.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

DẪN NHẬP

CHƯƠNG I: SỨ ĐIỆP CỦA POPULORUM PROGRESSIO

CHƯƠNG II: PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA

CHƯƠNG III: TÌNH HUYNH ĐỆ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ XÃ HỘI DÂN SỰ

CHƯƠNG IV: PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC - QUYỀN VÀ BỔN PHẬN MÔI SINH

CHƯƠNG V: SỰ HỢP TÁC CỦA GIA ĐÌNH NHÂN LOẠI

CHƯƠNG VI: PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC VÀ KỸ THUẬT

KẾT & GHI CHÚ

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
THÔNG ĐIỆP CARITAS IN VERITATE - BÁC ÁI TRONG CHÂN LÝ
Tác giả: BENEDICTUS PP. XVI
Bản dịch của: UB Giáo Lý Đức Tin & TT Mục Vụ TGP Saigon
CHƯƠNG III: TÌNH HUYNH ĐỆ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ XÃ HỘI DÂN SỰ

 

34.       Bác ái trong chân lý đặt con người trước kinh nghiệm ngỡ ngàng về quà tặng. Tính chất nhưng không hiện diện trong đời sống con người dưới nhiều hình thức, thường không được nhận ra vì cái nhìn thuần túy mang tính sản xuất và thực dụng. Con người được tạo dựng để  lãnh nhận quà tặng và chính quà tặng diễn tả và thực hiện chiều kích siêu việt của họ. Đôi khi con người thời đại xác tín cách sai lầm khi cho mình là tác giả duy nhất của chính mình, của sự hiện hữu của mình và của xã hội . Sự tự tôn này là hậu quả của việc tự đóng kín mình cách ích kỷ – và nói theo ngôn ngữ đức tin – do nguyên tội mà có. Sự khôn ngoan của Giáo hội luôn đề nghị phải quan tâm đến nguyên tội cả trong việc giải thích các sự kiện xã hội lẫn trong việc xây dựng xã hội: “Việc không nhìn nhận con người có một bản chất đã bị thương tích, nghiêng chiều về điều xấu, sẽ dẫn đến các sai lầm nặng nề trong lãnh vực giáo dục, chính trị, hoạt động xã hội và phong hóa” [85]. Trong danh sách các lãnh vực thể hiện những hậu quả tai hại của tội, từ lâu đã có lãnh vực kinh tế. Chúng ta có được chứng cứ rõ ràng trong thời đại chúng ta. Xác tín rằng tự mình là đủ và có khả năng vượt thắng được điều xấu trong lịch sử hiện tại bằng chính hoạt động của mình, xác tín đó đã đưa con người đến chỗ lẫn lộn hạnh phúc và ơn cứu độ với những hình thức nội thế của sự phong phú vật chất và hoạt động xã hội. Hơn nữa, xác tín cho rằng kinh tế đòi buộc phải có sự độc lập và không thể bị vấn đề luân lý ảnh hưởng, đã dẫn con người đến chỗ lạm dụng tiến trình kinh tế cách phá tán. Theo thời gian, những xác tín này đã đưa đến các hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị, bóp nghẹt sự tự do của nhân vị và của nhiều nhóm xã hội, và vì lý do này, không đủ khả năng để bảo đảm sự công bằng như chúng hứa hẹn. Như trong Thông điệp Spe salvi  tôi đã viết, nếu theo cách này, niềm hy vọng Kitô giáo bị tước đoạt khỏi lịch sử, [86], đang khi niềm hy vọng này là một nguồn lực xã hội mạnh mẽ để phục vụ cho việc phát triển toàn diện con người, và cũng là điều được tìm kiếm trong tự do và công bằng. Hy vọng động viên lý trí, đem cho lý trí sức mạnh để hướng dẫn ý chí [87]. Hy vọng đã hiện diện trong đức tin, đức tin gợi lên hy vọng. Bác ái trong chân lý được hy vọng dưỡng nuôi và đồng thời biểu lộ hy vọng. Xét như là quà tặng hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa, hy vọng ùa vào đời sống chúng ta cách nhưng không, vượt trên mọi thứ luật lệ về công bằng. Ở tự bản chất, quà tặng vượt trên công trạng, lề luật của nó là sự sung mãn. Quà tặng bước vào tâm hồn chúng ta như dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa và là một sự chờ đợi của Thiên Chúa đối với chúng ta. Chân lý cũng như bác ái là một quà tặng lớn hơn chúng ta, như lời dạy của thánh Augustinô [88]. Cũng thế, sự thật về chính mình, sự thật về lương tâm trước hết là quà tặng được ban cho ta. Trong mọi tiến trình nhận thức, chân lý không phải là điều gì đó ta làm ra, nhưng luôn là cái gì được tìm thấy hay đúng hơn, được lãnh nhận. Cũng như tình yêu, chân lý không phát sinh “từ tư tưởng và ước muốn, nhưng có thể nói là áp đặt trên con người” [89]. 

 Vì là quà tặng mà mọi người đã lãnh nhận, bác ái trong chân lý là một sức mạnh xây dựng cộng đoàn, kết hợp mọi người lại với nhau đến nỗi không còn rào chắn, không còn ranh giới. Chính chúng ta có thể xây dựng cộng đoàn con người, nhưng tự sức mình, cộng đoàn này không thể nào trở thành một cộng đoàn huynh đệ trọn vẹn và lướt thắng các rào chắn được, có nghĩa là trở thành một cộng đoàn thực sự phổ quát: sự hiệp nhất nhân loại, hiệp thông huynh đệ vượt trên mọi phân cách, phát sinh từ Lời kêu gọi tập họp của Thiên Chúa-Tình yêu. Để giải quyết vấn đề quyết định này, một mặt chúng ta phải xác định lô-gích của quà tặng không loại bỏ sự công bằng, cũng không chỉ đơn thuần được thêm vào sau đó từ bên ngoài;  mặt khác, sự phát triển về mặt kinh tế, xã hội và chính trị, muốn thực sự là nhân bản, phải quan tâm đến nguyên tắc về tính nhưng không (principe de gratuité) như cách biểu lộ tình huynh đệ.

 

35.       Khi được đặt nền trên sự tin tưởng lẫn nhau, thị trường là một cơ chế kinh tế tạo ra sự gặp gỡ giữa con người, xét như là những chủ thể kinh tế sử dụng những khế ước để điều chỉnh mối liên hệ của họ khi trao đổi của cải và các dịch vụ với nhau, nhằm thỏa mãn những nhu cầu và ước muốn. Thị trường phải phục tùng những nguyên tắc của công bằng giao hoán, là sự công bằng điều hành các liên hệ cho và nhận giữa những chủ thể bình đẳng. Nhưng giáo huấn xã hội của Giáo hội luôn luôn nhấn mạnh đến tính chất quan trọng của công bằng phân phốicông bằng xã hội cho kinh tế thị trường, không những vì nó nằm trong một bối cảnh xã hội và chính trị lớn hơn, mà còn vì mạng lưới rộng lớn của những mối liên hệ trong đó nền kinh tế này vận hành. Thật vậy, một khi chỉ dựa vào nguyên tắc tương đồng về giá trị của các sản phẩm được trao đổi, thị trường không thể tạo ra sự gắn kết trong xã hội vốn là điều cần thiết để thị trường có thể hoạt động tốt. Nếu không có những hình thức nội tại về sự liên đới và tin tưởng hỗ tương, thị trường không thể chu toàn phận vụ kinh tế một cách trọn vẹn được. Ngày nay sự tin tưởng đã mất đi rồi và sự mất tin tưởng là một sự mất mát trầm trọng.  

Trong Thông điệp Populorum progressio, Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh rằng chính hệ thống kinh tế được hưởng lợi khi thực thi công bằng cách rộng rãi, vì những người đầu tiên được hưởng lời từ sự phát triển các nước nghèo lại là những nước giàu. [90]. Đây không chỉ là vấn đề sửa lại những lệch lạc do viện trợ. Không được xem người nghèo như một “gánh nặng”[91] nhưng là một tài nguyên, ngay trong nhãn quan thuần túy kinh tế. Phải loại bỏ cách nhìn sai lạc của một số người nghĩ rằng kinh tế thị trường theo cơ cấu cần đến một phân số nghèo đói và chậm phát triển, để có thể vận hành tốt hơn. Quan tâm của thị trường là kích động sự giải phóng, nhưng để đạt được điều đó, nó không thể chỉ dựa vào sức mình, vì nó không có khả năng tự mình đạt được điều vượt quá khả năng của mình.  Nó cần đến những sức mạnh luân lý của các chủ thể khác, có khả năng làm nẩy sinh những sức mạnh này.

 

36.       Hoạt động kinh tế không thể nào giải quyết được mọi vấn đề xã hội  qua việc áp dụng lô-gích thương mại cách đơn giản.  Lô-gích này phải nhắm đến việc đạt được công ích, là điều mà cộng đồng chính trị phải có trách nhiệm cách đặc biệt.  Vì thế, không được quên rằng, một trong những nguyên nhân tạo nên sự mất quân bình trầm trọng là tách rời hoạt động kinh tế – vốn được quan niệm chỉ là sự làm giàu – với hoạt động chính trị vốn được coi là phương thế phục vụ công bằng qua việc tái phân phối.   

Giáo hội luôn cho rằng không được xem hoạt động kinh tế như điều gì chống lại xã hội. Thị trường tự nó không phải là và cũng không được phép là nơi người giàu áp bức người nghèo. Xã hội không cần phải xa tránh thị trường, làm như thể việc phát triển thị trường ipso facto đương nhiên đưa đến chỗ dập tắt những liên hệ nhân bản đích thực. Chắc chắn, thị trường có thể có một hướng tiêu cực, không phải do bản chất của nó nhưng vì một ý thức hệ nào đó đã định hướng cho nó. Cũng không nên quên rằng, thị trường không hiện hữu với tình trạng nguyên tuyền, nhưng mang hình thức những dữ kiện văn hóa đã định dạng và định hướng cụ thể cho nó. Kinh tế và tài chính, xét như là những phương tiện, có thể bị sử dụng theo hướng xấu, khi người chịu trách nhiệm theo đuổi những mục đích thuần túy ích kỷ. Như thế, người ta có thể biến những phương tiện tự nó là tốt trở thành những phương tiện có hại. Chính lý trí đen tối của con người sản sinh các hậu quả này, chứ không phải những phương tiện ở tự nó. Vì thế lời kêu gọi không nhằm đến các phương tiện nhưng nhằm đến con người, đến lương tâm luân lý và trách nhiệm cá nhân và xã hội  của con người.   

Giáo huấn xã hội của Giáo hội cho rằng những mối liên hệ nhân bản và xã hội đích thực trong tình bạn và xã hội, tình liên đới và hỗ tương, có thể phát huy trong hoạt động kinh tế chứ không chỉ bên ngoài hay sau đó. Lãnh vực kinh tế không trung lập về mặt luân lý cũng không phải tự nó là phi nhân hay chống lại xã hội; nó thuộc về hoạt động của con người, và chính vì là của con người nên phải được cơ cấu hóa và tổ chức một cách có đạo đức.  

Một thách thức lớn đang có trước mắt chúng ta, thách thức phát sinh từ những vấn nạn về phát triển trong thời đại toàn cầu hóa và càng trầm trọng hơn nữa do cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính: đó là trên bình diện suy tư cũng như hành xử, chúng ta phải chứng minh rằng không những không được hạ giá những nguyên tắc truyền thống về đạo đức xã hội như trong sáng, trung thực và tinh thần trách nhiệm, mà trong những quan hệ thương mại, nguyên tắc nhưng không và lô-gích của quà tặng  hiểu như cách biểu lộ tình huynh đệ còn có thể có và phải có một vị trí trong hoạt động kinh tế bình thường. Đó là điều đòi hỏi của con người trong thời đại chúng ta, nhưng cũng là một lời đòi hỏi cho suy tư kinh tế, đồng thời cũng là đòi hỏi của bác ái và chân lý. 

 

37.       Giáo huấn xã hội của Giáo hội luôn xác nhận rằng công bằng phải hiện diện trong mọi giai đoạn của hoạt động kinh tế, chỉ vì công bằng liên hệ đến con người và những nhu cầu của họ. Việc khám phá tài nguyên, việc tài chính, sản xuất, tiêu thụ và mọi giai đoạn khác phải luôn có hiệu quả luân lý. Vì thế mọi quyết định kinh tế đều có một hệ quả luân lý. Các khoa học xã hội và những xu hướng kinh tế ngày nay đều xác nhận điều này. Có một thời gian người ta nghĩ rằng kinh tế được trao cho việc sản xuất của cải, còn chính trị có trách nhiệm phân phát sự giàu sang đó. Ngày nay điều này xem ra khó hơn, vì những hoạt động kinh tế không bị hạn hẹp trong ranh giới địa lý, trong khi thẩm quyền chính trị bị hạn hẹp trong ranh giới địa phương. Vì thế các luật lệ công bằng ngay từ đầu phải được tôn trọng khi tiến trình kinh tế bắt đầu, chứ không phải sau đó hay song song. Điều cũng cần thiết là trong thị trường, phải tạo không gian hoạt động cho những người muốn chọn lựa hành động theo những nguyên tắc khác hơn là chỉ chạy theo lợi nhuận, nhưng vẫn mang lại giá trị kinh tế. Nhiều hình thức kinh tế xuất phát từ những sáng kiến mang tính tôn giáo hay thế tục cho thấy điều này có thể thực hiện được.    

Trong thời đại toàn cầu hóa, kinh tế chịu ảnh hưởng bởi những mô hình cạnh tranh, gắn liền với các nền văn hóa rất khác nhau. Những hình thái kinh tế và kỹ nghệ xuất phát từ đó cách chung tìm được một điểm gặp gỡ trong việc tôn trọng sự công bằng giao hoán. Chắc chắn đời sống kinh tế đòi hỏi những hợp đồng để điều chỉnh việc trao đổi dựa theo giá cả thích hợp. Nhưng đời sống này cũng cần đến những luật lệ thật công bằng và những hình thức tái phân phối do chính trị điều hành, vàvượt lên trên là những công việc mang tinh thần của quà tặng. Kinh tế mang tính toàn cầu xem ra đề cao lô-gích thứ nhất tức là việc trao đổi theo hợp đồng, nhưng trực tiếp và gián tiếp cũng cho thấy nó cũng cần đến hai hình thức khác, đó là lô-gích chính trị và lô-gích quà tặng vô điều kiện.

 

38.       Đấng tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã hướng ý đến vấn nạn này, khi ngài cho thấy cần đến một hệ thống với ba chủ thể trong thông điệp Centesimus annus – Một trăm năm: thị trường, Nhà Nước và xã hội  dân sự [92].  Ngài nhìn thấy trong xã hội dân sự những khung thích hợp cho một nền kinh tế mang tính nhưng không và huynh đệ, nhưng ngài không muốn loại bỏ hai bình diện kia. Ngày nay chúng ta có thể nói, đời sống kinh tế phải được hiểu như một thực tại mang nhiều chiều kích: trong từng chiều kích, với những mức độ khác nhau và tùy theo những thể thức đặc biệt, phải luôn luôn có sự hiện diện tình huynh đệ hỗ tương. Trong thời đại toàn cầu hóa, hoạt động kinh tế không thể từ bỏ tính nhưng không được; tính nhưng không phổ biến và nuôi dưỡng tình liên đới và ý thức trách nhiệm đối với công bằng và công ích trong nhiều chủ thể và nhà hoạt động khác nhau. Cuối cùng đây là hình thức cụ thể và sâu xa của tính dân chủ kinh tế. Tình liên đới trước tiên là mọi người đều cảm thấy có trách nhiệm với nhau [93] và vì thế không được chỉ trao phó cho Nhà Nước. Có thể ngày xưa người ta nghĩ rằng, trước tiên phải chăm lo sự công bằng rồi sau đó mới thêm vào tính nhưng không như phụ chú, ngày nay người ta phải nhận rằng, không có tính nhưng không, người ta không thể nào thực hiện sự công bằng được. Vì thế cần có một thị trường, trong đó việc kinh doanh theo đuổi cách tự do những mục đích theo cơ chế khác nhau, trong những điều kiện giống nhau. Cạnh những kinh doanh tư nhân chỉ nhắm lợi nhuận và nhiều loại khác nhau của kinh doanh Nhà Nước, cũng cần có một chỗ cho những tổ chức sản xuất theo đuổi những mục tiêu hỗ tương và xã hội, hoạt động và phát triển. Chính từ việc gặp gỡ mang tính tương hỗ trên thương trường này mà ta có thể hy vọng sẽ có sự hoà hợp giữa nhiều hình thức thương mại, nhờ đó quan tâm hơn đến nền văn minh hóa kinh tế. Bác ái trong chân lý trong trường hợp này có nghĩa là phải đem lại hình thức và cơ chế cho các hoạt động kinh tế, tuy không phủ nhận lợi nhuận, nhưng vượt qua thứ lô-gích của việc trao đổi tương xứng và thứ lô-gích xem lợi nhuận như mục đích tự tại.   

 

39.       Trong Thông điệp Populorum progressio Đức Giáo Hoàng Phaolô VI yêu cầu một mẫu kinh tế thị trường có khả năng, hay ít ra có xu hướng, hội nhập tất cả mọi dân tộc, chứ không phải chỉ những nước có khả năng tham gia. Ngài kêu gọi thị trường quốc tế phải phản ánh một thế giới nơi “mọi người đều có gì để cho và để đón nhận, mà không làm cho sự phát triển của những người này trở thành rào cản cho sự phát triển của kẻ khác” [94]. Bằng cách đó, ngài áp dụng ở mức độ toàn cầu những yêu cầu và khát vọng hàm chứa trong thông điệp Rerum novarum – Tân sự . Thông điệp Rerum novarum được viết sau cuộc cách mạng công nghiệp, ở đó lần đầu tiên đưa ra ý tưởng (cách nào đó, đã đi trước thời đại) rằng: để tồn tại, trật tự dân sự cũng cần đến sự can thiệp từ phía Nhà Nước nhằm mục đích tái phân phối. Ngày nay tầm nhìn này không những được đặt lại do tiến trình mở rộng những thị trường và những nhóm xã hội,  mà còn được cho là chưa đủ để thỏa mãn những đòi hỏi của một nền kinh tế mang tính nhân bản trọn vẹn. Những gì mà giáo huấn xã hội của Giáo hội vẫn bảo vệ, xuất phát từ tầm nhìn về con người và xã hội, thì ngày nay vẫn đòi hỏi như thế, do chính những năng động của toàn cầu hóa. 

Khi lô-gích của thị trường và lô-gích của Nhà Nước thỏa thuận với nhau để mỗi bên tiếp tục giữ độc quyền trong lãnh vực ảnh hưởng của mình, thì về lâu dài, tình liên đới trong những tương quan giữa các công dân sẽ mất đi. Cũng mất dần sự cảm thông, sự tham gia, những hoạt động vô vị lợi vì những điều này thuộc về một bản chất khác hơn thứ lô-gích cho đi để có lại, tức là thứ lô-gích đổi chác, cũng khác với thứ lô-gích cho đi vì bổn phận, tức là thứ lô-gích của đời sống công cộng được điều hành bằng những luật lệ của Nhà Nước.  Để chiến thắng tình trạng chậm phát triển, đòi hỏi phải có hành động không những để làm tốt hơn hoạt động hoán chuyển dựa trên việc trao đổi sản phẩm và thiết lập những cơ cấu phục vụ phúc lợi chung, nhưng nhất là phải từ từ mở ra ở tầm vóc toàn cầu những hình thức hoạt động kinh tế được đánh dấu bằng tính nhưng không và xã hội . Mô hình liên kết độc đoán Thị trường-Nhà Nước sẽ phá tan ý nghĩa xã hội. Ngược lại,  những hình thức của đời sống kinh tế mang tính liên đới, được tìm thấy nơi những vùng sung mãn nhất trên bình diện xã hội dân sự, không tự đóng kín mình lại, sẽ tạo được tình liên đới. Không có thứ thị trường “cho không” và người ta cũng không thể dùng lề luật để áp đặt cách ứng xử “cho không”. Dù vậy, cả thị trường lẫn chính trị cũng đều cần đến những con người sẵn sàng sống hiến tặng và trao ban.

 

40.       Sân khấu kinh tế quốc tế hiện hành với những sai lệch và lạm dụng nặng nề đòi hỏi phải có sự thay đổi sâu xa trong cách hiểu về kinh doanh. Những hình thức xưa của hoạt động kinh doanh dần biến mất, nhưng nhiều hình thức mới đầy hứa hẹn đã ló dạng ở chân trời. Một trong những nguy hiểm lớn nhất rõ ràng là việc kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm đối với những người đầu tư và cuối cùng giá trị xã hội phải bị bào mòn. Do sự tăng trưởng những chiều kích và nhu cầu vốn liếng ngày càng quan trọng, càng ngày càng ít những công ty có chủ điều hành ổn định, chịu trách nhiệm về đời sống và kết quả của công ty về lâu về dài, kể cả ngắn hạn cũng không,  đồng thời việc kinh doanh ít khi lệ thuộc vào một vùng đất duy nhất. Ngoài ra, điều được gọi là di chuyển địa điểm hoạt động sản xuất sẽ làm giảm ý thức trách nhiệm của nhà đầu tư đối với những người nhận lợi ích như công nhân, nhà cung cấp, người tiêu thụ, môi trường tự nhiên và nhìn xa hơn, xã hội chung quanh, vì những người hoạt động không bị ràng buộc vào một địa điểm xác định, luôn di chuyển bất thường. Thị trường tài chính quốc tế ngày nay thật sự là một sân chơi rộng lớn. Đồng thời, ý thức về sự cần thiết một “trách nhiệm xã hội” rộng khắp cũng đang lớn dần. Nếu như không phải mọi quan niệm đạo đức xác định sự tranh luận về trách nhiệm xã hội của kinh doanh, đều có thể được chấp nhận từ cái nhìn giáo huấn xã hội của  Giáo hội, thì thực tế có một xác nhận căn bản đang được phổ biến, theo đó việc hướng dẫn kinh doanh không được phép chỉ chú tâm vào lợi ích của những nhà tài chính, nhưng còn phải chú tâm đến lợi ích của những hạng người khác có góp phần vào đời sống kinh doanh: những công nhân, những khách hàng, những người cung cấp những thành phần khác nhau trong sản xuất, cộng đoàn lệ thuộc vào đó. Trong những năm qua, đã gia tăng một giai cấp mới là những nhà quản lý xuyên quốc gia, thường chỉ chịu trách nhiệm đối với các cổ đông (thường là những quỹ vốn vô danh) là những người trong thực tế trả lương cho họ. Ngược lại, có nhiều nhà quản lý nhìn xa trông rộng, càng ngày càng ý thức về những mối liên hệ sâu xa giữa công ty của họ và vùng đất hay những vùng đất mà công ty họ đang hoạt động.  Đức Giáo Hoàng Phaolô VI mời gọi mọi người chú tâm đặc biệt đến tổn hại có thể gây ra cho đất nước của mình khi chuyển vốn liếng ra ngoại quốc thuần túy chỉ vì lợi nhuận cho cá nhân [95]. Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II cũng ghi nhận rằng, việc đầu tư ngoài ý nghĩa kinh tế còn có một ý nghĩa luân lý  [96]. Phải nhấn mạnh rằng điều này ngày nay vẫn còn giá trị, cho dù thị trường vốn liếng được tự do cách đáng kể, và cho dù cách suy nghĩ thời kỹ thuật tân tiến có thể cho rằng việc đầu tư chỉ là hành vi thuần túy kỹ thuật chứ không phải là hành vi nhân bản và đạo đức. Không có lý do để phủ nhận một nguồn vốn thật sự có thể tạo nên của cải khi đầu tư ở ngoại quốc hơn là ở quê hương. Dù vậy, những đòi hỏi xuất phát từ công bằng phải chú ý rằng nguồn vốn này đã được tạo thành như thế nào và tai hại sẽ đem lại cho các cá nhân nếu nguồn vốn này không được sử dụng ở nơi nó đã được làm ra [97]. Điều phải tránh là đừng chiều theo cơn cám dỗ chỉ sử dụng những nguồn tài chính nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong một thời gian ngắn mà không quan tâm đến sự bền vững của công ty trong thời gian dài, cũng như không quan tâm đến phúc lợi cho một nền kinh tế thật sự và đẩy mạnh những sáng kiến kinh tế trong những nước cần phát triển bằng những phương thức thích hợp. Cũng không có lý do để phủ nhận rằng việc chuyển ra ngoại quốc vốn đầu tư và việc giáo dục, cũng có thể đem lại điều tốt đẹp cho dân chúng của đất nước sở tại. Lao động và kiến thức khoa học là thiện hảo mang tính phổ quát. Dù vậy cũng không được phép xuất khẩu những thiện hảo này chỉ để nhắm mục đích hưởng lợi cách đặc biệt hay bóc lột nước khác, mà không đem lại một sự đóng góp đích thực cho xã hội địa phương, bằng cách giúp thực hiện một hệ thống sản xuất và xã hội  vững bền, đó là điều kiện tất yếu cho một sự phát triển bền vững.

 

41.       Trong mạch văn của tài liệu này, cần phải thấy hoạt động kinh doanh có một ý nghĩa nhiều giá trị và ý nghĩa này càng ngày càng được công nhận hơn. Từ lâu, sự kết hợp nổi bật giữa Thị trường-Nhà Nước làm cho chúng ta quen suy nghĩ về nhà kinh doanh tư nhân theo kiểu tư bản chủ nghĩa, và mặt khác là Nhà Nước đóng vai trò hướng dẫn. Trong thực tế, cần phải có một lối hiểu đa dạng hơn về hoạt động kinh doanh. Điều này là kết quả do một chuỗi lý do thuộc tầm kinh tế vĩ mô. Hoạt động kinh doanh trước khi mang ý nghĩa nghề nghiệp đã có một ý nghĩa nhân bản [98]. Nó là thành phần của mọi công việc, được hiểu như là actus personae - hành động của nhân vị [99];  chính vì thế mỗi công nhân phải có cơ hội đóng góp phần của mình, cách nào đó nhận biết rằng họ đang làm việc cho chính họ [100]. Không phải tình cờ mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI dạy rằng “mỗi người làm việc là một người sáng tạo” [101]. Chính vì để đáp lại cách đúng đắn những đòi hỏi và phẩm giá của người lao động cũng như những nhu cầu của xã hội mà có nhiều loại kinh doanh khác nhau, hơn là chỉ phân biệt giữa “tư nhân” và “quốc doanh”. Mỗi việc kinh doanh đòi hỏi và thực hiện một khả năng kinh doanh đặc biệt. Để đạt được một nền kinh tế có thể phục vụ cho công ích quốc gia và quốc tế trong một tương lai gần, cần phải chú ý đến ý nghĩa rộng lớn của hoạt động kinh doanh. Quan niệm rộng rãi này đòi buộc phải có một sự trao đổi và đào tạo hỗ tương giữa nhiều loại hoạt động kinh doanh với một sự chuyển đổi thẩm quyền từ bình diện không thu nhập sang thẩm quyền có thu nhập và ngược lại, từ lãnh vực công sang xã hội dân sự, từ  những vùng kinh tế phát triển sang những nước đang phát triển.  

Cả thẩm quyền chính trị cũng có ý nghĩa đa giá trị và không được coi nhẹ ý nghĩa này trong tiến trình xây dựng một trật tự mới về sản xuất-kinh tế, có tính trách nhiệm về mặt xã hội và có tính nhân bản. Cũng như người ta muốn xây dựng một hoạt động kinh doanh khác biệt trên toàn thế giới, cũng cần phải có một thẩm quyền chính trị hoạt động hữu hiệu trên nhiều bình diện được phân chia khác nhau. Kinh tế phát triển trong thời đại của chúng ta không loại trừ vai trò của các Nhà Nước, nhưng càng đòi buộc các chính quyền phải làm việc chung chặt chẽ với nhau. Sự khôn ngoan và cẩn trọng khuyên chúng ta chớ vội loại bỏ Nhà Nước. Việc giải quyet cơn khủng hoảng hiện tại cho thấy vai trò Nhà Nước lại càng lớn lên, khi thu hồi lại nhiều thẩm quyền của mình. Hơn nữa, trong một vài quốc gia, việc xây dựng hay tái lập Nhà Nước là yếu tố mấu chốt cho sự phát triển. Sự trợ giúp quốc tế trong khuôn khổ một chương trình giải quyết những vấn đề kinh tế hiện tại phải củng cố hệ thống cơ chế, pháp lý và quản trị trong những đất nước chưa được hưởng trọn vẹn những ích lợi này. Cùng với sự trợ giúp kinh tế cần có sự hỗ trợ để củng cố những bảo đảm riêng của Nhà Nước pháp quyền: một hệ thống hữu hiệu của trật tự công cộng, việc giam giữ phạm nhân nhưng phải tôn trọng nhân quyền và những cơ chế thật sự dân chủ. Không cần thiết Nhà Nước ở mọi nơi đều có chung những nét đặc thù như nhau: việc nâng đỡ nhằm củng cố hệ thống pháp lý yếu kém có thể đi đôi với sự phát triển của những chủ thể chính trị khác mang tính chất văn hóa, xã hội, địa phương hay tôn giáo bên cạnh Nhà Nước. Việc phân chia thẩm quyền chính trị trên bình diện địa phương, quốc gia và quốc tế và xã hội  dân sự quốc tế và trên bình diện siêu quốc gia và xã hội toàn cầu, là một  trong những con đường chính yếu để có thể hướng dẫn sự toàn cầu hóa về mặt kinh tế. Đó là phương thế để tránh xói mòn nền tảng dân chủ.   

 

42.       Đôi khi người ta có cái nhìn mang tính tất định về toàn cầu hóa, làm như thể những năng động vận hành ở đó phát sinh ra từ những sức mạnh hay cơ cấu vô danh và phi ngã, không lệ thuộc vào ý chí con người [102]. Theo đó, nên nhớ rằng chắc chắn cần hiểu toàn cầu hóa như một tiến trình kinh tế xã hội, nhưng đây không phải là chiều kích duy nhất. Đàng sau tiến trình cụ thể, có một thực tế: chính nhân loại đang ngày càng gắn bó với nhau; nhân loại được làm nên bằng những con người và các dân tộc được hưởng nhờ phúc lợi và phát triển từ tiến trình này [103], khi họ đảm nhận những trách nhiệm liên quan đến họ, dù cá nhân hay tập thể. Việc vượt qua những biên giới không chỉ đơn thuần là sự kiện vật chất, nhưng còn là vấn đề văn hóa xét cả về nguyên nhân lẫn hiệu quả. Nếu người ta nhìn việc toàn cầu hóa mang tính chất định mệnh, thì các tiêu chuẩn cho việc đánh giá và những định hướng của nó sẽ mất giá trị. Xét như là một thực tại nhân văn, toàn cầu hóa là sản phẩm của những xu hướng văn hóa khác biệt, cần phải xem xét cẩn thận. Sự thật về tiến trình toàn cầu hóa và tiêu chuẩn đạo đức nền tảng của nó xuất phát từ sự hợp nhất của gia đình nhân loại và sự phát triển của nó hướng đến điều thiện hảo. Do đó, phải làm việc liên lỉ để thúc đẩy tiến trình hội nhập toàn cầu mang tính văn hóa nhân bản và cộng đồng, hướng đến sự siêu việt.

Mặc dù không thể phủ nhận một vài chiều kích mang tính cơ cấu, nhưng cũng không nên tuyệt đối hóa những chiều kích đó, việc “toàn cầu hóa a priori tiên thiên không tốt cũng không xấu. Nó sẽ trở thành đều người ta muốn cho nó” [104]. Chúng ta không thể trở thành tế vật, nhưng là người chủ chốt, khi chúng ta tiến bước với hậu ý tốt, được bác ái và chân lý hướng dẫn. Chống đối cách mù quáng là thái độ sai lệch, một thành kiến, cuối cùng đưa chúng ta đến việc không nhận ra một tiến trình có nhiều mặt tích cực, và sẽ rơi vào nguy hiểm là bỏ qua một cơ hội lớn, có nhiều khả năng đưa đến phát triển đa dạng. Tiến trình toàn cầu hóa được lập theo kế hoạch và thực hiện thích hợp có khả năng phân chia lại sự giàu có trên bình diện thế giới mà từ xưa đến nay chưa thực hiện được; ngược lại, khi tiến trình này bị thực hiện cách sai lệch, sẽ gia tăng sự nghèo đói và bất bình đẳng cũng như những cơn khủng hoảng trên thế giới. Cần phải sửa sai những thiếu sót nặng nề của tiến trình này, đã gây nên những sự chia rẽ mới giưa các dân tộc và ngay trong một dân tộc, và phải lo lắng để việc phân chia lại sự giàu có không lôi kéo theo việc phân chia hay gia tăng sự nghèo khó, đây là mối nguy hiểm thực sự nếu tình trạng hiện tại không được điều hành cho tốt. Trong một thời gian dài, người ta nghĩ rằng những dân tộc nghèo nên ở lại trong một giai đoạn tiền phát triển cố định và phải bằng lòng với sự trợ giúp của các nước phát triển. Trong Thông điệp Populorum progressio, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đi ngược lại cách suy nghĩ này. Ngày nay những tài nguyên vật chất được sử dụng để giúp cho các dân tộc này thoát ra khỏi sự nghèo đói đã phong phú hơn ngày xưa nhiều, nhưng phần lớn những tài nguyên này lại nằm trong tay những người đến từ các nước phát triển, họ là những người được hưởng lợi nhiều hơn trong tiến trình tự do hóa thương mại qua việc chuyển động vốn và lao động. Việc phổ biến rộng rãi sự sung túc không thể bị chặn lại vì những kế hoạch ích kỷ, chỉ nhắm bảo vệ mình và chỉ tìm lợi ích cá nhân. Sự liên kết giữa các nước trên đà phát triển và các nước phát triển có thể giúp giải quyết cơn khủng hoảng. Sự chuyển tiếp nội tại trong tiến trình toàn cầu hóa đem đến nhiều khó khăn và nguy hiểm lớn, chỉ có thể vượt thắng, khi người ta ý thức về chiều kích nhân bản và đạo đức, chiều kích này thúc đẩy cách sâu xa việc toàn cầu hóa theo hướng nhân bản hóa trong liên đới. Tiếc rằng chiều kích này thường bị lay động và trấn áp do cách nhìn đạo đức và văn hóa mang tính cá nhân và thực dụng. Việc toàn cầu hóa là hiện tượng đa phức và đa diện, phải được nắm bắt trong tính đa dạng và thống nhất mọi chiều kích khác nhau của nó – bao gồm cả chiều kích  thần học. Điều này cho phép sống và định hướng việc toàn cầu hóa nhân loại theo nghĩa liên hệ, cộng đoàn và chia sẻ.

  

Tác giả: BENEDICTUS PP. XVI (Bản dịch của: UB Giáo Lý Đức Tin & TT Mục Vụ TGP Saigon)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!