.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

DẪN NHẬP

CHƯƠNG I: SỨ ĐIỆP CỦA POPULORUM PROGRESSIO

CHƯƠNG II: PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA

CHƯƠNG III: TÌNH HUYNH ĐỆ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ XÃ HỘI DÂN SỰ

CHƯƠNG IV: PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC - QUYỀN VÀ BỔN PHẬN MÔI SINH

CHƯƠNG V: SỰ HỢP TÁC CỦA GIA ĐÌNH NHÂN LOẠI

CHƯƠNG VI: PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC VÀ KỸ THUẬT

KẾT & GHI CHÚ

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
THÔNG ĐIỆP CARITAS IN VERITATE - BÁC ÁI TRONG CHÂN LÝ
Tác giả: BENEDICTUS PP. XVI
Bản dịch của: UB Giáo Lý Đức Tin & TT Mục Vụ TGP Saigon
CHƯƠNG V: SỰ HỢP TÁC CỦA GIA ĐÌNH NHÂN LOẠI

  

53.       Một trong những hình thức nghèo đói nhất mà con người có kinh nghiệm, đó là sự cô lập. Nhìn kỹ lại những hình thức khác của nghèo đói, gồm cả đói nghèo vật chất, ta thấy rằng tất cả đều bắt nguồn từ tình trạng bị bỏ rơi, không-được-yêu-thương hoặc từ những khó khăn khi thể hiện khả năng yêu thương. Nghèo đói thường phát xuất từ sự chối từ tình yêu Thiên Chúa, từ khuynh hướng cơ bản và bi thảm của con người tự khép kín lại với chính mình, nghĩ rằng chỉ có một mình là đủ hay xem mình chỉ là một sự xuất hiện vô nghĩa và chóng qua, một “người xa lạ” trong một vũ trụ được hình thành từ ngẫu nhiên. Con người bị tha hóa khi trơ trọi một mình, hay tự tách khỏi thực tại, hay khi phủ nhận suy nghĩ và tin tưởng vào một Nền tảng [125]. Toàn thể nhân loại bị tha hóa, khi chỉ dựa vào những kế hoạch hoàn toàn do con người, vào những ý thức hệ và những ảo tưởng sai lệch [126]. Ngày nay, nhân loại xem ra hoạt động chung với nhau hơn hôm qua: sự gần gũi này phải được biến đổi thành một cộng đoàn đích thực. Sự phát triển các dân tộc tùy thuộc trước tiên vào việc nhận thức mình là một gia đình duy nhất, làm việc chung với nhau trong mối hiệp thông đích thực, chứ không chỉ đơn thuần là một nhóm người tình cờ sống kề cận bên nhau [127]. 

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ghi nhận: “Thế giới đang xáo trộn vì thiếu suy tưởng” [128]. Ngài đưa ra một nhận xét, đồng thời cũng diễn tả một ước vọng: cần phải đổi mới tư duy để có thể hiểu rõ hơn sự kiện chúng ta tạo thành một gia đình; mối tương tác giữa các dân tộc trên địa cầu đòi buộc sự đổi mới này, để việc hội nhập có thể được thực hiện trong hướng liên đới chứ không loại trừ [129]. Một suy tư như thế buộc chúng ta phải có một đánh giá mang tính phê phán sâu xa hơn về phạm trù “tương quan”. Đây là một trách nhiệm không thể chỉ dành cho các khoa học xã hội nhưng cần đến sự đóng góp của các ngành khác như siêu hình học và thần học, để có thể hiểu rõ phẩm giá cao vời của con người.  

Là thọ tạo có bản chất tinh thần, con người hiện thực chính bản thân mình qua những tương quan liên nhân vị. Con người càng sống những tương quan này cách đích thực, càng làm cho căn tính nhân vị của mình trưởng thành. Con người xác lập phẩm giá của mình không phải trong sự cô lập nhưng bằng cách đặt mình trong mối tương quan với tha nhân và với Thiên Chúa. Do đó những tương quan này có tầm quan trọng nền tảng. Điều này cũng áp dụng cho mọi dân tộc. Vì thế một tầm nhìn siêu hình về những tương quan giữa con người sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho phát triển.  Về điểm này, lý trí sẽ tìm được hứng khởi và một định hướng trong mạc khải Kitô giáo, theo đó, nhân vị không bị tan biến trong cộng đồng con người, sự độc lập không bị xóa đi, như đã từng xảy ra trong những hình thức khác nhau của chủ nghĩa độc tài. Trong tư tưởng Kitô giáo, cộng đồng vẫn tôn trọng nhân vị, vì liên hệ giữa con người và cộng đồng là mối liên hệ giữa một toàn thể và một toàn thể khác [130]. Cũng như gia đình không xóa đi các nhân vị tạo thành gia đình, và cũng như Giáo hội hoan hỉ vì mỗi “thọ tạo mới” (Gl 6,15; 2Cr 5,17) được hội nhập vào nhiệm thể mình qua bí tích Rửa Tội, thì sự hợp nhất gia đình nhân loại cũng không nhận chìm các nhân vị, các dân tộc và văn hóa, nhưng sẽ làm cho tất cả được trong sáng và kết hợp tất cả trong sự đa dạng hợp pháp của mình.

 

54.       Đề tài phát triển các dân tộc cũng trùng hợp với đề tài kết hợp tất cả mọi người và dân tộc vào trong cộng đồng gia đình nhân loại, căn cứ trên những giá trị căn bản và hòa hợp trong tình liên đới. Cái nhìn này được soi sáng rõ ràng nhờ liên hệ Ba Ngôi Vị của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong cùng một bản thể. Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa là sự hiệp nhất tuyệt đối, vì ba Ngôi Vị Thiên Chúa là tương quan thuần túy. Sự trong sáng hỗ tương giữa các Ngôi vị Thiên Chúa là hoàn toàn và dây liên hệ giữa Đấng này với Đấng khác là trọn vẹn, vì các Ngài tạo thành một sự Duy Nhất và Độc Nhất tuyệt đối. Thiên Chúa cũng muốn đón nhận chúng ta vào thực tại hiệp thông này: “Để chúng nên một, như CHÚNG TA là một”    (Ga 17,22). Hội Thánh là dấu chỉ và khí cụ cho sự hợp nhất này [131]. Các tương quan giữa con người trong suốt chiều dài lịch sử đều có thể rút được sự hữu ích từ mẫu thần linh này. Cách riêng, dưới ánh sáng mạc khải của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, chúng ta hiểu rằng việc khai mở đích thực không có nghĩa là đánh mất căn tính cá nhân của mình là sự thẩm thấu cách sâu xa. Điều này cũng xuất hiện qua kinh nghiệm của con người về tình yêu và chân lý. Như tình yêu mang tính bí tích liên kết hai người phối ngẫu cách thiêng liêng thành “một thịt” (St 2,24; Mt 19,5; Ep 5,31) và từ cả hai tạo nên sự duy nhất đích thực trong liên hệ; cũng tương tự như thế, chân lý liên kết các tinh thần lại với nhau và làm cho tất cả hiệp nhất trong suy tưởng khi lôi kéo và liên kết tất cả vào trong mình.

 

55.       Mạc khải Kitô giáo về sự hợp nhất nhân loại giả thiết một cách giải thích mang tính siêu hình về humanum – nhân bản,  khi trình bày tính tương quan như một yếu tố căn bản. Những nền văn hóa và tôn giáo khác cũng giảng dạy tình huynh đệ và hòa bình, và vì thế có tầm quan trọng đặc biệt cho việc phát triển toàn diện nhân bản. Tuy nhiên, một vài thái độ tôn giáo và văn hóa không đón nhận trọn vẹn nguyên tắc tình yêu và chân lý, cuối cùng đã làm chậm lại hay ngăn chận sự phát triển đích thực của con người. Một vài tôn giáo và văn hóa trong thế giới ngày nay không đòi buộc con người sống hiệp thông, nhưng đúng hơn đã tách biệt họ ra nhằm kiếm tìm hạnh phúc cá nhân, giới hạn hạnh phúc này trong việc thỏa mãn những khát vọng tâm lý. Cũng nở rộ những “con đường” tôn giáo với chủ trương chiết trung, lôi kéo các nhóm nhỏ, kể cả từng cá nhân, những “con đường” này có thể dẫn đến sự phân tán hay thiếu sự dấn thân. Một hiệu quả tiêu cực của tiến trình toàn cầu hóa là xu hướng đón nhận thứ chiết trung tôn giáo này, khi cung cấp những hình thức “tôn giáo” làm cho con người tha hóa, thay vì giúp họ gặp gỡ nhau, đã tách họ ra khỏi thực tế. Đồng thời, vẫn còn tồn tại những gia sản văn hóa và tôn giáo đóng khung xã hội vào những giai cấp cố định, dưới những hình thức của niềm tin ma thuật, không tôn trọng phẩm giá nhân vị trong những thái độ lệ thuộc vào những quyền lực ma thuật. Trong những trường hợp này, tình yêu và chân lý khó tự khẳng định được, do đó sẽ đem lại nhiều tai hại cho một sự phát triển đích thực.         

Một mặt, nếu thật sự việc phát triển cần đến các tôn giáo và văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau, thì mặt khác, cũng từ nền tảng này, cần có một sự phân định thích đáng. Tự do tôn giáo không có nghĩa là dửng dưng đối với tôn giáo, cũng không cho mọi tôn giáo đều như nhau [133]. Cần có sự phân định về sự đóng góp của các nền văn hóa và tôn giáo trong việc xây dựng cộng đồng xã hội nhằm tôn trọng công ích, điều này thật cần thiết cho những người thực hành chính trị. Một phân định như thế phải dựa trên tiêu chuẩn tình yêu và chân lý. Vì sự phát triển của con người và các dân tộc đang lâm nguy, nên sự phân định này sẽ phải quan tâm đến nhu cầu giải phóng và hội nhập, trong bối cảnh một cộng đồng nhân loại thực sự mang tính phổ quát. “Con người toàn diện và tất cả mọi người” là tiêu chuẩn để đánh giá các nền văn hóa và tôn giáo.  Kitô giáo, tôn giáo của “Thiên Chúa có gương mặt nhân tính” [134] mang trong mình một tiêu chuẩn như thế. 

 

56.       Kitô giáo và các tôn giáo khác có thể đóng góp phần mình vào sự phát triển, khi Thiên Chúa có được vị trí của Người trong lãnh vực công cộng, điều này bao gồm những chiều kích văn hóa, xã hội , kinh tế và đặc biệt chính trị. Giáo huấn xã hội của Giáo hội được hình thành để đòi “quyền công dân” [135] của Kitô giáo. Việc phủ nhận quyền tuyên xưng đức tin nơi công cộng và quyền đem ra thực hành những chân lý đức tin tác động trên đời sống công cộng, sẽ mang theo những hậu quả tiêu cực cho việc phát triển đích thực. Việc loại bỏ tôn giáo ra khỏi bình diện công cộng – và ở một cực đoan khác là chủ trương bảo thủ cực đoan –  sẽ ngăn cản việc gặp gỡ giữa con người và sự cộng tác của họ cho sự tiến triển nhân loại. Đời sống công cộng sẽ nghèo nàn và chính trị sẽ mang bộ mặt đàn áp và gây hấn. Nhân quyền sẽ gặp nguy hiểm vì không còn được tôn trọng, hoặc vì nền tảng siêu việt của nhân quyền bị cướp mất hay vì sự tự do của con người không được công nhận. Cả chủ thuyết thế tục hóa lẫn chủ trương bảo thủ cực đoan đều làm cho con người mất khả năng có được một sự đối thoại đầy hiệu năng và sự cộng tác đầy thắng lợi giữa lý trí và niềm tin tôn giáo.  Lý trí luôn cần được đức tin thanh luyện, điều này cũng áp dụng cho lý trí chính trị, thứ lý trí này không được phép cho mình là toàn năng. Mặt khác, tôn giáo cũng cần để lý trí thanh luyện, để có thể bày tỏ khuôn mặt mang tính nhân bản đích thực. Sự đổ vỡ cuộc đối thoại này phải trả một giá đắt cho sự phát triển nhân loại.

 

57.       Việc đối thoại tốt đẹp giữa đức tin và lý trí sẽ làm cho công trình bác ái về mặt xã hội  được hữu hiệu, và tạo khung cho cho việc cộng tác huynh đệ giữa những người tín hữu và những người vô tín trong ý hướng chung là hoạt động cho công bằng và hòa bình của nhân loại. Trong Hiến Chế Mục vụ Gaudium et spes, các nghị phụ viết: “Người tin và người không tin đều đồng ý chung một điểm: mọi sự trên trái đất đều qui hướng về con người như trung tâm và chóp đỉnh” [136]. Đối với các tín hữu, thế giới không phải là sản phẩm của ngẫu nhiên hay tất định, nhưng là sản phẩm kế hoạch của Thiên Chúa. Do đó, trách nhiệm của các tín hữu là phải kết hợp mọi cố gắng của mình với những người thiện tâm – thuộc các tôn giáo khác hay những người vô tín –  để thế giới của chúng ta đáp ứng được kế hoạch của Thiên Chúa: sống với nhau như một gia đình dưới ánh mắt của Đấng Tạo Hóa. Nguyên tắc bổ trợ [137], một cách biểu lộ sự tự do không thể chuyển nhượng của con người, chắc chắn là dấu chỉ tình yêu và tiêu chuẩn hướng dẫn cho sự cộng tác huynh đệ các của tín hữu và những người vô tín. Trước tiên, nguyên tắc bổ trợ là một sự trợ giúp cho con người ngang qua sự độc lập của những nhóm và hiệp hội trung gian. Sự trợ giúp này được đề nghị khi con người và những chủ thể xã hội tự sức mình không thể thực hiện những gì thuộc phận vụ của họ, và sự trợ giúp này luôn nhắm đến việc giải phóng con người vì nó thúc đẩy tự do và tham gia qua việc đảm nhận trách nhiệm. Sự bổ trợ tôn trọng phẩm giá con người, khi nhìn họ như một chủ thể có khả năng trao ban một cái gì đó cho kẻ khác. Khi công nhận tính hỗ tương như tâm điểm của đời sống con người, sự bổ trợ thực sự là phương tiện đối kháng hữu hiệu với bất cứ hình thức nào của hệ thống xã hội nặng tính gia trưởng. Sự bổ trợ có thể quan tâm đến những chương trình khác nhau – và như thế có nghĩa là sự đa dạng của chủ thể – cũng như sự phối hợp giữa các chương trình. Do đó, bổ trợ là một nguyên tắc đặc biệt có khả năng hướng dẫn sự toàn cầu hóa và định hướng vào một sự phát triển thực nhân bản. Để không làm nảy sinh một quyền lực độc tài ở mức toàn cầu, sự lãnh đạo việc toàn cầu hóa phải là một loại bổ trợ, được phân chia ra thành nhiều cấp bậc và nhiều bình diện khác nhau; sự bổ trợ đòi buộc phải có một thẩm quyền, nhưng phải được tổ chức theo cách thức bổ trợ [138], để đừng làm tổn thương sự tự do và phải thật hữu hiệu.

 

58.       Nguyên tắc bổ trợ phải liên kết chặt chẽ với nguyên tắc liên đới và ngược lại. Vì bổ trợ nếu không có tình liên đới sẽ rơi vào chủ nghĩa địa phương xã hội, cũng thế, liên đới mà không có bổ trợ cũng rơi vào một hệ thống gia trưởng, hạ thấp giá trị của những người được giúp đỡ. Phải cẩn thận chú ý đến điều này khi bàn đến những vấn đề trợ giúp quốc tế cho việc phát triển. Cho dù người cho có ý định thế nào đi nữa, sự trợ giúp có thể giữ một dân tộc trong tình trạng lệ thuộc hay tạo hoàn cảnh cho việc áp bức ở địa phương và bóc lột ngay trong đất nước nhận viện trợ. Để cho viện trợ kinh tế thật hữu ích, không được phép theo đuổi những mục đích kèm theo. Các viện trợ không những đòi buộc phải có sự cộng tác của chính quyền những nước tiếp nhận, nhưng phải có cả những nhà hoạt động kinh tế địa phương và những nhà hoạt động văn hóa của xã hội  dân sự, bao gồm cả những Giáo hội địa phương. Những chương trình viện trợ phải ngày càng mang đặc tính tham gia và thực hiện từ mức cơ sở. Thật vậy, nguồn tài nguyên lớn lao trong những đất nước lãnh nhận viện trợ, chính là tài nguyên nhân bản (con người): đó là vốn liếng đích thực, phải tăng trưởng, để những nước nghèo được bảo đảm một tương lai độc lập đích thực. Phải nhớ rằng, trong lãnh vực kinh tế, nguồn viện trợ chính mà các nước đang phát triển cần thiết, bao gồm việc từng bước cho phép tham gia các sản phẩm của họ vào những thị trường thế giới và tạo khả năng để họ được chia sẻ trọn vẹn vào đời sống kinh tế thế giới. Thường trong quá khứ, việc trợ giúp chỉ được sử dụng để tạo những thị trường bên lề cho những sản phẩm của những nước này. Điều này là do thiếu yêu cầu thực sự cho các sản phẩm: vì thế cần phải giúp các nước này kiện toàn sản phẩm của họ và thích ứng hơn theo yêu cầu. Hơn thế nữa, có những người, trong một thời gian dài, sợ hậu quả của cạnh tranh qua việc nhập khẩu các sản phẩm – thường là sản phẩm nông nghiệp – đến từ các nước có nền kinh tế nghèo. Tuy nhiên, không nên quên rằng đối với các nước này, khả năng bán các sản phẩm cũng mang ý nghĩa bảo đảm cho sự sống còn của họ, ngắn hạn cũng như dài hạn. Một nền thương mại quốc tế công bằng và quân bình trong lãnh vực nông nghiệp có thể đem lại lợi ích cho mọi người, cho người cung cấp cũng như cho người tiêu thụ. Vì thế, không những cần phải định hướng các sản phẩm theo kế hoạch thương mại, nhưng còn phải xác lập luật lệ giao thương thế giới để giúp họ, và gia tăng tài chính viện trợ phát triển làm cho các nền kinh tế này sản xuất nhiều hơn.

 

59.       Sự hợp tác vào việc phát triển không được phép chỉ nhắm vào chiều kích kinh tế mà thôi,  nhưng phải trở thành cơ hội tốt đẹp cho sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa và các dân tộc. Nếu những người có trách nhiệm trong những nước kinh tế đã phát triển này không chú tâm đến văn hóa của chính họ cũng như của người khác, như nhiều lần đã xuất hiện, họ không thể nào có được một cuộc đối thoại sâu xa với các công dân của những nước nghèo này. Về phần các nước nghèo, nếu họ mở ra với những đề nghị văn hóa mà thiếu phê phán hay phân biệt, thì họ cũng không thể đảm đương trách nhiệm về sự phát triển đích thực [139]. Những xã hội phát triển về kỹ thuật không được phép coi sự phát triển kỹ thuật của nước mình như một thứ đẳng cấp cao về mặt văn hóa, nhưng đúng hơn họ phải tái khám phá những đức tính đôi khi đã bị quên lãng, đã làm cho họ phát triển theo dòng lịch sử. Các xã hội trên đường phát triển phải trung thành với những gì thật nhân bản trong truyền thống của họ, tránh cơn cám dỗ tôn sùng chủ thuyết cơ giới của nền văn minh kỹ thuật toàn cầu. Có sự hội tụ những khuôn mẫu đạo đức trong mọi nền văn hóa, đó là cách biểu lộ một nhân tính duy nhất, do chính Đấng Sáng Tạo muốn như thế; truyền thống khôn ngoan của nhân loại gọi là luật tự nhiên [140]. Luật luân lý phổ quát là nền tảng vững chắc cho một cuộc đối thoại mang tính chất văn hóa, tôn giáo và chính trị, chấp nhận một sự đa nguyên, đa dạng của nhiều nền văn hóa khác nhau, hợp tác để cùng nhau tìm những gì là chân, thiện và Thiên Chúa. Do đó, việc gắn bó với lề luật đã được  ghi trong tâm hồn con người sẽ là tiền đề cho công tác xây dựng xã hội. Trong tất cả các nền văn hóa, cũng còn nhiều điều xem ra nặng nề cần phải giải tỏa và những bóng tối con người cần phải thoát ra. Niềm tin Kitô giáo đã nhập thể vào văn hóa và nâng cao nền văn hóa lên mức siêu việt; có thể giúp các nền văn hóa trưởng thành trong cộng đồng và tình liên đới phổ quát, tạo ưu thế cho việc phát triển chung cùng trên thế giới.

 

60.       Trong việc tìm những cách giải quyết cho cơn khủng hoảng kinh tế hiện tại, việc viện trợ phát triển cho các nước nghèo phải thực sự là phương tiện để tạo của cải cho mọi người. Đâu là dự án có thể mang tới viễn cảnh tăng trưởng – kể cả từ quan điểm kinh tế thế giới – để nâng đỡ các dân tộc đang ở giai đoạn đầu hay mới tiến bước trong tiến trình phát triển kinh tế của họ? Từ viễn tượng này, những nước có nền phát triển kinh tế cao hơn có thể dùng hết khả năng để giúp đỡ các nước nghèo tăng triển cao hơn, nhưng vẫn luôn tôn trọng những bó buộc mà cộng đồng quốc tế đã đề ra. Họ cũng có thể làm việc này khi kiểm soát lại chính sách chăm sóc và liên đới xã hội trong chính đất nước mình, khi áp dụng nguyên tắc bổ trợ, tạo hệ thống bảo trợ xã hội giúp đẩy mạnh việc tham gia tích cực của những tư nhân và xã hội dân sự. Với cách thức này, có thể làm tốt công tác xã hội và chăm sóc, đồng thời tiết kiệm tiền bạc – cả việc loại bỏ sự phung phí và lạm dụng quá đáng – để hướng đến sự liên đới toàn cầu. Một hệ thống liên đới xã hội, có sự tham gia rộng rãi và có tổ chức, sẽ giảm bớt chế độ bàn giấy, thu hút nhiều người cộng tác, sẽ đem đến nhiều năng lực, dù hiện tại còn ngấm ngầm, nhưng có giá trị cho tình liên đới giữa mọi dân tộc. 

Một trong những cách tiếp cận việc trợ giúp phát triển là áp dụng cách hữu hiệu điều mà người ta gọi là nguyên tắc bổ trợ về mặt thuế khóa, cho phép người công dân quyết định gửi một phần thuế má họ đóng cho Nhà Nước đến một địa chỉ xác định. Nếu tránh được nhiều loại chủ nghĩa địa phương, cách làm này có thể thúc đẩy những hình thức liên đới xã hội khởi đi từ chính người công dân, với những lợi ích rõ ràng trên bình diện liên đới nhằm phục vụ cho việc phát triển.

 

61.       Tình liên đới rộng lớn hơn trên bình diện quốc tế được biểu lộ trước hết qua việc tiếp tục thúc đẩy việc giáo dục – cho dù trong những hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế – vì giáo dục là điều kiện chính yếu cho việc hợp tác quốc tế được hữu hiệu. Thuật ngữ “giáo dục” không chỉ nhằm vào các bài học và huấn luyện ngành nghề, dù cả hai là những nền tảng quan trọng cho việc phát triển, nhưng còn nhằm vào việc đào tạo con người toàn diện. Về vấn đề này, phải ghi nhận một phương diện thiết yếu: để giáo dục, phải biết rằng con người là ai và bản chất con người là gì. Một quan niệm mang tính tương đối về bản tính con người – đây lại là quan niệm ngày càng phổ biến – sẽ đặt ra những vấn đề nghiêm trọng cho việc giáo dục, nhất là giáo dục đạo đức, vì nó đe dọa tầm vóc phổ quát của giáo dục. Nếu người ta chạy theo thuyết tương đối, tất cả sẽ trở nên nghèo nàn hơn, sẽ đưa đến những hậu quả tiêu cực trên hiệu năng của những trợ giúp các dân đang trong tình trạng đau khổ; những người dân này không chỉ cần đến các phương tiện kinh tế và kỹ thuật, nhưng còn cần đến những phương pháp và phương tiện giáo dục nhằm hỗ trợ người dân thể hiện đầy đủ tiềm năng con người của họ.   

Một ví dụ về tầm quan trọng của vấn đề này là hiện tượng du lịch quốc tế [141] vốn có thể là một yếu tố đáng ghi nhận cho việc phát triển kinh tế và gia tăng văn hóa, nhưng đôi khi lại trở thành cơ hội bóc lột và sa đọa luân lý. Hoàn cảnh hiện tại đem lại nhiều thuận lợi đặc biệt, để những khía cạnh kinh tế của việc phát triển – có nghĩa dòng chảy tài chính và việc tạo ra trong địa phương những việc kinh doanh quan trọng – có thể liên kết với những khía cạnh văn hóa, trong đó giáo dục đứng hàng đầu. Điều này đã được thực hiện trong nhiều trường hợp, thế nhưng trong rất nhiều trường hợp khác, du lịch quốc tế lại là yếu tố phản giáo dục không những cho người du lịch mà cả cho dân chúng địa phương. Dân chúng phải đối mặt với những thái độ vô luân hay đồi bại, tỉ như điều người ta gọi là du lịch tình dục, nhiều người phải trở thành nạn nhân, nhất là những người trẻ. Thật đau buồn khi phải xác nhận rằng, thứ du lịch này thường diễn ra với sự đồng ý của chính quyền sở tại, với sự thinh lặng của chính quyền những nước có dịch vụ du lịch và trong sự đồng lõa của nhiều người hoạt động trong các chi nhánh. Cho dù không có những mục đích này, du lịch quốc tế vẫn thường được tổ chức theo hướng tiêu thụ và hưởng lạc, được xem như cơn lũ vì được tổ chức theo những điều kiện mẫu mực từ những nước tổ chức du lịch; điều này không thích hợp cho một cuộc gặp gỡ đích thực giữa con người và giữa các nền văn hóa. Do đó, nên phát triển một loại hình du lịch khác, có khả năng tạo sự hiểu biết lẫn nhau, mà vẫn không mất đi không gian cần thiết cho việc nghỉ ngơi và giải trí lành mạnh: phải triển khai loại hình du lịch như thế – để tạo những liên hệ chặt chẽ hơn giữa những kinh nghiệm hợp tác quốc tế và kinh doanh phục vụ cho phát triển. 

 

62.       Hiện tượng di dân  là một phương diện khác cần chú ý khi nói về việc phát triển nhân bản toàn diện. Đây là một hiện tượng đáng báo động vì số đông những người di dân, vì những vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo mà hiện tượng di dân đặt ra, và vì những thách đố bi thảm mà hiện tượng này đặt ra cho các cộng đồng quốc gia và quốc tế. Có thể nói, chúng ta đang đối mặt với hiện tượng xã hội đặc thù của thời đại, đòi buộc có một nền chính trị hợp tác quốc tế, một nền chính trị vững mạnh và có tầm nhìn xa để nắm bắt cách thích ứng. Một nền chính trị như thế đòi buộc phải được triển khai từ sự cộng tác chặt chẽ giữa những nước nguyên gốc của những người di tản và những nước đón nhận họ; nền chính trị này phải tiếp cận với những luật lệ quốc tế thính ứng, có khả năng hòa hợp với những trật tự pháp lý khác, với mục đích bảo vệ những nhu cầu và quyền lợi của những người và những gia đình di tản, đồng thời của những xã hội mà các người di tản nhắm đến. Không nước nào một mình có thể đối mặt với vấn đề di tản trong thời đại hôm nay. Tất cả chúng ta đều chứng kiến gánh nặng của khổ đau, bất ổn và khát vọng đi kèm theo làn sóng di dân. Tất cả chúng ta đều biết, quản lý vấn đề này thật nhiêu khê; rõ ràng những người lao động nước ngoài, mặc dù có những khó khăn gắn liền với việc hội nhập vào xã hội mới, nhưng qua lao động, họ đem lại nhiều đóng góp đáng kể cho việc phát triển kinh tế của những nước đã đón nhận họ, và cả cho quê hương của họ bằng việc gởi tiền về nhà. Đương nhiên, không được xem những người lao động này là hàng hóa hay chỉ là sức lao động thuần túy. Không được coi họ như một động lực sản xuất. Mỗi người di tản là một nhân vị, có những quyền lợi bất khả xâm phạm mà mọi người phải tôn trọng trong mọi hoàn cảnh [142].

 

63.       Khi nhìn vào những vấn đề phát triển, người ta không được phép quên mối liên hệ chặt chẽ giữa nghèo đói và thất nghiệp. Trong nhiều trường hợp, nghèo đói là hậu quả của việc vi phạm phẩm giá lao động của con người, có thể vì những khả năng lao động của họ bị hạn hẹp (thất nhiệp, bị đánh giá thấp) hay người ta đã truất đi “những quyền lợi do lao động, nhất là quyền được trả lương xứng đáng, sự bảo đảm cho chính người lao động cũng như gia đình họ” [143]. Vì thế, ngày 01 tháng 5 năm 2000, vị tiền nhiệm đáng nhớ của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong dịp Năm Thánh dành cho người lao động, đã kêu gọi một “liên minh thế giới cổ võ cho lao động xứng đáng” [144] khi động viên cho chiến lược của Tổ chức Lao động quốc tế. Với cách thức đó, ngài đã ủng hộ mạnh mẽ về mặt luân lý cho mục tiêu mà các gia đình trên thế giới đều khao khát. Từ “xứng đáng” (trong cụm từ Lao động xứng đáng) có ý nghĩa gì khi áp dụng cho lao động?  Có nghĩa là một công việc mà trong bối cảnh của mỗi xã hội, được xem như biểu lộ phẩm giá đích thực của mỗi người đàn ông và mỗi người đàn bà: một công việc được tự do lựa chọn mà người lao động, đàn ông cũng như đàn bà, tham gia cách hữu hiệu vào việc phát triển cộng đồng của mình; một công việc cho phép người lao động được tôn trọng không có bất cứ sự kỳ thị nào; một công việc có thể giúp họ thỏa mãn các nhu cầu của gia đình và gởi con đến trường, và các em không buộc phải làm việc; một công việc cho phép người lao động tự tổ chức đời sống mình cách tự do và tiếng nói của mình được lắng nghe; một công việc cho phép có đủ thời gian để có thể khám phá lại gốc rễ của mình trên bình diện cá nhân, gia đình và tinh thần; một công việc bảo đảm cho người lao động khi đến tuổi hưu được có những điều kiện sống xứng đáng. 

 

64.       Khi suy nghĩ về đề tài lao động, phải nhắc đến đòi hỏi khẩn cấp: các tổ chức công đoàn của những người lao động, luôn được Giáo hội động viên và nâng đỡ, phải mở ra cho những viễn tượng mới nảy sinh, trong lãnh vực lao động. Vượt lên trên những ranh giới riêng của các công đoàn như vẫn có, các tổ chức công đoàn được mời gọi chú tâm vào những vấn đề mới của xã hội chúng ta: tôi nghĩ đến toàn bộ những vấn đề mà các nhà chuyên môn về xã hội học phát hiện trong những xung đột giữa cá nhân người lao động và cá nhân người tiêu thụ. Dù không nhất thiết phải ủng hộ lập luận theo đó người ta đi từ vị trí trung tâm của giới thợ thuyền sang vị trí trung tâm của giới tiêu thụ, điều này là lãnh vực thích hợp cho những kinh nghiệm công đoàn mang tính canh tân. Khung cảnh toàn cầu, nơi lao động đang được thực hiện, đòi buộc những tổ chức công đoàn quốc gia, thường hạn hẹp vào việc bảo vệ những nhu cầu của các thành viên, cũng phải nhìn đến những người không thuộc công đoàn và đặc biệt đến những người lao động trong những nước đang phát triển, nơi các lề luật xã hội thường bị vi phạm. Việc bảo vệ các người lao động này, được đòi hỏi qua những dự án thích hợp đối với những nước nguyên gốc, cho phép các tổ chức công đoàn nêu lên các lý do đạo đức và văn hóa đích thực, trong môi trường xã hội  và lao động khác biệt, thành một động lực quyết định cho việc phát triển. Giáo huấn truyền thống của Giáo hội vẫn luôn có giá trị khi đề nghị phân biệt vai trò và trách nhiệm của công đoàn và chính trị. Sự phân biệt này cho phép các tổ chức công đoàn xác định trong xã hội dân sự, lãnh vực thích hợp nhất cho hoạt động cần thiết để bảo vệ và thăng tiến thế giới lao động, nhất là đối với những người lao động bị bóc lột và không có người đại diện, nhất là hoàn cảnh cay đắng của họ bị ánh mắt xã hội  bỏ rơi.

 

65.       Cuối cùng, vấn đề tài chính cần một sự đổi mới về cơ cấu và những phương pháp hoạt động sau khi những sai trái đã gây thiệt hại trầm trọng cho nền kinh tế thật sự. Với cách thức này, nền tài chính có thể trở thành một công cụ phục vụ cho sản xuất của cải tốt hơn và cho việc phát triển. Toàn bộ nền kinh tế và nền tài chính – chứ không phải chỉ vài lãnh vực – được sử dụng như công cụ phải dựa theo các tiêu chuẩn đạo đức để tạo những điều kiện thích hợp cho việc phát triển con người và các dân tộc. Thật hữu ích và trong một số hoàn cảnh tất yếu, phải gợi lên những dự án tài chính, trong đó chiều kích nhân bản phải được nổi bật. Tuy nhiên, không nên quên rằng toàn bộ hệ thống tài chính phải nhắm vào việc nâng đỡ sự phát triển đích thực. Nhất là không nên cho rằng không thể có sự tương hợp giữa ý hướng làm việc tốt và khả năng sản xuất của cải thật sự. Các nhà tài chính phải tái khám phá nền tảng đạo đức đích thực trong hoạt động của họ, để không lạm dụng những phương tiện chuyên môn cao có thể được sử dụng để lừa gạt những người đóng góp tiết kiệm. Ý hướng ngay thẳng, sự minh bạch và việc kiếm tìm những kết quả khả quan phải được liên kết với nhau và không bao giờ được tách rời nhau. Nếu tình yêu gắn liền với khôn ngoan, thì tình yêu có thể tìm ra những phương cách hoạt động phù hợp với sự tiết kiệm đúng đắn và có tầm nhìn xa, như nhiều kinh nghiệm cho thấy trong lãnh vực hợp tác xã tín dụng. 

Việc điều hành lãnh vực tài chính để bảo vệ những người yếu kém nhất và ngăn chận những việc đầu cơ đầy tai tiếng, cũng như việc tìm ra những hình thức tài chính mới nhằm nâng đỡ những dự án phát triển, cả hai đều là những  kinh nghiệm tích cực cần đào sâu và khuyến khích, làm nổi bật trách nhiệm của nhà đầu tư. Hơn nữa, cũng nên củng cố và thích ứng kinh nghiệm của tài chính vi mô (la microfinance das Mikrofinanzwesen) xuất phát từ suy tư và hoạt động của những nhà nhân bản dân sự, tôi nghĩ trước tiên đến việc xuất hiện các nhà cầm đồ (Leihhaus – tiếng Pháp: la création des Monts de Piété). Điều này lại càng khẩn thiết hơn trong thời điểm này khi những khó khăn tài chính có thể trở nên bi đát cho những thành phần dân chúng dễ bị tổn thương nhất; những người này cần được bảo vệ để chống lại những nguy cơ cho vay nặng lãi hay thất vọng. Những thành phần yếu kém trong xã hội phải được giúp đỡ để tự bảo vệ mình trước nạn cho vay nặng lãi, cũng như các dân tộc nghèo phải được giúp đỡ để có được lợi nhuận từ tín dụng nhỏ. Theo cách này, những khả năng bóc lột có thể bị ngăn chận. Trong các nước giàu, cũng xuất hiện những hình thức mới của sự nghèo đói, nên tín dụng nhỏ cũng có thể là sự trợ giúp cụ thể khi mở ra những sáng kiến mới và những lãnh vực mới cho tầng lớp xã hội yếu kém trong thời đoạn nghèo khó của xã hội.  

 

66.       Mạng lưới liên kết toàn cầu đã dẫn đến chỗ hình thành một quyền lực chính trị mới, đó là quyền lực của những người tiêu dùng và các tổ chức của họ. Đây là một hiện tượng cần phải được nghiên cứu vì nó chứa chất những yếu tố tích cực cần củng cố cũng như những thái quá cần phải tránh. Thật tốt khi con người ý thức rằng việc mua sắm không chỉ là một hành động kinh tế, nhưng vẫn luôn là một hành động luân lý. Vì thế những người tiêu dùng cũng phải có một trách nhiệm xã hội rõ ràng, cùng chung với trách nhiệm của kinh doanh. Họ phải luôn được giáo dục về vai trò [145] hàng ngày họ phải thực hiện và chú trọng đến những nguyên tắc luân lý mà không làm giảm đi luận lý kinh tế của việc mua sắm. Ngay trong thời đại chúng ta đang sống, sức mua có thể giảm đi và người ta điều độ hơn trong việc mua sắm, vì thế cần khai mở những con đường mới, tỉ như những hình thức hợp tác xã mua bán như các hợp tác xã tiêu thụ xuất hiện vào thế kỷ XIX do công của các Kitô hữu khởi xướng. Xa hơn nữa, cũng hữu ích khi có những hình thức thương mại các sản phẩm xuất xứ từ các vùng bị đàn áp trên thế giới, để bảo đảm cho người sản xuất một đồng lương có thể chấp nhận. Tuy nhiên, để đạt được mục đích này, cần quan tâm đến một vài điều kiện: thị trường phải minh bạch; những người sản xuất không những nhận được giá cao, nhưng còn nhận được sự đào tạo về kỹ năng và kỹ thuật chuyên môn; và cuối cùng việc phát triển không được liên kết với những quan niệm mang ý thức hệ đảng phái. Khi người tiêu dùng không bị thao túng do những hiệp hội không thực sự đại diện cho họ, và họ có vai trò có tính quyết định hơn, thì đây sẽ là một động lực cho nền dân chủ về mặt kinh tế.

 

67.       Đối mặt với việc gia tăng sự tương thuộc ở tầm vóc toàn cầu, và cho dù hiện tại với sự suy thoái trên thế giới, cần phải có một sự đổi mới Tổ chức liên hiệp quốc cũng như những cơ chế kinh tế và tài chính quốc tế để quan niệm về gia đình của các dân tộc có thể có âm vang rộng lớn thực sự. Người ta cũng cảm nhận nhu cầu khẩn thiết phải tìm những hình thức mới để thực hiện nguyên tắc về trách nhiệm bảo vệ [146] và nguyên tắc về việc để cho các nước nghèo có tiếng nói hữu hiệu đóng góp vào những quyết định chung. Điều này thật quan trọng để đạt đến một trật tự chính trị, pháp lý và kinh tế đáp ứng sự cộng tác quốc tế nhằm vào việc phát triển có tính cách liên đới của tất cả các dân tộc. Để hướng dẫn kinh tế thế giới, hòng chữa trị các nền kinh tế bị tai hại vì sự khủng hoảng, để báo trước sự gia tăng tệ hại của cuộc khủng hoảng và từ đó đưa đến sự bất bình đẳng, để thực hiện việc giảm thiểu hoàn toàn vũ khí, để tiến đến việc bảo đảm lương thực và hòa bình, để điều chỉnh việc bảo vệ môi trường và dòng người di tản, cần phải có một thẩm quyền thế giới về mặt chính trị, như vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói. Một thẩm quyền như thế phải được luật lệ điều chỉnh, phải tuân giữ các nguyên tắc bổ trợ và liên đới nhằm vào việc thực hiện công ích [147], dấn thân cho việc thực hiện phát triển con người toàn diện, được gợi hứng từ các giá trị tình yêu trong chân lý. Ngoài ra thẩm quyền này phải được mọi người công nhận, được hưởng một thực quyền hữu hiệu để bảo đảm cho mọi người được bình an, tôn trọng công lý và các quyền lợi. Đương nhiên thẩm quyền này phải có khả năng buộc các thành phần khác phải tôn trọng  các quyết định của mình, cũng như các tiêu chuẩn do những nghị trường quốc tế yêu cầu. Nếu thiếu những điều kiện này, luật lệ quốc tế, cho dù có những phát triển lớn được áp dụng trong nhiều lãnh vực, có nguy cơ bị điều kiện hóa bởi cán cân quyền lực giữa các quốc gia mạnh nhất. Việc phát triển toàn diện các dân tộc và việc hợp tác quốc tế đòi buộc phải thiết lập một cấp bậc cao hơn của trật tự quốc tế theo mẫu bỗ trợ nhằm điều hành việc toàn cầu hóa [149]. Điều đó cũng đòi hỏi việc xây dựng một trật tự xã hội phù hợp với trật tự luân lý, với sự liên kết giữa bình diện luân lý và xã hội, và với sự liên kết giữa chính trị và các bình diện kinh tế và dân sự, mà điều lệ của Liên Hiệp Quốc đã thấy trước. 

Tác giả: BENEDICTUS PP. XVI (Bản dịch của: UB Giáo Lý Đức Tin & TT Mục Vụ TGP Saigon)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!