Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 37, Chúa Nhật 25.03.2007


CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH           MỤC LỤC 

Công Ðồng Vaticanô II: Một Hành Ðộng Của Lòng Tin             LM. Anrê Ðỗ Xuân Quế, op.

LINH MỤC VỚI VIỆC MỤC VỤ TRƯỚC HÔN NHÂN: GIỚI TRẺ.                                   GSVN

XIN VÂNG Giữa các bi kịch                                                                     + Gm. GB. Bùi Tuần

BỨC TRANH HÍ HỌA                                                                              Lm. Đỗ Vân Lực, op.

VỌNG VỀ CÕI HUYỀN SIÊU                                                                                  Hoàng Nga

MƯỜI MỘT ĐƯỜNG LỐI ĐỂ SỐNG TỐT HƠN VỚI BẤT CỨ NGƯỜI NÀO            Minh Kiên chuyển ngữ

CHÚA SỐNG LẠI THẬT                                                                    Hương Vĩnh chuyển ngữ

AI TỐT HƠN AI?                                                                                      Trầm Tĩnh Nguyện

Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa                           Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

GIAI ĐOẠN HẬU CHỦNG VIỆN -                                   Lm. Micae-Phaolô TRẦN MINH HUY

Có phải bịnh trầm cảm là bịnh tâm thần hay không?               Bác sĩ Thái Minh Trung, M.D.


Công Ðồng Vaticanô II: Một Hành Ðộng Của Lòng Tin

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Công Ðồng: một biến cố

Công Ðồng Va-ti-ca-nô II đã bế mạc được bốn mươi năm (1965-2005) Những biến động sâu xa Công Ðồng gây ra trên mọi địa hạt vẫn còn vang âm trong Hội thánh. Dù muốn dù không, ai cũng phải công nhận Công Ðồng là một biến cố đặc biệt trong sinh hoat của Hội thánh, là dấu chỉ chứng tỏ bàn tay can thiệp của Chúa Thánh Thần, và là hành động không thể chối cãi của lòng tin.

Thật vậy, khi nghe Ðức Giáo hoàng Gio-an XXIII loan báo Công Ðồng sẽ được nhóm họp, rất ít người tin rằng điều ấy có thể xẩy ra. Nhưng với lòng tin không lay chuyển, Ðức Gio-an XXIII đã làm được điều đó.

Hoạt động của Chúa Thánh Thần

Sự hiện diện cũng như sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong Hội thánh là điều chắc chắn, vì chính Chúa Giêsu, trước khi về Trời đã hứa với các môn đệ: "Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn". (Ga. 16,13). Sự ra đi của Người là điều tất yếu để các môn đệ và Hội thánh, đạt tới mức trưởng thành, một khi đức tin được tinh luyện, qua mọi gian lao thử thách và những cám dỗ của sự đời.

Cũng như những đoàn thể xã hội khác, Hội thánh sống trong trần gian đã trải qua những giai đoạn hình thành, tăng triển, ngưng đọng rồi tiến hóa theo một diễn biến được qui định bởi những luật tất nhiên của xã hội như lên, xuống, mạnh, yếu, hay, dở v.v... Nhưng có điều khác là qua mọi biến thiên đó, Hội thánh có thể bị suy giảm hay được tăng tiến, mà không bao giờ bị triệt tiêu, như Lịch sử đã chứng minh và chứng kiến bao sự tan vỡ và sụp đỗ của những quốc gia uy hùng, hay những nền văn minh rực rỡ, đi từ những đế quốc cường thịnh tới những nền học thuật tinh vi như đế quốc Ba tư, La mã hay văn minh Ai cập, Hy la v.v... Hội thánh đã đứng vững và còn trường tồn cho tới ngày nay, tuy trải qua nhiều cơn sóng gió do thời cuộc đảo điên gây nên như những cơn bách hại, hay do những biến động nội tại như sự bất đồng ý kiến về các tín điều hay sự bất tòng quyền Tòa Thánh của những nhà cải cách tôn giáo muốn ly khai với Hội thánh Rô-ma.

Một sự kiện ý nghĩa

Ðó phải chăng là một sự kiện lịch sử chứa đầy ý nghĩa và một hiện tượng sáng ngời chứng tỏ tính cách tại thế và siêu thế của Hội thánh. Vì tại thế, Hội thánh đã không tránh được những khủng hoảng, tranh chấp và chịu luật đào thải tự nhiên của thời gian (mòn mỏi, chán nản, đổi thay). Vì siêu thế, Hội thánh đã kịp thời đương đầu nổi với mọi thử thách và tàn phá, bất kỳ bởi đâu tới, để xuất hiện như một cộng đồng rộng lớn, luôn luôn biết thích nghi và đổi mới tùy theo giai đoạn lịch sử và nhu cầu thời đại. Sức trường tồn của Hội thánh quả là một điều đáng ngạc nhiên. Sức trường tồn đó là do Chúa Thánh Thần tiếp vận, vì Người là nguồn sống bất tận của Hội thánh, như Chúa Giê-su nói: "Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.". (Ga. 16,13) Hội thánh có thể làm cho mình tươi trẻ lại nhờ các Công Ðồng. Vậy Công Ðồng Va-ti-ca-nô II là một hành động của đức tin theo nghĩa nào?

Thiên Chúa Ba Ngôi : nguyên lý làm cho Hội thánh tươi trẻ lại

Trong hiến chế Lumen Gentium, chương 1 có bàn về mầu nhiệm Hội thánh. Mầu nhiệm này bắt nguồn từ đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngay từ đời đời, Thiên Chúa đã có ý định cho con người được tham dự vào đời sống thần linh của Người và do đấy được hưởng hạnh phúc không cùng: "Người đã định nâng con người lên, cho hiệp thông với đời sống thần linh của Người" (Lumen Gentium số 2).

Vì thế, mầu nhiệm về Hội thánh được tiềm ẩn nơi Thiên Chúa từ đời đời. Nơi Thiên Chúa, thời gian triển diễn không cùng, nên không chia thành quá khứ, tương lai mà chỉ có hiện tại: hiện tại đời đời. Hiện tại đời đời này ở nơi Thiên Chúa là một mùa xuân không cùng vì Thiên Chúa không bao giờ già nua, cằn cỗi. Chính sự trường xuân của Người Chúa là sức mạnh hồi xuân cho Giáo hội: "Thày sẽ cầu xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi". (Ga. 14,16)

Lời hứa hiện diện này chính là bảo đảm trường tồn cho Hội thánh

Tuy nhiên, cũng như mọi đoàn thể, cơ cấu, tổ chức trước sau đều đi tới chỗ dần mòn hao hụt, cần được "sửa sai", "xét lại" hay điều chỉnh. Hội thánh đã đi vào con đường đó, để tránh cảnh già nua, tàn tạ. Trong lịch sử Hội thánh, các Công Ðồng đã làm công việc hồi xuân này, cùng với sức hộ giúp của Chúa Thánh Thần, kể từ Công Ðồng Ni-xê, Công-tăng-ti-nốp tới Va-ti-ca-nô ngày nay. Mỗi Công Ðồng phản ánh một thời đại và đáp ứng một nhu cầu. Công Ðồng Tren-tô biểu lộ khuynh hướng tự vệ để "chống lại" phong trào Cải Giáo do Thệ phản khởi xướng và trả lời cho một thiếu sót: giáo sĩ không được huấn luyện đầy đủ, chặt chẽ.

Công Ðồng Va-ti-ca-nô II cũng không đi ngoài con đường chung của các Công Ðồng trước là phản ánh thời đại và đáp ứng nhu cầu. Thời đại ta là thời đại kỹ thuật cơ khí, giàu sang chen lẫn với nghèo khổ, mọi việc đều diễn ra theo tốc độ và óc đấu tranh. Con người ngày nay quá ham mới, chuộng lạ, thích tiến mau đi lẹ trong mọi địa hạt, nhưng cũng dễ bực bội bất mãn, hay chống lại trật tự cổ truyền, muốn vùng lên thoát khỏi mọi ràng buộc với luật lệ uy quyền. Thành ra tâm lý của người thời nay cũng đa đoan, phức tạp. Việc truyền giáo vấp phải nhiều trở ngại lớn lao. Nhiều người mất ý thức về tội lỗi, tự mãn và quá tin vào quyền lực của con người, hoài nghi sự hiện hữu của Thiên Chúa, phủ nhận siêu nhiên, tìm hưởng thụ cuộc đời một cách vô hạn định, bận tâm với những chuyện cụ thể trong đời thường, khiến cho Hội thánh phải đương đầu với một tình trạng khó khăn chán nản dường như tuyệt vọng, nếu xét theo quan điểm loài người. Nhưng vì tin vào sức hoạt động âm thầm, bền bỉ của Chúa Thánh Thần, Hội thánh đã không nản chí. Mà quả thực, nếu chỉ tin ở mình, chắc chắn nhiều lần Hội thánh đã phải thất vọng.

Vì thế, Hội thánh đã lấy Chúa Thánh Thần làm nguyên lý hồi xuân của mình, dựa vào ý định thành lập của Chúa Giê-su cùng với với lời hứa che chở của Người, qua sự hướng dẫn, đổi mới của các nhà lãnh đạo trong Giáo hội như Ðức Gio-an XXIII, Phao-lô VI, Gio-an Phao-lô II và các vị như thánh Biển Ðức, thánh Ða Minh, thánh Phan-xi-cô At-xi-di, thánh Ca-ta-ri-na thành Xi-ê-na, thánh I-nhã, thánh An-Phong, thánh Tê-rê-xa Hài Ðồng Giê-su v.v... và các thánh tử đạo, cũng như những sáng kiến cùng sưu tầm khảo cứu của các nhà thần học, chú giải kinh thánh, tu đức, phụng vụ từ trước tới nay và còn tiếp tục mãi.

Làn gió đổi mới của Công đồng Va-ti-ca-nô II

Khi triệu tập Công đồng, Ðức Cố Giáo Hoàng XXIII đã mong ước được nhìn thấy những kết quả bất ngờ của một mùa xuân mới trong Hội thánh. Lòng ước mong của ngài đã được đáp lại bằng những thành quả, đúc kết trong các hiến chế, sắc lệnh, tuyên ngôn của Công Ðồng về rất nhiều vấn đề liên quan đến sinh hoạt của Hội thánh cùng mối tương giao với thế giới hiện đại mà tiêu biểu là hiến chế về Giáo hội (Lumen Gentium), Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium Spes), vấn đề tự do tôn giáo (Dignitatis humanae), Phụng vụ (Sacrosanctum Concilium). Một tinh thần mới đã nổi lên soi sáng tâm trí các vị lãnh đạo cao cấp trong Hội thánh và ảnh hưởng đến cách thế cảm nghĩ của giáo dân cũng như giáo sĩ. Ðó là tinh thần cởi mở, thông cảm, đối thoại, đón nhận, hòa đồng. Hội thánh đã không ngại mở cửa nhìn ra thế giới và để cho thế giới nhìn vào. Những cuộc công du của Ðức Phaolô VI sang Jérusalem, Bombay, Nữu ước, Fatima và những quan sát viên ngoài công giáo được mời tham dự Công đồng và nhất là những chuyến công du của Ðức cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đi khắp thế giới phải chăng đã chứng tỏ khuynh hướng đi tới và đón nhận của Hội thánh? Tinh thần này đã giải thoát một số lớn người công giáo khỏi mặc cảm, sợ hãi và biến họ đang từ thế tự vệ chuyển sang thế chủ động, sáng kiến, dấn thân vào việc xây dựng xã hội trần gian, chọn đất đứng chung với những người khác trong xã hội, dù họ không phải là công giáo, để nhận cuộc một cách lương thiện. Không thể kể hết ra đây một cách cặn kẽ tất cả những nỗ lực áp dụng tinh thần của Công Ðồng diễn ra khắp nơi trên thế giới. Chỉ biết rằng một cơn chuyển mình vĩ đại đã lay động Hội thánh, dưới sức manh của Chúa Thánh Thần, tuy chưa đồng đều ở khắp nơi.

Trở về nguồn

Có người hốt hoảng khi chứng kiến cơn chuyển mình đó. Tất nhiên thế nào cũng có những người đi ra ngoài ý muốn của Công Ðồng, nhưng không phải vì thế mà ta có quyền hoài nghi công lao của các Nghị Phụ và giá trị của những bản văn Công Ðồng, bằng chứng là bộ mặt của Hội thánh đã đổi mới. Hội thánh đã trở về nguồn để tìm lại khởi hứng sâu xa ban đầu và nhờ đó trung thành với sứ mệnh của mình hơn. Thành ra, đổi mới ở đây không phải đoạn tuyệt với dĩ vãng mà chính là nối liền dĩ vãng đã được xây dựng trên truyền thống tốt đẹp của những thế kỷ đầu: "Công đồng đã suy ngẫm truyền thống và học thuyết của Giáo hội, để rút ra cái mới mà vẫn phù hợp với cái cũ" (Dignitatis humanae I).

Trở về nguồn, trung thành với truyền thống tốt đẹp của những thế kỷ đầu: đó là những ý tưởng chỉ đạo trong việc hồi xuân của Hội thánh.

Bởi vậy, trở về nguồn cũng là trở về với Tin Mừng, với các thánh Giáo Phụ. Tin Mừng đã điều khiển và chi phối đời sống của các tín hữu lúc ban đầu: "Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung" (Cv. 2,44). Các thánh Tông Ðồ là những vị đã sống trọn vẹn tinh thần Tin Mừng đó và truyền lại cho các tín hữu từ đời này qua đời khác, tạo thành một truyền thống. Các thánh Giáo Phụ là những vị được thừa hưởng trực tiếp di sản tinh thần của Chúa Kitô do các thánh Tông Ðồ và các thánh soạn sách Tin Mừng viết ra, rồi tiếp tục truyền lại cho con cháu đến mãi đời ta ngày nay. Tất cả đều đã góp phần để xây nên truyền thống cho Giáo hội.

Nước ở gần nguồn bao giờ cũng trong và mạnh hơn. Bởi vậy, càng gần Tin Mừng: nguồn mạch sự sống bởi Chúa Kitô ban ra, đời sống của Hội thánh càng mạnh và càng được bảo đảm về giá trị đích thực của những điều mình giảng dạy bấy nhiêu: "Ai cũng rõ, trong Kinh thánh, dù là Tân ước, Tin Mừng xứng đáng trổi vượt hơn cả vì đó là lời chứng tối hảo về cuộc đời và Giáo huấn của Ngôi lời nhập thể, Ðấng Cứu chuộc ta" (Dei Verbum số 18).

Thật không lạ gì khi thấy thời buổi này, Hội thánh nhiệt liệt cổ võ việc học hỏi và tôn sùng Lời Chúa (Dei Verbum số 25) cũng như khuyến khích việc nghiên cứu tư tưởng và hành động của các thánh Giáo phụ (tủ sách Sources chrétiennes), vì đó chính là con đường chắc chắn bảo đảm cho sự hồi xuân, nối liền dĩ vãng với hiện tại trong mối liên tục sống động. Sự tiếp nối hiện tại với dĩ vãng phong phú và thánh thiện của Hội thánh trong những thế kỷ đầu khiến cho Hội thánh một đàng vừa trung thành với tinh thần cổ truyền, đàng khác lại mạnh mẽ uyển chuyển trong các thích nghi, đổi mới về hình thức bên ngoài cho hợp với thời đại mình sống, để đáp ứng lại những nhu cầu thúc bách đang chờ đợi mình. Vì thế, trong Sắc lệnh Perfectae caritatis bàn về sự đổi mới và thích nghi đời sống tu trì với thế giới hiện tại, Công đồng đã khuyên các tu sĩ: "Sự đổi mới thích hợp cuộc đời tu trì đòi phải luôn luôn trở về nguồn mạch của mọi đời sống Kitô hữu và khởi hứng nguyên thủy của các dòng tu, đồng thời thích ứng cho hợp với những điều kiện sinh hoạt trong xã hội hiện thời" (Perfectae caritatis, 2).

Ðổi mới

Thực ra, Công Ðồng Va-ti-ca-nô II đã đổi mới Hội thánh. Nhưng, sự đổi mới đó không hệ tại việc bày ra những điều mới cho bằng nói lại những điều cũ một cách mới mẻ. Vấn đề cốt yếu là trình bày nội dung đức tin một cách trung thực, với một bộ áo ngôn ngữ "hợp thời trang". Mối bận tâm này đã làm cho Hội thánh chú ý nhiều hơn đến cách cảm nghĩ của người hiện đại, và cố gắng tìm hiểu họ ngay chính trong những khát vọng, phấn khởi cùng băn khoăn xao xuyến của họ, với niềm cảm thông, gần gũi. Vì vậy, Công Ðồng đã thúc đẩy người công giáo phải hòa mình với người khác: "Muốn làm chứng cho Chúa một cách hữu hiệu, tín hữu phải lấy lòng thương yêu trọng kính kết hiệp với mọi người, coi mình là thành phần trong xã hội, tham dự vào đời sống văn hóa, xã hội, nhờ những cuộc trao đổi và hiệp thương với nhau" (Ad Gentes số 11).

Từ bốn mươi năm qua, Công đồng đã ảnh hưởng vào tâm trí nhiều người, tạo ra một mẫu người mới không quá khích, không bảo thủ nhưng sống theo tinh thần mới mẻ của Công Ðồng, biểu lộ qua lối nhìn và sống trung thành với những đòi hỏi của Ðức tin.

Giáo hội cần những mẫu người này để phổ biến sâu rộng làn gió hồi xuân do Công đồng Vatican II khơi động.

Nhưng, nếu "một con én không làm nên mùa xuân" thì một số người, dù thiết tha với tinh thần Công Ðồng đến mấy cũng không tạo nổi mùa xuân cho Giáo hội, đành rằng Công Ðồng đã khai xuân và Chúa Thánh Thần vẫn luôn luôn làm việc hồi xuân cho Giáo hội. Ta vẫn tin có Chúa Ba Ngôi hằng khai diễn mùa xuân cho Giáo hội mỗi khi cần thiết, nhưng nếu chỉ như vậy thì mùa xuân mới được khai diễn mà chưa có phần hưởng ứng. Quả thực, như thánh Âu-tinh nói: "Chúa đã dựng nên ta mà không cần có ta, nhưng để cứu chuộc ta, Người lại cần ta cộng tác và hưởng ứng".

Kết luận

Vì thế, mọi người đều phải đón nhận và hít thở không khí hồi xuân mà Công đồng Va-ti-ca-nô II đã đem lại cho Hội thánh, bằng cách học tập, tìm hiểu những tài liệu Công Ðồng rồi đem ra áp dụng vào đời sống hằng ngày, ngõ hầu tạo nên những mẫu người tín hữu thích hợp cho thời đại chúng ta. Những điều đã nói, những việc đã làm ở Công Ðồng thiết tưởng chưa quan trọng và tối cần cho bằng những điều phải nói, những việc phải làm, sau thời Công đồng chấm dứt như chúng ta đang sống hiện nay.

Vì nhận thấy tầm quan trọng của thời hậu Công đồng, Ðức Phaolô VI đã ra nhiều chỉ thị, đọc nhiều diễn văn hô hào, thúc đẩy và khuyên cáo mọi người phải coi chừng, áp dụng nghiêm chỉnh giáo huấn của Công Ðồng. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, một Hội đồng Thượng đỉnh các Giám Mục đã được triệu tập tại Roma (29-9-1967) bàn về nhiều vấn đề cụ thể liên quan đến đức tin. Ngoài ra, theo sáng kiến riêng của từng nước hay miền, các vị giám mục cũng họp thành Hội Ðồng Giám Mục để lo bàn về những vấn đề mục vụ đặt ra cho địa phương mình. Có thể nói Công Ðồng cũng là một hình thức xuất hiện của Chúa ở thời đại ta hay một lễ Hiện Xuống mới. Vì thế, nói được rằng đón nhận Công đồng cũng là đón nhận Chúa.

"Công Ðồng sẽ là một lễ Hiện xuống mới mong đợi từ lâu, làm cho Giáo hội giàu thêm những sinh lực thiêng liêng mới và chiếu giãi hơn nữa tình mẫu tử và ảnh hưởng lành mạnh của Hội thánh trên mọi địa hạt sinh sống của con người. Công Ðồng sẽ là một bước nhảy vọt của Nước Chúa Ki-tô trong trần gian, một lời tuyên dương mới mẻ, sâu xa mạnh mẽ về tin vui giải thoát, là sự minh xác quyền lợi tối cao của Thiên Chúa Vạn Năng, là tình huynh đệ nhân loại trong bác ái, là hòa bình trên dương thế đoan hứa cho những người được Chúa yêu thương" (A.A.S.LVb. 1963 trang 39-40).

Nhưng, đừng quên hồi xuân là trở về cái khí xuân tươi mát thuở ban đầu của Hội thánh, tìm trong chất rượu cũ men vị ngây ngất làm say sưa lòng người đi tìm chân lý. Do đấy, hồi xuân không phải là chạy theo thị hiếu nhất thời mau qua của thời đại như những thứ thời trang; cũng không phải bày ra những điều mới lạ hấp dẫn, kỳ quặc, lố bịch như những nhãn hiệu quảng cáo giật gân mà chính là đốt cháy lên ngọn lửa mến yêu sốt sắng, biết sáng kiến trong sự trung thành với Chúa Kitô là Sự thật muôn đời mới mẻ, là Lời hằng sống nói ra không cùng của Thiên Chúa và Ngọn suối hồi xuân vô tận của lòng người.

Ngoài ra, mọi người còn cần xác tín mạnh mẽ: muốn Giáo hội tiến bộ, ai nấy phải đồng tâm nhất trí với nhau và phải nghe "tiếng Chúa Thánh Thần phán bảo trong Hội thánh" (Ap. 2,7) hơn là nghe tiếng mình hay tiếng người trần gian. Ðó là tiếng của những ai được "ơn chắc chắn rao giảng Chân lý" (St. Irénée, Adv. Haer. IV, 26; P.G. VII, 1058).

 

LM. Anrê Ðỗ Xuân Quế, op.

VỀ MỤC LỤC
LINH MỤC VỚI VIỆC MỤC VỤ TRƯỚC HÔN NHÂN: GIỚI TRẺ.

 

Tục ngữ Việt Nam đã từng nói : học ăn, học nói, học gói, học mở. Có nghĩa là chúng ta phải học tất cả, từ những việc dễ dàng và đơn giản nhất, đến những khó khăn và phức tạp nhất. Thực vậy, ngay từ hồi còn tấm bé, chúng ta đã phải học từng ly từng tí. Lớn lên khi tiếp xúc với cuộc đời, chúng ta vẫn còn phải mở to đôi mắt để ghi nhận và học hỏi nhiều hơn nữa. Huống nữa là tình yêu, vừa là một khoa học lại vừa là một nghệ thuật, vừa khó khăn lại vừa tế nhị. Việc học tập này phải được bắt đầu từ mái ấm gia đình, rồi được phát triển trong môi trường xã hội với những người chúng ta có dịp tiếp xúc với.

Hơn thế nữa, nhìn vào cuộc sống chúng ta thấy : Để làm bất cứ một việc quan trọng nào, chúng ta đều phải chuẩn bị. Đúng thế, để làm linh mục, chúng ta phải vào chủng viện. Để làm bác sĩ, chúng ta phải học hành và thực tập sáu bảy năm trời. Để làm giáo viên, chúng ta phải được đào tạo qua trường sư phạm. Tuy nhiên, có một việc thật quan trọng, ảnh hưởng tới cả cuộc đời và những thế hệ mai sau, đó là đi vào hôn nhân, đi gánh vác thiên chức làm cha làm mẹ cũng như làm vợ làm chồng, như các cụ ta ngày xưa cũng đã bảo :

- Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà,

  Trong ba việc ấy, thật là khó khăn.

Hay như một câu danh ngôn cũng đã xác quyết :

- Tương lai cuộc đời hệ tại một vài quyết định quan trọng của thuở niên thiếu. Và một trong những quyết định quan trọng ấy chính là lập gia đình.

Thế nhưng, chúng ta đã làm được những gì để giúp cho các bạn trẻ ? Xin thưa rằng  rất có thể là không gì cả. Quả là một thiếu sót lớn lao, để rồi các bạn trẻ đã phải phiêu lưu đi vào đời sống vợ chồng, đã liều mình làm cha làm mẹ mà chẳng lấy có được một sự chuẩn bị nào sốt, thành thử biết bao nhiêu người đã trở thành nạn nhân cho cuộc phiêu lưu liều lĩnh ấy. Vậy phải làm gì bây giờ ?

Nếu như hoàn cảnh cho phép, chúng ta có thể tổ chức một khóa dự bị hôn nhân, rồi phát chứng chỉ. Cầm được tờ chứng chỉ trong tay, các bạn trẻ cảm thấy “yên trí nhớn”, không sợ bị hạch hỏi và làm khó dễ khi vào trình diện…và hơn thế nữa còn lấy làm đủ vì cho rằng mình đã được trang bị đến tận răng, để rồi nghiễm nhiên tiến tới ngưỡng cửa hôn nhân.

Nếu chỉ có vậy mà thôi, thì còn thiếu sót rất nhiều. Trong  tông huấn “Familiaris Consortio”, bàn về gia đình, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã xác quyết như sau :

- “Vào thời chúng ta, việc chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào hôn nhân và đời sống gia đình càng cần thiết hơn bao giờ hết”. (FC 66).

Sở dĩ như vậy là vì :

- “Nhiều hiện tượng tiêu cực trong đời sống gia đình mà ngày nay người ta than phiền, đã xuất phát từ sự kiện, đó là trong những hoàn cảnh mới, các bạn trẻ không còn nhận ra được phẩm trật đúng đắn của các giá trị và vì không còn những tiêu chuẩn chắc chắn để xử thế, họ không còn biết làm sao để đương đầu và giải quyết các khó khăn mới.” (FC 66).

Như chúng ta đã biết : hôn nhân và gia đình hiện nay đang lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, nhất là tại các nước phương tây. Con số các đôi vợ chồng lôi nhau ra tòa ly dị gia tăng một cách đáng sợ. Lấy nhau đấy và rồi lại bỏ nhau vốn dĩ đã là chuyện thường ngày ở huyện, để rồi đẩy con cái vào cái thế chơ vơ và lạc lõng. Gia đình bị lung lay tận gốc rễ. Ngoài ra còn có những cuộc hôn nhân “trái quy tắc” như tông huấn đã đề cập đến, như hôn nhân thử, nghĩa là thử chung sống với nhau một thời gian, nếu ổn thì  tiến tới, còn nếu bất ổn thì rút lui, hay chung sống với nhau mà không cần đến hôn nhân, vui thì ở buồn thì ca bản “tình nghĩa đôi ta chỉ thế mà thôi”, không còn ràng buộc gì với nhau nữa, chứ một khi đã vướng vào cái dây hôn phối, thì phải “mồ côi vợ” khi vợ vẫn còn sống hay mồ côi chồng” khi chồng đang vui với cuộc tình mới, mồ côi suốt đời thì làm sao mà chịu cho thấu…

Hoàn cảnh Việt Nam, mặc dầu chưa đến nỗi tệ hại như vậy, bởi vì do truyền thống từ ngàn xưa, gia đình vẫn còn giữ được những giá trị của nó và vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ trên mỗi người chúng ta, nhưng trong một tương lai rất gần, mười lăm hay hai chục năm nữa, những giá trị ấy chắc chắn sẽ bị xói mòn và ảnh hưởng của gia đình sẽ bị giảm sút, bằng chứng là hiện nay, chuyện ly dị không còn là điều cấm kỵ, nhưng đã lai rai xuất hiện ở khắp nơi, rồi con số những người nạo thai, phá thai vẫn liên tục phát triển, và phát triển một cách mạnh mẽ…

Xã hội ngày nay thay đổi một cách dồn dập và mau chóng. Hơn thế nữa, những sự thay đổi ấy lại được loan truyền đi khắp cả và thiên hạ một cách cực kỳ nhanh nhẹn bằng những phương tiện thông tin hiện đại. Vì thế, chúng ta tin chắc : chuyện xảy ra ở bên tây hôm nay, thì rồi ngày mai cũng sẽ xảy ra tại Việt Nam. Có nghĩa là nền tảng gia đình trong xã hội Việt Nam cũng sẽ bị cuốn hút vào cơn khủng hoảng.

Vì thế, việc chuẩn bị hôn nhân lại càng cần thiết hơn bao giờ hết, bởi vì như tông huấn đã ghi nhận một kinh nghiệm cụ thể và quí giá như sau :

- “Các bạn trẻ được chuẩn bị chu đáo cho đời sống gia đình, cách chung sẽ thành công hơn các bạn khác”. (FC 66).

Do tính cách quan trọng và cấp bách, việc chuẩn bị hôn nhân phải là một việc mà gia đình, xã hội cũng như Hội Thánh  cần làm ngay. Đức Thánh Cha viết :

- “Những thay đổi dồn dập trong lòng hầu hết các xã hội tân tiến đòi hỏi không chỉ gia đình, mà cả xã hội và Hội Thánh đều phải dấn thân vào nỗ lực chuẩn bị tương xứng, để các bạn trẻ có thể cáng đáng các trách nhiệm trong tương lai”. (FC 66).

Đặc biệt là vai trò của Hội Thánh :

- “Điều đó còn đúng hơn nữa cho hôn nhân Kitô giáo, vốn có ảnh hưởng rất rộng đối với sự thánh thiện của biết bao người nam nữ. Vì thế, Hội thánh phải cổ võ những chương trình chuẩn bị hôn nhân phong phú và hữu hiệu, để hết sức loại trừ những khó khăn mà trong đó biết bao gia đình đang phải chiến đấu, và hơn nữa, để tích cực dẫn đưa các cuộc hôn nhân đến chỗ thành công và trưởng thành trọn vẹn.” (FC 66).

Vậy phải chuẩn bị như thế nào ? Tông huấn đã đưa ra một sơ đồ đầy đủ cho việc chuẩn bị như sau :

- “Việc chuẩn bị hôn nhân phải được xem xét và thực hiện theo một tiến trình tuần tự và liên tục. Nó gồm ba giai đoạn chính : Chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị liền trước bí tích.” (FC 66).

Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu ba giai đoạn của việc chuẩn bị này. Trước hết là chuẩn bị xa.

I- CHUẨN BỊ XA.

Nhiều khi chúng ta đã băn khoăn và tự hỏi : Vào lứa tuổi nào thì nên đi lập gia đình ? Hay nói một cách đầy đủ hơn : Phải có những điều kiện nào để bước vào đời sống lứa đôi ?

Đây là một câu hỏi khó trả lời, nó thay đổi tùy theo hoàn cảnh và tập tục của từng địa phương. Trong xã hội Việt Nam thời xưa thì : Nữ thập tam, nam thập lục, gái mười ba trai mười sáu. Còn trong Giáo luật cũ, khoản 1067 đã qui định : Nam mười sáu, nữ mười bốn, nếu dưới lứa tuổi này thì cuộc hôn nhân bị coi là bất hợp pháp.  Luật nhà nước hiện nay thì ấn định : Gái mười tám, trai hai mươi.

Bởi vậy, cụ thể là chúng ta nên tuân theo luật của nhà nước, đòi hỏi đôi hôn phối phải có giấy đăng ký nơi chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để cuộc hôn nhân đi tới bến bờ hạnh phúc, thì phải hội đủ ba điều kiện, đó là trưởng thành về sinh lý, về tình cảm và về xã hội.

Trước hết  : sự trưởng thành về sinh lý.

Vậy trưởng thành về sinh lý nghĩa là gì ? Xin thưa : Trưởng thành về sinh lý có nghĩa là cơ thể của đôi bên phải được phát triển đầy đủ để đón nhận thiên chức làm cha và làm mẹ. Bởi vì một trong hai mục đích chính yếu của hôn nhân là sinh sản con cái như lời Chúa đã phán : Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất.

Mức độ trưởng thành về sinh lý tương đối rất sớm, có thể vào khoảng mười bốn hay mười lăm tuổi. Dấu chỉ của sự trưởng thành sinh lý nơi người con trai là việc xuất tinh, còn nơi người con gái là việc có kinh. Thế nhưng cần phải đợi thêm một thời gian nữa cho cơ thể được phát triển trọn vẹn. Đây là một điều kiện cần phải lưu ý, nhất là đối với những bậc làm cha làm mẹ. Nhiều khi vì quá lo lắng cho con cái, đặc biệt là con gái lớn trong nhà, muốn gả sớm chừng nào hay chừng ấy, vì như người ta thường so sánh một cách khôi hài : Có con gái lớn như chứa một quả bom nổ chậm, không biết bao giờ nó sẽ phát nổ ? Hơn nữa, các ông các bà thường nghĩ : Con gái có thời. Và khi cái thời ấy đã qua đi thì khó mà trở lại.

Lo lắng cho con cái là điều tốt, nhưng cha mẹ cần phải ý thức những hậu quả tai hại do việc kết hôn quá sớm gây nên. Những cặp vợ chồng trẻ con này, rất có thể vì bồng bột mà lấy nhau, để rồi được dăm bữa nửa tháng lại chán nhau. Ngoài ra, vì chưa ý thức đầy đủ về những bổn phận và trách nhiệm của mình, nên dễ giận hờn và cãi vã vì những chuyện nhỏ mọn không đâu. Chưa biết làm ăn để bảo đảm một đời sống vật chất tương đối ấm no. Chưa giáo dục nổi bản thân thì làm sao giáo dục được con cái. Hơn thế nữa, y khoa ngày nay còn cho thấy : những cặp vợ chồng trẻ con này, vì khả năng sinh lý bị xử dụng quá sớm, nên thường gây ra những thiệt hại về sức khỏe cho cả hai bên. Và những đứa con do họ sinh ra cũng thường èo uột, đau yếu. Nhưng trưởng thành về sinh lý mà thôi chưa đủ, các bạn trẻ  còn phải trưởng thành về tình yêu và xã hội nữa, vì đó mới là những điều kiện thật cần thiết để đem lại hạnh phúc.

Tiếp đến : sự trưởng thành về tình yêu.

Vậy trưởng thành về tình yêu nghĩa là gì ? Xin thưa : Trưởng thành về tình yêu đó là  tình yêu của chúng ta phải được phát triển từ tình trạng ấu trĩ đến tình trạng trưởng thành, nhờ đó mỗi  ngày một thêm mặn nồng và đằm thắm.

Tình trạng ấu trĩ là một tình yêu khép kín. Một tình yêu vị kỷ, một tình yêu vì mình. Chúng ta bắt người khác phải phục vụ chúng ta và đi tìm nơi họ những đòi hỏi, những cảm xúc của bản năng như một câu danh ngôn đã bảo :

- Chúng ta nhìn vào cặp mắt của người chúng ta yêu, không phải để thấy rằng cặp mắt ấy đẹp, dễ thương và dễ mến, nhưng là để thấy hình ảnh mình được in trên cặp mắt ấy.

Chính khuynh hướng ích kỷ sẽ giết chết tình yêu hay ít nữa sẽ làm cho tình yêu trở thành nhơ nhớp. Bởi đó, Tagore đã hỏi : Tại sao hoa kia lại héo ?  Vì tôi đã hái và ép nó vào ngực. Tại sao suối kia lại cạn ?  Vì tôi đã xây đập, chặn nước để dùng riêng. Nếu không vượt qua những chướng ngại vật do tính ích kỷ gây nên, chắc chắn tình yêu cũng sẽ bị tàn héo và khô cạn như thế.

Sự trưởng thành trong tình yêu đòi buộc chúng ta phải ra khỏi cái vỏ ốc sên, phải ra khỏi tháp ngà của bản thân để đến với người khác, hầu giúp đỡ và đem lại hạnh phúc cho họ. Thay vì một tình yêu vì mình, chúng ta phải đạt tới một tình yêu vì người. Thay vì một tình yêu khép kín, chúng ta phải có được một tình yêu rộng mở. Bởi đó, đừng vội vã đi vào tình yêu khi trái tim mình còn quá nghèo nàn. Vì yêu là cho đi, nhưng nếu không có gì thì làm sao mà cho đi được.

Hướng tới người khác đã đành, mà hơn thế nữa, chúng ta còn phải quản lý con tim mình một cách chặt chẽ để nó khỏi đập lỗi nhịp hay trật đường rầy…Thực vậy, tiến đến hôn nhân là chúng ta chính thức bày tỏ sự chọn lựa. Nhưng chọn lựa nghĩa là gì ? Chọn lựa có nghĩa là chấp nhận và từ bỏ. Chấp nhận người tôi yêu với tất cả những ưu điểm và khuyết điểm, những sở trường và sở đoản, để rồi cộng tác và giúp đỡ lẫn nhau hầu thăng tiến bản thân và đổi mới cuộc đời.

Đồng thời phải từ bỏ tất cả những gì khả dĩ làm cho tình yêu bị suy giảm và hạnh phúc bị rạn vỡ. Đó có thể là những hình ảnh vàng son của một dĩ vãng “hoàng thị”. Nhưng dĩ vãng thì đã qua đi, chỉ có hiện tại mới là nỗi bận tâm duy nhất. Bởi vì nếu cứ so sánh dĩ vãng với hiện tại, chắc chắn chúng ta sẽ thấy hiện tại không được bằng dĩ vãng. Và như thế, tình yêu sẽ bị chết dần chết mòn. Đó có thể là những chia sẻ bất chánh, những giao du thầm lén, những liên hệ vụng trộm, khả dĩ đem tới những ghen tương và làm cho gia đình bị đổ vỡ.

Bởi vậy, phải tìm hiểu nhau cho thấu đáo, rồi mới chọn lựa và tiến tới hôn nhân. Và một khi đã chọn lựa, thì phải dứt khoát trung thành với nhau mãi mãi, chứ không được chạy theo những bóng hình nào khác.

Sau cùng : sự trưởng thành về xã hội.

Vậy trưởng thành về xã hội nghĩa là gì ? Xin thưa : Trưởng thành về xã hội đó là mỗi người phải ý thức trách nhiệm của mình để rồi cố gắng chu toàn một cách tối đa.

Kể từ ngày kết hôn, chúng ta rẽ vào một khúc quanh mới của cuộc đời. Chúng ta kề vai gánh lấy những bổn phận của nếp sống lứa đôi. Bởi đó, phải nhìn rõ những bổn phận của mình : bổn phận vợ chồng và bổn phận cha mẹ, để rồi cố gắng chu toàn, vì một cuộc hôn nhân thành công hay thất bại, không phải chỉ đem lại hạnh phúc hay đau khổ cho riêng mình, mà còn cho  người mình yêu, cho con cái cháu chắt, cho xã hội và Giáo Hội nữa.

Việc chu toàn những trách nhiệm này đòi hỏi chúng ta phải hy sinh nhiều lắm. Nhưng chính nhờ những hy sinh cho nhau và vì nhau mà tình yêu mỗi ngày trở nên tinh ròng. Còn nếu không có được sự trưởng thành này, người ta sẽ dễ dàng bỏ bê bổn phận mà lao vào rượu chè, cờ bạc, hút sách, trai gái…không lo lắng cho gia đình. Như thế làm sao tạo được hạnh phúc.

Tuy nhiên sự trưởng thành về tình yêu và xã hội lại không lệ thuộc vào tuổi tác, nhưng phải tập luyện mỗi ngày. Phải tập luyện từ khi còn tấm bé, cho đến khi đầu bạc răng long. Có những người đã già mà vẫn còn bê tha vợ nọ con kia, vẫn còn nghiện ngập rượu chè, say mê cờ bạc, biến gia đình trở thành một địa ngục. Đó là dấu chỉ chắc chắn nhất để nói lên rằng : họ chưa thực sự trưởng thành về tình yêu và xã hội.

Vì thế, cần phải hội đủ ba điều kiện : trưởng thành về sinh lý, về tình yêu và về xã hội thì mới nên đặt chân vào hôn nhân, vì đó là những hành trang cần thiết, không thể không có, nếu muốn cho thuyền tình được  cặp vào bến bờ hạnh phúc.

Bởi vậy, chúng ta không lấy làm lạ khi Tông huấn đòi phải bắt đầu chuẩn bị ngay từ những ngày còn nhỏ dại :

- “ Việc chuẩn bị xa bắt đầu từ thời thơ ấu”. (FC 66).

Trong giai đoạn này, gia đình nắm giữ một vai trò thật quan trọng, không thể thiếu vắng. Đồng thời việc giáo dục phải nhắm tới những điểm chính yếu sau đây :

1- GIÁO DỤC NHÂN BẢN

a/ Trước hết là đối với bản thân :

Người xưa đã nói : “Uốn cây uốn thuở còn non, dạy con từ thưở con còn đang thơ. Thực vậy, một cành non chúng ta muốn uốn nó thành hình dạng chi cũng được. Thế nhưng, một khi đã trở cành cây to, chúng ta sẽ không thể nào uốn lại được nữa. Cũng vậy, tâm hồn trẻ thơ giống như một tờ giấy trắng,  hay một tấm bảng nhẵn nhụi phẳng phiu “tabula rasa”, chúng ta muốn viết vào đó chữ gì cũng xong. Vì thế, việc giáo dục cũng chính là một sự chuẩn bị xa cho các em bước vào đời nói chung, và bước vào cuộc sống lứa đôi nói riêng.

Tiên vàn, việc giáo dục này phải giúp các em khám phá ra chính bản thân, chính con người của mình với những sở trường và sở đoản, với những ưu điểm và khuyết điểm. Ưu điểm thì giúp phát triển, còn khuyết điểm thì giúp sửa đổi. 

- “Khoa sư phạm khôn ngoan của gia đình phải nhằm đưa trẻ em tới chỗ khám phá ra rằng mình được phú ban một tâm lý vừa phong phú vừa phức tạp, được phú ban một nhân cách đặc thù, với những sức mạnh cũng như những yếu đuối của riêng mình”. (FC 66).

b/ Tiếp đến là đối với những người chung quanh.

Kinh nghiệm cho thấy : chúng ta không thể nào sống cô độc lẻ loi như một pháo đài biệt lập, hay như một hòn đảo giữa biển khơi. Trái lại, chúng ta sống là sống chung và sống với người khác trong một cộng đoàn, trong một xã hội. Và xã hội đầu tiên, cộng đoàn đầu tiên các em sống chung và sống với đó chính là gia đình. Mái ấm gia đình sẽ giúp các em nhận ra những giá trị nhân bản và những tương quan với người khác, như Tông huấn đã xác quyết :

- “Đây là giai đoạn mà trong đó, người ta dần dần ghi khắc cho các em lòng quí chuộng đối với mọi giá trị nhân bản đích thực, trong các tương quan liên vị cũng như các tương quan xã hội, với những gì hàm chứa trong đó để đào tạo tính tình, để biết tự chủ và sử dụng đúng đắn các xu hướng riêng của mình, để biết cách nhận xét và gặp gỡ những người khác phái và những chuyện khác như thế”. (FC 66).

Tóm lại, trong thời gian từ ấu thơ cho tới tuổi mười tám, đôi mươi, chúng ta cần phải cho các em được hưởng một nền giáo dục căn bản, đào luyện các em trở thành một người, khả dĩ có thể sống tự lập và sống với người khác.

2- GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC

Ngoài ra, là người công giáo chúng ta còn phải cho các em một nền giáo dục Kitô giáo, nghĩa là đào luyện các em trở thành những người con cái Chúa, ngay từ hồi còn tấm bé đã biết sống đức tin của mình bằng cách tuân giữ những điều Chúa và Giáo hội truyền dạy.

Tông huấn viết :

- “Ngoài ra, đặc biệt đối với các Kitô hữu, còn phải có một sự đào tạo vững chắc về đời sống thiêng liêng và giáo lý, để hiểu được rằng hôn nhân là một ơn gọi và là một sứ mạng đích thực, nhưng vẫn không loại trừ khả năng tận hiến cho Thiên Chúa trong ơn gọi linh mục hoặc tu sĩ’.(FC 66).

Để thực hiện được điều trên, gia đình và giáo xứ cần phải cộng tác với nhau. Thực vậy, ngày nay hầu như các giáo xứ đều có những chương trình giáo lý thích hợp cho từng lứa tuổi của các em, từ kêu Chúa và rước lễ lần đầu cho đến Thêm sức và rước lễ bao đồng…để các em được tiếp thu những kiến thức về tôn giáo và biến những kiến thức ấy thành hành động, thành cuộc sống của mình. Những chương trình này được dạy vào ngày Chúa nhật hay tổ chức thành những khóa vào kỳ hè. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải rà soát lại xem việc dạy giáo lý của chúng ta có thực sự đem lại những kết quả mong muốn hay không ? Bởi vì giảng viên thì nhiều khi chắp vá thiếu khả năng. Còn học viên thì vừa nghịch ngợm vừa lơ đãng. Và hơn thế nữa, việc dạy giáo lý không phải chỉ là việc nhồi nhét cho các em một mớ những kiến thức về tôn giáo, mà còn là việc giúp các em trở thành những người đạo đức tốt lành, biết thực sự sống đức tin của người con cái Chúa.

II- CHUẨN BỊ GẦN

Tông huấn đã xác định thời gian cho việc chuẩn bị  gần như   sau :

- “Tiếp theo, việc chuẩn bị gần sẽ dựa trên nền tảng ấy và là một công cuộc lâu dài : bắt đầu từ lứa tuổi thích hợp…” (FC 66).

Như vậy, lứa tuổi thích hợp cho việc chuẩn bị gần, thiết nghĩ bắt đầu từ mười tám đôi mươi cho đến những ngày gần kề trước khi cưới. Trong thời gian này, việc chuẩn bị cũng nhằm tới hai điểm chính yếu :

1- GIÁO DỤC NHÂN BẢN

Tiếp nối việc giáo dục nhân bản, đào tạo thành những con người biết sống tự lập và sống với người khác, trong giai đoạn này, Tông huấn đặc biệt nhấn mạnh đến việc giúp cho các bạn trẻ ổn định cuộc sống của mình sau này. Tông huấn viết :

- “Tạo điều kiện thuận lợi để họ có được những yếu tố cơ bản cho một nếp sống gia đình ổn định (việc làm chắc chắn, đủ điều kiện tài chánh, biết điều hành sáng suốt, có khái niệm về kinh tế gia đình v.v.)”. (FC 66).

Như vậy, điều cần thiết phải làm ngay, đó là phải dạy cho các bạn trẻ một nghề nghiệp để họ có thể kiếm sống, đồng thời phải biết tiết kiệm trong việc chi tiêu của mình.

Thực vậy,  chúng ta cũng không thể nào sống trong cái lý   tưởng : một túp lều tranh, hai quả tim vàng, uống nước lã, nhìn nhau than thở. Trái lại, hãy nhìn vào thực tế, phải làm sao có được cơm ăn, áo mặc, phải làm sao bảo đảm được một đời sống vật chất ít nữa là tương đối ?

Để thực hiện được giấc mộng bình thường này, thiết tưởng nghĩ không gì hơn là nghề nghiệp và sự cần kiệm.

2- GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC

Cùng với việc giáo dục nhân bản, là việc giáo dục đạo đức. Thực vậy, việc trình bày giáo lý không thể giữ mãi những hình ảnh ấu trĩ, nhưng  cần phải được cập nhật hóa để phù hợp và chuyên sâu hơn. Tông huấn đã đưa ra cả một chương trình giáo lý cụ thể để giúp các bạn trẻ trong cuộc sống cũng như trong hôn nhân sau này. Tông huấn viết :

- “Bắt đầu từ lứa tuổi thích hợp và với một việc dạy giáo lý tương xứng, tương tự phần nào như hành trình dự tòng, công việc này sẽ gồm việc chuẩn bị chuyên biệt về các bí tích, như để giúp các bạn trẻ tái khám phá các bí tích. Việc canh tân giáo lý theo chiều hướng đó cho tất cả những ai đang chuẩn bị hôn nhân Kitô giáo là điều hết sức cần thiết, để bí tích sẽ được cử hành và được sống với những dự kiện luân lý và thiêng liêng thích hợp. Đến lúc thích hợp và tùy theo những đòi hỏi cụ thể khác nhau, việc đào tạo cho những người đính hôn sẽ phải bổ túc bằng một sự chuẩn bị cho đời sống lứa đôi : khi trình bày hôn nhân như một tương quan liên vị phải được phát triển liên tục giữa người nam và người nữ, người ta phải khuyến khích họ đào sâu những vấn đề tính dục hôn nhân và về vai trò cha mẹ có ý thức trách nhiệm, cùng với những hiểu biết cốt yếu gắn liền với các vấn đề ấy trong lãnh vực sinh lý và y học, và đưa tới chỗ làm quen với những phương pháp tốt để giáo dục con cái”. (FC 66).

Từ  những gợi ý cụ thể trên, chúng ta rút ra được những điểm chính yếu sau đây :

- Giúp các bạn trẻ hiểu và sống các bí tích một cách ý thức và đầy đủ, nhất là bí tích Giải tội và bí tích Thánh thể.

- Giúp các bạn trẻ nắm vững mục đích và trách nhiệm của cuộc sống lứa đôi.

- Ngoài những điều kể trên, Tông huấn còn nhắc tới tình liên đới và cộng tác với các gia đình khác trong việc tông đồ. Đức Thánh Cha viết :

- “Sau cùng, cũng sẽ không được coi thường việc chuẩn bị cho công cuộc tông đồ gia đình, cho tình huynh đệ và sự cộng tác với các gia đình khác, cho việc tích cực hội nhập vào các nhóm, các hiệp hội, các phong trào, các sáng kiến có mục đích đem lại thiện ích nhân bản và Kitô giáo cho gia đình”. (FC 66).

Thực vậy, chúng ta không phải chỉ biết có gia đình mình và chỉ lo cho gia đình mình mà thôi, biến gia đình mình trở thành một ốc đảo biệt lập, cho dù đó là một ốc đảo xanh tươi. Trái lại, gia đình phải là một con đường dẫn đưa chúng ta và những người chung quanh đến cùng Chúa. Vì thế,  cần phải biết liên đới và cộng tác với những gia đình khác trong việc tông đồ,  cũng như dấn thân vào những công tác xã hội đem lại lợi ích chung.

III- CHUẨN BỊ CẤP THỜI

Việc chuẩn bị cấp thời phải được tổ chức ngay trước hôn nhân, như Tông huấn đã nói :

- “Việc chuẩn bị liền trước cuộc cử hành bí tích phải diễn ra trong nhiều tháng và nhất là trong những tuần cuối trước lễ cưới để nhờ đó có thể đem lại được một ý nghĩa mới, một nội dung mới và một hình thức mới cho việc quen gọi là điều tra hôn phối mà giáo luật đòi buộc”. (FC 66).

Việc chuẩn bị này cũng nhằm tới hai khía cạnh :

1- GIÁO DỤC NHÂN BẢN

Mặc dù Tông huấn không đề cập tới, nhưng từ xưa cho đến nay, những bạn trẻ sắp sửa “dắt díu nhau vào trình cụ”, thường có một số việc cần phải làm ngay, để cuộc hôn nhân được tốt đẹp và được bảo đảm về lâu về dài. Những việc ấy như sau :

- Suy nghĩ và cầu nguyện.

- Bàn hỏi với những người đạo đức, có kinh nghiệm và có bổn phận hướng dẫn chúng ta.

- Tìm hiểu lẫn nhau.

- Sống trong sạch.

2- GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC

Trong thời gian này, việc giáo dục đạo đức đã được Tông huấn gợi ý  :

- “Trong số các yếu tố phải truyền đạt trong tiến trình đức tin này, tựa như ở thời kỳ dự tòng, cũng phải có việc đào sâu về mầu nhiệm Chúa Kitô và Hội Thánh, về ý nghĩa của ân sủng và của trách nhiệm gắn liền với hôn nhân Kitô giáo, đó là chưa kể tới việc chuẩn bị để tham dự tích cực vào nghi lễ phụng vụ hôn phối”. (FC 66).

Từ lời gợi ý trên, chúng ta rút ra được bốn việc chính yếu :

1- Đào sâu mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh.

 Như chúng ta đã biết hôn nhân là một định chế được Thiên Chúa ấn định cho xã hội loài người ngay từ thuở ban đầu. Rồi sau đó, đã được Chúa Giêsu nâng lên hàng bí tích. Kể từ nay, hôn nhân không phải chỉ là sợi dây tình yêu nối kết hai người thành vợ thành chồng, mà hơn thế nữa, còn là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu của Đức Kitô đối với Hội thánh như lời thánh Phaolô đã nói :

- Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói đến sự kết hiệp giữa Đức Kitô và Hội Thánh.

Vì vậy mà :

- Người làm vợ hãy phục tùng chồng như phục tùng Chúa vì chồng là đầu của vợ, cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh.

Đồng thời người làm chồng cũng phải :

- Hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.

Và như thế sống tình nghĩa vợ chồng cũng là sống màu nhiệm kết hiệp giữa Đức Kitô và Hội Thánh vậy.

2- Ý nghĩa của Ân sủng

Theo thánh Phaolô diễn tả, trước kia chúng ta chỉ là những cành cây dại, nhưng kể từ khi được ghép vào với Đức Kitô, một dòng nhựa mới được truyền sang cho chúng ta. Dòng nhựa mới ấy chính là sự sống của Thiên Chúa, hay nói cách khác, đó là ân sủng của Thiên Chúa, nhờ đó hoa trái cuộc đời chúng ta sẽ là một thứ hoa trái mới, thơm ngon và đậm đà, xứng đáng được đón nhận vào quê hương Nước Trời.

3- Trách nhiệm của hôn nhân Kitô giáo.

Phàm đã là người, khi làm bất cứ việc gì, từ việc nhớn đến việc nhỏ, thì đều theo đuổi một mục đích nào đó, huống lọ là việc trăm năm đại sự. Và như chúng ta cũng đã biết, hôn nhân có hai mục đích, đó là sinh sản con cái và giúp đỡ lẫn nhau.Từ hai mục đích này, chúng ta thấy những người bước vào cuộc sống hôn nhân phải gánh vác hai trách nhiệm, đó là trách nhiệm của cha mẹ và trách nhiệm của vợ chồng.

Trước hết là trách nhiệm của cha mẹ.

Cha mẹ có bổn phận phải sinh sản con cái, như lời Chúa đã phán : Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất. Trong khi sinh sản con cái, chúng ta cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo, làm nên những con người mới, để kéo dài sự hiện diện của nhân loại trong giòng thời gian mà ca tụng Thiên Chúa. Công đồng Vaticanô II đã viết trong hiến chương về mục vụ như sau :

- “Trong khi thi hành bổn phận sinh sản và giáo dục, họ biết rằng mình cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa tạo hóa và trở thành những kẻ diễn đạt tình yêu của Ngài. Bởi vậy, họ sẽ chu toàn bổn phận mình với trách nhiệm của con người và của con người Kitô…Trong cách thế hành động, vợ chồng Kitô hữu hãy ý thức là mình không thể làm theo sở thích, nhưng phải luôn luôn theo tiếng nói của một lương tâm, được khuôn đúc theo luật Chúa, hãy vâng phục giáo huấn của Giáo Hội, vì Giáo Hội có thẩm quyền giải thích luật Chúa dưới ánh sáng Phúc âm”. (GS 50).

Tuy nhiên sinh sản mà thôi cũng chưa đủ, bổn phận thứ hai là phải nuôi dưỡng con cái, nghĩa là cho con cái ăn mặc đầy đủ, đau yếu lo tìm thày chạy thuốc…

Tuy nhiên, nuôi dưỡng mà thôi chưa đủ, vì sinh con không giống như sinh vật. Nuôi một con heo, chúng ta chỉ cần đổ cám cho nó ăn là đủ, nhưng với con cái thì khác. Nuôi dưỡng đã đành, mà còn phải giáo dục con cái nữa, vì như tục ngữ đã bảo :

- Đẻ con chẳng dạy chẳng răn,

  Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng.

Tiếp đến là trách nhiệm của vợ chồng.

Vợ chồng có bốn bổn phận, đó là phải yêu thương, hòa thuận, trung thành và giúp đỡ lẫn nhau. Muốn được như vậy, vợ chồng phải biết nhường nhịn và tha thứ, dám chấp nhận những hy sinh cho nhau và vì nhau, nhờ đó mà trọn đời yêu thương và trung thành cùng nhau.

4- Tham dự tích cực vào nghỉ lễ phụng vụ hôn phối.

Hôn nhân Kitô giáo đòi hỏi phải theo luật cử hành phụng vụ, để diễn tả tính cách xã hội và cộng đồng, nơi bản chất Hội Thánh và bí tích của khế ước hôn nhân giữa hai người đã rửa tội, vì thế Tông huấn đã đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể sau đây :

* Là một hành vi bí tích để thánh hóa, việc cử hành hôn phối phải được đưa vào phụng vụ, nhưng đồng thời phải đơn giản và xứng đáng, hoàn toàn theo đúng những qui tắc mà thẩm quyền Giáo hội đã đề xướng.

* Là một dấu chỉ của giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh,  việc cử hành hôn phối phải diễn ra thế nào để có thể kết thành một sự công bố Lời Chúa và một sự tuyên xưng đức tin của cộng đồng các tín hữu. Thời gian thích hợp nhất vẫn là lúc cử hành Thánh lễ, bởi vì giữa bí tích Thánh thể và bí tích Hôn phối có một liên hệ mật thiết : Bí tích Thánh thể vừa là sự hiện diện đích thực, lại vừa là dấu chỉ tình yêu của Đức Kitô, còn bí tích Hôn nhân dẫn đưa hai vợ chồng vào trong tình yêu ấy  và làm cho họ có khả năng tiếp tục sự trao hiến của Đức Kitô trong cuộc sống của mình. Như vậy, Phụng vụ vừa mang tính chất loan báo Tin mừng, bởi vì rao truyền ngay trong Hội Thánh tin mừng về tình yêu hôn nhân như là dấu chỉ của Đức Kitô và Hội Thánh, đồng thời cũng mang tính chất Giáo hội vì ảnh hưởng đến cả cộng đồng nơi vợ chồng sinh sống.

* Là một hành vi bí tích của Hội Thánh, việc cử hành hôn phối phải lôi cuốn được cả cộng đoàn với sự tham dự trọn vẹn, tích cực và có trách nhiệm của mọi người đang hiện diện, tùy theo vai trò của mình, như đôi bạn, linh mục, nhân chứng, cha mẹ, bạn hữu…nói tắt là mọi thành phần của một cộng đoàn đang biểu lộ và sống mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh Ngài.

Sau cùng, Đức Thánh Cha mong muốn các Hội Đồng giám Mục sớm công bố “Tập chỉ nam mục vụ gia đình” để hướng dẫn cho việc chuẩn bị nói trên. Tông Huấn viết :

- “Ước mong rằng các Hội Đồng Giám Mục lưu tâm tới các sáng kiến thích hợp để giúp các vợ chồng tương lai biết ý thức hơn rằng việc chọn lựa của họ hệ trọng biết bao, cũng như để giúp cho các vị chủ chăn biết bảo đảm cho những người ấy có được những dự kiện cần thiết. Và với sự lưu tâm đó, các Hội Đồng Giám Mục sẽ xả thân làm việc, để sớm công bố được “Tập chỉ nam mục vụ gia đình”. Trong cuốn chỉ nam này, trước hết sẽ phải xác định những yếu tố cần thiết không thể thiếu được về nội dung, về thời lượng và về phương pháp của các “khóa chuẩn bị”, tạo quân bình cho những khía cạnh khác nhau có liên hệ tới hôn nhân – như giáo lý, sư phạm, luật pháp, y học – và xếp đặt thế nào để giúp cho những người sắp lập gia đình, không những chỉ được đào sâu thêm về hiểu biết, mà còn cảm thấy được thúc đẩy để hội nhập một cách tích cực vào trong cộng đồng Hội Thánh”. (FC 66).

Bao giờ thì Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho trình làng tập chỉ nam này, chúng ta hãy kiên nhẫn và chờ đợi.

KẾT LUẬN

Mặc dù được trình bày một cách vắn gọn, nhưng Tông huấn đã đưa ra một chương trình cụ thể  cho việc chuẩn bị hôn nhân. Chương trình này không phải chỉ rảo  qua đôi ba tháng của một khóa giáo lý, nhưng phải được kéo dài qua nhiều năm nhiều tháng, khởi đi từ thời thơ ấu cho đến lúc cử hành hôn phối, chính thức bước vào cuộc sống lứa đôi. Hơn thế nữa, Tông huấn còn đưa ra một đường hướng mục vụ sau khi cưới, nhất là cho những cặp vợ chồng đang gặp phải khó khăn…

Để kết luận, xin ghi lại nơi đây nhận xét của Đức Thánh Cha :

- “Kinh nghiệm cho thấy được rằng, các bạn trẻ được chuẩn bị chu đáo cho đời sống gia đình, cách chung sẽ thành công hơn các bạn khác”. (CF 66).

GSVN

VỀ MỤC LỤC

XIN VÂNG Giữa các bi kịch

 

Gần đến lễ Truyền tin cho Đức Mẹ. Yếu tố quan trọng về tu đức trong lễ này là Đức Mẹ nói lời "Xin vâng" (Lc 1,38).

Cũng sắp đến những ngày tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Yếu tố quan trọng về tu đức trong cuộc tưởng niệm này cũng là lời Chúa Giêsu cầu nguyện "Xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Lc 22,42).

Như vậy, Chúa Giêsu và Đức Mẹ cùng đã xác định ơn gọi của mình là xin vâng thánh ý Chúa Cha.

Lời "xin vâng" của hai Đấng là một định hướng rất rõ ràng và quyết liệt.

Rõ ràng ở chỗ quyết tâm từ bỏ ý riêng mình để vâng phục ý Chúa Cha.

Quyết liệt ở chỗ sẵn sàng phấn đấu để trung thành với ý Chúa Cha, mặc dầu phải đối đầu với thử thách.

Đường tu đức, mà hai Đấng đi qua, đã để lại nhiều kinh nghiệm mà tôi gọi là bi kịch.

Tôi thường nhìn vào những cảnh đó, để biết sống ơn gọi xin vâng của tôi.

1/ Cảnh đổi thay của lòng dân

Khi Chúa Giêsu khai mạc cuộc đời rao giảng công khai của Người, Người đã chọn Nadarét là chính quê hương Người. Ngay trong bài giảng đầu tiên, ban đầu "mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người" (Lc 4,22). Nhưng đến cuối bài "mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực" (Lc 4,28).

Tuần lễ cuối cùng của cuộc đời Chúa Cứu thế đã đánh dấu bằng sự thay đổi lòng dân từ thiện đến ác một cách kinh hoàng.

Đầu tuần, đông đảo dân chúng đón Chúa Giêsu một cách long trọng tự phát: "Người tới đâu, người ta cũng lấy áo mình trải xuống đường... Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao. Vinh quang trên các tầng trời" (Lc 19,36-38).

Chỉ mấy ngày sau, trong sân tổng trấn Philatô, đám đông lại la ó: "Giết nó đi. Đóng đinh nó vào thập giá" (Lc 23,18-20).

Những thay đổi khủng khiếp trên đây của lòng dân là những bi kịch, Chúa và Đức Mẹ đã nếm. Các Ngài vượt qua một cách bình tĩnh, để chỉ tìm vâng phục ý Chúa Cha.

2/ Sự lạm dụng của nhà cầm quyền

Hồi đó, nhà cầm quyền trong đạo là các thượng tế, kỳ lão và kinh sư. Họ thấy Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ cứu dân thì tìm cách bắt bẻ, buộc tội. Chỉ vì ghen tức (x. Mt 26,3; 59-60).

Nhà cầm quyền trong xã hội lúc bấy giờ là quan Philatô, dù biết Chúa Giêsu là người vô tội, bị giáo quyền trao nộp chỉ vì ác ý, nhưng không dám tha, do động cơ mị dân, sợ đụng chạm, mất quyền (x. Mt 27,24).

Những lạm quyền này cũng là những bi kịch, Chúa và Đức Mẹ đã chịu đựng và vượt qua, để một mực đi về thánh ý Chúa Cha.

3/ Những suy nghĩ chủ quan của những môn đệ thân tín

Phúc Âm nói rõ là Chúa Giêsu đã nhiều lần nhiều cách mạc khải cho các môn đệ thân tín của Người về kế hoạch cứu độ của Người. Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ, sau cùng sẽ bị chết nhục nhã trên thánh giá. Rồi mới phục sinh (x. Mc 10,32-34).

Tuy được cắt nghĩa rõ, các môn đệ vẫn chủ quan, coi như việc đó sẽ xảy ra nhẹ nhàng. Các ngài tỏ ra không quan tâm lắm. Thậm chí người đứng đầu nhóm môn đệ thân tín là thánh Phêrô còn tỏ thái độ phản đối, như một dấu chỉ hợp lý, hợp tình. Tới những giây phút cuối cùng, Chúa Giêsu vào vườn Cây Dầu cầu nguyện trong sự sợ hãi kinh hoàng, các môn đệ vẫn an tâm ngủ. Khi chợt thấy cảnh bi đát xảy ra, các ngài đã bỏ trốn. Thậm chí có người còn chối bỏ Thầy mình (x. Mc 14,32-49).

Tính chủ quan dại dột trên đây của các môn đệ Chúa Giêsu là một bi kịch, gây xót xa vô vàn cho Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Nhưng hai Đấng đã ôm vào lòng như một thánh giá tinh thần. Hành trình đi theo thánh ý Chúa Cha cũng vì thế mà thêm cay đắng. Nhưng các Đấng đã vượt qua, để tuân theo ý Chúa Cha đến cùng.

4/ Sự quyến rũ độc ác của tiền bạc

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu tuy chủ yếu gây nên do lòng ghen ghét của tầng lớp nắm quyền lực tôn giáo bấy giờ. Nhưng nó đã được thực hiện nhờ vai trò tiền bạc. Chính Giuđa, người mà Chúa Giêsu chọn làm quản lý, đã bị tiền bạc quyến rũ. Không ngờ sức quyến rũ của tiền bạc lại quá mạnh, đến nỗi đã khiến Giuđa bán Thầy mình chỉ với giá 30 đồng bạc (x. Lc 22,1-6).

Tiền bạc đã đổi lòng dạ người môn đệ Chúa tuyển chọn một cách quá dễ dàng. Bi kịch này rất thê thảm. Tâm hồn Chúa Giêsu và Đức Mẹ chắc đã rất đau xót khi chạm tới nó. Nhưng các Đấng vẫn vượt qua, để đi về thánh ý Chúa Cha.

5/ Sự khác biệt giữa ý riêng và ý Chúa Cha

Đức Mẹ có ý riêng, Người đã có lúc tỏ ra mình phải phấn đấu bỏ ý riêng để theo thánh ý Chúa (x. Lc 2,48).

Chúa Giêsu ở vườn Cây Dầu đã phấn đấu đến đổ mồ hôi máu ra, để bỏ ý riêng, quyết tâm chọn ý Chúa Cha (x. Mt 26,42).

Trên đây, tôi chỉ nêu lên một số yếu tố thường gây ảnh hưởng đến ơn gọi xin vâng của ta, đó là:

- Sức mạnh của lòng dân,

- Sức mạnh của những người cầm quyền,

- Sức mạnh của những người thân tín,

- Sức mạnh của tiền bạc,

- Sức mạnh của tính tự nhiên trong ta.

Những yếu tố trên đây đôi khi khoác bộ mặt đạo đức, bộ mặt ngây thơ, bộ mặt vô tư. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rất nhiều trường hợp, những yếu tố ấy thiếu nền đạo đức trong sáng bền vững. Hơn thế nữa, chúng lại dễ bị ma quỷ và các trào lưu tội lỗi lợi dụng, để biến xã hội và Giáo Hội trở thành sân khấu của những bi kịch. Bi kịch lớn nhất là sống giữa nhiều bi kịch mà vẫn nhởn nhơ, không nhận ra được nguy hiểm.

Những ai sống ơn gọi xin vâng nên biết rõ tình hình đó đang xảy ra hiện nay xung quanh ta và có thể là nơi chính mình ta. Hãy khiêm tốn tỉnh thức, cầu nguyện, tìm ánh sáng và sức mạnh nơi lời xin vâng của Đức Mẹ và Chúa Giêsu.

Với ánh sáng và sức mạnh ấy, chúng ta sẽ phân biệt rõ đâu là thánh ý Chúa thực sự, đâu là thánh ý Chúa giả tạo. Đồng thời chúng ta cũng sẽ biết tìm nương tựa vào đâu để trung thành với ơn gọi xin vâng, chứ không tìm điểm tựa ở những thế lực mong manh, nhiễu nhương, cơ hội.

+ Gm. GB. BÙI TUẦN

VỀ MỤC LỤC
BỨC TRANH HÍ HỌA

 

Phúc Âm Nhật Ký 18.03.07

(Lc 15:1-3.11-32)

 Tự do là giá trị cao cả nhất và vinh dự nhất cho sinh vật có lý trí trên mặt đất này.  Ðó là nền tảng xác định con người cao hơn vạn vật  Ðó cũng là nguyên nhân sinh ra niềm vui lớn lao nhất cho con người.  Nhưng cũng chính vì tự do, con người phải trả giá mắc nhất.  Những gì đã và đang xảy ra tại Việt Nam chứng minh hùng hồn nhất. 

Ngày xưa, các thánh tử đạo Việt Nam đã lấy mạng sống để chứng minh cho mọi người thấy tự do tôn giáo là một giá trị cao cả nhất và linh thiêng nhất của quyền làm người.  Ngày nay, con cháu các ngài lại phải trải qua một kinh nghiệm gần giống cha ông, nhưng ở một chiều kích tinh vi hơn.  Tự do trở thành một thứ chiêu bài và công cụ cho đủ mọi thứ thao túng.  Việc đập phá tượng Pieta và trù dập phong trào dân chủ vừa qua là một điển hình !

Nhiều người sống bên Mỹ cũng không có cái nhìn khá hơn về tự do.  Họ tung hoành trong mọi ngành nghề.  Doanh nhân tự do trốn thuế.  Người già tự do lợi dụng Medicare, Medicade, An sinh xã hội v.v.  Giới trẻ tự do sống buông thả tình dục, nghiện hút, băng đảng v.v. 

Ðây là một dịp tìm hiểu ý nghĩa tự do đích thực.

Biểu tượng nổi nhất của tự do buông thả là người con thứ trong dụ ngôn hôm nay.  Sau bao năm thơ ấu sống êm ả trong gia đình, cậu sống khá ngoan ngoãn.  Chẳng ai thấy cậu có vấn đề gì.  Bỗng một hôm, cậu thẳng thắn xin cha chia gia tài (x. Lc 15:12).  Ai ngờ cậu đã ấp ủ trong lòng một giấc mơ “tự do” từ bao giờ !   Cậu nhắm đến một chân trời xa thật xa.  Xa như giấc mộng dài cậu đang thêu dệt.  phương tiện ăn chơi là gia tài kếch sù cậu vừa đón nhận.  Khả năng là tuổi trẻ đầy sinh lực.  Còn gì tự do hơn !

Nhưng “đời lắm lúc không bằng mộng” !  Vừa lúc anh cháy túi, một nạn đói khủng khiếp ập tới.  Họa vô đơn chí !   Giấc mộng còn dài và tuổi trẻ còn sung cũng đành chào thua thời cuộc.   Hoàn cảnh quá bức bách.  Anh không còn phương tiện để sống còn.  Chân anh không đứng vững trên mặt đất nữa !  Tất cả vũ trụ quay cuồng và đảo ngược.  Tất cả đều bế tắc.  Anh bị dồn vào chân tường.  Chỉ còn một lối thoát duy nhất là đổi danh dự lấy mạng sống.  Trước kia, anh là người chỉ tay năm ngón.  Bây giờ, anh phải cúi đầu trước lệnh truyền ra đồng chăn heo.  Giấc mơ bây giờ xuống thấp đến nỗi anh không bằng con heo nữa.  Anh sống mà như chết.  Tất cả nhân phẩm đã tiêu tan !

Chính tự do đã dẫn anh vào cõi chết !  Người cha cũng đã khẳng định như thế : (x. Lc 15:24, 32). Ðó không phải là tự do đích thực.  Anh tưởng tự do là muốn làm gì thì làm.  Không phải trả giá cho tự do.  Thực tế, anh đã phải trả giá quá đắt cho một chọn lựa sai lầm.  Khi bị dồn vào đường cùng, anh mới nhận ra đâu là nơi để anh thực hiện tất cả giấc mộng tuổi trẻ.  Ðâu mới là tự do đích thực.

Dĩ nhiên, không phải chỉ những người hư hỏng, mà cả những người con ngoan cũng chưa chắc hiểu tự do là gì.  Khung cảnh và hình thức không đủ bảo đảm cho con người có nhận thức đích thực về tự do.  Ngay ở trong nhà, người con cả có biết tự do là gì đâu.  Anh đã phục vụ với một mục đích hoàn toàn tầm thường vật chất.  Anh tự nhốt trong chính mình.  Dù được chia gia tài như người em, nhưng anh cũng chẳng biết làm gì với vốn liếng đó.  Có lẽ sau khi được chia gia tài,  anh đã đem trả lại hết cho cha, hầu được tiếng là con ngoan.  Anh vẫn tỏ ra mình “ngon” hơn cậu em.  Tới khi thấy cách thân phụ đối xử ngon lành với người em mạt rệp ấy, anh mới thấy lòng khoan dung không đúng với sự công bình ngoài thực tế.  Lúc đó, anh mới nói hết sự thật cho bõ ghét !  Anh chưa từng nhỏ rãi trước mùi cám heo như cậu em.  Thế nên, anh vẫn thấy những ưu đãi vật chất trong gia đình là chuyện đương nhiên.

Thà một lần đi hoang để biết thế nào là giá trị của tự do, còn hơn “cù lần” như người anh cả tự nhốt mình trong tháp ngà !  Nhưng nếu có một tấm lòng như thân phụ,  anh cũng có thể cảm nhận tất cả chiều kích và đường nét tươi đẹp của tự do.  Tiếc thay những lời khuyên của thân phụ không đủ sức thuyết phục bằng thực tế ngoài đời dạy cho người con thứ.  Tâm hồn anh cả đã khép lại !  Dù cố gắng dùng cả lý lẽ lẫn tình cảm, người cha cũng phải đầu hàng.  Anh không thể hiểu và hưởng được niềm vui của tự do đích thực !

Ðúng thế !  Tự do đích thực bao giờ cũng đem lại niềm vui và chân trời rộng mở. Chắc chắn những gì nói với con cả, người cha cũng bộc lộ cho con thứ : “Tất cả những gì của cha đều là của con.” (Lc 15:31)  Trong khi người con cả thờ ơ, thì người con thứ như uống từng lời cha vào tận đáy lòng.  Lời đó như một tia nắng ấm chiếu sâu vào tận đêm trường giá lạnh của lòng anh.  Anh sung sướng vô cùng. Từ nay anh mới thực sự là con người tự do.  Có bao giờ anh nghe ai có những lời nói và cử chỉ thân thương như thế trong suốt hành trình xa nhà ?  Nhất là khi anh bị vùi dập ngoài chuồng heo, anh đã cảm nghiệm tất cả nỗi nhục nhã và đau khổ của kiếp nô lệ như thế nào !  Anh không được đối xử bằng con vật.   Phải xuống tận bùn đen như thế, anh mới thấy quý những gì mình đã tìm lại được nơi nhà cha.  Tất cả đều do tình yêu hải hà của người cha nhân ái.  Thế mà, trước đây anh đã cắt đứt.  Chỉ vì tự do tuổi trẻ, anh đành coi cha như đã chết, để đòi chia gia tài cho bằng được !

Dưới mắt người con cả, cha đã phung phí tình yêu một cách dại dột.  Làm sao cha biết người em thứ sẽ không bỏ nhà ra đi một lần nữa ?  Ngựa quen đường cũ, cha không biết hay sao ?!  Cha đã quá thương nên không lường trước tương lai.  Cha đã mất khôn khi không còn xét xử theo những nguyên tắc công bình con người như thấy trong lề luật nữa.  Cái nhìn của những người Pharisêu về Thiên Chúa y hệt như vậy !  Nhưng công lý của Thiên Chúa có bộ mặt hoàn toàn khác.  Công lý Thiên Chúa xây dựng trên một tình yêu vô điều kiện và khôn lường. 

Dụ ngôn cho thấy tất cả chiều kích vô biên đó của tình yêu ấy, khi người con thứ trở về.  Tình yêu ấy đã có sức phục sinh người con thứ và đem lại niềm vui thực sự cho anh.  Từ nay anh sẽ sống nhờ tình yêu ấy hơn bất cứ thứ nào khác.  Không có tình yêu ấy, anh sẽ biến mất khỏi mái ấm và sẽ ra đi vào một miền vô định.  Giả sử anh trở về quá trễ, lúc cha anh không còn, số phận anh sẽ ra sao ?  Rất may, anh trở về lúc còn cha trong nhà.  Tình yêu người cha đã sáp nhập anh vào một cuộc sống gia đình cách tự nhiên.  Cũng tình yêu đó đã không thể cảm hóa người con cả  để anh chấp nhận cuộc hiệp thông lớn lao do cha đề nghị.  Có tin yêu, người cha mới hết lòng mời mọc như vậy.  Nhưng người con cả đã thẳng thừng từ chối.  Anh mới là tên nô lệ cho chính mình. 

Bức tranh hí họa đã trình bày hình ảnh độc đáo về tình yêu người cha giữa hai người con.  Bức thứ nhất diễn tả về Thiên Chúa nhân lành đến nỗi bị lợi dụng như thể Người mắc nợ chúng ta, còn chúng ta chẳng mắc nợ gì Người, ngay cả việc nhận biết Người.  Trái với quan niệm thường tình về Thiên Chúa như một nhà độc tài không hề biết nhượng bộ, dụ ngôn đã mô tả hình ảnh cực kỳ tốt đẹp về người cha hạnh phúc khi thấy con trở  về với mình. Phải, đó là Tin mừng trong Chúa nhật này.  Hãy đón nhận niềm vui tha thứ, niềm vui giao ước được canh tân trong bí tích Thánh Thể, niềm vui tín thác, niềm vui thông hiệp.  Tất cả niềm vui này đều phát xuất từ Chúa Cha, nhờ Con Chí Ái Người là Ðức Giêsu.  Từ đó chúng ta hướng về niềm vui Phục Sinh.

Nhìn chung, tự do đã trở thành điểm ranh giữa hai người con.  Ban đầu người con thứ đi tìm một thứ tự do vô trách nhiệm.  Nhưng thực tế đã dạy cho anh một bài học “để đời.”  Nhờ thế, anh mới thấu hiểu phải trả giá rất mắc cho một giá trị lớn lao và cao cả nhất của con người, đó là tự do.  Còn người anh cả chỉ biết bổn phận mà không biết đến  tự do.   Tình yêu luôn có khả năng giải thoát.   Không có tình yêu, không thể có tự do và hiệp thông.  Người anh cả “vẫn đi bên cạnh cuộc đời,” mà không hiểu được niềm vui của tình yêu chia sẻ.  Bởi vậy, anh mới có quan niệm quá khắt khe về lỗi lầm của người em.  Anh đã xây dựng một nền công lý trên lề luật, chứ không trên tình yêu. Không bao giờ có một sự bình an cho những con người như anh.  Hòa bình không thể xuất hiện khi con người không biết tha thứ.  Ơn cứu độ cũng vắng bóng khi con người không biết nhìn nhận Thiên Chúa là Cha và tha nhân là anh em.

Phải đợi tới khi nào Ðức Giêsu Kitô xuất hiện, con người mới thấy tất cả tương quan lớn lao trong trời đất.  Từng bị hạ xuống bùn đen, nên Người có thể hiểu biết và đánh giá được tất cả ý nghĩa của tự do hơn ai hết.  Hơn nữa, “chính để chúng ta được tự do, mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta.” (Gl 5:1)  Ðức Kitô cũng là người Anh Cả giữa đoàn em đông đúc (Rm 8:29) là chúng ta.  Nhưng hoàn toàn khác với người anh cả trong dụ ngôn hôm nay, không những Ðức Kitô không ghen tương, mà  mời gọi chúng ta đi vào cuộc hiệp thông với Cha Người.  Hơn nữa, Người còn lấy chính Mình Máu Người để làm tiệc thết đãi chúng ta.  Vì Người đầy lòng yêu thương, quảng đại, tha thứ. Khác với người con thứ, Người không cần phải mất một thời gian đi hoang, Người mới có thể đánh giá đúng mức giá trị của tự do. Người cũng không cần phải đợi Cha nhắc nhở mới biết mình được tự do hưởng mọi quyền lợi trong Nhà Cha.  Thật vậy, chính Người quả quyết : “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thày.” (Ga 16:1 5)  Khác hẳn với hai người con trong dụ ngôn đầy  khuyết điểm, Ðức Giêsu thật là Con Chí Ái, hoàn toàn làm hài lòng Chúa Cha (x. Mt 3:17; Mc 1:11).  Bởi thế, Chúa Cha mới căn dặn chúng ta: “Hãy vâng nghe lời Người !” (Lc 9:35)  Ðức Mẹ cũng phụ họa : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2:5)

Tại sao phải nghe lời và làm theo Ðức Giêsu ?  Nếu không muốn trả giá quá mắc vì lầm lạc theo những đam mê như người con thứ hay tấm lòng chật hẹp như người con cả, chúng ta cần vâng nghe Con Chí Ái của Chúa Cha.  Chỉ có Người mới mở cho chúng ta bầu trời tự do đích thực, tự do làm con cái Chúa.  Khác với tự do đi hoang đã hạ giá người con thứ xuống dưới hàng con vật, tự do của Chúa nâng chúng ta cao hơn địa vị con người, để trở thành con cái Chúa.   Thật là một giá trị tuyệt vời !

Bức tranh hí họa cuối cùng không diễn tả cảnh trái ngược giữa hai người con trong dụ ngôn, nhưng giữa họ và Người Con Chí Ái của Chúa Cha.  Con thứ hiểu lầm về tự do, nhưng lại là cơ hội cho thấy tình yêu Thiên Chúa đầy bao dung.  Con cả ngộ nhận về công lý.  Từ đó, mới thấy công lý đích thực phải đặt nền tảng trên tình yêu.    Cả hai người con ấy đều không thể phản ánh hình ảnh người cha nhân hậu. Trái lại, Ðức Giêsu là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình,” (Cl 1:15) một hình ảnh cực tả Thiên Chúa là Cha.

Tin tưởng vào mãnh lực tình yêu Thiên Chúa, bao chứng nhân đã lên đường tranh đấu cho công lý và hòa bình.  Chẳng hạn, năm 2002 tại Nam Hàn, Nữ tu Cho Seong-ae đã được Quốc Hội Nam Hàn trao tặng Huân Chương Cao Quý Quốc Gia Nam Hàn. Quyết định trao tặng huân chương của Quốc Hội Nam Hàn nhìn nhận rằng "Người nữ tu này đã góp phần biến nhà tù không còn là nơi trừng phạt nhưng là môi trường thuận lợi cho việc cải hóa và quay về với những điều lương hảo." Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn cho biết trong 25 năm phục vụ trong các khám đường, nữ tu Cho Seong-ae đã dẫn dắt 760 phạm nhân tiếp nhận đức tin Công Giáo, chưa kể số thân nhân của họ. Con số này rất đáng kể, vì ngoài việc giúp đỡ về phần thiêng liêng, nữ tu Cho Seong-ae còn giúp đỡ rất nhiều cho gia đình các phạm nhân trong thời gian họ chịu giam cầm trong lao lý. Nữ tu Cho Seong-ae luôn cố gắng tìm kiếm công ăn việc làm cho các gia đình để các phạm nhân yên tâm cải huấn.[1]

Tiếp tục truyền thống tranh đấu cho công bình xã hội, ngày 07/03/2007 vừa qua, khoảng 300 nữ tu Công Giáo Nam Hàn tham gia cuộc biểu tình khổng lồ, ước lượng khoảng 74,000 người, tại Hán Thành nhằm chống lại cuộc thảo luận về mậu dịch tự do giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ. Các nữ tu cho biết họ quan ngại cho số phận những nông gia Nam Hàn và đời sống công nhân các xí nghiệp trong nhiều ngành kỹ nghệ tại quốc gia này.[2] 

Rõ ràng các Nữ tu không còn phải là những người chỉ biết đọc kinh dâng lễ trong nhà thờ.  Tình yêu Chúa thôi thúc họ xuống đường tranh đấu cho cuộc sống con người.   Họ đi tìm một nền công lý xây dựng trên tình thương.  Biết bao người đã tìm được con đường về Nhà Cha nhờ những chứng từ lớn lao này !

Còn các Nữ tu Việt Nam đang quan tâm tới cái gì và đang làm gì ?!    

Lạy Chúa, xin cho con cảm nhận tình thương bao la của Chúa, để con có thể thông cảm với tha nhân và cùng  mọi người xây dựng một nền công lý trên sức mạnh  tình yêu, chứ không trên bạo lực.  Amen. 

đỗ lực


[1] Fides 22.07.2002    [2] VietCatholicNews 11/03/2007

 
VỀ MỤC LỤC

VỌNG VỀ CÕI HUYỀN SIÊU

 

Trên đỉnh gió non cao

Những hạt nắng lẫn vào

Tia trong ngần giọt nước

Vừa đổ xuống tâm linh

 

Những ảo giác gợi hình

Của sức sống bình minh

Vươn cao tình mặt bể

Của một đấng vô hình

 

Tiếng gào say gió biển

Lạc phải chốn thần tiên

Nơi đây là cuộc sống

Đầm ấm mát dịu hiền

 

Giã từ cõi triền miên

Ta về miền gió biển

Tìm lại dòng kinh điển

Của một sáng tinh nguyên

Ta say lòng ngọn gió

Trả lại đời bụi tro

Ta giã từ quán trọ

Trở về chốn thiên đường

 

Ta say lòng âm hưởng

Sóng nhịp nhẹ nhàng vương

Trên linh hồn vất vưởng

Của một kiếp bình thường

 

Giã từ đời hoang nhơ

Ta về cõi hoa mơ

Say đắm giữa tình thơ

Giữa muôn ngàn phúc lộc

 

Dư đầy ơn phước cả

Ôi ân tình tuyệt diệu

Vẳng lên nhiều âm điệu

Của một cõi huyền siêu

       

Hoàng Nga

Dakmil, Daknong, Giao Phan Banmethuot 

    Cảm giác siêu thoát sau một lần lãnh hồng ân cáo giải

VỀ MỤC LỤC

MƯỜI MỘT ĐƯỜNG LỐI ĐỂ SỐNG TỐT HƠN VỚI BẤT CỨ NGƯỜI NÀO.

 

I. Trước khi bạn nói bất cứ điều gì với bất cứ ai, bạn hãy tự hỏi mình ba câu hỏi:

          1. Việc đó có thật không?

          2. Có tế nhị để nói không?

          3. Có cần thiết để nói không?   

II. Hãy dè sẻn lời hứa hẹn, nhưng hãy trung thành giữ lời đã hứa.

III. Đừng bao giờ bỏ lỡ  cơ hội để khen, hay nói một điều gì khích lệ một ai đó.

IV. Hãy từ chối nói cách tiêu cực về người khác.

V. Hãy có cái nhìn tha thứ đối với người. Hãy tin rằng mọi người đều làm cái tốt nhất mà họ có thể.

VI. Hãy giữ đầu óc cởi mở. Tranh luận, nhưng đừng cãi nhau. Có thể bất đồng, nhưng đừng sống bất hòa.

VII. Hãy đếm tới 1000 trước khi làm hay nói bất cứ cái gì có thể đưa tới những việc tồi tệ.

VIII. Hãy để các nhân đức của bạn  tự nói về chúng.

IX. Nếu người nào chỉ trích bạn, hãy xem thử họ có nói sự thật nào không; nếu có thì bạn hãy thay đổi. Nếu không có sự thật trong lời chỉ trích ấy, bạn hãy quên nó đi mà sống, như thế sẽ chẳng ai tin vào nhận xét tiêu cực đó. 

X. Hãy trau dồi khả năng khôi hài của bạn. Tiếng cười là khoảng cách ngắn nhất giữa hai người. 

XI. Đừng quá tìm để được người an ủi, nhưng hãy tìm an ủi người. Đừng quá tìm để được người hiểu biết, nhưng hãy tìm hiểu biết người. Đừng quá tìm để được người yêu mến,            nhưng hãy tìm yêu mến người.

 Tôi cầu nguyện rằng tất cả chúng ta giữ những điều này trong trí khôn và giữ các nguyên lý Kinh Thánh đàng sau chúng, nhờ đó chúng ta có thể liên tục cải thiện các mối quan hệ cá nhân của chúng ta với tha nhân, ở bất cứ đâu chúng ta có mặt.

Minh Kiên chuyển ngữ từ Internet

VỀ MỤC LỤC
CHÚA SỐNG LẠI THẬT

 

IN STEP WITH GOD LM Vincent Travers, OP

 HƯƠNG VĨNH chuyển ngữ

Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả.

Họ càng đang phân vân thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất thì hai người kia nói: ‘Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại. (Lc 24, 1-7) 

***

Một tập tục dễ thương ở trong Giáo Hội Đông phương đã diễn tả một cách đơn sơ và tuyệt đẹp sứ điệp Phục Sinh. Khi hai người gặp nhau vào Chúa Nhật Phục Sinh, một người chào: “Chúa đã sống lại”, và người kia đáp lại: “Chúa sống lại thật.” 

Chúa sống lại thật’ có nghĩa là Chúa Giêsu đang sống, đang khoẻ mạnh và tự do tuần hành trên mặt đất. Ngài đang thong dong trên những xa lộ, núi đồi và sông rạch, trên những công viên và bãi biển, trên những bến xe và phi trường, trong những bệnh xá và nhà tù, trong những tư thất và nơi làm việc của chúng ta.  

Ngài tự do đi đứng trong vũ trụ, không có gì cản trở Ngài được và không có người anh hùng nào như thế cả trong quá khứ lẫn hiện tại và mãi mãi trong tương lai. Chúa Giêsu đang sống giữa thời đại chúng ta. Ngài đang ở trong cuộc sống chúng ta

Bước đi hiên ngang 

Đó là niềm tin của Kitô hữu ngay từ thuở ban sơ của Giáo hội. Ngày nay nếu một đức tin không có gì khác biệt thì không phải là đức tin chút nào. Một người đồng hành với Chúa Phục Sinh trong cuộc sống thì khác với một người mà đối với họ Thiên Chúa chỉ là một danh xưng, một khuôn mặt để thuyết giảng, một bức tượng treo trên tường hay một cây thánh giá đeo nơi cổ ngực.  

Một người Công giáo sống mùa Phục Sinh là một người không bao giờ quên rằng Chúa Phục Sinh là một người bạn luôn đồng hành với họ. Một khi chúng ta bắt đầu cố gắng sống nhãn quan đó thì Phục Sinh phải có một ảnh hưởng cơ bản hơn hết trong cuộc sống chúng ta, nhằm tác động và tô màu cho hết mọi sắc thái đời sống chúng ta.

Vấn đề không còn là chúng ta phải tránh việc lỗi phạm giới răn thứ sáu hay thứ chín, cho dù điều đó quan trọng đến đâu. Đúng hơn, chúng ta phải cố gắng tối đa, để rồi xắn tay áo lên, chúng ta có thể đồng hành với Chúa Phục Sinh.

Khi chúng ta sẵn sàng như thế, chúng ta sẽ hiên ngang lên đường để giải quyết hết mọi vấn nạn một cách đúng đắn như thế. Nói tắt một lời, tất cả ý nghĩa Phục Sinh nằm ở trong những tương quan – tương quan giữa mình với Chúa và tương quan giữa mình với tha nhân.

Sự Phục Sinh đang xảy ra ngày hôm nay

T.S. Eliot trong tác phẩm “Dry Salvages” đã mô tả “đặc điểm thế giới tiến bộ ngày nay là một thế giới mà trong đó người ta có kinh nghiệm nhưng thiếu ý thức”. Giòng chữ đó khiến ngưòi đọc phải suy nghĩ. Chúng ta càng suy tư về những chữ đó của Eliot, chúng ta càng ngạc nhiên và thắc mắc không biết có phải ý nghĩa hai chữ “Phục Sinh” đã xảy ra trong chiều hướng ngược lại hay không?

Chúng ta hiểu rất rõ ý nghĩa Phục Sinh nhưng chúng ta không có chút kinh nghiệm về biến cố Phục Sinh. Suy diễn như thế, chúng ta muốn nói lên điều gì đây? Chúng ta rất quen thuộc với câu chuyện Phục Sinh. Chúng ta đã được dạy dỗ về ý nghĩa Phục Sinh như thế nào. Chúng ta đã thuộc lòng câu chuyện đó. Phục Sinh đã là một phần trong đời sống Kitô hữu chúng ta, bao lâu chúng ta còn tưởng nhớ tới.

Và bởi vì câu chuyện đã quá quen thuộc, nên việc nghĩ tới biến cố Phục Sinh như là một câu chuyện lịch sử thì quá ư dễ dàng, vì đó là điều đã xảy ra trong quá khứ xa xưa rồi. Thật rất khó cho chúng ta để có một chút kinh nghiệm về biến cố Phục Sinh – kinh nghiệm thực sự, sống động và ngay tại đây, nơi mà chúng ta đang sống bây giờ, trong giây phút hiện tại.

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: “Chúa Giêsu giờ đây đang ở đâu trong cuộc sống chúng ta? Có phải Ngài là Đấng đã sống trong quá khứ và giờ đây Ngài đang ngự trị ở trên kia, nơi xa thăm thẳm, ẩn kín ở chốn Thiên đàng cao xanh vời vợi? Có phải đó là nơi Chúa Giêsu chúng ta đang ở không? 

Hay chúng ta nên nghĩ rằng “Ngài đang ở rất gần chúng ta”, còn gần hơn chính hơi thở chúng ta nữa? Chúng ta có liên hệ với Ngài như một người bà con xa xa hay như một kẻ rất thân cận với chúng ta, thân cận còn hơn chính nhịp đập của con tim chúng ta? Chúng ta có tìm thấy Chúa Giêsu trong nhân cách mỗi một người mà chúng ta gặp gỡ không?

Có phải Ngài là Đấng đang cho chúng ta sức mạnh nội tâm để đương đầu với bao khó khăn trong cuộc sống, ngõ hầu trở thành sung mãn hơn thực trạng mà chúng ta đang trải qua bây giờ đây không? Ngài có phải là Đấng mà chúng ta đã tìm gặp trong sự tha thứ được trao đi và nhận lại? Ngài có ở trong niềm vui và tiếng cười của cuộc sống chúng ta không? Ngài có ở trong tiếng rên la và những giòng lệ của chúng ta?

Ngài có ở trong niềm khát vọng của chúng ta để rồi cuộc sống chúng ta trở nên ân cần hơn, lịch sự hơn và dễ mến hơn đối với người khác? Chúa Giêsu Phục Sinh của chúng ta có được tìm thấy trong cách thức mà chúng ta sinh sống, hoạt động, vui đùa và cầu nguyện không? Phục Sinh có trở nên chìa khóa cho toàn bộ cuộc sống chúng ta bây giờ và về sau không?

Đó là những vấn nạn thật lớn lao. Không có vấn nạn nào lớn hơn nữa. Chúng ta đã được lớn lên và được giáo dục trong một mùa Phục Sinh thuộc về quá khứ xa xôi. Chúng ta biết được câu chuyện đó đã xảy ra từ thời xa xưa rồi. Nhưng chúng ta không được giáo dục về mùa Phục Sinh hiện đang xảy ra. Chúng ta đã được giáo dục về ý nghĩa Phục Sinh mà không có chút kinh nghiệm về Phục Sinh.

Phục Sinh ở khắp nơi 

Người ta kể lại câu chuyện sau đây:

Ở sau cửa kiếng của một gian hàng bày bán ảnh tượng, một bức tượng rất lớn phác họa lại biến cố tử nạn trên thập giá đập mạnh vào mắt người qua kẻ lại. Một cụ già dừng chân ngắm xem và một em bé đi ngang qua đó cũng dừng lại để xem. Cụ già muốn trắc nghiệm kiến thức tôn giáo của em bé nên hỏi: “Thật là một bức tượng tuyệt đẹp, nhưng cháu có thể nói cho bác biết về những nhân vật ở trong bức tượng đó không?

Em bé chỉ vào những khuôn mặt khác nhau trong bức tượng và trả lời: “Đây là Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá và kìa là Mẹ Ngài đang đứng cạnh thánh giá. Còn người đàn bà khóc lóc kia là bà Maria Ma-đa-lê-na; bà đang quì gối dưới chân thánh giá. Người đàn ông đứng gần đó là Thánh Gioan. Những người khác còn lại là những binh lính La-Mã. Họ là những kẻ đã giết chết Chúa Giêsu.”

Cụ già rất cảm phục. Cụ gật đầu tán thưởng và bắt đầu dời gót ra đi. Nhưng trước khi tới khúc rẽ, cụ nghe những bước chân chạy đuổi theo. Thì ra đó là em bé đang chạy theo cụ, vừa chạy vừa thở có vẻ khẩn trương lắm. Em nói: “Thưa bác, cháu quên nói với bác một điều quan trọng hơn hết. Đó là Chúa Giêsu đã sống lại vào ngày thứ ba.

Em bé nói đúng. Phục Sinh là biến cố lớn lao nhất. Thỉnh thoảng chúng ta thường nghe nói Thánh Lễ ở khắp nơi. Chúng ta đều biết Thánh lễ từ đâu đến và ý nghĩa của Thánh Lễ như thế nào. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng. Chính mầu nhiệm Phục Sinhchứ không phải Thánh Lễ mới ở khắp nơi. Thánh Lễ chỉ là một sự biểu lộ lớn lao về đức tin chúng ta ở trong mầu nhiệm Phục Sinh.

Quá khó để nắm bắt

Chúng ta hiểu Phục Sinh như thế nào? Phải chăng phần đông chúng ta đã liên kết Phục Sinh với những thứ bánh kẹo đặc biệt bày bán cho mùa Phục Sinh? Chúng ta không chống đối gì về điều đó cả. Những bánh kẹo đó cũng tốt thôi, bao lâu chúng liên kết chúng ta với niềm vui, sự bình an và đời sống mới phát sinh từ mùa Phục Sinh.  

Chúng ta hoàn toàn tán thành những thứ đó bao lâu chúng không lôi cuốn chúng ta tách khỏi điều cơ bản là “Chúa Giêsu đã sống lại thật” và đó là điều vĩ đại hơn hết. Mùa Phục Sinh đích thực không phải là những thứ bánh kẹo đặc biệt dành cho mùa đó, chắc chắn rồi. Chúng ta có thể thưởng thức những thứ đó, không thành vấn đề. Những thứ đó không phải là mối de dọa cho sự bình an trong tâm hồn chúng ta.

Nhưng một Chúa Giêsu đang thong dong đi lại trên trần thế nầy – một Chúa Giêsu đang dong ruổi ở trong tư thất chúng ta, ở nơi làm việc của chúng ta, ở nơi hò hẹn và trong những hành lang chốn quyền quí, ở Wall Street tại Nữu Ước, ở trong những buổi họp quan trọng tại các hội đồng quản trị công tư sở, ở trong những bàn ăn tại các gia đình – đó là một  Chúa Giêsu thiết tưởng đã làm cho chúng ta sợ hãi nhất.  

Chúa Giêsu đó đã làm cho chúng ta khó chịu nhất. Chúa Giêsu đó thật quá khó để nắm bắt. Chúa Giêsu đó không làm cho chúng ta thích thú, vì Ngài quá thân cận với đời sống tiện nghi của chúng ta. Chúng ta muốn Ngài đi khỏi những nơi đó, đi thật xa để chúng ta khỏi bị quấy rầy, bởi vì Ngài không phải là một người thân cận với chúng ta trên căn bản tương giao một đối một.

Mặt khác, nếu Chúa Phục Sinh được thấy ở trong phòng khách hỗn độn của chúng ta như vị khách quí, ở trong những cuộc thảo luận sôi nổi trong các buổi họp của hội đồng quản trị như một vị cố vấn, ở trong tư gia chúng ta như Thiên Chúa của tình yêu để chỉ cho chúng ta đường hướng yêu thương, sự dịu hiền và lòng trắc ẩn, chắc chắn nhãn quan đó đã mang lại sức mạnh và ân sủng khiến cuộc sống chúng ta khoác một bộ mặt khác hẳn và thay đổi toàn bộ lối tiếp cận của chúng ta về cuộc sống và cách sống.

Cơn cám dỗ lớn lao

Vâng, sự hiện diện của Thiên Chúa Phục Sinh phải là ân sủng hết sức ngạc nhiên nhất trong hết mọi ân sủng của Thiên Chúa. Chắc chắn đó là dấu hiệu lớn lao nhất của tình yêu Ngài. Ngay cả Thiên Chúa toàn năng đã không thể ban phát cho chúng ta một tặng phẩm nào lớn lao hơn là chính Con Ngài. Phải chăng chúng ta đã thường không nói: “Điều đáng kể không phải là những gì chúng ta có hay chúng ta đã xuất phát từ đâu ra mà là chúng ta đang tương giao với ai?

Chăc chắn sự thân mật trong những tương giao đã mang lại sự nhức nhối. Cũng thế, đó là sự thân mật mà Chúa mong muốn ở nơi chúng ta một cách say đắm.

Tuy nhiên cơn cám dỗ lớn lao đã trở thành một biệt lệ rất đáng quan ngại trong trường hợp nầy. Đó là cơn cám dỗ cầm giữ Thiên Chúa Phục Sinh ở nơi bước đường cùng, ở một vị trí thật xa xôi, ở một nơi hết sức an toàn. Vì vậy chúng ta cảm thấy thoải mái khi khóa chặt Chúa ở nơi nhà tạm trong thánh đường, khi đi rước Thánh Thể… nhưng không cho Chúa ở ngoài những nơi đó, ở trong thế giới hiện thực của cuộc sống, chẳng khác nào ở bên trong và ở bên ngoài bốn bức tường của giáo đường là hai thế giới riêng biệt.

Chúng ta thích cầm giữ Thiên Chúa Phục Sinh ở trong nhà thờ. Ở đó chúng ta không gặp rắc rối nào đối với Chúa. Nhưng một khi ở bên ngoài thánh đường, chúng ta rơi vào tình trạng chối Chúa. Cơn cám dỗ lúc bấy giờ là mọi chuyện vẫn được tiếp diễn như thường, hầu như Chúa chưa bao giờ sống lại từ trong kẻ chết.

Vậy Chúa Giêsu có thể dễ trở thành một tiện ích cho chúng ta. Ngài là Đấng mà chúng ta tìm tới khi bị nguy cấp, khi bị hỏng cuộc một cách toàn diện. Ngài là Đấng mà chúng ta qui trách hết mọi thất vọng chán chường xảy ra trong cuộc sống chúng ta. Ngài là Đấng mà chúng ta lôi ra khi cần làm phép rửa, phép thêm sức, hay trong những dịp quan hôn tang tế hoặc trong những trường hợp tương tự. Kỳ dư, Ngài trở thành vô nghĩa.

Theo lời của Nietsche trong tác phẩm “Madman”: Chúa Giêsu đã chết mất rồi! Chúa Giêsu đã chết đối với thế giới hiện thực của chúng ta rồi! Vì vậy, Phục Sinh mang ý nghĩa gì đối với chúng ta? Phục Sinh là tất cả hay chỉ có ý nghĩa chút chút hoặc không gì hết? 

Sứ điệp của Phục Sinh là Chúa Giêsu đang sống và thong dong tuần hành trên trần thế, đầy sức sống và đang ban phát sự sống cho những ai dám đồng hành với Ngài. Và đồng hành với Chúa có nghĩa là Ngài sẽ không bao giờ hổ thẹn hay bối rối về bất cứ điều gì chúng ta làm. Ngài không bao giờ buông bỏ chúng ta. Ngài không bao giờ rời xa và bỏ mặc chúng ta, ngay cả khi chúng ta rơi xuống hố sâu tội lỗi.

Thách đố lớn lao

Phục Sinh là một thách đố lớn lao. Đó là Phục Sinh đang xảy ra bây giờ đây. Đó là Chúa Giêsu đang sống trong cuộc sống chúng ta – hiện tại và nơi đây. Đó là linh đạo lớn lao của mầu nhiệm Phục Sinh. Chúng ta rất cần đến linh đạo đó, bởi vì nếu không, chúng ta phải cố vật lộn để làm cho đời sống Kitô hữu mang một ý nghĩa.

Do đó, sự thách đố lớn lao là “nhật tân, cẩu nhật tân, hựu nhật tân” (“mỗi ngày một trở nên mới hơn”), để chứng nghiệm sự hiện hữu sống động của Chúa Giêsu. Không có sự thách đố nào khác ở trên đời nầy – cho dù có ý nghĩa tới đâu – có thể làm cho sự thách đố lớn lao kia thoát ra ngoài con tim và khối óc chúng ta.

Cuối cùng, cuộc sống chúng ta sẽ tiếp diễn đều đặn như trước, duy chỉ khác biệt ở điểm nầy là giờ đây chúng ta vẫn sống như thế đó nhưng với một tinh thần mới. Vì chưng cuộc sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa Phục Sinh thêm vào một chiều kích sâu sắc mới cho mỗi một việc chúng ta làm, mỗi một lời chúng ta nói, mỗi một chữ chúng ta viết, mỗi một hơi hít vào hay thở ra của chúng ta…

VỀ MỤC LỤC
AI TỐT HƠN AI?

 

(Lc 18,9-14)

Gié lúa nặng bông thì trĩu xuống. Ghé lúa lép hạt thì ngẩng lên. Con người cũng có những biểu hiện tương tự như thế. Những người thật sự có tài đức, có năng lực thường ít khi nói về những thành tích của mình. Họ cũng không bao giờ so sánh mình với những người khác, nhất là với những người kém tài năng hơn mình để nâng mình lên. Những người không có thực lực thì ngược lại. Họ ưa khoe khoang về những gì mình có và những gì mình làm được. Tệ hơn, họ có thể khoe khoang ngay cả những cái mà họ không có nữa. Họ cũng thích so sánh mình với người này người nọ. Và khi so sánh, họ luôn luôn tự xếp mình vào vị trí cao nhất. Trong đời sống xã hội có không ít những con người như thế. Và đáng buồn thay, trong đời sống tôn giáo cũng không thiếu hạng người này.

***

Vào thời Chúa Giê-su, các kinh sư và các người Pha-ri-sêu thường bị Chúa Giê-su quở trách nặng lời về tính tự cao tự đại của họ. Trong dụ ngôn “Người Pha-ri-sêu và người thu thuế”, Người dùng ngay hình ảnh một người Pha-ri-sêu hợm hĩnh khoe khoang công trạng của mình trước mặt Thiên Chúa. Ông đáng trách không phải vì những việc tốt ông đã làm, như tự nguyện ăn chay mỗi tuần hai lần và đóng thuế thập phân cho đền thờ, nhưng ông đáng trách vì đã xem những công việc đạo đức này như những chiếc vé mang lại sự công chính cho ông. Qua lời cầu nguyện của ông, người ta thấy rõ ông làm những việc này cốt là để tự biến mình trở nên người công chính chứ không phải để thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ quê hương dân tộc. Ông giữ mình khỏi vướng vào các thói hư tật xấu cốt là để cho người khác thấy ông là người đạo đức tốt lành chứ không như những phường hư đốn đồi bại khác.

Mỗi khi ra đường, chắc hẳn ông đã kiêu hãnh ngẩng cao đầu, với khuôn mặt nghiêm trang đường bệ, với dáng đi chững chạc uy nghi, các hộp kinh thật lớn thắt trên người, các tua áo thật dài thả tung bay. Ông thấy mình thật xứng đáng để cho thiên hạ kính nể. Biết bao kẻ sống bê tha trụy lạc, còn tôi đây vẫn giữ mình trung trinh với Lề Luật. Nếu là ông là người Việt Nam, có thể ông đã cao hứng tự thưởng cho mình hai câu ca dao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Ông thấy mình sao mà đáng thán phục đến thế!

Bước vào đền thờ, ông đứng riêng ra, chọn cho mình một chỗ xứng đáng. Và ông bắt đầu khoe với Thiên Chúa những công trạng của mình. Những công trạng này ông đã kể cho hàng xóm láng giềng nghe không biết bao nhiêu lần rồi. Vả lại, nếu ông không kể thì người ta cũng phải biết đến chúng, bởi mỗi khi ăn chay ông đều ra vẻ thiểu não ảm đạm, còn khi đóng thuế đền thờ thì ông cũng chọn lúc có đông người chứng kiến. Nhưng đối với ông, được người ta thán phục thôi thì chưa đủ. Ông cần được Thiên Chúa chứng giám nữa cơ. Ông là người tốt lành, Chúa phải biết cho ông điều đó!

Đang hăng say khoe mình, ông chợt nghĩ đến người thu thuế đang cúi đầu đứng xó ró ở góc đền thờ. Tiện thể, ông thưa với Chúa: Đấy, Chúa thấy cái tên thu thuế tội lỗi kia không. Con đâu như hắn ta. Con tốt hơn hắn nhiều lắm. Hắn tham lam tiền bạc, gian lận thuế má, chèn ép lận lường. Ôi thôi thì đủ thứ. Con cám ơn Chúa vì con đâu giống như hắn.

Ôi ông Pha-ri-sêu hợm hĩnh tội nghiệp! Ông đâu biết rằng Thiên Chúa chẳng cần đếm xỉa gì tới những lời khoe khoang tự cao tự đại của ông. Người cần tấm lòng chứ không cần hy lễ. Người cần con tim yêu thương chứ không cần trí óc tự phụ. Tâm hồn khiêm cung tự hối của cái tên thu thuế mà ông coi chẳng ra gì kia lại làm đẹp lòng Người nhiều hơn là ông nghĩ đấy!    

***

Tôi tìm thấy mình trong hình ảnh người nào trong dụ ngôn trên đây? Người Pha-ri-sêu hay là người thu thuế. Nếu đã lỡ là người Pha-ri-sêu, tôi đừng ngã lòng, nhưng hãy thành thật hoán cải và trông cậy vào tình thương của Thiên Chúa. Người có thể biến sự dữ trong tôi nên sự lành. Nếu tôi thành tâm thiện chí, Thiên Chúa sẽ đập tan tính kiêu hãnh của tôi và thay vào đó một tâm tình mới. Người sẽ dạy tôi biết sống sao cho đẹp lòng Người. Còn nếu tôi đã là người thu thuế, thì tôi cũng hãy cương quyết làm lại cuộc đời. Thiên Chúa đã yêu thương tha thứ mọi tội lỗi của tôi. Người đã đón nhận tấm lòng tan nát khiêm cung của tôi. Tôi hãy tin tưởng làm lại từ đầu. Với ân sủng của Thiên Chúa, không có sự gì là không thể thực hiện được. Chỉ cần tôi vững tin và phó thác vào Người, rồi Người sẽ dẫn dắt tôi bước đi trên đường nay nẻo chính. Mùa Chay là mùa thuận lợi để canh tân đời sống. Tôi hãy cộng tác với ơn Chúa để đổi mới tâm hồn mình nên công chính như Chúa vẫn mong chờ.

Lạy Chúa Giê-su, con đọc được một câu chuyện trẻ con kể rằng: Có một con diều giấy kia, nhờ trời quang mây tạnh và gió thổi thuận chiều, bay được lên cao trên bầu trời xanh. Nó kiêu hãnh nhìn xuống những con diều thật đang bay lượn phía dưới và tự nhủ: Ôi, lũ chim tầm thường tội nghiệp, chúng mầy chẳng biết thế nào là trời cao lồng lộng, chỉ biết bay lè tè quanh quẩn ở dưới thấp kia! Nó tự hào bốc cao lên nữa. Nào ngờ, gió giật đứt giây, con diều cao ngạo kia bị rơi trở lại mặt đất, rách nát tan tành. Chúa ôi, xin gìn giữ con đừng trở thành con diều giấy cao ngạo ấy. Xin cho con biết sống khiêm nhường tự hạ trước tôn nhan Thiên Chúa và trước mặt anh chị em. Amen ./.

- Trầm Tĩnh Nguyện -

VỀ MỤC LỤC
Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa
 

Những người Pharisêu và nhóm Kinh sư vốn từ lâu đã không ưa gì cách giáo huấn và việc làm của Chúa Giêsu, họ tìm mọi cách để có thể cáo buộc Người. Dịp may hiếm có đã đến, khi Chúa Giêsu trở lại Đền thờ để giảng dạy dân chúng sau một đêm ở trên núi Ôliu. Ngay tại Đền thờ, họ điệu một phụ nữ bị cho là phạm tội ngoại tình tới gặp Chúa Giêsu để xin Người xét xử.  Đây là một chiêu bài rất nham hiểm của bọn Pharisêu và Kinh sư hòng đạt được mục đích khử trừ nhân vật mà họ cho rằng ngày càng ảnh hưởng dân chúng, đe doạ quyền uy của họ. Chúng ta hãy xem Chúa Giêsu hoá giải cái bẫy này như thế nào.

Bẫy đã giăng. Người Pharisêu, Kinh sư và cả đám đông nữa đang hứng thú chờ  xem  Chúa Giêsu và người phụ nữ sập bẫy. Bẫy giăng ra thật cay nghiệt. Người Pharisêu và Kinh sư tin chắc đàng nào Chúa Giêsu cũng bị sập. Lý do là vì tội của người đàn bà này đã rõ ràng, luật Môsê ngàn đời vẫn còn kia ai dám phá đổ. “Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Quả thật khó. Chúa Giêsu bị đặt trước sự quyết định có tính chất sinh tử. Vấn đề đặt ra đối với Chúa Giêsu hay bất cứ ai ở trong hoàn cảnh này là : hy sinh người đàn bà ngoại tình này để cứu lấy Lề luật Môsê hay hy sinh Lề luật để cứu lấy người đàn bà? Hơn nữa đối với Chúa Giêsu vốn là Thầy dạy thì vấn đề đó còn phát sinh những hậu quả khôn lường. Hậu quả đó là gì nếu không phải là nghịch lại với truyền thống của cha ông; tệ hơn, nó còn nghịch lại với chính giáo huấn của Người. Thật thế, nếu Chúa Giêsu chọn đáp án  “hy sinh người đàn bà”, tức là đồng ý ném đá chị, vô hình trung Người tự mâu thuẫn với giáo huấn mà lâu nay Người vẫn hằng rao giảng về một Thiên Chúa đầy yêu thương và tha thứ; còn chọn đáp án “hy sinh Lề luật Môsê”, thì chính Người phải bị  ném đá trước vì dám phá bỏ và đi ngược lại Lề luật.

Trong dáng vẻ của một Thầy dạy, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu chất vấn của Pharisêu và Kinh sư,  Người ngồi xuống rồi dùng tay vẽ trên mặt đất. Chúa Giêsu vẽ gì? Thú vị là nhiều nhà chú giải đã suy nghĩ và đưa ra nhiều cách giải thích cho hành động này của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể thấy cách giải thích của Thánh Hiêrônimô khi cho rằng sở dĩ Chúa Giêsu ngồi xuống dùng tay vẽ trên mặt đất là nhằm liệt kê tội lỗi của những kẻ tố cáo người phụ nữ; còn một số tác giả khác thì lại cho rằng Chúa Giêsu viết lại một câu trong sách Ngôn sứ Giêrêmia : “Lạy Đức Chúa, niềm hy vọng của Israel là Ngài, hết những ai lìa bỏ Ngài sẽ phải xấu hổ, những kẻ quay lưng lại với Ngài sẽ bị bứng khỏi mặt đất, vì họ đã dám lìa bỏ Đứa Chúa là mạch nước trường sinh” (Gr 17, 13). Dù thế nào đi nữa, nếu dựa vào ngữ cảnh của trình thuật Tin mừng,  chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu trước khi đưa ra lời phán quyết cuối cùng cho cặm bẫy mà người Pharisêu và Kinh sư  đưa ra, Người đã dùng quãng thời gian thinh lặng kéo dài đó nhằm cho thấy điều Người sắp nói cực kỳ quan trọng. 

“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Thật trớ trêu và hài hước làm sao! Chỉ một câu nói, Chúa Giêsu đã hoá giải được cạm bẫy và, hơn thế nữa Người đã biến vụ án lẽ ra phải xét xử bị cáo là người phụ nữ trở thành vụ án xét xử những nguyên cáo là các ông Pharisêu và Kinh sư! Mà không hài hước sao được khi chỉ mới đây thôi, những con người tự cho mình là công chính, nấp đằng sau bức tường của Lề luật, lôi người đồng loại của mình, bêu rếu, lên án giữa đám đông thì giờ đây, họ phải đối diện trước lương tâm của mình để phản tỉnh, để tự thú mình có đích thực là người không hề có tội hay không.

Thưa các ông Pharisêu và Kinh sư, có thể các ông qua mắt được dân chúng, có thể các ông cố tình lách Lề luật hoặc ra sức áp dụng triệt để Lề luật cho những người thuộc quyền, nhưng các ông không thể qua mắt được tiếng nói của lương tâm- món quà Thiên Chúa đã ban tặng cho loài người. Hành động mờ ám của các ông có thể người khác không biết nhưng các ông nên biết điều này, mọi hành vi nhất cử nhất động của các ông sẽ không tránh khỏi cái nhìn cũng như sự luận phạt của Thiên Chúa công minh. Lương tâm đã dạy cho các ông bài học thế nào là tội lỗi. Thì ra các ông cũng chẳng hơn gì người phụ nữ mà các ông quyết lên án, quyết ném đá chị cho bằng được. Tội của chị đã rõ và không thể chối cãi. Thế nhưng chị không đến nỗi quá xấu xa, quá hư đốn như các ông vẫn thường nghĩ để rồi kết án. Còn các ông, các ông cũng không phải là người công minh chính trực như các ông vẫn hay dương dương tự đắc, vỗ ngực rêu rao. Hiệu quả của quá trình tự vấn này là gì nếu không phải việc nhận ra mình cũng là kẻ tội lỗi, và vì thế làm sao mình có thể kết án người khác cũng là kẻ tội lỗi như mình.

Cuối cùng của quang cảnh phòng xử án chỉ còn lại Chúa Giêsu và người đàn bà. Chỉ còn một bên là Đấng giàu lòng nhân ái, thương xót và tha thứ và một bên đại diện cho kẻ được xót thương và được thứ tha. “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” Từng ánh mắt, cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu là lòng bao dung và tha thứ. Chúa Giêsu không lên án chị không có nghĩa là Người quá dễ dãi, chấp nhận những lầm lỗi chị đã gây nên. Không. Không bao giờ Người chấp nhận những hành vi tội lỗi của con người. Điều này thật rõ ràng. Chúa Giêsu căn dặn chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa. Bằng lòng bao dung và nhân ái, Chúa Giêsu không chỉ thứ tha tội lỗi mà còn muốn giải thoát, muốn đem đến cho chị ơn cứu rỗi, cho chị cơ hội để đổi mới và làm lại cuộc đời.

Thiên Chúa chúng ta là thế. Đứng trước tội lỗi của con người, Người luôn bao dung và từ ái. Chưa hề thấy ai lỗi lầm chạy đến với Người mà Người chối từ; trái lại, Người luôn rộng vòng tay đón rước họ vào lòng để an ủi, để khích lệ, để thứ tha và để thương yêu.  Lời nói đầy lòng nhân ái và sự cứu rỗi của Chúa Giêsu với người phụ nữ tội lỗi trong Tin mừng hẳn cũng sẽ là lời mà Chúa muốn gửi đến cho mỗi người chúng ta, vấn đề ở chỗ chúng ta có dám đối diện với lỗi lầm, có dám nhận ra con người hèn yếu của mình trong hệ luỵ tội lỗi để chạy đến tựa nương vào lòng Chúa bao dung hay không.

 Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

VỀ MỤC LỤC
GIAI ĐOẠN HẬU CHỦNG VIỆN - 

ĐÀO TẠO VÀ TỰ ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG CỦA CÁC LINH MỤC TƯƠNG LAI

TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM HÔM NAY

Nguyên bản tiếng Anh   Lm. Micae-Phaolô TRẦN MINH HUY

Bản dịch Việt ngữ  Lm. Vincentê Trần Minh Thực, Lm. GB. Nguyễn văn Hào

CHƯƠNG X  (tiếp theo)

GIAI ĐOẠN HẬU CHỦNG VIỆN -

NĂM NĂM ĐẦU TIÊN TRONG SỨ VỤ LINH MỤC: NHỮNG MỐI TƯƠNG QUAN HÀI HOÀ, QUÂN BÌNH VÀ TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC.

C.  Tương Quan Với Thiên Chúa và Sự  Trợ Giúp

     1. Chúa Giêsu Nadarét, Đường Tới Chúa Cha

Nhiệm vụ cốt yếu của đời sống và sứ vụ linh mục là phải trở nên hoàn toàn đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, là con đường dẫn tới Chúa Cha, điểm đến cuối cùng và vĩnh cửu của cuộc lữ hành trần thế của mọi người: “Nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Với tinh thần đức tin, ta cảm thấy và nhận biết sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa ở khắp mọi nơi; đồng thời tiếp tục sống sự hiệp thông thân mật với Chúa Ba Ngôi, được mô tả là Sự Sống, Sự Thật và Tình Yêu trong cả hai tiến trình “hướng nội” và “hướng ngoại” (ad intra – ad extra), bởi vì Chúa muốn chia sẻ sự sung mãn của sự sống, chân lý và tình yêu của Ngài cho mọi người. Nếu linh mục đầy Chúa, ngài sẽ là tông đồ đích thực của việc Tân Phúc Âm hóa, bởi vì không ai có thể cho người khác cái mà mình không có. 444

Trong đời sống độc thân của mình, linh mục cảm nhận sự cô đơn và lắm khi cô đơn thực sự, và đôi khi sự cô đơn đè nặng trên con người của ngài. Sự nghi ngờ, đố kỵ, ghen ghét hay thiếu thông cảm từ phía anh em linh mục đồng nghiệp của ngài (kể cả từ Giám Mục) có thể làm gia trọng nỗi thất vọng và cô đơn.445

Trong trường hợp này, mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu Nagiaret sẽ là phương dược chữa lành tuyệt vời và vạn năng cho ngài: “Ta luôn ở cùng con.” Quả thật, Chúa Giêsu đi trước chúng ta đến cùng Chúa Cha và Ngài mời gọi chúng ta đi theo Ngài.”  Sự cô đơn của linh mục không phải là sự trống rỗng và ngài cũng không cô độc vì Đấng Cứu Thế luôn ở với ngài. Chúa Giêsu cũng vậy, trong những giờ phút bi thảm nhất của cuộc thương khó, Ngài đã cô đơn và bị bỏ rơi, vì Ngài luôn sống hiệp thông mật thiết với Chúa Cha và luôn tìm theo ý Chúa Cha.

Linh mục cũng phải ý thức chia sẻ kinh nghiệm bi thảm của Đức Kitô, Đấng đã mở ra cho ngài những điều bí ẩn thâm sâu nhất của nỗi buồn và niềm vui. Là người môn đệ, linh mục không thể lớn hơn Thầy mình, là Đấng đã tuyển chọn và sai ngài đi được. Trong tình thân mật và ân sủng của Chúa, linh mục sẽ tìm được sức mạnh cần thiết của Thần Khí để đẩy lui những ưu phiền và chiến thắng sự ngã lòng, tin tưởng Chúa Giêsu đang hiện diện: “Lạy Chúa, xin hãy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều” (Lc 24,29).

       2. Thánh Thể, Chúa Giêsu Lương Thực Hiện Diện

Bí Tích Thánh Thể là “Nguồn suối và tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh.”446 Vì thế, Thánh Thể phải là trung tâm điểm đời sống và sứ vụ của linh mục, bởi vì có một mối tương quan rất gẫn gũi giữa việc cử hành Thánh Thể và việc rao giảng Đức Kitô.447 Theo những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm (Lc 22, 14-20) trong bữa Tiệc Ly, khi Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể để linh mục tái hiện và cử hành nhân danh và bằng chính con người Chúa Kitô, đời sống thiêng liêng của linh mục có thể lớn lên dần dần và dẫn đưa ngài tới độ “trở nên và sống như một Kitô Khác trong mọi hoàn cảnh sống của mình.”448 Và “các sinh hoạt của đời sống hàng ngày của ngài sẽ thực sự mang ý nghĩa và chiều kích Thánh Thể.”449

Trước hết, một việc xét mình tốt450 (1 Cr 11,27-29) sẽ giúp linh mục ý thức rằng ngài bất xứng và phải cậy dựa vào sự trợ giúp của Thiên Chúa và cần được Giáo Hội bổ khuyết cho (“Ecclesia supplet”). Điều này giúp ngài sống đầy đủ chiều kích Hội Thánh, trong cộng tác và hiệp thông với mọi thành phần của Hội Thánh, là Thân Thể Đức Kitô.451 Thiên Chúa tỏ lộ mầu nhiệm ý định của Ngài trong phụng vụ Lời Chúa mà linh mục phải biết liên kết với các thực tại của cuộc sống, ngõ hầu được sống và biến đổi bởi chính Lời ấy. Ngài phải công bố Lời Chúa và Thánh Ý Chúa mà ngài đã tin và đang sống. Nhờ đó, tín hữu cũng được thúc đẩy suy gẫm và hành động cách thích đáng, đồng thời được biến đổi và hoán cải.

Chúa Giêsu tự nguyện nộp mình và chấp nhận cái chết. Linh mục cũng nhớ rằng mình đã tự nguyện nhận lấy quà tặng quí giá là chức linh mục, trong niềm hăng say, hạnh phúc và biết ơn. Và hiện nay ngài sẵn sàng thưa “xin vâng” theo thánh ý Chúa, đôi khi chậm rãi, nhưng với ý thức và bình an.

Chúa Giêsu bẻ bánh và chúc phúc cho bánh. Linh mục phải nghĩ rằng Chúa Giêsu cũng cầm lấy ngài và chúc phúc cho ngài, khi Chúa kêu gọi và tuyển chọn ngài giữa nhiều người khác tốt hơn ngài. Linh mục phải tạ ơn Chúa và có lẽ phải hét lên vui mừng và hạnh phúc, vì tình yêu vô điều kiện Chúa dành cho ngài và vì may mắn của ngài. Ước gì linh mục không bao giờ sợ bị cầm lấy và chúc phúc, bởi Chúa và bởi đoàn chiên được trao phó cho ngài chăm sóc mục vụ, kể cả qua những gánh nặng, những khó khăn trong đời sống và sứ vụ linh mục của mình.452

Chúa Giêsu bẻ bánh trao cho các môn đệ ăn: Để luôn trung thành giữ lời cam kết với Chúa và với Hội Thánh, đôi khi linh mục cảm thấy đời sống và con tim bị bẻ ra vì hiểu lầm và đau khổ, vì sự cô đơn và những chiến đấu nội tâm chống lại những ước muốn nhân loại và các cơn cám dỗ: thân xác ngài trở nên một thân xác Thánh Thể (bị bẻ ra và trao cho người ta ăn) như thân xác Chúa Giêsu vậy. Nhưng ngài hiểu ý nghĩa của đời sống bị bẻ ra vì Thiên Chúa và vì tha nhân. Như tấm bánh bị bẻ ra, ngài phải được trao ban và bị ăn bởi Dân Chúa, đoàn chiên của ngài. Ý thức rằng ngài không dám tự nộp mình cho đến chết như Chúa Giêsu, ngài sẵn sàng hiến tặng thời giờ, sức khỏe, ước muốn, hạnh phúc, niềm vui, cả những đau đớn và buồn phiền …. Tất cả những thứ đó cũng là cuộc sống và là chính con người của ngài.

Máu Chúa Giêsu đổ ra vì mọi người. Máu các thánh tử đạo đổ ra vì Chúa và vì Nước Trời chỉ có một lần thôi. Máu của linh mục đổ ra cách này hay cách khác, mỗi ngày, từng giọt một, qua trách nhiệm và bổn phận của mình. Như Thánh Phaolô, mỗi ngày, ngài hoàn tất nơi thân xác mình cuộc khổ nạn của Đức Kitô vì phần rỗi nhân loại. Bánh và rượu dâng lên sẽ được sức mạnh của Chúa biến thành Mình và Máu Chúa Kitô. Nếu linh mục biết dâng chính mình, những cảm nghĩ và tình yêu, những vấn đề, những băn khoăn lo lắng và hạnh phúc …. thì sức mạnh của Chúa cũng sẽ biến đổi chúng thành những gì tốt đẹp hơn. Đặc biệt, nếu ngài dâng những khuyết điểm và tội lỗi, Chúa sẽ thứ tha và thánh hoá ngài, bởi vì chẳng có tội gì quá nặng đến đỗi Chúa không thể tha thứ được!

Trong việc cử hành này, linh mục cũng được mời gọi để sống và làm chứng cho sự hiệp nhất của Hội Thánh. Sự hiệp nhất này là nguồn mạch và bằng chứng hữu hiệu cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.453

Cuối cùng, nhờ việc cử hành thánh lễ mỗi ngày, linh mục sẽ “hiểu hơn sức mạnh biến đổi của Bí tích Thánh Thể và tìm thấy nơi mầu nhiệm này sự can đảm và nguồn sức mạnh đi theo Chúa Giêsu và phục vụ Ngài nơi tha nhân.”454 Ngài sẽ kín múc dồi dào nguồn sức mạnh này từ Bí tích Thánh Thể, được cử hành trong thánh lễ mỗi ngày và được thờ phượng nơi Nhà Chầu mỗi khi đến viếng Thánh Thể,455 như chính Chúa Giêsu mời gọi “hãy đến với Ta, hỡi những ai đang vất vả và gánh nặng, Ta sẽ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28).

Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ nạp lại năng lượng và tăng thêm nhiệt huyết tông đồ cho linh mục, bằng việc tiếp tục kích hoạt ngày sống và đổ đầy ngài với niềm hy vọng vững chắc.456 “Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ thường hằng của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu đỡ nâng hành trình của chúng ta tiến về hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Đây là thứ tình yêu vượt thắng trái tim con người.” Đó cũng là lý do tại sao Đức Gioan Phaolô II đã mở ra “Năm Thánh Thể” với ước mong rằng Hội Thánh “khởi đầu lại từ Chúa Kitô.”457 Ngài chia sẻ với cảm xúc sâu xa chứng tá đức tin của chính ngài nơi Bí Tích Thánh Thể như là phương tiện đồng hành và tăng sức mạnh cho chúng ta.458

      3.  Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ của Linh Mục

Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ hướng dẫn chúng ta tới Chúa Giêsu, Đấng đưa chúng ta đến với Chúa Cha.460 Mẹ chỉ cho chúng ta con đường hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, bởi vì mẹ là người phụ nữ được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài với tư cách là người đồng tham dự vào những biến cố tột đỉnh trong lịch sử cứu độ.

Mẹ cũng được kêu cầu như Mẹ của Hội Thánh và Mẹ của linh mục theo một đường lối đặc biệt, khi trên thập giá, vào lúc tột đỉnh của sứ mạng cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã trao phó Mẹ mình cho Gioan và ký thác Gioan cho Mẹ (Ga 19, 26-27): “Chúng ta cũng hãy đón nhận Đức Maria như Mẹ vào trong nhà nội tâm của chức linh mục của chúng ta.”461 Được sự che chở và hướng dẫn từ mẫu của Mẹ nâng đỡ và tăng sức mạnh, linh mục có thể nhìn thấy mọi mối tương quan và các giai đoạn đời sống và sứ vụ linh mục của mình, bằng đôi mắt mới, bằng trái tim và trí não mới, và luôn bước đi trên con đường thánh thiện.462

Linh mục cần tăng cường lòng sùng kính Đức Mẹ. Sự hiện diện từ mẫu của Mẹ luôn là sự nâng đỡ cho ngài. Trái tim Đức Maria, vừa của người nữ trinh vừa của người mẹ, đã luôn theo sát Đức Giêsu Con Mẹ, bây giờ vẫn tiếp tục đồng hành cùng linh mục, một Kitô khác.

Ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ, Đức Gioan Phaolô II đã trao phó mỗi linh mục cho Đức Mẹ và mong muốn rằng mọi linh mục đều trao phó chính mình cho Đức Mẹ và hướng về Mẹ với một tình yêu và niềm hy vọng đặc biệt. Bằng kinh nghiệm của mình, Ngài đã viết lên điều ấy trong bức thư gửi các Linh mục Novo Incipiente Nostro.463 Ngài nguyện ước: “Nguyện xin Đức Maria, Đấng mà tôi mời gọi anh em hãy luôn nuôi dưỡng lòng sùng kính con thảo với Người, đồng hành với anh em và che chở anh em liên lĩ.”464 Đức Benedictô XVI mới đây thôi thúc chúng ta: “Tôi khuyên anh em hãy vào trường Đức Maria để học biết yêu thương và bước theo Đức Kitô trên hết mọi sự.”465

Thật vậy, trong trường của Đức Maria, chúng ta học để đặt Đức Kitô vào chỗ nhất trong đời sống chúng ta và học để hướng tư tưởng và hành động của chúng ta theo Ngài: “Người bảo gì thì anh em hãy làm theo.” Đúng vậy, nơi trường của Mẹ, chúng ta học biết thinh lặng, biết lắng nghe và phục vụ, đó là những điểm mấu chốt của đời sống người môn đệ. Đức Maria sẽ giúp chúng ta tiến sâu vào mối tương quan nhân vị và đích thực hơn với Chúa Giêsu để ta yêu mến Ngài và làm cho Ngài được yêu mến. Vâng, qua việc chiêm ngắm và lắng nghe Đức Maria, chúng ta sẽ hiểu hơn sức mạnh biến đổi của Bí tích Thánh Thể và tìm lại được niềm an ủi và nguồn sức mạnh để bước theo Chúa Kitô và phục vụ Ngài trong anh chị em.466

Liên quan đến sự độc thân linh mục đang “bị thế giới của thời đại chúng ta nghi ngờ giá trị và cho là không thể giữ được,”467 Đức Phaolô VI cậy dựa vào lòng sùng kính nồng nhiệt và tỏa sáng nơi Trinh Nữ Maria. Lòng đạo đức này của linh mục sẽ mang ngài “đến nguồn suối của đời sống thiêng liêng đích thực mà chỉ nó mới là nền tảng vững chắc cho  giữ luật độc thân.”468

Vâng, “sự chọn lựa độc thân linh mục của chúng ta cần được đặt nơi trái tim Mẹ. Chúng ta phải chạy đến cùng Mẹ, khi chúng ta gặp khó khăn trên con đường đã chọn.”469 Là trinh nữ và là mẹ, Đức Maria hiểu rất rõ linh mục cần gì nơi phụ nữ, giáo dân cũng như nữ tu, và Mẹ biết làm thế nào để giữ cho linh mục được trung thành với lời cam kết của mình. Linh mục sẽ tìm được ẩn náu an toàn nơi Đức Maria, người Mẹ trên trời của ngài. Mẹ sẽ giúp linh mục thăng hoa trái tim và con mắt, để nhìn thấy Mẹ ở trong và qua những người con gái của Thiên Chúa xung quanh ngài. Linh mục kêu xin Mẹ bảo vệ và biến đổi những ai thân thiết với ngài, như Thánh Phaolô đã khuyên nhủ (x. 1Tm 5,2).

“Linh mục sẽ không thiếu sự chở che, nâng đỡ của Đức Trinh Nữ, Mẹ của Chúa Giêsu.”470 Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, Chúa Thánh Thần sẽ gìn giữ sự độc thân trong trắng của linh mục như Ngài đã làm cho Đức Maria và Thánh Giuse.471 Vì thế, cuối bức Tông Thư của ngài, Đức Phaolô VI đã khuyên nhủ: “Anh em hãy hướng con mắt và trái tim, với niềm tín thác được đổi mới và lòng cậy trông con thảo, về Mẹ rất yêu dấu của Chúa Giêsu và Mẹ của Hội Thánh, và hãy kêu xin sự cầu bầu vạn năng và hiền mẫu của Mẹ cho chức linh mục Công giáo.”472

Có một việc thật đơn giản nhưng rất quan trọng của lòng sùng kính Đức Maria là lần chuỗi Mân côi,473 một bản Phúc Âm tóm tắt. Các linh mục trẻ của Việt Nam nên giữ sống động thói quen lần chuỗi Mân côi của các cha già và hãy khuyến khích giáo dân của mình, trẻ cũng như già, lần chuỗi một mình khi đi đường tới trường học, tới công sở, hoặc lần chuỗi chung với người khác, theo nhóm hay hội đoàn trong giáo xứ, đặc biệt là lần chuỗi tại nhà, trong gia đình, vì chuỗi mân côi sẽ đốt nóng và làm mạnh thêm mối giây ràng buộc giữa các thành viên trong gia đình. Lời cầu nguyện này sẽ giúp chúng ta được mạnh mẽ hơn trong đức tin, bền vững hơn trong đức ái, được niềm vui và kiên trì trong niềm hy vọng.474

Theo gương mẫu và theo kinh nghiệm của Đức Gioan Phaolô II, mỗi linh mục nên tận hiến bản thân cho Đức Maria với lòng tin tưởng yêu mến, tìm trú ẩn nơi sự che chở của Mẹ, biết rằng trong lúc khó khăn mình cũng không cô đơn, vì Mẹ sẽ nâng đỡ ủi an bằng sự dịu dàng từ mẫu của Mẹ. Chính Đức Gioan Phaolô II đã tận hiến cho Đức Maria “Totus Tuus - con là tất cả của Mẹ”475 và ngài chia sẻ: “Suốt cuộc đời tôi, tôi đã cảm nghiệm rõ sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ của Chúa chúng ta. Đức Maria đồng hành với tôi mọi ngày để giúp tôi chu toàn sứ vụ là người kế vị Thánh Phêrô.”476 Tác giả tập sách này đã mất mẹ sớm từ thời niên thiếu cũng kinh nghiệm được sự bảo vệ và hướng dẫn đầy yêu thương của Đức Mẹ Lavang477 cho đời linh mục của mình, và người ước mong rằng tất cả các bạn linh mục đều có được kinh nghiệm kết quả diễm phúc như vậy.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
Có phải bịnh trầm cảm là bịnh tâm thần hay không?

Câu Chuyện Thầy Lang

Lời Giơí Thiệu:

“Giết nhau chẳng cái lưu cầu,

Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa”(1)

Ðó là lời cay đắng than thân trách phận của người cung nữ bị đấng quân vương phế bỏ mà trở nên héo hon, chết dần mòn trong buồn rầu, sầu tủi...

 Trong cộng đồng người Việt mình, buồn rầu trầm cảm là bệnh khá phổ biến, nhưng lại ít được nhận ra và điều trị. Tại sao?

Xin mời quý thân hữu đọc bài viết rất đầy đủ về bệnh Trầm Cảm sau đây của bác sĩ Thái Minh Trung, một thầy thuốc có huấn luyện chuyên môn về bệnh Tâm Thần. Bác sĩ Trung đang hành nghề tai tiểu bang California và cũng đã viết nhiều bài giá trị, dễ hiểu về lãnh vực tâm linh, tình cảm.

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức

 * * *

Những con số thống kê.

Các nghiên cứu của Hội Y Tế Thế giới (World Health Organization) tiên đoán rằng tới năm 2020 thì bịnh trầm cảm sẽ trở thành căn bịnh thứ nhì dẫn đến khiêm khuyết (disability) trên toàn thế giới và căn bịnh thứ nhứt dẫn đến khiêm khuyết ở những nước đang phát triển.

Bịnh trầm cảm là một bịnh rất phổ biến. Cứ 100 người có đến 10 người bị bịnh này và xác suất bị bịnh này trong đời người (lifetime prevalence) có thể đến 15%. Hiện thời chưa có những thống kê bịnh trầm cảm ở người Việt Nam. Có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng cuộc sống gây căng thẳng tinh thần hay những biến cố khủng hoảng trong cuộc sống là nguyên nhân gây bịnh trầm cảm.

Theo kinh nghiệm lâm sàng của tác giả thì bịnh trầm cảm xảy ra ở người Việt Nam có xác suất cao hơn người Mỹ bản xứ. Lý do là đa số người Việt Nam sống ở hải ngoại là người tị nạn và họ đã trải qua rất nhiều biến cố khủng hoảng trong đời sống. Những khủng hoảng đó là chiến tranh Việt Nam, tù cải tạo, thuyền nhân vượt biển, nhiều khó khăn đáp ứng với văn hóa nước ngoài và đời sống kinh tế không tốt đẹp.

Ta có thể ước lượng rằng xác suất của thế hệ thứ nhứt, sanh trưởng tại Việt Nam và di tản định cư ở ngoại quốc, bị trầm cảm có thể gấp 2 hay 3 lần người bản xứ. Ðó là thế hệ đã trải qua rất nhiều biến cố khủng hoảng như đã kể phần trên. Một số người vì mưu sinh sống còn đã vượt qua được những triệu chứng trầm cảm lần đầu tiên. Nhưng vài năm sau đó, hệ thống thần kinh bị suy nhược sẵn, chỉ với một biến cố nhẹ hơn trong cuộc sống (thí dụ như xích mích vợ chồng hoặc con cái, rời nhà sống riêng) cũng có thể gây ra bịnh trầm cảm nặng.

Thế hệ thứ 1.5, sinh tại Việt Nam di tản và định cư theo cha mẹ ở nước ngoài lúc còn nhỏ, cũng có những căng thẳng riêng của họ. Ðó là những mâu thuẫn về nguồn gốc của mình. Họ không hẳn là người Việt cũng không hẳn là người bản xứ hoàn toàn nên có nhiều khó khăn trong việc đáp ứng kết hợp văn hóa bản xứ với văn hóa của gia đình. Nếu theo phong tục của bạn thì về nhà phụ huynh không vừa lòng, còn theo phong tục gia đình thì khó đáp ứng được với bạn  bè cùng trang lứa.

Những dấu hiệu của bịnh trầm cảm.

Người Á Châu ít chịu công nhận những triệu chứng của bịnh trầm cảm vì những lý do văn hóa. Hiện thời có rất nhiều sự hiểu lầm về bịnh trầm cảm. Xã hội tin rằng những người bị trầm cảm là những người lười biếng với ý chí bị suy kém. Người ta còn tin rằng bịnh trầm cảm là một bịnh tưởng tượng vì bác sĩ gia đình không tìm được nguyên do thể chất của những triệu chứng đau nhức của bịnh trầm cảm. Một số khác nghĩ rằng bịnh nhân trầm cảm có “tánh xấu” vì họ hay bực bội cau có gây gổ với mọi người.

Bịnh trầm cảm không giống như bịnh cảm, ta ngủ một đêm sáng thức dậy thấy mệt mỏi và nghẹt mũi. Bịnh trầm cảm xảy ra rất chậm cho nên đôi lúc bịnh nhân không nhìn ra được những dấu hiệu của nó vì những triệu chứng trầm cảm tăng từ từ. Ðến lúc bịnh trầm cảm trở thành nặng, người bịnh không đi làm được hay không sinh hoạt gia đình bình thường thì mới tìm bác sĩ để trị bịnh.

Vì những lý do trên mà những bịnh nhân Á châu khi khai những triệu chứng trầm cảm, họ ít khi chịu khai những triệu chứng tâm lý mà liệt khai những triệu chứng thể xác, đánh lạc hướng chẩn đoán của bác sĩ gia đình. Theo cách chẩn đoán của khoa tâm thần thì hai triệu chứng chính để chẩn đoán trầm cảm là: buồn chán (depression) và mất sự thích thú trong đời sống (anhedonia). Những triệu chứng này ít thấy những bịnh nhân Á châu than phiền. Nếu có than phiền về sự mất thích thú thì họ hay ghép vào đó một nguyên nhân chính đáng như cơ thể bị đau nhức kinh niên chẳng hạn. Vì thế một số đông bịnh nhân Á châu không được chẩn đoán và trị liệu đúng mức.

Những triệu chứng trầm cảm thường được thấy ở những bịnh nhân Á châu là những cơn đau nhức bất thường, giấc ngủ bị thay đổi (mất ngủ hay ngủ li bì), người hay mệt kinh niên, xáo trộn trong khẩu vị (ít ăn, xuống cân), hay quên, không chăm chú được, người hay “tự ái” dễ bị bực bội (irritability). Ngay cả triệu chứng bực bội cũng được che đậy qua những lý do như những căng thẳng ở sở làm, con cái không vâng lời, người hôn phối không đối xử tốt với mình. Chính vì thế mà khi mới nghe bịnh nhân kể lể, bác sĩ gia đình ít khi nghĩ đến bịnh trầm cảm. Thật ra những căng thẳng trong cuộc sống ai cũng có nhưng đối với người bị trầm cảm căng thẳng được cảm nhận nhiều hơn bình thường.

Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng khoảng 60% bịnh nhân trầm cảm bị đau nhức trong người. Gần 1/3 (30%) bịnh nhân đau kinh niên bị bịnh trầm cảm. Ở nước Mỹ, hàng năm có khoảng 400 triệu lần khám bác sĩ (clinic visits) thì gần phân nửa là vì đau nhức. 90% những bịnh nhân có những triệu chứng tâm lý được chẩn đoán đúng mức. Nhưng chỉ có 50% bịnh nhân trầm cảm có triệu chứng thể xác chỉ được bác sĩ gia đình chẩn đoán và nhận ra bịnh trầm cảm. Nếu những bịnh nhân này có kèm theo những bịnh về thể xác thì xác xuất bịnh trầm cảm nhận ra chỉ có 20% mà thôi (2).

Theo cách chẩn đoán của khoa tâm thần thì chỉ cần 2 tuần lễ có những triệu chứng trầm cảm kể trên thường xuyên ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và xã hội là hội đủ điều kiện của bịnh trầm cảm. Tuy nhiên trên thực tế, bịnh nhân chờ đợi rất lâu, cả tháng, có khi cả năm trời, mới chịu đi khám bác sĩ. Thời gian chần chờ chữa trị lâu hơn ở bịnh nhân Á châu vì họ rất sợ bị gán cho cái bịnh tâm thần (mental illness). Khi chần chờ lâu thì hệ thống thần kinh bị suy thoái nhiều gây rắc rối cho việc chữa trị. Ngoài ra khi bịnh trầm cảm trở nên nặng thì bịnh nhân thường có những ý nghĩ chán đời, không muốn sống và thậm chí có ý định tự tử.

Bịnh trầm cảm có cơ sở thần kinh học (neurology)

Các nghiên cứu chụp hình não mới nhất cho thấy rằng bịnh trầm cảm không phải là một bịnh “tưởng tượng” vì nó gây ra rất nhiều biến đổi trong sự hoạt động của não bộ. Những cơ cấu thần kinh (brain structures)  và mạch thần kinh (neural circuits) điều hòa những triệu chứng căng thẳng thể xác được dùng chung với bịnh trầm cảm. Chính vì thế mà khi bị trầm cảm, bịnh nhân có nhiều triệu chứng thể xác lẫn tâm lý. Cái khác biệt là bịnh nhân Á châu loại ra những triệu chứng tâm lý, chỉ khai báo với bác sĩ những triệu chứng thể xác.

Những nghiên cứu chụp hình bằng PET scan hay MRI cho thấy rằng khi bị trầm cảm, hệ thống limbic (limbic system) hoạt động quá độ từ đó sinh ra những triệu chứng căng thẳng tinh thần như cau có, lo âu phiền não, mất ngủ... Hệ thống cortex (cortical system) hoạt động yếu, sinh ra những triệu chứng như thiếu sự chăm chú, mất khả năng suy xét, mất sự nhậy bén lanh lẹ... Khi bịnh trầm cảm được điều trị thì những mất quân bình kể trên được đổi chiều và quân bình trở lại.

Khi bị trầm cảm lâu ngày, sự căng thẳng thường xuyên sẽ tạo ra quá nhiều kích thích tố  (glucocorticoids) làm giảm những chất nuôi dưỡng tế bào thần kinh (Brain derived nerve growth factor-BDNF). Khi glucocorticoids tăng và BDNF giảm thì sẽ làm hư hỏng một số tế bào thần kinh. Nhóm tế bào thần kinh kết cấu hippocampus rất nhậy cảm với glucocorticoids. Khi tế bào chết dần, cấu trúc này bị thoái hóa (atrophy). Hippocampus rất quan trọng trong việc thành lập trí nhớ ngắn hạn. Vì thế khi bị stress hay trầm cảm lâu ngày không trị liệu thì trí nhớ sẽ bị ảnh hưởng xấu. Khi lạm dụng xì ke ma túy cũng có tác động tương tự lên hippocampus.

Nguy cơ của bịnh trầm cảm không được điều trị đúng mức

Có rất nhiều nguy cơ xảy ra khi bịnh trầm cảm không được điều trị đúng mức. Nguy cơ ở cá nhân thì như đã kể ở phần trên là khi bị căng thẳng (stress) lâu ngày thì sẽ làm hư hỏng nhiều phần của não bộ. Mới đầu ta chỉ thấy xáo trộn trong sự phân phối hoạt động của các vùng trong não bộ, như vùng limbic hoạt động quá độ còn vùng cortex hoạt động kém hơn. Ðể lâu,  sự mất quân bình này dẫn đến xáo trộn về chất thần kinh giao nối (neurotransmitter imbalance) và sau đó dẫn đến xáo trộn về nội tiết (endocrine imbalance). Khi nội tiết bị xáo trộn thì hiện nay chưa có cách trị hữu hiệu vì khoa học chưa phát minh ra thuốc trị nội tiết mất quân bình.

Bịnh trầm cảm ảnh hưởng xấu đến các bịnh thể xác khác một cách gián tiếp và trực tiếp. Căng thẳng của chứng trầm cảm làm bịnh nhân cảm thấy đau nhức nhiều hơn người không bị trầm cảm. Khi uống thuốc thì họ bị phản ứng phụ nhiều hơn vì sự căng thẳng làm giảm sự chịu đựng của cơ thể, do đó mà các bịnh khác không được trị đúng mức. Khi bị trầm cảm nặng, bịnh nhân bị chán chường nên bỏ bê việc uống thuốc thường xuyên, không tập thể dục và ăn uống bất thường làm các bịnh như tiểu dường hay cao huyết áp nặng hơn. Ngoài ra trầm cảm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống miễn nhiễm (immune system), các bịnh tim mạch, đường ruột, hô hấp bằng cách làm triệu chứng của các bịnh này nặng hơn.

Ở nam giới, bịnh trầm cảm không được chữa trị sẽ dễ dàng dẫn đến lạm dụng rượu, hút thuốc và xì ke ma túy. Sự nghiện ngập hút xách sẽ làm bịnh trầm cảm nặng hơn. Nó sẽ dẫn đến sự sụp đổ gia đình rất nhanh. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự bạo hành gia đình tăng lên với người bị trầm cảm. Nguy cơ tử vong khi tự tử rất cao ở nam giới bị trầm cảm. Nguy cơ này cao hơn nếu bịnh nhân trầm cảm hút xách và mất tự chủ. Ngoài ra còn có nguy cơ làm hại sinh mạng kẻ khác, giết con cái hay người hôn phối của mình trong lúc say rượu và tuyệt vọng.

Về gia đình thì người bịnh trầm cảm bỏ bê sinh hoạt gia đình, thích ở trong phòng một mình, hay gây gổ với người thân, họ bị tự ái quá độ, tình cảm mất quân bình, dễ la lối khóc lóc vì thế mà quan hệ gia đình rất căng thẳng. Một số người mất sự thích thú tình dục, không thích chưng diện, không chăm sóc người phối ngẫu, làm quan hệ hôn nhân bị lung lay. Nếu là phụ huynh thì sự chăm sóc con cái bị suy giảm, khiến người phối ngẫu phải làm việc nhiều hơn, đó cũng là một nguyên nhân đưa đến sự xung đột trong gia đình. Phụ huynh bị trầm cảm không dằn được cơn bực bội hay la mắng thậm chí đánh đập con cái rồi sau đó họ bị mặc cảm tội lỗi dày vò. Nguy cơ ly dị ở người bị trầm cảm cao hơn bình thường.

Người bịnh trầm cảm không đáp ứng được với những nhu cầu của công việc. Họ dễ bị căng thẳng khi bị đồng nghiệp hay chủ sở phê bình. Họ làm việc chậm hơn người thường vì thiếu chăm chú và hay quên. Họ hay mất ngủ và sáng vào sở uống cà phê thật nhiều. Lạm dụng cà phê sẽ làm cơ thể căng thẳng hơn và sau đó họ sẽ lâm vào trường hợp mệt mỏi và hay bị lo âu quá độ. Lâu ngày tinh thần sẽ sa sút nhiều hơn và những căn bịnh thể xác như nhức mỏi, nhức đầu sẽ càng ngày càng gia tăng. Ðến mức độ nào đó họ sẽ mất khả năng làm việc hữu hiệu và bị đuổi sở. Khi mất việc làm thì bịnh trầm cảm sẽ qua giai đoạn nặng, có nguy cơ tự tử.

Nói tóm lại những cảnh địa ngục trần gian sẽ tránh được khi bịnh trầm cảm được chẩn đoán và điều trị đúng mức.

Cách phòng ngừa và trị liệu bịnh trầm cảm

Bịnh trầm cảm không phải lúc nào cũng phải được trị bằng thuốc men. Ta có thể thay đổi cuộc sống và lối suy suy nghĩ để tránh bịnh trầm cảm trở thành nặng. Một số người khi thay đổi cách suy nghĩ và lối sống thì căng thẳng (stress) giảm đáng kể, từ đó mà các triệu chứng trầm cảm bớt đi và có thể hết. Thí dụ như giảm công việc lại, làm ít giờ hơn, có nhiều thời gian sinh hoạt với gia đình, giành nhiều thời giờ đối thoại với người phối ngẫu để san bằng cái hố hiểu lầm. Nếu là sinh viên thì giảm số giờ học (units), tăng thời gian nghỉ ngơi và ăn ngủ điều độ. Tránh lạm dụng cà phê hay rượu. Tập thể dục thể thao cũng có khả năng làm giảm trầm cảm. Tập thể thao thường xuyên sẽ làm tăng chất BDNF, giúp tế bào thần kinh sống lâu hơn.

Tìm hiểu tôn giáo để học hỏi những cách sống cho tâm hồn thư thảng cũng là một cách phòng ngừa trầm cảm. Nhiều nghiên cứu cho thấy tâm tĩnh lặng (mindfulness) rất hữu hiệu để trị lo âu và trầm cảm. Khi suy nghĩ lo âu nhiều quá thì ta tạo căng thẳng cho hệ  thần kinh. Khi hệ thần kinh làm việc quá độ thì sẽ gây ra những triệu chứng lo âu và mất trí nhớ. Tâm tĩnh lặng tạo ra những thay đổi tốt cho não bộ và được thể hiện qua sơ đồ điện não (EEG) và chụp hình PET scan. Căng thẳng kinh niên sẽ gây ra bịnh trầm cảm. Tinh thần cạnh tranh, hơn thua tạo ra rất nhiều căng thẳng và không thích hợp với bịnh trầm cảm. Nếu người có di truyền trầm cảm, căng thẳng sẽ làm trầm cảm phát triển sớm hơn. Những pháp môn tôn giáo như niệm Phật, cầu nguyện Chúa, hay thiền là những cách gián tiếp hay trực tiếp dẫn đến tâm tĩnh lặng.

Tâm lý học có những phương pháp tâm lý trị liệu như tâm lý trị liệu nâng đỡ (supportive therapy), tâm lý trị liệu nhận thức và hành động (cognitive behavioral therapy) để giúp người bị trầm cảm vượt qua những cơn khủng hoảng tinh thần và giúp họ hội nhập vào gia đình và xã hội. Tâm lý trị liệu dùng tâm tĩnh lặng (mindful therapy) rất thành công ở  bịnh nhân bị cả ung thư lẫn trầm cảm. Trong bịnh trầm cảm nặng, tâm lý trị liệu phối hợp với dược phẩm công hiệu hơn là trị thuốc  một mình.

Nói về cách trị liệu bằng thuốc thì hiện nay nhóm thuốc làm tăng Serotonin (Selective Serotonin Reuptake Inhibitor- SSRI) rất phổ biến trong việc trị liệu bịnh trầm cảm. Nhóm thuốc này gồm có Fluoxetine (Prozac), Paroxetine (Paxil), Sertraline (Zoloft), Citalopram (Celexa) và Escitalopram (Lexapro). Những loại thuốc trên có thể đều có công dụng bằng nhau nhưng khác về phản ứng phụ. Tùy theo triệu của chứng của bịnh nhân mà bác sĩ chọn lựa thuốc thích hợp. Ngoài ra còn có nhóm thuốc ảnh hưởng Serotonin và Norepinephrine (Serotonin-Norepinephrine reuptake inhibitor- SNRI). Nhóm thuốc này gồm có Venlafaxine (Effexor) và Duloxetine (Cymbalta). Còn nhiều thuốc nữa mà không tiện liệt kê ra hết. Càng ngày càng có nhiều loại thuốc mới, nên việc trị liệu bịnh trầm cảm tương đối hữu hiệu hơn trước đây.

Những điều cần quan tâm khi trị bịnh trầm cảm bằng thuốc

Nhiều nghiên cứu thuốc trầm cảm ở trẻ em cho thấy rằng loại thuốc này có thể tăng ý muốn tự vận, nhưng chưa có trường hợp hoàn tất tự tử (suicide completion). Số lượng rủi ro này rất nhỏ, tuy nhiên FDA vẫn ra thông báo để cho các bác sĩ đề phòng. Các nhà nghiên cứu cho rằng một số trẻ có ý muốn tự vận bị chẩn đoán lầm. Những em này có thể bị bịnh tình cảm lưỡng cực (bipolar affective disorder), khi uống thuốc trầm cảm, trong người thấy bứt rứt khó chịu hay bực bội nhiều hơn mà không tự chủ được. Các giai đoạn mà bác sĩ cần theo dõi bịnh nhân kỹ là lúc khởi đầu uống thuốc và khi điều chỉnh thuốc với liều cao hơn. Nếu bịnh nhân uống thuốc trầm cảm mà cảm thấy khó chịu, có những cơn vui quá độ (mania), cảm thấy năng lực tăng thật nhiều, không cần ăn và ngủ, thì nên dừng thuốc và thông báo bác sĩ tức thời. Nói chung, thuốc trị trầm cảm rất an toàn.

Tóm lại

Bịnh trầm cảm không phải là một bịnh tưởng tượng như người ta thường nghĩ. Người bịnh trầm cảm không thể dùng ý chí để vượt qua căn bịnh này mà cần phải được trị liệu đúng cách. Bịnh này cũng không chỉ là bịnh tâm thần vì nó có nhiều triệu chứng về thể xác. Bịnh trầm cảm có cơ sở thần kinh và sinh lý học (Neurobiology). Nếu không trị đúng mức, bịnh này sẽ gây tai hại cho cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Bác sĩ Thái Minh Trung, M.D.

California-Hoa Kỳ

(1)-Cung Oán Ngâm Khúc- Nguyễn Gia Thiều

(2)-Kroenke K. Underdetection and inadequate treatment of physical symptoms of depression: the real barriers to remission. Program and abstracts of the American Psychiatric Association 2004 Annual Meeting; May 1-6, 2004; New York, NY. Symposium 19A.

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************