DẪN NHẬP TỔNG QUÁT

Lời Giới Thiệu
của ÐTGM J.B. Phạm Minh Mẫn

    Phải mở rộng lối vào Kinh Thánh cho các Kitô hữu (Vatican II, Mặc Khải. 22)

Ðó là trách nhiệm Hội Thánh tự đặt cho mình như Công Ðồng Vaticanô II đã khẳng định. Tuy nhiên, nếu đây là trách nhiệm chung cho hết mọi thành phần trong Hội Thánh, thì trước hết là trách nhiệm của các mục tử. Chính vì vậy mà cách đây năm năm, Ðức cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, vị tiền nhiệm của tôi, khi giới thiệu cuốn Tân Ước do Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ thực hiện, đã bày tỏ niềm mong ước của mình là sớm thấy bản dịch Cựu Ước được hoàn tất. Mong ước đó nay đã thành hiện thực. Và chỉ hơn một tháng sau ngày nhận trách nhiệm tại Tổng Giáo Phận Thành Phố Saigon, tôi hân hạnh giới thiệu trọn bộ Kinh Thánh do Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ thực hiện. Và đây là một niềm vui không nhỏ đối với tôi.

Thiết tưởng không cần lặp lại những gì Ðức cố Tổng Giám Mục đã nói, nhất là sau 28 năm hiện diện và hoạt động, đặc biệt trong lãnh vực Kinh Thánh và Phụng Vụ, Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ không còn xa lạ gì đối với giới Công Giáo Việt Nam. Không những thế, tính nghiêm túc của các công trình do Nhóm thực hiện cũng đã gây được sự chú ý và thiện cảm của các giới chuyên môn, bằng chứng là từ năm 1995 Nhóm đã được nhận vào Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo Thế Giới.

Vào giai đoạn đất nước đang chuyển mình, khi mọi người công dân đang phấn đấu làm việc sao cho dân giàu nước mạnh, và xây dựng một xã hội văn minh, người Kitô hữu Việt Nam chúng ta chỉ có thể góp phần độc đáo của mình nếu mỗi người cố gắng hơn để gần gũi với Lời Chúa, thấm nhuần Lời Chúa, để cho Lời Chúa nên sức mạnh và ánh sáng giúp chúng ta sống và hoạt động. Và làm cho Lời Chúa trở nên gần gũi với anh chị em tín hữu Việt Nam qua những bản dịch vừa trung thành với nội dung mặc khải, vừa trong sáng, dễ hiểu, phù hợp với cách diễn tả của người Việt Nam hôm nay, đó là mục tiêu mà tập thể Nhóm Phiên Dịch không ngừng đeo đuổi từ bao nhiêu năm qua. Tôi chân thành cầu mong cho công trình tập thể đầu tiên thuộc loại này được phổ biến rộng rãi.

Trong tư cách một người mục tử, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn đối với các anh chị em đã dày công thực hiện công trình phiên dịch này, với tất cả những người trực tiếp hay gián tiếp đã cộng tác vào việc thực hiện, cũng như với các cơ quan đã tận tình giúp đỡ, đặc biệt với Liên Hiệp Thánh Kinh Hội.

Nguyện xin Chúa ban phúc lành cho tất cả những ai đã ra sức làm việc cho dân Chúa có lương thực thường tồn.

    Thành Phố Sàigòn, ngày 5 tháng 5 năm 1998
    Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
    Tổng Giám Mục
    Giáo Phận Thành Phố Sàigòn


MẠC KHẢI VÀ SÁCH THÁNH

Ðể giúp độc giả, dù tin vào Thiên Chúa hay không, biết mình đang cầm cuốn sách nào trong tay và biết cách đọc và hiểu cuốn Sách Thánh, chúng tôi xin tóm tắt giáo huấn của Công Ðồng Va-ti-ca-nô II về Mặc Khải và Sách Thánh (Kinh Thánh), sau đó chúng tôi giới thiệu đại cương từng phần của Sách Thánh.

1. Ðâu là nguồn gốc của Sách Thánh?

"Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Người (x. Ep 1,9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2Pr 1,4). Trong việc mặc khải này, với tình thương chan chứa của Người, Thiên Chúa vô hình (x. Xh 33,11; Ga 15,14-15) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu. Người đối thoại với họ (x. Br 3,38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Người" (MK 2).

Thiên Chúa đã nói với loài người khi nào, qua ai?

"Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử (Giê-su)" (Dt 1,1-2).

Thiên Chúa đã nói cách đây hàng mấy chục thế kỷ, làm sao tôi có thể nghe được hôm nay?

"Thuở xưa" Lời Chúa phán dạy đã tạo thành một dân tộc được tuyển chọn để nghe và giữ lời Thiên Chúa. Lời ấy đã được lưu giữ trong giáo huấn, đời sống và phụng tự của Dân Thiên Chúa trong thời Cựu Ước và đã được ghi chép thành Sách Thánh, tức là sách Cựu Ước.

Còn lời Thiên Chúa đã phán qua Thánh Tử Giê-su đã được truyền lại cho chúng ta nhờ sứ vụ của các Tông Ðồ: "Hoặc qua lời giảng dạy, gương lành và các thể chế, các ngài đã truyền lại những gì đã nhận lãnh từ miệng Chúa Ki-tô, khi chung sống với Người và thấy Người hành động, hoặc đã học biết được nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng; một phần do chính các ngài và những người phụ tá các ngài đã viết lại Tin Mừng cứu rỗi dưới sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh thần" (MK 7). Ðó là sách Tân Ước.

2. Làm sao biết được đây là Sách Thánh?

Hàng ngày trong khi cử hành phụng vụ, sau khi đọc Sách Thánh, người đọc hô lên: "Ðó là Lời Chúa", và toàn thể cộng đoàn đáp lại: "Tạ ơn Chúa." Ðó là một lời tuyên xưng đức tin. "Sách Thánh là Lời Chúa nói. Vì được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần" (MK 9). Như vậy thì chỉ có Thánh Thần mới có thể làm cho Hội Thánh nhận ra "đó là Lời Chúa".

Trong Hội Thánh, Chúa Giê-su đã trao cho các Tông Ðồ và các đấng kế vị quyền giáo huấn để "dạy người ta tuân giữ mọi điều Chúa đã truyền" (x.Mt 28,20), và đã ban Thánh Thần cho các vị này để thi hành sứ mạng (x.Ga 20,21-22). Thánh Thần đã dùng các vị này để giúp cộng đoàn Hội Thánh dần dần xác định những sách nào là Sách Thánh. Vào thế kỷ IV Hội Thánh Công Giáo đã có những bản kê khai các sách được nhìn nhận là Sách Thánh: đó là quy điển, tức là những sách được Thánh Thần linh hứng và có giá trị để Hội Thánh quy chiếu vào đó mà biết những gì phải tin và những gì phải thực hành trong đời sống. Ngày nay Hội Thánh Công Giáo vẫn trân trọng tôn kính, giữ gìn và tuyên đọc Lời Chúa trong bộ Sách Thánh gồm phần Cựu Ước (46 cuốn ) và Tân Ước (27 cuốn).

3. Sách Thánh trong đời sống của Ki-tô hữu

"Hội Thánh luôn tôn kính Sách Thánh như chính Thân Thể Chúa. Nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Hội Thánh không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Ki-tô để ban phát cho các tín hữu" (MK 21).

Lời Chúa và bí tích Thánh Thể là hai cách hiện diện của Chúa Ki-tô Phục Sinh. Tin Mừng theo thánh Lu-ca gợi cho chúng ta điều ấy trong câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau: Họ thấy lòng mình bừng cháy khi Chúa Giê-su nói với họ và giải nghĩa Sách Thánh cho họ trên đường, và họ nhận ra Người khi Người "cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ" (x. Lc 24,13-32).

Lời Chúa và bí tích Thánh Thể là của ăn thông ban và nuôi dưỡng sự sống đời đời nơi chúng ta. Trong Cựu Ước, khi dẫn dân Chúa đi trong hoang địa, Thiên Chúa nuôi họ bằng man-na và Lời Chúa: "Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn man-na là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Ðnl 8,3). Trong thời của Giao Ước Mới này, Chúa Ki-tô Phục Sinh đồng hành với dân mới. Người nuôi chúng ta bằng Lời Chúa và bằng Mình Máu Thánh Người. - "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết" (Ga 8,51) - "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống" (Ga 6,51).

"Hội Thánh luôn công bố Lời Chúa khi cử hành các bí tích và các giờ kinh phụng vụ, vì Sách Thánh phân phát cách bất di bất dịch Lời của chính Thiên Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các ngôn sứ cùng các Tôn g Ðồ. Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Hội Thánh cũng như chính đạo thánh Chúa Ki-tô phải được Sách Thánh nuôi dưỡng và hướng dẫn. Thực tế, trong các Sách Thánh, Cha trên trời đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ bằng tất cả lòng trìu mến" (Mk 21).

Công Ðồng Va-ti-ca-nô II đã nhắc lại lời thánh Giê-rô-ni-mô: "Không biết Sách Thánh là không biết Chúa Ki-tô" rồi khuyến khích các tu sĩ "hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Sách Thánh" và khẳng định: "Các giám mục có phận sự dạy dỗ cách thích hợp cho các tín hữu đã được trao cho mình biết sử dụng đúng đắn Sách Thánh, nhất là Tân Ước và trước tiên là các sách Tin Mừng, nhờ các bản dịch. Các bản dịch này phải được kèm theo những lời giải thích cần thiết và đầy đủ, để con cái Hội Thánh có thể sử dụng Sách Thánh cách bảo đảm và ích lợi, và được thấm nhuần tinh thần Sách Thánh" (MK 25).

Hội Thánh muốn trao Sách Thánh vào tay mỗi người tín hữu và cả những người ngoài Ki-tô giáo, bởi vì "cũng như đời sống Hội Thánh được tăng triển nhờ năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể thì cũng có thể hy vọng đời sống thiêng liêng sẽ có một đà tiến mới nhờ gia tăng lòng sùng kính Lời Chúa", là lời "hằng tồn tại muôn đời" (x. MK 25-26).

4. Làm thế nào để hiểu Sách Thánh?

Sách Thánh là Lời Chúa đã thành lời người, cũng như Ðức Ki-tô là Lời Chúa đã thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Cả hai là công trình của Thánh Thần: Lời Chúa thành lời người do Thánh Thần linh hứng cho các tác giả viết ra; Lời Chúa thành người phàm do Thánh Thần tạo dựng tác động trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a. Công Ðồng khẳng định: "Lời của Chúa diễn tả qua ngôn ngữ của loài người, được đồng hoá với tiếng nói loài người, cũng như xưa Lời của Chúa Cha hằng hữu đã trở nên giống loài người, sau khi nhận lấy sự yếu đuối của xác phàm" (MK 13).

Tính cách "nhập thể" này khiến người ta phải nhờ đến các phương pháp nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, xã hội, các phương pháp phân tích văn chương để "tìm hiểu điều các tác giả Sách Thánh thực sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ" (x.MK12). Công việc này Công Ðồng kêu gọi các nhà chuyên môn thực hiện để giúp những người có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa "truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa cho các tín hữu". Còn chính "những người có bổn phận phục vụ Lời Chúa? phải gắn bó với Sách Thánh nhờ chăm đọc và ân cần học hỏi? để khỏi trở thành kẻ huênh hoang rao giảng Lời Thiên Chúa ngoài môi miệng bởi không lắng nghe Lời Thiên Chúa trong lòng" (x. MK 23-26).

"Nhưng Sách Thánh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, nên cũng phải được đọc và chú giải trong Chúa Thánh Thần." Muốn thế, phải tôn trọng toàn thể hoạt động của Thánh Thần, nghĩa là "phải ân cần lưu ý đến nội dung, và sự thống nhất toàn bộ Kinh Thánh, dựa trên truyền thống sống động của toàn Hội Thánh và trên sự tương hợp toàn bộ đức tin" (MK 12).

Vậy phải chăng người Ki-tô hữu giáo dân (không phải là giáo sĩ, tu sĩ, nhà nghiên cứu?) đành chỉ chờ nghe giảng dạy chứ không được cầm Sách Thánh trong tay mà đọc? Công Ðồng Va-ti-ca-nô II đã ra lệnh: "Phải mở rộng lối vào Kinh Thánh cho các Ki-tô hữu" (MK 22). Trách nhiệm của các giám mục là "dạy các Ki-tô hữu biết sử dụng đúng đắn Sách Thánh? nhờ các bản dịch" (MK 25). Như vậy Công Ðồng khuyến khích mọi Ki-tô hữu trực tiếp tiếp xúc với Sách Thánh.

5. Làm thế nào để được Lời Chúa nuôi dưỡng như lương thực?

Công việc của các nhà nghiên cứu và các người rao giảng là giúp người Ki-tô hữu hiểu Lời Chúa trong Sách Thánh. Nhưng sự hiểu biết đó không sinh ích gì nếu mỗi người không trở thành mảnh đất tốt đón nhận hạt giống Lời Chúa, nghĩa là "những kẻ nghe Lời Chúa với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả" (Lc 8,15).

Thánh Phê-rô tuyên xưng: "Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời" sau khi Chúa Giê-su tuyên bố: "Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống" (Ga 6,63.68). Chính vì "tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng" (2 Tm 3,16) và "chính nhờ có Thánh Thần thúc đẩy mà có những người nói theo lệnh của Thiên Chúa" (2Pr 1,21), nên Lời Thiên Chúa có sức thông ban Thần Khí cho chúng ta tương tự như các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Do đó điều trước tiên là chúng ta phải cung kính đọc hoặc nghe với đức tin cũng như khi lãnh nhận các bí tích.

Khung cảnh thuận lợi nhất để đón nhận Lời Chúa là khi cử hành các giờ kinh phụng vụ và các bí tích, vì những lúc ấy tâm hồn chúng ta được chuẩn bị, và phụng vụ nâng đỡ chúng ta.

Ngoài khung cảnh phụng vụ, chúng ta có thể đọc và suy niệm chiêm ngắm Lời Chúa. Ðây là hình thức đón nghe Lời Chúa trong cầu nguyện đã có từ thời Dân Chúa bị lưu đày ở Ba-by-lon (thế kỷ VI trước CN). Khi không còn phụng vụ tế tự tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, Dân Chúa mới chú ý đến lời ông Mô-sê và các ngôn sứ. Họ tụ họp nhau trong Hội đường (ngày sa-bát) để nghe lại Lời Chúa đã phán dạy qua ông Mô-sê và các ngôn sứ. Họ lắng nghe và nghiền ngẫm, đối chiếu với những gì họ đang sống. Nhờ đó họ hiểu được nguyên nhân cuộc sống hiện tại là do tội lỗi của họ gây ra, đồng thời họ tìm được niềm hy vọng vì khi các ngôn sứ răn đe thì cũng công bố lời hứa cứu độ. Như thế Lời Chúa dạy cho họ biết hoán cải và hy vọng. Từ đó họ ăn năn thống hối, cầu xin ơn tha tội, ơn giải phóng, ơn cứu độ?

Trong các văn kiện gần đây, Ðức Gio-an Phao-lô II đã đề cao việc suy niệm chiêm ngắm Lời Chúa (xem Tông huấn về "đào tạo linh mục" số 47; "Ðời sống thánh hiến" số 94; sứ điệp nhân "ngày quốc tế giới trẻ" 1997 tại Paris, số 6). Chúng tôi xin giới thiệu với độc giả vài nét về cách suy niệm chiêm ngắm Lời Chúa này, dựa theo cách giải thích của Ðức Hồng Y Carlo Maria Martini. Có thể phân biệt ba bước trong tiến trình suy niệm chiêm ngắm Lời Chúa:

a. Ðọc

Bắt lấy những yếu tố quan trọng của bản văn bằng cách chú ý đến các động từ, các chủ từ, các tình cảm, tính cách của hành động, các sự việc nối tiếp nhau vì lý do nào. Nếu chịu khó đọc đi đọc lại, sẽ luôn thấy mới mẻ. Liên tưởng đến những đoạn tương tự trong Sách Thánh giúp ta chuyển từ mạch văn trước mắt đến những viễn tượng rộng lớn hơn, vì toàn Sách Thánh là một cuốn sách duy nhất. Ðây là việc khảo sát bản văn, ai cũng có thể làm được. Có thể nói đọc là tra vấn bản văn.

b. Suy niệm

Khi đọc ta mới chỉ chú ý đến ý nghĩa của các từ ngữ. Suy niệm là nghiền ngẫm về những tình cảm, những hành động, những thái độ do kết cấu của các từ ngữ gợi lên: có thể là thái độ của Thiên Chúa đối với con người: lòng thương xót, sự thành tín, sự công chính; hoặc thái độ của con người đối với Thiên Chúa và với nhau: ngợi khen, cảm tạ, thống hối - phản bội, dối trá, hèn nhát? .

Nghiền ngẫm giúp ta nhận ra những giá trị thường hằng hàm chứa trong bản văn. Sau đó ta đối chiếu với tình trạng bản thân: tôi đảm nhận những giá trị thường hằng đó như thế nào? Ðó là để cho Lời Chúa tra vấn, dạy dỗ, an ủi, mời gọi ta.

Việc suy niệm như thế khơi dậy trong chúng ta những tâm tình, những ước nguyện để thân thưa với Thiên Chúa: ngợi khen, cảm tạ, thống hối, cầu xin, dâng hiến? Lời Chúa đưa ta đến chỗ đáp lại, đối thoại với Người. Ðó là cầu nguyện, như Công Ðồng nói: "Cầu nguyện phải đi đôi với việc đọc Sách Thánh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì chúng ta ngỏ lời với Thiên Chúa khi cầu nguyện và chúng ta nghe Người nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn của Chúa" (MK 25).

c. Chiêm ngắm

Việc nghiền ngẫm và cầu nguyện dần dần tập trung lại trong việc chiêm ngắm chính mầu nhiệm Chúa Giê-su hiện diện trong mọi trang Sách Thánh và nhất là trong sách Tin Mừng. Thánh Thần đưa chúng ta vượt qua bản văn để cảm nghiệm và sống với sự hiện diện của Thiên Chúa đang hành động trong mọi biến cố Sách Thánh kể lại.

Như vậy chúng ta đi từ bản văn đến những giá trị bản văn nêu lên và cuối cùng đến với chính Ðấng hành động trong các biến cố và đang nói với ta.

Bước thứ nhất (đọc) có thể nhờ người giải thích, giúp đỡ. Bước thứ hai (suy niệm chiêm ngắm) mỗi người phải đích thân đi vào với ơn Chúa giúp. Bước thứ ba hoàn toàn do Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta.

Nhờ suy niệm chiêm ngắm Lời Chúa, mỗi người sẽ được Thiên Chúa đưa vào một kinh nghiệm đích thân gặp gỡ Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta cốt để đưa chúng ta vào mầu nhiệm của Người, chia sẻ cho chúng ta sự sống của Người.


Dẫn Nhập: CỰU ƯỚC

1. Nguồn gốc các sách Cựu Ước

"Thiên Chúa chí ái đã ân cần trù liệu và chuẩn bị việc cứu độ toàn thể nhân loại theo một kế hoạch lạ lùng: Người đã tuyển chọn một dân tộc để ủy thác những lời ước hẹn. Quả vậy, sau khi lập Giao Ước với ông Áp-ra-ham (x. St 15,18) và với dân Ít-ra-en qua ông Mô-sê (x. Xh 24,8), Thiên Chúa đã dùng lời nói, việc làm mặc khải cho dân Người đã chọn, để họ biết Người là Thiên Chúa độc nhất, chân thật và hằng sống, và nghiệm thấy đâu là đường lối Thiên Chúa đối xử với loài người. Thiên Chúa còn phán dạy họ qua các ngôn sứ để ngày qua ngày, họ thấu hiểu các đường lối ấy sâu xa và rõ ràng hơn hầu đem phổ biến rộng rãi nơi các dân tộc (x. Tv 21,28-29; 95,1-3; Is 2,1-4; Gr 3,17). Vì thế chương trình cứu độ được các tác giả Sách Thánh tiên báo, thuật lại và giải thích đã trở thành Lời Chúa đích thật trong các sách Cựu Ước. Bởi vậy các sách được Thiên Chúa linh hứng này luôn có một giá trị vĩnh viễn: "Vì những gì đã được ghi chép là để dạy dỗ chúng ta, hầu chúng ta được hy vọng nhờ sự kiên nhẫn và nhờ sự an ủi của Sách Thánh" (Rm 15,4) (MK 14).

2. Tại sao các Ki-tô hữu phải đọc Cựu Ước?

"Các Ki-tô hữu phải thành kính đón nhận các sách Cựu Ước, vì các sách này diễn tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Người, những tư tưởng khôn ngoan về đời sống con người, những kho tàng kinh nghiệm tuyệt diệu, và sau cùng, ẩn chứa mầu nhiệm cứu rỗi chúng ta" (MK 15).

"Thiên Chúa là Ðấng linh hứng và là tác giả các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước, đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước. Thực vậy, dù Ðức Ki-tô thiết lập giao ước mới bằng máu Người (x. Lc 22,20; 1Cr 11,25) nhưng các sách Cựu Ước vẫn được sử dụng trọn vẹn trong sứ điệp Tin Mừng, đạt được và bày tỏ đầy đủ ý nghĩa trong Tân Ước (x. Mt 5,17; Lc 24,27; Rm 16,25-26; 2Cr 3,14-16). Ngược lại Tân Ước cũng được sáng tỏ và giải thích nhờ Cựu Ước" (MK 16).

3. Ki-tô hữu đọc Cựu Ước thế nào?

a. Cựu Ước cũng là Lời Chúa nói với chúng ta, như chúng ta vẫn tuyên xưng trong Phụng Vụ.

b. Các sách Cựu Ước thuộc nhiều thể loại văn chương khác nhau, do đó khi đọc cần chú ý đến thể loại của từng cuốn sách hoặc từng phần. Thí dụ 11 chương đầu sách Sáng thế đã gây bao vấn đề chỉ vì người ta ngộ nhận cho đó là thể loại lịch sử. Ngay cả các sách gọi là lịch sử cũng không phải là lịch sử theo quan niệm thực nghiệm (kể lại đúng như các sự kiện xảy ra) nhưng là lịch sử cứu độ, nghĩa là tìm đọc ra ý nghĩa cứu độ, sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa trong các diễn biến lịch sử.

c. Tính cách tiệm tiến của mặc khải khiến cho các sách Cựu Ước còn nhiều điều chưa hoàn toàn, và chỉ có giá trị cho một giai đoạn. Ðọc Mt 5-7 hoặc 19,1-9 chúng ta thấy rõ điều đó. Hiến Chế về Mặc Khải cho chúng ta nguyên tắc này: "Thích ứng với hoàn cảnh nhân loại sống trước thời cứu độ do Chúa Ki-tô thiết lập, các sách Cựu Ước trình bày cho mọi người biết Thiên Chúa là ai, con người là ai, đồng thời trình bày Thiên Chúa công bình và nhân từ đối xử với loài người như thế nào, tuy có nhiều điều khiếm khuyết và tạm bợ, nhưng các sách ấy minh chứng khoa sư phạm đích thực của Thiên Chúa" (MK 15). Theo nguyên tắc tiệm tiến ấy, "Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước" (MK 16). Vì thế người Ki-tô hữu đọc Cựu Ước phải đối chiếu với Tân Ước để hiểu cho đúng Chúa muốn dạy mình điều gì.

4. Ngũ Thư

Năm cuốn đầu tiên của Cựu Ước vẫn được xếp vào một bộ với nhau nên gọi là Ngũ Thư. Người Do-thái gọi là Luật (Tô-ra), vì đây là nền tảng cho đời sống của Dân Chúa trong Cựu Ước. Ngũ Thư cho Dân Chúa hiểu biết nguồn gốc, căn tính và vị trí của họ trong kế hoạch của Thiên Chúa cùng với các luật lệ để giúp họ sống làm dân của Thiên Chúa. Truyền thống Do-thái vẫn coi tác giả của Ngũ Thư là ông Mô-sê. Thực ra bộ Ngũ Thư chúng ta có hiện nay bằng tiếng Híp-ri đã được hoàn thành vào khoảng năm 400 trước CN, nhưng không thể loại trừ vai trò của ông Mô-sê ở phía đầu nguồn của truyền thống đã được đã được đúc kết trong năm cuốn sách này.

Quả vậy, lịch sử Dân Chúa trong Cựu Ước không thể lý giải nếu loại trừ vai trò của ông Mô-sê. Ông là vị ngôn sứ lớn nhất Thiên Chúa đã sai đến để đưa một đám dân hỗn tạp ra khỏi ách nô lệ ở Ai-cập và công bố Giao Ước của Chúa, quy tụ thành Dân của Thiên Chúa và dạy họ sống làm Dân của Thiên Chúa, thờ phượng Chúa và tôn trọng nhau như anh em.

Dòng truyền thống bắt nguồn từ hoạt động của Mô-sê đã được các bộ lạc duy trì và phát triển, phối hợp với các kinh nghiệm tôn giáo và truyền thống riêng của từng bộ lạc, từng khu vực. Ta có thể nhận ra khu vực phía nam, khu vực Khép-rôn, khu vực miền trung (Si-khem), khu vực phía bắc và khu vực bên kia sông Gio-đan. Sự thống nhất thực sự của các khu vực này chỉ được thực hiện vào thời vua Ða-vít và kéo dài đến hết đời vua Sa-lô-môn (chừng tám mươi năm). Vào thời kỳ thống nhất này, cũng là hoàng kim thời đại của lịch sử Dân Chúa trong Cựu Ước, Ða-vít đã nỗ lực xây dựng sự thống nhất chính trị trên cơ sở sự thống nhất tôn giáo (một đền thờ, một hàng tư tế). Do đó chắc chắn đã có một nỗ lực sưu tập và thống nhất các truyền thống của các bộ lạc và các khu vực.

Sau thời Sa-lô-môn, các bộ lạc phía bắc ly khai với Giê-ru-sa-lem. Phía bắc cũng lại mưu toan củng cố độc lập bằng cách ly khai tôn giáo. Ðương nhiên trong tình trạng này, các truyền thống lại phát triển trong cuộc sống của dân ở hai vương quốc. Nhưng ở phía bắc, vì triều đình xa rời Thiên Chúa của Giao Ước, nên có một trào lưu tôn giáo tách khỏi chính trị, do các ngôn sứ khởi xướng. Trào lưu này trở về với Giao Ước Xi-nai, kêu gọi người ta trung thành với Thiên Chúa của Giao Ước.

Sản phẩm của trào lưu này là một sách Luật Giao Ước được đem xuống phía nam (hay biên soạn tại phía nam?), sau khi vương quốc phía bắc bị tiêu diệt năm 722 trước CN. Một thế kỷ sau, khi vua Giô-si-a trùng tu Ðền Thờ, người ta phát hiện ra cuốn sách này ở trong đền thờ (năm 622) và vua dùng làm cơ sở cho việc phục hưng tôn giáo. Hiện nay cuốn này là một phần trong sách Ðệ nhị luật (các chương 5-26 và 28). Gọi là Ðệ nhị luật vì trong bộ Ngũ Thư các Luật của Giao Ước đã được ghi ở ba cuốn trước (Xuất hành, Lê-vi, Dân số).

Trong thời kỳ lưu đày ở Ba-by-lon, Dân Chúa không còn gì để nương tựa ngoài Lời Chúa đã phán dạy qua ông Mô-sê và các ngôn sứ, nên họ mới tìm lại các truyền thống xưa. Ðây là lúc các môn đệ của các ngôn sứ và các tư tế ra công sưu tập và biên soạn. Hoạt động này tiếp tục cả sau khi đã hồi hương.

Người ta nhận ra bàn tay của các tư tế trong việc biên soạn bốn cuốn đầu, bàn tay của trào lưu đệ nhị luật hoàn chỉnh cuốn Ðệ nhị luật.

a. Sách Sáng thế

Sách Sáng thế gồm hai phần rõ rệt. Phần từ chương 12 đến hết, trình bày các truyền thống về thuỷ tổ của dân Ít-ra-en và giải thích sự có mặt của họ trên đất Ai-cập.

Còn 11 chương đầu là một nỗ lực suy tư khởi đi từ kinh nghiệm tôn giáo của Ít-ra-en nhằm lý giải nguồn gốc vũ trụ và con người, nguồn gốc sự ác và ơn cứu độ. Ðây là một suy tư hoàn toàn tôn giáo, vận dụng các truyền thống tôn giáo của Ít-ra-en và của các dân tộc vùng Lưỡng Hà Ðịa nhằm diễn tả niềm tin rằng: Thiên Chúa mà Ít-ra-en thờ là Ðấng đã làm cho vũ trụ và con người xuất hiện; trong mọi loài thọ tạo, Thiên Chúa yêu thương và săn sóc con người hơn cả, dành cho con người một cuộc sống vượt trên tất cả.

Sự ác đã có mặt trong cuộc sống là do con người gây ra bởi sự từ chối vâng phục Ðấng Tạo Hoá và từ chối nhau. Nhưng Thiên Chúa đã hứa giải thoát con người. Thế là lịch sử cứu độ đã bắt đầu với lịch sử loài người. Kinh nghiệm của Ít-ra-en về tội lỗi và cứu độ đã được mở ra bao trùm cả nhân loại. Ðiều này phản ánh ý thức của Dân Chúa về lịch sử và sứ mạng của mình là làm chứng về Thiên Chúa và ơn cứu độ của Người trước mặt muôn dân, để muôn dân được biết Thiên Chúa và được cứu độ.

Ðiểm này là bước tiến quan trọng của mặc khải mà Dân Chúa đã nhận được chính vào thời lưu đày.

b. Sách Xuất hành, sách Lê-vi và sách Dân số

Ba cuốn sách này xoay quanh biến cố thành lập Dân Chúa và Cựu Ước.

Sách Xuất hành kể lại cuộc ra khỏi Ai-cập như một kinh nghiệm về quyền năng giải phóng của Thiên Chúa và Giao Ước Xi-nai như một kinh nghiệm cộng đồng về sự gặp gỡ Thiên Chúa. Ðây là hai thì của một biến cố: sự thành lập cộng đồng Dân Thiên Chúa bằng Giao Ước do Thiên Chúa thiết lập qua trung gian ông Mô-sê. Với Giao Ước này, Thiên Chúa nhận đám dân hỗn tạp từ Ai-cập thoát ra làm Dân của Người và Người tự nhận là Thiên Chúa của họ. Người sẽ bênh vực họ và dẫn họ vào chiếm lãnh miền đất Người đã hứa với tổ tiên họ. Phần họ, họ phải tuân giữ các luật lệ Người ban qua ông Mô-sê. Cùng với "Mười Lời" của Chúa (Mười Ðiều Răn), sách Xuất hành còn ghi một số luật về phụng tự. Nhưng ngay sau đó dân đã vi phạm Giao Ước, đúc bò vàng mà thờ theo kiểu dân Ca-na-an. Nhờ ông Mô-sê cầu khẩn, Chúa đã tha thứ và ban lại Luật Giao Ước cho ông Mô-sê.

Sách Lê-vi là công trình sưu tập các luật về phụng tự được xếp vào sau sách Xuất hành, coi như luật lệ do Chúa đã ban qua ông Mô-sê. Thực sự các luật lệ này đã phát triển qua nhiều thế hệ. Thiên Chúa dùng chính nền văn hoá của Ít-ra-en để từng bước giáo dục họ.

Sách Dân số tiếp tục kể về cuộc hành trình trong hoang địa. Mười chương đầu vẫn tiếp tục kể việc kiểm tra, tổ chức dân chúng và nghi lễ thánh hiến hàng tư tế ở Xi-nai. Ở chương 11, dân chúng nhổ trại tiến bước như một đám rước kiệu Hòm Bia Giao Ước. Cuộc hành trình qua hoang địa tiếp tục với những thăng trầm phức tạp, nhưng Thiên Chúa luôn dẫn dắt họ. Mối cản trở chính không phải là những khó khăn ngang đường, nhưng là sự không trung thành với Giao Ước của Thiên Chúa. Sách này kết thúc với việc dân tới được đồng bằng Mô-áp bên kia sông Gio-đan.

c. Sách Ðệ nhị luật

Sách Ðệ nhị luật được ráp nối vào sau sách Dân số bằng khung cảnh giả tưởng đây là những lời ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en ở bên kia sông Gio-đan, trước khi ông qua đời ở núi Nơ-vô trên đỉnh Pít-ga đối diện với Giê-ri-khô, thành phố mà Ít-ra-en sẽ chiếm được trước tiên sau khi vượt qua sông Gio-đan.

Ông Mô-sê ôn lại hành trình bốn mươi năm dưới sự che chở và dìu dắt của Thiên Chúa, rồi tuyên lại Giao Ước và kết thúc bằng một bài ca với lời chúc phúc cho từng bộ lạc và cho toàn dân. Sách kết thúc với việc ông Mô-sê qua đời trên đỉnh Pít-ga.

Thực chất đây là một cuộc suy niệm về Giao Ước và tình yêu của Thiên Chúa và một lời mời gọi, thuyết phục dân đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, sau những kinh nghiêm bi đát của vương quốc phía bắc, rồi vương quốc phía nam. Họ đã khước từ tình yêu Thiên Chúa nên tự chuốc lấy những tai họa khủng khiếp đó (x. Ðnl 28). Sách Ðệ nhị luật nhắn nhủ dân lưu đày hãy quay về với Thiên Chúa và trung thành với Giao Ước.

5. Các sách Lịch Sử thuộc trào lưu đệ nhị luật

Tuy được gắn vào vị trí thứ năm trong Ngũ Thư, nhưng thực ra sách Ðệ nhị luật hiện có lại là cuốn mở đầu của bộ lịch sử gồm: Giô-suê, Thủ Lãnh, 1-2 Sa-mu-en, 1-2 Vua. Tuy gọi là "lịch sử", nhưng không phải theo nghĩa chúng ta quen hiểu. Ðây là một nỗ lực đọc lại lịch sử Ít-ra-en dưới ánh sáng Giao Ước. Từ khi vào Ðất Hứa cho đến khi cả hai vương quốc bị lưu đày. Những thăng trầm đều là hậu quả của việc trung thành hay phản bội đối với Giao Ước của Thiên Chúa (x. Tl 2,11-19).

a. Sách Giô-suê

Dựa vào các truyền thống phía bắc, trình bày cuộc chiếm lãnh Ðất Hứa như một thiên anh hùng ca tiếp nối thiên anh hùng ca của cuộc xuất hành: tất cả các bộ lạc đồng tâm góp sức dưới sự chỉ huy của Giô-suê vượt qua sông Gio-đan như đã vượt qua Biển Ðỏ bốn mươi năm trước, rồi tiến như vũ bão từ chiến thắng này qua chiến thắng khác để chiếm lãnh toàn miền đất Thiên Chúa đã chỉ cho Mô-sê thấy (ch. 1-12). Sau đó là cuộc phân chia đất đai giữa các bộ lạc (ch. 13-21). Và cuối cùng là đại hội toàn dân ở Si-khem. Giô-suê cũng nói những lời cuối cùng theo kiểu Mô-sê khi ở bên kia sông Gio-đan, công bố lại Giao Ước và lập bia chứng ước. Giô-suê là người được Thiên Chúa tuyển chọn để chạy tiếp sức với ông Mô-sê: Mô-sê dẫn dân từ Ai-cập đến bờ sông Gio-đan, Giô-suê dẫn dân vào chiếm lãnh và định cư trên Ðất Hứa. Cuốn sách kết thúc với việc hài cốt ông Giu-se được an táng ở Si-khem tại phần đất ông Gia-cóp đã mua. Thế là cuộc hành trình nhiều thế kỷ của nhà Gia_cóp đã khép kín: từ Si-khem xuống Ai-cập nay lại về đến Si-khem. Lời hứa của Thiên Chúa cho tổ phụ Aùp-ra-ham về một miền đất và một dòng dõi đông đúc nay đã thành sự.

b. Sách các Thủ lãnh

Gọi theo danh từ chung chỉ các vị anh hùng trong cuốn sách, họ là những người được Thiên Chúa sai đến cầm đầu các cuộc giải phóng rồi làm người xét xử mọi việc trong dân, vì thế cũng dịch là "quan án", "phán quan" - "xét xử" ở nền văn hoá này đồng nghĩa với cai trị. Về một số vị, sách chỉ nêu tên và số năm "xét xử" chứ không kể một hành động giải phóng nào. Mười hai vị này chẳng bao giờ "xét xử" toàn thể Ít-ra-en mà chỉ giới hạn trong từng bộ lạc. Tuy nhiên, sách Thủ lãnh đã biến họ thành những anh hùng giải phóng hoặc cai trị toàn thể Ít-ra-en, đồng thời phân bổ số năm hoạt động của mỗi vị theo những con số ước lệ: 20, 40, 80 để có được con số bốn trăm tám mươi năm tính từ khi ra khỏi Ai-cập cho đến khi xây đền thờ (1V 6,1).

Cuốn sách này trải qua nhiều lần biên soạn. Hình thức hiện nay là của các soạn giả thuộc trào lưu đệ nhị luật với một chương (2,6 - 3,6) dẫn nhập tổng quát nêu rõ ý nghĩa tôn giáo của cuốn sách.

c. Sách Sa-mu-en và sách các Vua

Trong bản văn gốc tiếng Do-thái có một sách Sa-mu-en và một sách các Vua. Bản dịch Hy-lạp đã chia thành bốn cuốn "Các triều đại", bản dịch La-tinh (Phổ thông) theo bản Hy-lạp, chia thành bốn cuốn "Các Vua". Các bản dịch mới giữ cách chia bốn, nhưng gọi là sách Sa-mu-en quyển 1 và 2 và sách các Vua quyển 1 và 2.

Sách Sa-mu-en quyển 1 và 2 khởi đầu với nhân vật Sa-mu-en như là vị "thủ lãnh" cuối cùng và là người thiết lập chế độ quân chủ theo yêu cầu của dân. Ông vua thứ nhất được Sa-mu-en xức dầu tấn phong đã không trung thành với Thiên Chúa nên bị Thiên Chúa phế bỏ. Ông vua thứ hai được Sa-mu-en xức dầu tấn phong nổi bật như gương mẫu của sự trung thành với Thiên Chúa. Ông đã hoàn thành cuộc chinh phục và thống nhất miền Ðất Hứa, loại trừ mối đe dọa là dân Phi-li-tinh, mở rộng biên giới phía đông và phía bắc, ông chiếm được Giê-ru-sa-lem, lập làm thủ đô và đưa Hòm Bia Giao Ước về đây. Ông đã được Thiên Chúa hứa cho dòng dõi mãi mãi ngồi trên ngai. Bản dịch Hy-lạp dựa theo một bản Híp-ri có nhiều điểm dị biệt so với bản Híp-ri hiện có trong Sách Thánh (người ta đã tìm được một phần bản gốc Híp-ri này ở Cum-ran).

Sách các Vua quyển 1 và 2 kể về các vua từ Sa-lô-môn đến thời lưu đày. Sau vua Sa-lô-môn, công trình thống nhất của Ða-vít sụp đổ, hai vương quốc bắc và nam kình địch với nhau. Các vua phía nam thì có tám vị được khen là trung thành với Thiên Chúa, nhưng sáu vị vẫn còn để các nơi thờ phượng ngoại đạo tồn tại, chỉ có Khít-ki-gia và Giô-si-a được khen trọn vẹn. Lời phê về các vua đều theo tiêu chuẩn là sự trung thành với Thiên Chúa và với một nơi thờ phượng duy nhất.

6. Sách chuyện bà Rút

Trong bản Hy-lạp, La-tinh và các bản dịch mới, sách Rút được đặt liền sau sách Thủ lãnh. Bản Do-thái đặt trong bộ năm cuốn để đọc trong các dịp lễ nhất định: Diễm ca đọc dịp lễ Vượt Qua; Rút, dịp lễ Ngũ Tuần; Ai ca, ngày 9 tháng Áp, kỷ niệm Ðền Thờ bị thiêu hủy; Giảng viên, dịp lễ Lều; và Eùt-te, ngày lễ Pu-rim. Sách kể chuyện một người đàn bà xứ Mô-áp đã trở thành bà cố nội của vua Ðavít. Chính yếu tố này đem lại cho cuốn sách tầm quan trọng đặc biệt.

7. Các sách Lịch Sử thuộc trào lưu tư tế

Từ khi trở về sau lưu đày, dân xứ Giu-đa đã xây dựng một cộng đồng lấy đền thờ làm trung tâm và Luật Mô-sê làm luật sống. Cộng đồng này vẫn được đế quốc Ba Tư, rồi đế quốc Hy-lạp dành cho một quyền tự trị dưới sự lãnh đạo của tầng lớp tư tế. Nhưng từ ngày hồi hương, họ luôn gặp sự chống đối của cộng đồng Sa-ma-ri ở phía bắc. Cộng đồng này cũng nhận sách Luật Mô-sê do Eùt-ra công bố, nhưng vẫn không muốn thuộc quyền giới tư tế ở Giê-ru-sa-lem. Vào những thập niên đầu của đế quốc Hy-lạp (do A-lê-xan-đê Ðại Ðế mở mang), cộng đồng Sa-ma-ri đã xin được quyền xây một đền thờ trên núi Ga-ri-dim. Thế là sự cạnh tranh giữa hai cộng đồng và hai đền thờ trở nên gay gắt (x. Ga 4, câu chuyện giữa Chúa Giêsu và người đàn bà Sa-ma-ri).

Trong bối cảnh ấy, bộ lịch sử thuộc trào lưu tư tế ra đời gồm các sách 1-2 Sử biên niên, Eùt-ra và Nơ-khe-mi-a. Tác giả thuộc giới tư tế, trong thành phần lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem. Sử dụng tư liệu trong các Sách Thánh có trước và nhiều sách khác nay đã thất lạc, tác giả viết lại lịch sử của Ít-ra-en nhằm giúp cho cộng đồng Do-thái lấy lại gốc rễ của mình và nhận ra mình đang sống cùng một lịch sử thánh như các thế hệ trước lưu đày. Tác giả trình bày vua Ða-vít như hình ảnh vương quyền của Thiên Chúa và đền thờ Giê-ru-sa-lem là dấu chỉ sự hiện diện và tình thương của Thiên Chúa. Công và tội của các vua được lượng giá tuỳ sự trung thành với Lề Luật và phụng tự đền thờ. Sự khẳng định ấy đồng thời cũng là một lời kết án và loại trừ đền thờ Ga-ra-dim và cộng đồng quy tụ quanh đền thờ ấy. Nhằm minh chứng quan điểm thượng tôn Giê-ru-sa-lem, tác giả đã đánh bóng khuôn mặt của Ða-vít và coi ông là người đã thiết lập toàn bộ nền phụng tự đền thờ như đang diễn ra ở thời ông. Eùt-ra và Nơ-khe-mi-a là hai vị lãnh đạo đã khôi phục Giê-ru-sa-lem, đền thờ, Luật Mô-sê, việc phụng tự và sự trung thành với nòi giống.

8. Tô-bi-a, Giu-đi-tha và É-te

Bản Phổ thông La-tinh xếp ba cuốn sách này liền sau các sách Lịch Sử, một số thủ bản Hy-lạp cũng xếp như thế, một số thủ bản Hy-lạp khác lại xếp sau các sách Khôn Ngoan. Bản văn của ba cuốn này có nhiều dị biệt theo các truyền thống khác nhau và được nhận vào quy điển khá trễ. Thể văn của ba cuốn này cũng đặc biệt. Các yếu tố lịch sử và địa dư đều rất phóng khoáng đến độ không thể ráp nối với thực tế. Có thể nói đây là ba cuốn tiểu thuyết đạo đức, ra đời ở thế kỷ II trước CN.

Sách Tô-bi-a nhằm đề cao đời sống đạo đức của những người sống xa Ðất Hứa. Chỉ cần trung thành giữ Luật Chúa, cầu nguyện và làm việc lành phúc đức là đẹp lòng Chúa và được chúc phúc.

Sách Giu-đi-tha và sách Eùt-te ca ngợi quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể dùng những phụ nữ yếu đuối như thế để cứu cả dân Do-thái, khi họ đặt hết niềm tin vào Người. Hai sách này xuất hiện trong bối cảnh cuộc nổi dậy của anh em Ma-ca-bê.

9. Sách 1-2 Ma-ca-bê

Hai cuốn sách lịch sử cuối cùng của Cựu Ước, không có trong quy điển của người Do-thái, nhưng được nhận vào quy điển của Hội Thánh Công Giáo.

Cuốn thứ nhất viết vào khoảng năm 100 trước CN, kể về giai đoạn lịch sử từ vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê lên ngôi (175 trước CN) đến vua Gio-an Hiếc-ca-nô (134 trước CN): các mưu đồ của vua Hy-lạp nhằm tiêu diệt đạo Do-thái và cuộc kháng chiến thành công của anh em Ma-ca-bê. Chủ đích là chống lại phong trào chạy theo văn hoá Hy-lạp và đề cao sự trung thành với Lề Luật và Ðền Thờ. Tác giả có vẻ muốn biện minh cho dòng họ Ma-ca-bê lúc đó đang bị chỉ trích vì những liên minh chính trị và việc tiếm đoạt chức tư tế.

Sách 2 Ma-ca-bê không phải là phần tiếp theo của 1 Mcb, nhưng được soạn trước, khoảng năm 124 trước CN. 2 Mcb kể về giai đoạn từ vua Xê-lêu-cô IV (trước vua An-ti-ô-khô) đến cái chết của tướng Ni-ca-no.

Sách 1 Ma-ca-bê quan trọng vì cung cấp những khẳng định rõ ràng về sự phục sinh, về sự thưởng phạt đời sau, về việc cầu nguyện cho người chết, về công trạng của các vị tử đạo, sự chuyển cầu của các thánh. Những điều này sẽ được Tân Ước xác nhận.

10. Các sách Giáo Huấn

Trong Sách Thánh Cựu Ước của Hội Thánh Công Giáo, sau phần các sách Lịch Sử, có bảy cuốn thuộc thể loại giáo huấn (cũng có người dịch là khôn ngoan, nhưng chúng tôi xin dành từ khôn ngoan cho một cuốn sách vẫn có tên là "sách Khôn ngoan").

Dân tộc nào cũng biết tích luỹ và truyền đạt kinh nghiệm sống của mình cho các thế hệ đến sau dưới những hình thức đơn giản dễ nhớ, cũng như bằng những thiên sách suy lý về ý nghĩa cuộc sống và cách sống ở đời. Dân Chúa trong Cựu Ước cũng biết thu thập sự "khôn ngoan" của các dân chung quanh và biết tự tìm ra những kinh nghiệm. Có điều đặc biệt là kinh nghiệm sống của Dân Chúa là một kinh nghiệm tôn giáo. Từ chỗ cảm nghiệm về Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong lịch sử từ ban đầu, họ đi tìm cảm nghiệm sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Trào lưu văn học này đã có từ lâu trong lịch sử Ít-ra-en. Nhưng các sách Giáo Huấn chúng ta có trong Sách Thánh hiện nay đều được biên soạn thời sau lưu đày Ba-by-lon. Trong bảy cuốn sách được xếp vào phần này, có năm cuốn thực sự thuộc thể loại "giáo huấn": Gióp, Châm ngôn, Giảng viên, Khôn ngoan và Huấn ca. Còn Thánh vịnh và Diễm ca là hai tác phẩm thi ca.

a. Sách Gióp

Là một vở kịch bằng thơ, có lẽ xây dựng trên một cốt truyện có trước bằng văn xuôi. Chủ đề là vấn đề đau khổ. Tác phẩm phản kháng quan niệm cổ điển về thưởng phạt, nhưng chưa đưa ra một giải đáp cụ thể, mà chỉ đặt người ta đối diện với mầu nhiệm của quyền năng Thiên Chúa và đưa đến thái độ im lặng tôn thờ.

b. Sách Thánh vịnh

Là bộ sưu tập thánh ca gồm những bài ca vịnh được sáng tác ở nhiều thời đại khác nhau, từ thời vua Ða-vít đến thế kỷ III trước CN. Trước thời lưu đày đã có những bộ sưu tập các thánh vịnh để dùng trong phụng vụ ở đền thờ. Sau lưu đày, các bộ sưu tập này lại có thêm những tác phẩm mới để dùng trong đền thờ mới. Ðây là kho tàng kinh nguyện của dân Chúa trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước. Mọi tình huống, mọi tâm tình của con người được diễn tả, bộc bạch trước mặt Thiên Chúa với lòng đơn sơ, dạn dĩ, tin tưởng: cảm tạ, ngợi khen, thống hối, ai oán, than van, vui, buồn, chất vấn Thiên Chúa và để cho Thiên Chúa chất vấn, khẩn cầu. Hội Thánh Công Giáo sử dụng các Thánh vịng trong các giờ kinh phụng vụ và phụng vụ Lời Chúa. Có thể xếp theo thể loại: tụng ca, vương triều, khẩn cầu, tạ ơn, hành hương, giáo huấn.

c. Sách Châm ngôn

Gồm nhiều bộ sưu tập châm ngôn: 10 - 22,16 và 25-29 (châm ngôn của Sa-lô-môn); 22,17 - 24,22 (lời của những người khôn ngoan); 30,1-14 (lời của A-gua); 30,15-33 (châm ngôn theo con số); 31,1-9 (lời của Lơ-mu-ên). Chín chương đầu là phần dẫn nhập: cha dạy con (1-7) và chính sự khôn ngoan lên tiếng (8-9). Cuốn sách như hiện nay có từ thế kỷ V trước CN. Cuốn sách được hình thành qua nhiều thế kỷ, nên cần lưu ý đến sự phát triển về tư tưởng.

d. Sách Giảng viên

Ðược biên soạn ở thế kỷ III trước CN, nhưng mạo xưng là của vua Sa-lô-môn. Tác giả suy tư khắc khoải về ý nghĩa cuộc sống: tất cả là phù vân. Vậy thì sống để làm gì? Sau cuộc sống này còn gì tồn tại? Phản kháng những quan niệm cũ về thưởng phạt (như sách Gióp), nhưng cũng không đưa ra được giải đáp nào hơn là sự khiêm tốn vâng phục Thiên Chúa và tinh thần "thoát tục". Nỗi khắc khoải này Chúa Giêsu sẽ trả lời dứt khoát.

đ. Sách Diễm ca

Ðược soạn vào thời sau lưu đày (thế kỷ V-IV trước CN). Sách gồm năm bài tình ca diễn tả mối tình giữa Chàng và Nàng. Người Do-thái vẫn coi đây là bài ca tuyệt vời diễn tả mối tình tuyệt vời giữa Thiên Chúa và Dân được tuyển chọn. Hội Thánh hiểu về mối tình giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh; các giáo phụ, các nhà thần bí hiểu về mối tình giữa Chúa Ki-tô và mỗi tâm hồn.

e. Sách Khôn ngoan

Ðược biên soạn ở thế kỷ thứ I trước CN, nhưng mạo xưng là của vua Sa-lô-môn. Tác giả sống trong môi trường văn hoá Hy-lạp ở A-lêxan-ri-a bên Ai-cập. Cuốn sách muốn chống lại sức cuốn hút của văn hoá Hy-lạp đang làm cho nhiều người Do-thái bị lung lạc bằng cách đề cao sự khôn ngoan của Thiên Chúa bộc lộ trong số phận của mỗi con người và trong lịch sử Dân Chúa.

g. Sách Huấn ca

Do Ben Xi-ra viết bằng tiếng Híp-ri vào khoảng 190-180 trước CN tại đất Do-thái, rồi cháu nội của ông dịch ra tiếng Hy-lạp khoảng năm 132 trước CN tại Ai-cập. Cuốn sách gồm một bộ sưu tập những lời khôn ngoan về rất nhiều đề tài (1-42); chiêm ngắm vinh quang của Thiên Chúa trong thiên nhiên (2-43) và trong lịch sử Ít-ra-en (44-50); bài ca tán tạ (51,1-12); ca tụng việc tìm kiếm sự khôn ngoan (51, 13-30).

11. Các sách Ngôn Sứ

Ngôn sứ là người được Thiên Chúa sai đến để thay mặt Chúa làm "miệng của Chúa", nói với dân (x. Gr 15,19). Sứ mạng của các vị này là vạch cho dân thấy lỗi lầm của họ, kêu gọi họ quay về trung thành với giao ước, khuyên bảo, răn đe, loan báo hình phạt và ơn cứu độ. Có trường hợp chính các vị ấy viết lại, hoặc đọc cho môn đệ viết (x. Gr 36,1-4) những lời đã rao giảng, nhưng phần nhiều là do các môn đệ ghi chép, sưu tập những lời các vị ấy đã rao giảng. Do đó các sách thường có một lịch sử biên soạn phức tạp. Sau sách Luật (Ngũ Thư) thì sách Ngôn Sứ là phần quan trọng nhất, bởi vì các ngôn sứ thường vạch cho Dân Chúa thấy trong thực tế họ đã vi phạm giao ước như thế nào và chỉ đường vạch lối cho họ biết sống thế nào cho đúng là Dân của Thiên Chúa. Các ngôn sứ loan báo sự trừng phạt tội lỗi và lời hứa ban ơn cứu độ. Các lời hứa này thường đưa vào một viễn tượng lớn hơn, xa hơn của kế hoạch cứu độ phổ quát trong Ðức Giê-su Ki-tô. Do đó sách Ngôn Sứ được Chúa Giê-su và các Tông Ðồ sử dụng nhiều nhất để giải thích mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô, Giao Ước mới và Dân mới của Thiên Chúa. Sách Ngôn Sứ luôn có tính hiện đại, vì các ngôn sứ phân tích và dạy dỗ về mối tương quan với Thiên Chúa và với nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Trong Sách Thánh của chúng ta có mười sáu sách Ngôn Sứ, gồm bốn ngôn sứ "lớn" và mười hai ngôn sứ "nhỏ". Nói "lớn", "nhỏ" ở đây là theo độ lớn, nhỏ của cuốn sách.

a. I-sai-a

Là cuốn lớn thứ nhất. Sách này gồm ba phần thuộc ba thời kỳ khác nhau:

    1) 1-39 gọi là I-sai-a đệ nhất, vị ngôn sứ rao giảng ở xứ Giu-đa vào thế kỷ VIII trước CN. Một vài chương của thời kỳ sau được chen vào đây (24-27 và 34-35).

    2) 40-55 gọi là sách An Ủi, tức I-sai-a đệ nhị. Công trình của một ngôn sứ thời lưu đày, loan báo niềm hy vọng cứu độ và sứ mạng mới của Dân Chúa.

    3) 56-66 gọi là I-sai-a đệ tam, có lẽ là một bộ sưu tập lời rao giảng của nhiều vị ngôn sứ trong thời kỳ từ lúc xây xong đền thờ mới (515 trước CN) cho đến 445 trước CN. Khi Nơ-khe-mi-a hoàn tất việc trùng tu tường thành, dân chúng chán nản vì thấy đền thờ mới quá khiêm tốn, đời sống kinh tế chẳng khá gì, đời sống đạo đức cũng chẳng hơn xưa: vẫn đầy áp bức bóc lột, thối nát. Các ngôn sứ củng cố niềm tin của cộng đồng Do-thái hồi hương.

b. Giê-rê-mi-a

Chép lời rao giảng và tiểu sử của Giê-rê-mi-a, vị ngôn sứ hoạt động một thế kỷ sau I-sai-a đệ nhất, vào thời kỳ xứ Giu-đa sắp bị diệt vong. Ông đã phải chứng kiến cảnh Giê-ru-sa-lem thất thủ, vua, quan, tư tế và dân bị lưu đày sang Ba-by-lon. Cuộc đời và lời rao giảng của ông mang trọn nỗi bi đát của thời đại.

c. Ai ca

Sách Thánh bằng tiếng Híp-ri xếp Ai ca vào bộ "năm cuốn" để đọc vào các dịp lễ lớn: sách Ai ca dành cho ngày kỷ niệm đền thờ bị phá hủy (ngày chín tháng Áp). Hl và Lt đặt sau sách Giê-rê-mi-a với tựa đề gán quyền tác giả cho ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Nhưng phân tích văn chương và tư tưởng cho thấy nó không thể là tác phẩm của vị ngôn sứ này. Tác phẩm gồm ba bài theo thể "điếu tang" (ch. 1,2 và 4), một bài than khóc cá nhân (ch.3) và một bài than khóc tập thể (ch.5: Lt đề là "Lời cầu xin của Giê-rê-mi-a"). Ðây là những lời than khóc cho cảnh hoang tàn và bi đát của thành Giê-ru-sa-lem và dân cư sau biến cố thảm khốc năm 587 trước CN. Chính lòng trông cậy kiên vững vào Thiên Chúa trong nỗi đau tuyệt vọng của con người làm nên giá trị bất hủ của những bản ai ca này. Hội Thánh đọc sách này trong Tuần Thánh để nhớ biến cố bi đát trên Núi Sọ.

d. Ba-rúc

Sách này không có trong Hr, chỉ có trong Hl (đặt sau sách Giê-rê-mi-a) và trong Pt Lt (đặt sau Ai ca). Sách được mạo xưng là của Ba-rúc, người thư ký của ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Thực ra đây là công trình biên soạn hay sưu tập của một tác giả ở thế kỷ II trước CN (có người cho là thế kỷ I trước CN) với một nội dung phức hợp. Pt Lt gắn "thư của Giê-rê-mi-a vào cuối sách Ba-rúc, còn Hl tách riêng, đặt sau sách Ai ca. Sách nhỏ này cho chúng ta biết về đời sống tôn giáo của người Do-thái ở các cộng đồng hải ngoại và ảnh hưởng mạnh mẽ của ngôn sứ Giê-rê-mi-a đối với dân Do-thái sau biến cố năm 587 trước CN.

đ. Ê-dê-ki-en

Chép lời rao giảng và cuộc sống của Ê-dê-ki-en, vị ngôn sứ của thời lưu đày. Ông thuộc hàng tư tế bị phát lưu ngay đợt đầu (597 trước CN). Từ Ba-by-lon, ông theo dõi và giải thích những gì đang xảy ra tại Giê-ru-sa-lem. Sau khi Giê-ru-sa-lem thất thủ, một đám dân lưu đày mới được dẫn về Ba-by-lon. Hoạt động rao giảng của ông nhằm giúp những người lưu đày hiểu biết về hiện tại của mình và giữ vững niềm hy vọng ở tương lai.

e. Ða-ni-en

Thực chất là một cuốn sách thuộc thể loại "khải huyền", mạo xưng là của một nhân vật thời lưu đày. Sách được viết vào thời kỳ An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê bách hại (167-164), trước khi cuộc nổi dậy của anh em Ma-ca-bê thành công. Mục đích nhằm an ủi, khích lệ Dân Chúa giữ vững niềm tin trong cơn thử thách.

g. Hô-sê

Chép lời rao giảng của một ngôn sứ đồng thời với A-mốt tại phía bắc. Bản văn tiếng Híp-ri của sách này là một trong những bản văn được lưu truyền tồi nhất trong Cựu Ước. Cuộc đời và lời rao giảng của Hô-sê vừa bi đát vừa trữ tình. Ông sống nỗi bi đát của tình vợ chồng bị phản bội để làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa bị phản bội. Trào lưu đệ nhị luật và các ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, I-sai-a đệ nhị chịu ảnh hưởng của ông rất nhiều trong cách nói về tình yêu Thiên Chúa và Giao Ước Mới với "luật khắc trong tim".

h. Giô-en

Là sách được biên soạn vào khoảng năm 400 trước CN. Hai chương đầu mô tả tai họa và công bố lời hứa giải thoát. Hai chương sau theo thể loại khải huyền, loan báo cuộc phán xét và kỷ nguyên mới. Lời hứa tuôn đổ Thần Khí được sách Công vụ trích dẫn và ứng dụng vào biến cố ngày lễ Ngũ Tuần (2,16-21).

i. A-mốt

Vị ngôn sứ này rao giảng ở vương quốc phía bắc vào thời Gia-róp-am II (783-743). Là một nông dân thuần tuý nên lời lẽ của ông thường đơn sơ nhưng rất mạnh mẽ.

k. Ô-va-đi-a

Là sách ngắn nhất của Cựu Ước nhưng lại có nhiều vấn đề phức tạp. Các nhà nghiên cứu chưa xác định nổi thời đại: các ý kiến đi từ thế kỷ IX trước CN tới thời kỳ đế quốc Hy-lạp. Sách phản ánh một chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đề cao sự công thẳng khủng khiếp và quyền năng của Thiên Chúa là Ðấng bênh vực công lý.

l. Giô-na

Là một dụ ngôn dài khoác lên vai một nhân vật được nói đến ở 2V 14,25. Sách được viết vào thế kỷ V. Câu chuyện đầy châm biếm nhằm phản bác quan điểm dân tộc cực đoan, cục bộ và rao giảng một quan niệm phổ quát về ơn cứu độ.

m. Mi-kha

Sách này chép lời rao giảng của ngôn sứ Mi-kha người vùng Mô-rê-sét (gần Khép-rôn). Ðừng lộn tên vị ngôn sứ này với ông Mi-kha con ông Gim-la thời vua A-kháp (x. 1V 22). Ông rao giảng ở vương quốc phía nam, từ khi vương quốc phía bắc bị diệt (721) đấn cuộc xâm lăng của Xan-khê-ríp (701). Ông cũng là nông dân thuần tuý nên lời văn mộc mạc và mạnh mẽ giống A-mốt.

n. Na-khum

Ngôn sứ này hoạt động ở Giu-đa vào thời kỳ đế quốc Át-sua đang đến hồi suy tàn và thủ đô Ni-ni-vê sắp thất thủ (612). Ông kết tội vua xứ Át-sua là kẻ xâm lược áp bức và loan báo ơn cứu độ cho Giu-đa.

o. Kha-ba-cúc

Rao giảng cùng thời với Giê-rê-mi-a, trong khi xứ Giu-đa bị dân Can-đê đe dọa. Ông chất vấn Chúa vì Chúa để cho một dân hung ác đe dọa Dân Chúa cùng chư dân, và được Chúa trả lời: "Người công chính sẽ được sống nhờ lòng trung tín". Rồi ông nguyền rủa kẻ áp bức người khác và cuối cùng ca tụng quyền năng Thiên Chúa.

p. Xô-phô-ni-a

Ngôn sứ này hoạt động ở phía nam thời ấu vương Giô-si-a (640-630), trước cuộc phục hưng tôn giáo mà vua này sẽ phát động. Tân Ước trích dẫn sách này một lần (Mt 13,41). Cách ông mô tả "Ngày của Ðức Chúa" ảnh hưởng tới ngôn sứ Giô-en và bài ca "Dies irae" thời trung cổ.

q. Khác-gai

Rao giảng sau thời lưu đày. Ông cổ võ việc xây lại đền thờ.

r. Da-ca-ri-a

Sách này gồm hai phần thuộc hai thời kỳ khác nhau:

    1) 1-8 thuộc thời kỳ tái thiết và phục hưng, cổ võ việc khôi phục đạo đức;

    2) 9-14 thuộc thời kỳ cuối thế kỷ IV trước CN, lúc đế quốc Hy-lạp mới bành trướng. Có người còn chia phần này làm hai: 9-11 và 12-14. Tầm quan trọng của phần 9-14 là do giáo huấn về Ðấng Mê-si-a, được Chúa Giê-su và các sách Tân Ước trích dẫn nhiều.

s. Ma-la-khi

Rao giảng sau khi đền thờ được xây lại năm 515, kêu gọi hàng tư tế và dân thanh tẩy mọi tội lỗi để thờ phượng Chúa cho phải đạo.