nhất. Cứ theo bản tính con người mà nói, có lẽ họ đã trở về lại kinh thành Giêrusalem với một tâm trạng sầu muộn. Nhưng thay vì trở lại kinh thành, than khóc buồn bã, thật ra họ rất vui mầng, như Thánh Luca đã viết trên đây. Một điều đầy ý nghĩa đã xảy ra nơi đỉnh đồi nhìn xuống kinh thành tráng lệ đã biến đổi họ từ trạng thái sa sút tinh thần đến một tình trạng mầng vui.

Cuộc sống đáng sống 

Một thiếu nữ sau khi sinh bé gái đầu lòng đã cho biết chị rất ngạc nhiên đến sững sờ khi nhận thấy chị có thể yêu thương con chị một cách đậm đà đến thế. Chị ở bên cạnh con, lòng tràn đầy niềm vui. Sự sinh đẻ đã biến đổi con người của chị. Kinh nghiệm thật đáng giá, đầy ý nghĩa.  

Giống như khi chúng ta ngắm nhìn vũ trụ bao la với muôn vàn vì sao lấp lánh khiến chúng ta phải thốt lên: “Ôi lạy Chúa! Thật tuyệt diệu biết bao!” Và dĩ nhiên Thiên Chúa rất hài lòng khi nghe chúng ta xưng tụng kỳ công tuyệt hảo của Ngài. Đó là chúng ta nói theo ngôn ngữ loài người. Thiên Chúa rất ngạc nhiên khi thấy ai đó ở nơi chân trời xa lạ đã khâm sùng tán thưởng kỳ công do bàn tay Ngài tạo dựng. Rồi Thiên Chúa thấy chúng ta đến với Ngài và la lên: “Thật tuyệt diệu!” Và Thiên Chúa cảm thấy thích thú vì chúng ta đã mở mắt ra để chiêm ngắm những kỳ quan của Ngài.

Đó là kinh nghiệm mà các Tông Đồ đã trải qua trong ngày Thăng Thiên của Chúa. Họ đã bừng sáng mắt ra khi chiêm ngắm sự hiện diện của Chúa. Điều nầy cắt nghĩa tại sao họ đã trở lại Giêrusalem mà hồn còn ở trên mây. Và “Linh đạo” có nghĩa là thức giác đối với những thực tại cao cả đang bao quanh chúng ta. 

Sống là thay đổi 

Gerard Manley Hopkins là một thi sĩ người Ái-Nhĩ-Lan. Hồi còn trẻ, ông là một giáo sư dạy học tại một học đường của các cha dòng Tên ở Wales. Ngày kia ông đang trên đường trở về nhà ở trong cư xá dòng Tên. Lúc bấy giờ là mùa thu. Hopkins đang ở trong một trạng thái rầu rĩ vì mùa hè đã qua, mùa đông sắp tới và thời tiết bắt đầu đổi thay. Nếu ai đã trải qua mùa đông ở Wales thì sẽ rõ tại sao thi sĩ bị sa sút tinh thần. Tại đây rất nhiều ngày chỉ thỉnh thoảng sương mù hơi mỏng một chút, nhưng phần nhiều trong ngày là một màn sương dày đặc ẩm ướt bao trùm và nhìn đâu đâu cũng chỉ thấy mờ mịt.

Đang khi ông trên đường trở về nhà, bất chợt Hopkins tự nói với mình: “Hãy thư thả một chút. Mùa hè không còn đây nữa. Hè đã qua rồi. Mùa đông chưa có ở đây. Mùa đông chưa đến. Vậy thì mùa gì đây? Đó là mùa thu, mùa của lá rụng và cũng là mùa gặt hái hoa quả. Hãy mở mắt ra mà xem. Xem vẻ đẹp của hoa lá. Xem mây trôi lơ lững trên nền trời. Hãy thưởng thức gió mát từ bờ biển Ái-Nhĩ-Lan thổi vào. Đừng bận tâm về điều gì không còn ở nơi đây nữa. Đừng bận tâm về điều gì chưa xảy tới nơi đây. Hãy ngắm xem cái gì đang xảy ra bây giờ đây. Hãy trân trọng giây phút hiện tại. Hãy trân trọng vẻ đẹp rạng rỡ đang phô bày trước mắt!” 

Điều mà Hopkins đang ngắm nhìn vẫn luôn hiện diện ở đó. Điều thiếu sót là không có ai nhìn ngắm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ ấy mà thôi. Thiên nhiên không thay đổi. Mùa gặt hoa quả cũng chưa bắt đầu lúc bấy giờ. Lá cây cũng chưa đổi màu vào lúc đó. Vậy cái gì đã thay đổi? Chính Hopkins đã thay đổi và vì thi sĩ đã thay đổi nên ông lần bước trở về nhà mà tâm hồn ông đã biến đổi theo mùa xuân đang dò dẫm theo những bước chân âm thầm của ông, với nụ cười tươi nở trên khuôn mặt và một bài hoan ca sảng khoái ở trong tâm hồn mà giờ đây đang trỗi dậy khi ông đối diện với vẻ đẹp thần tiên của một buổi chiều vào thu ở xứ Wales đầy trìu mến. 

Trở nên hoàn thiện là năng thay đổi  

Vào ngày Thăng Thiên, Chúa Giêsu không thay đổi. Ngài cũng vẫn là một Chúa Giêsu. Dĩ nhiên Ngài đã trở về với Chúa Cha. Ở một giai tầng nào đó, Chúa không còn ở với các tông đồ nữa, nhưng ở một giai tầng cao hơn, Chúa vẫn ở với họ một cách nào đó mà trước kia họ không bao giờ chứng nghiệm được.  

Vậy thì ai đã thay đổi? Chính các Tông Đồ đã thay đổi. Đó là điều bất chợt đã chiếu tỏa trên họ, ở trên đỉnh đồi đó, điều mà Chúa đã hứa hẹn là sẽ ở với họ luôn mãi. Sự kinh ngạc về điều đó đã thay đổi họ. Họ đã được biến đổi. Vì vậy tại sao họ đã trở về lại kinh thành Giêrusalem, không phải với những giòng lệ tuôn tràn trong đôi mắt mà với một bài hoan ca ở trong con tim. Giờ đây họ đã có một nhãn quan mới mang lại nhiều nghị lực cho họ và làm cho cuộc đời của họ mang nhiều ý nghĩa. Đó là nhãn quan về Chúa Phục Sinh sẽ ở với họ luôn mãi và họ sát cánh bên nhau trong niềm hoan lạc.

Tại sao chúng ta ngày nay mầng kỷ niệm mầu nhiệm cao cả về biến cố Thăng Thiên? Chúng ta không chủ ý tụ họp lại cho đông đảo, để nêu gương tốt cho đám trẻ em, hoặc để làm vui lòng người lớn. Chúng ta hội nhau lại để mở mắt ra như Hopkins đã làm, vào một ngày mùa thu ảm đạm ở xứ Wales và chiêm ngưỡng sự vinh quang của Chúa trong giây phút hiện tại để rồi la lên: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa cao cả biết bao!

Thiên Chúa luôn ở với chúng ta. Điều thiếu sót là chúng ta chưa nhận ra Ngài. Thăng Thiên làm cho chúng ta có khả năng rời khỏi nơi gọi là Núi Chúa để trở về nhà chúng ta với lòng mừng vui. Một thứ mừng vui làm cho chúng ta muốn biết điều gì sẽ xảy ra? Điều gì đã đến với chúng ta? Điều gì đã vượt lên trên chúng ta? Các Tông Đồ đã cảm nghiệm một sự khác biệt. Một đức tin mà không có gì khác biệt thì không còn là một đức tin nữa. Một người thấy đường đi thì sẽ bước đi khác với một người mù mắt.

Đức Hồng Y Newman có lần đã nói: “Sống là thay đổi. Trở nên hoàn hảo là năng thay đổi.” Chúng ta thay đổi hay không thay đổi? Đó là vấn đề! Những ai thay đổi và năng thay đổi là những người sống thật. Những ai không thay đổi và giữ nguyên cách sống của họ là những kẻ chỉ sống mà không sống thật. Sự lựa chọn trước mắt là ở giữa sự sống và sống thật.

Mỏm nhô của tảng băng trôi

Sự Thăng Thiên của Chúa Giêsu là mầu nhiệm của đức tin. Chúng ta phải là những con người có niềm tin mới đi vào mầu nhiệm nầy được. Câu chuyện về Thăng Thiên chẳng khác nào một tảng băng trôi. Bảy phần tám của tảng băng chìm dưới mặt nước. Chỉ mỏm tảng băng – tức một phần tám – mới nhô lên trên mặt biển. Sự ngạc nhiên thích thú là điều gì cơ bản thì không thấy được.

Ở trên đỉnh đồi trông xuống kinh thành Giê-ru-sa-lem, các tông đồ chỉ thấy một phần tám của mầu nhiệm Thăng Thiên. Phần còn lại được che giấu. Họ biết câu chuyện về Chúa Giêsu chưa kết thúc. Chương cuối chưa viết xong. Phần hấp dẫn nhất còn đang diễn tiến, nhưng họ đã có đủ dữ kiện để tiến tới. Một phần tám của mầu nhiệm Thăng Thiên cũng đủ để đưa họ xuống núi, trở lại kinh thành Giê-ru-sa-lem và sau đó sẽ vượt ra khỏi biên giới của Giê-ru-sa-lem để tiến qua biên vực đang chia cắt Giê-ru-sa-lem với thế giới bên ngoài.

Ý nghĩa của mầu nhiệm

Thăng Thiên là một mầu nhiệm sáng chói. Không có bảy phần tám kia thì sẽ không có mầu nhiệm. Cuộc sống chỉ viết bằng văn xuôi, chứ không phải bằng văn vần. Cuộc sống được xây cất trên gạch ngói và vôi hồ, chỉ là trần tục, bình thản và vô vị. Không có bảy phần tám kia thì sẽ không có câu chuyện về Chúa Giêsu, không có Kitô giáo, không có biến cố Thăng Thiên. Cũng sẽ không có đời sống linh thiêng, không có bí tích, không có Thánh Thể, không có Thánh Lễ Chúa Nhật.

Jeanne Guyon đã viết: “Nếu biết tìm ra đáp số cho vấn nạn cuộc sống là điều tuyệt đối cần thiết cho bạn, vậy thì bạn hãy quên đi hành trình của mình. Bạn sẽ không bao giờ thực hiện được hành trình đó, bởi vì đó là một hành trình vô định, hành trình của những vấn nạn không có đáp số, hành trình của những bí ẩn, của những điều không thể hiểu nổi và nhất là của những sự bất công.”

Chúng ta được sinh ra và sống cho Thiên Chúa vô biên. Ở trên trần thế nầy, không thể có bản nhạc giao hưởng trọn vẹn như thế được. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta cho sự vinh quang của Ngài, để được chiêm ngắm Ngài “mặt giáp mặt”. Giờ đây, chúng ta chỉ thầy Ngài một cách lờ mờ, khiếm khuyết. Nhưng rồi đây, chúng ta sẽ xem thấy Ngài một cách tuyệt hảo như Ngài hiện có và nỗi mầng vui của chúng ta sẽ được trọn vẹn.  

Trong khi chờ đợi, Thăng Thiên mang lại cho chúng ta một viễn tượng mới để nhận thấy rằng đời sống cá nhân chúng ta đang góp phần một cách nào đó vào một câu chuyện lớn lao hơn. Một câu chuyện lớn hơn là chính cuộc sống chúng ta và một câu chuyện kỳ diệu hơn bất cứ điều gì hết mà chúng ta sẽ chưa lúc nào thấy hết hay biết hết ở trong cuộc sống nầy.

LM Vincent Travers OP

Hương Vĩnh chuyển ngữ

VỀ MỤC LỤC
CỨ ĐỂ NHỮNG HẬU QUẢ CỦA NÓ XẢY RA

  

Vì hình phạt và phần thưởng nhiều lúc không mang lại kết quả trong vấn đề giáo dục, vậy chúng ta phải làm gì để sửa dạy con cái khi chúng làm những điều sai trái?

Chúng ta thử nghĩ cái gì sẽ xảy ra khi bà mẹ bỏ quên cái bánh ngọt trong lò nướng? Tất nhiên, chiếc bánh ngọt sẽ bị cháy. Và đó là hậu quả đương nhiên của sự quên lãng. Cũng vậy, nếu chúng ta cho phép con trẻ chúng ta nếm thử những hậu quả của những hành động chúng làm, chúng ta cung cấp cho chúng một hoàn cảnh trung thực để chúng tự rút lấy cho mình những bài học quí giá mà chúng ta không cần phải hao hơi tổn sức nhiều.

Cu Minh 10 tuổi thường quên mang thức ăn trưa đến trường. Khi bà mẹ khám phá ra điều đó, bà lập tức mang thức ăn đến trường cho nó. Mỗi lần nó quên, bà lại quở rầy và bảo nó lần sau không được quên nữa. Nhưng rồi, những lời rầy la của mẹ nó không mang lại kết quả. Cậu bé vẫn cứ quên dài dài, và bà mẹ vẫn cứ phải tiếp tục mang thức ăn đến trường cho nó.

Cái gì là hậu quả tất nhiên của việc quên mang thức ăn trưa đến trường? Sự đói. Nếu không có gì ăn trưa, chắc chắn cậu bé sẽ bị đói. Bà mẹ nên nói với cậu bé rằng bà sẽ không có trách nhiệm cho bữa ăn trưa của nó nữa. Bấy giờ, khi nó quên bà không cần biết đến những lời phàn nàn của nó. Cuối cùng, điều đó không còn là vấn đề của bà nữa. Cậu bé sẽ bị đói, đó là điều chắc vì nó nghĩ đó là bổn phận của mẹ nó. Nhưng bà mẹ có thể trả lời trong thinh lặng rằng: “Mẹ rất tiếc là con đã quên nó.” Và nếu cần, bà cũng nên mách với các bà giáo ở trường học về vấn đề nầy để họ đừng cho nó tiền mua thức ăn trưa. Tuy nhiên, nếu bà mẹ thêm vào: “ Có lẽ đây sẽ là một bài học cho con” bà sẽ tức khắc biến hậu quả thành hình phạt. Điều quan trọng ở đây chính là việc chúng ta dùng ngôn từ làm sao để chuyển đạt đến đứa trẻ rằng hậu quả đó nằm trong quyền tự do xếp đặt vấn đề của nó, chứ không phải là: nó phải làm điều mà chúng ta quyết định.

Tuy nhiên, cái ý tưởng để đứa trẻ đi học đói xem ra là một cái gì khủng khiếp đối với nhiều bố mẹ. Thật ra, đói chỉ là một điều không vui. Thỉnh thoảng, người ta thiếu một bữa ăn trưa thì không hẳn có hại cho thể xác, và việc cảm thấy một chút khó chịu trong người có thể có kết quả trong việc kích thích cậu bé nhớ mang theo thức ăn trưa với nó. Điều đó sẽ giúp cậu bé loại bỏ óc tưởng tượng và việc thiếu sự hài hòa giữa bà mẹ và cậu bé là điều xem ra có hại hơn là việc đói. Chúng ta không có quyền gánh hết tất cả những trách nhiệm của con cái chúng ta, cũng không có quyền gánh lấy tất cả những hậu quả của những hành động của chúng. Những điều đó thuộc về chúng và hãy dạy cho chúng biết nhận lấy trách nhiệm do những hành động của mình làm. 

Bé Hồng 4 tuổi thiếu ký nên thường hay cảm lạnh. Cả hai bố mẹ được thuyết phục để tin rằng sức khoẻ của cô bé sẽ tốt đẹp nếu có được dinh dưỡng đầy đủ hơn. Cô bé thường ngồi ăn uống rất chậm rải. Bé uống một ít sữa. Khi bố mẹ bắt đầu nói chuyện, cô bé cũng mất đi sự thích thú ăn uống. Bé chống khuỷ tay lên bàn và dựa đầu vào tay. Một cách không mấy hứng thú, cô bé đẩy thức ăn vòng quanh đĩa. Ông bố khuyến khích: “Cưng ơi, ăn đi con! Ăn bữa cơm tối của con đi!” Ông nói một cách nhẹ nhàng và dễ thương. Bé Hồng mỉm cười bỏ một ít thức ăn vào miệng và giữ ở đó. Ông bố lại nói chuyện với mẹ. Hàm răng cô bé nhúc nhích một vài lần. Bà mẹ cắt ngang cuộc nói chuyện: “Cưng ơi, con nhai và nuốt đi con. Con có muốn là đứa bé gái khoẻ đẹp không?” Cô bé nhai một cách đầy sinh lực. Ông bố khích lệ: “Cô gái cưng của ba, con ngoan nhé!” Nhưng khi ba mẹ nó tiếp tục nói chuyện, cô bé lại ngưng ăn. Cả bữa ăn là một sự vỗ về liên tục để cô bé ăn.

Mục đích của việc biếng ăn là làm bố mẹ nó bận rộn với nó. Điều đó dễ dàng khám phá nếu chúng ta biết cách quan sát. Ăn uống thì cần thiết để nuôi dưỡng sự sống. Đó là một công việc bình thường. Nhiều bố mẹ đã hành xử một cách sai lệch khi thấy con trẻ khó khăn trong vấn đề ăn uống. Hãy nhớ rằng đây là vấn đề của nó. Bố mẹ nên để ý đến công việc của mình hơn là để ý đến công việc của đứa trẻ. Cách đơn giản nhất để dạy con trẻ ăn uống một cách thích hợp là để nó tự ăn. Nếu nó từ chối, không chịu ăn, bấy giờ bố mẹ nên giữ thái độ thân thiện, không cần phải nhắc nhở gì cả. Hãy thu dọn tất cả thức ăn còn lại từ bàn ăn khi mọi người ăn xong và cho phép đứa trẻ cảm thấy cái gì đó sẽ xảy ra. Dĩ nhiên, nếu chúng ta không ăn, chúng ta sẽ đói. Và bữa ăn tới, thức ăn cũng được dọn ra. Nếu cô bé vẫn còn giữ thái độ như thế, bố mẹ không cần nói gì cả. Nơi bàn ăn, bố mẹ vẫn cứ giữ thái độ thân thiện. Mục đích là muốn nói: “Nếu con muốn ăn, đây thức ăn của con. Còn nếu con không muốn ăn, bố mẹ phải nghĩ rằng con không đói.” Thức ăn được thu dọn nếu cô bé đùa chơi với thức ăn. Tuyệt đối không nên dọa nạt cũng không nên hối lộ bằng cách hứa cho phần thưởng. Cô bé có thể kêu đói trong vài giờ sau và sẽ chạy đến xin sữa cùng với bánh kẹo. Bấy giờ, bà mẹ phải làm thế nào? Bà mẹ nên đáp lại rằng: “Mẹ xin lỗi nhé! Mẹ biết con đói, nhưng cũng đến gần giờ ăn rồi. Rất tiếc, con phải chờ hơi lâu.” Không kể vẻ mặt của cô bé xem ra đáng thương thế nào, người mẹ phải cho phép cô bé đói vì đó là sự tất nhiên của việc không ăn. Sự đau khổ đến bỡi sự đánh đập như phết đít là một hình phạt, còn cảm giác hơi khó chịu vì đói chỉ là kết quả của sự nhõng nhẽo lười biếng không ăn mà thôi. 

Tại sao bố mẹ không cảm thấy cắn rứt về việc phết đít làm đau đứa bé mà lại hãi hùng với cảm giác khó chịu vì đói do chính đứa bé tạo ra cho nó? Xem ra là bố mẹ cảm thấy có trách nhiệm cung cấp thức ăn và mang mặc cảm sẽ bị tố cáo là xấu nếu bố mẹ thấy con cái mình đói mà không làm gì cho nó. Tuy nhiên, sự quan tâm của chúng ta quá nhiều về việc ăn uống và sự lo lắng thái quá về sức khỏe thường chỉ là một mặt nạ. Bố mẹ có thể tin tưởng hoàn toàn vào cảm giác trách nhiệm của họ, trong khi thật ra họ che giấu ý hướng thống trị: “ Tôi có ý bảo đứa trẻ của tôi ăn uống theo như cách tôi muốn nó làm.” Chính ước muốn điều khiển đó đang điều hành nhiều bố mẹ. Và đây chính là điều mà cô bé đang kháng cự. Không có gì lợi trong việc không ăn và vì thế nó sẽ ăn. Có thể cần chút thời gian và cần có sự kiên nhẫn. 

Nhưng nếu cái hậu quả xem ra có lý đó được dùng như một đe dọa hoặc được đặt trong lúc giận dữ thì đó không còn là hậu quả mà trở thành hình phạt. Con trẻ rất nhanh chóng thấy được sự khác biệt đó. Chúng sẽ đáp lại những hậu quả xem ra có lý, nhưng cũng sẽ chống lại nếu chúng cảm thấy điều đó biến thành một hình phạt.

Bố mẹ của bé Hồng quyết định dùng phương pháp: “cứ để cái hậu quả tất nhiên đó xảy đến.” Cô bé vẫn lười biếng ăn. Bà mẹ chán nản nhưng không nói gì. Bố mẹ nói chuyện nhưng không có gì hấp dẫn. Vấn đề của họ còn đó, ngay trước mắt họ: cô bé kéo dài thời gian, đẩy thức ăn vòng quanh đĩa. Khi bố mẹ ăn gần xong bữa ăn trưa, bấy giờ ông bố quay sang cô bé với sự nhẫn nại và đầy yêu thương nói: “Cưng ơi, ăn đi con. Nếu con không ăn, con sẽ đói trước bữa cơm tối và con không có gì để ăn giữa các bữa ăn. Con có muốn bị đói không? Bé Hồng đáp lại: “Con không muốn ăn trưa nữa.” “Được rồi, con sẽ đói và hãy nhớ rằng không có gì ăn cho tới khi ăn tối!” Đến đây, giọng điệu của ông bố đã thay đổi khác. Đây không còn phải là hậu quả tất nhiên nữa, mà nó đã biến thành một sự đe dọa, một hình phạt đối với cô bé. 

Nếu để ý, chúng ta có thể thấy được bố mẹ của bé Hồng rất quan tâm đến việc cô bé ăn uống. Họ muốn cô bé ăn. Cô bé thông minh cảm thấy được điều đó và biết rằng bố mẹ sẽ cảm thấy không an tâm nếu cô bé đói. Vì thế, cô bé đã từ chối bữa ăn trưa, đành chịu đói để phạt lại bố mẹ chỉ vì bố mẹ đã đe dọa để nó đói. Chỉ có một lối thoát để ra khỏi tình trạng bế tắc đó là không cần phải quan tâm đến việc nhõng nhẽo, không chịu ăn uống của cô bé. Đó là vấn đề nhỏ, vấn đề của cô bé. Nó có thể giải quyết việc đó. Nó có thể ăn hay không. Nó có thể cảm thấy đói hoặc không. Nó có thể tự do chọn lấy. Hãy để nó nhận lấy hậu quả của hành động của nó, không có gì đáng phải quan tâm.

Khi chúng ta dùng danh từ hậu quả tất nhiên, cha mẹ thường cắt nghĩa nó cách sai lệch như một hình thức để áp đặt những đòi hỏi của họ trên con trẻ. Con trẻ nhận thấy điều đó như một hình phạt cải dạng nên dễ có phản chứng. Vì thế, bí quyết nằm ở cách mình áp dụng, nhất là sử dụng những ngôn từ một cách khéo léo để chuyển đạt tư tưởng của mình đến cho đứa trẻ. Nó bao gồm việc bố mẹ phải chuẩn bị sẵn sàng chấp nhận những điều tất nhiên phải đến sẽ đến, chẳng hạn kết quả đương nhiên của việc cô bé không ăn là sẽ cảm thấy khó chịu vì đói, đó là một chuyện bình thường không có gì đáng phải lo lắng quá.

(còn tiếp) 

lm.lêvănquảng

VỀ MỤC LỤC
HIẾU THẢO VỚI MẸ CHA


Nuôi con lệ nhỏ hai hàng
Nuôi con càng lớn mẹ càng thêm lo
Mẹ thân gầy guộc ốm o
Cả đời chắt bóp lo cho con mình
Suốt đời chỉ biết hy sinh
Không than, chẳng trách, lặng thinh, hay cười
Khi con khoẻ, mẹ vui cười
Con đau thì mẹ tơi bời ruột gan
Sanh con mẹ khổ muôn vàn
Nuôi con mẹ khổ gấp ngàn lần sanh
Công lao của đấng sinh thành
Làm con phải nhớ, chớ đành lòng quên!
Lễ phép là việc đầu tiên
Phận con phải nhớ chớ quên việc này
Tránh những lời nói chua cay,
Gắt gỏng với mẹ, tội này khó tha.
Nếu còn ở với mẹ cha
Đừng quên phụ giúp tiền nhà, tiền ga..
Nếu lập gia đình ở xa
Bạn nên chịu khó về nhà thăm bu
Tặng quà, gửi thiệp, viết thư
Hoặc phone cho mẹ: “Bu ơi, how’r dù?”
Còn nếu bạn đã đi tu
Thì tu cho trọn, kẻo bu đau đầu
Lễ lạy, sớm tối nguyện cầu
Xin cho mẹ khỏi bạc đầu vì con!
Rể, dâu, cũng những đứa con
Đừng quên ghi nhớ công ơn bu thầy
Nếu cha mẹ chẳng đắp xây
Làm sao con có cái ngày cưới xin.
Dù cho lú lẫn hay quên
Rể dâu vẫn phải đáp đền công ơn
Đứa nào mà sống vô ơn
Bất hiếu với mẹ, liệu hồn nha con!
Điều răn thứ bốn: “Hỡi con,
Phải hiếu thảo với mẹ con suốt đời!”*
Chúa xưa sinh xuống cõi đời
Nêu gương hiếu thảo, mọi người noi theo
Cuối đời khi bị chết treo
Ngài lo mẹ sống đơn neo một mình
Nên dùng hết sức bình sinh
Trối trăn giao phó mẹ mình cho John:
“John ơi, đây chính mẹ con
Còn đây, John chính là con của bà”**
Mỗi người trong số chúng ta
Cũng phải hiếu thảo như là Giê-su.
Lo lắng, chăm sóc cho bu
Để cho người sống an vui tuổi già.
Chớ nên giận mắng hay la
Mẹ sẽ tủi hổ, khóc là tiêu ngay!
Công cha, ơn mẹ, cao dầy
Phận con phải nhớ, ơn này đừng quên!
 

Lm Ansgar Phạm Tĩnh, SDD
* (Mt 19:19)
** (Ga 19:26-27)
 

VỀ MỤC LỤC
“MẸ ƠI, CON CÁM ƠN MẸ...”

 

 

Quý độc giả Ephata và Giáo Sĩ Việt Nam thân mến,

 

Chỉ nội trong một ngày, chúng tôi gặp ba người mẹ ở ba góc độ khác nhau. Tiếc thay dư vị của cả ba cuộc trò chuyện ấy đều xót xa, đều đắng chát !

Buổi sáng, một người mẹ đi một mình, đến khóc với chúng tôi trong cái ngộp thở của căn bệnh tim, cứ nói được mấy câu lại phải hít vội như cố gắng hớp lấy từng hớp không khí. Chị lo đến phát khóc bởi vì đã sắp đến ngày phải nhập viện mổ tim. Không phải lo chuyện tiền viện phí năm sáu chục triệu, bởi vì gia đình chị làm ăn khá giả, không đến nỗi nào. Nhưng là cái lo khác thắt ruột thắt gan, đứa con gái mới 14 tuổi, học lớp 8. Hiệu trưởng của cháu mới gọi chị đến trường báo tin một cách hết sức tế nhị mà cũng hết sức vô trách nhiệm, rằng “cần phải cho cháu nghỉ học” để cách ly cháu khỏi cái “băng con gái tuổi teen” có khuynh hướng “chơi với nhau theo kiểu... đồng tính” ngay trong trường của ông !

Trời ơi, chị là mẹ sao chị lại không nhận ra hiện tượng kinh khủng ấy nhỉ ? Chị thương con lắm nhưng chị lại cứ ngỡ cái kiểu để tóc tém, ăn mặc ngổ ngáo như con trai ấy chỉ là một thứ mốt nhất thời của bọn trẻ mới lớn. Có ngờ đâu những chuyến đi picnic, những buổi học theo nhóm, những buổi sinh hoạt đột xuất của nhà trường, những đêm tiệc mừng sinh nhật bạn bè lại chỉ là cái vỏ ngụy trang cho những trò chơi thác loạn mà “trẻ con” đua đòi theo “người lớn”...

Buổi chiều, một người mẹ khác dắt theo cô con gái 15 tuổi, thai đã hơn 4 tháng, may mà ngăn lại kịp, không thì vào Từ Dũ phá mất. Cái thằng bé mặt non choẹt, búng ra sữa, 17 tuổi, cũng ngoan lắm, lễ phép lắm, vẫn hay đến nhà chở con cưng của chị đi học thêm Anh Văn ở Hội Việt Mỹ, ai ngờ lại là... bố đứa cháu ngoại tương lai của gia đình ?!? Bây giờ chuyện vỡ lở, thằng bé ngơ ngác được mấy ngày rồi tự nhiên biệt tăm, nghe đâu ông bố bên ấy cho một trận đòn nên thân rồi lo liệu cấp kỳ để cậu ấm đi du học bên Úc, coi như phủi tay, không biết gì đến con bé nạn nhân.

Người mẹ khóc nhưng bé gái thì thản nhiên như không, hai chân đung đưa trên ghế ngồi, trong túi áo gió còn thấy thòi ra cuốn truyện tranh trẻ em. Cái thai mới mấy tháng, bụng còn nhỏ, chúng tôi hẹn cứ cố gắng để cho cháu được tiếp tục ở với mẹ, để mẹ con hú hí hướng dẫn cho nhau kinh nghiệm mang nặng đẻ đau trước đi. Rồi một hai tháng nữa, nếu như sợ bị lộ, ông bố nổi điên lên, thì khi ấy hẵng đưa trở lại để chúng tôi gửi vào Nhà Tình Thương Giê-ra-đô nuôi nấng cho đến khi mẹ tròn con vuông...

Buổi tối, có cuộc họp thường kỳ của anh em chúng tôi với các bác sĩ, cùng nhau thảo luận để biên tập cuốn cẩm nang giáo dục giới tính và sinh sản có trách nhiệm theo tinh thần của Hội Thánh Công Giáo. Trước khi ra về, các bác sĩ tiết lộ cho biết một chuyện kinh hoàng, đại để thế này:

Năm nay là năm Đinh Hợi, tục truyền là ai sinh trong năm này thì sẽ là...”Con Heo Vàng” sung sướng cả đời. Do vậy, người ta đổ xô nhau thành phong trào, có thai từ đầu năm để giữa năm và cuối năm sẽ sinh con, con gái con trai đều tốt ! Vì thế, ở tầm vĩ mô, để có thể kiểm soát và giữ vững được mức cân bằng dân số, người ta chỉ thị cứ hễ thai phụ nào đã sinh được hai con trở lên, đến siêu âm hoặc xét nghiệm bào thai đứa kế tiếp, thì bất chấp thực tế, thai phụ ấy sẽ được tư vấn là nên... phá thai ngay, lý do nhân đạo, đỡ khổ cho bản thân nó, lại đỡ gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Tại sao ? Thưa, bởi nó sẽ bị dị tật, bởi nó bị khối u trong não, bởi nó không có hộp sọ, bởi nó dư nhiễm sắc thể, bởi nó chắc chắn sẽ đần độn, chậm phát triển tâm thần, thậm chí bởi nó là thai... chết lưu, cần xử lý ngay kẻo nguy cho người mẹ !

Chúng tôi nghe mà rùng mình. Trời ơi, đúng là “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, người ta bất chấp đạo lý và lương tri để có thể làm mọi cách để kềm hãm đà tăng dân số. Chúng tôi nhớ lại, thì thấy nghiệm đúng: từ dạo sau Tết đến nay, con số bào thai chúng tôi xin được của các nơi đem về lo hậu sự không hiểu sao tăng vọt thành gấp đôi. Rồi gần đây, các bạn trong Nhóm Bảo Vệ Sự Sống vào “tác nghiệp” ở các bệnh viện Phụ Sản khi về đều báo cho chúng tôi biết những dấu hiệu bất thường: rất nhiều trường hợp thai chết lưu, thai phụ vào ngồi chờ đến phiên, người cứ rũ ra vì đau xót. Lại có trường hợp bước ra từ phòng Kế Hoạch, òa khóc nức nở vì bác sĩ phẫu thuật lấy thai chết lưu cho biết em bé 6 tháng vẫn còn sống thêm được 15 phút mới chết, chết oan rõ ràng chứ có phải chết lưu đâu !

Thế đấy, một ngày trôi qua, ba câu chuyện đều là chuyện xót xa, có mẹ và có con. Đến khuya, khi rảo bước lần chuỗi một mình trong sân Tu Viện, chúng tôi chỉ biết cầu nguyện và tự nhủ lòng: phải mạnh dạn lên tiếng thôi, không được phép sợ hãi, ít ra cũng là đánh động cảnh báo đến cho các gia đình, các thai phụ. Phải hết sức thận trọng, bởi đây là Sự Sống con người, là chuyện sinh tử cả cuộc đời, là chuyện luân lý, lương tâm xã hội và nhân loại. Người ta có thể xôn xao nhộn nhạo tìm mọi cách để bảo vệ những đàn voi, những con cọp, con khỉ, con tê giác, con sếu trước nguy cơ tuyệt chủng, nhưng còn với con người thì lại cư xử bất nhân và vô đạo như vậy nhỉ ? Cứ thế này thì rồi ra chúng ta sẽ đi về đâu ?

Sắp tới, Chúa Nhật 13 tháng 5, Ngày của Mẹ, biết có ai sẽ dành cho mẹ của mình một món quà đặc biệt và bất ngờ, là chạy đến ôm lấy dáng mẹ gầy gò, hôn lên khuôn má xạm nắng của mẹ, rồi thì thầm vào tai mẹ: “Mẹ ơi, con cám ơn mẹ, vì mẹ đã mang thai con và sinh ra con làm người...”

Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, 11.5.2007

VỀ MỤC LỤC

TÌNH YÊU LÀ PHỤC VỤ

 

Tác phẩm 13 Nét mặt của Tình yêu

Dominique AUZENET

Lm Micae-Phaolô Trần Minh Huy   chuyển ngữ

TÌNH YÊU LÀ PHỤC VỤ

 

1. Sống một tình yêu chăm chú và đoán trước...

... Ai trong chúng ta dám bảo rằng giáo dục kitô giáo không bao hàm việc tập luyện giúp đỡ tha nhân ? Giúp đỡ những người chung quanh, sẵn sàng phục vụ... sự chú ý đến người khác được thức tỉnh và phát triển cho phép nhân cách bớt ích kỷ, song cởi mở hơn... Tất cả những sự giúp đỡ chúng ta làm cho nhau mỗi ngày đều là những biểu lộ hổ tương về Tình yêu của Thiên Chúa...

Như thế, chúng ta quen chiều theo các nhu cầu tức thời, quan tâm đến những nhu cầu của người sống chung quanh mình... Mối quan tâm triển nở thành ân cần đoán trước, hiểu trước, và sự tế nhị nầy nuôi dưỡng và duy trì tình yêu, bất cứ thứ tình yêu nào : vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em, bạn hữu... Phải chăng đó là một tìm kiếm thường xuyên, được diễn tả bằng những từ ngữ tiêu cực : "chẳng bao giờ bạn nói rằng bạn yêu thương tôi, bạn đi qua bên cạnh tôi mà chẳng hề thấy tôi" ?

2. Dưới sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa.

... Một số người có tính khí ích kỷ hơn, co rút vào mình hơn và việc giúp đỡ tha nhân đòi hỏi họ phải nổ lực thường xuyên mới mong ra khỏi mình được. Nếu họ cứ theo khuynh hướng tự nhiên của mình thì rốt cuộc cũng chỉ bo bo lấy mình. Một số người khác, với bản tính tự nhiên rất quảng đại, có khuynh hướng tự cảm nhận được mời gọi đáp ứng bất cứ sự nhờ vả nào. Dĩ nhiên mối nguy hiểm vì quảng đại thái quá là rơi vào tính náo động, và kết cục là họ "làm thái quá" đến múa may quay cuồng...

... Là những tín hữu đã lãnh nhận bí tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta là những người nam và những người nữ được Chúa Thánh Thần đổi mới. Chúng ta cố gắng sống lắng nghe Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta. Điều đó luôn luôn giả thiết một cuộc trở lại và một khoảng cách đối với những chuyển động đầu tiên của bản tính chúng ta, nghĩa là chúng ta phải sống trong sự cầu nguyện. Càng cầu nguyện, chúng ta càng hiến mình cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Chúng ta càng trở nên ngoan ngùy đối với những tác động của Chúa Thánh Thần. Tùy theo tính khí của chúng ta, Ngài sẽ thúc đẩy chúng ta phục vụ nhiều hơn, hoặc ngược lại, Ngài sẽ hãm phanh để ngăn cản chúng ta chiếm lấy chỗ của các kẻ khác...

3. Tránh những cạm bẩy của sự quảng đại thái quá.

"Trong khi đi đường, Chúa Giêsu vào một làng kia và một người phụ nữ tên là Matta đã đón tiếp Ngài vào nhà mình. Bà nầy có một người em gái tên là Maria đang ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà lắng nghe lời Ngài. Matta bận rộn nhiều thứ trong việc phục vụ.. Bà nói với Chúa Giêsu : Em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao ? Xin Thầy bảo em con giúp con với. Nhưng Chúa Giêsu trả lời bà : Matta, Matta, con lo lắng và ôm đồm nhiều việc quá, cần bận tâm ít hơn, ngay cả một việc thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy đi" (Lc 10,38-42).

Ở đây chúng ta thấy rõ Matta lẫn lộn thế nào việc phục vụ Chúa với sự phô trương hoạt động do ý muốn ngay lành của bà. Matta lo lắng, lăng xăng hối hả... Ngày nay chúng ta nhận ra cái đó trong các công cuộc của Giáo Hội. Vậy Chúa đòi hỏi cái gì ? Chúa yêu cầu chúng ta trước hết lắng nghe Ngài, như Maria đã làm. Chính Chúa sẽ chỉ cho chúng ta phải làm gì. Vậy chúng ta đừng coi đây là một sự đối nghịch giữa chiêm niệm và hoạt động, nhưng là qui tắc làm phong phú hoạt động : Chúa không đòi chúng ta làm điều thiện, nhưng là thực hiện thánh ý Chúa... Nói khác đi, không phải vì đó là việc tốt mà chúng ta phải làm việc đó. Điều cần thiết trước khi hành động là phải biện phân lời mời gọi của Chúa.

"Vậy đó là tất cả những gì Chúa Giêsu đòi hỏi ở chúng ta : Ngài không cần những công trình của chúng ta, nhưng Ngài chỉ cần tình yêu của chúng ta thôi"[1]. "Công nghiệp không hệ tại chỗ làm hay cống hiến nhiều cho bằng đón nhận và yêu thương nhiều"[1]

4. Tránh những cạm bẩy của việc tìm kiếm tiện nghi bản thân :

"Nhưng để biện minh cho mình, ông nói với Chúa Giêsu : Ai là cận nhân của tôi ? Chúa Giêsu nói tiếp : Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô bị rơi vào tay bọn cướp, sau khi đập đánh và bóc lột hết của cải, chúng bỏ đi, để người ấy dở sống dở chết. Một tư tế đi xuống đường ấy, trông thấy nạn nhân rồi bỏ đi qua. Cũng thế, một trợ tế cũng đi qua chỗ ấy, trông thấy nạn nhân rồi cũng bỏ mà đi. Nhưng một người Samaritanô đi ngang qua đó đến gần, trông thấy nạn nhân và động lòng thương xót y. Ông tiến lại, băng bó các vết thương, đổ dầu và rượi, rồi vực người ấy lên ngựa của mình, đưa đến quán trọ và săn sóc y... Theo ý ông, ai trong ba người đó đã tỏ ra là cận nhân của người bị rơi vào tay bọn cướp ? Ông ta trả lời : Kẻ đã tỏ lòng thương xót người ấy. Và Chúa Giêsu nói với ông : Ông cũng hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,29-37).

... Mọi lý do đưa ra đều tốt để nhắm mắt lại trước những như cầu của những người bên cạnh gần hay xa khởi đi từ lúc chúng ta không muốn bị quấy rầy rắc rối. Chúng ta đặt lên hàng đầu cái tiện nghi nhỏ bé của mình trước mọi đánh giá khác, bất chấp những gì còn lại... Phục vụ ? Dấn thân giúp đỡ kẻ khác ? Vâng, nhưng đúng theo liều lượng. Không được vượt quá liều lượng đã được chỉ định, lạm dụng là nguy hiểm ! Chúng ta xoay xở đặt một giới hạn cụ thể và chọn lựa (Ai là cận nhân của tôi ?) ở nơi mà Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta một tấm lòng phổ quát làm cho chúng ta trở thành cận nhân của tất cả những ai cần đến...

... Sự cứng lòng nầy dần dần đâm rễ sâu trong chúng ta và có thể vận hành như một bản năng sinh tồn... Thật là kinh khủng tình trạng thường xuyên điềm nhiên quay lưng lại với người anh em đang cần giúp đỡ... Đó là tính hà tiện và sự cằn cỗi của tình yêu...

5. Chúa Giêsu tôi tớ của mọi người.

Chính khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó của Ngài mà chúng ta hiểu được phục vụ là gì. Để giải thoát chúng ta khỏi ách tội lỗi và sự chết, Chúa Giêsu đã trải cuộc sống của Ngài trong phục vụ cứu chuộc :

"Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến để từ bỏ thế gian nầy mà về cùng Chúa Cha, Người yêu thương các môn đệ còn ở trần gian và Người đã yêu thương họ cho đến cùng. Trong một bữa ăn tối, khi ma quỉ đã gieo vào lòng Giuđa Iscariôt con ông Simon ý định nộp Người, vì biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay Người, và Người bởi Thiên Chúa mà đến và Người phải ra đi trở về cùng Thiên Chúa, Chúa Giêsu đứng dậy khỏi bàn ăn, cởi áo và lấy giải vải mà thắt lưng. Đoạn Người đổ nước vào một cái chậu và bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy giải thắt lưng mà lau.

Vậy Người đến với ông Simon-Phêrô. Ông thưa Người : Thưa Thầy, Thầy mà rửa chân cho con sao ? Chúa Giêsu trả lời ông : Điều Thầy làm, bây giờ con chưa hiểu được, sau nầy con sẽ hiểu. Phêrô thưa với Người : Không, Thầy sẽ không rửa chân cho con, không đời nào ! Chúa Giêsu trả lời ông : Nếu Thầy không rửa chân cho con thì con sẽ không có phần với Thầy" (Jn 13,1-8).

Chúa Giêsu dạy cho Phêrô hiểu rằng để trở nên một môn đệ đích thực và trước khi có thể phục vụ Ngài thì ông phải để được Ngài phục vụ cho. Không ai có thể là dụng cụ giải thoát nếu trước đó chính mình đã không kinh nghiệm được sự giải thoát là gì. Chúa Giêsu đã chết trên thập giá để phục vụ mỗi người trong chúng ta. Trong buổi canh thức, Ngài đã cho một dấu hiệu mạnh về việc phục vụ qua việc rửa chân. "Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống hầu cứu chuộc nhiều người" (Mc 10,45). Tình yêu phục vụ... Hãy để Chúa Giêsu phục vụ chúng ta, bằng việc đón nhận ơn tha thứ của Chúa Cha trong bí tích hòa giải chẳng hạn.

"Tình yêu phục vụ. Tình yêu mà Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta là khiêm tốn và có đặc tính phục vụ... Ai trong các con muốn làm lớn thì hãy trở nên tôi tớ của các ngươi, và ai muốn làm lớn nhất trong các ngươi sẽ là tôi tớ của mọi người " (Mc 10,43-44). Dưới ánh sáng của gương mẫu khiêm tốn sẵn sàng đi đến sự phục vụ dứt khoát của thập giá, Chúa Giêsu có thể mời gọi các môn đệ : "Hãy mang lấy ách của Thầy và hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng" (Mt 11,29)[1].

6. Phục vụ anh em theo gương Chúa Giêsu.

"...Khi rửa chân cho các ông xong, Chúa Giêsu mặc áo lại, ngồi vào bàn và nói với các môn đệ : Các con có hiểu điều Thầy vừa làm cho các con không ? Các con gọi Thầy là Thầy và là Chúa, các con nói đúng vì Thầy là như thế. Vậy Thầy là Thầy và là Chúa mà đã rửa chân cho các con thì các con cũng hãy rửa chân cho nhau. Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng làm cho nhau như Thầy đã làm cho các con. Quả thật, quả thật, Thầy nói điều đó với các con, tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai đi không lớn hơn người đã sai mình. Biết điều đó, hạnh phúc cho các con, nếu các con làm như vậy" (Jn 13,12-17).

Với tư cách là tín hữu, chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi đi vào trong chiều kích hiến tế chiều dọc của thập giá và phục vụ của Ngài. Như Mẹ Maria (dĩ nhiên ở mức độ khác nhau), Mẹ của Chúa Giêsu và là môn đệ đầu tiên của Ngài, Mẹ đã được hội nhập vào Mầu nhiệm Cứu độ bằng cách nhận lấy trong trái tim Mẹ đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá, sự đồng thương khó nầy đã được Siméon tiên báo : "Một lưỡi gươm sẽ đâu thâu lòng bà" (Lc 1,35).

Ở vào mức độ đó, đối với mỗi người chúng ta, sự phục vụ tha nhân hệ tại việc, hiệp nhất với Chúa Giêsu, nhận lấy trách nhiệm về phần rỗi đời đời của họ :

·        Cầu nguyện bền bỉ cho họ,

·        Dâng chay tịnh nầy nọ hay hy sinh cố ý cho họ,

·        Chấp nhận những đau khổ hoặc thử thách trong cuộc sống liên kết với thập giá Chúa Giêsu cho họ,

·        Thiêu đốt và tiêu hao đời sống trong sự hiến mình liên lĩ xuyên qua tất cả những gì làm nên tấm thảm cuộc sống thường ngày của chúng ta.

·        Và nếu được kêu gọi, hiến dâng mạng sống cho những kẻ bách hại mình. Sách Khải Huyền gọi tử đạo, tột đỉnh của việc làm chứng cho Chúa Giêsu, là "phục vụ". Các vị tử đạo tương lai là những "bạn đồng hành phục vụ" của những ai đã hiến dâng mạng sống mình.

7. Và phục vụ Chúa Giêsu trong anh em.

"Ai yêu mạng sống mình thì sẽ phải mất nó, ai ghét sự sống mình ở đời nầy thì sẽ giữ được nó trong cuộc sống đời đời. Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy thì Cha Thầy sẽ tôn vinh người đó" (Jn 12,25-26).

Có thể người ta nghĩ rằng chúng ta ở xa việc phục vụ tha nhân trong cuộc sống mỗi ngày. Không, Chúa Giêsu đã nói rõ rằng chiều kích hiến tế chiều ngang của thập giá và phục vụ mà tất cả chúng ta được mời gọi tới hệ tại việc hiến mình cho những người bé nhỏ nhất, bị bóc lột nhất, nghèo khổ nhất.

Tinh thần phục vụ quan trọng đến đỗi Chúa Giêsu lấy làm tiêu chuẩn tối hậu cho cuộc phán xét các dân tộc vào ngày thế mạt, cho tất cả mọi người dù là tín hữu hay không. Chúa Giêsu tự đặt mình làm người rốt hết (Mc 9,35), và chúng ta yêu Chúa Giêsu trong mức độ chúng ta phục vụ tất cả những người rốt hết gặp trên đường chúng ta đ :

"Ta đói và các ngươi đã cho ăn, Ta khát và các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ và các ngươi đã tiếp rước, Ta mình trần và các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu và các ngươi đã thăm viếng, Ta bị tù đày và các ngươi đã đến giúp đỡ... Trong mức độ mà các ngươi đã làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất trong các anh em của Ta là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25,35-40).

8. Các Phó Tế là dấu hiệu của Chúa Giêsu tôi tớ.

Đây là lúc nhắc lại cho chúng ta rằng có một tác vụ được tấn phong là dấu hiệu bí tích của Giáo Hội phục vụ, đó là tác vụ Phó Tế. Nếu linh mục đại diện Chúa Kitô Mục tử thì nhờ ân sủng riêng biệt của mình, phó tế nói lên một khuôn mặt thiết yếu khác của Chúa Giêsu : Đức Kitô Tôi Tớ. Phó tế được thụ phong cho việc phục vụ đức ái. Bởi đời sống và sứ mệnh của mình, phó tế phải là dấu hiệu thường trực của một Giáo Hội muốn nên nghèo khó, gần gủi với những người bị thua thiệt nhất, những người bệnh hoạn, những người khuyết tật, những người nghèo khổ nhất trong cuộc đời.

Trong tất cả những gì họ làm, các phó tế muốn nói lên một điều mà Chúa Kitô nắm giữ trên hết mọi sự : tôi tớ mọi người... "Con Người đến không phải để được hầu hạ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống...". Cần phải được nhắc lại không ngừng rằng sự phục vụ mà Chúa Kitô muốn và đã sống không gì khác hơn là sự trao ban chính mình... cho đến chết... và chết trên thập giá ! Theo gương Chúa Giêsu, tất cả mọi người trong Giáo Hội đều là tôi tớ. Đó là điều hết sức căn bản mà một tác vụ đặc biệt nhắc lại cho chúng ta tất cả : tác vụ phó tế, dấu hiệu của Chúa Kitô Tôi Tớ.

9. Phúc cho những người có lòng thương xót.

Làm sao không nghĩ đến lời nầy của Chúa Giêsu "phúc cho những người có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương" mà có lẽ sự phục vụ được gồm tóm lại trong lời nầy ? Có lòng thương xót chính là giữ con tim mình rộng mở với sự khốn cùng của tất cả những ai ở chung quanh chúng ta. Và còn hơn thế nữa :

"Ý nghĩa đích thực và độc đáo của lòng thương xót không chỉ hệ tại cái nhìn, dù là xuyên thấu và trắc ẩn nhất, hướng về sự dữ luân lý, thể lý hoặc vật chất : lòng thương xót được biểu lộ trong phương diện riêng biệt và đích thực của nó khi nó khôi phục giá trị, khi nó thăng tiến và khi nó rút ra điều thiện từ mọi hình thức của điều ác đang có mặt trong trần gian và trong con người"[1]

 

Suy niệm để lần hạt Mân Côi

1.       Tình yêu phục vụ. Vậy Người đến với ông Simon-Phêrô. Ông thưa Người : Thưa Thầy, Thầy mà rửa chân cho con sao ? Chúa Giêsu trả lời ông : Điều Thầy làm, bây giờ con chưa hiểu được, sau nầy con sẽ hiểu. Phêrô thưa với Người : Không, Thầy sẽ không rửa chân cho con, không đời nào ! Chúa Giêsu trả lời ông : Nếu Thầy không rửa chân cho con thì con sẽ không có phần với Thầy" (Jn 13,1-8. Chúc tụng Chúa vì sự phục vụ Cứu độ mà Chúa đã thực hiện cho mỗi người chúng con. Xin ban cho chúng con đón nhận trọn vẹn thập giá của Chúa trong cuộc đời của chúng con.

2.       Tình yêu phục vụ. "Ai muốn làm lớn giữa các con sẽ làm tôi tớ các con, và ai muốn làm đầu các con sẽ làm tôi tớ mọi người" (Mc 10,43-44). Lạy Chúa, Chúa kêu gọi chúng con phục vụ, xin giải thoát chúng con khỏi mọi tinh thần thống trị và kiêu ngạo.

3.       Tình yêu phục vụ. "Matta, Matta, con lo lắng và ôm đồm nhiều việc quá, cần bận tâm ít hơn, ngay cả một việc thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy đi" (Lc 10,38-42). Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con phục vụ, xin giúp chúng con biện phân cái gì Chúa đòi hỏi, và để được như vậy, xin cho chúng con trước hết biết lắng nghe Chúa.

4.      Tình yêu phục vụ. "Theo ý ông, ai trong ba người đó đã tỏ ra là cận nhân của người bị rơi vào tay bọn cướp ? Ông ta trả lời : Kẻ đã tỏ lòng thương xót người ấy. Và Chúa Giêsu nói với ông : Ông cũng hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,29-37). Lạy Chúa, Chúa kêu gọi chúng con phục vụ, xin ban cho chúng con quả tim phổ quát để làm cho chúng con trở nên cận nhân của tất cả những ai đang cần giúp đỡ...

5.       Tình yêu phục vụ. "Trong mức độ mà các ngươi đã làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất trong các anh em của Ta là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25,35-40). Lạy Chúa, Chúa kêu gọi chúng con phục vụ, xin ban cho chúng con được nhìn thấy Chúa hiện diện trong mỗi người anh em của chúng con, đặc biệt trong những người bé nhỏ trên đường đời chúng con.

 

VỀ MỤC LỤC
Thực Phẩm Bổ Dưỡng Trí Não
 

Câu Chuyện Thầy Lang

Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức

Não là trung tâm điều khiển tất cả các chức năng của cơ thể, từ những hoạt động nhìn thấy được như sự chớp mắt, hắt hơi, đi đứng chạy nhẩy, ăn uống...tới những sinh hoạt vô hình như mơ màng, mộng mị, suy nghĩ, buồn rầu, chán nản...

Ðể hoàn tất các công việc này, trí não cần năng lượng cung cấp từ thực phẩm và dưỡng khí có sẵn trong không gian thiên nhiên.

Với trọng lượng bằng 1/50 sức nặng của cơ thể, nhưng mỗi ngày não cần tới 400 Calori, tương đương với 1/5 tổng số năng lượng mà người bình thường cần trong một ngày.

Coi vậy thì sự dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với cấu trúc và các chức năng của não.

Về phương diện cấu trúc, tế bào não gồm có chất đạm, nước và nhiều hóa chất khác.

Với chất đạm thực phẩm, tế bào não sản xuất cả trăm hóa chất dẫn truyền thần kinh. Các chất dinh dưỡng khác như chất béo, carbohydrat, sinh tố, khoáng chất và nước cũng đều quan trọng.

Não không tích trữ oxy nên cần có sự liên tục cung cấp từ mạch máu. Chỉ cần gián đoạn oxy khoảng mười giây là con người đã bất tỉnh.

Mỗi phút, gần một lít máu có oxy và các chất dinh dưỡng được đưa lên não.

Ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ bảo vệ và tăng cường sức mạnh trí não.

Chất dinh dưỡng nào cũng tốt, cũng cần thiết. Tuy nhiên, như cổ nhân ta thường nói “ăn gì bổ nấy”, có một số chất dinh đưỡng đặc biệt bổ dưỡng cho trí não, nhất là về phương diện tinh thần.

Các nhà dinh dưỡng đề nghị ba nguyên tắc để nuôi dưỡng não hợp lý:

-Giảm thiểu hoặc loại bỏ những chất có hại cho não như transfatty acid, rượu, nicotin

-Tăng cường tiêu thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho não bằng cách ăn chung với nhau các thực phẩm mà não cần.

-Cân bằng giữa ba chất dinh dưỡng chính là carbohydrat, chất béo và chất đạm để não có thể làm việc hữu hiệu ban ngày và nghỉ ngơi thoải mái ban đêm.                      

1-  Chất béo Omega-3.

Não bộ có 60% chất béo, đặc biệt là các acid béo cần thiết. Trong số này, DHA là chất quan trọng nhất cho sự học và cho trí nhớ.

Cá vẫn được coi như “thực phẩm của trí não” từ nhiều ngàn năm. Cá có chất béo omega-3 với thành phần chính yếu cho sự phát triển não bộ thai nhi là chất docosahexaenoic acid (DHA). Chất này có trong máu của người mẹ và được nhau (placenta) chuyển tới thai nhi.  

Theo bác sĩ Russel L. Blaylock, tác giả sách dinh dưỡng Health and Nuitrition Secrets,  khi thai nhi nhận được nhiều chất béo này thì hoạt động của não tốt hơn và khi lớn lên, các em có chỉ số IQ cao hơn. Trong khi đó, các em nhận được ít DHA có khó khăn trong sự học và khả nặng nhìn của mắt cũng kém.

Bác sĩ Ray Sahelia, tác giả sách Mind Boosters, cho biết omega-3 có giá trị cao vì chúng cung cấp độ lỏng cho màng tế bào và tăng sự liên lạc giữa các tế bào thần kinh. Omega-3 cũng giảm sự kết tụ của tiểu cầu, do đó giảm rủi ro cơn suy tim và tai biến não.

Theo Jean Carper, tác giả sách Miracle Cures: “Không cung cấp đầy đủ chất béo đặc biệt mà màng tế bào não cần sẽ đưa tới rối loạn về tâm tính, trí nhớ, sự tập trung và hành vi”

Kết quả nghiên cứu công bố trong Archives of Neurology tháng 11 năm 2006 cho hay người có lượng DHA cao trong máu đều ít bị rối loạn nhận thức vì tuổi già tới 47%, so với người có ít DHA.

Nghiên cứu mới nhất công bố trong Journal of Neuroscience số tháng 4, 2007 cho hay ăn nhiều omega-3 có thể giảm thiểu rủi ro bệnh Alzheimer ở tuổi già. Các nhà khoa học của Ðại học California-Irvine nghiên cứu ba nhóm chuột. Nhóm được nuôi dưỡng với omega-3 có ít một loại chất đạm được coi như gây ra tổn thương cho tế bào não và đưa tới bệnh sa sút trí tuệ.

Dùng bao nhiêu cho vừa.

Chất béo omega- 3 có tự nhiên ở nhiều loại cá nước lạnh như cá thu, cá hồi, cá trích, cá cơm, cá ngừ và trong một số thực vật như dầu canola, đậu nành, hạt lành (flax seed)...

Để được hưởng những ích lợi của dầu mỡ cá Omega 3, ta không cần phải tiêu thụ một lượng cá lớn như người Eskimo.

Theo các cuộc nghiên cứu kéo dài 20 năm ở Hòa Lan thì chỉ cần ăn cá 2 lần trong một tuần lễ là đã giảm đến phân nửa các vụ tai biến về tim mạch so với người không ăn một chút cá nào.

Theo Giáo sư William E. Connor của Viện Khoa học Sức Khỏe ở tiểu bang Oregon, mỗi tuần chỉ cần ăn chừng 180 gr cá đã đủ để có được tác dụng phòng bệnh của Omega 3.

Tổ Chức Sức Khỏe ở Canada và Cơ quan Dinh Dưỡng ở Anh khuyên mọi người nên ăn khoảng 0, 5% tổng số nhu cầu năng lượng  mỗi ngày dưới hình thức chất béo omega- 3.

Với những người không thích ăn cá thì omega-3 cũng có trong một vài thực phẩm gốc thực vật, như hạt lanh (flaxseed), quả óc chó (walnut), hạt cây bồ đào (butternut), dầu mầm lúa mì, rong biển, nhưng không được tốt bằng trong cá.

Omega-3 cũng được bán trên thị trường dưới dạng viên. Theo kinh nghiệm của người đã dùng, chỉ cần một hoặc hai viên mỗi ngày là đủ.

Ngoài ra, cần được sự hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa tác dụng phụ, dùng quá nhiều cũng như tương tác với các dược phẩm khác. Sự an toàn, công hiệu, phân lượng của viên dầu cá chưa được kiểm chứng, xác định và các nhà nghiên cứu đều khuyên là không nên thay thế cá trong thực phẩm bằng dầu cá.

Dùng quá nhiều dầu cá, nhất là loại viên dầu, có nguy cơ băng huyết trầm trọng vì tác dụng loãng máu của dầu; nguy cơ khó chịu cơ quan tiêu hóa, thiếu hồng huyết cầu hoặc tai biến động mạch não.

Những ai đang uống thuốc aspirin hoặc thuốc chống đau nhức cũng nên cẩn thận khi dùng dầu cá vì thuốc và dầu cá đều làm máu loãng. Bệnh nhân dùng thuốc suy tim nhóm Digitalis cũng phải cẩn thận vì dầu cá có thể làm tăng tác dụng của các thuốc này.

Cá càng lớn, lượng omega-3 càng nhiều. Nhưng cẩn thận với cá sông lạch vì sợ bị ô nhiễm. Cá biển tương đối an toàn hơn. Hóa chất độc thường tích tụ trong mỡ, nên dầu cá cô đọng có thể nhiễm nhiều hóa chất này.

 Cũng cần phân biệt dầu mỡ cá với dầu gan cá như Dầu gan cá thu Cod-Liver oil, dầu gan cá mập. Các dầu này được dùng trong việc trị bệnh từ thuở xa xưa, khi sinh tố D chưa được khám phá.

2-  Ðường trái cây

Thực phẩm có nhiều loại đường như glucose, dextrose, sucrose, fructose. Các đường này có tác động khác nhau lên tế bào nói chung và não, nói riêng.

Ðường glucose là nguồn cung cấp năng lượng chính của não.

Mức độ chuyển vào máu nhanh hoặc chậm của đường trong một loại thực phẩm nào đó gọi là chỉ số đường huyết (glycemic index).

Thực phẩm có đường huyết cao sẽ kích thích tụy tạng tiết ra nhiều insulin. Hậu quả là đường glucose trong máu lên xuống rất nhanh và ảnh hưởng tới hành vi của con người. 

Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp không thúc đẩy tụy tạng sản xuất nhiều insulin, cho nên đường huyết ổn định hơn, giúp cho trí óc làm việc đều hòa.

Ðường fructose trong trái cây như trái táo, bưởi chua (grapefruit), anh đào (cherries), cam, nho có chỉ số đường huyết thấp đều tốt cho não. Trái cây còn có chất xơ có tác dụng làm sự chuyển đường vào máu và các tế bào chậm hơn, do đó không gây thay đổi đột ngột của đường huyết. Vì thế ăn nguyên trái có nhiều lợi điểm hơn là uống nước vắt trái cây không còn bã tép.

Rau như các loại đậu nành, đậu lentil...có chỉ số đường huyết thấp trong khi đó khoai tây, cà rốt lại có chỉ số đường huyết cao hơn.

Kết quả nghiên cứu công bố trong American Journal of Medicine số tháng 11 năm 2006 cho biết các tham dự viên uống nước rau, trái cây vài lần trong một tuần lễ sẽ có ít rủi ro bị sa sút trí tuệ tới 76% , so với những người chỉ uống dưới một ly mỗi ngày.

Ngoài đường fructose, trong vỏ, da của rau trái cây còn có chất tự nhiên polyphenol là chất rất tốt cho não để bảo vệ trí tuệ. 

3- Amino acid

Acid amin là đơn vị cấu tạo của chất đạm thực phẩm,

Não bộ cần acid amin để chế tạo các chất dẫn truyền thần kinh và cung cấp năng lượng.

Các chất dẫn truyền mang tín hiệu từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh khác, giống như người giao liên, truyền tin tức qua nhiều nhà kế tiếp. Nếu được nuôi dưỡng  kỹ càng, người giao liên sẽ làm việc hữu hiệu hơn.

Hai loại acid amin quan trọng cho trí não là tryptophan và tyrosine. 

Tryptophan là tiền thân của chất làm dịu thần kinh serotonin. Cơ thể không tạo ra tryptophan được nên cần thực phẩm cung cấp

Tyroxine cần để sản xuất các chất dẫn truyền hưng phấn trí não là dopamine, epinephrine và norepinephrine. Cơ thể tạo ra được tyroxine nếu trong thực phẩm không có đầy đủ.

Chất đạm có trong thịt động vật và trong các thực phẩm thực vật. Nhu cầu của cơ thể với chất đạm thay đổi tùy theo tuổi tác, giai đoạn tăng trưởng và hiện trạng cơ thể. Theo các nhà dinh đưỡng, mỗi ngày cơ thể cần từ 45-50 gr chất đạm trong các loại thực phẩm khác nhau. 

4-  Chọn lựa chất béo tốt cho não

Chất béo cần thiết cho não bộ từ khi mới sanh cho tới tuổi già.

Não tăng trưởng mạnh nhất trong năm đầu của đời sống với kích thước gấp đôi vào lúc sinh nhật một năm tuổi. Chất béo là thành phần quan trọng của màng tế bào não và các màng bao bọc quanh sợi thần kinh. Do đó, cơ thể em bé cần nhiều chất béo trong giai đoạn này. Và Tạo hóa đã đáp ứng nhu cầu đó bằng sữa người mẹ có rất nhiều chất béo.

Khi lớn lên, não vẫn tiếp tục cần chất béo, nhưng phải là loại không gây ảnh hưởng xấu cho cơ thể.

Chất béo có cả trong thực phẩm gốc động vật lẫn thực vật và đều tốt cho não, nếu dùng ở mức độ vừa phải. Chất béo gốc thực vật có lợi điểm là hầu như không có cholesterol, một loại chất béo cần thiết nhưng nhiều quá sẽ gây ra ảnh hưởng xấu.

5- Sinh tố, khoáng chất

Não cần hầu hết các loại sinh tố khoáng chất để có thể hoàn thành các chức năng của mình.

-Sinh tố nhóm B có vai trò quan trọng để tránh sự thoái hóa chức năng não bộ do tuổi già.

Kết quả nghiên cứu của đại học Harvard vào năm 2004 cho biết, phụ nữ ở tuổi trung niên ăn nhiều rau có lá mầu xanh đều duy trì khả năng suy nghĩ tốt hơn cho tới tuổi thất tuần, so với những người không ăn rau xanh. Rau lá xanh có nhiều sinh tố B.

-Sinh tố B6 cần cho sự duy trì các chức năng bình thường của não bộ, điều hòa sự sản xuất chất dẫn truyền thần kinh kiểm soát sự ngủ nghỉ, cảm xúc. Sinh tố này có nhiều trong thịt, cá, gan, quả hạch, đậu, chuối, trái bơ, lúa mì.

-Sinh tố B12 duy trì sự hoạt động của tế bào thần kinh, cần thiết cho vỏ bọc các sợi thần kinh. B12 có nhiều trong thịt bò, thịt gà, cá, lòng đỏ trứng, pho mát.

-Sinh tố C giúp não sản xuất chất dẫn truyền thần kinh. Não cũng có một cơ chế để rút sinh tố C về não nhiều hơn khi có nhu cầu.

-Folic acid dường như có ảnh hưởng tới chúc năng dẫn truyền tín hiệu thần kinh, và khi thiếu làm tâm tình buồn chán.

Folic có nhiều trong các loại rau lá mầu lục, hạt đậu, cám lúa mì, thịt heo, thịt gà, tôm cá cua, sò hến.

-Calci cần thiết cho sự tiếp nhận, dẫn truyền các tín hiệu thần kinh.

Calci có nhiều trong sữa, sữa chua, pho mát, cá, tôm trứng, đậu nành, hạt ngũ cốc.

-Potassium cần cho sự dẫn truyền tín hiệu thần kinh và có nhiều trong cam, chuối, khoai tây, trái cây khô, sữa.

-Sắt cần thiết cho sự lành mạnh của các tế bào thần kinh và cho sự dẫn truyền tín hiệu. Thiếu sắt, con người trở nên bẳn tính, kém linh lợi.

Sắt có nhiều trong gan, thận, thịt heo, thị bò, gà, cá, rau cải có lá mầu lục.

-Selen là một chất chống oxy hóa giúp cơ thể ngăn chặn ung thư, trì hoãn tiến trình lão hóa. Nhiều nghiên cứu cho thấy thiếu selen có thể là rủi ro đưa tới hội chứng chậm phát triển trí não (Down Syndrome).

Selen có nhiều trong cá, sò, hến, thịt động vật, ngũ cốc, trứng, tỏi, gan động vật. Rau và trái cây có rất ít selen

6-Nước rất cần thiết cho cơ thể nói chung và não bộ nói riêng. Mỗi ngày nên tiêu thụ ít nhất năm ly nước. 

7- Thời gian ăn

Nhiều nghiên cứu cho hay, khi nào ăn cũng có ảnh hưởng tới trí não.

Bỏ một bữa ăn hoặc ăn uống thất thường có thể có ảnh hưởng ngắn hạn tới các chức năng của não. Khi não thiếu các chất dinh dưỡng và năng lượng trong một thời gian ngắn, các chức năng như trí nhớ, sự tập trung và ngay cả tính tình cũng thay đổi. Kinh nghiệm cá nhân nhiều người cũng thấy như vậy. Khi bụng đói thì khó mà tập trung làm việc, đầu óc mung lung choáng váng.

Do đó, để não làm việc tối đa, nên ăn đều đặn vào cùng thời điểm mỗi ngày.

Ðồng thời, giữa các bữa ăn chính, nên ăn xen kẽ một chút thực phẩm nhẹ như một miếng trái cây, một nắm hạt ngũ cốc để liên tục cung cấp năng lượng cho trí não.

Nói tới đây, cũng xin nhấn mạnh ở bữa ăn sáng. Có nhiều bằng chứng cho thấy điểm tâm có thể là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày cho não bộ. Nghiên cứu cho thấy, các sinh viên học sinh ăn uống đầy đủ buổi sáng đều tập trung học hành tốt, có điểm cao khi thi trắc nghiệm, có nhiều sáng kiến, nhớ lâu và đi học đều đặn hơn.

Bữa ăn sáng khởi động sự chuyển hóa căn bản và các chức năng của não để bắt đầu cho một ngày mới.

Nên điểm tâm với thực phẩm mang nhiều sức mạnh cho trí não như thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ như trái cây, các loại hạt còn vỏ và một ít chất đạm cần thiết. 

8- Sức nặng của cơ thề

Kết quả nghiên cứu của đại học Thomas Jefferson ở Philadelphia cho hay, mập phì có thể là rủi ro đưa tới sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, chế độ dinh dưỡng của dân chúng vùng Ðịa Trung Hải có thể phòng tránh được bệnh sa sút trí tuệ tới 65%. Kết quả nghiên cứu đã được phổ biến trên Archives of Neurology số tháng 12 năm 2006.

Chế độ dinh dưỡng này có nhiều rau, các loại hạt, cá, trái cây, dầu ô liu, rất ít thịt động vật.

Dinh dưỡng như vậy cũng giảm thiểu rủi ro mắc các bệnh tim mạch và vài loại ung thư.

Kết luận

Dinh dưỡng lành mạnh đều bảo vệ cơ thể không những với các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường mà còn bảo vệ và tăng cường sức khỏe trí não.

Ăn uống với các chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ có thể gia tăng các chức năng của trí não như sự suy nghĩ, sự tập trung đồng thời cũng phòng tránh được sự suy sụp về nhận thức gây ra do sự hóa già.

Nên tránh các thực phẩm không tốt cho não bộ như rượu, các chất nhuộm mầu thực phẩm nhân tạo, nước uống quá nhiều đường tinh chế, chất béo transfatty, nicotine thuốc lá, hạt ngũ cốc không còn cám.

Ngoài ra, cũng nên thường xuyên dùng đến trí não để tránh rủi ro bị sa sút trí tuệ.

Như là:

-         Kích thích tế bào não bằng các trò chơi trí óc như tài bàn tổ tôm, mà chược, cờ tướng, ô chữ, domino...

-         Luôn luôn giữ liên lạc giao tế với bạn bè thân thuộc để tăng sự rung động tri thức, dồi dào tình cảm

-         Vận động cơ thể đều đặn mỗi ngày để tăng máu huyết lưu thông lên não.

Và đừng để cơ thể quá mập phì.

 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************