Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 17, Chúa Nhật 18.6.2006


CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH               MỤC LỤC

Lời Mở Đầu: Sắc Lệnh về Đào Tạo Linh Mục                                                             Vatican 2

LINH MỤC: SỐNG TINH THẦN CHIA SẺ CỦA THÁNH THỂ                                                              GSVN

CỬ HÀNH THÁNH THỂ VÀ TÌNH YÊU BA NGÔI                                             + Gm. Phaolo Bùi Văn Đọc

THÁNH LỄ: NGUỒN ƠN VÔ GIÁ                                                          Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

THẦN KHÍ VÀ CON NGƯỜI                                                                                             Lm. Đỗ Vân Lực, OP.

QUẢNG DIỄN MỘT SỐ ĐỀ TÀI Qua NHÃN QUAN VĂN HÓA VIỆT NAM      Lm. Jos Cao Phương Kỷ

ĐỨC MARIA Người Mẹ Của Linh Mục                                                                             Lm. Vũ Xuân Hạnh

TÌNH  NGHÈO  LÀ  PHÚC                                                                                                    Lm. Lê Văn Quảng

Mỗi ngày                                                                                                            Lm. Giuse Ngô Văn Thích, OP.

Trên sân cỏ                                                                                                                  Lm. Nguyễn Ngọc Long

Nắng Sài Gòn - Nắng Viễn Phương                                                                         Bác sĩ Nguyễn Ý- Đức


  Lời Mở Đầu: Sắc Lệnh về Đào Tạo Linh Mục

LTS :

Kính thưa Quí vị,

Bốn mươi năm sau Thánh Công Đồng Vatican II, Dân Chúa tại Việt Nam vẫn chỉ biết rất ít về những nội dung canh tân mà Giáo hội toàn cầu đã công bố rộng rãi. Trước sự thúc bách ấy và trong khả năng hạn hẹp của minh, GSVN sẽ cố gắng giới thiệu những bản văn quan trọng. Tiếp theo sắc  lệnh PRESBYTERORUM ORDINIS, về chức vụ và đời sống các Linh muc. Kể từ số báo này sẽ phổ biến sắc lệnh về Đào Tạo Linh Mục OPTATAM TOTIUS (Bản dịch của GHHV Pio X, 1975).

Sắc Lệnh về Đào Tạo  Linh Mục

Lời Mở Đầu

Mọi người mong ước canh tân toàn thể Giáo Hội, Thánh Công Đồng ý thức rõ ràng như thế, và công cuộc canh tân này phần lớn tùy thuộc việc thi hành chức Linh mục đã được Thần Linh Chúa Kitô thúc đẩy, do đó Thánh Công Đồng tuyên bố việc Đào Tạo Linh Muc là việc vô cùng quan trọng và nêu ra một vài nguyên tắc căn bản: các nguyên tắc này xác quyết những qui luật đã được kinh nghiệm ngàn năm chấp nhận và thêm vào đó những nguyên tắc mới cho hợp với các Hiến chế và Sắc lệnh của Thánh Công Đồng này cũng như với những biến chuyển của thời đại. Vì tính cách duy nhất của chức Linh Mục Công Giáo, nên việc đào tạo Linh Mục là cần thiết cho tất cả các Linh Mục dòng cũng như triều, thuộc bất cứ lễ chế nào. Do đó, những chỉ thị sau đây, tuy trực tiềp nhẳm cho hàng Giáo sĩ triều, nhưng cũng phải tùy nghi thích ứng cho tât cả.

I. PHƯƠNG THỨC ĐÀO TẠO LINH MỤC ÁP DỤNG CHO TỪNG DÂN TỘC

Vì có quá nhiều dân tộc và địa phương khác nhau, nên chỉ có thể nêu ra những qui lụật tổng quát. Do đó, mỗi dân tộc hay mỗi lễ chế phải áp dụng một “Phương thức đào tạo Linh Mục” riêng. Được Hội Đồng Giám Mục ấn định, kiểm nghiệm sau một thời gian và được Tông Tòa phê chuẩn. Nhờ vậy những quy luật phổ quát sẽ được thích nghi với những hoàn cảnh riêng của địa phương và thời đại, để việc đào tạo Linh mục luôn luôn đáp  ứng những nhu cầu muc vu địa phương, nơi mà các Linh mục phảí thi hành chức vụ. 

II. ÂN CẦN CỔ VÕ ƠN THIÊN TRIỆU LINH MỤC

Toàn thể cộng đoàn Kitô hữu có bổn phận cồ võ các ơn thiên triệu, mà trước hết phải tiến hành nghĩa vụ ấy bằng một đời sống Kitô hữu trọn vẹn; các gia đình và cả các giáo xứ góp phần quan trọng vào việc đó: những gia đình sống tinh thần đức tin, đức mến và đạo hạnh trở nên như chủng viện sơ khởi, còn những giáo xứ là nơi các thanh niên tham dự vào đời sống phong phú của mình.

Các giáo chức và tất cả những ai, bằng bất cứ cách nào, lo việc giáo dục thiếu nhi và thanh niên, nhất là những Hội Đoàn Công gíao, phải chú tâm đào luyện các thanh thiếu niên được uỷ thác cho mình, đế họ có thế nhận ra ơn thiên triệu và sẵn lòng bước theo. Mọi Linh Mục phải hết sức nêu cao lòng nhiệt thành tông đồ để khích lệ các ơn thiên triệu và và lôi cuốn tâm hồn những thanh niên đến chức Linh Mục, bằng chính đời sống cá nhân khiêm nhường, cấn mẫn, vui tươí, cũng như bằng tình tương thân tương ái và cộng tác huynh đệ giữa các Linh Mục.

Các Giám Mục có nhiệm vụ thúc đẩy đoàn chiên mình cổ võ ơn thiên triệu, và phải lo phối hợp chặt chẽ mọi năng lực cũng như mọi cố gắng; thực vậy, các ngài phải lấy tình cha con, không quản ngại hy sinh mà giúp đỡ những kẻ chính các ngài xét là được gọi làm sản nghiệp Chúa.

Như thế, việc toàn dân Thiên Chúa hăng say hiệp lực cố võ các ơn thiên triệu sẽ đáp ứng hành động của Chúa Quan Phòng: chính Người ban những ơn thích hợp cho những ai được Người tuyển chọn để tham dự chức Linh Mục phẩm trật của Chúa Kitô và Ngườí giúp đỡ họ bằng ân sủng Người, đồng thời còn ủy nhiệm cho các thừa tác viên hợp pháp của Giáo Hội quyền được gọi những ứng sinh mà các ngài nhận thấy có đủ khả năng, đã được thử thách, có ý ngay lành và hoàn toàn tự do xin thi hành chức vụ cao cả này; các ngài còn được quyền thánh hiến họ bằng ấn tích Chúa Thánh Thần đề họ phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ Giáo Hội. 

Thánh Công Đồng trước tiên đề nghị những phương thế hỗ trợ theo truyền thống, thí dụ: thiết tha cầu nguyện, sám hối theo tinh thần Kitô giáo, kể cả viếc cung ứng cho các Kitô hữu một kiến thức mỗi ngày mỗi thêm sâu rộng hoặc bằng giảng thuyết và giáo lý, hoặc bằng những phương tiện truyền thông xã hội, để làm sáng tỏ mức khẩn thiết, bản chât và sự cao quý của ơn thiên triệu Linh mục. Hơn nữa, Công Đồng yêu cấu các Hội Cổ Võ ơn thiên

triệu đã có hoặc sẽ phải thành lập trong mỗi giáo phận, mỗi miền hoặc mỗi quốc gia theo như các văn kiện của các Đức Giáo Hoàng, phải tổ chức có phương pháp và hệ thông, lại phải vừa thận trọng vừa hăng say đẩy mạnh toàn thể hoạt động mục vụ nhằm cổ võ ơn thiên triệu, đồng thời đừng bỏ qua nhửng trợ lực hữu ích và thích hợp do khoa tâm lý và xã hội học hiện đại cung cấp.

Nhưng công cuộc cổ võ ơn thlên triệu phải rộng rãi vượt khỏi ranh giới cuả từng giáo phận, quốc gia, dòng tu hoặc lễ chế, và lưu tâm đến nhu cầu của toàn thể Giáo Hội để nhất thiết trợ giúp những miền đang khẩn cấp cấn đến những thợ làm vườn nho Chúa.

Trong các Tiểu Chủng Viện, được thiết lập để vun trồng những mầm non ơn thiên triệu các chủng sinh phải được chuẩn bị bước theo Chúa Kitô Cứu thế  với tinh thần quảng đại và tâm hồn trong trắng, nhờ một nền giáo dục tôn giáo đặc biệt, nhất là sự linh hướng thích hợp:  với sự dìu dắt đầy tình phụ tử của các Bề Trên và vớí sự cộng tác thuận lợi của các phụ huynh, chủng sinh phảị sống một đời xứng họp vởi lứa tuổi, với tinh thần và mức độ phát triển của con người thiếu niên và hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn tâm lý lành mạnh, cũng đừng để họ thiếu kinh nghiệm trường đời và thiếu liên lạc với gia đình họ. Ngoài ra, các tiêu chuẩn sau đây được quy định cho các Đại Chủng Viện cũng được thích nghi cho các Tiếu Chủng Viện, miễn là phù hợp với mục đích và quy chế của Tiểu Chủng Viện, còn về học vấn chủng sinh phải theo đuổi, nên tổ chức thế nào để họ có thể tiếp tục dễ dàng ở nơi khác nếu họ chọn một bậc sống khác.

Cũng phái tùy hoàn cánh địa phương đế ân cần cồ võ các mầm non ơn thiên triệu nơi thanh thiếu niên trong các Cơ Sở giáo dục cùng theo đuổi một mục đích như các Tiểu Chủng Viện, và cả nơi những kẻ đang thụ huấn trong các trường khác hoặc đang theo đuổi những phương thức giáo dục khác, ước gì mọi người lưu tâm cổ võ những Cơ Sở giáo dục và các tổ chức tương tự khả dĩ giúp những người lớn tuổi bước theo ơn thiên triệu.

Còn tiếp

VỀ MỤC LỤC

    LINH MỤC: SỐNG TINH THẦN CHIA SẺ CỦA THÁNH THỂ

 

Lần mở những cuốn từ điển Việt Nam, tôi chỉ thấy được hai chữ “chia xẻ” (x). Động từ này bao gồm hai động tác : chia là phân ra nhiều phần và xẻ là mổ ra, cắt ra. Như vậy chia xẻ trong ngôn ngữ bình thường, có nghĩa là chia ra và lãnh nhận phần được chia.

Tuy nhiên, trong những thời gian gần đây và nhất là trong ngôn ngữ nhà đạo, chúng ta lại thường dùng hai chữ “chia sẻ” (s). Sẻ ở đây có nghĩa là san sẻ, chia bớt, sớt bớt cho nhau. Và như thế, chia sẻ vừa có nghĩa là thông phần, dự phần, gánh chịu một phần, vừa có nghĩa là giúp đỡ. Chẳng hạn khi chúng ta nói : tôi xin chia sẻ nỗi buồn với anh, thì có nghĩa là tôi gánh chịu một phần nỗi buồn với anh. Chẳng hạn khi chúng ta nói : tôi xin chia sẻ chi phí với anh, thì có nghĩa là tôi chịu một phần chi phí cùng anh.

Cũng vậy, khi chúng ta nói : Đức Kitô đã xuống thế để chia sẻ thân phận con người, thì có nghĩa là Ngài thông phần vào những khổ đau và bất hạnh của con người.

Từ những nhận định trên, chúng ta đi vào đề tài của ngày hôm nay : Linh mục sống tinh thần chia sẻ của Thánh Thể.

 - SỰ CHIA SẺ CỦA THIÊN CHÚA  

        1- NƠI CHÚA CHA

       Như chúng ta đã biết : Thiên Chúa là Đấng toàn năng. Ngài không thiếu thốn một sự gì và Ngài cũng chẳng cần ai giúp đỡ. Vậy tại sao Ngài đã tạo thành trời đất muôn vật ? Sách Giáo lý Tân Định ngày xưa đã trả lời như sau :

        “Đức Chúa Trời tạo thành trời đất muôn vật có ý thông sự tốt lành của Chúa cho mọi loài để cho sáng danh Chúa và cho ta được dùng mà làm sáng danh Chúa hơn.”

       Thực vậy, Thánh Bônaventura đã giải thích : “Thiên Chúa đã sáng tạo mọi sự không phải để gia tăng Vinh quang, nhưng để biểu lộ và thông ban Vinh quang đó.” Thiên Chúa không có lý do nào khác để sáng tạo ngoài tình thương và lòng nhân hậu của Ngài : Chính chìa khóa tình thương đã mở bàn tay Ngài để sinh sản vạn vật.

       Công đồng Vaticanô I cũng đã giải thích :

        “Thiên Chúa duy nhất, trong ý định hoàn toàn tự do, ngay khởi đầu đã tạo dựng tất cả từ hư không, loài thiêng liêng hay loài có thể xác. Thiên Chúa đã làm như vậy, với lòng nhân hậu và nhờ sức mạnh toàn năng của Ngài, không phải để gia tăng hạnh phúc  của Ngài, hoặc để đạt tới sự trọn hảo, nhưng là để biểu lộ sự trọn hảo ấy qua những điều tốt lành Ngài ban cho các thụ tạo.”

       Như vậy, một trong những mục đích của Chúa Cha khi tạo dựng, đó là thông ban, chia sẻ những sự tốt lành của Ngài cho muôn loài.

       Và như chúng ta cũng đã biết : trong các loài Chúa đã tạo thành có hai loài trọng hơn, một là thiên thần, hai là loài người. Riêng về loài người sách Giáo lý đã xác quyết như sau :

        “Con người đầu tiên không phải chỉ được sáng tạo tốt lành mà thôi, nhưng còn được đặt trong tình thân với Đấng Tạo Hóa, hài hòa với chính mình và với vạn vật chung quanh.” (GLHTCG 374).

       Dấu hiệu của tình thân này là việc con người được sống trong vườn địa đàng và hằng ngày được trò chuyện cùng Thiên Chúa. Như vậy, việc tạo dựng con người cũng chính là việc Chúa Cha chia sẻ tình thương của Ngài cho chúng ta.

       Được sống trong tình yêu thương của Thiên Chúa, thế nhưng con người đã quay lưng chống lại  Ngài :

        “Được Thiên Chúa đặt trong tình trạng thánh thiện, ngay từ phút đầu của lịch sử, con người nghe theo thần dữ nên đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa.” (MV 13).

       Thế nhưng, sau khi sa ngã con người đã không bị Thiên Chúa bỏ rơi, trái lại Ngài còn hứa ban cho chúng ta một Đấng Cứu Thế, bằng cách sai Con Một Ngài là Đức Kitô đến trong thế gian để giải thoát chúng ta khỏi án phạt của tội lỗi. Và như vậy chương trình cứu độ của Chúa Cha cũng chính là một sự chia sẻ của Ngài đối với nhân loại.

        2- NƠI CHÚA CON

       Đức Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, đã sinh ra trong nghèo túng của máng cỏ Bêlem, đã lớn lên trong vất vả của xưởng thợ Nagiarét, còn khi đi rao giảng thì lang thang nay đây mai đó :

        "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." (Mt 8,20).

       Ngài cũng đã đói khát, mệt mỏi, buồn phiền và đau khổ…Ngài đã trở nên một con người hoàn toàn giống chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.  Và như vậy, Ngài đã cúi xuống chia sẻ thân phận con người cùng khổ với chúng ta.

       Sự chia sẻ này lên tới đỉnh cao của nó khi Ngài chịu chết trên thập giá và đổ ra cho đến giọt máu cuối cùng vì yêu thương chúng ta và để cứu rỗi chúng ta như lời Ngài đã nói :

        “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).

       Ngài chính là con chiên đã gánh lấy tội trần gian như lời thánh Gioan Tiền Hô đã giới thiệu : "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.” (Ga 1,29). Và như vậy, Ngài cũng đã cúi xuống chia sẻ thân phận tội nhân với chúng ta.

       Tinh thần chia sẻ ấy còn được biểu lộ một cách rõ rệt qua việc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể.

        II- THÁNH THỂ, BÍ TÍCH CỦA CHIA SẺ

        1- SỰ CHIA SẺ CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ

       Như hy tế Thập giá, Thánh Thể cũng là việc Đức Kitô chia sẻ thân phận tội nhân với chúng ta, vì Thánh Thể chỉ là việc thực hiện trước những gì sẽ được hoàn tất vào buổi chiều ngày hôm sau, thứ sáu tuần thánh, trên đỉnh đồi Canvê : 

        “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy." Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” (Lc 22,19-20).

       Hơn thế nữa, qua Thánh Thể Đức Kitô còn chia sẻ chính sự sống của Ngài cho chúng ta, bởi vì bánh và rượu sẽ trở nên Mình và Máu thánh Chúa, làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta, như lời Ngài đã phán :

        “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6,54-56).

       Chính vì thế, Đức Kitô đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa ăn sau cùng với các môn đệ dưới hình thức một bàn tiệc. Thực vậy, trong một bữa tiệc những người ngồi cùng bàn sẽ chia sẻ với nhau đồ ăn và thức uống, là nguồn dinh dưỡng đem lại sức sống cho thân xác. Cũng vậy, nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cùng chia sẻ với nhau Mình thánh Chúa, của ăn thiêng liêng đem lại sức sống cho linh hồn : Một tấm bánh được bẻ ra và được phân phát cho mọi người…

         2- SỰ CHIA SẺ CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ TRONG GIÁO HỘI SƠ KHAI  

       Ngay từ những tháng năm đầu tiên, Giáo hội luôn ý thức và sống tinh thần chia sẻ của Bí tích Thánh Thể. Thực vậy, Bí tích Thánh Thể lúc bấy giờ được gọi là nghi thức Bẻ  Bánh :

        “Bí tích Thánh Thể được gọi là Lễ Bẻ Bánh, vì trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu dùng nghi thức đặc thù của người Do Thái để chúc tụng Thiên Chúa và chia bánh như người chủ tiệc thường làm.” (GLHTCG 1329).

       Nhờ nghi thức này, hai môn đệ trên đường đi Emmaus đã nhận ra Chúa Giêsu :

        “Họ nài xin : Hãy ở lại với chúng con. Và Ngài đã đồng ý. Một lát sau, khuôn mặt Chúa biến đi, nhưng Người Thầy ấy vẫn luôn ở lại với họ, ẩn diện trong hành vi bẻ bánh, giúp họ mở to đôi mắt để nhận biết Ngài.” (LCXOLVCC 1).

       Nghi thức Bẻ Bánh đã trở nên trung tâm của mọi sinh hoạt trong Giáo hội :

        “Bẻ bánh ”- như Bí tích Thánh Thể được gọi từ lúc khai nguyên – luôn luôn là trung tâm của đời sống Giáo Hội. Qua đó, Chúa Kitô làm cho mầu nhiệm sự chết và sống lại của Người hiện thực trong thời gian. Trong đó, Người được đón nhận trong một nhân vị, như “ Bánh sự sống từ trời ban xuống  ” ( Gio. 6, 51 ), và cùng với Người, chúng ta nhận được bảo chứng của sự sống đời đời cũng như hưởng nếm trước bàn tiệc vĩnh cửu của Giêrusalem thiên quốc.” (LCXOLVCC 3).

       Cũng trong chiều hướng ấy, thư chung năm 2004 đã viết :

        “Một dấu chỉ sống động mà Giáo hội không ngừng thực hành ngay từ buổi sơ khai và mãi cho tới khi Chúa trở lại, đó là nghi lễ Bẻ Bánh…Mọi người trong bàn tiệc chia nhau cùng một tấm bánh. Tấm bánh ấy là Thân Mình Đức Kitô được bẻ ra cho mọi người thông phần. Cử chỉ bẻ bánh nói lên nếp sống chia sẻ của Giáo hội.” (GHSMNTT 9).

       Tinh thần chia sẻ này không phải chỉ được biểu lộ qua việc bẻ bánh và phân phát cho mọi người, mà còn được biểu lộ qua việc dâng tiến lễ vật :

        “Từ thuở ban đầu, khi mang bánh và rượu đến cử hành thánh lễ, các Kitô hữu cũng mang theo tặng phẩm để giúp đỡ những người túng thiếu. Tập tục quyên góp xưa nay xuất phát từ mẫu gương của Đức Kitô, Đấng hóa nên nghèo để biến chúng ta thành giàu sang.” (GLHTCG 1351).

       Theo truyền thống, những lễ vật giáo dân mang đến sẽ được chia làm ba phần. Một phần được sử dụng trong Thánh Lễ, một phần được dùng để nuôi sống Linh mục, Tu sĩ và những người phục vụ bàn thờ, còn một phần được dùng để giúp đỡ những người nghèo túng.

       Hơn thế nữa, tinh thần chia sẻ này không phải chỉ được biểu lộ trong nghi thức Bẻ Bánh, mà còn được biểu lộ trong cuộc sống thường ngày qua việc gom góp tài sản riêng làm của chung và phân phối cho mỗi người tùy nhu cầu.

       Thư chung năm 2004 cũng viết như sau :

        “Những của cải tinh thần khi được chia sẻ, không bao giờ mất đi, giống như hũ bột không cạn, bình dầu không vơi của bà góa thành Sarepta. Của cả vật chất khi được chia sẻ, thì không còn nguyên vẹn, vì được phân ra nhiều phần để mỗi người đều được hưởng. Các Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai đã sống tinh thần chia sẻ cách triệt để : Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu (Cv 2,44-450.” (GHSMNTT 9).

        3- SỰ CHIA SẺ CỦA THÁNH THỂ TRONG GIÁO HỘI HIỆN NAY

       Tiếp nối truyền thống cao đẹp ấy, Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh đến nếp sống chia sẻ của Giáo hội. Thư chung năm 2004 cũng đã đưa ra một mô hình tổng quát cho việc thực thi tinh thần chia sẻ như sau :

        “Hình ảnh của sự hưởng thu, ích kỷ là cách đối xử của nhà phú hộ với ông Lagiarô nghèo khổ trong Tin mừng Luca (Lc 16,19-31). Còn hình ảnh của sự chia sẻ là năm chiếc bánh và hai con cá nuôi hơn năm ngàn người ăn (Ga 6,1-15); rõ dàng đây cũng là hình ảnh của mầu nhiệm Thánh Thể.

        Chúng ta hãy mặc lấy tinh thần đồng cảm và chia sẻ trong lòng Giáo hội. Chia sẽ là một hành vi bác ái thể hiện tình huynh đệ Kitô giáo. Các giáo phận, các giáo xứ hãy chia sẻ với nhau và cho nhau; các gia đình trong giáo xứ và các cá nhân hãy quan tâm đến nhau.

        Trước hết, đừng ngại chia sẻ với nhau những của cải tinh thần. Giáo hội Công giáo có một gia sản hai ngàn năm cần được khai thác và chia sẻ. Trong Giáo hội, chúng ta cũng phải biết chia sẻ với nhau các công việc mục vụ tông đồ. Chúa Giêsu kêu gọi mọi người vào làm vườn nho cho Chúa, không loại trừ người đến vào giờ chót.

        Kế đến, đừng ngại chia sẻ của cải vật chất cho nhau để làm việc chung, để giúp đỡ những người hoạn nạn yếu đau, đặc biệt những người nghèo, để Giáo hội thực sự trở thành Giáo hội của người nghèo và cho người nghèo.

        Sự chia sẻ của chúng ta không chỉ dừng lại nội bộ, nhưng còn hướng ra bên ngoài Giáo hội. Ý thức sự da dạng của các nền văn hóa và các tôn giáo, chúng ta sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm tôn giáo của mình và nên có tinh thần cởi mở đối với các tôn giáo bạn, tích cực cộng tác với tín đồ các tôn giáo, với những người thiện chí trong công việc từ thiện và bác ái xã hội.” (GHSMNTT 9).

       Trong việc chia sẻ và giúp đỡ người khác, Giáo hội mong muốn chúng ta đặc biệt lưu tâm tới những người nghèo túng :

        “Bí tích Thánh Thể đòi buộc chúng ta phải chăm sóc người nghèo. Để thực sự lãnh nhận Mình và Máu Đức Kitô đã phó nộp vì chúng ta, chúng ta phải nhận ra Ngài trong những người nghèo nàn nhất, những anh em của Ngài.” (GLHTCG 1397).

       

III- LINH MỤC SỐNG TINH THẦN CHIA SẺ CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ

       Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha cũng như của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, hơn ai hết các Linh mục phải đi trước trong việc sống tinh thần chia sẻ.

        1- CHIA SẺ VỚI GIÁM MỤC

       Nếu giáo phận là một gia đình, thì các Linh mục phải coi Giám mục như người cha thực sự của mình. Vì thế, các Linh mục không phải chỉ có bổn phận phải hiệp thông với Giám mục, mà hơn nữa còn phải :

        1- Chia sẻ trách nhiệm với Giám mục bằng cách cộng tác với ngài :

        “Tất cả các Linh mục, nhất là những vị đặc biệt thụ phong để thành linh mục giáo phận, hãy nhớ rằng việc trung thành kết hợp và quảng đại cộng tác với Giám mục là phương tiện tốt nhất để thánh hóa chính mình.” (GH 41).

        2- Chia sẻ những lo lắng với Giám mục :

        “Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, Linh mục là hiện thân của Giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, lãnh nhận phần chức vụ cùng chia sẻ nỗi lo lắng của Giám mục và hằng ngày ân cần thi hành chức vụ ấy.” (GH 28).

        3- Chia sẻ những công việc chung của giáo phận :

        “Luôn mưu cầu lợi ích cho con cái Thiên Chúa, Linh mục phải hăng hái tham gia những công cuộc mục vụ của cả giáo phận, hơn nữa của toàn thể Giáo hội.” (GH 28).

        2- CHIA SẺ VỚI CÁC LINH MỤC KHÁC

       Trong gia đình giáo phận, nếu Giám mục đã là người cha, thì các linh mục chính là những người anh em với nhau, được nối kết bằng một tình huynh đệ chân thành, vì thế phải biết sống tình thần chia sẻ bằng cách giúp đỡ lẫn nhau :

        “Điều rất quan trong là tất cả các Linh mục, triều cũng như dòng, phải giúp đỡ lẫn nhau, để luôn luôn là những cộng tác viên của chân lý.” (LM 8).

       Sự giúp đỡ này được thực hiện về phương diện tinh thần, vật chất, cũng như mục vụ.

        1- Chia sẻ về tinh thần :

        “Các ngài cũng hãy sẵn lòng và vui vẻ họp nhau để tĩnh dưỡng tâm hồn, vì nhớ lại những lời chính Chúa đã mời gọi các tông đồ mệt mỏi : các con hãy đến nơi thanh vắng và nghỉ ngơi một chút. Ngoài ra, để giúp nhau vun trồng đời sống thiêng liêng và trí thức, để có thể cộng tác với nhau đắc lực hơn trong thừa tác vụ và để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra do sự cô đơn, các linh mục phải cổ võ một đời sống chung, hoặc một lối sống cộng đoàn nào đó. Việc này có thể thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau tùy những nhu cầu khác biệt thuộc cá nhân hay mục vụ : như ở chung nơi nào có thể hoặc ăn chung, hoặc ít là có những cuộc họp mặt thường xuyên và định kỳ. Cũng nên thành lập và nhiệt liệt khuyến khích các hội Linh mục mà nội quy đă được giáo quyền hữu trách chuẩn nhận…” (LM 8).

        2- Chia sẻ về vật chất :

        “Trong tinh thần huynh đệ đó, các linh mục đừng quên lòng hiếu khách, phải lo làm việc thiện và san sẻ của cải, nhất là chú tâm đến những vị đau yếu, phiền muộn, lao lực, cô đơn, bị đày ải và ngay cả những vị bị bách hại.” (LM 8).

        “Hơn nữa các ngài hãy nhớ rằng những của cải mình có được khi nhận chức vụ trong Giáo hội đều liên hệ vì nhiệm vụ thánh, nên các ngài hãy tùy sức mà quảng đại giúp đỡ những nhu cầu vật chất của giáo phận, theo như sự quy định của Giám mục.” (CD 28).

        3- Chia sẻ về mục vụ :

        “Tất cả các linh mục giáo phận hãy hợp nhất với nhau và nhờ thế thúc đẩy lo lắng cho lợi ích thiêng liêng của toàn giáo phận.” (CD 28).

    3- CHIA SẺ VỚI GIÁO DÂN

        1- Chia sẻ những khó khăn của giáo dân :

       Linh mục được kêu gọi là để phục vụ dân Thiên Chúa (GH 28), như Chúa Giêsu đã phán :

        “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mt 20:26-28).

        Để việc phục vụ hiệu qủa, thiết tưởng các Linh mục phải tìm hiểu đoàn chiên :

       “Trong khi chu toàn nhiệm vụ chủ chăn, trước tiên các ngài hãy quan tâm tìm hiểu đoàn chiên riêng của mình.” (GM 30).

       Có tìm hiểu, các ngài mới nhận ra được những khó khăn để rồi có được một thái độ cảm thông và chia sẻ vừa hợp tình lại vừa hợp lý.

        Tiếp đến, các ngài còn phải sống gần gũi với đoàn chiên :

        “Các linh mục Tân ước, do ơn gọi và chức thánh, một cách nào đó được tuyển chọn ngay giữa Dân Chúa, nhưng không phải để tách biệt khỏi họ hoặc bất cứ một người nào, mà để tận hiến làm công việc Chúa đã chọn họ làm…Chính thừa tác vụ của các ngài, vì mang một danh nghĩa đặc biệt, nên đòi buộc các ngài không được theo thói thế gian, nhưng đồng thời lại đòi hỏi các ngài sống trong thế gian giữa loài người.” (LM 3).

        Và sau cùng, các ngài hãy đối xử khoan dung với mọi   người :

       “Linh mục phải theo gương Chúa mà đối xử rất nhân đạo đối với hết mọi người. Tuy  nhiên, khi dạy dỗ và khuyên bảo họ như những người con rất yêu quí, các ngài phải đối xử với họ không phải theo sở thích loài người, nhưng theo giáo thuyết và đời sống Kitô giáo đòi hỏi, như lời thánh Tông đồ : hãy nhấn mạnh khi thuận tiện cũng như khi bất tiện, hãy khiển trách, đe dọa, khuyến khích, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.” (LM 6).

       Tuy nhiên Linh mục cần quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ một số người đặc biệt sau đây :

       - Những người nghèo :

         “Tuy mắc nợ hết mọi người, nhưng các linh mục phải đặc biệt săn sóc những người nghèo khổ và yếu đuối được trao phó cho mình : vì chínnh Chúa đã tỏ ra là bạn hữu với họ và coi việc rao giảng Phúc âm cho họ là dấu hiệu cho công cuộc cứu thế”. (LM 6).

        - Giới trẻ :

        “Các linh mục cũng phải đặc biệt tận tâm theo dõi các thanh thiếu niên, ngay cả những người đã có đôi bạn và những bậc phụ huynh, để ước gì họ họp thành những nhóm bạn hữu biết giúp đỡ nhau sống đời Kitô giáo một cách dễ dàng và đầy đủ hơn trong cuộc sống đầy khó khăn.” (LM  6).

        - Những người bỏ đạo :

        “Như mục tử tốt lành, linh mục còn phải đi tìm (Lc 15,4-7) những người đã lãnh nhận phép thanh tẩy trong Giáo hội công giáo, nhưng đã xao lãng không lãnh nhận các bí tích hay đã mất đức tin.” (GH  28).

        2- Chia sẻ trách nhiệm với giáo dân :

       Trong việc điều hành giáo xứ, các ngài hãy cộng tác với giáo dân bằng cách tín nhiệm và trao cho họ những công việc cụ thể cần phải làm :

        “Các ngài nên tin cẩn giao cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động. Hơn nữa, các ngài cũng nên khuyến khích họ tự đảm lấy trách nhiệm.” (GH  37).

        “Các ngài phải tin tưởng trao phó nhiệm vụ cho các giáo dân trong việc phục vụ Giáo hội, để cho họ được tự do và có lãnh vực hoạt động, hơn nữa lúc thuận tiện, phải khuyến khích họ tự ý đảm trách công việc.” (LM 9).

        KẾT LUẬN

       Tư tưởng thì trừu tượng khó mà kiểm chứng, còn lời nói thì nhiều lúc trở thành bôi bác giả hình, chỉ có những việc làm cụ thể mới chứng tỏ được lòng yêu thương phục vụ của chúng ta.

       Đây cũng chính là điều Chúa Giêsu nhấn mạnh trong Tin Mừng. Thực vậy, trong ngày sau hết, chúng ta sẽ bị Chúa tra hỏi về điều gì, nếu không phải là về những hành động bác ái chúng ta đã làm, hay đã không làm cho những người chung quanh.

       Chính những hành động bác ái này sẽ ấn định số phận đời đời cho mỗi người chúng ta, bởi vì khi chúng ta giúp đỡ người khác là chúng ta giúp đỡ cho chính Chúa vậy.

       Thiết tưởng chúng ta nên nhớ rằng : những gì chúng ta chắt chiu vun trồng hôm nay, thì ngày mai người khác sẽ chiếm hữu; những  gì chúng ta mua sắm hôm nay, thì ngày mai người khác sẽ hưởng dùng;  chỉ có những gì chúng ta cho đi hôm nay, thì mới thuộc về chúng ta mãi mãi mà thôi.

GSVN

VỀ MỤC LỤC
CỬ HÀNH THÁNH THỂ VÀ TÌNH YÊU BA NGÔI

 

I. Cử hành Tình Yêu Cứu Độ của Chúa Cha :

Bình thường khi cử hành Thánh Lễ, chúng ta chỉ nghĩ đến hy tế của Chúa Giêsu. Điều đó đúng, và đã được công đồng Trento định tín. Nhưng chưa đủù, vì cơ cấu của Phụng Vụ, đặc biệt là Thánh Lễ, là cơ cấu Ba Ngôi : Hội Thánh hướng về Chúa Cha như là Nguồn Suối đầu tiên của ơn cứu độ (a Patre) thực hiện nhờ Chúa Kitô (per Christum) trong Chúa Thánh Thần (in Spiritu). Hội Thánh dâng lên Chúa Cha (ad Patrem) hy tế Tạ ơn, cũng nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Chính vì thế, cử hành Thánh Lễ mà không nghĩ tới Chúa Cha là một thiếu sót rất lớn trên bình diện thần học, phụng vụ và tu đức.

Cử hành bí tích Thánh Thể tiên vàn là cử hành Tình Yêu vô bờ bến của Thiên Chúa Cha đối với nhân loại, cử hành Tình Yêu Cứu Độ của Chúa Cha, Đấng không những ban ơn Tha Tội cho chúng ta nhờ hy tế thập giá của Chúa Giêsu, mà còn muốn chia sẻ sự sống thần linh của mình cho chúng ta trong Mình và Máu Con Yêu Dấu của Người.

Cử hành bí tích Thánh Thể là cử hành việc Chúa Cha ban Con Một cho loài người chúng ta (Ga 3,16; Rm 8,32). Và là đón Chúa Kitô đến từ Chúa Cha, như là Hồng Ân, là Quà Tặng lớn nhất mà Chúa Cha ban cho chúng ta. Chúng ta đón nhận hồng ân đó mỗi ngày. Hằng ngày, Chúa Cha ban Đức Kitô cho chúng ta. Hằng ngày chúng ta đón nhận Ngài từ nơi Chúa Cha như Bánh bởi trời, Bánh sự sống, như lương thực thần linh nuôi dưỡng chúng ta. Chúa Cha là Mục Tử Hằng Hữu mỗi ngày chăm sóc và nuôi dưỡng chúng ta bằng của ăn quý giá nhất là Mình và Máu của Chúa Kitô, Con Yêu Dấu của Ngài, để chúng ta nên một với Chúa Kitô và trở nên con cái của Ngài cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô 

Cử hành bí tích Thánh Thể còn là dâng lên Chúa Cha Của Lễ Duy Nhất đẹp lòng Cha mọi đàng, là chính Chúa Kitô, Con Yêu Dấu của Cha. Chúng ta dâng lên Cha Hồng Ân mà Cha đã ban cho chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Ngài vừa là Hồng Ân, vừa là Của Lễ. Chính trong lúc dâng lên Cha Bánh sự sống và Chén cứu độ là Mình và Máu Chúa Kitô, mà chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần, trở nên lễ vật vĩnh cữu muôn đời dâng hiến Cha cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô.

Cử hành bí tích Thánh Thể còn là cử hành Mầu Nhiệm Tân Ước Vĩnh Cữu mà Thiên Chúa Cha ký kết với Hội Thánh là Israel mới và là nhân loại mới, bằng Máu của Con Yêu Dấu Người, đã trở thành người anh em trong nhân loại chúng ta. Đó là cử hành Tình Yêu trung thành của Thiên Chúa Cha, tình yêu bền bĩ vượt mọi trở ngại và bất trung từ phía nhân loại. Vì là cử hành Giao ước, cử hành bí tích Thánh Thể là tuyên thệ thuộc về Cha, là tuyên xưng Cha là Thiên Chúa Duy Nhất và chân thật, và Đức Giêsu- Kitô là Đấng Cha đã sai (Ga 17,3). Là tuyên bố chấp nhận Giao ước, sống Giao ước và thực hành Giao ước ký kết với Cha nhờ Máu của Đức Giêsu-Kitô. Chúng ta cử hành bí tích Giao ước Mới để trở nên Dân riêng của Thiên Chúa, Dân Thánh, Dân Tư Tế, Dân tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa.

II. Cử hành Tình Yêu của Chúa Kitô :

Tình yêu cứu độ của Chúa Cha thể hiện nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Chính vì thế cử hành Thánh Lễ là cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô.

Cử hành bí tích Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, là tuyên xưng Tình Yêu của Chúa Kitô đối Thiên Chúa và đối với nhân loại.

Đức Giêsu Kitô là Đấng thi hành trọn vẹn hơn cả giới răn thứ nhất của Thiên Chúa: yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn. Không có tình yêu nào lớn bằng tình yêu của Đức Giêsu dành cho Thiên Chúa. Đó là lý do làm cho cuộc sống tại thế của Người luôn hướng tới Giờ Vượt Qua thế gian để trở về với Chúa Cha.

Đức Giêsu cũng là Đấng thi hành trọn vẹn hơn cả giới răn thứ hai: yêu mến tha nhân như chính mình. Giờ Vượt Qua là Giờ Tình Yêu Cứu Chuộc: không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu (Ga 15,13).

Cử hành bí tích Thánh Thể là cử hành cái chết hy tế thập giá của Đức Giêsu Kitô và sự Phục Sinh vinh hiển của Người.

Đức Giêsu đã đến trong xác phàm, Người phải chết đi theo kế hoạch Chúa Cha dự liệu, để có thể đến với nhân loại trong Thần Khí. Người ra đi về với Chúa Cha và Người đến với chúng ta trong Thần Khí, ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Cử hành mầu nhiệm Thánh Thể là cử hành việc Chúa Kitô đến với chúng ta trong Thần Khí, cử hành sự hiện diện cứu độ của Chúa Kitô ở giữa nhân loại, trong lòng Hội Thánh. Chúng ta vui mừng đón tiếp Người đến với chúng ta. Chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc và kết hiệp với Người. Người đến với chúng ta trong mầu nhiệm Vượt Qua, để lôi kéo chúng ta đồng hành với Người. Người đưa chúng ta về cùng Chúa Cha và hướng chúng ta đến với tha nhân.

Tình yêu của Chúa Kitô là tình yêu tự hiến cho Thiên Chúa và tha nhân. Chính vì sự tự hiến ấy mà Thiên Chúa đã cho Đức Kitô sống lại, chiến thắng tội lỗi và sự chết. Cử hành mầu nhiệm Thánh Thể là ăn mừng chiến thắng của tình yêu Chúa Kitô, loan truyền việc Chúa chịu chết vì yêu thương, tuyên xưng việc Chúa sống lại vì sức mạnh tình yêu, và chờ đợi ngày Phục Sinh vinh quang của toàn thể nhân loại lúc Chúa lại đến. 

III. Cử hành Công Việc của Chúa Thánh Thần :

Cử hành bí tích Thánh Thể là cử hành công việc thần linh, thuộc lãnh vực Thần khí. Đó là công việc siêu nhiên lớn nhất, là mầu nhiệm thánh, là công việc của Chúa Thánh Thần và Giáo Hội.

Cả truyền thống Giáo hội đông phương coi Phụng Vụ và nhất là việc cử hành Thánh Lễ, vừa giống như Thi Ca của Chúa Thánh Thần, vừa là Lời Khẩn Nguyện lớn nhất của Giáo Hội xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần nhờ công nghiệp của Chúa Kitô.

Truyền thống Giáo Hội latinh, tuy không nhấn mạnh bằng, vẫn không ngừng lưu tâm đến vai trò của Chúa Thánh Thần. Theo thánh Agostino, sự hiến thánh bánh và rượu chỉ thực hiện được do sự can thiệp vô hình của Chúa Thánh Thần (De Trinitate 3,4-10). Thánh Tôma cũng viết: của uống thiêng liêng chỉ được hiến thánh bởi Chúa Thánh Thần, Biến Thể được gán cho Chúa Kitô với tư cách là Thượng Tế và là Của Lễ, được gán cho Chúa Thánh Thần, Đấng đã làm cho Đức Kitô tự hiến (Sententiae IV).

Kinh nguyện Thánh Thể là Lời Cầu Nguyện của toàn thể Giáo Hội, được Chúa Thánh Thần linh hoạt, cùng với Chúa Kitô, dâng lên Chúa Cha. Cử hành Phụng Vụ là tôn vinh Chúa Cha trong Thánh Thần và Chân Lý, là làm vinh danh Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần vừa là linh hồn của phụng Vụ, Đấng linh hoạt Phụng Vụ, vừa là môi sinh, là cảnh vực thần linh trong đó Phụng Vụ được cử hành.

Trong Thánh Lễ, Chúa Thánh Thần kitô-hóa bánh và rượu, làm cho trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, làm cho Chúa Kitô hiện diện đích thực ở giữa chúng ta. Chúa Thánh Thần cũng kitô-hóa Giáo Hội qua mầu nhiệm Thánh Thể mà chúng ta cử hành. Chúa Thánh Thần là ơn thông hiệp, kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.

Bí tích Thánh Thể còn là của ăn nuôi dưỡng Giáo Hội, nuôi dưỡng từng người kitô- hữu. Thánh Thể là Bánh Sự Sống, là của ăn thần thiêng, là chính sự sống mà Chúa Kitô chia sẻ cho chúng ta. Giáo Hội latinh nhấn mạnh Mình và Máu Chúa Kitô là lương thực cho chúng ta. Chúa Kitô hiện diện dưới hình bánh và rượu nuôi dưỡng chúng ta. Nhưng ngay cả trong quan điểm này, vẫn có chỗ cho Chúa Thánh Thần. Thánh Tôma, khi bàn đến việc rước Mình và Máu Thánh Chúa, lưu ý rằng Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đức tin và lòng mến để chúng ta có thể kết hiệp với Chúa Kitô trong hiệp thông bí tích. Thánh nhân phân biệt 3 cách hiệp thông, 3 cách ăn (manducatio) khác nhau: có cách ăn vừa bí tích vừa thiêng liêng (manducatio sacramentalis et spiritualis); có cách ăn thuần túy bí tích (manducatio mere sacramentalis); có cách ăn thiêng liêng (manducatio spiritualis), muốn nên một với Chúa Kitô trong đức tin và lòng mến.

Thánh Agostino thì bảo Crede et manducasti: bạn hãy tin và như vậy là bạn đã ăn. Chúng ta chỉ có thể tin dưới tác động Chúa Thánh Thần.

Giáo Hội đông phương không những nhấn mạnh đến Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, mà còn nhấn mạnh đến Thánh Thần trong Mình và Máu Thánh Chúa. Ngoài Ga 6, 53- 57, các giáo phụ còn nhắc tới Ga 6, 63 (Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì).

Vai trò Chúa Thánh Thần trong bí tích Thánh Thể sống động và nổi bật trong một đoạn thánh thi của giáo phụ Ephrem:

Lửa và Thánh Thần trong Dạ của Mẹ Người,

Lửa và Thánh Thần trong Nước sông Giođan

Lửa và Thánh Thần trong bí tích rửa tội

Lửa và Thánh Thần trong Bánh và Chén

Theodore de Mopsueste có tư tưởng rất ngộ nghĩnh: Bánh và Rượu được xức dầu và trở nên Đức Kitô.

Trong nghi lễ Byzantin, trước khi linh mục chủ sự rước Mình và máu Thánh Chúa và phân phát cho dân, có nghi thức được gọi là Zeon: phó tế rót một chút nước nóng vào chén Máu Thánh. Còn trong nghi lễ Syriaque, khi trao Mình Thánh, linh mục đọc: Mình Thánh Chúa Kitô, Thần Khí, phương dược linh hồn và thân xác.

+ ĐGM. Phaolô Bùi Văn Đọc

VỀ MỤC LỤC
THÁNH LỄ: NGUỒN ƠN VÔ GIÁ

 

Tôi (Effie Cordeiro) 46 tuổi. Gia đình tôi sống nơi vùng phụ cận thành phố ở Québec nước Canada. Mỗi ngày tôi đều đặn đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Thánh Lễ trở thành nguồn ơn vô giá đối với tôi sau khi tôi được hồng phúc nghe bài giảng trong Thánh Lễ có các Em Bé rước lễ lần đầu. Thánh Lễ cử hành tại nhà thờ Thánh Luca. Vị chủ tế và giảng thuyết hôm ấy là Cha Roger Martineau. Cha đặc biệt nói với các Trẻ rước lễ lần đầu:

- Khi các con dùng bữa các con ăn thịt, rau, cá, trứng v.v. Các thức ăn sau đó trở thành máu nuôi sống các con. Cũng giống như thế, lúc các con ăn, hay nói đúng hơn, lúc các con nhận lãnh Đức Chúa GIÊSU khi các con chịu lễ, các con trở thành phần tử của Ngài. Điều này không thể minh chứng bằng khoa học, nhưng sự thật là như thế. Mỗi khi các con tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Chúa với trọn lòng tin, các con được biến đổi trong Đức Chúa GIÊSU KITÔ cho tới một ngày, Đức Chúa GIÊSU thật sự tỏ lộ qua lối cư xử của các con, qua lời các con nói và qua chính cuộc sống của các con.

Lời giải thích của Cha Roger Martineau gây xúc động sâu xa nơi tâm lòng tôi. Tôi làm theo lời khuyên của ngài. Tôi tham dự Thánh Lễ và rước lễ mỗi ngày. Kể từ đó, cuộc đời tôi hoàn toàn biến đổi. Tôi thay đổi trong lối phản ứng trước các sự việc. Tôi thay đổi trong cách thức tiếp nhận và giao tế với người khác. Tôi cũng thay đổi trong lề lối giải quyết các vấn đề. Nói tóm lại, trước mỗi khi làm việc gì, nói lời nào, giao tế với ai và giải quyết vấn đề quan trọng nào, tôi đều cầu nguyện cùng Đức Chúa GIÊSU. Tôi xin Ngài soi sáng cho tôi biết phải hành xử như thế nào cho đúng tư cách là tín hữu Công Giáo. Và Đức Chúa GIÊSU luôn luôn đáp lời tôi cầu xin. Ngài đích thật là sức mạnh, là niềm vui và là gương mẫu cuộc sống của tôi. Đức Chúa GIÊSU là Bạn Chí Thân dấu ái nhất đời tôi.

Nhờ sống kinh nghiệm sâu xa trên đây tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Tôi được may mắn là tín hữu Công Giáo. Tôi cũng được ưu đãi vì sống gần nhà thờ Công Giáo có Linh Mục dâng Thánh Lễ mỗi ngày. Nhờ thế tôi được diễm phúc xem lễ và rước lễ mỗi ngày.

Tôi còn được may mắn dành trọn thời giờ trong ngày để phụng sự THIÊN CHÚA với tư cách là thư ký của giáo xứ. Văn phòng giáo xứ chỉ cách nhà thờ vài chục thước. Trước khi bắt tay vào việc hoặc lúc rãnh rỗi tôi ghé vào nhà thờ, đến trước Nhà Tạm và thờ lạy Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể đang ẩn mình trong Nhà Tạm. Đối với những may mắn vừa kể, tôi cảm thấy đời tôi quả nhận lãnh nhiều hồng ân. THIÊN CHÚA cư xử thật nhân hậu đối với tôi. Suốt đời tôi mãi mãi tri ân Ngài.

Còn một hồng phúc khác tôi muốn viết ra nơi đây. Đó là sự kiện tham dự Thánh Lễ mỗi ngày nối kết tất cả các tín hữu Công Giáo lại với nhau. Chúng tôi chú ý tới những người tham dự thánh lễ thường xuyên và có thói quen ngồi chỗ nhất định. Vì thế khi chỗ ngồi vắng bóng, chúng tôi liền nhớ đến và cầu nguyện cho người vắng mặt. Xin THIÊN CHÚA chúc lành và gìn giữ họ cùng gia đình họ. Hoặc khi chúng tôi nhận thấy có người đến tham dự Thánh Lễ với nét mặt âu sầu phiền não, chúng tôi đoán họ có chuyện buồn. Chúng tôi kín đáo cầu nguyện cách riêng cho họ. Và khi hoàn cảnh cho phép, chúng tôi hỏi thăm và san sẻ nỗi buồn của họ. Vâng, đúng thế. Bí tích Thánh Thể nối kết tất cả lại với nhau. Chúng tôi có cùng tâm tình vì chúng tôi cùng nhận lãnh Mình và Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Điểm sau cùng tôi muốn bày tỏ lòng tri ân chân thành đối với THIÊN CHÚA là được hồng phúc sống trong đất nước tự do. Chúng tôi được hưởng quyền tự do tôn giáo. Chúng tôi tự do đọc Kinh Thánh. Chúng tôi tự do đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và rước lễ mỗi ngày. Tôi cầu chúc cho mỗi tín hữu Công Giáo sống trong các nước tự do hãy sử dụng trọn vẹn quyền tự do tôn giáo của mình để sống đạo nghiêm chỉnh và chân thành. Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể chờ đợi mỗi tín hữu Công Giáo đến tham dự Thánh Lễ và rước Ngài hầu Ngài có thể tuôn đổ muôn vạn ơn lành hồng phúc xuống trên từng người.

Tôi không quên cầu nguyện cách riêng cho các tín hữu Công Giáo kém may mắn, sống trong các nước không được thực thi quyền tự do tôn giáo. Tôi xin THIÊN CHÚA cho họ mau chóng tới ngày hưởng mọi quyền tự do, dẫn đầu là tự do tôn giáo. Xin THIÊN CHÚA nhậm lời chúng con nài xin. Amen.

(Sister Patricia Proctor, OSC, ”201 Inspirational Stories of The Eucharist”, Franciscan Monastery of Saint Clare, Spokane, Washington, 2004, trang 47-48).(Radio Vatican) 

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

VỀ MỤC LỤC
THẦN KHÍ VÀ CON NGƯỜI

Ngày 04.06.2006

THẦN KHÍ VÀ CON NGƯỜI

Ga 20:19-23

Lần nào sang California hay gặp người từ đó qua Houston, tôi đều được chia sẻ một giấc mơ không bao giờ thành sự thật.  Họ mơ ước có được những xứ đạo Việt Nam thuần túy như Houston !  Thấy cảnh sinh hoạt vui nhộn và thuần túy Việt Nam ở đây, họ rất “thèm thuồng.”   Từ một kinh nghiệm đau đớn về sự chia rẽ tại một giáo hội địa phương, các giám mục California đã quyết định không cho phép thành lập xứ đạo Việt Nam ở California.  Thực trạng phải lệ thuộc vào xứ đạo Mỹ là kết quả của những quyết định đó.  Có những xứ đạo gồm trên 15,000 người Công giáo Việt Nam, nhưng vẫn không được phép thành lập xứ đạo riêng.  Suốt đời phải ăn đậu ở nhờ như thế, làm sao phát triển ?!

Giám mục Hoa kỳ tại California đã muốn tạo một sự hiệp nhất giữa các dân tộc theo kiểu đồng hóa như thế.  Họ lập luận rằng mấy chục năm nữa sắc dân Việt Nam cũng phải hòa nhập vào các xứ Mỹ, nên bắt buộc họ phải sinh hoạt chung với Mỹ.  Các giám mục đã coi thường vai trò văn hóa và ngôn ngữ trong việc rao giảng Tin Mừng.  Họ “phớt lờ” yếu tố thời gian của con người và đặc tính “hôm nay” của Tin Mừng.  Họ đã quên biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên Giáo hội hôm nay. 

Mở lại Công vụ Tông Ðồ, chúng ta thấy đám đông hôm đó thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau.  Nhưng họ đều nghe chung một sứ điệp Tin Mừng.  Tuy Tin Mừng  vượt qua mọi biên giới chủng tộc, văn hóa, chính trị, nhưng Thánh Linh vẫn tôn trọng đặc tính của từng đặc thù mỗi dân tộc.  Sở dĩ Tin Mừng đã thành công chỉ vì khi nghe các tông đồ, “các dân thiên hạ” đều “nghe họ nói tiếng mẹ đẻ” (Cv 2:8) của mình.  Ngôn ngữ là phương tiện quan trọng.  Thánh Linh đã không phá đổ hàng rào ngôn ngữ và văn hóa để đem Tin Mừng đến muôn dân.  Trái lại, ngôn ngữ đã làm phong phú, chứ không làm nghèo nàn hay hủy diệt, sự hiệp nhất của Giáo hội.  Ðó là sự hiệp nhất trong đa dạng. 

Các tông đồ đã không dùng ngôn ngữ Do thái như một phương tiện áp đảo hay hủy diệt các ngôn ngữ khác.  Trái lại, chính vì tôn trọng sự khác biệt của các ngôn ngữ và văn hóa, nên Thánh Linh mới giúp các tông đồ có khả năng “nói các thứ tiếng khác.” (Cv 2:4)  Chính những người nghe cũng làm chứng : “Chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa.” (Cv 2:11)  Giả sử hôm đó, các tông đồ, xuất thân từ Galilê (x. Cv 2:7), cứ khăng khăng dùng tiếng địa phương của mình, bất chấp đám đông, liệu Tin Mừng có được đón nhận như vậy không ?   Liệu có quy tụ và hiệp nhất muôn dân trong Ðức Giêsu Kitô không ?

Ngay từ đầu, Giáo hội đã là một kiệt tác của Chúa Thánh Thần.  Nét vĩ đại nhất không phải là các tông đồ nói được nhiều ngôn ngữ hay được trao nhiều quyền bính.  Quyền bính có thể tạo sự đồng nhất và thống nhất dễ dàng.  Nhưng thống nhất cũng chưa phải là hiệp nhất.  Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể thực hiện cuộc hiệp nhất mà thôi. Quyền bính phải phát xuất từ Thánh Thần và có mục đích giải thoát con người.  Quyền bính trong Giáo hội không được lập nên để áp dụng hay bảo vệ chế độ “xin cho.” 

Tin mừng giải thoát không tạo nên một Giáo hội độc tài như thế được !  “Chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta.” (Gl 5:1)  GHVN hôm nay đã thấy rất rõ mình bị hạn chế chừng nào trong chế độ “xin cho.” Nhưng GHVN lại không thấy mình đã bị ảnh hưởng nặng nề vì chế độ “xin cho” đó.  Cũng như lề luật, quyền bính được lập nên vì con người, chứ không phải con người được sinh ra  cho quyền bính.  Mặc dù “Con Người làm chủ ngày Sabbát,” (Mt 12:8) nhưng Người “muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế,” (Mt 12:7) do những quy định của quyền bính. 

Nói thế, Chúa không có ý phủ nhận quyền bính.  Quyền bính cần thiết cho con người và phát xuất từ Thiên Chúa.  Nhưng thứ gì rớt vào tay con người đều có thể bị lạm dụng.  Quyền bính đích thực bao giờ cũng nhằm phục vụ con người.  Chính vì thế, sau khi thổi hơi và ban Thần Khí cho các môn đệ, Chúa nói ngay đến quyền tha tội (x. Ga  20:23).  Quyền tha tội và cầm giữ không biến Giáo hội thành  ông chủ ban ơn : nếu xin thì cho.  Chẳng lẽ Giáo hội chễm chệ đóng vai ông chủ để bắt Ðức Kitô quỳ xuống rửa chân cho mình ?  Nghe lời Thày Chí thánh, chúng ta hãy quỳ xuống rửa chân cho nhau.  Giáo hội phải là người đầy tớ phục vụ con người.  Chỉ có phục vụ, Giáo hội mới có thể giải thoát con người.  Nếu chỉ lo thống trị, Giáo hội sẽ đánh mất bản chất và sứ mạng của mình.  

Sở dĩ Giáo hội đánh mất bản chất và lạc hướng vì con người lãnh đạo đã vong thân.  Khi người lãnh đạo đánh mất chính mình, quyền bính cũng mất tính người và cũng không phải của con người nữa.  Quyền bính trở thành một bộ máy khổng lồ đàn áp con người.  Ðã đến lúc cần phải bỏ cái nhìn cơ chế về quyền bính.  Muốn đạt mục đích và lấy lại bản chất quyền bính, cần phải có cái nhìn như thánh Phaolô.  Nghĩa là, phải thay thế cái nhìn cơ chế bằng cái nhìn nhân bản và thần học về quyền bính như thánh Phaolô.   Nói cho cùng, chỉ có một cái nhìn duy nhất về Giáo hội.  Sở dĩ Giáo Hội Sơ Khai đã thành công ngay khi mới sự rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, vì “tất cả chúng ta đều chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.  Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.” (1 Cr 12:13)  Rửa trong Thần Khí hay được gìm mình trong cái chết của Chúa Kitô cũng giống nhau. 

Giữa một rừng “cái tôi” dầy đặc như vậy, Thần Khí chen chân chỗ nào ?  Ai cũng là ông tướng quát tháo giữa ba quân, làm sao nghe tiếng Thần Khí để nhắm tới “ích chung” ?   Tại sao lại quên thực tế “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.” (1 Cr 12:11)  Biết bao nhân lực và vật lực đã bị phí phạm !  Các chi thể Ðức Kitô vung vãi tứ tung.

Nhưng như một thân thể, Giáo hội “có nhiều bộ phận,” “nhiều đặc sủng,” “nhiều việc phục vụ,” “nhiều hoạt động.” (1 Cr 12:4.5.6.)  Nhưng vì không để Thần Khí ghép những chi thể thành một thân thể duy nhất, nên có nhiều lộn xộn.  Có những thứ tay chân lại làm đầu.  Có những thứ đầu lại làm tay chân.  Phân công không hợp lý.  Bởi thế, Giáo hội mới lâm vào tình trạng vô hiệu năng như hiện nay. 

Mẹ Việt nam ơi, khóc lên đi !

Lạy Chúa, xin sai Thần Khí xuống để GHVN trở thành một thân thể Ðức Kitô ! Có thế, chúng con mới có thể hoạt động vì lợi ích chung của toàn thể Dân Chúa.  Xin cho mọi người biết dẹp bỏ cái tôi để Thần Khí hoạt động và Ðức Kitô lớn lên trong GHVN ! 

Lm. Đỗ Vân Lực, OP.

VỀ MỤC LỤC

QUẢNG DIỄN MỘT SỐ ĐỀ TÀI Qua NHÃN QUAN VĂN HÓA VIỆT NAM

( Bài số 04 , tiếp theo kỳ trước)

THIÊN CHÚA = TÌNH THƯƠNG

ĐẠO THIÊN CHÚA = ĐẠO TÌNH THƯƠNG

 

ĐOẠN II. QUẢNG DIỄN MỘT SỐ ĐỀ TÀI

Qua NHÃN QUAN VĂN HÓA VIỆT NAM 

(Phần II của Thông Điệp:

Hội Thánh, như “Một Cộng Đồng Yêu Thương”

Thực Hành Đức Bác Ái )

Nhiều Cơ Cấu để Phục Vụ Đức Bác Ái trong Bối Cảnh Xã Hội Ngày nay (số 30)  

-   Trước khi đề cập đến những Hoạt Động Bác ái riêng của Hội Thánh, ĐTC Bênêditô XVI luợc kê một số những Hiệp Hội đã được thành lập để tranh đấu cho cuộc chiến Công Bằng và Bác Ái trên toàn thế giới ngày nay.

a/ Nhờ Phương tiện Truyền Thông thu hẹp lại khoảng cách giữa các quốc gia dân tộc, tạo nên sự”gần gũi”, nhưng cũng gây nhiều xô đẩy, căng thẳng, và hiểu lầm. Nhờ kỹ thuật Truyền thông , chúng ta biềt được tức khắc nhanh chóng những nhu cầu và những đau khổ của thế giới về mọi phương diện tinh thần và vật chất. Do đó, những hoạt động Bác ái có thể và nên bao quát mọi người  và mọi nhu cấu.

Mặt khác,  tiến trình toàn cầu hóa, có nghĩa là chúng ta có nhiều phương tiện để viện trợ nhân đạo như thực phẩm, quần áo, nhà ở cho các anh chị em thiếu thốn. Toàn cầu hóa, nghĩa là vượt biên giới của các nước để liên đới với các nước khác, bằng cách giảm nợ, giảm thuế, hay cung cấp tài nguyên cần thiết.

b/ Ngày nay đã phát sinh nhiều cơ quan đoàn thể Đạo và Đời hợp tác với nhau. Những Hiệp Hội của Hội Thánh , vì trung thành với nhiệm vụ chứng nhân Tình Bác ái, nên đã giúp cho các cơ quan dân sự thêm hiệu lực hơn trong việc phục vụ. Rất nhiều Đoàn thể mang tính chất nhân đạo, nhiều đoàn Thiện Nguyện đảm trách nhiều công tác phục vụ. Thật đáng ghi ơn và ca ngợi những đoàn thể đó. Đặc biệt những Đoàn thể giúp Giới Trẻ đào luyện tình Liên đới, sẵn sằng hiến dâng của cải và bản thân để phục vụ tha nhân. Nhờ Tình Yêu vị tha của Văn Hóa sự Sống để đối chọi với sự nghiện ngập của văn hóa sự chết.

Trong Hội Thánh Công Giáo, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Vị Tiền Nhiệm, đã viết Thông Điệp:”Sollicitudo Rei Socialis”, nhằm cổ động tình Nhân Bản chân chính, nhìn nhận Con Người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa, và muốn giúp Con Người sống đúng với phẩm giá. Thông Điệp” Ut Unum Sint”,  nhấn mạnh việc tôn trọng nhân quyền, và trợ giúp những người nghèo, thấp kém, bất lực.

Nét Đặc Sắc  trong các Hoạt Động Bác Ái của Hội Thánh (số 31)

- Tại sao nhân loại lập ra nhiều cơ quan đoàn thể đểu cứu trợ tha nhân khi gặp cảnh quẫn bách, như ta vẫn thấy trong thế giới ngày nay? –Bởi vì mệnh lệnh “Thương Người đồng loại” đã được Tạo Hóa khắc ghi trong tâm khảm con người, và nhờ Hội Thánh Thiên Chúa Giáo hiện diện trên địa cầu này, luôn cổ động  Mệnh lệnh này, thường bị coi nhẹ trong dòng thời gian. Hoàng đế Julianô đã là một bằng chứng về sức mạnh của Thiên Chúa Giáo vượt qua biên giới của Hội Thánh. Do đó, Hội Thánh cần bảo tồn vẻ huy hoàng của Đức Bác ái, vì đây không phải chỉ là cơ quan cứu trợ tầm thường. Vậy đâu là đặc điểm của Bác ái Thiên Chúa Giáo?

- a/ Theo gương sáng  trong dụ ngôn “người Samaritanô nhân hậu”, việc Bác ái phải đáp ứng lập tức đối với những hoàn cảnh đặc biệt như: nạn đói, trần trụi, bệnh tật, tù nhân, giam cầm. Cơ quan đầu não Bác ái CARITAS( cấp địa phận, quốc gia và quốc tế), cần thực hiện mọi kế hoạch để cung cấp tài nguyện, trên hết là các nhân viên có khả năng. Những nhân sự làm việc trong cơ quan Bác Ái này, phải là những chuyên viên thành thạo. Nhưng chưa đủ, vì liên hệ đến các nhân vị, nên các chuyên viên còn cần tấm lòng nhân đạo. hơn nữa, họ cần được huấn luyện để hiệp thông với Thiên Chúa trong Chúa Cứu Thế, để thức tỉnh Tình Thương và mở rộng tâm hồn hướng về tha nhân. Bởi vậy, Bác Ái Thiên Chúa Giáo không còn là một mệnh lệnh áp đặt từ phía bên ngoài, nhưng phát xuất từ Đức Tin sống động linh hoạt nhờ Đức Mến.

- b/ Bác Ái của Hội Thánh đứng độc lập với các phe nhóm và các ý thức hệ.  Hoạt động Bác ái không phải là phương tiện để thay đổi ý thức hệ , hay  để phục vụ một mưu lược trần gian này, nhưng là cách thế biểu lộ Tình Thương mà nhân loại cần, ở đây, bây giờ . Chủ thuyết Mác xít là một hình thức cực đoan nhất trong các triết thuyết, chủ trương kế hoạch bần cùng hóa: theo họ, trong  tình thế của một quyền lực bất công, việc thi hành Bác ái  là phục vụ cho hệ thống bất công đó, vì ít ra giúp tình cảnh đó đươc dễ chịu hơn. Vì thế, làm cho cách mạng chậm lại, và ngăn cản cuộc tranh đấu cho thế giới tốt đẹp hơn. Do đó, Bác ái được coi là cách để giữ “statu quo”( nguyên trạng).Đây là một triết thuyết vô nhân đạo( inhuman). Vì con người trong hiện tại phải bị sát tế cho thần “Môlốc” trong tương lai- Một tương lai mờ ảo chẳng biết bao giờ mới thực hiện được. Không thể có một thế giới nhân bản hơn bằng cách từ chối những hành vi nhân đạo, nhân ái, ở đây, bây giờ. Chương trình Bác ái của người tín hữu Thiên Chúa Giáo- của người Samaritanô nhân hậu- của Chúa Cứu Thế là: “Một trái tim biết nhìn thấy”. Trái tim nhìn thấy ở đâu cần Tình Thương thì hành động ngay. Dĩ nhiên, khi Hội Thánh hoạt động  Bác ái với tư cách là sáng kiến của một cộng đồng, thì sự đáp ứng  tự phát từ các cá nhân phải được phối kết trong một kế hoạch, dự liệu và hợp tác với các tổ chức tương tự.

- c/ Hoạt động Bác Ái không được coi là phương cách để kiếm thêm tín đồ. Tình Thương  là quà tặng nhưng không, không được dùng làm phương tiện để đạt một mục tiêu khác. Nói như thế không có nghĩa là: mọi hoạt động Bác ái phải gác Thiên Chúa và Chúa Cứu Thế ra một bên. Vì cần phải luôn luôn quan tâm đến con người toàn diện. Do đó,  nguyên do sâu xa nhất  sinh ra đau khổ là vì  thiếu sự hiện diện của Thiên Chúa. Những ai nhân danh Hội Thánh mà hoạt động việc Bác ái, không được  tìm cách áp đặt Đức Tin của Hội Thánh lên người khác. Nên nhớ rằng: một Tình Thương tinh tuyền, quảng đại là chứng tá tốt nhất cho Thiên Chúa  là Đấng chúng ta tin thờ và khiến chúng ta yêu mến tha nhân. Người tín hữu biết lúc nào nên nói về Chúa, khi nào không nói gì là tốt hơn, để cho Tình Thương lên tiếng mà thôi. Họ biết Chúa là Tình Thương(1 Gioan, 4:8), và cảm thấy Chúa hiện diện, chính là lúc ta chỉ làm vì Tình Yêu. Trở lại vấn nạn Mác Xít đã đề cập ở trên, ai khinh thị Tình Thương, thì cũng khinh dể  Thiên Chúa, và cả con người nữa; do đó, hành động mà bất cần Thiên Chúa. Bởi vậy, Yêu Thương là cách tốt nhất để bảo vệ niềm Tin nơi Thiên Chúa, và nơi con người. Các cơ quan Bác ái của Hội Thánh phải tăng cường ý thức này  nơi các nhân viên, để họ dùng hành vi- lời nói, sự im lặng, gương sáng- làm chứng tá khả tín cho Chúa Cứu Thế

- Đối với những người có trách niệm làm việc Bác ái trong Hội Thánh (32-39)      

- Chủ thể chính thức của mọi cơ quan, tổ chức Hoạt động Bác ái  Công Giáo, chính là Hội Thánh.(32)

Ở mọi bình diện, từ cấp Giáo xứ, Giáo phận đến Hội Thánh toàn cầu, mọi hoạt động Bác ái đều do Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm”COR UNUM” chỉ dẫn và phối trí các tổ chức.- Theo cơ cấu tổ chức của Hội Thánh, căn cứ vào Sách Tông Đồ Công Vụ(2:42-44), Các Vị Giám Mục , là những vị Thừa Kế của các Thánh Tông Đồ, có trách nhiệm đầu tiên về Hoạt động Bác ái trong Giáo phận. Trong quá khứ hay hiện tại, Hội Thánh vẫn coi mình là một Gia Đình, các phần tử cần được giúp đỡ lẫn nhau, và cùng nhau sẵn sàng  giúp những người ở ngoài nữa.- Đọc sách Lễ Truyền chức Giám Mục, sẽ thấy khi nhận chức, các vị Giám mục phải cam kết , nhân danh Chúa, giúp đỡ người nghèo, người cần sự an ủi. Trong Giáo Luật cũng nhắc nhở các Giám Mục trách nhiệm điều hợp các hoạt động  tông đồ khác nhau. Mới đây, cuốn Kim Chỉ Nam về Thừa Tác Vụ của các Giám Mục đã khám phá ra: bổn  phận thực thi Bác Ái là trách nhiệm của Hội Thánh và của từng Giám Mục Địa Phận. Cần nhấn mạnh rằng: từ khởi thuỷ, sứ mệnh của Hội Thánh là: thi hành  Bác ái,  giảng Lời Chúa và ban Nhiệm Tích.

- Các Nhân Viên, Nhân Sự hoạt động Bác ái trong Hội Thánh, phải được hường dẫn bởi Đức Tin thúc đẩy bởi Đức Mến(coi: Thư gửi Galata,5:6),  không được tìm cảm hứng nơi những ý thức hệ nào muốn cải biến thế giới này. Phải tâm niệm lời Thánh PhaoLô Tông Đồ trong Thư 2, gửi Côrintô:” Tình Yêu Chúa Kytô thôi thúc chúng ta”(5:14).Do đó, họ là những người được Tình Yêu Chúa thúc đẩy, chinh phục, và thức tỉnh trong họ tình Yêu tha nhân. Cần ý thức rằng: nơi Chúa Cứu Thế, Thiên Chúa đã ban chính Mình cho chúng ta, dầu phải chết, nên chúng ta cũng phải sống cho Chúa , với Chúa và cho tha nhân, không còn cho chính bản thân mình nữa. Ai yêu mến Chúa Kytô, thì cũng yêu mến Hội Thánh , và ước ao Hội Thánh  tăng trưởng về hình ảnh và dụng cụ Yêu Thương  từ nơi Chúa chảy ra. Mỗi nhân viên trong tổ chức Bác ái muốn hoạt động với Hội Thánh, và với Vị Giám Mục, để Tình Thương của Chúa lan rộng khắp thế giới. Họ muốn làm Chứng tá Tình Thương của Thiên Chúa và của Chúa Kytô, vì thế họ tự do làm điều thiện hảo cho mọi người.

- Cộng Tác, Hòa Hợp với các Tổ Chức Phục vụ khác (số 34)

Tuy nhiên, các nhân viên thuộc Tổ chức Bác ái của Hội hánh cần tôn trọng nét đặc thù của người môn đệ Chúa, như Thánh Phao lô đã viết trong bài Tán Tụng Đức Bác Ái(1 Cor, 13): “ Nếu tôi cho đi mọi của tôi có, nếu thân xác tôi bị thiêu, nhưng tôi không có Đức bác Ái, thì tôi chẳng được gì cả(câu 3). Bài Tán Tụng  này phải là Magna Carta (Hiến Chương) của mọi công tác phục vụ trong Hội Thánh, cũng là những suy tư trong Thông Điệp này. Chỉ hành động mà thôi không đủ, nhưng phải biểu lộ rõ ràng Tình Yêu tha nhân, một Tình Yêu được nuôi dưỡng vì kết hợp gặp gỡ với Chúa Kytô. Chia sẻ những nhu cầu hay đau khổ với tha nhân, chính là chia sẻ chính bản thân mình với họ: Nếu ban cho mà không hạ nhục người lãnh nhận, là khi tôi cho tha nhân chẳng những của cải tôi có, mà còn cho họ chính bản thân; tôi phải hiện diện, hiện thân nơi quà tặng nữa.  

- Khiêm Tốn trong khi Phục Vụ Tha Nhân (35)

Người phục vụ không được coi mình hơn người cần giúp đỡ, dầu họ khổ cực đến đâu. Chúa Cứu Thế đã chọn chỗ thấp hèn nhất-Cây Thập Tự- nhờ sự khiêm hạ nhất để cứu chuộc chúng ta và  cứu giúp chúng ta. Nên nhớ rằng: kẻ giúp đỡ cũng là  kẻ được giúp đỡ; có khả năng giúp đỡ tha nhân, không phải là một công trạng của chính mình tạo ra. Bổn phận giúp đỡ là một ân huệ( Chúa ban). Càng giúp đỡ tha nhân, thì càng am hiểu lời Chúa Cứu Thế dạy:” Chúng ta là những đầy tớ vô dụng”(Luca, 17:10). Ta nhìn nhận rằng: ta không hơn ai, hay hiệu năng hơn ai, nhưng vì Chúa ban ơn giúp sức cho ta làm. Nhiều khi, vì những nhu cầu đòi hỏi quá giới hạn, quá khả năng, khiến chúng ta nản lòng, thất vọng. Chính lúc ngặt nghèo đó, ta nhận thấy ta chỉ là dụng cụ trong tay Chúa; nhận thức này gỡ ta khỏi thói tự phụ nghĩ tưởng rằng: chỉ mình ta có trách nhiệm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Với lòng Khiêm Hạ, hãy làm điều gì ta có thể làm được, và với lòng Khiêm Nhường, ta phú thác mọi sự cho Chúa. Chính Chúa cai quản thế giới, không phải chúng ta. Ta hiến dâng cho Chúa công việc phục vụ, bao lâu ta có khả năng, và Chúa cho đủ sức làm. Vì đó là nhiệm vụ của người đầy tớ trung tín của Chúa phải làm:” Tình Yêu Chúa Kytô thúc bách chúng ta”(2 Cor,5:14)

- Hai Thái Độ Cực Đoạn, trước những Nhu Cầu lớn lao của thế giới: (số 36)

Một là, ta bị lôi cuốn bởi ý thức hệ muốn thay quyền cai quản của Chúa, để làm mọi việc, vì hình như Chúa không muốn làm; hai là, chúng ta bất động, đầu hàng, cho rằng chẳng có thể hoàn thành được. Trong những hoàn cảnh ấy, mối tình giao hảo với Chúa Kytô rất cần, giúp ta đi đúng đường  hướng, không khinh miệt con người, một thái độ thiếu xây dựng, lại còn phá hoại, và không đầu hàng, cam phận, không để cho Tình Yêu hướng dẫn để phục vụ tha nhân.

- Cầu Nguyện rất cần thiết, vì là phương thế giúp đem lại nghị lực mới từ nơi Chúa ban cho. Cầu Nguyện không làm mất thì giờ, ngay khi tình thế có vẻ nguy ngập, chỉ cần hành động mà thôi. Tâm tình Đạo Đức không  phá hoại công cuộc chống nghèo đói của tha nhân, dầu nguy khốn đến đâu. Gương Mẹ Chân Phước Têrêsa thành Calcutta cho biết: Cầu Nguyện không giảm bớt hiệu năng Phục vụ  tha nhân, nhưng còn là nguồn bất tận sinh ra các công việc Bác ái.

- Cầu Nguyện Chống lại chủ nghĩa Duy Hành Động và chủ Thuyết Tục hóa đang lan tràn.(số 37)     

Nên nhớ rằng: Cầu nguyện không có nghĩa là có thể thay đổi chương trình kế hoặch của Chúa đã tiên liệu, xếp đặt. Cầu nguyện chính là tìm gặp gỡ với Chúa Cha của Chúa Giêsu Kytô, để xin Thiên Chúa hiện diện với sự an ủi của Chúa Thánh Thần cho ta và trong công việc của ta làm. Tình giao hảo với Chúa và phú thác theo Thánh Ý Chúa, có thể ngăn ngừa ta khỏi hạ phẩm giá con người, đồng thời cứu ta khỏi làm mồi cho tà thuyết cuồng tín và bạo động, khủng bố. Tâm tình Đạo Đức chân chính giúp ngăn cản việc  xét đoán Chúa, cho phép sự bần cùng xẩy ra, và thiếu lòng thương xót đối với tạo vật. Người ta lên án Chúa để bênh vực con người, nhưng khi chính những hành động của con người  tỏ ra bất lực, vô hiệu, thì còn  lấy ai nữa mà nương tựa?

- Trước những Đau Khổ khó hiểu, có vẻ phi lí, hãy noi Gương Ông Gióp (38)

-Hãy đọc những lời than khóc của Ông Gióp trong Sách Kinh Thánh (coi: Job, 23:3, 5-6, 15-16).Nhiều khi chúng ta không hiểu tại sao Chúa lại không can thiệp? Nhưng Chúa không cấm ta than thở như Chúa Giêsu trên Thánh Giá:” Lạy Chúa, Lạy Chúa sao Chúa nỡ bỏ con?”(Matt 27:46). Chúng ta cứ tiệp tục thưa cùng Chúa trong lúc cầu nguyện trước Nhan Thánh Chúa:” Lạy Chúa, Thánh Thiện và Chân Thật, còn bao lâu nữa?(Rev 6:10).

- Thánh Au Cơ Tinh cho ta câu giải đáp theo lòng Tin đối với những sự đau khổ:”Nếu bạn hiểu được Chúa, thì Chúa không còn là Chúa nữa”( Si comprehendis, non est Deus).Những lời ta phân trần với Chúa không có nghĩa là ta thách thức Chúa, hay nơi Chúa có sự sai lầm, nhược điểm, vô tâm nào.Vì đối với một tín hữu, không thể tưởng tượng là Chúa nhu nhược hay “có lẽ Chúa đang ngủ”( 1 King 18:27). Trái lại, lời ta đang than thở, cũng như khi xưa Chúa Giêsu, trên Thánh Giá, chính là cung cách sâu xa nhất, triệt để nhất để quả quyết niềm Tin vào Uy Quyền tối Thượng của Chúa. Dầu có ngỡ ngàng, không hiểu thấu những gì xẩy ra chung quanh chúng ta, người tín hữu vẫn một niền Tin vào”Tình Thương Xót, Tốt Lành của Chúa”(Tit 3:4). Như mọi người chìm đắm trong cảnh hỗn tạp đau thương của các biến cố Lịch Sử, người tín hữu vẫn vững niềm tin rằng Chúa là Cha chúng ta, Chúa yêu thương chúng ta, dầu ta không hiểu được sụ im lặng của Chúa.

- Ba Nhân Đức cùng hòa hợp: TIN,CẬY, MẾN (39)

Nhân Đức CẬY là: qua việc luyện tập Đức Kiên Nhẫn, ta vẫn tiếp tục làm điều thiện, dầu bị thất bại; nhờ thực hành Đức Khiêm Nhường, ta  đón nhận Mầu Nhiệm nơi Chúa, và phú thác cho Chúa lúc ta sống trong đen tối. – Nhân Đức TIN dạy ta rằng Chúa đã ban Con Một Chúa để cứu chuộc chúng ta, và ban cho chúng ta sự xác tín vinh thắng rất chân thật là: Thiên Chúa là Tình Thương. Do đó, nó cải biến sự nông nổi, thiếu kiên trì và lòng hoài nghi của chúng ta  thành niềm Hy Vọng  vững vàng rằng: Chúa nắm vũ trụ này trong Bàn Tay Chúa, và như hình tượng hãi hùng trong đoạn cuối của sách Khải Huyền diễn tả, mặc dầu tối tăm mù mịt bao phủ, cuối cùng Chúa sẽ chiến thắng vẻ vang. Đức TIN nhìn thấy Tình THƯƠNG Chúa tỏ hiện nơi Trái Tim Chúa bị đâm thâu qua trên Thánh Giá, khiến ta Yêu Mến Chúa. Đức MẾN là ÁNH SÁNG.- cuối cùng, chỉ có ÁNH SÁNG mà thôi- có thể chiếu sáng thế gian mờ tối, và ban cho ta lòng can đảm để tiếp tục sống và hành động. Tình THƯƠNG có thể thực tập được vì chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Cảm nghiệm được Tình THƯƠNG như thế, sẽ đem ánh sáng của Chúa chiếu soi vào thế giới- Đây là lời Mời gọi tôi muốn quảng diễn trong THÔNG ĐIỆP này.   

 

KẾT LUẬN (40-42)

Gương các Vị Thánh Nhân (số 40)

-Thánh Martin Thành Tours (+397) là một cựu binh sĩ, làm tu sĩ rồi làm Giám mục; Thánh nhân giầu lòng Thương người. Một hôm, tại cổng thành Amiens, Ngài gặp một người nghèo, liền cắt mảnh áo choàng làm đôi chia cho người ấy một nửa. Chúa Giêsu hiện ra trong giấc mơ, khoác nửa tấm áo đó và nói:” Ta mình trần, con đã mặc cho Ta..như con đã làm cho một người hèn mọn, thì cũng như làm cho Ta”( Mat, 25:36,40). Trong Lịch Sử  Hội Thánh biết bao chứng tá về Bác ái! Phong trào “Tu Rừng” do Thánh Antôn khởi xướng(+356). Trước Tôn Nhan Chúa, là Chúa của Tình Thương Xót, các vị Ẩn Tu nhận thấy những nhu cầu thúc bách, nên đã hiến thân hoàn toàn lo phục vụ Chúa và tha nhân. Do đó, chung quanh các Tu Viện, là những cư xá tiếp khách, đón rước  người tàng tật, các bệnh nhân. Sự kiện lịch sử này giải nghĩa muôn vàn những sáng kiến khác nhằm lo lắng cho hạnh phúc của con người, và đào tạo các tín hữu quan tâm đặc biệt đến người nghèo khổ, cùng kiệt. Đó là dối tượng của việc thành lập các Tu Viện, Dòng Anh em Khất Thực(mendicant Orders), và về sau, sáng lập các Tu Hội Nam, Nữ trong Hội Thánh. Chỉ cần nêu danh một số Thánh Nhân đã đem Ánh Sáng Đức Tin, Cậy, Mến vào thế giới, như: Thánh Phanxicô Assisi, Ignatiô Loyola, Gioan Thiên Chúa, Camilô Lellis, Vinh Sơn, Louise Marillac, Giuse B. Cottolengo, Gioan Boscô, Luigi Orione, Têtrêsa Calcuta…

Gương  Thánh Thiện Tuyệt Vời của Mẹ MARIA, Mẹ Chúa Cứu Thế(41)

-Những  tâm tình, hành vi cử chỉ thấm nhuần Đức Bác Ái của Mẹ MARIA, được ghi lại trong Sách Phúc Âm như:

- Viếng thăm, giúp đõ Bà Chị họ Isave, trong thời kỳ mang thai Thánh Gioan Tiền Hô( Luca, 1:56)

- Kinh “MAGNIFICAT”:  Mẹ Maria thốt lên lời ngợi khen Chúa:” Linh Hồn tôi ngợi khen Chúa”( Magnificat anima mea Dominum). Đây là Bài Ca tuyệt diệu, toát yếu tâm tình và chương trình hành động của đời sống của Mẹ. Ta sẽ sẽ thấy những nét đặc biệt như:

- Mẹ rất khiêm nhu, không coi mình là tâm điểm của đời sống, nhưng chính Chúa là Đấng phải ca ngợi, trong khi cầu nguyện và phục vụ tha nhân. Mẹ chỉ là “phận nữ tỳ”, vâng theo Ý Chúa( Luca,1:38.48) 

- Mẹ  là người Phụ Nữ của Niềm Hy Vọng: Mẹ hoàn toàn cậy trông vào những Lời Chúa Hứa ban , như lời Thiên Thần truyền tin. Do đó, Mẹ cũng là người Phụ Nữ của Niềm Tin, như lời Bà Thánh Isave nói: “Phúc cho Chị vì Chị đã tin”( Luca, 1:45)

- Mẹ là người am hiểu và thấm nhuần “LỜI CHÚA”, trong Kinh Thánh. Kinh Magnificat chứng tỏ: Mẹ suy gẫm Lời Chúa trong Kinh Thánh, trưng dẫn Lời Chúa trong Kinh Nguyện. Mẹ thật xứng đáng là Mẹ “Ngôi Lời Nhập Thể”

-Mẹ là người Phụ Nữ biết YÊU THƯƠNG. Mẹ tin những điều Chúa dạy, ước muốn làm theo Ý Chúa, làm sao Mẹ lại không Yêu Mến Chúa? Mẹ sống thầm lặng, kín đáo khi nhận thấy nhu cầu của đôi vợ chồng trẻ trong tiệc cưới Cana, sống trong “hậu trường”, khi Chúa Cứu Thế công khai đi rao giảng. Nhưng khi Giờ Chúa đến, khi các môn đệ chạy trốn, thì Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá( Gioan,19:25-27). Và Ngày CHÚA THÁNH THẦN Hiện Xuống , thì Mẹ hiện diện với các môn đệ (Công Vụ, 1:14)

- Đời Sống của các Thánh Nhân, ở trần gian, và sau khi chết, ở cùng Chúa, hành động với Chúa.(số 42)

- Một điều thật hiển nhiên rõ ràng: các Thánh Nhân ở gần Chúa hơn, nhưng không xa cách nhân loại, mà vẫn còn gần gũi với chúng ta. Điều này thật đúng khi chúng ta hướng về Mẹ Maria. Khi chết trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã trối Mẹ cho Môn đệ Giaon-qua người môn đệ này-cho tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu:” Này là Mẹ con”( Gioan,19:27)

- Bởi vậy, mọi người nam, nữ, mọi nơi mọi lúc, đều chạy đến nương nhờ tình Mẫu tử dịu hiền, thanh khiết, diễm phúc, trong mọi hoàn cảnh thiếu thốn, ước nguyện, vui, buồn, cô đơn, mọi dự tính kế hoạch. Ai cũng nghiệm thấy lòng từ ái, ban ơn, giúp đỡ của Mẹ. Lòng tri ân của mọi dân mọi nước trên thế giới đối với Tình Yêu Thương từ ái, hoàn toàn vị tha, không vị kỉ của Mẹ. Lòng Sùng kính Mẹ trên thế giới chứng tỏ một điều chân nhận không sai lầm này: Tình Yêu Thương đó có thể xẩy ra được, vì là kết quả của sự kết hiệp thân mật với Chúa, và linh hồn được thấm nhuần trong Tình Yêu Thương của Chúa; và nhờ đó, linh hồn trở nên nguồn mạch nước, “Tuôn tràn sông nước hằng sống”(Gioan,7:38).

Lạy Mẹ Maria, Đồng Trinh, Từ Mẫu, xin tỏ cho chúng con biết Yêu Thương là gì, và từ đâu Tình yêu Thương bắt nguồn và luôn canh tân sức mạnh. Chúng ta phú thác Hội Thánh  và sứ mệnh trong sự phục vụ Tình Thương của Hội Thánh cho Mẹ.

Ban hành ở Roma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 25, tháng Chạp năm 2005, Lễ Chúa Giáng Sinh, Thông Điệp thứ nhất thời làm Giáo Chủ Hội Thánh Công Giáo.

  Qua NHÃN QUAN VĂN HÓA VIỆT NAM

- Vấn Đề: ‘Tình Yêu Thương Vô Cùng của Thiên Chúa và những Đau khổ Trần gian”,  luôn luôn ám ảnh tâm trí con người, đặc biệt nơi các nhà Tôn giáo,  hiền triết Đông –Tây, kim- cổ. Làm sao dung hòa được hai sự kiện không thể chối cãi được: một bên là Tình Thương vô biên của Đấng Tạo Hóa, và bên kia là những đau khổ vật chất, tinh thần của con người, từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt lìa đời:”Sinh, Bệnh, Lão, Tử”(Phật Giáo). Ngoài những thiên tai như: bão lụt( Katrina, Chan chu), Sóng thần, Động đất, núi phun la(Indonesia), ,nhưng còn biết bao những đau khổ do con người tạo ra như: chiến tranh, vũ khí hạt nhân, khủng bố, buôn bán trẻ gái, phụ nữ….

1/- Trước những đau khổ lớn lao, vượt quá sức chịu đựng, người ta thường phản ứng bằng hai thái độ: Một là thái độ tiêu cực: phàn nàn số phận hẩm hiu, không may mắn,  không thể cắt nghĩa,  không hiểu được, ngoài tầm tay, cuối cùng : từ chối sự hiện hữu, và Tình Thương vô cùng của Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế, thái độ tiêu cực này không giài quyết được tình trạng đau khổ, lại còn tăng thêm  mối “tuyệt vọng”, vì không còn tin tưởng vào một Quyền Lực siêu việt nào có thể cứu  giúp, an ủi trong cơn thử thách. Đúng như lý luận trong Thông Điệp của ĐTC Bênêditô XVI: Nếu không tin có Thiên Chúa,  mỗi khi con người hoàn toàn chịu bó tay, bất lực trước những đau khổ quá lới lao, lúc ấy,  thử hỏi: con người còn  ai nữa mà  nương tựa, trông cậy?

“ Không có Trời, ai ở với ai?" (tục ngữ Việt Nam)

2/-Hai là, thái độ Tích cực: Con người làm hết sức mình với khả năng Chúa ban cho, còn mọi sự PHÚ THÁC nơi Tình Thương Xót Chúa. Thái độ siêu nhiên như Cầu Nguyện với Niềm Tin, Cậy, Mến, vâng theo Thánh Ý Chúa, noi Gương Chúa Giêsu, hấp hối trên Thánh Giá,  Đức Mẹ Maria đứng dưới chân Thánh Giá,  và các Thánh Nam Nữ, sẽ giúp ta tăng sức mạnh tinh thần trong cơn hoạn nạn. Cầu Nguyện và Niềm Tin rất cần thiết để nhân loại biết thống hối, nhận ra sự tàn ác, bạo lực, chiến tranh, lò thiêu người tại Auschwitz-Birkenau, là do  trái tim vị kỉ, hận thù gây ra. Cầu Nguyện để Chúa biến đổi và ban cho con người một TRÁI TIM mới, “cất khỏi con người một Trái Tim bằng đá, và ban cho con người một Trái Tim bằng thịt”(Eze, 36:26). Con người hữu hạn, chúng ta chỉ có thể hiểu được một phần nào Ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa, trước những thiên tai lớn lao. Như lời Kinh Thánh khuyên nhủ: Chúa không ở trong Lửa, Chúa không ở trong Nước, nhưng Chúa ngự trong Tâm Trí con Người . Bởi vậy, con người cần dùng khả năng trí thức Chúa ban để nghiên cứu về khoa học khí tượng, sẵn sàng “Chuẩn bị, đề phòng”(Preparedness”, như hiện nay tại miền bão lụt NewOrleans, Hoa kỳ), và Cứu trợ ( Hội Hồng thập tự quốc tế, quốc gia, Fema v.v), các nạn nhân trên thế giới, không phân biệt quốc gia, tôn giáo, khi thiên tai xẩy đến.

Dù ai nói ngược nói xuôi,

Ta đây cứ vững Đạo Trời khăng  khăng”

3/- Ngoài ra, cần học hỏi những tư tưởng quí giá, hữu ích của Thông Điệp này:”Deus Caritas est”, để mỗi phần tử trong Hội Thánh ý thức bổn phận giúp đỡ lẫn nhau, phần hồn và phần xác, bằng mọi hoạt động Bác ái, từ thiện, xoa dịu các vết thương đau khổ. Đặc biệt đối với Dân tộc Việt Nam, suốt dòng Lịch Sử, đã chịu đựng quá nhiều gian khổ, Người Việt chúng ta cần trở lại truyền thống Yêu Thương Đồng Bào, Đồng Hương, Đồng Tộc, để chia cơm, sẻ áo, đùm bọc lẫn nhau, và đoàn kết kiến thiết quốc gia trong Công bằng, Bác ái, và tôn trọng Nhân Quyền, Nhân Phẩm Con Người.  

“Bầu ơi! Thương lấy Bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

4/-Các giới chính trị gia, truyền thông xã hội, đã ca ngợi bức Thông Điệp của ĐTC Bênêditô, có sức thuyết phục, chẳng những bằng những dẫn chứng rút từ Sách Kinh Thánh, Truyền Thống trong Hội Thánh Công Giáo, mà còn đặc biệt ở  cách dùng Luận Lý, Triết Lý La-Hy, để phân tách và dẫn giải  về Bản tính của Tình Yêu, và  phương thức tổ chức xã hội của Quốc gia, Quốc tế, dựa trên Công Bằng  và Bác Ái.

-Tại sao lại có nhiều Đau Khổ trên trần gian này, ta có nên thất vọng trước những nhu cầu tràn ngập nhân loại như hết bão lụt lại động đất, liên miên…? Để giải quyết vấn nạn này trên phương diện triết lý siêu hình, ĐTC đã dùng Triết Lý, Luận lý của Thánh Giáo Phụ Âu Cơ Tinh, Giám Mục tại Hipo, miền bắc Phi châu (354-430), khi trích nguyên văn câu:” Si comprehendis, non est Deus”( Nếu bạn hiểu được Chúa, thì không còn là Chúa nữa). Nên biết: ĐTC Bêneditô đã viết một Luận án Tiến sĩ Thần học về Thánh ÂuCơ Tinh, vì thế, Ngài đã thấu triệt Triết lý và Thần học của Thánh Nhân, đặc biệt hai tác phẩm nổi tiếng như:” Confessions”( Tuyên Xưng Quyền Năng Chúa, 400), và “The City of God”( Thành Trì Thiên Chúa, 412-27). Trong hai tác phẩm này, Thánh Nhân ca tụng Sự Khôn Ngoan , Thượng Trí Siệt Việt của Thiên Chúa, và Thành Trì của Thiên Chúa( ám chỉ Hội Thánh) là một Xã hội Yêu Thương trường cửu, trái ngược với Xã hội thế tục, chỉ mưu  tìm kiếm lợi lộc chóng qua mau hết.

- Một văn sĩ đã nói: “các vĩ nhân, các nhà tư tưởng lớn,  đông –tây, kim-cổ, thường gặp nhau”. Do đó, câu phát biểu trên đây của Thánh ÂuCơTinh: vì Bản Thể của Thiên Chúa là Siêu Việt Tuyệt đối, nên loài người là thụ tạo “tương đối” không thể hiểu được, nếu đem đối chiếu với triết lý của Đạo Giáo, tức Lão giáo của Lão Tử, trong cuốn “Đạo-Đức –Kinh” , chúng ta cũng  thấy về phương diện  siêu hình những suy luận và phát biểu tương tự, như trong “ĐẠO- ĐỨC KINH”, Lão tử viết:” 

“ĐẠO khả đạo, phi thường ĐẠO,

DANH khả danh, phi thường DANH,

VÔ DANH, thiên hạ chi thủy,

Hữu danh, vạn vật chi mẫu”.

Theo tư tưởng siêu hình của Lão học, Đấng Tạo Hóa, Chủ Tể của Vũ trụ càn khôn, là Một Nguyên Lý Tuyệt Đối, tạm gọi là “ĐẠO”,vì theo Bản thể Tuyệt đối, thì Vô hình Vô tượng, và VÔ DANH. Chỉ có loài tương đối như con người, cỏ cây, động vật, sông núi, đồ vật .. có hình tượng và có TÊN GỌI mà thôi( Hữu danh). Nếu ta có thể “đặt Tên gọi”, nghĩa là có thể hiểu được Nguyên Lý Tuyệt Đối đó, thì  không còn là Nguyên Lý Tuyệt Đối, là “ĐẠO” Tuyệt Đối nữa. Bởi vậy, theo Lão Tử, “ĐẠO” là “Huyền chi tựu Huyền”( sâu kín lại càng sâu kín thêm), trí khôn con người hữu hạn không thể hiểu hết những chương trình kế hoạch của Đấng Tuyệt Đối được. Truyền thống Văn Hóa Việt Nam, chê cười những người ngạo mạn, tự cao tự đại, coi mình là “đỉnh cao trí tuệ”, vô tín ngưỡng, vô thần,  không nhìn thấy Trời cao mênh mông, vì đầu óc u mê, thiển cận, lấy cái “tương đối” nhỏ bé, làm “Tuyệt Đối” bao la, như câu ca dao mỉa mai:                                        

“Ếch ngồi đáy giếng coi Trời bằng vung”

( Xin Lưu ý: Muốn tìm hiểu thêm về Ý niệm “ĐẠO” của Lão Giáo, và Tam giáo, xin đọc Sách “Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo”, trang 280-293, tìm “Bảng Chỉ Dẫn (Index), chữ ĐẠO, vào hppt//www.dunglac.net/caophuongky/)

-5./ Vấn đề CĂN TÍNH của Hội Thánh, nói chung, và của mỗi Phẩm Trật như Giám Mục, Linh Mục, Giáo dân. Câu hỏi đặt ra: Căn Tính là gì? Tại sao thi hành những hoạt động Bác ái là thuộc Căn tính của Hội Thánh, mà không phải chỉ là công việc thiện nguyện, tuỳ ý làm để thêm công phúc? Như vậy, cần phải hiểu ý nghĩa chữ “Căn Tính”(Identity) một cách triệt để hơn, chính là Yếu Tính(Essence), là “lý do tồn tại, hiện hữu ( la Raison d’être) của một người hay một sự vật. Chữ “Căn Tính có ý nghĩa siêu hình(metaphysical) hơn là ý nghĩa của thẻ “căn cước”( như:I.D number). Theo ĐTC Beneditô, Căn tính của Hội Thánh toàn thể gồm ba đặc điểm: 1/ Ban các Bí Tích để thánh hóa dân Chúa;2/ Rao giảng Tin Mừng của Chúa Cứu Thế cho nhân loại;3/ Thi hành Đức Bác Ái bằng những công việc từ thiện, giúp đỡ người đau khổ, phần hồn, phần xác. Nếu thiếu một đặc điểm nào, thì làm cho Hội Thánh mất Căn Tính của mình, tức mất Lý do Hiện hữu của mình trên trái đất này. Ba Đặc điểm này cũng áp dụng cho mỗi thành phần trong Dân Chúa: Mỗi vi Giám Mục, mỗi Linh Mục, và  mỗi Tín Hữu-Giáo Dân.

- Trong Văn Hóa Việt Nam, chữ “đạo”( khác với chữ ĐẠO, Nguyên Lý Tuyệt Đối) như trong các kiểu nói: “đạo làm người”, “đạo vợ- chồng”, đạo cha-con”.., ý nghĩa chữ “đạo” là gì? Nhà văn và nhà triết học Trung Quốc Phùng Hữu Lan, trong Sách “Trung Hoa Triết Học Tiểu Sử”(cuốn này viết bằng Anh ngữ”A Short History of Chinese Philosophy”, Edited by Derk Bodde, The Free Press, N.Y,1948, xin coi trang: 166-177: Chapter 15: Confucianist Metaphysics, và Chapter 4: The Rectification of Names, trang 41) Chính họ Phùng đã phân biệt  hai cách viết chữ ĐẠO(chữ Hoa) chỉ Nguyên Lý Siêu Việt Tuyệt Đối, và chữ “đạo”chỉ yếu tính của sự vật. “ĐẠO”chỉ có Một, nhưng “đạo” thì vô vàn vô số.  Vậy “”đạo “là gì?  Đức Khổng Tử đã định nghĩa và giải thích ý nghĩa chữ ấy, trong lý thuyết về luân lý đạo đức, gọi là:”Chính Danh, Định Phận”. Theo thuyết này, mỗi “danh xưng”, mỗi tên gọi, phải  xứng hợp với lý tưởng đạo đức, bổn phận, nghĩa vụ phải làm, do danh xứng đó nêu lên. Khổng Tử viết trong sách Luận Ngữ, XII, câu 11:” Vua cho ra vua, bầy tôi cho ra bầy tôi, cha cho ra cha, con cho ra con” .Danh xưng , danh hiệu phải phù hợp với  thực hiện, tức với bổn phận và trách nhiệm phải làm đi kèm theo. Nếu không làm, thì là “Hữu Danh, vô Thực”. Một ví dụ: thời tao loạn, cương thường, luân lý đảo điên,  nhà thơ trào phúng Tú Xương mô tả  bằng hai câu thơ:

“ Nhà kia, lỗi “đạo”, con khinh Bố,

Mụ nọ chanh chua, Vợ chửi Chồng”

-Áp dụng chữ “đạo” trong thuyết” Chính Danh, Định Phận” , thay cho chữ “Căn Tính”, ta sẽ có những “đạo” như:  “đạo Giám Mục”, “đạo Linh Mục”, “đạo Giáo dân”..Ngày nay, thường nghe nói đến ”khủng hoảng về căn tính”(Identity crisis), chẳng qua là vì mỗi danh hiệu không còn tương hợp với trách nhiệm, bổn phận phải thực thi  của người mang danh đó. Bởi vậy, có thể nói mà không sai lầm: Nếu Hội Thánh, hay các Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ, Giáo dân..  không thực hành ba nhiệm vụ Chúa Cứu Thế đã trao phó là: 1/ Thánh Hóa nhân loại bằng các Nhiệm Tích;2/ Rao Giảng Tin Mừng của Chúa đến tận cùng trái đất;3/ Thực thi công việc Bác ái, từ thiện, thì chỉ còn là “Hữu Danh, Vô Thực” mà thôi.

( Xin đọc thêm Sách: “Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo”, trang 262-266, xin vào trang nhà, như trên: dunglac.net/caophuongky/ )

ĐÀM ĐẠO , CHIA SẺ:

TOÁT LƯỢC những Ý LỰC  Trong Bức Thộng Điệp, rất quan trọng này, cần được học hỏi cẩn thận và phổ biến trong mọi tầng lớp nhân dân, Công Giáo hay ngoài Công Giáo. Đây là toát lược Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh, dùng làm tiêu chuẩn phán đoán các chính sách về chính trị, kinh tế, xã hội, để tôn trọng Nhân Phẩm của Con Người, và kiến thiết một Xã hội Công bằng, Bác ái. Dưới đây là một số những ĐỀ TÀI  chính dùng để thảo luận, gợi ý, trong các buổi Hội thảo của các Đoàn thể. Có thể đặt thêm nhiều câu hỏi khác nữa, cho vấn đề Hoạt Động xã hội của Hội Thánh được sáng tỏ hơn. 

1/. Bản Thể của Thiên Chúa = Tình Thương,

     Bản  Thể của  Đạo Thiên Chúa = Đạo Tình Thương.

2/. Mến Chúa, Yêu Người = Một,

     Ai Mến Chúa, cũng Yêu Người

     Ai Yêu Người, cũng Mến Chúa

3/. Phân biệt hai cách biểu lộ của Tình Thương: Một là, Tình Yêu vị kỉ,(Eros) chỉ Yêu mình, thỏa mãn đòi hỏi, sở thích riêng, không quan tâm, không vượt ra khỏi “cái tôi ích kỉ hại nhân”,  để lo cho hạnh phúc của tha nhân; Hai là, Tình Yêu vị tha(Agape), hướng về Tha nhân, hy sinh quyền lợi riêng, lo cho hạnh phúc của người mình yêu. Tuy phân biệt, nhưng hai cách thế tương quan liên hệ với nhau, vì theo bản tính nhân loại con Người có Xác Hồn, có Vật chất Tinh thần, nên không thể chối bỏ tình Vị Kỉ trong con người, nhưng tự nó phải vượt lên  Tình Yêu Vị tha, thì Tình yêu mới hoàn hảo.

4/. TÌNH THƯƠNG VỊ THA(AGAPE) Cao Cả nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, là Ban Con Một, NGÔI LỜI NHẬP THỂ, để HY SINH , chịu Nạn chịu Chết Chuộc Tội cho nhân loại, và PHỤC SINH VINH HIỂN, để  cho nhân loại được Phúc Trường Sinh.

5/. Vì Hội Thánh, -tức Cộng Đồng những Tín Hữu Tin Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế, Con Thiên Chúa, -được sinh ra bởi “Máu và Nước từ cạnh Nương long của Chúa chảy ra”, nên Hội Thánh, từ Bản Thể, Bản Chất, cũng phải noi gương Chúa, Hy Sinh, xả thân, làm việc Bác ái  để cứu nhân độ thế như Chúa đã thực hiện.

6/. Thi hành công việc Bác Ái là “Căn Tính” (là” đạo”) của Hội Thánh toàn thể, và là Căn tính của riêng từng Tín Hữu, đặc biệt của riêng mỗi vị Giám Mục coi Địa Phận, của mỗi Linh Mục coi Giáo xứ. Vì Hoạt động Bác ái của Hội Thánh, là “Căn tính”, (“Bản thể, “Bản chất”, “Bản tính”, là “đạo”, hiểu theo triết lý Việt Nam) của Hội Thánh, của người môn đệ theo Chúa, nên không phải là một mệnh lệnh áp đặt từ bên ngoài, không phải việc tình nguyện làm để thêm công phúc, hoặc như thể một công việc cứu tế xã hội, để cho người khác làm cũng được. Nhưng như Thánh PhaoLô Tông Đồ dạy:” Tình Yêu Chúa Kytô  thúc bách tôi”

7/.Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh chủ trương: cần tổ chức một xã hội Công bằng, dựa trên những luật lệ bảo đảm quyền lợi của công nhân, và tôn trọng Nhân quyền, Tự do, Dân chủ.., nhưng quốc gia xã hội luôn cần đến Tình Bác ái, cứu giúp đồng loại, đồng hương khi gặp cảnh khó khăn về tinh thần và vật chất như nghèo đói, bệnh hoạn, thiên tai..

8/.Thuyết MácXít muốn gạt bỏ những hoạt động Bác Ái của các tôn giáo,( hay các hội Từ thiện do sáng kiến tư nhân), vì cho là cản bước tiến của cách mạng, và áp đặt một chế độ tập quyền, độc đảng, giai cấp đấu tranh, gây căm thù, tiêu diệt các quyền Tự do tôn giáo, dân chủ..để tiến lên một xã hội công bằng, một thế giới đại đồng, vô giai cấp..Nhưng kinh nghiệm ngày nay cho thấy: đó là “ẢO TƯỞNG”, không thể thực hiện được, lại gây thêm  nạn tham nhũng, giai cấp giầu có bóc lột người dân nghèo. Nhân loại luôn gặp những tai ương lớn lao, nên luôn cần đến lòng Bác Ái, từ tâm của mọi người.

9/.Phân biệt hai phạm vi hoạt động: Một mặt , là Hội Thánh, và các Tôn Giáo, cổ động thực thi Bác ái, Luân lý, Đạo đức, và Mặt khác, là Quốc Gia: Chính Quyền, các Đảng phái Chính trị, Luật pháp, Kinh tế. Tuy phân biệt, nghĩa là tôn trọng quyền tự trị, phương cách hành động, và mục tiêu khác nhau, không được xen lấn vào nội bộ của nhau, nhưng Tôn Giáo và Chính Trị vẫn tuơng quan liên hệ với nhau, vì mục đích duy nhất là : phục vụ Nhân quyền, Nhân vị của Con Người. Chính quyền phải tôn trọng Tự do hoạt động Bác ái của  Tôn giáo, vì nhiệm vụ chính của tôn giáo là giúp thanh luyện các tổ chức của Chính quyền theo đúng những nguyên lý về Đạo Đức, Luân Lý.

10/. Tại sao nhân loại, luôn gặp những tai nạn lớn lao xẩy đến, ngoài tầm tay chống đỡ của mọi người, mọi quốc gia? Đây là một điều “mầu nhiệm”, thuộc phạm vi tôn giáo, triết lý. Trong Lịch Sử Nhân Loại, nhiều triết gia cũng vẫn thường thắc mắc, nhưng vì trí khôn nhân loại có giới hạn, nên không thể am hiểu một cách thấu triệt được chương trình và sự Quan Phòng của Thiên Chúa, như lời Thánh Âu Cơ Tinh:” Nếu ta hiểu được Chúa, thì không còn là Chúa nữa”. Do đó, thái độ trung thực nhất trước những đau khổ, tai nạn lớn lao, những nhu cầu chồng chất của nhân loại là: mỗi người thành tâm làm hết khả năng của mình, với niềm Tin, Cậy, Mến, và PHÚ THÁC mọi công việc vào Lòng Thương Xót vô cùng của Chúa. Ta cần làm những việc Bác ái, từ thiện, theo tiếng Lương tâm thúc bách, tuỳ khả năng, và nên coi mình như:” một người đầy tớ vô dụng” vì đó là  bổn phận phải chu toàn.

11/. Cần noi gương Đức Mẹ MARIAcác Thánh Nam Nữ trong Hội Thánh, đã HY SINH đời sống, để theo Chúa Cứu Thế, vì YÊU THƯƠNG, đã Chết để Cứu Chuộc và Sống Lại để ban cho nhân loại Phúc Trường Sinh.

Lm. Jos. Cao Phương Kỷ

VỀ MỤC LỤC

ĐỨC MARIA Người Mẹ Của Linh Mục

 

Bước vào Tháng Năm dương lịch, Tháng Kính Đức Mẹ, Giáo hội thường nhắc nhở: "Các tín hữu hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta" (GH. Số 67).

 

Theo tinh thần hướng dẫn trên, chúng ta thử nhìn lại chỗ đứng của Mẹ Maria trong đời sống và sứ vụ linh mục. Nhờ đó, chúng ta củng cố và tăng cường mối tương quan mật thiết giữa ta với Mẹ.         

 

I. VAI TRÒ CỦA MẸ MARIA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC.       

 

Địa vị của Đức Maria rất cao cả. Ngài được tôn vinh là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đức Giêsu-Kitô, Mẹ Hội Thánh và là Mẹ Linh mục.        

 

Trong diễn từ kết thúc khóa 3 Công đồng Vatican II, Đức PhaoLô VI đã quả quyết : "Đây là lần đầu tiên... một Công đồng đã trình bày một tổng hợp giáo lý công giáo rộng lớn, liên quan đến địa vị của Đức Maria rất thánh trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội" (ngày 21.11.1964).

 

Còn Đức Gioan-Phaolô II, vị Giáo hòang đã sống gắn bó với khẩu hiệu "Totus Tuus" (mọi sự của con đều là của Mẹ), trong Thư đầu tiên gửi các linh mục trên thế giới, đã bày tỏ : "Anh em thân mến, khởi đầu thừa tác vụ của tôi, tôi phó dâng tất cả anh em cho Mẹ Chúa Kitô, đặc biệt cũng là Mẹ chúng ta : Người Mẹ của linh mục" (ngày 08.4.1979). Lời bày tỏ của Đức Gioan-Phaolô II gợi lên cho chúng ta ba khuôn mặt, ba mối tương quan liên kết chặt chẽ với nhau : Chúa Giêsu - Đức Maria - và Linh mục. Lời bày tỏ đầy tâm tình đó, cũng thôi thúc chúng ta suy nghĩ đến vai trò của Đức Maria trong cuộc đời Chúa Giêsu, và cuộc đời Linh mục.        

 

1. Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu.  

 

Tin mừng đã ghi lại rất rõ, địa vị của Đức Maria trong chương trình cứu độ trần gian của Thiên Chúa. Mẹ đã thưa lời "Xin vâng" trước thánh ý Chúa Cha. Mẹ đã hiệp thông với sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong biến cố nhập thể của Chúa Giê-su. Mẹ đã hiệp thông với ân sủng của Chúa Thánh Thần, trong biến cố hiện xuống, để xây dựng và phát triển Hội Thánh, là Thân Thể và Hiền Thê của Chúa Kitô.           

 

Đặc biệt hơn, là Mẹ Đấng cứu thế, Đức Maria đã thể hiện vai trò làm Mẹ cách sâu sắc và ý nghĩa đối vối Chúa Giê-su. Mẹ mang Ngôi Lời trong bụng dạ. Mẹ sinh hạ Người Con Một của Thiên Chúa tại Be-lem. Mẹ thiết thân gần cận với Chúa Giê-su từ tấm bé, lúc lớn khôn, cho tới khi trưởng thành. Mẹ kín đáo theo sát Chúa Giê-su trong những năm Chúa công khai rao giảng Tin mừng. Mẹ âm thầm đồng hành với Chúa trên con đường thương khó và can đảm hiện diện dưới chân thập giá để chứng kiến cơn hấp hối và cái chết của Chúa Giê-su. Chính nhờ sự đồng hiệp thông trong giây phút rất thánh thiêng này, mà Mẹ Maria được tôn vinh là Đấng đồng công cứu chuộc nhân loại.   

 

Cha Rondet, một nhà thần học hiện đại đã viết : "Đức Maria có đó khi Đấng cứu thế vào trong thế gian. Ngài có mặt khi Chúa hoàn tất hy sinh của Người. Ngài có mặt khi Hội thánh khai sinh. Ngài lại còn đó mỗi khi Chúa cứu thế đến trong các linh hồn, khi sự sống ân sủng tăng gia nơi các linh hồn ấy" (Etude de la théologie mariale, p.8). 

 

2. Đức Maria, Mẹ Linh mục.      

 

- Với bí tích Truyền chức thánh, mang ấn tích trong mình, người linh mục được tham dự sâu sắc vào ba chức năng của Chúa Kitô: ngôn sứ, tư tế và vương giả, được hành động trong tư cách của Chúa Kitô là Đầu, được gọi là "Alter Christus" (một Kitô khác, một Kitô nữa). Vì thế, người linh mục cũng được vinh dự đón nhận lời di chúc của Chúa kitô trên thập giá trao gửi cho Gioan "Này là Mẹ con" (Ga 19,27) như lời di chúc dành cho chính mình. Quả thực, có thể nói, Gioan người môn đệ Chúa Giêsu yêu quý, là đại diện cho mọi môn đệ Chúa Kitô, đại diện cho các linh mục. 

 

Trên cơ sở đó, Đức Gioan-Phaolô II lý giải : "Quả thực, người môn đệ yêu quý, là một trong Nhóm Mười Hai, tại Nhà tiệc ly đã nhận lệnh truyền "Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy" (Lc 22,19) cũng chính là người đã được Chúa Kitô từ trên thập giá trao phó cho Mẹ Ngài : "Đây là con Mẹ" (Ga 19,26). Qua những lời Chúa cứu thế đang hấp hối thốt ra, người mà trong Ngày thứ năm Tuần thánh đã nhận quyền cử hành bí tích Thánh Thể, cũng là người được trao phó là con của Mẹ Ngài. Vì thế, tất cả chúng ta nhờ bí tích truyền chức linh mục, đã nhận được cùng một quyền năng như Gioan, thì theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta cũng là những người đầu tiên nhận Đức Maria làm Mẹ chúng ta. Do đó, tôi mong ước tất cả anh em cùng với tôi, gặp lại nơi Đức Maria người Mẹ của chức linh mục, chức vụ mà chúng ta đã nhận được từ Chúa Kitô" (Thư đdt).          

 

- Trên thập giá, Chúa Giêsu cũng trao gửi Gioan cho Đức Mẹ: "Đây là con Bà" (Ga 19,26). Và Tin mừng Gioan ghi tiếp: "kể từ giờ đó, người môn đệ rước Đức Maria về nhà mình" (Ga 19,27).         

 

Gioan, người Tông đồ đã được Chúa gọi (Mt 4,21), người môn đệ được Chúa yêu (Ga 13,23), và có thể nói là vị Tân linh mục vừa được thụ phong tại Nhà tiệc ly, đã thực thi di chúc của Chúa Giêsu. Ông đưa Đức Maria về nhà mình, để Mẹ dạy bảo, ủi an, nâng đỡ và giúp ông kiên trì thực thi sứ vụ trước những thử thách khó khăn. Ông đưa Đức Maria về nhà mình, để ông thay Chúa Giêsu thể hiện bổn phận hiếu thảo : yêu mến, vâng phục, bàn hỏi và bắt chước gương sống của Mẹ, nhờ đó mỗi ngày ông trở nên giống Chúa Giêsu hơn.     

 

Noi gương Thánh Gioan, người linh mục cũng phải đưa Đức Maria vào cuộc đời mình, để nhờ Mẹ hướng dẫn, chúng ta có thể trở nên "đồng hình đồng dạng" với Chúa Giêsu và tiếp tục công trình cứu độ trần gian của Ngài.  

 

II. LINH MỤC SỐNG TÌNH CON THẢO VỚI MẸ MARIA.           

 

Đức Hồng y Fulton Sheen nói : "Mỗi linh mục có hai người mẹ, một theo xác thịt, một theo tinh thần". Người mẹ tinh thần của linh mục là Đức Maria. Để sống ơn gọi và thi hành sứ vụ của mình cách hữu hiệu, linh mục cần phải liên kết mật thiết với người Mẹ này. Đó là điều mà Sắc lệnh "Chức vụ và đời sống linh mục" nhắc nhở: "Các linh mục phải lấy lòng con thảo thành kính tôn sùng và yêu mến Đức Trinh Nữ Maria , là Mẹ của Linh mục Thượng Phẩm đời đời, là Nữ vương các tông đồ và là Đấng bảo trợ thừa tác vụ linh mục" (số 18). Chỉ Nam của Bộ Giáo sĩ về Thừa tác vụ và sống đời linh mục, năm 1994, cũng cảnh báo "Có thể nói, đời sống thiêng liêng của linh mục sẽ không hoàn hảo, nếu không quan tâm đến lời trao trối của Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, khi Ngài muốn trao ban Mẹ Ngài cho người môn đệ yêu quý, và qua người môn đệ này, cho tất cả các linh mục được mời gọi tiếp tục công trình cứu độ của Ngài" (số 68).

 

Quả thực, sống tương quan mật thiết với Mẹ Maria trong tình con thảo, không phải là thứ sùng mộ theo tình cảm tự nhiên thông thường, nhưng đây là mối tương quan do Chúa Kitô thiết lập, được thể hiện cách song phương tương tác "trao gửi và lãnh nhận", giữa Đức Maria và người môn đệ Chúa yêu. Vì thế, sống liên kết với Mẹ Maria, là đón nhận ân ban của Chúa Kitô, là tuân phục ý Ngài.           

 

1. Tình con thảo liên kết Linh mục với Mẹ Maria.      

 

Là con thảo, Linh mục cần đón nhận Mẹ Maria vào đời sống mình và dành cho Ngài một chỗ đứng xứng đáng để thể hiện tương quan yêu thương: trong tâm tình cảm mến, tin tưởng, cậy trông, phó thác, vâng phục, chiêm ngắm, cầu nguyện, ca tụng và bắt chước các nhân đức của Mẹ để mỗi ngày trở nên giống Mẹ hơn.     

 

Là con thảo, linh mục cần dâng hiến cho Mẹ toàn diện đời sống mình: vui buồn, sướng khổ, những khó khăn thử thách, thành công cũng như thất bại, những công tác phải chu toàn, những mục tiêu phải đạt tới... Nói chung, cần tận hiến trọn vẹn cho Mẹ với niềm tín thác cậy trông vào Tình Mẫu tử của Ngài. 

 

2. Tình con thảo cũng đòi hỏi Linh mục cần nhìn nhận vai trò giáo dục và hướng dẫn của Mẹ đối với đời sống mình.     

 

- Tại tiệc cưới Ca-na, Mẹ đã nói với những người giúp việc: "Người bảo gì, các anh cứ làm theo" (Ga 2,5). Những lời đó như muốn nhắn gửi linh mục chúng ta: hãy để cho Mẹ hướng dẫn chúng ta trên bước đường theo Chúa, hãy để cho Mẹ huấn luyện và đào tạo chúng ta trở nên môn đệ đích thực, hãy để cho Mẹ giúp chúng ta thực hành Lời Chúa truyền dạy. Quả thực, hơn ai hết, Mẹ là người rất gần cận và hiểu biết Chúa Giêsu. Vì thế, Mẹ có thể khuôn đúc chúng ta trở thành một "Alter Christus".           

 

- Là mẹ hiền, nhưng cũng là nhà giáo dục tài ba, Đức Maria có thể huấn luyện tâm hồn linh mục, bảo vệ linh mục trước những nguy hiểm, mệt mỏi, chán nản và với sự quan tâm đầy tình mẫu tử, Mẹ luôn chăm sóc để linh mục ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa (x.Lc 2,40).           

 

Ngoài ra, Mẹ sẽ dạy chúng ta biết : hạnh phúc của đức tin đã lãnh nhận, thái độ thanh thản thưa lời "Xin vâng"dù mọi sự chưa sáng sủa, bền vừng trong ơn gọi đã lãnh nhận, tinh thần truyền giáo hăng say khiến chúng ta mau mắn mang Chúa Kitô đến với mọi người, như Mẹ đã thể hiện khi thăm viếng bà Êlisabét, thái độ tạ ơn của bài ca Magnificat, khả năng giữ kín trong tâm hồn những lời nói và sự kiện để suy niệm, thinh lặng cảm nhận trước mầu nhiệm vượt quá sự hiểu biết của con người, can đảm và vui vẻ đón nhận đau khổ cuộc Vượt qua, tình yêu đối với Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội,  

 

Quả thực, xác định vai trò làm Mẹ của Đức Maria trong đời sống linh mục, và trung thành sống tình con thảo với Ngài, là một trong những nét đặc trưng quan trọng của Linh đạo Linh mục.

 

*********

 

Chúng ta hằng tuyên xưng không ngớt rằng, “Từ xưa tới nay, chưa từng nghe có ai đến kêu cầu Mẹ xin bàu chữa cứu giúp mà Mẹ chẳng nhậm lời”. Vì thế, trong tin yêu và phó thác, chúng ta, nhất là các linh mục, càng cần đến sự phù trì của Đức Mẹ hơn ai hết. Các linh mục hãy nài xin Đức Mẹ nhận lấy mình như đã từng nhận lấy và đồng hành với chính Người Con Một của Đức Mẹ xưa.

 

Hay như thánh Gioan tông đồ được diễm phúc làm con của Đức Mẹ, anh em linh mục hãy ngã vào chiếc nôi tình yêu của Đức Mẹ, để bất cứ lúc nào, phải đối diện với những hoàng cảnh dù khó khăn cách mấy, dù éo le hay hạnh phúc, anh em linh mục vẫn tìm được nguồn bình an, sự che chở cần thiết để gìn giữ, hơn nữa, để thăng hoa đời linh mục của mình.

 

Hãy cậy nhờ Đức Mẹ, cậy nhờ tình mẫu tử thiêng liêng cao cả ấy, chúng ta vượt biển trần gian trong bình an bền vững.

 

Hãy tin chắc rằng, vì Đức Mẹ luôn luôn chắp tay hướng về Chúa Kitô để đắm chìm trong sự cầu nguyện, sẽ tiếp tục dang rộng vòng tay để trao ban Chúa Kitô cho chúng ta. Nhờ công nghiệp của Đức Mẹ, Chúa Kitô linh mục sẽ làm cho chúng ta, hậu duệ trong chức linh mục của Người, nên hoàn thiện trong ơn gọi của cả đời linh mục mà Người đã trao cho chúng ta.

 

Trích tài liệu tĩnh tâm linh mục giáo phận Phú Cường – tháng 5.2006

 

Lm. VŨ XUÂN HẠNH (chuyển đăng)

VỀ MỤC LỤC
TÌNH  NGHÈO  LÀ  PHÚC

 

TRĂM NĂM HẠNH PHÚC đó là câu chúc người ta thường trao tặng cho cô dâu chú rể trong ngày thành hôn của họ. Nhưng đâu là Hạnh Phúc ?

Người ta thường nói: Có tiền mua tiên cũng được. Điều đó có nghĩa là nếu có tiền người ta sẽ có hạnh phúc. Vì thế, người ta thường lo lắng cho những cặp nhân tình nghèo không biết rồi mai ngày họ có được hạnh phúc không ? Nhưng thực tế, có thật đúng như vậy không ? Sau đây, tôi xin chia sẻ với quí vị một vài mẫu chuyện sống động và cụ thể, những mẫu chuyện rất chân thành được phát xuất từ những tâm hồn đạo đức và thành thật muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm sống cho những người cùng có một lý tưởng, cùng mang một niềm tin với hy vọng có thể giúp quí vị và đặc biệt cô dâu chú rể tạo dựng được một gia đình hạnh phúc cho chính mình. 

Trong những năm gần đây, một số trai Đài Loan rủ nhau đi lấy vợ Việt Nam vì nhan nhãn trên các báo chí cũng như xa lộ Đài Loan người ta đều thấy những hàng chữ quảng cáo: Lấy vợ Việt Nam vừa rẻ vừa đẹp.

Một số những người Việt Nam nghĩ rằng nếu con gái mình lấy được chồng tàu thì đó là một niềm hảnh diện lớn lao cho gia đình. Thật vậy, hầu hết những người Việt Nam đều lầm tưởng rằng mọi người tàu đều giàu có nên cứ vớ được chồng tàu là tốt phúc, không cần phải đặt nhiều vấn đề như: tính tình, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, nghề nghiệp hay họ thuộc những thành phần nào trong xã hội. Họ đâu có biết được rằng tại sao những chàng trai Đài Loan nầy phải chạy mãi sang Việt Nam mới lấy được vợ, nếu không có thể họ sẽ phải sống cảnh độc thân suốt đời. Đáng thương hại hơn nữa có những cô dâu Việt Nam lấy chồng nhưng chưa bao giờ được thấy mặt người chồng và người chồng xuất hiện bên cạnh họ trong ngày cưới có thể đó không phải là người chồng thật của họ. Khi về đến Đài Loan rồi, họ sẽ chuyển giao những cô dâu ấy cho những người chồng khác hoặc cho những dịch vụ khác mà số phận của họ không biết sẽ đi về đâu.

Tôi được biết trong khu vực giáo xứ của tôi có hai cô gái Việt Nam sang lấy chồng tàu ở đây. Tôi có nhờ giáo dân của tôi: Nếu có thể được thì cố gắng liên lạc với họ để hỏi xem họ có phải là công giáo hay không và họ có cần tôi giúp đỡ gì cho họ nhất là trong vấn đề ngôn ngữ. Nhưng sau một thời gian, họ đã trả lời cho tôi rằng họ không thể liên lạc được với những cô gái Việt Nam nầy, vì gia đình đó không hề muốn cho hai cô dâu nầy ra khỏi nhà, bỡi lẽ hai đứa con trai của họ là những người bị bệnh thần kinh và họ đã bỏ tiền ra để mua những cô gái Việt Nam về phục vụ cho những đứa con trai của họ. Dĩ nhiên, họ không muốn những cô gái nầy bỏ nhà ra đi. Nghe đến đó tôi thật cảm thấy đau lòng cho số phận những cô gái Việt Nam vì họ là những người đồng hương của tôi.

Câu nói: Có tiền mua tiên cũng được có thể đúng trong trường hợp nầy cho những người Đài Loan lấy vợ Việt Nam nhưng không đúng một chút nào cho những cô dâu Việt nam và nhất là cho những gia đình Việt Nam có con gái mình rơi vào những hoàn cảnh như thế. Nếu nói rằng có tiền là có hạnh phúc thì thử hỏi những cô gái Việt Nam nầy bây giờ sống trên xứ người có thể họ có nhiều tiền hơn trước nhưng họ có thật sự hạnh phúc hơn khi còn ở Việt nam hay không? Hay họ còn đau khổ hơn trước gấp trăm ngàn lần bỡi lẽ bây giờ họ không biết phải giải quyết vấn đề cách nào đây, cũng không biết phải tỏ bày nỗi niềm tâm sự đó với ai bây giờ, để rồi ngày qua ngày những đau khổ ấy cứ mãi dằng vặt, cứ mãi chồng chất, không biết rồi mai ngày đây họ có còn đủ sức để chịu đựng nổi nữa hay không ? Và một khi con người không thể chịu đựng nỗi nữa thì cái gì sẽ xảy ra cho cuộc đời họ ?

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy nhan nhãn trên các nẻo đường xa lộ Au cũng như Mỹ những tấm bảng to tướng với những hàng chữ đậm nét: The number one cause of suicide is depression. Nguyên nhân số một của tự tử là buồn chán. Một khi con người quá đau khổ và sự đau khổ của họ cứ kéo dài mãi hết ngày này qua ngày khác, hết năm nầy qua năm khác, họ sẽ cảm thấy kiệt sức và họ sẽ không còn muốn sống nữa. Đó là lý do tại sao người ta đã tự tử quá nhiều trong xã hội hôm nay. Con người ngày hôm nay quá chú trọng đến đời sống vật chất mà quên mất đời sống tâm linh. Chính điều đó đã làm con người mất đi thế quân bình trong cuộc sống.

Trở lại với thế giới chúng ta đang sống. Trong cuốn video Đại Hội Thánh Mẫu Missouri năm rồi, có đoạn chia xẻ về đề tài giới trẻ và gia đình, bấy giờ có một người đàn ông khá đẹp trai, xem còn rất trẻ, đã đứng lên chia xẻ một cách rất thành thật về kinh nghiệm của gia đình anh như sau:

Cách đây mười năm về trước khi anh và gia đình vừa đặt chân đến nước Mỹ, anh cũng mang cùng tâm trạng như bao nhiêu người khác: mặc cảm thua kém vì thấy mình nghèo, nghèo hơn những bạn bè mình ngày xưa. Vì thế, anh quyết định đi làm hai công việc toàn thời gian (two full-time jobs). Anh cố đi làm, làm trong vòng 5 năm liên tiếp, quên hết gia đình, quên hết bạn bè, quên hết mọi sự, cố hái cho ra tiền mua nhà mới, mua xe mới để có thể nở mày nở mặt với bà con, bạn bè. Anh phó mặc con cái cho người vợ trông nôm. Suốt 5 năm trời như vậy, anh làm cũng ra được khá nhiều tiền, bấy giờ thì anh tự hào nghĩ rằng lúc nầy mình có mọi sự, mình có thể cung cấp cho vợ con đầy đủ hơn, đời mình sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng không ngờ thực tế lại khác hẳn với những gì anh ta tưởng.

Trong suốt 5 năm trời đó, thiếu sự gần gũi và giáo dục của người bố, liên hệ tình cảm cũng như sự cảm thông giữa bố với con không có. Đứa con bị ảnh hưởng quá nhiều bỡi bạn bè và xã hội. Nó bắt đầu sống theo kiểu Mỹ hóa, sống tự do phóng túng, tư tưởng theo kiểu Mỹ và hành động theo kiểu Mỹ. Năm ấy, đứa con vừa lên mười ba tuổi. Một ngày kia, giữa mùa hè nóng bức của vùng đất Texas, người mẹ đến trường đón đứa con về sau giờ tan học. Khác với mọi thường ngày, người mẹ không tìm thấy con đâu cả, không có cách nào khác hơn là phải ngồi lại trong xe chờ con. Sau hai tiếng đồng hồ chờ đợi trong vô ích, người mẹ chán nản ra về vì trời quá nóng. Người mẹ vừa về đến nhà thì nghe điện thoại reo. Bà vội cầm điện thoại lên thì ra thằng bé gọi mẹ lên trường chở nó về. Người mẹ vừa mệt, vừa nóng, vừa giận, vừa buồn, vừa tủi, hai hàng nước mắt chảy ra nhưng cũng phải ra đi. Chiều về, người mẹ đem chuyện ấy mách lại với bố. Bố gọi thằng bé ra và hỏi: “Chiều hôm nay con làm gì ? Sao không báo cho mẹ biết ? Mẹ con phải ngồi chờ giữa trời nóng bức như vậy hai tiếng đồng hồ. Nếu là con, con có chịu nổi không ?” Thằng bé trả lời:”Chịu nổi”.  Vừa nghe thế, ông bố nổi cơn điên lên, cho ngay thằng bé một tát tai. Thằng bé xịt máu mũi. Sau đó, ông bố bỏ đi. Thằng bé cũng chui ngay vô phòng. Bầu không khí gia đình căng thẳng, không ai muốn nói chuyện với ai.

Tối hôm ấy, trước khi đi ngủ, người bố gọi con lên xin lỗi. Bấy giờ ông bố mới hỏi con: “Tại sao con trả lời với bố như vậy ? Con có biết trả lời như thế là hỗn láo không ? Đứa con trả lời: “Dạ không”.

Quả thật, hai bố con không cùng ngôn ngữ, không cùng tư tưởng, nên đã có hai lối sống cách biệt nhau, không thể hiểu nhau. Sau biến cố đó, anh ta mới giật mình tỉnh giấc. Bấy giờ anh mới khám phá ra rằng trong suốt 5 năm trời quá chú trọng đến vấn đề tiền bạc, anh đã bỏ quên mất đi những bổn phận quan trọng khác như hạnh phúc gia đình, giáo dục con cái… đến nỗi ngay cả vợ con anh cũng hiểu lầm rằng anh đã quá ham tiền hơn cả vợ con. Và vì thế, vợ con anh cũng bắt đầu hững hờ với anh và muốn xa lìa anh. Sau đó, anh bắt đầu hối hận, vội vàng xin lỗi vợ con anh và quyết định bỏ ngay một công việc để có thì giờ sống với gia đình. Bây giờ thì gia đình anh xem ra rất an bình. Anh muốn đến tham dự ngày Thánh Mẫu để tạ ơn Chúa và Mẹ đã thương cứu anh thoát khỏi cơn mê trước khi gia đình anh rơi vào cảnh ly tan…

Quả thật, anh đã nói lên đúng tâm trạng chung của phần đông những người đàn ông Việt nam khi vừa đến đất Mỹ. Với nhiều mặc cảm: mặc cảm nghèo, măc cảm thua kém, mặc cảm bị người ta khinh thường đã khiến họ nghĩ ngay đến vấn đề nhu cầu kinh tế mà quên mất đi những yếu tố khác như vấn đề tình cảm, vấn đề đạo đức..

Hãy nhớ rằng con người ngoài nhu cầu thân xác còn có những nhu cầu khác cũng quan trọng không kém, cũng cần phải được chăm sóc nếu muốn con người được phát triển một cách toàn hảo.

Mọi người trong chúng ta thảy đều biết rằng: Con người được sinh ra là cần yêu và cần được yêu. Khi còn bé, đứa trẻ bám sát vào mẹ, vào chị, hay một người thân yêu. Nếu xa mẹ, xa người thân, nó sẽ khóc bỡi lẽ nó cần được yêu và cần được bảo vệ. Nếu mẹ không yêu nó bằng em nó, nó sẽ tìm cách đánh em vì sự ghen tức. Nó thật sự không muốn mẹ nó yêu em hơn nó. Cũng vậy, không có một người đàn bà nào muốn chồng mình quan tâm đến một người nào hay một công việc nào khác hơn chính họ.

Có thể nói nhu cầu tình cảm là một nhu cầu rất quan trọng trong đời sống con người. Người ta có thể sống thiếu ăn, thiếu mặc nhưng người ta không thể sống thiếu vắng tình cảm. Chính vì thế, đã có rất nhiều cặp vợ chồng khi còn thời nghèo khổ họ sống rất là hạnh phúc bên nhau, nhưng về sau vì quá chú trọng đến vấn đề kinh tế nên họ đã gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống hôn nhân, dẫu cho có thể họ đã trở nên giàu có hơn, nhưng bầu khí gia đình của họ xem ra thật bất hạnh, để rồi cuối cùng một số phải đi đến chỗ ly tan, một số khác đã phải kết thúc tấm bi kịch bằng những cái chết thật vô nghĩa.

Sau đây là một câu chuyện rất đáng thương tâm, một câu chuyện thật trong muôn ngàn câu chuyện thật khác, nó đã từng xảy ra không những cho chính gia đình của đương sự, nhưng nó cũng đã từng xảy ra cho rất nhiều gia đình trong chúng ta, những người đang chạy theo tiền bạc mà quên mất đi đời sống tâm linh. Hy vọng câu chuyện nầy sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của vấn đề chúng ta vừa trình bày trên đây. Câu chuyện đã được một người bạn của chúng tôi thuật lại trong chuyến du hành sang Au châu của chúng tôi trên đất Ý: 

Tôi ở trong một chuyến tàu lửa và đang cầu nguyện. Ngồi đối diện tôi là một người đàn bà trong chiếc áo choàng của một người nông quê miền nam nuớc Ý. Tôi thấy bà ta chú ý đến tôi. Bà nhìn cuốn sách kinh của tôi một cách chăm chú. Đoán là bà ta có chuyện gì muốn nói nên tôi đã phá tan sự im lặng bằng cách gợi chuyện hỏi thăm bà. Bà cũng cảm thấy có một cái gì liên đới và thân thiện nên bà đã chia sẻ cho tôi câu chuyện đáng thương tâm của gia đình bà. Bà nói:

Tôi là người Calabria. Gia đình tôi và tôi đã sống trong một làng quê nghèo. Một ngày kia, đứa con trai tôi nói: “Mẹ, con sẽ đi Milan để tìm việc”. Tôi trả lời: “Tốt”. Và nó đã ra đi. Nó đã tìm được việc cách dễ dàng và định cư ở Milan. Sau một thời gian ngắn, nó viết thơ về cho cha nó tức chồng tôi: “Thưa cha, cha đến đây với con. Cha là một người thợ nề. Cha cũng sẽ tìm được việc cách dễ dàng như vậy”. Vì thế, chồng tôi ra đi.

Không đầy một năm sau, đứa con trai tôi viết thư về cho hai đứa con gái của tôi: “Tại sao các em không đi ? Chúng ta sẽ làm một gia đình ở đây!” Vì thế, hai đứa con gái tôi cũng ra đi. Chỉ còn lại mỗi mình tôi. Bấy giờ, tôi nghĩ rằng mình làm gì ở đây một mình. Thôi mình cũng nên thu xếp để ra đi. Và tôi đã viết thơ cho đứa con trai tôi như vậy. Sau đó chúng tôi đã thu dọn đến Milan và chúng tôi đã trở thành những người Milan.

 Vừa nói đến đây, bà bỗng phát oà lên khóc. Bà ta cố lau nước mắt nhưng những giọt lệ vẫn cứ tuôn trào chứng tỏ tâm hồn bà ta quá đau khổ. Sau đó bà ta nói tiếp:

Bây giờ chúng tôi quá buồn ! Trước đây tôi chưa bao giờ thấy có quá nhiều tiền như thế trong nhà tôi. Bốn phần lương mỗi tháng. Nhưng chúng tôi quá buồn. Chúng tôi đã trở nên giàu có và chúng tôi đã bị hư hỏng. Chồng tôi không còn là người như trước nữa. Hai đứa con gái tôi, tôi không dám nói một lời với chúng ngay cả khi chúng trở về nhà vào lúc ba giờ sáng. Con trai tôi, tôi lo sợ cho nó. Bạn bè chỗ nó đang làm đã làm hư tính tình của nó.

Vâng, chúng tôi quá buồn. Chúng tôi không còn thích nhau nữa. Chúng tôi luôn giận dỗi và hồi hộp lo sợ. Chúng tôi mất đi tiếng cười tiếng hát rồi. Hồi tưởng lại khi chúng tôi còn ở làng quê. Chúng tôi nghèo nhưng chúng tôi hạnh phúc. Khi những ngày lễ đến, chúng tôi cùng nhau đi dự lễ và sau đó là những bữa tiệc họp mặt gia đình và bạn bè rất là hạnh phúc. Bây giờ, mọi ngày là một ngày lễ, nhưng chúng tôi không còn biết làm cách nào để tìm lại được sự an vui và hạnh phúc của ngày xưa ấy nữa.

Vâng, tiền bạc đã làm chúng tôi bất hạnh ! Và bà ta đã khóc, khóc trong sự tiếc nuối một hình ảnh tuyệt đẹp ngày nào.

Đến đây chúng ta đã thấy rõ đâu là nguyên nhân của những bất hạnh đang chờ đón chúng ta nếu chúng ta không thức tỉnh. Riêng tôi, tôi có thể chứng minh cho quí vị những điều mà chúng ta vừa nói trên đây. Tôi đã từng sống giữa hai thế hệ và tôi đã nhìn thấy những thế hệ đang sống và đã ra đi. Hai thế hệ qua của ông bà cha mẹ chúng ta xem ra họ hạnh phúc hơn chúng ta. Họ trong sáng hơn chúng ta. Họ có nghèo hơn chúng ta, có vất vả hơn chúng ta thật, nhưng họ thật sự hạnh phúc hơn chúng ta. Tại sao thế ?

Chính cái nghèo đã giúp họ giữ được thế quân bình trong đời sống luân lý. Chính cái nghèo đã giúp cho gia đình họ biết làm việc cần cù, có được tinh thần đạo đức, biết rõ thân phận yếu đuối mỏng manh của con người để rồi biết sống tín thác vào Thiên Chúa. Chính cái nghèo đã giúp họ vạch ra được giới hạn cho những ước vọng của họ đối với của cải, giúp họ bảo tồn được sự khiêm tốn trong sự liên hệ cá nhân, giúp họ có được sự can đảm chịu đựng những gian khổ và nuôi lấy hy vọng. Và cũng chính cái nghèo đã giúp họ biết cảm thông, biết chia sẻ những buồn tủi, những cay đắng, những khổ đau, những bất hạnh của cuộc đời với những người thân yêu của họ.

Chính những điều đó đã giúp họ tạo được những gia đình an vui và hạnh phúc đúng như lời Thiên Chúa đã chúc phúc: Phúc cho các ngươi, hỡi những người nghèo khó vì nước trời là của các ngươi ! 

 Lm. Lê Văn Quảng

VỀ MỤC LỤC

Mỗi ngày

 

Mỗi ngày, xin hãy phó thác cho Chúa.

Mỗi ngày, tôi sẽ bắt đầu bằng lời cầu nguyện “hôm nay là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv 118:24).

Mỗi ngày, tôi sẽ nói: “tôi làm được mọi sự với Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4:13).

Mỗi ngày, tôi sẽ không còn lo lắng, vì “Chúa của tôi sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 4:19).

Mỗi ngày, tôi sẽ không còn sợ hãi, vì “Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” (2 Tm 1:7).

Mỗi ngày, tôi sẽ không còn nghi ngại, vì “không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Chúa, vì ai đến gần Chúa, thì phải tin là có Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người” (Dt 11:6).

Mỗi ngày, tôi sẽ không còn khiếp sợ, vì “Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa? (Tv 27:1).

Mỗi ngày, tôi sẽ không còn lo thất bại, vì “Chúa hằng cho chúng tôi tham dự cuộc khải hoàn trong Đức Kitô” (2 Cr 2:14).

Mỗi ngày, tôi sẽ không thiếu khôn ngoan, vì “nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Chúa, Người sẽ ban cho. Và Người ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách” Gc 1:5). 

Mỗi ngày, tôi sẽ không còn sợ bị lên án, vì “giờ đây, những ai ở trong Đức Kitô Giêsu, thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8:1).

Mỗi ngày, tôi sẽ không còn lo âu, nản chí, vì “mọi âu lo, hãy trút cả cho Chúa, vì Người chăm sóc anh em” (1 Pr 5:7).

Mỗi ngày, tôi sẽ không còn phiền muộn, vì “lòng thương xót của Chúa mãi không vơi. Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Người cao cả biết bao!” (Ac 3:22-23).

Mỗi ngày, tôi sẽ không còn cô đơn, vì Chúa Giêsu đã nói “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28:20).

Mỗi ngày, tôi sẽ không còn bất mãn, vì “tôi đã học sống hài lòng trong bất cứ hoàn cảnh nào” (Pl 4:11). 

Mỗi ngày, tôi sẽ không còn cảm thấy bất xứng, vì “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5:21).

Mỗi ngày, tôi sẽ không còn bối rối, vì “Chúa không phải là Chúa gây hỗn loạn, nhưng là Chúa tạo bình an” (1 Cr 14:33). 

Mỗi ngày, tôi sẽ không để những gánh nặng của cuộc đời làm phiền lòng tôi, vì Chúa Giêsu đã nói “trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:33b).

Mỗi ngày, tôi sẽ không còn cảm thấy thất bại, vì “trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8:37).

01-06-2006

Lm. Giuse Ngô Văn Thích, OP.

VỀ MỤC LỤC
Trên sân cỏ

 

Ngày nay, những trận tranh tài thể thao trên sân vận động hấp dẫn con người nhiều hơn cả như bóng đá, Baseball, Eishockey, Basketball, Tennis, Box, Banh chuyền…

Những trận thi đấu bóng đá sôi nổi trên sân cỏ sẽ diễn ra ở nước Ðức, giải Word cup  2006, từ 09.06 – 09.07. với khẩu hiệu: "Die Welt zu gast bei Freunden“ , sẽ là những hình ảnh sôi nổi thời sự. Không chỉ người đến xem, nhưng cả những triệu tỷ người ngồi xem qua màn ảnh truyền hình trận tranh tài, đều có không khí hào hứng hồi hộp phấn khởi.

Có lẽ dựa vào thực tế tâm lý đó, và có lẽ cả về phương diện quảng cáo thương mại nữa, nên đã có câu nói: Thể thao bóng đá là đời sống!

Có thật đúng như vậy không?

Tôi nghĩ, lời qủa quyết này không là chân lý và cũng không thể đúng cho hết mọi người ở mọi thời đại cùng khắp các nơi được. Nhưng câu nói này cũng nói lên phần nào ý nghĩa trận tranh tài bóng đá trên sân cỏ cuộc đời.

Vậy đâu là sứ điệp trận bóng đá trên sân cỏ? 

1. Trung tâm điểm

Một trận bóng đá luôn bắt đầu từ điểm ở giữa sân banh. Hai hội thi đấu, mỗi bên 11 cầu thủ, đứng vào vị trí của mình ở hai bên đối diện nhau. Lằn ranh ở giữa sân là mức giao banh khởi đầu trận đấu.

Từ vị trí trung tâm này trái banh da được các cầu thủ luồn lách lừa chuyền cho nhau, dẫn đá lọt lưới khung thành đối thủ trong suốt hai hiệp trận đấu, mỗi hiệp 45 phút, cho đến khi trọng tài thổi còi chấm dứt trận tranh tài. Trái banh luôn luân chuyển và không bao giờ được nằm yên ở điểm giữa sân.

Lẽ dĩ nhiên các cầu thủ được dùng nghệ thuật chuyền đá, để tranh giành banh về cho bên mình. Nhưng họ phải tuân giữ luật chơi, không được chơi xấu phạm luật. Chính vì thế Fair play luôn được đề cao để nhắc nhở các cầu thủ. Và các trọng tài hướng dẫn trận đấu có nhiệm vụ giám sát quyết định lỗi nghĩa phải trái, phạt đền về phong cách chơi banh của các cầu thủ thi đấu.

Với đời sống con người chúng ta cũng tương tự như thế. Ðấng Tạo Hóa, vị trọng tài duy nhất, thổi còi cho cuộc sống chúng ta lăn trên sân cỏ cuộc đời với ngày chào đời mỗi người, cũng từ trung tâm điểm. Trung tâm điểm đây không phải là nơi điểm chốn như lằn ranh ở giữa trên sân cỏ bóng đá.

Trung tâm điểm này là điểm tâm lý tinh thần. Ðời sống con người diễn ra khác nào như một trận tranh tài chay đua trên sân cỏ. Nhưng không vì thế mà bắt đầu từ lúc mở mắt chào đời, ta cứ phải hung hăng chạy xô về phía trước tranh giành nhau. Không, con người được dựng nên có thân xác, có tứ chi, có trí khôn, trái tim, tình cảm cùng ý chí nữa. Những yếu tố này hòa hợp tạo nên lịch sử đời sống một con người từ lúc thơ bé đến lúc chấm dứt cuộc đời. 

Trung tâm điểm đây là ý nghĩa đời sống làm người. Không phải cứ đạt được nhiều thành công đã là thắng cuộc tranh tài. Không, đạt được điều làm cho cuộc sống có hạnh phúc, mới là điểm trung tâm đời sống.

Trung tâm điểm đây là mối dây giao hảo liên đới với những người khác. Khi còn thơ bé, em bé nào cũng là trung tâm của gia đình em. Nhưng khi lớn khôn bước chân vào đời, em không còn là trung tâm như thế nữa. Tình giao hảo mối dây liên hệ với những người xung quanh gần xa từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, mới giúp ta đến gần trung tâm đời sống.

Trung tâm điểm đây là đời sống tinh thần niềm tin tôn giáo. Niềm tin tôn giáo không là một công thức, một luật lệ như luật chơi thể thao. Nhưng là điểm tựa, hướng đi niềm hy vọng cho tinh thần con người.

2. Tranh tài thi đua

Trong trận tranh tài giành thắng lợi trên sân cỏ, các cầu thủ phải tập trung sức lực cùng tâm trí chiến đấu chạy chuyền banh, tấn công, phòng thủ, dùng nghệ thuật thay hình đổi thế, lừa đưa đối thủ vào mê hồn trận hay khóa cặp giò đối thủ trong luật lệ.

Trên sân cỏ cuộc đời, đời sống ta cũng phải trải qua những mạo hiểm đâu có khác hơn gì! Cuộc sống nào mà chả có những dị biệt không chỉ về hình thức bên ngoài mà còn cả về chiều thâm sâu nữa, những xung khắc về ý tưởng suy nghĩ, về ý thức hệ, về mầu sắc niềm tin tôn giáo…. Lòng nhân đạo tình người trong cuộc là bổn phận mỗi người phải đặt lên hàng đầu trong cuộc sống chung với những dị biệt, khác biệt nhau.

Tôi còn nhớ năm 1998, khi thắng cuộc bầu cử Bundestag ở Ðức, Ông G. Schröder, người làm Thủ tướng nước Ðức đã nói ngay: Chúng tôi chờ đợi ngày hôm nay từ 16 năm nay. Nay đảng tôi thắng cử cuộc chạy đua vào Bundestag. Chúng tôi sẽ lên cầm quyền chính trị. Những đảng không thắng cử, bây giờ họ là đảng đối lập với chính phủ, nhưng họ không phải là kẻ thù của chúng tôi. Chúng ta cần nhau để tiến!

Một tâm tình đầy căn bản tình người "Fair play“ trong cuộc thi đấu trên sân cỏ cuộc đời!

Trong thể thao đối thủ không là kẻ thù của nhau. Ðây là tinh thần thượng võ. Và trong các trận thi đấu, nếu một cầu thủ nào chạy xô lấn người khác, đá lỗi phạm luật bị trọng tài tổi còi phạt, họ liền chạy đến kéo người bạn đối thủ đứng dậy và nói lời xin lỗi. Tinh thần Fair play giúp con nguời sống chung với nhau trong cuộc tranh tài thi đấu.

Cuộc tranh tài thể thao nào cũng có khởi đầu và kết thúc. Khởi đầu với lòng phấn khởi, thi đấu với kỷ luật, khi đạt chiến thắng niềm vui sẽ dào dạt lớn gấp bội. Và khi kết thúc trận đấu, người thắng trận không kiêu, bên bại không nản, là lối sống tình người lúc nào cũng hữu ích cần thiết.

 Linh mục thợ người Pháp Michael Quoist đã viết tâm tình lời cầu nguyện:   "Lạy Thiên Chúa, trên sân cỏ cuôc đời ở trần gian, Chúa là người trọng tài nhìn biết trước, nên Chúa đã đặt chúng con mỗi người vào một vị trí trong đời sống. Chúa cần chúng con. Anh chị em chúng con cần nhau và chúng con cần tất cả mọi người.

Không phải vị trí chỗ đứng của con do Chúa sắp định, quan trọng cho đời sống. Nhưng chu toàn và sẵn sàng làm những việc Chúa đã trao cho hợp với khả năng sức lực con. Có thế con mới phát triển được món qùa Chúa tặng ban cho con, dù con đứng đàng trước hay ở đàng sau.“

Và Thánh Phaolô nhắn nhủ: "Anh em đừng làm chi vì ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy vì lòng khiêm nhượng kính trọng nhau.“ (Phil 2,3).

Lm. Nguyễn Ngọc Long

VỀ MỤC LỤC
Nắng Sài Gòn - Nắng Viễn Phương.

 

CÂU CHUYỆN THẦY LANG

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

Nắng Sài Gòn-Nắng Viễn Phương.

                                   

Nắng tháng Tám, rám trái bưởi.

Kinh nghiệm dân gian.

Viễn cư, chẳng nghe tiếng Cuốc quê hương mà sao Hè cũng nóng:

Cái nóng nung người, nóng nóng ghê”. (1)

Dallas 115 độ, cây cỏ khô héo. Xe lửa nhiều quốc gia Âu châu ngưng chạy vì đường sắt nóng cong. Nước Pháp mất đi gần 5000 con dân trong dăm tuần lễ. Không phải vì chiến tranh, động đất mà vì hậu quả của sức nóng nắng hầm tháng 8 năm 2004.

Vậy mà ông lãnh đạo xứ cờ hoa vẫn phom phom cùng hội viên “Câu Lạc Bộ 100ºF” của ông ta chạy đua 5 cây số trong 7 phút ở trang trại vùng Texas. Để tranh nhau giật giải chiếc áo thung mang huy hiệu Tổng Thống. Nhờ mặc áo này biết đâu ông ta chẳng tránh được ảnh hưởng xấu của nắng trên da. Và để an toàn nghĩ thêm cách chinh phục thế giới.

Với diện tích 17 thuớc vuông, da là bộ phận trải rộng lớn nhất của cơ thể. Về phương diện cấu tạo, da đã làm ngạc nhiên nhiều kiến trúc sư vì tính cách bền bỉ, nhậy cảm, đàn hồi mà Thượng đế đã tạo cho da. Lại còn những chức năng quan trọng mà da trách nhiệm để bảo vệ cơ thể. Nào là rào cản chống lại sự xâm nhập của vi sinh gây bệnh, hóa chất độc hại. Nào là điều hòa thân nhiệt trước thay đổi phũ phàng của thời tiết nóng lạnh. Lại còn mang khỏi cơ thể, qua mồ hôi, những chất phế thải trong người. Cũng như mang cảm giác mềm mát cho bàn tay người tình mơn trớn, nâng niu.

Nhưng da cũng chịu chung số phận hóa già của các bộ phận trong cơ thể, cũng dễ dàng hư hao trước rủi ro của không gian và thời gian. Da khô nhăn nheo với tuổi đời chồng chất. Da ung thư, cháy xém dưới tia nắng mặt trời. 

Tia nắng gắt có thể gây tác dụng xấu cho lớp da không được che trở.

Nhìn qua lăng kính, ánh nắng có bẩy mầu hòa hợp: tím, chàm, da cam, xanh dương, xanh lục, vàng và đỏ. Đó là những tia tương đối lành mà mắt thường có thể nhìn thấy. Nhưng cái tia tử ngoại, cực tím mà ta không nhìn thấy mới là đáng ngại, mới là rủi ro làm da khô, da ngứa, ung thư da.

Cực tím A chui sâu vào da, tiêu hủy sự đàn hồi, khiến cho da sớm nhăn già và cũng là rủi ro của ung thư;

Cực tím B giảm khả năng bảo vệ cháy nắng và là thủ phạm chính của ung thư da.

Cực tím C là nguy cơ tử vong cho cho mọi sinh vật, từ cỏ cây cho tới động vật.

Nói vậy chẳng lẽ nắng chỉ mang tới rủi ro hay sao?!

Ánh nắng rất cần cho sự sinh tồn của mọi sinh vật. Không có nắng làm sao có sự quang hợp để biến khí carbon và nước thành thực phẩm nuôi thảo mộc. Mà không có thảo mộc thì con người và súc vật lại khốn đốn, thiếu thức ăn.

Ánh nắng cũng cần cho sức khỏe thể xác và tâm thần nữa chứ. Thường xuyên âm u là ta dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, mất ngủ, rối loạn chuyển biến dưỡng chất cũng như sản xuất kích thích tố trong cơ thể. Cho nên mới có “ Nỗi buồn Mùa Đông”-Blue Winters của cư dân các vùng hiếm nắng.

Mà không có nắng Mai thì sao có

“ Nắng vàng giỡn trên má,

Cô mơ tình nhân hôn” (2).

Nắng lên nửa bãi chiều rồi...” để cho Huy Cận

Ru em sẵn tiếng thùy dương đôi bờ” (3)

Nhưng, chỉ năm mười phút, vài giờ thì không sao, chứ nhiều ngày nhiều tháng dưới nắng chang chang, không áo quần che trở thì cũng có nhiều vấn đề lắm đấy.

Ung thư da là vấn đề đáng ngại hơn cả.

Hàng năm, số người bị ung thư da tăng. Theo Viện Da Liễu Hoa Kỳ, tỷ lệ ung thư da vào thập niên 1930 là 1/1500; tới thập niên 1980 con số nhích lên là 1/250. Hiện nay có thể là 1/70. Vì môi trường càng ngày càng xấu, khí quyển càng mất chất bảo vệ ozone trước tia tử ngoại của nắng...

Nguy cơ ung thư tăng theo với số tuổi của con người, nhất là từ 50 tới 70 tuổi. Cứ một trong ba người Mỹ trên 65 tuổi là ít nhất cũng bị ung thư da một lần trong suốt cuộc đời. Vùng mặt và đầu là nơi mầu mỡ cho ung thư tàn phá.

            Tùy theo chủng tộc, giống tính, cũng như địa dư mà ung thư nhiều ít. Nam giới dễ ung thư hơn các bà các cô. Có lẽ các ông mình trần, phơi nắng cắt cỏ, bón cây hơi nhiều, để cho vườn nàng đẹp. Da mầu ít hơn da trắng vì họ có nhiều tế bào sắc tố che trở. Dân mắt xanh, tóc đỏ, người sống gần xích đạo, trên cao độ cũng dễ bị ung thư.

Chín mươi phần trăm trường hợp ung thư da là do chất độc hại ảnh hưởng vào da.Nhất là tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời.

Mà muốn bảo vệ, tránh ung thư vì nắng gắt thì cũng dễ thôi.

Ta cứ mặc quần áo trùm kín như mấy trự Trung Đông Ả Rập là xong. Lại mang thêm chiếc mạng phủ mặt của kiều nữ Taliban, là tha hồ ra nắng.

Nhưng, hãy coi chừng. Mấy ngài an ninh phi cảng là hay nghi ngờ, chiếu cố lắm đấy ạ. Có dấu khí cụ trong quần không? Có cài chất nổ trong áo ngực. Xin vào phòng kín. Thoát y. Kiểm tra. Đôi giầy tây mà còn phải tháo ra, đi chân không qua máy rà kim khí cơ mà. Rõ rắc rối.

Sao ta chẳng theo những nàng mặt phấn da hồng Sài Gòn, Hà Nội. Lái Honda Dream, quần áo thùng thình gió bay, bao tay lụa cao cao tới nách, mạng nhung che mặt, nghiêng nghiêng vành nón rộng. Để bảo vệ nền da ngà ngọc. Thêm cặp kính râm thòi trang nữa thì tha hồ mà liếc dọc nhìn ngang.

Rồi gửi xe, ta vào mỹ viện, lựa vài chai kem chống nắng. Để thoa ngăn ngừa tử ngoại phá hủy DNA và khả năng miễn nhiễm của da.

 Bôi trên da, mỹ phẩm có công dụng phản chiếu tia nắng, nhất là các loại có từ 15 Yếu Tố Bảo Vệ (Sun Protection Factor-SPF) trở lên. Độ càng cao thì sự bảo vệ càng lâu. Phơi nắng càng nhiều thì cứ vài giờ nên thoa lại, nhất là khi đổ mồ hôi. Cũng là cơ hội tốt cho những người tình xích lại. Gần nhau.

Các mỹ phẩm chống nắng thường thường rất an toàn, nhưng khi dùng thì có đôi điều nên để ý:

- Trẻ em từ 6 tháng trở lên đều có thể thoa kem chống nắng; dùng loại hơi đục hoặc kem hơn là dung dịch trong suốt;

-Trước khi thoa, thử một chút kem trên mu bàn tay coi xem có bị dị ứng, đỏ da hay không. Mỗi nhà bào chế dùng các gia phụ khác nhau;

-Thoa mỹ phẩm lên toàn thân, trừ vùng da quanh mắt;

-Thoa từ 15-30 phút trước khi phơi nắng để chất chống tử ngoại thấm vào da;

-Lựa mỹ phẩm không tan trong nước nếu ta bơi lội;

-Tham khảo bác sĩ nếu trẻ em bị mụn trứng cá, để coi dùng kem nào không làm bệnh tăng lên.

Rồi an toàn tắm biển-phơi da...

Biết bao giờ nhân hòa để trở về với nắng Hè quê hương.

Mà trèo me hái sấu Hàm Long; mà trộm ổi, tắm sông Nghi Tàm, Quảng Bá.

Hoặc nhớ lại những 55- 57. Theo thầy trẻ Nguyên Sa, mới ở Pháp về, lang thang chợ Thái Bình, Cống Quỳnh- Phạm Ngũ Lão. Đi trong nắng... mà không cần nón mũ. Vì:

 “ Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát;

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”.(4)

Ôi! Hà Đông. Chùa Trầm. Động Nhũ.

Một thời đã qua...Biết bao nhiêu là kỷ niệm...

...Và có người thấm lệ, nhìn xa...

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

Texas- Hoa Kỳ

1-         Quốc Văn Giáo Khoa Thư

2-         Nắng mai-Thanh Tịnh

3-         Ngậm ngùi-Huy Cận

4-         Áo Lụa Hà Đông-Nguyên Sa

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************