Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 6, Chúa Nhật 15.1.2006


 CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH                  MỤC LỤC

CHÚC MỪNG NĂM BÍNH TUẤT, 2006.                                                                 Lm. Jos. Cao Phương Kỷ

LINH MỤC LÀ NGƯỜI CỦA GIÁO HỘI.                                                                                                     GSVN

CẦU NGUYỆN ĐẦU XUÂN                                                                                                + Gm. GB. Bùi Tuần

Tinh Thần Mùa Giáng Sinh                                                                                                        TS. Trịnh Nhật

HÁI LỘC ĐẦU XUÂN                                                                                 Lm. Anphong Trần Đức Phương

Mười điều răn của Chúa không phải là “một gói những bảng cấm đoán.”Lm. Nguyễn Ngọc Long

THẦY THUỐC MÁT TAY                                                                              Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

NÓNG GIẬN TRONG HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG                                                                          Trần Hiếu

TRẺ EM và THUYẾT TIẾN HÓA!                                                                                        Nguyễn Đông-Khê

ĐỂ CÓ SỨC KHỎE TỐT                                                                                                       Bs. Nguyễn Ý Đức

Truyện cái bàn ăn                                                                                                                       Khang Nguyễn

Như Đồng Lúa Chiều Rì Rào                                                                                                           Joseph Vũ


CHÚC MỪNG NĂM BÍNH TUẤT, 2006.
 
 

ĐẶC SAN GIÁO SĨ VIỆT NAM

 

Nguyện chúc Quí Đức Cha, Quí Cha,

Quí Tu sĩ Nam Nữ, cùng toàn thể Quí  Vị

 

 MỘT NĂM MỚI AN BÌNH TRONG ĐỨC KITÔ, 

ĐẤNG CỨU ĐỘ CHÚNG TA.

 

 

Trước hết, xin chân thành cám ơn những anh em Linh mục đã có sáng kiến đi tiên phong mở ra “Đặc San Giáo Sĩ & Tu Sĩ”, từ mấy tháng nay, để anh chị em xa gần có được một diễn đàn nhỏ bé, để chia sẻ tư tưởng và tâm tình của người môn đệ  hiến thân phụng sự Thiên Chúa, Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam.

 

Tôi cũng chỉ là một độc giả của Đặc San này, cảm nhận rằng: Hàng Giáo Sĩ &Tu sĩ Việt Nam, bên quê nhà cũng như tại hải ngoại thật cô đơn và rời rạc.

 

Một bên, thì bị giới hạn bởi nhiều lý do, không có Truyền Thông cũng chẳng có Báo Chí, không mở được một Đặc San riêng. Hàng Giám Mục, dầu có muốn cũng chịu bó tay!

 

Ở hải ngoại, tại Hoa Kỳ, ước lượng hơn 700 Linh mục, và cả ngàn tu sĩ, chủng sinh... gốc Việt nam, nhưng cũng không  có một phương tiện thông tin “chuyên biệt” để trao đổi những kinh nghiệm tu đức, mục vụ, thần học, hay văn hóa…hầu chia sẻ và phổ cập kiến thức đến các Anh Em bên quê nhà. Một phần, vì bận rộn với công việc mục vụ của giáo xứ, giáo phận địa phương, nhưng lý do chính, vì không vị Bề Trên nào quan tâm, khuyến khích, hay điều động thực hiện công việc Truyền Thông.

 

Kết quả thật đáng tiếc là sau một thời gian dài 30 năm, giới Giáo sĩ & Tu sĩ, tản mát trên khắp thế giới, có nhiều cơ hội và hoàn cảnh học hỏi và tu tập, nhưng lại chưa đóng góp được những công trình, những tác phẩm giá trị để làm giầu cho kho tàng Thần học, Kinh thánh hay Văn hóa cho Giáo hội và Quê hương Việt Nam.

 

Đây là lý do khiến mỗi người chúng ta vui mừng cầu chúc nhóm chủ trương “âm thầm” của “Đặc San” này, trong Năm Mới, được nhiều người hưởng ứng và giới thiệu, đồng thời được nhiều tác giả cộng tác và đóng góp về mọi phương diện.

 

Lm. Jos. Cao Phương Kỷ, USA

 

Chúng con xin thay mặt cho độc giả và cộng tác viên xin chân thành cám ơn những lời cầu chúc tốt đẹp của Cha Giuse đã dành cho Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam.

 

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

Lm. Luca  Phạm Quốc Sử.

 
VỀ MỤC LỤC

LINH MỤC BƯỚC VÀO THẾ KỶ 21

LINH MỤC LÀ NGƯỜI CỦA GIÁO HỘI.

 

“ĐỨC KITÔ ĐÃ YÊU MẾN GIÁO HỘI

VÀ ĐÃ PHÓ MÌNH CHO GIÁO HỘI ĐỂ THÁNH HÓA GIÁO HỘI”.  (Eph 5,25-26)

       

MỐI TƯƠNG QUAN VỚI GIÁO HỘI.

Những quan niệm.

* Từ Công đồng Trentô, người ta đã mô tả linh mục qua chức vụ tư tế qui chiếu vào Đức Kitô.

* Sau Công đồng Vaticanô II, người ta qui chiếu vào Giáo Hội bởi vì Giáo Hội tiếp nối công việc của Đức Kitô.

* Giáo Hội đưa ra một lập trường dung hòa vừa đặt Linh mục trong tương quan với Đức Kitô, vừa đặt Linh mục trong tương quan với Giáo Hội. Chìa khóa mở ra sự dung hòa, đó là quan niệm về sứ mạng : Chúa Cha thánh hiến và sai Đức Kitô đến thế gian. Đức Kitô sai các Tông đồ. Các Tông đồ sau các Giám mục, rồi đến các Linh mục. Như vậy, sứ mạng của các Tông đồ, các Giám mục, các Linh mục cũng là sứ mạng của Giáo Hội, tức là sứ mạng cứu rỗi nhân loại.      

Đức kitô với Giáo hội.

* Đức Kitô là mục tử và Giáo Hội là đàn chiên. Vì thế, Đức Kitô đã hiến mạng sống mình vì đàn chiên.

* Đức Kitô là đầu và Giáo Hội là thân mình màu nhiệm. Vì thế, Đức Kitô đã phó mình để thánh hóa Giáo Hội.

Linh mục với Giáo Hội.

Là hình ảnh trong suốt của Đức Kitô, là sự nối dài của Đức Kitô qua giòng thời gian :

* Linh mục cũng phải thao thức, phải làm việc cho Giáo Hội và vì Giáo Hội.

* Linh mục cũng phải phục vụ Giáo Hội vì Linh mục là tôi tá của Giáo Hội :

- Thừa tác vụ của Linh mục hoàn toàn là để phục vụ Giáo Hội, nhằm nâng cao việc thực thi chức tư tế cộng đồng của toàn thể Dân Chúa. (Pastores dabo vobis, số 16)

* Linh mục phải trao hiến hoàn toàn cho Giáo Hội noi gương Đức Kitô bằng một “Đức ái mục vụ” :

- Cốt lõi của đức ái mục vụ là trao hiến chính mình, trao hiến hoàn toàn cho Giáo Hội, theo hình ảnh sự trao hiến của Đức Kitô và thông phần với Ngài. (Pastores dabo vobis, số 23).

* Sự hỗ trợ giữa Linh mục và Giáo hội :

- Ơn gọi Linh mục hiện hữu trong Giáo Hội và cho Giáo Hội. Nhưng đồng thời, chính nhờ Giáo Hội mà ơn gọi ấy được thể hiện. (Pastores dabo vobis, số 85).

* Tuy nhiên, để việc phục vụ được đem lại những thành quả tốt đẹp trong Giáo Hội, Linh mục phải sống tinh thần hiệp thông.

      

HIỆP THÔNG

Những quan niệm.

* Ngày xưa, nói đến hiệp thông, người ta thường nhấn mạnh đến sự hiệp thông trong đức tin, đức cậy, đức mến. Người ta chỉ quan tâm đến đời sống đạo đức của cá nhân Linh mục, theo đó, sự thánh thiện có thể đi đôi với một đời sống tách biệt, không cần cộng đoàn. Một Linh mục được coi là thánh thiện mà không cần có quan hệ trực tiếp với Giám mục, với các Linh mục khác và với Giáo dân. Nên thánh chỉ để mà nên thánh, chứ không phải nên thánh để cho ai và để làm gì. Một sự nên thánh không cần hiệp thông.

* Ngày nay, người ta nói đến một sự hiệp thông trong hiện hữu, một sự hiệp thông toàn diện theo kiểu các cộng đoàn tín hữu thuở ban  đầu :

- Họ không phải chỉ “bẻ bánh” mà còn “ dùng bữa” với nhau trong tinh thần đơn sơ và vui vẻ. (Cv 2,42-47)

* Nếu trên bình diện con người, không ai là một hòn đảo hay không ai là một pháo đài, không ai có thể sống tách biệt khỏi tha nhân, thì trên bình diện đức tin cũng vậy, không ai có thể là Kitô hữu mà không có sự hiệp thông với Đầu là Đức Kitô và Thân thể màu nhiệm của Ngài là Giáo Hội.

Hiệp thông với nhau.

* Các Tông đồ đã thể hiện tinh thần hiệp thông và cộng tác bằng cách “đứng chung” và gắn bó với nhau, cũng như cùng nhau chia sẻ trách nhiệm. Thánh Phêrô đã viết :

- Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi có mấy lời khuyên, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục….(1Pr 5,1).

* Công đồng Vaticanô II đã khôi phục lại Giám mục đoàn và Linh mục đoàn, để thể hiện tinh thần hiệp thông và cộng tác, bằng một tình huynh đệ :

- Giúp đỡ nhau về tinh thần cũng như vật chất….(Thư luân lưu “Linh mục và ngan năm Kitô giáo thứ ba,trang 40).

* Linh mục đoàn, không những là tổ chức để các Linh mục gặp gỡ, trao đỗi và chia sẻ với nhau, mà còn có thể đi đến chỗ chung sống với nhau như những cộng đồng thực sự do điều kiện giao thông liên lạc hiện đại, hầu giảm bớt đi những gánh nặng và những nỗi cô đơn :

- Diện mạo của Linh mục đoàn cũng là diện mạo của một Gia đình thực sự và của một  mối tình huynh đệ không phải với những ràng buộc máu thịt những với những ràng buộc do ân sủng và Chức thánh. (Pastores dabo vobis, số 73).

* Thử đề nghị một vài hình thức cộng tác và giúp đỡ lẫn nhau :

- Hình thành những nhóm Linh mục, trao đổi tài liệu qua e mail.

- Tòa Giám mục có thể ra bản tin hằng tuần bằng e mail để gưi cho các linh mục trong giáo phận. Linh mục nào chưa có máy, thì cha Hạt trưởng sẽ in và phát cho, theo kiểu “tình cho không biếu không”, để biết được những tin tức trong giáo phận.

      

KẾT LUẬN.

* Giáo Hội là bí tích, là màu nhiệm cùa sự hiệp thông, là cộng đoàn của những người họp lại nhân danh Đức Kitô.

* Vì thế sự hiệp nhất giữa các môn đệ chính là dấu chỉ họ thuộc về Đức Kitô và là điều kiện để thế gian nhân biết Đức Kitô và Tinh yêu của Thiên Chúa.

GSVN

VỀ MỤC LỤC
CẦU NGUYỆN ĐẦU XUÂN

 

Tại Việt Nam, cầu nguyện ngày đầu Xuân là một truyền thống. Người nào cũng cầu nguyện. Nhà nào cũng cầu nguyện. Cầu nguyện với hương hoa, đèn nến, lễ bái, hát kinh và nhiều hình thức hướng về thế giới linh thiêng.

Tôi cũng làm thế. Nếu có gì khác, thì cái khác đó chính là nội dung. Nội dung lời cầu đầu Xuân của tôi chính lại là xin ơn trung thành với việc cầu nguyện. Tôi xin Chúa ban cho tôi và mọi người Việt Nam luôn biết cầu nguyện trong suốt năm Bính Tuất này và suốt cả cuộc đời.

Lý do cụ thể là vì xã hội Việt Nam và Hội Thánh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn cực kỳ quan trọng. Quan trọng ở những điểm nào? Ở đây tôi chỉ xin nêu lên vài điểm. Cũng xin chỉ nói về Hội Thánh Việt Nam.

1/ Chọn nhân sự

Hội Thánh Việt Nam đang có nhiều cơ may, nhiều nguy cơ và nhiều thách thức. Tình hình đó đòi Hội Thánh nhiều bén nhạy, nhiều sáng kiến, nhiều khôn ngoan, nhiều thăng tiến về trí thức, nhất là về đạo đức. Xin nhấn mạnh đến đời sống nội tâm. Đặc biệt là các nhân sự nòng cốt, như các mục tử, các tu sĩ và các tông đồ giáo dân.

Các nhân sự này thường được đào tạo ở nhiều trường sở. Nhưng đào tạo là một chuyện. Chọn lựa là chuyện khác. Kiên trì với ơn gọi qua các tình huống thi hành chức vụ lại là chuyện khác.

Rất nhiều việc phải làm cho việc huấn luyện, chọn lựa và bồi dưỡng. Nhưng việc cầu nguyện phải kể là quan trọng nhất.

Phúc Âm thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu chọn tông đồ như sau: "Trong những ngày ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện. Người thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy 12 ông và gọi là tông đồ" (Lc 6,12-13).

Đoạn Phúc Âm trên đây cho thấy Chúa Giêsu coi việc tuyển chọn tông đồ là việc rất quan trọng. Tầm quan trọng này phải được giải quyết ưu tiên bằng việc cầu nguyện. Cầu nguyện lâu dài. Cầu nguyện thiết tha. Trong quá trình cùng với nhau đi đây đó rao giảng Tin Mừng. Đức Giêsu vẫn tiếp tục bồi dưỡng các tông đồ bằng sự siêng năng cầu nguyện chung và riêng.

Thế mà kết quả vẫn không khỏi có phần bi đát, có phần hỏng, có phần hư.

Nhân sự do chính Chúa Giêsu tuyển chọn và huấn luyện còn như thế. Phương chi nhân sự do nhân sự của cộng đoàn Hội Thánh  chọn và đào tạo, nếu cả hai cùng không quan tâm đủ đến việc cầu nguyện, thì kết quả sẽ ra sao?

2/ Làm việc bác ái

Hội Thánh Việt Nam hiện nay đang mở ra trong lãnh vực bác ái. Bác ái được thực hiện nhiều cách, từ những việc tặng cho không cho đến việc thu phí phải chăng. Nhưng đừng quên kèm theo cầu nguyện.

Phúc Âm thánh Matthêu kể hai lần Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều cho dân ăn, Người đều cầu nguyện trước.

"Người cầm lấy 05 cái bánh và 02 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông... Số người được ăn có tới 5 ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con" (Mt 14,19-21). Đó là lần thứ nhất.

"Người cầm lấy 07 chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông... Số người ăn có tới mấy ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con" (Mt 15,36-39). Đó là lần thứ hai.

Việc Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi làm việc bác ái dạy ta điều này:

Làm việc bác ái là việc tốt. Nhưng cần kèm theo việc cầu nguyện. Trước hết để chính việc bác ái được trở thành việc trong sáng, mến Chúa yêu người thực sự. Thêm vào đó, việc bác ái cũng có sức mở lòng người nhận lãnh trở nên đạo đức hơn phần nào. Bởi vì, kinh nghiệm cho thấy: Nhiều việc bác ái có thể sinh hiệu quả tốt cho người làm, nhưng vẫn không làm cho mọi người nhận đều được trở nên tốt. Phúc Âm đã ám chỉ điều đó trong chuyện Chúa Giêsu chữa 10 người phong cùi. Tất cả 10 người đều được khỏi. Nhưng chỉ một người tạ ơn Chúa. Mà người đó lại là người ngoại đạo (x. Lc 17,11-18).

Hiện nay, nhiều nhà đạo đức đã đưa ra ý tưởng này: Làm bác ái là một nghệ thuật. Lòng tốt mà thiếu thông minh, sáng tạo, có thể rơi vào nguy cơ thiếu kính trọng, tế nhị đối với người mình phục vụ.

Thiết tưởng, đó cũng là một nhắc nhở về việc bác ái nên kèm theo lời cầu nguyện, để nhờ ơn Chúa, lòng bác ái tránh được sự vụng về, khờ khạo, gây phản chứng.

3/ Chịu thử thách đớn đau

Hiện nay, Hội Thánh Việt Nam nói chung xem ra không còn trong cơn sóng gió. Nhưng từng cá nhân tín hữu, nhất là từng cá nhân người môn đệ đích thực của Chúa, vẫn sẽ còn tiếp tục con đường Chúa dành cho họ. Con đường đó là con đường khổ nạn.

Con đường khổ nạn mà Chúa Giêsu đã đi được mô tả là hết sức đau đớn. Con đường ấy, Người đã đi đến cùng. Với tình yêu, với khiêm nhường, với lòng vâng phục ý Chúa Cha, với lòng khoan dung tha thứ.

Giữ lòng mình được như vậy là nhờ cầu nguyện.

Phúc Âm thánh Luca thuật lại cảnh bi đát đó bằng những dòng viết sau đây:

"Chúa Giêsu đi lên núi Ôliu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. Đến nơi, Người bảo các ông: Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.

"Rồi Người đi cách các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá. Người quỳ gối cầu nguyện rằng: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha... Bấy giờ Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi,  nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất" (Lc 22,39-44).

Trên con đường cứu rỗi nhân loại và làm chứng cho tình yêu thương xót Chúa, Đức Kitô đã tự nguyện bước vào cuộc khổ nạn nhục nhã đớn đau. Chúa đi trước để làm gương. Nếu hôm nay, những môn đệ Chúa được ơn gọi tiếp nối sứ mạng đó, thì hãy vững tin: Được chia sẻ phần nào những đớn đau nhục nhã của Đấng Cứu thế, thì đó là một vinh dự. Hơn nữa, đó là dấu ấn  để nhận ra người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa, xin thương ban cho chúng con ơn biết cầu nguyện, để chúng con ít ra còn giữ được lòng trung thành hiếu thảo và biết ơn, đối với Chúa, đối với Hội Thánh, đối với Quê Hương, và đối với mọi người đang cùng được Chúa gọi phục vụ Hội Thánh trong giai đoạn cực kỳ quan trọng này.

+ Gm. GB. BÙI TUẦN

VỀ MỤC LỤC
Tinh Thần Mùa Giáng Sinh

 

Bài viết “Tinh thần mùa Giáng Sinh”, hay đúng hơn bài phỏng dịch, của chị Bích Vân, trên bản tin khoahoc.net 22-12-2005 đem lại cho tôi một nỗi buồn man mác.  Chị ‘Mây Xanh’ vô tình đã nhắc tôi nhớ đến lời của triết gia phương Tây nào đó khi ông nói:

“Sống là luyến tiếc dĩ vãng, là bất mãn với hiện tại, là mơ ước tới một tương lai khá hơn, nhưng than ôi, khi cái tương lai ấy đến rồi, thì nó cũng như trăm ngàn hiện tại khác đã qua”.  

Tôi nghĩ tác giả bài viết ở trong một tâm trạng mà Nguyễn Du đã viết:  

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”  

Bức tranh tác giả (viết bằng tiếng Tây) phác họa lên cho tinh thần mùa Giáng Sinh cũng theo đó mà mang tính chất chủ quan, u buồn, tiêu cực.  Trong một thế giới đổi thay mọi chuyện phải thay đổi.  Bao giờ cũng có hai khía cạnh của một vấn đề. Tùy theo mình đứng ở góc độ nào để nhìn sự vật mà thôi. Trong tinh thần mùa Giáng Sinh không phải ai cũng mang một tâm trạng u buồn ấy.  Có người nhìn thế này, có người nghĩ thế khác. Trong một thế giới phức tạp, bận rộn hiện giờ với quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp chằng chịt, chồng chéo, việc tặng quà cáp cũng được thể hiện dưới nhiều hình thức, hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau.  Tùy theo đối tượng nhận quà mà ta có những lối thể hiện hợp lí, phải lẽ.  Cho người bạn thân, cho người quen sơ, cho người tình, hay cho con cái trong một gia đình nghèo đông con…?  Điều chính yếu vẫn là tinh thần cho và nhận (giving and receiving) có nghĩ đến nhau trong dịp lễ tôn giáo trọng đại, mà nay đã được đón nhận của cả những người ngoại đạo, trong đó có tôi.

Trong mấy năm gần đây tôi không thích buồn, không thích bi quan, không thích cái gì tiêu cực.  Và tôi đã chọn cho mình một thái độ an bình, lạc quan trong cuộc sống.  Trong bất cứ chuyện tiêu cực, nghịch cảnh nào tôi cũng cố tìm ra cho được một cái gì có thể gọi là tích cực, thuận cảnh… để mà sống, để mà vui. Tội gì! 

Đức Đại-la Lạt-ma, Giáo chủ Phật giáo và là Nhân vật cai trị nước Tây tạng cho đến năm 1959 đã có lần nói:

“Tôi tin rằng mục đích chính yếu của cuộc sống chúng ta là tìm hạnh phúc. Điều đó thật rõ ràng.  Cho dù ta có niềm tin tôn giáo hay không, cho dù ta tin vào tôn giáo này hoặc tôn giáo khác, chúng ta đều đang đi tìm một cái gì tốt đẹp hơn trong đời. Cho nên, tôi nghĩ, cái chuyển động chính của cuộc sống chúng ta là hướng đến hạnh phúc… Và hạnh phúc có thể đạt được qua việc tập luyện trí tuệ.”

Vị lãnh đạo dân tộc Tây tạng không nói đến “trí tuệ” chỉ trong ý nghĩa là khả năng nhận thức hay trí tuệ. Mà Ngài đã dùng từ này với nghĩa của từ ‘Sem’ trong tiếng Tây tạng, có nghĩa rộng hơn, bao gồm cả tri thức lẫn cảm quan, cả tâm lẫn trí. Bằng cách tạo dựng một kỉ luật nội tâm nào đó, chúng ta có thể biến đổi được thái độ và lối sống của mình.

Tôi đã bắt đầu nghĩ về chuyện làm sao sống cảnh hoàng hôn của đời mình cho tâm hồn được an bình. Phương châm của tôi đã được làm tựa đề cho một bài viết vào thời gian này năm ngoái bằng tiếng Anh là: “Life is short. Think BPP” (Đời người ngắn ngủi. Hãy nghĩ BPP). Chữ viết tắt của tôi trong tiếng Anh Think BPP có nghĩa là: Think Big (Nghĩ Lớn), Think Pink (Nghĩ Hồng), Think Positive (Nghĩ Tích cực).

Khi nói  “Hãy nghĩ đến chuyện lớn”, tôi có ý nhắc nhở mình là hãy quên đi những chuyện nhỏ trong cuộc sống, mà hướng tầm nhìn đến chuyện lớn hơn. Chuyện lớn là mình vẫn còn sống, vẫn còn tồn tại trên đời, vẫn còn đó một kiếp người, và chỉ một kiếp người để sống mà thôi.   Những chuyện nhỏ trong cuộc sống thường ngày làm chúng ta bực mình là những chuyện vợ chồng gấu ó nhau, con cái hỗn xược không vâng lời, họ hàng không khéo xử, hàng xóm ghen ghét thị phi, hoặc những chuyện xảy ra trong lúc đi lại, mua sắm, đứng xếp hàng, tìm chỗ đậu xe, xe lửa, xe buýt đến trễ, tài xế lái ẩu, bị phạt vi cảnh vì xe đậu ẩu, chạy xe quá tốc độ, uống rượu lái xe v.v…Bận tâm chuyện nhỏ làm chúng ta mờ mắt không nhìn thấy chuyện lớn.  Không tìm được chỗ đậu xe ư?  Phải đứng xếp hàng chờ đợi à?  Chuyện phòng the, chăn gối không được như ý nguyện 100 phần trăm  sao?  Những chuyện ấy đâu phải chuyện trời sập?  Chuyện nhỏ mà!  Nhưng cái khó nó bó cái khôn, từ đó có thể đưa đến cãi cọ, xô xát, bạo động, gây thương tích hoặc đổ máu, tử vong. Mọi chuyện trên đời vì thế đều coi là nhỏ so với cái chết.  Chết là hết, là mất tất cả. Tiền tài, danh vọng, vợ đẹp, con khôn … đâu có thể mang theo được?  Nhà tỉ phủ số 1 của Úc, Kerry Packer, mới đây đã an tâm vĩnh viễn ra đi lúc ông 68 tuổi, để lại một gia sản kếch sù là 7 tỉ Úc kim.  Ông đã từ chối mọi đề nghị của các bác sĩ vào giờ chót xin thay thế thêm cơ phận trong người ông.  Hơn ai hết ông hiểu rõ rằng “enough is enough”, đã đến lúc “Trời kêu ai người ấy ‘dạ’”.  Nhiều năm trước đây, ông đã kinh qua ít ra 2 lần về từ cõi chết: một lần tim đã ngừng đập 7 phút phải dùng máy kích hoạt tim (defribrillator) để sống lại, một lần phải thay một trái thận, do viên phi công trực thăng của ông hiến tặng, để tránh khỏi phải lọc máu (dialysis) hàng tuần.  “Chết” là chuyện lớn đã đành, ấy vậy mà khi “cái chết” nó đến, lạc quan ra, như ông Packer chẳng hạn,  thì cũng có thể bảo lúc đó mình đâu còn biết trời trăng gì nữa mà lo, mà buồn, mà đau khổ? 

Tại sao lại phải “nghĩ đến màu hồng”?  Bởi vì ‘hồng’ tiêu biểu nữ tính, dịu dàng, mềm mại;  ‘hồng’ gợi ý hạnh phúc, an bình, khoẻ mạnh. Nếu mình nghĩ đến màu hồng, mình nghĩ đến sự vui vẻ, niềm hạnh phúc và không cảm thấy âu sầu, phiền lụy bởi những chuyện nhỏ nhặt.  Kể cũng không phải là chuyện dễ cho nhiều người trong chúng ta để có thể nghĩ ‘hồng’, khi đã nghe George Bernard Shaw nói: “Sống ở đời đâu phải là chuyện dễ?” (Life wasn’t meant to be easy), hoặc nghe Phật dạy: “Đời là bể khổ, là bể trầm luân.”  Nhiều người trong chúng ta suốt đời theo đuổi để có được công ăn việc làm, thăng quan tiến chức, mua nhà mua cửa, tích lũy tài sản, bạc tiền hoặc có được người yêu, người tình, nhưng một khi không đạt được những thứ đó thì sinh ra thất vọng, chán chường. Nhưng biết đâu chừng thường những chuyện bất lợi, nghịch cảnh sau cùng lại đem lại cho chúng ta an bình, ổn cố và hạnh phúc vượt ngoài tầm tưởng tượng. Tây họ nói: “Hạnh phúc đến qua những cánh cửa, thậm chí mình không biết là đã để ngỏ”.   (Happiness comes through doors you didn't even know you left open).

Tại sao lại phải “nghĩ tích cực”?  Quí bạn chắc đã được nghe câu nói: “Đi là đi đến, chứ đâu nhất thiết phải đến nơi” (It’s not the destination that is important, but the journey). Quan trọng chính là ở cuộc hành trình chứ không phải là điểm đến.  Nói cách khác, cái phương cách mình chọn sống ra sao ở đời quan trọng hơn những gì mình có thể đạt được trên đời rất nhiều. Tây họ nói: “Người mà thật sự hạnh phúc là người vui hưởng cảnh trí khi buộc phải đi đường vòng” (A truly happy person is one who can enjoy the scenery on a detour). 

Bạn có thể hỏi làm sao mình có thể nghĩ tích cực được trong cái thế giới đầy rẫy những nạn khủng bố, thiên tai, bất trắc này.  Ôi!  Những câu hỏi như thế đã được lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần, không biết được truyền miệng qua bao nhiêu thời đại!  Bao giờ cũng có những kẻ nó ganh ghét mình ở mức độ đủ để làm cho cuộc sống mình khốn đốn, khổ sở, nhưng nếu chính mình làm cho mình khốn khổ thì thử hỏi đỗ lỗi cho ai đây? Không phải bọn khủng bố, không phải bà mẹ chồng, chẳng phải bọn chính khách, hay tập đoàn lãnh đạo đất nước đâu.  Hạnh phúc và sự an bình của ta nằm ngay trong tâm, trong trí của ta.  Nó thoát ra  từ nội tâm, chứ không phải nhập vào từ ngoại cảnh.   

Chúng ta tất cả đều có cuộc sống khá thú vị, nhưng những chuyện ghen tị nhỏ nhoi có thể đưa chúng ta đến chỗ thích châm chọc, chế giễu người khác và như thế làm cho con người chúng ta trở nên thấp kém, tầm thường.  Có điều khá mỉa mai là chúng ta phải lập mưu tính kế để đối phó với đồng loại, bởi vì không phải ai cũng có lối tư duy tích cực.   Bạn có thể đã gặp người loại này!  Họ là những người chỉ thích “đâm bị thóc thọc bị gạo”.  Họ chỉ muốn hạ bệ, làm giảm uy tín người khác.   Họ đâu có biết được rằng giận dữ, ghét ghen chẳng lợi lộc gì mà chỉ tổ làm nguy hại đến sức khoẻ, đe dọa đến cuộc sống, khiến mình dễ tổn thọ.  Tại sao lại dễ tổn thọ?  Bởi vì khi ta giận dữ, hệ thống miễn nhiễm của ta bị ảnh hưởng, và hậu quả là con người chúng ta mắc đủ mọi loại chứng bệnh.  Dẩu môi múa mỏ kết tội, nguyền rủa người khác chẳng đi đến đâu, bởi vì thường thì đối tượng bị nguyền rủa đâu có mặt ở đó để biết mình thù ghét họ đến độ nào, cho nên chuyện mình làm cũng chẳng khác gì chó sủa trăng mà thôì.

Nói tóm lại “Think BPP”,  phương châm chỉ đạo “gạt hết ưu phiền để sống vui”, của tôi là:

Think BIG  (Nghĩ chuyện lớn): Quên đi những chuyện nhỏ, tào lao trong cuộc sống.

Think PINK (Nghĩ màu hồng): Tránh cho bằng được tâm trạng khổ sở, u sầu.

Think POSITIVE (Nghĩ tích cực): Khắc phục tiêu cực, nghịch cảnh đến cùng. 

TS. Trịnh Nhật

Sydney, Tháng Giêng 2006

VỀ MỤC LỤC
HÁI LỘC ĐẦU XUÂN

 

 (Lời Tác Giả: Bài này viết để  nhớ về Cha Hoài Đức, một Nhạc sĩ  danh tiếng trong Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh, đã sáng tác bản Thánh Ca “Ngày Xuân Cầu Nguyện” mà chúng tôi trích dẫn dưới đây. Cha Hoài Đức năm nay đã hơn 80 tuổi, hiện đang nằm hôn mê trong Nhà Hưu Dưỡng các Cha gần Nhà Thờ Ngã Sáu, Chợ Lớn. Xin dâng lên Chúa lời cầu nguyện đặc biệt cho Cha được đủ sức chịu đựng nổi đau đớn trong cơn bịnh hoạn  và ra đi bình an để trở về Nhà Cha và hưởng một Mùa Xuân vĩnh cửu trên Nước Hằng Sống).                            

Chúa ơi, nay ngày Xuân,

Hồn con say sưa trong sắc hương,

Nhịp lừng vang cùng với thiều quang…

Cùng chung tiếng hát với Ca đoàn vào cuối Thánh Lễ, đoàn người theo thứ tự hàng hai tiến về phiá Cung Thánh để “Hái Lộc Đầu Xuân”. Mỗi người tự bốc lấy một mãnh giấy màu hồng có in một lời Kinh Thánh trong Sách Tin Mừng, rồi tiến sang bên cạnh để lãnh một trái cam tươi. Đó là “Lộc Đầu Xuân” Chúa ban cho mỗi người. Trái cam tươi tượng trưng “hoa mầu ruộng đất” Chúa ban cùng với “lao công của con người”, mang về thưởng thức vào ngày Đầu Xuân để tạ ơn Chúa cho những ơn lành hồn xác Chúa đã thương ban trong năm cũ và cầu xin Chúa chúc lành cho Năm Mới. Lời Chúa mang về để đọc và suy niệm trong khung cảnh của ăn thiêng liêng nuôi sống suốt năm mới đang khởi đầu.

Cũng như tại nhiều Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, nơi chúng tôi từ lâu cũng có nghi thức “Hái Lộc Đầu Xuân” tại Nhà Thờ sau Thánh Lễ Giao Thừa vào nữa đêm, cũng như các Thánh Lễ ngày Đầu Xuân. Sau mỗi Thánh Lễ, vị Chủ Tế cùng với Cộng đoàn đọc những lời Tạ Ơn Chúa cho một Năm Cũ đã qua, “Chúc Tuổi  mới” cho nhau và cầu xin những ơn lành cho Năm Mới đang tới. Sau đó, mọi người tiến lên “Hái Lộc Đầu Xuân” vừa đi lên, vừa vui vẻ, hợp cùng Ca Đoàn hát Thánh Ca mừng Xuân Mới:

“Chúa ơi, nay ngày Xuân…

Năm Mới theo Âm Lịch, Năm Mới theo vận hành của mặt trăng (Lunar New Year) khởi đầu với Mùa Xuân, rất thích hợp với khung cảnh của quê hương Việt Nam, nhất là ở Miền Bắc. Mùa Đông “chết chóc” đã qua, Mùa Xuân trở về mang lại một sức sống mới cho vạn vật. Con người được thêm một “Tuổi Mới” : Tuổi Tí, tuổi Sửu, hay tuổi Dần …v.v… và vạn vật hân hoan vì đã qua đi một Mùa Đông lạnh giá để sang Mùa Xuân ấm áp. Cây cối đâm chồi, nẩy lộc … Hoa mai, hoa đào … nở rộ thắm tươi. Ruộng vườn chuẩn bị sẳn sàng để đón nhận những “hạt giống mới” gieo xuống và nẩy nở đầy hứa hẹn cho cả một mùa màng tốt tươi để nuôi sống con người và muôn vật…

Theo Lịch Phụng Vụ Thường Niên của Giáo Hội Việt Nam, Thánh Lễ Đêm Giao Thừa là “THÁNH LỄ TẠ ƠN” cho Năm Cũ đã qua với muôn Ơn Thánh Chúa đã thưởng ban.

Thánh Lễ ngày đầu Năm Mới (Tết Nguyên Đán) là Thánh Lễ “Cầu Bình An” (Giống như ngày Đầu năm Dương Lịch là ngày “Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Thế Giới” theo Phụng Vụ chung của toàn thể Giáo Hội Công Giáo). Theo Lịch Phụng Vụ Quý Mùi, 2003: “Ngày Mùng Một Tết Nguyên Đán là Ngày Cầu Nguyện cho ‘Quốc Thái Dân An’, ngày Gia Đình họp mặt để tạ ơn Chúa và mừng tuổi cho nhau”.

Thánh Lễ ngày Mùng Hai Tết để kính nhớ, ghi ơn, và cầu nguyện cho Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ đã qua đời… “Ngày Mùng Hai Tết Nguyên Đán là ngày ghi nhớ công ơn Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, dòng họ. Ngày tìm về căn tính, nguồn cội Việt Nam của mình!” (Theo Lịch Phụng Vụ Công Giáo Quý Mùi, 2003).

Thánh Lễ ngày Mùng Ba Tết để cầu nguyện cho Mùa Màng được tươi tốt; ngày xưa thường được gọi là “Ngày Cầu Mùa”; nói chung là để xin “ơn thánh hóa công ăn việc làm”. “Ngày cầu nguyện cho con người biết ý thức việc đóng góp công sức của mình với Thiên Chúa để làm thăng hoa đời sống và làm đẹp thế giới. Ngày cầu xin cho Quê Hương, Đất Nước luôn đuợc mưa thuận gió hòa!” (Theo Lịch Phụng Vụ Công Giáo Quý Mùi, 2003).

Vậy, ngày Tết, ngày đầu Năm Mới là những ngày Xuân “đất trời hòa hợp”, người người hớn hở tay bắt mặt mừng để chúc tuổi mới cho nhau, ngày gia đình xum hợp để con cháu dâng quà tết và chúc tuổi thọ cho ông bà, cha mẹ, các bậc trưởng thượng trong dòng họ; rồi Ông Bà, Cha Mẹ “lì xì” cho con cháu lấy hên ngày đầu năm và cho cả năm. Ngày Tết cũng là ngày để mỗi người có niềm tin tôn giáo biết ơn đến “Đấng Tạo thành trời đất biển khơi và muôn vật trong đó” để nuôi sống con người; vì thế các bậc Vua Chúa thưở xưa đã dành những giờ phút thiêng liêng nhất của ngày đầu Năm Mới để đến Đàn Nam Giao tế TRỜI ĐẤT để tạ ơn và xin cho “mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt”.

Ngày Tết cũng là những ngày để mọi người nghỉ ngơi phần xác và tu dưỡng tinh thần, là những ngày con người nhìn lại chính mình và nhìn lại những ngày đã qua để “tu sửa” cuộc đời mà chuẩn bị cho cuộc hành trình trong cuộc sống mới đang trải dài trước mặt… Năm Mới, Tuổi Mới và Một Cuộc Đời Mới mà ai cũng mong sao được tốt đẹp hơn, hòa hợp yêu thương hơn với mọi người trong gia đình, khu xóm, sở làm và ở khắp nơi. Vậy chúng ta hãy cùng nhau chung tay xây dựng một gia đình mới, một xã hội mới trong bình an và hòa hợp yêu thương trong Năm Mới này.

Xin chào mừng Tết Nguyên Đán mở đầu Năm Mới đang tới….

Xin chào mừng Mùa Xuân dân tộc và cầu nguyện cho Quê Hương:

Xin Chúa khoan nhân, ban xuống muôn ân,

Cho chúng con một năm thắm tươi

Xin Chúa khoan nhân, ban xuống muôn ân,

Cho chúng con một năm sáng ngời…

Lm. Anphong Trần Đức Phương 

VỀ MỤC LỤC

Mười điều răn của Chúa không phải là

“một gói những bảng cấm đoán.”

 

Ðức thánh cha Benedicto 16:

Mười điều răn của Chúa không phải là

“một gói những bảng cấm đoán.” 

Mười điều răn của Chúa không phải là “một gói những bảng cầm đoán”, Ðức thánh cha Benedicto 16. đã nói trong bài giảng ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa. Ngài đã cắt nghĩa khía cạnh này qua những khẳng định “đồng thuận”.

“Ðồng thuận với gia đình”, điều răn thứ Bốn.

“Ðồng thuận với sự sống” điều răn thứ Năm.

“Ðồng thuận với tình yêu có trách nhiệm, điều răn thứ Sáu.

“Ðồng thuận với tình liên đới, với trách nhiệm xã hội, với sự công chính”  điều răn thứ Bảy.

“Ðồng thuận với sự chân thật, đó là triết lý của đời sống, của nền văn hóa. Sự chân thật là điều căn bản cụ thể thực tiễn trong đời sống cộng đoàn với Chúa Kitô.”

Trong nghi lễ ban bí tích rửa tội cho 10 em bé  - năm gái, năm trai - ở nhà nguyện Sixtin bên Vatican hôm 08.01.2006, đức thánh cha Benedicto 16. trong bài giảng ứng khẩu, đã phê phán một vài cung cách sống theo thời đại.

Giáo hội không chấp nhận lối sống ngắn ngủi vội vàng theo vui thích thỏa mãn: “ Giáo hội ngày xưa đã nói lên tiếng nói không đồng thuận. Không đồng thuận với lối sống xa hoa của ma qủi. Sự không đồng thuận với kiểu cách hứa hẹn một đời sống được thỏa mãn tràn đầy, với kiểu sống bóng bẩy hào nhoáng của thế giới vô thần, với những hứa hẹn có nhiều tự do, với lối sống dựa trên cảm giác: Ðiều đó làm tôi bằng lòng!

Ðó là sự không đồng thuận với nếp sống văn hóa bóng bẩy hào nhoáng. Nhưng trong thực tế lối sống đó là một lối sống phản văn hóa đưa đến chết chóc, đau đớn tang thương, đầy bạo lực.

Ðức thánh cha mời mọi người suy nghĩ về thời Roma cổ ngày xưa, như một ví dụ: “ Các Bạn hãy nhớ lại những gì dã diễn xảy ra ở hí trường Colosseum, hay ở trong vườn thượng uyển thời vua Neron. Nơi những con người đang còn sinh sống bị đem ra đốt cháy thiêu sống làm đèn soi sáng. Chúng ta thấy đó là những tang thương điêu linh, được sử dụng biến thành nguồn vui thú bạo lực - một điều vui thú loạn luân đi ngược với ý nghĩa của sự sống.

Ngày nay cũng còn có khuynh hướng ngược đãi khinh miệt con người, đang diễn ra cũng mang tính cách giống tựa như những vui thú trong dân gian ngày xưa cách đây hơn hai ngàn năm: Ðó là việc lạm dụng thân xác con người, coi đó như món hàng buôn bán trao đổi trên thị trường. Ðây là điều chúng ta có thể suy nghĩ nhìn ra được. Vì thế, trong thời buổi chúng ta bây giờ, cũng cần thiết phải nói tiếng không đồng thuận với một nền văn hóa dẫn đưa đến sự chết chóc.

Chống lại một nền văn hóa ẩn náu trong nghiện ngập ma túy, một lối sống tìm quên lãng trốn chạy khỏi thực tế đi vào thế giới ảo tưởng, với những hạnh phúc sai lầm, nói dối lừa đảo và bất công. Thế giới đó là thế giới thiếu tình liên đới giữa con người với nhau, thế giới không có trách nhiệm. Trong thế giới đó, điều vui thú thỏa mãn tình dục chiếm ngự lan tràn, và hạ thấp đưa nhân phẩm con người đến mức bị khinh miệt tước bỏ.

Ðối với điều hứa hẹn có vẻ hạnh phúc đó, sự hào nhoáng bóng bẩy của sự sống, nhưng trong thực tế lại là một công cụ của sự chết chóc, chúng ta nói lên tiếng không đồng thuận, để xây dựng một nếp sống văn hóa sự sống. Tiếng nói đồng thuận thời kitô giáo ngày xưa là một đồng thuận mạnh mẽ với sự sống, và ngày nay cũng như thế. Một tiếng đồng thuận với Chúa Kitô, một sự đồng thuận với Ðấng đã chiến thắng sự chết, một đồng thuận với sự sống 

Ðức thánh cha Benedicto 16. đã suy tư diễn đạt ba đồng thuận Kitô giáo đối diện với ba sự không đồng thuận với ma qủi:

- Ðồng thuận với Thiên Chúa sự sống, với đấng Tạo Hóa, Ngài đã dựng nên  trí khôn sáng tạo, nhờ đó vụ trụ và đời sống con người chúng ta có một ý nghĩa.

- Ðồng thuận với Chúa Kitô, với một Thiên Chúa không dấu ẩn, nhưng có tên tuổi, có lời nói, có thân xác hình hài máu mủ.

- Ðồng thuận với cộng đoàn Giáo hội Chúa Kitô, trong đó Chúa Kito cùng hiện diện trong thời gian của chúng ta, trong sinh hoạt đời sống hằng ngày.

Sự đồng thuận với những gía trị Kitô giáo, theo đức thánh cha, là áp dụng Mười điều răn của Chúa. Vì Mười điều răn của Chúa không phải một “ gói những bảng cấm đoán”, nhưng là

“Ðồng thuận với gia đình”, điều răn thứ Bốn.

“Ðồng thuận với sự sống”  điều răn thứ Năm.

“Ðồng thuận với tình yêu có trách nhiệm, điều răn thứ Sáu.

“Ðồng thuận với tình liên đới, với trách nhiệm xã hội, với sự công chính” điều răn thứ Bảy.

“Ðồng thuận với sự chân thật, đó là triết lý của đời sống, của nền văn hóa. Sự chân thật là điều căn bản cụ thể thực tiễn trong đời sống cộng đoàn với Chúa Kitô.”

09.01.2006 theo bản tin của www.kath.net

Lm. Nguyễn ngọc Long

VỀ MỤC LỤC
THẦY THUỐC MÁT TAY

 

Người Công giáo vẫn khấn với những vị thánh nổi tiếng làm nhiều phép lạ như thánh Vinh-sơn, thánh Mạc-tin, thánh An-tôn, thánh Têrêsa v.v.  Phép lạ là do ở lòng tin đi liền với việc sùng kính. Các thánh "Ta" đã được phong hiển thánh để trở thành những mẫu sống, đồng thời cũng là lúc được thúc đẩy lòng sùng kính cầu khấn với các Ngài. Thánh Phêrô Khanh là một vị đã từng chữa được nhiều bệnh khi còn sống cũng như sau khi tử đạo.

THÁNH PHÊRÔ KHANH, TẤM GƯƠNG MỤC TỬ

Các nhân chứng biết rất ít về thời thơ ấu của Thánh Phêrô Khanh. Chỉ biết Ngài sinh năm 1780 tại Nghệ An. Ngay từ nhỏ cha mẹ đã gửi vào trong nhà xứ để được đào tạo, và lúc 22 tuổi thì được làm thày giảng. Nhưng Ngài luôn ao ước làm Linh Mục. Mãi đến khi đã 25 tuổi Ngài mới được nhận vào học tiếng La Tinh, và Ngài đã kiên trì trong suốt 14 năm mới được thụ phong linh mục khi đã 39 tuổi. Cha Phêrô Khanh được bổ nhiệm lần lượt coi các họ: Trai Lẻ, Quỳnh Lưu, Thọ Kỳ, Thọ Ninh, Long Trương, Ngân Sáu. 

Một trong những đặc điểm của Cha Khanh là rất tha thiết với việc vun trồng ơn gọi đi tu. Trong thời buổi bắt đạo không có chủng viện, thì Ngài đã biến nhà xứ thành nơi đào tạo. Xứ nào Cha tới phục vụ cũng đều biến thành một chủng viện thu hẹp. Cha nuôi một số thiếu niên, dạy giáo lý, hướng dẫn tinh thần tông đồ. Ngài đã trở nên nghĩa phụ của 40 chủng sinh và thầy giảng, trong đó 8 người đã trở thành linh mục.

Bên cạnh những bài học và lời giáo huấn, chính đời sống gương sáng của Cha mới là một  động lực giáo dục. Khi dự lễ Cha cử hành và giảng, mọi người như đang thấy được Chúa Kitô sống động và rao giảng Tin Mừng. Ngài nhiệt thành với các công tác mục vụ như đi kẻ liệt bất cứ lúc nào, khuyên răn giáo dân làm hòa, tránh kiện cáo trước tòa quan. Cha chính Nghiêm đã viết về cha Khanh: “Cha Khanh đuược làm linh mục thì chẳng khác nào như đèn treo cao soi sáng cho mọi người trong nhà, và càng làm gương sáng hơn nữa về các nhân đức. Cha hết sức lo lắng phần rỗi cho con chiên, sốt sắng làn sáng danh Chúa. Đc biệt những người ở nhà Đức Chúa Trời được Ngài dạy dỗ cho có nhân đức hơn người ngoài... Chính vì người nhân đức như vậy mà ngài được Chúa chọn để đổ máu mình ra làm chứng về Chúa Giêsu”.

Trong thời gian vua Minh Mạng cấm đạo rất ngặt, Cha Khanh trốn tại nhà giáo dân tại Thọ Kỳ và Ngân Sáu. Khi đưa xác thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự từ Quảng Bình ra làng Đoài, Cha Khanh đã trông thấy xác vị tử đạo vẫn tươi tốt thì ước mong: “Ước gì tôi cũng được như vậy”.

Năm 1841 vua Minh Mạng băng hà, vua Thiệu Trị kế vị. Tình tình bớt căng thẳng hơn, Cha Khanh càng an tâm và hăng hái với việc tông đồ. Nhưng ngày 29.1.1842 khi đang trên đường về gặp cha chính Nghiêm thì Ngài bị chận lại khám xét và bắt giam. Lúc đó Ngài được 62 tuổi.

Quan đã có ý làm tiền bằng cách bảo Ngài chỉ nhận làm thày thuốc chứ không phải đạo trưởng thì được tha. Cha Khanh đã can đảm xác nhận: “Tôi là đạo trưởng chứ không chỉ là thày thuốc không”.

THÀY THUỐC MÁT TAY

Trong tù, Cha Khanh được mọi người quí mến vì tính vui vẻ hòa nhã. Một lần nhờ tài chữa bệnh mà Cha được mọi người kính nể. Vị quan cai ngục có một bà vợ bị bệnh nặng đã chạy nhiều thày nhiều thuốc mà vẫn không khỏi. Nghe đồn về Cha Khanh ông sai người đến xin chữa bệnh thì Ngài liền trả lời:

“Tôi chỉ có gông và xiềng thôi, chẳng có thuốc gì!”

Thế là Cha Khanh được dẫn đến nhà quan chẩn bệnh. Cha bảo lấy ra năm vị thuốc sắc lên cho bệnh nhân uống. Sáng hôm sau, một gia nhân chạy tới lạy Cha ba lạy để báo tin bệnh đã thuyên giảm. Cha cho thuốc thêm, và đến ngày thư ba thì khỏi hẳn. Thế là từ đó khắp miền đều đồn về thầy thuốc mát tay này. Nhiều người đã vì vậy mà xin học đạo và được rửa tội.

Cha còn dạy cho cậu Xứng trong tù một bài thuốc gia truyền chữa bệnh tả, và dặn không được lấy nhiều tiền người ta. Từ đó ai đến xin thuốc, Cha nói họ đến cậu Xứng mà xin. Sau này người ta gọi thuốc ấy là thuốc cố thánh.

Trên đường ra pháp trường, một số người khó nuôi con cũng chạy đến Cha xin giúp đỡ. Cha đã cho họ mấy miếng vải về lót giường cho con thì sẽ khỏi bệnh.

TRIỀU THIÊN TỬ ĐẠO

Ngày 12.7.1842 quan giám sát và 30 người lính theo bản án dẫn Cha Khanh ra pháp trường Cồn Cồ.  Ngài vừa đi vừa đọc kinh, nét mặt vui mừng hớn hở.  Trước khi chém đầu, người lý hình đã đến xin Cha tha lỗi vì chỉ phải thi hành lệnh thôi. Xác Cha được đưa về nhà chung Kẻ Gốm và an táng tạm tại nền nhà thờ cũ. Một số ơn lạ đã được ban cho những người kêu khấn, nhất là việc sinh con dễ dàng, nhờ lời bầu cử của Cha Thánh Khanh. 

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường      www.dunglac.net
 

VỀ MỤC LỤC
NÓNG GIẬN TRONG HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG

 

Có bao giờ bạn nổi nóng trong các hoạt động cộng đồng? Nếu có, bạn không phải là người đơn độc.  Phúc Âm Thánh Luca thuật chuyện khi Chúa Giêsu bị khước từ vào một làng miền Samari, hai môn đệ Giacôbê và Gioan đã phẫn nộ đòi khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi làng đó.  Nhưng Chúa đã quở mắng các ông rồi Thầy trò trẩy qua làng khác (Lc. 9:51-56).

Nóng giận là cảm giác tức tối, bực bội xảy ra trước một điều trái ý mình. Nó thường đi đôi với những thay đổi trong cơ thể như nhịp tim đập nhanh hơn, áp suất máu gia tăng, mặt đỏ, khó thở, các bắp thịt trở nên căng thẳng...  Các triệu chứng nầy kèm với cảm giác giận dữ khiến người ta có ước muốn phản công lại cấp kỳ.

Sự căng thẳng là một đáp ứng tự nhiên của cơ thể đối với các áp lực thể lý cũng như tình cảm và có thể sản sinh các phản ứng tiêu cực. Ví dụ, khi bị phiền trách một cách bất công, chúng ta dễ có ý nghĩ bực bội, rồi sinh cảm giác tức giận, mặt có thể đỏ lên hoặc tái nhợt, và hậu qủa là, nếu không biết kềm giữ, thái độ ứng xử của chúng ta sẽ lúng túng, mất hiệu qủa.  Sự căng thẳng, vì vậy, làm cho chúng ta dễ trở nên bối rối, không thích hợp trong suy nghĩ và hành động.

Khi tham gia việc chung, chúng ta thường bị nhiều thứ áp lực: trách nhiệm phải chu toàn, chạy theo thời gian, thiếu phương tiện, lời khen tiếng chê của người đồng sự và của quần chúng...  Dầu muốn dầu không, những áp lực nầy đều có ảnh hưởng mạnh đến tinh thần, tình cảm của người hoạt động.

Tổn thương các quan hệ cá nhân là một trong những cái giá nghiêm trọng rất đáng tiếc do tính nóng của một người gây ra.  Trong khi xây dựng quan hệ đòi hỏi một thời gian dài, cơn nóng giận xảy ra chốc lát có thể làm hư hại mối quan hệ đáng trân trọng đó.  Đáng tiếc hơn nữa, thường khi cơn nóng không làm chúng ta giận dữ người ngoài, mà chính với những người cộng sự gần gũi của mình. 

Bạn hãy nghĩ về sự nóng giận gần đây nhất của mình đã xảy ra với ai?  Bạn có lấy làm tiếc đã làm mất lòng họ không?  Nếu có, một khi bạn tiếp tục cách ứng xử gấp rút khi nóng nảy, chắc chắn bạn sẽ không xây được tình thân mà trái lại, sẽ xô đẩy những người còn lại càng ngày càng xa cách mình.

Tất nhiên, chúng ta cần phải có thái độ tức giận trước một tình trạng bất công hoặc các hành vi bạo ngược xảy đến cho chúng ta cũng như những người chung quanh.  Thế nhưng, cách ứng xử nào là thích hợp để mang lại hiệu qủa?  Có phải sự nóng giận làm cho chúng ta bị lu mờ trong nhận định và mất hiệu qủa trong hành động?  Nếu vậy, bạn cần áp dụng một số phương thức cần thiết để tránh ân hận về sau.

Lấy giờ tạm nghỉ (Time out)

Trước hết, chúng ta phải nhận rằng mọi người đều có lúc nóng giận. Nóng giận là một loại tình cảm bình thường mà hầu như ai cũng đều có kinh nghiệm.  Khi nóng giận, điều bạn cần làm ngay là nén lòng, tìm cách nguôi cơn giận (cool down) trước khi phản ứng.  Bạn có thể thực hiện điều đó bằng cách không phát biểu, tập hít thở, tự đếm số chậm rãi từ 1 đến 20 trong thinh lặng, lấy giờ tạm nghỉ, và nếu cần bước ra khỏi hiện trường.  Trong nhiều trường hợp, việc rút lui khỏi hiện trường để giải lao là hiệu qủa nhất vì nó giúp chúng ta dễ lấy lại bình tĩnh và tránh bầu khí căng thẳng.

Dùng phương pháp ‘tự tranh luận’ (Dispute Thinking)

Tiếp theo, trong khi suy nghĩ để có một phản ứng thích hợp, bạn cần nhận diện vì sao mình có cảm giác nóng nảy đó?  Bạn có thể áp dụng phương pháp “tự tranh luận” (dispute thinking), đặt ra những giải thích cho quan điểm của đối phương, cũng như thử nhìn vấn đề dưới nhiều góc cạnh.  Một khi nhìn vấn đề một cách bình thản dưới nhãn quan của người khác, chúng ta thấy đối phương phần nào có lý lẽ của họ và nhờ vậy, dễ có lòng thông cảm hơn.

Đối thoại, đàm thoại (Communication)

Sau khi suy nghĩ, chúng ta quyết định điều phải làm.  Trong thực tế, để giải quyết vấn đề, chúng ta cần áp dụng các phương thức trong đàm thoại theo các bước tuần tự như: lắng nghe điều người khác phát biểu; nếu cần, lập lại điều đã nghe để hiểu cho chính xác; rồi trình bày trong ôn hoà quan điểm của mình.  Trong cách lắng nghe và trình bày, để tránh đẩy người khác vào vị thế bị tấn công, chúng ta cần dùng lối nói lấy tôi làm chủ từ (I message).  Ví dụ, thay vì nói “Anh đến trể làm mọi người trễ họp” thì nói, “Tôi khởi sự giờ họp trễ vì tôi phải chờ mọi người đến đông đủ”.

Các thánh nhân cũng nóng giận, nhưng trước cơn nóng giận họ ứng xử khác với người thường.  Thánh Thérèsa thành Lisieure khi bị chọc giận thường cầu nguyện, xin Chúa thưởng công cho kẻ tấn công mình vì người nghĩ rằng đây là cơ hội để tập luyện nhân đức kiên nhẫn.  Còn thánh Francis de Sales thì khuyên bảo chúng ta, khi nóng giận hãy cầu xin cho được an bình trong tâm hồn và chuyển ý nghĩ của mình qua một hướng khác.  Nếu bắt chước các ngài, đồng thời áp dụng các phương thức giải quyết của khoa tâm lý, một khi nóng giận chúng ta lấy giờ tạm nghỉ (time out), tránh khỏi hiện trường, dùng lối ‘tự tranh luận’ và đàm thoại trong ôn hoà thì chắc hẳn chúng ta sẽ tránh được các đổ vỡ quan hệ vì nóng giận./-

   Trần Hiếu, San Jose  

VỀ MỤC LỤC
TRẺ EM và THUYẾT TIẾN HÓA!

 

(Lời tác giả: Vừa nhận được một email từ một người bạn. Email có một nội dung đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa. Xin mạn phép chuyển ngữ để cùng chia sẻ với nhiều độc giả. NĐK)

Trong một trường học, cô giáo “lớp Một” dạy cho học trò về “thuyết tiến hóa”. Cô giáo hỏi một bé trai:

-        Em Tâm, em có nhìn thấy cái cây bên ngòai kia không?

Em Tâm đáp:

-        Thưa có.

Cô giáo:

-        Em có nhìn thấy bãi cỏ xanh bên ngòai không?

Em Tâm đáp:

-        Thưa có.

Cô giáo:

-  Em bước ra ngòai sân, rồi nhìn lên trời xem có thấy bầu trời không?

Em Tâm đáp:

-  Thưa vâng. (Vài phút sau em trở lại) Dạ, em có nhìn thấy bầu trời xanh.

Cô giáo:

-        Em có nhìn thấy Thượng Đế trên đó không?

Em Tâm đáp:

-        Thưa không.

Cô giáo:

-  Đấy là điều cô muốn nói. Chúng ta không thể nhìn thấy Thượng Đế, vì ông ta không có ở đó, chỉ có thể do ông ta không tồn tại.

Một bé gái giơ tay xin nêu ra vài thắc mắc. Cô giáo liền đồng ý.

Bé gái lên tiếng hỏi bé trai:

-        Nè Tâm, bạn có nhìn thấy cái cây bên ngòai kia không?

Bé Tâm đáp:

-        Có.

Bé gái:

-        Bạn có nhìn thấy bãi cỏ xanh bên ngòai không?

Bé Tâm đáp:

-        Có.

Bé gái:

- Bạn có nhìn thấy bầu trời xanh không?

Bé Tâm đáp:

-        Có.

Bé gái:

-        Tâm, bạn có nhìn thấy cô giáo không?

Bé Tâm đáp:

-        Có.

Bé gái:

-        Bạn có nhìn thấy bộ não của cô không?

Bé Tâm đáp:

-        Không.

Bé gái:

-  Vậy thì theo như những gì chúng ta được dạy hôm nay ở trường học, thì cô giáo không thể nào có một não bộ!

Có lời dạy rằng:

Chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa …” (2 Cr 5:7)

Nguyễn Đông-Khê,  Texas

VỀ MỤC LỤC
ĐỂ CÓ SỨC KHỎE TỐT

 

LTS.  Kính thưa Quí Cha và Quí vị,

Được biết, Bác sĩ Nguyễn Ý Đức và một số bác sĩ Việt Nam khác tại Hoa Kỳ đã cộng tác với Đài VOA từ mấy năm nay, để giải đáp các câu hỏi liên quan tới y tế và sức khỏe cho đồng bào. Câu hỏi được nhân viên thu băng, chuyển cho bác sĩ nghiên cứu trả lời và phát thanh lại cho dân chúng nghe. Thêm chương trình hàng tuần đặt câu hỏi trực tiếp với bác sĩ Nguyễn Ý Đức, thắc mắc của đồng bào từ Việt Nam có thể được giải đáp mau lẹ hơn.  Đồng bào kêu qua số điện thoại  202 619-3747 đều không phải trả tiền điện thoại viễn liên. 

Theo thông báo của VOA: “Kể từ ngày 18 tháng 5 năm 2004, ngoài chương trình Hỏi Đáp Y Học thường lệ, vào nửa cuối của chương trình phát thanh từ 10 giờ đến 11 giờ đêm ngày thứ ba hàng tuần, chúng tôi sẽ có một tiết mục mới, để thính giả có thể nói chuyện trực tiếp với một bác sĩ y khoa để được giải đáp các thắc mắc về các bệnh thuộc chuyên khoa tổng quát.

Muốn tham gia chương trình này, xin quý vị liên lạc với Tổng Đài Quốc Tế số 110, xin gọi collect nói chuyện với Ngọc Lan ở số 202-619-3774, từ 10 giờ 30 đến 10 giờ 50 phút tối thứ ba hàng tuần. Vì thời gian hạn hẹp, đề nghị quý vị chuẩn bị trước câu hỏi càng ngắn gọn càng tốt. Chúng tôi sẽ nối đường dây để quý vị nói chuyện trực tiếp với bác sĩ Nguyễn Ý Đức, chuyên khoa gia đình, lão khoa, sức khỏe tâm thần và dinh dưỡng. Phần hỏi đáp sẽ được phát trực tiếp ngay trong chương trình phát thanh.

Xin nhắc lại số điện thoại là 202-619-3774, và giờ liên lạc là từ 10 giờ 30 đến 10 giờ 50 tối, giờ Việt Nam ngày thứ ba mỗi tuần.”

Trên Đặc San này, chúng tôi sẽ cố gắng gởi đến Quí vị lần lượt những bài viết rất giá trị của Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức

Chúng tôi cũng xin thay lời cho độc giả Việt Nam, chân thành cám ơn Bác Sĩ Nguyễn ý Đức về những tình cảm Ông đã dành cho Đồng Bào.

 

ĐỂ CÓ SỨC KHỎE TỐT

Có người đã nói:

“Sống một cách khỏe mạnh không phải là một nghệ thuật ta phải học, mà đó là một khuynh hướng bẩm sinh ta phải trở về với nó”.

Á Đông ta quan niệm “nhân chi sơ, tính bản thiện”.

Khởi thủy, mọi sự đều tốt đẹp. Sau khi sanh, mẹ tròn, con vuông. Con lớn lên theo nhịp điều hòa của tạo hóa. Nếu không có những ngoại cảnh ngang trái, những vi phạm luật thiên nhiên, thì con người cứ thuận buồm xuôi gió cho tới khi đi vào miền vĩnh cửu với sự chết.

 Nhưng, vì những ngoại cảnh không tốt, những phung phí, vô độ, con người không còn cái lành mạnh bẩm sinh. Người ta đau yếu, bệnh hoạn. Người ta không vui với cuộc đời và người ta vội vàng đi tìm kiếm con đường trở lại cái an bình ban đầu: những bài học Vệ Sinh Thường Thức, những quy luật sống, những kiêng khem, vận động....Ðể có một Sức Khỏe Tốt.

Ta vẫn thường nghĩ rằng, không khuyết tật, không cao huyết áp, tiểu dường, cholesterol, không ung thư, loét bao tử...là khỏe mạnh. Nhưng thực ra như vậy chưa đủ. Sức khỏe đã được khoa học quan niệm một cách rộng rãi hơn.

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Khỏe mạnh bao gồm sự gắn bó của ba khía cạnh:

thể chất vẹn toàn, tâm thần ổn định và gia đình xã hội hài hòa.

Một cơ thể không có bệnh tật nhưng phần hồn thì luôn luôn tiêu cực bi quan thì liệu có khỏe mạnh được không. Ấy là chưa kể nếu gia đạo bất an, bằng mặt không bằng lòng với lân bang, chòm xóm. Làm sao mà ăn ngon ngủ yên, làm sao mà chẳng thường trực “vui là vui gượng kẻo mà”..

Tổ chức The American Health Foundation, một tổ chức y tế lớn ở Hoa Kỳ, đã nêu ra mười điều mà họ gọi là The Ten Golden Rules for Good Health.

Chúng tôi xin cùng quý vị khai triển, áp dụng những lời nhắn nhủ  này, như là một quyết tâm đầu năm Dương Lịch 2006 và Âm Lịch Bính Tuất.

1- Cần có sự khám sức khỏe tổng quát theo định kỳ.

Rất cần thiết nhưng nhiều khi chúng ta cũng hay quên. Chiếc xe hơi, làm bằng kim loại bền chắc, hàng năm đều được chính quyền nhắc nhở mang đi kiểm soát để có thể lưu hành trên trục lộ, cũng như lâu lâu phải tự động mang tới bác thợ máy để chỉnh trang tune up. Cơ thể con người bằng xương bằng thịt chắc là cũng cần sự định kỳ chăm sóc như vậy.

a- Mục đích là để tìm ra những bệnh có thể chữa được mà triệu chứng chưa lộ diện và điều chỉnh những yếu tố nguy hiểm có thể gây ra bệnh. Đồng thời cũng để bác sĩ hiểu rõ tình trạng sức khỏe chung của mình.

b- Bao lâu khám tổng quát một lần. Tùy theo tuổi và điều kiện sức khỏe của mỗi người. Sau đây là đề nghị lịch trình cho những người không có triệu chứng bệnh: Từ 18-24 tuổi thì cứ mỗi 5 năm; sau 30 tuổi thì mỗi 3 năm; tuổi 40-60 thì cách năm khám một lần; ngoài 60 tuổi thì nên khám tổng quát hàng năm. Có nhiều ý kiến cho rằng khám hàng năm cho mọi người cũng tốt thôi.

c- Cần sửa soạn gì trước khi đi khám. Ghi những điều gì mà mình muốn hỏi bác sĩ, những khó khăn triệu chứng bệnh trạng, thuốc men đang uống. Giả dụ là mình bị đau bụng thì ghi rõ đau bao lâu, lúc nào thì đau, đau kéo dài lâu mau, đau có di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, làm gì để bớt đau, có yếu tố nào làm đau tăng lên....Vì nhiều khi gặp thầy thuốc, quá xúc động lại quên đi vài điều.

d- Bác sĩ sẽ làm gì. Bác sĩ sẽ hỏi tình trạng sức khỏe, bệnh cũ, bệnh mới, quá trình giải phẫu, tai nạn đã có,  thói quen tốt xấu trong đời sống, bệnh tình của thân nhân trực hệ, thuốc đang uống, dị ứng với thuốc hoặc môi sinh...

Sau đó là phần khám tổng quát toàn cơ thể. Sự khám này được thực hiện một cách hết sức chuyên môn, đầy nhân tính và tôn trọng người bệnh. Chiều cao, sức nặng, huyết áp, nhịp tim được ghi nhận.

Cũng như Đông Y, bác sĩ sẽ áp dụng phương thức Vọng,Văn,Vấn, Thiết để chẩn bệnh. Nghe nhịp tim, phổi, nắn bụng, nhìn mắt, khám tai, cuống họng, miệng. Đây là một cuộc khám xét từ đầu tới chân, không sót một cơ quan, địa điểm nào. Ở nữ giới, còn khám ngực, tử cung; nam giới, khám nhiếp tuyến. Rồi sẽ có việc thử máu, nước tiểu, và nếu cần, chụp hình quang tuyến phổi.

e- Phần thảo luận. Sau khi có đủ các dữ kiện về tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ cho ta biết kết quả, rồi cho toa thuốc.

 Đây là lúc ta cần hỏi bác sĩ tất cả những thắc mắc về bệnh trạng của mình, kết quả thử nghiệm, có phải uống thuốc không, uống trong thời gian bao lâu, phản ứng thuốc, có cách chữa nào khác ngoài dược phẩm, bao giờ phải trở lại để tái khám.

Người được coi như lương y tốt là người bỏ nhiều thì giờ cắt nghĩa tường tận cho bệnh nhân và trả lời những câu hỏi một cách vui vẻ, cởi mở.

Cũng trong dịp khám tổng quát này, ta nên hỏi bác sĩ về chủng ngừa các bệnh xem có cập nhật không. Như là viêm gan A, B, phong đòn gánh, yết hầu, sưng phổi.Và nhớ chích ngừa Cúm mỗi cuối năm.

Việc khám tổng quát chỉ giản dị có vậy nhưng mang lại cho ta rất nhiều lợi ích, nhất là tránh được những bệnh trầm kha.

2- Hãy đừng ghiền thuốc lá

Tác dụng độc hại của thuốc lá thì ai cũng biết, ngay cả quý vị hiện đang liên tục “nhớ nhà châm điếu thuốc”. Vì hậu quả của cái món “khói vàng bay lên cây” này đã được chứng minh cụ thể. So với không hút thuốc, người ghiền thuốc lá có tỷ lệ tử vong vì ung thư phổi 22 lần nhiều hơn;  gấp đôi bị tai biến não; 10 lần nhiều hơn bị nghẹt phổi mãn tính; và nhiều nguy cơ bị ung thư miệng, cuống họng, thanh quản, tụy tạng hơn.

Chẳng thế mà trên mỗi bao thuốc lá đều có một lời nhắn nhủ, cảnh cáo:  hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi, có hại cho sức khỏe, gây bệnh tim mạch, ảnh hưởng tới thai nhi.

Tại mọi quốc gia, ngân quỹ công tư đã tốn cả nhiều tỷ bạc để chữa những bệnh gây ra vì thuốc lá. Ðồng thời các công ty sản xuất thuốc lá đang bị kiện bồi thường cả vài trăm tỷ mỹ kim thiệt hại do thuốc lá gây ra cho nhân loại cũng như cho tài sản quốc gia.

Nếu bỏ được thì ta nên cố, dù biết rằng khó khăn vì đây là một thói quen nó vương vấn, như ta thường nói: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên”. Ghiền thuốc lá thì lại dễ tái diễn vì thuốc bán sẵn khắp nơi, trình bày hấp dẫn, quảng cáo mời chào ân cần.

Trên thị trường có bán nhiều dược phẩm giúp ta cai thuốc lá. Hoặc giản dị là dùng diệu kế “thuốc xin thì hút, thuốc mua thì đừng” để giảm thiểu số lượng thuốc hút trong khi lập kế hoạch giã từ nicotine.

3- Uống rượu vừa phải thôi

Tranh luận, nghiên cứu về ích lợi của rượu với sức khỏe đã diễn ra rất hào hứng, nhưng kết luận chính xác chưa được thống nhất.

 Sau một cuộc nghiên cứu kéo dài 12 năm trên nhiều triệu người, Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ, đưa ra một kết luận là uống rượu vừa phải dường như có tác dụng tốt vào bệnh tim mạch. Một số các nhà chuyên môn y học cũng cho là một người uống một, hai drinks mỗi ngày thì ít bị bệnh tim mạch hơn là người không uống. Một drink tương đương với 150 cc rượu vang, 50 cc rượu mạnh 80 độ, hay 360cc rượu bia.

Nhưng theo nhiều nhà chuyên môn khác thì nếu chưa bao giờ uống, có lẽ cũng chẳng nên bắt đầu để hy vọng có điều tốt. Vì ta nên nhớ là rượu ít có giá trị dinh dưỡng, lại nhiều calories, nên được dự trữ trong cơ thể dưới dạng mỡ. Ðồng thời rượu cũng làm tiêu hao các sinh tố B, C, K và chất kẽm, potassium, magnesium là những chất rất cần  trong cơ thể.

Và uống nhiều rượu làm tăng các bệnh ung thư vú, trực tràng; dễ gây ra tai biến mạch máu não, xơ gan, ung thư thực quản cũng như là nguyên nhân của nhiều trường hợp tự tử, giết người, gia phong rối loạn.  

Nam vô tửu như kỳ vô phong. Nhưng gió mạnh thì cờ cũng rách bươm; mà rượu nhiều thì gan cũng xơ cứng, da vàng bụng trướng.

4- Hãy để ý tới sức nặng cơ thể

Sức nặng cơ thể thay đổi tùy theo tuổi tác, cao thấp và cấu trúc bộ xương. Người trưởng thành cao 5f10 nên nặng từ 160-170 lbs là vừa.

Để đáp ứng nhu cầu căn bản cho cơ thể làm việc, ta cần từ 1800 đến 2500 Calories cho 24 giờ. Ăn nhiều mà không vận động, năng lượng dư thừa chuyển thành dự trữ mỡ làm ta béo mập, gây nhiều bệnh cũng như làm giảm tuổi thọ.

Muốn tính lượng calorie trong thức ăn cũng không khó: Từ năm 1990, đạo luật về nhãn hiệu dinh dưỡng đã được ban hành, mục đích giúp ta chọn thức ăn theo ý muốn. Trên nhãn hiệu, nhà sản xuất thực phẩm phải ghi rõ thành phần các chất dinh dưỡng, số lượng calorie cũng như những gia vị trong món ăn.

Giản dị như các cụ ta thì cứ “Ăn ba phần đói, bẩy phần no” là tốt hơn cả. Vừa còn hơi thèm thuồng món ăn mà lại nhẹ bụng, đi lại dễ dàng.

5- Canh chừng lượng cholesterol trong máu

Có ba thành phần cholesterol trong máu mà ta cần lưu ý. Tổng số cholesterol, HDL và LDL.

Lý tưởng nhất là khi lượng cholesterol toàn phần ở dưới 200mg/dl. Từ 200 tới 239mg/dl, ta cần ăn kiêng khem chất béo. Trên 240mg thì cần phải uống thuốc cho hạ xuống.

Cholesterol cao gây ra bệnh xơ cứng động mạch đưa đến bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

HDL trung bình là 45 mg/dl và càng cao càng tốt; LDL thuộc loại xấu, dưới 130 mg/dl thì được chứ cao trên 160 mg/dl cần được điều trị hạ thấp.

Ta có thể tự đo cholesterol với các thuốc thử bán ở chợ tốn chừng 15-20 đồng.

Nếu cholesterol cao thì ăn thịt không có mỡ, thịt gà bỏ da; dùng dầu thảo mộc;  nướng hoặc hấp, đừng chiên; ăn nhiều cá, trái cây, rau, đậu.

6- Cần biết giá trị dinh dưỡng của thực phẩm

Đa số thực phẩm bầy bán đều mang một nhãn hiệu ghi rõ giá trị dinh dưỡng. Từ một gói mỳ khô, một bình sữa, lon nước ngọt đều có. Chỉ cần dành ra vài phút đọc là ta có thể chọn lựa thức ăn thích hợp và tránh được nguy cơ mắc các bệnh về tim, cao huyết áp, béo mập, bệnh tiểu đường và vài loại ung thư.

7- Dành thì giờ cho có lúc nhàn rỗi và đi du lịch

Cơ thể làm việc quần quật suốt 365 ngày thì cũng nên dành ít tuần đi đây đi đó, nghỉ xả hơi.

 Hàng năm, dân bản xứ tiêu gần hai trăm tỷ mỹ kim cho việc đi du lịch. Giải trí và du lịch là một trong những ưu tiên hàng đầu trong đời sống của họ.

Đi coi biểu diễn thể thao, cắm trại, đi câu cá, đi săn bắn cho thư giãn tâm hồn sau những ngày  cực nhọc với công kia việc nọ. Đi du lịch để cho biết đó biết đây cũng như để có một đời sống riêng tư, quên hết mọi việc ở thế gian trong một thời gian ngắn.

 Đấy cũng là một cách bảo trì bộ máy con người để sống và sinh hoạt hữu hiệu.

8- Thích nghi với những sức ép, căng thẳng trong đời sống hàng ngày

Xã hội đầy dẫy những khó khăn, trở ngại, bực mình, những hỉ, nộ, ái, ố, lạc. Quan trọng là làm sao ta thích nghi được với chúng để mà sống. Sự thích nghi này tùy thuộc vào khả năng đối phó, đương đầu của mỗi cá nhân.

Ta sẵn sàng giải quyết vấn đề, nếu không được thì rút lui, quên nó đi. Đấy là chiến thuật mà khoa học mệnh danh là “Fight or Flight response”. Á châu ta thì “Tẩu vi thượng sách” hoặc “chín bỏ làm mười”.

9- Sắp xếp một chương trình vận động cơ thể

Có nhiều lý do để không vận động cơ thể: Tôi không có hứng thú tập.Tập làm tôi đói, tôi phải ăn nhiều hơn rồi tôi mập. Tập làm lông nheo mắt tôi hư, phấn son loang lổ. Chạy treadmill nhỡ dạ con của tôi nó tuột ra ngoài thì sao!

Nhưng chỉ có một lý do để ta phải vận động: nếu ta muốn sống MẠNH, sống VUI.

Cần phải có một chương trình tập luyện thích hợp với mình rồi dành thì giờ để thực hiện, coi sự tập như một thiết yếu hàng đầu, một người bạn đồng hành.

10- Biết tự lượng khả năng và giới hạn sức khỏe của mình

Các cụ bảo: biết người, biết mình.

Sức trói gà không chặt mà đòi tỷ thí võ đài với Mike Tyson thì chắc là bị knock out xuống tận đất đen. Ghép nối mạch máu tim hai ba lần mà đòi chạy marathon thì đi xe nhà đòn Tobia còn mau hơn.

Thành ra, xin cứ liệu cơm gắp mắm.

Kết luận

Đấy là một số “quyết tâm thực hiện” tối thiểu để có một sức khỏe lành mạnh do một tổ chức y tế uy tín ở Hoa Kỳ đưa ra. Chúng tôi chắc nó có một giá trị hướng dẫn nào đó.

Riêng với tiết mục thứ bảy thì người viết thích thú nhất. Có điều kiện để nhàn hạ và đi du lịch đều đều thì chúng tôi xin ký cả mười đầu ngón tay.

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức  Texas-Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC
Truyện cái bàn ăn

 

Chẳng ai “bảo”, cũng chẳng ai “bắt” tôi phải viết cả. Chính tôi ức quá nên viết ra truyện này thôi. “Con giun xéo lắm cũng oằn.” cơ mà.

Chả là cô nhà tôi cứ nhắc:

- “Một năm rồi đấy, Bố xạo không à ! Hứa với em là thi quốc tịch đậu thì mua cho cái bộ bàn ăn. Mà từ năm ngoái đến nay đã một năm rồi. Bàn cũng chả thấy mà ghế cũng không!” Giọng cô nhà tôi, tuy bình bình, nhỏ nhẹ, nhưng có sức xuyên thấu…rất cao. Có lúc - và thường là nhiều lúc – tôi nghe rất…chói tai.

-“Em tính kê cái bàn này chổ nào ?” Không dám trả lời ngay vấn nạn hiểm nghèo cô nhà tôi đưa ra, tôi chỉ chỉ vào cái bàn ăn đang nằm chình ình trong phòng ăn mà hỏi thôi.

Nhà có bốn người. Hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ. Lúc mới mua nhà, ông bà nội đã cho bộ bàn ăn: “Chúng mày tha được thì mang về mà dùng. Bằng gỗ thật. Còn tốt lắm, nhưng chiếm nhiều chỗ quá !”. Người đẩy người kéo, cuối cùng vợ chồng cũng lôi được bộ bàn về nhà. Bao nhiêu năm nay gia đình vẫn ngồi chung quanh cái bàn này ăn uống ngon lành. Có sao đâu !  -“Cũ người mới ta!” Tôi hay bảo cô nhà tôi như thế. Mà cô nàng trước giờ cũng đồng ý như thế

Hai năm nay cô nhà tôi bỗng đòi mua bàn ăn mới nên hễ thấy trên TV chạy quảng cáo furniture thì dù hai mắt có gà lắm, nàng cũng nhỏm dậy nhìn cho bằng được con số phần trăm sale: “Bẩy mươi phần trăm sale rồi đó, thấy chưa Bố. Nó không xuống hơn được nữa đâu!” 

Trên đường đến nhà thờ có tiệm “Star Furniture.” Cái bảng hiệu đẹp và đầy sức cám dỗ ! Lần nào đi qua, cô nhà tôi cũng nhìn vào, mắt lộ vẻ thèm thuồng không dấu diếm được.

Tháng trước, tôi đã phải ghé xe vào đó một lát để chiều ý nàng.

- Mình đi đâu vậy bố.

-Mình vào đây cho Mámì xem bàn ghế.

-Bàn ghế nào?

-Bàn để trong phòng ăn đó.

-Mình có rồi mà Bố?

-Thì hỏi Mámì đấy

Hai đứa theo phe… đàn bà nên không hỏi nữa, vui vẻ nắm tay mẹ, bước thẳng vào tiệm. Nằm ngay bên cửa chính là nguyên một bộ bàn ăn với sáu cái ghế to tướng. Tôi thấy nó chướng mắt còn cô nhà tôi thì lại thấy nó lộng lẫy.

Người bán hàng chào hàng. Tôi chỉ muốn nói vào tai ông ta: Quí ông làm ơn cất bộ bàn ghế này đi dùm cho”, nhưng lại buột miệng:

-Chúng tôi tìm một bộ bàn ăn.

-Chúng tôi có sẵn đây. Cả với cái china này. Chúng tôi sẽ dành cho ông một ngạc nhiên về cái giá rẻ không ngờ cuả chúng tôi.

Tôi vội nói:

-Xin ông cứ để chúng tôi tự nhiên. Chúng tôi chỉ window shopping trước đã.

Tôi lấy gang tay tay đo chiều ngang chiều dọc của bàn. Thấy vậy cô nhà tôi lườm một cái, rồi lục xách tay, lấy ngay ra một cái thước vải đưa cho tôi.

Tôi lật từng cái nhãn ghi giá tiền treo ở lưng ghế và ở cạnh bàn. Cô nhà tôi lại lục xách tay lấy ra tờ giấy và cái bút chì.

Để em ghi lại. Cái bàn chín trăm hai, mỗi cái ghế trăm hai. Hai cái ghế có tay trăm rưỡi. Nếu lấy cái bàn với tám cái ghế nguyên một bộ không có tay thì trăm hai nhân với tám thành ra chín trăm sáu cộng thêm cái bàn.  Khoảng ngàn tám tám chục.  Rồi cô nàng hỏi tiếp luôn:

-Free delivery?  Gớm, chiều nay tiếng Anh cô nhà tôi nói chuẩn quá.

-Yes ma’am.

Cô nàng thích quá, rạng rỡ hẳn nét mặt nhìn tôi, đắc ý, dường như bảo: “Đỡ được những 50 chục, chứ có phải ít đâu !” 

Người bán hàng còn rành rọt quảng cáo thêm đủ thứ: nào là bàn có những hai miếng chêm ở giữa để có thể kéo dài ra khi có nhiều khách, rồi bàn này là gỗ thật, sẽ được đánh bóng… vv.... Tôi gõ mặt bàn mấy cái rồi cúi xuống ngó dưới gầm bàn, một cái nhãn hiệu to, in đậm bằng chữ đen: MADE IN CHINA .

Cả xe im lặng suốt trên đường về. Tôi thấy cái hý hửng sung sướng của cô nhà tôi dấu không kỹ được trong ánh mắt. Như người đào trúng hũ vàng. Tôi biết cô nàng đang chờ  lúc thuận tiện để hỏi một câu hỏi quan trọng. Nhưng tôi lầm, chú nhóc em từ ghế sau lên tiếng:

-Bố thấy có mua được không, Bố?

Thì ra cô nhà tôi đã nhờ ‘ông đại sứ con’.

-Cái bàn làm bằng gỗ tạp, con à. Họ dùng mạt cưa ép lại với keo, rồi dán bên ngoài bằng một lớp nhựa. Nom y hệt như mặt gỗ thiệt. Kiểu như ghế trong nhà thờ mình vậy thôi. Không phải là ván liền. Mà giá như vậy là mắc quá.

Về đến nhà, ba bố con lấy thước ra hì hục đo dọc đo ngang phòng ăn. Tính luôn chỗ cho hai cái ghế hai đầu thì người ngồi đầu bàn sẽ ngồi ngay giữa đường đi. Người khách ngồi ở đó phải đứng lên dẹp ghế thì mới có đường cho người đi ra đi vào hay xuống garage!

“Không thể bắt khách giữ lễ phép mà đứng lên giữa bữa như vậy được!” Tôi long trọng tuyên bố. Mặt cô nhà tôi đớ ra. Như người mất của.

Sau đó hai hôm, một buổi tối hai người khó ngủ, tôi bỗng bật cười.

-Bố cười gì vậy ?

-Bố thấy cũng kỳ. Này nhá, có giường thì không nằm, lại thích nằm dưới thềm nhà cho nó thẳng lưng. Bây giờ mà mua bàn ăn thì thế nào Bố cũng xem có ai về VN , Bố nhờ mua cái mâm

-Chi vậy ?

-Trải chiếu ngã mâm ra cả nhà  ngồi giữa  bếp mà ăn cho tiện. Khỏi đổ nước mắm ra thảm, khỏi đổ ra bàn ăn mới. Cho nó xấu đi

-Ai lại thế!” Miệng nói “Ai lại thế”, nhưng ý kiến phải cắt thêm một miếng kiếng dày năm ly để che mặt bàn là do cô nhà tôi đưa ra . “Mua bàn thì phải cắt kiếng chứ. Cho nó sạch. Có miếng kiếng dễ lau chùi“.

Tôi vội bồi thêm:

-Em lại sắm thêm cái khăn trải bàn, để che cái mặt kiếng khỏi bụi chứ gì.

Bộ bàn ăn dài ở “Star Furniture” vẫn thu hút cô nhà tôi mãnh liệt :

-Này bố, hay là nếu cái bàn dài quá thì mình tháo bớt ra một miếng chêm ở giữa.

-Rồi mámì cất nó ở đâu ? Mà nếu em cắt kiếng thì cắt miếng kiếng dài hay ngắn?

-Ờ nhỉ ?

Tôi cứ nghĩ như thế là hồ sơ bộ bàn ăn đã bị xếp vào ngăn kéo, nhưng không đến một tuần sau, cô nhà tôi lại mạch lạc ra lệnh:

-Chiều Chúa Nhật tuần này Bố chở  mámì đi The Dump mua bàn ăn

-The Dump ở mãi trên North 45 lận Màmì ơi

-Xa không ?

-Bằng NhaTrang đếnBa Ngòi.

Sau sáu năm ở bên Mỹ tôi vẫn còn phải diễn tả khoảng cách đường dài bằng địa dư Việt Nam vì nói 45 phút lái xe thì cô nhà tôi cho là gần, nhưng nếu nói xa bằng NhaTrang-Ba Ngòi thì là xa lắm. Của đáng tội, ngày xưa. hoạ hoằm lắm cô nhà tôi mới đi ra khỏi NhaTrang nên từ Đồng Đế mà lên Thành đã là xa kinh khủng rồi! Tưởng thoát nạn, nhưng không:

-Vậy thôi, Bố chở em xuống “Beo-le” (Bellaire) cũng được.

Bellaire là con đường chính thuộcvùng Tây Nam Houston. Ba giờ chiều, nắng Houston như đổ lửa, nắng chói vào mắt làm người lái xe lim dim và buồn ngủ vô cùng. Sức nóng bên ngoài gần trăm độ F. Giờ này chỉ có nằm ngủ, hay ngồi nhâm nhi lon bia lạnh là thú vị và hợp lý vô cùng. Vậy mà tôi phải chở cô nhà tôi đi mua thêm bộ bàn ăn, trời ạ .

Khi nên trời cũng chiều người.” Bỏ I-10 chạy đến Highway 6 thì xe cộ kẹt cứng.. Cô nhà tôi sốt ruột nên bảo quay đầu trở về.

-Đi về vá?. Tôi hỏi mà giọng mừng rơn.

-Về mà tế vá? Giọng nàng cao và to, nghe như có “tiếng sấm đầu mùa mưa”. “Bố đi ngược chiều về phía đường 529. Hình như trên đường đi làm về, Mámì thấy quãng đó có mấy tiệm furniture! ”

Tôi biết có người đang ấm ức lắm. Mấy cái tiệm furniture đi-làm-thì-gặp-nhan-nhãn mà đến lúc rảnh-đi-kiếm-thì-chúng-lại-biến-đâu-mất. Tôi chả dại gì mà góp chuyện lúc này để lãnh đạn lạc. Mãi đến đường 529 cũng không thấy bóng dáng một tiệm furniture nào.

Chuyện lạ mà có thật. Trời đang nắng bỗng đổ cơn mưa rào. Mưa bóng mây.  Thảo nào nãy giờ trời nóng gay gắt và hầm hập lạ thường. Cả tháng nay trời Houston không mưa rồi. Chúng tôi được cơn mưa rào mát ruột, mát cả đời sống chung.

Nhưng không phải “cơn mưa rào mát ruột” lúc nào cũng sẵn trong cuộc sống chung. Chả có sách triết hay sách tâm lý, hoặc bài giáo lý hôn nhân nào cho tôi biết, có lúc, và có nhiều lúc, hai ý kiến, hai lối sống khác nhau đến như thế.

Saint-Exupery nói: “Yêu nhau là cùng nhìn về một hướng.” Ông nói sai rồi. Tôi và cô ấy ít khi cùng nhìn về một hướng. Nhưng mà vẫn cứ yêu nhau và phải yêu nhau. Thế mới khổ chứ. Yêu cô ấy, lại phải yêu cả cái bộ bàn ăn mà cô ấy muốn tha về, trong khi ở nhà đã có một cái bàn và mấy cái ghế đang dùng rất tốt.

Nhiều lần trong bữa ăn, tôi đã nói:

-Không biết có cái bàn mới thì ăn một bát cơm với cá khô có thấy ngon hơn không !

-Nhà sách thì mát, bát sạch ngon cơm ! Cô nhà tôi cũng chả vừa.

‘Khi mới yêu’ thì mái tóc nhung huyền và đôi mắt long lanh kia có sức lôi cuốn vô cùng kỳ diệu. Tôi thấy cái gì trong nàng cũng mềm mại dễ thương, nào ngờ đâu phía sau mái tóc thơm nồng, thấp ngang vai tôi kia, lại có một có một cái gì như thể ‘thép đã tôi thế đấy’!

‘Lúc mới yêu’, tôi chỉ thấy nơi nàng những “đáng yêu” thôi. Lúc ấy, các hoá chất adrénaline, các kích thích tố nam nhi đã hoà vào máu, xông lên đầu, làm tim tôi đập nhanh, mắt tôi mờ đi, trí tôi mụ lại, và linh hồn tôi nhũn ra. Nhạc sĩ Trúc Phương chẳng sai khi diễn tả: “Vì mình, 16 giờ bỏ trời đất bơ vơ” là thế.

Ông Adam có ăn trái cấm trong vườn điạ đàng chắc cũng vì thế. Nhìn bà Eva, ông còn thấy gì đâu, chẳng thấy Chúa, chẳng thấy trời, chẳng thấy đất, và có lẽ cũng chẳng thấy cả con rắn nữa không chừng. Trông thấy cánh tay mềm mại trắng nuốt của bà Eva đưa trái cấm, ông quên béng cả lời Chuá dặn(hoặc có nhớ thì cũng nhớ sai). Thật ra bà có đưa cho ông một quả vú sữa còn xanh và non choẹt, chắc ông cũng thấy ngọt. Bà có đưa cho ông trái hồng dòn nuốt không trôi và kẹt ngang cổ họng, chắc ông cũng vẫn thấy ngon.

 Tôi hoàn toàn không nghĩ rằng có lúc mình phải “xoay sở” với cái “khối sắt đã tôi cứng thành thép”, là cô nhà tôi, đó. Bây giờ khối ý chí đó nằm chình ình giữa đường. Một mình khiêng đi không được, mà xê dịch nó sang chổ khác không xong.

Thôi thì “đất không chiều lòng trời, thì trời phải chiều đất” vậy.

Ca dao Việt Nam đưa ra một giải đáp cho hạnh phúc gia đình: “Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.”  Rõ các cụ tổ tiên chúng ta khéo nói thật! Các cụ không bày “Chỗ nào cao thì cưa bớt cho bằng chỗ thấp” mà dạy phải “kê chỗ thấp lên cho bằng chỗ cao”!

Rõ là triết lý thâm thúy. Thâm thuý nhưng khó khăn và đau xót lắm. Ba chân bàn mà lệch một chân thì dễ kê. Chỉ cần kê xong một chân là vững vì ba điểm làm thành một mặt phẳng duy nhất. Nhưng bốn cái chân bàn mà lệch hai chân thì thành hai mặt phẳng. Khó lắm. Đàng này một trăm chỗ lệch, nghĩa là 98 cái mặt phẳng mà kê cho bằng thì ... khó quá, khó hơn cả Phúc âm: “Tha cho anh em bảy mươi lần bảy” vậy.

Ngày xưa, các cha các thầy dậy tôi tập “từ bỏ ý chí riêng” bằng cách làm ngược lại những điều mình thích. Ừ thì cũng là được đi, nhưng mà là để “làm theo ý Chúa”, chứ có phải bỏ ý riêng mà xuôi theo ý vợ đâu!

Cái bàn ăn, bây giờ không còn chỉ là cái bàn ăn, mà trở thành “mối phúc thật” thứ chín của tôi. “Phúc cho ai vâng lời v...” Nói cách vắn tắt, cái bàn ăn trở thành một bài học huấn đức cho tôi, riêng tôi: “Đừng vì cái bàn ăn mà mất hạnh phúc gia đình !”

Thế rồi việc phải đến đã đến”

Thứ Bảy này, Bố chở Em đi lễ sớm. Ba giờ được không Bố .  Cho em ghé vào tiệm furniture đường Beo-le

Vào tiệm, cô nhà tôi thấy ngay điều muốn tìm. Một cái bàn, dài vừa phải, rộng vừa phải. Mặt bàn trơn, láng. Bố cục rất tân thời. Hai giải vân cẩm thạch ở hai đầu. Còn phần giữa hoàn toàn trắng bóc, như lòng trắng trứng gà. Chân bàn vuông, thẳng, lại cách điệu bằng một khoen sắc vuông inox. Mấy cái ghế cũng rất thanh và xinh.

Người bán hàng người Tầu nói ngay :

-“It’s real marble !” Ông ta bảo tôi để tay lên mặt bàn mà xem cái cảm giác mát lạnh của nó.

Đã từng làm trong hãng transformer nên tôi biết đây không phải marble thật, vậy mà khi mới nhìn bộ bàn ăn này  tôi lại đã thấy thích mới chết chứ. Ngay lập tức tôi ngộ ra được một chân lý: “Chỉ khi chính mình cũng thấy thích bộ bàn ăn thì cô nhà tôi không còn là một người cứng đầu nữa, mà hoá ra mình mới là người cố chấp lâu nay ! “

Và đây mới là điều quan trọng hơn.  Người ta đã dùng hết mọi tiểu xảo và thủ thuật để bắt chước cho thật giống cái quý giá là đá cẩm thạch. Thế còn hạnh phúc gia đình của mình, chẳng lẽ lại không quý hơn đá cẩm thạch sao ?

Một hai ngàn chi tiêu cho bộ bàn ăn là món tiền không nhỏ, nhưng mua được sự hài lòng và hài hoà trong nhà, cũng đáng. Hai cái nhìn giờ đây  không còn ngược nhau 180 mà chỉ còn 45 hoặc 60 độ thôi. 

-“Mámì tính kê cái bàn ăn cũ ở đâu ?

Cô nhà tôi không trả lời. Cô ấy cảm nghiệm được rằng đấy không còn là câu hỏi vặn của Lưỡng Viện Quốc Hội Anh , mà là câu bày tỏ sự đồng thuận của Viện Quý Tộc. 

-“Thế nào cũng có chỗ, Bố lo gì !” Nữ hoàng Elizabeth của tôi thong thả trả lời.

Trong hạnh phúc, đều có chổ để kê mọi thứ.  Xá gì cái bàn ăn cũ .

Khang Nguyễn, Houston, Texas

VỀ MỤC LỤC

Như Đồng Lúa Chiều Rì Rào

 

 

Ngồi trên xe suốt quãng đường từ chợ về nhà, mẹ con tôi chỉ nói chuyện thời tiết và thức ăn. Hình như bà có điều gì muốn nói ra mà chưa nói được nên không  vui.

 

Xe ra khỏi xa-lộ, chỉ còn mấy phút nữa là tới nhà, mẹ tôi  đành phải lên tiếng: ‘Mẹ nói con nghe cái này này. Con bảo em nó lo cho mẹ về Việt Nam đi’. Biết tôi rất giận và hay gạt đi mỗi khi nói điều này ra, nhưng đây là dịp tốt(chỉ có mẹ và tôi) nên mẹ tôi đánh liều năn nỉ. Cố dằn lòng nhưng cơn giận ‘mẹ đòi về Việt Nam’ trong người tôi đã âm ỉ lâu ngày vẫn cứ bùng dậy. Tôi gắt:’Mẹ về Việt Nam làm cái gì. Ở luôn à? Ai chăm sóc? Để con coi’. Mẹ tôi nín lặng và hình như bà chảy nước mắt. Tôi vừa thương vừa giận mẹ, lại cũng vừa giận vừa thương vợ.

 

Trong các lời hát ca tụng tình mẹ như là: ‘Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình’ hay ‘Một bông hồng cho những ai đang còn mẹ’… Tôi thích nhất lời hát ‘Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày’ vì lời hát này rất gần gũi và thực tế với tôi.

 

Lời hát gần gũi với tôi vì lúc còn nhỏ, tôi sống ở đồng ruộng nên chỉ thấy sông lạch và ao đìa chứ có bao giờ thấy biển cả bao la để mà so sánh với tình mẹ. Ở đồng ruộng tôi cũng chỉ có hoa lục bình, hoa sen, và hoa bông súng chứ nào có hoa hồng đỏ hay hoa hồng trắng để hái hay để mua mà tặng cho mẹ bao giờ.

 

Lời hát thực tế với tôi vì ở đồng ruộng, phải làm việc vất vả cực nhọc với nắng mưa nên hằng năm tôi thấy rõ tóc của mẹ đã thật sự thưa dần và bạc dần với ngày tháng.

 

Mẹ tôi quê lắm, quê và quê mùa, có lẽ quê hơn các bà mẹ quê nữa.

 

Mẹ tôi không biết chữ nên trong các giấy tờ tuỳ thân mẹ chỉ biết ‘vẽ’ được một chữ H to thay cho tên Hạt. Chữ H to có hai chân lêu nghêu không đều, trông rất buồn cười.

 

Một buổi chiều, mẹ mở quyển sách ‘Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp’ và dậy tôi hát. Một bài, hai bài, rồi ba bài…Còn nhiều bài hát trong sách, nhưng tự dưng mẹ tôi nghỉ rồi bảo: ‘Mẹ không biết nữa’.

 

Tôi đơn sơ nói với mẹ:

- Vậy là mẹ không biết đọc chữ hả?

Mẹ tôi buồn buồn:

-Ngày xưa mẹ không được đi học như con bây giờ.

Tôi tò mò hỏi thêm:

-Vậy sao bố lại biết đọc?

-Hồi nhỏ, bố cũng không biết chữ. Lớn lên, ban ngày bố phải đi buôn bán khoai sắn để nuôi gia đình bà nội rồi ban đêm bố và chú Quang đi học Lớp Bình Dân Học Vụ nên mới biết chữ đấy.

 

Thì ra mẹ tôi chỉ mở sách ra, nhưng lại hát thuộc lòng.

 

Hai mẹ con tôi nằm trên cái giường tre kê ở một góc nhà còn thơm mùi mái rơm mới. Căn nhà ấy có cái cửa sổ nhỏ và thấp mà tôi vẫn thường đứng đó nhìn ra ngoài ruộng chờ bố đi làm về mỗi buổi tối. Tôi nhớ lúc ấy dáng mẹ đầy đặn và da mẹ trắng lắm.

 

Mẹ thương yêu tôi lắm, nhưng ‘quê mùa’ nên mẹ cũng thương tôi cái kiểu ‘quê mùa’ nghĩa là quá ‘nghiêm khắc’ và bắt con cái phải tuyệt đối ‘ăn nhời’ bố mẹ,  phải ở sạch sẽ, phải chịu khó làm việc, phải chịu khó học hành: học chữ, học kinh. ‘Phải học như quốc kêu mùa hè. Không học, không biết chữ như bố mẹ, khổ lắm’. Mẹ tôi hay bảo vậy. Lúc ấy, tôi chẳng hiểu gì, chỉ nghĩ trong đầu ‘Tại sao không học lại khổ? Có ai bắt mình khổ đâu? Bố mẹ có khổ đâu?’

 

Mẹ tôi cũng thương bố tôi lắm dù có nhiều lần ‘lấn át’ bố tôi hoặc ‘kèn cựa’ với bên nội của tôi. Bà nội, các cô, và các chú của tôi thương bố tôi và chị em chúng tôi nên cũng hay bỏ qua. Bố tôi nóng tính, nhưng ông đã khéo nhịn mẹ tôi. Có lẽ vì thương gia đình và con cái nên ông đã hay dằn lòng bỏ qua. Có lần ông bảo tôi: ‘ Mẹ con coi vậy chứ cũng giỏi lắm. Chăn nuôi lợn gà cũng giỏi. Tính toán lúa mạ làm ăn cũng hay lắm’. Tôi nhớ lời khen ấy mãi.

 

Có lẽ giỏi tính toán làm ăn nên mẹ tôi đã sống sót qua nạn đói năm Ất Dậu ở ngoài Bắc khi bà mới 12 tuổi. Mẹ tôi kể: ‘ Ối giời. Nạn đói hồi ấy ghê gớm lắm. Các anh chả biết đâu. Người ta chết khắp nơi dưới ruộng, trên đường, ngoài ngõ . . . Mẹ đã sống được là nhờ biết ăn ít và ăn độn những thứ gì có thể ăn được. Mẹ ra ruộng bắt cua, bắt ốc, bắt rạm để ăn với cơm độn khoai và cháo nấu với củ dong, củ chuối. Mà không được ăn nhiều đâu nhá, ngay cả khi đã được tiếp tế cũng vậy. Rất nhiều người chết vì ăn nhiều sau những ngày đói khát. Còn bà ngoại thì bị cướp đánh chết trên đường từ nhà thờ về nhà. Thảm lắm. Nhớ lại mà khiếp’. 

 

Rồi trong cuộc di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, bố tôi đã phải chạy đi trước. Mẹ tôi  mang chị em tôi đi sau. Trên đường chạy ra Hải Phòng , mẹ con tôi phải trốn tránh các cán bộ cộng sản đang đứng cản đường nhất định giữ những người di cư ở lại. Họ tuyên truyền ‘Hoà bình rồi. Còn đi đâu nữa’. Hai tay mẹ tôi bế thằng bé 2 tuổi suốt ngày suốt đêm vì rời tôi ra là họ bắt lại ngay. Còn chị tôi thì lẽo đẽo theo sau. Lúc chạy lúc đi.

 

Ban ngày, bồng tôi đi trên bờ ruộng, thỉnh thoảng mẹ còn phải dừng lại, lấy đất ném xuống sông cho tôi chơi để khỏi nhè. Ban đêm, nếu bị cán bộ giữ lại thì mẹ lại làm cho tôi khóc, khóc thật to để cán bộ điếc tai mà cho mẹ con tôi đi. Chẳng biết bao đêm ngày như thế mới ra khỏi vùng Việt Minh, nhưng thật một ngày thôi cũng đủ thương và nhớ ơn mẹ rồi.

 

Nhà nghèo nên lâu lâu tôi mới được ăn thịt gà. Chiều nào mẹ giết gà là chị em tôi mừng lắm. Tối được ăn cháo gà và sáng hôm sau thì ăn cơm với thịt gà kho mặn trước khi đi học. Múc cháo ra bát, mẹ tôi gỡ những miếng thịt còn dính vào xương cho chị em chúng tôi. Thỉnh thoảng lại dặn: ‘ăn từ từ không thì chết hóc đấy’. Có xương đâu mà chết hóc, có bao nhiêu xương lớn nhỏ mẹ đã lừa ra cho bố cho mẹ hết rồi.

 

Có lẽ giỏi tính toán làm ăn nên bây giờ đã gần 80 tuổi rồi mà mẹ tôi vẫn còn dám một mình lần mò đi lại  ‘cái truc ViệtNam-Canada-Hoa Kỳ’ để thăm con cháu mà chẳng ngại gì. Mỗi lần lên máy bay thì anh em tôi lại vẽ mấy tấm hình và viết cho mẹ một ít câu như ‘cần nước nóng’, ‘cần bác sĩ’, ‘cần điện thoại’... là mẹ tôi  nhớ và ‘thi hành’ đâu vào đấy. Có lần phải đổi máy bay ở Luân Đôn và phải chờ cả ngày, mẹ tôi lo lắm, nhưng vẫn giữ bình tĩnh đưa giấy tờ cho những người mặc đồng phục (chẳng biết cảnh sát hay phi hành đoàn?) trong phi trường. Thế rồi mẹ tôi cũng đến nơi dù là đến rất trễ. Tôi hỏi mẹ đã làm gì lúc bị lạc, mẹ bảo: ’Mẹ chỉ đọc kinh, rồi mẹ khóc và nói hai chữ ‘Toronto, Canada’.

 

Có lẽ giỏi tính toán làm ăn nên sau khi ở Mỹ và ở Canada được 7 năm với anh em chúng tôi, mẹ đã năn nỉ các con lớn con nhỏ cho mẹ về ViệtNam để mẹ có Nhà Thờ, để mẹ có Làng Xóm, để mẹ được gần Bạn Bè, và nhất là mẹ được ‘Tự Do Đi Lại’.

 

Thật vậy, mẹ tôi không biết chữ, nhưng kinh sách thì thuộc nhiều lắm. Mẹ tôi già mà đọc kinh không biết mệt. Đôi khi kinh sách không những chỉ là của ăn thiêng liêng mà còn là thức ăn thể xác cho mẹ tôi nữa vì những ngày giỗ bố tôi, giỗ ông bà nội ngoại của tôi là những ngày mẹ tôi khoẻ và vui hẳn ra. Không những vui khoẻ trong những ngày giỗ mà còn vui khoẻ cả tuần trước nữa.

 

Mẹ tôi đấy.

 

Cám ơn mẹ - không biết viết - đã dẫn tôi đến trường và bắt tôi phải học chăm chỉ để hôm nay tôi có thể viết đôi dòng về mẹ.

 

Cám ơn mẹ - không biết đọc - đã đưa và giúp tôi di tản hai lần trong đời và hy sinh trở lại sống ở quê nhà cho tôi được hạnh phúc với gia đình.

 

Cám ơn mẹ - quê và quê mùa - đã cho tôi niềm tin vào Thiên Chúa và luôn khuyên bảo tôi giữ vững niềm tin ấy..

 

Cám ơn mẹ  - đã già yếu - đã luôn nhắc tôi phải ăn cơm nóng và tập thể dục hàng ngày để được sống lâu như mẹ.

 

‘Dù cho mưa nắng không quản thân gầy nhọc nhằn’

 

Ai nghe lời hát này mà chẳng nhớ thương mẹ ?

 

Joseph Vu San Dimas

 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************