Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 39, Chúa Nhật 22.04.2007


CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH                MỤC LỤC 

Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay - Gaudium Et Spes          Vatican 2

LINH MỤC VỚI VIỆC THÁNH HÓA GIA ĐÌNH                                                               GSVN

GIÁO HỘI CẦN LOẠI LINH MỤC NÀO ?                       Lm Giuse Lê Công Đức chuyển ngữ

LỊCH SỬ TÌNH YÊU                                                                                Lm. Đỗ Vân Lực, op.

NGÀY CẪU NGUYỆN ĐẶC BIỆT CHO CÁC CHỦ CHĂN TRONG GÍAO HỘI    Lm. Anphong Trần Đức Phương

MỤC TỬ NHÂN HẬU                                                                      HƯƠNG VĨNH chuyển ngữ

VÀI Ý KIẾN VỀ CÁCH NÓI NĂNG                                                           Phó tế Nguyễn Định

Nền Tảng của Tình Bạn                                                                       GLV. Phạm Xuân Khôi

BÍ TÍCH THÁNH TẨY và ƠN CỨU ĐỘ                                                 Lm. Fx. Ngô Tôn Huấn

Tác phẩm 13 khuôn mặt của Tình yêu                                                 Dominique AUZENET

Miễn Dịch Với Bệnh                                                                               Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức


Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay - Gaudium Et Spes

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Khóa IX Ngày 7 tháng 12 Năm 1965

 

Phaolô Giám Mục

Tôi Tớ Các Tôi Tớ Thiên Chúa

Hiệp Nhất Với Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng

Ðể Muôn Ðời Ghi Nhớ

 

Hiến Chế Mục Vụ 1

Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay

Gaudium Et Spes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Lời Mở Ðầu

 

1. Liên quan mật thiết giữa Giáo Hội và toàn thể gia đình các dân tộc.

Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thực vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được qui tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗi đem tới cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại 1*.

2. Công Ðồng muốn ngỏ lời với ai. Vậy, sau khi đã tìm hiểu tường tận hơn về mầu nhiệm Giáo Hội 2*, Công Ðồng Vaticanô II không còn chỉ ngỏ lời riêng với những người con của Giáo Hội và tất cả những ai kêu danh Chúa Kitô, nhưng không ngần ngại nói với tất cả mọi người. Công Ðồng ước ao trình bày cho mọi người biết mình quan niệm thế nào về sự hiện diện và hành động của Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

Vậy thế giới trình bày ở đây là thế giới của con người, tức là toàn thể gia đình nhân loại với mọi sự thuộc môi trường sinh sống của gia đình này. Thế giới ấy là sân khấu của lịch sử nhân loại và là thế giới mang dấu tích những cố gắng, thất bại và thắng lợi của nhân loại; thế giới ấy, người Kitô hữu tin là đã được tình yêu của Ðấng Tạo Hóa tác thành và bảo trì; thế giới ấy đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi, nhưng, nhờ Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại mà bẻ gãy uy quyền Thần Dữ, đã được giải thoát để thay hình đổi dạng theo dự định của Thiên Chúa mà tiến tới sự viên mãn 3*.

Phục vụ con người. Ngày nay, tuy đã cảm phục trước những khám phá và quyền lực của mình, nhân loại vẫn thấy lo lắng thắc mắc về sự tiến hóa hiện nay của thế giới, về chỗ đứng và phận vụ con người trong vũ trụ, về ý nghĩa của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể, và sau hết về cùng đích của con người và muôn loài. Vì thế, khi minh chứng và trình bày Ðức Tin của toàn thể dân Chúa đã được Chúa Kitô đoàn tụ, để diễn tả thật hùng hồn mối tình liên đới, sự tôn trọng và quí mến của dân Chúa đối với gia đình nhân loại mà mình là một thành phần, Công Ðồng thấy hay hơn hết là phải thiết lập cuộc đối thoại về những vấn đề ấy, phải lấy ánh sáng Phúc Âm mà soi dẫn, và phải cho nhân loại những năng lực cứu rỗi mà chính Giáo Hội đã nhận được nơi Ðấng Sáng Lập, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thực vậy, việc phải làm là cứu rỗi nhân vị con người và xây dựng xã hội loài người. Do đó, con người - dĩ nhiên là con người duy nhất và toàn diện với thể xác và linh hồn, tình cảm và lương tri, trí khôn và ý chí - sẽ là then chốt tất cả phần trình bày của chúng tôi.

Vậy, khi công bố thiên chức cao cả của con người và xác nhận con người mang trong mình một mầm mống thần linh, Thánh Công Ðồng muốn đề nghị với nhân loại sự cộng tác thành thực của Giáo Hội hầu thiết lập một tình huynh đệ đại đồng phù hợp với thiên chức ấy. Không bị một tham vọng trần thế nào thúc đẩy, Giáo Hội chỉ nhắm một điều là dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tiếp tục công cuộc của chính Chúa Kitô, Ðấng đã đến thế gian để làm chứng cho chân lý 2, để cứu rỗi chứ không luận phạt, để phục vụ chứ không để được phục vụ 3.

 


Chú Thích:

1 Hiến chế Mục Vụ về "Giáo Hội trong thế giới ngày nay" tuy có hai phần rõ rệt nhưng làm thành một khối duy nhất.

Hiến Chế mệnh danh là "Mục Vụ" vì, dựa trên những nguyên tắc giáo lý, Hiến Chế nhằm trình bày thái độ của Giáo Hội với thế giới và con người ngày nay. Do đó, không phải là thiếu chủ đích mục vụ trong phần I, cũng như không thiếu chủ đích giáo lý trong phần II.

Trong phần I, Giáo Hội trình bày giáo lý của mình về con người, về thế giới con người đang sống và về thái độ của Giáo Hội đối với con người và thế giới. Trong phần II, Giáo Hội khảo sát tường tận hơn những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống hiện nay và trong xã hội nhân loại, nhất là những thắc mắc, những vấn đề xét ra có vẻ khẩn thiết hơn trong thời đại chúng ta. Do đó, trong phần sau này, dựa trên những nguyên tắc giáo lý, nội dung không những bao hàm những yếu tố vĩnh cửu mà còn cả những yếu tố nhất thời nữa.

Vậy, phải giải thích Hiến Chế theo những nguyên tắc tổng quát của khoa chú giải thần học và đặc biệt phải lưu ý tới những hoàn cảnh thay đổi là những hoàn cảnh tự bản chất gắn liền với những vấn đề được bàn tới, nhất là trong phần thứ hai này.

1* Kitô hữu là người "bị lưu đày xa Chúa" (2 Cor 5,6) và người "không có thành trì kiên cố" ở đất này (Dth 13,14), nhưng vẫn còn thuộc về gia đình nhân loại. Mọi vấn đề của nhân loại phải làm rung động tâm hồn Kitô hữu. Chính Giáo Hội được thiết lập để đến cùng con người chứ không phải để chỉ sống cho mình mà thôi, Giáo Hội phải đối thoại với con người, đưa cho con người ánh sáng đức tin đã được trao phó cho Giáo Hội. Như thế Giáo Hội góp phần vào công việc chung nhằm cứu độ con người và cải thiện xã hội. Sứ mệnh của Giáo Hội không nhằm những tham vọng thế tục (số 3). Hiến Chế khai triển những tư tưởng này trong chương IV.

2* Trong Hiến Chế tín lý về Giáo Hội.

3* Theo thần học ta có thể quan niệm "thế giới" 1) là vũ trụ đã được Thiên Chúa tạo nên (x. Stk 1,1; Gio 1,3; Col 1,15-20); 2) Thiên Chúa đã trao phó hoàn vũ cho con người (x. Mt26,13; Gio 17,18); 3) nhân loại sa ngã chán ghét và chống đối Thiên Chúa (x. Gio 1,10; 7,7; 15,18t; 17,9; 1Gio 2,15); 4) Thiên Chúa yêu mến nhân loại đã được cứu chuộc (x. Gio 1,29; 3,13; 4,42; 2Cor 5,19). (ÐGM. Charue, phó chủ tịch Ủy Ban về tín lý, ngỏ lời trong thánh đường thánh Phêrô, ngày 24.9.1965: xem Documentation Catholique 62 (1965), 1863).

Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay hiểu thế giới theo nghĩa nhân chủng học (gia đình nhân loại), vũ trụ luận (tất cả thực tại chung quanh), lịch sử học (nơi diễn tiến của lịch sử), và thần học (được Thiên Chúa tạo nên vì tình yêu, v.v...).

2 Xem Gio 18,37.

3 Xem Gio 3,17; Mt 20,28; Mc 10,45.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
LINH MỤC VỚI VIỆC THÁNH HÓA GIA ĐÌNH

 

Khi bàn về cuộc sống tu trì, người Việt Nam thường cho rằng : Không phải cứ xuống tóc, quy y nơi cửa Phật mới là tu, bởi vì ngoài ra còn có những cách sống khác, thể hiện đạo làm người, cũng được gọi là tu. Vì thế, chữ tu kia cũng có đôi ba đường :

- Thứ nhất thì tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.

Hay như  :

- Tu đâu cho bằng tu nhà,

  Thờ cha kính mẹ, mới là chân tu.

 

ƠN GỌI NÊN THÁNH

Chúng ta cũng có thể quan niệm như vậy về việc nên thánh. Thực vậy, trước đây người ta cho rằng nên thánh là một ơn gọi được dành riêng cho những người sống trong bậc tu trì. Sở dĩ như vậy vì người ta nghĩ rằng : thế gian thì ô trọc và xấu xa, nên sống trong thế gian, không nhiều thì ít, cũng sẽ bị hoen ố bùn nhơ tội lỗi. Bởi đó, muốn nên thánh, phải sống tách biệt khỏi thế gian trong những nhà dòng kín cổng cao tường, hay nơi rừng sâu núi thẳm…

Thế nhưng, kể từ sau Công Đồng Vaticanô II, việc nên thánh đã trở nên một ơn gọi chung cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc. Bởi vì bất cứ người tín hữu nào cũng có bổn phận phải nên thánh, khi thực thi lời kêu mời của Chúa Giêsu :

- Các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời. (Mt 5,48).

Trở nên trọn lành tức là trở nên thánh. Điều đó cũng có nghĩa là thể hiện ơn gọi làm người. Tất cả mọi người đều được kêu gọi. Không ai có thể nói mình được Thiên Chúa chọn hoặc bị Thiên Chúa đặt vào trong một điều kiện kém may mắn hơn hay nhiều ưu đãi hơn. Không ai sinh ra dưới một ngôi sao xấu hay tốt hơn người khác. Và cũng không có địa vị hay bậc sống nào cao trọng hơn địa vị hay bậc sống khác. Trong bài huấn đức nhân một buổi tiếp kiến chung năm 1982, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã khẳng định như sau:

“Những lời dạy của Chúa Giê-su không đưa ra bất cứ một luận cứ nào về sự thấp hèn của bậc hôn nhân hay về sự trổi vượt của bậc đồng trinh hay độc thân”.

Đúng thế, Công Đồng đã nhắc đi nhắc lại điều ấy rất nhiều lần. Trong hiến chế Lumen Gentium, bàn về Giáo hội, Công đồng viết :

- “Tất cả mọi người trong Giáo hội – hoặc thuộc hàng giáo phẩm, hoặc được hàng giáo phẩm dìu dắt – đều được kêu gọi nên thánh, như lời thánh Tông đồ dạy : Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa.” (LG 39).

- “Vì thế, mọi người đều thấy rõ ràng tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Đức Ái.” (LG 40).

- “Mọi Kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận phải nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống của mình.” (LG 42).

Như vậy chúng ta thấy mọi người tín hữu đều phải nên thánh, nhưng để thực thi lý tưởng ấy, chúng ta có những cách thức khác nhau. Ơn gọi nên thánh chỉ là một, nhưng con đường nên thánh thì lại có nhiều.

Chẳng hạn : trong Giáo hội có rất nhiều dòng tu, nhất là các dòng nữ, và chúng ta có thể nói : có bao nhiêu dòng tu thì cũng có bấy nhiêu nền tu đức, hay bấy nhiêu con đường nên thánh. Cũng như trong một khu vườn có nhiều bông hoa và mỗi bông hoa đều phô diễn một vẻ đẹp nào đó của Đấng Tạo hóa.

Công đồng viết :

- “Vì thế, tuy trong Giáo hội, tất cả không cùng đi một đường, nhưng tất cả vẫn cùng được mời gọi nên thánh và đồng thừa hưởng đức tin trong sự công chính của Thiên Chúa.” (LG 32).

Con đường nên thánh của các linh mục và tu sĩ khác với con đường nên thánh của người giáo dân, bởi vì người giáo dân sống giữa đời, nên “tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của người giáo dân”. (LG 31).

- “Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình  và ngoài xã hội : tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ.” (LG 32).

- “Trong và nhờ cảnh huống, bổn phận và hoàn cảnh sống của gia đình, tất cả mọi Ki-tô hữu ngày càng được thánh thiện hơn nếu họ biết tin tưởng lãnh nhận mọi sự từ tay Cha trên trời, và biết cộng tác với ý Thiên Chúa bằng cách tỏ lộ cho mọi người biết tình yêu của Thiên Chúa đối với thế giới trong chính việc họ phục vụ trần thế”. (LG 41).

Và như vậy, chắc chắn cũng phải có một con đường nên thánh dành cho những người đang sống đời sống gia đình, những người đang thực hiện thiên chức làm vợ làm chồng, cũng như làm cha làm mẹ.

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã khẳng định như sau:

- “Ơn gọi nên thánh chung của mọi người cũng nhắm đôi bạn và cha mẹ Kitô hữu : đối với họ, ơn gọi ngày được nêu rõ bởi sự cử hành bí tích Hôn phối và được phô diễn cách cụ thể trong thực tế riêng của cuộc sống hôn nhân và gia đình.” (CF 56).

 

2- THÁNH HÓA  GIA ĐÌNH

Trong một quyển Phúc Âm Ngụy Thư, tức là sách không được Giáo Hội nhìn nhận là do linh ứng, kể lại rằng  ngày kia có người đến hỏi Chúa Giêsu :

- Khi nào Nước Thiên Chúa đến.

Ngài trả lời :

- Khi nào hai người nên một.

Quả thực, sự nên một của hai người nam nữ tức là tình yêu vợ chồng là dấu chỉ của Nước Chúa. Khi hai vợ chồng yêu thương nhau bằng một tình yêu quảng đại, hy sinh và chung thủy, khi họ cố gắng xây dựng và vun trồng tình yêu lứa đôi, thì chính là lúc họ làm chứng cho tình yêu của chúa và tham dự vào sự thánh thiện của Ngài

Dĩ nhiên đây chỉ là một câu chuyện tưởng tượng, nhưng cũng đã giúp cho chúng ta nhìn thấy được nét căn bản của đời sống hôn nhân, đó là tình yêu thương.

Hội nghị Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã đề cao vai trò, đặc tính và chức năng của gia đình như sau:

- “Gia đình mang lấy chính mầu nhiệm Tình Yêu Ba Ngôi giữa lòng thế giới. Có thể gọi gia đình là “Bí Tích” của Tình Yêu Thiên Chúa và là Hội Thánh tại gia. Gia đình là trường học và cung thánh của tình yêu, nơi đó con người có được kinh nghiệm đầu tiên về tình yêu và học được nghệ thuật yêu thương, nghệ thuật cầu nguyện”.

Thánh Gioan đã định nghĩa : Thiên Chúa là tình yêu. Cũng vì tình yêu ấy, Ngài đã dựng nên con người và muốn con người được sống trong tình yêu. Do đó, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ, để họ yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời sinh sản con cái, để kéo dài sự hiện diện của con người trên mặt đất này. Tình yêu gia đình chính là một phản ảnh cho tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Và hơn thế nữa, mối liên kết vợ chồng là một hình ảnh tượng trưng cho sự liên kết giữa Đức Kitô và Giáo hội.

Thực vậy, tình yêu vợ chồng là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Với lời thề hứa trong Bí Tích Hôn Phối, hai người phối ngẫu cam kết sẽ sống yêu thương nhau, chung thủy với nhau đến độ trở thành một dấu chứng, một bằng cớ của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người. Yêu nhau, thủy chung với nhau, xây dựng tình yêu lứa đôi chính là bổn phận tiên quyết của tình yêu vợ chồng.

Tình yêu ấy dẫn đến tình yêu và sự dưỡng dục con cái. Tình yêu ấy cũng thúc đẩy hai người hăng say hoạt động bên ngoài gia đình. Không có tình yêu ấy thì tất cả những hoạt động bên ngoài gia đình chỉ là những lẩn tránh thiếu trách nhiệm.

Đức Thánh Cha cũng xác quyết :

- “Theo ý định của Thiên Chúa, gia đình kết thành “công đoàn thân mật của sự sống và tình yêu”, nên gia đình có sứ mạng mỗi lúc một trở nên cái nói là, nghĩa là một cộng đoàn của sự sống và tình yêu đang vươn lên và sẽ hoàn tất trong Nước Thiên Chúa, như một thực tại được sáng tạo và cứu chuộc.” (FC 17).

Vì thế, con đường nên thánh của những người sống bậc vợ chồng cũng phải được đặt nền tảng trên tình yêu thương ấy : Yêu thương đối với nhau và yêu thương đối với con cái. Công đồng viết như sau :

- “Các bậc vợ chồng và cha mẹ Kitô giáo, khi theo đuổi lối sống riêng của mình, nhờ ơn Chúa, họ phải suốt đời nâng đỡ và trung thành yêu thương nhau; đối với con cái mà trong yêu thương họ đã nhận từ Thiên Chúa, họ phải làm cho chúng hấp thụ những học thuyết Kitô giáo và những nhân đức của Phúc âm.” (LG 41).

Đức Thánh Cha cũng đã nói đến việc xây dựng cộng đồng tình yêu trong gia đình như sau:

- “Tất cả mọi phần tử của gia đình, mọi người tùy theo năng khiếu riêng của mình đều nhận lãnh ân sủng và trách nhiệm để ngày qua ngày xây dựng sự thông hiệp giữa nhau. Nhờ thế họ biến gia đình thành một trường dạy về nhân bản đầy đủ và phong phú nhất. Điều đó được thể hiện bằng sự săn sóc hay tình thương yêu đối với những người bé mọn, những người bệnh tật và người già cả, bằng việc phục vụ nhau mỗi ngày, bằng sự chia sẻ cho nhau của cải, niềm vui cũng như nỗi buồn. Một sự thông hiệp như thế chỉ có thể duy trì và thêm hoàn hảo nhờ tinh thần hy sinh mà thôi”. (FC 21).

Thực vậy, để có sự thông hiệp giữa các phần tử trong gia đình, cần phải có sự khiêm nhường và quảng đại  để sẵn sàng cảm thông, tha thứ và hòa giải với nhau.

Các tu sĩ thường nói :

- Việc đền tội nặng nề nhất đối với tôi là đời sống chung.

Thiết tưởng châm ngôn này cần phải được áp dụng cho đời sống gia đình. Việc đền tội nặng nề nhất chính là đời sống chung trong gia đình. Không cần phải có một đặc sủng phi thường, không cần phải có một cuộc sống khắc khổ như các vị ẩn tu trong sa mạc, cũng không cần phải là một tu sĩ mới có thể sống những nhân đức anh hùng. Đời sống hôn nhân và gia đình cũng có đủ những yếu tố để con người luyện tập những nhân đức anh hùng ấy.

Hơn thế nữa, như chúng ta đã biết, hôn nhân Kitô giáo có hai mục đích, đó là sinh sản con cái và giúp đỡ lẫn nhau. Từ hai mục đích này, chúng ta thấy được hai trách nhiệm chính của cuộc sống lứa đôi, đó là trách nhiệm của cha mẹ và trách nhiệm của vợ chồng. Cha mẹ có bổn phận phải sinh sản, nuôi dưỡng và nhất là phải giáo dục con cái. Vợ chồng có bổn phận phải yêu thương, hòa thuận, trung thành và giúp đỡ lẫn nhau. Muốn được như vậy, cần phải chấp nhận những hy sinh cho nhau và vì nhau. Khi chu toàn những bổn phận của mình trong đời sống gia đình là chúng ta đang tiến bước trên con đường thánh thiện.

Đức Thánh Cha cũng xác định về những trách nhiệm của gia đình như sau :

- “Gia đình nhận lãnh trách nhiệm bảo toàn, nâng cao và thông truyền tình yêu là một phản ảnh sống động và thông dự thực sự vào tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại”. (CF 17).

Một cách cụ thể gia đình đảm nhận bốn trách vụ như sau :

- “ Trong cái nhìn ấy, khởi sự từ tình yêu và không ngừng qui chiếu về đó, THĐGM kỳ này đã đưa ra ánh sáng bốn bổn phận chính của gia đình :

1- Đào tạo một cộng đồng các ngôi vị.

2- Phục vụ sự sống.

3- Tham dự vào việc phát triển xã hội.

4- Tham dự vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.” (CF 17).

Tuy nhiên, căn bản và quan trọng nhất trong bốn trách vụ trên  chính là xây dựng một cộng đồng các ngôi vị, tức là một cộng đồng tình yêu. Tông Hiến giải thích như sau :

- “Gia đình được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu là một cộng đồng các ngôi vị : đôi bạn là nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng.” (CF 18).

Chu toàn được những bổn phận và trách nhiệm trên không phải là điều dễ, bởi vì nó đòi hỏi phải hy sinh, phải cố gắng nhiều lắm. Cũng  trong chiều hướng ấy, Công đồng cũng đã khích lệ :

- “Để có thể kiên trì chu toàn nghĩa vụ ơn gọi làm người Kitô hữu như thế, tức là sống đời vợ chồng, cần phải có một nhân đức phi thường. Chính vì thế mà vợ chồng được ơn Chúa củng cố để sống thánh thiện sẽ ân cần nuôi dưỡng và cầu xin cho được một tình yêu kiên vững, một tâm hồn đại lượng và tinh thần hy sinh”. (GS 49).

Các tu sĩ được phong thánh không phải vì những hành động phi thường của họ, mà vì đức ái họ thực thi trong đời sống chung hoặc cho người khác. Tương tự như thế, các đôi vợ chồng cũng đạt được sự trọn lành trong bậc sống của họ nhờ những cố gắng thực thi tình yêu thương đối với nhau và đối với mọi người trong gia đình. Cũng vì thế, trong những thập niên gần đây Giáo Hội đã tôn phong chân phước hoặc hiển thánh cho rất nhiều người sống bậc vợ chồng. Bởi vì gia đình là một con đường dẫn chúng ta và những người chung quanh đến cùng Chúa, đồng thời cũng là  một con đường giúp chúng ta thực hiện ơn gọi nên thánh trong lòng cuộc đời. 

 

3- LINH MỤC VÀ VIỆC THÁNH HÓA GIA ĐÌNH.

Như trên chúng ta đã xác quyết : nên thánh là một ơn gọi chung cho mọi người tín hữu, ở mọi nơi và trong mọi lúc, nhưng con đường nên thánh thì lại có nhiều. Vì thế, con đường nên thánh trong bậc vợ chồng là một con đường dành riêng cho những người đang sống cuộc sống lứa đôi. Tuy nhiên, con đường nên thánh không phải là con đường cô tịch, nhưng là con đường rộng mở, để mọi người cùng nắm tay nhau và tiến bước, bởi vì không ai nên thánh hay lên thiên đàng một mình và cũng chẳng ai xuống hỏa ngục một mình.

Dĩ nhiên, nên thánh trước hết phải là những cố gắng của bản thân. Thực vậy, để trở thành những bậc cha mẹ tốt, trước tiên phải là những đôi vợ chồng tốt. Để trở thành những đôi vợ chồng tốt thì mỗi người phối ngẫu cần phải là một tín hữu tốt. Hai người tín hữu không sống Đức Tin sẽ không thể hợp thành một đôi vợ chồng tốt.

Không hẳn đã là vợ chồng  thì đương nhiên trở nên “một xương một thịt”. Không hẳn đã làm phép cưới trong nhà thờ thì đương nhiên trở thành Bí Tích của Tình Yêu Thiên Chúa. Nếu mỗi người phối ngẫu không quan tâm đến sự trưởng thành trong nhân cách và đức tin  của mình thì mãi mãi cuộc sống lứa đôi có thể chỉ là một cuộc sống chung mà chưa phải là “một  xương một thịt” và một bí tích đích thực của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế,  mỗi người phải quan tâm đến sự trưởng thành của mình. Đó là điều kiện tiên quyết để sống cuộc sống lứa đôi.

Tiếp đến, chúng ta còn phải giúp đỡ lẫn nhau trong ơn gọi nên thánh. Sự giúp đỡ này là một bổn phận của người Kitô hữu. Bổn phận này càng bó buộc hơn nữa đối với những người sống bậc vợ chồng. Yêu nhau, tận hiến cho nhau chính là muốn mang lại điều tốt đẹp nhất cho nhau. Và điều tốt đẹp nhất cho một Kitô hữu không gì khác hơn là được lớn lên trong sự thánh thiện.

Nên Thánh là một đáp trả của từng cá nhân đối với tiếng gọi của Chúa. Thế nhưng, chỉ qua cửa ngõ Phép Rửa mà con người lắng nghe được tiếng gọi  ấy. Vì thế,  chỉ trong Giáo Hội chúng ta mới đón nhận được ơn gọi nên thánh và chỉ nhờ Giáo hội chúng ta mới thực hiện được ơn gọi ấy mà thôi.

Chúng ta cần có sự hướng dẫn của Giáo Hội. Và Giáo hội có bổn phận phải trợ giúp chúng ta. Sự trợ giúp đến từ Giáo hội chính là lời cầu nguyện, bởi vì nên thánh không phải chỉ là  những cố gắng của  bản thân, mà trước tiên chính là một tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Để trở nên thánh, chúng ta cần phải được Thiên Chúa nâng đỡ bằng ơn sủng của Ngài, vì :

- Không có Thày, các con không thể làm gì được. (Gio 15,5).

Ơn sủng ấy Chúa ban xuống cho chúng ta nhờ vào lời cầu nguyện của Giáo hội. Ngoài ra, Giáo hội còn trao ban cho chúng ta những phương tiện để nên thánh. Trong phạm vi này, linh mục phải nắm vai trò chính yếu, cung cấp những phương tiện, giúp thánh hóa gia đình.

Công đồng đã xác quyết như sau :

- “Các linh mục có bổn phận phải nâng đỡ gơn gọi của vợ chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình bằng những phương tiện mục vụ khác nhau, như rao giảng lời Chúa, lễ nghi phụng vụ hay những trợ lực thiêng liêng khác.” (GS 52).

Từ đó, chúng ta ghi nhận được những phương tiện linh mục phải sẵn sàng trao ban hầu giúp đỡ các gia đình trong phạm vi thánh hóa :

* Rao giảng lời Chúa để các gia đình tìm thấy được những tiêu chuẩn hướng dẫn cho cuộc sống của mình.

* Trao ban các bí tích, đặc biệt là :

- Bí tích Hôn phối : “Các đôi vợ chồng Ki-tô hữu được củng cố và như thế được thánh hiến bằng một Bí Tích riêng để lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống họ. Nhờ sức mạnh của Bí Tích này họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Ki-tô, để chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ. Do đó tất cả đời sống của họ được thấm nhuần đức Tin Cậy Mến và càng ngày họ càng tiến gần đến sự trọn lành riêng biệt của họ cũng như thánh hoá lẫn nhau và nhờ đó tôn vinh Thiên Chúa”. (GS 48).

- Bí tích Thánh thể : “Bổn phận nên thánh dành cho gia đình Kitô hữu bắt nguồn sâu xa từ bí tích Rửa tội và được diễn tả cách trọn vẹn nhất trong bí tích Thánh thể là bí tích mà hôn nhân Kitô giáo gắn liền một cách mật thiết…Bí tích Thánh thể chính là nguồn mạch của hôn nhân Kitô giáo. Quả thế, hy lễ Thánh thể diễn lại giao ước tình yêu  giữa Đức Kitô và Hội Thánh vì giao ước ấy được ký kết bằng máu của Người trên thập giá.” (CF 57).

- Bí tích Hòa giải : “Sự hối hận và tha thứ thường xuyên cho nhau trong gia đình Kitô hữu đưa đến khoảng khắc đặc biệt nơi bí tích thống hối Kitô giáo. Khi nói về các đôi bạn, Đức Phaolô VI đã viết trong thông điệp sự sống Con người : nếu tội lỗi vẫn còn đè nặng trên họ, ước gì họ đừng nản lòng, nhưng với một sự bền đỗ khiêm tốn ước gì họ hãy chạy đến với lòng nhân từ của Thiên Chúa vẫn luôn luôn tuôn đổ dồi dào trong bí tích thống hối.” (CF 58)

* Giúp các gia đình biết cách cầu nguyện, bởi vì :

- “Kinh nguyện gia đình có những đặc tính riêng. Đó là kinh nguyện chung : vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau, cha mẹ và con cái cùng cầu nguyện với nhau. Sự hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa quả vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông mà các bí tích Rửa tội và Hôn phối đem lại.” (CF 59).

* Giúp các bậc cha mẹ biết cách giáo dục con cái. Trong tuyên ngôn “Gravissimum Educationis” về giáo dục Kitô giáo, Công đồng   viết :

- “Ngay từ nhỏ, con cái phải được để nhận biết và kính thờ Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân, theo như đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội.” (GE 3).

* Cử hành phụng vụ :

- “Do đó, cần phải làm sao để tất cả mọi thành phần trong gia đình Kitô hữu đều dần dần tham dự vào bí tích Thánh thể, nhất là ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng, cũng như tham dự vào các bí tích, cách riêng là bí tích khai tâm Kitô giáo cho trẻ em.” (CF 61).

 

KẾT LUẬN

Nhờ việc nên thánh của mình, vợ chồng Kitô hữu sẽ làm chứng cho vẻ cao quí của sự bất khả phân ly trong hôn nhân giữa cơn khủng hoảng gia đình hiện nay (CF 20). Đồng thời qua lời nói và đời sống của mình, họ làm chứng cho đức tin giữa thời buổi tôn giáo đang mất dần chỗ đứng trong xã hội (CF 73).

Như vậy, gia đình Kitô hữu được mời gọi tự thánh hóa mình và nhờ đó sẽ thánh hóa Giáo hội và xã hội (CF 55). Hay nói cách khác, muốn đổi mới xã hội và Giáo hội, thì trước hết phải đổi mới từ gia đình.

Xin mượn lời của Đức Thánh Cha Piô XII sau đây như một kết luận :

- “Tôi sẽ phong thánh tức khắc cho người đàn bà nào mà ông chồng không bao giờ trách móc và ngược lại, tôi sẽ phong thánh tức khắc cho người đàn ông nào mà bà vợ không bao giờ cằn nhằn.”

GSVN

VỀ MỤC LỤC

GIÁO HỘI CẦN LOẠI LINH MỤC NÀO ?

 

BERNARD HARING, C.SS.R.

Lm Giuse Lê Công Đức chuyển ngữ từ bản tiếng Anh:

PRIESTHOOD IMPERILED,

A Critical Examination Of The Ministry

In The Catholic Church                                 

lời tựa

Cả đời linh mục của mình, tôi đã suy tư, giảng dạy và viết về câu hỏi: Giáo Hội cần đến loại luân lý và loại thần học luân lý nào? Quan điểm của tôi về vấn đề luân lý đã luôn luôn nhận ảnh hưởng từ – và luôn luôn được hiểu trong – bối cảnh rộng lớn hơn của một câu hỏi căn bản khác: Thế giới của chúng ta hiện tại và tương lai cần đến loại Giáo Hội nào? Gắn không rời hai câu hỏi nền tảng ấy là một câu hỏi thứ ba: Giáo Hội và thế giới của chúng ta cần đến loại sứ vụ nào?

Bởi vì tôi đã làm linh mục một cách vui vẻ và tận tình trong 56 năm qua và bởi vì trong phần lớn thời gian ấy, tôi đã đảm nhận công việc giảng dạy cho các linh mục và các chủng sinh, nên tôi được thúc đẩy – như một bổn phận – phải suy tư về loại linh mục mà tôi tin rằng Đức Giêsu đã mường tượng cho Giáo Hội trong sứ mạng thể hiện và loan báo sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta.

Trong thực tế và một cách cốt yếu, tôi đã phải đương đầu và trải qua những thay đổi rất quan trọng trong việc đào tạo linh mục qua ngần ấy tháng năm – đồng thời tôi cũng đã giúp bao người khác đương đầu và trải qua như vậy. Trong tiến trình đó, tôi không thể không suy nghĩ lại hình ảnh của chức linh mục cho thời đại chúng ta. Vì thế, khi tuổi đời mình đã xế chiều, có lẽ là thích hợp việc tôi cố gắng – qua tập sách nhỏ này – đưa ra lời chứng và chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các anh em linh mục hôm nay và tương lai, cũng như cho tất cả các Kitôhữu là những người thi hành sứ vụ của mình trong Giáo Hội và trong thế giới.

Hơn nữa, tôi vuốt ve hy vọng rằng các Kitôhữu trưởng thành dấn thân trong sứ mạng và trong các sứ vụ của Giáo Hội - và tất cả những ai quan tâm sâu sắc đến chức linh mục - cũng sẽ đọc tập sách này. Tôi nói lên điều đó vì hai lý do. Thứ nhất, tập sách này sẽ tập chú vào ơn gọi linh mục chủ yếu từ nhãn quan ơn gọi căn bản của mọi Kitôhữu đã lãnh nhận Phép Rửa. Thứ hai, người linh mục không thể thực sự nhận hiểu ơn gọi chuyên biệt của mình nếu không có một nhận thức đúng mức và một lòng kính trọng sâu sắc đối với ơn gọi vừa cao cả vừa đầy thách đố của mọi Kitôhữu; cũng vậy, một điều rõ ràng không kém là tất cả các Kitôhữu dấn thân đích thực cần phải nhận hiểu sâu hơn, toàn triệt hơn về ý nghĩa của sứ vụ – để họ có thể sống triệt để và trân trọng đúng mức ơn gọi vừa phổ quát vừa độc đáo của họ.

Thần học luân lý thiết yếu phải suy tư về tất cả các nguồn thần học chính yếu, thì cũng vậy, quả là thiết thực việc chúng ta suy tư về chức linh mục Kitô giáo với cùng một cách thế tương tự. Tất nhiên, công việc suy tư này sẽ tùy thuộc vào một nhãn quan về nhân loại học, về những hình ảnh của Thiên Chúa và con người tương hợp cho thời đại chúng ta, về bản chất và sứ mạng của Giáo Hội... Đành rằng các suy tư thần học và cuộc hành trình không ngừng kiếm tìm sự thật của tôi có hàm chứa các kinh nghiệm bản thân mà tôi đã sống trong các bối cảnh khác nhau qua ngần ấy tháng năm, thì kỳ thực chúng vẫn được khơi lên bởi - và được cắm rễ trong - điều mà tôi cho là một khởi điểm tất yếu, đó là nhãn quan của Đức Giêsu như chúng ta khám phá thấy trong Thánh Kinh và trong truyền thống sống động của chúng ta, một truyền thống vừa lâu dài vừa phức tạp. Hai nguồn tri thức và khôn ngoan ấy phục vụ như một xúc tác giúp chúng ta biện phân:

1/ Thiên Chúa đòi hỏi những gì đối với con người linh mục? – và,

2/ Bằng cách nào chúng ta sẽ nhận diện được sự đòi hỏi đó cho hôm nay và tương lai?

Tôi không phủ nhận rằng mình cũng hơi sợ và âu lo khi dám chia sẻ những hy vọng, những cố gắng, những ước mơ và những xác tín riêng của mình với bạn. Thế nhưng, dù lo sợ, tôi vẫn tin rằng mình có lý do chính đáng để chia sẻ. Những giấc mơ của tôi, nếu chỉ được một mình tôi ôm ấp, sẽ vẫn cứ là những giấc mơ suông, nhưng nếu được chia sẻ bởi hàng triệu con người có khả năng hiện thực hóa chúng, thì chúng có thể xác lập một mức đáng kể tương lai của đời sống và sứ vụ linh mục. Thật vậy, các suy tư của tôi - được chia sẻ cho người ta thuộc nhiều ngôn ngữ và văn hóa khác nhau - đã trở thành một phương tiện giúp tôi tinh lọc các tư tưởng của mình, cũng như giúp tôi nhận định rõ và đo lường những chọn lựa dấn thân của mình. Tiến trình đó đã dẫn tôi đến chỗ tin tưởng sâu xa hơn rằng Giáo Hội và thế giới của chúng ta đang khẩn thiết cần biết hy vọng và biết nhìn một cách can đảm. Nói chung, Giáo Hội trong thế giới hôm nay cũng cần một công luận lành mạnh, không bị bưng bít và có sức chữa trị nữa.

Hồi tôi bước vào đời linh mục, mối quan hệ giữa linh mục và giáo dân có thể được đúc kết trong những dấu hỏi như sau: Các linh mục săn sóc dân Thiên Chúa như thế nào? Và bằng cách nào các ngài có thể vận động để các tín hữu hợp tác với các ngài? Tuy nhiên, ngày nay, mẫu thức làm việc là một mẫu thức mang tính hỗ tương và cộng tác, nó khơi lên một câu hỏi khác hẳn: Các linh mục cộng tác như thế nào cả với giám mục của mình lẫn với anh chị em giáo dân? Từ lăng kính này tôi đã mường tượng một chức linh mục cũng rất khác! Tôi thấy tất cả chúng ta cùng tìm kiếm với nhau trong một tinh thần tra vấn nhau để nhận hiểu hơn về quyền năng và ân sủng cứu độ của Thiên Chúa đối với Giáo Hội và thế giới.

Cuối cùng, xin chân thành cám ơn Joyce Gadoua, CSJ, đã tích cực cộng tác trong việc thực hiện bản dịch tiếng Anh của tập sách này.

BERNARD HARING, C.SS.R.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
LỊCH SỬ TÌNH YÊU 

 

(Ga 20:19-31)

Phúc Âm Nhật Ký Chúa Nhật 15.04.2007

Nhân loại đang chóng mặt vì những tiến bộ ngoạn mục của khoa học kỹ thuật.   Trong cơn chóng mặt đó, người ta vẽ nên những nét lịch sử nguệch ngoạc.  Đó là những nét vòng hay đường thẳng ?   Có lẽ khó kiếm được những đường thẳng trong muôn vàn nét nguệch ngoạc đó.   Tình yêu cũng có nét lịch sử riêng.   Đó là những nét vòng chung quanh cuộc đời mỗi người và cộng đoàn. 

NHỮNG NÉT NGUỆCH NGOẠC

Cộng đoàn ban đầu của Đức Giêsu thật nhỏ bé, nhưng cũng đủ tạo nên bao sóng gió và để lại những âm ba lớn lao trong lịch sử Giáo hội.   Các môn đệ vẫn chưa hết bàng hoàng trước cơn biến động quá lớn : Thày vừa bị giết.  Mối đe dọa Thày cũng đe dọa các môn đệ.  Quả thực, cho tới khi Thày chưa hiện ra trấn an, “nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái.” (Ga 20:19)   Tâm hồn và con người các ông rúng động.  Các sợi dây chằng chịt Thày trò đều bứt tung.   Tương lai chỉ còn là tai ương.   Niềm mong đợi duy nhất chi phối tất cả các môn đệ là sự bình an.

Bởi vậy, ngay khi sống lại, Đức Giêsu đã tìm mọi cách trấn an các môn đệ : “Bình an cho anh em !” (Ga 20:19, 21, 26)   Sau khi đã ổn định tinh thần các môn đệ, Đức Giêsu thấy phải củng cố niềm tin các ông bằng những dấu chỉ cụ thể.  “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn.” (Ga 20:20)   Mạc khải đó thật trọn vẹn.   Các ông đã thoát khỏi sự ngờ vực và sợ hãi.   Đó là lý do tại sao “các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.” (Ga 20:20)

Oâng Thomas chỉ nhận ra Chúa khi đụng chạm tới các vết thương của Chúa.  Người môn đệ cũng chỉ có thể chứng ngộ thực tại Phục sinh khi săn sóc tới những phần chi thể đau thương của Nhiệm thể Chúa Kitô.  Phần chi thể đó là những người nghèo khổ, bất hạnh v.v.  Bao lâu chưa quan tầm và cúi mình xuống với những phần Nhiệm thể xấu số đó, Kitô hữu vẫn chưa đích thực sống trong mầu nhiệm Phục sinh.

Người ta cứ tưởng chỉ có ông Thomas là người cứng lòng tin nhất trong hàng ngũ các tông đồ.   Chỉ mình ông gây rắc rối, đòi những bằng chứng cụ thể vì nặng đầu óc duy nghiệm.   Thực ra, chẳng phải một mình ông Thomas.  Các môn đệ khác đã từng không tin lời loan báo Phục sinh của bà Maria Mácđala (Ga 20:18).   “Chỉ khi Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ (c.19) và cho họ xem tay và cạnh sường Người (c.20), các ông mới nhận ra Chúa và vui mừng. Oâng Thomas đã không hành động khác với các môn đệ khác.” (NIB: 849, vol.9)  

Nhưng một khi đã thấy Chúa, họ đều tràn ngập niềm vui.   Bình an Chúa hứa trong Ga16:20-22 đã nên trọn vẹn khi Chúa hiện ra với các môn đệ.   Đức Giêsu hiện diện như một bảo đảm hạnh phúc hiện tại và tương lai cho các môn đệ.  Nói đúng hơn, Người là niềm vui và bình an của toàn thể nhân loại.  Chính trong sự bình an lớn lao đó, Đức Giêsu muốn phóng cái nhìn của các môn đệ về một tương lai rực rỡ với sứ mệnh cao cả.  Người nói rõ : “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20:21)  Họ cũng có một sứ mệnh cứu độ như chính Đức Giêsu.   Sứ mệnh đó chỉ được thi hành với sức mạnh Thánh Linh.  Bởi đấy, Người nói :  “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.   Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20:23)   Đây không phải là một sự tha thứ bình thường.   Đó là một sự tha thứ trong quyền lực Thánh Linh.  Không phải bất cứ sự tha thứ nào cũng do Thánh linh.   Tha thứ đồng nghĩa với cứu độ.   Chính Thánh Linh đã là sức mạnh khiến Đức Giêsu có thể hoàn thành công cuộc cứu độ đó.   Nhất là sự tha thứ tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân càng cần tới quyền lực Thánh Linh.  

Hơn nữa, không nhờ cái chết và phục sinh của Con Chúa, không thể có ơn cứu độ.  Nói khác, đây là cuộc tạo dựng lần thứ hai. Nếu Thánh linh đã đóng vai chính trong việc tạo dựng lần thứ nhất.   Người cũng đóng vai cực kỳ quan trọng trong việc tạo dựng lần thứ hai.  Bởi vậy, khi bắt đầu cuộc tạo thành mới, Đức Giêsu “thổi hơi vào các ông” (Ga 20:22) như Thiên Chúa đã từng thổi sinh khí vào Adam.  Đức Giêsu làm chủ và tạo dựng một vũ trụ mới, trong đó mọi người sẽ lột xác thành tạo vật mới.   Một nền văn minh tình yêu sẽ chan hòa mặt đất.   Mọi người sẽ là anh em với nhau và cùng đều tôn xưng Đức Giêsu là Anh Cả vì cùng chung một Cha duy nhất là Thiên Chúa.  Một nền văn minh sự sống sẽ xây dựng lại tất cả từ đầu trong sức mạnh Phục sinh.  Bởi đó niềm vui sẽ chan hòa mặt đất.

Niềm vui đó đã đến với các môn đệ khi Đức Giêsu “cho các ông xem tay và cạnh sườn.” (Ga 20:20) và khi “Người bảo ông Thomas: ‘đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy.  Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.’” (Ga 20:27)   Niềm vui đã đến vì các ông đã thấy tất cả sự thật, một sự thật đã giải thoát các ông khỏi mọi sợ hãi vàlàm cho các ông xác tín vào những điều Thầy đã hứa.  Bừng tỉnh trước sự thật đó, “ông Thomas thưa Người : ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !’” (Ga 20:28)   Muốn có được sự bình an sau khi đã qua những cơn sóng gió, các môn đệ cần phải gặp Đức Giêsu trong niềm vui Phục sinh. Niềm vui đó chính là dấu chỉ của hồng ân cứu độ. 

Giả sử không bao giờ Đức giêsu hiện ra với ông Thomas, cái gì sẽ xảy ra ?  Chắc chắn, ông sẽ giữ vững lập trường.  Như thế là có sự chia rẽ giữa hàng môn đệ.  Thomas không còn thuộc về tông đồ đoàn nữa, vì không chia sẻ cùng một niềm tin.  Chỉ niềm tin mới có sức mạnh hiệp nhất con người với nhau và với Thiên chúa.  Cũng chính niềm tin sẽ thúc đẩy  Kitô hữu dấn thân.  Nếu không có niềm tin Phục sinh, họ không thể đón nhận sứ mệnh đem ơn cứu độ đến muôn dân.  Không có niềm tin, cũng chẳng có ơn cứu độ.  Sứ mệnh cứu độ chính là sứ mệnh đem bình an đến cho muôn dân.  Kitô hữu phải là sứ giả hòa bình.

Tất cả những hồng ân cao cả đó chỉ đến khi con người đã chứng quả chân lý Phục sinh.  Chân lý đã khuất phục Thomas cũng sẽ giải thoát chúng ta.   Chân lý đó xuất hiện qua những dấu lạ.   Những dấu lạ đó chỉ dành cho một số ít chứng nhân Phục sinh. Không phải ai thấy dấu lạ đều có thể đọc được sự thật.  Ngược lại cũng có thể thấy  sự thật mà chẳng cần dấu lạ.   Đó là một hồng ân dành cho những người Chúa đã tuyển chọn.    Bởi đấy, Đức Giêsu mới nói : “Phúc thay những người không thấy mà tin !” (Ga 20:29)    Không thấy, nhưng nghe có đủ làm cho chúng ta tin Chúa Phục sinh chăng ?   Niềm tin không phải là kết quả của những đụng chạm, ngắm nhìn hay ăn uống với Chúa.   Tất cả chỉ là những dấu chỉ mà thôi.  Tin hoàn toàn là một nhân đức siêu nhiên, nghĩa là phải do ân sủng Thiên Chúa, chứ không do nỗ lực giác quan.  Tất cả những lần Chúa hiện ra đều nhằm giúp “anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20:31)   Nói khác, sự hiện diện thể lý đó chỉ là một sự trợ lực, chứ không thể thay thế động lực chính tạo nên niềm tin vào Chúa Phục sinh.   Động lực chính đó là Thánh Linh, tác giả tạo dựng cả thiên nhiên và siêu nhiên, cả vật chất lẫn tinh thần.  Ngay cả thân xác Chúa, từ khi được tạo thành trong lòng Trinh Nữ Maria đến lúc phục sinh khỏi lòng đất, cũng đều do một tay Chúa Thánh linh tạo nên.   Chính vì thế, niềm vui và bình an mới tràn ngập tâm hồn và con người các môn đệ.   Nói khác, nơi nào có Thánh linh, nơi đó có bình an và vui mừng.

NIỀM VUI HÔM NAY.

Đúng hơn, bình an và niềm vui đó được chính Đức Giêsu bảo đảm.   Giữa cơn thử thách trần gian, Người vẫn lên tiếng : “Đừng sợ !  Ta là Đầu và là Cuối.  Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời ; Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Aâm phủ.” (Kh 1:17-18)   Người là chính niềm vui và an bình của chúng ta.   Người không bị khuất phục.  Trái lại, Người nắm quyền kiểm soát cả thời gian lẫn không gian.   Ai tin tưởng vào Người sẽ không bao giờ thất vọng.   Ngày nay thất vọng đang lan tràn mặt đất.  Hôm nay vẫn có người tin vào sức mạnh bạo lực trong việc giải quyết những tranh chấp giữa người và người.  Bằng chứng Tuần Thánh vừa qua, cánh hữu bán-võ-trang tại Colombia đã vi phạm lệnh ngưng bắn, khiến cả trăm người chết, hầu hết là thường dân vô tội.  Nhưng Đức Hông Y Rubiano tại Bogota nói : “Những tổ chức đó hoàn toàn sai lầm nếu họ tưởng rằng với võ lực họ có thể làm được một cái gì giá trị.  Bất cứ phe nhóm nào dính líu vào cuộc tranh chấp này tưởng rằng hòa bình có thể thực hiện bằng vũ lực, họ hoàn toàn sai lầm.” (CWNews 18/4/2001)   Chính Đức Giêsu, nạn nhân của bạo lực, đã phục sinh để minh chứng tình yêu mạnh hơn sự chết.   Ngày nay vẫn có những tín hữu sẵn sàng hi sinh mạng sống để chứng minh Đức Giêsu Kitô đã chiến thắng tử thần.   Ngay tại một nước Hồi giáo như Malesia, một nữ tín hữu đã mạnh dạn kiện chính phủ để được chuyển đạo từ Hồi giáo sang Kitô giáo trên thẻ căn cước, mặc dù biết trước những nguy hiểm đe dọa tính mạng (CWNews 18/4/2001).

đỗ lực

VỀ MỤC LỤC
NGÀY CẪU NGUYỆN ĐẶC BIỆT CHO CÁC CHỦ CHĂN TRONG GÍAO HỘI.

 

CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN NHÂN LÀNH

NGÀY CẪU NGUYỆN ĐẶC BIỆT CHO CÁC CHỦ CHĂN TRONG GÍAO HỘI.

NGÀY CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI  (World Day of Prayer for Vocation).

KINH CẦU NGUYỆN CHO  CÁC LINH MỤC ĐỤƠC ƠN THÁNH HÓA.

KINH CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI (Vocation Prayer).

 Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh, thường được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Câu xướng trước Phúc Âm cuả các năm A, B và C đều trích trong Phúc Âm Thánh Gioan (10,14): “Ta là Mục tử nhân lành, Ta biết chiên của Ta, và chiên của Ta  biết Ta!” Các bài Phúc Âm năm A, B và C đều trích trong Phúc Âm của Thánh Gioan:10, 1-10 (Năm A); 10,11-18 (Năm B); 10, 27-30 (Năm C). 

Trong các bài Tin Mừng trên đây, Chúa Giêsu xác định Ngừoi chính là cửa của đoàn chiên, và  cũng chính là người chăn chiên nhân lành. Chỉ những chủ chiên nào đi theo cửa của Ngừơi (theo đường lối của Người) mới là chủ chiên thật (Gioan 10,2). 

Suy nghĩ về Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Cha M. D. Phillippe, O.P. viết những lời suy niệm sau đây: 

“Mọi công việc trong cuộc đời truyền giáo của Chúa Kitô, vị Chủ Chăn Nhân Lành, đều đơn  giản là những công việc của tình thương xót đối với đoàn chiên, đối với mọi người. Tuy nhiên, chính nơi cơn “hấp hối” tại vườn  “Cây Dầu” và trên Thánh Giá mà chúng ta cảm nghiệm được trọn vẹn Lòng Thương Xót của Chúa.

“Mọi khổ đau của những người tội lỗi, mọi hậu quả của tội lỗi, Chúa Kitô đều vui lòng mang lấy vào mình. Không một khổ đau nào của nhân loại xa lạ với Chúa Kitô. Người thấu suốt tất cả và mang lấy tất cả vào trong thâm sâu của trái tim Người. Người đã sống những giây phút thật căng thẳng mà không ai có thể cảm nghiệm được. Người mang lấy tất cả vì tình yêu vô biên đối với mọi người chúng ta. Tình thương xót của Chúa thật huyền diệu và đi đến tuyệt đỉnh! 

“Là vị Mục Tử nhân lành, Chúa Kitô biết những điều Người phải làm. Người biết từng con chiên với những yếu đuối và những nhu cầu của từng con chiên. Người biết rằng để trở nên một Mục Tử nhân lành theo đúng ý nghĩa, người chủ chăn phải yêu mạng sống của con chiên hơn mạng sống của mình; phải muốn đặt mình vào hạng những người tội lỗi, vào hạng những người bị ruồng bỏ để có thể cứu vớt mọi người; phải dám ‘tự hủy ra không’ để có thể chấp nhận mọi bất hạnh, khinh chê, và bị coi như tầm thường hơn hết mọi người!

Khổ hình Thập Giá với ý nghĩa đặc biệt trọn vẹn của khổ đau để cứu chuộc, đã tỏ cho chúng ta thấy rõ tình thương xót vô biên của Chúa. Không từ chối gì cả, Người đã chấp nhận mọi khổ đau, mọi nhục nhã, mọi gánh nặng tới mức không còn có thể chịu đựng hơn được nữa. Như vậy, lòng Thương Xót của Chúa không phải chỉ ở chỗ tìm đến để giúp đỡ những người yếu đuối , mà còn ở chỗ, như một người mẹ, cúi mình xuống tận những kẻ đã sa ngã và cúi xuống sâu hơn họ để cứu vớt họ và nâng họ lên (chứ không phải kéo họ lên ; Người đã vác con chiên lạc lên vai và đưa về đoàn,  đưa  về lại cuộc sống).

Tự hạ mình xuống sâu thẳm,  Chúa Kitô đã muốn bị coi như kẻ đáng tội hơn cả Babara (Mat-theu 27,16...), như một kẻ tội phạm công khai, như một kẻ nói phạm thượng, như một kẻ thù của lề luật Moise, kẻ không chịu giữ ngày Sabat, một kẻ nguy hiểm quấy phá dân chúng. Hơn nữa, Chúa Kitô còn muốn trở nên như một đồ vật mà người ta che mắt không dám nhìn, đến nỗi khi đã chết rồi còn bị người ta đâm vào cạnh sườn thấu tới trái tim.

“Như vậy, Tình thương xót của Chúa là một thực thể bao quát tất cả con người , không một chi thể nào trong thân thể của Người  không bị thương tích, và linh hồn Người cảm thấy buồn sầu đến chết đi trong cơn hấp hối (Mat-thêu 26,38). 

Hy lễ thập giá thật là một sự tôn thờ tuyệt đỉnh và cũng biểu lộ tình Chúa thương xót đến tuyệt đỉnh. Nơi trái tim của Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá vừa mang sự Thờ Phượng (Chúa Cha), vừa mang tình thương xót nhân loại như anh em để giúp đỡ họ, an ủi họ, chuộc lấy mọi tội lỗi của họ và đem lại cho họ nguồn sống mới.” (Dịch theo bản tiếng Anh, trong Magnificat, April 2005, Fourth Sunday of Easter; những chữ ở ngoặc đơn là chú thích của người dịch).

Ðọc những dòng trên đây, chúng ta càng hiểu biết sâu xa hơn tình thương xót cuả Chúa Giêsu, Ðấng Chăn chiên nhân lành, đối với đoàn chiên như thế nào, đến nỗi đã chấp nhận mọi khổ đau đến cùng cực và đổ đến giọt máu cuối cùng cho đoàn chiên của Chúa! Và khi không còn sống ở trần gian nữa, Người vẫn tiếp tục “nuôi sống đoàn con” bằng chính Mình và Máu Thánh Người hiện diện thật sự trong Hình Bánh và Hình Rượu (Bí tích Thánh Thể), và thánh hóa đoàn chiên bằng các “phép Bí tích nhiệm mầu.”

Thực sự, qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu vẫn ở với Giáo Hội “ mọi ngày cho đến tận thế!”( Mattheu 28,20) Chúa Giêsu vẫn là vị Chủ Chăn chính điều hành Giáo Hội và qua các thời đại Chúa luôn luôn dẫn dắt đoàn chiên Chúa nhờ sự lãnh đạo của các vị chủ chăn Chúa chọn. Chúa đã chọn Thánh Phêrô và các Thánh Tông đồ và thành lập Giáo Hội Chúa kể từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Ngài và thánh hóa các Ngài. Từ đó, qua từng thế kỷ, Chúa vẫn tiếp tục gọi và chọn một số người để làm Chủ chiên chăn dắt Ðoàn chiên Chúa. 

Chúa chọn ai?

“Chúa chọn những người mà Chúa muốn (Matco 3,13 ) và trao cho những nhiệm vụ theo Thánh ý Chúa: Người thì làm Tông đồ, người thì làm Ngôn sứ, người thì chuyên rao giảng Tin mừng, người chuyên lo việc quản trị và giảng dạy... (Thơ Epheso 4,11). Không ai có quyền đặt mình vào địa vị trong Giáo Hội, nhưng tất cả đều do Chúa chọn và cắt đặt . 

“Nhưng tại sao Chúa chọn con?”

Vào những ngày sắp chịu chức Linh Mục, theo sự hướng dẫn của Cha Linh hướng và Cha Giảng Phòng (giảng tĩnh tâm để chuẩn bị chịu chức Linh mục) tôi thường cầu nguyện và nói thầm với Chúa: “Tại sao Chúa chọn con?”... Rồi vào ngày Lễ Truyền Chức cũng như dịp Lễ “Mở Tay” (Lễ Tạ Ơn) tôi thật cảm động khi nghe ca đoàn hát: “Không phải vì con Chúa chọn con! Nhưng vì bí nhiệm tình yêu Chúa!. 

Vâng, “không phải vì con Chúa chọn con” nhưng Chúa chọn “những ai mà Chúa muốn” (Matcô 3,13), sau khi Chúa đã lên núi một mình để cầu nguyện suốt đêm ( Luca 6,12 ). Ðó thật là một sự kỳ diệu của Ơn Gọi theo Thánh Ý Chúa. Chúa gọi Phêrô dù Ông đã “chối Chúa tới ba lần dù Chúa đã cảnh cáo Ông trước!” và lại còn đặt Ông làm Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội. Chúa đã chọn Phaolô ngay trên con đường Ông đi tìm bắt và bách hại đoàn chiên non trẻ của Chúa! Và suốt đời Ông vẫn phải mang những “yếu đuối” của mình ‘Ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối!’... (2 Cor. 11,29 ) Mọi người được Chúa gọi và chọn đều cảm thấy mình bất xứng và thật lo lắng trước trách nhiệm được trao phó”  như Ðức Ðương Kim Giáo Hoàng Benedicto XVI, khi được bầu chọn lên ngôi Giáo Hoàng, trong “Lời Tâm Tình Ðầu Tiên của Ngài” cũng chia sẻ kinh nghiệm đó: “Tôi cảm thấy bất xứng và... thật lo lắng trước trách nhiệm được trao phó...” nhưng “Ơn Chúa đủ cho tôi!”  (2Cor. 12,9…); nên Ðức Giáo Hoàng cũng nói tiếp: “Tôi cảm thấy như bàn tay quyền năng của Thiên Chúa nắm chặt lấy tay tôi. Tôi như nhìn thấy ánh mắt tươi cười của Chúa và lắng nghe Chúa nói với tôi đặc biệt vào lúc này: “Con đừng sợ!”. Với tâm tình đó, những người được chọn đều khiêm tốn như Mẹ Maria để thưa lời “Xin Vâng!”. 

Như vậy, chúng ta mới hiểu tại sao Chúa Giêsu đã “lên núi thức suốt đêm để cầu nguyện” (Luca 6,12) trước khi chọn các Tông đồ. Hơn nữa trong đêm trước khi tự trao mình để chịu cuộc khổ nạn để cứu chuộc nhân loại, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa  đã cúi mình xuống để rửa chân cho các Tông đồ để dạy cho các Ông  bài hoc phục vụ trong khiêm tốn  và Chúa đã tâm tình và căn dặn các tông đồ nhiều điều mà Phúc Âm theo Thánh Gioan đã ghi lại suốt các đoạn 13, 14, 15; còn toàn đoạn 17 ghi lại những lời Chúa Giêsu cầu nguyện thiết tha với Ðức Chúa Cha cho các Tông đồ đang hiện diện, cũng như cho các Chủ chăn qua mọi thời đại; đặc biệt trong câu “Con không xin Cha cất họ ra khỏi thế gian; nhưng xin gìn giữ họ khỏi mọi sự dữ!” (Gioan, 17,15). 

Trong thời gian giúp các giáo xứ Hoa Kỳ, khi gặp gỡ Giáo dân, thường có những người sau khi chào hỏi đã nói với tôi một cách thân tình “Thank you Father for being a priest!” (Cám ơn Cha đã là một Linh Mục!”. Chúng ta thường có lòng yêu mến và hằng cầu nguyện cho các chủ chăn trong Giáo hội; nhưng đặc biệt trong ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, chúng ta hãy dâng nhiều hy sinh và lời cầu nguyện cho Ðức Giáo Hoàng cũng như cho các chủ chăn trong toàn thể Giáo Hội, cách riêng các chủ chăn Chúa sai đến làm việc giữa chúng ta.

Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh cũng là Ngày Thế Giới đặc biệt cầu nguyện cho Ơn Gọi (World Day of Prayer for Vocations): Trong Thánh lễ cũng như trong các kinh nguyện, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện cho có nhiều người được Chúa gọi và chọn để trở nên các nhà Truyền giáo và Chủ Chăn để rao giảng và chăn dắt Ðoàn chiên Chúa.Chúng ta cũng  cầu xin với  Mẹ Maria, Mẹ Hàng Gíao Sĩ, chuyển cầu cho chúng ta.

Lm. Anphong Trần Ðức Phương

 

KINH  CẦU  CHO  CÁC  LINH  MỤC.

 

Lạy Chúa Giêsu/ là linh mục cao trọng, là Đấng tế lễ đời đời. Bởi lòng quá yêu dấu loài người là anh em của Chúa, nên Chúa đã mở kho tàng Trái Tin cực thánh Chúa, mà lập ra chức vị linh mục, thì nay chúng tôi cũng xin Chúa khấn đổ vào lòng các linh mục / nhửng dòng nước trường sinh / bởi lòng thương yêu vô cùng Trái Tim Chúa.

       Xin Chúa sống trong mình các linh mục/ và dùng các Ngài, mà ban phát ơn lành của lòng thương xót Chúa. Xin Chúa hành động với các linh mục, và dùng các Ngài/ mà hành động trong thế gian.

 Lại xin Chúa làm cho các linh mục được hoàn toàn giống Chúa, mà trung thành bắt chước các nhân đức cao trọng của Chúa, để nhân danh Chúa/ và nhờ quyền phép Chúa Thánh Thần, các Đấng ấy nhiệt thành/ làm những việc xưa Chúa đã làm/ mà cứu người ta cho được rỗi.

 Lạy Đấng Cứu Chuộc loài người! Xin Chúa nhìn xem biết bao nhiêu kẻ /đang nằm trong bóng tối tăm lầm lạc. Xin Chúa xem đến vô số giáo hữu theo đường tội lỗi/ hòng sa xuống vực sâu.

 Xin Chúa trông đến biết bao người bần cùng đói khát, những người dốt nát mê muội, và nhửng kẻ yếu đuối nhát hèn/ đang rên rỉ than khóc/ vì không có linh mục coi sóc, giữ gìn.

 Xin Chúa dùng các linh mục mà ở lại với chúng con. Xin Chúa sống trong mình các linh mục, và dùng các Ngài mà hành động, và trở lại dưới thế gian này/ mà dạy dỗ, tha thứ, yên ủi, tế lễ/ và kết hợp mối tình yêu mến, ràng buộc lòng Chúa với loài người chúng con cho đến trọn đời. Amen

 

                            

KINH CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI

 

Lạy Thiên Chúa chí ái, Giáo Hội Chúa đã được Chúa thương ban cho những linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, các thành viên tu hội đời, các tông đồ giáo dân / luôn tận hiến để  hằng ngày đem Chúa đến cho mọi ngừơi trên  khắp thế giới . Xin Chúa giúp các vị đó  luôn kiên cường  trong sứ vụ. Xin Chúa cũng kêu gọi thêm nhiều người  cùng tham gia trong công cuộc phục vụ dân Chúa . Amen.

 

VỀ MỤC LỤC
MỤC TỬ NHÂN HẬU

 

Nguyên Tác IN STEP WITH GOD - LM Vincent Travers, OP

 HƯƠNG VĨNH chuyển ngữ

Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe người giảng. Người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: ‘Ông nầy đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.’ Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn nầy: 

Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’  

Vậy tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mầng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.” (Lc 15, 1-7)

***

Trong Phúc Âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu phán: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27). Đó là một câu nói rất đầy ý nghĩa. Nhưng câu nói đó không có vẻ tâng bốc chút nào.  

Chiên không phải là loài súc vật thông minh nhất. Chúng ta không nghĩ chính chúng ta là những con chiên. Có người nói rằng việc so sánh con người với con chiên khiến ông ta cảm thấy phẩm giá bị hạ thấp. Ông thắc mắc đúng. Con chiên không thể suy nghĩ về chính mình. Theo bản tính và bản năng, loài chiên chỉ biết đi theo mà thôi. 

Lần kia một nữ giáo viên yêu cầu đám học sinh trẻ tuổi giải đáp bài tính về mười một con chiên ở trong đồng cỏ. Sáu con nhảy băng rào qua đồng cỏ khác. Bao nhiêu con còn lại?

Hết thảy học sinh – chỉ trừ một em – đã trả lời: “Còn lại năm con”. Em bé khác thường kia đáp: “Không còn con nào hết”. Cô giáo viên nói: “Em không nhận ra mười một con, trừ đi sáu con, còn lại năm con sao?” Em bé đáp lại: “Thưa cô, có thể cô rất rành về toán học nhưng cô không biết rõ giống chiên!!!”

Em bé khác thường đó nhận xét đúng. Loài chiên không phải là những súc vật xuất chúng nhất. Khi một con nhảy, cả đám nhảy theo. Đó là bản năng sống thành bầy. Chúng không thể làm khác đi được. Đó là bản chất của thú vật.

Cứ theo sách vở mà nói, Chúa Giêsu không đáng được ca tụng khi so sánh chúng ta với đoàn chiên. Vậy tại sao lại có sự so sánh như thế? Có hai lý do. Một là Chúa nói theo ngôn ngữ thời bấy giờ và hai là Ngài có tâm hồn thi sĩ.  

Từ ngữ “chiên” và “người chăn chiên”, “chủ chăn” hay “mục tử” trong ngữ cảnh Thánh kinh là những thành ngữ có tính cách thi phú. Những thành ngữ đó không thể hiểu theo nghĩa đen được. Thánh kinh đầy dẫy những thành ngữ có tính cách thi phú như thế.  Cụm từ “Chiên Thiên Chúa” có tính cách thi ca.  

Chiên dễ bị tổn thương và cừu thì không có tính cách đe dọa. Chúa Giêsu khi ám chỉ mình là “chiên và cừu” là muốn cho chúng ta thấy Thiên Chúa giống như thế nào. Thiên Chúa thì dịu dàng, ai cũng có thể đến được và ai cũng có thể lại gần được. Đó là những thuộc tính của Thiên Chúa mà chúng ta chú trọng ở trong Phúc Âm. Chúng ta không chú trọng đến quyền năng, quyền uy và vinh danh của Ngài. 

Thánh vịnh và người chăn chiên

Một vị diễn giả rất hùng biện, ưa trích dẫn Thánh vịnh 22 (câu 1): “Chúa là mục tử chăn dắt tôi”. Lần kia sau khi đọc câu Thánh vịnh đó ở trong một đại sảnh, toàn thể cử tọa đứng lên vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt.

Một cụ già bước tới trước mặt diễn giả và nói lớn cho biết là cụ có thể diễn thuyết hay hơn. Vị diễn giả kia đã mời cụ lên bệ giảng và cụ bắt đầu đọc hết bài Thánh vịnh nổi tiếng đó. Một sự im lặng sâu lắng tràn ngập trên cử tọa. Họ lắng tai nghe, thích thú. Niềm tin và sự chân thành của cụ đã khiến nhiều người rơi lệ.

Khi cụ chấm dứt, vị diễn giả thấy mình đã bị lép vế. Ông hỏi cụ làm thế nào mà cụ có thể để hết tâm hồn vào đó khi ngâm nga bài Thánh vịnh. Cụ già trả lời: “Thưa ngài, sự khác biệt giữa ngài và tôi là ngài biết bài Thánh vịnh đó; còn tôi, tôi biết người chăn chiên.

Chính xác biết bao! Tất cả hoàn toàn tùy thuộc về Thiên Chúa mà chúng ta biết và đặt trọn vẹn niềm tin. 

Biết mấy người trong chúng ta nhớ lại bức tranh cảm động về Thiên Chúa là người mục tử vác con chiên trên vai? Ngài đang vác con chiên nào? Đó là con chiên bị lạc mất, con chiên què quặt, con chiên bị đau yếu, con chiên bị lạc lối. Đó là con chiên cần được mang vác lên vai nhiều nhất.

Ngạc nhiên thay, đối với Tin Mừng, tất cả chúng ta đều là những con chiên đi lạc. Nếu chúng ta đánh mất điều đó, chúng ta đánh mất tâm điểm của dụ ngôn nầy. Có phải chính Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta đặt trọn vẹn niềm tin không?

Hình ảnh mẹ con

Nếu Chúa Kitô còn sống bằng xương bằng thịt ở trên đời ngày hôm nay, chúng ta tự hỏi không biết Chúa còn dùng hình ảnh con chiên và người mục tử không? Có lẽ Chúa sẽ dùng hình ảnh “mẹ và con” hơn.  

Thật tình tứ biết bao hình ảnh mẹ và con sánh bước bên nhau, tay trong tay. Rồi thì em bé chợt buông tay mẹ ra và bị bỏ rơi đằng sau, đang lơ đểnh nhìn cái nầy cái khác. Người mẹ dừng lại và chờ đợi. Mẹ ra hiệu cho con chạy tới trước. Em bé chạy tới và mẹ con lại sánh bước bên nhau nhưng chẳng bao lâu, em bé lại buông tay ra và lần nầy chạy tuôn về phía trước.

Mẹ gọi em đợi, coi chừng nguy hiểm. Đến ngã tư đường, đèn xanh đèn đỏ, xe cộ như mắc cửi. Em bé nghe tiếng mẹ gọi, đứng dừng lại đợi. Mẹ nắm tay em, ngó trước ngó sau rồi băng qua đường an toàn và tiếp tục cuộc hành trình. Chẳng bao lâu em bé trở nên nhọc mệt, rã rời và gục xuống. Người mẹ đỡ em lên và ẵm em trong tay trên đoạn đường còn lại để đi về nhà.  

Đó đúng là một sự mô tả đầy thi vị cuộc hành trình của Kitô hữu. Giống như một người mẹ âu yếm con, Chúa Giêsu – người Mục Tử Nhân Hậu – luôn để mắt đến chúng ta. Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta. Ngài không bao giờ rời mắt khỏi chúng ta. Niềm tin thâm sâu của chúng ta là, nhờ vào sự hiện diện âu yếm của Ngài, chúng ta sẽ đạt tới đích của cuộc hành trình chúng ta bình an vô sự.

Đúng là đúng và sai là sai

Qua dụ ngôn nầy, phải chăng chúng ta có cảm tưởng Thiên Chúa dịu hiền như con chiên nên Ngài không quan tâm gì đến những gì ta làm, những tội ta phạm. Chúa Giêsu hoàn toàn nhu nhược, dễ bị mê hoặc. Nếu thế, chúng ta đã tỏ ra vô cùng bất công đối với Lời Hằng Sống của Chúa.  

Chúa Giêsu đã tỏ ra minh bạch và dứt khoát khi đòi hỏi chúng ta hãy nghe tiếng Ngài và đừng nghe những tiếng xa lạ, không quen biết. Đối với Chúa Giêsu – người Mục Tử Nhân Hậu – sai là sai ngay cả khi mọi người đều làm như thế, và đúng là đúng, ngay cả khi không ai làm điều đó hết. Albert Einstein – một đại toán học gia – đã làm nổi bật điều đó khi nói: “Thiên Chúa thì tinh tế nhưng không si mê”.

Lần kia một chàng trai trẻ rảo bước trong công viên vào một ngày nắng hạ đẹp trời và tình cờ thấy một thiếu nữ xinh đẹp, tức thì bước theo sau nàng. Người đàn bà nhận biết có người đang đi theo mình, quay lại và đối diện với anh ta mà nói: “Tại sao anh đi theo tôi?” Chàng thanh niên trả lời: “Bởi vì cô rất xinh đẹp và tôi đã si tình với cô.”  

Chị ta trả lời: “Nếu anh quay nhìn đằng sau, anh sẽ thấy em gái tôi còn xinh đẹp hơn tôi nhiều.” Chàng thanh niên quay nhìn lại phía sau nhưng không thấy ai hết. Rồi quay mặt lại đằng trước, anh ta nói: “Cô đã chế giễu tôi.” Thiếu nữ đáp: “Nếu anh đã yêu tôi tha thiết, tại sao anh còn quay lui, nhìn ở đằng sau?” Chị ta đã bỏ đi và để lại đằng sau chàng thanh niên đứng lặng người nhìn theo.  

Chúa Giêsu phán: “Chiên Ta nghe tiếng Ta và chúng theo Ta.” Oscar Wilde cũng có tư tưởng rất giống như thế, khi nói: “Chúng ta đều ở dưới cống rãnh, nhưng vài người trong chúng ta đã nhìn thấy những tinh tú trên trời.

Chúa Giêsu – vị Mục Tử Nhân Lành – là ngôi sao sáng chói của chúng ta, là Minh Tinh của chúng ta, là Thần Tượng của chúng ta. Ngài là Đấng duy nhất để mắt nhìn xem chúng ta và nếu chúng ta khôn ngoan, chúng ta nhất quyết sẽ không bao giờ rời mắt khỏi Ngài.

VỀ MỤC LỤC
VÀI Ý KIẾN VỀ CÁCH NÓI NĂNG

 

    Hãy canh giữ miệng con, lạy Chúa, và trông chừng lưỡi con (Tv 141, 3)

 

Một người tham dự buổi họp nọ, gặp một diễn giả nói thật dài dòng. Khi thính giả này không  chịu nổi được nữa, liền đứng lên lẻn ra cửa hông. Trong hành lang, anh gặp một ngưòi bạn hỏi: “Ông ta nói xong chưa vậy?”

   Anh đáp: “Rồi, ông ta nói xong từ lâu rồi ! Ông ta cứ nói mãi !”

   Cần thấu triệt vấn đề và nói điều đáng nói, là một lời khuyên rất hay cho tôi khi mình nói chuyện với người khác mỗi ngày. Nếu thành thật với chính mình, tôi phải công nhận rằng vài đối thoại của tôi không gì khác hơn là nói nhảm.

   * Tự kiểm điểm để Sống: Đức Giêsu cảnh cáo: “Tôi nói cho các người hay : đến ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói.” (Mt 12, 36).  Bạn hãy dừng lại trong giây lát và nghĩ đến đối thoại hàng ngày của bạn ra sao? Đề tài trong hầu hết của bạn là gì? Bạn có nói quá nhiều và không cho người khác có cơ hội nói không? Lời nói của bạn có lợi ích cho người khác không? Và quan trọng nhất: lời nói của bạn có làm vinh danh Chúa không?

   Về phương diện tích cực, để đổi mới và sống lại với Đức Kitô là tập nết tốt, bỏ tật xấu, có Chúa chiếm đoạt hoàn toàn tư tưởng và hành động của bạn. Thí dụ: bạn có tính nói nhiều chiếm đoạt, hễ gặp ai là nói như cái máy. Nếu muốn Phục sinh với Chúa  Kitô và lớn lên trong Thần Khí của Ngài, bạn phải bỏ tật nói nhiều đi!

   Thánh Thần Chúa có thể giúp bạn nói những lời gây dựng người khác, chứ không chỉ để lấp đầy khoảng không. Hôm nay tôi hãy biến lời của Vua Đavít thành lời cầu nguyện của tôi:

   “Hãy canh giữ miệng con, lạy Chúa ! và trông chừng lưỡi con.” (Thánh vịnh 141, 3)

 Danh Ngôn: Nếu trí bạn trống rỗng, đừng quên tắt âm thanh đi !

        (If your mind goes blank, don’t forget to turn off the sound)

 

            Phó tế GB Nguyễn Văn Định  *johndvn@yahoo.com

VỀ MỤC LỤC
Nền Tảng của Tình Bạn

TÌNH YÊU VÀ TRÁCH NHIỆM

Bài 1: Nền Tảng của Tình Bạn

Làm sao một linh mục độc thân có thể dạy về tình yêu, phái tính, và sự liên hệ nam nữ?

Đó là câu hỏi mà một linh mục người Ba Lan, Cha Karol Wojtyla, đã đưa ra trong lời mở đầu của cuốn sách “Tình Yêu và Trách Nhiệm” mà Cha cho xuất bản năm 1960.  Đây là một cuốn sách bàn về luân lý phái tính, và là kết quả của nhiều năm sinh hoạt với giới trẻ của Cha ở đại học Krakow, 18 năm trước khi Cha trở thành Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.  Trong thời gian làm linh hướng cho nhiều thanh niên thiếu nữ và các cặp vợ chồng trẻ và giúp họ đương đầu với những thách đố về tình yêu và tính dục, Cha Wojtyla đã có thể nhờ đó mà rút tỉa được nhiều kinh nghiệm về cá tính, quan hệ, và hôn nhân mà một giáo hữu trung bình không thể có được.  Sách Tình Yêu và Trách Nhiệm là kết quả của các kinh nghiệm mục vụ cũng như những suy tư thần học về tình yêu, phái tính và hôn nhân của Cha.  Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày những đề tài quan trọng trong sách này cùng các bạn trẻ Việt Nam.  Các bài viết này dựa theo bản dịch Anh ngữ của sách “Love and Resposnsiblilty” do Ignatius Press xuất bản, và các bài bình luận của Giáo Sư Edward P. Sri đăng trên nguyệt san Lay Witness trong những năm 2005 và 2006.

Một Đại Tác Phẩm

Sách Tình Yêu và Trách Nhiệm cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về các liên hệ nam nữ thật sự có khả năng thay đổi cuộc đời, và rất cần thiết cho thời nay.  Lớn lên trong thời Hậu Cách Mạng Tính Dục, giới trẻ ngày nay đói khát những tư tưởng khôn ngoan có thể hướng dẫn các em trong những quan hệ nam nữ.  Dù là độc thân, đang hứa hôn hay đã lập gia đình, chúng ta không những sẽ tìm thấy trong sách Tình Yêu và Trách Nhiệm một cái nhìn hoàn toàn khác hẳn với cái nhìn của thế gian, nhưng cũng là một cái nhìn có ảnh hưởng tích cực đến cách chúng ta liên hệ với nhau.

Trong những bài ngắn này, chúng tôi có một mục đích khiêm tốn là làm cho những kiến thức trong tác phẩm triết học phức tạp này trở nên dễ hiểu đối với bạn đọc, và thêm vào đó những suy tư của riêng chúng tôi, với hy vọng giúp ích cho độc giả trong khi đọc về quan điểm của Đức Thánh Cha về tình yêu và phái tính, cùng áp dụng nó vào đời sống cá nhân của mình.

Nguyên Tắc Cá Nhân

Công tác chính của Đức Thánh Cha trong Tình Yêu và Trách Nhiệm là trình bày cái mà ngài gọi là “Nguyên Tắc Cá Nhân”.  Nguyên tắc căn bản về các liên hệ giữa người với người là “một người không thể chỉ là phương tiện để người khác sử dụng để đạt được mục đích của họ” (trang 26).  Nói cách khác, chúng ta đừng bao giờ đối xử với người khác như những dụng cụ để chúng ta đạt được mục đích của mình.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích rằng con người có khả năng tự định đoạt chứ không chỉ hành động theo bản năng và nhu cầu như súc vật.  Nhờ lý trí, con người biết tự mình suy nghĩ và chọn lựa cách hành động của mình, và xác định cho thế giới bên ngoài biết “nội tâm của mình” qua những chọn lựa của mình.  Đối xử với người khác như một dụng cụ để đạt được mục đích riêng là xúc phạm đến nhân phẩm của người ấy như một người có quyền tự quyết (xem trang 26-27).

Yêu Thương hay Sử Dụng?

Điều làm cho chúng ta khó mà sống được theo nguyên tắc này là tinh thần của chủ nghĩa sử dụng đang làn tràn khắp nơi trong xã hội hiện đại.  Theo quan điểm của chủ nghĩa này thì việc tốt nhất cho một người là làm điều gì có lợi nhất cho mình.  Và điều có lợi nhất cho tôi là làm cho tôi được sung sướng cùng thoải mái càng nhiều càng tốt bằng một nào cách đỡ khổ cực nhất.  Người ta thừa nhận và nhấn mạnh rằng con người được hạnh phúc là nhờ khoái cảm.  Cho nên tôi phải luôn theo đuổi những gì đem lại cho tôi sự thoải mái, lợi ích, bổng lộc, và tránh những gì làm tôi đau khổ, bất lợi hay thua thiệt.

Quan điểm lợi dụng này ảnh hưởng đến cách chúng ta liên hệ với nhau.  Nếu mục đích chính của đời tôi là theo đuổi thú vui, thì tôi sẽ cân nhắc những chọn lựa dựa theo tiêu chuẩn là chúng làm cho tôi vui nhiều hay ít.  Cho nên nhiều người thời nay, kể cả nhiều Kitô hữu tốt, đánh giá một mối liên hệ dựa theo tiêu chuẩn là người kia ích lợi cho tôi thế nào trong việc đạt được mục đích của tôi, hoặc tôi được “vui thú” bao nhiêu khi gần người ấy.  Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói rằng một khi chúng ta đồng ý với những thái độ lợi dụng này, chúng ta bắt đầu coi người khác trong cuộc đời chúng ta như những vật dụng được dùng để làm ta vui thích (trang 37).

Điều này giúp chúng ta hiểu tại sao ngày nay nhiều liên hệ bạn bè, “bồ bịch”, và ngay cả hôn nhân, quá mỏng dòn và rất dễ đổ vỡ.  Nếu tôi đánh giá một người phụ nữ chỉ dựa theo việc nàng có lợi cho tôi hoặc tôi có tìm được những khoái cảm khi gần nàng hay không, thì liên hệ này không có nền tảng.  Khi nào tôi cảm thấy không còn vui thú hay không còn có lợi khi gần nàng, hoặc tôi thấy một người phụ nữ khác có lợi cho tôi hay làm cho tôi thích thú hơn, thì nàng không còn giá trị gì đối với tôi nữa.  Quan niệm này quá khác biệt với nguyên tắc cá nhân và còn khác hẳn với sự liên hệ của tình yêu chung thủy.

Tình Yêu và Tình Bạn

Trong khi bàn về tình yêu, Đức Thánh Cha đã nói đến ba loại tình bạn.  Theo Aristotle thì có ba loại tình bạn dựa theo ba thứ tình cảm nối kết con người với nhau. 

Trước hết là tình bạn vị lợi, là tình cảm dựa vào ích lợi hay việc dùng bạn bè trong sự liên hệ này.  Mỗi người đều được một vài ích lợi nào đó từ tình bạn này, và mối lợi mà cả hai bên có đuợc từ liên hệ này là mối dây nối kết hai người.  Thí dụ ông Công có một hãng xây cất ở Houston.  Ông làm bạn với ông Đinh ở San Francisco vì ông Đinh bán cho ông Công một loại đinh đặc biệt với giá rẻ để xây nhà.  Vì chuyện làm ăn, hai người thăm viếng nhau một năm hai ba lần, nói chuyện trên điện thoại và gửi điện thư cho nhau thường xuyên.  Sau nhiều năm làm ăn với nhau, họ biết rõ gia đình cùng hoàn cảnh của nhau, và trở nên bạn thân.  Nhưng điều làm hai người gắn bó với nhau chính là mối lợi mà họ nhận được từ tình bạn này.

Thứ hai là tình bạn dựa theo những niềm vui mà hai bên nhận được từ nhau.  Một người coi bạn mình như người làm cho mình vui thích.  Có thể hai người cùng thích một môn thể thao, một loại món ăn, một thứ âm nhạc, đi chơi cùng một nơi, hay thích đến cùng một hộp đêm….  Hai người có thể thật sự lo lắng và quan tâm cho nhau, nhưng điều nối kết hai người lại với nhau chính là niềm vui mà hai người nhận được khi gần gũi nhau.

Nền Tảng Mong Manh

Aristotle ghi nhận rằng tình bạn dựa trên ích lợi hay niềm vui là những tình bằng hữu căn bản, nhưng chưa hoàn toàn.  Những tình bằng hữu ấy chưa hẳn đã là xấu, nhưng chúng rất mong manh và khó bền lâu được.  Với thời gian, một người có thể đổi nghề và tình bạn không còn mang lại lợi ích cho nhau nữa.  Thí dụ ông khi Công bỏ nghề xây cất, không còn mua đinh của ông Đinh nữa thì hai người sẽ bớt liên lạc với nhau, và tình bạn sẽ từ từ phai nhạt.  Cũng thế, trong tình bạn vui chơi, nếu một người đổi sở thích hoặc di chuyển đi một nơi khác, hai người sẽ không còn gặp nhau thường xuyên, họ phải tìm bạn khác, và dần dần tình bạn cũng lạt đi.  Đó là lý do tại sao tình bạn của giới trẻ thay đổi thường xuyên vì hoàn cảnh và sở thích của họ thay đồi.

Tình Bạn Đoan Chính

Theo Aristotle, loại tình bạn thứ ba là tình bạn hoàn toàn nhất.  Có thể được gọi là tình bạn đoan chính vì hai người kết bạn với nhau không phải vì tư lợi hay thú vui mà vì cùng theo đuổi một mục đích: “Một đời sống tốt lành”, một đời sống đạo hạnh trong nhân đức.  Trong hai loại tình bạn kia, người nào cũng tìm một lợi ích nào đó cho mình, còn trong tình bạn đoan chính, hai người theo đuổi một điều gì ngoài mình, vượt trên những tư lợi.  Chính lợi ích cao thượng này nối kết họ lại với nhau trong tình bạn của họ.  Cùng nhau cố gắng sống một cuộc đời tốt đẹp và khuyến khích nhau trên đường nhân đức, người bạn thật không để tâm đến việc mình được ích lợi gì qua tình bạn, mà chỉ để tâm đến điều gì tốt nhất cho bạn mình và cho việc cùng bạn theo đuổi một đời sống nhân đức.

Điều Gì Củng Cố hay Làm Hỏng Mối Tình Bằng Hữu

Từ những nền tảng trên, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chỉ cho chúng ta một phương thức để giúp cho tình bạn của chúng ta khỏi rơi vào chủ thuyết sử dụng.  Ngài nói rằng chỉ có một cách duy nhất để con người không lợi dụng nhau là cùng nhau theo đuổi công ích, như trong tình bạn đoan chính.  Khi một người thấy điều gì tốt cho tôi, và người ấy coi như điều ấy cũng tốt cho mình, “một mối liên hệ đặc biệt được thiết lập giữa tôi và người ấy: mối dây liên hệ về công ích và mục đích chung” (tr. 28).  Mục đích chung này liên kết con người lại với nhau tận đáy lòng.  Khi chúng ta không để ý đến công ích trong liên hệ với người khác, chúng ta không thể tránh được việc dùng người khác như phương tiện phục vụ mục đích riêng của mình.

Đặc biệt là trong hôn nhân, thường chúng ta dễ theo ý riêng, bắt chồng (hay vợ) và con cái làm theo chương trình, ý muốn và dự tính của mình.  Nhưng theo Đức Thánh Cha, thì tình bạn chân chính, đặc biệt là trong hôn nhân, phải đặt một mục đích chung lên trên, và mục đích chung bao gồm sự kết hợp giữa hai vợ chồng, việc vợ chồng phục vụ lẫn nhau và giúp nhau nên thánh, sinh sản và dạy dỗ con cái.

Sở thích và dự tính riêng của mỗi người phải lệ thuộc vào lợi ích chung này.  Hai vợ chồng phải tùng phục và nhường nhịn nhau vì ích lợi của con cái.  Phải cố gắng đừng để cho chủ nghĩa cá nhân ích kỷ xâm nhập vào hôn nhân.  Hai vợ chồng phải cùng nhau hành động nhắm đến mục đích chung này, và phải tìm cách dùng thì giờ, năng lực, và tài nguyên để đạt được các mục đích chung của hôn nhân.

Đức Thánh Cha giải thích rằng việc hai vợ chồng kết hợp với nhau trong công ích này sẽ bảo đảm việc người này không bị người kia sử dụng hay bỏ rơi.  “Khi hai người khác nhau cùng chọn một mục đích chung cách ý thức, đìều này đặt họ ngang hàng với nhau, và tránh được việc một người phải phục tùng người kia.  Cả hai… đều lệ thuộc vào điều tốt lành mà họ chọn làm mục tiêu chung” (tr. 28-29).

Không có mục tiêu chung này, mối dây liên hệ của chúng ta sẽ rơi vào tình trạng một người sẽ lợi dụng người khác để thủ lợi hoặc tìm thú vui.  Trong những bài kế tiếp, chúng tôi sẽ trình bày tầm quan trọng của những điểm nền tảng này trong việc phải xử sự ra sao với những quyến rũ về tình cảm và thể lý mà chúng ta thường gặp phải khi đương đầu với những người khác phái.

GLV. Phaolô Phạm Xuân Khôi

Viết theo bài Getting It Right: The Foundation of Friendship, Edward P.Sri, nguyệt san Lay Witness,  Jan/Feb 2005.

VỀ MỤC LỤC
BÍ TÍCH THÁNH TẨY và ƠN CỨU ĐỘ
 

Hỏi: Xin Cha giải thích : bí tích rưả tội đã đủ cho ta được phần rỗi chưa ? Nếu chưa, còn phải làm gì thêm nữa để được cứu độ ?

Trả lời: Trong Tin Mừng các Thánh Mác cô và Gioan, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh sự quan trọng và cần thiết của Phép Rửa như sau :

“ Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; ai không tin sẽ bị kết án.” (Mc 16:16)

“ ..Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3:5)

Như thế đủ cho thấy Phép Rửa (Baptism) quan trọng và cần thiết như thế nào cho phần rỗi của con người. Sở dĩ thế vì tất cả những ai sinh ra trong trần thế này đều vướng mắc không những tội tổ tông (original sin) do Nguyên Tổ để lại hậu quả nặng nề mà còn phạm thêm những tội cá nhân khác  vì bản chất yếu đuối của mình nữa. Nhưng nhờ phép Rửa , con người được thanh tẩy khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ và mọi tội cá nhân khác  và nhất là được tái sinh trong sự sống mới  để được hy vọng sống hạnh phúc muôn đời trong Nước Thiên Chúa.(x. SGLGHCG,số 1263).

Thánh Phaolô cũng dạy rằng : qua phép rửa, chúng ta được mai táng trong sự  chết của Chúa Kitô để rồi “ cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha thì chúng ta cũng được sống đời sống mới.” (Rm 6:3-4).

Đó là tất cả những lợi ích thiêng  liêng và sự cần thiết của Phép Rửa cho phần rỗi của mọi người chúng ta.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là rửa tội rồi, như thế đã đủ chưa, đã bảo đảm chắc chắn được ơn cứu độ chưa hay còn phải làm gì nữa thì mới được phần rỗi ?

Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết chúng ta cần đọc lại lời dạy sau đây trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo :

“Nhờ phép Rửa tội, tất cả mọi tội đều được tha, từ  tội nguyên tổ đến mọi tội cá nhân, cũng như tất cả mọi hình phạt của tội…….. .Tuy nhiên, nơi người đã được rửa tội, một số những hậu quả của tội lỗi vẫn tồn tại, như những đau khổ, bệnh tật, sự chết, hoặc những sự yếu đuối gắn liền với sự sống như những yếu đuối  trong tính tình,v.v  cũng như sự hướng chiều về tội lỗi mà Truyền Thống gọi là nhục dục (concupiscence) hay còn gọi cách ẩn dụ là “lò phát sinh tội lỗi=fomes peccati) còn để lại cho con người phải vật lộn với nó. Nó không thể làm hại những người không chiều theo nó mà còn can đảm chống lại nó với sức của mình nhờ ơn sủng của Chúa Kitô. Quả vậy, “ người lực sĩ điền kinh sẽ không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ” (2 Tm 2:5)” ( x. Sđd, số  1263-1264).

Câu giáo lý trên đây có nghĩa thế nào ?

Trước hết, Giáo Hội nói rõ cho chúng ta biết là phép rửa, tuy rửa sạch mọi tội lỗi,  từ tội nguyên tổ cho đến tội cá nhân, nhưng không đổi mới hoàn toàn bản chất của con người đã bị băng hoại vì hậu quả của tội nguyên tổ (original sin). Nói khác đi, phép rửa không trả lại cho con người “tình trạng công chính hay ngây thơ ban đầu”( original innocence or justice),  một tình trạng ơn phúc đặc biệt  mà Adam và Eva đã sống trước khi phạm tội. Ở tình trạng này, hai ông bà không thể sa ngã được  vì yếu đuối như con người ngày nay. Nhưng họ đã phạm tội vì đã sử dụng ý chí tự do (free will) mà Thiên Chúa đã ban và hoàn toàn tôn trọng. Nghiã là Chúa đã không ngăn cản họ phạm tội vì Ngài muốn tôn trọng quyền tự do lựa chọn của họ. Ngài cũng vẫn  tiếp tục tôn trọng như vậy đối với con người ngày nay.Vì thế mới có vấn để thưởng phạt được đặt ra cho con người về mọi việc mình làm trong cuộc sống trên đời này.

Mặt khác, như giáo lý đã dạy trên đây, tội được tha, được rửa sạch nhờ phép rửa nhưng hậu quả của tội còn tồn tại trong bản tính yếu đuối của con người.Nghĩa là, sau khi được rửa tội, người ta vẫn bị chi phối bởi  khuynh hướng nghiêng chiều về tội lỗi, về sự dữ, sự xấu. Ngoài ra, con người vẫn có ý chí tự do mà Thiên Chúa luôn tôn trọng khi người ta muốn sử dụng. Cho nên,  cơ hội phạm tội vẫn còn đầy rẫy và đeo đuổi con người mãi cho đến giờ phút cuối cùng trong cuộc sống trên đời này.

Thêm vào đó, ma quỉ “ thù địch của anh em như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh  em hãy  đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh  em trên trên trần gian này đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.” ( 1 Pr 5:8-9)

Đó là tất cả tình trạng của con người ngày nay sau khi  đã được tái sinh trong sự sống mới nhờ phép rửa. Được tái sinh và tha thứ mọi tội lỗi một lần qua phép Rửa rồi,  nhưng sau đó người ta vẫn có thể phạm lại những tội cũ và nhiều khi còn tệ hại hơn trước nữa vì những lý do nêu trên.

Cụ thể, đó là trường hợp những người đang sống theo “văn hoá sự chết”, đang lường đảo, gian ác,  sống vô luân, lỗi công bình và bác ái ở khắp mọi nơi trên thế giới ngày nay. Trong số họ, chắc chắn có những người đã được rửa tội khi còn bé hay mới gia nhập Giáo Hội sau này. Đặc biệt đang có rất nhiều người Công Giáo ở Mỹ đãly dị hay bỏ vợ già để về ViệtNam cưới những cô gái trẻ, đáng tuổi con cháu mình để mua vui đốn mạt, bất chấp liêm sỉ và đạo đức ! Như thế phép Rửa đâu có ích gì và bảo đảm chút nào  cho phần rỗi của những loại người này, nếu họ cứ tiếp tục con đường phi luân, vô Đạo đó.

Vậy, rửa tội phải đi kèm với đời sống đức tin, đức cậy và đức mến để “ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế hệ gian tà, sa đọa” ( Pl 2: 15) như Thánh Phaolô đã dạy.

Nghĩa là phải có quyết tâm chừa bỏ tội lỗi và sống theo đường lối của Chúa.

Bao lâu chúng ta còn sống trong thân xác có ngày phải chết này thì bấy lâu ta còn phải đương đầu với những thử thách, cám dỗ của ma quỉ, thế gian và xác thịt.

Chỉ trong viễn ảnh chiến thắng mọi nguy cơ của tội lỗi và quyết tâm sống đời sống mới mà phép rửa đã mở ra,  người ta mới có hy vọng được cứu rỗi mà thôi.

Tóm lại, rửa tội rồi cũng ví như  vận động viên đựợc ghi tên tranh tài ở Thế Vân Hội Olympic. Được ghi tên đi dự không có nghĩa là chắc chắn sẽ đoạt giải, chiếm huy chương vàng mang về.  Đây chỉ là ước mơ của mọi lực sĩ mà thôi. Muốn đoạt giải, phải vận dụng mọi khả năng kỹ thuật và thi đấu đúng luật chơi thì mới mong đoạt giải  vinh thắng (x 1Tm 2:5).

Cũng vậy, muốn được cứu rỗi thì điều kiện tiên quyết là phải có đức tin và được rửa tội. Nhưng sau đó,  phải lớn lên trong những đòi hỏi của phép rửa ở mọi chiều kích.

Cụ thể, phải thực hành tốt những cam kết khi lãnh bí tích quan trọng này. Đó là tin và yêu mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự, xa tránh tội lỗi, quyết tâm từ bỏ ma qủi và mọi việc thuộc về chúng. Nếu không, phép Rửa sẽ trở thành vô ích cùng với Công nghiệp Cưú chuộc vô giá của ChúaGiêsu- Kitô. Nói khác đi, phép Rửa và Công nghiệp Cưú chuộc của Chúa Kitô chỉ có ích cho những ai thành tâm thiện chí sống đời sống mới được tái sinh nhờ phép rửa và tích cực cộng tác với ơn Chúa cho đến chung cuộc mà thôi,   vì “ ai bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 24:13) 

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô  Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC
Tác phẩm 13 khuôn mặt của Tình yêu

 

Dominique AUZENET

Lm Micae-Phaolô Trần Minh Huy   chuyển ngữ   

Lời Nói đầu

Những bước đường Tình Yêu

 

Tình yêu là cái "tất yếu" của trái tim con người. Tình yêu là một nhu cầu tự nhiên, một nhu cầu kép của con tim rất thiếu lại rất thừa : thừa vì muốn cho, nhưng thiếu vì muốn nhận, thừa vì muốn yêu người khác và thiếu vì muốn được người khác yêu mình. Hầu như có một sức mạnh lạ lùng vừa hướng tới một ai khác vừa kéo "một ai khác đó" về với mình, để rồi đẩy đưa con người đi tới gặp gỡ và kết nối, cần nhau và không thể thiếu nhau, lại luôn bổ túc cho nhau. Phải chăng đó là trật tự và quân bình sáng tạo của Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ, có âm có dương, có ngày có đêm, có nóng có lạnh, có cứng có mềm... Và mãi mãi con người vẫn đi tìm cái thế quân bình đó, như chiếc kim của la-bàn dù được đặt ở bất cứ phương vị nào cũng hướng về Cực Bắc ?

Nhưng càng lớn lên trong cuộc đời, con người càng cảm nhận được cái nghịch lý của tình yêu : Tình yêu là cái dễ hiểu nhất, mà cũng là cái khó hiểu nhất ; là cái thú vị đáng mơ ước nhất, nhưng cũng là cái mạo hiểm phiêu lưu nhất, với thành công ngọt ngào hay thất bại đắng cay ... vì thế quân bình mất điểm tựa, điểm tựa tự nhiên và nền tảng.

Nhưng điểm tựa đó là gì ? Người thường, không ai định nghĩa đúng được tình yêu, bởi vì như Blaise Pascal nói : "Con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết được". Chỉ có một vị thánh, thánh Gioan, "người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu", định nghĩa đúng được tình yêu :"THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU". Thiên Chúa yêu thương con người trước. Ngài yêu cho đến cùng, bất chấp tất cả. Và ta thế nào thì Ngài yêu ta thế ấy. Ngài lại trao cho ta luật mới tình yêu của Ngài : Yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình : "Thương như Chúa thương" và cũng "Chỉ vì lòng Chúa thương". Chính Thiên Chúa là điểm tựa đó.

Còn tình yêu của ta đối với Chúa và tha nhân thế nào ? Ai cũng có tình yêu, và không ai có thể sống mà không có tình yêu. Cái quan trọng là bản chất và đối tượng, cũng như cách biểu lộ và thực hiện của tình yêu đó. Thường người ta nhấn mạnh và giản lược tình yêu vào tình yêu nam nữ - vợ chồng, là thứ tình yêu tự nhiên, hấp dẫn, cần thiết, quân bình và sâu xa nhất mà con người có thể lãnh hội dễ dàng, đến đổi Thánh Kinh cũng lấy tình yêu vợ chồng để diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa với Dân Người, với Giáo Hội và với mỗi một tâm hồn.

Bạn đã biết yêu và đã yêu chưa ? Tình yêu không có giờ hẹn : Tình yêu đến nhiều khi rất bất ngờ. Tình yêu thật không có tuổi tác, hay những cách biệt xã hội... Nếu định nghĩa tình yêu đã là khó, thì nêu lên lý do tại sao yêu lại càng khó hơn. Nhưng tình yêu là một quá trình : Tình yêu kêu gọi tình yêu, tình yêu "xin" tình yêu. Và tình yêu được tình yêu đáp trả mới thật là tình yêu. Tình yêu sẽ triển nở trọn vẹn khi được trao tặng đúng đối tượng. Tình yêu mạnh hơn tất cả, tình yêu mạnh hơn sự chết khi tình yêu "có được" đúng đối tượng của mình ... Đối tượng đó có thể là một con người, một lý tưởng, một tôn giáo, và trên hết là chính Thiên Chúa, "đối tượng duy nhất" như các tu sĩ hằng tuyên khấn.

Không ai có thể sống mà không cần đến người khác, vì vậy chúng ta cần phải hiểu biết nhau hơn, để sống tốt hơn trong tình huynh đệ với tư cách là người kitô hữu. Cách sống đó khiến chúng ta trở nên chứng nhân đích thực của Tin Mừng Chúa Kitô : "Kìa xem họ yêu thương nhau là dường nào !" Và chính thèm sống cuộc sống yêu thương nhau của các kitô hữu đầu tiên đó mà người ta gia nhập Đạo. Vì thế mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhấn mạnh luôn rằng thế giới ngày nay cần nhiều chứng tá hơn.

Mỗi người, dù lớn dù nhỏ và dù ở bất cứ địa vị nào, bậc sống nào, cũng đều có một hoàn cảnh riêng, những ưu tư lo lắng riêng, những vui buồn, hạnh phúc và đau khổ riêng, những thành công và thất bại, khôn ngoan và dại khờ, mạnh mẽ và yếu đuối, nhân đức và tội lụy riêng, không ai thật sự giống ai... Nhưng tất cả đều có lời giải thích, và lời giải thích nào cũng có lý của nó. Chỉ có sự tôn trọng, nhẫn nại lắng nghe và yêu thương chia sẽ trong sự khiêm tốn đặt mình vào hoàn cảnh của kẻ khác, với ý nghĩ rằng nếu Chúa không thương gìn giữ thì ta chắc gì đã hơn họ, mà có khi còn tệ hơn gấp bội, lại để cho lòng nhân từ của Chúa đoán xét, ta mới có thể hiểu được họ, cảm thông với họ và họ mới cảm thấy được an ủi nâng đỡ.

Người ta dễ bị xếp loại và kết án, loại trừ và xa lánh quá đi rồi, khiến lòng họ trở nên cay đắng, khô cứng, tự vệ và đóng kín, buông xuôi tuyệt vọng, hoặc có khi nổi loạn, tàn bạo tấn công, phơi trần vạch mặt lỗi lầm của những kẻ mà họ cho là giả hình. Cuộc đời đang cần những môn đệ của Chúa Giêsu giống Thầy mình : đi tìm chiên lạc, lắng nghe, không kết án, không xua đuổi hay xa tránh ... Tình yêu thương và bác ái mục vụ đó mở ra và hướng dẫn con đường về, về với Chúa là Cha đang nhẫn nại chờ đợi và giang tay đón mời : Tôi sẽ chổi dậy và đi về cùng cha tôi. Lạy Chúa, xin thương con theo lòng nhân hậu của Chúa, xin đừng đuổi con xa nhan thánh Ngài, xin lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con, con sẽ dạy cho người tội lỗi biết đường lối Chúa và những ai lạc bước sẽ trở về với Ngài. Ai dám nói mình là vô tội để ném viên đá đầu tiên ?! Cùng là con, cùng là tội nhân, hãy cùng dìu nhau trở lại Nhà Cha là Đấng cứu độ.

Nhưng, tình yêu luôn cần được nuôi dưỡng, huấn luyện và hướng dẫn, thử thách và thanh luyện, ... theo một mẫu mực. Nhưng mẫu mực nào ? Trải qua kinh nghiệm bản thân và kinh nghiệm chia sẽ của bao nhiêu người : Bao nhiêu hạnh phúc,   bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu tiếng cười, bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu ngọt ngào, bao nhiêu cay đắng, bao nhiêu chịu đựng, bao nhiêu quảng đại tha thứ, bao nhiêu ghen tuông, oán hận và tiếc nuối, bao nhiêu sum họp, bao nhiêu ly tan, bao nhiêu hàn gắn, bao nhiêu đổ vở... tới nay, tôi có thể nói : Chỉ có một mẫu mực thực sự, là chính Đức Giêsu Kitô - Thiên Chúa làm người và Tình Yêu của Ngài.

Trong chiều hướng nầy, Thánh Kinh là một chuyện tình, một giao ước tình yêu, mà Thiên Chúa là phía luôn luôn trung thành : Dù Phêrô chối Ngài, Chúa Giêsu không loại trừ Phêrô ; và khi trao quyền chăn đàn chiên của Ngài cho ông, Chúa Giêsu đã chỉ đòi Phêrô "tuyên xưng tình yêu". Thánh Phaolô, người đã bắt bớ tín hữu, quyết loại trừ Danh Giêsu, nhưng Chúa Giêsu đã yêu Phaolô, bất chấp tất cả những gì Phaolô đã làm ... Và một khi đáp trả lại tình yêu Giêsu, Phaolô không còn muốn biết ai hay gì khác nữa ngoài Giêsu, và Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá.

Rồi qua kinh nghiệm của mình, trong thư gởi tín hữu Corintô, Phaolô chỉ dẫn cho chúng ta hành trình tình yêu đó, mà tôi muốn chia sẻ với bạn qua cuốn sách L'AMOUR EN TREIZE ÉTAPES của Cha Dominique AUZENET do Éditions des Béatitudes ấn hành năm 1998 mà tôi xin phép chuyển ngữ, - và có phần chỉ chuyển ý : "mười ba NÉt mặt tình yêu "[1].

Trên những bước đường tình yêu,  ta có thể gặp đủ thứ : Bình an xuôi thuận hay gian nan vất vả, nắng ấm trăng thanh hay mưa sa bảo tố, bạn hiền và tín trung, hay phản bội trộm cướp, lưu manh và sở khanh, có khi dừng lại vì vấp ngã và thương tích, có khi phải thối lui hay đổi hướng ... Thánh Augustinô cầu nguyện : "Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con". Còn Tôn Vũ thì nói : "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Biết mình đã là khó, huống chi biết người ! Đến đỗi tiền nhân phải thốt lên :"Vi nhân nan" (làm người khó) ! Khó không có nghĩa là bỏ không làm, dù có khi thành công có khi thất bại, như vị văn hào nổi tiếng của Việt Nam đã nói : "Ai từng chiến thắng mà không hề chiến bại, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần, nhưng đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu". Chớ gì trong mọi cuộc chiến đấu, trước hết ta được "thành nhân", rồi mới mong thành "thánh nhân".

Như thế giá trị đích thực của con người không phải được đo lường đánh giá bằng những kỳ công hay kiệt tác đã thực hiện, cũng không phải bằng những chiến thắng đè bẹp người khác, về uy quyền, về tiền bạc, về tài trí, về thủ đoạn bè phái, v.v... mà chính là bởi sự "thành nhân" của mình. Đó là cái mà thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Corintô gọi là Đức Ái. Đức Ái đó phải là động lực của tất cả, như cha ông chúng ta căn dặn : "Làm chi thì cũng phải để lại một chút tình, để sau nầy còn có thể nhìn lại cho sửa mặt nhau".

Thiếu chút tình đó, Cain đã không thể nhìn sửa mặt em ruột mình là Abel, để rồi đi đến chỗ giết chết em. Lòng ghen ghét đã có từ buổi đầu trong mối tương quan giữa người với người ! Bằng chính sức lao động của mình, Cain trồng trọt và Abel chăn nuôi. Cả hai đều dâng lên Chúa hoa màu ruộng đất và lao công của con người mình, có khác là khác ở phẩm chất lễ vật biểu lộ tấm lòng. Và Thiên Chúa, Đấng muốn tình thương hơn của lễ, đã đón nhận của lễ của người có chút tình.

Hãy bỏ chút tình đó vào trong cuộc sống và trong các mối tương giao của ta. Đừng lấy làm lạ khi bị ghen ghét, dèm pha... và nhất là đừng thèm dèm pha ghen ghét, phá đổ kẻ khác. Hãy nghĩ tới tổng lượng của đại cuộc, hãy cố gắng theo kịp người, và khi cần thì cứ vượt hơn người, đừng buồn khi thấy người theo kịp mình và vượt trổi hơn mình, đừng ngăn cản song hãy giúp họ tiến, niềm vui về thành công của đại cuộc sẽ là phần thưởng cao quí và lớn lao vô cùng. Đó cũng chính là ý nghĩa và nổ lực của chương trình mà chúng tôi vẫn cố theo đuổi, hầu làm được một cái gì cho những người kém may mắn hơn mà Chúa Quan Phòng gởi đến cho mình, cho dù có phải trả giá đắt.

Tuy có nhiều bước, nhiều chặng, nhưng Đường Tình Yêu đã có mục đích : Phải luôn chổi dậy, phải luôn đi tới, vì vẫn luôn có một bạn đồng hành trung tín : "Đường trần không bước một mình, nhưng mà có Chúa Vô Hình cùng đi". Tôi mời bạn cùng tiến bước theo Chúa Giêsu. Không chỉ mời gọi ta theo Ngài, Chúa Giêsu còn mở đường cho ta. Dù đôi khi mọi cánh cửa xem ra đóng chặt, Ngài vẫn chừa cho ta một lối nhỏ ... Trên đường dài mệt mỏi, gánh nặng, vấp ngã,...Ngài còn nâng đỡ và làm lại sức cho ta nữa. Song quả thật Ngài chính là Con Đường, và đường của Ngài sẽ dẫn ta đến Sự Thật, Sự Thật giải thoát chúng ta và cho chúng ta Sự Sống Đời Đời, như Ngài đã nói : "Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống".

"Trong các ân huệ Thiên Chúa ban, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây, tôi xin chỉ cho anh em Con Đường Trổi Vượt hơn cả :      

Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người, và của các thiên thần đi nữa, mà tôi không có Đức Ái, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, hay chuõm choẹ xoang xoảng!

Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả Đức Tin đến chuyển núi dời non, mà không có Đức Ái, thì tôi cũng chẳng là gì !

Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có Đức Ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi !

Đức Ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.

Đức Ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.

Đức Ái không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư ? - Cũng chỉ nhất thời ! Ơn nói các tiếng lạ chăng ? - Có ngày sẽ hết !  Ơn hiểu biết ư ? - Rồi cũng chẳng còn !

Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn, khi cái Hoàn Hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con ; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ, như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi chỉ biết có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. Hiện nay, Đức Tin, Đức Cậy, Đức Ái, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là Đức Ái".

 (I Cor.12, 31 - 13, 13)

Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

 

"Trong thư gửi tín hữu Côrintô, khi thánh Tông đồ trình bày cho người nhận hình ảnh nầy của đức ái Phúc âm, chắc chắn trí óc và tâm hồn ngài hoàn toàn ngập tràn tư tưởng về tình yêu của Chúa Kitô mà ngài muốn hướng cộng đoàn tín hữu đến, đến đỗi chúng ta có thể coi bài ca đức ái của ngài như một bản chú giải luật dạy chúng ta yêu thương nhau theo gương mẫu Chúa Kitô Tình Yêu"

ĐTC Gioan Phaolô II  Bài Giáo lý ngày Thứ Tư 31.8.1988 

"Thánh Phaolô không bận tâm đánh giá tình yêu, cũng chẳng bận tâm giải thích cho chúng ta tình yêu là gì và tình yêu không là chi. Một cách đơn sơ nhưng có tính cách giáo dục nhiều hơn, ngài nói cho chúng ta cái tình yêu làm hay không làm : 16 động từ, 16 hành động, tốt hay xấu. Trước hết, hai hành động tích cực và bổ sung, rồi bảy lối ứng xử để tránh ; tiếp đến, cách song đối, bốn nhân đức được diễn tả trong bốn công thức loại suy ; sau cùng là tột đỉnh, vì có sự vươn lên với ba nhân đức đối thần".

P. Scheffer  La Parole notre amie, Christ Source de Vie 1984, p.58

VỀ MỤC LỤC
 Miễn Dịch Với Bệnh

 

Câu Chuyện Thầy Lang

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức

Cơ thể con người là mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ mà các tác nhân gây bệnh trong môi trường xung quanh luôn luôn muốn xâm nhập. Xâm nhập để có chất dinh dưỡng cũng như xâm nhập để phá hoại, gây bệnh. Nào là vi sinh vật độc hại, hóa chất nguy hiểm, thời tiết ác liệt đầy dẫy trong không gian.

May mắn là tạo hóa tiên liệu được chuyện này, nên đã cho con người một số cơ cấu để  phòng ngừa, bảo vệ.

Làn da lành lặn ngăn chặn sự xâm nhập của biết bao nhiêu vi khuẩn, hóa chất, phong sương ám khí.

Chất nhờn, mao thể của khí quản hô hấp loại trừ nhiều vật lạ lẫnlộn  trong không khí manh tâm bay vào phổi;

Chất chua trong bao tử tiêu diệt vi sinh vật có hại cho bộ máy tiêu hóa.

Hệ thống lọc máu của hai trái thận loại ra khỏi cơ thể biết bao nhiêu cặn bã hóa chất, mà khi nồng độ quá cao trong máu sẽ đưa tới tổn thương cho nhiều cơ quan.

Những giọt nước mắt mang đi vô vàn hạt bụi, vi sinh vật vô tình hay cố ý ghé vào hai cửa sổ của tâm hồn.

Nước miếng làm miệng bớt khô đồng thời cũng loại bỏ vi sinh lẩn quẩn trong kẽ răng, góc miệng;

Tinh dịch, dịch âm hộ với nồng độ acid vừa phải cũng hóa giải nhiều vi sinh vật ẩn náu nơi đây;

Và hiện tượng viêm sưng tế bào do binh đoàn thiện chiến thực bào, bạch cầu đơn nhân phụ trách để ngăn sự xâm nhập và lan rộng của vi khuẩn, virus trong cơ thể.

Ðó là hàng rào bảo vệ không chuyên biệt có sẵn trong cơ thể chống lại bệnh và loại bỏ các chất không tinh khiết khỏi cơ thể.

Nhưng một hệ thống chống ngừa bệnh chuyên biệt, thần diệu, tuyệt hảo hơn cả có lẽ vẫn là sự Miễn Dịch của cả động vật lẫn thực vật.

Lịch sử

Manh nha hiểu biết về Miễn Dịch bắt đầu với phát minh ra kính hiển vào thế kỷ thứ 16. Trước đó các nhà y học vẫn cho bệnh nhiễm là do sơn lam chướng khí, thần linh ma quái gây ra. Với kính hiển vi tác nhân gây bệnh nhiễm được chứng minh là do các vi sinh vật có hại.

Miễn dịch đã được dùng một cách thô sơ ở Trung Hoa, Ấn Độ, Hy Lạp từ ngàn năm trước khi họ tìm cách ngừa bệnh đậu mùa bằng chất liệu lấy từ người bệnh đưa vào người lành. Sau đó, nhiều y khoa học gia cũng lưu tâm khảo cứu thêm về vấn đề này.

Nhưng phải đợi tới năm 1796, sự việc mới được cụ thể hóa.

Y sĩ người Anh, Edward Jenner, nhận thấy là người vắt sữa ở những con bò có bệnh đậu mùa sẽ bị lây bệnh. Từ đó về sau họ không bao giờ mắc bệnh này. Ông ta bèn chủng chất nước trong mụn đậu bò cho con người với hy vọng bảo vệ không bị bệnh đậu mùa trong những dịp tiếp cận với mầm bệnh sau này. Và ông ta đã thành công. Jenner chứng minh là cơ thể họ đã tạo ra các chất có thể chống lại sự xâm nhiễm virus bò trong dịch vụ vắt sữa bò kế tiếp.

 Để chinh phục y giới về kết quả việc khảo cứu, ông ta chủng cho chính con trai của mình và đứa bé không bao giờ mắc bệnh. Bác sĩ Jenner đã thành công và đặt nền móng cho việc chế tạo thuốc chủng an toàn chống bệnh nhiễm khuẩn ở các quốc gia Tây Âu.

Từ nước Anh, thuốc ngừa Đậu Mùa nhập cảng vào Hoa Kỳ. Được thông báo sự công hiệu của thuốc chủng, Tổng Thống Thomas Jefferson bèn áp dụng cho thân nhân, gia đình, và cả bà con lối xóm nữa.

Rồi bác học Louis Pasteur và Robert Koch mở đường cho các hiểu biết về miễn dịch do tế bào và thể dịch..

Sau đó nhiều khoa học gia khác tiếp tục nghiên cứu khả năng quý báu này của cơ thể, đặc biệt là Elie Metchinoff và Paul Ehrlich. Hai vị này là những người đã đóng góp nhiều công trình cho Miễn dịch học và điều trị bằng huyết thanh và đã được trao giải thưởng Nobel về Sinh học.

Ngày nay Miễn Dịch đang có vai trò rất quan trong trong việc điều trị cũng như phòng ngừa bệnh cho loài nguời và các động vật khác.

Miễn Dịch là gì?

Miễn Dịch là khả năng cơ thể chống trả được sự nhiễm bệnh qua trung gian của kháng thể và bạch huyết cầu trong máu.

Có hai hình thức Miễn dịch chính:

1- Miễn dịch bẩm sinh, tồn tại ở người hoặc đông vật từ lúc mới sinh ra, giống như là được thừa hưởng các gene di truyền.

Chẳng hạn loài người không bao giờ mắc một vài bệnh mà thú vật mắc phải; rất nhiều người dễ bị một số bệnh (như dị ứng)  mà người khác không bao giờ  có; dân Á châu thường bị bệnh sởi nhiều hơn dân Âu Mỹ...

2- Miễn dịch Tiếp Thu acquired thành hình sau khi sanh và liên tục trong suốt cuộc đời mỗi khi con người tiếp cận với tác nhân gây bệnh.

Miễn Dịch Tiếp Nhận có thể là:  

a- Tự Nhiên với:

*  Tự Nhiên Chủ động tạo ra khi tiếp xúc với tác nhân gây nhiễm.Tác nhân xâm nhập cơ thể; cơ thể tạo ra kháng thể để chống lại. Mỗi lần tiếp xúc là mô bào lại tạo ra chất chống lại.

Sự miễn dịch tồn tại nhiều năm, đôi khi suốt đời với các tác nhân gây bệnh chuyên biệt.

** Tự Nhiên Thụ động lãnh hội từ máu, sữa của mẹ hiền.

Vì là món quà thừa hưởng của mẹ, nên miễn dịch này kéo dài khoảng  nửa năm mà thôi. Sau đó thì bé dần dần tự tạo ra sức miễn dịch cho mình.

Nếu mẹ tiếp tục cho con bú sữa mẹ, thì con vẫn tiếp nhận được kháng thể các loại từ mẹ. Ðây là một trong nhiều lợi điểm khi mẹ cho con bú nguồn sữa ấm áp của mình, nhất là những giọt sữa non chan hòa huyết thanh, bạch cầu và kháng thể.

b- Nhân Tạo với:

* Nhân Tạo Chủ động.  

Khi con người chưa tiếp cận với một tác nhân gây bệnh thì đương sự không có kháng thể với tác nhân đó. Khi tác nhân tấn công thì con người đành bó tay chịu bệnh.

Các nhà khoa học đã nghĩ ra phương cách để con người có thể tạo ra kháng thể với mầm gây bệnh bằng cách đưa một chút mầm vào cơ thể. Tất nhiên là mầm đã được chế biến trong phòng thí nghiệm, làm giảm độc tính để không gây bệnh mà vẫn tạo ra kháng thể. Ðó là dung dịch vaccine.

Ðây là nguyên lý của sự chủng ngừa hoặc tiêm phòng vắc xin. Ðáp ứng với vắc xin, kháng thể được tạo ra dần dần sau mấy tuần lễ nhưng tác dụng bảo vệ kéo dài tới vài năm hoặc vĩnh viễn và nhắm vào tác nhân chuyên biệt với thuốc chủng ngừa.

Chủng ngừa thường được dùng khi có đe dọa một dịch bệnh sắp xẩy ra hoặc để loại trừ bệnh đó.

** Nhân Tạo Thụ động.

Như đã trình bầy ở trên, sau khi chủng ngừa phải cần mấy tuần thì kháng thể mới được sản xuất. Trong khi đó, nếu cơ thể bị một loại vi khuẩn độc hại xâm nhập thì phải đối phó cách nào.

Chúng ta cứ yên tâm. Y khoa học đã có giải đáp. Ðó là sự miễn dịch nhân tạo nhưng thụ động.

Nhân tạo vì khi đó y giới sẽ can thiệp cứu bệnh nhân.

Thụ động vì lương y sẽ chích cho bệnh nhân kháng thể đã được điều chế sẵn, để dành khi cần. Kháng thể chuyên biệt này được tức tốc truyền  cho bệnh nhân trong khi chờ đợi đương sự tự tạo ra tính miễn dịch.

Cái đặc biệt của hệ Miễn Dịch là một loạt những lưỡng cực. Quan trọng nhất là tính cách nhận diện mình và người; chung và riêng; bẩm sinh và tiếp nhận; qua tế bào hoặc thể dịch; chủ động với thụ động; nguyên phát và thứ phát.

Nghĩa là Miễn dịch vừa phân biệt “cái gì của mình” và cái gì “không phải của mình”, nhận ra bạn để hỗ trợ, phát hiện ra địch để tiêu diệt.

 Ghi nhớ và tấn công địch khi tái xâm nhập.

Vừa có ảnh hưởng tổng quát khắp cơ thể, vừa cục bộ nơi bị nhiễm độc. Do tự nhiên mà có hoặc nhờ tiếp nhận mà thành.

 Bảo vệ dưới hình thức tế bào và dịch thể.

Tự lực cánh sinh tạo ra hoặc được tặng dữ.

Miễn dịch không nhận diện và đối phó các kim loại có hại trong cơ thể như thủy ngân, chì.

Miễn dịch nhớ được cả triệu vi khuẩn khác nhau. Mỗi lần có một vi khuẩn mới xâm nhập là cơ chế tế bào lại tạo ra kháng thể riêng cho vi khuẩn đó. Thành ra với thời gian, cơ thể có cả một binh đoàn kháng thể chống lại những kháng nguyên muốn nhăm nhe tái xâm nhập.

Nói như vậy thì người cao tuổi sẽ có hệ thống miễn dịch hữu hiệu hơn người trẻ hay sao. Vì suốt cuộc đời, họ đã bị vô số những tác nhân gây bệnh xâm nhập và đã có vô số kháng thể được tạo ra. Sự thực là hệ miễn dịch ở lớp tuổi này lại yếu đi theo với thời gian vì nhiều lý do khác nhau

Miễn Dịch có rất nhiều cái hay mà cũng có một vài cái dở. Nhân còn vô thập toàn huống chi một phương tiện. Ðó là đôi khi chẳng hiểu tại sao “quân mình lại bắn quân ta” và đưa tới một số  bệnh Tự Miễn.

Trong trường hợp này, tế bào B nhầm lẫn trong việc nhận diện kháng nguyên, trông gà hóa quốc, bạn thành thù, rồi tạo ra kháng thể chống lại chính tế bào mình (tự kháng thể). Kết quả là gây ra các rối loạn tự miễn như các bệnh sốt thấp khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm thận tiểu cầu, thiếu máu tan huyết, thiếu máu ác tính, rối loạn chức năng giáp trạng.

Lý do tại sao lại có sự mất khả năng phân biệt những gì của mình và những gì không phải của mình chưa được biết rõ.

Các thành phần cũa hệ Miễn Dịch.

Miễn dịch là một hệ thống có cấu trúc và chức năng khá phức tạp với sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau.

1-Tế bào

Các tế bào liện hệ trực tiếp tới Miễn Dịch Tiếp Nhận có tên là lymphô bào. Ðây là một loại bạch cầu thấy trong các hạch bạch dịch, thành ruột, lá lách, tuyến ức và tủy xương.

Có hai loại lymphô bào chính: Tế bào B và tế bào T, đều được sản xuất từ tủy xương như các tế bào máu khác. Chúng phải trưởng thành mới có khả năng miễn dịch. Tế bào B lớn lên tại tủy xương, còn tế bào T theo máu vào tuyến ức để tăng trưởng.

a- Tế bào T.

Tế bào này có trách nhiệm bảo vệ cơ thể với các tế bào ung thư, một số virus và các tác nhân gây bệnh sống ký sinh trong tế bào cũng như sự bất dung tế bào ghép từ người này sang người khác.

Có nhiều loại tế bào T: tế bào sát thủ trực tiếp tiêu diệt tế bào đã bị tác nhân lạ xâm nhập, ngăn cản lan truyền bệnh; tế bào phụ trợ  khích lệ tế bào B sản xuất kháng thể, giúp tế bào sát thủ tăng trưởng.  

b- Tế bào B.

Tế bào này sản xuất kháng thể để chống lại sự xâm nhậpcủa vi khuẩn, virus. Mỗi loại kháng thể chỉ có tác dụng với một tác nhân.

Từ khi vi sinh vật mới lạ xâm nhập cho tới khi có kháng thể, phải cần ít nhất từ 10 đến 14 ngày.

 2- Kháng thể.

Kháng thể là một loại protein máu với nhiều đơn vị acid amine do tế bào B sản xuất để đáp ứng lại với sự có mặt của một kháng nguyên đặc biệt.

Mỗi loại kháng thể có tính cách độc nhất  và bảo vệ cơ thể với một loại tác nhân gây bệnh mà thôi. Globulin miễn dịch ( Ig=immuno globulins) cũng là kháng thể với nhiều loại khác nhau như IgA, IgD, IgE, IgM.

 Kháng nguyên có thể là vi khuẩn, virus, bào tử thực vật, độc tố vi sinh vật hoặc những thứ xa lạ có thể gây hại cho cơ thể.

Xin đan cử một thí dụ:

 Siêu vi viêm gan A vào cơ thể qua thực phẩm nhiễm vi sinh này.Vi sinh gây ra sự kích thích hệ miễn nhiễm mà B cell là nhân vật chính. B cell đáp ứng đặc biệt với siêu vi A, sản xuất kháng thể chuyên biệt với kháng nhân đó.

 Kháng thể sẽ bám vào kẻ gian A để tê liệt hóa chúng, tạo điều kiện cho đại thực bào “sơi tái” chúng.

Hoặc kháng thể cũng bao kín kháng nguyên A không cho chúng quan hệ mật thiết với tế bào cơ thể. Nhờ đó các “ khách lạ không mời mà đến”do “bệnh tùng nhập khẩu”  gây bệnh không hoành hành tự tung tự đại trong thân thể ta

Kháng thể lưu hành trong huyết tương sẵn sàng thi hành nhiệm vụ.

Thử nghiệm máu có thể đo mức độ nhiều ít của kháng thể để coi sự miễn nhiễm với một bệnh mạnh yếu ra sao; có cần chích ngừa tăng cường hay không; có một bệnh nhiễm tự nhiên nào đó trong quá khứ hoặc cần chủng ngừa bệnh nào.

 Như vậy thì sau khi chủng ngừa hoặc sau khi mắc bệnh nhiễm nào đó, thì cơ thể đã có rất nhiều thực bào, kháng thể có khả năng đối phó với tác nhân bệnh nhiễm đó trong tương lai. Cơ chế miễn dịch của ta ngày một mạnh mẽ, đa năng. Chẳng khác chi binh hùng tướng mạnh của tiền nhân Lý Thường Kiệt khi xưa kia, chiến trận bách chiến bách thắng với quân Nguyên, nhờ tập luyện thường xuyên, trở nên tinh nhuệ.

Ðôi điều về chủng ngừa

Chủng ngừa là tạo ra sự miễn dịch chủ động với một bệnh gây ra do vi sinh vật có hại bằng thuốc chủng vắc xin..

Nhắc lại là để có thể gây ra bệnh truyền nhiễm, vi sinh vật cần giữ được tăng gia sinh sản và gây tổn thương cho các cơ quan, bộ phận của cơ thể.

Trong thuốc chủng, mầm gây bệnh được chế biến để không có khả năng sinh sản hoặc sinh sản rất ít, không đủ mạnh để gây ra bệnh nhưng có khả năng tạo ra kháng thể chống lại với mầm bệnh về sau này.

Có loại thuốc chủng trong đó:

a- Gene của mầm độc đã được thay đổi khiến sự sinh sản tuy còn nhưng rất yếu

 (bệnh sởi, quai bị, trái dạ, tê liệt loại uống).

b- Gene bị tiêu diệt hoàn toàn không còn sinh sản (thuốc chủng tê liệt loại chích).

c- Thuốc chủng chỉ dùng một phần của mầm độc, không có gene nên vô sinh (chủng ngừa viêm gan B, ho gà).

đ- Thuốc chủng mà độc tố của mầm độc đã bị vô hiệu hóa ( bệnh yết hầu, phong đòn gánh).

Có người lý luận là cứ để tự nhiên có tính miễn dịch sau khi mắc bệnh hơn là chủng ngừa, vì chủng ngừa đôi khi làm suy yếu tính miễn dịch tự nhiên của trẻ em.

Thực tế cho hay không có thuốc ngừa nào hoàn hảo 100%. Hơn nữa, khi kiểm điểm kết quả sự chủng ngừa với các bệnh trên thế giới ta thấy sự ích lợi quá to lớn so sánh với một số tác dụng phụ nhẹ nhàng, không nguy hiểm. Thuốc chủng ngừa bệnh đã là một trong mười kỳ công trong phạm vi y tế công cộng của thế kỷ 20.

Giáo sư Nhi khoa Samuel Katz của Trung Tâm Y Khoa Duke University bên Mỹ, người có nhiều kinh nghiệm về chủng ngừa, đã quả quyết: ”Sự tạo ra tính miễn dịch là phương tiện hữu hiệu duy nhất để làm giảm số bệnh tật và số tử vong ở trẻ em”.

Để thấy sự công hiệu của thuốc chủng, xin hãy coi qua vài thống kê sau đây về một số bệnh:

a- Bệnh tê liệt: Trước khi có thuốc chủng bệnh này vào thập niên 50, có cả ngàn trẻ em bị bệnh, làm tê liệt hạ chi phải mang nạng, ngồi xe lăn; nhiều bệnh nhân bị liệt hô hấp phải nằm trong lồng phổi sắt để thở.

Từ năm 1997, không còn trường hợp tê liệt nào được báo cáo ở nước Mỹ và các nước ở Tây bán cầu. Năm 1994, một dịch tê liệt từ Ấn Độ xâm nhập Gia Nã Đại nhưng nhờ chích ngừa ráo riết nên đã chặn đứng được dịch này.

b- Bệnh sởi: Còn nhớ khi xưa ở bên nhà hầu hết trẻ con bị ban sởi với số tử vong cao vì các biến chứng như sưng phổi, viêm não, tổn thương não bộ. Đó là do không có chích ngừa đầy đủ. Cho nên các cụ ta khi đó thường nói là đừng tính có bao nhiêu con cho tới khi chúng sống sót sau bệnh ban sởi.

Ngày nay con cháu ta bên Mỹ này năm thì mười họa mới có em mắc bệnh sởi, nhờ chương trình chủng ngừa sởi ở đây rất chu đáo, hầu như bắt buộc ngay từ khi các em vào học lớp mẫu giáo. Trong nước thì việc chủng ngừa bệnh này cũng được khuyến khích mạnh mẽ.

Năm 1941, chưa có chủng ngừa, có gần 900.000 trường hợp bệnh sởi. Thuốc chủng được bào chế năm 1962 và năm 1997, chỉ còn trên 100 trường hợp.

c- Bệnh đậu mùa một thời đã làm thiệt mạng nhiều người trên thế giới, nay coi như đã bị xóa sổ; bệnh ho gà, bệnh yết hầu, bệnh phong chẩn đã giảm rất nhiều nhờ chủng ngừa.

Nếu ngưng chương trình chủng các bệnh có thể ngừa được thì chắc ta sẽ thấy bột phát trở lại những dịch chết người kinh khủng như vào đầu thế kỷ vừa qua.

Kết luận.

Tạo hóa thật tài ba, nhiệm mầu khi sáng tạo ra con người với đủ các chức năng, bộ phận tinh vi, hữu hiệu. Ðời sống con người nhờ đó được bảo toàn cho suốt hành trình từ khi sinh ra cho tới ngày về cõi bên kia. Cơ chế Miễn Dịch là một trong những chức năng quý báu đó.

Vậy mà nhiều khi con người cũng vô tình hay hữu ý làm cho chức năng này giảm tác dụng bằng chuyện chẳng đâu vào đâu. Chẳng hạn những căng thẳng hàng ngày của nếp sống.

Khi để cho các “vẩn vơ lỉnh kỉnh ” này dầy vò tâm- thân thì một số chất liệu được tiết ra hơi nhiều. Các “hơi nhiều” này làm suy yếu sức mạnh của kháng thể và đại thực bào. Con người trở thành môi trường ngon cho siêu vi, vi khuẩn. Bệnh hoạn xẩy ra.

Thực là điều đáng tiếc vậy.

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức

Texas-Hoa Kỳ.

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************