DẪN NHẬP TỔNG
QUÁT
Lời Giới
Thiệu
của ÐTGM J.B. Phạm Minh Mẫn
Phải mở rộng lối vào Kinh Thánh cho các
Kitô hữu (Vatican II, Mặc Khải. 22)
Ðó là trách nhiệm Hội Thánh tự đặt cho mình
như Công Ðồng Vaticanô II đã khẳng định. Tuy nhiên, nếu đây là trách
nhiệm chung cho hết mọi thành phần trong Hội Thánh, thì trước hết là
trách nhiệm của các mục tử. Chính vì vậy mà cách đây năm năm, Ðức cố
Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, vị tiền nhiệm của tôi, khi giới
thiệu cuốn Tân Ước do Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ thực hiện,
đã bày tỏ niềm mong ước của mình là sớm thấy bản dịch Cựu Ước được hoàn
tất. Mong ước đó nay đã thành hiện thực. Và chỉ hơn một tháng sau ngày
nhận trách nhiệm tại Tổng Giáo Phận Thành Phố Saigon, tôi hân hạnh giới
thiệu trọn bộ Kinh Thánh do Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ thực
hiện. Và đây là một niềm vui không nhỏ đối với tôi.
Thiết tưởng không cần lặp lại những gì Ðức cố
Tổng Giám Mục đã nói, nhất là sau 28 năm hiện diện và hoạt động, đặc
biệt trong lãnh vực Kinh Thánh và Phụng Vụ, Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH
PHỤNG VỤ không còn xa lạ gì đối với giới Công Giáo Việt Nam. Không những
thế, tính nghiêm túc của các công trình do Nhóm thực hiện cũng đã gây
được sự chú ý và thiện cảm của các giới chuyên môn, bằng chứng là từ năm
1995 Nhóm đã được nhận vào Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo Thế
Giới.
Vào giai đoạn đất nước đang chuyển mình, khi
mọi người công dân đang phấn đấu làm việc sao cho dân giàu nước mạnh, và
xây dựng một xã hội văn minh, người Kitô hữu Việt Nam chúng ta chỉ có
thể góp phần độc đáo của mình nếu mỗi người cố gắng hơn để gần gũi với
Lời Chúa, thấm nhuần Lời Chúa, để cho Lời Chúa nên sức mạnh và ánh sáng
giúp chúng ta sống và hoạt động. Và làm cho Lời Chúa trở nên gần gũi với
anh chị em tín hữu Việt Nam qua những bản dịch vừa trung thành với nội
dung mặc khải, vừa trong sáng, dễ hiểu, phù hợp với cách diễn tả của
người Việt Nam hôm nay, đó là mục tiêu mà tập thể Nhóm Phiên Dịch không
ngừng đeo đuổi từ bao nhiêu năm qua. Tôi chân thành cầu mong cho công
trình tập thể đầu tiên thuộc loại này được phổ biến rộng rãi.
Trong tư cách một người mục tử, tôi xin được
bày tỏ lòng biết ơn đối với các anh chị em đã dày công thực hiện công
trình phiên dịch này, với tất cả những người trực tiếp hay gián tiếp đã
cộng tác vào việc thực hiện, cũng như với các cơ quan đã tận tình giúp
đỡ, đặc biệt với Liên Hiệp Thánh Kinh Hội.
Nguyện xin Chúa ban phúc lành cho tất cả
những ai đã ra sức làm việc cho dân Chúa có lương thực thường
tồn.
Thành Phố Sàigòn, ngày 5 tháng 5 năm
1998
Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Tổng Giám Mục
Giáo Phận
Thành Phố Sàigòn
MẠC KHẢI VÀ
SÁCH THÁNH
Ðể giúp độc giả, dù tin vào Thiên Chúa hay
không, biết mình đang cầm cuốn sách nào trong tay và biết cách đọc và
hiểu cuốn Sách Thánh, chúng tôi xin tóm tắt giáo huấn của Công Ðồng
Va-ti-ca-nô II về Mặc Khải và Sách Thánh (Kinh Thánh), sau đó chúng tôi
giới thiệu đại cương từng phần của Sách Thánh.
1. Ðâu là nguồn gốc của Sách
Thánh?
"Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn
mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Người (x.
Ep 1,9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Ki-tô,
Ngôi Lời Nhập Thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính
của Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2Pr 1,4). Trong việc mặc khải này, với tình
thương chan chứa của Người, Thiên Chúa vô hình (x. Xh 33,11; Ga
15,14-15) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu. Người đối thoại với họ
(x. Br 3,38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Người" (MK
2).
Thiên Chúa đã nói với loài người khi nào,
qua ai?
"Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa
đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết
này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử (Giê-su)" (Dt
1,1-2).
Thiên Chúa đã nói cách đây hàng mấy chục
thế kỷ, làm sao tôi có thể nghe được hôm nay?
"Thuở xưa" Lời Chúa phán dạy đã tạo thành một
dân tộc được tuyển chọn để nghe và giữ lời Thiên Chúa. Lời ấy đã được
lưu giữ trong giáo huấn, đời sống và phụng tự của Dân Thiên Chúa trong
thời Cựu Ước và đã được ghi chép thành Sách Thánh, tức là sách Cựu
Ước.
Còn lời Thiên Chúa đã phán qua Thánh Tử
Giê-su đã được truyền lại cho chúng ta nhờ sứ vụ của các Tông Ðồ: "Hoặc
qua lời giảng dạy, gương lành và các thể chế, các ngài đã truyền lại
những gì đã nhận lãnh từ miệng Chúa Ki-tô, khi chung sống với Người và
thấy Người hành động, hoặc đã học biết được nhờ Chúa Thánh Thần soi
sáng; một phần do chính các ngài và những người phụ tá các ngài đã viết
lại Tin Mừng cứu rỗi dưới sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh thần" (MK
7). Ðó là sách Tân Ước.
2. Làm sao biết được đây là
Sách Thánh?
Hàng ngày trong khi cử hành phụng vụ, sau khi
đọc Sách Thánh, người đọc hô lên: "Ðó là Lời Chúa", và toàn thể cộng
đoàn đáp lại: "Tạ ơn Chúa." Ðó là một lời tuyên xưng đức tin. "Sách
Thánh là Lời Chúa nói. Vì được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa
Thánh Thần" (MK 9). Như vậy thì chỉ có Thánh Thần mới có thể làm cho Hội
Thánh nhận ra "đó là Lời Chúa".
Trong Hội Thánh, Chúa Giê-su đã trao cho các
Tông Ðồ và các đấng kế vị quyền giáo huấn để "dạy người ta tuân giữ mọi
điều Chúa đã truyền" (x.Mt 28,20), và đã ban Thánh Thần cho các vị này
để thi hành sứ mạng (x.Ga 20,21-22). Thánh Thần đã dùng các vị này để
giúp cộng đoàn Hội Thánh dần dần xác định những sách nào là Sách Thánh.
Vào thế kỷ IV Hội Thánh Công Giáo đã có những bản kê khai các sách được
nhìn nhận là Sách Thánh: đó là quy điển, tức là những sách được Thánh
Thần linh hứng và có giá trị để Hội Thánh quy chiếu vào đó mà biết những
gì phải tin và những gì phải thực hành trong đời sống. Ngày nay Hội
Thánh Công Giáo vẫn trân trọng tôn kính, giữ gìn và tuyên đọc Lời Chúa
trong bộ Sách Thánh gồm phần Cựu Ước (46 cuốn ) và Tân Ước (27
cuốn).
3. Sách Thánh trong đời sống
của Ki-tô hữu
"Hội Thánh luôn tôn kính Sách Thánh như chính
Thân Thể Chúa. Nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Hội Thánh không ngừng lấy
bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa
Ki-tô để ban phát cho các tín hữu" (MK 21).
Lời Chúa và bí tích Thánh Thể là hai cách
hiện diện của Chúa Ki-tô Phục Sinh. Tin Mừng theo thánh Lu-ca gợi cho
chúng ta điều ấy trong câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau: Họ thấy
lòng mình bừng cháy khi Chúa Giê-su nói với họ và giải nghĩa Sách Thánh
cho họ trên đường, và họ nhận ra Người khi Người "cầm lấy bánh, dâng lời
chúc tụng và bẻ ra trao cho họ" (x. Lc 24,13-32).
Lời Chúa và bí tích Thánh Thể là của ăn thông
ban và nuôi dưỡng sự sống đời đời nơi chúng ta. Trong Cựu Ước, khi dẫn
dân Chúa đi trong hoang địa, Thiên Chúa nuôi họ bằng man-na và Lời Chúa:
"Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn
man-na là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng
biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ
cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Ðnl
8,3). Trong thời của Giao Ước Mới này, Chúa Ki-tô Phục Sinh đồng hành
với dân mới. Người nuôi chúng ta bằng Lời Chúa và bằng Mình Máu Thánh
Người. - "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết" (Ga 8,51)
- "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống
muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế
gian được sống" (Ga 6,51).
"Hội Thánh luôn công bố Lời Chúa khi cử hành
các bí tích và các giờ kinh phụng vụ, vì Sách Thánh phân phát cách bất
di bất dịch Lời của chính Thiên Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa
Thánh Thần qua các ngôn sứ cùng các Tôn g Ðồ. Bởi vậy, mọi lời giảng dạy
trong Hội Thánh cũng như chính đạo thánh Chúa Ki-tô phải được Sách Thánh
nuôi dưỡng và hướng dẫn. Thực tế, trong các Sách Thánh, Cha trên trời
đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ bằng tất cả lòng trìu mến" (Mk
21).
Công Ðồng Va-ti-ca-nô II đã nhắc lại lời
thánh Giê-rô-ni-mô: "Không biết Sách Thánh là không biết Chúa Ki-tô" rồi
khuyến khích các tu sĩ "hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Sách Thánh"
và khẳng định: "Các giám mục có phận sự dạy dỗ cách thích hợp cho các
tín hữu đã được trao cho mình biết sử dụng đúng đắn Sách Thánh, nhất là
Tân Ước và trước tiên là các sách Tin Mừng, nhờ các bản dịch. Các bản
dịch này phải được kèm theo những lời giải thích cần thiết và đầy đủ, để
con cái Hội Thánh có thể sử dụng Sách Thánh cách bảo đảm và ích lợi, và
được thấm nhuần tinh thần Sách Thánh" (MK 25).
Hội Thánh muốn trao Sách Thánh vào tay mỗi
người tín hữu và cả những người ngoài Ki-tô giáo, bởi vì "cũng như đời
sống Hội Thánh được tăng triển nhờ năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể thì
cũng có thể hy vọng đời sống thiêng liêng sẽ có một đà tiến mới nhờ gia
tăng lòng sùng kính Lời Chúa", là lời "hằng tồn tại muôn đời" (x. MK
25-26).
4. Làm thế nào để hiểu Sách
Thánh?
Sách Thánh là Lời Chúa đã thành lời người,
cũng như Ðức Ki-tô là Lời Chúa đã thành người phàm và cư ngụ giữa chúng
ta. Cả hai là công trình của Thánh Thần: Lời Chúa thành lời người do
Thánh Thần linh hứng cho các tác giả viết ra; Lời Chúa thành người phàm
do Thánh Thần tạo dựng tác động trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a. Công Ðồng
khẳng định: "Lời của Chúa diễn tả qua ngôn ngữ của loài người, được đồng
hoá với tiếng nói loài người, cũng như xưa Lời của Chúa Cha hằng hữu đã
trở nên giống loài người, sau khi nhận lấy sự yếu đuối của xác phàm" (MK
13).
Tính cách "nhập thể" này khiến người ta phải
nhờ đến các phương pháp nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, xã hội, các phương
pháp phân tích văn chương để "tìm hiểu điều các tác giả Sách Thánh thực
sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ"
(x.MK12). Công việc này Công Ðồng kêu gọi các nhà chuyên môn thực hiện
để giúp những người có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa "truyền đạt kho tàng
bao la của Lời Chúa cho các tín hữu". Còn chính "những người có bổn phận
phục vụ Lời Chúa? phải gắn bó với Sách Thánh nhờ chăm đọc và ân cần học
hỏi? để khỏi trở thành kẻ huênh hoang rao giảng Lời Thiên Chúa ngoài môi
miệng bởi không lắng nghe Lời Thiên Chúa trong lòng" (x. MK
23-26).
"Nhưng Sách Thánh đã được viết ra bởi Chúa
Thánh Thần, nên cũng phải được đọc và chú giải trong Chúa Thánh Thần."
Muốn thế, phải tôn trọng toàn thể hoạt động của Thánh Thần, nghĩa là
"phải ân cần lưu ý đến nội dung, và sự thống nhất toàn bộ Kinh Thánh,
dựa trên truyền thống sống động của toàn Hội Thánh và trên sự tương hợp
toàn bộ đức tin" (MK 12).
Vậy phải chăng người Ki-tô hữu giáo dân
(không phải là giáo sĩ, tu sĩ, nhà nghiên cứu?) đành chỉ chờ nghe giảng
dạy chứ không được cầm Sách Thánh trong tay mà đọc? Công Ðồng
Va-ti-ca-nô II đã ra lệnh: "Phải mở rộng lối vào Kinh Thánh cho các
Ki-tô hữu" (MK 22). Trách nhiệm của các giám mục là "dạy các Ki-tô hữu
biết sử dụng đúng đắn Sách Thánh? nhờ các bản dịch" (MK 25). Như vậy
Công Ðồng khuyến khích mọi Ki-tô hữu trực tiếp tiếp xúc với Sách
Thánh.
5. Làm thế nào để được Lời
Chúa nuôi dưỡng như lương thực?
Công việc của các nhà nghiên cứu và các người
rao giảng là giúp người Ki-tô hữu hiểu Lời Chúa trong Sách Thánh. Nhưng
sự hiểu biết đó không sinh ích gì nếu mỗi người không trở thành mảnh đất
tốt đón nhận hạt giống Lời Chúa, nghĩa là "những kẻ nghe Lời Chúa với
tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh
hoa kết quả" (Lc 8,15).
Thánh Phê-rô tuyên xưng: "Thầy mới có những
lời đem lại sự sống đời đời" sau khi Chúa Giê-su tuyên bố: "Thần Khí mới
làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là
Thần Khí và là sự sống" (Ga 6,63.68). Chính vì "tất cả những gì viết
trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng" (2 Tm 3,16) và "chính nhờ
có Thánh Thần thúc đẩy mà có những người nói theo lệnh của Thiên Chúa"
(2Pr 1,21), nên Lời Thiên Chúa có sức thông ban Thần Khí cho chúng ta
tương tự như các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Do đó điều trước
tiên là chúng ta phải cung kính đọc hoặc nghe với đức tin cũng như khi
lãnh nhận các bí tích.
Khung cảnh thuận lợi nhất để đón nhận Lời
Chúa là khi cử hành các giờ kinh phụng vụ và các bí tích, vì những lúc
ấy tâm hồn chúng ta được chuẩn bị, và phụng vụ nâng đỡ chúng
ta.
Ngoài khung cảnh phụng vụ, chúng ta có thể
đọc và suy niệm chiêm ngắm Lời Chúa. Ðây là hình thức đón nghe Lời Chúa
trong cầu nguyện đã có từ thời Dân Chúa bị lưu đày ở Ba-by-lon (thế kỷ
VI trước CN). Khi không còn phụng vụ tế tự tại đền thờ Giê-ru-sa-lem,
Dân Chúa mới chú ý đến lời ông Mô-sê và các ngôn sứ. Họ tụ họp nhau
trong Hội đường (ngày sa-bát) để nghe lại Lời Chúa đã phán dạy qua ông
Mô-sê và các ngôn sứ. Họ lắng nghe và nghiền ngẫm, đối chiếu với những
gì họ đang sống. Nhờ đó họ hiểu được nguyên nhân cuộc sống hiện tại là
do tội lỗi của họ gây ra, đồng thời họ tìm được niềm hy vọng vì khi các
ngôn sứ răn đe thì cũng công bố lời hứa cứu độ. Như thế Lời Chúa dạy cho
họ biết hoán cải và hy vọng. Từ đó họ ăn năn thống hối, cầu xin ơn tha
tội, ơn giải phóng, ơn cứu độ?
Trong các văn kiện gần đây, Ðức Gio-an
Phao-lô II đã đề cao việc suy niệm chiêm ngắm Lời Chúa (xem Tông huấn về
"đào tạo linh mục" số 47; "Ðời sống thánh hiến" số 94; sứ điệp nhân
"ngày quốc tế giới trẻ" 1997 tại Paris, số 6). Chúng tôi xin giới thiệu
với độc giả vài nét về cách suy niệm chiêm ngắm Lời Chúa này, dựa theo
cách giải thích của Ðức Hồng Y Carlo Maria Martini. Có thể phân biệt ba
bước trong tiến trình suy niệm chiêm ngắm Lời Chúa:
a. Ðọc
Bắt lấy những yếu tố quan trọng của bản văn
bằng cách chú ý đến các động từ, các chủ từ, các tình cảm, tính cách của
hành động, các sự việc nối tiếp nhau vì lý do nào. Nếu chịu khó đọc đi
đọc lại, sẽ luôn thấy mới mẻ. Liên tưởng đến những đoạn tương tự trong
Sách Thánh giúp ta chuyển từ mạch văn trước mắt đến những viễn tượng
rộng lớn hơn, vì toàn Sách Thánh là một cuốn sách duy nhất. Ðây là việc
khảo sát bản văn, ai cũng có thể làm được. Có thể nói đọc là tra vấn bản
văn.
b. Suy niệm
Khi đọc ta mới chỉ chú ý đến ý nghĩa của các
từ ngữ. Suy niệm là nghiền ngẫm về những tình cảm, những hành động,
những thái độ do kết cấu của các từ ngữ gợi lên: có thể là thái độ của
Thiên Chúa đối với con người: lòng thương xót, sự thành tín, sự công
chính; hoặc thái độ của con người đối với Thiên Chúa và với nhau: ngợi
khen, cảm tạ, thống hối - phản bội, dối trá, hèn nhát? .
Nghiền ngẫm giúp ta nhận ra những giá trị
thường hằng hàm chứa trong bản văn. Sau đó ta đối chiếu với tình trạng
bản thân: tôi đảm nhận những giá trị thường hằng đó như thế nào? Ðó là
để cho Lời Chúa tra vấn, dạy dỗ, an ủi, mời gọi ta.
Việc suy niệm như thế khơi dậy trong chúng ta
những tâm tình, những ước nguyện để thân thưa với Thiên Chúa: ngợi khen,
cảm tạ, thống hối, cầu xin, dâng hiến? Lời Chúa đưa ta đến chỗ đáp lại,
đối thoại với Người. Ðó là cầu nguyện, như Công Ðồng nói: "Cầu nguyện
phải đi đôi với việc đọc Sách Thánh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa
và con người, vì chúng ta ngỏ lời với Thiên Chúa khi cầu nguyện và chúng
ta nghe Người nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn của Chúa" (MK
25).
c. Chiêm ngắm
Việc nghiền ngẫm và cầu nguyện dần dần tập
trung lại trong việc chiêm ngắm chính mầu nhiệm Chúa Giê-su hiện diện
trong mọi trang Sách Thánh và nhất là trong sách Tin Mừng. Thánh Thần
đưa chúng ta vượt qua bản văn để cảm nghiệm và sống với sự hiện diện của
Thiên Chúa đang hành động trong mọi biến cố Sách Thánh kể
lại.
Như vậy chúng ta đi từ bản văn đến những giá
trị bản văn nêu lên và cuối cùng đến với chính Ðấng hành động trong các
biến cố và đang nói với ta.
Bước thứ nhất (đọc) có thể nhờ người giải
thích, giúp đỡ. Bước thứ hai (suy niệm chiêm ngắm) mỗi người phải đích
thân đi vào với ơn Chúa giúp. Bước thứ ba hoàn toàn do Thánh Thần khơi
dậy trong chúng ta.
Nhờ suy niệm chiêm ngắm Lời Chúa, mỗi người
sẽ được Thiên Chúa đưa vào một kinh nghiệm đích thân gặp gỡ Thiên Chúa,
vì Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta cốt để đưa chúng ta vào mầu nhiệm của
Người, chia sẻ cho chúng ta sự sống của Người.