Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 7, Chúa Nhật 29.1.2006


 CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH                  MỤC LỤC

GÓC THIÊN ĐƯỜNG                                                                                                                                        TTT

LINH MỤC LÀ NGƯỜI CỦA CỘNG ĐOÀN                                                                                              GSVN

LINH MỤC: THỪA TÁC VIÊN LỜI CHÚA                                                          Lm. Antôn Trần Đức Khiết

HIỆN TÌNH GIÁO HỘI VIỆT NAM 2005: VÀI NHẬN ĐỊNH                                    Lm. Nguyễn Hồng Giáo

Con là người chài lưới đi đánh cá người! ( Mc 1, 17)                                        Lm. Nguyễn Ngọc Long

Chứng Kiến Phép Lạ Thánh Thể                                                             Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

NHỮNG LỜI CHÚC TẾT ĐÚNG NHẤT                                                                 Phó tế: GB Nguyễn Định

Sống Lâu Trăm Tuổi                                                                                                      Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức

NHỮNG CON CHÓ ĐƯỢC NÓI ĐẾN TRONG KINH THÁNH                                     JB. Người Tín Hữu

Năm Chó Bàn Truyện Chó                                                                                                               Joseph Vũ


GÓC THIÊN ĐƯỜNG

 

Xuân về trên khắp nẻo quê hương,

Khắp cả thôn quê lẫn phố phường.

Câu chúc trao đi bừng hạnh phúc

Lời mừng gửi lại nở yêu thương.

Hoà bình ngỏ ý trong chân thật

Hiệp nhất ươm mơ giữa nhún nhường.

Gió phả hương trời trong nắng sớm

Cho xuân mở hé góc thiên đường.

Manila 01-01-2006

TTT

VỀ MỤC LỤC

LINH MỤC BƯỚC VÀO THẾ KỶ 21

LINH MỤC LÀ NGƯỜI CỦA CỘNG ĐOÀN.

    

“MỤC TỬ NHÂN LÀNH HIẾN MẠNG SỐNG MÌNH VÌ ĐÀN CHIÊN”. (Gio 10,11).

Trong tông huấn “Pastores dabo vobis”, Đức Kitô được diễn tả như là mục tử tối cao và duy nhất, với vai trò hướng dẫn và chăm sóc cho đàn chiên.

Linh mục là hiện thân của Đức Kitô mục tử. Điều này không phải chỉ nói lên sự liên hệ đặc biệt giữa Đức Kitô và Linh mục, mà còn nói lên sự liên hệ gắn bó giữa Linh mục và đàn chiên được trao phó.

Sở dĩ có Linh mục là vì có đàn chiên cần được chăm sóc. Nếu không có đàn chiên, thì cũng đâu cần đến mục tử.

Vậy Linh mục phải làm gì cho đàn chiên của mình ?

Theo thư luân lưu “Linh mục và ngàn năm Kitô giáo thứ ba” của Bộ Giáo sĩ, thì Linh mục chính là :

       - Thày dạy Lời Chúa.

       - Thừa tác viên các bí tích.

       - Người lãnh đạo cộng đoàn.

 

THÀY DẠY LỜI CHÚA.

* Hiện nay, nhờ sách vở cũng như nhờ internet, các bài giảng theo kiểu “mì ăn liền” tràn ngập khắp đó đây, chỉ sợ không đủ sức để mà đọc.

Tuy nhiên, ở mọi nơi và trong mọi lúc, vai trò thày dạy Lời Chúa  của Linh mục vẫn còn là một vai trò cần thiết.

Hay nói cách khác, Linh mục mắc nợ Lời Chúa đối với dân Chúa. (Pastores dabo vobis, số 25).

* Để chu toàn trách nhiệm thày dạy Lời Chúa, Linh mục cần phải :

- Phải học hỏi Lời Chúa vì Lời Chúa là căn bản cho mọi sự rao truyền. (THĐGM Á Châu, trong 6).

Ngoài ra cũng cần phải trau dồi về hình thức và ngôn từ  giảng giải, để việc trình bày được hấp dẫn. (Linh mục và ngàn năm Kitô giáo thứ ba, trg 27).

* Phải chuẩn bị trước bằng cách suy gẫm và cầu nguyện, nhờ đó Lời Chúa trở thành những xác tín riêng tư, những tiêu chuần hướng dẫn cho hành động.

* Phải thực thi Lời Chúa, bởi vì chứng tá đời sống chính là cách thức duy nhất để rao giảng Tin mừng. (THĐGM Á Châu, trang 28).

* Nhờ việc cầu nguyện, suy gẫm và sống Lời Chúa, việc rao giảng của Linh mục mới thực sự có được một sức lôi cuốn và hấp dẫn, bởi vì :

- Lời nói như gió lung lay.

Việc làm như tay lôi kéo.

      

THỪA TÁC VIÊN CÁC BÍ TÍCH.

* Nhờ việc cử hành các Bí tích, Linh mục :

- Tham gia vào sứ mạng của Đức Kitô.

- Nuôi dưỡng đàn chiên và dẫn đưa họ tới sự thánh thiện. (Linh mục và ngàn năm Kitô giáo thứ ba, trang 31).

* Tuy nhiên, Linh mục cần phải lưu tâm cách đặc biệt tới bí tích Thánh thể và Hòa giải.

Bí tích Thánh thể :

* Bí tích Thánh thể là :

- Trung tâm của thừa tác vụ Linh mục.

- Đồng thời còn là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn bộ đời sống người Kitô hữu.

* Vì vậy, Linh mục cần phải cử hành một cách đúng đắn và có chuẩn bị bởi vì đó chính là một giáo huấn đầu tiên và quan trọng về hy lễ thánh.

Về việc này, xem ra có một số anh em cử hành một cách tùy tiện và thiếu trang nghiêm ?

* Cổ võ việc thờ kính sự hiện diện Thánh thể ngay cả ngoài thánh lễ, biến nhà thờ thành nhà cầu nguyện Kitô giáo.

* Chăm sóc đến những đồ thờ phượng liên quan tới nhà thờ, nhất là bàn thờ, phẩm phục….và một bày khí trầm lặng. (Linh mục và ngàn năm Kitô giáo thứ ba,trang 34).

Đây cũng là điều nhiều nơi không lưu tâm cho đủ : những đồ thờ phượng thi bẩn thỉu, khăn thánh mốc meo và áo lễ thì vàng ố…

Bí tích Hòa giải :

- Cố gắng đưa người tín hữu tới bí tích hòa giải.

- Chính bản thân Linh mục cũng phải thường xuyên đến với bí tích này. (Linh mục và ngàn năm Kitô giáo thứ ba, trang 38-39).

      

NGƯỜI LÃNH ĐẠO CỘNG ĐOÀN.

* Đức Kitô, với tư cách là mục tử, đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên.

* Cũng vậy, đức bác ái mục vụ đòi buộc Linh mục phải hết lòng phục vụ đàn chiên đã được trao phó cho mình, bằng cách :

- Hiện diện trong đàn chiên.

- Hiểu biết đàn chiên và từng con chiên, nhờ đó cảm thông và chia sẻ những nỗi ưu tư và lo âu của họ :

      . Người mục tử gọi tên từng con và dẫn chúng ra. (Gio 10,3).

      . Tôi là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi. (Gio 10,14).

* Hướng dẫn họ về với Đức Kitô, chứ không tạo cho họ bất kỳ sự gắn bó nào với cá nhân mình. (Linh mục và ngàn năm Kitô giáo thứ ba, trang 53).

* Trong bối cảnh của Á châu và Việt Nam, phải đặc biệt quan tâm tới :

- Những người nghèo túng.

- Những kẻ tội lỗi.

* Ngoài ra, nếp sống đơn giản của Linh mục cũng là một bằng chứng hùng hồn cho các giá trị của Tin mừng. (THĐGM Á Châu, trang 12).

      

KẾT LUẬN.

Mặc dù lưu tâm chăm sóc đến đàn chiên đã được trao phó cho mình tại địa phương, nhưng Linh mục vẫn luôn mang lấy một tinh thần thừa sai, luôn hướng tới thế giới và Giáo hội toàn cầu.

GSVN

VỀ MỤC LỤC
LINH MỤC: THỪA TÁC VIÊN LỜI CHÚA

 

I. Nhập đề : hướng nhìn người linh mục từ Trentô đến Vatican II

Thần học về chức linh mục của Công Đồng Trentô đã kế thừa trực tiếp gia sản của thần học kinh viện, nhất là của thánh Tôma, bằng cách khởi đi từ chức tư tế và tương quan giữa chức tư tế và hy tế (sacerdoce et sacrifice). Trong văn bản chính thức bằng tiếng La tinh, linh mục được gọi là sacerdos và thỉnh thoảng mới được gọi là presbyter. Linh mục được định nghĩa như là người cử hành Thánh Thể và tha tội [1].

Để hiểu lý do tại sao Công Đồng Trentô có cái nhìn ưu tiên này về chức linh mục, ta cần đặt Công Đồng này vào trong bối cảnh lịch sử, trong những điều kiện và những ý hướng của Công Đồng, và phải áp dụng khoa chù giải (herméneutiques) để lý giải Công Đồng này.

Trước hết, Công Đồng đã bị hạn chế bởi cuộc tranh luận trực tiếp với nhóm Cải Cách-Tin Lành. Nhóm này phủ nhận tính chất hy tế của Thánh Lễ và phủ nhận chức linh mục hữu hình và công khai, vì thế, Công Đồng đã phải phân chia công việc của mình thành hai lãnh vực song đối với nhau : một mặt thuộc lãnh vực tín lý, mặt khác phải đề ra những cuộc canh tân trong nội bộ Giáo Hội.

Khi các nhà Cải Cách, đặc biệt là Luther, chỉ coi chức linh mục là thừa tác vụ rao giảng Lời Chúa (ministère de la Parole), thì Công Đồng, vì phản ứng lại, nên đã không muốn nói đến chức năng ấy trong Sắc lệnh tín lý (Décret dogmatique) để tỏ ra không nhượng bộ đối phương. Nhưng trong Sắc lệnh về việc canh tân Giáo Hội, (Décret de réformation), Công Đồng lại thường xuyên nhắc rằng các giám mục, các cha quản xứ và toàn thể các linh mục có bổn phận phải rao giảng Lời Chúa. Hơn nữa, Công Đồng còn khẳng định rằng “rao giảng Tin mừng là trách vụ chính yếu của các giám mục”[2]. Sắc lệnh canh tân của Công Đồng Trentô đã diễn tả minh bạch ba nhiệm vụ của chức linh mục thừa tác như sau :

“Huấn lệnh của Thiên Chúa đòi buộc tất cả những ai được giao trách nhiệm chăm sóc các linh hồn phải biết các con chiên của mình; phải dâng hy lễ cho họ; phải nuôi dưỡng họ bằng việc rao giảng Lời Chúa, bằng việc cử hành các Bí tích và bằng gương mẫu của các việc lành; phải chăm sóc người nghèo và những người bất hạnh với tình phụ tử và phải chăm chú vào những trách nhiệm mục vụ khác”[3].

Cũng trong chiều hướng này, từ nay khả năng giáo huấn dân Chúa sẽ là một điều kiện cần thiết để được phong chức.

Như vậy, vì phải chống lại Tin Lành, nên trong Sắc lệnh tín lý, Công Đồng phải ưu tiên bàn về quyền Bí tích của chức linh mục. Công Đồng giải thích lý do Chúa Giêsu thiết lập chức linh mục là để cho Hy tế Thập giá được hiện tại hoá trong Hy tế Thánh Thể, và vì có hy tế Thánh Thể, nên phải có người cử hành : “Vì hy tế Thánh Thể hữu hình, nên phải có chức tư tế hữu hình”[4].

Hướng nhìn về chức linh mục như thế sẽ làm nổi bật lên quyền bính của linh mục và sự khác biệt thuộc bản chất giữa linh mục và người giáo dân. Từ đó, người ta nhìn linh mục như người cao trọng, người có quyền tế lễ, có quyền làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Kitô, có quyền tha tội. Linh mục là “Chúa Kitô thứ hai” (Alter Christus), linh mục “cao trọng hơn các thiên thần”.

Thừa tác vụ rao giảng của linh mục không được bàn đến trong Sắc lệnh tín lý, vì để chống lại các nhà cải cách. Như thế, Công Đồng đã muốn nói tới cái tối thiểu bằng cách cho thấy những khẳng định của mình đối nghịch lại với những khẳng định của các nhà Cải cách.

Như vậy, nếu ngày nay ta muốn hiểu Công Đồng Trentô, thì ta phải đi xa hơn việc tham chiếu Sắc lệnh tín lý. Với Sắc lệnh thành lập các chủng viện, Công Đồng đã góp phần đào tạo khuôn mặt mới của người linh mục- mục tử (prêtre pasteur), vì càng được huấn luyện thì càng có khả năng loan báo Lời Chúa.

Khởi điểm thần học về chức linh mục của Công Đồng Trentô là nhìn chức linh mục trong tương quan với các Bí tích, đặc biệt là Thánh Thể, trong khi đó, Công đồng Vatican II đã suy tư về chức linh mục trong một không gian rộng lớn hơn, đặt chức linh mục trong mầu nhiệm Giáo Hội và sứ vụ của Giáo Hội.

Khi đặt chức linh mục trong mầu nhiệm Giáo Hội và sứ vụ của Giáo Hội, ngoài chức năng thánh hoá, chúng ta thấy còn hai chức năng khác : chức năng trong tương quan mục vụ mà trong đó người linh mục làm chứng cho Tin mừng và chức năng phục vụ cho ân sủng nơi tâm hồn các tín hữu, nhờ việc linh hoạt và đồng hành với cộng đoàn.

Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1990 đã hướng những mối ưu tư và những suy nghĩ của mình vào vấn đề gia tăng ơn gọi linh mục, vào việc đào tạo – sao cho các ứng sinh hiểu biết và nối gót theo Chúa Giêsu, đồng thời học tập cử hành và sống Bí tích Truyền Chức Thánh là bí tích làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Đầu và Mục Tử, là Tôi Tớ và Phu Quân của Giáo Hội – và vào việc xác định những đường hướng đào tạo trường kỳ thích hợp để nâng đỡ cách thiết thực và hữu hiệu chức vụ và đời sống thiêng liêng của các linh mục.

Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, trong Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục “Pastores dabo vobis” đã nói đến cội nguồn của thừa tác vụ linh mục là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mục đích của thừa tác vụ linh mục là phục vụ Giáo Hội và cứu độ thế giới với hướng đi truyền giáo thật bao la, chứ không hạn hẹp, và quy chiếu về Chúa Kitô là chìa khoá tuyệt đối cần thiết để có thể thấu hiểu thực tại linh mục[5].

Chức linh mục ngày nay được nhìn từ một chân trời thật bao la, nhìn trong tương quan với sứ vụ của Giáo Hội, và sứ vụ này tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô. Hướng nhìn chức linh mục như vậy, vừa khởi đi từ giáo hội học hiệp thông và Kitô học, nó không cho phép chúng ta “giảm thiểu tối đa” căn tính của người linh mục chỉ còn lại như một nhân vật “thánh thiêng” cử hành bí tích hay người “phân phát các bí tích”.

Qua con đường lịch sử, chúng ta thấy rằng đối với Công Đồng Trentô, nội dung của chức linh mục là “quyền tư tế”, là “quyền thánh chức” (potestas ordinis), quyền cử hành Thánh Thể, linh mục là người tế lễ. Đối với Vatican II, nội dung chức linh mục được lồng trong một không gian rộng lớn hơn, đó là sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội và rằng tất cả công cuộc Tin mừng hoá hướng về Hy Tế Thánh Thể. Như vậy, cùng một lúc, linh mục là thừa tác viên Lời Chúa, thừa tác viên các bí tích và người lãnh đạo cộng đoàn.

Trong bài chia sẻ này, chúng ta sẽ suy nghĩ về tương quan giữa linh mục và Lời Chúa, hay nói khác đi, linh mục là thừa tác viên Lời Chúa.

II. LINH MỤC LÀ THỪA TÁC VIÊN LỜI CHÚA

Trong ba chức năng : rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo của linh mục, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục “Pastores dabo vobis” đã nói đến chức năng đầu tiên của linh mục là rao giảng Tin Mừng :

“Trước hết, linh mục là thừa tác viên Lời Chúa. Linh mục được hiến thánh và sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, mời gọi mọi người vâng phục đức tin và hướng dẫn các tin hữu, để mỗi ngày họ một hiểu biết và thông hiệp sâu xa hơn vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, đã được Đức Kitô mạc khải và truyền đạt cho chúng ta”[6].

Linh mục, thừa tác viên của Lời Chúa, nhưng không phải trong tư cách là “chủ” mà là “tôi tớ”, “kẻ phục vụ” Lời. Đây cũng là ý nghĩa nguyên thủy của chữ “thừa tác” (diakonia = ministeria = phục vụ) trong Tân ước

Các tông đồ đã dạy cho Giáo Hội phải dứt khoát ngăn chặn nguy cơ muốn trở thành “chủ” của Lời khi xưng nhận mình và những người kế vị chỉ là những “tôi tớ của Lời Chúa” (Lc 1,2; Cv 6,4; Rm 1,1).

Là “tôi tớ của Lời” có nghĩa là phải phục vụ Lời. Theo cha Raniero Cantalamessa thì “công việc phục vụ Lời” đòi buộc những thừa tác viên Lời phải có một số thái độ tinh thần cụ thể[7]:

Thái độ trước nhất phải có là sự nhất quán giữa Lời Chúa được rao giảng với đời sống người rao giảng. Đây là cách phục vụ Lời Chúa tiên quyết và căn bản. Các tôi tớ của Lời Chúa phải là những người tuân theo Lời Chúa. Nếu rao giảng mà không sống thì đâu có khác gì các ký lục và biệt phái đã từng bị Chúa Giêsu quở trách khi Ngài căn dặn dân chúng : “Những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người khác, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay lay thử” (Mt 23,3-4).

Chúng ta thử suy nghĩ thì sẽ thấy có một điều gì “bất ổn” khi một đàng những người rao giảng Lời Chúa cao rao một lý tưởng cao đẹp nhưng đàng khác bản thân lại sống mâu thuẫn, chẳng hạn như họ hô hào người khác dấn thân “vào con đường hẹp”, còn chính họ lại vi vút giữa đại lộ thênh thang. Nếu như thế thì làm sao con người ngày nay, những con người khao khát sự trung thực có thể tin được, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã cảnh giác những người rao giảng Tin Mừng trong Tông huấn “Loan báo Tin Mừng” thời danh của ngài :

“Ngày nay, người ta thường hay lặp đi lặp lại rằng : thế kỷ này khao khát sự trung thực. Nhất là khi nói tới giới trẻ, người ta quả quyết rằng họ ghê tởm những gì là giả tạo, giả mạo và tìm kiếm chân lý và sự trong sáng trên tất cả. Chúng ta phải tỉnh táo trước những “dấu chỉ thời đại” ấy. Âm thầm hay lớn tiếng, thiên hạ luôn luôn vặn hỏi chúng ta : Các người có thực sự tin điều các người loan báo không ? Các người có sống điều các người tin không ? Các người có rao giảng thực sự điều các người sống không ? Hơn bao giờ hết, làm chứng bằng đời sống đã trở thành một điều kiện thiết yếu để việc rao giảng có hiệu quả thâm sâu. Bằng ngả này, chúng ta lại chịu trách nhiệm, đến một mức độ nào đó, về bước tiến của Tin Mừng mà chúng ta công bố”[8].

Đối với con người ngày nay thì Lời đã được sống, Lời đã trải nghiệm mới có một sức mạnh thuyết phục những kẻ nghe.

Tuy nhiên, nhìn vào bản thân, chúng ta đều mang một kinh nghiệm này là cuộc đời chúng ta còn quá xa với Lời Chúa, còn có một hố sâu ngăn cách giữa Lời và thân phận yếu đuối của con người, “chúng ta giữ kho tàng này trong những bình sành dễ vỡ” (x. 2Cr 4,7). Nếu chưa có được sự nhất quán giữa đời sống thừa tác viên và Lời Chúa thì trước tiên phải có sự khiêm nhường. Đây là thái độ tinh thần thứ hai cần thiết cho những “tôi tớ của Lời Chúa”. Họ phải tự xóa nhòa bản thân mình trước sự hiện diện của Lời Chúa, phải khước từ vinh quang cho riêng mình. Thừa tác viên Lời Chúa thực sự phải là người có lối suy nghĩ như thánh Gioan Tẩy Giả, “tôi chỉ là tiếng kêu” (x. Ga 1,23), mãi mãi chỉ là tiếng kêu của Lời Chúa mà thôi, và như thánh Phaolô, “không rao giảng bản thân, nhưng rao giảng Đức Giêsu Kitô là Chúa”.

Đề cập đến lòng khiêm tốn làm tôi liên tưởng tới thánh Augustinô. Ngài đã nhìn chức giám mục của ngài thật khiêm tốn. Ngài luôn quy chiếu chức giám mục vào Chúa Kitô, vị Mục Tử duy nhất và nhân lành, Tôi Tớ phục vụ và hiến dâng mạng sống mình vì muôn người. Thầy Dạy và người Chỉ Đạo duy nhất. Đối với thánh Augustinô, giám mục là người được Thiên Chúa đặt lên làm mục tử để chăm sóc và bảo vệ dân Chúa, nhưng chỉ mình Đức Kitô mới thực sự là Mục Tử và người Bảo Vệ dân, giám mục là thầy dạy Lời Chúa, nhưng cả giám mục lẫn giáo dân đều ở dưới mái trường duy nhất của Đức Kitô :

“Chúng tôi làm việc để bảo vệ, nhưng lao khổ của chúng tôi cũng hoài công, nếu Ngài, Đấng thấu suốt tư tưởng anh em, lại không gìn giữ. Nhưng dù anh em thức hay anh em ngủ, Ngài vẫn hằng canh giữ anh em […]. Chúng tôi quả là người bảo vệ anh em, xem đó như là bổn phận nằm trong trách vụ của chúng tôi, nhưng chúng tôi muốn chính mình cũng được gìn giữ cùng với anh em. Theo một nghĩa, quả thực chúng tôi là mục tử cho anh em, nhưng dưới cây gậy của cùng một vị Mục Tử, thì chúng tôi là con chiên cùng với anh em. Theo một nghĩa, từ chỗ đứng này, chúng tôi là những người giảng dậy cho anh em, nhưng dưới sự hướng dẫn của Vị Thầy duy nhất, thì tại đây, chúng tôi ở dưới cùng một mái trường với anh em và chúng tôi là bạn đồng môn với anh em”.[9]

Thánh Augustinô cho rằng một quan niệm về chức giám mục quá nhấn mạnh đến quyền bính, uy tín, địa vị, lợi ích cá nhân, dưới bất cứ hình thức nào, mà lơ là với những đòi hỏi phải hoàn toàn hiến thân cho chức năng, rõ ràng đi ngược lại với cái nhìn về chức tư tế phát xuất từ Thánh Kinh và Truyền thống Giáo Hội.

Thừa tác viên Lời Chúa còn phải tạo được mối thân tình sâu sa với Lời Chúa bằng một con tim mềm mại và cầu nguyện. Đó là thái độ tinh thần mà mỗi ngày thừa tác viên Lời Chúa phải “nuốt lấy Lời”. Niềm vui hạnh ngộ giữa thừa tác viên rao giảng và Lời Chúa thật mênh mông dạt dào, tương xứng với nỗi nhọc nhằn phải chịu trong thời gian tìm tòi và đợi trông. Ngôn sứ Giêrêmia đã mô tả phút giây đặc biệt này như sau : “Các Lời của Người, vừa gặp được, tôi đã ngốn lấy; Lời Người là sự sướng vui cho tôi, niềm hoan lạc của lòng tôi”. (Gr 15,16).

Thánh Kinh đã sử dụng hình ảnh này nhiều lần để diễn tả giây phút Thiên Chúa ban Lời Người cho các ngôn sứ của Người. Êzêchiel cũng sử dụng hình ảnh này :

“Tôi nhìn, thì kìa có bàn tay đưa về phía tôi, bàn tay đó cầm một cuộn sách, rồi mở ra trước mặt tôi; sách được viết cả mặt trong lẫn mặt ngoài, trong đó có viết những khúc ai ca, những lời than vãn và những câu nguyền rủa." Đức Chúa phán với tôi : "Hỡi con người, thấy gì, cứ việc ăn ! Hãy ăn cuộn sách này rồi đi nói với nhà Ít-ra-en.". Tôi mở miệng ra, và Người cho tôi ăn cuộn sách ấy. Người lại phán với tôi : "Hỡi con người, hãy ăn cho no bụng và nuốt cho đầy dạ cuộn sách Ta ban cho ngươi đây." Tôi đã ăn cuộn sách, và nó ngọt như mật trong miệng tôi” (Ed 2,9-3, 3).

Hình ảnh này lại xuất hiện một lần nữa trong sách Khải Huyền với việc thêm vào một yếu tố quan trọng khác: “cuốn sách nhỏ” thực sự vẫn “ngọt ngào như mật” trong miệng, nhưng rồi biến thành “đắng đót” trong lòng dạ của vị ngôn sứ :

“Rồi tiếng tôi đã nghe từ trời, lại nói với tôi và bảo : "Hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trong tay thiên thần đang đứng trên biển và đất.". Tôi đến gặp thiên thần và xin người cho tôi cuốn sách nhỏ. Người bảo tôi : "Cầm lấy mà nuốt đi ! Nó sẽ làm cho bụng dạ ông phải cay đắng, nhưng trong miệng ông, nó sẽ ngọt ngào như mật ong.". Tôi cầm lấy cuốn sách nhỏ từ tay thiên thần và nuốt đi. Trong miệng tôi nó ngọt ngào như mật ong, nhưng khi tôi nuốt rồi, thì bụng dạ tôi cay đắng” (Kh 10,8-10).

Quyển sách ở đây tượng trưng cho sứ điệp cụ thể mà vị ngôn sứ được mời gọi công bố trong một hoàn cảnh cụ thể, nhưng rõ ràng cũng tượng trưng cho Lời Chúa nói chung. Thiên Chúa nói với vị ngôn sứ : “Cầm lấy quyển sách mà nuốt đi”. Giữa việc đọc hay nghiên cứu một quyển sách với việc nuốt lấy nó có một sự khác biệt lớn lao. Trong trường hợp thứ nhất, quyển sách vẫn còn ở bên ngoài, tương quan giữa thừa tác viên và Lời Chúa vẫn còn là tương quan gián tiếp và còn ngăn cách. Lời Chúa chỉ đi qua đôi mắt hoặc não bộ. Trong trường hợp thứ hai, Lời Chúa được “nhập thể” trong thừa tác viên, “lời đã trở thành thịt”, một lời sống động và hiệu năng.

Trong Tông huấn “Pastores dabo vobis”, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã suy niệm về mối tương quan này như sau :

“Vì thế, chính linh mục trước tiên phải tạo được một mối thâm tình sâu đậm giữa bản thân mình với Lời Chúa. Khía cạnh ngữ học hoặc chú giải mặc dầu cần thiết, vẫn chưa đủ để gọi là hiểu biết Lời Chúa. Linh mục phải đón nhận Lời Chúa với một tấm lòng mềm mại và nguyện cầu để cho Lời Chúa thấm nhập đến tận sâu thẳm ý nghĩ và tình cảm của mình và làm nẩy sinh nơi mình một tinh thần mới, làm nẩy sinh “tư tưởng của Chúa” (1Cr 2,16)[10].

Để mang Lời Chúa, thừa tác viên không những phải có sự nhất quán và khiêm nhường, một tấm lòng mềm mại và cầu nguyện, mà còn phải đơn sơ và khó nghèo. Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Thessalonica cầu nguyện cho những người rao giảng Tin Mừng “để lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh, như đã thấy nơi anh em” (2Tx 3,1).

Thánh Phaolô có lần tâm sự với môn đệ Timôthê yêu dấu về việc ngài không bao giờ để cho Lời Chúa bị xiềng xích, mặc dù bản thân ngài đang bị xiếng xích : “Cha đang chịu đau khổ, cha còn phải mang xiềng xích như một tên gian phi, nhưng Lời Chúa không bị xiềng xích” (2Tm 2,9). Qua tâm sự này, thánh Phaolô có ý nói rằng điều quan trọng là đừng để Lời Chúa bị xiềng xích, còn mọi chuyện khác đều không thành vấn đề.

Một cách nào đó, Lời Chúa bị xiếng xích, kềm hãm khi những người mang Lời cậy dựa quá nhiều vào sự khôn ngoan loài người – theo cách nói của Chúa Giêsu – là có quá nhiều áo khoác và hành trang quá nặng đè lên vai người tông đồ (x. Lc 10,4), chẳng hạn như tham vọng thu quén hào nhoáng cho bản thân, thói quan liêu và chủ nghĩa giáo sĩ, não trạng thích dùng những từ ngữ tù mù, không sao hiểu được hay là cổ võ những kinh nghiệm chủ quan làm lu mờ Tin Mừng. Những thứ này đã gâm nhấm Lời Chúa, làm cho Lời Chúa xa vời với cuộc sống và không được người nghe đón nhận.

Vì rao giảng Lời Chúa không chỉ là một sự chuyển giao một sứ điệp trên bình diện tri thức, nhưng là ‘quyền lực của Thiên Chúa để cứu rỗi những kẻ tin’ (Rm 1,16) được thực hiện cho mọi thời đại trong Đức Kitô, cho nên việc giảng dạy này nơi Giáo Hội đòi hỏi các thừa tác viên phải có một nền tảng siêu nhiên hầu bảo đảm tính xác thực và hiệu năng của sứ điệp, như cách diễn tả sau đây của Pastores dabo vobis :

“Bởi đó, những lời nói và hơn nữa những lựa chọn, những thái độ của linh mục phải làm sao để ngày càng nên trong suốt hơn đối với Tin Mừng, để loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng. Chỉ bằng cách “ở trong” Lời Chúa mà linh mục có thể trở nên môn đệ hoàn hảo của Chúa, có thể thấu triệt chân lý và có thể thực sự trở nên tự do, vượt qua mọi trạng huống trái nghịch hoặc xa lạ với Tin Mừng. (x. Ga 8,31-32)”[11].

III. LINH MỤC, THÙA TÁC VIÊN CỦA LỜI “NHÂN DANH ĐỨC KITÔ VÀ NHÂN DANH GIÁO HỘI”

Linh mục loan báo Lời Chúa với tư cách là thừa tác viên của Lời “nhân danh Đức Kitô (in persona Christi) và nhân danh Giáo Hội (in persona Ecclesiae). Đây là một thừa tác vụ xuất phát từ bí tích Truyền Chức và được thực hành nhờ quyền bính của Đức Kitô. Điều này có nghĩa là khi loan báo Lời Chúa, linh mục tham dự vào quyền làm ngôn sứ của Đức Kitô là Đầu và Mục Tử và của Giáo Hội trong tư cách là thừa sai của Đức Kitô, “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. (Ga 20,21).

Là thừa tác viên của Lời “nhân danh Đức Kitô” có nghĩa là linh mục phải lệ thuộc vào Đức Kitô theo cách diễn tả sống động sau đây của Pastores dabo vobis :

“Linh mục phải là người đầu tiên tin vào Lời Chúa với ý thức tròn đầy rằng những lời lẽ trong thừa tác vụ của mình không phải là “của mình”, nhưng là của Đấng đã sai mình. Linh mục không phải làm chủ Lời Chúa : linh mục là người phục vụ Lời. Không phải linh mục là người duy nhất chiếm hữu Lời Chúa : linh mục là người mắc nợ Lời Chúa đối với dân Thiên Chúa”[12].

Là thừa tác viên Lời “nhân danh Đức Kitô” còn có nghĩa là, một cách nào đó, linh mục được tham dự vào sứ mạng cứu rỗi của chính Lời, không những vì các ngài nói về Đức Kitô, mà còn vì các ngài loan báo Tin Mừng cho những kẻ nghe các ngài với chính quyền lực đã kêu gọi các ngài, một quyền lực do việc các ngài tham dự vào sự hiến thánh và sứ mạng của Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Những lời này của Chúa vẫn còn vang vọng trong tai các thừa tác viên “Ai nghe anh em là nghe Thầy, ai khước từ anh em là khước từ Thầy”. (Lc 10,16)

Là thừa tác viên của Lời Chúa “nhân danh Giáo Hội” trong tư cách là Mẹ và Thầy (Mater et Magistra), linh mục là thầy dạy Lời Chúa. Tham dự vào chức năng thầy dạy của Giáo Hội, linh mục được mời gọi chuyển đạt Tin Mừng trong tính toàn vẹn của nó. Điều này mời gọi linh trau dồi nơi mình một sự nhạy cảm, một trạng thái sẵn sàng và một sự gắn bó đặc biệt đối với Truyền Thống sống động của Giáo Hội và đối với Huấn Quyền của Giáo Hội. Tất cả mọi điều ấy không xa lạ đối với Lời Chúa nhưng góp phần vào việc cắt nghĩa Lời Chúa được chuẩn xác hơn và bảo vệ ý nghĩa trung thực cho Lời Chúa.

IV. LỜI CHÚA VÀ LỜI CHÚNG TA : DUYỆT LẠI LỜI RAO GIẢNG CỦA CHÚNG TA

Ngôn sứ Giêrêmia đã cho chúng ta nghe tuyên sấm của Giavê nói với Dân Israel về các tiên tri giả :

“Đức Chúa các đạo binh phán như sau : đừng nghe lời các ngôn sứ tuyên sấm, chúng phỉnh phờ các ngươi; điều chúng nói chỉ là thị kiến do tưởng tượng, chứ không phải do miệng Đức Chúa phán ra.

Ngôn sứ có chiêm bao thì cứ thuật lại giấc chiêm bao, còn người đón nhận lời Ta, thì hãy trung thành nói lại lời Ta !

Rơm với lúa có gì chung nhau không ?

Sấm ngôn của Đức Chúa.

Lời của Ta lại chẳng giống như lửa, chẳng giống như búa đập tan tảng đá sao ?

Sấm ngôn của Đức Chúa.

Vì thế, này Ta chống lại các ngôn sứ ăn cắp lời của Ta phán với kẻ này người kia

Sấm ngôn của Đức Chúa” (Gr 23,16. 28-30)

Một cách nào đó, Thiên Chúa đã chất vấn các tiên tri giả về việc họ đánh tráo Lời Chúa làm lời của họ và lời của họ làm lời của Chúa. Rơm với lúa đâu có gì chung với nhau thì Lời Chúa và lời con người cũng đâu có gì chung với nhau !

Các tiên tri giả là những kẻ không trình bày Lời Chúa trong sự tinh ròng nguyên tuyền, nhưng làm nhạt nhẽo và suy yếu Lời Chúa bằng bao nhiêu hư từ, quá nhiều lời tầm thường và vô vị và từng ngàn lời phàm trần phát ra từ tâm địa của họ. Họ “bóp méo” và “xuyên tạc” Lời Chúa, nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô. (x. 2Cr 2,17; 4,2).

Chúng ta hãy để cho Lời Chúa chất vấn chúng ta, biết đâu có lúc tôi đã tiên tri giả ! Nhiều lúc người tín hữu giáo dân xin bánh nhưng họ chỉ nhận được hòn đá (x. Mt 7,9), bởi vì các hư từ, các từ ngữ chết thì lám sao có thể giảm được cơn đói Lời Chúa của người tín hữu, chữ nghĩa suông mà không có cầu nguyện chiêm niệm thì làm sao có thể làm vui lòng Thiên Chúa khi rao giảng Lời Người.

Thế giới và con người thời đại đã quá ngán ngẩm các từ ngữ rỗng tuếch, các biểu ngữ không có hồn. Chúng ta cần công bố “một thời kỳ chay tịnh” ngôn từ. Lời của Môsê xưa kia kêu gọi dân Israel hãy đi vào trong cõi tĩnh lặng để biết lắng nghe và đón nhận Lời của Giavê “Hãy im tiếng đi, hỡi nhà Israel, hãy lắng nghe” (Đnl 27,9) như muốn gửi đến từng anh em chúng ta rằng “Phải là người cầu nguyện trước khi làm người rao giảng”[13].

Lời Chúa sống động và hữu hiệu phát ra từ miệng lưỡi chúng ta để xây dựng đời sống các tín hữu sẽ tỉ lệ thuận theo mối tương quan mật thiết giữa con tim chúng ta với tâm hồn và ánh nhìn của Thiên Chúa như Đức giáo hoàng Phaolô VI nhận định trong Tông Huấn “Loan báo Tin Mừng” :

“Thế giới tuy có vô vàn dấu hiệu từ khước Thiên Chúa, nhưng một cách nghịch thường vẫn tìm kiếm Ngài bằng những đường nẻo bất ngờ và vẫn xót xa cảm thấy cần đến Ngài, thế giới ấy đòi có những sứ giả Tin Mừng nói về một Thiên Chúa mà họ biết và gần gũi như thể họ đã từng thấy Đấng không thể thấy (x. Dt 11,27). Thế giới đòi hỏi và chờ đợi ở chúng ta đời sống giản dị, tinh thần cầu nguyện, lòng yêu thương đối với mọi người nhất là đối với những kẻ bé mọn và nghèo khó, đức vâng phục và khiêm tốn, sự siêu thoát và từ bỏ chính mình và mọi sự. Không có dấu hiệu về sự thánh thiện như thế, lời chúng ta nói sẽ khó đi vào lòng của con người thời nay. Nó có thể thành vô ích và vô hiệu”[14].

Chúa Giêsu chẳng bao giờ nói những lời hư từ. Những Lời Ngài nói đều là “những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68) như thánh Phêrô đã tuyên xưng sau diễn từ về Bánh hằng sống. Ngài chỉ ban phát “những Lời Thiên Chúa” (Ga 3,34) và chỉ nói những điều đã nghe dạy từ Chúa Cha (Ga 12,49).

Hiểu được như thế, chúng ta sẽ không bao giờ dám dùng Lời Chúa để phục vụ lợi ích của chúng ta hay phục vụ bất cứ một dự án nhân loại nào. Thiên Chúa không chịu để cho Lời toàn năng của Người bị lạm dụng để làm đẹp cho các bài diễn văn dịp này dịp khác hay để tôn vinh cá nhân. Người cũng chẳng ban quyền năng linh thánh của Lời Người cho các bài giảng đã được soạn sẵn nực mùi nhân loại. Trong thời gian gần đây, Phúc âm đã bị khai thác một cách lạm dụng để làm chỗ dựa cho đủ thứ dự án của con người, từ đấu tranh giai cấp đến thần học giải phóng, từ thần học nữ quyền (feminist theology) đến chủ trương xác định Thiên Chúa đã chết. Phúc âm có những lúc đã bị uốn cong để giảng sao cũng được miễn là phù hợp về mặt xã hội với một giai đoạn nào đó.

V. HƯỚNG TỚI VIỆC RAO GIẢNG LỜI CÓ HIỆU QUẢ

Mặc dù hiệu năng của thừa tác vụ Lời tùy thuộc thiết yếu vào sự trợ giúp của Chúa, nhưng nó cũng đòi hỏi sự hoàn hảo thuộc bình diện nhân loại ở trình độ cao nhất có thể. Tài liệu của Bộ Giáo Sĩ “Linh mục và ngàn năm Kitô giáo thứ ba : Thầy dạy Lời Chúa, Thừa tác viên bí tích và người lãnh đạo cộng đoàn” ngày 19.3.1999 đã suy nghĩ về một số điều kiện để rao giảng Lời có kết quả như sau[15]:

Việc giảng dạy đòi hỏi linh mục phải đặc biệt lưu ý đến tầm quan trọng của sự chuẩn bị xa. Việc chuẩn bị này được cụ thể hóa qua việc học hỏi và tìm tòi những gì có thể giúp các linh mục trong khi chuẩn bị.

Là thầy dạy Lời Chúa, linh mục phải có tính nhạy cảm mục vụ để nhận thức các vấn đề thế giới ngày nay đang quan tâm và còn có thể đề ra những giải pháp cho họ, như Sác Lệnh “về thừa tác vụ và đời sống linh mục” của Công Đồng Vatican II đã nêu ra : “Ngoài ra, để trả lời thỏa đáng những vấn đề do người thời nay nêu lên, các linh mục phải hiểu cho thấu đáo những tài liệu của Huấn Quyền, nhất là của các Công Đồng và của các đức giáo hoàng, cũng như phải tham khảo những tác giả thân học thời danh nhất và đã được thừa nhận[16]” cũng như “sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo”.

Là thày dạy Lời Chúa, ngoài việc chuẩn bị xa như chúng ta vừa nói, linh mục còn cần chú ý đến sự chuẩn bị gần, một sự chuẩn bị cần thiết cho việc giảng dạy Lời Chúa, điều này có nghĩa là trước khi giảng dạy phải hỏi xem : “tôi đã sửa soạn kỹ lưỡng chưa ?” và “tôi định giảng dạy những gì ?”.

Nguồn tài liệu chính để giảng giải đương nhiên là Lời Chúa trong Kinh Thánh, nhưng là Lời Chúa đã được nghiền ngẫm trong kinh nguyện cá nhân và hấp thụ nhờ học hỏi cũng như tiếp xúc đầy đủ với những tài liệu xứng hợp.

Kinh nghiệm mục vụ cho thấy rõ rằng bản văn Kinh Thánh có sức mạnh thuyết phục đánh động tâm hồn người nghe. Các Giáo Phụ và những tác giả lớn khác của truyền thống Giáo Hội dạy chúng ta cách thức để thâm nhập ý nghĩa Lời Mạc Khải và thông truyền Lời đó cho người khác. Điều này rất khác xa với mọi hình thức của “thuyết duy văn tự Kinh Thánh” (biblical fundamentalism) hay là của việc cắt xén làm thiệt hại đến sứ điệp thần linh.

Linh mục cũng phải trau dồi về các hình thức giảng giải. Chúng ta sống trong thời buổi thông tin được đánh dấu bằng sự truyền thông nhanh chóng. Sứ điệp của linh mục phải được trình bày một cách hấp dẫn.

Giống như cách thức của Đức Kitô, bài giảng của linh mục phải tích cực, hào hừng và lôi cuốn những người nam nữ tới chân, thiện, mỹ của Thiên Chúa. Phải trau dồi một giọng nói vui tươi và sử dụng thứ ngôn ngữ dễ hiểu đối với mọi người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau và cần phải tránh thứ ngôn ngữ tầm thường vô vị.

“Chìa khóa’ nhân loại để giảng Lời cho hữu hiệu hệ tại việc các linh mục phải biết những điều mình cần nói và luôn luôn có sự hỗ trợ do nghiêm túc chuẩn bị xa hay gần. Điều này khác xa sự ứng biến của kẻ tài tử.

Khi giảng dạy, linh mục phải biết những người đang nghe mình là ai, cũng như hiểu biết đúng về thực tại hiện sinh và văn hóa của các giáo đoàn mình phục vụ. Cần phải luôn tránh những lý thuyết và những điều tổng quát trừu tượng.. Bởi đó, các linh mục phải biết đoàn chiên của mình và dùng một kiểu nói hấp dẫn đánh động lương tâm hơn là làm tổn thương dân chúng, cũng như không sợ phải nói đúng sự thật.

Cuối cùng, các linh mục còn phải lưu tâm đến phong cách và sự hợp lý về thời gian bài giảng cũng như việc sử dụng đúng tòa giảng.

VI. THAY LỜI KẾT

Trước khi kết thúc bài chia sẻ này, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại một lời kinh thật đẹp của thánh Augustinô xin cho được ơn hiểu biết Lời Chúa trong cuốn Lời Tự tình (Confesssions) của ngài :

“Xin hãy để Lời Chúa nên nguôn vui thanh khiết cho con. Xin đừng để con bị lừa lọc trong đó hay lấy đó mà lừa lọc người khác…Xin lắng nghe hồn con và nghe tiếng than thở từ vực sâu kêu lên đến Chúa…Xin rộng ban cho con thời giờ để suy ngắm các điều kín nhiệm của luật Chúa và đừng đóng luật Chúa khi con gõ tìm. Vì chẳng phải vô cớ mà Chúa đã muốn có ngần ấy trang sách viết đầy dẫy những điều kín nhiệm như thế… Ôi lạy Chúa, xin hoàn tất việc Chúa nơi con và soi sáng những trang ấy cho con ! Này đây tiếng Chúa là niềm hoan lạc của con; tiếng Chúa vượt qua mọi niềm vui. Xin ban cho con điều con yêu mến… Đừng khước từ thứ cỏ rả của Chúa khi nó đang đói khát Chúa… Chớ gì các điều bí nhiệm trong Lời Chúa mở toang cho con khi con gõ tìm. Con nài xin Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, …nơi Ngài tàng chứa mọi kho tàng khôn ngoan và thông hiểu (Cl 2,3). Đây là những kho tàng mà con tìm trong các sách của Chúa”[17]

Dường như trong lời kinh này, thánh Augustinô đã sánh ví cơn đói khát Lời Chúa của ngài giống như cỏ rả đang khao khát nước và hướng lời cầu xin vào việc dành nhiều thời giờ để suy gẫm và cầu nguyện, bời vì, theo ngài, nếu “Lời Chúa không được lắng nghe từ trong lòng thì họ (những người rao giảng) sẽ thành kẻ huênh hoang rao giảng Lời Chúa ngoài môi miệng”[18].

Việc suy gẫm Lời Chúa trong kinh nguyện cá nhân của linh mục sẽ làm cho lời rao giảng của các ngài có tinh thuyết phục, mạch lạc, xác tín, và cũng từ nguồn mạch này, các ngài kín múc được lòng nhiệt thành hằng ngày để rao giảng Tin Mừng.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Công đồng Trentô, khoá 23, Décret dogmatique, ch. 1 : Les Conciles oecuméniques, Décrets (COD), Paris, Cerf, 1994, II-2, tr. 1509

[2] Công đồng Trentô, Décret de Réformation, can. 9 : COD II-2, tr. 1363. Khẳng định này được lập lại vào phiên họp 24, Décret de Réformation, can. 4 : sđd, tr. 1551

[3] Công đồng Trentô, khoá 23 (nghĩa là chính khoá họp mà trong đó ban hành sắc lệnh tín lý về Bí tích Truyền Chức), Décret de Réformation, can. 14 : COD II-2, tr. 1513.

[4] DS 957

[5] PDV 12

[6] PDV 26

[7] Raniero Cantalamessa, The mystery of God’s Word (bản dịch Việt ngữ của Matthia M. Ngọc Đính, CMC, Mầu nhiệm Lời Chúa, 2001, tr. 39).

[8] [8] EN 76

[9] Thánh Augustinô, Giải thích các Thánh vịnh 126,3

[10] PDV 26

[11] PDV 26

[12] PDV 26

[13] Thánh Augustinô, De doctrina christiana 4, 15, 32 : PL 34, 100

[14] EN 76

[15] Chương II, 2

[16] LM 19

[17] Thánh Augustinô, Lời Trần Tinh, 11, 2, 2-4

[18] Thánh Augustinô, Bài giảng 179, 1 : PL 38, 966

LM. Antôn Trần Đức Khiết

VỀ MỤC LỤC
HIỆN TÌNH GIÁO HỘI VIỆT NAM 2005: VÀI NHẬN ĐỊNH

LTS. Xin chân thành cám ơn tác giả đã chấp thuận cho GSVN phổ biến bài viết này

Cuối năm cũ, đầu năm mới người ta thuờng làm những cuộc tổng hợp và đánh giá trong các tổ chức, các ban, ngành phần đời cũng như phần đạo. Tôi cũng vừa được gợi ý làm một việc tương tự đối với đời sống Giáo Hội Việt Nam. Vì thiếu tư liệu để có thể đúc kết và đánh giá toàn diện, nên tôi chỉ xin mạo muội đưa ra một vài nhận xét về một số mặt mà tôi quan tâm mà thôi.

Thời gian gần cuối năm 2005, cuộc thăm viếng của Đức Hồng y Crescenzio Sepe, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo của Toà Thánh từ 28 tháng11 đến 5 tháng12, rồi việc chính thức thành lập địa phận mới Bà Rịa ngày 5/12 và lễ tấn phong Đức cha Giu-se Võ Đức Minh tại nhà thờ chính toà Đà Lạt ngày 15/12 đã là những dịp đặc biệt để dư luận trong và ngoài nước hết lời ca tụng "sức sống" của Giáo Hội chúng ta. Chính Đức Hồng y Sepe cũng đã nhận định trên đài Vatican sau khi trở về Roma rằng đó là "một Giáo Hội vô cùng năng động và sống động", rằng ngài rất xúc động vì "sự nhiệt tình Kitô giáo và cách diễn tả đức tin sâu xa của cộng đồng này". Và ngài kết luận: "Tương lai chắc chắn là rất tích cực" (ZE 051205) Đây là nhận định quan trọng vì phát xuất từ một nhân vật cao cấp của Toà Thánh sau những điều mắt thấy tai nghe qua những tiếp xúc tại chỗ với Hội đồng Giám mục, với các tu sĩ, linh mục, chủng sinh, với giới trẻ, các tổ chức hoạt động tông đồ và bác ái, và dĩ nhiên những cuộc lễ với hằng ngàn hay chục ngàn người sốt sắng tham dự.

Nhận định tích cực về Giáo Hội Việt Nam như một Giáo Hội "dồi dào sức sống" không phải là điều gì mới mẻ. Ngay từ thời chế độ chưa thực sự "đổi mới", Đức Hồng y Roger Etchegaray, một chức sắc cao cấp khác của Toà Thánh cũng đã nói như thế sau chuyến thăm viếng Giáo Hội ta hồi tháng 7 năm 1989. Còn bà con Việt kiều hay du khách ngoại quốc có dịp thấy các thánh đường được xây dựng mới khắp nơi, các nhà thờ đầy ắp người dự lễ không phải chỉ vào ngày chúa nhật, lễ trọng mà nhiều nơi ngay cả ngày thường, hoặc các chủng viện, các tu viện không hề thiếu ơn gọi... , chắc họ không thể có cảm nghĩ nào khác hơn hai vị hồng y đến từ Vatican.

Tất cả những nhận định tích cực như trên đều là đúng, nhưng bản thân tôi vẫn cứ cảm thấy chưa hài lòng, vẫn nghĩ rằng còn có những tiêu chuẩn đánh giá khác nữa mà căn cứ vào đó, người ta sẽ có thể có một cái nhìn khác hơn, ít nhất là một cái nhìn bổ túc cho cái nhìn trăm phần lạc quan đó. Tôi thử gọi tiêu chuẩn ấy là tiêu chuẩn Tin Mừng hay phẩm chất Tin Mừng. Phải chăng xưa nay chúng ta quen lấy tiêu chuẩn tôn giáo hơn là tiêu chuẩn Tin Mừng để đánh giá? Tất nhiên Tin Mừng không loại bỏ tôn giáo, nhưng dù sao vẫn không đồng nhất với tôn giáo, "người tôn giáo" mẫu mực chưa chắc đã là "người Tin Mừng" mẫu mực, bằng chứng là hạng người tôn giáo được coi là kiểu mẫu nhất trong đạo Do Thái thường bị Chúa Giêsu nặng lời phê bình theo quan điểm của Người.

Sau đây tôi sẽ thử nêu lên một vài tiêu chuẩn chi tiết theo giáo lý Tin Mừng và giáo lý công đồng Vatican II, không phải để cung cấp một sự đánh giá đầy đủ về từng điểm nhưng cốt để gợi ý suy nghĩ với hy vọng cái nhìn của chúng ta về Giáo Hội sẽ được sâu sắc hơn.

Tinh thần nghèo khó, khiêm nhường

Sau 30-4-1975, Giáo Hội ở phía Nam trải qua một thời thật khó khăn, Giáo Hội mất đi phần lớn các phương tiện hoạt động, như nhà thương, nhà trường, cơ sở xã hội, đất đai v. v. ; phạm vi hoạt động bị thu dồn lại vào phụng tự trong khuôn viên nhà thờ dưới sự kiểm soát rất chẽ của chính quyền trong khoảng mười năm đầu; nhân sự phục vụ giảm bớt vì lý do di tản, bị giam giữ và vì không được dễ dàng đào tạo thêm. Dù muốn hay không, chúng ta đã chia sẻ số phận chật vật, bấp bênh chung của người dân, trở nên gần gủi với họ hơn, và như thế Giáo Hội biểu lộ rõ hơn khuôn mặt của Đức Kitô, vị Thầy nghèo khó, khiêm nhường và chịu đóng đinh. Nhưng qua thời mở cửa, sau khi các nước cộng sản Đông Âu sụp đổ vào cuối thập niên 80 đến nay, Giáo Hội đã mang một bộ mặt khác. Nhờ sự trợ giúp quảng đại của kiều bào, các giáo hội nước ngoài và tổ chức quốc tế, Giáo Hội từ Bắc chí Nam đã xây cất mới hay tu sửa lại "vô số" nhà thờ và cơ sở cho mình (nhà xứ, nhà sinh hoạt, tu viện, toà giám mục …), với qui mô lắm khi rất bề thế và hiện đại, không hiếm khi vượt quá nhu cầu thực sự. Phải chăng tâm lý thích phô trương và háo thắng vốn có của người công giáo ta lại xuất đầu lộ diện? Nhờ có nhiều phương tiện vật chất, Giáo Hội làm được nhiều việc rất tốt, nhưng cám dỗ xu theo hướng phát triển bề ngoài cũng có nguy cơ đe doạ việc phát triển ở chiều sâu Tin Mừng. Và quần chúng nghèo khó có lẽ đang cảm thấy Giáo Hội xa cách mình dần dần. Gần đây một vài kiều bào ở Mỹ và châu Aâu đã lên tiếng công khai phê bình một số người trong hàng giáo sĩ và tu sĩ chúng ta lúc nào cũng nói mình có nhu cầu để rồi không biết dừng lại trong việc đi xin tiền ngoại viện; các kiều bào ấyï còn tỏ ra nghi ngờ số tiền xin được không phải lúc nào cũng phục vụ cho lợi ích chíng đáng của Giáo Hội hay người bất hạnh. Đúng hay sai, thiết nghĩ đó vẫn là những lời phê bình đáng cho ta ngẫm nghĩ. Tiền của bao giờ cũng dễ kéo theo tính phô trương, tự đắc, lòng ham hố danh vọng, chức quyền và nhiều thứ khác đi ngược với Tin Mừng. Những cám dỗ ngọt ngào, nói theo cách của Đức cha Bùi Tuần mới đây (CGVDT, số 1539, tuần lễ 30/12/2005 - 5/1/2006).

Bác ái

Ở đâu, thời nào, hoàn cảnh nào thì sứ điệp Kitô giáo căn bản vẫn không thay đổi, đó là bác ái yêu thương, bắt đầu từ trong nội cộng đoàn Giáo Hội ra với xã hội bên ngoài, nhất là với mọi người nghèo khó, người đau khổ tinh thần và thể xác. Chứng tá căn bản, và cũng dễ tin nhất của ta, do đó cũng chính là bác ái. "Giáo Hội được Chúa Kitô sai đi trình bày và thông ban tình yêu Thiên Chúa cho hết mọi người và mọi dân tộc..." (Sắc lệnh về Truyền giáo, 10). "Như Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình yêu vô vị lợi, thì các tín hữu cũng phải lấy tình bác ái mà lo lắng cho con người, bằng cách yêu mến họ với cùng một ý hướng như khi Chúa tìm kiếm con người" (như trên, 12). Nếu đời sống và hoạt động của Giáo Hội nêu cao được khía cạnh căn bản này là bác ái, thì đó mới thật là "sức sống" của Giáo Hội. Chúng ta thường mau mắn đồng hoá bác ái Phúc Âm với các việc làm xã hội từ thiện, nhưng sự gia tăng các phương tiện vật chất và các việc làm từ thiện không đương nhiên đồng nghĩa với việc gia tăng lòng bác ái, vì chúng ta có thể chỉ "giới thiệu" cho người khác chính bản thân ta thay vì giới thiệu Thiên Chúa, hoặc chúng ta "làm phúc" với thái độ của người ở trên ban phát xuống... Cũng đừng quên rằng trong hoàn cảnh cởi mở hiện nay, các tôn giáo khác, các tổ chức, đoàn thể và rất nhiều cá nhân ngoài Kitô giáo cũng rất nhiệt thành làm việc xã hội từ thiện. Vậy chỉ có phẩm chất Tin Mừng trong cách chúng ta phục vụ người khác mới là tiêu chuẩn và là tiêu chuẩn ưu tiên để các cộng đoàn Giáo Hội tự đánh giá mình. Nhưng chứng tá bác ái và hiệp nhất bên trong Giáo Hội cũng vô cùng quan trọng. Về điểm này, không nên coi thường tình trạng bè phái thường xảy ra trong các giáo xứ, giáo họ, khi tiềm ẩn khi công khai. Có thể nói nó là một cố tật gắn liền với não trạng cạnh tranh ảnh hưởng, cạnh tranh chức quyền vốn có nơi người Việt Nam.

Phụng tự và cuộc sống

Công đồng Vatican II cho ta một tiêu chuẩn để lượng định sinh hoạt nội bộ Giáo Hội nhất là phụng tự như sau: "Những nghi lễ dù đẹp mắt, những hội đoàn dù phát triển rầm rộ cũng không có ích bao nhiêu nếu chúng không hướng về việc giáo dục con người đạt tới sự trưởng thành Kitô giáo. Để đạt tới sự trưởng thành đó, các linh mục phải giúp họsáng suốt nhận ra trong các biến cố lớn nhỏ, đâu là việc phải làm, đâu là ý Chúa muốn. Họ cũng phải dạy các Kitô hữu không chỉ sống riêng cho mình, nhưng theo những đòi hỏi của luật bác ái mới, mỗi người hải tùy ơn nhận được mà phục vụ lẫn nhau, và như vậy, mọi người chu toàn nhiệm vụ của mình theo tinh thần Kitô giáo trong cộng đồng nhân loại" (Sắc lệnh về Linh mục, 6). Chắc các vị chủ chăn sẽ khiêm nhường hơn khi nhìn lại đời sống phụng tự và tổ chức giáo xứ mình theo tiêu chuẩn này của công đồng. Phải chăng "đạo nhà thờ", "đạo bí tích" vẫn là nét dễ nhận thấy nhất trong cách sống đạo của Kitô hữu ta?

Giáo sĩ và giáo dân

Vatican II là một công đồng thăng tiến giáo dân chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội. Công đồng nhấn mạnh sự bình đẳng và phẩm giá căn bản giữa mọi người trong Giáo Hội là con cái Thiên Chúa. Tất cả cùng nhau làm thành dân Thiên Chúa. Giáo hoàng, giám mục, linh mục trước tiên là những người Kitô hữu như các Kitô hữu khác; quyền bính, "chức vị" thuộc về cơ cấu thiết yếu của Giáo Hội mà Chúa Kitô đã thiết lập nhưng chỉ là những dịch vụ, không thêm bớt gì vào bản chất ơn gọi căn bản làm Kitô hữu của các ngài. Hiến chế tín lý về Giáo Hội trích dẫn lời của thánh Âu-tinh: "Làm giám mục cho anh em, tôi rất sợ; làm tín hữu với anh em, tôi rất an tâm. Giám mục là một chức vụ, tín hữu là một ân phúc. Giám mục là danh hiệu nguy hiểm, tín hữu là danh hiệu đem ơn cứu độ" (số 32).

Vậy giáo dân là thành phần trọn vẹn của Giáo Hội. Và hàng giáo sĩ phải yêu mến, kính trọng, thăng tiến họ, cũng như nâng đỡ, khuyến khích họ cộng tác vào đời sống và hoạt động của Giáo Hội, coi họ như anh chị em, như con cái, như những cộng sự viên đích thực. Về điểm này, tôi sợ rằng các chủ chăn chúng ta phần đông còn rất thiếu sót. Nhiều người vẫn coi giáo dân như những người để sai bảo, dù đó là ông chủ tịch Hội đồng giáo xứ do dân bầu ra, vì thực tế họ thường là người của cha xứ, thậm chí có trường hợp dân bầu người này, "cha" chỉ định người khác hoặc cha giải tán một hội đồng không vừa ý cha! Đôi khi tôi có cảm tưởng rằng cách cư xử của linh mục với giáo dân tại Việt Nam nhiều nơi còn quá xa với giáo lý công đồng và giáo luật mới, thậm chí không khác lắm với cung cách của cán bộ cộng sản đối với nhân dân mà ta vẫn lấy làm khó chịu. Chỉ mấy gợi ý trên thiết tưởng cũng đủ để đừng vội hài lòng với những lời khen ngợi thường nghe về Giáo Hội chúng ta...

Sự tự do của con cái Chúa

Chúa Kitô đã là con người tự do nhất thế gian này, -tự do đối với quyền bính đạo đời, với luật lệ, truyền thống, với dư luận, với gia đình, thậm chí với một thứ tôn giáo nào đó; Người chỉ nghe theo cái thật, cái tốt, nhất là tình bác ái bất cứ ở đâu hay ở con người nào. Vì tự do thật nên Người không sợ hãi. Chúa muốn cho con người được tự do như thế, Người đến chính là để giải phóng ta khỏi mọi thứ sợ hãi và những gì cầm buộc chúng ta trong vòng nô lệ, mà căn nguyên sâu xa là tội lỗi. Ơn gọi Kitô hữu là một ơn gọi tự do. Trong căn bản, Kitô hữu là con người tự do. Tuy nhiên, ta vẫn chưa đạt tới mức con người hoàn thiện, còn dễ rơi lại vào nô lệ cho tính hư nết xấu và tội lỗi, vì thế còn cần đến những cơ cấu, tổ chức, quyền bính, luật lệ. Chúng phải giúp ta đạt tới tự do. Vậy mọi luật lệ chống lại phẩm giá con người, đè bẹp con người đều ngược với ý Chúa.

Tôi xin thử nêu mấy sự kiện sau đây để suy xét.

Tâm trạng sợ hãi: Không nhiều thì ít, nói chung giáo dân ta vẫn sợ "các cha"; sự sợ hãi đó có thể chỉ là tình cảm tự nhiên của bề dưới đối với đấng bề trên trong một xã hội và Giáo Hội vẫn còn nặng tính tôn ti đẳng cấp kiểu Nho giáo, nhưng nó cũng thường được gây nên bởi chính cách xử sự và thi hành quyền bính (quan liêu, hống hách, áp đặt, "cha chú"…) của vị chủ chăn đối với giáo dân. Nhiều giáo dân chỉ "vừa mặt, không vừa lòng" với chủ chăn mình nhưng sợ không dám nói ra.

Thiếu tự do: Tôi không muốn nói tới thứ tự do dân chủ như trong xã hội, nhưng tự do của con cái Chúa chẳng lẽ thấp kém hơn sao? Chúng ta có tự do góp ý, phê bình không? Tôi không thấy một bầu không khí thuận lợi trong Giáo Hội cho việc tự do phát biểu. Phần nào giống như trong xã hội chúng ta hiện nay. Giữa các Giám mục như thế nào thì tôi không biết, nhưng giữa linh mục với nhau, nhất là giữa linh mục có quyền với anh em khác, giữa linh mục già và linh mục trẻ, giữa cha chánh và cha phó, thật sự chưa có tự do dù vẫn biết không có luật lệ nào cấm đoán. Như thế làm gì có tự do giữa giáo dân với linh mục? Chắc cũng có nhưng rất hiếm! Tôi nghĩ yếu tố văn hoá, yếu tố xã hội, chính trị góp phần vào tình trạng thiếu tự do này, nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ dựa vào đó mà coi nhẹ những đòi hỏi của Tin Mừng? Tôi đã từng nghe có người bình phẩm đại khái rằng về mặt nào đó, Giáo Hội Việt Nam đang ở vào thời Trung cổ! Một lời phê bình rõ ràng là phóng đại nhưng ta đoán được tại sao họ dám "quá khích" đến thế?

Những qui định không hợp lý: Luật lệ xác định quyền lợi và nghĩa vụ, là để bảo vệ con người, bảo vệ tự do của họ và phát huy công ích, không phải chủ yếu để khống chế con người. Xã hội Việt Nam đang cố gắng tiến tới nhưng chưa phải là một xã hội pháp trị. Không những luật lệ còn thiếu mà lắm khi vì quyền lợi cục bộ người cầm quyền, dù ở cấp thấp, vẫn muốn duy trì những luật lệ lỗi thời hoặc bày ra đủ thứ qui định tuỳ tiện. Giáo Hội là một tổ chức hai ngàn năm, kinh nghiệm dồi dào, không hề thiếu luật lệ khôn ngoan. Trong lãnh vực đời cũng như đạo, người cầm quyền phải hành xử đúng luật và giúp người dưới làm đúng luật. Đó là điều tối thiểu. Nhưng tôi có một cảm nghĩ: một số nơi trong Giáo Hội ta, hình như vẫn có người cố tình duy trì một vài khoản của bộ giáo luật cũ nay không còn trong giáo luật mới nữa. Tôi cứ thường nghe chỗ này chỗ kia giáo dân bị "dứt phép thông công", hoặc ít ra là "cấm chịu các bí tích" vì những lý do xem ra không đúng với tinh thần giáo luật. Còn cái khoản tự ý đưa ra những qui định không thật sự chính đáng, gây phiền hà cho giáo dân, tạo thêm gánh nặng cho giáo dân, thì còn khá phổ biến. Tình hình này gây ra cho người ta cảm tưởng rằng nhập đạo là "mất tự do", là bước vào một tổ chức đầy những bó buộc nặng nề. Với não trạng con người thời đại, một tình hình như thế hay một ấn tượng như thế là một trở ngại lớn cho công cuộc loan báo Tin Mừng.

Để kết luận

Nếu những điều tôi nhận xét là đúng, thì bức tranh toàn cảnh về Giáo Hội Việt Nam hiện nay không hoàn toàn tươi sáng và không phải là không có vấn đề. Không ai phủ nhận sức sống và tiềm năng của Giáo Hội ta mà nền tảng có lẽ là đức tin còn mạnh mẽ của con người tín hữu Việt Nam. Nhưng Giáo Hội tiến bước giữa trần gian, trong một xã hội loài người nhất định và do đó tất yếu chịu tác động của xã hội trần thế. Chỉ từ mấy năm mở cửa còn mới mẻ đến nay thôi, chúng ta đã có thể thấy một số tác động tiêu cực trên đời sống người tín hữu (đồng thời với một số ảnh hưởng tích cực tuy khó dễ thấy hơn). Xã hội đang hiện đại hoá theo kiểu phương Tây, mà văn hoá phương Tây hiện đại cơ bản là duy trần tục, duy vật chất, đề cao tự do cá nhân, thực dụng và hưởng thụ... Tinh thần đó đang thấm dấn vào xã hội ta, nhất là giới trẻ, đe doạ ngay cả truyền thống văn hoá dân tộc. Tôi tự hỏi liệu Giáo Hội sẽ đứng vững bằng cách nào trước làn sóng trần tục hoá và vật chất "ngọt ngào" đó? Liệu cái sức sống của Giáo Hội đang được tán tụng hiện nay có đủ mạnh để chống lại sự tấn công của nó không? Nếu chúng ta không quan tâm tới một nền giáo dục đức tin chiều sâu, không tiếp tục canh tân mạnh mẽ hơn theo tinh thần Vatican II (cụmtừ canh tân thích nghi hình như đã bị lãng quên), đặc biệt là thăng tiến giáo dân cho đúng mức, thì không ai dám chắc tương lai của Giáo Hội làhoàn toàn tích cực.

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

VỀ MỤC LỤC
Con là người chài lưới đi đánh cá người! ( Mc 1, 17)

 

1. Dấu hiệu con cá.

Những ai đã có lần vào hầm hang toại đạo (Catacombe) bên Roma, nơi ngày xưa các tín hữu Chúa Kitô xuống trốn ở ẩn vào thời kỳ bắt đạo, nhìn thấy ở trên bờ tường nhiều chỗ có hình vẽ con cá. Ở nhiều thánh đường cũng khắc hay vẽ hình con cá ở bên cạnh bàn thờ, ở nhạ tạm chỗ để mình Thánh Chúa Giêsu, ở chung quanh giếng nước Rửa tội; hay ở nhiều xe hơi bây giờ cũng dán mảnh giấy vẽ hình con cá.

Hình con có ý nghĩa gì vậy cho niềm tin đạo giáo chúng ta?

Nhìn thấy cá, chúng ta liên tưởng ngay tới thức ăn trong bữa cơm. Cá là thức ăn ngon, hấp dẫn và có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể con người. Xưa nay đâu đâu nghề chài lưới đánh cá trên sông ngòi ao hồ, ngoài đại dương biển cả vẫn phát triển thịnh vượng. Chúa Giêsu ngày xưa đã dùng cá và bánh mì làm phép lạ ra nhiều nuối sống hàng nghìn người đang đói.

Hình con cá khắc vẽ trên tường hang toại đạo bên Roma, trong nhà thờ mang ý nghĩa chĩ về Chúa Giêsu, con Thiên Chúa là Ðấng cứu chuộc.

Theo ngôn ngữ Hy lạp chữ cá được viết như sau: ICHTHYS. Từ những mẫu tự của chữ này, người ta suy diễn đọc ra:

1. I = Jesus - Giêsu

2. CH = Christus - Kitô

3. TH = ( Theos) Thiên Chúa

4. Y = (uios) người con

5. S = (soter) Ðấng cứu chuộc.

 

2. Lưới.

Nói đến lưới, hình ảnh nhiều sợi chỉ, sợi dây to hay nhỏ đan vào nhau tạo nên những mắt xích đều đặn thứ tự và bền chặt liên kết lại với nhau: lưới đánh cá, lưới banh rổ, lưới bóng đá, lưới môn thể thao Tennis, lưới môn vũ cầu môn Volley-ban…

Và hình ảnh này cũng được dùng sang ý nghĩa bóng bẩy cao sâu hơn trong đời sống con người: mạng lưới xã hội, mạng lưới gia đình, mạng lưới tình bạn bè, mạng lưới tôn giáo niềm tin.

Lưới dùng để cản để bắt,  như lưới giăng ra bắt cá, bắt chim, bắt thỏ…

Lưới giăng ra dùng bảo vệ che chở an toàn: mạng lưới an sinh xã hội

Lưới tạo ra giới hạn và tình yêu thương đùm bọc nhau: mạng lưới gia đình,

Lưới mang đến không khí tình liên đới, tình người giữa nhau: mạng lưới tình bạn bè, hội đoàn.

Lưới cũng đem lại cho nhu cầu tinh thần của con tim tìm thấy niềm an ủi, hy vọng: mạng lưới niềm tin tôn giáo.

Chúa Giêsu kêu gọi Ông Phero và các bạn ông đi theo làm môn đệ và ủy thác cho các Ông việc “ dùng lưới đánh cá người”, Ngài không bảo họ đi bắt lùa người ta vào một nơi, như dùng lưới chài bắt cá, bắt thỏ, bắt chim trời về làm thức ăn hay bán đâu. Nhưng Ngài muốn họ đi thu phục lòng con người về với niềm tin vào Thiên Chúa là tình yêu là sự thật và là sự sống và con người sống tình người với nhau.

Chúng ta ngày nay, sống làm chứng cho Chúa giữa trần gian sẽ sống như thế nào với bổn phận: đánh cá người?

Như Phero và các Tông đồ khác đi thu phục lòng con người cho Chúa, khi chúng ta yêu mến kính trọng sự sống, người khác, sẵn sàng tha thứ làm hòa; khi con ngưòi chúng ta trao tặng nhau tình người, gây bầu khí niềm vui giúp đỡ tương trợ lẫn nhau: sống tốt và làm tốt điều thiện cho nhau.

Lm. Nguyễn ngọc Long

VỀ MỤC LỤC
Chứng Kiến Phép Lạ Thánh Thể

 

Phép lạ Thánh Thể đã từng xảy ra tại Lanciano bên Ý, tại Santarem bên Bồ Đào Nha, và nhiều nơi khác, khi mà bánh lễ đã trở thành thịt thật, và rượu nho trở thành máu thật, khiến nhiều người kinh ngạc và tin nhận. Chuyện lạ như vậy đã được những khảo nghiệm khoa học ngày nay xác nhận như trường hợp Đại Học Siena được phép tòa thánh đã khảo sát và xác nhận về bình đựng máu và lát thịt của phép lạ Lanciano là có thật.

Ai cũng muốn xem thấy phép lạ. Và thấy một lần như vậy thì chắc lòng đạo sẽ lên lắm. Nhưng chả lẽ Thánh Thể trong thánh lễ không phải là Thánh Thể Chúa thật! Và như vậy tại sao lại phải chờ xem phép lạ xảy ra ở Santarem hay ở Lanciano?  Con mắt tin phải thấy được phép lạ Thánh Thể xảy ra mỗi ngày qua mỗi Thánh Lễ chứ. Với cái nhìn và cảm nghiệm này thì việc đi lễ sẽ hào hứng lắm.

Cha Thánh Nguyễn Văn Hưởng đã thấy được phép lạ xẩy ra như vậy bằng con mắt của lòng tin và làm chứng.

Thánh Nguyễn Văn Hưởng

TỪ CHĂN TRÂU ĐẾN CHĂN CHIÊN

Cha Nguyễn Văn Hưởng sinh năm 1802 tại Kẻ Sải, Hà Nội. Cha mất sớm, mẹ lại nghèo, nên cậu bé phải đi chăn trâu cho người chú để sống qua ngày, nhưng chắc đã từng tìm ra được niềm vui của việc chăn trâu ngoài cánh đồng: ngồi mình trâu thổi sáo hay miệng hát nghêu ngao. Là một mục đồng, cậu Hưởng biết thế nào là tình thương dành cho con trâu, nên vì thế mà rất cần mẫn yêu nghề và nuôi chí đi tu để chăn chiên. Cậu được vào chủng viện Kẻ Vĩnh, nhưng đến năm 1834 thì trường phải giải tán vì vua Minh Mạng bắt đạo dữ tợn. Sau khi cơn bắt đạo lắng xuống một chút, Đức Cha cho mở lại chủng viện ở ba nơi, là Kẻ Lường, Kẻ Doãn và Bàn Phết. Chú Hưởng liền trở về Kẻ Lường, rồi sau về Kẻ Vĩnh.

Từ ngày được làm thầy giảng, thầy Hưởng lần lượt đi giúp mục vụ các xứ vùng Ninh Bình như Kim Sơn, Bạch Liên, Bạch Bát. Sau đó được thụ phong linh mục về coi sóc xứ Bạch Bát. Cha Hưởng luôn tỏ ra là một mục đồng thiêng liêng thật gương mẫu. Ngài đã đáp ứng đúng nhu cầu của đoàn chiên là thánh lễ và các bí tích. Ngoài ra, cha có lòng ao ước được tử đạo, trong phòng có treo hình Đức Cha Cao tử đạo.

Cha Nguyễn Văn Hưởng là một người chăn chiên lành nghề, biết chính xác con chiên cần gì. Đồng cỏ và dòng nước của đoàn chiên chính là thánh lễ và bài giảng.

NHẬN THẦN LỰC TỪ THÁNH THỂ

Như hai môn đệ trên đường Emmaus, Cha Hưởng tin chắc nên thấy được phép lạ xảy ra thật qua mỗi thánh lễ: phép lạ chữa bệnh tâm hồn: tâm trạng sợ hãi thất vọng được biến đổi thành niềm vui hứng khởi, do việc chia sẻ Lời Chúa và rước lễ. Lòng sẽ được bơm đầy thần lực khi nghe Chúa nói qua Kinh Thánh; và mắt sẽ mở lớn hớn hở vui mừng thấy Chúa hiện ra lúc bẻ bánh.

“Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt hai ông mở sáng ra và nhận ra Người” (Lc 24:30-31)

Chính vì thế mà đoàn chiên phải được dẫn đến bàn ăn cao quí hơn. Đó là Thánh Thể. Cha Vũ Văn Ngọc, nghĩa tử của Ngài, làm chứng rằng:

“Mỗi sáng Cha Hưởng nguyện ngắm và dành cả một giờ để dọn mình dâng lễ. Khi làm lễ thì nghiêm trang sốt sắng. Sau lễ, Ngài cũng để giờ để cám ơn Chúa”.

Phép lạ chữa bệnh thể xác cũng thực sự xảy qua Thánh Thể. Người đàn bà bị bệnh lâu ngày trong Kinh Thánh cũng đã tin như vậy, nên rón rén tìm cách đến chạm được vào gấu áo Chúa, tức thì sức mạnh từ thân thể Chúa toát ra đã chữa bà khỏi bệnh tức khắc.

Cũng với niềm tin đó, ngày nay biết bao người đã tuốn đến Lộ Đức. Mỗi buổi chiều trong mùa ấm mát đều có kiệu Thánh Thể chung quanh khu vực hành hương. Nhiều phép lạ được ơn khỏi bệnh đã xảy ra. Ngay ở cửa hang nơi Đức Mẹ hiện ra có nhiều chiếc nạng được treo như những lời chứng sau khi hết bị tê liệt. Những phép lạ này đã được các bác sĩ chứng nghiệm. Nhưng điều đáng chú ý là hầu hết các phép lạ đều xảy ra trong lúc kiệu Thánh Thể.

Điều đó chứng tỏ rằng Đức Mẹ luôn dẫn người Kitô đến được với Thánh Thể Chúa là nguồn mọi ơn. Cũng như ngay sau khi Chúa Giêsu lên Trời, thì Đức Mẹ đã cùng với các tông đồ một lòng một trí cầu nguyện làm “Tuần Chín Ngày” đón chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống.  Như vậy mỗi thánh lễ là một Lễ Hiện Xuống mới, nơi người tin Chúa lãnh nhận được đầy Thần Khí, đủ bảy ơn Chúa Thánh Thần. Chính vì thế mà lời Kinh Nguyện Thánh Thể III trong thánh lễ đã diễn tả:

“Khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Chúa Kitô”.

Nữ tu Briege McKenna là người đã được Chúa chữa khỏi bệnh ung thư khớp xương một cách lạ lùng sau khi rước lễ. Và Chúa đã cho vị nữ tu này một ơn lạ là đã dùng chính Thánh Thể để chữa khỏi nhiều bệnh nan y, nên đã nhiệt thành truyền bá niềm tin vào Thánh Thể có sức chữa bệnh, nhất là sau khi rước lễ. Chính Chúa đang hiện diện với đầy đủ quyền năng như ở Do Thái xưa, và Ngài đang dùng chính quyền năng này để chữa những người bệnh tật được mang đến với Ngài. Nhiều người đã tìm đến nữ tu McKenna để hưởng “tài làm phép lạ” thì được trả lời ngay: “Xin đừng tìm đến tôi như tôi có tài gì. Chính Thánh Thể Chúa chữa bệnh. Hãy tin. Thánh Thể đang ở trong Thánh Lễ, trong mỗi nhà thờ”.

Đức Cha Fulton Sheen nổi tiếng về tài giảng thuyết, đặc biệt qua những chương trình phát thanh của ngài. Biết bao người được ơn hoán cải khi nghe lời ngài giảng. Nhiều người được ơn trở lại chỉ sau một lần gặp gỡ ngài.

Có lần người ta phỏng vấn ngài về bí quyết hay tài năng gì đã khiến ngài có ơn đặc biệt đó, thì ngài trả lời: “Bí mật của tôi là mỗi ngày một giờ trước Thánh Thể”. “Hãy thức tỉnh với Chúa một giờ”. Tức là thực sự có mặt với Chúa, một giờ “sạc” điện như cắm dây đèn vào dòng điện. Đèn sẽ sáng, máy sẽ chạy.

Cha Thánh Hưởng đã cảm nghiệm được nguồn điện này khi để cả một giờ cầu nguyện trước khi làm lễ và giảng.

PHÉP LẠ LỜI CHÚA

Chính lời Chúa và việc giải thích lời Chúa qua bài giảng có sức làm phép lạ tìm lại được nhiệt tình hứng khởi cuộc sống, vì linh mục là hiện thân Chúa qua sứ mạng này. Chính Chúa đang rao giảng, và lời Chúa đang có sức làm phép lạ. Vì thế Cha Hưởng rất đề cao Lời Chúa qua bài giảng:

“Nếu anh chị em có việc cần phải về sớm thì ít nhất phải nghe giảng đã, vì nếu không, anh chị em không biết đường mà giữ đạo”.

Cha dọn bài giảng rất cẩn thận, đọc nhiều sách, nên bài giảng mạch lạc súc tích, khiến cho người nghe cảm động. Vì Cha hiểu rõ lời Chúa chính là của ăn được dọn cho hợp khẩu vị mỗi người qua bài giảng. Vì bài giảng chính là phần giải thích lời Chúa như chính Chúa Giêsu đã giảng cho hai môn đệ và đã làm phép lạ biến đổi hai người đang trong lúc hết sinh khí và xuống dốc cùng độ:

“Lòng chúng ta lại chẳng bừng lên lửa nhiệt tình khi Người đi đường đàm đạo và giải thích cho chúng ta về Kinh Thánh đó sao” (Lc 24:32)

Cha Thánh Hưởng ý thức sứ mạng làm phép lạ qua mỗi bài giảng, như Thánh Phêrô đã nhận ra quyền năng làm phép lạ chữa lành một người què ăn xin:

“Tôi không có vàng có bạc, nhưng tôi có cái này cho anh: nhân danh Đức Giêsu Kitô thành Nagiarét, anh hãy đứng dậy mà đi” (TĐCV 3:6)

PHÉP LẠ BẺ ĐƯỢC XÍCH SẮT

Cha Thánh Hưởng ý thức rõ rệt về sức manh chữa lành và giải thoát của bí tích giải tội và xức dầu bệnh nhân. Như Chúa đã làm nhiều phép lạ trừ quỉ, bẻ được xiềng xích trói buộc họ, Cha Thánh Hưởng nhận ra Chúa vẩn đang làm như vậy qua bàn tay linh mục khi cử hành bí tích. Cha Ngọc làm chứng tiếp:

“Cha Hưởng rất siêng năng giải tội. Giáo dân đến lúc nào thì giúp họ lãnh nhận bí tích lúc ấy, có khi giải tội cho đến nửa đêm, cho tới khi không còn người nào nữa mới thôi. Có ai mời đi kẻ liệt là Ngài bỏ dở việc đang làm để đi ngay, không kể nắng mưa hay giữa đêm”.

Cha thánh Gioan Vianney cũng đã chú trọng vào hai bí tích then chốt: Thánh Thể và Giải Tội. Nhờ hai bí tích này mà một linh mục tầm thường như Ngài đã làm được phép lạ biến đổi một xứ đạo bê bối khô khan trở thành một trung tâm đầy sức thu hút.

THẾ NÀO LÀ ĐẠO HIẾU?

Khi đang chăm sóc đoàn chiên tại vùng Bạch Bát và Yên Mô thì Cha Hưởng bị bắt và bị giải lên tỉnh Ninh Bình. Cha tỏ ra bình tĩnh giải nghĩa những hiểu lầm về đạo của vua quan. Một trong những điều hiểu lầm lớn nhất thời đó là việc thờ cúng tổ tiên. Vua quan thường vu cho người Công Giáo tội bất hiếu với cha mẹ đã qua đời. Cha Hưởng liền đọc cho họ nghe mười điều răn Đức Chúa Trời. Ngài thức với quan:

“Bảo người Công Giáo không kính cha mẹ là một điều vu vạ. Người lương lấy cá thịt mà cúng cha mẹ đã qua đời, còn chúng tôi không dùng các thức ăn mà cúng, vì đã biết ông bà cha mẹ đã chết rồi thì không ăn được nữa, không hưởng nhờ gì được các thức ăn đó. Nhưng chúng tôi nhớ đến ông bà cha mẹ sáng tối, hằng ngày cầu xin cho các ngài được hạnh phúc trên thiên đàng. Hơn nữa chúng tôi nhớ những lời cha mẹ đã răn dạy để giữ tiếng tốt cho các ngài”.

Quan đầu tỉnh thấy Cha Hưởng là vị chân tu nên hỏi: “Nếu cụ đạp chân lên thập giá, ta cho cụ trụ trì ở Chùa Non Nước”.

Nhưng Cha một mực trung thành.

PHÉP LẠ BIẾN ĐỔI: GÔNG CÙM LÀ HOA THƠM

Chính sức mạnh lãnh được từ đời sống cầu nguyện và các bí tích, cha Thánh Hưởng đã làm được phép lạ mà ai cũng thấy. Trên đường ra nơi bị xử tử mà không hề run sợ, nhưng nét mặt vui tươi hớn hở. Đó là một điều quá lạ đối những người ngoài đạo. Ngài còn làm phép lạ biến đổi được những gông cùm thành vòng hoa bằng đức tin. Giáo dân thấy cha mang gông cùm thì khóc thương. Nhưng Cha bảo họ:

“Cha mang gông và phải tù vì đạo thánh Chúa là phúc trọng, nên phải vui mừng. Chúng con ra sức giữ đạo theo chân Chúa Giêsu, để về sau cha con lại được gặp nhau trên thiên đàng. Gông cha mang đây thật là hoa thơm Đức Chúa Trời đã ban, chúng con phải cầu xin cho cha được hịu khó đến cùng”.

Thánh Hưởng đã thể hiện được chính lời Chúa: “Ít ra các con hãy tin vì các việc Thày đã làm, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về cùng Cha” (Gioan 14:12).

Đối với những kẻ làm khổ mình, Cha Hưởng không oán trách, mà còn tha thứ và cầu nguyện cho họ. Trước khi ra pháp trường, Ngài còn khuyên bạn tù:

“Dù anh em phải bị hành hạ thế nào, anh em hãy cầu nguyện cho chính quyền”.

Ngày 27.4.1856, Cha bị dẫn ra pháp trường ở gần núi Cánh Diều gần tỉnh lỵ Ninh Bình và bị án chém đầu. Thầy Bá được lệnh đưa xác ngài về an táng trong chủng viện Kẻ Vĩnh.

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

VỀ MỤC LỤC
NHỮNG LỜI CHÚC TẾT ĐÚNG NHẤT
 

Năm mới Bính Tuất sắp tới, tôi được đọc và nghe qua các thư từ, báo chí và radio rất nhiều lời Chúc Tết tốt đẹp như: Tràn đầy hạnh phúc – an khang thịnh vượng -- dồi dào sức khỏe v..v…

Tôi chợt nghĩ, những lời này có thực sự đến với tôi dễ dàng không, hay tôi phải dầy công tu luyện về thể chất lẫn tinh thần? Nghĩ đến đây, tôi nhớ lời Đức Giêsu khi đi rao giảng, dân chúng theo Ngài lên núi đông lắm, Ngài bảo họ ngồi xuống cùng với các môn đệ, rồi nói cho họ nghe về Tám mối Phúc hay còn gọi là Hiến Chương Nước Trời. Đó là bí quyết để hạnh phúc, bình an thật không phải ai chúc cho là được, mà chính mình phải thực hành mới có như sau:

1- Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ: Khi tôi tập sống giản dị, biết chia sẻ vật chất lẫn tinh thần cho tha nhân, làm việc xã hội là tôi có bình an, vui mừng. Vì tôi đã thực hiện công bình, bác ái, là có tâm hồn nghèo khó, là tôi có Nước Trời ở trong tôi rồi. Vì có Chúa là Đấng đã trở nên khó nghèo để tôi được giầu có.

2- Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp:  Bạn tập sống hiền lành và khiêm tốn, nhỏ bé là có nhiều thứ tốt đẹp ở đời này, vì ai cũng thích người hiền lành, bạn có Đất Hứa là Thiên Đàng trần gian, bạn sẽ được mọi người thương mến, giúp đỡ ủi an, nên bạn luôn có bình an, mạnh khỏe, vui tươi.

3- Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an: Khi tôi biết sầu khổ, hối hận và đau buồn về lỗi làm yếu đuối của mình là tôi có vui tươi, bình an trong tâm hồn. Vì Chúa thích người khiêm nhường biết sám hối ăn năn, biết lỗi, nhận lỗi và sửa lỗi là tôi được người khác cảm phục, thế là tôi luôn được vui vẻ, khỏe mạnh.

4- Phúc cho ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng: Bạn sống ngay thẳng, thật thà, dũng cảm, đàng hoàng, nghiã là công chính là bạn sẽ khang an, thịnh vương. Vì bạn có tâm hồn khao khát tốt lành, không những Trời giúp mà người đời tin tưởng, nên bạn dễ thành công, tiền vào như nước!

5- Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương: Trong Kinh thương người có mừời bốn mối, thương xác bảy mối đã nói rõ như: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc…Mẹ Maria cũng đã nói trong kinh Ngơi khen: “Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia”. Trong ba cơn bão Katrina, Rita và số 7 vừa qua tôi đã giúp đồng bào những gì. Cho nên, khi tôi có lòng thương xót người là tôi mới có hạnh phúc, khang an.

 6- Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa: Khi bạn giữ thể xác và tâm hồn trong sạch, không mờ ám, tham lam thì dáng bộ bề ngoài bạn sẽ thảnh thơi, trong sáng, người ngoài sẽ nhìn thấy qua nét mặt bạn, còn Chúa thì thấu suốt hết tâm can. Cho nên bạn sẽ thấy Chúa hiện diện trong bạn, bạn sẽ không sợ chết, vì Chúa nói: “Nước Trời ở ngay trong lòng anh em.” Vì thế nét mặt bạn lúc nào cũng vui vẻ, bình an trong Năm Mới!

7- Phúc cho những ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa:  Khi tôi không gây sự, bực tức, sống hài hoà, tha thứ cho người bên canh là tôi xây dựng hòa bình đích thực, mà bài hát Kinh Hòa bình tôi thường hát trên môi. Như vậy tôi cần có tâm hồn hoà bình nội tâm trước, để rồi đem bình an cho người khác, khi đó tôi chính là con của Chúa, vì Ngài là sự Bình an. Lời chúc bình an, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt trong Năm Mới sẽ sự thật đến với tôi.

8- Phúc cho ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ:  Vì bạn sống bẩy bí quyết hạnh phúc thật ở trên là sống công chính, ngược lại với quan niệm người đời, nên bạn có thể bị hiểu lầm, thiệt thòi, bị khinh khi, chế riễu, vu oan. Nhưng bạn rất tin tưởng vì được chính Chúa nâng đở ủi an, nên tâm hồn bạn lúc nào cũng thấy vui mừng, bình an, hạnh phúc, vì Nước Trời là của bạn.  

Những lời Chúc Tết tốt đẹp trên sẽ đúng nhất với bạn và tôi. Thế giới đầy Tham-Sân-Si và tôị ác này sẽ không làm bạn lùi bước, vì bạn đã nắm được Hạnh Phúc Nước Trời như đã nên trên.

Cảm nghiệm theo Mt 5: 1-10

Phó tế: GB Nguyễn Định (Huyền Đồng) * johndvn@yahoo.com

Thế giới đầy tham-sân-si và tội ác này sẽ không làm bạn nao núng, bỏ cuộc, vì bạn đã nắm chắc được chìa khóa

VỀ MỤC LỤC
Sống Lâu Trăm Tuổi.

 

Việt Nam mới mất đi một cây cổ thụ quý giá có một trăm năm với hai năm lẻ tuổi thọ. Đó là học giả Giản Chi Nguyễn Hữu Văn.Vâng, cụ Giản Chi mãn phần vào ngày Chủ Nhật 27 tháng Bẩy năm 2005 sau khi bị bệnh sưng phổi.

Trước sự ra đi này, các nhà văn học trong ngoài nước đều lên tiếng tỏ ý nuối tiếc là đất nước mình mới mất một bảo vật hiếm có. Học giả Giản Chi mất đi, chúng ta thương tiếc cũng là tiếc thương một đại biểu ưu tú của nền văn hóa truyền thống, một nhân chứng, một nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, tương lai, cũng có thể có những cái khác thay thế, nhưng không gì thay thế được cho con người bằng con người”

Trên một trăm tuổi mới ra đồng, ngả mình trong thảm cỏ xanh, nghe nhạc vàng giun dế, mỉm cười ngắm chị Hằng Nga, kể cũng thọ đấy nhỉ.

Nhớ lại vào đầu thế kỷ trước, sống tới ngoài tứ tuần đã đủ mừng, đã vội vàng mời bà con lối xóm tới ăn khao “tứ tuần đại khánh”. Rồi trâu bò, gà vịt được hy sinh để các “ cụ non” chén chú chén anh, say sưa với nhau. Vui Xuân kẻo hết Xuân đi.

Sống tới tuổi cao hơn, dăm bẩy chục là điều ít thấy, huống chi là trăm tuổi. Vì thế mới có câu nói truyền đời” Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Sống bẩy mươi hiếm ơi là hiếm. Tuổi thọ trung bình khi đó chỉ lởn vởn ở con số 45.Tại chốn đình chung, các cụ non này đã trịnh trọng được chễm trệ rung đùi mâm trên, chiếu cạp điều; đã được mõ làng một điều thưa, hai điều trình “nhà cháu xin chào các cụ, rước các cụ sơi rượu a”. Nghe cũng sướng con ráy.

Nhiều cụ non còn hành động như ...các cụ non: lún phún vuốt vài sợi ria mép, đi đứng khệnh khạng, nói năng lè nhè, lâu lâu lại giả vờ ôm ngực ho khan vài tiếng, tỏ ra là mình già rồi. Để được trong ngõ ngoài làng chú ý thêm. Các cụ non cũng được miễn nhiều tạp dịch, tuần đinh trong làng xã.

Tại gia thì tha hồ được bà xã chiều chuộng, nâng niu. Đôi khi còn được bả kiếm thêm cho dì hai, dì ba, dăm ả hầu tơ để lo cơm nước, tắm rửa cũng như đấm bóp, xoa lưng, cùng vui vầy giấc ngủ đêm trường. Thực là làm cụ non cũng có nhiều điều lý thú.

Mà các bậc đế vương kim cổ, các nhà độc quyền cai trị đều muốn sống lâu. Để lần tới khố dân đen. Cho nên mới có “Thánh thọ vô cương”, “Vạn tuế! Vạn vạn tuế!”, “ Vive le Roi!”, hoặc “ Tổng Thống, Tổng Thống muôn năm!!.

Để hưởng hết lộc trời, để trị vì thiên hạ, đã có những tìm kiếm thuốc trường sinh, những thuật sống lâu trăm tuổi, những luyện kim đan, những tên bán vịt trời giữa chợ...quảng rao thuốc tiên, thuốc thánh.

Nào Lư Sinh, Từ Phước vượt Biển Đông kiếm thuốc trường sinh bất tử cho Tần Thủy Hoàng Đế. Không tìm ra thuốc, sợ tận sinh khi về, họ chốn biệt, lập nghiệp ở đất Phù Tang.

 Nàng Eos cầu xin bề trên cho người yêu Tithonus được trường thọ mà quên không xin cho chàng khỏi suy nhược loạn cương dương. Nên nàng đành gạt lệ, hồ hởi bước đi bước nữa, kiếm người tình trẻ trung, nhiều sinh lực.

Lại còn những suối nước Vĩnh Cửu ở rừng già Jupiter, bờ biển Venezuela, đảo Trinidad; những lời khuyên nằm giữa trinh nữ để thu lượm sinh khí như Vua Cha David. Rồi cấy tế bào ngọc hành để tăng cường sinh khí của nhà khoa học Charles B Sequard; linh dược gia truyền chế từ sừng tê giác, mật gấu, sữa voi của thầy tu Roger Bacon. Và gần đây, những KH –3, Gerovital, những Q- 10, Glutathione, Sod, DHEA, Omega- 3, Omega- 6, antioxidants, nấm Cổ Linh Chi...Riêng cái món nấm Cổ Linh Chi này cũng đang được rất nhiều đồng bào ta muốn sống lâu tin tưởng: bỏ ra tiền triệu mua được một kí nấm rổm về dùng rồi than trời như bọng.

Sao chẳng ta về ta tắm ao ta, học cách sống lâu, sống khỏe trong TÚI KHÔN Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Đồng Ấu của các soạn giả Trần Trọng Kim, của Đỗ Thận:

“ Một ông thầy thuốc già, chữa bệnh giỏi có tiếng. Phải khi ông ốm nặng, các học trò đến chầu chực thuốc thang bên cạnh. Ông cố gượng nói rằng: “ Lão biết mình đã đến ngày tận số rồi nhưng lão có nhắm mắt cũng yên lòng vì lão có để lại cho đời được ba thầy thuốc rất hay”. Ông nói tới đây, nhọc quá phải nghỉ. Các thầy thuốc học trò thấy ông nói thế, đều lắng tai nghe, ai cũng nghĩ bụng trong ba người ấy thế nào chả có tên mình.

Ông nghỉ một lúc rồi lại nói: “Trong ba thầy thuốc ấy thì hay nhất là thầy SẠCH SẼ, thứ nhì là thầy ĐIỀU ĐỘ, thứ ba là thầy THỂ THAO. Sau khi lão mất rồi, nếu các anh biết theo ba thầy ấy mà chữa bệnh cho người ta, thì thiên hạ khỏi được bao nhiêu là bệnh tật”-

Cách đây cả trên nửa thế kỷ mà các học giả khả kính của ta đã nói tới những điều mà y khoa học hiện đại mới đề cập và khuyên nhủ bá tính áp dụng. Phải chăng đó là y khoa phòng ngừa, là vệ sinh công cộng, là sống đời sống lành mạnh, là ăn uống cân bằng, dinh dưỡng, là vận động cơ thể, là giữ cho tâm thân an lạc, tiết kiệm sinh khí.

Bằng cách nào để sống lâu, sống mạnh là những đề tài ta nên suy tư, khai triển từ cái TÚI KHÔN vừa kể.

Hoặc nếu không muốn mất công thì ta đành len lén đi theo Ngộ Không Tôn Lão, vào lò luyện kim đan của Tây Vương Mẫu nuốt hết bình thuốc bất tử; bước ra vườn tiên, nằm gác chân chữ ngũ, nhâm nhi vài trái đào trường sinh mọng chín thơm tho. Có khi lại sống lâu như ông Bành Tổ.

Rồi cùng An Hưởng Tuổi Vàng với gia đình, thân thuộc. Và chậm rải sửa soạn cho ngày rửa sạch chân cẳng, thơ thới bước lên bàn thờ, ngồi hầu cờ tướng tổ tiên.

Chẳng cũng thú vị lắm sao!!

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC Texas –Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC
NHỮNG CON CHÓ ĐƯỢC NÓI ĐẾN TRONG KINH THÁNH

 

NĂM BÍNH TUẤT NÓI CHUYỆN CHÓ 

(Chú thích: Những lời mạn đàm trong bài viết này là có thật và viết vui để mừng Xuân, không phải lời giải thích Kinh Thánh)

Chó là thú vật quen thuộc của mọi gia đình và có nhiều lợi ích cho con người. Chó cũng có những đóng góp rất tốt cho con người mà ai cũng biết như giữ nhà, săn bắt mồi, kéo xe trượt băng tuyết, tìm người, truy lùng thuốc phiện v.v… Và những đặc tính rất tốt như trung thành, hiểu ý chủ, vâng lời, biết sợ chủ, biết mừng chủ v.v…

Sống ở Mỹ và lần đầu tiên khi nghe người Mỹ gọi con chó là “bạn thân nhất của con người” (men’s best friend) tôi thầm cười trong bụng và tự nghĩ: bộ không còn ai chơi làm bạn nữa hay sao mà đi làm bạn với mấy con chó? Thế nhưng khi nhìn những hình ảnh thực tế trong cuộc sống thì câu nói trên có nhiều trường hợp là không quá lời và có thể một lúc nào đó còn rất đúng nữa.

Nhà tôi ở gần khu hưu dưỡng của người Mỹ cao niên, thỉnh thoảng lái xe trên đường phố vượt qua những chiếc xe chạy chậm tôi nhìn qua xe bên cạnh thì thường bắt gặp một bà Mỹ già lái xe với con chó ngồi ở ghế kế bên. Điều lạ là tôi thường thấy mấy bà già lái xe có chở chó nhiều hơn mấy ông. Có thể nói tỷ lệ này rất cao lên đến 90% (?). Có lẽ Chúa thương “gọi mấy ông” về sớm hơn là mấy bà chăng? Rồi một vài lần khác khi dừng xe ở các đèn đỏ, tôi thấy người mù được con chó dẫn đi ngang qua đường. Con chó rất khôn biết khi nào đèn xanh, hướng phải đi để dẫn chủ băng qua đường. Cách đây ít lâu báo chí có đăng tin tức về một con chó biết gọi số 911 (số điện thoại khẩn cấp gọi cảnh sát hay xe cứu thương) rồi sủa tín hiệu kêu cứu vào điện thoại khi thấy người chủ của nó té ra khỏi xe lăn nằm bất tĩnh. Đúng là con chó từ là “bạn thân nhất của con người” (men’s best friend) trở thành “anh hùng của con người” (men’s super hero). Rồi chưa hết, có lần gia đình tôi ra bãi biển chơi, tôi thấy có người hình như bị mù vì anh đeo kính đen, anh ăn mặc rách rưới thổi sáo để xin bố thí của khách qua đường. Bên cạnh chiếc mũ để đựng tiền mà khách qua đường bố thí cho, có một con chó ngồi kế bên … giữ của. Bỏ tiền vào mũ thì được, chứ lấy tiền từ mũ ra thì không phải sợ người thấy mà phải coi chừng… chó!

Những con Chó "tốt" được nói đến trong Kinh Thánh

Trong Kinh Thánh có nhiều hình ảnh về con chó được nói đến như: chó sói (St49,27), chó chết (1Sm24,15), chó ăn thịt (1Vua14,11), chó liếm (1Vua21,19), chó canh chừng (Gióp30,1), chó rừng (Gióp30,29), chó nhà (Hc13,18), chó tru và chạy rông (Tv59,7), chó câm (Is56,10), chó đói (Is56,11), chó hoang (Gr50,39), chó con (Mt15,26), chó má (Phip3,2). Đa số là những hình ảnh hay con chó xấu mà ngày Xuân không nên bàn tới vì sợ rằng…. xấu cả năm (?). Vậy xin được mạn đàm về những con chó tốt.

1- Con chó đi theo Thiên sứ Gabrien và Tôbia (Tb6 và 11)

Tôbia 6,1 Chàng thanh niên ra đi, thiên sứ cùng đi với cậu, con chó cũng ra đi với cậu và cùng đi với hai người. Vậy là cả hai cùng đi, và đêm thứ nhất, họ qua đêm bên bờ sông Tích-ra.

Trong chương 6 đến chương 11 của sách Tôbia, con chó đã cùng đi với Thiên sứ Gabrien và Tôbia tới nhà Xa-ra, một cô gái khôn ngoan, cam đảm và rất đẹp con của ông Ra-gu-ên. Cô này theo Kinh Thánh nói thì rất đẹp nhưng có số “sát phu” thứ thiệt nói theo kiểu nhân gian. Xem ra người mang tên Xa-ra là người có những vấn đề trắc trở trong cuộc sống. Bà Xa-ra vợ ông Áp-ra-ham bị sao quả tạ chiếu ngay đường sinh con đẻ cái. Bà đã chẳng có con cho mãi tới khi về già mới được Chúa ban cho. Còn cô Xa-ra trong sách Tôbia cũng có vấn đề trong đường tình duyên, có lẽ tại vì cái tên của cô là Xa-ra, hiểu theo nghĩa “đơn sơ” là tránh xa ra kẻo khốn!... Số là Cô Xara đã được lần lượt gả cho bảy chàng khôi ngô, tuấn tú rồi, và tất cả những chàng đến với cô đều đã chết trong đêm động phòng hoa chúc: tức là lúc đến bên nàng thì họ đều... bỏ mạng bên nàng (Tôbia 6,14). Nên khi Thiên sứ Gabrien nói với cậu Tôbia là cậu sẽ cưới cô Xa-ra làm vợ thì cậu đã khớp run người lên. Biết đâu cậu lại trở thành kẻ nạp mạng thứ tám chăng? Thế nhưng thiên sứ đã chỉ cho cậu dùng gan và tim cá đặt trên than của lư hương để khói sẽ đẩy lui thần chết đi xa. Nghe điều này có vẻ nhảm nhí nhưng là điều nói trong Kinh Thánh. Trong đêm đầu tiên của đôi tân hôn, mọi gia nhân kể cả ông bố vợ đều hồi hộp chờ đợi xem có chuyện gì xảy ra không cho số phận của chàng Tôbia. Ông Ra-gu-vên cha vợ chàng còn yếu đức tin hơn nữa, ông sai gia nhân đi đào huyệt sẵn để chờ sáng ra là mang xác chàng rể Tôbia đi chôn, vì ông biết con ông thuộc loại sát phu ‘cực kỳ’ nổi tiếng. Thế nhưng trong đêm động phòng, Tôbia và Xa-ra đã không làm gì ngoài việc chúc tụng và dâng các ước vọng lên Thiên Chúa. Chúa đã nhận lời cầu xin của họ và cậu Tôbia đã thoát ách tử thần. Chàng đã được sống để làm chồng người đẹp Xa-ra!

2- Con chó trong dụ ngôn La-da-rô nghèo khó (Lc16,19-31)

Luca 16,19-22 "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham.

Ngoài những con chó trở thành “bạn thân nhất của con người” (men’s best friend) hay trở thành “anh hùng của con người” (men’s super hero) như lời bàn ở trên. Con chó ở trong dụ ngôn La-da-rô này lại đóng vai trò của người bác sĩ, y tá để xoa dịu các vết thương, liếm bớt mủ hay gãi cho đã ngứa các vết thương! Con chó trong dụ ngôn này chỉ nhìn theo những khía cạnh thực tế thôi thì cũng hơn người nghèo, bệnh tật Ladarô nhiều lắm. Ít ra là con chó này còn được ngủ trong nhà của chủ, còn La-da-rô phải nằm ngoài cổng. Còn nữa, chó của nhà giàu thì có đồ ăn riêng chứ đời nào phải ăn những đồ dư thừa như La-da-rô. Ông nhà giàu kia có mắt nhưng đã làm ngơ một La-da-rô đang chờ ăn thừa ở dưới bàn của ông và rồi ông đã trả giá rất đắt cho cái mắt làm ngơ của ông. Khi ông từ giã kiếp sống vương giả trên trần gian này, ông ngước đầu lên nhìn thấy La-da-rô trong lòng tổ phụ Apbraham nơi cõi phúc và ông đã xin La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi ông cho mát; vì ông bị lửa thiêu đốt khổ lắm, nhưng đã bỏ lỡ cơ hội “Mùa Xuân Con Chó” mất rồi.

3- Lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn (Lc15,21-28)

Lc15,27-28 Chúa Giêsu đáp: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con." Bà ấy nói: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống." Bấy giờ Đức Giê-su đáp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy."

Đọc qua câu chuyện này, tôi phải phục đức tin của bà xứ Ca-na-an này. Nếu tôi là người tới xin ai làm phúc mà được trả lời như thế, chắc vì tự ái xác thịt con người, tôi đã bỏ đi mất, tủi mà khóc thầm trong lòng hay có chết cũng chẳng thèm xin. Ai nuôi chó cũng thích chó cả nhưng khi có ai nói mình là “chó” thì e rằng… tiếng pháo bật nổ không đợi phút giao thừa. Bà xứ Ca-na-an vì đã nhận biết ra được Người mà bà đang xin làm phúc là ai nên bà đã đặt niềm tin vào lòng thương xót, nhân từ của Chúa hơn là lời nói hiểu theo ý con người. Bà chỉ thèm khát được xin ăn những mảnh vụn từ bàn (của Chúa) rơi xuống thôi, còn tôi hôm nay được phúc biết bao dự bàn tiệc thánh của Chúa mỗi thánh lễ hằng ngày, mỗi thánh lễ Chúa Nhật, thế mà tôi chẳng khao khát và tin mạnh mẽ được như bà.

Phải thú thật rằng khi thấy những người ăn xin đứng dưới mưa nắng xin tiền nơi các góc đường hay lối ra của xa lộ freeway ở Mỹ, có lúc tôi không dừng lại, có lúc dừng lại bố thí thì chỉ cho một đồng, vì tôi nghe nói những người này xin tiền để mua thuốc lá hút hay mua rượu uống mà thôi. Nhìn tấm bảng họ cầm trên tay, thường viết đơn giản đại khái như: Need your help. God bless! (Cần sự giúp đỡ của bạn. Xin Chúa chúc lành). Qua tấm bảng với vài chữ đó, tôi học được từ họ một điều: Ai cho tôi cái gì thì tôi chỉ nói cám ơn, chứ ít khi nói xin Chúa chúc lành cho họ. Ngay cả lời chúc Tết đầu năm cũng thế, nếu để ý thì xem ra tôi kém lòng tin hơn họ. Tôi thường nói những lời chúc Tết như: chúc ông bà/anh chị/em mạnh khỏe, may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng... Lời chúc của tôi đâu có ảnh hưởng gì cho người được chúc vì đó là lời từ môi miệng tôi mà ra. Đôi khi còn mâu thuẫn nữa là khác, tôi chúc họ khỏe mạnh trong khi chưa chắc tôi đã... có sức khỏe? Vì thế, hằng năm tôi vẫn chúc Tết đến mọi người và rồi người được tôi chúc vẫn bệnh tật, vẫn kém may mắn, vẫn thiếu hạnh phúc, vẫn xui xẻo và vẫn... nghèo! Có lẽ tôi nên xin Chúa chúc lành, chúc sức khỏe, chúc hạnh phúc cho họ thì lời chúc sẽ có quyền năng, có hiệu quả hơn. Chỉ có Chúa mới có thể làm cho lời chúc được trở nên hiệu lực. Cám ơn mấy người cầm bảng xin tiền nhé! Quý vị vừa ăn xin, vừa rao giảng!

Trong “Năm Lời Chúa” này, người không tin Chúa thì đi hái lộc, xin quẻ, riêng người Công Giáo tôi thấy một vài nơi, một vài hội đoàn cắt câu Lời Chúa rồi phát cho mọi người. Khi nhận được thường ai cũng mở ra đọc xem Chúa nói gì với mình ngày đầu năm. Tôi thấy đó là điều hay, ít ra thì mọi người đều đọc Lời Chúa, cho dù lười đọc như tôi!

Nguyện xin Chúa chúc lành cho Quý Cha, Quý vị và các Bạn được an-vui-mạnh và hăng say rao giảng Lời Chúa trong năm Bính Tuất.

JB. Người Tín Hữu (thanhlinh.net)

VỀ MỤC LỤC
Năm Chó Bàn Truyện Chó

 

Nàng cũng rất sợ chó vì đã một lần bị con berger nhà hàng xóm rượt chạy xanh mặt. Rồi từ chỗ sợ chó nàng đâm ra ghét chó, chó to chó bé, chó tây chó ta. Ghét hết, ghét lắm. Sợ và ghét đi vào tiềm thức nên năm trước nàng đã trồng bên hông nhà một bụi mơ rất tốt, ngọn và lá mơ vươn cao, ong đến làm tổ mà phá đi cũng không được. Dưới bụi mơ lại là một gốc riềng. Có lần, đứng bên gốc mơ, tớ đã ấm ớ theo chân ông Nguyên Sa bịa thơ:

Trồng bụi mơ vì em không yêu chó.

Cấy gốc riềng bởi chó đuổi chân em.

Hồi nhỏ tớ cũng bị chó ngoặm một phát vào đùi trái khi mẹ sai đưa bánh biếu bà nội. Còn những lần đi học, đi nhà thờ bị chó đuổi vắt giò lên cổ thì nhiều lắm, nhưng tớ vẫn không hận thù loài khuyền mã này tí nào (Bố tớ tuổi con chó, nhưng không phải vậy đâu). Tớ chỉ khó chịu mỗi khi thấy trên ti-vi cảnh chó cắn người vô tội, nhất là con nít thôi. Thực ra tớ tức giận mấy tay chủ nuôi chó mà không biết giữ chó thì đúng hơn.

Có lần tớ đề nghị nuôi một con chi-hua-hua trong nhà cho vui và cũng ngầm ý là để có ‘đồng minh’ những lúc ‘canh không bột ngọt’ và con cái vắng nhà, nhưng nàng gạt đi ngay mặc dù ba bố con tớ đã biểu quyết thuận một trăm phần trăm. Nàng bảo:”Ai có giờ đâu mà chăm sóc chó, rồi tiền đâu mà mua thuốc, mua đồ ăn…”. Để gia đình yên ắng, tớ tạm hoãn việc nuôi chó lại để chờ một dịp khác.

Trong khi chờ đợi ‘nhà nước’ cấp ‘giấy phép’ nuôi chó thì tớ kiếm mấy con cá vàng thả vào cái bình nhỏ để ngắm cho đỡ…buồn vì nghĩ rằng ‘chó thì luôn luôn vui vẻ và không biết giận hờn, còn cá thì không bao giờ biết buồn hoặc ghen tương’. Hơn nữa ở Mỹ cá vàng vừa rẻ tiền lại vừa dễ nuôi. Thế là một đàn cá từ Pet America được nhập hộ khẩu nhà tớ không cần giấy phép. Sách tướng số bảo cuộc đời tớ không có nhiều may mắn, không thông minh, nhưng lại rất bén nhậy để tìm ra giải pháp thay thế trong những lúc ngặt nghèo, nhất là những gì liên quan đến chuyện vui chơi ăn uống. Tớ thấy cũng khá đúng vì hồi chưa đầy 10 tuổi, tớ đã biết đóng bè chuối để anh em tớ sang sông kiếm bạn khi nhà không có ghe xuồng.

Thế rồi…một chiều thu… lá thu vàng rơi đầy… drive way, nàng xách về một cái lồng to với một con chó con nằm ngoan như con búp bê ở bên trong. Lạ thật. “Một chị trong nhà thờ bị chồng bỏ về Viêt Nam lấy vợ khác. Con cái chị ấy đã lớn hết lại đi học xa, không chăm sóc nổi bốn con chó nên chị ấy chia cho mình một con”. Nàng còn nói rất dài về ông chồng của bà bạn, nhưng đại khái là ông ấy rất… ‘cà chớn’.Tớ không dám bàn gì thêm vì đây là một điều vô cùng cấm kỵ. Nếu cay cú ông ta thì biết đâu lại oan cho ông mà sơ ý bênh ông ta là vô cùng phièn phức, tớ chỉ ra vẻ ông tiên non đứng trung lập: “Phải nghe cả hai bên và nghe từ đầu đến cuối mới được”. Lời bàn của ông tiên non không hấp dẫn người đối thoại nên tớ chuyển ngay về truyện… chó.

Con chó ‘được cho không’ thuộc một trong những giống Yorkshire bé con và có tên là Nina không dám bước ra khỏi lồng, cứ rụt rè sợ hãi. Cả hai ngày đầu nó chẳng ăn, cũng chẳng uống gì. Nàng lo lắng vuốt ve nó: “Mày ốm hay mày lạnh hả con?”. Con gái tớ thì ân cần thăm hỏi: “You miss your home? your sisters?”. Con trai tớ thì ôm nó, nó chỉ he hé mắt rồi cứ vậy run rẩy. Tớ nhớ lại đứa con gái của tớ hồi chưa đầy năm bị lên cơn sốt trên 100 độ F. Vợ chồng cứ thay nhau quấn thêm mền và bế cho đến khi con bé ngất đi để phải gọi 911: “Đặt nó xuống sàn nhà, lấy khăn lạnh lau người cho nó. Bạn phải nghe lời tôi, nếu không con bạn sẽ chết”. Được lau khăn lạnh, con bé tỉnh lại. Con Nina mới 6 tháng tuổi này chắc cũng lại khó nuôi thôi.

Hồi ở Việt Nam, không cần kinh nghiệm tớ cũng biết nuôi chó, nuôi cả đàn cũng được. Chỉ cần nửa bát cơm thừa hay một muôi cám heo mỗi ngày là chó vẫn béo tốt, khôn nhanh, bắt chuột và giữ nhà ngon lành. Chẳng bao giờ thấy chó cảm cúm ốm đau. Đàng này…

Nhưng “trời sinh trời dưỡng”. Chưa kịp vào google để download ‘how to feed a puppy’ thì con Nina đã vui vẻ chạy nhảy và trở thành ‘cục cưng’ trong nhà, là niềm vui của mọi người.

Bây giờ thì người cưng chó nhất trong nhà lại là người trước đây ghét chó nhất.

Thế đấy, hoàn cảnh ảnh hưởng đến con người rất nhiều dù người ta có ý thức hay không ý thức. Và ảnh hưởng rất nhanh dù người ta có muốn hay không muốn. Chẳng cần phải học môn ‘Tâm Lý Phát Sinh 330’ thì cha ông Việt Nam ta từ xưa cũng đã biết “gần mực thì đen gần đèn thì sáng” rồi.(Dĩ nhiên con người cũng đổi thay môi trường).

Nhìn con Nina nằm ngủ thật ngon trên cái ghế nhỏ, tớ miên man nghĩ đến số phận những con vật ở Việt Nam. “Thôi đừng bày đặt nữa. Ông sống ở đất Mỹ đầy bơ sữa rồi sắp vu vơ triết lý lăng nhăng phỏng”. Ừ thì cũng ‘bày đặt’, cũng ‘vu vơ’, cũng ‘lăng nhăng’ đấy, nhưng để tớ viết thêm tí nữa, viết về chính tớ thôi.

Ngày xưa tớ là một thằng bé rất tinh nghịch. Đi đường thấy con ốc cũng lấy chân đá, ra ruộng thấy con nhái cũng lấy que đập, đi chơi thấy con chim trên cây cũng lấy đất chọi, xuống cầu ao rửa bát thấy con cá đang bơi cũng lấy dao chém. Nghich. Phá. Chơi. Tớ cũng đã từng cắt cổ gà, đâm tiết lợn, cắt tiết chó, vặn cổ mèo… Lì lợm thế đấy. Trong hoàn cảnh ấy, vào thời buổi ấy, vào cái tuổi ấy, tớ chẳng hề thấy ghê rợn, chẳng hề ý thức gì về sự đau đớn, sự giết chóc, sự sống và môi trường gì cả.

Nghĩ lại thì có thể chiến tranh cũng góp phần tạo nên cái tâm tính dữ tợn trong tớ mà tớ không biết. Danh từ ‘môi trừơng sống’ thì phải đến năm thứ ba đại học tớ mới nghe một ông thầy người Tây từ Bangkok sang dạy mới biết, còn mạng sống của con người thì cũng rất ‘lệch lạc’ trong tớ hoặc ít nhất là đã không được trân trọng đúng mức.

“Con vật mà, ta có quyền cho sống hay chết cũng được”. Còn ‘kẻ thù’ thì chắc chắn phải giết để ta sống. Tớ nhớ một lần đi chơi từ Võ Đất về Long Khánh bằng xe Honda, cả bọn trông thấy xác một người thanh niên trong bộ áo bà ba đen bị bắn nằm chết bên đường. Máu chảy thành vũng đã khô và xác đã chương lên. Có người qua lại bảo: du kích Việt Cộng đấy. Nghe vậy tớ thấy yên tâm và lại có phần vui vui chiến thắng nữa. Lúc ấy tớ đâu biết suy nghĩ: Chắc có phải du kích thật hay lại là thường dân? Và nếu thật là du kích thì có đáng chết? và nếu đã chết thì có phải bị ném bên đường như vậy không? Họ cũng là người, người Việt Nam cả mà. Một lần khác nhìn thấy lính hành quân từ đồn Đập Đá, xã Cai Dương trở ra đầu kênh về quận Tân Hiệp. Mấy tay du kích non chọet bị bắt, quần áo lấm lem và rách nát như con cua mới bị moi từ dưới đất lên, mắt bị bịt kín, tay bị còng ra sau, và lưỡi lê sáng loáng được kề vào cổ họng để tra hỏi. Tớ thấy mình cứ tỉnh bơ “Việt Cộng mà”, “Ai bảo dại dột đi theo bọn Cộng Sản Vô Thần”. Lúc ấy tớ đâu biết suy nghĩ họ là những thiếu niên nghèo, phải sống trong vùng mất an ninh và không được đến trường để học hành như tớ. Ăn chưa đủ nói chi đến việc học hành.

Ở đây tớ không dám bàn truyện đúng sai của chiến tranh vì giờ này ai cũng thấy cả rồi, tớ chỉ muốn nói lên khía cạnh môi trường thay đổi con người mà thôi. Xin lỗi những người của cả hai miền đã nằm xuống trong cuộc chiến dài ấy.

Trở lại truyện con Nina, một lần cả nhà đi chơi về nhà thấy nó ngồi chờ trước cửa, nàng hoảng hốt sai quân lớn nhỏ đi tìm cho ra chổ hở mà con chó cưng đã chui qua. Tìm được cái kẽ bên hông nhà, nàng khiêng ngay một cục gạch xi-măng to, nặng cả mười ký và nhiều miếng ván cứng để che lại. Những tấm ván ép với cục xi-măng được kê rất kiên cố nhưng lại cũng nguy hiểm, con Nina mà còn cố tình chui ra là ván rơi xuống, không bể đầu thì cũng gãy lưng hoặc cong đuôi.

“Cẩn tắc vô áy náy”, ấy thế mà một buổi chiều cả nhà đi lễ, con Nina đã biến mất. Về nhà không thấy chó đâu dù cổng vẫn đóng kín, nàng lo lắng và nước mắt sắp rơi vì tưởng có người đã trộm con chó cưng. Tớ cũng e ngại, nhưng vẫn đùa: “Nó giữ nhà mà ai lại dám ăn trộm nó. Đâu có lô-dích”. Thực ra, con Nina nhỏ bằng bắp tay chưa giữ mình được thì làm sao giữ được nhà. Nó bới hàng rào rồi lang thang sang chơi nhà hàng xóm.

Thế là các kẽ hở hàng rào đều được che kín, kể cả những chỗ đút ngón tay út cũng không lọt. ”Che vậy cho nó chắc ăn. Không cho nó nhìn thấy gì bên ngoài để khỏi đòi ra”. Tớ nghĩ thầm “Nina ơi, mày cũng như tao thôi con ạ. Chỉ khác là mày đuợc ở nhà chơi, còn tao phải đi cầy. Mày nhìn thấy trời xanh mây trắng bay qua lại, còn tao thì thấy đèn đời xanh vàng đỏ thay nhau chớp chớp gọi mời”. Nghĩ thế mà không nói ra, nhưng tớ đang đọc những cuốn “2000 Ngày Tử Thủ Củ Chi” của Xuân Vũ và Dương Đình Lôi nên tiện dịp ‘khen’ nàng một câu: “Phải chi ngày xưa em làm trưởng khối ấp chiến lược thì Củ Chi cũng không giữ được một trăm ngày, chứ đừng nói đến 2000 ngày”.

Rồi một hôm, cái lược chải tóc ưng ý nhất của tớ biến mất. Hỏi ra mới biết: “Con lấy lược của ba để chải cho Nina hôm qua. Ba xài lược của má đi”. Không chỉ lược mà những khăn tắm của tớ cũng dần dần được trưng dụng… cho chó: cái để tắm, cái để lót sàn, cái để che nắng, cái để trên xe…cho chó. Nhà bốn người một bao gạo 50 pounds, một mình con Nina nhỏ tí cũng một bao đồ ăn 50 pounds.

Người cưng chó cũng là truyện rất thường ở Mỹ, nhưng không chỉ cưng chó mà ‘người ở đây’còn cưng tất cả các loài vật, và cưng cả môi trường nữa.

Một lần đi chơi ski jet với bạn, máy hết xăng, bạn tớ phải lấy xe móc kéo lên bờ rồi mới dám châm xăng: “Ông biết không, cảnh sát phạt cả trăm đô nếu bắt gặp mình đổ xăng vào máy trên hồ nước”. Mấy năm trước, một ông nông gia Đài Loan đang vui vẻ cầy xới thửa đất mới mua được ở vùng Trung California, hy vọng trồng khoai lang ở đây tốt hơn ở  Đài Bắc, chẳng may cán chết mấy con opussum, một loại chuột cống to như con thỏ, dáng vẻ xấu xí và chậm chạp. Thế là “chúng tôi có luật và cứ theo luật ấy thì mời ông vác chiếu Đài Bắc ra hầu tòa Cali”. Hình như ông nông gia này bị rút giấy phép trồng tỉa và phải đền cả ngàn đô-la vì đây là loại chuột sắp tuyệt giống cần bảo vệ. Hội bảo vệ súc vật ở Mỹ cũng mạnh lắm, họ hay đi ‘kiếm truyện’ những trại mổ gà vịt. Họ muốn bảo đảm dòng điện phải đúng mức để làm cho gà tê người đi trước khi bị cắt cổ. Từ cuộc sống an bình như vậy nên ‘người ở đây’ cũng rất ngại cảnh chém giết.

Bạn tớ sang bên Iraq làm Tuyên Úy cho sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến mấy tháng nay. ‘Anh’ được biệt phái một nữ quân nhân gốc Ý xinh đẹp làm cận vệ giúp đỡ. Hai người chụp hình gởi về Mỹ trông vừa oai hùng vừa dịu dàng. Hôm nay tớ nhận được email của anh:

“Kể cho Ryan và các bác nghe về cô phụ tá của mình: một hôm đang ngồi làm việc trong văn phòng thì nghe tiếng la thất thanh của Sarah(tên của cô ấy). Vội chạy sang thì thấy cô nàng đang đứng trên ghế và vẻ mặt rất hoảng sợ. Mình hỏi truyện gì, cô ta ấp úng… ‘dạ dạ… con chuột…”. Thì ra cô nàng có thể cầm súng bắn phiến quân(đã từng bắn), nhưng gặp chuột là quăng súng bỏ chạy. Hôm qua, nhờ người đặt bẫy, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ đã có hai con chuột dính bẫy. Cô nàng gọi Tuyên Úy giúp gỡ chuột ra khỏi bẫy dùm. Đúng như Tòng nói ‘có hình bóng mỹ nhân ở nơi đầy máu lửa, xem ra cũng vơi đi được những căng thẳng cho các quân nhân’. Nhiều chàng còn tìm dịp vào gặp tuyên úy để có dịp tán gẫu với cô nàng mấy câu… Trong đoàn convoy, mấy anh tài xế tranh nhau lái xe cho mình, chẳng phải vì tuyên úy mà vì người đẹp thì đúng hơn. Happy Thanksgiving”.

Mỹ là thế đấy. Tốt hay xấu, khen hay chê tùy mỗi người, nhưng điều chắc là ở với họ miết rồi rồi mình cũng làm theo họ, nghĩ như họ, và cảm xúc như họ lúc nào không biết. Trong rất nhiều lãnh vực. Có nhiều cái tốt, nhưng cũng nhiều cái rất kỳ cục.

Ở Mỹ đây nuôi thú vật trong nhà mà không cho chúng ăn uống đầy đủ cũng bị phạt nặng, nhưng chẳng biết những người làm ra và thi hành luật này đã từng bao giờ cho người vô gia cư một bữa ăn nào chưa? Có những bà đứng ra bảo vệ sự đau đớn và quyến sống cho chó mèo, nhưng chẳng biết các bà ấy có lần nào mon men đến những trung tâm phá thai chưa? Có những bà hăng hái vận động cấm sự thí nghiệm y khoa trên loài khỉ, loài chuột hoặc vận động cấm đấu bò, nhưng khi đi biểu tình trước Tòa Bạch Ốc thì không biết các bà ấy cầm cờ ‘Pro Choice’ hay ‘Pro Life’.

Coi con vật trọng hơn người thì tớ gọi đây là lương tâm lệch lạc.

Nhiều khi người ta quá nhậy cảm với những cái nhỏ bé vớ vẩn mà lại quá vô cảm với những điều hệ trọng. Không dám vất một lọ nhớt cũ vào thùng rác vì sợ ô nhiễm môi sinh, nhưng lại tỉnh bơ đi phá thai vì sợ rắc rối, sợ trách nhiệm, hoặc sợ mất một chút danh dự cỏn con. Hoàn cảnh tạo ra đấy, nhưng đổ cho hoàn cảnh 100% khi không tỉnh thức thì cũng không chấp nhận được.

Mới đây bạn tớ gởi đến website voy.com, trong đấy kể truyện người ta ăn thịt thai nhi với những hình ảnh vô cùng rùng rợn. Những bào thai hay đúng hơn là những hài nhi đã chết nằm bên cạnh con dao sắc như con cá lóc nằm trên thớt chờ được làm sạch rồi cắt ra nấu nướng. Tớ không biết truyện này có thật hay giả? Nhưng nếu có thật thì những người ăn thịt người này đã đánh mất nhân tính rồi. Nếu thật là ở bên Trung Quốc người ta ăn thịt thai nhi như trong hình thì con cái, cháu chắt, nói chung là giòng dõi của Khổng, Lão, Nho, Phật…đã mạt thật rồi.

Coi con người như con vật thì tớ gọi đây là lương tâm bệnh hoạn.

Hoàn cảnh nào đã tiêu diệt lương tri của những người này. Chắc chắn không phải một ngày một đêm mà mực đen đã lem hết cả ‘tập thể lương tri’ hoặc khói đen làm mù mắt nguyên một tập đoàn con người ta được.

Ghê thật. Nhưng bàn mãi cũng thừa, viết nữa cũng thiếu. Tớ chỉ mong những người sống chung quanh tớ vẫn luôn sáng suốt và tỉnh thức (watch! be awake! be aware!) để tớ được lấy họ làm chuẩn mà phân biệt được hai mầu trắng đen, lấy họ làm nền mà định nghĩa được hai tĩnh từ đúng sai, và lấy họ làm gương để giữ vững được ý nghĩa hai chữ tốt xấu mà thôi.

Không có những gương lành ấy, tớ sợ mình rơi xuống xình rồi mà cứ tưởng còn nằm dưới bóng cây mát, vô luân đồi trụy rồi mà cứ tưởng mình văn minh hợp thời. Tớ nhớ một ông bạn già người gốc Long Xuyên thường hay nói: “ma quỉ nó không hiện hình xấu xa như con quái vật với sừng trên đầu và đuôi sau lưng đâu. Nó đâu có ngu, nó hiện ra như những mỹ nữ thôi. Nó cũng không cám dỗ người ta phạm tội tầy trời ngay đâu, nó dụ người ta đi đến điều ác từ từ như là bỏ một hạt cát vào giầy vậy. Mỗi ngày một hột cho đến khi ta rơi giầy mà không biết vậy. Ngu gì nó bỏ một cục sỏi, cục đá cho người ta khiếp rồi lấy mà chọi lại nó à”.

Gần sang năm Bính Tuất, năm của con chó rồi, tớ mong nhà nào chưa nuôi chó thì thử nuôi một con chó nhỏ xem sao. Tuần qua, chợ chó gần nhà tớ on sales một con chi-hua-hua 7 tháng tuổi ‘chỉ có’ $499.99 thôi. Ở Mỹ nuôi chó có nhiều cái hay và cái thú lắm. Chơi với chó bảo đảm sẽ bớt stress. Đi bộ với chó hằng ngày bảo đảm sẽ bớt cholesterol. Nuôi chó bảo đảm sẽ có thêm một người bạn trung thành. Có con chó trong nhà bảo đảm đời sẽ vui hơn, nếu không vui hơn thì cũng sẽ bớt buồn và cô đơn. Chó còn biết giữ nhà, nếu không giữ được nhà thì ít nhất nó cũng giữ được cái cửa. Đứa bé nào mà chẳng dễ thương, một con chó ưng ý ở trong nhà cũng ‘phần nào’ giống như một đứa bé ấy. Thử mà xem.

Ở Việt Nam nuôi chó không những được nhiều cái hay, cái thú mà còn có nhiều cái lợi nữa. Hoàn cảnh mà. Đừng bảo tớ phách lối châm biếm người ‘duy thực’ nhá. Tớ yêu thích chó, nhưng vẫn thương những người mê món thịt chó khìa nước dừa, tớ không dám giết chó nữa, nhưng vẫn tôn trọng những ai mê món rựa mận, và tớ không ăn thịt chó nữa, nhưng vẫn yêu những người mê món dồi chó lắm. Vì sao vậy? Vì chó vẫn là chó.

Không biết chợ thịt chó Xóm Mới có còn nhộn nhịp như xưa?

Joseph Vu, San Dimas, 29-Nov-2005

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************