Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 3, Ngày Chúa Nhật 4.12.2005


 CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH                   MỤC LỤC

GlÁO DÂN THAM DỰ VÀO CHỨC VỤ TƯ TẾ CỦA ĐỨC KlTÔ                                                    Vatican 2

Kinh nghiệm của một Linh mục về cách hướng dẫn Giới trẻ                   Cha phó Bayonne, France

LINH MỤC BƯỚC VÀO THẾ KỶ 21: NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA THỜI ĐẠI MỚI                            GSVN

Thánh Thể trên đường Truyền Giáo                                                                             Lm. Hồ Ngọc Thỉnh

LINH MỤC: THỪA TÁC VIÊN LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA             Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

VÌ TÔI LÀ LINH MỤC                                                                                   Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Chiếc áo thầy tu                                                                                                              Lm. Hoàng Kim Toan

NHỮNG NGƯỜI ANH EM TRONG CHỨC LINH MỤC                                                 Lm. Vũ Xuân Hạnh

CÁCH  ĐỌC SÁCH BÁO                                                                                                         EM-TY tổng hợp

Lẩn Thẩn Từ Đông Quê                                                                                             Joseph Vũ , San Dimas


GlÁO DÂN THAM DỰ VÀO CHỨC VỤ TƯ TẾ CỦA ĐỨC KlTÔ

 

Đức Ki-tô Giê-su, Linh Mục thượng phẩm và vĩnh cửu, muốn dùng giáo dân để tiếp tục công việc làm chứng và phục vụ của mình, nên đã ban Thánh Thần giúp họ .trở nên năng động, và không ngừng thôi thúc họ làm nhìều vìệc lành phúc đức.

Đối với những ai Người đã cho tham dự mật thiết vào sự sống và sứ mệnh của Người, Người cũng cho họ tham dự vào chức vụ tư tế, để họ thực hành việc phụng thờ thiêng liêng, hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu độ loài ngưới. Bởi thế, vì giáo dân đã được thánh hiến cho Đức Ki-tô và được Thánh Thần xức dầu, nền họ được mời gọi cách lạ lùng và được trang bị để Thánh Thần sinh hoa trái nơi họ ngày càng phong phú hơn. Thật vậy mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công việc làm ăn thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần, và cã đên nhưng thử thách của cuộc sông, nếu họ kiên trì chịu đựng, thì tất cả đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Ki-tô (x. 1 Pr 2,5) ; khi cử hành lễ Tạ ơn, những của lễ ấy đựợc thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa. Như vậy, giáo dân cung hiến thế gíơi này cho Thiên Chúa  nhờ biết phụng  thờ Người bằng hành động thánh thiện ở khắp mọi nơi.

(Trích Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân của Công Đồng Vatican II., số 34)

VỀ MỤC LỤC
Kinh nghiệm của một Linh mục về cách hướng dẫn Giới trẻ
 

Một:   Nếu bạn đi chậm, họ sẽ dừng lại.

Hai:   Nếu bạn lo lắng, họ sẽ lung lay.

Ba:    Nếu bạn ngồi xuống, họ sẽ nằm xuội.

Bốn:  Nếu bạn hoài nghi, ho sẽ thất vọng.

Năm: Nếu bạn chỉ trích, họ sẽ phá hoại.

Sáu:  Nếu bạn tiến lên, họ sẽ vượt trước bạn.

Bảy:  Nếu bạn đưa tay cho họ, họ sẽ lột da trao cho bạn.

Tám:  Nếu bạn cầu nguyện, họ sẽ làm thánh.

Cha phó Bayonne, France

VỀ MỤC LỤC
LINH MỤC BƯỚC VÀO THẾ KỶ 21: NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA THỜI ĐẠI MỚI.

 

“ANH EM HÃY TỈNH THỨC”. (Lc 21,36)

Con người sống là sống trong một thời đại, vì thế không nhiều thì ít cũng đã mang lấy những dấu ấn của thời đại mình.

Chẳng hạn hiện nay chúng ta đã quen với những ngôn từ như : báo cáo, đăng ký, quản lý…mà lúc đầu chúng ta cảm thấy thật khó nghe!!!

Với chủ đề : linh mục bước vào thế kỷ 21, thì việc chúng ta cần phải làm ngay, đó là nhận dạng, nhìn rõ những thách đố, những xu hướng của thế kỷ này, để chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết, nhờ đó việc tôi luyện bản thân cũng như việc hướng dẫn người khác mới thực sự đem lại những thành quả tốt đẹp như lòng mong ước.

Vậy những thách đố, những xu hướng ấy là gì ?

1- THỜI BUỔI CỦA TIẾN BỘ KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT.

Trong những năm gần đây, khoa học và kỹ thuật đã tiến được những bước khổng lồ trong nhiều lãnh vực. Chúng ta chỉ nhìn vào hai lãnh vực chính yếu mà thôi, cũng đã đủ để thấy được những bước tiến khổng lồ ấy.

        1- Công nghệ thông tin.

Một chiếc máy vi tính hiện đại mới mua hôm nay chưa kịp làm quen, thì ngày mai đã trở thành lỗi thời.

Công nghệ thông tin với một thời gian mau lẹ và một không gian rộng lớn, đã thay đổi bộ mặt xã hội một cách sâu xa và nhanh chóng.

Đạc biệt với mạng internet, người ta có thể học hành, trao đổi, làm ăn, giải trí….Và chắc chắn đây phải là xu hướng của thế kỷ 21.

        2- Công nghệ sinh học.

Gần đây, người ta đã bàn tán nhiều tới sự sinh sản vô tính của chú cừu Dolly, rồi bản đồ gen của con người….Hiện tại người ta đã biến đổi gen của thực vật, động vật. Và trong một tương lai rất gần, người ta cũng có thể biến đổi gen của con người.

Mặc dù đang trong thời gian thử nghiệm, nhưng chắc chắn ngày mai nó sẽ được áp dụng vào công nghệ và được thương mại hóa.

Lúc đó, sẽ nảy sinh ra rất nhiều những vấn đề trong phạm vi luân lý và đạo đức, chẳng hạn chuyện mang thai hộ, mang thai không cần đàn ông, sản xuất những bộ phận để thay thế…

     

2- THỜI BUỔI CỦA TOÀN CẦU HÓA.

Trong thời gian gần đây, ba chữ “toàn cầu hóa” đã chiếm lãnh mọi phương tiện thông tin đại chúng.

Toàn cầu hóa ám chỉ việc gia tăng gấp bội mối tương quan nối kết giữa các quốc gia và xã hội, trong mọi lãnh vực chính trị, văn hóa, nhưng chủ yếu là kinh tế, tạo nên một hệ thống mới của thế giới. Chẳng hạn đầu tư vốn, đưa sản phẩm từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Ba yếu tố chính cấu tạo nên toàn cầu hóa, đó là :

      1- Công nghệ thông tin làm cho thế giới xích lại gần nhau, không còn khoảng cách về không gian và thời gian.

       2- Phương thức kinh tế thị trường và xóa bỏ hàng rào quan thuế.

       3- Kinh tế đóng vài trò chủ động: liên kết kinh tế giữa các khu vực với nhau.

      

3- THỜI BUỔI CỦA TỤC HÓA.

Thưở ban đầu, tục hóa chỉ có nghĩa là việc hồi tục của một tu sĩ, hay việc chuyển đổi tài sản của hàng giáo sĩ thành tài sản quốc gia, như trong cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Rồi từ đó, tiến tới chỗ tách biệt thần quyền và thế quyền.

Tuy nhiên, trong phạm vi cá nhân sự tục hóa là việc sống đời linh mục, tu sĩ hay giáo dân mà không cần bất cứ hình thức tôn giáo nào.

Người ta vẫn tin, nhưng coi trọng những giá trị nhân bản và cho rằng Chúa đến để giải thoát con người khỏi chính sự nô lệ của tôn giáo. Đạo của họ chỉ là “Đạo làm người” mà thôi.

Với một chủ tương như thế, nên không lạ gì khi thấy số người Rửa tội, tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích mỗi ngày một giảm sút. Tình trạng hờ hững về tôn giáo cuối cùng sẽ dẫn tới việc bỏ đạo, bỏ Thiên Chúa.

      

4- THỜI BUỔI CỦA CÁ NHÂN, TỰ DO, THỰC DỤNG VÀ HƯỞNG THỤ.

Người ta chỉ biết có mình và sống cho mình mà thôi. Thành thử dù với những phương tiện truyền thông hiện đại và xu hướng toàn cầu hóa, con người vẫn cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết và xa cách ngay trong chính những gặp gỡ của mình.

Chỉ vì sống cho mình, nên người ta chạy theo vật chất, lợi nhuận và hưởng thụ, coi nhẹ chuyện tôn giáo, bởi vì bỏ ăn bỏ uống mới chết, chứ bỏ lễ nào có hệ gì. Người ta bắt đầu cảm thấy sợ nhiều thứ, như sợ khó, sợ già, sợ đau khổ, sợ thập giá và sợ chết.

Việc hưởng thụ còn được khích lệ bởi nghệ thuật quảng cáo, người ta mua sắm không phải vì nhu cầu cần thiết, mà vì để thỏa mãn thị hiếu, một thị hiếu đã bị chi phối bởi những hình ảnh quảng cáo.

      

KẾT LUẬN

Đứng trước những thách đố của thời đại, linh mục phải biết nhận thức và  đánh giá theo Tin mừng đề phân biệt tốt và xấu.

Bởi vì bất kỳ một xu hướng nào cũng có hai mặt, tiêu cực và tích cực, chúng ta cần phải phát huy mặt tích cực và giảm thiểu mặt tiêu cực, để rồi việc xử dụng những phương tiện hiện đại sẽ đem lại những thành quả tốt đẹp, vì tất cả đều là hồng ân. Và hơn thế nữa, chính Thiên Chúa đang điều khiển những bước đi của lịch sử nhân loại hôm nay.

GSVN

VỀ MỤC LỤC
Thánh Thể trên đường Truyền Giáo (Ga 13,1-15)

 

1= Bước Chân Truyền Giáo

„Rồi Chúa Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau“ (Ga 13,5).

Nếu chỉ có thế thôi thì không có gì đáng nói thêm. Nhưng việc đó xảy ra lúc nào: đó mới là điều chúng ta nên để ý tới, đặc biệt trong Thánh Lễ TRUYỀN GIÁO hôm nay.       Nghi lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày Chúa lập phép Thánh Thể, được mở đầu bằng việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Thánh Gioan lồng cảnh rửa chân đơn sơ này vào một khuôn không gian và thời gian vừa trang trọng vừa thân mật. Vào chỗ mà các Phúc Âm khác tường thuật về buổi Tiệc Ly, thì thánh Gioan kể một câu truyện rất tầm thường. Theo tục lệ Do Thái thì các nô lệ phải rửa chân cho khách được mời tới, trước khi họ ngồi vào bàn tiệc.

Nhưng ở đây ta lại thấy một cảnh ngược đời: Chúa rửa chân cho các môn đệ trước khi lập phép THÁNH THỂ. Thánh Gioan đã giả sử cộng đoàn của ngài quá quen thuộc với việc Bẻ Bánh, nên mới „bỏ qua“ không viết lại việc ấy nữa. Thực ra khi cúi mình xuống rửa chân cho các môn đệ, Chúa đã nêu rõ mục đích và động lực việc hiến Mình và Máu để nuôi sống nhân loại. Ngài đã thực hiện điều Ngài dạy dỗ: „Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình“ Ga 15, 13). Và Chúa rửa chân cho các môn đệ trước khi chịu tử nạn. Nghĩa là Chúa đã làm hai việc này như một CHÚC THƯ để lại cho các môn đệ, cho hậu thế, cho Giáo Hội, và cho mỗi người chúng ta. Một CHÚC THƯ TRUYỀN GIÁO trong bữa TIỆC LY, trong giờ cử hành THÁNH THỂ.

Sự nghiêm trọng của ngày tháng, giờ phút trước lúc ra đi vĩnh viễn lià bỏ cuộc đời của bất cứ người nào cũng để lại những ấn tưởng đáng chúng ta phải muôn đời ghi nhớ. Vào giây phút cuối cùng, người hấp hối sẽ cố gắng thu hết sức lực cuối cùng lại, để trăn trối những lời quan trọng nhất cho người thân đang vây chung quanh. Có người lại cẩn thận viết những lời ấy trong một chúc thư. Chúa Giêsu cũng làm như vậy. Nhưng khác ở chỗ là: Ngài đã xếp đặt khéo léo, dành đủ thời giờ thoải mái để giã từ các môn đệ. Ngài đã rửa chân và lau khô chân cho họ. Một việc làm hèn hạ, dành cho nô bộc nuôi trong nhà. Nhưng tại sao Ngài không nhắc họ chỉ cần rửa tay hay rửa mặt trước khi ngồi vào bàn ăn? Thiết tưởng bấy nhiêu cũng thừa đủ rồi.

Rửa chân? Vâng, rửa chân. Chúa Giêsu đã rửa chân cho các Tông Đồ, nghĩa là cho các bạn ĐỒNG HÀNH của Ngài, cho các nhà TRUYỀN GIÁO. Các môn đệ của Chúa, mười hai Tông Đồ, cũng như những người cộng tác khác, nam cũng như nữ, đều là những „nhà truyền giáo đầu tiên“ của Hội Thánh. Maria Mácđalêna vì thế cũng được các nhà thần học tặng cho tước hiệu quí giá là NỮ TÔNG ĐỒ tuyên khởi.

Khi giải thích thêm ý nghĩa hành vi khó hiểu của mình, Chúa đã xác nhận: „Thật, Thầy bảo thật anh em, tôi tớ không hơn chủ nhà, kẻ được SAI ĐI không lớn hơn người SAI ĐI“ (Ga 13,16) Trong cách dùng chữ SAI ĐI, Ngài đã ngụ ý nhắc tới công cuộc TRUYỀN GIÁO. Vì các môn đệ là những người được Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng. Ngoài ra ta còn thấy chữ „ĐI“ trong cụm từ „SAI ĐI“ nhắc nhớ lại những bàn chân mà Chúa vừa mới rửa và lau khô xong. Quả thật, bài Phúc Âm hôm nay nhấn mạnh đến tư tưởng và xác tín: „đi truyền giáo, đi giảng đạo… „ cũng như „đi nhà thờ, đi xem lễ, đi đọc kinh, đi dự Ngày Thánh Mẫu tại đây v. v….“ Thế mới biết đôi bàn chân quan trọng biết bao! Dù chúng ta có đi bằng xe hơi, tàu thủy, máy bay hay các phương tiện di chuyển khác đi nữa, thì đôi bàn chân vẫn phải đưa chúng ta đến đây. Khi nào phải chống nạng mà đi hay phải dùng đến xe lăn, chúng ta mới hiểu được tại sao Chúa Giêsu đã không ngần ngại cúi mình xuống rửa chân, nghĩa là săn sóc cho một phần cơ thể cực kỳ quan trọng của các môn đệ.

Đi rao giảng Tin Mừng là một bước đi quyết định, nhiều khi „ra đi không hẹn ngày về.“ Một bước quyết định, vì sẽ không thay đổi chương trình, không „vác cầy ra đồng rồi còn ngoái cổ lại“ nữa. Cho dù phải tan nát tâm can, cho dù biết trước „xiềng xích đang chờ đợi“, người cảm thấy mình „được sai đi“ vẫn hiên ngang tiến tới. Câu chuyện sau đây là một bằng chứng cụ thể:

„Chân phước Jean Charles Cornay đã mạnh dạn từ bỏ gia đình theo tiếng gọi truyền giáo. Một hôm trên đường đi, chuyến xe lửa chở ngài dừng lại ở một nhà ga gần quê cũ. Tức thì cha mẹ, anh chị em và bà con túa ra đón chào và hỏi thăm. Vì quá thương con, cha mẹ đã khá luống tuổi của ngài bèn nằm lăn ra trên đường đi, cố ngăn cản không cho con mình tiếp tục sứ mệnh Chúa đã giao phó. Nhưng Cornay đã can đảm quyết tâm bước qua mình cha mẹ già để sang Việt Nam giảng đạo. Ngày 20-9-1837, ngài đã lãnh ơn Tử Đạo với hình phạt lăng trì kinh tởm tại Tây Sơn, Bắc Việt“.

Đôi bàn chân quyết liệt bước qua mình cha mẹ già của Thánh Jean Cornay - tên Việt là Cha Gioan TÂN - thật xứng đáng để Thánh Vịnh 125,6-7 ca ngợi:

"Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,

mùa gặt mai sau sẽ khấp khởi mừng.

Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;

Lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng“.

 

2= Theo Chân Chúa Giêsu Truyền Giáo

Trong suốt cuộc đời rày đây mai đó Chúa Giêsu luôn xử dụng đôi bàn chân của Ngài. Vì thế Ngài cũng được mệnh danh là „Nhà Truyền Giáo Rong Bộ“, lúc đi bộ, lúc cưỡi lừa, lúc xuống thuyền, lại có lúc trèo lên đồi cao để loan báo: „Nước Chúa đã gần đến“. Sứ mệnh đó Ngài đã trao phó cho các môn đệ như một chúc thư tinh thần trước khi về trời ngự bên hữu Chúa Cha: „Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần“ Mt 28, 20). Chúa dặn chúng ta „hãy đi“, vì chính Ngài là „đường đi, sự sống và sự thật“. Đi theo chân Ngài, đi với Ngài, đi tìm Ngài, đi loan báo Tin Mừng của Ngài, đi tìm kiếm Ngài, đi gặp gỡ Ngài… Thảo nào mà Chúa không ngần ngại rửa chân cho các môn đệ, để họ hiểu và ý thức thêm về tầm quan trọng của đôi bàn chân. Nét đẹp ấy đã được tiên tri Isaia ngưỡng mộ đến độ phải thốt lên qua những câu thơ diễm lệ (Is 52, 7):

            "Đẹp thay trên đồi núi

            bước chân người loan báo Tin Mừng, công bố Bình An,

            người loan tin Hạnh Phúc, công bố Ơn Cứu Độ

            và nói với Sion rằng: „Thiên Chúa người là Vua hiển trị! 

Từ khi chưa sinh ra Chúa Giêsu đã được Mẹ Maria „mang đi“ trong cung lòng thánh thiện: „Hồi ấy, bà  Maria lên đường vội vã đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa“ (Lc 1, 39-45). Rồi người chị họ Êlisabét đã vui mừng chúc tụng: „Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và Người Con em đang cưu mang cũng được chúc phúc!“ Người Con ẩn náu ấm cúng trong lòng mẹ Maria lúc ấy, và bây giờ ngự trong Nhà Tạm và trong  „Mặt Nhật“, là Quả Phúc cho toàn nhân loại. Ngay từ thuở ban đầu Mẹ cùng với Thánh Thể đã đi truyền giáo, trước hết cho gia đình Giacaria, và sau đó cho bà con „láng diềng và thân thích“ đến chia vui ngày Êlisabét „sinh hạ một con trai“ (Lc 1, 57-58).

Trong suốt ba năm trời truyền giáo, những con đường Chúa Giêsu đi qua đều đánh dấu những cuộc gặp gỡ với đủ mọi hạng người: từ em bé tới người lớn, thanh niên thiếu nữ, người khoẻ mạnh cũng như người đau yếu, người đạo hạnh cũng như kẻ bất lương. Nhưng đặc biệt Ngài lưu tâm tới những người bị xã hội hất hủi và khinh thường như gái mãi dâm, bọn thu thuế, người goá bụa, kẻ phong cùi, người mắc bệnh gian nan vô phương cứu chữa. Đoạn đường cuối cùng Ngài phải lê chân đi đó là Đường Thánh Giá, đường khổ nạn. Cho tới giờ phút chót, trước khi nhắm mắt lià đời người ta cũng không quên đóng đanh vào chân Ngài. Từ nay Ngài không còn chân tay nữa, nhưng lại có chân tay của chúng ta để TIN MỪNG tiếp tục được rao giảng khắp nơi, qua mọi thời đại, vượt không gian và thời gian.

Các thánh Tông Đồ bắt chước Thày mình đã trở thành những nhà truyền giáo bằng đôi chân dẻo dai không biết mệt mỏi. Sau Lễ Hiện Xuống, các ngài được „đầy ơn Chúa Thánh Thần“ đã làm những cuộc du hành từ Giêrusalem tới Rôma, từ Hy Lạp sang tận Ấn Độ… Theo gương thánh Phêrô, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã dùng đôi chân để đi giảng đạo, đi để củng cố đức tin và tinh thần của tín hữu trên toàn thế giới. Ngài đã hoàn thành tất cả 104 cuộc hành trình ra ngoài lãnh thổ Vatican. Tổng số đường bay của ngài dài hơn 745 ngàn miles (tương đương với 1,2 triệu cây số), nghĩa là ngài đã đi khoảng 30 lần vòng quanh trái đất. Nói cách khác ngài đã có thể đi khứ hồi từ trái đất lên mặt trăng tới 3 lần. Ngài đã vì đoàn chiên mà sống ngoài lãnh thổ Vatican của mình hơn 1 năm rưỡi, đúng 570 ngày. Ngài đã tới được Giêrusalem và Nagiarét tại Đất Thánh, trèo lên núi Sinai bên Ai Cập. Ngài đã tới thăm nước cộng sản Cuba, nhưng rất tiếc, vẫn chưa „được phép“ thăm Nga Sô, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Đáng buồn hơn nữa, Người Cha Chung được mệnh danh là „Chủ Chăn Của Toàn Vũ Trụ“ ấy đã phải đem giấc mộng đến với con chiên trên Đất Việt về trời, vào đêm ngày 2 tháng 4 năm 2005! Chắc chắn những cuộc hành trình truyền giáo sẽ được tiếp tục bởi đức tân Giáo Hoàng Bênêđitô XVI. Thực thế, Ngài đã có sẵn chương trình cho hai chuyến công du đầu tiên. Trong 10 ngày nữa ngài sẽ về thăm quê hương nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (từ 15 tới 21 tháng 8) tại Cologne, Đức Quốc. Sau đó ngài sẽ sang Ba Lan, quê hương yêu dấu của Đấng tiền nhiệm khả kính Gioan Phaolô II.

 

 3= Truyền Giáo và Thánh Thể

Trước khi Rước Lễ chúng ta phải dành một số thời gian để „dọn mình“ cho xứng đáng đón Chúa ngự vào lòng. Điều đó các em bé đã được dạy khi học Rước Lễ Bao Đồng. Thế mà khi lập Phép Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã không dọn lòng cho các Môn Đệ. Thay vì rửa sạch tâm hồn, Ngài lại rửa chân cho họ! Lẽ ra phải chú ý tới „bề trong“ tức là phần thiêng liêng, thì Ngài lại tẩy sạch một phần cơ thể hèn hạ dơ bẩn chẳng liên quan gì tới nội tâm. Lẽ nào Chúa lại làm một việc vô nghĩa, một hành vi vô tích sự trước giờ phút nghiêm trọng như vậy sao?

Phải chăng việc rửa chân này có tính cách siêu nhiên và nhắm tới một mục đích vượt trên sự hiểu biết bình thường của con người? Bằng chứng rõ ràng là chính Thánh Phêrô đã phản đối: „Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?“ (Ga 13, 6). Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã bình thản trả lời: „Việc Thầy làm, bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau này mới hiểu được“ (Ga 13, 7). Vậy sau hai ngàn năm chúng ta đã hiểu chưa?

Những bàn chân, dù có đi giày, đi dép, hay để trần, vẫn có thể lấm bụi bậm dơ bẩn. Bàn chân đạp trên mặt đất diễn tả cụ thể mối liên quan của chúng ta với trái đất, chung đụng với thế gian, dấn bước vào thế giới. Do đó mà bàn chân có thể bị tội lỗi nhân loại làm cho dơ bẩn. Chúa muốn lấy nước rửa sạch những vết nhơ của trần thế ấy. Nhờ đó, Ngài sẽ giải phóng chúng ta khỏi thế gian, khỏi quyền lực của Satan. Qua việc làm hèn hạ là rửa chân cho các „bạn hữu“ của mình, Chúa Giêsu thanh tẩy sự liên hệ của các ngài với thế gian. Như vậy Chúa đã „dọn lòng“ cho họ lãnh nhận phép Thánh Thể mà Ngài sắp thiết lập. Đó là Bí Tích TÌNH YÊU siêu việt đến độ các Tông Đồ may ra mới hiểu được, sau khi nhận ra ấn tượng ấy qua việc rửa chân. Mà đòi hỏi cốt yếu của Tình Yêu là chia sẻ. Vì thế, Thánh Thể luôn đòi hỏi chia sẻ 

Muốn chia sẻ cho ai không những chúng ta chỉ cần tới đôi tay mà cả đôi chân nữa. Ngồi một chỗ để ban phát cũng được, nhưng đi để chia sẻ vui buồn, chia sẻ manh áo, chia sẻ miếng ăn càng làm cho việc làm ấy thêm ý nghĩa, sống động và bảo đảm mang lại nhiều hiệu quả hơn. Các nhà truyền giáo đã không ngần ngại „đi chia sẻ TIN MỪNG“ tới tận Viễn Đông. Nhờ vậy mà LỜI CHÚA mới được rao giảng khắp nơi và NƯỚC CHÚA lan tràn tới tận nước VIỆT NAM, sau 400 năm Truyền Giáo, đã có tới 5,6 triệu người Công Giáo trên tổng số 81 triệu dân, tương đương với gần 7 %. Công việc ấy đang chờ đợi chúng ta tiếp tay. Cánh đồng truyền giáo tại quê hương thật mênh mông bát ngát, mà thợ gặt lại hiếm hoi!

Vậy các Tông Đồ và các tín hữu sơ khai đã truyền giáo như thế nào mà Giáo Hội vững mạnh và trưởng thành được tới ngày nay? Việc ra đi rao giảng của các Tông Đồ thuở ban đầu, sau khi Chúa Giêsu về trời, là đi tìm gặp các tín hữu và qui tụ họ lại trong nhà một giáo dân có đủ chỗ cho nhiều người tụ họp tại một địa điểm thuận tiện. Trong „Nhà Thờ Tại Gia“ ấy các ngài đã tổ chức các buổi cầu nguyện, như chúng ta đọc kinh tối trong gia đình bây giờ, và quan trọng nhất là làm „Lễ Bẻ Bánh“ theo lời Chúa dặn: „Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy“.  Nói tóm lại Thánh Thể là trọng tâm, là tột điểm và cùng đích của việc Truyền Giáo. Nhờ đó mà các cộng đoàn mới sinh sôi nảy nở mau lẹ với kết quả rất khả quan. Sách Tông Đồ Công Vụ xác nhận: „Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm nhiều người được cứu độ“ (Cv 2, 47). Như vậy mỗi giáo xứ và mọi tín hữu có thể áp dụng phương pháp truyền giáo dựa trên Thánh Kinh rất hữu hiệu này cho chính mình: đó là đến nhà thờ đọc kinh cầu nguyện trước khi tham dự Thánh Lễ, y như các tín hữu sơ khai.

Nói cách khác: Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể, tín hữu được dưỡng nuôi bằng Bánh Thánh, bằng chính Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất. Truyền Giáo là làm Lễ Bẻ Bánh, và quây quần bên Bàn Thánh, để rồi đem Chúa Giêsu cho người khác. Đó là điều kiện tiên khởi, vì không ai có thể cho cái mình không có! Vậy phải đến với Thánh Thể để có Chúa trước đã, rồi mới đem Chúa cho người khác được. Như vậy, Chúa Giêsu là Nhà Truyền Giáo đầu tiên, tối cao và gương mẫu. Do đó ta phải đến với Ngài để học hỏi, cũng như ta đi tìm kiếm các chuyên viên, mỗi khi muốn làm một việc gì mà ta chưa thông thạo. Ngài đã từng nói: „Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy“ (Ga 14,6). Muốn đưa người khác về với Cha, phải qua Chúa Giêsu. Trước hết bản thân ta phải „hấp thụ“ Chúa Giêsu trong Thánh Thể trước đã, rồi biến chúng ta thành cây cầu dẫn người khác qua Ngài đến với Cha, với Đức Tin, nhập vào đạo Chúa. Nghĩa là trước hết chúng ta phải đến với Thánh Thể, phải lê chân tới nhà thờ, phải quì gối trước Nhà Tạm, theo gương thánh Venceslaô (907-929):

Ngài là vua của nước Tiệp Khắc hồi thế kỷ thứ X. Là vua một nước mà ngài lại có thói quen hằng đêm không ngần ngại thức dậy đến nhà thờ để chầu Mình Thánh. Cả những đêm đông tuyết rơi lạnh lẽo, ngài vẫn đi tìm Chúa trong Nhà Tạm. Có đêm trời lạnh quá khiến viên thị vệ hầu cận phải phàn nàn: „Chân hạ thần cóng lạnh mất rồi, vì tuyết rơi nhiều quá!“ Vua thánhVenceslaô quay lại dịu dàng bảo: „Hãy đặt bàn chân của ngươi lên đúng vết chân của Ta đi trước, rồi cứ thế mà theo Ta.“ Viên thị vệ tuân theo lời vua chỉ bảo và bỗng nhiên thấy chân mình ấm áp lạ thường. Từ đó ông càng thêm lòng sốt sắng cùng đi viếng Thánh Thể  với Vua, theo bước chân ngài dẫn lối.

Thế là vua thánh Venceslaô đã làm một công việc truyền giáo rất đơn sơ bằng đôi chân của mình. Thảo nào mà Chúa Giêsu chả hạ mình xuống rửa chân cho các Môn Đệ để các ngài hăng hái đi rao giảng Tin Mừng khắp năm châu bốn bể. Để được như vậy, trước hết các ngài phải gặp gỡ Chúa. Hoặc chúng ta tìm tới Chúa, hoặc Chúa sẽ tìm tới chúng ta. Thánh Gioan thuật lại trong Tin Mừng ngày Lễ Hiện Xuống như thế này: „Các Tồng Đồ vui mừng vì được thấy Thầy của mình!“. Trước đó họ sợ bị bắt bớ đến nỗi phải ẩn nấp trong phòng kín, cửa cài then đóng (Ga 20, 19-23). Nhưng Chúa Giêsu đã hiện đến và bảo họ: „Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.“ Và để thêm can đảm cho họ, Người „thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần!“ Sau đó, kết quả ra sao chúng ta đều đã biết qua sách Tông Đồ Công Vụ: „Hết thảy mọi người đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các tiếng khác nhau…“ (Cv 2, 1-11). Vậy là TIN MỪNG bắt đầu được rao giảng cho toàn thế giới!

Đó là công cuộc Truyền Giáo đầu tiên của Hội Thánh vừa mới thành hình. Dân chúng đã phải bỡ ngỡ mà thốt lên: „Thế nghĩa là gì?“ Nghĩa là mọi việc đã được bắt đầu và tiếp tục được nuôi dưỡng cho tới ngày nay bằng sức mạnh của THÁNH THỂ, bằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu phục sinh. Mỗi người chúng ta cũng có thể làm như vậy: mang Chúa Giêsu đang ngự trong cung lòng chúng ta tới mọi người trong gia đình, trong hội đoàn, trong xứ đạo, tới khắp nơi khắp chốn và không bao giờ bỏ cuộc hay quên mình là những „nhà truyền giáo“ trong thế kỷ thứ XXI này.

Linh Mục HỒ NGỌC THỈNH

VỀ MỤC LỤC

LINH MỤC – THỪA TÁC VIÊN LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA.

 

Bước vào Mùa Vọng,các Giáo xứ nhộn nhịp bầu khí đạo đức : tĩnh tâm, giải tội.

Các Linh mục bề bộn nhiều công việc như ngồi toà, giảng phòng, không những giáo xứ mình mà còn giúp nhiều xứ khác. Các Cha trong Giáo hạt của tôi có truyền thống luân phiên đến từng xứ, tạo nên tình hiệp nhất chia sẽ.

Đọc lại “Thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các linh mục ngày Thứ Năm Tuần Thánh 2002” và những bài giảng tĩnh tâm Linh mục 2002 Giáo phận Sài gòn của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, tôi bắt gặp “Chân dung Linh mục” qua hình ảnh : Cha Giải Tội – Thừa Tác Viên Của Bí Tích Hoà Giải:“Cũng giống như trên bàn thờ khi dâng thánh lễ hay khi cử hành các bí tich khác, LM hành động nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) để hoàn tất mầu nhiệm thương xót qua việc ban ơn tha thứ, trong tư cách Anh cả của gia đình nhân loại ( Rm 8,29),Thượng tế đầy lân tuất tín trung và trắc ẩn (Dt 2,17), Mục tử lắng lo tìm con chiên lạc (Lc 15,4-6), Lương y chữa bệnh an ủi (Lc 5,310,Thầy dạy chân lý và chỉ đường (Mt 22,16), Quan toà xét xử theo sự thật chứ không theo dáng vẻ bên ngoài (Ga 8,16)”. ( Chân dung Linh mục trang 39).

Đức Cha Giuse nhận định: Giải tội là một tác vụ khó khăn nhất nhưng là một tác vụ cao đẹp nhất.

1. Giải tội là một tác vụ khó khăn nhất và đòi hỏi nhất của Linh mục trong đời mục vụ.

Là tác vụ khó khăn nhất bởi lẽ :

Ngồi toà giải tội giờ này qua giờ khác,ngày này qua ngày khác.Với một tư thế không đổi là lắng nghe, phân định, khuyên nhủ, ban phép giải tội. Nghe đi nghe lại đủ thứ tội luỵ trần gian. Linh mục Nguyễn Tầm Thường đã dùng hình ảnh “cái bô rác” để nói về lỗ tai các Linh mục, đựng mọi rác rưới tội lỗi hồng trần nhưng không để mình bị lây rác.

Trí óc luôn làm việc căng thẳng. Một tư thế ngồi, tay cầm tràng hạt, tay chống trán, đầu tựa vào toà nghe chăm chú. Có khi cơ thể mệt mỏi ê ẩm mà không được nghĩ ngơi. Nhìn đoàn người xếp hàng dài chờ đợi, Cha giải tội thêm phấn chấn nhiệt thành với bổn phận.

Là tác vụ đòi hỏi nhất bởi lẽ :

Trước khi ngồi toa, Linh mục đã phải chuẩn bị bằng cách trang bị kiến thức tương hợp; khi giải tội linh mục phải vận dụng khôn ngoan để phân định, cương nghị để khuyên can, nhân từ để xá giải.

Sau khi đã ra khỏi toà hoà giải Linh mục phải trung tín với ấn toà giải tội. Nếu điều Linh mục phải nhớ trong ngày là sách nguyện, thì điều Linh mục phải quên chính là tội người ta xưng.

2. Giải tội là một tác vụ cao đẹp nhất và an ủi nhất.

Qua trung gian Linh mục, hối nhân gặp được trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa. Và đó là hạnh phúc. Người ta bảo trên đời có ba bóng dáng hanh phúc tinh ròng : mẹ đem con đi rửa tội về, người lành tạ thế và hối nhân từ toà giải tội bước ra.

Nếu như hạnh phúc của người truyền giáo là có một người được rửa tội thì hạnh phúc của Linh mục giải tội là có một tội nhân được giao hoà với Chúa, được tìm lại ơn thứ tha và nguồn bình an niềm vui tâm hồn. Hối nhân càng nhiều tội lỗi, càng lâu năm xa cách nguội lạnh mà được ơn trở lại thì Linh mục càng dâng đầy hạnh phúc. Có những hối nhân đã khóc nức nở khi sám hối về tội lỗi của mình khi nhận ra lòng thương xót của Chúa.Họ quỳ đó, khóc chân thành với những dòng lệ ăn năn. Nước mắt hạnh phúc của người con trở về với Cha nhân từ. Những nổi đau thể xác, tâm hồn được bộc bạch. Có những người mẹ, người vợ thổ lộ tâm sự của gia đình, tâm sự không thể nói cùng ai chỉ trừ Cha giải tội.Thanh niên nam nữ với những thao thức tuổi trẻ xin linh hướng.Thiếu nhi đón nhận lời thăm hỏi khuyên bảo.

Có nhiều tâm hồn trong sáng, thánh thiện đến toà giải tội đã làm gia tăng lòng đạo đức của linh mục.

Thi hành tác vụ cao đẹp ấy, Linh mục là người diễn dịch lòng yêu thương nhân từ của Thiên Chúa ( Thư TNTT 2002 số 3).

Để có thể thi hành tác vụ của lòng thương một cách hữu hiệu, Đức Thánh Cha đã khuyên Linh mục  phải sống khả tín và khả ái.

- Khả tín: “Thật vậy, dù ơn Chúa ban có thể hoàn tất công trình cứu rỗi qua những thừa tác viên bất xứng, nhưng thường tình Thiên Chúa muốn tỏ ra những việc lạ lùng của Ngài qua những vị sẵn sàng đi theo sự thúc giục và hướng dẫn của Thánh Thần hơn, bằng kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và bằng một đời sống thánh thiện” ( PO,12)

- Khả ái: “Người ta thường muốn được nhận biết và chăm sóc, vì chính trong tư thế gần gũi này mà họ có thể cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa một cách mạnh mẽ hơn” ( Thư TNTT số 9). Linh mục phải làm hết cách để lòng thương xót của Thiên Chúa được sáng lên giữa những cử hành“Nghiêm nhặt quá làm cho dân chúng bị dằn vặt tháo lui. Dễ dãi quá gây hiểu lầm và ngộ nhận. Đấng giải tội rập theo gương Chúa Chiên lành mà tha tội phải diễn đạt đúng mực thước lòng đã sẵn có và sự tha thứ hầu mang lại an bình và chữa lành” ( Thư TNTT số 8).

3. Linh mục cũng là hối nhân

Dù nhiệm vụ của linh mục ”là trở thành những chứng nhân cho Thiên Chúa, là những phát ngôn viên của lòng nhân từ có sức cứu rỗi” ( Số 10), “là Thừa tác viên của bí tích hoà giải”, nhưng linh mục cũng còn là hối nhân như bất cứ ai, vốn cần đón nhận những ơn phúc phát sinh từ bí tích hoà giải. Đó là điều kiện cần thiết cho đời sống linh mục .“ Đời sống linh mục có thể bị suy thoái nếu chính họ thờ ơ, hoặc vì một lý do nào khác, không đến với bí tích hoà giải một cách đều đặn với đức tin và lòng sốt sắng đích thực. Nếu một linh mục không còn đi xưng tội nữa hoặc xưng tội không nên thì sứ vụ linh mục của Ngài sẽ sớm bị ảnh hưởng, và chính cộng đoàn do linh mục dẫn dắt sẽ nhận ra điều đó’ ( Tông huấn sám hối và hoà giải số 31.

Trước khi là Thừa tác viên lòng thương xót, mỗi linh mục cũng là người biết đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa. Không ai có thể cho đi một cách nhiệt tình mà mình chỉ kinh nghiệm mong manh. Chính vì thế,Tông huấn SH &HG số 31 viết tiếp : “Chúng ta, các linh mục khởi đi từ kinh nghiệm cá nhân mình, có thể nói cách chắc chắn rằng,càng tìm đến bí tích hoà giải thường xuyên với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta càng đảm nhiệm tốt hơn tác vụ giải tội và bảo đảm rằng, các hối nhân sẽ hưởng được ân phúc nhiều hơn. Trái lại, tác vụ này sẽ mất nhiều hiệu năng nếu một cách nào đó, chúng ta không còn là những hối nhân thực thụ nữa”.Trong ý tưởng này ta có thể nói : càng là hối nhân thực thụ bao nhiêu, càng là thừa tác viên chân chính bấy nhiêu.

Mùa Vọng,nhìn chân dung Linh mục qua Thừa Tác Viên của Bí Tích Hoà Giải để thấy được rằng, ngay tự nguồn gốc đã là khởi đi từ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Chúa chọn cách nhưng không: ”Không phải các con chọn Thầy, nhưng chính Thầy chọn các con” (Ga 15,16). Chúa sai đi làm đại diện cho Chúa dù linh mục bé nhỏ thấp hèn. Chúa ký thác trái tim đầy thương xót của Ngài vào trái tim nhân loại của linh mục để ban ơn tha thứ cho hối nhân. Muốn chu toàn trách vụ, linh mục cần ký thác trái tim nhỏ bé của mình vào trái tim xót thương của Thiên Chúa ( số 4).

Mỗi lần ban ơn xá giải là linh mục thấy mình được cộng hưởng trên đường nên thánh.Lm

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

VỀ MỤC LỤC

VÌ TÔI LÀ LINH MỤC

 

Bài hát quen thuộc hồi nào văng vẳng bên tai với lời tâm sự mới:

Vì tôi là linh mục,

chung phận kiếp lưu đầy,

nên suốt đời phiêu bạt,

nên mãi là mây bay.

 

TÓC MÂY VÀ THORNBIRD

Ở Sài gòn thời thập niên '60, truyện Tóc Mây đã trở thành như một cái "mốt" cho nhiều người tìm đọc. Tác giả Lệ Hằng khai thác đúng lúc cái đề tài rất ư ăn khách mà trước đó chưa ai đụng tới. Nó gợi tò mò. Ông cha mà cũng biết yêu thương cơ à! Đọc một tí để khám phá cái thế giới huyền bí đàng sau vẻ trang trọng của một linh mục, lại chẳng phải là chuyện hấp dẫn sao?!

Rồi bài hát do Nguyễn Đức Quang phổ nhạc lời thơ "rất khều mặt trời" của Nguyễn Tất Nhiên, đã len lỏi vào khắp mọi ngóc ngách, làm rung lên những sợi tơ trời. Tôi nhớ lõm bõm được mấy câu lúc đầu nghe thật ngộ nghĩnh:

vì tôi là linh mục

giảng lời tình nhân gian

nên không có Thánh Kinh

nên không có bổn đạo

nên không có giáo đường

(một tín đồ duy nhất

vừa thiêu hủy lầu chuông!)

 

vì tôi là linh mục

phổ lời tình nhân gian

thành câu thơ buồn bã

nên hạnh phúc đâu còn...

 

vì tôi là linh mục

không biết rửa tội người

nên âm thầm lúc chết

tội mình còn thâm vai.

Truyện Tóc Mây thời mới là Thornbird, hư cấu từ khung cảnh bên Úc, đã được đóng thành phim chiếu đi chiếu lại dài dài, chuyên chở nhiều cơn phấn đấu dai dẳng với đủ mùi đắng ngọt của cả một đời người. Thornbird là một loại chim thật lạ, cành cây thơ mộng bên hồ không thèm đậu, lại thích lao mình vào cây gai trên rừng cho chảy máu mà hót lên cung điệu bài "thú đau thương!"

 

QUYỀN NĂNG LÀ TÍN ĐỒ

Một hôm được mời tham dự Đêm Thơ Nhạc Du Tử Lê ở California, tôi ngồi bên một nhà văn không Công giáo. Trong lúc chờ khai mạc chương trình, sau một số trao đổi chuyện trò, ông ta hỏi tôi có dịp đọc cuốn truyện Thornbird của một tác giả người Úc nào chưa?  Tôi chưa kịp trả lời thì ông hỏi tiếp ngay: tại sao ở Việt Nam chế độ không ưa gì Công giáo mà lại cho chiếu phim đó hoài vậy?

Không chút du dự, tôi trả lời ngay: "Có thể người ta muốn rêu rao cho thấy bề trái của hàng linh mục: quá nhiều bê bối thấy chưa, phải đáng hồ nghi là vừa!"

Ông ta liền buông một câu tỏ ra hết sức ngỡ ngàng: "Thế à! Tôi chưa bao giờ nghĩ  ra điều đó. Ngược lại, với cá nhân tôi là một người không Công giáo, khi đọc truyện Thornbird, tôi hiểu và thương mến các linh mục nhiều hơn, vì nhận ra chất người nơi họ, rất gần gũi và rất nhân bản. Dĩ nhiên đã là người thì cũng có thể vấp ngã, đó là con số nhỏ. Họ cũng là người như tôi, thế mà họ lại có thể phấn đấu với chính mình để ra đi cứu nhân độ thế. Biết bao nhiêu người như thế. Tôi phục quá chứ!

Nhận xét của ông nhà văn này làm tôi suy nghĩ và thấy ông nói đúng. Có một số người chỉ thích nhìn hình ảnh người tình trong phim là một cô gái. Nhưng đang khi đó tác giả lại muốn trình bày về những phấn đấu tất nhiên của con người để bước tới mà cũng có thể quị ngã vì những hướng chiều từ trong mạch máu, vẫn gọi là tham sân si, trong đó khuynh hướng tham vọng mê quyền năng mới là người tình ác quỉ đứng hàng đầu trong bẩy người tình là những mối tội đầu mai phục trường kỳ bên dưới những tế bào. Bên Mỹ cũng có truyện Cardinal Sins của Andrew Greeley khá nổi tiếng. Đề sách là một kiểu chơi chữ: vừa có nghĩa là Những Mối Tội Đầu là những "tội gốc chưa tan", mà vừa có nghĩa là Hồng Y Phạm Tội! Đứng đầu bẩy mối tội gốc của mọi thứ tội là kiêu ngạo, là yêu người tình danh vọng thường phá hủy lầu chuông, đúng như lời thơ Nguyễn Tất Nhiên.

tín đồ là người tình

người tình là ác quỉ

ác quỉ là quyền năng

quyền năng là tín đồ

tín đồ là người tình

thiêu hủy  lầu chuông tôi.

Lần đầu tiên một số người phát giác ra rằng ”ông cha” cũng có một con tim bằng thịt biết lúc lắc bồi hồi chứ đâu phải gỗ đá. Trước kia cứ tưởng linh mục là một loại thụ tạo thiêng liêng sáng láng từ trên trời rơi xuống. Liên hệ giữa giáo dân và linh mục luôn có một ngăn cách kiểu ”kính nhi viễn chi.” Bây giờ người ta có dịp nhận ra linh mục vẫn còn là một người nguyên vẹn hình hài, biết khóc biết cười, biết đói biết no, biết đau khổ, biết đối diện với những lúc đen tối, biết vui mừng biết hy vọng, biết lo âu biết sợ hãi. Và cũng có khuynh hướng con người cho những đam mê tham sân si với đầy đủ lễ bộ hỉ nộ ái ố.

Chúa Giêsu khi làm người, Ngài cũng đã chấp nhận thân phận như vậy. Satan biết thế nên trong sa mạc đã gạ gẫm Ngài bằng những màn hấp dẫn vật chất quyền hành danh vọng. Đấy chỉ là cơn cám dỗ điển hình. Kinh Thánh nói rõ: ”Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỉ rút lui để chờ dịp khác” (Lc 4:13). Điều đó chứng tỏ rằng cả cuộc đời của Chúa Giêsu luôn là một phấn đấu chọn lựa bước tới hoặc bước lui, như một con người, như một tư tế, như một linh mục đã chọn sống độc thân để có thể phục vụ trọn vẹn, trong khi vẫn có thể chọn khác như bất cứ ai.

 

CƠN CÁM DỖ CUỐI CÙNG

Karanzakis đã từng viết truyện Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng (The Last Temptation), cũng muốn nói lên phần nào cái nhìn trên. Vào lúc kết thúc sứ vụ ở trần gian, Đức Giêsu đã bị ghìm chặt vào thập giá nhưng vẫn phải quằn quại giẫy giụa. Ngài cũng vẫn bị cám dỗ tìm ra kiểu cứu nhân độ thế bằng một lối khác, như dùng quyền năng biểu diễn một trò ngoạn mục là nhẩy xuống khỏi thập giá trước mặt bá quan văn võ để thiên hạ lác mắt mà bái phục. Cơn cám dỗ này giống y chang cơn cám dỗ trong sa mạc lúc khởi đầu. Gọi là cơn cám dỗ cuối cùng, vì chỉ khi chết rồi mới hết phải phấn đấu thôi.

Linh mục cũng không thể ra khỏi thân phận đó. Cuộc đời linh mục cũng luôn là một phấn đấu chọn lựa giữa việc dừng chân ở một đối tượng ”tóc mây,” ở những kiếm tìm xây dựng lâu đài thành công chói sáng, và sự dấn thân bước tới lý tưởng. Nhìn một cách tích cực qua truyện Tóc Mây hay Thornbird, thì đây là dịp để người ta có thể nhìn rõ được những phấn đấu không ngừng của linh mục, như lời Thánh Kinh trong thư gửi giáo đoàn Do Thái. Và từ đó sẽ cùng với cả nhiệm thể Chúa Kitô là Hội Thánh hỗ trợ, cảm thông và chia sẻ trách nhiệm gầy dựng thân thương.

“Linh mục là người được chọn giữa người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người mà giao tiếp với Thiên Chúa để dâng lễ vật và lễ tế đền tội. Linh mục có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính mình cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên linh mục phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng  lễ đền tội cho chính mình như vậy." (Do Thái 5:1-3)

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường       www.dunglac.net                 

VỀ MỤC LỤC
Chiếc áo thầy tu

 

Lần hồi nhớ lại những ngày đầu đi tu, tôi nhớ lại hình ảnh cha xứ Antôn đã nhiều lần nhắc nhở các chú nhóc: “Tu là sửa đấy các con”. Thưở lên mười chúng tôi đã hiểu gì những từ ngữ ấy, chỉ nhớ rằng khi cha xứ mặc chiếc áo dòng, bọn trẻ nhóc chúng tôi nhìn ao ước lắm, những ước mơ thật giản đơn, mai kia lớn lên chúng tôi cũng mặc để đi tu. Chúng tôi còn nhớ có lần đi trại hè, cha An tôn của chúng tôi cũng đi trại, Ngài mặc áo dòng, đeo khăn quàng, đầu đội mũ hướng đạo, có đứa mau miệng vội hỏi: Cha ơi, mặc áo dòng khó sinh hoạt lắm. Cha chỉ cười và bảo chú nhóc này thắc mắc lung tung. Phải, đó cũng là thắc mắc lung tung “mặc áo dòng để đi tu hay đi tu để mặc áo dòng”. Điều này cứ làm cho tôi suy nghĩ và đi tìm câu trả lời.

Người ta thường nói “chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng khi nhận chiếc áo thầy tu không chỉ là dấu hiệu của việc dâng mình mà trong các nền văn hoá còn có nhiều ý nghĩa.

Trong tu phục. Chiếc áo thầy tu, gắn liền với ba ý nghĩa của lời cam kết khi lãnh nhận tu phục. Khó nghèo; khiết tịnh; vâng lời. Ba ý nghĩa này có thể tìm thấy trong ý nghĩa của chiếc áo thầy tu đang mặc, không chỉ ở trong ý nghĩa của Kitô giáo mà còn thấy ở các tôn giáo khác.

Chiếc áo chỉ sự khó nghèo. Theo từ ngữ Ả rập khirka chỉ một mảnh quần áo rách, mặc chiếc áo rách của người nghèo khổ, người đón nhận nó, từ nay cam kết trở nên người nghèo khó vời những người khó nghèo. Ở đây biểu thị một tinh thần trút bỏ của con đường hiến thân. Sau này, chiếc áo rách thay bằng áo choàng bằng vải len thô của những người tu khổ hạnh để sống đời thần hiệp. Chiếc áo thầy tu trở thành biểu tượng của thề ước nghèo khó.

Trong truyền thống Kitô giáo, áo choàng hoặc áo vải thô cũng là biểu tượng của sự nghèo khổ. Ngoài ra, có những chiếc áo dòng, hay tu phục không phải là loại vải thô, áo của người nghèo, nhưng chiếc áo còn thêm một ý nghĩa khác nữa: Từ nay, họ không còn thuộc về mình nữa. Đón nhận chiếc áo khác do bề trên trao cho, họ biểu lộ khước từ ý riêng để tuân hành theo Ý muốn của Thiên Chúa. Việc mặc tu phục trở nên một dấu chỉ cam kết: Dâng hiến mình cho Chúa, cách biệt với thế giới và dâng chính mình thuộc về một cộng đoàn. Đây là dấu chỉ của lời khấn vâng phục.

Chiếc áo tu phục được trao cho sau những năm tu học tuỳ theo mỗi dòng, thời gian này có một ý nghĩa đặc biệt. Nhận tu phục là dấu chỉ xác lập một con người đã đủ ý thức vai trò của người mang chiếc áo. Suhrâwardi nói, “sự trao áo choàng là dấu hiệu xác thực rằng con người đã bước vào con đường chân lý, biểu tượng của sự bước vào con đường thần hiệp, dấu hiệu con người đã từ bỏ chính mình, phó thác mình hoàn toàn vào hai tay của Sheikh (thầy giáo tinh thần, đôi khi là Shaykh).”

Mang chiếc áo được đón nhận từ bề trên, chiếc áo này có hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất thuộc về bản thân người đón nhận. Tự nhận thấy rằng mình đầy đủ ý thức và tự do để đón nhận chiếc áo với những đòi buộc của nó. Thứ đến, thuộc về bề trên, người trao áo cho ứng sinh, xác nhận ngừơi  ứng sinh này đầy đủ tư cách cần có để nhận chiếc áo tu phục. Hai ý nghĩa đan lồng vào nhau làm nên một cam kết đối với người mang tu phục. Biểu tượng này nhắc đến hình ảnh của giao ước. Thiên Chúa ngỏ lời mời gọi của Ngài qua Bề Trên và người ứng sinh đáp lại lời mời gọi ấy bằng cách đón nhận tu phục.

“Nhà thần bí học lớn Ba Tư Abâ Said Ibn Abi'l Khayr (967-1049) trong chuyên luận Asrârul - tawid (Những bí mật của Đơn nhất thánh thần), nghiên cứu ý nghĩa của lễ thụ phong khirka. Trước hết ông mô tả những phẩm chất mà Người Thầy tinh thần trao tặng áo phải có: Cần phải xứng đáng được noi theo, nghĩa là người đó phải có một tri thức hoàn hảo về lý thuyết và thực hành của ba giai đoạn của cuộc sống thần hiệp: Luật, Đạo và Chân lý; không một chút "tôi" hạ đẳng nào còn rơi rớt trong bản thân. Khi một Sheikh như thế nắm vững một đệ tử khá sâu sắc, tin chắc anh ta là người xứng đáng, thì ông đặt tay trên đâu đệ tử đó và khoác áo choàng cho anh. Bằng cử chỉ đó ông biểu thị niềm tin rằng người đệ tử sẽ xứng đáng gắn bó với dòng Soufi. Sự tuyên bố này có hiệu lực như một luật trong giới ấy. Vì vậy khi một thầy tu xa lạ đến một tu viện hoặc muốn nhập vào một nhóm Soufi, người ta thường hỏi:

Ai là Thầy dạy anh và anh nhận khirka từ tay ai?” Câu hỏi này gợi lên việc thẩm vấn của vị Giám Mục phong chức với người chịu trách nhiệm về ứng sinh mình giới thiệu: “Cha có thấy thầy này xứng đáng để lãnh nhận chức Linh Mục (hay Phó Tế” không?”. 

Việc người ứng sinh đặt tay vào tay vị phong chức hay vị bề trên đón nhận lời khấn cũng khởi đi từ một truyền thống xưa kia, với các Soufi đang nhập định, có tập quán xé và chia cho họ những mảnh áo, đặc biệt khi chiếc áo đó đã được một người Thầy đáng kính mặc: Hành động xé và chia những mảnh áo nhằm mục đích chia sẻ phúc lành, được coi như là gắn liền với áo. Hành động đặt tay của ứng sinh vào tay bề trên cũng gợi lên một sự sẻ chia phúc lành từ cộng đoàn ấy, việc này có ý nghĩa lớn lao hơn, nhất là khi ứng sinh quỳ gối hay nằm phủ phục trong khi nguyện kinh cầu các thánh. Việc khẩn cầu này mang một ý nghĩa đặc biệt, xác lập một sự hiệp thông, nhờ ân đức của các thánh đã lập được, người ứng sinh nhờ sự chuyển cầu của các ngài mà chu toàn được sứ vụ lãnh nhận.

Tìm hiểu về những hành vi, những dấu chỉ trong ngày khấn hay phong chức, chúng ta thấy một chiều sâu của các ý nghĩa được thực hiện và làm cho người ứng sinh can đảm hơn trong việc tiếp nhận nơi mình một lời gọi.

Nhận chiếc áo tu phục là tháp nhập vào nơi chính người ứng sinh một gia tài hiệp thông. Hiệp thông trong ân sủng và đoàn sủng của lời mời gọi hiến dâng. Ibn' Arabi nói: “Áo khoác đó (gọi là khirka) đối với chúng tôi là một biểu tượng ái hữu là dấu hiệu chia sẻ cùng một văn hóa tinh thần, thực hiện cùng một phong tục”.

Đón nhận chiếc áo dòng, như trên đã nói không làm nên thầy tu nhưng để ý thức rằng từ nay người ứng sinh không thuộc về mình nữa mà thuộc về Thiên Chúa và cộng đoàn mà mình hiến thân. Chiếc áo mang dấu chỉ tách riêng, ở giữa thế gian mà không thuộc về thế gian. Đó cũng là dấu chỉ của đời sống khiết tịnh vì Nước Trời mang theo trong sứ vụ của mình đón nhận. Cử chỉ mặc chiếc áo đã lãnh nhận, tượng trưng cho việc rút về với bản thân và với Chúa, việc tách mình một biểu lột một ý chí dứt khỏi những ràng buộc của thế gian và các cám dỗ của nó, kèm theo đó biểu lộ sự trút bỏ những đam mê dục vọng, vật chất theo bản năng cố hữu của con người. Mặc áo khoác, đó là cử chỉ lựa chọn đức Hiền minh (áo khoác của nhà hiền triết). Đó cũng là đảm nhận một phẩm tước, một chức trách, một vai trò mà chiếc áo  là biểu trưng.

Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng người mặc nó lại cần ý thức rằng chiếc áo luôn là dấu chỉ cuộc đời đã hiến dâng.  Khi thánh Martin cắt cho một người nghèo nửa chiếc áo khoác của mình, điều đó có nhiều ý nghĩa hơn là một món quà vật chất: cử chỉ này tượng trưng cho lòng bác ái yêu thương. Cuộc đời hiến dâng mang một ý nghĩa xác lập sâu đậm, hiến dâng không chỉ để cho riêng mình mà biểu lộ tinh thần của Thập Giá khi xưa Đức Giêsu đã thực hiện: Con tự hiến thánh Con, để họ cũng được hiến thánh trong chân lý và sự thật” (Ga 17, 19), Hiến dâng vì phần rỗi của anh chị em, nghĩa là xé ngay cả chiếc áo mình đang mặc để chia sẻ cho những anh chị em nghèo khó ở trong nghĩa tinh thần và vật chất. Bác ái yêu thương của người mang áo sẻ chia là hình ảnh của tấm bánh bẻ ra cho mọi người.

Vị linh mục, ngoài chiếc áo mình mặc là tu phục, khi dâng Thánh lễ còn mang một chiếc áo lễ bên ngoài. Chiếc áo lễ này có một ý nghĩa rất đặc biệt. “Từ hình thức của một áo lễ, người ta đọc thấy ý nghĩa biểu trưng: Áo Lễ, là một áo không tay, có hình tròn được khoét lỗ ở trên đỉnh gợi liên tưởng tới mái vòm bát úp, nhà lều, nhà tranh hình tròn với một lỗ hở thay ống dẫn khói từ lò sưởi. Người ta có thể nhìn thấy ở đây một biểu tượng của sự thăng thiên và của thiên giới.

Người linh mục khoác áo lễ choàng ngoài như thế, khi làm lễ đứng như ở trung tâm vũ trụ, được đồng nhất với trục thế giới, cái áo choàng của ông ta là cái vòm trời, còn đầu ông thì nhô vào nơi Thiên Chúa ngự trị, thân mình ông gắn với đất nơi mà ông đại diện trên mặt đất”.

Chiếc áo thầy tu mang nhiều ý nghĩa sâu đậm, ước mong gì đời hiến dâng của mỗi người hiến dâng luôn cảm nghiệm sâu xa về những gì mình đã đón nhận, để cuộc đời hiến dâng này luôn làm toả sáng ý nghĩa của chiếc áo mình đã lãnh nhận.

Giống như chiếc áo cần được giặt vì những bụi đường là lấm lem bụi đất, xin Chúa giặt lại cuộc đời của con, với ý nghĩa của chiếc áo tinh khôi từ ngày con lãnh nhận và ngày càng làm cho tinh tuyền hơn với ý nghĩa của nó.

Viết lại những suy nghĩ này, tôi nhớ lại thời thơ ấu của tôi, nhờ chiếc áo cha xứ thường mặc mà hôm nay tôi cũng đang mặc, để thể hiện ước nguyện đi trọn đường dâng hiến của mình. Xin Chúa đón nhận cha trong Nước Chúa sau cuộc đời hiến dâng của cha.

 

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

 

VỀ MỤC LỤC
NHỮNG NGƯỜI ANH EM TRONG CHỨC LINH MỤC

  

Dựa vào câu nói nổi tiếng của thánh Augustinô: “Cho anh em, tôi là Giám mục. Cùng với anh em, tôi là Kitô hữu”, tôi thấy người Kitô hữu linh mục hôm nay, nếu sống đúng tư cách một Kitô hữu linh mục, sẽ là người được đòi hỏi rất nhiều về đạo đức, sự cầu nguyện, hiến thân, mực thước, đời sống nhân bản…, Không bao giờ được phép tìm hưởng thụ, quyền lực, nhất là câu kết với các thế lực ngoài xã hội để củng cố và tạo thêm sức mạnh quyền lực, sức mạnh phòng thủ của riêng bản thân…

Chỉ khi nào sống đúng như thế, người Kitô hữu linh mục mới thực sự là “cho anh em” và “với anh em”.

Để có thể “sống cho” và “sống với”, không thể thiếu những lần hội họp, gặp gỡ thân tình giữa những anh em linh mục với nhau. Bởi cùng với sự cầu nguyện, nguyện gẫm, dâng thánh lễ, trao ban và lãnh nhận bí tích…, những lần hội họp, gặp gỡ ấy có khả năng, nếu không muốn nói là có sức mạnh, đưa từng cá nhân linh mục – nếu biết tận dụng, chứ đừng chỉ tham dự cho có, cho rồi – tái khám phá và ngày càng đi vào huyền nhiệm ơn gọi của chính mình.

I. TỪ HAI CUỘC GẶP GỠ HUYNH ĐỆ LINH MỤC TRONG THÁNG MƯỜI.

Tôi được hân hạnh tham dự hai cuộc họp mặt lớn của một số đông linh mục. Tất cả được diễn ra tại giáo phận Phú Cường, và đều rơi vào tháng Mân Côi. Nhưng rất tiếc, trong thời gian cả hai cuộc họp mặt diễn ra đều không có sự hiện diện của Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, vị chủ nhà uý kính, vì còn đang dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tại Rôma.

1. Cuộc họp mặt thứ nhất là kỳ họp lớp lần thứ VI của các linh mục, chủng sinh thuộc khóa III, Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn. Đây là cuộc họp mặt ngắn, chỉ diễn ra trong hai ngày 18 và 19.10.2005, quy tụ các thành viên trong của khóa III từ sáu giáo phận: Phú Cường (8 anh em), Mỹ Tho (10 anh em), Sài Gòn (25 và 1 anh em đã qua đời), Xuân Lộc (13 anh em), Phan Thiết (5 anh em), Đà Lạt (5 anh em).

Tuy không thể tổ chức dài ngày cho cuộc họp mặt quý báu này, vì có quá nhiều người ở xa, với những điều kiện trắc trở khác nhau, nhưng cuộc họp mặt của anh em linh mục và chủng sinh khóa III là một cuộc hội ngộ huynh đệ thắm thiết, mỗi năm chỉ diễn ra có một lần.

Họ đã đi khắp nơi, để hôm nay quay về cùng nhau, vì thế cuộc hội ngộ sâu lắng một tình bạn không thể có bất cứ điều gì làm phôi phai. Tình bạn ấy sẽ góp thêm sắc, đơm thêm hoa cho chính tác vụ linh mục của mình. Chẳng hạn:

– Ngồi lại bên nhau, như được dịp “xả van nói”, họ kể cho nhau nghe mọi nỗi vui buồn của mình, của đời, nhất là những tâm sự buộc phải chôn kín trong lòng, chỉ có thể nói với những anh em đồng lý tưởng của mình mà thôi. Bởi vậy, thời gian dù có dài thêm, đêm dù có khuya dần, vẫn không đủ cho những câu chuyện, những bức xúc, cả đến nỗi chán chường của ai đó, bây giờ nói ra để truyền kinh nghiệm sống cho người bên cạnh, để cùng giúp nhau giải quyết những gì còn gút mắc, để được hiểu,  được thông cảm, nhờ đó trút bớt gánh nặng cho lòng thanh thản hơn.

– Hiện diện bên nhau để cùng cất cao lời kinh, tiếng hát, hình như giờ cầu nguyện của họ sốt sắng hơn bình thường. Ơn hiệp thông như chạm đến được giữa một cộng đoàn đầy ắp tình bạn. 

– Vẫn chỉ là thánh lễ như bao thánh lễ trong cuộc đời mà mỗi người đã từng cử hành, nhưng sao những lúc gần bên nhau thế này, lại thấy như có một ngọn lửa thiêng ấm áp vô cùng đang đốt lên trong lòng sức nóng của niềm ý thức về ơn gọi hiến dâng của từng cá nhân tham dự. Cần lắm sự hâm nóng niềm ý thức ấy, bởi trách vụ và những lo toan khác mà trách vụ đòi hỏi, cũng có thể có nhiều tiêu cực như tiền của, sự trịnh trọng và áo mũ xênh xang do chính bản thân tự tạo, hoặc sự nể vì, kính cẩn, cả đến sự chống đối của nhiều người xung quanh…, đã làm nguội đi, tệ hơn, đã đánh mất niềm ý thức ơn gọi thiêng thánh mà mình được vinh dự nhận lãnh từ Thiên Chúa và Hội Thánh.

Ở bên nhau, lại có được những điều quý báu vô cùng ấy, đúng là một phép lạ lớn đã được thực hiện. Nhưng trên hết vẫn chỉ là tình yêu. Chính tình yêu làm nên phép lạ. Tình yêu đến từ hai phía: ơn Chúa ban và tình bạn bền chặt của những anh em đồng lý tưởng.

2. Cuộc họp mặt thứ hai là kỳ thường huấn thường niên của các linh mục nhóm B  của giáo phận Phú Cường (gồm các linh mục trẻ, chịu chức sau năm 1975), cách sau cuộc họp mặt lần trước đúng một tuần, từ ngày 25 đến ngày 28.10.2005. Đề tài thường huấn lần này là “Đạo Đức sinh học”, một môn học mới đối với thế giới (mới hình thành từ thập niên 1970), do Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục Phó giáo phận Cần Thơ trình bày.

Cả một môn học mới, nhưng chỉ được học tập trong vòng ba ngày, vì thế, cả thầy lẫn trò đã phải làm việc cật lực. Dù chỉ mang tính cách giới thiệu hơn là giúp nghiên cứu, môn học mà Đức Cha hướng dẫn, vẫn để lại nơi mỗi người tham dự những kiến thức mới mẽ và sự hiểu biết nhất định về những gì mà con người đã và đang suy nghĩ, đã và đang làm. Đặc biệt, lương tâm nhân loại đang cần được bàn tay của mọi Kitô hữu nói riêng và của mọi người nói chung, vun bồi trong suốt đời sống của mình, để lương tâm ấy biết thổn thức, dám đương đầu và đấu tranh đứng về phía sự thiện, loại trừ sự ác.

Cuộc gặp gỡ huynh đệ nào cũng mang lại sức sống. Bởi vậy, dù là một chương trình thường huấn bài bản (không giống một cuộc họp lớp tràn đầy tình bạn), vẫn là sự gặp gỡ trong tình yêu. Vì thế, sức sống phát xuất từ tình yêu, vẫn là một sức sống cần thiết làm phát triển khả năng tái tạo, làm biến đổi, làm cho mềm dẻo những gì còn ghồ ghề, xơ cứng, những gì thuộc về bóng tối ẩn chứa trong tâm hồn.

Do đó, ngoài những bài học trên lớp, sự gặp gỡ giữa linh mục đoàn trong cùng một ngôi nhà giáo phận, cũng nằm trong chương trình thường huấn, đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực lớn lao. Chẳng hạn: Cùng giúp nhau nhìn lại thời gian đã qua và khám phá ơn Chúa trong mọi biến cố, mọi thử thách, cả đến những ngày bình yên mà mình đã trải qua. Cùng tạm quên hết những công tác thường ngày để tìm lại hình ảnh, tìm lại nội tâm của chính mình, để biết mình, biết người hơn. Cùng nhìn vào những gì đã được xây dựng, hay gãy đổ của người anh em bên cạnh mà rút tỉa bài học cần thiết cho bản thân. Cùng được lắng nghe lời nhắc nhở của chính những anh em, hay của Bề Trên về ba lời thề Phúc Âm: khó nghèo, vâng lời, khiết tịnh, mà ngày nào, trong khi lãnh tác vụ linh mục, chính bản thân mỗi người đã thề hứa trước Thiên Chúa và trước Hội Thánh.

3. Như vậy, tuy cả hai cuộc họp mặt mang hai nội dung, hai màu sắc khác nhau: Một là cuộc tụ họp của những người bạn. Hai là sự học tập nhằm củng cố hoặc bồi thêm kiến thức bổ ích cho công tác mục tử của mình, vẫn có chung những ý nghĩa hết sức quan trọng, hết sức cần thiết: Tái khám phá căn tính linh mục.

Tuy nhiên, vẫn có một điều quan trọng trên hết mọi điều quan trọng: Chỉ linh mục nào biết tận dụng đến kỳ cùng thời gian của những lần gặp nhau như thế, mới có thể lắng đọng tâm hồn, nhằm soi chiếu chính mình trong tấm gương tuyệt vời là chính Chúa Kitô và Lời của Người, để khám phá lại căn tính linh mục mà mình đang khoác vào.

Bởi đó, dù có đến ngàn dịp người khác tạo ra cho ta gặp gỡ và sống bên nhau, thậm chí đào tạo ta, nhưng ta không đào tạo chính mình, tất cả chỉ là vô ích, chỉ là con số không to vô cùng.

Hãy nhớ rằng, thánh chức linh mục mà mình được vinh dự khoác vào, không phải một sớm một chiều, nhưng là một đời, và một đời để sống cho thánh chức linh mục ấy. Vì thế, người linh mục cần phải luôn luôn đào tạo chính mình, để trên suốt chiều dài của thời gian, nhờ sự tự đào tạo liên tục ấy, người linh mục sẽ biết để cho bản thân được tắm mình trong Chúa Kitô, mạnh hơn, chìm ngập mình trong Chúa Kitô. Nếu trung thành sống như thế đến cùng, chắc chắn, hình ảnh linh mục sẽ đẹp vô cùng khi sống giữa cộng đoàn dân Chúa, và sống giữa muôn người.

II. CHIẾC – TÀU – LINH – MỤC.

Không biết tôi có thi vị hóa quá không, khi ví von hình ảnh linh mục với con tàu? Dù sao đó vẫn là suy nghĩ của riêng tôi khi chiêm ngắm chính ơn gọi của mình.

Nếu tàu không làm nhiệm vụ, mà chỉ được neo lại ở một bến đỗ nào đó, có nghĩa là tàu hư. Người linh mục lãnh lấy ơn gọi và trách nhiệm từ Thiên Chúa và Hội Thánh của Người, cũng phải ra đi, lướt trên ngàn sóng của đại dương cuộc đời thực thi thánh chức của mình.

Chiếc – tàu – linh – mục ra đi, mang trong mình một nhiệm vụ hết sức quan trọng: thay mặt anh chị em, dâng lên Thiên Chúa sự thờ phượng chính đáng, nhằm quay trở lại thánh hóa và thăng tiến đời sống anh chị em trong ơn Chúa.

Tàu một khi đã ra khơi làm nhiệm vụ, sẽ phải gập ghềnh, trôi nổi giữa đại dương mênh mông. Tôi lại nhìn thấy hình ảnh các linh mục, “được chọn, được tách riêng ra từ giữa thế gian” sẽ “không thuộc về thế gian” nữa (Ga 15, 19; 17, 14- 16, nhưng cứ phải gắn chặt đôi chân mình trong dòng đời hôm nay, nhằm dấn thân vào mọi môi trường sống và phục vụ, không khác lắm hình ảnh một con tàu. Bởi như biển cả, đại dương cuộc đời không phẳng lặng, không êm dịu, nhưng giăng mắc đầy những sóng gió. Sóng gió đó có thể là những trào lưu chống đối Thiên Chúa, những lối sống nguội lạnh của người thiếu đức tin, chống đối đức tin, chủ trương đi ngược giáo huấn của Hội Thánh…, mà chính người linh mục phải lao vào để chứng minh mối tình của Thiên Chúa đối với loài người, một thứ tình tuyệt đối, có một không hai trong cõi đời này. Đó là một nhiệm vụ không dễ chút nào, đòi phải chấp nhận trầy xướt đớn đau.

Nhưng phải công bằng mà nói, một khi ra khơi, sẽ có lúc tàu êm ả trôi như  trôi trên mặt nước hồ thu phẳng lặng, và có lúc biển sẽ gầm, sóng sẽ cuồng nộ. Số phận của chiếc tàu là sẵn sàng đương đầu với mọi tai ương. Dù vậy, không phải chiếc tàu nào cũng vững vàng đến cùng. Trên thực tế, vẫn có những “chiếc – tàu – linh – mục” không thể rời bến vì “trục trặc” cách này cách khác. Hoặc cũng có những chiếc tàu đã từng nhổ neo, nhưng sóng dữ cuộc đời đã làm nó biến dạng, phải tạm thời giữ lại bến đỗ (bằng cách ngưng làm việc, tạm “quảng thúc” ở một nơi nào đó…).

Tàu dù có bị hư hại, không là điều khó hiểu. Người linh mục làm hư hình ảnh linh mục của mình, đó không phải là chuyện ta chưa từng bắt gặp, bởi ngụp lặn giữa cuộc đời, nơi có quá nhiều những cạm bẫy, có khi những cạm bẫy ấy như “trái cấm” ngày xưa trong địa đàng, làm lóa mắt Ađam – Evà:“Ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý…” (St 3, 6), cũng sẽ dễ đánh lừa người linh mục hôm nay. Sự đánh lừa do “trái cấm” gợi lại bởi nhiều thứ cám dỗ về vật chất, tìm kiếm sự an thân, tìm kiếm lời khen ngợi, tranh giành ảnh hưởng… sẽ biến người linh mục trở thành kẻ lạm dụng và lợi dụng chiếc áo nhà tu, để thỏa mãn ích kỷ của bản thân, chỉ biết quay quắt trên chính mình, sẽ sống và dễ trở thành kẻ mưu mô và ngày càng sa lầy trong những điều cấm kỵ, đi ngược lại đời tu của mình.

Bởi vậy, tuy không phải là chuyện hiếm hoi, nhưng không có nghĩa đó là điều có thể chấp nhận. Ngược lại sự trục trặc làm biến dạng hình ảnh linh mục vẫn luôn luôn là  điều đáng buồn, đáng hối tiếc. Lại càng đáng tiếc, đáng buồn, khi sự sa ngã đó có sự dấn mình tích cực, hoặc nhẹ hơn, là sự cộng tác rõ rệt, hoặc nhẹ hơn nữa, buông trôi không cần cố gắng để thoát khỏi tình trạng sa ngã của bản thân. 

Nếu phải đối chiếu lại với lời của thánh Augustinô: “Cho anh em, tôi là Giám mục. Cùng với anh em, tôi là Kitô hữu”, ta thấy ngay, khi để cho cám dỗ chiến thắng, người linh mục chẳng những tự bóp méo hình ảnh linh mục, mà còn không thể sống “cho” hay sống “với” anh em theo đúng nghĩa của lời ấy.

Vì thế dẫu có thi vị hóa khi ví von hình ảnh linh mục với con tàu, vẫn chưa hoàn toàn là hình ảnh thi vị. Bởi đâu đó vẫn còn những con tàu chờ chỉnh đốn, chờ sữa chữa…

Dù vậy, hình ảnh linh mục có biến dạng do chính tác động của người linh mục là chủ nhân của nó, vẫn chưa phải là cái bị đánh mất, hoặc chưa phải bị đánh mất hoàn toàn. Dù sao người linh mục vẫn cứ là linh mục của Chúa. Dù sao ơn Chúa vẫn đến, chỉ có bản thân là không đón nhận. Hãy mở lòng để Chúa đi vào cõi lòng mình. Người sẽ biến đổi từ xấu nên tốt. Người cũng sẽ rút ra từ cái xấu những điều tốt lành.

Ngoài ơn Chúa (tác nhân thứ nhất), dĩ nhiên còn nhiều tác nhân khác cho ta vươn lên. Nhưng với tôi, tác nhân thứ hai là chính anh em đồng lý tưởng có thể giúp mình tự tin và vững chãi hơn. Là người như anh chị em mình, có những lúc phải đóng vai trò của một người mang lại niềm vui sống, mang lại lời an ủi cho anh chị em, trong khi lòng người linh mục cũng mang đầy những ngỗn ngang, nhưng lại rất khó thổ lộ, hoặc không thể thổ lộ với hết mọi người, thì chính người anh em linh mục bên cạnh sẽ đóng vai trò tiếp sức cho ta vô cùng hữu hiệu.

Vì thế, tôi coi trọng những lần gặp gỡ, tụ họp giữa linh mục đoàn với nhau. Sống có nhau, chúng ta sẽ không đơn độc. Sống có nhau, sẽ tăng thêm vị ngọt, tăng thêm hương sắc cho đời sống, dẫu còn đó nhiều đắng cay. Sống có nhau và dám nói thật với nhau, để cùng giải quyết những gút mắc của bản thân mỗi người, sẽ giúp ta bớt sai lầm trong quyết định, trong suy nghĩ và trong hành động.

Vì thế, với riêng tôi, hai cuộc gặp gỡ lớn trong tháng Mười vừa qua, đã cho tôi nhiều cảm nhận quý báu, để tôi sống chức linh mục của mình hoàn hảo hơn. Cũng bởi những cảm nhận như thế, tôi càng yêu hơn lời Thánh Kinh mà mình đã từng suy ngắm: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 132, 1).

  Lm. VŨ XUÂN HẠNH

VỀ MỤC LỤC
CÁCH  ĐỌC SÁCH BÁO

LTS. Xin chân thành cám ơn Lm Nguyễn Ngọc Sơn, Văn Phòng Thơ Ký HDGMVN đã cho phép chúng con sử dụng bài viết giá trị này.

Ngày nay, có thể nói "văn hoá đọc" đang bị "văn hoá nghe nhìn" lấn át. Nói đến chuyện đọc, nhiều người cho đó là việc "xưa như trái đất", là quá lỗi thời, và cái mốt của thời đại là phải tập "lướt trên mạng" một cách điệu nghệ, với chỉ một cái "click chuột" là người ta sẽ có được khối thông tin, cần gì phải nhọc công chúi mũi vào những cuốn sách "bất động vô tri" kia. Có người bi quan cho rằng việc đọc sách đã lâm vào tình trạng khủng hoảng và cách thức đọc của không ít người đang nhiễm phải một căn "bệnh": đọc qua loa, vội vàng, cẩu thả… Số khác có thể không thờ ơ với sách, nhưng việc đọc không đạt hiệu quả bao nhiêu vì đọc thiếu phương pháp. Số khác nữa tuy không mắc "bệnh", nhưng hình như không ít thì nhiều cũng vướng vào cái "tật… sợ đọc sách"…

1. Hiện trạng đọc sách báo

Một điều đáng lưu ý là cái tật… "sợ đọc sách" này không phải chỉ xảy ra nơi những người có học vấn thấp, mà ngay nhiều người trí thức cũng sợ và ít quan tâm đến việc đọc. Có người coi chuyện đọc dường như không ăn nhập gì đến mình. Một khi đã không muốn đọc, người ta nguỵ biện với đủ thứ lý do, ngay cả với những lý do như tán dóc hay nghỉ ngơi, giải trí. Một số người hình như cũng sợ cái "tật" ấy, họ cố gắng khắc phục bằng cách tìm một hình thức đọc khác, nhưng đa số cũng chỉ chuyển sang đọc một thứ dễ hiểu hơn là báo và tạp chí. Ngay cả với báo và tạp chí, thường những bài nghiên cứu hay chuyên sâu có vẻ hơi dài và khó hiểu một tí là họ cũng dễ dàng bỏ qua. Chỉ chọn đọc những bài ngắn, dễ hiểu như những bài tóm tắt thời sự, tin tức… một cách qua loa, hời hợt, đủ để có thể tranh luận chuyện thời sự với bàn dân thiên hạ. Có người không phải là không đọc nhưng lại dị ứng với loại sách khảo cứu, và chỉ chuyên đọc truyện, tiểu thuyết, nhất là loại kiếm hiệp đẫm máu hay tiểu thuyết tình cảm ướt át.

Lớp trẻ bị nhiều sinh hoạt xã hội khác hấp dẫn nên càng lười đọc. Cuộc sống thì cái gì cũng được chế biến sẵn nên người ta đâm ra lười đủ thứ, trong đó phải kể đến việc đọc, mà có đọc thì cũng chỉ đọc những loại sách mang tính giải trí thuần tuý. Ngay cả việc thu thập thông tin qua phương tiện truyền thông mà nhiều người ưa chuộng là truyền hình, dần dần, người ta cũng ngày càng ít xem các chương trình tin tức, mà hầu hết dành thời gian cho các chương trình giải trí. Ở các nước phát triển, chức năng của truyền hình ngày nay gần như chỉ còn để giải trí và các nhà đài đang tìm mọi cách để thoả mãn nhu cầu này của đại đa số khán giả.

Tất nhiên, không ai bắt bạn phải "mê" sách như… "mê nhân tình". Vì dù có là "mọt sách", nhưng đọc mọi thứ mà không làm gì cả, không vận dụng những kiến thức mình tiếp nhận vào thực tế thì cũng cũng vô ích. Cả hai hạng người, một mê sách đến mức làm nô lệ cho nó và một cho rằng sách là thứ xa lạ, vô bổ, đều không phải là hạng người chúng ta hoan nghênh. Nhà phê bình Albert Thibaudet đã chia độc giả ngày nay ra làm hai hạng, một hạng đọc với sở thích (họ dung hoà sở thích của mình với sự tiêu khiển, trau dồi kiến thức trong việc đọc sách báo), và một hạng coi việc đọc như một cuộc hội ngộ tình cờ (họ coi sách báo như một ly nước giải khát nơi quán nước bên đường không hơn không kém). Ngoài hai hạng trên còn có một hạng người chuyên đọc tiểu thuyết và chỉ say xưa với tiểu thuyết.

2. Tầm quan trọng và ảnh hưởng của việc đọc sách báo

Nhu cầu hiểu biết của con người cũng giống như nhu cầu được bồi bổ thể xác. Đọc sách không những để tìm thú vui tinh thần, mà còn giúp tinh thần phát triển lành mạnh. Nói cách khác, đọc là sống và sống là để nuôi dưỡng tinh thần thêm lành mạnh. Tinh thần càng phát triển thì càng cảm thấy thiếu thốn, không nói đến những đòi hỏi cao siêu, chỉ nói đến nhu cầu hiểu biết về cuộc sống con người và thế giới xung quanh. Sách báo như cái "túi khôn của nhân loại" và là phương tiện cung cấp kiến thức hữu hiệu nhất. Có thể nói, chúng ta càng ngày càng hiểu biết và thăng tiến đời sống tinh thần hơn cũng một phần nhờ vào sách báo.

Tuy nhiên, thị trường sách báo là "những chiến trường, mà nếu khinh thường bạn sẽ bị tử trận" (Paul Bourget). Sách báo ảnh hưởng đến người đọc bằng nhiều cách tuỳ thuộc vào trình độ học vấn, tâm tính, hoàn cảnh sống, lứa tuổi, giai cấp… Nó là cánh cửa mở ra một chân trời mới, có thể dẫn bạn đến lãnh địa của thiên thần, nhưng cũng có thể lôi bạn vào sào huyệt của quỷ dữ. Có người nói "khi mở một cuốn sách là bạn giao cho kẻ khác bánh lái của tâm hồn". Ngạn ngữ Ả Rập thì cho rằng "không có tên ăn trộm nào bỉ ổi bằng một cuốn sách xấu". Sách báo nuôi dưỡng tâm hồn bạn, nhưng cũng có thể đầu độc bạn. Đọc nhiều sách báo là điều tốt, nhưng không phải loại nào bạn cũng đọc và giao trọn linh hồn cho nó.

Thực tế thì nhiều thanh thiếu niên chịu nô lệ cho những nhân vật mà họ gặp trong sách báo, nhất là trong tiểu thuyết (kiếm hiệp đẫm máu hay tình cảm ướt át); mơ mộng theo những nhân vật lý tưởng, bắt chước theo nhân vật anh hùng một cách thiếu thực tế… Chắc bạn không muốn làm một người "điên trí thức" theo kiểu "hiệp sĩ mặt buồn" Don Quichotte trong tác phẩm cùng tên, của đại văn hào Cervantes (1547-1616). Don Quichotte vì quá mê tiểu thuyết hiệp sĩ, để nó chi phối đến độ quên mất mình là ai, chuyên làm những hành động điên rồ mà cứ tưởng mình là anh hùng xuất chúng, đang cứu nhân độ thế. Nhà văn Cervantes đã dùng tiểu thuyết hiệp sĩ Don Quichotte để đả kích chính tiểu thuyết hiệp sĩ, và từ đầu đến cuối tác phẩm là một lời thoá mạ loại tiểu thuyết này. Ông dám thẳng thắn nêu lên một thực tế của việc đọc sách trong xã hội Tây Ban Nha lúc bấy giờ, khi mà mọi người, từ vua chúa cho đến những người nông dân đều mê loại tiểu thuyết này như điếu đổ, một điều nhiều người biết là tai hại nhưng không ai từ chối và muốn lên án. Cho đến khi Cervantes đề cập thì người ta mới giật mình, buộc phải nhìn lại cách đọc và cả loại sách mà mình đọc. Ông kêu gọi phải thay đổi nền "văn minh sách" để không phương hại đến đời sống tinh thần của con người và cả đời sống văn học.

Rõ ràng là sách báo có ảnh hưởng rất lớn đến những người tiếp cận nó. Nhất là đối với trẻ em, một khi chúng bị cuốn hút vào một cuốn sách nào đó, thì coi như cuốn sách sẽ ảnh hưởng đến em trong mọi hành vi, từ tác phong, hành động và đạo đức của nhân vật,… cho đến những tư tưởng, mơ mộng viễn vông. Nhiều em bị ảnh hưởng sâu sắc đến thói quen đọc sau này ngay từ cuốn sách mà chúng tiếp cận lần đầu. Ví dụ, một người khi lần đầu tiếp cận với sách mà gặp ngay một cuốn tiểu thuyết tình cảm ướt át, người đó không thể không bị hấp dẫn, cuốn hút, dễ in vào tâm trí những hình ảnh mà nội dung cuốn sách cung cấp, từ đó về sau, cứ gặp những cuốn sách có nội dung đại loại như vậy là họ tìm đọc ngay lập tức.

Sứ mệnh của sách báo là khai trí. Còn mục tiêu của độc giả là phải chọn lựa sách báo như thế nào để khai trí. Là con đẻ của tác giả, tốt xấu lẫn lộn, nên sách báo cũng có những cuốn giá trị và có những cuốn tầm thường, không đáng hay không nên đọc.

Nhận thức được mức ảnh hưởng của sách báo, nếu là người có trách nhiệm, bạn không nên để mặc cho con bạn muốn đọc cái gì thì đọc, mà phải quan tâm hướng dẫn từ bước đầu; đọc cái gì để có được óc phán đoán và một quan niệm đúng đắn về thế giới quan, nhân sinh quan; để giúp con bạn phân biệt vàng thau trong vô số những tác phẩm hỗn độn. Vấn đề lựa chọn sách báo vì vậy mà rất quan trọng.

3. Lựa chọn sách báo

Bạn không thể đọc cũng như mua tất cả các loại sách. Muốn nuôi dưỡng tâm hồn lành mạnh, bạn phải tỏ ra cương quyết chỉ đọc sách báo hay và có giá trị. Cái khó là trong một thị trường sách hỗn tạp như hiện nay, dường như có rất ít người thẩm định đúng đắn về giá trị của những tác phẩm để định hướng cho độc giả. Chính vì vậy, khi bước vào thị trường sách báo, nhiều bạn trẻ gần như chọn lựa một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, có khi vì cuốn sách đó in bìa đẹp, tựa sách hay hoặc gây ấn tượng. Thực tế, trong khi sách báo nghiêm túc ế ẩm thì các loại sách báo lá cải lại được nhiều thanh thiếu niên hưởng ứng. Chưa kể đến có nhiều trang sách xấu, nội dung sai lạc, được nguỵ trang bằng vẻ đẹp bề ngoài và ẩn giấu dưới những nhan đề nghiêm túc, tác giả đứng đắn.

Không phải tất cả mọi người đều đọc sách hiệu quả và người nào cũng biết lựa sách báo mà đọc. Việc đọc nên có một sự hướng dẫn từ những người hiểu biết. Với cương vị là một độc giả, bạn phải tự cấm chính mình tiếp cận những loại sách báo xấu, còn với tư cách là phụ huynh, người hướng dẫn, bạn nên mạnh dạn nghiêm cấm người khác tiếp cận chúng. Tất nhiên, việc "cấm" phải thực hiện một cách khôn ngoan và khéo léo, vì mọi hành vi "cấm" đều gây cho người khác sự tò mò; không được công khai thì đọc lén lút.

Khi chọn sách, bạn nên chú ý đến mục đích tìm sách của mình, khuynh hướng thiên về loại sách nào: văn học, triết học, khoa học, tâm lý hay mỹ thuật... Khi xác định được khuynh hướng, bạn nên tìm đọc loại sách mà mình thích để vừa trau dồi kiến thức, vừa bồi bổ đời sống tinh thần. Một khi giới hạn vào một lĩnh vực là bạn đã "khoanh tròn" tầm mắt vào phạm vi ấy. Đọc loại sách mà mình thích bao giờ cũng gây hứng thú. Ngoài việc ưu tiên cho loại sách chuyên môn, bạn cũng nên quan tâm đến những loại sách thuộc lĩnh vực khác, để dung hoà những kiến thức mình nhận được.

Mua một cuốn sách là đã hao tốn tiền bạc và thời giờ, nên bạn không được vội vàng và phải hết sức thận trọng trong việc chọn lựa. Trong từng cuốn sách, cần phải biết phân định, chắt lọc những điều hay dở.

4. Nguyên tắc chọn sách báo

Về tiêu chuẩn chọn sách báo, ta có thể đưa ra một vài nguyên tắc làm kim chỉ nam cho việc đọc sách báo như sau:

* Dựa vào tên tuổi tác giả, tác phẩm và nhà xuất bản

Mặc dù vẫn biết không phải bất cứ tác giả nào viết cái gì cũng hay (có khi một tác giả nổi tiếng chỉ ở một vài cuốn sách trong cả sự nghiệp sáng tác), nhưng bạn phải công nhận một điều, thành tích của một ngòi bút có thể giúp tin tưởng phần nào về những gì họ viết. Bạn sẽ ít nhầm lẫn hoặc sai lầm nếu chọn những tác giả và tác phẩm, mà người ta quen gọi là kinh điển, đó là những cuốn thật sự có giá trị, bổ ích cho mọi dân tộc và thời đại. Nhưng với một tác phẩm hoàn toàn mới, bạn phải chú ý đến những yếu tố khác, nhất là không nên bỏ qua nhà xuất bản. Dĩ nhiên, mỗi người có một cách chọn lựa khác nhau, miễn làm sao để phục vụ cho việc đọc của mình được hiệu quả và bổ ích. Nhưng với cá nhân tôi, khi chưa tiếp cận sâu vào nội dung của cuốn sách nào đó, thì yếu tố tôi quan tâm đặc biệt hơn bên cạnh tác giả là nhà xuất bản. Thường thì sau khi xác định chủ đề, thể loại, xem qua nội dung ở phần mục lục và lời giới thiệu hay tóm tắt nếu có, tôi chú ý đến nhà xuất bản (mà tôi cho là có uy tín). Khi những nhà xuất bản tôi thật sự có "cảm tình" không có loại sách tôi cần, tôi mới để ý đến những nhà xuất bản khác.

Một yếu tố nhỏ khác có thể kể trong phần này là hình thức của ấn phẩm. Mặc dù hình thức bề ngoài của nó không quan trọng bằng nội dung, nhưng khi cầm một cuốn sách được in đẹp, giấy tốt, trình bày hài hoà… chắc chắn là bạn sẽ có cảm tình và muốn đọc hơn là những cuốn có hình thức ngược lại.

* Xem trước phần mục lục và lời giới thiệu

Khi cầm một cuốn sách mà bạn hoàn toàn mù tịt về xuất xứ, tác giả, nội dung… bạn nên xem trước phần mục lục, lời giới thiệu, tóm tắt, để biết sách có những nội dung gì, có nằm trong những đề tài bạn cần hay xây dựng và mở mang kiến thức, đời sống tinh thần của bạn; hoặc đề tài, nội dung đó có phù hợp trình độ và lứa tuổi của bạn. Mục lục là phần bạn không được bỏ qua khi chọn sách hay khi bạn cần tra cứu tài liệu ở một cuốn sách nào đó cũng vậy. Còn lời giới thiệu sẽ định hướng phần nào cho sự chọn lựa của bạn.

* Được nhiều người cho là hay

Không phải một cuốn sách được nhiều người đọc là đương nhiên nó có giá trị, nhưng chọn một cuốn sách được nhiều cho là hay cũng là một tiêu chí giúp bạn "khoanh vùng" trong một thị trường sách hỗn tạp; tất nhiên bạn phải có nhiệm vụ thẩm định, kiểm tra lại xem cuốn sách có thật sự hay, giá trị như dư luận phê bình không. Ở đây cũng có thể kể đến nhận xét của những nhà phê bình. Thường thì các nhà phê bình uy tín có thể giúp người đọc định hướng những gì họ muốn đọc. Một số quốc gia còn có phòng hướng dẫn về sách báo để giúp độc giả có một chọn lựa đúng đắn. Nói như vậy không có nghĩa là bạn hoàn toàn phó mặc việc định hướng cho những nhà phê bình, vì ngay những người này đôi khi cũng nhầm lẫn và có những nhận định không xác đáng. Bạn phải luôn là người tiếp nhận trong tỉnh táo và sáng suốt.

* Đáp ứng nhu cầu của mình

Bạn cũng nên chọn sách bằng cách loại trừ, trước tiên là những cuốn sách quá dài, khó hiểu, gây buồn chán bởi nhiều lý do như lập luận vụng về, cách viết dài dòng, tối nghĩa, lời văn đơn điệu… Một cuốn sách có thể hay đối với người này, nhưng với người khác thì không. Một tác phẩm dù có hay, được nhiều người ca ngợi, nhưng nó không phù hợp nhu cầu và giúp ích cho đời sống tinh thần của mình thì bạn đừng phí thời giờ với nó. Bạn cũng đừng đọc một cuốn sách nào đó chỉ vì "mọi người đều đọc", dù bạn có cố ép mình đọc bằng được "cho giống thiên hạ" thì cũng chẳng ích lợi gì. Tiêu chuẩn đáp ứng đúng nhu cầu này không phải là hoàn toàn đúng, nhưng thực tế.

5. Tập thói quen khi đọc sách

Người ta không những lười đọc mà phần đông không được tập thói quen đọc. Ngoài thói quen đọc, bạn nên loại bỏ việc bạ gì đọc đó một cách vô mục đích. Môi trường tốt nhất để bạn tập thói quen này là gia đình, phù hợp với nhu cầu và tuổi tác của những thành viên chính ngay trong gia đình bạn. Việc tập luyện này không bao giờ là trễ cả, bởi vì cho dù bạn ở tuổi nào thì nhu cầu được bồi bổ kiến thức cũng rất cần thiết. Ví dụ, bạn là người sắp bước vào đời sống hôn nhân, sách bạn cần sẽ là tâm lý tình yêu hôn nhân và gia đình, quan hệ vợ chồng… Tiếp đó là những sách về chăm sóc thai phụ, chăm sóc con cái… Rồi khi con cái lớn, bạn lại có những nhu cầu khác và thay vì mất công giải thích cho con bạn những điều thắc mắc về thế giới xung quanh, bạn tập cho con mình thói quen tiếp xúc với sách báo phù hợp với từng lứa tuổi của chúng. Nói khác đi, bạn như đang cùng đọc với con mình. Cách này vừa giúp bạn kiểm soát được cách đọc của con, vừa bổ sung những kiến thức mà bạn chưa am hiểu.

Bạn cũng nên tập yêu quý sách của mình, của người khác, hay mượn của thư viện cũng vậy. Không nói đến những người coi việc đọc sách là chuyện qua đường, người đọc sách nghiêm túc nhất thiết phải sắp xếp nơi để sách và nơi đọc sách đàng hoàng. Nếu không có được một thư viện, ít ra cũng dành một cái tủ để cất, sắp xếp sách cho gọn gàng, ngăn nắp, dễ tìm. Nếu không phân loại và sắp xếp được như các nhà chuyên môn, bạn nên có một cách phân loại, sắp xếp riêng, sao cho khi nhìn vào tủ sách của mình, bạn thấy thật quen thuộc và có thể lấy ngay bất kỳ cuốn nào mà bạn cần.

Nhìn tủ sách hoặc cách đọc của bạn, người ta có thể đoán được bạn là người như thế nào. Ngoài việc phải bao bọc, bảo quản cẩn thận, điều tối kỵ là không nên gấp đôi cuốn sách khi đọc và làm cong góc trang. Hình như nhiều người hay mắc phải cái tật là cứ tiện tay gấp cong đầu những trang sách khi cần đánh dấu những chỗ mình đang đọc dở dang. Để khắc phục điều này, bạn nên tìm những tấm carte nhỏ làm vật ngăn sách. Không biết bạn thì sao chứ tôi thì mỗi lần đến thư viện, nhất là thư viện tại các trường học, tôi lại thấy thương cho những cuốn sách. Vì chúng bị độc giả "tra tấn" không thương tiếc và thấy ít có độc giả tự giác ý thức giữ gìn của chung.

Tuy nhiên, cũng không phải vì sợ hư hay mất mà bạn từ chối cho người khác mượn sách. Có người mua thật nhiều sách nhưng hầu như không bao giờ đọc; người thì tỏ ra hãnh diện vì thư viện sách của mình đầy ắp, ngăn nắp, nhưng lại không muốn cho ai đụng đến; tủ sách của họ trở nên vô ích vì chỉ chứa đựng những cuốn sách chết. Về phần này, để không bị thất lạc và để đỡ phải tốn công nhớ những người đã mượn sách, bạn nên làm một cuốn sổ để ghi chú về những người đã mượn của bạn; và chính bạn khi mượn sách của người khác cũng phải ghi vào sổ, vì có khi bạn cũng chẳng nhớ được mình đã mượn của ai.

6. Cách đọc sách

Như vậy, vấn đề quan trọng không phải là bạn đọc ít hay đọc nhiều, mà đọc cái gì và đọc như thế nào. Đọc mà không có phương pháp sẽ không đem lại lợi ích gì mà còn làm hại chính mình. Cũng như khi làm bất cứ công việc nào, nếu muốn đạt hiệu quả phải có cách tổ chức khoa học. Việc đọc cũng vậy, nó có những nguyên tắc riêng. Không phải chỉ biết nguyên tắc đọc mà còn phải biết áp dụng những nguyên tắc ấy để việc đọc có hiệu quả và tập làm thành một thói quen tốt. Chẳng hạn như phải đọc như thế nào để có hiệu quả, hay có những bí quyết nào để ghi nhớ, lĩnh hội, tiếp nhận những điều hay mà mình chủ ý tìm kiếm. Đọc cho tốt là cả một nghệ thuật.

Tất nhiên, không thể có một phương pháp, chỉ dẫn nào duy nhất và đầy đủ cho việc đọc cả. Mỗi người có thể có một cách đọc cho riêng mình. Sách báo đa dạng, độc giả lại phong phú và mỗi người lại đọc một kiểu; và như thế mới có chuyện cùng một cuốn sách, một tờ báo lại đem đến những kết quả khác nhau từ việc đọc. Để việc đọc của mình không trở thành vô ích, thiết nghĩ, bạn nên rèn cho mình một kỹ năng đọc, trong đó, không thể xem thường những kinh nghiệm về kỹ năng đọc của những người đi trước. Những vấn đề như đọc nhiều hay ít, nhanh hay chậm… thiết nghĩ không cần bàn ở đây. Chúng ta chỉ lưu ý đến việc làm sao để việc đọc của mình cũng là một cách để tự học.

* Đọc theo phương pháp SQ3R

Đọc theo phương pháp SQ3R (x. Đan Quang Tâm, Kỹ năng đọc sách) là thực hiện theo 5 bước: Survey, Question, Read, Recite và Review.

- Survey (Nhìn tổng quát): Trước khi bắt đầu đọc, bạn hãy lướt qua toàn bộ văn bản để nắm nhanh các ý chính và chủ đích của tác giả. Bạn lướt nhanh qua: tên văn bản, các đề mục, tiêu đề; những chữ in nghiêng, in đậm; nhập đề và kết luận; các câu hỏi, biểu đồ, hình ảnh, đồ thị, chú thích…

- Question (Hỏi): Tự đặt câu hỏi cho phần mà mình đã đọc theo mô hình 5W+H: Who (ai), What (cái gì), Where (ở đâu), When (khi nào), Why (tại sao) và How (thế nào).

- Read (Đọc): Vừa đọc vừa đặt câu hỏi và ghi lại phần trả lời cho phần mình vừa đọc. Đây là cách đọc tích cực, đòi bạn phải tập trung tinh thần.

- Recite (Thuật lại): Không phải chỉ viết mà nên thuật lại trong tâm trí những gì mình vừa đọc, vì theo nghiên cứu, 40-50% những gì bạn đọc sau 15 phút sẽ nhanh chóng quên đi.

- Review (Ôn lại): Sau khi đã thực hiện các bước trên và có trong tay những từ khoá, những câu then chốt, bạn có thể làm lại một dàn bài cho từng phần hay toàn văn bản, rồi viết tóm lược lại nếu có thể. Nếu đã làm hết các bước mà bạn không nắm được nội dung văn bản thì chỉ có cách bạn phải đọc lại.

* Đọc với óc phê bình

Có người cho rằng "độc giả nào thông minh cũng đọc sách với óc phê bình. Có người phê bình theo lối tài tử, có người vì nghề nghiệp". Sự phê bình như một cuộc đối thoại, thảo luận hay tranh luận, thậm chí có khi tranh cãi với tác giả về một quan điểm nào đó mà bạn bắt gặp trong sách. Nhiều người cho đó là một cái thú. Sự phê bình đôi khi còn đem lại cho bạn một tư tưởng, một cách nhìn mới, làm giàu và phong phú thêm cho tinh thần của mình. Ai đọc nhiều cũng nhận ra rằng nhờ sách báo mà mình dần tạo được óc phán đoán đúng đắn.

Vì vậy, bạn nên tập cho mình óc phê bình khi tiếp cận một cuốn sách nào đó. Ngay cả với một đứa trẻ khi tiếp cận với những cuốn sách đầu tiên trong đời, bạn hãy giúp các em cảm nhận về cái hay, cái dở của một tác phẩm. Có khi nhờ những cảm nhận này mà bạn khám phá ra khuynh hướng hay sở thích, những quan niệm của chúng về nhân sinh và thế giới quan.

* Đọc với tinh thần tập trung

Cùng đọc một cuốn sách, nhưng không phải ai cũng tiếp thu như nhau. Nếu người nào đọc với tinh thần tập trung thì việc đọc của người đó chắc chắn sẽ hiệu quả hơn một người cầm sách mà tâm trí phân tán. Một khi tập trung, bạn sẽ hấp thụ và "tiêu hoá" được những tư tưởng bổ ích. Một tác phẩm hay, có giá trị là những tác phẩm đặt những vấn đề cho bạn suy tư về thân phận con người, thời cuộc, trách nhiệm của chính mình trước những vấn đề ấy. Thế nên muốn lĩnh hội, thưởng thức được cái hay, cái thâm thuý phải đọc với tinh thần tập trung.

* Đọc để tự học

Một khi đọc với tinh thần tập trung là bạn đã cố ý để tự học. Có người nói rằng "người ta không thể tự học nếu ta người ta chỉ đọc cái gì mình thích". Và thường thì những sách xây dựng tinh thần là loại sách khó đọc, mau chán. Sách đứng đắn dĩ nhiên là hữu ích, nhưng chúng thường không hấp dẫn số đông độc giả vì nó buộc bạn suy nghĩ, theo dõi theo cách lập luận của tác giả, liên hệ các ý, các đoạn, các chương và toàn tác phẩm, có khi phải tra tự điển, ghi chép lại những điều đáng chú ý…    

Hai loại sách được xem "lò luyện kiến thức" cao cấp là triết học và khoa học. Cả hai loại sách này đều khó đọc. Triết là môn học tìm hiểu các nguyên nhân, còn khoa học lại tìm hiểu các sự kiện. Hai lĩnh vực này bổ sung cho nhau, giúp giải đáp phần nào những vấn đề của con người, vũ trụ, cuộc sống… Về sách triết học, bạn nên thận trọng trong việc chọn đọc. Có những tư tưởng triết học đòi hỏi bạn phải có một sự hiểu biết chín chắn, tinh thần vững vàng, óc suy luận và phán đoán đúng đắn mới không bị lung lạc, đầu độc. Còn sách khoa học, càng đọc nhiều, trí óc bạn càng tập luyện được tập quán suy luận, phân tích, tổng hợp. Tuy nhiên, bạn cần phải luyện bộ máy tư tưởng trước như trí nhớ, trí hiểu, phán đoán, tưởng tượng thì việc đọc của bạn mới đạt hiệu quả cao. Không chỉ bó hẹp trong những cách trình bày lý luận, học thuyết khô khan, bạn có thể tìm đọc cũng loại sách này trong các thể loại khác như thơ, truyện, tiểu thuyết…

Có thể nói sẽ chẳng ai có vốn kiến thức vững chắc nếu không tự học và không ai tự học mà không nhờ đọc sách báo. Nếu con người nhận mình là bất toàn và cố gắng tìm về nguồn chân, thiện, mỹ, thì đọc chính là con đường tự học để đạt được điều ấy. Bạn đừng coi việc đọc là "xa xỉ phẩm", vì bản chất của nó là giúp con người khai trí, tất nhiên ngoại trừ việc đọc để thoả mãn thị hiếu và lạc thú tầm thường.

Sách đứng đắn luôn là người thầy của bạn, dù thuộc loại nào nó cũng có những cái cho bạn học hỏi. Tự đọc sách báo không những giúp bạn bổ túc vốn kiến thức ở nhà trường mà còn đáp ứng nhu cầu mọi mặt của cuộc sống phức tạp. Cầm một tờ báo, một cuốn sách là phải tâm niệm mình cần tìm được cái gì hay, đẹp, mới.

* Đọc với óc minh mẫn

Chỉ với óc minh mẫn bạn mới thấy được cách tác giả dẫn dụ có chinh phục bạn hoặc không, qua lập luận hay lối hành văn. Đọc với óc minh mẫn còn phải đi sâu hơn nữa là tự đặt mình ở vị trí tác giả, nắm phương pháp suy luận của họ. Óc minh mẫn và phương pháp đọc cũng giúp bạn đọc mỗi loại sách với tinh thần đặc biệt, nhất là suy gẫm, nghiền ngẫm, tìm cách đi sâu vào lòng tác phẩm, tìm ra chủ đích của tác giả.

* Ghi chú khi đọc

Khi đọc, dù là để giải trí, bạn nên tập cho mình thói quen cầm cây bút chì trong tay, để gạch dưới, hay ghi chú những chỗ hay, dở, cả những chỗ không hiểu, hoài nghi, sai lầm, thiếu sót… của tác phẩm. Bạn có tự nhận rằng, nhiều khi, một cuốn sách đọc xong chưa bao lâu mà bạn đã không nhớ nội dung, tác giả là ai; và cũng lắm lúc, có những chi tiết, những ý tưởng mà bạn biết rằng mình đã đọc được ở đâu đó, nhưng không tài nào nhớ nổi ở cuốn sách nào, chứ đừng nói là mục, trang nào. Muốn tra cứu, tìm lại những dữ liệu, bạn phải mất công lần tìm lại trong những cuốn sách đã đọc, việc này chiếm khá nhiều thời gian. Để bổ khuyết vào những "trí nhớ chóng quên" này, khi đọc xong một cuốn sách, ngoài việc ghi chú những điểm cần lưu ý, bạn nên lấy bút chì viết nội dung của tác phẩm vào trang đầu cuốn sách, kèm theo những điểm, ý mà bạn cho là quan trọng; có thể viết dưới dạng những ký hiệu riêng mà mình cho là dễ nhớ, dễ tìm nhất. Hoặc bạn dành riêng một cuốn sổ để ghi chú cho những cuốn sách mà mình đã đọc như: tác phẩm, tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản, nội dung, ý tưởng chính, chi tiết… kèm theo số trang, đoạn… cụ thể. Nếu là báo và tạp chí, thì ghi rõ số, ngày ra báo để khi cần tìm, bạn chỉ cần lật sổ ra xem, nhanh và tiện lợi.

Biết ghi chú như vậy không những bạn đang tự luyện về tư tưởng mà còn gia tăng vốn từ, nắm được phương pháp sáng tác hay phiên dịch, đồng thời lưu ý đến những câu, từ nào sáo rỗng, tối nghĩa, sai phạm cơ bản về văn phạm… Người nào đọc sách mà ghi chú nhiều chứng tỏ người đó là một người bạn thân của sách.

* Đọc lại tác phẩm

Nhiều khi đọc sách, người ta thường chỉ đọc những nội dung chính. Nhưng lúc có thời gian, bạn hãy đọc lại toàn bộ tác phẩm. Có những cuốn đọc đến ba bốn lần không phải là điều hiếm thấy và mỗi lần đọc lại khám phá ra được cái mới, cách cảm nhận khác nhau. Một tác phẩm hay thường nên đọc đi đọc lại nhiều lần, nhất là các sách khảo cứu. Muốn đọc để học, phải đọc lại nhiều lần từ mục lục, lời giới thiệu và cả các phần, chương, đoạn của tác phẩm. Nhờ đọc đi đọc lại, bạn khám phá những điểm logic hay vụng về của tác giả giữa phần mở và phần kết, giữa các đoạn, các ý… Tác phẩm hay dù đọc lại bao nhiêu lần cũng vẫn thấy thú vị. Có người cho rằng "đọc lại là đọc những hồi ký của mình mà không cần viết nó ra". Đọc lại nhằm 3 mục đích: lĩnh hội toàn vẹn tác phẩm; để nhớ, để học; tập thực hành những điều sách báo cho là hữu ích, đây cũng là điều đặc biệt cần thiết cho những loại sách rèn luyện nhân cách.

Đọc lại là dịp khám phá thêm những tư tưởng ẩn giấu bên trong tác phẩm, mà nếu chỉ đọc qua một lần, bạn không tài nào thấu suốt được. Có khi, những cảm nghĩ, nhận thức về một tác phẩm nào đó sẽ thay đổi theo thời gian hay tuổi đời của bạn. Qua đó, những nhận thức đúng đắn hay sai lầm có thể sẽ tăng lên hoặc giảm xuống. Vì vậy, đọc đi đọc lại mới có thể thẩm định đúng giá trị thật của tác phẩm. Một tác phẩm giá trị là tác phẩm đem lại lợi ích trong khoảng thời gian lâu dài, luôn luôn bổ ích cho mọi người thuộc mọi dân tộc, cho mọi thời đại; và chắc chắn bạn không thể nào khai thác hết chỉ trong một lần đọc, dù đọc kỹ đến đâu. Nếu có điều kiện, bạn nên lợi dụng những cơ hội để bàn luận về cuốn sách với những người quen biết; thông qua nhiều ý kiến khác nhau trong những cuộc thảo luận này, biết đâu bạn sẽ tìm thấy thêm được điều hay nào đó mà trước kia mình chưa khám phá ra.

7. Một vài lời khuyên khi đọc báo

Trừ những tờ báo chuyên ngành thì báo chí (ở đây chỉ đề cập đến loại hình báo in) nói chung là một phương tiện cung cấp những kiến thức hỗn hợp, nếu không nói là vụn vặt, ở tất cả mọi lĩnh vực của đời sống. Nói cách khác, báo chí có mục đích thông tin, hướng dẫn dư luận về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, khoa học, triết học, văn học… hay tất tần tật những vấn đề khác mà nó có thể đưa tin được. Có thể nói, báo chí giúp rèn luyện nhân cách trong một phạm vi tổng quát. Nhưng xét cho cùng, những hiểu biết ấy cũng chỉ là những kiến thức bổ túc mà thôi; nên để nói người muốn tự học cần món ăn tinh thần một cách hệ thống thì báo chí không đáp ứng được như sách. Tuy nhiên, không ít người ngày nay dùng những tờ nhật báo làm món ăn tinh thần gần như là duy nhất cho đời sống hằng ngày. Với một lối sống theo phong cách công nghiệp hiện đại, người ta hầu như không có thì giờ nhàn rỗi, luôn vội vàng, hấp tấp và cái gì cũng muốn theo dạng "ăn liền". Ngày nay, báo chí đang nỗ lực cải tiến vừa để tồn tại, phát triển, cạnh tranh với nhiều phương tiện truyền thông hiện đại khác, vừa để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Các toà soạn báo đang cố gắng đáp ứng được nhu cầu thưởng thức một món ăn tinh thần đã được "tiêu hoá trước", cốt làm sao để thông tin được người đọc tiếp nhận một cách dễ dàng, tiện lợi và nhanh nhất. Điều này một phần tạo nên tính lười cho độc giả.

Cũng như sách, báo chí ngày nay tràn ngập và đương nhiên có những tờ báo đứng đắn và cũng có những tờ báo "lá cải" với nội dung nhảm nhí, vô bổ, không đáng đọc. Vì vậy, bạn nên thận trọng khi tiếp nhận thông tin trên báo. Về phương pháp đọc báo, có người khuyên không nên dành quá nhiều giờ cho báo chí; mỗi ngày chỉ để khoảng 15 phút đọc các tin tức, khoảng nửa giờ cho các bài khảo cứu, thời giờ rảnh còn lại để đọc sách nếu muốn tự học và bồi bổ đời sống tinh thần. Và để cho việc đọc báo có hiệu quả, bạn cũng cần có những "bí quyết" tiếp cận riêng của nó, mà điều này đã được các người biên tập nội dung và trình bày báo gần như dọn sẵn cho bạn. Bạn nên chú ý đến phương diện trình bày. Yếu tố trình bày tạo ra "giá trị cộng thêm" cho tờ báo, bài báo. Nó có mục đích vừa giúp tờ báo dễ dàng tiếp cận công chúng, dễ đọc, rút ngắn thời gian đọc, thuật ngữ gọi đó là "một cái liếc mắt" (un clin d'oeil); nhằm thoả mãn thị giác của bạn (bạn bị cuốn hút và cầm tờ báo lên, lật, lướt mắt nhanh qua) và 3 cấp độ đọc: đọc toàn thể (đọc lướt), đọc gián đoạn (đọc nhanh) và đọc liên tục (đọc sâu). Ba cấp độ đọc này được bạn thực hiện đan xen nhau tuỳ thuộc không gian và thời gian đọc.

Để đọc lướt (đọc toàn thể), cần chú ý những yếu tố: tít (titre) trên trang nhất (để biết những tin bài đinh, quan trọng của tờ báo); những chuyên mục, trang mục thường xuyên, cố định (Báo Tuổi Trẻ chẳng hạn, mục "Chuyện thường ngày" của Bút Bi thường là điểm thời sự mới nhất mà tờ báo ngày hôm đó báo đặc biệt chú ý đến; còn nếu bạn quan tâm đến vấn đề tuyển sinh thì giở ngay đến trang Giáo dục…); cụm tít (gồm sur-titre (ở đâu, khi nào?), titre (ai, cái gì?), sous-titre (thế nào, tại sao và có thể với ai?); bút danh, nhiều người đọc báo vì quan tâm đến bút danh, nhất là những bút danh uy tín, tạo được ảnh hưởng tốt nơi dư luận và độc giả, khi cầm tờ báo lên, họ lập tức lật tìm bài báo của những tác giả đó; nếu không có nhiều thời gian, bạn nên đọc nhanh qua cụm tít, đoạn mở đầu và đoạn kết thúc, là có thể nắm được nội dung tin, bài báo. Bằng cách này, bạn lướt nhanh qua các trang báo để tìm những tin, bài quan trọng nhất, chứ không dừng lại đọc từ đầu đến cuối một mục nào.

Để đọc nhanh (đọc gián đoạn), lúc này bạn chú ý tìm những chi tiết quan trọng hay bài đinh của tờ báo để đọc sau khi đã đọc lướt, bạn nên chú ý đến những tít xen (inter-titre) - là những tít ngắn, thường xen giữa các phần trong bài báo; sapô (chapeau) - tạo đề dẫn khái quát cho bài báo, để giới thiệu, bổ sung thông tin, tóm tắt nội dung hay những điểm quan trọng mà bài báo đề cập, có khi là lời toà soạn… thường ở đầu bài báo, có phông (font) chữ riêng, in nghiêng hoặc đậm hay được đóng khung… cốt để đập vào mắt độc giả dễ nhất; box, đoạn kết, chú thích ảnh…

Hai cách thức đọc trên là để "tiếp thị" cho tờ báo. Một cách nào đó, hai cách thức này đã giúp bạn gần như là nắm được những thông tin chính mà số báo đề cập. Cách đọc thứ ba, đọc sâu (đọc liên tục), lúc này dường như bạn là độc giả "ruột" và trung thành của tờ báo, bạn nhớ như in cấu trúc toàn thể tờ báo, nhớ hết các trang, chuyên mục… và hầu như không muốn bỏ sót một phần nào, chú ý ngay cả những chi tiết nhỏ nhất như kiểu chữ, phông chữ… Tất nhiên, kiểu đọc như vậy tốn quá nhiều thời gian, thường thì ít người đọc theo cách này, trừ khi người đó quá rảnh rỗi.

Ba cách thức đọc này không phải là trình tự liên tục, mà độc lập tương đối với nhau. Bạn cũng có thể linh hoạt thay đổi cách thức đọc cách nào sao cho mình lĩnh hội nhanh nhất nội dung thông tin; có thể bắt đầu từ sapô, hay đọc thẳng vào đoạn mở đầu, rồi lướt nhanh đến đoạn kết thúc, nếu thấy hay thì quay trở lại đọc toàn bài, cứ thế đi từ những tin, bài quan trọng nhất đến những tin, bài ít quan trọng hơn...

Mặc dù ngày nay, nhiều người tỏ ra dị ứng với sách, việc đọc sách đang bị xem là rơi vào khủng hoảng, nhưng thực tế cho thấy chưa bao giờ thị trường sách lại nhộn nhịp và đa dạng chủng loại như hiện nay. Nhìn vào số người mua sách, không chỉ ở những nhà sách lớn mà cả những hiệu sách cũ, những chỗ bán dạo... mới biết hiện nay vẫn còn nhiều người mê sách lắm. Tuy nhiên, như đã nói, điều quan trọng không phải là đọc nhiều mà đọc cái gì và đọc như thế nào. Chính bạn mới là người biết rõ mình đang ở mức độ nào trong việc này. Nếu là người đọc nghiêm túc, bạn phải tự rèn luyện để việc đọc đem lại bổ ích và hiệu quả. Chúc bạn thành công.q

EM-TY tổng hợp

VỀ MỤC LỤC
Lẩn Thẩn Từ Đông Quê

 

Cô nàng lắc đầu bảo tớ: “ Eo ơi ghê quá. Ghê quá. Anh đừng nói nữa. Ai mà ăn chuột”. Cô nàng sợ chuột, sợ ăn chuột, và sợ chuột ăn vì cô nàng vốn thuộc gia đình giầu có và sống ở tỉnh thành. Tớ tôn trọng sự sợ hãi ấy của cô nàng nên không kể ‘truyện chuột’ nữa, nhưng trước khi ngừng, tớ hỏi vặn cô nàng: “Vậy con chuột với con tôm hùm và con ốc biển đầy gai, con nào dễ coi hơn? Ở Việt Nam, người ta chết vì ăn gà, chứ có ai chết vì ăn chuột đâu nào?”.

Cô nàng sợ chuột, nhưng vẫn thương một tay ngày xưa chuyên bắt chuột như tớ thì cũng được. Cô nàng không ăn chuột, nhưng vẫn hôn lên cái miệng tớ ngày xưa đã thường xơi chuột thì cũng tốt thôi.(Hôm nay nếu có món chuột xào với mẻ và riềng, tớ vẫn ăn). Cô nàng khiếp chuột, nhưng lại ngủ với tớ, một tên đã từng đeo chuột trên vai và đội chuột trên đầu thì cũng kể là có ‘nhân duyên’ đấy.

Tớ nằm nhớ lại những bài báo mới đây trên tờ báo điện tử Người Lao Động trong nước. Được biết ở Việt Nam bây giờ người ta tìm ăn nhưng món độc đáo như những con Bò Cạp hiểm độc sống ở vùng núi Thất Sơn Châu Đốc, rồi những con Rắn Lục - cũng cực độc - ở vùng rừng Tuyên Quang, Bắc Cạn… Tất cả đã trở thành  những đặc sản miền quê. Món thì để chữa bệnh ung thư, món thì để tăng cường khả năng chăn gối. Tớ không chắc về những điều này, nhưng điều chắc là những món này đã và đang chữa được cơn bệnh nghèo của những người ở vùng… nghèo.

Nói đến đặc sản thì chắc đã có nhiều người về phe tớ, phe ăn chuột rồi hoặc ít nhất cũng bớt sợ …chuột rồi. Thật vậy, sống ở miền quê những năm 1960 mà không ăn chuột, ăn rùa, ăn rắn… thì làm sao mà lớn nhanh để còn vác súng đi lính hoặc nếu may mắn được miễn dịch thì còn đi tát đìa mướn hoặc lái máy cày? 

Miền quê nào vậy? Để tớ kể tiếp. Hồi mới xuống Cái Sắn những năm 1958, tớ mới 6 tuổi. Chẳng nhớ nhiều, chỉ nhớ thửa đất bố mẹ mới vượt để cất nhà còn ướt nằm bên cạnh con kênh nước trong veo. Mẹ tớ dẫn đi chơi và chỉ cho xem những đàn cá rô, cá sặt bơi lội đầy dưới nước. Chiều xuống là ếch nhái thi nhau kêu bì bọp, ọp ẹp, chim chíp inh ỏi cả ruộng.

Đồng ruộng hoang vu, dân mới định cư nghèo nàn nên phải cố bám lấy đất để sống. Đời sống ở đây nếu không vô cùng cơ cực thì cũng vô vàn lam lũ. Bố mẹ tớ lại nghèo hơn cả những người chung quanh nên chị em chúng tớ rách rưới lắm. Lên mười tuổi tớ mới lần đầu nhìn thấy lọ kem đánh răng hiệu Perlon có cô gái cười tươi với hàm răng trắng như bông gòng. Và hai anh em tớ lúc ấy vẫn phải xài chung một khăn rửa mặt và đắp chung một cái chăn.

Để sống và để lớn, tớ được bố mẹ cho ăn đủ mọi loại ‘đặc sản’: cá, cò, rùa, rắn, lươn, ếch, chuột, tôm, tép, cua, cóc, ốc…Thịt gà và thịt lợn thì cũng có, nhưng chỉ có vào dịp tết nhất hoặc giõ chạp thôi. Thịt trâu và thịt bò thì hầu như chỉ vài lần suốt thời niên thiếu. Đó là những món ăn bố mẹ đã chính thức ‘kiểm duyệt’. Còn những món như dế nướng, cào cào nướng, hay liềng liễng sao dòn, hoặc cháo nhái… những món chị em chúng tớ ăn vụng với lũ bạn hàng xóm lại là khác. Rắn thì có nhiều loại: rắn bông súng, rắn rái cá, rắn doi doi là những loại lành và ngon. Còn các loại hổ như hổ hành, hổ đất, hổ ngựa… thì bố tớ cấm tuyệt không cho đụng tới. Tớ vẫn nhớ đã bị rắn doi doi táp hai lần, bị rắn hổ ngựa rượt một lần, và một lần bố đánh đòn vì đã dám làm thịt rắn hổ đất. Phải tớ giỏi viết văn thì chắc cũng góp được vài mẩu truyện đồng quê như Bình Nguyên Lộc.

Ở miền quê Việt Nam thì cơm là món ăn chính. Sáng cơm, trưa cơm, và tối cũng cơm. Bánh mì và xôi là những cao lương mỹ vị tớ ít khi dám mơ lắm. Thỉnh thoảng theo mẹ vào chợ Núi Sập mới được ổ bánh mì ngắn hoặc các chú đi lính về phép mới được bà nội chia cho một khúc. Mà ‘bánh mì kẹp ruột’(bánh mì với ruột bánh mì) chứ không phải bánh mì thịt đâu nhá. Viết ra người đọc tưởng xạo, nhưng mà tớ viết cho mình nên xạo làm gì.

Còn rau cỏ thì sao? Chỉ có cỏ là trừ ra không ăn thôi, chứ rau gì nhú lên khỏi mặt đất Cái Sắn, tớ cũng được xơi cả: rau dền, rau dệu, rau muống đồng, rau sam, rau thèo lèo, rau vòi voi, rau ngổ trâu, rau cần, rau rút, rau ngót, bông súng, điêng điểng, so đũa, nõn chuối… tất cả tớ đã ăn qua hết. Dĩ nhiên luộc là đỡ tốn kém và thông dụng nhất. Còn cà ghém, rau đay, mồng tơi, rau lang, rau riếp là những loại đã có tên tuổi trong sách vở rồi. Không cần kể ra nữa. Nghĩ lại tớ thấy mình đã sống trên một vườn thuốc nam mà không biết.

Cuộc sống ở vùng ‘kinh tế mới’ như thế nên khi lên 12 tuổi tớ vẫn là một thằng bé còm cõi đen đủi. Thế giới của tớ bấy giờ nhỏ bé lắm. Chỉ biết hướng Đông là chân trời Kênh G kênh H. Chếch hướng Bắc một tí là Núi Sập, Núi Ba Thê, và chếch hướng Nam là con đường mờ mờ đầu kênh chạy từ Long Xuyên về Rạch Giá. Đêm đêm nghe tiếng bom nổ từng hồi rung đất. Hỏi bố, bố bảo ở Miệt Cờ Đỏ. Tất cả những địa danh này với tớ chỉ là những ‘ý tưởng’. Còn Sài Gòn thì lại ‘siêu hình’ hơn gấp bội.

Là một thằng bé ốm o gầy còm, nhưng nhờ quen xốc vác những công việc nặng như tát ao, đào chuột, leng đất, gánh đất, đánh đống rơm, đội rau cho lợn, vác lúa vào bồ, hoặc chạy theo trâu bò, chống ghe chèo thuyền, giăng câu đánh dậm nên tớ có một cái tài vặt rất quê mùa: tài vật nhau.

Thật vậy, có nhiều đứa ở trong lớp chạc tuổi tớ - trắng trẻo béo tốt - vậy mà tất cả đều bị tớ cho ‘năm dưới’ hết một lượt trong những cuộc vật lộn hoặc được chính thức tổ chức hoặc chỉ đột xuất vì một lời khiêu khích tên bố tên mẹ của nhau. Trong những cuộc vật có tổ chức thì những đứa con trai lớn làm trọng tài và đám con gái lớn nhỏ làm khán giả đàng hoàng. Những ‘kẻ chiến bại’ có đứa khôn hồn thì qui phục tớ ngay, có đứa ngoan cố thì về cáo bố mẹ, nhưng bố mẹ chúng lại không dễ dàng tin đâu: “Mày mà thua nó à? Thằng nào nằm trên?”. Cuộc vật lộn lại được tổ chức ngay ở gốc tre bên đường để kiểm chứng. Tớ lại ‘nằm trên’ và đối thủ khóc nhè bên dưới. Thế đấy. Bây giờ đa số trọng tài và đám khán giả vẫn còn sống và chắc chưa quên tớ đâu.

Cũng nhờ ăn những đặc sản miền đồng ruộng và sống trên vườn thuốc nam nên tớ còn một cái tài vặt khác, văn minh hơn một tí: đó là tài làm toán, toán đố với ‘toán’ một bên, ‘lời giải’ và đáp số ở một bên hẳn hoi. Tớ nhớ trưa hôm ấy, thầy giáo dẫn cả lớp đi bộ ra đầu kênh để lên huyện Thốt nốt thi tiểu học. Thấy tớ bé con, một ông cụ đang làm vườn bảo thầy giáo: “thằng bé này theo đi chơi chứ thi cử gì. Mày thi đậu về đây ông cho một ký kẹo cháu ạ”. Ông đâu biết tớ đã từng được thầy giáo nhờ ‘lên bảng’ dậy lại toán cho cả Lớp Nhất, nhất là đám con gái. Thầy giáo tớ bảo ông cụ: “ông nhớ kỹ lời hứa đấy nhá”. Mấy tuần sau có kết quả khóa thi, thầy giáo cứ đòi dẫn tớ đi lấy ký kẹo, nhưng tớ xấu hổ nên không đi mặc dù đến giờ vẫn chưa quên lời hứa của ông cụ ở Khu Hai trong Kênh F.

Đề thi toán tiểu học năm ấy là ‘đào đìa”: người ta đào một cái đìa dài X mét, rộng Y mét, và sâu Z mét. Đất đào lên nở ra 10%. Vậy nếu lấy đất ấy mà đắp một thủa vườn rộng M mét thì thủa vườn cao được bao nhiêu? Quá dễ vì tớ đã học toán hình học với thày ở trường học và thực hành đào đìa với bố ở nhà. Có đáp số và được ra khỏi phòng thi sớm là cái chắc.

Về môn vẽ thì tớ vẽ một chai bia Con Cọp để trên một cái bàn.

Môn thuộc lòng thì tớ đọc bài Hận Sông Gianh:

“Đây Sông Gianh, đây biên cương thống khổ.

Đây sa trường đây nắm mộ trời Nam.

Đây giòng sông giòng máu Việt còn loang.

Đây cổ mộ xương tàn xưa chất đống…”

Không nhớ tên tác giả, nhưng tớ vẫn còn nhớ bài thơ buồn non nước này mãi.

Còn phần hát thì một mình tớ ‘đồng ca’: “ Ta người Công Giáo gắng chí… cương quyết đấu tranh… Hướng về Va-ti-can, thành cao sáng Va-ti-can…”

Nghe tớ hát, ông giám khảo cứ nhìn tớ rồi nhìn sang cô giám khảo áo dài trắng nghiêm trang. Sau cùng ông cười ra chiều khoái chí lắm. Ông cười vì không hiếu tớ hát gì hay là ông cười vì đã thấy nơi tớ một thiếu nhi sớm có lòng YÊU NƯỚC qua bài Hận Sông Gianh và lòng YÊU GIÁO HỘI qua bài Hướng Về Vatican. Có thể cả hai giả thuyết đều sai và biết đâu ông cười cái NGÔ NGHÊ của tớ thì đúng hơn.

Hướng về Vatican, phải hường về Vatican, nhưng tớ chẳng hề biết Vatican ở cái hướng nào mà hướng. Đường lên tỉnh, lên quận còn chưa biết. Huống hồ. Hỏi bố thì bố bảo bố cũng không biết.

Tớ tưởng tượng Vatican là một nơi trong sáng tươi đẹp. Ở đó Đức Giáo Hoàng,  các Đức Hồng Y, các Đức Giám Mục, các Linh Mục là nhưng người thông minh thánh thiện tuyệt hảo, sống trong những nhà thờ đẹp, sớm ngày chăm chú cầu nguyện, nghiên cứu, học hỏi về Chúa để mở mang đạo thánh khắp thế giới. Vatican là nơi có các người Anh, người Tây, người Mỹ với trí thông minh siêu việt cùng nhau lo điều hành cả giáo hội, cầm cân lẩy mực cho giáo dân khắp thế giới. Vatican là nơi mọi người trên thế giới phải hướng về và lấy đó làm gương sáng mà noi theo. Là nơi có những cuộc cung nghinh rước kiệu với đèn cờ ngập trời, trống nhạc uy nghiêm để hằng ngày tôn thờ Chúa. Là nơi Đức Giáo Hoàng truyền phán một lời là cả thế giới phải nghe theo. Nói chung, tớ nghĩ Vatican là tất cả, Vatican là tuyệt vời, Vatican là không thể sai lầm. Còn những Giáo hội địa phương như Giáo Hôi Việt Nam, Giáo Hội Phi Luật Tân ‘chẳng ăn thua gì’. Cái Sắn dĩ nhiên là số không, và chí có ‘TÂY’ mới là đầu Giáo Hội mà thôi.

Quan niệm về Giáo Hôi như vậy cứ theo tớ cho đến tuổi 20 rồi qua tuổi 20 nữa. Thú thật, cho đến tuổi gần 30 tớ vẫn nghĩ giáo hội thuộc về những ông Tây đạo mạo với múi cao và râu quai nón, bụng chứa đầy những kiến thức và nhân đức, rồi từ đó tớ trọng các giáo sĩ Tây hơn các giáo sĩ Việt, nể giáo dân Âu Mỹ hơn giáo dân Việt Nam. Hai vị giáo sư, một người Canada, một người Tầu. Tớ trọng thầy Canada hơn. Tại sao vậy? Có lẽ tại tớ nhà quê. Tại bố mẹ tớ cũng nhà quê nên cái nhìn cũng rất quê mùa hạn hẹp.(Cho xin lỗi vì quan niệm sai lầm này)

Khi vượt biên ra nước ngoài lúc tuổi gần 30, quan niệm của tớ về Giáo Hội tự nhiên và theo thời gian đã thay đổi nhiều.

Thay đổi thế nào?

Trước hết, tớ kính trọng các giáo hội địa phưong nhiều hơn, đánh giá giáo quyền địa phương cao hơn. Khi bỏ Việt Nam, tớ như người mất quê hương, nhưng khi tìm được ý tưởng: “quê hương của tôi là ở những nơi có tự do và tình người”, tớ thấy được an ủi và cũng từ đó tự nghĩ: “Giáo Hội là những nơi có niềm tin và lòng yêu mến Chúa Giêsu”.  Và nếu Teilhart de Chardin bảo: “Thế giới này thuộc về những người biết mang lại cho nó niềm hy vọng” thì tớ cũng lại nghĩ: “Giáo Hội thuộc về những người có niềm tin và mến yêu Chúa Cứu Thế Giêsu”. Đơn giản thế thôi.

Thần tượng nơi những người ngoại quốc trong tớ cũng bớt hẳn đi với vận tốc khá nhanh. Tớ nhìn Giáo Hội trong hai chiều kích Thần Linh và Nhân Linh đồng đều hơn. Giáo Hội không là tập thể của những vị thánh đã thành mà là đoàn người đang cùng nhau đi theo Chúa Giêsu để tìm và hưởng ơn cứu độ. Giáo Hội không chỉ có nhân đức mà có cả tội lỗi nữa. Tớ dễ dàng làm quen với những bề trái của giáo hội và dễ dàng chấp nhận những yếu đuối của Giáo Hội bằng đức tin hơn. Bây giờ tớ nhớ lại lời của một giáo sư triết học ở Dalat năm 1974:”Con thuyền Giáo Hội bị sóng gió mà không chìm là một phép lạ vĩ đại mà ít người thời nay nhìn thấy. Cũng như những người đến Fatima và Lộ Đức cầu xin khỏi bệnh rồi không được phép lạ mà vẫn còn niềm tin thì cũng là những phép lạ mà không biết”.

Tớ cũng bớt thần thánh hóa các bậc giáo sĩ cả về đạo đức cũng như kiến thức trong khi tớ đánh giá niềm tin của người giáo dân cao hơn. Những bằng cấp Tiến Sĩ từ Fribourg, Thụy Sĩ, từ Sorbonne, Pháp Quốc, những Thạc Sĩ từ Trường Truyền Giáo  Roma hay George Washington, Mỹ Quốc không còn mấy ý nghĩa với tớ nhiều nữa.(Tớ không kiêu ngạo đâu, chỉ tại ngày xưa tớ nghĩ sai mà cho các đấng bậc trong đạo là thần là thánh rồi. Thế thôi) Tớ nghĩ niềm tin nơi Chúa Giêsu và lòng yêu mến Ngài mới đáng kể. Kiến thức - dù là kiến thức trong đạo – cũng chỉ là phần nhỏ. Bao nhiêu đại học, bao nhiêu viện nghiên cứu cũng không qua cuốn Thánh Kinh nhỏ bé. Bao nhiêu cấp bậc nghi lễ cũng chẳng qua lời Chúa mời gọi Thánh Phêrô - rất đơn giản: “Con có mến thầy không?” Kho tàng đức tin nằm trong Thánh Kinh chứ không phải ở trong những kho sách Thần Học của thánh Toma Aquino hay Triết Học của thánh Augustino. Dĩ nhiên cần phải có những tri thức để diễn đạt và rao truyền niềm tin cho những người thời đại hôm nay, nhưng tri thức cũng không qua lòng yêu mến vì hình như thánh Phaolô đã viết:” dù nói được nhiều ngôn ngữ hay làm được nhiều phép lạ mà không có lòng mến thì cũng là số không” thì phải.

Đâu phải biết nhiều là luôn mến nhiều hoặc biết nhiều thì niềm tin vững vàng hơn. Thiên Chúa là vô cùng. Học biết về Ngài cũng chỉ là vô cùng – Ngài thì vô cùng Bao La còn con người thì vô Cùng Giới Hạn. Thật vậy, có những điều trong đạo mà ông chủ tịch hội đồng giáo xứ Núi Sam, Châu Đốc không hiểu thì chính Đức John Paul II cũng chẳng biết hơn bao nhiêu. Có những câu trả lời mà bà hội trưởng các bà mẹ công giáo xứ Ahaheim, California tìm không thấy thì Đức Benedictô XVI cũng chưa chắc đã tìm được. Nhưng tất cả vấn tin tưởng và yêu mến. Hình như vậy là đủ rồi vì Chúa Giêsu cần Đức Tin bằng hạt cải chứ không cần kiến thức bằng cái bàn.

Rồi tớ vẫn kính phục hàng Giáo Sĩ, nhưng tớ khâm phục sự dấn thân của các nữ tu khắp nơi trên khắp thế giới nhiều hơn. Môt chị đệ tử dòng Mến Thánh Giá Hà Nội cũng như bà bề trên dòng Nữ Tử Bác Ái bên Ấn Độ. Nữ tu da vàng hay da đen gì cũng thế. Dòng kín hay dòng vào đời cũng vậy. Tớ kính phục hết thảy như những chứng nhân khi thấy họ sống điều họ tin vì tớ nghĩ một nữ tu mà sống đúng lời khấn khiết tịnh, nghèo khó, và vâng lời thì không thua gì một Linh Muc. Cũng như một  người không có tôn giáo mà sống tốt lành thì còn đáng kính hơn cả người có đạo sống đạo đức. Nếu Chúa Giêsu xuống thế trễ hơn 2000 năm thì chắc phúc âm sẽ dài hơn một tí vì phải viết nhiều hơn về các bà như bà Maria hay Martha.

Tớ nhớ lại vào năm 1973, khi về làm việc ở Vàm Cống, Lấp Vò thuộc tỉnh An Giang là những nơi người ta theo đạo Hòa Hảo rất đông. Tớ thấy ban trị sự các đình chùa của họ chẳng mấy học cao. Họ chưa bao giờ nghe nói đến Triết Lý hay Thần Học, dù chỉ là một ý tưởng, nhưng họ vẫn sống đạo và hành đạo ngon lành. Ở Long Xuyên lúc ấy có Đại Học Hòa Hảo, nhưng còn rất thô sơ và cũng không chuyên dậy về Đạo Hòa Hảo. Vậy mà vẫn có những người nhập đạo. Giáo dân Hòa Hảo chỉ ‘ngêu ngao’ giáo lý trên loa với những cuốn kinh cũ rích, nhưng vẫn có những người tin theo vì có nhiều Người Hòa Hỏa đã sống Đạo Hòa Hảo.

Tớ nhớ Chúa Giêsu bảo Thầy là cây nho, chứ không nói thầy là đỉnh kim tự tháp. Chúa Giêsu bảo Thầy là viên đá góc tường chứ không phải ngọn đèn trên đỉnh tháp chuông nhà thờ. Cho nên ngày xưa tớ hay nhìn cơ cấu của Giáo Hội bằng cái nhìn top-down: Không có Giáo Hoàng thì không có Giáo Dân. Bây giờ tớ thích nhìn bằng cái nhìn bottom-up: Không có giáo dân thì không chắc có Giáo Hoàng. Ngày xưa tớ hay nhìn Giáo Hội từ Vatican sang Paris, Brisborn, Berlin… Bây giờ tớ thích nhìn Giáo Hội từ Taipei, từ Sydney, Moscow… về Roma hơn. Giáo Hội vững bền không chỉ bằng những nhà thờ chính tòa nguy nga ở New York, London, hay Ottawa… mà Giáo Hôi luôn sống động nhờ những giáo dân ở Seoul, ở Jerusalem, ở Hà Nội, ở Sai Gòn, và cả ở những giáo xứ quê mùa vùng Cái Sắn nữa.

Tớ tưởng tượng ra một cuộc đại đại dịch cúm gà với virus H5N1 xảy đến, và trên thế giới chỉ còn có một số người sống sót, trong số ấy không có Giám Mục, không có Linh Mục, nhưng lại có tớ - một tay có nhiều chất rùa, rắn, chuôt… trong người, đã được rửa tội và vẫn còn tin vào Chúa Giêsu Cứu Thế - thì không biết tớ sẽ phải làm gì? “Lạy Chúa, xin đừng cho điều ấy xẩy đến. Và nếu có xẩy đến thì cho con chết chung với đại đa số anh chị em con luôn vì con yếu đuối lắm, chẳng biết lúc ấy còn tin Chúa không?”.

Cô nàng sợ chuột giờ này đã ngon giấc. Ngáy đều đều như cái máy Kohler bốn ngựa ‘rừ rừ’ dội về từ con sông đầy phù sa chạy qua Núi Sập.

Còn tớ thì tự nhiên đêm nay khó ngủ. Khó ngủ không phải vì nhớ đồng ruộng, nhớ ‘đặc sản chuột’ như hổ nhớ rừng, cũng không phải nghĩ đến những việc hệ trọng trong Giáo Hội như phụ nữ có quyền làm linh muc hoặc linh muc được phép có gia đình, mà khó ngủ vì bài thuyết trình với đề tài “Giáo Dân Chính Là Giáo Hội Nơi Trần Thế” mà tớ đã nhận. Khó ngủ không phải vì bài nói mà khó ngủ vì thấy mình chưa sống được điều mình sắp…phải nói, dù là những điều rất nhỏ bé thôi.

Joseph Vũ , San Dimas 11/07/2005.

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Ban Biên Tập

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  (TGP Baltimore, Maryland, USA)

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************