Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 11, Chúa Nhật 26.3.2006


  CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH              MỤC LỤC

LIÊN LẠC GIỮA LINH MỤC VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC                                                            Vatican 2

LEVEZ-VOUS! ALLONS!   ĐỨNG DẬY! TA ĐI NÀO!                                              + ĐTC Gioan Phaolo 2 

LỜI  NHẬP  THỂ                                                                                                     + Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Sứ điệp của Nước                                                                                                     Lm. Nguyễn Ngọc Long

TRÁCH NHIỆM LIÊN ĐỚI                                                                                               Lm. Đỗ Vân Lực, OP.

GIÁO THUYẾT & TRUYỀN THỐNG                                                                        Phó tế JB. Nguyễn Định

TIỀN CỦA LÀ MỘT ÔNG CHỦ XẤU NHƯNG CŨNG LÀ MỘT ĐẦY TỚ TỐT         Tu sĩ Bùi Ngọc Điệp

Ít suy tư về tính đặc thù  của cơ quan  bác ái CARITAS của Giaó Hội     Bác Sĩ  Nguyễn Tiến Cảnh

Giấc Ngủ Trưa                                                                                                                  Bác Sĩ Nguyễn ý Đức

NHỮNG BIẾN CHỨNG TRONG CUỘC ĐỜI                                                                   Lm. Lê Văn Quảng

 

II. LIÊN LẠC GIỮA LINH MỤC VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC

LTS :

Kính thưa Quí vị,

Bốn mươi năm sau Thánh Công Đồng Vatican II, Dân Chúa tại Việt Nam vẫn chỉ biết rất ít về những nội dung canh tân mà Giáo hội toàn cầu đã công bố rộng rãi. Trước sự thúc bách ấy và trong khả năng hạn hẹp của minh, GSVN sẽ cố gắng giới thiệu những bản văn quan trọng. Trước hết là sắc  lệnh PRESBYTERORUM ORDINIS, về chức vụ và đời sống các linh muc. (Bản dịch của GHHV Pio X, 1975).

Sắc Lệnh về Chức vụ & Đời sống các Linh mục

CHƯƠNG II

THỪA TÁC VỤ CỦA LINH MỤC

II. LIÊN LẠC GIỮA LINH MỤC VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC

Tất cá các Linh Mục, hiệp nhất với các Giám Mục, đều tham dự cùng một chưc Tư Tế và thừa tác vụ duy nhât của Chúa Kitô; cho nên, chính tính cách duy nhất của việc thánh hiến và sứ mệnh đòi phải có sự hiệp thông phẩm trật giữa các ngài và hàng Giám Mục; đôi khi mối hiệp thông đó được biểu hiện một cách rất cao đẹp trong việc cùng cử hành phụng vụ, và một cách minh nhiên trong khi cử hành Phép Thánh Thể. Do đó, vì ơn Chúa Thánh Thần ban cho các Linh Mục khi lãnh nhận Chức Thánh, các Giám Mục phải coi các ngài như những trợ tá và cố vấn cần thiết trong thừa tác vụ, cũng như trong chức vụ dạy dỗ, thánh hóa và chăn dắt dân Chúa. Ngay từ thời xa xưa của Giáo Hội, các bản văn phụng vụ đã mạnh dạn công bô điều đó khi long trọng cầu xin Chúa ban cho Linh Mục sắp thụ phong “tinh thần ân sủng và khôn ngoan, để ngài giúp đỡ và điều khiển dân chúng với một tâm hồn trong sạch”; cũng như xưa trong sa mạc, tinh thần của Môisen đã lan truyền sang tâm trí của bảy mươi người khôn ngoan “để dùng họ như những trợ tá, ông dễ dàng cai trị đám quần chúng đông đúc trong dân”: chính vì sự hiệp thông trong cùng một chức Tư Tế và thừa tạc vụ, các Giám Mục phải coi các Linh Mục như anh em và bạn hữu, và hêt sức lo lắng đến lợi ích vật chất và nhất là thiêng liêng của các ngài. Thực vậy, trước hết các ngài gánh lấy trọng trách thánh hóa các Linh Mục của mình: do đó các ngài phải hết sức chú tâm đến việc đào luyện liên tục các Linh Mục của mình. Các Giám Mục phải sẵn sàng lắng nghe, hơn nữa phải hỏi han và đối thoại với các Linh Mục về những vấn đề cần thiết cho công việc mục vụ và ích lợi cho giáo phận. Nhưng để thực hiện điều đó, phải tùy theo phương thức thích nghi với những hoàn cảnh và nhu cầu ngày nay, tùy hình thức và tiêu chuẩn do quy luật ấn định, mà thành lập một hội đồng hay một nguyên lão viện các Linh Mục, đại diện cho Linh Mục Đoàn, để có thể góp ý kiến giúp đỡ Giám Mục một cách hữu hiệu hơn trong việc quản trị địa phận.

Phần các Linh Mục, nên nhớ rằng: các Giám Mục lãnh nhận sung mãn Bí Tích Thánh Chức, nên phải tôn trọng nơi các Ngài quyền bính của Chúa Kitô, Chủ Chăn tối cao. Vậy các Linh Mục phải kết hiệp với Giám Mục bằng tình thương yêu chân thành và lòng vâng phục. Được thấm nhuần tinh thần cộng tác, đức vâng phục của Linh Mục, đặt nền tảng trên chính việc tham dự vào thừa tác vụ của Giám Mục, mà các Linh Mục đã lãnh nhận khi chịu Bí Tích Thánh Chức và bài sai do Đức Giám Mục trao.

Ngày nay, sự hiệp nhất giữa các Linh Mục và các Giám Mục lại càng khẩn thiết hơn, vì trong thời đại chúng ta, bởi nhiều lý do, các công cuộc tông đồ không những cần phải mang rất nhiều hình thức khác nhau, nhưng thật ra còn cần phải vượt khỏi giới hạn giáo xứ hay giáo phận. Vậy, không một Linh Mục nào có thể chu toàn đầy đủ sứ mệnh của mình một cách lẻ loi và hầu như riêng rẽ, nhưng phải hiệp sức với các Linh Mục khác, dưới sự điều khiển của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội.

Khi gia nhập hàng Linh Mục nhờ Bí Tích Thánh Chức, tất cả các Linh Mục liên kết mật thiết với nhau bằng một tình huynh đệ do bí tích; nhưng đặc biệt trong một giáo phận, khi được chỉ định phục vụ dưới quyền Giám Mục của mình, các ngài hợp thành một Linh Mục Đoàn duy nhất. Thực vậy, tuy giữ những chức vụ khác nhau, nhưng các ngài vẫn thi hành một thừa tác vụ Tư Tế duy nhất cho loài người. Thật thế, tất cả các Linh Mục đều được sai đi để cùng cộng tác vào một công việc: hoặc thi hành thừa tác vụ ở giáo xứ hay liên xứ, hoặc giúp vào công cuộc nghiên cứu khoa học hay dạy học, hoặc làm việc chân tay khi được Giáo Quyền hữu trách chấp nhận và được coi là có lợi ích để chia xẻ số phận của chính các công nhân, hoặc sau hết, chu toàn những công việc tông đồ khác, hay những việc chuẩn bị cho công cuộc tông đồ. Nhưng tất cả các

Linh Mục đều phải hướng về mục đích duy nhất này là xây dựng Thân Thể Chúa Kitô; việc này đòi hỏi rất nhiều nhiệm vụ khác nhau cũng như nhiều thích nghi mới mẻ, nhất là trong thời đại chúng ta. Bởi thế, điều rất quan trọng là tất cả các Linh Mục, triều cũng như dòng, phải giúp đỡ nhau, để luôn luôn là những cộng tác viên của chân lý. Vì vậy, mỗi vị liên kết với những thành phần khác của Linh Mục Đoàn bằng những mối dây đặc biệt của tình bác ái tông đồ, của thừa tác vụ và tình huynh đệ: điều này đã được biểu hiện trong phụng vụ ngay từ thời xa xưa, khi các Linh Mục hiện diện được mời cùng với Giám Mục chủ phong đặt tay trên vị tiến chức, và khi các ngài đồng tâm cùng cử hành Bí Tích Thảnh Thể. Vậy, mỗi Linh Mục hiệp nhất với các anh em Linh Mục khác bằng mối dây bác ái, cầu nguyện và cộng tác dưới mọi hình thức, và như thế, thể hiện được sự hiệp nhất mà Chúa Kitô đã thiết lập giữa các môn đệ mình, để thế gian nhận biết Chúa Con đã được Chúa Cha sai đến.

Bởi vậy, những Linh Mục lớn tuổi hãy thực sự đón nhận các Linh Mục trẻ như là những người em và hãy giúp đỡ họ trong những công tác cũng như những gánh nặng đầu tiên của thừa tác vụ; hơn nữa, các ngài nên cố gắng hiểu biết tâm trạng của họ, dù khác với tâm trạng mình, và theo dõi các công việc của họ với lòng nhân hậu. Cũng thế, các Linh Mục trẻ phải kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các vị lớn tuổi cũng như phải bàn hỏi với các ngài về những vấn đề liên quan đến việc coi sóc các linh hồn và sẵn lòng cộng tác với các ngài.

Trong tinh thần huynh đệ đó, các Linh Mục đừng quên lòng hiếu khách, phải lo làm việc thiện và san sẻ của cải, nhất là phải chú tâm đên những vị đau yếu, phiền muộn, lao lực, cô đơn, bị đày ải và ngay cả những vị bị bách hại. Các ngài cũng hãy sẵn lòng và vui vẻ họp nhau để tỉnh dưỡng tâm hồn, vì nhớ lại những lời mà chính Chúa đã mời gọi các Tông Đồ mệt mỏi: “Các con hãy đến nơi thanh vắng và nghi ngơi một chút” ( Mc 6, 31). Ngoài ra, để giúp nhau vun trồng đời sống thiêng liêng và trí thức, để có thể cộng tác với nhau đắc lực hơn trong thừa tác vụ, và để tránh những nguy hiểm có thể xẩy ra do sự cô đơn, các Linh Mục phải cổ võ một đời sống chung, hoặc một lối sống cộng đoàn nào đó. Việc này có thể thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau tùy những nhu cầu khác biệt thuộc cá nhân hay mục vụ: như ở chung nơi nào có thể hoặc ăn chung hoặc ít là có những cuộc họp mặt thường xuyên và định kỳ. Cũng nên thành lập và nhiệt liệt khuyến khích các hiệp hội Linh Mục mà nội quy đã được giáo quyền hữu trách chuẩn nhận, những hiệp hội này cổ võ các Linh Mục nên thánh trong khi thi hành thừa tac vụ bằng cách tổ chức một đời sống thích nghi đã được thỏa thuận với nhau và bằng sự tương trợ huynh đệ; như vậy những hiệp hội đó hướng về việc phục vụ toàn thể hàng Linh Mục.

Sau hết, vì liên kết với nhau trong chức Linh Mục như thế, nên các ngài phải biết rằng mình đặc biệt có trách nhiệm đối với những vị đang gặp những hoàn cảnh khó khăn; các ngài phải kịp thời giúp đỡ, và nếu cần phải khuyên bảo một cách tế nhị. Đối với những vị khiếm khuyết vê một vài vấn đề nào đó, các ngài phải luôn lấy tình bác ái huynh đệ và quảng đại mà đối xử, lại phải cầu nguyện rất nhiều với Chúa cho các vị đó, và phải luôn tỏ ra mình là anh em bạn hữu đích thực của họ.

Do Bí Tích Thánh Chức các Linh Mục Tân Uớc, thi hành nhiệm vụ rất cao cả và cần thiết là làm Cha và làm Thầy trong Dân Chúa và cho Dân Chúa, nhưng đồng thời cùng với mọi Kitô hữu, các ngài cũng là môn đệ Chúa Kitô, được mời gọi dự phần trong Nước Chúa nhờ ơn gọi của Người. Thật vậy, cùng với tất cả những ai được tái sinh trong suối nước Rủa Tội, các Linh Mục là những anh em giữa các anh em mình, là chi thể của cùng một Thân Thể duy nhât của Chúa Kitô mà mọi người có nhiệm vụ xây dựng.

Như vậy các Linh Mục phải lãnh đạo làm sao để không tìm tư lợi, nhưng tìm lợi ích cho Chúa Giêsu Kitô; các ngài hợp tác với giáo dân và cùng với họ, xử sự theo gương Thầy, Đấng đến ở giữa mọi người “không để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình thay cho nhiều ngựời” (Mt 20, 28). Các Linh Mục phải thành thật nhìn nhận và nêu cao phẩm giá và vai trò riêng biệt của giáo dân trong sứ mệnh Giáo Hội. Các ngài cũng phải thành thật kính trọng sự tự do chân chính mà mọi người có quyền được hưởng trong xã hội trần gian. Các ngài phải sẵn lòng lắng nghe giáo dân lưu ý đến các nguyện vọng của họ trong tinh thần huynh đệ, nhìn nhận kính nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân sinh, để cùng với họ có thể nhận biết những dấu chỉ của thời đại. Trong khi nghiệm xem các tinh thần có phải từ Thiên Chúa đến hay không các ngài phải lầy tinh thần đức tin mà khám phá, vui mừng mà nhận biết, và chuyên cần phát triển những đoàn sủng đa dạng của giáo dân, từ đoàn sủng bé nhỏ nhất đến đoàn sủng cao cả nhất. Trong những đặc ân mà Thiên Chúa ban tràn đầy trên các tín hữu, phải đặc biệt lưu tâm đến những ơn lôi kéo một số giáo dân tiến xa hơn trên đường thiêng liêng. Cũng thế, các ngài phải tin tưởng trao phó nhiệm vụ cho các giáo dân trong việc phục vụ Giáo Hội, để cho họ được tự do và có lãnh vực hoạt động, hơn nữa lúc thuận tiện, phải khuyên  khích họ tự ý đảm trách công việc.

Sau cùng, các Linh Mục được đặt giữa giáo dân để dẫn đưa mọi người về hiệp nhất trong đức ái, hãy “thương yêu nhau với tình bác ái huynh đệ, thi đua tôn trọng lẫn nhau” (Rm 12, 10). Vậy các ngài phải tìm cách hòa hợp các tâm trạng khác nhau, để không ai cảm thấy mình xa lạ trong cộng đoàn tín hữu. Các ngài là những người bênh vực ích chung mà các ngài coi sóc nhân danh Giám Mục, và đồng thời là những người can đảm bảo vệ chân lý để các tín hữu không bị lôi cuốn bởi bất cứ luồng lý thuyết nào. Các ngài phải đặc biệt lo lắng đến những kẻ đã xao lãng việc lãnh nhận các bí tích, và những kẻ có lẽ đã mất đức tin; như những người chăn chiên nhân lành các ngài đừng quên lui tới thăm nom họ.

Các ngài phải lưu tâm đến những qui tắc về đại kết để đừng quên những anh em không được cùng chúng ta thông hiệp trọn vẹn với Giáo Hội.

Sau hết các ngài phải đặc biệt coi sóc tất cả những người chưa nhận biết Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc mình.

Nhưng chính các Kitô hữu phải ý thức rằng mình có trách nhiệm đối với các Linh Mục của mình, và phải lấy lòng thảo hiếu mà đối xử với các ngài như những chủ chăn và như là Cha mình vậy;  cũng thể, họ phải chia xẻ những nỗi lo âu của các ngài, giúp đỡ các ngài bằng lời cầu nguyện và bằng việc làm càng nhiều càng hay, để các ngài có thể thắng vượt những khó khăn một cách dễ dàng hơn, và chu toàn trách vụ của mình một cách hữu hiệu hơn.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
LEVEZ-VOUS! ALLONS!   ĐỨNG DẬY! TA ĐI NÀO! 

 

ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II

ĐỨNG DẬY! TA ĐI NÀO! 

Hương Vĩnh dịch

  LỜI DỊCH GIẢ:

LÊNH ĐÊNH TRÊN MẶT ĐẠI DƯƠNG

Những ai có dịp tham gia một chuyến hải trình bằng du thuyền sẽ đánh giá cao những vị thuyền trưởng cùng nhân viên phục dịch trên những du thuyền đó. Đặc biệt, những du thuyền xuôi ngược theo những hải trình ở vùng Biển Caribbean, thường ghé qua những trạm ngừng tại Cayman Island, Cozumel, Belize city và Costa Maya với cảnh trí thật tuyệt vời!

Trong những trạm trên đây, trạm dừng tại bãi biển COZUMEL là nơi mà tháng 11 năm 2005 vừa qua đã xảy ra một trận bão tố dữ dội khiến sóng biển dâng lên tràn ngập miền duyên hải và cuốn lôi những quán xá xuống biển. Những vết tang thương hiện còn để lại nơi đó. Những hàng dừa cao và cây xanh bóng mát xinh đẹp trước kia nay trở nên hoang tàn.

Qua mạng truyền hình trong thời gian đó, thường xuất hiện hình ảnh những chiếc du thuyền bập bềnh trên sóng nước thật hãi hùng! Chắc chắn các vị thuyền trưởng lúc bấy giờ phải tận dụng hết khả năng để giữ vững con tàu vượt qua mọi cơn phong ba bão táp.

Cương vị của Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội Công Giáo cũng tương tự vai trò của vị thuyền trưởng trên một du thuyền ở giữa đại dương. Vị thuyền trưởng đem hết sức mình để cùng với các cấp chỉ huy và thủy thủ đoàn cố gắng lèo lái con tàu an toàn, hầu mọi du khách được vui hưởng những ngày thích thú bình an trong chuyến hải trình. Tương tự, Đức Giáo Hoàng cùng với Giám Mục Đoàn ngày đêm cật lực chèo chống con thuyền Giáo Hội vượt qua đại dương trần thế trong mọi thời kỳ đảo điên ngõ hầu đến bến an toàn.

Ngày 02-04-2006 tới đây kỷ niệm một năm Đức Thánh Cha Gioan Phao-lồ II băng hà. Ngài là một vị Giáo Hoàng hiện đại nêu gương “MỤC TỬ CHÂN CHÍNH” cho hết mọi mục tử trong Giáo Hội Công Giáo ngày nay. Những tâm tình mục tử của ngài đã được chính ngài ghi lại trong quyển tự thuật dưới nhan đề LEVEZ-VOUS! ALLONS!” (ĐỨNG DẬY! TA ĐI NÀO!) vào năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 45 năm tấn phong giám mục và 25 năm triều đại giáo hoàng của ngài. Ngài được yêu cầu viết ra những hoài niệm liên tục kể từ năm 1958 là năm ngài được bổ nhiệm giám mục. 

Đức Thánh Cha thuật lại những gì Chúa Quan Phòng đã tiên liệu cho ngài. Độc giả say mê quyển sách đó vì những “TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI MỤC TỬ” tỏ lộ nơi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, khi Ngài còn là Giám Mục, Tổng Giám Mục, cho đến Hồng Y rồi Giáo Hoàng.

Suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, một số giáo hoàng đã trải qua những cơn “phong ba bão táp” kinh hồn của những thời đại tương ứng, như Đức Thánh Cha Piô XII trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Riêng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị cũng gặp những đại họa không kém phần dữ dội, từ sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản tại các nước Đông Âu và Nga Sô đến những băng hoại về mặt luân lý mà ngài mệnh danh là “VĂN MINH SỰ CHẾT”, chà đạp lên triệu triệu sinh mạng thai nhi và con người mỗi năm.

Khi viết về cuộc đời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, những khía cạnh trên đây đã được nhiều tác giả nhắc tới. Tuy nhiên Giáo Hội đang đứng trước một thách đố lớn lao xảy ra ngay trong lòng Giáo Hội: đó là “THÁI ĐỘ SỐNG CỦA CÁC MỤC TỬ” trong vai trò dẫn dắt đoàn chiên của Chúa.

Đành rành môi trưòng mục vụ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xảy ra trong một thời điểm khác, với một không gian và thời gian đặc thù, nhưng “TINH THẦN CŨNG NHƯ TÂM TÌNH MỤC TỬ” của ngài thì chung cho hết mọi mục tử, vượt qua mọi không gian và thời gian cố định, để trở nên ngọn đèn soi sáng các mục tử khắp nơi, ngõ hầu “chăn dắt những đoàn chiên con và chiên mẹ của Chúa Kitô” theo tâm tình và ý hướng của Chúa.

Khi tham gia những cuộc du thuyền trên đại dương, những chuyện bất trắc thường xảy ra cho du khách, như bị mất tích khi lên bờ du ngoạn, hoặc thất lạc khi đi mua sắm nhưng quên giờ giấc về tàu… Đó cũng là những hình ảnh bi thương thường xảy ra trong con tàu Giáo Hội. Sự kiện một số người lìa bỏ Giáo Hội ra đi một nơi vô định hay bị trễ tàu…trong thời đại nào cũng có. Ca dao Việt-Nam có câu:

  Lênh đênh qua cửa Thần Phù,

   Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.”

Trách nhiệm các cấp mục tử trong Giáo Hội thật nặng nề biết bao! Các mục tử phải dẫn dắt Giáo Hội để không một ai bị chết chìm hay phải hư mất giữa đại dương trần thế, như lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly: “Con đã canh giữ và không một ai trong họ phải hư mất…” (Gio 17, 12).

Khi nhắc tới khuôn mặt khả kính của Đức Cha Karol Joséf Vojtyla, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Cracovie – tức Đức Thánh Cha Gioan Phao-lồ II sau nầy - người ta không thể quên được khuôn mặt khả ái của Đức Cha Phi-líp-phê Nguyễn-Kim-Điền, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế, Việt-Nam, trước đây.

Trong “THƯ MỤC VỤ” ngày 19/10/1985, gởi các linh mục, nam nữ tu sĩ và toàn thể giáo dân Giáo Phận Huế, Đức Tổng Giám Mục Phi-lip-phê Nguyễn-Kim-Điền đã viết:

Năm 1981, khi nhóm họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, tôi đã tuyên bố điều nầy: "Trong quá khứ, nhiều Giám Mục đã chết để bênh vực quyền lợi Giáo Hội. Nhưng hiện nay, có Giám Mục nào sẵn sàng chết để bênh vực nhân quyền không?"

Ngày nay tôi được toại nguyện: Thiên Chúa kêu gọi tôi chịu lao tù và chết để bênh vực nhân quyền và công lý.

……

Nhưng khi luật lệ ngược với Thánh Ý Thiên Chúa, vi phạm nhân quyền mà luật căn bản nhất là tự do tín ngưỡng, lúc đó, như tôi đã đăng ký trong biên bản lập tại sở công an tỉnh Bình Trị Thiên ngày 15/10/1984: Như các thánh Tông Đồ khi xưa và các vị Tử Đạo mọi đời, tôi phải tuân phục luật Chúa hơn luật loài người’.

Kết quả của việc đăng ký trên là lao tù và chết chóc. Những kết quả nầy, vị chủ chăn của anh chị em, ngày hôm nay đã sẵn sàng đón nhận. Ngài vui lòng đón nhận những kết quả đó như phần thưởng Chúa ban sau 25 năm Giám Mục, trong đó, 22 năm phục vụ Giáo Phận HUẾ.

……

Giờ đây, thưa anh chị em thân mến, tôi chỉ xin anh chị em một điều: Đội ơn Thiên Chúa với tôi, và tăng thêm lời cầu nguyện để tôi hoàn toàn trung tín với Thiên Chúa và Giáo Hội cho đến hơi thở cuối cùng.”

Với lời nguyện ước “trung tín cho đến hơi thở cuối cùng”, Thiên Chúa đã ban cho ngài một cái chết đầy quả cảm, một cái chết đã chinh phục lòng thương mến của mọi người – giáo dân cũng như lương dân.

Trong tang lễ của ngài ngày 15 tháng 6 năm 1988, một người ngoại đạo đã thổ lộ những tâm tình thương mến qua những vần thơ dưới đây. Tác giả đã ký tên “TỪ TÂM”, nhưng không rõ đó là tên thật, bút hiệu hay pháp danh.

 

LÒNG NGƯỜI NGOẠI ĐẠO

Kính gởi

Hương Hồn Đức cố Tổng Giám Mục Phi-lip-phê Nguyễn-Kim-Điền

ngày ngài quá cố 08-06-1988

Con đến Phủ-Cam giữa ngày tang lễ,

Góp nỗi buồn trong muôn vạn niềm đau.

Hàng triệu tín đồ sát cánh bên nhau,

Vạn vật đổi thay, lòng TIN bất diệt.

 

Cha với con tuy chưa từng quen biết,

Lòng kính yêu Cha vô bến vô bờ.

Sống giữa muôn người con vẫn bơ vơ,

Nhiều lúc tâm tư hướng về tôn giáo.

 

Nhưng, tổ tiên con tám đời ngoại đạo,

Lẽ nào con trái ý tổ tiên mình.

Con sống sao cho trọn nghĩa trọn tình,

Dù quá gian lao, dù nhiều đau khổ.

 

Nếu phải chết để đền ơn tri ngộ,

Con tiếc chi chút bèo bọt hình hài.

Con đứng từ xa, cúi mặt trước quan tài,

Tình mến bao la, ngậm ngùi trong thương tiếc.

 

Con trân trọng kính gởi Cha lời CHÀO VĨNH BIỆT

Đến Giáo Hội Việt-Nam lời chia buồn thắm thiết

Của người con ngoại đạo kính yêu Cha.

 

Vừng trán thông minh, can đảm hiền hòa,

Thắm đượm tình thương qua nhiều di ảnh.

Ánh mắt long lanh, chứa đầy sức mạnh,

Giản dị trên đầu chiếc nón bài thơ.

 

Cha mất đi, một chuyện quá bất ngờ,

Đau xót xiết bao “người còn kẻ mất”.

Thể xác Cha nằm yên trong thánh thất,

Linh hồn Cha về cạnh Đức Chúa Trời.

 

Cha để lại cho đời

Một lòng TIN bất diệt,

Với khuôn mặt trang nghiêm,

Với tinh thần quyết liệt,

Lưu lại ân tình trong hàng triệu con chiên,

Khi nhắc tên Cha “GIÁM MỤC NGUYỄN KIM ĐIỀN”

Thánh đường Phủ-cam Ngày tang lễ 15-06-1988

TỪ TÂM

Khi còn là tổng giám mục Cracovie, Đức Cha Karol Vojtyla đã hỗ trợ  “Phong Trào Ốc Đảo” và ngài đã tham dự  những trại hè được tổ chức cho giới trẻ thuộc phong trào. Trong cuộc hành hương vào năm 2003 ở Cracovie của Đức Thánh Cha Gioan Phao-lồ II, những thành viên ốc đảo đã hát lên như sau: 

Chúa đã đến bên bờ biển;

Ngài không kiếm tìm những người khôn ngoan,

những kẻ giàu có,

Ngài chỉ xin con theo Ngài.

Lạy Chúa, Chúa đã nhìn con trong đôi mắt,

Chúa mỉm cười và gọi tên con.

Chiếc thuyền của con, con để lại trên bờ,

Cùng với Chúa con sẽ vượt qua một đại dương khác. 

Và Đức Thánh Cha Gioan Phao-lồ II đã nói với họ: theo một nghĩa nào đó, bài hát của những ốc đảo đã đưa ngài ra khỏi quê hương, cho tới tận Roma. Nội dung thâm sâu của bài hát đã nâng đỡ ngài, ngay cả khi phải đối diện với sự quyết định của mật nghị các Đức Hồng Y. Và rồi, suốt chiều dài triều đại giáo hoàng của ngài, không bao giờ ngài tách lìa khỏi bài hát đó.  

Chúa đã ban cho Đức Tổng Giám Mục Karol Vojtyla được toại nguyện trong việc thể hiện lý tưởng ngài đã chọn lựa, cũng như Đức Tổng Giám Mục Phi-lip-phê Nguyễn Kim Điền được hoàn tất hành trình ngài đã dấn thân. 

Trong tâm tình kính mến Đức Thánh Cha Gioan Phao-lồ II và ước mong nhiều mục tử ngày nay sẽ theo bước chân ngài, chúng tôi chuyển dịch tác phẩm “LEVEZ-VOUS! ALLONS!” (ĐỨNG DẬY! TA ĐI NÀO!). Ngoài ra chúng tôi cũng mong muốn chia sẽ dịch phẩm nầy với toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa, vì như Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II đã minh định: ơn gọi của mọi tín hữu được nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy là “trở nên hoàn thiện như Cha trên Trời là Đấng Hoàn Thiện”.

Sách gồm có SÁU CHƯƠNG, ngoài “LỜI GIỚI THIỆU” và phần “DẪN NHẬP”.

Những đoạn Phúc Âm trưng dẫn trong tài liệu nầy được trích từ quyển “KINH THÁNH TRỌN BỘ - CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC” do Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Saigon thực hiện năm 1998.

Tiến trình phong thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phao-lồ II đã bắt đầu vào tháng 5 năm 2005 khi Giáo Phận Roma kêu gọi các tín hữu Công Giáo đứng ra làm chứng xem Đức Thánh Cha có xứng đáng nên thánh không.

Phải có một phép lạ xảy ra sau khi Đức Thánh Cha băng hà để có thể tiến hành phong chân phước cho Ngài. Và cần thiết phải có một phép lạ nữa sau khi phong chân phước để có thể phong thánh cho Ngài.

Toà thánh đã chắc chắn phép lạ đầu tiên trong tiến trình phong chân phước cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đó là việc khỏi bệnh mà giới y khoa không giải thích được của một nữ tu người Pháp bị bệnh Parkinson như ngài.

Trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Rai của Ý và hãng tin Reuters của Đức, Đức ông Slowomir Oder, người đứng đầu ủy ban điều tra phong thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho biết rằng tiến trình điều tra sơ khởi bắt đầu vào tháng 10 năm 2005, về việc lành bịnh của một nữ tu ẩn danh ở Pháp.

Ngài nói rằng nữ tu người Pháp này bị suy yếu giống như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong giai đoạn cuối đời của ngài và đã được lành bệnh một cách lạ lùng khi cầu nguyện với Đức Thánh Cha sau khi ngài qua đời. Đức Ông Slowomir Oder nói rằng những điều tra viên của Tòa Thánh sẽ bắt đầu nghiên cứu chính thức và chi tiết hơn về sự lành bệnh lạ lùng nầy.

Hương Vĩnh

Mùa Xuân Bính Tuất - 2006

  

LỜI GIỚI THIỆU

 

Ngài Karol Joséf Wojtyla - trở thành Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1978 – sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920 ở miền Wadowice, Ba-Lan. Ngài theo học ngành kịch nghệ tại Đại Học Cracovie. Sau khi đại học nầy bị quân đội Đức Quốc Xã đóng cửa, ngài Karol thoát được, khỏi bị giam giữ tại các trại tập trung ở Đức quốc.

Từ năm 1942, ngài theo học ở chủng viện chui tại Cracovie. Sau Đại Thế Chiến Thứ Hai, ngài học môn thần học ở đại học cho tới khi được phong chức linh mục vào năm 1946. Tiếp theo sau những năm học tiến sĩ, linh mục Wojtyla trở thành giáo sư thần học luân lý và đạo đức học về xã hội tại Đại Chủng Viện Cracovie và Phân Khoa Thần Học ở Lublin. 

Năm 1958, Đức Thánh Cha Piô XII bổ nhiệm ngài làm Giám Mục phụ tá ở Cracovie. Năm 1964, ngài được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Cracovie và được phong tước vị Hồng Y năm 1967.

Khởi từ triều đại giáo hoàng của ngài vào ngày 16 tháng 10 năm 1978, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thực hiện nhiều chuyến tông du tại nhiều nơi trên thế giới. Ngài đã ban hành nhiều văn kiện tôn giáo (thông điệp, tông huấn), và xuất bản một số sách trong đó có quyển tự thuật, nhan đề “Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” (năm 1994) và gần đây là quyển “Đứng Dậy! Ta Đi Nào!” (năm 2003) – một tác phẩm chứa đựng những suy tư về cuộc đời và sứ vụ giám mục của ngài.  

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết:

“Khi đến ‘giờ của Ngài’, Chúa Giêsu nói với những người ở với Ngài trong vườn Giết-sê-ma-ni là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan – những môn đệ mà Ngài đặc biệt yêu thương: ‘Đứng dậy! Ta đi nào!’ Chúa Giêsu không phải một mình ‘ra đi’ làm trọn Thánh Ý Chúa Cha: họ cũng phải ra đi với Ngài nữa. 

Tôi nói điều đó nhằm nhắc tới nơi chốn mà tình yêu Chúa Kitô Đấng Cứu Thế đã dẫn đưa tôi, bằng cách kêu gọi tôi ra khỏi quê hương tôi để sinh hoa kết quả ở nơi khác, một hoa trái được tồn tại, nhờ Ân Sủng của Ngài. Vì vậy, để làm vang động lại lời của Thầy Chí Thánh và Chúa chúng ta, tôi cũng lặp lại với mỗi một người trong anh em, thưa Chư Huynh rất thân mến trong chức giám mục: ‘Đứng dậy! Ta đi nào!’ Hãy đi trong sự phó thác nơi Chúa Kitô. Ngài sẽ đồng hành với chúng ta để đạt tới mục đích mà chỉ một mình Ngài biết được.”

 

DẪN NHẬP

Khi phát hành quyển sách “Ma vocation: don et mystère” (Ơn gọi của tôi: tặng phẩm và huyền nhiệm” ghi lại những kỷ niệm và suy tư về lúc khởi đầu cuộc đời linh mục của tôi, tôi đã nhận được nhiều chứng từ đón tiếp nồng hậu đối với quyển sách đó, nhất là về phía giới trẻ.

Theo những gì người ta nói với tôi, đối với nhiều người trong giới trẻ đó, phần bổ sung của Tông Huấn “Pastores dabo vobis” (“Thầy sẽ ban cho các con những mục tử”) được xác nhận là một sự hỗ trợ quí báu để trao ban cho họ một sự nhận thức đúng đắn về ơn gọi của họ.

Điều đó khiến tôi rất vui. Cầu xin Chúa Kitô tiếp tục dùng những suy tư đó để đem nhiều người trẻ khác lắng nghe tiếng mời gọi của Ngài: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người.” (Mc 1, 17).

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm tấn phong giám mục và 25 năm triều đại giáo hoàng của tôi, tôi được yêu cầu ghi lại những hoài niệm liên tục kể từ năm 1958 là năm tôi trở thành giám mục. Tôi thiết tưởng phải chấp nhận lời thỉnh cầu đó, cũng như tôi đã chấp nhận sự gợi ý để cho ra đời quyển sách trước đây.

Một lý do nữa để thu thập và sắp xếp cho có thứ tự những ký ức và suy tư đó phát sinh bởi một trình tự tăng tiến của một tài liệu dành cho sứ vụ giám mục. Đó là Tông Huấn “Pastores gregis” (“Các mục tử đoàn chiên Chúa”) mà trong đó tôi đã trình bày một cách có hệ thống những ý tưởng được phát biểu suốt khóa họp khoáng đại lần thứ X của Thượng Hội Đồng Giám Mục diễn ra trong dịp kỷ niệm năm thánh 2000.

Trong khi lắng nghe những nghị phụ trình bày cũng như nắm bắt ý nghĩa những văn bản đề nghị, tôi cảm thấy thức dậy trong tôi nhiều kỷ niệm, cũng như nhiều năm tôi được giao phó việc phục vụ Giáo Hội ở Cracovie và trải qua những kinh nghiệm mới tại Roma, trong tư cách người kế vị Thánh Phê-rô.

Tôi đã cố gắng viết ra những tư tưởng đó với niềm ước mong cũng được chia sẻ với những người khác về chứng tá tình yêu Chúa Kitô, trải qua bao thế kỷ, luôn mời gọi những người mới kế vị các tông đồ, ngõ hầu tuôn tràn Ân Sũng của Ngài trên con tim những anh em khác, qua trung gian những chiếc bình sành mỏng dòn.

Những hoài niệm của tôi luôn chan chứa những lời Thánh Phao-lô nói với vị giám mục trẻ tuổi Timothée: “Chúa đã cứu độ và kêu gọi chúng ta, không phải vì chính những công việc chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Ngài. Ân sủng đó, Ngài đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Kitô Giêsu.” (2Tm 1, 9).

Tôi hiến tặng những trang sách nầy như là dấu ấn tình yêu của tôi đối với anh em trong chức giám mục và đối với hết thảy dân Chúa. Ước mong những trang sách nầy soi sáng cho những ai muốn biết sự cao cả của sứ vụ giám mục và nỗi tân khổ cũng như niềm vui do sứ vụ đó mang lại trong tác vụ hằng ngày!

Tôi mời gọi hết mọi độc giả hãy cùng tôi cất lên bài ca “Tạ Ơn” (“Te Deum”) để cảm tạ Hồng Ân Thiên Chúa. Hãy hướng mắt về Chúa Kitô, được nâng đỡ bởi niềm hy vọng không lừa dối, chúng ta hãy cùng nhau tiến vào thiên niên kỷ mới: “Đứng dậy! Ta đi nào!” (Mc 14, 42).

Gioan Phao-lồ II

(CÒN TIẾP)

MỤC LỤC để tiện theo dõi trong nhiều kỳ

Lời Dịch Giả: Lênh đênh trên mặt đại dương

Lời Giới Thiệu

Dẫn Nhập

Chương  I.- Ơn Gọi

Chương II.- Hoạt động Giám Mục

Chương III.- Cam kết khoa học và mục vụ

Chương IV.- Tình phụ tử của Giám Mục

Chương V.- Tập thể tính Giám Mục

Chương VI.- Thiên Chúa và lòng can đảm

VỀ MỤC LỤC
LỜI  NHẬP  THỂ

 

“Lời đã trở nên xác phàm và cư  ngụ giữa chúng ta” (Ga,1,14)        

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã muốn ngỏ lời với con người. Ngài ngỏ lời với họ bằng nhiều phương thế khác nhau. Lời mà Ngài muốn ngỏ với con người không xa lạ với cuộc sống đời thường, nhưng rất đỗi gần gũi, thân thương. LỜI đã trở nên xác phàm.

           

1- Ngôn ngữ của Thiên Chúa nhập thể trong ngôn ngữ  loài người.

Khi nói đến Mầu nhiệm Nhập thể, chúng ta nghĩ ngay đến việc Con Thiên Chúa làm người nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút Mẹ thưa với Thiên Thần: “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy thành sự nơi tôi như lời Ngài nói” (Lc 1,38). Tuy vậy, chúng ta có thể khẳng định Lời Chúa đã nhập thể ngay từ buổi bình minh của nhân loại, khi Lời ấy được nói bằng ngôn ngữ con người, đó là Thánh Kinh. Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa nói với con người, theo phong cách của con người, để con người có thể hiểu được và lĩnh hội điều Thiên Chúa muốn mạc khải cho họ.  Từ thuở ban sơ, Lời ấy đã nhập vào lời của con người, mang nét đặc trưng của nền văn hóa Lưỡng Hà, với những câu ngạn ngữ, với những hình ảnh so sánh bình dân, những nét văn phong của thời đại.

Nếu  Thiên Chúa nói với chúng ta bằng Lời của Ngài, chúng ta không thể hiểu được. Trên núi Sinai, khi Thiên Chúa nói với Ông Môi-sen để truyền ban Luật Giao ước, dân chúng chỉ nghe thấy tiếng ầm ầm vang dậy như tiếng sấm, trời đất rung chuyển, khói bốc lên như lò lửa khiến mọi người kinh hoàng đến nỗi họ phải thưa với Ông Môi-sen: “Xin chính Ông nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất” (Xh 20,19).

Công Đồng Vatican II đã nói đến “sự hạ cố kỳ diệu của Đức Khôn ngoan vĩnh cửu” khi nói về Mạc khải trong Thánh Kinh. (MK 13). Quả vậy, khi ngỏ lời với con người, Thiên Chúa đã chấp nhận hạn chế bớt vinh quang của mình để chấp nhận “thích ứng”, để rồi Lời của Ngài đã “trở nên tương tự với ngôn ngữ loài người”, là ngôn ngữ còn nhiều giới hạn. Sự “hạ cố kỳ diệu” để ngỏ lời với con người đã là khởi đầu của Màu nhiệm Nhập thể. Vâng, khi ngỏ lời với nhân loại, Thiên Chúa đã khởi đầu chương trình “Lời nhập thể” của Ngài. Qua đó, Ngài muốn khẳng định với họ rằng: Ngài yêu thương họ và luôn mong họ được hoàn thiện. Chúng ta thấy rõ nội dung giáo huấn này qua các ngôn sứ trải qua nhiều thời đại khác nhau.

 

2- Thiên Chúa nhập thể qua việc tạo dựng con người

Thiên Chúa muốn để lại dấu ấn của Ngài nơi gương mặt con người. Khi sáng tạo nên con người. Ba Ngôi Thiên Chúa bàn tính: “Chúng Ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh Chúng Ta, giống như Chúng Ta…” (St 1,26). Thiên Chúa là Đấng vô hình. Loài người không thể nhìn thấy Ngài được. Qua việc sáng tạo con người. Thiên Chúa muốn qua gương mặt của con người để phản ánh chính gương mặt của Ngài. Nói cách khác, Thiên Chúa muốn gửi gắm hình ảnh của Ngài nơi gương mặt con người. Ngài muốn NHẬP THỂ, muốn LÀM NGƯỜI, để rồi từ nay Thiên Chúa không còn xa con người, nhưng bất kỳ ai, nếu đối xử thân tình nhân đạo với nhau là họ được gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đang hiện diện nơi mỗi con người. Như người cha để lại dấu ấn của mình nơi con cái, Thiên Chúa muốn cho con người nhận ra Ngài trong khuôn mặt của anh chị em mình. Gương mặt của tha nhân nhắc bảo chúng ta hình ảnh của Thiên Chúa. Vì vậy, thân phận con người không phải chỉ là hạt bụi, không phải chỉ đớn hèn vì bởi đất mà ra, mà con người còn có sứ mạng cao quý là phản ánh chính vinh quang của Thiên Chúa, trở nên một với Ngài.

Sau cuộc thảm sát tàn khốc trong Đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945), con người được mời gọi suy tư về trách nhiệm của mình đối với tha nhân. Con số những nạn nhân bị giết trong lò thiêu của Đức Quốc Xã đã đặt ra cho nhân loại những dấu hỏi ai oán: chiến tranh đã làm gì đối với những nhân vị mang hình ảnh của Thiên Chúa ? Một số triết gia thời kỳ này (được gọi là “Hậu -  Auschwitz” – một địa danh gợi lại sự giết chóc kinh hoàng của Đức Quốc Xã từ năm 1940-1945), đã đặt lại vấn đề liên quan đến đạo đức. Điển hình là triết gia Emmanuel Levinas (1906-1995), một người gốc Do Thái mang quốc tịch Pháp, đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi người khi nhìn khuôn mặt của tha nhân. Gương mặt của tha nhân gợi lên cho  tôi một bổn phận, một trách nhiệm. Tôi nhìn thấy gương mặt của tôi nơi khuôn mặt của tha nhân. Sự hiện diện của tha nhân  luôn nhắc tôi phải làm gì đối với họ. Bởi tôi phải đồng cảm với nỗi đau cũng như niềm vui của họ. Thiên Chúa là Đấng nối kết mọi người vì mọi người đều mang hình ảnh của Ngài. Thiên Chúa đã muốn “nhập thể” khi để lại dấu ấn của Ngài nơi gương mặt của con người để mời gọi con người có trách nhiệm với nhau.

           

3- Đức Giêsu –  Lời nhập thể

Nếu LỜI đã nhập thể ngay từ khi Thiên Chúa muốn nói với con người, tức là từ thuở hồng hoang của công trình sáng tạo, thì đến lúc “thời gian tới hồi viên mãn” (x Gl 4,4), Thiên Chúa lại muốn cho Lời ấy mang lấy thân phận cụ thể của con người. LỜI không chỉ còn là ÂM THANH hay NGÔN NGỮ, nhưng đã hóa thành XÁC THỊT. Nhập thể làm người, đó là điều chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Đó là ngôn ngữ hùng hồn nhất để diễn tả tình thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trao ban cho con người chính Lời của Ngài, chính Con Một của Ngài. Và khi trao ban Con Một là Ngài trao ban tất cả. Con Thiên Chúa đã trở nên yếu hèn, đã đau khổ vì chúng ta. Nhờ việc Ngôi Lời đến trong xác phàm, con người có thể được trở nên Con Thiên Chúa nếu biết mở rộng tâm hồn đón nhận Lời của Thiên Chúa. Đây là sự trao đổi kỳ diệu tuyệt vời. Một vị vua cao cả đã mặc lấy thân phận của thường dân để cho thường dân được trở nên hoàng đế.

Từ ban đầu, Thiên Chúa chỉ phán một Lời. Lời ấy đã âm vang đến tận cùng trái đất. Lời ấy đã làm Chúa Cha hài lòng. Qua Đức Giêsu Ngôi Lời nhập thể, Lời của Thiên Chúa đã “hạ cố” đến trần gian, không chỉ nói lời của con người như trong Cựu ước, nhưng SỐNG thân phận con người, CHIA SẺ cuộc sống con người. Người đã trở nên giống con người trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi (x Dt 4,15).  Thư Do Thái đã khẳng định: vì đối tượng cứu độ không phải là các thiên thần, nên Lời Thiên Chúa đã trở nên người phàm để chung chia thân phận với họ. “Bởi thế, Người đã phải trở nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 3,17-18)

Con người qua mọi nơi mọi thời luôn khát vọng vươn lên gặp gỡ Đấng Tối Cao. Nay, để đáp ứng ước vọng ấy của con người, Thiên Chúa đã “cúi mình xuống” để nâng họ lên. Vì nếu tự sức mình, con người không thể vươn lên được. Chính Thiên Chúa đã có sáng kiến đến gặp gỡ con người, “Ngài đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4, 19).

           

4- Những ai đón nhận Người…

Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể đang hiện hữu nơi cuộc đời này. Sứ vụ Đấng Cứu thế không hoàn toàn chấm dứt với biến cố Người về trời. Bởi lẽ Người luôn hiện diện giữa chúng ta khi chúng ta cầu nguyện nhân danh Người. Người ở đây,nơi chúng ta thực thi Lời Người qua nghĩa cử bẻ bánh, nghĩa cử huynh đệ yêu thương. Người hiện diện nơi mỗi con người, dù người đó đón nhận Người hay không.

Cũng như thân xác chúng ta hằng ngày được nuôi dưỡng bởi lương thực vật chất. Lương thực ấy, qua sự vận hành của các cơ năng, trở thành máu thịt, trở thành sức mạnh thể lý và tinh thần của chúng ta. Qua Lời Chúa, chúng ta được nuôi dưỡng và được tăng thêm sức mạnh. Mình và Máu Đức Giêsu mà chúng ta lãnh nhận cũng được biến đổi thành máu thịt của ta. Nhờ được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Mình Chúa, chúng ta mang gương mặt của Đức Giêsu, chúng ta có cử chỉ của Đức Giêsu, có lời nói của Đức Giêsu, có cái nhìn, lòng bao dung, sự quảng đại của Đức Giêsu. Bởi Đức Giêsu Nhập Thể đang “nhập” vào “thân thể” của tôi. Ngài biến đổi tôi thành thân thể thần linh của Ngài, để trở thành một chi thể trong thân thể bao la là chính Giáo hội.

Như thế, mỗi tín hữu là một “Thần linh nhập thể” hay là chính Đức Kitô nhập thể. Người đang hiện diện trong họ, qua lời nói, cử chỉ và cách sống. Người tín hữu sống mà ý thức rằng “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Chính Đức Kitô là nguồn sống của tôi (x Cl 3,4). Cánh tay của tôi là cánh tay của Chúa; đôi mắt của tôi là đôi mắt của Chúa. Mọi việc tôi làm đều phản ánh sự hiện diện của Đấng đã “Nhập thể”, đã “vào đời” để làm cho đời này toả hương hạnh phúc.

Thiên Chúa của chúng ta không phải là một vị thần linh từ trên cao ngó nhìn loài người với lòng thương cảm. Ngài là Cha chúng ta. Ngài đã muốn đến với con người để nói với họ rằng: “Cha yêu con từ thuở đời đời”. Tâm tình ấy cũng không chỉ được thể hiện qua ngôn ngữ mà bằng một NGÔI VỊ, bằng NGƯỜI CON CHÍ ÁI. Đạo của chúng ta là Đạo làm người để nâng cao con người và giải thoát họ. Sách Trung Dung, thuộc bộ Tứ Thư, có ghi lại lời Đức Khổng Tử:  “Đạo bất viễn nhân. Nhân chi vi Đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi Đạo” (Đạo vốn ở nơi người chớ chẳng xa. Nhưng nếu người ta làm cho đạo tách xa mình thì chẳng phải là Đạo nữa rồi – Sách Trung Dung, chương 13). Đạo đã làm người, hiện diện nơi con người, vì yêu thương con người và muốn ở lại giữa con người.

Nhưng, nếu Thiên Chúa muốn làm người để sống thân tình với chúng ta thì con người lại “không muốn làm người”, con người đang muốn lợi dụng tự do để hạ thấp phẩm giá của mình, làm cho mình không còn xứng với phẩm giá cao cả mà Thiên Chúa muốn tạo nên cho họ. Con người luôn bị cám dỗ khước từ thiên chức làm người để muốn làm Thiên Chúa. Cơn cám dỗ của Adam Evà từ thời nguyên tổ vẫn tồn tại. Tệ hơn nữa, con người còn muốn tạo ra một thứ “thượng đế” theo ý mình, nhằm phục vụ sự ích kỷ của mình. Chiến tranh, khủng bố, buôn bán phụ nữ trẻ em, nghiên cứu nhân bản người, đồng tính luyến ái, hôn phối theo hợp đồng, chết êm dịu… là những hình thức  nô lệ mới mà con người đang lạm dụng để làm biến dạng chính mình và tha nhân. Bởi đó, con người không còn là hình ảnh của Thiên Chúa, mà trở thành một thứ hàng hóa, một sản phẩm được chế tạo tuỳ ý muốn, theo đơn đặt hàng của nền kinh tế thị trường..

Kết luận:  Màu nhiệm Nhập Thể mời gọi chúng ta hãy sống nhân bản hơn. Hãy quý trọng và phát huy phẩm giá con người, khởi đi từ chính bản thân mình để rồi có thể làm cho hình ảnh Thiên Chúa rực sáng nơi khuôn mặt của anh chị em. Sống Màu nhiệm Nhập thể là ý thức trách nhiệm cổ võ sự hiệp nhất và yêu thương. Đó cũng chính là sứ điệp của Thánh Kinh; đó chính là Thánh ý Đấng Tối Cao khi sai Con của Ngài nhập thể cứu độ trần gian.          

Hải phòng - Mùa Chay thánh 2006

+ GM. Giuse Vũ văn Thiên

VỀ MỤC LỤC
Sứ điệp của Nước

 

Nước cần thiết cho sự sống, cho sự phát triển của cơ thể con người, cho sự tăng trưởng của súc vật và cây cối.

Cơ quan hàng không Nasa Hoa Kỳ khi phóng phi thuyền lên các hành tinh khác: Cung trăng , Hoả tinh, Saturn…đều đặt câu hỏi: nơi đó có nước hay không? Và họ sẵn sàng bỏ nhiều tốn phí, nhiều thì giờ để tìm dấu vết  của nước trên những hành tinh xa lạ ngoài trái đất này. 

Trong vùng sa mạc toàn cát khô nóng bỏng, nơi rất hiếm nước, người ta với kỹ thuật hiện đại tìm cách dẫn nước từ các sông ngòi miền rừng núi hay miền đồng bằng trù phú vào, để biến sa mạc khô chồi thành vùng trù phú mầu mỡ trồng cấy được, và xây phố chợ thành thị cho dân cư tới ở, như bên Hoa Kỳ và bên Trung Đông. Hay chương trình dẫn thuỷ nhập điền cho vùng thiếu nước, để cày cấy phát triển vùng đồng ruộng còn hoang vu.

Có thể nói không có nước, không có dấu vết của sự sống. Khi ta dùng nước để ăn uống, tắm giặt, ta cho là điều tự nhiên. Nhưng nước là của châu báu Trời ban cho địa cầu. Nước từ trên nguồn cao đổ xuống, nước chảy trong lòng sông, ngoài biển cả, nước uốn mình theo ghềnh thác lượn khúc trong những con suối nơi rừng rậm...

 

1. Nước mang sứ điệp gì cho đời sống con người ? 

Không có gì mềm hơn nước được. Nhưng khi giòng nước chảy đổ về, tưởng không có gì mạnh bằng sức nước. Như chúng ta vẫn thường nói: Nước chảy đá mòn. Hay cảnh hoang tàn sau trận lụt lội bên Việtnam, bên Mosambique, bên Hoa Ky, ben Bangladesch, tai nạn sóng thần ben vùng bờ biển đông nam châu Á...

Vì nước vô hình thể, không có độ cứng dày, nên người ta không đo lường được chiều cao, chiều sâu rộng cùng độ dài của nước. Nước là yếu tố cần thiết không thể thiếu cho sự sống, nhưng nước vẫn là một mầu nhiệm cho con người.

Giòng nước chảy tới đâu, nó mang sức sống, sức tươi mát đến nơi đó. Về phưong diện này, nước là chất trong lành không có gì là nguy hiểm. Khi giòng nước chảy tới đâu, cho dù đục hay trong, được dùng hay không được dùng, nước mang chất phù sa phì nhiêu đến ruộng đồng, cho sinh vật, thực động vật trong thiên nhiên.

Khi nước chảy qua ghềnh thác, gặp các tảng đá to lớn chắn ngang lối, nươc cứ im lìm xuôi giòng chảy trườn qua không gây ra điều xích mích hay hận thù với nuí đá. Đây là phương cách sống khôn ngoan thức thời : Lấy nhu thắng cương. Lấy nhược thắng cừơng! 

Chảy trong khe lạch, con suối nhỏ, trong lòng sông lớn hay ngoài biển cả, giòng nước có hình thù to nhỏ hay lượng nước nhiều ít tuỳ theo nơi chứa đựng nó. Cho dù sông sâu hay lòng suối nông cạn, khi nước chảy qua không có gì có thể làm ngưng nước chảy được. Đó là đặc tính can đảm của nước.

Một giòng nước khi chảy qua, không quay trở lại chỗ cũ đã chảy qua. Nước là của châu báu và chỉ chảy qua một lần rồi chảy đi tiếp. Như một vị hiền triết đã suy niệm: Không ai tắm hai lần trên cùng một giòng sông!

Khi nước chảy qua, nó cuốn lôi trôi đi những chướng ngại vật ngăn cản trên đường không một lời hay một mảy may cử chỉ nào rủ rê hay gây hiềm thù xích mích. Trên đường xuôi chảy, nước có thể bị gió trời gây ảnh hưởng làm chậm trễ lại, nhưng không bao giờ nó quên đích điểm đạt tới:  chảy ra ngoài đại dương. Đặc tính này nói lên sức dẻo dai bền bỉ và trung thành đi tới đích điểm.

Nước có thể bị làm vẩn đục mất sức trong lành, nhưng nước lại có khả năng tự làm ra trong sạch được. Nước tự đổi mới chính mình và mang lại cho người dùng nước sức sống tươi mát đổi mới.

 

2. Làn nước Bí tích Rửa tội

Nước là yếu tố căn bản cho sự sống. Vì thế trong phép Rửa, Nước là thành tố quan trọng. Không có nước không thể có phép Rửa được ( xx Mk 1,9-11; Didache - Traditio Apostolica, chương 7.1.- 7.3. bản Griechisch Lateinisch Deutsch; Herder Freiburg - Wien-New York 1991, tr. 118-119).

Trong nhiều Tôn giáo Nước là dấu chỉ cho khát vọng căn bản của con người. Qua làn nước, con người có những cảm nghiệm như sau:

1. Họ khám phá ra dòng nước chảy có khác chi những cách thế sống khác nhau, tìm lối hướng về tự do.

2. Nước mang đến  nguồn sống tươi mát, đổi mới, gột bỏ những gì là cũ, là gìa nua vì bị tiêu dùng hao mòn.

3. Được tắm rửa trong nước, chính là giũ sạch những vẩn bụi đè nặng tâm hồn và thân xác, vướng trở cho đời sống.

4. Qua làn nước chảy, họ cảm nghiệm được đời sống cũng trôi đi như dòng nước, để tìm đến một đời sống thật.

5. Đời con người cũng như dòng nước chảy. Họ cảm thấy mình không đứng vững trên một nền tảng. Bởi vì thấy mình bị những bóng tối sự dữ đe dọa. Thấy mình là người bất lực trước những sức mạnh đang bao trùm xung quanh. Và vì thế họ đi tìm sức trợ giúp, như điểm tựa cho đời sống.(xx Dieter Emeis, Sakramentenkatechese, Herder Verlag, Freiburg i. Br. 1991, tr. 69)

Qua phép Rửa bằng nước, người chịu phép Rửa lãnh nhận sự sống Thiên Chúa. Đó là Ân Đức của Ngài. Nước Rửa có sức tẩy sạch những gì là cũ, dơ bẩn do tội lỗi gây ra, mang đến sự chết, và đem vào đời sống mới. Nước Rửa có sức chữa lành, thánh hóa và đem lại sự tươi mát cho tâm hồn ( W. Hoffsuemmer, Geschichten zur Taufe, chương Das Wasser der Taufe, Mainz 1991, 1. Auflage, S. 41) 

Đời sống mới nhận lãnh qua phép Rửa làm con Chúa là qùa tặng, là Ân đức do Chúa ban cho. Đời sống này không thể hiểu là một kho tàng, để từ đấy lấy ra mà tiêu dùng. Trái lại đời sống này phải được phát triển.

Đời sống đó là nhân chứng cho sự sống Thiên Chúa giữa trần gian. Là niềm hy vọng cho chính mình và cho người khác.

Lm. Nguyễn ngọc Long

VỀ MỤC LỤC
TRÁCH NHIỆM LIÊN ĐỚI

       

Sống trong một xã hội tiến bộ, ai cũng cảm thấy thoải mái.  Nhưng cuộc sống đó không phải tự nhiên mà có.  Trái lại, đó là một thành quả phi thường của những trách nhiệm liên đới.  Đúng hơn, phải nói qua bao đời, xã hội được xây trên nền tảng trách nhiệm liên đới giữa những cá nhân khác nhau.  Bởi vậy, muốn xây dựng lại cộng đoàn, trước tiên phải nghĩ ngay tới tinh thần trách nhiệm liên đới.  Nhìn vào đó, chúng ta có thể thấy ngay trình độ cộng đoàn.  Cũng từ đó, ta tìm được điểm khởi hành cho mọi hoạch định cho cộng đoàn trong tương lai.

      

TRÁCH NHIỆM LIÊN ĐỚI LÀ GÌ ?

Để đạt một mục đích chung, người ta không thể sinh hoạt riêng rẽ.  Nhưng để có thể sinh hoạt chung, con người phải phấn đấu với chính mình.  Nghĩa là, từ trong ý thức, con người luôn phải nỗ lực nghĩ tới người khác.  Tha nhân trở thành một yếu tố thiết yếu và xứng đáng góp phần hoàn thành trách nhiệm với chúng ta.  Nhưng muốn được thế, chúng ta cần có một điểm chung để quy tụ muôn người.  Bởi vậy, liên đới mô tả  “một khẳng định chắc chắn và kiên trì gắn liền với công ích; nghĩa là cho ích lợi của tất cả và từng người, vì tất cả chúng ta đều thực sự chịu trách nhiệm đối với tất cả mọi người.” (Gioan Phaolô II, Sollicitudo rei socialis, số 38)

Làm sao có thể đạt tới tình trạng kiên định với công ích như thế ?  Dĩ nhiên, mỗi người có quan điểm khác nhau về công ích. Thế nhưng, thực tế vẫn là thực tế.  Cần phải có sự đồng thuận về công ích.  Không thể đứng trước những đau khổ của dân nghèo đói và bị đàn áp mà nói công ích chỉ nhắm tới quyền lực của một đảng phái hay quyền lợi của đế quốc.  Công ích phải là một thực tại khách quan, phù hợp với mọi người trong mọi hoàn cảnh.  Trong thông điệp Mater et Magistra, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ngầm định nghĩa công ích là tổng hợp tất cả các điều kiện sống về phương diện xã hội.  Nhờ đó, con người có khả năng sẵn sàng và hoàn toàn thể hiện sự toàn hảo của mình (x. số 65).  Như vậy, công ích nhằm phục vụ con người.  “Con người vừa là nền tảng, nguyên nhân và cứu cánh của mọi cơ chế xã hội.” (số 219)  Bất cứ cộng đoàn hay cơ chế xã hội nào khai thác con người như một phương tiện và chà đạp con người đều không nhằm công ích.  Trên trần gian, mọi sự phải là phương tiện phục vụ con người.

Nếu không ý thức được địa vị tối cao của mình trong vũ trụ, con người dễ đánh mất chính mình.  Nhưng để có thể thực hiện được mục tiêu lớn lao đó, con người không thể không sống liên đới với nhau.  Thái độ bất cần đến người khác sẽ làm cho xã hội không thể tồn tại và phát triển được.  Chính vì liên đới với nhau, con người mới phát triển như ngày nay.  Hoàn cảnh xã hội ngày nay đã thay đổi rất nhiều.   Nhờ “những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật, hiệu năng sản xuất lớn hơn và tiêu chuẩn sống cao hơn,” (số 59) con người càng cần liên đới trách nhiệm mới có thể gìn giữ và phát huy những giá trị cần thiết cho cuộc sống xã hội. 

Muốn duy trì xã hội trong trật tự và hòa bình, con người phải ý thức và thực hành liên đới trách nhiệm mới “đạt tới thiện ích công bình xã hội.” ( số 20)  Nhiều người tưởng chỉ có mình mới có thể làm ích cho cộng đoàn.  Nhất là khi ở vai trò lãnh đạo, họ tự biến mình thành nhân vật bất khả thay thế.  Họ dễ trở thành những anh hùng cô đơn.  Nhiều thuộc cấp chẳng quan tâm tới ích chung vì tưởng trách nhiệm thuộc cấp trên.  Họ quay cuồng với những bận tâm riêng.  Đó là nguyên nhân làm tổn thương sức sống xã hội và giáo hội.

Con đường cứu thoát dân tộc và xã hội Việt Nam chính là cổ động và thực thi tinh thần trách nhiệm liên đới, một “tình liên đới đích thực” (ĐGH Benedict XVI : Zenit 29/08/05).  Điều kiện sống giới hạn ảnh hưởng mạnh tới lòng người.  Mạnh ai nấy lo.  Sống chết mặc bay.  Tình liên đới không còn đất sống.

Ngay trong công việc cá nhân thường ngày cũng có thể tìm thấy chiều kích  liên đới.  Thật vậy, “nhờ công việc làm ăn, con người tự cam kết làm việc không chỉ cho riêng mình, nhưng cho tha nhân và với tha nhân nữa.  Mỗi người cộng tác với người khác và mưu ích cho họ.  Người ta làm việc để nuôi sống gia đình, cung cấp phương tiện để thỏa mãn các nhu cầu cộng đồng, quốc gia, và cuối cùng cho toàn thể nhân loại.  Hơn nữa, con người cộng tác với đồng nghiệp cũng như với những nhà buôn và khách hàng để ngày càng phát triển sợi giây liên đới.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Centesimus annus, số 43, xc Laborem exercens, số 8)  Liên đới có mặt trong mọi lãnh vực, nhất là trong cộng đoàn đức tin.  Không liên đới, không thể thi hành mệnh lệnh truyền giáo của Chúa và không thể chu toàn bổn phận Kitô hữu giữa dòng đời hôm nay. 

Giữa trần gian tăm tối, làm sao có thể thấy rõ được sợi giây liên đới đó ?  Có tự nhận mình tăm tối, chúng ta mới thấy cần đến ánh sáng là Đức Kitô.  Người chính là sợi giây nối kết chúng ta.   Không có Người, chúng ta không thể đạt tới  “công ích lớn lao nhất là sự hiệp thông giữa con người.” (New Catholic Encyclopedia, 2nd Ed. tr. 302)  Ngược lại, không có sự hiệp thông đó, cộng đoàn sẽ phải hứng chịu sự thiệt hại khôn lường.  Hậu quả khôn lường đã được phơi bày qua thống kê về Giáo hội Việt Nam hiện tại.  Suốt 45 năm qua, dân số Công Giáo Việt Nam không tăng triển.  Tỷ lệ Công giáo năm 1960  là 7,17%, năm 2004 là 7,04% (theo Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn : VietCatholic 21/09/2005). 

Khác với Giáo hội Đại hàn, Giáo hội Việt Nam hầu như chỉ đón nhận thêm những thành viên mới qua con đường hôn nhân mà thôi, chứ không qua những nỗ lực làm chứng trong việc tranh đấu cho công bình xã hội như Giáo hội Đại Hàn.  Mặc dù làm việc bác ái rất nhiều, nhưng Giáo hội Việt Nam vẫn không tạo nổi chứng từ lôi kéo mọi người.  Lý do vì sống giữa một xã hội đầy dẫy bất công, Giáo hội Việt Nam vẫn làm ngơ hay ngại ngùng dấn thân cho công lý.  Công lý có tiếng nói mạnh hơn bác ái cả về bản chất lẫn chiều kích.  Công lý đụng chạm tới mọi người.  Trong khi đó, bác ái tùy thuộc nhiều vào khả năng vật chất.  Chính vì ngại dấn thân, thiếu hiểu biết và thiếu tổ chức, chúng ta mới thấy đầy dẫy những bất công.  Bất công cao thành núi che khuất dung nhan Đức Kitô trong Giáo hội.  Người ta có thể không đồng ý về quan điểm hay đường lối tranh đấu.  Nhưng trước những sự kiện bất công khách quan, chúng ta cũng  không có được một tiếng nói.   Đúng hơn, bất công đã được cơ chế hóa, áp đảo cả tiếng nói của Giáo hội. Tha nhân chờ đợi một tiếng nói từ phía chúng ta là những thành viên của Giáo hội. Nhưng đôi khi chúng ta vẫn làm ngơ!  Thất bại của chúng ta là ở chỗ đó.

Đội ngũ truyền giáo hùng hậu gồm linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên (75.353 người trong tổng số 5.776.972 tín hữu) đã làm gì để lôi kéo mọi người theo Đức Kitô ?  “Trung bình mỗi người ưu tuyển đó chưa cuốn hút được 2 người theo đạo một năm.” (Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn : VietCatholic 21/09/2005)  Sự kiện đó giải thích tại sao trong vòng nửa thế kỷ, Giáo hội Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ.  Có phải tại họ không được đào tạo tới nơi tới chốn hay không sống Tin Mừng đúng mức ?  Nhưng vấn đề thực sự là họ “có biết liên đới và cộng tác với nhau để hình thành nên một sức mạnh tổng hợp” (Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn : VietCatholic 21/09/2005)  để đem tình thương và công lý đến cho mọi người hay không.

Chỉ trong vòng nửa thế kỷCàng phân tích càng thấy vấn đề liên đới trách nhiệm quá lớn.  Một chiều sâu  thăm thẳm tận trong nếp sống văn hóa, giáo dục và xã hội, chứ không thuần túy chỉ là vấn đề đạo đức.  Đạo đức không thể thay thế tất cả.  Cần thực tế hơn mới có thể giải  quyết vấn đề.

      

TINH THẦN CỘNG ĐOÀN VIỆT NAM

Tinh thần Công giáo Việt Nam có thể hiển lộ trong nếp sinh hoạt cộng đoàn.  Sinh hoạt với nhau hằng tuần, người Công giáo Việt nam có nhiều dịp gần gũi và chia sẻ với nhau.  Trong mối tương quan sống động đó, biết bao nhiêu công cuộc bác ái, đạo đức, xã hội v.v. đã hoàn thành giữa hằng ngàn bàn tay ân cần và trái tim bốc cháy.  Chính vì thế, chúng ta mới được các giám mục Hoa kỳ khen ngợi.

Thế nhưng, càng nhìn sâu vào những sinh hoạt truyền giáo, càng thấy chúng ta dừng chân tại chỗ, nếu chưa nói tuột dốc ?  Từ trong nước đến hải ngoại, các cộng đoàn Công Giáo Việt nam đều có nét tương tự.   Những nỗ lực hầu hết còn đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ và còn giới hạn trong câu kinh, nghi lễ.  Ngay trong bốn bức tường nhà thờ, chúng ta cũng chưa ổn định.  Cả trong nghi lễ, chúng ta vẫn còn lơ mơ.  Giáo dân đổ lỗi cho linh mục.  Linh mục quy trách cho giáo dân.  Thực tế, không ai có thể đứng ngoài nhìn vào cộng đoàn để quy trách cho người khác.

Về phía giáo dân, trách nhiệm đó không nhỏ.  Những người ý thức hơn đã gia nhập hội đoàn để góp phần xây dựng Giáo hội.  Nhưng ngay trong nội bộ hội đoàn cũng có những vấn đề.  Chẳng hạn, hội đoàn hiện diện và sinh hoạt theo thói quen, thiếu sự phối trí chặt chẽ, liên đới và chia sẻ trách nhiệm để hoàn thành sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội giữa trần gian.  Nhiều hội đoàn hội họp chỉ để nghe báo cáo và kinh kệ dài dòng.  Thiếu sáng kiến.  Kế hoạch hành động không theo sát những trăn trở của Giáo hội.  Đó là chưa kể đến những mâu thuẫn giữa các hội đoàn và những tiêu cực nhiều mặt.  Điều này có thể kiểm chứng qua những kết quả truyền giáo.  Từ trong nước đến các hải ngoại, đa số tân tòng đều qua con đường hôn phối. Nếu các hội đoàn đoàn kết và được huấn luyện chu đáo hơn, chắc chắn đã làm chứng cho Chúa mãnh liệt hơn và sẽ thấy kết quả lời chứng đó qua con số tân tòng.  Dĩ nhiên, Phúc âm hóa không đo bằng kết quả số người nhập đạo.  Nhưng cũng không thể lấy ý tưởng mơ hồ biện minh cho sự yếu kém trong nỗ lực truyền giáo hôm nay.

Để đẩy mạnh công cuộc truyền giáo, không thể không đề cập việc đóng góp của giáo dân.  Nhiều người dị ứng đối với tiền bạc.  Thực tế, kinh nghiệm chua cay có lẽ làm cho họ tưởng  “tiền” bao giờ cũng ghép chung với “tệ” và “bạc.”  Nhưng, tiền bạc thực sự cũng là mồ hôi, nước mắt.  Biết bao công trình tốt đẹp đã được xây nên nhờ tiền bạc.  Công cuộc truyền giáo và bác ái của Giáo hội sẽ ra sao, nếu không có sự đóng góp tiền bạc của giáo dân ? Thực tế, giáo dân Việt Nam đóng góp ra sao ?

Không ai có thể đếm được hết các nhà thờ đồ sộ ở Việt Nam và Hải ngoại.  Nếu không có tiền bạc đóng góp của giáo dân, làm sao những công trình đó mọc lên được ?  Đó là chưa kể đến những công cuộc bác ái lớn lao và kiên trì trong các viện mồ côi, phong cùi, bệnh viện v.v.

Thế nhưng, việc đóng góp bình thường trong các thánh lễ thì sao ?  Từ Việt Nam, qua Uc, sang tới Hoa kỳ, người giáo dân Việt Nam gần giống nhau về mặt đóng góp tiền giỏ nhà thờ.  Sau khi quan sát và dò hỏi nhiều nơi, chúng tôi tạm đưa ra những số liệu tạm thời như sau.  Bên Việt Nam, một xứ đạo lớn, có bảy lễ cuối tuần, tổng kết trung bình tiền đóng góp trong nhà thờ chừng hai triệu Việt Nam, khoảng một trăm ba mươi (130) Mỹ kim.  Bên Uc, tại Trung Tâm Công giáo Sydney, một địa điểm tập trung nhiều giáo dân Việt Nam nhất, khoảng mười hai ngàn người, số tiền đóng góp trong nhà thờ cuối tuần chừng bốn ngàn (4.000) Uc kim.  Bình quân mỗi người bỏ vào giỏ chừng ba mươi (30) xu một tuần.  Bên Hoa kỳ, một xứ đạo chừng bốn ngàn giáo dân, mỗi tuần trung bình đóng góp khoảng năm ngàn (5.000) Mỹ kim. Nghĩa là, khá hơn giáo dân Việt Nam ở Uc, vì mỗi người ở Mỹ bỏ vào giỏ nhà thờ chừng hơn một đô.  Nhưng so với số tiền họ kiếm được mỗi tuần, số đóng góp đó chiếm bao nhiêu phần trăm ?

Cùng một số lượng giáo dân, giáo xứ Mỹ sẽ thu nhập hằng tuần khác hẳn.  Nếu giáo xứ Mỹ có chừng năm ngàn giáo dân, trung bình số thu nhập phải trên hai chục ngàn (20.000) Mỹ kim.  Cứ nhìn vào giáo xứ Mỹ, chúng ta sẽ thấy họ có rất nhiều dịch vụ.  Dịch vụ nào cũng phải trả tiền.  Mỗi giáo xứ phải có vài thư ký.  Nếu không thu nhập được số tiền lớn như thế, làm sao họ có thể trang trải được ?  Trong khi đó, một giáo xứ Việt Nam thuê một thư ký chưa xong.  Sức đóng góp ít, làm sao dám mở rộng hoạt động ?  Một cộng đoàn Việt Nam ở bên Uc có khoảng trên năm trăm (500) giáo dân.  Giám mục địa phận sẵn sàng tặng không một nhà thờ.  Nhưng cộng đoàn không dám nhận, vì sợ phải trả tiền bảo trì mỗi năm mất chừng vài chục ngàn.  Họ cam lòng thuê nhà thờ giáo xứ Uc.  Thực tế, ăn nhờ ở đậu, làm sao thoải mái bằng làm chủ ?  Chính vì thế, khi cộng đoàn muốn thuê hội trường để sinh hoạt cho giới trẻ, giáo xứ Uc đã từ chối thẳng thừng.  Sức đóng góp yếu quá, làm sao có thể vươn lên được ?  Tương lai giới trẻ đi về đâu ?

Có người nói, mặc dầu đóng góp hằng tuần không cao, nhưng mỗi lần kêu gọi xây nhà thờ hay giúp người nghèo, giáo dân Việt Nam không thua ai.  Có thật như thế không ?   Hãy nhìn vào thực tế giáo xứ Mỹ.  Tại một nhà thờ Mỹ tại Houston, sau khi cha xứ kêu gọi đóng góp tu bổ nhà thờ, xây hội trường và mua đất làm chỗ đậu xe, giáo dân đã đóng góp trên sáu triệu (6.000.000) Mỹ kim.  Số giáo dân ở đó chỉ khoảng hai ngàn (2.000) người.  Tại Bắc Cali và Los Angeles, nhà thờ chính tòa trị giá trên dưới trăm triệu Mỹ kim. Có người nói người Mỹ giàu nên đóng góp nhiều.  Không sai.  Nhưng giả sử thay vì số giáo dân Mỹ là giáo dân Việt Nam, cũng giàu có như họ, số đóng góp có cao như thế không ?  Có phải cứ giàu là đóng góp nhiều không ? 

Chẳng cần phải giàu như người Mỹ, chúng ta vẫn có thể phát triển gấp mười lần bây giờ, nếu chúng ta lắng nghe lời Chúa và noi gương quảng đại của người Mỹ.  Trong Tin Mừng, Chúa không lưu ý tới số tiền dâng cúng, nhưng chỉ để ý đến tấm lòng hi sinh cao độ của bà góa.  Tuy thế, Chúa không hoàn toàn bỏ qua tỷ lệ tiền dâng cúng so với tiền bạc hiện có.  Quả vậy, Chúa nói về bà góa : “… còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để sống.” (Lc 21:4)  Nghĩa là, bà đã dâng cúng một trăm phần trăm gia tài của bà.  Chúa không đòi chúng ta phải hi sinh đến độ như thế.  Giáo hội Công giáo cũng không bao giờ bắt giáo dân phải mười phần trăm lợi tức hằng năm.  Nhưng chính lúc tự do như thế, người giáo dân mới có thể thấy rõ sự thật về mình như thế nào trong việc xây dựng Nước Chúa ở trần gian.

Hơn nữa, có người đưa ra lý do : vì Việt Nam phải nuôi Việt Nam, nên không đóng góp được nhiều.  Ai cũng biết chúng ta còn phải gánh đỡ gánh nặng cho thân nhân còn kẹt tại quê nhà.  Nhưng thực sự đó có phải là lý do chúng ta không đóng góp hay đóng góp quá ít không ?  Cùng làm một nghề và số lương bằng nhau, nhưng mức chi tiêu của Mỹ bao giờ cũng trội hơn Việt Nam.  Người Hoa cũng chịu chi hơn người Việt.  Bằng chứng tại Houston có hai khu vực tập trung người Việt hay Việt gốc Hoa.  Miền Nam Houston phát triển hơn vì có nhiều người Hoa.  Miền Bắc Houston rất đông người Việt, nhưng các tiệm ăn thưa thớt và không ngon bằng, vì ta sống theo triết lý “cơm nhà quà vợ.”  Khách đến thăm Houston, muốn ăn ngon, phải xuống tận miền Nam, mới mãn nguyện. 

Một lý do khác cũng có thể soi sáng vấn đề.  Xuất thân từ một xứ truyền giáo người Việt nam không có thói quen đóng góp cao, vì Tòa Thánh đã trang trải những phí tổn cho tòa giám mục và chủng viện.  Thực ra, ngay cả các linh mục chưa chắc biết rõ như vậy.  Hơn nữa, phần lớn những đóng góp của giáo dân dành cho việc xây dựng và phát triển giáo xứ, nghĩa là cho chính giáo dân. 

Đã đến lúc phải tìm nguyên nhân sâu xa của việc đóng góp trong chiều kích tinh thần trách nhiệm liên đới, mới có thể thấu hiểu vấn đề.  Nhưng ngay cả khi đã tìm thấy được nguyên nhân rồi, chúng ta cũng không hi vọng có thể giải quyết vấn đề một sớm một chiều.  Vấn đề nằm sâu trong lãnh vực đức tin và văn hóa.  Cần phải đợi một thời gian rất dài … phải mất nhiều thế hệ …

      

ĐỨC TIN VÀ THỰC TẾ

Đức tin có một chiều kích rất thực tiễn.  Càng tin bao nhiêu, càng hi sinh bấy nhiêu.  Chỉ có đức tin mới là động lực mạnh nhất khiến chúng ta có thể “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn” (Mt 22:37)  Có lẽ giáo dân Việt Nam mới chỉ khai triển giới răn này dưới khía cạnh “hết lòng” mà thôi.  Nghĩa là, đạo vẫn còn vụ tình cảm.  Đạo hình thức là một kiểu diễn tả tình cảm.  Chúng ta chưa có cố gắng để yêu Chúa “hết linh hồn, và hết trí khôn.”  Cứ nhìn vào các cuộc tĩnh tâm và các lớp học giáo lý Kinh thánh và giáo lý sẽ thấy ngay.  Kiến thức về đạo không cao, làm sao yêu Thiên Chúa “hết linh hồn, và hết trí khôn” ?  Một hôm gọi điện thoại đến nhà một ông trùm để trả lời cho ông biết về vị trí câu Tân ước ông mới hỏi, vô tình tôi gặp con gái của ông.  Mặc dù là sinh viên ngành y sắp ra trường, cô cũng không có chút hiểu biết gì về Kinh thánh.  Bằng chứng, cô trả lời tôi : “Vấn đề Kinh thánh, con không chuyên, xin cha nói truyện với ba con.”  Trời đất !  Chỉ mới nghe về Kinh thánh, cô đã nghĩ ngay đó là lãnh vực chuyên môn dành cho những linh mục, tu sĩ, cùng lắm là ông trùm.  Chứ giáo dân tầm thường như cô chỉ chuyên về truyện đời mà thôi.  Phân biệt như thế làm sao yêu Chúa chưa hết trí khôn ?

Chính đức tin khiến chúng ta thấy ngay mối liên hệ giữa Thiên Chúa và người thân cận.  Nhờ đó, chúng ta có thể dấn thân phục vụ để thể hiện tình “yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22:39)  Đức tin còn đi xa hơn nữa khi thúc đẩy chúng ta “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con.” (Ga 15:12)  Đó là một sự đóng góp lớn lao và sâu xa nhất Chúa dành cho chúng ta.  Đến lượt mình, chúng ta có dám chết vì người anh em không ?  Chết là một hình thức phục vụ cao đẹp nhất.  Ngược lại, phục vụ cũng là một cách chết cho anh em.

Nhưng chúng ta đã phục vụ tới mức nào và như thế nào ?  Giáo hội Công giáo không bao giờ bắt buộc giáo dân đóng góp mười phần trăm lợi tức hằng năm như một số giáo hội.  Trong Sáu Điều Răn Hội thánh xưa cũng không hề đề cập tới những vấn đề đóng góp.  Ngay cả trong Sáu Điều Răn Hội thánh mới được viết lại, cũng chỉ kêu gọi giáo dân “góp phần hỗ trợ các mục tử,” nhưng không ấn định mức hỗ trợ bao nhiêu và như thế nào. 

Tuy nhiên, khi không ấn định như thế, Giáo hội tỏ ra tôn trọng tự do của giáo dân.  Chính trong tự do, người ta mới có thể thấy sự thành thực của lòng người và mức độ hi sinh tự đức tin.  Tất cả giá  trị lớn lao đều phát xuất từ đó.  Đóng góp tài chánh là một trong những hình thức hi sinh.  Tiền bạc là giá trị tạo lập từ mồ hôi, nước mắt, thời giờ, sức lực, khả năng … của con người.  Đó là một giá trị nhân bản. 

Thế nhưng, vấn đề đóng góp tài chánh không phải là vấn đề riêng của Giáo hội Việt Nam.  Vấn đề có chiều kích toàn cầu.  Nếu không, tại sao Giáo hội phải soạn lại và viết thêm khoản trợ giúp cho các mục tử làm chi ?  Tuy thế, vấn đề cũng khác nhau trong mỗi giáo hội địa phương.  Chẳng hạn, nhìn vào giáo hội Hoa kỳ, ai cũng thấy có sự khác biệt giữa giáo xứ Mỹ và Việt Nam.  Nơi cộng đoàn Mỹ, các dịch vụ đều được trả lương, kể cả ca đoàn và người giúp lễ.  Con số người phục vụ có lương trong một giáo xứ Mỹ có khi lên tới năm mươi (50).  Ca đoàn cũng phải trả lương. Người đánh đàn nhà thờ lãnh khoảng hai trăm Mỹ kim mỗi lần phục vụ.  Đám cưới tại nhà thờ Mỹ bao giờ phải trả gấp ba bốn lần tại nhà thờ Việt Nam.

Nếu đóng góp “tà tà” theo kiểu Việt Nam, giáo xứ Mỹ lấy tiền đâu trả cho các người làm việc như thế ?   Đóng góp theo kiểu Việt Nam nhiều lúc không đủ để thuê một (1) thư ký làm toàn phần cho nhà xứ.   Đó là truyền thống đã có từ Việt Nam.  Ơ  Việt Nam, có lẽ rất ít nhà xứ thuê thư ký lo việc sổ sách.  Mọi sự đều do cha xứ.  Giúp cha xứ chỉ là một vài ông trùm chạy ra chạy vô cuối ngày hay cuối tuần mà thôi.  Nếu cứ sống đạo theo kiểu hiện tại, Giáo hội Việt nam sẽ không nhìn thấy tương lai.

Vấn đề trở nên khẩn trương đối với Giáo hội Việt nam.  Tại sao ?  Vì Giáo hội không đủ khả năng tài chánh để thực hiện những kế hoạch truyền giáo lớn lao cho đồng bào và cho những dân tộc láng giềng.  Làm sao có thể thi hành mệnh lệnh rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, nếu dân Chúa không chia sẻ trách nhiệm liên đới trong nỗ lực truyền giáo hôm nay ?  Chính vì thiếu con mắt đức tin, nhiều người không nhận ra trách nhiệm liên đới, một yếu tố cực kỳ quan trọng và cần thiết cho sự sống còn và phát triển của Nước Chúa ở trần gian.        

Lm. Đỗ Vân Lực, OP. Houston   dzuize@yahoo.com

VỀ MỤC LỤC
GIÁO THUYẾT & TRUYỀN THỐNG

 

Bạn nghĩ thế nào khi có một Linh mục có tiếng tăm trong Hội Thánh quan tâm như sau: “Giáo hội Công giáo có cả một kho tàng về giáo thuyết và truyền thống giúp người Tín hữu sống đạo; nhưng họ lại không giỏi mang người khác về với Chúa Kitô.”

Sau đây là 6 điều ngài chia sẻ như sau:

1- Quá khứ của chúng ta sửa soạn tốt để trở thành các Mục tử hơn là những người bắt cá người.

2- Nghe về tên Đức Giêsu và nghe về sứ điệp của Người trong cách thế mà có thể mang người ta lại với Chúa là hai điều khác nhau lắm!

3- Giáo hội đã xây dựng lên một lâu đài Tín lý mênh mông quanh vấn đề Đức Tin, nhưng sứ điệp quan trọng căn bản nhất là: “Đức Giêsu là Chúa” thì chưa bao giờ thay đổi:

  a/ Giáo hội thường nhấn mạnh và đặt trọng tâm vào việc giáo dục người Tín hữu về Tín điều, lý thuyết, cầu nguyện, linh đạo và luân lý.

  b/ Trình bày kho tàng Tín lý cho người thời nay, mà không đặt trọng yếu cho họ biết Đức Giêsu là Chúa thì cũng thì cũng giống như một khối gánh nặng trên vai các trẻ nhỏ bảo chúng vác.

4- Tại sao có những nơi trên thế giới, nhiều người Công giáo đã bỏ đạo chạy theo các thực tại của các phái Kitô giáo khác; bởi vì họ được lôi cuốn vào điều tuyên giảng rất đơn thuần và hiệu lực. Đó là điều làm cho họ có sự tiếp cận trực tiếp với Đức Giêsu, và họ cũng cảm nghiệm được quyền năng của Chúa Thánh Thần.

5- Giáo hội cần phải nuôi dưỡng và hướng dẫn người Tín hữu; nhưng Giáo hội cũng cần phải thấy được nhu cầu đưa người ta tới Đức Tin trước,  như sau:

  a/ Chúng ta phải rao giảng sứ điệp căn bản, thuần nhất và dễ hiểu, không những chỉ cho các người tân tòng, mà còn cho mọi Tín hữu.

  b/ Không như các giáo phái Kitô khác, họ đặt trọng tâm lặp đi lặp lại và hầu như chỉ chuyên chú vào việc tái sinh (born again). Giáo hội Công giáo dạy dỗ và hướng dẫn người Tín hữu để họ trưởng thành trong Đức Tin, và dẫn dắt họ bước qua những giây phút đau khổ đang khi đó họ vẫn kiên trì trong Đức Tin của mình.

6- Linh mục này nói với ĐGH Benedicto và các viên chức Giáo triều rằng: “Các vị phải hỏi mình một câu hỏi quan trong là: “Chúa Giêsu có chỗ đứng nào trong  đời sống của tôi” còn quan trọng hơn là câu hỏi: “Chúa Giêsu có chỗ đứng nào trong thế giới tân tiến ngày hôm nay?”                                                                                                    

a/ Khi người ta có thể tuyên xưng : Chúa Giêsu là Chúa thì có nghiã là Ngài có toàn quyền trên đời sống của tôi. Tôi không còn sống cho mình nữa, mà cho Người đã  chết và sống lại vì tôi.

b/ Hành động tuyên xưng Đức Tin này là Lời dạy của Người và gương sáng của người chiếu soi và thanh tẩy mọi tâm hồn.

Trên đây là lời giảng phòng của Linh mục dòng Phanxicô, vị linh hướng  của Phủ Giáo Hoàng nói với ĐGH Benedicto và các viên chức Tòa thánh, trong ngày tĩnh tâm cuối năm 2005 vừa qua.

Khi đọc xong những lời của vị Linh mục trên đây, tôi thấy trong chúng ta dễ có những thiếu sót cần sửa lại như sau:                          

1/ Tôi ít tích cực giúp người khác, đón Đức Giêsu làm chủ đời mình,  như đọc bức tâm thư là Kinh Thánh, để lắng nghe Ngài dạy.

2/ Tôi đã trình bày Tín lý, lý thuyết, nhưng ít tập cho Tín hữu cách gặp gỡ, nói chuyện thân mật với Chúa trong mọi lúc thăng trầm của cuộc sống, nên họ dễ chao động, lo lắng, bỏ cuộc...

3/ Tôi hay để ý đến hình thức, lễ nghi long trọng bề ngoài, cái ngọn mà thiếu cái gốc, đó đời sống nội tâm, như lời thánh Phaolô nói: “Rõ ràng anh là bức tâm thư của Đức Kitô được giao cho chúng tôi viết, không phải viết bằng mực đen; nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người.” (2Cor3,3)

4/ Tôi ít giúp người khác cách nuôi sống Đức Tin như là chân lý nằm trong cuộc sống bằng những việc làm cụ thể, nhất là trong gia đình của họ giữa vợ, chồng, con cái, cha mẹ và các bạn hữu, ngoài cộng đồng nữa.

 5/ Tôi cần noi gương Đức Mẹ khi sinh Chúa Giêsu trong hang đá, đã gần gũi Chúa, nghe các lời mục đồng nói: “Mẹ Maria đã ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.”    (Lc 2, 19), để giúp anh em gặp Đức Kitô thật sự, không phải chỉ nghe nói về Chúa; nhưng nói với Chúa những điều họ khao khát mong đợi.

Phó tế GB Nguyễn văn Định (Huyền Đồng)  * johndvn@yahoo.com
 

VỀ MỤC LỤC

MÙA CHAY: CẢM NGHĨ VỀ VIỆC DÙNG TIỀN CỦA

“TIỀN CỦA LÀ MỘT ÔNG CHỦ XẤU NHƯNG CŨNG LÀ MỘT ĐẦY TỚ TỐT”

           

1. Người ta thường nói rằng “Có tiền mua tiên cũng được”:

“Tiền của” vốn là niềm ao ước của mọi người trên thế gian này, không phân biệt đẳng cấp, học thức hay địa vị. Người ta thường quan niệm: “Hạnh phúc có được trên đời này, ấy chính là đầy đủ vật chất lẫn tinh thần”. Từ những hạnh phúc nhỏ như được làm cha mẹ, có một địa vị trong xã hội, có tiền của vật chất, có tình yêu, có tình bạn.... Những sự ấy mà có được sự kết hợp hài hòa, chắc hẳn nó sẽ cho ta một cuộc sống hạnh phúc toàn diện.

Phải lắm, đó là những hạnh phúc trong đời sống hằng ngày mà mỗi người chúng ta đã cố xây đắp và cố giữ gìn, nhưng nó có bao giờ tồn tại vĩnh cửu đâu?

2. Chẳng ai muốn xây nhà mình trên cát:

Có người nói: "Loài người sinh ra, vốn khổ lụy cho chính những gì do bản thân mình tạo ra?" Lại có  cách nói khác tương tự: "Loài người sinh ra đồng tiền và phải làm nô lệ cho nó".

Thuở nguyên thủy, loài người chưa có ý niệm trao đổi vật chất, thì cũng không cần phương tiện để trao đổi. Phát triển dần theo quy luật tự nhiên, càng văn minh loài người càng nhiều nhu cầu đòi hỏi, nên đã thiết lập ra đồng tiền làm đơn vị đo lường để dễ dàng trao đổi vật chất. Lúc này, đồng tiền trở thành phương tiện trao đổi.

Thời nay, ai cũng phải kiếm tiền để đảm bảo cho cuộc sống của mình, không có tiền thì không thể có vật chất xung quanh, vì vật chất góp một phần lớn để củng cố cho tinh thần. Nhưng có thể nói: "Người thông minh là người biết sử dụng đồng tiền, chứ không phải là làm nô lệ cho nó". Kiếm tiền và sử dụng đồng tiền là hai nghĩa hoàn toàn khác nhau. Đi buôn ai cũng muốn lãi suất cao, làm công thì mong thù lao tỉ lệ nghịch với công do mình sản sinh ra, và kết quả những công việc đó được đo bằng đồng tiền. Nhưng khi có đồng tiền trong tay rồi, thì mỗi người sử dụng nó có khác nhau. Do đó, nếu số tiền kiếm ra được mà bị thất thoát đi, thì sự đau khổ nơi mỗi con người cũng khác nhau. Nhưng nếu chúng ta ý thức rằng: “tiền bạc chỉ là vật nay có mai không”. thì có lẽ ta sẽ bớt đi phần lớn khổ đau trong cuộc đời.

3. Vậy, tiền có phải là nguyên nhân chính quyết định hạnh phúc hay khổ đau không?

Khi ta có tiền để mua được một chiếc xe ô tô đẹp và ở trong một biệt thự rộng lớn cùng gia đình, vợ, con… Hoặc rất vui khi xin được một việc làm hợp ý, đúng nghề, lương cao. Cũng như khi nhìn thấy một đôi vợ chồng nào đó cùng con cái đi trên một chiếc xe đẹp vui vẻ cười nói… Thì ta thường cho đó là hạnh phúc và là điểm chuẩn để mơ ước và cố gắng thực hiện cho mình. Điều đó không thể nói là sai, nhưng đó chỉ là hạnh phúc bên ngoài mà ta thường thấy và luôn mong ước.

Nhiều khi một túp lều tranh hai trái tim vàng trong cuộc sống yên lành của một gia đình nào đó, cũng đủ để chúng ta mơ ước một đời. Nếu có thêm biệt thự thì tất nhiên hạnh phúc từ gốc vẫn không mất. Nhưng vật chất đều có sinh có diệt (vật chất không vĩnh cửu) hôm nay ở trong biệt thự, ngày mai vẫn có thể lại ở trong túp lều tranh. Dù thế nào đi chăng nữa, hạnh phúc vẫn không mất nếu trong ta vẫn muốn giữ, muốn xây, nhưng rất cần sự củng cố về tinh thần.

4. Tinh thần quyết định tất cả:

Để tạo dựng cho mình ý thức đó, thì đòi hỏi nơi ta một quá trình học hỏi và luyện tập, tất nhiên không thể thiếu tác động giáo dục của gia đình và xã hội từ thuở ấu thơ. Vậy, tạo cho mình một hạnh phúc vĩnh cửu là một điều rất khó, nhưng tất cả đều từ tâm mà ra. Trong cuộc đời “mất và được” luôn là lẽ tất nhiên, hôm nay không còn nữa cái mình nâng niu hôm qua và chắc chắn là sẽ có nuối tiếc; nhưng mỗi người có một tình cảm khác nhau và cũng có một bản lĩnh khác nhau, nên mức độ nuối tiếc cũng khác nhau, và vì thế mà khổ đau nơi mỗi người cũng không thể giống nhau.

Thánh Phaolô đã từng có kinh nghiệm này khi viết thư gởi cho cộng sự viên của mình: “Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (ITi 6,10).

5. Ăn mày có thể là ta?

Khi cuộc đời thành đạt và ta dùng công sức giúp đời thì tiếng thơm sẽ vang vọng, nhưng biết làm sao nếu sau này điều ta làm hôm nay lại là sai. Đâu có gì bền vững với thời gian. Dù có công sức, có trí, có tài được làm quan chẳng hạn; nhưng “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Hiểu được như vậy, thì ta không còn dùng quyền lực để ức hiếp dân lành để mai này tạo nghiệp xấu cho mình và hậu thế. Vậy, nếu khi đời đã trao trách nhiệm cho ta tạo dựng Non sông Đất nước, Giáo hội hay Nhân loại thì tất nhiên ta không thể chối từ. Vận mệnh Đất nước, Giáo hội hay Nhân loại không cho phép ta chỉ nghĩ về mình nữa mà phải nghĩa đến hạnh phúc của cả dân tộc, dân thánh và muôn người. Nhưng đến một ngày nào đó, tự tâm ta lại cho mình quyền được hưởng lộc, vinh hoa, phú quí của giang sơn và nói rằng do công sức mình đã từng tạo dựng. Thì than ôi !!!

Ai có thể biết được: “Hôm nay làm vua mai thua làm giặc” như lịch sử đã từng chứng minh, khi quyền lực trong tay đã hết, còn bị kẻ thắng cuộc truy lùng, sát hại, thì biết trách ai đây? Nếu hiểu rõ thực tế đó theo thuyết "nhân quả" thì mấy ai còn thấy khổ đau, và sẽ không giành giật, không vụ lợi, vì ý thức rằng: "nhân nào thì sinh ra quả ấy".

Nếu mỗi người chúng ta đều biết ý thức hành động của mình “phân đúng, phân sai” rõ ràng thì thiết nghĩ trong tương lai chắc bớt khổ đau và tạo dựng hạnh phúc vững hơn.

Có người cả cuộc đời được an hưởng hạnh phúc, bởi sống trong nhung lụa, hạnh phúc nhiều hơn khổ đau, vui nhiều hơn buồn mà tự quả quyết đời tôi là vậy, thì thật không rõ có khi nào họ nghĩ rằng: “ăn mày có thể là ta, đói cơm rách ái hóa ra ăn mày”. Còn những ai đã có quá khứ hạnh phúc, nay lại tạo dựng thêm những nhân tốt, nhân mới, bằng lòng hảo tâm thì trong tương lai chắc chắn sẽ vẫn được hưởng quả do nhân tạo ra.

Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy rằng: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" (Lc 6,38). Quả thật, với việc lành ta làm cho người khác mà được Thiên Chúa trả đáp hậu đãi như vậy; nhưng với việc dữ ta gây ra cho người khác, thì thử hỏi: khi Thiên Chúa đong lại cái đấu của Ngài thì nào có ai đỡ nổi đấu ấy.

6. Người khôn dùng tiền bạc để mua nhân nghĩa:

Trong Kinh Thánh, Lời Chúa Giêsu dạy rằng: "Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lu 16,9).

Tình bạn bao đời vẫn là tri âm tri kỷ, có ai muốn mất bạn bao giờ; nhưng đôi khi vì danh vọng mà nhiều khi bán đứt bạn bè. Một người bạn đã từng cùng ý chí xây dựng cuộc đời, trao tâm sự của mình cho nhau đến mức cả cái “bí mật cũng bật mí”, ấy thế mà giận nhau nó lại nói chuyện mình cho đời, hỏi có giận bạn không?

Nói thì nói vậy, nhưng chẳng lẽ trên đời này ta không có bạn? Ta thường trách bạn nhiều hơn là phải nghĩ làm gì cho bạn, để rồi người không vừa lòng thì ta giận, còn ta không vừa lòng thì ta phản. Còn khi trong ta có lòng cảm thông và vị tha, thì chắc chắn ta không bao giờ mất bạn, mà dẫu có thể mất bạn đi chăng nữa, có chăng cũng chỉ mất một người vì không thể mất trái tim này cho đời. Gạt bỏ trong mình lòng ganh tị, mặc cảm tự ti, trọn tâm này ta trao cho bạn, thì cũng có ngày người hiểu ta. Để rồi mà có những thời gian ngồi thưởng thức cùng bạn mình ly rượu tri kỷ chẳng hề say: “Say rượu, hết say rồi lại tỉnh. Say tình, tỉnh rồi vẫn còn say”. Hay dẫu có say, thì đó chính là những giọt say tình, chẳng bao giờ phôi phai.

7. Đừng đánh mất chính mình:

Thấy người đời làm lên sự nghiệp, có công danh, tiền bạc, chức vị… Nhìn lại mình thật đen đủi, hẩm hiu vì mình có thành đạt gì đâu.

Ngày trước “thằng ấy”, nó có hơn mình cái gì đâu, thậm chí còn kém nữa đàng khác, bây giờ nó đã là vương là tướng một vùng… So sánh như vậy chỉ dẫn đến bi quan, ích kỷ mà thôi, hhông thể so sánh trong cuộc sống với nhau như thế được, vì cuộc đời này mỗi người có một thế mạnh, nào ai biết hết được mọi điều, vì “nhân vô thập toàn” mà.

Khi gặp hoạn nạn cô đơn buồn tẻ, ta thường hay nhớ tới tuổi ấu thơ, luyến tiếc một quãng đời tươi đẹp đã qua. Nhớ lại quá khứ thấy tràn đầy hạnh phúc, nhìn vào hiện tại khổ đau! Có lẽ ta kêu lên tiếng trách trời?

Đừng trách trời như thế, hãy học lấy tinh thần của thánh Phaolô: “Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em” (IICr 12,15).

Trước mắt ta, là cả một ngày mai, dù không hiểu rằng điều gì sẽ xảy ra; nhưng ta vẫn luôn có cả một tiền đồ trước mặt, có cả một cuộc tranh đấu để tự khẳng định mình. Ta sẽ có thể được tất cả, hoặc có ít thôi, thậm chí không có gì! Điều này tương lai sẽ trả lời. Nhưng sau này ta vẫn có thể có, những cái không phải là tiền bạc cũng không phải là danh vọng, nhưng đó chính là “niềm tin”.

Vậy. Để đem lại cho mình một quan niệm sống đúng nghĩa, giảm bớt khổ đau. Ta luôn nhớ rằng: Cuộc đời này luôn có một phạm trù tương phản và tồn tại: Tiền bạc - Bần hàn; Danh vọng - Lầm than; Tình bạn - Kẻ thù; Hạnh phúc - Khổ đau… Những cặp phạm trù ấy luôn luôn đi đôi với nhau, và có thể đổi chỗ cho nhau. Nhưng dù ta có đạt được tất cả hoặc ta mất tất cả, nên nhớ rằng: “Đừng đánh mất chính mình”.

8. Nhận định, thay lời kết:

Ngày hôm nay, người ta chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền sao cho thật nhiều. Vì, theo quan điểm khách quan về mặt vật chất, thì tiền cần thiết cho cuộc sống. Làm sao chúng ta có thể mua thức ăn, đồ dùng, hàng hóa và nhiều thứ khác cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày mà không có đồng tiền nào?

Để có tiền chúng ta phải chịu khó lao động, sản xuất thật nhiều để thu nhận được nhiều tiền của. Một khi đã có càng nhiều tiền, thì cuộc sống càng nhiều tiện nghi. Đối với người trí thức, tiền là thứ ưu tiên cho họ cải thiện kiến thức, tiền giúp họ mua sách báo, thiết bị học tập, nguyên liệu nghiên cứu…v,v. Đây là phương thức lao động chân chính.

Tuy nhiên cũng không ít người kiếm tiền bằng những hành vi bất chính… điều này chắc chắn sẽ dẫn đến một đời sống bất ổn và tâm hồn cũng sẽ bất an.

Tiền thì cần thiết cho cuộc sống vật chất cũng như kiến thức của chúng ta. Thực vậy, nó không phải là thứ duy nhất mà chúng ta quan tâm đến trong thời đại hôm nay.

Cuộc sống sẽ tồi tệ nếu chúng ta lãng phí tất cả thời giờ cho chúng! Kiếm được nhiều tiền hơn, chúng ta cần phải biết làm sao để sử dụng nó cho đúng mức. Chúng ta cần phải xem nó như người đầy tớ và không bao giờ để cho nó làm chủ chúng ta.

Với tiền mà chúng ta kiếm được, chúng ta phải tằn tiện để chia sẻ cho những công việc phúc lợi và tổ chức từ thiện. Danh ngôn Tây Phương có câu: “Người có hạnh phúc thực sự chính là người biết quan tâm đến hạnh phúc của người khác”. Chính vì thế mà đã có những tổ chức trên thế giới càng ngày càng tình nguyện tài trợ hay giúp đỡ các nước nghèo và người nghèo ở khắp nơi mà không cần trả đáp. Cũng có những thanh niên tình nguyện sẵn sàng bỏ công bỏ của, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu để giúp đỡ người nghèo khó và túng thiếu. Có phải do tiền mà họ làm được như vật không? Câu trả lời tuyệt đối là “không”. Bởi vì: tiền không phải là tất cả. Như một số kinh nghiệm từng nói dưới đây:

- Tiền có thể mua được nhà, nhưng không mua được tổ ấm.

- Tiền có thể mua được giường, nhưng không mua được giấc ngủ ngon.

- Tiền có thể mua được lịch, nhưng không mua được thời giờ.

- Tiền có thể mua được sách vở, nhưng không mua được kiến thức.

- Tiền có thể mua được thực phẩm, nhưng không mua được sự ngon miệng.

- Tiền có thể mua được địa vị, nhưng không mua được sự kính trọng.

- Tiền có thể mua được máu, nhưng không mua được sự sống.

- Tiền có thể mua được thuốc chữa bệnh, nhưng không mua được sức khỏe.

- Tiền có thể mua được tình dục, nhưng không mua được tình yêu.

- Tiền có thể mua được bảo hiểm, nhưng không mua được sự an toàn.

Và như bạn biết đấy, tiền bạc cuối cùng vẫn chỉ là phù du, chẳng có nghĩa lý gì hết nếu ta không biết sử dụng nó.

Vì chưng: "Chúng ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được" (x. Lc 16,13; Mt 6,24).

JB. BÙI NGỌC ĐIỆP

VỀ MỤC LỤC

ÍT SUY TƯ VỀ TÍNH ĐẶC THÙ CỦA CƠ QUAN BÁC ÁI CARITAS CỦA GIÁO HỘI

(Dưới ánh sáng Thông Điệp “THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU” của Đức Benedicto XVI)

 

Bài này viết không có mục đích bình luận Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” (Deus Caritas est) của Đức Benedicto XVI. Việc này chắc phải dành cho các đấng thẩm quyền cao và chính Đức thánh cha cũng đã cắt nghĩa rõ ràng trong thông điệp của ngài. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nêu lên một vài suy tư chính, có tính cách lịch sử mà Đức Thánh Cha đã nói đến trong thông điệp đầu tiên của ngài: Cơ quan Bác Ái CARITAS hoàn vũ.

Đây là một tổ chức công giáo thời đại, trong đó tất cả các hoạt động xã hội và bác ái đều được thực hiện với danh nghĩa Giáo Hội hoàn vũ. Các tổ chức này trải rộng trên một địa bàn từ cấp giáo phận đến giáo xứ, hiện diện trên hơn 200 quốc gia và nhiều nơi khác trên khắp thế giới.

Trong Thông điệp về TÌNH YÊU rất quan trọng này, Đức Benedicto XVI đã cắt nghĩa một cách rất sâu sắc cho chúng ta hiểu thế nào là Tình Yêu đích thực. Chúng ta là người Kito hữu cũng như các tổ chức bác ái phải thi hành các công tác bác ái xã hội để hoàn thành xứ mạng “lan truyền, chia sẻ Tình yêu và Công Lý xã hội trên khắp thế giới”.

 

TìNH YÊU KITO GIÁO: Cốt lõi của niềm tin

 Đây là thông điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Benedicto XVI nói về Tình yêu Kitô giáo. Đối với người tín hữu Kito giáo, “Tình yêu là cốt lõi của Niềm Tin”. Nó có tầm quan trọng đặc biệt nên Đức Thánh Cha đã  mở đầu thông điệp của ngài bằng lời thánh Gioan:“Chúa là Tình Yêu, và ai ở trong Tình Yêu, kẻ đó ở trong Chúa, và Chúa ở lại với họ” để rồi cũng trong ý thánh Gioan, ngài nhắc lại cho chúng ta: “Chúng tôi đã nhận ra Tình Yêu Thiên Chúa gởi đến cho chúng tôi và chúng tôi đã tin vào Tình Yêu đó”  Ga 4, 16) (1). Ngài mở ra cho chúng ta một viễn tượng về Giáo Hội, một hành trình công tác mà thánh Phêro xưa kia đã đáp lại lời Chúa gọi “Hãy ra khơi – Duc in altum, mar adentro” mở đầu cho thiên niên kỷ mới này. Ngài cũng cho chúng ta thấy: “Trên thế giới thỉnh thoảng người ta vẫn liên đới tên Chúa với việc trả thù và ngay cả dùng tên Ngài để kêu gào thù hận và bạo lực” và do đó “sứ điệp này thật hợp thời  và thực tế” (1).  Vì vậy ngài đưa ra cho chúng ta một đường hướng, một công thức để chúng ta thi hành: “Tất cả chúng ta đã được Chúa thương yêu một cách nhưng không thì chúng ta cũng phải chia sẻ tình yêu đó cho tha nhân”.

Với một suy tư rất thâm trầm nhưng đơn giản và rõ ràng, rất cơ bản nhưng không cầu kỳ khó hiểu, ngài đã cho chúng ta thấy Tình Yêu Thiên Chúa và Tình yêu loài người là hai thứ tình yêu thánh và trần tục nhưng luôn liên quyện với nhau trong cùng một tư duy và hình thái độc nhất. Từ đó ngài vẽ ra cho chúng ta, cho Giáo Hội một con đường, một công thức cụ thể để chúng ta noi theo. Đó là tác động Thiên Chúa yêu thương ta và chúng ta yêu mến Chúa phải đựợc thể hiện qua hành động rao giảng lời Chúa, cử hành các phép bí tích và thực thi nhiệm vụ bác ái: Bác ái giữa người này với người kia, giữa các bạn hữu với nhau, giữa các hội viên / đoàn viên với nhau cũng như giữa các tổ chức / hội đoàn với nhau, giữa quốc gia này với quốc gia nọ.

Rõ ràng đức thánh cha đã muốn mọi ngừơi ôn lại lời hứa và quyết tâm đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa đã được Chúa ban cho loài người một cách bí nhiệm và nhưng không qua Đức Kito.  Yêu Chúa và thương người là hai thứ tình yêu có liên hệ mật thiết không thể tách rời, bởi lẽ nó liên đới với chính Chúa Kito là Thiên Chúa thực và là người thực sự. Thực vậy “ Nếu nói rằng tôi yêu Chúa nhưng tôi ngoảnh mặt đi hoặc ghét bỏ tha nhân hay không nhận ra “bạn mình / tha nhân” nơi những người anh em khác là tôi nói dối” (Ga 4, 20). Do đó, chúng ta phải luôn luôn đối sử và làm tất cả mọi điều tốt lành cho tha nhân, cho mọi người gần cũng như xa với con mắt và tấm lòng người Samaritano nhân hậu qua biểu tượng Đức Kito là đấng đã xuống trần, thương yêu đến chết để cứu chuộc chính chúng ta.

Tình yêu Thiên Chúa và yêu Chúa phải được thể hiện qua hành động yêu mến tha nhân. Đây là căn bản cốt lõi của giáo lý Giáo Hội, là viễn tượng và hướng dẫn duy nhất cho toàn thể cộng đồng Giáo Hội. Nó cũng là bổn phận của mỗi một tín hữu Kito giáo, có nhiệm vụ thực thi bác ái biểu hiện qua tình yêu Chúa ba ngôi để Chúa kết hợp chúng ta lại với Chúa cho đến khi Chúa ớ trong tất cả chúng ta. Không thể có Giáo Hội thực sự nếu không có loan truyền lời Chúa, cử hành bí tích và chứng nhân bác ái qua các cơ quan / hội đoàn. Những nhiệm vụ này luôn luôn đi song hành, không thể tách biệt. Có vậy mới tạo được cộng đồng Giáo Hội tình yêu, một dấu chỉ rõ ràng Thiên Chúa yêu thương nhân loại.

Thực hành sứ vụ bác ái theo như thông điệp của Đức Benedicto XVI là chúng ta đã làm sống lại cơ chế của Giáo Hội sơ khai mà các thánh tông đồ đã ý thức được và thực hiện:  “.…Tất cả những ai đã trở thành tín hữu hợp thành một cộng đoàn và cùng có chung mọi thứ. Họ bán của cải tài sản và chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu cá nhân” (Cv2,44-45) (20). Cộng đoàn như vậy không còn cách biệt kẻ giàu ngừơi nghèo vì tất cả mọi người đều có chung của cải.  Họ sống chung với nhau, “tuân giữ lời các tông đồ dạy”,  xây dựng “cộng đoàn” (koinonia), giữ việc “bẻ bánh”  và “cầu nguyện” (Cv 2, 42). Ngày nay với đà phát triển và biến đổi của thế giới, Giáo Hội không thể là những cộng đoàn được thực hành một cách sát nghĩa như vậy được . Nhưng Giáo Hội vẫn phải giữ tinh thần của một Giáo Hội cộng đồng như xưa. “Tất cả các tổ chức bác ái của giáo Hội, từ cấp nhỏ bé nhất ở cấp giáo xứ đến giáo phận, quốc gia cho đến hoàn vũ đều phải làm tất cả mọi sự trong khả năng của mình hầu cung ứng những nhu cầu thiết yếu trong những trường hợp cấp bách đặc biệt cho những người cùng khổ theo gương người Samaritano nhân hậu và tinh thần bác ái Kitođể không thể để xẩy ra tình trạng nghèo đói đến nỗi có người không sống được đúng phẩm giá vì quá thiếu thốn”.

Ngày 18 tháng 1 năm 2006, sau khi tuyên bố tông huấn đầu tiên “Thiên Chúa là Tình yêu” / Deus Caritas est, trong một tóm lược vắn gọn về thông điệp của ngài, Đức Benedicto XVI đã  đề cập đến những tổ chức / hội đoàn bác ái Caritas của Giáo Hội.

“….Riêng tôi, tôi cũng cố gắng chứng tỏ cho anh chị em rằng chính hành động Chúa thương yêu chúng ta là một tác động tình yêu duy nhất. Tình thương này cũng phải đựơc thể hiện như là một sứ vụ của Giáo Hội và của các tổ chức của Giáo Hội. Nếu thực sự Giáo Hội là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa đã ban cho loài người thì đó chính thực là nền tảng của niềm tin đã tạo thành Giáo Hội và liên kết chúng ta lại với Giáo Hội để chúng ta hy vọng có được đời sống vĩnh cửu và sự hiện diện của Thiên Chúa ở trần thế này. Tất cả những tác động đó tạo thành sứ vụ của Giáo hội.”

Trong thực tế, Giáo Hội cũng phải thực hiện tình yêu của mình như là sứ vụ “Tình yêu Giáo Hội”, sứ vụ “Tình yêu cộng đồng và cộng đoàn”. “Khi đã hiểu và ý thức được như vậy về tính đặc thù của Tình yêu bác ái của Giáo Hội, thì cơ quan bác ái Caritas của Giáo Hội không đơn thuần giống như những tổ chức từ thiện thường tình khác. Nó nhất thiết phải là chứng tá tình yêu tinh tuyền, sâu thẳm nhất của Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, đánh động tâm can chúng ta và thúc đẩy chúng ta yêu người, phản ảnh Tình yêu Thiên Chúa nơi con người.”

Để biểu lộ tình yêu Thiên Chúa, Giáo Hội -như một tổ chức- có bổn phận yêu thương qua việc “rao giảng lời Chúa”, “cử hành các bí tích” và “thực hành bác ái”.

Do thành tích thực hành bác ái, đức cố giáo hoàng Gioan Phaolo II đã công khai chính thức công nhận cơ quan Caritas hoàn vũ.  Như vậy là với tư cách tổ chức bác ái Caritas hoàn vũ, tất cả các cơ quan dưới danh nghĩa Giáo hội, đã thực hành những công tác bác ái một cách bền bỉ ở khắp mọi nơi cùng với việc thờ phượng và rao truyền Tin Mừng Chúa mà giáo hội tuyên xưng.

Cơ quan Caritas là một tổ chức thời đại, một trong ba nhiệm vụ cơ bản của giáo hội.  Giáo hội không còn một chọn lựa nào khác, bởi lẽ không thể có một cộng đồng hội thánh được tổ chức bằng Lời Chúa và việc phụng thờ Thiên Chúa mà lại không bao hàm chiều kích sứ vụ thứ ba này của Hội Thánh là công tác bác ái, chứng nhân cho Tin Mừng đã được Đức Kitô hoàn thành trong lịch sử và cho đến ngày tận thế. Theo như thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu của Đức Benedicto XVI thì cơ quan Caritas là một tổ chức của Giáo Hội hoàn vũ có nhiệm vụ thi hành một trong ba  sứ vụ của Giáo Hội là làm chứng Lời Chúa qua việc làm, tuyên xưng đức tin và cử hành phụng vụ.

Các nguyên tắc và luật lệ của tổ chức Bác ái đã được Đức thánh cha phê chuẩn với những căn tính của cơ quan khi thi hành công tác sứ vụ “nhân danh Giáo Hội”: Không kỳ thị phân biệt phe phái, không hạn chế, không biên cương. Do đó mỗi khi nhân viên của tổ chức Caritas của Giáo Hội phẩm trật làm công tác thi hành sứ vụ bác ái theo đúng tinh thần của tổ chức là họ đã rao giảng Tin Mừng Chúa.

Tổ chức bác ái Caritas hoàn vũ là dấu hiệu đích thực của Niềm Tin Kito Giáo: Tình yêu Chúa Kito đã kích động Giáo Hội thực hiện tình yêu Thiên Chúa.

 

LÀM CÔNG TÁC BÁC ÁI TỨC LÀ RAO TRUYỀN PHÚC ÂM KHÔNG CẦN LỜI NÓI

Căn tính của cơ quan bác ái Caritas chính là tinh thần Chúa Kito, nghĩa là mọi việc làm, cử chỉ, lời nói, hành động đều noi gương ngài. Tận hiến, Phục vụ và cộng đoàn/chia sẻ để thần khí làm sống lại và thúc đẩy việc làm, soi sáng và khuyến khích mọi người thực thi sứ vụ đúng đường lối căn tính đặc thù của tổ chức Caritas trên toàn thế giới.

Để được như vậy, tất cả mọi người khi thi hành nhiệm vụ, không được để tinh thần bác ái Kito giáo giảm mất bản chất của nó mà Đức Benedicto XVI đã vạch ra rõ ràng trong thông điệp TÌNH YÊU của ngài:

Ngoài khả năng nghiệp vụ chuyên môn, nhân viên bác ái cần có  “con tim”, “tình người”. Họ phải được dẫn đến gặp Chúa trong Đức Kito để Ngài đánh thức tình yêu trong họ và mở lòng họ ra cho tha nhân.

Hành động bác ái phải độc lập với chính đảng và cương lĩnh ý hệ. Cương lĩnh của người Kito hữu  -cương lĩnh ngừơi Samaritano nhân hậu, cương lĩnh của Đức Kito- là “trái tim mở rộng nhìn để thấy đâu cần tình yêu là hành động.

Công tác bác ái không được dùng làm phương tiện mà ngày nay người ta gọi là “chủ trương cải tạo”. Tình yêu là “hiến dâng nhưng không”, nó không được dùng để đạt những “hậu ý khác”. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là ta gạt bỏ Chúa và Đức Kito ra ngoài khi làm việc bác ái…..Cũng không bao giờ nên tìm cách đẩy người khác vào đạo khi làm việc bác ái. Tình yêu tinh tuyền và không hậu ý sẽ là chứng tá hay nhất về Chúa. Người là đấng yêu ta và thúc đẩy ta yêu. Người Kito hữu biết lúc nào nên nói về Chúa, và lúc nào nên im lặng để cho tình yêu nói thay. Họ nhận biết Chúa là Tình Yêu và nơi nào ta thực thi tình yêu tinh tuyền, ở đấy Ngài sẽ xuất hiện.

 

KẾT LUẬN:

Để kết luận ta nên giữ nằm lòng lời giáo huấn trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” của Đức Benedicto XVI: Không thể có một cộng đồng giáo hội trong một Giáo Hội phổ quát mà trong đó không có tổ chức để thực hành sứ vụ bác ái. Do đó không một thành viên tín hữu nào lại có thể cảm thấy mình bị lạc lõng trong những tổ chức bác ái của cộng đoàn mà họ là thành phần trong giáo hội hoàn vũ phổ quát và hiệp nhất, một cộng đồng Kito giáo thực sự trong mạng lưới hiệp thông để cùng nhau làm việc thiện.

Pace Island, Florida.  March 2, 2006

Bác Sĩ  Nguyễn Tiến Cảnh

VỀ MỤC LỤC
Giấc Ngủ Trưa

Câu Chuyện Thầy Lang

Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức

Giấc Ngủ Trưa

“Trưa mùa hè, trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Trong nhà, ngoài ngõ, vắng vẻ, tĩnh mịch. Ở một chái bên, bà ôm cháu vào lòng. Hai bà cháu nằm trên cái võng, đưa đi đưa lại, tiếng kêu kẽo cà kẽo kẹt, theo một điệu.

Bà cất tiếng hát, bà ru:

“Cái ngủ mày ngủ cho lâu

Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về”.

Cháu nghe êm tai, ra chừng thiu thiu ngủ, mà bà cũng ra dáng lim dim hai con mắt.

“Ừ, cái ngủ mày ngủ cho say,

Mẹ mày vất vả chân tay tối ngày(1)

Đọc đoạn văn xưa trên nửa thế kỷ, người viết rút ra được hai bài học Giáo Khoa Thư :

Tình gia đình, tình bà cháu của nguời Việt ta. Ông bà trông nom cháu cho các con tần tảo kiếm gạo nuôi gia đình. Người Già Việt Nam sao mà hy sinh, sao mà hữu dụng!

Bài học thứ hai là về sức khỏe, về giấc ngủ ban trưa, mà người viết muốn có ít lời ghi lại...

Ngủ trưa vẫn là một thói quen của mọi sinh vật trên trái đất từ nhiều ngàn năm và căn cứ trên lẽ phải thông thường thực tế từ kinh nghiệm sống.

Một chuyên viên về giấc ngủ, tiến sĩ Gregg Jacobs, có ý kiến như sau: “Ich lợi của giấc ngủ giữa ngày đã được nhiều người để tâm nghiên cứu và khoa học xác nhận. Chúng ta hy vọng là vào một thời điểm nào đó, viên chức công tư sở có thể làm mươi phút ngủ trưa thay vì mươi phút giải lao”.

Cố Thủ Tướng Anh Quốc Winston Churchill thú nhận có một tật xấu là sau mỗi bữa ăn trưa ông phải ngủ nửa tiếng, nhưng sau đó ông làm việc rất có hiệu quả. Theo ông Thủ Tướng ghiền cigars : “ Tạo hóa không có ý bắt loài người phải lao động từ tám giờ sáng tới nửa đêm mà không có một thời gian ngắn thư giãn. Dù chỉ hai chục phút thôi cũng đủ tái tạo tất cả sinh lực trong người”.

Khi còn bé, con trẻ rất ham chơi, lén lén ra vườn nghịch ngợm, bỏ ngủ trưa. Ông bà thường canh chừng bắt các cháu phải lên giường ngủ. Tai các lớp mẫu giáo, trẻ em cũng được dành nửa giờ sau khi ăn để nhắm mắt ngủ. Ngay cả con trâu con bò, sau một ngày vất vả phụ người cầy bừa ruộng, cũng nằm dưới gốc tre, lim dim cặp mắt, để lấy sức kéo cầy buổi chiều

Cái lệ ngủ trưa được nhiều quốc gia, nhất là ở vùng nhiệt đới, vẫn còn áp dụng.

Việt Nam ta khi xưa thì từ các thầy thông thầy phán tới thứ dân, lao động đều làm một giấc ngủ trưa trong cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Chỉ có một số quốc gia kỹ nghệ tiến bộ, để tiết kiệm thời giờ, người ta làm việc một lèo từ sáng đến chiều, với nửa giờ ăn trưa, vài phút giải lao uống cà phê, hút thuốc. Mà giờ ăn trưa lại được dùng vào việc chạy đi mua đồ bán sale, còn mệt hơn.

Vì thế Tiến sĩ Antonia Will bình luận về giờ giấc làm việc này như sau: “Hệ thống giờ giấc làm việc hiện đại được thành hình mà không để ý tới nhu cầu thực tế của cơ thể. Người ta chỉ nghĩ tới giải lao uống cà phê mà không nghĩ tới thư giãn nhắm mắt; chỉ nghĩ tới sự kích thích nhân tạo chứ không đếm xỉa tới sự phục hồi sức khỏe tự nhiên. Ðây là một lỗi lầm rất lớn”.

Gerald Celente, Giám Ðốc một tổ chức nghiên cứu sinh học ở Nữu Ước cho rằng con người cần một chút thời gian để nạp lại bình điện và hài hòa tâm trí.

Theo bác sĩ Jesse Hanley thì con người cần một nghỉ ngơi sau buổi trưa, vì vào thời điểm đó đa số đều cạn sinh lực. Nang thượng thận vào giữa trưa không còn sản xuất được đủ kích thích tố cần thiết cho các chức năng của cơ thể. Nếu không nghỉ, con người sẽ cảm thấy lo lắng, bồn chồn, phải đi kiếm cái gì để kích thích như uống ly cà phê, chai nước ngọt. Nhưng chỉ với mươi mười lăm phút ngủ là nang thượng thận hoạt động lại bình thường ngay.

Tuy nhiên, do thói quen, có người cảm thấy bối rối, ngượng ngùng khi nói ra là mình muốn ngủ trưa. Có người lại sợ sau khi chợp mắt tỉnh dậy thì lờ đờ, không làm việc được.

Ích lợi ngủ giữa ngày

Về sinh học, khi làm việc liên tục không có lúc nghỉ thì cơ thể sẽ tích tụ những mệt mỏi.

 Và sự gắng sức không những làm tiêu hao sinh lực mà còn tạo ra nhiều hóa chất cặn bã và chất độc làm tê liệt thần kinh. Hậu quả này chỉ được giải trừ bằng sự ngủ.

Kinh nghiệm cho thấy với sự mệt mỏi vừa phải chỉ cần một thời gian ngắn để lấy lại sức nhưng nếu mệt mỏi nhiều hơn thì thời gian phục hồi phải gấp đôi. Làm việc tới kiệt sức cũng khiến nang thượng thận suy nhược vì phải liên tục sản xuất kích thích tố để đối phó. Bình thường, nang này hoạt động mạnh vào buổi sáng sớm, tăng dần cho tới trưa, rồi giảm dần cho tới mức thấp nhất vào khoảng thời gian từ 3 tới 5 giờ chiều.

Một kiến trúc sư có tiếng người Mỹ, ông Buckminster Fuller, đã áp dụng phương thức cứ sau ba giờ làm việc thì ngủ nửa tiếng, ngày cũng như đêm. Ông ta cho biết là trong người rất tỉnh táo, hiệu năng làm việc tăng rất cao và sau mấy tháng, đi khám sức khỏe thấy kết quả mọi thứ đều tốt.

Theo kinh nghiệm của nhiều người, ngủ trưa khiến họ trở nên tinh nhanh, linh lợi hơn và có thể giải quyết được nhiều việc tế nhị, rắc rối.

William Anthony, tác giả sách Nghệ Thuật Ngủ Trưa Tại Sở The Art of Napping at Work, cho hay một chút ngủ nghỉ nơi làm việc là phương thức rẻ tiền và tự nhiên nhất để tăng sản xuất của nhân viên.

Tác giả Charles P. Kelly, một chuyên gia nổi tiếng về sự ngủ, kể lại kinh nghiệm cá nhân về vấn đề này.

Khi còn học Đai học, ông ta phải đi làm thêm, bán hàng qua điện thoại. Một hôm ông ta mệt quá, nằm ngủ thiếp đi nửa giờ đông hồ. Khi tỉnh dậy, ông ta cứ lo là không đủ thì giờ để rao bán cho đủ số khách hàng đúng như tiêu chuẩn. Nhưng kết quả ngược lại: không những đủ mà còn vượt quá chỉ tiêu vì buổi chiều hôm đó ông ta thấy trong người sảng khoái, nói năng lưu loát, thuyết phục hơn những ngày trước. Từ đó, ông ta tiếp tục ngủ nửa giờ sau mỗi bữa ăn trưa để có thể làm việc trễ hơn vào buổi tối.          

Trong lịch sử, có nhiều dẫn chứng về ích lợi ngủ giữa ngày.

Nhà phát minh Thomas Edison thường được coi là ngủ rất ít, không tới tám giờ một ngày. Nhưng ông ta cho hay là trong khi làm việc, ông ta ngủ khi nào thấy trong người mệt mỏi, kém tập trung. Không bao giờ ông ta làm việc quá bốn giờ giữa hai thời gian ngắn ngủ và nghỉ.

Cựu Tổng Thống Mỹ Harry Truman đặt lệ là ngủ một giờ sau bữa ăn trưa; Tổng Thống Teddy Roosevelt đều ngủ trưa trong thời gian đi vận động tranh cử.

Theo thống kê của các hãng bảo hiểm và cơ quan công lộ Hoa Kỳ thì một số đáng kể tai nạn xe hơi xẩy ra vì người lái quá cố gắng, lái xe liên tục không nghỉ trong nhiều giờ. Trong khi đó thì nhiều người thấy rằng sau vài giờ lái xe, chỉ tạt vào lề đường, nhắm mắt mươi phút là tỉnh táo, hơn là uống một ly cà phê đặc.

Trong một cuộc điều tra về vấn đề ngủ của các phi công, do cơ quan Không Gian Hoa Kỳ thực hiện, thì các phi công đều nhận là họ có ngủ giữa ngày, một điều cấm kỵ khi bay. Phi hành đoàn thường vượt qua nhiều múi giờ, nên giấc ngủ bị rối loạn, đôi khi họ chỉ ngủ dưới sáu tiếng một ngày. Kết quả nghiên cứu cho hay nhiều phi công ngủ ngày nhưng họ không ghi vào phiếu lộ trình.   

Những người làm việc ca đêm thường có nhiều khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn. Họ ăn vào giờ khác với nhịp sinh học bình thường nên dịch vị bao tử tiết ra không đúng lúc cho sự tiêu hóa. Ngoài ra khi đã có một số bệnh như kinh phong, tiểu đường, thì làm ca đêm cũng khiến bệnh trầm trọng hơn. Cho nên để tránh những trở ngại đó, đã có đề nghị cho phép người làm ca đêm ngủ một lúc trong khi làm việc hoặc trước ca. Sự ngủ này giúp họ tỉnh táo hơn để làm việc suốt đêm.

Trong lịch sử y khoa Hoa Kỳ, đã có nhiều vụ làm việc không nghỉ rồi xẩy ra tai nạn nghề nghiệp.

Một bác sĩ chuyên về tê mê bị đưa ra tòa vì ngủ trong khi đánh thuốc mê cho một bệnh nhân để giải phẫu. Nhân chứng nói là trong thời gian giải phẫu gia làm việc, ông bác sĩ tê mê phải theo dõi tình trạng người bệnh. Nhưng ông ta đã chợp mắt ngủ ngồi mất mấy phút, đúng vào lúc huyết áp người bệnh xuống thấp, ông ta không biết để đối phó, nên bệnh nhân thiệt mạng. Ra tòa, ông ta khai là vì quá mệt sau mấy ca mổ liên tục trong ngày.     

Trẻ sơ sinh có một thời biểu ngủ chưa ổn định rất cần giấc ngủ giữa ngày để tăng trưởng. Ở các em, nhịp sinh học circadian ngày làm, đêm ngủ chưa được thiết lập. Mới sanh, bé ngủ vài tiếng rồi thức dậy chơi độ hơn một tiếng rồi lại ngủ. Thời gian từ 2 đến 8 tuần lễ, bé thay đổi nhịp ngủ/thức mỗi 4 giờ. Từ 3 tháng tới 1 tuổi, bé bắt đầu ngủ đêm nhiều hơn, khoảng 6 đến 8 giờ và ngủ ngày ít đi vào mỗi sáng và chiều. Sau một thời gian, trẻ thơ chỉ giữ giấc ngủ ban ngày vào sau trưa cho tới khi lên 3 hoặc 4 tuổi.

Giờ ngủ và vị thế ngủ

Tùy theo từng người nhưng đa số đều cho rằng giấc ngủ khoảng giữa trưa là tốt hơn cả.

Theo kết quả nghiên cứu của bác sĩ Nathaniel Kleitman thì với một giấc ngủ ban đêm, khả năng lao động của con người tăng dần từ lúc ngủ dậy, tới một cao điểm trong ngày rồi xuống dần, thấp nhất vào lúc đêm. Bây giờ nếu ta ngủ ngắn hạn vào buổi trưa, thì sẽ có hai cao điểm của khả năng lao động thay vì một cao điểm.

Nhiều người chớm thấy mệt, kém tập trung, thấy không còn sinh lực là nghỉ ngay hoặc đi kiếm ly cà phê, uống chai nước ngọt để lấy sinh lực.

Vị thế để nghỉ trưa cũng quan trọng. Có người ngồi ngay thẳng trên ghế làm việc, có người ngồi xếp bằng dưới đất, cũng có người nằm gác chân lên bàn, tháo bỏ giầy cho thư giãn, rồi nhắm mắt ngủ.

Sửa soạn cho phút ngủ trưa

Ngủ trưa đúng cách cần sắp xếp cho chu đáo và một vài quy luật:

Kiếm chỗ vắng, yên tịnh, thoải mái để chợp mắt.

Tắt đèn, bỏ điện thoại. Có miếng vải đen che mắt tránh ánh sáng càng tốt.

Đặt đồng hồ báo thức 10 phút. Ngủ nhiều quá đâm ra ngây ngất lờ đờ vì rơi vào tình trạng ngủ say, khó thức dậy.

Nhắm mắt, thư giãn, để lắng tâm hồn.

Chú tâm vào nhịp thở, theo dõi không khí đi vào mũi, cuống họng, phổi.

Thở hơi to để có thể nghe hơi thở và tập trung vào đó.

Nhiều người cho rằng chỉ nằm yên lặng nhắm mắt cũng có công hiệu phục hồi sinh lực như ngủ nhưng khác nhau về diễn biến. Khi ngủ thì con ngươi thu nhỏ, và ngủ càng say con ngươi càng nhỏ. Còn khi nhắm mắt nghỉ thì con ngươi vẫn nở rộng

Khi ngủ trưa, nhiều người tự nhiên thức dậy mà không cần báo thức, vì họ ngủ lâu mau tùy theo nhu cầu giải tỏa mệt mỏi của cơ thể. Do đó sự mệt mỏi hết rất mau, tránh được sự tích tụ mệt mỏi. Và công năng lao động cao hơn.

Không tin, quý vị hãy thử mà coi.

Nhưng nhớ đóng cửa, kẻo ông bà chủ bắt gặp, đang nhất nghiệp trở thành thất nghiệp thì gặp rắc rối với người bạn đường.

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức Texas-Hoa Kỳ

(1) Quốc Văn Giáo Khoa Thư- Trần Trọng Kim-Đỗ Thận-Nguyễn Văn Ngọc- Đặng Đình Phúc- 1948

VỀ MỤC LỤC
NHỮNG BIẾN CHỨNG TRONG CUỘC ĐỜI

 

LTS. Kính thưa Quí vị

Tác giả Linh Mục Lê Văn Quảng  (Doctor of Psychology) có ý chia sẻ với một số hoàn cảnh người thân trong bài viết dưới đây; nhưng giá trị nội dung của bài viết còn có thể hiểu và áp dụng rộng rãi trong hầu khắp các hoàn cảnh tương tự của cuộc sống đời thường. 

NHỮNG BIẾN CHỨNG TRONG CUỘC ĐỜI

Ở Việt Nam có những khó khăn ở Việt Nam. Ở Mỹ có những khó khăn ở Mỹ. Đâu đâu cũng có những khó khăn, những trở ngại. Càng văn minh nhiều thì càng khó khăn nhiều. Nhưng, những khó khăn đó chúng ta có thể vượt thắng để có được một gia đình ấm êm, hạnh phúc nếu chúng ta biết cảm thông và cùng giúp nhau thắng vượt.

Tôi đang làm việc truyền giáo ở Đài Loan. Mỗi năm tôi có dịp trở về Mỹ thăm mẹ già tôi và những người thân mà trong thời gian học hành cũng như phục vụ ở Mỹ tôi đã có dịp giao tiếp với họ. Nhiều người đã hỏi tôi vấn đề nầy:

- Thưa cha, trước đây nhà con rất là lanh lẹ, tháo vát, lịch sự, dễ thương, nhưng từ khi đi học tập cải tạo về, và nhất là thời gian gần đây sau khi sang đất Mỹ, nhà con hoàn toàn đổi tính: khó tính và hay gắt gỏng. Con phải cố gắng lắm để cho bầu khí trong gia đình được êm ấm. Nhưng rồi, không biết con sẽ chịu đựng được bao lâu nữa? Cha có cách nào giúp con không? 

Rất tiếc những lần gặp gỡ như thế, thời gian và khung cảnh không cho phép tôi thảo luận nhiều về vấn đề đó, nhưng tôi rất cảm thông và thành thật muốn chia xẻ những khó khăn của một số gia đình anh chị em đang gặp phải, nhất là đây là những gia đình mà tôi đã từng quen biết và còn thân thiết nữa. Tôi muốn dùng bài viết nầy để chia xẻ một chút kinh nghiệm cũng như một ít kiến thức mà tôi đã học được với một số anh chị em đang gặp phải cùng một hoàn cảnh như trên. Hy vọng nó có thể giúp anh chị em hiểu được đâu là nguyên nhân của những biến chứng đó.

 

1. Hậu Quả Của Những Kinh Hoàng Trong Cuộc Sống

Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều là nạn nhân của một cuộc chiến cũng như sự kết thúc cuộc chiến một cách vô nhân đạo. Chiến tranh đã cướp đi biết bao nhiêu nhân mạng cũng như biết bao nhiêu tài sản của dân tộc chúng ta. Khi chiến tranh còn đang tiếp diễn, mọi người đều ước mong sớm có hòa bình. Nhưng rồi, sau khi chiến tranh kết thúc mọi sự càng bi đát hơn. Một số người không ít đã phải đi học tập cải tạo trong những trại tập trung hết sức khắc nghiệt và tàn nhẫn. Một số khác không thể nào chung sống được với những con người không cùng chung lý tưởng nên họ đã bỏ nước ra đi, sẵn sàng chấp nhận tất cả những thương đau như lang thang trong rừng sâu nước độc hay cuộc sống trôi giạt bồng bềnh trên biển cả. Họ sẵn sàng hy sinh tất cả ngay cả mạng sống mình để đi tìm một cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Chính sự bỏ nước ra đi của hàng triệu người Việt Nam vào cuối thế kỷ 20 đã làm cho cả thế giới kinh hoàng, bỡi họ đã chứng kiến những cảnh tượng hết sức hãi hùng khủng khiếp đã xảy ra cho một dân tộc đã một thời chiến đấu cho sự hòa bình của thế giới. Và hậu quả của những cảnh tượng hãi hùng đó đã đem lại một sự bất hạnh cho nhiều người và nhiều gia đình Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước trong suốt cuộc đời còn lại của họ.

Thật vậy, có những bằng chứng rõ ràng cho thấy có sự tương quan giữa những khủng hoảng về tinh thần  và những người tỵ nạn Việt Nam trong suốt hai thập niên qua. Khác với những nhóm người di dân khác, người tỵ nạn Việt Nam đã phải rời bỏ quê hương một cách bất đắc dĩ. Tái định cư ở một nước mới là một sự chọn lựa bắt buộc, đúng hơn là một sự đào trốn, một sự bỏ nước ra đi vì không chịu nổi một cuộc sống quá bi đát lầm than. Rời bỏ quê hương để ra đi là một sự mất mát: mất tổ quốc, mất gia đình, mất gia sản, mất sự nghiệp, mất văn hóa, mất ngôn ngữ, mất truyền thống, mất phong tục, nghĩa là mất tất cả di sản thiêng liêng quí giá của ông bà tổ tiên bao ngàn đời để lại. Chính những điều đó đã làm cho nhiều người tỵ nạn trở thành những con bệnh tâm thần, bỡi lẽ họ ra đi không có sự chuẩn bị. Họ ra đi trong sự xáo trộn, trong sự bất an, trong sự hiểm nguy, và tương lai trước mặt họ là cả một vùng trời đen tối đầy thử thách đang chờ đón họ.

Chính vì thế, tiến trình di dân của người tỵ nạn đã được xem là một yếu tố quan trọng trong tiến trình tâm bệnh. Sự liên hệ giữa việc khủng hoảng tinh thần và người Việt tỵ nạn nằm trong vấn đề phải thích nghi vào xã hội mới. Đối với người tỵ nạn, cái khó khăn trong viêc hội nhập một nền văn hóa mới chính là cái hậu quả của những kinh nghiệm hãi hùng, ghê rợn mà họ đã phải chứng kiến hay đã phải trải qua, chẳng hạn như: nhà cữa, của cải, sự nghiệp đều bị tước đoạt; thân xác bị đánh đập, tra tấn cách dã man; bị đưa đi lao động khổ sai trong các trại tù cải tạo; hoặc phải chứng kiến những cái chết rợn rùng của những người đồng bạn. Kinh nghiệm về những điều hãi hùng đó đã làm cho nhiều người tỵ nạn khó hội nhập được vào môi trường mới.

Hơn nữa, tất cả những người tỵ nạn đều bị tách rời khỏi những người trong đại gia đình họ hoặc cộng đồng của họ. Việc họ phải đến một quốc gia có truyền thống tôn trọng cá nhân hơn gia đình, đàn bà hơn đàn ông, và trẻ con hơn là người già, đã khiến họ cảm thấy lạc lõng giữa lòng xã hội. Vì thế, họ không chỉ đối diện với xã hội mới, có nền văn hóa hoàn toàn khác biệt mà đồng thời họ cũng còn phải đối diện với sự mất mát gia đình, cộng đoàn, và hệ thống xã hội của chính họ nữa.

Trong môi trường mới, cá nhân đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập. Mức độ hội nhập, thích nghi sẽ khác biệt tùy theo nhóm, dân tộc, và đặc tính cá nhân, tùy thuộc vào khả năng hội nhập của mỗi người. Sự thành công trong việc hội nhập  tùy thuộc vào những yếu tố như: ước muốn thích nghi, khả năng nhận ra giá trị của nền văn hóa khác biệt, sức mạnh nâng đỡ của mạng lưới con người trong xã hội mới, và sự giải quyết những ám ảnh tâm lý của quá khứ còn lưu lai trong tâm hồn họ.

Rất nhiều người tỵ nạn đã phải trải qua hoặc chứng kiến những biến cố hãi hùng trước khi họ được định cư ở một nước thứ ba. Chính những biến cố nầy vẫn còn đang tiếp tục ảnh hưởng đến sự phát triển đời sống tâm lý của họ và là những ngăn trở lớn lao cho việc thích nghi vào xã hội mới. Sự thích nghi vào cuộc sống mới bao gồm việc học hành những kỷ thuật đối phó mới cũng như những lối cư xử và giao tế mới.

Nhưng nhiều người đã học những cách thế để sống còn xem ra thật là phi lý và phi nhân. Chẳng hạn nhiều người tỵ nạn đã chứng kiến những cảnh hãm hiếp, đánh đập dã man, những cảnh giết người tàn nhẫn trên đường vượt biển, nhưng họ vẫn còn được sống sót nhờ việc họ giả dạng khù khờ, ngơ ngáo. Cái phản ứng nầy thường có đối với những người được sống sót sau những cuộc tàn sát. Để được sống còn, họ phải giả điếc làm ngơ, hoặc phải vâng lời một cách khờ khạo, vì họ biết rằng nếu họ tỏ ra khôn ngoan hoặc chất vấn, họ cũng sẽ bị tiêu diệt như những đồng bạn của họ. Sự sợ hãi nầy vẫn còn tiếp tục xảy ra với những người tỵ nạn, đã khiến cho cuộc sống họ trở nên bất bình thường và dĩ nhiên khó thích nghi với xã hội mới.

Một yếu tố quan trọng khác mà thiết tưởng chúng ta cũng cần nên biết, đó là quan niệm không mấy rõ ràng về cái lý do tại sao họ lại đến cư ngụ ở một đất nước xa lạ nầy với mọi sự mới mẻ phải bắt đầu từ con số không. Với cảm giác hận thù, giận dữ còn ghi khắc sâu trong đáy lòng họ về một cuộc chiến tranh phi lý mà họ cho rằng chính đất nước nầy đã đem lại chiến tranh và rồi đã bỏ họ ra đi một cách vô trách nhiệm để rồi chính quê hương họ, dân tộc họ, bà con họ, xóm làng họ phải chịu cảnh chết chóc, cảnh chia ly, cảnh ăn xin nơi vùng đất mới. Làm sao họ có thể đón nhận một nền văn hóa như vậy để hội nhập vào xã hội mới khi họ vẫn còn mang đầy mặc cảm đó?

Một số khác còn mang mặc cảm tội lỗi nầy nữa là: chính sự ra đi của họ đã khiến cho những người ở lại phải chịu lấy một cuộc sống lầm than vì họ đã phải chi phí quá nhiều cho những người ra đi, hoặc vì những người ra đi mà kẻ ở lại phải chịu nhiều bắt bớ đánh đập, tra tấn dã man, đã khiến cho cuộc sống của họ mang đầy những mặc cảm. Quả thật, không phải dễ dàng để hội nhập vào cuộc sống mới đối với những người như vậy.

 

2. Những Cảm Giác Đau Buồn Đi Kèm Với Một Ngôn Ngữ Mới

Nói đến việc hội nhập một môi trường mới, xã hội mới, văn hóa mới thì cũng phải nói đến việc học một ngôn ngữ mới. Ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng trong việc thích nghi vào đời sống mới. Hầu hết những người lớn tuổi gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề học một ngôn ngữ xa lạ. Ngoài vấn đề khó khăn của ngôn ngữ, cảm giác kèm theo khi họ học ngôn ngữ lại còn quan trọng hơn nữa đối với họ. Học một ngôn ngữ mới, có nghĩa là rời bỏ quê hương của mình, mất đi nguồn gốc của mình, mất văn hóa của mình, mất căn tính của mình, mất tất cả những cái tinh túy của mình để trở thành một kẻ vô gia cư, vô tổ quốc, đến ăn nhờ ở đậu ở một nước đã phản bội mình. Cái cảm giác đau buồn đó đã xé nát tim họ và đã ám ảnh họ trong suốt cuộc đời. Và đây là một ví dụ: một bà mẹ kia mà gia đình của bà một nửa đã chết vào những ngày cuối cùng của tháng tư năm 1975, còn lại một nửa khác thì bị bọn hải tặc giết chết trên đường vượt biển, chỉ còn bà và đứa con gái nhỏ nhất được sống sót. Một đêm kia bà đã nằm mơ thấy chồng bà hiện ra giận dữ ra lệnh cho bà không được để đứa con gái nói tiếng Mỹ nữa mà phải nói tiếng Việt: “Bà hãy bảo với con rằng: mầy hãy nhớ mầy không phải là người Mỹ mà là người Việt Nam. Mầy phải nói tiếng Việt không được nói tiếng Mỹ nữa.”

Bên cạnh những phức tạp chồng chất đó, chính việc phải chiến đấu với ngôn ngữ cũng mang lại cho họ ký ức về thời gian tốt đẹp quá khứ, thời gian mà việc đối thoại với những người chung quanh không có gì là khó khăn cả. Và cũng chính ký ức về một qúa khứ huy hoàng đó đã làm tăng thêm cảm xúc buồn chán và sự thất vọng trong cuộc sống mới. Sự bắt đầu đi học một ngôn ngữ khiến họ có cảm giác tuổi nhục nầy là: phải làm lại cuộc đời ngay từ đầu như một đứa trẻ mới chập chững vào đời, khởi sự đi học để nhận biết cuộc sống và biết cách làm sao để thích nghi vào cuộc sống. Điều đó đã khiến họ cảm thấy tự ái và đã mang lại cho họ những cảm giác chán chường trong cuộc sống.

Cuối cùng, việc học ngôn ngữ của một nền văn hóa mới cũng còn gây ra một sự tái định nghĩa về liên hệ gia đình để rồi tạo một sự xung khắc, một sự lẫn lộn, một sự sứt mẻ, một sự tái cấu trúc về một vai trò xã hội mà họ không muốn có. Chẳng hạn, trẻ con thâu nhận ngôn ngữ và văn hóa mới một cách mau lẹ hơn những người lớn đã gây ra tình trạng đảo lộn gia đình. Người lớn trở thành người lệ thuộc trẻ con trong những công việc phải giao tiếp với thế giới bên ngoài. Điều đó đã tạo nên một sự đảo lộn trật tự truyền thống trong gia đình mà họ được hấp thụ và gìn giữ từ bao năm trước, khiến họ khó có thể chấp nhận xã hội mới với một trật tự mới.

Ngôn ngữ đã là một vấn đề phức tạp, vấn đề học vấn và công ăn việc làm theo đó lại là cả một con đường dài đầy chông gai và thử thách. Cái học vấn ngày xưa của họ có thể không còn thích hợp với môi trường mới vốn cần những kiến thức chuyên môn và thực nghiệm. Vì thế, họ bắt buộc phải làm lại cuộc đời từ đầu. Tuy nhiên, bắt đầu làm lại cuộc đời đối với những người lớn tuổi và đã có những kiến thức chuyên môn như bác sĩ, luật sư, giáo sư…thật không phải là một vấn đề dễ dàng cho lứa tuổi của họ. Nhưng, nếu họ không đủ ý chí và nghị lực để trau giồi kinh sử nữa thì chắc chắn người vợ phải ra đi làm để gia đình có thể sinh sống, bấy giờ trật tự và giá trị truyền thống của gia đình cũng bắt đầu thay đổi, bỡi vì ai là người làm ra tiền người ấy sẽ là người cảm thấy có giá trị và uy quyền trong xã hội mới nầy. Quả thật, không có gì đau khổ và mang nhiều mặc cảm cho bằng khi người đàn ông cảm thấy mình bất lực, không còn khả năng gánh vác nổi trách nhiệm của người chủ trong gia đình. Chính điều đó đã làm cho họ trở nên trầm tư, ít nói, gắt gỏng, khó chịu đối với những người chung quanh.

Trên đây là một số những nguyên nhân tôi muốn nêu lên để giúp anh chi em có thể hiểu được những biến chứng mà một số anh chị em đang gặp phải nơi những người thân yêu của chúng ta. Nếu hiểu được những nguyên nhân sâu xa đó, tôi thiết tưởng anh chị em có thể dễ dàng cảm thông và chấp nhận nhau hơn.

Xin kính chúc anh chị em luôn giữ mãi được gia đình êm ấm và tràn đầy tình thương trên một quê hương còn quá xa lạ nầy !!

Lm Lê Văn Quảng     quangtaiwan@yahoo.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************