Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 19, Chúa Nhật 16.7.2006


 CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH                MỤC LỤC

PHẢI CHÚ TRỌNG ĐẾN VIỆC HUẤN LUYỆN TU ĐỨC                                                             Vatican 2

ĐỨC MARIA, NGƯỜI NỮ THÁNH THỂ MẪU GƯƠNG CỦA CÁC LINH MỤC                             GSVN

CHÚA THÁNH THẦN DẠY CHÚNG TA YÊU MẾN CHÚA KITÔ               + Gm. Phaolô Bùi Văn Đọc

LINH MỤC & GIÁO DÂN CÓ GÌ KHÁC BIỆT KHÔNG?                                     Lm. Ansgar Phạm Tĩnh

Ý NGHĨA ĐỘC THÂN CÔNG GIÁO                                                    Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt 

THÂN EM NHƯ TẤM LỤA ÐÀO                                                                      Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP.

HÃY ĐI VÀ ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA                                                                                Lm. Lê Văn Quảng

SỰ CẦN THIẾT CỦA GIÁO DỤC NHÂN BẢN                                                             Lm. Vũ Xuân Hạnh

Tình yêu thương                                                                                                             Lm. Vũ Xuân Huyên

Tha thứ cho ai ?                                                             dịch giả Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

Ðức giáo hoàng Benedictô 16. và Cuộc gặp gỡ gia đình thế giới             Lm. Nguyễn Ngọc Long

Ðiều trị ung thư                                                                                                             Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


Sắc lệnh về Đào Tạo Linh Mục OPTATAM TOTIUS

 

lV. PHẢI CHÚ TRỌNG ĐẾN VIỆC HUẤN LUYỆN TU ĐỨC.

Việc huấn luyện tu đức phải liên kết chặt chẽ với việc trau dồi học vấn và huấn luyện mục vụ, nhất là phải được thực hiện nhờ sự trợ giúp của cha Linh Hướng sao cho các chủng sinh tập biết luôn sông kết hợp mật thiết với Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô Con Người và trong Chúa Thánh Thần. Vì do phép Truyền Chức Thánh mà họ phải là hiện thân của Chúa Kitô Linh Mục, lại nữa bởi cùng chia xẻ một cuộc sống của Người, nên họ phải quen sống kết hợp với Người như bạn hữu. Họ phải sống Mầu Nhiệm Phục Sinh của Người thế nào để biết khai sáng Mầu nhiệm ấy cho đoàn chiên sẽ được giao phó. Phải dạy họ biết tìm gặp Chúa Kitô trong việc trung thành suy gẫm Lời Chúa, trong việc thông hiệp tích cực các Mầu Nhiệm chí thánh của Giáo Hội, nhất là Bí tích Thánh Thể và kinh nguyện thần vụ. Cũng phải dạy cho họ biết tìm gặp Chúa Kitô trong Đức Giám Mục, Đấng sai họ đi, và trong những người mà họ được sai đến, nhất là trong các kẻ nghèo khó, hèn mọn, đau yếu, tội lỗi và cả những kẻ vô tín ngưỡng. Họ phải lấy lòng tin cậy như con thảo mà tôn kính và yêu mến Đức Trinh nữ Rất Thánh Maria, Đấng mà Chúa Kitô khi hấp hối trên Thánh giá đã trối ban làm mẹ người môn đệ.

Phải hết sức cố gắng cổ võ các việc đạo đức đã được tập quán đáng kính của Giáo Hội khuyên làm, nhưng phải lưu tâm đừng để việc huấn luyện tu đức chỉ hệ tại những việc đạo đức ầy hay chỉ là một nỗ lực tạo ra thứ đạo đức tình cảm. Các chủng sinh phải học sống theo Phúc âm, đứng vững trong đức Tin, Cậy, Mến để trong việc trau dồi các nhân đức ấy, họ đắc thủ cho bản thân một tinh thần cầu nguyện, họ củng cố bảo vệ ơn thiên triệu của họ, họ kiện cường các nhân đức khác và lớn lên trong nhiệt tâm chinh phục mọi người về cho Chúa Kitô.

Các chủng sinh phải thấm nhuần Mầu Nhiệm Giáo Hội đã được Thánh Công Đồng này đặc biệt khai sáng, đề có thể làm chứng sự hiệp nhất đang thu hút mọi ngựời về với Chúa Kitô bằng cách thảo hiếu và khiêm tốn hiệp nhất với vị Đại Diện Chúa Kitô, và một khi đã lãnh nhận chức Linh mục, họ luôn liên kết với Giám Mục của mình như những cộng tác viên tín cẩn, và tiếp tay cộng tác với các anh em Linh Mục khác. Phải dạy cho họ biết mở rộng tầm hồn tham gia cuộc sống của toàn thể Giáo Hội như lời Thánh Augustinô: “Kẻ nào càng yêu mến Giáo Hội Chúa Kitô càng có Chúa Thánh Thần”. Chủng sinh phải thấu hiểu thật rõ ràng là cuộc đời họ không phải để thống trị hay được danh giá, nhưng để hết mình phụng sự Thiên Chúa và chu toàn bổn phận mục vụ. Phải đặc biệt lo lắng tập sống đức vâng lời linh mục, đời sống khó nghèo và tinh thần xả kỷ sao cho họ quen mau mắn từ bỏ ngay cả những gì được phép nhưng nên giống Chúa Kitô chịu đóng đinh.

Phải cho các chủng sinh biết về gánh nặng họ phải đảm đương và không ng giấu diếm họ một khó khăn nào của đời Linh mục; tuy nhiên, đừng vì đó mà làm cho họ hầu như chỉ nhìn thấy khía cạnh nguy hiểm trong gánh nặng mai ngày, trái lại, tốt hơn phải huấn luyện cho họ biết dùng chính hoạt động mục vụ của họ để kiên cường đời sống tu đức cho thật vững mạnh.

Các chủng sinh theo truyền thống đáng kính mà sống bậc độc thân linh mục đúng với qui luật thánh thiện bền bỉ của lễ chế mình, phải được cẩn thận hướng dẫn sống bậc sông ấy, và một khi khước từ đời hôn nhân vì Nước Trời (x. Mt 19, 20), họ kết hợp với Chúa bằng một tình yêu không san sẻ phù hợp mật thiết với Giao ước mới, họ làm chứng cho sự sống lại đời sau (x. Lc 20, 36) và thâu lượm được một trợ lực thích hợp nhất để luôn mãi thi hành đức ái hoàn hảo, nhờ đó, họ có thể trỏ nên mọi sự cho mọi người trong chức vụ Linh mục. Họ cần thâm tín rằng:  bậc sống ấy đáng hân hoan đón nhận không phải chỉ như một mệnh Iệnh do Luật, nhưng như là một ân huệ quý giá của Thiên Chúa mà họ khiêm tốn cầu xin, và phải mau mắn đáp ứng với tự do và quảng đại, nhờ ơn Chúạ Thánh Thần thúc đẩy và giúp đỡ.

Các chủng sinh phải hiểu biết đúng mức về những bổn phận và phẩm giá của hôn nhân công giáo, biểu tượng tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. (x. Eph. 5, 22-33); đàng khác, họ cũng phải thẩu hiểu nét ưu việt của đức trinh khiết dâng hiến cho Chúa Kitô, để vì thế tận hiến trọn hồn xác cho Chúa bằng một quyết định đã được cân nhắc chín chằn và đại lượng.

Phải cho họ biết những hiểm nguy đang đe dọa đức khiết tịnh của họ, nhất là trong xã hội hiện thời; với những trợ lực thích ứng của Thiên Chúa và loài người, họ phải biết dung nạp sự từ khước đời sống hôn nhân, sao cho cuộc đời và công việc của họ không những không bị thiệt thòi gì do bậc độc thân gây ra, nhưng hơn thế nữa, họ làm chủ được hồn xác, phát triển được sự trưởng thành, và đạt được hạnh phúc Phúc âm cách toàn hảo hơn.

Các tiêu chuẩn giáo dục Kitô giáo, phải được nghiêm chỉnh tuân hành đồng thời phải sử dụng các phát minh mới mẻ của khoa tâm lý lành mạnh và khoa sư phạm để bổ túc cách thích đáng.  Vì thế, nhờ nền giáo dục khéo tổ chức cũng phải nhằm huấn luyện cho các chủng sinh đạt được mức trưởng thành nhân bản khả đáng, nhất là mức trưởng thành đã đựợc kiểm nghiệm trong một đức tính cương nghị, trong khả năng quyết định chín chắn, và một óc phê phán xác đáng về con người và về các biến cố. Các chủng sinh phải tập cho quen điều hòa thích hợp cá tính mình, họ phải được huấn luyện cho có tinh thần quả cảm, và nói chung, phải biết quý chuộng những đức tính mà người đời thường quý chuộng và không thể thiếu nơi các thừa tác viên của Chúá Kitô, thí dụ như lòng thành thực, chuyên lo giữ đức công bình, đức tín trung, cư xử lịch thiệp, khiêm tốn và bác ái trong ngôn từ.

Không những phải coi kỷ luật trong đời sống Chủng Viện như một trợ lực vững chãi của đời sống cộng đoàn và bác ái, mà hơn nữa, còn như một thành phần thiết yếu trong tất cả công cuộc huấn luyện để đạt được tinh thần tự chủ, phát triển được sự trưởng thành vững chãi về nhân cách, rèn luyện được những tư cách khác giúp ích rất nhiều cho hoạt động của Giáo Hội được quy củ và kết quả. Nhưng, phải áp dụng kỷ luật ấy sao cho các chủng sinh tự thâm tâm sẵn sàng chấp nhận quyền hành của Bề Trên và thâm tín, vì lương tâm (x. Rm 13, 5) và vì những lý do siêu nhìên. Phải áp dụng những tiêu chuẩn kỷ luật ấy tùy theo từng lứa tuổi, để trong khi tập sống tự lập dần dần, các chủng sinh biềt sử dụng tự do một cách khôn ngoan, hành động một cách tự phát, nhiệt thành và quen hợp tác đối với anh em đồng nghiệp cũng như với giáo dân.

Một khi được thấm nhuấn lòng hâm mộ đạo đức, sự thinh lặng và mối bận tâm giúp đỡ lẫn nhau, tất cả cuộc sống trong chủng viện phải được tổ chức thế nào để các chủng sinh như bắt đầu tập sự sống đời Linh mục mai ngày.

Để cho việc huấn luyện tu đức có căn bản vững chắc hơn, và để các chủng sinh quyết chí theo đuổi ơn thiên triệu với sự chấp nhận đã cân nhắc chín chắn, các Giám Mục có bổn phận ấn định một thời gian thích hợp cho việc huấn luyện tu đức sâu rộng hơn. Các ngài phải xét coi, nếu thuận tiện, thì gián đoạn việc học trong một thời gian hoặc tổ chức kỳ thực tập mục vụ thích ứng để trắc nghiệm các ứng sinh Linh Mục cách đầy đủ hơn. Các Giám Mục cũng phải tùy theo hoàn cảnh từng miền mà quy định nâng cao mức tuổi chịu chức Thánh do luật chung hiện thời ấn định, cũng như quyết định có nên cho các chủng sinh, sau khi mãn ban Thần Học, thi hành chức vụ Phó Tế trong một thời gian thích hợp, trước khi được thụ phong Linh Mục.

Còn tiếp

VỀ MỤC LỤC

 ĐỨC MARIA, NGƯỜI NỮ THÁNH THỂ MẪU GƯƠNG CỦA CÁC LINH MỤC

       

Trong kinh cầu Đức Bà, chúng ta thấy Giáo hội đã dùng  :

- Nhiều tước vị khác nhau để ca tụng Mẹ, chẳng hạn như : Rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, Đức Mẹ Chúa Kitô, Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa, Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế…

- Nhiều hình ảnh khác nhau để ngợi khen Mẹ, chẳng hạn như : Đức Bà như hoa hồng mầu nhiệm vậy, Đức bà như lầu đài Đavit vậy, Đức bà như tháp ngà báu vậy, Đức Bà như đền vàng vậy, Đức bà như hòm bia Thiên Chúa vậy…

- Và cũng rất nhiều mẫu gương để tung hô Mẹ : Nữ Vương các Thánh Tổ tông, Nữ vương các Thánh Tiên tri, Nữ Vương các Thánh Tông đồ, Nữ Vương các Thánh Tử vì đạo, Nữ Vương các Thánh Hiển tu, Nữ Vương các Thánh Đồng trinh…

Tuy nhiên trong thông điệp “Ecclesia de Eucharistia”, (Giáo hội từ Thánh Thể), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dành cho Mẹ một danh hiệu khá đặc biệt. Ngài gọi Mẹ là Người Nữ Thánh Thể.

Vậy giữa Mẹ Maria và Thánh Thể có mối dây liên hệ với nhau như thế nào ? Và Người Nữ Thánh Thể ấy có phải là một mẫu gương cho chúng ta nói chung và cho các Linh mục nói riêng, để noi theo hay không ?

Đó là những điều chúng ta cùng nhau tìm hiểu và chia sẻ hôm nay.

I- ĐỨC MARIA, NGƯỜI NỮ THÁNH THỂ: SỰ HIỆN DIỆN VÀ THÁI ĐỘ NỘI TÂM CỦA MẸ

Nếu chỉ nhìn thoáng qua, chúng ta thấy Phúc Âm chẳng hề đề cập tới vấn đề này. Và trong bài tường thuật về việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể vào buổi chiều ngày thứ năm tuần thánh, các tác giả sách Tin Mừng cũng đã không nói gì đến vai trò Mẹ. Thế nhưng, Đức Thánh Cha đã xác quyết :

“Nếu chúng ta muốn khám phá lại trong tất cả sự phong phú của Bí Tích Thánh Thể, mối liên hệ thâm sâu nối kết Giáo Hội và Bí Tích Thánh Thể, chúng ta không thể nào quên Đức Maria, là Mẹ và mẫu gương của Giáo hội…Thực vậy, Đức Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến Bí Tích cực thánh nầy, vì giữa Mẹ và bí tích này có một mối liên hệ sâu xa.” (GHTTT 53).

Sở dĩ Đức Thánh Cha gọi Mẹ là Người Nữ Thánh Thể vì những lý do sau đây :

        1- Sự hiện diện của Mẹ :

Ngay sau khi Chúa Giêsu về trời, Mẹ đã hiện diện giữa các Tông Đồ để cùng với các ông cầu nguyện và cử hành nghi thức Bẻ Bánh :

“Ai cũng biết là Mẹ đã có mặt với các Tông Đồ, hiệp nhất “cùng một lòng trong lời cầu nguyện” (x.Cv 1,14) trong cộng đoàn tiên khởi được qui tụ sau khi Chúa lên trời, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chắc chắn, không thể thiếu vắng sự hiện diện của Mẹ trong những cử hành Thánh Thể giữa các tín hữu của thế hệ đầu tiên rất chuyên cần “trong nghi lễ bẻ bánh.” (Cv 2,42). (GHTTT 53).

        2- Thái độ nội tâm của Mẹ :

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, đó chính là thái độ nội tâm của Mẹ. Mẹ đã sống đức tin Thánh Thể của mình ngay cả trước khi Bí tích này được thiết lập. Thái độ nội tâm này được biểu lộ ở mọi nơi, trong mọi lúc và qua mọi hoàn cảnh để  rồi suốt dọc cuộc đời, Mẹ xứng đáng mang danh hiệu là Người Nữ Thánh Thể.

Với biến cố Truyền tin :

Qua lời “Xin vâng”, Mẹ đã dâng hiến cõi lòng của mình cho Ngôi Lời nhập thể và tin rằng Người Con mình đang cưu mang chính là Con Thiên Chúa. Và Người Con ấy sau này sẽ thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể :

“Theo một nghĩa nào đó, Đức Maria đã sử dụng đức tin Thánh Thể của mình ngay trước khi Bí Tích Thánh Thể được thiết lập, bởi vì Mẹ đã hiến dâng cung lòng trinh vẹn của Mẹ để Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể…Lúc truyền tin, Đức Maria đã thụ thai Con Thiên Chúa trong chính thực tại thể lý thân xác và máu huyết, thực hiện trước trong Mẹ, những gì được thực hiện một cách bí tích, trong một mức độ nào đó, nơi mọi tín hữu được lãnh nhận dưới hình bánh rượu, Mình và Máu Chúa.” (GHTTT 55).

Như vậy có một sự liên hệ rất thâm sâu giữa lời “Xin Vâng” của Mẹ trong hoạt cảnh truyền tin với tiếng “Amen” chúng ta thưa lên khi đón nhận Mình Thánh Chúa :

“Chúa đã đòi hỏi Đức Maria phải tin rằng Đấng mà Mẹ thụ thai “nhờ hoạt động của Thánh Thần” là “Con Thiên Chúa” (Lc 1, 30-35). Tiếp nối đức tin của Đức Maria, Chúa cũng đòi hỏi chúng ta tin rằng, trong Mầu Nhiệm Thánh Thể, cũng Chúa Giêsu đó, Con Thiên Chúa và Con của Đức Maria, hiện diện cách trọn vẹn gồm cả nhân tính lẫn thần tính của Ngài dưới hình bánh và rượu.” (GHTTT 55).

Với biến cố thăm viếng :

Sau khi đã có Chúa trong cõi lòng của mình, Mẹ đã vội vã đem Chúa đến cho người khác bằng cuộc hành trình viếng thăm bà chị họ là Isave. Lời chào kính của bà Isave : “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em,”  (Lc 1,45), cho chúng ta thấy trong mầu nhiệm Nhập Thể, Mẹ đã đi trước đức tin Thánh Thể của Giáo hội.

“Lúc đi viếng (bà Isave), Mẹ đã mang trong cung lòng Ngôi Lời làm người, Mẹ trở nên một “nhà tạm” một cách nào đó – “nhà tạm” đầu tiên trong lịch sử  - trong đó Con Thiên Chúa, chưa thấy được với mắt loài người, được bà Isave tôn thờ, như thể “chiếu tỏa” ánh sáng của Ngài qua ánh mắt và tiếng nói của Đức Maria.” (GHTTT 55).

Và đặc biệt qua lời kinh “Magnificat”, Giáo hội đã mặc lấy tinh thần của Mẹ, để được kết hiệp hoàn toàn với Đức Kitô và hy tế của Ngài. Như thế, chúng ta có thể đọc lời kinh tuyệt vời này trong chiều hướng Thánh Thể.

Thực vậy, nếu Thánh Thể trước hết là một lời ngợi khen và cảm tạ, thì lời kinh này cũng chính là “thái độ Thánh Thể” của Mẹ :

“Khi Đức Maria thốt lên : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa và lòng trí tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi”, Chúa Giêsu đang ở trong cung lòng của Mẹ. Mẹ ngợi khen Chúa Cha “thay cho” Chúa Giêsu, nhưng Mẹ cũng ngợi khen Chúa Cha “trong” Chúa Giêsu và “cùng với” Chúa Giêsu. Đó chính là “thái độ Thánh Thể” đích thực.” (GHTTT 58).

Qua lời kinh này, Mẹ không phải chỉ nhắc đến những việc lạ lùng Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ, như đã được phán hứa với các tổ phụ, mà còn hướng đến khía cạnh quang lâm của Thánh Thể:

 “Mỗi khi Con Thiên Chúa xuất hiện cho chúng ta trong sự “nghèo nàn” của những dấu chỉ bí tích, bánh và rượu, hạt giống của lịch sử mới, trong đó những kẻ quyền thế bị “lật đổ khỏi ngai vàng” và những người hèn mọn được “nâng cao” (x. Lc 1,52) đã được gieo trong thế gian. Đức Maria hát lên “trời mới” và “đất mới”, chúng được thực hiện trước trong Bí Tích Thánh Thể, và theo một nghĩa nào đó, “dự định về chúng”  đã được sắp đặt.” (GHTTT 58).

Nếu lời kinh “Magnificat” diễn tả đường lối thiêng liêng của Mẹ, thì cũng sẽ là một linh đạo giúp chúng ta sống mầu nhiệm Thánh Thể, để rồi cũng như Mẹ, toàn bộ cuộc sống chúng ta sẽ trở nên một lời ngợi khen và cảm tạ.

Với biến cố giáng sinh :

Mẹ đã xác tín Người Con do Mẹ sinh ra, Hài Nhi nằm trong máng cỏ, chính là Con Thiên Chúa :

“Và cái nhìn say đắm của Đức Maria, chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô vừa mới sinh ra và bồng ẵm Ngài trong vòng tay, phải chăng là mẫu gương tình yêu khôn sánh gợi hứng cho ta mỗi lần ta rước Chúa?” (GHTTT 55).

Hơn thế nữa, sau mỗi biến cố xảy ra, các Phúc Âm đều ghi nhận :

“Còn Maria, thì hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,19).

Đây cũng chính là thái độ chúng ta phải có mỗi khi đến với Thánh Thể, nhất là trong những việc tôn sùng ngoài Thánh lễ.

Với biến cố dâng Chúa trong đền thờ :

Trong suốt cả cuộc đời, Mẹ đã lấy chiều kích hy tế của Bí tích Thánh thể làm của mình. Chẳng hạn như khi dâng Chúa trong đền thánh, Mẹ đã nghe cụ già Simêon loan báo rằng Trẻ này sẽ là một “dấu hiệu chia rẽ” và rồi một “lưỡi gươm” sẽ đâm thâu qua trái tim Mẹ :

“Như thế bi kịch của Người Con chịu đóng đinh đã được tiên báo, và trong cách thế nào đó, cảnh “stabat Mater” (Mẹ đứng đó) của Đức Trinh Nữ dưới chân Thánh Giá, đã được hình dung trước.” (GHTTT 56).

Đối với Mẹ, mỗi ngày là một “chuẩn bị lên đỉnh đồi Canvê”, và như vậy :

“Đức Maria đã sống một thứ “Thánh Thể đã có trước” nào đó, đó là một cách “hiệp lễ thiêng liêng” bằng ước muốn và hiến dâng. “Thánh Thể đã có trước” này sẽ được hoàn tất bằng sự hiệp nhất với Con Ngài trong cuộc khổ nạn. Điều đó sẽ được diễn đạt, sau Phục Sinh, qua sự tham dự của Mẹ vào việc cử hành Thánh Thể mà các tông đồ chủ sự để tưởng niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa.” (GHTTT 56).

Với biến cố tiệc cưới trại Cana :

Mẹ sẽ nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta sống trọn vẹn niềm phó thác vào Chúa. Thực vậy, khi nghe đọc lệnh truyền của Chúa : “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy,” (Lc 22,19)  trong khi cử hành Thánh thể,  chúng ta đón nhận cùng một lúc lời Mẹ mời gọi chúng ta vâng phục Chúa không chút do dự :

“Hãy làm những gì Ngài bảo.” (Ga 2,5).

Và như vậy, Mẹ cũng  muốn nói với chúng ta :

“Đừng do dự, hãy tin vào những lời của Con Mẹ, Ngài có thể biến nước thành rượu ngon, Ngài cũng có thể biến bánh và rượu trở nên Thịt và Máu Ngài, thông truyền cho các tín hữu, trong mầu nhiệm này, việc tưởng nhớ sống động cuộc Vượt Qua của Ngài để trở nên “bánh sự sống.” (GHTTT 54).

Với biến cố thiết lập Bí tích Thánh Thể :

Mặc dù không có mặt trong lúc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, nhưng Mẹ luôn hiện diện với các Tông Đồ khi cử hành nghi thức Bẻ Bánh. Vì thế, khi nghe từ miệng các Tông Đồ những lời trong bữa Tiệc ly : “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con,” (Lc 22,19), chắc hẳn Mẹ phải xác tín rằng thân mình được dâng lên làm lễ tế và được biểu thị bằng dấu chỉ bí tích, cũng là thân mình của Đấng mà Mẹ đã cưu mang trong cung lòng. Hơn nữa, đối với Mẹ :

“Nhận lấy Bí Tích Thánh Thể như là đón nhận một lần nữa trong cung lòng Mẹ quả tim đã đồng nhịp với quả tim của Mẹ và như sống lại những gì Mẹ đã đích thân cảm nghiệm dưới chân Thập Giá.” (GHTTT 56).

Với biến cố Thập giá :

Nếu Thập giá là đỉnh cao cuộc đời Chúa Giêsu, thì đối với Mẹ cũng vậy, giây phút quan trọng nhất chính là giây phút Mẹ đứng dưới chân cây Thập giá, kết hiệp những đau khổ của Mẹ với hy tế của Chúa Giêsu, để trở thành Đấng Đồng Công Cứu Chuộc nhân loại :

“Như thế Đức Trinh Nữ cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên Thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Mẹ đã đứng ở đó (Ga 19,25). Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra.” (GH 58).

Những gì Đức Kitô đã thực hiện trong cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, thì ngày hôm nay đều hiện diện trong Thánh lễ, tưởng niệm hy tế trên đỉnh đồi Canvê. Và như vậy, trong Thánh lễ Mẹ cũng nắm giữ vai trò mà ngày xưa Mẹ đã nắm giữ khi đứng dưới chân cây Thập giá.

Với tất cả những biến cố kể trên, Đức Thánh Cha thật có lý khi tuyên xưng Mẹ là Người Nữ Thánh Thể.

II- MẸ MARIA, MẪU GƯƠNG CHO CÁC LINH MỤC

Những gì ngày xưa Chúa Giêsu đã hoàn tất đối với Mẹ, thì  hôm nay Ngài cũng hoàn tất cho chúng ta. Thực vậy, nếu ngày xưa Ngài đã trao phó người môn đệ yêu dấu là thánh Gioan cho Mẹ, thì hôm nay trong người môn đệ ấy, Ngài cũng trao phó mỗi người chúng ta cho Mẹ : “Này là con bà!” Cũng thế, Ngài sẽ nói với mỗi người chúng ta : “Này là mẹ con.” (Ga 19,26-27).

Hơn ai hết, các Linh mục cần phải noi gương thánh Gioan, đó là đưa Mẹ về nhà. Điều ấy có nghĩa là chúng ta phải cố gắng để trở nên giống Đức Kitô, bằng cách học với Mẹ và để cho Mẹ hướng dẫn chúng ta. Hay nói cách khác Mẹ chính là mẫu gương tuyệt vời cho các Linh mục noi theo và bắt chước, đặc biệt trong phạm vi Bí tích Thánh Thể, bởi vì như Đức Thánh Cha đã viết :

“Nếu Giáo Hội và Bí Tích Thánh Thể làm thành một cặp song đôi không thể tách rời, thì giữa Đức Maria và Bí Tích Thánh Thể cũng vậy. Chính vì thế việc kính nhớ Đức Maria trong cử hành Bí Tích Thánh Thể được thi hành đồng loạt, từ thời xa xưa trong các Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương.” (GHTTT 57).

Vậy chúng ta sẽ học nơi Mẹ những gì ? Tôi chỉ xin đưa ra một vài điểm chính yếu để chúng ta cùng nhau suy nghĩ và bắt chước :

        1- THÁI ĐỘ SUY NIỆM

Thực vậy, thái độ suy niệm là một thái độ chính yếu và nổi bật trong cuộc sống thầm lặng của Mẹ.

Sau khi nghe các mục đồng kể lại những điều được nói về Hài Nhi, thì Mẹ “hằng ghi  nhớ những kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,19).

Sau khi tìm thấy Chúa trong đền thờ và chẳng hiểu gì về những lời Chúa nói, Thánh Giuse, Mẹ Maria cũng như con trẻ Giêsu đều trở về Nagiarét. Và thánh Luca đã ghi nhận : “

Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2,50).

Chúng ta cũng có thể nói được rằng sau mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời, Mẹ đều ghi nhớ và suy gẫm trong lòng.

Đây cũng chính là thái độ các Linh mục phải có trước Thánh Thể. Thực vậy, chúng ta không phải chỉ tôn thờ Thánh Thể trong Thánh lễ, mà còn phải tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ :

“Việc tôn sùng Thánh Thể ngoài thánh lễ mang một giá trị vô song trong đời sống Giáo Hội. Việc tôn sùng được phối hợp chặt chẽ với việc cử hành Hy tế Thánh Thể.” (GHTTT 25).

Các Linh mục có bổn phận không những phải khuyến khích mà còn phải làm gương cho mọi người. Thái độ thinh lặng để suy gẫm hay chiêm niệm chiếm một chỗ đứng thật quan trọng trong việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ :

“Trò chuyện thân mật với Ngài, và nghiêng mình vào lòng Ngài như môn đệ yêu dấu (Ga 13,25), xúc động trước tình yêu vô biên của trái tim Ngài là một điều thiện hảo. Quả thật vào thời đại chúng ta, Kitô giáo phải trổi vượt nhất là trong “ nghệ thuật cầu nguyện”, làm sao ta không cảm thấy lại có nhu cầu mới được ở lại lâu giờ, trò chuyện thiêng liêng, tôn thờ im lặng, trong thái độ yêu thương, trước mặt Chúa Kitô hiện diện trong bí tích thánh ?” (GHTTT 22).

Công đồng cũng khuyên nhủ :

“Phải dạy họ biết tìm gặp Đức Kitô trong việc trung thành suy gẫm Lời Chúa, trong việc thông hiệp tích cực các mầu nhiệm chí thánh của Giáo hội, nhất là bí tích Thánh thể và kinh nguyện thần vụ ?” (ĐT 8).

Như Mẹ, chúng ta cũng hãy biết thinh lặng để suy gẫm, để chiêm niệm trước Thánh Thể Chúa.

      2- CỬ HÀNH THÁNH LỄ HẰNG NGÀY

Ngay từ những tháng ngày đầu tiên khi Giáo hội vừa mới được khai sinh, Mẹ luôn có mặt cùng các Tông Đồ để cầu nguyện và cử hành nghi thức Bẻ Bánh như sách Công vụ Tông Đồ đã ghi nhận. Sự hiện diện của Mẹ phải là một mẫu gương đáng cho các Linh mục noi theo trong việc cử hành Thánh lễ.

Thực vậy, hiện nay một số Linh mục đã không cử hành Thánh lễ trong những ngày nghỉ của mình. Các Linh mục này cho rằng trong những ngày nghỉ thì mình cũng giống như một người giáo dân, chỉ buộc phải tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật mà thôi.

Quan niệm trên là không đúng với chủ trương của Hội Thánh, bởi vì Giáo luật đã qui định :

“Các Linh mục luôn nhớ rằng công trình cứu chuộc được liên tục thực hiện trong mầu nhiệm Hiến tế Thánh Thể, nên các ngài phải năng cử hành; hơn nữa, các ngài được khẩn khoản kêu mời cử hành hằng ngày, việc cử hành này mặc dầu không thể có các tín hữu hiện diện, vẫn là hành động của Đức Kitô và Giáo hội; cử hành như vậy là các Linh mục chu toàn nghĩa vụ của mìnnh.” (GL 903).

Đức Thánh Cha cũng đã lặp lại đường lối trên khi viết :

“Vì thế, người ta hiểu được tầm quan trọng cho đời sống thiêng liêng của Linh mục,  cũng như cho lợi ích của Giáo Hội và thế giới, của việc  thực thi lời khuyên của Công Đồng là cử hành Bí Tích Thánh Thể hằng ngày, “dù việc cử hành không thể có giáo dân  hiện diện , vẫn là hành động của Chúa Kitô và Giáo Hội.” (GHTTT 31).

      3- SỐNG TINH THẦN HY TẾ

Trong suốt cả cuộc đời, Mẹ đã mang lấy chiều kích hy tế của Bí tích Thánh Thể làm của mình. Mỗi ngày đối với Mẹ là một chuẩn bị tiến lên đỉnh đồi Canvê. Mẹ đã sống một thứ “Thánh Thể đã có trước” nào đó, Mẹ đã “hiệp lễ thiêng liêng” bằng ước  muốn và hiến dâng. “Thánh lễ đã có trước” này sẽ được hoàn tất khi Mẹ đứng dưới chân cây Thập giá, kết hiệp những đớn đau của mình vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô. (GHTTT 56).

Vì thế, noi gương Mẹ chúng ta cũng phải chấp nhận những hy sinh gian khổ trong cuộc sống vì lòng yêu mến Chúa, bởi đó chính là cây Thập giá đời thường Chúa muốn chúng ta vác lấy để bước theo Ngài.

Đồng thời hãy kết hiệp những hy sinh gian khổ ấy với hy tế  trên bàn thờ mà dâng lên Chúa, nhờ đó biến cuộc sống chúng ta trở thành một Thánh lễ nối dài,  cũng như trở thành một của lễ đẹp lòng Chúa.

KẾT LUÂN

Nói tới đây, tôi xin mượn lời khuyên của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông thư “Mane nobiscum Domine”,  (Lạy Chúa xin ở lại với chúng con) , nhắn gửi các Linh mục như một kết luận :

 “Các linh mục thân mến, hằng ngày các con lặp lại lời thánh hiến, làm chứng nhân và người loan báo phép lạ tình yêu vĩ đại xảy ra ngay trên bàn tay các con, hãy luôn tự vấn, nhờ hồng ân của Năm đặc biệt này, để cử hành Thánh Lễ mỗi ngày với niềm hân hoan và sốt sắng như cử hành Thánh lễ đầu tiên, và các con hãy sẵn lòng dành nhiều thời giờ cầu nguyện trước nhà tạm.” (LCXOLVCC 30).

GSVN

VỀ MỤC LỤC
CHÚA THÁNH THẦN DẠY CHÚNG TA YÊU MẾN CHÚA KITÔ

 

CHÚA THÁNH THẦN và đức tin của chúng ta :-

Đức tin, tình yêu và mọi tương quan giữa chúng ta với Chúa Kitô đều tùy thuộc vào CHÚA THÁNH THẦN.

Thánh Phaolô bảo kẻ nào không có Thần Khí Đức Kitô, thì không thuộc về Người (Rm 8,9).

Trong thư Rôma, thánh Phaolô nói về đức tin như sau: Nếu ngươi tuyên xưng nơi miệng ngươi Đức Giêsu là Chúa, và tin trong lòng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết, thì ngươi sẽ được cứu (Rm 10, 8-9).

Và không ai có thể nói Đức Giêsu là Chúa mà không bởi sức mạnh của Thánh Thần (1 Cr 12,3).

Chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan lại bảo với chúng ta: Khi Thánh Thần đến, vì là Thần Khí sự thật, Người sẽ đưa dẫn các ngươi vào tất cả sự thật (Ga 16,13). “Sự thật” theo Tin Mừng Gioan có nghĩa là mạc khải, là chính Đức Kitô với tư cách là Đấng mạc khải Thiên Chúa. Thánh Thần đưa chúng ta vào sự thật, là đưa chúng ta vào mầu nhiệm Đức Kitô. Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta hiểu Chúa Kitô và yêu Chúa Kitô. Thánh Thần làm cho chúng ta hiểu mạc khải, và hiểu mạc khải là hiểu Chúa Kitô.

CHÚA THÁNH THẦN và tình yêu của chúng ta đối với Đức Kitô:

Trước hết Thánh Thần làm cho chúng ta nhận ra Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Kitô. Khi có Thánh Thần, chúng ta kinh nghiệm được Tình Yêu của Thiên Chúa, vì chính Thánh Thần là Tình Yêu của Thiên Chúa, như thánh Phaolô viết trong thư Rôma: Lòng Mến của Thiên Chúa được đổ vào lòng ta nhờ bởi Thánh Thần Người đã ban cho ta (Rm 5,5). Tình Yêu ấy, Người ban cho ta trong Đức Kitô.

Nhờ CHÚA THÁNH THẦN, ta tin Thiên Chúa yêu ta, tin Chúa Kitô yêu ta, ta xác tín về tình yêu ấy. Kinh nghiệm thiêng liêng của chúng ta không gì khác hơn là kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, kinh nghiệm về CHÚA THÁNH THẦN, về hoạt động của CHÚA THÁNH THẦN nơi ta. Sự nên thánh bắt đầu từ kinh nghiệm này.

Khi có Thánh Thần trong ta, ta mới có thể đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, đáp trả tình yêu Chúa Kitô. Chúng ta yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Chúa Kitô bằng chính Thánh Thần là tình yêu đã được đổ vào lòng ta.

Dĩ nhiên Thánh Thần thường sử dụng những con đường phù hợp với con nguời. Diễn tiến tình yêu của chúng ta đối với Chúa Kitô thường cũng tuân theo định luật tâm lý tự nhiên : thích, yêu, say mê.

Chúng ta không thể nào nói về tình yêu đối với Đức Kitô, nếu không bắt đầu từ thích : - thích nghe nói về Chúa Kitô - thích tìm hiểu về Chúa Kitô - thích đọc Kinh Thánh để được biết Chúa Kitô – thích tiếp xúc với Chúa Kitô.

Bước thứ hai cao hơn : Yêu Chúa Kitô là gắn bó với Chúa Kitô : - đầu óc thường nghĩ tới Chúa Kitô - trái tim chứa đựng tình cảm quý mến dành cho Chúa - tâm hồn thường xuyên muốn kết hợp và nên một với Chúa. 

Cấp độ cao hơn cả của tình yêu là sự say mê : Ai có men tình yêu là CHÚA THÁNH THẦN ở trong tâm hồn thì sẽ say mê Chúa Kitô bằng sự say mê thánh thiện. Nhờ CHÚA THÁNH THẦN chúng ta mới thấy Chúa Kitô hấp dẫn, xinh đẹp và say mê Chúa. Chúa trở thành người yêu của linh hồn ta, người quan trọng nhất trong cuộc đời của ta. Chúa là tất cả, ngoài Chúa ra không gì cần thiết đối với ta. Chúng ta chỉ còn một bận tâm duy nhất là bận tâm về Chúa, không còn bận tâm nào khác nữa (unum necessarium, Lc 10,41) : làm sao cho Chúa được vinh danh, được yêu, được loan báo, ý muốn của Chúa được thể hiện. 

CHÚA THÁNH THẦN còn cụ thể hóa tình yêu của chúng ta đối với Chúa Kitô: - yêu Chúa Kitô là yêu mến những gì Chúa Kitô yêu : thông phần, chia sẻ tình yêu của Chúa: yêu mến Chúa Cha, yêu mến Đức Mẹ - yêu lệnh truyền của Chúa : lệnh truyền yêu thương - yêu công việc của Chúa.

Cao điểm của hoạt động của CHÚA THÁNH THẦN nơi ta là tháp nhập ta vào chính Chúa Kitô, làm cho ta thực sự nên một với Chúa, thông phần mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh của Chúa, cùng chết với Chúa để cùng sống lại với Người. Chúng ta như được đồng hóa với Chúa: Tôi sống nhưng không phải tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi (Gl 2,20).

+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

 Giám Mục Giáo phận MỸ THO

VỀ MỤC LỤC
LINH MỤC & GIÁO DÂN CÓ GÌ KHÁC BIỆT KHÔNG?

 

Trong tác phẩm The Joy of Priesthood, tác giả là linh mục Stephen J. Rossetti kể rằng: “Có một vị thừa tác viên Thánh Thể ở giáo xứ X., sau khi phân chia công tác cho các vị thừa tác viên khác ở trong phòng thánh xong thì ông ta quay lại nói với vị linh mục chủ tế (mới về nhận xứ) rằng: “Father, you will be giving out communion in the choir loft. This is so people will see there is no difference between the priest and everyone else…(xin được tạm dịch là) … còn cha, cha sẽ trao Mình Thánh cho ca đoàn trên gác đàn để cho giáo dân thấy rằng không có gì khác biệt giữa linh mục và giáo dân” (p.49).

Bạn thấy vị thừa tác viên Thánh Thể này có hồ đồ và trịch thượng khi mở miệng nói với vị linh mục tân chánh xứ của ông rằng “…không có gì khác biệt giữa cha và giáo dân” không?

Cho cha xứ của ông ta có bất tài, có ăn nói kém cỏi, có chậm chạp, có khờ khạo, có dở hơi, có tội lỗi, hay có tệ đến đâu đi chăng nữa thì ngài cũng có rất nhiều sự khác biệt với ông ta và với những người giáo dân khác. Tôi xin đơn cử ra vài sự khác biệt này mà tôi cam đoan rằng một người Công Giáo khô khan, nguội lạnh nhất trong Giáo Hội cũng phải thấy: 

CHA SỞ CỦA ÔNG LÀ NGƯỜI ĐƯỢC TRUYỀN CHỨC THÁNH: Ngài được Đức Giám Mục đặt tay thánh hiến và được trao cho quyền tế lễ và tha tội… có quyền thay mặt Chúa Kitô là Đầu mà hành động (Presbyterorum Ordini, chapter 1, # 2).

CHA SỞ CỦA ÔNG LÀ NGƯỜI CÓ QUYỀN GIẢNG DẬY VÀ CÔNG BỐ LỜI CHÚA: Trong Thánh Lễ, linh mục là người có năng quyền công bố Phúc Âm và giảng dạy Lời Chúa … bởi vì sau khi lãnh nhận chức thánh, linh mục là thầy dạy của dân Chúa (Presbyterorum Ordini, chapter 2, # 4 & 6).

CHA SỞ CỦA ÔNG LÀ NGƯỜI CỬ HÀNH CÁC BÍ TÍCH (Presbyterorum Ordini, chapter 2, # 5).

Ngài có năng quyền cử hành Thánh Lễ, truyền phép để bánh và rượu trở nên Mình và máu Thánh Chúa Kitô.

Ngài là người có năng quyền ban bí tích Xức Dầu Bịnh Nhân và ban phép lành cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Ngài là người được đặt làm đại diện cho Chúa, có năng quyền ngồi trong toà giải tội, lắng nghe hối nhân xưng tội, khuyên bảo, ra việc đền tội và tha tội cho hối nhân.

Còn nữa, nếu ông thừa tác viên Thánh Thể này mà học giáo lý cho đàng hoàng, cho tử tế thì chắc chắn ông ta sẽ thấy được sự khác biệt ít là giữa ông ta và với cha sở của ông ở ba điểm căn bản này:

VỀ DANH XƯNG: Giáo dân có thể gọi ông ta là ông, bác, chú, cậu hay chỉ gọi tên của ông ví dụ như Mr. Brown, Smith, Guy … Thế nhưng đối với đại đa số giáo dân, cha sở đóng một vai trò như là the Shepherd, như là Father, như là chủ chăn, như là một người cha của họ bởi vì trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, [và qua phép Rửa] chính [linh mục] đã sinh ra [họ] (1 Cor 4:15). 

VỀ MẶT XÃ HỘI: Ông có thể tham gia vào các đảng phái chính trị, buôn bán, làm ăn thương mại, đi nhậu, đi nhảy đầm… Còn cha sở của ông thì còn khuya mới được thoải mái như vậy! 

VỀ MẶT TÂM LINH: Cha sở của ông là người được Giáo Hội giao phó cho trách nhiệm như là một vị lãnh đạo tinh thần. Ngài có nhiệm vụ và bổn phận đọc kinh thần vụ mỗi ngày ít là bốn lần sáng trưa chiều tối, dâng lễ, chầu Thánh Thể, suy gẫm Lời Chúa và cầu nguyện cho giáo dân, cho Giáo Hội… Còn bản thân của ông đâu có những trách vụ như vậy!

Không ai có thể phủ nhận được là linh mục và giáo dân có rất nhiều điểm giống nhau, linh mục cũng có những yếu đuối, tội lỗi, khiếm khuyết… họ không tránh được những tham sân si và cũng dễ bị sa ngã như mọi người. Thế nhưng không ai có thể phủ định được những sự khác biệt mà tôi vừa nêu ra bên trên, và nhất là không thể chối bỏ được rằng chức linh mục rất THÁNH THIÊNG, CAO QUÝ & RẤT ĐẶC BIỆT. Bạn có biết tại sao tôi dám nói chức linh mục cao cả như vậy không?

Chức linh mục được xem là thánh thiêng là bởi vì họ chính là những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa (1 Cor 4:1), vai trò của các linh mục trong việc ban phát các màu nhiệm rất quan trọng bởi vì “không có linh mục thì không có Bí Tích Thánh Thể.” (Pope John Paul II, Gift and Mystery. On the Fiftieth Anniversary of My Priestly Ordination, New York, 1996, pp.77-78). Và nếu không có linh mục thì cũng sẽ không có bí tích Giải Tội là bởi vì chính Chúa Giêsu đã trao năng quyền ấy cho họ: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Jn 20:23).

Chức linh mục được xem là cao quý là bởi vì đó là một món quà tặng của Thiên Chúa ban cho loài người: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại (Jn 15:16). Nói về món quà ơn gọi linh mục, chúng mình không thể quên được lời dạy dỗ của Đức Cố Giáo Hoàng John Paul II: “Thiên chức linh mục không phải là quyền lợi của một cá nhân, nhưng là một mạc khải và là món quà tặng của Chúa Giêsu và của Giáo Hội”(States the Declaration, # 6).

Chức linh mục được xem là đặc biệt là bởi vì các linh mục là những con người rất TẦM THƯỜNG nhưng họ lại được Thiên Chúa chọn làm những việc PHI THƯỜNG. 

Không phải ai cũng hiểu được [giá trị cao quý của đời sống tu trì], nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu (Mt 19:11)

Khi [họ] được Chúa kêu gọi, thì trong [họ] đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái … [họ được] Thiên Chúa chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và … để hạ nhục những kẻ hùng mạnh (1 Cor 1:26-27)

Họ được thánh hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, thầy Cả Thượng Phẩm vĩnh viễn … [được giao cho] chức vụ giao hòa và an ủi đối với các tín hữu thống hối và bịnh tật… (Lumen Gentium, chapter 3, # 28).

Bạn thân mến, nếu hôm nay bạn đã nhận ra được rõ ràng và minh bạch của hai vấn đề: 

Những sự khác biệt giữa linh mục và giáo dân.

Tính thiêng liêng, cao quý và đặc biệt của chức linh mục.

… thì xin bạn hãy thêm lời cầu nguyện cho các linh mục nhiều một chút và cũng xin bạn cầu nguyện cho những ai đang thuộc nhóm bị dị ứng với chức linh mục, những người theo nhóm Anticreticalism và cho những người có con virus Bài Giáo Sĩ để họ biết quý trọng ơn gọi linh mục giống như bạn.

Và nếu bạn còn đang độc thân và còn đang phân vân chưa biết phải lập gia đình hay đi tu (nam cũng như nữ) thì xin bạn hãy mạnh dạn liên lạc với các dòng tu, gọi phone cho các văn phòng ơn gọi của các địa phận hay email cho tôi để chúng tôi có thể giúp bạn tìm hiểu nhiều hơn và rõ hơn về ơn gọi đời sống tận hiến.

Cuối cùng, thay cho lời kết, tôi xin gửi đến bạn lời chia sẻ của Mẹ Teresa thành Calcultta: “Without priests, we have no Jesus. Without priests, we have no absolution. Without priests, we cannot receive Holy Communion. Thiếu các linh mục, chúng ta không có Chúa Giêsu. Thiếu các linh mục thì chúng ta không lãnh nhận được bí tích tha tội. Thiếu vắng các linh mục thì chúng ta không thể lãnh nhận Mình Thánh Chúa ” (Priestly Celibacy: Sign of the charity of Christ).

Đi tu đi! Giáo Hội và dân của Chúa cần bạn lắm! Có Chúa ở cùng bạn mà lo gì? Ngài đã cam đoan với chúng mình rồi: “Đừng sợ hãi, có Ta ở với Ngươi. Đừng nhát đảm, Ta là Chúa của ngươi!” (Is. 41:10).  

LM. Ansgar Phạm Tĩnh    phamtinh@yahoo.com

VỀ MỤC LỤC
Ý NGHĨA ĐỘC THÂN CÔNG GIÁO

 

Chị Annette thân mến.

Hôm qua, nơi chỗ làm việc, chị bất ngờ hỏi tại sao tôi chọn nếp sống độc thân. Bầu khí ồn ào không cho phép tôi trả lời đầy đủ về một vấn đề nghiêm trang như vậy. Có thể đây là vấn đề vượt ngoài ý tưởng của chị! Bởi lẽ chị thấy tôi là người bình thường như bao đàn ông khác. Ngoài ra tôi còn nhã-nhặn và tế-nhị khi cư xử với phụ nữ, đồng thời biết chiêm ngắm nét đẹp của nữ giới. Vậy tại sao tôi lại chọn nếp sống độc thân ? Chị thắc mắc như thế. Tôi cố gắng giải thích, nhưng không chắc chị hiểu được không. Bởi vì, để hiểu rõ nếp sống độc thân của tôi, chị cần phải chia sẻ cùng một niềm tin Công Giáo như tôi. Đối với tôi, độc thân không phải là một thiếu sót. Cũng không phải là một ích kỷ, chỉ sống cho riêng mình. Trái lại là đàng khác.

Tôi xin nói ngay lý do nào thúc đẩy tôi chọn lối sống độc thân. Đó là vì một khuôn mặt đã thu hút tôi. Khuôn mặt này trổi vượt trên mọi khuôn mặt thanh thiếu nữ mà tôi hân hạnh được gặp và quen biết trong cuộc đời. Đó là khuôn mặt của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Đối với tôi, Đức Chúa GIÊSU KITÔ là Khuôn Mặt của THIÊN CHÚA Cha nơi trần gian. Ngài chiếm đoạt tôi và tôi say mê Ngài. Tôi đi theo Ngài cho đến ngày hôm nay và sẽ mãi mãi theo Ngài cho đến giây phút cuối đời. Vì Ngài mà tôi từ bỏ tất cả. Xin chị tin lời tôi và đừng đùa cợt đối với một vấn đề mang tầm mức siêu việt. .

Dĩ nhiên tôi chưa từng thấy Ngài cũng chưa nghe tiếng Ngài. Và những biểu lộ trìu mến của Ngài thường rất hiếm hoi. Phải nói Ngài là người bạn đường rất dè dặt và ít nói. Nhưng tôi chắc chắn Ngài yêu tôi, như thể chỉ có mình tôi trên cõi đời này. Đôi lúc trong cuộc sống, tôi cảm nghiệm được tình yêu này. Và những lúc đó hồn tôi hân hoan vui sướng như sống tuần trăng mật.

Hôm qua chị hơi đi quá vào đời tư của tôi. Tuy nhiên tôi không chấp chị về điểm này. Trái lại tôi xin thẳng thắn trả lời cho chị rõ. Tôi có thể thú nhận với chị là tôi đã từng cảm nghiệm thế nào là tình yêu nam nữ. Do đó tôi có thể quả quyết với chị rằng, nếu tôi chưa kinh nghiệm thế nào là tình yêu nam nữ, thì có lẽ là tôi là một người đàn ông không bình thường..

Cuộc đời đưa đẩy khiến tôi có nhiều dịp tiếp xúc với nữ giới, gần gũi thân mật với họ và làm việc chung với họ, nơi xưởng làm hoặc qua các công tác bác ái tông đồ. Nhiều phụ nữ cùng nhóm thiện nguyện với tôi, cũng chia sẻ nếp sống độc thân như tôi. Họ chọn lựa sống độc thân vì tình yêu dành riêng cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Trong số các phụ nữ tận hiến cho Chúa, tôi quen biết đặc biệt một cô. Chúng tôi rất hợp tính hợp ý và trao đổi cho nhau một tình bạn chân thành, giống như tình bạn giữa chị và tôi hôm nay vậy.

Theo giòng thời gian tình bạn lớn mạnh, yêu thương hơn, trìu mến hơn. Và giả như không có lời đoan hứa giữ mình trinh khiết, hẳn chúng tôi đi đến hôn nhân rồi. Nhưng cả hai chúng tôi đều không dừng lại ở tình yêu nam nữ ấy, vì chúng tôi không muốn phản bội Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng mà mỗi người chúng tôi tự ý chọn lựa như là hiền-phu hiền-thê duy nhất của lòng mình. Dĩ nhiên quyết định trung tín với lời hứa độc thân không phải dễ. Chúng tôi đã phải trả bằng nước mắt và bằng con tim rướm máu! Nói thế để chị hiểu rằng tôi không phải là thiên thần, cũng không phải là vị anh hùng. Trái tim tôi cũng bằng thịt y như trái tim chị. Và THIÊN CHÚA là Tình Yêu hiểu rõ chúng ta hơn bất cứ ai trên trần gian.

Tôi ước mong tình bạn giữa chúng ta ngừng lại nơi tình anh em, để chị không phạm tội phản bội chồng và tôi không phạm tội phản bội Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Người Tình Chí Thánh của tôi. Tôi cũng xin tâm sự với chị là, sức mạnh giúp tôi trung tín với Chúa cho đến ngày hôm nay, chính là sức mạnh tôi kín múc nơi Bí Tích Thánh Thể mỗi ngày, trong cuộc đời tôi. 

Ký tên, Pierre.

(Charles Lepetit, ”MES AMIS LES PAUVRES”, Nouvelle Cité, Paris 1984, trang 178-181).(Radio Vatican)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt 

VỀ MỤC LỤC
Phúc Âm Nhật Ký

03.04.06

THÂN EM NHƯ TẤM LỤA ÐÀO

Ga 8:1-11

Mấy ngày cuối tuần qua, tôi đi giảng cho thiếu nhi tại xứ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam tại Arlington, Fortworth, Hoa kỳ.  Tôi chỉ giảng trong một căn phòng nhỏ với bốn năm chục thiếu nhi.  Nhưng ngoài kia, cha Nguyễn Tường Luân, DCCT,  quy tụ rất đông giáo dân trong nhà thờ.  Chúa nhật vừa qua, trời nắng như thiêu, vậy mà số xe đậu chật cứng trong sân nhà thờ.  Cha Luân có lối giảng hấp dẫn và một đời sống lạ thường.  Cha không ăn uống gì trong thời gian giảng tĩnh tâm, chỉ uống nước lã.  Nhưng hấp dẫn nhất là lễ chữa lành.  Chúa Thánh Linh tác động trên người bệnh.  Sau khi được linh mục và cộng đoàn đặt tay và cầu nguyện, bệnh nhân không cưỡng lại và té xỉu.

Tôi tự hỏi : tại sao giáo dân Việt nam lại thích “phép lạ” như vậy nhỉ ?  Nếu có một cuộc tĩnh tâm thuần túy không đi kèm các “phép lạ,” liệu họ có tuôn đến đông như vậy không ?  Dù sao, qua những thánh lễ “chữa lành” đó, dân Chúa cũng tăng thêm lòng sốt sắng vì như đụng chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lòng thương xót Chúa trải dài suốt lịch sử cứu độ.  Thiên Chúa đã xuất hiện kịp thời để cứu bà Susanna ngày xưa.  Sự can thiệp của Thiên Chúa trong trường hợp bà Susanna như một phép lạ.  Phép lạ thực hiện qua cậu bé Ðanien. 

Hôm nay, người phụ nữ ngoại tình được giải thoát trong sinh hoạt trong đời thường giữa làng xóm. Không phải từ một cậu bé, nhưng từ một Thiên Chúa làm người.  Ðức Giêsu dùng sự khôn ngoan để mạc khải lòng nhân hậu của Thiên Chúa.  Nếu không được Thiên Chúa thương xót, chắc chắn người phụ nữ ngoại tình hôm nay đã trở thành mồi ngon cho những người “đạo đức” theo luật Môsê rồi.

Thật vô cùng khó khăn khi đụng đầu với những lực lượng thù nghịch.  Lúc nào họ cũng hăm he gài bẫy bắt Ðức Giêsu.  Trường hợp bà Susanna tương đối không khó lắm.  Nhưng  người phụ nữ ngoại tình này không phải là một người bị hàm oan.  Nàng phạm tội thật.  Người ta không chờ đợi Chúa minh oan cho nàng.  Nhưng họ cố ý thử xem Chúa có dám phạm luật Môsê trong trường hợp nghiêm trọng này không.  Nếu xử đúng luật, chắc chắn nàng phải bị chết vùi dưới những trận “mưa” đá khủng khiếp. Nghĩ đến đây, Chúa rùng mình sởn ốc.  Thực tình Chúa không muốn xử “ác” với nàng, nhưng cũng không muốn vượt qua luật Môsê, vì chính Người đã dạy phải tuân giữ cả những điều nhỏ nhất.  Tha “bừa” cho nàng thì còn đâu là lễ nghĩa gia phong ? 

Sau khi đưa bằng chứng cụ thể và sốt dẻo, các kinh sư và người Pharisêu ra vẻ tôn trọng lập trường của vị sáng lập đạo mới : “Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” (Ga 8:5)  Hình thức câu hỏi có vẻ mở. Nhưng thực ra, Ðức Giêsu đứng trước một câu hỏi đóng.  Chỉ có thể trả lời có hay không mà thôi. Thày có đồng ý với Môsê hay không ?   Trả lời có hay không đều chết.  Tiến thối lưỡng nan !

Nhưng Ðức Giêsu đã lợi dụng kẽ hở như sợi tóc và lách qua một cách “ngon lành.”  Tuy ngồi xuống và cắm cúi viết, nhưng thực tình Người đang nhìn thẳng vào tâm hồn từng người chung quanh.  Áp lực càng gia tăng, Người càng thấy rõ ý đồ đen tối của những người chỉ thấy cái rác trong mắt người khác, nhưng  không thấy cái xà ngang trong mắt mình .  Trước bao nhiêu áp lực ồn ào, Người vẫn “tỉnh bơ” như không có chuyện gì xảy ra.  Nhưng thực tình Người đã thấy vấn đề.  Chỉ cần một câu hỏi nặng ký cũng đủ “đánh gục” tất cả những toan tính nhỏ nhen của lòng dạ người đời.  Họ tưởng chỉ cần bắn một phát được hai con chim.  Ai dè chính họ lại bị trúng thương. 

Lạy Chúa, xin mở mắt cho con nhìn thấy cái xà trong mắt con . . . !     

Lm Giuse Đỗ Vân Lực, op.    dzuize@gmail.com                   

VỀ MỤC LỤC
HÃY ĐI VÀ ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA

 

“Hãy đi và đừng phạm tội nữa!” Đó là một lời tha thứ, ẩn chứa một sự nhắn nhủ với đầy sự cảm thông và tình yêu rộng mở đối với một con người tội lỗi mà quả thật không ai có thể ngờ được ngay cả chính đương sự. Chính lời tha thứ đó như có một sức mạnh vô biên, không những đã hoán cải được tấm lòng chai đá của người đàn bà tội lỗi nầy mà còn làm mềm lòng những con người đang gắt gao lên án bà.

Chúng ta hãy trở lại với câu chuyện trong phúc âm mà chúng ta thường gặp trong mùa chay. Phúc âm thánh Gioan 8:1-11 tường thuật lại câu chuyện những người ký lục và biệt phái mang đến một người đàn bà bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, và họ để bà đứng đó trước mặt Chúa Giêsu. Họ thưa với Chúa rằng: ”Thưa Thầy, người đàn bà nầy đã bị bắt quả tang trong lúc đang phạm tội ngoại tình. Vậy Thầy nghĩ sao ?”

Dĩ nhiên, họ không thích bà ta, họ cũng không cố gắng để tìm hiểu, để quan tâm. Họ chỉ biết lên án. Họ thưa: “Môisen đã ra lệnh lên án những người đàn bà như thế bằng cách ném đá. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?”

Họ hỏi Ngài câu nầy như một thử thách để có cớ lên án Ngài. Người Pharisiêu dùng luật để kết tội người đàn bà nầy và giết bà ta, và tệ hơn nữa, họ dùng con người nầy để gài bẩy Chúa và giết Ngài. Người đàn bà nầy thật ra chỉ là dụng cụ trong mưu đồ của họ để lên án Chúa. Họ không thích gì công lý và Chúa đã biết điều đó, nên Ngài đã giữ yên lặng.

Trong lúc họ thao thao bất tuyệt cố gắng thuyết phục đám đông làm theo ý đồ của họ, Chúa vẫn lặng yên cúi xuống và lấy tay viết lên đất. Và vì họ cứ hỏi mãi nên Ngài mới ngước nhìn lên và nói: “Nếu có ai trong các ngươi vô tội cứ ném đá người đàn bà nầy trước đi.”

Với lời minh xác”nếu có ai vô tội”, Ngài muốn cho chúng ta biết rằng không ai trong chúng ta hoàn toàn tốt lành và thánh thiện. Tất cả chúng ta là những con người tội lỗi. Chúng ta sống được là nhờ sự tha thứ, nhờ tình thương bao la của Thiên Chúa.

Khi họ nghe điều đó, họ đã bỏ ra đi từng người một, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất. Đến lúc chỉ còn lại một mình Chúa với người đàn bà  đó, Ngài ngước mắt lên và hỏi:

Nầy bà, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án bà sao ?

Bà đáp:

Không ai, thưa Ngài!

Chúa bảo:

Tôi cũng không lên án bà. Hãy đi và đừng phạm tội nữa!

Đây quả thật là giây phút trọng đại nhất của đời bà. Bà đã gần với cái chết bên cạnh vì không một ai thích bà, không một ai có cảm tình với bà, cũng không một ai xem ra muốn thương hại cho số phận của bà, nên không ai bênh đỡ bà. Mọi người đều muốn lên án bà. Họ muốn lên án một phần vì tuân theo lề luật, một phần khác vì bản tính con người vốn ghen tương và ích kỷ, nên chỉ thích dìm người khác xuống để mình được nâng lên. Đó là lý do tại sao người ta hay thích phê bình, chỉ trích, và lên án người khác ngay cả khi họ cũng đầy những xấu xa và lỗi lầm.

Khác với con người, trong lúc mọi người đều lên án bà, và bà đang sống trong cảnh tuyệt vọng thì Chúa Giêsu vẫn yêu bà, vẫn đón nhận bà.

Trong cái tuyệt vọng vẫn còn có chút hy vọng. Trong số phận hẩm hiu của bà vẫn còn có chút gì may mắn, vẫn còn có một người đã biết cảm thông, tin tưởng và đón nhận bà, vì người ấy có một cái gì khác biệt hơn các người khác, có một con tim biết rung động, nhạy cảm hơn những người khác. Người ấy không thích lên án nhưng chỉ biết lắng nghe, lắng nghe tiếng kêu gào thổn thức của một cõi lòng đang thống hối.

Trong ánh mắt nghẹn ngào, bà đã thưa với Chúa bằng một giọng điệu nhè nhẹ:   ”Thưa Thầy, không ai lên án cả.” Nhưng Chúa đã nghe rõ và Ngài còn nghe rõ cả những hơi thở, những nhịp tim, những lo âu, những hồi hộp cũng như những tiếng lòng thổn thức, khoắc khoải của bà trước khi bà mở miệng đáp lời.

Người không thấu hiểu được nỗi im lặng của người bạn mình thì chưa phải là người bạn đích thật, bỡi lẽ khi hai người bạn chân tình yêu nhau, họ không cần phải nói nhiều, họ cũng không cần phải giải thích nhiều. Chỉ cần nhìn ánh mắt, nhìn khuôn mặt họ có thể hiểu được tất cả cõi lòng của người bạn mình.

Nếu bạn không tập làm quen với loại ngôn ngữ âm thầm đó, bạn sẽ không bao giờ hiểu được Lời Chúa, vì Thiên Chúa chỉ nói với chúng ta trong im lặng qua những dấu chỉ, những biến cố và nhất là qua tiếng lòng thổn thức đang vọng lên từ đáy lòng mình, cũng như từ đáy lòng của những người bạn mình.

Nghe tiếng thở dài của người vợ, bạn có thể hiểu được cõi lòng tan nát của một con người đang rơi vào hố sâu của tuyệt vọng trước cảnh người chồng lúc nào cũng say sưa chèn chén, không còn biết gì đến việc chăm lo hạnh phúc gia đình và giáo dục con cái. Đó cũng là dấu chỉ báo hiệu sự ly tan của hôn nhân và gia đình sắp xảy ra.

Nhìn dòng nước mắt của một số những trẻ thơ, ta có thể biết được rằng chúng đang hồi hộp, lo sợ cho hạnh phúc tương lai của cha mẹ cũng như cho số phận không may của chúng có thể xảy ra bỡi những lời nói, thái độ thiếu yêu thương và trọng kính nhau của cha mẹ như muốn báo hiệu một điều không may lành. 

Nói đến đây, tôi nhớ đến một câu chuyện tình đáng thương của đôi vợ chồng bạn tôi. Khi còn ở San Jose, tôi có quen với một cặp vợ chồng trẻ. Hai anh chị mới chỉ có một đứa con thôi. Người vợ là một người ngoại trở lại đạo, đẹp gái, tốt lành và đạo đức. Chị mồ côi mẹ từ nhỏ nên khi bố lấy vợ khác, chị phải về sống chung với cô, người em gái ruột của bố. Sống trong cảnh mồ côi, chị cảm thấy thiếu vắng tình thương. Vì thế, khi lớn lên chị chỉ mong sao sớm lập gia đình để có được một tình yêu bù đắp vào khoảng trống đó.

Năm hai mươi tuổi, chị được sang đoàn tụ với gia đình ở Mỹ. Thời gian nầy, chị càng cảm thấy lạc lõng hơn nữa, vì tất cả những bạn bè của chị đều còn ở Việt Nam. Trong tâm trạng đó, không bao lâu sau khi đến đất Mỹ, chị ta gặp một anh chàng đẹp trai, con nhà giàu, có tiền. Anh chàng nầy vốn bản tính hào hoa, phong nhã nên biết chơi đẹp đúng lúc. Thế là chị ta mê say người tình hào hoa đó. Chỉ mấy tháng sau thì hai người đi đến quyết định hôn nhân. Sau khi lấy nhau, đôi bạn tình xem ra rất là hạnh phúc trong một thời gian khá lâu gần mười năm trời. Đến năm thứ mười một của cuộc đời hôn nhân, hai anh chị mới sinh đứa con đầu lòng. Cũng từ giờ phút nầy, hai người bắt đầu lủng củng vì thêm đứa con thì thêm trách nhiệm và thêm nhiều khó khăn hơn. Họ không còn được tự do bay nhảy như trước nữa. Thêm vào đó, người vợ lúc nầy lại sinh ra thích lối giải trí karaoke. Chị thích ca hát và nhảy múa trong lúc anh ta thích football và chè chén. Chính điểm nầy càng làm cho anh ta thêm buồn phiền và ghen tức. Nhưng anh ta lại không nói ra nên thường hay nổi cáu, gây gỗ, và đánh đập chị ta. Suốt mấy năm trời sau đó, hai mẹ con cứ phải ôm nhau khóc vì ông chồng ngày càng trở nên thô bạo, thường xuyên đánh đập vợ. Lần cuối cùng bị đánh, chị ta đã không chịu đựng nỗi nữa nên chị đã gọi cảnh sát, và cảnh sát đã đến can thiệp. Anh ta đã được đưa vào nhà tù nghỉ mát và tình trạng đã trở nên căng thẳng. Sau khi ra tù, hai vợ chồng đã nhờ luật sư đưa ra tòa và cả hai đã đi đến chỗ ly dị bỡi lẽ cả vợ lẫn chồng đã không học làm quen với loại ngôn ngữ không lời nầy để hiểu ý nhau và sống trọn vẹn cho nhau.

Chúng ta phải tập làm quen với loại ngôn ngữ âm thầm đó. Loại ngôn ngữ nầy rất là quan trọng và nó cần sự lắng nghe, sự quan sát hơn là nói. Thường thì người ta thích nói hơn là quan sát và lắng nghe bỡi lẽ khi nói mình trở thành trung tâm để mọi người chú ý, còn khi nghe thì ngược lại, mình phải quên đi cái tôi của mình để hướng về người khác cũng như phải làm trống cái tôi của mình để tiếp nhận những ý kiến của người khác nên khiến người nghe dễ dàng cảm thông với người khác hơn là lên án. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã không nói nhưng chỉ muốn lắng nghe và quan sát nên Ngài đã cảm thông được với người đàn bà tội lỗi đó. Khác với đám đông và nhất là khác với các biệt phái và luật sĩ lúc bấy giờ, Chúa Giêsu đã không nói, cũng không lên án, nhưng chỉ có những lời nhắn nhủ chân tình:”HÃY ĐI VÀ ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA!”

Đó là một lời tha thứ, ẩn chứa một sự nhắn nhủ đầy yêu thương, kính trọng và cảm thông đối với con người tội lỗi đó.

Đối với con người, phạm tội và phạm luật là điều đáng lên án và không thể tha thứ. Nhưng đối với Thiên Chúa thì khác. Điều quan trọng không phải là đã phạm tội nhưng là ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA.

Chúa không quá khắt khe đối với những lỗi lầm của con người, cũng như không eo hẹp, đóng cữa lòng khi con người biết ăn năn trở về. Trái lại, với con tim nhân từ, với đôi tay giang rộng, Chúa luôn mời gọi và chào đón những tội nhân trở về. Với tấm lòng khoan dung đó, Chúa Giêsu đã mang lại cho người đàn bà ấy một hy vọng mới. Ngài đã mở cho bà một cánh cữa mới với một tương lai mới để bà có thể đi vào mà không ai có thể đóng lại được.

Cũng từ giờ phút ấy, phúc âm không nói gì về người phụ nữ nầy nữa. Nhưng chắc chắn, bà ta không thể nào quên được giây phút trọng đại của cuộc đời bà, giây phút đã gặp được sự yêu thương và tha thứ lớn hơn gấp trăm ngàn lần tội lỗi của bà. Chính giây phút ấy đã hoán cải được tâm hồn bà và đã mang lại cho bà một ý nghĩa sâu xa của tình yêu Thiên Chúa. Nhưng cũng chính giờ phút ấy đã mang lại cho Chúa những mối hận thù giữa Ngài và những người biệt phái và đã đưa Ngài đến cái chết tột cùng thê thảm của một kiếp người.

Đây cũng là lý do giúp chúng ta có thể hiểu được tại sao người lành hay bị gặp nạn. Nhưng Thiên Chúa đã đi trước chúng ta, Ngài đã nêu cao tinh thần can đảm, biết quên đi chính mình để sẵn sàng dám sống và chết cho chúng ta, những người anh em của Ngài. Và bây giờ đến lượt chúng ta cũng phải sẵn sàng hy sinh chính mình để dám sống và chết cho những người anh em chúng ta đang đau khổ vì những bất công của cuộc đời.

Lm. Lê Văn Quảng   quangtaiwan@yahoo.com

VỀ MỤC LỤC
SỰ CẦN THIẾT CỦA GIÁO DỤC NHÂN BẢN

 

I. GIÁO DỤC NHÂN BẢN:

1. Dẫn chứng:

Nếu một người muốn làm võ sĩ, anh ta phải đi học nghề võ. Ở trong trường dạy võ đó, anh ta học các thế đánh, các thế đỡ, các thế tránh đòn… Nhưng ở đó, anh ta còn phải học một tư thế hết sức quan trọng, trở thành căn bản của con nhà võ, đó là gì, bạn có biết không? Là đạo đức võ sinh!

Vì sao tôi lại gọi đạo đức võ sinh là một tư thế? Là bởi vì đạo đức mới là điều kiện trước hết cho một người trở thành võ sinh hay võ sĩ, chứ không phải các thế đánh, thế đỡ của anh ta. Nếu có đánh hay, đỡ giỏi, hoặc cho dù là nổi tiếng khắp thế giới đi nữa, mà ngoạm vào lỗ tai người ta một cái, lập tức cả thế giới lên án (chắc bạn hiểu tôi muốn nói tới ai rồi. Đó là một võ sĩ giỏi, lừng danh, là thần tượng của rất nhiều người, nhưng trong một trận đấu huyền anh nào đó, nhằm bảo vệ uy danh của mình, bảo vệ chức vô địch của mình, anh ta đã vô liêm sĩ cho đến mức cắn đứt lỗ tai của đối phương. Anh ta thậm chí chẳng nghĩ  ra nỗi một điều rất đương nhiên là, nhằm bảo vệ uy danh của mình bằng một trò bẩn thiểu, anh ta đã tự vuột mất uy danh của chính mình. Anh ta đã tự đạp đổ thần tượng của mình nơi lòng nhiều người).

Làm võ sĩ theo cách nghĩ của rất nhiều người, chỉ làđể đánh nhau mà còn phải có đạo đức, huống chi làm một con người, nhất là làm người đang ấp ủ lý tưởng linh mục trong tim mình như trường hợp của các bạn đây.

2. Vậy giáo dục nhân bản là gì?

Giáo dục thì ai cũng hiểu rồi, nhưng mà nhân bản thì sao? Có thể đã hiểu, nhưng điều cần phải nói ở đây là hiểu như thế nào?

Tôi thiển nghĩ:

Nhân bản là cái gốc của con người.

Nhân bản là thái độ sống, thái độ nhìn đời, thái độ cư xử của một người.

Nếu nhân bản là cái gốc của con người, thì giáo dục nhân bản là giáo dục để một người hiểu biết bản tính của mình là người, chứ không phải cây tre, cái ghế…

Nếu nhân bản là thái độ sống, thái độ nhìn đời, thái độ cư xử của một người, thì giáo dục nhân bản là giáo dục một bản tính người có thái độ sống, thái độ nhìn đời, thái độ cư xử “hợp qui tắc” như mọi người thừa nhận.

Giáo dục nhân bản còn là giáo dục một người từ lúc chưa ý thức mình là người, trở thành một bản tính người có nhân cách.

Một em bé mới sinh ra, nó chưa biết mình là người. Nhưng nó lớn trong một nhân cách gia đình: cha mẹ tốt, anh chị em tốt, ông bà tốt thì đứa bé sẽ dễ thừa hưởng những cái tốt.

Em bé cũng lớn lên trong một nhân cách xã hội: bạn bè, lối xóm, môi trường xung quanh… tốt hay xấu đều ảnh hưởng trên đứa bé.

Và trên hết, đó là một nhân cách giáo dục. Bởi đó không lạ gì, khi đứa bé đến trường học, điều đầu tiên, khi đón nhận đứa bé, người ta phải ý thức ngay rằng, nguyên tắc giáo dục phải là “Tiên học lễ, hậu học văn”. Những lời nói, những hành động của cha mẹ, thầy cô, những tư tưởng trong sách vỡ…, làm cho đứa bé tiếp thu, hiểu và đọng lại trong suy nghĩ, trong tiềm thức, đều chạm tới nhân cách của em bé đó.

Một nhân cách sinh ra từ thủơ thiếu thời như thế, sẽ bám lấy một con người cho đến khi con người đó trưởng thành, rồi thành người lớn và theo mãi suốt cả cuộc đời của họ.

Đó là những gì cần để làm sáng tỏ hai chữ GIÁO DỤC NHÂN BẢN. Nhưng điều quan trọng mà chúng mình nhắm tới không phải chỉ là nhân bản mà là nhân bản Kitô giáo.

II. NHÂN BẢN KITÔ GIÁO:

Nhân bản Kitô giáo, hay nói cho rõ là học nhân bản theo cái nhìn của Kitô giáo. Đó là một Kitô giáo nhân bản. Dĩ nhiên Kitô giáo không chỉ có nhân bản mà còn có siêu nhiên nữa. Không chỉ có con người mà còn có Thiên Chúa nữa. Tuy nhiên ở đây, ta chỉ nói đến khía cạnh con người theo giáo huấn của Kitô giáo.

Điều ưu tiên trên hết mọi ưu tiên mà Kitô giáo dạy là TÌNH YÊU: yêu bản thân và yêu tha nhân.

1. Yêu bản thân:

Yêu chính mình là một đòi hỏi căn bản nhất của con người. Sẽ không tưởng tượng nỗi, nếu một ai đó tuyên bố: “Tôi không thể yêu mình”. Bởi vì lòng yêu thương bản thân là một thứ tình yêu sâu xa, một vết khắc sâu trong bản tính con người. Nếu bản thân mình mà còn không biết yêu thương, tôn trọng, ngược lại còn ghét bỏ, thì khó mà nghĩ đến lòng yêu thương tha nhân. Bản thân mình mà còn không thể yêu thương, nói gì đến tha nhân.

Thánh Kinh cũng đề cao lòng yêu thương bản thân khi nói: “Hãy yêu tha nhân như chính mình” (Mt 22, 39). Điều cần nói ở đây là “yêu như chính mình”. Khi nói điều này, Chúa Giêsu đương nhiên chấp nhận tình yêu bản thân. Do đó Người mới lấy nó làm đối chiếu cho tình yêu tha nhân.

Nhưng yêu bản thân là yêu như thế nào?

Phải yêu bản thân một cách có trách nhiệm:

Vài thập niên gần đây, những xáo trộn về đời sống luân lý trong giới trẻ trở thành vấn đề làm nhức nhối tất cả những ai thành tâm, thiện chí. Người ta nói đến các quan hệ nam nữ ngoài hôn nhân, tự tử, nghiện ngập, đồng tính luyến ái, phạm pháp… nhưng ai dám nói rằng, khi sa vào con đường tự hủy diệt mình, những người trẻ không còn yêu mình nữa? Họ đang yêu đấy chứ. Yêu mình thái quá nữa là khác. Chính vì yêu như vậy, họ tự chìu chuộng mình, chìu chuộng những đòi hỏi của bản năng, của đam mê, để rồi từ chỗ yêu bản thân, biến họ trở thành một kẻ bệnh hoạng phạm pháp.

Do đó điều cần thiết cho tất cả mọi người là phải yêu chính mình một cách có trách nhiệm. Yêu có trách nhiệm mới có thể phân biệt đâu là xấu, đâu là tốt.

2. Yêu tha nhân:

Xét một nghĩa nào đó, yêu bản thân cách có trách nhiệm cũng là yêu tha nhân. Vì khi làm khổ mình, sẽ dễ làm khổ lây đến người khác. Nói cho đúng, yêu mình có trách nhiệm là bước sơ khởi của tình yêu tha nhân.

Đối với Thánh Kinh, giáo huấn về lòng yêu thương là đỉnh cao của mọi giáo huấn. Giáo huấn về lòng yêu thương của Thánh Kinh lớn cho đến mức có người dám nói rằng, nếu phải tóm lại nội dung của Thánh Kinh, người ta sẽ chỉ nói đến hai chữ mà thôi, đó là hai chữ “TÌNH YÊU” . Nơi đó, tình yêu tha nhân là thước đo của lòng yêu mến Thiên Chúa. Nói theo ngôn ngữ của môn Giáo dục nhân bản: nhân bản là phản ánh của mối tương quan siêu nhân bản. Thánh Kinh mang một chiều sâu về giáo dục nhân bản, thì cũng mang một chiều cao, rất cao, để khi một người có nhân bản nhờ hấp thụ nền Giáo dục nhân bản của Thánh Kinh, người ấy cũng nhận ra một chiều kích thánh thiêng nơi bản thân mình và giữa những con người.

Nếu trong Tin Mừng theo thánh Matheo, Chúa Giêsu nói: “Hãy yêu tha nhân như chính mình”, thì trong Tin Mừng theo thánh Gioan, tình yêu đó được nâng lên đến mức tuyệt vời: “Anh em hãy yêu thương nhau như  Thầy yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Yêu như Thầy!!! Tình yêu không còn lấy mình làm đối chiếu nữa, nhưng là lấy chính THẦY. “Yêu nhau như Thầy yêu anh em”, nghĩa là anh em cũng phải hạ mình xuống mà tha thứ, mà phục vụ như Thầy đã hy sinh đến tột cùng cho anh em, hiến dâng mạng sống vì anh em.

“Hãy yêu như Thầy yêu”, trước hết là ngay trong chính gia đình mình, để không còn cảnh cha mẹ mắn con là “súc sinh”. Nếu con cái là súc sinh thì cha mẹ, những người đẻ ra chúng là gì? Và cũng không còn cảnh con cái đem cha, đem mẹ ra mà chửi (xin lỗi bạn) – “Đ.M. mày”, điều mà ta vẫn thường gặp trong cuộc sống quanh mình.

Do đó nhân bản Kitô giáo đẹp lắm, đẹp đến mức tuyệt hảo. Giáo dục nhân bản, trước hết  phải là giáo dục tình yêu. Nhưng tình yêu này được đẩy lên rất cao: Có tấm gương Chúa Giêsu là kiểu mẫu để mọi người soi lòng mình mà tự vấn chính mình về tình yêu.

III. NHÂN BẢN TRONG ĐỜI TU:

Kỷ luật rèn nhân bản. Trong đời sống hằng ngày, nếu để ý, bạn sẽ nhận ra rất nhiều thứ luật: luật đi đường, luật pháp, luật lái xe, luật trong công ty, xí nghiệp… Nếu một ngày nào, tôi và bạn không tự giới hạn bản thân mình, nghĩa là không có một nguyên tắc, một kỷ luật theo lý tưởng mà mình sống, hay lý tưởng mà mình đang hướng tới, ngày đó báo hiệu đời tu xuống dốc.

Những luật lệ, đúng hơn là những bổn phận mà ta cần phải nghiêm chỉnh thực hiện hằng ngày đó là:

- Đọc kinh Phụng vụ.

- Nguyện gẫm.

- Ăn uống điều độ.

- Tiếp khách đúng nơi, đúng chỗ, và liệu sao cho việc tiếp khách đừng chiếm quá nhiều thời gian.

- Không tự do đi sớm về khuya.

- Siêng năng viết Thánh Thể.

- Siêng năng lần chuỗi Mân Côi.

- Dâng thánh lễ và hiệp lễ mỗi ngày.

Trên đây chỉ là một số việc bổn phận mà tôi thử nêu ra. Bạn có thể tùy hoàn cảnh, tùy mức độ của bản thân mà điều chỉnh sao cho thích hợp và thực hiện được lâu dài.

Điều mà bạn cần chú ý trước hết đó là hãy ghi nhớ rằng: TRƯỚC KHI LÀ LINH MỤC PHẢI LÀ MỘT NGƯỜI CÓ NHÂN CÁCH.

Tôi dám nói mạnh rằng, bạn không là một người tốt, nếu có làm linh mục chắc chắn sẽ là một linh mục tồi.

Nhân cách mà một người sống trong đời tu cần phải có, có thể kể ra như sau:

- Khả năng giao tiếp.

- Khả năng hòa hợp cá tính.

- Biết giữ lời hứa.

- Biết sống tế nhị.

- Tế nhị và lịch sự trong lời nói, cách ăn mặc, khi đi đứng, làm việc…

- Khiêm tốn, hiền hòa, biết chịu đựng và nhịn nhục…

- Sống bác ái

- Biết tự chủ, nhất là làm chủ tư tưởng , ngũ quan…

Nhưng để cho một người có nhân cách, thì không phải một sớm, một chiều mà anh ta có được. Anh ta phải tập luyện, phải để ý trong từng câu, từng lời, từng cử chỉ của mình. Để một chủng sinh có nhân cách của một nhà tu, học nhân bản chưa đủ mà cần phải tập nhân bản.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

VỀ MỤC LỤC
Tình yêu thương

 

1. Trong cuộc sống liên đới, nếu ai cũng nghĩ tới việc làm tròn bổn phận đối với người khác thì ngay khi đó họ cũng đang hưởng hết những quyền lợi mà người khác dành cho họ.

2. Yêu một người thì dễ, nhưng yêu nhiều người trong cùng một lúc không dễ. Có khả năng yêu càng nhiều người đồng đều trong cùng một lúc thì càng giống Chúa. Vì Chúa yêu tất cả không trừ ai.

3. Tình thương còn cải hóa được cả loài thú, huống chi loài người.

4. Phép lạ chưa chắc đã biến đổi được lòng người, nhưng tình yêu thì chắc.

5. Vui với người vui, buồn với người buồn ( xx Rm 12,15) không phải dễ, vì đòi hỏi tình yêu thương chân thành. Không yêu thương chân thành, ta sẽ vui khi người buồn và buồn khi người vui. 

6. Loài người ai cũng muốn đươc yêu. Xin loan báo tin vui: “ Thiên Chúa yêu thương họ”. Loài người ai cũng tất mau quên. Xin nhắc lại từng phút: “ Thiên Chúa yêu thương họ”. Loài người ai cũng muốn có người yêu. Xin giới thiệu người yêu: “ Thiên. Ngài không thích yêu một chiều. Loài người ai cũng dễ mau chán. Xin chào mời thêm của lạ: Thiên Chúa trong mọi người. 

7. Bác ái nghĩa là: phải yêu tha nhân như Chúa yêu ta. Chúa tác sinh ta. Chúa cứu chuộc ta. Chúa chết vì ta. Chúa dưỡng ta phần xác, nuôi ta phần hồn. Chúa quan phòng đời sống ta. Ta lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa.

Còn ta, ta đã làm được gì cho tha nhân? Tình bác ái cao cả và vĩ đại hơn cả khả năng yêu thương của con tim ta, nên suốt đời ta chĩ tập yêu mà chẳng bao giờ đạt tới đỉnh của thứ tình yêu này.

8. Bác ái Kitô giáo truyền dạy khi phục vụ người khác là phục vụ Thiên Chúa: một bổn phận tuyệt đối nặng nề đối vói con ngưòi, và khi yêu người khác là yêu chính Thiên Chúa: một quyền lợi tuyệt đối cao cả dành cho con người. Cả hai vừa hạ thấp nhân vị một cách tuyệt đối: con người là tôi tớ của nhau, vừa nâng cao nhân vị một cách tuyệt đối: con người như Thiên Chúa của nhau!

Làm tròn bổn phận nặng nề và hưởng hết quyền lợi cao cả tuyệt đối ấy là con người đang biến đổi thế giới lang sói thành thế giới chiên hiền, là biến đổi mặt đất thành thiên giới, là biến đổi hỏa ngục thành thiên đường.

Cố Lm. Vũ xuân Huyên

VỀ MỤC LỤC
Tha thứ cho ai ?

 

Người ta không thể sống chung với nhau nếu không tha thứ lẫn cho nhau và nhìn nhận mỗi người chỉ là cái mà mình là.

François Varillon

Kêu cầu sự tha thứ của Thiên Chúa cho Giáo Hội và cho tội lỗi của con cái Giáo Hội.

Gioan Phaolô II      

Những mối quan hệ giữa con người với con người sẽ trở thành không thể, nếu không có sự tha thứ. Nhưng tha thứ cho những ai ? Trước hết là tha thứ cho chính mình, tiếp đến là tha thứ cho các thành viên trong gia đình mình, tha thứ cho láng giềng, tha thứ cho bạn bè, nhưng cũng tha thứ cho những người xa lạ, những thể chế, những kẻ thù truyền thống, và sau cùng là "tha thứ cho Thiên Chúa". Đây là một liệt kê không đầy đủ những thí dụ về những hoàn cảnh phải tha thứ.

1. Tha thứ cho những thành viên trong gia đình mình:

Quan trọng nhất là tha thứ cho các thành viên trong gia đình mình, bởi vì những quan hệ thân thiết có khả năng làm phát sinh những xung đột thường xuyên :

- Tha thứ cho cha mẹ vì đã làm bạn thất vọng khi bạn nhận ra khuyết điểm của các ngài.

- Tha thứ cho người cha ghen tuông sự thành công của con trai mình.

- Tha thứ cho bà mẹ luôn o bế không để cho bạn được lớn lên.

- Tha thứ cho người cha thường xuyên vắng mặt và im lặng.

- Tha thứ cho cậu em hay cô em đã dành mất địa vị của bạn trong gia đình.

- Tha thứ cho người anh em từ chối giúp đỡ trong lúc bạn túng quẫn.

- Tha thứ cho người anh đã không muốn cho bạn nhập vào nhóm bạn của anh.

- Tha thứ cho ba hay mẹ nghiện ngập làm bạn phải xấu hổ.

- Tha thứ cho chồng bạn vì tính ưa mèo mỡ.

- Tha thứ cho vợ bạn vì đã lừa dối …

- Tha thứ cho mẹ chồng đã nghĩ là bạn cướp mất con trai của bà.

- Tha thứ cho ông bố chồng vì những cử chỉ tán tỉnh cầu thân...

- Tha thứ cho con bạn đòi được quan tâm hơn mà bạn không thể.

- Tha thứ cho cậu con phạm pháp làm bạn phải nhục nhã.

- Tha thứ cho cô con gái không chịu khép mình dưới kỷ luật của bạn.

- Tha thứ cho các con bạn vì đã không tôn trọng các giá trị của bạn và đã phá hủy những ước mơ của bạn về chúng.

2. Tha thứ cho bạn bè và những người gần gủi :

 Thường người ta đặt để những kỳ vọng lớn nơi bạn bè thân thiết và những người quen biết. Chính đó là một nguồn thất vọng bao la :

- Tha thứ cho những người bạn đã làm bạn tổn thương cách bất công.

- Tha thứ cho thằng bạn thân đã để mặc bạn qụy ngã vào lúc bạn cần đến nó.

- Tha thứ cho con bạn thân đã không kín đáo và đã tiết lộ bí mật của bạn.

- Tha thứ cho thằng bạn đã không nhìn nhận bạn trước mặt những nhân vật quan trọng.

- Tha thứ cho người thân thiết đã bỏ rơi bạn trong khi dọn đi nơi khác hay chết.

- Tha thứ cho người bạn chóng quên lời hứa...

- Tha thứ cho người bạn gái thủ lợi đã gài bẩy mai mối cho bạn làm bạn khó xử và nguy hiểm.

- Tha thứ cho những thầy cô kém cỏi và cố chấp làm bạn phải mất thời giờ quí báu ở trường.

- Tha thứ cho ông giám đốc cần khẳng định mình bằng cách hạ nhục bạn.

- Tha thứ cho thằng bạn đồng nghiệp đã gièm pha bạn với thượng cấp.

- Tha thứ cho thượng cấp đã có những lời quở trách làm mếch lòng bạn trước mặt mọi người.

3. Tha thứ cho những người xa lạ :

Các hoàn cảnh cuộc sống áp đặt cho bạn những con người khó ưa gây nên cho bạn những thiệt hại bất ngờ và không lường trước được :

- Tha thứ cho tên lái xe ẩu tả say rượu cán chết con bạn.

- Tha thứ cho thầy thuốc đã chẩn đoán sai khiến bạn phải mất thời gian, tiền bạc và sức khoẻ của bạn.

- Tha thứ cho kẻ làm hư xe bạn mà không nói.

- Tha thứ cho tên trộm đã cướp đi sự kín đáo tư riêng của nhà bạn.

- Tha thứ cho người bán hàng tráo đổi hàng bạn đã chọn lựa. 

4. Tha thứ cho các cơ chế :

Vì sự vô danh của chúng, thật ra khó tha thứ cho các cơ chế hay hiệp hội. Nhưng chúng còn có những người đại diện mà bạn có thể tha thứ cho họ :

- Tha thứ cho hiệp hội đã sa thải bạn sau nhiều năm dài phục vụ trung thành.

- Tha thứ cho Nhà Dòng nễ người quyền thế, ép kẻ cô thế.

- Tha thứ cho hội đồng cố vấn địa phận vì thành kiến và thiếu thông tin chính xác đã có những quyết định bất công và oan ức…

- Tha thứ cho tòa giám mục đã để xảy ra những lạm dụng mà không can thiệp kịp thời và hữu hiệu.

- Tha thứ cho Giáo Hội vì chậm trễ cất đi những vạ oan…

5. Tha thứ cho những kẻ thù truyền thống :

Thoạt đầu xem ra phóng đại, cường điệu khi nói tha thứ cho những kẻ thù của quê hương qua dòng lịch sử. Có lẽ người ta sẽ tự biện minh cho mình, lấy cớ không thể đặt mình vào địa vị của các nạn nhân. Giải thích nầy khó được chấp nhận, vì vẫn còn ký ức tập thể qua đó một dân tộc vẫn giữ sống động những thương tổn đã gây nên cho tổ tiên của họ. Ký ức đó duy trì những thành kiến và ngờ vực khi nó không xúi giục sự thù ghét hoặc không kích động những cuộc tấn công bất công chống lại hậu duệ của những kẻ thù nầy. Trong mức độ người ta còn cảm thấy uất ức về những sĩ nhục quá khứ được ký ức chuyển giao từ thế hệ nầy qua thế hệ khác thì việc chạy đến tha thứ chữa lành trở nên một sự cần thiết :

- Tha thứ cho những nước đã đánh bại tổ tiên bạn.

- Tha thứ cho dân tộc đã lăng nhục dân tộc bạn bằng cách không cho dân tộc bạn được nói tiếng nói của mình và thực hành tôn giáo của mình.

- Tha thứ cho kẻ chiến thắng đã sử dụng sách lược đồng hóa dân tộc bạn.

- Tha thứ cho nòi giống đã thực hành chính sách diệt chủng hoặc toan tính làm như vậy đối với dân tộc của bạn. 

6. "Tha thứ cho Thiên Chúa" :

Xảy ra ngay cả Thiên Chúa cũng bị đưa ra hàng bị cáo. Đề tài tế nhị để đề cập đến khi có kẻ tranh luận vấn đề gai góc về sự cùng tồn tại của sự dữ trong thế giới và lòng tốt của Thiên Chúa. Vấn đề quá phức tạp để bàn đến cách thỏa mãn ở đây. Tôi chỉ xin được phép báo hiệu cho người nào muốn tiến bộ trong đời sống thiêng liêng và củng cố thêm khả năng tha thứ của mình rằng Thiên Chúa, thay vì muốn hay cho phép sự dữ trong thế gian, thì lại là nạn nhân đầu tiên của sự dữ, nếu nghĩ đến Đức Giêsu Kitô. Bấy giờ tôi bằng lòng đặt ra ở đây một câu hỏi đơn giản, ý thức rằng không mang lại một câu trả lời thích đáng : "Người ta phải tha thứ cho vị Thiên Chúa nào đây ?" Vị Thiên Chúa toàn năng mà người ta qui cho nhiều sai lầm không phải là vị Thiên Chúa bất lực và khiêm tốn mà Đức Kitô đã dạy :

- Vì Ngài để cho trẻ con phải đau khổ và phải chết.

- Vì Ngài nói là yêu tôi mà không đến giúp tôi trong những lúc khó khăn nặng nề.

- Vì Ngài coi như ở khắp mọi nơi mà tôi chẳng thấy Ngài.

- Vì xem ra Ngài không trả lời những kêu xin của tôi.

- Vì Ngài không ban cho tôi hạnh phúc mà tôi có quyền được hưởng vì đã chu toàn các bổn phận tôn giáo của tôi.

- Vì sau khi cho tôi biết một chút về thiên đàng bởi một tình yêu lớn lao thì Ngài lại đến tìm đem đi người tôi yêu.

- Vì Ngài để người ta lạm dụng, ngay cả trong Giáo Hội, mà không can thiệp.

- Vì Ngài vẫn phán xét tôi không ngừng.

- Vì tôi không thể đạt tới sự trọn lành mà Ngài buộc tôi nhắm đến. 

7. Tha thứ cho chính mình :

Tôi để sự tha thứ cho chính mình đến cuối bảng liệt kê, thực ra trong tiến trình tha thứ, nó phải được đặt lên đầu hết. Quả thật, sự tha thứ cho người khác mà không được đi trước bởi một sự chấp nhận cảm thông chính mình và sự nghèo nàn của mình thì chỉ là một sự tha thứ hời hợt giả tạo bên ngoài. Nhưng phải tự tha thứ cho mình về cái gì ? :

- Vì đã đặt mình vào một hoàn cảnh khiến mình bị tổn thương.

- Vì đã không biết phải làm gì hay nói gì.

- Vì để bị rơi vào tương tư mà không suy nghĩ.

- Vì để mình bị suy sụp bởi những lời lăng mạ của kẻ nọ người kia.

- Vì đã tự oán trách mình và đã hùa theo kẻ xúc phạm mình.

- Vì đã kéo dài quá lâu một mối quan hệ xấu.

- Vì cảm thấy mình bị tổn thương mà vẫn còn muốn yêu.

- Vì tính ưa hoàn hảo đến không chấp nhận một sai sót nào của mình.

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

Phỏng dịch từ tác phẩm LÀM SAO THA THỨ ? (Comment pardonner ?)

của Lm. Jean Monbourquette o.m.i

VỀ MỤC LỤC
Ðức giáo hoàng Benedictô 16. và Cuộc gặp gỡ gia đình thế giới

 

Cuộc gặp gỡ Gia đình thế giới lần thứ năm đang diễn ra ở thành phố Valencia, bên nước Tây ban nha, từ ngày 04.07. 2006 – 09.07.2006. Ðề tài của cuộc gặo gỡ này: Truyền rao tiếp đức tin trong gia đình. 

Vào hai ngày cuối, từ ngày mùng 08.- 09.07.2006 của cuộc gặp gỡ quốc tế này, Ðức giáo hoàng Benedictô 16. sẽ đến tham dự và chủ tọa lễ bế mạc.

Theo tin tức của Kath.net trên các đường phố ở Valencia cờ Vatican và cờ nước Tây ban nha đã được chăng treo khắp nơi để đón chào Ðức giáo hoàng Benedictô 16.. Cùng với những lá cờ tung bay trong gió có những biểu ngữ với hàng chữ "Te queremos – Chúng con yêu mến Ðức thánh cha“ ; "Semper fidelis – Luôn luôn trung thành“ được căng trên khắp các ngã đường cùng trước nhà người dân. Và những hình ảnh cùng đồ kỷ niệm về Ðức giáo hoàng, về cuộc gặp gỡ được bày bán khắp các hàng quán dọc theo những ngã đường phố..

Cũng có nhóm người chống đối Giáo hội, chỉ là nhóm thiểu số đồng tình luyến ái phản chứng, dự tính sẽ tổ chức họp mặt đi biểu tình nói lên ý nghĩ của họ. Ðây là chuyện thường trong xã hội Âu châu. Nhóm thiều số ít ỏi chống đối này rồi sẽ chẳng tạo nên được sự chú ý gì của mọi người. Họ sẽ bị chìm lẫn trong biển hân hoan phấn khởi của hàng trăm ngàn, hàng triệu con người với tâm trạng tìm đến nguồn sức sống linh thiêng lành mạnh, xây dựng lại cho bản thân, cho gia đình và cho tương lai xã hội đang gặp khủng hoảng.  

Nước Tây ban nha theo truyền thống từ thời xa xưa cho tới bây giờ là một nước gần như toàn tòng theo niềm tin đạo Công giáo – 94 % dân số Rửa tội theo đạo Công giáo. Nhưng rất tiếc, đời sống thực hành đức tin ở xứ này, cũng như tại các nước Âu châu khác, đang trong cơn khủng hoảng. Người dân có rửa tội, nhưng, nhất là người trẻ, càng ngày càng xa lạ lơ là với cung cách sống thực hành đức tin. Nên họ trông đợi nhiều nơi cuộc gặp gỡ lần này, Ðức thánh cha Benedicto 16. đích thân đến có thể mang đến luồng gió mới - ngọn gió Chúa Thánh Thần giúp họ can đảm sống đức tin làm chứng cho Chúa giữa lòng đời xã hội đang trong đà tục hóa xuống dốc về đạo đức luân lý 

Trên đường, ngày thứ bẩy 08.07.2006,  từ phi trường tới trung tâm cuộc gặp gỡ, Ðức thánh cha Benedicto 16. sẽ dừng chân ở trạm xe điện ngầm Jesús, nơi hôm thứ hai vừa qua đã xảy ra tai nạn một xe điện bị trật đường rầy lúc đang chạy, làm 41 người bị thiệt mạng. Tại nơi đây Ðức Thánh Cha sẽ đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân bị thiệt mạng, gặp gỡ an ủi thân nhân gia đình các nạn nhân và cùng với họ cầu nguyện 

Ðức giáo hoàng của chúng ta là một người cha linh hướng mang đến niềm an ủi và khích lệ sự can đảm cho người gặp sầu khổ tang thương khóc lóc!

Ðức thánh cha Benedictô 16. luôn luôn nhấn mạnh đến vai trò gia đình. Theo ngài, gia đình được xây dựng trên nền tảng giữa người đàn ông và người phụ nữ, phải được bảo vệ gìn giữ cùng nâng đỡ. Ðang khi nền tảng này đang bị lung lay gần như bị trốc gốc rễ do luật lệ những quốc gia ngày càng thả lỏng dễ dãi cho việc "đồng tình luyến ái" giữa hai ngưới cùng phái giống tính được lấy nhau hợp pháp như hôn nhân bình thường, cho việc ly dị. Như nước Tây ban nha từ một năm nay, luật lệ quốc gia công nhận hôn nhân đồng tình luyến ái giữa hai người cùng phái tính và được nhận con nuôi; nới lỏng luật ly dị, cho phá thai.

Ðây là những khó khăn thử thách cho việc sống đức tin Công giáo giữa một môi trường đang xa lạ, hay quay lưng lại với truyền thống luân lý niềm tin đạo Công giáo cùng luật tự nhiên, mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong vũ trụ. Giáo hội Công giáo nơi đây đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối, và dịp này Ðức Thánh Cha Benedicto 16. chắc sẽ cũng tìm cách nói lên lập trường của Giáo hội Công giáo với Thủ tướng Tây ban nha Zapatero trong cuộc gặp gỡ riêng với ông.

Ngoài ra còn phải nói đến khủng hoảng đời sống đức tin trong lòng Giáo hội địa phương nơi đây nữa. Dù là một đất nước theo truyền đức tin Công giáo từ xa xưa. Nhưng tình trạng  thay đổi biến dạng về sống đức tin càng ngày càng ăn sâu vào đời sống người tín hữu Công giáo. Theo thống kê trong vòng 35 năm trở lại đây số linh mục giáo phận giảm 30 %. Bây giờ trên toàn nước Tây ban nha có 18.000 linh mục triều và 8000 linh mục dòng. Những người trẻ có ý kiến không còn mấy thiện cảm với Giáo hội về luân lý 

Nhưng Tây ban nha là quê hương truyền thống của Dòng tu lớn như dòng Ðaminh, của trung tâm hành hương quốc tế nổi tiếng từ thế kỷ thứ 10.: Thánh Giacobê Tông đồ ở Santiago de Compostela; của những Phong trào đạo đức canh tân Giáo hội thời bây giờ như Opus Dei, Tân Giáo lý ( Neokatechumenat).

Hàng trăm ngàn người sẽ chào đón và nghe Ðức giáo hòang nói ở những cuộc gặp gỡ trong dịp này. Và vào ngày Chúa nhật 09.07.2006 theo dự tính, sẽ có khoảng một triệu năm trăm ngàn người tham dự Thánh lễ bế mạc cuộc gặp gỡ quốc tế về gia đình do đức Thánh Cha Benedictô 16. chủ tọa ở Valencia.

Ðức Thánh Cha Benedicto 16. đi đến gặp gỡ con người như Chúa Giêsu ngày xưa đã nói với Thánh Tông đồ Phêrô, vị Gíao hoàng đầu tiên: Con hãy đi củng cố đức tin của anh em con“ ( Lc 22,32)

Dựa theo Kath.net Và ZDF.de ngày 08.07.2006

Lm. Nguyễn Ngọc Long

VỀ MỤC LỤC
Ðiều trị ung thư

 

Câu Chuyện Thầy Lang

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức

Hiện nay có ít nhất bốn phương pháp để điều trị ung thư: giải phẫu, xạ trị, hóa trị và miễn dịch trị liệu immunotherapy. Mục đích các phương pháp này là tiêu diệt tế bào ung thư mà cố gắng không gây tổn thương cho tế bào bình thường. Phương pháp có thể dùng riêng rẽ hoặc phối hợp với nhau. Tiến bộ về kỹ thuật đã tăng hiệu quả và an toàn của các phương pháp và nhiều bệnh nhân đã được cứu sống.

Khi một ung thư đã được xác định và có khả năng chữa được thì bác sĩ phải thảo luận với bệnh nhân về tất cả các phương thức trị liệu có thể mang ra dùng. Hỗ trợ tinh thần bằng tâm lý trị liệu rất quan hệ. Đôi khi bệnh nhân cũng cần được hướng dẫn về các trị liệu hứa hẹn nhiều hơn là có thực lực, để tránh tiền mất tật mang và chậm trễ trong việc chữa bệnh.

1- Giải phẫu.

Giải phẫu là phương pháp điều trị cổ điển nhất nhưng cũng rất công hiệu đặc biệt là với ung thư thu gọn ở một phần nào đó của cơ thể. Khi giải phãu, tế bào ung thư được lấy đi càng nhiều càng tốt. Ðôi khi tế bào lành cũng được cắt bỏ để chắc chắn là tế bào ung thư lẫn vào đã được loại hết.

Hiệu quả tùy thuộc vào một số yếu tố:

a- U bướu thu gọn ở một chỗ và chưa di căn;

b- Tế bào ung thư tăng sinh chậm;

c- Vị trí của u bướu;

d- Khả năng chuyên môn của phẫu thuật gia;

e- Công hiệu của các dịch phụ hỗ trợ như thuốc mê, kiểm soát ngừa nhiễm trùng, tiếp máu, dụng cụ giải phẫu và chăm sóc sau khi mổ,

2- Xạ trị

Ðây là phương tiện thường dùng. Quá nửa các loại ung thư được chữa bằng xạ trị đặc biệt là ung thư đầu, cổ, phổi, bọng đái. Thường thường radiation được dùng cho ung thư không chữa được bằng giải phẫu hoặc khi đã giải phẫu mà có e ngại ung thư tái phát

Sự thành công tùy thuộc vị trí của ung thư, ung thư có mẫn cảm sensitive với phóng xạ; u thu gọn và không di căn.

Mục đích xạ trị là để tiêu diệt tế bào nổi loạn và làm teo u khối bằng các làn sóng hoặc phân tử như proton, electron, x-ray, gamma -ray

Có hai cách xạ trị:

a- Ðưa hẳn vào u ung thư. Chẳng hạn sau khi mổ thì radiation chứa trong vật đựng được đặt ngay ở nơi mổ;

b- Dùng máy để hướng radiation vào u bướu và tế bào ở xung quanh;

Xạ tác tiêu diệt hữu hiệu trên tế bào ung thư tăng trưởng nhanh hơn là tế bào thường tăng sinh chậm.

Xạ được đưa vào cơ thể với phân lượng rất nhỏ trong vòng ba hoặc bốn tuần lễ để có tác dụng mạnh lên tế bào ung thư và giới hạn ảnh hưởng lên tế bào lành. Nếu chẳng may bị tổn thương thì tế bào bình thường cũng mau lành.

Công hiệu của xạ trị liệu tùy thuộc phương pháp áp dụng. Tác dụng phụ thông thường là mệt mỏi, thay đổi trên da, ăn mất ngon.

Có điều là chi phí điều trị khá tốn kém, tùy theo điều trị nhiều hay ít.

3- Hóa trị

Ðược dùng khi ung thư đã lan ra ngoài vị trí ban đầu hoặc khi có di căn ở nhiều địa điểm. Phương pháp sẽ hữu hiệu hơn nếu ung thư nhạy cảm với hóa chất; bướu còn nhỏ; khi bệnh nhân khỏe mạnh, có sức chịu đựng với tác dụng ngoại ý của thuốc.

Có nhiều loại hóa chất khác nhau. Mỗi hóa chất có tác dụng riêng biệt với từng ung thư bằng cách làm ngưng sự phân chia và sinh sản của tế bào phản loạn. Khi không có sự phân bào thì tế bào tan vỡ, u bướu teo lại.

Hóa trị đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân và cũng giúp nhiều người khác giảm bệnh.

Không như xạ trị hoặc giải phẫu đòi hỏi ung thư thu gọn, hóa trị có thể phân tán khắp cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư ở các nơi mà bác sĩ  không tìm ra.

Thuốc có thể uống nhưng đa số là truyền qua tĩnh mạch.

Tác dụng phụ thường thấy là ói mửa, rụng tóc, mệt mỏi, dễ nhiễm trùng, thiếu hồng huyết cầu.

4- Miễn dịch trị liệu

Nói đến điều trị ung thư ta thường nghĩ ngay tới tiêu diệt tế bào bệnh hoạn bằng hóa chất, phóng xạ hoặc dao kéo giải phẫu. Các phương pháp này rất công hiệu nhưng cũng gây tổn thương cho tế bào lành.

Miễn dịch trị liệu không ảnh hưởng tới tế bào lành nhưng rất hữu hiệu trong việc tiêu diệt tế bào nổi loạn. Mục đích của trị liệu này là tăng cường khả năng chống trả với bệnh tật của cơ thể, tăng sức chịu đựng của bệnh nhân với tácdụng ngoại ý của hóa trị, xạ trị đồng thời ngăn ngừa sự phát triển tế bào ung thư.

Phương pháp này hiện nay đang được nghiên cứu kỹ càng và có nhiều triển vọng sáng sủa cho người bệnh.

Tr liu mi cho Bn Ung Thư Him nghèo

Với các bệnh ung thư nguy hiểm, y khoa học đã cống hiến nhiều phương pháp trị liệu khá công hiệu. Nhưng những phương tiện này cũng tạo ra một số tác dụng xấu mà người bệnh phải cam nhận.

Sau một giải phẫu, một trị liệu bằng hóa chất, phóng xạ, nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng mất khẩu vị ăn uống, ói mửa, mệt mỏi, suy nhược, tóc rụng, da khô. Đó là do ảnh hưởng của các trị liệu được tung vào người bệnh với hy vọng là sẽ tiêu diệt được nhiều tế bào ung thư hơn là tế bào lành.

Gần đây, đã có nhiều phát minh mới để trị ung thư một cách chính xác hơn, tập trung vào những tế bào nổi loạn. Các phương pháp này dựa trên sự hiểu biết cặn kẽ về đặc tính của tế bào ung thư, yếu điểm của chúng và hướng sự trị liệu vào chúng mà tiêu diệt, thay vì làm hại oan tới tế bào tốt.

Hiện nay đã có một số phương tiện trị liệu mới nhắm vào bốn loại ung thư hiểm nghèo là ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tuyến nhiếp và ung thư ruột già.

1- Ung thư Phổi.

Đây là loại ung thư gây ra tử vong rất cao, bằng tổng số tử vong của các ung thư ruột già, nhiếp tuyên và vú.

Tế bào ung thư phổi rất đa dạng gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên không một phương thức trị liệu đơn độc nào có thể hoàn toàn khống chế được chúng. Các khoa học gia đang thử nghiệm một số trị liệu mới như sau:

a- Phóng xạ trực tiếp (Directed radiation)- Dưới sự hướng dẫn của X quang cắt lớp ( CAT scan) và máy vi tính, tia phóng xạ sẽ được đưa trực tiếp tới vị trí của các tế bào ung thư mà tiêu diệt. Phương  pháp này, gọi là IMRT (intesity modulated radiation therapy), có thể đưa một số phóng xạ nhiều gấp bốn hoặc tám lần tới các tế bào ung thư mà không gây hại gì cho tế bào bình thường ở chung quanh.

IMRT hiện đang được sử dụng ở nhiều trung tâm trị liệu, và cũng được dùng để trị ung thư nhiếp tuyến, ung thư đầu và cổ, ung thư dạ dầy, bao tử.

Tác dụng không tốt gồm có tiêu chẩy, tiểu tiện gắt, kích thích khó chịu ở ruột già và bọng đái.

b- Dược phẩm  trị ung thư để hít vào phổi (Inhaled cancer drugs).-  Giống như thuốc hít chữa bệnh suyễn, thuốc trị ung thư này được hít trực tiếp vào phổi để truy lùng tiêu diệt tế bào ung thư. Một trở ngại là thuốc sẽ chỉ tập trung ở hai lá phổi chứ không phân tán đi khắp cơ thể.

Thuốc đang ở trong giai đoạn thử nghiệm và hy vọng sẽ sớm được áp dụng..

c- Những trái bom tinh nhanh (Smart Bombs)- Hai loại thuốc mới đang chờ đợi cơ quan Thực Phẩm & Dược Phẩm Hoa Kỳ chấp thuận để trị ung thư phổi, ung thư ruột già, vú, nhiếp tuyến, tụy tạng. Đó là thuốc Iressa và Tarceva. Dược phẩm này chuyên đi tìm các tế bào ung thư và chặn sự tăng sinh của chúng, làm u bướu ung thư nhỏ đi. Thuốc tác dụng trực tiếp trên tế bào ung thư nên gây rất ít thiệt hại cho tế bào lành.

2- Ung thư Vú.-

Theo Hội Ung Thư Hoa Kỳ, hàng năm có khoảng trên 200.000 trường hợp ung thư vú được phát hiện và số tử vong lên tới trên 40.000 người. Các phương thức trị liệu mới gốm có:

a- Dược phẩm làm ngưng sự tăng trưởng tế bào ung thư  như Tarceva và Herceptin.

Phối hợp với hóa trị liệu, Herceptin  được coi như  có nhiều hy vọng tránh tử vong cho người bệnh. Thuốc này đã được công nhận, còn Tarceva thì khoảng vài năm nữa là được sản xuất.

b- Thuốc kiềm chế kích thích tố estrogen. Vì có nhiều liên can tới ung thư vú, nên kiềm chế tác dụng của estrogen là muc tiêu của vài dược phẩm mới như Arimidex và Femara. Các thuốc này hiện giờ đang được sử dụng.

c- Làm đông lạnh u ung thư . Dùng tia laser hoặc sóng vi ba với cường độ cao, đưa thẳng vào u ung thư để tiêu hủy nó. Phương pháp này có thể làm tan biến u ung thư nhỏ dưới 3/8 inc và thực hiện mau lẹ, bệnh nhân về nhà ngay ngày hôm sau.

Phương pháp đã được dùng để trị ung thư gan; trong dăm ba năm sẽ được áp dụng cho ung thư vú, phổi và có thể cho cả ung thư nhiếp tuyến.

3- Ung thư Nhiếp tuyến.

Đây là loại ung thư xẩy ra nhiều nhất ở đàn ông. Hàng năm bên Mỹ có khoảng gần 200.000 trường hợp ung thư mới phát hiện và số tử vong cũng khá cao: khoảng 30.000 mỗi năm.

Cho tới nay, hóa trị đã được áp dụng nhưng không công hiệu lắm mà phẫu thuật lại hay gây ra loạn cương dương và sự không kiềm chế tiểu tiện ( incontinence), gây bất tiện cho bệnh nhân.

Các phương thức trị liệu mới đang được thử nghiệm và tương lai có vẻ sáng sủa hơn:

a- Gieo mầm phóng xạ (radiation seeds). Dưới sự hướng dẫn của màn ảnh siêu âm (ultra sound scan), một đầu kim chích chứa một lượng phóng xạ được đưa vào u ung thư và làm teo u này.

Phương pháp được giới thiệu là rất chính xác, không làm hại gì tới tế bào lành ở chung quanh. Khi dùng chung với giải phẫu, phương pháp này có khả năng trị tuyệt từ 60 tới 90% tế bào ung thư nhiếp tuyến.

b- Giải phẫu mà không gây liệt dương. Trong phương pháp này, sau khi cắt bỏ nhiếp tuyến và giây thần kinh điều khiển sự cương dương, nguờì ta lấy một đoạn giây thần kinh ở dưới cổ chân, cấy nơi bẹn để thay thế cho giây thần kinh đã bị cắt bỏ.  Phương pháp đang ở trong vòng thử nghiệm ở Viện ung thư MD Anderson, Texas. Hy vọng là trong vài năm sẽ được hoàn chỉnh và được mang ra sử dụng để tránh cho người bệnh khỏi bị liệt dương vì giải phẫu cứu sống.

4- Ung Thư  Ruột già.

 Đây là loại ung thư đứng hàng thứ tư ở cả nam lẫn nữ giới. Mỗi năm bên Mỹ có khoảng 150.000 ca mới. Số tử vong khoảng 55.000 người.

a- Phối hợp Xạ trị và Giải phẫu. Trong phương pháp này, khi giải phẫu thì xạ liệu cũng được dùng song hành để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ liệu được đưa tới trực tiếp tế bào bệnh nên không ảnh hưởng gì tới tế bào lành. Phương pháp rất tốt khi ung thư giới hạn ở ruột chứ khi đã lan ra các cơ quan lân cận thì quá trễ. Nhiều trung tâm ung thư đã áp dụng phương pháp này.

b- Bỏ đói ung thư (Starving tumors). Tế bào ung thư chỉ tăng sinh khi được nuôi dưỡng đầy đủ. Nếu ta ngăn chặn sự nuôi dưỡng này từ các mạch máu thì tế bào sẽ chết đói, ung thư ngưng phát triển. Đó là chủ đích của các dược phẩm Avastin, Endostatin, chặn sự phát triển của các mạch máu trong u ung thư.

Kết luận

Ngày nay, y khoa học đã mang lại nhiều hy vọng cứu sống cho các nan bệnh ung thư.

Bệnh nhân cũng có thể tìm tới các loại cây con mà loài người có kinh nghiệm về trị bệnh từ lâu. Ðông y ta đã từng dùng lá đu đủ, nấm linh chi, dây tóc tiên, cây rẻ quạt, bạch truật, nam sa sâm, ý dĩ vân vân và đã có trường hợp ung thư thuyên giảm. Có bệnh thì vái tứ phương mà.

 Nhưng có lẽ chỉ nên tìm tới các món này khi mà các phương tiện khoa học hiện có bó tay hoặc dùng phụ thêm nếu không có chống chỉ định. Vì dù sao thì các phương tiện thực nghiệm cũng đã được chứng minh sự hữu hiệu, chẳng trăm phần trăm thì cũng dăm bẩy chục phần trăm.

Ngoài ra, tình trạng tâm trí cũng có ảnh hưởng tới việc điều trị ung thư và các nan bệnh khác. Một hiểu biết cặn kẽ về bệnh tật, một thái độ tích cực, một thư giãn tâm hồn làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể để đối phó với khó khăn.

Như giải phẫu gia Berbard S. Siegel, Ðại học Y khoa Yale nhận xét: “Thể chất đáp ứng với các tín hiệu từ trí óc, một cách ý thức hoặc vô  ý thức.Các tín hiệu này có thề là “sinh” hoặc “tử”. Tôi nghĩ là con người không những chỉ có bản năng sinh tồn mà còn bản năng tự hủy. Bản năng tự hủy khiến cơ thể ngưng sự tự vệ, giảm hoạt động các chức năng, đưa ta tới tử địa khi chúng ta nghĩ là đời không còn đáng sống nữa”.

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức   Texas-Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************