Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 12, Chúa Nhật 9.4.2006


CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH             MỤC LỤC

PHÂN PHỐI LINH MỤC VÀ ƠN KÊU GỌI LINH MỤC                                                                   Vatican 2

THÁNH THỂ: ĐIỂM XUẤT PHÁT CỦA CHỨC VỤ LINH MỤC                                                          GSVN

LỜI GIAO ƯỚC (Suy tư nhân năm sống Lời Chúa)                                     + Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

THIÊN CHÚA =TÌNH THƯƠNG, ĐẠO THIÊN CHÚA=ĐẠO TÌNH THƯƠNG     Lm. Jos. Cao Phương Kỷ

Chú Lừa và cuộc sống                                                                                          Lm. Nguyễn Ngọc Long

CHÚA ƠI ! SAO LẠI CÓ ĐAU KHỔ ?                                                                              Lm. Lê Văn Quảng

NHƯ MỘT CÁNH  HỒNG                                                                                                                      Vân Lực

NGÓN TAY THIÊN CHÚA                                                                                               Lm. Đỗ Vân Lực, OP

LINH MỤC CỦA TÌNH LIÊN ĐỚI                                                         Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt 

HẠNH PHÚC TRẦN GIAN VÀ TINH THẦN CHÂN PHÚC                            Lm Anrê Đỗ xuân Quế, OP

NHÀ TỶ PHÚ ROCKEFELLER                                                                                     Phó tế Nguyễn Định

Cây bút chì                                                                                                      Lm. Giuse Ngô Văn Thích, OP

CÂU CHUYỆN THẦY LANG: Phở Gà, Nước Béo                                                      Bs. Nguyễn Ý-Đức


III. PHÂN PHỐI LINH MỤC VÀ ƠN KÊU GỌI LINH MỤC

LTS :

Kính thưa Quí vị,

Bốn mươi năm sau Thánh Công Đồng Vatican II, Dân Chúa tại Việt Nam vẫn chỉ biết rất ít về những nội dung canh tân mà Giáo hội toàn cầu đã công bố rộng rãi. Trước sự thúc bách ấy và trong khả năng hạn hẹp của minh, GSVN sẽ cố gắng giới thiệu những bản văn quan trọng. Trước hết là sắc  lệnh PRESBYTERORUM ORDINIS, về chức vụ và đời sống các linh muc. (Bản dịch của GHHV Pio X, 1975).

Sắc Lệnh về Chức vụ & Đời sống các Linh mục

CHƯƠNG II

THỪA TÁC VỤ CỦA LINH MỤC

III PHÂN PHỐI LINH MỤC VÀ ƠN KÊU GỌI LINH MỤC

Ân huệ thiêng liêng mà các Linh Mục đã nhận lãnh trong khi chịu chức, chuẩn bị cho các ngài không phải cho một sứ mệnh giới hạn và thu hẹp nào đó, nhưng cho một sứ mệnh cứu rỗi rất rộng lớn và bao quát “đền tận cùng trái đất” (CvTđ 1, 8 ); vì bầt cứ thừa tác vụ linh mục nào cũng tham gia vào sứ mệnh rộng lớn và bao quát mà Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông Đồ. Thực vậy, chức Tư Tề của Chúa Kitô mà các Linh Mục được tham dự, cần phải hướng về mọi dân nước và mọi thời đại, không giới hạn chủng tộc, quốc gia hay một thời đại nào, như đã được tiêu biểu cách huyền nhiệm trong hình ảnh Melchiseđê. Do đó các Linh Mục phải để tâm lo lắng cho tất cả các giáo hội. Bởi thế các Linh Mục thuộc các giáo phận có nhiều ơn gọi hơn, khi được Đấng Bản Quyền cho phép hoặc khích lệ, hãy hăm hở tỏ ra sẵn sàng thi hành thừa tác vụ mình trong các địa hạt, trong các xứ truyền giáo, hay trong những hoạt động bị sa sút vì thiếu Linh Mục.

Ngoài ra, những tiêu chuẩn về việc xuãt nhập giáo phận phải được duyệt lại thế nào để, dầu phải duy trì quy chế đã có từ lâu đời, nhưng vẫn đáp ứng được với những nhu cầu mục vụ ngày nay một cách tôt đẹp hơn. Vậy nơi nào hoàn cảnh tông đồ đòi hỏi, thì cần phải dễ dãi hơn trong việc phân phôi các Linh Mục một cách thích hợp, cũng như trong những công cuộc mục vụ chuyên biệt dành cho những môi trường xã hội khác nhau để những công việc đó được hoàn thành trong một miền, một quôc gia, hoặc trong bất cứ phần đất nào trên thê giới. Vậy để đạt mục đích đó, điều hữu ích là có thể thiết lập những chủng viện quốc tế, những giáo phận đặc biệt, những giáo phủ cá nhân, hoặc những định chế tương tự khác, trong đó các Linh Mục có thể được bổ dụng hoặc gia nhập để mưu cầu công ích cho toàn thể Giáo Hội, tùy theo những cách thức được ấn định cho từng tổ chức và bao giờ cũng tôn trọng quyền lợi các Đấng Bản Quyên địa phương.

Nhưng khi gửi các Linh Mục đến một địa hạt mới, nhất là khi các ngài chưa biết rõ ngôn ngữ và phong tục của địa hạt đó, thì hãy hết sức lo liệu làm sao để đừng sai họ đi từng người một, nhưng theo gương các môn đệ của Chúa Kitô, hãy cho đi ít là từng hai hay ba người, để nhờ đó họ có thế giúp đỡ lẫn nhau. Cũng phải để tâm chăm sóc đời sống thiêng liêng, sức khỏe tinh thần và thể xác của các ngài; và nếu có thể, chuản bị cho các ngài nơi ở và những điều kiện để làm việc tùy hoàn cảnh cá biệt của mỗi người. Cũng phải tiên liệu hêt sức cho những vị đi đến một dân tộc mới, chẳng những học biêt đầy đủ ngôn ngữ của miền này và hơn nữa những đặc tính tâm lý và xã hội của dân tộc mà các ngài muốn khiêm tốn phục vụ. Nhờ đó dễ dàng cảm thông được với họ, theo gương Thánh Phaolô Tông Đồ, Đấng đã có thể nói về mình: “Thật vậy, mặc dầu tôi tự do đối với mọi người nhưng tôi phục vụ hết thảy hầu làm ích cho nhiều người. Và với người Do Thái, tôi trở nên như Do Thái, cốt sinh lợi cho Do Thái...” (1 Cor 9, 19-20).

Chúa Giêsu, vị Chủ Chăn và Giám Mục của linh hồn chúng ta, khi thiết lập Giáo Hội Người, đã muốn Dân mà Người đã chọn lựa và chuộc lại bằng máu mình, phải luôn luôn có các Linh Mục cho đến tận thế, để các Kitô hữu không bao giờ giống như những con chiên không có người chăn. Hiểu biết ý muốn của Chúa Kitô như thế và được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, các Tông Đồ đã nhận thấy mình có nhiệm vụ chọn những thừa tác viên “có đủ khả năng mà dạy lại cho người khác” (2 Tm 2, 2 ) . Chắc chắn nhiệm vụ đó phát xuất từ sứ mệnh tư tế, cho nên Linh Mục phải chia xẻ nỗi lo lắng cuả toàn thể Giáo Hội, để Dân Chúa ở trần gian không bao giờ thiếu ngườỉ làm việc. Nhưng vì “thuyền trưởng và những khách đi tàu ... cùng chung một số phận”, nên toàn dân Kito giáo phải được dạy dỗ đề biết mình có nhiệm vụ phảỉ cộng tác bằng nhiều cách khách nhau: bằng lời cầu nguyện tha thiết cũng như bằng những phương thế khác mà họ sẵn có ngõ hầu Giáo Hội lúc nào cũng có những Linh Mục cần thiết để chu toàn sứ mệnh Chúa trao phó. Vậy trước hết các Linh Mục phải hêt sức để tâm giải thích cho các tín hữu hiểu biết sự cao quý và cấn thiềt  của chức Tư Tế qua lờỉ giảng dạy và qua chính đời sống mình, một đời sống bộc lộ rõ ràng tinh thần phục vụ và niềm vui phục sinh đích thực, và sau khi thận trọng phán đoán những ai hoặc còn trẻ hoặc đã trưởng thành, có đủ tư cách thi hành chức vụ cao cả này, các ngài đừng ngại nỗ lực và sợ khó khăn để gíup họ dọn mình xứng đáng, cho đến một ngày kia, các Giám Muc có thể gọi họ mà họ vẫn hoàn toàn tự do cả bên trong lẫn bên ngoài. Để đạt tới mục đích đó, phải chuyên cần và khôn ngoan hướng dẫn về mặt thiêng liêng, vì đó là một điều ích lợi hơn cả. Các phụ huynh, giáo chức và  tất cả những ai co trách nhiệm một phần nào đối với việc giáo dục thiếu nhi và thanh thiếu niên, phảí dạy chúng làm sao để một khi đã nhận biết mối bận tâm của Chúa đối với đoàn chiên Ngưởi, cũng như khi nhìn đến những nhu cầu của Giáo Hội, họ sẵn sàng quảng đạỉ đáp lại lời Chúa gọi, như tiên tri xưa: “Này con đây, xin hãy sai con.” (Is 6,8 ). Nhưng tiếng Chúa gọi đây không tới tai các Linh Mục tương lai một cách lạ thường như người ta tưởng. Thật vậy, đúng hơn tiếng gọi đó phải được hiểu và nhận định qua những dấu hiệu mà hằng ngày Chúa muồn dùng để tỏ ý Người cho các Kitô hữu khôn ngoan; các Linh Mục phải cẩn thận cứu xét những dấu hiệu đó.

Do đó, hết sức khuyến khích các ngài tham gia những hội cỏ võ ơn kêu gọi trong giáo phận hay trong toàn quốc. Những bài giảng, những giờ giáo lý, những sách báo phải nêu cho người ta biết rõ các nhu cầu của Giáo Hội địa phương cũng như của Gíáo Hội hoàn cầu; phải trình bày tường tận ý nghĩa và sự cao quý của tác vụ Tư Tế, vì đây là một tác vụ mang những trọng trách nặng nề nhưng đồng thời cũng tràn đấy hoan lạc, và nhất là: vì có thề chứng tỏ một bằng chứng cao cả nhất về tình yêu đối với Chúa Kitô như các Giáo Phụ dạy.

VỀ MỤC LỤC

THÁNH THỂ: ĐIỂM XUẤT PHÁT CỦA CHỨC VỤ LINH MỤC

      DẪN VÀO

     Như chúng ta đã biết : Năm 2004 được Giáo hội chọn làm Năm Thánh Thể. Năm Thánh Thể được khai mạc bằng Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 48 tại Guadalajara, Mexicô từ ngày 10 đến 17 tháng 10 năm 2004, và sẽ kết thúc với Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ 11 về Mầu nhiệm Thánh Thể tại Rôma từ ngày 2 đến 29 tháng 10 năm 2005.

      Đây là dịp để mọi tín hữu tìm hiểu và học hỏi về Thánh Thể, đặc biệt qua hai văn kiện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

      Văn kiện thứ nhất, đó là tông thư “Mane nobiscum Domine” (Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con). Đây là tông thư thứ 44 được Đức Thánh Cha ký ngày 7.10.2004 và được công bố vào ngày hôm sau, 8.10.2004. Tông thư gồm 31 số, chia ra như sau :

      * Dẫn nhập (1-5) :  nhắc lại biến cố hai môn đệ trên đường về Emmau, là như hình ảnh chính tác động trên toàn bộ tông thu.

      * Chương một (6-10) : Đặt năm Thánh Thể trong sự tiếp nối của Công Đồng Vaticanô II và của Năm Thánh 2000.

      * Chương hai (11-18) : Thánh Thể là như mầu nhiệm Ánh Sáng.

      * Chương ba (19-23) : Thánh Thể là như nguồn mạch và sự thể hiện tình hiệp thông.

      * Chương bốn (24-28) : Thánh Thể là như nguyên lý và kế hoạch cho sứ mạng truyền giáo.

      * Kết luận : 29-31) : Đức Thánh Cha kêu mời mọi thành phần Dân Chúa hãy chiêm ngắm, ca tụng và tôn thờ Thánh Thể.

      Văn kiện thứ hai, đó là thông điệp “Ecclesia de Eucharistia” (Giáo Hội từ Thánh Thể). Đây là thông điệp thứ 14 được Đức Thánh Cha Gioan ký và ban hành vào ngày thứ Năm tuần thánh, 17.04.2003, cũng là năm kỷ niệm 25 năm triều đại Giáo hoàng của ngài. Thông điệp có 62 số, gồm phần dẫn nhập, 6 chương và phần kết luận:

      * Dẫn nhập (1-10) : Thánh Thể nằm ở trung tâm đời sống Giáo hội cùng với những ánh sáng và bóng tối trong việc tôn sùng Thánh thể.

      * Chương một (11-20) : Thánh thể là mầu nhiệm đức tin.

      * Chương hai (21-25) : Thánh Thể xây dựng Giáo hội.

      * Chương ba (26-33) : Đặc tính tông truyền của bí tích Thánh Thể và của Giáo hội.

      * Chương bồn (34-46) : Thánh Thể và sự hiệp thông Giáo hội.

      * Chương năm (35-58) : Phẩm giá của việc cử hành Thánh Thể.

      * Chương sáu (53-58) : Nơi trường học của Đức Maria, người nữ “Thánh  Thể”.

      * Kết luận (59-62) : Đời sống người Kitô hữu bắt nguồn từ Thánh Thể và qui hướng về Thánh Thể.

      Qua thông điệp này, Đức Thánh Cha muốn chỉ rõ chỗ đứng trung tâm của bí tích Thánh Thể trong đời sống Giáo hội (GHTTT 7),  đồng thời khơi lại lòng sùng kính Thánh Thể nơi mọi người (GHTTT 6).

      Hưởng ứng sáng kiến của Đức Thánh Cha, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư chung năm 2004 với tựa đề “Giáo hội sống mầu nhiệm Thánh Thể”, cũng đã xác tín Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin, vì khi chúng ta cử hành Thánh thể là chúng ta cử hành mầu nhiệm Hy tế, mầu  nhiệm Vượt qua và mầu nhiệm Hiệp thông (1-5). Đồng thời các Giám Mục cũng cho thấy Giáo hội đã sống mầu nhiệm Thánh Thể bằng cách sống tình hiệp thông, tự hiến và chia sẻ (6-9). Sau cùng các các Giám mục đã kêu mời mọi người hãy siêng năng tôn thờ thánh Thể và đưa ra một số việc cụ thể cần phải làm ngay trong năm Thánh Thể này (10-13).

      Nếu người giáo dân trong thời điểm này cần phải học và sống Thánh Thể, thì linh mục chúng ta lại càng phải học và sống Thánh Thể nhiều hơn nữa, bởi vì Thánh thể và Linh mục luôn đi đôi với nhau như lời Đức Thánh Cha đã xác quyết : “Từ khi tôi bắt đầu nhiệm vụ của người kế vị Thánh Phêrô, tôi luôn muốn đem lại cho ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của Thánh Thể và của chức linh mục, một dấu hiệu để lưu tâm đặc biệt bằng cách gởi một bức thư cho tất cả các linh mục trên thế giới. Năm nay, năm thứ hai mươi lăm triều đại giáo hoàng của tôi, tôi muốn lôi kéo một cách rộng rãi hơn, toàn thể Giáo Hội vào việc suy tư Thánh Thể nầy, và cũng đồng thời tạ ơn Chúa vì hồng ân của Thánh Thể và của chức tư tế” (GHTTT 7).

      Chính vì thế, chủ đề tôi xin chọn để được chia sẻ với anh em, đó là “Linh mục sống Thánh Thể”, hay nói cách khác, Thánh Thể chính là linh đạo cho Linh mục. Chủ đề này được chia thành 8 đề tài nhỏ :

      1- Thánh Thể, điểm xuất phát của chức vụ Linh mục.

      2- Thánh Thể, chóp đỉnh của đời sống Linh mục.

      3- Linh mục sống mầu nhiệm Hy tế.

      4- Linh mục sống tinh thần hiệp thông.

      5- Linh mục sống tinh thần chia sẻ.

      6- Linh mục sống tinh thần truyền giáo.

      7- Mẹ Maria, người nữ “Thánh Thể”, mẫu gương của Linh mục.

      Bây giờ, chúng ta đi vào đề tài thứ nhất : Thánh Thể chính là điểm xuất phát của chức vụ Linh mục.

 

I - CHỨC VỤ LINH MỤC

      1- CHỨC TƯ TẾ TRONG CỰU ƯỚC

      Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân tộc làm “vương quốc tư tế và dân thánh”. Trong dân Israel, Ngài lại chọn một trong mười hai chi tộc để chuyên lo việc tế tự là chi tộc Lêvi. Chính Ngài là phần sản nghiệp của họ.

      Các tư tế đầu tiên của Giao Ước cũ được thánh hiến bằng một nghi thức đặc biệt. Họ được đặt lên làm đại diện loài người trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. (GLHTCG 1539)

      Thực vậy, đọc lại Cựu ước, nhất là sách Xuất Hành, chúng ta thấy tư tế là những người được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hiến để phụng sự Ngài. Như vậy, để trở thành tư tế, thì cần phải có ba điều kiện.

      Điều kiện thứ nhất, đó là phải được Thiên Chúa đã tuyển chọn. Thực vậy, Ngài đã tuyển chọn Aaron và các con trai ông, tức dòng dõi Lêvi sau này, làm tư tế :

       "Phần ngươi, hãy tách A-ha-ron, anh ngươi, và các con ông ra khỏi hàng ngũ con cái Ít-ra-en, để ông ở bên cạnh ngươi mà thi hành chức tư tế phục vụ Ta: A-ha-ron và các con của A-ha-ron là Na-đáp, A-vi-hu, E-la-da và I-tha-ma. Ngươi sẽ may cho A-ha-ron, anh ngươi, những lễ phục để ông được vẻ uy nghi rực rỡ”. (Xh 28,1-2).

      Điều kiện thứ hai, đó là phải được Thiên Chúa thánh hiến. Sách Xuất Hành đã kể lại việc Ngài thánh hiến Aaron và các con trai ông như sau :

       "Ngươi sẽ lấy mỡ con cừu, lấy đuôi, lớp mỡ bọc ngoài bộ lòng, khối mỡ của gan, hai trái cật với lớp mỡ dính ngoài, cũng như đùi bên phải; vì đó là con cừu dùng cho lễ tấn phong; ngươi cũng sẽ lấy một ổ bánh mì, một tấm bánh ngọt chiên với dầu và một tấm bánh tráng trong giỏ bánh không men ở trước nhan ĐỨC CHÚA; tất cả những thứ đó, ngươi sẽ đặt trên bàn tay A-ha-ron và trên bàn tay các con ông, rồi ngươi sẽ cử hành nghi thức tiến dâng trước nhan ĐỨC CHÚA. Sau đó, ngươi sẽ lấy lại các vật ấy từ tay họ và đem đốt cho cháy nghi ngút ở bàn thờ, bên trên của lễ toàn thiêu, khiến các vật ấy trở thành hương thơm trước nhan ĐỨC CHÚA, làm đẹp lòng Người: đó là lễ hoả tế dâng ĐỨC CHÚA.” (Xh 29,22-25).

      Kết thúc một nghi thức khác, Môisen cũng đã nói :

       "Hôm nay, anh em được phong chức để phục vụ ĐỨC CHÚA, vì kẻ thì đã hy sinh con mình, kẻ thì đã hy sinh anh em mình, khiến Người chúc phúc cho anh em hôm nay.” (Xh 32:29-30).

      Sau cùng, điều kiện thứ ba là phải phụng sự Thiên Chúa. Trong các tôn giáo thời xa xưa, các tư tế vừa là những thừa tác viên phụng tự để dâng tiến lễ vật, vừa là những phát ngôn viên của thần linh với tư cách là những nhà tiên tri. Nơi dân Do Thái cũng vậy, hàng tư tế luôn phải thi hành hai nhiệm vụ căn bản, đó là phục vụ phụng tự và phục vụ Lời Chúa.

      1- Phục vụ phụng tự : hoạt động chính yếu là dâng lễ hy tế, nhờ  đó biểu lộ trọn vẹn vai trò trung gian của mình : vừa tiến dâng lên Thiên Chúa lễ vật của dân Ngài, vừa chuyển đạt cho họ sự chúc phúc của Thiên Chúa.

      2- Phục vụ Lời Chúa : Mặc dù Lời Chúa được truyền rao bởi các tiên tri, nhưng các tư tế vẫn là những thừa tác viên của Lời Chúa : trong những ngày lễ, họ kể lại cho dân chúng những câu chuyện làm nền tảng cho đức tin, tuyên đọc sách Luật và giải đáp những thắc mắc bằng những bài huấn dụ thực tiễn…

      Tóm lại, tư tế của Cựu Ước được đặt lên để loan báo Lời Thiên Chúa và để tái lập sự hiệp thông với Ngài bằng các hy lễ và lời cầu nguyện.

      Tuy nhiên, chức tư tế này không đủ khả năng thực hiện ơn cứu độ. Các hy tế cứ phải dâng mãi mà vẫn không đạt tới sự thánh hóa dứt khoát. Chỉ hy tế của Đức Kitô mới thực hiện được điều này mà thôi. (GLHTCG 1540).   

2- ĐỨC KITÔ, VỊ THƯỢNG  TẾ DUY NHẤT

      Qua Tin mừng, Chúa Giêsu không bao giờ tự gán cho mình tước hiệu tư tế. Thế nhưng, Ngài lại dùng nhiều từ ngữ tư tế để ám chỉ sứ mệnh tư tế của mình, nhất là qua cái chết của Ngài.

      Thực vậy, đối với các địch thù, cái chết của Ngài là một hình phạt đích đáng dành cho kẻ lộng ngôn phạm thượng. Đối với các môn đệ, cái chết của Ngài là một thất bại chướng tai gai mắt, không thể chấp nhận được. Còn đối với Ngài, cái chết ấy lại là một hy lễ Đền tội, một hy tế Giao ước, một hy tế Vượt qua mà Cựu Ước đã diễn tả. Chính Ngài đã đích thân dâng hiến cái chết của Ngài như vị tư tế dâng tiến lễ vật. Như vậy, Ngài là vị tư tế của chính hy tế mình.

      Các tư tế trong Cựu Ước không phải chỉ dâng tiến lễ vật, mà còn phải phục vụ Lời Chúa, đặc biệt là sách luật. Đức Kitô cũng vậy.

      Ngài đến để chu toàn lề luật :

       "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. (Mt 5,17-18)

      Ngài vượt trên lề luật :

       “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt… Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi…” (Mt 5,20-48).

      Ngài đã đơn giản hóa tất cả lề luật vào hai điểm chính yếu, đó là mến Chúa và yêu người :

       “Một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?" Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy."(Mt 22,34-40).

      Như thế, Đức Kitô không phải chỉ tiếp nối tác vụ của các tư tế trong Cựu Ước, mà hơn thế nữa, Ngài còn hoàn toàn trổi vượt vì Lời Ngài là một mạc khải thâm sâu và Tin Mừng của Ngài là một hoàn chỉnh tất cả lề luật. Đồng thời, hy tế thập giá của Ngài có sức đền bù và tẩy xóa tội lỗi, thay cho tất cả những lễ vật trong Cựu ước.

      Thực vậy, theo thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Do Thái, Đức Kitô là vị thượng tế thánh thiện và duy nhất. Chính Ngài đã chấm dứt chức vụ tư tế xưa kia :

       “ Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ. Vì Luật Mô-sê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.” (Dt 7,26-28).

   3- CHỨC VỤ LINH MỤC

      Như trên chúng ta đã thấy : Chúa Giêsu không hề tự gán cho mình chức tư tế, thế nhưng Ngài lại không ngớt hành động như một vị tư tế và dường như theo Ngài, dân tộc của Giao ước mới là một dân tư tế.

      Thực vậy, Ngài đã tự mạc khải là tư tế qua việc dâng tiến hy tế thập giá và phụng sự Lời Chúa. Đồng thời Ngài cũng kêu gọi những người thuộc về Ngài thông phần vào hai nhiệm vụ đó : Tất cả những ai muốn trở nên môn đệ Ngài đều phải vác thập giá (Mt 16,24), đều phải uống chén đắng (Mt 20,26), đều phải loan truyền sứ điệp của Ngài (Lc 9,60),  đều phải làm chứng cho Ngài (Mt 10,17-42).

      Đúng thế, Ngài mời gọi mọi thành phần trong Giáo hội chia sẻ chức vụ tư tế với Ngài, để Giáo hội được trở nên một dân tư tế của Thiên Chúa :

      “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.” (1Pr 2,9).

      Đức Kitô là thượng tế và trung gian duy nhất đã biến Hội Thánh thành “Vương quốc của các tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Ngài.” (Kh 1,6).

      Chính nhờ bí tích Rửa tội và Thêm sức, người tín hữu được tham dự vào chức linh mục cộng đồng.

      Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã viết như sau :

       “Thực vậy, tất cả cộng đoàn tín hữu là tư tế. Các tín hữu thực thi chức tư tế cộng đồng  bằng cách mỗi người tùy ơn gọi riêng, tham dự vào sứ mạng của Đức Kitô là Tư Tế, Tiên Tri và Vương Đế. Chính qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm sức, các tín hữu được thánh hiến để trở nên hàng tư tế thánh”. (GLHTCG 1546).

      Người tín hữu chu toàn chức vụ tư tế cộng đồng bằng cách biến đời sống mình trở thành một hy tế cho Thập giá và một chứng tá cho Tin Mừng,  như Công Đồng Vaticanô II đã viết :

       “Vì thế, tất cả các môn đệ của Đức Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa (x Cv 2,42-47), họ phải dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (x Rm 12,1), phải làm chứng về Đức Kitô trên khắp mặt đất và trình bày niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao khát. (GH 10).

      Tuy nhiên, Đức Kitô còn muốn chia sẻ chức vụ tư tế của mình cho Hội Thánh một cách đặc biệt qua Bí tích Truyền chức. Chức tư tế này được gọi là chức linh mục thừa tác.

      Công đồng cũng đã xác định :

      “Chức linh mục cộng đồng của các tín hữu và chức linh mục thừa tác, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc, mà còn về bản chất, song cả hai  đều bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức linh mục duy nhất của Đức Kitô theo cách thức riêng của mình. Linh mục thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh, đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Đức Kitô cử hành hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng. Phần tín hữu, nhờ chức linh mục vương gỉa, cộng tác dâng thánh lễ, và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực.” (GH 10).

      Trong ngôn ngữ bình thường, khi nói tới Linh mục,  chúng ta phải hiểu đó là chức Linh mục thừa tác.

GSVN

VỀ MỤC LỤC

LỜI GIAO ƯỚC: (Suy tư nhân năm sống Lời Chúa)

 

Thánh Kinh là cuốn sách kể lại lời giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với con người. Mặc dù rất xa chúng ta về thời gian và không gian, đối với các tín hữu Kitô, giao ước này vẫn luôn mang tính hiện tại. Thiên Chúa là Đấng đã tỏ mình ra cho con người và có sáng kiến kết thân với họ. Ngài đã tỏ mình qua các Tổ Phụ, qua Môi-sen và các Ngôn sứ, rồi sau cùng qua chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Sự tỏ mình trải qua các thời đại này được thực hiện bởi CÁC GIAO ƯỚC. Có một tiến triển từng bước trong việc ký kết Giao ước để đạt tới mức hoàn thiện là GIAO ƯỚC MỚI ký kết trong Máu Đức Kitô Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Như thế, Thiên Chúa đã nhập cuộc, đã tự  hạ mình trở nên đối tác của con người khi ký kết giao ước với họ. Giao ước này cho thấy mối liên hệ thân tình giữa Thiên Chúa với con người, một mối liên hệ đã trải qua những biến cố vui buồn, thất bại, nỗ lực. Đó là một chặng đường dài để vươn tới tình yêu và tự do.

1- Thiên Chúa: đối tác của con người

Giao ước theo nghĩa chung là mối quan hệ hỗ tương giữa hai đối tác trong lãnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế và xã hội. Nguyên tự  Do thái, Giao ước được dịch bởi chữ berit có nghĩa là “giữa đôi bên – xẻ làm đôi”. Chữ này cũng diễn tả nghi thức thường được cử hành trong các cuộc ký giao ước: xẻ đôi một hy tế (thường là súc vật) qua đó muốn ám chỉ :nếu một bên vi phạm điều cam kết thì cũng sẽ bị xẻ đôi, tức là phải chết như vậy. Cũng có trường hợp giao ước được thực hiện với một vật được cắt đôi, mỗi bên giữ một nửa để làm tin hoặc như một thứ bùa cam kết tuân giữ những gì được giao kèo giữa hai bên. Một văn bản giao ước cổ nhất ngoài Thánh Kinh đã được tìm thấy trong tài liệu cổ của vùng Mari (một thành phố cổ nằm ở tả ngạn sông Euphrate, được khai quật từ năm 1933) nhắc tới việc xẻ đôi một con lừa con để ký kết giao ước giữa bộ lạc Hanéen và người Idamaraz.

Giao ước (berit) có thể được ký kết giữa hai cá nhân (x. St 21,22-32: giao ước giữa Apraham và vua Avimelech); có thể được ký kết giữa hai bộ lạc hay hai dân tộc (2 S. 3,13; 1V 5,26: giao ước giữa vua Salômon và vua Khiram); có khi được ký kết giữa một vua nước lớn với một nước chư hầu. Trong trường hợp này, không có sự cân bằng bình đẳng giữa hai bên ký giao ước. Bên mạnh hơn hứa bảo đảm sẽ đỡ đầu hoặc bảo vệ cho bên yếu thế hơn với một số điều kiện. Giao ước giữa Đức Gia-vê và Israel có thể so sánh với giao ước kiểu này, tức là giao ước giữa một vương quốc với một nước chư hầu.

Với việc Thiên Chúa ký kết giao ước với Dân Ngài, Ngài đã chấp nhận trở nên một “đối tác” với con người. Ngài đòi buộc con người phải thực thi những bổn phận của Giao ước, tức là những gì đã cam kết và Ngài chấp nhận thực thi những gì được cam kết để tỏ bày sự trung tín của Ngài đối với mọi loại thụ tạo. Giao ước đầu tiên trong Thánh Kinh là Giao ước với Ong Nô-ê, sau khi nước Hồng thuỷ đã cạn. Trong Giao ước này, Thiên Chúa đã hứa sẽ không bao giờ tái diễn thảm họa của Đại Hồng thuỷ. Tác giả Thánh Kinh đã dùng thể văn nhân cách hoá để diễn tả Thiên Chúa: Ngài ngửi mùi thơm ngon bay lên từ của lễ toàn thiêu do Ong Nô-ê dâng hiến và tự nhủ: “Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa. Lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ, nhưng ta sẽ không bao giờ sát hại mọi sinh vật như Ta đã làm” (St 8,21). Với việc thiết lập Giao ước với Nô-ê, Thiên Chúa đã đặt ông làm cha của cả một dân tộc mới, dân tộc được tái sinh sau Hồng Thuỷ.

2- Nét đặc trưng của Giao ước trong Thánh Kinh

- Dấu hiệu của Giao ước: mỗi khi thiết lập giao ước với con người, Thiên Chúa tạo nên một dấu để nhắc nhớ điều đã cam kết. Cầu vồng xuất hiện trên vòm trời trong Giao ước với Nô-ê vừa để Thiên Chúa nhớ lại Giao ước đã ký kết với mọi sinh vật, mọi xác phàm trên mặt đất, đồng thời cũng là lời nhắc nhở con người hãy chú trọng thực thi những gì do Giao ước đòi buộc. Trong Giao ước ký kết với Abraham, dấu hiệu này chính là nghi thức cắt bì nơi mọi đàn ông con trai thuộc dòng dõi của ông, kể cả những người nô lệ. Phép cắt bì được kể như chính điều tuân giữ giao ước: “đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì” (x St 17,9-14 ); Để ghi nhớ  lời chúc phúc của Thiên Chúa đối với Gia-cóp, ông đã lấy một hòn đá dựng lên làm trụ và xức dầu lên trên. Chính nơi đây, Thiên Chúa đã đổi tên Gia-cóp thành Israel (St 28,18; 36,9-15).

- Lễ vật để ký kết giao ước: những lễ vật này thường là các loài gia súc và các loài chim được coi là thanh sạch (trường hợp Giao ước với Nô-ê, St 8,20). Những lễ vật phải được chọn lựa kỹ càng và đôi khi số lượng mang tính tượng trưng. Với Abraham, Thiên Chúa đã ra những chỉ dẫn cụ thể: “ Đi kiếm cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con bê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non” (St 15,9). Trong trường hợp ký kết giao ước tại núi Sinai, lễ vật còn kèm theo lệnh truyền toàn dân phải giữ mình khỏi nhiễm uế ba ngày trước khi ký kết giao ước(Xh 19-10). Máu bò được rảy trên tế đàn và trên dân  như lời cam kết từ hai phía, giống như “uống máu ăn thề” (Xh 24,6).

- Thần hiện (Epiphanie): Mỗi lần ký kết giao ước, Thánh Kinh lại cho chúng ta thấy sự hiển hiện của Thiên Chúa ở một góc độ khác nhau. Có lúc mạnh mẽ và có lúc nhẹ nhàng, có khi trong tiếng sấm ầm ầm vang dậy và cũng có khi  trong làn gió hiu hiu. Ngài tỏ hiện để tuyên bố những điều cam kết, những lời hứa hẹn và động viên: “Hỡi Ap-ram,đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn !” (St 15,1). Trong những lần ký kết giao ước này, Thiên Chúa còn tỏ hiện qua mây, lửa, khói; cùng với tiếng tù và vang dậy. Lửa từ trời xuống thiêu huỷ của lễ như dấu hiệu cho thấy của lễ đó đẹp lòng Chúa và được Ngài chấp nhận.

3- Bộ Luật Giao ước

Bộ luật Giao ước, đó là khái niệm của Thánh Kinh để chỉ Giao ước Thiên Chúa đã ký kết với Israel qua trung gian Ong Môi-sen trên núi Sinai. Sau khi chứng kiến Thiên Chúa đã giải phóng dân Ngài bằng cánh tay hùng mạnh, Dân Do Thái khiếp sợ, tâm phục khẩu phục đối với Môi-sen và không dám xầm xì trách móc nữa. Tháng thứ ba sau khi ra khỏi Ai-cập, Thiên Chúa đã ký kết Giao ước này. Những chương 20-34 trong sách Xuất hành ghi lại những điều luật của Giao ước này. Nội dung của Giao ước gồm những điều liên quan đến Luật tế tự, tôn giáo và luân lý xã hội. Những điều khoản liên quan đến công bằng trong Luật Giao ước có nhiều điểm tương đồng với những bộ luật Đông phương thời cổ xưa như bộ lạc Hammurabi, người Asryria và Hê-tê.

Bộ luật Giao ước được “dạo đầu” bằng Mười Điều răn, như những điều chính Thiên Chúa đã long trọng tuyên bố. Có hai trình thuật về Mười Điều răn:  Xh 20,2-17 và Đnl 5,5-21. Mặc dù có một số dị biệt giữa hai trình thuật, nội dung của Mười Điều răn có thể chia ra ba phần: cấm thờ phượng các thần và ngẫu tượng ngoài Thiên Chúa; lệnh truyền tuân giữ ngày Sa-bat; một chuỗi những lời dạy về trách nhiệm tôn trọng tha nhân.

Những lệnh truyền và tuyên bố này đặt trên nền tảng Thiên Chúa là Đấng đã đưa dân Do thái ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Đối với mọi người Israel, biến cố ra khỏi Ai-cập và vượt qua biển đỏ là bước ngoặt lịch sử quan trọng làm cho Dân “kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa và tin vào Ong Môi-sen, tôi trung của Người” (Xh 14,31). Quả vậy, nếu Thiên Chúa có ra những lệnh truyền, những đòi buộc là vì Ngài là Đấng đã giải phóng dân, đã cứu dân ra khỏi nô lệ. Công thức : “Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập” còn được sử dụng nhiều lần trong Cựu ước. Đó chính là lý do qua đó Thiên Chúa truyền lệnh và  dân có bổn phận phải nghe Lời Ngài. Với Luật Giao ước, Thiên Chúa không chỉ là Thiên Chúa sáng tạo, mà còn là Đấng giải phóng. Chân lý này được triển khai sâu sắc hơn sau này trong giáo huấn của các Ngôn sứ. Nếu Thiên Chúa đòi buộc Israel phải trung thành, phải đi theo lệnh truyền của Ngài, là vì Ngài là Đấng đã tạo thành và cứu thoát họ.

4- Giao ước mới trong Đức Kitô

Ý niệm cứu thoát được thể hiện rõ nét hơn nữa qua Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập thể. Trong mộng báo với Giuse, sứ thần  đã cắt nghĩa tên của Hài nhi sắp được thụ thai trong lòng Đức Maria: “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Đức Giêsu đến để thiết lập giao ước mới. Bản thân Người chính là giao ước giữa Thiên Chúa với loài người. Bởi lẽ những gì cần nói với con Người, Thiên Chúa nói qua Đức Kitô. Sự “đồng-hiện-hữu” của thiên tính và nhân tính nơi Đức Giêsu Kitô cho thấy nơi Người một “berit” hoàn hảo. Trong Người, Thiên Chúa đã ký kết một giao ước. Giao ước này không chỉ được ký kết qua nghi thức lễ tế một con vật hay máu bò như thời Cựu ước, nhưng là chính máu của Con Thiên Chúa. Qua hy tế của Đức Giêsu trên thập giá, Thiên Chúa đã huỷ bỏ bản án nguyên tội để thiết lập một giao ước hòa bình với con người. Trong Máu Đức Giêsu, con người tìm lại được ơn tha thứ và giao hòa. Cây Thập giá đã liên kết trời với đất (chiều dọc) và đất với đất (chiều ngang) để thiết lập mối thân tình giữa Thiên Chúa với con người và xây dựng một thế giới huynh đệ, bốn bể là anh em. Bàn thờ của Giao ước mới chính là Thập giá Đức Kitô (x. Sách Giáo lý Giáo Hội Công giáo, số 1182). Các tác giả Phúc âm đều trình bày bữa tiệc ly như bữa tiệc ký kết giao ước mới trong máu Đức Kitô. Chính Người đã tuyên bố điều ấy: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thày, máu Giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,27-28). Tác giả Luca còn ghi rõ ràng: “chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thày, đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Như vậy, Giao ước cũ đã hết thời để nhường chỗ cho giao ước mới: Phụng vụ xưa phải được thay, này đây nghi lễ mới (kinh Tantum Chầu Thánh Thể). Tác giả thư  Do Thái sau này đã suy tư về vấn đề này: “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình. Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. Vậy nếu máu các con dê, con bò….còn thánh hóa được họ, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy… Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (x.Dt 9, 12-14).

5- Dân của Giao ước mới

Nhờ bí tích Thanh tẩy, chúng ta được tháp nhập vào dân Israel mới, dân của Giao ước. Bởi lẽ máu Đức Kitô đổ ra trên thập giá không những hòa giải Thiên Chúa với con người mà còn hòa giải người Do thái với dân ngoại. Là dân ngoại, chúng ta được trở nên đồng thừa tự với Đức Kitô, được trở thành con cái Abraham trong đức tin. Phaolô đã quả quyết điều này như sau: “vậy trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở thành những người ở gần” (Ep 2,13).

Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã diễn giải rõ ràng khái niệm Dân Thiên Chúa (số 782): Dân này có thủ lãnh là chính Đức Kitô. Luật của Dân mới là giới răn yêu thương. Luật này là Luật mới của Chúa Thánh Thần. Là thành phần của Dân  Thiên Chúa, chúng ta có sứ mạng trở nên muối đất và ánh sáng thế gian (x. Mt 5,13-16) để đem ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Phụng vụ Kitô giáo được gọi là “Phụng vụ của Giao ước mới”, vì Phụng vụ này nhằm đưa con người đến gặp gỡ Đức Kitô và Giáo hội của Người, đồng thời nhắc nhở chúng ta hãy xây dựng mối hiệp thông nhờ được nuôi dưỡng bởi cùng một Bánh và cùng một Chén là Mình và Máu Đức Kitô, Máu của Giao ước mới.

Thông thường, khi nói đến lời Giao ước trong Giáo hội, chúng ta nghĩ ngay đến những cam kết trong đời sống tu trì của các Linh mục, Tu sĩ. Thực ra, mỗi người chúng ta đã cam kết với Chúa khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy. Chúng ta tuyên thệ từ bỏ ma quỷ, từ bỏ tội lỗi và những hành động xấu xa. Chúng ta tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi và Giáo hội của Ngài. Khi tuyên xưng như vậy, mỗi người chúng ta đã ký kết MỘT GIAO ƯỚC với Thiên Chúa. Những cam kết của đời sống Linh mục và Tu sĩ là cam kết dấn thân để thực hiện sứ mênh của Bí Tích Thanh Tẩy cách triệt để hơn, nhằm “theo đuổi Đức Mến trọn hảo qua các lời khuyên Phúc Âm, nhằm tình nguyện đi theo Đức Kitô với một tinh thần tự do thanh thản hơn để sống tận hiến cho Thiên Chúa” (x.Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 1). Đi theo Đức Kitô là hòa mình vào truyền thống của các Giao ước đã được thực hiện trong lịch sử Cứu độ để tìm ra lẽ sống cho mình.

Như vậy, mỗi người chúng ta đều tìm thấy gương mặt và vị trí của mình trong suốt chiều dài của những Giao ước Thiên Chúa đã ký kết. Lời Chúa là Lời của Giao ước. Mỗi khi đọc Lời Chúa là chúng ta làm sống lại những Lời Hứa, những Lời Cam Kết từ phía Thiên Chúa, đồng thời nhắc nhở chúng ta hãy làm gì để trung thành với những điều chúng ta đã giao ước với Ngài.

+ Gm. Giuse Vũ Văn Thiên – Mùa Chay Thánh 2006

VỀ MỤC LỤC

THIÊN CHÚA = TÌNH THƯƠNG,

ĐẠO THIÊN CHÚA = ĐẠO TÌNH THƯƠNG

  

ĐỨC GIÁO CHỦ BÊNÊDITÔ XVI  vừa công bố bức Thông Điệp rất quan trọng, chẳng những cho toàn thể Giáo Hội Thiên Chúa Giáo, mà còn cho mọi cá nhân và các cộng đồng  trên thế giới nữa! Thật vậy, đây là những suy tư tôn giáo, thần học, đào sâu vào cốt tuỷ, yếu tính của Thiên Chúa Giáo, và dùng các triết thuyết cao siêu của trí khôn nhân loại, để thăm dò những ước vọng thầm kín nhất của tâm can con người luôn khát vọng YÊU THƯƠNG. Trong lãnh vực này, thiết tưởng Vị Đương kim Giáo Chủ  tài đức, giầu kinh nghiệm, có thể giúp chúng ta hiểu biết những uẩn khúc, éo le nhất của TRÁI TIM con người :

Sông sâu, còn có người dò,

Lòng người nham hiểm, ai đo cho cùng” (ca dao Việt nam)

Thông Điệp “Thiên Chúa là Yêu Thương” đã gây chấn động trong dư luận giới Truyền Thông trên thế giới. Gần đây, Các cuộc thăm dò dư luận của các tờ báo lớn tại Ý, Pháp, Đức, Thụy sĩ..(kề cả những báo có khuynh hướng chống Công giáo), đều công nhận ảnh hưởng lớn lao của Thông Điệp đối với xã hội Âu –Mỹ đang đà tục hóa.

Thông Điệp đã được các doanh nhân công giáo Đức, nhà thần học cấp tiến, Hans Kung, (vẫn chỉ trích các vị Lãnh Đạo như Đức Giáo Chủ Gioan Phao Lô II), các đảng phái chính trị Đức…, tán thưởng. Đặc biệt cơ quan “Caritas quốc tế” (CI), dùng làm đề tài suy tư về căn tính, về linh đạo của Caritas Quốc tế và đào tạo cho các nhân viên tinh thần Hy sinh, bỏ mình (Kenosis), Phục vụ ( Diaconia), Hiệp thông ( Koinonia).

Vì tầm quan trọng của Thông Điệp, nên chính Đức Thánh Cha Bênêditô XVI đã chuẩn bị dư luận, đã loan báo trước, vào ngày Lễ Chúa Ba Ngôi, 22 tháng 5, năm 2005, về Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Thương” (1Gioan, 4,8-16). Ngày Chúa Nhật 22 tháng Giêng năm 2006, ĐTC  đã nói vắn tắt về Thông Điệp này sẽ được công bố ngày 25 tháng Giêng, năm 2006, ngày kết thúc tuần cầu nguyện cho sự Hiệp nhất trong Hội Thánh. Vì thế, dư luận đã được chuẩn bị và mong đợi để đón nhận một Thông Điệp rất cần thiết, giúp ích cho thời đại bất an, và xáo trộn của thế giới ngày nay. Hơn nữa, sau khi công bố, Ngài còn gửi một bức Thư cho các độc giả Tuần Báo “Gia đình Kitô”để giải thích nội dung chính yếu của Thông Điệp. Ngoài ra, từ khi Thông Điệp được công bố, đã có nhiều bài bình luận, giải thích về những tư tưởng thâm thúy của Vị Giáo Chủ uyên bác, và thánh thiện này.

Trong bài viết này,  cũng xin góp một vài ý kiến để quảng diễn những lời vàng ngọc của Ngài, đặc biệt trình bày những tư tưởng của Ngài cho đồng hương Việt nam còn xa lạ với Thiên Chúa Giáo. Do đó, cần dùng Văn hóa Việt nam, để so sánh, giải nghĩa và bổ túc, thì độc giả ngoài Đạo Công Giáo mới dễ lĩnh hội. Chính Đức Thánh Cha cũng đã dùng Triết Lý La-Hy, Văn hóa Âu-Mỹ để giảng nghĩa Chân Lý Mặc khải:”Thiên Chúa là Tình Thương”.

Xin chia làm hai đoạn: Đoạn I.Toát lược những Tư tưỏng chính yếu trong toàn bộ Thông Điệp và Phương pháp lý giải, trình bày của Đức Thánh Cha về Chân lý Mặc khải:”Thiên Chúa là Tình Thương”. ĐoạnII. Đọc và suy nghĩ về một số đề tài của  Thông Điệp, trong nhãn quan của Văn hóa Việt Nam. Trong Đoạn I, chỉ cố gắng tìm hiểu và diễn ý cho thật rõ ràng những tư tuởng trong Thông Điệp, nhưng không so sánh với Văn Hóa, Triết lý Á Đông. Trong Đoạn II, vẫn theo dàn bài của Thông Điệp(theo các con số thứ tự)như: ngôn từ(2); Eros và Agape(3-8) ….Nhưng trong mỗi đoạn, sẽ vừa tìm hiểu ý tưởng của ĐTC, vừa dùng Triết lý và Văn hóa Á Đông để diễn giảng, góp ý với Ngài, hy vọng đồng hương Việt Nam sẽ dễ hiểu, và dễ thưởng thức hơn.

 

Đoạn I. TOÁT LƯỢC TOÀN BỘ CHỦ ĐỀ của THÔNG ĐIỆP

Trước khi lên làm Giáo Chủ, Đại Diện Chúa Cứu Thế nơi trần gian, Ngài đã giữ chức Tổng Trưởng Thánh Bộ về Đức Tin trong hơn hai thập niên. Ngài đã nghiên cứu và hấp thụ được những tư tưởng về Thần học Thiên Chúa Giáo lỗi lạc vào thế kỉ 20, thời kì Công Đồng Vatican II khai mạc cho một kỉ nguyên mới của  Giáo hội. Ngài là chuyên gia thần học của Công Đồng, dã soạn thảo nhiều văn kiện để làm tài liệu cho các Nghị phụ thảo luận. Ngài đã làm giáo sư giảng dạy môn Thần học trong các Đại Học danh tiếng của Đức Quốc như Tubingen, Bonn.. Ngài thông hiểu những khám phá mới của các thần học gia Công giáo như: Karl Rahner, Henri de Lubac, Yves de Congar, Von Balthasar, Hans Kung.., “Thần học giải phóng” phát xuất từ Nam Mỹ, và Ngài thường đối thoại với các thần học gia Tin Lành như: Karl Barth, Paul Tillich, Dietrich Bonhoeffer, Rudolf Bultmann..

Trên phương diện Triết Lý, Ngài đã được đào luyện trong Triết học cổ điển La-Hy, và Triết Học Kinh Viện(Scholastics), đặc biệt của Thánh Tôma. Ngoài ra, Ngài đã phải đối diện với những trào lưu triết lý của thế giới Âu-Mỹ, từ thời kì “Triết lý Ánh Sáng”( Enlightement) tiếp đến các trào lưu triết lý vật chất vô thần của Karl Max, nhân bản vô thần của Friedrich Nietzsche, (chủ trương thuyết “siêu nhân”(superman), đã đẻ ra Nazism và thần học “death –of-God”.  Trong thời thanh niên, sinh viên tại Đức, Ngài đã  hiểu biết và nghiên cứu những Triết học đương thời như “Hiện Tượng luận” của Husserl, “Hiện Sinh”của Jean Paul Sartre…, và những Triết Lý  nhân bản hữu thần của các Triết gia Thiên Chúa Giáo như: Heidegger, Kierkegard, Jacques Maritain..

Trong thời gian giữ chức Tổng Trưởng Thánh Bộ về Đức Tin tại Roma, Ngài đã phải giải quyết hàng ngày những vấn nạn về Tìn Lý, Luân Lý, giải thích làm sao cho phù hợp với Kinh Thánh và Truyền Thống của Giáo Hội. Do đó, Ngài luôn theo dõi những biến chuyển về xã hội, chính trị, kinh tế của thế giới, đặc biệt của các nước đang phát triển, để đối phó với những bất công xã hội, sự chệnh lệch lớn lao về lợi tức giữa các nước giầu và nước nghèo cần được giúp đỡ, hay giảm nợ. Nạn khủng bố đang lan tràn do con người dùng tôn giáo vào các mục tiêu chính trị. Đời sống gia đình tan rã với 50% li dị, với nạn phá thai, “hôn nhân đồng tính”, “lạm dụng tính dục của các giáo sĩ”, nếp sống độc thân, trinh khiết của tu sĩ”..và những tranh luận về việc nghiên cứu cách sử dụng các “tế bào gốc’ (Stem cell), cấm(“human cloning”), không được biến chế các tế bào gốc từ thai nhi, nhưng được dùng “máu của dây chằng thai nhi” (an infant’s umbilical cord)…

 

A. TƯ TƯƠNG CHỦ YẾU của Toàn Bộ THÔNG ĐIỆP

Qua những kinh nghiệm quí giá , với một bộ óc quán triệt mọi khía cạnh khúc mắc, để tìm ra nguyên cớ, Vị Giáo Chủ tài ba đã dùng lý trí sâu sắc, để suy tư về”YÊU THƯƠNG” một Chân Lý phổ biến, “xưa như trái đất” , trẻ con, người lớn, trẻ già, ai cũng  kinh nghiệm, ai cũng nhận thấy tràn lan trước mắt: trên sách báo, tranh ảnh, Truyền hình..nhưng rất ít người thấu hiểu cho tường tận bản tính của”Yêu Thương”,  nên mới gây ra bao nhiêu  cảnh bất an, đau khổ cho cá nhân, và xã hội. Thật vậy, Trái Tim Con Người luôn khát vọng  “YÊU THƯƠNG”, nhưng vì không tìm về Cội Nguồn của Yêu Thương là chính Thiên Chúa, nên con người mới lạc lõng bơ vơ, lo âu và lao mình xuống vực thẳm của tội ác như: phá thai, chiến tranh, lạm dụng tính dục trẻ con

a/ Đạo Thiên Chúa = Đạo Tình Thương vì bắt nguồn từ THIÊN CHÚA=TÌNH THƯƠNG. Trong Đạo Thiên Chúa, Tín Điều cao trọng nhất là: Mầu Nhiệm “MỘT ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI”. Mầu Nhiệm đó có nghĩa gì? Tại sao chỉ có Một Đức Chúa Trời, nhưng có Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con, Ngôi Thánh Thần ? Theo Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo(số 254 và 255, đọc thêm sách”Đạo Thiên Chúa và Dân Nước Việt”trang 73-75) thì “Ba Ngôi Thiên Chúa thật sự Phân Biệt(distinct from one another).., nhưng “Ba Ngôi Thiên Chúa Tương Quan, Liên Hệ với nhau(relative to one another). Chính TÌNH THƯƠNG VÔ BIÊN nơi Bản Thể Thiên Chúa đã tạo nên mối Tương Quan, Liên Kết mật thiết  giữa Ba Ngôi,  đến nỗi không thể “Tách biệt”(separare), chia ly, nhưng luôn luôn  THƯƠNG MẾN nhau vô cùng, làm nên MỘT THIÊN CHÚA

Bởi vậy, nơi Thiên Chúa không có sự cô đơn, cô độc, nhưng trong Bản Thể luôn có TÌNH THƯƠNG MẾN liên hệ, giao kết giữa Ba Ngôi. Cũng vì Ba Ngôi Yêu Mến nhau vô cùng, nên Tình Thương vô biên đó đã tràn lan ra, tạo thành vũ trụ càn khôn, và đặc biệt, dựng nên Loài Người giống “Hình Ảnh Chúa”, nghĩa là con người cũng có một Trái Tim biết Yêu Thương.  Do đó, con người cũng phải noi theo gương mẫu nơi Thiên Chúa, để biết chia sẻ Tình Thương của mình cho anh chị em đồng loại.

b/ Trong Đạo Thiên Chúa, ngoài Tin Điều”Một Chúa Ba Ngôi”, còn một Tín Điều quan trọng nữa, cũng chứng tỏ “Thiên Chúa=Tình Thương”, tức là “Mầu Nhiệm NGÔI LỜI NHẬP THỂ”. Theo Giáo Lý , để chứng tỏ Thiên Chúa Yêu Thương vô cùng, nên Ngôi Lời Thiên Chúa, chính là Chúa  Cứu Thế đã mặc lấy xác phàm, tự nguyện chịu nạn chịu chết để chuộc tội cho nhân loại . Ngài đã lập nên HỘI THÁNH để tiếp nối công cuộc Cứu chuộc cho đến tận thế. Bởi vậy, Hội Thánh cũng phải noi gương Chúa Cứu Thế, từ trong bản thể, cơ cấu, phải thực hiện những công việc cứu nhân độ thế, từ thiện bác ái như Chúa Cứu Thế đã làm.      

Nói tóm lại, Yêu Thương là một tình cảm thông thường trong đời sống con người, nên ta coi thường, không chú ý  phân tích, lý giải một cách mạch lạc, và diễn giảng một cách thông suốt mọi khía cạnh. Lại càng hiếm người nhìn thấy vẻ huy hoàng sáng lạn của Một Tình Yêu Chân Thật, Cao Cả là chính Thiên Chúa, vì THIÊN CHÚA = TÌNH THƯƠNG. Đây là một Chân Lý cao siêu thượng đẳng, cũng là một Luận Đề được Đức Thánh Cha Bênêditô XVI đã phân giải  rõ ràng để mọi người có thể hiểu biết  tường tận, giúp cho đời sống cá nhân, gia đình, quốc gia và thế giới được An  Vui, Hạnh Phước.

 

B. PHƯƠNG PHÁP  lập luận của Thông Điệp  

a/  Khởi đầu từ một nhận xét quen thuộc về “Tình Yêu” của mọi vật mọi loài, rồi chứng minh cho thấy, tình yêu tự nhiên đó không đầy đủ, không thỏa mãn,  nó mới ở giai đoạn bản năng, vì  loài người, loài cầm thú, (kể cả loài thảo mộc như “cây mắc cỡ”) cũng biết yêu, biết tự vệ lấy bản thân mình: đó là tình yêu  “vị kỷ”(eros). Con người cần phải ra khỏi bản năng vị kỉ, “yêu mình”, để vươn lên Tình yêu “vị tha”(agape), “yêu tha nhân”, yêu gia đình, quốc gia, thế giới, thì đời sống mới được sung mãn, triển nở, và hoàn hảo.

b/ Chúa Cứu Thế đã  toát lược 10 Giới Răn thành một Giới Răn duy nhất là: “Mến Chúa, Yêu Người”. Nghĩa là : Tình cảm và Hành vi “Mến Chúa” đồng thời cũng  phát sinh ra “tình cảm và hành vi “Yêu Người” nữa.  Vì Chúa đã yêu Người, nên ai thực tâm yêu Chúa cũng phải bắt chước Chúa để Yêu Người nữa, thì mới hợp lý. Ngược lại, nếu ai  đã Yêu Người một cách chân thành, thì cũng tất nhiên cũng vươn lên Tình Yêu Chúa nữa,  vì chính Chúa mới thật là Nguồn gốc của Yêu Thương Vô Biên, và Chúa mới là lý do khiến ta phải yêu thương tha nhân. Bởi vậy, giới răn”Mến Chúa, Yêu Người” là Một, vì đều bắt nguồn từ Một Tình Thương vô biên của Chúa mà ra, vì Bản Tính của THIÊN CHÚA=  TÌNH THƯƠNG. Nhờ Tình Thương Vô Biên, Tràn Lan của Chúa, mà vũ trụ càn khôn, và nhân loại được tạo dựng,  mọi người đều là “con của Chúa”. Do đó, không thể Yêu Chúa mà lại ghét con cái của Chúa, hay Yêu con cái Chúa mà lại ghét Chúa.

c/ Trong phần thứ hai của Thông điệp, Đức Giáo Chủ đã  lý giải việc thực hiện những công cuộc Từ Thiện, Bác Ái, Cứu Trợ là xuất phát từ Bản Thể của Giáo Hội, nghĩa là từ Chúa Cứu Thế, là Thủ Lãnh của các Tín Hữu, vì Chúa đã Yêu Thương Nhân Loại, đến nỗi Hy Sinh Mạng Sống để chuộc tội cho mọi người được cừu rỗi. Do đó, Toàn thể Giáo Hội như một Thân Thể Mầu Nhiệm(Mystical Body) của Chúa KyTô, cũng phải Yêu Thương Nhân Loại, bằng những công việc Phước Thiện, HY SINH như Chúa đã  làm, vì GIÁO HỘI= CHÚA CỨU THẾ.

d/ Nói tóm lại, Đức Thánh Cha đã minh chứng Một Chân Lý “cổ xưa”, ngàn đời, bằng một Phương pháp lý giải, mới mẻ, dễ hiểu. Ngài đã dùng  lý luận như “Luật Nhân-Quả”, “Nguyên Lý Đồng Nhất”, và Tam đoạn Luận” của Triết lý La-Hy, để phân tích và diễn dịch những uẩn khúc, éo le của trái tim nhân loại. Theo “luật Nhân – Quả”như những câu kết luận: Bản thể của Chúa là Tình Thương , và là Nguyên Nhân phát sinh ra vạn sự vạn vật, nên nhân loại và vũ trụ hiện hữu này đều là  kết quả của Một Tình Thương Vô Biên đó, là chính Thiên Chúa. Cũng một khuôn mẫu như Chúa, nếu ai có Tình Yêu chân thật, vị tha, thì Tình Yêu đó tự nó cũng phải là nguyên nhân phát sinh lòng quảng đại tự ý muốn chia sẻ thời giờ, sức khoẻ, của cải để giúp đỡ những người thiếu thốn, đau khổ.  Theo Phương pháp lý luận “Nguyên Lý Đồng Nhất” như câu: Tin Chúa và Mến Chúa= MỘT. Không thể Tin Chúa mà lại không Yêu Chúa. Cũng không thể Yêu Chúa mà lại không Tin Chúa. Do đó, ai xưng mình: Tin Đạo, Tin Chúa mà không có lòng Mến Chúa, thi hành Đức Bác ái, thì là điều nghịch lý, vì Tin Chúa  cũng là Yêu Chúa, hoặc ngược lại, Yêu Chúa thì cũng Tin Chúa nữa. Câu khác như:”Mến Chúa và Yêu Người = MỘT”. Mọi Người đều bởi Tình Thương Chúa mà sinh ra. Do đó, Yêu mến Chúa Thật, thì cũng phải Yêu mến những người con do Chúa dựng nên. Không thể yêu mến Chúa mà lại ghét bỏ những gì thuộc về Chúa, vì đó là điều mâu thuẫn. Có thể đặt những lý lẽ trên thành hình thức”Tam-đoạn –luận”(Syllogism) như sau:

                    Ông, Bà (A) = Mến Chúa (B)

               mà   CHÚA (B) = Thương người (C)

          nên,  Ông , Bà (A) = cũng Thương người (C)

                                      A = B

                                 B = CA = C

 Câu: Chúa Cứu Thế và Hội Thánh= MỘT , vì Hội Thánh được sinh ra từ “cạnh sườn “Chúa Cứu Thế”, vì Chúa Yêu Thương nhân loại nên đã Hy Sinh, chịu chết, để cứu chuộc nhân loại. Bởi vậy, cũng giống như Chúa đã làm, từ trong bản thể, từ “Cơ Cấu”,Hội Thánh cũng phải thực hiện những công cuộc Bác ái, từ thiện, để cứu nhân độ thế. Nếu không, Hội Thánh sẽ  tự mâu thuẫn với chính mình, và với Chúa Cứu Thế. Do đó, làm việc lành phước đức, thi hành bác ái, không phải là điều tình nguyện, thêm vào để thêm công phúc, nhưng là tự bản thể, là căn tính của người tín hữu . Có thể đặt thành công thức”Tam-đoạn-luận” như sau:    

                      Chúa Kytô (A) = Hy Sinh cho Nhân Loại (B)

              mà  Hội Thánh (C) = Chúa Kytô (A)

            nên,  Hội Thánh (C) = Hy Sinh cho Nhân Loại (B)

                                          A = B

                                          C = A

                                          C = B

Tạm Kết cho Đoạn I,  Đức Thánh Cha đã đề cao và làm nổi bật tính chất Duy Nhất (Unity , Qui về Một Mối) của Thiên Chúa Giáo: Vạn sự vạn vật trên trời dưới đất đều bởi Một Tình Thương Vô Biên của Đức Chúa Trời mà có. Do đó, trái tim con người, tự bản thể, tự căn tính cũng phải tự qui hướng về Chúa và về với tha nhân, bằng tình Bác Ái, Vị Tha. Hội Thánh do Cái Chết Hy Sinh của Chúa Cứu Thế mà sinh ra: do đó, từ trong căn nguyên, cơ cấu, Hội Thánh và các tín hữu không thể không Hy Sinh, không thực hiện Bác Ái để cộng tác vào công cuộc Cứu Chuộc của Chúa Cứu Thế. Bởi vậy, Hội Thánh, mọi sự, mọi loài, bởi Chúa mà ra, chung cuộc, đều qui hướng về Chúa là Cội Nguồn Duy Nhất. 

( Xin độc giả theo dõi ĐOẠN II trong số Báo kỳ tới) 

Đoạn II. QUẢNG DIỄN MỘT SỐ ĐỀ TÀI với NHÃN QUAN VĂN HÓA VIỆT .

Lm. Jos. Cao Phương Kỷ

VỀ MỤC LỤC
Chú Lừa và cuộc sống

 

Ngày còn niên thiếu, tôi hay nghe noí: Sao mà chậm chạp như lư, như lừa thế!

Từ ngày sang bên Âu Châu, tôi lại cũng hay nghe và đọc trong sách báo câu nói: "Du Esel! – xin tạm dịch: Như chú lừa! “ Ý muốn nói không những chậm chạp mà còn kém trí khôn nữa!

Như thế nói "như lừa“ là có ý muốn chửi rồi! Ôi thật buồn thảm thay!

1. Trong đời sống hằng ngày  

Có thật sự con lừa chậm chạp và tối dạ dốt nát như thường hiểu không? Chú lừa có thể giúp ích gì cho ta trong cuộc sống không?

So sánh bảo chậm chạp dốt như lừa cũng là điều không đúng, không cao thượng tình người. Vì Chú lừa là loài vật đựợc Thiên Chúa dựng nên trong công trình sáng tạo của Người.

Lừa cũng có gía trị kinh tế cho cuộc sống lắm chứ. Lừa là loài vật nhỏ, nhưng hiền lành và sức chịu đựng dẻo dai bền bỉ. Lừa được dùng để chuyên chở hàng hóa ở những vùng núi non thung lũng hiểm trở, nơi xe cộ, hay ngựa trâu bò không đi vượt qua được như ở bên vùng Trung Ðông, miền núi cao.

Như thế bảo lừa dốt nát thì qủa không công bằng, không đẹp chút nào!

2. Trong Kinh thánh

Trong kinh Thánh lừa được những người của Thiên Chúa xử dụng. Vì thế lừa được nổi tiếng hơn nữa.

Tiên Tri Bileam cưỡi lừa, nhân danh Thiên Chúa mang chúc lành cho dân.

Vua Ða-Vít và nhiều vị sứ gỉa được Thiên Chúa tuyển chọn cũng cưỡi lừa đi đến với dân chúng.

Gia đình thánh gia Chúa Giêsu, đức mẹ Maria và thánh cả Giuse cũng cưỡi lừa băng đường đèo núi đến Bethlehem, rồi sang Ai Cập và trở về Na-da-rét.

Lừa đã trở thành con vật nhân chứng khi Chúa sinh ra. Chú có mặt trong hang đá ngày Chúa Giêsu sinh ra và trong cuộc sống của Ngài.

Khi Chúa Giêsu vào thành thánh Giê-ru-sa-lem như một vị vua, Ngài cũng cỡi lừa. Hình ảnh này trái ngược với vua chúa xưa nay thường hay cưỡi ngựa để chứng tỏ vẻ uy quyền sức mạnh của mình.

3. Trong đời sống đức tin

Tại sao Vua Giêsu lại cỡi lừa mà không cỡi ngựa? Phải chăng chú lừa là hình ảnh của Chúa cứu thế?

Giữa Chúa Giêsu và những đức tính của chú lừa có nhiều sự trùng hợp giống nhau:

- Chúa Giêsu đến trần gian với sứ mạng phục vụ con người. Hiền lành khiêm nhường là đức tính của Ngài. Ngài không đến với quyền hành sức mạnh súng đạn hay lời nói luật lệ dọa nạt đe loi.  

Chú Lừa hiền lành và được dùng vào việc chở đồ phục vụ con người.

- Bài thương khó trong Kinh Thánh thuật lại cuộc khổ hình, chịu đánh đòn hành hạ tàn nhẫn, vác thánh gía của Chúa gánh tội trần gian, nói lên sức chịu đựng sự nhục nhã dẻo dai không thể tưởng tượng của Chúa Giêsu.

Chú Lừa có sức chịu đựng dẻo dai bền bỉ, dù đi xa nơi vùng hiểm trở, đồ chất nặng trên lưng.

Người tín hữu tin Chúa Kitô, có thể cũng bị liệt vào hạng „như lừa“, như cổ lỗ lỗi thời, không theo kịp đã tiến bộ văn minh thời đại, nhất là khi noi gương Chúa Giêsu, sống bác ái tha thứ, sống chịu đựng phục vụ giúp đỡ! 

Chúa Giêsu sống đời sống phục vụ, hiền lành kiên nhẫn chịu đựng, vì tình yêu Thiên Chúa và con người, như chú Lừa có tính tốt kiên nhẫn chịu đựng phục vụ con người.

Ðức giáo hoàng Gioan 23 đã dí dỏm nói:

Nơi nào ngựa không tới được, cần đến chú lừa!

Lm. Nguyễn ngọc Long

VỀ MỤC LỤC
CHÚA ƠI ! SAO LẠI CÓ ĐAU KHỔ ?

 

Nhiều  lần  tôi cũng như các bạn  đã  âm  thầm than trách : tai sao, tại  sao  tôi phải  khổ như thế nầy, và thật  là vô lý, vô lý  sao lại có  những  khổ đau  như vậy? Không, không! Không có gì là  phi lý, chỉ tại  mình chưa  tìm ra  đươc  lý do mà thôi…

Thiên Chúa hiện hữu không còn là một bí nhiệm nữa, bỡi lẽ nó quá rõ ràng để  nhìn thấy khi chúng ta nhìn kỳ công của vũ trụ. Thiên Chúa là Đấng tốt lành và thánh thiện cũng không còn là một bí nhiệm nữa vì điều đó có thể hiểu được nếu chúng ta nhìn những hoa cỏ đồng nội với muôn mầu muôn sắc rực rỡ. Linh hồn con người trường cửu cũng không còn là một bí nhiệm nữa, bỡi lẽ chúng ta có thể  thấu hiểu được nếu đem so sánh giữa người với vật. Vậy đâu là bí nhiệm?

Đó là Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa đã bị đóng đinh chết khô trên cây thập tự. Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa đã cho phép con người ngược đãi, khinh chê, nhạo báng, tra tấn, hành hung một cách tất tưởi cho đến chết và chết một cách nhục hình trên thập giá. Và chúng ta đã không quen với một Thiên Chúa như vậy.

Trong thời còn ấu trĩ của đức tin, thời ấu trĩ của dân Chúa, con người thường đi tìm một Thiên Chúa quyền năng, một Thiên Chúa oai phong lẫm liệt ngự đến giữa tiếng sấm sét rền vang như Ngài đã từng hiện ra với Maisen trên núi Sinai. Và chúng ta đã ước vọng một Thiên Chúa như vậy.

Có lẽ phần đông chúng ta chưa quen với một Thiên Chúa là Thiên Chúa đã bị con người lên án, bị đội mão gai, bị đánh đòn, bị vác thập giá lên đỉnh đồi Golgotha và bị đóng đinh chết treo trần truồng trên cây thập tự. Chúng ta cũng chưa quen với một Thiên Chúa là Thiên Chúa đã khiến Con Một Ngài toát mồ hôi máu trong vườn Giếtsêmani, một Thiên Chúa đã để Con Một Mình phải đau khổ và đau khổ đến cùng tột đến nỗi Ngài đã phải kêu lên:”Lạy Cha, nhơn sao Cha bỏ Con?” Vì thế, khi chúng ta gặp những thử thách lớn lao, chúng ta hay phàn nàn kêu trách:”Tại sao, lạy Chúa! sao lại có những nỗi khổ đau nầy?  Nhiều người còn chua chát hơn nữa, đã hằn học kêu trách Thiên Chúa: ”Làm thế nào để tôi có thể tin được sự thiện hảo và lòng nhân từ của Thiên Chúa nếu Ngài đã để cho tôi phải khóc lóc đớn đau như vậy?”

Thật vậy, trong đau khổ con người thường mất đi sự sáng suốt của lý trí và ngay cả mất đi lòng tin của mình vào mọt Thiên Chúa từ nhân. Đó là lý do tại sao có những tiếng kêu vang vọng từ đáy lòng tê tái của con người như trong thánh vịnh 137. Đó không phải là tiếng kêu vọng để xin Thiên Chúa một sự trả thù đối với những địch thủ, mà là những tiếng kêu van của những con người đang đi tìm một giải đáp.

Hãy ngước nhìn lên Thập Giá, nhìn thật lâu và thật kỹ, bấy giờ chúng ta sẽ nghe tự đáy lòng mình vọng lên những lời đáp trả. Và đây là một trong những  ý nghĩa sâu xa của Mầu Nhiệm Đau Khổ: Để cảm thông được với những khổ đau mà chúng ta đã gây ra cho người khác, chúng ta cũng cần phải trải qua, phải nếm thử những khổ đau đó. Đó là cách thế mà Thiên Chúa đã muốn chúng ta phải  mang lấy những đau khổ.

Tôi cảm thấy thật đau lòng khi phải nhắc lại những trang sử đau buồn của quê hương Việt nam chúng ta. Nhưng đó là một sự thật, dẫu cho sự thật đó có đáng buồn. Và đó cũng là lý do tại sao đã có nhiều khổ đau và khóc lóc trên trần gian nầy. Có những đau khổ không do Thiên Chúa gởi đến nhưng do con người chúng ta đã chọn nó và muốn tạo ra nó. Đó là những nước giàu vì tham lam, ích kỷ muốn đi xâm chiếm những nước nghèo nên đã tìm cách gây mầm mống chia rẽ, bạo lực, hận thù, chiến tranh. Điều nầy chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm, bỡi lẽ chúng ta là một trong những nước nạn nhân của chiến tranh đã bị gây ra bỡi những nước giàu muốn đi xâm lăng. Không có gia đình nào trong chúng ta không có người tử trận hay bị thương vong. Biết bao người anh em của chúng ta đã bị chôn vùi dưới làn súng đạn trong thời chiến tranh. Biết bao nước mắt của bà mẹ già, của người vợ trẻ, của những đứa con thơ đã đổ ra khi nhìn thấy những người thân yêu của mình vĩnh viễn ra đi lúc tuổi còn xuân thì. Và còn biết bao là đau khổ khác mà chúng ta không thể nói hết ở đây, đã được gây ra bỡi sự ác độc của chiến tranh và con người gây nên.

Ngoài những thảm họa gây ra bỡi chiến tranh, trong đời sống hằng ngày của chúng ta cũng còn có rất nhiều người đã thờ ơ, đã khước từ, đã bội phản nhau, khiến những người khác phải đau khổ và là nguyên nhân của những cái chết đáng thương cũng như của biết bao cuộc đời sa đọa của tuổi trẻ.

Vào mùa hè năm 1991, ở vùng đất ấm California đã xảy ra một vụ tự tử thật đáng thương tâm. Nạn nhân là một gia đình Việt nam. Một đôi vợ chồng trẻ có 3 đứa con nhỏ. Họ có nhà riêng nằm trên đỉnh đồi trông rất khang trang và đẹp đẽ. Sống trong một xã hội mới với tất cả những phức tạp của nó và nhất là sự chạy đua với đời sống vật chất, đã khiến họ sớm gặp khủng hoảng trong đời sống hôn nhân trên vùng đất mới. Chỉ trong một thời gian không lâu sau đó, người vợ đã nộp đơn xin ly dị. Người chồng buồn quá mất ăn, mất ngủ, chán chường và tuyệt vọng. Dĩ nhiên ở cuối con đường tuyệt vọng là đi tìm cái chết để giải quyết cuộc đời oan trái. Nhưng anh ta không thể nhắm mắt yên thân nếu để lại 3 đứa con còn thơ sống mồ côi không cha. Vì thế, anh ta đã nghĩ một phương kế để giải quyết vấn đề. Một ngày cuối tuần kia, anh ta đến thăm các con của anh. Chúng đang sống chung với má và bà ngoại. Con cái lâu ngày thiếu vắng tình cha nên gặp được bố thì vui mừng. Chiều hôm đó, anh ta xin phép vợ và bà ngoại cho phép anh ta đem các cháu về nhà để cha con hu hí với nhau một đêm cuối tuần cho đỡ buồn. Mọi người đều ưng thuận và đêm hôm ấy bốn cha con về chung sống với nhau. Đến nửa đêm, lúc các cháu đang say giấc ngủ, người cha đã đi khóa hết tất cả các cữa, rồi dùng canh xăng đã chuẩn bị sẵn, rưới khắp cả căn nhà và tự tay châm lửa đốt cháy căn nhà của anh. Ngọn lửa bốc cháy nhanh chóng và thiêu rụi tất cả căn nhà trong chốc lác. Khi sở cứu hỏa đến thì chỉ còn một đám tro tàn với những xác chết cháy đen. Mọi người ngậm ngùi xúc động cho những đứa trẻ đã bị chết oan bỡi những cuộc tình duyên không được may mắn.

Thật vậy, nếu đã một lần bị bội phản bỡi người yêu, chúng ta sẽ bắt đầu quí trọng sự trung thành khắng khít với nhau. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta cảm thấy yêu thương và kính phục những đôi bạn tình chung thủy của những lớp người đi trước như ông bà, cha mẹ, anh chị của chúng ta. Chắc chắn, họ cũng không thể nào tránh khỏi những xung đột, những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân, nhưng chính ý chí chịu đựng, sự quyết tâm hy sinh cho nhau và nhất là cho con cái đã giúp họ thắng vượt mọi giông ba bão tố để mang lại sự hạnh phúc cho chính họ cũng như cho con cái của họ.

Nếu đã một lần chúng ta từng nếm mùi đau khổ, bị người người hất hủi, bị chèn ép, bị vu oan cáo vạ, bị ngược đãi khinh khi, chúng ta có được cảm nghiệm về những khổ đau đó, chúng ta sẽ cảm thấy mình dễ nhạy cảm hơn trước những nỗi bất hạnh của những người bạn chúng ta.

Nếu đã một lần vượt biển trôi bồng bềnh trên sóng nước, gặp giông ba bão tố, gặp những tên cướp biển, không còn thức ăn, không còn nước uống, con người đối diện với cái chết, bấy giờ người ta mới hiểu được thân phận mỏng manh của kiếp người và cần đến tình yêu của Thượng Đế. Và nếu đã một lần người ta đã từng trải qua những đoạn đường chông gai đó, người ta mới hiểu được nỗi đau lòng của những con người tỵ nạn bị cưỡng ép hồi hương. Không một thuyền nhân nào không đau lòng và có thể cầm được những giòng nước mắt khi nhìn thấy những người bạn mình đã một lần phải liều mất mạng sống để ra đi tìm một khung trời mới, thì giờ đây lại bị những người nhân danh bảo vệ nhân quyền cưỡng bách phải hồi hương. Phải chăng họ dám làm những điều quái ác đó bỡi lẽ họ chưa từng được nếm thử những mùi chua cay của kiếp người tỵ nạn.

Khi tôi còn học về Cố Vấn Hôn Nhân và Gia Đình ở Minnesota, một ngày kia tôi được mời đến dự một bữa tiệc gia đình. Gia đình thân chủ hôm đó tổ chức một bữa tiệc sinh nhật cho người bố. Những người được mời đến hầu hết là những người quen trong giáo xứ. Trong bữa tiệc, có nhiều người bàn đến một tin tức nóng bỏng lúc bấy giờ là việc cưỡng bách người tỵ nạn hồi hương. Hầu hết mọi người đều phản đối việc làm đó vì họ đã từng có những kinh nghiệm kinh hoàng về những ngày trôi nổi bồng bềnh trên biển cả. Trong đó, có một vài người lại đứng ra bênh vực chương trình cưỡng bách hồi hương. Dĩ nhiên, họ có lý của họ. Chúng ta không phủ nhận điều đó. Nhưng lý của họ là lý của những người đứng ngoài cuộc, chưa từng được nếm mùi những thương đau đó. Bấy giờ tôi quay lại hỏi một trong những người ấy:

- Có phải chị ra đi năm 1975 hay trước đó không ?

- Đúng thế ! Chị ta đáp. Con đi du học trước năm 1975.

- Có phải cả gia đình chị đang ở Seattle  đã được đi theo chương trình đoàn tụ không ?

- Đúng vậy ! Và chị hỏi lại: Tại sao tôi biết ?

Tôi đã trả lời:

- Tôi chỉ nghe cách chị nói cũng như cách chị lý luận, tôi có thể đoán được rằng chị cũng như gia đình chị chưa từng được nếm mùi những kinh nghiệm đau thương của những con người vượt biển, chưa từng trải qua những hãi hùng, khủng khiếp của những tháng ngày bồng bềnh trên biển cả, và cuối cùng là chưa từng được sống những năm tháng dài đằng đẵng trong mòn mỏi đợi chờ với đầy những tủi nhục và cay đắng trong các trại tỵ nạn.

Khi nghe đến đó, chị đã lặng im và trên nét mặt đã để lộ một phần nào cảm thông được với những nỗi khổ đau của những người tỵ nạn bất hạnh.

Vâng, đau khổ nơi chính thân xác riêng mình là cách thế học yêu người khác một cách thích hợp nhất. Chính những giọt lệ đổ ra từ khóe mắt chúng ta, sẽ dạy chúng ta biết trưởng thành hơn trong mọi ngôn ngữ cũng như trong mọi hành động chúng ta làm cho người khác.

Thật vậy, con người chúng ta sẽ ra thế nào nếu không có đau khổ ? Hãy nhìn xem đứa con hoang đàng trong phúc âm. Chính sự sung sướng đã khiến nó bỏ nhà ra đi, và lý do đã khiến nó hồi tâm trở về không gì khác hơn là đói khổ. Đó là một sự thật. Đau khổ là cách thế mà Thiên Chúa đã dùng để đưa người con hoang trở về. Đối với Ngài, điều quan trọng là làm sao cứu đứa con mình ra khỏi tình trạng bi đát mà nó đang lâm vào, nên Ngài có thể dùng mọi phương tiện mọi cách thế. Đôi khi, Ngài cũng đã  dùng  những phương cách cứng rắn khiến chúng ta phải đau khổ nhiều.

Tình yêu Thiên Chúa thật đáng sợ khi Ngài yêu chúng ta và muốn cứu chúng ta. Tình yêu đó có thể chà nát chúng ta thành từng mảnh, có thể làm tan xương nát thịt chúng ta hơn là để mất chúng ta. Chính trong lúc bị nghiền nát đó, chúng ta mới hiểu được những khổ đau của những người anh em chúng ta. Nhờ đó, chúng ta mới hiểu được rằng chính sự tự cao, tự đại của chúng ta đã làm những người anh em khác phải đau khổ nhiều. Chính lòng tham lam của chúng ta đã khiến kẻ khác phải chết đói. Chính sự chiều theo dục vọng của chúng ta đã làm hại biết bao nhiêu cuộc đời và hạnh phúc của tha nhân.

Thế giới nầy sẽ hạnh phúc biết bao nếu người giàu và kẻ nghèo biết kính trọng và giúp đỡ nhau. Con người sẽ không còn nhiều bất hạnh nữa nếu họ biết học lấy những bài học quí giá từ những kinh nghiệm đau khổ mà họ đã từng trải qua trong cuộc sống.

Lm Lê Văn Quảng  

VỀ MỤC LỤC

NHƯ MỘT CÁNH  HỒNG

 

Thân em như một cánh hồng,

Nổi trôi giữa cảnh mênh mông đất trời.

Bỗng đâu từ giữa biển khơi,

Một con sóng nhỏ thương mời em đi.

Cánh hồng trong cõi sân si,

Nương theo ngọn sóng ngại gì nước non.

Dù cho sông cạn đá mòn,

Biển khơi chấp cánh mảnh hồn phù du.

Phiêu diêu trong cõi mịt mù,

Em tìm về chốn thiên thu hữu tình.

Bầu trời hồng phúc lung linh,

Hồn say hương gió gợi hình thiên thai.

Tình yêu như trải bóng dài,

Quê cha một dải sao hoài vấn vương.

Từ ngày sống kiếp tha hương,

Em như thân khách dặm trường bơ vơ,

 

Từ khi em biết mộng mơ,

Vẫn mong về bến đợi chờ thân thương.

Trăm năm thoát kiếp tủi hờn,

Nghìn năm mở hội dập dồn tiếng ca.

Dù em chỉ một cánh hoa,

Vẫn mang những nét mượt mà tình yêu.

Tâm tư nặng nợ bao nhiêu,

Làm sao hết cảnh sớm chiều bể dâu ?

 

Từ nghìn xưa đến ngàn sau,

Vẫn còn trĩu nặng biển sâu ân tình.

Dù đi hết kiếp phù sinh,

Cánh hồng in mãi bóng hình ngày xưa.

Hai tay ôm mấy cho vừa,

Khổ hình thập giá cho thừa niềm đau.

Nguồn ơn giải nghĩa nhiệm mầu,

Chết cho nhân loại khởi đầu phục sinh.

 

Vườn hồng rực ánh bình minh,

Cánh hồng e ấp nép mình trong mơ.

Nguồn ơn như thác vỡ bờ,

Tình hồng giao ước bây giờ hiện thân.

Tin mừng giục giã bước chân,

Tình yêu vượt ngọn sóng thần lên ngôi.

Càng xa muôn dặm mù khơi,

Càng gần điểm nối đất trời vô biên.  

Vân Lực

VỀ MỤC LỤC
NGÓN TAY THIÊN CHÚA

(Lc 11:14-23)

Còn nhớ mùa vọng 2005 vừa qua, mới dâng thánh lễ ở cộng đoàn Fatima, , tôi nhận được một cú điện thoại của ông chủ tịch giáo xứ Lộ Đức, Houston gọi tôi về giải tội gấp, vì số linh mục quá ít so với hàng trăm giáo dân.  Tôi phóng xe về ngay.  Mới vô tới cửa, tôi thấy hàng trăm người đang xếp hàng trước các tòa giải tội.  Làm sao giải tội cho hàng biển người trong một thời ngắn bây giờ ?Nhiều người yêu cầu giải tội tập thể.  Nhưng luật không cho phép.

Thế mà, tôi đã giải tội cho gần một trăm người trong vòng hơn nửa tiếng.  Hôm sau, có người chất vấn : “Cha làm cách nào giải tội nhanh vậy ?” Tôi trả lời: “Có gì đâu, mỗi người vào xưng tội chỉ mất hai giây.  Họ xưng : ‘thưa cha, như cũ.’  Tôi đáp ngay : ‘vâng, như cũ.’”  Tiếng ‘như cũ’ của họ có nghĩa tất cả mọi tội họ quen phạm từ xưa tới nay.  Còn tiếng ‘như cũ’ của tôi gồm các lời khuyên và việc đền tội.   Giáo dân của tôi “thông minh” nhất thế giới. 

Thực ra, sau khi xưng mọi tội trong tòa, mỗi người ra ngoài đợi giải tội chung.  Cứ nghe tội chừng vài chục người, tôi lại nói chung lời khuyên, việc đền tội và phép giải tội.  Làm chừng ba bốn đợt, tôi đã có thể giải quyết được gần trăm vụ rồi.

Nghĩ lại thấy đời linh mục nhiều lúc cũng vui.  Có lúc tôi còn nói đùa : tương lai sẽ nhờ mấy chuyên viên điện toán viết một chương trình cho tòa giải tội.  Giáo dân chỉ cần ấn nút, mọi những chi tiết về tội sẽ xuất hiện.  Linh mục cũng ấn nút, giáo dân có thể nhận lời khuyên và việc đền tội đặc biệt dành cho mình.  Thời kỳ vi tính giúp con người tiết kiệm biết bao thời giờ !

Đó chỉ là những lời nói giỡn.  Khi xét mình, chúng ta thấy mình giống như  “ngựa quen đường cũ.”  Nhiều lần có lẽ chúng ta nghe tiếng Chúa tố cáo : “Đây là dân tộc không biết nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của mình, không chấp nhận lời sửa dạy : sự chân thật đã tiêu tan và  biến khỏi miệng nó.” (Gr 7:28)  Chắc chắn đó là sự thật con người thuộc mọi thời đại và mọi nơi.

Đức Giêsu cũng đã đụng đầu với những con người như thế.  Sau khi nghe biết bao lời giảng và chứng kiến bao phép lạ của Người, họ vẫn cố chấp.  Nhất là phép lạ hôm nay, giữa lúc đám đông kinh ngạc, có người vẫn nói : “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bêendebun mà trừ quỷ.” (Lc 11:15)  Kinh khủng thật !  Nói thế có khác gì vu cáo Người nhân danh ma quỷ đến quấy phá nhân loại.  Dưới mắt họ, Đức Giêsu chỉ là một  tay phù thủy gieo rắc sự dữ trên trần gian và cố ý lừa đảo quần chúng để trục lợi.  Đã đến lúc phải vạch mặt chỉ tên mưu đồ đen tối mà giải thoát nhân loại khỏi những ràng buộc phi lý của một thứ tôn giáo mê tín.

Chúa ơi, nếu gặp trường hợp tương tự, không biết con có đủ sáng suốt mà lập luận với bọn người cố chấp đó không ?  Chúa kiên nhẫn thật !  Chúa làm phép lạ cứu người mà vẫn bị xuyên tạc !  Xin cho con nhận ra ngón tay Thiên Chúa đang biến Giáo hội thành Triều Đại Thiên Chúa nơi trần gian.  Giữa một trần gian đang bị phân tán nhiều mặt, xin Chúa hãy dùng bàn tay con thu góp muôn dân về với Chúa.

Phúc Âm Nhật Ký của Lm. Đỗ Vân Lực, OP.

VỀ MỤC LỤC
LINH MỤC CỦA TÌNH LIÊN ĐỚI

 

Một ngày tháng 11 năm 1991, bông tuyết trắng đầu mùa thu xứ Hung-gia-lợi rơi lả-chả như nhảy múa trước ngọn đèn pha. Cha Imre Kozma phóng xe như bay về phía biên giới Croát. Âu lo duy nhất của Cha là làm sao đến thành phố Vukovar đang bị vây hãm trước khi thành phố rơi hoàn toàn vào tay quân Serbi. Cha quyết tâm cứu thoát 7 đan sĩ và hàng ngàn thường dân vô tội.

Đến biên giới, Cha Imre Kozma bị lính canh phòng Croat chặn lại. Sau khi tìm mọi cách, Cha gặp được tướng Raseta, vị chỉ huy quân đội Serbi. Trong vòng một tiếng đồng hồ, Cha Kozma trình bày đủ các lý do hầu thuyết phục tướng Raseta để cho Cha di tản các thường dân đang bị kẹt trong thành phố.

Nhưng tướng Raseta một mực cứng như đá, lạnh như đồng. Cha Kozma đánh ván bài chót. Cha nói:

-  Xin vui lòng để tôi di tản nhóm dân này. Rồi tôi sẽ cho toàn thế giới biết rằng: tướng Raseta là vị chỉ huy nhân lành, biết hòa hợp nghĩa vụ với lòng cảm thương!

Câu nói đánh động tướng Raseta. Ông chấp thuận đề nghị của vị Linh Mục Công Giáo Hung-gia-lợi. Cha Imre Kozma vui mừng không kể xiết. Cha tổ chức ngay cuộc di tản tất cả đàn bà con trẻ và người già ra khỏi Vukovar. Vài ngày sau khi cuộc di tản chấm dứt, quân Serbi xung quân và nổ súng tiến chiếm Vukovar. 

Đó chỉ là một trong muôn vàn nghĩa cử vừa anh hùng vừa bác ái của Cha Imre Kozma, vị Linh Mục Công Giáo Hung-gia-lợi. Năm 1996, Cha được Ban Quản Trị 19 ấn bản Âu châu của nguyệt san quốc tế Reader's Digest chọn làm Người của Âu Châu. 

Cha Imre Kozma sinh năm 1940 trong một gia đình Công Giáo đạo đức. Imre mồ côi cha lúc một tuổi rưỡi và được mẹ cùng ông bà ngoại chăm sóc dạy dỗ. Từ đó Imre lớn lên nơi làng quê cách thủ đô Budapest 130 cây số về hướng Tây. Mẫu gương sống bác ái của ông bà ngoại đã in đậm vào tâm hồn thơ bé của Imre. Imre thường theo bà ngoại đem thực phẩm tiếp tế cho người Do Thái đang ẩn trốn khỏi cuộc diệt chủng của đức-quốc-xã. Mỗi tối trước khi ngủ, bé Imre chăm chú nghe ông ngoại đọc báo và sách Kinh Thánh. Ông ngoại nói với bé Imre:

- Cháu không nên đi lễ vì vâng lời hay vì bị bó buộc nhưng đi lễ để tìm kiếm thánh ý THIÊN CHÚA.

Nơi bàn ăn nhà ông bà ngoại, bé Imre luôn thấy có chiếc ghế trống dành cho người nghèo. Một ngày năm bé 7 tuổi, bà ngoại đưa cho bé một khúc bánh mì và mấy trái táo để bé trao cho người hành khất đến nhà xin ăn. Bà ngoại nói với Imre:

-  Khi con trẻ trao của bố thí, người ăn xin không cảm thấy tủi hổ. 

Imre Kozma không bao giờ quên bài học và mẫu gương bác ái của ông bà ngoại. Imre lớn lên và trở thành thanh niên tráng kiện, hứa hẹn nhiều thắng lợi cho đội banh của tỉnh. Nhưng chàng quy hướng lòng xuân trẻ về một giấc mộng cao xa hơn: Imre Kozma muốn trở thành Linh Mục phục vụ người nghèo!

Imre Kozma gia nhập đại chủng viện Esztergom và thụ phong Linh Mục vào tháng 6 năm 1963. Đức Giám Mục muốn gửi tân Linh Mục Kozma du học Roma, nhưng chính quyền cộng sản Hung-gia-lợi không cấp chiếu khán xuất cảnh. Đức Giám Mục chỉ định Cha Kozma làm Cha sở Dorog, nơi người dân chuyên nghề hầm mỏ. Ngày đến nhậm nhiệm sở thật vô cùng đau đớn đối với tân Linh Mục. Thánh Lễ Chúa Nhật đầu tiên tại họ đạo chỉ có 57 giáo hữu đến tham dự. Leo-queo vài con trẻ đến học giáo lý.

Nhưng Cha Imre Kozma không nản lòng. Cha hăng hái đi vào trận thánh chiến! Cha học thuộc tên tất cả con chiên trong xứ đạo. . Ba tháng sau, lớp giáo lý của Cha có đến 100 trẻ em và nhà thờ chật ních giáo dân đến tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật!

Năm 1968 Cha Imre Kozma được chỉ định Linh Mục Tuyên Úy nhà thờ thánh Phanxicô ở thủ đô Budapest. Cha tổ chức một loạt các bài giảng thuyết lôi cuốn dư luận quần chúng. Các sinh viên đổ xô đi nghe. Họ được thu hút bởi lối trình bày nguyên tắc luân lý đạo đức dựa trên giá trị Kitô và chân lý phổ quát. 

Ngày 13-8-1989 Cha Imre Kozma nhận được lời kêu gọi thống thiết của tòa đại sứ Tây Đức tại Budapest. Từng đoàn người tị nạn từ Đông Đức chạy qua Tây Đức qua ngõ Budapest. Họ bơ vơ không nơi trú ẩn. Cha tức tốc dựng ngay các lều trại tiếp cứu khoảng 50 ngàn người. Cha tìm cách đưa đoàn người lánh nạn sang nước Áo. May mắn thay, bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 12 năm 1989!

Ngoại trưởng Tây Đức, ông Hans Genscher, đích thân đến Budapest trao tặng Cha Imre Kozma huân-chương tưởng-thưởng, ghi ơn vị Linh Mục Công Giáo Hung-gia-lợi tận tình giúp đỡ người tỵ nạn Đông Đức trong một thời điểm khó khăn và tràn đầy nguy hiểm! 

Về phía Tòa Thánh, ngày 12-8-1992, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 trao tặng Cha Imre Kozma tước hiệu Công-Chứng Tông-Tòa (chức Đức Ông ở cấp thứ ba). Nhưng Cha Imre Kozma luôn giữ tâm tình khiêm tốn và không ngừng hoạt động bác ái. Cha thổ lộ: ”Còn có không biết bao người đang cần chúng ta giúp đỡ!”

(”Reader's Digest SÉLECTION”, Mars/1996, trang 66-71).  (Radio Vatican) 

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt 

VỀ MỤC LỤC
HẠNH PHÚC TRẦN GIAN VÀ TINH THẦN CHÂN PHÚC

 

Khát vọng sâu xa và thầm kín nhất của con ngươì là hạnh phúc. Người ta sinh ra để được hạnh phúc, và cuộc đời của mỗi người trên trần gian này cũng là một cuộc tìm kiếm hạnh phúc không ngừng,

Quan niệm về hạnh phúc của mỗi người một khác, nhưng hạnh phúc vẫn là một mối bận tâm lớn của con người. 

Vi thế, có thể nói người ta sinh ra, lớn lên và ngay cả chết nữa cũng là để được hạnh phúc. Nhưng thử hỏi : mấy ai đã được hoàn toàn hạnh phúc trên cõi đời này ? Vậy hạnh phúc phải chăng là một điều viển vông hay một giấc mơ không bao giờ đạt tới ? Như thế bàn về hạnh phúc có phải là một điều không tưởng và một cách thế ru ngủ lòng mình hay không ?

Sau đây tôi xin lược giải về mấy loại hạnh phúc thông thường và phê phán về những thứ đó, rồi đối chiếu với tinh thần chân phúc để kết luận rằng hạnh phúc ở đời này là điều tương đối.

  

I. Phân loại hạnh phúc

Phải nhận rằng có hạnh phúc ở đơi này. Chẳng vậy, tại sao ngưòi ta vẫn cầu cho nhau Trăm năm hạnh phúc và thường bàn tán với nhau về hạnh phúc của người này người kia v.v… Chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật thực tiễn vẫn luôn xưng tụng và cổ võ cho những hình thức hạnh phúc ngay trên cõi đời. Những người theo hai thuyết này muốn thiết lập những thiên đường ngay nơi hạ giới, chứ không phải đợi chờ một thiên đường nào khác ở bên kia thế giới. Hạnh phúc mà họ theo đưổi cũng như đang tìm cách thực hiện, diễn ra dưới mắt mọi người như là một cái gì vừa tầm tay, uyển chuyển và linh động, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện sinh sống của mỗi người. Đó là quan niệm thông thường của mỗi người và có thể tạm gọi là hạnh phúc khả giác.

1. Hạnh phúc khả giác

Gọi là khả giác tất cả những gì người ta có thể nếm cảm, nhìn xem, rung động hay vui thích. Bởi vậy, ăn thấy ngon là sướng, ngủ đẫy giấc là khoái, nhìn cho thỏa mắt là thú, được như điều ước nguyện là vui, kiếm được điều đang tìm là thích. Vui sướng, thỏa thích, khoái lạc,, mãn nguyện, thú vị, phỉ chí, sung sướng, đều là những từ ngữ tương đối đồng nghĩa để diễn tả hạnh phúc khả giác của con người. Phần đông khi nói đến hạnh phúc đều hình dung và diễn tả ra như thế.

Tuy hạnh phúc được bao gồm trong những chữ đó, nhưng mỗi chữ lại diễn tả một nét hạnh phúc khác nhau. Thí dụ bảo rằng người ấy sướng thật. Chữ sướng ở đây theo nghĩa thông thường là không phải khổ. Người ta vẫn cho là sướng những ai “ăn trắng mặc trơn” không phải chân lấm tay bùn, được thảnh thơi nhàn hạ, gặp may mắn về đường tình duyên hay của cải vật chất v.v… Hay bảo rằng di tu sướng thật. Người ta cho đi tu là sướng ở chỗ không phải lo ân lo mặc, tinh thần được thảnh thơi không phải bận tâm những chuyện như người trần gian và đuợc xã hội vị nể ưu đãi v.v… Xem thế, sướng ở đây được coi như một trạng thái an hưởng, một tình thế kéo dài lâu hay chóng, tùy theo những điều kiện vật chất nó đem lại cho người thụ hưởng. Vì thế, khi không còn được hưởng những điều kiện tạo ra cái sướng thì lúc đó con người lại hết sướng rồi. Thành ra nếu hiểu hạnh phúc theo nghĩa sướng thì hạnh phúc đó chỉ là một tình trạng khả giác mau qua. Khi nó qua rồi, người ta lại cho cảm thấy mình khổ.

Ngoài ra, nghe người ta cũng thường bảo : thích nhỉ, sướng nhỉ, mê ly chưa, mùi quá, sướng ghê ! Tất cả những chữ này đều bộc lộ những giờ phút sung sướng người ta đã trải qua. Tuy có sướng thật nhưng là cái sướng trong giây lát. Mà thường người ta lại ưa đi tìm những thứ này lắm, nhất là khi gặp khó khăn hay phải buồn rầu. Nếu có ai nói tới hạnh phúc ở ngoài phạm vi khả giác, thường người ta hay tỏ vẻ hoài nghi và coi đó là chuyện mơ hồ. Thông thường ai cũng cho rằng hạnh phúc phải là cái gì mình có thể hưởng thụ ngay được bằng giác quan. Vì thế, có thể định nghĩa hạnh phúc khả giác là một tình trạng mà trong đó mọi khát vọng và khuynh hướng của con người được thỏa mãn một cách đầy đủ và tức thời.

1.1. Hạnh phúc và hoàn cảnh bên ngoài

Cũng cần nói ngay là hạnh phúc khả giác tùy thuộc khá nhiều ở hoàn cảnh bên ngoài. Do sự tùy thuộc này mà hạnh phúc cũng trở nên hạn chế. Giữa hạnh phúc và hoàn cảnh bên ngoài luôn luôn xuất hiện một tình thế căng thẳng khiến con người như bị giằng co xâu xé. Đang được bình yên mạnh khoẻ, đôi khi tự nhiên lại băn khoăn lo lắng không biết tình trạng này kéo dài bao lâu. Thường chính những lúc được đầy đủ sung sướng nhất, người ta lại hoài nghi lo lắng không biết có được mãi như thế này chăng. Bởi vậy, trong hạnh phúc dường như bao giờ cũng có một bóng mây chập chờn, trừ ra khi người ta nghĩ rằng gió mát mặt lúc này hay lúc ấy, sự gì phải đến sẽ đến, hơi sức đâu mà bận tâm. Vì thế có người nói rằng : “Hưởng hạnh phúc thì luôn luôn làm cho hạnh phúc bớt đi”. hay bi quan hơn một chút; “Hạnh phúc là một câu nói láo. Vì theo đuổi nó mà sinh ra không biết bao nhiêu tai họa cho cuộc đời”. Bởi vậy, nhiều khi trong chính lúc thịnh sự may mắn nhất, có người lại trưởng như mình dang sống trong mơ. Tình trạng căng thẳng này càng thấy rõ, khi con người phải đối mặt với gian nan thử thách, thí dụ khi đau mới biết sức khoẻ là quí, khi bị bom đạn mới thấy hòa bình là một đặc ân.

Thành ra nói được rằng hoàn cảnh bên ngoài chi phối con người trong vấn đề quan niệm và hưởng thụ hạnh phúc. Hạnh phúc không hoàn toàn tùy thuộc con người, tuy con người có thể tạo điều kiện để tìm ra nó. Nhưng những điều kiện đó nhiều khi lại như ẩn hiện và thoát khỏi bàn tay con người. Là người, ai chả muốn tạo ra những điều kiện để được hạnh phúc, nhưng vẫn có người cố tạo ra mà không được. Đó là khi người ta muốn tình thế, sự đời diễn ra theo ý mình nhưng lại không như thế. Nếu xoay hướng được hoàn cảnh bên ngoài thì nhiều người đã không phải khổ. Chính vì thế mà hạnh phúc tùy thuộc một phần ở hoàn cảnh bên ngoài. Khi hoàn cảnh thuận lợi thì người ta bảo là may. May rủi là khi hoàn cảnh bên ngoài xảy ra thuận hợp hay không thuận hợp với điều người ta mong ước. Phúc hoạ của con người cũng một phần tùy thuộc ở may rủi đó. Bởi vậy, con người khó chủ động trong hạnh phúc khả giác, tuy vẫn có thể thụ hưởng nhưng là một thứ thụ hưởng nhất thời.

1.2. Hạnh phúc và khuynh hướng vị kỷ

Ngoài những hoàn cảnh bên ngoài có thể ảnh hưởng đến con người trong vấn đề hạnh phúc, người ta lại còn thấy hạnh phúc khả giác phải đối phó với một khuynh hướng khá quan trọng, đó là khuynh hướng vị kỷ. Điều này rất dễ hiểu vì tự nhiên ai cũng muốn được sung sướng hạnh phúc. Chính khuynh hướng này thu hút mọi khả năng và cố gắng của con người trong việc kiếm tìm hạnh phúc. Người ta mong được hạnh phúc để thoả mãn lòng mình. Mà lòng người lại thích những gì dễ cảm. Thành ra trong phạm vi khả giác, khuynh hướng vị kỷ tỏ ra rất mạnh mẽ như khi đói ai cũng muốn ăn, và khi ăn rồi thì cảm thấy dễ chịu vì không còn bị cơn đói dày vò, và có khi còn thú vị nữa vì đã được ăn ngon. Không ai cấm người ta cảm thấy cái thú vị đó. Có điều nếu ăn chỉ để tìm cái thú vị đó chứ không phải vì cần thiết thì vấn đề lại khác. Tìm vui để tạo ra khoan khoái dễ chịu cho mình, từ xưa đến nay vẫn được xem như một hình thức hạnh phúc thông thường. Hạnh phúc mà không chứa đựng vui thích bên trong đối với phần đông vẫn chưa phải là hạnh phúc. Bởi vậy, khuynh hướng vị kỷ dưới như hình thức gắn liền với việc theo đuổi hạnh phúc khả giác.

Ngoài ra như trên đã nói, hạnh phúc tùy thuộc một phần ở điều kiện bên ngoài. Mà những điều kiện ấy nhiều khi lại không diễn ra như ý người ta muốn. Khi người ta càng muốn kéo sự vật bên ngoài phục vụ mình thì chúng lại như tìm cách lẩn trốn.

2. Hạnh phúc tinh thần hay chân lý

Ngoài hạnh phúc khả giác ra lại còn một loại khác không tùy thuộc ở điều kiện vật chất bên ngoài bao nhiêu, đó là hạnh phúc tinh thần hay luân lý phát xuất từ hoạt động nhân đức. Thuộc loại này là những ai làm việc thiện hay có khả năng thắng vượt khó khăn và chịu đựng hoàn cảnh. Thật vậy, mỗi khi làm xong một việc thiện, tự nhiên ai cũng thấy vui vui. Đây là một niềm vui thanh thoát, vượt lên trên những điều kiện vật chất, Vì là một niềm vui tinh thần nên nhiều khi không hiện ra náo nhiệt bên ngoài và cũng ít tùy thuộc ở điều kiện vật chất hơn. Đó là niềm vui và hạnh phúc của các bậc hiền nhân có thể chấp nhận cái nghèo vật chất hay không cần nhiều thứ vật chất bên ngoài mà vẫn nếm cảm được hạnh phúc bên trong. Vì thế, có những người bên ngoài xem ra chẳng bằng ai, nhưng bên trong lại có một tâm hồn rất phong phú và một sức chịu đựng phi thường. Do đấy, hạnh phúc tinh thần là phần thưởng chính đáng cho những tấm lòng ngay thẳng, nghèo tiền nhưng giầu lòng nhân ái. Xem thế thì hạnh phúc ở đây khác với hạnh phúc do may rủi, vì may rủi không thuộc quyền định đoạt của con người, còn hạnh phúc tinh thần là do con người tạo ra bằng lòng nhân nghĩa và đạo đức của mình. Nó không tùy thuộc ở hoàn cảnh bên ngoài cho bằng xu hướng bên trong, đành rằng phải có hoàn cảnh phù hợp như khung cảnh, bầu khí, lòng người, thời cuộc v.v… con người mới dễ dàng hoạt động cho đạo đức hơn. Đây là một thứ hạnh phúc phát sinh từ lòng người, là kết quả do sự lựa chọn với nhiều hy sinh phấn đấu. Phải chăng vì vậy mới có những người tìm được niềm vui trong đau thương và bằng lòng chấp nhận cực khổ ngoài thân xác để đổi lấy niềm vui trong tinh thần. Đó là trường hợp của những vị anh hùng hay những bậc thánh nhân. 

Nhưng phải công nhận rằng hạnh phúc thuộc loại này không phải là thứ nhiều người ưa chuộng, vì nó không hợp với khuynh hướng thích nhẹ nhàng êm ái của bản tính con người tự nhiên.

3. Mối xung khắc giữa khuynh hướng vị kỷ và giá trị tinh thần 

Tinh thần thường đối chọi với vật chất. Giữa hai phạm vi đó, xung khắc là điều tất nhiên, vì một bên chủ trương lướt thắng, một bên tìm cách thỏa mãn. Vì vậy hạnh phúc tinh thần là kết quả của sự phấn đấu đối với mình và đối với hoàn cảnh và do đấy đi ngược lại với khuynh hướng vị kỷ. Nhưng vị kỷ là một khuynh hướng rất mạnh nơi mỗi người nên thắng được nó quả là gay go.

4. Hạnh phúc nào cũng pha lộn đôi chút vị kỷ

Hạnh phúc tinh thần tuy cao đẹp nhưng vẫn không thoát khỏi pha lộn đôi chút vị kỷ, vì bản chất của hạnh phúc là thỏa mãn lòng mình, dù bất dưới hình thức nào, như Delacroix đã xác định : “Bạn hỏi tôi đâu là hạnh phúc ở trần gian này ? Sau nhiều kinh nghiệm, tôi dám chắc nó hệ tại ở chỗ làm vừa ý mình”.

Thật thế, trong mọi việc lớn nhỏ, ai cũng mong tìm được sự mãn nguyện. Vì vậy, ngay trong sinh hoạt đạo đức, khi làm được một việc thiện, tự nhiên người ta thấyvui như nói ở trên. Niềm vui đó là một ước muốn sống vị tha của mình. Cho nên, dù không tìm kiếm, đôi khi ước muốn đó vẫn lẻn vào. Đó là những cám dỗ thường xuất hiện để làm giảm giá những hành vi đạo đức. Tuy vậy không phải bao giờ những cơn cám dỗ ấy cũng dập tắt được động lực siêu nhiên xui khiến làm việc nhân nghĩa. Trong phần sâu thẳm của lòng người, vẫn còn một nơi dành riêng cho sự cao cả. Đó là những hành động người ta làm do một sức mạnh bên trong thúc đẩy khiến con người bằng lòng chấp nhận khó khăn nguy hiểm. Nhưng bởi đâu lại có động lực mạnh mẽ cao đẹp đó ? Chắc là phải do một lý tưởng nhân ái hay một ý thức hệ nào tốt đẹp lôi cuốn. Đối với người tin Chúa thì đó là do tiếng gọi thúc bách của lòng yêu mến Chúa Ki-tô như thánh Phao-lô nói : “Tình yêu Chúa Ki-tô thúc bách tôi.” 

II. Hạnh phúc theo tinh thần Tám Mối Phúc Thật

Đây là một thứ hạnh phúc lạ đời không thể nào hiểu nổi ngoài tinh thần đức tin. Thật thế, bài giảng trên núi (Mt 5,3-12; Lc 6,20b-26) là một bản văn khó chấp nhận vì tính chất dường như ngược đời của nó. Trái hẳn với thói thường của người trần gian bao giờ cũng đặt căn cứ hạnh phúc trên sự giầu sang phú quí, danh giá thế lực hay vui thú, Chúa Cứu Thế lại đặt hạnh phúc thật trên tinh thần nghèo khó, khiêm nhường, thanh tịnh, trên sự cố gắng giải thoát lòng mình cho khỏi những sự ràng buộc quá nặng nề của vật chất.

Người rao giảng tinh thần nghèo khó, khuyên người ta tìm sự công chính, an ủi kẻ buồn phiền, đau khổ vì bị bách hại. Hạnh phúc mà Người hứa cho trần gian thuộc nội giới nhiều hơn. Đó là sự an vui của tâm hồn thắng vượt được những đam mê bất chính, thản nhiên trước sự vật lộn quay cuồng của nhân thế để chiếm hữu và hưởng thụ, khi những hoạt động như thế làm cho lòng mình trở nên u mê mờ tối và khát vọng không cùng. Mà không phải hạnh phúc đó ngày sau mới đến, nó đến ngay từ đời này, khi người ta rập khuôn đời mình theo lời dạy của Chúa Cứu Thế. Đối với những ai không tin nhận Người thì chẳng thể nói gì hơn với họ được nữa. Vì thế, nếu muốn bàn luận về hạnh phúc theo tinh thần Tám Mối Phúc Thật thì điều kiện cần thiết là phải có đức tin. Vậy theo người công giáo thì hạnh phúc là sống tinh thần Tám Mối Phúc Thật ngay ở đời này, bằng cách noi theo đời sống gương mẫu của Chúa Cứu Thế. Tùy theo sự rập khuôn với cuộc đời đó mà con người đạt tới sự trường sinh vĩnh cửu. 

LM An-rê Đỗ xuân Quế, OP

VỀ MỤC LỤC
NHÀ TỶ PHÚ ROCKEFELLER

 

Nhà tỷ phú Rockefeller đã hai lần tặng cho điện Versailles(Pháp) số tiền hai triệu đô la vào ngân quỹ trùng tu.

Năm 1927, ông sang Pháp định viếng điện Versailles. Ông đến trễ hơn 4 giờ chiều một chút, và không ngờ rằng Điện đã đóng cửa. Ông nhã nhặn trình bày với người gác cổng, nhưng ông không thể vào được, vì đã quá giờ. Rokefeller không phàn nàn gì cả, cảm ơn và trở vể Paris với dự định sáng mai ông sẽ trở lại thăm điện.

Ngay lúc ấy, tình cờ có một người nhận ra ông và cho viên quản thủ Cổ viện biết. Vị này liền đến tận khách sạn nơi ông đang trọ để xin lỗi. Việc này sau được báo chí Pháp đăng tin: “Nhà tỷ phú Mỹ, người đã tặng hai triệu đô la để trùng tu Điện Versailles, bị từ chối không được vào thăm cung điện, mà không hể tỏ một lời phản kháng.”

  * Một phút Suy Tư:  Người ta thường tự hào về những thành tích của mình, và nếu có cơ hội họ sẽ phô trương ngay lập tức. Đặc biệt là những thành tích ấy có thể bảo đảm cho một đặc quyền nào đó. Rockefeller có thể nhận được đặc quyền vào thăm viện Versailles bất cứ lúc nào ông muốn, bởi vì hai triệu Mỹ kim là một số tiền rất lớn. Thế nhưng cách hành xử của ông thật khiêm tốn. Nếu là Rockefeller bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ nổi giận, đứng trước cổng vung gậy lên rồi la lớn: “Gọi Quản thủ ra đây!”, hoặc chỉ thẳng vào người gác cổng nói:”Mày không biết ta là ai sao?

May mà tôi chưa phải là tỷ phú, cũng chưa có một đóng góp nào lên đến to lớn, ấy thế mà đôi lúc cách cư xử của tôi thật thiếu khiêm tốn và bình tĩnh. Thái độ của một người khi đối diện  tình huống bất ngờ, sẽ bộc lộ nguyên hình bản chất tầm thường của họ.

Không thể trong khoảnh khắc mà một người có thể có một đức hạnh như ông Rockefeller. Phải chăng là kết quả của những năm tháng rèn tập lâu dài, trong sự hạ mình và khiêm tốn.

Vì thế, thánh Phaolô đã ca tụng như sau: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa; nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân…”  (Phil 2, 6-7)                

Sưu tầm Định

VỀ MỤC LỤC
Cây bút chì

 

Người chế tạo bút chì, âu yếm cầm cây bút chì riêng ra.

Trước khi xếp vào hộp, người ấy tâm sự với cây bút chì.

“Bút chì ơi, có năm điều ta muốn nhắn nhủ trước khi ta gửi bút chì đi khắp nơi. Bút chì luôn nhớ lấy, đừng bao giờ quên nhé. Và bút chì sẽ trở thành cây bút chì hữu dụng nhất”.

1.    Bút chì sẽ có thể làm được nhiều việc trọng đại, nếu và chỉ nếu bút chì chấp nhận nằm ở trong tay một người.

2.     Thỉnh thoảng, bút chì sẽ chịu gọt dũa đau đớn, nhưng bút chì cần sự gọt dũa để trở thành cây bút chì hữu dụng nhất.

3.     Bút chì luôn có thể sửa lại tất cả những sai lầm đã làm.

4.     Cái quan trọng nhất của bút chì là cái lõi bên trong.

5.     Bất cứ nơi đâu được dùng đến, bút chì phải để lại những dấu vết. Nên trong bất cứ điều kiện nào, bút chì phải tiếp tục viết.

Bạn thân mến,

Thay thế cây bút chì bằng chính bạn. Xin luôn nhớ năm điều, đừng bao giờ quên nhé. Và bạn sẽ trở thành người hữu dụng nhất.

1.    Bạn sẽ có thể làm được nhiều việc trọng đại, nếu và chỉ nếu bạn chấp nhận nằm ở trong tay Chúa. Và cho phép người khác chia sẻ những gì bạn đã lãnh nhận (thời giờ, của cải, tài năng ...).

2.    Thỉnh thoảng, bạn sẽ chịu gọt dũa đau đớn vì những khó khăn trong cuộc sống, nhưng bạn cần sự gọt dũa để trở thành người mạnh mẽ hơn.

3.     Bạn luôn có thể sửa lại tất cả những sai lầm đã làm.

4.     Cái quan trọng nhất của bạn là cái tâm bên trong.

5.      Bất cứ nơi đâu bạn đến, bạn phải để lại những dấu vết. Nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn phải tiếp tục chu toàn trách nhiệm của bạn.

Bạn thân mến,

Can đảm lên. Bạn là người duy nhất, đặc biệt và chỉ có bạn mới có thể chu toàn mục đích vì đó mà bạn được sinh ra. Đừng nản chí. Đừng thất vọng. Đừng bao giờ nghĩ đời bạn không có ý nghĩa và không thể thay đổi.

03-04-2006

Lm. Giuse Ngô Văn Thích, OP.

VỀ MỤC LỤC

CÂU CHUYỆN THẦY LANG

Phở Gà, Nước Béo.

 

-“ Còn tôi, thì cho một tô gà da đùi, hai cái trứng non và vài thìa nước béo! À, nhớ cho mấy ngọn hành trần nữa nhé”

-“ Thôi đi ông ơi! Vừa mới thông tim, máu đầy những mỡ mà còn bầy đặt nước béo với trứng gà”.

Ông chông yêu đời cười cầu tài:

-“ Thì đã có mẹ nó lo. Nữ điều dưỡng viên chuyên ngành  chứ bộ giỡn à”.

Đây chẳng phải là mẩu chuyện ít nghe thấy ở cõi đời ngày nay. Mời nhau đi ăn, ai cũng dè dặt ngại ngùng, nhất là tiệc tùng cưới hỏi. Quanh đi quẩn lại cũng vẫn mấy món béo ngậy những bơ, những mỡ, những thịt. Thì ra con người bây giờ lo tìm cách làm sao ăn ít đi, chứ không như một vài động vật lo kiếm không đủ thực phẩm để lót bao tử.

Mỡ béo là thực phẩm nhiều người e ngại nhất.

Nghĩ cũng tội nghiệp cho những tảng mỡ hồng hào, đẹp mắt này. Không có nó thì làm sao có làn da mịn màng, mát rượi của những ngón thon tay cho người tình ve vuốt, nâng niu; lấy gì để cấu tạo màng tế bào; lấy chi làm phương tiện chuyên trở các sinh tố hòa tan trong dầu cũng như cung ứng năng lượng cho nhu cầu của cơ thể. Chất béo cho số năng lượng nhiều gấp đôi chất đạm, chất tinh bột đấy ạ. Và còn nhiều ích lợi khác...

Nhưng nhiều béo thì lại mập ù. Đàn bà mập đùi mập mông, đàn ông mập bụng, như trái lê, trái táo. Mập thì nom cũng khác đi chút đỉnh, mất eo, mất õng ẹo, mất belly-dancing. Nhưng ngại hơn là chất béo đóng vào thành động mạch, làm tắc nghẽn, xơ cứng.

Đi thăm ông bà lang tây mà được báo rằng máu có nhiều cholesterol là nhiều người chẳng thấy vui gì. Lại có than phiền, kể lể. “ Chị ơi, em chẳng dám ăn bún bò giò heo nữa đâu, bác sĩ bảo em phải kiêng vì cái LD của em nó cao mà HD lại thấp. Em chỉ ăn với chị bữa nay thôi nhé. Rồi kiêng cho tới đầu tuần sau mình hãy đi ăn”.Bữa nay là ngày thứ Sáu…

Hai cái LL, HH này là cái gì nhỉ?

Anh hai HDL là cholesterol Hiền lành. Nó ít gây đóng mỡ mà lai còn mang cholesterol vào gan rồi đưa ra ngoài. Cho nên ai thấy nó trên con số 45 là mừng húm như trúng sổ số tombola.

Còn đứa em song sanh LDL thì Láo lếu, Lì lợm. Nó mà cao trên 160 là tim mạch đi đong dễ như chơi.

Bà má ruột của chúng, chị Cholesterol, chỉ số càng thấp càng tươi mát. Dưới 200 là lý tưởng tuồng Tầu.

Mấy bà nội trợ hồi này hồ hởi rủ nhau mua dầu thực vật về sào rau, chiên cá. Các bà tránh mỡ heo, mỡ bò như tránh tà ma, ôn dịch. Như vậy cũng tốt đi. Vừa rẻ tiền vừa an toàn xa lộ vì thực vật không có cholesterol.

Mà đúng ra, ta cũng chẳng cần phải ăn nhiều thực phẩm có bà má lắm chuyện này. Cơ thể ta với lá gan nặng một kí rưỡi có khả năng tạo ra được hầu hết số lượng cholesterol cần thiết. Đủ để là thành phần của kích thích tố nữ cho quý bà quý cô có vòng số một nhô to như sân trực thăng trên hàng không mẫu hạm; cho quý ông có nhiều testosterone mà “ đêm bẩy ngày ba, vào ra không kể”...

Nói đến chiên cá lại nhớ đến việc các ông các bà thầy dùi y học mũi lõ mắt xanh cũng như da vàng tóc đen. Hồi này các trự đăng đàn báo nghe, báo đọc hơi nhiều: để cổ võ bá tánh “giảm Nhục, tăng Ngư”. Coi bộ các bạn ta trúng mối, lượm nhiều hoa hồng xuất cảnh cá ba xa Cần Thơ, Bà Rịa hoặc cá mèo Vĩnh Ninh, Nam Định.

Nhưng thực tâm mà nói, ăn cá cũng có nhiều cái lợi. Cá nằm trong nước, ăn rêu ăn rong hoặc “ cá lớn nuốt cá bé”, nên cũng ngon thịt hơn mà lại dễ tiêu. Rồi lại có nhiều chất béo hiền hòa, những Omega- trois, Omega- six- neuf...( Omega- 3; 6- 9..).

Các ông bà nghiên cứu thì cứ quả quyết là omega hạ má cholesterol cũng như dẹp bớt nàng LDL Lếu Láo trong máu. Một tuần mà làm hai lần hoặc cháo cá quả gia truyền Văn Quang hoặc gỏi cá lá xung  là số dách. Mẹ con nhà Cholesterol, LD là cứ tha hồ theo nhau mà xuống dốc.

Mấy ông kiểm soát thực phẩm khắp nơi cũng như các tay đầu tư đông bạc hồi này chiếu tướng các nhà sản xuất thực phẩm kiểu “Mì ăn liền” hơi nhiều. Món ăn làm sẵn mua xong vừa ăn vừa thổi. TV dinner  đông lạnh về thẩy  vào lò vi ba dăm phút là sẵn sàng cho việc “ cơm nước xong, trời vừa tới”. Bát chén giấy, ăn xong vứt bỏ. Chẳng phải lách cách nấu nướng bếp núc. Chẳng phải rửa chén rửa bát.

Xong bữa, vợ chồng phưỡn bụng ngồi coi phim bộ tới khuya chẳng cũng thư giãn hay sao! Mời nhau thêm lon nước ngọt nhiều đường, thùng pop corn đầy bơ. Để lâu lâu “ Tay ải tay ai” thì lại càng thơ mộng, động tình. Việc gì phải Viagra hoặc Hawai, Singapore, Hong Kong cho tốn tiền mà lại còn sợ bị không tặc hiểm nguy. Chỉ tội một điều là liên tục như vậy thì lên cân cũng lẹ nhất là ngày đêm “ngọa triều”, tĩnh tại triền miên.

Nhưng...

Các nhà ngôn ngữ học thật “nát chuyện”. Tại sao lại đặt ra những NHƯNG, những NẾU trong ngôn ngữ Việt Nam cho cuộc đời thêm phức tạp.

Vâng, nhưng những món ăn làm sẵn, ăn liền này chúng cũng bố lếu bố láo lắm cơ. Chất mỡ đã béo ngậy mà muối biển cũng mặn như ...muối. Mà con người ăn vào lại khoái khẩu mới chết chứ. Cho nên mới muốn- ăn -thêm. Nào khoai chiên, gà rán... Toàn chiên bằng chất béo có hại trans fatty acid không à! Cái anh mỡ béo ác ôn này là vua phá hoại, chuyên gia đặt cốt mìn dọc theo xa lộ tuần hoàn đấy. Quý ông công an khu vực cần canh chừng chúng cẩn mật.

Và các quan kiểm soát thực phẩm đã cảnh giác nhà sản xuất đổi cách nấu chiên, các tay đầu tư dọa rút vốn. Bộ con dân hiền lành của người ta mà cứ nhè đầu độc mãi thì đâu có được. Coi chừng kẻo mập phì cả nước bây giờ!!! Lại còn nghẹt tim, tai biến não, nhồi máu cơ tim...

Các ông Y tế chỉ thị là chỉ nên ăn 30% tổng số chất béo một ngày. Sữa thì bớt béo, gà bỏ da, trứng bốn trái một tuần. À, cái vụ trứng gà này thì các ông bạn Tiên Chỉ, chiếu trên độc quyền nhâm nhi thủ lợn, gan bò cần nhớ nhé. Kẻo quý hiền thê lại phải nhắc nhở, canh chừng.

Ôi! cái ông đốc tờ này cũng nhiêu khê, lắm chuyện.

Vợ mình như cái “thùng tố nô” thì khen đẹp rối ra rối rít. Mà cứ bầy đặt nói chuyện kiêng khem, ăn uống béo gầy.

Kệ chúng tôi. Ngon miệng là tôi... cứ sơi. I don’t care! Que sera, sera!!

Cứ ăn cho sướng miệng các cụ ạ. Phở tái mà không có tí nước vàng béo ngậy thì thà ăn cháo trắng với muối vừng. Thịt bíp tếch toàn nạc thì khác gì nhai miếng bông gòn trong miệng, nuốt mãi không trôi. Phải không a ...thưa các cụ !! (xin cho tràng pháo tay)

Vâng thì tùy cụ.

Chỉ ngại là ông nhà hòm Tobia với tấm vé tầu hỏa đang đứng đợi trước cửa, chờ giờ vào đón ra đồng vui với giun với dế. Hoặc chú đốc Nguyên sẵn sàng thông mạch máu, rồi nhẹ nhàng đếm bạc, gửi ngân hàng.

Ai buồn, ai vui?!

Bác Sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC Texas-Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************